Ngày 07-10-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 27 Mùa Quanh Năm 08/10 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Media
01:47 07/10/2023

BÀI ĐỌC 1 Is 5:1-7

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Tôi xin hát tặng bạn thân tôi, bài ca của bạn tôi về vườn nho của mình.

Bạn thân tôi có một vườn nho trên sườn đồi mầu mỡ.

Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho.

Anh những mong nó sinh trái tốt, nó lại sinh nho dại.

Vậy bây giờ, dân Giê-ru-sa-lem và người Giu-đa hỡi, xin phân xử đôi đàng giữa tôi với vườn nho.

Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm?

Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại?

Vậy bây giờ tôi cho các người biết, tôi đối xử thế nào với vườn nho của tôi: hàng giậu thì chặt phá cho vườn bị tan hoang, bờ tường thì đập đổ cho vườn bị giày xéo.

Tôi sẽ biến thửa vườn thành mảnh đất hoang vu, không tỉa cành nhổ cỏ, gai góc mọc um tùm; sẽ truyền lệnh cho mây đừng đổ mưa tưới xuống.

Vườn nho của Đức Chúa các đạo binh, chính là nhà Ít-ra-en đó; cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, ấy chính là dân xứ Giu-đa.

Người những mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Pl 4:6-9

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.

Thưa anh em, anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su. Ngoài ra, thưa anh em, những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý. Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em.

Đó là lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG x.Ga15:16

Alleluia. Alleluia.

Chúa nói: Chính Thầy đã chọn anh em giữa thế gian, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại. Alleluia.

TIN MỪNG Mt 21:33-43

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng:

“Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước; nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: ‘Chúng sẽ nể con ta.’ Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: ‘Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!’ Thế là chúng bắt lấy cậu, tống ra khỏi vườn nho và giết đi. Vậy khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?”

Họ đáp: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông.”

Đức Giê-su bảo họ: “Kinh Thánh có câu: ‘Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.’ Các ônh chưa bao giờ đọc câu này sao?

Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”

Đó là lời Chúa.
 
Vẫn chiến thắng
Lm Minh Anh
15:13 07/10/2023

VẪN CHIẾN THẮNG
“Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường!”.

Thống Tướng Douglas MacArthur, Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ thập niên 1930, đã để lại một câu nói bất hủ, “In war, there is no substitute for victory!”, “Trong chiến tranh, không gì thay được chiến thắng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Dụ ngôn “Tá Điền Vườn Nho” của Chúa Nhật hôm nay nằm trong bối cảnh Chúa Giêsu nhất quyết tiến lên Giêrusalem như tiến vào một trận chiến mà với Ngài, không gì thay được chiến thắng! Và dù kết cuộc có thế nào đi nữa, Ngài ‘vẫn chiến thắng!’.

Tiếng hò reo của dân chúng ngày ấy đã khiến giới lãnh đạo tôn giáo lo sợ đến nỗi họ tìm cách giết Ngài. Vì lý do đó, Chúa Giêsu đã kể ra một loạt dụ ngôn; đặc biệt dụ ngôn tá điền vườn nho, nhằm ám chỉ rằng, nếu họ tiếp tục chống lại Ngài, họ sẽ thua. Và dù có giết chết Ngài, Ngài ‘vẫn chiến thắng!’; một chiến thắng của tình yêu!

Mượn lại hình ảnh vườn nho là nhà Israel mà Isaia đã báo trước, bài đọc một, Chúa Giêsu nói đến sự thất vọng của Thiên Chúa chủ vườn khi vườn không sinh trái ngọt mà chỉ sinh quả chua. Với Ngài, đó còn là một vườn nho kinh khủng với sự nổi loạn của các tá điền, những kẻ chỉ muốn chiếm đoạt cả vườn. Họ đã giết chết các tôi tớ được sai đến, tức là các ngôn sứ; và sau cùng giết luôn con trai của chủ, chính Ngài, Con Thiên Chúa!

Trích dẫn Thánh Vịnh 117, Chúa Giêsu sánh mình với viên đá bị loại vốn trở nên đá tảng góc tường. Không chỉ dừng lại ở những câu trích - mà kẻ thù Ngài hẳn đã thuộc lòng - Chúa Giêsu còn ám chỉ việc Thiên Chúa sẽ chiến đấu cho tôi tớ Ngài. Như thể Chúa Giêsu thách thức họ rằng, “Các người không thể đánh bại Tôi cả khi các người giết tôi! Cha Trên Trời của Tôi sẽ không bỏ rơi Tôi. Ngài sẽ chiến đấu vì Tôi, và Tôi, sẽ trở thành đá tảng. Tốt hơn hết, các người nên nghe Tôi và cộng tác với Tôi!”. Vì viên đá bị loại sẽ trở thành ‘nền đá ân sủng’, “Đó chính là công trình của Chúa!”, và “Tôi ‘vẫn chiến thắng!’”.

Chúa Giêsu đã chiến thắng và cho đến ngày nay, Ngài tiếp tục giành chiến thắng. Kẻ thù của Ngài chỉ cứ đập mình thành từng mảnh. Lịch sử cho thấy những gì đã xảy ra với hết nhóm này đến nhóm khác chống lại Chúa Giêsu và Giáo Hội Ngài! Họ biến vào quên lãng! Và Giêsu là tương lai của thế giới! Ngài chiến thắng, tiếp tục chiến thắng, để cuối cùng, giành chiến thắng! Vì thế, sự tiến bộ của nhân loại chỉ có thể là sự tiến bộ hướng về Ngài, hướng về nền văn minh tình thương, công lý và bình an mà Ngài muốn thiết lập.

Anh Chị em,

“Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường!”. Điều đáng kinh ngạc nhất từng xảy ra trên thế giới là cái chết của Con Thiên Chúa. Thật đáng kinh ngạc khi Chúa Cha để Con Ngài bị bọn ác nhân sát hại một cách dã man! Thật đáng kinh ngạc khi Chúa Con không gọi các thiên thần chấm dứt cuộc đàn áp! Thật đáng kinh ngạc khi Ngài đã nói những lời thứ tha từ thập giá... Nhưng có lẽ khía cạnh đáng kinh ngạc nhất là từ đó, ‘món quà cứu rỗi đời đời’ được thực hiện! Một Thiên Chúa, dù thất vọng vì những lỗi lầm và tội lỗi của con người, vẫn không quên giữ Lời, Ngài không bỏ cuộc; và trên hết, không tìm cách báo thù. Bất chấp sự tàn độc của con người, tình yêu Ngài ‘vẫn chiến thắng!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dù thế gian có loại con ra ngoài, giúp con sinh nhiều hoa trái tốt tươi, hầu trở nên ‘nền đá ân sủng’ Chúa cho toàn thế giới! Và như thế, con ‘vẫn chiến thắng!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trong Tháng Mười: Mỗi tối Thứ Bảy sẽ có Lần chuỗi Mân Côi dưới Ánh đuốc aux flambeaux tại Quảng trường Thánh Phêrô
Thanh Quảng sdb
16:26 07/10/2023
Trong Tháng Mười: Mỗi tối Thứ Bảy sẽ có Lần chuỗi Mân Côi dưới Ánh đuốc 'aux flambeaux' tại Quảng trường Thánh Phêrô

Mỗi tối Thứ Bảy trong tháng 10, sẽ có một buổi tối đặc biệt lần chuỗi Mân Côi 'aux flambeaux' tại Quảng trường Thánh Phêrô, buổi đầu tiên sẽ diễn ra vào hôm 7/10/2023, ngày lễ Đức Trinh Nữ Maria Mân Côi, và sẽ do Đức Hồng Y Mario Grech chủ sự.

(Tin Vatican - Deborah Castellano Lubov)

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh cho hay: Tất cả mọi người đều được mời tham gia lần chuỗi Mân Côi 'aux flambeaux' (dưới ánh đuốc) tại Quảng trường Thánh Phêrô vào mỗi tối Thứ Bảy trong tháng 10, tháng đặc biệt dâng kính Mẹ Mân Côi.

Đức Hồng Y Mario Grech, Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng, sẽ chủ trì buổi đọc kinh đầu tiên này.

Hàng tuần trong tháng Mười vào lúc 9 giờ tối, buổi lần chuỗi do Vương cung thánh đường Thánh Phêrô tổ chức trong suốt thời gian Đại hội đồng lần thứ XVI của Thượng hội đồng Giám mục nhóm họp tại Vatican, từ ngày 4 đến ngày 29 tháng 10 năm 2023.
 
Người Do Thái nhổ nước bọt xuống đất bên cạnh những người hành hương Kitô giáo ở Thánh địa gây phẫn nộ
Đặng Tự Do
18:25 07/10/2023


Một đoạn video cho thấy những người Do Thái chính thống cực đoan nhổ nước bọt xuống đất bên cạnh đám rước Kitô hữu nước ngoài mang cây thánh giá bằng gỗ ở thánh địa Giêrusalem đã gây ra sự phẫn nộ dữ dội và làn sóng lên án ở Thánh địa.

Vụ khạc nhổ, được cộng đồng Kitô Giáo thiểu số của thành phố than thở là vụ mới nhất trong làn sóng tấn công có động cơ tôn giáo gia tăng đáng báo động, đã thu hút sự phẫn nộ hiếm hoi hôm thứ Ba từ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các quan chức cao cấp khác.

Kể từ khi chính phủ bảo thủ nhất trong lịch sử của Israel lên nắm quyền vào cuối năm ngoái, các nhà lãnh đạo tôn giáo - bao gồm cả Thượng phụ Latinh có ảnh hưởng do Vatican bổ nhiệm - đã ngày càng lo ngại về tình trạng quấy rối ngày càng gia tăng đối với cộng đồng Kitô giáo 2.000 năm tuổi trong khu vực.

Nhiều người cho rằng chính phủ, với các quan chức theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đầy quyền lực, như Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich và Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir, đã khuyến khích những kẻ cực đoan Do Thái và tạo ra cảm giác không bị trừng phạt.

Yisca Harani, một chuyên gia về Kitô giáo và là người sáng lập đường dây nóng của Israel về các cuộc tấn công chống Kitô giáo, cho biết: “Điều đã xảy ra với chủ nghĩa dân tộc tôn giáo cánh hữu là bản sắc Do Thái ngày càng phát triển xung quanh việc chống Kitô giáo”. “Ngay cả khi chính phủ không khuyến khích điều đó, họ cũng ám chỉ rằng sẽ không có biện pháp trừng phạt nào”.

Những lo lắng về sự bất khoan dung ngày càng gia tăng dường như vi phạm cam kết đã nêu của Israel về quyền tự do thờ phượng và sự tin tưởng thiêng liêng đối với các thánh địa, được ghi trong tuyên bố đánh dấu sự thành lập của nước này cách đây 75 năm. Israel chiếm được Đông Giêrusalem trong cuộc chiến năm 1967 và sau đó sáp nhập khu vực này trong một động thái không được quốc tế công nhận.

Ngày nay có khoảng 15.000 Kitô hữu ở Giêrusalem, phần lớn trong số họ là người Palestine tự coi mình đang sống dưới sự xâm lược.

Văn phòng của ông Netanyahu hôm thứ Ba nhấn mạnh rằng Israel “hoàn toàn cam kết bảo vệ quyền thiêng liêng về thờ phượng và hành hương tới các thánh địa của tất cả các tín ngưỡng”.

Ông nói: “Tôi mạnh mẽ lên án bất kỳ nỗ lực nào nhằm đe dọa các tín hữu và tôi cam kết thực hiện hành động ngay lập tức và kiên quyết chống lại hành động đó”.

Cảnh khạc nhổ, được ghi lại hôm thứ Hai bởi một phóng viên của tờ báo thiên tả Haaretz của Israel, cho thấy một nhóm người hành hương nước ngoài bắt đầu cuộc rước của họ qua mê cung đá vôi của Thành phố Cổ, nơi có vùng đất linh thiêng nhất của Do Thái giáo, ngôi đền linh thiêng thứ ba trong Hồi giáo và các địa điểm Kitô giáo lớn.

Nâng cao một cây thánh giá bằng gỗ khổng lồ, những người đàn ông và phụ nữ quay trở lại con đường Thành phố Cổ mà họ tin rằng Chúa Giêsu Kitô đã đi trước khi bị đóng đinh. Trên đường đi, những người Do Thái chính thống cực đoan trong bộ vest đen và đội mũ đen rộng vành chen lấn những người hành hương qua những con hẻm hẹp, trên tay cầm những lá cọ nghi lễ của họ cho ngày lễ Sukkot kéo dài một tuần của người Do Thái. Khi họ đi ngang qua, ít nhất bảy người Do Thái chính thống cực đoan nhổ xuống đất bên cạnh nhóm Kitô Hữu du lịch.

Càng làm tăng thêm sự phẫn nộ, Elisha Yered, một nhà lãnh đạo định cư theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và là cựu cố vấn cho một nhà lập pháp trong liên minh cầm quyền của Netanyahu, đã bảo vệ những người nhổ nước bọt, cho rằng nhổ nước bọt vào các giáo sĩ Kitô giáo và tại các nhà thờ là một “phong tục cổ xưa của người Do Thái”.

Ông viết trên X, trước đây gọi là Twitter: “Có lẽ dưới ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, chúng ta đã phần nào quên mất Kitô giáo là gì”. “Tôi nghĩ hàng triệu người Do Thái phải chịu cảnh lưu đày sau các cuộc Thập tự chinh… sẽ không bao giờ quên.”

Yered, bị tình nghi liên quan đến vụ sát hại một thanh niên Palestine 19 tuổi, vẫn bị quản thúc tại gia.

Trong khi video và bình luận của Yered lan truyền như cháy rừng trên mạng xã hội, thì làn sóng chỉ trích ngày càng tăng. Ngoại trưởng Israel Eli Cohen cho biết việc nhổ nước bọt vào Kitô hữu “không đại diện cho các giá trị của người Do Thái”.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề tôn giáo của đất nước, Michael Malkieli, một thành viên của đảng Shas Chính thống cực đoan, lập luận rằng việc khạc nhổ như vậy “không phải là cách của Kinh Torah”. Một trong những giáo sĩ trưởng của Israel khẳng định việc khạc nhổ không liên quan gì đến luật Do Thái.

Các nhà hoạt động ghi lại các cuộc tấn công hàng ngày chống lại Kitô hữu ở Thánh địa đã rất ngạc nhiên trước làn sóng chú ý bất ngờ của chính phủ.

Harani, chuyên gia cho biết: “Các cuộc tấn công chống lại Kitô hữu đã gia tăng 100% trong năm nay, không chỉ khạc nhổ mà còn ném đá và phá hoại các bảng hiệu”.


Source:AP
 
Bề trên dòng Phanxicô tại Vatican nói rằng các cuộc tấn công của người Do Thái có thể châm ngòi cho chủ nghĩa bài Do Thái
Đặng Tự Do
18:27 07/10/2023


Cha Francesco Patton, người trông coi các địa điểm Kitô giáo ở Israel nói rằng những người hành hương sợ những chuyến viếng thăm trong bối cảnh bạo lực gia tăng ngay lập tức được báo cáo trên khắp thế giới; và đổ lỗi cho chính phủ đã không hành động và liên kết với những kẻ cực đoan để nắm giữ quyền lực

Cha Francesco Patton, người trông coi các địa điểm Kitô giáo ở Israel của Vatican, cho biết những người hành hương cảnh giác khi đến thăm Israel trong bối cảnh bạo lực ngày càng gia tăng đối với các thành viên của Giáo hội và các địa điểm linh thiêng. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với ấn phẩm Calcalist của Ynet, Cha Patton cho biết những sự việc như vậy đã được báo cáo ngay lập tức trên khắp thế giới và ngài đã nghe thấy phản ứng từ các nhà ngoại giao, các nhà lãnh đạo chính trị và các thành viên báo chí. Ngài cảnh báo rằng có nguy cơ thực sự là những sự việc như vậy có thể châm ngòi cho chủ nghĩa bài Do Thái.

“Tôi bị sốc khi thấy các cộng đồng Kitô giáo khác nhau nhanh chóng trở thành mục tiêu của những cuộc tấn công như vậy. Người Công Giáo, người Tin lành Luther, người Maronite, người Armenia, Chính thống giáo Đông Phương, tất cả chúng ta đều là mục tiêu,” ông nói.

Kể từ đầu năm 2023, các cuộc tấn công nhằm vào các nhà thờ, giáo sĩ cũng như hành vi xúc phạm các địa điểm tôn giáo ngày càng gia tăng. “Trong một tuần, tu viện Maronite ở Ma'alot bị tấn công ba lần, các ngôi mộ trong nghĩa trang Tin lành ở Giêrusalem bị phá hoại và những hình vẽ bậy trên một tu viện Armenia có dòng chữ ‘Cái chết đối với Kitô hữu’. Ngoài ra, một bức tượng Chúa Giêsu gần cổng vào Thành cổ đã bị xúc phạm khi một người Do Thái lấy búa đập vào tượng. “

Vào tháng 8, thanh niên Do Thái đã ném đá vào một nhà thờ ở miền bắc Israel trong hai đêm liên tiếp trước khi cảnh sát can thiệp và bắt giữ họ. Vào tháng 7, những người Do Thái chính thống cực đoan ném đá vào một tu viện các nữ tu ở Giêrusalem, và một tháng trước đó, phó thị trưởng Giêrusalem, Arye King, đã bị quay video khi dẫn đầu một nhóm hét lên “Những người truyền giáo về nhà” và “Giêrusalem là của chúng tôi,” tại một nhóm khách Kitô Hữu du lịch ở phần phía nam của Bức tường phía Tây.

Cũng trong tháng 6, một nhóm đàn ông Chính thống cực đoan đã đến nhà thờ Capernaum bên bờ Biển hồ Galilee mang theo xẻng và tuyên bố rằng các nhà hiền triết Do Thái đã được chôn cất ở đó. Nhà thờ đó đã bị đốt cháy vào năm 2015 bởi một người Do Thái cực đoan.

Tại Haifa, bạo lực bùng phát tại Tu viện Stela Maris khi một nhóm đàn ông cực đoan Chính thống giáo tấn công vào khu nhà vì cho rằng đây là nơi chôn cất nhà tiên tri Elisha.

Đoạn phim an ninh và lời khai do cảnh sát thu thập cho thấy các tu sĩ và giáo sĩ khác bị sỉ nhục và tấn công trong và xung quanh Thành cổ Giêrusalem hàng ngày. Trường hợp phổ biến nhất là nhổ vào áo choàng của giáo sĩ hoặc trên mặt đất ở lối vào các địa điểm Kitô Giáo, đây được coi là một cuộc tấn công bất hợp pháp theo luật pháp Israel và có thể bị phạt tù tới hai năm nếu được chứng minh là có động cơ tôn giáo hoặc tình cảm dân tộc.

Hôm thứ Ba, Elisha Yered, một người định cư cực đoan bị nghi ngờ liên quan đến vụ sát hại một người Palestine vào tháng 8 năm ngoái, cho biết trong một bài đăng trên X rằng khạc nhổ vào các giáo sĩ hoặc nhà thờ Kitô Giáo là một phong tục lâu đời của người Do Thái, thậm chí còn được ủng hộ trong luật Do Thái.

“Có lẽ ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đã khiến chúng ta quên mất Kitô giáo là gì nhưng tôi nghĩ hàng triệu người Do Thái đã phải chịu đựng các cuộc thập tự chinh, tra tấn từ các tòa án dị giáo, đẫm máu và các cuộc tàn sát, sẽ không bao giờ quên.”

Cha Patton đổ lỗi cho chính phủ. “Bạo lực phát triển mạnh đặc biệt trong một môi trường mà chủ nghĩa chính thống tôn giáo và chính trị thống nhất. Khi bạn kết hợp tôn giáo và chính trị, điều đó luôn nguy hiểm như chúng ta đã thấy trong suốt lịch sử”, Cha Patton nói và cho biết thêm sự bùng nổ là kết quả của việc các chính trị gia liên kết với các phần tử bạo lực nhằm củng cố quyền lực của họ. Ngài nói khi cái đầu hung bạo thì cơ thể cũng theo sau. Ngài yêu cầu các cuộc thảo luận công khai bớt kích động hơn và nói rằng đó phải là bước đầu tiên.

Giáo sĩ trưởng Ashkenazi David Lau của Israel đã lên án các cuộc tấn công chống lại Kitô hữu trong một tuyên bố hôm thứ Ba. Ông cho biết phong tục ở Đền Thánh trong lễ Sukkot là hiến tế và cầu nguyện cho sự an lành và tôn trọng tất cả các quốc gia tôn vinh Giêrusalem. Ông nói: “Tôi cực lực lên án bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào những người thuộc bất kỳ tôn giáo nào và hành vi như vậy phải bị coi là vi phạm luật Do Thái”.


Source:ynetnews.com
 
Đức Thánh Cha Phanxicô bàn về chủ nghĩa đế quốc: Nước Nga có phải là một trường hợp đặc biệt không?
J.B. Đặng Minh An dịch
18:32 07/10/2023


Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Ngài vừa có một bài phân tích đăng trên tờ National Catholic Register nhan đề “Pope Francis on Imperialism: Is Russia a Special Case?”, nghĩa là “Đức Thánh Cha Phanxicô bàn về chủ nghĩa đế quốc: Nước Nga có phải là một trường hợp đặc biệt không?” Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Một tháng sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu với những lời lẽ có lợi về quá khứ đế quốc của Nga, những chia rẽ về mặt ngoại giao vẫn còn vang dội. Tuần trước, Đức Thánh Cha đã nhận được ủy nhiệm thư của tân đại sứ Nga, một cuộc gặp gỡ khá thường lệ, mặc dù có một tuyên bố của Vatican cho thấy cuộc gặp gỡ thân thiện như thế nào.

Vài ngày sau, vào hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha đã tiếp đón đại sứ Ukraine cạnh Tòa thánh trong một buổi tiếp kiến riêng, đây hoàn toàn không phải là một cuộc gặp gỡ thường lệ. Các đại sứ tại Tòa thánh có hai cuộc gặp với Đức Thánh Cha, cả hai đều có tính chất hình thức - một là khi họ trình ủy nhiệm thư và một cuộc gặp khác là khi họ hết nhiệm vụ. Thông thường, họ chỉ gặp gỡ các quan chức trong Bộ Ngoại giao và, trong những thời điểm đặc biệt nghiêm trọng, với chính Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Nhưng do người Ukraine cũng như các nước Trung và Đông Âu khác đã thất vọng như thế nào với những bình luận của Đức Thánh Cha liên quan đến Nga, nên có thể cần phải cử đại sứ Ukraine đến ngay lập tức để ngăn chặn bất kỳ mối quan hệ nào xấu đi hơn nữa.

Tòa Thánh không đủ khả năng gánh chịu một cuộc khủng hoảng tháng Tám khác.

Ngày độc lập của Ukraine là ngày 24 tháng 8. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn ngày đó vào năm ngoái 2022 – năm đầu tiên của cuộc chiến tranh toàn diện – để thương tiếc “những người vô tội” Nga đã thiệt mạng trong chiến tranh. Điều đó gây ra sự tố cáo mạnh mẽ nhất trong lịch sử ngoại giao gần đây của Đức Giáo Hoàng. Đại sứ Ukraine tại Tòa thánh, Andrii Yurash, nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô không có khả năng nhận ra được sự khác biệt giữa “kẻ hiếp dâm và nạn nhân bị hiếp dâm”.

Tưởng cũng nên nhắc lại là Daria Dugina, 30 tuổi, đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe ở ngoại ô Mạc Tư Khoa. Cô ấy là con gái Alexander Dugin, một người được mô tả như một quân sư chiến tranh, một “nhà tư tưởng” và là nhà tuyên truyền hàng đầu của Putin.

Bản thân Daria Dugina cũng là một nhân vật diều hâu, cô ta diễn thuyết trên truyền hình và viết sách hô hào chiến tranh để tái lập đế quốc Nga.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung, sáng ngày 24 tháng Tám, 2022, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa ban hòa bình cho nhân dân Ukraine yêu quý, từ sáu tháng nay đang chịu kinh hoàng của chiến tranh, và ngài nhớ đến các tù nhân, các trẻ em, những người tị nạn, các em mồ côi và ngài ứng khẩu nói thêm rằng: “Tôi nghĩ đến một thiếu nữ tội nghiệp bị nổ tung lên không trung vì một quả bom được đặt dưới ghế xe ở Mạc Tư Khoa. Những người vô tội trả giá vì chiến tranh. Chúng ta hãy nghĩ đến thực tại đó và nói với nhau: chiến tranh là điên rồ. Và những người kiếm lợi với chiến tranh và nạn buôn bán võ khí là những tội phạm giết hại nhân loại...”

Một ngày sau, Bộ Ngoại giao Ukraine đã triệu Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần Tòa Thánh tại thủ đô Kyiv, đến để bày tỏ sự bất mãn về lời tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô, liên quan đến Daria Dugina.

Bộ trưởng Ngoại giao Kuleba kể với báo Pravda.ua rằng việc triệu Sứ thần Tòa Thánh tới bộ này, tự nó là một trường hợp chưa từng có và tự nó có ý nghĩa. “Tôi muốn nói thẳng rằng những lời Đức Giáo Hoàng làm đau lòng người Ukraine. Thật là điều bất công. Ukraine rất thất vọng vì những lời Đức Giáo Hoàng đã coi kẻ tấn công ngang với nạn nhân. Đồng thời quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong khuôn khổ chiến tranh giữa Nga và Ukraine, nhắc đến cái chết của một công dân Nga trên lãnh thổ Nga, mà Ukraine không có gì liên hệ tới, đó là điều tạo nên sự không thể hiểu nổi”.

Sự bất mãn của người Ukraine có lẽ cũng chưa bằng những tuyên bố rất nặng nề tại Ba Lan quê hương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhiều người Ba Lan cho rằng cô Daria Dugina, người đã nhiều lần hô hào tấn công Ba Lan, không phải là người vô tội như Đức Giáo Hoàng nói.

Cha de Souza cho biết tiếp rằng: Việc Tòa thánh ngoan ngoãn chấp nhận lời quở trách đáng kinh ngạc đó và không gửi trả Yurash về Ukraine, bản thân nó đã thừa nhận rằng người Ukraine đã trở nên thất vọng như thế nào. Có thể đoán rằng những lời nhận xét về kẻ hiếp dâm đã bị bỏ qua một cách kín đáo trong buổi tiếp kiến hôm thứ Sáu tuần trước. Yurash mang theo một chú gấu bông để tượng trưng cho hoàn cảnh khó khăn của trẻ em Ukraine.

Tháng 8 này mang đến một cuộc khủng hoảng khác. Đức Thánh Cha Phanxicô nói chuyện với giới trẻ Nga qua liên kết video một ngày sau ngày độc lập của Ukraine. Ngài khuyến khích họ nhìn vào Peter Đại đế và Catherine Đại đế để tìm gương mẫu về một “đế chế khai sáng với nền văn hóa vĩ đại và tính nhân bản vĩ đại”.

Có khả năng là những vết thương từ nhận xét đó của Đức Giáo Hoàng sẽ không bao giờ lành ở Ukraine, Ba Lan, Lithuania và những vùng đất khác bị đế quốc Mạc Tư Khoa chinh phục.

Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak của Tổng Giáo phận Philadelphia của Ukraine lưu ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ có tỷ lệ tín nhiệm là 6% ở Ukraine sau 18 tháng chiến tranh. Vladimir Putin sẽ là nhà lãnh đạo thế giới duy nhất ở Ukraine ít được ưa chuộng hơn Đức Thánh Cha. Điều đó vừa gây sốc vừa vô cùng đau buồn – đặc biệt là chưa đầy 20 năm sau cái chết của Thánh Gioan Phaolô II, có lẽ là vị Giáo Hội Đông Âu được ngưỡng mộ nhất trong thế kỷ qua, nếu không nói là trong thiên niên kỷ qua.

Đức Thánh Cha cố gắng giải thích nhận xét của mình bằng cách nói rằng khi nói về Peter Đại đế và Catherine Đại đế, ngài thực sự có ý ca ngợi không phải chủ nghĩa đế quốc của Nga mà là di sản văn hóa như được đại diện bởi Fyodor Dostoevsky, người sinh sau Peter gần một thế kỷ. Đại đế đã chết.

Nỗi nhức nhối trong nhận xét về “đế quốc khai sáng” Nga nằm ở điều Đức Thánh Cha chưa nói. Đã có những đế chế khác. Chẳng hạn, Đức Thánh Cha có khuyến khích giới trẻ Mỹ ưa thích những cuộc phiêu lưu đế quốc của Hoa Kỳ ở Phi Luật Tân hay vùng Caribe không?

Những bình luận liên quan đến đế quốc Nga đã bùng nổ mạnh mẽ vào cuối tháng 8 vì những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói vào đầu tháng 8. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Vida Nueva của Tây Ban Nha, được phát hành trong khi Đức Thánh Cha đang ở Bồ Đào Nha dự Đại hội Giới trẻ Thế giới, chủ đề chủ nghĩa đế quốc đã được đề cập. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là những cường quốc Công Giáo có thuộc địa ở hải ngoại. Đức Thánh Cha Phanxicô có tận dụng cơ hội này để khuyến khích thanh niên Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha tự hào về quá khứ đế quốc của họ không? Ngược lại.

Đức Thánh Cha nói: “Chủ nghĩa đế quốc rất mạnh mẽ và nước Mỹ là nạn nhân của đủ loại đế quốc”. “Tôi chê trách bất kỳ đế chế nào, bất kể loại nào. Vì lý do này, tôi biết rằng tôi là một hòn đá trong chiếc giày đối với một số người.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Hung Gia Lợi vào tháng Tư năm nay. Triều đại Habsburg là đế chế lục địa Âu Châu lớn nhất trong lịch sử, là trụ sở của quyền lực Công Giáo ở Âu Châu trong nhiều thế kỷ. Đức Thánh Cha có khuyến khích giới trẻ Hung Gia Lợi trân trọng nhìn lại lịch sử của đế quốc Áo-Hung không? Nếu muốn làm như vậy, ngài có thể đã được đại sứ đương nhiệm của Hung Gia Lợi tại Tòa thánh, Eduard Habsburg, thông báo đầy đủ. Không cần thiết phải làm điều đó.

Các đế chế Mỹ, các đế chế Công Giáo - không được ca ngợi mà còn bị chỉ trích ngầm, như trong cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha với Vida Nueva. Nhưng chỉ vài tuần sau Đức Thánh Cha lại ca ngợi chủ nghĩa đế quốc Nga, điều đó đã khiến những nhận xét trước đó của ngài – “Tôi chê trách bất kỳ đế chế nào, thuộc bất kỳ loại nào” - dường như là sai.

Buổi tiếp kiến đặc biệt dành cho Đại sứ Yurash, sau các cuộc gặp kéo dài với vị giám mục Ukraine hồi đầu tháng này, là một phần trong nỗ lực phục hồi sau những lời ca ngợi dành cho chủ nghĩa đế quốc Nga. Giờ đây tất cả mọi người đều rõ ràng rằng lẽ ra Đức Thánh Cha không nên nói như vậy. Nhưng vẫn còn những câu hỏi – đặc biệt là ở những vùng đất trước đây bị Mạc Tư Khoa chinh phục – liệu đó có phải là điều Đức Thánh Cha Phanxicô thực sự nghĩ trong lòng hay không.

Với câu hỏi đó, tân đại sứ Nga đã bắt đầu công việc của mình với điều mà ông ta coi là một dấu hiệu tích cực.


Source:National Catholic Register
 
Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra câu trả lời mơ hồ vừa Có vừa Không về việc chúc lành cho các cặp đồng giới
J.B. Đặng Minh An dịch
21:29 07/10/2023


Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Trong bối cảnh đang có những hoang mang trước tuyên bố của Đức Thánh Cha về việc chúc lành cho các cặp đồng giới, ngài vừa có một bài giải thích đăng trên tờ National Catholic Register nhan đề “Pope Francis Gives a ‘Yes and No’ Answer Regarding Blessings for Same-Sex Couples”, nghĩa là “Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra câu trả lời 'vừa Có vừa Không' về việc chúc lành cho các cặp đồng giới”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Tin tức quan trọng – được đo lường qua các tiêu đề báo chí – trong tuần lễ đầy tin tức ở Vatican là Đức Thánh Cha ủng hộ việc ban phép lành cho các cặp đồng tính. Thật vậy, đó sẽ là một tin tức, đặc biệt là vì vào năm 2021, đích thân Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn một câu trả lời chính thức của Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, nay là “Thánh Bộ” Giáo lý Đức tin, gọi tắt là DDF, khi đó nói rằng những phước lành như vậy là không thể được.

Một “dubium,” hay một câu hỏi, đã được đặt ra cho CDF về việc chúc lành cho các cặp đồng tính, và câu trả lời rất rõ ràng: “Thiên Chúa không và không thể chúc lành cho tội lỗi: Ngài ban phước cho con người tội lỗi, để họ có thể nhận ra rằng mình là một phần trong kế hoạch tình yêu của Ngài và để cho chính mình được Ngài thay đổi.”

Câu trả lời của CDF – một lần nữa, đã được Đức Thánh Cha chấp thuận và mang thẩm quyền của ngài – rất chi tiết.

“Không được phép chúc lành cho các mối quan hệ, hoặc những thâm giao, thậm chí ổn định, liên quan đến hoạt động tình dục ngoài hôn nhân (nghĩa là, ngoài sự kết hợp bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ, tự nó mở ra cho việc truyền sinh), như trong trường hợp kết hợp giữa những người cùng giới tính”, CDF viết. “Sự hiện diện của các yếu tố tích cực trong các mối quan hệ như vậy, vốn tự chúng đáng trân trọng và đáng được đánh giá cao, không thể biện minh cho các mối quan hệ này và cũng không khiến chúng trở thành đối tượng hợp pháp cho việc chúc lành của Giáo hội, vì các yếu tố tích cực tồn tại trong bối cảnh của một sự kết hợp như thế không được sắp xếp theo thánh ý Chúa.”

Một cặp vợ chồng dị tính trong sự kết hợp vợ chồng ngoài hôn nhân - sống “trong tội lỗi” - cũng không thể có được mối quan hệ hạnh phúc.

Nếu một người xin được chúc lành, nhưng không phải một phép lành cho một cuộc kết hợp vợ chồng bất hợp pháp, thì điều đó sẽ khác:

“Câu trả lời cho dubium được đề xuất không loại trừ các chúc lành được ban cho những cá nhân có khuynh hướng đồng tính luyến ái, những người thể hiện ý muốn sống trung thành với các kế hoạch được mạc khải của Thiên Chúa như giáo huấn của Giáo hội đề xuất”.

Một bộ “dubia” khác đã được đệ trình vào mùa hè vừa qua, bao gồm một câu hỏi về việc chúc lành cho các cặp đồng giới. Lần này Đức Thánh Cha đích thân trả lời trong một phúc đáp rất dài:

“Vì lý do này, Giáo hội tránh bất kỳ loại nghi thức hay bí tích nào có thể… tạo ấn tượng rằng một điều gì đó không phải là hôn nhân lại được công nhận là hôn nhân. Tuy nhiên, khi đối xử với mọi người, chúng ta không được đánh mất lòng bác ái mục vụ phải thấm nhuần mọi quyết định và thái độ của chúng ta. Việc bảo vệ sự thật khách quan không phải là biểu hiện duy nhất của lòng bác ái này, nó còn được tạo nên từ lòng nhân ái, sự kiên nhẫn, sự hiểu biết, sự dịu dàng và sự khích lệ. Vì vậy, chúng ta không thể trở thành những quan tòa chỉ phủ nhận, bác bỏ, loại trừ. Vì lý do này, sự khôn ngoan mục vụ phải phân định một cách thỏa đáng xem có những hình thức chúc lành nào, được một hoặc nhiều người yêu cầu, không truyền tải một quan niệm sai lầm về hôn nhân hay không”.

“Việc phân định” liệu có những “hình thức chúc phúc” nào có thể được ban cho các cặp đồng giới hay không, đã gây ra một cơn bão truyền thông toàn cầu đến mức cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẵn sàng ban phước lành cho các cặp đồng giới. Ngài có sẵn sàng làm như thế hay không?

Có và không. Và sự mơ hồ, theo quan điểm của Đức Thánh Cha, có thể là một đặc điểm chứ không phải một khuyết điểm. Nó đã được nhìn thấy trước đây.

Những gì Đức Thánh Cha Phanxicô viết không khác lắm so với những gì CDF đã trả lời vào năm 2021. Nếu một cặp đồng tính yêu cầu ban phép lành cho cuộc chung sống vợ chồng bất hợp pháp của họ, thì điều đó không thể được ban - đó sẽ là tội lỗi, cũng như trường hợp của một cặp vợ chồng dị tính (chưa kết hôn hợp luật).

Nếu cặp vợ chồng xin phép lành để củng cố họ sống chung khiết tịnh, và họ đồng ý với giáo huấn của Giáo hội về sự vô luân của các hành vi đồng tính luyến ái, thì đó sẽ là một vấn đề khác. Có lẽ điều đó có thể thực hiện được, nhưng cần phải cẩn thận để làm rõ điều đang được tìm kiếm. Đưa ra sự khích lệ là một phần thiết yếu của việc chăm sóc mục vụ, và ranh giới giữa sự khuyến khích và sự chuẩn y cần phải được duy trì. CDF đã nói chính xác như vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô hiện nay cũng nói như thế thôi.

Nếu một cá nhân yêu cầu một phước lành, thì gần như chắc chắn nó sẽ được ban. Các linh mục thường xuyên được yêu cầu ban phép lành, và nói chung, không có yêu cầu nào được đưa ra từ phía người xin phép. Thiện chí được giả định và trong mọi trường hợp, không có một sự kết hiệp nào được ban phước.

Tại sao lại có sự ồn ào và bối rối?

Vì Amoris Laetitia, tông huấn năm 2016 của Đức Thánh Cha cho phép, trong một số trường hợp, các cặp ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ. Khả năng bị hạn chế; một cặp vợ chồng như vậy sẽ phải thừa nhận rằng họ không kết hôn thành sự và những hành vi vợ chồng của họ trái với luật luân lý. Hơn nữa, một cặp vợ chồng sẽ phải đồng ý với sự thật của luật luân lý và chân thành mong muốn sống phù hợp với nó, nhưng bằng cách nào đó họ lại cho rằng họ không thể làm được điều đó. Nếu đọc một cách rõ ràng các tiêu chí do Đức Thánh Cha Phanxicô đặt ra, thì có rất ít cặp vợ chồng có thể đáp ứng được. Việc cho phép về nguyên tắc vẫn còn là một điểm gây nhiều tranh cãi, nhưng trên thực tế, số cặp vợ chồng đáp ứng được tiêu chí của Đức Thánh Cha sẽ rất ít.

Tuy nhiên, nhiều giám mục khác nhau đã coi giáo huấn của Đức Thánh Cha vượt xa những gì ngài viết. Chẳng hạn, các giám mục Malta đã nói về “lương tâm được soi sáng” là “niềm tin rằng họ được hòa giải với Thiên Chúa”, điều này đơn giản không phải là cách hiểu của người Công Giáo về lương tâm. Hai giám mục Malta đưa ra hướng dẫn đó là Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna, hiện là phụ tá thư ký tại DDF, và Giám mục Mario Grech, hiện là Hồng Y và là người đứng đầu ban thư ký thượng hội đồng Vatican. Trong tư cách đó, ngài là kiến trúc sư trưởng của Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị cho một Giáo hội đồng nghị.

Thực tế sau Amoris Laetitia là một sự mơ hồ có chủ ý, nếu không muốn nói thẳng là hoàn toàn giả vờ. Về mặt chính thức, tiến trình đặt ra được tuân thủ nghiêm ngặt, nhưng trên thực tế, ở một số nơi, các cặp vợ chồng vô hiệu được đối xử ngang hàng với các cặp vợ chồng hợp pháp. Ở những nơi như vậy, nó trở thành sự thừa nhận việc ly dị và tái hôn một cách rõ ràng và thẳng thừng, mặc dù nó không được nói đến một cách rõ ràng hay thẳng thắn.

Điều tương tự có thể xảy ra với phước lành đồng giới hay không? Có thể tưởng tượng nổi hay không, một linh mục chúc lành cho một cặp đồng tính và, như một phần của lời cầu nguyện chúc lành, xin cho họ ơn sống khiết tịnh? Người ta không mong thấy được điều đó; quả thực, ở Đức và Bỉ, nơi những phước lành như vậy đã diễn ra, thì điều đó không đang xảy ra. Về mặt chính thức, các phép lành không phải là bản sao của hôn nhân, nhưng một cách không chính thức, chúng đưa ra sự chấp thuận của Giáo hội đối với việc kết hợp vợ chồng bất hợp pháp của các cặp đồng giới.

Các phương tiện truyền thông thế giới đưa tin Đức Thánh Cha đã cho phép một điều gì đó mà ngài không cho phép một cách rõ ràng. Điều đó phản ánh kỳ vọng rằng sự mơ hồ và giả tạo sẽ thúc đẩy một phước lành giả tạo cho một sự kết hợp tình dục chứ không phải là hôn nhân.

Thượng hội đồng năm 2023 có đi theo đường hướng đó không? Những ai nghĩ như vậy hãy nhớ rằng các Thượng Hội đồng năm 2014 và 2015 đã dẫn đến sự mơ hồ và giả tạo của Amoris Laetitia.


Source:National Catholic Register
 
Văn Hóa
Một trăm lẻ một Câu hỏi về Chúa Giêsu: câu 80-84
Vũ Văn An
22:25 07/10/2023

Câu 80: Khi Chúa Giêsu còn ở thế gian này, Người có còn là một thành phần của Ba Ngôi không hay chỉ khi Người sống lại từ cõi chết?

Vấn đề các giáo phụ và công đồng hậu tông đồ phải đối diện là giải thích ra sao các dữ kiện Kinh Thánh cho một nền văn hóa Hy Lạp với xu hướng ngôn ngữ và triết lý của nó. Tin Mừng Gioan tập chú vào mối quan tâm này vì lời tự ngôn nói đến Ngôi Lời (Logos) vốn có sắc thái đặc biệt trong nền triết lý Hy Lạp và vì trọn phần còn lại của Tin Mừng này được xây dựng trên mối liên hệ đời đời của Chúa Giêsu với Chúa Cha. Nhưng Tin Mừng Gioan không đề cập gì tới vấn đề Hy Lạp sau đó về việc Ngôi Lời là Thiên Chúa ra sao (Ga 1:1) mà vẫn trở thành xác phàm (Ga 1:14). Nó chỉ giả thiết rằng điều được nói về Chúa Giêsu dưới ánh sáng phục sinh, tức là, Người là Con Thiên Chúa, có nghĩa là Người luôn luôn là Con Thiên Chúa thậm chí trước khi tạo ra thế giới. Ở đây, người ta thấy một loại ngây thơ đầy thi ca, vì Gioan chỉ quan tâm tới việc công bố ý nghĩa của Chúa Giêsu cho toàn thể sáng thế.



Nhưng khi chúng ta sử dụng tên “Giêsu”, chúng ta có muốn nói tới Chúa Giêsu nhân bản, lịch sử, Đấng đã sinh ra vào một thời điểm đặc thù, sống và chết không? Hay, có lẽ, chúng ta muốn nói rằng Người hiện hữu như một con người ban sơ trước mọi thụ tạo khác (một giải thích khả hữu Tin Mừng Gioan). Dưới ánh sáng cuộc tranh cãi Ariô (xem câu hỏi 15), Công đồng Nixêa năm 325, trong yếu tính, đã dị biệt hóa việc Chúa Giêsu từ thuở đời đời được Chúa Cha sinh ra như Logos (đáp trả và hình ảnh Chúa Cha) và việc Người xuống thế và trở thành nhập thể trong thời gian vì chúng ta và vì sự cứu rỗi của chúng ta. Thế nhưng, phải nói điều này: công đồng này sử dụng tước hiệu Kinh Thánh “Một Chúa, Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” chứ không sử dụng hạn từ Logos. Điều này cho thấy: các khẳng định của công đồng, giống như toàn bộ việc phát triển Kitô học, được đặt căn bản trên chứng tá Kinh Thánh về phục sinh.

Qua việc hữu hiệu tách mối liên hệ đời đời của Chúa Giêsu với Chúa Cha khỏi việc Người xuất hiện trong thời gian, công đồng đã bước một bước có tính quyết định là tách thiên tính của Người với nhân tính của Người (một điều tôi không nghĩ Thánh Gioan làm mặc dù ngài có dùng các chữ xuống và lên). Nay người ta có thể nghĩ về Chúa Giêsu như Thiên Chúa, Đấng sau đó đã mang thân xác của chúng ta (trở thành nhập thể). Nhưng việc này đã tách biệt chính điều cần được giữ lại với nhau. Bất kể chúng ta gán ý nghĩa nào cho danh “Giêsu”, vốn là biểu tượng chính của đức tin Kitô giáo, chúng ta vẫn không thể hiểu Người là ai nếu không tính đến nhân tính của Người. Cho đến nay, như chúng ta biết, dưới ánh sáng phục sinh, Người không hiện hữu như một hữu thể nhân bản tách biệt khỏi thiên tính vốn làm Người độc đáo như Người vốn là, cũng không là hữu thể thần linh tách biệt khỏi nhân tính vốn giúp Người biết và yêu mến Chúa Cha và cầu nguyện với Người như với Bố. Trong tư cách Đấng Tạo dựng-được hình dung như Cha, Con, Thánh Thần, Thiên Chúa đã tiến đến chỗ tự phát biểu sau cùng và một cách dứt khoát trong Chúa Con, Đấng, trong tư cách sống lại, là Thần Khí ban sự sống (1Cr 15:45). Chúa Giêsu luôn là một thành phần của Ba Ngôi, một cách không thể tách biệt và đời đời.

Câu hỏi 81: Cha không ngừng tham chiếu Kinh Thánh trong các giải thích của cha. Nhưng há Giáo Hội trong các công đồng đã không giải quyết tất cả các vấn đề này rồi hay sao?

Có lần Karl Rhaner được hỏi liệu công đồng Canxêđoan năm 451 là một kết thúc hay một khởi đầu. Ngài nói nó là cả hai. Nó đem một cuộc thảo luận nào đó của các giáo phụ Hy Lạp tới hồi kết thúc, nhưng nó cũng mở đầu cho đủ loại câu hỏi mà nhiều thế hệ sau đó đã cố gắng giải quyết. Câu hỏi của bạn cho tôi dịp để nhấn mạnh một lần nữa một điểm đã đưa ra trước đây: cố gắng của chúng ta để hiểu mầu nhiệm Chúa Giêsu vốn chất chứa một diễn trình giải thích liên tục. Bao lâu chúng ta còn cố gắng tìm cách phát biểu mầu nhiệm “Thiên Chúa dành cho chúng ta” (C. LaCugna), không câu trả lời nào có thể được coi là cuối cùng. Ngoại trừ chúng ta trở về với chủ nghĩa cực đoan, cả Kinh Thánh lẫn các kin tin kính và các công đồng, cũng như các trước tác của các nhà thần học và Giám Mục và bất cứ tuyên bố nào của con người cũng không thể múc cạn mầu nhiệm này.

Sự đáng thán phục của đức tin Kitô giáo là chúng ta cử hành lễ cưới của trời và đất. Chúng ta tin vào một Thiên Chúa dành cho chúng ta, một Thiên Chúa đến gần chúng ta bao nhiêu vị thần linh có thể trong nhân tính Con của Người. Chúng ta tin một Thiên Chúa không cạnh tranh với chúng ta nhưng làm việc trong và qua chúng ta để hoàn toàn giải phóng nhân loại. “Thiên tính của Chúa Giêsu chính là nhân tính viên mãn của Người” (P. Schoonenberg). Điều chúng ta nói về Người như thần linh không hề xóa nhòa nhân tính của Người. Nó mang thể nhân bản đến chỗ hoàn tất một cách độc đáo.

Hai công đồng chung đầu tiên quan tâm đến việc khẳng định thiên tính trọn vẹn của Chúa Con (Nixêa năm 325) và thiên tính trọn vẹn của Chúa Thánh Thần (Constatinốp I năm 381). Khi bác bỏ chủ trương của Apollinaris rằng Ngôi Lời (Logos) đã thay thế linh hồn nhân bản nơi Chúa Giêsu, cũng đã khẳng định nhân tính trọn vẹn của Người. Nhưng vấn đề chủ chốt là tính hợp nhất của Chúa Giêsu. Thánh Xirilô thành Alexandria và công đồng Êphêsô năm 431 quả quyết rằng Chúa Giêsu là một cá nhân hiện hữu một cách độc đáo (một “tính hợp nhất theo hypostasis” một điều sau đó được hiểu là sự hợp nhất của một ngôi vị). Rất khó nhấn mạnh quá đáng tầm quan trọng của điều này. Nó có nghĩa là: thiên tính và nhân tính, bất kể khác biệt bao nhiêu, là hai điều không thể tách rời nhau ở trong Người. Người không phải trước nhất là Thiên Chúa sau đó là người phàm. Thực tại Chúa Giêsu hiện hữu một cách cụ thể, điều làm cho Người độc đáo như phàm nhân, là việc hợp nhất với thể thần linh. Cuối cùng, Công đồng Canxêđoan năm 451, dưới ánh sáng cảm thức mạnh mẽ được sự hợp nhất chặt chẽ này, đã phải duy trì bản tính khác biệt và không thể giản lược của cả nhân tính lẫn thiên tính. Nhân tính không bị tràn ngập bởi thiên tính và bị đồng hóa vào nó. Đúng hơn, thiên tính là điều làm cho nhân tính có khả năng và khả lực trở nên chính nó một cách trọn vẹn, giống chúng ta trong mọi sự trừ tội lỗi (Dt 4:15), trích dẫn trong định tín của Canxêđoan). Trong tất cả những điều này, các giáo phụ và các công đồng chỉ có một mục đích: mãi trung thành với với truyền thống tông đồ, “qui tắc đức tin” chứa đựng chủ yếu trong qui điển Kinh Thánh. Tôi tìm cách làm y như thế, nhưng dưới ánh sáng các tiến bộ đương thời của khoa phê bình Kinh Thánh.

Câu hỏi 82: Làm thế nào Chúa Giêsu là nhân bản 100% và đồng thời là thần linh 100%? Há không phải là 200% hay sao?

Một trong các ấn tượng không may nhất do Công đồng Canxêđoan gây ra đã khiến có loại câu hỏi này. Ngôn từ của Canxêđoan, chịu ảnh hưởng của Đức Giáo Hoàng Lêô Cả, hết sức có tính Rôma trong ý muốn cân bằng của nó. Trong khi lặp đi lặp lại 8 lần câu chúng tôi tuyên xưng “một và y một” Chúa Con, Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi, việc chủ yếu là áp dụng chữ homoousios (xem câu hỏi 15) cho cả thiên tính và nhân tính. Người được tuyên xưng có cùng “một hữu thể y như” [same being] Chúa Cha trong thiên tính của Người và có cùng “một hữu thể y như” chúng ta trong nhân tính của Người. Khi nhấn mạnh tới đặc tính không thể giản lược và khác biệt của hai bản tính, duy trì các thuộc tính thích đáng của mỗi bản tính, công đồng tạo ra ấn tượng về một việc đặt cạnh nhau khá tĩnh tụ của hai thực thể [entities] đến nỗi chữ kết hợp mãi mơ hồ: “cùng chẩy với nhau [suntre-chousēs = cùng chạy với nhau] vào một ngôi vị [prosopon] và một tồn hữu [hypostasis]”. Lúc đó, phản ứng phổ biến và chung nhất đối với Canxêđoan là quay vế với chủ trương nhất tính [monophysite], nghĩa là vì lý do kết hợp, nên nhân tính bị tan hòa vào thần tính đến nỗi chỉ còn “một bản tính”, là bản tính thần linh. Đến một mức nào đó, đây vốn là hình ảnh phổ thông cho tới tận ngày nay. Chúa Giêsu thực sự là Thiên Chúa sử dụng bản tính nhân loại của Người để thông đạt với chúng ta, nhưng nhân tính của Người có tính cách biểu kiến chứ không phải như thành phần cấu tạo nên trải nghiệm sống cụ thể của Chúa Giêsu.

Giá trị lớn lao của Canxêđoan là việc nó nhấn mạnh tới tính trọn vẹn trong nhân tính của Chúa Giêsu. Với mọi công đồng, chúng ta chủ trương sự trọn vẹn của thiên tính và sự trọn vẹn của nhân tính bên trong sự hợp nhất của một “ngôi vị”. Tuy nhiên, điều cần phải nhớ là thiên tính và nhân tính là các thực tại không thể cùng đo theo một tiêu chuẩn được. Bạn không thể cân bằng chúng như thể chúng là hai số lượng đo đạc được và so sánh với nhau được. Thể thần linh không ở thế cạnh tranh với thể nhân bản, cũng không được đặt vào thế chống lại thể nhân bản. Không có thiên tính, chúng ta không thể nói thích đáng về thực tại của Chúa Giêsu. Người được tạo nên một cách độc đáo như con người Giêsu này vì lý do Người kết hợp với thể thần linh. Mặt khác, chúng ta không thể nói một cách thích đáng về tư cách ngôi vị của Người bên ngoài nhân tính. Trong Kinh Thánh, Người được trình bầy như một người biết và yêu mến Chúa Cha, và cầu nguyện với Người như “Con” với “Cha”. Người vâng lời thậm chí cho đến chết. Đây là tất cả những điều chúng ta mong chờ một con người bình thường hành động. Như thế, việc dùng hạn từ “ngôi vị” thay đổi tùy theo việc chúng ta nói về điều tạo nên Người như một cá nhân hiện hữu một cách độc đáo (hypostasis) hay về điều tạo nên các trải nghiệm nhân bản thông thường của Người trong việc biết và ước muốn (“ngôi vị” theo nghĩa đương thời chỉ các mối liên hệ nhân bản trên bình diện tâm lý). Theo nghĩa vừa nhắc, điều thích đáng là gọi Người là một nhân vị [human person].

Câu hỏi 83: Cha đã nói nhiều lần rằng thể thần linh không cạnh tranh với thể nhân bản. Cha muốn nói gì?

Đó là điều tôi dùng để nói trên đây về “Thiên Chúa Đấng đối thoại” (xem các câu hỏi 59-61). Ý định của Thiên Chúa là thể hiện sự trọn vẹn của điều là nhân bản bên trong cuộc sống và trải nghiệm nhân bản. Sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa trong sáng thế, trong giao ước với Israel, trong việc trở nên nhập thể trong Chúa Giêsu, không nhằm chúng ta ra xa lạ với nhân tính của chúng ta. Thế giới không phải chỉ là hậu quả của tính nguyên nhân nơi Thiên Chúa như thể nó hiện hữu ở bên ngoài hay song hành với hoặc trong cạnh tranh với Thiên Chúa. Thế giới là hiện thân ý định thần linh, giống như công trình nghệ thuật hiện thân nhà nghệ sĩ, nhưng chắc chắn nhà nghệ sĩ không dửng dưng đối với những gì xẩy ra cho nó. Công trình phát biểu chính bản ngã nhà nghệ sĩ, cách nhà nghệ sĩ nhìn thế giới và tưởng tượng hình dạng của nó. Công trình cũng phát biểu các giới hạn của phương tiện được chọn. Người ta nghĩ đến Michelangelo chọn tảng đá hoa cương của Carrara không ai muốn chọn vì nó có vết nứt ở khoảng giữa và đã sáng tạo ra tuyệt tác vĩ đại nhất của ông, bức tượng Đavít. Một khi phương tiện đã được chọn, nhà nghệ sĩ phải làm việc bên trong các giới hạn của nó nhưng cũng tích cực sử dụng chúng để khai thác các khả thể của phương tiện này cho trọn vẹn. Khả năng làm được như thế chính là điều đánh dấu nhà nghệ sĩ đại tài.

Cũng như thế đối với việc nhập thể. Chúng ta không nên tưởng tượng việc này như một việc Thiên Chúa “tự làm rỗng mình” (kenosis), một cuộc rút lui hay giấu thiên tính để cho phép nhân tính đi vào hành động, nhưng là việc Thiên Chúa “đổ đầy” (plēroma Cl 1:19; 2:9 – chữ vừa rồi nói tới “trọn sự viên mãn” của việc Thiên Chúa cư ngụ trong Chúa Giêsu). Ngay trong nhân tính của Chúa Giêsu trong tư cách nhập thể của Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng chỉ có thể thông truyền bản ngã thần linh tới mức thực tại nhân bản thụ tạo có khả năng tiếp nhận việc tự thông truyền của Thiên Chúa. Điều chúng ta thấy trong lịch sử cứu rỗi là việc thông truyền và can dự tiệm tiến và ngày càng thâm hậu của Thiên Chúa từ thời sáng thế qua giao ước tới nhập thể. Nơi Chúa Giêsu, Thiên Chúa đem đến viên mãn hay trọn vẹn công trình đã bắt đầu, việc tạo ra “hữu thể nhân bản”. Thiên Chúa làm việc này bằng cách làm việc với những hạn chế và khả thể của đời sống nhân bản này, Chúa Giêsu thành Nadarét, kêu gọi sự đáp trả trọn vẹn và trung thành của đức vâng lời nhân bản và trong biến cố tuyệt đỉnh chết-sống lại có tính biến đổi sự phân rẽ bởi tội lỗi thành ân sủng kết hợp, sự yếu đuối của xác thịt thành sự toàn vẹn của vinh quang, và sức mạnh tử sinh của cái chết thành sự sống đời đời. Nhờ điều này, chúng ta biết rằng “Con Người” chính là “Con Thiên Chúa”.

Câu hỏi 84: Trở lại Kinh Thánh, nếu Chúa Giêsu của Tin Mừng Máccô khác đến thế với Chúa Giêsu của Tin Mừng Gioan, thì cha giảng hòa chúng ra sao?

Quan tâm của các giáo phụ và công đồng, dĩ nhiên, dẫn đến việc phát biểu tính hợp nhất của đức tin, bằng một phát ngôn chính thức và phổ quát. Kinh Tin kính Nixêa mà chúng ta đọc ở nhà thờ mỗi Chúa nhật (nhưng phát xuất từ Công đồng Constantinốp thứ nhất năm 381), đã được viết ra không hẳn để giải quyết các khó hiểu thần học cho bằng cung cấp một nền tảng có tính cộng đoàn cho việc cầu nguyện theo phụng vụ. Vấn đề quan trọng, lúc đó cũng như bây giờ, là chúng ta cầu nguyện cùng nhau ra sao, chứ không phải liệu chúng ta hết thẩy có suy nghĩ cùng những suy nghĩ như nhau hay có cách hiểu độc dạng hay không. Làm sao chúng ta có thể cầu nguyện với Chúa Giêsu như Thiên Chúa nếu Người không phải là Thiên Chúa? Thế nhưng cả khẳng định ấy của Nixêa liên quan tới thiên tính của Chúa Giêsu cũng bỏ ngỏ cho nhiều giải thích khác nhau.

Sự hợp nhất tuyên tín đức tin đặt cơ sở trên chứng tá Kinh Thánh. Thế nhưng chính nhờ công trạng của Giáo Hội tiên khởi khi nó thiết định qui điển sách thánh mà ước muốn hợp nhất không dẫn tới việc dẹp bỏ mọi Tin Mừng ngoại trừ một Tin Mừng. Các thư đa dạng của Thánh Phaolô và các thư khác cũng như bốn Tin Mừng đã cung cấp các chân dung khá đa dạng và khác biệt về Chúa Giêsu. Mátthêu và Luca, dù đều sử dụng Máccô, đều có các nền Kitô học khá khác biệt riêng. Trật tự tiến hành đầu tiên là để mỗi chân dung tự đứng trong những điều kiện của nó chứ không uốn chúng thành một, như phương thức hòa hợp “Các Tiểu sử của Chúa Giêsu” như Alban Goodier từng cố gắng thực hiện trong quá khứ (xem câu hỏi 7).

Như thế, điều quan trọng là đọc Máccô và Gioan như chúng đã được viết, cố gắng hiểu chúng như những phát biểu khác biệt của cùng một đức tin Kitô giáo của các cộng đồng khá khác nhau. Cả hai đều cố gắng công bố mầu nhiệm Chúa Giêsu, nhưng mẫu mực của mỗi Tin Mừng thì khác nhau. Một số tác giả đã coi sự khác biệt như phản ảnh các nền Kitô học “từ bên dưới” (Chúa Giêsu như con người được xức dầu bởi Thánh Thần Thiên Chúa, đã trở thành Con Thiên Chúa) và “từ bên trên” (Chúa Giêsu như Ngôi Lời đời đời của Thiên Chúa đã trở thành nhập thể trong hình dạng nhân bản). Tuy nhiên, theo tôi, một tương phản như thế phản ảnh các khai triển thần học sau này. Đối với cả Máccô lẫn Gioan, Chúa Giêsu là “Con Thiên Chúa” và “Con Người” một cách không thể tách biệt từ đầu cho đến kết câu truyện. Có lẽ điều có thể nói là các Tin Mừng nhất lãm (Máccô-Mátthêu-Luca) kết hợp chặc chẽ một ký ức có tính lịch sử nhiều hơn về Chúa Giêsu, về những gì Người thực sự nói và làm, trong khi Gioan kết hợp trải nghiệm đức tin sau này của cộng đồng về Người nhiều hơn, nhất là về tính độc đáo đời đời như là Con duy nhất của Thiên Chúa. Nhưng cả điều này cũng có thể hơi cường điệu. Mọi Tin Mừng đều kể cùng một câu truyện, nhưng từ các viễn cảnh khác nhau và với các quan tâm khác nhau phát sinh từ tình thế đương thời của mỗi tác giả khi viềt Tin Mừng của họ. Câu truyện về Chúa Giêsu ít nhất cũng có nhiều hình thức như đã có nhiều cộng đồng Kitô hữu vốn làm chứng cho Người – và tất cả đều chân thật.
 
VietCatholic TV
Phòng không Putin quá run, vừa bắn rớt Sukhoi Nga 85 triệu USD. Putin đã lẫn. Dân Nga phản ứng mạnh
VietCatholic Media
02:47 07/10/2023


1. Quá hoảng hốt, phòng không Nga vừa bắn hạ thêm một chiến đấu cơ 85 triệu Mỹ Kim của Putin

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Shoots Down Its Own Su-35 Jet for Second Time Within Days: Reports”, nghĩa là “Báo cáo cho biết, Nga bắn hạ máy bay phản lực Su-35 của chính mình lần thứ hai trong vòng vài ngày.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các chiến binh của Putin đang tham chiến ở Ukraine được tường trình đã bắn rơi máy bay phản lực tiền tuyến tiên tiến của họ lần thứ hai trong vòng 8 ngày qua.

Vụ việc xảy ra hôm thứ Sáu 6 Tháng Mười ở Mariupol, theo nhiều báo cáo được các quan chức quốc phòng Ukraine dẫn chứng. Thông tin vẫn còn khan hiếm nhưng dường như cho rằng phi công lái chiến đấu cơ đa năng Su-35 của Nga sống sót sau cuộc tấn công.

Blogger quân sự người Nga Fighterbomber viết: “Với tốc độ hoạt động này của lực lượng phòng không dũng cảm của chúng ta, chúng ta sẽ sớm không còn Không Quân”.

Vụ tấn công trước đó mà Nga vẫn chưa công khai thừa nhận, xảy ra hôm 28/9 gần thành phố Tokmak do Ukraine xâm lược ở vùng Zaporizhzhia phía Nam.

Jordan Cohen, chuyên gia buôn bán vũ khí và nhà phân tích chính sách tại Viện Cato, nói với Newsweek rằng nếu các báo cáo là chính xác, Tổng thống Nga Vladimir Putin “có thể khá tức giận”.

Cohen nói: “Như đã nói, không bên nào có thể thiết lập ưu thế trên không kể từ khi bắt đầu cuộc chiến”. “Điều này là do cả hai bên đã làm tốt việc triển khai các hệ thống phòng không vũ trang. Vì vậy, nếu không có ưu thế trên không và lái máy bay cách mặt trận 12 dặm, thì đây không hẳn là một sự việc khó lường.”

Trong khi Nga từ chối công khai xác minh những báo cáo này thì các quan chức Anh lại lên tiếng về tính xác thực của chúng. Vài ngày sau sự việc đầu tiên vào tháng trước, Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật Tình báo Quốc phòng định kỳ rằng họ có độ tin cậy 80 đến 90% rằng một chiếc Su-35S đã bị phá hủy trong vụ việc.

“Vào ngày 28 tháng 9 năm 2023, lực lượng phòng không Nga rất có thể đã bắn hạ một trong những chiến đấu cơ đa năng Su-35S FLANKER M của họ trên bầu trời Tokmak, cách chiến tuyến hiện tại khoảng 20km”, Bộ này đăng trên X, trước đây là Twitter.

Bản cập nhật cho biết: “Mặc dù Nga đã mất khoảng 90 máy bay cánh cố định kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược, nhưng đây có lẽ chỉ là lần thứ năm Nga mất Su-35S, chiến đấu cơ tiên tiến nhất của Nga được sử dụng rộng rãi”.

Đại tá Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Mark Cancian, cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với Newsweek qua email hôm thứ Sáu rằng người Nga có lịch sử hỏa lực thân thiện, tức là quân ta bắn quân mình. Ông đề cập đến việc mất ba trong số sáu máy bay của họ trong cuộc chiến với Georgia năm 2008.

Cancian nói: “Thật không may, hỏa lực thân thiện lại rất phổ biến trong thời chiến. Có rất nhiều sự nhầm lẫn và các xạ thủ rất lo lắng. Điều này đặc biệt khó khăn đối với máy bay vì lực lượng phòng không không phải lúc nào cũng có được bức tranh rõ ràng về vị trí của máy bay bạn ở mọi thời điểm. Một câu hỏi quan trọng là liệu điều này có làm thay đổi chiến thuật của Nga hay không. Họ có thu hồi máy bay cánh cố định của mình không?”

Chi phí của Su-35, được coi là phiên bản hiện đại hóa của chiến đấu cơ Su-27, đang gây tranh cãi. Một số báo cáo nói rằng một chiếc máy bay có giá khoảng 43 triệu Mỹ Kim, trong khi những báo cáo khác cho biết giá mỗi chiếc Sukhoi Su-35 cao tới 85 triệu Mỹ Kim dựa trên các giao dịch trước đây giữa Nga và Trung Quốc.

Theo dữ liệu do Newsweek tổng hợp và công bố vào tháng 8, hơn 1/5 số tổn thất về máy bay có người lái và trực thăng được biết đến của Nga kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022 là do chính họ gây ra.

Điều đó tương đương với khoảng 21,7% máy bay phản lực, trực thăng và máy bay vận tải tự hủy do trục trặc hệ thống của Nga, lỗi của phi công và hỏa lực của quân bạn.

Máy bay Su-35 cũng được so sánh với chiến đấu cơ F-16 mà một số đồng minh NATO của Ukraine cuối cùng đã cung cấp cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này để tăng tốc khả năng phòng không. Nhiều quan chức quân sự Mỹ đã chủ trương gởi F-16 ngay trong năm đầu tiên của cuộc chiến.

Cohen nói: “Tuy nhiên, điều đó sẽ làm dấy lên lo ngại về việc sử dụng F-16 để xuyên thủng hàng phòng thủ linh hoạt của Nga. Nếu lực lượng phòng không của Nga có thể vô tình bắn hạ máy bay của họ, điều đó cho thấy mối đe dọa đối với bất kỳ máy bay nào bay gần mặt trận từ hệ thống phòng không rộng lớn mà cả hai bên đang sử dụng.”

2. Nhiều câu hỏi được đặt ra sau khi Putin nói năng lung tung, lẫn lộn tại hội nghị

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Forgetfulness at Conference Raises Questions”, nghĩa là “Putin lẫn lộn tại hội nghị làm dấy lên nhiều câu hỏi.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mắc một số sai sót trong bài phát biểu có phạm vi rộng tại cuộc họp thường niên của Câu lạc bộ Thảo luận Valdai ở Sochi. Diễn biến này làm dấy lên câu hỏi từ người dùng mạng xã hội.

Trong cuộc gặp, trong đó Putin nói rằng Nga đặt mục tiêu “xây dựng một thế giới mới”, nhà độc tài đã nhầm lẫn một câu nói rất đơn giản của Nga, dường như quên tên của một cá nhân mà ông đã được hỏi chỉ vài tháng trước và tự mâu thuẫn khi nói chuyện về sự tồn tại của các công ty quân sự tư nhân trong nước.

Putin trả lời trong phiên họp trước cáo buộc của Chủ tịch Hội đồng Âu Châu Charles Michel, người hôm 3/10 nói rằng Nga “phản bội” người dân Armenia. Michel cho biết Nga đã không bảo vệ được Nagorno-Karabakh trong cuộc tấn công quân sự ngắn ngủi của Azerbaijan vào tháng trước khiến người dân tộc Armenia trong khu vực phải chạy trốn sang Armenia.

“Bạn biết đấy, người dân của chúng ta nói: 'Ngựa của người khác sẽ kêu, nhưng ngựa của bạn sẽ im lặng'“, Putin nói, trước khi bị người điều hành cuộc thảo luận, Fyodor Lukyanov ngắt lời và sửa lại.

“Không phải là ngựa, con bò mới đúng” Lukyanov nói rõ.

“Bò, ngựa, không thành vấn đề. Tóm lại là một con vật,” tổng thống nói thêm và cười trừ lỗi lầm của mình.

Thành ngữ này của người Nga thường có ngụ ý khuyên răn những người nói năng bất cẩn và có tính chất phán xét, và thường được sử dụng để đáp lại những lời buộc tội. Một câu tương đương trong tiếng Anh sẽ là “the pot calling the kettle black” nghĩa là “cái nồi bảo cái ấm sao mày đen thế”. Túy Vân xin mở ngoặc để nói thêm rằng người Việt chúng ta sẽ nói “Việc người thì sáng việc mình thì quáng”. Kinh Thánh nói rằng “Sao ngươi nhìn thấy cái rác trong mắt anh em mình, mà không thấy cây đà trong mắt ngươi?” (Lc 6:41).

Trong cùng cuộc gặp ở Sochi, Putin tuyên bố không biết nhà xã hội học người Nga và nhà phê bình Điện Cẩm Linh Boris Kagarlitsky, người đã bị bắt vào ngày 26 tháng 7 với cáo buộc “biện minh cho khủng bố” và phải đối mặt với án tù 7 năm. Điều đó bất chấp việc Putin bình luận về trường hợp của ông chỉ vài ngày sau khi ông bị giam giữ.

Khi Putin được yêu cầu thả Kagarlitsky vào hôm thứ Năm, ông trả lời: “Thành thật mà nói, tôi không biết Kagarlitsky là ai. Tôi sẽ viết xuống ý kiến của bạn, xem xét và trả lời. Tôi hứa.”

Và nhà lãnh đạo Nga một lần nữa mâu thuẫn với chính mình khi nói về sự tồn tại của công ty quân sự tư nhân ở nước này.

Ông cho biết vài nghìn cựu chiến binh của Tập đoàn Wagner đã ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga. Một lúc sau, anh ta nói rằng không có công ty quân sự tư nhân nào tồn tại ở Nga và chưa bao giờ tồn tại.

Putin đã nhiều lần thay đổi quan điểm về sự tồn tại và sử dụng lính đánh thuê ở Nga.

Ngày 29/9, Điện Cẩm Linh thông báo Putin đã gặp Andrey Troshev, cựu chỉ huy của Tập đoàn Wagner, để thảo luận về việc thành lập các “đơn vị tình nguyện” có thể “thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến đấu khác nhau” ở Ukraine.

Diễn biến này xảy ra sau khi Putin tuyên bố vào tháng 7 rằng Nhóm Wagner “không tồn tại” theo luật pháp Nga và nhóm này sẽ được sáp nhập vào Bộ Quốc phòng Nga sau cuộc nổi dậy và tuần hành ở Mạc Tư Khoa do cố lãnh đạo của nhóm, Yevgeny Prigozhin, lãnh đạo vào ngày 24 tháng 6.

Trước khi Tập đoàn Wagner tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine, Điện Cẩm Linh đã nhiều lần phủ nhận sự tồn tại của tổ chức này và tuyên bố không biết gì về tổ chức này. Điện Cẩm Linh khẳng định lính đánh thuê là bất hợp pháp theo luật pháp Nga và các công ty an ninh quân sự tư nhân cũng sẽ không được phép cung cấp dịch vụ bên ngoài nước Nga theo luật pháp của nước này.

Nhưng Putin đã thay đổi hướng đi vài ngày sau cuộc binh biến của Prigozhin và thừa nhận đã tài trợ toàn bộ cho Tập đoàn Wagner và các hoạt động của nó.

Theo nhật báo Nga Kommersant, Tổng thống Nga dường như đã thay đổi quyết định chỉ vài tuần sau đó. Khi được hỏi liệu Tập đoàn Wagner có tiếp tục là một đơn vị chiến đấu hay không, ông Putin có vẻ trở nên kích động.

“Không. Tập đoàn Wagner không tồn tại!” Putin cho biết. Nhà lãnh đạo Nga cho biết ở Nga không có luật nào liên quan đến các công ty quân sự tư nhân.

Nhận xét mới nhất của ông vào thứ Năm về công ty quân sự tư nhân ở Nga cũng không có giá trị tương tự.

Người dùng mạng xã hội cho rằng Putin đã “phát điên”, rằng ông ấy “nói những điều vô nghĩa” và rằng ông ấy có thể có vấn đề với trí nhớ của mình.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận qua email.

3. Trước vụ tấn công kinh hoàng ở Hroza, Wallace kêu gọi Đức cung cấp hỏa tiễn Taurus cho Ukraine

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace kêu gọi Đức bàn giao hỏa tiễn tầm xa Taurus cho Ukraine sau cuộc tấn công chết người hôm qua của Nga nhằm vào một quán cà phê trong làng ở khu vực Kharkiv.

Wallace lưu ý rằng bất cứ khi nào Mạc Tư Khoa tấn công dân thường và vi phạm luật pháp quốc tế, chúng ta “phải có phản ứng”.

“Chúng tôi đã làm điều đó với Starstreak và Storm Shadow. Đức bây giờ nên gửi hệ thống hỏa tiễn Taurus của họ tới Ukraine và tham gia cùng với Anh và Pháp”, ông nói.

Như Ukrinform đã đưa tin trước đó, vào ngày 5 tháng 10, một hỏa tiễn của Nga đã bắn trúng một quán cà phê ở làng Hroza, tỉnh Kharkiv khi lễ tưởng niệm được tổ chức ở đó. 52 người thiệt mạng và 6 người bị thương. Hai trong số những người dân địa phương bị thương đang trong tình trạng nghiêm trọng.

4. Nhà tài phiệt Nga lưu vong khẳng định Putin còn tại vị thì không thể có hòa bình

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “This Is How Ukraine War Could End, According to Putin's Exiled Foe”, nghĩa là “Đây là cách chiến tranh Ukraine có thể kết thúc, theo đối phương lưu vong của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nhân vật đối lập nổi tiếng của Nga Mikhail Khodorkovsky nói với Newsweek rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ không kết thúc cho đến khi Tổng thống Vladimir Putin rời bỏ quyền lực.

Từng là người giàu nhất nước Nga khi đứng đầu công ty năng lượng Yukos, Khodorkovsky đã bị bỏ tù một thập kỷ vì những cáo buộc được coi là có động cơ chính trị sau khi ông lên tiếng chỉ trích tham nhũng. Ông được Putin ân xá vào năm 2013.

Cuốn sách có nhan đề “Làm thế nào để giết một con rồng”, được phát hành vào cuối tháng này ở Mỹ, mô tả cần phải có một cuộc cách mạng để mở ra nền dân chủ và phá vỡ chu kỳ lịch sử chuyên chế của Nga.

Khodorkovsky nói rằng cuộc xung đột ở Ukraine hiện không mang lại lợi thế cho phe đối lập Nga bởi vì mặc dù tổn thất quân số và suy thoái cao, xã hội Nga không coi chiến tranh là thứ làm suy yếu chế độ của Putin.

“Tất nhiên, về mặt lý thuyết, nếu Putin mất Crimea, thì điều đó sẽ làm suy yếu quyền lực của ông ấy,” ông nói từ trụ sở chính ở Luân Đôn, nơi Quỹ “Nước Nga Mở rộng” của ông hoạt động để phát triển xã hội dân sự ở quê hương ông.

Ông tin rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa Mạc Tư Khoa và Kyiv để chấm dứt chiến tranh sẽ có lợi cho Putin. “Giả sử như Ukraine đồng ý rằng 'chúng ta dừng lại ở vị trí hiện tại'. Liệu kết quả là nước Nga sẽ sống tốt hơn? Không vì các lệnh trừng phạt sẽ không biến mất, nền kinh tế Nga sẽ không khá hơn.”

“Phải làm gì đó với những vùng lãnh thổ đã bị tạm chiếm, nhưng nếu không còn chiến tranh nào cả thì Putin cũng không thể lấy các vùng lãnh thổ này làm cái cớ để biện minh với người Nga, vậy kết quả là gì? Putin sẽ phải bắt đầu một cuộc chiến mới trong thời gian ngắn”.

Khodorkovsky nói rằng nếu chiến tranh kết thúc thông qua đàm phán, Ukraine khó có thể nhận được nguồn cung cấp quân sự tương tự từ phương Tây như hiện nay, trong khi cơ hội trở thành thành viên NATO và sự bảo vệ đi kèm vẫn còn xa vời.

Điện Cẩm Linh đã dự đoán rằng sự hỗ trợ quân sự của phương Tây dành cho Kyiv sẽ suy yếu khi chiến tranh tiếp diễn, với việc Quốc hội Hoa Kỳ loại bỏ nguồn tài trợ của Ukraine khỏi dự luật chi tiêu tạm thời để tránh việc chính phủ liên bang đóng cửa.

Ông nói: “Trong một năm nữa khi chiến tranh tiếp tục, Ukraine sẽ suy yếu và Putin sẽ tích lũy vũ khí,” ông nói, đồng thời giải thích việc lật đổ Tổng thống Nga là điều kiện để xung đột chấm dứt một lần và mãi mãi.

“Ở phương Tây có những người chân thành muốn Ukraine giành chiến thắng nhưng cũng có những người khác lo sợ điều đó. Kết quả là tạo ra một lực lượng đối trọng”, Khodorkovsky nói, “Không thể có chuyện vừa giữ Putin trên ngai vàng, vừa chấm dứt chiến tranh”.

“Người ta có thể nghĩ về những cách khác nhau mà Putin sẽ thua nhưng hắn tq chắc chắn phải ra đi.”

5. Các quan chức cho biết số người thiệt mạng ở Hroza tăng lên 52 người

Thống đốc khu vực Kharkiv cho biết số người chết sau cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào quán cà phê và cửa hàng ở làng Hroza, quận Kupiansk của Ukraine đã tăng lên 52 người.

Oleh Syniehubov cho biết số người bị thương vẫn là sáu người.

Cuộc tấn công hôm thứ Năm dường như là cuộc tấn công đẫm máu nhất đối với dân thường Ukraine kể từ cuộc tấn công vào ga xe lửa Kramatorsk vào đầu năm 2022.

Trong số người thiệt mạng có một em bé sinh năm 2017.

6. Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh đáp lại các phản ứng gay gắt của người Nga về nguyên nhân vụ tai nạn máy bay của ông chủ Wagner do Putin đưa ra

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov hôm thứ Sáu cho biết vẫn chưa có báo cáo cuối cùng từ các nhà điều tra về nguyên nhân vụ tai nạn máy bay khiến giám đốc Wagner Yevgeny Prigozhin thiệt mạng hồi tháng 8.

“Đây không phải là báo cáo cuối cùng,” Peskov nói với các nhà báo trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu, đề cập đến những bình luận của Vladimir Putin đưa ra hôm thứ Năm cho thấy rằng không phải một cuộc tấn công “từ bên ngoài” đã làm rơi máy bay của Prigozhin mà là do lựu đạn cầm tay bên trong máy bay.

“Tổng thống nói rằng báo cáo này vẫn chưa được hoàn thiện,” Peskov nói.

Phát ngôn nhân từ chối cung cấp bất kỳ chi tiết nào về những gì đã xảy ra vào ngày vụ tai nạn xảy ra và nói thêm rằng các nhà báo có thể mong đợi một thông báo chính thức từ ủy ban điều tra Nga khi cuộc điều tra đầy đủ hoàn tất.

Putin nói gì: Phát biểu tại diễn đàn Câu lạc bộ thảo luận Valdai ở Sochi, Putin hôm thứ Năm cho biết “chủ tịch ủy ban điều tra vừa báo cáo cách đây vài ngày rằng các mảnh lựu đạn được tìm thấy trong thi thể các nạn nhân”.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định: “Không có tác động nào từ bên ngoài lên máy bay, đó là sự thật đã được chứng minh”.

Putin nói thêm rằng cuộc điều tra về vụ tai nạn máy bay chở Prigozhin vẫn đang tiếp diễn và không có cuộc kiểm tra nào được thực hiện để xác định sự hiện diện của rượu hoặc ma túy trong cơ thể của các nạn nhân trên máy bay.

“Theo ý kiến của tôi, một cuộc kiểm tra như vậy đáng lẽ phải được thực hiện nhưng nó đã không được thực hiện.”

Một số thông tin cơ bản: Prigozhin, người lãnh đạo một cuộc nổi dậy thất bại chống lại Điện Cẩm Linh, nằm trong số 10 người trên chiếc máy bay tư nhân bị rơi trên cánh đồng phía tây bắc Mạc Tư Khoa vào tháng 8 khi đang trên đường đến St. Petersburg. Tất cả những người trên tàu, bao gồm cả Prigozhin và các trợ lý hàng đầu của ông, đều thiệt mạng.

Điện Cẩm Linh đã phủ nhận mọi liên quan đến việc bắn rơi máy bay.

Tuy nhiên, các quan chức Ukraine và Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng ông Putin có thể đứng đằng sau vụ tai nạn. Suy đoán về số phận cuối cùng của Prigozhin bắt đầu ngay sau cuộc binh biến ngắn ngủi của ông, và ông đã gia nhập một hàng dài những người chống đối Putin nhưng đã chết sớm.

Giải thích của Putin về nguyên nhân gây ra cái chết của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin đã gây ra một sự phẫn nộ trong các blogger quân sự thân Wagner. Trong khi thừa nhận rằng nhà độc tài đã nghĩ ra một cách quỷ quyệt để chối bỏ trách nhiệm, họ không tin những gì Putin nói vì những người trên chiếc máy bay đó đều là những bộ hạ trung thành của Prigozhin.

7. Đức hứa cung cấp hệ thống phòng không Patriot khác cho Ukraine

Đức đã hứa cung cấp một hệ thống phòng không Patriot khác cho Ukraine để giảm thiểu các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng khi mùa đông đến gần, Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố sau cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ở Tây Ban Nha.

Scholz nói với các phóng viên tại thành phố Granada phía nam Tây Ban Nha, nơi các nhà lãnh đạo Âu Châu và tổng thống Ukraine gặp nhau hôm thứ Năm.

Scholz nói: “Trước đây, chúng tôi đã cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng không Patriot và tôi đã nói với tổng thống Ukraine ở đây rằng chúng tôi sẽ cung cấp cho Ukraine một hệ thống khác trong những tháng mùa đông”.

'Chúng ta phải dự đoán rằng Nga sẽ cố gắng đe dọa cơ sở hạ tầng và các thành phố của Ukraine một lần nữa vào mùa đông bằng các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, bằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, bằng mọi cách có thể.''

Trong khi đó, Ngoại trưởng Annalena Baerbock nói rằng Đức sẽ “làm mọi thứ” để bảo đảm Ukraine có thể tự bảo vệ mình khỏi “cuộc khủng bố hỏa tiễn” của Nga.

“Hơn 50 người chết ở Hroza,” Baerbock nói trên X, trước đây gọi là Twitter. “Chừng nào bom còn trút xuống các siêu thị và quán cà phê, chúng tôi sẽ làm mọi thứ để bảo đảm Ukraine có thể tự bảo vệ mình khỏi vụ khủng bố hỏa tiễn của Putin.”

Một số bối cảnh: Đức trước đây đã cung cấp ba hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine, đây là thông báo mới nhất thứ tư.

Zelenskiy hôm thứ Năm nhắc lại lời kêu gọi tăng cường phòng không sau cuộc tấn công của Nga vào làng Hroza, khiến ít nhất 52 người thiệt mạng.

“Tôi rất biết ơn sự hỗ trợ của Đức trong việc bảo vệ tự do và con người của chúng tôi. Đây cũng là cách bảo vệ Âu Châu và các giá trị chung của chúng ta”, Zelenskiy viết trên X, sau cuộc gặp với thủ tướng Đức.

8. Cậu bé thiệt mạng ở Kharkiv dường như đang ngủ khi hỏa tiễn trúng đích, chính quyền Ukraine cho biết

Các quan chức Ukraine cho biết, một cậu bé 10 tuổi thiệt mạng trong cuộc tấn công của Nga vào thành phố Kharkiv hôm thứ Sáu, dường như đang ngủ khi hỏa tiễn bắn trúng các tòa nhà dân cư.

“Thi thể một đứa trẻ được bọc trong chăn. Em đã bị sát hại sáng nay ở Kharkiv bởi một hỏa tiễn của Nga. Cậu bé dường như đang ngủ”, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết, kèm theo bức ảnh cho thấy thi thể cậu bé nằm giữa đống đổ nát.

“Iskander là hỏa tiễn đạn đạo của Nga có thể tới Kharkiv, thành phố biên giới của Ukraine chỉ trong vài giây”, cơ quan này cho biết thêm.

Bức ảnh cho thấy thi thể cậu bé được bọc trong một tấm chăn màu xanh phủ đầy bụi, xung quanh là những mảnh vụn, trong khi một số nhân viên cấp cứu đứng gần đó.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết trong bài phát biểu buổi tối hôm thứ Sáu rằng em trai của cậu bé, một em bé 11 tháng tuổi, đã sống sót và đang nằm viện.

Tổng thống Zelenskiy cho biết cha mẹ của các cậu bé cũng sống sót và đang ở bệnh viện, nhưng bà của các em đã thiệt mạng trong cuộc tấn công.

Một số bối cảnh: Cậu bé 10 tuổi nằm trong số hơn 500 trẻ em thiệt mạng ở Ukraine kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào tháng 2 năm 2022. 1.129 trẻ em khác đã bị thương với nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau, theo Văn phòng Tổng công tố Ukraine..

Dựa trên dữ liệu sơ bộ, văn phòng công tố Kharkiv cho biết lực lượng Nga đã bắn hai hỏa tiễn đạn đạo Iskander cực mạnh.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ihor Klymenko cho biết các cuộc tấn công đã phá hủy một tòa nhà dân cư ba tầng và làm hư hại hai tòa nhà chung cư.

Vụ việc xảy ra một ngày sau khi lực lượng Mạc Tư Khoa bắn một hỏa tiễn Iskander vào làng Hroza gần đó, giết chết ít nhất 52 người, trong đó có một cậu bé 6 tuổi, trong một trong những vụ tấn công nguy hiểm nhất nhằm vào dân thường kể từ khi chiến tranh bắt đầu, theo các quan chức Ukraine..

Nga vẫn luôn mồm khẳng định nước này không tấn công các mục tiêu dân sự.

9. Bộ Ngoại giao Áo triệu đại sứ Nga về vụ tấn công quán cà phê ở vùng Kharkiv

Bộ Ngoại giao Áo đã triệu tập Đại sứ Nga Dmitry Lubinsky liên quan đến vụ tấn công hỏa tiễn vào một quán cà phê ở làng Hroza, vùng Kharkiv, khiến 52 người thiệt mạng.

Bộ Ngoại giao Áo đã báo cáo điều này trên trang của mình trên mạng xã hội X, Ukrinform đưa tin.

“Đại sứ Nga tại Vienna vừa bị triệu tập vì vụ tấn công bằng hỏa tiễn khủng khiếp ngày hôm qua nhằm vào một thị trấn ở Kharkiv, cướp đi sinh mạng của hàng chục người vô tội. Tấn công dân thường là tội ác chiến tranh. Những người gây ra thảm cảnh này phải chịu trách nhiệm”, Bộ Ngoại giao Áo cho biết.

Theo Bộ Ngoại giao Áo, cơ quan này cũng nhấn mạnh đến vụ tấn công tàn bạo nhằm vào các vật thể dân sự này, Liên bang Nga một lần nữa vi phạm luật nhân đạo quốc tế. Áo cùng với các đối tác của mình sẽ nỗ lực trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh ở Ukraine.

Theo Ukrinform đưa tin, vào ngày 5 tháng 10, lực lượng khủng bố Nga đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào một quán cà phê ở làng Hroza thuộc vùng Kharkiv, khi lễ tưởng niệm một người lính đang diễn ra ở đó. Vụ tấn công bằng hỏa tiễn Iskander-M khiến 52 người thiệt mạng và 6 người mất tích.

Ngoài ra, vào khoảng 6h45 ngày 6/10, quân đội Nga đã tiến hành tấn công hỏa tiễn vào các tòa nhà dân cư ở quận Kyivskyi và Osnovianskyi của Kharkiv. Thi thể bé trai 10 tuổi được đưa ra khỏi đống đổ nát. Khoảng 20 người bị thương đã tìm kiếm sự trợ giúp y tế. 13 người đã được đưa đến cơ sở y tế, trong đó có cha mẹ của cậu bé thiệt mạng và em trai 11 tháng tuổi.

10. Số người bị thương sau cuộc tấn công của Nga ở Kharkiv tăng lên 27

Nhà lãnh đạo Cơ quan Quân sự Khu vực Kharkiv cho biết số người bị thương trong cuộc tấn công sáng sớm của Nga vào thành phố Kharkiv của Ukraine đã tăng lên ít nhất 27 người.

Oleh Syniehubov cho biết như trên hôm thứ Sáu rằng một hỏa tiễn đã bắn trúng một con đường, làm hư hại cửa sổ các ngôi nhà lân cận trong khi hỏa tiễn thứ hai bắn trúng một tòa nhà chung cư ba tầng gây hỏa hoạn.

Theo các quan chức, một đứa trẻ 10 tuổi đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công vào thành phố phía đông bắc.

Theo dữ liệu sơ bộ, một tuyên bố từ văn phòng công tố Kharkiv cho biết cuộc tấn công được thực hiện bởi hai hỏa tiễn Iskander.

Theo các quan chức Ukraine, vụ việc xảy ra một ngày sau khi lực lượng Mạc Tư Khoa bắn hỏa tiễn Iskander vào làng Hroza gần đó, giết chết ít nhất 52 người, trong đó có một cậu bé 6 tuổi, trong một trong những vụ tấn công nguy hiểm nhất nhằm vào dân thường kể từ khi chiến tranh bắt đầu..

11. Mỹ trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga để đáp trả việc trục xuất ngoại giao của Mạc Tư Khoa vào tháng trước

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Mỹ, Matthew Miller, cho biết, Hoa Kỳ đang trục xuất hai nhà ngoại giao Nga khỏi đại sứ quán ở Washington.

Ông cho biết hôm thứ Sáu rằng việc trục xuất này là để đáp trả việc Nga “trục xuất hai nhà ngoại giao của Đại sứ quán Mỹ tại Mạc Tư Khoa” vào tháng trước, đồng thời cho biết thêm rằng Bộ Ngoại giao đã đáp lại bằng cách trục xuất hai “quan chức Đại sứ quán Nga đang hoạt động tại Mỹ”.

Phát ngôn nhân cho biết trong một tuyên bố gửi qua email: “Bộ sẽ không tha thứ cho hành vi quấy rối của chính phủ Nga đối với các nhà ngoại giao của chúng ta”. “Hành động của Bộ gửi một thông điệp rõ ràng rằng những hành động không thể chấp nhận được đối với nhân viên Đại sứ quán của chúng tôi ở Mạc Tư Khoa sẽ phải gánh chịu hậu quả.”

Tháng trước, Miller cảnh báo rằng Mỹ sẽ đáp trả việc trục xuất hai nhà ngoại giao Mỹ khỏi Nga một cách “nhanh chóng”.

12. Nga cho biết cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine đã bị ngăn chặn ở Belgorod

Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phòng không Nga đã ngăn chặn một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào cuối ngày thứ Năm trên khu vực phía tây nam Belgorod.

Trong một tuyên bố, Bộ cho biết 5 máy bay không người lái tấn công của Ukraine đã bị phá hủy.

Thống đốc Belgorod Vyacheslav Gladkov tuyên bố lực lượng phòng không đã bắn hạ 6 máy bay không người lái trong khu vực.

Không có báo cáo về thương vong hoặc thiệt hại.

Một số bối cảnh: Belgorod, giáp biên giới phía đông bắc Ukraine, là một trong một số tỉnh biên giới của Nga báo cáo các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái gần như hàng ngày của Ukraine trong những tháng gần đây khi chiến tranh ngày càng lan rộng sang lãnh thổ Nga. Hôm thứ Tư, các nguồn tin an ninh Ukraine cho biết các máy bay không người lái do Cơ quan An ninh nước này vận hành đã tiêu diệt thành công tổ hợp phòng không có giá trị cao đến 600 triệu Mỹ Kim của Nga ở Belgorod.

13. Tòa án Ukraine tịch thu tài sản trị giá 464 triệu Mỹ Kim từ các nhà tài phiệt Nga vì cáo buộc hỗ trợ chiến tranh

Theo Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, và văn phòng công tố viên, một tòa án đã tịch thu tài sản có trụ sở tại Ukraine của ba nhà tài phiệt Nga - trị giá hơn 464 triệu Mỹ Kim - vì cáo buộc họ hỗ trợ cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Theo một tuyên bố hôm thứ Sáu từ SBU, những nhà tài phiệt bị trừng phạt là Mikhail Fridman, Petr Aven và Andrey Kosogov.

SBU và các công tố viên cho biết ba doanh nhân này được coi là thành viên trong nhóm thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin và bị cáo buộc có liên quan đến các kế hoạch đóng góp “ tài chính quy mô lớn” cho cuộc chiến của Nga.

Theo các quan chức Ukraine, quyết định của tòa án áp dụng đối với “20 công ty và tổ chức tài chính thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Điện Cẩm Linh với tư cách là người hưởng lợi cuối cùng hoặc thông qua các công ty nước ngoài được kiểm soát”.

Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bao gồm các nhà khai thác điện thoại di động, nhà sản xuất nước khoáng và các công ty tài chính và bảo hiểm. Ukraine cho biết họ đã thực hiện các bước để bảo đảm các doanh nghiệp không thể được ghi danh lại với danh nghĩa khác để tránh bị tịch thu.

Không ai trong số ba doanh nhân Nga ngay lập tức bình luận công khai về việc tài sản của họ bị tịch thu.

Thông tin thêm về Fridman: Mikhail Fridman là một trong số ít các nhà tài phiệt Nga đã công khai lên tiếng phản đối cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine. Trong những ngày đầu của cuộc chiến, ông gọi cuộc xung đột là một “thảm kịch” đối với cả người Ukraine và người Nga.

Nhưng vào tháng 9, SBU đã cáo buộc doanh nhân gốc Ukraine tài trợ cho cuộc chiến ở Mạc Tư Khoa.

Fridman là chủ tịch của Alfa Group, một tập đoàn tư nhân hoạt động chủ yếu ở Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bán lẻ và sản xuất nước khoáng.

14. Ukraine cho biết máy bay không người lái của Nga nhắm vào cảng Danube trong cuộc tấn công “quy mô lớn”

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Thứ Bẩy mùng 7 Tháng Mười, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết Nga đã phát động một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái “quy mô lớn” trong đêm, tấn công cơ sở hạ tầng cảng và làm hư hại cơ sở lưu trữ ngũ cốc trên sông Danube ở Odesa.

Ông cho biết Nga đã phóng 33 máy bay không người lái loại Shahed từ Crimea bị tạm chiếm về phía nam, đông và trung tâm Ukraine.

Lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 25 chiếc. 8 chiếc còn lại đã gây ra các tổn thất tại miền Nam Ukraine.

Tại Odesa, máy bay không người lái của Nga đã phá hủy cơ sở hạ tầng cảng và kho chứa ngũ cốc trên sông Danube.

“Lực lượng phòng không Ukraine đã phá hủy 11 máy bay không người lái ở miền Nam trong đêm, trong đó có 3 chiếc ở Odesa và 8 chiếc ở Mykolaiv. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng biên giới và cảng của khu vực Danube đã bị tấn công: một cơ sở lưu trữ ngũ cốc bị hư hại và một số xe tải bốc cháy”, ông nói.

Ông cho biết thêm, đám cháy đã được dập tắt và không có thương vong.

Oleh Kiper, Thống đốc khu vực Odesa, cho biết các chuyến phà đã bị đình chỉ sau vụ tấn công vào quận Izmail, gần biên giới Rumani.

Nga đã nhiều lần tấn công vào cơ sở hạ tầng cảng trên sông Danube, trong nỗ lực nhằm ngăn chặn việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sau sự sụp đổ của một thỏa thuận do Liên Hiệp Quốc làm trung gian vào tháng 7. Các cảng nhỏ trên sông Danube đã trở nên quan trọng đối với xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine sau sự sụp đổ của thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải.
 
Giáo sư Kinh Thánh giải thích tại sao Giáo Hội không thể chúc lành cho tội lỗi. Chớ để bị lừa.
VietCatholic Media
10:16 07/10/2023

Đức Ông Charles Pope là giáo sư Kinh Thánh đang giảng dạy tại các chủng viện ở tổng giáo phận Washington DC và phụ trách một lớp Kinh Thánh tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Ngài cũng là niên trưởng linh mục đoàn của tổng giáo phận Washington.

Ngài đã có bài viết sau trên tờ National Catholic Register với nhan đề “Do Not Be Deceived: Christ Forbids Homosexual Acts, and the Church Cannot Teach Otherwise” nghĩa là “Đừng để bị lừa: Chúa Kitô cấm các hành vi đồng tính luyến ái, và Giáo Hội không thể dạy ngược lại” nhằm đưa ra các dẫn chứng Kinh Thánh bảo vệ các giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến vấn đề các hành vi đồng tính luyến ái.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

“Căn cứ vào Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng (x. St 19,1-29; Rm 1,24-27; 1 Cr 6,10; 1 Tm 1,10), truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố: ‘Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn’ (x. Bộ Giáo Lý Đức Tin, tuyên ngôn “persona humana” 8). Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên vì loại bỏ chủ đích truyền sinh của hành vi tính dục, cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này là không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào.” (GLCG 2357)

Cuộc cách mạng tình dục đang từng bước tiến sâu vào một sự hoang mang ngày càng sâu sắc khiến nhiều người Công Giáo và những Kitô hữu khác bị bối rối. Nhưng không thể lầm lạc và cũng không ai, dù là giáo dân hay giáo sĩ, được phép bất đồng chính kiến đối với các giáo huấn của Giáo Hội về tính dục con người. Cả Kinh Thánh và giáo lý của Giáo Hội đều rất rõ ràng rằng tất cả các hình thức kết hợp tình dục bất chính, dù là ngoại tình, tà dâm hay các hành vi đồng tính luyến ái, đều là tội lỗi và không thể được chấp thuận dưới bất kỳ hình thức nào.

Một số người Công Giáo chính thức bất đồng chính kiến với Giáo Hội vì nhận thức và thái độ cố ý bác bỏ giáo huấn của Giáo Hội của họ, nhưng số người như thế không nhiều bằng những người bất đồng chính kiến với Giáo Hội vì sự lầm lạc gây ra bởi một nền văn hóa ồn ào và một bục giảng câm nín.

Đặc biệt đáng trách là bất kỳ phó tế, linh mục hoặc giám mục nào gieo rắc lầm lạc bằng những tuyên bố trực tiếp, hay cố ý nói mơ hồ hoặc đưa ra những chính sách sai lầm quảng bá lòng thương xót mà không đề cập gì đến sự ăn năn cần thiết. Chăm sóc cho mọi người tội lỗi là công việc liên tục của Giáo Hội. Tất cả những người tội lỗi đều đáng được yêu thương và chăm sóc mục vụ cẩn thận, với một niềm tôn trọng. Nhưng những gì Thiên Chúa đã mạc khải là tội lỗi, mà dám gọi là tốt hay cho rằng đó chỉ là chuyện thường tình, dù bằng lời nói trực tiếp hay bằng sự ngụy biện, đều không phải là chăm sóc mục vụ; nhưng là một lỗi nặng. Tất cả chúng ta, giáo sĩ và giáo dân, đều được kêu gọi trở thành tiên tri của Thiên Chúa, truyền bá giáo huấn của Ngài; và chúng ta phải nhớ rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ phải giải trình với Ngài.

Trước đây tôi đã viết về nhiều khía cạnh lầm lẫn khác nhau liên quan đến tính dục trong nền văn hóa của chúng ta, ví dụ như tà dâm, ngoại tình, tránh thai, chuyển giới, cuộc chiến chống lại dục vọng, hôn nhân, ly hôn và Rước lễ, và các nạn nhân của cuộc cách mạng tình dục. Trong bài này, tôi đặc biệt tập trung vào giáo huấn của Thiên Chúa liên quan đến hành vi đồng tính luyến ái.

Đáng buồn thay, trong những tháng gần đây, một số giáo sĩ đã truyền bá những quan niệm phiến diện và đôi khi sai lầm nghiêm trọng rằng những hành vi đó có thể được chấp nhận. Chúng không thể được chấp nhận.

Do đó, một lần nữa tôi cảm thấy bị bắt buộc phải giảng dạy về vấn đề này, xác nhận lại Kinh Thánh và giáo lý của Giáo Hội. Kinh Thánh rất rõ ràng khi mô tả một cách rõ ràng và dứt khoát hoạt động đồng tính luyến ái như một tội lỗi nghiêm trọng và một sự rối loạn luân lý. Một số người cố gắng giải thích lại Kinh Thánh để nói khác đi, nhẹ nhất tôi phải nói rằng các cố gắng ấy là hoang đường. Họ thường đưa ra những lý thuyết bẻ cong luận lý và đưa ra những quan điểm lịch sử lừa đảo để loại bỏ chính ý nghĩa rất đơn giản của các văn bản.

Tôi muốn chia sẻ với anh chị em một vài đoạn Kinh Thánh này, nhưng trước khi thực hiện điều này, tôi muốn mô tả bối cảnh của bài suy tư này và làm rõ hai điều rất quan trọng.

Bối cảnh - Những suy tư của tôi hướng đến những Kitô hữu đồng đạo, do đó tôi sử dụng Kinh Thánh làm điểm xuất phát chính, vì tất cả chúng ta cùng chia sẻ niềm tin vào vị thế chuẩn mực và thẩm quyền của Lời Chúa. Trong các bối cảnh khác, chẳng hạn khi đề cập đến thế giới thế tục, các lập luận dựa trên Luật Tự nhiên sẽ phù hợp hơn. Nhưng, trong bài viết này, Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo Hội là nền tảng. Người Công Giáo, những người nên chấp nhận rằng Kinh Thánh được Thiên Chúa soi sáng và giảng dạy không chút sai lầm về đức tin và đạo đức, phải có sự hiểu biết rõ ràng về Kinh Thánh, nếu không chúng ta lại sa vào sự lầm lạc đang lan rộng trên thế giới.

Minh xác thứ nhất: Hoạt động tình dục đồng giới phải bị lên án, nhưng chúng ta không lên án những người có khuynh hướng tình dục đồng giới. Một số cá nhân bị thu hút bởi các thành viên cùng giới tính. Tại sao điều này lại xảy ra hoặc nó xảy ra như thế nào vẫn chưa được hiểu đầy đủ, nhưng dù sao thì đó cũng là một cuộc đấu tranh trong nội tâm đối với một số người. Bởi vì xu hướng tình dục thường không phải là vấn đề được lựa chọn trực tiếp hoặc thậm chí là được kiểm soát ngay lập tức, bản thân nó không phải là đối tượng bị lên án về mặt đạo đức. Bị cám dỗ phạm tội không làm cho người ta trở nên tội lỗi, hay xấu xa, họ thậm chí không có tội vì cơn cám dỗ đó. Đúng hơn, chính sự đầu hàng cơn cám dỗ mới là điều khiến người ta trở thành kẻ tội lỗi.

Nhiều người đồng tính luyến ái sống trong sạch. Dù bị cám dỗ thực hiện các hành vi quan hệ tình dục đồng giới nhưng họ không làm như vậy. Đây là điều can đảm, thánh thiện và đáng khen ngợi. Tuy nhiên, đáng buồn thay, những người khác bị thu hút đồng giới không chỉ phạm tội hoạt động tình dục đồng giới mà còn công khai phô trương nó và bác bỏ các văn bản Kinh Thánh rõ ràng ngăn cấm điều đó. Chúng ta chỉ có thể hy vọng và cầu nguyện cho sự hoán cải của họ. Tuy nhiên, chúng ta phải phân biệt giữa xu hướng tình dục đồng giới và hoạt động tình dục đồng giới.

Minh xác thứ hai: Chúng ta không nên xem hoạt động tình dục đồng giới như thể đó là tội lỗi tình dục duy nhất bị Thiên Chúa lên án. Những người dị tính luyến ái cũng được mời gọi sống thuần khiết trong tình dục. Kinh Thánh lên án hoạt động đồng tính luyến ái, và chính Kinh Thánh cũng lên án một cách rõ ràng những hành vi ngoại tình và tà dâm. Kinh Thánh mô tả đây là những tội lỗi nghiêm trọng có thể loại trừ con người khỏi dân Chúa và Nước Trời (xem Eph 5:5-7; Gal 5:16-21; Rev 21:5-8; Rev. 22:14-16; Mt. 15:19-20; 1 Cor 6:9-20; Col 3:5-6; 1 Thess 4:1-8; 1 Tim 1:8-11; Heb 13:4). Đáng buồn thay, ngày nay nhiều người đang sống trong tình trạng công khai vi phạm giáo huấn của Kinh Thánh. Nhiều người tham gia vào các quan hệ tình dục trước hôn nhân, và nói rằng điều đó là OK vì “ai cũng làm thế mà”. Điều này, giống như hoạt động đồng tính luyến ái, là tội lỗi và cần được ăn năn ngay lập tức.

Do đó, hoạt động tình dục đồng giới không phải là tội lỗi duy nhất Kinh Thánh và các Kitô hữu chỉ ra. Mỗi con người, không có ngoại lệ, dù dị tính hay đồng tính luyến ái, đều được mời gọi đến với sự thuần khiết về tình dục, sống khiết tịnh và tự chủ. Mọi sự vi phạm điều này đều là một tội lỗi. Nói một cách tích cực hơn, mệnh lệnh của Thiên Chúa về sự khiết tịnh có nghĩa là với ân sủng của Thiên Chúa, mọi người đều có thể thuần khiết về tình dục. Thiên Chúa ban ân sủng cho chúng ta để có thể thi hành những lệnh truyền của Ngài!

Với bối cảnh và những minh định này trong trí, giờ đây chúng ta có thể hướng sự chú ý của mình sang lời dạy trong Kinh Thánh về đồng tính luyến ái.

Như đã trình bày ở trên, Kinh Thánh lên án rõ ràng và mạnh mẽ các hành vi đồng tính luyến ái. Ví dụ:

Ngươi không được nằm với đàn ông như nằm với đàn bà: đó là điều ghê tởm (Lv 18:22)
Người đàn ông nào nằm với một người đàn ông khác như nằm với đàn bà, thì cả hai đã làm điều ghê tởm (Lv 20:13)

Tương tự như vậy, câu chuyện về sự hủy diệt thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra, trong số những thứ khác, miêu tả tội lỗi hoạt động đồng tính luyến ái. Quá dài dòng để sao chép lại toàn bộ ở đây, nhưng anh chị em có thể đọc trong chương thứ 19 Sách Sáng thế ký. Một số người đã cố truyền bá một cách lầm lạc rằng câu chuyện của Xơ-đôm và Gô-mô-ra chỉ là câu chuyện về “lòng tốt”, và tôi đã viết về chủ đề đó ở đây: Tội lỗi của Xơ-đôm và Gô-mô-ra. Và mọi người Công Giáo hãy lưu ý rằng Sách Giáo lý nêu bật chương thứ 19 Sách Sáng thế ký như là cơ sở Kinh Thánh trong việc cấm các hành vi đồng tính luyến ái.

Từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý. Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ...qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ…Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên. Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau: đàn ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc vào thân hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình. Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Người đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng (Rm 1: 18-29).

Nào anh em chẳng biết rằng những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp sao? Anh em đừng lầm. Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp (1 Cr 6: 9-10).

Chúng ta biết rằng Lề Luật là tốt, nếu người ta sử dụng cho đúng cách. Thật vậy, Lề Luật có đó, không phải cho người công chính, mà là cho hạng người sống ngoài lề luật và bất phục tùng, vô luân và tội lỗi, phạm thánh phạm thượng, giết cha giết mẹ, sát nhân, dâm dật, kê gian, buôn người, nói dối, bội thề, và những kẻ sống ngược với giáo lý lành mạnh. Đó là giáo lý phù hợp với Tin Mừng đã được giao phó cho tôi, Tin Mừng về vinh quang của Thiên Chúa chí tôn. (1 Tim 1: 8-11).



Anh chị em hãy lưu ý rằng trong những văn bản này, hoạt động tình dục đồng giới, hay còn gọi là kê gian, được liệt kê là một trong số các tội phạm tình dục khác; nó không phải là tội lỗi tình dục duy nhất. Vậy thì đây là điều Kinh Thánh dạy: hoạt động tình dục đồng giới là tội lỗi, cũng như các tội lỗi tình dục khác như tà dâm và ngoại tình. Đúng là không có nhiều văn bản nói về hoạt động đồng tính luyến ái, nhưng bất cứ khi nào đề cập đến các hành vi đồng tính, thì các hành vi này đều bị lên án rõ ràng và không khoan nhượng. Hơn nữa, sự kết án này xảy ra ở mọi giai đoạn của mặc khải trong Kinh Thánh, từ đầu đến cuối.

Một số người nói rằng Chúa Giêsu chưa từng đề cập đến đồng tính luyến ái. Vâng, Ngài cũng chưa từng đề cập đến hiếp dâm, loạn luân hay, lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, nhưng sự “im lặng” của Ngài trong những vấn đề này chắc chắn không phải là một sự tán thành. Hơn nữa, Chúa Giêsu nói rằng ai nghe các môn đệ của Ngài thì nghe Ngài (xin xem Luca 10:16), và các Thư chung của các Tông Đồ đề cập rõ ràng đến các hành vi đồng tính luyến ái và lên án chúng cùng với tà dâm, ngoại tình và tất cả những gì là ô uế tình dục.

Đáng buồn thay, ngày nay nhiều người đã bỏ qua một bên những giáo huấn này về hoạt động đồng tính luyến ái. Họ không chỉ tuyên bố rằng điều đó không phải là tội lỗi, mà họ còn cử mừng, và chúc phúc cho nó như thể đó là một điều tốt đẹp. Những người ngoại đạo làm điều này đã là tồi tệ lắm rồi, nhưng thật là quá bi thảm hơn bội phần khi những người tự xưng mình là Công Giáo và là Kitô hữu mà lại làm ra những điều như vậy.

Anh chị em đừng để bị lừa. Những kẻ nào tán thành hành vi đồng tính luyến ái hoặc bất kỳ hành vi tình dục bất hợp pháp nào khác đang bỏ qua Lời Đức Chúa Trời hoặc đang diễn giải lại Lời Chúa cho phù hợp với chương trình nghị sự của họ. Thánh Vịnh 2:1 than thở “Sao chư dân lại ồn ào náo động? Sao vạn quốc dám bày kế viển vông” Chúa Giêsu biết rằng một số người sẽ lợi dụng Ngài để thúc đẩy các chương trình nghị sự sai trái của họ, và vì vậy Ngài đã cảnh báo rằng: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị người ta lừa gạt. Sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘Chính Ta đây!’, và họ sẽ lừa gạt được nhiều người.” (Mc 13:5-6) Thánh Phaolô cũng biết rằng một số sẽ xuyên tạc đức tin Kitô: “Tôi biết rằng khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đàn chiên. Ngay từ giữa hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng.” (Cv 20:29-30).

Chúng ta phải nói sự thật đến từ Thiên Chúa và sau đó sống với sự thật ấy. Kìm hãm sự thật dẫn đến xuyên tạc, lầm lạc và đau khổ. Tình trạng tháo thứ tình dục trong thời đại của chúng ta đã dẫn đến những đau khổ lớn: những bệnh lây truyền qua đường tình dục, AIDS, nạo phá thai, mang thai ở tuổi vị thành niên, hôn nhân tan vỡ, ly hôn, làm cha mẹ đơn thân, nghiện các nội dung khiêu dâm, lạm dụng tình dục, ngộ nhận về tình dục và suy giảm văn hóa. Kinh Thánh chép rằng: “Họ gieo gió thì sẽ gặt gió lốc” (Hs 8: 7). “Anh em đừng có lầm tưởng: Thiên Chúa không để cho người ta nhạo báng đâu! Thật vậy, ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu, thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát. Còn ai theo Thần Khí mà gieo điều tốt, thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời” (Gl 6:7-8). Nền văn hóa của chúng ta chắc chắn đang gặt hái những tác động tàn phá của cuộc cách mạng tình dục. Như mọi khi, chính những đứa trẻ phải trả giá cao nhất cho những hành vi sai trái của người lớn.

Một số người phản đối giáo huấn của Kinh Thánh và Giáo Hội đã chụp mũ những ai có quan điểm khác với họ là “hận thù” và “cố chấp”. Chúng ta là những người có đức tin phải tuyên bố rằng sự phản đối của Giáo Hội đối với hành vi đồng tính luyến ái bắt nguồn từ Lời Chúa, mà chúng ta phải ngoan ngoãn vâng theo. Chúng ta không thể nói và dạy gì khác hơn là những gì Thiên Chúa đã mạc khải một cách nhất quán trong Lời Ngài. Chúng ta không bao giờ được phép nói dối người khác hoặc tán thành những thực hành sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ hoặc ơn cứu rỗi đời đời của họ. Khẳng định cho rằng một số tầng lớp hoặc một số hạng người nhất định, trong trường hợp này là những người có sức hấp dẫn đồng giới, không thể sống một cách hợp lý theo lời dạy của Kinh Thánh mới chính là một hình thức cố chấp.

Có lẽ tốt nhất nên kết thúc bằng một tuyên bố từ Sách Giáo lý, thể hiện sự rõ ràng về giáo huấn của Giáo Hội nhưng cũng yêu thương tôn trọng những người có sức hấp dẫn đồng giới:

Đồng tính luyến ái là những liên hệ giữa những người nam hay nữ cảm thấy bị lôi cuốn tính dục với người đồng phái nhiều hơn với người khác phái. Đồng tính luyến ái xuất hiện trong nhiều thời đại và văn hóa, với nhiều hình thức khác nhau. Cho đến nay, người ta vẫn chưa giải thích được nguyên nhân tâm thần của hiện tượng này. Căn cứ vào Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng (x. St 19,1-29; Rm 1,24-27; 1 Cr 6,10; 1 Tm 1,10), truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố: “Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn” (x. Bộ Giáo Lý Đức Tin, tuyên ngôn “persona humana” 8). Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên vì loại bỏ chủ đích truyền sinh của hành vi tính dục, cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào.

Đừng quên một số người đã có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn. Đối với đa số những người này, khuynh hướng lệch lạc ấy là một thử thách. Chúng ta phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công. Cả những người này cũng được mời gọi thực hiện ý Chúa trong cuộc sống, và, nếu là Ki-tô hữu, họ được kêu gọi kết hợp những khó khăn họ có thể gặp phải do hoàn cảnh của mình với hy lễ thập giá của Chúa.

Những người đồng tính luyến ái cũng được mời gọi sống khiết tịnh. Họ có thể và phải cương quyết tiến dần đến sự toàn thiện Ki-tô Giáo nhờ kinh nguyện và ân sủng bí tích, nhờ biết tự chủ để củng cố tự do nội tâm và nhờ sự nâng đỡ của một tình bạn vô vị lợi. (GLCG 2357-2359).



Tôi viết bài này hôm nay với hy vọng rằng anh chị em sẽ không bao giờ sa vào sự lầm lạc của thời đại chúng ta. “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” (xem Rm 12: 2). Sự chăm sóc mục vụ thích hợp cần thiết ngày nay là làm sáng tỏ và củng cố mọi người trong đức tin tông truyền được ủy thác cho Giáo Hội. Vì mục đích đó, tôi hy vọng anh chị em thấy bài viết này hữu ích. Xin cho tất cả chúng ta, các giáo sĩ và giáo dân, các vị tiên tri qua phép rửa tội, dám nói ra sự thật với lòng yêu mến, bền đỗ và can đảm.


Source:National Catholic Register
 
Lạ lùng: Putin dùng Pháp sư đe dọa thế giới. Tướng Mỹ: Ukraine vô hiệu hóa lợi thế lớn nhất của Nga
VietCatholic Media
13:59 07/10/2023


1. Putin dùng cả Pháp sư tối cao của Nga để tống tiền hạt nhân thế giới

Vladimir Putin hôm thứ Năm cho biết Nga đã thử nghiệm thành công một thế hệ hỏa tiễn hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân mới. Ông ta nói: “Cuộc thử nghiệm hỏa tiễn Burevestnik cuối cùng đã thành công, đó là một hỏa tiễn hành trình có tầm bắn toàn cầu và có lắp đặt hạt nhân.”

Để tăng thêm trọng lượng cho lời đe dọa của mình, Putin còn dùng cả Pháp sư tối cao của Nga để tống tiền hạt nhân thế giới

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's 'Supreme Shaman' Offers Prediction on Nuclear War”, nghĩa là “'Pháp sư tối cao' của Nga đưa ra dự đoán về chiến tranh hạt nhân.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Kara-ool Dopchun-ool, “pháp sư tối cao” của Nga, nói với một cơ quan truyền thông do Điện Cẩm Linh điều hành rằng ông dự đoán sẽ không xảy ra chiến tranh hạt nhân do cuộc chiến Ukraine. Tuy nhiên, ông cảnh báo các đồng minh của Kyiv rằng phương Tây phải “tỉnh ngộ” khi phản đối Nga.

Theo AFP, “Pháp sư tối cao” là một chức vụ được bầu cử gần đây, nhưng được cho là đã thu hút sự chỉ trích từ một số tín hữu đạo Shaman vì mối quan hệ chính trị của chức vụ này. AFP cho biết Dopchun-ool đã được bầu làm pháp sư tối cao vào năm 2018 bởi “đại hội pháp sư toàn Nga đầu tiên ở nước cộng hòa Tuva ở miền nam Siberia”.

Dopchun-ool, nhà lãnh đạo một tổ chức pháp sư ở Tuva được biết đến với cái tên Adyg Eeren hay Thần gấu, đã nói chuyện với cơ quan truyền thông nhà nước RIA Novosti trong chuyến thăm Mạc Tư Khoa hôm thứ Sáu.

Thảo luận về điều gì sẽ xảy ra nếu một quốc gia khác chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Mạc Tư Khoa, Dopchun-ool nói: “Vũ khí hạt nhân của Nga sẽ bao trùm toàn thế giới.” Đó là luận điệu mà Putin đã đưa ra một ngày trước đó với hỏa tiễn Burevestnik.

“Vì vậy, họ phải nên sợ hãi, đàm phán và ký hiệp ước hòa bình. Các cuộc đàm phán hòa bình sẽ xảy ra nếu các quốc gia đó muốn,” ông nói, theo bản dịch tiếng Anh của cuộc phỏng vấn RIA Novosti của thông tấn xã nhà nước Nga RT.

Dopchun-ool cũng cho biết phương Tây cần hiểu rằng họ “không thể” đánh bại được Nga.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Phát biểu trực tiếp về cuộc chiến ở Ukraine mà Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động vào tháng 2 năm 2022, Dopchun-ool chỉ ra rằng nhà lãnh đạo hiện tại của Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, phải bị loại bỏ quyền lực để có thể đạt được hòa bình.

“Các nhà lãnh đạo Ukraine đang kéo dài chiến tranh bằng vũ lực, đòi tiền và vũ khí từ các nước khác. Nếu người dân Ukraine hiểu rằng Zelenskiy là kẻ thù của nhân dân Ukraine, nếu có lựa chọn loại bỏ ông ấy vào năm tới và một người mới đến, mọi thứ sẽ dừng lại”, pháp sư nói, theo bản dịch của RT.

Bất chấp những lời chỉ trích về Zelenskiy, Dopchun-ool vẫn kêu gọi hòa bình ở Ukraine. “Chúng ta phải kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt. Chúng ta phải tìm lối thoát”, ông nói.

Jason Jay Smart, một chuyên gia về chính trị quốc tế và hậu Xô Viết, nói với Newsweek rằng “những tuyên bố của pháp sư là điều mà Điện Cẩm Linh mong muốn được đưa ra”.

“Đây không phải là ngẫu nhiên. Đây không chỉ là chuyện ngoài ý muốn,” Smart nói. “Điều này đã được Điện Cẩm Linh dự định và lên kế hoạch.”

Ông nói tiếp: “Điều quan trọng nhất mà pháp sư đã nói - điều mà báo chí Nga muốn nhắc lại - là sẽ không có chiến tranh hạt nhân nếu các nước quy phục Putin. Vì bất cứ lý do gì, đó là thông điệp mà chính phủ Nga đã quyết định là điều mà người dân nên nghe.”

Mad Seddon, trưởng văn phòng Mạc Tư Khoa của Financial Times, đã viết trên X (trước đây là Twitter) về cuộc phỏng vấn với RIA Novosti và cho biết Dopchun-ool “dường như là một pháp sư chính thức ủng hộ chiến tranh”.

Seddon cũng liên kết đến một bài báo về Aleksander Gabyshev, một pháp sư đến từ vùng Yakutia thuộc Siberia, người nổi tiếng với việc lớn tiếng phản đối chế độ Putin. Gabyshev đang bị giam giữ để điều trị tâm thần bắt buộc, điều mà luật sư của ông nói là kết quả của các cuộc biểu tình chống Putin.

2. Hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga đang phân tán tài sản hải quân tới các cảng khác sau cuộc tấn công Sevastopol

Hình ảnh vệ tinh cho thấy một số tàu hải quân Nga đã được di dời đến các cảng khác ở Hắc Hải sau một số cuộc tấn công bằng hỏa tiễn tàn khốc của Ukraine vào cảng Sevastopol của Crimea.

Theo hình ảnh vệ tinh trong vài tuần qua, có tới hàng chục tàu, bao gồm tàu khu trục, tàu đổ bộ và tàu ngầm hiện đang neo đậu tại Novorossiysk.

CNN có thể xác nhận rằng một số tàu đã đến từ Sevastopol, cảng nhà của Hạm đội Hắc Hải, nhưng hình ảnh vệ tinh bổ sung được CNN xem xét cho thấy một số tàu quân sự vẫn ở cảng đó.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, nhận xét rằng hình ảnh từ ngày mùng 1 và mùng 3 tháng 10 “được cho là cho thấy lực lượng Nga gần đây đã di chuyển các tàu khu trục Đô đốc Makarov và Đô đốc Essen, 3 tàu ngầm diesel, 5 tàu đổ bộ và một số tàu hỏa tiễn nhỏ” tới Novorossiysk.

Ít nhất một tàu khác đã được chuyển đến cảng Feodosia ở phía đông Crimea.

ISW lưu ý rằng hình ảnh vệ tinh chụp ngày 2/10 cho thấy 4 tàu đổ bộ Nga và một tàu ngầm lớp Kilo còn lại ở Sevastopol.

Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân của Hải quân Ukraine, cho biết hôm thứ Năm rằng Hạm đội Hắc Hải “liên tục phân tán các tàu của mình. Họ nhận ra rằng đây là mục tiêu của chúng tôi và liên tục di chuyển chúng giữa một số cảng.”

Ông cho biết 4 tàu hiện đang ở Hắc Hải.

Pletenchuk cũng lưu ý rằng “các nỗ lực quốc phòng và an ninh của Nga xung quanh cái gọi là Cầu Crimea đã được tăng cường trở lại….Bây giờ chúng tôi thấy 9 đơn vị ở đó - 4 tàu và 5 thuyền của Bộ đội Biên phòng, lực lượng bảo vệ hàng hải FSB. Họ đang bảo vệ cơ sở này từ phía bắc và phía nam.”

3. Tướng Mỹ nhận định về cách Ukraine vô hiệu hóa lợi thế lớn nhất của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “How Ukraine Is 'Neutralizing' Russia's Biggest Advantage”, nghĩa là “Ukraine đang 'vô hiệu hóa' lợi thế lớn nhất của Nga như thế nào.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một tướng Mỹ hồi hưu đã nói rằng các lực lượng Ukraine đang đẩy mạnh cuộc phản công ở phía đông nam đất nước, và đang “vô hiệu hóa” lợi thế về quân số của Nga, ngay cả khi cho đến nay họ chưa đạt được bước đột phá mang tính quyết định mà các đối tác phương Tây của Kyiv đang hy vọng.

Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, người từng là chỉ huy của Quân đội Hoa Kỳ ở Âu Châu, nói với Newsweek rằng quyết định của Ukraine ưu tiên pháo binh, sở chỉ huy và các trung tâm hậu cần của Nga là một phần trong kế hoạch chiến lược rộng lớn hơn, chứ không nhất thiết phải tập trung vào việc giành được lãnh thổ.

“Tôi nghĩ hầu hết mọi người đang nhìn vấn đề này với bối cảnh sai lầm,” Hodges nói về cuộc phản công kéo dài nhiều tháng, tốc độ chậm chạp của nó đã làm dấy lên lo ngại ở phương Tây rằng quân đội Ukraine sẽ không thể đẩy quân Nga ra khỏi miền nam của đất nước bị tạm chiếm. Những lo ngại như vậy đã thúc đẩy các cuộc thảo luận mới về các cuộc đàm phán có thể khiến Kyiv buộc phải từ bỏ lãnh thổ và tham vọng gia nhập NATO.

Hodges nói: “Điều tôi nghĩ người Ukraine đã làm đúng là tập trung nỗ lực tiêu diệt pháo binh, phá hủy sở chỉ huy, phá hủy hậu cần”.

“Đây là cách bạn vô hiệu hóa lợi thế duy nhất mà người Nga có – đó là lợi thế về số lượng - bằng cách lấy đi sở chỉ huy của họ, lấy đi số pháo binh cần thiết để hỗ trợ cho quân Nga và gây khó khăn cho người Ukraine trong việc vượt qua các bãi mìn; và cuối cùng là hậu cần: người Ukraine đang lấy đi đạn dược và phương tiện vận chuyển của người Nga.”

“Hãy nghĩ xem cuộc phản công nhằm mục đích gì. Đó là để đạt được một số mục tiêu ở cấp độ tác chiến và bạn không thể làm điều đó chỉ với lực lượng bộ binh. Bạn phải sử dụng cái mà NATO gọi là 'đa miền'—trên không, trên bộ, trên biển, mạng, thông tin, lực lượng đặc biệt—tất cả các lĩnh vực khác nhau. Đó là học thuyết của Mỹ, đó là học thuyết của NATO và đó chính xác là những gì người Ukraine đang làm”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Cuộc tấn công của Ukraine dường như nhằm cắt đứt cái gọi là “cầu đất liền” ở miền nam Ukraine, nơi – trong khi quân đội Nga vẫn giữ nguyên vị trí – nối Crimea bị tạm chiếm với miền tây nước Nga. Cây cầu được coi là một trong số ít thành công chiến lược hữu hình của Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc xâm lược toàn diện cho đến nay và có thể đóng vai trò là xương sống cho sự bành trướng của Nga trong tương lai dọc theo bờ Hắc Hải của Ukraine.

Cuộc tấn công thành công của Ukraine và sự sụp đổ của cây cầu đất liền có thể gây ra thảm họa cho Điện Cẩm Linh. Nếu kết hợp với việc phá hủy Cầu eo biển Kerch – nhịp cầu được xây dựng để nối Crimea với Nga bằng đường hỏa xa và đường bộ sau khi sáp nhập vào năm 2014 – thì lực lượng quân sự quan trọng của Nga trên bán đảo sẽ bị cô lập và thiếu nguồn cung cấp.

Hodges nói về hoạt động đang diễn ra của Ukraine: “Tất nhiên, lãnh thổ trên đất liền nhằm mục đích cô lập Crimea. “Bạn phải bắt đầu với điều đó. Mọi thứ họ đang làm đều nhằm vào Crimea. Và cách bạn có được Crimea là cô lập nó, khiến nó không thể đứng vững được và sau đó bạn có thể giải phóng nó”.

“Những nỗ lực về đất đai đang trải qua tất cả những thị trấn, bãi mìn và chiến hào ít được biết đến này, điều họ đang cố gắng làm là cắt đứt cây cầu đất liền nối Nga với Crimea. Và đó là một phần quan trọng của sự cô lập Crimea. Họ có thể làm điều đó nếu họ làm được mọi việc hoặc họ có được hệ thống vũ khí có thể khiến người Nga không thể di chuyển lên xuống cái gọi là cầu đất liền.”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nằm trong số các nhà lãnh đạo Ukraine thừa nhận rằng cuộc tấn công đang tiến triển “chậm hơn mong muốn”. Các quan chức ở Kyiv vẫn công khai lạc quan về cơ hội thành công của họ, bất chấp những lời xì xào về sự bất mãn trong vòng nội bộ của tổng thống được Newsweek tiết lộ trước đó.

Các chỉ huy Ukraine được cho là thậm chí còn xung đột với những người đồng cấp Mỹ - những người vẫn là những người ủng hộ quan trọng nhất của Kyiv - về cách tiến hành và tiến triển của cuộc phản công.

Hodges cho biết những tiếng nói chỉ trích ở Ngũ Giác Đài nên suy nghĩ kỹ. Ông nói: “Không đời nào chúng ta cử lính Mỹ làm những việc mà người Ukraine đang phải làm, bởi vì chúng ta sẽ không bao giờ tiến vào đó nếu không có ưu thế trên không”.

“Bất kỳ lời chỉ trích nào về cách người Ukraine đang làm hoặc việc họ không tiến đủ nhanh đều thực sự sai lầm và sai lầm.”

4. Giám đốc nhân quyền Liên Hiệp Quốc triển khai nhóm điều tra tại hiện trường để điều tra cuộc tấn công của Nga vào làng Hroza

Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là OCHR, hôm thứ Sáu cho biết họ đã triển khai một nhóm điều tra hiện trường để tìm hiểu vụ tấn công của Nga tại làng Hroza của Ukraine khiến ít nhất 52 người thiệt mạng.

Lực lượng Mạc Tư Khoa hôm thứ Năm đã tấn công một quán cà phê và một cửa hàng ở Hroza bằng thứ mà các quan chức Ukraine nói là một hỏa tiễn đạn đạo Iskander cực mạnh.

OHCHR cho biết trong một tuyên bố: “Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc Volker Türk, người đã tận mắt chứng kiến tác động khủng khiếp của những cuộc tấn công như vậy, vô cùng sốc và lên án vụ giết người này”.

“Anh ta đã triển khai một đội hiện trường tới hiện trường để nói chuyện với những người sống sót và thu thập thêm thông tin.”

OHCHR cho biết cuộc tấn công hôm thứ Năm cho thấy dân thường Ukraine “một lần nữa” phải trả “cái giá khủng khiếp” cho cuộc xâm lược của Nga.

Theo Phái đoàn Giám sát Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tại Ukraine, tên của 52 người thiệt mạng đã được xác định nhưng không nêu chi tiết.

Một số bối cảnh: Các lực lượng của Mạc Tư Khoa đã tấn công một quán cà phê và một cửa hàng ở Hroza, gần thành phố Kupiansk phía đông Ukraine ở khu vực Kharkiv, bằng thứ mà các quan chức Ukraine nói là một hỏa tiễn đạn đạo Iskander cực mạnh, giết chết ít nhất 52 người, trong đó có một cậu bé 6 tuổi.

Cảnh tượng các nhân viên cấp cứu lội qua đống đổ nát dày đặc sau cuộc tấn công cho thấy quy mô tàn phá chưa từng thấy kể từ cuộc tấn công của Nga vào nhà ga xe lửa ở Kramatorsk vào đầu năm 2022.

Số người chết trong một cộng đồng nhỏ gồm 300 người như vậy có nghĩa là cứ sáu cư dân thì có một người thiệt mạng.

5. Nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Đức nhận được đơn đặt hàng số lượng lớn đạn dược để bổ sung kho dự trữ ở Ukraine

Theo công ty quốc phòng, nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Đức, Rheinmetall, cho biết họ đã nhận được một đơn đặt hàng lớn đạn pháo để sản xuất theo thỏa thuận với chính phủ Đức nhằm bổ sung lượng dự trữ bị thiếu hụt do Nga xâm chiếm Ukraine, thời gian hoàn thành dự kiến vào năm 2024.

Rheinmetall cho biết trong một thông cáo báo chí hôm thứ Sáu: “Rheinmetall đã nhận được một đơn đặt hàng lớn cho đạn pháo 155ly sau lần ngừng sản xuất thứ hai với đơn đặt hàng hiện có với chính phủ Đức”.

Công ty quốc phòng có trụ sở tại Dusseldorf, Đức, cho biết hợp đồng mới về đạn pháo 155ly sẽ có hiệu lực đến năm 2029 và có khối lượng đặt hàng tiềm năng khoảng 1,35 tỷ Mỹ Kim (tương đương khoảng 1,2 tỷ euro). Việc giao hàng cho chính phủ Đức dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2024.

“Cuộc chiến ở Ukraine đã buộc lực lượng vũ trang của nhiều quốc gia phải bổ sung kho đạn dược của họ. Trong bối cảnh này, Rheinmetall đã nhận một số đơn đặt hàng lớn về đạn pháo”, tuyên bố cho biết.

Gần đây nhất là vào tháng 7 năm 2023, Rheinmetall đã công bố ký kết một thỏa thuận khung mới về đạn pháo với các lực lượng vũ trang Đức và mở rộng thỏa thuận hiện có. Công ty quốc phòng cho biết trong tuyên bố của mình rằng các thỏa thuận giữa Đức và Rheinmetall bao gồm việc cung cấp hàng trăm nghìn quả đạn pháo, và ngòi nổ.

Giám đốc điều hành của Rheinmetall, Armin Papperger, đã nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn độc quyền vào tháng 7 rằng công ty của ông sẽ tăng cường sản xuất đạn pháo hàng năm từ 100.000 lên 600.000 vào năm 2024 - với phần lớn sản lượng tăng thêm đó sẽ được dành để giao cho Ukraine. Papperger cho biết Rheinmetall có thể cung cấp 60% số đạn pháo mà Ukraine cần.

Thông báo của công ty quốc phòng này được đưa ra trong bối cảnh biến động chính trị tại Quốc hội Mỹ và tình trạng cạn kiệt kho đạn dược giữa các nước NATO đe dọa dòng viện trợ quân sự cho Ukraine.

6. Thụy Điển công bố viện trợ quân sự bổ sung hơn 199 triệu Mỹ Kim cho Ukraine

Bộ Quốc phòng Thụy Điển cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu rằng Thụy Điển sẽ gửi cho Ukraine một gói hỗ trợ quân sự bổ sung trị giá hơn 199 triệu Mỹ Kim, bao gồm chủ yếu là đạn pháo.

Diễn biến này đánh dấu gói hỗ trợ quân sự thứ 14 mà Thụy Điển trao cho Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược của Nga bắt đầu và nó “bao gồm đạn pháo, phụ tùng thay thế, thiết bị bộ binh, thiết bị liên lạc và đạn dược cho Xe chiến đấu CV90”.

Bộ Quốc phòng Thụy Điển cho biết chính phủ cũng đã chính thức giao nhiệm vụ cho Lực lượng Vũ trang Thụy Điển, được Cơ quan Quản lý Trang thiết bị Quốc phòng hỗ trợ, phân tích và báo cáo về khả năng Thụy Điển gửi chiến đấu cơ JAS 39 Gripen tới Ukraine.

Tuyên bố cho biết: “Một yếu tố quan trọng trong phân tích này là khóa huấn luyện định hướng JAS 39 Gripen mà các phi công và nhân viên mặt đất Ukraine đã hoàn thành dưới sự chỉ đạo của Lực lượng Vũ trang Thụy Điển”

Báo cáo của lực lượng vũ trang về chiến đấu cơ dự kiến sẽ được đệ trình vào ngày 6/11.

7. Nga đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trầm trọng hơn ở bán đảo Crimea

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Crimea Problem Keeps Getting Worse”, nghĩa là “Vấn đề của Nga ở Crimea Nga tiếp tục trở nên tồi tệ hơn.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Biệt kích Ukraine một lần nữa đụng độ với quân đội Nga ở Crimea trong tuần này, khi Kyiv duy trì các cuộc tấn công nhỏ giọt đều đặn vào bán đảo bị tạm chiếm, một chiến dịch đa dạng đã buộc một số tàu hiện đại nhất của Hạm đội Hắc Hải của Nga phải rời cảng Sevastopol quê hương của họ và tìm kiếm vùng nước an toàn hơn.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine, gọi tắt là GUR, đã đăng đoạn phim về cuộc đột kích mới nhất lên Telegram hôm thứ Tư, tuyên bố rằng quân đội đã “đổ bộ lên lãnh thổ Bán đảo Crimea và gây thiệt hại về hỏa lực cho quân xâm lược Nga”. Đoạn video cho thấy các đội đặc nhiệm sử dụng những chiếc thuyền nhỏ kiểu mô-tô trên nước để vào bờ trước khi đứng tạo dáng với lá cờ Ukraine.

Phát ngôn nhân của GUR Andriy Yusov nói với Ukrainska Pravda về cuộc đột kích: “Có một trận chiến với quân xâm lược của Nga; nhiều người đã thiệt mạng và bị thương trong số các binh sĩ của quân xâm lược. Thật không may, cũng có tổn thất trong số quân phòng thủ Ukraine, mặc dù con số này ít hơn nhiều so với quân Nga.”

Nếu báo cáo của Yusov là chính xác thì chiến dịch này là chiến dịch mới nhất trong hàng loạt chiến thắng của Ukraine trên bán đảo. Trong những tháng gần đây, các cuộc tấn công của Ukraine đã phá hủy các hệ thống radar và phòng không có giá trị ở Crimea, đồng thời các đội đặc nhiệm Ukraine đã giành lại quyền kiểm soát các giàn khoan dầu chiến lược ở Hắc Hải vốn được quân đội Nga sử dụng trong nhiều năm.

Trong khi đó, máy bay không người lái và hỏa tiễn hành trình của hải quân đã tấn công bến cảng chính của Hắc Hải ở Sevastopol, phá hủy hai con tàu trong ụ tàu của chúng. Trụ sở của Hạm đội Hắc Hải trong thành phố sau đó đã bị hỏa tiễn hành trình phá hủy, được cho là đã giết chết một số sĩ quan cao cấp.

Các hình ảnh vệ tinh được công bố trong tuần này cho thấy một số tàu của Hạm đội Hắc Hải rời Sevastopol, một sự thừa nhận rõ ràng về việc Nga không có khả năng bảo vệ hạt nhân triển khai sức mạnh khu vực và trung tâm ảnh hưởng của Nga trên bán đảo bị tạm chiếm. Một số chuyển đến cảng Novorossiysk ở Hắc Hải của Nga, trong khi những người khác đi đến cảng Feodosia nhỏ hơn ở Crimea.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Một số tàu đã rời Sevastopol mang theo hỏa tiễn hành trình Kalibr tầm xa mà Mạc Tư Khoa đang sử dụng để tàn phá cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Andriy Ryzhenko, một thuyền trưởng hải quân Ukraine đã nghỉ hưu và hiện là chuyên gia chiến lược tại công ty tư vấn quốc phòng và hậu cần Sonata, nói với Newsweek: “Đây là lý do tại sao họ di tản chúng khỏi Sevastopol, nơi mà giờ đây họ có thể coi là đang bị đe dọa ở mức độ ngày càng tăng”.

Ryzhenko cho biết, việc di dời các tàu có khả năng mang Kalibr không tạo ra sự khác biệt đáng kể đối với khả năng vận hành hỏa tiễn hành trình của Nga. “Đó là một sự thay đổi không đáng kể,” ông nói. “Tầm bắn tăng lên đồng nghĩa với việc có thêm nhiều phút bay, nhưng Nga vẫn có thể tấn công bất kỳ điểm nào bên trong Ukraine bằng cách sử dụng các hỏa tiễn Kalibr phóng từ trên biển này”.

Hạm đội Hắc Hải đã buộc phải từ bỏ mọi kế hoạch tấn công đổ bộ vào miền nam Ukraine, là điều mà Kyiv rất lo sợ trước đó trong cuộc xung đột. Bờ biển phía nam Ukraine hiện tràn ngập các khẩu đội hỏa tiễn chống hạm. Vụ đắm tàu Moskva – là soái hạm của Hạm đội Hắc Hải bị đánh chìm vào tháng 4 năm 2022 – là minh chứng cho sức mạnh của chúng.

Ryzhenko nói: “Khả năng xảy ra chiến dịch đổ bộ của Nga là rất thấp”. “Không có điều kiện tiên quyết nào cho việc đó.”

Những khó khăn gần đây của Nga ở Crimea mang ý nghĩa chính trị to lớn. Việc Mạc Tư Khoa chiếm được bán đảo này vào năm 2014 đã được ca ngợi là bằng chứng cho thiên tài chiến lược của Tổng thống Vladimir Putin, biểu hiện của một nước Nga hồi sinh có khả năng khuất phục các đối thủ nước ngoài và tái lập phạm vi ảnh hưởng lịch sử của Điện Cẩm Linh.

Hình ảnh du khách Nga lũ lượt chạy trốn khỏi các bãi biển ở Crimea đã làm sứt mẻ hình ảnh giống như pháo đài của bán đảo này. Việc đóng cửa cầu eo biển Kerch liên tục do các cuộc tấn công của Ukraine đã làm tắc nghẽn nguồn cung cấp năng lượng cho Crimea, trong khi đập Nova Kakhovka bị phá hủy đã đe dọa nguồn cung cấp nước của bán đảo.

Các cuộc tấn công lặp đi lặp lại của Ukraine vào công trình này nhấn mạnh ý định công khai của Kyiv nhằm giải phóng toàn bộ bán đảo theo đường biên giới năm 1991 của nước này, bất chấp lo ngại của phương Tây rằng việc đe dọa Crimea có thể khiến Nga leo thang, thậm chí có thể là phản ứng hạt nhân.

Cô lập Crimea là mục tiêu chính trong cuộc phản công đang diễn ra của Kyiv ở đông nam Ukraine. Quân đội Ukraine đang tìm cách cắt đứt “cầu đất liền” của lãnh thổ bị tạm chiếm nối Crimea với miền tây nước Nga, hy vọng điều này sẽ dẫn đến sự sụp đổ quân sự trong khu vực của Nga hoặc một “cử chỉ thiện chí” khác - như Bộ Quốc phòng Nga đã mô tả về các cuộc rút lui lớn trước đây ở Ukraine - khỏi Ukraine. Krym.

Việc xây dựng các công sự phòng thủ đang diễn ra ở Crimea – cách phần gần nhất của tiền tuyến khoảng 60 dặm và cách các khu vực có giao tranh ác liệt nhất hơn 100 dặm – dường như cho thấy mối lo ngại ở Mạc Tư Khoa.

Mykhailo Podolyak - cố vấn cho nhà lãnh đạo văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelenskiy - viết trên: “Chỉ có lãnh thổ Ukraine, bao gồm Crimea, nơi đang diễn ra những trận chiến nặng nề nhằm tiêu diệt nhóm xâm lược của Nga và tham vọng của nhà nước độc tài Nga”. mạng xã hội vào cuối tuần trước.

“Crimea chắc chắn sẽ được phi quân sự hóa và giải phóng”, quan chức này nói. “Các tàu buôn sẽ quay trở lại Hắc Hải. Và các tàu chiến Nga cuối cùng sẽ chiếm được vị trí xứng đáng của mình, biến thành một bảo tàng dưới nước mang tính biểu tượng dành cho thợ lặn, thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới.”

8. Giờ chót: Zelenskiy bị loại khỏi giải Nobel Hòa bình sau khi rõ ràng rất được yêu thích

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Zelensky Snubbed for Nobel Peace Prize After Being Clear Favorite”, nghĩa là “Zelenskiy bị loại khỏi giải Nobel Hòa bình sau khi rõ ràng rất được yêu thích.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thu Trinh.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã mất giải Nobel Hòa bình năm 2023, mặc dù là người dẫn đầu.

Viết trên X, trước đây là Twitter, ủy ban Nobel thông báo rằng giải thưởng đã được trao cho Narges Mohammadi, một nhà hoạt động nhân quyền người Iran. Cô đang thụ án 10 năm 9 tháng với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước Iran và hành động chống lại an ninh quốc gia.

Zelenskiy là người được yêu thích để giành được giải thưởng quốc tế được đánh giá cao. Ở Mỹ người cá cược cho rằng cơ hội chiến thắng của Tổng thống Zelenskiy là 220 lần cao hơn Narges.

Phát biểu với CNN, Henrik Urdal, giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo, cho biết nhiều người đặt cược rằng Zelenskiy sẽ nhận được giải thưởng đơn giản vì tên tuổi của ông được nhiều người biết đến.

Trong khi những người đặt cược có thể đã đặt nhà lãnh đạo Ukraine lên hàng đầu, các chuyên gia về giải Nobel lại ít tin chắc rằng ông sẽ giành chiến thắng. Dan Smith, giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, nói với CNN: “Sẽ giống như hồi năm 1941, người ta tin rằng Thủ tướng Anh khi đó Winston Churchill xứng đáng nhận giải Nobel Hòa bình. Những gì anh ta đang làm vào thời điểm đó là cố gắng giành chiến thắng trong một cuộc chiến. Đó là điều Zelenskiy đang cố gắng thực hiện hiện nay.”

Smith nói thêm: “Quan điểm của tôi là, nếu và khi anh ta có cơ hội đưa đất nước của mình đến hòa bình, thì anh ta có thể sẽ nhận được giải thưởng và được nhiều người coi là người chiến thắng rất xứng đáng”.

Thông báo Mohammadi là người chiến thắng, Berit Reiss-Andersen, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, người đã công bố giải thưởng ở Oslo, cho biết: “Giải thưởng này trước hết là sự công nhận công việc rất quan trọng của cả một phong trào ở Iran với những thành tựu không thể tranh cãi của thủ lĩnh phong trào là Nargis Mohammadi”.

“Tác động của giải thưởng không phải do ủy ban Nobel quyết định. Chúng tôi hy vọng rằng đó là sự khích lệ để tiếp tục công việc dưới bất kỳ hình thức nào mà phong trào này thấy phù hợp.”

Ủy ban Nobel Na Uy đã quyết định trao Nobel hòa bình năm 2023 cho Narges Mohammadi vì cuộc chiến chống lại sự áp bức phụ nữ ở Iran và cuộc đấu tranh của cô nhằm thúc đẩy nhân quyền và tự do cho tất cả mọi người.

Reiss-Andersen cũng cho biết Mohammadi đã bị bỏ tù 13 lần và bị kết án 5 lần. Tổng cộng, cô đã bị kết án 31 năm tù vì hoạt động cho nhân quyền.

Amini, một phụ nữ Iran 22 tuổi, đột ngột qua đời vào tháng 9 năm 2022 khi đang bị Gasht-e Ershad, hay còn gọi là cảnh sát đạo đức của Iran, giam giữ. Trước khi chết, cô đã bị bắt vì mặc quần áo không phù hợp sau khi bị cáo buộc vi phạm luật yêu cầu phụ nữ phải che tóc bằng khăn trùm đầu cũng như tay và chân. Sau cái chết của Amini, các cuộc biểu tình đòi quyền phụ nữ lan rộng nổ ra khắp Iran.

Năm 2022, giải thưởng được trao cho Trung tâm Tự do Dân sự của tổ chức nhân quyền Ukraine, cùng với nhà vận động nhân quyền Ales Bialiatski đến từ Belarus và tổ chức nhân quyền Memorial của Nga. Sự lựa chọn này được hiểu là lời khiển trách mạnh mẽ đối với Vladimir Putin vì hành động xâm lược Ukraine.

Oleksandra Matviichuk, nhà lãnh đạo Trung tâm Tự do Dân sự, đã viết trên X sau thông báo về chiến thắng năm 2023 của Mohammadi: “Tôi hoan nghênh quyết định của Ủy ban Nobel trao giải Nobel Hòa bình cho Narges Mohammadi vì cuộc chiến của cô chống lại sự áp bức phụ nữ ở Iran. Chúng ta sống trong một thế giới rất kết nối với nhau. Hiện tại, người dân Iran đang đấu tranh cho tự do. Tương lai của chúng tôi phụ thuộc vào sự thành công của họ.”

Các quốc gia phương Tây tin rằng Iran đã hỗ trợ việc Nga xâm chiếm Ukraine bằng việc cung cấp vũ khí và đạn dược, mặc dù vấn đề này vẫn còn gây tranh cãi. Phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết vào tháng 5 năm nay: “Iran cũng tiếp tục cung cấp cho Nga các máy bay không người lái tấn công một chiều. Kể từ tháng 8, Iran đã cung cấp cho Nga hơn 400 máy bay không người lái chủ yếu thuộc loại Shahed.

“Nga đã sử dụng hầu hết các máy bay không người lái này, để tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine bên trong Ukraine. Bằng cách cung cấp cho Nga những máy bay không người lái này, Iran đã trực tiếp tạo điều kiện cho cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga.”

Tehran và Mạc Tư Khoa đều phủ nhận việc Iran cung cấp vũ khí cho Nga để sử dụng ở Ukraine.

Matviichuk nói tiếp: “Điều đó còn rõ ràng hơn đối với Ukraine. Tôi sống ở Kyiv, nơi thường xuyên bị hỏa tiễn Nga và máy bay không người lái của Iran bắn phá. Nếu các chế độ độc tài hợp tác thì những người đấu tranh cho tự do phải hỗ trợ lẫn nhau mạnh mẽ hơn nhiều.”

Năm nay, ủy ban giải thưởng Nobel đã xem xét 351 đề cử – 259 đề cử cho cá nhân và 92 đề cử cho tổ chức. Những người có thể đề cử bao gồm những người từng đoạt giải Nobel Hòa bình, các thành viên của ủy ban, nguyên thủ quốc gia, thành viên quốc hội, cũng như các giáo sư đáng kính về khoa học chính trị, lịch sử và luật quốc tế.

Sau thông báo tháng 10, giải thưởng sẽ được trao trong buổi lễ vào tháng 12. Không biết liệu Mohammadi có thể trực tiếp nhận giải thưởng của mình hay không.
 
Người Do Thái nhục mạ Kitô Hữu ở Giêrusalem. Nhận xét về chủ nghĩa đế quốc Nga tiếp tục gây rắc rối
VietCatholic Media
18:11 07/10/2023


1. Người Do Thái nhổ nước bọt xuống đất bên cạnh những người hành hương Kitô giáo ở Thánh địa gây phẫn nộ

Một đoạn video cho thấy những người Do Thái chính thống cực đoan nhổ nước bọt xuống đất bên cạnh đám rước Kitô hữu nước ngoài mang cây thánh giá bằng gỗ ở thánh địa Giêrusalem đã gây ra sự phẫn nộ dữ dội và làn sóng lên án ở Thánh địa.

Vụ khạc nhổ, được cộng đồng Kitô Giáo thiểu số của thành phố than thở là vụ mới nhất trong làn sóng tấn công có động cơ tôn giáo gia tăng đáng báo động, đã thu hút sự phẫn nộ hiếm hoi hôm thứ Ba từ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các quan chức cao cấp khác.

Kể từ khi chính phủ bảo thủ nhất trong lịch sử của Israel lên nắm quyền vào cuối năm ngoái, các nhà lãnh đạo tôn giáo - bao gồm cả Thượng phụ Latinh có ảnh hưởng do Vatican bổ nhiệm - đã ngày càng lo ngại về tình trạng quấy rối ngày càng gia tăng đối với cộng đồng Kitô giáo 2.000 năm tuổi trong khu vực.

Nhiều người cho rằng chính phủ, với các quan chức theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đầy quyền lực, như Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich và Bộ trưởng An ninh Quốc gia Itamar Ben-Gvir, đã khuyến khích những kẻ cực đoan Do Thái và tạo ra cảm giác không bị trừng phạt.

Yisca Harani, một chuyên gia về Kitô giáo và là người sáng lập đường dây nóng của Israel về các cuộc tấn công chống Kitô giáo, cho biết: “Điều đã xảy ra với chủ nghĩa dân tộc tôn giáo cánh hữu là bản sắc Do Thái ngày càng phát triển xung quanh việc chống Kitô giáo”. “Ngay cả khi chính phủ không khuyến khích điều đó, họ cũng ám chỉ rằng sẽ không có biện pháp trừng phạt nào”.

Những lo lắng về sự bất khoan dung ngày càng gia tăng dường như vi phạm cam kết đã nêu của Israel về quyền tự do thờ phượng và sự tin tưởng thiêng liêng đối với các thánh địa, được ghi trong tuyên bố đánh dấu sự thành lập của nước này cách đây 75 năm. Israel chiếm được Đông Giêrusalem trong cuộc chiến năm 1967 và sau đó sáp nhập khu vực này trong một động thái không được quốc tế công nhận.

Ngày nay có khoảng 15.000 Kitô hữu ở Giêrusalem, phần lớn trong số họ là người Palestine tự coi mình đang sống dưới sự xâm lược.

Văn phòng của ông Netanyahu hôm thứ Ba nhấn mạnh rằng Israel “hoàn toàn cam kết bảo vệ quyền thiêng liêng về thờ phượng và hành hương tới các thánh địa của tất cả các tín ngưỡng”.

Ông nói: “Tôi mạnh mẽ lên án bất kỳ nỗ lực nào nhằm đe dọa các tín hữu và tôi cam kết thực hiện hành động ngay lập tức và kiên quyết chống lại hành động đó”.

Cảnh khạc nhổ, được ghi lại hôm thứ Hai bởi một phóng viên của tờ báo thiên tả Haaretz của Israel, cho thấy một nhóm người hành hương nước ngoài bắt đầu cuộc rước của họ qua mê cung đá vôi của Thành phố Cổ, nơi có vùng đất linh thiêng nhất của Do Thái giáo, ngôi đền linh thiêng thứ ba trong Hồi giáo và các địa điểm Kitô giáo lớn.

Nâng cao một cây thánh giá bằng gỗ khổng lồ, những người đàn ông và phụ nữ quay trở lại con đường Thành phố Cổ mà họ tin rằng Chúa Giêsu Kitô đã đi trước khi bị đóng đinh. Trên đường đi, những người Do Thái chính thống cực đoan trong bộ vest đen và đội mũ đen rộng vành chen lấn những người hành hương qua những con hẻm hẹp, trên tay cầm những lá cọ nghi lễ của họ cho ngày lễ Sukkot kéo dài một tuần của người Do Thái. Khi họ đi ngang qua, ít nhất bảy người Do Thái chính thống cực đoan nhổ xuống đất bên cạnh nhóm Kitô Hữu du lịch.

Càng làm tăng thêm sự phẫn nộ, Elisha Yered, một nhà lãnh đạo định cư theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và là cựu cố vấn cho một nhà lập pháp trong liên minh cầm quyền của Netanyahu, đã bảo vệ những người nhổ nước bọt, cho rằng nhổ nước bọt vào các giáo sĩ Kitô giáo và tại các nhà thờ là một “phong tục cổ xưa của người Do Thái”.

Ông viết trên X, trước đây gọi là Twitter: “Có lẽ dưới ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, chúng ta đã phần nào quên mất Kitô giáo là gì”. “Tôi nghĩ hàng triệu người Do Thái phải chịu cảnh lưu đày sau các cuộc Thập tự chinh… sẽ không bao giờ quên.”

Yered, bị tình nghi liên quan đến vụ sát hại một thanh niên Palestine 19 tuổi, vẫn bị quản thúc tại gia.

Trong khi video và bình luận của Yered lan truyền như cháy rừng trên mạng xã hội, thì làn sóng chỉ trích ngày càng tăng. Ngoại trưởng Israel Eli Cohen cho biết việc nhổ nước bọt vào Kitô hữu “không đại diện cho các giá trị của người Do Thái”.

Bộ trưởng phụ trách các vấn đề tôn giáo của đất nước, Michael Malkieli, một thành viên của đảng Shas Chính thống cực đoan, lập luận rằng việc khạc nhổ như vậy “không phải là cách của Kinh Torah”. Một trong những giáo sĩ trưởng của Israel khẳng định việc khạc nhổ không liên quan gì đến luật Do Thái.

Các nhà hoạt động ghi lại các cuộc tấn công hàng ngày chống lại Kitô hữu ở Thánh địa đã rất ngạc nhiên trước làn sóng chú ý bất ngờ của chính phủ.

Harani, chuyên gia cho biết: “Các cuộc tấn công chống lại Kitô hữu đã gia tăng 100% trong năm nay, không chỉ khạc nhổ mà còn ném đá và phá hoại các bảng hiệu”.


Source:AP

2. Bề trên dòng Phanxicô tại Vatican nói rằng các cuộc tấn công của người Do Thái có thể châm ngòi cho chủ nghĩa bài Do Thái

Cha Francesco Patton, người trông coi các địa điểm Kitô giáo ở Israel nói rằng những người hành hương sợ những chuyến viếng thăm trong bối cảnh bạo lực gia tăng ngay lập tức được báo cáo trên khắp thế giới; và đổ lỗi cho chính phủ đã không hành động và liên kết với những kẻ cực đoan để nắm giữ quyền lực

Cha Francesco Patton, người trông coi các địa điểm Kitô giáo ở Israel của Vatican, cho biết những người hành hương cảnh giác khi đến thăm Israel trong bối cảnh bạo lực ngày càng gia tăng đối với các thành viên của Giáo hội và các địa điểm linh thiêng. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với ấn phẩm Calcalist của Ynet, Cha Patton cho biết những sự việc như vậy đã được báo cáo ngay lập tức trên khắp thế giới và ngài đã nghe thấy phản ứng từ các nhà ngoại giao, các nhà lãnh đạo chính trị và các thành viên báo chí. Ngài cảnh báo rằng có nguy cơ thực sự là những sự việc như vậy có thể châm ngòi cho chủ nghĩa bài Do Thái.

“Tôi bị sốc khi thấy các cộng đồng Kitô giáo khác nhau nhanh chóng trở thành mục tiêu của những cuộc tấn công như vậy. Người Công Giáo, người Tin lành Luther, người Maronite, người Armenia, Chính thống giáo Đông Phương, tất cả chúng ta đều là mục tiêu,” ông nói.

Kể từ đầu năm 2023, các cuộc tấn công nhằm vào các nhà thờ, giáo sĩ cũng như hành vi xúc phạm các địa điểm tôn giáo ngày càng gia tăng. “Trong một tuần, tu viện Maronite ở Ma'alot bị tấn công ba lần, các ngôi mộ trong nghĩa trang Tin lành ở Giêrusalem bị phá hoại và những hình vẽ bậy trên một tu viện Armenia có dòng chữ ‘Cái chết đối với Kitô hữu’. Ngoài ra, một bức tượng Chúa Giêsu gần cổng vào Thành cổ đã bị xúc phạm khi một người Do Thái lấy búa đập vào tượng. “

Vào tháng 8, thanh niên Do Thái đã ném đá vào một nhà thờ ở miền bắc Israel trong hai đêm liên tiếp trước khi cảnh sát can thiệp và bắt giữ họ. Vào tháng 7, những người Do Thái chính thống cực đoan ném đá vào một tu viện các nữ tu ở Giêrusalem, và một tháng trước đó, phó thị trưởng Giêrusalem, Arye King, đã bị quay video khi dẫn đầu một nhóm hét lên “Những người truyền giáo về nhà” và “Giêrusalem là của chúng tôi,” tại một nhóm khách Kitô Hữu du lịch ở phần phía nam của Bức tường phía Tây.

Cũng trong tháng 6, một nhóm đàn ông Chính thống cực đoan đã đến nhà thờ Capernaum bên bờ Biển hồ Galilee mang theo xẻng và tuyên bố rằng các nhà hiền triết Do Thái đã được chôn cất ở đó. Nhà thờ đó đã bị đốt cháy vào năm 2015 bởi một người Do Thái cực đoan.

Tại Haifa, bạo lực bùng phát tại Tu viện Stela Maris khi một nhóm đàn ông cực đoan Chính thống giáo tấn công vào khu nhà vì cho rằng đây là nơi chôn cất nhà tiên tri Elisha.

Đoạn phim an ninh và lời khai do cảnh sát thu thập cho thấy các tu sĩ và giáo sĩ khác bị sỉ nhục và tấn công trong và xung quanh Thành cổ Giêrusalem hàng ngày. Trường hợp phổ biến nhất là nhổ vào áo choàng của giáo sĩ hoặc trên mặt đất ở lối vào các địa điểm Kitô Giáo, đây được coi là một cuộc tấn công bất hợp pháp theo luật pháp Israel và có thể bị phạt tù tới hai năm nếu được chứng minh là có động cơ tôn giáo hoặc tình cảm dân tộc.

Hôm thứ Ba, Elisha Yered, một người định cư cực đoan bị nghi ngờ liên quan đến vụ sát hại một người Palestine vào tháng 8 năm ngoái, cho biết trong một bài đăng trên X rằng khạc nhổ vào các giáo sĩ hoặc nhà thờ Kitô Giáo là một phong tục lâu đời của người Do Thái, thậm chí còn được ủng hộ trong luật Do Thái.

“Có lẽ ảnh hưởng của văn hóa phương Tây đã khiến chúng ta quên mất Kitô giáo là gì nhưng tôi nghĩ hàng triệu người Do Thái đã phải chịu đựng các cuộc thập tự chinh, tra tấn từ các tòa án dị giáo, đẫm máu và các cuộc tàn sát, sẽ không bao giờ quên.”

Cha Patton đổ lỗi cho chính phủ. “Bạo lực phát triển mạnh đặc biệt trong một môi trường mà chủ nghĩa chính thống tôn giáo và chính trị thống nhất. Khi bạn kết hợp tôn giáo và chính trị, điều đó luôn nguy hiểm như chúng ta đã thấy trong suốt lịch sử”, Cha Patton nói và cho biết thêm sự bùng nổ là kết quả của việc các chính trị gia liên kết với các phần tử bạo lực nhằm củng cố quyền lực của họ. Ngài nói khi cái đầu hung bạo thì cơ thể cũng theo sau. Ngài yêu cầu các cuộc thảo luận công khai bớt kích động hơn và nói rằng đó phải là bước đầu tiên.

Giáo sĩ trưởng Ashkenazi David Lau của Israel đã lên án các cuộc tấn công chống lại Kitô hữu trong một tuyên bố hôm thứ Ba. Ông cho biết phong tục ở Đền Thánh trong lễ Sukkot là hiến tế và cầu nguyện cho sự an lành và tôn trọng tất cả các quốc gia tôn vinh Giêrusalem. Ông nói: “Tôi cực lực lên án bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào những người thuộc bất kỳ tôn giáo nào và hành vi như vậy phải bị coi là vi phạm luật Do Thái”.


Source:ynetnews.com

3. Đức Thánh Cha Phanxicô bàn về chủ nghĩa đế quốc: Nước Nga có phải là một trường hợp đặc biệt không?

Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Ngài vừa có một bài phân tích đăng trên tờ National Catholic Register nhan đề “Pope Francis on Imperialism: Is Russia a Special Case?”, nghĩa là “Đức Thánh Cha Phanxicô bàn về chủ nghĩa đế quốc: Nước Nga có phải là một trường hợp đặc biệt không?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một tháng sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô phát biểu với những lời lẽ có lợi về quá khứ đế quốc của Nga, những chia rẽ về mặt ngoại giao vẫn còn vang dội. Tuần trước, Đức Thánh Cha đã nhận được ủy nhiệm thư của tân đại sứ Nga, một cuộc gặp gỡ khá thường lệ, mặc dù có một tuyên bố của Vatican cho thấy cuộc gặp gỡ thân thiện như thế nào.

Vài ngày sau, vào hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha đã tiếp đón đại sứ Ukraine cạnh Tòa thánh trong một buổi tiếp kiến riêng, đây hoàn toàn không phải là một cuộc gặp gỡ thường lệ. Các đại sứ tại Tòa thánh có hai cuộc gặp với Đức Thánh Cha, cả hai đều có tính chất hình thức - một là khi họ trình ủy nhiệm thư và một cuộc gặp khác là khi họ hết nhiệm vụ. Thông thường, họ chỉ gặp gỡ các quan chức trong Bộ Ngoại giao và, trong những thời điểm đặc biệt nghiêm trọng, với chính Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Nhưng do người Ukraine cũng như các nước Trung và Đông Âu khác đã thất vọng như thế nào với những bình luận của Đức Thánh Cha liên quan đến Nga, nên có thể cần phải cử đại sứ Ukraine đến ngay lập tức để ngăn chặn bất kỳ mối quan hệ nào xấu đi hơn nữa.

Tòa Thánh không đủ khả năng gánh chịu một cuộc khủng hoảng tháng Tám khác.

Ngày độc lập của Ukraine là ngày 24 tháng 8. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn ngày đó vào năm ngoái 2022 – năm đầu tiên của cuộc chiến tranh toàn diện – để thương tiếc “những người vô tội” Nga đã thiệt mạng trong chiến tranh. Điều đó gây ra sự tố cáo mạnh mẽ nhất trong lịch sử ngoại giao gần đây của Đức Giáo Hoàng. Đại sứ Ukraine tại Tòa thánh, Andrii Yurash, nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô không có khả năng nhận ra được sự khác biệt giữa “kẻ hiếp dâm và nạn nhân bị hiếp dâm”.

Tưởng cũng nên nhắc lại là Daria Dugina, 30 tuổi, đã thiệt mạng trong một vụ đánh bom xe ở ngoại ô Mạc Tư Khoa. Cô ấy là con gái Alexander Dugin, một người được mô tả như một quân sư chiến tranh, một “nhà tư tưởng” và là nhà tuyên truyền hàng đầu của Putin.

Bản thân Daria Dugina cũng là một nhân vật diều hâu, cô ta diễn thuyết trên truyền hình và viết sách hô hào chiến tranh để tái lập đế quốc Nga.

Lên tiếng vào cuối buổi tiếp kiến chung, sáng ngày 24 tháng Tám, 2022, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa ban hòa bình cho nhân dân Ukraine yêu quý, từ sáu tháng nay đang chịu kinh hoàng của chiến tranh, và ngài nhớ đến các tù nhân, các trẻ em, những người tị nạn, các em mồ côi và ngài ứng khẩu nói thêm rằng: “Tôi nghĩ đến một thiếu nữ tội nghiệp bị nổ tung lên không trung vì một quả bom được đặt dưới ghế xe ở Mạc Tư Khoa. Những người vô tội trả giá vì chiến tranh. Chúng ta hãy nghĩ đến thực tại đó và nói với nhau: chiến tranh là điên rồ. Và những người kiếm lợi với chiến tranh và nạn buôn bán võ khí là những tội phạm giết hại nhân loại...”

Một ngày sau, Bộ Ngoại giao Ukraine đã triệu Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần Tòa Thánh tại thủ đô Kyiv, đến để bày tỏ sự bất mãn về lời tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô, liên quan đến Daria Dugina.

Bộ trưởng Ngoại giao Kuleba kể với báo Pravda.ua rằng việc triệu Sứ thần Tòa Thánh tới bộ này, tự nó là một trường hợp chưa từng có và tự nó có ý nghĩa. “Tôi muốn nói thẳng rằng những lời Đức Giáo Hoàng làm đau lòng người Ukraine. Thật là điều bất công. Ukraine rất thất vọng vì những lời Đức Giáo Hoàng đã coi kẻ tấn công ngang với nạn nhân. Đồng thời quyết định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong khuôn khổ chiến tranh giữa Nga và Ukraine, nhắc đến cái chết của một công dân Nga trên lãnh thổ Nga, mà Ukraine không có gì liên hệ tới, đó là điều tạo nên sự không thể hiểu nổi”.

Sự bất mãn của người Ukraine có lẽ cũng chưa bằng những tuyên bố rất nặng nề tại Ba Lan quê hương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhiều người Ba Lan cho rằng cô Daria Dugina, người đã nhiều lần hô hào tấn công Ba Lan, không phải là người vô tội như Đức Giáo Hoàng nói.

Cha de Souza cho biết tiếp rằng: Việc Tòa thánh ngoan ngoãn chấp nhận lời quở trách đáng kinh ngạc đó và không gửi trả Yurash về Ukraine, bản thân nó đã thừa nhận rằng người Ukraine đã trở nên thất vọng như thế nào. Có thể đoán rằng những lời nhận xét về kẻ hiếp dâm đã bị bỏ qua một cách kín đáo trong buổi tiếp kiến hôm thứ Sáu tuần trước. Yurash mang theo một chú gấu bông để tượng trưng cho hoàn cảnh khó khăn của trẻ em Ukraine.

Tháng 8 này mang đến một cuộc khủng hoảng khác. Đức Thánh Cha Phanxicô nói chuyện với giới trẻ Nga qua liên kết video một ngày sau ngày độc lập của Ukraine. Ngài khuyến khích họ nhìn vào Peter Đại đế và Catherine Đại đế để tìm gương mẫu về một “đế chế khai sáng với nền văn hóa vĩ đại và tính nhân bản vĩ đại”.

Có khả năng là những vết thương từ nhận xét đó của Đức Giáo Hoàng sẽ không bao giờ lành ở Ukraine, Ba Lan, Lithuania và những vùng đất khác bị đế quốc Mạc Tư Khoa chinh phục.

Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak của Tổng Giáo phận Philadelphia của Ukraine lưu ý rằng Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ có tỷ lệ tín nhiệm là 6% ở Ukraine sau 18 tháng chiến tranh. Vladimir Putin sẽ là nhà lãnh đạo thế giới duy nhất ở Ukraine ít được ưa chuộng hơn Đức Thánh Cha. Điều đó vừa gây sốc vừa vô cùng đau buồn – đặc biệt là chưa đầy 20 năm sau cái chết của Thánh Gioan Phaolô II, có lẽ là vị Giáo Hội Đông Âu được ngưỡng mộ nhất trong thế kỷ qua, nếu không nói là trong thiên niên kỷ qua.

Đức Thánh Cha cố gắng giải thích nhận xét của mình bằng cách nói rằng khi nói về Peter Đại đế và Catherine Đại đế, ngài thực sự có ý ca ngợi không phải chủ nghĩa đế quốc của Nga mà là di sản văn hóa như được đại diện bởi Fyodor Dostoevsky, người sinh sau Peter gần một thế kỷ. Đại đế đã chết.

Nỗi nhức nhối trong nhận xét về “đế quốc khai sáng” Nga nằm ở điều Đức Thánh Cha chưa nói. Đã có những đế chế khác. Chẳng hạn, Đức Thánh Cha có khuyến khích giới trẻ Mỹ ưa thích những cuộc phiêu lưu đế quốc của Hoa Kỳ ở Phi Luật Tân hay vùng Caribe không?

Những bình luận liên quan đến đế quốc Nga đã bùng nổ mạnh mẽ vào cuối tháng 8 vì những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói vào đầu tháng 8. Trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Vida Nueva của Tây Ban Nha, được phát hành trong khi Đức Thánh Cha đang ở Bồ Đào Nha dự Đại hội Giới trẻ Thế giới, chủ đề chủ nghĩa đế quốc đã được đề cập. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là những cường quốc Công Giáo có thuộc địa ở hải ngoại. Đức Thánh Cha Phanxicô có tận dụng cơ hội này để khuyến khích thanh niên Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha tự hào về quá khứ đế quốc của họ không? Ngược lại.

Đức Thánh Cha nói: “Chủ nghĩa đế quốc rất mạnh mẽ và nước Mỹ là nạn nhân của đủ loại đế quốc”. “Tôi chê trách bất kỳ đế chế nào, bất kể loại nào. Vì lý do này, tôi biết rằng tôi là một hòn đá trong chiếc giày đối với một số người.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Hung Gia Lợi vào tháng Tư năm nay. Triều đại Habsburg là đế chế lục địa Âu Châu lớn nhất trong lịch sử, là trụ sở của quyền lực Công Giáo ở Âu Châu trong nhiều thế kỷ. Đức Thánh Cha có khuyến khích giới trẻ Hung Gia Lợi trân trọng nhìn lại lịch sử của đế quốc Áo-Hung không? Nếu muốn làm như vậy, ngài có thể đã được đại sứ đương nhiệm của Hung Gia Lợi tại Tòa thánh, Eduard Habsburg, thông báo đầy đủ. Không cần thiết phải làm điều đó.

Các đế chế Mỹ, các đế chế Công Giáo - không được ca ngợi mà còn bị chỉ trích ngầm, như trong cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha với Vida Nueva. Nhưng chỉ vài tuần sau Đức Thánh Cha lại ca ngợi chủ nghĩa đế quốc Nga, điều đó đã khiến những nhận xét trước đó của ngài – “Tôi chê trách bất kỳ đế chế nào, thuộc bất kỳ loại nào” - dường như là sai.

Buổi tiếp kiến đặc biệt dành cho Đại sứ Yurash, sau các cuộc gặp kéo dài với vị giám mục Ukraine hồi đầu tháng này, là một phần trong nỗ lực phục hồi sau những lời ca ngợi dành cho chủ nghĩa đế quốc Nga. Giờ đây tất cả mọi người đều rõ ràng rằng lẽ ra Đức Thánh Cha không nên nói như vậy. Nhưng vẫn còn những câu hỏi – đặc biệt là ở những vùng đất trước đây bị Mạc Tư Khoa chinh phục – liệu đó có phải là điều Đức Thánh Cha Phanxicô thực sự nghĩ trong lòng hay không.

Với câu hỏi đó, tân đại sứ Nga đã bắt đầu công việc của mình với điều mà ông ta coi là một dấu hiệu tích cực.


Source:National Catholic Register