Ngày 12-10-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
CN 28 B: Có 2 cách để lạc đà chui qua lỗ kim
LM. Alf. Nguyễn Công Minh. OFM
17:28 12/10/2018
Nếu Bill Gates hôm nay đi lễ tại các Nhà Thờ Công Giáo, chắc hẳn phải giật mình vì một so sánh Chúa Giêsu dùng quả là gây thất vọng cho kẻ có tiền. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Đàng. Con lạc đà, dẫu là con con, nhỏ xíu, cũng không thể chui qua lỗ kim, ấy vây mà Chúa nói con lạc đà lớn chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Chúa. Có người đã cố mài dũa cho dễ nuốt trôi câu sánh ví trên, bằng cách sử dụng từ ngữ học. Họ nói, con lạc đà và sợi dây thừng trong tiếng Do Thái, đọc na ná giống nhau, cho nên, có lẽ Chúa nói: cuộn dây thừng chui qua lỗ kim. Thánh Cyrillo ủng hộ lối giải thich này. Còn giả như cứ để con lạc đà, chứ không phải dây thừng, thì lại có một mài dũa khác: lỗ kim là tên một cổng thành hẹp tại Giêrusalem. tức là con lạc đà chui qua cổng hẹp…

Nhưng những lối giải thích đó đều không đúng. Thật ra những hình ảnh tương tự cũng đã có trong loại trình thuật của các thầy Rabbi. Ví dụ để đánh dấu một việc không thể làm nổi, bộ Talmud Babylon dùng lối ví von : voi chui qua lỗ kim. Ngay chính Chúa Giêsu trong diễn từ nhắm tới nhóm Biệt phái đã trách cứ họ “kinh kệ dài dòng lại nuốt chửng gia tài những bà góa” (Mt 23,14). Và Chúa nói thêm “các ngươi gạn lọc từng con muỗi nhưng lại nuốt chửng cả con lạc đà” (Mt 23,24).

Vì thế đích thị là Chúa muốn nói lạc đà—chứ không phải dây thừng; và lỗ kim—chứ không phải cổng hẹp của Thành. Vậy là: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa.

Nhưng, có 2 cách để con lạc đà có thể chui qua lỗ kim:

(1) làm cho lỗ kim thật to.

(2) thu con lạc đà lại thật nhỏ.

1. Lỗ kim to

Ta từng thấy thế giới của những vật khổng lồ, như chiếc bánh Trung Thu năm nào tại Maximart đủ cho 10 ngàn người. Bánh tét tại Nha Trang dài đủ cho 5000 người, thì một cây kim khổng lồ, với lỗ kim thật to, thì có đến 2 con lạc đà, một bướu hay hai bướu cũng băng qua lọt, chứ đừng nói gì một con.

Vậy người giàu có nếu muốn lọt vào Nước Trời, thì cũng hãy làm cho lỗ kim rộng ra. Rộng ra là quảng đại. Tiền chỉ lo thu vào mà không cho đi, thì chẳng khác gì làm lỗ kim thu nhỏ lại. Một ngón tay cũng không chui lọt, chứ đừng nói cả bàn tay, cả con người.

Giakêu Trưởng Ty Quan Thuế, giàu nứt đố đổ vách, làm sao chui lọt lỗ kim, nếu ông không thưa với Chúa rằng : "Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo ; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn." Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng : "Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất." Giakêu đã nới rộng lỗ kim 4 lần, nên dễ dàng để ơn cứu độ lọt vào nhà.

Trên bia mộ trong một nghĩa trang kia có khắc mấy giòng chữ sau đây cũng đáng cho chúng ta suy nghỉ:

Những gì tôi có, nay đã thuộc về người khác.

Những gì tôi đã mua sắm, nay người khác hưởng dùng.

Những gì tôi đã cho đi, nay thuộc về tôi.

Chính những cái mình cho đi, mình quảng đại ban phát, thì mới làm cho lỗ kim rộng rãi ra thêm, hầu con lạc đà có thể chui lọt. Và như thế, người càng giàu có càng ban phát càng dễ vào Nước Chúa. Khi cho đi là khi nhận lãnh. (Phanxicô)

2. Thu nhỏ con lạc đà lại

Chắc một số người trong chúng ta đã từng đi xem triển lãm về thế giới thu nhỏ lại gọi là miniature, nơi mà trên một cọng tóc, người ta khắc được cả một đoàn lạc đà, và ở đầu một cây kim khâu, nằm gọn 3 chú lạc đà nơi lỗ kim nhỏ. Dĩ nhiên muốn xem chúng phải dùng kính lúp hoặc hiển vi. Vậy muốn lạc đà chui qua lỗ kim khâu, hãy thu nhỏ con lạc đà lại.

Thu nhỏ lại là nó đang lớn biến nó thành nhỏ. Có một bộ phim mang tựa đề tương tự: Tôi đã thu nhỏ con tôi. Có nhiều cách thu. Có nhiều cách biến. Riêng đối với tiền của, có một cách biến nó thành nhỏ là: đổi ngôi cho nó. Nó đang làm chủ, oai nghi bệ vệ, hãy biến nó làm tôi, làm đầy tớ trong tay. Nếu để tiền của làm chủ, đừng hòng chui lọt lỗ kim. Nhưng nếu biến nó thành tên đầy tớ hèn mọn, nhỏ bé, ta sử dụng thế nào tuỳ ý ta, ta sai nó đi đâu nó đi đó, ta chuyển nó cho ai, nó nghe theo, vậy là ta có thể cho nó đi qua lọt tủm vào lỗ kim nhỏ.

Một người giàu có nọ thường đến xưng tội với thánh Philipphê Nêri. Có tiền, có thiện chí, nhưng người này cảm thấy mình không đạt được sự tiến bộ nào trên đường thiêng liêng. Từ chán nản đến thất vọng, cuối cùng ông bỏ cuộc và không trở lại xưng tội với thánh nhân nữa.

Ngày nọ, thánh nhân tìm gặp ông, sau một hồi chuyện vãn, thánh nhân nhìn lên cây thánh giá treo trên tường, ngài ước tính độ cao của Thánh giá, rồi đề nghị với người đàn ông giàu có: "Ông là người cao lớn, ông thử với coi có tới Thánh giá không ?".

Người đàn ông đứng dậy giơ cánh tay lên, nhưng không thể nào chạm tới Chúa Giêsu trên Thánh giá. Bấy giờ, thánh nhân mới dùng hết sức đẩy cái hòm tiền của người giàu có đến bên cạnh ông và bảo ông hãy đứng lên trên cái hòm tiền để với cây Thánh giá. Người đàn ông làm theo ý thánh nhân, ông đã sờ được Chúa Giêsu trên Thánh giá. Hôm nay nhà này được ơn cứu độ.

Thánh nhân đưa ra bài học như sau: "Để có thể nắm lấy được Chúa Giêsu, để có thể tiến bộ trên đường thiêng liêng, chúng ta cần phải đứng trên tiền bạc của cải" Sai tiền bạc đi, chứ không phải để nó sai ta đi kiếm nó.

Địa chỉ mà đồng tiền đi tới, Chúa đã nói rõ trong đoạn Tin Mừng khi âu yếm nhìn chàng thanh niên giàu có: Anh chỉ thiếu một điều, là bán hết của cải đem phân phát cho kẻ nghèo. Địa chỉ là kẻ nghèo chứ không phải cửa sau của các nhà cầm quyền, e sẽ theo Năm Cam tròng đầu vào lỗ giây thừng, chứ không phải chui qua lỗ kim nữa.

Vậy là, thu nhỏ con lạc đà, đối với tiền của, sẽ là câu nói ta thường nghe: “Tiền bạc là tên đầy tớ tốt, nhưng là một ông chủ xấu.” Mà không chỉ xấu, ông chủ này còn ác độc nữa, có thể giết chết ta như chơi.

Có ba người bộ hành, bạn chí thân với nhau, trên đường đi tìm hạnh phúc, bất chợt nghe tiếng la thất thanh của vị đạo sĩ từ trong núi chạy ra: Chết! Chết! Chết! Tôi đã gặp thần chết! Ba người bộ hành trên yêu cầu vị đạo sĩ dẫn mình vào hang để xem thần chết. Vào hang đá sâu, vị đạo sĩ chỉ cho ba người thấy một kho vàng chôn giấu. Vị đạo sĩ lại kêu to: Thần chết! Thần chết! Thần chết! rồi bỏ chạy.

Ba người quá đỗi bàng hoàng vì kho vàng quá lớn. Họ cùng nhau hối hả đào. Nhưng cần phải có lương thực ăn hầu đủ sức mà tiếp tục đào chứ. Một người tình nguyện đi mua thức ăn. Nhưng bất hạnh thay, khi ông ta đi mua thức ăn thì hai người ở lại tìm cách giết ông. Quả nhiên, khi mang thức ăn về, ông đã bị giết như kế hoạch và số vàng ấy được chia đôi và cho vào bao cẩn thận. Bấy giờ hai người cùng nhau ăn trước khi xuống núi. Nhưng không ngờ trong thức ăn ấy đã có thuốc độc của gã đàn ông kia muốn số vàng ấy thuộc trọn về riêng mình.

Cả nới rộng lỗ kim hay thu nhỏ con lạc đà cũng qui về điểm này: đổi tiền. Đến nước khác, việc đầu tiên mà du khách phải làm là đổi tiền của mình thành tiền đang lưu hành tại nước đó. Tiền của ta trên trái đất chẳng có giá trị gì trên trời, nếu nó không đổi thành việc lành. Đó là ý nghĩa Lời Chúa nói với chàng thanh niên giầu có: cho đi gia sản của anh để mua Nước Trời.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trung Quốc chính thức thông qua luật về các trại học tập cải tạo
Đặng Tự Do
00:22 12/10/2018
Các nhà làm luật tại miền tây Tân Cương của Trung Quốc đã thông qua luật về các trại học tập cải tạo dành cho người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ (Uighur) trong bối cảnh có những lo ngại quốc tế về sự gia tăng những người đột nhiên bị biến mất với quy mô lớn ở đó.

Chính quyền Tân Cương cho biết các trại học tập cải tạo là nhằm đối phó với chủ nghĩa cực đoan thông qua việc “chuyển đổi tư tưởng”.

Các nhóm nhân quyền nói rằng các tù nhân buộc phải thề trung thành với Đại đế Tập Cận Bình, phải chỉ trích và từ bỏ đức tin của họ.

Tháng Tám vừa qua, Trung Quốc đã phủ nhận cáo buộc cho rằng bọn cầm quyền đã bắt giữ hơn một triệu người trong khu vực Tân Cương.

Nhưng các quan chức tham dự một cuộc họp nhân quyền của Liên Hiệp Quốc thừa nhận rằng người Duy Ngô Nhĩ “bị lừa dối bởi chủ nghĩa cực đoan tôn giáo” và đang trải qua quá trình giáo dục và tái định cư.

Luật mới của Tân Cương là dấu chỉ cụ thể đầu tiên về những gì Trung Quốc đang làm trong khu vực. Theo luật mới, các hành vi có thể dẫn đến bị bắt giam bao gồm việc từ chối xem truyền hình, không chịu nghe đài phát thanh nhà nước và ngăn chặn trẻ em không cho theo học các trường của chính phủ. Nói rằng một món ăn là không thuần khiết đối với người Hồi Giáo cũng có thể bị tù.

Trung Quốc cho biết trong mạng lưới các trung tâm giam giữ của họ, các tù nhân sẽ được dạy tiếng Quan Thoại, các khái niệm pháp lý và được đào tạo nghề nghiệp.

Bằng cách cho các trại này một nền tảng pháp lý, Trung Quốc dường như đã xác nhận những gì nhiều người đã nói trong nhiều tháng qua rằng bọn cầm quyền đang điều hành những trại cải tạo khổng lồ để giam giữ cả triệu người Hồi giáo ở Tân Cương dưới chiêu bài chống chủ nghĩa cực đoan.

Và chủ nghĩa cực đoan được định nghĩa rộng rãi đến nỗi ngay cả những bậc cha mẹ không muốn con cái kết hôn với một người không Hồi Giáo hoặc thuộc một sắc dân khác cũng bị coi là cực đoan tôn giáo.


Source: BBC - China Uighurs: Xinjiang legalises 're-education' camps
 
Thượng Hội Đồng về Tuổi Trẻ: Phúc Trình của Nhóm C nói tiếng Pháp
Vũ Văn An
01:01 12/10/2018
Phúc Trình của Nhóm C nói tiếng Pháp



Nhóm của chúng tôi gồm 14 giám mục và một bề trên cả, hai chuyên gia, hai nữ dự thính viên, một nam dự thính viên và hai trợ tá. Chúng tôi đại diện cho bốn châu lục. Chúng tôi là các chứng tá của sự đa dạng trong việc hiện diện và tham gia của người trẻ vào đời sống Giáo Hội.

Từ phần đầu của Tài Liệu Làm Việc, chúng tôi ghi nhận sự đa dạng lớn lao về điều kiện sống, giáo dục, việc làm, khả thể hoà nhập xã hội, phát triển bản thân nơi giới trẻ thế giới. Nhưng chúng tôi cũng ghi nhận điều này: cuộc khủng hoảng trong việc thông truyền đức tin diễn ra giữa lòng cuộc khủng hoảng chung trong việc thông truyền mọi nền văn hóa.

Các khát vọng của người trẻ phát biểu qua Tài Liệu Làm Việc làm nổi bật các yếu tố quan trọng để hướng dẫn việc biện phân của một cộng đồng giáo hội muốn dành ưu tiên cho người trẻ.

Đối với chúng tôi, bản văn của Tài Liệu Làm Việc dường như làm nổi bật mọi lợi ích của liên bản ngã và liên thế hệ. Điều này có nghĩa cấp bách phải ra khỏi mọi loại khép kín hoặc mệnh lệnh (bulles).

Trong cuộc khủng hoảng chung của việc thông truyền này, người trẻ phát biểu sự khó khăn của họ trong việc đồng nhất hóa họ với di sản của cha mẹ họ, cả trong lĩnh vực đức tin. Nhưng đồng thời chúng tôi cũng lưu ý điều này: họ kêu gọi làm chứng một cách hân hoan cho đức tin Kitô giáo, họ muốn được tự hào làm chứng cho đức tin này, bằng cách khám phá ra việc nó có thể là một chiếc la bàn ra sao trong việc triển nở ơn gọi làm người của họ trong một thế giới đang biến đổi một cách lớn lao. Đối với tất cả những điều này, họ dựa vào cộng đồng giáo hội.

Tài Liệu Làm Việc khẩn khoản nhắc nhở chúng ta về chỗ đứng tất yếu của việc làm chứng bản thân và cộng đồng nơi các tín hữu và các mục tử của họ. Về vấn đề này, cần cổ vũ sự xích lại gần nhau và các liên hệ giữa các phong trào, cộng đồng mới, các Kitô hữu có nguồn gốc nước ngoài và các giáo xứ địa phương, mà không có chuyện người này "lấy lại" (récupération) của người kia vì họ được kêu gọi tự nói với nhau, sống sứ mệnh độc đáo của Giáo Hội trong sự hợp lực (synergie).

Có thể nói Tài Liệu Làm Việc bảo chúng ta lấy tính khẩn cấp của việc đón tiếp người khác và đề kháng bất cứ nỗ lực loại trừ nào làm một tiêu chuẩn khác để biện phân. Về mặt này, di dân là mô hình quan tâm được giới trẻ đem vào cam kết của Giáo hội đối với lĩnh vực công lý và chính trị. Về các chủ đề này, Giáo Hội có một vai trò tiên tri để đóng; tuy nhiên, vai trò này không phải dành riêng cho một mình Đức Giáo Hoàng Phanxicô!

Tài Liệu Làm Việc soi sáng chúng ta về một tiêu chuẩn biện phân khác: việc nhấn mạnh tới con người trong tính toàn diện của họ, mà không bao giờ làm ngơ các vấn đề tính dục và cảm giới. Việc sử dụng các thuật ngữ này đôi khi bị gài bẫy, ý nghĩa sâu sắc của chúng không phải lúc nào cũng được hiểu đúng và phài được trình bày một cách tích cực. Tuy nhiên, đó là việc phải làm để trình bầy tích cực và đẹp đẽ điều cấu thành một phần của dự án Thiên Chúa.

Phụng vụ không thể bị bỏ qua như một tiêu chuẩn biện phân, đặc biệt nhờ vẻ đẹp của nó và các khía cạnh tiên tri của nó.
Tiêu chuẩn có tính quyết định của sự biện phân là tầm quan trọng của việc lắng nghe trong Giáo hội, cách riêng người trẻ. Nó có ý nói đến một phương pháp tiến hành theo hình ảnh của Lịch sử cứu rỗi.

Điều này dẫn chúng tôi đề nghị ra sáu “modi” (mẫu thức) nhằm xác định ra sáu chủ đề mà chúng tôi ước tính chúng ta, trong những năm sắp tới, có thể phát huy cuộc đàm luận của chúng ta với người trẻ. Do đó, tài liệu cuối cùng phải mang hình thức một instrumentum conversationis, tức tài liệu đàm luận, nhất là đối với các vấn đề sau:

* thông truyền đức tin,
* quan hệ với các thay đổi văn hóa,
* di dân,
* cơ thể, cuộc sống cảm giới và tính dục,
* cuộc sống cảm giới trong các cộng đồng giáo hội và các viện đào tạo,
* lục địa kỹ thuật số.
 
Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô hoãn lại việc cấp quy chế tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine
Đặng Tự Do
01:14 12/10/2018
Vấn đề cấp Tomos, tức là quy chế tự trị, cho một Giáo Hội Chính Thống Giáo tân lập tại Ukraine đã bị hoãn lại. “Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô sẽ đưa ra quyết định về vấn đề này vào một thời điểm thuận lợi hơn trong tương lai,” Tổng Giám Mục Asen Emosence của Arsenios bên Áo và đồng thời là Giám Quản Chính Thống Giáo Hung Gia Lợi cho tờ Deutsche Welle biết như trên.

Tuy nhiên, tờ Regnum báo cáo rằng 9 trong số 12 vị lãnh đạo trong phiên khoáng đại kết thúc hôm 11 tháng 10 đã bỏ phiếu ủng hộ việc cấp quy chế tự trị cho Chính Thống Giáo Ukraine.

“Chúng tôi không muốn tạo ra bất kỳ vấn nạn mới nào, nhưng với sự phù trợ của Thiên Chúa, chúng tôi sẽ tiến hành ban cấp quy chế này trong một diễn trình hòa bình”, Tổng Giám Mục Asen Emosence cho biết như trên khi đề cập đến những căng thẳng giữa Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa và Tòa Constantinople về vấn đề này.

Đức Tổng Giám Mục Daniel Pamphilon và Giám mục Ilarion, là đại diện toàn quyền của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã đến Constantinople sau vài tuần lưu lại Kiev trong nỗ lực hiệp nhất 3 hệ phái Chính Thống Giáo tại đây.

“Sau 27 năm, tôi nghĩ các Giáo Hội ở Ukraine đã sẵn sàng hiệp nhất,” Đức Tổng Giám Mục Daniel Pamphilon nói.

Việc cấp Tomos cho Ukarine đã bị trì hoãn nhiều lần, mặc dù các chính trị gia Ukraine và một số nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo đang mong mỏi một cách tuyệt vọng nhận được Tomos trước cuộc bầu cử tổng thống sắp tới vào ngày 31 tháng 3 năm 2019.

Trong một bài giảng tại Washington, DC vào tháng 9 vừa qua, Đức Thượng Phụ Philaret Denisenko của Chính Thống Giáo Kiev đã nói về cuộc bầu cử sắp tới. Ngài nêu bật động lực chính trị trong việc kêu gọi Constantinople cho tự trị. Ngài nói: “Chúng tôi muốn điều này xảy ra trong năm nay. Tại sao trong năm nay? Bởi vì Mạc Tư Khoa hy vọng năm sau, sau cuộc bầu cử tổng thống Ukraine, một tổng thống thân Nga hơn có thể được bầu và sẽ không quan tâm đến việc hình thành một Giáo hội tự trị thống nhất, và do đó vấn đề của Tomos sẽ bị trì hoãn cho đến không biết khi nào”


Source: Orthodox Christianity Question of Ukrainian tomos postponed until “right time”
 
Tổng Giám Mục Canada kêu gọi Giáo Hội hiệp nhất
Đặng Tự Do
01:51 12/10/2018
Trong một lá thư đăng trên trang web của tổng giáo phận, Đức Tổng Giám Mục Anthony Mancini của Halifax-Yarmouth nói rằng Giáo Hội “đang bị chia thành các phe phái bị chi phối bởi các ý thức hệ, mỗi phe cố gắng đưa ra một số thay đổi trong Giáo Hội.”

Ngài thỉnh cầu Giáo Hội “trở thành” hiệp nhất một lần nữa.

Đức Tổng Giám Mục Mancini viết: “Một số người đang cố gắng trở lại với một quá khứ được lý tưởng hóa, trong khi có những người lại đang cố gắng vẽ vời ra một tương lai phản ánh chương trình nghị sự của họ nhiều hơn là Giáo Hội của Chúa Kitô”.

Đức Cha Mancini là một tiếng nói thẳng thắn lên án cả sự lạm dụng tình dục của các linh mục và “sự thất bại có hệ thống của hàng lãnh đạo” trong việc đối phó với tai ương này.

Ngài cho biết hồi tháng Tám vừa qua, ngài đã “đau đớn” và “xấu hổ” bởi một báo cáo cho thấy có hơn 1,000 trẻ em ở sáu giáo phận ở tiểu bang Pennsylvania bị lạm dụng trong khoảng thời gian 70 năm. Ngài nói rằng các cáo buộc này được cảm nhận mạnh mẽ ở Nova Scotia nơi một vụ kiện chống lại Tổng giáo phận Halifax-Yarmouth của ngài đã được đệ trình trong tháng này.

Trong lá thư mới nhất kêu gọi một Năm Đền Tạ, Đức Tổng Giám Mục Mancini lưu ý rằng tình hình của Giáo Hội là đáng lo ngại. Đã có những lời kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô từ chức và một số giám mục phải bị loại bỏ, và ngài nói rằng nhiều người Công Giáo đã viết thư cho ngài cho biết họ rời bỏ Giáo Hội.

“Có thể hiểu được rằng chỗ nào có con người thì chỗ đó có sự đa dạng các ý kiến, nhưng sự đa dạng có thể dẫn đến sự chia rẽ nếu nó bị thúc đẩy bởi giận dữ và tổn thương. Hoặc nó cũng có thể dẫn đến sự thống nhất về mục đích và sứ mệnh, nếu tầm nhìn, lòng thương xót và tình yêu hiện diện,” ngài viết.

“Để đáp lại tình trạng khủng hoảng và các triệu chứng của một đời sống tinh thần không lành mạnh trong Giáo Hội chúng ta, tôi kêu gọi tất cả chúng ta hãy bước vào một năm thanh tẩy, cầu nguyện và ăn chay đặc biệt, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô gần đây đã yêu cầu chúng ta thực hiện”

“Cầu xin Năm Đền Tạ này mang lại niềm tin và quyết tâm cho chúng ta bất kể những tội lỗi, thất bại, nhục nhã và xấu hổ. Trong Chúa Kitô tất cả đều có thể và không có Chúa Kitô, không có gì là có thể,” ngài viết.

“Hội thánh chúng ta cần được hiệp nhất, thanh tẩy và biến đổi.”


Source: Candian Press Halifax archbishop seeks 'Year of Atonement' in bid for unity amid scandal
 
Tiệm bánh người Công Giáo thắng trong vụ ‘gay cake’ tại Tối Cao Pháp Viện Anh
Đặng Tự Do
02:57 12/10/2018
Một tiệm bánh của người Công Giáo ở Bắc Ái Nhĩ Lan đã thắng kiện trong một kháng cáo chống lại một phán quyết cho rằng tiệm bánh đã phân biệt đối xử với một người đàn ông đồng tính khi từ chối làm cho một chiếc bánh có dòng chữ “ủng hộ hôn nhân đồng tính”.

Tối Cao Pháp Viện Anh đã đồng thanh nhất trí ủng hộ tiệm bánh trong một phán quyết mang tính bước ngoặt vào thứ Tư 10 tháng 10.

Tòa án tối cao ở Belfast vào năm 2015 truyền rằng vợ chồng Daniel và Amy McArthur, là chủ tiệm bánh, đã phân biệt đối xử với khách hàng khi họ từ chối làm một chiếc bánh với khẩu hiệu “ủng trợ hôn nhân đồng tính” trên đó. Họ được lệnh phải trả 500 bảng Anh tiền bồi thường thiệt hại.

Tòa án phúc thẩm Belfast sau đó đã từ chối kháng cáo của họ vào tháng 10 năm 2016.

Hai vợ chồng này đã kháng cáo lên Tối Cao Pháp Viện Anh. Tòa này đã sử lần đầu tiên vào tháng Năm năm nay.

Chánh án Baroness Hale cho biết những người làm bánh đã không từ chối thực hiện đơn đặt hàng vì kỳ thị tính dục của khách hàng. “Các thợ làm bánh phản đối cái thông điệp chứ không phải là người đàn ông đặt hàng,” bà nói.

Bà cũng nói thêm rằng “không ai bị buộc phải chiều theo hoặc bày tỏ những ý kiến mà họ không tin”.

“Tòa truyền rằng không hề có phân biệt đối xử về quan điểm chính trị hoặc niềm tin tôn giáo ở đây,” bà kết luận.

Việc Tối Cao Pháp Viện Anh lật ngược lại bản án cho ta thấy rằng ngày nay không phải người đồng tính bị phân biệt đối xử nhưng chính là những người có niềm tin tôn giáo mới là những nạn nhân.

Vào năm 2016, hai vợ chồng tiệm bánh này nhận được cả sự ủng hộ bất ngờ từ một người vận động cho quyền lợi người đồng tính là Peter Tatchell, là người đã mô tả vụ kiện chống lại tiệm bánh này là một “bước quá xa”.


Source: Catholic Herald Christian bakers win ‘gay cake’ case at UK Supreme Court
 
Đức Thánh Cha chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Donald William Wuerl, Tổng Giám Mục Washington
Đặng Tự Do
05:56 12/10/2018
Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Donald William Wuerl, Tổng Giám Mục Washington. Phòng Báo Chí Tòa Thánh đưa ra thông báo trên hôm thứ Sáu 12 tháng 10.

Việc chấp nhận đơn từ chức của Đức Hồng Y Wuerl xảy ra gần ba năm sau khi ngài đến tuổi 75, là hạn tuổi mà các giám mục phải nộp đơn từ chức lên Đức Thánh Cha.

Đức Hồng Y Wuerl sinh năm 1940 và được thụ phong linh mục tại giáo phận Pittsburgh vào năm 1966. Ngài từng là Giám Mục Phụ Tá của Seattle trong hai năm 1986, 1987, giám mục Pittsburgh từ 1988 đến 2006, và tổng giám mục Washington từ 2006 đến nay.

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã nâng ngài lên hàng Hồng Y vào năm 2010 và bổ nhiệm ngài làm Tổng tường trình viên của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2012 về Tân Phúc Âm Hóa.

Đức Hồng Y đã là chủ đề của những lời chỉ trích gay gắt trong những tháng gần đây. Là người kế vị Tổng Giám Mục Theodore McCarrick, Đức Hồng Y Wuerl đã phải đối diện với những chất vấn về những hiểu biết của ngài liên quan đến những cáo buộc lạm dụng tình dục chống lại McCarrick, được công khai trước công chúng lần đầu tiên vào ngày 20 tháng Sáu.

Đức Hồng Y đã phải hứng chịu thêm nhiều chỉ trích sau khi một báo cáo của bồi thẩm đoàn Pennsylvania được công bố vào ngày 14 tháng 8, trong đó nêu lên những cáo buộc cho rằng Đức Hồng Y Wuerl trong thời gian là Giám mục Pittsburgh (từ năm 1988 đến năm 2006) đã cho phép các linh mục bị buộc tội lạm dụng được tiếp tục làm việc mục vụ sau khi các cáo buộc đã được đưa ra.

Trong một lá thư gởi cho Đức Hồng Y được công bố hôm 12 tháng 10, Đức Thánh Cha đã yêu cầu Đức Hồng Y đảm nhận trọng trách Giám Quản Tông Tòa tổng giáo phận Washington cho đến khi một vị Tổng Giám Mục khác được bổ nhiệm.


Source: Holy See Press Office Rinunce e nomine, 12.10.2018
 
Tiểu sử 7 vị Chân Phước được tuyên thánh ngày Chúa Nhật 14/10/2018
J.B. Đặng Minh An dịch
17:27 12/10/2018


Lúc 10g15 sáng Chúa Nhật 14 tháng 10, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh Lễ tuyên Thánh cho 7 vị Chân Phước. Đồng tế với ngài là các nghị phụ đang tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên, và các Giám Mục của các quốc gia liên quan.

Trong Thánh Lễ này, Đức Hồng Y Giovanni Angelo Becciu, tổng trưởng bộ Tuyên Thánh sẽ tuyên đọc tiểu sử chính thức của 7 vị được tuyên thánh như dưới đây.

 
1. Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tên khai sinh là Giovanni Battista Montini. Ngài sinh tại Concesio (Brescia) năm 1897. Được thụ phong linh mục năm 1920, ngài tiếp tục học tại Rôma, trong khi nắm giữ các chức vụ trong ngành ngoại giao của Tòa Thánh. Ngài trở thành Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào năm 1937. Trong Thế chiến thứ hai, ngài đảm nhận trách vụ tìm kiếm những người mất tích và hỗ trợ cho những người bị bách hại. Năm 1952, ngài được bổ nhiệm làm Đồng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh [cùng với Đức Hồng Y Domenico Tardini]. Năm 1955, ngài được bổ nhiệm Tổng Giám mục Milan, là nơi ngài đã lo lắng đặc biệt cho những người ở các vùng xa xôi hẻo lánh và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội. Năm 1958, ngài được Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII tấn phong Hồng Y. Ngài được bầu làm Giáo hoàng vào ngày 21 tháng 6 năm 1963 với danh hiệu Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục. Trong cương vị đó, ngài đã tiếp tục và kết thúc Công Đồng Chung Vatican II.

Ngài đã dẫn dắt Giáo Hội đối thoại với thế giới hiện đại và giữ cho Giáo Hội hiệp nhất trong cuộc khủng hoảng sau Công Đồng. Ngài ban hành 7 Tông thư và nhiều Tông huấn. Ngài đã dâng hiến đời mình cho việc công bố Tin Mừng, nhiệt thành yêu mến Chúa và Giáo Hội. Ngài qua đời tại Castel Gandolfo vào ngày 6 tháng 8 năm 1978. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên Chân Phước cho ngài vào ngày 19 tháng 10 năm 2014.

 
2. Chân Phước Tổng Giám Mục Oscar Romero

Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero Galdámez sinh tại Ciudad Barrios thuộc El Salvador vào ngày 15 tháng 3 năm 1917 trong một gia đình bình dân. Ở tuổi 12, ngài làm việc như một người thợ mộc. Năm 1930, ngài bước vào tiểu chủng viện San Miguel. Năm 1943, ngài đạt được bằng thần học tại Đại học Giáo Hoàng Grêgôriô. Sau khi được thụ phong linh mục, ngài trở về nhà và dâng hiến đời mình cho các hoạt động mục vụ trong tư cách một linh mục giáo xứ.

Sau đó, ngài được bổ nhiệm làm giám đốc Chủng viện San Salvador, Thư ký Hội Đồng Giám Mục San Salvador và Tổng Thư ký điều hành của Liên Hội đồng Giám mục Trung Mỹ và Panama. Năm 1970, ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của San Salvador, và đã cống hiến đời mình cho việc bảo vệ người nghèo.

Từ năm 1974, ngài trở thành Giám mục Santiago de Maria và từ năm 1977, ngài là Tổng Giám mục San Salvador giữa lúc đang xảy ra cuộc đàn áp toàn diện về chính trị và xã hội. Ngày 24 tháng 3 năm 1980, ngài bị bắn chết trong khi đang cử hành Thánh Lễ cho các bệnh nhân tại một bệnh viện. Ngài được tuyên Chân Phước vào năm 2015 tại San Salvador.

 
3. Chân Phước Linh mục Francesco Spinelli

Cha Francesco Spinelli sinh tại Milan vào ngày 14 tháng 4 năm 1853 và được phong chức linh mục vào ngày 17 tháng 10 năm 1875 ở Bergamo, là nơi vào ngày 15 tháng 12 năm 1882, cùng với Thánh nữ Caterina Comensoli, ngài đã khai sinh ra cộng đồng Chầu Thánh Thể đầu tiên. Ngài trải qua những thử thách nghiêm trọng bằng một đức tin anh hùng, sự vâng phục tuyệt đối và sự tha thứ quảng đại. Nhưng những hiểu lầm và thử thách ấy đã buộc ngài phải rời Bergamo.

Ngài được Đức Giám Mục Geremia Bonomelli chào đón vào hàng giáo sĩ Cremona, và tại Rivolta d'Adda các nữ tu dòng chầu Thánh Thể đã lập một cộng đoàn mới. Cha Spienlli không thể điều hành hội dòng tại Bergamo nữa, nên đã chia dòng thành hai: Mẹ Comensoli đã thành lập dòng các nữ tu Thánh Thể, còn cha Spinelli thành lập dòng các nữ tu chầu Thánh Thể.

Các nữ tu của cha Spinelli có nhiệm vụ thờ kính Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể cả ngày và đêm và bên cạnh đó, các sơ còn phục vụ các anh chị em nghèo khổ và đau khổ, và nhìn thấy gương mặt Chúa Kitô nơi những con người nghèo khổ này và phục vụ với tình yêu vô điều kiện. Ngài qua đời ngày 6 tháng 2 năm 1913 tại Rivolta d'Adda giữa hương thơm và danh tiếng về sự thánh thiện. Cha được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên Chân Phước ngày 21 tháng 6 năm 1992 tại đền thánh Đức Mẹ ở Caravaggio.

 
4. Chân Phước Linh mục Vincenzo Romano

Cha Vincenzo Romano sinh tại Torre del Greco (Naples) năm 1751 và trải qua toàn bộ cuộc đời ngài ở đây, nơi ngài thánh hóa mình trong chức vụ linh mục và thực hiện các trách vụ của một linh mục giáo xứ tại Santa Croce. Ngài là một nhà giáo dục khôn ngoan đã đào tạo nhiều thanh niên, trong đó nhiều người đã trở thành linh mục. Hơn nữa, ngài nổi bật với danh tiếng là nhà truyền giáo cần mẫn cho các dân cư nông thôn, một người cứu giúp giàu lòng thương xót đối với những người nghèo khổ và yếu đau, một thừa tác viên nhiệt thành trong các nghi lễ phụng vụ và trong việc ban phát các bí tích, và một nhà truyền giáo nhiệt thành loan báo Lời Chúa.

Sau tai họa núi lửa Vesuvius phun trào, phá hủy nhà thờ giáo xứ và phần lớn thị trấn vào năm 1794, vị Chân Phước đã trở thành linh hồn cho sự tái sinh vật chất và tinh thần của Torre del Greco. Ngài đã xây dựng lại nhà thờ Santa Croce thậm chí còn đẹp hơn trước. Ngài qua đời ngày 20 tháng 12 năm 1831 giữa hương thơm và danh tiếng về sự thánh thiện. Ngài được Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tuyên Chân Phước năm 1963.

 
5. Chân Phước Nữ tu Caterina Kasper

Sơ Caterina Kasper sinh ngày 26 tháng 5 năm 1820 tại Dernbach, Đức, trong một gia đình nông dân. Ngài đã chọn đời sống thánh hiến và mở ngôi nhà đầu tiên cho người nghèo vào năm 1848. Sơ Caterina Kasper đã thành lập dòng “Những nữ tì khó nghèo của Chúa Giêsu Kitô”. Năm 1859, dòng phát triển nhanh chóng tại Hà Lan. Đức Giáo Hoàng Piô thứ 9 đã ban một Nghị định Khen ngợi vào ngày 9 tháng 3 năm 1860. Ngày 20 tháng 5 năm 1870 Tòa Thánh chính thức chấp thuận luật dòng. Năm 1868, các nữ tu đến Hoa Kỳ: tại Chicago, các sơ thành lập một viện dục anh dành cho trẻ mồ côi và Bệnh viện San Giuseppe. Trong khi đó, ở Luân Đôn, các sơ đã giúp đỡ những người nhập cư Đức. Sau đó, các nữ tu đến Ấn Độ, Ba Tây và Mễ Tây Cơ, nơi các sơ mở các nhà trẻ và trường học.

Sơ Caterina Kasper qua đời vào ngày 2 tháng 2 năm 1898 trong một cơn đau tim. Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục tuyên Chân Phước cho sơ Catherine vào ngày 16 tháng 4 năm 1978, và gọi sơ là một người phụ nữ “có tâm hồn dạt dào đức tin và dũng cảm”. Dù không có phương tiện và gặp nhiều trở ngại về văn hóa, sơ đã thành công trong việc cống hiến cuộc sống mình cho việc truyền giáo và thúc đẩy sự thăng tiến xã hội.

 
6. Chân Phước Nữ tu Nazaria Ignazia March Mesa

Sơ Nazaria Ignazia March Mesa sinh tại Tây Ban Nha vào ngày 10 tháng Giêng năm 1889. Vào đêm trước ngày được Rước Lễ Lần Đầu, cô nghe thấy tiếng gọi của Chúa: “Nazaria, theo Ta”. Cô trả lời, “Con sẽ theo Chúa, Chúa ơi, đó là điều dễ nhất mà một sinh vật có thể làm.” Được ưu đãi với những phẩm chất tuyệt vời, cô đã sống với những người bạn đồng hành của mình trong hội “Những nhà truyền giáo thầm lặng”. Năm 1906, cô di chuyển đến Mễ Tây Cơ cùng với gia đình, nơi cô đã gia nhập dòng các chị em săn sóc người cao niên bị bỏ rơi. Sau một thời gian dài ở đó, sơ chuyển đến Oruro. Ở đây, sơ cảm thấy được mời gọi bước vào một đời sống truyền giáo mới, cống hiến toàn bộ cho việc truyền giáo, dấn thân cho sự hiệp nhất của Giáo Hội và cho việc mở rộng Vương quốc Chúa Kitô. Năm 1925, sơ thành lập dòng Thập tự chinh truyền giáo của Giáo Hội.

Nói về dòng này, sơ cho biết: “Đây là tôn chỉ của chúng ta: ngoan ngoãn, trung thành, can đảm, tất cả vì tình yêu, trên tất cả là tình yêu dành cho Chúa Kitô và trong Chúa Kitô chúng ta đến với tất cả mọi người. Dâng hiến chính mình cho người nghèo, khích lệ những người buồn rầu, nâng dậy những ai sa ngã, dạy dỗ con gái của người dân, chia sẻ lương thực với họ. Hãy ban sự sống và làm mọi thứ vì Chúa Kitô, Giáo Hội, và các linh hồn”.

Sơ qua đời tại Buenos Aires ngày 6 tháng 7 năm 1943 giữa hương thơm và danh tiếng về sự thánh thiện. Thi hài sơ được đưa về chôn cất tại Oruro. Sơ đã được Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị tuyên Chân Phước tại Rôma vào ngày 27 tháng 9 năm 1992.

 
7. Chân phước Nunzio Sulprizio

Chân Phước Nunzio Sulprizio sinh tại Pescosansonesco, Abruzzo, ngày 13 tháng 4 năm 1817. Cha mẹ mất sớm, ngài được giao phó cho bà ngoại của mình chăm sóc. Từ bà ngoại của mình, ngài đã học được nghệ thuật cầu nguyện và những chân lý sâu sắc về đức tin. Khi lên chín, một lần nữa ngài lại chịu cảnh mồ cô. Do đó, ngài được giao phó cho một người chú ruột, là một người thợ rèn, cộc cằn và bạo lực. Trong cửa hàng, Nunzio vừa phải chịu đựng sự đối xử tệ hại của người chú, vừa phải chịu thêm những đau khổ về thể chất.

Ngài trở nên đau ốm trầm trọng vì chứng nhuyễn xương và được gửi đến Bệnh viện Naples nơi chuyên chữa các chứng nan y. Một người chú ruột trao ngài cho Đại tá Felice Wochinger, là người đã nhận ngài làm con nuôi và chăm sóc ngài như một người cha thực sự. Việc điều trị kéo dài suốt 21 tháng.

Chịu đau khổ giữa những người đau khổ, Nunzio Sulprizio trưởng thành về đàng thiêng liêng. Bệnh tình của anh bị tuyên bố là không thể chữa được. Tình trạng ngày càng nặng thêm và bị buộc phải nằm liệt giường, ngài qua đời ở tuổi 19, vào ngày 5 tháng 5 năm 1836. Tất cả cuộc sống của ngài được dâng hiến cho Thiên Chúa. Cuộc sống của người thanh niên trẻ tuổi này được đánh dấu bằng hai tình yêu lớn lao: “Thánh Thể và Đức Mẹ”.

 

Source: UFFICIO DELLE CELEBRAZIONI LITURGICHE DEL SOMMO PONTEFICE SANTA MESSA CELEBRATA DAL SANTO PADRE FRANCESCO CON IL RITO DELLA CANONIZZAZIONE
 
Thượng Hội Đồng về người trẻ: Thầy Alois của Cộng Đồng Taizé góp ý: « đáp ứng cơn khát thiêng liêng của người trẻ và việc họ tìm kiếm hiệp thông”
Vũ Văn An
21:19 12/10/2018
Từ ngày 3 tháng Mười, Thượng Hội Đồng giám mục hội họp tại Rôma, với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các giám mục khắp thế giới, các chuyên viên, người trẻ, và các đại biểu anh em của các Giáo Hội khác nhau, quanh chủ đề “Người trẻ đức tin và biện phân ơn gọi”. Thầy Alois, bề trên cộng đồng Taizé, đã tham dự tất cả các phiên họp trong tư cách “khách mời đặc biệt”. Sau đây là lời góp ý của Thầy tại một trong các tiểu nhóm nói tiếng Pháp:



Trong Điều 68 và 69 của Tài Liệu Làm Việc, người ta thấy lời bày tỏ ước muốn có một Giáo hội "có tính tương quan nhiều hơn", có khả năng "chào đón mà không phán xét trước", một Giáo hội "bạn bè và gần gũi".

Với các anh em của mình, chúng tôi thường ngạc nhiên khi nghe người trẻ mà chúng tôi tiếp đón ở Taizé nói rằng họ cảm thấy "như ở nhà" và chúng tôi tự hỏi tại sao. Có thể là, để thực sự là chính mình, họ cần phải cảm thấy hữu dụng, thấy tính sáng tạo của họ được khuyến khích, được nhận lãnh trách nhiệm.

Lúc đó, cơn khát thiêng liêng của họ thức tỉnh và điều quan trọng là phải kiên nhẫn bước đi cùng với họ, tới những nguồn của đức tin. Họ biết rằng họ được chào đón bởi một cộng đồng, trước nhất trong lời cầu nguyện chung, nơi mọi người tham gia tích cực, bằng cách ca hát, lắng nghe một bài đọc kinh thánh ngắn gọn, một lúc im lặng kéo dài. Và thường thường, nhờ thế, họ làm sâu sắc mối liên hệ bản thân với Chúa Kitô.

Chúng tôi lưu ý để các dấu hiệu phụng vụ tránh chủ nghĩa hình thức, nhưng phải đẹp và đơn giản. Thí dụ, chúng tôi được thấy mỗi tối thứ Sáu, người trẻ tham gia một cách sâu xa xiết bao một buổi cầu nguyện quanh cây thánh giá, để trút lên Chúa Kitô những gì đang quá nặng đối với họ.

Chúng tôi tự nhủ: như Chúa Kitô, chúng ta hãy dùng tấm lòng lắng nghe họ, bằng cách nhắc nhở mình rằng Người vẫn đang hành động trong đời họ - và chúng ta hãy tôn trọng cung thánh lương tâm của họ. Những người lắng nghe phải được đồng hành với. Trong Giáo hội, đang thiếu các người đồng hành: liệu một thừa tác vụ lắng nghe có thể được giao phó, không những cho các linh mục, các tu sĩ nam nữ, mà còn cho người giáo dân, đàn ông và đàn bà, hay không?

Ở Taizé, người trẻ cũng khám phá thấy rằng Giáo Hội là sự hiệp thông. Không tạo ra một phong trào có tổ chức, chúng tôi luôn luôn gửi các người trẻ trở lại các giáo xứ và các nơi họ sống. Rất nhiều người trong số họ muốn cùng cầu nguyện với những người trẻ thuộc các tín phái khác nhau. Họ hiểu, có thể một cách mặc nhiên, lời kêu gọi của Chúa Kitô muốn chúng ta mau mau hòa giải.

Gần đây, chúng tôi đã thực hiện một trải nghiệm hiệp thông như vậy nhân một cuộc gặp gỡ các người trẻ châu Á ở Hồng Kông, một giai đoạn trong cuộc hành hương tín thác của chúng tôi. Trong số những người tham gia trẻ, 700 người đến từ Trung Hoa lục địa - đó là niềm vui của Chúa Thánh Thần.

Tôi còn muốn đưa ra một đề nghị cụ thể. Thông thường, từ vựng và cách nói là những trở ngại ngăn cản số đông người trẻ lắng nghe những gì Giáo Hội nói. Há tài liệu cuối cùng lại không thể được kèm theo một bức thư ngắn, được soạn thảo bằng một văn phong đơn giản, ngỏ với người trẻ đang tìm kiếm ý nghĩa cho đời họ hay sao?

Tôi muốn tóm tắt những gì tôi vừa nói với lời lẽ của Thầy Roger, người sáng lập ra cộng đồng của chúng tôi: "Khi lắng nghe, chữa lành, hòa giải, Giáo Hội trở thành những gì Giáo Hội vốn là đối với người hiểu biết nhất về Giáo Hội, tức, một hiệp thông tình yêu, cảm thương, an ủi, một sự phản ánh trong vắt của Chúa Kitô phục sinh. Không bao giờ xa cách, không bao giờ ở thế phòng thủ, thoát khỏi mọi nghiêm khắc, Giáo Hội có thể tỏa sáng sự tin tưởng khiêm tốn của đức tin vào tận trái tim con người chúng ta".
 
Văn Hóa
Dang dở tình buồn
Nguyễn Xuân Trường
17:26 12/10/2018
Đã sinh ra trong đời, ai cũng muốn sống, chứ chẳng ai dại gì muốn chết. Trong tận đáy lòng, ai cũng có khát vọng sống khoẻ, sống lâu, sống mãi. Chính vì khát vọng sống mãi mà có người đã đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Chúa đã bảo anh ta làm 2 việc: thứ nhất, tuân giữ các điều răn Chúa dạy: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Thứ hai, hãy cho đi những gì anh có, rồi đến theo Chúa.

Ôi, đồng tiền liền khúc ruột, phải cho đi thì có khác nào rứt ruột ra, xót xa lắm! Thế nên, cho đi thì khó quá, căng quá! Bởi vậy, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi. Ôi, ước mộng không thành, dang dở tình buồn vì giữa tình và tiền thì anh ta đã chọn giữ tiền hơn là theo tình Chúa mời gọi. Đời buồn vì những giá trị bị đảo lộn: Lẽ ra vật chất phải là cây cầu kết nối con người với Chúa và với nhau, thì vật chất lại trở thành bức tường ngăn cách nghĩa tình, ngăn cản ước mơ. Giá trị bị đảo lộn khiến đời đảo điên đau đớn.

Lời Chúa mời gọi cho đi để được sống đời đời đã định nghĩa lại sự giàu có. Người giàu không phải là có nhiều, mà là cho đi nhiều. Có nhiều mới chỉ là giàu tiền giàu bạc, cho đi nhiều mới là giàu nghĩa giàu tình. Giàu tình nghĩa làm cho con người càng trở nên giống Chúa là tình yêu và sự sống.

Thiên Chúa là tình yêu. Mà yêu thì luôn muốn trao tặng, cho đi. Thế nên, chỉ khi cho đi mới giúp con người bước vào vương quốc tình yêu Thiên Chúa. Ở đó, lời đáp ca tuần này hóa thành hiện thực: “Lạy Chúa, xin cho đoàn con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca.” Amen.

NGUYỄN XUÂN TRƯỜNG
Bắc Ninh, Việt Nam
Phone: +84 866 015060
 
VietCatholic TV
Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi người Công Giáo Việt Nam tại Đại Hội Thánh Mẫu toàn quốc Australia
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:55 12/10/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đại Hội Thánh Mẫu toàn quốc Australia lần thứ nhất đã diễn ra trong 3 ngày từ thứ Sáu mùng 5 đến Chúa Nhật mùng 7 tháng 10. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gởi một sứ điệp đến người Công Giáo Việt Nam tham dự Đại Hội Thánh Mẫu này.

Dưới đây là toàn văn sứ điệp do Sứ thần Tòa Thánh tại Australia là Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana ấn ký, thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô.


Đức Thánh Cha vui mừng trước việc cử hành “Những ngày Thánh Mẫu” đầu tiên, quy tụ đông đảo người Công Giáo Úc gốc Việt, tại Trung Tâm Hành Hương ở Bringelly, từ ngày 5 đến ngày 7 tháng Mười.

Đức Thánh Cha Phanxicô khích lệ tất cả mọi người noi theo những bước chân của Đức Trinh Nữ Maria, ngưỡng mộ Đức Mẹ đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa dự phần vào sứ vụ [đồng công Cứu Chuộc], và cầu xin Mẹ giúp đỡ mỗi người chúng ta, để chúng ta biết đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa cho cuộc sống mình với lòng khiêm tốn chân thành và sự quảng đại dũng cảm (Huấn từ trong buổi đọc kinh Truyền Tin Ngày 24/12/2017).

Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu tập hợp với nhau trong dịp hân hoan này hãy suy ngẫm về những lời Đức Maria nói với những người hầu trong tiệc cưới Cana, với nhận định rằng “cả ngày hôm nay, Đức Mẹ cũng nói với tất cả chúng ta: ‘Ngài bảo gì - Chúa Giêsu phán bảo anh chị em điều gì – hãy làm như vậy’. Phụng sự Chúa có nghĩa là lắng nghe và đưa vào thực hành Lời Ngài. Đó là một lời khuyên đơn sơ nhưng thiết yếu của Mẹ Chúa Giêsu và đó cũng là chương trình sống của người tín hữu Kitô” (Tiếp kiến chung, 8 tháng 6 năm 2018).

Hơn nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô lặp lại lời mời gọi của ngài, gửi đến tất cả các tín hữu trên toàn thế giới, hãy đọc kinh Rất Thánh Mân Côi hàng ngày trong suốt tháng Mười là tháng Đức Mẹ, kêu cầu cùng Mẹ Thánh Thiên Chúa và Tổng Lãnh Thiên Thần Micae bảo vệ Giáo Hội khỏi ma quỷ, là kẻ luôn tìm cách tách chúng ta khỏi Thiên Chúa và chia rẽ với nhau.

Với những lời khích lệ và mời gọi chân thành này, Đức Thánh Cha phó dâng cho Mẹ Đầy Ơn Phúc của chúng ta, tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân quây quần với nhau trong “Những ngày Thánh Mẫu” và hoan hỉ ban Phép Lành Tông Tòa của Ngài như bảo chứng của ân sủng và niềm hân hoan trong Chúa.

Canberra, ngày 1 tháng 10 năm 2018.

+ Đức Tổng Giám Mục Adolfo Tito Yllana

Sứ thần Tòa Thánh tại Australia


Source: Apostolic Nunciature to Australia

The Holy Father is pleased at the celebration of the first “Marian Days”, which gathers a significant number of Australian Catholics of Vietnamese heritage, at the Pilgrimage Centre at Bringelly, from 5th to 7th October instant.

Pope Francis encourages all to follow in the footsteps of the Virgin Mary, admiring our Lady of her response to God’s call to mission, and asking her to help each of us to welcome God’s plan into our lives with sincere humility and brave generosity (Angelus, 24th December 2017).

The Pope invites the faithful gathered on this joyful occasion to ponder on the words Mary addressed to the servants at the wedding of Cana, considering that “today too, Our Lady says to us all: ‘Whatever he tells you – Jesus tells you – do it’ (…) To serve the Lord means to listen and to put in to practice his Word. It is the simple but essential recommendation of the Mother of Jesus and it is the program of life of the Christian” (General Audience, 8th June 2018).

Furthermore, Pope Francis reiterates his invitation, addressed to all the faithful of all the world, to pray a Holy Rosary daily during the entire Marian month of October, asking the Holy Mother of God and Saint Michael Archangel to protect the Church from the devil, who always seeks to separate us from God and from each other.

With these words of encouragement and this heartfelt appeal, the Holy Father commends to the intercession of Our Blessed Lady all priests, religious and lay faithful gathered for the “Marian Days” and his glad imparts his Apostolic Blessing as a pledge of grace and joy in the Lord.

Canberra, 1st October 2018.

+ Archbishop Adolfo Tito Yllana

Apostolic Nuncio in Australia