Ngày 13-10-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 14/10: Cảnh cáo những kẻ cứng lòng tin – Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
00:40 13/10/2024


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói: “Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.”

Đó là lời Chúa
 
Dấu quyết định
Lm. Minh Anh
15:58 13/10/2024
DẤU QUYẾT ĐỊNH
“Giôna đã là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy!”.

“Không phải sự ăn năn cứu rỗi tôi; sự ăn năn là dấu cho thấy ‘tôi nhận ra’ những gì Thiên Chúa đã làm trong Đức Kitô. Ơn cứu độ của Chúa không dựa trên logic của con người mà dựa trên cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Con. Ngài là ‘dấu quyết định’ cho mọi tội nhân nam nữ có thể được biến đổi để trở nên những tạo vật mới!” - Oswald Chambers.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay cho thấy, trước sự tự phụ đầy kiêu hãnh và cứng lòng của những người đương thời, Chúa Giêsu ngao ngán. Họ đòi Ngài một dấu lạ. Ngài nói, như Giôna là dấu cho dân thành Ninivê thế nào, thì Ngài là ‘dấu quyết định’ cho họ như vậy!

“Không phải sự ăn năn cứu rỗi tôi!”. “Có nhiều Kitô hữu nghĩ rằng họ được cứu dựa trên những gì họ làm. Các việc làm là cần thiết, nhưng chúng chỉ là hậu quả, là sự đáp trả cho tình yêu thương xót của Thiên Chúa đã cứu rỗi chúng ta. Những việc làm không có tình yêu thương xót thì chẳng có ý nghĩa gì. “Hội chứng Giôna” là việc làm mà không có tình yêu!” - Phanxicô.

Trong cuộc sống, không ít lần, chúng ta cũng tự tin và kiêu hãnh với những gì mình làm, kể cả sự ăn năn. Cùng lúc, như thách thức Thiên Chúa, chúng ta thách thức Ngài khi chạy tìm kiếm dấu lạ này dấu lạ kia để đưa ra những quyết định nên làm hay không nên làm điều này điều nọ. Chúa Giêsu cho biết, sẽ không có dấu lạ nào được ban thêm ngoài dấu lạ Giôna. “Dấu lạ Giôna” ám chỉ đến sự đóng đinh, cái chết, ba ngày trong mộ và sự phục sinh của Ngài. Cái chết và sự sống lại của Ngài là ‘dấu quyết định’ cho người đương thời của Ngài và cho cả chúng ta ngày nay.

Như vậy, đừng tìm kiếm điều gì khác ngoài mầu nhiệm đức tin trung tâm này! Bởi lẽ, mọi câu hỏi, mọi vấn đề, các mối quan tâm và sự bối rối… đều có thể được giải đáp và xử lý nếu chúng ta bước vào mầu nhiệm cứu chuộc vĩ đại này. Chỉ cần bước vào cuộc sống, cái chết và sự phục sinh của Ngài, chúng ta tìm được câu trả lời cho mọi nan đề. Tìm kiếm một dấu lạ nào khác ngoài mầu nhiệm - ‘dấu quyết định’ này - sẽ là sai lạc vì nó nói lên rằng, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô là không đủ.

Khi tìm kiếm một số dấu lạ nổi bật, ngoạn mục từ Chúa Giêsu, chúng ta có thể bỏ lỡ những dấu lạ đang có trước mắt. Khi tìm kiếm điều phi thường, chúng ta có thể bỏ lỡ sự phong phú trong điều bình thường. Theo nhiều cách, Chúa Giêsu rất bình thường; Thánh Thể của Ngài trong các nhà chầu cũng ‘khá bình thường’.

Anh Chị em,

“Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy!”. Hôm nay, nếu bạn thấy mình đang đấu tranh với những câu hỏi trong cuộc sống, hãy hướng mắt về Chúa Kitô! Hướng mắt về mầu nhiệm tử nạn và phục sinh, trung tâm của đức tin chúng ta. Chính tại đó, mọi câu hỏi đều có thể được giải đáp và mọi ân sủng đều được ban tặng. Chúng ta không cần gì hơn thế. Trong nhà chầu Thánh Thể rất đỗi âm thầm và ‘bình thường’, Ngài đang chờ đợi chúng ta!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cất khỏi con mọi tự phụ. Đừng để con thách thức Chúa, nhưng dám làm những gì Chúa thách thức, hầu con sớm trở nên một tạo vật mới!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Quyền bính để phục vụ
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
19:17 13/10/2024
CHÚA NHẬT XXIX MÙA THƯỜNG NIÊN
Is 53,2a.3a.10-11; Hr 4,14-16; Mc 10,35-45
QUYỀN BÍNH ĐỂ PHỤC VỤ

Nếu Tin Mừng Chúa Nhật vừa rồi nói về tiền của, thì Tin Mừng Chúa Nhật này lại cung cấp cho chúng ta quan điểm của Chúa Giêsu về một trong những thần tượng lớn nhất của thế gian: đó là quyền lực.

1. Khát vọng quyền bính

Cũng giống như tiền bạc, quyền lực tự thân không phải là xấu xa và tội lỗi. Thiên Chúa cũng được miêu tả như là “Đấng Toàn Năng” và Kinh Thánh quả quyết rằng: “Mọi quyền lực đều thuộc về Thiên Chúa” (Tv 62,11).

Khát vọng quyền lực, làm lớn vẫn là một khát vọng sâu thẳm, cố hữu trong con người. Theo các nhà tâm lý học, đó là một trong những nhu cầu tâm lý mạnh mẽ của con người, nhu cầu thống trị. Là người ai cũng có nhu cầu này. Cả những môn đệ Chúa Giêsu và những ai đi theo Chúa cũng luôn đeo đẳng khát khao này. Phần đầu bài Tin Mừng hôm nay minh chứng điều đó: Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Chúa Giêsu và xin Người:
“Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.”

Chúa Giêsu trả lời:
“Các anh không biết các anh xin gì… Việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được” (Lc 10,37.40).

Quyền bính được ban để phục vụ cộng đồng và thăng tiến xã hội. Tuy nhiên, khi Thiên Chúa ban quyền lực cho con người, thay vì để phục vụ tha nhân, con người đã lạm dụng quyền lực, nhiều người đã sử dụng nó để điều khiển, trục lợi, áp bức người khác, nhất là những người yếu thế và thấp cổ bé họng trong xã hội. Thiên Chúa đã làm gì? Để ban cho chúng ta một mẫu gương đối với quyền lực, Thiên Chúa đã tự trút bỏ khỏi mọi thứ quyền năng của Người, từ “Đấng Toàn Năng,” trở thành “kẻ mọn hèn,” Người “đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ” (Pl 2,7). Người không dùng quyền lực để thống trị, nhưng để phục vụ con người.

Bài đọc I hôm nay chứa đựng những diễn tả đầy tính ngôn sứ về “người Tôi Tớ đau khổ”:

“Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn… Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật… Đức Chúa đã muốn người tôi trung phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu” (Is 53,2.3.10).

2. Cuộc cách mạng quyền bính
Những lời ngôn sứ này được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu, Người chính là người Tôi Tớ đau khổ đã gánh lấy mọi tội lỗi loài người và chết trên thập giá để cứu độ chúng ta. Như thế, một thứ quyền lực mới được mạc khải, đó là quyền lực thập giá, mà thánh Phaolô quả quyết:
“Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh” (1 Cr 1,27).

Trong kinh Magnificat, Đức Maria tiên báo về cuộc cách mạng thầm lặng này được thực hiện khi Chúa Giêsu đến:
“Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,52).

Ai là người bị lên án bởi lời cáo trạng này về quyền lực? Phải chăng chỉ những kẻ độc tài và những tên bạo chúa? Lời này muốn nhắm đến những kẻ độc tài, chuyên quyền. Còn chúng ta không có liên quan gì chăng?

Không, quả thật lời này cũng tác động đến tất cả chúng ta. Bởi lẽ, quyền lực được ví như con bạch tuộc với vô số những cánh tay chằng chịt, hiện diện mọi nơi, vươn tới mọi người, hay như cát ở sa mạc Sahara bị gió nóng thổi bay đi khắp nơi. Bệnh quyền lực hiện diện trong gia đình, ngoài xã hội và trong Giáo Hội. Quyền đi với lợi, nên vì quyền lợi mà người ta tranh giành, tranh chấp và sẵn sàng tấn công người khác, hạ bệ họ để mình nắm quyền.

Đức Maria nói rằng:
“Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng” (Lc 1,51).

Với lời này, Người nói đến một thứ quyền lực cần phải tranh đấu, đó là lòng người, nơi phát xuất những tham vọng quyền lực.
Thật đáng buồn, từ trong lòng người phát xuất những ước muốn thống trị và có những lạm quyền, đã là nguyên nhân gây ra biết bao đau khổ cho người cấp dưới, cho con cái hay những người vợ, người mẹ, trẻ em vốn là những nạn nhân của những kẻ mạnh.

3. Quyền bính để phục vụ

Vậy, Chúa Giêsu muốn chúng ta sử dụng quyền bính để làm gì? Xin thưa, quyền bính là để phục vụ: quyền bính được ban để phục vụ người khác, chứ không phải để ở “trên” người khác! Chúa Giêsu nói:
“Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà thống trị dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10,42-43).

Như thế, quyền bính là để phục vụ chứ không phải để thống trị người khác. Trong Giáo Hội, có quyền bính, có chức vụ, nhưng chúng là phương tiện để phục vụ dân Chúa.

Tin Mừng cũng chống lại sự lạm quyền bằng sự hiếu hòa, nghĩa là bằng sức mạnh của tình yêu, sự thật và sự thánh thiện, chứ không phảỉ bằng sức mạnh cơ bắp, sức mạnh quân đội. Chúa Giêsu nói rằng Người có thể xin Chúa Cha “cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần!” (Mt 25,53) để hủy diệt những tên bạo quyền, nhưng Người đã không làm như thế, mà Người chỉ đối xử nhân hậu đối với họ. Và đó là cách thức mà Người chiến thắng khải hoàn.

Tuy nhiên, tuân phục quyền bính không có nghĩa là phải luôn im lặng trước bạo quyền. Nhiều lúc chúng ta được mời gọi phải lên tiếng chống lại những lạm dụng quyền lực. Đây là điều Chúa Giêsu đã làm. Trong thời đại Người, Chúa Giêsu đã chứng kiến những lạm dụng của những người lãnh đạo chính trị, tôn giáo và xã hội. Đó là tại sao Người chọn gần gũi với tất cả những ai vốn là nạn nhân của sự loại trừ, kỳ thị và áp bức bởi những thứ quyền lực này.

Với ơn Chúa nâng đỡ và theo tinh thần Tin Mừng, mọi sự đều có thể trong cuộc đấu tranh chống lại những hình thức lạm quyền và độc tài với phương châm, “đừng để cho sự ác thắng được mình,” như Chúa đã làm, nhưng hơn thế, “hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,21). Amen!

ĐCV Thánh Phanxicô Xaviê
Nghệ An - Việt Nam
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 13 Tháng Mười
Đặng Tự Do
20:50 13/10/2024
Chúa Nhật, 13 Tháng Mười, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 28 Mùa Quanh Năm.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành!

Tin Mừng phụng vụ hôm nay (Mc 10, 17:30) kể cho chúng ta về một người giàu có gặp Chúa Giêsu và hỏi Người: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (câu 17). Chúa Giêsu mời gọi anh ta từ bỏ mọi sự và theo Người, nhưng người đàn ông buồn rầu bỏ đi vì, như bản văn nói, “anh ta có nhiều của cải” (câu 23). Anh ta phải trả giá cao để từ bỏ mọi sự.

Chúng ta có thể thấy hai chuyển động của người đàn ông này: lúc đầu anh chạy, để đến với Chúa Giêsu; nhưng đến cuối, anh ra đi trong sự buồn rầu, anh ra đi trong sự buồn bã. Đầu tiên, anh chạy đến, và sau đó anh ra đi. Chúng ta hãy dừng lại ở đây.

Trước hết, người đàn ông này chạy đến với Chúa Giêsu. Như thể có điều gì đó trong lòng thúc đẩy anh: thực ra, mặc dù anh có nhiều của cải, anh vẫn không thỏa mãn, anh cảm thấy bồn chồn bên trong, anh đang tìm kiếm một cuộc sống trọn vẹn hơn. Như những người bệnh và người bị quỷ ám thường làm (x. Mc 3:10; 5:6), chúng ta thấy điều này trong Phúc Âm, anh phủ phục dưới chân Chúa; anh ấy giàu có, nhưng cần được chữa lành. Chúa Giêsu nhìn anh với tình yêu thương (câu 21); sau đó, Người đề xuất một “liệu pháp”: bán mọi thứ anh có, trao cho người nghèo và theo Người. Nhưng, tại thời điểm này, một kết luận bất ngờ đến: khuôn mặt của người đàn ông này sa sầm lại và anh bỏ đi! Mong muốn được gặp Chúa Giêsu của anh lớn lao và mãnh liệt đến thế; nhưng lời từ biệt của anh lạnh lùng và nhanh chóng biết bao.

Chúng ta cũng mang trong lòng mình một nhu cầu không thể cưỡng lại về hạnh phúc và một cuộc sống đầy ý nghĩa; tuy nhiên, chúng ta có thể rơi vào ảo tưởng khi nghĩ rằng câu trả lời nằm ở việc sở hữu những thứ vật chất và sự an toàn trần thế. Thay vào đó, Chúa Giêsu muốn đưa chúng ta trở lại với sự thật về những ham muốn của mình và khiến chúng ta khám phá ra rằng, trong thực tế, điều tốt lành mà chúng ta khao khát chính là Thiên Chúa, tình yêu của Người dành cho chúng ta và sự sống vĩnh cửu mà Người và chỉ Người mới có thể ban cho chúng ta. Sự giàu có thực sự là được Chúa nhìn nhận bằng tình yêu thương – đây là một sự giàu có lớn lao – và, như Chúa Giêsu đã làm với người đàn ông đó, hãy yêu thương nhau bằng cách biến cuộc sống của chúng ta thành một món quà cho người khác. Do đó, anh chị em ơi, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy mạo hiểm, hãy “mạo hiểm tình yêu”: bán tất cả mọi thứ để trao tặng cho người nghèo, nghĩa là từ bỏ bản thân và sự an toàn giả tạo của mình, khiến bản thân chú ý đến những người đang thiếu thốn và chia sẻ tài sản của mình, không chỉ là đồ vật, mà là chính con người chúng ta: tài năng, tình bạn, thời gian, v.v.

Anh chị em ơi, người giàu có kia không muốn mạo hiểm, mạo hiểm điều gì? Thưa: Anh không muốn mạo hiểm tình yêu, và anh bỏ đi với khuôn mặt buồn bã. Còn chúng ta thì sao? Chúng ta hãy tự hỏi: trái tim chúng ta gắn bó với điều gì? Làm sao chúng ta thỏa mãn được cơn đói cuộc sống và hạnh phúc? Chúng ta có biết chia sẻ với những người nghèo, với những người đang gặp khó khăn hoặc cần được lắng nghe, một nụ cười, một lời nói để giúp họ lấy lại hy vọng không? Chúng ta hãy nhớ điều này: sự giàu có thực sự không phải là của cải đời này, nhưng sự giàu có thực sự là được Thiên Chúa yêu thương và học cách yêu thương như Người.

Và bây giờ chúng ta hãy cầu xin sự chuyển cầu của Đức Trinh Nữ Maria, để Mẹ có thể giúp chúng ta khám phá ra kho tàng sự sống nơi Chúa Giêsu.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Tôi tiếp tục theo dõi với sự quan tâm những gì đang xảy ra ở Trung Đông, và tôi một lần nữa yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức trên mọi mặt trận. Chúng ta hãy theo đuổi con đường ngoại giao và đối thoại để đạt được hòa bình.

Tôi gần gũi với tất cả những người dân liên quan, ở Palestine, Israel và Li Băng, nơi tôi yêu cầu lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc được tôn trọng. Tôi cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân, cho những người di tản, cho những con tin mà tôi hy vọng sẽ sớm được thả, và tôi hy vọng rằng nỗi đau khổ vô nghĩa to lớn này, do lòng căm thù và ước muốn trả thù gây ra, sẽ sớm chấm dứt.

Anh chị em ơi, chiến tranh là một ảo tưởng, là một thất bại: nó sẽ không bao giờ dẫn đến hòa bình, nó sẽ không bao giờ dẫn đến an ninh, nó là một thất bại cho tất cả, đặc biệt là đối với những người tin rằng mình bất khả chiến bại. Hãy dừng lại, làm ơn!

Tôi kêu gọi không nên để người dân Ukraine chết cóng; hãy dừng các cuộc không kích nhằm vào dân thường, những người luôn bị ảnh hưởng nhiều nhất. Hãy dừng việc giết hại những người vô tội!

Tôi đang theo dõi tình hình bi thảm ở Haiti, nơi bạo lực vẫn tiếp diễn chống lại người dân, buộc phải chạy trốn khỏi nhà của họ để tìm kiếm sự an toàn ở nơi khác, trong và ngoài đất nước. Chúng ta đừng bao giờ quên những người anh chị em Haiti của chúng ta. Tôi yêu cầu mọi người hãy cầu nguyện để chấm dứt mọi hình thức bạo lực và, với sự cam kết của cộng đồng quốc tế, hãy tiếp tục làm việc để xây dựng hòa bình và hòa giải trong nước, luôn bảo vệ phẩm giá và quyền của tất cả mọi người.

Tôi chào mừng anh chị em là người dân Roma và những người hành hương đến từ Ý và nhiều quốc gia, đặc biệt là Đoàn Dân quân Đức Mẹ Vô nhiễm do Thánh Maximilian Kolbe thành lập, các giáo xứ Resuttano, Caltanisetta, các vận động viên Paralympic Ý cùng các hướng dẫn viên và trợ lý của họ, và nhóm Pax Christi International.

Tôi một lần nữa xin chào các sinh viên mới của trường Cao đẳng Đô thị mà tôi đã gặp sáng nay.

Thứ sáu tuần tới, ngày 18 tháng 10, Quỹ “Hỗ trợ Giáo hội Đau khổ” sẽ tổ chức sáng kiến “Một triệu trẻ em cầu nguyện Kinh Mân Côi cho hòa bình trên thế giới”. Xin cảm ơn tất cả các bé trai và bé gái đã tham gia! Chúng ta hãy cùng tham gia với các em và phó thác cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ – hôm nay là ngày kỷ niệm lần hiện ra cuối cùng của Mẹ tại Fatima – chúng ta hãy phó thác cho sự chuyển cầu của Đức Mẹ, những người Ukraine, Miến Điện, Sudan đang bị dày vò và những dân tộc khác đang phải chịu đau khổ vì chiến tranh và bất kỳ hình thức bạo lực và đau khổ nào.

Tôi chào những người trẻ của Immacolata, và tôi thấy cờ Ba Lan, Brazil, Á Căn Đình, Ecuador và Pháp… Tôi chào tất cả anh chị em!

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Các giám mục Công Giáo Michigan lên án Thống đốc Whitmer chế giễu Bí Tích Thánh Thể
Đặng Tự Do
21:07 13/10/2024
Các giám mục Công Giáo Michigan đã lên án một đoạn video trò chuyện giữa Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer và một nhà báo vì hành động mà một số người gọi là “nhạo báng” Bí tích Thánh Thể.

Đoạn video được đăng tải vào thứ năm và nhanh chóng lan truyền, cho thấy cảnh Whitmer đưa cho nhà báo một miếng khoai tây chiên Dorito.

Tiểu phẩm này được thực hiện trong chương trình “Chip Chat”, một buổi trò chuyện với Liz Plank, một tác giả, nhà báo và người có sức ảnh hưởng người Canada với 610.000 người theo dõi trên trang Instagram “feministabulous” của cô.

Đoạn video đã nhận phải nhiều lời chỉ trích vì tư thế quỳ gối của Plank và cách đặt Dorito trên lưỡi dường như chế giễu việc rước lễ đối với nhiều người xem.

Chú thích của video đã được chỉnh sửa có nhắc đến “Đạo luật CHIPS”, một đạo luật của chính quyền Tổng thống Biden năm 2022 được gọi là “Đạo luật tạo ra các động lực hữu ích để sản xuất chất bán dẫn và khoa học”.

Một chú thích đã chỉnh sửa của bài đăng trên Instagram của Plank có nội dung: “Nếu ông ấy không làm, Gretchen Whitmer sẽ làm. Chip không chỉ ngon, Đạo luật CHIPS là một bước ngoặt đối với công nghệ và sản xuất của Hoa Kỳ, thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước để giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài! Ông Donald Trump sẽ khiến điều đó gặp rủi ro.”

Những người bảo vệ Whitmer cho biết động thái này là một phần của xu hướng TikTok khi một người được người khác đút cho ăn.

Plank đã trả lời những lời chỉ trích trong một bài đăng trên X rằng: “Đây là xu hướng khiến những kẻ lập dị trở nên thoải mái hơn”, ám chỉ đến “xu hướng cho ai đó ăn” trên TikTok.

Nhưng video này đã gây tranh cãi vì nhiều người Công Giáo coi đó là sự chế giễu Bí tích Thánh Thể.

Paul Long, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hội Nghị Công Giáo Michigan, cho biết trong một tuyên bố vào hôm thứ sáu: “Vở kịch này còn đi xa hơn cả trào lưu trực tuyến lan truyền đã truyền cảm hứng cho nó, cụ thể là bắt chước tư thế và cử chỉ của người Công Giáo khi nhận Mình Thánh Chúa, khi chúng ta tin rằng Chúa Giêsu Kitô thực sự hiện diện”.

“Nó không chỉ là điều khó chịu hay 'kỳ lạ'; mà còn là một ví dụ quá quen thuộc về một viên chức được bầu chế giễu những người theo đạo và các hoạt động của họ. Mặc dù cuộc đối thoại về vấn đề này với văn phòng thống đốc được đánh giá cao, bất kể có phải là có ý định xúc phạm người Công Giáo và Bí tích Thánh Thể hay không, thì nó vẫn có tác động xúc phạm.”

Được thành lập vào năm 1963, Hội nghị Công Giáo Michigan - Michigan Catholic Conference - đóng vai trò là tiếng nói chính thức của Giáo Hội Công Giáo tại Michigan về các vấn đề chính sách công. Ngoài ra, Hội nghị Công Giáo Michigan còn phát triển, điều phối và quản lý các chương trình cung cấp các chế độ phúc lợi hưu trí, bảo hiểm y tế, nha khoa, khuyết tật và bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên giáo dân và giáo sĩ, cũng như bảo hiểm tài sản và thương vong cho Giáo hội trên khắp Michigan.

Phát ngôn nhân của Whitmer cho biết trong một tuyên bố với Fox News Digital rằng “mạng xã hội của thống đốc nổi tiếng vì truyền tải thông tin của bà bằng văn hóa đại chúng”.

“Xu hướng phổ biến này đã được vô số người sử dụng, bao gồm Billie Eilish, Kylie Jenner và Stephen Colbert, và thực tế là mọi người đang chú ý đến một video quảng bá Đạo luật CHIPS của Tổng thống Biden chứng tỏ nó đang có hiệu quả”, tuyên bố tiếp tục. “Đảng Cộng hòa muốn đánh lạc hướng khỏi thực tế rằng đảng Dân chủ đã đầu tư hàng tỷ đô la vào các nền kinh tế địa phương để tạo ra một số lượng việc làm kỷ lục và đưa chuỗi cung ứng trở về từ nước ngoài, trong khi các chính sách của Ông Donald Trump sẽ giết chết những công việc này và gửi chúng trở lại Trung Quốc”.

Đáng chú ý là các xu hướng được đề cập đến ở trên thường không liên quan đến việc một người quỳ gối trước người kia.

Video đầy đủ trên kênh YouTube của Plank cũng có một cuộc thảo luận về phá thai, trong đó Plank và Whitmer nói đùa về “phá thai sau khi sinh”, ám chỉ đến bình luận của Ông Trump về dự luật phá thai đã được Thống đốc Minnesota và ứng cử viên phó tổng thống đảng Dân chủ năm 2024 Tim Walz ký thành luật.

Nhưng Hội đồng Công Giáo Michigan yêu cầu những người giữ chức vụ công phải tôn trọng những người theo đạo.

Long cho biết: “Người dân ở tiểu bang này và trên khắp cả nước đã mệt mỏi và tiếp tục bày tỏ sự lo ngại về sự thiếu tôn trọng và lịch sự đối với những người có đức tin ngày càng suy yếu”.

“Michigan là một tiểu bang đa dạng về tôn giáo và bao gồm các cộng đồng tín hữu Kitô giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo đang phát triển mạnh mẽ. Đã đến lúc những người giữ chức vụ công, những người giải quyết và các nhà chiến lược của họ phải đáp lại sự tôn trọng, lịch sự và trân trọng đối với những người đã tìm thấy sự bình yên và viên mãn trong cuộc sống bằng cách tôn thờ Chúa và phục vụ người lân cận của họ.”

Văn phòng của Whitmer đã không trả lời yêu cầu bình luận của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CAN.


Source:Catholic News Agency
 
Lá thư Đức Phanxicô gửi tín hữu Trung Đông có thể gợi lên những câu hỏi đáng lo ngại
Vũ Văn An
13:48 13/10/2024

John L. Allen Jr. của tạp chí Crux, ngày 13 tháng 10 năm 2024, nhận định rằng Từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Gaza, Israel và Vatican thỉnh thoảng thấy mình bất đồng quan điểm. Đôi khi, Israel phản đối những gì họ coi là sự tương đương đạo đức sai lầm của Vatican giữa hành động xâm lược của khủng bố và quyền tự vệ của Israel, trong khi Vatican phàn nàn về phản ứng "không cân xứng" của Israel, theo họ, gây nguy hiểm cho những người vô tội và đe dọa châm ngòi cho một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở khu vực hoặc thậm chí là hoàn cầu.



Những khác biệt như vậy có lẽ là không thể tránh khỏi, khi Israel tiến hành chiến tranh trong khi Tòa thánh cố gắng đứng ngoài cuộc chiến, lo ngại về hậu quả nhân đạo cho tất cả các bên. Không ai cho rằng lời lẽ của Vatican phản ảnh tình cảm bài Do Thái hoặc bài Do Thái rõ ràng, mà đúng hơn là hậu quả của các quan điểm trái ngược và các ưu tiên địa chính trị.

Nghĩa là, cho đến nay, không ai cho rằng có thành kiến bài Do Thái.

Vào ngày 7 tháng 10, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi một lá thư cho những người Công Giáo ở Trung Đông vào đúng ngày kỷ niệm một năm ngày bắt đầu cuộc chiến ở Gaza, than thở về "ngòi nổ hận thù" được thắp lên một năm trước và kêu gọi các Ki-tô hữu trong khu vực không nên "bị nhấn chìm bởi bóng tối bao quanh các bạn".

Ở một mức độ nào đó, lá thư đã gợi lên sự mơ hồ tương tự từ nhiều người Israel và người Do Thái giống như những tuyên bố khác của Vatican về cuộc chiến ngay từ đầu.

Ví dụ, một số người lưu ý rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô không bao giờ nhắc đến ngày 7 tháng 10 thực sự kỷ niệm điều gì, đó là cuộc tấn công vô cớ của Hamas vào Israel và việc bắt giữ con tin Israel. Những người khác phàn nàn rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố "người dân Gaza" luôn trong suy nghĩ và lời cầu nguyện hàng ngày của ngài, nhưng lại không nói gì về người dân Israel.

Về vấn đề đó, các nhà phê bình phàn nàn, đây rõ ràng là một lá thư gửi cho những người Công Giáo ở Trung Đông, nhưng không hề đề cập đến những người Công Giáo bên trong nhà nước Israel cũng đang phải chịu đau khổ - mặc dù thực tế là tổng dân số Công Giáo trước chiến tranh ở Gaza chỉ có vài trăm người, trong khi có ít nhất 200,000 người Công Giáo ở Israel.

Những phản đối như vậy, cho đến nay, đã tương đối quen thuộc, nhưng có một yếu tố mới trong lá thư này đã gây ra sự báo động đặc biệt.

Có điểm, vị giáo hoàng này đã lên án "linh hồn của sự dữ gây ra chiến tranh", trích dẫn Gioan 8:44 với ý nghĩa cho rằng tinh thần này "giết người ngay từ đầu" và "là kẻ nói dối và là cha của sự dối trá".

Ngôn ngữ có vẻ khá vô hại, trừ khi bạn biết lịch sử của câu kinh thánh đặc thù này. Nơi các chuyên gia, Gioan 8:44 được coi là một trong những đoạn văn có vấn đề nhất đối với mối quan hệ Do Thái-Ki-tô giáo trong tất cả các tài liệu Kinh thánh.

Trong phiên bản Kinh thánh Mỹ mới, đây là toàn bộ câu kinh thánh, trong đó có cảnh Chúa Giêsu nói với người Do Thái: "Các ngươi thuộc về cha mình là ma quỷ, và các ngươi cố tình thực hiện những ham muốn của cha mình. Ngay từ đầu, hắn đã là kẻ giết người và không đứng trong sự thật, vì không có sự thật trong hắn. Khi hắn nói dối, hắn nói theo tính cách, vì hắn là kẻ nói dối và là cha của sự dối trá."

Phải thừa nhận rằng, các học giả Kinh thánh nhấn mạnh rằng những đoạn văn như vậy phải được đọc trong bối cảnh. Các chuyên gia này chỉ ra rằng Chúa Giêsu và tất cả những người theo Người ban đầu đều là người Do Thái, vì vậy rõ ràng Chúa Giêsu không có ý định chỉ trích tất cả người Do Thái hoặc Do Thái giáo. Thay vào đó, những đoạn văn đối kháng này phản ảnh một cuộc tranh luận trong Do Thái giáo và chỉ nhắm vào một nhóm nhỏ thù địch với Chúa Giêsu và thông điệp của Người.

Tuy nhiên, sắc thái như vậy phần lớn đã bị những kẻ cố chấp và bài Do Thái ở mọi thành phần bỏ qua trong nhiều thế kỷ, những kẻ đã sử dụng Gioan 8:44 để biện minh cho sự đàn áp, áp bức và bạo lực. Ví dụ, văn chương thiếu nhi ở Đức Quốc xã đã trích dẫn Gioan 8:44 để giải thích và biện minh cho chính sách bài Do Thái của Hitler. Gần đây hơn, Robert Bowers, tay súng chịu trách nhiệm cho vụ thảm sát năm 2018 tại một giáo đường Do Thái ở Pittsburgh khiến 11 người thiệt mạng và sáu người bị thương, đã phát biểu "Người Do Thái là con của Satan", trích dẫn Gioan 8:44, trong hồ sơ của mình trên nền tảng truyền thông xã hội Gab.

Ethan Schwartz, giáo sư Kinh thánh Do Thái tại Villanova, đã viết về Gioan 8:44 trong một bài viết cho Religion News Service rằng "sẽ không vô lý khi suy đoán rằng không có bản án nào gây ra nhiều cái chết và đau khổ hơn cho người Do Thái. Nó đã thúc đẩy vô số cuộc đàn áp, cuộc tàn sát và theo cách riêng của nó, là cuộc diệt chủng Holocaust". Do đó, Schwartz cho biết khi trích dẫn câu này trong bức thư của Đức Giáo Hoàng rằng "không thể cường điệu về thảm họa này đối với mối quan hệ Do Thái-Công Giáo".

Trong số 7,957 câu Tân Ước, việc chọn câu đặc thù này trong bối cảnh cuộc chiến tranh ở Gaza đã truyền đi một thông điệp có vẻ rõ ràng: Người Do Thái là kẻ thù của hòa bình và sự thật, và do đó phải chịu trách nhiệm cho cuộc tàn sát.

Vậy, làm sao mà câu kinh thánh này lại xuất hiện trong một lá thư của Đức Giáo Hoàng vào đúng ngày kỷ niệm một năm cuộc tấn công chết chóc nhất vào người Do Thái kể từ sau cuộc diệt chủng Holocaust – và không có bất cứ bối cảnh hay chú thích nào có thể làm giảm bớt những hàm ý bài Do Thái thô thiển?

Về mặt luận lý học, chỉ có hai khả thể, và thành thật mà nói, rất khó để biết khả thể nào là điều đáng lo ngại hơn. Lựa chọn thứ nhất là việc sử dụng câu này là cố ý, một loại phát súng kinh thánh nhằm vào Israel và thế giới Do Thái, cảnh báo họ về sự thất vọng ngày càng tăng với cách tiếp cận của Israel đối với cuộc chiến. Nếu vậy, người ta phải nghiêm túc đặt câu hỏi về sự phán đoán liên quan đến việc sử dụng một đoạn văn đầy rẫy lịch sử như vậy để nêu quan điểm, đặc biệt là vì nó dường như liên kết Vatican với một dòng bài Do Thái thường kết thúc trong nỗi kinh hoàng. Lựa chọn thứ hai là việc sử dụng Gioan 8:44 là vô tình, một trường hợp bất cứ ai chuẩn bị bản thảo cho Đức Giáo Hoàng đều không biết lịch sử của đoạn văn hoặc phản ứng mà nó có thể gây ra. Nếu đó là sự thật, thì nó đặt ra những câu hỏi đáng lo ngại về mức độ nhạy cảm trong Vatican đối với mối quan hệ Do Thái-Ki-tô giáo - điều này đặc biệt đáng lo ngại khi năm tới sẽ đánh dấu kỷ niệm 60 năm Nostra Aetate, văn kiện mang tính đột phá của Công đồng Vatican II dường như báo hiệu sự thay đổi theo kiểu Copernicus trong mối quan hệ của Giáo hội với người Do Thái và Do Thái giáo. Nếu bằng cách nào đó có thể một viên chức Vatican được giao nhiệm vụ soạn thảo một lá thư của giáo hoàng - một lá thư, theo hồ sơ có ghi chép, mà mọi người đều biết sẽ rất được Israel và người Do Thái quan tâm - thực sự có thể không biết về quá khứ đầy biến động của Gioan 8:44, thì điều đó sẽ đặt ra những câu hỏi thực sự về mức độ mà Công Giáo đã ghi nhớ Nostra Aetate.

Cho đến nay, tương đối có ít phản ứng dữ dội của công chúng về lá thư của Đức Giáo Hoàng, một phần vì nhiều viên chức Israel và các nhà lãnh đạo Do Thái có thể vẫn còn sửng sốt và cố gắng hiểu xem điều này có thể xảy ra như thế nào. Phản ứng chậm trễ này mang đến cho Vatican một khoảnh khắc cơ hội: Vẫn có thể đi trước một điểm bùng phát khác trong quan hệ Do Thái-Công Giáo bằng cách giải thích cách thức điều này xảy ra và bằng cách xin lỗi vì sự tổn thương và bối rối mà nó không thể không gây ra. Nếu không, nhiều người Israel và người Do Thái có thể khó mà không kết luận rằng Vatican thờ ơ với những bóng ma lịch sử mà lá thư của Giáo hoàng đã đánh thức – và việc gọi kết luận như vậy là một “thất bại” tiềm tàng trong mối quan hệ với Do Thái giáo sẽ là một sự đánh giá không đúng một cách nghiêm trọng.
 
Thượng hội đồng cần Ba Ngôi
Vũ Văn An
14:24 13/10/2024

Robert Royal, chủ bút The Catholic Thing, ngày 12 tháng 10 năm 2024 nhận định rằng Người ta thường nói: nền văn minh của chúng ta dựa trên một loại Ba Ngôi lịch sử - Giêrusalem, Athens và Rome - ngoài Chúa Ba Ngôi (cần phải nói trong một thời đại không có ý nghĩa lịch sử). Trong khi gốc rễ sâu xa nhất của bất cứ nền văn hóa nào là tôn giáo - và trong những thập niên gần đây, chúng ta đã thấy xung quanh mình những gì xảy ra khi con người chúng ta bị nhổ rễ khỏi nền văn hóa Kitô giáo phong phú của mình - thì vẫn còn những yếu tố khác cần thiết để nuôi dưỡng một cuộc sống con người trọn vẹn. Và điều này đúng với cuộc sống của Giáo hội cũng như thế giới "thế tục" mà chúng ta di chuyển, trong và qua, mỗi ngày.

Những cân nhắc như vậy không ít lần làm sáng tỏ những khó khăn mà nhiều người đang gặp phải về Thượng hội đồng về tính đồng nghị, ngay cả những người đã được xác nhận là chuyên viên đồng nghị (synodistas). Một cách để hiểu vấn đề là chúng ta dường như muốn hoàn toàn dựa vào Giêrusalem – Chúa Thánh Thần thường được cầu khẩn như là người bảo đảm mọi thứ, mặc dù việc ai có quyền quyết định tiếng nói của Chúa Thánh Thần là gì và không phải là gì, vẫn còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, chúng ta không lưu ý gì tới lịch sử thánh thiêng mà chính Chúa đã làm sáng tỏ khi Người xuất hiện trên trái đất “vào thời điểm viên mãn” (Gl 4:4).

Ki-tô giáo đã đến với thế giới vào một thời điểm đặc thù. Nó cần và hấp thụ lý tính cao của Athens để trí khôn con người, cũng như trái tim họ, có thể đi sâu vào mối quan hệ với Mặc Khải. Ví dụ, phần lớn những gì chúng ta hiểu về Sự nhập thể đã được giải thích bằng các thuật ngữ Hy Lạp cổ thời. Trong những năm gần đây, ngay cả ở những cấp cao nhất của Giáo hội, chúng ta thường nghe triết học và thần học bị hạ thấp, gần như thể việc có những ý tưởng rõ ràng về Đức tin và đạo đức là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa, thay vào đó, dường như là “lòng thương xót” thuần khiết, không xác định.

Và Giáo hội cũng cần Rôma, vì để ra đi và rao giảng Tin Mừng cho mọi quốc gia một cách hiệu quả, điều đó có nghĩa là phải duy trì sự thống nhất thiết yếu giữa sự đa dạng hoàn cầu và các lực lượng đối lập trên khắp các vùng đất rộng lớn, một điều giống như các kỷ luật của Rôma về luật pháp, trật tự và - vâng - thậm chí cả sức mạnh quân sự - đã và đang là điều cần thiết.

Kitô giáo không lan truyền bằng gươm giáo như Hồi giáo, nhưng gươm giáo thường được sử dụng để bảo vệ Đức tin. Chúng ta vừa kỷ niệm ngày kỷ niệm chiến thắng của hải quân Kitô giáo tại Lepanto trước quân Ottoman vào ngày 7 tháng 10; Ngày 10 tháng 10 là ngày người Franks đẩy lùi quân Hồi giáo xâm lược tại Tours ở Pháp; và ngày 14 đánh dấu thất bại của người Thổ Nhĩ Kỳ tại Cuộc vây hãm Vienna. Nếu không có sự kháng cự như vậy đối với các cuộc tấn công vũ trang, Châu Âu Kitô giáo sẽ không tồn tại hoặc không truyền bá đức tin và văn hóa của mình đến Châu Mỹ và phần lớn thế giới còn lại.

Nhưng không chỉ bảo vệ các vùng đất Kitô giáo khỏi sự tấn công từ bên ngoài mà một đức tính quân sự nhất định là điều cần thiết. Bản thân Giáo hội cần một tinh thần nam tính - có lẽ trong thời đại của chúng ta hơn bao giờ hết - khi các thế lực ngay cả trong Giáo hội cố gắng làm cho nó có vẻ như tâm hồn của Kitô giáo thực sự chỉ là sự cởi mở - đặc biệt là đối với những người chỉ trích.

Ẩn dụ về Trận chiến Lepanto của Paolo Veronese, khoảng năm 1800 1572 [Gallerie dell’Accademia, Venice]


Nhà thơ Mỹ hiện đại Ezra Pound đã viết một chút về sự điều chỉnh hình ảnh hiện đại của chúng ta về Chúa Giêsu và một cái gì đó theo cách hài hước hơn (“Ballad of the Goodly Fere” [Bài ca Bạn đồng hành]):

Ha’ chúng ta đã mất đi bạn đồng hành của mọi người
Vì các linh mục và cây giá treo cổ?
Phải, Người là người yêu của những người đàn ông lực lưỡng,
Hỡi những con tàu và biển cả mênh mông....
Tôi đã thấy Người điều khiển một trăm người
Với một bó dây thừng đung đưa tự do,
Rằng họ đã lấy ngôi nhà cao và linh thiêng
Làm vật cầm đồ và kho bạc của họ.
Họ sẽ không đưa Người vào một cuốn sách
Mặc dù họ viết nó một cách khéo léo;
Không có con chuột nào trong số các cuộn giấy là Bạn Đồng Hành
Nhưng Người yêu biển cả mênh mông....
Một bậc thầy của con người là Bạn Đồng Hành,
Một người bạn đồng hành của gió và biển,
Nếu họ nghĩ rằng họ đã giết Bạn Đồng Hành của chúng ta
Họ là những kẻ ngốc muôn đời.
Tôi đã thấy Người ăn tổ ong mật
Tội lỗi họ đã đóng đinh Người vào cây gỗ.
Đó là tiếng nói của một người lao động, một thợ mộc, một ngư dân. Một người cũng sống theo khuôn mẫu trên trái đất cũng như trong thế giới tinh thần và ý tưởng.


Một giám mục Dòng Biển Đức đã nói trong những ngày gần đây rằng "Thượng hội đồng sẽ không mang lại bất cứ câu trả lời cụ thể nào, mà là một sự thay đổi về phong cách." Tùy thuộc vào ý nghĩa của ngài khi nói như vậy, thì đó có thể là một sự phát triển đáng hoan nghênh.

Những người tổ chức Thượng hội đồng dường như nghĩ rằng phong cách thượng hội đồng có nghĩa là một sự thay đổi trong một Giáo hội vốn thiếu lắng nghe và đối thoại. Đối với nhiều người Công Giáo khác, lắng nghe và đối thoại và giảm nhẹ Đức tin là tất cả những gì chúng ta nghe thấy gần đây. Họ đang tìm kiếm Đức tin để rao giảng một cách táo bạo, đầy đủ, nam tính, không cần xin lỗi, cho một thế giới luôn cần lắng nghe thông điệp, nhưng có lẽ không bao giờ hơn lúc này khi di sản ba ngôi của chúng ta là Giêrusalem, Athens và Rome đều đang suy thoái như chưa từng có trong lịch sử của chúng ta.

Nếu chúng ta thực sự quyết tâm cùng nhau bước đi, chúng ta sẽ phải nghiêm túc về việc gắn kết con người với nhau theo mọi cách: về mặt thể chất, tình cảm, trí tuệ, đạo đức, tinh thần. Khi mọi thứ phát triển trên con đường đồng nghị, có rất nhiều năng lượng được dành cho cảm xúc - cảm xúc tiến bộ về tình dục, khí hậu, phụ nữ, người di cư trên hết - đến mức toàn bộ hoạt động đôi khi có vẻ như là về những gì một số nhà tư tưởng thế tục gọi là Chủ nghĩa cảm xúc hậu hiện đại của chúng ta.

Không phải là cảm xúc của những người đồng Ki-tô hữu đang đấu tranh để nuôi dạy con cái và sống và chết trong lòng trung thành với Đức tin giữa những cuộc tấn công từ một "chủ nghĩa thức tỉnh" hiếu chiến; hoặc đau khổ vì những sự đầu hàng có vẻ như của các nhà lãnh đạo Giáo hội đối với một nền hiện đại thế tục và phản Kitô giáo.

Trong khi đó, các Ki-tô hữu của chúng ta cũng đang phải chịu đựng sự đàn áp đang tạo ra những vị tử đạo ở Trung Đông, Trung Phi, Ấn Độ, Pakistan, Trung Quốc, thậm chí là Mỹ Latinh. Và đạo Thiên Chúa đang chịu áp lực ở Châu Âu, Châu Mỹ, Úc, v.v. từ những người coi đó là trở ngại đen tối và lạc hậu đối với quyền phá thai, sự đa dạng, LGBT, "người da màu", các tôn giáo khác giống như các ngôn ngữ khác nhau của Thiên Chúa.

Có lẽ các đại biểu tham dự hội nghị nên bắt đầu tự hỏi: Chúa Giêsu táo bạo hơn ở đâu?

Tôi đã thấy Người khuất phục hàng ngàn người
Trên những ngọn đồi Galilê
Họ rên rỉ khi Người bước ra một cách bình thản,
Với đôi mắt như màu xám của biển.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh Lễ Bổn Mạng Legio Curia – TGP Sydney
khanh Lai
19:28 13/10/2024
Thánh Lễ Bổn Mạng Legio Curia – TGP Sydney

Xem thêm hình:

Mỗi năm tới tháng 10, tháng kính Đức Mẹ, nhưng đối với Legio Curia cũng là lễ Bổn Mạng của Legio Marae, hôm nay thứ 7 ngày 12/10/2024 anh chị em legio Curia long trọng mừng kính Đức Mẹ Mân Côi Bổn Mạng tại Nhà Thờ St. Christopher’s Panania NSW 2213.

Rất đông anh chị em đã tập trung tại sân trường học từ 9am sáng, tới lúc 10.30am bắt đầu lần hạt mân côi, và cung nghinh tượng Mẹ Mân Côi từ sân trường học vào nhà thờ. 13 đội Legio đi hàng 2 tiến về nhà thờ, trên tay nhiều người cầm chuỗi tràng hạt Mân Côi và vừa đi vừa đoc kinh theo sự hướng dẫn của MC.

Đoàn phụng vụ và kiệu hoa Đức Mẹ được rước lên trên cung thánh, và đặt bên phải bàn thờ, cái đội trưởng cùng cha Linh Giám dâng hương kính Đức Mẹ trước khi về chỗ ngồi.

Cha Paul Văn Chi là Tuyên Úy cộng đồng Công Giáo và cũng là Linh Giám Curia. Trước Thánh Lễ, ngài có lời giới thiệu Lm. Paul Nguyễn Văn Xuân từ Việt Nam qua, cùng đồng tế thánh lễ với ngài hôm nay, chị trưởng Senatus Lucy đại diện cho hội đồng Senatus TGP Sydney tới tham dự Thánh Lễ hôm nay, đồng thời có đại diện HĐMV và đại diện các đoàn thể tới tham dự. sau đó ngài huấn từ tới mọi thành viên của hội Legio Mariae trong Curia.

Trong bài giảng hôm nay Cha Paul Văn Chi nói: “Kính chào bà đầy ơn phúc” lời sứ thần truyền tin cho Mẹ Maria đã trở thành câu kinh Mân Côi của mỗi người chúng ta. Ngày 7/10/1571 ghi dấu ngày Mẹ Maria phù trợ Giáo Hội trong chiến thắng tại hồ Lepanto. Giáo Hội đã chọn ngày này kính Mẹ Mân Côi. Nhờ chúng ta cầu nguyện và lần hạt Mân Côi nên Mẹ đã che trở cho chúng ta chiến thắng tại đây nhờ cầu kinh Mân Côi…..

Trước khi kết thúc Thánh Lễ mọi người cùng đứng đọc kinh Catena. Sau đó ông Chủ Tịch CĐCGVN Nguyễn Ngọc Khiêm lên có đôi lời chúc mừng Curia. Đáp từ là anh Giuse Lý Ngọc Thuyên đại diện Legio Mariae lên có đôi lời cám ơn cha Linh Giám, cha Nguyễn Văn Xuân đã cùng đồng tế thánh lễ hôm nay, các trưởng, và toàn thể anh chị em đã giúp trong Thánh lễ hôm nay mọi sự tốt đẹp. Đồng thời anh mời cha Linh Giám, cha khách và toàn thể anh chị em sau thánh lễ qua sân trường học cùng tham dự buổi liên hoan than mật.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ quý Cha và toàn thể Legio Curia cùng chụp chung một tấm hình làm kỷ niệm lễ bổn mạng năm nay.

Khanh Lai tường trình












 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Kinh Mân Côi: Nâng đỡ đời con
Đinh văn Tiến Hùng
19:13 13/10/2024
KINH MÂN CÔI : Nâng đỡ đời con
( Tháng Mân Côi - Lễ Kính 7/10 )

*Phần I : Thơ Kinh nguyện cầu.

-Thánh Đa-Minh quả quyết : ”Không có cách cầu nguyện nào đẹp lòng Chúa và Mẹ Maria bằng Kinh Mân Côi.”
-Thánh Benađô : “Kinh Mân Côi có sức xua đuổi ma quỉ và làm cho hỏa ngục kinh hoàng khi nghe Danh Thánh Maria.”
-Thánh Louis De Montfort :”Kinh Mân Côi là một kho tàng vô giá được Thiên Chúa linh hứng”
-Thánh Gioan Phao-lô II : “Dù rõ ràng hướng về Đức Mẹ, kinh Mân Côi đích thực là một lời Kinh hướng về Thiên Chúa. “
…………

Con dù lớn vẫn là con của Mẹ,
Suốt cuộc đời Mẹ luôn ở bên con,
Dù cho sông cạn núi mòn,
Lòng con yêu Mẹ luôn còn trong tim.

Ngay từ lúc mới sinh,
Trong đêm vắng một mình,
Ngồi bên con an giấc,
Mẹ nhè nhẹ lời Kinh.

Ngày tháng nằm trong nôi,
Con chưa hiểu được lời,
Tiếng Kinh ru ngày ấy,
Đem dấu ấn vào đời.

Đến khi con lớn lên,
Vọng tiếng chuông êm đềm,
Đôi chân chim nhỏ bé,
Theo mẹ buổi Kinh chiều.

Bước vào tuổi trưởng thành,
Vào đời để mưu sinh,
Con lên đường vội vã,
Trong lời Kinh độc hành.

Khi đến tuổi biết yêu,
Tâm hồn thấy cô liêu,
‘ Kính Mừng ‘ thôi lẻ bóng,
‘ Thánh Maria ‘ ấm cúng nhiều.

Con khoác áo chiến chinh,
Giã từ tuổi thư sinh,
Quê Hương trùm lửa khói,
Vang dậy tiếng cầu Kinh.

Đeo ba-lô lên đàng,
Trong gói nhẹ hành trang,
Con mang theo ‘Hộ Mệnh’,
Mân Côi Chuỗi Ngọc Vàng.

Ôi cuôc sống đao binh !
Cận kề với tử sinh,
Con nguyện Kinh cầu khấn,
Cho Đất Nước thanh bình.

Hòa bình nào thấy đâu?
Những tháng năm đọa đầy,
Trong ngục tù khổ nhục,
Giọt lệ nhỏ Kinh cầu.

Hoàng hôn gác đầu non,
Thân con đã mỏi mòn,
Dâng lời Kinh ước nguyện,
Tổ Quốc và hồn con.

Đêm đêm ngồi lặng bên đèn,
Phù du cuộc sống bon chen với người,
Bao năm trôi nổi một đời,
Câu Kinh xám hối, nghẹn lời ăn năn.

Con mở mắt chào đời trong lời Kinh mẹ nguyện,
Lời Kinh luôn mang dấu ấn in đậm trong tâm hồn,
Dù thuyền đời cuốn sóng kinh hoàng săp vùi dập,
Con luôn được nâng đỡ qua lời Kinh Mân Côi.


KINH MÂN CÔI
Chìa Khóa Mở Cửa Thiên Đàng

*Phần II : Mân Côi nhiệm mầu.

*Hàng năm Giáo Hội giành riêng 2 tháng để tôn kính Đức Mẹ Maria : Tháng 5- Tháng Hoa và Tháng 10- Tháng Mân Côi.
Kinh Lạy Cha được chính Chúa truyền dạy cho các Tông Đồ cách cầu nguyện hiệu quả nhất.
Kinh Kính Mừng: Kinh Mân Côi là kinh Đức Mẹ yêu thích nhất vì ngăn cản cơn thịnh nộ
Thiên Chúa giáng phạt loài người. Đức Mẹ khuyên nhủ mọi người hãy siêng nặng đọc Kinh Kính Mừng khi Mẹ hiện ra tại Fatima, Lộ Đức, La Vang, La Salette, Mễ Du, Guadalupe…

Kinh Mân côi khởi nguyên từ lời Sứ Thần chào mừng Trinh Nữ Maria khi truyền tin và lời
bà Elizabeth chúc tụng khi Đức Mẹ đến săn sóc bà sắp đến ngày sinh Vị Tiền Hô Chúa.

Trình thuật theo Tin Mừng Tân Ước :
-“ Thiên Thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến một thành xứ Galilêa tên là Nazareth, đến cùng Trinh Nữ tên là Maria đã đính hôn với 1 người tên là Giuse, thuộc nhà Đa-vít. Vào nơi Bà, Thiên Thần nói với Bà:
“ Vui lên! Hỡi Người Đầy Ơn Phúc ! Chúa ở cùng Bà ! “… ( Lc.1: 28- 33 )
-“ Và xảy ra khi Elizabeth thoạt nghe lời Maria chào, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng mẹ và bà được đầy ơn Thánh Thần thốt lên tiếng kêu và nói : Trong nữ giới, chỉ có Người là Diễm Phúc ! Và đáng chúc tụng thay Hoa quả Lòng Người !.. ( Lc.1: 41& 42 )

*Phát xuất từ tiếng La-tinh Rosarium là Vườn Hồng. Tiếng Việt có nhiều từ đọc khác nhau nhưng cùng một ý nghĩa : Mân Côi, Môi Côi, Môi Khôi, Văn Khôi, Mai Khôi.
Một Chuỗi Mân Côi hay Tràng Mân Côi do nhiều đóa Hoa Hồng kết thành một Tràng Hoa Hồng Tuyệt
Diệu gồm 5 Kinh Lạy Cha, 50 Kinh Kính Mừng và 5 Kinh Sáng Danh, diễn tả cuộc đời Chúa Giêsu và Mẹ Maria qua trình tự Tân Ước với các mầu nhiệm: Năm Sự Vui- Năm Sự Thương – Năm Sự Mừng và Năm Sự Sáng (ĐGH Gioan Phao-lô II lập ra sau)

Chúa soi sáng cho Thánh Bergetta lập ra Chuỗi Mân Côi gồm 50 Kinh Kính Mừng để kính nhớ 150 Thánh Vịnh trong Cựu Ước. Còn lời nguyện sau mỗi 10 Kinh Kính Mừng và Kinh Sáng Danh do Đức Mẹ truyền dạy cho 3 trẻ tại Fatima :
‘Lạy Chúa Giêsu xin tha tội cho chúng con ! xin cứu chúng con cho khỏi sa hỏa ngục ! Xin đưa các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.’

Năm 2002, Thánh GH Gioan Phaolô II thêm vào Năm Sự Sáng tả lại 5 sự kiện quan trọng trong hành trình rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu :

(1) Chúa chịu Phép Rửa trên sông Jordan.
(2) Chúa biến nước hóa rượu tại tiệc cưới Cana.
(3) Chúa rao giảng về Nước Trời và sự thống hối.
(4) Chúa Biến Hình trên núi Tabo.
(5) Chúa lập Bí tích Thánh Thể.

*Thánh Đa Minh sáng lập Dòng Thuyết giáo là Sứ giả tiên khởi Kinh Mân Côi và nhiều Vị Tông đồ hăng say truyền bá Kinh Mân Côi như tu sĩ Dominique Dòng Chartreux hay tu sĩ Alain de la Roche Dòng Đa Minh…
-Năm 1213 Đức Mẹ truyền dạy Thánh Đa Minh khuyên mọi người đọc Kinh Mân Côi để phá tan bè rối Albigeois.
-Năm 1475 Hoàng Đế Frederic III, Hoàng Hậu và Hoàng Tử ghi tên gia nhập Hội Mân Côi.
-Năm 1571 Giáo Hoàng Piô V truyền Hội Thánh đọc Kinh Mân Côi để cứu vãn sự tàn phá đạo Công Giáo của quân Hồi.
-Năm 1629 bệnh dịch tả lan tràn khắp nước Ý, tu sĩ Timoteo Ricci phát động phong trào đọc Kinh Mân Côi xin Đức Mẹ cứu giúp.
-Năm 1657 ĐGH Alexandre VII ban nhiều ân xá cho những ai đọc Kinh Mân Côi.
-Năm 1826 bà Pauline Jaricot lập phong trào ‘Kinh Mân Côi Sống’ gồm mỗi nhóm 10 người cầu nguyện hàng ngày.
-Thế Kỷ 16 Giáo Hoàng Lêô 13 phổ biến Kinh Mân Côi trong toàn Giáo Hội.
-Thế Kỷ 20 Lm Joseph Eyquem thành lập Hội Mân Côi và ngày nay đã lan rộng tại nhiều quốc gia.
- Đức Giáng Hoàng Phao-lô VI khuyên nhủ : “ Việc đọc Kinh Mân Côi được cho là một trong những kinh nguyện chung tốt đẹp nhất, hữu hiệu nhất mà gia đình Công Giáo được khuyến khích siêng năng đọc “

*15 ơn lành cho những ai siêng năng đọc Kinh Mân Côi :
-1/ Những ai trung thành phụng sự Mẹ bằng Kinh Mân Côi sẽ được ơn cao cả.
-2/ Mẹ hứa sẽ phù trợ đặc biệt cho những ai đọc Kinh Mân Côi.
-3/ Kinh Mân Côi là áo giáp chống Hỏa ngục, tiêu diệt thói xấu, giảm thiểu tội lỗi.
-4/ Kinh Mân Côi giúp nhân đức và các việc lành triển nở, kéo nhiều tình thương Chúa trên các linh hồn.
-5/ Linh hồn đến với Mẹ bằng Kinh Mân côi sẽ không hư mất.
-6/ Những ai đọc kinh Mân Côi sốt sáng, áp dụng mầu nhiệm vào đời sống sẽ không bị rủi ro.
-7/ Những ai thật sự tôn sùng mầu nhiệm Mân Côi, sẽ được ơn chịu các phép bí tích giờ cuối cùng.
-8/ Những ai trung thành Lần Hạt Mân Côi khi sống và nhất là trong giờ chết, sẽ được Chúa soi sáng cùng với những ơn huệ của Ngài.
-9/ Mẹ sẽ cứu khỏi luyện tội những ai tôn sùng phép Lần Hạt Mân Côi.
-10/Những con cái trung thành với phép Lần Hạt Mân Côi sẽ được hưởng vinh quang Nước Trời.
-11/Nhờ Lần Hạt Mân Côi sẽ được hưởng những gì mình xin.
-12/Những ai truyền bá Kinh Mân Côi sẽ được Mẹ giúp đỡ lúc khó khăn gian nan.
-13/Mẹ đã xin Con Chí Thánh Mẹ ơn này : những ai truyền bá phép Mân Côi, sẽ được cả Triều đình Thiên Quốc cầu bầu cho lúc sống cũng như khi chết.
-14/Những ai đọc Kinh Mân Côi đều là con cái Mẹ và anh em với Con Một Mẹ là Chúa Giêsu.
-15/Tôn sùng phép Lần Hạt Mân Côi là dấu chắc chắn được ơn tiền định cứu rỗi.

*Kinh Mân Côi không chỉ giành riêng cho những người bình dân, ít học vì ngắn gọn dễ thuộc, đọc đi đọc lại nhiều lần. Một số người cho là nhàm chán, thật là điều ngộ nhận và phỉ báng. Nhưng lịch sử đã chứng minh nhiều người trí thức, quyền thế, khoa học, chính trị, văn nhân, nghệ sĩ…là những người ít tin vào tôn giáo, lại là những người sùng mộ Kinh Mân Côi như : Hoàng Đế Karl V, Tướng Tily, Hoàng hậu Maria Teresa, Thủ tướng Áo Rulius Raab, nhà toán học Andre Maria Ampere, Khoa học gia Louis Pasteur, văn hào Clemens Brentano, nhạc sư Amadeus Mozart, các họa sĩ Albred Durero và Da Vinci…

*Muôn ơn lành Thiên Chúa ban xuống cho thế gian qua lời Kinh nguyện Mân Côi mà chúng ta đã đón nhận không sao kể hết được. Người viết xin trích dẫn một phép lạ điển hình trong 100 truyện tích lạ Mân Côi về ‘Thánh Dominico, Đấng sáng lập dòng Đa-Minh và Chuỗi Mân Côi ‘ :
Nói đến Kinh Mân Côi mà không nói đến Thánh Dominico là một điều thiếu sót. Ngài sinh tại Tây Ban Nha năm 1170 và qua đời năm 1221 tại Ý, hưởng thọ 51 tuổi. ĐGH Gregorio IX phong Hiển Thánh cho Ngài ngày 11/7/1234. Ngài được Đức Mẹ trao nhiệm vụ truyền bá Kinh Mân Côi.
Một ngày kia Thánh Nhân đang cầu nguyện cho bè rối Albigense ăn năn trở lại, thì Đức Mẹ hiện ra với Ngài, có 3 Vị Nữ Hoàng và 50 Trinh Nữ theo hầu. Đức Mẹ phán bảo với Thánh Nhân :
“Hỡi con ! Mẹ xin Thiên Chúa ơn cải tử hoàn sinh cho nhân loại. Con hãy chịu khó đi rao giảng cho dân chúng bằng Kinh Mân Côi”

Nói đến đây Đức Mẹ chỉ vào 3 đoàn Trinh Nữ mặc 3 màu áo khác nhau : trắng, đỏ, vàng và dạy Thánh Nhân ý nghĩa mầu nhiệm : 5 Sự Vui- 5 Sự Thương và 5 Sự Mừng. Nhận lệnh thị kiến đó, Thánh Nhân biết rằng Kinh Mân Côi là khí giới thần lực, đánh bại các phe lạc giáo, cứu Giáo Hội và nhân loại. Ngài đi đến đâu cũng giảng về Chuỗi Mân Côi. Một hôm, từ Fanjeux đến Prouille giảng về Kinh Mân Côi. Ngài vào nhà thờ lần Chuỗi Mân Côi. Bỗng Đức Mẹ hiện ra phán bảo :
“Hỡi con ! Mẹ đã nhận tấm lòng thành kính con dâng lên Mẹ, như những đóa hồng hái trong mưa !”
Dominico ngửa mặt lên nhưng không thấy gì, Ngài lại tiếp tục đọc kinh và cầu xin cho dân thành Prouille
ăn năn trở lại. Bỗng lại nghe tiếng nói :
“Hỡi con ! Hãy hái cho Mẹ những hoa hồng bất diệt, để Mẹ cứu các linh hồn.”
Thánh Nhân hỏi lại Đức Mẹ chỉ cho biết những hoa hồng nào hoàn hảo nhất.
Đức Mẹ trả lời : “Hoa hoàn hảo nhất chính là Kinh Kính Mừng mà con đang đọc.”
Dominico sung sướng vì đã tìm được bí quyết với niềm hy vọng tràn trề. Bấy giờ Đức Mẹ mới hiện ra rõ ràng, nghiêng mình và nâng cửa nhà thờ cho Thánh Nhân bước vào. Mặt Đức Mẹ sáng láng, áo trắng như tuyết, cổ tay và chân Mẹ có hoa hồng tươi nở, tỏa hương thơm ngào ngạt. Dominico quay nhìn Đức Mẹ chào kính ‘Kính Mừng Maria đầy ơn phúc !’ Lập tức chín phẩm Thiên Thần hòa nhịp ca tụng Đức Mẹ. Ngài cũng được Đức Mẹ đưa lên trời Kính thờ Chúa Ba Ngôi và thấy những Kinh Kính Mừng Ngài đọc được điểm tô trên ngai tòa Chúa.
Sáng hôm sau, Ngài trở về Fanjeux rao giảng Kinh Mân Côi. Nhờ đó bè rối Albigense tan rã. Giáo Hội trở lại yên bình.
Đó là nguồn gốc Kinh Mân Côi Thánh Dominico đã truyền cho nhân loại.

*Suy gẫm Mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta thấy biết bao ơn lành Chúa ban phát cho nhân loại nhờ Kinh Mân Côi và Trái Tim Nhân Lành Mẹ đồng công cùng Chúa cứu chuộc nhân loại.
Những ai siêng năng Lần Chuỗi Mân Côi, không những chỉ được Mẹ cứu giúp đời sau, mà ngay trong cuộc sống đời này cũng được Mẹ ban cho nhiều ơn phúc.
Nhìn vào thế giới hiện nay, bao nhiêu tai ương hoạn nạn : chiến tranh, thiên tai, khủng bố, kỳ thị, sa đọa
chống tôn giáo, vô luân lý đạo đức…chỉ có phép Mầu Nhiệm Kinh Mân Côi mới mong cứu thoát.
Chúng con tha thiết khẩn cầu Mẹ qua Kinh Mân Côi- Lời cầu nguyện hiệu quả nhất- Chúa sẽ không từ chối lời chúng con xin.

*KINH KÍNH ĐỨC BÀ MÂN CÔI

“Lạy rất Thánh Đồng Trinh Maria ! Chúng con trông cậy Đức Bà lầ Đấng hay thương giúp những kẻ khốn nạn và khô khan, hay gìn giữ những kẻ là dân Đức Chúa Trời và hay ban mọi ơn lành cho những kẻ có lòng kính mến lễ trọng này.
Chúng con xin Rất Thánh Đức Bà Maria Mân Côi cầu cho chúng con. Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.
Lạy Đức Chúa Trời lòng lành vô cùng, chúng con xin vì công nghiệp Con Người là Đức Giêsu đã lấy sự sống, sự chết và sự sống lại của Người, mà làm cho chúng con được mọi ơn lành, được rỗi linh hồn.
Chúng con xin Chúa ban cho chúng con siêng năng suy ngắm những mầu nhiệm trong phép Rất Thánh Mân Côi cho nên, cùng được bắt chước những mầu nhiệm ấy, để chúng con đáng được hưởng phần phúc Chúa đã hứa ban cho.
Vì công nghiệp Con Một Chúa là Đấng hằng sống hằng trị làm một cùng Chúa đời đời chẳng cùng.
Amen-

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

(*)Ghi chú: Quí vị muốn hiểu rõ về những từ ‘ Mân côi, Văn côi, Môi côi, Môi khôi, Văn khôi, Mai khôi ‘, xin đọc bài biên khảo của tác giả Nguyễn Long Thao sau :

Tháng Mân Côi
________________________________________
Mân Côi - Mai Khôi - Môi Khôi - Văn Côi
Nguyễn Long Thao

Tháng Mân Côi: Giải thích đặc ngữ Công Giáo: Mân Côi - Mai Khôi - Môi Khôi - Văn Côi


Mỗi tôn giáo có những đặc ngữ riêng. Người thuộc tôn giáo này khó hiểu được những đặc ngữ của tôn giáo khác. Ví dụ đa số người người Công Giáo không hiểu rõ ý nghĩa các từ như Chánh Quả, Bát Nhã, Huệ, Tuệ của Phật Giáo. Người Phật Giáo cũng không hiểu rõ ý nghiã các từ như Mân Côi, Chầu Lượt, Mùa Át, Sinh Thì của Công Giáo. Ngoài ra, các tín hữu trong một tôn giáo cũng không hiểu hết các từ ngữ trong tôn giáo của mình, nhất là các từ về thần học..

Đối với Công Giáo Việt Nam, một trong các từ khó hiểu và gây nhiều thắc mắc là Từ Mân Côi – Văn Côi – Mai Khôi – Môi Khôi. Người ta thường nói: Kinh Mân Côi, Tháng Mân Côi, Mầu Nhiệm Mân Côi, Chuỗi Môi Khôi, và ai cũng hiểu đại khái đó là kinh Kính Mừng và tháng Mân Côi là tháng 10 kính Đức Mẹ Maria. Nhưng nếu có hỏi: từ Mân Côi có ý nghĩa gì để được gọi là Kinh Kính Mừng thì không mấy ai trả lời được. Ngoài ra tại sao Mân Côi lại còn gọi là Văn Khôi, Mai Khôi, Môi Khôi. Vấn nạn đặt ra như vậy nên bài nghiên cứu sẽ đề cập đến các vấn đề: (1) Kinh Mân Côi là gì. (2) Tại sao gọi là Kinh Mân Côi. (3) Mân Côi, Mai Khôi, Môi Khôi, Văn Côi từ nào đúng?

1. KINH MÂN CÔI LÀ GÌ:

Theo định nghĩa của các từ điển thần học Công Giáo, Kinh Mân Côi, tiếng La Tinh gọi là Rosarium, Anh ngữ là Rosary, Hán tự là 玫 瑰 涇, phát âm là [méiguijing], giọng Hán Việt đọc là Mai Côi Kinh, là bộ kinh nguyện kính Đức Mẹ gồm 200 kinh chia làm từng chục. Mỗi chục gồm một kinh Lậy Cha,10 kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh. Đồng thời mỗi chục kinh để tưởng nhớ một mầu nhiệm liên hệ đến Chúa Giêsu hay Đức Mẹ Maria. Như vậy kinh Mân Côi là kinh suy niệm 20 Mầu Nhiệm, được chia làm 4 Mầu Nhiệm chính mà đặc ngữ Công Giáo gọi là Mùa như Mầu Nhiệm Mùa Vui, Mầu Nhiệm Mùa Thương, Mầu Nhiệm Mùa Mừng, và Mầu Nhiệm Sự Sáng.

Mùa Vui suy tư sự kiện Chúa Giáng Sinh. Mùa Thương tưởng nhớ đến việc Chúa chịu chết trên Thập Giá. Mùa Mừng tưởng nhớ đến việc Chúa Phục Sinh. Mùa Sáng hay Mầu Nhiệm Sự Sáng mới có từ năm 2002 dưới thời ĐGH Gioan Phaolô II, dành để suy niệm cuộc đời Chúa Giêsu khi ra đi giảng đạo từ lúc chịu phép rửa trên sông Jordan tới khi Chúa lập phép bí tích Thánh Thể. Theo tài liệu thì Kinh Mân Côi do Đức Mẹ truyền dậy cho thánh Đa Minh và Giáo Hội cho chính thức phổ biến từ năm 1214.

2. TẠI SAO GỌI LÀ KINH MÂN CÔI.

Như chúng tôi đã nói, kinh mà giáo dân Việt Nam gọi là Kinh Mân Côi thì La ngữ gọi là Rosarium, Anh ngữ là Rosary, Hán ngữ là 玫 瑰 涇 được phát âm là [méiguijing]. Tất cả những từ ngữ trên, dù La ngữ, Anh ngữ, Hán tự hay Hán Việt đều có nghĩa là Kinh Hoa Hồng. Theo Công Giáo Báck Khoa Từ Điển, ấn bản Anh ngữ, sở dĩ gọi là Kinh Hoa Hồng là do tích truyện một thầy tu khi đọc kinh Kính Mừng, Đức Mẹ đã lấy những nụ hoa hồng trên môi của thầy tu ấy kết thành vòng hoa đội lên đầu mình. Corona, Chaplet, Garland trong tiếng Anh có nghiã là Vòng Hoa Hồng hay Chuỗi Hạt, tương đương với ý nghĩa từ Rosarium của Latinh. Trong tiếng Anh cổ từ BEAD có nghiã là Hạt, Hột và cũng có nghĩa là Kinh (Prayers). Do vậy tràng hạt tượng trưng cho tràng hoa hồng Đức Mẹ đội trên đầu được gọi là Tràng Mân Côi, Chuỗi Mân Côi, hay Chuỗi Môi Khôi. Thần Học Từ Điển của người Công Giáo Tàu gọi kinh này là 玫 瑰 涇 [méiguijing] tức Mai Côi Kinh có nghĩa là Kinh Hoa Hồng. Tóm lại, người Công Giáo Việt Nam dùng từ Mân Côi là do bắt chước người Tàu nhưng đọc theo giọng Hán Việt.

3. MÂN CÔI, MAI KHÔI, MÔI KHÔI, VĂN CÔI - TỪ NÀO ĐÚNG.

Trong số các từ Mân Côi, Mai Khôi, Môi Khôi, Văn Côi, người Công Giáo dùng nhiều nhất là từ Mân Côi. Như thế Mân Côi có phải là từ đúng nhất không? Chúng ta hãy xét các từ này qua từ điển của người không phải là Công Giáo và các từ điển hoặc sách vở của người Công Giáo.

3.1 Từ điển không phải của người Công Giáo:

3.1.1 - Việt Nam Từ Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức không có từ Mân Côi hay Mai Côi

3.1.2 - Đại Từ Điển Tiếng Việt của Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo xuất bản năm 1999 tại Hà Nội không có từ Mân Côi, Mai Côi, Văn Côi

3.1.3 - Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh định nghĩa: Mai Khôi 玫 瑰: Một thứ ngọc tốt và Mai Khôi Hoa 玫 瑰 花: hoa hồng. Ông không liệt kê từ Mân Côi hay Văn Côi.

3.1.4 - Hán Việt Từ Điển của cụ Thiều Chửu đinh nghiã Mai Côi 玫 瑰: (1) cây hoa Hồng. (2) thứ ngọc mầu đỏ.

3.1.5 - Từ Điển Hán Việt Hiện Đại của Tô Cẩm Duy do Văn Hóa Thông Tin xuất bản năm 2006 viết 玫 瑰 [méigui]: Hoa hồng, cây hoa hồng.

3.1.6 - Từ Điển Hán Việt của Ban Tu Thư Nghĩa Thục in năm 1999 định nghiã Mai Côi hay Mai Khôi 玫 瑰: hoa hồng. Từ điển này không có từ Mân Côi hay Văn Côi.

Tóm lại các từ điển trên đây chỉ giải thích từ Mai Khôi là hoa hồng chứ không giải thích Mai Khôi là chục kinh Kính Mừng.

Truyền dạy năm 1214.

3. 2. Từ điển hay kinh sách của người Công Giáo:

3.2.1 Cuốn sách Giáo Lý Công Giáo đầu tiên của Việt Nam là Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông do nhà thừa sai Giêrônimo Mayorica soạn vào năm 1623 chưa biết tới từ Mân Côi hay Hay Tràng Hạt nên Ngài đã phiên âm tiếng Bồ Đào Nha Rô Sa Riô (Rosario) và Cô Rô Na (Corona) để chỉ kinh Mân Côi và tràng hạt

3.2.2. Tác phẩm Thánh Giáo Kinh Nguyện có kinh cầu Đức Bà bằng Hán Văn mà ta quen gọi là Kinh Cầu Chữ có 2 câu sau đây: (1) Huyền Nghiã Văn Côi. (2) Chí Thánh Văn Côi Chi Hậu. Đến năm 1924, các giáo sĩ san định lại kinh sách Công Giáo và dịch hai câu trên ra việt ngữ như sau:

- Huyền Nghĩa Văn Côi: Đức Bà Như Hoa Hường Mầu Nhiệm Vậy

- Chí Thánh Văn Côi Chi Hậu: Nữ Vương Truyền Phép Rất Thánh Mân Côi.

3.2.3 Dictionarium Anamitico Latinum của Đức Cha AJ. L. Taberd xuất bản năm 1838 không có từ Mân Côi, Văn Côi, Mai Khôi.

3. 2.4 Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của, ấn bản 1895-1896 có từ Môi Khôi và được định nghiã là (1) hoa hồng. (2) loài ngọc qúy. Ông ghi chú thêm phải đọc là Mai, không nên đọc là Môi. Tác giả là người Công Giáo nhưng không ghi thêm Môi Khôi hay Mai Côi là tên một kinh của Công Giáo.

3. 2.5 Thuật Ngữ Thần Học Anh Việt của Học Viện Đa Minh xuất bản năm 2002 định nghĩa Rosary là Chuỗi Mân Côi do tiếng Latin Rosarium: tràng hoa hồng

3. 2.6 Từ Điển Công Giáo Anh Việt của Nguyễn Đình Diễn định nghiã Rosay là Kinh Mân Côi. Tác giả chú thích thêm trong Việt ngữ, nguyên tự tiếng Hán, chính xác là Môi Côi: Hoa hồng, sau bị đọc nhầm (sic) ra nhiều biến thái khác thành quen như Vân Côi, Văn Côi, Môi Khôi, Mai Khôi.

3. 2.7 Từ Điển Văn Học Việt Nam của Lm Trần Văn Kiệm in năm 2007 định nghiã các từ Môi Khôi, Mân Côi, Môi Côi, Mai Khôi: Hoa Hồng.

3.3. Từ Nào Đúng?

3.3.1 Mai, Mân, Môi hay Văn từ nào đúng? Từ 玫 trong Hán tự phát âm là [mei]: Hán Việt đọc là Mai hay Mân nhưng Mai là từ đúng nhất. Từ điển của Đào Duy Anh, của Ban Tu Thư Nghiã Thục, của Huỳnh Tịnh Paulus Của đều chỉ ghi từ Mai. Còn Mân hay Môi chỉ là cách phát âm khác, của Mai. Từ điển của LM Trần Văn Kiệm đều viết Mai hay Mân là 玫. Bô Khang Hy Tự Điển ghi Mai và Môi đồng âm. Ngoài ra theo Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn thì thì Mân Côi hay Văn Côi được viết như nhau 玫瑰. Có nghiã là hoa hồng và đá ngọc. Từ điển này cũng viết dùng Văn Côi để chỉ sợi vân của ngọc.

Tóm lại theo các từ điển, từ Mai Côi là đúng nhất, các từ khác Mân, Môi, Văn chỉ là âm khác của Mai.

3.3.2 Côi và Khôi từ nào đúng? Theo nhiều từ điển như Hán Việt Từ Điển Trích Dẫn, Từ Điển Hán Việt của Ban Tu Thư Nghiã Thục, Từ Điển Văn Học của LM Trần Văn Kiệm từ 瑰 [gui] Hán Việt đọc là Côi có nghiã là ngọc, là đá qúy và Côi cũng được phát âm là Khôi

4. Kết Luận

Dựa trên các từ điển Hán Việt được trích dẫn trên, từ Mai Côi là đúng nhất. Các từ khác Mân Côi, Môi Côi, Môi Khôi hay Văn Khôi chỉ là âm khác của Mai và Côi. Như vậy không thể nói chỉ có một từ Môi Khôi là đúng, các từ khác là đọc nhầm. Kinh sách Công Giáo lấy từ Mai Côi hay Mân Côi có nghiã là hoa hồng, không phải là ngọc qúy, để chỉ chục kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh vì theo tích truyện nói ở trên, Đức Mẹ đã lấy những đoá hoa hồng trên miệng của một tu sĩ đang đọc kinh kính mừng kính Đức Me để kết thành tràng hoa hay triều thiên đội trên đầu. Sở dĩ ít người hiểu được từ Mân Côi vì không ai nói hoa hồng là hoa mân côi. Chỉ có người Công Giáo dùng từ Mân Côi hay tràng hoa Mân Côi với ý nghiã bóng là kinh kính Đức Mẹ.
 
VietCatholic TV
TT Zelensky loan tin chiến thắng: Nga phản công, thảm bại ở Kursk. Tổng kho dầu của Nga nổ tan tành
VietCatholic Media
16:44 13/10/2024


1. ISW cho biết hàng ngàn binh lính Bắc Hàn đang huấn luyện tại Nga, có khả năng sẽ chiến đấu tại Ukraine

Viện Nghiên cứu Chiến tranh đã báo cáo rằng binh lính Bắc Hàn hiện đang chiến đấu ở Ukraine và hàng ngàn quân nhân Bắc Hàn đang được huấn luyện tại Nga, với khả năng họ có thể được tung vào chiến trường Ukraine trong tương lai.

Theo báo cáo của tờ The Washington Post được công bố hôm Thứ Bẩy, 12 Tháng Mười, các quan chức Nam Hàn và Ukraine tuyên bố rằng binh lính Bắc Hàn đang chiến đấu cùng lực lượng Nga ở Ukraine.

Thiếu Tướng Vasyl Malyuk, nhà lãnh đạo của Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, lưu ý rằng một số sĩ quan và binh lính Nga Bắc Hàn có mặt, quan sát lực lượng Nga và phân tích chiến trường ở các khu vực bị Nga tạm chiếm. Họ cũng được phân chia nhỏ vào các đơn vị chiến đấu của quân đội Nga.

ISW viết: “Các quan chức Ukraine báo cáo rằng 'vài ngàn' quân nhân bộ binh Bắc Hàn đang được huấn luyện tại Nga và bộ chỉ huy quân sự Nga có thể bố trí họ đến tiền tuyến ở Ukraine vào cuối năm 2024 hoặc đến các khu vực biên giới của Nga để giải phóng 'lực lượng dự bị' của Nga đang chiến đấu yếu kém bên trong Ukraine”.

Các quan chức Nam Hàn và Ukraine gần đây đã chỉ ra rằng quân nhân Bắc Hàn có khả năng đang hoạt động ở các khu vực bị tạm chiếm của Donetsk. Một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Ukraine gần thành phố Donetsk cũng được báo cáo là đã giết chết một số sĩ quan và binh lính Bắc Hàn.

ISW chỉ ra rằng: “Mức độ nhóm lực lượng Bắc Hàn mà Nga có thể bố trí tới tiền tuyến hoặc có thể giải phóng lực lượng Nga dọc biên giới vẫn chưa rõ ràng, nhưng những kịch bản này cũng có thể hỗ trợ cho những nỗ lực của Nga nhằm cam kết thêm nhân lực cho các hoạt động tấn công ưu tiên ở Ukraine và kéo dài thời điểm kết thúc chiến dịch tấn công Mùa hè 2024 của Nga”.

Việc bố trí quân đội Bắc Hàn tới Ukraine có thể mang đến cho Nga cơ hội khai thác, tùy thuộc vào các yếu tố như phẩm chất, tổ chức, vị trí và khả năng phối hợp hiệu quả của lực lượng Bắc Hàn với quân đội Nga.

Vào ngày 19 tháng 6, lãnh đạo Điện Cẩm Linh Vladimir Putin và nhà độc tài Bắc Hàn Kim Chính Ân đã ký một thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện, theo đó cung cấp hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp một trong hai quốc gia này bị tạm chiếm.

Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn Kim Dung Huyền cho biết các nhà máy sản xuất đạn dược ở Bắc Hàn đang hoạt động hết công suất để cung cấp vũ khí cho Nga.

Hoa Kỳ có thông tin xác nhận từ hình ảnh vệ tinh rằng Bắc Hàn đã chuyển cho Nga hơn 1.000 container đạn dược.

Ông cho biết Bắc Hàn đã gửi ít nhất 10.000 container đường biển tới Nga, mỗi container có thể chứa tới 4,8 triệu quả đạn pháo.

[Ukrainska Pravda: Several thousand North Korean soldiers training in Russia, potential deployment to Ukraine possible – ISW]

2. Nga mở đợt tấn công mới vào tỉnh Kursk, Kyiv tuyên bố cuộc tấn công đã bị ‘đập tan’

Một số kênh Telegram của Nga và Ukraine đưa tin vào ngày 10 tháng 10 rằng lực lượng Nga đã phát động một cuộc phản công mới vào sườn trái của Ukraine tại Tỉnh Kursk của Nga.

Trong diễn từ gởi quốc dân đồng côo hôm Chúa Nhật, 13 Tháng Mười, Tổng thống Zelenskiy cho biết “Kế hoạch của Nga ở Tỉnh Kursk cho đến nay đã bị đập tan” vì lực lượng Nga phải chịu tổn thất rất lớn.

Ukraine đã tiến hành cuộc tấn công xuyên biên giới vào Tỉnh Kursk vào đầu tháng 8, tuyên bố chiếm được khoảng 1.300 km2. Gần đây, quân Ukraine phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ lực lượng tăng viện ngày càng đông đảo của Nga.

Tổng thống Zelenskiy cho biết ông đã có cuộc nói chuyện với Tổng Tư Lệnh Ukraine, Đại Tướng Oleksandr Syrskyi, vào sáng Chúa Nhật.

“Tin tốt lành là quân đội Nga đã chịu tổn thất đáng kể về trang thiết bị,” ông nói.

Các thông điệp song song cũng xuất hiện trên các kênh ủng hộ chiến tranh của Nga. Kênh ủng hộ chiến tranh nổi tiếng Rybar viết rằng lực lượng Nga đã tiến hành một số cuộc tấn công vào các quận Korenevsky và Sudzhansky, nơi Ukraine đã thiết lập chỗ đứng của mình.

“Các nhóm quân tiên tiến của Nga đã đến Zeleny Shliakh vào cuối ngày, điều này cho phép chúng tôi tuyên bố ít nhất là đã có một bước đột phá một phần vào hệ thống phòng thủ của Lực lượng vũ trang Ukraine”, Rybar tuyên bố vào ngày 10 tháng 10.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố vào cuối ngày 10 tháng 10 rằng lực lượng của nước này đã “xâm nhập” vào lãnh thổ do Ukraine kiểm soát ở Tỉnh Kursk và gây ra thiệt hại về nhân lực và trang thiết bị.

Sau đó, vào ngày 11 tháng 10, DeepState đưa tin rằng tình hình trong khu vực vẫn còn khó khăn, nhưng lực lượng Ukraine đang thành công trong việc ổn định tình hình. Lực lượng Nga đã chịu tổn thất đáng kể trong cuộc tấn công.

[Kyiv Independent: Ukraine war latest: Russia launches new push in Kursk Oblast, Kyiv claims attack 'thwarted']

3. Ukraine tấn công kho dầu tại trung tâm lãnh thổ bị Nga tạm chiếm

Ukraine cho biết họ đã tấn công thành công một nhà kho chứa nhiên liệu được quân đội Nga sử dụng nằm ở tỉnh Luhansk bị Nga xâm lược một phần, trong khi người dân địa phương đăng tải video về hậu quả dữ dội của cuộc không kích.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Chúa Nhật, 13 Tháng Mười, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết chiều Thứ Bẩy, 12 Tháng Mười, quân Ukraine đã tấn công một kho chứa nhiên liệu và dầu ở thành phố Rovenky thuộc tỉnh Luhansk, một trong bốn khu vực của Ukraine mà Vladimir Putin tuyên bố đã sáp nhập nhưng không được Mạc Tư Khoa kiểm soát hoàn toàn.

“Căn cứ này chứa dầu và các sản phẩm dầu mỏ được cung cấp cho nhu cầu của quân đội Liên bang Nga”, ông cho biết, đồng thời nói thêm rằng cuộc tấn công được thực hiện bởi Tổng cục Tình báo Ukraine và các đơn vị khác của quân đội nước này.

“Trước đó, kho dầu này đã bị vũ khí của Ukraine tấn công. Hoạt động chiến đấu nhằm làm suy yếu tiềm lực kinh tế-quân sự của Nga vẫn tiếp tục”.

Tuyên bố không nêu rõ loại đạn dược nào được sử dụng nhưng các kênh truyền thông xã hội ủng hộ Ukraine cho biết rằng cơ sở này đã bị máy bay điều khiển từ xa kamikaze của Ukraine nhắm tới, bên cạnh đoạn video cho thấy nỗ lực dập tắt cơ sở này khi nó đang bốc cháy.

Địa điểm này cách tiền tuyến ở Ukraine khoảng 130 km. Không có bình luận hoặc tuyên bố chính thức nào ngay lập tức từ nhà cầm quyền xâm lược tại địa phương và Newsweek đã liên hệ với Bộ quốc phòng Nga để xin bình luận.

“Ukraine cũng đã thực hiện một cuộc tấn công quan trọng vào ban đêm, nhắm vào một kho dầu khác ở khu vực bị tạm chiếm của đất nước này”, nhà báo Tim White đăng trên X, đồng thời nói thêm, “Các cuộc tấn công càng gần tiền tuyến thì vấn đề của #Nga càng lớn”.

“ Bộ Tổng tham mưu Ukraine xác nhận một cuộc tấn công vào một kho dầu ở Rovenky bị Nga tạm chiếm, vùng Luhansk. Người dân địa phương đăng video về một đám cháy lớn sau cuộc tấn công”, Anton Gerashchenko, cựu cố vấn của bộ trưởng nội vụ Ukraine, cho biết, chia sẻ video.

Tờ báo Euromaidan Press ủng hộ Ukraine đưa tin rằng kho hàng này “có tầm quan trọng chiến lược do vị trí của nó, vì nó đóng vai trò là trung tâm chính cung cấp cho các hoạt động quân sự của Nga ở miền Đông Ukraine”.

Kyiv vẫn tiếp tục các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng của Nga bằng máy bay điều khiển từ xa và hỏa tiễn trong một chiến dịch nhằm mục đích gây tổn hại đến cỗ máy quân sự của Vladimir Putin.

Một đám cháy đã bùng phát trong nhiều ngày sau cuộc tấn công vào ngày 7 tháng 10 tại cảng dầu lớn nhất ở Crimea bị tạm chiếm, với hình ảnh vệ tinh cho thấy những đám khói đen dày đặc bốc ra từ địa điểm này ở Feodosia.

Theo nhóm du kích ATESH, cuộc tấn công đã gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu trên bán đảo, buộc lực lượng Nga phải thiết lập các địa điểm tiếp nhiên liệu di động.

“Tình hình này cho thấy việc phá hủy các mục tiêu có quy mô như thế này ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả nguồn cung cấp quân đội và việc thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu của Quân đội (Nga)”, bài đăng trên Telegram cho biết.

Trang tin tức địa phương Crimea Wind đã đăng trên Telegram video về vụ nổ một bể chứa dầu khác vào đêm thứ sáu và lưu ý rằng các chuyên gia đã nói rằng “không thể dập tắt đám cháy như vậy cho đến khi nó tự cháy hết”.

[Newsweek: Ukraine Strikes Oil Depot at Heart of Russian-Occupied Territory]

4. Tổng thống Zelenskiy nói rằng cuộc gặp với Scholz là “cuộc gặp quan trọng nhất kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga”

Văn phòng Tổng thống Ukraine đã tiết lộ thông tin chi tiết về cuộc gặp tại Berlin giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Đây là cuộc gặp thứ ba của Zelenskiy với Scholz vào mùa thu năm 2024, nhưng cho biết Zelenskiy coi đây là cuộc gặp quan trọng nhất kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

Zelenskiy đã tiết lộ chi tiết về Kế hoạch Chiến thắng với Thủ tướng Scholz, giải thích rằng đây là cầu nối dẫn đến Hội nghị thượng đỉnh hòa bình hiệu quả – nhằm củng cố vị thế của Ukraine và tạo điều kiện để chấm dứt chiến tranh.

Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về việc thực hiện thỏa thuận an ninh Ukraine-Đức trong năm tới, công việc đang được các liên doanh sửa chữa xe thiết giáp tại Ukraine thực hiện và việc triển khai sản xuất vũ khí chung.

Văn phòng Tổng thống báo cáo rằng Zelenskiy cũng đã mời Scholz xem xét tài trợ cho việc sản xuất hỏa tiễn tầm xa của Ukraine.

Zelenskiy đã đích thân cảm ơn Đức và Thủ tướng vì mọi sự giúp đỡ mà Đức dành cho Ukraine.

“ Đức đã giúp chúng tôi nhiều nhất về phòng không. Và đó là sự thật. Điều này đã cứu sống hàng ngàn người Ukraine và bảo vệ các thành phố và làng mạc của chúng tôi khỏi các cuộc tấn công của Nga”, Zelenskiy nói.

Trong cuộc họp báo với Tổng thống Zelenskiy, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức, cùng với ba quốc gia khác, đang chuẩn bị một gói viện trợ mới trị giá 1,4 tỷ euro cho Ukraine bao gồm các hệ thống phòng không, pháo lựu, hệ thống pháo tự hành và các vũ khí quan trọng khác.

Đầu tháng 9, Scholz thông báo rằng Đức đã đặt hàng 17 hệ thống phòng không IRIS-T cho Ukraine.

Đầu tháng 10, Bộ Quốc phòng Đức tiết lộ rằng Đức mới đây đã chuyển giao hệ thống phòng không tầm trung và tầm ngắn IRIS-T mới cho Ukraine.

Chuyến thăm Berlin của Zelenskiy tiếp tục chuyến công du của ông đến các thủ đô quan trọng của Âu Châu. Vào thứ năm, ông đã có cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo của Anh, Pháp và Ý, và vào thứ sáu, ông đã có cuộc trò chuyện kéo dài nhiều giờ với Giáo hoàng.

[Ukrainska Pravda: Zelenskyy says meeting with Scholz was “most important one since full-scale Russian invasion”]

5. Ảnh vệ tinh cho thấy sự phá hủy kho máy bay điều khiển từ xa Shahed của Nga

Hình ảnh vệ tinh đã tiết lộ mức độ thiệt hại do vụ tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine ở miền nam nước Nga mà Kyiv cho biết là nơi lưu trữ máy bay điều khiển từ xa của Iran.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết hôm thứ Năm rằng họ đã tấn công căn cứ ở Yeysk, thuộc vùng Krasnodar, nơi có 400 máy bay điều khiển từ xa Shahed. Video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy các vụ nổ và tiếng nổ thứ cấp thắp sáng bầu trời đêm.

Những người dùng mạng xã hội ủng hộ Ukraine cho biết máy bay điều khiển từ xa kamikaze tầm xa và có thể là hỏa tiễn hành trình Neptune đã tấn công thành công vào cơ sở chứa UAV đã được sử dụng nhiều lần chống lại cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Hình ảnh từ vệ tinh Planet Labs cho thấy tác động của cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa, bao gồm thiệt hại cho các tòa nhà lưu trữ, phá hủy một trong những mái nhà và bằng chứng về hỏa hoạn.

Ukrainska Pravda đưa tin rằng đã có một cú tấn công chính xác vào mục tiêu gây ra một vụ nổ thứ cấp. Các thống đốc của Krasnodar và Bryansk Oblasts cho biết lãnh thổ của họ đã bị tấn công bởi máy bay điều khiển từ xa được cho là đã bị bắn hạ, và rằng các mảnh vỡ chỉ gây ra thiệt hại nhỏ.

Bộ Quốc phòng Nga, đơn vị mà Newsweek đã liên hệ để xin bình luận, tuyên bố rằng lực lượng phòng không đã bắn hạ hàng chục máy bay điều khiển từ xa của Ukraine vào đêm đó mà không đề cập đến việc phá hủy cơ sở Yeysk.

Trung tâm Kháng chiến Quốc gia, gọi tắt là CNR của Kyiv đưa tin hôm thứ Bảy rằng Mạc Tư Khoa đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng được chỉ định tại các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm của Ukraine điều tra việc sử dụng các nhà máy bị tịch thu để sản xuất máy bay điều khiển từ xa cảm tử.

Mục đích của việc sản xuất máy bay điều khiển từ xa ở miền đông Ukraine, với sự giúp đỡ của sinh viên từ các trường dạy nghề, là rút ngắn thời gian giao hàng để phóng. CNR cho biết các thiết bị sẽ được lưu trữ ở các khu vực đô thị, trên thực tế biến người dân địa phương thành lá chắn sống.

Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào cơ sở hạ tầng năng lượng và quân sự của Nga nhằm ngăn chặn cỗ máy quân sự của Mạc Tư Khoa.

Theo người dùng mạng xã hội, máy bay điều khiển từ xa đã tấn công phi trường quân sự Khanskaya, nơi có Trung đoàn huấn luyện không quân số 272 của Nga đóng tại Cộng hòa Adygea vào sáng sớm thứ năm, phá hủy một kho nhiên liệu và chất bôi trơn.

Một ngày trước đó, Kyiv cho biết một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa đã đốt cháy Kho vũ khí số 67 của Cục Hỏa tiễn và Pháo binh Chính, gọi tắt là GRAU của Nga gần thành phố Karachev ở Bryansk. Địa điểm này chứa bom dẫn đường trên không, hỏa tiễn, vũ khí pháo binh cũng như đạn dược của Bắc Hàn, Ukraine cho biết.

Đầu tháng này, cơ quan an ninh Ukraine đã nói với tờ Kyiv Independent rằng họ đứng sau vụ tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa nhằm vào phi trường quân sự Borisoglebsk ở tỉnh Voronezh của Nga.

[Newsweek: Satellite Photos Show Destruction of Russian Shahed Drone Warehouse]

6. Đồng minh của Putin ở Bosnia và Herzegovina đang mất dần sự ủng hộ

Vào ngày 6 tháng 10, Bosnia và Herzegovina, một trong những quốc gia bất ổn nhất Âu Châu, đã tổ chức bầu cử địa phương. Mặc dù cuộc bầu cử diễn ra bình lặng và không có vụ bê bối lớn nào, nhưng vẫn đáng chú ý.

Cuộc bầu cử không được tổ chức trên toàn quốc do lũ lụt, vì vậy chúng phải hoãn lại ở năm thành phố. Tuy nhiên, lũ lụt không phải là đặc điểm nổi bật duy nhất của các cuộc bầu cử này.

Đây là cuộc bầu cử thứ tám tại Bosnia và Herzegovina kể từ khi chiến tranh kết thúc. Nó diễn ra trên khắp các vùng của đất nước: Liên bang Bosnia và Herzegovina, Cộng hòa Srpska và Quận Brčko.

Chỉ có 3.200 trong số 26.089 ứng cử viên sẽ được bầu vào các vị trí khác nhau trong chính quyền địa phương, bao gồm hội đồng thành phố và 143 ghế thị trưởng.

Khía cạnh quan trọng nhất của các cuộc bầu cử này là việc đưa ra những thay đổi đối với Luật bầu cử, được ban hành vào tháng 3 bởi Đại diện cao cấp Christian Schmidt. Một thay đổi quan trọng cấm những cá nhân bị tòa án quốc tế hoặc Bosnia và Herzegovina kết tội liên quan đến tội ác chiến tranh ra tranh cử hoặc tham gia vào quá trình bầu cử.

Lần đầu tiên, việc kiểm phiếu điện tử và ghi danh cử tri được thí điểm tại một số điểm bỏ phiếu, cùng với việc giám sát bằng video tại các phòng bỏ phiếu và kiểm phiếu.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh chính trị bất ổn, bị Milorad Dodik, Tổng thống Cộng hòa Srpska, gọi tắt là RS làm trầm trọng thêm. Dodik đã vi phạm các chỉ thị bắt buộc của Christian Schmidt và thường xuyên đưa ra các tuyên bố ly khai. Ngoài ra, Quốc hội Cộng hòa Srpska đã thông qua luật bầu cử, đe dọa sẽ thực thi luật này trong các cuộc bầu cử lần này, mặc dù áp lực quốc tế đã ngăn cản điều này.

Do tình hình bất ổn, quân đội đã tăng cường các biện pháp an ninh tại tất cả các địa điểm bỏ phiếu. Cơ quan Điều tra và Bảo vệ Nhà nước đã tăng cường an ninh tại các cơ sở hạ tầng và các cuộc tụ họp công cộng. Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử, EUFOR đã tiến hành giai đoạn cuối cùng của các cuộc tập trận phản ứng nhanh.

Bất chấp những nỗ lực này, số lượng vi phạm vẫn ở mức cao, theo các tổ chức phi chính phủ địa phương và các nhà quan sát quốc tế. Ngoài ra, tỷ lệ đại diện nữ giới theo yêu cầu là 40% trong số các ứng cử viên vẫn chưa đạt được, mặc dù tình hình đã được cải thiện đôi chút so với những năm trước.

Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn là sự can thiệp của nước ngoài. Dodik và đảng của ông, nói riêng, đã nhận được sự ủng hộ công khai từ các chính trị gia ở Nga, Serbia và Hung Gia Lợi.

Tính đến ngày 10 tháng 10, kết quả cuối cùng vẫn chưa có, nhưng một số kết luận đã có thể được đưa ra. Cuộc bầu cử địa phương cho thấy Dodik đang dần mất đi sự ủng hộ. Có sự bất mãn lan rộng với chính quyền địa phương và các đảng phái chính trị.

Điều này khiến cuộc tổng tuyển cử năm 2026 càng trở nên quan trọng hơn vì nó có thể đánh dấu sự khởi đầu cho một cuộc đổi mới thực sự ở Bosnia và Herzegovina.

[Politico: How Putin’s ally in Bosnia and Herzegovina is losing popularity]

7. Cựu Tổng thống Trump yêu cầu máy bay quân sự, tăng cường bảo vệ trong bối cảnh đe dọa an ninh trước nguy cơ bị ám sát lần thứ ba

Chiến dịch tranh cử của Ông Donald Trump đang yêu cầu chính phủ tăng cường an ninh cho ứng cử viên, người đang phải đối mặt với những mối đe dọa chưa từng có với tư cách là cựu tổng thống đang tìm cách một lần nữa lãnh đạo một quốc gia chia rẽ sâu sắc.

Chiến dịch này đang yêu cầu sử dụng máy bay quân sự cho ứng cử viên cũng như tăng cường bảo vệ của Mật vụ cho Ông Trump sau hai nỗ lực ám sát rõ ràng và tiết lộ rằng Iran đã nhắm vào ông để trả thù cho vụ Mỹ giết Qassem Soleimani vào Tháng Giêng năm 2020.

Để thể hiện mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa, Tòa Bạch Ốc đã nhanh chóng đồng ý, khi Tổng thống Joe Biden tuyên bố hôm thứ Sáu rằng ông đã ủy quyền cho Bộ An ninh Nội địa, cơ quan giám sát Cơ quan Mật vụ, giải quyết các yêu cầu của họ.

“Tôi đã yêu cầu bộ phận này cung cấp cho ông ấy mọi thứ ông ấy cần,” Tổng thống Biden nói.

Ông Trump gặp rủi ro an ninh đặc biệt với tư cách là cựu tổng thống và chiến dịch tranh cử của ông đã phải điều chỉnh để giải quyết những mối đe dọa mà ông phải đối mặt trên đường đi.

Tuần trước, chiến dịch của Ông Trump đã buộc phải chuyển một sự kiện đến một địa điểm nhỏ hơn ở Milwaukee vì địa điểm ban đầu không đủ an toàn. Để ứng phó với các mối đe dọa, chiến dịch của ông đã phải chuyển hướng đoàn xe hộ tống và Ông Trump không phải lúc nào cũng đi bằng máy bay cá nhân, theo một người được thông báo về tình báo.

Hiện tại, cựu tổng thống đang yêu cầu tài sản quân sự để bảo vệ ông. Dân biểu Mike Waltz (Đảng Cộng hòa-Fl.), đã đưa ra yêu cầu này trong một lá thư gửi tới Cơ quan Mật vụ, Tòa Bạch Ốc và Bộ Quốc phòng, theo một người có hiểu biết trực tiếp về vấn đề này và được giấu tên.

Ngoài ra, Susie Wiles, đồng giám đốc chiến dịch của Ông Trump, đã liên lạc với chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Jeff Zients và quyền giám đốc Cơ quan Mật vụ Ronald Rowe Jr. để tăng cường an ninh cho Ông Trump và chiến dịch của ông.

Wiles gần đây đã nói chuyện qua điện thoại với Zients để yêu cầu tài sản quân sự vì bà tin rằng Mật vụ cần thêm sự hỗ trợ, theo hai người biết rõ cuộc trò chuyện. Zients trả lời bằng cách nói rằng Ông Trump sẽ nhận được bất cứ thứ gì ông cần, những người này cho biết.

Zients ngay lập tức kết nối Wiles với lãnh đạo Bộ An ninh Nội địa và Cơ quan Mật vụ để bà có thể liên lạc trực tiếp, và theo các quan chức, chánh văn phòng đã nói rõ rằng Tổng thống Biden đã chỉ đạo Cơ quan Mật vụ cung cấp mức độ bảo vệ cao nhất cho Ông Trump.

Các yêu cầu này được đưa ra sau các cuộc họp báo tình báo về các mối đe dọa do Iran gây ra cho chiến dịch.

Các biện pháp an ninh mà chiến dịch yêu cầu bao gồm tăng kinh phí cho lực lượng thực thi pháp luật địa phương, tiếp cận nguồn nhân lực liên bang, đủ kinh phí cho Cơ quan Mật vụ để hoàn trả cho lực lượng thực thi pháp luật địa phương, hạn chế không phận tạm thời và tiếp cận loại xe limousine an ninh cao mà tổng thống sử dụng.

Yêu cầu tăng cường bảo vệ của Ông Trump cũng phản ánh áp lực ngày càng tăng mà những lo ngại về an ninh xung quanh cựu tổng thống đang gây ra cho chiến dịch tranh cử của ông.

Theo những người hiểu rõ vấn đề này và yêu cầu giấu tên để thảo luận về vấn đề an ninh, hiện Ông Trump cần kính chống đạn để bảo vệ ông khi phát biểu tại các cuộc mít tinh, và những cấu trúc nặng nề, đắt tiền, được xây dựng để chịu được sức mạnh của đạn đạo tốc độ cao, không phải lúc nào ông cũng có sẵn.

Những thay đổi địa điểm vào phút chót cũng gây tổn hại đến chiến dịch. Khi máy bay vận động tranh cử bị chuyển hướng, một đoàn xe mới phải được tổ chức và các kế hoạch an ninh phải được sắp xếp lại. Và việc lập kế hoạch trước cần thiết để giữ an toàn cho Ông Trump và nhóm của ông có nghĩa là chiến dịch không nhanh nhẹn như họ mong muốn ở giai đoạn này của cuộc đua, khi các chiến dịch thường thay đổi lịch trình dựa trên dữ liệu thời gian thực và thăm dò ý kiến. Ngoài chiến dịch, những lo ngại về an ninh đã thúc đẩy Ông Trump cắt giảm chơi golf, hoạt động cuối tuần yêu thích của ông.

“Tổng thống Biden đã chỉ đạo Cơ quan Mật vụ cung cấp mức độ bảo vệ cao nhất cho cựu Tổng thống Trump”, giám đốc truyền thông Tòa Bạch Ốc Ben LaBolt cho biết.

Mật vụ đã tăng cường an ninh cho Ông Trump sau vụ cố gắng ám sát ông tại một cuộc mít tinh ở Butler, Pennsylvania, vào tháng 7 bởi một tay súng trẻ tuổi mà động cơ không được công khai cũng như các mối đe dọa từ Iran. Nhưng trong khi Ông Trump có mức độ chi tiết an ninh cao, ông không có máy bay quân sự hoặc mức độ bảo vệ tương tự dành cho một tổng thống hoặc phó tổng thống đương nhiệm.

Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết trong một tuyên bố rằng Hoa Kỳ đã theo dõi các mối đe dọa của Iran đối với Ông Trump trong nhiều năm, kể từ khi ông còn là tổng thống sau vụ ám sát Solemaini, một vị tướng chỉ đạo các hoạt động quân sự khu vực của đất nước.

“Những mối đe dọa này xuất phát từ mong muốn trả thù của Iran cho vụ giết Qassem Solemaini. Chúng tôi coi đây là vấn đề an ninh quốc gia và an ninh nội địa được ưu tiên hàng đầu, và chúng tôi lên án mạnh mẽ Iran vì những lời đe dọa trắng trợn này,” Savett nói. “Nếu Iran tấn công bất kỳ công dân nào của chúng tôi, bao gồm cả những người vẫn tiếp tục phục vụ Hoa Kỳ hoặc những người đã từng phục vụ, Iran sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng.”

Theo một viên chức hành chính cao cấp, Tổng thống Biden đã gửi thông điệp “lên các cao cấp nhất” của chính phủ Iran cảnh báo họ ngừng các âm mưu chống lại Ông Trump và các cựu quan chức Hoa Kỳ. Các cựu quan chức bị Iran tấn công bao gồm cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, cựu ngoại trưởng Mike Pompeo và đặc phái viên Iran của chính quyền Ông Trump Brian Hook. Pompeo và Hook hiện đang được chính phủ bảo vệ vì các mối đe dọa. Người ta đã bày tỏ với Iran rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm vào mạng sống của Ông Trump đều được coi là hành động chiến tranh.

An ninh đã được tăng cường đáng kể cho sự trở lại gần đây của Ông Trump tại Butler, Pennsylvania, nơi ông bị bắn vào tháng 7. Các con đường đã bị chặn trước. Những chú chó đánh hơi bom đi qua các hàng xe đậu tại địa điểm này. Các tay súng bắn tỉa khác được bố trí trên các mái nhà bao quanh khu hội chợ. Và tòa nhà khét tiếng mà kẻ bắn súng trèo lên để bắn đạn vào cựu tổng thống đã bị che khuất khỏi tầm nhìn bởi những chiếc xe tải hộp cao màu trắng.

“Nếu tôi là tổng thống, tôi sẽ thông báo cho quốc gia đe dọa — trong trường hợp này là Iran — rằng nếu các người làm bất cứ điều gì để gây hại cho người này, chúng tôi sẽ cho nổ tung những thành phố lớn nhất của các người và cả đất nước thành từng mảnh vụn. Chúng tôi sẽ cho nổ tung thành từng mảnh vụn. Các người không thể làm thế. Và sẽ không còn mối đe dọa nào nữa,” Ông Trump phát biểu tại một sự kiện vận động tranh cử ở Bắc Carolina. “Nhưng hiện tại chúng ta không có sự lãnh đạo đó hoặc những người cần thiết, những nhà lãnh đạo cần thiết.”

[Politico: Trump requests military plane, increased protection amid security threats]

8. Zelenskiy nói về chiến dịch Kursk: Nga đã cố gắng đẩy lùi người Ukraine khỏi vị trí của họ nhưng chúng tôi đang giữ vững các giới tuyến

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết quân đội Nga đã cố gắng đẩy lùi quân đội Ukraine khỏi các vị trí của họ ở Tỉnh Kursk của Nga, nhưng lực lượng phòng thủ của Ukraine vẫn giữ vững các giới tuyến và lãnh thổ đã chiếm được của Nga.

Trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối Thứ Bẩy, 12 Tháng Mười, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông đã trở lại Kyiv và đã nói chuyện với Tướng Oleksandr Syrskyi, Tổng tư lệnh Quân đội Ukraine, về mọi mặt trận, bao gồm cả chiến dịch Kursk.

Tổng thống Zelenskiy nói: “Tôi xin gửi đến những người lính của chúng ta trên mặt trận Pokrovsk: xin chúc mừng mọi người lính, mọi sĩ quan đã bảo vệ vững chắc các vị trí của chúng ta.”

Nhìn chung, mặt trận Donetsk và Zaporizhzhia đang phải đối mặt với những điều kiện rất khó khăn, với các hoạt động dữ dội của đối phương đang diễn ra. Tuy nhiên, khả năng phục hồi của các đơn vị của chúng tôi là rất quan trọng. Mọi thứ phụ thuộc vào sự kiên trì của chúng ta.

Về chiến dịch Kursk: Nga đã cố gắng đẩy lùi các binh sĩ của chúng ta khỏi các vị trí đã chiếm được của Nga, nhưng chúng tôi đang giữ vững các đường giới tuyến.”

Viện Nghiên cứu Chiến tranh báo cáo rằng quân đội Nga đã tăng cường phản công ở Tỉnh Kursk của Nga vào ngày 10 và 11 tháng 10 để cố gắng đẩy lùi lực lượng Ukraine trước khi điều kiện thời tiết xấu đi hạn chế khả năng cơ động của họ trên chiến trường.

Oleksandr Syrskyi, Tổng tư lệnh Quân đội Ukraine, tuyên bố rằng Nga đã tái điều động khoảng 50.000 quân tới Tỉnh Kursk, làm suy yếu vị thế của Nga trên chiến trường Ukraine.

Bloomberg dẫn lời các quan chức Hoa Kỳ cho biết Ukraine có khả năng chiếm giữ lãnh thổ ở Tỉnh Kursk của Nga trong ít nhất vài tháng, nếu không muốn nói là lâu hơn.

[Ukrainska Pravda: Russia tried to push back Ukrainians from their positions but we are holding lines – Zelenskyy on Kursk operation]

9. Xe SUV quân sự của Nga nổ tung khi chạy băng qua cánh đồng

Theo ước tính mới nhất của Kyiv, tổn thất về nhân sự và thiết bị của Nga tiếp tục gia tăng, trong đó một lữ đoàn Ukraine đã công bố đoạn video ghi lại cảnh một chiếc xe Nga bị nổ tung ở tiền tuyến.

Đoạn clip được chia sẻ bởi Lữ đoàn phản ứng nhanh số 4 “Rubizh”, một bộ phận của Vệ binh quốc gia Ukraine, và cho thấy cảnh tượng có vẻ như một chiếc SUV đang chạy trên bãi đất trống thì bị một máy bay điều khiển từ xa đâm vào.

Đoạn phim ghi lại cảnh chiếc xe phát nổ được đăng hôm Chúa Nhật, 13 Tháng Mười, nhưng không ghi ngày tháng và không cho biết địa điểm.

Trong 24 giờ qua, Nga đã mất 1.290 quân, nâng tổng số thương vong, bao gồm cả người chết và người bị thương, lên 667.630 kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Theo Kyiv, tổn thất về thiết bị cũng tăng đột biến, với 27 xe thiết giáp và 9 xe tăng bị phá hủy trong 24 giờ trước, nâng tổng số thiệt hại về thiết bị lên lần lượt là 17.827 và 8.962.

Các quan chức Ngũ Giác Đài cho biết tổn thất của Nga đang tăng nhanh không tương xứng với những thành quả đạt được sau một mùa hè mà Mạc Tư Khoa tiếp tục chiếm giữ lãnh thổ ở tỉnh Donetsk của Ukraine, bao gồm cả một bước tiến ổn định về phía trung tâm hậu cần Pokrovsk.

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết tháng 9 chứng kiến số thương vong của Nga cao nhất kể từ khi chiến tranh bắt đầu, lưu ý rằng số thương vong về người chết và bị thương trong năm đầu tiên của cuộc xâm lược “vượt quá tổng số tổn thất của Liên Xô trong bất kỳ cuộc xung đột nào kể từ Thế chiến thứ 2 cộng lại”.

Bộ Quốc phòng Anh tuần này cho biết Nga có khả năng phải chịu hơn 1.000 thương vong mỗi ngày trong suốt mùa đông còn lại, gây ra vấn đề cho Mạc Tư Khoa trong việc bổ sung lực lượng đang suy yếu của mình.

Sẽ không được lòng dân về mặt chính trị nếu Điện Cẩm Linh áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự lớn hơn, nhưng cho đến nay, Nga vẫn có thể tuyển được nhiều binh lính hơn, chủ yếu thông qua chế độ lương hưu và tiền lương cao hơn, mặc dù tình trạng mất mát ngày càng tăng có thể thách thức đường lối đó.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Nam Hàn cho biết vào ngày 8 tháng 10 rằng Mạc Tư Khoa cũng có thể nhận được sự tăng cường quân số từ Bắc Hàn, nước có thể bắt đầu triển khai các đơn vị chính quy tới Ukraine.

[Newsweek: Russian Military SUV Blown Up in Wild Dash Across Field]

10. Người Nga tiếp tục khủng bố Kharkiv : 5 thường dân bị thương vào thứ Bảy

Năm thường dân đã bị thương trong các cuộc ném bom và tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Nga vào Tỉnh Kharkiv vào hôm thứ Bảy. Phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết như trên trong cuộc họp báo hôm Chúa Nhật, 13 Tháng Mười.

Cô cho biết lực lượng Nga đã tấn công thị trấn Cherkaska Lozova ở quận Kharkiv vào khoảng 16:00 chiều Thứ Bẩy, 12 Tháng Mười. Có một người bị thương trong vụ tấn công này.

Bên cạnh đó, văn phòng Công tố viên Tỉnh Kharkiv lưu ý rằng hai người đã bị thương trong một cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa góc nhìn thứ nhất, gọi tắt là FPV vào thành phố Kupiansk.

Quân đội Nga đã tấn công Kupiansk bằng máy bay điều khiển từ xa FPV vào khoảng 13:15 ngày 12 tháng 10. Một vụ tấn công được ghi nhận gần một chiếc xe dân sự. Một tài xế, 52 tuổi, đã bị phản ứng căng thẳng cấp tính. Một hành khách 77 tuổi đã bị thương.

Ngoài ra, có hai người bị thương trong cuộc pháo kích của Nga vào quận Kupiansk vào đêm ngày 11-12 tháng 10.

Người Nga nhắm vào làng Kupiansk-Vuzlovyi vào khoảng 00:20. Hai thường dân bị thương: một phụ nữ, 82 tuổi, và một người đàn ông, 63 tuổi. Nhà cửa và các tòa nhà phụ trong thị trấn bị hư hại.

[Ukrainska Pravda: Russians continue to terrorise Kharkiv Oblast: 5 civilians injured on Saturday]
 
Danh sách các tân Hồng Y gây kinh ngạc cho Giáo Hội tại Úc, Ukraine và Hoa Kỳ. Bách hại tại Ấn Độ
VietCatholic Media
20:06 13/10/2024


1. Đức Giáo Hoàng chọn 21 Hồng Y mới: các vị này là ai? Phân tích của Catholic World News

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố một công nghị vào ngày 8 tháng 12, tại đó ngài sẽ trao mũ đỏ cho 21 thành viên mới của Hồng Y đoàn. Đức Giáo Hoàng nói “Nguồn gốc của các vị này thể hiện tính phổ quát của Giáo hội.”

Với những bổ nhiệm mới này, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ bổ nhiệm 142 Hồng Y, bao gồm 111 vị đủ điều kiện bỏ phiếu trong mật nghị bầu giáo hoàng: chiếm 79% số cử tri.

Theo đúng mô hình bổ nhiệm trước đây của mình, Đức Giáo Hoàng đã chọn nhiều Hồng Y mới từ các quốc gia từng là lãnh thổ truyền giáo, làm suy yếu thêm ảnh hưởng của Âu Châu trong Hội đồng. Tuy nhiên, ngài chỉ bổ nhiệm một Hồng Y mới từ Phi Châu cận Sahara, khu vực mà đức tin Công Giáo đang phát triển nhanh nhất. Ngược lại, năm vị đến từ Nam Mỹ.

Một lần nữa, theo thông lệ thường lệ, Giáo hoàng đã chọn một số Hồng Y đã làm việc chặt chẽ với ngài, và đã bỏ qua những nhà lãnh đạo các tổng giáo phận lớn để chọn các giám mục—và trong hai trường hợp, những người không phải giám mục— nhưng phù hợp với tiêu chuẩn của riêng ngài.

Có lẽ nhân vật đáng chú ý nhất trong danh sách của Đức Giáo Hoàng là nhà thần học dòng Đa Minh gây nhiều tranh cãi, Cha Timothy Radcliffe, người thường xuyên tranh luận cho đường lối Công Giáo cởi mở hơn đối với người đồng tính, và được Đức Giáo Hoàng chọn để lãnh đạo cuộc tĩnh tâm mở đầu cho Thượng hội đồng hiện tại.

Sự thiếu sót đáng chú ý nhất trong danh sách được công bố vào ngày 6 tháng 10 là Tổng giám mục José Gomez của Los Angeles. Là một người nhập cư từ Mexico hiện đang lãnh đạo tổng giáo phận lớn nhất tại Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Gomez có vẻ là ứng cử viên tự nhiên cho chiếc mũ đỏ. Tuy nhiên, ngài đã bị bỏ qua một lần nữa. Lần trước, Đức Thánh Cha đã tấn phong Hồng Y cho Đức Cha Robert McElroy của San Diego, một đồng minh thân cận của Đức Thánh Cha Phanxicô. San Diego chỉ là một giáo phận trong giáo tỉnh Los Angeles.

Không có vị giám mục nào từ Hoa Kỳ có tên trong danh sách của Đức Giáo Hoàng, mặc dù Tổng giám mục Francis Leo của Toronto đã được chọn. Ba trong số các Hồng Y mới sẽ đến từ Giáo triều Rôma. Với việc nâng cao chức vụ của Cha Radcliffe, nước Anh sẽ tự hào có bốn Hồng Y: nhiều nhất trong lịch sử đất nước.

Trừ khi có người qua đời hoặc từ chức khỏi Hồng Y Đoàn, sẽ có 141 Hồng Y cử tri sau công nghị vào tháng 12. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đặt ra giới hạn ho số lượng Hồng Y cử tri là 120, nhưng cả ngài và Đức Thánh Cha Phanxicô đều đã vượt quá giới hạn trong quá khứ, và giờ đây Đức Thánh Cha Phanxicô đã phá vỡ giới hạn với con số kỷ lục là 141 vị.


Source:Catholic World News

2. Kitô hữu phải đối mặt với việc bắt giữ tùy tiện, vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo ở Ấn Độ

Hơn 160 vụ tấn công bạo lực nhằm vào Kitô hữu đã được báo cáo tại Ấn Độ trong năm qua khi các luật do chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc Hindu cầm quyền của nước này thông qua làm gia tăng mối đe dọa đối với quyền tự do tôn giáo ở quốc gia này.

Theo báo cáo gần đây của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, các Kitô hữu ở Ấn Độ đang phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng gia tăng về bạo lực và phân biệt đối xử tôn giáo.

USCIRF hiện đang kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ đưa Ấn Độ vào danh sách các quốc gia vi phạm tự do tôn giáo quốc tế với tư cách là quốc gia đáng quan tâm đặc biệt, gọi tắt là CPC — một động thái đã gây ra sự phẫn nộ từ chính phủ nước này.

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã lên tiếng phản đối USCIRF vào thứ năm, mô tả cơ quan của Hoa Kỳ này là “một tổ chức thiên vị với chương trình nghị sự chính trị”.

Phát ngôn nhân cho biết: “Chúng tôi bác bỏ báo cáo ác ý này”, “nó chỉ làm mất uy tín của USCIRF thêm mà thôi”.

Phát ngôn nhân kêu gọi USCIRF “từ bỏ những nỗ lực thúc đẩy chương trình nghị sự như vậy” và thay vào đó tập trung sự chú ý vào các vấn đề nhân quyền trong nước mình.

Các vụ việc vi phạm quyền tự do tôn giáo được liệt kê trong báo cáo của USCIRF bao gồm các cuộc tấn công vào cá nhân, nơi thờ phượng và trường học; hạn chế cầu nguyện nơi công cộng; và cáo buộc sai sự thật về “cưỡng ép cải đạo” với hình phạt từ hình thức phạt một số tiền lớn ở một số tiểu bang đến tù chung thân ở những tiểu bang khác.

Theo báo cáo của USCIRF, “từ Tháng Giêng đến tháng 3, đã có 161 vụ bạo lực chống lại Kitô hữu ở Ấn Độ được báo cáo — 47 vụ trong số đó xảy ra ở bang Chhattisgarh.”

Báo cáo cho biết: “Những vụ việc như vậy bao gồm từ các cuộc tấn công bạo lực vào nhà thờ và các buổi cầu nguyện cho đến hành hung, quấy rối và cáo buộc sai trái về việc cưỡng bức cải đạo”.

Tại tiểu bang Assam ở đông bắc Ấn Độ, chính quyền đã nhiều lần nhắm vào các Kitô hữu trong suốt năm qua, thông qua các đạo luật như Dự luật Thực hành Chữa bệnh Assam, cấm cầu nguyện cho người bệnh. Theo USCIRF, bộ trưởng chính quyền Assam đã tuyên bố ý định “hạn chế truyền giáo và cải đạo của Kitô hữu trong tiểu bang bằng dự luật này”.

Một trường Công Giáo trong tiểu bang đã bị một số tổ chức Hindu nhắm tới và “yêu cầu các giáo viên ngừng sử dụng hình ảnh và biểu tượng Kitô giáo”.

Tại tiểu bang Chhattisgarh ở phía đông, các Kitô hữu bị từ chối tiếp cận nguồn nước cộng đồng và trong một số trường hợp, theo nguồn tin do USCIRF trích dẫn, các Kitô hữu đã chết còn không được dân làng theo đạo Hindu ở địa phương cho phép chôn cất.

Chính quyền đã bắt giữ hàng chục Kitô hữu với cáo buộc “tiến hành hoặc tham gia vào việc cải đạo cưỡng bức” kể từ năm 2021. Theo luật “chống cải đạo” hiện có tại 12 trong số 28 tiểu bang của Ấn Độ, chính quyền có thể truy tố các nhóm tôn giáo thiểu số vì cáo buộc cố gắng cải đạo cưỡng bức. Theo USCIRF, nhiều luật trong số này “vượt xa các trường hợp cưỡng bức”.

Ví dụ, báo cáo trích dẫn một sự việc xảy ra ở Uttar Pradesh, nơi 13 Kitô hữu, bao gồm bốn mục sư, đã bị bắt sau khi tham gia một buổi cầu nguyện tại nhà sau khi dân làng địa phương báo cáo họ với cảnh sát vì nghi ngờ có “hoạt động cải đạo”.

Tại Uttar Pradesh, một luật mới được thông qua cho phép bất kỳ ai, không chỉ nạn nhân hoặc người thân huyết thống, được nộp Báo cáo sơ thẩm, gọi tắt là FIR chống lại bất kỳ nghi phạm nào bị cáo buộc về tội “cưỡng ép cải đạo”. Những người bị bắt và bị buộc tội ở tiểu bang miền bắc Ấn Độ này phải đối mặt với án tù chung thân mà không được phép nộp đơn xin tại ngoại.

Trước cuộc bầu cử gần đây nhất của đất nước vào tháng 6, các chính trị gia bao gồm Thủ tướng Narendra Modi và các thành viên của Đảng Bharatiya Janata đã áp dụng các khẩu hiệu theo chủ nghĩa dân tộc Hindu cho các chiến dịch của họ. Theo báo cáo, những chính trị gia này đã thúc đẩy “ngày càng tăng việc sử dụng ngôn từ kích động thù địch và lời lẽ phân biệt đối xử” đối với các cộng đồng tôn giáo thiểu số như Kitô giáo và Hồi giáo.

USCIRF lưu ý rằng thủ tướng Modi đặc biệt cáo buộc phe đối lập của ông có ý định “xóa bỏ đức tin Hindu khỏi đất nước” và biến người Hindu thành “công dân hạng hai tại chính đất nước của họ”. Modi đặc biệt nhắm nhiều bình luận của mình vào người Hồi giáo, những người mà ông gọi là “kẻ xâm nhập”.


Source:Catholic News Agency

3. Danh sách các tân Hồng Y gây kinh ngạc cho Úc Đại Lợi và Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương

Tác giả Jonathan Liedl của National Catholic Register có bài nhận định nhan đề “Snubs and Surprises: Making Sense of Pope Francis’ Latest Cardinal Picks”, nghĩa là “Những khinh miệt và bất ngờ: Tìm hiểu ý nghĩa của việc Đức Thánh Cha Phanxicô lựa chọn Hồng Y mới nhất”.

Tác giả cho rằng các lựa chọn của Đức Thánh Cha Phanxicô gây bất ngờ cho người Công Giáo Úc và Ukraine

Trước thông báo hôm Chúa Nhật, một số nhà quan sát lưu ý rằng Hồng Y đoàn không có bất kỳ đại diện nào từ Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương — là một sự thiếu sót đáng chú ý, xét đến cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và sự lớn mạnh của Giáo Hội này.

Trong số các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh, Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương là Giáo Hội lớn thứ hai chỉ sau Giáo Hội Công Giáo Syro Malabar của Ấn Độ.

Hồng Y đoàn cũng không có vị nào tại Úc, nơi chưa có Hồng Y nào kể từ khi Hồng Y George Pell qua đời vào Tháng Giêng năm 2023.

Đức Thánh Cha Phanxicô hiện đã khắc phục điều đó, nhưng không theo cách mà mọi người mong đợi - và có lẽ không theo cách khiến người Úc hay người Công Giáo Hy Lạp Ukraine có thể vui mừng.

Trong một lựa chọn gây ngạc nhiên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Giám mục Mykola Bychok, 44 tuổi, của Giáo phận Công Giáo Ukraine tại Melbourne, Úc, làm Hồng Y. Khi làm như vậy, ngài đã bỏ qua hai giám mục cao cấp khác: đó là Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, giáo chủ có trụ sở tại Kyiv của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, người đã chỉ trích cách Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập đến cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, và Tổng giám mục Anthony Fisher, người kế nhiệm Hồng Y Pell với tư cách là Đấng bản quyền của Sydney và là nhà lãnh đạo Công Giáo có uy tín nhất của Úc.

Nói cách khác, người Công Giáo Đông phương Ukraine có một Hồng Y, nhưng đó không phải là nhà lãnh đạo của họ, là người đã nổi lên như một nhà lãnh đạo anh hùng trong một cuộc chiến tranh khủng khiếp; và Úc cũng có một Hồng Y, nhưng vị này không đại diện cho 5 triệu người Công Giáo trên hòn đảo này, phần lớn theo nghi lễ Latinh.

Trong khi Giám mục Bychok có thể là một nhà lãnh đạo tốt, một số người Công Giáo tại Úc và Ukraine có thể coi việc lựa chọn ngài là không lý tưởng, vì điều này báo hiệu rằng cả Tổng giám mục Shevchuk và Tổng giám mục Fisher đều khó có thể nhận được mũ đỏ trong thời gian tới.

Fiducia Supplicans, văn bản gây tranh cãi của Vatican vào tháng 12 năm 2023 về các phước lành cho người đồng giới, là một góc nhìn quan trọng khác giúp hiểu rõ hơn về những ai có tên trong danh sách Hồng Y mới — và những ai bị loại.

Chẳng hạn, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn Tổng giám mục Jean-Paul Vesco, một tu sĩ dòng Đaminh người Pháp, người lãnh đạo Giáo hội tại Algiers và cùng các giám mục anh em ở Bắc Phi đưa ra lời bảo vệ nhẹ nhàng cho tài liệu này.

Tương tự như vậy, một sự lựa chọn khác, Đức Hồng Y mới đắc cử người Serbia, Tổng giám mục Ladislav Nemet, dường như đã chào đón Fiducia Supplicans nồng nhiệt hơn so với các giáo sĩ Đông Âu trung bình, nhấn mạnh rằng phước lành này không phải là sự tán thành các cặp đồng giới, mà còn nói rằng mong muốn của các cặp đôi đồng giới được nhận phước lành là một ví dụ về thế giới hiện đại “khám phá ra chân lý... nhanh hơn chúng ta dựa trên sự mặc khải và truyền thống trong Kinh thánh.”

Trong khi đó, Giáo Hội Công Giáo năng động do người bản địa lãnh đạo ở vùng cận Sahara Phi Châu — nơi mà sự phản kháng đối với Fiducia Supplicans diễn ra mạnh mẽ và rầm rộ nhất — sẽ chỉ có một Hồng Y được bổ sung vào Hồng Y Đoàn, Tổng giám mục Ignace Bessi Dogbo của Abidjan, Bờ Biển Ngà.

Trên thực tế, trong khi Á Châu và Mỹ Châu Latinh đều sẽ nhận được năm Hồng Y mới, điều này sẽ mở rộng tỷ lệ đại diện của cả hai châu lục trong Hồng Y Đoàn, thì số lượng ít ỏi của Phi Châu trong công nghị tấn phong Hồng Y sắp tới thực sự sẽ làm giảm tiếng nói của châu lục này trong Hồng Y Đoàn — và trong một mật nghị bầu giáo hoàng tương lai. Bằng cách chỉ nhận được 2 trong số 20 Hồng Y cử tri mới (những người dưới 80 tuổi), tỷ lệ phiếu bầu của châu lục này giảm từ 13,1% xuống 12,7%, một sự đảo ngược rõ ràng so với sở thích được truyền tụng của Đức Thánh Cha Phanxicô là trao cho Nam bán cầu nhiều tiếng nói hơn trong các vấn đề của Giáo hội.

Sự vắng mặt của những người Phi Châu đáng chú ý như Tổng giám mục Andrew Nkea của Cameroon, người đã lãnh đạo hội đồng giám mục của đất nước này trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra tại tổng giáo phận quê nhà của mình, hoặc các giám mục người Kenya như Tổng giám mục Maurice Muhatia hoặc Tổng giám mục Phillip Anyolo, là điều đáng chú ý, và sự đón nhận không mấy nồng nhiệt của châu lục này đối với Fiducia Supplicans có thể có liên quan đến điều này.

Tổng giám mục Shevchuk cũng đã lên tiếng phản đối kịch liệt Fiducia Supplicans, có lẽ đây là một lý do nữa để Đức Thánh Cha Phanxicô bỏ qua ngài.

Khi nói đến việc trao mũ đỏ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có thói quen bỏ qua các nhà lãnh đạo của các giáo phận Hồng Y, hay các tổng giáo phận quan trọng theo truyền thống do một Hồng Y lãnh đạo. Ngài đã làm điều đó một lần nữa, khi các giáo phận lớn như Paris, Milan và Los Angeles một lần nữa bị bỏ qua. Cả ba giáo phận đó đã thiếu một Hồng Y trong hơn bảy năm.

Mỗi khi có công bố về một giáo hội mới, người Mỹ sẽ xem xét kỹ tên để xem tổng giám mục Los Angeles có nằm trong số đó hay không.

Và giống như mọi công nghị khác được tổ chức kể từ khi Đức Thánh Cha Phanxicô trở thành giáo hoàng vào năm 2013, tên của Tổng giám mục José Gomez không được nêu, mặc dù ngài là giám mục của giáo phận lớn nhất nước Mỹ.

Trong khi sự vắng mặt của Tổng giám mục Gomez đã được dự đoán trước tại thời điểm này, thì việc không tìm thấy một người Mỹ nào trong danh sách của Đức Thánh Cha Phanxicô lại có phần đáng ngạc nhiên. Vì Hồng Y Seán O'Malley của Boston đã bước sang tuổi 80 vào mùa hè năm ngoái và hiện không còn đủ điều kiện để tham gia mật nghị Hồng Y, nên đã có suy đoán rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có thể bổ nhiệm một Hồng Y người Mỹ mới tại công nghị tiếp theo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng chiếc mũ đỏ để cố gắng định hình lại đáng kể ảnh hưởng trong giám mục đoàn Hoa Kỳ, bổ nhiệm các Hồng Y có xu hướng cấp tiến hơn nhiều so với giám mục người Mỹ thông thường, chẳng hạn như Hồng Y Blase Cupich của Chicago và Hồng Y Robert McElroy của San Diego.

Thực tế là lần này ngài không chỉ định một Hồng Y người Mỹ nào cho thấy ngài không thể tìm được một ứng cử viên nào theo kiểu Hồng Y Cupich — hoặc Đức Thánh Cha không còn hứng thú với việc định hình lại Giáo hội Hoa Kỳ thông qua việc bổ nhiệm Hồng Y. Dù lý do là gì, điều đó có nghĩa là đại diện thống kê của Hoa Kỳ trong Hồng Y đoàn sẽ giảm tại công nghị ngày 8 tháng 12, xuống còn 7% từ 8,2% hiện nay và từ 9,4% năm 2013.


Source:National Catholic Register
 
Nga báo động: Trận không chiến đầu tiên F-16 bắn rớt Su-34 trong tích tắc, cả 2 phi công Nga tử trận
VietCatholic Media
03:13 13/10/2024


1. Báo cáo cho biết máy bay ném bom siêu thanh Su-34 của Nga đã bị F-16 bắn hạ

Một trong những chiến đấu cơ của Mạc Tư Khoa đã bị lực lượng Ukraine bắn hạ, theo các blogger quân sự Nga có liên hệ với lực lượng không quân. Họ cho biết máy bay Sukhoi Su-34 đã bị một chiếc F-16 do phương Tây cung cấp bắn hạ vào chiều Thứ Bẩy, 12 Tháng Mười.

Kênh Telegram Fighterbomber đã đăng một thông điệp vào thứ Bảy trông giống như một lời tri ân dành cho một chiến đấu cơ Su-34 đã mất. Bên cạnh hình ảnh máy bay ném bom chiến đấu tầm trung siêu thanh, vốn là trụ cột trong nỗ lực hàng không của Nga trong cuộc xâm lược Ukraine, thông điệp này nói rằng, “Trái đất là bầu trời, các anh em ạ.”

Kênh Telegram ủng hộ Mạc Tư Khoa VDV, nghĩa là từ lực lượng Dù của Nga, vì sự trung thực và công lý đã chia sẻ bài đăng và cung cấp thêm thông tin chi tiết.

“Khẩn cấp!!! Chiếc Su-34 của chúng ta đã bị bắn hạ. Phi hành đoàn đã thiệt mạng,” báo cáo cho biết, đồng thời nói thêm rằng máy bay “rõ ràng đã bị một chiếc F-16 bắn hạ, khi đang tấn công vào vùng lãnh thổ do đối phương kiểm soát.”

Bài báo cũng cho biết máy bay đã bị bắn hạ trong một cuộc thả bom trên không “cách tiền tuyến khoảng 50 km”.

“Sẽ sớm có thêm nhiều tổn thất như vậy. NATO đã cử máy bay F-16 ra ngoài săn lùng,” báo cáo nói thêm, “kết quả là tổn thất của chúng ta sẽ tăng lên.”

Ukraine cho biết họ đã nhận được lô máy bay phản lực thế hệ thứ tư đầu tiên do Hoa Kỳ sản xuất vào tháng 8 sau khi Tổng thống Joe Biden cuối cùng đã cho phép cung cấp thông qua các nước thứ ba.

Na Uy, Bỉ, Hòa Lan và Đan Mạch nằm trong liên minh các quốc gia đã cam kết cung cấp hơn 85 máy bay phản lực F-16 cho Kyiv với hy vọng sẽ cung cấp sức mạnh không quân tốt hơn cho Ukraine so với các máy bay thời Liên Xô mà nước này vẫn đang dựa vào.

Những người dùng mạng xã hội ủng hộ Ukraine đã nhanh chóng trích dẫn thông tin cho rằng một chiến đấu cơ của Nga đã bị bắn hạ và một máy bay phản lực do Mỹ sản xuất cung cấp cho Ukraine có thể đã tham gia vào vụ việc.

“Các kênh truyền hình của Nga đã đưa tin rằng máy bay F-16 đã bắn hạ chiến đấu cơ của Nga”, NOEL đưa tin.

“F-16 bắn hạ máy bay SU-34 của Nga. Đó chính xác là lý do tại sao F-16 có mặt ở Ukraine. Cho đến nay chỉ có các nguồn tin của Nga xác nhận điều này—chúng tôi đang chờ đợi”, Jürgen Nauditt viết.

Nhà báo Euan MacDonald viết “tin tuyệt vời nếu đúng sự thật”. Bên cạnh hình ảnh nam diễn viên Tom Cruise trong phim Top Gun, Jay ở Kyiv đăng, “Máy bay F-16 bắn hạ máy bay Su-34 của Nga trị giá 40 triệu đô la trên bầu trời Ukraine vào chiều thứ Bảy.”

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết vào tháng 5 rằng họ đã “phá hủy” chín máy bay phản lực của Nga trong khi vào tháng 2, họ cho biết đã bắn hạ 10 máy bay quân sự của Mạc Tư Khoa trong vòng 10 ngày.

[Newsweek: Russian Su-34 Supersonic Fighter-Bomber Shot Down by F-16: Reports]

2. IRIS-T, Skynex, Gepards: Đức và các đồng minh chuẩn bị gói viện trợ 1,4 tỷ euro cho Ukraine

Đức, cùng với ba quốc gia NATO khác, đang chuẩn bị một gói hỗ trợ quân sự đáng kể cho Ukraine trị giá 1,4 tỷ euro, dự kiến sẽ được chuyển giao vào cuối năm 2024.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết như trên trước cuộc gặp với Tổng thống Volodymy Zelenskiy tại Berlin, theo báo cáo của European Pravda

Thủ tướng nhấn mạnh rằng Đức đứng thứ hai về hỗ trợ quân sự cho Ukraine và đang tích cực tăng cường phòng không.

Ông nói: “Chúng tôi dự kiến sẽ cung cấp thêm một gói 1,4 tỷ euro cho Ukraine vào cuối năm nay, nhờ sự giúp đỡ của những người bạn Bỉ, Đan Mạch và Na Uy. Gói này cũng bao gồm phòng không – IRIS-T, Skynex, Cheetahs, lựu pháo, pháo tự hành, xe thiết giáp, máy bay điều khiển từ xa chiến đấu, radar, đạn dược,” Scholz cho biết.

Ông cũng tuyên bố rằng Đức có kế hoạch cung cấp 4 tỷ euro viện trợ song phương trực tiếp vào năm tới.

Scholz cũng đề cập rằng các nước G7 và Liên minh Âu Châu đang đàm phán khoản vay nhiều năm trị giá 50 tỷ đô la cho Ukraine, khoản vay này sẽ được trả lại bằng thu nhập từ các tài sản bị đóng băng của Nga. Bộ trưởng Tài chính bày tỏ sự tin tưởng rằng Ukraine có thể tin tưởng vào ông.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã xác nhận đơn đặt hàng 17 hệ thống phòng không IRIS-T với nhiều cấu hình khác nhau cho Quân đội Ukraine.

Tuần trước, Đức đã bàn giao hai hệ thống phòng không tầm trung và tầm ngắn IRIS-T cho Ukraine.

[Ukrainska Pravda: IRIS-T, Skynex, Gepards: Germany and allies prepare €1.4 billion aid package for Ukraine]

3. Duda cho biết nhiệm kỳ chủ tịch Liên Hiệp Âu Châu năm 2025 của Ba Lan sẽ tập trung vào quá trình hội nhập và mở rộng Liên Hiệp Âu Châu của Ukraine

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố rằng ưu tiên hàng đầu của Ba Lan khi giữ chức chủ tịch Liên Hiệp Âu Châu vào đầu năm 2025 sẽ là thúc đẩy quá trình hội nhập Âu Châu của Ukraine và duy trì chính sách “mở cửa vào Âu Châu” cho các thành viên mới.

Trong hội nghị thượng đỉnh Nhóm Arraiolos ở Krakow, một cuộc họp thường niên không chính thức của các chủ tịch từ các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu theo chế độ nghị viện và bán tổng thống, các nhà lãnh đạo đã thảo luận về những vấn đề này.

Ông Duda cho biết: “Câu hỏi về cách hành động để Ukraine không chỉ sống sót sau cuộc xâm lược khủng khiếp của Nga mà nước này hiện đang phải đối mặt, mà còn về cách hành động để Ukraine được Liên Hiệp Âu Châu chấp nhận sớm nhất có thể đã được nêu ra nhiều lần”.

Các cuộc thảo luận cũng tập trung vào việc tăng cường quan hệ Liên Hiệp Âu Châu-Hoa Kỳ, tái thiết Ukraine sau chiến tranh và bảo đảm an ninh năng lượng ở Liên Hiệp Âu Châu.

Các nhà lãnh đạo khác, bao gồm cả tổng thống Estonia, cũng kêu gọi hỗ trợ Ukraine và thúc đẩy việc mở rộng Liên Hiệp Âu Châu để bao gồm Ukraine, Moldova và Tây Balkan.

Khối Âu Châu đã cấp quy chế ứng cử viên cho Ukraine và Moldova vào tháng 6 năm 2022, và các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu đã đồng thanh vào tháng 12 năm ngoái sẽ mở các cuộc đàm phán gia nhập với hai thành viên đầy tham vọng này.

Ba Lan sẽ giữ chức chủ tịch Hội đồng Liên Hiệp Âu Châu từ Tháng Giêng đến tháng 6 năm 2025, thay thế Hung Gia Lợi giữ chức chủ tịch trong sáu tháng.

Thủ tướng Hung Gia Lợi và nhà ngoại giao hàng đầu của ông, Peter Szijjarto, đã nhiều lần khiến các đồng nghiệp Âu Châu thất vọng khi cản trở viện trợ cho Ukraine và lệnh trừng phạt Nga, tuyên bố rằng việc trang bị vũ khí cho Kyiv sẽ dẫn đến “leo thang” và kéo dài chiến tranh.

Orban đã trở thành một con cừu đen ở Liên Hiệp Âu Châu, thường xuyên chỉ trích “giới quan liêu Brussels” trong khi bị chỉ trích về các vấn đề pháp quyền trong nước và sự thoái trào dân chủ.

[Kyiv Independent: Poland’s 2025 EU presidency to focus on Ukraine’s integration and EU expansion, Duda says]

4. Iran có danh sách truy nã các cựu trợ lý của cựu Tổng thống Trump. Hoa Kỳ đang cố gắng bảo vệ họ.

Các quan chức Hoa Kỳ đang nhận ra một sự thật đáng lo ngại về những lời đe dọa liên tục của Iran rằng nước này sẽ ám sát cựu Tổng thống Trump và một số cựu tướng lĩnh cao cấp cùng các chiến lược gia an ninh quốc gia của ông: Tehran không hề nói suông — và cũng sẽ không sớm từ bỏ.

Giám đốc FBI Christopher A. Wray, cho biết Iran đã công khai đe dọa cựu Tổng thống Trump và những người giám sát chiến lược an ninh quốc gia của ông kể từ Tháng Giêng năm 2020, khi Tổng thống Trump ra lệnh tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa giết chết Qassem Soleimani, khi đó là vị tướng quân đội quyền lực nhất của Iran. Tehran đã công bố các video mô tả cái chết trong tương lai của cựu Tổng thống Trump và những người khác đã giúp dàn dựng vụ tấn công Soleimani, thúc đẩy việc bắt giữ và dẫn độ họ và đưa ra những tuyên bố đe dọa hứa sẽ trả thù.

Giám đốc FBI và các viên chức cộng đồng tình báo Hoa Kỳ đã thông báo cho chiến dịch tranh cử của Ông Trump vào tháng trước về các mối đe dọa ám sát cựu tổng thống từ Iran. Chiến dịch tranh cử của Ông Trump cho biết họ đã được cảnh báo rằng mối đe dọa đã “gia tăng trong vài tháng qua”. Cuộc họp báo diễn ra sau một cặp nỗ lực ám sát Ông Trump vào mùa hè này. Không có bằng chứng nào được đưa ra để liên kết những nỗ lực đó với Tehran.

Nhưng theo hàng chục quan chức hiểu rõ về mối đe dọa ám sát của Iran, nỗ lực ám sát Ông Trump và các cựu quan chức cao cấp mà nước này đổ lỗi cho vụ tấn công Soleimani thậm chí còn rộng rãi và hung hăng hơn so với những báo cáo trước đây.

“Đây là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng”, Giám đốc FBI cho biết. “Iran đã nói rất rõ rằng họ quyết tâm trả thù các cựu quan chức liên quan đến vụ tấn công Soleimani”.

Trong khi chính phủ đã có những biện pháp chưa từng có để bảo vệ những quan chức này, một số người gặp phải những mối đe dọa tương tự lại không nhận được sự bảo vệ nào từ chính phủ.

POLITICO đã trao đổi với 24 người có hiểu biết trực tiếp về cuộc tấn công của Soleimani hoặc mối đe dọa ám sát sau đó, bao gồm các nhà lập pháp Hoa Kỳ hiện tại và trước đây, các đặc vụ Mật vụ, trợ lý quốc hội và các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ. Một số người được cấp quyền ẩn danh do các mối đe dọa liên tục đối với họ hoặc tính nhạy cảm của công việc của họ.

Họ cùng nhau vẽ nên một bức tranh về mối đe dọa ám sát lan rộng cụ thể hơn nhiều so với các video đồ họa, tuyên bố táo bạo và các bài đăng đe dọa trên mạng xã hội đã tìm được đường vào mắt công chúng. Họ nêu chi tiết các nỗ lực hack và giám sát kỹ thuật số đối với các cựu quan chức và các thành viên gia đình của họ, một loạt cảnh báo cá nhân của FBI về các mối đe dọa mới từ Iran, các cuộc thảo luận ngày càng căng thẳng về cách bảo vệ các cá nhân trong bối cảnh các âm mưu đang diễn ra và các nỗ lực của các điệp viên Iran bị tình nghi nhằm theo dõi một quan chức Hoa Kỳ trong một chuyến đi nước ngoài.

Nhiều người trao đổi với POLITICO cho rằng chính phủ Hoa Kỳ vẫn đang phải đối phó với mối đe dọa từ Iran và vẫn chưa tìm ra cách bền vững để bảo vệ tất cả những người có nguy cơ trong thời gian cần thiết - tạo cơ hội cho Tehran thực hiện các mối đe dọa của mình.

Megan Reiss, cựu cố vấn chính sách an ninh quốc gia của Thượng nghị sĩ Mitt Romney (Đảng Cộng hòa-Utah), người đã làm việc về các mối đe dọa từ Iran khi còn ở Quốc hội, cho biết: “Có một số lượng — không phải là một con số lớn — nhưng là một số người có thể được coi là mục tiêu khá quan trọng nhưng lại không nhận được nhiều sự ủng hộ”.

Các nhà lập pháp gần đây đã chi thêm tiền để giúp Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao tăng cường mức độ bảo vệ chưa từng có cho một số cựu quan chức cơ quan mà Iran đang tìm cách ám sát, khiến chính phủ liên bang thiệt hại gần 150 triệu đô la mỗi năm.

Một số quan chức hiện đang chi hàng trăm ngàn đô la mỗi năm cho vấn đề an ninh của bản thân và gia đình.

Giám đốc FBI cho biết chính quyền Tổng thống Biden coi các mối đe dọa của Iran là “vấn đề an ninh quốc gia và nội địa được ưu tiên hàng đầu”. Ông cũng cho biết Iran sẽ phải đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng” nếu tấn công bất kỳ công dân Hoa Kỳ nào, kể cả những người phục vụ chính phủ.

Ngay cả vụ ám sát một quan chức cấp thấp hơn cựu tổng thống cũng có thể đẩy hai quốc gia vào khủng hoảng.

“Hoa Kỳ sẽ coi đó là một hành động chiến tranh,” Dân biểu Jim Himes (D-Conn.), thành viên cao cấp của Ủy ban Tình báo Hạ viện cho biết. “Bây giờ, chúng ta sẽ phản ứng thế nào với điều đó, tôi không biết, nhưng đó sẽ không phải là một ngày dễ chịu đối với chế độ Iran.”

'Một lệnh tử hình chung thân'

Nhiều người phát biểu với POLITICO đã cảnh báo rằng Iran thiếu các đội sát thủ tinh vi và hầu như không thể thực hiện được một vụ tấn công vào một cá nhân được bảo vệ chặt chẽ bên trong Hoa Kỳ.

Nhưng hai vụ ám sát Ông Trump vào mùa hè này đã khơi lại những câu hỏi về khả năng bảo vệ của chính phủ ngay cả đối với các cựu quan chức cao cấp nhất. Và, một số người cho rằng, bộ máy của chính phủ Hoa Kỳ đang điều chỉnh chậm chạp trước mối đe dọa mới từ một quốc gia nước ngoài.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ khi nào hoặc bằng cách nào Iran có thể tìm cách trả thù.

Bốn người đã nói chuyện với POLITICO đã trích dẫn ví dụ về Salman Rushdie, tác giả đoạt giải Nobel. Ba mươi bốn năm sau khi nhà lãnh đạo tối cao của Iran ra lệnh giết Rushdie vì một cuốn tiểu thuyết mà ông cho là xúc phạm Hồi giáo, một kẻ ám sát đã đâm Rushie 15 nhát trên sân khấu tại một sự kiện ở New York.

“Khi họ đưa ra những sắc lệnh này, chúng giống như là lệnh tử hình suốt đời vậy”

[Politico: Iran has a hit list of former Trump aides. The U.S. is scrambling to protect them.]

5. Xem 400 máy bay điều khiển từ xa tấn công Shahed phát nổ cùng lúc ở miền Nam nước Nga

Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, một cuộc tấn công của Ukraine vào một nhà kho ở miền Nam nước Nga đã phá hủy 400 máy bay điều khiển từ xa tấn công Shahed do Iran sản xuất. Con số này chiếm gần năm phần trăm trong tổng số máy bay điều khiển từ xa Shaheds mà Nga đã triển khai cho đến nay trong cuộc chiến tranh rộng lớn kéo dài 31 tháng với Ukraine.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết video về vụ hỏa hoạn xảy ra gần Oktyabrsky đã xác nhận sự thành công của cuộc tấn công. “Một cú đánh chính xác vào mục tiêu đã được ghi lại”, bộ tham mưu lưu ý. “Một vụ nổ thứ cấp đã được quan sát thấy”.

Shahed dẫn đường bằng vệ tinh, chạy bằng cánh quạt—do Shahed Aviation Industries ở Iran phát triển—là một trong những vũ khí chính của Nga để tấn công sâu vào các thành phố của Ukraine. Kể từ khi mua những chiếc Shahed đầu tiên từ Iran vào năm 2022, Nga đã phóng hơn 8.000 máy bay điều khiển từ xa cảm tử.

Hệ thống phòng không Ukraine đã bắn hạ hầu hết các máy bay Shahed mà lực lượng Nga tung ra vào ban đêm. Theo thống kê của Defense News, quân đội Ukraine đã phá hủy 91 phần trăm tất cả các máy bay Shahed.

Nhưng chín trong số 100 chiếc vượt qua, tấn công nhà cửa và doanh nghiệp bằng đầu đạn nặng 110 pound, gây thương tích và giết người bừa bãi. Gần 600 thường dân Ukraine đã thiệt mạng và 2.700 người bị thương trong các cuộc không kích của Nga trong ba tháng kết thúc vào ngày 31 tháng 8.

Việc phá hủy 400 Shahed sẽ làm chậm tốc độ các cuộc tấn công của Nga. “Việc phá hủy căn cứ lưu trữ của Shahed... sẽ làm giảm đáng kể cơ hội của quân xâm lược Nga trong việc khủng bố dân thường ở các thành phố và làng mạc của Ukraine”, Chuẩn tướng Oleksii Hromov tuyên bố.

Nhưng đó chỉ là chiến thắng tạm thời. Mạc Tư Khoa luôn có thể mua thêm máy bay điều khiển từ xa từ Tehran. Họ cũng đang sản xuất bản sao tại một nhà máy ở Tatarstan ở miền đông nước Nga và cả ở Trung Quốc. Điện Cẩm Linh đã trả 1,7 tỷ đô la, một phần bằng vàng, để bảo đảm giấy phép lắp ráp tại địa phương lên tới 6.000 Shahed.

Không rõ người Ukraine đã tấn công kho máy bay điều khiển từ xa đó như thế nào. Bộ tổng tham mưu cho rằng cuộc đột kích này là do quân đội Ukraine và bộ phận chống khủng bố thực hiện. Oktyabrsky chỉ cách tiền tuyến ở miền đông Ukraine 225 km, nằm trong phạm vi của một loạt đạn dược của Ukraine.

Nhưng chúng ta có thể loại trừ các loại đạn dược tốt nhất do phương Tây sản xuất của Ukraine—hỏa tiễn Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật của Quân đội Hoa Kỳ, hỏa tiễn hành trình Storm Shadow của Anh và hỏa tiễn hành trình SCALP-EG của Pháp. Washington, DC, Luân Đôn và Paris tiếp tục từ chối cấp phép cho Kyiv sử dụng các loại vũ khí này để tấn công vào lãnh thổ Nga.

Tuy nhiên, không có hạn chế nào đối với đạn dược do Ukraine sản xuất. Hỏa tiễn hành trình Neptune của Ukraine có thể vươn tới miền nam nước Nga. Và máy bay điều khiển từ xa tấn công tầm xa mà ban giám đốc tình báo Ukraine đã phát triển có thể bay xa hàng trăm dặm vượt quá Oktyabrsky.

Cuộc tấn công vào kho Shahed là một phần của xu hướng rộng hơn. Thay vì sử dụng hỏa tiễn phòng không đắt tiền để bắn hạ máy bay điều khiển từ xa đang lảng vảng trên bầu trời, người Ukraine đang nỗ lực tấn công “bên trái của vụ nổ”, mượn cách nói của quân đội Hoa Kỳ. Nghĩa là họ đang cố gắng tấn công các loại đạn dược của Nga tại kho bãi của chúng trước khi người Nga có thể phóng chúng.

Shaheds không phải là mục tiêu duy nhất. Các cuộc đột kích của Ukraine cũng đã phá hủy kho dự trữ bom lượn dẫn đường bằng vệ tinh của Nga. Tuần trước, một cuộc đột kích bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine vào một căn cứ không quân của Nga gần Voronezh, cách biên giới phía bắc của Ukraine với Nga 190 km về phía bắc, được cho là nhắm vào một nhà kho chứa đầy bom.

[Forbes: Watch 400 Shahed Attack Drones Explode At The Same Time In Southern Russia]

6. Putin muốn có ‘Trật tự thế giới mới’, mời Tổng thống Iran tới Mạc Tư Khoa

Putin tuần này cho biết ông muốn tạo ra một “trật tự thế giới mới” và mời Tổng thống Iran tới Mạc Tư Khoa.

Putin đã có cuộc gặp với tổng thống Iran vào hôm Thứ Sáu, 11 Tháng Mười, một cuộc gặp gỡ quan trọng khi xét đến vai trò liên tục của Tehran trong việc cung cấp vũ khí để hỗ trợ cho các nỗ lực chiến tranh của Mạc Tư Khoa tại Ukraine. Hội nghị thượng đỉnh cũng diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Israel và Iran, cùng với những lo ngại về các cuộc đối đầu leo thang giữa Iran và các lực lượng ủy nhiệm quân sự của nước này.

Theo truyền thông nhà nước Nga, Putin và Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đã có cuộc hội đàm bên lề một diễn đàn quốc tế tại Ashgabat, Turkmenistan, nơi họ thảo luận về những diễn biến đang diễn ra ở Trung Đông. Sau cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 của Nga, Mạc Tư Khoa và Tehran đã ký một thỏa thuận trị giá 1,7 tỷ đô la để Iran cung cấp máy bay điều khiển từ xa nhằm tăng cường các nỗ lực quân sự của Nga. Các quan chức Hoa Kỳ cũng tin rằng Iran đã chuyển giao hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn cho Nga như một phần trong hợp tác quốc phòng ngày càng tăng của họ.

Tuần này, giám đốc MI5 Ken McCallum cáo buộc cả Nga và Iran về sự gia tăng “khủng khiếp” các nỗ lực ám sát, phá hoại và các hoạt động tội phạm khác trong Vương quốc Anh McCallum tiết lộ rằng kể từ năm 2022, tình báo và cảnh sát Anh đã ngăn chặn 20 âm mưu “có khả năng gây tử vong” liên quan đến Iran. Ông cũng cảnh báo rằng nếu căng thẳng ở Trung Đông leo thang, Iran có thể mở rộng mục tiêu của mình ở Vương quốc Anh

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga Tass, trong cuộc gặp, Putin nhận xét rằng Mạc Tư Khoa và Tehran thường có quan điểm tương đồng về các vấn đề toàn cầu. Các quan sát viên cho rằng nhận định của Putin rất chính xác. Cả Nga và Iran đều theo đuổi quan điểm đế quốc, và cả hai dân tộc đều coi mình là thượng đẳng vượt xa các dân tộc lân bang.

Putin đã gửi lời mời Pezeshkian đến thăm Nga và Pezeshkian đã chấp nhận, Tass đưa tin.

Trong một video do Điện Cẩm Linh cung cấp, Putin kêu gọi thành lập một “trật tự thế giới mới” bao gồm các đồng minh của Mạc Tư Khoa để thách thức ảnh hưởng của phương Tây.

Diễn đàn đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo khu vực, bao gồm Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari, cùng với nguyên thủ các quốc gia Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.

Putin cũng có lịch gặp Tổng thống Turkmenistan Serdar Berdymukhamedov để đàm phán song phương trong diễn đàn. Berdymukhamedov nhậm chức vào tháng 3 năm 2022, kế nhiệm cha mình, Gurbanguly Berdymukhamedov, người đã lãnh đạo quốc gia giàu năng lượng Turkmenistan từ năm 2006.

Kể từ khi giành được độc lập sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Turkmenistan vẫn phần lớn bị cô lập dưới sự lãnh đạo của một loạt các nhà lãnh đạo độc đoán.

Đầu tuần này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã mang đến một “kế hoạch chiến thắng” cho các đồng minh phương Tây, trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraine. Vào thứ năm, Zelenskiy đã đến số 10 phố Downing ở Luân Đôn để gặp các quan chức từ Anh và NATO, bao gồm Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thư ký NATO Mark Rutte. Zelenskiy sau đó đã đến Paris vào thứ năm để gặp Tổng thống Emmanuel Macron.

Mặc dù thông tin chi tiết đầy đủ về “kế hoạch chiến thắng” của Zelenskiy vẫn chưa được công khai, nhưng ông đã phát biểu sau cuộc gặp tại Anh rằng kế hoạch này “nhằm tạo ra các điều kiện phù hợp để kết thúc công bằng cuộc chiến” chống lại Nga.

[Newsweek: Putin Wants 'New World Order', Invites Iranian President to Moscow]

7. Quân đội Ukraine cho biết đã phá hủy trực thăng Mi-8 của Nga ở Kharkiv

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Sáu, 11 Tháng Mười, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết một chiếc trực thăng Mi-8 của Nga đã bị phá hủy ở Tỉnh Kharkiv.

Đối diện với nguy cơ bị bao vây, Quân Nga tại Pletenivka phía Bắc của Vovchansk đã được 4 chiếc máy bay trực thăng trợ chiến để rút lui về bên kia biên giới. Nhiệm vụ của các trực thăng là hình thành khoảng cách chiến thuật giữa quân Nga và quân Ukraine. Tuy nhiên, kế hoạch của Nga thất bại khi một chiếc máy bay trực thăng Mi-8 bị bắn hạ và những chiếc khác bỏ chạy. Giao tranh vẫn đang tiếp tục ở cường độ cao.

Mi-8 là máy bay thời Liên Xô được sử dụng phổ biến nhất làm máy bay vận tải của cả quân đội Nga và các cơ quan chính phủ dân sự. Nó cũng có thể được sử dụng cho mục đích chiến đấu và chỉ huy.

Chiếc trực thăng này có giá ước tính khoảng từ 10 đến 15 triệu đô la, tùy thuộc phiên bản nào.

Theo bản cập nhật của Bộ Tổng tham mưu vào ngày 11 tháng 10, Nga đã mất 329 máy bay trực thăng kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, trong 24 giờ qua, 1140 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến cùng với 8 xe tăng, 35 xe thiết giáp, 59 hệ thống pháo, 4 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, và 84 xe chuyển quân và nhiên liệu.

[Kyiv Independent: Ukraine destroys Russian Mi-8 helicopter in Kharkiv Oblast, military says]

8. Hoa Kỳ và Âu Châu sẽ làm rõ mối quan hệ tương lai của NATO với Nga

Các bộ trưởng quốc phòng NATO họp vào tuần tới sẽ bắt đầu xem xét lại chính sách kéo dài hàng thập niên của liên minh này về quan hệ với Nga để phản ứng với mối đe dọa từ Điện Cẩm Linh.

Quan hệ NATO-Nga đã chạm đáy sau cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa vào Ukraine năm 2022. Đáp lại, NATO dán nhãn Nga là “mối đe dọa trực tiếp và đáng kể nhất đối với an ninh của Đồng minh”, trong khi Điện Cẩm Linh tuyên bố rằng cái mà họ gọi là sự bành trướng về phía đông của NATO là mối nguy hiểm hiện hữu.

Tuy nhiên, bất chấp sự thay đổi về giọng điệu, NATO vẫn duy trì “Đạo luật sáng lập” với Nga. Đây là một văn bản được ký vào năm 1997, sáu năm sau khi Liên Xô sụp đổ, quy định mục tiêu chung là “xây dựng một Âu Châu ổn định, hòa bình và không chia cắt”.

Hội đồng NATO-Nga, một cơ quan được thành lập sau Chiến tranh Lạnh để hợp tác về các vấn đề an ninh và các dự án chung, đã không họp kể từ năm 2022. Mối quan hệ đã xấu đi dần dần trong nhiều năm, khi Nga tấn công Georgia vào năm 2008 rồi sáp nhập Crimea bất hợp pháp vào năm 2014 và kích động chiến tranh ở miền Đông Ukraine.

Một quan chức cao cấp của chính phủ Hoa Kỳ nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng các nước NATO hiện đang trong quá trình cố gắng “vạch ra các yếu tố khác nhau của chiến lược [đối với Nga] và thúc đẩy các cuộc tranh luận bên trong liên minh, đưa chúng ta đến các vấn đề như tương lai của Đạo luật thành lập NATO-Nga”.

“Đã đến lúc phải xây dựng một chiến lược mới về lập trường cụ thể của [các đồng minh]”, vị quan chức này cho biết.

Trong khi các cuộc thảo luận chính thức cấp thấp đã diễn ra trong nhiều tháng, cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng NATO vào tuần tới sẽ là vòng đầu tiên trong một vài vòng thảo luận cấp bộ trưởng về chủ đề này. Trong hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tại Washington, các đồng minh đã đồng thanh lập ra một chiến lược NATO-Nga mới tại hội nghị thượng đỉnh liên minh tiếp theo, được tổ chức tại The Hague vào tháng 6 năm 2025.

Vị quan chức Hoa Kỳ nói thêm: “Hiện tại, chúng ta phải có sự hiểu biết trên toàn liên minh... rằng Đạo luật sáng lập và Hội đồng NATO-Nga được xây dựng cho một kỷ nguyên khác, và tôi nghĩ các đồng minh đã sẵn sàng nói rằng đó là một kỷ nguyên khác trong mối quan hệ của chúng ta với Nga, và do đó, điều gì đó mới mẻ là xứng đáng.”

Vị quan chức này cho biết hiện vẫn chưa có bản thảo nào về chiến lược mới vì trọng tâm là thu thập quan điểm của 32 nước NATO. Họ cũng cho biết tác động quân sự của cuộc tập trận chính trị này dự kiến sẽ bị hạn chế.

Có sự khác biệt về việc NATO nên đi xa đến mức nào để tạo ra một bộ quy tắc mới khi nói đến Nga. Một nhà ngoại giao NATO cho biết có lo ngại giữa một số thành viên rằng một chiến lược mới rất hung hăng có thể gửi một “tín hiệu” có thể làm mất ổn định Nga.

Sau đó là vấn đề liên quan đến Hung Gia Lợi và Slovakia, hai quốc gia NATO đang phá vỡ quan hệ với các nước còn lại trong liên minh bằng cách tiếp tục duy trì liên lạc với Điện Cẩm Linh và nhìn thấy giá trị chiến lược trong việc hợp tác với Nga.

[Politico: US and Europe to clarify NATO’s future relationship with Russia]

9. Ba Lan sẽ đình chỉ quyền tị nạn khi ‘cuộc chiến hỗn hợp’ leo thang ở biên giới Belarus

Ba Lan sẽ tạm thời cấm người di cư xin tị nạn vào nước này sau khi vượt biên giới từ nước láng giềng Belarus, trong bối cảnh có cảnh báo rằng Nga và các đồng minh đang sử dụng người di cư để cố gắng gây bất ổn cho Liên Hiệp Âu Châu.

Phát biểu tại cuộc họp của đảng Liên minh Công dân cầm quyền vào hôm Thứ Bẩy, 12 Tháng Mười, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cho biết chiến lược di cư mới sẽ bao gồm “việc tạm thời đình chỉ quyền tị nạn trên lãnh thổ”.

“Tôi sẽ yêu cầu điều này,” Tusk, cựu chủ tịch Hội đồng Âu Châu, nhấn mạnh, ngăn chặn những thách thức từ Brussels về tính hợp pháp của động thái này. “Tôi sẽ yêu cầu công nhận ở Âu Châu cho quyết định này.”

Theo Tusk, quyền tị nạn của khối này đang bị Belarus và Nga tích cực lạm dụng. “Quyền tị nạn này được sử dụng hoàn toàn trái ngược với bản chất của quyền tị nạn”, Tusk nói.

Hàng chục ngàn người nhập cư, nhiều người đến từ Trung Đông và Phi Châu, đã cố gắng vượt biên giới vào Ba Lan qua Belarus trong những năm gần đây, với số lượng báo cáo lên tới 2.500 người vào tháng trước và hơn 26.000 người trong năm nay.

Người ta thấy lính biên phòng Belarus tích cực hỗ trợ các nhóm này như một phần của chiến thuật mà Tusk trước đây gọi là “chiến tranh hỗn hợp” được thiết kế để thúc đẩy tâm lý chống di cư và ràng buộc các nguồn lực của nhà nước. Ba Lan đã bắt đầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng biên giới mạnh hơn để cố gắng ngăn chặn các cuộc vượt biên trái phép. Một khu vực biên giới đặc biệt đã được thành lập để trao quyền hạn cứng rắn hơn cho chính quyền địa phương.

Vào tháng 9, Ủy viên Nhân quyền của Hội đồng Âu Châu, Michael O'Flaherty, đã cảnh báo về “những thách thức do việc lợi dụng di cư và các hành động gây bất ổn của chính quyền Belarus tại biên giới Ba Lan-Belarus”.

Tuy nhiên, O'Flaherty cho biết, chính sách hồi hương người di cư của Ba Lan mà không đánh giá các yêu cầu tiềm năng của họ “không cho phép tôn trọng đầy đủ các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế” và “khiến họ có nguy cơ bị vi phạm nghiêm trọng các quyền được bảo vệ bởi Công ước Âu Châu về Nhân quyền”.

Ủy ban Âu Châu không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận từ POLITICO.

Belarus bị cáo buộc cung cấp thị thực cho những người tuyệt vọng ở các quốc gia bị chiến tranh tàn phá như Syria và khuyến khích họ bay đến quốc gia này như một điểm dừng quá cảnh trên đường đến Liên Hiệp Âu Châu. Tổng thống độc tài của quốc gia này, một trong những đồng minh thân cận nhất của Mạc Tư Khoa, đã nói vào năm 2021 rằng ông khuyến khích những người di cư cố gắng vượt biên giới. “Tùy thuộc vào bạn”, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói với đám đông những người ngủ ngoài đường ở biên giới, “hãy đi qua. Hãy đi!”

Tổ chức Ân xá Quốc tế cảnh báo rằng những người xin tị nạn, “bao gồm cả các gia đình có trẻ em, thường cần được giúp đỡ ngay lập tức, đã bị lực lượng Belarus đánh đập bằng dùi cui và báng súng trường và bị đe dọa bằng chó nghiệp vụ” khi họ cố gắng vượt biên vào Ba Lan để được an toàn.

[Politico: Poland to suspend right to asylum as ‘hybrid war’ escalates on Belarus border]

10. Zelenskiy nói về mô hình hợp tác mới với Pháp và trông đợi vào kết quả

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy mong đợi kết quả về các thỏa thuận với Pháp về việc thành lập cơ sở sản xuất vũ khí chung giữa Ukraine và Pháp tại Ukraine.

Trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối Thứ Bẩy, 12 Tháng Mười, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết: “Ở Pháp, chúng tôi đã thảo luận về một mô hình hợp tác mới – thành lập các cơ sở sản xuất chung Ukraine-Pháp tại đất nước chúng ta. Điều này đang được Bộ Quốc Phòng thực hiện ráo riết.”

Mô hình Đan Mạch đã có hiệu lực, dựa trên việc các chính phủ đối tác thu hút đầu tư vào sản xuất vũ khí, và chúng tôi coi mô hình mới của Pháp là cơ hội để thu hút đầu tư vào việc xây dựng các cơ sở sản xuất mới.

Chúng tôi mong đợi kết quả này cho Ukraine và đây là nhiệm vụ cá nhân của Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ Công nghiệp Chiến lược nhằm bảo đảm rằng tất cả các thỏa thuận của chúng ta đều được thực hiện.”

Zelenskiy lưu ý rằng tuần này, “các thỏa thuận mới về vũ khí đã đạt được và đây không chỉ là thỏa thuận về cung cấp – mà còn là thỏa thuận về sản xuất”.

Ông cho biết ngành công nghiệp của Ukraine có khả năng sản xuất nhiều máy bay điều khiển từ xa, đạn pháo và thiết bị quân sự hơn nhiều so với khả năng mà ngân sách nhà nước cho phép.

“Tuy nhiên, đồng thời, có nhiều đối tác, vì lý do khách quan, không thể giúp cung cấp vũ khí: họ không có vũ khí của riêng mình, nhưng họ có thể giúp chúng ta về mặt tài chính. Một số đối tác cũng có các công nghệ đặc biệt có thể được sử dụng tại Ukraine ngay bây giờ - trong phòng thủ và trong các hoạt động chiến đấu tích cực của chúng ta. Một số quốc gia thể hiện sự lãnh đạo bằng cách đoàn kết những quốc gia khác trên thế giới vì lợi ích của công việc sản xuất chung của chúng tôi. Tôi cảm ơn mọi đối tác của Ukraine đã đầu tư vào ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine của chúng tôi. Chúng tôi đã tăng sản lượng, đặc biệt là máy bay điều khiển từ xa, đáng kể, nhờ vào các khoản đầu tư như vậy”, ông nói.

Tưởng cũng nên nhắc lại là vào ngày 10 tháng 10, Zelenskiy cho biết trong cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, vấn đề sản xuất vũ khí chung đã được đặc biệt chú ý.

[Ukrainska Pravda: Zelenskyy speaks about new model of cooperation with France and counts on result]

11. Các quan chức Liên Hiệp Âu Châu đang cân nhắc cải cách để vượt qua lệnh phong tỏa của Hung Gia Lợi đối với quỹ quốc phòng của Ukraine

Một đề xuất cải cách Cơ sở Hòa bình Âu Châu, gọi tắt là EPF sẽ khiến các khoản đóng góp tài chính trở nên tự nguyện, nhằm mục đích bỏ qua quyền phủ quyết của Hung Gia Lợi đối với viện trợ quân sự cho Ukraine, vốn đã gây ra tình trạng tồn đọng 6,5 tỷ euro, hay 7 tỷ đô la.

Hung Gia Lợi, được coi là thành viên Liên Hiệp Âu Châu gần gũi nhất với Nga, đã nhiều lần cản trở viện trợ cho Ukraine vì cho rằng Ukraine “kéo dài” và “leo thang” cuộc chiến đang diễn ra. Những quan điểm này thường được nhắc lại ở Slovakia kể từ khi Thủ tướng hoài nghi về Ukraine Robert Fico nhậm chức vào mùa thu năm ngoái.

Bộ trưởng Ngoại giao Hung Gia Lợi Peter Szijjarto cũng cho biết vào ngày 23 tháng 7 rằng viện trợ quân sự của Ukraine sẽ bị chặn cho đến khi Kyiv cho phép vận chuyển dầu Lukoil của Nga.

“ Tôi đã nói rõ rằng chừng nào Ukraine không giải quyết được vấn đề này, mọi người có thể quên đi khoản bồi thường 6,5 tỷ euro cho việc chuyển giao vũ khí theo Cơ sở Hòa bình Âu Châu”.

Kế hoạch cải cách hiện đang trong giai đoạn đầu và sẽ cho phép các nước như Hung Gia Lợi lựa chọn không đóng góp, qua đó làm giảm căng thẳng do Hung Gia Lợi phản đối việc Liên Hiệp Âu Châu hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Tuy nhiên, động thái này có thể làm suy yếu mặt trận thống nhất của Liên Hiệp Âu Châu chống lại Nga và gây ra mối lo ngại về ngân sách giữa các quốc gia thành viên.

Mặc dù một số nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu vẫn hy vọng Hung Gia Lợi sẽ dỡ bỏ quyền phủ quyết, nhưng sự bất đồng đang diễn ra giữa lập trường của Hung Gia Lợi và quyết định của phần lớn các thành viên Liên Hiệp Âu Châu khiến tương lai của EPF trở nên bất định.

[Kyiv Independent: EU officials considering reform to bypass Hungary’s blockade on Ukraine defense funds]