Ngày 10-10-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Không thể sâu sắc hơn
Lm. Minh Anh
00:05 10/10/2020

KHÔNG THỂ SÂU SẮC HƠN
“Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú”.

Kính thưa Anh Chị em,

Thời Chúa Giêsu, phụ nữ không được phép lên tiếng trước đám đông; thế mà, thật bất ngờ, qua Tin Mừng hôm nay, giữa những người đến nghe Chúa Giêsu, một phụ nữ đã phá lệ; cô ấy bộc phát một lời khen ‘dung dị đến trộ tràng’ nhưng qua đó, hàm chứa một tuyên dương cả Mẹ lẫn Con sâu sắc đến mức ‘không thể sâu sắc hơn’, “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú”.

Phụ nữ ấy đã cảm nhận được sự vĩ đại nơi con người Chúa Giêsu; và từ sự vĩ đại của người Con, cô trực giác sự vĩ đại của người Mẹ. Với cô, rõ ràng, ai đã tạo nên kiệt tác Giêsu cho nhân loại cũng phải là một kiệt tác của nhân gian, ‘không thể sâu sắc hơn’. Và cô ấy đúng, nhân tính của Chúa Giêsu là kiệt tác của Mẹ Maria; vì tất cả những gì Mẹ có, Mẹ đã thông chia cho Con mình. Đang khi chúng ta không dám nghĩ rằng, sự hoàn hảo nơi thần tính của Chúa Giêsu phần nào cũng có công nghiệp của Đức Mẹ, thì sẽ bất công nghiêm trọng nếu chúng ta cho rằng, Đức Mẹ chẳng có một tác động tích cực nào lên các nhân đức và sự hoàn hảo nơi nhân tính của Chúa Giêsu, Con ngài.

Thiên Chúa muốn Ngôi Hai đi vào trần gian theo cách thức của một con người; vì thế, là một đứa bé, trẻ Giêsu cũng cần một người mẹ. Chúa Cha muốn Chúa Giêsu có một người mẹ tốt nhất, hoàn hảo nhất nên Người đã ban cho Mẹ Maria nhiều ân phúc, khởi đầu với đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội để giữ cho Mẹ khỏi tội nguyên tổ. Ai có thể tưởng tượng được một thánh tử Giêsu tinh tuyền, vô tội, lại phải chịu bao bọc trong một thân xác uế nhơ bởi tội lỗi, ít nữa, trong chín tháng đầu tiên khi Ngài xuống với cõi trần? Liệu một đứa trẻ chí thánh vô tội đến thế, cho đến bao giờ, nó mới có thể ngừng khóc khi được một tội nhân chăm sóc? Chúa Cha muốn điều tốt nhất cho Chúa Con và Người đã ban cho Ngài điều tốt nhất ấy; thì với việc ban tặng đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội cho Đức Mẹ, Thiên Chúa đã chuẩn bị ‘một dạ để cưu mang Ngài’ quá hoàn hảo, ‘không thể sâu sắc hơn’.

Là một con người, trẻ Giêsu cũng phải học như bất cứ ai và Mẹ Maria là nhà giáo dục đầu tiên của Ngài. Nhờ thần tính của mình, các khả năng của một con người nơi Chúa Giêsu không bị tội lỗi làm hoen ố; thế nhưng, chính Mẹ Maria phải dạy Ngài cách sử dụng, Mẹ phải mài dũa các khả năng đó trong cuộc sống giáo dục gia đình cho đến khi chúng trở nên hoàn hảo. Giáo dục không chỉ là cung cấp kiến thức; nhưng theo một nghĩa đầy đủ, giáo dục còn là rèn luyện nhân đức bằng gương sáng và gương lành. Giữa các nhân đức ngời sáng của Đức Mẹ, tấm gương chói sáng nhất vẫn là việc Đức Mẹ lắng nghe lời Thiên Chúa và suy đi nghĩ lại trong lòng, thì chúng ta có thể đoan chắc một điều là, Chúa Giêsu đã cảm nhận bài học đó nơi Đức Mẹ; và chắc hẳn, việc Mẹ lắng nghe lời Thiên Chúa đã có sức thuyết phục nhiều nhất đối với Chúa Giêsu; ‘không thể sâu sắc hơn’.

Cảm thức một cách sâu sắc nền giáo dục quý hơn cả kho báu của mình vốn có được từ người mẹ tuyệt vời; vì thế, Chúa Giêsu đã bộc lộ tức thì, không suy nghĩ, chẳng đắn đo một sự thật không ai ngờ tới trước lời khen của người phụ nữ kia rằng, “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”; và cũng không phải ai cũng có thể hiểu được điều ‘không thể sâu sắc hơn’ của câu nói đó, trừ Mẹ Maria, người hiểu hết ý nghĩa của nó nhất.

Đức Hồng Y Thuận nói, “Lòng con rộng bao la, nhưng túi con có giới hạn; chỉ có một món quà con có thể cho luôn, một quà tặng thoả lòng con, một quà tặng quý không ai có thể mua nổi, một quà tặng tốt không gì sánh bằng: hãy học như Mẹ Maria, trao tặng Chúa Giêsu cho họ”. Nhưng làm sao chúng ta có Chúa Giêsu để trao tặng như Đức Mẹ, nếu tâm hồn chúng ta không lặng xuống để lắng nghe Lời Chúa trong nơi sâu thẳm nhất của lòng mình, và để cho Lời ấy vươn lên, đơm hoa kết trái.

Anh Chị em,

Cùng với người phụ nữ, chúng ta ngợi khen Mẹ có phúc, nhưng Chúa Giêsu còn cho biết, “Những ai nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn”. Phúc đó đang chờ chúng ta, đang nằm trong tầm tay mỗi người, ‘không thể sâu sắc hơn’. Không gì lớn lao cả, hôm nay, chúng ta cũng hãy lắng nghe và chiều theo những đòi hỏi nho nhỏ của Thiên Chúa, ắt chúng ta cũng sẽ được phúc hơn.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ, Mẹ là bà giáo và là mẫu gương sống Lời Chúa ‘không thể sâu sắc hơn’; xin dạy con biết nghe Chúa, chiều theo những đòi hỏi nho nhỏ của Chúa để cũng được phúc hơn như Mẹ”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Chúa Nhật 28 TN A : Đơn Giản, Tấm Thiệp Mời Đã Ghi Như Thế…!
LM. Giuse Trương Đình Hiền
09:00 10/10/2020
Chúa Nhật 28 TN A 2020

Đã “10 tháng” trôi qua trong cái năm có “hai con số 20” nối tiếp nầy (2020) mà hình như thế giới vẫn còn “ngất ngư” giữa một “đại dương đầy biển động”.

Thật vậy, trong khi cái bóng dị hợm của con virus Vũ Hán vẫn còn tràn ngập khắp mọi miền thế giới với trên 37 triệu người bị lây nhiễm, hơn 1 triệu người tử vong, thì cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia Tây Á, Armenia (Kitô giáo) và Azerbaizan (Hồi Giáo), đang nỗ ra kịch liệt từng ngày tại vùng Nagorno-Karabakh; trong khi đó, những cơn lũ lụt thế kỷ, bão tố kinh hoàng, cháy rừng trên diện rộng… không ngừng “viếng thăm” mọi miền trái đất và để lại những tàn phá kinh thiên động địa…!

Đó là chưa kể, các công cụ truyền thông của thời 4.0 như facebook, twitter, youtube… hằng ngày “rầm rập” các bản tin cướp của, giết người, tự tử, tai nạn giao thông, gia đình tan vỡ…; ôi thôi loạn xà ngầu ! Thì ra thế giới hôm nay hay thế giới của thời hồng hoang mịt mùng xa trước cũng chẳng có gì đổi thay, kể từ sau biến cố “A-đam, E-Va” phơi bày thân phận trần truồng ở giữa một “địa đàng vắng bóng Thiên Chúa”.

Cách đây 2000 năm, Chúa Giêsu đã đến và đã xuất hiện rao giảng Tin Mừng cũng trong bối cảnh của một Đất nước Do Thái, mà nếu diễn tả theo ngôn ngữ Kinh Thánh thì đó là: thay vì nhạc hát hoan ca là dòng lệ với tiếng khóc nỉ non “treo đàn trên cây dương liễu”, thay vì áo cưới rỡ ràng là những chiếc “khăn liệm bạt màu tang chế” của những kẻ bị lưu đầy trên chính quê hương mình dưới gót giày của đế quốc Rôma… !

Vâng, Ngài đã đến rao giảng một Tin Mừng, một tin vui về sự xuất hiện của một “Nước Trời” qua những dụ ngôn và hình ảnh biểu tượng như “Vườn Nho”, “Viên ngọc quý”, “Thửa ruộng có kho tàng chôn dấu”, “Tấm lưới cá”…; riêng hôm nay, Nước Trời lại mang viễn tượng cánh chung, hướng tới chân trời hy vọng, niềm hạnh phúc hoan vui, mà hình ảnh “Tiệc cưới của hoàng tử” như một lời ấn chứng, như một khắc họa sinh động và rõ nét: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình” (TM).

Thế nhưng, để hiểu và cảm nhận hết cái chiều kích dài rộng và sâu xa, sinh động của “dụ ngôn tiệc cưới cho hoàng tử” nầy, có lẽ chúng ta phải quay lưng thoáng nhìn về những “kỷ niệm đã qua” của những chặng đường lịch sử cứu độ vào thời Cựu ước.

Thật vậy, kể từ ngay buổi đầu nhân loại, khi A-đam và E-Va bị đuổi khỏi địa đàng, Thiên Chúa luôn kiên định một chương trình của yêu thương và cứu độ, một Thiên Chúa như mục tử hằng chăm sóc đàn chiên cách tuyệt vời như được diễn tả qua Thánh vịnh 22: “Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng…”.

Ở giữa một thế giới mà con đường dài lịch sử ghi đậm bao bát nháo điêu linh và đầy tràn tội lỗi, Thiên Chúa vẫn không ngừng gieo những hạt mầm của niềm tin và hy vọng; niềm tin về một “Đất Hứa với sữa và mật tuôn tràn”, niềm tin về một “Giêrusalem tưng bừng hoan hỷ”, niềm tin về một “địa đàng với suối mát đồng xanh để hàng hàng lớp lớp đàn chiên tha hồ ăn no và nằm nghỉ”; niềm tin về một thế giới thái bình thịnh trị đến độ “cung kiếm chiến tranh đã biến thành liềm hái hòa bình, sói cọp hung hăng nên hiền lành chơi chung với chiên dê thỏ sóc”; niềm tin và hy vọng thế giới sẽ trở thành “Bữa tiệc”, một hình ảnh, một ẩn dụ rất thường được các nhà tiên tri trong Cựu Ước sử dụng để diễn tả “điểm đến của một chương trình, một lời đoan hứa, một ước giao”, như những lời của ngôn sứ Isaia chúng ta vừa nghe nơi Bài đọc một: “Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người…”.

Và dân Israel cách đây 2000 năm đã như “rờ đụng” được tới cái ngưỡng cửa của “Bàn Tiệc Nước Trời” đó, khi chứng kiến hay tham dự “bữa tiệc đại trà” trên thảm cỏ xanh giữa thảo nguyên của cả một đoàn lũ “5 ngàn người không kể đàn bà con nít” với bánh và cá ăn thả dàn; hay khi tận mắt nhìn thấy cả chục kẻ phung cùi bỗng nhiên lành sạch từ một tuyên bố giản đơn “Anh em hãy đi trình diện với các thầy tư tế”; và rồi, nào những kẻ què nhảy cững như nai, những anh chàng mù sáng mắt, bà mẹ goá Naim có lại đứa con yêu trở về từ cõi chết, người phụ nữ 12 năm lao đao thập tử nhất sinh đã hoàn toàn bình phục nhờ “chạm đến cái gấu áo của Ngài”…; cả những chàng thu thuế như Matthêô, Giakê… bấy lâu bị dẽ bỉu rẽ khinh bởi một rừng ánh mắt của đố kỵ, loại trừ, đã hân hoan mở tiệc vui mừng vì được Thầy đến viếng thăm chung chia chén tạc chén thù; cả những cô gái bị xã hội lườm nguýt khinh khi vì cuộc sống lăng loàn tội lỗi, cũng mạnh dạn “mang dầu thơm tới đại tiệc” để xức chân Thầy cùng với những giọt nước mắt hoan vui của trái tim nóng bừng sám hối…

Quả thật, những điều kể trên nào chẳng phải là một hiện thực hoá dụ ngôn “Tiệc cưới của hoàng tử” mà Tin Mừng Matthêô hôm nay được công bố: “Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới”. Và nhất là, kể từ “viễn tượng Nước Trời” được mở ra cho tên trộm bị đóng đinh trên đồi Sọ vào buổi chiều thứ Sáu ảm đạm và loang máu: “Hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với ta”, niềm hy vọng về một Nước Trời hoan vui và hạnh phúc đã thật sự đang bừng lên từng ngày trên muôn nẻo đường thế giới, nhất là cho những ai tin tưởng đáp lại lời mời của vị Quân vương hào sảng quảng đại: “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.”.

Đúng vậy, kể từ sau biến cố Chúa Lên Trời, Hội Thánh của Chúa Ki-tô được khai sinh bởi “lửa” của Thần Khí, đã được sai vào thế gian để loan báo Tin Mừng Nước Trời, Tin vui của một “Bàn Tiệc cho hết thảy anh em từ khắp tứ phương thiên hạ”. Sứ mệnh của Hội Thánh đó chính là “nối dài Đức Kitô Phục sinh” để đổ đầy rượu niềm vui đang thiếu, để hiệp nhất lại những dang dở của một tháp Babel rạn nứt và chia rẽ, để tập họp nhân loại vào một “Bàn Tiệc” hoan vui của anh em tứ hải giai huynh đệ, mà ở trung tâm của Bàn Tiệc đó chính là “Hoàng tử của Vua”, là Con Một của Cha Trên Trời.

Hội Thánh suốt 2000 năm nay đã thực thi sứ mệnh “dẫn đưa nhân loại vào bàn Tiệc Nước Trời” qua những lời rao giảng, những cung cách phục vụ bác ái yêu thương, qua những công trình phúc lợi, sẻ chia, thăng tiến tình huynh đệ, hiệp thông, như chứng từ của Thánh Phaolô và cộng đoàn tín hữu Philipphê mà chúng ta vừa nghe qua Bài đọc 2: “Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn. Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi. Nhưng anh em đã hành động chí lý khi san sẻ nỗi quẫn bách của tôi. Xin Thiên Chúa cung cấp dư dật những nhu cầu của anh em, theo sự phú túc vinh sang của Người trong Đức Giêsu Kitô…”.

Vâng, viễn tượng Nước Trời qua “dáng đứng của Tiệc cưới hoàng tử” chính là đích điểm của chân trời cứu độ của Thiên Chúa, của công cuộc Vượt Qua của “Hoàng Tử Kitô”, của sứ mệnh “Gaudium et Spes”, Vui mừng và Hy vọng của Hội Thánh trong thế giới hôm nay, một thế giới, hơn lúc nào hết, như Đức Thánh Cha trong Thông điệp xã hội mới nhất của ngài - Fratelli Tutti (Tất cả là anh em) trở nên một gia đình hiệp nhất và huynh đệ: “Vậy, chúng ta hãy mơ ước như một gia đình nhân loại đơn nhất, như những người bạn cùng du hành, cùng có chung một xương thịt, như những người con của cùng một trái đất, vốn là ngôi nhà chung của chúng ta, mỗi người chúng ta mang theo sự phong phú trong các niềm tin và xác tín của mình, mỗi chúng ta với tiếng nói riêng của mình, tất cả đều là anh chị em.” (FT 8).

Và hết thảy chúng ta, trong chính Bàn Tiệc Thánh Thể nầy, nơi chúng ta được mời đón và chăm sóc tận tình như cách cảm nhận của tác giả Thánh vịnh 22: “Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa…”, lẽ nào lại quay lưng chối từ bằng thái độ xem thường lãnh đạm, lo ra chia trí, tội lỗi bất xứng…; và có lẽ còn hơn thế nữa, biến cuộc sống Kitô hữu mà tấm áo trắng của ngày lãnh bí tích Rửa tội đã bị xé toang để trở nên “mình trần thân trụi” hay thay bằng tấm áo “chim cò” bất xứng của thế tục, của dục vọng đam mê…

Có vui gì đâu khi vào buổi xế chiều cuộc sống lại nghe văng vẳng đâu đó lời cay đắng từ dụ ngôn “Tiệc Cưới” hôm nay: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng”. Không, tôi phải đĩnh đạc đi vào tiệc cưới bằng trang phục của Tin Mừng, của khó nghèo, biết xót thương, trong sạch, xây dựng hoà bình…; đơn giản, vì “tấm thiệp mời” đã ghi: “Nước Trời dành cho những ai….như thế” !

Trương Đình Hiền
 
Chiếc áo cưới của tôi
Lm. Xuân Hy Vọng
11:34 10/10/2020
CHIẾC ÁO CƯỚI CỦA TÔI

Trong những tiệc tùng, cách riêng đám cưới ngày nay, ai nấy đều diện lên những bộ áo quần lộng lẫy, rực rỡ, sang trọng khi được mời tham dự. Lẽ dĩ nhiên, mọi người tổ chức cũng như tham dự viên đều luôn vui tươi, hớn hở, tay bắt mặt mừng, trao cho nhau những lời chúc đằm thắm, và đôi khi cũng ‘có cánh’ nữa!

Tiệc cưới trần gian hoành tráng, cao sang, trịnh trọng, rực rỡ thế nào, thì tiệc cưới Nước Trời vượt xa những sự chóng quá, phù phiếm và vô thường như vậy. Tuy nhiên, khách được mời dự tiệc Nước Trời đã không chịu đến, mặc dù tiệc mừng đã dọn sẵn, đã hạ bò, thịt bê béo, mọi sự đã tươm tất (x. Mt 22, 3. 4. 8). Chúng ta thấy rằng tất cả những lí do, lời biện giải mà khách mời đưa ra hoàn toàn không xứng tầm với ơn diễm phúc được dự tiệc Nước Trời; nào là “chẳng thèm đếm xỉa, lại bỏ đi: kẻ đi thăm trang trại, người thì đi buôn, có khi còn bắt các đầy tớ, nhục mạ và giết chết” (x. Mt 22, 5-6). Nhìn thật kỹ và gần, chúng ta sẽ nhận ra chi tiết đó phản phất hình dáng và cuộc sống của bản thân chúng ta. Với thái độ khước từ, lãnh đạm, dửng dưng trước lời mời gọi tha thiết, nhẫn nại của Thiên Chúa theo dòng thời gian; ngược lại, chúng ta lao vào thói đời, đam mê thú vui trần thế. Chúng ta nhanh nhẹn dang tay, đưa chân cho những thứ vật chất chóng qua, tàn lụi qua năm tháng, dẫn dắt đến mức biến chúng ta thành kẻ lệ thuộc vào nó. Thay vì làm chủ vật chất, giờ đây, chúng ta trở nên ‘tôi tớ’ của nó, tệ hơn, là ‘nộ lệ’ kiểu mới của thú vui, triết thuyết, ý thức hệ đượm tính ‘vô sinh’ như lời Đức Thánh Cha Phan-xi-cô giải thích trong Thông điệp mới nhất Fratelli Tutti (Tất cả là Anh chị em): “các ý thức hệ khác nhau chi phối, tạo ra nhiều hình thái của thói ích kỷ, và đánh mất cảm thức xã hội với chiêu bài đội lốt bảo vệ lợi ích quốc gia…Hơn nữa, ý thức hệ được truyền bá nhằm huỷ hoại hay phá hoại tất cả các đặc tính khác biệt đa dạng, để dễ dàng cai trị mà không lo bị chống đối hoặc phản kháng nào” (x. Thông điệp Fratelli Tutti số 11 và 13 [theo bản dịch của tác giả viết bài suy niệm này]).

Quả thật, tiệc cưới Nước Trời trước tiên được mở ra cho dân Do thái. Nhưng vì họ lòng chai dạ đá, khước từ, và chẳng đoái hoài, “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời lại không xứng đáng…”, nên Thiên Chúa đã thi ân, ban phát rộng rãi, kêu mời tất cả các dân nước cùng đến thông phần tiệc vui khôn tả này “vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới” (x. Mt 22, 8-9 theo thứ tự trích dẫn trên). Cảm tạ Chúa đã đoái thương, và trao ban ơn sủng dự phần vào sự hạnh phúc viên mãn của Ngài! Bất luận nam hay nữ, già hay trẻ, văn hoá, ngôn ngữ, màu da, tôn giáo khác nhau chăng nữa, tất cả được Chúa ưu ái gọi mời hết mọi người chia san đặc tính chân-thiện-mỹ, mà được nhận lãnh từ Ngài, là nguồn Chân-Thiện-Mỹ. Hơn nữa, là Ki-tô hữu, khi chịu Bí tích Thanh tẩy (Rửa tội), chúng ta cũng được khoác lên mình tấm áo trắng, dấu chỉ biểu trưng cho ‘tạo vật mới và mặc lấy Đức Ki-tô’ như lời trong nghi thức Rửa tội “…con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Ki-tô. Chiếc áo trắng này là dấu chỉ tước vị của con. Nhờ lời chỉ bảo và gương lành của thân nhân giúp đỡ, con hãy mang nó tinh tuyền mãi cho đến cõi trường sinh” (theo “Sách lễ nghi Giám mục”, cuốn De Benedictionibus được Thánh Bộ Phụng Tự ban hành 31/5/1984). Chiếc áo trắng này phản phất hình ảnh áo cưới dự tiệc Nước Trời. Lẽ dĩ nhiên, Chúa đã kêu mời tất cả vào Thiên quốc, và Ngài cũng trao cho chúng ta áo cưới để giúp chúng ta xứng đáng và hưởng trọn vẹn hạnh phúc tiệc mừng ấy. Áo cưới ấy không gì khác hơn chính là ân sủng cần thiết, là đặc sủng, ơn công chính hoá, ơn trở nên thụ tạo mới, ơn tha tội, ơn được làm con cái Chúa, và nhất là ơn ‘mặc lấy Đức Ki-tô’. Nghĩa là: bỏ con người cũ, bỏ những thói hư tật xấu của bản thân, mà mặc lấy lối sống, cách suy nghĩ, ánh nhìn, thái độ, tư tưởng, hành vi, cung cách đối nhân xử thế của Đức Ki-tô. Ngài yêu thương mọi người, không loại trừ ai, không giản lược ai thành đồ vật hay phương tiện để đạt mục đích riêng; trong khi đó, chúng ta thường mến mộ với kiểu thiên vị, bè phái, loại trừ tha nhân, và có thái độ rút gọn, giảm thiểu anh chị em dựa trên não trạng hẹp hòi, thiển cận của cá nhân. Đức Ki-tô hằng quan tâm, an ủi vỗ về những ai bé mọn, nghèo hèn, những ai bị bỏ rơi trong quên lãng do thái độ dửng dưng, phớt lờ của con người cũng như cộng đồng xã hội. Ngài luôn thương xót, tha thứ cho kẻ tội lỗi biết ăn năn trở về; Ngài đón nhận hết thảy những ai bị ‘nhốt trong tường luỹ ngăn cách của hận thù, mê muội, vô tri’, cũng như ôm trọn tất cả mọi người có lòng thiện chí, hy sinh, dấn thân cho công lý-hoà bình-công ích, v.v…Như vậy, khi tôi được trao áo cưới để tham dự tiệc Nước Trời, thì tôi phải mặc lấy Đức Ki-tô, mặc lấy con người của Ngài trong mọi phương diện.

Quả vậy, nhờ mặc lấy Đức Ki-tô, và trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, mà Thánh Tông đồ Phao-lô dám quả quyết với giáo đoàn Phi-líp-phê: “Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi…” (x. Pl 4, 13), và đanh thét hơn “Tôi sống nhưng không còn là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (x. Gl 2, 20). Thánh nhân đã được nhận chiếc áo cưới, và khoác nó trên mình, đến độ chẳng rời xa bao giờ. Ngài giữ nó mãi tinh tuyền như con người Đức Ki-tô; ngài mặc nó trong mọi hoàn cảnh, mọi thời khắc; ngài chia sẻ Tin Mừng (chính Đức Ki-tô Giê-su) và tất cả những gì thuộc về Đức Ki-tô cho anh chị em khác, bất luận Do Thái hay Hy Lạp, tín hữu hay dân ngoại, tự do hay nô lệ, vượt xa hết thảy định kiến thấp hèn của con người về sắc tộc, ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo. Còn bạn và tôi, là Ki-tô hữu, chúng ta cũng đã được khoác trên mình chiếc áo cưới trắng ấy. Chúng ta sẽ mặc nó mãi, giữ cho nó tinh tuyền, và chia san mọi nét phú túc vinh sang của nó qua cuộc sống hằng ngày, qua môi trường làm việc, gặp gỡ mọi người, qua các lĩnh vực chuyên môn của chúng ta chứ? hay ngược lại, trở nên nhát đảm, cất giấu như hình ảnh người không mặc y phục lễ cưới trong dụ ngôn, hoặc phủ lên nó những gì trần tục, chóng qua của vật chất, danh vọng, thành đạt hão huyền, tệ hơn là đánh mất, vứt bỏ nó như thể nền văn hoá ‘vứt bỏ/bỏ đi/huỷ hoại’ ngày nay, thứ văn hoá mà Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô khuyến cáo nhiều lần (x. Thông điệp Fratelli Tutti số 18 và 19 [theo bản dịch của tác giả viết bài suy niệm này]).

Sau cùng, chúng ta cùng mượn lời của Thánh Tông đồ Phao-lô trong gửi cho giáo đoàn Ga-lát mà chung lời nguyện xin: “Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô” (Gl 3, 27).

Chiếc áo cưới tinh tuyền
Chẳng được mua bằng tiền
Nhưng chính nhờ Bửu Huyết
Rửa sạch hết tội nhơ.
Bạn và tôi ghi nhớ:
Khoác áo cưới mỗi ngày
Mặc lấy con người Thầy
Yêu thương và tha thứ
Dự tiệc cưới Nước Trời. Amen!


Lm. Xuân Hy Vọng
 
Lời mời dự tiệc hoàng gia, đáng không ta ?
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
16:16 10/10/2020
Dụ ngôn Vua mở tiệc cưới cho hoàng tử rất hay, nhưng Chúa Giêsu có vẻ xa thực tế. Ai mà quá khờ dại đến nỗi từ chối lời mời tham dự tiệc cưới hoàng gia? Một miếng đầu làng bằng một sàng xó bếp, huống lọ là một miếng nơi cung đình chốn hoàng gia, lại càng đáng ước ao sao xiết ! Ngày nay TT Mỹ gây quỹ bằng cách tổ chức các bữa ăn, được ăn sáng với TT, bỏ ra vài ngàn đô có là gì? Đàng này được mời miễn phí dự tiệc cưới hoàng tử, làm sao lại từ chối. Ấy vậy mà nhiều khi con ngươi lại có thể rất dại khờ để từ chối.

Ta thử xét xem trường hợp có vẻ thực tế hơn về anh chàng kia, khi đang làm việc trên cánh đồng, bỗng sứ giả nhà vua đột ngột xuất hiện, báo cho anh một tin rất là tuyệt diệu.

"Anh được mời đến dự bữa tiệc hoàng gia",

Nghe tin này, Anh như từ cung trăng rơi xuống. Trong phút chốc, cuộc đời buồn tẻ của anh đã thay đổi.

"Chính xác bữa tiệc bắt đầu lúc nào?", anh hỏi.

"Tối nay", sứ giả đáp và thêm, "Khoảng một giờ nữa, tôi sẽ trở lại để nhận câu trả lời của anh. Anh phải có câu trả lời rõ ràng đi hay không đi." Rồi sứ giả đi.

Bữa tiệc được tổ chức ngay tối nay ! Anh chàng nghĩ. Điều này thay đổi mọi chuyện. Anh coi lại công việc anh đã làm. Thật tốt. Rồi anh nhìn đến những gì còn phải làm. May mắn, anh có thể hoàn thành hôm nay. Thật dễ chịu khi hoàn tất mọi việc. Lại nữa, Thời tiết lý tưởng để anh hoàn thành những gì chưa xong. Anh xem lại mấy con bò, chúng còn mới trong công việc, anh phải giúp chúng thích ứng ngay hôm nay, không thể bỏ dở dang công việc này được. Anh sắp sửa làm thì lúc đó anh nhìn lên và anh thấy gì? Anh thấy sứ giả hoàng gia đang đi vào cánh đồng của người hàng xóm của anh, mà anh với người hàng xóm từ lâu nay hục hặc.

“Vậy người hàng xóm này cũng được mời à !” Giả sử, có thể như vậy, anh bị đặt ngồi cạnh anh ta tại bàn tiệc ư? Thật là một điều không thể chấp nhận được. Tất cả những hấp dẫn của bữa tiệc hoàng gia bỗng nhiên bắt đầu mất dần…

-Rồi điều buồn tẻ nữa là giặt giũ và thay quần áo. Anh sẽ mặc bộ nào? Ngay cả bộ đồ tốt nhất của anh hình như cũng chưa xứng với bữa tiệc hoàng gia; và anh lại không thích cảm giác bị khinh dể trước mặt nhà vua và các vị khách mời khác.

-Rồi dần dần, từng mối nghi ngờ bắt đầu nổi lên, chỉ trước đây ít phút, bầu trời trong xanh rực sáng, giờ đã trở thành u ám tối tăm. Anh bắt đầu có những ý nghĩ khác. Tốt hơn, hôm nay nên làm xong công việc cày bừa, và việc huấn luyện mấy con bò cũng cần phải hoàn tất.

"A", anh thở dài, "Nếu bữa tiệc được tổ chức vào tối mai, khi ta đã cày bừa xong, và ta sẽ không phải suy nghĩ lại về lời mời."

Khi sứ giả trở lại thì anh cũng đã quyết định xong.

"Sao", sứ giả nói, "anh đi chứ?"

"Tôi phải làm xong phần đất này", Anh bắt đầu phân trần, tôi phải hoàn tất việc huấn luyện mấy con bò. Ngoài ra, tôi …", nhưng sứ giả đã vội ngắt lời anh :

"Chỉ cần nói cho tôi biết anh đi hay không đi."

"Tôi e rằng tôi sẽ không đi", Anh nói. Anh định nói lời xin lỗi, nhưng sứ giả đã đi mà không buồn nghe.

Dụ ngôn là nhằm nói về một thực tại nào đó. Dụ ngôn mời dự tiệc cưới nói về Nước Trời, nhưng trong những ngày gần cuối của Năm Thánh Thể, (kết thúc 23-10 khánh nhật truyền giáo) chúng ta có thể nói ngay rằng dụ ngôn mời dự tiệc cưới hôm nay cũng nói về bữa tiệc Thánh Thể nữa.

Chúng ta được mời dự tiệc Chúa trời đất, Vua muôn Vua. Món ăn là bánh bởi trời, là thịt Chiên Thiên Chúa. Nhưng chúng ta sẽ dễ dàng từ chối như dụ ngôn Chúa nói, như chàng trai kia viện dẫn rằng :

-Đi Nhà Thờ mà phải ngồi cạnh bà già khó tính kia thì thà ở nhà còn hơn.

-Hôm nay Chúa nhật, nhưng còn phải học, còn phải thi, còn phải đi chơi, còn phải đi làm nữa chứ. Nằm nướng một chút cho khoẻ rồi đi học.

-Đi lễ mà nghe ông cha giảng dài, dở, dai, thì đi làm gì? Đi thêm tức.

Hoặc đi lễ mà ông cha chưa mở miệng mình đã biết tỏng ông nói gì rồi, thì đi có ích gì đâu.

-Nhà Thờ gì mà nóng quá, đi lễ đổ thêm bệnh

-Nhà Thờ gì mà ồn quá, con nít chạy ngang dọc, đi lễ thêm bực mình

-Thời giờ là vàng bạc, một giờ ở Nhà Thờ, nếu ở nhà mình làm được biết bao nhiêu là việc.

Lý lẽ này còn mạnh hơn nữa :

-Bà Y ông X đi lễ hoài mà có thấy hơn gì đâu, cũng cau có, la rầy.

-Mai mốt phán xét Chúa có hỏi mỗi tuần mấy lần đi lễ đâu, mà chỉ toàn cho kẻ đói ăn, khát uống, viếng kẻ tù rạc. Tôi dành ngày Chúa tôi thực thi bác ái như Chúa dạy cũng đủ.

Thế là ta dư lý để từ chối lời mời dự Tiệc Thánh Thể, nếu ngăn trở thì còn Tiệc Lời Chúa. Mà ai ăn tiệc này có sự sống đời đời… Lời Thầy mới có sự sống đời đời (Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Ai ăn bánh này sẽ có sự sống đời đời) ấy vậy mà ta cũng còn viện đủ lẽ để chối từ, huống lọ là tiệc cưới hoàng gia ăn xong, no đó mà cũng đói đó.

Vì thế nếu ở đầu ta nghĩ Chúa kể dụ ngôn hơi xa thực tế, vì ai lại dại từ chối dự tiệc cưới hoàng tử, thì nghĩ kỹ lại, ta thấy dư sức để ta từ chối bữa tiệc còn hơn thế nữa, là Tiệc Thánh Thể.

Điều nguy hiểm nhất mà chúng ta phải đương đầu không phải chúng ta từ bỏ Thiên Chúa, bỏ lễ để quay sang điều ác, đi ăn trộm ăn cắp, giết người… mà nói đúng hơn, chúng ta chỉ làm ngơ lời mời gọi của Người mà thôi. Làm ngơ lời mời gọi của Thiên Chúa, nói chung, là hình thức từ chối tồi tệ nhất. Đó là sự thờ ơ lãnh đạm. Người thờ ơ lãnh đạm là người khó hoán cải nhất. Thà nóng hoặc lạnh hẳn. Hâm hâm dở dở Chúa sẽ mửa ra.

Vào năm 1978-79 khi về nhà chăm sóc cho người cha bị liệt, tôi có một cảm nghiệm này là : ngày nào không đi lễ được, là ngày đó thiếu vắng một cái gì ghê lắm, còn vắng hơn cả vắng cà phê thuốc lá của những người nghiền cay đắng. Đi lễ trở thành ghiền ! Đây Chiên Thiên Chúa, Đây Đấng xoá tội trần gian. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc chiên Thiên Chúa.

Chớ gì chúng ta đừng nại bất cứ lý do gì dù xem ra hợp lý đến mấy để từ chối tham dự tiệc cưới Con Chiên, bữa tiệc hai món : Tiệc Lời Chúa và Tiệc Thịt Chúa.

Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(nương theo bài Nhóm Đồng Hành Sg)
 
Làm Ngơ
Lm. Antôn Phạm Trọng Quang, SVD
18:57 10/10/2020

Làm Ngơ
Mt 22, 1-10

Trong bài Tin Mừng của Chúa nhật tuần này Chúa Giêsu tiếp tục dùng dụ ngôn để lý giải với các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân chúng về ý nghĩa Nước trời.

Chúa Giêsu kể rằng Nước trời giống như vua kia tổ chức tiệc cưới cho hoàng tử. Sau khi chuẩn bị xong bữa tiệc, vua sai đầy tớ đi mời khách tới dự. Tuy nhiên người nào cũng ngoảnh mặt làm ngơ, từ chối lời mời của đức vua. Ai nấy đều tìm đủ mọi lý do, người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán, người khác còn tệ hơn, bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi.

Nghe thế nhà vua liền tức giận và sai lính đi trừng trị những kẻ bất nhân. Kế hoạch của nhà vua có vẻ đã thất bại. Tuy nhiên, vì lòng nhân từ và tính kiên nhẫn, nhà vua tiếp tục sai đầy tớ ra các ngả đường gặp ai thì mời người đó, vì “tiệc cưới đã dọn sẵn sàng.” Phòng tiệc vì thế đã đầy khách, nhưng oái ăm thay, khi có người vào dự tiệc mà không mặc y phục lễ cưới, vì thế nhà vua đã truyền cho đầy tớ “trói tay chân nó lại, ném ra ngoài nơi tối tăm, ở đó có khóc lóc và nghiến răng.”

Bạn thân mến, Thiên Chúa đã dọn sẵn cho nhân loại bữa tiệc vĩnh hằng, đó là Nước thiên đàng nơi đó đầy mọi thứ niềm vui và hạnh phúc, nơi đó chúng ta được hợp cùng với Đức Mẹ, các thiên thần và các thánh để ca tụng Thiên Chúa uy linh. Tuy nhiên, biết bao nhiêu người đã làm ngơ và không đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa.

Hơn nữa, câu chuyện dụ ngôn mà Chúa kể cho chúng ta hôm nay cũng rất hợp để áp dụng cho người tín hữu thời nay, nhất là cho các bạn trẻ. Bữa tiệc mà chính Chúa Giêsu đã thiết lập và truyền lệnh cho Giáo hội “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy,” đó là Thánh Lễ Missa là một bữa tiệc rất quan trọng cho mọi tín hữu nên Ngài đã không ngừng mời gọi chúng ta tham dự, tuy nhiên có biết bao nhiêu người luôn tìm cách ngoảnh mặt làm ngơ, từ chối không đi tham dự thánh lễ.

Cuộc sống ngày hôm nay khiến chúng ta có nhiều lý do để từ chối lời mời của Chúa. Con người thời nay chỉ thích làm việc riêng mình thích. Người thì bảo bận công việc họp hành, người thì bảo phải tham gia gặp gỡ bạn bè, kẻ khác lo đi làm tăng ca, học sinh thì bận lịch học thêm, lại có người quan niệm “đạo tại tâm” nên từ chối không đến với nhà thờ và đến với Chúa.

Thực ra, con người ngày nay đang tìm cách biện minh cho tính ích kỷ cá nhân và sống khép kín của mình. Lối sống của con người ngày nay rất thiếu tính cộng đồng, ngay cả người Công Giáo, nhiều người lại không muốn cho người khác biết mình là Kitô hữu. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng đức tin và hành độn điều rất quan trọng, cả hai phải tồn tại song song. Chính thánh Giacôbê tông đồ đã nói: “đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2: 17). Vì thế để chứng minh mình là người có đạo, để đón nhận những lợi ích thiêng liêng từ Thiên Chúa, thì chúng ta phải có hành động cụ thể, đó là sự cầu nguyện và tham dự các Bí tích.

Xin cho mọi người chúng ta luôn sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa, siêng năng tham dự bàn tiệc Thánh Thể bằng tất cả sự yêu mến và biết ơn. Nhất là khi đến với bàn tiệc thánh cần phải biết “mặc áo cưới” đó là tinh thần hân hoan, chăm chú lắng nghe lời dạy của Chúa và thực hành những điều Chúa dạy. Cuộc đời chúng ta sẽ là một ngày lễ, mặc dù hằng ngày chúng ta có biết bao bận rộn và lo âu, nhưng không vì thế mà chúng ta làm ngơ không tham dự thánh lễ quan trọng này cho nên.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lễ tuyên Chân Phước cho Carlo Acutis tại Vương Cung Thánh Đường thánh Phanxicô thành Assisi
Đặng Tự Do
16:09 10/10/2020


Lúc 4 giờ chiều theo giờ địa phương hôm thứ Bẩy 10 tháng 10, tức là 9 giờ tối cùng ngày theo giờ Việt Nam, lễ tuyên tuyên Chân Phước cho cậu bé Carlo Acutis qua đời lúc mới 15 tuổi vào năm 2006 đã diễn ra tại Vương Cung Thánh Đường thánh Phanxicô thành Assisi.

Với lễ tuyên chân phước cho Carlo Acutis, Giáo Hội Công Giáo lần đầu tiên có một Chân Phước mặc quần jean, áo thun, say mê máy tính, nhưng đặc biệt hơn cả là yêu mến Sự Hiện Diện Thật Sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.

“Luôn luôn kết hợp với Chúa Giêsu là chương trình cuộc sống của tôi,” Carlo Acutis viết khi mới 7 tuổi.

Cậu bé say mê máy tính trẻ tuổi người Ý, chết vì bệnh bạch cầu khi mới 15 tuổi, đã dâng hiến sự đau khổ của mình cho Đức Giáo Hoàng và Giáo hội. Cậu đã được tuyên Chân Phước vào ngày 10 tháng 10 trong một thánh lễ được trực tiếp truyền hình đến nhiều quốc gia trên thế giới.

“Từ khi còn là một đứa trẻ… cậu ấy đã nhìn vào Chúa Giêsu. Tình yêu đối với Bí tích Thánh Thể là nền tảng duy trì mối quan hệ của cậu với Chúa. Vị tân Chân Phước thường nói ‘Bí tích Thánh Thể là con đường dẫn đến thiên đàng của tôi,’” Đức Hồng Y Agostino Vallini nói trong bài giảng lễ tuyên Chân Phước.

“Carlo cảm thấy có nhu cầu mạnh mẽ là phải giúp mọi người khám phá ra rằng Chúa đang ở gần chúng ta và thật tuyệt khi ở bên Ngài để tận hưởng tình bạn và ân sủng của Ngài.”

Trong thánh lễ tuyên Chân Phước, cha mẹ của Acutis đã tiến lên cung thánh theo sau một thánh tích của trái tim con trai họ được đặt gần bàn thờ. Một tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được đọc to, trong đó Đức Thánh Cha tuyên bố rằng ngày lễ của Carlo Acutis sẽ diễn ra hàng năm vào ngày 12 tháng 10, ngày kỷ niệm cái chết của cậu tại Milan vào năm 2006.

Các tín hữu và khách hành hương đeo khẩu trang y tế đứng tràn ra phía trước Vương cung thánh đường Thánh Phanxicô và khắp các quảng trường ở Assisi để xem thánh lễ trên màn hình lớn vì lý do phòng chống đại dịch coronavirus chỉ có một số lượng người hạn chế được phép vào trong.

Việc tuyên Chân Phước cho Acutis đã thu hút khoảng 3,000 người từ các nơi khác đến Assisi, bao gồm những người biết cá nhân Acutis và nhiều người trẻ khác được truyền cảm hứng từ chứng tá của cậu.

Mattia Pastorelli, 28 tuổi, là bạn thời thơ ấu của Acutis, là người gặp anh lần đầu khi cả hai mới 5 tuổi. Anh ấy nhớ đã chơi các trò chơi điện tử, bao gồm cả Halo, với Carlo.

“Có một người bạn sắp trở thành một vị thánh là một cảm xúc rất kỳ lạ,” Pastorelli nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, ngày 10 tháng 10. “Tôi biết anh ấy khác với những người khác, nhưng giờ đây tôi nhận ra anh ấy đặc biệt đến mức nào.”

“Tôi đã theo dõi anh ấy khi anh ấy đang lập trình các trang web… Anh ấy thực sự là một tài năng đáng kinh ngạc,” Pastorelli nói thêm.

Trong bài giảng của mình, Đức Hồng Y Vallini, đặc sứ của Đức Thánh Cha tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phanxicô, đã ca ngợi Acutis như một gương mẫu về cách người trẻ có thể sử dụng công nghệ để phục vụ Tin Mừng, để “tiếp cận càng nhiều người càng tốt và giúp họ biết đến vẻ đẹp trong tình bạn với Chúa”.

Đối với Carlo, Chúa Giêsu là “sức mạnh của cuộc đời ngài và mục đích của mọi việc ngài đã làm,” vị Hồng Y nói.

“Anh ấy tin chắc rằng để yêu thương mọi người và làm điều tốt cho họ, anh chị em cần phải kín múc năng lượng từ Chúa. Với tinh thần này, cậu rất sùng kính Đức Mẹ”.

“Mong muốn nồng nhiệt của cậu ấy cũng là thu hút càng nhiều người đến với Chúa Giêsu, khiến bản thân trở thành người loan báo Tin Mừng trên hết bằng tấm gương đời sống của chính mình”.

Khi còn trẻ, Acutis đã tự học cách lập trình và tiếp tục tạo ra các trang web liệt kê các phép lạ Thánh Thể trên thế giới và các cuộc hiện ra của Đức Mẹ.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng:

“Hội thánh vui mừng, vì ở nơi Chân phước còn rất trẻ này, lời Chúa đã được ứng nghiệm: ‘Ta đã chọn con và chỉ định con ra đi và sinh nhiều hoa trái’. Và Carlo đã ‘ra đi’ và mang lại hoa trái của sự thánh thiện, tôn vinh sự thánh thiện như một mục tiêu mà tất cả mọi người đều có thể đạt được chứ không phải là một cái gì đó trừu tượng và chỉ dành riêng cho một số ít người”.

“Anh ấy là một cậu bé bình thường, giản dị, bộc trực, dễ mến. Cậu bé yêu thiên nhiên và các động vật, chơi túc cầu. Cậu có nhiều bạn bè cùng lứa tuổi. Cậu bị thu hút bởi các phương tiện giao tiếp xã hội hiện đại, đam mê khoa học máy tính và tự học. Cậu ấy đã xây dựng các trang web để truyền Tin Mừng, để loan truyền các giá trị và vẻ đẹp.”

Trong những ngày này Assisi đang cử hành lễ tuyên Chân Phước cho Carlo Acutis kéo dài hơn hai tuần lễ từ ngày 1 đến 17 tháng 10. Trong thời gian này, hình ảnh của một Acutis trẻ trung đứng bên cạnh một ngôi sao khổng lồ cùng với các biểu tượng Thánh Thể có thể được nhìn thấy trước các nhà thờ xung quanh thành phố Thánh Phanxicô và Thánh Clara.

Nhiều người đứng xếp hàng để cầu nguyện trước lăng mộ của Carlo Acutis, nằm trong khu hầm mộ của Assisi trong Nhà thờ Đức Bà Cả. Nhà thờ đã tăng giờ mở cửa cho đến tận nửa đêm trong suốt hai tuần lễ mừng việc tuyên Chân Phước để cho phép nhiều người đến cầu nguyện bên thi hài của Acutis.

Cha Boniface Lopez, một linh mục dòng Phanxicô Capuchin nói với CNA rằng ngài lưu ý thấy nhiều người đến thăm ngôi mộ của Acutis cũng đã tận dụng cơ hội để đi xưng tội. Tại đây có các tòa giải tội bằng nhiều ngôn ngữ trong suốt 17 ngày trưng bày thi thể của Acutis.

“Nhiều người đến gặp Carlo để cầu nguyện và xin ơn trong đó có nhiều người trẻ. Họ đến để xưng tội, họ đến vì họ muốn thay đổi cuộc đời và họ muốn đến gần Chúa và thực sự cảm nghiệm về Chúa,” Cha Lopez nói.

Các nhà thờ trên khắp thành phố Assisi cũng tổ chức thêm các giờ Chầu Thánh Thể để đánh dấu việc tuyên Chân Phước cho Acutis.

Lopez nói rằng anh cũng đã gặp nhiều nữ tu và linh mục đến hành hương để viếng thi hài Actutis. “Các nữ tu đến đây để xin ơn giúp họ nuôi dưỡng một tình yêu lớn hơn đối với Bí tích Thánh Thể”.

Như Acutis đã từng nói: “Khi đối diện với mặt trời, chúng ta bị rám nắng nhưng khi đứng trước Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta trở thành những vị thánh. “


Source:Catholic News Agency
 
Khoa học gia Ý chứng minh coronavirus là nhân tạo, do Trung Quốc chế ra
Đặng Tự Do
16:45 10/10/2020


Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết theo Giáo sư Joseph Tritto, coronavirus là nhân tạo, do Trung Quốc gây ra.

Giáo sư Joseph Tritto là tác giả cuốn “Cina Covid 19. La Chimera che ha cambiato il Mondo”, nghiã là “Covid 19 của Tầu. Quái thú thay đổi Thế Giới”, vừa được nhà xuất bản Edizioni Cantagalli phát hành trong tháng 9 vừa qua.

Trong cuốn sách này, tác giả đưa ra nhiều luận cứ khoa học dẫn đến kết luận virus này không có trong tự nhiên mà được tạo ra trong phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, nói chính xác là thuộc phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp 4 của Trung Quốc.

Ngoài những trách nhiệm đạo đức về những gì đã xảy ra, đại dịch Trung Quốc này đang phá vỡ cuộc sống và nền kinh tế của toàn thế giới, khi hướng đến tương lai.

Theo quan điểm của ông, có một nhu cầu cấp bách cần phải có các quy tắc an toàn trên toàn thế giới nhằm điều chỉnh các nghiên cứu liên quan đến cách tạo ra virus trong các phòng thí nghiệm, về cách các phòng thí nghiệm P4 (an toàn sinh học cấp độ 4) có thể hoạt động, về mối quan hệ giữa các phòng thí nghiệm quân sự và dân sự, và buộc Trung Quốc và các nước khác phải ký công ước về vũ khí sinh học và độc tố.


Source:Asia News
 
Người được trao giải Nobel Hóa Học năm nay vừa chế ra phương pháp thử coronavirus có kết quả trong 5 phút
Đặng Tự Do
16:59 10/10/2020
Một nhóm các nhà nghiên cứu ở California đã phát triển một loại thử nghiệm có thể phát hiện coronavirus trong vòng 5 phút với độ chính xác rất cao. Tốc độ này có được là do việc sử dụng công nghệ di truyền và camera của điện thoại thông minh sau khi được sửa đổi.

Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại Học Berkeley, dẫn đầu bởi Tiến sĩ Jennifer Doudna, người được trao giải Nobel Hóa học năm nay, cùng với nữ khoa học gia Pháp Emmanuelle Charpentier.

Cho đến nay, hầu hết các thử nghiệm Covid-19 cần ít nhất 24 giờ mới cho ra kết quả. Do sự lây lan của vi rút và nhu cầu xét nghiệm rất cao, rất thường khi người ta phải đợi 3 hoặc 4 ngày để nhận được chẩn đoán dương tính hoặc âm tính.

Ngoài ra còn có một vấn đề về độ tin cậy. Các xét nghiệm hiện có trên thị trường, được phát triển sau đợt coronavirus đầu tiên, có độ chính xác chỉ lên đến 30%.

Một ví dụ tiêu biểu nhất: tháng 3 năm ngoái tại Peru, để giải quyết cuộc khủng hoảng Covid, tổng thống Martin Vizcarra đã mua 1.6 triệu bộ xét nghiệm chủ yếu từ Trung Quốc. Do độ tin cậy quá thấp của chúng, Peru hiện là quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid cao nhất thế giới. Các bác sĩ cho rằng tính không đáng tin cậy của các xét nghiệm là một trong những lý do dẫn đến kỷ lục kinh hoàng này.

Phương pháp thử nghiệm Berkeley chưa có trên thị trường. Hiện tại, những gì người ta được biết là phương pháp này dựa trên việc phát hiện ra virus bằng các công cụ công nghệ di truyền, không cần khuếch đại DNA. Một camera điện thoại di động, được biến đổi thành tia laser với một thiết bị nhỏ, có thể tiết lộ sự hiện diện của virus và cả cường độ của nó. Xét nghiệm cũng có thể được thực hiện tại nhà, một cách cá nhân, và do đó giải quyết được việc xếp hàng dài tại các phòng thí nghiệm và các bệnh viện.


Source:Asia News
 
Toàn văn Thông điệp ‘Fratelli Tutti’, chương hai
Vũ Văn An
18:33 10/10/2020
CHƯƠNG HAI: MỘT NGƯỜI XA LẠ DỌC ĐƯỜNG

56. Không nên đọc chương trước như một mô tả lạnh lùng và vô tư về các vấn đề ngày nay, vì “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” [53]. Trong nỗ lực tìm kiếm một tia sáng giữa những gì chúng ta đang kinh qua, và trước khi đề nghị một vài hướng hành động, lúc này, tôi muốn dành một chương cho dụ ngôn được Chúa Giêsu Kitô kể lại cách nay hai nghìn năm. Mặc dù Thông điệp này được gửi đến tất cả những người có thiện chí, bất kể niềm tin tôn giáo của họ là gì, nhưng dụ ngôn này là một dụ ngôn mà bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể liên hệ với và cảm thấy là thách thức.



“Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Chúa Giêsu để thử Người rằng: ‘Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?’ Người đáp: ‘Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?’ Ông ấy thưa: ‘Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình’. Đức Giêsu bảo ông ta: ‘Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống’. Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giêsu rằng: ‘Nhưng ai là người thân cận của tôi?’ Đức Giêsu đáp: ‘Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lêvi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Samari kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.’ Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?’ Người thông luật trả lời: ‘Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy’. Đức Giêsu bảo ông ta: ‘Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy’”. (Lc 10,25-37).

Bối cảnh

57. Dụ ngôn trên liên quan đến một vấn đề rất xưa. Ngay sau khi tường thuật về sự sáng tạo ra thế giới và con người, Kinh Thánh đề cập đến vấn đề liên hệ giữa con người với nhau. Cain giết Abel em trai mình và sau đó nghe Thiên Chúa hỏi: "Abel, em trai của ngươi, đâu?" (St 4: 9). Câu trả lời của anh ta là câu trả lời mà chính chúng ta cũng thường đưa ra: “Tôi có phải là người canh giữ em trai tôi đâu?” (đd). Do chính câu hỏi Người đã đặt ra, Thiên Chúa không dành chỗ nào để nại tới thuyết tiền định hay thuyết định mệnh hòng biện minh cho sự thờ ơ của chúng ta. Thay vào đó, Người khuyến khích chúng ta tạo ra một nền văn hóa khác, trong đó chúng ta giải quyết các xung đột và việc quan tâm đến nhau của chúng ta.

58. Sách Gióp coi nguồn gốc của chúng ta từ một Đấng Tạo Hóa duy nhất là nền tảng của một số quyền lợi chung: “Chẳng phải Đấng đã tạo ra tôi trong lòng mẹ cũng đã tạo nên anh ta đó sao? Và không phải cùng một Đấng ấy đã tượng hình chúng ta trong bụng mẹ đó sao? " (Gióp 31:15). Nhiều thế kỷ sau, Thánh Irênê đã sử dụng hình ảnh giai điệu (melody) để đưa ra cùng một quan điểm: “Người tìm kiếm sự thật không nên tập trung vào các dị biệt giữa nốt này và nốt nọ, nghĩ như thể mỗi nốt nhạc được tạo ra tách biệt và cách biệt với các nốt nhạc khác; thay vào đó, họ nên nhận ra rằng cũng một người và cùng người đó đã sáng tác ra toàn bộ giai điệu” [54].

59. Trong các truyền thống Do Thái trước đây, mệnh lệnh yêu thương và chăm sóc người khác dường như chỉ giới hạn vào các mối liên hệ giữa các thành viên của cùng một quốc gia. Giới răn cổ xưa phải “yêu người lân cận như chính mình” (Lev 19:18) thường được hiểu như nói đến đồng bào của người ta, nhưng ranh giới dần dần được mở rộng, nhất là trong đạo Do Thái phát triển bên ngoài lãnh thổ Israel. Chúng ta gặp thấy mệnh lệnh đừng làm cho người khác điều bạn không muốn họ làm cho bạn (xem Tb 4:15). Vào thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên, Giáo sĩ Hillel từng tuyên bố: “Đây là toàn bộ Kinh Torah. Mọi sự khác đều là bình luận” [55]. Mong muốn bắt chước cách hành động của Thiên Chúa dần dần thay thế xu hướng chỉ nghĩ đến những người ở gần chúng ta nhất: “Lòng cảm thương của con người dành cho người lân cận của họ, nhưng lòng cảm thương của Chúa dành cho mọi sinh vật” (Hc 18:13).

60. Trong Tân Ước, giới luật của Hillel đã được diễn tả bằng những từ ngữ tích cực: “Trong mọi việc, hãy làm cho người khác như bạn muốn họ làm cho bạn; vì đây là luật và các ngôn sứ” (Mt 7:12). Mệnh lệnh này có tính phổ quát về phạm vi, bao trùm mọi người trên cơ sở nhân tính chung của chúng ta, vì Cha trên trời “làm cho mặt trời của Người mọc trên người dữ và người lành” (Mt 5:45). Do đó, mà có lời kêu gọi “hãy thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót” (Lc 6:36).

61. Trong các bản văn cổ nhất của Kinh Thánh, chúng ta tìm thấy lý do tại sao trái tim chúng ta nên mở rộng để đón nhận người xa lạ. Nó bắt nguồn từ ký ức bền bỉ của người Do Thái rằng chính họ đã từng sống như những người ngoại quốc ở Ai Cập:

“Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Aicập” (Xh 22:20).

“Người ngoại kiều, các ngươi không được áp bức; chính các ngươi đã biết thân phận của người ngoại kiều, vì các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập”(Xh 23: 9).

“Khi có ngoại kiều cư ngụ với (các) ngươi trong xứ các ngươi, các ngươi đừng bức hiếp nó. (Các) ngươi phải đối xử với người ngoại kiều cư ngụ với các ngươi như với một người bản xứ, một người trong các ngươi; (các) ngươi phải yêu nó như chính mình, vì các ngươi đã từng là ngoại kiều tại đất Aicập. Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi” (Lv 19: 33-34).

“Khi hái nho, thì anh (em) không được mót lại; những trái còn sót dành cho ngoại kiều và cô nhi quả phụ. Anh em hãy nhớ mình đã làm nô lệ bên đất Aicập” (Đnl 24: 21-22).

Lời kêu gọi bước vào tình yêu huynh đệ vang vọng suốt bộ Tân Ước:

“Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình ngươi”(Gl 5:14).

“Ai yêu thương anh em mình thì ở lại trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm. Nhưng ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng” (1 Ga 2,10-11).

“Chúng ta biết rằng: chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không yêu thương, thì ở lại trong sự chết” (1 Ga 3:14).

“Ai không yêu anh hay chị em mà mình nhìn thấy, thì không thể yêu Thiên Chúa mà mình chưa thấy” (1 Ga 4:20).

62. Tuy nhiên, lời kêu gọi yêu thương này có thể bị hiểu lầm. Thánh Phaolô, nhận ra cơn cám dỗ của các cộng đồng Kitô hữu đầu tiên muốn thành lập các nhóm khép kín và cô lập, đã thúc giục các môn đệ của ngài trổi vượt về tình yêu thương “với nhau và với mọi người” (1 Tx 3:12). Trong cộng đồng Thánh Gioan, các Kitô hữu đồng đạo phải được chào đón, “dù họ là những người xa lạ đối với anh em” (3 Ga 5). Trong bối cảnh này, chúng ta có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu: tình yêu thương không quan tâm đến việc anh chị em đang gặp khó khăn phát xuất từ nơi này hay nơi nọ. Vì “tình yêu phá tan xiềng xích vốn khiến chúng ta bị cô lập và cách biệt; ở nơi họ, nó xây dựng các cây cầu. Tình yêu giúp chúng ta tạo ra một gia đình lớn lao, trong đó, tất cả chúng ta có thể cảm thấy như ở nhà… Tình yêu tràn chẩy lòng cảm thương và phẩm giá” [56].

Bị bỏ rơi bên vệ đường

63. Chúa Giêsu kể câu chuyện về một người đàn ông bị kẻ trộm hành hung và nằm bị thương bên vệ đường. Một số người đi ngang qua ông ta, nhưng không dừng lại. Đây là những người nắm giữ các vị trí quan trọng trong xã hội, nhưng thiếu quan tâm thực sự đến lợi ích chung. Họ sẽ không lãng phí một vài phút để chăm sóc người đàn ông bị thương, hoặc thậm chí kêu gọi sự giúp đỡ. Chỉ có một người dừng lại, tới gần người đàn ông và đích thân chăm sóc ông ta, thậm chí chi tiền riêng của mình để cung cấp những gì ông ta cần. Người này cũng cho ông ấy một thứ mà trong thế giới điên cuồng của mình, chúng ta thường bám lấy thật chặt: ông đã cho ông ấy thời gian của mình. Chắc chắn, ông đã có kế hoạch riêng cho ngày hôm đó, những nhu cầu, cam kết và mong muốn của riêng ông. Tuy nhiên, ông đã có thể đặt tất cả những điều đó sang một bên khi đối diện với một người đang cần đến mình. Dù thậm chí không hề biết đến người đàn ông bị thương, ông vẫn thấy ông ta xứng đáng được ông dành thì giờ và sự quan tâm của ông.

64. Các bạn đồng nhất hóa với người nào trong số những người này? Câu hỏi này, một câu hỏi hết sức thẳng thừng, quả có tính trực tiếp và thấm thía. Các bạn giống với nhân vật nào trong số những nhân vật này? Chúng ta cần thừa nhận rằng chúng ta thường xuyên bị cám dỗ muốn phớt lờ người khác, nhất là những người yếu thế. Chúng ta hãy thừa nhận rằng, đối với mọi tiến bộ chúng ta đã đạt được, chúng ta vẫn còn “mù chữ” khi đụng tới việc đồng hành, chăm sóc và hỗ trợ những thành viên yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất trong các xã hội phát triển của chúng ta. Chúng ta đã trở nên quen thuộc với việc nhìn đi hướng khác, bước qua, phớt lờ các tình huống cho đến khi chúng ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta.

65. Có người bị tấn công trên đường phố của chúng ta, và nhiều người vội vàng chạy đi như thể họ không nhìn thấy. Người ta tông xe vào ai đó rồi bỏ chạy khỏi hiện trường. Mong muốn duy nhất của họ là tránh lôi thôi; Bất kể chuyện, vì lỗi của họ, mà một người khác có thể mất mạng. Tất cả những điều này là dấu hiệu của một cách tiếp cận cuộc sống đang lan tràn nhiều cách tinh tế khác nhau. Hơn thế nữa, bị mắc kẹt bởi các nhu cầu của chính mình, cảnh tượng một người đang đau khổ làm phiền chúng ta. Nó khiến chúng ta không thoải mái vì chúng ta không có thời gian để lãng phí cho các vấn đề của người khác. Đây là những triệu chứng của một xã hội không lành mạnh. Một xã hội tìm kiếm sự thịnh vượng nhưng quay lưng với đau khổ.

66. Cầu mong chúng ta đừng chìm xuống những vực sâu như vậy! Chúng ta hãy nhìn vào gương sáng của Người Samaritanô nhân hậu. Dụ ngôn của Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta khám phá lại ơn gọi của chúng ta như những công dân của các quốc gia liên hệ và của toàn thế giới, những người xây dựng mối liên kết xã hội mới mẻ. Lời triệu tập này luôn mới mẻ, nhưng nó dựa trên một quy luật căn bản của hữu thể chúng ta: chúng ta được kêu gọi hướng xã hội theo đuổi công ích và với mục đích này trong tâ trí, kiên trì củng cố trật tự chính trị và xã hội, kết cấu liên hệ của nó, các mục tiêu nhân bản của nó. Qua các hành động của mình, Người Samaritanô nhân hậu đã chứng tỏ rằng “Hiện hữu của mỗi cá nhân đều gắn chặt với hiện hữu của những người khác: cuộc sống không đơn giản chỉ là thời gian trôi qua; cuộc sống là thời gian cho những tương tác” [57].

67. Dụ ngôn trình bày một cách hùng hồn quyết định căn bản mà chúng ta cần thực hiện để xây dựng lại thế giới bị thương của chúng ta. Đối diện với quá nhiều đau đớn và khổ sở, đường đi duy nhất của chúng ta là noi gương Người Samaritanô nhân hậu. Bất cứ quyết định nào khác đều làm chúng ta trở thành một trong những tên cướp hoặc một trong những người đi ngang qua mà không biểu lộ lòng cảm tương trước những đau khổ của người đàn ông bên vệ đường. Câu chuyện ngụ ngôn cho chúng ta thấy một cộng đồng có thể được xây dựng lại ra sao bởi những người đàn ông và đàn bà biết đồng nhất hóa với tính dễ bị tổn thương của những người khác, biết bác bỏ việc tạo ra một xã hội loại trừ, và thay vào đó hành động như những người hàng xóm, nâng dậy và phục hồi những người vấp ngã vì lợi ích chung. Đồng thời, nó cảnh báo chúng ta về thái độ của những người chỉ nghĩ đến bản thân và không chung vai gánh vác những trách nhiệm không thể tránh khỏi trong cuộc sống như đang diễn ra.

68. Dụ ngôn rõ ràng không bằng lòng với việc giảng đạo đức trừu tượng, mà thông điệp của nó cũng không chỉ mang tính xã hội và đạo đức. Nó nói với chúng ta về một khía cạnh thiết yếu và thường bị lãng quên của nhân tính chung của chúng ta: chúng ta được tạo dựng để đạt được sự viên mãn mà chỉ có thể tìm thấy trong tình yêu. Chúng ta không thể thờ ơ với đau khổ; chúng ta không thể để bất cứ ai kinh qua cuộc sống như một kẻ bị ruồng bỏ. Thay vào đó, chúng ta nên cảm thấy phẫn nộ, bị thách thức thoát khỏi sự cô lập thoải mái của chúng ta và được thay đổi khi tiếp xúc với những đau khổ của con người. Đó là ý nghĩa của phẩm giá.

Một câu chuyện được kể lại không ngừng

69. Dụ ngôn trên rõ ràng và thẳng thắn, nhưng nó cũng gợi lên cuộc đấu tranh nội tâm mà mỗi người chúng ta đều cảm nghiệm khi chúng ta dần dần hiểu được chính bản thân mình qua các mối liên hệ với anh chị em của mình. Không sớm thì muộn, chúng ta đều sẽ gặp một người đau khổ. Ngày nay càng ngày càng có nhiều người như họ. Quyết định bao gồm hoặc loại trừ những người nằm bị thương bên vệ đường có thể được dùng làm tiêu chuẩn để đánh giá mọi dự án kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo. Mỗi ngày, chúng ta phải quyết định trở thành Người Samaritanô nhân hậu hay thành những người bàng quan thờ ơ. Và nếu chúng ta chịu nhìn vào lịch sử cuộc sống của chính mình và của toàn thế giới, tất cả chúng ta đều giống, hay từng giống, mỗi nhân vật trong câu chuyện dụ ngôn. Tất cả chúng ta đều có trong mình một điều gì đó của người đàn ông bị thương, một điều gì đó của tên cướp, một điều gì đó của những người qua đường, và một điều gì đó của người Samaritanô nhân hậu.

70. Điều đáng chú ý là cách các nhân vật khác nhau trong câu chuyện thay đổi, khi phải đối diện với cảnh tượng đau đớn của người đàn ông khốn khổ bên vệ đường. Các phân biệt giữa người Giuđêa và người Samaria, giữa thầy tư tế và thương gia, mờ dần ý nghĩa. Bây giờ chỉ còn hai loại người: những người chăm sóc một ai đó đang bị thương tích và những người đi ngang qua; những người cúi xuống giúp đỡ và những người nhìn đi hướng khác và vội vàng bỏ đi. Ở đây, mọi phân biệt, mọi nhãn hiệu và mặt nạ của chúng ta đều rơi xuống: đây là khoảnh khắc của sự thật. Liệu chúng ta có cúi xuống để chạm vào và chữa lành vết thương của người khác không? Liệu chúng ta có cúi xuống và giúp người khác đứng lên không? Đây là thách thức hiện nay và chúng ta không nên sợ hãi khi đối đầu với nó. Trong thời điểm khủng hoảng, các quyết định trở nên cấp thiết. Có thể nói rằng, ở đây và bây giờ, bất cứ ai không phải là kẻ trộm cướp hay người qua đường, đều là người bị thương hoặc đang mang người bị thương trên vai.

71. Câu chuyện về Người Samaritanô nhân hậu không ngừng được nhắc đi nhắc lại. Chúng ta có thể thấy điều này rõ ràng vì sức trì trệ chính trị và xã hội đang biến nhiều nơi trên thế giới của chúng ta thành một đường phụ hoang vắng, ngay cả khi các tranh chấp quốc nội và quốc tế và việc cướp đi các cơ hội đang khiến một số lượng lớn người bị gạt ra bên lề đường. Trong dụ ngôn của Người, Chúa Giêsu không đưa ra những lựa chọn thay thế; Người không hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu người đàn ông bị thương hoặc người đã giúp ông ta nghiêng về phía tức giận hoặc khao khát trả thù. Chúa Giêsu tin tưởng vào điều tốt nhất của tinh thần con người; Với dụ ngôn này, Người khuyến khích chúng ta kiên trì trong yêu thương, khôi phục phẩm giá cho những người đau khổ và xây dựng một xã hội xứng đáng với tên gọi.

Kỳ tới: Các nhân vật của câu chuyện
 
Các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ công bố các ứng cử viên chủ tịch các ủy ban
Đặng Tự Do
19:00 10/10/2020

Hội Đồng Giám Mục Công Giáo, gọi tắt là USCCB, đã công bố danh sách các ứng viên cho 8 ghế chủ tịch các ủy ban.

Do đại dịch coronavirus đang diễn ra, phiên khoáng đại của Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ sẽ được tổ chức trực tuyến. Không giống như trong các phiên họp trước đây, khi các cuộc bầu cử được thực hiện tại chỗ thông qua các lá phiếu điện tử, các giám mục sẽ bỏ phiếu qua đường bưu điện với một lá phiếu giấy. Những người chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ được công bố trong cuộc họp.

Các giám mục sẽ bỏ phiếu bầu chủ tịch của bảy ủy ban: Các Ưu tiên và Kế hoạch, Giáo dục Công Giáo, Truyền thông, Đa Văn hóa trong Giáo hội, Giáo lý, Quyên góp Quốc gia và Các Hoạt động Phò sinh.

Những người chiến thắng trong các cuộc bầu cử này sẽ phục vụ một năm với tư cách “chủ tịch được chỉ định” trước khi các ngài đảm nhận chức chủ tịch tại Đại hội đồng mùa thu năm 2021. Sau khi được nâng lên làm chủ tịch, các giám mục sẽ phục vụ trong chức vụ đó trong nhiệm kỳ ba năm.

Các giám mục cũng sẽ bỏ phiếu bầu chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo, hiện được Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski của Miami lãnh đạo.

Tại Đại hội đồng Mùa thu 2019, Đức Tổng Giám Mục Wenski có cùng số phiếu với Đức Giám Mục George Murry của Youngstown sau khi Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của Louisville từ chức vì lý do sức khoẻ. Đức Cha Murry lớn tuổi hơn Đức Tổng Giám Mục Wenski, nên ngài được tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử đó.

Tuy nhiên, chức chủ tịch lại bị bỏ trống sau cái chết của Đức Cha Murray vào ngày 5 tháng 6 vừa qua sau khi bệnh bạch cầu tái phát. Đức Tổng Giám Mục Wenski đồng ý đảm nhận chức vụ này một cách tạm thời.

Đức Tổng Giám Mục Wenski đang tranh cử với Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York trong nhiệm kỳ ba năm đầy đủ với tư cách là chủ tịch của ủy ban.

Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio của Tổng Giáo phận Quân Đội Hoa Kỳ, thư ký hiện tại của USCCB, đã được đề cử cùng với Đức Giám Mục Daniel Thomas của Toledo cho chức chủ tịch Ủy ban Ưu tiên và Kế hoạch.

Đức Giám Mục Thomas Daly của Spokane và Đức Tổng Giám Mục Gregory Hartmayer của Atlanta đều được đề cử lãnh đạo Ủy ban Giáo dục Công Giáo.

Đức Giám Mục Christopher Coyne của Burlington và Giám mục Robert Reed, Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Boston - được đề cử lãnh đạo Ủy ban Truyền thông.

Đức Cha Arturo Cepada, Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Detroit, và Đức Cha Jorge Rodriguez-Novelo, Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Denver, đã tự đề nghị lãnh đạo Ủy ban Đa văn hóa trong Giáo hội.

Đức Cha Brendan Cahill của Victoria, Texas và Đức Cha Daniel Flores của Brownsville đều được đề cử lãnh đạo Ủy ban Giáo lý.

Ủy ban Quyên góp Quốc gia sẽ do Đức Cha Shawn McKnight của Thành phố Jefferson hoặc Đức Cha James Wall của Gallup lãnh đạo.

Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver và Đức Tổng Giám Mục William Lori của Baltimore đều được đề cử lãnh đạo Ủy ban về các Hoạt động Phò sinh.


Source:Catholic News Agency

 
Phép lạ dẫn đến án tuyên Chân Phước cho Carlo Acutis
Đặng Tự Do
19:04 10/10/2020
Việc tuyên Chân Phước cho Carlo Acutis đã diễn ra sau khi Giáo Hội nhìn nhận một phép lạ nhờ những lời cầu bầu của cậu. Ở Brazil, một cậu bé tên Mattheus đã được chữa lành khỏi một dị tật bẩm sinh nghiêm trọng gọi là khuyết tật tuyến tụy sau khi cậu và mẹ cậu cầu xin Acutis cầu bầu.

Mattheus sinh năm 2009 với một tình trạng nghiêm trọng khiến cậu bé khó ăn và đau bụng nghiêm trọng. Cậu bé không thể giữ bất kỳ thức ăn nào trong dạ dày của mình, và liên tục nôn mửa.

Khi Mattheus gần 4 tuổi, cậu chỉ nặng 9 kg, và sống bằng thức ăn bổ sung bao gồm vitamin và protein, là những thứ mà cơ thể cậu bé có thể dung nạp được. Các bác sĩ cho rằng cậu không thể sống lâu.

Mẹ cậu bé, là bà Luciana Vianna, đã dành nhiều năm để cầu nguyện cho cậu bé được chữa lành.

Đồng thời, một người bạn của gia đình, là Cha Marcelo Tenorio, đã tìm hiểu trên Internet về cuộc đời của Carlo Acutis và bắt đầu cầu nguyện cho Acutis được tuyên Chân Phước. Vào năm 2013, vị linh mục đã xin được một thánh tích từ mẹ của Carlo, và ngài đã mời những người Công Giáo trong giáo xứ đến tham dự một thánh lễ và một buổi cầu nguyện, khuyến khích họ cầu xin sự cầu thay nguyện giúp của Acutis cho bất kỳ sự chữa lành nào họ cần đến.

Mẹ của Mattheus đã nghe về thánh lễ và buổi cầu nguyện này. Bà quyết định sẽ nhờ Acutis cầu bầu cho con trai bà. Trước buổi cầu nguyện, Vianna đã làm một tuần cửu nhật để xin Bậc Đáng Kính Acutis và giải thích với con traibà rằng họ có thể xin Acutis cầu bầu cho sự chữa lành.

Vào ngày cầu nguyện của giáo xứ, bà đưa Mattheus và các thành viên khác trong gia đình đến nhà thờ.

Cha Nicola Gori, cáo thỉnh viên án tuyên thánh cho Acutis, nói với truyền thông Ý những gì xảy ra tiếp theo:

“Vào ngày 12 tháng 10 năm 2013, bảy năm sau cái chết của Carlo, trong một buổi cầu nguyện, một đứa trẻ, bị ảnh hưởng bởi dị tật bẩm sinh là khuyết tật tuyến tụy, khi đến lượt mình cậu ấy đã chạm vào bức tranh của vị tân Chân Phước, trong khi cầu nguyện như sau: ‘Tôi ước mình có thể ngừng nôn nhiều như hiện nay’. Việc chữa lành diễn ra ngay lập tức, đến mức cậu bé cảm nhận được cơ thể mình đã thay đổi,” Cha Gori nói.

Trên đường về nhà sau Thánh lễ, Mattheus nói với mẹ rằng cậu đã khỏi bệnh. Về đến nhà, trước sự kinh ngạc của mọi người, cậu đòi ăn khoai tây chiên, gạo, đậu và thịt bò bít tết – là những món ăn yêu thích của những người trong gia đình.

Cậu bé ăn tất cả mọi thứ trong đĩa của mình mà không nôn mửa. Cậu ăn uống bình thường vào ngày hôm sau, và ngày hôm sau nữa. Bà Vianna đưa Mattheus đến gặp các bác sĩ. Họ cảm thấy rất bối rối trước sự chữa lành kỳ lạ không thể giải thích được về phương diện y khoa của Mattheus.

Mẹ của Mattheus nói với truyền thông Brazil rằng bà nhìn thấy phép lạ này là cơ hội để truyền giáo.

“Trước đây, tôi thậm chí không biết sử dụng điện thoại di động, tôi không thích công nghệ. Carlo đã thay đổi cách nghĩ của tôi, cậu ấy được nhiều người biết đến khi nói về Chúa Giêsu trên Internet, và tôi nhận ra rằng chứng tá của tôi sẽ là một cách để truyền giáo, và mang lại hy vọng cho các gia đình khác. Hôm nay tôi hiểu rằng mọi thứ mới đều có thể tốt, nếu chúng ta sử dụng nó cho tốt,” bà nói với các phóng viên.


Source:Catholic News Agency
 
Một thanh niên 15 tuổi xuân, đam mê máy tính và điện toán được tôn vinh Chân phước và Phép lạ chữa lành một bé trai 4 tuổi.
Thanh Quảng sdb
19:57 10/10/2020
Một thanh niên 15 tuổi xuân, đam mê máy tính và điện toán được tôn vinh Chân phước (Á thánh) và Phép lạ chữa lành một bé trai 4 tuổi.

Assisi Ý Lễ phong Chân phước được diễn ra tại Vương cung thánh đường Thánh Phanxicô ở Assisi vào ngày 10/10/2020, Thánh lễ Phong chân phước được Đức Hồng Y Agostino Vallini, hiệu tòa Vương cung thánh đường Thánh Phanxicô chủ sự trước cả trăm ngàn người tham dự.

Đầy tớ Chúa Carlo Acutis được tôn vinh lên hàng Chân phước nhờ phép lạ chữa lành cho một em bé tên Mattheus ở Brazil khỏi một dị tật bẩm sinh nghiêm trọng của các tuyến tiêu hóa… Bà mẹ bé và bé tha thiết cầu nguyện cùng Tôi tớ Chúa Acutis chữa lành.

Bé Mattheus sinh năm 2009 với một tình trạng nghiêm trọng khiến bé khó ăn và bị đau bụng trầm trọng. Bé không thể giữ bất kỳ thức ăn nào trong bao tử và liên tục bị nôn mửa.

Khi Mattheus gần bốn tuổi, bé mới nặng 20 pound (khoảng 12 ký), và sống bằng thức ăn Vitamin dinh dưỡng (thuốc hay bột), một trong những thứ mà cơ thể bé có thể tiếpp nhận. Bé không mong sống lâu...

Mẹ bé, bà Luciana Vianna, đã liên nỉ cầu nguyện cho bé được chữa lành.

Một hôm, Cha Marcelo Tenorio, người bạn thân của gia đình, đọc thấy trên mạng về cuộc đời của Tôi tớ Chúa Carlo Acutis; đang được vận động cầu nguyện để cậu được phong chân phước. Vào năm 2013, cha ấy đã xin được một thánh tích từ người mẹ của cậu và cha mời các tín hữu tham dự thánh lễ và buổi cầu nguyện đặc biệt tại giáo xứ, cha khuyến khích họ cầu nguyện cùng Đầy tớ Chúa Carlo Acutis thể hiện ơn lành mà họ mong ước.

Mẹ của bé Mattheus nghe biết về buổi lễ cầu nguyện này. Bà tha thiết xin Tôi tớ Chúa Acutis cầu thay nguyện giúp cho người con nhỏ bé của bà. Trong những ngày trước ngày lễ cầu nguyện, bà Vianna đã làm một tuần cửu nhật kính Tôi tớ Chúa Acutis, và cho con trai và gia đình hay để hiệp ý cầu xin Đầy tớ Chúa Acutis chữa lành cho bé.

Vào ngày lễ và buổi cầu nguyện, bà đưa bé Mattheus và các thành viên gia đình đến giáo xứ tham dự.

Cha Nicola Gori, vị linh mục tổ chức buổi cầu nguyện này nói với truyền thông Ý về những gì đã xảy ra tiếp theo đó:

Cha Nicola nói: “Vào ngày 12 tháng 10 năm 2013, nhân ngày kỷ niệm bảy năm, Tôi tớ Chúa là Carlo qua đời, một em trẻ, bị bệnh bẩm sinh các tuyến đường tiêu hóa, đến cầu nguyện, khi được chạm vào chân dung của Tôi tớ Chúa Carlo bé Mattheus đã khấn xin được ơn chữa lành, với một tâm tình cầu nguyện đơn thành như sau: 'Xin cho con không bị nôn ói nhiều như hiện nay…' Việc chữa lành đã được bắt đầu ngay lập tức, đến mức thể lý của bé được biến đổi!”

Trên đường về nhà sau Thánh lễ, bé Mattheus nói với mẹ rằng bé đã được khỏi bệnh. Bé xin được ăn khoai tây chiên, cơm, đậu và thịt bò bít-tết, những món ăn yêu thích của các anh em bé.

Bé ăn tất cả mọi đồ ăn trong đĩa của mình, mà không bị nôn ói nữa. Bé bắt đầu ăn uống bình thường vào ngày hôm sau, và các ngày kế tiếp. Bà Vianna đưa bé Mattheus đi các bác sĩ chuyên khoa đã và đang theo dõi bệnh tình của bé, tất cả đều sửng sốt trước sự chữa lành này của bé.

Mẹ của bé Mattheus nói với truyền thông Brazil rằng bà biết đây là một phép lạ Chúa thực hiện để tôn vinh Tôi tớ Carlo Acutis của Chúa.

Bà nói với các phóng viên rằng: “Trước đây, tôi không sử dụng điện thoại di động, tôi không ưa công nghệ điện toán! Tôi tớ Chúa Carlo đã thay đổi lối suy nghĩ của tôi, vì chính Tôi tớ Chúa đã xử dụng nó để loan báo về Chúa Giêsu Thánh Thể, và tôi mong ước lời chứng của tôi sẽ là một lời cổ súy, mang lại niềm hy vọng cho các gia đình khác. Hôm nay tôi mới ý thức rằng mọi phát minh mới đều tốt, nếu chúng ta biết sử dụng chúng cách tốt đẹp!"
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Phận Xuân Lộc : Dấn Thân Truyền Giáo Với Lòng Thương Xót
+GM. Giuse Đinh Đức Đạo
09:06 10/10/2020
Lời Chủ Chăn Tháng 10 năm 2020 : Dấn Thân Truyền Giáo Với Lòng Thương Xót

Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,

Nhân ngày Thế Giới Truyền Giáo năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi đến toàn thể Giáo Hội Sứ điệp với chủ đề “Dạ, con đây, xin hãy sai con đi” (Is 6,8) để đánh thức nơi mỗi kitô hữu niềm đam mê và lòng nhiệt thành đem Tin Mừng cho toàn thế giới. Phần tôi, trong Thư Chung gửi gia đình Giáo phận dịp Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo năm 2019, tôi đã bày tỏ lòng mong ước được thấy “mọi người nỗ lực vun trồng trong Giáo phận một Mùa Xuân Truyền Giáo”[1] và trong Thư Chung hướng dẫn việc cử hành Tháng Truyền Giáo Ngoại Thường (2019), tôi cũng nói lên lòng xác tín là để làm cho thế giới nhận biết được tình yêu của Chúa thì cách giới thiệu tốt nhất chính là con đường của Lòng Thương Xót.[2] Gần đây[3], tôi lại có Văn thư gửi toàn thể Giáo phận về quyết định thành lập bốn Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo để thúc đẩy toàn thể Giáo phận nuôi dưỡng tinh thần và dấn thân cho việc truyền giáo.

Để đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha và tiếp tục những tâm tình đã bày tỏ trong các Thư Chung nói trên, tôi xin chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ đôi suy tư qua đề tài “Dấn thân truyền giáo với Lòng Thương Xót”.

Giáo phận với thao thức truyền giáo

Trong Ngày Thường Huấn vừa qua (24-25/9/2020), tôi đã chia sẻ nhiều điều với quý Cha có mặt, đặc biệt tôi xin quý Cha, nhất là quý Cha Chánh Xứ, trong việc tổ chức đời sống và hoạt động mục vụ cần nhắm đến việc xây dựng cộng đoàn giáo xứ thành Cộng đoàn Thánh thiện, Cộng đoàn Hiệp nhất, Cộng đoàn Bác ái và Cộng đoàn Truyền giáo. Bốn yếu tố trên đây nối kết chặt chẽ với nhau, nhưng trong bối cảnh của Tháng Mười, Tháng được Giáo Hội dành riêng để thúc đẩy mọi thành phần Dân Chúa cầu nguyện và cộng tác tích cực vào công cuộc truyền giáo của toàn thể Giáo Hội, tôi muốn có đôi suy tư riêng về khía cạnh Truyền giáo.

Thách đố dấn thân truyền giáo

Trong suốt năm qua, cuộc sống của thế giới đã bị xáo trộn và bị ghi đậm bởi những dấu ấn của nhiều đau khổ và thử thách do đại dịch Covid-19 gây ra. Trước tiên, phải nói đến số người bị lây nhiễm và tử vong vì dịch bệnh, gây ra những đau khổ, buồn phiền và lo lắng cho những người thân trong gia đình và cho xã hội; tiếp theo là những người bị thất nghiệp, bị phá sản tạo ra cảnh thiếu thốn và nợ nần cho nhiều gia đình; những người hay nhóm người lợi dụng hoàn cảnh để làm giầu trên sự khốn khổ của tha nhân, những nhóm tội phạm làm cho xã hội thêm bất ổn; nhiều quốc gia đã lợi dụng dịch Covid-19 để chèn ép hay hạn chế các sinh hoạt tôn giáo một cách bất công; những người rơi vào tình trạng thất vọng, đánh mất niềm tin ngày càng gia tăng. Hoàn cảnh này của thế giới đã được Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo ví như hoàn cảnh của các môn đệ gặp cơn cuồng phong giữa biển cả (x. Mc 4,35-41): “Như các môn đệ trong bài Tin Mừng, chúng ta bất ngờ bị bão tố hung bạo vùi dập. Chúng ta nhận thấy mình đang ở trên cùng một con thuyền, tất cả đều mong manh và mất hướng… Chúng ta thực sự hoảng sợ, mất phương hướng và khiếp đảm. Đau đớn và cái chết làm cho chúng ta cảm nghiệm sự yếu đuối của con người.”[4]

Tuy nhiên, bên cạnh những bóng tối làm thế giới hoảng sợ, người ta cũng chứng kiến nhiều mảng sáng, nhiều hình ảnh tốt đẹp in đậm màu hy vọng, chẳng hạn, các tín hữu ở nhiều nơi vẫn nỗ lực vun trồng đức tin và sống đời đạo đức, nhất là qua việc thực thi đức ái, dù giữa bao khó khăn của cuộc sống hằng ngày; nhiều linh mục và tu sĩ đã dấn thân tìm mọi phương cách giúp giáo hữu sống Đức Tin, trợ giúp người khó khăn; nhiều bác sĩ, nhân viên y tế và các thiện nguyện viên xả thân phục vụ bệnh nhân trong những hoàn cảnh rất nguy hiểm; những nghĩa cử bác ái được thể hiện với lòng nhân hậu ở khắp nơi, nhất là trong các giáo xứ. Đó là những dấu chỉ sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa là Cha giầu lòng thương xót đang thách đố sự dấn thân truyền giáo của mọi tín hữu, nhất là các linh mục và tu sĩ.

Thế giới hôm nay vẫn còn biết bao người lao đao khốn khổ vì cuộc sống khó khăn, bao người đau yếu và cô đơn, bao người đang chán nản tuyệt vọng vì đã lìa bỏ Chúa hay vì chưa bao giờ biết Chúa! Trong hoàn cảnh này, lời mời gọi của Thiên Chúa đối với ngôn sứ Isaia lại vang lên cách mạnh mẽ và khẩn thiết thách đố cho mọi con cái của Chúa, nhất là các linh mục và tu sĩ: “Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” (Is 6,8). “Lời kêu gọi này xuất phát từ con tim của Thiên Chúa, từ lòng thương xót của Người, chất vấn cả Giáo Hội và nhân loại trong cuộc khủng hoảng thế giới hiện nay.”[5] Như ngôn sứ Isaia năm xưa, hôm nay chúng ta cũng cần sẵn sàng và hân hoan thưa lên: “Dạ, con đây, xin hãy sai con đi.” (Is 6,8).

Linh mục và Tu sĩ là muối men của Cộng đoàn Truyền giáo

Đối với các linh mục và tu sĩ, lời thưa “Dạ, con đây, xin hãy sai con đi” không chỉ diễn tả tinh thần truyền giáo của cá nhân linh mục hoặc tu sĩ, mà còn thách đố về khả năng làm cho cộng đoàn của mình trở thành cộng đoàn truyền giáo, trong đó mỗi thành viên luôn ý thức mình là chứng nhân của Chúa Giêsu trước mặt mọi người, nhất là những người chưa biết Chúa. Điều này đòi mỗi linh mục và tu sĩ không những phải có ý thức về trách nhiệm truyền giáo mà còn phải mang trong mình nhiệt huyết truyền giáo lớn mạnh bắt nguồn từ lòng say mến Chúa Giêsu và lòng xác tín Chúa Giêsu là Đấng cứu độ nhân loại đang mong chờ. Do đó, điều mà mỗi linh mục và tu sĩ khao khát nhất là làm sao mọi người gặp được Chúa Giêsu và khám phá được niềm vui và sự an bình từ cuộc gặp gỡ đó.

Ngày nay khi nhìn vào thế giới người ta thường liệt kê ra hàng trăm vấn đề: bất công, bạo lực, chiến tranh, nghèo đói… rồi tìm cách giải quyết các vấn đề dựa theo suy nghĩ loài người với các phương tiện trần thế, tưởng mình có thể giải quyết các vấn đề của nhân loại mà không cần Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế. Đây là căn bệnh trầm trọng nơi nhiều con cái Giáo Hội mà ĐHY Suhard đã nói đến hơn 60 năm trước khi còn là Tổng Giám mục Paris: “Tình trạng Giáo Hội và thế giới ngày nay rất nghiêm trọng, không phải chỉ vì nhiều đám đông dân chúng không tin Thiên Chúa, nhưng nhất là vì có nhiều tâm hồn tận hiến sống như những người vô thần. Họ sống cuộc sống hằng ngày, thiết lập chương trình và dự tính như thể Thiên Chúa không hiện diện trong cuộc đời của họ”[6].

Là linh mục và tu sĩ, chúng ta cần tự hỏi lòng mình xem có thực sự xác tín Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và là kho tàng quý giá nhất mà chúng ta có thể dâng tặng cho thế giới không? Chúng ta có thực sự muốn giới thiệu Chúa Giêsu cho tha nhân, nhất là các anh chị em chưa biết Chúa không? Bao nhiêu phần trăm các sinh hoạt mục vụ và thời giờ của chúng ta dành cho anh chị em chưa biết Chúa?

Lòng thương xót là con đường tốt nhất để đi vào lòng người

Làm sao để đụng chạm tới lòng những người đau khổ và thất vọng, những người tội lỗi, nhất là những người chưa bao giờ biết Chúa? Những người đau khổ, thất vọng và tội lỗi thường có khuynh hướng đóng cửa lòng lại, còn những người xa lạ với Chúa, hoặc đã từng từ khước Chúa, lẩn tránh Chúa hay đơn giản chỉ vì không thể tưởng tượng được Chúa như thế nào. Đây chính là hoàn cảnh của nhân loại sau tội nguyên tổ: “Nghe thấy tiếng Đức Chúa là Thiên Chúa đi dạo trong vườn lúc gió thổi trong ngày, con người và vợ mình trốn vào giữa cây cối trong vườn, để khỏi giáp mặt Đức Chúa là Thiên Chúa. Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: Ngươi ở đâu? Con người thưa: Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.” (St 3,8-10). Thiên Chúa đi tìm loài người lầm than (trần truồng) và tội lỗi (lẩn trốn Chúa). Đây chính là con đường của lòng thương xót. Vì vậy, con đường để chúng ta đến với nhân loại khổ đau và xa cách Chúa chắc chắn không thể là con đường nào khác ngoài con đường chính Chúa đã dùng để đến với nhân loại.

Thế giới thiếu thốn lòng thương xót

Thế giới đang khao khát những dấu hiệu của lòng thương xót, nhưng đây lại là điều thiếu thốn nhất. Xã hội ngày nay sinh hoạt và tổ chức theo não trạng hưởng thụ, thành công, lợi nhuận, danh vọng, chức quyền nên những đức tính nhân bản thiết yếu như cảm thông, tha thứ, hiền dịu, hy sinh ngày càng bị coi thường. Bầu khí của xã hội xem ra cũng tác động đến nhiều con cái Chúa, kể cả linh mục và tu sĩ. Có câu nói người ta hay nghe từ môi miệng nhiều mục tử: “Đấy là luật, nếu không đáp ứng được thì đừng trở lại!” Câu trả lời này của mục tử có thể dồn nhiều người vào chân tường, vào ngõ cụt và tuyệt vọng!

Người ta kể có một nữ tu, đã vất vả nhiều ngày tháng mới đưa được một đôi vợ chồng rối đến gặp cha xứ để xin giúp đỡ, nhưng họ đã nhận được câu trả lời tương tự, kèm theo thái độ hờ hững, lạnh nhạt. Vợ chồng này đã trở về với lời thề sẽ không bao giờ gặp “ông cha” và sẽ không bao giờ đến nhà thờ, rồi họ tiếp tục đi chùa. Tôi còn nhớ năm xưa bên Roma, cha Giám đốc Học viện nơi tôi trọ học cũng có một câu nói tương tự, nhưng các linh mục sinh viên thưa lại: “Nếu cứ theo luật mà làm thì chúng con không cần có cha giám đốc”. Ở đâu cũng có luật, có truyền thống, nhưng ở đâu cũng có việc giải thích để áp dụng luật và truyền thống. Việc giải thích và áp dụng tùy thuộc vào tấm lòng của người giải thích và áp dụng. “Lòng mà không sáng, nhìn đâu cũng thấy tối”. Lòng không yêu thương, trái tim khô cằn. Lòng ngại khó, nhìn đâu cũng thấy phiền hà. Lòng biết xót thương, tâm địa bao dung và cảm được cả những nỗi khổ thầm kín. Suy nghĩ đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện trong cuốn “Nhật ký Truyền Giáo” [7]:

Sáng nay mình dâng lễ ở nhà ông Hai Hiếu. Ông Hai ở giữa lương dân, thậm chí cả vợ và con cháu cũng là lương dân. Ông nghỉ đạo 70 năm rồi. Trong chuyến viếng thăm lần trước, mình đã tìm hiểu nguyên nhân nghỉ đạo của ông.

Tại sao ông Hai nghỉ đạo lâu thế?

Hồi xưa con ở Trà Lồng. Có một lần con đi lễ trễ, bị ông cố Quimbrôtz bắt nằm xuống, đánh một trận chảy máu đít. Con sợ, con giận, con bỏ đạo luôn cho đến bây giờ. Hồi ấy, con mới có 19 tuổi.

Tại sao ông Hai đi lễ trễ vậy?

Thì nhà con ở sâu trong ruộng, con đi sớm không được.

Mặc lấy lòng thương xót của Chúa

Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, đã xuống thế làm người để chung chia thân phận làm người, đã chịu khổ hình, chịu chết trên thập giá, tất cả chỉ vì xót thương nhân loại lầm than tội lỗi. Vì vậy, để mọi người hiểu biết và đón nhận Chúa Kitô, các môn đệ của Chúa, trước tiên là linh mục và tu sĩ, phải là hiện thân của Chúa Kitô, Đấng “Vì loài người chúng tôi và để cứu độ chúng tôi, Người đã từ trời xuống thế” (Kinh Tin Kính). Lòng thương xót phải là nét đặc trưng và khuôn vàng thước ngọc cho hành động của mỗi linh mục và tu sĩ: thông hiểu và cảm thông những khó khăn của người khác trong hoàn cảnh cụ thể của họ, xót thương người nghèo cũng như người giầu, người bệnh tật cũng như người khỏe mạnh, người bị áp bức cũng như người quyền thế, người thành công và người thất bại: thương yêu tất cả, không phân biệt; thương yêu người này mà không ghét bỏ người kia, bênh đỡ người này mà không cần chửi bới người nọ, đón nhận người tốt lành mà không xua đuổi người tội lỗi.

Tinh thần lòng thương xót của Đấng Cứu Thế đòi các linh mục và tu sĩ phải cẩn thận rà xét lòng mình để nhận diện các tình cảm, ý nghĩ thầm kín ẩn nấp trong lòng để thay đổi chúng theo tinh thần lòng thương xót của Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế:

“Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng thương xót chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9,12-13).

“Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” (Mt 9,35-36).

Kính thưa quý Cha và quý Tu sĩ, để thấm nhuần được lòng thương xót của Chúa trong đời sống và trong cung cách đối xử với tha nhân, chúng ta cần say mến Chúa Giêsu đến độ không cần gì ngoài tình nghĩa của Người như thánh Phaolô đã diễn tả trong thư gửi tín hữu Philiphê: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.” (Pl 3,7-9). Xin Đức Mẹ dẫn dắt chúng ta đến với Chúa Giêsu và học nơi Con của Mẹ lòng nhân hậu và khiêm nhường (x. Mt 11,29).

Thân mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.

+ Giuse Đinh Đức Đạo

Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

[1] Thư Chung gửi Giáo phận Khánh Nhật Truyền Giáo, ngày 15.10.2019.

[2] Thư Chung hướng dẫn về “Tháng Truyền Giáo Ngoại Thường”, ngày 27.9.2019.

[3] Ngày 24 tháng 8 năm 2020.

[4] ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2020.

[5] Nt

[6] Giuse Đinh Đức Đạo, Chứng nhân Tình yêu, Nxb Đồng Nai, Tái bản lần I, 2017, trg. 197-198.

[7] Lm. Pio Ngô Phúc Hậu, Nhật Ký Truyền Giáo, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2010, trg
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Gần Một Năm Sau PGS.TS Sử Học Lê Cung Mới Rụt Rè Lên Tiếng
Nguyễn Văn Nghệ
08:43 10/10/2020
Ngày 23/10/2019 Nhóm trí thức Huế gồm 12 người, do PGS.TS. Lê Cung, Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Huế, đứng đầu đã gửi một bản kiến nghị đến Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng đề nghị không lấy tên hai linh mục là Alexandre de Rhodes và Francisco De Pina để đặt tên đường

Sau khi Bản kiến nghị công bố, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng thuộc Khoa Triết xin xóa tên khỏi danh sách 12 trí thức Huế với lý do: Khi được PGS.TS.Lê Cung mời ký bản kiến nghị, ông đã từ chối nhưng lại vẫn có tên trong bản kiến nghị. Lạ, dân trí thức có học hàm học vị mà cũng bị chơi cái chiêu này! Rất nhiều ý kiến lên án Nhóm người này là vô ơn, ăn cháo đá bát…Mặc dù bị lên án nặng nề, nhưng Nhóm người này vẫn “thủ khẩu như bình”.

Tôi vốn không phải là độc giả thường xuyên của Tạp chí Hồn Việt, vừa qua tại Thư viện tỉnh Khánh Hòa, tình cờ tôi đọc Tạp chí Hồn Việt số 150 tháng 8 năm 2020 từ trang 40-45 có bài viết của PGS.TS. Lê Cung với tựa đề: “Nhận thức lịch sử cần được khẳng định về linh mục Dòng Tên Alexandre de Rhodes”.

Từ sau ngày 23/10/2019, tôi cố chờ xem Nhóm 11 trí thức Huế lên tiếng khi bị dư luận phê bình chỉ trích nhưng không thấy, nay mới thấy người đứng đầu là Lê Cung lên tiếng.

Nhìn chung những vấn đề mà Lê Cung nêu ra cũ rích không có gì là mới, nói theo như dân gian: “…Hát đi hát lại tối ngày một câu” không xứng tầm nghiên cứu của một PGS.TS Sử học. Tôi chỉ là một người dân thường, không học hàm học vị nhưng cũng xin mạo muội có đôi lời với ông. Nếu có gì không phải xin ông bỏ qua cho.

Ai là người “Tập đại thành” tiếng Việt đầu tiên?

Tôi hoàn toàn đồng ý với ông về vấn đề Giáo sĩ Alexandre de Rhodes không phải là người đầu tiên và duy nhất La tinh hóa tiếng Việt. Ông là PGS.TS. Sử học chắc ông cũng từng nghe cái cụm từ “Tập đại thành” rồi chứ! Nho giáo đã được hình thành từ thời Chu Công, trước Khổng tử rất lâu nhưng chưa thành hệ thống. Khổng tử đã “Tập đại thành” những tư tưởng ấy và Khổng tử chỉ nhìn nhận mình chỉ “thuật nhi bất tác”. Với công việc “Tập đại thành”của Khổng tử, hậu thế đã suy tôn Khổng tử là ông tổ của Nho giáo, là Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên vương, là “Tố vương” (vua không ngai), là Vạn thế sư biểu.

Cũng vậy, đối với chữ Quốc ngữ, trước Giáo sĩ Alexandre de Rhodes cũng có nhiều giáo sĩ khác quan tâm đến vấn đề dùng chữ La tinh để sáng chế ra chữ Quốc ngữ để phục vụ công việc truyền giáo. Việc làm của các vị giáo sĩ ấy còn rời rạc chưa thành hệ thống. Năm 1651 Giáo sĩ Alexandre de Rhodes mới “tập đại thành” cho ra đời tác phẩm Dictionarum Annamiticum Lusitanum et Latinum (Tự điển An Nam- Bồ Đào Nha- La Tinh). Tác phẩm này được xem là tác phẩm “tập đại thành” tiếng Việt đầu tiên vào thời điểm năm 1651. Do công “tập đại thành” như vậy cho nên dân Việt (trừ một số ít người vô ơn mang tư tưởng thù hận) tôn Giáo sĩ Alexandre de Rhodes là Ông Tổ của chữ Quốc ngữ

Nếu những người không chấp nhận Giáo sĩ Alexandre de Rhodes là ông Tổ chữ Quốc ngữ thì hãy chứng minh công trình của một vị nào đó đã “tập đại thành” tiếng Việt trước công trình của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes để rồi chúng ta tôn vị đó là Đệ nhất Tổ của chữ Quốc ngữ.

Không thể tôn vinh Giáo sĩ Alexandre de Rhodes và lấy tên Giáo sĩ đặt tên trường, tên đường được!

Lê Cung cho rằng: Rhodes đã dùng những ngôn từ miệt thị văn hóa Việt Nam, thóa mạ chia rẽ dân tộc Việt Nam qua cuốn Phép giảng tám ngày, cho nên tư cách truyền giáo của linh mục Dòng Tên Rhodes như thế, làm sao chúng ta tôn vinh, đặt tên đường, tên trường được!

Chúng ta hãy đặt mình là một nhà truyền giáo, sống vào thời đại của Giáo sĩ Alexandre de Rhodes chúng ta mới có cái nhìn khách quan hơn. Là một nhà truyền giáo vào thời điểm ấy, ai là không khen đạo mình tốt và miệt thị đạo khác, xem các tôn giáo khác là tà đạo.

Về vấn đề này Wikipedia tiếng Việt nhận xét: “Alexandre de Rhodes từng gọi Phật Thích Ca là “thằng hay dối” trong sách Phép giảng tám ngày. Điều này dựa trên nhận thức của Đắc Lộ về bối cảnh xã hội thời đó, phản ánh thái độ chung của Nho giáo đối với Phật giáo, và cũng là do nhiệt tình truyền giáo của ông”.

Nếu nói Giáo sĩ Alexandre de Rhodes dùng những ngôn từ miệt thị văn hóa Việt nam, thóa mạ chia rẽ dân tộc Việt Nam cho nên không thể tôn vinh, lấy tên Giáo sĩ đặt tên đường, tên trường được thì xin hỏi cụ Nguyễn Đình Chiểu viết tác phẩm Dương Từ Hà Mậu, cụ thóa mạ Phật giáo, Công Giáo. Cụ đã viết về Đức Phật: “Ta nghe Phật ở Tây phương/ Vốn người mọi rợ luân thường chẳng ưa”[1] Vậy thì không nên tôn vinh cụ Nguyễn Đình Chiểu và lấy tên cụ đặt cho tên đường, tên trường?

Các vua chúa Việt Nam có những ngôn từ miệt thị các dân tộc thiểu số, gọi đồng bào thiểu số là man di, mọi rợ. Vậy chúng ta không tôn vinh các vị vua chúa ấy và không lấy tên các vua chúa ấy đặt cho tên đường, tên trường?

Trước đây trên các phương tiện thông tin đại chúng thường bôi nhọ các tôn giáo, xem “tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”, gọi Trời là “Thằng trời”, “địch trời”, “trời phản động”[2] nào thấy PGS.TS Sử học Lê Cung lên tiếng trách cứ các vị chủ trương làm việc ấy đâu!

Lê Cung bảo: “Như chúng ta biết ở Việt Nam, Tam giáo: Nho-Phật-Lão được xem như rường cột của chế độ phong kiến, nhưng trong mắt Rhodes: “Bởi Tam giáo này, như bởi nguồn độc”.

Đọc qua đoạn này, tôi xin thưa với PGS.TS Lê Cung là ông nên kiểm tra lại cái học hàm học vị PGS.TS. Sử học của ông. Chế độ phong kiến ở Việt Nam (trừ nhà Lý) chưa bao giờ xem Phật giáo, Lão giáo là rường cột nước nhà cả. Xin ông xem lại chiếu chỉ của vua Gia Long định điều lệ hương đảng cho các xã dân ở Bắc Hà vào tháng giêng năm Giáp Tý (1804): “Đến như việc thờ Phật thì sách Truyện nói: “Say mê dị đoan, chỉ hại mà thôi”. Lại nói: “Có tội với trời thì cầu đảo vào đâu được”.Người có thờ Phật là cốt để phúc báo. Sách nhà Phật nói: “Có duyên Phật độ, không duyên Phật chẳng độ”. Lại nói: “Thờ cha mẹ chẳng ra gì, tuy hằng ngày ăn chay niệm Phật cũng vô ích. Trung với vua mà đến thế, dẫu không cúng Phật cũng không sao”. Như thế thì người có duyên cần gì phải Phật độ, mà người không duyên thì Phật độ làm sao được? Thử xem những tổ đã thành Phật như là Mục Liên[3] mà cũng không độ được mẹ, chuộng Phật giáo như Tiêu Diễn[4] mà cũng không giữ được thân, huống chi những bọn bất trung bất hiếu, không biết quân vương là Phật hiện thời, bỏ cả cha mẹ là Phật sinh thành, mà đi cầu Phật vô hình xa ngoài muôn dặm, để mong phúc may chưa đến, có lẽ ấy được chăng? Gần đây có kẻ sùng phụng đạo Phật, xây dựng chùa chiền quá cao, lầu gác rất là tráng lệ, đúc chuông tô tượng rất đỗi trang hoàng, cùng là làm chay, chạy đàn, mở hội, phí tổn về cúng Phật nuôi sư không thể chép hết, để cầu phúc báo viển vông, đến nỗi tiêu hao máu mỡ. Vậy từ nay về sau, chùa quán có đổ nát mới được tu bổ, còn làm chùa mới và tô tượng đúc chuông, đàn chay hội chùa, hết thảy đều cấm. Sư sãi có kẻ chân tu thì lý trưởng sở tại phải khai rõ tính danh quán chỉ, đem nộp ở quan trấn để biết rõ số. Lại đời sống của dân đều có định mệnh, tai không thể giải được, phúc không thể cầu được, cái thuật cầu đảo giải trừ đều vô ích cả”[5]

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes xin cấp binh lính để chinh phục toàn Phương Đông

Lê Cung viết: “Do đó khi trở về Pháp năm 1652, Rhodes đã đề nghị triều đình Louis XIV hãy cung cấp binh lính để nhằm giúp ông mở rộng nước Chúa, không những chỉ riêng Việt nam mà toàn cõi Phương Đông. Trong cuốn Hành trình truyền giáo (Divers voyages et mission, Paris, 1653) Rhodes viết: “ J’ai cru que la France, étant le plus pieux royaume de monde, me fournirait plusieurs soldats qui aillent à la conquête de tout l’Orient pour l’assujetter à Jésus Christ”. Trong bài viết Ai làm ra chữ quốc ngữ? đăng trên báo Tuổi trẻ ngày 31-1-1993 GS Hoàng Tuệ đã dịch câu đó như sau: “Tôi nghĩ nước Pháp, vương quốc mộ đạo nhất, có thể cấp cho tôi binh lính để chinh phục toàn Phương Đông, đặt nó dưới quyền Jésus Christ”.

Trong một câu nói nhiều khi ngoài nghĩa đen còn có nghĩa bóng. Ở Giáo xứ Chính Tòa Phủ Cam- Huế, có Nhóm Chiến sĩ Chúa Ki tô. Vậy ở giáo xứ ấy có một nhóm binh lính được trang bị vũ khí chăng? Xin thưa đó là nhóm người tình nguyện gìn giữ trật tự trong khu vực nhà thờ.

Hoặc như trong chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay, thường sử dụng cái từ “Ra quân” để làm công tác này hoặc công tác nọ, nếu hiểu theo như Lê Cung thì toàn binh lính làm công tác, còn người dân “ngồi chơi, xơi nước”!

Wikipedia tiếng Việt nhận xét đoạn văn ấy: “Tuy nhiên trên thực tế, cách dùng từ ngữ trong đoạn văn trên đề cập đến việc truyền giáo. Việc cố tình diễn giải thành ý đồ xâm lược là một suy luận “chủ quan võ đoán” thể hiện lập trường hận thù tôn giáo”

Thật là buồn cho một người có học hàm học vị là PGS.TS. Sử học mà cho tới giờ nầy vẫn khư khư hiểu “plusieurs soldats” trong mạch văn trên là “binh lính”. Chắc là ông Lê Cung không cập nhật hóa hay cố tình quên sự kiện vào cuối tháng 3/1993 tại Hội thảo “Tưởng niệm Alexandre de Rhodes nhân 400 năm ngày sinh của ông” do Hội Khoa học Lịch sử Việt nam tổ chức tại Hội trường Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Giáo sư Đinh Xuân Lâm đã đề cập câu trên đây của Alexandre de Rhodes và dịch lại plusieurs soldats là “chiến sĩ truyền giáo” “coi như lần cuối cùng đính chính lại sự sai lầm”[6]

Đừng học thói “bới lông tìm vết”, “ăn cháo đá bát”

Trong một lớp học, thầy giáo cầm một miếng vải trắng to đưa lên và hỏi học sinh: Các em có thấy gì không? Cả lớp cùng trả lời: Thưa thầy có vết mực nhỏ. Thầy giáo bảo: Sao các em không nhìn thấy cả miếng vải trắng mà chỉ nhìn thấy vết mực mà thôi! Tục ngữ có câu “Dễ lòa yếm thắm, khó lòa trôn kim” là vậy! Dân tộc ta có truyền thống vị tha, “chín bỏ làm mười” và quan niệm “nhất thanh phá cửu trọc” (Người ấy có 9 điểm xấu nhưng chỉ có một điểm tốt và điểm tốt ấy khỏa lấp 9 điểm xấu kia). Ông bà ta luôn dạy con cháu “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “ăn một bát cơm nhớ người cày ruộng”.

Tôi đã từng đọc đâu đó một câu danh ngôn khuyết danh: “Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác”

Nguyễn Văn Nghệ

Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang

Chú thích:

[1]- namkyluctinh.info/nguyen-dinh-chieu-duong-tu-ha-mau-phan-11/
 
VietCatholic TV
Chương trình Lời Ca Nguyện Cầu 10/10/2020
Giáo Hội Năm Châu
05:59 10/10/2020
 
Các Giám Mục gióng lên hồi chuông cảnh báo: Giáo Hội tại Đức trên bước đường ly giáo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:57 10/10/2020


1. Đức Cha Rodolf Voderholzer Giám Mục Regensburg bày tỏ lo âu vì căng thẳng trong Giáo hội tại Ðức.

Sau Ðức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Tổng giám mục giáo phận Koeln, đến lượt Ðức Cha Rodolf Voderholzer, giám mục giáo phận Regensburg, ở miền nam Ðức, bày tỏ lo âu trước những căng thẳng và rạn nứt trong Giáo Hội Công Giáo tại Ðức, mà “Tiến trình Công nghị” có thể gây ra.

Tiến trình này khởi sự từ ngày 1 tháng 12 năm 2019 và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2021, với sự tham dự của 280 đại biểu, tiến hành qua bốn diễn đàn về bốn lãnh vực khác nhau, như: quyền bính trong Giáo hội, đời sống linh mục, luân lý tính dục và phụ nữ với các thừa tác vụ.

Tuyên bố hôm 29 tháng 9 năm 2020, trong cuộc phỏng vấn dành cho đài phát thanh Kitô “Radio Horeb”, Ðức Cha Vorderholzer nói: “Một loạt những đòi hỏi mà các thành viên Tiến trình Công nghị nêu lên và được báo chí nhấn mạnh thêm, tạo nên những mong đợi lớn trong dư luận. Nhưng hiển nhiên là, những đòi hỏi đó trái ngược với Giáo huấn của Giáo hội, vì thế chúng có nguy cơ dẫn tới chia rẽ và rạn nứt.”

Như một ví dụ, Ðức giám mục giáo phận Regensburg nói đến đòi hỏi truyền chức linh mục cho phụ nữ, trái ngược với phán quyết chung kết của Giáo hội về vấn đề này, qua Tông thư “Ordinatio sacerdotalis”, Truyền chức linh mục, do Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành, trong đó ngài khẳng định rằng “Giáo hội không có quyền thay đổi điều mà Chúa Giêsu đã làm”.

Hiện nay, có một trào lưu mạnh mẽ tại Ðức đòi truyền chức cho phụ nữ để vượt thắng tình trạng họ gọi là “không tôn trọng sự bình đẳng nam nữ.”

Hồi trung tuần tháng Chín năm 2020, Ðức Hồng Y Woelki cũng cảnh giác chống lại viễn tượng nảy sinh một Giáo Hội Công Giáo quốc gia Ðức, và nói rằng: “Ðiều tệ hại nhất, là nếu Tiến trình Công nghị dẫn tới sự ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ và trở thành một Giáo hội quốc gia”.

Trong cuộc phỏng vấn, Ðức Cha Vorderholzer phê bình những phe nhóm trong Giáo hội tại Ðức, không muốn Giáo hội là “muối đất”, và ngài nói rằng “Trong tư cách là Giáo hội, chúng ta không được mời gọi trở thành “đường ngọt”, chiều theo mọi hình thức của thời đại, trái lại chúng ta phải đi ngược dòng xã hội trong ánh sáng mạc khải của Thiên Chúa, tuy rằng trong Giáo hội luôn luôn cần sự cải tổ, vì mỗi người, trong trọn cuộc sống, đều phải đáp lại lời mời gọi hoán cải của Chúa Giêsu”.


Source:Catholic News Agency

2. Các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ công bố các ứng cử viên chủ tịch các ủy ban

Hội Đồng Giám Mục Công Giáo, gọi tắt là USCCB, đã công bố danh sách các ứng viên cho 8 ghế chủ tịch các ủy ban.

Do đại dịch coronavirus đang diễn ra, phiên khoáng đại của Hội Đồng Giám mục Hoa Kỳ sẽ được tổ chức trực tuyến. Không giống như trong các phiên họp trước đây, khi các cuộc bầu cử được thực hiện tại chỗ thông qua các lá phiếu điện tử, các giám mục sẽ bỏ phiếu qua đường bưu điện với một lá phiếu giấy. Những người chiến thắng trong cuộc bầu cử sẽ được công bố trong cuộc họp.

Các giám mục sẽ bỏ phiếu bầu chủ tịch của bảy ủy ban: Các Ưu tiên và Kế hoạch, Giáo dục Công Giáo, Truyền thông, Đa Văn hóa trong Giáo hội, Giáo lý, Quyên góp Quốc gia và Các Hoạt động Phò sinh.

Những người chiến thắng trong các cuộc bầu cử này sẽ phục vụ một năm với tư cách “chủ tịch được chỉ định” trước khi các ngài đảm nhận chức chủ tịch tại Đại hội đồng mùa thu năm 2021. Sau khi được nâng lên làm chủ tịch, các giám mục sẽ phục vụ trong chức vụ đó trong nhiệm kỳ ba năm.

Các giám mục cũng sẽ bỏ phiếu bầu chủ tịch Ủy ban Tự do Tôn giáo, hiện được Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski của Miami lãnh đạo.

Tại Đại hội đồng Mùa thu 2019, Đức Tổng Giám Mục Wenski có cùng số phiếu với Đức Giám Mục George Murry của Youngstown sau khi Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của Louisville từ chức vì lý do sức khoẻ. Đức Cha Murry lớn tuổi hơn Đức Tổng Giám Mục Wenski, nên ngài được tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử đó.

Tuy nhiên, chức chủ tịch lại bị bỏ trống sau cái chết của Đức Cha Murray vào ngày 5 tháng 6 vừa qua sau khi bệnh bạch cầu tái phát. Đức Tổng Giám Mục Wenski đồng ý đảm nhận chức vụ này một cách tạm thời.

Đức Tổng Giám Mục Wenski đang tranh cử với Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York trong nhiệm kỳ ba năm đầy đủ với tư cách là chủ tịch của ủy ban.

Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio của Tổng Giáo phận Quân Đội Hoa Kỳ, thư ký hiện tại của USCCB, đã được đề cử cùng với Đức Giám Mục Daniel Thomas của Toledo cho chức chủ tịch Ủy ban Ưu tiên và Kế hoạch.

Đức Giám Mục Thomas Daly của Spokane và Đức Tổng Giám Mục Gregory Hartmayer của Atlanta đều được đề cử lãnh đạo Ủy ban Giáo dục Công Giáo.

Đức Giám Mục Christopher Coyne của Burlington và Giám mục Robert Reed, Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Boston - được đề cử lãnh đạo Ủy ban Truyền thông.

Đức Cha Arturo Cepada, Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Detroit, và Đức Cha Jorge Rodriguez-Novelo, Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Denver, đã tự đề nghị lãnh đạo Ủy ban Đa văn hóa trong Giáo hội.

Đức Cha Brendan Cahill của Victoria, Texas và Đức Cha Daniel Flores của Brownsville đều được đề cử lãnh đạo Ủy ban Giáo lý.

Ủy ban Quyên góp Quốc gia sẽ do Đức Cha Shawn McKnight của Thành phố Jefferson hoặc Đức Cha James Wall của Gallup lãnh đạo.

Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver và Đức Tổng Giám Mục William Lori của Baltimore đều được đề cử lãnh đạo Ủy ban về các Hoạt động Phò sinh.


Source:Catholic News Agency

3. Các Hiệp Sĩ Thánh Mộ Giêrusalem giữa đại dịch Covid-19.

Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ Giêrusalem đang nỗ lực giúp đỡ các gia đình Kitô tại Thánh Ðịa gặp những khó khăn lớn vì đại dịch, bị mất công ăn việc làm vì tình trạng giới nghiêm ngặt nghèo, và không có du khách và tín hữu hành hương đến Thánh Ðịa.

Thực vậy, từ tháng 5 năm 2020 và cả hiện nay, với sự đóng góp của 30 ngàn hiệp sĩ nam nữ thuộc Hội hiệp sĩ Thánh Mộ Giêrusalem, hơn 2,400 gia đình thuộc trên 30 giáo xứ trong lãnh thổ Tòa Thượng Phụ Công Giáo la tinh ở Giêrusalem được nâng đỡ.

Ông Sami El-Yousef, Giám đốc hành chánh của Tòa Thượng Phụ ở Giêrusalem, cho biết tài trợ của các Hiệp sĩ Thánh Mộ nhắm nâng đỡ các nhu cầu thiết yếu của các gia đình gặp khó khăn, như giúp các phiếu để mua thực phẩm, các vật dụng vệ sinh, thuốc men cho các trẻ em, và trả tiền điện nước, tiền học phí.

Sự phân phối các đồ cứu trợ được thực hiện với sự giúp đỡ của các cha sở, các Hội đồng giáo xứ và cả chính quyền địa phương. Trong số các gia đình nói trên có 1,238 gia đình ở Vương quốc Giordani và 1,180 gia đình ở Palestine. Tình hình tại Thánh Ðịa cũng như tại nhiều nước, vẫn còn nhiều khó khăn. Từ ngày 18 tháng 9 năm 2020, chính phủ Israel ra lệnh tái giới nghiêm ngặt nghèo trong 3 tuần lễ để chặn đứng sự tái lan lây mạnh của Coronavirus. Hết 3 tuần lễ, Bộ trưởng y tế Israel cho biết sự giới nghiêm có thể được kéo dài.

Trong những tuần lễ tới đây, Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ tiếp tục gửi tiền giúp đỡ ngoại thường cho các gia đình. Số tiền trợ giúp cho đến nay vào khoảng 3 triệu Euro, không kể ngân khoản thường lệ hàng tháng giúp Tòa Thượng Phụ Công Giáo La tinh Giêrusalem.

Ðức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, Giám quản Tông Tòa tòa Thượng Phụ, cho biết các tín hữu Kitô tại Thánh Ðịa cảm thấy được các Hiệp sĩ Thánh Mộ trên thế giới nâng đỡ trong thời kỳ khó khăn hiện nay. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn chung trên hoàn cầu, lòng quảng đại của Hội hiệp sĩ Thánh Mộ không bị suy giảm trong những tháng đại dịch này.

Cả Ðức Hồng Y Fernando Filoni, nguyên Tổng trưởng Bộ truyền giáo và từ tháng 12 năm 2019 là Thủ lãnh Hội Hiệp Sĩ Thánh Mộ, cho biết số tiền 3 triệu Euro vừa nói được thêm vào số hơn 120 triệu Euro Hội trợ giúp trong 10 năm qua cho các nhu cầu của Giáo Hội và các tín hữu Kitô tại Thánh Ðịa. Ðức Hồng Y nói: “Nếu chúng ta không giúp đỡ các Kitô hữu tại Thánh địa thì chúng ta có nguy cơ đánh mất họ và biến các nơi Thánh thành một bảo tàng viện hoặc một nơi du lịch. Chúng ta phải làm sao để nuôi dưỡng các cộng đoàn sinh động và hiếu khách, những người thừa kế của Giáo Hội Mẹ tại Giêrusalem mà tất cả chúng ta tùy thuộc”.

Hội Hiệp sĩ Thánh Mộ Giêrusalem được thành lập từ thế kỷ 14 và các sử liệu cho thấy lễ bổ nhiệm các hiệp sĩ đầu tiên diễn ra vào năm 1336 và Hội vẫn luôn được sự quan tâm, nâng đỡ và bảo vệ của các Ðức Giáo Hoàng.

Ngày nay, gia nhập Hội hiệp sĩ Thánh Mộ có nghĩa là cam kết đảm nhận suốt đời việc làm chứng tá đức tin, dấn thân làm việc bác ái liên tục, nâng đỡ tinh thần và cả vật chất cho các cộng đoàn Kitô tại Thánh Ðịa như một nghĩa vụ bác ái của Kitô hữu, đặc biệt hỗ trợ các sáng kiến để duy trì sự hiện diện của Kitô giáo tại Thánh Ðịa. Các vị lãnh đạo chi Hội hiệp sĩ ở địa phương có nhiệm vụ cứu xét các ứng sinh muốn gia nhập, và nếu được nhận họ sẽ qua một thời kỳ huấn luyện dài 12 tháng, và sau đó họ có thể chính thức làm đơn xin gia nhập Hội.


Source:Christian Media Center

4. Chương thứ tư của thông điệp Fratelli Tutti

Tiếp tục giới thiệu thông điệp thứ ba của Đức Thánh Cha Phanxicô có tựa đề “Fratelli Tutti”, nghĩa là “Tất Cả Là Anh Em”, trong chương trình này, Hiền Hòa xin gởi đến quý vị và anh chị em chương thứ tư của thông điệp này.

Toàn bộ chương thứ tư được dành cho chủ đề di dân với tựa đề là “Một trái tim mở lòng ra với toàn thế giới”. Đức Thánh Cha viết rằng: “Khi cuộc sống đang lâm nguy, những người di dân và tị nạn đành phải chạy trốn chiến tranh, bách hại, và các thảm họa thiên nhiên. Họ bị tách khỏi quê hương bản quán và cộng đồng gốc của mình. Họ trở thành mồi ngon cho nạn buôn người. Những người di cư và tị nạn, do đó, phải được chào đón, bảo vệ, hỗ trợ và hội nhập vào xã hội mới.”

Đức Thánh Cha khẳng định cần phải tránh việc di dân không cần thiết bằng cách tạo ra các cơ hội cụ thể để người dân có thể sống đúng phẩm giá ngay tại quê hương bản quán của mình mà không cần phải đi đâu. Nhưng đồng thời, chúng ta cần tôn trọng quyền được tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở những nơi khác. Ở các nước tiếp nhận, sự cân bằng hợp lý sẽ là làm sao bảo vệ các quyền chính đáng của công dân địa phương, và đồng thời bảo đảm việc chào đón và hỗ trợ các di dân.

Cách riêng, Đức Thánh Cha chỉ rõ một số “biện pháp không thể thiếu nhằm trợ giúp những người đang chạy trốn các cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng” như tăng cường và đơn giản hóa việc cấp thị thực nhập cảnh; mở các hành lang nhân đạo; bảo đảm chỗ ở, an ninh và các dịch vụ thiết yếu; cung cấp cơ hội làm việc và huấn luyện; tạo điều kiện cho việc đoàn tụ gia đình; bảo vệ trẻ vị thành niên; bảo đảm tự do tôn giáo và cổ vũ việc hòa nhập xã hội.

Đức Thánh Cha cũng kêu gọi thiết lập trong xã hội khái niệm “quyền công dân trọn vẹn”, và bác bỏ việc sử dụng có tính kỳ thị thuật ngữ “các nhóm thiểu số”. Thông điệp Fratelli Tutti viết: “Điều cần thiết trên hết là việc quản trị trên quy mô toàn cầu, một sự hợp tác quốc tế về di dân nhằm thực hiện việc lên kế hoạch dài hạn sao cho các quốc gia có thể nghĩ mình thuộc về một ‘gia đình nhân loại’”.

Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng những người khác với chúng ta là một phúc lành và làm giầu cho mọi người, vì những khác biệt tiêu biểu cho một cơ hội để phát triển. Một nền văn hóa lành mạnh là một nền văn hóa biết chào đón, có khả năng mở lòng ra với người khác, mà không từ bỏ chính bản thân mình, nhưng làm giàu một cách chọn lọc với những gì là chân thực.


Source:Vatican News
 
Phép lạ ngoạn mục, chữa lành tức khắc dẫn đến lễ tuyên Chân Phước cho Carlo Acutis hôm thứ Bẩy 10/10
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:21 10/10/2020

Lúc 4 giờ chiều theo giờ địa phương hôm thứ Bẩy 10 tháng 10, tức là 9 giờ tối cùng ngày theo giờ Việt Nam, lễ tuyên tuyên Chân Phước cho cậu bé Carlo Acutis qua đời lúc mới 15 tuổi vào năm 2006 đã diễn ra tại Vương Cung Thánh Đường thánh Phanxicô thành Assisi.

Với lễ tuyên chân phước cho Carlo Acutis, Giáo Hội Công Giáo lần đầu tiên có một Chân Phước mặc quần jean, áo thun, say mê máy tính, nhưng đặc biệt hơn cả là yêu mến Sự Hiện Diện Thật Sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.

“Luôn luôn kết hợp với Chúa Giêsu là chương trình cuộc sống của tôi,” Carlo Acutis viết khi mới 7 tuổi.

Cậu bé say mê máy tính trẻ tuổi người Ý, chết vì bệnh bạch cầu khi mới 15 tuổi, đã dâng hiến sự đau khổ của mình cho Đức Giáo Hoàng và Giáo hội. Cậu đã được tuyên Chân Phước vào ngày 10 tháng 10 trong một thánh lễ được trực tiếp truyền hình đến nhiều quốc gia trên thế giới.

“Từ khi còn là một đứa trẻ… cậu ấy đã nhìn vào Chúa Giêsu. Tình yêu đối với Bí tích Thánh Thể là nền tảng duy trì mối quan hệ của cậu với Chúa. Vị tân Chân Phước thường nói ‘Bí tích Thánh Thể là con đường dẫn đến thiên đàng của tôi,’” Đức Hồng Y Agostino Vallini nói trong bài giảng lễ tuyên Chân Phước.

“Carlo cảm thấy có nhu cầu mạnh mẽ là phải giúp mọi người khám phá ra rằng Chúa đang ở gần chúng ta và thật tuyệt khi ở bên Ngài để tận hưởng tình bạn và ân sủng của Ngài.”

Trong thánh lễ tuyên Chân Phước, cha mẹ của Acutis đã tiến lên cung thánh theo sau một thánh tích của trái tim con trai họ được đặt gần bàn thờ. Một tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được đọc to, trong đó Đức Thánh Cha tuyên bố rằng ngày lễ của Carlo Acutis sẽ diễn ra hàng năm vào ngày 12 tháng 10, ngày kỷ niệm cái chết của cậu tại Milan vào năm 2006.

Các tín hữu và khách hành hương đeo khẩu trang y tế đứng tràn ra phía trước Vương cung thánh đường Thánh Phanxicô và khắp các quảng trường ở Assisi để xem thánh lễ trên màn hình lớn vì lý do phòng chống đại dịch coronavirus chỉ có một số lượng người hạn chế được phép vào trong.

Việc tuyên Chân Phước cho Acutis đã thu hút khoảng 3,000 người từ các nơi khác đến Assisi, bao gồm những người biết cá nhân Acutis và nhiều người trẻ khác được truyền cảm hứng từ chứng tá của cậu.

Mattia Pastorelli, 28 tuổi, là bạn thời thơ ấu của Acutis, là người gặp anh lần đầu khi cả hai mới 5 tuổi. Anh ấy nhớ đã chơi các trò chơi điện tử, bao gồm cả Halo, với Carlo.

“Có một người bạn sắp trở thành một vị thánh là một cảm xúc rất kỳ lạ,” Pastorelli nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, ngày 10 tháng 10. “Tôi biết anh ấy khác với những người khác, nhưng giờ đây tôi nhận ra anh ấy đặc biệt đến mức nào.”

“Tôi đã theo dõi anh ấy khi anh ấy đang lập trình các trang web… Anh ấy thực sự là một tài năng đáng kinh ngạc,” Pastorelli nói thêm.

Trong bài giảng của mình, Đức Hồng Y Vallini, đặc sứ của Đức Thánh Cha tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phanxicô, đã ca ngợi Acutis như một gương mẫu về cách người trẻ có thể sử dụng công nghệ để phục vụ Tin Mừng, để “tiếp cận càng nhiều người càng tốt và giúp họ biết đến vẻ đẹp trong tình bạn với Chúa”.

Đối với Carlo, Chúa Giêsu là “sức mạnh của cuộc đời ngài và mục đích của mọi việc ngài đã làm,” vị Hồng Y nói.

“Anh ấy tin chắc rằng để yêu thương mọi người và làm điều tốt cho họ, anh chị em cần phải kín múc năng lượng từ Chúa. Với tinh thần này, cậu rất sùng kính Đức Mẹ”.

“Mong muốn nồng nhiệt của cậu ấy cũng là thu hút càng nhiều người đến với Chúa Giêsu, khiến bản thân trở thành người loan báo Tin Mừng trên hết bằng tấm gương đời sống của chính mình”.

Khi còn trẻ, Acutis đã tự học cách lập trình và tiếp tục tạo ra các trang web liệt kê các phép lạ Thánh Thể trên thế giới và các cuộc hiện ra của Đức Mẹ.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng:

“Hội thánh vui mừng, vì ở nơi Chân phước còn rất trẻ này, lời Chúa đã được ứng nghiệm: ‘Ta đã chọn con và chỉ định con ra đi và sinh nhiều hoa trái’. Và Carlo đã ‘ra đi’ và mang lại hoa trái của sự thánh thiện, tôn vinh sự thánh thiện như một mục tiêu mà tất cả mọi người đều có thể đạt được chứ không phải là một cái gì đó trừu tượng và chỉ dành riêng cho một số ít người”.

“Anh ấy là một cậu bé bình thường, giản dị, bộc trực, dễ mến. Cậu bé yêu thiên nhiên và các động vật, chơi túc cầu. Cậu có nhiều bạn bè cùng lứa tuổi. Cậu bị thu hút bởi các phương tiện giao tiếp xã hội hiện đại, đam mê khoa học máy tính và tự học. Cậu ấy đã xây dựng các trang web để truyền Tin Mừng, để loan truyền các giá trị và vẻ đẹp.”

Trong những ngày này Assisi đang cử hành lễ tuyên Chân Phước cho Carlo Acutis kéo dài hơn hai tuần lễ từ ngày 1 đến 17 tháng 10. Trong thời gian này, hình ảnh của một Acutis trẻ trung đứng bên cạnh một ngôi sao khổng lồ cùng với các biểu tượng Thánh Thể có thể được nhìn thấy trước các nhà thờ xung quanh thành phố Thánh Phanxicô và Thánh Clara.

Nhiều người đứng xếp hàng để cầu nguyện trước lăng mộ của Carlo Acutis, nằm trong khu hầm mộ của Assisi trong Nhà thờ Đức Bà Cả. Nhà thờ đã tăng giờ mở cửa cho đến tận nửa đêm trong suốt hai tuần lễ mừng việc tuyên Chân Phước để cho phép nhiều người đến cầu nguyện bên thi hài của Acutis.

Cha Boniface Lopez, một linh mục dòng Phanxicô Capuchin nói với CNA rằng ngài lưu ý thấy nhiều người đến thăm ngôi mộ của Acutis cũng đã tận dụng cơ hội để đi xưng tội. Tại đây có các tòa giải tội bằng nhiều ngôn ngữ trong suốt 17 ngày trưng bày thi thể của Acutis.

“Nhiều người đến gặp Carlo để cầu nguyện và xin ơn trong đó có nhiều người trẻ. Họ đến để xưng tội, họ đến vì họ muốn thay đổi cuộc đời và họ muốn đến gần Chúa và thực sự cảm nghiệm về Chúa,” Cha Lopez nói.

Các nhà thờ trên khắp thành phố Assisi cũng tổ chức thêm các giờ Chầu Thánh Thể để đánh dấu việc tuyên Chân Phước cho Acutis.

Lopez nói rằng anh cũng đã gặp nhiều nữ tu và linh mục đến hành hương để viếng thi hài Actutis. “Các nữ tu đến đây để xin ơn giúp họ nuôi dưỡng một tình yêu lớn hơn đối với Bí tích Thánh Thể”.

Như Acutis đã từng nói: “Khi đối diện với mặt trời, chúng ta bị rám nắng nhưng khi đứng trước Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta trở thành những vị thánh. “


Source:Catholic News Agency