Ngày 12-10-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thi Tuyển
Lm Vũđình Tường
06:51 12/10/2009
Chủ nhân vườn nho cần tuyển một số quản gia tận tâm, thành tín trong công việc thay ông làm chủ coi sóc vườn nho. Nếu được nhận người đó sẽ trở thành quản gia, soán quyến mọi công việc lớn nhỏ thay chủ, kể cả các giao dịch buôn bán. Tài năng, tuổi tác, phái tính, chuyên môn đều là những yếu tố phụ. Yếu tố quyết định được chọn hay bị loại đặt tiêu chuẩn trên chữ tín, lòng thành. Để tìm hiểu chính xác hai đức tính căn bản trên chủ nhân đòi buộc thí sinh phải trải qua một kì thi tuyển. Thời gian thi tuyển dài ngắn khác nhau, tuỳ thí sinh. Nhanh chân đến trình diện chủ sớm. Chậm chân đến sau vẫn được đối xử bình đẳng như nhau.

Mục đích chính của cuộc thi không phải để so tài cao thấp, giỏi hay dở. Mục đích chính nhằm xác định chữ tín của thí sinh. Vì kết quả, thu hoạch nho, được mùa, thất thu hầu như lệ thuộc vào điều kiện thuận lợi thiên nhiên. Chính vì thế mà căn cứ vào mức thu hoạch để phán đoán quản gia siêng năng, cần cù, tài hay dở hay biếng nhác đều không chính xác. Lòng trung tín là thước đo lòng người khi có vụ thất thu. Càng trung tín bao nhiêu chủ nhân càng tin tưởng bấy nhiêu. Một khi được thu nhận người đó toàn quyền quyết định. Tự làm chủ lấy mình. Giờ làm việc và phương cách giải quyết vấn đề do người đó định đoạt. Chính vì công việc được trao cho có nhiều tự do, quyền hạn nên chủ coi chữ tín là quan trọng nhất trong vấn đề thi tuyển.

Vật gia truyền

Bắt đầu cuộc thi các thí sinh mỗi người được trao cho một vật gia truyền. Đây là da bảo riêng của gia đình. Vật gia truyền rất đơn giản. Đó là một khúc cây. Trông bề ngoài bình thường, không trạm trổ, không có dấu hiệu đặc biệt. Chỉ là một khúc gỗ. Gỗ cũng là loại gỗ thường có thể mua ngoài chợ. Người thợ mộc nào khéo tay một chút nhìn qua là có thể làm được. Tính cách đơn giản của vật gia truyền làm cho nhiều thí sinh coi thường vật gia bảo. Thí sinh nào nghĩ như thế thì không cần phải thi nữa vì đã mất chữ tín ngay bước đầu. Trái lại, thí sinh nào đặt tin tưởng nơi chủ nhân ra sức gìn giữ khúc cây, không đặt vấn đề, thí sinh đó sẽ học hỏi được nhiều lẽ sống trong tưong lai.

Tự chọn đường

Có nhiều đường lối khác nhau thí sinh có quyền chọn con đường đi riêng cho cuộc thi. Mức độ đường khó, đường dễ, đường xa, đường gần khác biệt rất tương đối. Không khác nhau là mấy. Đại để là con đường nào cũng có đoạn đường bằng phẳng. Có lúc phải leo dốc, khi cao, khi thấp. Có lúc phải trèo đèo, lội suối. Có lúc phải đi dưới mưa, dầm mình trong tuyết và cuối cùng là đi qua sa mạc nóng cháy da người. Tất nhiên không phải các suối đều giống nhau, suối chảy mạnh, yếu tuỳ mùa. May mắn đến mùa khô, suối cạn. Chậm chân đến mùa mưa, suối đổ như thác. Không phải các đồi đều cao như nhau. Cao thấp khác nhau ít nhiều. Có thí sinh may mắn đi vào mùa xuân hưởng cảnh hoa tươi, khí mát. Trái lại, có thí sinh dị ứng phấn hoa nên vào mùa xuân lại ngứa mắt, ho nhiều và người cứ ớn lạnh. Có thí sinh đi vào mùa đông vừa buốt vì tuyết vừa run vì gió lạnh. Quang cảnh u buồn, màu trắng tang tóc. Tuy nhiên lại có thí sinh thích mùa đông nên coi cái lạnh là cơ hội tốt.

Bí mật khúc cây

Thực ra vật gia bảo bề ngoài trông tầm thường nhưng trong đó chủ nhân ngầm đặt những mật hiệu mà chỉ những ai thành tâm, trọn lòng tín thác nơi chủ nhân mới có cơ hội khám phá ra bí mật tuyệt vời đó. Tất cả các bí mật đều có điểm chung là giúp chủ nhân nhận biết lòng thành tín của các thí sinh. Hơn nữa chủ nhân đã không nhầm lẫn mà còn biết rõ lòng dạ của từng thí sinh. Biết rõ lòng dạ nên chủ rất tin tưởng phó thác vườn nho cho tá điền làm quản gia.

Bí mật thứ nhất

Trong mỗi một khúc cây chủ nhân đều đặt trong đó một giọt máu tươi của người con trai duy nhất. Để thử biết khúc cây thật hay giả chủ nhân chỉ cần so sánh giọt máu bí mật. Nếu cùng loại máu với con trai mình thì sự thật sẽ rành rành trước mắt. Nếu là máu khác thì rõ ràng là giả mạo. Ngoài chủ nhân ra không một ai biết giọt máu bí mật kia dấu ở đâu, kể cả người con duy nhất của chủ. Kĩ thuật giữ máu và ngay cả cách thử cũng rất bí mật. Khi có đối chất chủ nhân chỉ cần cho thấy máu dấu trong khúc cây và máu con ông giống hệt nhau về mọi phương diện, từ phầm, đến phân chất trong máu đều giống hệt nhau. Mọi việc được sáng tỏ nhờ vào việc thử máu. Bí mật thứ nhất dành riêng cho chủ khi cần phải nhận diện thật hư chủ sẽ dùng phương pháp riêng để xác quyết.

Bí mật thứ hai

Bên ngoài khúc cây có sơn một loại sơn đặc biệt. Loại sơn không màu sắc này có đặc tính rất lạ. Bình thường trông giống hệt như một lớp sơn dầu bóng, vừa bảo vệ gỗ vừa giúp cho gỗ sáng, lại chậm thấm nước. Thực ra loại nước sơn bóng này công dụng vô cùng. Đây là một đòn tâm lí nhằm đánh lạc hướng thí sinh giỏi môi mép nịnh bợ, khéo léo miệng lưỡi mua chuộc lòng chủ. Còn thực tâm lòng họ xa chủ. Để loại bỏ những thí sinh mà chủ có lần nói

‘quân này yêu mến ta bằng môi, bằng miệng, còn lòng chúng thì xa ta’

Mark 7, 6 và Is 29,13.


Chủ nhân dùng loại nước sơn phân biệt thực giả, đo lòng trung tín của thí sinh. Công dụng lớp sơn bóng rất khác thường. Thí sinh chỉ cần cầm khúc cây một thời gian, mồ hôi tay ngấm vào gỗ cây. Mồ hôi tay hoà với sức nóng của thân nhiệt biến khúc cây trở thành của riêng thí sinh đó. Không ai có thể giả mạo hay hoán đổi được. Từ lúc đó trở đi khúc cây là của riêng thí sinh, rất đặc thù, không thể giả mạo, không thể đánh tráo vì thân nhiệt và mồ hôi người đó đã ngấm vào thân mộc của khúc cây. Chính vì thế mà chủ khúc cây rất an tâm và tự tin là không ai đủ tài đánh tráo khúc cây chủ trao cho thí sinh. Bí mật thứ hai có hai công dụng. Một là biến khúc cây thành một phần gia sản của thí sinh. Hai là mẫu mực đo lòng trung tín của thí sinh khi vắng mặt chủ.

Điều này rất quan trọng. Chủ không sợ cảnh

Xa mặt cách lòng.

Quá trình thi tuyển chủ nhân không phải theo sát thí sinh nhưng dùng những biện pháp riêng để kiểm soát. Ở giai đoạn cuối cùng của cuộc thi chủ nhân căn cứ vào những ghi nhận trên khúc cây mà thưởng công. Như thế bí mật thứ hai của khúc cây có hai mục đích. Nó được coi là người bạn đồng hành của thí sinh. Thứ hai nó cũng là nhân chứng cho mọi hành vi tốt xấu, trung tín, thất tín của thí sinh.

Bí mật thứ ba

Thí sinh rất dễ nhận ra khúc cây của mình mà không nhận lầm khúc cây của người khác nhờ vào mùi mồ hôi tay. Khi thân nhiệt và mồ hôi tay quyện với nhau ngấm vào khúc cây. Khúc cây sẽ phát ra một mùi thơm riêng. Mùi này rất thích hợp với khứu giác thí sinh. Chỉ cần đến gần là có thể nhận ra ngay khúc cây của mình. Nếu lỡ cầm lầm của người khác mùi hôi kia sẽ phát tín hiệu báo khứu giác, nhắc cho biết là thí sinh đó đang lầm lỗi. Cầm càng lâu sức nóng và mồ hôi tay ra càng nhiều mùi mồ hôi khác lạ càng đậm, càng nặng mùi. Chỉ điểm này thôi cũng đủ cho biết không thể tráo đổi khúc cây của mình với khúc cây của thí sinh khác. Bí mật thứ ba xác quyết khúc cây không thể hoán chuyển.

Bí mật thứ tư

Nhờ mồ hôi tay và thân nhiệt xúc tác mà khúc cây có cùng độ nóng cơ thể thí sinh phát ra. Khi độ nóng của khúc cây và độ nóng của cơ thể bằng nhau, trên mặt gỗ in những lằn chỉ tay của thí sinh. Những chỉ tay này in đậm vào lớp sơn bóng. Càng cầm khúc cây lâu chừng nào chỉ tay càng in đậm chừng đó. Chỉ tay kết hợp với nước sơn bóng tạo nên tính phản xạ mãnh liệt. Chỉ cần một đốm sáng chiếu dọi cũng đủ giúp nó toả sáng vào lúc đêm khuya, tối trời. Càng có nhiều chỉ tay, khúc cây càng sáng tỏ. Để có được độ nóng cần thiết thí sinh cần cầm khúc cây một thời gian lâu đủ cho mồ hôi tay và thân nhiệt thấm vào cây. Biếng nhác cầm khúc cây sẽ không có đủ chỉ tay in vào và như thế không đủ ánh sáng soi chiếu khi cần đến.

Mồ hôi và thân nhiệt mỗi người một khác nên khi người khác cầm vào khúc cây, dấu chỉ tay của người đó phát ra ánh quang khác màu vì bị ảnh hưởng bởi mồ hôi và thân nhiệt khác nhau. Bí mật thứ tư giúp chủ nhân biết được có bao nhiêu người từng giúp mang khúc cây nhờ đếm các loại màu ánh sáng toả ra khác nhau. Việc kiểm soát này tuyệt đối chính xác vì là kết quả của thân nhiệt, mồ hôi và chỉ tay mỗi người đều khác nhau. Cũng nhờ vào những chỉ tay khác này mà chủ nhân còn đo được lòng bác ái của những thí sinh dành cho nhau. Điểm này rất quan trọng vì ngoài chữ tín ra, thí sinh cần có lòng bác ái, thương người. Đây chính là điều chủ nhân mong mỏi vì người có lòng thương người sẽ đối xử tốt với công nhân làm vườn nho cho chủ. Và như thế chủ không phải lo lắng việc công nhân bị hiếp đáp, hành hung khi vắng mặt chủ.

Bí mật thứ năm

Để có được ánh quang trở lại. Thân nhiệt và mồ hôi tay của thí sinh giúp lấy lại ánh quang đã mất. Đây là việc dễ thực hiện cho những ai kiên tâm, bền chí, quyết lấy lại gì đã mất. Trái lại là việc quá khó cho những ai thiếu kiên nhẫn. Ngày nào cũng cầm khúc cây trong tay. Khúc cây luôn ngấm mồ hôi tay và luôn hấp thân nhiệt, ánh quang luôn sáng. Một khi đã hết ánh quanh, phải mất nhiều ngày liên tục, mỗi ngày phải ấp ủ nhiều giờ thì ánh quang mới từ từ hồi phục. Chính vì mất nhiều ngày và nhiều giờ mỗi ngày mà thí sinh thường nản lòng, mất kiên nhẫn trong việc lấy lại ánh quang. Bí mật thứ năm giúp chủ nhân nhận biết thí sinh là người có lòng thống hối khi làm điều sai trái hay là người cố chấp, dùng ngôn từ lấp liếm sự thật. Mầu sắc của ánh quang cũng thay đổi theo thời gian ghi nhận của khúc cây. Chủ nhân có thể nhìn vào ánh quang để xác định ngày giờ ánh quang đó được ghi dấu trên khúc cây.

Bí mật thứ sáu

Tim con người có nhịp đập khác nhau. Khi vui con tin đập khác điệu với lúc buồn. Lúc thoải mái, thảnh thơi, tâm hồn thanh thản con tim cũng đập khác lúc tâm hồn bị gò bó, bắt buộc, cưỡng bách phải làm việc. Bởi vì con tim điều khiển máu lưu thông trong người nên nhịp đập của con tim cũng phát ra những luồng máu nóng khác nhau. Những luồng máu nóng khác nhau này hoà với mồ hôi tay ghi lại những vết nhăn, vết gấp khác nhau khi ghi nhận chỉ tay. Chính những điểm này tố cáo thí sinh làm việc vì lòng mến chủ, chân thành, phó thác hay thí sinh làm vì bắt buộc, vì lời thề, hay vì hoàn cảnh. Bởi vì những vết nhăn, gẫy khúc nên ánh quang phát ra từ những dấu tay đó bị ảnh hưởng. Bí mật thứ sáu giúp chủ nhận biết mức độ trung tín và lòng chân thành của từng thí sinh. Tất cả đều hiện lên qua dấu vết chỉ tay in trên khúc cây.

Bí mật thứ bảy

Đo tuổi ánh sáng như tính tuổi con người. Mỗi năm một tuổi. Bình thường con người không để ý đến tuổi của ánh sáng. Ánh sáng có tuổi hay không cũng không liên hệ đến cuộc sống con người. Chủ vườn nho lại nghĩ khác. Vì thế chủ vườn nho có cách đo tuổi của ánh sáng mà thí sinh không thể nào hiểu được. Trong lớp sơn bóng của khúc cây có ngầm chứa một chất đo tuổi của ánh sáng. Sinh nhật của ánh sáng bắt đầu khi thân nhiệt thí sinh có cùng nhiệt độ của khúc cây. Đó là ngày khai sinh của ánh sáng. Chủ nhân nhìn vào đó để biết ngày sinh của ánh sáng và đó cũng là cách đo độ sáng trong lòng thí sinh. Càng gần cuối cuộc thi ánh sáng của khúc cây càng sáng tỏ vì ánh sáng đó nhận được tín hiệu từ nhà chủ vườn nho phát ra.

Thi rớt

Mất ánh quang coi như thi rớt. Điều kiện để được tuyển chọn là lòng trung tín. Lòng trung tín được đo bằng mức độ ánh quang khúc cây phát ra. Chủ nhân lí luận người trung tín trong công việc là người luôn bảo vệ những gì được trao phó. Bảo vệ khúc cây chính là nâng niu và giữ khúc cây trong sáng. Không trung tín trong việc nhỏ sao có thể trung tín trong việc lớn.

(dụ ngôn nén bạc Mat 25)

Tới đây có lẽ bạn đọc đoán biết người dự thi không ai khác mà chính là bạn. Bạn mường tượng ra được khúc cây rồi chứ. Thưa khúc cây đó không gì khác hơn là thập giá đời người. Chủ vườn nho chính là Thiên Chúa. Giọt máu trong khúc cây chính là Máu Con Một Chúa, Đức Giêsu Kitô. Siêng và chân thành vác thập giá trở thành ánh sáng, sức mạnh hướng dẫn chân ta bước, giúp người khác trong tinh thần bác ái là đức tính cao cả của Kitô hữu. Ánh sáng phát ra từ thập giá do mồ hôi và sức cần lao làm việc của ta làm cho Danh Chúa được cả sáng hơn. Lười biếng từ chối thập giá vẫn phải vác đi trọn đời, trọn kiếp sống đời người, tuyến đường thử thách, đã không được nhận công, còn bị trách.

Hy vọng tất cả chúng ta đều hết lòng tin tưởng, phó thác đời mình cho Chúa.
 
Phục vụ, hiến thân cho tha nhân - Nhận được Nước Trời
Lm. Jude Siciliano, OP
07:01 12/10/2009
CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN (B)

Is 53: 10-11; Tv 33; Dt 4: 14-16; Mc 10: 35-45

Đáng lý thánh Mác-cô có thể biên tập lại phúc âm hôm nay cho êm dịu đi chứ? Anh chị em có thấy được hai môn đệ sống gần Chúa Giêsu nhất, là Gia-cô-bê và Gio-an, lại là là những kẻ cơ hội không? Mát-thêu viết phúc âm sau Mác-cô, cũng kể chuyện phúc âm ngày hôm nay, nhưng làm nhẹ đi bằng cách kể là mẹ của hai môn đệ này xin Chúa Giêsu những điều nói trên. (Thật là xấu hổ cho một người mẹ Do Thái… nhưng chuyện này sẽ bàn đến sau). Mác-cô không viết gì thêm để làm dịu bớt sự bon chen của hai môn đệ này. Ông viết cả hai cùng xin Chúa Giêsu ân huệ, và Chúa Giêsu như muốn nhận lời các ông. “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Rồi hai môn đệ đáp lại đầy bon chen. nhằm nắm chắc là họ sẽ được phần thưởng, là quyền uy và danh dự. “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang”. Những người theo Chúa Giêsu đầu tiên này có đáng làm gương cho đức tin của chúng ta không? Theo Mác-cô thì chắc là không.

Chúng ta hãy nhìn thẳng vào vấn đề. Nếu chuyện này xảy ra giới kinh doanh, hay trong giới quân sự khi đánh chiếm được một lãnh thổ hay một quốc gia, và nếu anh chị em quen biết trước với ông giám đốc, hay vị tướng lãnh chỉ huy, thì bạn cố gắng nói riêng với ông giám đốc hay vị chỉ huy để có được quyền uy trước nhất không? Nếu bạn ở trong giới kinh doanh, hay trong giới chính trị trong xã hội, thì việc nắm lấy uy quyền là việc phải làm. Có lẽ bạn sẽ được ca ngợi vì bạn đã biết đi trước.

Nhưng trong cộng đoàn đức tin và nước Trời mà Chúa Giêsu đến để thành lập là một điều hoàn toàn khác. Đó không phải là điều mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ trên đường đi Giê-ru-sa-lem. Ngài dạy về việc phục vụ và hy sinh mạng sống mình cho kẻ khác. Hai môn đệ đó chẳng hiểu gì về lời dạy đó. Và thánh Mác-cô không e ngại kể lại là các ông đã không hiểu gì về lời Chúa Giêsu dạy. Mười môn đệ kia nghe hai ông xin Chúa Giêsu điều đó thì họ đâm ra “tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an”. Theo Thánh Mác-cô, mười môn đệ kia cũng chẳng hiểu gì hơn. Họ “tức tối” vì Gia-cô-bê và Gio-an chiếm thế thượng phong. Như ta thường nói “ai tới trước thì được trước”, và mười môn đệ kia là kẻ đến sau.

Chúng ta không thể trách các môn đệ là họ không hiểu lời dạy của Chúa Giêsu. Thật ra không vị lãnh đạo một phong trào canh tân nào lại có thể nghĩ là các người theo họ sẽ trung thành khi chỉ hứa ban sự đau khổ, sống phục vụ, vâng phục, và nên chọn chỗ rốt hết; như Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ Ngài? Có lẽ vì vậy mà Chúa Giêsu có ít môn đệ ở lại với Ngài, và phần đông họ đã bỏ chạy hết khi Chúa Giêsu chịu chết ở Giê-ru-sa-lem.

Sự hiểu lầm của các môn đệ Chúa Giêsu trong việc thực hiện mọi đòi hỏi của Ngài không phải chỉ riêng cho những môn đồ đầu tiên mà còn cho cả chúng ta nữa. Với câu hỏi như đã hỏi Gia-cô-bê và Gio-an. “Các anh có uống nổi chén Thầy sắp chịu uống không?” Hai ông trả lời “Thưa được”, nhưng sự thật là họ không làm được. Và chúng ta cũng không làm được, vì Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta làm tôi tớ, làm nô lệ, phải sẵn sàng chấp nhật sự bất an, và sự đau khổ vì lời dạy của Chúa Giêsu. Trong đời sống chúng ta đã bị lệ thuộc rất nhiều, vì sao chúng ta lại muốn nhận thêm những bực mình đó? Vì sao chúng ta lại muốn dự phần vào sự đau khổ của Chúa Giêsu?

Chúng ta nên biết rằng Chúa Giêsu không đòi hỏi chúng ta chấp nhận bất kỳ loại đau khổ nào, và không phải những đau khổ đều tốt cho bản thân. Trái lại, việc Chúa Giêsu chữa những người đau ốm, tàn tật, là Ngài muốn họ không còn đau khổ và không bị tà thần bách hại. Thay vào đó, Ngài mời gọi các môn đệ hãy lãnh nhận thánh giá Ngài, uống chén đắng Ngài uống, và biết phó thác trong phép Thánh tẩy. Không phải phép Thánh tẩy ở sông Jordan, mà là phép thánh tẩy qua lửa mà Ngài sắp phải chịu.

Chúa Giêsu không là phần thưởng trao tay dịp cuối năm cho những thành quả tốt của công việc. Các môn đệ Chúa Giêsu không phải là thành thành viên của ban giám đốc một công ty đa quốc. Trái lại, họ được mời gọi theo Chúa Giêsu như một tôi tớ. Nếu các ông được chọn làm lãnh đạo, các ông trở nên như tôi tớ, và biết hy sinh mạng sống mình vì kẻ khác như Chúa Giêsu vậy. Nhờ vậy Thiên Chúa sẽ định cho phần thưởng tương xứng.

Thật ra chúng ta cũng đã có những người nói là họ đã được phần thưởng rồi. Một người với sự chấp thuận của vợ con đem người cha già đau bệnh Alzheimer về nhà để săn sóc đến khi người cha qua đời. Cử chỉ đó chứng tỏ tình thương và sự hy sinh của gia đình. Vì lối sống hàng ngày trong gia đình sẽ phải có nhiều thay đổi lớn lao. Sau khi ông nội mất, tất cả đều đồng ý là mặc dù chi phí cá nhân và gia đình tăng, nhưng họ không còn cách nào khác. Và họ cảm thấy được tràn đầy ơn Chúa vì họ được diễm phúc săn sóc ông nội cho đến giờ cuối cùng.

Còn có nhiều chuyện khác nói về sự hy sinh trong đời sống gia đình. Chúng ta có thể nói “Đúng vậy, đó là những chuyện mà gia đình phải làm”. Nhưng, nơi Chúa Giêsu, từ “gia đình” được mở rộng và vượt qua khỏi tình máu mủ. Nhờ đó chúng ta thấy tất cả mọi người là anh chị em của chúng ta. Và những gì họ cần giúp, chúng ta sẵn sàng hy sinh; như khi chúng ta uống chén đắng Chúa Giêsu đã trao. Vì vậy, tại sao chúng ta chấp nhận lời mời gọi đi theo Chúa Giêsu? Chúng ta có phải là những người thích chịu đau khổ không? Hay chịu ruồng bỏ, bị ngược đãi như người ngây ngô không? Có phải vì chúng ta nghe Chúa gọi chọn một đời sống viên mãn hơn và đầy đủ ý nghĩa hơn không? Có phải nhờ đó chúng ta khám phá được đời sống mới; khác hẳn với những tiêu chuẩn của thế gian đặt ra để đo lường sự thành công; nhờ vậy được dự phần vào đời sống của Thiên Chúa ngay từ bây giờ chăng?

Khi chúng ta đáp lại lời mời gọi của Chúa Giêsu, chúng ta khám phá ra rằng những gì gọi là “thành công” của thế gian không có giá trị bền vững. Chúa Giêsu nói với chúng ta là đường lối Ngài dẫn đến đời sống mới mà Ngài đã hứa cho chúng ta có nhiều dịp cho chúng ta phục vụ hay không; để cung cấp và tích góp cho cuộc sống; bỏ đi ý niệm chúng ta là trung tâm của vũ trụ, luôn quan tâm đến những anh em ở bên lề cuộc sống. Nói một cách khác là hy sinh đời sống mình cho một cách chết thế nào theo sự đòi hỏi của Chúa, để khi chúng ta chết đi là chúng ta được sống lại một đời sống mới. Bài phúc âm hôm nay, một lần nữa nhắc chúng ta được Chúa Kitô mời uống chén đắng mà Ngài đã uống, và chịu phép thánh tẩy bằng lửa của Ngài, và rồi sẽ lãnh nhận ơn thánh hóa đời sống mà Thiên Chúa ban tặng.

Thánh Mác-cô không che đậy những yếu điểm của các môn đệ Chúa Giêsu. Ông cũng không trình bày Chúa Giêsu xua đuổi các ông ra để tìm những môn đệ khác xứng đáng hơn để theo Ngài. Các ông vẫn tiếp tục không hiểu Ngài, ngay cả khi Thầy các ông cần đến họ nhất. Khi Chúa Giêsu sống lại, Ngài tha thứ các ông và cho Thánh Linh Ngài xuống trên các ông, để gọi các ông đi khắp thế gian kêu gọi người khác, Chúa Giêsu gọi các ông là những kẻ lưới người.

Câu chuyện các môn đệ cho chúng ta niềm hy vọng. Ai trong chúng ta đã có lần thất bại khi phải uống chén đắng Chúa Giêsu đã trao? Ai trong chúng ta lại không có thái độ tranh giành; sử dụng quyền uy; hay thiếu khiêm nhường và thiếu tin cậy vào Thiên Chúa; hay không hy sinh mình đúng nghĩa vì tin mừng phúc âm, hay bị lạc hướng tích góp của cải chung; và không thành thật theo lời Chúa Giêsu dạy? Dù chúng ta giữ địa vị nào trong gia đình, trong cộng đoàn, chúng ta tất cả đều có lần không nghe lời Chúa dạy về việc theo Ngài như các môn đệ đầu tiên xưa đã làm trong câu chuyện phúc âm thánh Mác-cô ngày hôm nay.

Nhưng, cũng như các môn đệ, chúng ta đều được hưởng ơn tha thứ. Cùng Thánh Linh Chúa cho chúng ta thêm sức mạnh như đã cho các môn đệ. Chúng ta nghe lời dạy của Chúa Giêsu, chúng ta chấp nhận sự thất bại của chúng ta vì không sống theo lời dạy đó. Và chúng ta ngạc nhiên vì chúng ta lại được gọi đi để làm tôi tớ cho thế gian, là nơi mà chúng ta được nghe là Nước Trời của Chúa Giêsu dành cho những ai biết phục vụ và hiến mình cho kẻ khác.

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Tôn vinh Thủ Lãnh muôn dân
J.B. Nguyễn Quốc Tuấn
08:56 12/10/2009
Xin tôn vinh Người - Thủ Lãnh muôn dân
Đã viết nên bản tình ca phục vụ
Đã hạ mình làm tôi trung đau khổ
Theo lệnh Cha để cứu độ nhân trần

Xin chúc tụng Người – Vua muôn thế hệ
Vì yêu thương đã chẳng ngại hiến dâng
Vì yêu thương ghánh tội lỗi phàm nhân
Cho muôn người được thông phần công chính

Xin ngợi ca Người – Vua muôn thần thánh
Đã cảm thương nỗi hèn yếu con người
Đã vui lòng làm tớ tôi phục vụ
Để mở ra một vương quốc trên Trời

Xin tiến dâng lời kính tôn cảm đội
Trước oai linh Thủ Lãnh của muôn loài
Cho đoàn con làm thần dân Quốc Thánh
Trong yêu thương trong phục đắp xây.
 
Trao đổi với tác giả “Cuộc cải tổ của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI”
Christophe Geffroy
10:02 12/10/2009
Phụng vụ và Truyền thống
Trao đổi với tác giả “Cuộc cải tổ của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI”


WHĐ (12.10.2009) – Đức ông Nicola Bux, linh mục Ý, một chuyên gia về Phụng vụ, vào đầu tháng 10 vừa qua, đã cho ra mắt cuốn sách có nhan đề: “Cuộc cải tổ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI,” ghi lại các cột mốc giữa cải tổ chính đáng và cách mạng, qua đó mở đường cho hòa bình trong phụng vụ như Đức giáo hoàng (ĐGH) mong muốn. Cuốn sách này đã gây nên một cuộc tranh luận thực sự tại Italia.

Đ.Ô. Nicola Bux
Christophe Geffroy, Giám đốc trang tin điện tử công giáo La Nef đã thực hiện cuộc trao đổi với Đức ông Bux về quyển sách gây xôn xao dư luận này.

Christophe Geffroy (La Nef): Đức ông đã viết ở trang 69 rằng “Phụng vụ đã trở thành một bãi chiến trường”: tại sao và bằng cách nào người ta lại đã đi đến một tình trạng như hiện nay, một tình trạng làm mất đi chính cái ý nghĩa của phụng vụ, Đức ông (ĐÔ) có cho thấy điều này trong cuốn sách của mình?

- Đ.Ô. Nicola Bux: Có, tôi đã dành chương ba cho “cuộc chiến trong cải tổ phụng vụ”, theo tôi, đã diễn ra trong hai giai đoạn trong và sau Công đồng chung Vatican II. Lý do của cuộc xung khắc này nằm ở chỗ giải thích phụng vụ: phụng vụ -cũng như chính niềm tin của Giáo hội- có liên tục hay không với Truyền thống? Nghịch lý là ở chỗ các nhà đổi mới đã sử dụng mô hình của Giáo hội tiên khởi để bảo vệ sự cần thiết phải có những thay đổi trong phụng vụ, y hệt như những người vụ truyền thống đã làm để giữ nguyên tình trạng. Chúng ta đứng trước cũng một cái “tội”: chủ nghĩa trọng cổ, đã bị chính Đức Giáo hoàng Piô XII lên án trong Thông điệp Mediator Dei (1947).

Người ta có thể dùng biện pháp chấn chỉnh nào để tránh không làm mất đi tinh thần của phụng vụ vốn là một sự gặp gỡ với mầu nhiệm qua truyền thống của Giáo hội, thân mình sống động của Chúa Kitô? Chúng ta phải hiểu rằng sự phát triển của phụng vụ diễn ra một cách hữu cơ và người ta gần như không nhận ra. Để ra khỏi sự bế tắc hiện nay, chúng ta phải tìm hiểu Sacrosanctum Concilium [Hiến chế Phụng vụ của Công đồng chung Vatican II] và xem xét một cách có phê phán việc áp dụng văn kiện này trong thời kỳ sau Công đồng. Nhưng chính vấn đề “hòa bình” mới là điều ĐGH Bênêđictô XVI đề xuất qua tự sắc Summorum Pontificum, sự hòa bình có thể giúp giải quyết cuộc tranh cãi phụng vụ: ĐGH mời gọi tìm hiểu lịch sử, giáo thuyết và kỷ luật của phụng vụ và giúp đưa ra cho tất cả các thế hệ một cách hiểu mới về phụng vụ. Bởi vì sự không thấu hiểu luôn luôn làm nảy sinh thái độ thiên vị.

Nhiều lần trong cuốn sách của ĐÔ, xem ra ĐÔ muốn giảm thiểu vai trò của Đức Giáo hoàng Phaolô VI trong việc cải tổ (xem trg. 101-102), như thể cuộc cải tổ này đã vuột khỏi tay ngài: ĐGH Phaolô VI đã theo dõi rất sát các giai đoạn của cuộc cải tổ, đó chẳng phải là một cách thức để nói ngài không có trách nhiệm trong thảm họa phụng vụ theo sau cuộc cải tổ?

– Như chúng ta biết, ĐGH Phaolô VI có một vai trò rất quan trọng tại Công đồng chung Vatican II: chính nhờ việc điều tiết của ngài mà công việc của Công đồng đã có thể đi tới cùng đích của nó. Chúng ta cũng biết là, về các vấn đề phụng vụ, ngài đã đem lại một số sửa chữa cho Ordo Missae năm 1969. Trong bài giảng nổi tiếng ngày 29-6-1972, ĐGH đã nói đến “đám khói Satan” đã len vào trong Giáo hội: như vậy là người biết rõ cuộc cải tổ đã có những lạm dụng. Dĩ nhiên, không có sự chỉ đạo hay sự chấp thuận của Đức Giáo hoàng, Consilium ad exsequendam Constitutionem de sacra liturgia (Hội đồng thực thi Hiến chế Phụng vụ Thánh), hẳn sẽ không có khả năng tiếp tục. Các công trình nghiêm túc mới đây được xuất bản tại Italia đã xác nhận phân tích này.

Phụng vụ trong khuôn khổ của Truyền thống của Giáo hội, như đã được nói trong lời mở đầu của tự sắc Summorum Pontificum, chỉ có thể được gìn giữ, được duy trì và tôn trọng bởi quyền uy tối thượng lên tới chính Đức giáo hoàng; ngay cả Công đồng chung Vatican II cũng không thể hành động khác được khi người đã bắt đầu canh tân phụng vụ.

Đức Ông đã viết: “việc cải tổ phụng vụ không hoàn hảo, và chưa hoàn tất” (trg. 157): ĐÔ nghĩ đến ý tưởng của Hồng y Ratzinger về một cuộc “cải tổ việc cải tổ”. Nhưng liệu người ta có thể nói rằng cuộc cải tổ đã đi quá xa, ngoài mong muốn của các nghị phụ? Và đưa ra ý nghĩ là cuộc cải tổ chưa hoàn tất, như vậy chẳng phải là duy trì một tâm trạng ở trong thay đổi thường trực từng làm chúng ta cực khổ?

– Phụng vụ vốn phải sống động trong Giáo hội sống động, bởi vì Giáo hội là semper reformanda [luôn phải được cải tổ]; chúng ta có thể nghĩ rằng phụng vụ cùng hành trình với Giáo hội. Đó chính là lý do tại sao một cuộc cải tổ phụng vụ không bao giờ có thể là cuối cùng. Tuy nhiên, với điều kiện là phải hiểu rõ từ “cải tổ” vốn không đồng nghĩa với “cách mạng”, mà đúng hơn là đặt vào đúng thể thức điều gì đó đang có nguy cơ biến dạng. Như thể khôi phục một bức tranh tường quý giá đang có nguy cơ hư hỏng. Từ ĐGH Piô X đến ĐGH Piô XII, tức trước Công đồng chung Vatican II, đã có những bước canh tân phụng vụ, phong trào này do đó chưa kết thúc một cách vĩnh viễn. Từ traditio phát xuất từ động từ tradere, vốn chỉ một sự chuyển động, sự chuyển động của Chúa Thánh Thần trong lòng Giáo Hội của Chúa Kitô, chính Người là Đấng “đổi mới mọi sự”. Do đó, cần phải nói đến một sự thay đổi hay một sự phát triển hữu cơ của phụng vụ.

Chương cuối của tập sách gợi lại “một chuyển động mới trong phụng vụ”. ĐÔ thấy thế nào về sự xuất hiện của một sự chuyển động như vậy và mục tiêu của nó là gì? Nếu, nhờ sự chuyển động này của phụng vụ, chúng ta đi tới chỗ “hoàn tất việc cải tổ”, điều này, cuối cùng, sẽ dẫn tới chỗ tìm thấy lại sự thống nhất của nghi lễ Rôma hay hai hình thức của cùng một nghi lễ sẽ còn có thể sống chung với nhau lâu dài?

– Chúng ta có thể thấy sự chuyển động hay phong trào phụng vụ này nảy sinh từ lòng yêu mến truyền thống của Giáo hội mà nhiều người trẻ đã khám phá thấy. ĐGH Bênêđictô XVI đã đem lại một sự thúc đẩy mới cho phong trào này với sự kiên nhẫn của tình yêu thương, dĩ nhiên trong sự kết nối với phong trào phụng vụ của thế kỷ XIX và của tiến bán thế kỷ XX. Mục tiêu sẽ là khám phá lại nghi thức Roma như chính ĐGH đã viết trong thư gửi giáo sư Lothar Barth. Lúc này, như ĐGH đã viết trong Tự sắc, hai hình thức, thông thường và bất thường, phải làm giàu cho nhau, điều này đòi hỏi các linh mục phải biết cử hành cả hai hình thức của cùng nghi thức Roma.

ĐÔ đã chứng minh (trg. 113-122) rằng thánh lễ - được gọi là của thánh Giáo hoàng Piô V - không hề bị bãi bỏ, và rằng ĐGH Bênêđictô XVI cũng đã khẳng định điều này trong Summorum Pontificum, trong khi đó ĐGH Phaolô VI lại nói hoàn toàn ngược lại trong bài diễn văn ngày 24-5-1976 của người, (như ĐÔ đã trích dẫn): ĐÔ giải thích ra sao sự mâu thuẫn này?

– Tuyên bố của ĐGH Phaolô VI trong bài diễn văn -“Ordo mới đã được ban hành để thay thế Ordo cũ”- không có nghĩa là bãi bỏ sách lễ Roma của thánh giáo hoàng Piô V, mà là cấm sử dụng sách lễ này. Cách giải thích này tạo cơ sở cho đặc quyền của ĐGH Gioan Phaolô II, vốn là một quyết định có tính pháp luật cho phép sử dụng điều đã bị cấm. Từ “bãi bỏ” trong tiếng la tinh có nghĩa là hủy bỏ, phá hủy: liệu chúng ta có thể nghĩ rằng ĐGH Phaolô VI lại muốn hủy bỏ Sách lễ đáng kính của thánh giáo hoàng Piô V, vị tiền nhiệm của ngài chăng? Trong Tự sắc, ĐGH Bênêđictô XVI đã giải thích vấn đề theo cách ấy: thánh lễ của thánh giáo hoàng Piô V -mà chúng ta có thể gọi là “Bộ lễ của thánh Grêgoriô Cả”- đã được chuyển từ một tình trạng bất thường, indult, sang một tình trạng thông thường, tình trạng của tự sắc [motu proprio].

Tuy nhiên, từ những suy nghĩ có tính cách giáo luật về các từ trên của lề luật, chúng ta có thể rút ra kết luận là motu proprio [tự sắc] đem lại cho “vấn đề phụng vụ” một quy chế hoàn toàn mới, bởi vì nó đặt lại “vấn đề phụng vụ” trên một bình diện thần học và lý thuyết – và theo thiển ý chúng tôi, cả trên bình diện lịch sử nữa; đó là điểm lợi chính của công thức mới chứa đựng trong khoản 1. Một điểm lợi khác, được giáo sư Antonio S. Sánchez-Gil lưu ý: xem bộ lễ cũ và mới không phải “như hai hệ thống pháp luật hay hai hệ thống không thể thông truyền với nhau”, mà như hai cách diễn đạt phụng vụ của một lex orandi [luật cầu nguyện] duy nhất của nghi thức Roma vốn có thể làm giàu cho nhau, cũng như người ta phải làm giàu, phải tiếp nhận và xem lại ars celebrandi [cách thức cử hành]. Đó là điều mới mẻ chính yếu và quan trọng của motu proprio [tự sắc], bởi vì cuộc cải tổ một lần nữa được ghi vào trong truyền thống vốn tiếp tục là sách chỉ nam của chúng ta.

“Sự thay đổi phương hướng này trong phụng vụ đã tạo nên một độ lệch của chính đức tin” (trg. 31), ĐÔ viết. Xin ĐÔ nói rõ hơn về điểm này và cho chúng tôi biết tại sao việc trở về với một sự cử hành “versus Deum” [hướng lên Thiên Chúa] lại có tính cách thay đổi tinh thần hiện nay của phụng vụ?

– Phụng vụ là sự gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa luôn đi bước đầu, Ngài vốn là Chúa của lịch sử và của vũ trụ, Ngài luôn đi trước chúng ta: với việc catabàsi (đi xuống) của Ngài, Ngài nói với chúng ta và cứu độ chúng ta. Đó chẳng phải là tinh thần của phụng vụ phương Đông và phương Tây, phụng vụ của đất cũng như của trời đó ư? Từ khởi thủy cho đến ngày nay, linh mục, ở phương Đông, cử hành ad Dominum [hướng về Chúa] và chẳng ai nghĩ linh mục quay lưng cho mình! Làm sao chúng ta có thể sursum corda [nâng tâm hồn lên], nghĩa là ad Dominum [hướng về Chúa], nếu linh mục đối diện với chúng ta và thu hút sự chú ý của chúng ta? Điều này quả là rất khó về phương diện tâm lý. Chúng ta có thể nghĩ cùng với ĐGH, rằng lòng tin và cầu nguyện sẽ tìm thấy lại chiều hướng này của việc định hướng nếu Thập giá được đặt vào lại trung tâm, và trở thành tâm điểm của sự chúy ý của linh mục và tín đồ. Và chúng ta có thể thêm rằng việc vị chủ tế hướng về Chúa ad Dominum là một cử chỉ mang tính đại kết đối với các tín đồ Chính Thống giáo!

Trong tập sách, ĐÔ nhấn mạnh nhiều đến ý nghĩa thánh thiêng của phụng vụ, đến tầm quan trọng của cái đẹp, của các cử chỉ và biểu tượng (như việc quỳ gối chẳng hạn): làm sao ý nghĩa thánh thiêng này lại bị mai một và làm sao đưa nó vào lại trong phụng vụ hiện nay?

– Giữa người Do Thái và người Kitô hữu, khi nói đến thánh thiêng, họ luôn đơn thuần quy về sự Hiện diện (shekinak theo tiếng Hipri) của Thiên Chúa trong Sancta Sanctorum, nghĩa là Sanctissimum [nơi cực Thánh]. Cử chỉ cổ điển của việc nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa là quỳ gối: đây là sự thờ phượng. Sự mai một của ý thức về sự hiện diện của Chúa trong Giáo hội đã dẫn đến sự mai một của ý thức về phụng vụ với tính cách là việc thờ phượng. Để có lại ý thức này, vị trí của nhà tạm là rất quan trọng! Về điểm này, cần phải suy nghĩ và trao đổi để tìm ra giải pháp cho một số mâu thuẫn gặp thấy trong các hướng dẫn hậu công đồng, như tôi đã nêu trong tập sách.

Khi đề cập đến tự sắc Summorum Pontificum, ĐÔ đã biện minh cho phân tích của ĐGH Bênêđictô XVI về sự kiện là không thể có “gián đoạn” trong phụng vụ. Làm thế nào để dung hòa khẳng định này với những gì chính Hồng y Ratzinger đã viết, người đã từng nói nhiều lần đến sự “gián đoạn” và “nền phụng vụ được chế tạo” hay, cụ thể hơn, với những gì nhiều tín đồ đã sống và đã nhìn thấy thánh lễ bị biến đổi một cách tàn bạo?

– ĐGH, trong tự sắc, đã mô tả phụng vụ của Giáo hội trải qua các thế kỷ trong sự liên tục với thời các tông đồ, bởi vì, phụng vụ trước tiên có tính tông truyền. Khi ĐGH Bênêđictô XVI nói đến gián đoạn hay phụng vụ được chế tạo, người có ý nói rằng “sự kết nối” đã bị đứt đoạn. Giá trị hiến tế của thánh lễ đã được thay thế bởi việc tưởng nhớ bữa tiệc cuối cùng của ngày Thứ Năm thánh: đó là gián đoạn chính. Chính ĐGH Phaolô VI đã sửa chữa sự lạc đạo này trong editio typica lần thứ nhất của sách lễ Roma (điều 7); dĩ nhiên, thánh lễ cũng là một bữa tiệc, nhưng là tiệc vượt qua, nghĩa là với Chiên Thiên Chúa được tế hiến vì chúng ta. Bởi vậy phụng vụ, như người ta nói ở phương Đông, là một “bữa tiệc nhiệm mầu với Mình được tế hiến và Máu được đổ ra in remissionem peccatorum [để chuộc tội/ kẻ có tội được tha thứ]. Sách Khải Huyền cũng mô tả nền phụng vụ vĩnh cửu, được tượng trưng trên trái đất, bởi nền phụng vụ của Giáo hội. Khía cạnh huynh đệ, hay đúng hơn, hiệp thông của thánh lễ, tùy thuộc duy nhất vào mầu nhiệm này.

– Sau hai năm kinh nghiệm, ĐÔ nghĩ gì về việc áp dụng cụ thể tự sắc này và ĐÔ chờ đợi gì ở tương lai?

Mọi người đều biết là vào buổi đầu cử chỉ của ĐTC đã được đón nhận theo nhiều cách khác nhau. Trước tiên, một cuộc tranh cãi đã diễn ra, có “chống”, có “ủng hộ”, đồng thời, nhiều linh mục và giám mục đã bắt đầu cử hành thánh lễ theo hình thức bất thường. Bởi vậy, việc áp dụng cụ thể motu proprio đặt cơ sở trên thực tế, không có bất cứ một giới hạn nào. Tuy nhiên, chúng ta có thể hy vọng rằng hình thức bất thường sẽ phát triển với các thế hệ linh mục mới. Họ sẽ phải học tiếng latinh và thánh lễ của “thánh Grêgôriô Cả”. Chúng ta cần phải có nhiều kiên nhẫn, sự kiên nhẫn của lòng yêu thương, như ĐTC đã nói, khi người còn là hồng y trong cuộc Trao đổi về lòng tin nổi tiếng của người vào năm 1985.

– Tại Pháp, người ta có cảm tưởng rằng việc đưa thánh lễ của “thánh Grêgôriô Cả” vào các giáo xứ, như ĐÔ nói, đặt ra một vấn đề không thể vượt qua nổi, tới độ nhiều giám mục đã phải ngăn lại. Tại sao lại có một sự sợ hãi như vậy? Tại Italia có như vậy không?

Trong motu proprio, ĐGH trấn an các giám mục để các ngài không việc gì phải lo sợ việc đưa vào các giáo xứ thuộc giáo phận của mình hình thức bất thường, bởi vì đó không phải là duyên cớ gây chia rẽ mà tạo nên sự phong phú. Đây là một suy nghĩ: ngày nay, chúng ta không ngại mời các Kitô hữu tìm hiểu các tôn giáo khác và việc thờ phượng của các tôn giáo này. Dĩ nhiên, chúng ta coi họ là những người trưởng thành, có khả năng đánh giá tình hình một cách bình thản. Tại sao chúng ta lại phải nghĩ rằng các tín hữu không có khả năng hiểu được sự thống nhất trong đa dạng, không có khả năng hiểu được rằng nghi thức Roma quả là phong phú?

Tình hình có lẽ có khác tại Italia, bởi vì việc áp dụng cuộc cải tổ tại đây đã được quân bình hóa hơn. Tại Italia cũng thế, nhiều linh mục và giám mục đã bắt đầu cử hành theo sách lễ năm 1962: do đó, chúng ta có thể nghĩ tới một sự chuyển biến tốt, từ từ nhưng ngặt nghèo.

Trong tập sách, ĐÔ thường xuyên nói đến phụng vụ Byzantin: phụng vụ này đã biến chuyển ra sao qua các thời đại? Nền phụng vụ này có phải trải qua một cuộc cải tổ tương tự với cuộc cải tổ năm 1969 đối với nghi thức Roma? Phương Đông hiểu thế nào về cuộc cải tổ của chúng ta?

– Để bắt đầu, tôi muốn nhắc lại lời cổ vũ có tính cách đại kết của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Giáo hội phải thở bằng hai lá phổi: phương Đông và phương Tây”. Câu này thường được các người thuộc “phong trào đại kết” trích dẫn như một ví dụ về sự cần thiết phải hòa hợp hai truyền thống. Nhưng khi đề cập đến phụng vụ -vốn là pars magna (bộ phận chủ yếu) của di sản truyền thống Kitô giáo-, người ta lại được nghe những “distinguos” [lập trường phân biệt] hay đúng hơn, lại thấy thái độ giữ khoảng cách của một số chuyên gia phương Tây đối với phụng vụ phương Đông. Các chuyên gia này, chẳng hạn, khi nói về sự định hướng của linh mục, lại khẳng định rằng nghi thức Roma là một con đường khác với con đường của nghi thức Byzantin: điều này đúng về mặt lịch sử, nhưng chúng ta lại không có bổn phận phải cố gắng duy trì sự thống nhất hay tìm kiếm sự thống nhất đó ư? Nếu “các nhà chủ trương Đại kết” công giáo trách Giáo hội La tinh là đã làm chúng ta xa cách phương Đông khi Giáo hội công bố các tín điều về Đức Mẹ vô nhiễm nguyên tội và về Đức Mẹ lên trời, chúng ta lại không phải cũng lấy làm tiếc về sự kiện là, trong lĩnh vực phụng vụ, chúng ta đã bỏ các cử chỉ xuất phát từ “Giáo hội nguyên vẹn”, như lời cầu nguyện của linh mục ad Orientem [hướng về phương Đông] hay việc rước lễ nơi miệng? Đó chẳng phải là một sự mâu thuẫn đó sao? Nếu chúng ta bảo vệ các nguyên tắc của Giáo hội tiên khởi, đúng rồi, nhưng việc định hướng cũng nằm trong Giáo hội tiên khởi. Chúng ta đã chẳng phải là những nhà theo chủ nghĩa trọng cổ hay hiện đại tùy theo điều gì thích hợp với chúng ta đó ư?

Sau khi trình bày như vậy, chúng ta có thể thấy là phụng vụ Byzantin đã biến chuyển thành một hệ thống chặt chẽ, trước hết với truyền thống tông đồ và kế đó, với nền văn hóa Byzantin, nhưng vẫn duy trì sự thống nhất giữa ba chiều kích: nghi thức, kiến trúc và tranh ảnh, ermêneia, nghĩa là khoa giải các biểu tượng phụng vụ hay truyền phép. Do đó, nền phụng vụ này đã không phải trải qua một cuộc cải tổ tương tự như cuộc cải tổ năm 1969 đối với nghi thức Roma. Tại Nga, vào đầu thế kỷ trước, thượng phụ Nikon đã cố gắng cải tổ các sách phụng vụ, nhưng các tín đồ đã bác bỏ một cách dữ dội toàn bộ dự án cải tổ. Có lẽ chính kinh nghiệm này đã giải thích thái độ thiện cảm của người Chính Thống giáo đối với cuộc cải tổ của ĐGH Bênêđictô XVI. Chúng ta biết là Đức cố Thượng phụ Alexis đã bảy tỏ sự biểu đồng tình của người đối với motu proprio, nói rằng việc khám phá lại truyền thống đã hòa giải các Kitô hữu với nhau.

Gương của phụng vụ Byzantin có thể đem lại gì cho chúng ta ngày nay?

– ĐGH Gioan Phaolô II đã công bố tông huấn Orientale lumen [Ánh sáng Đông phương] vào năm 1995 trong đó người khuyến khích người Kitô hữu hướng về phương Đông, Đức Giêsu Kitô đã đến từ đó: phương Đông với tất cả kho tàng giáo lý, phụng vụ và thánh thiện phong phú. Chúng ta biết rằng trong bảy chục năm dưới chế độ cộng sản, Kitô hữu phương Đông đã có thể tồn tại được là nhờ nền phụng vụ được cử hành liên tục trong những hoàn cảnh khó khăn vì một số lớn nhà thờ đã bị phá hủy. Bài học gì có thể rút ra từ đây? Đó là phụng vụ là “fons et culmen” [nền tảng và chóp đỉnh] của đời sống Giáo hội trên trái đất, bởi vì phụng vụ ấy không từ trần thế mà là từ trời. Đó chính là lý do tại sao Công đồng chung Vatican II lại nhấn mạnh rằng phụng vụ có một phần bất biến của thể chế do Chúa thiết lập: cần phải tập trung việc tìm hiểu về chính cái phần bất biến này. Nghi thức Byzantin, với cái nhìn phụng vụ như “Trời trên trái đất”, có thể giúp chúng ta khám phá ra khía cạnh huyền nhiệm của nền phụng vụ La tinh. Nhưng đối với những người Công giáo vốn không biết hay không thể đến với phụng vụ Byzantin, thánh lễ của “Thánh Giáo hoàng Piô V”, hay hơn nữa, của “Thánh Grêgôriô Cả”- được xem là hình thức bất thường của nghi lễ Roma-, cũng đủ để hiểu được truyền thống phụng vụ La tinh. Các kitô hữu Byzantin (Chính Thống giáo và Công giáo), trong năm phụng vụ, có được cơ hội tham dự “phụng vụ thánh Gioan Chrysostome”, phụng vụ “thánh Basiliô”, hay phụng vụ “những kẻ Tiền thánh hóa”: nghĩa là cùng một nghi thức nhưng trong sự đa dạng.

Như vậy phụng vụ Byzantin cho chúng ta một ví dụ về sự thống nhất và về tính đa dạng mà không có gián đoạn hay chia rẽ, bởi vì nền phụng vụ ra đời từ một truyền thống đức tin duy nhất và phụng vụ chỉ có thể phát triển bằng việc phong phú hóa chứ không phải bằng việc làm nghèo đi. Như vậy, chẳng có gì đáng phải giận dữ khi ĐGH, trong tự sắc, đề nghị, mà không áp đặt, việc sử dụng hai hình thức của cùng một nghi thức Roma.

(Do Christophe Geffroy ghi lại)

Một đóng góp thiết yếu
Về quyển sách “Cuộc cải tổ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI” và tác giả


Đức ông Nicola Bux là một người thân cận với Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI và gần đây, được ĐGH chỉ định làm tư vấn về các Nghi lễ Tòa thánh. Ngài là một nhà phụng vụ học thâm niên và già dặn, chuyên về nghi thức phương Đông. Cuốn sách của ĐÔ được chào đón tại Italia, đến mức bản dịch tiếng Tây Ban Nha đã được đích thân Đức Hồng y Canizarès tân Bộ trưởng Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích, viết lời tựa. Một cuốn sách nhỏ về vóc dáng nhưng nặng về tỉ trọng và đầy uy quyền, chắc chắn nằm trong “phong trào phụng vụ mới” theo mong ước của ĐGH Bênêđictô XVI và được Đức ông Bux dành cho chương cuối cùng trong tập sách của ngài.

Không hề nghiêng về phần phê phán một cách có hệ thống cũng không cáo giác các nền tảng của cuộc cải tổ phụng vụ năm 1969, Đức ông Bux, tuy vậy, cũng phác họa một bức tranh nghiêm khắc về tình trạng phụng vụ hiện nay: cả một dân đã đánh mất chính cái ý nghĩa của phụng vụ do lỗi của các mục tử. Trong bối cảnh đó, việc nhìn nhận quyền hiện diện của sách lễ cũ, như ĐGH mong muốn trong tự sắc Summorum Pontificum, không chỉ là một việc trả lại công bằng cho các linh mục và tín hữu gắn bó với hình thức phụng vụ này, sự nhìn nhận này còn đề cao một kho tàng của Giáo hội vốn, do bản tính, giúp phong trào tái thánh hóa phụng vụ lớn lao được ĐGH kêu gọi với tất cả lòng mong ước của người. Do đó, sự nhìn nhận này vượt khá xa chu vi của thế giới vụ truyền thống.

Vả lại, ĐÔ Bux không hề đến từ thế giới đó. Một trong những mối quan tâm của tập sách của người là vượt lên trên các cuộc cãi nhau về phụng vụ trong quá khứ và đem lại sự thấu hiểu thực sự về phụng vụ để góp phần khai thông tình hình. Để kết luận cho việc phân tích, Đức ông gợi lên năm sự “méo mó” phát xuất từ cuộc cải tổ:

1- “Biến phụng vụ, được làm thành bằng cầu nguyện hay đối thoại với Thiên Chúa, thành sự trình diễn của các diễn viên và thành những chuỗi lời nói không dứt. Chính vị trí cử hành của linh mục càng làm tăng thêm sự “méo mó” này”.

2- “Việc thay thế khái niệm tế hiến bằng khái niệm bữa tiệc”.

3- “Sự lẫn lộn nảy sinh từ sự kiện đọc kinh tiền tụng hướng về cộng đoàn versus popolum, điều này đã góp phần củng cố ý tưởng thánh lễ là một bữa ăn huynh đệ”.

4- “Không dùng tiếng la tinh nữa”.

5- “Cuộc cách mạng ‘nghệ thuật’ vốn gây nên những hậu quả sau: bàn thờ đã thay đổi hình dáng; bàn thờ trở thành một bàn ăn. Nhà tạm được đặt chệch sang một bên và thay vào đó là ghế của linh mục lúc nào người ta cũng nhìn thấy” (trg. 168-169).

Tập sách có một giá trị thực sự này, sau các tác phẩm khác như của các cha Nichols, Lang hay Cassingena-Trévedy, cho thấy rằng sự suy tư về phụng vụ được mở rộng trong Giáo hội, điều kiện cần thiết cho sự lên ngôi của một phong trào phụng vụ mới và đích thực. Một cuốn cần đọc và suy niệm một cách khẩn cấp.

Cuộc cải tổ của Đức Bênêđictô XVI. Nền phụng vụ giữa đổi mới và truyền thống, của Đức ông Nicola Bux, tựa của Giám mục Marc Aillet, lời bạt của Hồng y Canizarès, nhà xuất bản Tempora, 2009, 208 trang.

(Nguồn: Christophe Geffroy, www.lanef.net, NN. chuyển dịch, hdgmvietnam.org)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:27 12/10/2009
NGÀ VOI TRONG RỪNG SÂU

N2T


Một thầy giáo đã bỏ nghề dạy học của mình để đầu tư vào những công việc của xã hội. Bạn bè muốn biết nguyên nhân tại sao anh ta thay đổi nghề nghiệp, thầy giáo nọ giải thích như sau:

“Ở trong trường học phát huy khả năng rất hạn chế, ngoài việc làm chút gì đó cho gia đình và xã hội loài người, thì việc lưu lại trong trường học làm cho tôi cảm thấy giống như người đi kiếm ngà voi trong rừng sâu, một khi tìm được thì lại phát hiện nó và con voi gắn chặt với nhau.”

(Bài ca của loài ếch)

Suy tư:

Người trẻ thời nay khi chọn cho mình một nghề nghiệp tương lai thì rất thực tế: lương phải cao, việc làm thoải mái...

Nghề cao quý nhất trong xã hội là nghề giáo, tức là dạy học, là nghề không những dạy dỗ học trò những kiến thức căn bản, mà còn dạy học sinh cách biết làm người tốt và có ích cho xã hội.

Thời nay có những thầy cô giáo cấp hai cấp ba bỏ nghề giáo (dù rất đau lòng) để đi buôn bán mánh mung, bởi vì tiền lương không đủ nuôi thân thì làm sao nuôi sống gia đình; thời nay có nhiều thầy cô giáo dạy học ở trường là chuyện phụ, nhưng dạy thêm dạy kèm là chính, bởi vì tiền lương tháng không đủ tiền ăn sáng và tiền xăng dầu cho xe cộ, nhưng tiền dạy thêm dạy kèm thì cao gấp mấy lần tiền lương chính thức; thời nay có những thầy cô không còn cảm thấy nghề giáo là cao quý nữa, bởi vì có những phụ huynh và học trò không tôn sư trọng đạo, và có khi nghề giáo là một nghề “tội nghiệp” nhất trong các nghề chân chính.

Cái ngà (voi) không thể do con chó con mèo mà có, cũng vậy, Chúa Giê-su đã cảnh tỉnh chúng ta: “Nên hể cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt.” (Mt 7, 17-18)

Ai hiểu thì hiểu !

-----------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.myblog.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:28 12/10/2009
N2T


81. Các thánh đem đức khiêm tốn để bảo vệ và làm nền tảng của tất cả các đức hạnh.

(Thánh Alphongsus de Liguori)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:29 12/10/2009
N2T


253. Vấn đề không phải ở tại sống được bao lâu, nhưng ở tại sống như thế nào.

 
Tranh dành địa vị
LM. An Phong Trần Đức Phương
18:43 12/10/2009
TRANH DÀNH ĐỊA VỊ

(CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN, NĂM B)

Trong Sách Cựu Ước (2 Samuel, chương 15 đến chương 18), có kể câu chuyện về Absalon. Trong những người con của vua David, Absalon là một người đẹp trai, tài giỏi, được vua David yêu mến, nhưng chính Absalon đã muốn tranh dành địa vị và tự phong vương để làm vua ở Hebron. Cuộc khởi loạn này đã làm cho vua David và cả triều đình phải chạy trốn khỏi thành Giêrusalem, và Absalon đã tiến chiếm kinh thành; nhưng sau này đã bị đại tướng của vua David là Gioab đánh bại và bị giết chết tại khu rừng gần Mahanain. Cuộc chiến tranh để dành ngôi vua này đã giết chết bao nhiêu sinh mạng (20 ngàn quân lính đã bị thiệt mạng!)

Trong lịch sử nhân loại cũng như của mỗi dân tộc đã có bao cuộc chiến tàn khốc vì ‘tranh dành địa vị” để làm bá chủ thiên hạ: A-Lịch-Sơn Đại Đế, Tần Thủy Hoàng, Thành Cát Tư Hãn, Nã-Phá-Luân, Hitler và các lãnh tụ Cộng Sản như Stalin, Mao Trạch Đông, Pol Pot vân vân… Vì tranh dành và củng cố địa vị, họ đã gây nên những cuộc tàn sát không phải hàng ngàn, hàng vạn mà hàng triệu con người vô tội, cũng như tàn phá bao nhiêu công trình kiến trúc của nhân loại.

Tranh dành địa vị vốn là bản tính của con người. Ai cũng muốn mình có địa vị, và được kính nể hơn người khác. Ai cũng muốn làm ông chủ để được hầu hạ.Trong bài Phúc Âm tuần này (Matcô 10: 35-45), chúng ta cũng thấy hai anh em Giacôbê và Gioan xin Chúa được chiếm địa vị cao sang “trong Nước Chúa, là được ngồi bên tả, bên hữu Chúa khi Chúa được vinh quang!” Mười môn đệ khác thấy vậy, liền tỏ ý phẫn nộ với hai ông kia. Chúa Giêsu đã dùng dịp này để dạy các ông bài học phục vụ trong khiêm tốn. Theo tinh thần thế gian thì “những người được coi là thủ lãnh các quốc gia áp đặt trên dân quyền bá chủ; những người làm lớn thì dùng quyền hành sai khiến dân chúng!” Nhưng trong việc tông đồ thì ngược lại: “Ai muốn làm lớn thì hãy phục vụ anh em; ai muốn đứng đầu thì hãy hạ mình làm đầy tớ người khác…” và sẵn sàng uống những ‘chén đắng’ của cuộc sống hàng ngày! Rồi Chúa Giêsu lấy chính mình để làm gương cho các ông “Con Người đến không phải để bắt người khác hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho mọi người.” Đúng như Tiên tri Isaia đã tiên báo trong Bài Đọc I (Isaia 53: 10-11): “Nhờ những thống khổ Người chịu, Người sẽ công chính hóa nhiều người bằng cách gánh lấy những tội lỗi của họ.” Trong Bài Đọc II (Thư gởi tín hữu Do Thái 4: 14-16), Thánh Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta: “Chúa Giêsu là vị Thượng Tế đời đời, luôn biết cảm thông những yếu đuối của chúng ta, vì Ngài đã từng chịu thử thách về mọi phương diện cũng như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi.” Vì thế, chúng ta “hãy mạnh dạn đến với Ngài là nguồn ơn sủng để chúng ta được xót thương và được ơn trợ giúp mỗi khi cần thiết.”

Nhìn vào đời sống của Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh, chúng ta thấy tất cả các Vị ấy đều đã sống một đời sống khiêm nhường, âm thầm phục vụ Chúa và tha nhân, kiên trì chịu mọi khó khăn, đau khổ là những “chén đắng” hàng ngày. Khi hát bài “Kinh Hòa Bình” của Thánh Phanxicô Khó Khăn, và suy gẫm đời sống từ bỏ mọi giầu sang thế gian để “mến yêu Chúa và phục vụ Chúa trong mọi người…”, chúng ta cảm nghiệm được lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Ai muuốn theo Ta hãy bỏ mình đi, vác Thánh Giá mình hàng ngày mà theo Ta!” (Matcô 8:34), và lời Thánh Phaolô nhắn nhủ trong thư gởi giáo dân Ephêsô (4:1-3): “Anh em hãy sống cho xứng đáng với ơn gọi Chúa đã ban cho anh em, bằng đời sống thật khiêm tốn, hiền hòa, nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau, hãy cố gắng hết sức để duy trì sự hiệp nhất do Thánh Thần Chúa ban, bằng cách cố gắng sống thuận hòa với nhau.”

Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy cùng hiệp ý cầu nguyện cho chúng ta, các Chủ chăn, các Linh mục, Tu sĩ, giáo dân luôn biết sống khiêm tốn và âm thầm phục vụ Chúa và anh em. Thay vì nuôi tính tranh dành địa vị, và ganh ghét, chúng ta luôn cố gắng sống yêu thương, hoà hợp với mọi người, hầu tạo sự hiệp nhất giữa anh em, và chung tay xây dựng hòa bình thế giới.
 
Muốn làm lớn, phải phục vụ như đầy tớ
LM. Trần Bình Trọng
18:51 12/10/2009
MUỐN LÀM LỚN, PHẢI PHỤC VỤ NHƯ ÐẦY TỚ

Chúa Nhật 29 Thường Niên, Năm B
Is 53:10-11; Dt 4:10-16; Mc 10:35-45


Tham vọng chung của loài người là muốn có được một chỗ đứng trong bậc thang xã hội. Vì thế mà hai tông đồ Giacôbê và Gioan toan ngỏ ý xin Thầy mình một ân huệ là được ngồi: một người bên tả và một người bên hữu trong vinh quang của nước Chúa. Nghe lỏm được ý đồ của họ, các môn đệ khác bèn tức tối với hai ông này (Mc 10:41). Xét theo công trạng, thì hai ông Giacôbê và Gioan chưa có làm được gì đáng kể. Nói kiểu bình dân, các ông chưa có điểm với Chúa Giêsu và với các tông đồ khác, nên việc xin ngồi bên tả và bên hữu chi là việc muốn ăn mảnh.

Ðến đây, Chúa liền thách thức hai ông: Các con có uống nổi chén mà Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không? (Mc 10:38). Thời cổ xưa tại đất Do thái, việc uống cùng một chén với ai, có nghĩa là muốn tham phần vào vận mệnh của người đó: hoặc may hay rủi. Vậy thì vận mệnh của Chúa cứu thế là gì? Vận mệnh của Chúa là việc Người tự nguyện chấp nhận khổ hình thập giá để làm giá cứu chuộc nhân loại. Như vậy lời Chúa có nghĩa là lời thách đố xem hai ông có muốn trả giá cả để được ngồi bên tả và bên hữu Chúa không, nghĩa là xem các ông có muốn chịu khổ hình với Chúa và vì Chúa không? Chúa nhận lời quả quyết chấp nhận bách hại và chịu đau khổ của hai ông. Tuy nhiên ghế danh dự mà hai ông xin là tuỳ thuộc vào sự quyết định của Chúa Cha.

Trong những lần giảng dạy, Chúa Giêsu hứa sẽ thiết lập một vương quốc vĩnh cửu, nhưng Người sẽ phải chịu đau khổ và chịu chết trước khi hoàn thành theo như lời tiên báo trong sách Isaia: Thiên Chúa đã muốn người tôi trung phải bị nghiền nát vì đau khổ. Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn (Is 53:10). Và như vậy thì Đức Giêsu đồng hoá với người tôi tớ đau khổ của Ðức Giavê trong lời tiên tri Isaia. Nỗi đau khổ mang lại sự cứu độ còn được thánh Phaolô đề cập đến trong thư gửi tín hữu Do thái (Dt 4:16).

Phúc âm hôm nay ghi lại Chúa Giêsu chặn đứng tham vọng cá nhân của ông Giacôbê và Gioan bằng cách dạy họ: Ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người (Mc 10:44), nghĩa là phục vụ mọi người. Các tông đồ muốn phần thưởng cho những cố gắng của họ. Chúa bảo họ trong Nước Chúa thì có sự khác biệt. Nước Chúa không phải là nơi để người ta tâng bốc cái tôi. Trong nước Chúa, tất cả những ai muốn có ảnh hưởng, địa vị thì phải làm đầy tớ người khác, nghĩa là phục vụ người khác. Nếu để các ông nuôi tham vọng cá nhân, có thể trở nên mối nguy hại cho Giáo hội mà Chúa sẽ thiết lập sau này.

Chúa dạy các tông đồ như vậy để cho những người kế vị và những người cộng sự hiểu biết đường lối Phúc âm hầu tránh việc lợi dụng chức tước, tránh việc kéo bè phái mà gây ảnh hưởng cá nhân ngay cả trong việc đạo. Như vậy khi hiểu được bản chất của Nước Chúa, các tông đồ sẽ là người cuối cùng tìm kiếm địa vị và danh dự. Các tông đồ nhận thức được rằng, họ sẽ có địa vị trong Nước Chúa, cũng như trong Giáo hội của Chúa. Tuy nhiên Chúa bảo họ không được dùng quyền để bá chủ và áp đặt, mà phải dùng quyền để phục vụ như Chúa đã phục vụ: Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người (Mc 45).

Có nhiều việc phục vụ khác nhau. Trong quá khứ, có những việc phục vụ do đầy tớ và nô lệ thực hiện. Vào thời cổ xưa tại đất Do thái, khi khách vào nhà ai, thì việc của đầy tớ là đem nước để rửa chân cho khách. Chân đi dép trên đất cát giữa trời nóng nực mà được dội nước vào chân thì khách cảm thấy khoan khoái biết bao. Trong bữa Tiệc ly Chúa Giêsu đã làm công việc của người nô lệ, lấy nước rửa chân cho các tông đồ vì yêu thương. Và Chúa dặn các ông phải rửa chân lẫn cho nhau, nghĩa là phục vụ lẫn nhau.

Phục vụ cũng được thực hiện do người làm công hoặc tình nguyện. Việc phục vụ được coi là việc nhân đạo nếu được phát xuất tự chủ nghĩa nhân bản. Việc phục vụ được coi là việc bác ái nếu được làm vì yêu mến. Việc phục vụ có đượm tình yêu mến là điểm thiết yếu của đạo Kitô giáo. Phục vụ người khác vì yêu mến là một nhân đức mà mỗi người Kitô hữu cần thực hành. Khi phục vụ vì tình yêu mến Chúa thúc đẩy, công việc phục vụ sẽ trở nên nhẹ nhàng và người làm việc phục vụ mới cảm thấy vui được. Có những người khi không có việc gì làm, thì buồn chán, sinh bệnh. Khi làm việc phục vụ giúp đỡ tha nhân, họ tìm được ý nghĩa của cuộc sống, lại lên tinh thần, rồi được khỏi bệnh. Và đó là ý nghĩa của tình yêu biến đổi. Thánh Âu-tinh đã nhận ra tình yêu biến đổi khi viết: Ðâu có yêu, đấy không còn khổ, mà giả như có khổ đi nữa, người ta sẽ chấp nhận cái khổ vì yêu.

Nếu muốn phục vụ, người ta sẽ tìm thấy rất nhiều việc để làm trong nhà thờ như quét dọn nhà thờ, hốt lá khô, nhặt rác rưởi xung quanh nhà thờ, lau bụi ghế ngồi, xếp sách hát lại vào hộc ghế, và nhiều việc để làm trong cộng đồng, làng xóm, phố phường như tình nguyện giúp việc từ thiện, bác ái, việc xã hội và việc nhân đạo.

Là người công dân và người Kitô hữu, người tín hữu cần học để coi việc phục vụ trong gia đình, trong giáo xứ và trong xã hội như là phương thế để hoàn thành ơn gọi làm người Kitô giáo.

Lời cầu nguyện xin cho được ơn biết sống tinh thần phục vụ:

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đến thế gian dạy các môn đệ
bài học phục vụ trong yêu thương.
Xin dạy con biết làm việc phục vụ vì yêu mến Chúa
và nhận ra hình ảnh Chúa
nơi nguời anh chị em mà con phục vụ
nhất là những người nghèo đói, bệnh tật
đau khổ và bất hạnh. Amen.

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thượng Hội Đồng Giám Mục Phi châu kỳ 2 (5)
LM Trần Đức Anh, OP
10:18 12/10/2009
VATICAN -. Hôm 12-10-2009, Thượng HĐGM Phi Châu kỳ 2 bắt đầu tuần lễ thứ 2 trong 3 tuần nhóm họp, với 2 phiên khoáng đại thứ 11 và 12, sáng và chiều, trước sự hiện diện của ĐTC và hơn 220 nghị phụ. Mọi người đã lắng nghe các bài phát biểu của 20 nghị phụ, sau đó ý kiến của nhiều dự thính viên nam nữ.

Các vị đã đề cập đến vấn đề di dân nội địa, quan hệ với các tôn giáo truyền thống ở Phi châu. Hai GM người Nigeria kêu gọi Thượng HĐGM này đẩy mạnh việc giáo dục các tín hữu về sự hiện hữu c]ua ma quỷ, và loại bỏ các trò phù phép, phù thủy, và các hình thức mê tín khác. Một GM Congo tố giác các vụ bạo hành, hãm hiếp ồ ạt chống lại các phụ nữ ở Phi châu như một ”võ khí chiến tranh”. ĐHY Napier, người Nam Phi, cảnh giác chống lại các chế độ độc tài, độc đảng, v.v.

Sáng thứ ba hôm nay, 13-10, trong phiên họp khoáng đại thứ 13, các nghị phụ sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, đặc biệt là các bài phát biểu của đại biểu các Giáo Hội Kitô anh em, gồm Chính Thống, Anh giáo và Tin Lành. Sau đó, trong phiên họp ban chiều, ĐHY Turkson, người Ghana, Tổng tường trình viên của Thượng HĐGM hiện nay sẽ đọc bản đúc kết các bài phát biểu trong 10 ngày trước đó, đồng thời xác định các vấn đề cần được đào sâu trong các phiên họp nhóm kể từ sáng thứ tư ngày mai, 14-10-2009.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến quí vị nội dung các bài phát biểu của một số nghị phụ trong những ngày qua:

ĐHY Bernard Agré , nguyên TGM giáo phận Abidjan, Côte d'Ivoire, tố giác nhiều tổ chức tài chánh quốc tế đưa các quốc gia trẻ tại Phi châu vào vòng nợ nần. Ngài nói:

”Cũng như tất cả các nước đã có tổ chức, các quốc gia trẻ tại Phi châu đã phải tìm đến các ngân hàng quốc tế và các tổ chức tài chánh khác để thực hiện nhiều dự án nhắm phát triển đất nước. Rất nhiều khi các giới lãnh đạo ít được chuẩn bị của các nước này không để ý nên đã rơi vào tròng của những người có thể được gọi là 'những kẻ sát nhân tài chánh', những kẻ bóc lột do các tổ chức đầy kinh nghiệm gửi tới, và đề nghị những hợp đồng thiếu lương thiện, nhắm làm giầu cho các tổ chức tài chánh quốc tế, vốn được sự nâng đỡ khéo léo của các quốc gia hoặc các tổ chức khác, can dự vào âm mưu im lặng và gian dối.

Những kẻ sát nhân tài chánh thu được những lợi lộc kếch xù. Cũng vậy đối với các công ty liên quốc và một số nhân vật hùng mạnh của chính quốc gia đó, họ làm bình phong cho các công việc kinh doanh với nước ngoài như vậy. Thế là phần lớn các nước Phi châu tiếp tục mòn mỏi trong nghèo đói và trong sự thất vọng mà hệ thống bất chính ấy gây ra.

”Những kẻ sát nhân tài chánh ấy” mang những số tiền to lớn cho vay mượn, thỏa thuận với những nhà lãnh đạo địa phương, làm sao để với hệ thống lãi xuất, các nước nghèo ấy không bao giờ có thể hoàn toàn hoàn trả số tiền vay mượn trong thời gian ngắn. Các khế ước thi hành và bảo trì thường được dành cho các đại diện của chủ nợ, dưới hình thức độc quyền. Các nước vay mượn tiền phải cho các nước chủ nợ độc quyền khai khác các nguồn tài nguyên của mình. Và thế là dân chúng tại các nước đó, qua bao thế hệ, bị ràng buộc, trở thành tù nhân cho hệ thống bóc lột như vậy trong nhiều năm trời. Để trả những món nợ không bao giờ cạn ấy, giống như chiếc gươm của Democles trên đầu mình, các quốc gia con nợ phải dành từ 40 đến 50% tổng sản lượng quốc gia.

”Bị kìm kẹp như thế, quốc gia con nợ thật là khó thở, phải thắt lưng buộc bụng trước vấn đề đầu tư, và những chi tiêu cần thiết cho việc giáo dục, y tế, phát triển nói chung.

“Tình trạng nợ nần ấy nhiều khi trở thành một cái bình phong chính trị để không thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng, từ đó nảy sinh tình trạng bất mãn nơi dân chúng, và những xáo trộn xã hội, v.v. Ông John Perkins (Ed. Al Terre) đã mô tả rất rõ hậu trường của viện trợ quốc tế vốn không bao giờ hữu hiệu trong việc trợ giúp phát triển lâu dài.

ĐHY Agré nói thêm rằng:

”Vấn đề chủ yếu ngày nay là ước muốn, là ý chí bãi bỏ mọi hình thức nô lệ. Các thế hệ mới, những người trẻ tại một vài nước đã phát triển và tại thế giới thứ ba, đang ý thức rằng thay đổi thế giới, thay đổi những huyền thoại và những ảo tưởng của thế giới là một dự phóng thực tế và có thể thực hiện được. Từ đó đã nảy sinh các tổ chức Phi chính phủ để bảo vệ môi sinh và bênh vực quyền lợi của các dân tộc bị áp bức.

Giáo Hội, trong tư cách là ánh sáng thế gian, có thể thi hành vai trò ngôn sứ của mình, phải dấn thân cụ thể trong cuộc chiến đấu này để làm cho sự thật trổi vượt lên. Từ nhiều năm nay, các chuyên gia biết rằng phần lớn các món nợ đã được trả lại rồi. Xóa bỏ hoàn toàn các món nợ ấy không phải là một hành vi bác ái, nhưng là điều thuộc về đức công bằng. Vì thế, Thượng HĐGM này cần cứu xét vấn đề nợ nần đang ảnh hưởng nặng nề tới một số dân tộc.

Để không chỉ dừng lại ở khía cạnh tình cảm, tôi đề nghị lập một Ủy ban quốc tế gồm các chuyên gia tài chánh, các mục tử am tường vấn đề, những người thuộc các nước giàu và nước nghèo, để cứu xét vấn đề. Ủy ban này được ủy thác 3 sứ mạng:

- nghiên cứu xem hoạt động có thể hủy bỏ nợ nần hay không, vì hiển nhiên là hoàn cảnh khác nhau mỗi nơi.
- đề ra các biện pháp phòng ngừa để tránh rơi vào cùng một tình trạng nợ nần.
- canh chừng một cách cụ thể việc sử dụng minh bạch những số tiền tiết kiệm được, để thực sự mưu ích cho tất cả những yếu tố trong các tầng lớp xã hội: các nông dân và dân chúng tại thành thị.
- Tránh làm sao để những người, những nơi và những người ngoại quốc được lợi lộc từ những nguồn dồi dào như vậy vẫn là những người cũ như từ trước đến nay.

Đức Cha Ignatius Chama , GM giáo phận Mpika bên Zambia, trong bài phát biểu cũng tố giác những bất công trong nền kinh tế và nông nghiệp mà nhiều miền quê ở Phi châu, trong đó có giáo phận của ngài phải chịu. Đức Cha nói:

”Tôi muốn nhấn mạnh nơi đây cuộc khủng hoảng kinh tế địa phương mà tôi và dân tộc chúng tôi đang trải qua trong giáo phận miền quê ở miền đông bắc Zambia. Đó là cuộc khủng hoảng về nông phẩm thu hoạch của các nông dân. Họ làm việc không biết mệt mỏi, nhưng nông phẩm của họ không đi vào thị trường được hoặc không được trả giá đúng mức. Nguyên do cuộc khủng hoảng là vì những nhà đầu tư nước ngoài cung cấp cho các siêu thị của họ những nông sản nhập khẩu từ nước ngoài. Cuộc khủng hoảng này là do những đường lối thương mại, nội địa hoặc quốc tế, với những hàng hóa được tài trợ, nhập khẩu từ Âu châu, bán với giá rẻ khiến cho các nông sản địa phương không cạnh tranh nổi. Đây là một sự cạnh tranh bất chính.

Ngoài ra, tại Zambia ngày nay, các miền quê của chúng tôi còn phải đương đầu với chiến dịch đón nhận một kiểu mẫu nông nghiệp biến thái hệ di truyền. Đây là điều đã bị tài liệu làm việc của Thượng HĐGM này phê bình trong số 58.

Những động thái bất chính ấy là dấu hiệu cho thấy có hố chia cách ngày càng sâu rộng giữa thành thị và thôn quê, đe dọa sự phát triển toàn diện và lâu dài của Zambia ngày nay. Cả chính phủ Zambia cũng nói với chúng tôi rằng sự nghèo đói tại thành thị giảm bớt trong những năm gần đây, nhưng nạn nghèo đói tại miền quê thì lại gia tăng đáng kể.

Đức Cha Chama đặt câu hỏi:

”Nhưng Thượng HĐGM này có thể làm được gì đứng trước tình trạng như vậy? Tôi chỉ muốn nhắc nhở anh em GM của tôi rằng chính Thượng HĐGM năm 1994 đã đón nhận một yêu cầu tương tự về sự công bằng kinh tế qua lời mời gọi hãy ủng hộ chiến dịch trong Năm Thánh kêu gọi xóa nợ, và lời kêu gọi ấy đã trở thành tại Zambia bước tiến quan trọng hướng đến sự nhân bản hóa lãnh vực kinh tế tại Zambia và các nơi khác. Ngày nay chúng ta cũng cần một lời kêu gọi tương tự về công bằng, chẳng hạn trong việc đương đầu với chính sách thương mại như Hiệp định đối tác kinh tế giữa Phi châu và Âu Châu, cũng như những quan tâm về môi sinh như sự hâm nóng trái đất.

”Vì thế, tôi xin Thượng HĐGM này ủng hộ những lời thỉnh cầu thực hiện một nền kinh tế công bằng hơn, bảo vệ các quyền lợi và tương lai dân chúng tại miền quê.”

Đức Cha Martin Munyanyi, GM giáo phận Gweru bên Zimbabwe ở miền nam Phi châu, cũng nói đến những bất công và nghèo đói đồng thời kêu gọi thực thi hòa giải lâu bền và công bằng trong bối cảnh khó khăn ấy. Ngài nói:

”Giáo Hội tại Zimbabwe đánh giá rất cao tài liệu làm việc của Thượng HĐGM này, để ý đến những vấn đề mà đất nước chúng tôi rất quan tâm, như nạn nghèo đói, bạo lực, thái độ không nhìn nhận phụ nữ, trẻ em và các nhóm thiểu số, và cả những vấn đề liên quan đến công bằng trong Giáo Hội, như những điều kiện làm việc của những người làm việc cho Giáo Hội.

”Zimbabwe đã trải qua những kinh nghiệm xã hội chính trị rất khó khăn và vô nhân đạo, có từ thời thuộc địa và hậu thuộc địa, những vấn đề này cần cấp thiết được giải quyết. Trong khi tìm kiếm hòa giải lâu bền, thật là điều sai lầm khi yêu cầu dân chúng phải quên đi quá khứ.

“Cần có sự hòa giải không những trong quốc gia nói chung nhưng cả trong Giáo Hội nữa, xét vì chúng ta thấy sự căng thẳng gia tăng tại một số giáo xứ chúng tôi do sự khác biệt ngôn ngữ và chủng tộc.

”Tại Phi châu, khi chúng ta nói về công bằng, công lý, chắc chắn là chúng ta nói về những phe liên hệ, và gồm cả các gia đình nữa. Các cộng đoàn cần tụ họp lại để thảo luận những vấn đề của mình, theo phong tục của Phi châu. Cần có một sự công bằng phân phối và chữa lành trước khi một phe liên hệ bị tử vong. Các vấn đề công bằng trong Giáo Hội có liên hệ tỏ tường tới sự kiện các công nhân của chúng ta không được trả lương xứng đáng và có những linh mục sử dụng tiền bạc của Giáo Hội một cách sai trái, gây thiệt hại cho cộng đoàn. Ngoài ra trong Giáo Hội địa phương, vẫn còn những thành kiến đối với trẻ nữ, ví dụ trẻ nữ thì bị phạt còn trẻ nam thì không. Trong tư cách là Giáo Hội địa phương, chúng tôi đã thành lập các cơ cấu Ủy ban công lý và hòa bình để cứu xét các khía cạnh lịch sử tiêu cực trong kinh nghiệm chúng ta.

Toàn thể các công tác ấy phải bắt đầu từ gia đình, như ĐTC Biển Đức 16 đã nói rất đúng: ”Gia đình là nhà giáo dục đầu tiên và không thể thay thế được về hòa bình.. vì gia đình giúp có được những kinh nghiệm quan trọng về hòa bình”.

Khi làm như thế, cần phải coi trọng những lời ĐGH Gioan Phaolô 2 đã nói: ”Không có hòa bình nếu không có công lý, và không có công lý nếu không có tha thứ”. Đó là vương quốc công lý mà Tài liệu làm việc đã cổ võ khi tóm tắt sứ điệp tin mừng về hòa giải, công lý và hòa bình”.
 
Báo L'Osservatore Romano cuả Toà Thánh gọi giải Nobel Hoà Bình cho TT Obama là một quyêt định 'hấp tấp' (premature)
Trần Mạnh Trác
15:30 12/10/2009
Roma, ngày 12 tháng 10 năm 2009 / 01:33 (CNA). - Tờ báo chính thức của Vatican, L'Osservatore Romano, đã gọi quyết định trao giải thưởng Nobel Hòa bình cho TT Obama là một quyêt định 'hấp tấp' và hơn hết chỉ phản ảnh một lời mời gọi hãy lựa chọn hòa bình bằng giải pháp chính trị. Tư cách xứng đáng để hưởng giải thưởng cũng bị đặt nghi vấn vì quan điểm của ông về nhiều vấn đề đạo đức sinh học, đặc biệt là phá thai.

Bài báo chỉ cho thấy rằng "quyết định trao giải thưởng Nobel Hòa bình cho TT Barack Obama đã làm mọi người ngạc nhiên, ngay cả vị tổng thống Mỹ."

"Trong suốt 90 năm qua," Tờ L'Osservatore ghi nhận, "giải thưởng chưa bao giờ được trao cho một tổng thống Mỹ đang tại vị - khi giải thưởng được trao cho Jimmy Carter năm 2002 vì các quyết định liên quan tới hòa bình thì ông đã rời chức vụ được một thời gian."

Có lẽ vì lý do này, tờ báo nói, "Các nhà phân tích gần như nhất trí là sự lựa chọn chỉ là một cách để gây áp lực lên chính quyền Obama để tiếp tục đường lối hoà bình."

L'Osservatore cũng đặt nghi vấn về những hành động của chính quyền Obama tại Iraq và Afghanistan, có vẻ như những quyết định là nhằm tìm một sự dung hoà giữa những lời tuyên bố chủ hoà trong mùa tranh cử và một chính sách thiết thực hơn, tức là tiếp tục đường lối chủ chiến cuả TT Bush.

Chính sách ngập ngừng vừa tiến vừa thóai này, tờ báo nhận xét, rất giống với các phương pháp tiếp cận cuả Obama về "những vấn đề đạo đức sinh học lớn, mà phá thai là quan trọng nhất". Cách tiếp cận cuả Obama đã tạo ra tranh cãi lớn giữa các người Công giáo trong nước Mỹ.

Tờ báo cũng nhắc lại sự việc Mẹ Teresa đã được vinh dự nhận giải thưởng Hòa bình năm 1979, và thêm "TT Obama nên nhớ rằng Mẹ Teresa là vị tiền bối cuả ông về giải thưởng vào năm 1979, Mẹ đã can đảm phát biểu khi nhận giải thưởng rằng cuộc chiến tranh tàn khốc nhất với số lượng nạn nhân lớn nhất chính là việc thực hành phá thai, đã được hợp pháp hoá và tạo điều kiện dễ dàng bởi các cơ cấu quốc tế. "

Nêu rõ ra một mâu thuẫn trong việc lựa chọn, tờ L'Osservatore lưu ý rằng ĐGH John Paul II đã là một ứng cử viên giải Nobel Hòa bình nhưng chưa bao giờ được chọn, thậm chí vào năm 2003 "sau khi ngài lên án chiến tranh Iraq."

"Các thành viên của Ủy ban đã coi Giáo hoàng Wojtyla là quá 'bảo thủ' trong nhiều lãnh vực khác, và họ sợ rằng trao giải cho ngài sẽ bị xem là thiên vị Giáo Hội Công Giáo hơn các tôn giáo khác. Nỗi lo ngại của họ rõ ràng đã không được đặt ra trong trường hợp Obama, là trường hợp còn gây nhiều tranh cãi hơn," Tờ báo cuả Vatican kết luận rằng quá trình lựa chọn đã bị sa lầy vì muốn đi đúng lề chính trị (being politically correct).

Tuy nhiên, bài báo kết luận "Dẫu vậy, như vị giám đốc Văn phòng báo chí Tòa Thánh đã nêu lên, chúng tôi không thể không hân hoan công nhận những nỗ lực của Tổng thống Obama trong cố gắng giải trừ vũ khí hạt nhân để hướng tới một chính sách hoà bình, hơn là tiếp tục khẳng định sức mạnh cuả Mỹ trên thế giới. "
 
Huấn Từ của ĐTC trong Lễ Phong Thánh cho 5 Chân Phước
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
17:01 12/10/2009
Dưới đây là bản dịch Bài Huấn Từ của ĐTC Bênêđictô trong Lễ Phong Thánh cho năm Chân Phước tại Rôma, ngày 11 tháng 10, 2009. Năm vị Thánh mới là: Đức Cha Zygmunt Szsczęsny Felińsk, vị sáng lập Dòng các Nữ Tu Phan Sinh Gia Đình Đức Mẹ Maria; Cha Francisco Coll y Guitart, dòng Đa Minh, vị sáng lập Tu Hội Các Nữ Tu Đaminh kính Đức Mẹ Truyền Tin; Cha Jozef Damiaan de Veuster thuộc Dòng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria của Việc Tôn Thờ Thánh Thể Cực Trọng trên Bàn Thờ; Thầy Rafael Arnáiz Barón, Dòng Xitô Tuyệt Đối Giữ Luật (Trappe); Sơ Marie de la Croix (Jeanne) Jugan, vị sáng lập Tu Hội Tiểu Muội của Người Nghèo.

Anh chị em thân mến,

“Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” Đó là câu hỏi mở đầu cuộc đối thoại ngắn mà chúng ta đã được nghe trong Tin Mừng, giữa một người, được nhận diện ở những nơi khác là người thanh niên giàu có, và Chúa Giêsu (x. Mc 10:17-30). Chúng ta không có nhiều chi tiết về nhân vật vô danh này: đồng thời từ một ít điều chúng ta có, chúng ta có thể nhận ra ao ước chân thành muốn đạt được sự sống đời đời của anh bằng cách sống một cuộc đời ngay thẳng và đạo đức trên thế gian. Thực ra anh đã biết các giới răn và đã tuân giữ các giới răn ấy từ thủa nhỏ. Tuy nhiên Chúa Giêsu nói rằng tất cả những điều ấy dù quan trọng, nhưng chưa đủ, anh còn thiếu một điều, nhưng lại là điều chính yếu. Thấy rằng anh sẵn sàng, vị Thầy Thiên Chúa âu yếm nhìn anh và đề nghị một bước nhảy vọt, Người mời gọi anh đến sự thánh thiện anh hùng, Người yêu cầu anh từ bỏ tất cả mà theo Người: “Hãy bán những gì anh có và cho người nghèo... rồi đến mà theo Thầy!” (c. 21).

“Rồi đến mà theo Thầy!” Đây là ơn gọi Kitô hữu được phát nguồn từ đề nghị yêu thương của Chúa, và chỉ được thể hiện nhờ sự đáp trả yêu thương của chúng ta. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Người hoàn toàn hy sinh cuộc đời, không tính toán hay vì tư lợi, với một niềm tín thác trọn vẹn vào Thiên Chúa. Các Thánh đã đón nhận lời mời gọi đầy yêu sách này cùng bắt đầu khiêm nhường và ngoan ngoãn đi theo Đấng Kitô chịu Đóng Đinh và Phục Sinh. Sự hoàn thiện của các ngài, theo lý luận về một Đức Tin mà đôi khi không thể hiểu được theo kiểu loài người, bao gồm việc không còn đặt mình làm trọng tâm, nhưng đã chọn lội ngược dòng và sống theo Tin Mừng. Đó là điều mà năm vị Thánh ngày hôm nay, với một niềm vui vĩ đại, được đưa ra cho Hội Thánh hoàn vũ để tôn kinh, Zygmunt Szcęsny, Feliński, Francisco Coll y Guitart, Jozef Damiaan de Veuster, Rafael Arnáiz Barón, và Marie de la Croix (Jeanne) Jugan. Trong các ngài, chúng ta có thể chiêm ngắm việc thể hiện những lời của Thánh Phêrô Tông Đồ: “Này, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy” (c. 28) và lời cam kết đầy an ủi của Chúa Giêsu: “Không một ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay đất đai, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà không nhận được gấp trăm, bây giờ, ngay ở đời này... cùng sự khủng bố, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (cc. 29-30).

Zygmunt Szczęsny Feliński, Tổng Giám Mục Warsaw, vị sáng lập Dòng Các Nữ Tu PhanSinh Gia Đình Đức Mẹ Maria, là một nhân chứng vĩ đại của Đức Tin và mục vụ trong Đức Ái vào những lúc rất khó khăn của quốc gia và Giáo Hội Ba Lan. Ngài đã hăng say chăm lo cho việc phát triển tâm linh của các tín hữu, cùng trong việc giúp đỡ những người nghèo và cô nhi. Ở Học Viện Giáo Hội tại St Petersburg, ngài trông coi việc đào luyện các linh mục một cách đến nơi đến chốn. Là Tổng Giám Mục Warsaw, ngài khuyến khích mọi người hướng về việc canh tân nội tâm. Trước cuộc nổi dậy Tháng Giêng năm 1863 chống lại việc thôn tính của Nga Xô, ngài đã cảnh cáo dân chúng về việc đổ máu vô ích. Tuy nhiên, khi cuộc nổi dậy xảy ra và bị dẹp tan, ngài đã can đảm bảo vệ những người bị áp bức. Dưới triều Nga Hoàng ngài đã bị lưu đầy 20 năm tại Jaroslavl ở Siberia, mà không bao giờ được trở về Giáo Phận của mình. Trong mọi hoàn cảnh ngài vẫn luôn khăng khăng tín thác vào Sự Quan Phòng của Thiên Chúa và đã cầu nguyện lời sau đây: "Ôi lạy Thiên Chúa, xin đừng che chở chúng con khỏi nhửng đau khổ và lo âu của đời này... nhưng chỉ xin tăng gấp bội tình yêu trong tâm hồn chúng con để với lòng khiêm nhường sâu thẳm, chúng con có thể duy trì lòng tín thác vô biên nơi sự trợ giúp và lòng thương xót của Ngài...”. Hôm nay, chớ gì sự dân thân mà ngài dành cho Thiên Chúa và cho con người, một cấn thân đầy tín thác và tình yêu, trở nên một gương sáng ngời cho tất cả Hội Thánh.

Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta trong bài đọc hai rằng “Lời Chúa thì sống động và hữu hiệu” (Dt 4:12). Trong đó, Thiên Chúa Cha, là Đấng ngự trên trời, yêu thương nói với tất cả con cái của Ngài ở mọi thời đại (x. Dei Verbum, 21), cho phép họ nhận biết tình yêu vô biên của Ngài, và nhờ cách này, khuyến khích họ, an ủi họ và ban cho họ chương trình cứu độ của Ngài dành cho nhân loại và cho mỗi người. Ý thức được điều này, Thánh Francis Coll đã tha thiết dấn thân rao giảng Lời Chúa và hoàn thành cách trung thành ơn gọi của ngài trong Dòng Thuyết Giáo, là dòng mà ngài làm việc. Đam mê của ngài là giảng dạy, phần lớn là cách lưu động và theo hình thức “truyền giáo bình dân”, với mục đích rao giảng và làm cho Lời Chúa hoạt động cho dân chúng và các thành của vùng Catalonia, như thế dẫn người ta đến gặp gỡ Chúa cách thâm sâu. Một cuộc gặp gỡ nâng tâm hồn họ lên để hoán cải, để nhận ân sủng của Thiên Chúa với niềm vui và duy trì cuộc đàm thoại không ngừng với Chúa qua cầu nguyện. Về việc này, hoạt động truyền giáo của ngài gồm việc tôn kính vĩ đại dành cho bí tích Hòa Giải, việc nhấn mạnh rất nhiều đến bí tich Thánh Thể, và việc không ngừng nhắc đi nhắc lại về cầu nguyện. Cha Francis Coll đã đi vào tâm hồn những người khác bởi vì ngài đã truyền lại những gì chính ngài đã sống với lòng say mê, là điều rực cháy trong tim ngài: Tình yêu Đức Kitô, lòng sùng kính của ngài đối với Người. Để cho hạt giồng Lời Chúa gặp được đất mầu mỡ, Cha Francis đã thành lập Tu Hội các nữ tu Đaminh kính Đức Mẹ Truyền tin, nhằm mục đích cung cấp một nền giáo dục toàn diện cho trẻ em và giới trẻ, để các em có thể khám phá ra sự phong phú khôn lường là Đức Kitô, người bạn trung tín không bao giờ bỏ rơi chúng ta hoặc mệt mỏi vì ở bên chúng ta, cùng sinh động hóa niềm hy vọng của chúng ta với Lời ban sự sống của Người.

Jozef De Veuster, đã nhận được tên là Damiaan khi ở trong Dòng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria, khi ngài được 23 tuổi, vào năm 1863, ngài đã rời quê quán tại Flanders để rao giảng Tin Mừng tận bên kia thế giới, là Quần Đảo Hawaii. Hoạt động truyền giáo của ngài, là điều đem lại cho ngài rất nhiều niềm vui, và đạt đến tột đỉnh trong đức ái. Dù sợ hãi hay ghê sợ, ngài đã chọn đi đến đảo Molokai để phục vụ những nguời phong cùi ở đó, vì họ bị mọi người bỏ rơi; như vậy ngài đã đặt mình vào tình trạng có thể bị lây bệnh mà họ đang chịu. Ngài cảm thấy thoải mái khi sống với họ. Và vì thế Người Phục Vụ Lời Chúa đã trở thành một người đầy tờ đau khổ, một người cùi giữa những người cùi, trong bốn năm cuối cùng của đời ngài.

Để theo Đức Kitô Cha Damiaan đã không những rời bỏ quê hương mình, mà còn hy sinh cả sức khỏe của mình: Như thế ngài đã nhận được sự sống đời đời, như Lời Chúa Giêsu đã được công bố trong bài Tin Mừng hôm nay (x. Mc 10:30).

Trong ngày kỷ niệm 20 năm phong thánh cho một vị thánh người Bỉ khác là Thày Mutien-Marie, Giáo Hội Bỉ đã lại một lần nữa tụ họp để cảm tạ Thiên Chúa vì một trong những người con của mình được công nhận là một đầy tớ chân chính của Thiên Chúa. Chúng ta nhắc lại rằng khi đối diện với khuôn mặt cao quý này, thì đức ái tạo nên sự hiệp nhất: nó sinh ra sự hiệp nhất và làm cho nó đáng được ước mong. Trong việc theo Thánh Phaolô, Thánh Damien dẫn đưa chúng ta đến việc chọn những cuộc chiến tốt đẹp (x. 1 Tim 1:18), không phải những cuộc chiến đưa đến chia rẽ, nhưng là những cuộc chiến tập họp lại. Ngài mời chúng ta mở mắt ra nhìn những người phong cùi, hình ảnh nhân loại méo mó ấy của anh em chúng ta, và hôm nay vẫn còn mời gọi, nhiều hơn lòng đại lượng của chúng ta, mà lòng bác ái của việc hiện diện để phục vụ của mình.

Trở lại bài Tin Mừng hôm nay. Khuôn mặt của người thanh niên trình bày ước ao của mình với Chúa Giêsu; anh muốn là một cái gì cao hơn chỉ thi hành đúng những phận sự mà Lề Luật đòi hỏi, anh ta khác hẳn với Thầy Rafael, được phong hiển thánh hôm nay, là người đã qua đời lúc 27 tuồi như một tu sĩ dòng Trappe de San Isidro de Dueñas. Ngài cũng xuất thân từ một gia đình khá giả, như ngài nói, với một “tinh thần hơi mơ mộng”, tuy nhiên giấc mơ của ngài đã không tan biến trước những vấn vương của cải và những mục tiêu khác mà thế gian thời đó nhấn mạnh. Ngài đã trả lời xin vâng đối với đề nghị theo Chúa Giêsu, một cách lập tức và quyết định, vô giới hạn hay vô điều kiện. Như vậy ngài đã bước lên đường, mà từ giây phút trong tu viện khi ngài ý thức rằng mình “không biết cầu nguyện thế nào”, chỉ trong vài năm đã dẫn ngài đến tột đỉnh của đời sống tâm linh, là chỗ mà ngài đã diễn tả một cách thật đơn sơ và tự nhiên trong nhiều tác phẩm của ngài. Thầy Rafael, vẫn còn gần chúng ta, tiếp tục cống hiến, qua gương sáng và các tác phẩm của thầy, một cuộc hành trình kỳ thú, đặc biệt là cho những người trẻ là những người không dễ dàng được thỏa mãn, nhưng tha thiết mong mỏi chân lý trọn vẹn, một miềm vui rất khôn tả của những người đạt đến tình yêu của Thiên Chúa. Vị Thánh mới đã nói: “Cuộc đời là tình yêu… Đây là lý do duy nhất để sống". Và ngài quả quyết: "Mọi sự đến từ tình yêu của Thiên Chúa." Xin Chúa nhận một trong những lời cầu nguyện cuối cùng của Thánh Rafael Arnáiz, trong khi ngài dâng hiến trọn đời cho Chúa, ngài cầu xin: “Xin lấy con mà ban Chính Ngài cho thế gian.” Xin cho ngài được cho đi để làm cho đời sống của các Kitô hữu hôm nay lại được cường tráng. Xin cho ngài được cho đi để anh em của ngài trong dòng Trappe và các tu viện được trở nên những đèn báo hiệu tỏ bày sự khát khao Thiên Chúa cách mật thiết mà Ngài đã đặt trong tâm hồn mọi người.

Qua việc làm đáng kính phục của Chị trong việc phục vụ những người già cả nghèo nàn nhất, Thánh Saint Marie de la Croix cũng giống như ngọn đèn báo hiệu cho xã hội của chúng ta là một xã hội rất cần phải luôn luôn tái khám phá ra vị trí và sự đóng góp đặc biệt của giai đoạn này của cuộc đời. Sinh ra năm 1792 tại Cancale, Brittany, Chị Jeanne Jugan đã quan tâm đến phẩm giá của anh chị em mình trong nhân loại mà tuồi tác làm cho yếu thế, bằng cách nhận ra con người của Chính Đức Kitô trong họ. Chị nói "Hãy nhìn đến những người nghèo với lòng trắc ẩn, và Chúa Giêsu sẽ nhìn đến bạn với lòng nhân từ trong ngày sau hết của bạn". Cái nhìn trắc ẩn đến những người già cả này được rút ra từ một sự hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa, là Đấng được Chị Jeanne Jugan ẵm bế xuốt đời qua việc phục vụ vui tươi và vô vị lợi của Chị, được thực thi với sự dịu dàng và tâm hồn khiêm nhường, ước mong chính mình trở nên một người nghèo giữa những người nghèo. Chị Jeanne đã sống mầu nhiệm tình yêu qua việc chấp nhận cách bình an sự đen tối và tự mình từ bỏ tất cả của cải vật chất cho đến chết. Đặc sủng của Chị luôn luôn thích hợp, trong khi quá nhiều người già đang phải chịu nhiều loại nghèo nàn và cô đơn khác nhau, đôi khi bị ngay cả gia đình từ bỏ. Tinh thần hiếu khách và tình bác ái huynh đệ, được xây dựng trên một lòng tín thác vô biên vào Chúa Quan Phòng mà Chị Jeanne Jugan rút ra từ Tám Mối Phúc Thật, đã soi sáng toàn thể cuộc đời Chị. Ngày nay sự thôi thúc của Tin Mừng được đi theo trên toàn thế giới bởi Tu Hội Tiểu Muội của Người Nghèo, mà Chị đã sáng lập và làm chứng cho việc làm theo lòng thương xót của Thiên Chúa và tình yêu đầy thương cảm của Trái Tim Chúa Giêsu dành cho những người bé nhỏ nhất của Chị. Nguyện xin Thánh Jeanne Jugan trở nên nguồn hy vọng sống động cho những người già cả, và cho những người quá đại lượng đang dấn thân phục vụ họ một sự khích lệ mãnh liệt để theo đuổi và phát triển công việc của Chị!

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì món quà của sự thánh thiện chiếu soi Hội Thánh hôm nay với một vẻ đẹp phi thường. Trong khi tôi thân ái chào đón mỗi người trong anh chị em – các Hồng Y, Giám Mục, các nhà chức trách dân sự cũng như quân đội, các linh mục, tu sĩ, các tín hữu giáo dân từ nhiều quốc tịch đang tham dự buổi cử hành Thánh Lễ long trọng này - Tôi mời tất cả anh chị em hãy để cho gương sáng lạng của những vị Thánh này lôi kéo, để giáo huấn của các ngài hướng dẫn anh chị em, để toàn thể đời sống chúng ta có thể trở thành một bài thánh thi chúc tụng tình yêu Thiên Chúa. Nguyện xin cho chúng ta được ơn này nhờ lời chuyển cầu của các ngài trên Thiên Quốc, và trên hết, nhờ sự che chở từ mẫu của Mẹ Maria, Nữ Vương Các Thánh và Mẹ nhân loại. Amen.
 
Tấm lòng can trường và tình yêu thương của các vì thánh nhân vẫn còn để lại dấu ấn nơi thế kỷ 21
Phụng Nghi
17:34 12/10/2009
Vatican City (CNS) - 50 ngàn khách hành hương, kẻ già người trẻ, kẻ khỏe mạnh, người tật nguyền, lũ lượt kéo đến Vương cung thánh đường và Quảng trường Thánh Phêrô để chứng tỏ rằng tấm lòng can trường, tình yêu thương và ảnh hưởng của các vị thánh mới được tuyên phong tuy sống ở thế kỷ 19 nhưng ngày hôm nay vẫn còn sống động.

Hầu hết những người đến từ Hoa kỳ để tham dự nghi lễ tuyên phong vào ngày 11 tháng 10 vừa qua là để mừng hai trong năm vị thánh mới: Thánh Damien de Veuster, người Bỉ, đã tận tụy hiến cả cuộc đời mình phục vụ những người mắc bệnh phong cùi tại Molokai, Hawaii, và nữ thánh Jeanne Jugan, người gốc Pháp, đấng sáng lập tu hội Little Sisters of the Poor (Dòng Tiểu Muội phục vụ Người Nghèo).

Giám mục Larry Silva giáo phận Honolulu hướng dẫn một đoàn hành hương hơn 500 người từ Hawaii đến dự dễ tuyên thánh, đã phát biểu: “Chúng ta không tuyên phong các vị thánh nhân để rồi đặt các vị đó vào một thứ sảnh đường những người Công giáo thời danh, nhưng mục đích của Giáo hội khi tuyên thánh là để cho chúng ta noi gương các ngài, lớn mạnh trong lòng kính mến Chúa và tận tụy phục vụ những người cùng khổ nhất.”

Giám mục Silva nói rằng công việc anh hùng của Thánh Damien đối với những người bất hạnh tại Kalaupapa đã gây hứng khởi cho nhiều người suốt 120 năm qua, và “tôi thiết tưởng rằng, cùng với lễ tuyên thánh này, người ta sẽ còn được ngài linh hứng cho đến mãi muôn đời.”

Cảnh quan quốc tế hiện lên rõ nét với những khăn choàng và cờ của những đoàn hành hương đến từ các nước Bỉ, Ba lan, Tây ban nha, Pháp và Hoa kỳ. Một số người đeo những vòng hoa mầu sắc cầu vồng.

Tổng thống Hoa kỳ Barack Obama, thuở thiếu thời sinh sống tại Hawaii, đã gửi một phái đoàn chính thức của chính phủ tới tham dự lễ nghi tuyên thánh và giúp vinh danh “cuộc sống và chứng nhân phi thường của Cha Damien” như phản ảnh trong lời tuyên bố hôm 9 tháng 10 của tổng thống. Dân biểu Hoa kỳ Donald M. Payne bang New Jersey là thành phần trong phái đoàn 6 người của tổng thống tham dự nghi lễ này.

Dân biểu Payne tuyên bố với thông tấn xã Catholic News Service rằng Obama “cảm thấy công việc Cha Damien đã làm quả thật là tấm gương sáng mà tổng thống muốn Hoa kỳ lại một lần nữa được người ta nhìn thấy trong vai trò lãnh đạo những hành động mang mối quan tâm nhân đạo.”

Ông Payne nói: “Sự kiện là Cha Damien đã hy sinh cả cuộc đời cho người khác làm cho tôi nghĩ rằng đó là một âm thanh, một giọng điệu mới mà Tổng thống Obama đang cố gắng gửi đi khắp thế giới.”

Một vị khác trong phái đoàn tổng thống là nữ tu Carol Keehan, nữ tử Dòng Bác ái, đồng thời là chủ tịch và giám đốc điều hành Hiệp hội Y tế Công giáo. Bà nói với thông tấn xã Catholic News Service rằng Thánh Damien là một khuôn mặt anh hùng đối với tất cả những ai hoạt động trong lãnh vực chăm sóc sức khỏe.

Bà nói: “Thánh nhân đã đến với những người yếu đuối nhất, những người bị khinh khi nhất, những người ai cũng muốn tránh xa nhất… và dễ gây nhiễm nhất nếu bạn chăm sóc họ. Vì thế ngài rõ rệt là một trong những khuôn mặt anh hùng nhất trong ngành y tế Hoa kỳ.”

Khoảng 4000 khách hành hương đại diện Tu hội Tiểu muội phục vụ Người nghèo tại Hoa kỳ đã tham dự thánh lễ tuyên thánh. Tu hội hiện đang điều hành 31 trú sở tại Bắc Mỹ phục vụ những người từ 65 tuổi trở lên, triển dương sứ vụ và linh đạo của đấng sáng lập tu hội.

Bà Eleanor Dunne, 86 tuổi, sống tại Trú sở Jeanne Jugan ở Somerville, Mass. nói rằng “quả thực đây là một nghi lễ đặc biệt và là một vinh hạnh khi được tham dự.” Bà cho biết là tại trú sở của bà, các nữ tu “đón mời những người già nua; các nữ tu tận tình săn sóc và mọi người cảm thấy được sinh sống với các nữ tu này là một đặc ân.”

Theresa Saxton ở Newark, bang Delaware, người đã tình nguyện phục vụ giúp các nữ tu dòng Tiểu muội trong suốt 37 năm, cho biết họ đã tổ chức những buổi bán bánh và bán đồ cũ cũng như tìm các vị bảo trợ để cho một số người già cả trong trú sở được đài thọ mọi chi phí trong chuyến đi Roma này.

Bà Saxton lái xe buýt chở người già cả trong trú sứ đi ra ngoài chơi mỗi tháng năm lần, cho biết bà thích “nâng cao tinh thần của họ” bằng cách đưa những người già cả rong ruổi trên đường.

Bà nói: “Họ tất cả đã sống một cuộc đời, đã gầy dựng gia đình và đã tận tụy hy sinh. Nay hãy để họ làm những chuyện mà vì không có thời giờ hay tiền bạc nên không làm được, để an hưởng những ngày sau cùng của cuộc đời.”

Mary O' Donnell ở Pawtucket, R.I., cho biết bà đã sinh hoạt với các nữ tu Tiểu Muội suốt 52 năm.

Bà bắt đầu tình nguyện phục vụ cùng các nữ tu khi mới lên 11 tuổi vì bị hấp dẫn do tấm lòng nhân ái và tận tâm đối với người già cả của những nữ tu đó. Các nữ tu đã làm cho người ta cảm thấy như Thánh nữ Jeanne còn hiện diện, và y nguyên “linh đạo, lòng nhân ái và sự hấp dẫn của nữ thánh” vẫn còn đó, trong mỗi ngôi nhà trên khắp thế giới.”

Nữ tu Diane Shelby, thuộc dòng Tiểu Muội tại nhà mẹ ở Washington, nói rằng Thánh Jeanne đã minh chứng rằng cuộc sống của những người già nua vẫn còn giá trị và Thiên Chúa yêu thương họ.

Trong đoàn hành hương đến từ Hawaii còn có Audrey Toguchi, một phụ nữ mắc bệnh ung thư được chữa lành và được Tòa thánh tuyến bố là phép lạ thứ hai cần thiết để Cha Damien được tuyên thánh.

Bà nói với thông tấn xã Catholic News Service rằng bà cảm thấy việc tuyên thánh cho ngài “là một dấu ấn chấp nhận” cách thức Người đã bỏ cuộc đời mình để giúp đỡ người khác.

Bà nói: “Bất cứ ai đến với người khác, nâng họ chỗi dậy, làm cho họ cảm nhận được sự thiện hảo trong con người họ, cho họ một lý do để sống, thực xứng đáng được tuyên dương.”

Norbert Palea, một người hành hương mắc bệng phong cùi, còn gọi là bệnh Hansen, đến từ Hawaii, cho các ký giả biết rằng tuy trong cuộc đời, chuyện dễ dàng là coi thường mọi sự, nhưng Thánh Damien “dạy tất cả chúng ta ở đây rằng chúng ta phải là người chăm sóc anh em mình.”

Một khách hành hương người Hawaii khác và cũng mắc bệnh Hansen, Elroy Makia Malo, nói rằng Thánh Damien nỗ lực làm cho thế giới có những cái nhìn khác về những người mắc bệnh Hansen. “Nay thì chúng tôi hãnh diện với con người thực của chúng tôi.”

“Trong thế giới điện ảnh, người ta gọi đây là thời gian ân đền oán trả, và vì thế tôi tới đây chỉ vì tôi kính ngưỡng con người này vô cùng, và tôi có mặt nơi đây để yểm trợ Người.”

Trong đám đông có mặt tại Quảng trường Thánh Phêrô có một nhóm 28 khách hành hương người Mỹ gốc Ba lan đến từ Giáo xứ Đức Mẹ Lên Trời ở Copiague, N.Y.. Họ mang những lá cờ Mỹ nhỏ xíu nhưng say sưa hùng hồn nói ngôn ngữ Ba lan.

Họ tới đây để mừng lễ tuyên phong Thánh Zygmunt Felinski, đấng sáng lập Tu đoàn các Chị em Gia đình Maria thuộc dòng Thánh Phanxicô, và cũng để cầu nguyện tại ngôi mộ của Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II.
 
Top Stories
Dal 24 novembre il Giubileo della Chiesa vietnamita
Asia-News
06:59 12/10/2009
L’annuncio in una lettera pastorale dell’episcopato, al termine della sua annuale riunione. Il giubileo durerà fino al 6 gennaio 2011. I vescovi non hanno parlato di una visita di Benedetto XVI. Creato un Comitato consultivo giuridico per affrontare le questioni relative ai terreni degli enti ecclesiastici. Ordinato vescovo mons. Thomas Vu Dinh Hieu.

Xuan Loc (AsiaNews) – Lo speciale giubleo della Chiesa vietnamita e i gravi problemi creati dalle autorità governative in materia di beni di istituzioni religiose sono stati gli argomenti principali affrontati dalla annuale assemblea generale della Conferenza episcopale, tenutasi a Xuan Loc dal 5 al 10 ottobre.

I vescovi di 26 diocesi – mancavano solo, per motivi di salute, l’arcivescovo di Hanoi Ngo Quang Kiet e il vescovo di Can Tho, Emmanuel Le Phong Thuan – hanno inviato una lettera pastorale ai cattolici vietnamiti nella quale spiegano che il 2010 è stato scelto per esprimere la gratitudine ai martiri che con il loro sangue, insieme a quello di altri testimoni del Vangelo hanno reso feconda la Chiesa. “Il 2010 - si legge ancora nella lettera – segna i 350 anni dalla creazione delle due diocesi del Nord e del Sud Vietnam (1659-2009) e i 50 anni dalla istituzione della gerarchia cattolica in Vietnam”.

Il Giubuleo sarà aperto a So Kien, Hanoi, il 24 novembre di quest’anno, nella ricorrenza dei Martiri vietnamiti, e si concluderà l’Epifania del 2011, al santurario mariano nazionale di La Vang.

La celebrazione del giubileo, scrivono i vescovi, “è un tempo propizio per uno sguardo retrospettivo allo scopo di ringraziare Dio, apprendere la lezione della storia; discutere la aituazione attuale della Chiesa, le situazioni favorevoli e le sfide che ha e per guardare al futuro con la determinazione di costruire una Chiesa che discerne e obbedisce alla volontà di Dio”.

Il verbale dell’assemblea, firmato da mons. Vo Duc Minh, vescovo coadiutore di Nha Trang, non riporta invece alcun riferimento alla visita di Benedetto XVI, sulle cui presenza in ocasione del giubileo, da tempo circolavano voci. Ne avevano parlato anche i media statali, che, in questa occasione, hanno dipinto il giubileo come “un favore e una grazia della cortesia del governo” e hanno chiesto ai cattolici di non protestare, ma obbedire senza remore ai decreti delle autorità locali in materia di terreni.

Quest’ultimo argomento è stato affrontato anche dai vescovi, che hanno esaminato gli aspetti giuridici della questione che è stata all’origine di tensioni con il governo, sfociate anche in atti persecutori. E’ stato deciso di creare un Comitato consultivo legale, giudato da mons. Thomas Nguyen Van Tram di Ba Ria e al quale si attende la partecipazione di avvocati cattolici e non.

E’ stata annche inviata una petizione alla Congregazione per le cause dei santi, per dare il via al processo di beatificazione dei vescovi Francois Pallu (1626-1684) e Lambert de la Motte (1624-1679).

E’ stato poi rinnovato l’appello per un aiuto urgente alle vittime dei tifoni Ketsana e Parma.

Sabato, inoltre, tutti i 31 vescovi presenti hanno preso parte alla ordinazione episcopale di mons. Thomas Vu Dinh Hieu, nominato dal Papa vescovo ausiliare di Xuan Loc lo scorso 25 luglio.

Alla cerimonia (nella foto) erano presenti anche 600 sacerdoti e 15mila fedeli. Mons. Joseph Vo Duc Minh, presidente del Bible Council del Vietnam ha detto che “il vescovo Thomas può proclamare a tutti che ‘Lo Spirito Santo mi ha chiamato ad andare verso i poveri e annunciare loro la Buona Novella”.
 
PHILIPPINES: Mindanao: un missionnaire irlandais a été enlevé par des hommes en armes
Eglises d'Asie
08:54 12/10/2009
Le dimanche 11 octobre, en début de soirée, six hommes en armes ont fait irruption dans le jardin de la maison des Pères de Saint Columban, des missionnaires irlandais, de Pagadian City, à Mindanao. Ils se sont emparés par la force du P. Michael Sinnott, 79 ans, qui prenait le frais à cette heure-là et l’ont emmené avec eux. Dès la nouvelle connue, les responsables religieux de la région, catholiques et musulmans, ont dénoncé ce nouvel enlèvement, appelant à la libération sans délai et sans condition du missionnaire.

« Tout comme nous appelons les gens à prier pour [le P. Sinnott], nous enjoignons ses ravisseurs à le traiter avec respect et à le relâcher aussi rapidement que possible », a déclaré, le 12 octobre, Mgr Emmanuel Cabajar, évêque du diocèse catholique de Pagadian. Réuni en urgence, la représentation régionale du Consortium de la société civile Bangsamoro (du nom par lequel les musulmans du sud philippin se désignent) a fait part de sa « solidarité avec [ses] frères chrétiens en condamnant fermement cet acte ». Le Consortium, qui fédère des organisations musulmanes de Mindanao, a appelé ses membres à prier pour la sécurité du prêtre et sa libération « immédiate et sans condition ».

L’enlèvement n’a pas été, jusqu’à présent, revendiqué. Toutefois, la police a déclaré à la presse locale qu’elle « n’écartait pas l’implication du groupe Abu Sayyaf ou du Front Moro de libération islamique », les deux entités étant présentes dans la région et familières des kidnappings. Sur l’île de Jolo, à plusieurs centaines de kilomètres au sud-ouest de Pagadian City, l’armée mène depuis quelques mois une importante offensive contre Abu Sayyaf, et l’une des principales bases du groupe terroriste est tombée il y a peu (1).

Selon les informations disponibles, immédiatement après avoir été enlevé, le P. Sinnott a été conduit par ses ravisseurs jusqu’au front de mer, où il a été placé à bord d’une embarcation légère qui a disparu à la faveur de la nuit dans la baie de Pagadian. Le P. Sinnott a subi un pontage coronarien en 2007 et prend depuis des médicaments chaque jour. Selon Mgr Cabajar, le missionnaire n’avait sur lui qu’une journée de traitement médical lorsqu’il a été enlevé.

Né en 1929 dans le sud-est de l’Irlande, le P. Sinnott a été ordonné prêtre en 1954, avant de partir pour les Philippines en 1957 où il est nommé à Mindanao. C’est dans cette région, à l’exception d’une parenthèse de dix ans, entre 1966 et 1976, que le missionnaire a exercé son ministère, s’occupant notamment de l’aide aux enfants handicapés. En 1998, il a fondé Hangop Kabataan (‘Aider les jeunes’), structure diocésaine destinée à venir en aide à la jeunesse inadaptée.

A Mindanao, les enlèvements pour raison politique ou de grand banditisme ne sont pas rares. Dernièrement, à Jolo, Abu Sayyaf a enlevé trois membres du Comité international de la Croix-Rouge; les trois employés, une Philippine, un Italien et un Suisse, ont été libérés séparément, au terme d’une crise qui a duré de janvier à juillet 2009 (2). A propos d’enlèvements de prêtres catholiques, Abu Sayyaf s’est distingué en 2007, avec le kidnapping du missionnaire italien Giancarlo Bossi; enlevé lui aussi à proximité de Pagadian, le prêtre avait été retenu en otage durant plus d’un mois, avant d’être relâché sans doute en échange du paiement d’une rançon. En 2001, deux missionnaires italiens, le PP. Luciano Benedetti et Giuseppe Pierantoni, étaient enlevés, l’un étant par la suite relâché par ses ravisseurs et l’autre retrouvé par la police. En 2001 toujours, le P. Rufus Halley, membre comme le P. Sinnott des Pères de Saint Columban, a connu une fin tragique: victime d’une tentative d’enlèvement, il résista à ses agresseurs et fut abattu par ses derniers.

(1) Voir EDA 514

(2) Voir EDA 504, 505, 511

(Source: Eglises d'Asie, 12 octobre 2009)
 
Catholic prolife activists reach out to Buddhists
Emily Nguyen
09:08 12/10/2009
Thousands of Buddhists attended a special service to pray for their aborted unborn children. The event occurred due in good part to efforts of Catholic prolife activists.

Heads bowed and tears falling, more than 4000 Buddhists attended a ritual at Tu Quang Pagoda in Saigon last Thurday to pray for their 9000 unborn children who had not been given the chance to live; and for the peace inside themselves.

Participants in the service were required to report honestly the number of abortions they had had. A Buddhist nun who helped to record the names of aborted unborn children and their parents reported that, on top of the list, there were women with 20 abortions. “More alarming, there were young girls in their teens with up to 4 abortions,” said Nun Thanh Lai.

In recent years, Vietnam abortion rate has been continuously skyrocketing. According to the Vietnam Family Planning Association, the country has one of the world's highest abortion rates. About 2.1 million abortions are performed annually in the country, which has a population of 82 million. In fact, abortion has been considered the national policy on birth control. It is legal and both public and private clinics are allowed to perform the practice.

The wide and easy availability of abortion services, the pressure on pregnant women at work and at home, and poverty are usually cited to explain the soaring rate of abortions.

Unprecedentedly, the event at Tu Quang pagoda has been fairly reported with good comments by some state media outlets. It probably reflects growing concerns over the social welfare and the moral health of the society.

The Thanh Nien Weekly, one of state media outlets which reported the prolife event, applauded efforts of Venerable Thich Giac Thien, the chief monk of the pagoda who organized the service. It also interviewed doctors at the two largest maternity facilities in Saigon. Dr. Tran Son Thach at Hung Vuong hospital reported 18,600 abortion cases performed in his venue during the first nine months of this year. 21,000 more cases recorded at Tu Du hospital, in which “girls aged under 19 account for 10 percent, from just 5 to 7 percent during the past years,” Dr. Duong Phuong Mai said.

In recent years, Catholic prolife activists have reached out to Buddhists who claim for more than 80% of the population.

“Prolife activities should not be limited within Catholics. Otherwise, we just touch the surface of an iceberg," said Anh Tuyet, a university student in Saigon who has actively involved in prolife campaigns.

There are many prolife initiatives that Catholics in Vietnam have carried out among non-Catholics.

Typically, in the coastal town of Nha Trang, Tong Phuoc Phuc, a 42-year-old Catholic building contractor took home pregnant girls who were evicted by their parents and had no place to go. Like other unwed pregnant women, the girls went to state-run hospitals with an intention to get a quick and free abortion. But, there they met with Phuc who persuaded them to seek an alternative. Phuc even went further providing residence and financial support for them until they gave birth and once again were welcomed home by their parents.

In the past 4 years, he has taken in 60 children, 26 of them have been taken home with their mothers.

Bishop Joseph Vo Duc Minh, coadjutor bishop of Nha Trang, warmly praises Phuc’s work: “It’s a great pro-life innovation. I have come to his house several times to encourage his work and to pray with him.”

“In this house, I experience true love”, says Nguyen Thi Ngoc Thao, a Buddhist mother of two who was thrown out by her husband when she refused to terminate her pregnancy.
 
From November 24 the Jubilee of the Vietnamese Church
Asia-News
09:24 12/10/2009
The announcement in a pastoral letter of the episcopate, at the end of its annual meeting. The jubilee will last until 6 January 2011. The bishops have not spoken of a visit of Benedict XVI. Legal Advisory Committee set up to address issues relating to the land of ecclesiastical bodies. Mgr. Thomas Vu Dinh Hieu ordained bishop.

Xuan Loc (AsiaNews) - The special jubilee of the Vietnamese Church and the serious problems created by governmental authorities in the area religious institutions and property were the main topics addressed by the annual general meeting of the bishops' conference, held in Xuan Loc October 5 to 10.

The 31 bishops of 26 dioceses - for health reasons, the Archbishop of Hanoi Ngo Quang Kiet and the bishop of Can Tho, Emmanuel Le Phong Thuan were absent - sent a pastoral letter to Catholics in Vietnam in which they explained that 2010 was chosen to express gratitude to the martyrs who with their blood, and that of other Gospel witnesses, made the Church fruitful. "2010 - continues the letter - marks 350 years since the creation of two dioceses of North and South Vietnam (1659-2009) and 50 years since the establishment of the Catholic hierarchy in Vietnam."

The Jubilee will be opened at Kien So, Hanoi, on 24 November this year on the anniversary of the Vietnamese Martyrs, and will end on the Epiphany in 2011, at the national Marian Sanctuary of La Vang.

The celebration of the jubilee, the bishops write, "is a propitious time to look back in order to thank God, learn the lesson of history discuss the current situation of the Church, the favourable situations and challenges it faces, and to look ahead with the determination to build a church that discerns and obeys the will of God. "

The minutes of the meeting, signed by Mgr. Vo Duc Minh, Coadjutor Bishop of Nha Trang, does not report any reference to a visit of Benedict XVI, a visit long rumoured to have taken place during the Jubilee celebrations. The possibility was also discussed by state media, which are painting the jubilee as "a favour and grace of government courtesy" and who have called on Catholics not to protest, but to obey without question the decrees of the local authorities regarding land disputes.

This topic was also addressed by the bishops, who have examined legal aspects at the source of tensions with the government, which have also resulted in persecution. It was decided to create a statutory advisory committee, led by Mgr. Thomas Nguyen Van Tram from Ba Ria and which will see the participation of lawyers Catholic and non-Catholic.

A petition has also been sent to the Congregation for the Causes of Saints, to begin the process of beatification of bishops Francois Pallu (1626-1684) and Lambert de la Motte (1624-1679).

They then renewed their appeal for emergency aid for the victims of typhoon Ketsana and Parma.

In addition, Saturday, all 31 bishops present took part in the Episcopal ordination of Mgr. Thomas Vu Dinh Hieu, appointed by the Pope on 25 July to be auxiliary bishop of Xuan Loc.

A the ceremony (pictured) there were also 600 priests and 15 thousand faithful. Bishop Joseph Vo Duc Minh, President of the Bible Council of Vietnam commented that "Bishop Thomas can proclaim to everyone that 'The Holy Spirit has called me to go to the poor and proclaim to them the Good News”.
 
Amid persecutions, Vietnamese bishops declared holy year
Catholic World News
09:29 12/10/2009
Gathering in the southern city off Xuan Loc amid land disputes with the government, the bishops of Vietnam have declared 2010 a holy year to commemorate the 50th anniversary of the establishment of the nation’s hierarchy and the 350th anniversary of the establishment of two apostolic dioceses in the nation.

The bishops write in a pastoral letter that the jubilee year is “a good time to [reflect] in order to thank God; to listen to lessons from history; to discuss the present situation of the Church: its advantages and its challenges; and to look ahead with a resolution to build up a Church discerning and obeying God’s will.”

The bishops also established a Legal Consultant Committee to seek redress in land disputes
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tân phó tế vĩnh viễn người Việt tại Paris cho chứng từ về ơn gọi của mình
Trần Văn Cảnh
08:02 12/10/2009
Tân phó tế vĩnh viễn Gioan Nguyễn Sơn cho chứng từ về ơn gọi của mình

1. Tân phó tế vĩnh viễn Gioan Nguyễn Sơn

Paris - Chủ nhật 11/10/2009.- Giáo xứ Việt Nam tổ chức đón tiếp thầy sáu vĩnh viễn mới. Thầy Gioan Nguyễn Sơn, đã được Đức Hồng Y André Vingt-Trois truyển chức phó tế ngày thứ bảy 10/10/2009 tại nhà thờ Đức Bà Paris. Như vậy thầy Sơn là phó tế vĩnh viễn thứ 5 của Giáo Xứ Việt Nam Paris, sau thầy Xavier Gérard (1987), thầy Phạm Bá Nha, Nguyễn Văn Thạch (1998) và thầy Tạ Đình Chung (2003). Thầy Sơn cũng là một trong 96 phó tế vĩnh viễn của Tổng Giáo Phận Paris.

Phó tế vĩnh viễn Gioan Nguyễn Sơn
Khác với bốn phó tề đàn anh trong giáo xứ, thầy Sơn là phó tế vĩnh viễn đầu tiên còn trẻ và độc thân. Sinh năm 1959, từ nhỏ, khi còn ở bên Cao Miên, thầy vốn đã có ý định dâng mình cho Chúa, nhưng chưa có dịp. Về Việt Nam, thầy cũng không có dịp được thỏa mãn ý nguyện. Sang Pháp vào những năm 1980, thầy theo gia đình đến ở Sarcelles, rồi Pontoise. Từ đây, trong khuân khổ của cộng đoàn công giáo, thầy tham gia vào các sinh hoạt mục vụ. Khởi đầu, thầy nhập Nhóm Xã Hội, đi thăm đồng bào Việt Nam đang còn ở trong các trại tỵ nạn. Rồi thầy tham dự tích cực trong Nhóm sống đạo. Từ 1992, thầy chia sẻ trách nhiệm điều khiển nhóm và theo học những khóa thần học. Từ 1994, thầy tham gia việc dậy giáo lý cho trẻ em. Từ 1997, thầy tham gia dậy tiếng Việt cho trẻ em và cộng tác lập Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể tại Cergy. Từ ngày ấy đến nay, thầy vốn là một giáo lý viện, lo dậy lớp giáo lý chuẩn bị rước lễ lần đầu. Từ ba năm nay, thầy được Đức Ông giới thiệu và gởỉ đi học, chuẩn bị lãnh nhận chức phó tế vĩnh viễn. Sau khi đã chịu chức hôm qua, hôm nay thầy đến giáo xứ tham dự thánh lễ, để tạ ơn Chúa, cám ơn Đức Ông cùng Ban Giám Đốc, và cám ơn cộng đoàn.

Xem hình ảnh thầy Phó Tế vĩnh viễn Gioan Nguyễn Sơn dâng lễ tạ ơn

Mở đầu thánh lễ, Đức Ông Mai Đức Vinh đã giới thiệu thầy GIOAN NGUYỄN SƠN với cộng đoàn và công bố trước cộng đoàn công tác mục vụ của thầy Sơn: « Với tính cách là cha sở, trong hoàn cảnh cá biệt là còn đi làm 5 ngày trong tuần và chỉ rảnh rỗi vào 2 ngày cuối tuần, tôi trao cho thầy Gioan Nguyễn Sơn công tác mục vụ đi thăm viếng các tù nhận gốc Việt Nam, Lào, Cao Miên, Trung Hoa, hiện bị giam giữ trong các trại tù ở Paris và vùng phụ cận. Công tác này đã được sơ Françoise Ngãi thi hành từ nhiều năm nay. Nhưng sơ đã lớn tuổi, năm nay 79, nên xin về hưu. Đây là công tác mục vụ chuyên biệt của thầy Sơn. Thầy sẽ liên lạc với văn phòng mục vụ của Tổng Địa Phận Paris, để được chỉ dẫn, đào tạo và giúp đỡ ».

2. Chứng từ ơn gọi

Sau khi đã đọc Phúc Âm, chắc hẳn đây là lần đầu tiên thầy đọc Phúc Âm trong thánh lễ, Thầy Sơn đã chia sẻ Lời Chúa với Cộng đoàn, qua bài Phúc Âm Thánh Marcô (Mc 10, 17-30). Bài phúc âm thuật lại việc một người thanh niên đến quì xuống trước mặt Chúa Giêsu và hỏi Ngài xem phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Thanh niên này là một người đã tuân giữ luật từ thủa nhỏ: « không giết người, không ngoại tình, không trộm cắp, không làm chứng gian, không làm hại ai, nhưng thờ kính cha mẹ ». Khi nghe Chúa bảo: « Anh chỉ còn thiếu một điều, là hãy đi bán những gì anh có, mà cho người nghèo », Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Tựa vào bài phúc âm, thầy Sơn đã làm một chứng từ về ơn gọi phó tế vĩnh viễn của mình và chia sẻ ba điều:

Trước nhất, thầy đã chia sẻ về sứ mệnh của phó tế vĩnh viễn, mà Công đồng Vatican II đã mô tả rõ rệt qua đoạn 29, chương III: Ở bậc thấp hơn của hàng giáo phẩm, có các phó tế, những người đã được đặt tay "không phải để lãnh nhận chức vụ linh mục, nhưng là để phục vụ". Thực vậy, được ân sủng bí tích bồi bổ, các phó tế, hiệp thông với Giám Mục và Linh Mục Ðoàn, phục vụ Dân Thiên Chúa bằng việc phụng vụ, giảng dạy, và bác ái. Khi được những vị có thẩm quyền chỉ định, các phó tế được cử hành trọng thể phép Thánh Tẩy, giữ và trao Mình Thánh Chúa, nhân danh Giáo Hội chứng kiến và chúc lành hôn phối, mang của ăn đàng cho kẻ hấp hối, đọc Thánh Kinh cho tín hữu, giáo huấn và khuyên nhủ dân chúng, chủ tọa việc phụng tự và kinh nguyện của tín hữu, cử hành các á bí tích, chủ tọa lễ nghi tang chế và an táng. Ðược phong chức để lo việc bác ái và việc quản trị, phó tế phải nhớ lời nhắn nhủ của Thánh Polycarpô: "Hãy tỏ lòng nhân hậu, nhiệt thành, và hãy bước theo chân lý của Chúa, Ðấng đã làm tôi tớ mọi người".

Thứ đến, trích một số câu Phúc Âm, thầy chia sẻ về đời sống thiêng liêng và phục vụ của phó tế vĩnh viễn. « Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa (Lc, 4, 18-19). « Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người" (Mth, 20, 26-28). « Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau" (Jn 13, 34-35). « Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ » (Lc 12, 37).

Và sang điểm thứ ba, thầy Sơn chia sẻ về ơn gọi phó tế của mình. Thầy nhắc lại thói quen cầu nguyện trước Thánh Thể, nhắc đến sụ thầy thán phục thánh Phaolô về việc rao giảng tin mừng cho người ngoại và lòng nhiệt thành của Ngài và nhớ lại lời thầy hằng cầu xin trong thinh lặng để xin Chúa, là đấng thấu hiểu tâm tư, ý tưởng, tình cảm của thầy hơn ai hết, soi sáng cho thầy biết mình phải làm gì. Thầy thuật lại việc thầy tiếp tục cầu nguyện xin Chúa cho thầy tìm ra ơn gọi để phụng sự Chúa, phục vụ Giáo Hội và phục vụ tha nhân. Trong suốt 3 năm sinh hoạt đều đặn với nhóm tìm hiểu ơn gọi, do Đức Ông Vinh và Sơ Thoa hướng dẫn, thầy vẫn tiếp tục cầu nguyện không ngừng. Thế rồi một hôm kia, Đức ông hỏi thầy: « Cậu có muốn theo ơn gọi phó tế vĩnh viễn không ? Suy nghĩ kỹ đi, tôi có thể giới thiệu cậu đi học làm phó tế vĩnh viễn ». Ngỡ ngàng trước câu hỏi của Đức Ông, thầy tiếp tục cầu nguyện. Thầy không dám quyết định gấp. Nhưng, sau cùng, thầy phó thác mọi sự và hoàn toàn cho Chúa. Thầy được Đức Ông giới thiệu và gởi đi học. Sau 3 năm được đào tạo, tâm hồn thầy đã bị đánh động và đã lấy lời Chúa sau đây như hành trang nuôi dưỡng suốt cuộc đời mình. Lời đó là: « Còn anh em, anh em bảo thầy là ai » (Mth 16, 15) ? Này anh Simon, em ông Gioan, anh có mến thầy hơn các anh em này không » ( Jn 21, 15).

Sau khi đã chia sẻ về sứ mệnh phó tế, về đời sống thiêng liêng, phục vụ của phó tế, và về ơn gọi phó tế của mình, để kết thúc, thầy Gioan Nguyễn Sơn đã gởi đến cộng đoàn lời tâm tình này: « Thưa cộng đoàn, ngày hôm nay là bước khởi đầu đời phục vụ của con, nhận biết mình yếu hèn và hay sa ngã, con xin Đức Ông, Quí Cha, Quí Thầy, Quí Sơ và toàn thể cộng đoàn giúp lời cầu nguyện và luôn nâng đỡ con, để con đi được trọn vẹn con đường theo Chúa ».

Cuối lễ, đại diện cho cộng đoàn, Ông Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ đã giới thiệu thêm với cộng đoàn về những công việc mục vụ mà thầy Sơn đã thực hiện từ khi mới sang Pháp, ở cộng đoàn Sarcelles, Pontoise, và Paris. Ông chúc thầy sáu vĩnh viễn mới của giáo xứ đầy tràn hồng ân Chúa để hoàn thành sứ mệnh mục vụ Chúa trao phó. Rồi mời ông Ủy Viên Xây Dựng mang quà, đại diện cho cộng đoàn, tặng tân phó tế vĩnh viễn.

Theo điều khiển của ca trưởng, cả cộng đoàn hát bài « Trong An Bình »: Ra về trong hy vọng và mừng vui; Ra về trong an bình của Thiên Chúa. Xin tri ân Ngài, xin tri ân Ngài, đến muôn đời tình thương Chúa như dất trời,…. »

Tân Phó Tế Vĩnh Viễn chụp hình chung với Ban Giám Đốc, với 4 thầy sáu khác, với thân nhân và với cộng đoàn. Mọi người được mời ra dùng tiệc chung vui cùng tân phó tế vĩnh viễn GIOAN NGUYỄN SƠN.

Paris, ngày 11 tháng 10 năm 2009

Trần Văn Cảnh
 
Đức Cha Jean Cassaigne, tông đồ người cùi tại Việt Nam (1)
Jacques-Marie Guilmard
09:37 12/10/2009
Năm 2004, nhận được “tệp tin” (file) từ Linh mục Philipphê Nguyễn-Hữu-Tiến, M.E.P phục vụ tại Đài Loan và sau đó là cuốn “Grand Monsieur” do chính tác giả là linh mục Dom Jacques-Marie Guilmard, Đan viện Solesmes, Pháp, gửi tặng…

Với tâm tình những người dân Việt-Nam biết ơn về những hy sinh to lớn của vị thừa sai và sự gắn bó của Ngái với đất nước nầy, nhất là với những con người bị xã hội ruồng bỏ, lánh xa - Những Người Cùi, - chúng tôi muốn giới thiệu những trang sách đơn giản, nhưng khá gọn gàng, đầy đủ nầy do Cha Dòng Solesmes nỗi tiếng, Dom J.M Guilmard đã viết về cuộc đời “ÔNG CỐ” - ĐỨC CHA JEAN CASSAIGNE, tên Việt là Gioan Sanh – nguyên Giám Mục giáo phận Sàigòn, Vị thừa sai sau bao khó nhọc xây dựng Giáo Hội, đã nằm lại giữa con cái bệnh nhân phong cùi của Ngài, ở Trại Cùi Di Linh, Lâm Đồng, bản thân cũng nhiễm căn bệnh quái ác nầy. Xin được như một nén hương trầm, thắp lên để cám ơn Vị Tông Đồ và ước mong một ngày không xa, tên của Ngài sẽ nằm cạnh tên Cha ĐAMIANÔ mà Giáo Hội tôn vinh hiển thánh vào ngày 11.10.2009, tức là đúng một tuần khi chúng tôi gửi bản dịch nầy tới mọi người, vì rút cuộc, đời sống theo tinh thần Phúc Âm, làm chứng nhân cho Chúa Kitô và đem Chúa đến cho mọi người, của Cha Thánh Đamianô, của Giám Mục thánh thiện Jean Cassaigne Sanh hay của mỗi người trong chúng ta, cũng là để Danh Chúa được hiển vinh
.

Ngày kính trọng thể lễ Đức Mẹ Mân Côi 04.10.2009

CVK Giuse Nguyễn Thế Bài chuyển ngữ


ĐỨC CHA JEAN CASSAIGNE,
TÔNG ĐỒ NGƯỜI CÙI TẠI VIỆT NAM


MỤC LỤC
1. Tuổi thơ
2. Nẩy sinh ơn gọi linh mục và thừa sai
3. Học việc buôn bán rượu
4. Người chủng sinh. Thế Chiến Thứ I
5. Sứ vụ thừa sai tại Nam Kỳ
6. Bệnh phong cùi
7. Những vụ gặt đầu tiên
8. Đời sống thường nhật
9. Giám Mục Sàigòn trong thời biến loạn
10. Vị Giám Mục cùi. Về lại Di-Linh
11. Đau đớn và Niềm vui. Cái chết
12. Con người của cầu-nguyện
13. Trong gia-đình (Ngôi Làng của Niềm Vui)
14. Ở xứ “Mọi”
15. Những lá thư từ Nam Kỳ


1. TUỔI THƠ

Ngày 30 tháng 1 năm 1895, tại Grenade-trên sông Adour trong miền Landes (Pháp) một cậu bé tên là JEAN CASSAIGNE đã chào đời. Chúng ta đang ở xứ Gascogne, xứ sở của Ba Chàng Ngự Lâm, xứ sở của lòng quảng đại và tính vui tươi. Ở đó có rất nhiều nhà thừa sai. Tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy họ đem Tin Mừng đến tận cùng thế giới: họ vừa hạnh phúc nhìn thấy thêm một cháu trai mới và hãnh diện về đức tin của mình, đến độ muốn đem chia sẻ cho tất cả mọi người.

Jean là con một của ông Joseph Cassaigne, một thương gia buôn bán rượu nho, và của một bà mẹ xinh đẹp tên là Nelly. Song thân Cậu yêu thương Cậu rất mực. Bà của Cậu, vốn là mẹ đỡ đầu của Cậu, cũng hết sức âu yếm Cậu, mặc dù Bà nhận thấy cậu bé thật tinh nghịch.

“Tôi làm những gì tôi muốn về Jean, song nó thật không chịu đựng nổi”, Bà của cậu đã nói như thế. Và cậu bé trả lời: “Bà nghiêm khắc đấy, nhưng cháu làm những gì cháu thích”.

Với óc tưởng-tượng – thứ mà Jean có rất nhiều – con suối của làng có thể trở thành sông Hudson hoặc sông Mississipi và được Cậu dùng cho các cuộc thám hiểm của người da đỏ. Cậu và các bạn nhỏ của Cậu khi thì làm người da đỏ Hurons, lúc lại thành dân da đỏ Iroquois. Một ngày nọ, Mắt-Chim-Ưng – chính là Jean – nằm cho trôi trên sông Mississipi, trong người vẫn mặc quần áo, như một tử thi, để tránh bị kẻ địch cầm tù. Cư dân Grenade, khi nhìn cảnh tượng nầy, không tưởng tượng được đó là chuyện về người Da Đỏ. Họ hoảng hốt chạy tới vớt cậu bé lên, trong khi cậu ta dẫy dụa và trách cứ người lớn là chẳng hiểu gì hết: “Đó chỉ là trò chơi thôi mà !” Trò chơi, có thể lắm, nhưng dù vậy, cậu bé đã bị bố Cậu cho một trận đòn nhớ đời.

Jean đạo đức và ngay thẳng, linh lợi và vui tươi như một sinh vật hạnh phúc vì được sống.

2. NẢY SINH ƠN GỌI LINH MỤC VÀ THỪA SAI.

Jean, cậu bé tinh quái, thích những sách về phiêu lưu mạo hiểm. Cậu đọc những sách về người Da Đỏ ở Châu Mỹ. Cậu cũng đọc ngấu nghiến các chuyện kể về các Vị thừa sai, sau khi khám phá trong một nhà kho mà Cậu hay tới ẩn nấp, những cuốn sách làm Cậu say mê. Trong một cái hòm, có bộ sưu tập những Biên Niên Sử Về Truyền Bá Đức Tin, kể lại cuộc đời những nhà truyền giáo đã sang Châu Phi, Châu Á và cả Bắc Cực rao giảng Tin Mừng cho các dân. Cậu đọc ngấu nghiến những chuyện kể về Cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), một linh mục Dòng Tên người Pháp đã sang Viễn Đông, trong một miền mà ngày nay gọi là Việt-nam. Đó là một miền đất xa xôi, nhưng từ năm 1906, Jean có những tấm bưu thiếp đến từ đó. Cậu mê mẩn nhìn nét chữ Tàu kỳ bí in ở trên bưu thiếp. Những tấm bưu thiếp nầy là cả một gia tài đối với Cậu. Năm ấy Cậu lên 11.

“Và nếu chính mình trở thành thừa sai thì sao nhỉ ?” Cậu tự nhủ như thế. Ý tưởng ấy cứ quanh đi quẩn lại thường xuyên trong đầu của Cậu. Mẹ cậu đã dạy Cậu những kinh nguyện đầu tiên. Được ở trong ban ca đoàn, Jean thích giúp lễ. Những khi ấy, Jean rất nghiêm trang. Làm cho người khác nhận biết Chúa Giêsu, dạy các dụ ngôn và đi tận cùng thế giới: ý tưởng nầy cứ lẫn vẫn trong Cậu. “Mẹ mình sẽ nghĩ thế nào về chuyện ấy nhỉ ?”

Năm 1907, Jean được rước lễ vỡ lòng. Đó là dịp để Cậu hỏi mẹ. Một chút trước khi nghi lễ bắt đầu, Cậu cho mẹ biết ước ao của Cậu được làm linh mục và thừa sai. Mẹ cậu bắt đầu khóc. “Tại sao mẹ lại khóc, hả mẹ ? Nên linh mục và thừa sai, là một ơn gọi tuyệt vời đấy chứ !”. Thật sự, Bà Nelly Cassaigne không khóc vì ân hận, mà khóc vì hạnh phúc khi biết con bà được Chúa gọi. Jean cảm thấy mẹ thấu hiểu Cậu và được mẹ nâng đỡ vô bờ. Nhưng bà cũng báo cho cậu biết là cha cậu sẽ chẳng muốn cho Cậu một tương lai như vậy, đứa con một mà ông ấy yêu thương, nhưng lại muốn Cậu sẽ kế nghiệp ông.

Bà Nelly Cassaigne bị bệnh lao phổi nặng. Jean rất đau khổ về điều ấy. Khi Cậu rước lễ vỡ lòng, mẹ Cậu đã không thể có mặt tham dự. Các tuần lễ kế tiếp thật buồn bã. Thỉnh thoảng Bà nội lại đưa Cậu xa khỏi căn phòng Mẹ cậu nằm. Bà cố gắng an ủi Cậu. Nhưng bà Nelly Cassaigne đã từ trần ngày 18 tháng 8 năm 1907.

Jean sẽ luôn gắn bó với người mẹ và Cậu cầu xin Đức Trinh Nữ Maria hằng ngày với chuỗi hạt mà mẹ Cậu để lại. Lòng tôn sùng của Jean đối với Đức Maria luôn trung kiên và sâu thẳm.

3. HỌC VIỆC BUÔN BÁN RƯỢU.

Vào năm học 1907, Jean được gửi đến Saint-Sébastien ở Tây-Ban-Nha, trong một trường trung học kỹ thuật do các sư-huynh Lasan điều hành. Cậu phải học nghề của bố. Cậu sẽ là nhà buôn rượu, ít ra là cha cậu nghĩ như thế. Các học sinh trong trường hầu hết là người Pháp. Nhưng đạo luật chống Kitô-giáo của năm 1901 đã buộc các tu-sĩ biệt xứ khỏi nước Pháp và định cư bên kia biên giới. Cậu bé hài lòng về chỗ ăn học, nhưng cậu thiếu vắng mẹ; sự xa cách bố dần dà biến chuỗi ngày nầy thành một thời gian thử thách và càng hơn nữa khi nghề kế toán mà một thương gia tương lai phải học, lại không phải là thế mạnh của cậu. Điều làm Jean đau khổ nhất, là không được chuẩn bị bản thân cho tương lai linh mục và nhà thừa sai của cậu. Tất nhiên, Jean biết cười và làm cho kẻ khác cười vui. Về điểm nầy thì cậu chẳng hề thay đổi.

Trong suốt giờ học một ngày Chúa Nhật nọ năm 1908, các học sinh nội trú tỏ ra khá kích động sau một cuộc đi dạo chơi. Sư huynh Zéphyrin canh chừng chúng. Về phần Jean Cassaigne, như mọi tuần, khoe với anh bạn hàng xóm tấm bưu thiếp xứ Bắc Kỳ nổi tiếng của cậu, chẳng mấy chốc mà tấm bưu thiếp chuyển từ hộc bàn nầy sang hộc bàn khác kèm theo những tiếng thì thầm nhỏ. Vị Sư-huynh đã nhìn thấy hết, liền can thiệp: “Đưa cho Sư-huynh tấm bưu thiệp. Sư huynh tịch thu nó”.

Các học trò lại tiếp tục học, nhưng Jean thì không tài nào học được nữa. Cậu nghĩ về tấm bưu thiếp. Cuối giờ học, Cậu đi tìm gặp vị sư-huynh để đòi lại, có vẻ không giữ lịch sự lắm.

“Trả lại cho trò ư ? Nhưng điểm hạnh kiểm của trò rất xấu – vị sư huynh trả lời – và tấm thiếp nầy có gì đặc biệt nào ?”

- Nhưng thưa Sư-huynh, nó đến từ Bắc Kỳ. Điều đó quan trọng với con.

- Tại sao ?

- Vì con sẽ làm thừa sai và một ngày kia con sẽ đi sang xứ Bắc Kỳ.

Sư huynh Zéphyrin bị ấn tượng bởi giọng nói chân thành của Cậu, đã trả tấm bưu thiếp lại cho Cậu và cho Cậu học trò chuồn đi, hân hoan vì đã lấy lại được tài sản.

Nhưng dù vậy Jean vẫn càng ngày càng hiếu động và lơ đãng. Vị Sư Huynh đã nhìn thấy rõ dưới bề ngoài hời hợt của cậu bé, một con tim ngay thẳng và sâu xa. Sư huynh cố gắng bảo vệ Cậu, nhưng năm kế đó, Sư Huynh Hiệu-Trưởng nhận thấy Cậu rất ít tiến bộ, đã không đồng ý nhận Cậu lại. Jean và Bố phải quay về, từ Saint-Sébastien đến Grenade, không ai trao đổi lời nào, trong sự im lặng nặng nề. Bố Cậu không hài lòng. Ông thương cậu con trai và cậu cũng yêu bố, nhưng ông vẫn chưa chấp nhận ơn gọi của cậu. Phải chia cách với đứa con trai là cả một hy sinh quá to lớn đối với ông. Ông sẽ hy sinh, nhưng còn phải cho ông thời gian.

* * *

Và thế là Jean Cassaigne bắt đầu học việc buôn bán rượu bên cạnh bố. Cậu duy trì thói quen đi xe đạp và trong các cuộc đua, Cậu thường về nhất. Cậu dần đi vào cuộc sống trưởng thành. Đó là một chàng trai nhảy tuyệt vời đưa tay mời Angèle hoặc Ferdinande với nụ cười mê ly nhất. Cha cậu tặng cho Cậu một khẩu súng, hy vọng rằng thú đi săn sẽ xóa tan ý tưởng điên rồ muốn đi đến tận cùng thế giới kia. Dù vậy ông bất chợt thấy chàng trai trẻ đang lần chuỗi hạt trong góc hầm rượu. Joseph bị đánh động bởi vẻ trang nghiêm ấy, nhưng ông giả vờ như không thấy gì. Jean thấy thời gian trôi qua chậm chạp. Bán rượu, không, việc nầy chẳng phải là công việc của Cậu! Sự kém hứng thú về nghề buôn bán đã khiến Cậu phạm nhiều vụng về lóng ngóng. Bố cậu mất kiên nhẫn. Ông cảm thấy ông không thể ngăn đứa con trai vuột khỏi mình.

Một hôm, Jean đã phạm một điều vụng về nghiêm trọng hơn. Số là khi cậu phải đánh xe sang tỉnh bên cạnh, Mont-de-Marsan, trên một cỗ xe ngựa chở một thùng rượu lớn, loại Saint-Emilion, thì con ngựa trượt chân. Chiếc xe đổ nhào. Jean nhảy mau xuống và tìm cách gỡ con ngựa đang nằm kẹt giữa hai càng xe, nhưng thùng rượu lớn đã bị bật nắp do chấn động mạnh và loại rượu qúy chảy tràn cả mặt đường. Ông bố giận cành hông: “Cỡ như mầy chỉ làm được ông một cha xứ mà thôi !” Ông Joseph Cassaigne đành để cậu con trai theo tiếng gọi của Chúa. Phản ứng nầy chẳng qua chỉ là cách để ông khỏi mất thể diện. Ông thất bại, nhưng lại không muốn thú nhận điều ấy công khai, bởi như thế tức là nói Jean không có khả năng trở thành nhà buôn rượu. Về phần người bố, sự đau buồn vì chia ly với cậu con trai sẽ còn kéo dài rất lâu.

4. NGƯỜI CHỦNG SINH - THẾ CHIẾN THỨ NHẤT

Tất nhiên là Jean không trở thành thừa sai ngay. Cậu phải học bù lại các môn học Cậu chậm trễ, học tiếng latinh, thần học, v.v… Cậu muốn gia nhập Hội Thừa Sai Paris mà Cậu thuộc lòng địa chỉ từ lâu: 128, Phố du Bac, Paris 7e.

Một Trường Thừa Sai đón nhận Cậu năm 1913 học một năm chăm chỉ và bình yên. Ngôi trường nằm ở Saint-Lô, vùng Normandie. Jean vui sướng vì đã tìm được con đường của mình.

Mùa Đông đến, khi trời đổ mưa và trở gió, Jean thấy nhớ cái nắng ấm vùng Grenade. Cậu tự phân công mình làm “người sưởi ấm” cho phòng học. Mọi người có thể yên trí: lửa không bao giờ tắt trong bếp lò.

Nhưng năm học sau mau chóng bị gián đoạn. Chiến tranh chống nước Đức nổ ra ngày 2 tháng 8 năm 1914. Tất cả nhân dân Pháp –người trẻ và người không còn trẻ – đều vùng đứng lên trong một “liên minh thần thánh” chống lại kẻ thù xâm lăng. Đó là khởi đầu của “Thế Chiến Thứ Nhất” sẽ kéo dài 4 năm, từ 1914 – 1918. Jean gia nhập quân đội dù chưa đủ tuổi, tình nguyện chiến đấu cho đến hết chiến tranh. Cậu sẽ ở quân ngũ 5 năm. Nhờ đó cậu biết đời sống trong các chiến hào lạnh lẽo và ẩm ướt, đào sâu trong lòng đất, ở đó người lính cố gắng để tránh thoát đạn pháo của quân Đức. Các cuộc chiến đấu thật gian nan, chết người và vô ích: chiến tranh giam hãm.

Một bác sĩ giải phẫu quân y cần một y tá. Jean tình cờ có mặt ở đó và Cậu được thâu nhận. Trong nhiệm vụ nầy, cậu chứng kiến những đau thương tột cùng, vì các binh sĩ thỉnh thoảng bị thương rất nặng. Jean học được sự can trường thể chất và chín mùi cái nhìn Kitô-giáo về sự sống và sự chết. Cậu thấy các binh sĩ quảng đại hiến sự sống mình cho tổ quốc; các Kitô-hữu phải quảng đại dâng sự sống cho con người và cho Thiên Chúa. Tất cả điều ấy có một ý nghĩa, vì mục đích con người sống trên trái đất chính là đời sống vĩnh cữu trên trời. Chịu đau khổ chính là dịp hy sinh để dâng cho Chúa. Nếu ta dâng đau đớn cho Chúa, thì đau đớn không ngăn cản ta được hạnh phúc, trái lại là đằng khác.

Một thương binh bị cụt một chân và Jean Cassaigne cầu nguyện thế nầy: “Lạy Chúa, nếu Chúa muốn, xin hãy cất mạng sống con, con dâng mạng sống con cho Chúa. Nhưng nếu con còn sống, thì xin Chúa giữ cho con đôi chân để con có thể trở thành nhà thừa sai”. Từ năm 1916, Jean làm công tác người đạp xe của bộ chỉ huy, với nhiệm vụ mang các chỉ thị vượt qua các chiến tuyến. Cậu sử dụng và làm hư cả thảy 11 chiếc xe đạp cho công tác nầy. Đó là một công tác đòi hỏi sự tháo vát và lì lợm. Cậu phải vượt qua giữa lằn đạn quân thù, trong một vùng bị chiến tranh tàn phá.

Sau cùng, nước Pháp đã chiến thắng và ngày 11 tháng 11 năm 1918, Hiệp Ước được ký kết. Jean Cassaigne thấy mình được gắn huy chương chiến tranh: ANH DŨNG BỘI TINH. Nhưng chàng còn phải chờ cho đến tháng 9 năm 1919 mới được trở về nhà ở Grenade. Khi sắp ra đi, chàng lái xe đạp chiếc cuối cùng của chàng đi gửi trả: nó còn sử dụng được. Đó là chiếc thứ 12 !

Qua cuộc thử thách lớn lao nầy, Jean Cassaigne đã đạt đến sự trưởng thành nhân cách toàn vẹn. Chàng sẽ cống hiến hết mình khi đến dâng mình làm thừa sai. Nhưng trước khi lên đường, chàng trai phải lấy lại chỗ của mình ở Saint-Lô để tựu học năm 1919. Có đông những học sinh vùng Landes và Basques; giờ ra chơi, họ lập thành một nhóm chơi banh ném hằng ngày không biết mệt mỏi. Sau đó, chàng trai đến ở Chủng-viện Hội Thừa Sai Paris để tiếp tục học thần học. Chàng dậy sớm: 5 giờ sáng ! Xuống đến chân cầu thang, chàng dừng lại một lát trước tượng Thánh Théophane Vénard. Chàng xin Chúa: “Lạy Chúa, xin hãy làm cho con xứng đáng dõi bước theo thánh nhân”.

Chàng thường giúp lễ cho một linh mục vừa trở về từ Trung-Quốc hoặc Nhật-Bản. Chủng viện là trung tâm của một sinh họat truyền giáo dày đặc và mỗi ngày đều nhận được những lá thư đến từ Châu Á, được viết bằng tiếng Hoa, tiếng Nhật, tiếng Triều Tiên, tiếng Cam-bốt, tiếng Thái…
Cuối cùng, thứ bảy ngày 19 tháng 12 năm 1925, Jean Cassaigne thụ phong linh mục trong nhà nguyện chủng viện Hội Thừa Sai Paris. Chàng trở thành “Cha Cassaigne”.

Ông Joseph Cassaigne có mặt trong ngày lễ và hãnh diện về cậu con trai của mình.

Thứ tư ngày 6 tháng 4 tiếp đó, nghi lễ đưa tiễn chính thức diễn ra. Người ta gióng quả chuông đã được mang từ Trung Hoa về vào thế kỷ 18. Trong nhà nguyện, ca đoàn xướng lên bản hát do Charles Gounod sáng tác. Mười vị thừa sai sắp ra đi, sắp hàng ngay bàn thờ. Cha Bề Trên, các giáo sư, các chủng sinh, thân nhân diễu hành qua trước mặt họ, qùy gối và hôn chân những kẻ sắp đăng trình rao giảng Phúc Âm.

Tân linh mục được phái đến Sàigòn (ngày nay là thành phố Hồ Chí Minh), ở Nam Kỳ, phía Nam của nước Việt-Nam hiện tại. Cha Jean Cassaigne đã thực hiện được ước mơ thời thơ ấu: trở thành linh mục và thừa sai. Thiên Chúa đã đặt trong tim Ngài ơn gọi phụng sự Chúa và giúp đỡ mọi người. Những giai đoạn thật khác biệt của thời tuổi trẻ bỗng nên ăn khớp rõ ràng trong một sự nhất thống làm nên ơn gọi thừa sai nơi Cha. Với Cha, hiển nhiên là bàn tay Chúa hành động trên từng giây phút cuộc đời Cha. Mỗi người, dù nam hay nữ, phải tìm cách để nhận ra hành động của Chúa trong tất cả mọi biến cố cuộc đời mình.

(Còn tiếp...)
 
Nhóm Emmaus TGP Hà Nội về giáo xứ Bói Kênh
Paulus Lê Sơn
09:46 12/10/2009
HÀ NỘI (10/10/2009) - Nhóm Emmaus TGP Hà Nội đã về với giáo xứ Bói Kênh. Với sự quan tâm đặc biệt của cha chính xứ mong muốn có buổi nói chuyện về HIV cho cộng đồng giáo xứ được hiểu sâu sắc, cặn kẽ về căn bệnh này. Vì có nhiều công việc nên bây giờ nhóm mới có dịp về với giáo xứ sau nhiều lần mời gọi của của cha xứ Bói Kênh G.B Lê Văn Tuyến.

Đôi nét về giáo xứ Bói Kênh.

Chúng tôi đến với giáo xứ thì trời đã nhá nhem tối, nhưng vẫn kịp nhìn rõ những nét kiến trúc của ngôi thánh đường cổ kính toạ lạc giữa một làng quê thanh bình. Tổng thể khuôn viên nhà thờ là một sự kết hợp hài hoà giữa cổ điển và hiện đại. Ngôi nhà xứ 2 tầng mới được xây dựng khang trang kiên cố và thật vững trãi nguy nga. Có đầy đủ vườn cây ao cá với sự đặc trưng ở nông thôn, thậm chí có cả những luống đất để gây giống đủ các loại rau màu, hoa quả. Giáo xứ Bói Kênh thuộc xã An Lão, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Để về với giáo xứ đến bây giờ vẫn còn rất khó khăn trong việc đi lại, vấn đề muôn thở vấn là đường xá. Tổng số giáo dân của giáo xứ theo thời điểm hiện tại là khoảng hơn ba nghìn gồm chính xứ Bói Kênh và bảy giáo họ khác. Chính xứ Bói kênh khoàng hơn nghìn nhân danh, đa số giáo dân trong xứ là thuần nông, một năm vài vụ mùa, còn thời gian thì họ cũng kiếm thêm những công việc phụ, đàn ông thì làm mộc, các bà các mẹ thì thêu thùa ngày kiếm thêm được vài nghìn đồng. Giới trẻ thì một số đi học đại học, học nghề, hoặc đi làm ăn xa. Trong công việc nhà Chúa, trong niềm tin thì quả thật giáo dân ở đây đang sống theo lời Chúa, cách sống đạo thật tốt đẹp. Trước đây trong thời gian khó khăn thì họ đã có những cách giữ đạo, giữ niềm tin vào Chúa thật mạnh mẽ, kiên trung. Họ cũng đang dần muốn truyền đạo bằng những hành động của họ mà người ngoại đạo nhìn vào họ thấy rằng đó là những chứng nhân của Chúa thật sự giữa cuộc đời này. Quả thật, đó là ước muốn và sự thúc bách của Thiên Chúa qua họ bằng cuộc sống chứng nhân nhiều cách khác nhau mà hôm nay họ hiểu thêm về HIV để biết cách phòng tránh và yêu thương những người có H là một bằng chứng cụ thể.

Kiến thức HIV

Phần trình bày về kiến thức HIV do Sr Têrêsa Vũ Thị Sáng thuyết trình. Với những kiến thức hết sức khái quát nhưng rất chi tiết về tình trạng của căn bệnh này đã làm cho hơn một nghìn người tham dự hết sức ngỡ ngàng, bất ngờ và đem đến sự tò mò, hứng khởi để họ tìm hiểu một cách rất chăm chú. Chúng tôi nhận thấy mọi thành phần dân Chúa từ già cho tới trẻ, đã lắng nghe, hăng say đưa ra những suy nghĩ, băn khoăn, trăn trở của mình về căn bệnh HIV. “Trong cuộc sống hiên tại đã thoát ra khỏi cái luỹ tre làng thì sự giao lưu xã hội là rất cần thiết, đó là sự giao lưu văn hoá giữa các vùng miền, giao lưu kinh tế, nên buộc phải gặp gỡ nhiều con người khác nhau trong xã hội. Vì vậy chúng tôi cần biết rõ hơn về căn bệnh này để biết cách phòng tránh cho bản thân và có cái nhìn thiện cảm hơn với những anh chị không may mắc phải”. Đó là ý kiến của một anh trung niên. Và tiếp tục ý kiến của bạn trẻ đưa ra; “thật ra thì em cũng được học về HIV rồi, qua các kênh thông tin khác nhau, nhưng quả thật nếu xét như những gì mà em được học, được nghe từ trước tới giờ thì chỉ có nước… xa lánh những người có H là tốt nhất nếu muốn yên thân. Vì em chỉ có biết cái chung nhất là HIV lây qua 3 con đường chính là đường Máu - đường Tình Dục - đường Từ Mẹ Sang Con. Nhưng hôm nay được nghe nhóm truyền tải kiến thức một cách sâu sắc và tỉ mĩ như thế thì em yên tâm và có cái nhìn thiện cảm hơn với người có H.” Trong bài thuyết trình nhóm cũng đã đưa ra những trường hợp cụ thể để diễn giải cho cộng đoàn được thấy rõ ràng rằng với những hoàn cảnh cụ thể, những hành động, mức độ như thế nào thì sẽ bị lây nhiễm và nó thuộc vào con đường nào, ở mức độ nguy cơ ra sao. Chẳng hạn như khi chúng ta đến với một người có H, người đó không bị chầy xước, chảy máu mà thậm chí chúng ta bị chày xước ở tay. Chúng ta vẫn có thể nắm tay, ôm hôn xã giao bình thường người đó. Và cũng khuyến cáo cho họ biết những hành động nào có thể lây và những trường hợp không lây nhiễm, trong cuộc sống ai trong chúng ta cũng có thể bị lây nhiễm căn bệnh này nếu chúng ta không quan tâm đến nó, không tìm hiểu rất cụ thể, rõ ràng. Cộng đoàn giáo xứ như thoát ra được khỏi cái tiềm thức lâu nay coi HIV là chết, là phải xa lánh, phải nghét bỏ, phải khước từ với những con người đang có H. Hi vọng có thể sau buổi truyền thông này họ có đầy đủ kiến thức hơn để phòng tránh cho bản thân cũng như thay đổi não trạng,nhìn nhận về HIV và chỉ xem HIV là một bệnh lý bình thường như ung thư mà chưa có thuốc chữa trị triệt để.

Giảm thiểu kỳ thị và phân biệt đối xử với người có Aids.

Sau những kiến thức về HIV mà nhóm có thể đem đến cho cộng đoàn giáo xứ, chúng tôi trưng dẫn về những cảnh đời cụ thể về những con người đang đau khổ sống chung với HIV. Những hình ảnh về sự kỳ thị một cách hết sức tàn nhẫn đối với họ, ở khắp mọi nơi, trong mọi không gian, bao trùm toàn bộ những hoàn cảnh sống khác nhau của xã hội. Từ gia đình, đến công sở, từ cộng đồng dân cư đến nơi làm việc.v.v… Những hình ảnh được trưng ra, những con người gầy còm, xanh lét, chỉ có da bọc xương. Lại một lần nữa cả cộng đoàn giáo xứ xao động, nhôn nhao. Họ đang sống và đang chết mòn cùng với căn bệnh, nhưng đó chỉ là mặt thể lý, nhiều trường hợp họ có thể “ra đi” rất sớm là do tinh thần áp lực, do sự kỳ thị một cách mù quáng của xã hội dành cho họ. Với những hình ảnh đó có một bạn trẻ đã nói với tôi rằng “ngày trước em nghe thấy có ý tưởng mà đã từng tồn tại trong xã hội là hãy gom hết những kẻ nào bị H rồi đưa lên máy bay cho ra biển đông trút hết xuống biển, mà đó là sự thật đấy ạ, thật là độc ác và tàn nhẫn, may mà em chưa thấy nó xảy ra, mà không biết là nó đã xảy ra hay không, anh ạ?”. Chúng ta thấy rõ ràng sự kỳ thị với người có H đã thành một tiềm thức trong xã hội, vậy ai, điều gì đã tạo nên điều đó?. Chúng ta đau lòng khi thấy ngay trong gia đình, người chồng, người cha bị ruồng bỏ, phải ăn riêng, phải ở riêng, sinh hoạt riêng, không được sự quan tâm, chăm sóc chia sẻ của người thân. Nhiều cô gái, con dâu trong gia đình là những nạn nhân của căn bệnh cũng bị ruồng bỏ, miệt thị khinh chê. Thậm chí có những đứa con bị xích, bị cùm trong đau đớn, tủi nhục, cô đơn, rồi bị cách ly ở những nơi hẻo lánh với sự kỳ thị đến ngu ngơ của ông bố bà mẹ thiếu hiểu biết kiến thức. Vậy kỳ thị với người có H đã đem lại lợi ích gì cho xã hội? Khi chúng tôi đưa ra những hậu qủa nghiêm trọng do sự kỳ thị của xã hội để lại, đó là một xã hội thối nát, dẫm đạp lên nhân phẩm con người. Rồi nhìn lên Thiên Chúa Tình Yêu và căn tính của tín hữu công giáo mới thấy hết được sự cần thiết biết bao của lòng thương xót Chúa và tình yêu tha nhân của con cái Chúa trong cái xã hội này.

Trong tình yêu của chúa chúng ta nên một cùng hiệp thông, yêu thương, phục vụ và nâng đỡ những kinh hồn bé mọn, tội lỗi. Lạy Chúa xin cho chúng con biết yêu thương tha nhân đặc biệt những anh chị em đau khổ, để chúng con biết nhìn đến họ như một tình yêu chân thành mà Chúa đã trao ban cho hết thảy chúng con.

Hà Nội ngày 11/10/2009.
 
Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi Hội nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam
Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh
09:54 12/10/2009
Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi Hội nghị Hội đồng Giám mục Việt Nam

PHỦ QUỐC VỤ KHANH
N. 125.106/FAX Vatican

Ngày 8 tháng 10 năm 2009

Kính gửi
Đức cha PHÊRÔ NGUYỄN VĂN NHƠN
Giám mục Đà Lạt
Chủ tịch HĐGM Việt Nam

Kính thưa Đức cha,

Đức cha đã thông báo cho Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI về Hội nghị thường niên của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam sẽ diễn ra tại Xuân Lộc từ ngày 5 đến 10-10-2009. Nhân dịp này, Đức Thánh Cha trao cho tôi trách nhiệm chuyển đến tất cả các tham dự viên hội nghị lời chào thân ái và những lời cầu chúc chân thành nhất, cũng như chắc chắn ngài sẽ nhiệt tình cầu nguyện để Hội nghị góp phần vào sự tăng trưởng thiêng liêng của Dân Chúa tại Việt Nam.

Qua các thông tin mục vụ, Đức cha đã loan báo cho các tín hữu tại Việt Nam về những cử hành sắp tới trong Năm Thánh 2010, vốn là trọng tâm của cuộc gặp gỡ lần này. Năm Thánh được công bố để tưởng nhớ việc thiết lập hai giáo phận tông toà đầu tiên trên đất nước của Đức cha, cũng như kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng giáo phẩm tại Việt Nam. Từ hai sự kiện này, Đức cha nhắc nhớ các tín hữu về những hoàn cảnh trong quá khứ và thúc đẩy họ tiến lên cách mạnh mẽ và quyết đoán để Giáo Hội ngày càng tiến triển hơn. Đức cha mời gọi các tín hữu tạ ơn Chúa về hồng ân đức tin họ đã lãnh nhận, và đức tin ấy đã nâng đỡ họ trong suốt những biến chuyển lịch sử của đất nước. Dân Chúa tại Việt Nam được mời gọi đáp trả tình yêu của Chúa cách quảng đại hơn, bằng cách dấn thân cho công việc canh tân Giáo Hội theo những chỉ dẫn của Công đồng Vaticanô II và trong mọi lãnh vực. Sự hiệp nhất và hiệp thông với Đức Giáo Hoàng là nét đặc biệt của Giáo Hội Việt Nam và là điều đáng trân trọng.

Đức Thánh Cha còn giữ kỷ niệm rất sống động về cuộc gặp gỡ các giám mục Việt Nam trong chuyến viếng thăm ad limina vào tháng 6 vừa qua, và ngài phó thác mỗi người trong quý Đức cha cũng như diễn tiến của Hội nghị cho Chúa Thánh Thần, khẩn nài sự chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang. Với tất cả tâm tình, ngài ban Phép Lành Toà Thánh cho Đức cha, cho tất cả các giám mục tham dự Hội nghị, cũng như cho Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu trong dịp ngài được tấn phong giám mục, cho các linh mục, tu sĩ nam nữ và tất cả các tín hữu.

Kính thưa Đức cha, tôi lấy làm hạnh phúc được chuyển sứ điệp này của Đức Thánh Cha đến cho Đức cha. Xin Đức cha nhận những tình cảm thân ái và nồng hậu của tôi in corde Mariae.

(Ấn ký)
F. Filoni


 
ĐTGM Ngô Quang Kiệt dâng Thánh lễ khai giảng năm học mới cho sinh viên TGP Hà Nội
Giuse Trần Ngọc Huấn
10:58 12/10/2009
HÀ NỘI - 18h chiều ngày 11 tháng 10 năm 2009, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã long trọng chủ sự Thánh lễ khai giảng và cầu nguyện cho năm học mới cho các sinh viên - học sinh trong Tổng Giáo phận Hà Nội. Khoảng 1200 bạn sinh viên - học sinh, trong đó có 655 tân sinh viên thuộc 18 nhóm sinh viên trong Tổng Hội Sinh viên Công Giáo Tổng Giáo phận Hà Nội đã tham dự Thánh lễ.

Xem hình ảnh

Cùng đồng tế với Đức Tổng Giám mục có Cha xứ Nhà thờ Chính Tòa Antôn Trần Duy Lương, Cha Giuse Nguyễn Văn Diễm - phó Giám đốc ĐCV Hà nội, Cha Gioan Lê Trọng Cung - Đặc Trách sinh viên - giới trẻ của Tổng Giáo phận

Thánh lễ khai giảng năm học mới 2009 – 2010 được cử hành một cách long trọng tại nhà thờ Chính tòa trùng vào Thánh lễ 18h chiều Chúa Nhật nên bên cạnh các bạn sinh viên còn có đông đảo bà con giáo dân từ khắp nơi trong thành phố tham dự.

Nhà thờ Chính Tòa trở nên ấm cúng nhưng cũng rất đỗi trang nghiêm, đặc biệt, đã lâu rồi hôm nay cộng đồng dân Chúa mới được tham dự Thánh lễ do chính Đức Tổng Giám mục Giuse chủ sự khi Ngài vừa trở về sau kỳ nghỉ tĩnh dưỡng khá dài. Mọi thành phần dân Chúa cùng quy tụ nơi đây để tôn vinh Thiên Chúa và cầu nguyện cho giới trẻ - những học sinh, sinh viên Công Giáo của Tổng Giáo phận Hà nội.

Hôm nay là một ngày đặc biệt đối với các biệt đối với các bạn sinh viên – học sinh Công Giáo đang sinh hoạt và học tập tại Hà Nội. Ngay từ 15h chiều, các bạn đã quy tụ về nhà nguyện Têrêxa trong khuôn viên Tòa Tổng Giám mục để sinh hoạt, giao lưu chia sẻ và nhất là có giờ chầu Thánh Thể rất sốt sắng, dọn mình chuẩn bị cho Thánh lễ cầu nguyện cho năm học mới. Suốt buổi chiều, khuôn viên Tòa Tổng Giám mục trở nên nhộn nhịp khác thường, những tiếng cười vui, những nụ cười rạng rỡ đầu năm học… tràn ngập trên khuôn mặt các bạn trẻ. Khoảng 1200 bạn sinh viên – học sinh đã tham dự buổi sinh hoạt và Thánh lễ đặc biệt hôm nay.

Hội Sinh viên Công Giáo Tổng Giáo phận Hà nội được thành lập từ 12 năm về trước, dưới thời Đức cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng. Nhờ sự quan tâm của các đấng bậc trong giáo hội và sự nỗ lực không ngừng của các bạn trẻ, Hội Sinh viên Công Giáo này đã ngày một phát triển, trở thành mái nhà chung quy tụ anh chị em sinh viên từ khắp các giáo phận đang sống và học tập tại thủ đô Hà nội. Hiện nay, Hội đã có 18 nhóm thành viên, sinh hoạt đều đặn hàng tuần và Chúa Nhật thứ hai trong tháng thì quy tụ về nhà nguyện Tòa Tổng Giám mục để gặp mặt và cùng tham dự thánh lễ dành riêng cho mình.

Theo truyền thống, mỗi đầu năm học mới, các bạn trẻ lại quy tụ về Nhà thờ Chính Tòa Hà nội để tham dự những sinh hoạt và Thánh lễ cầu nguyện cho năm học mới. Năm nay, do nhiều lý do, thánh lễ được tổ chức muộn hơn so với hằng năm, do đó sự háo hức và niềm phấn khởi của các bạn sinh viên càng thêm sâu sắc. Đặc biệt, năm nay Hội sinh viên Công Giáo Tổng Giáo phận Hà nội vui mừng chào đón 655 bạn trẻ là tân sinh viên, mới thi đỗ vào các trường đại học – cao đẳng tại Hà nội trong kỳ thi tuyển sinh vừa rồi, đây là một con số đáng khích lệ.

Đúng 18h chiều, Thánh lễ được long trọng cử hành tại Nhà thờ Chính Tòa Hà nội. Sự hiện diện của vị Cha chung – Đức Tổng Giám mục Giuse - làm cho niềm vui của các bạn trẻ như vỡ òa, “một niềm vui quá sức tưởng tượng của mỗi bạn sinh viên hôm nay” – một bạn trẻ tâm sự với chúng tôi.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt chia sẻ: “Việc tất cả các sinh viên tập hợp tại Nhà thờ Chính Tòa để cùng tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho năm học mới nói lên lòng yêu mến, gắn bó Giáo hội và tình đoàn kết với nhau. Đồng thời cho thấy tầm quan trọng của năm học mới khi chúng ta đặt năm học mới vào tay Chúa, khi chúng ta thấy phải cầu nguyện cho năm học mới”.

Ngài nhấn mạnh: “Cổ nhân từng nói “Người làm sao chiêm bao làm vậy”, “nhân sao vật vậy”. Con người như thế nào, xã hội và đất nước như thế ấy. Muốn có xã hội tốt đẹp thì có con người tốt đẹp; muốn có con người tốt đẹp thì phải có việc đào tạo tốt đẹp. Việc đào tạo tốt đẹp không phải chỉ có kiến thức, kiến thức ai cũng có thể học được mà phải đạo tạo con người toàn diện, không chỉ có thể lực vững mạnh, có tri thức rộng rãi, có đạo đức trong sáng, tâm linh vượt lên cao thoát khỏi hạn hẹp trói buộc con người”.

Ngài cũng nhắn nhủ mỗi bạn học sinh – sinh viên Công Giáo: “Hãy đặt việc học tập vào bàn tay Đức Mẹ trong tháng Mân Côi. Đức Mẹ là môi trường kiểu mẫu, đã đào tạo nên Chúa Giêsu là con người kiểu mẫu cho tất cả mọi con người, một con người phát triển toàn diện và giúp xây dựng thế giới nên tốt đẹp”.

Đại diện Đức Tổng Giám mục, Cha Giuse Nguyễn Văn Diễm – Phó Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giuse Hà nội – đã chia sẻ Lời Chúa trong Thánh lễ hôm nay. Bài giảng của Ngài đã để lại ấn tượng hết sức sâu sắc trong tâm trí cộng đoàn tham dự, nhất là các bạn sinh viên – học sinh. Cha Giuse bày tỏ niềm vui mừng khi chứng kiến sự lớn mạnh của phong trào sinh viên Công giáo tại Hà Nội, đặc biệt khi tham dự ngày lễ khai giảng đông vui, sốt sắng như hôm nay. Cha Giuse chia sẻ với cộng đoàn một câu chuyện rất cảm động đã ghi dấu ấn đậm nét trong cuộc đời Cha, để rồi mỗi khi buồn, mỗi khi cảm thấy thất vọng hay thiếu nghị lực vươn lên, Cha lại suy nghĩ và lấy tấm gương anh chàng sinh viên trong câu chuyện đó để động viên mình cố gắng. Câu chuyện kể về một anh sinh viên Nickpujxich khuyết tật từ khi mới sinh. Anh sinh năm 1982, không có chân tay. Ban đầu, khi thấy con ra đời với dáng hình một dị nhân như vậy, Cha mẹ anh ta hết sức buồn, đến nỗi người cha cứ thấy con thì ngất đi vì đau khổ, vì thương con. Nhưng rồi, người cha người mẹ ấy đã không bỏ rơi con mình, trái lại, họ hết tình yêu thương săn sóc và dạy dỗ anh. Với thời gian, với sự chăm sóc dạy dỗ tận tâm của cha mẹ, chàng trai dị dạng tưởng như tàn phế, vô tích sự ấy đã trở nên một con người học tập giỏi giang, dù nhiều lần đã cảm thấy mặc cảm thất vọng, có lần đã tìm đến cái chết vì quá đau khổ cho thân phận mình, nhưng rồi anh đã cố gắng vươn lên để học hành, để rèn luyện và năm 23 tuổi đã tốt nghiệp cử nhân thương mại. Anh đã đi khắp nơi để nói chuyện cho các bạn trẻ về cuộc đời của mình, về tình Chúa thương mình. Anh ta kể: khi còn bé, anh ta thù ghét Chúa đã tạo dựng nên mình, nhưng rồi tới năm 15 tuổi, tình cờ Nickpujxich đọc đoạn Tin Mừng của Thánh Gioan chương 9 nói về việc Chúa Giêsu chữa cho người mù từ khi mới sinh, các môn đệ hỏi lỗi tại người mù hay tại anh ta mà anh ta bị mù, Chúa Giêsu trả lời: “không phải Cha mẹ hay chính anh ta có lỗi, mà là để thiên hạ nhìn vào anh để tôn vinh Thiên Chúa”. Nickpujxich như bừng tình, từ hôm đó, anh nói, “tôi không còn hỏi tại sao Chúa dựng nên tôi như thế này nữa, tôi chỉ cầu nguyện với Chúa: lạy Chúa, xin cho con làm tôn vinh Chúa, xin cho mọi người nhìn vào cuộc sống của con mà tôn vinh Chúa như họ đã tôn vinh người mù trong Tin Mừng”. Anh chàng đó nguyện suốt đời dấn thân làm minh chứng cho tình yêu Thiên Chúa, anh làm việc không mệt mỏi, đi khắp nơi gặp gỡ các bạn trẻ, tới đâu cũng nở nụ cười thật tươi kể lại cuộc đời của mình và nói rằng: Chúa đã thương tôi vô cùng, nên tôi mới có được ngày hôm nay, cả cuộc đời của tôi là một bài ca để tôn vinh Thiên Chúa.

Kết thúc bài chia sẻ đầy cảm động của mình, Cha Giuse đã kêu mời các bạn trẻ có mặt hôm nay: Nếu một lúc nào đó, chúng con cảm thấy chán nản trong cuộc sống, khi chúng con cảm thấy không muốn tiếp tục công việc học hành, chúng con hãy bắt chước người bạn trẻ ấy, nghĩ đến cha nghĩ đến mẹ, tình yêu thương của gia đình đã vun đắp cho chúng con, rồi nghĩ đến những hoàn cảnh của mình. Chúng con sẽ tìm đựoc nghị lực tiếp tục thực hiện công việc học hành. Chúng con hãy đặt công việc học hành, đặt cuộc đời của chúng con vào tay của Thiên Chúa, đặt cuộc đời của chúng con vào bàn tay của Đức Mẹ, và cố gắng làm sao biến cuộc đời của mình như một lời ca tụng để người khác nhìn vào họ tôn vinh Thiên Chúa”. Ngài gửi tới bạn trẻ một lời cầu nguyện tâm tình: Lạy Chúa, xin cho con đừng bao giờ than van kêu trách bất cứ điều gì trong cuộc sống.

Kết thúc Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục Giuse đã ân cần trao những phần quà của Ngài dành cho các tân sinh viên tham dự Thánh lễ hôm nay. Đó là niềm vui và sự khích lệ lớn lao dành cho các bạn sinh viên. Đặc biệt, Ngài đã nhấn mạnh lại một lần nữa: Chúng con phải làm sao để phát triển con người chúng con một cách toàn diện, lên tới tầm cao mới của Con Thiên Chúa. Chúc cho tất cả sinh viên chúng con trong năm học mới này biết mở rộng con người, mở rông tầm cao kiến thức và đạo đức, nhất là mở rộng lên tới chiều cao tâm linh để chúng ta vươn lên tới Thiên Chúa. Việc học của chúng ta, như thế, sẽ làm cho chúng ta phát triển không ngừng để đạt tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô.

Thánh lễ khai giảng và cầu nguyện cho năm học 2009 – 2010 dành cho sinh viên Công Giáo Tổng Giáo phận Hà nội khép lại với tâm tình cảm tạ hồng ân Thiên Chúa và nguyện phó thác mọi sự trong bàn tay quan phòng kỳ diệu của Ngài, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria Mân Côi. Thánh lễ và những sinh hoạt trong ngày đặc biệt hôm nay đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi bạn sinh viên, giúp cho các bạn có động lực mới để cố gắng trong học tập, trong rèn luyện đạo đức và trong chiều kích thiêng liêng làm con cái Chúa.

Mỗi bạn sinh viên, những người con yêu dấu của Đức Mẹ, chúng ta hãy ghi danh học trong ngôi trường của Đức Mẹ, học với Chúa Giêsu để cùng với Chúa Giêsu “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 40.52).

Xin Chúa chúc lành cho năm học mới này, để tất cả các sinh viên học sinh thu lượm được nhiều kết quả tốt đẹp, phát triển về mọi mặt đức, trí, thể dục, góp phần xây dựng tương lai của quê hương đất nước.
 
Bài đúc kết chủ đề: Sống thử
Maria Phan Thị Kim Thanh
12:31 12/10/2009
Giả như đối với bạn, hôn nhân là sự đầu tư lớn, liệu bạn có đủ sức can đảm trao tất cả vốn liếng mình cho gã lái buôn xa lạ không?

Đối với xã hội ngày nay, tôi dám chắc vấn đề “đầu tư hôn nhân” là có, và có lẽ là vấn đề nổi trội hơn hết trong lúc này. Vấn đề đó, quan điểm đó đã ảnh hưởng đến cách suy nghĩ và cách sống của các bạn trẻ ngày hôm nay

Vâng, ngày nay không ít người tìm hiểu người bạn trai hay bạn gái của mình mà tôi “nôm na” gọi là “đối tác đầu tư” của mình bằng cách yêu nhau 5 năm, 10 năm rồi mới cưới. Cũng có người bị tiếng sét ái tình và… trong cơn mơ dài hay chốc lát ấy, người ta ký kết hợp đồng để rẽ bước sang giai đoạn hôn nhân. Và thực tế trong cuộc sống, những người đã cầm tay nhau bước đi vào đời sống hôn nhân, dù 5 năm, 10 năm hay do tiếng sét ái tình gì đi chăng nữa thì ít nhiều cũng có những cặp sẽ đánh nhau, chửi nhau, thậm chí chiến tranh lạnh suốt đời với nhau vì vậy mới có một câu nói: “Mọi sự trên đời đều tương đối” hay câu thơ ngâm vịnh tình yêu buồn nhiều hơn vui:

Chưa được thì nay ước mai ao,
Được rồi trắng mắt như tao mới chừa


Có ai dám bảo, tình yêu sẽ đảm bảo hạnh phúc, đảm bảo sự hòa hợp trong gia đình? Bằng chứng là trên đời cũng có hàng triệu cuộc li hôn vì những lí do rất đơn giản: Anh chồng ngáy to, cô vợ lười rửa chén, cũng không ít lá đơn li dị đem ra tòa vì lý do không con cái, vì không đáp ứng nhu cầu sinh lý hay vì hàng tỷ tỷ lí do mà trước kia khi hai người yêu nhau không bao giờ nghĩ tới cả

Vậy có nên nghĩ tới vấn đề sống thử không? Nói rõ hơn là trai gái có nên sống chung với nhau trước khi chính thức thành hôn không? Nó cũng có nhiều cái lợi đấy chứ ? ?

Sống thử khác sống thật ở chỗ khi bắt đầu.. là có hay không có lá đơn kết hôn, mà chuyện đó có quan trọng gì đâu..đó chỉ là tờ giấy, có đảm bảo hạnh phúc gì cho bạn đâu. Vậy ngu gì bán đứng bản thân mình cho tờ giấy ấy. Tranh thủ thời gian mà sống thử, thử anh chồng tương lai của mình chứ. Thử xem anh ta có yêu thương hay có hòa hợp với mình không?

Sống thử cũng có thể giúp ta bước ra khỏi đời của nhau cách dễ dàng, đỡ phải làm thủ tục li hôn, đỡ phải đâm đơn ra tòa, đỡ phải tranh tụng, đỡ phải nghe hòa giải, chỉ cần nhẹ nhõm xách cái valy và đồ dùng tư trang ra khỏi nhà, ra khỏi đời của nhau.Thế là xong. Đơn giản biết mấy?

Cuộc sống hiện đại rồi, con người phải sống theo thời đại chứ, thời buổi thông tin công nghệ với tốc độ vuồn vuột. Vậy chúng ta có nên đặt vấn đề nên tối ưu hóa tình yêu, bằng cách trao thử cho nhau “trái cấm”?. Thời buổi này mặt hàng đưa vào thị trường cũng đều trải qua quá trình thử nghiệm mà. Tại sao chúng ta lại không thử nghiệm tình yêu?

Trong giới sinh viên, sống thử là định nghĩa quá quen thuộc: Hai người yêu nhau mà phải sống xa nhà có nên sống chung gần nhau để tiết kiệm chi phí sinh họat, để cùng thăng tiến, để dìu dắt nhau trong quá trình học tập và với lý do chính đáng nữa là để khám phá xem có tình cảm chân thật, lãng mạn hay không ? Do vậy có nên dọn về ở với nhau mà không cần sự cho phép của gia đình, của chính quyền ?. Với quyết định này hậu quả đi đến đâu? Kết quả như thế nào? Tốt xấu, đúng sai xin dành cho những ai đã sống và trải qua

Đây là vấn đề quá “nóng” trong giới sinh viên. Có nhiều ý kiến cho rằng, chỉ có những kẻ mọt sách, cù lần, nhà quê mới không sống thử. Bằng nhiều suy nghĩ bồng bột, bằng nhiều lý do, biện chứng với triết lý hùng hồn, các người sống thử đưa ra lý lẽ: Nào là chúng tôi sẽ bảo ban nhau trong cuộc sống, trong học tập…nào là “góp gạo thổi cơm chung” sẽ tiết kiệm nhiều chi phí, những gì của anh là của em, của em là của anh.."tất cả". Ngoài ra, hai người còn khỏi tốn cái khoản "tình phí" không nhỏ so với túi tiền có giới hạn như: đưa đón đi học, café, v.v... Do vậy, thượng sách là chúng ta dọn về một nhà sống chung với nhau, không hợp thì giã từ …có sao đâu? !

Đúng, việc “sống thử” sẽ không có gì đáng ngại đối với các đôi có kết cục tốt và không là người Công Giáo. Qua nhận xét thực tế cho thấy, tình yêu sinh viên rất khó có một kết thúc đẹp. Tôi thấy hầu hết các đôi bạn sống thử khi ra trường đều không vượt qua nhiều nỗi áp lực bởi các dư luận xung quanh và hậu quả nặng nề nhất mà một bên phải gánh chịu vẫn thuộc về phần người con gái. Có rất nhiều hậu quả khôn lường và phiêu lưu như: nạn nạo phá thai ở bệnh viện đang trong tình trạng báo động và nhất là “chữ trinh đáng giá ngàn vàng”, con gái một lần lỡ là mang tiếng cả đời sau khi mạnh dạn dám “nháp” cuộc đời của chính mình

Việc sống thử trong giáo lý Công Giáo là một điều ngăn cấm, vì nó là một hành động xấu, nó làm băng hoại những giá trị luân lý, làm cho con người mất phẩm giá mà Thượng đế đã ban tặng. Vì vậy chúng ta…những sinh viên Công giáo trong xã hội hôm nay, chúng ta nên có suy nghĩ như thế nào, đã và đang làm gì, có hành động cụ thể nào để tránh được việc thử nghiệm tình yêu này?

Câu hỏi đang đặt ra và mời các bạn cùng suy thư cho thấu đáo về con đường mình sẽ bước đi…

(Bài đúc kết từ thực tế và nhiều nguồn)
 
Tuần Chầu lượt tại giáo xứ Cồn Cả thuộc Giáo phận Vinh
PV Cồn Cả
18:16 12/10/2009
VINH - Khoảng 6000 giáo dân tham dự ngày cao điểm của tuần chầu lượt Giáo Xứ Cồn Cả, Giáo phận Vinh ngày cao điểm 11 tháng 10 năm 2009.

Hình ảnh Tuần Chầu Lựơt

Mặc dầu công trình nhà thờ, nhà trường và khuôn viên giáo xứ còn đang dở dang nhưng Giáo xứ vẫn cố gắng tổ chức Tuần Chầu lượt thay cho toàn Giáo Phận từ ngày 05 tháng 09 đến ngày 11 tháng 09 năm 2009.

Chủ đề xuyên suốt từ thứ 2 đến ngày cao điểm đều thiên về tâm tình Sám hối. Quí Cha muốn nhắc nhở mọi người tín hữu thấy được thân phận tội lỗi của mình trước một vị Thiên Chúa vô cùng thánh thiện và đầy tràn yêu thương. Vì khao khát được gặp Chúa trong thánh lễ và Lời Chúa nên thánh lễ lúc nào cũng đông đảo người tham dự.

Thật ý nghĩa khi cộng đoàn giáo xứ tổ chức thánh lễ kính Thánh Vinh Sơn Phaolô quan thầy của Hội Bác Ái Xứ vào ngày thứ 05 trong tuần chầu lượt. Trước thánh lễ, đại diện hội Bác Ái xứ đọc bản tổng kết hoạt động trong 5 năm qua. Mặc dầu nguồn vốn không là bao những trong 5 năm qua Hội Bác Ái của giáo xứ cũng đã có những việc làm đáng kể: thăm người ốm đau tàn tật, giúp người già neo đơn, giúp người tai nạn rủi ro, giúp làm nhà tình thương, mua thuốc cấp cho những bệnh nhân nghèo… tổng trị giá 62.550.000 đồng.

Từ thứ 5 đến ngày Chúa Nhật, quí Cha trong và ngoài giáo hạt lần lượt tới giúp giáo dân lãnh nhận bí tích giao hoà và đặc biệt là giúp giáo dân sống đao tốt hơn qua những lời giáo huấn và chia sẻ. Lại một lần nữa, các bài chia sẻ chủ yếu xoay quanh các vấn đề: Sám hối; Mẹ Maria là mẫu gương hy vọng; Tôn thờ, đền tạ, tạ ơn và cầu xin Chúa Giêsu Thánh Thể…

Lời kinh tạ ơn và kinh hoà bình được hát lên sau các giờ chầu của các giáo họ có ý nhắc nhở mọi người kéo dài tuần chầu lượt như tâm tình của kinh tạ ơn và kinh hoà bình.
 
Giáo xứ Bắc Hải - Hố Nai - khởi công trùng tu thánh đường
Giuse Khổng Hữu Nguồn
19:45 12/10/2009
HỐ NAI - Lúc 9 giờ sáng Chúa nhật 11.10.2009, giáo xứ Bắc Hải tổ chức lễ cầu bình an công trình trùng tu Thánh Đường giáo xứ Bắc Hải, và cầu nguyện cho cha cố Giuse Phạm Ngọc Hoan, lễ giỗ 100 ngày.

Cha Đaminh Trần Xuân Thảo quản Hạt Hố Nai chủ sự thánh lễ đồng tế, tham dự lễ có quý tu sĩ nam nữ, quý Ban hành giáo hạt, quý khách, quý ân nhân và hơn hai nghìn đại diện gia đình trong giáo xứ.

Trước giờ lễ, trời mưa như trút nước, chương trình đón tiếp và rước đoàn đồng tế không thể thực hiện; Quý cha, quý tu sĩ, quý khách và cộng đoàn đội mưa đến Thánh Đường. Những hình ảnh, những tình cảm yêu thương cao quý mà quý cha, quý tu sĩ, quý khách và mọi người dành cho giáo xứ Bắc Hải, nói lên sự gắn bó hiệp thông cầu nguyện và nâng đỡ.

Mở đầu Thánh lễ, cha Đaminh Bùi Văn Án - chánh xứ Bắc Hải, Ngài cảm động hân hoan dâng lời chào mừng quý cha, quý tu sĩ, quý chức cùng cộng đoàn, và mời gọi cộng đoàn vỗ tràng pháo tay thật to chào mừng quý cha và mọi người hiện diện, kế đến Ngài bày tỏ niềm Phó thác trông cậy vào Chúa qua lời cầu bầu của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội - quan thầy giáo xứ, Ngài chia sẻ băn khoăn lo lắng cầu mong cho công việc trùng tu nhà Chúa được mọi sự lành bình an từ khởi sự cho đến hoàn thành.

Sau lời cảm ơn của vị đại diện Ban hành giáo, cha quản Hạt cười chia sẻ với cộng đoàn, Ngài xin được góp một phần bé nhỏ của mình làm ân nhân giáo xứ, và như một niềm cổ vũ đầy phấn khích, cộng đoàn hân hoan vỗ tràng pháo tay thật to, thật dài.

Cha quản Hạt cũng ân cần động viên mọi người, mọi gia đình trong cộng đoàn, cũng như quý vị có lòng hảo tâm xa gần, trong ngoài Nước xin hãy cộng tác giúp đỡ cho công việc sửa sang nhà Chúa.

Sau bàn tiệc Thánh Thể thì ngoài trời cũng hết mưa, quý cha, quý tu sĩ, quý khách, và cộng đoàn tiến vào các bàn tiệc được chuẩn bị sẵn trong khuôn viên nhà xứ, dùng bữa cơm thanh đạm với đại gia đình giáo xứ Bắc Hải.

LỊCH SỬ THÁNH ĐƯỜNG BẮC HẢI HẠT HỐ NAI, GIÁO PHẬN XUÂN LỘC

Khoảng thượng tuần tháng 9 năm 1954, đông đảo bà con gốc Quảng Yên, Kiến An, Hải Dương và một phần tỉnh Hưng Yên thuộc giáo phận Hải Phòng cùng với linh mục Phero Vũ Trọng Thư đến định cư tại cây số 7, quốc lộ 1, Hố Nai, Biên Hòa.

Thời ấy vùng này là một rừng cây rậm rạp, có những gốc cây lớn đến ba bốn người ôm, những bụi tre, bụi gai quấn quýt vào nhau, chim thú đủ loại.

Giữa rừng đồi hoang vu ấy, bà con bắt tay vào việc khai hoang lập nghiệp. Cuộc sống ban đầu ở vùng đất mới cũng khá cơ cực với cuộc mưu sinh bằng nghề đốn củi rừng, một số nản chí bỏ đi lập nghiệp nơi khác, số còn lại, tập hợp từ nhiều xứ ở ngoài Bắc như: Nam Am, Hội Am, Vĩnh Ninh, Đồng Giới, Đông Khê, Ngọc Lý, Văn Mạc, Kim Côn ( sau này Kim Côn nhập vào Nam Am ) đã thành lập từng xứ riêng có nhà thờ như: Vĩnh Ninh, Đồng Giới, Hội Am, Đông Khê, Ngọc Lý ( sở dĩ nay không còn nhà thờ Vĩnh Ninh, Đồng Giới là vì số người ít, hai cha Liêm, cha Khanh rời đi lập nghiệp xứ khác ).

Trước tình hình số giáo dân ít mà lại chia thành nhiều xứ, nhiều nhà thờ trong khoảng đúng một cây số, linh mục Phero Vũ Trọng Thư đã kêu gọi giáo dân các xứ hợp lại làm thành một giáo xứ và nhận tước hiệu Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội làm quan thầy. Giáo xứ Bắc Hải ra đời trong một bối cảnh như vậy. ( Bắc Hải là một trong bốn tên gọi Đông Hải, Tây Hải, Nam Hải, Bắc Hải ).

Ngôi nhà thờ đầu tiên được vây lợp bằng lá có diện tích 60 mét vuông.

Ngôi Thánh Đường thứ hai được xây dựng vào tháng 10 năm 1959 bằng những vật liệu như: tole Ciment, cột gỗ, tường gạch đất, lợp kiểu bốn mái, diện tích 450 mét vuông.

Năm 1969 – 1970 một số đông bà con chạy loạn kéo về đất Bắc Hải để lập nghiệp sinh sống, phần vì nhà thờ chật hẹp và xuống cấp, được phép của Đức cha Giuse Lê Văn Ấn giám mục giáo phận Xuân Lộc, được sự đồng thuận của mọi người, cũng như sự giúp đỡ của các ân nhân trong ngoài xứ, ngôi nhà thờ thứ ba được bắt đầu hình thành.

Thánh lễ sáng Chúa nhật ngày 01.3.1970 ( năm Canh Tuất ) cha Gioan Bt Nguyễn Thanh Hải, chánh xứ Bắc Hải, đã dâng lễ cầu nguyện cho công việc chuẩn bị và kêu gọi sự ủng hộ góp công góp sức của mọi người, mọi gia đình trong giáo xứ để thực hiện kế hoạch xây dựng nhà thờ mới.

Sau gần 09 tháng chuẩn bị, ngày 08.12.1970 giáo xứ mới có “ Bản phác họa đồ án xây dựng Thánh Đường “ do Kỹ Sư Nguyễn Thành Giang số 445 Trương Minh Giảng Sài Gòn thiết lập gởi về.

Khi bản phác họa đồ án xây dựng Thánh Đường được đem ra trưng cầu ý kiến thì mọi người nam phụ lão ấu, ai ai cũng đồng tâm nhất trí chung tay chung sức chung lòng xây dựng nhà Chúa.

09 giờ sáng thứ Bẩy 27.3.1971 ( Tân Hợi ) lễ đặt viên đá đầu tiên do Đức Cha Giuse Lê Văn Ấn giám mục giáo phận Xuân Lộc chủ sự, đến cùng đặt viên đá này có các viên chức cao cấp chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Ngôi nhà thờ thứ ba được làm bằng vật liệu nặng, nhà thờ có kích thước: rộng 18,5 mét, dài 55 mét, cao 9,6 mét, tháp chuông cao 42 mét và ngôi nhà thờ được Đức cha Giuse Lê Văn Ấn cử hành nghi thức làm phép thánh hóa ngày thứ sáu mùng 10.12.1971

Nhà thờ làm hoàn toàn bằng vật liệu mới và với kinh phí là: 20.292.000 $ VN ( tương đương hơn 8000 lượng vàng bốn số chín ).

Trong những ngày mùa hè nắng nóng 30.4.1975. Biến cố lịch sử sang trang, giáo xứ, ngôi Thánh Đường còn phảng phất thơm mùi vôi mới, với tháp chuông nổi bật trên nền trời, bên những mái nhà dân còn đang dao động lo lắng cho một ngày mai sắp tới.

Ngày 30.5.1975, linh mục Giuse Phạm Ngọc Hoan cũng như nhiều linh mục khác trong giáo phận Xuân Lộc, vâng lời Đức giám mục Đaminh Nguyễn Văn Lãng, Ngài về nhận sứ vụ chánh xứ Bắc Hải.

Sang đầu thập niên 80 trở đi, đời sống sinh hoạt của người dân bắt đầu ổn định, kinh tế phát triển và mở mang, mặt văn hóa và giáo dục được gia đình và xã hội quan tâm, các công trình dang dở của giáo xứ cũng bắt đầu được chỉnh trang lại, trên gian cung thánh, trong nhà thờ, đến tạo lập các tượng đài thánh trong khuôn viên nhà thờ, nhà giáo lý.

Sau 30 năm bốn tháng phục vụ với cương vị là chánh xứ Bắc Hải, llinh mục Giuse Phạm Ngọc Hoan đã được Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh giám mục Xuân Lộc cho nghỉ hưu ngày mùng 05.9.2005

Sáng thứ hai mùng 10.10.2005 linh mục Đaminh Bùi Văn Án được Đức cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh giám mục Xuân Lộc sai đến tiếp tục nhận nhiệm vụ chánh xứ Bắc Hải.

Trong thời buổi hội nhập và phát triển, nhất là về mặt dân số mỗi ngày một tăng cao, hiện nay trong xứ có hơn hai nghìn gia đình công giáo với gần mười nghìn người. Các chương trình mục vụ huấn giáo, các tổ chức sinh hoạt đoàn hội, các giới, các cuộc kiệu lễ mang đậm tính truyền thống của người dân gốc Bắc Hải – Hải Phòng.

Sau gần 40 năm, ngôi Thánh Đướng Bắc Hải đã có đôi ba lần tu sửa, nay được sự đồng thuận của mọi người, nam phụ lão ấu, đồng lòng đồng sức, quyết tâm sửa sang tôn tạo mới ngôi nhà Chúa.

Ngày lễ mừng Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội quan thầy của giáo xứ mùng 08.12.2008 vừa qua, cha xứ công bố với cộng đoàn việc chính quyền và giáo quyền đã chấp thuận cho giáo xứ được sửa chữa Thánh Đường, đồng thời ngài cũng chia sẻ những ưu tư lo lắng của ngài với cộng đoàn, ngài tâm sự: “ Ba bốn chúc năm trước đây, ngôi Thánh Đường giáo xứ Bắc Hải có thể nói rằng đẹp nhất nhì trong vùng Hố Nai, nhưng bây giờ thì không được ! “. Và hôm nay công việc trùng tu Thánh Đường của chúng ta gồm mấy hạng mục sau: thiết kế lại tháp chuông, xây nới them một gian nhà thờ là tám gian dành cho cộng đoàn tham dự, thiết kế mới và mở rộng gian cung thánh, làm lại trần và mái nhà thờ, thay toàn bộ cửa bằng gỗ cho bền chắc, thay nền gạch men mới, tầng trệt của gian cung thánh là phòng chầu Thánh Thể cả ngày.

Trong dịp tổ chức lễ khởi công trùng tu Thánh Đường Bắc Hải sáng Chúa nhật 11.10.2009, cha xứ, cha phó, quý chức Ban hành giáo cùng cộng đoàn Bắc Hải, tha thiết kêu gọi mỗi người, mỗi gia đình trong cộng đoàn, bà con gốc Bắc Hải hiện đang ở khắp nơi trong Nước cũng như ở Hải Ngoại, các ân nhân, quý vị gần xa có lòng hảo tâm, xin hãy cộng tác giúp đỡ để ngôi Thánh Đường Bắc Hải được tốt đẹp từ khởi sự cho đến hoàn thành.
 
Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ giáo xứ Đức Bà giáo phận Phan Thiết
Pm. Cao Huy Hoàng
22:58 12/10/2009
PHAN THIẾT - 9g00 sáng ngày 12-10 -2009, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống chủ tế thánh lễ Đặt Viên Đá Đầu tiên xây dựng Nhà Thờ Đức Bà tại Họ Đạo Đức Bà, thuộc Hạt Hàm Tân Giáo Phận Phan Thiết.

Hình ảnh lễ đặt viên đá đầu tiên

Những ngày trước lễ, trời mưa như trút làm công việc chuẩn bị của giáo dân thật vất vả. Dầu vậy, họ đã đỗ đất, lắp đá, gạch nên một lễ đài thật qui mô 10x20m trong khuôn viên nhà thờ khá rộng rãi, đẹp mắt giữa một vườn bạch đàn mát rượi.

Từ 7g30, gần 3000 khách xa gần đã đến tham dự thánh lễ, cùng với 36 linh mục, đông đảo các nam nữ tu sĩ thuộc các hội dòng trong và ngoài giáo phận.

8g30, Đức Cha Giuse đã đến trong niềm vui mừng của giáo dân họ đạo Đức Bà, cộng đoàn phụng vụ thể hiện qua việc tiếp đón long trọng với đội trống họ đạo Đức Bà, đội kèn đồng giáo họ Vũ Hòa, ban nhạc Công ty Đức Thương, tiếng hát liên ca đoàn Ma Lâm – Bình An – Đức Bà và tiếng vỗ tay liên hồi. Cộng đoàn vui mừng vì Đức Cha thật có duyên với Đức Maria: Làm người Phan Thiết bắt đầu từ việc hôn lên mãnh đất nầy tại Nhà thờ Mẹ Thiên Chúa ngày 31-8-2009, rồi nhậm chức Giám Mục trong thánh lễ với ý kính Mẹ Thiên Chúa ngày 5-9-2009 và hôm nay, lần đầu tiên trong Giáo Phận, Đặt Viên Đá Đầu Tiên tại Họ Đạo Đức Bà.

9g00, đoàn rước long trọng rước Linh mục đoàn và Đ ức Giám mục chủ tế vào Thánh lễ. Dừng lại trước Viên Đá đầu tiên, Đức Giám mục quay về phía cộng đoàn và cùng cộng đoàn nghe tiểu sử họ đạo Đức Bà qua giọng đọc phấn khởi của ông Chủ Tịch Hội Đồng Mục Vụ Họ Đạo:

“Họ Đạo Đức Bà – Giáo Phận Phan Thiết, thuộc xã Tân Bình, Thị xã Lagi, Tỉnh Bình Thuận, được hình thành vào năm 1976, khi số đông các gia đình Công giáo từ hai Tỉnh Nghệ An, Quảng Bình đến đây lập nghiệp.

Giữa một vùng đất đầy cỏ tranh và cây hoang dại, bà con đã dành một khu đất rừng khai phá để làm một ngôi Nhà Thờ nhỏ mái tranh vách lá, làm nơi kinh nguyện sớm tối và dạy giáo lý cho con em trong Họ Đạo.

Kể từ đó Họ Đạo chính thức được thành lập do Linh mục Giacôbê Lê Đức Trung quản xứ Bình An, được Đức Giám Mục Nicolas Huỳnh Văn Nghi chấp thuận năm 1980, và chọn tước hiệu “Đức Bà” làm bổn mạng Họ Đạo vào ngày 15 tháng 8 hàng năm.

Con số bước đầu thành lập Họ Đạo thật khiêm tốn, với 33 gia đình và trên 75 người Công Giáo nằm trên địa bàn Xã Tân Bình, đông giáp cầu Cây Tranh, tây giáp Giáo xứ Bình An, nam giáp xóm 1 Giáo xứ Tân Lý, bắc giáp Suối Giấy.

Năn 1987, Đức Cha Nicolas bổ nhiệm cha Đaminh Nguyễn đình Cẩm về quản xứ Giáo xứ Bình An. Ngài đã ưu tư rất nhiều cho việc phát triển của Họ Đạo về đời sống đạo cũng như xã hội. Bà con giáo dân cùng với ngài đã tu sửa ngôi nhà thờ cũ bằng mái tôn, vách cót. Vì nhu cầu mục vụ, ngài đã đến đây để cử hành Thánh lễ và ban các bí tích vào mỗi chiều thứ bảy thay cho Chúa Nhật. Thấy đường cát đi lại khó khăn, ngài đã xúc tiến đổ một con đường sỏi rộng 4 mét trải dài từ Cầu Tranh tới đồng ruộng Tân Lý. Việc giao thông đi lại dễ dàng, nhờ đó đời sống kinh tế của cả giáo dân và lương dân phát triển lên.

Tháng 8 năm 2001, cha Phêrô Hồ Văn Hưởng vể quản nhiệm Giáo xứ Bình An thay cho cha Đaminh phải đi dưỡng bệnh vì lý do sức khỏe. Cha Phêrô Hồ Văn Hưởng đã thành lập, đào tạo và củng cố các đoàn thể trong Họ Đạo. Các đoàn thể phát triển. Đặc biệt ngài quan tâm đến việc đào tạo nhân sự trong các hội đoàn. Vì Nhà Thờ mái tôn vách cót lâu ngày rách nát không còn sử dụng được nữa, nên ngài cho trùng tu lại ngôi Nhà Thờ bằng gạch, gỗ, xi-măng với kích thước đã có từ đầu, và ngài cho xây nhà giáo lý. Từ đây ngôi Nhà Thờ Họ Đạo Đức Bà được Đức Cha Nicolas cho phép cha quản nhiệm đặt nhà tạm lưu giữ Mình Thánh Chúa cho giáo dân kính viếng.

Ngày 9 tháng 4 năm 2004 Đức Cha Nicolas bổ nhiệm Cha Phêrô Nguyễn Hữu Duy về quản xứ Bình An. Ngài đã đến với Họ Đạo và quan tâm về mọi mặt. Ngài xây dựng ngôi nhà để sinh hoạt mục vụ. Ngài cũng đã trăn trở và hướng tới việc xây dựng ngôi Nhà Thờ mới nơi Họ Đạo.

Ngày 3 tháng 3 năm 2007 Đức Cha Phaolô bổ nhiệm Cha Phêrô Nguyễn Văn Quang về quản xứ Bình An. Ngài đã đến dâng Thánh lễ vào mỗi sáng trong tuần và ngày Chúa Nhật. Ngài củng cố và thành lập thêm các đoàn thể, và mời Cộng đoàn Nữ Tu Hội Dòng Đức Mẹ Khiết Tâm Nha Trang về phục vụ tại Họ Đạo.

Với sự phát triển của Họ Đạo hiện nay và nhờ sự quan tâm của Đức Cha Phaolô, Họ Đạo Đức Bà nằm trong danh sách 15 Giáo Họ được nâng lên hàng Giáo Xứ năm 2009, với 194 gia đình, 1043 giáo dân, 4 giáo khóm, diện tích khoảng 5km2 nằm trên địa bàn xã Tân Bình.

Vì nhu cầu phục vụ với số lượng giáo dân hiện nay của Họ Đạo Đức Bà ngày càng tăng, Nhà Thờ của Họ Đạo vừa nhỏ, vừa hẹp, không đủ sức chứa nên đa số dự lễ ngoài trời, giữa nắng giữa mưa, lắm lúc trời mưa to, giáo dân không có nơi ẩn trú, lại vừa xuống cấp trầm trọng.

Cha Phêrô Nguyễn Văn Quang đã xúc tiến các thủ tục xây dựng Nhà Thờ mới và đã được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép xây dựng số 4203 của UBND ngày20.8.2009, được Đức Cha Nicolas ưu ái cầu nguyện, Đức Cha Phaolô chấp thuận, Đức Cha Giuse cấp giấy phép và chính Ngài chủ tế Thánh Lễ đặt Viên Đá hôm nay.”

Cha Hạt Trưởng Hạt Hàm Tân công bố giấy cho phép xây dựng nhà thờ Đức Bà tại Họ Đạo Đức Bà do Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống Giám mục Giáo Phận Phan Thiết ấn ký ngày 15/9/2009.

Mọi người vui mừng vỗ tay tạ ơn Chúa, tạ ơn Giáo hội.

Đức Cha Giuse bắt đầu với lời nguyện và làm phép khuôn viên nhà thờ và Viên Đá đầu tiên trong tiếng ca rập ràng của ca đoàn và cộng đoàn phụng vụ: “Xin trở nên thạch động cho con náu thân, xin trở nên núi đá cho con ẩn mình…”.

Vào thánh lễ như thường lệ, mọi người chăm chú lắng nghe lời giảng của vị Tân Mục tử Giáo phận. Ngài nêu rõ ý nghĩa việc xây dựng nhà thờ trong Giáo hội:

1. Nhà Thờ, địa chỉ của Thiên Chúa hiện diện: Kinh Thánh đã bộc bạch tấm lòng của Thiên Chúa: “Thiên Chúa vui thích ở giữa dân Ngài”. Thánh Đường là nơi quy tụ dân Chúa, để họ được đón nhận tấm lòng yêu thương của Thiên Chúa qua Thánh lễ, các bí tích. Như vậy Thánh Đường còn là địa chỉ của hồng ân, địa chỉ Thiên Chúa thi thố ơn cứu độ, địa chỉ Thiên Chúa bộc lộ niềm vui của Ngài. Biết rằng là Thiên Chúa Ngài muốn ở đâu thì ở, nhưng Ngài thích chọn một địa chỉ vật thể để tuôn đổ muôn hồng ân linh thiêng của Ngài.

2. Nhà Thờ, hình ảnh cụ thể của Giáo Hội Địa Phương. Một Giáo Hội thu nhỏ nơi Giáo xứ và cụ thể nơi Thánh Đường. Mọi người, đủ thành phần, được mời gọi tham gia vào Giáo Hội thu nhỏ này, để mọi người được hạnh phúc trong địa vị của mình. Tại Á Châu, mô hình Giáo Hội tham gia đang nêu bật tinh thần ấy.

3. Nhà Thờ nơi mỗi tâm hồn: trong tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Người ta không thờ Thiên Chúa ở nơi này hay nơi kia, đã đến lúc người ta sẽ tôn thờ trong tinh thần và chân lý”. Từ ấy, chúng ta được vui mừng vì mỗi tâm hồn của chúng ta là đền thờ sống động của Thiên Chúa.

Đặt viên đá đầu tiên hôm nay như mở ra một cánh cửa cho một Giáo Hội sinh động đang hiện diện. Chúng ta đang bị cuốn bởi những tâm tình và lòng quảng đại góp sức chung xây một mô hình Nhà Thờ tuyệt đẹp. Mô hình con thuyền, hình ảnh của con tàu Noe, hình ảnh của Giáo Hội, hình ảnh của ơn cứu độ. Từ mô hình đến hoàn thành công trình còn dài, nhưng chúng ta tin tưởng chính Chúa sẽ thực hiện vì: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công”. Chúng ta đang thấy một khuôn viên rộng lớn không chỉ toàn cây xanh mà còn có cả ngàn tấm lòng quảng đại. Vì thế, ta tin chắc Chúa sẽ chẳng bao giờ để dang dở công trình Ngài đã bắt đầu, và vui mừng hy vọng với Cha Phêrô Nguyễn Văn Quang và toàn thể bà con họ đạo Đức Bà.

Cuối Thánh Lễ, sau lời cảm ơn của Ông Thư Ký HĐMV, một đại diện dâng hoa tạ ơn Đức Cha và một bài múa của các em thật sinh động, ý nghĩa: “tuổi trẻ chúng ta nối tiếp thế hệ cha ông, không ngại gian khó, quyết tâm dựng xây Giáo hội…”. Trong lời huấn từ, Đức Cha vui mừng tín nhiệm vào sức trẻ, nhiệt huyết, và khéo léo của Cha Phêrô Nguyễn Văn Quang, tín nhiệm vào sức mạnh hiệp nhất của bà con Giáo Dân Họ Đạo Đức Bà, tín nhiệm vào lòng quảng Đại của quí ân nhân, Ngài hy vọng Viên đá đầu tiên sẽ kết nối với muôn ngàn viên đá để đến viên đá cuối cùng hoàn thành công trình cho Thiên Chúa thật tốt đẹp. Cùng với cộng đoàn Phụng vụ, Ngài ký thác công trình cho Thiên Chúa qua lời cầu Bầu của Đức Trinh Nữ Maria và các Thánh.

Ngài ban phép lành cho mọi người ra đi trong niềm vui rộn rã.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Âm mưu giết linh mục rồi quay lại tố cáo linh mục tội bắt và đánh người trái pháp luật
Lm G.B Nguyễn Minh Dương
07:04 12/10/2009
Kinh gửi quý cha, quí bà con giáo dân cùng quí độc giả có lương tri, có lòng yêu chuộng lẽ phải.

Thưa quí cha, cùng quí độc giả, con là Lm G.B Nguyễn Minh Dương, cuối tháng 8 vừa rồi con bị một kẻ côn đồ ngoài làng đến tìm cách chém giết, và còn thách thức cả làng Cồn Sẻ (xin xem bản tường trình dưới đây). Con và dân làng Cồn Sẻ đã phát hiện nên chủ động bắt được kẻ xấu đó giao cho Công An gồm cả hung khí.

Sau khi bị bắt và giao cho Công an, kẻ côn đồ đó cùng với gia đình đã làm đơn tố cáo chúng con về tội bắt và đánh người trái pháp luật.

Sau khi sự việc xảy ra, chúng con đã mời gia đình của kẻ côn đồ cùng với kẻ côn đồ đến để giải quyết ôn hoà. Sau nhiều lần mời thì đại diện gia đình đó đến nhưng không hợp tác giải quyết. Toà giám mục mời về để khuyên giải cũng không chịu về.

Sau một thời gian công an huyện Quảng Trạch điều tra và làm việc với con 3 lần, rồi triệu tập rất nhiều giáo dân xứ Cồn Sẻ để điều tra, nhất là những người nằm trong Hội Đồng Mục Vụ và những người bắt tội phạm. Qua quá trình điều tra của Công an chúng con thấy:

- Công An huyện Quảng Trạch làm chúng con không được hài lòng. Cụ thể là đã có ba nhân chứng bị công an đe doạ, chửi tục và một trong ba người đã bị công an vặn cổ khi lấy lời khai. Nhắm vào những người đi bắt tội phạm để kể tội.

- Qua những lần làm việc với con và Hội Đồng Mục Vụ thì công an tìm mọi cách bắt chúng con nhận tội “bắt và đánh người trái pháp luật”. Chúng con đã tranh luận nhiều, đã được Công An đưa luật ra đọc và phân tích và ép chúng con nhận tội nhưng chúng con không nhận. Cuối cùng Công an hỏi ý kiến chúng con về vụ việc, chúng con đã nói rõ rằng: sự việc đã xảy ra làm tôi bị tổn thất nặng về danh dự, tinh thần hoang mang và một kẻ lạ mặt đến thách thức xúc phạm đến cả làng Cồn Sẻ v.v… nhưng nếu kẻ đó nhận lỗi và xin lỗi thì tôi và giáo xứ tha, vì đạo chúng tôi là đạo yêu thương tha thứ. Còn những gì chúng tôi đã nói, làm với kẻ đó như chúng tôi đã trình bày, chúng tôi chịu trách nhiệm trước mặt pháp luật. Nếu theo luật chúng tôi phạm tội thì xin nhận tội và chỉ nhận tội khi toà tuyên án chứ không nhận tội tại bàn làm việc này.

Cuối cùng ý đồ của công an huyện Quảng Trạch chúng con đã rõ: Con và Hội đồng Mục Vụ không tham gia bắt người (giáo dân bức xức khi bị xúc phạm nên đã ra tay bắt) nhưng họ nhắm vào con và Hội đồng mục vụ để kết tội nhưng lại không muốn đưa ra toà.

Sau đây là bản tường trình sự việc con đã gửi cho công an huyện Quảng Trạch. Xin quí cha, quí độc giả nghiên cứu và hỗ trợ, cầu nguỵên cho chúng con trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ sự thật.

--------------------------

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Vĩnh Phước ngày 5 tháng 9 năm 2009

BẢN TƯỜNG TRÌNH

Kính gửi Công An huyện Quảng Trạch.

Tôi là Nguyễn Minh Dương, linh mục quản xứ Vĩnh Phước và Cồn Sẻ, thuộc Xã Quảng Lộc, Huyện Quảng Trạch, Tỉnh Quảng Bình xin kính trình quí cấp sự việc như sau:

Ngày 27 tháng 8 năm 2009, vào lúc 18giờ 30 tôi đi làm lễ thành hôn cho 22 đôi hôn nhân ở Cồn Sẻ. Khi chuẩn bị làm lễ thì anh Được và chị Hương cũng đưa nhau đến để được làm lễ thành hôn với 22 đôi này, nhưng theo luật Giáo hội thì anh Được chưa đủ điều kiện để làm phép cưới trong thánh lễ hôm đó, nên tôi cho ông Kỷ báo với anh Được và anh đã ra về. Sau khi anh Được ra về có anh Tình người Cồn Cưởi, xã Quảng Tiên cũng ra về không dự lễ.

Đến 20 giờ 36 phút 26 giây có tin nhắn điện thoại gửi vào máy điện thoại của tôi và 20 giờ 39 phút 15 giây có thêm một tin nữa, nhưng vì đang làm lễ nên tôi không đọc tin nhắn.

Sau khi Thánh Lễ đã kết thúc, tôi cùng Hội Đồng Mục Vụ, và các bậc phụ huynh của con em vừa được làm lễ thành hôn vào nhà phòng Cồn Sẻ ngồi chơi uống nước, tôi mở máy ra đọc tin nhắn và đưa cho ông Hiệp xem, nội dung hai tin nhắn là nguyền rủa, chúc dữ, đe doạ đòi tìm cách để đánh tôi. Nội dung 2 tin nhắn như sau:

“ông vừa phải thôi ông không ở xứ này lâu đâu đợi đến ngày ông biến khỏi xứ Cồn Sẻ thì tai hoạ đến với ông đấy”

“tôi sẽ tìm đến nơi để trả thù ông ông giỏi đến đâu cũng nằm trong địa phận Vinh thôi hôm nay ông gọi thêm bảo vệ theo nha càng nhiều càng ít”

(lưu ý: tin nhắn trong điện thoại không có dấu nên tạm dịch như vậy)

Đọc xong tin nhắn được một lúc thì số máy đã gửi hai tin nhắn trên gọi trực tiếp vào máy tôi. Tôi mở loa ngoài cho mọi người cùng nghe cuộc nói chuỵên.

Nội dung cuộc nói chuỵên như sau:

Tôi hỏi người bên kia là ai thi anh ta không nói tên, mà nói là “con có chuyện muốn gặp cha”. Tôi nói “ban đêm có chuyện chi cần không mà muốn gặp cha”? anh ta nói “có chuyện cần”. Tôi nói chuyện cần gặp cha ban đêm là chỉ có kẻ liệt (tức là những người hấp hối cần xức dầu) mà thôi còn những chuyện khác không cần bằng thì để gặp ban ngày. Anh ta nói “con cần gặp cha vì chuyện này cần hơn cả kẻ liệt”. Tôi hỏi “vậy anh là ai” nhưng anh ta không nói tên mà chỉ đòi gặp cho được. Cuối cùng tôi nói “nếu có chuyện cần vậy thì mời đến nhà, nhưng anh là ai” anh ta vẫn không nói tên và tôi tắt máy. Sau khi nghe cuộc nói chuyện đó, mọi người khẳng định đấy là giọng của anh Tình, người cồn Cưởi, xã Quảng Tiên, vì anh Tình có bà con ở đây, về đây chơi và gặp nhau nhiều lần nên biết giọng nói.

Sau đó chúng tôi cũng bình luận qua một chút về chuyện anh Tình nói chuyện mất lịch sự và có tin nhắn đe doạ, người thì tức, người thi lo cho tôi, rồi cũng chuyển sang chuỵên khác.

Sau 22 giờ, tôi chuẩn bị ra về thì số máy ấy lại tiếp tục gọi cho tôi nhưng tôi không nghe thì tiếp tục gửi tin nhắn cho tôi nhưng tôi đang chuẩn bị ra về nên tôi không đọc tin nhắn.

Nhiều người ở đó biết được tình hình nguy hiểm thì lo cho tôi nên đã đưa tôi về Vĩnh Phước. Ra đến cầu Cồn Sẻ, chúng tôi gặp ông Xuân và ông Nhàn là người Vĩnh Phước đi đón tôi, và chúng tôi cùng nhau về.

Khi về đến nhà tôi mở tin nhắn ra đọc có nội dung như sau: “ông về không thì nói một câu tôi đợi ông lâu quá hay ông nói mà không làm ông gọi thêm mấy ông hội đồng mục vụ mà bảo vệ”.

Sau khi tôi đọc cho mọi người nghe thì ông Xuân và ông Nhàn kể cho chúng tôi về việc hai ông đi đón tôi đã gặp anh Tình tại cầu Cồn Sẻ và đã nghe anh Tình nói chuyện với tôi qua điện thoại. Ông Xuân và ông Nhàn nói “sau khi nó nói chuỵên với cha xong thì nó hỏi các ông người ở đâu?” Hai ông nói là “chúng tôi người ở Vĩnh Lộc. Sau đó có một cô con gái tới chở anh ta đi, anh ta đi được một tí là Cha ra tới cầu”.

Kết hợp lời kể của ông Nhàn và ông Xuân với tin nhắn và cuộc nói chuyện qua điện thoai cùng với sự khẳng định của những người đã từng quen biết anh Tình, chúng tôi kết luận đối tượng đang tìm cách giết tôi chính là anh Tình, người Cồn Cưởi hiện đang ở Cồn Sẻ. Biết được vậy tôi vừa lo sợ vừa bực mình vì giữa tôi và anh Tình không có chuyện gì xích mích cả mà anh lại đòi gặp để đánh tôi. Nên tôi nói với mọi người đi ra Cồn Sẻ tìm gặp anh Tình để hỏi lý do vì sao anh lại đe doạ và đòi giết tôi.

Ra đến nhà thờ Cồn Sẻ, tôi đánh trống và loa thông báo cho dân biết có kẻ có âm mưu giết cha hiện đang ở trong địa bàn giáo xứ. Yêu cầu bà con đuổi ra khỏi giáo xứ hoặc bắt giao cho Công An. Sau khi loa, tôi và rất đông giáo dân đi tìm và vào nhà ông Định bà Phong ở đội 1 Cồn Sẻ thì gặp anh Tình và một số người đang ngồi ăn. Tôi đi vào thì anh Tình đứng dậy mặt hằm hằm sát khí. Tôi hỏi “có phải anh vừa nhắn tin và gọi điện đòi gặp cha để đánh phải không”? Anh Tình trả lời là “đúng vậy”. Tôi hỏi “tại sao tôi và anh không có chuyện gì mà anh lại đe doạ và đòi giết tôi? Anh ở đâu đến đây mà làm vậy thì dân ở đây sẽ đuổi anh ra khỏi làng”. Anh Tình nói “tao thách thằng nào đuổi tao ra khỏi Cồn Sẻ. Giờ cha thích gì? Cha thích gì con chiều nấy. Cha động đến con là con đánh liền”. Nghe nói vậy và nhìn mặt anh ta quá hung giữ và thấy trong túi quần, dưới ống chân của anh Tình có những thứ gì kềnh càng khác thường tôi sợ và hơn nữa trong lúc mọi người đang ăn nên tôi rút lui và mọi người cũng rút lui.

Tôi đi về nhà thờ Cồn Sẻ và nói với giáo dân rằng “kẻ đòi giết cha đã được phát hiện, bây giờ tuỳ bà con xử lý. Nếu bà con muốn cha tiếp tục phục vụ ở đây thì anh Tình phải ra khỏi xứ này vì anh là người ngoài xứ đến đây đang tìm cách giết cha, tính mạng của cha không được đảm bảo. Còn nếu chừng nào anh Tình đang còn ở đây thì cha không thể đến đây phục vụ được."

Thế rồi sau đó chừng 15 phút dân làng đã đi bắt anh Tình. Khi đưa anh tình ra đến cửa nhà bà Phong thì anh Thành con ông Cầm và anh Phạm Đoàn con ông Tịnh (đội 3) ôm chân anh Tình và phát hiện có con dao trong quần, anh Thành hô lên có dao và anh Phạm Đoàn ôm chân lấy dao ra và đưa về nhà thờ trao cho tôi. Khi đứng trên nền nhà thờ thấy đưa anh Tình về tôi đã thông báo nhiều lần trên loa là “không được đánh người”.

Sau đó không lâu thì anh Phạm Được tới sân nhà thờ quấy rối, chửi mọi người và đánh Hội đồng mục vụ ( đánh ông Tiến) nhằm mục đích là giải cứu cho anh Tình. Trong khi anh Được làm như vậy thì anh Tình vùng dậy chạy nhưng vì giáo dân quá đông nên đã không chạy được. Khi đó tôi đưa con dao vào nhà phòng ngồi đợi Công an đến làm việc. Sau đó khoảng chừng 1 tiếng đồng hồ, công an thôn và công an xã đến làm việc và chúng tôi đã làm theo sự chỉ dẫn của công an. Khi công an làm việc gần xong thì tôi và ông Kỷ tới nhà ông Định bà Phong gặp gia đình xin giữ điện thoại của anh Tình để lam tang chứng cho công an điều tra. Khi trở lại nhà thờ thì thấy công an đã đưa anh Tình đi rồi và giáo dân cũng giải tán gần hết, còn lại một số người và Hội Đồng Mục Vụ. Sau đó chúng tôi cũng giải tán và một số người đưa tôi về Vĩnh Phước

Đến sáng ngày 28-8 tôi mở máy điện thoại của anh Tình ra thì thấy đêm 27-8 anh Tình gọi cho rất nhiều người, nhất là có gửi tin nhắn cho hai người còn lưu lại trong máy. Một trong những tin nhắn đã gửi còn lưu lại trong đó là tin nhắn gửi cho chị Hợp, bạn của anh Tình. Tin nhắn này có nội dung báo tin với chị Hợp là anh Tình sẽ chém tôi trong đêm nay (đêm 27-8). Anh Tình cho biết là anh đang đợi ở cầu chờ tôi ra chém xong là đi luôn. Cụ thể như sau: “em a, tối nay anh chém cha dương, anh bây giờ đang ngồi ở cầu chờ cha ra anh chém xong đi luôn”.

Tôi đã gặp chị Hợp và chị Hợp đã xác minh là có nhận được tin nhắn đó.

Kính thưa quý cấp, sự việc giữa tôi và anh Tình đã xảy ra như tôi đã trình bày. Trong khi tôi và anh Tình không có vấn đề gì mâu thuẫn bất đồng cả mà anh Tình lại đe doạ, tìm cách để giết tôi, làm tôi hoang mang lo sợ, tổn thất về tinh thần, tâm lý không được ổn định, tính mạng không được đảm bảo khi đi lại và phục vụ giáo dân ở hai xứ trong địa bàn xã Quảng Lộc. Được biết anh Phạm Được và anh Tình là hai đối tượng ngang bướng và quậy phá nhiều lần trong giáo xứ Cồn Sẻ, không sợ bất cứ ai. Vào tháng 6 vừa rồi, hai anh này đi qua cầu Cồn Sẻ đã gây rối và đánh những người canh cầu và còn đập phá bảng nội quy của làng Cồn Sẻ.

Vậy xin kính trình lên Công An huỵên Quảng Trạch cùng quý cấp có thẩm quyền liên quan xem xét và xử lý nhằm giáo giục kẻ có tội và răn đe cho nhiều người.

Xin chân thành cảm ơn.

Người làm bản tường trình

Lm G.B Nguyễn Minh Dương
 
Văn Hóa
Truyện ngắn: Thượng uyển bỏ hoang
Trần Vũ
17:45 12/10/2009

Truyện ngắn: Thượng uyển bỏ hoang



Về cô Trịnh Đạm Thủy dạy ở Lasan niên khóa 73-74
và những năm 1978-1979


Trời xế trưa, nắng gay gắt và vàng sậm. Tôi dựa lưng vào vách tường hoen ố phía sau, đổi cách ngồi cho đỡ mỏi. Những người chung quanh cũng vươn vai, đổi chỗ, và xê dịch sao cho thoải mái. Ba bốn tiếng đồng hồ chụp giật làm ai nấy thấm mệt. Lợi dụng lúc thưa khách, mọi người lui vào lề tìm chút bóng râm. Tôi kéo thấp chiếc nón lá che ánh nắng đang nung dòn trên mặt. Nắng từ mái tôn cũ tả tơi, rơi đổ lên đám người lây lất lúp xúp dưới đất. Màu da mọi người bình thường xanh xám, lúc này pha trộn màu nắng thành màu vàng đặc biệt. Không phải màu nghệ hay màu vàng lá mạ cổ điển mà là màu vàng úa gần tiệp với màu lá chuối, từa tựa phân ngựa. Thứ màu ngày xưa tôi thường dùng để đánh lớp đầu tiên cho dầy phông. Tôi biết mình cũng giống như những người ngồi đây, đang phát sinh cho xã hội một trường phái mới. Một trường phái thực tiễn sống mà ngoại kiều về nước ai trông thấy chúng tôi cũng đều liên tưởng đến những tranh tập thể, mang hình thù kỳ dị. Thật vậy, nhìn lũ chúng tôi thân thể tiều tụy, màu da vàng tái không ai không nghĩ đến những người mẫu trong tranh, cổ dài ngoằng và chân tay khẳng khiu. Tuy nhiên sáng hôm nay, những bức họa lập thể ấy đều tỏ vẻ hài lòng, ít hằn học so với ngày hôm qua. Quả tình nếu hình thù chúng tôi có vẻ lập dị, thì đầu óc lại rất đơn giản. Chỉ cần nửa ngày trôi qua bình yên, không phải ôm đồ chạy tháo thân là chúng tôi mãn nguyện.

Giờ mùa bán đã qua, con đường trở lại thưa vắng và yên lặng. Tôi thả rơi tầm nhìn mệt mỏi lên khu phố một thời là đại lộ chính của Sài Gòn. Những buynh đinh cũ được sơn phết, nhiều tấm bảng mới sơn, màu hãy còn tươi, bồn nước đang phun, đồng hồ được thay pin tiếp tục quay; một số hàng rào mái ngói được sửa sang phô diễn cố tình làm đẹp, đập vào mắt du khách. A, thì ra nhà nước đang ra sức kiếm ngoại tệ bằng công trình xây cất của Ngụy ngày xưa. Tia nhìn tôi vừa chạm phải hình ảnh tòa nhà Hữu Nghị. Tòa cao ốc vòi vọi, ngất ngưỡng cho tôi cảm giác đang ngồi dưới đáy vực. Thời trước, mỗi lần đi ngang hotel Palace tôi đâu có mặc cảm thấp hèn như bây giờ. Kể cũng không có gì lạ, thường người ta chỉ biết mình ngã xuống vực khi đã rơi đụng đáy, còn mới trượt chân thì không ai biết mình đang rơi.

Có tiếng lục đục bên cạnh. Ông cụ thuộc diện mất sức lao động, nuôi tuổi già bằng nghề bơm rửa viết máy, lấy trong bọc ra một gói khoai sắn, chậm rãi đưa bàn tay dính mực lên vuốt cổ họng sau mỗi bận nuốt xuống một miếng sắn. Ông cụ là một trong số ít người còn giữ thói quen ăn nhiều bữa trưa. Đại đa số chúng tôi thường quấy quá, phần vì muốn tiết kiệm, phần vì dạ dày đã quen với khẩu phần ít ỏi thường nhật, qua quýt cũng tạm đủ.

Lề đường lúc này bừa bãi. Những món hàng mà mọi người chất xếp lây lất hờ hững. Trong ngày, có lẽ giấc trưa là lúc những kẻ chợ trời như tôi đăm chiêu và ít tha thiết với vốn liếng của mình nhất. Ở cái lúc mà khách mua đã vãn, đã về nhà dùng cơm hay quay về sở làm, người bán chợ trời không biết làm gì hơn là thả rơi suy tư của mình vào khoảng không. Ít ai ngờ những kẻ sống lê lết trên vỉa hè tìm cơm áo qua ngày như lũ chúng tôi lại hay suy tưởng như một triết gia. Từ lâu, tôi đã sớm nhận rõ tính ưu việt của chế độ này là giúp cho con người biết tách rời cái tâm của mình ra khỏi thân xác. Tất cả người dân Sài Gòn “tiên tiến” đều hướng nội, điều khiển tâm thức như một thiền sư. Những khi đói khổ, người ta cho tâm sống với quá khứ dĩ vãng một thời ấm no. Gặp lúc tuyệt vọng tâm sẽ được cho đi trước thời gian để sống với mơ ước về một vùng đất mới hay một đổi thay. Bằng cách này hay cách khác, người Sài Gòn sống ở ngoài không và thời gian thực tại. Họ sống ở hai đầu mốc thời gian, hoặc ở tận cùng quá khứ, hoặc bên kia tương lai, nhưng không bao giờ giữa thì thực tại. Thực tại giản dị đã trở thành một thì của u tối. Chỉ cần ngồi ở lề đường này vài ba tuần lễ, qua những giấc trưa im ỉm như hôm nay là tôi khám phá ra được điều ấy. Những tia nhìn quen thuộc của bạn hàng mà hàng ngày tôi bắt gặp rơi rớt trên vỉa hè, vào giữa trưa như có sức bay bổng chuyên chở cả một phần đời người mang nó. Những tia nhìn ban đầu khởi đi từ tròng mắt luôn ánh màu xanh hy vọng, trôi ra xa mông lung chơi vơi một lúc trước khi hụt hẫng để rồi sau cùng chỉ còn màu xám u uất. Tôi ở trong cùng tình trạng với các đồng nghiệp đang ngáp ngắn ngáp dài chờ khách. Nhưng tôi không đẩy tâm thức ra xa, không giết nỗi lo âu buồn bã, đói lạnh của mình bằng cách ấy. Có lẽ vì tôi theo ngành hội họa từ thuở niên thiếu, nên gặp lúc khốn khó, tôi tập nhìn đời như nhìn những bức tranh, không để ám ảnh bởi màu sắc hay khủng hoảng bởi hình ảnh. Tôi cố tìm trong mỗi bức tranh, đường nét, góc cạnh và vị trí riêng, để tôi có thể nhìn bức họa của chính mình, của những âu sầu khốn khổ ở góc cạnh tương đốt bớt phũ phàng, một góc tiếp thu riêng biệt mà tôi có thể lọc lại màu sắc, làm vơi dịu bớt cường độ mà người thợ sơn mới đã áp đặt. Mấy năm qua, từ ngày rời hội nhà giáo, nếu cái nghề hội họa không còn giúp tôi kiếm sống, ít ra nó cũng giúp tôi chịu đựng, làm vơi dịu màu sắc hằn học của đời khi phải trực tiếp thâu nhận. Lâu lâu tôi vẫn có thể phát họa, vẽ vời trong trí tưởng tượng…
oOo


Mãi suy tư, triết lý vớ vẩn mà Cường đến lúc nào tôi không hay. Gã con trai khóa bánh xe đạp, đến bên tôi cười:

- Cô đang “vẽ” phải không? Từ xa thấy đôi mắt cô mơ màng là Cường đoán liền.

- Vẽ vời gì, tôi chỉ nghĩ lung tung cho qua thì giờ.

Tôi hơi ngước mặt, đủ để cho tầm nhìn đọng lại trên khuôn mặt Cường mà tôi không bị nắng chói.

- Cô bán được khá không?

Tên con trai hỏi, nụ cười vẫn còn nở trên môi.

- Cũng tạm. Bán được ba ống kem đánh răng và một bịch sữa bột Liên-Xô. Hy vọng chiều khá hơn.

Tôi vừa trả lời vừa đưa tay chỉ mấy món hàng còn lại bày trên tấm ny lông. Kể ra bán chừng ấy là gia đình tôi đủ sống hôm nay, nghĩa là có đủ tiền mua nửa ký mì sợi, chút rau và ít ngô khoai cho hai đứa con tôi và mẹ chồng. Nhưng nếu muốn bữa ăn có thêm chất đạm thì thật tình tôi cần phải bán thêm gấp năm, sáu lần những món đồ vừa bán. Nói vậy để so sánh chứ tôi làm gì có vốn để mua nhiều mặt hàng.

- “Đạt” rồi, cứ coi như cô không bị cháy giáo án hôm nay.

Gã con trai nhìn tôi cười chế diễu, mặt mũi nó sạm nắng, tóc tai chấm ót.

Cường là học trò tôi hồi còn dạy hội họa cho trường Lasan. Tôi tình cờ gặp lại nó năm ngoái, trên vỉa hè thương xá Tam Đa. Cường cao lớn và có dáng thanh niên so với hình ảnh đứa học trò nhỏ năm xưa nên tôi không nhận ra. Cường phải nhắc rõ tên tuổi và lớp cũ tôi mới nhớ. Lúc đó tôi đã bắt đầu lây lất ở chợ trời. Cường khuyên tôi bỏ lề đường Lê Thánh Tôn, dọn về bán ở vỉa hè phố Nguyễn Huệ vì theo Cường, đại lộ Nguyễn Huệ “sang” hơn, có nhiều cán bộ cao cấp và vợ con từ Bắc vào mua sắm. Nguyễn Huệ cũng kém xô bồ và ít náo động hơn các khu khác, lại có nhiều kiosques bán hoa và sông nước Bạch Đằng thơ mộng thích hợp cho tâm hồn một cô giáo dạy vẽ như tôi! Từ đó Cường thường hay lui tới chỗ tôi ngồi, chuyện vãn và cùng “phụ” suy tư với tôi những khi vắng khách. Cường đã thôi học từ năm 77, hành nghề mua đi bán lại đồng hồ cũ mà khách phần lớn là bộ đội miền Bắc. Công việc theo lời Cường rất khả quan, tuy nhiên Cường dấu nhẹm địa điểm buôn bán và chẳng bao giờ muốn bàn với tôi về việc buôn bán của nó, vì lý do nào đó thì cho đến hôm nay tôi vẫn chưa rõ.

Gã con trai ung dung ngồi xổm trên đất, lôi trong túi giấy đem theo hai trái bắp nướng và một bọc xôi vò.

- Sáng nay Cường vô mánh, chớp được cái đổng cũ mà bán cho anh bộ đội lời quá. Cường mua chút đồ ăn cải thiện, cô cưa đôi với em nghe.

Cường chìa cho tôi trái bắp nướng sau khi khoe thành tích, nụ cười hình như ít khi tắt trên môi nó. Cường đang ở vào lứa tuổi đẹp nhất của đời người, lứa tuổi mới lớn, hồn nhiên đón nhận cuộc sống bằng tấm lòng cởi mở bao dung. Dù xã hội bây giờ khó khăn và tàn bạo, tuổi trẻ vẫn không than van vì giản dị là chúng chưa biết hận thù. Cái ngày mà Cường biết đến thù hận, chắc sẽ làm tôi đau đớn lắm. Thế hệ chúng tôi đã không cứu vớt được tuổi trẻ hôm nay, thế hệ sinh sau đẻ muộn giữa oán thù, tranh chấp, mà hoàn toàn không hiểu vì sao.

- Sao Cường cho tôi hoài thế? Tôi nợ em nhiều quá biết lấy gì mà trả!

Tôi ngập ngừng, ngại ngùng khi đón nhận trái bắp từ tay đứa học trò. Nó nuôi tôi bằng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Không có Cường chắc tôi đã bị lừa gạt, bị bắt hay sạch vốn liếng từ lâu. Và nếu Cường không đến như cơn gió mát làm dịu bao trưa nồng oi ả, chưa chắc tôi đã chịu đựng được một mình gần năm trời, đơn độc không bạn bè, không chút an ủi trên vỉa hè thành phố.

- Sao cô cứ kể lể ơn nghĩa làm em mệt. Sống lúc này có đồng nào mình phải ăn ngay vô bụng đồng đó, để lâu …nhà nước dám đổi tiền nữa! Cô, ăn đi chớ, dòm Cường chi dữ vậy. Ăn bắp bây giờ là mốt đó cô biết không?

- Ăn bắp nướng mà cũng có “mốt” nữa à?

- Suya! Ăn bắp nướng là phong trào được nhân dân cả nước ưa chuộng. Này nha, bắp nướng có thể để dành hai, ba ngày mà không sợ hư. Khi ăn tập thể, dễ dàng đếm hột chia khẩu phần, còn lúc nhơi một mình mà muốn cần kiệm thì ăn một hàng thôi, mấy hàng kia để dành ngày mai. Ăn hết còn đói …mút cái lõi cũng đã.

- Hay quá mà tôi không biết!

- Chứ sao cô. “Nhân dân ta anh hùng luôn có truyền thống phát huy tính thực tiễn Mác-Lê, phổ cập vào đời sống…”

- Thôi đủ rồi cậu nhỏ!

Tôi xua tay nhắc cho Cường biết đang ngồi ở vỉa hè chứ không phải giữa hội trường kiểm thảo. Đặc điểm của lớp trẻ như Cường là nói năng thuần thục và nhuần nhuyễn những từ mới, những châm ngôn cổ động mà nhà nước không ngừng ra rả trên các loa phóng thanh nơi phường khóm. Riêng Cường thì mỗi bận sửa được một từ mới thì hả hê và thích thú lắm, tự cho rằng đã thấm nhuần sâu rộng tư tưởng cách mạng. Chẳng hạn như hai câu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” và “Bàn tay ta làm nên tất cả, dưới sức người sỏi đá cũng thành cơm”, giới trẻ Sài Gòn sửa lại là “Đâu cần thanh niên trốn, đâu trốn được có thanh niên” và “Bàn tay ta làm nên tất cả, dưới sức người sỏi đá vẫn còn nguyên” mà Cường rất thích, đọc đi đọc lại cho tôi nghe.

- Này cô…

- Gì?

Tôi hỏi, lúng búng những hạt bắp trong miệng.

- Cường vừa sáng tác được một bức tranh mới chiến lắm.

Gã con trai vừa nhai vừa kể. Nét mặt nó thôi tinh nghịch, vẻ quan trọng như lúc sắp đem nộp bài thi. Từ lâu tôi và Cường hay trao đổi họa phẩm trong trí tưởng tượng cho nhau “xem”. Một cách giải trí vô hại mà không tốn tiền. Nếu Cường có vẻ bương chải và hơi du côn ngoài đời, thì nó lại cũng rất nghệ sĩ. Cường đam mê hội họa như tôi, nó lại rất thích vẽ tưởng tượng trong đầu vì cho rằng dễ dàng bôi xóa.

- Để em kể cô nghe.

Cường nói mà mắt chong lên bầu trời rợp bóng me…

- Cường vẽ bức tranh có bầu trời trên một thành phố. Bầu trời lớn chiếm hai phần ba bề dọc khung. Nền trời hình thang ngược, to hai bên góc và nhỏ dần chính giữa cho bức họa có chiều sâu. Đố cô nền trời em tô màu gì?

Cường chợt quay lại, bí mật.

- Xanh lơ hay xanh cẩm thạch?

- Trật lất! Mấy màu đó thường lắm. Cường chơi màu đỏ, đỏ tươi pha chút xíu boọc đô thôi.

- Bầu trời ai sơn màu đỏ, bộ tranh lập thể à?

- Vậy mới hay!

Cường cười sung sướng, đắc chí. Nó lim dim đôi mắt, say sưa:

- Không phải tranh lập thể, em vẽ tranh thường thôi nhưng có ý nghĩa. Màu boọc đô đánh đậm ở giữa chỗ phát xuất chiều sâu, toả dần ra thành màu đỏ đậm rồi đỏ tươi, đỏ lịm, máu…! Cô hiểu ý Cường không? – Tên con trai giương mắt nhìn tôi dò hỏi – Màu đỏ là màu nóng tượng trưng cho bầu trời nhiệt đới oi bức, màu đỏ cũng là… Cường chợt thấp giọng, liếc chung quanh, …là màu của tụi nó. Cái nền trời đỏ rực tỏa rộng bao trùm lên thành phố nhỏ xíu bên dưới nhìn vô là thấy bị đè nén liền!

Từ giọng kể oang oang hãnh diện lúc nãy, Cường nhỏ giọng gần như thì thầm:

- Đó, sáng tác mới của em đó, cô chấm điểm đi.

- Cũng khá.

Tôi gật gù, không quên liếc mắt dòm chừng. Biết cách làm chiều sâu, có tư tưởng, biết sử dụng tông nóng, khác biệt của tĩnh và động. Động là màu đỏ ở trên và tĩnh ở bên dưới… Nhưng mà Cường định vẽ gì bên dưới mới được chớ? Tôi thắc mắc.

- Thì vẽ thành phố.

Đến lượt nó lúng túng.

- Nhưng thành phố ra làm sao?

- Thành phố vậy thôi! Cô đã chẳng dạy Cường, vẽ ăn thua nhất là ở cái nền à? Mà cái nền đỏ, đục đục của Cường tới quá mức, coi như bức họa thành công, đâu cần vẽ thêm gì nữa.

Tôi phì cười, đúng là ngụy biện.

- Nhưng em không vẽ thành phố ở dưới thì ai mà hiểu được ý Cường. Vẽ tranh cũng như làm luận, cần phần nhập và kết thật hay, nhưng cũng phải cần thân bài vì là chỗ để khai triển. Nếu tranh của Cường chỉ có một mảng đỏ như thế thì tôi cho ba điểm.

Cường im lặng, mặt tiu nghỉu. Thấy nó thở phì phò, tôi biết anh chàng đang bí.

- Thôi để tôi giúp ý cho em. Bên dưới nếu em muốn vẽ thành phố thì dễ lắm. Thành phố có nhiều nhà, cao ốc hay là trệt. Một là em vẽ mấy ngôi nhà lầu thật cao, cho có vẻ vươn lên, hất đẩy cái nền trời đè nặng. Hai là em vẽ những căn nhà thấp tồi tàn như đang chịu đựng mệt nhọc, rồi kẻ thêm con đường đậm như một tì vết. Cường thấy sao?

- Tuyệt cú mèo!

Cường bật dậy, ném mạnh cái cùi bắp đã nhai hết lõi. Nó đập tay lên đùi khoái trá.

- Hay thật! Có vậy mà em không nghĩ ra. Cô đúng là giáo sư!

Nắng trưa gay gắt, chói chan trên bóng cây. Những bóng me rợp không đủ làm chúng tôi mát. Con đường ban trưa phơi mình chịu đựng. Riêng hai thầy trò tôi đang chìm vào một nơi khác, một nơi có nhiều màu sắc và hình ảnh.

- Nè cô, sao mình không vẽ luôn con lộ Nguyễn Huệ này vô. Hai dẫy cao ốc hai bên làm “sức vươn lên” như cô nói. Còn đại lộ là con đường từ chỗ chiều sâu bắt ra. Cường sẽ chơi màu đen đậm cho thật bị tỳ vết!

- Cũng được, tùy Cường.

Đứa con trai cười mãn nguyện. Nó hoàn toàn quên mất vụ vẽ tưởng tượng, làm như đang đứng trước một họa phẩm có thật.

- Em muốn vẽ luôn đám chợ trời mình vô cho thêm sinh động.

- Coi chừng ôm đồm nhiều quá tranh lại mấy ý chính đấy.

Tôi nhắc khéo.

- Đâu có, nhấn mạnh thêm chớ. Cảnh đám người nghèo khó lây lất bán buôn hai bên đường giữa hai hàng cao ốc được người ta sơn phết giả tạo, che mắt…

Tôi kéo Cường ngồi xuống, ra dấu cho nó nói nhỏ bớt. Vẽ tranh tưởng tượng mà phải đi cải tạo thì nguy hiểm quá!

Dưới nền trời mơ tưởng của Cường bây giờ có thêm những gợn mây trắng pha sắc xanh dương, khách mua hàng của giấc ba giờ chiều lần lượt đổ ra từ các ngõ hẻm. Gã con trai nhỏm dậy, lấy hai tay phủi quần:

- Mải chuyện, thôi em về chạy mánh để cô buôn bán.

- Gấp thế, tôi có khách đâu.

- Nhưng em cũng phải về kẻo tụi bạn trông, còn lo chạy mối kiếm tiền ăn tối nữa.

Cường chắc lưỡi. Gió lòa xòa trên tóc nó bụi bậm rối bời. Nó đứng lên, chiếc bóng đổ lênh khênh chơi vơi trên hè. Cường ném cái nhìn lên bầu trời lần cuối, tiếc rẻ:

- Giá mà ghi được lên khung vải thì sướng biết mấy. Mà màu mè gì mà mắc quá trời.

Cường nói rồi cúi nhìn tôi còn ngồi dựa lưng vào bức tường chói nắng:

- Biếu cô bọc xôi vò mang về cho hai em.

- Đâu được. Cường giữ lại mà ăn quà lát nữa. Hôm nay tôi cũng bán được, để khi về tôi ghé mua cho chúng nó sau.

- Cô nhận cho Cường vui. Nay bán được nhưng mai biết đâu, cô cất tiền phòng thân. Vả lại em lớn rồi, đâu còn nhỏ nhít gì nữa mà ăn quà. Sao cô khinh Cường thế?

- Nhưng em nuôi tôi hoài.

- Thì Cường là “anh nuôi” chiến sĩ mà. Cô cũng là chiến sĩ trên mặt trận kinh tế!

Gã con trai toét miệng cười. Nắng lốm đốn rơi trên chiếc áo trắng ngã màu vàng của nó. Chiếc áo trắng của đứa học trò sớm vào đời nổi lên trong chiều nắng trông tang thương, như hình ảnh một thế hệ bị lãng quên, thiếu chăm sóc. Nhưng còn ai chăm sóc chúng khi lớp thầy cô giáo chúng tôi đều đã ra ngồi hết ngoài đường? Không thể trách tuổi trẻ bây giờ, nhỏ mà sớm biết mánh mung. Lỗi không ở đứa con trai mới lớn đang đứng trước mặt tôi, cũng không phải lỗi ở đám bạn bè hư hỏng đồng trang lứa rủ rê nó. Lỗi chính là ở lớp người lớn chúng tôi, ở thế hệ đi trước đã không biết gìn giữ và bảo vệ một miền Nam châu ngọc.

- Cảm ơn Cường cho các em quà, nhưng thôi Cường về cho kịp, đứng đây chàng ràng tối hồi nào không hay. Có bán buôn cũng nên cẩn thận…

Tôi dặn với khi Cường mở khóa xe. Nghe dặn, nó ngẩng đầu lên bỡn cợt:

- Cô yên trí, em ở trong ngạch mại đổng có phương án chỉ đạo làm ăn nghề nghiệp lắm!

Tôi định la nó vài câu về tội ăn nói bộp chộp thì có mấy người khách. Loay hoay bán được hai cây viết Bic, lúc ngẩng lên thì Cường đã đi mất.

Con đường về chiều nắng dịu, như cơn sốt đã hạ chỉ còn hơi nóng rã rượi trên thân thể con bệnh. Vài chuyến xích lô đạp qua trong bụi bậm. Dăm người bộ đội nắm tay nhau vung vẩy, họ nói chuyện và cười đùa hồn nhiên. Sài Gòn chùng xuống sau một ngày cơm áo, thêm một ngày đi qua trong chật vật lặng lẽ, mệt nhọc.
oOo


Buổi sáng Sài Gòn gây lạnh. Mọi người co ro trong tinh sương của màn trời tím nhạt, mặt trời lên chậm ngoài xa trên khu Khánh Hội. Đường phố chưa tỏ, lờ mờ chút ánh sáng. Tôi co vai, ôm chiếc nón lá hứng chịu những cơn gió lạnh thổi hắt lên từ bờ sông. Chưa đến bảy giờ. Giấc này những cán bộ miền Bắc còn đang điểm tâm. Người miền Nam đại đa số trên đường đến xí nghiệp và họ cũng chẳng dư dả để mua sắm. Còn phải đợi một, hai tiếng đồng hồ trước khi nghe tiếng chân của người khách đầu tiên. Tuy chỉ buôn bán từ chín giờ sáng trở đi, nhưng ngày nào tôi cũng dậy sớm ra ngồi ở đây. Không riêng tôi, những bạn hàng thường nhật cũng đều có mặt. Không ai muốn mất chỗ tốt, và bị đẩy lui về khoảng trống trước công an phường. Ngồi xa có gì còn chạy kịp, chứ ngồi ở đó thấp tha thấp thỏm sợ bị bắt lúc nào không biết.

Gió sông Bạch Đằng thổi lên, mùi sình tươi tanh nhờn nhợn. Tôi ngồi sát tường nhưng không dám dựa. Tường vừa được sơn quét lại, còn ướt. Từ hai hôm qua chúng tôi không còn bán chợ trời bên khu thương xá Tax nữa, mà di tản qua phía nhà ngủ Hữu Nghị. Dẫy thương xá Tax cũng đang được sơn phết và tô điểm lại. Nguyên dẫy phố từ chợ Bến Thành ra rạp Rex xuống bến Chương Dương, tất cả nhà cửa bùng binh đều được nhà nước cho chỉnh trang. Để làm gì thì quả tình đang là đề tài cho dân chúng bàn tán.

- Kể ra họ cũng biết sạch sẽ, bỏ thời giờ ra sửa sang chỗ làm ăn cho chúng mình đấy chứ nhỉ?

Ông cụ bơm rửa viết máy nhận xét, rồi như sợ lỡ lời, vớt vát:

- Công tác tập thể của cách mạng thường là có mục đích …tốt cả.

Câu nói của ông cụ có phản ứng ngay. Một chị đàn bà gần đó đốp chát, không chút nể nang:

- Tốt mẹ gì! Họ đón Liên Xô chớ sửa sang gì cho mình. Nhà tui trên sông, bùn dơ tràn vô nhà mà có ma nào thèm “liên hệ xây dựng” cho đâu!

Ông cụ im lặng, không dám tranh luận trong lúc đám chợ trời nhao nhao, mỗi người một ý:

- Không phải đón Liên Xô đâu. Tụi đó cũng chuyên chính vô sản như mình thì ăn cái giải gì! Có lẽ là Việt kiều hay phái đoàn Quốc tế, họ muốn khuếch trương du lịch.

- ĐM… Mấy thằng ngu thế, đã sang được bên kia còn mò về!

- Nhỏ chứ. Vạ mồm vạ miệng lại đi cải tạo ở trường phục hồi nhân phẩm thì khốn!

Lời cảnh cáo của một mạng làm đám chợ trời xìu xuống, câu chuyện chìm hẳn đi. Tôi ngồi yên nghe, nhưng không tham dự. Phần biết không đi đến đâu, phần cũng sợ vạ miệng. Thời buổi cuốn theo chiều gió, biết tin ai được!

- ĐM. Dính trây trét lên hết áo rồi!

Tiếng la thất thanh của một thằng nhỏ cỡ 16, 17 tuổi, ngủ gục dựa lưng vào tường bị vấy sơn làm tôi giật mình.

- ĐM! Tiêu cha cái áo vía. Tiên sư cha sáng sớm ra chưa bán đã lỗ. Sơn quốc doanh con c. gì lâu khô quá. ĐM, lựu đạn nó!

Thằng nhỏ tiếp tục chửi đổng, văng tục chán chê mãi rồi mới im. Cái dáng con trai mới lớn, gầy gò vì ăn uống thất thường của nó làm tôi chợt nhớ đến Cường, không biết công việc làm ăn của nó có trôi chảy. Hai ba ngày rồi tôi không gặp nó. Mấy bữa nay không hiểu chích sách mới thế nào mà chúng tôi bị bố ráp liên miên, cứ ngồi bán được mười lăm, hai mươi phút là tất tả chạy. Tôi không bán được đồng nào, còn ăn lậm vào vốn, không đủ tiền mua thêm hàng mới. Tôi chỉ còn lại dăm cây viết Bic, một bịch đường Cuba, hai hộp sữa và xấp vải gin Trung Quốc. Đến chiều mà không bán được là gia đình tôi lại húp cháo bo bo.

Tôi thở dài, ngó ra mặt sông. Những tàu hàng quốc doanh và Đông âu đậu trong bến làm tôi mơ một chuyến đi xa đến một vùng trời khác, nhưng mãi mãi tôi biết chỉ là ảo vọng. Vả chăng chồng còn cải tạo, gia đình tôi không thể đành lòng ra đi. Gió sông Bạch Đằng lại đưa lên mùi sình tanh hôi. Trong lúc đợi khách, nhìn những giấy rách gió lùa qua mặt đường, tôi chợt nghĩ mình cũng đang hóa thành rác rưởi bay vương vãi trên hè phố.
oOo


Buổi sáng hôm sau nữa, tôi vừa bày hàng ra thì Cường ở đâu chạy đến, mặt mũi nó xanh tái, tóc bết mồ hôi, hơi thở hổn hển, đứt quãng:

- Cô dọn qua bên này làm Cường kiếm hụt hơi.

- Em đi đâu mà chạy dữ vậy, bệnh hay sao mà coi xanh quá?

- Không có bịnh, bị tụi nó truy quét, xém chút nữa là bị chụp…

- Tôi đã dặn em phải cẩn thận…

Tôi thật tình thương nó, thằng nhỏ đáng lẽ bây giờ phải đang ngồi trong lớp học đã phải lăn vào đời kiếm sống.

- Cẩn thận cũng bị. Tụi nó cải trang làm nhân dân, núp bên đường Pasteur đông lắm. Cường nhờ tống hết ga mới thoát.

Đứa con trai ngước nhìn tôi, nụ cười quen thuộc vắng bóng.

- Thế xe em đâu?

- Thằng bạn lấy đi tẩu tán rồi, sợ tụi nói ghi được số xe. Không biết tụi nó có xuống dưới này hay không…

Cường vừa nói một mình, vừa ngó dáo dác. Tôi thấy nó thật sự mất bình tĩnh. Bình thường Cường vui và hay đùa cợt, chuyện gì nó cũng diễu được.

- Thôi cứ ngồi yên ở đây một lúc cho qua, chắc họ không xuống tận dưới này đâu. Uống ngụm nước mát cho khỏe.

Tôi rót cho Cường một nắp nước từ bi đông luôn mang theo mình. Lần đầu tiên tôi mới biết Cường chạy mánh bằng Honda, trước tôi cứ ngỡ nó quanh quẩn lây lất trên một vỉa hè nào đó như tôi. Cường uống chậm rãi, da mặt đã bớt xanh.

- Chắc cô buôn bán ế ẩm? Em cũng ế lắm không được mối nào.

Cường chớp mắt, nó nhìn xấp vải và bịch đường hôm nọ nên đoán ra.

- Thì buôn bán ngày được ngày không. Ai cũng phát tài thì thiên hạ kéo nhau ra đường hết.

- Nhưng sao lúc này cán bộ, bộ đội ít đeo đồng hồ quá…

Cường tiếp tục than thở, nhưng hình như nó buột miệng nói không suy nghĩ nên có vẻ ngượng ngập sao đó. Tôi không để ý lắm, nói tránh sang chuyện khác cho nó vui lên:

- Tôi mới vẽ được bức tranh đẹp lắm, Cường có muốn tôi tả cho em “xem” không?

Cường nhìn tôi đăm đăm, đôi mắt một phút rực sáng. Một chút màu sắc tưởng tượng đủ làm nó quên hết cuộc đời nguy hiểm, bắt bớ, và gian truân.

- Cô kể liền đi, Cường mê tranh lắm.

- Cường còn nhớ cái nền đỏ, đục đục trong bức họa hôm nào Cường vẽ cho tôi xem không?

- Nhớ chứ cô, bức “tủ” của em mà.

- Tôi dùng cái nền đó và sửa đổi thêm thắt cho bóng bẩy hơn. Tôi đặt tựa cho bức tranh là “Thượng Uyển Bỏ Hoang”.

Gã con trai xuýt xoa và chăm chú lắng nghe. Đồng hồ công viên điểm 10 giờ sáng. Nắng tỏa lan dần, nàng vàng nhẹ nhàng lên tàn me xanh lá. Tôi biết hai thầy trò sắp ra khỏi cuộc đời bằng cánh cửa hội họa.

- Tôi giữ nguyên cái nền với cùng ý nghĩa mà Cường muốn nói. Công nhận là cái nền đỏ hôm đó Cường vẽ thành công lắm. Tôi chỉ thêm màu sắc sáng tươi vào hai dãy phố chung quanh con đường tỳ vết cho thành phố có dáng vẻ lộng lẫy của thời thịnh trị...

- Đâu được cô, như vậy khách xem tranh lại tưởng nhờ cái nền đó mà thành phố trở nên huy hoàng thì hỏng bét!

Cường ngắt lời tôi, phản đối.

- Khoan đã, em để tôi nói hết. Em cứ phát biểu linh tinh như vậy làm sao tôi diễn tả cho xong. Cường có thấy bây giờ bên ngoài thành phố được chỉnh tranh cho đẹp đẽ không? Cường nhìn bức tường sau lưng tôi là biết.

Tôi hơi gắt, la cái tật bộp chộp của thằng nhỏ.

- Rồi, “nhất trí” với cô chuyện “rửa” tường.

- Dưới cái nền đỏ của Cường, tôi muốn ví thành phố như một khu vườn: những dinh thự, nhà cửa là cổng rào khu vườn. Thành phố đã có một thời là hòn ngọc viễn đông nên khu vườn ngày xưa là thượng uyển, cây trồng bên trong tươi tốt nhờ được người làm vườn cũ sốt sắng, tận tình chăm sóc. Trái lại hôm nay, người làm vườn mới nếu chịu khó sơn phết hàng rào thì lại bỏ bê không dòm ngó gì đến cây cỏ. Những loài thảo mộc quý tàn tạ và héo úa. Trong vườn chỉ còn cỏ dại và những hạt giống cũ sót lại vừa nẩy mầm, nhưng vì không được vun xới, săn sóc nên đã sớm bị sâu ăn…

Cường mở to mắt, thán phục:

- Hay quá! Phải công nhận là “tranh giáo viên” có khác, sâu sắc. Nhưng cô định vẽ gì trong thành phố chỗ con đường tỳ vết của Cường?

- Tôi vẽ các em.

- Tụi em?

- Ừ, nhưng tôi không vẽ chân dung Cường vá các bạn. Tôi vẽ những cây bắp.

- Cây bắp?

Mặt tên con trai đờ ra, hai mắt tròn xoe và trán nhăn lại suy nghĩ. Những nếp nhăn sớm vì lầm than bây giờ biến khuôn mặt nó thành ngộ nghĩnh khiến tôi bật cười. Cường vẫn chưa hiểu.

- Các em là những cây bắp mọc lên từ những hạt giống còn sót lại. Những thân bắp chưa có trái mọc hỗn độn không thành hàng lối, lẫn với đám cỏ dại và gai rừng của người làm vườn đem từ Trường Sơn về. Cường là một cây bắp non, sớm bị sâu ăn.

- Cường hư dữ vậy sao?

- Tôi không trách em hư. Tôi chỉ trách họ không chăm sóc em đúng mức, bỏ bê và xua đuổi các em vào hố thẳm của đời sống.

- Ờ… ờ… có lẽ. Nhưng cô có vẽ cô vào tranh luôn không?

Tôi gật đầu. Cường đâu biết bức họa này là hiện thực của chính chúng tôi.

- Thế cô là cây gì?

- Không là cây gì cả. Lũ người lớn chúng tôi là đất, đất trong vườn ngày xưa có nhiệm vụ bồi bổ, nuôi dưỡng cho cây tươi tốt và đơm hoa kết trái. Bây giờ người làm vườn mới không bón phân, tưới nước nên đất khô cằn thiếu chất bổ, không đủ dinh dưỡng cho cây nẩy nở viên mãn. Nếu bên ngoài tôi chọn những màu sắc tươi sáng để tô vẽ dinh thự, làm cổng rào cho vườn thì bên trong vườn phải dùng những màu thật buồn. Chẳng hạn, màu xanh tím trộn đen cho lá ngô, màu vàng “Ấn” pha mạ nhạt cho thân bắp. Đất cũng không thể có màu “thổ” bình thường mà phải là xám tro.

- Xám tro?

- Ừ, xám tro vì đất đã hết màu mỡ, phai lạt khô cằn, đã hóa tro tàn. Mình chọn những tông lạnh và nhạt tạo vẻ tương phản với sắc đỏ rực rỡ của hàng rào và nền trời trên cao.

- Mình có cần vẽ “thằng” làm vườn đứng gác ngoài cổng không cô?

- Tôi nghĩ không cần thiết. Người xem tranh nhìn cái nền đỏ gay gắt của Cường là họ hiểu. Dưới ảnh hưởng của sức nóng quá độ, thảo mộc héo úa.

- Cường muốn xin cô một điều.

Người nam sinh đã một lần là học trò của tôi, mấp máp đôi môi. Đôi mắt thường khi trong sáng, bây giờ phảng phất buồn.

- Em nói đi.

- Cường muốn xin cô bức “Thượng Uyển Bỏ Hoang”.

- Em quên rằng mình vẽ trong trí tưởng.

- Cường không quên, nhưng Cường muốn xin cô vẽ riêng cho Cường thôi, đừng diễn tả lại cho ai khác.

Người nam sinh nuốt nước bọt, ánh mặt tối lại.

- Em… sắp phải đi xa, nên muốn có chút gì của cô đem theo mà không bao giờ đánh mất.

- Cường đi đâu?

Tôi vụt nghe chỗ ngồi mình hụt xuống, tòa cao ốc Hữu Nghị cao thêm và vực thẳm sâu hút.

- Lúc nãy em ghé định báo tin cô biết, nhưng thấy cô đang vẽ nên không tiện nói. Em… bị trúng tuyển nghĩa vụ quân sự rồi. Tụi nó gửi liên tiếp hai ba giấy đến nhà giục khám sức khoẻ. Chậm lắm là tuần sau em đi.

Một chiếc Molotova chạy ào qua. Sức gió thổi mạnh, hất tung lớp bụi. Những vụn cát nhỏ bay vào tròng mắt đau sót.

- Cường có định trốn hay không?

Tôi nghe giọng mình nhỏ, lạc hốt hoảng.

- Trốn đâu bây giờ? Mình không có hộ khẩu ai mà dám chứa. Ở chưa hết ngày, công an khu vực và tổ trường đã biết mặt rồi.

Cường cúi đầu, tóc lưa thưa như lộng một con chim sẻ bị thương dúi mỏ vào cánh.

- Trốn được nhiều lắm vài tháng, làm sao trốn cả đời?

Làm sao trốn cả đời? Đứa con trai nói lên tâm trạng bi đát tuyệt vọng của sáu mươi triệu người Việt Nam. Một đời người sinh ra chỉ là để trốn tránh? Như thế đâu còn là đời sống, chỉ là duy lý sinh thể. Một tập hợp tế bào may mắn giữ được sự sống khi phần tâm linh đã mất. Tôi nắm lấy tay Cường, bàn tay nhỏ xương, ngón tay trầy trụa và đầy đất: những ngón tay của đứa trẻ họa sĩ không được cầm cọ.

- Đi bộ đội là “qua đời” cô biết không?

Cường tiếp sau thoáng im lặng, cúi mặt.

Tôi cầm tay Cường mà thấy tay mình run theo từng hơi thở của nó. Tôi muốn nói điều gì cho Cường bớt buồn, an ủi gầy dựng lại ánh lửa nhỏ tin tưởng đang tàn lụi trong lòng thế hệ trẻ. Tôi muốn kể một câu chuyện nhưng không kể được. Cảm giác đang vẽ bức tranh “Thượng Uyển Bỏ Hoang” lúc này chỉ còn lại khu vườn trụi lá. Những thân cây bắp ngã nghiêng, xiêu vẹo vì cơn giông vừa ùa đến. Lần đầu tiên tôi biết, không thể sống chỉ bằng chọn đãi lọc lựa màu sắc. Có thứ màu đen thê thiết, khủng khiếp mà không phiến lọc nào ngăn được. Tôi nghẹn ngào:

- Bức họa “Thượng Uyển Bỏ Hoang” là của chính em.

Tiếng nói tôi bỗng chìm vào âm thanh hỗn độn vang lên từ ngã tư đường. Bức tranh “Thượng Uyển…” trước mắt tôi còn đó, nhưng đã ngập tiếng huyên náo. Quanh cảnh náo loạn, bùng vỡ với thác người đổ ngược về phía chúng tôi. “Chạy…chạy…”. Tiếng hô hoán của đám chợ trời xô đẩy nhau tìm đường thoát. Cường bật dậy thu dọn đồ hàng tôi bày trên vải ny lông. Ông cụ bơm rửa viết máy cạnh tôi bị những người bỏ chạy hất ngã chúi, thùng đồ nghề rơi vỡ tang hoang.

- Chạy cô ơi!

Cường chụp tay tôi vùng lôi mạnh. Tôi có cảm giấc toàn bức họa bị giật đổ, màu sắc bê bết. Tôi vừa chạy theo Cường vừa chết lặng, sợ hãi của bao lần bị vây bắt bừng bừng trỗi dậy trong đầu. Tiếng chân người xô lấn chạy huỳnh huỵch, tiếng công an la hét lẫn với tiếng xe jeep phóng chận. Vườn thượng uyển bị dẫm nát, dày xéo. Đây đó vang lên tiếng la hét chửi bới. Hình ảnh ông cụ già hàng xóm ngã xấp mặt trên hè đường, máu mũi đổ chan hòa, trộn với mực tím chồng lên bức họa. Ai đó đang lấy một tấm pa lét màu bẩn trây trét, đập mạnh lên bức tranh tôi vừa vẽ.
oOo


Tôi trở lại con đường Hàm Nghi sau một thời gian khá lâu vắng mặt. Lúc còn bán trên đường Nguyễn Huệ, ít khi nào tôi ra Chợ Cũ. Phần không phải chỗ mình buôn bán, phần cũng không có việc gì làm ở đây. Tôi trở lại nghề chợ trời sau khi đi thăm chồng cải tạo ở Bắc. Sau buổi chia tay với Cường trong một ngõ hẻm nhỏ thoát thân, tôi về nhà nhận được giấy thăm chồng. Lần đầu tiên tôi được phép đi thăm chồng nên dầu không có tiền, tôi cũng vay mượn và bán đi những gì còn chút giá trị. Rồi tôi ở Bắc về, lao đao như người bệnh. Về đến Sài Gòn, tôi vội vàng ra ngay chợ trời kiếm sống, để trả nợ và để quên. Tôi ra chợ trời cũng để kiếm Cường. Một thằng bạn nó mà tôi tình cờ gặp ở ga Hòa Hưng hôm về, cho biết Cường đã đào ngũ và trở lại Sài Gòn. Khi tôi hỏi Cường ở đâu, thằng Tâm không cho biết, chỉ nói Cường không muốn gặp rồi nó vùng bỏ chạy.

Tôi đi rảo từ đường Nguyễn An Ninh cửa Tây chợ Bến Thành qua ngã nhà chú Hỏa, rồi vòng xuống Chợ Cũ. Từ khi cao trào quét sạch tàn dư được phát động, song song với việc làm đẹp thành phố, phường đội được tung ra truy quét chúng tôi. Không dám ngồi một chỗ, tôi đành “đứng” chợ trời. Rời đại lộ Nguyễn Huệ, thí điểm của chiến dịch, tôi lê la trên những con đường khác, cố làm ra vẻ một người dạo mát. Gặp đâu bán đó, vừa đi vừa bán, không dám dừng lâu chỗ nào sợ bị tình nghi. Tôi đi mà dòm chừng để ý kiếm Cường. Tôi biết chỉ có thể gặp nó trên những ngõ ngách chợ trời. Chắc chắn Cường không dám về nhà vì sợ bị bắt. Nó trốn đâu đó và chỉ thò mặt ra chợ để sinh sống. Tin Cường trốn nghĩa vụ làm tôi hoang mang không ít, mặc dù đó là phản ứng rất bình thường và phổ cập của lớp thanh niên trước hiểm nguy của cuộc chiến tranh bên Kampuchia. Cường đã chọn con đường sống ngoài vòng kềm tỏa của chế độ. Tôi cần phải gặp Cường dù chưa biết giúp được gì cho nó. Tôi chỉ biết mình không thể bỏ rơi Cường, tuổi trẻ liều lĩnh nhưng rất dễ lầm lẫn.

Tôi đi ngang chợ thú cũ. Những lồng mèo chó đã biến mất. Đây đó vài người dựa gốc cây, ôm trong lòng một con thú ốm. Dưới chân họ là miệng bao bố mở sẵn, chỉ cần một dấu hiệu là họ bỏ “hàng” vào bao ôm chạy thật lẹ. Tôi đang sống trong một xã hội mắt trước mắt sau, một xã hội “khẩn trương tranh thủ tình hình” xen lẫn với nghi ngờ, dấu giếm và sợ hãi.

Tiếng máy một chiếc Honda rú lên, xen lẫn với tiếng the thé của một mụ đàn bà Bắc. Tiếng mụ cán bộ tru tréo mỗi lúc một lớn. Ba bốn bóng công an áo vàng không biết từ đâu xuất hiện chạy về phía ngã tư. Liên tiếp là tiếng súng AK vang lên. Một vài người đứng gần tôi vụt chạy vào các ngõ hẻm. Tôi lùi lại theo bản năng sinh tồn, dáo dác tìm đường thoát. Nhưng tôi tự trấn an ngay. Không phải một vụ truy quét của cách mạng. Thay vì bỏ trốn, người ta chạy về phía có tiếng súng. Đám đông đổ dồn về ngã tư. Có thể là một vụ đánh ghen của các bà Bắc hay một trận ấu đả giữa bộ đội. Thêm một tính ưu việt của chế độ mà tôi là nạn nhân không ý thức. Sự yếu kém trung thực của phương tiện truyền thông khiến con người ta khao khát, tò mò trước những hình ảnh lạ. Không còn tin vào báo chí, nhân dân chỉ thích nghe và tin vào những điều gì mình tận mắt chứng kiến. Tôi chen vào giữa đám đông, luồn chui qua nhiều cái nách trước khi nhón được đầu nhìn thấy cảnh tượng.

Trên lớp đá sỏi khô cằn của khu vườn, những cây bắp hoang còn sót đã bật gốc. Thay vì xịt thuốc chữa trị, người ta đã thẳng tay dùng rựa phát ngang. Thân cây bắp gẫy rập, mủ tràn ra. Tên làm vườn sau khi làm xong công việc phát gốc bình thản bỏ đi.

Tôi chết lặng giữa đám đông đang tản mát. Bầu trời đen quay cuồng và sắc màu bức hoạ đảo lộn. Tôi nghe điếng lịm tê tái khắp mình mẩy, đau nhừ các đốt xương, như chính mình vừa hứng chịu báng súng AK tàn bạo. Hình ảnh chiếc xe máy nằm đổ nghiêng, bình xăng vỡ chổng trơ, xăng chảy ra đường, bánh xe còn quay và mặt mũi đứa con trai bầm dập, máu mũi máu miệng trào ra dưới báng súng làm tim tôi quặn thắt. Chiếc áo trắng học trò bê bết máu, đứa con trai bị còng tay đẩy lên xe, mặt mũi sưng húp. Ai đó thông tin cho những kẻ đến chậm: “Giật đồng hồ bị bắt rồi.”

Tôi biết. Mãi mãi khu vườn xanh tốt của chúng tôi đã chết, không thuộc về tôi, không còn là của Cường. Phải thật lâu sau mới có loài thảo mộc nẩy mầm được trên mặt đất đã hóa đá.

Trần Vũ
Tháng 5/ 1987
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cái Cò
Thérésa Nguyễn
22:08 12/10/2009

CÁI CÒ



Ảnh của Thérésa Nguyễn

Cái cò lặn lội bờ sông

Cổ dài mỏ cứng cánh cong lưng gù

Bãi xa sông rộng sóng to

Vì lo cái bụng đi mò cái ăn!

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền