Ngày 08-10-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chèo kéo, nhì nhằng
Lm. Minh Anh
00:04 08/10/2020

CHÈO KÉO, NHÌ NHẰNG
“Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho”.

Anh Chị em thân mến,

Dù khá dè dặt, nhưng sẽ rất thú vị nếu chúng ta dám nói dụ ngôn ‘Xin bánh giữa đêm’ của Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn rất châu Á; vì lẽ chỉ có người châu Á mới ‘chèo kéo, nhì nhằng’ năm lần bảy lượt… như tính cách nhân vật Chúa Giêsu mô tả để dạy chúng ta kiên trì trong cầu nguyện.

Vốn cũng là châu Á, Chúa Giêsu kể chuyện một ‘người bạn’ đến nhà một ‘người bạn’, vay ba chiếc bánh vì một ‘người bạn’ khác bất chợt ghé thăm ‘bạn’. Chỉ có người châu Á mới ‘xin khéo’ đến thế, bánh mà vay; chỉ có người châu Á mới ‘tới không báo, đi quên chào’; chỉ có người châu Á mới không có bánh trong nhà; chỉ có người châu Á mới lò dò đến nhà người khác đập cửa giữa đêm; chỉ có ‘Á’ mới lì lợm nài ní bằng được cái mình cần và cũng chỉ có ‘Á’ mới có cảnh cha con ngủ chung giường... Khi dùng những hình ảnh này, Chúa Giêsu chỉ muốn làm nổi bật tương quan thân tình cần thiết giữa chúng ta với Thiên Chúa; thân tình như bạn với bạn, thân tình như cha với con và thú vị biết bao khi xem ra, Thiên Chúa, cũng thích chúng ta ‘chèo kéo, nhì nhằng’ với Người.

Dụ ngôn hôm nay có thể gây nhiều hiểu lầm. Một số người có thể nghĩ, phải cầu nguyện ráo riết hơn, cật lực hơn, để may ra, Chúa nhậm lời; số khác cho rằng, Chúa sẽ không nhậm lời nếu chúng ta cầu nguyện không đủ chăm chỉ; số khác cũng có thể nghĩ, bất cứ điều gì chúng ta cầu, sẽ được, nếu chúng ta cứ ‘chèo kéo, nhì nhằng’. Có lẽ, không phải vậy!

Dĩ nhiên, chúng ta phải cầu nguyện chăm chỉ và phải cầu nguyện thường xuyên, nhưng một câu hỏi quan trọng là, chúng ta nên cầu nguyện điều gì? Đây chính là chìa khóa, vì Thiên Chúa sẽ không ban cho chúng ta những gì chúng ta cầu, bất kể chúng ta cầu bao lâu và chăm chỉ đến mấy, nếu điều đó không nằm trong ý muốn cho vinh danh và sự toàn thiện của Người. Ví dụ, nếu một người nào đó lâm bệnh, sắp chết và việc để người đó ra đi là một phần trong ý của Thiên Chúa thì mọi lời cầu nguyện trên thế gian cũng sẽ không thay đổi được gì; thay vào đó, ở đây, chúng ta nên hiệp lòng để mời Chúa đi vào giờ lâm chung này hầu biến nó thành một cái chết lành thánh. Vì vậy, vấn đề không phải là ‘chèo kéo, nhì nhằng’ với Chúa cho đến khi thuyết phục được Chúa làm điều chúng ta muốn, như đứa trẻ có thể làm với cha mẹ; đúng hơn, chúng ta phải cầu xin một điều, duy nhất một điều, là xin Chúa viếng thăm, ban Thánh Thần để Ngài chỉ cho chúng ta điều Thiên Chúa muốn.

Cầu nguyện không phải để thay đổi ý định của Chúa, mà là để biến đổi chúng ta, củng cố chúng ta và cho phép chúng ta chấp nhận tất cả những gì Chúa muốn nơi chính mình. Thiên Chúa, Đấng sẽ ban điều quý nhất như Phaolô nói hôm nay trong thư Galata là “Đấng ban Thánh Thần cho anh em và làm những việc lạ lùng nơi anh em” vì chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải. Cuối trình thuật, Chúa Giêsu cũng nói đến điều tốt nhất đó, “Cha các con trên trời sẽ ban Thánh Thần cho kẻ cầu xin Người”. Vì thế, lời cầu nguyện đúng đắn nhất của chúng ta là mời Chúa viếng thăm, ban Thánh Thần; Ngài sẽ trả lời mọi sự, đó là tất cả cho vinh quang Thiên Chúa, như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay, “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Israel, đã viếng thăm dân Người”.

Ngày kia, có người hỏi vị tu sĩ, “Làm sao thầy có thể bảo thợ thầy làm việc chăm chỉ đến thế mà không cần trông chừng họ, trong khi mắt chúng tôi không rời họ mà họ vẫn đánh lừa chúng tôi?”. Tu sĩ trả lời, “Tôi không rõ, tôi chỉ biết, mỗi sáng, trước khi tới xưởng, tôi dâng họ cho Chúa; tôi đến với họ bằng quả tim xót thương. Vào xưởng, tôi yêu thương họ; tôi phân công cho họ, rồi ra về. Trong phòng, tôi đặt mình trước nhan Chúa và ‘chèo kéo, nhì nhằng’ cho từng người. Như vậy đó, tôi cầu nguyện cho mỗi một người, người này đến người khác. Cuối ngày, tôi đến trao đổi với họ vài câu chuyện vui. Và chúng tôi cầu nguyện chung với nhau; rồi sau đó, chúng tôi ra về, nghỉ ngơi”.

Anh Chị em,

Tu sĩ trong câu chuyện đã cầu nguyện như thế và kết quả thật tốt đẹp; cũng thế, nhờ ‘chèo kéo, nhì nhằng’ với Chúa khi cầu nguyện, đời sống đức tin của chúng ta được Thánh Thần dạy dỗ cũng sẽ trở nên sâu sắc hơn; qua cầu nguyện, chúng ta sẽ gần gũi Chúa và gần gũi anh chị em mình hơn.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xem ra Chúa không thích con ‘Tây với Chúa’; ngược lại, Chúa thích con ‘chèo kéo, nhì nhằng’; nhờ đó, Chúa Thánh Thần sẽ dạy con sống thân tình với Chúa, như Cha với con, như bạn với bạn”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mặc áo cưới
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
00:09 08/10/2020

CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN NĂM A
MẶC ÁO CƯỚI

Thiên Chúa yêu thương tìm ngỏ lời và kết ước với loài người, trong khi loài người lại phản bội lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa. Dụ ngôn diễn tả sự phản bội ấy: "Người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi".

Nhưng dù loài người có rắp tâm phản bội đến đâu, Thiên Chúa vẫn thủy chung trong tình yêu của mình. Chính trong tình yêu bền bỉ ấy, Thiên Chúa sai Con Một là Chúa Giêsu đến trần gian, đưa loài người vào dự tiệc tình yêu hạnh phúc với Người.

Đặc biệt, dụ ngôn làm nổi bật sự thủy chung bền bỉ ấy của Thiên Chúa. Thiên Chúa tiếp tục mời gọi hết lớp người này đến lớp người khác: "Những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới".

Tuy nhiên, khách được mời phải mặc áo cưới. Dự tiệc cưới thì phải mặc áo cưới. Đó là lẽ tự nhiên và hợp lý. Kitô hữu cũng vậy, một khi đã cam kết bước theo lời mời gọi của Thiên Chúa, họ phải có đời sống phù hợp. Họ phải "mặc áo cưới" để theo Người. "Mặc áo cưới" nghĩa là gì? Đó là:

- Trung thành thờ phượng, tín thác vào Chúa.
- Biết để Thiên Chúa làm chủ mọi năng lực sống trong đời mình.
- Luôn vững tin, cậy và yêu mến Thiên Chúa là Cha tuyệt đối thánh thiện. Đồng thời tin tưởng, cậy trông và yêu mến Chúa Giêsu, Đấng hy sinh thân mình vì ơn phần rỗi của chúng ta. Hướng về Chúa Thánh Thần, ta cũng dâng lên Người lòng tin, cậy, mến như với Ngôi Cha và Ngôi Con.
- Ăn năn sám hối chân thật vì sự kính trọng mà ta dành cho Thiên Chúa. Ngoài Người, không có ai đáng được kính trọng như thế.
- Đào tạo bản thân có trái tim trong sạch và gột rửa thường xuyên trí lòng bằng việc lãnh bí tích hòa giải để làm hòa cùng Thiên Chúa.
- Sẵng sàng hiệp thông và trao tặng lòng mến của mình đến mọi người.
- Thay đổi đời sống, làm sao ngày mai phải tốt, phải thánh hơn hôm nay.
- Xa tránh cám dỗ và tội lỗi, tập nhân đức, bỏ ý riêng sống theo ý Chúa.
- Bỏ ích kỷ cá nhân, mặc lấy bác ái, vị tha.
- Dẹp bỏ tham lam, ô uế, gian tà để xứng đáng đón tiếp tình yêu của Chúa.
- Bỏ hiềm khích, vô ơn, bất chính, mặc lấy lòng xót thương, lòng biết ơn.
- Bỏ sự hờ hững, vô tâm, mặc lấy lòng nhiệt thành, liên đới, cảm thông...
- Có trái tim rung động trước tình yêu của Chúa, không chai đá chỉ biết chạy theo những gian dối của trần gian.

Tóm lại, "mặc áo cưới" là mặc lấy tinh thần mới, lối nhìn mới, cách sống mới.

Vậy để có thể giữ tình trạng "mặc áo cưới" của mình lâu bền, chúng ta hãy chuyên chăm cầu xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng trí lòng, để có thể tỉnh táo luôn mà tẩy rửa linh hồn. Xin Chúa Thánh Thần ban sức mạnh, giúp ta kiên quyết đến cùng trên con đường theo đuổi sự thánh thiện. Xin Chúa Thánh Thần nắm lấy tay ta, để không trượt ngã trên đường theo Chúa suốt đời ta.

Và bản thân, hãy cộng tác với ơn của Chúa Thánh Thần để trung thành giữ cho mình luôn trong tình trạng "mặc áo cưới", đó là ra sức chống trả mọi tư tưởng gian tà, quyết thực hành lề luật của Chúa, của Hội Thánh, không sống theo xác thịt với những đam mê dục vọng của nó.

Lạy Chúa, xin ban sức mạnh cho chúng con, để chúng con luôn biết "mặc áo cưới" mà theo Chúa. Xin Chúa đừng loại bỏ chúng con, nhưng xin cho chúng con được ơn tha thứ. Mai đây, khi đi qua cõi đời này, Xin Chúa cho chúng con hưởng thánh nhan Chúa muôn đời. Amen.
 
Y phục dự tiệc cưới Nước Trời
Lm. Đan Vinh
00:22 08/10/2020

CHÚA NHẬT 28 THƯỜNG NIÊN A
Is 25,6-10a; Pl 4,12-14.19-20; Mt 22,1-14
Y PHỤC DỰ TIỆC CƯỚI NƯỚC TRỜI

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 22,1-14

(1) Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: (2) “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. (3) Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. (4) Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: “Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: “Này cỗ bàn, ta đã dọn xong. Bò tơ và thú béo đã hạ rồi. Mọi sự đã sẵn. Mơi quý vị đến dự tiệc cưới !” (5) Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: Kẻ thì đi thăm trại, người thi đi buôn. (6) Còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. (7) Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy, và thiêu hủy thành phố của chúng. (8) Rồi nhà vua bảo đầy tớ: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. (9) Vậy các ngươi đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới. (10) Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách. (11) Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát thực khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục tiệc cưới (12) mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” Người ấy câm miệng không nói được gì. (13) Bấy giờ, nhà vua bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng ! (14) Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít”.


2. Ý CHÍNH: DỤ NGÔN TIỆC CƯỚI
Đức Giê-su trình bày dụ ngôn tiệc cưới, ám chỉ lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa qua hai giai đoạn chính như sau: Đầu tiên Thiên Chúa tuyển chọn và mời gọi dân riêng Ít-ra-en gia nhập vào Nước Trời do Đấng Thiên Sai thiết lập, nhưng họ đã từ chối tình thương cứu độ của Người. Tiếp đến, Thiên Chúa mời gọi tất cả các dân tộc gia nhập Nước Trời. Tuy nhiên muốn được tham dự vào bàn tiệc Nước Trời đời sau, đòi người ta phải mặc y phục lễ cưới, tức là phải có “lòng ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng” do Chúa Giê-su rao giảng. Ai cố tình không mặc y phục lễ cưới sẽ không được vào dự tiệc Nước Trời.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-3: + Nước Trời giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình: Thiên Chúa khai mở bữa tiệc thời Thiên Sai bằng việc cho Con Một Người xuống thế làm người (x. Mt 24,1-12; Kh 19,9). Tuy dụ ngôn về tiệc cưới của hoàng tử, nhưng lại đề cập nhiều đến thái độ phải có của các khách được mời đến tham dự. + Nhà vua sai đầy tớ: Đầy tớ ám chỉ các ngôn sứ (x. ls 25,6). + Đi thỉnh các quan khách đã được mời trước: Quan khách ám chỉ dân Ít-ra-en được Thiên Chúa ưu tuyển. + Nhưng họ không chịu đến: Các đầu mục đã hướng dẫn dân Ít-ra-en khinh thường lời mời của Thiên Chúa.
- C 4-6: + Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi: Điều này cho thấy lòng khoan dung của Thiên Chúa. Ngài luôn kiên nhẫn trước thái độ bất trung ngỗ nghịch của Ít-ra-en dân riêng của Ngài. + Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: Họ không đếm xỉa tới lời mời vì không tin vào các ngôn sứ do Thiên Chúa sai đến. + Kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn: Đi thăm trại hay đi buôn bán là những lý do biện minh cho hành động không đến tham dự bữa tiệc cưới, cho thấy dân ít-ra-en đã coi trọng của cải vật chất và các việc trần gian hơn lời hứa cừu độ của Thiên Chúa. + Còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết: Các đầu mục đã xúi dân bắt bớ giết hại các ngôn sứ là những gia nhân do Thiên Chúa sai đến. Điều này cho thấy tội bất trung của họ đã lên đến tột cùng và đáng bị trừng phạt.
- C 7-8: + Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ: Sự dửng dưng, từ chối và còn giết hại các ngôn sứ thời Cựu ước và các Tông đồ thời Tân ước khiến cho Thiên Chúa nổi cơn thịnh nộ. + Sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy: Sự cố chấp chống lại tình thương cứu độ, khiến dân Do Thái không còn xứng đáng được hưởng sự khoan dung nữa và đáng bị trừng phạt. + Và thiêu hủy thành phố của chúng: Việc thiêu hủy thành phố ám chỉ biến cố thành Giê-ru-sa-lem bị phá hủy bình địa vào năm 70 sau Công nguyên. Điều này cho thấy Tin mừng Mát-thêu được biên sọan vào sau năm 70, khi ấy tác giả đã được chứng kiến cảnh hoang tàn đổ nát của thành Giê-ru-sa-lem. + Những kẻ đã được mời lại không xứng đáng: Ơn cứu độ đã được hứa ban cho dân Ít-ra-en, nhưng họ lại không đáng được hưởng do thái độ dửng dưng và từ chối Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập.
- C 9-10: + Vậy các ngươi đi ra các ngả đường: Nhắc lại lệnh của Đức Giê-su truyền cho các môn đệ trước khi về trời: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Ra các ngả đường còn nói lên tính phổ quát của ơn cứu độ như lời Đức Giê-su: “Từ phương Đông phương Tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngòai, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 8,11-12). + Gặp ai bất luận xấu tốt cũng tập hợp cả lại: Câu này cho thấy ý của Thiên Chúa là muốn cho tất cả mọi người đều được vào Nước Trời (x. Mt 9,13). + Phòng tiệc cưới đã đầy thực khách: Từ nay Hội thánh gồm đủ mọi dân tộc và mọi thành phần tốt xấu trong xã hội. Ở đây cũng nhắc lại ý nghĩa của dụ ngôn Cỏ lùng (x. Mt 13,24-30) và Chiếc lưới (x. Mt 13,47-50).
- C 11-12: + Nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc: Sự quan sát ám chỉ cuộc phán xét cuối cùng của Đức Giê-su, Đấng được Thiên Chúa tôn lên làm “Chúa” (x. Pl 2,6-11) và làm “Vua” xét xử muôn dân (x. Mt 25,31-46). Tuy “Hội thánh lữ hành” ở trần gian còn bao gồm cả người tốt lẫn kẻ xấu, nhưng “Hội thánh chiến thắng” trên trời lại chỉ gồm những người đã trải qua cuộc phán xét chung. Khi ấy chỉ những người có đức tin, thể hiện qua lối sống khiêm tốn phục vụ mới được tham dự bàn tiệc Nước Trời. + Có một người không mặc y phục lễ cưới: Trong Thánh Kinh không chỗ nào đề cập đến tục lệ chủ nhà sắm quần áo cưới cho quan khách đến dự tiệc mặc trước khi vào phòng tiệc nhưng chỉ cần họ ăn mặc lịch sự là đủ. Y phục lễ cưới ở đây ám chỉ chiếc áo trắng chiến thắng (x. Kh 7,9b), áo chính trực công minh (x. Is 61,10) và công chính (x. Mt 5,16.20), tượng trưng con người mới công chính thánh thiện (x. Ep, 4,24), giống như Hiền thê được trang điểm và được mặc áo sáng chói tinh tuyền đi đón Con Chiên (x. Kh 19,8). Tóm lại, y phục lễ cưới chính là chiếc áo trắng tinh khi chịu phép rửa tội. + Người ấy câm miệng không nói được gì: Người không mặc y phục lễ cưới đã không thể biện minh cho thái độ khinh thường chủ tiệc của mình.
- C 13-14: + Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: Đây là những hình phạt tượng trưng cho hỏa ngục, nơi dành cho những kẻ sống bất chính và thù ghét Thiên Chúa. Nơi đó họ sẽ phải khóc lóc đau khổ và nghiến răng tủi hờn. + Kẻ được gọi thì nhiều mà người được chọn thì ít: Nhiều ít không phải về số lượng, nhưng đúng hơn là sự non kém. Nên câu này có thể được dịch lại như sau: “Kẻ được gọi thì đông hơn, và người được chọn thì ít hơn”. Câu này lẽ ra được đặt ngay sau dụ ngôn Tiệc Cưới. Vì người được gọi thì rất nhiều “chật ních phòng tiệc”, và chỉ có người được mời trước từ chối và “một người không mặc áo cưới bị loại ra mà thôi (x. Lc 13,22-30). Việc người được gọi thì nhiều mà được chọn thì ít không phải do Thiên Chúa không mời, nhưng tại loài người đã cố tình từ chối lời mời của Thiên Chúa, hay vì không mặc áo cưới công chính tinh tuyền, không sống giới răn yêu thương của Chúa Giê-su (x. Mt 3,8; 5,20; 7,21; 13,48; 21,32).

4. HỎI ĐÁP:

- Hỏi 1: So sánh dụ ngôn Tiệc cưới trong hai Tin mừng Mát-thêu (22,1-14) và Lu-ca (14,16-24), ta thấy Tin mừng Lu-ca không nói đến việc ông vua phát hiện ra có một kẻ không mặc áo cưới và trừng phạt y. Vậy Tin mừng nào thuật lại đúng hơn?
ĐÁP:
Ngày nay một số nhà chú giải nghĩ rằng: dụ ngôn Tiệc Cưới do Đức Giê-su giảng thực ra đã chấm dứt ngay sau khi vua cho mời những kẻ nghèo khó, tàn tật mù què vào đầy phòng tiệc, để thế chỗ cho những kẻ được mời mà không đến (x. Lc 14,16-24; Mt 22,1-10). Còn phần sau trong Tin mừng Mát-thêu (22,11-14) thực ra là một dụ ngôn khác, là dụ ngôn “Áo Cưới”, nhưng đã được đặt liền sau dụ ngôn “Tiệc Cưới”.

- Hỏi 2: Ông vua có bất công không khi phạt một người khách không mặc y phục lễ cưới chỉ vì bất ngờ được mời, nên không có thời gian chuẩn bị trước. Hơn nữa, do được mời ở ngã ba đường và bị ép vào phòng tiệc, thì lấy đâu ra áo cưới?
ĐÁP:
Những ai nhận đây là hai dụ ngôn được ghép lại thành một thì sẽ không có thắc mắc gì về vấn đề áo cưới, vì ai cũng có thời giờ chuẩn bị trước ở nhà. Tuy nhiên ngay cả trường hợp được mời đột xuất thì việc phạt người không mặc áo cưới cũng không bất công. Vì tại sao bao nhiêu người khác cũng được mời bất ngờ như vậy mà vẫn có thể mặc y phục lễ cưới? Hơn nữa, khi bị hạch hỏi, người không mặc áo cưới này lại làm thinh, không bào chữa gì được cho hành vi của mình. Tuy nhiên, đây chỉ là một câu chuyện dụ ngôn, nên cần quan tâm đến bài học dụ ngôn muốn dạy, hơn là để ý đến các chi tiết khác. Điều dụ ngôn muốn dạy là: Kẻ không mặc áo cưới là kẻ cố tình không chịu sám hối và tin vào Tin Mừng, nên không đủ điều kiện vào dự tiệc, mà còn bị quăng vào hỏa ngục đời đời.

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA:

Nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” Người ấy câm miệng không nói được gì (Mt 22,11-12).

2. CÂU CHUYỆN:

1) HÃY HƯỚNG NHÌN LÊN TRỜI CAO:

Một con gà rừng mẹ đang ấp trứng, nhưng lẫn trong ổ trứng của nó có một trứng to của chim đại bàng. Khi đến ngày giờ, các quả trứng đều nở ra thành con. Đại bàng con nô đùa vui vẻ bên các chú gà rừng như anh chị em ruột trong gia đình gà rừng.
Một ngày kia, khi đang bới móc trong đống rác kiếm ăn giun đất chung với đàn gà rừng, đại bàng con chợt thấy một con đại bàng lớn bay lượn trên không với dáng vẻ oai phong đẹp mắt. Cậu liền hỏi gà mẹ rằng:
- Mẹ ơi, sao bọn mình lại không bay lên cao như chim đại bàng trên trời kia hả mẹ?
- Chúng ta không phải đại bàng nên không thể bay lên được con ạ !
- Thế chúng ta là ai hả mẹ? Đại bàng con hỏi tiếp.
- Chúng ta chỉ là loài gà rừng mà thôi !
Rồi vài ngày sau đó, khi đang khi bươn chải kiếm ăn trên đống rác, đại bàng con lại thấy chim đại bàng mẹ bay lượn trên cao gọi cậu:
- Hãy bay lên cao với mẹ hỡi con yêu của ta ! Thế giới của con là trời cao biển rộng, chứ đâu phải đống rác nhơ bẩn dưới đó ! Mau bay lên với mẹ đi con.
Đại bàng con cố đập cánh bay lên theo lời mẹ gọi, nhưng bay được vài cái là lập tức bị rơi xuống đất giữa tiếng cười chế nhạo của anh em gà rừng. Bọn chúng bảo đại bàng con rằng:
- Chú chỉ là loài gà rừng, làm sao bay lên cao được hả chú bé?
Đại bàng con tự nhủ : Nếu ta chỉ là gà rừng thì sao mẹ đại bàng trên cao kia cứ gọi ta là đại bàng con? Đàng khác, ta thấy bay lên cao cũng đâu phải quá khó ! Có lẽ tại ta chưa tập thành thạo đó thôi. Vậy bây giờ ta thử bay thêm lần nữa xem sao.
Thế là đại bàng con đủ lông đủ cánh đã bay được lên trời cao và cứ tiếp tục bay lên mãi. Cậu bay theo sau đại bàng mẹ tiến về một phương trời mới. Lần đầu tiên trong đời, đại bàng con được từ trên cao nhìn xuống đất. Nó cảm thấy lòng tràn ngập niềm vui vẻ hạnh phúc.
Như đại bàng mẹ kiên nhẫn kêu gọi đại bàng con đừng nhìn trên mặt đất nhưng hãy ngước nhìn lên bầu trời cao xanh và cố gằng bay lên đi theo bầy đàn, Thiên Chúa cũng luôn mời gọi chúng ta loại bỏ lòng “tham sân si” để ước ao dự tiệc cưới Nước Trời, là gia nhập vào Hội thánh đời này để được hạnh phúc thiên đàng đời sau.

2) Y PHỤC NƯỚC TRỜI LÀ CUỘC SỐNG YÊU THƯƠNG VÀ PHỤC VỤ

Để trả lời cho những người muốn biết Nước Trời ở đâu, Đức Giê-su đã dạy: “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17,21). Như vậy, mỗi gia đình, cộng đoàn hay bất cứ tập thể nào cũng có thể trở thành thiên đàng hay hỏa ngục.
Có người kia nằm mơ thấy mình được dự hai bữa tiệc: một trên thiên đàng và một dưới hỏa ngục. Anh ta đã nhận xét sự khác biệt giữa hai bàn tiệc của hai nơi ấy như sau:
Cả hai bàn tiệc trên thiên đàng hay trong hỏa ngục đều đầy thức ăn ngon, và mỗi người đều được phát một đôi đũa. Có điều các đôi đũa lại dài quá khổ, đến nỗi tuy người ăn có thể gắp được đồ ăn trên bàn, nhưng lại không sao đưa đồ ăn ấy vào miệng mình. Trong bàn tiệc trên thiên đàng thì mọi người đồng bàn đều có lòng vị tha. Họ biết quan tâm và muốn làm vui lòng người khác, nên đã đã gắp đồ ăn phục vụ cho nhau, khiến mọi người đều được ăn no và bầu khí bữa tiệc rất vui vẻ và bình an. Ngược lại, tại bàn tiệc trong hỏa ngục thì mọi người đồng bàn đều ích kỷ, họ chỉ nghĩ đến bản thân mà không nghĩ đến người khác. Do không thể tự gắp đồ ăn vào miệng mình, và do ganh tị họ cũng không muốn cho người khác được ăn, khiến mọi người đều đói và thù ghét nhau. Kết quả là “người thì bị đau khổ khóc lóc, kẻ lại nghiến răng giận hờn”.

3) Y PHỤC TIỆC CƯỚI NƯỚC TRỜI CỦA AU-GÚT-TI-NÔ LÀ SỰ HOÁN CẢI:

AU-GÚT-TI-NÔ khi còn trai trẻ đã có một đời sống bê tha trụy lạc. Nhưng đến năm 33 tuổi, Au-gút-ti-nô đã gặp được giám mục Am-brô-si-ô, và anh đã được vị này hướng dẫn đọc Lời Chúa hằng ngày. Đoạn văn đánh động tâm hồn Au-gút-ti-nô là lời thánh Phaolô khuyên các tín hữu Rô-ma như sau: “Như giữa ban ngày, anh em hãy sống đoan trang tiết độ, không ăn uống say sưa, không chơi bời dâm đảng, không kình địch ghen tương; nhưng hãy mặc lấy Đức Giêsu Kitô và đừng lo tìm thoả mãn những đam mê xác thịt.” (Rm 13, 13-14). Au-gút-ti-nô có cảm tưởng như câu lời Chúa này dành riêng cho mình còn được tấn phong làm giám mục. Sau cùng, giám mục Au-gút-ti-nô đã được tôn phong làm tiến sĩ thầy dạy của Hội Thánh.

Trong nghi thức ban bí tích rửa tội, vị chủ sự trao cho người tân tòng tấm áo trắng và nhắn nhủ: “Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Chúa Kitô. Vậy con hãy nhận chiếc áo trắng nầy, hãy mang lấy và giữ nó tinh tuyền mãi cho đến khi ra trước toà Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, để cho con được sống muôn đời”.

4) CHUẨN BỊ DỰ TIỆC ĐỜI SAU BẰNG NĂNG DỰ TIỆC THÁNH THỂ ĐỜI NÀY:

Một bé gái bệnh nặng, một hôm biết mình khó qua khỏi, em gọi cha mình lại để nói chuyện. Người cha này rất nguội lạnh, lại hay ăn nhậu và không bao giờ đến nhà thờ. Em hỏi: - “Cha có thương con không?”.
Người cha cảm động nói: - “Sao con lại hỏi thế, cha rất yêu con!”.
– “Con sắp xa cha rồi, con sắp về với Chúa rồi!”.
– “Không! Con sẽ mạnh, cha thương con lắm!”. Người cha ôm con khóc nức nở.
– “Con sẽ gặp Chúa, con yêu Chúa, nhưng con cũng yêu cha, con không muốn xa cha, cha có muốn gặp lại con và sống mãi bên con không?”
– Người cha nghẹn ngào đáp: - “Có, con yêu!”.
– “Vậy cha hãy hứa với con là cha sẽ năng đi lễ nhà thờ nhé! Con muốn được gặp lại cha trên Thiên Đàng”.
Người cha trả lời trong nước mắt: - “Cha hứa!”.
- “Con vui lắm rồi, con hẹn sẽ gặp lại cha nhé!”. Bé gái nhìn cha mỉm cười và sau đó ít phút, em đã nhắm mắt lìa đời.
Sau ngày an táng con gái thân yêu, cha em đã giữ lời hứa và trở thành một con chiên ngoan đạo, hằng ngày đến nhà thờ dự lễ và rước lễ sốt sắng. Ông còn tình nguyện tham gia vào ban phục vụ nhà thờ. Cuối cùng ông đã chết trong bình an với niềm hy vọng sớm được về thiên đàng để gặp cô con gái thân yêu.

Muốn được vào dự tiệc Nước Trời, người ta phải “mặc áo cưới” là đức tin và lòng sám hối, là lòng mến Chúa và năng kết hiệp với Người, rồi khiêm tốn phục vụ Người đang hiện thân nơi những người nghèo khổ và bất hạnh (x. Mt 25,34-36.40).

5) SỨC MẠNH LÂY LAN CỦA LÒNG BÁC ÁI CHIA SẺ:

Khi Mẹ Tê-rê-sa Cal-cut-ta đi ngang qua nhà một gia đình theo đạo Hin-đu (Ấn Giáo) đã bị đói nhiều ngày. Mẹ đã cầm theo một ít gạo để cho gia đình ấy. Điều xảy ra làm mẹ kinh ngạc là: Sau khi nhận được gạo, người mẹ trong gia đình này đã chia đôi số gạo, sang chia sẻ cho gia đình hàng xóm.
Thấy vậy, mẹ Tê-rê-sa liền hỏi: “Chia cho người khác rồi thì bà còn lại được bao nhiêu? Liệu có đủ cho gia đình nhà bà không?”. Mẹ thật bất ngờ khi nghe người ấy nói: “Nhưng gia đình này cũng giống như gia đình tôi, đã nhịn đói trong nhiều ngày rồi”.

Chính lòng quảng đại của Mẹ Tê-rê-sa đã có sức lan truyền, để người vừa được chia sẻ cơm bánh cũng biết quảng đại chia sẻ cho tha nhân đồng cảnh ngộ với mình.

3. SUY NIỆM:

1) THIÊN CHÚA BAN ƠN CỨU ĐỘ LOÀI NGƯỜI QUA HAI GIAI ĐOẠN:

Giai đoạn một: Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ đến với dân It-ra-en báo tin về một Đấng Thiên Sai sẽ đến thiết lập một “Triều Đại của Thiên Chúa”, và mời dân này gia nhập. Khi gần đến ngày đã định, Thiên Chúa lại sai Gio-an Tẩy Giả là vị tiền sứ của Đấng Thiên Sai đến nhắc lại lời mời gọi ấy như sau: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3,2). Nhưng dân Ít-ra-en vẫn tỏ thái độ thờ ơ và vua Hê-rô-đê đã giết hại Gio-an. Về sau dân này còn hè nhau giết hại chính Người Con do Thiên Chúa sai đến là Đức Giê-su.

Giai đoạn hai: Trước sự cứng lòng của dân Ít-ra-en đã từ chối ơn cứu độ, Thiên Chúa đã mời mọi dân tộc khác vào dự tiệc cưới Nước trời, qua lời Đức Giê-su truyền cho các môn đệ như sau: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Rồi nhờ ơn Thánh Thần ban, các Tông đồ đã chu toàn sứ mạng loan báo Tin mừng khắp muôn dân. Nhờ Thánh Thần tác động mà số người gia nhập vào Hội thánh ngày gia tăng.

2) ĐÁP LẠI LỜI MỜI GỌI CỦA THIÊN CHÚA BẰNG CÁCH NÀO? :

a) Hãy luôn hướng lòng trí về những sự trên trời:
Chúng ta tránh chỉ lo toan tìm kiếm cơm áo vật chất, mà còn phải ý thức nhiệm vụ của mình nhứ lời Thánh Phao-lô dạy: ”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người” (Pl 3,20-21). Mỗi tối trước khi đi ngủ, chúng ta hãy tự hỏi: Hiện giờ tấm áo trắng rửa tội của tôi có còn tinh tuyền không? Hôm nay tôi đã sống giới răn mến Chúa yêu người như thế nào? Giả như đêm nay Chúa gọi tôi về trình diện, tôi có đủ điều kiện để được tham dự bàn tiệc Nước Trời hay không?

b) Phải luôn mặc y phục lễ cưới:
- Y phục lễ cưới là chiếc áo trắng được trao ngày chịu phép Rửa tội: Đó là một tâm hồn thanh sạch của những người được tẩy trắng trong máu Con Chiên. Chiếc áo trắng ấy được dệt bằng sợi tơ Lời Chúa mà người tín hữu phải gìn giữ suốt cả cuộc đời. Chiếc áo trắng ấy phải luôn tinh tuyền như lời nhắn nhủ của Hội thánh trong lễ rửa tội: “Con đã trở nên tạo vật mới và đã mặc lấy Ðức Ktiô. Chiếc áo trắng này là dấu chỉ tước vị của con. Nhờ lời chỉ bảo và gương lành của thân nhân giúp đỡ, con hãy mang nó tinh tuyền mãi cho đến cõi trường sinh.”
- Y phục lễ cưới là sự tôn trọng tha nhân, qua cách ăn mặc và lối sống yêu thương phục vụ: Thánh Phaolô đã nói đến các người phụ nữ đi cầu nguyện hoặc nói tiên tri mà ăn mặc bất xứng, không phù hợp với truyền thống (1 Cr 11,15), hoặc các tín hữu đi tham dự tiệc Thánh Thể mà không chay tịnh, cứ ăn uống say sưa và khinh dể kẻ nghèo (1Cr. 11, 21-22 và 27-29, 34).
- Y phục lễ cưới còn là chu toàn sứ vụ loan Tin Mừng để làm chứng cho Chúa:
+ Bằng việc cải thiện môi trường đang sống là gia đình, khu xóm, trường học, nhà máy, công sở… ngày một nên an toàn sạch đẹp hơn, công bình nhân ái hơn… Hầu trở thành “Trời Mới Đất Mới” theo thánh ý Chúa.
+ Bằng lối sống khiêm hạ, yêu thương thăm viếng để chia sẻ cơm áo tiền bạc cho những người nghèo khổ, bệnh tật và bị bỏ rơi (x. Mt 25,34), tích cực góp phần vào sứ vụ loan báo Tin mừng cho những người chưa nhận biết tin yêu Chúa (x. 1 Cr 9,16).

4. THẢO LUẬN:

Bạn sẽ làm gì để biến đổi gia đình hay cộng đoàn của bạn trở nên thiên đàng tình thương ngay từ hôm nay?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. “Xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con”. Xin cho con biết luôn quên mình để làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa. Xin cho con biết khiêm hạ, luôn làm việc để tôn vinh Thiên Chúa và góp phần cứu rỗi tha nhân. Ước gì con biết hãm mình và luôn sống trong tình thương của Chúa. Ước gì con biết đón nhận tất cả những gì xảy đến cho con và kiên trì vác thập giá mình hằng ngày mà bước đi theo Chúa đến cùng. Xin đừng để điều gì thuộc về trần gian kéo con lạc xa Chúa. Xin thương xót con và giúp con gia tăng lòng tin yêu Chúa, hầu sau này đáng được Chúa đón nhận vào dự tiệc Nước Trời đời đời.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.




 
Thứ Sáu 9/10: Hiệp nhất và thực hành ý Chúa - Suy Niệm của Lm. Anthony Nguyễn Ngọc Dũng sdb
Giáo Hội Năm Châu
04:42 08/10/2020


Phúc Âm: Lc 11, 15-26

"Nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, (lúc Chúa Giêsu trừ quỷ), thì có mấy người trong dân chúng nói rằng: "Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ". Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống.

Nhưng Người biết ý của họ, liền phán: "Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.

"Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tán hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán.

"Khi thần ô uế ra khỏi người nào, thì nó đi dông dài những nơi khô ráo, tìm chỗ nghỉ ngơi, nhưng không tìm được, nên nó nói rằng: "Ta sẽ trở lại nhà ta, nơi ta đã ra đi". Khi đến nơi, nó thấy nhà đó đã được quét sạch và sắp đặt ngăn nắp. Bấy giờ nó đi rủ bảy tà thần khác hung ác hơn nó, chúng vào cư ngụ ở đó. Và tình trạng sau cùng của người ấy trở nên tệ hại hơn trước".

Ðó là lời Chúa.
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Chủ Nhật 28 Quanh Năm A 11.10.2020
Lm Francis Lý văn Ca
15:13 08/10/2020
ĐẦU LỄ: Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay, chúng ta được Thiên Chúa mời gọi tham dự Tiệc Thánh. Đôi lúc trong cuộc sống, chúng ta từ chối lời mời gọi nầy cách dễ dàng mà chúng ta không ngờ. Chúa Giêsu đã đến thế gian, Ngài đã thiết lập Nước Trời, nước của sự bình an và ơn cứu rỗi. Ngài mời gọi chúng ta bước vào nước đó với bàn tiệc đã dọn sẵn.
Các bài sách thánh hôm nay, trình bày cho chúng ta về hình ảnh Nước Thiên Chúa như là một bữa tiệc đã dọn sẵn, chúng ta là những vị khách được mời, nhưng vì bận rộn công việc cá nhân và xã hội, nên chúng ta đã xin kiếu.
Trong thánh lễ hôm nay, chúng ta thử xét lại thái độ kiếu từ của mình trước lời mời gọi của Thiên Chúa, đặc biệt là trong việc tuân giữ ngày Chủ Nhật - Ngày của Chúa - theo luật Chúa và Giáo Hội đòi buộc.
Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây chúng ta bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Tiên tri Isaia tỏ lộ sự vui mừng, khi Đấng Messia đến, Đấng thiên hạ đợi trông sẽ đến giải thoát nhân loại và quy tụ nhân loại sống trong Nhà Chúa. Chúng ta là những người đang hân hoan sống trong sự bao bọc của Thiên Chúa.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô phó thác trọn vẹn nơi Đức Kitô cả cuộc đời của ngài, lúc thiếu thốn cũng như khi dư dật. Đó là mẫu gương sống niềm tin và phó thác để chúng ta noi theo.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:
Hình ảnh bữa tiệc rất thông dụng, Chúa Giêsu muốn dùng hình ảnh nầy để ám chỉ số người được gọi thì nhiều mà được chọn thì ít.


LỜI NGUYỆN GIÁO DÂN

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,
Chúng ta đang tụ họp quanh bàn tiệc thánh, là những phần tử được mời. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho mỗi người trong chúng ta biết đáp lại tiếng Chúa kêu mời:

1. Xin cho những đấng thay quyền Chúa dẫn dắt chúng con dưới đất: Đức Thánh Cha Phanxicô, Các Đức Giám Mục, Linh mục. Xin cho các ngài luôn sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa kêu mời tham dự bàn tiệc thánh và giúp cho cộng đoàn Dân Chúa hăng say tham dự bàn tiệc nầy. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Chúng ta cầu nguyện cho những anh chị em đói khát về cơm bánh, vô gia cư. Xin cho họ được thông phần bàn tiệc Chúa qua sự quảng đại của những tín hữu đó đây trên thế giới, đặt biệt những Kitô hữu đang bị bách hại do nhóm Hồi Giáo quá khích. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

3. Chúng ta cầu nguyện cho những anh em Dothái, là những khác được mời đầu tiên mà Thiên Chúa đã dành cho họ. Qua lời cầu nguyện của đông đảo của các Kitô Hữu trên thế giới, một ngày nào đó, họ sẽ nhận ra Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

4. Là những người được Chúa mời dự bàn Tiệc Thánh, xin cho chúng ta biết đáp lại lời mời gọi nầy bằng việc siêng năng tham dự Thánh lễ Chủ Nhật. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

5. Chúng ta cầu nguyện cho các tôi trung tớ nữ của Chúa đã qua đời, những linh hồn chúng ta nhớ đến cách riêng trong tháng Mân Côi của Mẹ. Đặc biệt là những nạn nhân của Covid-19. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Linh mục:
Lạy Chúa, chúng con vui mừng quây quần chung quanh bàn tiệc thánh, xin lắng nghe những lời cầu xin của chúng con dâng lên trước tôn nhan Chúa. Chúng con cầu xin nhờ lời chuyển cầu của hiền mẫu Maria, Mẹ của Thánh Tử Giêsu, Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Amen
 
Chúa Nhật 28 Thường Niên A
Lm. Jude Siciliano, OP
15:44 08/10/2020

CHÚA NHẬT XXVIII TN (A)
Isaia 25: 6-10a; Psalm 22; Philipphê 4: 12-14, 19-20; Mátthêu 22: 1-14

Hôm nay thánh Mátthêu cho chúng ta một dụ ngôn khác với những chi tiết không rõ ràng mấy và hơi khó chịu. Đó là dụ ngôn nói về một vị vua mời khách đến dự tiệc cười cho hoàng tử. Những người khách đầu tiên được mời từ chối không muốn dến dự tiệc. Bây giờ chúng ta hãy xem câu chuyện như thế nào, và biết rõ những chi tiết gì chúng ta nghe lúc đầu làm chúng ta khó chịu. Dụ ngôn sẽ cho chúng ta thấy tin của câu chuyện đưa ra trong cách trình bày câu chuyện: ai nói dụ ngôn đó và vì sao thánh Mátthêu kể dụ ngôn đó trong phúc âm của ông ta.

Thật là một cách mời khách khác lạ đến dự tiệc cưới. Chúng ta có khi nào mời khách dự tiệc cưới như thế chưa? Chúng ta không thể nào triệu mời khách đến dự lễ tiệc kỷ niệm của gia đình theo cách thức này, vì chúng ta không phải là người có quyền thế, hay đang cai trị một vương quốc. Vua và Hoàng Hậu, những người có quyền lực tuyệt đối hành động khác chúng ta. Hình như đây là lần thứ hai vua mời gọi khách. Vì những người đã được mời trước gọi là "Khách mời". Lời thông báo thứ nhất đã được loan truyền, và bây giờ những vị khách này có thể đợi báo tin là tiệc cưới đã sẵn sàng. Nhưng, họ phớt lờ lời mời đó. Tôi biết có một số thanh thiếu niên thời nay từ chối lời mời dến dự lễ hội khi họ biết được những vị khách kia là ai. Người lớn cũng làm như vậy. Thái độ đó có phải là những gì đang xãy ra trong dụ ngôn hôm nay không? Hay còn lý do nào khác nữa chăng?

Những người có tên trong danh sách có phải là những người nhãy múa cho vua hay không? Những khách được mời từ chối không đi dự đưa ra những lý do không rõ ràng. Có người chỉ muốn trở lại nơi họ đang làm việc, có vẽ như họ muốn nói rằng công việc của họ còn quan trọng hơn là tiệc cưới của một hoàng tử. Làm thế nào để một người lại từ chối lời mời đến dự tiệc cưới của hoàng gia? Ngay cả khi bạn không muốn dự tiệc, bạn có thể phải đi để thể hiện lòng kính trọng đối với vị vua cai trị của mình chứ? Chúng ta phải biết là chúng ta phải đi dự tiệc vì người mời là chủ, hay đó là người bạn của chúng ta phải không? Vì vậy, khi là thần dân của nhà vua, đi dự tiệc của Ngài có ý nghĩa quan trọng. Trong lời từ chối, người khách chứng tỏ là người thiếu hiểu biết, đầy kiêu hảnh, thậm chí có tinh khinh mạng.

Trong văn hóa thời Chúa Giêsu, tính danh dự luôn được đánh giá cao, là điều rất quan trọng, và khi công khai khinh chê một người đó là thái độ xúc phạm và sỉ nhục cao độ. Và trong trường hợp này, những người từ chối lời mời của nhà vua là hành vi xúc phạm đến Đức vua của họ! Một số thậm chí còn gây sự hay giết chết các đầy tớ của vua được sai phái đi mời. Vua không thể để hành vi này qua đi mà không có cách đối xử lại, Dẫu sao ông ta cũng là vua của những người đó, và Ngài cần phải giử địa vị và danh dự của Ngài. Thế nên vua ra lệnh giết và đốt phá các thành phố của những thần dân phạm thượng. Nhưng, bây giờ vua sẽ làm gì? Vua loại bỏ danh sách các khách mời.

Vua sai phái các đầy tớ ra "khắp các nẻo đường", bao gồm các quản trường và các ngả chợ trong thành phố. Vua "mời gọi" những người chưa hề được dự tiệc cưới của hoàng gia, hay là được có tên là "khách quan trọng" như những người được mời trước. Nhưng, những người được mời đầu tiên là giới doanh nhân, điền chủ đã từ chối lời mời của vua. Hãy nghĩ đến những người bây giờ được mời từ "đường phố": Có thể là những người đi bán rong, người bán thịt, người ăn xin, gái mãi dâm, người thu thuế, người trộm cắp trong các cửa hàng, người khuyết tật và bệnh tật v.v... Những người này khi nghe lời mời đó họ sẽ không ngu gì mà từ chối dự tiệc cưới của nhà vua.

Chúng ta biết sửa soạn một tiệc cưới là việc rất tốn thì giờ, và nhiều công sức để lên một kế hoạch hoàn chỉnh; đấy là chúng ta chưa thuộc về giới quyền chức. Hãy nghĩ đến các món ăn và thức uống rất tinh tế đã được chọn lọc và sẽ được dọn ra. Liệu những người khách được mời đến sau; có đánh giá cao những gì đã dọn ra cho họ trong bữa tiệc hay không? Họ có thưởng thức loại rượu ngon nhất chứ? Có uống rượu theo đúng trình tự hay không? Chắc là không đâu. Họ là những người đói khát. Thật ra, bạn có thể tưởng tượng được là họ chen lấn nhau để vào bàn tiệc chiếm chỗ ngồi tốt nhất, và lấy được thức ăn và thức uống ngon nhất phải không? Đây là một chút thoáng qua hoàn cảnh lúc đó. Trọn đời họ, có lẻ chưa bao giờ được một dịp dự tiệc như thế đâu. Bởi thế họ sẽ lao vào bàn tiệc và tận hưởng tối đa sự sảng khoái trong những giờ phút đó. Họ cứ đòi "làm ơn cho thêm". Những người thiếu thốn; khi được ăn uống; đương nhiên là mừng hơn những kẻ dư đầy chứ?. Nếu hôm nay cảm nghiệm được nhu cầu của chúng ta hiện thực nơi bí tích Thánh Thể, và nhận ra đó là ân sũng mà chúng ta nhận được từ Thiên Chúa, Đó chính là lý do chúng ta cùng nhau "Cử hành bí tích Thánh Thể".

Đức vua bước vào phòng tiệc để gặp “các vị khách”. Họ không còn là những người ăn xin, người đầu đường xó chợ, người ngoại quốc, người trộm cắp v.v... Họ được gọi là những vị "Khách". Hoàn cảnh của họ đã hoàn toàn thay đổi. Và họ đã không làm gì để xứng đáng được như thế cả. Họ được mời đến để tham dự vào một bữa tiệc mà họ không thể tưởng tượng được ra được, cho dù họ có nhiều hoang tưởng trong tâm trí đi chăng nữa, họ cũng không thể nghĩ ra được việc dự tiệc. Tôi nghe được tiếng Thiên Chúa nhân lành đang vang lên trong bửa tiệc hòa lẫn trong những sự huyên náo của thái độ, lời ca tiếng hát và vui đùa của "khách".

Ở đây có thêm một chi tiết khó hiểu nũa trong dụ ngôn. Một chi tiết có lẽ nên cắt bỏ. Chi tiết lạ lùng này trong dụ ngôn như là một yếu tố xóa đi những chi tiết khác đã xãy ra. Đó là lúc vua gặp một người khách không mặc "lễ phục cưới". Tôi muốn trách điều vua làm. Do vua đã ra lệnh đi mời gọi bất kỳ ai, kể cả những người sống lang thang ngoài đường vào thì làm sao họ có lễ phục cưới mà mặc. Sao vua lại buộc người khách đó phải có? Người đó tìm đâu ra y phục sang trọng như thế. Vậy có phải nhà vua là người phán xét vô lý và không đúng chăng?

Trong bài đọc, có một phần không cần phải đọc để kết thúc dụ ngôn vào câu thứ 10. Và vì thế bỏ phần chi tiết vô nghĩa về người khách không có "lễ phục cưới". Nhưng, đôi khi khía cạnh lạ lùng của dụ ngôn có thể gây nhiều ảnh hưởng chao đảo cho người nghe. Trong một lớp học giáo lý cho trẻ em 6 tuổi. Khi nghe đọc dụ ngôn này, cô giáo hỏi các em về người không có "lễ phục cưới". Một em bé trả lời là: “Vua muốn khách mời phải ăn mặc chỉnh tề, và có thể là vua đã phát lễ phục cưới ở cửa khi khách đến”. Thật là một câu trả lời rất ổn. Có một nhà chuyên môn về Kinh Thánh cũng đã đề nghị một câu trả lời như thế. Chúng ta được Chúa ban cho chúng ta những điều chúng ta cần, Một khi chúng ta chấp nhận lời mời đến dự tiệc cưới. Bạn còn nhớ câu chuyện cô bé Lọ Lem chứ. Bà tiên đở đầu cô bé Lọ Lem, cho cô cái áo choàng để cô bé Lọ Lem có thể tham dự dạ vũ. Hôm nay thánh Phaolô cũng nói đến một điều tương tự trong bài trích thơ gởi giáo hữu thành Philipphê "Thiên Chúa của tôi sẽ ban cho tôi những gì tôi cần đến theo sự giàu sang của Thiên Chúa trong Chúa Kitô".

Cộng đoàn giáo hữu của thánh Mátthêu bao gồm các người Do thái và cả những người ngoại trở lại. Thật là một nếp sống hổn độn không đồng nhất của giáo hội tiên khởi. Các tín hữu Do Thái dễ chấp nhận hình ảnh của các chi tiết trong dụ ngôn hôm nay, vì giống như việc các đầy tớ của vua bị sỉ nhục và bị giết tương tự như những người hầu được Ngài sai đi mời dự tiệc cưới. Cũng như các ngôn sứ là những người được sai đến để mời gọi dân chúng trở về với Thiên Chúa cũng đã bị sỉ nhục và bị giết.

Cũng như những người sống ngoài đường được mời vào dự tiệc cưới, cộng đoàn thánh Mátthêu có thể có cả hai thái độ "tốt và xấu". Vì thế trong phần thư 2 của dụ ngôn có thể thách thức họ. Làm sao các thành viên trong cộng đoàn phải thay đổi đời sống họ như thế nào để đáp lại lời mời đến dự tiệc cưới Thiên Chúa ban cho họ? Họ có hiều được hồng ân họ đã được hưởng hay không? Thái độ và cách cư xử của họ như thế nào đối với những người "Khách" đang sống trong cộng đoàn ra sao? Nếu tất cả đều là "Khách", thì không một ai đáng được mời, nhưng khi đã được ơn huệ mời vào. Thế thì tại sao các tín hữu lại còn tiếp tục chia rẻ nhau và phân biệt với nhau theo từng chủng tộc, theo phái nam hay nữ, theo quê hương đất nước, theo ngôn ngử, theo tình dục, theo người củ hay mới, theo cách ăn mặc sang hay hèn v.v...?

Nếu bạn đã đọc 2 thơ thánh Phaolô gởi cho giáo hữu ở Côrintô, bạn biết những mâu thuẩn và chia rẽ mà cộng đoàn Côrinthô đã trãi qua làm cho thánh Phaolô đau khổ nhiều đến mức nào. Trong lúc họ mừng lễ trở lại đạo của người Do thái và người ngoại, cả giàu và nghèo, góa phụ và mồ côi, yếu đau và kẻ sống lang thang khi gia nhập vào đều đã đáp lại lời mời gọi trong niềm tin vào Chúa Giêsu. Sự đa dạng trong đời sống cộng đòan có thể là điều rất khó khăn cho một số ít người, nhất là những người chỉ quen biết với những người cùng”nòi giống” như họ. Nhưng, thánh Phaolô đã dùng lời mạnh mẽ để sữa sai họ trong các thơ của ông và dùng những dụ ngôn như hôm nay để thách thức họ trong việc chọn lựa sự tinh ròng và kêu gọi họ hãy trở nên một cộng đoàn của những người theo Chúa Giêsu.

Nếu chúng ta chú ý đến Lời chúng ta nghe hôm nay, và thât lòng chấp nhận phúc âm thì chúng ta hãy nhìn quanh chúng ta; tất cả cộng đoàn đang thực thi phụng vụ trong bí tích Thánh Thể phải không? Chúng ta không nên đánh giá về động cơ tham dự phụng vụ của họ qua áo quần, vai trò hoạt động trong giáo xứ tích cực hay lơ mơ. Chúng ta hãy mừng vui lên trong phụng vụ trong hoàn cảnh này tất cả chúng ta là những người nghe Lời Chúa hôm nay. Chúng ta cũng sẽ cố gắng hết sức để thi hành Lời Chúa. Hãy để Thiên Chúa mời gọi những người có "lễ phục cưới".

Chuyển ngữ: FX Trọng Yên, OP


28th SUNDAY (A)
Isaiah 25: 6-10a; Psalm 23; Philippians 4: 12-14, 19-20; Matthew 22: 1-14

Matthew gives us another parable today and its details can be very confusing, even irritating. It’s the parable of the king who has prepared a wedding banquet for his son and is rebuffed by the prime guests. Let’s look at its most obvious level, as a story, and enumerate what, at first hearing, speaks to us and also befuddles us. The parable will yield its message if we respect how it is told, who is telling it and why Matthew included it in his gospel.

What an usual way to get guests to come to a wedding! The king sends his servants to "summon" them. Do we summon guests to our family weddings and celebrations? No, but then we are not people in power and rulers of a kingdom. Kings and queens, with absolute power operate, differently than we do. This seems to be the second invitation the king has issued, since those summoned are already the "invited guests." A first announcement has previously gone out and now these guests would be expecting the call to announce the feast is ready. But they ignore the servants’ summons. I know some teenagers who turned down an invitation to a party when they heard who the other guests were. Adults do the same. Is that what happened here? Or, were there other reasons for not going?

Were those on the guest list, the movers and the shakers, making some point to the king? The excuses the invited guests give for not attending are flimsy; they merely return to their workplaces, as if to say, their work was more important than the royal son’s wedding. How does one ignore an invitation to a royal wedding? Even if you didn’t want to go, wouldn’t you go because you wanted to show respect to your ruler? We know what it is like to go to a party just because the boss, or a friend has invited us. So, for the king’s subjects, it just makes good political sense to go to the wedding. In their negative response to the invitation, the guests are being foolish, arrogant, even insulting.

In Jesus’ culture honor was highly prized and to publically embarrass someone was a terrible affront – and, in this case, those rejecting the invitation are insulting their king! Some even mistreat and kill the king’s servants; which is equivalent to a direct attack on him. He cannot let this go by without a response, after all he is their king and has to maintain his honor and position. So, the king orders the recalcitrant subjects killed and burns their city. But now what will he do, after all he has a feast prepared and a son to be married? He just eliminated the guest list.

The king sends out his servants to the "main roads," which would include the town squares and markets. He "invites" people who would never be on a royal, or "respectable" person’s guest list. But those who were first invited, the business people and landowners, had rejected his invitation! Think of those who would now be invited from the "main roads": peddlers, butchers, beggars, prostitutes, tax collectors, shop lifters, the physically impaired and sick, etc. These people would know a good thing when they heard it; they wouldn’t be so stupid to refuse.

We know how much time and effort we put into planning weddings; and we are not even royalty. Think of the exquisite food and drink on those tables. How carefully they would have been chosen! Would these newcomers appreciate what was set before them? Would they sip and savor the best wines? Drink them in their proper order? Of course not. They would be hungry and thirsty. In fact, can’t you see them shoving and pushing to get in and grab the best places and the best food and drink? So much for "proper decorum!" In their whole lives they would never have had such a feast and must have thought they never would again, so they were going to dive right in and enjoy themselves; make the most of the moment. Gobble, gobble, drink, drink. "More please!" Do those who are in need know how to celebrate more than those who have too much? If we recognize our need today at Eucharist and realize the gift we have received, we might have more than enough reason to "celebrate Eucharist" together.

The king enters the banquet hall to meet the "guests." They are no longer merely beggars, street people, foreigners, thieves, etc. They are called "guests." Their conditions have completely been reversed. And they did nothing to deserve it! They were invited to a feast they, in their wildest imaginations, would never dream they would get to attend. I hear the sound of God’s grace echoing through the banquet hall above the din, raucous behavior, the singing and laughing of the "guests."

Here’s still one more confounding detail in the parable; one we might like to eliminate. The embarrassing element in the parable, as if there haven’t been enough already(!), is the king’s encounter with the man without his "wedding garment." I want to protest to the king, "But you just had him rounded up from the streets, how can you expect him to be wearing the proper fineries? Where would he get them anyway, aren’t you being fickle and unreasonable"?

There is an option in the Lectionary to end the parable at verse 10, and thus eliminate the seeming-unreasonable detail about the improperly-dressed guest. But sometimes the jarring aspects of these parables yield the most fruit for the hearer. In a religion class for six-year olds, when this parable was read and the teacher asked about the man’s lack of a wedding garment, one child offered, "The king wanted his new guests to be properly dressed for the wedding and maybe he gave out wedding garments at the door." Not a bad response, and that is one biblical scholars have also suggested. We are given what we need, once we accept the invitation to the wedding feast. Remember the Cinderella story: the fairy godmother gave her the gown so Cinderella could attend the ball. St. Paul says a similar thing today in our second reading from Philippians, "My God will fully supply whatever you need in accord with God’s glorious riches in Christ Jesus."

Matthew’s community consisted of both Jewish and Gentile converts; quite a mixture for a church in its infancy! Jewish Christians would certainly pick up on the allegorical features in today’s parable, for just as the king’s servants mistreated and killed the servants sent to invite them to the feast, so were the prophets, who were sent to call the people back to God, mistreated and killed.

Like those invited to the feast from the main roads, Matthew’s community must have also had a mixture of the "good and bad" and so the second part of the parable would have challenged them. How were the members changing their lives in response to the invitation to the wedding God had given them? Did they realize the gift they had received? What was their attitude and disposition towards other "guests" in the community. If all are guests, none meriting the invitation, but rather brought in by grace, then how could Christians continue to separate and divide themselves according to race, gender, country of origin, language, sexual orientation, newcomers and old timers, well dressed and the poor?

If you have read I and II Corinthians, you know the troubles and divisions the community in Corinth had and how much it distressed Paul. At their celebrations were Jewish and Gentile converts, both rich and poor, widows, orphans, the sick and people from "the main roads," who responded to Jesus’ embracing message. This diversity must have been hard for some to take, those used to being with their "own kind." But then, there were Paul’s strong correctives in his letters and there were parables like today’s, to challenge their elitism and call them back to being a community of Jesus’ followers.

If we are attentive to the Word we hear today, and taken today’s gospel to heart, then how could we fail to look around at our Eucharist today and celebrate everyone here with us? Let’s not judge their motives for coming, or their dress, or how active they are in the parish. Let’s celebrate them and the fact that we all are hearers of the Word today. We will do our best to be doers of that Word too! Let God make the call on who is wearing the proper wedding garment.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:08 08/10/2020

39. Nếu con không học tập khắc chế mình, thì con không thể tiến bộ trên phương diện tu đức được.

(Thánh John of Cross)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:12 08/10/2020
47. NGẢI TỬ SẮP KHÓC

Tề Tuyên vương hỏi Thuần Vu Khôn:

- “Trời đất sau mấy năm thì đảo lộn?”

Thuần Vu Khôn trả lời:

- “Trời đất khi đến mười hai vạn năm thì đảo lộn.”

Ngải tử đứng bên cạnh nghe thế thì khóc lớn, Tề Tuyên vương hỏi ông ta tại sao khóc, ông ta đáp:

- “Tôi vì bá tánh sau mười một vạn chín ngàn chín trăm chín mươi chín năm sau mà khóc.”

Tề Tuyên vương nói:

- “Chuyện đó thì như thế nào?”

Ngải tử trả lời:

- “Tôi buồn là đến lúc đó, họ tìm chỗ nào để tránh tai nạn lớn lao như thế này chứ !”

(Ngải tử hậu ngữ)

Suy tư 47:

Mười hai vạn năm mới thay đổi vậy mà Ngải tử đã khóc giùm cho thế hệ mười một vạn chín ngàn chín trăm chín mươi chín năm sau, thì quả là con người biết lo xa, và con người ta thì thường lo xa hơn là lo gần, lo cái hôm qua hơn lo cái hôm nay, cho nên người ta vẫn cứ băn khoăn mãi mãi...

Người khôn ngoan là người biết lo gần và lo xa, lo gần là việc mình đang làm đây có ảnh hưởng đến chuyện ngày mai của người khác không; việc cha mẹ làm hôm nay có ảnh hưởng đến chuyện tương lai của con cháu không; chuyện tôi làm hôm nay có ảnh hưởng việc ngày tôi chịu phán xét trước mặt Thiên Chúa không.v.v...đó chính là chuyện của người Ki-tô hữu khôn ngoan.

Người khôn ngoan là người làm việc hôm nay để phát triển ngày mai, người Ki-tô hữu khôn ngoan là người làm việc hôm nay là để nhẹ bớt và đứng vững trong ngày phán xét của Đức Chúa Giê-su.

Ai cũng lo xa, nhưng ít người lo xa đến sự sống đời đời của mình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đạo Chúa chan chứa niềm vui
Lm. Nguyễn Xuân Trường
17:22 08/10/2020

ĐẠO CHÚA CHAN CHỨA NIỀM VUI

Tin theo Chúa vui hay buồn? Theo Chúa thường người ta hay nhắc tới hy sinh, hãm mình, vác thập giá… tạo nên cảm tưởng theo Chúa nhiều vất vả, khó khăn, làm cho đời vui ít, buồn nhiều. Nhưng Phúc Âm tuần này Chúa Giêsu lại sánh ví Nước Trời vui lắm, vui như tiệc cưới con vua.

Tiệc là bữa ăn đông vui ngon lành. Niềm vui là điều chính yếu của bữa tiệc. Nếu không vui thì dù có nhiều thức ăn đến mấy vẫn không gọi là tiệc. Vì thế, người ta bảo đi dự tiệc đám cưới, chứ không ai bảo đi tự tiệc đám tang! Tiệc luôn đem niềm vui. Tiệc cưới lại càng vui, nhất là tiệc cưới con vua thì phải vui ngập trời tiếng cười, tiếng hát.

Niềm vui tiệc cưới con vua được nhân lên vì vua quảng đại mời hết mọi người tới dự, chứ không phải vì sợ ế cỗ nên vua gặp ai cũng mời. Dụ ngôn muốn diễn tả Nước Trời không dành riêng cho ai mà dành cho hết mọi người. Chúa muốn mời tất cả mọi người già trẻ lớn bé, giàu nghèo sang hèn vào hưởng niềm vui Nước Trời đời đời vĩnh cửu.

Chúa muốn mọi người được hưởng niềm vui Chúa ban. Tuy nhiên, có những người đã từ chối niềm vui, không chịu đến dự tiệc cưới. Tại sao họ lại chối từ diễm phúc dự tiệc cưới con vua? Phúc Âm cho biết lý do: “Kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn.” Hóa ra là vì họ mải mê với công việc làm ăn buôn bán. Lòng họ bận tâm về tiền bạc hơn là tình nghĩa. Khi lòng người đang say mê cuốn hút điều gì thì người ta sẽ có những quyết định chọn lựa ưu tiên cho điều đó.

Lạy Chúa, xin cho chúng con nhận ra lòng quảng đại yêu thương của Chúa để chúng con cảm nghiệm được những niềm vui ơn thánh Chúa trong đời sống đạo. Nhất là, xin cho chúng con ý thức mỗi khi đi tham dự thánh lễ là dịp đi dự tiệc Thánh Thể và tiệc Lời Chúa, nên phải phơi phới niềm vui như được dự tiệc cưới con Vua Trời. Amen.
 
Chỗi dậy và đi tới
Lm. Minh Anh
22:49 08/10/2020

CHỖI DẬY VÀ ĐI TỚI
“Ta sẽ trở lại nhà ta, nơi ta đã ra đi”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ta sẽ trở lại nhà ta, nơi ta đã ra đi”, một câu nói êm ái mà thoạt nghe, chúng ta ngỡ là của Chúa Giêsu; thế nhưng, khá bất ngờ, đó là câu nói của thần ô uế một khi nó đã bị trục xuất ra khỏi một ai đó. Chúng ta dừng lại với chi tiết Tin Mừng này để thấy rõ mối hiểm nguy của một tội thường phạm.

Một tội thường phạm là tội mà chúng ta có thể phạm đi phạm lại nhiều lần; với nhiều người, đôi khi, họ phải đấu tranh suốt cả cuộc đời cũng với một tội này. Và mỗi lần phạm tội, chúng ta quyết tâm, đi xưng tội và vượt qua nó. Xưng tội xong, chúng ta vui mừng; thế nhưng, chẳng bao lâu sau, chúng ta lại rơi vào tội đó. Đây là một cuộc chiến dai dẳng mà hầu như ai trong chúng ta cũng đã trải nghiệm ít nhiều; với không ít người, cuộc chiến này có thể gây nhiều thất vọng, vì họ không đủ quyết tâm ‘chỗi dậy và đi tới’.

Qua Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết, ma quỷ không dễ gì để mất một linh hồn mà trước đó nó đã chiếm cứ; nó sẽ trở lại, rủ thêm bảy tà thần khác, hung dữ hơn trước và sẽ giành giật, sẽ tấn công linh hồn một cách ác liệt hơn, “Ta sẽ trở lại nhà ta, nơi ta đã ra đi”. Kết quả là, một số người rốt cuộc, đã đầu hàng và không còn cố sức để vượt qua hầu có thể ‘chỗi dậy và đi tới’; đó là một sai lầm nghiêm trọng. Một số khác thì chiến đấu chiếu lệ, chứ không quyết liệt, hầu yên lương tâm và ma quỷ vẫn vờ vịt thả lỏng; chúng đợi cho đến giây phút người ấy hấp hối để kéo đến một đạo binh, đánh phủ đầu… hầu thuyết phục rằng, Thiên Chúa không xót thương, Thiên Chúa không tha thứ và linh hồn sẽ ngã gục một cách dễ dàng; đó cũng là một sai lầm chết chóc.

Trong đời sống thiêng liêng, đối với một tội thường phạm, chúng ta cần nắm vững một nguyên tắc quan trọng; đó là, càng sa đi ngã lại với một tội cụ thể nào đó, quyết tâm của chúng ta để vượt thắng nó càng phải sâu sắc hơn, quyết liệt hơn. Việc vượt qua tội lỗi này có thể khá đau đớn và vô cùng khó khăn nhưng nó nhất thiết phải như thế, vì lẽ, nó đòi hỏi một sự thanh tẩy tâm hồn sâu sắc tận căn; đồng thời, cũng đòi hỏi một sự khuất phục hoàn toàn của tâm trí, và ý chí mỗi người trước Thiên Chúa. Tắt một lời, chúng ta phải tín thác hoàn toàn vào lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng sẽ giúp chúng ta mỗi ngày kiên cường để ‘chỗi dậy và đi tới’ hầu vượt thắng nó. Nếu không có sự quyết tâm cũng như sự khuất phục mang tính thanh luyện này, chúng ta sẽ rất khó để vượt qua những cám dỗ ngày càng tinh vi hơn của ác thần. Đây là hành trình của một người leo núi: vấp ngã, ‘chỗi dậy và đi tới’; đây cũng là một hành vi đức tin của một người không cậy sức mình nhưng cậy vào sức mạnh và lòng thương xót của Thiên Chúa; đồng thời, gia tăng cầu nguyện và kêu van sự cầu thay nguyện giúp, đỡ nâng của triều thần thánh và những tâm hồn tốt lành thánh thiện.

Một con chuột rơi vào hũ gạo, gạo trong hũ vẫn còn một nửa; thoạt tiên, sự cố ngoài ý muốn này khiến nó hơi lo lắng. Nó tìm cách nhảy ra; nó nhảy lên nhảy xuống từ sáng đến chiều, nhưng lần nào, nó cũng chỉ xém thành công. Sau một ngày, nó cảm thấy mệt mỏi và không còn muốn cố sức để nhảy ra nữa; ý tưởng bỏ cuộc vừa chớm nở, lạ thay, nó nhận thấy một cảm giác dễ chịu chợt đến. Thế là quên hết mối hiểm nguy, nó bắt đầu một cuộc sống an nhàn, ăn rồi lại ngủ, ngủ rồi lại ăn. Chẳng bao lâu, hũ gạo cạn kiệt, bấy giờ chuột mới phát hiện rằng, mình sắp chết; và giờ này, nó rất muốn thoát ra; nhưng nó biết, đây là điều không thể, vì đã quá muộn.

Anh Chị em,

Cảm giác dễ chịu chợt đến của con chuột cũng là hạnh phúc ảo chúng ta thường gặp khi phạm tội. Thế nhưng, với Thiên Chúa, không bao giờ là quá muộn; chỉ sợ chúng ta tuyệt vọng khi cho rằng, mình đã muộn và buông xuôi. Chúa Giêsu, Đấng rất mực xót thương; Ngài biết thân phận con người mỏng manh, dễ sa đi ngã lại, nên Ngài mãi thứ tha. Đức Phanxicô nói, “Thiên Chúa không biết mỏi mệt khi tha thứ, chỉ sợ con người không đủ kiên nhẫn để xin Ngài xót thương”. Đừng ngần ngại, dù ở trong tình trạng nào, chúng ta cũng hãy ‘chỗi dậy và đi tới’. Kìa, Chúa Giêsu đang đợi chúng ta!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin xót thương con; với ơn Chúa, con tin, con sẽ đủ sức ‘chỗi dậy và đi tới’, với điều kiện, con sẽ chỗi dậy ngay hôm nay”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài giáo lý của Đức Phanxicô về lối cầu nguyện của tiên tri Êlia
Vũ Văn An
02:04 08/10/2020

Sau loạt bài giáo lý về chữa lành thế giới, trong buổi yết kiến chung Thứ Tư ngày 7 tháng 10 hôm qua, lần đầu tiên tại Đại Sảnh Phaolô VI kể từ ngày bùng phát đại dich, Đức Phanxicô đã tiếp tục trình bầy loạt bài giáo lý của ngài về cầu nguyện và lần này, ngài đề cập đến lối cầu nguyện của tiên tri Êlia. Sau đây là trọn bài giáo lý của ngài:



Anh chị em thân mến, chúc anh chị em một buổi sáng tốt đẹp!

Hôm nay chúng ta hãy tiếp tục bài giáo lý của chúng ta về cầu nguyện, loạt bài mà chúng ta đã gián đoạn để nói về việc chăm sóc sáng thế, và bây giờ chúng ta sẽ tiếp tục lại; và chúng ta hãy gặp gỡ một trong những nhân vật hấp dẫn nhất trong toàn bộ Sách Thánh: tiên tri Êlia. Ngài vượt quá các giới hạn thời ngài, và chúng ta cũng có thể thấy sự hiện diện của ngài trong một số tình tiết trong Tin Mừng. Ngài đã hiện ra bên cạnh Chúa Giêsu, cùng với Môsê, vào lúc Chúa Hiển Dung (x. Mt 17:3). Chính Chúa Giêsu nói đến ngài khi ghi công cho chứng từ của Thánh Gioan Tẩy Giả (x. Mt 17:10-13).

Trong Kinh thánh, Êlia xuất hiện một cách đột ngột, một cách bí nhiệm, xuất phát từ một ngôi làng nhỏ hoàn toàn ở bên lề (xem 1 V 17:1); và cuối cùng, ngài rời khỏi hiện trường, trước mắt môn đệ Êlisa, trên cỗ xe lửa đưa ngài lên trời (xem 2 V 2: 11-12). Vì vậy, ngài là một người không có nguồn gốc chính xác, và trên hết là không có kết thúc, được đưa về thiên đàng: vì lý do này, sự trở lại của ngài được mong đợi trước khi Đấng Mêxia đến, như một tiền hô. Sự trở lại của Êlia đã được chờ đợi cách như thế.

Kinh thánh trình bày Êlia như một người có đức tin trong sáng như phalê: chính tên của ngài, có thể có nghĩa là “Giêhôva là Thiên Chúa”, chứa đựng bí quyết trong sứ mệnh của ngài. Ngài sẽ như thế trong suốt phần đời còn lại của ngài: một người chính trực, không thể có những thỏa hiệp nhỏ nhặt. Biểu tượng của ngài là lửa, hình ảnh quyền năng thanh tẩy của Thiên Chúa. Ngài sẽ là người đầu tiên bị thử thách, và ngài sẽ mãi trung thành. Ngài là tấm gương của tất cả những người có đức tin, biết cám dỗ và đau khổ nhưng không thôi sống theo lý tưởng mà vì nó, họ đã sinh ra.

Cầu nguyện là huyết mạch không ngừng nuôi dưỡng đời ngài. Vì lý do này, ngài là một trong những người yêu quý nhất đối với truyền thống đơn tu, đến nỗi một số người đã chọn ngài làm cha thiêng liêng cho cuộc đời hiến dâng cho Thiên Chúa. Êlia là người của Thiên Chúa, đứng đó như người bảo vệ quyền tối thượng của Đấng Tối Cao. Tuy nhiên, ngài cũng buộc phải đối đầu với các yếu đuối của chính mình. Thật khó để nói kinh nghiệm nào hữu ích nhất đối với ngài: sự thất bại của các tiên tri giả trên Núi Carmel (xem 1 V 18: 20-40), hay sự bối rối của ngài khi ngài thấy mình “không tốt hơn các tổ tiên [của ngài]”( xem 1 V 19: 4). Trong linh hồn của những người cầu nguyện, việc cảm thức được sự yếu đuối của bản thân còn quý giá hơn những giây phút vinh thăng, khi dường như cuộc sống là một chuỗi những chiến thắng và thành công. Điều này luôn xảy ra trong việc cầu nguyện: những giây phút cầu nguyện mà chúng ta cảm thấy được nâng lên, thậm chí hứng khởi, và những giây phút cầu nguyện đầy đau đớn, khô cằn, thử thách. Cầu nguyện là như thế: để chúng ta được Chúa chở đi đâu thì chở, và cũng để chúng ta bị đánh gục bởi những tình huống khó chịu và thậm chí bị cám dỗ. Đây là một thực tại tìm thấy trong nhiều ơn gọi khác trong Kinh thánh, ngay cả trong Tân ước; chẳng hạn, anh chị em hãy nghĩ đến Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Đời sống của các ngài cũng giống như vậy: những giây phút vui mừng và những lúc tinh thần xuống thấp, đau khổ.

Êlia là con người của đời sống chiêm niệm và, đồng thời, của đời sống hoạt động, bận bịu với những biến cố của thời đại mình, có khả năng đụng độ với vua chúa và hoàng hậu sau khi họ đã giết Nabót để chiếm vườn nho của ông (xem 1V. 21: 1-24). Chúng ta cần biết bao các tín hữu, các Kitô hữu nhiệt thành, biết hành động, trước những người có trách nhiệm quản lý, một cách can đảm như Êlia mà nói rằng: “Việc này không được làm! Đây là tội giết người!”. Chúng ta cần tinh thần của Êlia. Ngài cho chúng ta thấy không nên có sự phân đôi trong đời sống của những người cầu nguyện: một người đứng trước mặt Chúa và đi về phía các anh em mà Người đã sai chúng ta đến với họ. Cầu nguyện không phải là nhốt mình với Chúa để làm cho linh hồn mình trông đẹp đẽ: không, đấy không phải là cầu nguyện, đấy là cầu nguyện giả. Cầu nguyện là một cuộc đối đầu với Thiên Chúa và để mình được sai đi để phục vụ anh chị em mình. Bằng chứng của cầu nguyện là tình yêu thương thực sự người lân cận của mình. Và ngược lại: các tín hữu hành động trong thế giới sau khi trước nhất đã giữ im lặng và cầu nguyện; nếu không, hành động của họ chỉ là bốc đồng, thiếu biện phân, vội vàng không có đích đến. Các tín hữu hành xử cách này, họ gây ra nhiều bất công bởi vì họ đã không đi cầu nguyện với Chúa trước, để biện phân điều họ phải làm.

Các trang Kinh thánh cho thấy đức tin của Êlia cũng có nhiều tiến bộ: ngài cũng lớn lên trong lời cầu nguyện, ngài trau chuốt nó từng chút một. Khuôn mặt của Chúa trở thành tiêu điểm đối với ngài khi ngài bước đi. Ngài đạt đến đỉnh cao trong kinh nghiệm phi thường này, khi Thiên Chúa bày tỏ chính Người cho Êlia trên núi (xem 1V 19: 9-13). Người tỏ mình ra không phải trong cơn bão, cũng không phải trong trận động đất hay ngọn lửa hỏa hào, mà là trong “một âm thanh thì thào nhè nhẹ” (câu 12). Hoặc đúng hơn, một lối diễn dịch phản ảnh tốt trải nghiệm này: trong sợi dây im lặng mà vang dội. Đó là cách Thiên Chúa tỏ chính Người cho Êlia. Chính bằng dấu hiệu khiêm nhường này mà Thiên Chúa đã thông đạt với Êlia, người vào thời điểm đó, đang là một tiên tri chạy trốn, đánh mất bình an. Chúa đã đến trước để gặp một người mệt mỏi, một người tưởng rằng mình đã thất bại trên mọi trận tuyến, và với làn gió nhẹ nhàng, với sợi dây im lặng mà vang dội đó, Người đã mang thanh tĩnh và bình an trở lại trái tim ngài.

Đây là câu chuyện về Êlia, nhưng dường như nó được viết cho tất cả chúng ta. Trong một số buổi tối nào đó, chúng ta có thể cảm thấy vô dụng và cô đơn. Chính lúc đó việc cầu nguyện sẽ đến và gõ cửa trái tim chúng ta. Tất cả chúng ta có thể thu thập một góc chiếc áo choàng của Êlia, giống như môn đệ của ngài là Êlisa đã thu thập một nửa chiếc áo choàng của ngài. Và dù chúng ta đã làm một điều sai trái, hoặc nếu chúng ta cảm thấy bị đe dọa và sợ hãi, khi chúng ta trở lại trước mặt Thiên Chúa với lời cầu nguyện, sự thanh thản và bình an sẽ trở lại như thể bởi phép lạ. Đó là điều gương sáng của Êlia chỉ cho chúng ta thấy.
 
Buổi lễ tuyên thệ của 38 ngự lâm quân Thụy Sĩ
Đặng Tự Do
15:49 08/10/2020

Do đại dịch coronavirus COVID-19, việc tuyên thệ hàng năm của các tân Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ được dự trù diễn ra vào ngày 4 tháng Năm, đã bị hoãn lại cho đến ngày 4 tháng Mười vừa qua.

Ngày 6 tháng Năm năm nay đã được đánh dấu bằng một Thánh lễ riêng và lễ đặt vòng hoa tưởng niệm 147 Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã anh dũng hy sinh vào năm 1527 để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clementê Đệ Thất.

Hôm 4 tháng 10, 38 tân ngự lâm quân Thụy Sĩ làm lễ tuyên thệ trong sân San Damaso thuộc Dinh Tông Tòa như những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Từ năm 1970 các ngự lâm quân Thụy Sĩ đã đảm nhận tất cả các vai trò mang tính nghi lễ trong các biến cố và trong các buổi cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng và họ luôn được nhìn thấy trong trang phục nghi lễ đầy màu sắc với ngọn kích trên tay, sát cánh bên Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, vai trò của ngự lâm quân Thuỵ Sĩ trong lòng Giáo Hội Công Giáo vượt xa một đội nghi lễ với các trang phục lỗi thời. Họ là một lực lượng quân đội thực thụ, được đào tạo tinh nhuệ và được trang bị vũ khí hiện đại. Người ta có thể nhìn thấy họ trong trang phục thường nhật, khi họ bảo vệ Porta Santa Anna, cửa ngõ ra vào Quốc Gia Thành Vatican. Họ vừa là một quân đội, vừa là các vệ sĩ, vừa là lực lượng bảo vệ biên giới. Từ năm 2017, các tân binh phải theo một chương trình mới trong đó họ được đào tạo tại trường võ bị Isone thuộc tổng Ticino bên Thụy Sĩ trước khi theo các khóa học tại Rôma.

Để được nhận vào đoàn quân đầy màu sắc này, các tân binh phải là Thụy Sĩ, thực hành đạo, chưa lập gia đình, tuổi từ 19 đến 30 tuổi và cao ít nhất 1.74 mét!

Từ năm 2018, đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ đã được trang bị một chiếc nón mới thay cho chiếc nón sắt nặng nề truyền thống.

Chiếc nón mới làm bằng nhựa và được làm bằng kỹ thuật in 3 chiều, nhẹ hơn, dễ đội hơn. Giá một chiếc nón như vậy là 740 EU, nghĩa là chỉ bằng nửa chiếc nón kim loại cũ.

Chiếc nón mới bằng nhựa PVC được đóng dấu với huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Giuliô II, là vị Giáo Hoàng đã thành lập đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ vào năm 1506.

Chiếc nón mới có khả năng chống tia cực tím là điều quan trọng vì các ngự lâm quân phải thi hành công việc của họ nhiều giờ dưới trời nắng.
 
Các thẩm phán của Tòa án Tối cao nói rằng Obergefell là một vấn đề đối với tự do tôn giáo
Đặng Tự Do
15:50 08/10/2020

Các Thẩm Phán Clarence Thomas và Samuel Alito hôm thứ Hai nói rằng phán quyết Obergefell của Tòa án Tối cao đã đặt ra nhiều vấn đề đối với tự do tôn giáo.

“Khi ban quá nhiều đặc quyền, một cách phi dân chủ, cho một quyền hiến định mới, là quyền kết hôn đồng tính, trên cả các lợi ích tự do tôn giáo đã được bảo vệ rõ ràng trong Tu chính án thứ nhất, Tòa Án Tối Cao đã tạo ra những vấn đề mà chỉ mình nó mới có thể khắc phục được”, các thẩm phán viết trong một ý kiến được công bố hôm thứ Hai.

Họ đã cảnh báo: “Cho đến khi được khắc phục, phán quyết Obergefell sẽ tiếp tục có 'hậu quả tai hại cho tự do tôn giáo'“.

Theo ý kiến của họ, phán quyết có tính bước ngoặt vào năm 2015 đã khiến hôn nhân đồng giới chống lại tự do tôn giáo.

Ngày 18 tháng 5 năm 1970, James Michael McConnell quản thủ thư viện tại Đại học Minnesota và Richard John Baker, sinh viên luật tại trường này đã nộp đơn xin kết hôn ở Quận Hennepin, tiểu bang Minneapolis. Gerald Nelson, Thư ký Tòa án Quận đã từ chối yêu cầu này với lý do duy nhất là cả hai người đều là nam giới. Họ đã đệ đơn lên tòa án quận để kiện Nelson nhưng thất bại. Vụ kiện tiếp tục được đưa lên các tòa trên và được gọi là vụ Baker chống Nelson. Tất cả các vụ kiện này đều thất bại.

Ngày 26 tháng 6, 2015, dưới thời Obama và Biden, Tối Cao Pháp Viện đã ra phán quyết bác bỏ các phán quyết trước đó và buộc các tiểu bang phải cấp hôn thú cho các cặp hôn nhân đồng tính.

Nạn nhân đầu tiên của phán quyết Obergefell là cô Kim Davis. Năm 2015, thư ký quận Kim Davis của Kentucky đã gây xôn xao dư luận vì từ chối cấp hôn thú cho các cặp đồng tính, và tuyên bố rằng điều đó đi ngược lại niềm tin tôn giáo của cô. Nhưng cô đã bị kiện. Chiếu theo phán quyết Obergefell cô bị cầm tù và sau đó mất công ăn việc làm.

Tuyên bố của hai Thẩm Phán Clarence Thomas và Samuel Alito được đưa ra chỉ một ngày Lễ Đỏ khai mạc năm tư pháp 2020 – 2021, trong đó Đức Cha Michael Burbidge của giáo phận Arlington đã thuyết giảng rất hùng hồn về phẩm giá con người và luật tự nhiên.


Source:Catholic News Agency
 
Thánh lễ Đỏ cầu nguyện cho tất cả các thành viên của ngành luật tại Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
15:52 08/10/2020


Thánh lễ Đỏ, tiếng Anh gọi là Red Mass, là một Thánh lễ được cử hành hàng năm trong Giáo Hội Công Giáo để cầu nguyện cho tất cả các thành viên của ngành luật, không phân biệt tôn giáo như các thẩm phán, luật sư, giáo sư trường luật, sinh viên luật và quan chức chính phủ, đánh dấu sự mở đầu của năm tư pháp. Thông qua lời cầu nguyện và tạ ơn, trong thánh lễ này, được đặc trưng bởi phẩm phục màu đỏ trong Thánh lễ, cộng đoàn khẩn cầu sự phù trợ và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần cho tất cả những ai tìm kiếm công lý, và tạo cơ hội cho cộng đồng luật pháp suy ngẫm về những gì người Công Giáo tin là quyền năng và trách nhiệm do Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người trong nghề luật.

Đức Cha Michael Burbidge, Giám Mục Arlington rao giảng về sự thánh thiêng của sự sống và phẩm giá phổ quát của con người tại Thánh lễ đỏ hàng năm để đánh dấu sự mở đầu của năm tư pháp ở Washington, DC, vào hôm Chúa Nhật 4 tháng 10.

Phát biểu trước một cộng đoàn bao gồm các thẩm phán Tòa án Tối cao và các viên chức công quyền, Đức Cha Burbidge nhấn mạnh tầm quan trọng của các bảy ơn Chúa Thánh Thần, đặc biệt là ơn khôn ngoan, ơn biết lo liệu, ơn dũng cảm, và ơn hiểu biết.

“Đây là những ân sủng mà chúng ta cần để bảo vệ sự thánh thiêng của tất cả cuộc sống con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, để chúng ta duy trì phẩm giá của mỗi con người không có bất cứ ngoại lệ nào, để loại bỏ khỏi quốc gia chúng ta tệ nạn phân biệt chủng tộc, kỳ thị và bạo lực trên đường phố, cũng như mang lại công lý cho người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người nhập cư và những người dễ bị tổn thương nhất, để bảo vệ tự do tôn giáo và tự do, và chăm sóc kỳ công sáng tạo của Chúa, là ngôi nhà chung của chúng ta.”

Lễ Đỏ, được gọi như vậy bởi vì lễ phục màu đỏ như chúng ta thường thấy trong Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, đã được coi là một truyền thống ở Rome, London và Paris. Tại Hoa Kỳ, thánh lễ này được cử hành hàng năm vào Chúa Nhật đầu tiên của tháng 10 tại Nhà thờ Thánh Matthêu ở thủ đô Washington, DC, khi bắt đầu nhiệm kỳ của Tòa án Tối cao.

Đức Cha Burbidge, được bổ nhiệm làm Giám mục Arlington vào năm 2016, đã kể lại vụ bắn các thành viên Đảng Cộng hòa trong Quốc hội tiểu bang xảy ra trong giáo phận của ngài chỉ sáu tháng sau khi ngài nhận nhiệm sở. Ngài đã tổ chức một cuộc rước Thánh Thể trên các đường phố của Alexandria hai ngày sau đó.

“Tôi sẽ không bao giờ quên điều đó. Ngày hôm đó có sự im lặng sâu sắc trên đường phố. Mọi người thuộc mọi tín ngưỡng đã dừng lại, và thậm chí quỳ xuống. Và sau đó, một người nói với tôi, 'Thưa Giám mục, ngày nay chúng tôi được nhắc nhở về điều mà đất nước chúng ta cần hơn bao giờ hết – đó là sự hiện diện của Chúa Kitô trên đường phố và trong trái tim chúng ta”.

Như chúng tôi đã loan tin, hôm thứ Ba 2 tháng Sáu, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành luật mới nhằm bảo vệ tự do tôn giáo. Trước khi ký văn kiện quan trọng này, ông và đệ nhất phu nhân đã đến kính viếng Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II.

Trong bối cảnh đang có những tranh luận liên quan đến phản ứng của tổng thống đối với các cuộc bạo loạn trên khắp đất nước sau cái chết của anh George Floyd, việc Tổng thống Donald Trump đến thăm Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II ở Washington, D.C. đã gây ra các phản ứng trái chiều ngay cả trong giới Công Giáo. Người chỉ trích mạnh chuyến viếng thăm này của Tổng thống Trump là Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory của tổng giáo phận Washington DC.

Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory đã kế nhiệm Đức Hồng Y Donald Wuerl làm Tổng Giám Mục Washington DC từ ngày 21 tháng Năm, 2019. Ngài là người da đen đầu tiên làm Tổng Giám Mục thủ đô Hoa Kỳ.

Những chỉ trích của Đức Tổng Giám Mục Gregory không được các Giám Mục Hoa Kỳ khác hưởng ứng, thậm chí còn bị chỉ trích.

Trong Thánh lễ Đỏ, tiếng Anh gọi là Red Mass, được cử hành hàng năm trong Giáo Hội Công Giáo để cầu nguyện cho tất cả các thành viên của ngành luật, Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory đã dâng lời cầu nguyện cho tổng thống Trump và phu nhân được mau thoát khỏi các nguy hiểm của COVID-19. Ngài cũng cầu nguyện cho việc đề cử Thẩm Phán Amy Coney Barrett của Tổng thống Trump được thành sự.

Động thái này được nhiều người xem là một cử chỉ hòa giải của Đức Tổng Giám Mục Gregory.


Source:Catholic News Agency
 
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng 10: Xin cho nữ giới có vai trò lãnh đạo quan yếu hơn trong Giáo hội
Thanh Quảng sdb
16:08 08/10/2020
Ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong tháng 10: Xin cho nữ giới có vai trò lãnh đạo quan yếu hơn trong Giáo hội

Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố một thông điệp video về ý cầu nguyện của ngài trong tháng 10, tháng truyền giáo, trong đó ĐTC kêu gọi sự dấn thân nhiều hơn của các tín hữu, đặc biệt là phụ nữ, trong các lĩnh vực quan yếu của Giáo hội.

(Tin Vatican)

Tháng này, cùng với Thánh bộ về Giáo dân, Gia đình và Cuộc sống, ĐTC công bố video về ý cầu nguyện tháng, ý này nêu bật vai trò của giáo dân, những người mà Đức Thánh Cha coi là những nhân vật quan yếu thực sự trong việc loan báo Tin Mừng.

Trong video, Đức Thánh Cha đặc biệt xin cầu nguyện cho phụ nữ được tham gia vào “nhiều lĩnh vực quan trọng trong Giáo hội” vì họ “có xu hướng bị gạt sang một bên.”

Trong triều đại Giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cố gắng và nỗ lực trao cho phụ nữ nhiều vai trò quan trọng hơn trong Giáo hội. Trong Thông điệp “Niềm Vui Tin Mừng” (Evangelii gaudium) của Đức Thánh Cha viết:

“Các quyền lợi chính đáng của phụ nữ phải được tôn trọng, trên cơ sở xác tín rằng nam và nữ bình đẳng về phẩm giá, đặt để Giáo hội phải tự vấn sâu sắc và không được né tránh vấn đề!” (104).

Cha Frédéric Fornos S.J., Giám đốc Quốc tế của Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của Đức Thánh Cha, nhận xét rằng “kể từ năm 2013, nhiều công việc đã chứng tỏ nỗ lực này, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa”.

Ngài cũng nêu ra rằng “nhờ Bí tích Rửa tội, tất cả chúng ta được mời gọi trung thành loan báo và phục vụ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, trở thành những môn đệ truyền giáo. Tuy nhiên, trong số các tín hữu, phụ nữ đã bị lãng quân một cách cố ý hay vô ý đến mức tồi tệ. Như Đức Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta ở Thượng Hội Đồng Toàn Vùng Amazon, nhiều phụ nữ, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đã giúp cho Giáo hội tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới với lòng nhiệt thành và đức tin sâu sắc đáng khâm phục. Điều cần thiết là họ cần đưiợc tham dự ngày càng nhiều hơn vào các lĩnh vực quan yếu. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi não trạng tâm lý sâu sắc; cần một sự hoán cải nội tâm, bao gồm cả tâm tình cầu nguyện”.

Toàn văn của ý cầu nguyện:

Không chỉ linh mục hay giám mục đã lãnh nhận Bí tích rửa tội, mà tất cả giáo dân chúng ta đều được lãnh nhận Bí tích rửa tội.

Giáo dân là thành phần chính yếu của Giáo hội.

Ngày nay, thật cần thiết phải tạo ra những cơ hội rộng rãi hơn cho sự hiện diện sâu rộng hơn của phụ nữ trong Giáo hội.

Và chúng ta phải nhấn mạnh đến sự hiện diện của nữ giới, vì phụ nữ thường bị xu hướng gạt họ sang một bên.

Chúng ta phải thúc đẩy sự hòa nhập của phụ nữ, đặc biệt khi đưa ra các quyết định quan trọng.

Chúng ta hãy cầu xin nhờ bí tích rửa tội, người giáo dân, đặc biệt là phụ nữ, có thể tham gia nhiều hơn vào các lãnh vực quan yếu trong Giáo hội, mà không bị các não trạng giáo quyền làm suy giảm cái đặc sủng này của người giáo dân.
 
Toàn văn Thông điệp ‘Fratelli Tutti’, chương một, tiếp theo
Vũ Văn An
17:52 08/10/2020
HOÀN CẦU HÓA VÀ TIẾN BỘ MÀ KHÔNG CÓ BẢN ĐỒ CHỈ ĐƯỜNG CHUNG

29. Với Đại Imam Ahmad Al-Tayyeb, chúng ta không làm ngơ các tiến bộ tích cực đạt được trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, y học, kỹ nghệ và phúc lợi, nhất là ở các nước phát triển. Tuy nhiên, “chúng ta muốn nhấn mạnh rằng, cùng với các tiến bộ lịch sử này, các tiến bộ rất vĩ đại và có giá trị, đang có một sự suy thoái đạo đức ảnh hưởng đến hành động quốc tế và đang làm suy yếu các giá trị và trách nhiệm tinh thần. Điều này góp phần vào cảm giác thất vọng, cô lập và tuyệt vọng nói chung”. Chúng ta thấy “căng thẳng bùng phát và tích lũy vũ khí và đạn dược trong bối cảnh hoàn cầu bị chi phối bởi sự bất trắc, vỡ mộng, lo sợ cho tương lai, và bị kiểm soát bởi các lợi ích kinh tế hạn hẹp”. Chúng ta cũng có thể chỉ ra “những cuộc khủng hoảng chính trị lớn, những tình huống bất công và thiếu sự phân phối công bằng các nguồn tài nguyên thiên nhiên… Đứng trước những cuộc khủng hoảng như vậy, những cuộc khủng hoảng dẫn đến cái chết của hàng triệu trẻ em – hốc hác vì đói và nghèo – hiện có sự im lặng không thể nào chấp nhận được trên bình diện quốc tế ” [27]. Bức tranh toàn cảnh này, dù với những tiến bộ không thể phủ nhận của nó, dường như không dẫn đến một tương lai nhân đạo nào hơn.

30. Trong thế giới ngày nay, cảm thức thuộc về một gia đình nhân loại đơn nhất đang mờ dần, và ước mơ làm việc với nhau vì công lý và hòa bình dường như là một điều không tưởng lỗi thời. Thay vào đó, điều đang thống trị là sự thờ ơ lạnh lùng, thoải mái và có tính hoàn cầu, phát sinh từ sự vỡ mộng sâu xa được che giấu phía sau một ảo tưởng lừa dối: nghĩ rằng chúng ta là toàn năng, trong khi không nhận ra rằng tất cả chúng ta đều ở trên cùng một con thuyền. Ảo tưởng này, không quan tâm đến những giá trị huynh đệ cao cả, dẫn đến “một kiểu hoài nghi. Vì đó là cơn cám dỗ chúng ta phải đối đầu nếu chúng ta đi vào con đường chán nản và thất vọng… Cô lập và tự thu mình vào lợi ích của chính mình không bao giờ là cách để khôi phục hy vọng và mang lại sự đổi mới. Đúng hơn, phải là sự gần gũi; phải là nền văn hóa của sự gặp gỡ. Cô lập, không; sự gần gũi, đúng. Xung đột văn hóa, không; văn hóa gặp gỡ, đúng” [28].

31. Trong thế giới chạy đua phía trước nhưng lại thiếu bản đồ chỉ đường chung này, chúng ta ngày càng cảm thấy rằng “hố phân cách giữa sự quan tâm đối với phúc lợi bản thân của người ta và sự thịnh vượng của gia đình nhân loại lớn hơn dường như đang trải dài đến mức gây chia rẽ hoàn toàn giữa các cá nhân và cộng đồng con người… Cảm thấy buộc phải sống chung là một điều, nhưng biết trân quí sự phong phú và vẻ đẹp của các hạt giống sống chung đang cần được tìm kiếm và vun đắp lại là một điều hoàn toàn khác hẳn” [29]. Kỹ thuật không ngừng phát triển, tuy nhiên “sẽ tuyệt vời biết bao nếu sự phát triển của việc canh tân khoa học và kỹ thuật có thể xuất hiện cùng với việc có nhiều bình đẳng và hòa nhập xã hội hơn. Thật tuyệt vời biết bao, khi, cùng với việc khám phá ra những hành tinh xa xôi, chúng ta tái khám phá nhu cầu của những người anh chị em đang bao quanh chúng ta” [30].

CÁC ĐẠI DỊCH VÀ CÁC TAI HỌA KHÁC TRONG LỊCH SỬ

32. Quả thực, một thảm kịch toàn thế giới như đại dịch Covid-19 trong giây lát đã làm sống lại cảm thức chúng ta là một cộng đồng hoàn cầu, tất cả cùng chung một con thuyền, trong đó các vấn đề của một người là vấn đề của mọi người. Một lần nữa chúng ta hiểu ra rằng không ai một mình được cứu vớt; chúng ta chỉ có thể được cứu vớt cùng với nhau. Như tôi đã nói trong những ngày đó, “cơn bão đã bóc trần tính dễ bị tổn thương của chúng ta và để lộ ra những điều chắc chắn giả tạo và phù phiếm mà xung quanh chúng, chúng ta đang xây dựng lịch trình sinh hoạt hàng ngày, các dự án, các thói quen và ưu tiên của chúng ta… Giữa cơn bão táp này, mặt tiền của những khuôn mẫu mà chúng ta đã dùng để ngụy trang cho cái tôi của chúng ta, luôn lo lắng về vẻ bề ngoài, đã rớt xuống, để lộ một lần nữa ý thức không thể tránh được và đáng chúc phúc này: chúng ta là thành phần của nhau, chúng ta là anh chị em của nhau” [31].

33. Thế giới đang không ngừng tiến tới một nền kinh tế, nhờ tiến bộ kỹ thuật, tìm cách giảm “phí tổn nhân bản”; có những người làm chúng ta tin rằng tính tự do của thị trường đủ để giữ cho mọi sự được an toàn. Tuy nhiên, đòn tàn bạo và không lường trước được của cơn đại dịch không thể kiểm soát này đã buộc chúng ta hồi phục mối quan tâm của chúng ta đối với các hữu thể nhân bản, đối với mọi người, thay vì lợi ích của một số ít người. Ngày nay chúng ta có thể nhận ra rằng “chúng ta tự nuôi mình bằng những giấc mơ lộng lẫy và cao cả, và kết cục là việc mất tập trung, hẹp hòi đóng kín và cô độc đầy ám ảnh. Chúng ta ngấu nghiến liên mạng và đánh mất hương vị của tình huynh đệ. Chúng ta tìm kiếm các kết quả nhanh chóng và an toàn, chỉ để thấy mình bị áp đảo bởi sự thiếu kiên nhẫn và lo lắng. Trở thành tù nhân cho thực tại ảo, chúng ta đã đánh mất mùi và vị của điều thực sự có thực” [32]. Nỗi đau, sự không chắc chắn và nỗi sợ hãi, và việc nhận ra các giới hạn của bản thân, do đại dịch đem tới, chỉ khiến việc chúng ta phải suy nghĩ lại phong cách sống, các mối liên hệ của mình, cách tổ chức các xã hội và trên hết, ý nghĩa của việc chúng ta hiện hữu, càng trở nên cấp bách hơn.

34. Nếu mọi thứ được nối kết với nhau, thì thật khó mà tưởng tượng rằng thảm họa hoàn cầu này không liên quan gì đến cách tiếp cận thực tại của chúng ta, việc chúng ta cho rằng mình là người làm chủ tuyệt đối cuộc đời của chính mình và của tất cả những gì đang hiện hữu. Tôi không muốn nói đến việc thần thánh báo oán, cũng như không đủ lý lẽ để nói rằng tác hại chúng ta gây ra cho thiên nhiên chính là hình phạt cho các vi phạm của chúng ta. Thế giới đang kêu la nổi loạn. Chúng ta được nhắc nhớ câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Virgil vốn gợi lên "những giọt nước mắt của sự vật", những bất hạnh của cuộc đời và của lịch sử [33].

35. Tuy nhiên, chúng ta quên mất những bài học của lịch sử, vốn là “người thầy của cuộc đời”, một cách quá nhanh chóng [34]. Một khi cuộc khủng hoảng sức khỏe này qua đi, phản ứng tồi tệ nhất của chúng ta sẽ là lao đầu sâu hơn nữa vào chủ nghĩa tiêu dùng điên loạn và các hình thức bảo toàn bản thân vị kỷ mới. Nhờ ơn Chúa, sau tất cả những điều này, chúng ta sẽ không còn nghĩ theo chiều “bọn chúng” và “những người ấy”, mà chỉ theo chiều “chúng ta”. Ước chi điều này có thể chứng minh không những một bi kịch khác của lịch sử mà từ đó chúng ta không học được gì. Ước chi chúng ta luôn ghi nhớ tất cả những người cao niên đã chết vì thiếu mặt nạ phòng độc, một phần là do việc phá bỏ, năm này qua năm khác, các hệ thống chăm sóc sức khỏe. Ước chi nỗi buồn mênh mông này có thể không trở nên vô ích, nhưng giúp chúng ta tiến thêm một bước nữa hướng tới một phong cách sống mới. Ước chi chúng ta có thể dứt khoát khám phá lại việc chúng ta cần đến nhau, và bằng cách này, gia đình nhân loại của chúng ta có thể trải qua một sự tái sinh, với mọi khuôn mặt, mọi bàn tay và mọi giọng nói của nó, vượt trên các bức tường mà chúng ta đã dựng lên.

36. Trừ khi chúng ta khôi phục được niềm đam mê chung trong việc tạo ra một cộng đồng thống thuộc và liên đới xứng đáng với thời đại, với năng lực và các nguồn lực của chúng ta, ảo tưởng hoàn cầu từng lừa dối chúng ta sẽ sụp đổ và để nhiều người ở lại trong sức kìm kẹp của xao xuyến lo lắng và trống rỗng. Chúng ta cũng không nên ngây thơ bác bỏ việc thừa nhận rằng “nỗi ám ảnh về lối sống duy tiêu thụ, nhất là khi ít người có khả năng duy trì nó, chỉ có thể dẫn đến bạo lực và hủy diệt lẫn nhau” [35]. Khái niệm “mỗi người vì chính mình” sẽ nhanh chóng biến chất thành một thứ tự do muốn làm gì thì làm, một điều còn tồi tệ hơn bất cứ đại dịch nào.

THIẾU NHÂN PHẨM TẠI CÁC BIÊN GIỚI

37. Một số chế độ chính trị theo chủ nghĩa dân túy, cũng như một số phương thức kinh tế tự do, chủ trương rằng phải ngăn chặn dòng người di cư bằng mọi giá. Các lập luận cũng được đưa ra bênh vực tính đứng đắn của việc hạn chế viện trợ cho các nước nghèo, để họ khánh kiệt và thấy mình buộc phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Người ta không nhận ra rằng đằng sau những tuyên bố như vậy, trừu tượng và khó hỗ trợ, rất nhiều mạng sống đang bị đe dọa. Nhiều di dân đã chạy trốn chiến tranh, bách hại và thảm họa thiên nhiên. Những người khác, rất đúng, “đang tìm kiếm cơ hội cho bản thân và gia đình họ. Họ mơ ước một tương lai tốt đẹp hơn và họ muốn tạo điều kiện để đạt được điều đó ” [36].

38. Đáng buồn thay, một số người trên “bị thu hút bởi văn hóa phương Tây, đôi khi với những kỳ vọng không thực tế khiến họ thất vọng nặng nề. Những kẻ buôn người vô lương tâm, thường có liên hệ với các băng đảng ma túy hoặc vũ khí, đang khai thác điểm yếu của di dân, những người thường xuyên phải trải qua bạo lực, buôn người, lạm dụng tâm lý và thể lý và những đau khổ không kể xiết trên hành trình của họ” [37]. Những người lên đường di cư đều “kinh qua sự xa cách với nơi xuất xứ của họ, và thường mất cả gốc rễ văn hóa và tôn giáo. Sự phân mảnh cũng được cảm nhận bởi các cộng đồng họ để lại, nơi mất đi các phần tử mạnh mẽ và dám nghĩ dám làm nhất của họ, và bởi các gia đình, nhất là khi một hoặc cả hai cha mẹ phải di cư, để lại con cái ở quê hương” [38]. Vì lý do này, “cũng cần phải khẳng định lại quyền không di cư, nghĩa là, quyền ở lại quê hương của người ta” [39].

39. Cũng thế, “ở một số quốc gia chủ nhà, di dân gây ra nỗi sợ hãi và báo động, thường được thúc đẩy và khai thác cho các mục đích chính trị. Điều này có thể dẫn đến não trạng bài ngoại, khi người ta tự khép mình vào chính mình, và điều này cần được giải quyết một cách dứt khoát” [40]. Các di dân không được coi là có quyền, như những người khác, được tham gia vào đời sống của xã hội, và người ta quên rằng họ có phẩm giá nội tại như bất cứ người nào khác. Do đó, họ phải là “các tác nhân trong việc tự cứu chính họ” [41]. Không ai có thể công khai phủ nhận rằng họ là những hữu thể nhân bản, nhưng trên thực tế, bằng quyết định của chúng ta và cách chúng ta đối xử với họ, chúng ta có thể chứng tỏ rằng chúng ta xem họ ít xứng đáng hơn, kém quan trọng hơn, kém nhân bản hơn. Đối với các Kitô hữu, lối suy nghĩ và hành động này là điều không thể chấp nhận được, vì nó đặt một số sở thích chính trị nhất định lên trên các niềm xác tín sâu xa về đức tin của chúng ta: phẩm giá bất khả chuyển nhượng của mỗi con người bất kể nguồn gốc, chủng tộc hay tôn giáo, và luật tối cao của tình yêu thương huynh đệ.

40. “Những cuộc di dân, hơn bao giờ hết, sẽ đóng một vai trò chủ chốt trong tương lai của thế giới chúng ta” [42]. Tuy nhiên, hiện nay, việc di dân bị ảnh hưởng bởi “việc mất cảm thức trách nhiệm đối với các anh chị em của chúng ta mà mọi xã hội dân sự vốn dựa vào” [43]. Châu Âu, chẳng hạn, đang có nguy cơ nghiêm trọng đi theo con đường này. Tuy nhiên, “được hỗ trợ bởi di sản văn hóa và tôn giáo vĩ đại của nó, nó có các phương thế để bảo vệ tính trung tâm của con người và tìm được sự cân bằng đúng đắn giữa trách nhiệm đạo đức kép của mình là bảo vệ quyền của công dân và bảo đảm việc hỗ trợ và chấp nhận di dân” [44].

41. Tôi nhận ra rằng một số người còn do dự và sợ hãi đối với di dân. Tôi coi điều này như một phần trong bản năng tự vệ tự nhiên của chúng ta. Tuy nhiên, điều cũng đúng là một cá nhân và một dân tộc chỉ sinh hoa kết trái và có hiệu năng nếu họ có khả năng khai triển tính cởi mở sáng tạo với người khác. Tôi yêu cầu mọi người vượt ra khỏi những phản ứng ban sơ đó vì “có vấn đề khi những nghi ngờ và sợ hãi điều khiển cách suy nghĩ và hành động của chúng ta đến mức khiến chúng ta trở nên bất khoan dung, khép kín và thậm chí phân biệt chủng tộc mà mình không biết. Theo cách này, nỗi sợ hãi lấy mất nơi chúng ta ước nguyện và khả năng gặp gỡ người khác” [45].

Kỳ tới: ẢO TƯỞNG CỦA TRUYỀN THÔNG
 
Top Stories
Qui Nhon: les paroissiens de l’île de Ly Son appelés à prier le chapelet à l’occasion du mois du rosaire
Églises d'Asie
08:23 08/10/2020
Le 4 octobre, Mgr Matthieu Nguyen Van Khoi, évêque de Qui Nhon, a rendu visite aux paroissiens de Ly Son, une petite île située à une quinzaine de miles nautiques de la côte, dans le centre du Vietnam, afin d’ouvrir le mois du rosaire, quelques jours avant la solennité de Notre-Dame du Rosaire (célébrée le 7 octobre). L’île de Ly Son compte 22 175 habitants dont environ 500 catholiques. Le 5 septembre, les autorités de Da Nang, dans la province de Guang Ngai, ont autorisé « les habitants de l’île de Ly Son à reprendre les activités économiques, éducatives, religieuses et touristiques » après plusieurs mois de confinement.

Ce dimanche 4 octobre, la paroisse de Ly Son, à Hanoï, a ouvert le « mois du rosaire », quelques jours avant la fête de la solennité de Notre-Dame du Rosaire (célébrée le mercredi 7 octobre). La paroisse de Ly Son dépend du diocèse de Qui Nhon, dans la province de Quang Ngai, située sur une petite île à près de 15 miles nautiques de la côte, dans le centre du Vietnam. Le district de Ly Son couvre environ 10,39 km² pour 22 174 habitants, dont près de 500 catholiques. Le 5 septembre, quand la pandémie a pu être contenue à Da Nang, dans la province de Guang Ngai, et dans les autres provinces de la région, les autorités locales ont annoncé que « le comité populaire de Quang Ngai autorise les habitants de l’île de Ly Son à reprendre les activités économiques, éducatives, religieuses et touristiques ». Historiquement, l’île de Ly Son est liée à la revendication de souveraineté par le Vietnam sur les archipels. Entre la fin du XVIe siècle et la fin du XVIIIe siècle, les Seigneurs Nguyen ont en effet ordonné de « naviguer le long des côtes afin de protéger la mer et les archipels ». Aujourd’hui, ce passé resurgit chaque année lors du festival de Le Khao Le The Linh, qui commémore les soldats de la flottille de Hoang Sa (îles Paracel), honorés pour avoir préservé la souveraineté nationale sur les îles Paracel (situées à l’est au large de l’île de Ly Son).

Une coutume célébrée tous les ans depuis plusieurs centaines d’années, au cours du deuxième mois du calendrier lunaire, et qui permet de réaffirmer la souveraineté du pays sur les îles Paracel et Spratleys (Truong Sa). La paroisse de Ly Son n’a pas été fondée par des missionnaires, des prêtres ou des moines, mais par des laïcs vietnamiens. Pour les prêtres du diocèse de Qui Nhon, c’est un fait particulier, qui montre le rôle important joué par les laïcs dans le développement et la protection de la paroisse locale. Mgr Matthieu Nguyen Van Khoi, évêque de Qui Nhon, qui a rendu visite aux paroissiens de Ly Son, les a appelés à prier sans relâche et à réciter le rosaire. Avec les paroissiens, l’évêque est revenu sur l’histoire et l’évolution de la paroisse locale. Il a écouté les rapports évoquant la situation actuelle de la paroisse, qui confirment que les fidèles de Ly Son contribuent tous activement à l’Église locale et à la société. À cette occasion, Mgr Matthieu leur a confié que la construction d’une église dans l’île de Ly Son était un signe de l’investissement et de l’influence des fidèles îliens. L’évêque a ajouté que la paroisse locale était devenue comme un roc, et chaque paroissien comme une pierre vivante. L’évêque de Qui Nhon a également espéré que des religieuses puissent venir, dans un avenir proche, s’implanter dans la paroisse afin d’aider les volontaires de la paroisse et poursuivre leur travail missionnaire.

(Source: Églises d'Asie - le 08/10/2020. Avec Asianews, Hanoï)
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Phi dân chủ - đảng thắng lớn - dân thua to
Phạm Trần
09:50 08/10/2020
Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan bảo vệ tư tưởng và tuyên truyền của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) và Tổng cục Chính trị Quân đội, cơ quan đảm nhiệm công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội, đang ra sức bênh vực nguyên tắc “tập trung dân chủ” (TTDC) cho đảng tiếp tục cầm quyền độc tài.

Nhưng khi đảng thắng lớn thì dân thua to.

Ý NGHĨA TẬP TRUNG DÂN CHỦ

Vậy TTDC là gì? Điều lệ đảng CSVN, thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011, viết:” Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc : tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.” (Thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011)

Nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” có từ bao giờ? Theo tài liệu Cộng sản thì tiêu chuẩn cố định này xuất phát từ cửa miệng Lenin, trùm giáo điều và độc tài.

Tài liệu Bách khoa Toàn thư mở viết:”Lenin, người đầu tiên nhắc tới khái niệm "Tập trung dân chủ", giải thích rằng tập trung dân chủ là tự do trong thảo luận nhưng thống nhất trong hành động.”

Oái oăm là đảng viên chỉ được tự do tranh luận trong nội bộ, không được phép phát tán tài liệu hay phản biện ngoài phòng họp. Tùy theo vấn đề, đôi khi cả dân cũng được cho góp ý, nhưng không được quyền bỏ phiếu. Vì vậy khi đảng biểu quyết thì những ý kiến trái chiều, chống lại quan điểm của đảng bị gạt bỏ thẳng tay. Nguyên nhân bắt nguồn từ tư duy cực đoan, giáo điều và bảo thủ của Lãnh đạo luôn luôn tự cho đảng “không bao giờ sai” để buộc dân phải tuân theo quyết định của đảng và phải làm theo lệnh đảng.

Vì vậy, nguyên tắc “tập trung dân chủ” là chống lại dân chủ đích thực để đảng được độc tài cầm quyền và độc tôn cai trị không cần dân có đồng ý hay không.

Bằng chứng ở Việt Nam, trong cuộc lấy ý kiến dân cho bản Hiến pháp sửa đổi năm 2013, đã có một số không nhỏ đề nghị đảng thay đổi Điều 4 trong dự thảo vì điều này đã dành đặc quyền “đương nhiên” được lãnh đạo đất nước cho đảng mà không cần có sự tán thành của dân qua lá phiếu. Nhưng khi Quốc hội thảo luận biểu quyết thì đề nghị thay đổi này không được nhắc tới, dù chỉ một lần, làm như không hề có ý kiến nào muốn sửa đổi.

Vì vậy, khoản 1, Điều 4 phản dân chủ đã được giữ nguyên, theo đó:”Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.”

Ngay cả ông Hồ Chí Minh cũng đã tiếm quyền dân khi ông viết trong Di chúc, phổ biến sau khi qua đời năm 1969, rằng :” Đảng ta là một Đảng cầm quyền.”

Cũng trái khoắy là Hiến pháp sửa đổi 2013 chỉ ra đời sau 2 năm đảng tái khẳng định trong Cương lĩnh “xây dựng đất nước trong thời kỳ qúa độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển)” năm 2011 rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Đồng thời Điều lệ đảng sửa đổi tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng thông qua ngày 19 tháng 01 năm 2011) cũng rập khuôn nhắc lại “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền”

Như vậy, nguyên tắc “tập trung dân chủ” của Cộng sản Việt Nam đã thống nhất trong 3 Văn kiện quan trọng nhất gồm Cương lĩnh, Điều lệ đảng và Hiến pháp, nhưng củng có mục đích chung là bảo vệ quyền cai trị tự phong cho mình và phủ nhận quyền tự quyết chính trị của dân.

CHỦ TRƯƠNG CỦA KHỐI CỘNG SẢN

Nhưng Việt Nam Cộng sản không phải là trường hợp cá biệt. Khi khối Cộng sản Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông u chưa tan rã từ những năm 1989-1991 thì nguyên tắc “tập trung dân chủ” được thống nhất thi hành trong toàn khối và các nước chu hầu của Nga. Tiêu chí đặc quyền, đặc lợi này cũng được Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh áp dụng cho hai đảng Cộng sản Trung Cộng và Việt Nam từ khi hai đảng ra đời, với mục đích duy nhất là loại bỏ quyền tham gia chính trị của dân để đảng vĩnh viễn nắm quyền cai trị.

Do đó, khi đảng CSVN phùng mang trợn mắt khoe thực thi “tập trung dân chủ” còn nhằm “đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân…” là thêm bằng chứng đảng đã “ăn của dân không từ một cái gì”, đúng như nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã lên tiếng tại phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 11-9-2013.

Bởi vì đảng muốn, chỉ một mình đảng CSVN là “chủ nhân ông” duy nhất và có toàn quyền cai trị và kiểm soát đất nước, dù vẫn cương cổ lên hô hoán rằng “Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân”. Trong khi dân lại chưa hề bỏ phiếu chấp nhận quyền cai trị của đảng duy nhất trên đất nước. Như vậy rõ ràng là đảng đã tròng vào cổ dân quyền lãnh đạo bất chính của mình, cũng như buộc dân phải chấp nhận Chủ nghĩa ngoại lai phản dân chủ và thoái trào Mác-Lenin và Tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh.

Đảng còn tự mình nhét chữ vào miệng dân khi viết trong Cương lĩnh 2011 rằng:”Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta.”

Đảng cũng trơ trẽn liên tiếp nhắc lại lời tuyên bố che giấu tham vọng của ông Hồ Chí Minh ngày 07-6-1960, tại Đại hội sản xuất tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội) rằng: “Đảng ta là một đảng cách mạng, ngoài lợi ích của công nhân và nông dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”

Như thế rõ ràng là ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN đã lấy dân làm bình phong che đây cho tham vọng nắm quyền độc tôn cai trị cho đảng.

Bằng chứng lừa bịp này còn được phô trương trong Điều 2 Hiến pháp 2031, theo đó viết rõ:

1.” Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.”

DÂN CHỦ GIẢ HIỆU

Nhưng “quyền lực nhà nước” nào đã thuộc về dân? Dân chả có quyền gì trong chế độ Cộng sản ở Việt Nam. Ngay cả quyền bầu người đại diện cho mình ở Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất nước, cũng do “đảng cử dân bầu”, lồng trong cái khung dân chủ giả tạo do Mặt trần Tổ Quốc (MTTQ) đạo diễn. MTTQ là tổ chức ngoại vị của đảng nắm quyền chọn ứng cử viên, rồi qua hình thức “hiệp thương” giả vờ để chọn người vào Quốc hội cho dân bỏ phiếu lấy lệ mà không cần phải có vận động tranh cử giữa các ứng cử viên.

Dân cũng không được quyền tự do ra báo, bị cấm thành lập đảng chính trị và các tổ chức xã hội. Dân còn bị đàn áp khi tự phát biểu tình, dù là để chống Tầu xâm lược trên đất liền và ở Biển Đông

Mặc dù tất cả những quyền này đã được quy định trong Điều 25 Hiến pháp 2013, theo đó:”Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Cái bẫy của điều này là câu “thòng lọng” :”Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”, như Luật Báo chí chỉ cho phép các cơ quan và tổ chức của đảng ra báo để khuynh loát dư luận, nhất định không cho tư nhân ra báo. Báo chí và đội ngũ nhà báo phải viết theo định hướng của Ban Tuyên giáo với nhiệm vụ tuyên truyền cho chủ trương, chính sách của đảng là chính.

Đảng cũng ngăn cấm thành lập đảng chính trị, nói chi đến “tổ chức chính trị đối lập” với đảng Cộng sản cầm quyền duy nhất. Đảng còn trì hoãn, hay ép Quốc hội không thảo luận 2 Luật biểu tình và lập hội trong nhiều năm qua vì sợ mất quyền kiểm soát.

HẬU QUẢ NHÃN TIỀN

Do đó, trước thềm Đại hội đảng XIII, diễn ra đầu năm 2021, đảng đã ra sức bênh vực nguyên tắc “tập trung dân chủ” để bảo vệ công tác quy hoạch cán bộ của Bộ Chính được hoàn bị, nhất là đối với cấp chiến lược và chủ chốt, vào Ban Chấp hành Trung ương XIII.

Theo lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tại Hội nghị Trung ương 13, từ 5 đến 10/10/2020, thì

Bộ Chính trị đã duyệt xét, và đồng ý với số 227 Ủy viên vào Ban Chấp hành đảng XIII. Nhưng danh sách này sẽ dược chọn trên tổng số 151 người được đề cử và tái ứng cử (199 Ủy viên chính thức và dự khuyết của Khóa XII) tại Đại hội đảng XIII.

Việc chọn lựa này không mới, tuy có kỹ hơn so với các khóa trước để ngăn chặn nạn chạy chức chức chạy quyền, chạy quy hoạch, tránh nạn con ông, cháu cha, dòng họ và lợi ích nhóm.

Nhưng đội ngũ sẽ nắm quyền sinh sát cả nước trong 5 năm tới của nhiệm kỳ 2021-2026 vẫn là của đảng, do đảng và vì đảng. Người dân không hề được hỏi ý kiến cho công tác chọn người lãnh đạo do đảng quyết định, nhưng lại bị cai trị bởi nhóm người này.

Đó là hậu qủa nhãn tiền và tính ngụy biện của chủ trương “tập trung dân chủ”.

Bằng chứng đã có những lạm dụng để độc tài, bảo vệ quyền lợi cá nhân, phe nhóm trong đảng như đã được xác nhận rằng:” Trong quá trình thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, một số tổ chức đảng thực hiện không nghiêm túc, hiệu quả thấp, thậm chí có nơi nguyên tắc này còn bị bóp méo, vô hiệu hóa. Có cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ lãnh đạo thiếu tôn trọng và chưa phát huy quyền của đảng viên, ít lắng nghe ý kiến cấp dưới; cán bộ lãnh đạo ở một số nơi còn gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền. Đã có không ít trường hợp, người đứng đầu tổ chức đảng lợi dụng, thâu tóm quyền lực phục vụ lợi ích cá nhân, thực hiện “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm” bằng mọi thủ đoạn, như trù úm những người có ý kiến khác với mình, kéo bè, kéo cánh. Khi đó, các thành viên trong tổ chức đảng bị phân liệt hoặc phải ủng hộ cái sai của nhau, không dám bảo vệ cái đúng, dẫn đến đoàn kết xuôi chiều (thực chất là mất đoàn kết), làm suy giảm năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Khi tình trạng mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức diễn ra phổ biến, kéo dài ở tổ chức đảng thì nguyên tắc tập trung dân chủ lại trở thành bình phong che chắn cho những hành vi tham nhũng của cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống.” (theo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (HVCTQGHCM), ngày 09/03/2020)

Nhưng những khuyết tật nêu trên không chỉ đến nhất thời hay năm thì mười họa mới xẩy ra mà đã có thường xuyên. Điều này chứng tỏ, càng kéo dài “tập trung dân chủ” để phàn dân chủ thì con bệnh lạm quyền, cưỡng chế quyền lực và “cái lồng quyền lực” càng phình to ra.

Điển hình như Học viện Chính trị cao nhất của đảng như HVCTQGHCM đã cảnh báo đang có hiện tượng muốn xoay chiều trong đảng. Bài viết cho biết:”Điều đáng nói là, tình trạng đó kéo dài nhưng ít được quan tâm phân tích làm sáng tỏ và có giải pháp ngăn chặn hữu hiệu. Khi tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ không được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí diễn ra ngày càng phức tạp, có những tổ chức đảng mất sức chiến đấu thì xuất hiện quan điểm cho rằng nguyên tắc này không có tính khả thi, càng thực hiện thì càng mất dân chủ, càng độc đoán, chuyên quyền (?!). Một số đảng viên, có cả cán bộ lãnh đạo và một số nhà lý luận cũng có lúc nghi ngờ tính khả thi của nguyên tắc tập trung dân chủ, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền. Hàng chục năm qua, trên các diễn đàn, hội thảo khoa học hay các bài viết trên một số tạp chí đã đề xuất thay đổi tên nguyên tắc “tập trung dân chủ” thành nguyên tắc “dân chủ” hay nguyên tắc “dân chủ tập trung” với mong muốn dân chủ thực sự hơn, hạn chế tập trung quan liêu, độc đoán, chuyên quyền.”

CỨU NGUY-PHẢN BIỆN

Để đối phó với chỉ trích “phi dân chủ” của nguyên tắc “tập trung dân chủ”, HVCTQGHCM đã đề ra một số biện pháp để bảo vệ hàng ngũ không bị lung lay, đứng đầu là “ nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về vai trò của nguyên tắc tập trung dân chủ.”

Bài báo nói đảng viên cần phải biết:”Nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ đạo mọi hoạt động xây dựng tổ chức, sinh hoạt và lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng chi phối các nguyên tắc tổ chức, hoạt động khác của Đảng. Nguyên tắc tập trung dân chủ bảo đảm cho đảng cộng sản thống nhất về tư tưởng chính trị và tạo nên sức mạnh của tổ chức, xây dựng được đội ngũ đảng viên năng động, sáng tạo, có kỷ luật chặt chẽ, có sức chiến đấu cao. Nguyên tắc tập trung dân chủ bảo đảm cho đảng luôn luôn là một tổ chức lãnh đạo, một tổ chức hành động chứ không phải là một câu lạc bộ chỉ bàn cãi suông…”

Thứ hai: Phải “tổ chức thực hiện đúng nội dung, yêu cầu của nguyên tắc tập trung dân chủ”, theo đó :” Những nội dung căn bản của nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng ta hiện nay được quy định trong Điều lệ Đảng: các cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng do bầu cử lập ra, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; mỗi tổ chức đảng phải thực hiện chế độ báo cáo với cấp trên, thông báo tình hình hoạt động của mình đến các tổ chức đảng trực thuộc; tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành nghị quyết của Đảng, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức…”

Thứ ba: Phát huy dân chủ đi đôi với củng cố, tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Bài báo tiếp theo:” Vấn đề quan trọng nhất vẫn là ở khâu triển khai thực hiện. Dân chủ phải thực sự là “chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi vấn đề”, nhưng dân chủ đòi hỏi cần có một hành lang pháp lý rõ ràng. Do vậy, cần phải tiếp tục hoàn thiện các thiết chế, cơ chế nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ, trước hết là bảo đảm thực hiện các quyền của đảng viên, nhất là quyền được thông tin, thảo luận, chất vấn, phê bình, bảo lưu ý kiến hay rút ý kiến bảo lưu mà không bị phân biệt đối xử, trù úm dưới mọi hình thức…. Tình trạng “dĩ hòa vi quý”, quan niệm “đấu tranh tránh đâu” vẫn còn, vì trên thực tế các quy định bảo vệ người đứng đắn, trung thực, dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải, tố cáo hành vi sai trái vẫn chưa đủ sức mạnh, thiếu tính khả thi. Đồng thời, cùng với việc mở rộng dân chủ, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, không để bất cứ ai lợi dụng dân chủ, lợi dụng quyền phê bình để bôi nhọ, hạ thấp uy tín của đồng chí mình, gây mất đoàn kết nội bộ. Mọi tổ chức đảng và đảng viên phải chấp hành các quy định của Đảng, nói và làm theo nghị quyết của Đảng.”

Điều đáng nói là những biện pháp trên không mới vì đã được lãnh đạo đảng nói nhiều lần. Có mới chăng là những hạn chế vẫn kéo dài để lan rộng tình trạng có thêm cán bộ, đảng viên bất bình với bản lĩnh bảo thủ, giáo điều và thiếu phục thiện của đảng.

Do đó, HVCTQGHCM đã phải lưu ý đảng viên không được chệch hướng với khẳng định:”Chế độ tập thể lãnh đạo đi đôi với cá nhân phụ trách là nội dung quan trọng của nguyên tắc tập trung dân chủ và phải được thể hiện trong quy chế làm việc của từng tổ chức đảng.”

Nhưng mặt khác thì đảng lại sử dụng “thế lực thù địch” như quân bài để làm bình phong che đậy thất bại trong nỗ lực hạ thấp tình trạng bất bình của đảng viên đối với chủ trương dân chủ nửa vời của đảng.

Vì vậy hiện tượng chống “tập trung dân chủ” trong đảng cũng đã được “thù địch hóa” rằng:”Các thế lực thù địch lợi dụng những khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc này càng ra sức xuyên tạc, bóp méo nguyên tắc tập trung dân chủ hòng làm cho đảng viên hoang mang, hoài nghi, muốn từ bỏ nguyên tắc. Đó thực chất là một trong những hoạt động “diễn biến hòa bình” làm cho chính những đảng viên của Đảng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm cho tổ chức đảng mất sức chiến đấu, rệu rã, tê liệt, suy yếu và để chúng dễ bề thực hiện mục tiêu xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.”

Như thế là nguy đấy chứ không phải chuyện nhỏ đâu, nhất là lại xẩy ra trước ngày Đại hội đảng XIII thì mức độ nghiêm trọng không thể coi nhẹ.

Nhưng ngược lại, bất cứ thái độ quay lưng chống đảng nào của đảng viên, dù nhỏ, cũng cho thấy khi đảng tìm mọi cách độc quyền dân chủ để thắng lớn thì dân lại thua to. -/-

Phạm Trần

(10/020)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ : Việc Cúi Đầu Trong Kinh Tán Tụng Thiên Chúa
Lê Hải Nam
20:15 08/10/2020
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Bài ngày 29/9/2020 theo đường dẫn: https://zenit.org/2020/10/06/liturgy-qa-inclinations-at-the-doxology/

Một Phong Tục Trong Phụng Vụ Giờ Kinh

HỎI: Gần đây trong dòng tu của con, chúng con đã gặp phải vấn đề cúi chào trong kinh tán tụng trong Giờ Kinh Phụng Vụ. Trong nhiều nhà dòng, chúng con đã quen ngồi khi đọc thánh vịnh vì đa số các thầy đã cao tuổi. Chúng con đã nói đến lịch sử của việc cúi đầu trong bài tán tụng. Truyền thống này từ đâu ra và có văn bản nào con có thể tham khảo không? Thứ hai là đa số các thánh ca trong Sách Kinh Nhật Tụng dành những câu cuối cùng cho Ba Ngôi Thiên Chúa, chứ không phải là một bài tán tụng. Có nên cúi chào như trong phụng vụ không? — G.L., Blagnac, France


ĐÁP: Trong Hướng Dẫn Tổng Quát về Phụng Vụ Giờ Kinh chúng tôi tìm thấy những dấu chỉ có thể hữu ích:

Trước tiên việc ngồi trong khi đọc thánh vịnh là một lựa chọn hợp luật:

Số 265. Trong khi đọc các thánh vịnh và các điệp ca tán tụng, cộng đoàn ngồi hay đứng tùy theo phong tục.

Về việc sử dụng Kinh Vinh Danh cuối các thánh vịnh, chỉ dẫn nại đến truyền thống và phong tục.

Số 123. Điệp ca tán tụng được đọc trước mỗi thánh vịnh (xem các số 113-120). Phong tục kết thúc thánh vịnh bằng Kinh Vinh Danh được giữ lại. Truyền thống đã khéo léo sử dụng kinh này để gán cho lời cầu nguyện của Cựu Ước phẩm chất ca ngợi và ý nghĩa Ba Ngôi và Ki-tô học. Nếu muốn có thể lập lại điệp ca tán tụng sau thánh vịnh.

Hướng Dẫn Tổng Quát không nói gì về việc cúi đầu trong kinh tán tụng Thiên Chúa mặc dù thực tế đây là một phong tục phổ quát.

Phong tục này được nhắc đến trong Sách Hướng dẫn Tổng Quát về Sách Lễ Rô-ma. Văn bản sách này (GIRM = the General Instruction of the Roman Missal), số 275, về việc cúi chào trong phụng vụ, nói:

Có hai kiểu cúi chào: cúi đầu và cúi người.

a. Cúi đầu được thực hiện khi kêu tên Ba Ngôi Thiên Chúa cùng với nhau, và khi kêu tên Chúa Giê-su, Đức Trinh Nữ Maria, và vị thánh được tôn vinh trong thánh lễ đang cử hành …

Phong tục thêm Kinh Vinh Danh vào cuối mỗi thánh vịnh xuất phát từ phương đông và chắc hẳn được đưa vào Giờ Kinh Rô-ma vào thế kỷ thứ năm.

Việc đưa nó vào một phẩn được thúc đẩy như là một phương thế chống lại lạc giáo Arian vốn phủ nhận Thiên tính của Đức Ki-tô. Trong một thời kỳ mà Kinh Tin Kính chưa được đưa vào phụng vụ thì kinh tán tụng đảm nhận vai trò của lời tuyên xứng đức tin vắn tắt, tóm lược những thành tố cơ bản.

Trong Giờ Kinh Phụng Vụ, ban đầu Kinh Vinh Danh kết thúc một thời gian thinh lặng cầu nguyện theo sau mỗi thánh vịnh, khi các thầy dòng nắm sấp trên sàn nhà. Giây phút cầu nguyện thinh lặng này có xu hướng biến mất từ từ, và kinh tán tụng được biến đổi thành phần kết của thánh vịnh với việc cúi chào thay thế cho việc nằm sấp.

Về các thánh ca, sách Hướng Dẫn Tổng Quát về Phụng Vụ Giờ Kinh chỉ rõ:

Số 173. Các thánh ca có chỗ đứng trong Phụng Vụ Giờ Kinh từ rất sớm, một vị trí vẫn còn tiếp tục. Không những bản chất vần điệu của chúng đặc biệt thích hợp để ca tụng Thiên Chúa, mà chúng còn cấu thành một phần được yêu chuộng, bởi vì chúng hầu như luôn chỉ ra ngay lập tức những tính cách riêng của Giờ Kinh hay của mỗi lễ mừng, so với các phần khác. Chúng giúp đánh động người ta tham gia và lôi kéo họ vào việc mừng lễ. Vẻ đẹp văn chương của chúng thường làm gia tăng hiệu quả. Trong Phụng Vụ Giờ Kinh, các thánh ca là phần thi ca chính được Giáo Hội soạn thảo.

Số 174. Theo truyền thống bài thánh ca kết thúc bằng kinh tán tụng, vốn thường được dâng lên cho cùng một ngôi Thiên Chúa như chính bài thánh ca.

Mặc dù nhiều thánh ca vẫn còn kết thúc bằng kinh tán tụng, việc các hội đồng giám mục đã đưa vào các thánh ca gốc tiếng bản xứ cùng với bản dịch từ kho tàng tiếng La-tinh có nghĩa là không luôn luôn là trường hợp đó.

Cũng thế, như đã nói trên, kinh tán tụng không phải là một công thức cố định mà chỉ là lời dâng lên chủ thể Thiên Chúa của bài thánh ca và như thế không theo thứ tự Ba Ngôi Thiên Chúa thường lệ.

Ví dụ bài thánh ca dâng lên Đức Ki-tô Vua, Te Saeculorum Principem, kết thúc như sau:

“Vinh danh Chúa, Đức Giê-su, đấng tối cao trên mọi quyền thế tục; Và vinh danh Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần yêu thương đến muôn muôn đời.”

Và khổ thơ thứ sáu và cuối cùng của bài thánh ca dâng Chúa Thánh Thần nói như sau:

“Nhờ Ngài mà chúng con biết Chúa Cha, nhờ Ngài mà chúng con biết Ngôi Con vĩnh cửu, và Ngài là Thần Khí của cả hai đấng ấy, ba lần chúc tụng ba đấng trong MỘT.”

Vào thời kỳ sau đó, kinh tán tụng cổ điển được thêm vào như khổ thơ thứ bảy, vẫn còn được sử dụng ở một số nơi. Văn bản phụng vụ chính thức là phiên bản có sáu khổ thơ.

Vì những lý do này và những lý do thực tiễn khác liên quan đến việc cúi chào khi hát thánh ca trong ca đoàn, không có mấy truyền thống cúi chào trong kinh tán tụng của thánh ca. Tuy nhiên đó có lẽ là phong tục ở một số nơi.
 
Tin Đáng Chú Ý
Nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang bị bắt tại Hà Nội
Tin tổng hợp
08:41 08/10/2020
SÀI GÒN – Hôm 7 Tháng Mười, vài giờ sau khi có tin blogger, nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang bị bắt vào lúc 11 giờ 30 phút đêm hôm trước ngày 6/10/2010.

Phạm Đoan Trang là tác giả của những cuốn “Chính Trị Bình Dân,” “Cẩm Nang Nuôi Tù,” “Báo Cáo Đồng Tâm”… với nội dung ngoài vòng kiểm duyệt của nhà cầm quyền CSVN. Bà cũng được biết đến là biên tập viên trang mạng Luật Khoa Tạp Chí đang bị Hà Nội “dựng tường lửa” chặn truy cập ở Việt Nam.

Theo tờ Thanh Niên hôm 7 Tháng Mười, vụ bắt bà Trang do “Công An thành phố Hà Nội phối hợp với Cục An Ninh Mạng Và Phòng Chống Tội Phạm Sử Dụng Công Nghệ Cao, Bộ Công An, cùng các đơn vị nghiệp vụ phối hợp tại một địa chỉ ở quận 3, Sài Gòn.”

Cũng theo báo này, bà Trang bị bắt, khởi tố với cáo buộc “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước,” theo Điều 117 Bộ Luật Hình Sự CSVN 2015. Theo luật Việt Nam, người bị khép tội nêu trên phải đối mặt với bản án từ 5 đến 20 năm tù, nếu bị tòa án quy kết “Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.”

Luật Sư Đặng Đình Mạnh đã xác nhận về việc bà Trang trước đó đã phòng xa, ký một văn bản nhờ ông nhận trợ giúp pháp lý. Trả lời nhật báo Người Việt hôm 7 Tháng Mười, Luật Sư Mạnh nói: “Bà Phạm Đoan Trang là người bất đồng chính kiến hàng đầu ở Việt Nam. Bà công khai điều đó bằng hàng loạt hoạt động tranh thủ dân chủ như viết sách, in ấn về các chủ đề liên quan đến chính trị, xã hội… chứ bà ấy không có ý định che giấu thân phận của mình.”

“Cần lưu ý rằng tất cả các hoạt động của bà ấy đều mang tính cách ôn hòa, bất bạo động. Điều này thật sự có ý nghĩa. Vì lẽ, quan điểm chung của thế giới ngày nay không cầm tù người biểu đạt quan điểm chính trị của mình, cho dù nội dung biểu đạt có quan điểm phê phán chính quyền. Hơn nữa, về phương diện pháp lý, việc biểu đạt quan điểm là một quyền tự do của công dân”.

“Tuy vậy, có lẽ cũng đã dự cảm trước khả năng bị bắt giữ, cho nên bà ấy đã lập thủ tục nhờ tôi làm luật sư bảo vệ cho bà nếu phải vướng vào vòng lao lý. Trong một bức thư viết gởi cho cộng đồng, bà ấy có đề cặp đến việc ‘không cần luật sư bào chữa để giảm án.’ Vì lẽ, bà ấy không cho rằng hành vi của mình là phạm pháp. Tôi hiểu và tôn trọng quan điểm của bà."


Vào ngày 27 tháng 5, 2019 Bà Phạm Đoan Trang đã có viết sẵn một lá thư mang tựa đề "NẾU TÔI CÓ ĐI TÙ….", nội dung như sau:

Sài Gòn, ngày 27/5/2019

Gửi các anh chị em, bạn bè thân yêu của tôi,
Không ai mong muốn phải ngồi tù, nhưng nếu nhà tù là chỗ tất yếu ai đấu tranh cho tự do cũng phải đến, và nếu vào tù là để thực hiện một mục đích nào đó ta đã định trước, thì ta nên đi tù.
Tôi có một số mục đích định trước như vậy. Thế nhưng đi tù chỉ là bước đầu để thực hiện các mục đích này, còn muốn hoàn thành thì rất, rất cần sự tiếp sức của các bạn.
Tôi trông cậy vào các bạn. Xin giúp tôi hoàn thành các mục đích sau, nếu tôi có phải vào tù.
Trân trọng cảm ơn tất cả.

1. Vận động thông qua luật bầu cử mới, luật tổ chức quốc hội mới Mong các bạn làm mọi cách để gắn việc tôi đi tù (nếu có) với luật bầu cử mới, luật tổ chức quốc hội mới. Làm sao để công luận biết rằng tôi đã tham gia nghiên cứu và đưa ra luật mới về bầu cử và tổ chức quốc hội, và tôi bị bắt một phần là vì lý do đó. Tôi muốn có một phong trào xã hội rộng lớn thúc đẩy việc thông qua hai luật này.

2. Quảng bá các cuốn sách tôi viết Tôi mong rằng việc mình bị bắt, đi tù hoặc gặp bất kỳ điều gì khác, nhất là đi tù, sẽ là cơ hội để quảng bá các cuốn sách tôi viết, giúp sách được nhiều người đọc hơn, dưới bất kỳ hình thức gì dù là bản in hay bản điện tử hay sách nói. Tôi viết nhiều sách nhưng đây là những cuốn tôi mong muốn phổ biến nhất:

a) Chính trị bình dân;
b) Cẩm nang nuôi tù;
c) Phản kháng phi bạo lực;
d) Politics of a Police State (tiếng Anh);
e) Các ấn phẩm liên quan tới bầu cử.

3. Biến việc đi tù thành cơ hội để tận dụng. Nhà nước CHXHCN Việt Nam lâu nay luôn coi tù nhân lương tâm là một công cụ để mặc cả, trao đổi với nước ngoài. Khi trả tự do cho một tù nhân lương tâm và tống xuất người đó ra nước ngoài, nhà nước thu được rất nhiều cái lợi: ký được một hiệp định kinh tế nào đó, đánh bóng hình ảnh “tôn trọng nhân quyền”, vô hiệu hóa một biểu tượng đấu tranh vì tự do, và phớt lờ tất cả các yêu cầu cải cách thể chế.

Tôi rất không thích bị coi là món hàng để nhà nước trao đổi. Thay vì thế, tôi muốn rằng nếu mình có đi tù thì giới hoạt động dân chủ phải là một lực lượng đàm phán với nhà nước, trong đó tập trung, nhấn mạnh vào việc đòi thông qua luật bầu cử mới và luật tổ chức quốc hội mới.

Bản án càng dài, xin các bạn càng tận dụng nó vào việc đàm phán và gây sức ép lên chính quyền Việt Nam, buộc chính quyền phải thực hiện các yêu cầu của chúng ta.

Nói cách khác, tôi không muốn có một phong trào kêu gọi chính quyền Việt Nam “trả tự do cho Trang”. Tôi muốn một phong trào xã hội rộng lớn, thúc đẩy việc “trả tự do cho Trang và thông qua luật bầu cử mới”, “trả tự do cho Trang và bảo đảm bầu cử tự do, công bằng”, v.v. Tóm tắt ba mục (1), (2) và (3) Nếu tôi bị bắt, tôi mong muốn các bạn làm truyền thông theo hướng vận động mỗi người, nếu ủng hộ tôi thì không cần làm gì nhiều, cũng không cần hô hào “tự do cho Trang”, mà chỉ cần truyền bá thông điệp sau:

“Tôi ủng hộ luật bầu cử mới và tôi đọc sách của Đoan Trang”, hoặc “Tôi ủng hộ Đoan Trang, nên tôi ủng hộ luật bầu cử mới và tôi đọc sách của Trang”, hoặc “Yêu cầu tổ chức bầu cử tự do và công bằng ở Việt Nam”, hoặc “Ủng hộ ứng viên độc lập vào Quốc hội”. *

Vài điểm xin các bạn lưu ý thêm:

1. Xin chăm sóc mẹ tôi giùm, đừng để mẹ tôi nghĩ là hai mẹ con đang đơn độc. Công an cũng đã đe dọa các anh trai và chị dâu tôi rất nhiều; xin bảo vệ họ.

2. Tôi sẽ không nhận tội, không xin khoan hồng, cho nên mọi điều công an nói hoặc làm mà có thể khiến dư luận tưởng như vậy thì đều là bịa đặt, lừa dối.

3. (Nhưng) tôi nhận hành vi: Tôi luôn khẳng định tôi là tác giả của các cuốn “Chính trị bình dân”, “Cẩm nang nuôi tù”, “Phản kháng phi bạo lực”, cũng như tất cả các sách và báo cáo khác tôi từng viết và để tên thật.

Tôi cũng khẳng định là tôi luôn muốn xóa bỏ chế độ độc tài ở Việt Nam. Tôi muốn được mọi người nhắc đến như một người viết, luôn cố gắng để góp phần khai dân trí về các giá trị tự do, dân chủ, và luôn đấu tranh để thay đổi xã hội.

4. Nếu có thể, xin vận động để tôi được nhận cây đàn guitar của tôi. Đối với tôi, đàn guitar quan trọng như Kinh Thánh đối với tín đồ Thiên Chúa giáo.

5. Tôi không quan tâm đến số năm tù theo bản án, do đó tôi không cần luật sư bào chữa để giảm án – một điều hẳn nằm ngoài khả năng của các luật sư trong tình hình hiện nay ở Việt Nam. Thay vì thế, tôi mong các luật sư có thể làm một kênh truyền tải thông tin giữa tôi và mọi người bên ngoài.

6. Không ưu tiên tôi hơn các tù nhân lương tâm khác.

7. Nếu có vận động để trả tự do cho tôi, xin các bạn bắt đầu từ khoảng năm thứ ba hoặc thứ tư (tính từ thời điểm bị bắt), và xin hết sức lưu ý gắn mọi chiến dịch vận động với việc thực hiện các mục đích tôi đã nêu trên.

Kịch bản lý tưởng là tôi được trả tự do mà vẫn ở Việt Nam (không bị tống xuất ra nước ngoài) và những mục đích tôi đề ra đều được hoàn thành.

Tôi không cần tự do cho riêng mình; nếu chỉ vậy thì quá dễ.

Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam. Đó là một mục tiêu nghe có vẻ vĩ đại và xa vời, nhưng thật ra là khả thi, nếu có sự góp phần của tất cả các bạn.

Phạm Đoan Trang
 
VietCatholic TV
Bi thảm: Quyết định của một Giám Mục Hoa Lục anh hùng, lang thang đầu đường xó chợ gây xúc động mạnh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:40 08/10/2020

Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm (Guo Xijin - 郭希錦) sinh năm 1958, được thụ phong linh mục trong Giáo Hội Thầm Lặng vào năm 1984. Ngài được Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 bổ nhiệm Giám Mục Mân Đông (Mindong - 闽东话) thuộc tỉnh Phúc Kiến (Fujian - 福建), và được tấn phong Giám Mục vào ngày 28 tháng 12 năm 2008.

Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm là một trong những “nạn nhân” đầu tiên của thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican, trong đó chuyển đổi giáo phận Mân Đông thành một loại “dự án thí điểm” cho việc thực hiện các hiệp định.

Sau khi thỏa thuận đạt được và giám mục quốc doanh Vinh Sơn Chiêm Tư Lộc (Zhan Si-lu - 詹思祿) được tha vạ tuyệt thông, theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Cha Quách Hy Cẩm đã đồng ý chịu bị giáng chức xuống thành Giám Mục Phụ Tá để nhường vị trí bản quyền cho Chiêm Tư Lộc.

Tuy nhiên, Đức Cha Quách Hy Cẩm, chưa bao giờ ghi danh làm thành viên của Giáo hội quốc doanh, và do đó, ngài không được bọn cầm quyền công nhận.

Đầu năm nay, cụ thể là hôm 15 tháng Giêng, trong cố gắng khủng bố để buộc ngài phải gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước, bọn cầm quyền Trung Quốc ra lệnh cho ngài phải ra khỏi tòa Giám Mục vì lý do “tòa nhà không bảo đảm an toàn cháy nổ”. Ngài lâm vào tình cảnh vô gia cư và phải ngủ trên ngưỡng cửa của Tòa Giám Mục và trước cửa các nhà xứ ở thành phố Lạc Giang (Luojiang - 罗江区), sau khi có lệnh trục xuất ngài và các linh mục làm việc cũng như sống chung với ngài. Bất kể phải lang thang đầu đường xó chợ, Đức Cha nhất quyết không gia nhập Hội Công Giáo Yêu Nước.

Sau khi có các tin tức cho thấy Tòa Thánh sẽ tiếp tục gia hạn hiệp định với bọn cầm quyền Bắc Kinh, Đức Cha Quách Hy Cẩm đã quyết định từ chức như một hình thức phản kháng. Ngài công bố quyết định này cho anh chị em giáo dân biết vào tối Chúa Nhật 4 tháng 10.

Dưới đây là toàn văn lá thư của ngài được công bố trên Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại.

Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,

Xin ân sủng Chúa đổ đầy trong tâm hồn anh chị em

Anh chị em rất thân mến,

Vào lúc này, trước hết, tôi cầu xin anh chị em tha thứ cho tôi: tối nay tôi muốn dành một chút thời gian để chia sẻ với anh chị em những gì đã xảy ra gần đây và tình hình cá nhân của tôi. Tuy nhiên, những sự kiện này cũng có thể liên quan đến anh chị em, vì chúng liên quan đến Giáo hội ở Trung Quốc hay nói cách khác là liên quan trực tiếp đến tình hình trong giáo phận của chúng ta. Tất cả những điều này có lẽ là dấu hiệu của một kỷ nguyên mới, một trang mới cho Giáo hội. Trong một thời điểm lịch sử phi thường như vậy, chúng ta cần những con người có tài năng, trí tuệ, đức độ và tri thức lớn để có thể theo kịp thời đại này, hoặc thậm chí đi trước các bước của thời đại bằng cách hướng dẫn nó. Tôi là một người bất tài, cái đầu của tôi bây giờ là một khoảng trống không thể thay đổi với một xã hội đang đổi thay, một mục tử sinh ra ở một làng quê nghèo không có tài, không có đức, không có trí, không có năng khiếu, không có kiến thức. Đối mặt với thời đại thay đổi quá nhanh này, tôi cảm thấy gần như không có khả năng. Tôi cảm ơn Chúa đã soi sáng cho tôi bằng cách cho tôi hiểu rằng tôi không còn có thể theo kịp thời đại này nữa. Tuy nhiên, tôi không muốn trở thành một trở ngại cho sự tiến bộ. Đây là lý do tại sao tôi đã quyết định từ chức bằng cách nộp đơn từ chức lên Tòa Thánh.

Do đó tôi đã quyết định:

Thứ nhất: Không tham dự bất kỳ sự kiện công cộng nào bắt đầu từ ngày mai. Đêm nay sẽ là thánh lễ công cộng cuối cùng mà tôi chủ sự: từ ngày mai tôi chỉ làm thánh lễ riêng (tức là không có sự tham dự của các tín hữu), các tín hữu có thể lãnh nhận các bí tích và tham dự thánh lễ tại nhà thờ gần đó. Trong lễ trọng của Lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời, tôi đã quy định rằng các bí tích do các linh mục ban (dù họ có ký tên [tham gia Hội Công Giáo Yêu Nước] hay không) đều hợp pháp.

Thứ hai: Từ bỏ mọi công vụ hành chính của giáo phận để tập trung vào việc cầu nguyện, và nhu cầu xưng tội liên quan đến các vấn đề lương tâm cá nhân, mọi công việc khác xin liên hệ với mục tử của anh chị em hoặc trực tiếp đến Ninh Đức để trình bày với Giám mục Chiêm Tư Lộc.

Thứ ba: Về việc sử dụng những dâng cúng nhận được, năm ngoái đã có rất nhiều người quan tâm. Tôi có thể nói rõ với anh chị em rằng mỗi xu được dâng tặng phải được chuyển đến giáo phận (đây là phong tục và quy tắc được thiết lập bởi giáo phận của chúng ta cách đây 30, 40 năm); hơn nữa, chính Giám mục Chiêm là người quản lý việc này cùng với các linh mục của mình. Tôi đã quyết định từ bỏ mọi quyền kiểm soát vấn đề này, vì tôi không đủ khả năng và cũng không xứng đáng để giữ chức vụ giám sát này: anh chị em không cần phải giao các dâng cúng cho tôi, vì vậy bắt đầu từ ngày mai, tôi sẽ từ chối nhận tất cả các dâng tặng. Anh chị em có thể giao những dâng cúng của mình cho mục tử hoặc người mà anh chị em tin tưởng.

Thứ tư: Các tín hữu của tôi, anh chị em phải nhớ rằng đức tin của anh chị em phải được đặt nơi Thiên Chúa chứ không phải nơi con người

Con người có thể thay đổi, nhưng Chúa thì không

Lời khuyên cuối cùng của tôi: trong bất kỳ hoàn cảnh hay thay đổi nào, anh chị em không bao giờ được quên Chúa, đừng bỏ qua các điều răn của Chúa, đừng làm tổn hại đến sự trung trực của đức tin, đừng trì hoãn ơn cứu rỗi các linh hồn là điều quan trọng nhất.

Khi tôi chuẩn bị rời chức vụ của mình, tôi xin anh chị em tha thứ cho tôi vì sự yếu đuối và bất lực của tôi, đặc biệt là những tội lỗi tôi đã gây ra đối với anh chị em trong thời gian làm việc của tôi! Xin Chúa nhân từ luôn ở với anh chị em, cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời anh chị em!

Mục tử bất tài của anh chị em Vinh Sơn Quách Hy Cẩm

Tối Chúa Nhật ngày 4 tháng 10 năm 2020


Source:Asia News
 
Lễ đỏ tại Washington: Cử chỉ hòa giải của Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory đối với Tổng thống Trump
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:48 08/10/2020

1. Buổi lễ tuyên thệ của 38 ngự lâm quân Thụy Sĩ

Do đại dịch coronavirus COVID-19, việc tuyên thệ hàng năm của các tân Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ được dự trù diễn ra vào ngày 4 tháng Năm, đã bị hoãn lại cho đến ngày 4 tháng Mười vừa qua.

Ngày 6 tháng Năm năm nay đã được đánh dấu bằng một Thánh lễ riêng và lễ đặt vòng hoa tưởng niệm 147 Ngự Lâm Quân Thụy Sĩ đã anh dũng hy sinh vào năm 1527 để bảo vệ Đức Giáo Hoàng Clementê Đệ Thất.

Hôm 4 tháng 10, 38 tân ngự lâm quân Thụy Sĩ làm lễ tuyên thệ trong sân San Damaso thuộc Dinh Tông Tòa như những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Từ năm 1970 các ngự lâm quân Thụy Sĩ đã đảm nhận tất cả các vai trò mang tính nghi lễ trong các biến cố và trong các buổi cử hành phụng vụ của Đức Giáo Hoàng và họ luôn được nhìn thấy trong trang phục nghi lễ đầy màu sắc với ngọn kích trên tay, sát cánh bên Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên, vai trò của ngự lâm quân Thuỵ Sĩ trong lòng Giáo Hội Công Giáo vượt xa một đội nghi lễ với các trang phục lỗi thời. Họ là một lực lượng quân đội thực thụ, được đào tạo tinh nhuệ và được trang bị vũ khí hiện đại. Người ta có thể nhìn thấy họ trong trang phục thường nhật, khi họ bảo vệ Porta Santa Anna, cửa ngõ ra vào Quốc Gia Thành Vatican. Họ vừa là một quân đội, vừa là các vệ sĩ, vừa là lực lượng bảo vệ biên giới. Từ năm 2017, các tân binh phải theo một chương trình mới trong đó họ được đào tạo tại trường võ bị Isone thuộc tổng Ticino bên Thụy Sĩ trước khi theo các khóa học tại Rôma.

Để được nhận vào đoàn quân đầy màu sắc này, các tân binh phải là Thụy Sĩ, thực hành đạo, chưa lập gia đình, tuổi từ 19 đến 30 tuổi và cao ít nhất 1.74 mét!

Từ năm 2018, đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ đã được trang bị một chiếc nón mới thay cho chiếc nón sắt nặng nề truyền thống.

Chiếc nón mới làm bằng nhựa và được làm bằng kỹ thuật in 3 chiều, nhẹ hơn, dễ đội hơn. Giá một chiếc nón như vậy là 740 EU, nghĩa là chỉ bằng nửa chiếc nón kim loại cũ.

Chiếc nón mới bằng nhựa PVC được đóng dấu với huy hiệu của Đức Giáo Hoàng Giuliô II, là vị Giáo Hoàng đã thành lập đoàn ngự lâm quân Thụy Sĩ vào năm 1506.

Chiếc nón mới có khả năng chống tia cực tím là điều quan trọng vì các ngự lâm quân phải thi hành công việc của họ nhiều giờ dưới trời nắng.

2. Các thẩm phán của Tòa án Tối cao nói rằng Obergefell là một 'vấn đề' đối với tự do tôn giáo

Các Thẩm Phán Clarence Thomas và Samuel Alito hôm thứ Hai nói rằng phán quyết Obergefell của Tòa án Tối cao đã đặt ra nhiều vấn đề đối với tự do tôn giáo.

“Khi ban quá nhiều đặc quyền, một cách phi dân chủ, cho một quyền hiến định mới, là quyền kết hôn đồng tính, trên cả các lợi ích tự do tôn giáo đã được bảo vệ rõ ràng trong Tu chính án thứ nhất, Tòa Án Tối Cao đã tạo ra những vấn đề mà chỉ mình nó mới có thể khắc phục được”, các thẩm phán viết trong một ý kiến được công bố hôm thứ Hai.

Họ đã cảnh báo: “Cho đến khi được khắc phục, phán quyết Obergefell sẽ tiếp tục có 'hậu quả tai hại cho tự do tôn giáo'“.

Theo ý kiến của họ, phán quyết có tính bước ngoặt vào năm 2015 đã khiến hôn nhân đồng giới chống lại tự do tôn giáo.

Ngày 18 tháng 5 năm 1970, James Michael McConnell quản thủ thư viện tại Đại học Minnesota và Richard John Baker, sinh viên luật tại trường này đã nộp đơn xin kết hôn ở Quận Hennepin, tiểu bang Minneapolis. Gerald Nelson, Thư ký Tòa án Quận đã từ chối yêu cầu này với lý do duy nhất là cả hai người đều là nam giới. Họ đã đệ đơn lên tòa án quận để kiện Nelson nhưng thất bại. Vụ kiện tiếp tục được đưa lên các tòa trên và được gọi là vụ Baker chống Nelson. Tất cả các vụ kiện này đều thất bại.

Ngày 26 tháng 6, 2015, dưới thời Obama và Biden, Tối Cao Pháp Viện đã ra phán quyết bác bỏ các phán quyết trước đó và buộc các tiểu bang phải cấp hôn thú cho các cặp hôn nhân đồng tính.

Nạn nhân đầu tiên của phán quyết Obergefell là cô Kim Davis. Năm 2015, thư ký quận Kim Davis của Kentucky đã gây xôn xao dư luận vì từ chối cấp hôn thú cho các cặp đồng tính, và tuyên bố rằng điều đó đi ngược lại niềm tin tôn giáo của cô. Nhưng cô đã bị kiện. Chiếu theo phán quyết Obergefell cô bị cầm tù và sau đó mất công ăn việc làm.

Tuyên bố của hai Thẩm Phán Clarence Thomas và Samuel Alito được đưa ra chỉ một ngày Lễ Đỏ khai mạc năm tư pháp 2020 – 2021, trong đó Đức Cha Michael Burbidge của giáo phận Arlington đã thuyết giảng rất hùng hồn về phẩm giá con người và luật tự nhiên.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Cha Burbidge thuyết giảng về phẩm giá con người và luật tự nhiên trong Thánh lễ Đỏ

Thánh lễ Đỏ, tiếng Anh gọi là Red Mass, là một Thánh lễ được cử hành hàng năm trong Giáo Hội Công Giáo để cầu nguyện cho tất cả các thành viên của ngành luật, không phân biệt tôn giáo như các thẩm phán, luật sư, giáo sư trường luật, sinh viên luật và quan chức chính phủ, đánh dấu sự mở đầu của năm tư pháp. Thông qua lời cầu nguyện và tạ ơn, trong thánh lễ này, được đặc trưng bởi phẩm phục màu đỏ trong Thánh lễ, cộng đoàn khẩn cầu sự phù trợ và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần cho tất cả những ai tìm kiếm công lý, và tạo cơ hội cho cộng đồng luật pháp suy ngẫm về những gì người Công Giáo tin là quyền năng và trách nhiệm do Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người trong nghề luật.

Đức Cha Michael Burbidge, Giám Mục Arlington rao giảng về sự thánh thiêng của sự sống và phẩm giá phổ quát của con người tại Thánh lễ đỏ hàng năm để đánh dấu sự mở đầu của năm tư pháp ở Washington, DC, vào hôm Chúa Nhật 4 tháng 10.

Phát biểu trước một cộng đoàn bao gồm các thẩm phán Tòa án Tối cao và các viên chức công quyền, Đức Cha Burbidge nhấn mạnh tầm quan trọng của các bảy ơn Chúa Thánh Thần, đặc biệt là ơn khôn ngoan, ơn biết lo liệu, ơn dũng cảm, và ơn hiểu biết.

“Đây là những ân sủng mà chúng ta cần để bảo vệ sự thánh thiêng của tất cả cuộc sống con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên, để chúng ta duy trì phẩm giá của mỗi con người không có bất cứ ngoại lệ nào, để loại bỏ khỏi quốc gia chúng ta tệ nạn phân biệt chủng tộc, kỳ thị và bạo lực trên đường phố, cũng như mang lại công lý cho người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, những người nhập cư và những người dễ bị tổn thương nhất, để bảo vệ tự do tôn giáo và tự do, và chăm sóc kỳ công sáng tạo của Chúa, là ngôi nhà chung của chúng ta.”

Lễ Đỏ, được gọi như vậy bởi vì lễ phục màu đỏ như chúng ta thường thấy trong Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, đã được coi là một truyền thống ở Rome, London và Paris. Tại Hoa Kỳ, thánh lễ này được cử hành hàng năm vào Chúa Nhật đầu tiên của tháng 10 tại Nhà thờ Thánh Matthêu ở thủ đô Washington, DC, khi bắt đầu nhiệm kỳ của Tòa án Tối cao.

Đức Cha Burbidge, được bổ nhiệm làm Giám mục Arlington vào năm 2016, đã kể lại vụ bắn các thành viên Đảng Cộng hòa trong Quốc hội tiểu bang xảy ra trong giáo phận của ngài chỉ sáu tháng sau khi ngài nhận nhiệm sở. Ngài đã tổ chức một cuộc rước Thánh Thể trên các đường phố của Alexandria hai ngày sau đó.

“Tôi sẽ không bao giờ quên điều đó. Ngày hôm đó có sự im lặng sâu sắc trên đường phố. Mọi người thuộc mọi tín ngưỡng đã dừng lại, và thậm chí quỳ xuống. Và sau đó, một người nói với tôi, 'Thưa Giám mục, ngày nay chúng tôi được nhắc nhở về điều mà đất nước chúng ta cần hơn bao giờ hết – đó là sự hiện diện của Chúa Kitô trên đường phố và trong trái tim chúng ta”.


Source:Catholic News Agency

4. Cử chỉ hòa giải của Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory đối với Tổng thống Trump

Như chúng tôi đã loan tin, hôm thứ Ba 2 tháng Sáu, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành luật mới nhằm bảo vệ tự do tôn giáo. Trước khi ký văn kiện quan trọng này, ông và đệ nhất phu nhân đã đến kính viếng Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II.

Trong bối cảnh đang có những tranh luận liên quan đến phản ứng của tổng thống đối với các cuộc bạo loạn trên khắp đất nước sau cái chết của anh George Floyd, việc Tổng thống Donald Trump đến thăm Đền thờ Quốc gia Thánh Gioan Phaolô II ở Washington, D.C. đã gây ra các phản ứng trái chiều ngay cả trong giới Công Giáo. Người chỉ trích mạnh chuyến viếng thăm này của Tổng thống Trump là Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory của tổng giáo phận Washington DC.

Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory đã kế nhiệm Đức Hồng Y Donald Wuerl làm Tổng Giám Mục Washington DC từ ngày 21 tháng Năm, 2019. Ngài là người da đen đầu tiên làm Tổng Giám Mục thủ đô Hoa Kỳ.

Những chỉ trích của Đức Tổng Giám Mục Gregory không được các Giám Mục Hoa Kỳ khác hưởng ứng, thậm chí còn bị chỉ trích.

Trong Thánh lễ Đỏ, tiếng Anh gọi là Red Mass, được cử hành hàng năm trong Giáo Hội Công Giáo để cầu nguyện cho tất cả các thành viên của ngành luật, Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory đã dâng lời cầu nguyện cho tổng thống Trump và phu nhân được mau thoát khỏi các nguy hiểm của COVID-19. Ngài cũng cầu nguyện cho việc đề cử Thẩm Phán Amy Coney Barrett của Tổng thống Trump được thành sự.

Động thái này được nhiều người xem là một cử chỉ hòa giải của Đức Tổng Giám Mục Gregory.


Source:Catholic News Agency

5. Chương thứ nhất của thông điệp Fratelli Tutti

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Tiếp tục giới thiệu thông điệp thứ ba của Đức Thánh Cha Phanxicô có tựa đề “Fratelli Tutti”, nghĩa là “Tất Cả Là Anh Em”, trong chương trình này, Hiền Hòa xin gởi đến quý vị và anh chị em chương thứ nhất của thông điệp này.

Thông điệp được mở đầu bằng một lời dẫn nhập ngắn gọn và được chia thành tám chương, Thông điệp - như chính Đức Thánh Cha giải thích - tập hợp nhiều tuyên bố của ngài về tình huynh đệ và tình bạn xã hội, tuy nhiên, được sắp xếp, “trong một bối cảnh suy tư rộng lớn hơn” và được bổ sung bằng “một số thư từ, tài liệu” được gửi đến Đức Phanxicô bởi nhiều cá nhân và nhiều nhóm trên khắp thế giới.

Trong chương đầu tiên, “Những đám mây đen trên một thế giới khép kín”, thông điệp Fratelli Tutti suy nghĩ về những bóp méo đương đại: sự thao túng và biến dạng của các khái niệm như dân chủ, tự do, công lý; sự mất đi ý nghĩa của cộng đồng xã hội và lịch sử; tính ích kỷ và sự thờ ơ đối với lợi ích chung; sự trổi vượt của luận lý học thị trường dựa trên lợi nhuận và não trạng văn hóa vứt bỏ; nạn thất nghiệp, phân biệt chủng tộc, nghèo đói; sự chênh lệch về quyền lợi và những sai lệch của nó như nô lệ, buôn người, khuất phục phụ nữ rồi ép phải phá thai, buôn bán nội tạng.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng chương thứ nhất bàn đến các vấn đề toàn cầu đòi phải có các hành động toàn cầu. Chương này cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh chống lại một “nền văn hóa xây tường”, dẫn đến việc gia tăng tội phạm có tổ chức, được khuyến khích bởi nỗi sợ hãi và cô đơn. Hơn nữa, ngày nay chúng ta thấy sự xuống cấp đạo đức, một cách nào đó có sự góp phần của các phương tiện truyền thông đại chúng, vốn làm tiêu tan lòng tôn trọng người khác và loại bỏ mọi suy xét chín chắn, tạo ra những nhóm người ảo cô lập và tự quy chiếu vào chính mình, trong đó tự do là một ảo tưởng, và đối thoại không mang tính xây dựng.

Tuy nhiên, đối với nhiều bóng tối trên thế giới, thông điệp đáp lại bằng một điển hình sáng lạn, một sứ giả của hy vọng: đó là Người Samaritanô nhân hậu.


Source:Vatican News