Ngày 13-10-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Tư 14/10: Đạo là đường dẫn đến ơn Cứu Độ - Suy Niệm của Lm. Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
05:45 13/10/2020


Phúc Âm: Lc 11, 42-46

"Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái, và khốn cho các ngươi, hỡi những tiến sĩ luật".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa phán rằng: "Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi nộp thuế thập phân, bạc hà, vân hương, và các thứ rau, mà lại bỏ qua đức công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa: Phải thi hành những điều này, và không được bỏ những điều kia. Khốn cho các ngươi, hỡi những người biệt phái! Vì các ngươi ưa thích ngồi ghế nhất trong các hội đường, và ưa thích được chào hỏi ngoài phố chợ. Khốn cho các ngươi, vì các ngươi giống những mồ mả không rõ rệt, người ta bước đi ở trên mà không hay biết!"

Có một tiến sĩ luật trả lời Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy nói như thế là Thầy sỉ nhục cả chúng tôi nữa". Người đáp lại rằng: "Hỡi những tiến sĩ luật, khốn cho các ngươi nữa! Vì các ngươi chất lên người ta những gánh nặng không thể vác được, mà chính các ngươi dù một ngón tay cũng không động tới".
 
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 29A thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:17 13/10/2020
CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 22:15-21)
TRÁCH NHIỆM


Nhóm người Biệt phái họp nhau,
Mưu tìm bắt bẻ, trước sau gây phiền.
Đôi lời nịnh bợ trước tiên,
Khen rằng sự thật, nhân hiền Thầy trao.
Phân minh xét xử đồng bào,
Tâm tình ngay chính, dạt dào mến thương.
Thầy không thiên vị vấn vương,
Ý Thầy chỉ dậy, tìm đường giúp cho.
Có nên nộp thuế vào kho,
Cê-da hình đó, để dò phán quan.
Chúa rằng ác ý đa đoan,
Giả hình gài bẫy, mưu toan hại Người.
Khôn ngoan phát biểu đôi lời,
Đồng tiền nộp thuế, hình thời thẩm tra?
Của Cê-da trả Cê-da.
Trả về Thiên Chúa, là Cha muôn đời
Ơn thiêng sự sống cao vời,
Khả năng trí tuệ, gọi mời nghĩ suy.
Loài người muôn vật phụ tùy,
An bài Tạo Hóa, phát huy cuộc đời.

Với đồng xu nhỏ, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta một bài học rất quý báu. Mỗi người chúng ta có hai bổn phận: Một bổn phận với Chúa và bổn phận đối với xã hội. Chúng ta vừa là công dân của quốc gia và là công dân của Nước trời. Chúng ta không thể tách rời cuộc sống ra khỏi xã hội.

Chúng ta sống trong xã hội. Chúng ta làm lụng và sinh sống trao đổi bằng chính đồng tiền với hình biểu tượng của quốc gia. Chúng ta có bổn phận và trách nhiệm bảo vệ và cùng chung góp khả năng xây dựng một xã hội tốt đẹp. Chúng ta có bổn phận đóng thuế cho chính phủ. Chính phủ sẽ lo cho toàn dân trong mọi sinh họat cộng cộng. Chúng ta được thừa hưởng muôn vàn lợi ích qua cuộc sống chung.

Chúng ta cũng còn là công dân nước trời. Chúng ta được sinh ra mang hình ảnh Thiên Chúa. Chúng ta được nhận lãnh Bí tích Rửa tội, trở thành con dân của Chúa. Chúng ta được trao ban sự sống, có trí khôn, có sự hiểu biết, có tự do và tất cả. Con người là quà tặng Chúa ban. Chúng ta có bổn phận đáp trả tình yêu của Thiên Chúa. Chúa nói rằng, “Cái gì của Thiên Chúa, trả cho Thiên Chúa’. Vậy cái gì là của Thiên Chúa. Là tất cả, là sự sống, là con người và tình yêu. Chúa vì yêu đã cho chúng ta tất cả. Chúng ta cũng nên đáp trả bằng tình yêu.

Đáp lại tình yêu của Chúa. Chúng ta hãy mở lòng yêu thương đến mọi người, kể cả kẻ thù. Yêu thương anh em như Chúa đã yêu chúng ta. Chúa đã hy sinh mạng sống để cứu độ chúng ta. Chúng ta hãy đáp trả lại cho Chúa những gì chúng ta đã lãnh nhận.

THỨ HAI, TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 13-21).
GIA TÀI


Có người thưa Chúa xin rằng:
Lạy Thầy xin bảo, công bằng phân chia.
Gia tài cha mẹ đã lìa,
Anh em gây gỗ, của kia dự phần.
Ai nên quan xét nợ nần,
Hồi môn chia cắt, đòi phần hơn thua.
Chúa rằng của cải phân bua,
Coi chừng mọi thứ, tranh đua ở đời.
Tham lam gom góp của hời,
Giầu sang phú quí, cũng rời xa ta.
Một người phú hộ sa đà,
Chất đầy kho lẫm, đường tà vui chơi.
Nghỉ ngơi ăn uống thú đời,
Linh hồn an hưởng, một thời sướng thay.
Hỡi người ngu dại thế này,
Bạc vàng chất đống, đêm nay gọi hồn.

THỨ BA, TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 35-38).
TỈNH THỨC


Các con tỉnh thức đợi chờ,
Thắt lưng đứng sẵn, vào giờ không hay,
Cầm đèn cháy sáng trong tay,
Như người đợi chủ, mở ngay cửa chào.
Chủ về gõ cửa bước vào,
Phúc cho đầy tớ, việc trao chu toàn.
Cuộc đời chi phối lo toan,
Trăm công nghìn việc, đa đoan phân trần.
Mỗi người trách nhiệm một phần,
Chu toàn bổn phận, tinh thần tỉnh tao.
Canh ba canh bốn có sao,
Chăm nom săn sóc, việc trao hoàn thành.
Kẻ nào trung tín thi hành,
Vui thay đầy tớ, phúc lành trao ban.
Cuộc đời muôn nỗi gian nan,
Ai mà thức tỉnh, bình an tâm hồn.

THỨ TƯ, TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 39-48).
SẮN SÀNG


Các con học biết điều này,
Hãy luôn tỉnh thức, hăng say nhiệt tình.
Tâm thần sáng suốt bình sinh,
Tương lai hiện tại, anh minh rạng ngời.
Sự gì xảy đến trong đời,
Mấy ai dự liệu, mọi nơi sẵn sàng.
Chúa thương dậy bảo dân làng,
Coi chừng kẻ trộm, nó đang khoét tường.
Con Người sẽ đến bất thường,
Ngày giờ không biết, tứ phương ngóng chờ.
Là người quản lý đúng giờ,
Phân chia lúa thóc, trông nhờ gia nhân.
Chủ về quan sát trong dân,
Hoàn thành trách nhiệm, chia phần quản cai.
Phúc thay đầy tớ miệt mài,
Thưởng công thăng chức, hiền tài phát huy.

THỨ NĂM, TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 49-53).
LỬA THIÊNG


Thầy đem lửa xuống trần gian,
Mong sao lửa cháy, tràn lan mọi miền.
Lửa thiêng nung nấu triền miên,
Xả thân cứu độ, cửa thiên đón mời.
Hoàn thành phép rửa trong đời,
Biết bao khắc khoải, cao vời hiến thân.
Thầy đem phân rẽ trong dân,
Năm người chia rẽ, thành phần mỗi nơi.
Hai ba chống đối, hỡi ơi,
Con trai chống lại những lời của cha.
Tính tình con gái kiêu sa,
Nàng dâu chống mẹ, chạm va gia đình.
Hy sinh đòi hỏi hiến mình,
Bước đi theo Chúa, tâm linh rạng ngời.
Tu thân cắt bỏ sự đời,
Hãm mình dẹp xác, gọi mời chứng nhân.

THỨ SÁU, TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
(Lc 12, 54-59).
DẤU CHỈ


Phía Tây mây nổi dật dờ,
Cơn dông sắp tới, mây mờ trở mưa.
Gió Nam thổi đến giữa trưa,
Khi trời nóng bức, lại vừa nắng oi.
Các ngươi nhận diện ngắm coi,
Chuyển vần trời đất, rạng soi cận kề.
Giả hình hiểu biết mọi bề,
Tiến trình thời đại, chẳng hề lưu tâm.
Tận tình suy nghĩ trầm ngâm,
Nhận ra dấu chỉ, đường lầm tránh xa.
Nước Trời xuất hiện bên ta,
Quyền uy dấu lạ, mưa sa phúc lành.
Thức thời nhận biết thi hành,
Cảm thông hòa giải, tranh dành bỏ qua.
Khôn ngoan tính toán trước tòa,
Công bằng xá giải, thứ tha lỗi lầm.

THỨ BẢY, TUẦN 29 THƯỜNG NIÊN
(Lc 13, 1-9).
HỐI CẢI


Có người tự thuật truyện này,
Tế sinh các vật, hòa ngay máu đào.
Số người bị giết hôm nao,
Nhục hình khinh dể, khơi mào gớm ghê.
Nghĩ rằng ngược đãi ê chề,
Là người tội lỗi, bội thề xấu xa.
Chúa khuyên nhắc nhủ người ta,
Ăn năn hối cải, xin tha lỗi lầm.
Si-lô đổ xuống chôn ngầm,
Số người mười tám, chết bầm xót xa.
Không phải tội lỗi hơn ta,
Nếu không hối cải, cả nhà suy vong.
Trong vườn cây vả hằng mong,
Sinh hoa kết quả, trong lòng vui thay.
Cây nào không trái năm nay,
Bón phân tưới nước, cơ may sống còn.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:28 13/10/2020
THÀNH THỰC

“Bởi thế, một khi đã cởi bỏ sự gian dối, mỗi người trong an hem hãy nói sự thật với người than cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau”. (Ep 4, 25)

1. Thành thực vốn là một hành vi đơn giản của tình yêu, nhưng có một mục đích đó là làm cho Thiên Chúa yêu thích, nếu trên mọi việc mà chúng ta làm chỉ đơn thuần là tìm sự yêu mến của Thiên Chúa, thì linh hồn của chúng ta là một linh hồn thành thực.

(Thánh Francis de Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:35 13/10/2020
51. NHIỀU CÁCH NHẬN BẠN THÂN

Ngải tử và người bạn cùng sánh vai đi trên đường.

Một cái kiệu đi đến qua trước mặt, người bạn nói:

- “Người trong kiệu là người thân của tôi, chúng ta núp bên đường để tránh ông ta xuống kiệu chào hỏi.”

Hai người núp bên đường không lâu, thì lại có người ngồi xe đến đi ngang trước mặt, người bạn ấy lại nói với Ngải tử:

- “Đó là người bạn của tôi, chúng ta núp chút nữa để anh ta khỏi xuống xe hàn huyên.”

Trên đường đi, người bạn vẫn cứ dùng câu ấy để nói.

Phía trước tiến lại một người đang đùa với rắn, rồi sau đó lại đi đến một người biết làm ma thuật, họ mặc áo quần chỗ rách chỗ vá không ra dáng gì cả.

Ngải tử cũng kéo người bạn sát bên đường, nói:

- “Đây là người thân của tôi, và đó là bạn của tôi, chúng ta núp chút xíu đã !”

Người bạn hỏi:

- “Ông làm gì mà có nhiều người thân và bạn bè nghèo mạt thế?”

Ngải tử trả lời:

- “Người giàu, người quyền quý đều bị ông nhận cả rồi, thì tôi còn cách gì nhận họ là người thân được nữa?”

(Ngải tử hậu ngữ)

Suy tư 52:

Có người thấy người giàu sang quyền quý thì nhận làm bạn, dù rằng không quen biết; có người thấy người nghèo thì không nhận làm bạn bè, dù rằng đã quen biết thân thiết rất lâu…

Giàu sang phú quý là tiêu chuẩn để nhận bạn bè thân quen của người ham danh lợi phù vân, cho nên những người này thường có thái độ hồ hởi bên ngoài đến mức gượng gạo, nhưng trong lòng thì lắm âm mưu và nịnh hót; nghèo hèn là cái “tội” lớn nhất của người nghèo, bởi vì cái “tội” ấy mà họ bị bà con anh chị em xa lánh, khinh bỉ và hiếp đáp…

Trên đời này không có gì cao quý cho bằng ân sủng của Thiên Chúa, cũng không có ai giàu sang cho bằng Thiên Chúa, vậy mà trên thế giới có rất ít người đến với Ngài, rất ít người nhận Ngài là người quen biết thân thiết của mình, kể cả những người Ki-tô hữu, đó là một bất công của con người dành cho Thiên Chúa, cái bất công này sẽ được Thiên Chúa đòi lại khi chúng ta từ giả cuộc đời này…

Thấy người giàu sang quyền quý mà nhận làm bạn khi trong lòng đầy những mưu tính chiếm đoạt, là một hành vi bất chính và không công đạo, nhưng không nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng mà mình cần phải biết trong cuộc sống thì lại càng khốn nạn hơn, bởi vì Ngài chính là căn nguyên của mọi sự trên thế gian này…

Tôi là người Ki-tô “chính hiệu”, nghĩa là tôi luôn tham dự thánh lễ, siêng năng tham dự các bí tích, thế nhưng trong cuộc sống thường ngày có những lúc tôi vẫn cứ đem Thiên Chúa ra so sánh với người giàu có thế gian: ai là người giàu có hơn? Và thế vì tôi vì sợ mất lòng người giàu có mà không tham dự thánh lễ ngày chúa nhật…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:06 13/10/2020

42. Bất luận là ai nếu muốn tiến tới trên đường nhân đức, thì cần phải khắc chế mình, sửa chữa khuynh hướng không lương thiện của mình.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:10 13/10/2020
50. BA NGÀN THỰC KHÁCH

Ngải tử đi làm khách ở Mạnh Thường Quân nước Tề ba năm, lúc trở về nước Lỗ, đại phu Lý Tôn hỏi:

- “Người nước Tề ai giỏi nhất?”

Ngải tử nói:

- “Mạnh Thường Quân.”

Hỏi:

- “Giỏi về mặt nào?”

Đáp:

- “Trong nhà ông ta có ba ngàn thực khách, người không có thực lượng thì không thể làm như thế được?”

Lý Tôn nói:

- “Nhà tôi cũng có ba ngàn thực khách vậy, đó không phải là một cái giỏi sao?”

Ngải tử kính phục nói:

- “Như thế thì ngài là người giỏi nhất của nước Lỗ rồi, ngày mai tôi phải đi đến nhà ông để nhìn ba ngàn thực khách của ngài.”

Lý Tôn bằng lòng.

Sáng sớm ngày hôm sau, Ngải từ bèn đi đến nhà của Lý Tôn, vừa vào đến cổng thì thấy trong sân vắng lặng như tờ. Đi thẳng vào trong coi thì ngay cả một người cũng không thấy, ông ta cho rằng thực khách đang ở chỗ khác, đợi rất lâu Lý Tôn mới xuất hiện.

Ngải tử hỏi:

- “Thực khách của ngài đâu hết rồi?”

Lý Tôn xin lỗi, nói:

- “Ngài đến quá chậm, ba ngàn thực khách đều trở về nhà của mình để ăn cơm rồi.”

(Ngải tử hậu ngữ)

Suy tư 51:

Ba ngàn thực khác ở luôn trong nhà mình để ăn cơm, thì quả là Mạnh Thường Quân là người giỏi: giỏi về lòng hiếu khách và giỏi về sự thu phục nhân tâm...

Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu của Ngài được thể hiện qua việc Đức Chúa Giê-su –Con Một của Ngài- xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại, chính Đức Chúa Giê-su đã trở nên lương thực nuôi sống những kẻ tin vào Ngài, không phải chỉ ba ngàn người mà thôi, nhưng hằng hà sa số những kẻ tin được ở trong nhà của Ngài, để ăn và uống lương thực trường sinh là Mình và Máu của Ngài, không một tình yêu nào to lớn như thế, không một người giàu có ở thế gian sánh bằng...

Có một vài người giàu có khoe tiền bạc của mình bằng cách bố thí cho người nghèo vài trăm ngàn rồi la lên cho cả làng biết; có người khoe của cải của mình bằng cách chơi ngông vung tiền mua sắm những thứ không cần thiết về bỏ đầy nhà chơi; có những người khoe tiền bạc của mình trong những nhà hàng khách sạn bốn năm sao bằng những cuộc ăn chơi trác táng, trong lúc chung quanh mình còn có những người nghèo khó cần đến đồng bạc dư thừa của họ...

Ba ngàn thực khách thì quả là to lớn đối với con người, nhưng trước mặt Thiên Chúa, chỉ cần chúng ta thật lòng giúp đỡ ba người mà thôi, thì công lao này cũng được gọi là vĩ đại lắm vậy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Những khiển trách thánh
Lm. Minh Anh
23:15 13/10/2020

NHỮNG KHIỂN TRÁCH THÁNH
“Khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ thật hụt hẫng khi hôm nay và ngày mai, chúng ta đọc thấy trong Tin Mừng Luca, Tin Mừng của lòng thương xót, đến sáu lần những lời khiển trách, “Khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi” từ môi miệng của một Đấng từng nói, “Hãy học cùng Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”.

Thật là thú vị, đang khi ‘Kinh cầu đọc tội’ của Luca chỉ có sáu lần “Khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi”, thì điệp khúc khó hát ấy được lặp lại đến bảy lần trong ‘Kinh cầu đọc tội’ của Matthêu, và xem ra cũng khó nghe hơn. Thế nhưng, sẽ rất ngạc nhiên khi những ‘Kinh cầu’ này còn có một tên khác vốn sẽ nói lên lòng xót thương thẳm sâu vô bờ, tiềm ẩn đàng sau những lời chua xót ấy; tên gọi khác của kinh cầu này là ‘Những Khiển Trách Thánh’. ‘Những khiển trách thánh’ phát xuất từ một ‘Đấng thánh’, đang ao ước mọi người ‘nên thánh’, kể cả giới biệt phái kinh sư, những kẻ mà ‘máu thánh’ Ngài sẽ đổ ra cứu chuộc, cho dù, họ sẽ là những kẻ giết ‘Đấng Thánh’ của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu, nhà mô phạm tài tình bậc nhất; thầy dạy tuyệt thế vĩ đại, Ngài biết cách đưa các linh hồn tiến tới sự thánh thiện tuỳ theo tình trạng của mỗi người; người thì tiệm tiến từng chút một như đối với giới kinh sư biệt phái; người thì chóng vánh như Lêvi thu thuế. Khi thì chỉ với một lời an ủi, “Đừng khóc nữa!”; khi thì Ngài chỉ cần đăm đăm nhìn và nói một lời nhỏ nhẹ vừa đủ cho một người nghe, “Hãy theo Tôi!”; và ở chỗ này, chỗ kia, với những người khác thì Ngài phải dùng đến những lời mạnh mẽ như ‘những khiển trách thánh’ hôm nay, “Khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi”.

Với sự khôn ngoan và nhẫn nại của Ngài, Chúa Giêsu cùng lúc, biết cả khả năng và mức độ đón nhận của những kẻ lắng nghe Ngài. Ở đây, Ngài phải trực tiếp khiển trách những người biệt phái kinh sư và đó là chọn lựa duy nhất của Ngài dành cho họ; vì thế, khi đưa ra những lời kết án khắt khe đến thế, Chúa Giêsu thương xót họ một cách đặc biệt, thương xót gấp sáu, gấp bảy lần; con số bảy lần của Thánh Kinh có nghĩa là thương xót đời đời, thương xót cho đến chết. Khi mạnh mẽ bóc trần tô hô những sai lầm cố chấp họ mắc phải, Chúa Giêsu chỉ nhắm một mục đích là làm cho tâm hồn họ biết hoán cải mà đổi thay. Và như thế, ai trong họ ăn năn trở lại khi nghe ‘những khiển trách thánh’ ấy, người ấy hẳn sẽ được ơn tha thứ và được ôm bởi vòng tay thương xót của Ngài.

Các thánh là ai? Các thánh là những người ít nữa một lần trong đời đã hối cải, một khi nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa qua sự cứu chuộc của Đức Kitô. Thế giới mọi thời cần đến những con người biết hối cải và mở lòng ra cho Thánh Thần. Trong thư Galata hôm nay, Thánh Phaolô nói đến những con người thống hối, mở lòng ra trước Thánh Thần, họ sẽ đầy ắp hoa trái Thánh Thần, đó là “Yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân từ, hiền lành, khoan dung, dịu hiền, trung trực, đức hạnh, tiết độ, trinh khiết”; đó là những người nhận được ánh sáng cứu độ của Thiên Chúa như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng, “Lạy Chúa, ai theo Ngài, sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống”.

Một thanh niên hư hỏng bỏ học theo bạn, ước mơ làm anh hùng. Ngày kia, cậu muốn gia nhập một đảng cướp. Để chứng tỏ lòng trung thành với lý tưởng vô gia đình, vô tổ quốc, vô tôn giáo… đảng trưởng buộc cậu về nhà giết mẹ, đem trái tim đến nộp. Thoạt đầu, cậu tần ngần; nhưng vì chí lớn, cậu khuất phục. Về nhà giữa đêm khuya, cậu lẻn vào phòng mẹ; mẹ cậu chưa kịp mừng khi nhận ra con; thì kìa, mũi dao đã xuyên thấu tim bà. Máu chảy xối xả, cậu rạch vội, lấy trái tim và ù chạy; nhưng quá khiếp sợ, cậu vấp phải cửa và té xuống, trái tim lăn lóc giữa nền nhà lạnh lẽo kéo theo một vệt máu dài đỏ thắm ngoằn ngoèo. Bỗng, cậu nghe một tiếng nói yếu ớt, “Con có đau không?”.

Anh Chị em,

Nặng lời không hẳn là trách mắng, nhưng đôi khi là trách yêu; và cả những lời yêu thương chân thành cũng có thể khiến con người thay đổi. Mẹ sắp chết, vẫn nghĩ đến con; Chúa Giêsu chết thật, cũng chỉ nghĩ đến chúng ta. Không đợi đến cuộc khổ nạn, máu Ngài mới đổ ra; nhưng ngay khi quở trách “khốn cho các ngươi”, trái tim Ngài cũng đã tan nát vì đau, vì yêu, vì muốn cứu cho đến chết. Máu thánh Ngài đã đổ ra, cứu chuộc người biệt phái, cứu chuộc chúng ta, cứu chuộc cả nhân loại.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, một đôi khi, Chúa dành cho con ‘những khiển trách thánh’, xin cho lòng con biết lắng xuống, hầu con có thể nghe được tiếng Thánh Thần vang vọng và nhờ Ngài, mà tiến bước”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo phận Brooklyn kiện tiểu bang New York về những hạn chế mới trong Thánh lễ
Đặng Tự Do
04:35 13/10/2020

Giáo phận Brooklyn đang kiện tiểu bang New York về những hạn chế mới liên quan đến thánh lễ trong nhà ở Thành phố New York. Lệnh mới chỉ cho có 10 người bất kể nhà thờ lớn nhỏ cỡ nào trong khi hàng trăm người được phép vào bên trong các cửa hàng.

Giáo phận cáo buộc rằng các hạn chế sức khỏe mới do Thống đốc Andrew Cuomo đưa ra ở Queens và Brooklyn trong bối cảnh có sự gia tăng các trường hợp nhiễm coronavirus mới là “tùy tiện” bất kể các nhà thờ đã làm việc với các quan chức y tế công cộng vào đầu mùa hè để mở cửa trở lại một cách an toàn.

“Nếu sắc lệnh hành chánh mới nhất này không được rút lại, đa số giáo dân sẽ không thể tham dự Thánh Lễ vào các ngày Chúa Nhật tới, mặc dù Giáo Phận đã làm tất cả mọi thứ để bảo đảm các điều kiện an toàn trong các nhà thờ,” ông Randy Mastro, luật sư của giáo phận, nói.

“Do đó, cộng đồng tôn giáo này sẽ bị từ chối quyền cơ bản nhất của mình – là quyền tự do thực hành niềm tin tôn giáo - mà không có lý do chính đáng nào cả”.

Đầu tuần này, Cuomo đã giới hạn các cử hành tôn giáo trong nhà ở Brooklyn và Queens ở mức tối đa 10 người ở những khu vực được coi là bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi coronavirus, và 25 người ở một số khu vực khác.

Giáo phận Brooklyn đã cùng với tất cả các giáo phận Công Giáo khác của Hoa Kỳ tạm dừng các thánh lễ công cộng vào tháng 3 để giúp làm chậm sự lây lan của virus. Các nhà thờ đã đóng cửa trong suốt 16 tuần cho đến ngày 5 tháng 7 khi tiểu bang và thành phố cho phép mở cửa trở lại với các biện pháp phòng ngừa.

Đức Cha Nicholas DiMarzio, Giám mục Brooklyn, nói rằng các nhà thờ trong giáo phận tuân thủ nghiêm nhặt các biện pháp phòng ngừa mới bao gồm việc những người tham dự Thánh lễ phải đeo khẩu trang y tế và ngồi cách nhau ít nhất sáu feet.

“Các lệnh mới trong tuần này khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác hơn là đưa vụ việc ra tòa,” Đức Cha DiMarzio tuyên bố hôm thứ Năm. Vị giám mục gọi đó là thái độ “xúc phạm của tiểu bang và một lần nữa trừng phạt tất cả những ai đã thực hiện rất tốt công việc phòng ngừa trong các nhà thờ.”

Hôm thứ Hai Coumo đã đe dọa đóng cửa các cơ sở tôn giáo nếu họ không đồng ý với lệnh mới của ông ta, và dọa phạt 15,000 Mỹ kim nếu thấy nhà thờ nào có đến người thứ 11.


Source:Catholic News Agency
 
Đức Hồng Y Becciu tuyên bố những cáo buộc chống lại ngài là hoàn toàn sai sự thật
Đặng Tự Do
04:36 13/10/2020


Giữa cao trào tung ra ngày càng nhiều những cáo buộc, với các tình tiết ly kỳ ảnh hưởng đến thanh danh Giáo Hội, Đức Hồng Y Angelo Becciu đã ra một tuyên bố cho rằng những cáo buộc chống lại ngài là ‘hoàn toàn sai sự thật’.

Trong một tuyên bố báo chí được đưa ra thông qua luật sư của mình vào ngày 7 tháng 10, cựu quan chức thứ ba của Vatican, chỉ sau Đức Giáo Hoàng và Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã phủ nhận một loạt các cáo buộc được đưa ra trên các phương tiện truyền thông Ý sau khi ngài được yêu cầu từ chức và từ bỏ các đặc quyền liên quan đến tước vị Hồng Y một cách đầy kịch tính hôm 24 tháng 9 vừa qua.

Ngài đã bác bỏ cáo buộc gần đây nhất, được tung ra vào tuần này, theo đó ngài đã chuyển tiền của Vatican mà không có sự giám sát thích hợp cho một phụ nữ 39 tuổi cư ngụ ở đảo Sardinia, quê hương của ngài.

“Các liên hệ với Cecilia Marogna hoàn toàn chỉ liên quan đến việc công,” vị Hồng Y cho biết trong tuyên bố được đưa ra bởi Fabio Viglione, người đại diện cho ngài sau khi luật sư trước đây của ngài, là Ivano Iai, từ chức.

Tuyên bố cũng phủ nhận việc Đức Hồng Y Becciu đã tìm cách can thiệp vào phiên tòa xét xử Đức Hồng Y George Pell tại Úc.

Truyền thông Ý tuần trước đưa tin Đức Hồng Y Becciu đã chuyển 700,000 euro từ tài khoản ở Vatican sang một tài khoản ở Úc trong thời gian xảy ra phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Pell. Hai vị Hồng Y này được tường thuật là đã xung đột về tài chính của Vatican khi Hồng Y Becciu là quan chức thứ hai trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Hồng Y Pell là Tổng trưởng Bộ Kinh tế.

Đức Hồng Y Becciu, cho đến gần đây là tổng trưởng Bộ Tuyên thánh, cũng phủ nhận một số cáo buộc khác, và khẳng định rằng ngài không tham gia vào bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào.

“Đức Hồng Y Becciu lặp lại rằng các cáo buộc chống lại ngài được lan truyền trên báo chí đều hoàn toàn không đúng sự thật và xác nhận rằng ngài không hề tham gia vào bất kỳ vấn đề bất hợp pháp nào,” tuyên bố cho biết.

“Ngài đang chờ đợi với tâm hồn thanh thản kết quả của mỗi một cuộc đánh giá, trong bất kỳ diễn đàn nào. Cuối cùng các cuộc điều tra ấy sẽ xác nhận lòng trung thành của ngài với Đức Thánh Cha và Giáo hội”.

Thật là một điều đáng mừng nếu các nhà điều tra cuối cùng chứng minh được là Đức Hồng Y Becciu. Cho đến nay, vụ tai tiếng này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh danh của Giáo Hội.


Source:Catholic News Agency
 
Vatican xử dụng tòa nhà do các Nữ tử Dòng Chúa Quan Phòng ở Catania làm nơi tạm trú cho người tị nạn
Thanh Quảng sdb
05:33 13/10/2020
Vatican xử dụng tòa nhà do các Nữ tử Dòng Chúa Quan Phòng ở Catania làm nơi tạm trú cho người tị nạn

(Zenit) Tòa thánh Vatican, ngày 13 tháng 10 năm 2020 cho biết Tòa Thánh xử dụng một tòa nhà của các sơ Nữ tử Chúa Quan Phòng làm nơi cư trú cho người tị nạn.

Văn phòng phối trí các việc từ thiện của Tòa Thánh đã thông báo ngày 12 tháng 10 rằng một trung tâm mới ở Rome sẽ cung cấp nơi tạm trú cho những người tỵ nạn định cư tại Ý, qua chương trình Nhân đạo có chỗ tạm dung.

“Tòa nhà, mang tên Villa Serena, sẽ trở thành nơi tạm trú cho người tị nạn, đặc biệt là các phụ nữ độc thân, phụ nữ có con thơ và các gia đình trong tình trạng cấp thiết, những người này được nước Ý đón nhận qua chương trình Nhân đạo”. Bộ giám sát của Tòa thánh cho hay tổ chức nhận lãnh công việc từ thiện này nhân danh Đức Thánh Cha.

Tòa nhà được các sơ Nữ tử Dòng Chúa Quan Phòng ở Catania dâng hiến. Tòa nhà có thể đón nhận 60 người. Trung tâm sẽ được Cộng đồng thánh Egidio trông coi, Cộng đồng này đã có sáng kiến “đón nhận Nhân đạo những người tỵ nạn” từ năm 2015. Trong năm năm qua, tổ chức Công Giáo này đã giúp cho hơn 2.600 người tị nạn từ Syria, từ châu Phi và đảo Lesbos của Hy Lạp được định cư ở Ý.

Văn phòng các tổ chức từ thiện của Đức Thánh Cha cho biết những nỗ lực này nhằm đáp ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thông điệp “Tất cả là Anh chị em” (Fratelli tutti) của ngài để cứu giúp những nạn nhân trốn chạy khỏi các cuộc chiến, các cuộc đàn áp và thảm họa thiên nhiên...

Vào năm 2016, chính Đức Thánh Cha đã đưa 12 người tị nạn được đinh cư ở Ý về Vatican với ngài, sau khi ĐTC đến thăm thành phố cảng Bari, thăm trại tỵ nạn Lesbos...

Văn phòng từ thiện của Vatican cho biết mục đích của trung tâm tiếp nhận mới, nằm trên đường Pisana, trước là “chào đón họ và cung cấp cho họ chỗ tạm dung trong những tháng đầu, và đồng hành với họ trong tiến trình tìm việc làm và kế hoạch ra riêng sống tự lập…
 
Đức Hồng Y Mueller: Các chính trị gia Công Giáo phải chống phá thai, và an tử
Đặng Tự Do
16:24 13/10/2020

Các chính trị gia Công Giáo có nghĩa vụ đấu tranh chống lại nạn phá thai và an tử, đồng thời áp dụng toàn bộ giáo huấn xã hội Công Giáo vào công việc chính trị của họ, Đức Hồng Y Gerhard Mueller, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, đã đưa ra lập trường trên trong tuần này.

Đức Hồng Y nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, hôm 7 tháng 10, rằng các chính trị gia Công Giáo “phải chiến đấu chống phá thai và an tử. Đức Giáo Hoàng, giáo triều và các giám mục đã nói rằng chúng ta không thể chấp nhận hành vi an tử trong xã hội dân sự vì nó trái với sự sống. Chúg ta cũng không thể chấp nhận phá thai vì nó dẫn đến cái chết của đứa trẻ vô tội trong bụng mẹ.”

“Mỗi cuộc sống của con người đều có một giá trị tuyệt đối trong chính nó,” Đức Hồng Y nói và nhấn mạnh thêm rằng các chính trị gia có thể “tự gọi mình là người Công Giáo chỉ khi họ chấp nhận nghĩa vụ này để đấu tranh cho những nguyên tắc cơ bản của đạo đức xã hội, đó là quyền con người.”

Đức Hồng Y Mueller nói, những nhân quyền căn bản này không thể được định nghĩa lại theo sở thích của bất cứ ai.

“Ta không thể nói rằng phụ nữ có quyền giết đứa con trong bụng mình, bởi vì đứa trẻ này là một hữu thế có giá trị tuyệt đối riêng của nó, và đây là nguyên tắc đạo đức cơ bản và luận lý của trí tuệ con người.”

Ngài cảnh báo nếu không tôn trọng nguyên tắc này, xã hội sẽ sa vào Chủ nghĩa Darwin xã hội, đề cao “sự sống của những người khỏe mạnh nhất” hơn là phẩm giá bẩm sinh của con người.

Ngài nhấn mạnh rằng các chính trị gia Công Giáo có trách nhiệm lớn lao trong các nền dân chủ, cũng như trong các chế độ độc tài, nơi họ có nghĩa vụ đấu tranh cho nhân phẩm và tự do.

“Các chính trị gia Công Giáo phải thúc đẩy luật tự nhiên, các nguyên tắc đạo đức cơ bản, cũng tất cả các học thuyết xã hội của Giáo Hội, và tất cả các nỗ lực vì hòa bình toàn cầu.”

Giáo hội dạy rằng phẩm giá và nhân quyền đến từ Chúa, nhưng ngay cả những người không tin vào Chúa cũng có thể hiểu một cách đơn giản thông qua trí tuệ của họ rằng mạng sống con người không thể bị coi rẻ và thao túng.

“Mỗi cuộc sống con người đều là thánh thiêng,” ngài nói.


Source:Catholic News Agency
 
Người Nga đầu tiên được tấn phong Giám Mục sau thời kỳ cộng sản
Đặng Tự Do
16:25 13/10/2020

Hôm Chúa nhật 4 tháng 10, lễ Thánh Phanxicô Assisi, Đức Cha Nikolaj Dubinin, đã được tấn phong Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Mạc Tư Khoa. Nghi thức diễn ra tại Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Vị tân giám mục, là người Nga đầu tiên được tấn phong Giám Mục trong Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Latinh, sau thời kỳ cộng sản. Ngài đã nhận hiệu tòa là Giáo phận cổ đại vùng Bizacena.

Lễ tấn phong do Đức Cha Paolo Pezzi, người Ý là Tổng Giám Mục tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa tại Mạc Tư Khoa chủ tế. Cùng đồng tế với Đức Cha Paolo Pezzi, có Đức Cha Josif Werth, người Nga gốc Đức, Giám Mục giáo phận Chúa Biến hình Novosibirsk, và Đức Cha Cyril Klimowicz, người Ba Lan, Giám Mục giáo phận Thánh Giuse ở Irkutsk. Khoảng 50 linh mục từ bốn giáo phận Công Giáo Nga đã đồng tế, cùng với một số tu sĩ của các dòng tu.

Giáo Hội Công Giáo tại Nga hiện nay có 6 giáo phận bao gồm tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa Mạc Tư Khoa, giáo phận Thánh Giuse ở Irkutsk, giáo phận Chúa Biến hình Novosibirsk, giáo phận Thánh Clêmentê ở Saratov, Miền Phủ Doãn Tông Tòa Yuzhno Sakhalinsk, và giáo phận Công Giáo Đông phương toàn Nga.

Đức Tân Giám Mục sẽ cư trú tại St. Petersburg, có nhiệm vụ theo sát phần phía tây và tây bắc của tổng giáo phận, bao gồm thành phố St. Petersburg thường được gọi là “thủ đô phương bắc” của Nga, và khu vực xung quanh, bao gồm các thành phố quan trọng như Novgorod và Pskov, và cả vùng Baltic của Kaliningrad.

Lễ tấn phong cho Đức Cha Dubinin cũng là nghi thức khai mạc phiên khoáng đại của Hội đồng Giám mục Công Giáo Nga, lần đầu tiên họp với tất cả năm giám mục tại Mạc Tư Khoa, sau khi thánh hiến cho vị tân giám mục.

Trong lời chào mừng đến tân giám mục, Đức Cha Pezzi bày tỏ hy vọng rằng “loan báo Tin Mừng, truyền giáo, làm chứng cho Đức Kitô sẽ là những mối quan tâm chính trong chức vụ mới của Đức Cha. Chúng tôi các giám mục Công Giáo của Liên bang Nga vui mừng chào đón Đức Cha đến với Giám Mục đoàn của chúng ta, để có thể hiệp thông đồng hành với anh em trong việc phục vụ Dân Chúa”.

Việc bổ nhiệm Dubinin đã làm dấy lên sự quan tâm sâu sắc trong dư luận cả nước vì đây là lần đầu tiên sau thời kỳ cộng sản, một người Nga chính cống được tấn phong Giám Mục. Trong những ngày trước khi được tấn phong, ngài đã trả lời phỏng vấn báo chí Nga. Phát biểu với các phóng viên của tờ Ria Novosti, tân giám mục nói rõ rằng “một số giám mục trong lịch sử Nga trước cách mạng là công dân của Nga, ngay cả khi họ không thuộc dân tộc Nga, mà chủ yếu là người Ba Lan, giống như phần lớn các tín hữu”. Sự phục hưng tôn giáo ở Nga cũng bắt đầu vào năm 1991 đối với người Công Giáo, sau khi Liên Xô kết thúc. Vào thời điểm đó, chỉ có hai nhà thờ còn mở cửa ở Mạc Tư Khoa và Leningrad, sau này lấy lại tên cũ là St. Peterburg.


Source:ACI Stampa
 
Số vụ tự tử gia tăng tại Nhật Bản trong thời đại dịch coronavirus
Đặng Tự Do
18:19 13/10/2020
Tờ Japan Times số ra ngày 9 tháng 10, cho biết số vụ tự tử tăng ở Nhật Bản trong tháng 8 do ngày càng có nhiều phụ nữ và trẻ em trong độ tuổi đi học tự sát. Điều đó mang đến cái nhìn đầu tiên về hậu quả của những căng thẳng liên quan đến sức khỏe tâm thần do COVID-19 gây ra trên toàn cầu.

Nhật Bản nằm trong số những cường quốc kinh tế công bố dữ liệu kịp thời về các vụ tự tử vì đây là một vấn đề xã hội dai dẳng. Các con số này gợi ý cho thấy những gì có thể xảy ra trên khắp thế giới khi các quốc gia phải vật lộn với thảm họa thất nghiệp hàng loạt và sự cô lập xã hội đang tác động đến một số nhóm người nhất định trong xã hội.

Các nhà xã hội học từ lâu đã cảnh báo rằng sự cô lập về kinh tế và xã hội gây ra bởi các biện pháp ngăn chặn coronavirus có thể gây ra nhiều ca tử vong hơn chính căn bệnh quái ác này. Tại Nhật Bản chẳng hạn, tự tử là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người còn trẻ - năm nay, tự tử đã cướp đi sinh mạng của 13,000 người, trong khi tổng số ca tử vong do COVID-19 chưa đến 2,000 người.

Theo thống kê của chính phủ, số vụ tự tử trong tháng 8 đã tăng 15.4% với cái chết của 1,854 người. Số phụ nữ tự sát đã tăng khoảng 40%. Số vụ tự tử của học sinh từ tiểu học đến trung học tăng gấp đôi lên đến 59 vụ so với cùng kỳ này năm ngoái.

Sức khỏe tâm thần có vẻ là một trong những tai hại ngấm ngầm nhất của đại dịch quỷ quái này do khó nắm bắt hoặc đo lường mức độ tổn hại của bản thân cho đến khi quá muộn.

Cho đến nay Trung Quốc không báo cáo dữ liệu chính thức về các vụ tự tử liên quan đến coronavirus, mặc dù các chuyên gia đã dự đoán về một làn sóng rất lớn những cái chết như vậy trong năm nay sau khi có các bằng chứng được lưu truyền rộng rãi trên các mạng truyền thông xã hội.

Yasuyuki Sawada, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Á Châu và là giáo sư tại Đại học Tokyo, là người đã viết sách về phòng chống tự tử và tác động kinh tế của hiện tượng này cho biết: “Những con số cập nhật về tự tử có thể giúp nhanh chóng xác định nhóm nào có nguy cơ cao. Nếu chính quyền địa phương có thể xác định nhóm tuổi nào hoặc nghề nghiệp nào có nguy cơ tự tử cao hơn, thì các biện pháp ngăn ngừa tự tử có thể được triển khai nhanh chóng”.

Một nghiên cứu của Hoa Kỳ được công bố vào tháng 5 dự đoán có tới 75,000 người có thể chết trong thập kỷ tới vì “tuyệt vọng” do hậu quả của cuộc khủng hoảng coronavirus.

Ngày nay trên các phương tiện truyền thông xã hội, người ta chế ra các thuật ngữ mà mới nghe qua chúng ta khó năm bắt được ý nghĩa đích thực muốn đề cập. Pro-Choice chẳng hạn. Nếu dịch Pro-Choice là “phò lựa chọn” thì không nói lên được ý nghĩa đích thực của nó. Pro-Choice có nghĩa chính xác là “phò phá thai”. Cũng vậy, thuật ngữ “chết vì tuyệt vọng” dùng để chỉ các vụ tự tử và tử vong liên quan đến lạm dụng chất kích thích.

Tại Ấn Độ, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 9 của Tổ chức Phòng chống Tự tử Ấn Độ, 65% các nhà trị liệu về tâm lý học cho biết đang có sự gia tăng ý tưởng muốn tự tử kể từ khi đại dịch bắt đầu.


Source:The Japan Times
 
Chuyến viếng thăm Vatican của Nhóm Quỹ Tiền Tệ kết thúc tốt đẹp.
Thanh Quảng sdb
19:10 13/10/2020
Chuyến viếng thăm Vatican của Nhóm Quỹ Tiền Tệ kết thúc tốt đẹp.

Ủy ban của Hội đồng châu Âu chuyên về định giá các biện pháp chống rửa tiền và tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố kết thúc chuyến viếng thăm Vatican.

(Tin Vatican)

Thứ Ba (13/10/2020), một nhóm chuyên gia của Quỹ Tiền Tệ đã định giá chuyến viếng thăm Vatican là rất tốt đẹp và hợp tác.

Một thông cáo do Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đưa ra cho biết các cuộc họp diễn ra trong chuyến viếng thăm này được đánh giá là “xảy ra trong bầu khí hợp tác và xây dựng”.

Quỹ Tiền Tệ

Được gọi là 'Quỹ Tiền Tệ', Ủy ban là cơ quan giám sát thường trực của Hội đồng Châu Âu được giao nhiệm vụ đánh giá việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về việc chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. Tổ chức cũng đưa ra các khuyến cáo cho các cơ quan chức năng về những cải tiến cần thiết của hệ thống Tiền tệ.

Chuyến viếng thăm nhằm đánh giá hiệu quả các biện pháp lập pháp và thể chế được các cơ quan tài phán của Tòa Thánh áp dụng trong những năm gần đây. Chuyến viếng thăm được thực hiện như một phần của hệ thống đánh giá định kỳ được thành lập từ năm 2019.

Một bước tiến quan trọng

Tuyên bố của Tòa Thánh cho biết chuyến viếng thăm kết thúc, đánh dấu “một bước quan trọng nữa của quá trình định giá về tính hiệu quả của Tổ chức phòng chống rửa tiền và tài trợ cho các tổ chức khủng bố của Tòa Thánh Vatican, được kết thúc bằng việc thông qua các báo cáo định giá hỗ tương trong Hội đồng toàn thể dự kiến được nhóm họp vào mùa xuân năm 2021, thống nhất các thủ tục nội bộ của Ủy ban Định giá tiền tệ.”

Đức Hồng Y Parolin chào mừng nhóm Quỹ Tiền Tệ đến Vatican

Chuyến viếng thăm được kết thúc với tâm tình:"các nhà chức trách của Tòa thánh gửi lời cám ơn chân thành và sâu sắc đến nhóm các chuyên gia và các thành viên của Ủy ban Quỹ Tiền tệ."

Hôm thứ Năm (8/10/2020), Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón nhóm Quỹ Tiền Tệ và nhấn mạnh tới sự cần thiết phải có một ủy ban tài chính minh bạch trong sáng để phục vụ nhân loại và một hệ thống bao dung đối với những người nghèo và cần hỗ trợ nhất.
 
Tại phiên điều trần, Barrett nói với các Thượng nghị sĩ: Tôi không có nghị trình nào cả ngoài công vụ
Vũ Văn An
19:37 13/10/2020

Theo hãng tin CNA, ngày 13 tháng 10, 2020, tại Thượng Viện Hoa Kỳ Thẩm phán Amy Coney Barrett giải thích với các thượng nghị sĩ rằng bà không có nghị trình cá nhân nào để lật lại các quyết định trước đó nếu bà được xác nhận gia nhập Tối cao Pháp viện và bà sẽ xem xét riêng từng trường hợp tùy theo giá trị riêng của nó, đúng theo pháp luật.



Trong buổi sáng ngày thứ hai của phiên điều trần để xác nhận, Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein (D-CA) đã yêu cầu Barrett bình luận về việc liệu phán quyết phá thai mang tính lịch sử của tòa án trong vụ Roe kiện Wade có phải đã được đưa ra cách sai lầm hay không. Barrett từ chối trả lời thẳng cách này hay cách khác, chỉ nhấn mạnh trong tư cách thẩm phán, bà có nghĩa vụ giải thích pháp luật.

“Tôi muốn thẳng thắn và trả lời mọi câu hỏi, trong chừng mực tôi có thể,” Barrett nói như thế, trước khi nhắc đến Thẩm phán Elana Kagan, người đã nói trong phiên điều trần xác nhận của chính mình rằng bà “sẽ không xếp hạng tiền lệ hoặc không đưa ra một 'ngón tay cái ủng hộ’ hay một ‘ngón tay cái phản đối’ về các phán quyết chuyên biệt.

Phán Quyết năm 1973 trong vụ Roe kiện Wade cho thấy có quyền phá thai theo hiến pháp. Phán Quyết năm 1992 trong vụ Planned Parenthood of Southeastern Pennsylvania kiện Casey giữ nguyên phán quyết trong vụ Roe, nhưng cũng tạo ra một tiêu chuẩn “gánh nặng quá mức” khi nói đến luật phá thai.

Bà nói, “Tôi nghĩ rằng trong một lĩnh vực mà tiền lệ tiếp tục bị gây áp lực và gây tranh tụng, như vụ Casey, sẽ đặc biệt - thực sự là sai và vi phạm các quy tắc – khi tôi làm điều đó với tư cách một thẩm phán đương nhiệm".

Barrett giải thích rằng nếu bà cho thấy quan điểm của mình về một tiền lệ, theo nghĩa tích cực hoặc tiêu cực, thì điều này sẽ gửi một thông điệp cho những người tranh tụng "rằng tôi nghiêng cách này hay cách khác trong một vụ án đang chờ xử lý".

Barrett cho biết: “Tôi không thể cam kết trước hoặc nói, ‘Vâng, tôi đang tham gia với một số nghị trình nào đó’ vì tôi không có một nghị trình như thế".

“Tôi không có bất cứ nghị trình nào. Tôi không có nghị trình nào để thử và đảo ngược phán quyết trong vụ Casey. Tôi chỉ có nghị trình để tuân theo quy định của pháp luật và quyết định các trường hợp khi chúng được đệ trình”.

Thay vào đó, Barrett nói với Feinstein rằng bà sẽ “tuân theo mọi quy định của Stare Decisis”, tức nguyên tắc pháp lý tôn trọng các phán quyết trước đây của tòa án.

Barrett nói: “Tôi sẽ tuân theo luật Stare Decisis, áp dụng nó như tòa án đã nói rõ, bằng cách áp dụng mọi nhân tố - độ tin cậy, khả thể có thể áp dụng được (workability), bị xâm hại bởi các sự kiện và luật lệ sau này, đơn giản là tất cả các nhân tố hợp tiêu chuẩn”.

Bà nói thêm, “Và tôi hứa sẽ làm điều đó cho bất cứ vấn đề nào xuất hiện, phá thai hoặc bất cứ điều gì khác. Tôi sẽ tuân theo pháp luật”.

Trước đó trong phiên họp buổi sáng, Barrett đã được Thượng nghị sĩ Lindsay Graham (R-SC), Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, hỏi về cảm nghiệm được đề cử vào Tối cao Pháp viện. Barrett nói rằng dù bà đã cố gắng "không xem các phương tiện truyền thông vì lợi ích sức khỏe tâm thần của tôi", bà vẫn "biết khá nhiều bức tranh biếm họa đang được phổ biến xung quanh" về gia đình, đức tin và niềm tin của bà.

Bà nói, “Tôi nghĩ điều tôi muốn nói để trả lời cho câu hỏi đó là, này, tôi đã có những lựa chọn khác biệt. Tôi quyết định theo đuổi sự nghiệp và có một gia đình lớn. Tôi có một gia đình đa chủng tộc. Đức tin của chúng tôi là điều quan trọng đối với chúng tôi. Tất cả những điều đó đều đúng, nhưng đó là sự lựa chọn của tôi”.

Barrett nói rằng trong các tương tác bản thân và nghề nghiệp của bà với người ta, kể cả những người “có những lựa chọn khác” với bà, bà “chưa bao giờ cố gắng áp đặt các lựa chọn của tôi trong cuộc sống bản thân lên họ”.

Bà nói, “Tôi áp dụng pháp luật, và thưa Thượng nghị sĩ, tôi nghĩ, điều đó sẽ nói lên lý do tại sao tôi ngồi ở chiếc ghế này, tại sao tôi đồng ý có mặt ở đây”.

Barrett gọi diễn trình xác nhận là điều “khó nhá” và “cực kỳ khắt khe” và bà và chồng bà có “một khoảng thời gian rất ngắn” để quyết định xem có nên chấp nhận đề cử vào Tối cao Pháp viện hay không. Bà nói rằng quyết định này xẩy đến gây ra "nhiều hậu quả nghiêm trọng" cho gia đình bà.

Bà nói, “Chúng tôi biết rằng cuộc sống của chúng tôi sẽ bị cào bới đễ kiếm bất cứ chi tiết tiêu cực nào, chúng tôi biết rằng đức tin của chúng tôi sẽ bị châm biếm, chúng tôi biết gia đình chúng tôi sẽ bị tấn công, và vì vậy chúng tôi phải quyết định xem liệu những khó nhá đó có đáng giá hay không. Bởi vì một người lành mạnh sẽ trải qua điều gì nếu không có lợi ích gì ở phía bên kia?"

Barrett nói “Lợi ích là tôi cam kết với việc thượng tôn pháp luật và vai trò của Tối cao Pháp viện và phân phối công lý bình đẳng cho mọi người. Tôi không phải là người duy nhất có thể làm được công việc này, nhưng tôi đã được yêu cầu, và điều này khó nhá cho bất cứ ai ”.

Bà nói, “Tại sao tôi phải nói người khác nên chịu điều khó nhá này, nếu chuyện khó nhá là lý do duy nhất để nói không? Tôi nên phục vụ đất nước của tôi, và mọi người trong gia đình tôi chung sức vào việc này vì họ chia sẻ niềm tin của tôi vào vai trò của pháp luật”.
 
Bộ phim Fatima mới sắp phát hành: Cuộc gặp gỡ các minh tinh tài tử của phim ‘Fatima’
Thanh Quảng sdb
19:38 13/10/2020
Bộ phim Fatima mới sắp phát hành: Cuộc gặp gỡ các minh tinh tài tử của phim ‘Fatima’

(ChurchPOP - Ngày 13 tháng 10 năm 2020)

Các tài tử trẻ trao đổi về tình bạn ngoài đời thực của các em, các em nghĩ gì về sự kiện Fatima, sự kiện ấy ảnh hưởng đến các em ra sao và các em nghĩ phim sẽ tác động trên người xem như thế nào.

Nữ diễn viên Stephanie Gil đóng vai chị Lucia cho hay: “Mọi thứ thực sự rất ấn tượng cho tôi! Cô cho hay: Nhìn vào toàn bộ câu chuyện, chúng tôi các diễn viên trẻ phải cố gắng để thuyết phục mọi người trải nghiệm được những gì mà toàn bộ phim đề cập tới.”

Còn diễn viên trẻ tuổi Jorge Lamelas, thủ vai Francisco nói: “Em nghĩ rằng tất cả những ai xem bộ phim này sẽ học hỏi được rất nhiều điều, họ sẽ hiểu được cách sống của người dân Bồ Đào Nha đã kinh qua một biến cố lớn như vậy của giá trị Kitô giáo."

Ký giả của ChurchPOP, Jacqueline Burkepile cũng đã phỏng vấn nữ diễn viên Stephanie Gil trước khi bộ phim được ra mắt. Nữ diễn viên đã tiết lộ điều gì đã cuốn hút cô trong vai chị Lucia, cũng như bầu khí của bối cảnh phim và những gì cô hy vọng người xem sẽ thu hoạch được từ bộ phim.

Quí vị có thể coi một đoạn video về phim mới này – xin bấm vào đây.
 
Cây thánh giá lớn nhất trên thế giới là ở Colombia
Đặng Tự Do
04:34 13/10/2020

Cho mãi đến gần đây, các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng cây thánh giá lớn nhất trên thế giới là một cây thánh giá cao 28 foot, tức là 8.5m, ở Indian River, Michigan. Cây thánh giá cao chót vót này có tên “Thánh giá giữa rừng cây” là tác phẩm của nhà điêu khắc người Mỹ Marshall Fredericks, được xây dựng vào năm 1959 để linh hứng hàng ngày cho những người sống xa nhà thờ.

Tuy nhiên, Bộ Văn Hóa của Colombia vừa cho biết thật ra cây thánh giá có tượng Chúa Kitô dài 262 foot, tức là 80m, nằm trên nóc một nhà thờ tại quốc gia này mới là cây thánh giá lớn nhất thế giới.

Tại thị trấn Huila, khoảng dặm mười bên ngoài thành phố Neiva, Colombia, một cây thánh giá khổng lồ dài 80m được đặt dài trên nóc nhà nguyện tại công viên Parque Espiritual La Sangre de Cristo, nghĩa là Máu Châu Báu Chúa Kitô.

Trong Tuần Thánh và những ngày quan trọng khác theo lịch Công Giáo, công viên thu hút đông đảo các tín hữu và khách hành hương. Ngoài việc tham dự Thánh lễ tại nhà nguyện họ còn đến để thưởng ngoạn tác phẩm điêu khắc Chúa Kitô khổng lồ, vẻ đẹp tự nhiên của khu vực, và các điểm tham quan khác trong công viên này.

Vì cây thánh giá ở Colombia thực sự nằm phẳng thay vì thẳng đứng vuông góc với mặt đất, cho nên các nhà nghiên cứu ở Mỹ vẫn cho rằng cây thánh giá “giữa rừng cây” ở Michigan trên thực tế vẫn có thể coi là cây cao nhất thế giới. Nhưng lớn thì không thể lớn bằng cây thánh giá của Colombia.


Source:Aleteia
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hành Hương Đức Mẹ TàPao, tháng 10 năm 2020
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:07 13/10/2020
Đức cha Giuse, Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết tham dự Hội Nghị Thường Niên HĐGMVN năm 2020, cho nên ngày hành hương tháng 10 tại Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao, Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm - nguyên Giám quản Giáo phận Phan thiết đã đến chủ sự các Thánh Lễ.

Trong Năm Phụng Vụ, tháng 10 là tháng Mân Côi. Lòng sùng kính của người tín hữu đối với Đức Maria suốt thời gian này mang một tâm tình đạo đức thảo hiếu là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi và đến các Trung Tâm Thánh Mẫu cầu nguyện bên Mẹ.

Ngày 12.10

Từ chiều 12.10, dù đang mùa mưa bão do áp thấp nhiệt đới, từng đoàn người hành hương về bên Mẹ Tàpao. Quảng trường Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao đã được chuẩn bị chu đáo tươm tất. Nhiều đoàn lên núi cầu nguyện bên thánh tượng Mẹ Tàpao.

Xem hình Tàpao tối ngày 12/10/2020

Cung nghinh Mẹ

Lúc 19g, Cha Tổng đại diện, quý cha, quý tu sĩ và hàng ngàn người với nến sáng trên tay hòa vang những khúc ca ngợi khen Mẹ. Đoàn kiệu thánh tượng Đức Mẹ Tàpao tiến lên lễ đài. Ngàn ngàn ngọn nến lung linh cháy sáng sưởi ấm tâm hồn đoàn con cái.Giữa trời đêm núi rừng, lời kinh tiếng hát âm vang quyện đan trong gió ngàn dâng lên Mẹ. Huyền nhiệm và ấm cúng biết bao.

Lần Chuỗi Mân Côi.

Các Nữ Tu Nữ tỳ Chúa Giêsu Linh mục phụ trách chương trình.Với những gợi ý suy niệm giúp cộng đoàn sốt sắng lần chuỗi Mân Côi Năm Sự Vui. Mỗi ngắm đều đọc Tin Mừng, gợi ý suy niệm và cộng đoàn hòa chung lời kinh hạt dâng lên Mẹ mến yêu.

Chuỗi Mân Côi kết thúc bằng những bài ca điệu múa do các Nữ tu tiến dâng lên thánh tượng Mẹ.

Giờ lần chuỗi kết thúc bằng bài thánh ca cộng đồng “Nguồn cậy trông”. Cộng đoàn cùng quỳ gối tôn thờ Thánh Thể

Suy Tôn Thánh Thể và Thánh Lễ.

Cha Tổng đại diện chủ sự giờ chầu phép lành, cộng đoàn cung kính quỳ gối tôn thờ. Kết thúc giờ cầu nguyện, ngài ban phép lành Thánh Thể.

Sau đó Đức cha Tôma chủ sự Thánh Lễ tại Nhà Nguyện Thánh Thể.

Đêm cầu nguyện “Kinh Mân Côi” với âm nhạc và lời kinh hạt hòa nhịp thật nhẹ nhàng mà sâu lắng, lời ca điệu múa đi vào cõi tâm linh người nghe thấm vào tâm tư máu thịt. Lời ca tiếng hát ấy như những bông hoa muôn màu muôn sắc dâng trước nhan Mẹ. Những bông hoa kinh nguyện sốt sắng kết dệt nên những lời ca tụng Mẹ. Những bông hoa hi sinh, hoa bác ái muốn toả hương dưới chân Mẹ. Những bông hoa nói lên lòng yêu mến của con cái đối với Mẹ hiền. Những bông hoa cũng cố gắng diễn tả phần nào nét đẹp của Mẹ. Giữa ngàn hoa, Đức Maria nổi bật như bông hoa cao quí xinh đẹp nhất. Đẹp đến độ "đẹp lòng Thiên Chúa".

2.Ngày 13.10

Sáng ngày 13.10, khách hành hương tiếp tục đổ về Tàpao. Hàng mấy chục ngàn người hân hoan tiến lên lễ đài. Các ngã đường vào lễ đài đều kín người.

Xem hình Tàpao ngày 13/10/2020

6g30, nghi thức khấn Đức Mẹ. Mọi người dâng những ý nguyện như xin ơn bình an, xin ơn hoán cải, xin cho gia đình được đoàn tụ, xin cho con cháu thoát khỏi các tệ nạn xìke ma túy, xin cho các phụ nữ mang thai được sinh con, xin cho công việc làm ăn được thuận lợi và xin cho giáo hội được bình an hiệp nhất…và dâng lời tạ ơn.

7giờ, đoàn rước tiến lên lễ đài. Ca đoàn Giáo xứ Chu Hải và Ban nhạc Minh mẫn, Giáo phận Bà rịa cùng cộng đoàn hòa vang bài ca nhập lễ. Thánh lễ kính Đức Mẹ Mân Côi hôm nay do Đức cha Tôma chủ tế và giảng lễ. Đoàn đồng tế có linh mục đoàn và quý cha ngoài giáo phận.

Mở đầu, Đức cha gởi lời chào mừng cộng đoàn phụng vụ và gợi ý cầu nguyện.

Hôm nay anh chị em tập họp nơi linh đài Đức Mẹ Tapao để cùng nhau chúc tụng tôn vinh Đức Maria dưới tước hiệu Mẹ Mân Côi, cách riêng suy gẫm và thực hiện sứ điệp Fatima là hy sinh hãm mình đền tội siêng năng lần chuỗi mân côi và cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Những điều này Đức Maria đã dạy ba trẻ Lucia, Phanxicô và Gianxita vẫn còn giá trị cho chúng ta trong thời đại hôm nay. Xin Mẹ ban ơn bình an cho thế giới cho giáo hội và cho tổ quốc thân yêu.

Đức cha Giảng lễ, suy niệm chủ đề: Kinh Mân Côi – lời kinh gần gũi cuộc sống mỗi tín hữu.

Cuối thánh lễ, cha Anrê Lương Vĩnh Phú, Giám đốc Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao dâng lời tri ân Đức cha, quý cha cùng cộng đoàn. Ngài nói, những ngày 9,10,11 vừa qua trời mưa bão khắp mọi nơi, nhưng tối qua và nhất là sáng nay tại Tàpao, trời không mưa không nắng, quang đãng, tiết trời nhẹ mát, đây là một ơn lành của Chúa qua bàn tay Đức Mẹ ban tặng. Sau nhiều tháng vì dịch Covid 19, cộng đoàn không thể đến đây tham dự thánh lễ, nay tình hình đã ổn định nên tháng này đông đảo cộng đoàn hành hương.

Sau đó, Đức cha làm phép nước cùng ảnh tượng và ban phép lành. Khách hành hương ra về mang theo quyết tâm lần hạt Mân Côi, mang theo ơn lành của Mẹ Tàpao.

Hẹn nhau tháng 11 cùng về bên Mẹ, mỗi người dâng những tâm tình yêu mến từ trái tim của người con hiếu thảo lên Mẹ Tàpao cầu nguyện cho các đẳng linh hồn.

BTT

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
VietCatholic TV
Tin mừng cho nhân loại trong trận chiến chống coronavirus đang loé lên từ California
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:21 13/10/2020


1. Đức Hồng Y Mueller: Các chính trị gia Công Giáo phải chống phá thai, và an tử

Các chính trị gia Công Giáo có nghĩa vụ đấu tranh chống lại nạn phá thai và an tử, đồng thời áp dụng toàn bộ giáo huấn xã hội Công Giáo vào công việc chính trị của họ, Đức Hồng Y Gerhard Mueller, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican, đã đưa ra lập trường trên trong tuần này.

Đức Hồng Y nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, hôm 7 tháng 10, rằng các chính trị gia Công Giáo “phải chiến đấu chống phá thai và an tử. Đức Giáo Hoàng, giáo triều và các giám mục đã nói rằng chúng ta không thể chấp nhận hành vi an tử trong xã hội dân sự vì nó trái với sự sống. Chúg ta cũng không thể chấp nhận phá thai vì nó dẫn đến cái chết của đứa trẻ vô tội trong bụng mẹ.”

“Mỗi cuộc sống của con người đều có một giá trị tuyệt đối trong chính nó,” Đức Hồng Y nói và nhấn mạnh thêm rằng các chính trị gia có thể “tự gọi mình là người Công Giáo chỉ khi họ chấp nhận nghĩa vụ này để đấu tranh cho những nguyên tắc cơ bản của đạo đức xã hội, đó là quyền con người.”

Đức Hồng Y Mueller nói, những nhân quyền căn bản này không thể được định nghĩa lại theo sở thích của bất cứ ai.

“Ta không thể nói rằng phụ nữ có quyền giết đứa con trong bụng mình, bởi vì đứa trẻ này là một hữu thế có giá trị tuyệt đối riêng của nó, và đây là nguyên tắc đạo đức cơ bản và luận lý của trí tuệ con người.”

Ngài cảnh báo nếu không tôn trọng nguyên tắc này, xã hội sẽ sa vào Chủ nghĩa Darwin xã hội, đề cao “sự sống của những người khỏe mạnh nhất” hơn là phẩm giá bẩm sinh của con người.

Ngài nhấn mạnh rằng các chính trị gia Công Giáo có trách nhiệm lớn lao trong các nền dân chủ, cũng như trong các chế độ độc tài, nơi họ có nghĩa vụ đấu tranh cho nhân phẩm và tự do.

“Các chính trị gia Công Giáo phải thúc đẩy luật tự nhiên, các nguyên tắc đạo đức cơ bản, cũng tất cả các học thuyết xã hội của Giáo Hội, và tất cả các nỗ lực vì hòa bình toàn cầu.”

Giáo hội dạy rằng phẩm giá và nhân quyền đến từ Chúa, nhưng ngay cả những người không tin vào Chúa cũng có thể hiểu một cách đơn giản thông qua trí tuệ của họ rằng mạng sống con người không thể bị coi rẻ và thao túng.

“Mỗi cuộc sống con người đều là thánh thiêng,” ngài nói.


Source:Catholic News Agency

2. Người Nga đầu tiên được tấn phong Giám Mục sau thời kỳ cộng sản

Hôm Chúa nhật 4 tháng 10, lễ Thánh Phanxicô Assisi, Đức Cha Nikolaj Dubinin, đã được tấn phong Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Mạc Tư Khoa. Nghi thức diễn ra tại Nhà thờ Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Vị tân giám mục, là người Nga đầu tiên được tấn phong Giám Mục trong Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Latinh, sau thời kỳ cộng sản. Ngài đã nhận hiệu tòa là Giáo phận cổ đại vùng Bizacena.

Lễ tấn phong do Đức Cha Paolo Pezzi, người Ý là Tổng Giám Mục tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa tại Mạc Tư Khoa chủ tế. Cùng đồng tế với Đức Cha Paolo Pezzi, có Đức Cha Josif Werth, người Nga gốc Đức, Giám Mục giáo phận Chúa Biến hình Novosibirsk, và Đức Cha Cyril Klimowicz, người Ba Lan, Giám Mục giáo phận Thánh Giuse ở Irkutsk. Khoảng 50 linh mục từ bốn giáo phận Công Giáo Nga đã đồng tế, cùng với một số tu sĩ của các dòng tu.

Giáo Hội Công Giáo tại Nga hiện nay có 6 giáo phận bao gồm tổng giáo phận Mẹ Thiên Chúa Mạc Tư Khoa, giáo phận Thánh Giuse ở Irkutsk, giáo phận Chúa Biến hình Novosibirsk, giáo phận Thánh Clêmentê ở Saratov, Miền Phủ Doãn Tông Tòa Yuzhno Sakhalinsk, và giáo phận Công Giáo Đông phương toàn Nga.

Đức Tân Giám Mục sẽ cư trú tại St. Petersburg, có nhiệm vụ theo sát phần phía tây và tây bắc của tổng giáo phận, bao gồm thành phố St. Petersburg thường được gọi là “thủ đô phương bắc” của Nga, và khu vực xung quanh, bao gồm các thành phố quan trọng như Novgorod và Pskov, và cả vùng Baltic của Kaliningrad.

Lễ tấn phong cho Đức Cha Dubinin cũng là nghi thức khai mạc phiên khoáng đại của Hội đồng Giám mục Công Giáo Nga, lần đầu tiên họp với tất cả năm giám mục tại Mạc Tư Khoa, sau khi thánh hiến cho vị tân giám mục.

Trong lời chào mừng đến tân giám mục, Đức Cha Pezzi bày tỏ hy vọng rằng “loan báo Tin Mừng, truyền giáo, làm chứng cho Đức Kitô sẽ là những mối quan tâm chính trong chức vụ mới của Đức Cha. Chúng tôi các giám mục Công Giáo của Liên bang Nga vui mừng chào đón Đức Cha đến với Giám Mục đoàn của chúng ta, để có thể hiệp thông đồng hành với anh em trong việc phục vụ Dân Chúa”.

Việc bổ nhiệm Dubinin đã làm dấy lên sự quan tâm sâu sắc trong dư luận cả nước vì đây là lần đầu tiên sau thời kỳ cộng sản, một người Nga chính cống được tấn phong Giám Mục. Trong những ngày trước khi được tấn phong, ngài đã trả lời phỏng vấn báo chí Nga. Phát biểu với các phóng viên của tờ Ria Novosti, tân giám mục nói rõ rằng “một số giám mục trong lịch sử Nga trước cách mạng là công dân của Nga, ngay cả khi họ không thuộc dân tộc Nga, mà chủ yếu là người Ba Lan, giống như phần lớn các tín hữu”. Sự phục hưng tôn giáo ở Nga cũng bắt đầu vào năm 1991 đối với người Công Giáo, sau khi Liên Xô kết thúc. Vào thời điểm đó, chỉ có hai nhà thờ còn mở cửa ở Mạc Tư Khoa và Leningrad, sau này lấy lại tên cũ là St. Peterburg.


Source:ACI Stampa

3. Chương thứ tám của thông điệp Fratelli Tutti: Bảo đảm tự do tôn giáo

Tiếp tục giới thiệu thông điệp thứ ba của Đức Thánh Cha Phanxicô có tựa đề “Fratelli Tutti” /frấy-té-li -tú-tì/, nghĩa là “Tất Cả Là Anh Em”, trong chương trình này, Kim Thúy xin gởi đến quý vị và anh chị em chương thứ tám và cũng là chương cuối cùng của thông điệp này.

Trong chương này, Đức Thánh Cha tập trung vào “Các tôn giáo phục vụ tình huynh đệ trong thế giới của chúng ta” và một lần nữa nhấn mạnh rằng bạo lực không có cơ sở trong các xác tín tôn giáo, mà đúng hơn, trong các hình thức méo mó của chúng. Do đó, các hành vi “đáng trách”, chẳng hạn như hành động khủng bố, không phải do tôn giáo mà là do cách giải thích sai lầm các bản văn tôn giáo, cũng như “các chính sách liên quan đến đói, nghèo, bất công, áp bức”. Không được ủng hộ chủ nghĩa khủng bố bằng tiền bạc hoặc vũ khí, càng ít hơn bằng việc đưa tin của các phương tiện truyền thông, vì đó là một tội ác quốc tế chống lại an ninh và hòa bình thế giới, và như vậy phải bị lên án. Đồng thời, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng một hành trình hòa bình giữa các tôn giáo là điều có thể thực hiện được và do đó cần phải bảo đảm quyền tự do tôn giáo, một nhân quyền căn bản cho mọi tín hữu. Đặc biệt, Thông điệp suy tư vai trò của Giáo hội: nó tuyên bố rằng Giáo hội không “giới hạn sứ mệnh của mình vào phạm vi riêng tư”. Giáo Hội không đứng lại ở bên lề xã hội và, tuy không tham gia chính trị, nhưng Giáo Hội không từ bỏ chiều kích chính trị của chính sự sống. Thực thế, việc quan tâm đến lợi ích chung và quan tâm đến việc phát triển toàn diện con người là điều liên hệ đến toàn thể nhân loại, mà những gì là nhân bản đều có liên quan đến Giáo hội, theo các nguyên tắc Tin Mừng. Cuối cùng, trong khi nhắc nhở các nhà lãnh đạo tôn giáo về vai trò của họ như “những người trung gian chân chính”, những người xả thân để xây dựng hòa bình, Đức Phanxicô trích dẫn “Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân bản vì Hòa bình Thế giới và Chung sống”, mà ngài đã ký vào ngày 4 tháng 2 năm 2019 tại Abu Dhabi, cùng với Đại Imam của Al-Azhar, Ahmad Al-Tayyib: từ cột mốc đối thoại liên tôn đó, Đức Thánh Cha quay trở lại với lời kêu gọi rằng, nhân danh tình huynh đệ nhân bản, đối thoại phải được tiếp nhận như một con đường, hợp tác chung như cách ứng xử và hiểu biết lẫn nhau như phương pháp và tiêu chuẩn.

Chân phước Charles de Foucauld, “người anh em phổ quát”

Thông điệp kết thúc bằng việc tưởng nhớ Martin Luther King, Desmond Tutu, Mahatma Gandhi và trên hết là Chân phước Charles de Foucauld, một gương mẫu cho mọi người về ý nghĩa của việc đồng nhất hóa với những người nhỏ bé nhất để trở thành “người anh em phổ quát”. Những dòng cuối cùng của Văn kiện được dành cho hai lời cầu nguyện: một lời “dâng lên Đấng Tạo Hóa” và lời kia là “Lời cầu nguyện đại kết Kitô giáo “, để trái tim nhân loại nuôi dưỡng” tinh thần huynh đệ”.


Source:Vatican News

4. Người được trao giải Nobel Hóa Học năm nay vừa chế ra phương pháp thử coronavirus có kết quả trong 5 phút

Một nhóm các nhà nghiên cứu ở California đã phát triển một loại thử nghiệm có thể phát hiện coronavirus trong vòng 5 phút với độ chính xác rất cao. Tốc độ này có được là do việc sử dụng công nghệ di truyền và camera của điện thoại thông minh sau khi được sửa đổi.

Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại Học Berkeley, dẫn đầu bởi Tiến sĩ Jennifer Doudna, người được trao giải Nobel Hóa học năm nay, cùng với nữ khoa học gia Pháp Emmanuelle Charpentier.

Cho đến nay, hầu hết các thử nghiệm Covid-19 cần ít nhất 24 giờ mới cho ra kết quả. Do sự lây lan của vi rút và nhu cầu xét nghiệm rất cao, rất thường khi người ta phải đợi 3 hoặc 4 ngày để nhận được chẩn đoán dương tính hoặc âm tính.

Ngoài ra còn có một vấn đề về độ tin cậy. Các xét nghiệm hiện có trên thị trường, được phát triển sau đợt coronavirus đầu tiên, có độ chính xác chỉ lên đến 30%.

Một ví dụ tiêu biểu nhất: tháng 3 năm ngoái tại Peru, để giải quyết cuộc khủng hoảng Covid, tổng thống Martin Vizcarra đã mua 1.6 triệu bộ xét nghiệm chủ yếu từ Trung Quốc. Do độ tin cậy quá thấp của chúng, Peru hiện là quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid cao nhất thế giới. Các bác sĩ cho rằng tính không đáng tin cậy của các xét nghiệm là một trong những lý do dẫn đến kỷ lục kinh hoàng này.

Phương pháp thử nghiệm Berkeley chưa có trên thị trường. Hiện tại, những gì người ta được biết là phương pháp này dựa trên việc phát hiện ra virus bằng các công cụ công nghệ di truyền, không cần khuếch đại DNA. Một camera điện thoại di động, được biến đổi thành tia laser với một thiết bị nhỏ, có thể tiết lộ sự hiện diện của virus và cả cường độ của nó. Xét nghiệm cũng có thể được thực hiện tại nhà, một cách cá nhân, và do đó giải quyết được việc xếp hàng dài tại các phòng thí nghiệm và các bệnh viện.


Source:Asia News
 
Đáng kinh ngạc: Phát hiện ra cây thánh giá lớn nhất trên thế giới
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:33 13/10/2020

1. Cây thánh giá lớn nhất trên thế giới là ở Colombia

Cho mãi đến gần đây, các nhà nghiên cứu vẫn cho rằng cây thánh giá lớn nhất trên thế giới là một cây thánh giá cao 28 foot, tức là 8.5m, ở Indian River, Michigan. Cây thánh giá cao chót vót này có tên “Thánh giá giữa rừng cây” là tác phẩm của nhà điêu khắc người Mỹ Marshall Fredericks, được xây dựng vào năm 1959 để linh hứng hàng ngày cho những người sống xa nhà thờ.

Tuy nhiên, Bộ Văn Hóa của Colombia vừa cho biết thật ra cây thánh giá có tượng Chúa Kitô dài 262 foot, tức là 80m, nằm trên nóc một nhà thờ tại quốc gia này mới là cây thánh giá lớn nhất thế giới.

Tại thị trấn Huila, khoảng dặm mười bên ngoài thành phố Neiva, Colombia, một cây thánh giá khổng lồ dài 80m được đặt dài trên nóc nhà nguyện tại công viên Parque Espiritual La Sangre de Cristo, nghĩa là Máu Châu Báu Chúa Kitô.

Trong Tuần Thánh và những ngày quan trọng khác theo lịch Công Giáo, công viên thu hút đông đảo các tín hữu và khách hành hương. Ngoài việc tham dự Thánh lễ tại nhà nguyện họ còn đến để thưởng ngoạn tác phẩm điêu khắc Chúa Kitô khổng lồ, vẻ đẹp tự nhiên của khu vực, và các điểm tham quan khác trong công viên này.

Vì cây thánh giá ở Colombia thực sự nằm phẳng thay vì thẳng đứng vuông góc với mặt đất, cho nên các nhà nghiên cứu ở Mỹ vẫn cho rằng cây thánh giá “giữa rừng cây” ở Michigan trên thực tế vẫn có thể coi là cây cao nhất thế giới. Nhưng lớn thì không thể lớn bằng cây thánh giá của Colombia.


Source:Aleteia

2. Giáo phận Brooklyn kiện tiểu bang New York về những hạn chế mới trong Thánh lễ

Giáo phận Brooklyn đang kiện tiểu bang New York về những hạn chế mới liên quan đến thánh lễ trong nhà ở Thành phố New York. Lệnh mới chỉ cho có 10 người bất kể nhà thờ lớn nhỏ cỡ nào trong khi hàng trăm người được phép vào bên trong các cửa hàng.

Giáo phận cáo buộc rằng các hạn chế sức khỏe mới do Thống đốc Andrew Cuomo đưa ra ở Queens và Brooklyn trong bối cảnh có sự gia tăng các trường hợp nhiễm coronavirus mới là “tùy tiện” bất kể các nhà thờ đã làm việc với các quan chức y tế công cộng vào đầu mùa hè để mở cửa trở lại một cách an toàn.

“Nếu sắc lệnh hành chánh mới nhất này không được rút lại, đa số giáo dân sẽ không thể tham dự Thánh Lễ vào các ngày Chúa Nhật tới, mặc dù Giáo Phận đã làm tất cả mọi thứ để bảo đảm các điều kiện an toàn trong các nhà thờ,” ông Randy Mastro, luật sư của giáo phận, nói.

“Do đó, cộng đồng tôn giáo này sẽ bị từ chối quyền cơ bản nhất của mình – là quyền tự do thực hành niềm tin tôn giáo - mà không có lý do chính đáng nào cả”.

Đầu tuần này, Cuomo đã giới hạn các cử hành tôn giáo trong nhà ở Brooklyn và Queens ở mức tối đa 10 người ở những khu vực được coi là bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi coronavirus, và 25 người ở một số khu vực khác.

Giáo phận Brooklyn đã cùng với tất cả các giáo phận Công Giáo khác của Hoa Kỳ tạm dừng các thánh lễ công cộng vào tháng 3 để giúp làm chậm sự lây lan của virus. Các nhà thờ đã đóng cửa trong suốt 16 tuần cho đến ngày 5 tháng 7 khi tiểu bang và thành phố cho phép mở cửa trở lại với các biện pháp phòng ngừa.

Đức Cha Nicholas DiMarzio, Giám mục Brooklyn, nói rằng các nhà thờ trong giáo phận tuân thủ nghiêm nhặt các biện pháp phòng ngừa mới bao gồm việc những người tham dự Thánh lễ phải đeo khẩu trang y tế và ngồi cách nhau ít nhất sáu feet.

“Các lệnh mới trong tuần này khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác hơn là đưa vụ việc ra tòa,” Đức Cha DiMarzio tuyên bố hôm thứ Năm. Vị giám mục gọi đó là thái độ “xúc phạm của tiểu bang và một lần nữa trừng phạt tất cả những ai đã thực hiện rất tốt công việc phòng ngừa trong các nhà thờ.”

Hôm thứ Hai Coumo đã đe dọa đóng cửa các cơ sở tôn giáo nếu họ không đồng ý với lệnh mới của ông ta, và dọa phạt 15,000 Mỹ kim nếu thấy nhà thờ nào có đến người thứ 11.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y Becciu tuyên bố những cáo buộc chống lại ngài là 'hoàn toàn sai sự thật'

Giữa cao trào tung ra ngày càng nhiều những cáo buộc, với các tình tiết ly kỳ ảnh hưởng đến thanh danh Giáo Hội, Đức Hồng Y Angelo Becciu đã ra một tuyên bố cho rằng những cáo buộc chống lại ngài là ‘hoàn toàn sai sự thật’.

Trong một tuyên bố báo chí được đưa ra thông qua luật sư của mình vào ngày 7 tháng 10, cựu quan chức thứ ba của Vatican, chỉ sau Đức Giáo Hoàng và Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã phủ nhận một loạt các cáo buộc được đưa ra trên các phương tiện truyền thông Ý sau khi ngài được yêu cầu từ chức và từ bỏ các đặc quyền liên quan đến tước vị Hồng Y một cách đầy kịch tính hôm 24 tháng 9 vừa qua.

Ngài đã bác bỏ cáo buộc gần đây nhất, được tung ra vào tuần này, theo đó ngài đã chuyển tiền của Vatican mà không có sự giám sát thích hợp cho một phụ nữ 39 tuổi cư ngụ ở đảo Sardinia, quê hương của ngài.

“Các liên hệ với Cecilia Marogna hoàn toàn chỉ liên quan đến việc công,” vị Hồng Y cho biết trong tuyên bố được đưa ra bởi Fabio Viglione, người đại diện cho ngài sau khi luật sư trước đây của ngài, là Ivano Iai, từ chức.

Tuyên bố cũng phủ nhận việc Đức Hồng Y Becciu đã tìm cách can thiệp vào phiên tòa xét xử Đức Hồng Y George Pell tại Úc.

Truyền thông Ý tuần trước đưa tin Đức Hồng Y Becciu đã chuyển 700,000 euro từ tài khoản ở Vatican sang một tài khoản ở Úc trong thời gian xảy ra phiên tòa xét xử Đức Hồng Y Pell. Hai vị Hồng Y này được tường thuật là đã xung đột về tài chính của Vatican khi Hồng Y Becciu là quan chức thứ hai trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Hồng Y Pell là Tổng trưởng Bộ Kinh tế.

Đức Hồng Y Becciu, cho đến gần đây là tổng trưởng Bộ Tuyên thánh, cũng phủ nhận một số cáo buộc khác, và khẳng định rằng ngài không tham gia vào bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào.

“Đức Hồng Y Becciu lặp lại rằng các cáo buộc chống lại ngài được lan truyền trên báo chí đều hoàn toàn không đúng sự thật và xác nhận rằng ngài không hề tham gia vào bất kỳ vấn đề bất hợp pháp nào,” tuyên bố cho biết.

“Ngài đang chờ đợi với tâm hồn thanh thản kết quả của mỗi một cuộc đánh giá, trong bất kỳ diễn đàn nào. Cuối cùng các cuộc điều tra ấy sẽ xác nhận lòng trung thành của ngài với Đức Thánh Cha và Giáo hội”.

Thật là một điều đáng mừng nếu các nhà điều tra cuối cùng chứng minh được là Đức Hồng Y Becciu. Cho đến nay, vụ tai tiếng này đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh danh của Giáo Hội.


Source:Catholic News Agency

4. Chương thứ bẩy của thông điệp Fratelli Tutti : Những nẻo đường của cuộc gặp gỡ đổi mới

Tiếp tục giới thiệu thông điệp thứ ba của Đức Thánh Cha Phanxicô có tựa đề “Fratelli Tutti”, nghĩa là “Tất Cả Là Anh Em”, trong chương trình này, Kim Thúy xin gởi đến quý vị và anh chị em chương thứ bẩy của thông điệp này.

Giá trị và việc cổ vũ hòa bình được phản ảnh trong chương thứ bảy, “Những nẻo đường của cuộc gặp gỡ đổi mới”, trong đó Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng hòa bình được nối kết với sự thật, công lý và lòng thương xót. Khác xa mong muốn báo thù, nó “chủ động” và nhằm tạo ra một xã hội dựa trên việc phục vụ người khác và theo đuổi sự hòa giải và phát triển lẫn nhau. Đức Thánh Cha viết rằng trong một xã hội, mọi người phải cảm thấy “như ở nhà”. Vì vậy, hòa bình là một “nghệ thuật bao gồm và liên quan đến mọi người và trong đó mỗi người phải thực hiện phần việc của mình”. Đức Thánh Cha viết tiếp: Xây dựng hòa bình là “một nỗ lực luôn có đó, một nhiệm vụ không bao giờ kết thúc”, và do đó điều quan trọng là phải đặt con người, phẩm giá của họ và lợi ích chung ở trung tâm của mọi hoạt động. Tha thứ gắn liền với hòa bình: Thông điệp viết, chúng ta phải yêu thương mọi người, không trừ ai, nhưng yêu một kẻ áp bức có nghĩa là giúp họ thay đổi và không để họ tiếp tục áp bức người lân cận. Ngược lại: người chịu bất công phải mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi của mình để duy trì phẩm giá của mình, vốn là một hồng phúc của Thiên Chúa. Tha thứ không có nghĩa là miễn trừng phạt, mà đúng hơn là công lý và tưởng nhớ, vì tha thứ không có nghĩa là quên đi, mà là từ bỏ sức mạnh hủy diệt của cái ác và khát vọng trả thù. Đức Thánh Cha khuyên: Đừng bao giờ quên những “nỗi kinh hoàng” như vụ Shoah, tức là vụ diệt chủng người Do Thái, vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, các cuộc đàn áp và thảm sát sắc tộc. Chúng phải luôn được tưởng niệm, một lần nữa, để ta không bị gây mê và giữ cho ngọn lửa của lương tâm tập thể luôn sống động. Điều cũng quan trọng là phải nhớ đến những người tốt, và những người đã chọn sự tha thứ và tình huynh đệ.

Do đó, một phần của chương thứ bảy tập trung vào chiến tranh: Đức Phanxicô nhấn mạnh, nó không phải là “bóng ma từ quá khứ mà là một mối đe dọa thường xuyên”, và nó đại diện cho “việc phủ nhận mọi thứ quyền”, “một sự thất bại của chính trị và của nhân loại “, và “thất bại nhức nhối trước các thế lực của cái ác” vốn nằm trong “vực thẳm “của chúng. Hơn nữa, vì vũ khí hóa học và sinh học hạt nhân đã tấn công nhiều thường dân vô tội, ngày nay chúng ta không thể nghĩ đến khả thể diễn ra “cuộc chiến tranh chính nghĩa” như trước nữa, mà phải kịch liệt khẳng định lại: “Không bao giờ có chiến tranh nữa!” Và xét rằng chúng ta đang trải qua một “cuộc chiến tranh thế giới từng phần”, vì tất cả các cuộc xung đột đều có liên hệ qua lại với nhau, việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân là “một mệnh lệnh đạo đức và nhân đạo”. Thay vào đó, Đức Thánh Cha đề nghị thành lập một quỹ hoàn cầu để xóa đói bằng số tiền đầu tư vào vũ khí.

Hình phạt tử hình không thể chấp nhận được, phải được bãi bỏ

Đức Phanxicô bày tỏ quan điểm rõ ràng đối với án tử hình: nó không thể chấp nhận được và phải được bãi bỏ trên toàn thế giới, vì Đức Thánh Cha viết, “ngay một kẻ giết người cũng không đánh mất phẩm giá bản vị của họ và chính Thiên Chúa cam kết bảo đảm điều này”. Do đó, có hai lời khuyên bảo sau đây: Đừng nên coi hình phạt như có tính báo thù, mà đúng hơn như một phần của quá trình hàn gắn và tái hòa nhập xã hội, và cải thiện các điều kiện của nhà tù, tôn trọng nhân phẩm của tù nhân, và xem xét điều này “án chung thân là một hình phạt tử hình bí mật”. Người ta nhấn mạnh đến việc cần thiết phải tôn trọng “tính thánh thiêng của sự sống” trong khi hiện nay “một số thành phần trong gia đình nhân loại của chúng ta, dường như, sẵn sàng có thể chịu hy sinh”, chẳng hạn như trẻ chưa sinh, người nghèo, người tàn tật và người già.


Source:Vatican News