Ngày 14-10-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 28 Mùa Quanh Năm 15/10 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:31 14/10/2023

BÀI ĐỌC 1 Is 25:6-10a

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế.

Trên núi này, Người sẽ xé bỏ chiếc khăn che phủ mọi dân, và tấm màn trùm lên muôn nước.

Người sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần. Đức Chúa là Chúa Thượng

sẽ lau khô dòng lệ trên khuôn mặt mọi người, và trên toàn cõi đất, Người sẽ xoá sạch nỗi ô nhục của dân Người.

Đức Chúa phán như vậy. Ngày ấy, người ta sẽ nói: “Đây là Thiên Chúa chúng ta, chúng ta từng trông đợi Người, và đã được Người thương cứu độ.

Chính Người là Đức Chúa chúng ta từng đợi trông. Nào ta cùng hoan hỷ vui mừng bởi được Người cứu độ.” Vì bàn tay Đức Chúa sẽ lại đặt trên núi này.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Pl 4:12-14,19-20

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.

Thưa anh em, tôi sống thiếu thốn cũng được, mà sống dư dật cũng được. Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen cả. Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết. Tuy nhiên, anh em đã chia sẻ với tôi, khi tôi gặp cơn quẫn bách, như thế là phải. Thiên Chúa của tôi sẽ thoả mãn mọi nhu cầu của anh em một cách tuyệt vời, theo sự giàu sang của Người trong Đức Ki-tô Giê-su. Xin tôn vinh Thiên Chúa là Cha chúng ta, đến muôn thuở muôn đời! A-men.

Đó là lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG x.Ep 1:17-18

Alleluia. Alleluia.

Xin Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta,

soi trí mở lòng, cho chúng ta thấy rõ đâu là niềm hy vọng, mà ơn Người kêu gọi đem lại cho chúng ta.

Alleluia.

TIN MỪNG Mt 22:1-14

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng:

“Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: ‘Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!’ Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết. Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. Rồi nhà vua bảo đầy tớ: ‘Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.’ Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

“Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: ‘Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?’ Người ấy câm miệng không nói được gì. Nhà vua liền bảo những người phục dịch: ‘Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.’”

Đó là lời Chúa.
 
Loại trừ Thiên Chúa và lý do
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
02:48 14/10/2023

CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM A
LOẠI TRỪ THIÊN CHÚA VÀ LÝ DO

Dụ ngôn Tiệc cưới của hoàng tử cho biết, Do thái là dân được Thiên Chúa ưu tiên ban hạnh phúc Nước Trời. Nhưng họ không xứng lãnh nhận, vì họ chọn và xem trọng những giá trị thuộc về trần thế.

Thiên Chúa cũng ban hạnh phúc ấy cho muôn dân. Tuy nhiên, người được mời gọi vào hưởng hạnh phúc của Chúa phải có lối sống phù hợp, phải luôn nhìn lại bản thân để sửa đổi mình sao cho ngày càng trưởng thành và nên xứng hợp với đường lối thánh thiện mà Chúa đã vạch ra.

Vì thế, dựa trên giáo huấn mà Chúa, chúng ta cần suy xét lại bản thân về lối nghĩ, lối sống, lối hành xử, lối tương quan... của mình với Chúa, với anh chị em, với tình yêu của Chúa và tình yêu mà mình dành cho anh chị em.

Đừng như những người được mời trong dụ ngôn, họ "không đếm xỉa gì" đến ông chủ. Đó là sự phản bội tận cùng đối với lòng xót thương, sự quan tâm của ông chủ. Họ viện mọi lý do để chối từ ông: "Người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán". Thậm chí, tệ hơn, tàn nhẫn và đáng lên án, có kẻ dám "bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi".

Thiên Chúa yêu thương tìm ngỏ lời và kết ước với loài người, trong khi loài người lại phản bội lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa. Nhưng không phải loài người chung chung, mà là từng người trong chúng ta.

Chúa cho ta tham dự hạnh phúc Nước Trời (diễn tả bằng tiệc cưới hoàng tử), nhưng biết bao nhiêu lần, ta có đủ lý do để đẩy Chúa ra khỏi tâm trí, đời sống và mọi ảnh hưởng của mình. Vì thiếu lòng yêu Chúa, hoặc không thực tâm yêu Chúa như Chúa muốn, ta thờ ơ, lãnh đạm, coi thường, bất cần Chúa.

Ta nại vào công việc, hoàn cảnh, sức khỏe, đáp lễ với người thân quen, đối đầu với những sinh tồn, với đủ thứ ưu tư của đời sống... để không tham dự giây phúc cầu nguyện, bỏ tôn vinh Thánh Thể, bỏ sinh hoạt đạo đức, bỏ thánh lễ...

Ta cho rằng mình nhiều bận rộn, nhiều hiện diện khác để tránh tối đa việc gặp gỡ Chúa. Chúng ta chối từ tình yêu của Chúa vì mải mê trần thế, không mảy may đếm xỉa đến việc Chúa đợi chờ mình.

Người thất nghiệp cho rằng mình phải đôn đáo tìm việc làm, phải "làm thuê độ nhật" đầy vất vả, đầy nặng nề..., thế là tránh xa Chúa.
Người nghèo cho rằng mình còn thiếu thốn, phải lo kiếm tiền, lo bươn chải để bù đắp cho bản thân, cho gia đình, và mọi sinh hoạt, mọi chi phí của gia đình..., thế là không có giờ ở bên Chúa.

Người có việc làm cho rằng mình phải đi làm, phải "đầu tắt mặt tối", phải chịu đựng sự mệt mỏi, chịu đựng sự hao kiệt sức khỏe, thế là càng ngày càng xa Chúa, xa đến vời vợi.

Người giàu cho rằng mình phải lo toan đủ điều khi vừa đối nội, đối ngoại, vừa sắp xếp cuộc sống bản thân, gia đình, những tương quan xã hội, vừa phải cân bằng những tương quan, những giao hảo... để có được sự ổn trên thỏa dưới, đẹp nhất có thể, bằng lòng nhất có thể. Chỉ có Chúa là đứng ngoài mọi chương trình, mọi sắp xếp. Chúa đành xa vắng tự lúc nào.

Điều tệ hại là, dù ta nói mình thờ Chúa, nhưng ta lại có quá nhiều lý do, ai cũng có lý do, lý do nào cũng chính đáng, lý do nào cũng gắn chặt từng mắt xích, từng nút thắt đến nỗi lý do nào cũng trọng, cũng cần, cũng thiết yếu.

Dù nói mình thờ Chúa, nhưng thật mỉa mai, mỉa mai đến chua xót, đến cồn cào, đến quặn thắt, ta có thể bỏ Chúa, nhưng không thể bỏ bất cứ lý do nào!

Đối tượng nào cũng có thể gạt bỏ Thiên Chúa, nếu muốn. Lý do mà người có việc làm hay không có việc làm, người nghèo hay người giàu đưa ra chỉ là cái cớ biện minh cho việc loại trừ Thiên Chúa mà thôi.

Nhưng dù loài người có rắp tâm phản bội đến đâu, Thiên Chúa vẫn thủy chung trong tình yêu của mình. Chính trong tình yêu bền bỉ, Thiên Chúa sai Con Một đến trần gian, đưa loài người vào dự tiệc tình yêu hạnh phúc với Người.

Sách Thủ lãnh của Cựu ước ghi lại câu chuyện về ông Ghípon. Ông chính là tấm gương dạy chúng ta về việc biết ăn năn tội, sửa đổ đời sống.

Trước đây, khi ở nhà cha mình, ông là khách làng chơi nổi tiếng. Đến khi cha qua đời, bị anh em loại trừ, ông mới ăn năn tội, quay về với sự công chính.

Khi người Do thái bị quân Ammon đàn áp, ông Ghípon nhận lời lãnh đạo kháng chiến. Với đức tin mạnh, điều ông cầu xin duy nhất là "được Chúa ở cùng". Ông tin lời cầu nguyện được Chúa chấp nhận. Ông tin Chúa ở cùng ông và đoàn viễn chinh do ông lãnh đạo. Quả thật, Ghípon đã thắng trận.

Từ một người tội lỗi, Ghípon không chỉ trở thành người lãnh đạo, mà còn là người nêu gương cho dân vì lòng trung tín giữ lời Chúa, lề luật và giao ước của Chúa. Ông Ghípon hoàn toàn thay đổi để Chúa tùy nghi sử dụng ông cho vinh hiển và sáng danh Chúa như ý Chúa muốn.
Vậy, mỗi người trong chúng ta cần ghi nhớ: Con người biết nỗ lực trung thành với Chúa là con người có trái tim rung động trước tình yêu của Chúa, chứ không chai đá chỉ biết chạy theo những gian dối của trần gian.

Đó cũng là trái tim trong sạch vì được tẩy rửa trong lòng mến mà chính bản thân dành cho Thiên Chúa.

Con người nỗ lực trung thành với Chúa còn là người biết dẹp bỏ mọi tham lam, ô uế và gian tà để xứng đáng đón tiếp tình yêu của Chúa.
Con người nỗ lực trung thành với Chúa biết cầu xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng và tẩy rửa linh hồn bằng thường xuyên lãnh bí tích giải tội, quyết tâm xa tránh những cám dỗ, những điều kiện dễ dẫn đến phạm tội.

Con người nỗ lực trung thành với Chúa biết chống lại tư tưởng gian tà, quyết thực hành lề luật của Chúa và của Hội Thánh, chứ không sống theo xác thịt với những đam mê dục vọng của nó.
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 28 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
04:37 14/10/2023
CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 22, 1-14.

“Các ngươi gặp bất cứ ai, thì hãy mời vào dự tiệc cưới.”


Bạn thân mến,

Không ai đi dự đám cưới mà không mặc áo đẹp, không ai đi dự đám cưới mà không bày tỏ niềm vui -ít là ngoài mặt- bởi vì như thế là tôn trọng và quý mến chủ nhân và cô dâu chú rể. Đức Đức Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay đã kể cho chúng ta nghe một câu chuyện rất thú vị về đám cưới của một hoàng tử, để hướng dẫn chúng ta đến một tiệc cưới Nước Trời vĩnh hằng hạnh phúc.

So sánh đám cưới trần gian và tiệc cưới thiên quốc

a. Những điểm giống nhau giữa đám cưới của thế gian và tiệc cưới thiên quốc:

- Có khách mời, mà khách mời đủ mọi thành phần trong xã hội.

- Có những thức ăn và thức uống ngon, hảo hạng.

- Mọi người đều vui vẻ khi tham dự tiệc cưới.

- Mặc áo quần đẹp.

b. Những điểm không giống nhau giữa đám cưới trần gian và tiệc cưới thiên quốc:

-Chủ mời là Thiên Chúa và khách mời là tất cả mọi người trên thế giới, không hạn chế, không phân biệt giai cấp.

-Thức ăn thức uống chính là Mình Máu thánh của Đức Đức Chúa Giê-su.

-Phải mặc lễ phục đặc biệt dành cho tiệc cưới là bí tích Rửa Tội.

Qua so sánh trên, chúng ta đều cảm nghiệm được rằng, hằng ngày chúng ta đều được tham dự tiệc cưới thiên quốc với tất cả lòng tri ân và yêu mến. Chúng ta đều thấy Thiên Chúa rất mực yêu thương nhân loại và cách riêng yêu mến chúng ta.

Tham dự tiệc cưới thiên quốc là tham dự vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa qua việc yêu mến Thánh Thể và phục vụ tha nhân.

Bạn thân mến,

Khi chúng ta sống vui vẻ hòa thuận với mọi người là chúng ta đem niềm vui của tiệc cưới thiên quốc trao ban cho mọi người; khi chúng ta chân thành nói lời an ủi và chia sẻ với tha nhân những niềm vui nỗi buồn, là chúng ta đem niềm vui tiệc cưới thiên quốc mà chúng ta tham dự khi dâng thánh lễ trao ban cho mọi người...

Ai tham dự tiệc cưới Nước Trời tức là thánh lễ mà không muốn hoặc thờ ơ với sứ mạng rao giảng là người phản bội lại tình yêu đã được ký kết bằng giá máu của Đức Đức Chúa Giê-su trên thánh giá, họ trở thành khách qua đường bàng quan với sứ mệnh được giáo phó cho họ trong ngày lãnh nhận bí tích Rửa Tội, đó là trở nên môn đệ của Đức Chúa Giêsu Ki-tô.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tiệc Thiên Đàng
Lm. Minh Anh
23:20 14/10/2023

TIỆC THIÊN ĐÀNG
“Ngày ấy, trên núi này, Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay giới thiệu những bức hoạ về các bữa tiệc. Ngôn sứ Isaia vẽ bữa tiệc Chúa các đạo binh đãi muôn dân trên núi; mô phỏng nó, Matthêu vẽ bữa tiệc cưới của hoàng tử, biểu tượng ‘Tiệc Thiên Đàng’ mà Thiên Chúa muốn mọi người tham dự.

Hãy nhìn vào các nhân vật trong bức hoạ của Matthêu! Trước hết, chủ tiệc, chính Thiên Chúa; tiếp đến, các thực khách; và thú vị nhất, các gia nhân chạy long tong, những người được sai đi mời khách, đây là những sứ giả Tin Mừng, sứ giả của lòng thương xót.

Tiệc thời Cựu Ước, Thiên Chúa đãi muôn dân trên núi với tinh hoa của đất, “tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon”. Tiệc thời Tân Ước là tiệc cưới của hoàng tử kết hôn cùng nhân loại, vốn cũng được dọn trên núi, một ngọn núi có tên là Gôlgôtha; ở đó, tinh tuý của trời được thết, Chiên Thiên Chúa. Vì thế, tiệc cưới này còn có tên là ‘Tiệc Xót Thương’; trong đó, nhân loại là tân nương, bạn và tôi là tân nương, được mời tham dự. Cảm nghiệm tình yêu của chủ tiệc, tác giả Thánh Vịnh đáp ca thốt lên, “Này tôi được ở đền Người, những ngày tháng, những năm dài triền miên”. Tuyệt vời hơn, ngay hôm nay, trên các bàn thờ, Thiên Chúa vẫn đang dọn ‘Tiệc Xót Thương’, Chúa Giêsu Thánh Thể, để mời mọi người đến hưởng trước sự sống của Ngài ngay khi còn dưới thế, chuẩn bị cho ‘Tiệc Thiên Đàng’.

Tiếp tục nhìn vào hoạ phẩm của Matthêu, chúng ta thấy các thực khách tụm năm tụm ba; một số đứng xa xa; số khác bỏ đi; số còn lại, ngồi vào bàn. Sau cùng, những nhân vật khiêm tốn khác là các gia nhân; khuôn mặt của họ vui mừng có, lo lắng có, và thú vị nhất là, bạn và tôi có thể gặp thấy chính mình nơi những nhân vật này. Qua Bí tích Rửa Tội, chúng ta được đặc ân trở nên người nhà, nên sứ giả được sai đi mời mọi người đến dự tiệc của Chúa. Trong thư Philipphê hôm nay, Phaolô nói, “Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết”. Thế nhưng, trong thực tế, nhiều lúc chúng ta chưa chịu được hết; vì không ít lần, chúng ta gặp phải một số người phớt lờ, số khác thù nghịch với Tin Mừng.

Một ông chủ tổ chức tiệc sinh nhật cho con mình. Cô bếp xin ông cho cô được đón con cô về nhà chủ khi cháu tan trường. Giữa tiệc, chủ chợt nhớ đến đứa bé, ông xuống hỏi cô; cô im lặng, và ông đi tìm. Và ông phát hiện nó trong phòng vệ sinh, đang vừa hát, vừa ăn một chiếc bánh trên nắp bồn cầu, “Tại sao con ở đây?”. Cậu bé đáp, “Mẹ con bảo, ‘Đây là phòng tiệc dành cho con’”. Mắt ngấn lệ, ông ra nói với khách, “Xin lỗi, tôi bận tiếp khách quý, cho tôi vắng mặt”. Thế là ông vào lại nhà vệ sinh, vừa ăn, vừa ca hát với đứa bé.

Anh Chị em,

“Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc”. Bạn và tôi được Chúa đãi tiệc, không phải ở một nơi hôi hám, nhưng ở cung thánh giáo đường; và về sau tận thiên đàng. Chúng ta được trở nên người nhà, trở nên sứ giả của Ngài; và nhất là được Ngài viếng thăm, cùng ăn, cùng uống, cùng ca hát như ông chủ đã đến với đứa bé khốn khổ. Chúng ta bất xứng hoàn toàn, vậy hãy chuẩn bị cho mình chiếc áo cưới tinh tuyền nhất, áo lãnh nhận ngày chịu phép Rửa Tội; mặc lấy Chúa Kitô; áo bác ái, áo hoán cải hầu bớt bất xứng hơn!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con mê thích tiệc thế gian. Cho con say mê tiệc Thánh Thể, la cà thật lâu với Chúa; hầu ngày kia, ‘có sức’ ở lại đời đời với Ngài trong tiệc thiên đàng!”, Amen.

(Tgp. Huế)

 
Không dự tiệc vì bận việc khác
Lm. Nguyễn Xuân Trường
23:24 14/10/2023
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Linh mục cựu thư ký của Thượng Phụ Kirill bị huyền chức sau khi đưa ra tuyên bố chấn động rằng nếu không có Kirill thì không có cuộc xâm lược Ukraine
Đặng Tự Do
05:05 14/10/2023


Trong một tuyên bố chấn động, Cha Cyril Hovorun nói cuộc xâm lược Ukraine là do “Giáo Hội Chính thống Nga cung cấp ý tưởng và Điện Cẩm Linh cung cấp vũ khí”.

Ngài từng là linh mục và thậm chí còn là thư ký cho Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa. Tuy nhiên, vị linh mục Chính thống giáo và giáo sư giáo hội học Cyril Hovorun đã nổi tiếng với những lời chỉ trích Điện Cẩm Linh, mối quan hệ giữa Giáo hội Chính thống Nga; và cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Và điều này đã gây ra hậu quả: vào cuối tháng 9, ngài bị mất chức linh mục.

“Kể từ năm 2012, tôi đã nhiều lần chỉ trích trong nhiều ấn phẩm và hội nghị khác nhau về ý thức hệ của 'thế giới Nga', tức là quyền ưu việt vô điều kiện của Nga trên lãnh thổ Liên Xô cũ. Tôi đã cố gắng cảnh báo Đức Thượng Phụ về sự nguy hiểm của ý thức hệ này nhưng ông không nghe tôi. “Để đưa ra lời cảnh báo cuối cùng cho ngài, tôi quyết định từ chức mọi chức vụ trong Thánh Công Đồng và cống hiến hết mình cho công việc học thuật ở một số quốc gia.” Vị linh mục giải thích như trên trong một cuộc phỏng vấn với Katholisch. Chỉ vài năm sau, cuộc xâm lược Donbas của Nga bắt đầu.

“Khi chiến tranh leo thang vào tháng 2 năm 2022, những lời chỉ trích của tôi cũng trở nên gay gắt hơn. Tôi đã tận mắt chứng kiến sự tàn phá, chết chóc và đau khổ mà ý thức hệ này đã mang đến cho người Ukraine. Tôi không thể giữ im lặng,” ngài nói thêm trong cuộc phỏng vấn.

Vị cựu linh mục hiện nay cho rằng “rất có thể” chiến tranh “sẽ không xảy ra nếu không có sự đóng góp về mặt ý thức hệ của Giáo hội Nga”. “Tôi thường giải thích rằng công thức của chiến tranh ở Ukraine là: ý tưởng cộng với vũ khí, theo đúng thứ tự đó. Những ý tưởng đến đầu tiên. Chúng có niên đại từ nhiều thế kỷ khi người Nga tin rằng họ có một sứ mệnh đặc biệt từ Chúa để cứu nhân loại. Khi Putin trở thành tổng thống Nga vào năm 2000, ông ấy không có những ý tưởng như vậy. Chỉ nhờ ảnh hưởng của Kyrill mà ông ta mới nghĩ ra những ý tưởng như vậy vào năm 2012. Nói cách khác, Giáo hội Chính thống Nga cung cấp ý tưởng và Điện Cẩm Linh cung cấp vũ khí. Kết hợp lại, họ đã khiến cuộc chiến ở Ukraine có thể xảy ra.”

Mặt khác, ngài cảnh báo rằng “đối với phần lớn những người bảo vệ Chính thống giáo Nga, cuộc chiến là thiêng liêng” và chính xác là vì điều này, “họ sẽ tiếp tục tin vào điều đó ngay cả sau thất bại của Putin”. “Đây là vấn đề của thời kỳ hậu chiến; sẽ còn tiếp tục trong tâm trí nhiều người Chính thống giáo Nga. Ngược lại, đây lại là một vấn đề đối với các nước láng giềng của Nga, những người vẫn dễ bị tổn thương trước những đợt bùng phát hành động xâm lược mới của Nga. “Xã hội Nga và Giáo hội phải thay đổi quan điểm của họ về những gì đã xảy ra, nếu không họ sẽ luôn là một phần của vấn đề.”


Source:vidanuevadigital.com
 
Giám mục Nhà tù: Việc bỏ tù những phạm nhân Anh ở các nước khác làm suy yếu nỗ lực cắt giảm tội phạm
Đặng Tự Do
05:06 14/10/2023

Trả lời thông báo của Bộ trưởng Tư pháp Alex Chalk rằng các biện pháp mới sẽ cho phép Chính phủ thuê các nhà tù ở nước ngoài để làm nơi giam giữ những người phạm tội, Đức Giám Mục Richard Moth, Giám mục Trưởng các Nhà tù, cho biết động thái này có thể sẽ gây tổn hại cho các nỗ lực cải tạo và không làm giảm tỷ lệ tái phạm. “Đề xuất gần đây của Chính phủ về việc xem xét việc thuê chỗ trong các nhà tù ở nước ngoài nhằm đáp ứng sự thiếu hụt năng lực nhà tù ở nước ta là điều đáng lo ngại sâu sắc. Đây không phải là giải pháp tạm thời cho một thách thức tạm thời hay là một giải pháp thay thế có thể chấp nhận được trong chính sách tư pháp hình sự, mà là một phản ứng lạc hậu trước các vấn đề liên tục về lạm phát bản án và tình trạng quá tải trong nhà tù vẫn chưa được giải quyết và chưa được giải quyết trong một thời gian quá dài.”Mặc dù Chính phủ lưu ý rằng điều tương tự đã xảy ra ở một số ít quốc gia khác, việc chuyển người phạm tội sang một khu vực tài phán khác là sự thất bại của Chính phủ trong việc đáp ứng nhu cầu của công chúng về việc trừng phạt tội phạm một cách hiệu quả và cải tạo người phạm tội, đồng thời phản ánh kém về trách nhiệm của xã hội nói chung đối với người phạm tội.”

Đề xuất này đặc biệt đáng lo ngại vì nó có thể gây thiệt hại cho các nỗ lực phục hồi. Như Tổ chức Tư vấn và Chăm sóc Nhà tù đã lưu ý khi phản hồi thông báo này, bằng chứng cho thấy rằng những tù nhân giữ liên lạc với gia đình ít có khả năng tái phạm hơn 39%. Bất kỳ chính sách nào làm suy yếu các mối quan hệ này, chẳng hạn như bỏ tù ở nước ngoài, chỉ làm suy yếu mọi nỗ lực cắt giảm tội phạm, giảm tái phạm và khôi phục những người từng phạm tội trở lại mối quan hệ lành mạnh với cộng đồng của họ.”

“Việc thuê nhà tù ở nước ngoài là dấu hiệu cho thấy vấn đề năng lực hiện đã đến mức khủng hoảng. Đó là đỉnh điểm hoàn toàn có thể dự đoán được sau nhiều năm đầu tư không đúng mức vào các nhà tù của chúng ta, cùng với một hệ thống tư pháp đơn giản là giam giữ quá nhiều người.”


Source:CBCEW
 
Chính phủ đề xuất dự luật có thể cấm Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa hoạt động
Đặng Tự Do
05:09 14/10/2023


Verkhovna Rada, hay Quốc hội Ukraine, đã ghi danh dự thảo luật cấm Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa hoạt động vào ngày 5 tháng 10. Sau khi thu thập được 226 phiếu bầu cần thiết, dự luật đã chính thức được ghi danh để xem xét.

Dự luật đề xuất nêu rõ khả năng cấm bất kỳ tổ chức tôn giáo nào liên quan đến tuyên truyền chiến tranh hoặc biện minh cho việc Nga xâm lược Ukraine.

Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC,đã bị cáo buộc liên kết với chính phủ Nga trong chiến tranh.

Năm ngoái, lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill, đã ủng hộ cuộc xâm lược của Putin, Radio Free Europe. “Sự hy sinh trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ rửa sạch mọi tội lỗi”, Kirill nói với những người ủng hộ Nga đang chiến đấu ở Ukraine.

Sau một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn làm hư hại nặng Nhà thờ Chúa Biến hình ở Odesa vào tháng 7, Giám Mục của Giáo phận Odesa đã viết thư cho Thượng phụ Kirill ở Mạc Tư Khoa, nói rằng “các giám mục và linh mục của ngài thánh hiến và ban phước cho xe tăng và hỏa tiễn ném bom các thành phố yên bình của chúng tôi”.

Chính phủ Ukraine đã trục xuất UOC khỏi Kyiv Pechersk Lavra và đưa ra cáo buộc chống lại các nhà lãnh đạo nhà thờ vì tội tuyên truyền ủng hộ chiến tranh.

Theo một cuộc khảo sát do Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv thực hiện, 54% người Ukraine tin rằng UOC nên bị cấm.


Source:Yahoo
 
Đức Hồng Y Quân lên tiếng về phúc đáp của Đức Thánh Cha đối với dubia của các vị Hồng Y
Đặng Tự Do
17:48 14/10/2023


Ký giả Edward Pentin của National Catholic Register có bài tường thuật nhan đề “Cardinal Zen Calls Pope Francis’ ‘Dubia’ Response on Same-Sex Blessings ‘Pastorally Untenable’”, nghĩa là “Đức Hồng Y Quân gọi phúc đáp của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với ‘Dubia’ về việc chúc phúc cho người đồng giới là ‘không thể chấp nhận được về mặt mục vụ’”.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã chỉ trích một số câu trả lời của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với năm dubia mà ngài và bốn vị Hồng Y khác đã gửi cho Đức Thánh Cha trước Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị, đồng thời nói rằng hướng dẫn của Đức Thánh Cha về việc ban phước cho các kết hiệp đồng tính là “không thể biện minh được về mặt mục vụ”.

Trong một tuyên bố ngày 12 tháng 10 được đăng trên trang web của mình, vị giám mục hiệu tòa của Hương Cảng, là người đã ký bản dubia gửi cho Đức Giáo Hoàng vào ngày 11 tháng 7, cho biết các câu trả lời của Đức Giáo Hoàng, được gửi một ngày sau đó và được Vatican công bố vào ngày 2 tháng 10 “không phải là những câu trả lời chính xác và không giải quyết được những nghi ngờ”, khiến ngài phải đưa ra tuyên bố của riêng mình “để các tín hữu hiểu tại sao năm người chúng tôi không thấy đó là các câu trả lời thỏa đáng”.

Trong Đoạn (g) trong câu trả lời của Đức Giáo Hoàng đối với câu hỏi thứ hai, trong đó hỏi liệu có thể cho phép các chúc lành đồng tính “mà không phản bội lại giáo lý mạc khải” hay không, Đức Phanxicô nói, “giáo luật không nên và không thể bao gồm mọi thứ” và rằng “sự phân định thực tế “ sẽ là cần thiết trong những trường hợp cụ thể.”

Đức Hồng Y Quân nói trong tuyên bố của mình rằng một phản ứng như vậy là “không thể chấp nhận được về mặt mục vụ”, đồng thời nói thêm: “Làm sao Giáo hội, trong một vấn đề quan trọng như vậy, lại để người dân không có một quy tắc rõ ràng có thể tin tưởng vào sự phân định cá nhân? Đây chẳng phải là sự hỗn loạn của ngụy biện rất nguy hiểm cho các linh hồn sao?”

Trong tuyên bố của mình, ngài cũng đặt câu hỏi về các phần khác của phản ứng đối với các chúc lành đồng tính, và nói rằng các Hồng Y đã “ngạc nhiên” trước việc Đức Giáo Hoàng trích dẫn tông huấn hậu thượng hội đồng Amoris Laetitia (Niềm vui tình yêu) để khẳng định rằng sự kết hiệp đồng tính “phần nào cũng tương tự” như hôn nhân giữa một người nam và một người nữ.

“Khó khăn không kém”, Đức Hồng Y Quân nói, là đoạn văn đó “cho phép một số hình thức chúc lành cho các kết hợp đồng tính luyến ái”, mà ngài hỏi: “Không phải sự kết hợp như vậy bao hàm hoạt động tình dục giữa những người cùng giới tính sao, và điều này không rõ ràng là tội lỗi sao? Không phải bất kỳ hoạt động tình dục nào ngoài hôn nhân hợp pháp đều là tội lỗi sao?”

Ngài chỉ trích các khía cạnh khác trong phản ứng của Đức Giáo Hoàng đối với dubium này, chẳng hạn như nâng cao tầm quan trọng của “sự dịu dàng” đối với những người đồng tính luyến ái trong một cuộc kết hợp đồng giới trong khi coi sự thật khách quan “chỉ là” một biểu hiện của lòng bác ái đối với họ.

“Trên thực tế, chúng ta tin rằng với sự hiểu biết và dịu dàng, chúng ta cũng phải trình bày với họ sự thật khách quan rằng hoạt động đồng tính luyến ái là một tội lỗi, nó đi ngược lại kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa,” Đức Hồng Y Quân nhận xét. “Chúng ta cũng phải khuyến khích họ thực hiện một cuộc hoán cải trong Giáo hội và tin tưởng vào sự giúp đỡ của Thiên Chúa để vác thập giá nặng nề của họ trên con đường dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu”.

Phản ứng của Đức Giáo Hoàng đối với dubium này đã được các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới hiểu như một dấu chỉ cho thấy Đức Giáo Hoàng đang mở đường cho việc chấp nhận các chúc lành đồng giới.

Đức Hồng Y Quân đã cùng với các Hồng Y Walter Brandmüller, Raymond Burke, Juan Sandoval Íñiguez và Robert Sarah gửi dubia như một phương tiện để đạt được sự rõ ràng về các chủ đề liên quan đến phát triển giáo lý, việc chúc lành cho các kết hợp đồng giới, thẩm quyền của Thượng hội đồng về tính đồng nghị, quyền của phụ nữ, truyền chức và bí tích giải tội.

Năm vị Hồng Y đều nhận thấy các câu trả lời của Đức Thánh Cha không rõ ràng và thiếu chính xác, nên các ngài đã đưa ra bản dubia được sửa đổi vào ngày 21 tháng 8 nhằm mục đích yêu cầu Đức Thánh Cha đưa ra các câu trả lời rõ ràng “Có” hay “Không”.

Đức Thánh Cha vẫn chưa trả lời những câu hỏi đó.

 
Gần 300 người bị phiến quân Hamas hạ sát tại lễ hội âm nhạc Israel
Đặng Tự Do
17:51 14/10/2023


Gần 300 người được cho là đã thiệt mạng tại một lễ hội âm nhạc trong vụ việc được mô tả là một vụ thảm sát diễn ra ngay khi bắt đầu cuộc xâm lược quy mô lớn của Hamas vào Israel vào cuối tuần qua.

Lực lượng Phòng vệ Israel, gọi tắt là IDF, cho biết trên trang web của mình rằng ngay sau khi cuộc xâm lược bắt đầu một “lễ hội âm nhạc ngoài trời” đã là một trong những địa điểm bị lực lượng Hamas nhắm đến khi bắt đầu cuộc tấn công bất ngờ được phát động vào hôm thứ Bảy với pháo kích từ Dải Gaza và lực lượng trên bộ đổ vào Israel.

Trong vài giờ sau cuộc xâm lược, các báo cáo bắt đầu xuất hiện về một sự việc lớn tại lễ hội âm nhạc Supernova được tổ chức gần Kibbutz Re'im ở phía tây nam Israel, với việc lực lượng Palestine được cho là đã bắn hạ một số lượng lớn người tham dự sự kiện.

BBC đưa tin rằng “hơn 260 thi thể” đã được tìm thấy từ địa điểm này. Thông tấn xã Anh dẫn lời cơ quan cấp cứu Zaka của Israel, là cơ quan đã phản ứng với vụ thảm sát và đang nỗ lực thu thập thi thể các nạn nhân ở đó.

Zaka đã không trả lời yêu cầu bình luận hôm thứ Hai về vụ xả súng, nhưng mạng xã hội tràn ngập các cảnh quay về vụ việc, bao gồm cả hậu quả của nó, một số trong đó dường như cho thấy cảnh những chiếc xe hơi bị đốt phá tại địa điểm lễ hội bị bỏ hoang.

Trong khi đó, Gili Yoskovich, một cư dân Israel, nói với mạng tin tức i24NEWS của Israel rằng cô đang điều hành lễ hội thì vụ hỗn loạn chết người bắt đầu.

“Những kẻ khủng bố đến từ khắp nơi, hàng trăm kẻ khủng bố,” cô nói. “Họ bắt đầu bắn khắp nơi. Và mọi người bắt đầu chạy.”

Yoskovich nói với BBC rằng những kẻ xâm lược “đang đi từng cây và bắn từng người một. Tôi thấy mọi người đang chết xung quanh.”

“Tôi đã rất im lặng,” cô nói. “Tôi không khóc, tôi không làm gì cả.”

Tin tức về vụ thảm sát đã gây sốc trên mạng xã hội và các nhà bình luận trên khắp thế giới.

Ngay sau cuộc xâm lược hôm thứ Bảy, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng Israel đang “có chiến tranh”. Đất nước này ngay sau đó đã chính thức tuyên chiến với Hamas, với các quan chức quân sự hứa hẹn một cuộc tấn công lớn nhằm vào Dải Gaza do Hamas kiểm soát để đáp trả cuộc xâm lược.

Lễ hội âm nhạc được tổ chức chỉ cách biên giới Gaza vài dặm.


Source:Catholic News Agency
 
Tổng giám mục Vancouver gọi cuộc tấn công vào Israel là 'vi phạm nghiêm trọng' đạo đức và luật pháp quốc tế
Đặng Tự Do
17:53 14/10/2023


Tổng giám mục Vancouver gọi cuộc tấn công vào Israel là 'vi phạm nghiêm trọng' đạo đức và luật pháp quốc tế

Trong một thông điệp gửi tới cộng đồng Do Thái ở Vancouver, Đức Tổng Giám Mục Vancouver J. Michael Miller “lên án dứt khoát” cuộc tấn công vào Israel hôm thứ Bảy, gọi đây là một hành vi chà đạp đạo đức và luật pháp quốc tế.

Bình luận từ Rôma, nơi ngài đang tham dự Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, hôm thứ Hai, Đức Tổng Giám mục cho biết tin tức về “cuộc xâm nhập của Hamas vào Israel thật tàn khốc”.

Bản chất của vụ tấn công và bắt phụ nữ và trẻ em làm con tin là “sự vi phạm nghiêm trọng không chỉ luật pháp quốc tế mà quan trọng hơn là luật đạo đức được ghi khắc trong lương tâm mỗi con người”.

“Một cuộc tấn công như vậy phải bị lên án một cách rõ ràng, và tiếng nói của chúng tôi đã dâng lên Chúa rằng sự tôn trọng sự sống con người, được tạo ra theo hình ảnh của Ngài, sẽ chiếm ưu thế trong số tất cả những người có thiện chí. Tôi cùng cầu nguyện với những người trong cộng đồng Do Thái đang thương tiếc những người đã khuất.”

Trả lời Đức Tổng Giám mục, Rabbi Dan Moskovitz của Temple Sholom ở Vancouver đã cảm ơn Đức Tổng Giám mục về những lời nói và lời cầu nguyện của ngài, đồng thời cho biết ngài sẽ chia sẻ tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục với các đồng nghiệp và cộng đồng của mình.

“Tôi đủ trung thành để biết rằng nếu tất cả chúng ta nhìn nhận và tôn trọng người khác được tạo ra theo hình ảnh của Chúa thì chiến tranh, nạn đói và bạo lực sẽ chấm dứt; nhân loại sẽ phát triển mạnh mẽ,” ông nói.

Moskovitz nói rằng ngày đó sẽ không đến cho đến khi công việc cần thiết được thực hiện “để xóa bỏ cái ác, hận thù và cố chấp” khỏi hành vi của con người.

Rabbi kết thúc bằng những lời cầu nguyện cho Đức Tổng Giám mục và cho “hòa bình và sự cảm thông giữa TẤT CẢ cư dân của Thánh địa”.

Rabbi Moskovitz cho biết tình hình ở Israel “tàn khốc chưa từng có” và “mỗi người trong chúng ta đều có gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp bị thương, thiệt mạng hoặc mất tích”.

Ông mời cộng đồng Công giáo tham dự một buổi họp mặt đoàn kết cộng đồng Do Thái được lên kế hoạch vào thứ Ba lúc 5 giờ chiều tại Jack Poole Plaza ở Vancouver.


Source:Catholic News Agency
 
Các Giám mục Công giáo Sri Lanka muốn Tổng thống Ranil công khai báo cáo từ FBI và những nước khác
Đặng Tự Do
17:55 14/10/2023


Hội đồng Giám mục Công giáo đã yêu cầu Tổng thống Ranil Wickremesinghe chia sẻ các báo cáo về các vụ tấn công vào Chúa Nhật Phục sinh mà ông tuyên bố đã nhận được từ Cục Điều tra Liên bang (FBI), cũng như các cơ quan tình báo Anh, Ấn Độ và Trung Quốc.

Trong một lá thư gửi Tổng thống Ranil Wickremesinghe, Hội đồng Giám mục Công giáo Sri Lanka lưu ý rằng tuyên bố rằng ông đã nhận được những báo cáo như vậy lần đầu tiên được Tổng thống công khai trong cuộc phỏng vấn gần đây với Deutsche Welle.

Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống đã nói rằng Hội đồng Giám mục Công giáo muốn có tài liệu về tất cả các thủ tục tố tụng của ủy ban điều tra các vụ tấn công vào Chúa Nhật Phục sinh và những chi tiết đó đã được bàn giao.

Trong thư, Hội đồng Giám mục Công giáo cảm ơn Tổng thống đã bàn giao tất cả các tập Báo cáo điều tra của Ủy ban Tổng thống về các vụ tấn công vào Chúa Nhật Phục sinh.

Hội đồng Giám mục Công giáo Sri Lanka cũng lưu ý rằng Đức Hồng Y Malcolm Ranjith là thành viên không thể thiếu và quan trọng nhất của Hội đồng Giám mục Công giáo Sri Lanka.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Tổng thống đã nói rằng ông không làm việc với Đức Hồng Y Malcolm Ranjith mà chỉ làm việc với Hội đồng Giám mục Công giáo.


Source:colombogazette.com
 
Phản ứng Công Giáo quanh vụ tấn công Do Thái của Hamas
Vũ Văn An
18:14 14/10/2023

Khỏi cần nói, phản ứng Công Giáo là lên án cuộc tấn công dã man của Hamas phần lớn vào thường dân có mặt trên lãnh thổ Do Thái. Nhưng phản ảnh ứng này có nhiều sắc thái.



Sự căm ghét ‘bình thường’

Ed Condon, trên the Pillar, nhận định rằng “giống như mọi người khác, tôi đã chứng kiến sự kinh hoàng về những gì đang xảy ra ở Israel. Và giống như một số người, tôi có thể thẳng thắn về việc mình không có ý kiến đáng giá nào về những gì, nếu có, có thể được thực hiện để mang lại hòa bình trong một khu vực và giữa các dân tộc đã không biết gì ngoài bạo lực từ lâu.

Tôi cũng có thể thừa nhận cảm nghĩ của tôi hoàn toàn thiếu tính khách quan.

Cách đây vài năm, tôi sống ở Israel một thời gian ngắn. Tôi ăn tại nhà của những người Ả Rập theo Kitô giáo và khiêu vũ với những người đàn ông Do Thái ở Bức tường Than khóc vào ngày Sabát. Tôi đã dành hàng giờ xếp hàng tại các chốt chắn đường và trạm kiểm soát với hàng trăm người đang cố gắng đi từ nhà đến nơi làm việc, và tôi ngồi trong các quán cà phê nơi những phụ nữ trẻ mặc áo thung và quần đùi uống cà phê sữa với khẩu súng phục vụ quốc gia đặt trên đùi.

Khi một cuộc bạo loạn nổ ra trên Núi Đền [Temple Mount], tôi đã ở đó, bị cuốn vào đám đông. Tôi nhớ mùi sợ hãi và giận dữ nồng nặc khi chúng lan khắp thành phố như một bình xịt bạo lực.

Sáng nay, tòa nhà nơi tôi sống ở Israel, một chủng viện và tĩnh tâm, có xe tăng trong bãi đậu xe.

Tôi không thể một cách đáng tin cậy cho rằng mình có “bạn bè của cả hai bên” giống như người đứng đầu nói chuyện trên tin tức truyền hình cáp, nhưng tôi có những người tôi biết và yêu quý sống ở Israel, bị tổn thương bởi những gì đã xảy ra và có lý do lo sợ điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra.

Tôi cũng đã sống nhiều năm ở một khu dân cư phần lớn là người Do Thái ở London. Căn hộ cuối cùng của chúng tôi nhìn ra một trường học Do Thái, nhất thiết phải có an ninh tuần tra mọi lúc – các bạn hãy xem xem phải nói gì về tiêu chuẩn của “cuộc sống bình thường” - cổng trường hiện đã được cảnh sát tăng cường vào thời điểm đón học. Trong tuần trước, các nhà hàng Do Thái ở đó đã bị đập vỡ cửa sổ và cây cầu đường sắt địa phương bị dán đầy những khẩu hiệu ăn mừng sau vụ bạo lực ở Israel.

Quan điểm của tôi chắc chắn bị ảnh hưởng bởi tất cả những điều này, nhưng vẫn có một số điều tôi nghĩ có thể được nhìn thấy đủ rõ ràng.

Bạn có thể có ý kiến riêng của mình về tính tương xứng và thậm chí cả tính đạo đức trong các chính sách và hành động của Israel ở Gaza trong nhiều thập niên.

Và bạn có thể cầu nguyện, giống như tôi, rằng bằng cách nào đó, chính phủ và quân đội Is-rael có thể ngăn cản, ngay cả bây giờ, tiến hành trả thù toàn diện và bừa bãi người dân Gaza.

Nhưng không ai ăn mừng cái chết của thường dân ở Gaza. Khi một quả bom cướp đi sinh mạng của một bà mẹ hoặc một đứa trẻ người Palestine, đám đông không tụ tập trên đường phố Paris và Vienna để vui mừng trước cái chết của họ. Sau các cuộc tấn công vào cuối tuần trước, trong đó các vụ giết người, hãm hiếp và tàn sát được phát trực tiếp trên mạng xã hội, không ai yêu cầu một “ngày thịnh nộ” trên toàn thế giới vì hợp pháp hóa và ủng hộ bạo lực.

Tuy nhiên, họ vẫn tụ tập, ăn mừng và tìm cách hợp pháp hóa tất cả khi người Do Thái bị giết. Không phải người Israel, mà là người Do Thái.

Những người ăn mừng những điều như vậy không được thúc đẩy bởi sự bất bình, hay cảm giác thất vọng về công lý, mà bởi lòng căm thù - sự căm ghét không phải đối với một hệ thống, hoàn cảnh, hay chính phủ, hay thậm chí là một quốc gia. Đó là sự căm ghét một dân tộc.

Đó là một lòng căm thù sâu xa, khốc liệt và cay đắng đến mức khiến họ phải hét lên những khẩu hiệu chiến thắng trước hành vi xúc phạm phụ nữ một cách bạo lực và tàn sát trẻ sơ sinh theo đúng nghĩa đen.

Tuy nhiên, điều này phần lớn được chúng ta bào chữa - cho dù chúng ta có thể ầm ĩ về một số điều được cho là “không thể chấp nhận được”.

Ở Anh, nơi quyền tự do ngôn luận bị kiểm soát chặt chẽ đến mức được kể là tội xúc phạm, bạn có thể bị bắt vì âm thầm cầu nguyện trong khoảng hai sân bóng đá cách một phòng khám phá thai, thế am hàng nghìn người tụ tập để tụng kinh, chế nhạo và ăn mừng việc giết hại phụ nữ và trẻ em trước cửa đại sứ quán Israel, không ai bị bắt.

Bên ngoài Opera House ở Sydney, một đám đông tụ tập và hô vang “Đánh hơi ngạt bọn Do Thái”.

Nên hiểu rõ điều đó.

“Đánh hơi ngạt bọn Do Thái.”

Những cảnh tượng như vậy đáng lẽ phải kích động, rất đáng lý, tất cả sự giận dữ và khinh miệt mà bất cứ xã hội xứng đáng với cái tên nào cũng có thể tập hợp được, nhưng những cảnh tượng này thì không.

Tất cả những điều này ngay lập tức trở thành bình thường và mặc dù vẫn rất độc đáo.

Khi các Kitô hữu Nigeria bị các chiến binh Hồi giáo tàn sát tại nhà của họ, người ta không ném gạch qua cửa sổ các nhà hàng Nigeria ở London, cũng như không có đám đông tụ tập trong khuôn viên trường đại học Mỹ để hô vang “Xin vinh danh những kẻ giết người!”

Nhưng đối với người Do Thái, đó là tiêu chuẩn.

Có một sự thâm hiểm đặc biệt trong chủ nghĩa bài Do Thái, và một sự ác tâm đặc biệt đối với người Do Thái vốn luôn sẵn sàng bùng phát khi có cơ hội. Và, có lẽ tệ nhất là, một kiểu lập lờ đặc biệt về nó trong xã hội chúng ta, với những lời bào chữa được đưa ra trên các phương tiện truyền thông để tấn công người Do Thái mà sẽ không bao giờ, trong chốc lát, được dung thứ với bất cứ hình thức phân biệt chủng tộc nào khác…

Từ lâu, tôi đã tin rằng chủ nghĩa bài Do Thái là một loại cảnh cáo xã hội phương Tây. Khi nó trỗi dậy, và khi sự trỗi dậy của nó được chấp nhận và được bào chữa thì sự thay đổi mang tính thời đại thường kéo theo…

Với sự ghét bỏ, câu trả lời duy nhất mà tôi biết là tình yêu. Không phải tình cảm giả tạo hay sự lãng mạn phù du, mà là tình yêu đẫm máu, thở hổn hển, cháy bỏng của Thập giá. Một tình yêu vốn là một hành động của toàn ý chí và toàn bộ con người. Tình yêu của Chúa, Đấng yêu thương chúng ta, và tình yêu của người lân cận - ngay cả và đặc biệt khi họ bị tràn ngập bởi thù hận.

Đức Hồng Y Pizzaballa, Thượng phụ Latinh của Giêrusalem, đã kêu gọi một ngày cầu nguyện và ăn chay cho hòa bình. Tôi sẽ kiêng ăn và tiếp tục cầu nguyện.

Tôi sẽ cầu nguyện đặc biệt cho tình yêu, bởi vì khi tôi chiêm ngưỡng những người ăn mừng việc sát hại các trẻ sơ sinh và ca tụng nạn diệt chủng, tôi thú nhận rằng tôi không có trái tim nào dành cho việc đó.



Giáo Hội Công Giáo vật lộn trong đáp ứng đối với các tàn bạo của Hamas

Cùng một đường lối đấm ngực trên là bài viết của Tom McFeely và Joan Frawley Desmond trên National Catholic Register, khi cho rằng Giáo Hội không có cùng một tiếng nói.

Hai tác giả nhắc lại tuyên bố của Đức Phanxicô khi đọc kinhTruyền tin trưa Chúa nhật 8 tháng 10: “tôi theo dõi một cách lo lắng và buồn sầu điều đang diễn ra tại Israel, nơi bạo lực đã bùng nổ còn dữ dằn hơn nữa, gây ra hàng trăm cái chết và thương vong. Tôi bầy tỏ sự gần gũi với các gia đình và nạn nhân. Tôi cầu nguyện cho họ và cho mọi người đang sống những giờ khắc khủng bố và lo sợ. Cầu mong các cuộc tấn công và vũ khí dừng lại. Làm ơn”.

Ngài nói tiếp: “xin mọi người hiểu cho rằng khủng bố và chiến tranh không dẫn tới bất cứ giải pháp nào, nhưng chỉ dẫn tới chết chóc và đau khổ cho nhiều người vô tội. Chiến tranh là thất bại!Mọi cuộc chiến tranh đều là một thất bại! Chúng ta hãy cầu nguyện cho có hòa bình tại Israel và Palestine”.

Trước đó một ngày, tân Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, thượng phụ Latinh của Giêrusaalem, lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nhà lãnh đạo tôn giáo khắp thế giớigiúp làm giảm các căng thẳng: “Cuộc hành quân phát động từ Gaza và phản ứng của quân đội Do Thái đang mang chúng ta trở lại những thời kỳ tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây của chúng tôi. Quá nhiều thương vong và thảm kịch, am cả các gia đình Palestine và Do Thái phải đương đầu với, sẽ tạo thêm nhiều hận thù và chia rẽ hơn nữa, và càng ngày càng hủy diệt hơn nữa bất cứ viễn ảnh ổn định nào”.

Hai tác giả cho rằng lối lên khuôn bạo lực cuối tuần qua, một lên khuôn đánh đồng cả người Palestine lẫn người Do Thái như là các nạn nhân như nhau, khiến đại sứ Do Thái bên cạnh Tòa Thánh bất mãn, lên tiếng cảnh cáo chống lại việc “vẽ những đường song song” giữa các hành động của Hamas và đáp ứng quân sự của Do Thái sau đó. Ông nhận định: “Trong những hoàn cảnh như thế, sử dụng sự mơ hồ và từ ngữ ngôn ngữ học nhằm gợi ý một cân xứng sai lạc phải bị phê phán… Đáp ứng của Israel trong những hoàn cảnh này không thể mô tả như bất cứ điều gì nhưng chỉ là quyền tự vệ của nó. Chắc chắn không thể mô tả là gây hấn. Vẽ những đường song song ở nơi chúng không có không phải là chủ nghĩa duy thực tiễn ngoại giao, nó đơn giản chỉ là sai lầm”.

Cha Benedict Kiely, sáng lập viên Nasarean.org, một cơ quan bác ái nhằm cổ vũ và vận động cho các Kitô hữu bị bách hại trên thế giới, tập chú vào Trung Đông nói với hai tác giả này rằng “Ý kiến cá nhân tôi là không nên đánh đồng. Nên thẳng thừng lên án vụ tàn sát am chúng ta a thấy. Không hề có ‘cân bằng’, tức ý niệm cho rằng hai bên đều có lỗi, trong biến cố này” vì có việc “tàn sát thường dân” diễn ra trong vụ tấn công Israel.

Hai tác giả cũng nhắc lại lời Đức Phanxicô nói sau đó, trong buổi yết kiến chung 11 tháng 10, tuy có nhắc đến quyền tự vệ của Do Thái, nhưng vẫn “vẽ các đường song song”. Ngài nói: “quyền của những người bị tấn công là tự vệ” nhưng lo ngại về vice “hoàn toàn bao vây người Palestine tại Gaza, nơi có rất nhiều nạn nhân vô tội” và lên tiếng kêu gọi hai bên tự chế: “Khủng bố và cực đoan không giúp đạt tới bất cứ giải pháp nào cho cuộc tranh chấp giữa người Do Thái và Palestine, nhưng đổ thêm dầu vào hận thù, bạo lực và trả thù, gây đau khổ cho cả đôi bên”.

Trong khi ấy, các nhà lãnh đạo Giáo Hội Bắc Mỹ, tuy có tham gia với Đức Giáo Hoàng trong lời cầu nguyện cho hòa bình và lời kêu gọi hai bên hạn chế, nhưng một số vị đi xa hơn hơn Đức Giáo Hoàng khi bày tỏ sự ủng hộ của các vị đối với Israel và lên án các hành động của Hamas.

Trong tuyên bố ngày 11 tháng 10, Đức Hồng Y Seán O’Malley của Boston nhận định rằng ngay trong bối cảnh khuôn mẫu tranh chấp vũ trang lâu đời của Trung Đông, “cuộc tấn công quân sự ồ ạt của Hamas vào Nhà nước Israel và người dân của nó vẫn là một trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất trong lịch sử lâu dài này… Cả mục đích của cuộc tấn công lẫn các phương pháp man rợ của nó đều thiếu biện minh tinh thần hay luật pháp. Không hề có chỗ dành cho sự mơ hồ luân lý trong vấn đề này. Phản kháng chủ trương khủng bố và gây hấn này là bổn phận luân lý của các nhà nước được thi hành trong các giới hạn luân lý”.

Đức Tổng Giám Mục J. Michael Miller của Vancouver mô tả cuộc tấn công là “vi phạm nghiêm trọng không những luật quốc tế nhưng, còn quan trọng hoơn nữa, là vi phạm luật luân lý vốn viết sẵn trong lương tâm mọi hữu thể nhân bản”.

Tuy nhiên, theo tạp chí Crux, hôm thứ Năm vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp kiến bà Deborah Lipstadt, đặc phái viên Hoa Kỳ chống chủ nghĩa bài Do Thái. Sau cuộc tiếp kiến, Đặc phái viên này cho hay Đức Giáo Hoàng gọi cuộc tấn công bất ngờ của Hamas là “tội ác”. Bà nói: “chúng tôi cũng đã thảo luận bạo lực lạnh xương sống tại Israel và bày tỏ quan tâm lớn lao của chúng tôi đối với các cuộc tấn công khủng bố tàn bạo đang diễn ra, điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô mô tả là tội ác”.

Tưởng cũng nên nhắc lại lời phát biểu của Đức Phanxicô trong buổi yết kiến hôm thứ Tư. Ngài kêu gọi thả mọi con tin và như trên a tường trình, ngài nhấn mạnh: “quyền của những người bị tấn công là tự vệ”. Điều này khiến ông Raphael Schutz, Đại sứ Israel bên cạnh Tòa Thánh hài lòng, ông phát biểu: “một cách nào đó, nó làm đầy khoảng chân không mà tôi cảm thấy cần phải làm đầy trong mấy ngày gần đây, đặc biệt đã thừa nhận quyền của Israel được tự vệ”.
 
Thượng Hội đồng, ngày 13 tháng 10: Đức Hồng Y Hollerich yêu cầu những người tham gia gạt bỏ suy nghĩ của riêng mình, lắng nghe người khác
Vũ Văn An
19:26 14/10/2023

Bản tin ngày 14 tháng 10 năm 2023 của hãng tin Catholic World News cho hay: vào ngày 13 tháng 10, những người tham gia phiên họp đầu tiên của Thượng Hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ 16 đã hướng sự chú ý của họ đến chủ đề đàm luận thứ ba: “Đồng trách nhiệm trong sứ mệnh: Làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ tốt hơn các ân sủng và nhiệm vụ để phục vụ Tin Mừng?" (Đơn vị B2).



Chủ đề đàm luận đầu tiên (Đơn vị A, ngày 4-7 tháng 10) là “Khởi đi từ hành trình của các Giáo hội địa phương mà mỗi chúng ta thuộc về và từ nội dung của Tài liệu làm việc, xuất hiện những dấu hiệu đặc biệt nào của một Giáo hội đồng nghị một cách rõ ràng hơn và điều gì xứng đáng được công nhận nhiều hơn hoặc cần được nhấn mạnh hoặc đào sâu hơn?” Chủ đề thứ hai (đơn vị B1, ngày 9-12 tháng 10) là “Một sự hiệp thông tỏa sáng: Làm thế nào chúng ta có thể trở thành dấu chỉ và công cụ trọn vẹn hơn của sự kết hợp với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại?”

Báo cáo cuối cùng của phiên họp đầu tiên của Thượng hội đồng (4-29 tháng 10) sẽ hình thành nghị trình của phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng (tháng 10 năm 2024).

Đức Hồng Y Ambongo kêu gọi sám hối, khuyến nghị dùng ‘vũ khí đồng nghị’ để chống lại Satan

Đức Hồng Y Fridolin Ambongo Besungu, OFM Cap, Địa phận Kinshasa (Cộng hòa Dân chủ Congo) đã giảng bài giảng trong Thánh lễ sáng tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.

Suy gẫm về bài đọc đầu tiên trong Thánh lễ trích từ Sách Tiên tri Gioen, Đức Hồng Y Ambongo đã lên án việc lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực và lương tâm, cũng như các vụ tai tiếng tài chính.

Ngài giảng, “Đến từ khắp các châu lục, và hợp nhất như một gia đình, trong vẻ đẹp của sự hiệp nhất trong đa dạng văn hóa này, chúng ta cũng được mời gọi khóc lóc trước bàn thờ này, tại mộ Thánh Phêrô, vì sự yếu đuối của chúng ta với tư cách một Giáo hội. Chúng ta đến đây để khóc và cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho tội lỗi của chúng ta. Nhưng cách khóc tốt nhất là can đảm đi theo con đường sám hối và hoán cải, mở ra những con đường hòa giải, chữa lành và công lý”.

“Kẻ Ác gieo rắc mối bất hòa,” ngài nói tiếp, khi suy gẫm về bài đọc Tin Mừng (Lc 11:15-26). “Đây là lý do tại sao chúng ta phải can đảm chiến đấu với Ma quỷ, đặc biệt là sử dụng các vũ khí của tính đồng nghị, vốn đòi hỏi sự hợp nhất, cùng nhau bước đi, phân định trong cầu nguyện, lắng nghe lẫn nhau và những gì Chúa Thánh Thần nói với chúng ta”.

Đức Hồng Y Hollerich giới thiệu chủ đề thứ ba của Thượng Hội đồng

Sau khi những người tham gia tập trung tại Thính đường Phaolô VI, Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, SJ, tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng, đã giới thiệu đơn vị thảo luận B2 (“Đồng trách nhiệm trong sứ mệnh: Làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ tốt hơn các ân sủng và nhiệm vụ phục vụ Tin Mừng?”).

Trong cuộc thảo luận về đơn vị A, tất cả 35 nhóm làm việc của Thượng Hội đồng đã thảo luận về cùng một câu hỏi. Trong quá trình thảo luận đơn vị B1, mỗi nhóm chỉ thảo luận một trong năm bảng câu hỏi của đơn vị. Phần thảo luận của đơn vị B2 tuân theo mô hình thảo luận của đơn vị B1.

Đức Hồng Y Hollerich nói: “Một Giáo hội đồng nghị là một Giáo hội được sai đi truyền giáo. Mệnh lệnh của Chúa ban cho các Tông đồ cũng được áp dụng cho tất cả các thành viên của Giáo hội tông truyền của chúng ta.”

Ngài tiếp tục: Internet “biến đổi cách sống của chúng ta, cách nhận thức thực tại và các mối quan hệ sống của chúng ta. Vì vậy, nó trở thành một lãnh thổ truyền giáo mới. Giống như Thánh Phanxicô Xaviê ra đi đến những vùng đất mới, chúng ta có sẵn lòng và sẵn sàng đi thuyền tới lục địa mới này không?”

Ngài nói tiếp:

“Chúng ta phải được hướng dẫn bởi những người sống ở lục địa kỹ thuật số. Phần lớn chúng ta, các giám mục, không phải là những người tiên phong trong sứ mệnh này, mà là những người đang học theo con đường được các thành viên trẻ tuổi của dân Chúa mở ra. Chúng ta sẽ nghe nhiều hơn về điều này sau. Dù sao đi nữa, thí dụ này giúp chúng ta hiểu tại sao tựa đề của chúng ta nói lên tinh thần đồng trách nhiệm trong sứ mệnh: tất cả những người đã được rửa tội đều được kêu gọi và có quyền tham gia vào sứ mệnh của Giáo hội, tất cả đều có một sự đóng góp không thể thay thế được. Điều đúng đối với lục địa kỹ thuật số cũng đúng đối với các khía cạnh khác trong sứ mệnh của Giáo hội”.

Sau đó Đức Hồng Y Hollerich giải thích quan niệm của ngài về sứ mệnh của Giáo hội.

Ngài nói: “Sứ mệnh của Giáo hội là loan báo Tin Mừng, bắt đầu từ việc rao giảng Tin Mừng. Sứ mệnh của Giáo hội gắn liền với sự cam kết đối với hệ sinh thái toàn diện, cuộc đấu tranh cho công lý và hòa bình, ưu tiên lựa chọn người nghèo và những vùng ngoại vi, và sự sẵn sàng cởi mở để gặp gỡ tất cả mọi người”.

Vị giáo phẩm kêu gọi sự cởi mở hơn nữa đối với các đặc sủng của phụ nữ và những người không được thụ phong:

“Phép rửa của phụ nữ không thua kém phép rửa của nam giới. Làm thế nào chúng ta có thể bảo đảm rằng phụ nữ cảm thấy họ là một phần không thể thiếu của Giáo hội truyền giáo này? Chúng ta, những người nam, có nhận thấy sự đa dạng và phong phú của các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần đã ban cho phụ nữ không?...

“Mối liên hệ giữa thừa tác vụ thụ phong và các thừa tác vụ rửa tội khác là gì? Tất cả chúng ta đều biết hình ảnh thân xác được Thánh Phaolô sử dụng. Chúng ta có sẵn sàng chấp nhận rằng tất cả các bộ phận của cơ thể đều quan trọng không?”

Ngài nói thêm:

“Đây chính là lúc mỗi người được kêu gọi tạm gác quan điểm, suy nghĩ của mình sang một bên để chú ý đến sự cộng hưởng mà việc lắng nghe người khác khơi dậy trong họ. Đó không phải là sự kéo dài của vòng đầu tiên, mà là cơ hội để mở ra một điều gì đó mới, điều mà có thể chúng ta chưa bao giờ nghĩ tới theo cách đó. Đây là món quà mà Chúa Thánh Thần dành sẵn cho mỗi người chúng ta”.

Các diễn giả khác

Sau đó, những người tham gia Thượng Hội đồng đã nghe nhập lượng thiêng liêng từ Mẹ Maria Ignazia Angelini, OSB; nhập lượng thần học từ Cha Carlos Maria Galli, Trưởng khoa Thần học tại Đại học Công Giáo Á Căn Đình; và các chứng từ của Nữ tu Gloria Liliana Franco Echeverri, của Ông José Manuel De Urquidi Gonzalez và Nữ tu Xiskya Lucia Valladares Paguaga; và từ Đức Hồng Y Stephen Ameyu Martin Mulla của Juba (Nam Sudan).

Suy tư của Mẹ Angelini về phụ nữ và sứ mệnh thật đáng chú ý vì lối giải thích mới lạ về Kinh Thánh. Mẹ nói:

Và vì vậy, Giáo hội đến Châu Âu, và thực hiện điều đó theo một hình thức mới, đáng ngạc nhiên: bắt đầu từ vùng ngoại ô, từ bờ sông, ngay bên ngoài một thành phố La Mã giàu có. Phụ nữ đã tụ tập ở đó để cầu nguyện.” Điều lạ là Thánh Phaolô đã được chào đón bằng một phụng vụ ngoài nghi lễ, giữa những người phụ nữ, ở ngoài trời. Thánh Tông đồ không bắt đầu ở đây, như thường lệ, trong hội đường (có lẽ không có hội đường nào ở Philíppi, thuộc địa của La Mã). Ngài tự lồng mình vào một phụng vụ nữ “không mang tính nghi lễ”, đưa vào đó lời lẽ của Tin Mừng. Giống như vào buổi sáng Phục sinh, điểm bắt đầu hay ngưỡng cửa này cũng không có đàn ông.

Khi thảo luận về sự trở lại của Lydia, Thánh Luca, tác giả nhân loại của Công vụ Tông đồ, không khẳng định Lydia và những người phụ nữ khác tham gia một buổi cử hành phụng vụ; ngài chỉ viết rằng Thánh Phaolô đã rao giảng Tin Mừng cho những phụ nữ tụ tập lại để cầu nguyện:

“Vì vậy, khởi hành từ Troas, chúng tôi đi thẳng đến Samothrace, và ngày hôm sau đến Neapolis, rồi từ đó đến Philippi, thành phố chính của quận Macedonia và là thuộc địa của La Mã. Chúng tôi ở lại thành phố này vài ngày; và vào ngày sabát, chúng tôi ra ngoài cổng tới bờ sông, nơi mà chúng tôi cho là có nơi cầu nguyện; và chúng tôi ngồi xuống và nói chuyện với những người phụ nữ đã đến với nhau. Người nghe chúng tôi nói là một phụ nữ tên Lydia, quê ở Thyatira, chuyên bán hàng màu tía và là người thờ phượng Thiên Chúa. Chúa đã mở lòng chị để chú ý đến những gì Thánh Phaolô đã nói. Và khi chị được rửa tội, cùng với gia đình chị, chị đã cầu xin chúng tôi rằng: “Nếu các ngài xét thấy tôi trung thành với Chúa, hãy đến nhà tôi và ở lại.” Và chị đã thắng chúng tôi. (Cv 16:11-15)
 
Văn Hóa
Đức Giáo Hoàng Phanxicô với Phó tế Vĩnh viễn
Ptvv Phêrô Phạm Bá Nha
15:38 14/10/2023

Đức Giáo Hoàng PHANXICÔ
VỚI PHÓ TẾ VĨNH VIỄN

Mến tặng Đại Hội Ptvv kỳ X, Tại Florida. 8-17.8. 2023

Năm 1968, Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI tái lập chức PTVV trong Giáo Hội qua tự sắc Sacrum Diaconatus Ordinem (Thánh Chức Phó Tế). Hiện nay có 24 ngàn PTVV trong 1.000 giáo phận thuộc 130 nước trên thế giới. Ở Mỹ châu có 16 ngàn, 7. 500 tại Âu châu, 330 tại Phi châu, 160 tại Úc châu, và Á châu có 142 ptvv.

Chúng tôi hân hạnh trình bày sự quan tâm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới Phó Tế Vĩnh Viễn qua các diễn từ, huấn dụ trong các lần gặp gỡ các Phó Tế Vĩnh Viễn.

Ngày 26.12.2015, trong kinh Truyền Tin, lễ kính thánh Stéphanô Phó Tế tử đạo đầu tiên, ngỏ lời với 15 ngàn khách hành hương, ĐTC nói : Trong trình thuật hôm nay của sách TĐCV có một khía cạnh đặc biệt đưa Thánh nhân đến gần Chúa là tha thứ trước khi bị ném đá chết. Khi bị đóng đinh trên thập giá, Chúa Giêsu nói : ‘Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm’ (Lc 23, 34). Cũng vậy, Thánh Stephanô quì và kêu lớn tiếng : ‘Xin Chúa đừng chấp tội họ’ (Cv 7, 60). Vì thế, th ánh Stephano là vị tử đạo, nghĩa là chứng nhân. Vì Người làm chứng cho Chúa Kitô. Quả vậy, ai cũng cư xử như Chúa, là chứng nhân đích thực. Họ là người cầu nguyện, yêu thương, cho đi, nhất là tha thứ.

ĐTC giải thích về lợi ích của tha thứ : Như Stephanô tha thứ cho Saulô, bách hại Đạo (Cv 8, 3). Sau trở thành Phaolô, Tông Đồ dân ngoại. Có thể nói rằng, Phaolô sinh ra từ ơn thánh Chúa và từ tha thứ của Stephanô. ĐTC nhận xét : Cả chúng ta sinh ra từ sự tha thứ của Thiên Chúa trong phép Rửa tội. Mỗi lần được tha thứ là tái sinh và hồi sinh. Mỗi bước tiến đức tin đều mang dấu tích lòng thương xót Chúa. ĐTC nhìn nhận rằng tha thứ là điều rất khó khăn. Nhưng chúng ta có thể làm được. Các Phó Tế thường bắt đầu bằng kinh nguyện, phó thác, tình thương như thánh Stphanô đã làm. (Radio Vatican, 26.12.2015)

Ngày 29.5.2016. tại đền thờ thánh Phêrô, ĐGH chủ sự thánh lễ Năm Thánh LTX dành cho PTVV, giảng lễ, ĐGH nói chủ đề : “Tôi tớ Chúa Giêsu” (Gl 1,10). Hai danh từ “tông đồ và tôi tớ” gắn liền với nhau, không tách rời, như hai mặt của tấm ảnh tượng. Người loan báo Chúa Giêsu được kêu gọi phải phục vụ và kẻ phục vụ mới 1oan báo Chúa Giêsu. Bước đầu, người được mời gọi phải sẵn sàng, từ bỏ tất cả để theo thánh ý Chúa. Hiến, trao tặng đời mình, không tiếc rẻ thời gian. Trái lại, phải bỏ đi tính cách chủ chăn. Biết mở cửa đón nhận người ta vào nhà Giáo Hội. Kế đến theo kiểu mẫu Thiên Chúa “hiền lành và khiêm nhường” (x. Mt 11, 29). Thiên Chúa là tình yêu đến độ hầu hạ, kiên nhẫn, thông cảm, ân cần, niềm nở...tìm mọi cách giúp đỡ. Phó Tế phải liên lỉ đối thoại, gặp gỡ, dẫn dắt...không sợ hãi. Có thế, xứng đáng Thiên Chúa gọi chúng ta là “bạn hữu”. (Zenit, Mai Khôi dịch 29.5.2016)

Ngày 25.3.2017, ĐGH đã gặp các PT VV tại nhà thờ Milano, nhân dịp giáo phận này trong chương trình mục vụ. Huấn từ, ĐGH nói: PTVV là “bí tích phục vụ Thiên Chúa và anh em”. Các PT nhắc nhớ dân Chúa tầm vóc cốt yếu của phép Rửa chính là phục vụ. PT là người canh giữ phục vụ Giáo Hội. Đó là ơn gọi gia đình. Anh em PT đã cống hiến nhiều. Chúng ta hãy nghĩ đến sự phân định. Đừng coi PT như một nửa là linh mục, một nửa là giáo dân. PT là ơn gọi đặc biệt, ơn gọi gia đình, nhắc nhở nhờ phục vụ như ơn đặc trưng của Thiên Chúa. Người PT có thể nói là người canh giữ công việc phục vụ trong Hội Thánh. Phục vụ Lời Chúa, bàn thánh và bác ái. Và sứ vụ và sự đóng góp của thày thực chất là thế. Tất cả nhắc nhở rằng đức tin trong cách thể hiện khác nhau: phụng vụ cộng đoàn, cầu nguyện và bác ái. (Zenit, Mai Khôi dịch 25.5.2017)c

Ngày 25.9.2017. ĐGH diễn nghĩa Tin Mừng ‘Dụ ngôn người chủ vườn nho và những người làm nho (x. Mt 20, 1-16). Ngày nay không thiếu người cao niên như PTVV sẵn sàng làm vườn nho. Trong dụ ngôn này, Chúa nhắc lại hai thông điệp, hai khía cạnh về Nước Trời của Thiên Chúa:

Thông điệp thứ nhất: Thiên Chúa muốn kêu gọi mọi người làm việc cho Nước Ngài. Trong Nước Chúa, không có người thất nghiệp. Tất cả đều mời gọi làm việc.

Thông điệp khác: Ngài muốn ban ơn cho mọi người cùng một phần đền bù, ơn cứu độ, sự sống vĩnh cửu. Xuất phát từ sự công bằng thánh, không theo cách con người. Đó là ơn cứu độ mà Chúa Kitô đã đạt được cho chúng ta bằng Sự Chết và Phục Sinh của Ngài. Một ơn cứu độ vốn không đạt do công trạng, mà được trao ban, mà “kẻ sau hết nên trước hết, kẻ trước hết sẽ về sau hết”(Mt 20, 16).

Với dụ ngôn này, Chúa muốn mở lòng chúng ta cho luân lý tình yêu của Thiên Chúa, vốn tự do và đại lượng. Nhìn ngắm cái nhìn của ông chủ, mà người làm nho đang chờ việc, được gọi đi. Cái nhìn đầy tình thương, mời gọi đứng lên, lên đường. Vì Ngài muốn chúng ta có đời sống tràn đầy và dấn thân, giải thoát khỏi trống rộng và lười biếng. Thiên Chúa không muốn loại trừ bất cứ ai và muốn mỗi người đạt tới viên mãn, đầy tình yêu của Ngài. (Vietcatholique 25.9.2017)

Ngày 22.7.2018, Đại hội toàn quốc Hoa Kỳ tại New Orleans, Louisiana, Đức TGM Christophe Pierre, người Pháp, Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ ca ngợi hoạt động của PTVV và đặc biệt kêu gọi các thày cùng toàn thể GH dấn thân hơn nữa phục vụ hôn nhân và gia đình. Tham dự Đại hội gồm 1.300 PT và phu nhân và con cháu, tổng cộng 2.800 người.

Đức Sứ Thần đã bày tỏ ngưỡng mộ trước sự đông đảo PTVV và phu nhân có mặt và cho biết qua các lần thăm viếng ở Mỹ, ngài chứng kiến sự phục vụ quảng đại của các thày dành cho GH trong nhiều lãnh vực. Ngài nhắc lại lời Thánh GH Gioan Phaolô II: việc phục vụ của các PT có căn tính nơi loan báo TM và chăm sóc tha nhân, chứ không phải công việc văn phòng. Đức TGM cũng nhắc đến nhận xét của ĐGH Phanxicô khi định nghĩa các “PT VV là những người tiên phong của nền văn minh tình thương”. Và nói thêm rằng, GH như một tập thể, cần làm hơn nữa để chuẩn bị cho các cặp sắp kết hôn và làm cho hôn nhân phong phú. Chúng ta cần đầu tư hơn nữa vảo chuẩn bị hôn nhân. (RV, Crux, 25.7.2018)

Ngày 7.5.2020, trong Video của ĐGH cho tháng Năm, ĐTC yêu cầu chúng ta cầu nguyện cho PTVV luôn được trung thành phục vụ Lời Chúa và người nghèo để có thể là “biểu tượng tăng sinh lực cho toàn Giáo Hội”. ĐTC trình bày “PT được chia sẻ sứ vụ và ân sủng Chúa Kitô một cách đặc biệt qua Bí Tích Truyền Chức ghi trên họ một dấu ấn không thể xóa bỏ làm cho họ được đồng hành hình dạng với Chúa Kitô. Đấng tự hiến mình thành “phó tế’ hay tôi tớ mọi người”. Theo ĐTC, họ được thánh hiến để phục vụ người nghèo, những người mang trong mình khuôn mặt Chúa Kitô đau khổ. Ít ai biết rằng các PTVV cũng sống theo đặc sủng và ơn gọi phục vụ tha nhân, đã kết hôn và sống “ơn gọi của họ trong gia đình họ”

Trong điểm 104 tài liệu của Thượng HĐGM Amazon, ĐTC nói mạnh mẽ: Ngày nay, mục vụ PT cũng phải cổ võ hễ sinh thái toàn vẹn, phát triển con người, việc mục vụ xã hội và phục vụ những người trong tinh huống dễ bị tổn thương và nghèo đói, mô phỏng Chúa Kitô Tôi Tớ và trở thành một GH thương xót, nhân hậu, liên đới và phục vụ. (Vietcatholique 7.5.2020)

Ngoài ra, lời phát biểu của thày Phó Tế Francesco Mattiocco, tại buổi gặp 250 PTVV tại Vương Cung Thánh Đường Lorenzo, vùng Lazio, Ý, với chủ đề : ‘Thừa tác vụ Phó Tế giữa lịch sử và thời gian của công cuộc Tái Truyền Giáo Tin Mừng’. Hiện diện tại buổi gặp gỡ có ĐC Lino Fumagalli, giám mục của Viterbo, Chủ tịch UB khu Lazio, ĐC Gianpiero Palmieri, Gm Phụ tá Roma, đặc trách PTVV.

Thày Francesco chịu chức Phó Tế được 30 năm là phối trí viên buổi hội. Người đã đào tạo hai thế hệ PTVV, Thày Francesco khẳng định : Cần bắt đầu đối diện với kinh nghiệm về ơn gọi PTVV sau 50 năm, được bàn thảo trong công đồng Vatican II. Trước đây đã bị mai một. Thày nhấn mạnh vai trò PT trong phụng vụ, hoạt động giáo lý, thúc đẩy bác ái. Phó Tế không là cha Phó cũng không phải siêu nhân. Phó Tế có khuôn mặt riêng và tự trị. Đức Giám Mục có hai cánh tay : linh mục và phó tế. Phó Tế được đào tạo hướng dẫn bác ái, không chỉ hòa mình trong xã hội, hành sử giáo lý, mà còn theo nhu cầu

Trong video của ĐTC cho tháng Năm, 2020, Đức Thánh Cha yêu cầu chúng ta cầu nguyện cho các phó tế luôn là “một biểu tượng tăng sinh lực cho toàn Giáo hội”.

Ý cầu nguyện của ĐTC Phanxicô cho tháng Năm - được trình bày trong video mới của ĐTC - là: “phó tế, người bảo vệ tinh thần phục vụ trong Giáo hội và bảo vệ việc canh tân hoạt động tông đồ trong thế giới hôm nay.” ĐTC Phanxicô khuyên chúng ta cầu nguyện cho họ, để họ có thể là “một biểu tượng tăng sinh lực cho toàn Giáo hội”.

Chức vụ giáo sĩ - chức vụ của những người được hiến thánh để phục vụ Giáo hội, bao gồm ba cấp độ của Bí tích Truyền Chức Thánh: giám mục, linh mục, và phó tế.

“Phó tế được chia sẻ sứ vụ và ân sủng của Chúa Kitô một cách đặc biệt. Bí tích Truyền Chức Thánh ghi trên họ một dấu ấn không thể xóa bỏ và làm cho họ được đồng hình dạng với Chúa Kitô - Đấng tự biến mình thành ‘phó tế’ hay tôi tớ của tất cả mọi người.”

Họ là những thừa tác viên được phong chức và là dấu chỉ của Chúa Kitô Tôi Tớ trong lòng Giáo hội. Quả thực, từ Hy Lạp diakonía có nghĩa là phục vụ, và đây là tinh thần xác định chức năng của họ: họ trợ giúp thông qua việc phục vụ Lời Chúa, Phụng vụ và phục vụ những người nghèo nhất và thiệt thòi nhất.

Theo lời ĐTC, “Họ được hiến thánh để phục vụ người nghèo, những người mang trong mình khuôn mặt của Chúa Kitô đau khổ.”
Không phải ai cũng biết rằng các linh mục đã được phong chức phó tế để phục vụ cộng đoàn; thậm chí cũng rất ít người biết rằng các phó tế vĩnh viễn - những người cũng sống theo đặc sủng và ơn gọi phục vụ tha nhân - đã kết hôn và sống ‘ơn gọi của họ trong và với gia đình của họ’. Ngày nay, có hơn 46.000 phó tế vĩnh viễn trên toàn thế giới.

Linh mục Dòng Tên - Frédéric Fornos, Giám đốc của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của ĐTC (bao gồm Phong trào Thanh thiếu niên Thánh Thể EYM) - nhận định rằng: Chúa Giêsu, trong những giờ cuối cùng với các môn đệ, đã tỏ lộ mình là người tôi tớ của Thiên Chúa cách xuất sắc. Những lời cuối cùng của Người đã trở thành hành động khi Người rửa chân cho các môn đệ, như được ghi lại trong Tin Mừng theo Thánh Gioan. Đó là di chúc của Chúa Giêsu, Đấng được mặc khải là Người tôi tớ đau khổ (xem Is 52,13-53,12). Cả cuộc đời Người là phục vụ: phục vụ những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Đây là cách Chúa Giêsu hiểu về cuộc sống của chính mình, như Thánh Matthêu nói với chúng ta: ‘Con Người không đến để được phục vụ mà để phục vụ và trao ban sự sống của mình làm giá chuộc cho nhiều người’ (Mt 20: 17-28).

Trong Giáo hội, tất cả chúng ta nên hiện thực hóa thái độ phục vụ này. Các phó tế, biểu tượng của Chúa Kitô Tôi Tớ trong Giáo hội, nhắc nhở chúng ta về điều này. Như Đức Phanxicô nói với chúng ta, họ là biểu tượng tăng sinh lực cho toàn Giáo hội. Giáo hội cần họ.

Trong điểm 104 của Tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng giám mục Amazon, ĐTC nói mạnh mẽ, “Ngày nay, mục vụ phó tế cũng phải cổ võ hệ sinh thái toàn vẹn, phát triển con người, việc mục vụ xã hội và phục vụ những người trong tình huống dễ bị tổn thương và nghèo đói; mô phỏng theo Chúa Kitô Tôi Tớ và trở thành một Giáo hội thương xót, nhân hậu, liên đới và phục vụ.

Như lời mời gọi của ĐTC Phanxicô trong video của ĐTC, chúng ta hãy cầu nguyện rằng: Xin cho tất cả các phó tế được “trung thành phục vụ Lời Chúa và người nghèo, để có thể là biểu tượng tăng sinh lực cho toàn Giáo hội.” đời sống hàng ngày. (Osservatore Romano 7.2.2020) (Nguyệt Nguyễn chuyển ngữ từ Aleteia)

KẾT LUẬN bằng kinh nguyện đơn thành của những người được gọi làm vườn nho:
Lúc giờ mười một điểm vừa xong
Chiều đã nghiêng nhạt nắng hồng
Hãy thả hồn bay miền thanh khí
Thánh vịnh đàn ca vút thinh không

Lạy Chúa Kitô, đám thợ này
Được gọi mướn làm buổi sáng nay
Ân huệ vinh quang, lời đã hứa
Dãi dầu mưa nắng, phải đầy tay !

Chúng con vừa được Chúa gọi vào
Công sá đâu còn nghĩ thấp cao !
Chỉ xin giúp sức làm hiện tại
Rồi việc chắc Ngài sẽ thưởng sau.
(Thánh Thi, kinh chiều, thứ Sáu, tuần IV)
 
VietCatholic TV
Oanh liệt: Giữa lúc hiểm nghèo, Ukraine một cú phá tan tành đoàn tầu, cắt đứt đường tiếp tế của Nga
VietCatholic Media
02:40 14/10/2023


1. Một con tầu từ bán đảo Crimea vận chuyển quân nhu cho quân đội Nga bị nổ tung. Một đoạn đường hỏa xa cũng bị phá hủy.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Train Blown Up by Ukrainian Partisans, Cutting Supplies From Crimea”, nghĩa là “Tàu Nga bị quân du kích Ukraine cho nổ tung, cắt nguồn cung cấp từ Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine đưa tin quân du kích Ukraine đã cho nổ tung một đoàn tàu của Nga hôm thứ Sáu, gây gián đoạn việc cung cấp đạn dược và nhiên liệu cho cuộc chiến của quân đội Mạc Tư Khoa ở khu vực Zaporizhzhia.

Trung tâm này, hoạt động như một cơ quan thông tin thuộc Lực lượng Vũ trang Ukraine, cho biết như trên rằng những người ủng hộ Kyiv ở thành phố Melitopol bị Nga tạm chiếm đã phá hoại một chuyến tàu của Nga được sử dụng để chở đồ tiếp tế hàng ngày từ Crimea đến Melitopol và Dniprorudne thuộc tỉnh Zaporizhzhia. Kết quả của vụ tấn công là một vụ nổ long trời được tường trình đã làm hư hỏng một đầu máy xe lửa và 150 mét đường hỏa xa.

Vụ việc này là vụ mới nhất trong một loạt vụ tấn công trong năm nay nhằm vào các tuyến đường hỏa xa của Nga. Các hành vi phá hoại đường hỏa xa nổi tiếng khác bao gồm vụ nổ trên tuyến đường hỏa xa ở vùng Feodosia của Crimea vào tháng 6 và vụ nổ tháng 5 dẫn đến trật bánh khiến giao thông đường sắt giữa Simferopol, thủ đô của Crimea và Sevastopol bị đình trệ.

Theo Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine, vụ việc hôm thứ Sáu là vụ phá hoại thành công thứ 10 trên đường hỏa xa Nga do các du kích thực hiện ở vùng Zaporizhzhia trong năm nay.

Newsweek đã liên hệ với Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine và Bộ Quốc phòng Nga qua email để bình luận vào thứ Sáu.

Trung tâm Ukraine cho biết chuyến tàu bị tấn công hôm thứ Sáu không chỉ chở hàng tiếp tế cho quân nhân của Putin ở Zaporizhzhia mà còn chở các thiết bị hư hỏng và hàng hóa bị đánh cắp như quặng sắt, ngũ cốc và các tài sản khác từ Ukraine trở về Crimea.

Thông điệp Telegram của trung tâm cho biết quân đội Nga đã bao vây địa điểm xảy ra vụ tấn công sau vụ nổ nhằm nỗ lực che giấu thiệt hại của vụ phá hoại, và đồng thời truy tìm những du kích quân đứng sau vụ tấn công.

Trung tâm Kháng chiến Quốc gia Ukraine cho biết các du kích quân tham gia vụ tấn công đều an toàn và họ hứa sẽ thực hiện nhiều hành động phá hoại hơn trong tương lai.

Các phe phái Ukraine được cho là đã thực hiện các cuộc tấn công quan trọng trong suốt cuộc chiến mà Putin phát động vào tháng 2 năm 2022. Vào tháng 8 năm 2022, The Washington Post đưa tin các phe phái có khả năng đứng sau một cuộc tấn công vào căn cứ không quân Saky của Nga ở Crimea, gây ra ít nhất 12 vụ nổ tại cơ sở này.

Những người ủng hộ Ukraine ở Nga cũng nhận trách nhiệm về một làn sóng tấn công ở các khu vực biên giới của Nga, bao gồm một số vụ ở Belgorod.

Vào cuối tháng 7, các du kích quân cũng được cho là đứng sau vụ đầu độc hàng loạt trong lễ kỷ niệm của quân đội Nga tại thành phố Mariupol bị tạm chiếm. Theo một quan chức Ukraine, hai sĩ quan Nga đã thiệt mạng và 15 binh sĩ khác phải vào bệnh viện sau khi quân du kích đầu độc lực lượng Điện Cẩm Linh khi họ kỷ niệm Ngày Hải quân, một ngày lễ quốc gia nổi tiếng ở Nga nhằm tôn vinh các thành viên của lực lượng hải quân nước này.

2. Người Nga 'bị nghiền nát' ở Avdiivka

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Sáu 13 Tháng Mười, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết người Nga đang 'bị nghiền nát' ở Avdiivka. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng tình hình là rất căng thẳng.

Hôm thứ Ba 10 tháng 10, từ tờ mờ sáng, quân Nga đã ồ ạt tấn công vào Avdiivka. Lực lượng của họ bao gồm ba tiểu đoàn Dù thiện chiến thuộc Lữ Đoàn Dù 76, và Trung Đoàn 39 Súng Trường Cơ Giới đã tiến đánh Avdiivka đang được Lữ Đoàn 72 Cơ Giới Hóa và một tiểu đoàn Địa Phương Quân của Ukraine phòng thủ. Cuối ngày thứ Ba, các cảnh quay cho thấy một bãi chiến trường thê lương trông rất dễ sợ: 820 lính Nga nằm chết trên những cánh đồng, bên cạnh 91 xe thiết giáp và 34 xe tăng bị cháy rụi. Tàn quân của Trung Đoàn 39 Súng Trường Cơ Giới còn lại chưa đến một tiểu đoàn.

Ngày hôm sau, ngày thứ Tư 11 tháng 10, họ lại bổ sung thêm quân của cái gọi là Cộng hòa Nhân Dân Donetsk và quay trở lại. Các chiến xa xung trận theo chiến thuật biển người quyết tâm tràn ngập Avdiivka. Kết quả là thêm 42 xe tăng và 44 xe thiết giáp bị bắn cháy và 990 quân Nga tử trận.

Quân Nga lại quay trở lại vào sáng hôm Thứ Năm, 12 tháng 10.Kết quả là 1030 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng với 26 xe tăng, 49 xe thiết giáp, và 44 hệ thống pháo.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Maps Show Territory Won, Lost As Russians 'Pulverized' in Avdiivka”, nghĩa là “Bản đồ Ukraine cho thấy những lãnh thổ đã thắng, bị mất khi người Nga 'bị nghiền nát' ở Avdiivka.”

Các cuộc đụng độ dữ dội đang diễn ra trong trận chiến giành Avdiivka ở khu vực Donetsk phía đông Ukraine, khi Mạc Tư Khoa đẩy mạnh cuộc tấn công được một quan chức mô tả là lớn nhất vào thị trấn tiền tuyến phía đông.

Các bản đồ mới nhất do Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, công bố cho thấy những phần lãnh thổ được hai bên giành và mất khi Nga nỗ lực chiếm thị trấn, nơi có tầm quan trọng chiến lược và mang tính biểu tượng đối với Ukraine. Một chiến lược gia chính trị cho biết quân đội Nga đang bị “nghiền thành bột” trong khu vực.

Avdiivka, nơi có dân số trước chiến tranh ít nhất là 30.000 người, nằm cách Bakhmut khoảng 90 km về phía nam và ngay ở phía bắc của Donetsk bị Nga tạm chiếm. Nơi đây trở thành mục tiêu xâm lược của Nga kể từ năm 2014, khi Vladimir Putin sáp nhập trái phép bán đảo phía nam Crimea của Ukraine và phe ly khai thân Nga ở khu vực phía đông Donetsk và Luhansk bắt đầu xung đột với lực lượng của Kyiv.

ISW cho biết các lực lượng Nga có thể đã phát động một nỗ lực tấn công đáng kể và liên tục xung quanh Avdiivka, tỉnh Donetsk vào ngày 10/10.

“Các trận chiến xung quanh thành phố không hề giảm bớt; Cuộc pháo kích không giảm bớt cả vào các vị trí xung quanh và chính thành phố”, nhà lãnh đạo chính quyền quân sự địa phương ở Avdiivka, Vitaliy Barabash, cho biết trên truyền hình quốc gia, đồng thời cho biết thêm rằng “hai chục hỏa tiễn” đã tấn công khu vực hôm thứ Tư.

Barabash nói: “Có người chết, bị thương và có người dưới đống đổ nát.”

Radu Hossu, một chiến lược gia chính trị đăng bài về cuộc chiến ở Ukraine trên X, trước đây gọi là Twitter, cho biết trong một bản tóm tắt về cuộc tấn công ở Avdiivka rằng hàng trăm lính bộ binh Nga đang bị pháo binh Ukraine “nghiền nát”.

Hossu viết: “Thật khó tin và gần như không thể tưởng tượng được cách người Nga coi thường quân đội của họ, tấn công hoàn toàn vô tổ chức và vô nghĩa trong nỗ lực bao vây thị trấn pháo đài ở rìa Donetsk”.

ISW đánh giá tính đến thứ Năm, các lực lượng của Mạc Tư Khoa vẫn chưa đạt được bất kỳ bước đột phá nào gần Avdiivka và tình thế này còn lâu mới cắt đứt được lực lượng Ukraine trong thành phố.

Viện nghiên cứu cho biết các lực lượng Nga có thể đã chiếm được khoảng 4,52 km2 lãnh thổ từ các hướng khác nhau xung quanh Avdiivka kể từ ngày 10 tháng 10 và các lực lượng Nga chỉ cách chiến tuyến của Ukraine hơn 3 km và chỉ cách Avdiivka hơn 5 km về phía bắc..

ISW cho biết: “Những tuyên bố của Nga về những tiến bộ vượt xa những khoảng cách này có thể đã bị cường điệu hóa”.

Barabash cho biết cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa vào Avdiivka bắt đầu từ ngày 10 tháng 10 là “có lẽ là cuộc tấn công lớn nhất của Nga vào thành phố” kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Nhà lãnh đạo cơ quan quản lý quân sự cho biết, các lực lượng của Mạc Tư Khoa đang “cố gắng tấn công theo nhiều hướng - 10-12 hướng cùng lúc và điều này với sự hỗ trợ của Không Quân”.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine hôm thứ Tư báo cáo rằng một nhóm gồm ba tiểu đoàn Nga với sự hỗ trợ của xe tăng và xe thiết giáp đã tăng cường các hoạt động tấn công gần Avdiivka.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trên mạng xã hội hôm thứ Năm rằng Kyiv đang đứng vững trong thị trấn.

“Chính lòng dũng cảm và sự đoàn kết của Ukraine sẽ quyết định cuộc chiến này sẽ kết thúc như thế nào”, ông Zelenskiy nói.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.

3. Mỹ cáo buộc Triều Tiên cung cấp thiết bị quân sự cho Nga

Mỹ tuyên bố Triều Tiên đã chuyển hơn 1.000 container thiết bị quân sự và đạn dược cho Nga để phục vụ cuộc chiến ở Ukraine.

Suy đoán về khả năng Triều Tiên có kế hoạch nạp đầy kho đạn dược của Nga đã cạn kiệt trong cuộc chiến kéo dài với Ukraine đã bùng lên vào tháng trước, khi nhà lãnh đạo nước này, Kim Chính Ân tới Nga để gặp Vladimir Putin và thăm các địa điểm quân sự quan trọng, AP đưa tin.

Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết Mỹ tin rằng ông Kim đang tìm kiếm các công nghệ vũ khí phức tạp của Nga để đổi lấy đạn dược nhằm thúc đẩy chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Diễn biến này xảy ra sau khi Triều Tiên lên án chuyến thăm của một Hàng Không Mẫu Hạm Mỹ tới Hàn Quốc hôm thứ Sáu, và gọi đây là một hành động khiêu khích có thể mang đến “những tình huống thảm khốc, không thể thay đổi được”.

Tàu Ronald Reagan chạy bằng năng lượng hạt nhân và nhóm tấn công của nó đã đến cảng Busan của Hàn Quốc hôm thứ Năm trong chuyến thăm 5 ngày sau cuộc tập trận chung ở vùng biển gần đó.

4. Tại sao nỗ lực chiếm 'Pháo đài' Avdiivka của Nga khó thành công

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Bẩy 14 Tháng Mười, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov đã đưa ra các con số thống kê về mức độ tổn thất của người Nga tại Avdiivka. Hôm thứ Ba 10 Tháng Mười, quân xâm lược Nga mất 91 xe thiết giáp, và 34 xe tăng. Hôm Thứ Tư, quân đội của Putin mất 42 xe tăng và 44 xe thiết giáp. Hôm Thứ Năm, họ mất 26 xe tăng và 49 xe thiết giáp.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Why Russia's Push to Capture Avdiivka 'Fortress' Is Unlikely to Succeed”, nghĩa là “Tại sao nỗ lực chiếm 'Pháo đài' Avdiivka của Nga khó thành công.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Vào sáng sớm ngày 10 tháng 10, lực lượng Nga đã tung ra một đợt pháo kích kéo dài vào Avdiivka, một thị trấn pháo đài của Ukraine cách Donetsk bị Nga tạm chiếm chưa đầy 10 dặm về phía bắc.

Đến chiều thứ Ba, các xe thiết giáp và bộ binh của Nga được cho là đang tiến vào các ngôi làng phía nam khu định cư.

Tuy nhiên, theo tất cả các dấu chỉ, cuộc tấn công của Nga khó có thể thành công trong việc chiếm Avdiivka từ tay quân đội Ukraine, những người đã củng cố khu vực giống như pháo đài kể từ khi đánh đuổi phe ly khai được Nga hậu thuẫn đã xâm lược nó trong thời gian ngắn vào mùa xuân và mùa hè năm 2014.

Trong khi cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2 năm 2022 đã chứng kiến những vùng lãnh thổ đáng kể được đổi chủ ở phía bắc, phía nam và phía đông Ukraine, thì các chiến tuyến xung quanh Avdiivka phần lớn vẫn tĩnh lặng — ngay cả khi giao tranh dữ dội đã làm giảm dân số địa phương từ hơn 30.000 người trước chiến tranh xuống dưới 2.000 như ngày nay.

Theo báo cáo và phân tích tình báo nguồn mở của Ukraine, nỗ lực bao vây thị trấn nhỏ bé vẫn chưa có chút thành công này đã được chứng minh là một trong những cuộc tấn công tốn kém nhất của Nga cho đến nay, với lực lượng của Putin phải chịu thương vong nặng nề, bao gồm hàng chục xe tăng và xe thiết giáp bị phá hủy mỗi ngày.

Tuy nhiên, cuộc tấn công vào Avdiivka có thể không thể hiện nỗ lực chinh phục lãnh thổ, việc Nga thúc đẩy hướng Avdiivka có thể có một mục tiêu khác.

Trong báo cáo ngày 11 tháng 10, Viện Nghiên cứu Chiến tranh đã mô tả cuộc tấn công của Nga là một “hành động khắc phục,” cụ thể là nhằm ngăn chặn các đơn vị Ukraine “tái triển khai sang các khu vực khác của mặt trận”.

Vào thời điểm khi các nỗ lực phản công của Kyiv theo hướng thành phố Melitopol phía nam dường như đã bị đình trệ, và với mùa bùn mùa thu sắp đến cùng với lượng mưa lớn tiếp theo, bất kỳ hành động nào ngăn cản quân tiếp viện tiềm năng của Ukraine tái triển khai ở phía nam đều có thể có lợi cho Nga, bất chấp tổn thất nặng nề mà lực lượng của nước này được tường trình phải gánh chịu trong chiến dịch.

Đối với Kyiv, vẫn còn hy vọng rằng quân đội Ukraine có thể thành công trong việc chiến đấu để tiến tới Tokmak trước khi vùng đất này trở nên không thể vượt qua. Cái lạnh mùa đông cũng có thể mở ra những làn đường tấn công mới băng qua sông Dnipro ở phía bắc nơi từng là đập Kakhovka. Kyiv cũng hy vọng rằng các cuộc tấn công bằng pháo binh và máy bay không người lái của Ukraine sẽ ngăn cản các kỹ sư Nga đặt thêm một lớp bãi mìn nữa trước các vị trí phòng thủ của nước này ở phía nam.

Nhưng cuộc giao tranh xung quanh Avdiivka có thể đang giúp Nga có thêm thời gian để củng cố những vùng lãnh thổ rộng lớn mà nước này vẫn chiếm giữ. Nga có thể không cần phải chiếm Avdiivka, không cần cuộc tấn công cục bộ của mình thành công.

Cựu quân đội số hai thế giới có thể không chiếm được một thị trấn khai thác than đã bị tàn phá, nhưng trong nỗ lực kéo dài chiến tranh càng lâu càng tốt, Mạc Tư Khoa chỉ cần bảo đảm rằng việc nắm giữ Tokmak vẫn vững chắc.

5. Cựu Thủ tướng Australia cảnh giác Mỹ đừng rời mắt khỏi Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh ở Israel và Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Israel, Ukraine Won't Distract U.S. From China: Australia's Ex-PM”, nghĩa là “Cựu Thủ tướng Australia nhận định rằng cuộc chiến ở Israel, và Ukraine sẽ không làm Mỹ mất tập trung khỏi Trung Quốc.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Cựu thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư rằng Mỹ và các đồng minh có thể và nên tiếp tục tập trung vào các thách thức lâu dài ở Á Châu bất chấp những lo ngại về an ninh ở Âu Châu và Trung Đông.

“Trung Đông và Á Châu là những sân khấu khác nhau. Australia, cùng với Mỹ, sẽ có thể giải quyết các thách thức hiện tại ở Trung Đông”, ông Morrison nói với Newsweek bên lề Diễn đàn Ngọc Sơn (Yushan, 玉山) ở Đài Bắc. Ông nói, Trung Đông là một “vấn đề muôn thuở” với lịch sử riêng của mình.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đang trong quá trình mở rộng hỗ trợ vũ khí của Mỹ cho Israel sau các cuộc tấn công cuối tuần của Hamas, là nhóm chiến binh Palestine đang kiểm soát Dải Gaza. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ vẫn bế tắc về vòng viện trợ thứ năm cho Ukraine đang bị bao vây, quốc gia đã nhận được 113 tỷ Mỹ Kim hỗ trợ an ninh của Mỹ kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga gần 20 tháng trước.

Washington đã xác định rằng cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc là một thách thức mang tính thế hệ. Sau khi khôi phục lại vai trò trung tâm của Mỹ trong hệ thống liên minh trục và nan hoa của khu vực nhằm ngăn chặn chung bất kỳ dấu hiệu nào về chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc, chủ yếu là ở Đài Loan, Biden và phe trục của ông lần đầu tiên bị thử thách bởi cuộc khủng hoảng ở Ukraine, và bây giờ là những hứa hẹn xung đột Israel-Palestine đang leo thang.

Để thể hiện sự ủng hộ, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã được cử tới Israel và Jordan trong chuyến thăm bắt đầu vào ngày 11 tháng 10. Để thể hiện quyết tâm hơn nữa, một nhóm tàu tấn công do Hàng Không Mẫu Hạm USS Gerald R. Ford dẫn đầu đã đến Đông Địa Trung Hải. Bộ Tư lệnh Trung tâm của Ngũ Giác Đài cho biết hôm thứ Ba và cho biết động thái này là “để ngăn chặn bất kỳ tác nhân nào đang tìm cách leo thang tình hình hoặc mở rộng cuộc chiến này”.

Viễn cảnh về những trách nhiệm xa hơn ngoài Á Châu đã đặt ra câu hỏi về khả năng của Mỹ trong việc chống lại nhiều đám cháy cùng một lúc. Nhưng Morrison cho biết sự hỗ trợ của Mỹ và đồng minh dành cho Ukraine và bây giờ là Israel sẽ không làm giảm các cam kết của họ ở Á Châu.

“Úc, chắc chắn dưới thời tôi làm thủ tướng, đã bảo đảm rằng không bao giờ mất tập trung vào các thách thức ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chúng tôi là một trong những người đầu tiên và ủng hộ nỗ lực của Ukraine khi được mời, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi mất tập trung dù chỉ một giây về những gì đang diễn ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, ông Morrison nói.

Ông nói: “Úc và Mỹ không chỉ có thể mà còn phải quản lý cho được tình hình ở Ukraine và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Morrison, người giữ chức Thủ tướng Úc cho đến tháng 5 năm 2022, lập luận rằng giải pháp ở khu vực này sẽ được chuyển sang khu vực khác “khi gửi thông điệp đến các chế độ độc tài và chuyên chế khác”.

Bất chấp những lo ngại về khả năng cam kết quá mức ở một nơi cụ thể trên thế giới, các nhà hoạch định chính sách ở Washington có thể nhận thức sâu sắc về lợi ích lâu dài của Mỹ nằm ở đâu.

“Chiến lược của Mỹ được thiết kế để giải quyết các xung đột nhỏ đồng thời ở nhiều địa điểm khác nhau. Hơn nữa, cam kết của họ ở Ukraine phần lớn chỉ giới hạn ở việc chuyển giao vũ khí”, Yoichiro Sato, giáo sư tại Đại học Ritsumeikan Á Châu Thái Bình Dương của Nhật Bản, cho biết.

Sato, người trước đây đã giảng dạy cho các sĩ quan và nhà ngoại giao Mỹ tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Á Châu-Thái Bình Dương, một viện của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ ở Honolulu, cho biết một phản ứng tiềm tàng trong tương lai ở eo biển Đài Loan sẽ yêu cầu các loại vũ khí và nền tảng khác của Mỹ so với những vũ khí được chuyển đến Ukraine và Israel.

Sato nói với Newsweek: “Một cuộc khủng hoảng ở Đài Loan sẽ liên quan đến một loạt vấn đề khác, đáng chú ý nhất là khoảng cách về lực lượng hỏa tiễn tầm trung, trong đó Trung Quốc có lợi thế vượt trội vì trước đây không có bất kỳ thỏa thuận kiểm soát vũ khí nào”.

Ông tin rằng Mỹ sẽ không cần phải can dự sâu vào Trung Đông.

“ Các mối đe dọa hạn chế mà Hamas đặt ra cho Israel phần lớn có thể được giải quyết bởi lực lượng Israel. Vai trò của Mỹ chủ yếu là răn đe các quốc gia khác trong khu vực, như Syria, vốn có thể cố gắng lợi dụng tình hình”, ông Sato nói.

Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đã không trả lời yêu cầu bình luận của Newsweek trước khi xuất bản.

6. Bất chấp sự hỗn loạn của Washington, người Mỹ vẫn muốn hỗ trợ Ukraine

Ivo Daalder, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại NATO, là Giám đốc điều hành của Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago và là người dẫn chương trình podcast hàng tuần “World Review with Ivo Daalder”.

Ông vừa có một bài nhận định trên tờ Politico có trụ sở ở Washington DC với nhan đề “Despite Washington chaos, Americans still want to support Ukraine”, nghĩa là “Bất chấp sự hỗn loạn của Washington, người Mỹ vẫn muốn hỗ trợ Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Âu Châu lo ngại rằng Hoa Kỳ sẽ không còn hỗ trợ quân sự cho Ukraine nữa - và Âu Châu không đơn độc. Trong chuyến thăm bất ngờ tới trụ sở NATO vào đầu tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy cũng bày tỏ quan ngại tương tự.

Lý do trước mắt cho điều này là vào tháng trước, Quốc hội đã không đưa nguồn tài trợ bổ sung vào một dự luật ngắn hạn để duy trì hoạt động của chính phủ Hoa Kỳ. Nhưng điều đáng lo ngại hơn là tình trạng rối loạn chính trị của nước Mỹ đã đạt đến điểm mà mọi thứ dường như đều có thể xảy ra - ngay cả việc cựu Tổng thống Donald Trump trở lại chức tổng thống.

Có rất nhiều tài liệu để biện minh cho những nỗi sợ hãi này. Bất chấp những rắc rối pháp lý, Tổng thống Trump vẫn là người dẫn đầu trong cuộc đua giành đề cử tổng thống cho Đảng Cộng hòa. Hạ viện đã bỏ phiếu phế truất Chủ tịch lần đầu tiên trong lịch sử gần 250 năm của mình. Và mặc dù chính phủ vẫn hoạt động trong thời gian ngắn nhưng vẫn chưa có thỏa thuận nào về việc tài trợ cho 11 tháng còn lại của năm tài chính.

Sự hỗn loạn ở Washington là có thật. Nhưng như cố lãnh đạo thời chiến của Anh, Winston Churchill từng nói, có lý do chính đáng để tin rằng người Mỹ một lần nữa sẽ làm điều đúng đắn - sau khi họ đã thử mọi cách khác. Và điều đó đặc biệt đúng khi nói đến hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Hiện tại có sự ủng hộ áp đảo của lưỡng đảng dành cho Ukraine tại Quốc hội Hoa Kỳ. Hầu như mọi đảng viên Đảng Dân chủ - từ phe tiến bộ nhất tại Hạ viện đến phe bảo thủ nhất tại Thượng viện - đều ủng hộ hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Và đại đa số các thành viên Đảng Cộng hòa tại Thượng viện - hơn 40 người trong số họ - đã liên tục bỏ phiếu ủng hộ chi tiêu cho Ukraine nhiều hơn mức mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden yêu cầu. Điều này cũng đúng với hầu hết các thành viên Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, mặc dù số lượng của họ đã giảm sau mỗi cuộc bỏ phiếu.

Điều quan trọng không kém là thực tế rằng trái ngược với niềm tin phổ biến rằng công chúng Mỹ đang phải chịu đựng sự mệt mỏi về cuộc chiến Ukraine và ngày càng quay lưng lại với cuộc chiến, sự ủng hộ vẫn kiên định.

Một cuộc khảo sát mới do Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu thực hiện cho thấy gần 2/3 số người được hỏi (63%) ủng hộ gửi thêm vũ khí và trang bị quân sự cho Ukraine và 61% ủng hộ cung cấp hỗ trợ kinh tế.

Đó không phải là sự xói mòn trong sự ủng hộ của công chúng. Trên thực tế, sự ủng hộ dành cho hỗ trợ quân sự chỉ giảm 2 điểm phần trăm kể từ tháng 11 năm ngoái (trong giới hạn sai số) và sự ủng hộ dành cho viện trợ kinh tế chỉ giảm 5 điểm.

Người Mỹ cũng vẫn rõ ràng về mục tiêu của sự hỗ trợ này. Với tỷ lệ 3 trên 2, những người được hỏi ủng hộ việc cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho Ukraine cho đến khi nước này đòi lại toàn bộ lãnh thổ của mình chứ không khuyến khích nước này đàm phán với Nga để chấm dứt xung đột.

Người Mỹ cũng không hề ảo tưởng về việc cuộc chiến này có thể kéo dài bao lâu. Theo khảo sát, chỉ 14% tin rằng nó sẽ kết thúc trong vòng một năm, số còn lại cho rằng nó sẽ tiếp tục trong hơn một năm (34%), từ hai đến năm năm (34%) hoặc năm năm trở lên (15%).

Đây không phải là bức tranh về một công chúng kiệt sức hay sự ủng hộ chính trị bị xói mòn.

Trong hoàn cảnh này, Ukraine và các đồng minh Âu Châu có thể mong đợi điều gì khi nhận được viện trợ quân sự mới cho cuộc chiến? Các quỹ hỗ trợ hiện tại của Hoa Kỳ đang cạn kiệt nhanh chóng - chỉ còn lại hơn 5 tỷ Mỹ Kim từ các khoản phân bổ trước đó - điều đó có nghĩa là cần phải có một cuộc bỏ phiếu về việc cấp thêm tài trợ trong vài tuần tới.

Hiện nay, Quốc hội chỉ bỏ phiếu cấp vốn cho chính phủ cho đến giữa tháng 11. Điều này có nghĩa là một thỏa thuận về chi tiêu tổng thể của chính phủ sẽ cần phải đạt được từ bây giờ đến lúc đó, và mặc dù các đảng viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa ở Thượng viện sẵn sàng cắt nguồn tài trợ cho Ukraine để tránh việc chính phủ đóng cửa vào tuần trước, nhưng họ khó có thể làm như vậy một lần nữa.

Hy vọng tốt nhất hiện nay là về một gói tài trợ đáng kể - Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Lindsey Graham đã đề xuất 60 tỷ Mỹ Kim - sẽ chi trả cho viện trợ quân sự cho đến cuộc bầu cử năm 2024 và công chúng ủng hộ điều này.

Câu hỏi lớn là liệu Hạ viện có lắng nghe hay không.

7. Ngoại trưởng Hoa Kỳ trấn an Ukraine về các khoản viện trợ

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã thảo luận về hỗ trợ ngoại giao, quân sự và tài chính cho Ukraine cũng như hậu quả của cuộc tấn công của Hamas vào Israel đối với an ninh toàn cầu.

“Trong cuộc gọi của chúng tôi, Bộ trưởng Blinken tái khẳng định: Mỹ vẫn tập trung vào việc giúp Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga. Hỗ trợ ngoại giao, quân sự và tài chính sẽ kéo dài. Cả hai chúng tôi đều lên án cuộc tấn công của Hamas vào Israel, thảo luận về động lực và tác động của cuộc xung đột đối với an ninh toàn cầu”, Ngoại trưởng Kuleba nói.

Như đã đưa tin trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bảo đảm rằng Mỹ có ý định sát cánh cùng Israel trong cuộc chiến chống Hamas đồng thời tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga.

8. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh nhận định rằng Nga đang ngưng các không kích để bổ sung kho hỏa tiễn, chuẩn bị cho mùa Đông.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Máy bay Không Quân tầm xa, gọi tắt là LRA, của Không quân Nga đã không tiến hành tấn công Ukraine kể từ ngày 21 tháng 9 năm 2023, khoảng thời gian 21 ngày.

Mặc dù những lần NGƯNG KHÔNG tấn công như vậy không phải là bất thường, lần NGƯNG KHÔNG tấn công tương tự gần đây nhất xảy ra trong khoảng thời gian từ ngày 9 tháng 3 đến ngày 28 tháng 4 năm 2023, khoảng thời gian 51 ngày.

Trong trường hợp đó, có khả năng LRA gần như đã cạn kiệt kho đạn hỏa tiễn AS-23 có khả năng là vì các hoạt động sau chiến dịch mùa đông nhằm vào cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng của Ukraine.

Lần này, có khả năng LRA của Nga đang bảo toàn kho hỏa tiễn AS-23 hiện có cũng như sử dụng thời gian tạm dừng này để tăng lượng dự trữ có thể sử dụng được nhằm đề phòng các cuộc tấn công nặng nề hơn nữa vào Ukraine trong mùa đông tới.

Gần đây, Nga đã tập trung các cuộc không kích nhằm vào các cơ sở liên quan đến ngũ cốc trên khắp miền nam Ukraine, sử dụng máy bay không người lái tấn công một chiều SHAHED)

Điều này bao gồm các cuộc tấn công nhằm vào các cảng sông Danube của Ukraine, có thể đòi hỏi mức độ chính xác cao do mục tiêu ở gần biên giới Rumani.

Có khả năng Nga đã sử dụng máy bay không người lái SHAHED kamikaze tấn công các mục tiêu này vì chúng có độ chính xác cao hơn các loại hỏa tiễn phóng từ trên không khác.

9. Putin bác bỏ tuyên bố về thiệt hại bí ẩn đường ống Baltic

Vladimir Putin đã bác bỏ ý kiến cho rằng Nga đã phá hoại đường ống dẫn khí đốt giữa Phần Lan và Estonia, và gọi cáo buộc đó là “rác rưởi”. Ông cũng cho rằng những tuyên bố như vậy được đưa ra để chuyển hướng sự chú ý khỏi điều mà ông cho là một cuộc tấn công của phương Tây vào đường ống dẫn khí đốt North Stream.

Helsinki trong tuần này cho biết một đường ống dẫn khí đốt dưới biển và cáp viễn thông nối các thành viên NATO Phần Lan và Estonia dưới Biển Baltic đã bị hư hại trong một hành động có thể là một hành động có chủ ý.

Khi được các phóng viên ở Bishkek, Kyrgyzstan hỏi về những cáo buộc cho rằng Nga có thể có liên quan, ông Putin nói: “Đó hoàn toàn là chuyện nhảm nhí”. Putin cho biết, cho đến gần đây, ông thậm chí còn chưa biết đến sự tồn tại của một đường ống như vậy vì nó quá nhỏ. Ông cũng cho rằng bằng cách nào đó nó có thể đã bị neo, một loại móc nào đó hoặc một trận động đất, và đề nghị Phần Lan điều tra tiếp tục.

Putin cho rằng những gợi ý cho rằng Nga có liên quan “chỉ nhằm đánh lạc hướng sự chú ý khỏi cuộc tấn công khủng bố do phương Tây thực hiện nhằm vào đường ống dẫn khí đốt Nord Stream”.

Nga cho biết các vụ nổ trên đường ống dẫn khí đốt Nord Stream dưới biển Baltic vào tháng 9/2022 là do Mỹ và Anh thực hiện mà không đưa ra bằng chứng. Washington và Luân Đôn đã phủ nhận mọi liên quan đến điều mà họ - cùng với Thụy Điển, Đan Mạch và Đức - gọi là hành động phá hoại.
 
Huyền chức tức khắc - Lm Bí Thư của Kirill tiết lộ: Không có Kirill, Putin đã không xâm lược Ukraine
VietCatholic Media
05:03 14/10/2023


1. Linh mục cựu thư ký của Thượng Phụ Kirill bị huyền chức sau khi đưa ra tuyên bố chấn động rằng nếu không có Kirill thì không có cuộc xâm lược Ukraine

Trong một tuyên bố chấn động, Cha Cyril Hovorun nói cuộc xâm lược Ukraine là do “Giáo Hội Chính thống Nga cung cấp ý tưởng và Điện Cẩm Linh cung cấp vũ khí”.

Ngài từng là linh mục và thậm chí còn là thư ký cho Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa. Tuy nhiên, vị linh mục Chính thống giáo và giáo sư giáo hội học Cyril Hovorun đã nổi tiếng với những lời chỉ trích Điện Cẩm Linh, mối quan hệ giữa Giáo hội Chính thống Nga; và cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine. Và điều này đã gây ra hậu quả: vào cuối tháng 9, ngài bị mất chức linh mục.

“Kể từ năm 2012, tôi đã nhiều lần chỉ trích trong nhiều ấn phẩm và hội nghị khác nhau về ý thức hệ của 'thế giới Nga', tức là quyền ưu việt vô điều kiện của Nga trên lãnh thổ Liên Xô cũ. Tôi đã cố gắng cảnh báo Đức Thượng Phụ về sự nguy hiểm của ý thức hệ này nhưng ông không nghe tôi. “Để đưa ra lời cảnh báo cuối cùng cho ngài, tôi quyết định từ chức mọi chức vụ trong Thánh Công Đồng và cống hiến hết mình cho công việc học thuật ở một số quốc gia.” Vị linh mục giải thích như trên trong một cuộc phỏng vấn với Katholisch. Chỉ vài năm sau, cuộc xâm lược Donbas của Nga bắt đầu.

“Khi chiến tranh leo thang vào tháng 2 năm 2022, những lời chỉ trích của tôi cũng trở nên gay gắt hơn. Tôi đã tận mắt chứng kiến sự tàn phá, chết chóc và đau khổ mà ý thức hệ này đã mang đến cho người Ukraine. Tôi không thể giữ im lặng,” ngài nói thêm trong cuộc phỏng vấn.

Vị cựu linh mục hiện nay cho rằng “rất có thể” chiến tranh “sẽ không xảy ra nếu không có sự đóng góp về mặt ý thức hệ của Giáo hội Nga”. “Tôi thường giải thích rằng công thức của chiến tranh ở Ukraine là: ý tưởng cộng với vũ khí, theo đúng thứ tự đó. Những ý tưởng đến đầu tiên. Chúng có niên đại từ nhiều thế kỷ khi người Nga tin rằng họ có một sứ mệnh đặc biệt từ Chúa để cứu nhân loại. Khi Putin trở thành tổng thống Nga vào năm 2000, ông ấy không có những ý tưởng như vậy. Chỉ nhờ ảnh hưởng của Kyrill mà ông ta mới nghĩ ra những ý tưởng như vậy vào năm 2012. Nói cách khác, Giáo hội Chính thống Nga cung cấp ý tưởng và Điện Cẩm Linh cung cấp vũ khí. Kết hợp lại, họ đã khiến cuộc chiến ở Ukraine có thể xảy ra.”

Mặt khác, ngài cảnh báo rằng “đối với phần lớn những người bảo vệ Chính thống giáo Nga, cuộc chiến là thiêng liêng” và chính xác là vì điều này, “họ sẽ tiếp tục tin vào điều đó ngay cả sau thất bại của Putin”. “Đây là vấn đề của thời kỳ hậu chiến; sẽ còn tiếp tục trong tâm trí nhiều người Chính thống giáo Nga. Ngược lại, đây lại là một vấn đề đối với các nước láng giềng của Nga, những người vẫn dễ bị tổn thương trước những đợt bùng phát hành động xâm lược mới của Nga. “Xã hội Nga và Giáo hội phải thay đổi quan điểm của họ về những gì đã xảy ra, nếu không họ sẽ luôn là một phần của vấn đề.”


Source:vidanuevadigital.com

2. Giám mục Nhà tù: Việc bỏ tù những phạm nhân Anh ở các nước khác làm suy yếu nỗ lực cắt giảm tội phạm

Trả lời thông báo của Bộ trưởng Tư pháp Alex Chalk rằng các biện pháp mới sẽ cho phép Chính phủ thuê các nhà tù ở nước ngoài để làm nơi giam giữ những người phạm tội, Đức Giám Mục Richard Moth, Giám mục Trưởng các Nhà tù, cho biết động thái này có thể sẽ gây tổn hại cho các nỗ lực cải tạo và không làm giảm tỷ lệ tái phạm. “Đề xuất gần đây của Chính phủ về việc xem xét việc thuê chỗ trong các nhà tù ở nước ngoài nhằm đáp ứng sự thiếu hụt năng lực nhà tù ở nước ta là điều đáng lo ngại sâu sắc. Đây không phải là giải pháp tạm thời cho một thách thức tạm thời hay là một giải pháp thay thế có thể chấp nhận được trong chính sách tư pháp hình sự, mà là một phản ứng lạc hậu trước các vấn đề liên tục về lạm phát bản án và tình trạng quá tải trong nhà tù vẫn chưa được giải quyết và chưa được giải quyết trong một thời gian quá dài.”Mặc dù Chính phủ lưu ý rằng điều tương tự đã xảy ra ở một số ít quốc gia khác, việc chuyển người phạm tội sang một khu vực tài phán khác là sự thất bại của Chính phủ trong việc đáp ứng nhu cầu của công chúng về việc trừng phạt tội phạm một cách hiệu quả và cải tạo người phạm tội, đồng thời phản ánh kém về trách nhiệm của xã hội nói chung đối với người phạm tội.”

Đề xuất này đặc biệt đáng lo ngại vì nó có thể gây thiệt hại cho các nỗ lực phục hồi. Như Tổ chức Tư vấn và Chăm sóc Nhà tù đã lưu ý khi phản hồi thông báo này, bằng chứng cho thấy rằng những tù nhân giữ liên lạc với gia đình ít có khả năng tái phạm hơn 39%. Bất kỳ chính sách nào làm suy yếu các mối quan hệ này, chẳng hạn như bỏ tù ở nước ngoài, chỉ làm suy yếu mọi nỗ lực cắt giảm tội phạm, giảm tái phạm và khôi phục những người từng phạm tội trở lại mối quan hệ lành mạnh với cộng đồng của họ.”

“Việc thuê nhà tù ở nước ngoài là dấu hiệu cho thấy vấn đề năng lực hiện đã đến mức khủng hoảng. Đó là đỉnh điểm hoàn toàn có thể dự đoán được sau nhiều năm đầu tư không đúng mức vào các nhà tù của chúng ta, cùng với một hệ thống tư pháp đơn giản là giam giữ quá nhiều người.”


Source:CBCEW

3. Chính phủ đề xuất dự luật có thể cấm Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa hoạt động

Verkhovna Rada, hay Quốc hội Ukraine, đã ghi danh dự thảo luật cấm Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa hoạt động vào ngày 5 tháng 10. Sau khi thu thập được 226 phiếu bầu cần thiết, dự luật đã chính thức được ghi danh để xem xét.

Dự luật đề xuất nêu rõ khả năng cấm bất kỳ tổ chức tôn giáo nào liên quan đến tuyên truyền chiến tranh hoặc biện minh cho việc Nga xâm lược Ukraine.

Giáo Hội Chính thống Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, gọi tắt là UOC,đã bị cáo buộc liên kết với chính phủ Nga trong chiến tranh.

Năm ngoái, lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill, đã ủng hộ cuộc xâm lược của Putin, Radio Free Europe. “Sự hy sinh trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ rửa sạch mọi tội lỗi”, Kirill nói với những người ủng hộ Nga đang chiến đấu ở Ukraine.

Sau một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn làm hư hại nặng Nhà thờ Chúa Biến hình ở Odesa vào tháng 7, Giám Mục của Giáo phận Odesa đã viết thư cho Thượng phụ Kirill ở Mạc Tư Khoa, nói rằng “các giám mục và linh mục của ngài thánh hiến và ban phước cho xe tăng và hỏa tiễn ném bom các thành phố yên bình của chúng tôi”.

Chính phủ Ukraine đã trục xuất UOC khỏi Kyiv Pechersk Lavra và đưa ra cáo buộc chống lại các nhà lãnh đạo nhà thờ vì tội tuyên truyền ủng hộ chiến tranh.

Theo một cuộc khảo sát do Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv thực hiện, 54% người Ukraine tin rằng UOC nên bị cấm.


Source:Yahoo
 
Biến động lớn: Mỹ đưa chiến hạm vào Trung Đông. FSB sang tận Paris hành thích. Căng thẳng Israel-TQ
VietCatholic Media
15:10 14/10/2023


1. Tại sao Hoa Kỳ đưa Hàng Không Mẫu Hạm Gerald R. Ford đến Địa Trung Hải

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “What Role Will USS Gerald R. Ford Play in Israel War?”, nghĩa là “Hàng Không Mẫu Hạm Gerald R. Ford sẽ đóng vai trò gì trong Chiến tranh Israel?” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Trong khi tàu phi trường USS Gerald R. Ford sẵn sàng ở phía đông Địa Trung Hải khi mối đe dọa leo thang giao tranh ở Israel và Gaza đang rình rập, thì ngày càng có nhiều suy đoán về việc lực lượng Mỹ có thể tham gia vào cuộc xung đột như thế nào.

Quân đội Mỹ xác nhận vào đầu tuần này rằng Hàng Không Mẫu Hạm USS Gerald R. Ford đã đến phía đông Địa Trung Hải vào thứ Ba. Nó được triển khai để “ngăn chặn bất kỳ tác nhân nào tìm cách leo thang tình hình hoặc mở rộng cuộc chiến này”, Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.

Tàu USS Gerald R. Ford chạy bằng năng lượng hạt nhân, với 8 phi đội máy bay tấn công và hỗ trợ, được hộ tống bởi tàu tuần dương mang hỏa tiễn dẫn đường USS Normandy, cũng như các tàu khu trục mang hỏa tiễn dẫn đường USS Thomas Hudner, USS Carney, USS Roosevelt và USS Ramage.

Quân đội Mỹ cũng đã điều động một số chiến đấu cơ tới khu vực, bao gồm cả F-16, để “tăng cường cho các phi đội chiến đấu cơ hiện có trong miền này”.

Tướng Michael “Erik” Kurilla, Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ, cho biết trong một tuyên bố: “Sự xuất hiện của các lực lượng có năng lực cao này tới khu vực là tín hiệu răn đe mạnh mẽ nếu bất kỳ thế lực thù địch nào với Israel cân nhắc việc lợi dụng tình hình này”.

Ngay cả khi không tham gia trực tiếp, nhóm tấn công từ Hàng Không Mẫu Hạm này sẽ gửi một thông điệp để khiến bất kỳ đồng minh nào có thể có của Hamas phải suy nghĩ kỹ trước khi tham gia quân sự với nhóm Palestine. Không rõ Mỹ sẽ lựa chọn sử dụng nhóm tấn công từ Hàng Không Mẫu Hạm như thế nào trong một hoạt động do Mỹ phối hợp, điều này dường như vẫn còn xa vời.

Nhà phân tích quân sự Patrick Fox nói với Newsweek: “Phần lớn sẽ phụ thuộc vào quyết định của những người tham gia trong những ngày và tuần tới”. “Nhưng cho đến nay, có vẻ như Tổng thống đang định vị Hoa Kỳ có thể sử dụng vũ lực trong khu vực nếu điều đó được yêu cầu.”

Nếu bạo lực leo thang ở miền bắc Israel, dọc biên giới với Li Băng, Biden “sẽ có lựa chọn thực hiện lời cảnh báo của mình bằng các cuộc không kích từ nhóm không quân của Ford hoặc tài sản của Không Lực Hoa Kỳ, để hỗ trợ Lực Lượng Phòng Thủ Israel, gọi tắt là IDF,” Fox nói.

Mỹ cho biết Israel đã sử dụng đợt viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ và “điều đó sẽ tiếp tục”, phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho biết hôm thứ Tư. Kirby cho biết thêm, Mỹ đã đề nghị chia sẻ “bí quyết” của mình với quân đội Israel để bảo đảm sự trao trả an toàn cho các con tin bị Hamas bắt giữ, đồng thời cho biết thêm rằng Mỹ đã “bổ sung” kho hỏa tiễn đánh chặn của Israel từ nguồn cung cấp của Mỹ hiện có ở Israel.

Kirby nói: “Sẽ có thêm viện trợ, hỗ trợ nhiều hơn trong những ngày tới.

Ngay sau khi các chiến binh của Hamas bắt đầu cuộc tấn công trên bộ, trên không và trên biển quy mô lớn vào Israel từ thứ Bảy 7 Tháng Mười, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cho biết Hoa Kỳ sẽ “nhanh chóng cung cấp cho Lực lượng Phòng vệ Israel các thiết bị và tài nguyên bổ sung, bao gồm cả đạn dược”.

Mỹ nhanh chóng hứa sẽ thay thế nguồn cung cấp cho hệ thống phòng không Iron Dome của Israel.

Nhóm tấn công từ Hàng Không Mẫu Hạm thứ hai của Hoa Kỳ, do USS Dwight D. Eisenhower dẫn đầu, sẽ sớm rời Virginia theo những gì Kirby mô tả hôm thứ Tư là một chuyến triển khai “theo lịch trình dài” tới Địa Trung Hải. Khi đó, nhóm “sẽ có mặt nếu cần”.

Kirby cho biết chưa có quyết định vận hành cuối cùng nào được đưa ra, nhưng nó “chắc chắn sẽ là tài sản sẵn có nếu cần”.

Nhà phân tích quân sự Fox nói với Newsweek: “Nhìn chung, điều này mang lại cho Mỹ một lượng hỏa lực đáng kể trong khu vực để sử dụng nếu cần”.

2. Tòa Bạch Ốc kêu gọi đề cao cảnh giác khi người Hồi Giáo kêu gọi những Ngày Thánh Chiến

Tình hình thế giới đang chuyển biến phức tạp khi nhiều người Hồi Giáo đang kêu gọi những Ngày Thánh Chiến bắt đầu từ ngày 13 Tháng Mười. Quân đội Israel đã rải truyền đơn kêu gọi người dân Palestine di tản khỏi thành phố Gaza trước khi họ xua quân tấn công thành phố này. Diễn biến trong những ngày tới sẽ hết sức phức tạp. Anh chị em hãy đề cao cảnh giác khi đến những chỗ đông người, đặc biệt là vào các ngày Thứ Sáu.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “US Prepares for 'Day of Jihad' as White House Remains 'Vigilant'“, nghĩa là “Hoa Kỳ chuẩn bị cho 'Ngày thánh chiến' trong khi Tòa Bạch Ốc vẫn 'đề cao cảnh giác'.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Tòa Bạch Ốc thông báo rằng Hoa Kỳ đang chuẩn bị cho cái gọi là những “Ngày thánh chiến” bắt đầu từ thứ Sáu, ngày 13 tháng 10, sau khi một cựu lãnh đạo của Hamas kêu gọi cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới biểu tình ủng hộ người Palestine ở Gaza.

Hôm thứ Năm, Khaled Mashaal, cựu lãnh đạo nhóm bán quân sự Palestine cuối tuần trước đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ chưa từng có vào Israel, đã kêu gọi người Hồi giáo xuống đường để thể hiện sự tức giận của họ về những gì đang xảy ra ở Gaza.

Theo ước tính mới nhất của thông tấn xã AP, cuộc chiến giữa Israel và Hamas đã cướp đi ít nhất 2.800 sinh mạng của cả hai bên kể từ ngày 7/10.

Mashaal, người hiện đứng đầu văn phòng hải ngoại của Hamas ở Qatar, cho biết: “Chúng ta phải tiến đến các quảng trường và đường phố của thế giới Ả Rập và Hồi giáo vào ngày thứ Sáu”.

Trong một video đăng trên YouTube nhưng sau đó đã bị xóa, ông cũng kêu gọi người dân Jordan, Syria, Li Băng và Ai Cập tham gia cuộc chiến chống lại Israel.

“Các bộ lạc Jordan, những người con trai Jordan, anh chị em Jordan… Đây là khoảnh khắc của sự thật và biên giới đã gần kề với các bạn, tất cả các bạn đều biết trách nhiệm của mình,” ông ta nói.

Lời kêu gọi này đã cảnh báo các nhà lập pháp Mỹ. Dân biểu Michael McCaul của Texas, một đảng viên Đảng Cộng hòa, nói với CNN hôm thứ Năm rằng các nhà lập pháp lo lắng về mối đe dọa của “các nhóm thánh chiến” ở các quốc gia như Syria và Iraq.

Trao đổi với các phóng viên trong cuộc họp báo hôm thứ Năm, John Kirby, Điều phối viên Truyền thông Chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia ở Tòa Bạch Ốc, cho biết chính phủ “tập trung vào việc bảo đảm rằng việc chia sẻ thông tin tình báo của chúng tôi với người Israel là sắc nét và tốt nhất có thể cho các hoạt động mà họ đang tham gia.”

Trả lời câu hỏi của một phóng viên hỏi ông liệu đất nước có làm bất cứ điều gì để “củng cố” bản thân trước một mối đe dọa tiềm tàng hay không, Kirby nói: “Chắc chắn rồi. Chúng tôi liên tục liên lạc với cơ quan thực thi pháp luật địa phương…các quan chức tiểu bang và liên bang trên khắp đất nước, để bảo đảm rằng chúng ta đề cao cảnh giác nhất có thể để có thể xác định và ngăn chặn mọi mối đe dọa đối với người dân Mỹ.”

Tướng Kirby nói thêm: “Chúng tôi chắc chắn sẽ tập trung vào điều đó.”

Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đã bày tỏ lo ngại rằng những “Ngày thánh chiến” do Mashaal kêu gọi có thể dẫn đến bạo lực. Dân biểu Đảng Cộng hòa Matt Gaetz của Florida, một người ủng hộ quyền sử dụng súng, đã phản ứng trước mối đe dọa được tường trình trên X, trước đây gọi là Twitter.

“Người dân Florida phải được trang bị vũ khí—Chúng tôi sẽ không bị đe dọa,” ông nói.

Lời kêu gọi của Mashaal về những “Ngày thánh chiến” theo sau các tuyên bố của Israel đe dọa tăng cường phản ứng trước cuộc tấn công của Hamas vào thứ Bảy tuần trước bằng một cuộc tấn công trên bộ. Quân đội Israel đã thông báo cho Liên Hiệp Quốc rằng toàn bộ dân số phía bắc Gaza - hơn một triệu người - nên di chuyển đến nửa phía nam của lãnh thổ trong vòng 24 giờ khi quân đội Israel chuẩn bị “cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến”.

3. Tòa Đại Sứ Israel tại Trung Quốc báo cáo vụ tấn công nhà ngoại giao

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Israel's Embassy in China Reports Attack on Diplomat”, nghĩa là “Tòa Đại Sứ Israel tại Trung Quốc báo cáo vụ tấn công nhà ngoại giao.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một người đàn ông được cho là một nhà ngoại giao Israel đã bị thương trong một vụ tấn công bằng dao ở Bắc Kinh hôm thứ Sáu.

Một phát ngôn viên của Tòa Đại Sứ cho biết một công dân Israel làm việc tại Tòa Đại Sứ nước này ở thủ đô Trung Quốc đã bị tấn công và sau đó “được điều trị tại bệnh viện. Tình trạng ổn định,” tuyên bố cho biết.

Theo phát ngôn nhân, vụ tấn công không xảy ra trong khuôn viên Tòa Đại Sứ và hiện đang “được điều tra”.

Trong một tuyên bố sau đó vào hôm thứ Sáu, cảnh sát quận Triều Dương của Bắc Kinh cho biết một người đàn ông 50 tuổi - được xác định là một nhà ngoại giao Israel - đã bị một người đàn ông nước ngoài 53 tuổi tấn công..

Hiện chưa rõ chính xác có bao nhiêu người liên quan đến vụ việc. Bộ Ngoại giao Israel đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Newsweek trước khi xuất bản.

“Chúng tôi bị sốc trước cuộc tấn công ngày hôm nay nhằm vào một nhà ngoại giao Israel ở Bắc Kinh”, Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Nicholas Burns viết trên X, trước đây là Twitter. Ông cho biết ông đã nói chuyện với người đồng cấp Israel, Đại sứ Irit Ben-Abba và đề nghị Washington “hỗ trợ đầy đủ cho Tòa Đại Sứ Israel và cộng đồng Israel ở Trung Quốc”.

Một đoạn video dài 30 giây được cho là ghi lại vụ việc đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội ngay sau khi tin tức này được tung ra.

Đoạn video cho thấy hai người đàn ông vật lộn với nhau trên vỉa hè. Một trong số họ đâm vào người kia nhiều lần bằng thứ trông giống như một con dao khi mọi người đi ngang qua mà không phản ứng. Đoạn phim sau đó được cắt ngắn sau đó, cho thấy một trong những người đàn ông bước ra khỏi hiện trường và người còn lại tập tễnh đi về hướng ngược lại.

Đoạn video thứ hai bắt đầu được lan truyền trên X, ngay sau khi video đầu tiên được tải lên, dường như cho thấy một trong những người đàn ông bị thương, người đầy máu, được chăm sóc gần địa điểm xảy ra vụ tấn công trước khi được chuyển đến bệnh viện.

Newsweek không thể xác minh độc lập cả hai video và động cơ đằng sau vụ tấn công vẫn chưa rõ ràng.

“Một nhà ngoại giao Israel đã bị đâm hôm nay tại quận Triều Dương của Bắc Kinh. Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ không có thông tin chi tiết về động cơ của kẻ tấn công, nhưng một cựu lãnh đạo Hamas đã kêu gọi ngày 13 tháng 10 là 'ngày thịnh nộ', gây ra sự thận trọng ở nhiều quốc gia trên thế giới”, một thông báo đăng cho công dân Mỹ cho biết. ở Trung Quốc.

Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ cho biết: “Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ không biết về các mối đe dọa cụ thể đối với công dân Hoa Kỳ nhưng khuyến nghị duy trì cảnh giác đối với an ninh cá nhân”. “Hãy giữ thái độ khiêm tốn và đừng thu hút sự chú ý vào bản thân.”

Vụ tấn công xảy ra khi Israel đánh dấu ngày thứ bảy kể từ khi nhóm Hồi giáo Hamas phát động cuộc tấn công đẫm máu nhất của phiến quân Palestine trong lịch sử. Israel sau đó tấn công Dải Gaza bằng các cuộc không kích nặng nề nhất từ trước đến nay.

Theo chính quyền Israel, tính đến thứ Sáu, hơn 1.300 người đã thiệt mạng ở Israel,, trong khi các cuộc tấn công của Israel vào dải Gaza đã giết chết hơn 1.530 người, chính quyền Palestine cho biết.

Israel cho biết khoảng 1.500 chiến binh Hamas đã thiệt mạng bên trong Israel và hàng trăm người thiệt mạng ở Gaza là thành viên Hamas.

Lực lượng Phòng vệ Israel hôm thứ Sáu ra tuyên bố ra lệnh cho hơn 1 triệu người dân Gaza phải di tản trong vòng 24 giờ và tiến về phía nam. Tuyên bố cảnh báo người dân tránh xa “những kẻ khủng bố Hamas đang sử dụng các bạn làm lá chắn sống”.

Cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel đã vấp phải phản ứng trái chiều của cư dân mạng Trung Quốc.

Đầu tuần này, Tòa Đại Sứ Israel đã vô hiệu hóa các bình luận trên tài khoản của mình trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc Vi Bác sau khi một số lượng lớn các nhận xét chống Israel và chống Hoa Kỳ được đăng tải để đáp lại lời kêu gọi đoàn kết của Tòa Đại Sứ.

4. Trung Quốc tấn công nhân viên Tòa Đại Sứ Israel nhưng Đài Loan hoàn toàn ủng hộ Do Thái

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Taiwan Gives Full Backing to Israel in Contrast with China”, nghĩa là “Trái ngược với Trung Quốc, Đài Loan ủng hộ hoàn toàn Israel.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Ánh đèn từ các cửa sổ văn phòng tại tòa nhà chọc trời mang tính biểu tượng của thủ đô Đài Loan, Đài Bắc, được đi kèm với màu xanh trắng của lá cờ Israel vào tối thứ Tư để thể hiện tình đoàn kết. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đài Loan giải thích như trên với Newsweek.

Tuy nhiên, bên kia eo biển Đài Loan, chính thức thì Trung Quốc cho đến nay vẫn tránh đứng về phía nào trong cuộc xung đột, trong khi trên mạng xã hội sôi sục khí thế chống Mỹ và Israel.

Vào ngày 7 tháng 10, Hamas đã dẫn đầu cuộc tấn công đẫm máu nhất chống lại Israel của phiến quân Palestine trong lịch sử. Israel đáp trả bằng các cuộc không kích dữ dội nhất từ trước đến nay vào Gaza. Thông tấn xã AP đưa tin, dẫn lời quân đội Israel, tính đến thứ Năm, hơn 1.200 người đã thiệt mạng ở Israel. Trong khi đó, ít nhất 1.400 người đã thiệt mạng ở Gaza, theo chính quyền ở đó.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết đất nước của ông đang “có chiến tranh” và đã cắt nguồn cung cấp thực phẩm, nhiên liệu, điện và thuốc men vào Gaza. Israel đã huy động 360.000 quân dự bị để chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ vào lãnh thổ có dân số ước tính khoảng 2,2 triệu người.

Sự tương phản giữa thông điệp của Đài Bắc và Bắc Kinh về cuộc xung đột đang diễn ra phản ánh quan điểm rất khác nhau mà hai bên đang tìm cách thể hiện trên trường thế giới.

Ngày phiến quân Hamas phát động cuộc tấn công từ Gaza, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã đăng một tuyên bố phù hợp với quan điểm của Mỹ, là nhà cung cấp an ninh quan trọng nhất của Đài Loan và các nước phương Tây khác: “Đài Loan lên án mạnh mẽ các cuộc tấn công bừa bãi nhằm vào người Israel do Hamas thực hiện. Chúng tôi đoàn kết với Israel và tố cáo mọi hình thức khủng bố.”

Đài Loan lên án “bất kỳ hình thức tấn công khủng bố nào”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Điền Trung Quang (Tien Chung-kwang, 田中光) nói với Newsweek hôm thứ Năm tại Diễn đàn Ngọc Sơn được tổ chức ở Đài Bắc. Ông chỉ ra rằng Đài Loan là một trong những quốc gia đầu tiên lên án việc Nga xâm chiếm Ukraine vào năm ngoái và gửi viện trợ cho người tị nạn Ukraine. Ông nói, Đài Loan muốn trở thành “một bên liên quan có trách nhiệm” trong cộng đồng toàn cầu.

Trong khi đó, Bắc Kinh đã ngừng chỉ trích Hamas, thay vào đó tiếp tục kêu gọi cả hai bên “ngưng bắn và bảo vệ dân thường” và quay trở lại con đường hướng tới giải pháp hai nhà nước.

Tăng Tuấn Hoa (Steve Tsang, 曾俊华) giám đốc của Viện SOAS Trung Quốc, ở Luân Đôn, nói với Newsweek.

Trên hết, Trung Quốc phản đối việc các nước phương Tây sử dụng thuật ngữ “khủng bố” và các nhãn hiệu tiêu cực khác để gán cho các quốc gia và các tổ chức phi nhà nước. Tăng Tuấn Hoa nói rằng mặc dù mối quan hệ của nước này với Israel nhìn chung là tích cực nhưng Trung Quốc vẫn coi Israel là một phần của phương Tây. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc có khuynh hướng đứng về phía người Palestine hơn là lên án Hamas, ông Tăng nói thêm. Mặt khác, “Đài Loan xác định mình là một phần của thế giới dân chủ” nên đứng về phía Israel chống lại Hamas.

Đặc phái viên của Trung Quốc tại Trung Đông cho biết ông đã bày tỏ với một quan chức Bộ Ngoại giao Ai Cập hôm thứ Ba rằng Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với Ai Cập và nỗ lực hướng tới một lệnh ngừng bắn. Ông cho biết đất nước của ông đã sẵn sàng đóng góp cứu trợ nhân đạo cho người Palestine.

Cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc Ivan Kanapathy, người cũng có mặt tại Đài Bắc để tham dự Diễn đàn Ngọc Sơn hôm thứ Năm, nói với Newsweek rằng bất chấp thông điệp của Trung Quốc về các vấn đề nguyên tắc hoặc chủ quyền, “đó luôn là lợi ích cá nhân mang tính giao dịch thuần túy, khi có áp lực xảy ra”. Ông thừa nhận lợi ích cá nhân là một phần cố hữu của chính sách đối ngoại ở một mức độ nào đó, ông cho biết điều này còn hơn thế nữa ở các quốc gia phi dân chủ, nơi giới lãnh đạo không chịu trách nhiệm trước người dân của mình.

5. Pháp điều tra cáo buộc đặc vụ Putin đầu độc một nhà báo Nga đang tị nạn ở Paris

Đầu tháng này, Marina Ovsyannikova đã bị tòa án Mạc Tư Khoa kết án vắng mặt 8 năm rưỡi tù giam. Cô hiện nay đang ở Paris với đứa con gái 11 tuổi và được tường trình đã kêu cứu vào chiều thứ Năm khi thấy những dấu hiệu bị đầu độc bằng một độc chất mà Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, vẫn thường dùng để tận diệt những người chống đối chế độ của Putin đang sống ở hải ngoại.

Ký giả Claudia CHIAPPA của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “French authorities investigate potential poisoning of Russian anti-war journalist”, nghĩa là “Các nhà chức trách Pháp điều tra vụ đầu độc có thể đã xảy ra nhắm vào nhà báo Nga phản chiến”.Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Các công tố viên Pháp đang điều tra vụ đầu độc có thể đã xảy ra nhắm vào cựu nhà báo truyền hình nhà nước Nga Marina Ovsyannikova sau khi cô đột ngột cảm thấy không khoẻ ở Paris trong tuần này.

Phát ngôn nhân của Tòa án Hình sự Paris cho biết, cô Ovsyannikova đã kêu gọi giúp đỡ vào chiều thứ Năm “vì cô ấy đã ngã gục bên ngoài ngôi nhà của mình ở quận 6 và sợ bị đầu độc”.

Văn phòng công tố Paris cho biết họ đã mở một cuộc điều tra về vụ việc và cảnh sát được cho là đang kiểm tra chỗ ở của cô như một phần của cuộc điều tra.

Theo Tổng thư ký Tổ chức Phóng viên Không Biên giới Christophe Deloire, Ovsyannikova, người đã gây chú ý khắp thế giới vào tháng 3 năm ngoái khi tố cáo cuộc chiến của Mạc Tư Khoa với Ukraine trong một chương trình truyền hình trực tiếp của Nga, vẫn được giám sát y tế vào thứ Năm, nhưng tình trạng của cô đã được cải thiện..

Deloire cho biết vào tối thứ Năm trên mạng xã hội rằng tổ chức này đã ở bên cạnh Ovsyannikova cả ngày.

Đầu tháng này, Ovsyannikova đã bị tòa án Mạc Tư Khoa kết án vắng mặt 8 năm rưỡi tù giam với tội danh phát tán thông tin sai lệch về quân đội Nga. Các cáo buộc liên quan đến một cuộc biểu tình mà cựu biên tập viên người Nga đã tổ chức gần Điện Cẩm Linh vào tháng 7 năm 2022, nơi cô cầm một tấm biểu ngữ nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin “là một kẻ sát nhân” và “binh lính của ông ta là những kẻ phát xít”.

Nhà báo này đã bị quản thúc tại gia trước khi xét xử, nhưng sau đó đã trốn sang Âu Châu cùng con gái. Điều này khiến cô bị đưa vào danh sách truy nã của Điện Cẩm Linh.

6. Gần đây Nga đã ngưng các cuộc không kích từ các máy bay. Dù vậy, Ukraine vẫn đề cao cảnh giác. Tại sao?

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Why Russia's Recent Lack of Air Strikes Should Terrify Ukraine,” nghĩa là “Tại sao việc Nga thiếu các cuộc không kích gần đây sẽ khiến Ukraine khiếp sợ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo tình báo Anh, Nga có thể đang dự trữ hỏa tiễn để chuẩn bị cho các cuộc tấn công vào Ukraine vào mùa đông.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong một bản cập nhật tình báo hôm thứ Sáu rằng máy bay Không Quân tầm xa, gọi tắt là LRA, của Không quân Nga đã không tiến hành tấn công Ukraine trong ba tuần, kể từ ngày 21 tháng 9.

Điều này xảy ra bất chấp việc Kyiv vẫn tiếp tục cuộc phản công khốc liệt để giành lại các vùng lãnh thổ bị lực lượng Nga chiếm giữ trong cuộc chiến đang diễn ra. Cuộc phản công của Ukraine hiện đã bước sang tháng thứ năm, với các cuộc đụng độ đặc biệt nặng nề diễn ra dọc theo chiến tuyến ở khu vực Donetsk và Zaporizhzhia.

Các quan chức quốc phòng cho biết: “Những lần ngừng như vậy không phải là bất thường, lần ngừng tấn công tương tự gần đây nhất xảy ra từ ngày 9 đến ngày 28 tháng 4 năm 2023, khoảng thời gian 51 ngày”.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong trường hợp đó, có khả năng LRA gần như đã cạn kiệt kho đạn hỏa tiễn AS-23 sau chiến dịch mùa đông nhằm vào cơ sở hạ tầng quốc gia quan trọng của Ukraine.

Putin đã tăng cường tấn công hỏa tiễn vào cơ sở hạ tầng của Ukraine vào mùa đông năm ngoái, khiến người dân bị ngắt kết nối với lưới điện, trong đó những người ở Kyiv, Odesa và miền Tây Ukraine bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

“Lần này, có khả năng LRA của Nga đang bảo toàn kho hỏa tiễn AS-23 hiện có cũng như sử dụng thời gian tạm dừng này để tăng lượng dự trữ có thể sử dụng được nhằm đề phòng các cuộc tấn công mạnh mẽ hơn nữa vào Ukraine trong mùa đông”.

Bản cập nhật tình báo lưu ý rằng gần đây, Nga đã tập trung các cuộc không kích nhằm vào các cơ sở liên quan đến ngũ cốc trên khắp miền nam Ukraine, sử dụng máy bay không người lái tấn công một chiều SHAHED.

“Điều này bao gồm các cuộc tấn công nhằm vào các cảng trên sông Danube của Ukraine, có thể đòi hỏi mức độ chính xác cao do mục tiêu ở gần biên giới Rumani”, cơ quan này cho biết thêm rằng Nga có thể đã sử dụng máy bay không người lái tấn công một chiều SHAHED vào các mục tiêu này, vì độ chính xác cao hơn các loại hỏa tiễn phóng từ trên không khác.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Trước khả năng Nga tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine vào mùa đông, Oleksiy Chernyshov, nhà lãnh đạo tập đoàn năng lượng khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước Naftogaz của Ukraine, nói với Newsweek vào tháng trước rằng Kyiv đã “chuẩn bị kỹ càng hơn” so với năm 2022.

Chernyshov nói: “Chúng tôi dự đoán Nga sẽ tiếp tục các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái nghiêm trọng vào các cơ sở năng lượng và cơ sở hạ tầng của chúng tôi”. “Ý đồ thâm độc của họ là tước đi các dịch vụ cơ bản của người Ukraine như sưởi ấm, cung cấp khí đốt, cung cấp điện và các dịch vụ khác, đồng thời thực sự nhắm vào tinh thần và cảm xúc của người dân chúng tôi.”

Chernyshov nói: “Người Ukraine đã chuẩn bị sẵn sàng hơn. “Họ được bảo vệ nhiều hơn. Chúng tôi đã chuẩn bị một số biện pháp bảo vệ nhất định cho tài sản của mình: sản xuất năng lượng, phân phối khí đốt, lưu trữ khí đốt, kho chứa dầu, nhà máy lọc dầu.”

“Nga cũng đã chuẩn bị sẵn sàng. Cả hai bên đều thông minh hơn sau mùa đông trước. Người Nga sẽ chuẩn bị các cuộc tấn công tinh vi hơn...Họ đang sử dụng các phương pháp tinh vi hơn nên rủi ro rất cao”, ông nói thêm.
 
ĐHY Quân lên tiếng về phúc đáp của ĐGH: Chúc lành cho tội lỗi phương hại đến phần rỗi các linh hồn
VietCatholic Media
17:46 14/10/2023


1. Đức Hồng Y Quân lên tiếng về phúc đáp của Đức Thánh Cha đối với dubia của các vị Hồng Y

Ký giả Edward Pentin của National Catholic Register có bài tường thuật nhan đề “Cardinal Zen Calls Pope Francis’ ‘Dubia’ Response on Same-Sex Blessings ‘Pastorally Untenable’”, nghĩa là “Đức Hồng Y Quân gọi phúc đáp của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với ‘Dubia’ về việc chúc phúc cho người đồng giới là ‘không thể chấp nhận được về mặt mục vụ’”.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã chỉ trích một số câu trả lời của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với năm dubia mà ngài và bốn vị Hồng Y khác đã gửi cho Đức Thánh Cha trước Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị, đồng thời nói rằng hướng dẫn của Đức Thánh Cha về việc ban phước cho các kết hiệp đồng tính là “không thể biện minh được về mặt mục vụ”.

Trong một tuyên bố ngày 12 tháng 10 được đăng trên trang web của mình, vị giám mục hiệu tòa của Hương Cảng, là người đã ký bản dubia gửi cho Đức Giáo Hoàng vào ngày 11 tháng 7, cho biết các câu trả lời của Đức Giáo Hoàng, được gửi một ngày sau đó và được Vatican công bố vào ngày 2 tháng 10 “không phải là những câu trả lời chính xác và không giải quyết được những nghi ngờ”, khiến ngài phải đưa ra tuyên bố của riêng mình “để các tín hữu hiểu tại sao năm người chúng tôi không thấy đó là các câu trả lời thỏa đáng”.

Trong Đoạn (g) trong câu trả lời của Đức Giáo Hoàng đối với câu hỏi thứ hai, trong đó hỏi liệu có thể cho phép các chúc lành đồng tính “mà không phản bội lại giáo lý mạc khải” hay không, Đức Phanxicô nói, “giáo luật không nên và không thể bao gồm mọi thứ” và rằng “sự phân định thực tế “ sẽ là cần thiết trong những trường hợp cụ thể.”

Đức Hồng Y Quân nói trong tuyên bố của mình rằng một phản ứng như vậy là “không thể chấp nhận được về mặt mục vụ”, đồng thời nói thêm: “Làm sao Giáo hội, trong một vấn đề quan trọng như vậy, lại để người dân không có một quy tắc rõ ràng có thể tin tưởng vào sự phân định cá nhân? Đây chẳng phải là sự hỗn loạn của ngụy biện rất nguy hiểm cho các linh hồn sao?”

Trong tuyên bố của mình, ngài cũng đặt câu hỏi về các phần khác của phản ứng đối với các chúc lành đồng tính, và nói rằng các Hồng Y đã “ngạc nhiên” trước việc Đức Giáo Hoàng trích dẫn tông huấn hậu thượng hội đồng Amoris Laetitia (Niềm vui tình yêu) để khẳng định rằng sự kết hiệp đồng tính “phần nào cũng tương tự” như hôn nhân giữa một người nam và một người nữ.

“Khó khăn không kém”, Đức Hồng Y Quân nói, là đoạn văn đó “cho phép một số hình thức chúc lành cho các kết hợp đồng tính luyến ái”, mà ngài hỏi: “Không phải sự kết hợp như vậy bao hàm hoạt động tình dục giữa những người cùng giới tính sao, và điều này không rõ ràng là tội lỗi sao? Không phải bất kỳ hoạt động tình dục nào ngoài hôn nhân hợp pháp đều là tội lỗi sao?”

Ngài chỉ trích các khía cạnh khác trong phản ứng của Đức Giáo Hoàng đối với dubium này, chẳng hạn như nâng cao tầm quan trọng của “sự dịu dàng” đối với những người đồng tính luyến ái trong một cuộc kết hợp đồng giới trong khi coi sự thật khách quan “chỉ là” một biểu hiện của lòng bác ái đối với họ.

“Trên thực tế, chúng ta tin rằng với sự hiểu biết và dịu dàng, chúng ta cũng phải trình bày với họ sự thật khách quan rằng hoạt động đồng tính luyến ái là một tội lỗi, nó đi ngược lại kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa,” Đức Hồng Y Quân nhận xét. “Chúng ta cũng phải khuyến khích họ thực hiện một cuộc hoán cải trong Giáo hội và tin tưởng vào sự giúp đỡ của Thiên Chúa để vác thập giá nặng nề của họ trên con đường dẫn đến hạnh phúc vĩnh cửu”.

Phản ứng của Đức Giáo Hoàng đối với dubium này đã được các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới hiểu như một dấu chỉ cho thấy Đức Giáo Hoàng đang mở đường cho việc chấp nhận các chúc lành đồng giới.

Đức Hồng Y Quân đã cùng với các Hồng Y Walter Brandmüller, Raymond Burke, Juan Sandoval Íñiguez và Robert Sarah gửi dubia như một phương tiện để đạt được sự rõ ràng về các chủ đề liên quan đến phát triển giáo lý, việc chúc lành cho các kết hợp đồng giới, thẩm quyền của Thượng hội đồng về tính đồng nghị, quyền của phụ nữ, truyền chức và bí tích giải tội.

Năm vị Hồng Y đều nhận thấy các câu trả lời của Đức Thánh Cha không rõ ràng và thiếu chính xác, nên các ngài đã đưa ra bản dubia được sửa đổi vào ngày 21 tháng 8 nhằm mục đích yêu cầu Đức Thánh Cha đưa ra các câu trả lời rõ ràng “Có” hay “Không”.

Đức Thánh Cha vẫn chưa trả lời những câu hỏi đó.

2. Gần 300 người bị phiến quân Hamas hạ sát tại lễ hội âm nhạc Israel

Gần 300 người được cho là đã thiệt mạng tại một lễ hội âm nhạc trong vụ việc được mô tả là một vụ thảm sát diễn ra ngay khi bắt đầu cuộc xâm lược quy mô lớn của Hamas vào Israel vào cuối tuần qua.

Lực lượng Phòng vệ Israel, gọi tắt là IDF, cho biết trên trang web của mình rằng ngay sau khi cuộc xâm lược bắt đầu một “lễ hội âm nhạc ngoài trời” đã là một trong những địa điểm bị lực lượng Hamas nhắm đến khi bắt đầu cuộc tấn công bất ngờ được phát động vào hôm thứ Bảy với pháo kích từ Dải Gaza và lực lượng trên bộ đổ vào Israel.

Trong vài giờ sau cuộc xâm lược, các báo cáo bắt đầu xuất hiện về một sự việc lớn tại lễ hội âm nhạc Supernova được tổ chức gần Kibbutz Re'im ở phía tây nam Israel, với việc lực lượng Palestine được cho là đã bắn hạ một số lượng lớn người tham dự sự kiện.

BBC đưa tin rằng “hơn 260 thi thể” đã được tìm thấy từ địa điểm này. Thông tấn xã Anh dẫn lời cơ quan cấp cứu Zaka của Israel, là cơ quan đã phản ứng với vụ thảm sát và đang nỗ lực thu thập thi thể các nạn nhân ở đó.

Zaka đã không trả lời yêu cầu bình luận hôm thứ Hai về vụ xả súng, nhưng mạng xã hội tràn ngập các cảnh quay về vụ việc, bao gồm cả hậu quả của nó, một số trong đó dường như cho thấy cảnh những chiếc xe hơi bị đốt phá tại địa điểm lễ hội bị bỏ hoang.

Trong khi đó, Gili Yoskovich, một cư dân Israel, nói với mạng tin tức i24NEWS của Israel rằng cô đang điều hành lễ hội thì vụ hỗn loạn chết người bắt đầu.

“Những kẻ khủng bố đến từ khắp nơi, hàng trăm kẻ khủng bố,” cô nói. “Họ bắt đầu bắn khắp nơi. Và mọi người bắt đầu chạy.”

Yoskovich nói với BBC rằng những kẻ xâm lược “đang đi từng cây và bắn từng người một. Tôi thấy mọi người đang chết xung quanh.”

“Tôi đã rất im lặng,” cô nói. “Tôi không khóc, tôi không làm gì cả.”

Tin tức về vụ thảm sát đã gây sốc trên mạng xã hội và các nhà bình luận trên khắp thế giới.

Ngay sau cuộc xâm lược hôm thứ Bảy, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố rằng Israel đang “có chiến tranh”. Đất nước này ngay sau đó đã chính thức tuyên chiến với Hamas, với các quan chức quân sự hứa hẹn một cuộc tấn công lớn nhằm vào Dải Gaza do Hamas kiểm soát để đáp trả cuộc xâm lược.

Lễ hội âm nhạc được tổ chức chỉ cách biên giới Gaza vài dặm.


Source:Catholic News Agency

3. Tổng giám mục Vancouver gọi cuộc tấn công vào Israel là 'vi phạm nghiêm trọng' đạo đức và luật pháp quốc tế

Trong một thông điệp gửi tới cộng đồng Do Thái ở Vancouver, Đức Tổng Giám Mục Vancouver J. Michael Miller “lên án dứt khoát” cuộc tấn công vào Israel hôm thứ Bảy, gọi đây là một hành vi chà đạp đạo đức và luật pháp quốc tế.

Bình luận từ Rôma, nơi ngài đang tham dự Thượng Hội đồng về tính đồng nghị, hôm thứ Hai, Đức Tổng Giám Mục cho biết tin tức về “cuộc xâm nhập của Hamas vào Israel thật tàn khốc”.

Bản chất của vụ tấn công và bắt phụ nữ và trẻ em làm con tin là “sự vi phạm nghiêm trọng không chỉ luật pháp quốc tế mà quan trọng hơn là luật đạo đức được ghi khắc trong lương tâm mỗi con người”.

“Một cuộc tấn công như vậy phải bị lên án một cách rõ ràng, và tiếng nói của chúng tôi đã dâng lên Chúa rằng sự tôn trọng sự sống con người, được tạo ra theo hình ảnh của Ngài, sẽ chiếm ưu thế trong số tất cả những người có thiện chí. Tôi cùng cầu nguyện với những người trong cộng đồng Do Thái đang thương tiếc những người đã khuất.”

Trả lời Đức Tổng Giám Mục, Rabbi Dan Moskovitz của Temple Sholom ở Vancouver đã cảm ơn Đức Tổng Giám Mục về những lời nói và lời cầu nguyện của ngài, đồng thời cho biết ngài sẽ chia sẻ tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục với các đồng nghiệp và cộng đồng của mình.

“Tôi đủ trung thành để biết rằng nếu tất cả chúng ta nhìn nhận và tôn trọng người khác được tạo ra theo hình ảnh của Chúa thì chiến tranh, nạn đói và bạo lực sẽ chấm dứt; nhân loại sẽ phát triển mạnh mẽ,” ông nói.

Moskovitz nói rằng ngày đó sẽ không đến cho đến khi công việc cần thiết được thực hiện “để xóa bỏ cái ác, hận thù và cố chấp” khỏi hành vi của con người.

Rabbi kết thúc bằng những lời cầu nguyện cho Đức Tổng Giám Mục và cho “hòa bình và sự cảm thông giữa TẤT CẢ cư dân của Thánh địa”.

Rabbi Moskovitz cho biết tình hình ở Israel “tàn khốc chưa từng có” và “mỗi người trong chúng ta đều có gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp bị thương, thiệt mạng hoặc mất tích”.

Ông mời cộng đồng Công Giáo tham dự một buổi họp mặt đoàn kết cộng đồng Do Thái được lên kế hoạch vào thứ Ba lúc 5 giờ chiều tại Jack Poole Plaza ở Vancouver.


Source:Catholic News Agency

4. Các Giám mục Công Giáo Sri Lanka muốn Tổng thống Ranil công khai báo cáo từ FBI và những nước khác

Hội đồng Giám mục Công Giáo đã yêu cầu Tổng thống Ranil Wickremesinghe chia sẻ các báo cáo về các vụ tấn công vào Chúa Nhật Phục sinh mà ông tuyên bố đã nhận được từ Cục Điều tra Liên bang (FBI), cũng như các cơ quan tình báo Anh, Ấn Độ và Trung Quốc.

Trong một lá thư gửi Tổng thống Ranil Wickremesinghe, Hội đồng Giám mục Công Giáo Sri Lanka lưu ý rằng tuyên bố rằng ông đã nhận được những báo cáo như vậy lần đầu tiên được Tổng thống công khai trong cuộc phỏng vấn gần đây với Deutsche Welle.

Trong cuộc phỏng vấn, Tổng thống đã nói rằng Hội đồng Giám mục Công Giáo muốn có tài liệu về tất cả các thủ tục tố tụng của ủy ban điều tra các vụ tấn công vào Chúa Nhật Phục sinh và những chi tiết đó đã được bàn giao.

Trong thư, Hội đồng Giám mục Công Giáo cảm ơn Tổng thống đã bàn giao tất cả các tập Báo cáo điều tra của Ủy ban Tổng thống về các vụ tấn công vào Chúa Nhật Phục sinh.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Sri Lanka cũng lưu ý rằng Đức Hồng Y Malcolm Ranjith là thành viên không thể thiếu và quan trọng nhất của Hội đồng Giám mục Công Giáo Sri Lanka.

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Tổng thống đã nói rằng ông không làm việc với Đức Hồng Y Malcolm Ranjith mà chỉ làm việc với Hội đồng Giám mục Công Giáo.


Source:colombogazette.com