Ngày 11-10-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ý nghĩa của Phép lạ
Phêrô Nguyễn Văn Hương
05:27 11/10/2019
Chúa Nhật XXVIII Thường Niên C

2V 5,14-17; 2Tm 2,8-13; Lc 17,11-19

Khi Chúa Giêsu trên đường lên Giêrusalem, có mười người phong cùi đến gặp Người tại cửa vào một làng. Họ đứng từ đàng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Chúa Giêsu động lòng thương và nói với họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Khi đi gặp các tư tế, cả mười người phong cùi nhận thấy mình được khỏi bệnh. Một người trong số họ quay trở lại tạ ơn Chúa Giêsu, người đó lại là người Samari. Đây là phép lạ Chúa Giêsu chữa lành những người phong cùi được thánh Luca trình thuật trong bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe.

1- Các phép lạ trong Kinh Thánh

Bài đọc I cũng nói về việc tiên tri Êlisa chữa lành một cách lạ lùng cho một người phong cùi, đó là Naaman, người Syria.

Rõ ràng ý hướng chủ đạo của phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta suy tư về ý nghĩa của phép lạ chữa lành người phong cùi.

Thật vậy, Kinh Thánh cho thấy dân chúng rất trông chờ Chúa Giêsu làm những phép lạ trong sứ vụ của Người. Đối với họ, ý tưởng nổi bật nhất mà họ quan niệm về Người là Đấng có quyền năng thực hiện nhiều phép lạ. Người ta thích thú hình ảnh này hơn hình ảnh Chúa Giêsu như là vị ngôn sứ. Một cách nào đó, chính Chúa Giêsu nhìn nhận và xác thực về sứ mạng cứu độ của Người khi nói rằng: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5). Nếu các phép lại bị xóa bỏ khỏi cuộc đời Chúa Giêsu thì cốt lõi của toàn bộ Tin Mừng cũng bị phá hủy.

Trong Tin Mừng, các phép lạ thường được đón nhận cách khác nhau. Đôi khi chúng được nhìn cách tích cực và đôi khi trở thành tiêu cực. Tích cực, khi chúng được đón nhận với lòng biết ơn và niềm vui, khi chúng đánh thức đức tin vào Chúa Kitô và hy vọng vào một thế giới tương lai không có bệnh tật và chết chóc; tiêu cực, khi người ta chạy theo phép lạ, chỉ tìm kiếm phép lạ hoặc đòi Chúa làm phép lạ rồi mới tin, như trong cuộc hội thoại giữa Chúa và người Do Thái: “Đâu là dấu chỉ ông làm để chúng tôi có thể tin vào ông?” (Ga 6,30). Chúa Giêsu luôn từ chối làm phép lạ nếu họ thiếu niềm tin và vì mục đích này.

2- Sự bất cập hoặc thái quá khi nói về phép lạ

Ngày hôm nay, tính hiếu kỳ và thói chạy theo dấu lạ vẫn cứ tiếp tục trong dân chúng dưới muôn vàn hình thức khác nhau. Một đàng, có những người thích tìm kiếm phép lạ, tìm kiếm những chuyện ngoại thường xảy ra, rồi nhẹ dạ cả tin vì được chứng kiến tận mắt những hình ảnh, cảnh tượng như việc Đức Mẹ chảy dầu, tượng Chúa chảy mồ hôi, ảnh Lòng Thương Xót Chúa trổ hoa v.v… trong khi phép lạ Thánh Thể mỗi ngày diễn ra trên bàn thờ nơi thánh lễ thì họ rất ít quan tâm và đến tham dự…

Đàng khác, có những người lại phủ nhận hoàn toàn các phép lạ trong cuộc sống. Quả thế, họ nhìn phép lạ với một thái độ khó chịu nào đó và cho rằng những chuyện như thế là hoàn toàn bịa đặt. Theo họ, phép lạ như một lệch lạc của niềm tin tôn giáo, hay là do sự ngu muội, chủ quan, dốt nát, cả tin. Tuy nhiên, họ không nhìn nhận rằng trong lịch sử và trong cuộc sống, có những điều kỳ diệu xảy ra mà chỉ có đức tin mới lý giải được, đó là những can thiệp của Thiên Chúa, là dấu chỉ tình yêu Chúa dành cho con người khi chữa lành, hay cứu vớt một ai đó. Chẳng hạn như những trường hợp bệnh nhân được chữa lành ở Lộ Đức, hay trường hợp một người phụ nữ không có con ngươi, nhưng khi tiếp xúc với cha Piô Năm Dấu, thì bà nhìn thấy được.

3- Tiêu chuẩn để phân định

Cùng với những tường thuật về các phép lạ, Kinh Thánh cho chúng ta những tiêu chuẩn để phân định tính xác thực và mục đích của các phép lạ.

Trong Kinh Thánh, phép lạ tự thân không bao giờ là mục đích; phép lạ chỉ là một phương tiện để dẫn người ta đến với Thiên Chúa; Chúa Giêsu không làm phép lạ với ý định đề cao mình hay để chứng tỏ cho mọi người thấy quyền năng ngoại thường trổi vượt của mình. Người không giống như hầu hết những nhà phù thủy khi chữa bệnh, họ thường quảng cáo về mình. Đúng hơn, phép lạ được thực hiện như là sự khích lệ và phần thưởng của Đức tin. Phép lạ là một dấu chỉ giúp con người hướng tới ý nghĩa cao cả hơn của cuộc sống. Tự bản chất, phép lạ là “dấu chỉ” hướng đến Thiên Chúa và cũng dẫn con người đến Người. Thiên Chúa tự tỏ mình trong quyền năng yêu thương qua các phép lạ chữa lành của Chúa Giêsu và của các Tông Đồ. Chữa lành là một chiều kích chính yếu của sứ vụ Tông Đồ và của niềm tin Kitô giáo nói chung. Trong ý nghĩa đó, Kitô giáo được gọi là “tôn giáo chữa lành.” Ơn cứu độ xét cho cùng đó chính là sự chữa lành. Ai thực sự muốn chữa lành, người đó phải nhìn nhận rằng việc cứu chữa cuối cùng chỉ có thể đến từ tình yêu Thiên Chúa.

Bởi thế, chúng ta cần phải tránh rơi vào hai thái cực, hoặc là chạy theo tìm kiếm dấu lạ, hoặc là phủ nhận hoàn toàn các dấu lạ của cuộc sống, nhưng phải biết đón nhận những phép lạ với một thái độ biết ơn và cảm tạ Thiên Chúa. Con người thường thích nhận quà mà quên người tặng quà. Nên chúng ta cần học thái độ biết ơn của người phong ở Samari.

Xin Chúa giúp chúng ta có cặp mắt đức tin trong suốt để chúng ta thấy được những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa thực hiện trong cuộc sống, nhờ đó chúng ta biết ngạc nhiên, tạ ơn và thực thi thánh ý của Thiên Chúa qua những phép lạ Người làm. Amen!

ĐCV Vinh Thanh- Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Cha Erwin Kräutler hy vọng Thượng Hội Đồng là một bước tiến đến phong chức linh mục cho phụ nữ
Đặng Tự Do
01:51 11/10/2019
Đức Cha Erwin Kräutler, một nhà truyền giáo lâu năm trong vùng Amazon, được cho là tác giả Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon hy vọng Thượng Hội Đồng này sẽ là một bước tiến đến việc phong chức linh mục cho phụ nữ. Ngài cũng cả quyết rằng hai phần ba các nghị phụ trong vùng Amazon ủng hộ việc phong chức linh mục cho những người có gia đình để có thể mang Thánh Thể đến những vùng hẻo lánh không có linh mục.

Edward Petin của tờ National Catholic Register có bài tường trình sau. Nguyên bản tiếng Anh xem ở đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.


VATICAN - Một trong những nhân vật quan trọng đằng sau tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon xác nhận hôm thứ Tư rằng ngài ủng hộ việc phong chức linh mục cho phụ nữ và ngài thấy rằng cuộc họp trong tháng này là một bước khả thi nhằm đạt được mục tiêu đó.

Tờ National Catholic Register đã hỏi ngài bằng tiếng Anh sau cuộc họp báo tại Thượng Hội Đồng vào hôm thứ Tư, là ngài có ủng hộ việc phong chức linh mục cho phụ nữ hay không, Đức Cha Erwin Kräutler, sinh tại Áo, là Giám Mục nghỉ hưu của giáo phận Xingu, ở Brazil, nói: “Tôi nói với bạn rằng đối với tôi không có…” và ngài ngưng ở đấy cố gắng tìm một từ ngữ có thể diễn giải ý tưởng của mình trước khi vặn hỏi ngược lại Petin: “Tại sao phụ nữ không thể được chịu chức? Tại sao?”

Để cho rõ ràng, Petin hỏi liệu ngài có muốn phụ nữ được phong chức linh mục không, ngài trả lời. “Si [tiếng Ý, nghiã là có], hợp lý là phải như thế”.

Khi được hỏi liệu ngài có xem Thượng Hội Đồng này như một phương tiện để đạt được điều đó không, ngài lại phải cố gắng tìm từ ngữ thích hợp để trả lời, và một viên chức truyền thông xuất hiện dường như để thúc giục ngài kết thúc cuộc phỏng vấn, nhưng ngài trả lời: “Có lẽ là một bước để tiến tới”.

“Nhiều người trong số các giám mục [tại Thượng Hội Đồng] ủng hộ cho đề xuất các phó tế phụ nữ,” ngài khẳng định.

Phát biểu tại cuộc họp báo trước đó, ngài nói rằng hầu hết các cộng đồng tại Amazon “được điều phối và hướng dẫn bởi các phụ nữ và vì vậy chúng ta phải suy nghĩ về điều này.”

“Chúng ta nghe nhiều về vai trò của phụ nữ, nhưng chúng ta sẽ nói gì với cô ta? ‘Vâng, bạn rất tốt, nhưng …’”

Đức Cha Kräutler nhấn mạnh rằng “Chúng ta cần tìm ra những giải pháp cụ thể, và vì vậy tôi nghĩ đến các phó tế nữ”.

Đức Cha Kräutler là một nhà truyền giáo đã dành nhiều năm ở Brazil để bảo vệ quyền của người bản địa và người nghèo trong khu vực. Ngài được tường thuật rộng rãi là tác giả chính của instrumentum laboris, tức là tài liệu làm việc gây nhiều tranh cãi của Thượng Hội Đồng.

Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon sẽ tiếp tục đến ngày 27 tháng Mười.

Trong tư cách là một thành viên của ủy ban chuẩn bị Thượng Hội Đồng trong những tháng trước cuộc họp này, và là thành viên của Mạng lưới Giáo hội Toàn Vùng Amazon, gọi tắt là REPAM, Đức Cha Kräutler là nhân vật chủ chốt đằng sau hội nghị. Hôm thứ Hai, ngài đã được bầu làm thành viên của Ủy ban Thông tin Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon.

Vị giám mục đã nghỉ hưu cũng là người đề xướng hàng đầu cho việc phong chức linh mục cho những người nam đã kết hôn, có phẩm hạnh đã được chứng minh, gọi tắt là viri probati, để đưa các bí tích, chủ yếu là Bí tích Thánh Thể, đến những vùng xa xôi hẻo lánh.

Đức Giám Mục Kräutler nói với các phóng viên hôm thứ Năm 10 tháng Mười rằng ngài ước tính hai phần ba các giám mục trong vùng Amazon ủng hộ việc phong chức theo diện viri probati.

“Không có lựa chọn nào khác,” ngài nói trong buổi họp báo trước đó. “Người bản địa không hiểu gì về luật độc thân linh mục,” ngài nói thêm, và nhớ lại nhiều lần khi ngài đến các ngôi làng thì điều đầu tiên họ hỏi ngài là: “Vợ của ông đâu?”

“Tôi phải giải thích rằng tôi chưa kết hôn và họ gần như cảm thấy tiếc cho tôi khi nói rằng: ‘Ôi tội nghiệp cho ông quá.’” Ngài nói thêm rằng lần thứ hai xảy ra như thế thì, ngài trả lời: “Bà ấy ở xa” trong khi “nghĩ đến mẹ tôi.”

“Người dân bản địa, ít nhất là những người tôi đã gặp, không thể hiểu tại sao lại có người không chịu kết hôn,” ngài nói.

Trích dẫn Kinh Thánh, Đức Cha Kräutler nói rằng ngài tin rằng việc mang Bí tích Thánh Thể đến với mọi người quan trọng hơn là duy trì luật độc thân linh mục.

Cho đến nay, vấn đề này đã được nêu ra nhiều lần trong hội nghị, nhưng cũng nhận được sự phản đối đáng kể, với một số người coi việc truyền giáo là câu trả lời thay vì thúc đẩy một sự thay đổi trong bản chất của chức tư tế.


Source:National Catholic Register
 
Tiểu sử chính thức của 5 vị Chân Phước sẽ được tuyên thánh vào Chúa Nhật 13/10 tại Vatican
J.B. Đặng Minh An dịch
06:31 11/10/2019
Sáng Chúa Nhật 13 tháng Mười, tức là Chúa Nhật thứ 28 mùa Thường Niên, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chủ sự Lễ Tuyên Thánh cho 5 vị Chân Phước tại quảng trường Thánh Phêrô.

Trong phần đầu lễ, sau khi cộng đoàn kết thúc kinh cầu xin Chúa Thánh Thần. Đức Hồng Y Giovanni Angelo Becciu là Tổng Trưởng Bộ Phong Thánh và các cáo thỉnh viên trong các vụ án phong thánh sẽ tiến lên trước Đức Thánh Cha để thỉnh cầu ngài ghi vào sổ bộ các Thánh các Chân Phước John Henry Newman, Mariam Thresia, Giuseppina Vannini, Dulce Lopes Pontes và Margarita Bays để các ngài có thể được kêu cầu như thế bởi tất cả các tín hữu Kitô.

Sau lời thỉnh cầu này, Đức Hồng Y sẽ lần lượt đọc tiểu sử các vị Chân Phước.

Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ tiểu sử chính thức của các vị sắp được tuyên thánh mà Đức Hồng Y Becciu sẽ đọc, theo văn bản của Văn Phòng Các Nghi Lễ Phụng Vụ của Đức Giáo Hoàng.


Tiểu Sử Đức Hồng Y John Henry Newman, người Anh



Đức Hồng Y John Henry Newman chào đời trong một gia đình Anh giáo ở thành phố Luân Đôn vào ngày 21 tháng 2 năm 1801. Khi lên mười sáu tuổi, ngài bắt đầu theo học tại Đại học Oxford. Ngài trở thành giáo sư tại trường đại học Oriel và được phong chức linh mục Anh giáo. Sau đó, ngài tham gia Phong trào Oxford, và trở thành một trong những người cổ vũ chính cho phong trào này, cũng như tìm cách phục hồi các khía cạnh Công Giáo trong Anh giáo. Năm 1845, bất kể môi trường thù địch với Công Giáo vào thời điểm đó, Newman đã trở thành một người Công Giáo dưới sự hướng dẫn của Cha (nay là Chân phước) Dominic Barbieri.

Ngài được thụ phong linh mục Công Giáo tại Rôma vào năm 1847, và năm 1848 ngài thành lập Dòng Anh Em Thuyết Giảng do Thánh Philip Neri khởi xướng ở Birmingham, Anh quốc. Rồi ngài thành lập thêm một trường đại học Công Giáo ở Dublin. Newman tiếp tục cuộc sống của mình trong Dòng Anh Em Thuyết Giảng với tư cách là một nhà văn sung mãn và một mục tử được nhiều người yêu mến. Năm 1879, Đức Giáo Hoàng Lêô thứ 13 tấn phong Hồng Y cho ngài. Ngài chọn khẩu hiệu của mình là “Cor ad cor loquitour” (Trái tim nói với trái tim). Mặc dù là một Hồng Y, ngài không muốn được tấn phong Giám mục, và được sự cho phép đặc biệt của Đức Giáo Hoàng, ngài tiếp tục cư trú tại Birmingham. Ngài vẫn ở đó, trong Dòng Anh Em Thuyết Giảng mà ngài đã thành lập, cho đến khi qua đời vào ngày 11 tháng 8 năm 1890.

Đức Hồng Y Newman đã dành phần lớn cuộc đời của mình để đóng góp đáng kể cho đời sống tri thức của Giáo Hội, cả với tư cách là một người Anh giáo và một người Công Giáo. Cho đến nay, ngài vẫn là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển tư tưởng thần học Công Giáo và được coi là một tiên tri, đặc biệt liên quan đến chủ đề hình thành lương tâm đúng đắn. Đức Hồng Y Newman đã muốn ghi trên bia mộ của ngài những từ ngữ tóm tắt hành trình đức tin của mình, đó là “Ex umbris et imaginibus in veritatem” - “Ra khỏi bóng tối và ảo ảnh tiến vào chân lý”. Năm 1958, án tuyên thánh cho ngài được mở ra và năm 1991, ngài được tuyên Bậc Đáng Kính. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã tuyên chân phước cho Đức Hồng Y Newman tại Birmingham vào năm 2010.



Tiểu Sử Chân Phước Giuseppina Vannini, người Ý

Chân Phước Giuseppina Vannini, vị sáng lập Tu hội Nữ Tử Thánh Camilô, chào đời tại Rôma vào ngày 7 tháng 7 năm 1859. Cha mẹ ngài là ông Angelo và bà Annunziata Vannini. Ngài được rửa tội vào ngày hôm sau tại Nhà thờ Thánh Andrea delle Fratte và được cha mẹ đặt tên là Giuditta Adelaide Agata. Năm mới lên bảy tuổi, cha mẹ qua đời, ngài trở thành trẻ mồ côi nhưng Giuditta tìm được một mái nhà nơi các Nữ Tử Bác Ái. Bị thu hút bởi tiếng gọi của Chúa, mà cô đã cảm nghiệm vào ngày rước lễ đầu tiên, Giuditta muốn hiến dâng cuộc đời mình cho Ngài nhưng không thể vào tu viện vì sức khỏe kém.

Một cuộc gặp gỡ được Chúa quan phòng đã diễn ra với Cha (nay là Chân Phước) Camillian Luigi Tezza. Cuộc gặp gỡ này đã mở đường cho Giuditta từ bỏ chính mình để hiến dâng hoàn toàn cho Chúa. Vào ngày 17 tháng 12 năm 1891 tại Rôma, cô tâm sự với cha giảng tĩnh tâm rằng cô đau khổ vì thất bại không thể đi tu. Cha Tezza đề nghị cô thành lập một Tu hội dành riêng cho việc phục vụ người bệnh. Sau hai ngày cầu nguyện, Giuditta đồng ý, và nói thêm rằng cô không có khả năng gì ngoài việc muốn từ bỏ chính mình cho Chúa Quan Phòng với lòng con thảo.

Vào ngày 2 tháng 2 năm 1892, trong nhà nguyện và cũng là nơi Thánh Camilô qua đời, Tu hội Nữ Tử Thánh Camilô đã ra đời. Giuditta nhận tên mới là Sơ Giuseppina và ba năm sau, vào ngày 8 tháng 12 năm 1895, cô khấn trọn và sau đó được bầu làm Bề Trên Tổng Quyền của Tu hội mới.

Mẹ Giuseppina Vannini qua đời tại Rome vào ngày 23 tháng 2 năm 1911 và được Thánh Gioan Phaolô II tuyên phong Chân Phước vào ngày 16 tháng 10 năm 1994. Cuộc sống thánh thiện của Mẹ Giuseppina Vannini dạy chúng ta, ngay cả ngày nay, thông qua Tu hội mà Mẹ thành lập, cách thức để làm chứng một cách đơn sơ và cụ thể cho tình yêu và lòng thương xót của Chúa đối với người nghèo, người bệnh tật và đau khổ, trong niềm xác tín rằng “mỗi lần anh em làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất của Ta đây, là anh em đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25:40).

Tiểu Sử Chân Phước Mariam Thresia Chiramel Mankidiyan, người Ấn Độ

Mariam Thresia Chiramel Mankidiyan sinh ngày 26 tháng 4 năm 1876 tại Puthenchira, là con thứ ba trong số năm người con trong một gia đình Công Giáo. Cô đã nhận được một nền giáo dục Kitô từ mẹ mình. Với lòng nhiệt thành về đàng thiêng liêng, cô đã được rước lễ lần đầu khi lên chín tuổi, là lứa tuổi rất sớm để được rước lễ lần đầu vào thời đó.

Thresia muốn cống hiến hết mình cho cuộc sống của một ẩn sĩ, nhưng gia đình cô đã phản đối. Được Chúa ban cho một sự nhạy cảm sâu sắc và lòng trắc ẩn đối với những người đau khổ và các gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn, cô đã đứng về phía người nghèo, người bệnh, người hấp hối và người bị loại trừ. Cô bước ra ngoài xã hội để gặp những người gặp khó khăn về gia cảnh và đến thăm nhà tất cả mọi người, không phân biệt đẳng cấp hay tín ngưỡng. Tràn đầy tình yêu mãnh liệt dành cho Chúa, cô đã nhận được thị kiến, các trạng thái xuất thần và những dấu thánh. Đức Cha John Menachery hiểu được ước muốn hiến dâng hoàn toàn cho Thiên Chúa của cô, nên vào năm 1913 đã cho phép cô xây dựng một tu viện ẩn dật, sau này trở thành trụ sở của một Tu hội có tên là “Cộng đoàn Thánh Gia”, và được khánh thành vào ngày 14 tháng 5 năm 1914.

Đức Cha đã bổ nhiệm Thresia là Mẹ Bề trên của cộng đoàn này. Danh tiếng và hương thơm thánh thiện và các hoạt động tông đồ của Mẹ đối với các gia đình đã thu hút nhiều phụ nữ trẻ tận hiến trong Tu hội mới, theo thời gian Tu hội đã tăng trưởng về số lượng với một sức sống mãnh liệt trong lời cầu nguyện và đền tội. Mọi người từ mọi tầng lớp đã tuôn đến với Mẹ, đặc biệt là để giải quyết các vấn đề gia đình.

Mẹ qua đời vào ngày 8 tháng 6 năm 1926 do một vết thương ở chân, vì bị tiểu đường, vết thương đã trở nên nguy hiểm. Hương thơm thánh thiện của Mẹ Mariam Thresia lan truyền nhanh chóng và ngôi mộ của Mẹ đã trở thành một địa điểm hành hương. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên Chân Phước cho Mẹ vào ngày 9 tháng 4 năm 2000. Nhiều gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn và các cặp vợ chồng hiếm muộn đã nhận được những ơn nhờ lời chuyển cầu của Mẹ.

Tiểu Sử Chân Phước Dulce Lopes Pontes, người Brazil

Dulce Lopes Pontes, nhủ danh María Rita, sinh ngày 26 tháng 5 năm 1914 tại San Salvador de Bahía, trong một gia đình giàu có, đặc trưng bởi niềm tin Kitô mạnh mẽ và lòng bác ái mãnh liệt. Từ nhỏ cô đã nổi bật với sự nhạy cảm tuyệt vời đối với người nghèo và người đang gặp cảnh quẫn bách.

Sau khi hoàn thành bậc Đại Học, cô dâng mình cho Chúa trong Tu hội Truyền giáo Đức Mẹ Thiên Chúa Vô nhiễm Nguyên tội, liên kết với Dòng Anh Em Hèn Mọn, trong đó cô làm y tá và giáo viên. Được khích lệ bởi một lòng ao ước truyền giáo mãnh liệt, Chị Dulce dấn thân sâu sắc trong việc giáo dục cho các công nhân, nhưng trên hết là giúp đỡ và chăm sóc cho những người nghèo, người đau yếu và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Công việc bác ái của Sơ Dulce đã có kết quả cụ thể là việc hình thành một mạng lưới các dịch vụ xã hội và các Mái ấm San Antonio. Lòng bác ái của Sơ Dulce thắm đậm tình mẫu tử và đầy dịu dàng. Sự cống hiến của Sơ cho người nghèo có nguồn gốc siêu nhiên và Sơ đã được ban cho những năng lượng và tài nguyên cần thiết để mang lại sự sống cho một hoạt động phục vụ đáng ngưỡng mộ.

Những tháng cuối đời của Sơ Dulce được đánh dấu bởi những bệnh tật mà Sơ đã can đảm đối diện với một tấm lòng thanh thản và sự phó thác hoàn toàn mọi sự trong vòng tay Chúa. Vào ngày 13 tháng 3 năm 1992, Sơ Dulce qua đời tại San Salvador de Bahia, giữa một một danh tiếng và hương thơm thánh thiện tuyệt vời. Vào ngày 3 tháng 4 năm 2009, Đức Thánh Cha Bênêđíctô 16 đã công nhận những nhân đức anh hùng của Sơ Dulce và vào ngày 22 tháng 5 năm 2011, ngài đã tuyên phong Chân Phước cho Sơ.

Tiểu Sử Chân Phước Marguerite Bays, người Thụy Sĩ

Marguerite Bays sinh ngày 8 tháng 9 năm 1815 tại La Pierraz de Siviriz ở bang Fribourg (Thụy Sĩ). Khi lên tám tuổi, cô đã được Thêm Sức và khi lên mười một tuổi được Rước lễ lần đầu [Ở một số nước trẻ em được Thêm Sức trước khi được Rước lễ lần đầu. Hiện nay, ở Mỹ có 12 giáo phận cho trẻ em chịu phép Thêm Sức trước khi rước lễ lần đầu ]. Khoảng mười lăm tuổi, cô được học nghề thợ may, một nghề nghiệp mà cô theo đuổi trong suốt cuộc đời. Dù không có cơ hội sống tận hiến trong một dòng tu, Marguerite đã chọn cuộc sống độc thân, cống hiến hết mình cho gia đình và giáo xứ.

Năm 1860, anh trai của cô, Claude, là người quản lý trang trại của gia đình, kết hôn với Josette là một công nhân làm việc cho gia đình cô. Josette không che giấu sự ghét bỏ mạnh mẽ đối với Marguerite. Tuy nhiên, Marguerite vẫn tiếp tục phục vụ gia đình, đáp lại những lời lăng mạ với lòng bác ái. Thái độ của cô cuối cùng đã cảm hoá được người chị dâu nhận ra những sai trái của mình. Mỗi ngày, Marguerite đều tham dự thánh lễ, và xem đó là thời khắc quan trọng nhất trong ngày của cô. Vào các ngày Chúa Nhật, cô luôn Chầu Mình Thánh Chúa trong một thời gian dài, đi Đàng Thánh giá và lần chuỗi Mân côi. Với một lòng nhiệt thành tuyệt vời, cô đã cống hiến cho việc dạy giáo lý cho các trẻ em, và đào tạo chúng về đời sống tôn giáo và luân lý. Cô cũng giúp các cô gái trẻ chuẩn bị cho tương lai làm vợ và làm mẹ.

Ở tuổi ba mươi lăm, vào năm 1853, cô đã trải qua một cuộc phẫu thuật vì bệnh ung thư ruột. Băn khoăn với cách thức chăm sóc cần thiết cho mình, cô cầu xin Đức Trinh Nữ Maria hoặc là chữa lành hoàn toàn cho cô hoặc là để cô đau khổ theo cách thức có thể thông phần trong Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Lời cầu nguyện của cô đã được nhậm lời hoàn toàn vào ngày 8 tháng 12 năm 1854, chính là ngày mà Đức Giáo Hoàng Pius IX tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Từ ngày đó, cuộc sống của Marguerite đã được liên kết với Chúa Kitô khổ nạn. Năm vết thương của Chúa Kitô chịu đóng đinh xuất hiện trên cơ thể cô, và vào mỗi ngày thứ Sáu đúng ba giờ chiều, cũng trong tất cả các ngày Tuần Thánh, trên thân xác Marguerite đã tái hiện lại những đau khổ của Chúa Giêsu từ vườn Giệtsimani đến đồi Canvê. Theo nguyện vọng của cô, cô đã qua đời vào đúng ngày lễ Thánh Tâm, ngày 27 tháng 6 năm 1879. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên Chân Phước cho cô vào ngày 29 tháng 10 năm 1995.


Source:UFFICIO DELLE CELEBRAZIONI LITURGI
 
Hàng ngàn người Công Giáo Hoa Kỳ trở lại với Thánh lễ sau khi xem các chương trình quảng cáo truyền hình
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
09:17 11/10/2019
Sau 20 năm, Tông đồ “Catholics Come Home – Người Công Giáo Trở Về Nhà” tiếp tục truyền cảm hứng cho những người Công Giáo không linh hoạt nắm lấy đức tin của họ. Trong 20 năm qua, Tông đồ “Catholics Come Home – Người Công Giáo Trở Về Nhà” (CCH) đã đáp lại lời kêu gọi của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II về “một cuộc truyền giáo mới” bằng cách tạo ra những quảng cáo truyền hình mời gọi những người Công Giáo không linh hoạt trở về nhà. Với nhiều năm kinh nghiệm truyền thông chuyên nghiệp về quảng cáo, Tom Peterson, người sáng lập CCH đã cầu nguyện, 'Lạy Chúa, Chúa muốn sử dụng cuộc đời con như thế nào?' Ông tin rằng Chúa đã chuẩn bị cho ông để truyền giáo cho mọi người, nhưng không phải trong nhà thờ. Do đó, ông đã sản xuất một chương trình truyền thông cho Giáo phận Phoenix, kết quả là 92.000 người đến hoặc quay trở lại Giáo hội.”

Điều làm nên sự khác biệt của chương trình truyền thông Peterson, là chất lượng và khả năng mô tả Giáo Hội Công Giáo theo một chiều hướng tích cực. Như trang mạng của nó giải thích, “Được truyền cảm hứng bởi các lời kêu gọi của các Đức Thánh Cha chúng ta hướng đến việc Truyền Giáo Mới và tái đề xuất Tin Mừng, tông đồ “Người Công Giáo Trở Về Nhà” tiếp cận với người những Công Giáo không linh hoạt bằng cách sử dụng quảng cáo truyền hình truyền cảm hứng và một trang mạng tương tác. Không có áp lực hay bó buộc nào, Catholic Come Home.org cung cấp một cơ hội để tìm hiểu chân lý về đức tin Công Giáo trong một bầu không khí yêu thương, không phán xét. Chúng tôi cung cấp nhiều nguồn hỗ trợ cho những người Công Giáo tách rời và những người ngoài Công Giáo tìm hiểu về việc trở lại Giáo Hội Công Giáo. Trở về nhà chưa bao giờ dễ dàng hơn thế!” Kết quả của những nỗ lực của Peterson đã nói lên điều đó.

Đức Tổng Giám Mục Carlson của St. Louis lưu ý, “Chúng tôi may mắn có khoảng 37.000 linh hồn đã trở lại với đức tin (tăng số người tham dự thánh lễ thêm 8,3% / Mùa Vọng 2011). Giám Mục Michael Sheridan của Colorado Springs tuyên bố rằng “Chiến dịch truyền hình này có tác động đáng kể trên hàng trăm ngàn người xem trong khu vực của chúng tôi. Tại Sacramento, Đức Giám Mục Jaime Soto tiết lộ số người tham dự thánh lễ tăng 16,05% (20.800 linh hồn trở lại Giáo hội). Quảng cáo truyền hình nổi tiếng nhất của họ (xem bên dưới) rất đơn giản, nó làm nổi bật niềm vui và vẻ đẹp của đức tin Công Giáo. Có thể tìm thấy tất cả các “evangomercial – quảng cáo Tin mừng” trên trang mạng, trong đó có một loạt các quảng cáo truyền cảm hứng và nhiều người cung cấp chứng từ cá nhân. Thậm chí tông đồ còn có một nhánh giới trẻ với nội dung đặc biệt hướng tới giới trẻ.

Source: https://aleteia.org/2019/09/07/thousands-of-catholics-return-to-mass-after-watching-these-tv-commercials/
 
Cuộc họp báo ngày 11/10 tại Thượng Hội Đồng Amazon: Các tội sinh thái và giải pháp toàn diện.
Vũ Văn An
18:08 11/10/2019
Theo Vatican News, một cuộc họp báo đã diễn ra tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh chiều thứ Sáu, 11 tháng 10, để tường trình về sinh hoạt tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về Amazon. Hiện diện trong cuộc họp báo này có 4 tham dự viên Thượng Hội Đồng, mỗi vị đã chia sẻ các cảm tưởng về các cuộc thảo luận từ trước đến nay và trả lời các câu hỏi.

Đức Hồng Y Carlos Aguiar Retes, Tổng Giám mục México

Đức Hồng Y Carlos Aguiar Retes đã mở đầu bài thuyết trình của mình bằng lời kêu gọi “hoán cải sinh thái”. Ngài nói, sự thay đổi khí hậu đã khuếch đại “tiếng khóc của người nghèo”, và “hệ sinh thái toàn diện” là đáp ứng của Giáo hội. Đức Hồng Y giải thích rằng một hệ sinh thái toàn diện có nghĩa là thay đổi lối sống, từ bỏ nền văn hóa vứt bỏ. Ngài nói, điều chủ yếu là chúng ta gia tăng ý thức, vì chính những người nghèo nhất trên trái đất đang bị ảnh hưởng.



Đức Tổng Giám Mục Pedro Brito Guimarâes, của Palmas (Ba Tây)

Đức Tổng Giám Mục Pedro Brito Guimarâes, của Palmas, cho biết ngài đến từ Tiểu bang trẻ nhất Ba Tây, ở trung tâm đất nước. 1.5 triệu người sống ở đó, cùng với 9 triệu đầu gia súc. Đức Tổng Giám Mục cho biết, gia súc thường được hưởng sự chăm sóc sức khỏe tốt hơn người dân. Đó là vì thịt của chúng được xuất khẩu ra nước ngoài. Đức Tổng Giám Mục Pedro nói, thức ăn chăn nuôi chính trong khu vực là bột đậu nành, nhưng việc cấy trồng quá mức đã có tác động tiêu cực đến trái đất. Lãnh thổ bị xói mòn, trong khi thuốc trừ sâu và hóa chất được sử dụng để trồng đậu nành đã làm ô nhiễm sông ngòi. Chăn nuôi gia súc cũng đòi hỏi rất nhiều nước và điều này cũng có nguy cơ phá hủy tài nguyên thiên nhiên.

Đức Tổng Giám Mục Pedro tiếp tục nói về những gì ngài gọi là “tội lỗi sinh thái”. Ngài nói, chúng có thể là một điều mới mẻ, nhưng chúng ta cần bắt đầu xưng thú chúng. Trích dẫn Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngài nói thêm về việc “mọi sự đều được nối kết với nhau”, khi bạn đụng tới một điều gì đó, bạn sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền. Đức Tổng Giám Mục kết luận, toàn thể nhân loại sẽ cảm nhận được hậu quả do các quyết định được đưa ra tại Thượng hội đồng này.

Đức Giám Mục Joaquín Pertíñez Fernández O.A.R. của Rio Branco (Ba Tây)

Đức Giám Mục Joaquín Pertíñez Fernández bắt đầu bằng cách nhấn mạnh ngài đến từ một khu vực bao trùm hai múi giờ. Đức Giám Mục tiếp tục nói về lịch sử của Vùng Amazon của ngài, nơi, theo ngài, không được biết đến nhiều. Điều này một phần do văn hóa địa phương dựa trên gỗ, chứ không phải đá, nên mọi sự dễ dàng tan rã hơn. Ngài nói về việc xuất hiện một vùng đất tử đạo nơi một người nào đó “bị chôn vùi dưới mỗi thân cây”. Đức Giám Mục Fernàndez đã mô tả người dân của khu vực này bị bắt làm nô lệ ra sao. Ngài nói, buộc phải bán sản phẩm cho chủ nhân, họ bị mắc kẹt vào một tình huống mà hiếm khi họ sống thoát.

Đức Giám Mục giải thích, Giáo hội không có mặt ở nơi “đau khổ của con người” này, vì khoảng cách và thiếu truyền thông. Có thể mất cả một tháng trời để vị giám mục đến được khu vực này bằng xuồng. Đức cha Fernández nói, và sẽ mất một thời gian dài để người dân của lãnh thổ này phục hồi suốt sau “một lịch sử bạo lực buồn bã và tàn khốc của họ”. Ngài nói, sẽ mất vài thế hệ trước khi họ cảm thấy được tự do suy nghĩ cho chính họ và đưa ra quyết định.

Nữ tu Birgit Weiler, Dòng Nữ tu Y tế Truyền giáo

Nữ tu Birgit Weiler bắt đầu bài thuyết trình của mình bằng cách xác nhận rằng Giáo hội muốn cùng bước đi với người dân của Vùng Amazon để đối đầu với tình huống bi đát này. Trích dẫn Tài Liệu Làm Việc, bà nói rằng Giáo hội cần nói bằng “một giọng nói tiên tri” để giải quyết vấn đề sức khỏe cho toàn hành tinh. Nữ tu Weiler nói, chúng ta cần phải chào đón nền văn hóa của người bản địa, và viễn kiến của họ về “buen vivir”, nghĩa là sống chung nhiều hơn giữa chúng ta và trong liên đới với chính Trái đất.

Bà nói thêm, khi chúng ta ngược đãi trái đất, chúng ta cũng đang ngược đãi chính mình. Nữ tu Weiler kêu gọi việc du nhập một hệ sinh thái toàn diện ở mọi bình diện của Giáo hội, và đề nghị giảm thiểu đến số không việc sử dụng chất nhựa (plastic). Bà cũng lên tiếng ủng hộ việc bênh vực người dân bản địa, đặc biệt là khi quyền lợi của họ bị vi phạm.

Một câu hỏi về các tập đoàn đa quốc gia

Nữ tu Birgit Weiler cũng trả lời câu hỏi đầu tiên liên quan đến các công ty đa quốc gia không tuân thủ luật pháp. Nữ tu khẳng định tất cả chúng ta đều sống ra sao trong một ngôi nhà chung và đấu tranh cho quyền lợi của người khác là điều quan trọng. Sau đó, Nữ tu đưa ra điển hình nước Đức đã thông qua đạo luật theo đó các công ty gây thiệt hại cho môi trường phải chịu trách nhiệm ngay cả khi họ gây thiệt hại ở các quốc gia khác.

Nữ tu Weiler đã nói tới một mạng lưới hợp tác giữa các hội nghị của các tu sĩ nam nữ, đặc biệt ở Peru, nơi bà làm việc. Bà nói thêm, các cổ đông từ các công ty đa quốc cần được gây ý thức về tình hình qua việc vận động hành lang, để đảm bảo việc các công ty tôn trọng quyền của người dân địa phương. Thông thường, đời sống của người châu Âu và người Mỹ được coi là có giá trị hơn đời sống của những người sống ở các vùng lãnh thổ này - mặc dù tất cả chúng ta đều cùng sống với nhau trong một ngôi nhà chung.

Một câu hỏi về các cộng đồng bản địa bị cô lập

Đức Tổng Giám Mục Pedro Brito Guimarâes đã chọn trả lời về vấn đề các cộng đồng bản địa bị cô lập. Ngài giải thích, một số người trong số họ chọn sống cô lập. Những người khác buộc phải trốn chạy vì lãnh thổ của họ bị xâm chiếm. Đức Tổng Giám Mục nói tiếp, họ vào sâu trong rừng mỗi lúc mỗi sâu hơn, và không liên lạc với những người khác. Điều này khiến họ có nguy cơ mắc nhiều chứng bệnh. Một số người chết vì chứng cảm lạnh thông thường. Ngài nói, đôi khi không thể nào đến gần họ được. Không có bất cứ tiếp xúc nào với những người bị cô lập này, chúng ta không biết họ nghĩ như thế nào, hoặc họ muốn gì.

Đức Tổng Giám Mục Guimarâes nói, Thượng hội đồng đang thảo luận về chủ đề này. Ngài nói thêm, điều quan trọng là Giáo hội phải bảo vệ quyền sống của họ theo cách riêng của họ.

Một câu hỏi về các giáo hội Ngũ Tuần

Đức Hồng Y Carlos Aguiar Retes bắt đầu trả lời câu hỏi liên quan đến sự hiện diện của các giáo hội Ngũ Tuần ở Vùng Amazon, bằng cách khẳng định rằng người ta “muốn Lời Chúa, trước hết và trên hết”. Ngài trích dẫn các nghiên cứu cho thấy người ta chuyển từ Giáo hội này sang Giáo hội khác, nhưng cho biết sẽ cần nhiều thời gian để phân tích hiện tượng này một cách thích đáng. Ngài nói, đôi khi chỉ đơn giản vì người ta hy vọng sẽ giải quyết được một loạt khó khăn và tìm giải pháp ở các khu vực khác.

Đức Tổng Giám Mục Pedro Brito Guimarâes đã cho biết thêm suy tư của ngài; ngài nói rằng các linh mục không thể có mặt ở khắp mọi nơi, vì khoảng cách mênh mông. Ngài nói, nếu ai đó đến công bố Lời Chúa, mọi người sẽ theo họ.

Đức Giám Mục Joaquín Pertíñez Fernández đồng ý rằng Thượng hội đồng cần phân tích tình huống này nhưng chúng ta không thể giải quyết mọi vấn đề sức khỏe, giáo dục hoặc tài chính.

Nữ tu Birgit Weiler dẫn lời tài liệu làm việc của Thượng hội đồng nói rằng Giáo hội cần phải chuyển từ một nền mục vụ thăm viếng sang một nền mục vụ hiện diện. Bà nói, ở bên cạnh những người này là điều vô cùng quan trọng. Nữ tu Weiler nói, chúng ta cần thăm dò mọi thừa tác vụ, không phải chỉ các thừa tác vụ thụ phong mà thôi, vì “mọi sự đều được nối kết với nhau” trong thách thức này.

Một câu hỏi về sự tham gia của phụ nữ tại Thượng Hội Đồng

Nữ tu Birgit Weiler tiếp tục trả lời câu hỏi sau đây về bầu không khí trong các nhóm làm việc nhỏ và việc công nhận thừa tác vụ phụ nữ. Nữ tu bắt đầu bằng cách khẳng định, “không có thái độ giáo sĩ trị” trong các nhóm làm việc, và “tự do ngôn luận” đã tạo điều kiện cho một bầu không khí trong đó “các câu hỏi có tính phê phán có thể được đem ra thảo luận một cách tôn trọng và công khai”. Nữ tu mô tả đây là một trải nghiệm tốt đẹp của việc “cùng nhau biện phân”.

Nữ tu Weiler nói tiếp, một số Giám mục và Hồng Y tốt lành đã chia sẻ các quan tâm của phụ nữ, và hiểu rằng có những điều khiến họ đau đớn và tại sao như vậy. Bà xác nhận có sự công nhận phụ nữ, nhưng nói thêm rằng trở thành một Giáo hội hoàn toàn đồng nghị có nghĩa phải cùng nhau bước đi, cùng nhau quyết định, có phụ nữ ở vị trí lãnh đạo. Nữ tu nói, mọi phụ nữ, giáo dân và tu sĩ, phải có thể đảm nhận các vị trí có trách nhiệm.

Nữ tu Weiler nhắc nhớ tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng xác nhận ra sao rằng phụ nữ thực hiện hầu hết các công việc mục vụ ở Vùng Amazon. Nữ tu nói, nhiều phụ nữ đang làm việc với người bản địa và muốn được can dự vào nền thần học bản địa. Nữ tu đã mô tả đây là “một dấu chỉ thời đại” để phụ nữ can dự vào bình diện này. Nữ tu cũng đề cập đến việc cố gắng vượt qua bạo lực chống lại phụ nữ, đứng lên đòi công lý và vượt qua nền văn hóa “machismo” (tự tôn nam tính)

Nữ tu nói, “sáng thế là một hồng phúc tình yêu do Thiên Chúa Tạo Hóa ban”, và đây là điểm gặp gỡ với phụ nữ của các tôn giáo khác. Nhiều phụ nữ đang làm việc để xây dựng những cây cầu nơi các khác biệt thường gây ra sự phân cách. Nữ tu Weiler giải thích, đây không phải là một cuộc đấu tranh quyền lực, mà là sự chia sẻ “ơn phúc phép rửa, ơn gọi và các thấu hiểu, tài năng và các đặc sủng của chúng ta”.

Trả lời một câu hỏi đã hỏi trước đó liên quan đến việc phụ nữ bỏ phiếu cho tài liệu cuối cùng của Thượng Hội Đồng, Nữ tu Weiler nhận định có 35 phụ nữ có mặt trong các khả năng khác nhau tại Thượng hội đồng, và đây là một bước tiến đáng kể. Bà nói, giống nhiều nữ tu khác, họ muốn đạt đến điểm trong đó các Bề Trên Cả của họ có thể bỏ phiếu giống như Các Bề trên cả các dòng nam. Nữ tu nói, không có lý do thực sự nào khiến họ không nên được như thế.

Một câu hỏi về các tội lỗi sinh thái

Đức Tổng Giám Mục Pedro Brito Guimarâes đã tiếp tục các nhận xét trước đó của ngài về “các tội lỗi sinh thái”. Ngài khẳng định Ngài là một người lạc quan và tin chắc rằng, “một thế giới khác là điều có thể”. Tuy nhiên, ngài nói, trừ khi chúng ta quan tâm đến thiên nhiên, “chúng ta sẽ gây thiệt hại cho các điều kiện tiên quyết đối với cuộc sống của mình”. Dù chúng ta tuyên xưng trong Kinh tin kính rằng chúng ta tin Thiên Chúa, “Đấng tạo thành trời đất”, nhưng chúng ta lại tiếp tục phạm tội chống lại thiên nhiên “mà không bao giờ tự vấn lương tâm”.

Đức Tổng Giám Mục đề nghị, chúng ta cần bắt đầu suy nghĩ về một phong cách sống đơn giản hơn, thiết yếu hơn. Ngài nói thêm, chúng ta cần tự vấn, từ góc độ tôn giáo, xã hội, kinh tế. Đức Tổng Giám Mục Guimarâes nói, “chúng ta không làm chủ Thiên Nhiên”, chỉ là những người bảo vệ nó.

Ngài kết luận, chúng ta không có hành tinh nào khác để có thể sống. Vì vậy, tốt hơn, chúng ta nên chăm sóc hành tinh này.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cần nhắc gấp Quí Linh mục sắp về tham dự Đại hội Emmaus VIII
LM Trần Công Nghị
14:09 11/10/2019
Chỉ còn vài ngày nữa là anh em linh mục Việt nam tại Hoa kỳ cũng như một số linh mục khách từ Việt Nam sẽ về Nam Cali tham dự Đại hội Emmaus VIII, Ban Tổ Chức xin được nhắc quí Cha vài điều quan trọng sau đây:

1. Tất cả các Linh mục ngoài giáo phận Orange nếu chưa gửi “Letter of Good Standing” về cho giáo phận Orange thì xin quí Cha liên lạc ngay với văn phòng giáo phận của mình xin gửi gấp 1 email kèm copy lá thư “Letter of Good Standing” cho Fr. Nguyễn Thành Tài, Bishop Secretary, Office: 714-282-3108, Fax: 714-282-4202; E-mail: ttnguyen@rcbo.org Địa chỉ 13280 Chapman Ave.. Garden Grove, CA 92840.

2. Xin quí Cha đem theo alba, và stola trắng và xanh.

Vì một số quí Cha ghi tên tham gia Đại hội mà email sai hay không rõ, nên bị gửi trả lại, do đó BTC phải mượn phương tiện này để thông báo 2 điều quan trọng nêu trên. Xin thứ lỗi.

Ngoài ra, tất cả công tác sửa soạn và phục vụ cho Đại hội Emmaus VIII đã sẵn sàng và mong gặp quí Cha trong tuần tới.

TM Ban Tổ Chức
LM Trần Công Nghị


 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Kinh mân côi: Mầu nhiệm năm sự sáng
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
09:21 11/10/2019
1. Suy niệm

Trong nhiều Thánh đường có xây Giếng Nước Rửa tội nổi trên mặt nền nhà và chung quanh miệng giếng có khắc vẽ hình chim bồ câu. Hay ở trên cây nến Rửa tội cho em bé cũng khắc vẽ hình chim bồ câu đang bay lượn bên dưới có làn nước chảy.

Chim bồ câu là hình ảnh chỉ về Đức Chúa Thánh Thần , và qua hình ảnh đó diễn tả trình bày con đường của Thiên Chúa với con người, như sách Phúc âm thuật lại: “Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người.” ( Mt 3,16; Ga 1,32).

Từ đó chim bồ câu được vẽ trình bày là hình ảnh ngày lễ Đức Chúa Thánh thần hiện xuống, cũng như hình lưỡi lửa bốc cháy tỏa sáng trên đầu Đức Mẹ Maria và các Thánh Tông đồ.

Sống trong xã hội có nhiều phức tạp đua chen cạnh tranh, và cả những điều trái ngược mạnh được yếu thua, nhưng hình ảnh chim bồ câu nói cho ta con đường của Thiên Chúa với con người. Đó là con đường hòa bình, con đường đời sống đơn sơ chân thành, con đường tình yêu và lòng khiêm nhượng.

Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con Thiên Chúa.


2. Suy niệm

„6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.“

06 chum đá nói lên hình ảnh dấu chỉ về Thiên Chúa tạo dựng công trình thiên nhiên trong 6 ngày như trong sách Sáng Thế ký thuật lại. Điều này muốn nói lên Chúa Giêsu nơi đây và bây giờ qua phép lạ ngài làm mang lại sự sáng tạo mới.: niềm vui và ơn cứu chuộc cho con người.

„ Đức Giê-su bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi! " Và họ đổ đầy tới miệng.“ .
Hình ảnh đổ nước vào 6 chum đầy tới miệng nói lên chiều kích rộng lớn của phép lạ Chúa Giêsu làm, và sự giầu có quảng đại lòng thương xót của Chúa Giêsu.

„ Nước dùng để tẩy rửa - theo tục lệ nghi thức người Do Thái- được biến hóa thành rượu, trở nên dấu chỉ và qùa tặng góp phần cho niềm vui mừng trong bữa tiệc cưới. Qua đó, sự hoàn thành của Lề Luật được hiển thị ra rõ nơi bản thân cùng việc làm của Chúa Giêsu.
Lề luật không bị chối bỏ hay đẩy sang một bên, nhưng được thi hành cho trọn vẹn như mong đợi. Nghi thức tẩy rửa trước sau vẫn là nghi thức, nó thể hiện một cử chỉ niềm hy vọng. Nước, như việc làm của con người trước mặt Chúa, vẫn là nước. Nghi thức tẩy rửa không bao giờ làm cho con người trở nên thần thánh.
Nước hóa thành rượu. Sự hy sinh cố gắng của con người được biến thành của lễ nhờ được Chúa chấp nhận, Đấng đã tự trao tặng mình và mang đến sự vui mừng cho lễ mừng. Điều này chỉ có Thiên Chúa hiện diện và qùa tặng của Ngài mới có thể thành hiện thực được.

Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa.

3. Suy niệm

Việc đạo đức kính lòng Chúa thương xót từ hai thập niên qua ngày càng lan rộng phổ thông trên khắp toàn thể Hội Thánh hoàn cầu. Việc đạo đức bình dân này thể hiện nhu cầu tinh thần thiêng liêng đạo tấm lòng tin tưởng sâu xa của con người vào ân sủng của lòng Chúa thương xót, Đấng là nguồn đời sống và lòng thương xót cho con người.

Chúa Giêsu đoan hứa cho những ai sống có lòng thương xót:„ Phúc thay ai xót thương người, họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.“. Và cho cả những ai phải sống đau khổ trong nước mắt, những ai có lòng khoan dung thanh sạch, họ được Thiên Chúa ban cho an ủi lòng thương xót.

Lòng Chúa thương xót là sự tràn đầy từ nơi Chúa, sự tràn đầy của con người. Một đời sống có lòng thương xót chính là một đời sống của Thiên Chúa.

Lòng thương xót trong ngôn ngữ Kinh Thánh diễn tả nét rộng rãi hơn là một khía cạnh suy tưởng về Thiên Chúa. Lòng thương xót là bản tính của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu nói“ Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là đấng giầu lòng thương xót.“ là lời phản ảnh về giới răn cũ: „ Hãy sống thánh thiện như Ta là Thiên Chúa các người là đấng thánh.“. Như thế Chúa Giêsu đã cho sự thánh thiện bộ mặt lòng thương xót.

Lòng thương xót là ánh sáng phản chiếu bộ mặt Thiên Chúa trong đời sống con người. Thánh Basilius đã có suy niệm:“ Khi tỏ hiện lòng thương xót với người khác bạn trở nên giống Thiên Chúa.“. Lòng thương xót là khía cạnh con người của Chúa., và cũng là tương lai thần thánh của con người.

Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. đã có suy niệm phân tích: „ Sự công bằng và lòng thương xót, sự công bằng và tình yêu chỉ với con người chúng ta là hai thực tế khác biệt nhau. Vì con người chúng ta phân biệt rất tỷ mỉ giữa một hành động công bằng và một hành động tình yêu. Công bằng với chúng ta là điều gì một người còn nợ người khác. Trong khi đó lòng thương xót là nói điều gì tốt đẹp được thực hiện. Điều này đối nghịch hay loại trừ điều kia. Nhưng với Thiên Chúa thì khác, không vậy“ nơi Ngài công bằng và tình yêu quy chung lại thành một. Không có hành động công bằng nào mà không có một hành động lòng thương xót và sự tha thứ. Và đồng thời không có hành động lòng thương xót nào mà không hoàn toàn công bằng.“

Tình yêu cha mẹ ban tặng dành cho con cái mình thể hiện qua lòng thương xót. Tình thương yêu của các ngài luôn hướng tới sự tha thứ, sự công bằng sao cho đời sống con mình được bằng an.

Tình yêu, lòng thương xót đó là ánh phản chiếu tình yêu, lòng thương xót thần thánh của Thiên Chúa từ trời cao xuống trên trần gian nơi công trình thiên nhiên của Người hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Lòng thương xót Chúa thể hiện qua Bí tích giải tội. Tình yêu lòng thươngn xót Chúa tha thứ mọi tội lỗ con người đã vập phạm đến Chúa av` tha nhân.

Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được tin vào lòng Chúa thương xót và siêng năng lãnh nhận bí tích giao hòa.

4. Suy niệm

Núi là công trình sáng tạo trong thiên nhiên. Núi có độ cao hơn mặt đất liền từ vài chục tới hàng ngàn thước, tùy theo từng ngọn núi. Núi thành hình do những khối tảng đá chồng chất lên nhau. Nơi núi có hang động sâu vào bên trong và có cây cối mọc trên đó nữa. Núi có ở khắp nơi trên trái đất, và cả dưới lòng đại dương nữa.

Về phương diện hình thể địa lý thì như thế. Nhưng về khía cạnh tâm linh, núi cao ẩn chứa một ý nghĩa khác nữa .

Núi là hình ảnh của sự lên cao không chỉ mặt hình thức bên ngoài, nhưng cả về mặt tinh thần tâm linh nữa.

Nơi cao trên núi con người cảm thấy được thanh thoát nhẹ nhàng, tâm hồn cảm thấy như gần gũi thiên nhiên cùng Đấng Tạo Hóa hơn.

Trên núi cao Chúa Giêsu biến hình như phúc âm thuật lại: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và Tiên tri Maisen và Êlia hiện ra nói chuyện với Người.

Quang này làm liên tưởng nhớ tới cảnh Tiên Tri Maisen ngày xưa cũng ở trên núi Chúa mạc khải: Trong khi Ông Maisen từ trên núi đi xuống, mặt ông chiếu sáng, vì Ông đã đàm đạo nói chuyện với Thiên Chúa.

Được diện kiến nói chuyện với Thiên Chúa, ánh sáng của Thiên Chúa chiếu tỏa trên Ông Maisen. Ông nhận được ánh sáng từ nơi Thiên Chúa, và do đó ánh sáng sáng chiếu tỏa ra nơi gương mặt của Ông.

Nơi Chúa Giêsu trái lại, áng sáng chiếu tỏa ra từ nơi Ngài. Ngài không tiếp nhận ánh sáng, nhưng Ngài là ánh sáng.

Còn áo của Chúa Giesu trở nên trắng như tuyết nói về tương lai của chúng ta. Trong sách Khải huyền của Thánh Gioan áo mầu trắng là mầu của bản chất trên trời, và cũng là mầu của các Thiên Thần . Thánh Gioan nơi sách Khải huyền còn diễn tả áo mầu trắng của các người được cứu chuộc. Đó cũng là mầu áo của những người được tuyển chọn. Vì họ được tắm gội trong máu cin chiên Kh 7,14. Qua phép rửa tội họ được liên kết với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kito, và cuuộc khổ nạn của Người thanh tẩy họ trở nên trắng trong tinh tuyền. Qua bí tích rửa tội chúng ta được mặc khoác ánh sáng với Chúa Giêsu Kito und trở nên sáng trong tinh tuyền.

Trong nghi lễ Rửa tội, linh mục nói với em bé vừa nhận lãnh làn nươuc rửa tội: Chiếc áo trắng con đang trong mình là tước hiệu nhân vị Kito đời ncon. Con hãy mang nó tinh tuyền luôn mãi trong đời sống cho đến cõi trường sinh.

Thứ bốn thì ngắm: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần.

5. Suy niệm

Người Công Giáo, tùy theo phong tục Giáo Hội địa phương, vào lứa tuổi từ 6 đến 9 tuổi được học Giáo lý xưng tội rước lễ lần đầu. Và rồi trong suốt dọc đời sống mỗi khi đi dâng tham dự Thánh Lễ , đều tiếp nhận Tấm Bánh Thánh Thể Chúa Giêsu.
Thánh Thể Chúa Giêsu là một trong bảy Bí Tích của Hội Thánh Công Giáo do chính Chúa Giêsu thiết lập. Và Ngài truyền trối lại cho các Tông đồ và Hội Thánh tiếp tục cử hành Bí Tích tình yêu này.
Từ ngày đó, Hội Thánh cử hành Bí Tích này mỗi khi dâng Thánh lễ Misa.
Thánh lễ Misa còn được gọi là lễ tế tạ ơn - Tiếng Hylạp là Eucharistia, tiếng latinh là Eucharistica.
Thánh lễ Misa hay Lễ tế tạ ơn bắt nguồn từ bữa Tiệc ly ngày thứ Năm tuần thánh của Chúa Giêsu với 12 Môn đệ trước khi Ngài bị bắt chịu khổ nạn và đóng đinh trên thập gía. Trong bữa tiệc ly này Chúa Giêsu dùng tấm bánh mì không men, chén rượu nho, đọc lời tạ ơn Thiên Chúa, làm phép biến đổi thành Mình và Máu của Người, rồi trao cho các Môn Đệ làm của ăn thức uống cho đời sống tâm hồn đức tin vào Chúa.

Sau đó Chúa Giêsu trao quyền chức Linh mục cho các Môn Đệ và Giáo Hội làm nghi lễ tạ ơn như Ngài đã làm. Từ căn bản đó, Giáo Hội Chúa Giêsu từ hai ngàn năm nay luôn luôn gìn giữ nếp sống đạo đức trung tâm đức tin này. Và nhờ như thế đời sống đức tin vào Chúa được củng cố bền vững cùng sống động.
Trong mỗi Thánh lễ Misa, Lời Chúa viết để lại trong Kinh Thánh là nền tảng cho đức tin được đọc suy niệm cắt nghĩa, lời cầu xin khấn nguyện của dân Chúa cho chính mình, cho gia đình, cho Giáo Hội, cho thế giới được mang dâng lên bàn thờ Chúa hòa lẫn vào hy lễ Chúa Giêsu đã hy sinh chịu chết trên Thánh Gía mang ơn cứu chuộc cho con người.
Trong phần truyền phép, Lời truyền biến đổi Bánh và Rượu, của lễ dâng lên Thiên Chúa, được Gíao hội ủy thác cho Linh mục đọc to tiếng như trong bữa tiệc ly Chúa Giêsu đã nói:

“Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con.
Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: vì này chén máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”

Giây phút lúc này là trung tâm của thánh lễ Misa. Như máu ở trái tim, trung tâm điểm con người, bơm luân chuyển đi khắp thân thể mang đến sức sống cho toàn thân xác. Cũng vậy, Mình Máu Thánh Chúa Giêsu là của ăn nuôi dưỡng tâm hồn đức tin cho có sức sống. Sức sống đó là sức sống thần linh Thiên Chúa.
Tấm bánh Thánh Thể tình yêu Chúa tuy nhỏ, không làm cho bao tử no đầy. Nhưng ân đức của Chúa qua Tấm Bánh Thánh Thể mang đến cho tâm hồn sự sống thần linh liên kết với Chúa và với toàn thể mọi người trong Gíao Hội có cùng một Đức tin vào Thiên Chúa tình yêu.
Trong giây phút long trọng trang nghiêm ngay sau khi Bánh và Rượu đã được truyền phép biến đổi thành Mình và Máu Chúa Giêsu, những ý lời cảm tạ, cầu khẩn cho Giáo Hội, cho người còn đang trên đường lữ hành trần gian, cho người đã qua đời, cho người còn sống, cùng hợp với lời cầu khẩn của Đức Mẹ Maria và các Thánh, được đọc dâng lên Thiên Chúa.

Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được sốt sắng tham dự Thánh Lễ và rước Mình Máu Thánh Ngài.

Tháng kinh mân côi.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Kính Mừng Maria ! Kinh hồng ân cứu độ loài người.
Đinh Văn Tiến Hùng
15:20 11/10/2019
Tháng 10 Kính Đức Mẹ Mân Côi

*Thơ Kinh Dâng Mẹ trên Trời,
Kính Mừng Vương Mẫu Tuyệt Vời Thiên Cung .

KÍNH chào Trinh Nữ hiển vinh,
Ngôi Hai bỏ chốn thiên đình cao sang,
Hạ sinh trần thế nghèo nàn,
Chọn Bà làm Mẹ vinh quang hơn người.

MỪNG đón hạnh phúc tuyệt vời,
Nhờ ơn cứu độ loài người đổi thay,
Lời nguyền xoá tội từ đây,
Này E-Và Mới tràn đầy hồng ân.

MARIA trinh tuyết vô ngần,
Một lời thề hứa Xin Vâng vẹn toàn,
Đồng Công Cứu Chuộc nhân gian,
Cùng Con Thiên Chúa chu toàn hiến dâng.

ĐẦY tràn phúc lộc bội phần,
Từ tay Thiên Chúa nguồn ân cứu đòi,
Nghiêng mình con cúi xin Người,
Tuôn ơn lành xuống như trời đổ mưa.

ƠN Mẹ con nói sao vừa,
Ngàn lời ca tụng vẫn chưa thỏa lòng,
Đời con chỉ biết cậy trông,
Phó dâng tay Mẹ xác thân tâm hồn.

PHÚC thay những lúc cô đơn,
Về nương bóng Mẹ là nguồn ủi an,
Cuộc đời dù lắm gian nan,
Không còn đau khổ với hàng lệ rơi.

ĐỨC Maria Mẹ Chúa Trời,
Trạng Sư quyền thế muôn đời ngợi ca,
Người là Từ Mẫu giao hoà,
Cầu xin Thượng Đế thứ tha loài người.

CHÚA yêu con lắm con ơi,
Đem thân xác xuống làm người trần gian,
Cùng Mẹ nhận sống cơ hàn,
Chết trên Thập Giá ơn ban cứu đời.

TRỜI cao giáng phúc muôn nơi,
Mưa hồng ân xuống đất trời hoan ca,
Gieo nguồn nắng ấm chan hoà,
Làm cho trần thế nở hoa reo mừng.

Ở đời kiếp sống mông lung,
Biển trần giông tố chập chùng vây quanh,
Thuyền con lạc lối bồng bềnh,
Mẹ là Sao Sáng lộ trình dẫn đưa.

CÙNG con ngày tháng sớm trưa,
Ủi an phù trợ nâng niu ân cần,
Đời con đã biết bao lần,
Mẹ luôn che chở tấm thân mọn hèn.

BÀ được Thiên Chúa nâng lên,
Xác hồn thanh khiết ngự trên thiên đình,
Loài người,muôn vật cúi mình,
Tôn vinh Mẹ Chúa hiển vinh ngàn đời.

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG