Ngày 16-10-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:20 16/10/2016
47. HỢP THÀNH MỘT ĐÔI.
Một hôm, Vương An Thạch đố chữ với Vương Cát Bồ:
- “Trái bảy phải bảy, hoành sơn ngã mới ra.”
Vương Cát Bồ lập tức hiểu ra, trái bảy phải bảy chính là chữ “nữ” ﹝女﹞; bỏ chữ núi nằm ngang là chữ “chổi”﹝帚﹞, hai chữ viết hợp lại là thành chữ “phụ”﹝婦﹞.
Ông ta không trực tiếp trả lời câu đố, mà là lấy câu đố phá câu đố, nói:
- “Một trên một dưới, xuân thiếu ba ngày, câu đố của anh và câu đố của tôi hợp lại thành một đôi !”
Vương An Thạch luôn miệng khen hay.
[Một trên một dưới là hai﹝二﹞, xuân﹝春﹞ thiếu ba ngày là chữ “nhân” ﹝人﹞, viết chung lại thành chữ “phu”﹝夫﹞, lấy “phu” ﹝夫﹞đối “phụ”﹝婦﹞ không phải là một đôi hay sao ?]
(Thuẩn Trai Nhàn Hiền)

Suy tư 47:
Ở đời có rất nhiều cái đối xứng, nhưng cái xứng đôi mà người ta hay nói chính là “xứng đôi vợ chồng”. Xứng đôi vợ chồng có khi là trai tài gái sắc, có khi là môn đăng hộ đối, và cũng có khi là ma cô đỉ điếm, gà mả mèo đồng.v.v...
Các bạn thanh niên nam nữ ngày nay cũng thường thích tìm được người “xứng đôi vừa lứa” với mình, cho nên họ tìm cho được người tài giỏi để xứng với sắc đẹp của mình, họ tìm cho được người có tiền của để xứng với gia đình mình, họ tìm cho được người có địa vị trong xã hội để cho xứng với tài học của mình. Tất cả những mục tiêu “xứng đôi” tìm kiếm ấy của các bạn thanh niên nam nữ đều tốt, nhưng hình như có một loại “xứng đôi” rất căn bản mà nếu không tìm được nó thì mọi “xứng đôi sắc đẹp”, “xứng đôi tiền của”, “xứng đôi địa vị” đều bị chênh lệch không còn tồn tại trong hạnh phúc của gia đình.
Cái “xứng đôi” ấy là: cả hai người cùng một tôn giáo, cùng một tôn giáo tức là cùng một niềm tin vào Thiên Chúa của mình, đó chính là cái “xứng đôi” quan trọng nhất mà các bạn trẻ phải tìm kiếm nếu muốn gia đình hạnh phúc lâu dài.
Nếu các bạn không “xứng đôi” trong cùng một đức tin, tức là cùng một tôn giáo, thì các bạn sẽ không tìm thấy cái “xứng đôi” nào cả trong đời sống gia đình. Các bạn là những người thông minh nên tôi chỉ nói ngắn gọn, và các bạn suy nghĩ thêm, này nhé :
- Khi các bạn cùng nhau từ dưới cửa nhà thờ đi lên làm phép hôn phối, thì người ta đều nói: thật là xứng đôi vừa lứa.
- Khi các bạn cùng nhau đi dâng thánh lễ, thì người ta cũng nói: thật là một đôi vợ chồng trẻ đạo đức, thật xứng đôi vừa lứa.
- Khi các bạn có con cái, khi các bạn và con cái cùng nhau đi dự lễ, thì người ta đều trầm trồ khen: thật là một gia đình hạnh phúc xứng đôi vừa lứa.
- Khi vợ (chồng) bạn bị bệnh, bạn không quản ngại nắng mưa để chăm sóc cho chồng (vợ) và con cái, thì người ta cũng sẽ nói: thật là một người (vợ) chồng phúc hậu, một xứng đôi hiếm có.
Nếu các bạn không cùng một tôn giáo, không cùng một đức tin, thì sẽ không có ai khen ngợi các bạn là một cặp “xứng đôi” như thế đâu, bởi vì tất cả mọi xứng đôi khác của thế gian đều không đặt trên nền tảng của xứng đôi này.
Và khi các bạn nhắm mắt lìa đời, các bạn sẽ được thánh Phê-rô và các thiên thần ca ngợi khi các bạn bước vào thiên đàng: thật là một đôi bạn xứng đôi biết cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa và yêu thương anh em chị em...
Không phải chuyện đùa đâu nhé !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:21 16/10/2016

32. Thời gian tạ ơn sau khi rước lễ, là thời gian được thánh sủng quý báu.

(Chân phước Alvarez of Cordova)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"

--------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Cầu nguyện: Lời chân thành lên Cha
Lm. Vinh Sơn scj
09:07 16/10/2016
Chúa Nhật XXIX Thường Niên C

CẦU NGUYỆN: LỜI CHÂN THÀNH LÊN CHA

Xh 17,8-13; 2Tm 3,14 - 4,2; Lc 18,1-8

Thánh Gioan Maria Vianney, Cha sở họ Ars, bổn mạng các Linh mục, Ngài nêu gương cho các linh mục về đời sống cầu nguyện và tông đồ. Ngài đã thổi hơi vào nếp sống của xứ Art – một xứ đạo khó khăn trở nên xứ đạo thánh thiện, thấm nhuần tinh thần yêu thương và tinh thần cầu nguyện. Art trở nên bông hoa thơm ngát tỏa hương thơm khắp thế giới qua đời sống Cha Sở Gioan và của cả xứ đạo. Nhắc đến cuộc đời của Cha Gioan, người ta không thể quên câu chuyện nông dân xứ Ars cầu nguyện:

Mỗi ngày trước khi ra đồng, anh đều ghé vào nhà thờ cầu nguyện giây lát rồi mới ra đồng. Khi trở về, anh cũng ghé vào nhà thờ để cầu nguyện như vậy. Trong xứ ai ai cũng nể và kính phục về sự chuyên cần lao động và cầu nguyện của anh. Nhưng người ta không biết anh nói gì trong lời cầu nguyện của mình.

Một hôm có người hỏi:

- Ngày ngày ông ghé vào nhà thờ mấy lần để làm gì thế?

Anh nông dân trả lời:

- Tôi nói chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi.

Cầu nguyện là một cuộc đối thoại với Thiên Chúa, Ðấng yêu thương chúng ta hơn bất cứ ai có thể yêu ta, ngay cả chính bản thân mình cũng không yêu ta bằng Ngài. Cầu nguyện là đặt tâm hồn mình vào trong Chúa, là cha đẻ tâm hồn khiếm khuyết bất toàn được Thiên Chúa chữa lành cho chúng ta càng nên giống Ngài. Cầu nguyện là chúng ta trông cậy vào sức mạnh của Thiên Chúa chứ không dựa sức mạnh riêng của mình.

Trong cuộc chiến đấu với người Amalếch, trong lời cầu nguyện của Môsê. Bao lâu Môsê đưa hai tay lên cầu nguyện thì dân Israel chiến thắng, nhưng khi ông buông tay xuống thì người Amalếch lại phản hồi và chiến thắng. Aaron, người anh em của Môsê và Hur bạn của ông đã giúp ông giữ cánh tay trong tư thế cầu nguyện. Dân Israel trong tư thế luôn cầu nguyện của Môsê, đã chiến thắng cuộc chiến (x. Xh 17, 8-13).

Trong Tin Mừng Lc 18,1-8 Đức Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện luôn và không nản chí, Ngài nói với các môn đệ và cùng nói với con người của mọi thời đại: Hãy cầu nguyện không ngừng và không nên nản chí (x. Lc 18,1). Lời dạy luôn cầu nguyện và bền chí được minh họa bằng dụ ngôn quan tòa bất chính nghe lời cầu xin của bà góa: quan án không sợ trời và chẳng nể bất cứ ai, nhưng phải nhượng bộ trước lời kêu nài của một bà góa vì bị làm phiền. Đức Giêsu kết luận: Dĩ nhiên hơn người quan tòa, Thiên Chúa - Đấng Công Chính luôn sẵn sàng nghe lời cầu khẩn của những kẻ Ngài yêu thương.

Tâm tình và thái độ của bà góa trong dụ ngôn gợi cho chúng ta các yếu tố cần có trong tinh thần cầu nguyện:

• Thái độ khiêm nhường: bà biết mình bé nhỏ nghèo hèn, luôn bị người ta ức hiếp và không thể tự bảo vệ. Cần đến một sức mạnh công lý …

• Thái độ phó thác: Bà goá không có nơi nương tựa, bà chỉ còn trông cậy và đặt hết niềm tin vào vị quan tòa sẽ cứu giúp bà.

• Thái độ kiên trì: bà kiên trì theo đuổi cho đến cùng. Dù ban đầu thất bại nhưng bà không nản lòng. Dù bị hất hủi bà cũng không bỏ cuộc. Bà đã đi đến cùng và bà đã thành công.

• Thái độ khao khát: Bà khao khát được sống trong công lý sự thật và tình thương. Sự khao khát đã thúc đẩy bà không chờ đợi ai đó ban ơn. Nhưng làm hết cách, hết sức mình. Lòng khao khát của bà được biểu lộ trong hành động quyết tâm đi đến cùng.

Tâm tình và thái độ của bà góa không chỉ có trong dụ ngôn, nhưng đã được hiện thực bằng thái độ cầu nguyện của người đàn bà xứ Canaan: Bà mang tâm tình tín thác, đến xin Chúa Giêsu xin chữa cho đứa con gái đang bị quỉ ám. Bà khiêm tốn khấn nài, và kiên nhẫn dù rằng lần thứ nhất: Chúa yên lặng. Sự khao khát cho con yêu dấu bị qủy ám được chữa lành, đã khiến bà làm tất cả để Chúa nhận lời. Chúa Giêsu đã khen ngợi lòng tin kiên nhẫn trong lời cầu của bà và đã cứu chữa đứa con gái (x. Mt 15,21 - 28; Mc 7,24-30).

Trong các thư mục vụ của Tông đồ Phaolô, thánh nhân đã lập lại giáo huấn của Thầy Giêsu về cầu nguyện và kêu mời chúng ta “Phải cầu nguyện không được nản chí... vững vàng trong cầu nguyện... với lòng can đảm, kiên trì...” (x. 2Tx 1,11; Cl 1,3; Pl 4; Rm 1,10; 2Tx 3,13; 2Cr 4,1-16; Gl 6, 9; Ep 3,13).

Sau này, sống theo lời dạy của Thầy Giêsu và Tông Đồ Phaolô, người phụ nữ mang tên Mônica cũng đã từng kiên nhẫn cầu nguyện trong nước mắt và khổ đau suốt nhiều năm cho con trai Augustinô đi xa lạc, Mônica sống lại tâm tình của Thánh Vịnh:

“Tôi lớn tiếng kêu gào lên CHÚA,

tôi lớn tiếng cầu khẩn CHÚA thương”

(Tv 142,2)

Lời cầu nguyện của Mẹ hiền trong kiên nhẫn phó thác, quả thật như Thánh Vịnh nói “húa là Đấng nghe lời cầu khẩn” (Tv 65,3). Augustinô đã làm lại cuộc đời và trở nên một mục tử tuyệt vời và là triết gia lỗi lạc của nhân loại.

Trong tinh thần cầu nguyện không ngừng – Mc Carthy suy niệm: Cầu nguyện làm cho hy vọng và những ý định của chúng ta trở nên trong sáng… giúp chúng ta khám phá những khát vọng chân thật của chúng ta, những ray rứt mà chúng ta không biết, những ước mơ mà chúng ta quên lãng… Cầu nguyện không thay thế cho hành động. Đúng hơn, cầu nguyện giống như một luồng ánh sáng từ chiếc đèn ở phía trước chúng ta chiếu vào đêm tối, giúp chúng ta tiến lên phía trước, khuyến khích chúng ta hành động. Cầu nguyện không trốn tránh cuộc đời nhưng là một hành trình đi vào trung tâm của đời sống. Chúng ta học đứng vững trên đôi chân mình trước Thiên Chúa và thế giới, và chấp nhận mọi trách nhiệm về đời sống chúng ta.

Cầu nguyện không chỉ để xin điều này điều kia với Thiên Chúa, nhưng là để tâm tình ý nguyện của chúng ta được Thiên Chúa thanh tẩy và cùng làm việc đó là Thánh Ý được thể hiện.

Người xưa có câu: “Hữu cầu tất hữu ứng” có cầu nguyện tất sẽ được như ý. Lời dạy cha ông đúng với lời Chúa Giêsu đã giao huấn: “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy và hãy gõ cửa thì sẽ mở cho” (Mt 7,7).

Chúng ta luôn kiên tâm cầu nguyện như tâm tình của Phaolô khuyên:

“Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện” (Pl 4,6)

Vâng, vì như Thánh Vịnh nói :

“Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa”

(Tv 145,18).

Lm. Vinh Sơn scj, Sài Gòn 15/10/2016.
 
Suy niệm lễ thánh Luca, tác giả tin mừng
Lm. Anthony Trung Thành
09:10 16/10/2016
Suy Niệm LỄ THÁNH LUCA, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG

Ngày 18/10

Lc 10,1-9

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”(x. Lc 10,2). Đó là lời nhắc nhở của Đức Giêsu đối với các Tông đồ và mọi người Kitô hữu qua mọi thời đại. Để có thể thực thi lời nhắc nhở này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu: Ai là thợ gặt? Hành trang của người thợ gặt là gì? Cách thức gặt lúa như thế nào? Cuối cùng, chúng ta noi gương Thánh Luca là mẫu gương của người thợ gặt.

1. Ai là thợ gặt ?

Chính Thiên Chúa là chủ thợ gặt. Đức Giêsu là thợ gặt đầu tiên và được sai xuống trần gian trong vòng ba mươi ba năm: Ba mươi năm là thời gian Ngài ở ẩn; ba năm cuối đời Ngài chính thức đi “gặt lúa.” Trong thời gian đi gặt lúa, Ngài chọn các Tông đồ và huấn luyện họ trở nên những thành phần nòng cốt để tiếp tục các công việc của Ngài.

Để thêm người cộng tác với các Tông đồ, Đức Giêsu còn chọn thêm bảy mươi hai môn đệ và một số thành phần khác. Ngài còn dành nhiều thời gian để rao giảng Tin mừng. Đi liền với việc rao giảng Tin mừng là làm nhiều phép lạ để xua trừ ma quỷ, chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền: cho kẻ mù được thấy, kẻ điếc được nghe, kẻ câm được nói, kẻ què đi được, kẻ chết sống lại...Trước khi về trời, Ngài trao phó sứ mạng thợ gặt cho các Tông đồ. Sứ mạng đó được tiếp tục nơi mọi thành phần trong Giáo Hội mãi cho đến tận thế.

2. Hành trang của người thợ gặt là gì?

Muốn trở nên thợ gặt lành nghề, cần phải chuẩn bị hành trang. Hành trang trước hết của người môn đệ chính là những kiến thức về giáo lý được rút ra từ Tin mừng. Người môn đệ Chúa phải lấy Tin mừng làm trung tâm cho mọi hoạt động. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Ánh sáng của Phúc Âm là ngọn đèn dẫn đường cho ai dấn thân phục vụ nền văn minh tình thương.” Vì vậy, trong sinh hoạt của mình, việc dạy Giáo lý, giúp cho mọi thành phần hiểu biết về Tin mừng là công việc hàng đầu của Giáo Hội. Tại các giáo xứ thường có các lớp giáo lý: bao đồng, sơ cấp, căn bản, Kinh Thánh, vào đời, tiền hôn nhân, hôn nhân và dự tòng. Tại các Tập viện hay Chủng viện, ngoài các bộ môn cần thiết khác bao giờ cũng có các lớp họ Kinh thánh và Thần học. Bởi vì, các chủng sinh muốn tiến tới chức linh mục phải có một số kiến thức vừa đủ về Kinh thánh và Thần học. Vì vậy, để có hành trang cho việc truyền giáo, người môn đệ phải cố gắng tham gia vào các lớp Giáo lý, Kinh thánh, Thần học để giúp cho mình có được một số vốn kiến thức vừa đủ về những giáo huấn của Đức Giêsu. Nhờ đó, người môn đệ mới có thể trao ban cho anh chị em mình, vì “không ai cho người khác cái mình không có.”

Đi liền với sự hiểu biết về Giáo lý và Kinh Thánh, người môn đệ cần phải có Đức Tin và Đức Mến. Bởi vì, người môn đệ không chỉ dùng kiến thức để rao giảng mà còn cần phải chứng minh lời rao giảng của mình bằng Đức Tin và Đức Mến. Đức Tin và Đức Mến được thể hiện rõ nét nhất trong các hoạt động của người môn đệ: Cử hành Phụng vụ, bác ái xã hội…Qua đó, người môn đệ làm chứng cho Chúa, thuyết phục người khác và đưa họ về với Thiên Chúa.

3. Cách thức “gặt lúa” như thế nào?

Có nhiều cách, nhưng có ba cách quen thuộc và hiệu quả sau đây:

Thứ nhất: Rao giảng. Đó là khi người môn đệ nói về Chúa, rao giảng về Chúa, về giáo huấn của Người cho mọi người. Trên nguyên tắc, Đức Giáo Hoàng, các Đức Giám Mục, các linh mục là những người được trao phó một cách đặc biệt nhiệm vụ để rao giảng Lời Chúa: Rao giảng Lời Chúa sau bài Tin mừng trong mỗi thánh lễ; rao giảng Lời Chúa trong các buổi cử hành phụng vụ và những dịp đặc biệt khác. Nhưng trong thực tế, tất cả mọi người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội đều phải có trách vụ rao giảng Lời Chúa, như lời Đức Giêsu mời gọi: “Anh em hãy đi rao giảng Tin mừng khắp thế gian” (Mc 16,15). Thánh Phaolo cũng nhắc nhở: “Hãy rao giảng Tin mừng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện”(2Tm 4,2). Chẳng hạn, các giáo lý viên có trách nhiệm dạy giáo lý cho con em trong giáo xứ, cho các dự tòng. Cha mẹ dạy giáo lý, nói về Chúa cho con cái của mình. Người kitô hữu có thể nói về Chúa cho mọi người chưa biết Chúa ở mọi nơi mọi lúc. Chúng ta có thể noi gương các nhà truyền giáo, đặc biệt noi gương Thánh Phanxicô Xaviê: trong mười năm, Ngài đã can đảm nói về Chúa cho người Ấn độ và Nhật Bản, giúp cho nhiều người hoán cải mà đón nhận đức tin.

Thứ hai: Cầu nguyện. Lời Chúa hôm nay mời gọi: “Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa về”(x. Lc 10,2). Chúng ta không chỉ cầu nguyện cho có nhiều thợ gặt, mà còn phải cầu nguyện cho “lúa”. Lúa ở đây là các thành phần trong đạo ngoài đời: những người chưa biết Chúa, những người đã biết Chúa nhưng không thực hành Đức tin…Chúng ta cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục, các linh mục, các kitô hữu chu toàn sứ mạng Chúa trao phó, trở nên những thợ gặt lành nghề; chúng ta cầu nguyện cho những người chưa biết Chúa để họ nhận biết Chúa; chúng ta cầu nguyện cho những người khô khan nguội lạnh để họ sống đạo sốt sắng hơn; chúng ta cầu nguyện cho những kẻ có tội biết sám hối trở về với Chúa...Chính Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã chọn cách thế cầu nguyện để truyền giáo, và số lượng các linh hồn mà Ngài cứu được do đời sống cầu nguyện cũng bằng số lượng mà Thánh Phanxicô Xaviê đi khắp nơi rao giảng.

Thứ ba: Đời sống chứng tá. Đời sống của người môn đệ phải họa lại đời sống của Đức Giêsu. Hay nói cách khác, đời sống của người môn đệ phải là một cuốn Tin mừng rút gọn, phải chứng minh cho người khác biết về niềm tin của mình được tóm gọn trong Kinh Tin Kính: Tin có Thiên Chúa, tin có sự sống đời đời, có Thiên đàng và Hỏa ngục…Người môn đệ phải thực hành các giáo huấn của Đức Giêsu: Sống công bằng, không trộm cắp, gian lận, lừa dối, buôn gian bán lận, cho vay nặng lãi…; sống bác ái yêu thương, không được đánh đập, chửi bới, nói xấu nhau. Trái lại, cần phải giúp đỡ lẫn nhau về tinh thần cũng như vật chất; những người sống trong bậc hôn nhân gia đình, cần phải giữ một vợ một chồng, chung thủy với nhau, con cái phải thảo kính cha mẹ, cha mẹ phải biết tôn trọng sự sống, chu toàn bổn phận sinh sản, nuôi dạy con cái theo đúng luật Chúa; những người sống trong đời sống tu trì, cần phải trung thành với các lời khấn độc thân, vâng lời, khiết tịnh.

Khi thực hành được những điều trên đây thì người môn đệ đang truyền giáo bằng chứng tá đời sống của mình.

4. Mẫu gương truyền giáo của Thánh Luca

Hôm nay, chúng ta mừng lễ kính Thánh Luca, thánh sử. Ngài là tác giả của Tin mừng thứ ba và sách Công vụ Tông đồ. Ngài là một thầy thuốc, là môn đệ của Thánh Phaolô. Mặc dầu không được Đức Giêsu trực tiếp kêu gọi và huấn luyện, nhưng dựa vào những lời của các Tông đồ rao giảng, Thánh Luca đã dùng ngòi bút của mình để họa lại một Đức Giêsu hoàn hảo. Tin mừng của Thánh Luca là Tin mừng của niềm vui, Tin mừng của người nghèo, người bị áp bức…Đặc biệt, Ngài làm nổi bật một Thiên Chúa giàu lòng thương xót qua các dụ ngôn: người cha nhân hậu, người đàn bà đánh mất đồng bạc, người chủ chiên đi tìm con chiên lạc. Thánh Luca đã có công lớn trong việc ghi lại những sinh hoạt của Giáo Hội sơ khai qua cuốn sách Công vụ Tông đồ. Theo tương truyền, Thánh Luca không chỉ viết sách mà Ngài còn rao giảng Tin mừng tại nhiều nơi như ở Achaie, ở Béotie, làm Giám mục ở Thébes, tử đạo ở Patras năm 84 tuổi.

Mừng lễ kính Thánh Luca hôm nay, chúng ta cùng nhau cảm ơn Ngài vì đã để lại cho chúng ta kho tàng quý báu là cuốn Tin mừng thứ ba và sách Công Vụ Tông Đồ. Đồng thời, xin Ngài bầu cử để mọi thành phần trong Hội Thánh biết noi gương Ngài chu toàn sứ mạng rao giảng Tin mừng mà Đức Giêsu trao phó.

Lm. Anthony Trung Thành
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Phanxicô tham dự Kỷ Niệm 500 năm Phong Trào Cải Cách tại Lund, Thụy Điển
Vũ Văn An
00:49 16/10/2016
Tòa Thánh và sau đó, Tòa Giám Mục Công Giáo Stockholm, đã lên chương trình cho chuyến tông du 2 ngày, 31 tháng 10 và 1 tháng 11 tại Thụy Điển, của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Chuyến tông du đưa ngài tới hai thành phố Lund và Malmo này sẽ chia thành hai phần: phần đầu bao gồm buổi cầu nguyện đại kết tại Nhà Thờ Chính Tòa Lund (của Giáo Hội Luthêrô) và cuộc gặp gỡ cũng có tính đại kết sau đó tại Malmo Arena, vào ngày 31 tháng Mười; phần hai sẽ là Thánh Lễ cho người Công Giáo Thụy Điển tại Swedbank Stadion ở Malmo, vào hôm sau, 1 tháng Mười Một.

Dịp này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ được Thủ Tướng Thụy Điển tiếp đón; và ngài sẽ gặp gỡ Hoàng Gia Thụy Điển tại Lund. Nhưng cái đinh của chuyến đi sẽ là cuộc gặp gỡ đại kết kỷ niệm 500 năm khởi đầu Phong Trào Cải Cách, thể hiện qua ba biến cố: buổi cầu nguyện đại kết tại Nhà Thờ Chính Tòa Lund, biến cố đại kết tại Malmo Arena và cuộc gặp gỡ Đoàn Đại Biểu Đại Kết cũng tại Malmo Arena.

Buổi cầu nguyện đại kết chỉ dành cho khách mời, tuy được phát tuyến trên hệ thống truyền hình công cộng của Thụy Điển. Biến cố đại kết dành cho công chúng có mua vé. Biến cố này bao gồm các sinh hoạt ca hát, phim ảnh, kể truyện và làm chứng mang nặng sứ điệp hy vọng, hiệp thông và trách nhiệm đối với thế giới. Giá vé lên tới 13 euros; số tiền thu được sẽ hoàn toàn dành cho người tỵ nạn Syria. Sức chứa của Malmo Arena không quá 10 ngàn người. Thánh Lễ tại Swedbank Stadion tối đa sẽ được không quá 20 người tham dự, vì số vé dành cho biến cố này chỉ là 19,000. Vé miễn phí và không cần phải là Công Giáo mới có được, nhưng người tham dự được khuyến cáo mang theo thẻ căn cước. Ban tổ chức kêu gọi cả người từ Đan Mạch, Na Uy và các nước lân cận tham dự.

Thành thử có thể nói, chuyến tông du Thụy Điển nhẹ về số người nhưng nặng về ý nghĩa đại kết.

Tại sao lại ở Lund?

Liên Minh Luthêrô Thế Giới (LWF) và Giáo Hội Công Giáo thoả thuận chọn Lund làm nơi tổ chức lễ kỷ niệm đại kết. Tại sao? Ta biết Luther là người Đức, không phải người Thụy Điển; đáng lý nên tổ chức biến cố này tại Augsburg, nơi từng công bố Tuyên Bố chung về Sự Công Chính Hóa năm 1999, hay tại Erfurt, nơi thầy dòng Augustinô là Luther từng vào tu và là nơi Đức Bênêđictô XVI giảng năm 2011. Hoặc ít ra cũng là Wartburg gần Eisenach, nơi Luther dịch Tân Ước từ tiếng Hy Lạp qua tiếng Đức, làm việc cật lực trong suốt 10 tuần lễ năm 1522. Nhưng Thụy Điển cũng có nhiều điều đáng ghi: nó là quốc gia đầu tiên chấp nhận Phong Trào Cải Cách trong thế kỷ 16; Olaus Petri được gọi là “Martin Luther của Thụy Điển”. Petri, người trở thành một mục sư ở Stockholm năm 1524, từng học chung với Luther ở Wittenberg, cũng như em ông là Laurentius Petri. Nhờ họ, Tân Ước đã được dịch sang tiếng Thụy Điển năm 1526, tiếp theo là trọn bộ Thánh Kinh bằng tiếng Thụy Điển năm 1571.

Một điều cũng đáng ghi là chính tại Lund, các Giáo Hội Luthêrô đã gặp nhau và thành lập ra Liên Minh Luthêrô Thế giới năm 1947, đến nay gần 70 năm.

Còn ngày 31 tháng 10 vốn là Ngày Thệ Phản. Vì chính ngày này năm 1517, Martin Luther đã đóng đinh 95 chủ đề của ông lên cửa ra vào Nhà Thờ Wittenberg. Thành thử cuộc gặp gỡ lần này có liên hệ với 500 năm ngày khởi đầu Phong Trào Cải Cách thế giới. Cuộc gặp gỡ cũng để kỷ niệm 50 cuộc đối thoại đại kết giữa người Luthêrô và người Công Giáo. Chuyến tông du Thụy Điển của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là chuyến viếng thăm thứ hai của các vị giáo hoàng thời nay. Đức Gioan Phaolô II từng viếng nước này năm 1989.

Chuyến viếng thăm này là kết quả của một diễn trình đối thoại trải dài nhiều thập niên. Mốc đáng lưu ý của diễn trình này là văn kiện “Từ Tranh Chấp tới Hiệp Thông” công bố năm 2013. Trong văn kiện này, người Luthêrô và người Công Giáo bày tỏ buồn sầu và hối tiếc trước nỗi đau đớn họ từng gây ra cho nhau, nhưng cũng tạ ơn vì các tầm nhìn thông sáng được cả đôi bên đóng góp. Đồng thời, họ cũng nhấn mạnh tới trách nhiệm chung phải lên tiếng nói về đức tin Kitô Giáo, ít nhất bằng các công trình công lý và hòa bình.

Kết quả của 50 năm đối thoại kiên nhẫn

Vào thời điểm công bố chuyến đi của Đức Giáo Hoàng hồi tháng Giêng năm nay, Đức Cha Brian Farrell, Thư Ký Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo, cho hay: trong quá khứ, mọi lễ kỷ niệm của Thệ Phản đều là những khoảnh khắc “tranh chấp và thù nghịch”. Biến cố lần này là kết quả của 50 năm kiên nhẫn đối thoại giữa Hội Đồng của ngài và LWF.

Cuộc đối thoại trên đã thực hiện được nhiều tiến bộ có ý nghĩa vì “chúng ta đã có thể vào tận tâm điểm các tranh cãi của thế kỷ 16” và đồng thời, khai triển một cái hiểu mới, tín thác lẫn nhau và khả năng làm việc thực sự với nhau trong nhiều dự án. Theo ngài, biến cố này xuất hiện “gần như một chữ ký vào cuối 50 năm này và mở ra một giai đoạn đối thoại tích cực mới mẻ với thế giới Thệ Phản”.

Đức Cha Farrell nói rằng giáo dân thường hay nôn nóng trước đà chậm chạp của cuộc đối thoại thần học, nhưng theo ngài, “Các Giáo Hội cần phải chắc chắn để các bước đưa ra tương hợp với kho tàng sự thật thâm căn của mình”.

Suy nghĩ về các hồng phúc được Phong Trào Thệ Phản đóng góp cho thế giới Kitô Giáo, Đức Cha Farrell cho hay: điều rõ ràng là Luther nói sự thật khi ông phản kháng nhiều lạm dụng trong Giáo Hội, những lạm dụng mà Công Đồng Trent thời đó đã cố gắng sửa chữa. Trong các cuộc đấu tranh và tranh chấp tiếp theo sau Cuộc Cải Cách, hai bên trở nên cứng rắn trong việc bác bỏ nhau “đến nỗi ý niệm cho rằng Luther đúng” trong một số vấn đề đã bị mất hút.

Chủ đề cuộc gặp gỡ

Ngày 1 tháng Sáu, Liên Đoàn Luthêrô Thế Giới và Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo đã ra một tuyên bố chung cho thấy: biến cố kỷ niệm được tổ chức quanh các chủ đề tạ ơn, hoán cải và dấn thân làm chứng tá chung. “Mục đích là nói lên các hồng phúc của Phong Trào Cải Cách và xin ơn tha thứ cho sự chia rẽ do các Kitô hữu của cả hai truyền thống phạm phải”.

Nhà Thờ Chính Tòa Lund sẽ là nơi hội ngộ cho buổi cầu nguyện chung dựa trên các hướng dẫn phụng vụ Công Giáo-Luthêrô, tựa đề là “Cầu Nguyện Chung”, mới được công bố gần đây; các hướng dẫn này dựa vào Phúc Trình “Từ Tranh Chấp tới Hiệp Thông”. Còn biến cố tại Malmo Arena sẽ dành cho các sinh hoạt nói lên việc làm chứng chung của người Công Giáo và người Luthêrô trên thế giới, thể hiện qua việc làm chung của hai cơ quan Phục Vụ Thế Giới LWF và Caritas Quốc Tế trong các lãnh vực chăm sóc tỵ nạn, xây dựng hòa bình và cổ vũ công lý môi trường.

Nhân dịp này, Chủ Tịch LWF Younan và Tổng Thư Ký LWF Junge cho hay: “Khi các cộng đồng tìm được đường thoát ra khỏi tranh chấp, họ có sức mạnh. Nơi Chúa Kitô, chúng tôi được khuyến khích cùng nhau phục vụ trong thế giới. Việc kỷ niệm chung này là một chứng tá cho tình yêu và niềm hy vọng mà tất cả chúng ta cùng có nhờ ơn thánh của Thiên Chúa”.



Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Hợp Nhất Kitô Giáo giải thích thêm: “Nhờ cùng nhau tập trung vào tính trung tâm của vấn đề Thiên Chúa và phương thức tiếp cận qui Kitô, người Luthêrô và người Công Giáo sẽ có khả năng tổ chức việc tưởng niệm đại kết Phong Trào Cải Cách, không chỉ theo cách thực tiễn, mà còn theo cảm thức đức tin sâu xa đối với Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại”.

Hướng về tương lai và đại kết bác ái

Ngày 13 tháng Mười này, nhân dịp gặp mặt khoảng 1,000 người Luthêrô hành hương tại Vatican, để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm nói trên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã khuyến khích họ tìm kiếm hợp nhất bằng đức bác ái: “khi phục vụ những người thiếu thốn nhất, ta cảm nghiệm được rằng mình đã hợp nhất; chính tình yêu Thiên Chúa đã hợp nhất chúng ta”.

Ngài cũng nói tới việc người Công Giáo và người Luthêrô vốn là thành phần của cùng một thân thể Chúa Kitô. “Thánh Tông Đồ Phaolô dạy chúng ta rằng với Phép Rửa, tất cả chúng ta đã lập ra một Thân Thể của Chúa Kitô. Các chi thể khác nhau, nhung thực sự, chỉ là một thân thể”.

Đức Giáo Hoàng nói tiếp: “chính vì thế, chúng ta thuộc về nhau và khi một người đau, mọi người cùng đau, khi một người hân hoan, mọi người đều hân hoan (xem 1Cr 12: 12-26). Chúng ta hãy tiếp tục tin tưởng vào hành trình đại kết của chúng ta, vì chúng ta biết rằng, bất chấp nhiều câu hỏi bỏ ngỏ vẫn đang phân rẽ chúng ta, chúng ta đã hợp nhất rồi. Điều hợp nhất chúng ta nhiều hơn điều chia rẽ chúng ta”.

Nhân dịp này, Đức Phanxicô cám ơn Chúa đã hướng dẫn người Luthêrô và người Công Giáo trên đường “từ tranh chấp tới hiệp thông”. Dọc con đường này, “chúng ta trải nghiệm nhiều cảm xúc lẫn lộn: đau buồn vì chia rẽ vẫn còn giữa chúng ta, nhưng cũng hân hoan vì tình anh em đã tìm được”.

Về cuộc gặp gỡ cuối tháng Mười này tại Lund, ngài nói: chúng ta “tưởng niệm, sau 5 thế kỷ, việc khởi đầu cuộc cái cách của Luther và cám ơn Chúa vì 50 năm đối thoại chính thức giữa người Luthêrô và người Công Giáo. Phần chủ yếu của cuộc kỷ niệm này sẽ hướng cái nhìn của chúng ta về tương lai, về một chứng tá Kitô Giáo chung trong thế giới ngày nay, một thế giới đang hết sức khát khao Thiên Chúa và lòng thương xót của Người. Chứng tá mà thế giới đang mong đợi nơi chúng ta chủ yếu là chứng tá làm hiển hiện lòng thương xót mà Thiên Chúa dành cho chúng ta qua việc phục vụ người nghèo, người bệnh, những người rời bỏ quê hương tìm một tương lai tốt đẹp hơn cho họ và cho những người thân yêu của họ”.

Ngài cũng khuyên họ, nhất là người trẻ, hãy để cuộc đối thoại tín lý cho các nhà thần học, còn họ hãy là “các chứng tá của lòng thương xót… luôn tìm cơ hội gặp gỡ nhau, biết nhau nhiều hơn, cầu nguyện với nhau và giúp đỡ lẫn nhau và giúp đỡ mọi người thiếu thốn. Như thế, thoát khỏi thiên kiến và chỉ tín thác vào Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, loan báo hòa bình và hoà giải, các bạn sẽ là những người chủ đạo thực sự cuả một mùa mới trong cuộc hành trình này, một cuộc hành trình, với ơn Chúa trợ giúp, sẽ dẫn tới hiệp thông trọn vẹn”.

Kỳ sau: Cầu nguyện đại kết và ‘Từ Tranh Chấp tới Hiệp Thông”
 
Video ĐTC Tôn Phong Hiển Thánh Cho 7 Chân Phước ngày 16-10-2016
VietCatholic Network
19:54 16/10/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Hôm nay Chúa Nhật 16 tháng11 năm 2016, lúc 10g sáng Đức Thánh Cha tôn phong hiển thánh cho 7 chân phước. Đó là sư huynh Salomone Leclerq dòng La San, tử đạo năm 1792 dưới thời cách mạng Pháp; thiếu niến Jose Sanchez del Rio 14 tuổi người Mêhicô, bị xử bắn vì không chối bỏ đức tin Công Giáo; ĐC Emanuel Gonzales Garda, người Tây Ban Nha; cha sở José Gabriel Brochero người Argentina; Cha Alfonso Maria Fusco người Italia sáng lập dòng các Nữ tu thánh Gioan Tẩy Giả; cha Lodovico Pavoni, người Italia, sáng lập Hội Thánh Barnaba chuyên giúp giới trẻ nghèo, và nữ tu Elizabeth Chúa Ba Ngôi dòng Cát Minh nhặt phép người Pháp.

Cùng đồng tế thánh lễ với ĐTC có 50 Hồng Y, 150 Tổng Giám Mục, Giám Mục và 1.000 Linh Mục. Tham dự thánh lễ có ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh, phái đoàn các nước có tân hiển thánh và hơn 120.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu. Thánh lễ đã được cử hành bằng tiếng Latinh. Các bài sách Thánh được tuyên đọc bằng tiếng Tây Ban Nha và Pháp. Thánh vịnh được hát bằng tiếng Ý. Phúc Âm đã được hát bằng tiếng Latinh và Hy Lạp. Các lời nguyện giáo dân được đọc bằng các thứ tiếng Anh, Bồ Đào Nha, Tầu, Ý, Guarani và Hoà Lan.

Sau lời chào mở đầu thánh lễ, DHY Angelo Amato Tổng trưởng bộ phong Thánh đã đọc tiểu sử các chân phước. Sau đó cộng đoàn dã hát kinh cầu các Thánh. Rồi ĐTC đã đọc công thức tôn phong hiển thánh cho 7 chân phước. Tiếp đến thánh tích của các vị đã được rước lên để dưới chân tượng Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng phía bên phải bàn thờ. Nhân danh toàn Giáo Hội ĐHY Amato đã cám ơn ĐTC ghi tên các chân phước vào Sổ bộ các Thánh để các vị được tôn kính trong toàn Giáo Hội. Thánh lễ tiếp tục với kinh Vinh Danh.

Giảng trong thánh lễ ĐTC đã quảng diễn ý nghĩa các bài đọc và nêu bật tầm quan trong của việc kiên trì cầu nguyện trong cuộc sống kitô. Ngài nói như sau:

Bắt đầu buổi cử hành hôm nay chúng ta đã hướng tới Chúa với lời cầu nguyện: “Xin tạo trong chúng con một trái tim quảng đại và trung thành, để chúng con luôn có thể phụng sự Chúa với lòng chân thành và tinh thần trong trắng”. Tự mình chúng ta không ta không thể đào tạo cho mình một con tim như thế, chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm việc ấy, vì thế chúng ta xin Chúa trong lời cầu nguyện, chúng ta khẩn nài từ Ngài như ơn, như việc “tạo dựng” của Chúa.

Trong cách thế này chúng ta được dẫn vào trong đề tài cầu nguyện là trung tâm các bài đọc kinh thánh của Chúa Nhật này và nó cũng gọi hỏi chúng ta tụ tập nhau ở đây để tôn phong vài vị thánh nam nữ mới. Các vị đã đạt đích điểm, các vị đã có một con tim quảng đại và trung thành, nhờ lời cầu nguyện: các vị đã cầu nguyện với hết sức lực của mình, các vị đã chiến đấu và đã chiến thắng.

Như thế cầu nguyện như ông Môshê là người của Thiên Chúa, là người của cầu nguyện. Chúng ta thấy ông hôm nay trong câu chuyện trận đánh chống lại Amalek, đứng trên đồi giang tay cầu nguyện. Nhưng thỉnh thoảng vì sức nặng, cánh tay rơi xuống, và trong những lúc đó dân chúng bị thua. Khi đó hai ông Aharon và Cur để cho ông Môshê ngồi trên một tảng đá và nâng đỡ hai cánh tay của ông giơ lên, cho tới chiến thắng cuối cùng.

Đó là kiểu sống tinh thần mà Giáo Hội xin chúng ta sống, không phải để thắng chiến tranh, nhưng để thắng hoà bình!

Trong câu chuyện của ông Môshê có một sứ điệp quan trọng: việc dấn thân cầu nguyện đòi hỏi sự nâng đỡ nhau. Mệt mỏi là điều không thể tránh được, đôi khi chúng ta không chịu được nữa, nhưng với sự nâng đỡ của các anh chị em khác lời cầu nguyện của chúng ta có thể tiếp tục cho tới khi Chúa hoàn thành công việc của Ngài.

Khi viết thư cho Timôthê là môn đệ và cộng sự viên của ngài, thánh Phaolô khuyên ông vững vàng trong điều đã học hỏi và tin một cách vững chắc (2 Tm 3,14). Tuy nhiên, Timôthê cũng không thể làm một mình: ta không thắng trận chiến của lòng kiên trì, nếu không có lời cầu nguyện. Không phải một lời cầu nguyện rời rạc, không ổn định, nhưng được làm như Chúa Giêsu dậy trong Tin Mừng hôm nay: “cầu nguyện luôn luôn, không bao giờ mệt mỏi” (Lc 18,1). Đây là kiểu hành động kitô: vững vàng trong lời cầu nguyện để vững vàng trong đức tin và trong việc làm chứng tá. Nhưng một tiếng nói vang lên trong chúng ta: “Lậy Chúa, làm sao không mệt mỏi được? Chúng con là người mà… cả ông Môshê cũng đã mỏi mệt!.. “Đúng thế, mỗi người trong chúng ta mệt mỏi. Nhưng chúng ta không cô đơn, chúng ta là phần của một Thân Mình. Chúng ta là chi thể của Thân Mình Chúa Kitô, là Giáo Hội, mà các cánh tay giơ lên Trời ngày đêm nhờ sự hiện diện của Chúa Kitô phục sinh và Thánh Thần của Ngài. Và chỉ trong Giáo Hội và nhờ lời cầu nguyện của Giáo Hội mà chúng ta có thể vững vàng trong đức tin và việc làm chứng tá.

Tiếp tục bài giảng ĐTC nói chúng ta đã nghe lời Chúa Giêsu hứa trong Tin Mừng: Thiên Chúa sẽ phán xử cho các người đuợc tuyển chọn ngày đêm kêu lên Ngài (Lc 18,7). Đó là mầu nhiệm của lời cầu nguyện: kêu lên, không mệt mỏi và nếu bạn mệt thì xin trợ giúp để giữ cho tay giơ lên cao. Đó là lời cầu mà Chúa Giêsu đã vén mở cho chúng ta và ban cho chúng ta trong Thánh Thần. ĐTC định nghĩa lời cầu nguyện như sau:

Cầu nguyện không phải là trốn chạy vào trong một thế giới lý tưởng, không phải là trốn thoát vào trong một sự yên tĩnh giả tạo ích kỷ. Trái lại, cầu nguyện là chiến đấu, là cũng để cho Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta. Chính Chúa Thánh Thần dậy chúng ta cầu nguyện, Ngài hướng dẫn chúng ta trong lời cầu nguyện, Ngài khiến cho chúng ta cầu nguyện như các người con.

Các Thánh là những người nam nữ đã vào cho tới tận cùng thẳm mầu nhiệm của lời cầu nguyện. Những người nam nữ chiến đấu bằng lời cầu nguyện, với tất cả sức lực của các vị, và chiến thắng nhưng không phải một mình: Chúa chiến thắng trong các vị và với các vị. Cả 7 chứng nhân mà hôm nay đã được phong hiển thánh cũng đã chiến đấu trận chiến tốt của đức tin và tình yêu với lời cầu nguyện. Vì thế các vị đã vững vàng trong đức tin, với con tim quảng đại và trung thành. Nhờ gương sáng và lời bầu cử của các vị xin Thiên Chúa cũng ban cho chúng ta là những người cầu nguyện, ngày đêm kêu lên Thiên Chúa, mà không mệt mỏi; biết để cho Chúa Thánh Thần cầu nguyện trong chúng ta, và cầu nguyện bằng cách nâng đỡ nhau để các cánh tay giơ cao, cho tới khi Lòng Thương Xót Chúa chiến thắng.

Truớc khi đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người, ĐTC đã cám ơn tín hữu, đặc biệt phái đoàn các nước có tân hiển thánh. Ngài cũng nhắc tới Ngày quốc tế chống nạn nghèo đói cử hành thứ hai hôm nay, và kêu gọi kết hiệp các sức lực luân lý và kinh tế để chiến đấu chống lại tệ nạn này, hạ nhục, xúc phạm và khiến cho biết bao nhiêu anh chị em chúng ta phải chết, bằng cách thăng tiến các đường lối chính trị bảo vệ gia đình và tạo công ăn việc làm cho mọi người.

Sau khi chào một số Hồng Y, Giám Mục và Linh Mục, ĐTC đã đi xe díp một vòng để chào tín hữu và ra cho tới quảng trường Pio XII trước đại lộ Hoà Giải.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Comitium Legio Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Melbourne Tĩnh Huấn
Trần Văn Minh
04:25 16/10/2016
Melbourne, sau ba ngày tĩnh huấn, Thánh lễ lúc 9 giờ sáng Chúa Nhật 16/10/ 2016. Do Linh mục Nguyễn Trọng Thiên SVD, cùng hơn một trăm học viên đã dâng thánh lễ kết thúc khóa học trong niềm tin yêu, vui mừng của tất cả mọi thành viên tham dự.

Mời xem hình

Sau Thánh lễ, một buổi tổng kết thật chân tình và cởi mở để mọi người có dịp trao đổi những kết quả của ba ngày học hỏi, kèm theo những kinh nghiệm trong công tác tông đồ, mà mọi học viên từ khắp các đơn vị Legio đang hoạt động tại các xứ đạo Úc và các trung tâm Công Giáo Việt Nam trong Tổng Giáo phận Melbourne về tham dự trao đổi.

Khóa học bắt đầu từ chiều Thứ Sáu 14/10/ 2016. Các đơn vị Legio thuộc các Curia trong Comitium Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Tổng Giáo phận Melbourne được các xe Bus đón tại ba địa điểm, Nhà thờ Saint Bernadette, Trung tâm Thánh Vinh Sơn Liêm miền Tây và Bắc, cuối cùng là khu vực phía Đông tại Trung Tâm Toma Thiện, chưa tính Hội đồng Comitium, ban phục vụ ẩm thực và một số hội viên dùng xe riêng để đến địa điểm tĩnh huấn.

Sau khi ổn định chỗ ở. Mọi người được mời lên hội trường, nơi được dùng làm nhà nguyện tạm để sinh hoạt. Hơn 8 giờ tối, mặc dù bận rộn mục vụ tại giáo xứ và dâng lễ tại Trung tâm Vinh Sơn Liêm. Linh mục Trần Ngọc Tân linh giám của Comitium đã lái xe hơn trăm cây số để đến dâng thánh lễ, thuyết gỉang cùng khóa tĩnh huấn và đặt Mình Thánh Chúa để mọi người có những giờ chầu Thánh Thể. Khóa tĩnh huấn cũng được ông Nguyễn Ngọc Trúc trưởng ban mục vụ Cộng đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo phận Melbourne đến thăm.

Bữa cơm đầu tiên thật vui và ngon miệng do mọi người ăn muộn hơn giờ thường lệ. Sau đó là giờ chầu Thánh Thể thật trang nghiêm với những bài suy niệm, những bản Thánh Ca do ban kỹ thuật soạn, được mọi người cùng hát thật sốt mến. Với hơn 100 hội viên đa số là các vị trung niên và cả các vị hơn 80 tuổi đến số nhỏ là các em thanh, thiếu trong các đơn vị trẻ đã về tham dự khóa tĩnh huấn năm nay.

Khóa tĩnh huấn được mở ra với trọng tâm đào tạo các ủy viên cho các đơn vị Legio. Diễn giả là quý Linh mục Trần Ngọc Tân Linh giám, Linh mục Raphael Võ Đức Thiện cựu linh giám của Comitium và Linh mục Nguyễn Trọng Thiên SVD đến giảng thuyết theo chủ đề và vai trò của người ủy viên trong các đơn vị. Mọi chủ đề được các linh mục thuyết trình rõ ràng với các gương của Mẹ Maria và qua Chúa Thánh Thần, gương các Thánh qua niềm tin, đức vâng lời và cầu nguyện. Linh mục Võ Đức Thiện sau khi giảng giải và chia khóa học thành 13 nhóm để thảo luận thật sôi nổi và chia sẻ lại trong khóa thật xúc tích và sinh động.

Tại Thánh lễ kết thúc khóa tĩnh huấn, Linh mục Nguyễn Trọng Thiên mời những tân binh Legio và những người mới tham dự lần đầu lên trước khóa để xin mọi người cùng linh mục chủ tế giơ tay chúc lành cho họ.

Với ba buổi học, mọi thành viên tham dự đã được no thỏa lời Chúa, và đặc biệt được các anh chị em trong ban phục vụ ẩm thực phục vụ các bữa ăn thật chu đáo, ngon miệng với gương phục vụ thật tuyệt vời. Bữa cơm cuối cùng được ăn cơm hộp để cho việc dọn dẹp được gọn nhẹ, vệ sinh tổng quát để trả trung tâm lại cho ban quản lý. Mọi người ra về trong niềm vui và sự quyến luyến với lời hẹn sẽ có dịp gặp nhau vào những lần sau.
 
Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Sydney Hành Hương Năm Thánh.
Diệp Hải Dung
19:46 16/10/2016
Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Sydney Hành Hương Bước Qua Cửa Năm Thánh.

Sáng Chúa Nhật 16/10/2016, Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Nữ Vương Hòa Bình TGP Sydney hành hương đến nhà thờ Chính toà Sydney (St. Mary’s Cathedral Sydney) để bước qua Cửa Thánh Năm Thánh Lòng Thương Xót.

Xem Hình

Đúng 10 giờ sáng, tất cả các em Thiếu Nhi tập trung trước cửa nhà thờ Chính tòa, theo sự hướng dẫn của các Huynh Trưởng và sau đó đến khuôn viên của Thánh đường với nghi thức chào cờ Liên Đoàn và Sơ Trợ úy Liên Đoàn Bernadete Đoàn Thị Phục nói câu chuyện dưới cờ. Sau đó các Huynh trưởng chia theo từng Ngành để sinh hoạt. Đặc biệt quý phụ huynh cũng hòa đồng sinh hoạt chung với các em.

Sau khi dùng bữa ăn trưa, tất cả các em và qúy phụ huynh quy tụ trước cửa Vương Cung Thánh Đường nghiêm chỉnh bước qua Cửa Thánh tiến vào nhà thờ qua Con Đường Thương Xót.

Trước khi thánh lễ cử hành, Cha Tuyên úy Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể FX. Nguyễn Văn Tuyết ngỏ lời chào mừng các em Thiếu Nhi và tất cả mọi người đã tham dự cuộc hành hương bước qua Cửa Năm Thánh để nhận lấy ơn Toàn Xá trong năm Thánh Lòng Thương Xót. Tiếp đó là Thánh lễ tạ ơn.

Trong bài giảng Cha NguyễnVăn Tuyết nói về ý nghĩa bước qua cửa Năm Thánh và mời gọi quý phụ huynh hãy cầu nguyện cho giới trẻ trong cộng đồng để các em luôn sống đức tin Kitô hữu của các em.

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Cha Nguyễn Văn Tuyết thay mặt Liên Đoàn ngỏ lời cám ơn quý Huynh Trưởng và tất cả mọi người đã dành thì giờ quý báu để tham dự hành hương bước qua Cửa Thánh.

Kết thúc Thánh lễ, các em Thiếu Nhi quy tụ trước sân Thánh đường và nghi thức hạ cờ bế mạc ngày hành hương Năm Thánh. Diệp Hải Dung
 
Thông Báo
Cáo phó: LM Anrê Nguyễn Văn Thạo qua đời tại Thanh Hóa
Ban Tang Lễ
15:54 16/10/2016
 
Cùng nhau đóng góp và hỗ trợ Đài Truyền Hình Công Giáo VietCatholic
VietCatholic Network
15:13 16/10/2016
Cùng nhau đóng góp và hỗ trợ Đài Truyền Hình Công Giáo VietCatholic

Kính thưa quý Cha, quý tu sĩ, quý vị và anh chị em,

VietCatholic Network là một trang Web tiên phong và đầu tiên bằng Việt ngữ trên internet, bắt đầu hoạt động từ ngày Lễ Các Thánh 1 tháng 11 năm 1996 cho đến nay kỷ niệm 20 năm thành lập. Trong suốt thời gian dài hiện diện, chúng tôi đã cố gắng mang đến cho quý vị món ăn tinh thần bổ ích: những tin tức từ Giáo đô Vatican, từ Giáo Hội Việt Nam và các sinh hoạt đa diện từ các Giáo xứ và Cộng đoàn CGVN từ khắp nơi trên thế giới.

Có thể nói qua những biến cố, tin tức và các sinh hoạt được trình bầy, chúng ta đã có thể tham phần tích cực vào nhịp sống của Giáo Hội, học hỏi về Giáo lý và sống đức tin, cùng đồng hành và cảm nghiệm những bước thăng trầm của Giáo Hội và Quê hương, và một kinh nghiệm đầy đủ hơn về cuộc sống đức tin làm phong phú đời sống đạo của chúng ta.

Các linh mục, tu sĩ cũng như các giáo dân cộng tác viên của VietCatholic đã và đang hy sinh thời giờ, tài năng, và công sức của riêng mình để thực thi sứ mạng truyền giáo qua phương tiện truyền thông mà ai nấy trong chúng tôi đều ý thức về tầm quan trọng và ơn gọi của mình đã nhận được qua phép Thánh Tẩy. Tất cả anh chị em đã và đang tiếp tục cộng tác với nhau trong tinh thần tự giác, tự nguyện, cảm thông và kính trọng lẫn nhau, chân thành chia sẻ, và dấn thân vì sự thúc đẩy của đức tin mà thôi. Không một ai nhận bất cứ thù lao nào ngoài niềm vui phục vụ vì thấy việc làm của mình có thể mang tới niềm vui và giúp ích cho Giáo Hội và anh chị em Kitô hữu khác.

Kỹ thuật truyền thông đang tiến rất nhanh, đem lại những phương thế truyền giảng Tin Mừng đa dạng và hiệu năng. Ngày nay, độc giả không chỉ vào internet để đọc tin tức, nhưng còn có thể lắng nghe tiếng nói và nhìn thấy hình ảnh của vị Cha Chung, các sinh hoạt và biến cố muôn mầu muôn sắc ở khắp nơi trên thế giới, không còn chỉ là đọc, nhưng có thể nhìn, nghe và được sống cái cảm nghiệm “đang hiện diện chính nơi đó”. Khả năng của các kỹ thuật truyền thông mới và số lượng khán thính giả đông đảo như vậy vượt quá trí tưởng tượng phong phú nhất của những người truyền giảng Tin Mừng đi trước chúng ta.

Nhận thức được những khả năng tích cực của Internet nhằm chuyển tải những thông tin tôn giáo và giáo huấn vượt mọi rào cản và biên giới, chúng tôi không ngừng cải tiến về kỹ thuật. Từ tháng 10 năm 2007, chúng tôi đã khởi sự những chương trình videos; và đã có khả năng truyền hình Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2008 tại Sydney. Bên cạnh những chương trình phóng sự đặc biệt, tháng Ba năm 2011, chúng tôi bắt đầu phát hình đều đặn hàng tuần chương trình “Thế giới nhìn từ Vatican”. Lần lượt chúng tôi cho ra đời các chương trình hàng tuần khác như “Suy Niệm với Đức Thánh Cha Phanxicô”, “Giáo Hội Năm Châu”.

Mới đây chúng tôi đã thiết lập thêm được 2 phòng thu hình mới tại Los Angles và Orange County và thực hiện thêm 2 chương trình mới: “Buổi Triều Yết hằng tuần với Đức Thánh Cha”“Kinh Truyền Tin Chúa Nhật với Đức Thánh Cha”.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm thànhh lập VietCatholic, chúng tôi được mọi thành phần Dân Chúa khuyến khích thiết lập một Đài TV Công Giáo trực tuyến từ Thủ đô Tị Nạn ở miền Nam Cali bên cạnh các chương trình TV của VietCatholic đã thường xuyên phát hình trên hệ thống internet từ 6 năm qua, và từ hơn một năm qua phát hình trên hệ thống VietTV qua hệ thống satellite trên toàn cầu và qua cable TV. Chúng tôi sẽ khai trương Chương trình TV VietCatholic trực tuyến từ chính thủ đô tị nạn của người Việt Nam với 3 chương trình TV mỗi tuần, rồi sau đó cộng tác với các xứ đạo, cộng đoàn và đoàn thể hầu tiến tới chương trình thường xuyên mỗi ngày sẽ đưa Sứ điệp Tin Mừng của Chúa đến trực tiếp đối với nhiều người.

Trong 20 năm hoạt động, đây là lần đầu tiên chúng tôi tổ chức cuộc gây qũi vì chúng tôi cần đến sự tiếp tay của toàn thể cộng đồng Dân Chúa ngõ hầu hoàn thành được ước mơ của nhiều người là chúng ta có được một Đài Truyền Hình Công Giáo có nội dung và giá trị như món ăn tinh thần nuôi dưỡng đức tin và giúp trao đổi, chia sẻ và học hỏi giáo lý và sống đạo.

Ngày nay, bên cạnh các máy điện toán cá nhân, chúng ta còn có một loạt các thiết bị khác gọn nhẹ hơn như máy tính bảng, và những loại điện thoại thông minh, mà nhiều người, đặc biệt là giới trẻ luôn mang theo bên mình như người bạn bất khả phân ly. Những ứng dụng cho máy tính bảng, và điện thoại thông minh là điều chúng tôi rất muốn thực hiện nhưng cho đến nay chúng tôi chưa có khả năng tài chính để làm điều này.

Ngoài ra chúng tôi cũng đã mời được rất đông các Ca sĩ Công Giáo Việt Nam tại Nam Cali hợp tác để VietCatholic thực hiện các DVD Nhạc và các Bài Thánh Ca giá trị (như qúi vị đã thưởng thức trên internet VietCatholic). Nhạc và tiếng hát dễ rung động con tim dẫn đến những cảm xúc mãnh liệt và có ảnh hưởng quân chúng sâu rông. Nhạc không chỉ ca ngợi tình yêu, nét đẹp chân thiện mỹ, tình tự... của con người và thiên nhiên, nhưng còn có thể"nâng tâm hồn lên tới Chúa" qua các bài thánh ca được chọn lọc, những ca khúc có giá trị nghệ thuật cao, có lời cầu nguyện sốt sắng "như hương trầm dâng lên tới Chúa".

Chúng tôi rất tin tưởng và hy vọng qúi linh mục, tu sĩ, qúi chức và anh chị em giáo dân sẵn sàng đóng góp một tay với chúng tôi trong công tác rất quan trọng và hữu ích này. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lâi nên hòn núi cao”. Có những sinh hoạt rất quan trọng và có thể nói một cách nào đó ta quen sử dụng mỗi ngày mà không đặt vấn đề tại sao nó có, ai hy sinh để duy trì nó, ai hỗ trợ nó, tốn phí ra sao… nó như vô hình… Dĩ nhiên nó không hiển nhiên mà có. Khi cảm nhận được điều quan trọng này, chắc chắn ai trong anh chị em cũng muốn chia sẻ trách nhiệm và sẽ sẳn sàng vui vẻ hỗ trợ tinh thần và vật chất cho việc sống còn của VietCatholic.

Do vậy, chúng tôi xin đề nghị một vài tiêu chuẩn như sau:

-Đóng góp tùy tâm và khả năng: $10, $20, $30, $50, $100...
-Ân nhân $1.000
-Ân nhân Danh Dự: $2.000
-Ân nhân Bảo Trợ $3.000

Để ghi ơn các vị ân nhân, mỗi tuần trong vòng một năm, Linh Mục Giám Đốc và một số các Linh Mục cộng tác viên sẽ dâng một thánh lễ cầu nguyện cho quý vị và gia đình quý vị.

Mọi đóng góp xin gửi vào Chương mục VietCatholic -- gửi tiền trực tiếp bằng PayPal hay dùng các loại thẻ tín dụng - Rất bảo đảm và tín nhiệm. Trên trang Nhà frontpage của VietCatholic, xin nhấn vào chữ "Donation"

Xin nhấn vào đây để gửi Quà tặng cho VietCatholic

Dùng các loại Thẻ Tín Dụng (credit cards) gửi qua Paypal dưới đây:


Hoặc viết gửi check về:

VietCatholic
P.O. Box 2068
Garden Grove, CA 92842


Xin chân thành cám ơn, và xin kính chúc qúi Cha, qúi Tu sĩ, qúi Ân Nhân và Anh Chị Em Xin chân thành cám ơn, và xin kính chúc qúi Cha, qúi Tu sĩ, qúi Ân Nhân và Anh Chị Em ân sủng, bình an và tràn đầy tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.

Ngày 15/10/2016

LM Gioan Trần Công Nghị
Giám đốc VietCatholic Network

LM Paul Văn Chi
Giám đốc điều hành Chương trình TV
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Lướt Gió
Đặng Đức Cương
21:02 16/10/2016
LƯỚT GIÓ
Ảnh của Đặng Đức Cương
Niềm vui và sức khỏe
đổi mùa đông ra mùa hè.
(Desaugiers)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 11–17/10/2016: Đừng đi bỏ phiếu nếu thấy lương tâm cắn rứt.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:11 16/10/2016
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Cha John Paprocki nói người Công Giáo Hoa Kỳ đừng đi bỏ phiếu bầu tổng thống Hoa Kỳ lần này nếu thấy lương tâm cắn rứt.

Trước tình trạng hai ứng cử viên tranh chức tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 tới đây đều có quá nhiều vấn đề, Đức Cha John Paprocki của giáo phận Springfield, bang Illinois khẳng định rằng thật là chính đáng nếu một cử tri Công Giáo không tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống kỳ này vì lý do lương tâm.

Viết trên báo của giáo phận Springfield, Đức Cha Paprocki nhấn mạnh rằng cử tri có thể “viện dẫn lương tâm để nói rằng không thể bỏ phiếu cho một trong hai” ứng cử viên tổng thống chính trong năm nay. Trong trường hợp đó, theo Đức Cha, sự lựa chọn của họ có thể là hỗ trợ một ứng cử viên độc lập thứ 3, hoặc đơn giản là “đừng đi bỏ phiếu nếu thấy lương tâm cắn rứt.”

Cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên trong năm nay hoàn toàn không đá động đến các vấn đề đạo đức ảnh hưởng đến sự sống và gia đình. Tuy nhiên, cuộc tranh luận thứ hai hôm Chúa Nhật 9 tháng 10, vào phút chót của chiến dịch tranh cử tổng thống, đã nhấn mạnh đến chủ đề này khi một khán giả hỏi các ứng cử viên về quan điểm của họ đối với việc bổ nhiệm các thẩm phán cho Tòa án Tối cao.

Bà Hillary Clinton đã lập lại lời thề của mình sẽ chỉ định các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ủng hộ phá thai và ủng hộ “hôn nhân” đồng tính, và đồng thời nắm lấy cơ hội này để tấn công Donald Trump về lập trường phò sự sống và ủng hộ gia đình của ông ta.

“Tôi muốn có một Tòa án Tối cao gắn bó với Roe v. Wade và quyền của phụ nữ được lựa chọn và tôi muốn có một Tòa án Tối cao ủng hộ quyền bình đẳng hôn nhân”, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ cho biết như trên vào cuối cuộc tranh luận tổng thống hôm Chúa Nhật.

Bà Hillary Clinton nói thêm “Donald đã đưa ra danh sách của một số người, là những người sẽ đảo ngược Roe v. Wade và chống lại hôn nhân bình đẳng. Tôi nghĩ rằng đó sẽ là một sai lầm khủng khiếp và sẽ đưa chúng ta quay lại.”

Trump trả lời bằng cách nói rằng ông đang “tìm kiếm việc bổ nhiệm các thẩm phán theo khuôn mẫu của thẩm phán Scalia ... Đó là người sẽ tôn trọng Hiến pháp của Hoa Kỳ.” Ông không đề cập đến việc phá thai hay “kết hôn” đồng tính.

Cuộc tranh luận thứ hai đã diễn ra trong bối cảnh một băng ghi âm từ năm 2005 được tung ra trong đó Trump đã nói những lời tục tĩu liên quan đến chuyện sờ mó phụ nữ. Trong phần mở đầu cuộc tranh luận, tập trung vào băng ghi âm này, Trump từ chối chưa bao giờ tấn công tình dục bất cứ ai. Ông trả đũa những lời chỉ trích của bà Clinton bằng cách chỉ rằng chồng bà đã bị buộc tội cưỡng hiếp phụ nữ và khi còn là một luật sư, bà Clinton đã biện hộ cho một người đàn ông bị cáo buộc cưỡng hiếp một bé gái mới 12 tuổi.

Tháng 2 năm nay, thẩm phán Antonin Scalia qua đời, do đó, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ chỉ còn 8 vị thẩm phán, thiếu mất một người. Nếu Scalia được thay thế bởi một thẩm phán “liberal”, nghĩa là “phò sự chết hơn sự sống, phò ‘hôn nhân’ đồng tính” thì Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ chắc chắn sẽ có một đa số năm người tha hồ mặc sức thông qua nhiều nghị trình đối kháng triệt để với các giáo huấn Công Giáo.

Trong nhiệm kỳ tổng thống sắp tới còn có 3 thẩm phán nữa quá tuổi 78 cần phải thay thế là Ruth Bader Ginsburg (83 tuổi), Stephen Breyer (78 tuổi) và Anthony Kennedy (80 tuổi). Ruth Bader Ginsburg và Stephen Breyer từ lâu được coi là “liberal”, trong khi Anthony Kennedy, một người Công Giáo, lúc đầu chống đối nhưng sau lại sẵn sàng ủng hộ phá thai và “hôn nhân” đồng tính.

Việc bổ nhiệm và xác nhận Thẩm phán cho Tòa án Tối cao Hoa Kỳ liên quan đến một số bước được quy định bởi Hiến pháp Hoa Kỳ, và được phát triển qua nhiều thập kỷ. Các ứng viên được Tổng thống Hoa Kỳ đề cử và phải đối diện với một loạt các phiên điều trần trong đó cả ứng cử viên lẫn các nhân chứng khác phải trả lời trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện, trước khi ủy ban đề cử ra trước toàn thể Thượng viện Hoa Kỳ. Nếu Thượng viện đồng ý thì quyết định bổ nhiệm của tổng thống sẽ có hiệu lực.

2. Đức Thánh Cha tiếp Tổng tu nghị Tu Đoàn Thánh Pallotti

Trong buổi tiếp kiến sáng 10-10, dành cho 100 thành viên Tổng tu nghị của Tu đoàn “Tông Đồ Công Giáo”, Đức Thánh Cha khích lệ các thành viên sống đoàn sủng của vị Sáng Lập và làm cho đoàn sủng này mang lại nhiều hoa trái.

Tu đoàn Tông Đồ Công Giáo quen gọi là Tu đoàn thánh Vinh Sơn Palloti được thành lập năm 1835 và hiện có gần 2340 thành viên, hoạt động tại 379 nhà trên thế giới. Dòng chuyên hoạt động truyền giáo và cổ võ sự cộng tác của giáo dân vào các công tác tông đồ.

Lên tiếng trong dịp này, Đức Thánh Cha ca ngợi đoàn sủng của thánh Pallotti như hồng ân quí giá của Chúa Thánh Linh, vì đã khơi lên nhiều hình thức tông đồ và thúc đẩy các tín hữu tích cực dấn thân làm chứng cho Tin Mừng.

Thánh Pallotti cũng được “ơn nhận ra Chúa Giêsu là Tông Đồ của Chúa Cha, Đấng Cao Cả trong tình yêu thương và giàu lòng thương xót, là Đấng đã chu toàn sứ mạng bằng cách tỏ cho mọi người tình yêu thương dịu hiền và lòng thương xót vô biên của Chúa Cha”.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “Trước mắt chúng ta hằng ngày xảy ra bao nhiêu cảnh bạo lực, những khuôn mặt không có lòng thương xót, những con tim chai đá và sầu muộn. Chúng ta rất cần nhớ đến Chúa Cha, Con Tim Ngài nghĩ đến tất cả mọi người và muốn cứu độ mỗi người. Lòng thương xót là 'sức mạnh chiến thắng mọi sự, làm đầy tâm hồn bằng tình yêu và an ủi bằng ơn tha thứ' (Misericordia vultus, 9).

Cũng trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha nhắc nhở các thành viên tu đoàn thánh Pallotti về sự “cần thiết phải hoán cải sâu xa và làm cho niềm tin của chúng ta nơi Chúa ngày càng thêm sinh động, đứng trước bao nhiêu thách đố ngày nay. Chỉ như thế chúng ta mới có thể phục vụ tha nhân trong tình bác ái”.

Và Đức Thánh Cha nói rằng: “Anh em thân mến, tôi khích lệ anh em vui mừng và hy vọng tiếp tục hành trình của anh em, hết sức dấn thân với trọn tâm hồn để đoàn sủng của Đấng Sáng Lập tu đoàn anh em có thể mang lại hoa trái dồi dào cả trong thời đại chúng ta ngày nay. Thánh nhân ưa lập lại rằng ơn gọi làm tông đồ không phải chỉ dành cho vài người, nhưng cho tất cả mọi người, “bất luận họ ở bậc nào, thân phận nào, làm nghề nào, may mắn thế nào, tất cả đều có thể tham gia công tác tông đồ” (Opere complete IV,346).

3. Sinh viên Công Giáo Hàn quốc loan báo Tin Mừng trên đường phố

Theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, các sinh viên đại học Công Giáo Seoul đã dấn thân vào việc loan báo Tin mừng trên đường phố.

Liên đoàn sinh viên Công Giáo thành phố Seoul đã tổ chức “Pax Festival” – lễ hội hòa bình - ở Sinchon, nơi sinh động nhộn nhịp nhất của thành phố với các nhà hàng, câu lạc bộ và là nơi tụ tập của giới trẻ. Lễ hội nổi bật với các hoạt động lắng nghe, đối thoại, trình diễn âm nhạc, nhạc kịch, khiêu vũ được tổ chức trên đường phố và kết thúc với Thánh lễ ngoài trời.

Trong chuyến viếng thăm Hàn quốc nhân Đại hội Giới trẻ Á châu năm 2014, Đức Thánh Cha đã nói với giới trẻ “hãy thức dậy và tiến bước” trong việc trao tặng Tin mừng. Do đó, các bạn trẻ đã chọn hoạt động “loan báo Tin mừng trên đường phố” chứ không ở yên trong các ngôi thánh đường.

Clara Oh Yu-jung, chủ tịch của liên đoàn sinh viên nói: “Qua các chứng tá Kitô giáo giữa công chúng, chúng tôi hy vọng khuyến khích các sinh viên cảm thấy hãnh diện về niềm tin Công Giáo của họ và chia sẻ niềm tin cho người khác. Thỉnh thoảng chúng tôi xấu hổ bày tỏ công khai niềm tin Công Giáo. Hôm nay chúng tôi khuyến khích các bạn trẻ ‘đi ra’ và gặp gỡ với những người bên ngoài Giáo Hội, với lòng can đảm trở thành chứng tá của Tin Mừng.”

Nhiều bạn trẻ cho biết mình bị ấn tượng và kính trọng Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Cha Peter Choi Bong-yong, trợ lý liên đoàn chia sẻ: “Lễ hội này là cách thức mang sứ điệp của Chúa Giêsu đến với thế giới bên ngoài. Khi nói về Tin mừng với người không Công Giáo, các sinh viên ý thức điều quan trọng nhất mà họ sở hữu là đức tin.”

Phong trào sinh viên Công Giáo bắt đầu ở Hàn quốc từ năm 1954. Ngày nay liên đoàn sinh viên Công Giáo có khoảng 1200 thành viên đến từ 36 đại học của Seoul. Bên cạnh các hoạt động mục vụ, ngoài Thánh lễ Chúa Nhật, họ còn tổ chức các trại hè và các hoạt động xã hội và tình nguyện.

4. Cha Ernest Troshani Simoni, nạn nhân cộng sản Albani được thăng Hồng Y

Trong buổi đọc kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật 9 tháng 10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xướng tên 17 vị Hồng Y mới sẽ được sắc phong trong Công nghị Hồng Y vào dịp kết thúc Năm Thánh Lòng Thương xót, ngày 19/11 tới đây. Trong số 4 vị trên 80 tuổi, có cha Ernest Troshani Simoni, 88 tuổi, người Albani, đã bị chính quyền cộng sản Albani giam tù, tra tấn và bắt lao động khổ sai.

Cha Simoni là một trong các nạn nhân sống sót sau cuộc bách hại khủng khiếp của cộng sản ở Albania. Vào năm 2014, khi Đức Thánh Cha Phanxicô viếng thăm Tirana, Albani, chứng từ mà cha Simoni chia sẻ đã làm cho Đức Thánh Cha cảm động sâu sắc.

Vào tháng 12 năm 1944, khi chế độ cộng sản vô thần lên nắm quyền tại Albani, cha Simoni lúc ấy đang là một chủng sinh. Chế độ vô thần tìm cách loại trừ đức tin và các Linh mục bằng cách bắt bớ, tra tấn và giết các Linh mục và giáo dân trong 7 năm ròng, đổ máu các tín hữu; một số người khi bị bắn đã hô lớn “Vua Kitô muôn năm”.

Năm 1948, các cha bề trên dòng Phanxicô của cha Simoni bị cộng sản giết. Cha Simoni tiếp tục học “chui” và sau đó chịu chức Linh mục. 4 năm sau, các lãnh đạo Cộng sản tập hợp các Linh mục còn sống sót và ra điều kiện nếu họ rời bỏ Đức Giáo Hoàng và Vatican họ sẽ được tự do. Cha Simoni và các anh em Linh mục đã từ chối. Vào ngày 14/12/1943, khi cha Simoni kết thúc Thánh lễ vọng Giáng sinh, 4 sĩ quan đã đưa lệnh bắt và bắt giam cha. Cha đã bị còng tay và giam giữ. Trong cuộc hỏi cung, họ nói với cha là cha sẽ bị treo cổ như một kẻ thù bởi vì cha đã nói với dân chúng “chúng ta sẽ chết vì Chúa Kitô nếu cần thiết.” Cha bị tra tấn kinh khủng, nhưng cha nói “Chúa muốn tôi sống.”

Cha Simoni nhớ lại: “Chúa quan phòng đã muốn án chết của tôi không được thực hiện ngay tức khắc. Họ mang một tù nhân khác vào phòng giam, một người bạn thân của tôi, để theo dõi tôi. Anh ta bắt đầu lên tiếng chống lại đảng.” Nhưng cha Simoni trả lời: “Chúa Kitô đã dạy chúng ta yêu thương kẻ thù và tha thứ cho họ và chúng ta nên cố gắng tìm điều tốt của họ. Những lời này lọt đến tai nhà độc tài và một ít ngày sau ông ta đã tha án chết cho tôi.”

Thay vào đó, cha Simoni đã phải lao động khổ sai trong 28 năm và trong thời gian này, cha đã dâng Thánh lễ, giải tội và trao Mình Thánh cách bí mật. Chỉ khi chế độ cộng sản sụp đổ vào năm 1990 và tự do tôn giáo được nhìn nhận, cha Simoni mới được thả tự do.

Cha chia sẻ: “Thiên Chúa đã giúp tôi phục vụ rất nhiều người và hòa giải nhiều anh chị em, xóa bỏ hận thù và sự ác khỏi trái tim con người.”

5. Giám Mục Anh khích lệ các nhà giáo dục chống lại thuyết giới tính

Đức Giám Mục Mark Davies của giáo phận Shrewsbury, Anh, đã chỉ đạo các nhà giáo dục Công Giáo để chống lại ý thức hệ giới tính và duy trì sự thật.

“Chúng ta phải luôn luôn thể hiện tình yêu chân thật và sự hiểu biết đối với những ai đang bị ảnh hưởng hoặc là nạn nhân của những sai lầm của thời đại chúng ta”, vị giám mục đã viết như trên trong một bức thư gửi cho các nhà giáo dục.

“Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ có thể thỏa hiệp về sự thật đức tin của chúng ta cũng không cho phép sự thật về con người được che khuất, đó chẳng qua chỉ là một thứ nhân đạo giả hình.”

Đức Giám Mục Davies cho biết đó khi tiếp xúc với các cá nhân gặp khó khăn với bản sắc tình dục của họ, phản ứng của người Kitô hữu “phải là luôn luôn tôn trọng, từ bi, và hiểu biết, cùng với một cam kết giúp đỡ người ấy quay về chính lộ một cách thích hợp.”

Giáo Hội phải bảo vệ thực tại kế hoạch của Thiên Chúa cho nhân loại, đối với nam giới và phụ nữ.

Trong thư, trích dẫn Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị giám mục nhấn mạnh tầm quan trọng của sự bổ sung giữa các giới tính và chống lại những quan điểm cho rằng “giới tính” chỉ là một cấu trúc xã hội.

6. Đức Tổng Giám Mục Alexander K. Sample nói Tông Huấn Niềm Vui Yêu Thương không thay đổi thực hành Rước Lễ

Ngày 7 tháng Mười vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Alexander K. Sample, Tổng Giáo Phận Portland ở Oregon, đã ra một thư mục vụ lên án một số giải thích sai lầm về tông huấn 'Niềm Vui Yêu Thương' (Amoris Laetitia) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho rằng có thể có ngoại lệ đối với các lệnh cấm tuyệt đối của Thiên Chúa.

Thư mục vụ trên có tựa đề là “A True and Living Icon: Reading of ‘Amoris Laetitia’ in Light of Church Teaching” (Hình Ảnh Đích Thực và Sống Động: Đọc ‘Niềm Vui Yêu Thương’ dưới Ánh Sáng Giáo Huấn Giáo Hội).

Đức Tổng Giám Mục Sample cho rằng các phương tiện truyền thông đã rút ra nhiều kết luận sai lầm từ tông huấn này. Ngài viết: “trong khi tông huấn không chứa đựng bất cứ thay đổi nào về giáo huấn của Giáo Hội liên quan tới hôn nhân và cuộc sống gia đình, một số người vẫn dùng ‘Niềm Vui Yêu Thương’ một cách không tương hợp với truyền thống giảng dậy của Giáo Hội”.

Ngài nhấn mạnh đến 3 cách diễn dịch sai lầm thông thường nhất về tông huấn này.

Thứ nhất, nhiều người sử dụng ‘Niềm Vui Yêu Thương’ để lý luận rằng lương tâm hợp pháp hóa các hành động đi ngược lại các giới răn của Thiên Chúa. Ngài viết rằng “lương tâm không phải tự nó là một lề luật, mà lương tâm cũng không thể coi thường hay thay thế các mệnh lệnh của Thiên Chúa do Giáo Hội giảng dậy”.

Trong khi Giáo Hội không tìm cách thay thế lương tâm người ta, thì điều quan trọng cần phải biết là lương tâm có thể sai lầm và cần được huấn luyện.

Đức Tổng Giám Mục viết thêm: “khuyến khích hay im lặng chấp nhận một phán đoán sai lầm của lương tâm không hề là thương xót mà cũng không phải là bác ái”.

Thứ hai, Đức Tổng Giám Mục Sample bác bỏ ý niệm cho rằng trong một số điều kiện, có thể có luật trừ đối với các lệnh cấm tuyệt đối của Thiên Chúa. Trong khi Giáo Hội tuân theo gương sáng của Chúa Giêsu và tỏ lòng thương xót cũng như sẵn sàng đồng hành với những người đang rơi vào các hoàn cảnh và các cuộc kết hợp “bất hợp lệ”, Giáo Hội vẫn không phải là trọng tài của các qui luật luân lý do Thiên Chúa thiết lập.

Thứ ba, Đức Tổng Giám Mục Sample nói rằng sự mỏng dòn yếu đuối của con người không miễn trừ ta khỏi thi hành mệnh lệnh của Thiên Chúa, một ý nghĩ mà ngài cho là một số người đã lầm lẫn rút ra từ ‘Niềm Vui Yêu Thương’.

Ngài viết: “trong khi việc chăm sóc mục vụ chân chính luôn đồng hành với người ta trong nỗi đau khổ và yếu đuối của họ, thì một số người lại lạm dụng việc tông huấn này nhấn mạnh tới luận lý học thương xót để chủ trương rằng các hành vi xấu một cách khách quan có thể được chấp nhận, thậm chí còn được thánh hóa, nếu người ta tin rằng mình không thể làm khác đi”.

Ngài kết thúc thư mục vụ bằng cách nhắc tới câu truyện trong Tin Mừng nói tới người đàn bà bị bắt quả tang ngoại tình. Dù Chúa Giêsu không kết án nàng, nhưng rõ ràng Người ra lệnh cho nàng đừng phạm tội nữa. Đức Tổng Giám Mục kết luận: “Lòng thương xót mở cửa dẫn vào sự thật và sự thật về sự sống mới trong Chúa Kitô sẽ giải phóng nàng”.

7. Một Giám Mục Nigerian: Đọc kinh Mân Côi đánh bại nhóm Boka Haram

Giữa lúc nhóm Hồi Giáo cực đoan Boka Haram đang hoành hành tại Nigeria, một Giám Mục tại đây, là người đã nhiều lần được thị kiến Đức Kitô nhắc nhở những tín hữu của ngài rằng chính sự cầu nguyện bằng kinh Mân Côi sẽ mang lại chiến thắng trên nhóm quá khích này.

Đức Cha Oliver Dashe Doeme của giáo phận Maiduguri, nơi bị thiệt hại nặng nhất trong cuộc chiến với bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram, nói rằng từ một thị kiến của ngài với Đức Kitô, ngài tin rằng “kinh Mân Côi cuối cùng sẽ mang lại cho chúng ta sự chiến thắng trên tội ác xấu xa này.”

Ngài nói với tờ báo Công Giáo của Anh Quốc rằng “Bọn Hồi Giáo quá khích (ISIS) là ma quỷ. Bao lâu chúng ta còn biết chạy đến Mẹ Thiên Chúa, đặc biệt qua việc đọc kinh Mân Côi, một hình thức tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ một cách đặc biệt, chúng ta sẽ chiến thắng.”

Cũng theo Đức Giám Mục, “Nhóm Boko Haram rồi sẽ sớm tan rã, chủ yếu là do những lời cầu nguyện của chúng ta. Trước đây nhóm này xuất hiện khắp nơi, nhưng nay thì không như thế nữa. Bọn chúng đã bị đẩy lùi vào rừng sâu.”

Đức Giám Mục Doeme cai quản giáo phận Maiduguri, tiểu bang Borno nằm phía đông bắc của Nigeria. Vào năm 2009, giáo dân của ngài vào khoảng 125,000 người. Từ khi nhóm Boko Haram hoành hành, hằng chục ngàn người đã phải bỏ xứ để lánh nạn.

8. Khảo sát cho hay: Đa số dân chúng Mỹ tin con người có thể được chữa lành do quyền năng của Thiên Chúa.

Cơ quan nghiên cứu và thống kê Barna Group vừa mới công bố kết quả cuộc khảo sát của họ với kết quả là đa số dân chúng Mỹ tin rằng con người có thể được chữa lành một cách siêu nhiên bởi Thiên Chúa.

Dù vẫn có những tranh luận về vấn đề này, cả về thần học và khoa học – 66% dân chúng Mỹ tin rằng con người có thể được chữa lành phần xác bởi quyền năng siêu nhiên của Thiên Chúa. Trong số này 33% tin tưởng chắc chắn, và 33% tin lưng chừng rằng phần xác có thể được chữa lành bởi Thiên Chúa. Phần còn lại 34% tỏ ra hoài nghi, gồm những người hoàn toàn hoài nghi 19% và những người lưng chừng 15%.

Cuộc nghiên cứu được thực hiện trên mạng từ 28 tháng Giêng đến 4 tháng Hai năm 2016. Số người tham gia là 1,011 người. Sai số là cộng/trừ 2.9 phần trăm với mức tin tưởng là 95 phần trăm.

Cuộc khảo sát còn cho biết là trong khi đa số tin rằng con người có thể được chữa lành bởi quyền năng Thiên Chúa và 68 phần trăm đã từng cầu nguyện để xin chữa lành, 27 phần trăm đã cảm nhận được ơn chữa lành “như một phép mầu không thể giải thích được và họ được lành không phải là việc chữa trị bình thường, hay qua thuốc men hay qua việc tự phục hồi của cơ thể.

Bản tường trình của Barna kết luận “Đây là một thống kê đáng chú ý. Một phần tư dân số Mỹ nói rằng họ đã từng được chữa lành do quyền năng siêu nhiên.”