Ngày 05-10-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 06/10: Thái độ cứng Lòng Tin – Nữ Tu Tê rê sa Phùng Thị Yến – Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức
Giáo Hội Năm Châu
01:39 05/10/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca

Khi ấy, Đức Giê-su nói: “Khốn cho ngươi, hỡi Kho-ra-din! Khốn cho ngươi, hỡi Bết-xai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xi-đôn, thì từ lâu họ đã mặc áo vải thô, ngồi trên tro tỏ lòng sám hối rồi. Vì thế, trong cuộc Phán Xét, Tia và Xi-đôn sẽ được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Ca-phác-na-um, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Không, ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ!

“Ai nghe anh em là nghe Thầy; và ai khước từ anh em là khước từ Thầy; mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy.”

Đó là lời Chúa
 
Bội Phản
Lm Vũđình Tường
03:01 05/10/2023
Các Kinh sư, Biệt phái và Kì mục thường chất vấn Đức Kitô về vấn đề ai cho quyền Ngài giảng dậy. Đức Kitô tránh đụng chạm tranh cãi diện đối diện bởi điều này chỉ làm cho họ thêm bực dọc. Ngài chọn con đường êm dịu, bắt họ vừa phải chú tâm nghe, vừa phải suy nghĩ điều Ngài giảng dậy. Vì thế Ngài kể cho họ hai dụ ngôn. Tuần trước Ngài kể cho họ dụ ngôn người cha sai con đi làm vườn nho. Người con cả cãi cha 'Con không đi' sau đó anh ta hồi tâm đi làm theo í cha. Người con thứ đáp 'Thưa Ngài con đi' nhưng anh đổi í không đi. Ngài kết luận, các ông là người giảng dậy về Thiên Chúa nhưng từ chối sống theo điều các ông rao giảng. Tuần này Đức Kitô không giảng giải về vườn nho, nhưng nói về tá điền, những người có quyền coi sóc vườn nho thay mặt chủ. Chủ vườn nho gầy dựng vườn nho. Trước khi đi phương xa, ông trao cho tá điền chăm sóc. Điều này cho thấy chủ hoàn toàn tin tưởng tá điền, trao cả tài sản trong tay họ. Họ toàn quyền quyết định trong việc chăm sóc vườn nho. Tá điền lợi dụng lòng tin của chủ, lạm quyền. Họ hành hạ công nhân, đầy tớ, là những người vâng lệnh và phục vụ họ. Họ chửi người này, mắng người nọ, hành hạ, lớn tiếng với người kia. Đến mùa thu hoạch, chủ sai giai nhân đến thu hoạch. Tá điền đối xử tàn tệ với gia nhân.

Chủ vẫn thương, gởi nhóm giai nhân thứ hai đến. Nhóm này cũng bị hành hạ, xử tệ như nhóm trước. Vẫn chưa thất vọng, chủ gởi con mình đến với niềm tin họ đối xử tốt hơn với con mình. Không ngờ, khi thấy bóng dáng người con từ đàng xa đi đến, họ hùa nhau giết người con mong hưởng gia sản thừa tự của chủ. Đức Kitô hỏi họ, chủ sẽ làm gì với đám gia nhân bất nhẫn kia? Họ đáp,

'Ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho' Mat 21,41.

Lời kết án này có hai phần. Phần một là tru diệt bọn ác nhân; và phần hai là sa thải các tá điền thất đức, thay họ bằng các tá điền có lòng nhân đức. Khi trả lời câu trên, các Kinh Sư và Kì Mục vẫn chưa biết Đức Kitô nói về ai. Các ông hiểu rõ hơn khi Đức Kitô nói,

'Nước Thiên Chúa sẽ bị Ngài lấy đi trong tay các ông mà ban cho một dân biết làm cho nước ấy sinh hoa lợi' Mt 21,43.

Nghe câu này họ hiểu rõ Đức Kitô nói không ai khác hơn mà chính là Ngài nói về họ. Chủ vườn nho quá rộng lượng với tá điền. Ông áp dụng phần hai của lời họ kết tội, 'Cho tá điền khác làm vườn nho'. Chính chủ vườn nho nhận phần khó khăn nhất của lời họ kết án cho bản thân mình, bị họ 'Tru diệt, giết chết'. Chủ vườn nho tự nguyện nhận tội thay cho đám tá điền bất lương, chấp nhận lời họ kết án treo trên thập tự.

Thiên Chúa là chủ vườn nho. Vườn nho cũ là nhà Israel; vườn nho mới là những ai yêu mến và tin theo Đức Kitô. Tá điền là những ai Thiên Chúa trao trọng trách lãnh đạo dân Chúa. Gia nhân bao gồm các tiên tri và sứ giả Chúa sai đến. Một số những người này bị đối xử tàn tệ, xỉ vả và ngay cả bị giết cách dã man. Người con thừa tự đây không ai khác mà chính là Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Người bị chính lãnh đạo Đền Thờ cấu kết với quân bảo hộ Roma giết chết, treo trên thập tự, bên ngoài thành thánh Jerusalem.

'Hòn đá bị thợ xây loại bỏ lại trở nên tảng đá góc'. Đức Kitô nói câu này ám chỉ về Ngài, về cái chết đau thương Ngài sắp lãnh nhận. Sự chết và Phục Sinh vinh quang của Đức Kitô biến Ngài trở thành tảng đá góc của Giáo Hội Chúa nơi trần gian. Tất cả những gì liên quan đến Đức Kitô đều được đổi mới trong Ngài, trong đó bao gồm cả tạo vật. Vườn nho mới bao gồm những ai quí mến, tin theo Đức Kitô, họ trở thành con người mới, dân tộc mới, dân Chúa chọn. Chúng ta không còn là dân ngoại nữa, bởi chúng ta tin theo Đức Kitô. Chúng ta trở thành môn đệ Đức Kitô và đồng hưởng nước trời Ngài ban cho.

Dụ ngôn nói về Con Thiên Chúa là Đức Kitô và môn đệ Ngài. Không phải ai cũng là môn đệ Đức Kitô. Ngài kêu gọi tất cả nhưng những ai đáp lại tiếng Ngài mời gọi mới trở thành môn đệ. Môn đệ yêu mến Thầy, tin theo Thầy Kitô là môn đệ chân chính. Môn đệ tin và không sống theo con đường Thầy Kitô hướng dẫn trở thành môn mệ môi mép, không có lòng thành tin theo. Yêu mến Thầy Kitô chính là cách sống sinh hoa tốt, trái ngon; Hoa trái tốt thể hin qua hành động bác ái, yêu thương, chia sẻ những gì mình có với tha nhân. Yêu mến Thiên Chúa bằng cách sống làm cho Danh Chúa được cả sáng hơn.

TiengChuong.org

Betrayal

Religious leaders are Chief priests, Scribes, and Elders, who have challenged Jesus' authority. Jesus knew that confronting them face-to- face would only irritate them more. He took a different approach which would make them listen tentatively, and think hard about what he said. He talked to them through a parable. Last week, he told the parable of the son whom the father asked to work in his vineyard. One answered 'No' but later on changed his mind and went; the other answered 'Yes', but didn't act. This week, Jesus doesn't talk about the vineyard, but the tenants. He talks about wealth and power: things that religious leaders loved, and that would make them listen with interest. He told the parable about the landlord, who set up a vineyard. Before going abroad, he entrusted it to the tenants. His absence implies that the landlord completely trusts his tenants. They have the freedom to do what is best for the vineyard. When the harvest time arrived, the landlord sent his servants to collect the product. Instead of honouring the lease, the tenants took advantage of their freedom, and maltreated the servants. In his kindness, the landlord sent the second group of tenants; they treated them in the same way. In his kindness, the landlord believes that the tenants would respect his son; he sent his son to them. Seeing the son, the tenants plan to kill the son in the hope of taking over his inheritance. Jesus ends the parable with a question, 'What will the landlord do to those tenants? They answered: 'He will bring those wretches to a wretched end and lease the vineyard to other tenants. 'Mt 21,41. Up to this point, the religious leaders believe that Jesus talks not about them but about someone. 'I tell you, then, that the kingdom of God will be taken from you and given to a people who will produce its fruit'. Hearing this they come to the realization that Jesus talked about them.

The tenants' verdict has two parts: a/ end the wretches, and b/ take the vineyard away from them. Instead of applying the whole verdict on the tenants. The landlord shows mercy to the tenants by applying only the second part upon them, 'Lease the vineyard to other tenants'. He took upon himself the hardest part, the first part of their verdict, by allowing them to crucify him on the cross.

God is the owner of the vineyard. The old vineyard is the house of Israel; the new vineyard is Jesus' followers. The tenants include all those in whom God entrusts a leadership role. The servants represent God's prophets and messengers who had been ill-treated by the tenants. The heir of God is no one else but Jesus himself, who the religious leaders and local powers had rejected and killed outside the Holy City.

'The stone rejected by the builders' refers to Jesus' own death. He was crucified outside the Holy City by the religious leaders and the Romans. His resurrection from death makes him, Jesus, the keystone of his Church, the new vineyard, with new tenants, and new people. Jesus becomes the new creation and everything that belongs to him becomes a new creation in him. We, the Gentiles, had been rejected, now are invited to be part of God's kingdom. The parable is about God whose only Son, Jesus, is with his people. Some choose to reject him; others choose to follow and love him. Loving him by means of producing good fruit, that is, to show care and love to others. Loving him by glorifying his name through acts of worship and acts of charity.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
08:14 05/10/2023
18. Trong các nhân đức thì đức khiết tịnh (tâm khiết tịnh) là có địa vị quang vinh và đặc biệt, bởi vì chỉ có nó mới làm cho con người thấy được Đức Đức Chúa Giê-su; tức là như lời chân lý đã nói: Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. (Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
08:19 05/10/2023
67. THỦY THẦN” BỊ NÉM XUỐNG NƯỚC

Lý Mộng Dương tự gọi là “Không Đồng tử”.

Năm nọ đi qua sông nhìn thấy quan lại nọ trên thuyền đang cúng tế mời “thủy thần” bảo hộ bình an. Lý Mộng Dương cảm thấy tức cười, tức giận ra lệnh cho tùy tùng bó “thủy thần” lại, quăng dưới sông để khi ở trong nước thích hợp với “thần” hơn !

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 67:

Thủy thần đương nhiên là phải ở dưới sông trong nước mới thích hợp, vì đó là giang san của thần nước.

Con người ta vì gặp quá nhiều tai ương khốn khổ trong cuộc sống nên rất dễ dàng tin vào thần núi thần nước thần sông và tất cả những thứ dị đoan khác, và thế là đủ thứ dị đoan phát sing trong đời sống….

Thần nước ở trong nước thì thích hợp hơn, cũng như người Ki-tô hữu ở trong tình yêu của Thiên Chúa vậy.

Tình yêu của Thiên Chúa thì rộng bao la hơn biển hơn trời rất thích hợp với tình yêu rộng lớn nơi người Ki-tô hữu, trong biển trời tình yêu này họ sống bao dung với người khác, họ phục vụ và quan tâm người khác như Thiên Chúa đã yêu thương và quan tâm đến họ vậy. Trong biển trời tình yêu này người Ki-tô hữu trở nên những giòng nước mát làm mát lòng tha nhân bằng những hành vi khiêm tốn bà lời nói dịu dàng của mình…

Theo sự mê tín của tín ngưỡng dân gian thủy thần thì ở trong nước, và chỉ có tác oai tác quái trong nước, nhưng người Ki-tô hữu thì biết rằng, nước hay thủy thần đều do Thiên Chúa tạo dựng, cho nên dù ở trong hoàn cảnh nào cũng có thể vì tình yêu của Thiên Chúa mà phục vụ và giúp đỡ tha nhân.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Trải nghiệm bị từ chối
Lm. Minh Anh
17:20 05/10/2023
TRẢI NGHIỆM BỊ TỪ CHỐI

“Ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy!”.

Một nhà giáo dục nói, “Điều quan trọng nhất mà cha mẹ có thể giúp trẻ sáng tạo là dạy chúng không sợ thất bại. Để sáng tạo, trẻ cần khám phá và thử thách với những điều mới. Ngoài ra, cần học cách chịu đựng khi bị cười nhạo, sẵn sàng chấp nhận sự chỉ trích và không ngại khác biệt! Đó là một trải nghiệm cần thiết, trải nghiệm bị từ chối!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay cho thấy không phải lúc nào Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài cũng thành công! Họ còn phải “học cách chịu đựng khi bị cười nhạo, chấp nhận chỉ trích và không ngại khác biệt”. Họ cần học biết thế nào là một ‘trải nghiệm bị từ chối!’.

Chúng ta đang sống trong một nền ‘văn hoá thành công!’. Đôi khi giá trị của một người có thể được đánh giá qua mức độ thành công của người ấy ‘chỉ ở một mặt’ nào đó. Và Chúa Giêsu, một người rất dễ chấp nhận người khác, dường như thường bị người khác chối từ. Tin Mừng kể tên ba thành mà Ngài đã công khai quở trách, Ngài nhắc cho dân của những thành này rằng, họ sẽ lãnh lấy hậu quả nếu từ chối Ngài, “Khốn cho ngươi hỡi Chorazin! Bethsaida!”, và “Khốn cho ngươi hỡi Capharnaum!”.

Trong bối cảnh sai các môn đệ đi truyền giáo, Chúa Giêsu đề cập sự khước từ này. Phải chăng, Ngài đang chuẩn bị cho họ điều chắc chắn sẽ xảy đến với bất cứ ai trong tư cách sứ giả của ‘một Thiên Chúa bị từ chối!’. Ngài không ngần ngại tuyên bố mạnh mẽ sự thật sâu sắc của nó, “Ai nghe các con là nghe Thầy; và ai khước từ các con là khước từ Thầy!”; chưa hết, “Mà ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy!”.

Là những người có đức tin, không ít lần, bạn và tôi cũng trải qua sự ê chề này. Đức tin của bạn, việc làm của bạn, Phúc Âm mà bạn cố sức rao giảng bằng cả cuộc sống… không phải lúc nào cũng được đón nhận nồng nhiệt. Đối tượng của bạn không chỉ là những người không biết Chúa, nhưng còn là những anh chị em trong cộng đoàn, gia đình; hoặc thậm chí với những người có trách nhiệm nhất trong công cuộc loan báo Tin Mừng. Vì một lý do nào đó, có thể họ sẽ coi thường hoặc không tiếp nhận những gì mà một số người đã cống hiến, cho dù đó là những gì tốt đẹp nhất, thiết yếu nhất, những công việc mà không phải ai cũng muốn làm, dám làm và có khả năng làm!

Anh Chị em,

“Ai khước từ Thầy là khước từ Đấng đã sai Thầy!”. Nhân loại đã khước từ Con Thiên Chúa, “Ngài đã đến nhà của Ngài, và người nhà của Ngài đã không tiếp nhận Ngài”. Sự khước từ thê thảm nhất, ‘trải nghiệm bị từ chối’ tột cùng nhất của Chúa Giêsu là cái chết trên thập giá. Vậy mà, sự từ chối Ngài và Tin Mừng của Ngài không bao giờ có tiếng nói cuối cùng. Thiên Chúa có thể tác động một cách mạnh mẽ để thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài thông qua những trải nghiệm như vậy theo những cách mà không phải lúc nào con người cũng có thể hiểu một cách đầy đủ. Vì thế, tất cả những gì Thiên Chúa yêu cầu là bạn và tôi cứ trung thành với lời chứng của mình, bất kể nó được đón nhận như thế nào.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, dạy con học chịu đựng khi bị cười nhạo, chấp nhận sự chỉ trích và không ngại khác biệt, miễn sao con mải miết làm vui lòng Chúa và những gì Chúa muốn!”.

(Tgp. Huế)
 
Từ vườn nho đến các tá điền : Hãy là chính mình
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
20:14 05/10/2023

TỪ VƯỜN NHO ĐẾN CÁC TÁ ĐIỀN: HÃY LÀ CHÍNH MÌNH
(Chúa Nhật XXVII TN A)

Sau khi nghe câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể về “những tá điền sát nhân”, các Thượng Tế và người Pharisêu hiểu là Người nói về họ và họ tìm cách bắt Người. dân Chúa xưa, đặc biệt những người lãnh đạo, những người được gọi là đạo đức hẳn thuộc nằm lòng bài ca về vườn nho của Ngôn sứ Isaia (Is 5,1-7) mà Hội Thánh lại trích cho chúng ta nghe trong bài đọc thứ nhất Chúa Nhật này. Trong khi Ngôn Sứ Isaia nhấn mạnh đến vườn nho là đoàn dân Chúa xưa, thì Chúa Giêsu lại nhấn mạnh đến những tá điền là những người lãnh đạo mà Chúa trao phó quản lý vườn nho. Dù là vườn nho hay là người quản lý thì điểm chung hướng đến đó là: hãy trở nên chính mình. Nói nôm na là nho thì ra nho, quản lý thì ra quản lý.

Nho ra nho: Ngôn sứ Isaia đã minh nhiên nói rằng vườn nho chính là đoàn dân Chúa xưa và chúng ta có thể hiểu rộng thêm mỗi người chúng ta là những cây nho, là những cành nho (x.Ga 15,1-17). Các khâu canh tác như làm cỏ, bón phân, tỉa cành sâu bệnh…thì chủ vườn nho là Thiên Chúa đã vuông tròn. Vấn đề còn lại là chính cây nho phải sinh hoa trái tốt tươi, ngọt ngào. Theo kinh nghiệm nông gia, khi đã đủ đầy các điều kiện tự nhiên và sự chăm bón thì chuyện sinh hoa kết trái của cây trồng, hệ tại ở khả năng cây “hấp thụ dinh dưỡng” từ đất, từ trời và hệ tại ở việc cây “giảm phát sinh để tăng phát dục”, nghĩa là giảm đâm cành, mọc lá mới để tăng ra hoa, kết trái.

Để hấp thụ dinh dưởng từ trời đất thì chính chúng ta, những cây nho, tiên vàn phải gắn bó, kết hiệp với Thiên Chúa. Cầu nguyện là một trong những phương thế tuyệt hảo để kết hiệp với Thiên Chúa. Để gia tăng hoa trái tốt lành thì việc hãm mình hy sinh là điều không thể thiếu. Chuyện cắt tỉa là chuyện dễ hiểu với nông gia lành nghề. Như thế để nho ra nho nghĩa là sinh hoa trái ngọt ngào thì Kitô hữu chúng ta cần chuyên chăm cầu nguyện và hy sinh hãm mình. Hằng năm cứ đến mùa Chay thánh thì đề tài ăn chay cầu nguyện được nhấn mạnh và chúng ta nghiệm thấy ngay các hoa trái trổ sinh.

Quản lý ra quản lý: Người quản lý là người được trao phó một sự gì đó. Một việc gì đó để bảo quản, giữ gìn, chăm nom và dĩ nhiên theo tiêu chí mà người chủ yêu cầu. Các tá điền trong câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể được hiểu như là những người quản lý. Và tiêu chí người chủ đưa ra là đến kỳ thu hoạch, vườn nho phải sai hoa, mộng trái. Theo chiều kích xã hội thì những người quản lý là những người được giao phó các chức vụ của công quyền. Họ được trao phó đoàn dân của một tập thể, của một đất nước... Theo chiều kích tôn giáo, thì những người quản lý là những vị mục tử. Họ đuợc trao phó đoàn chiên là các tín hữu của tôn giáo mình. Dù là các mục tử trong Hội Thánh hay là những người nắm giữ công quyền trong xã hội thì chỉ một mình Thiên Chúa là người chủ duy nhất. Thánh Phaolô minh định điều này khi nói rằng các chính quyền hợp pháp đều là do Chúa đặt định (x.Rm 13,1).

Trong khoảng thời gian chờ đến mùa vụ, thì ông chủ thỉnh thoảng sai gia nhân của mình đến nhắc nhở những người quản lý về bổn phận và trách vụ của họ. Và bên cạnh đó chắc chắn có sự đánh giá về những gì mà những người quản lý đang thực thi. Tốt thì khen và khích lệ. Xấu thì chê và phê bình sửa sai. Trong lịch sử dân Chúa xưa, các ngôn sứ chính là những gia nhân mà ông chủ vườn nho đã sai đến. Thay vì nghe những ý chỉ của Thiên Chúa qua các sứ ngôn thì những người tá điền là những người quản lý đã bách hại các ngài.

Thiên Chúa, người chủ vườn nho vẫn kiên trì nhẫn nại đến cùng. Người đã sai chính Con Một đến với hy vọng là những người quản lý kia sẽ nể mặt mà nghe theo. Thế nhưng sự tham lam đã làm cho tâm hồn những người quản lý thành ác độc. Họ đã nhẫn tâm giết chết Người Con Một của ông chủ. Tưởng rằng sẽ từ vị thế quản lý trở thành chủ nhân của vườn nho, nhưng họ đã lầm. Ông chủ sẽ tru di họ và trao vườn nho cho những người khác.

Câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể đã làm chột dạ những vị lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ. Chuyện dụ ngôn này cũng đã ứng với nhiều triều đại vua chúa các nước trên thế giới. Chuyện dụ ngôn này cũng ứng với những chính phủ đang nắm giữ công quyền của các quốc gia mà không vuông tròn phận vụ. Và chuyện dụ ngôn này cũng đáng làm cho các vị mục tử trong Hội Thánh phải biết giật mình tự kiểm. Phải chăng mình tuy không phải là kẻ cướp nhưng mình chỉ là kẻ chăn thuê không hơn không kém?

Nho ra nho, quản lý ra quản lý. Nếu không thực là mình thì sẽ đến lúc phải bị loại trừ. Cành nho nào sinh hoa trái sẽ được chăm bón để trái hoa xum xuê thêm nhiều. Cành nào không sinh trái thì phải bị chặt đi. Nó sẽ khô héo và người ta sẽ bỏ nó vào lửa mà thiêu đốt đi (x.Ga 15,6). Người quản lý nào chuyên chăm cứ đến giờ mà phân phát lúa thóc cho kẻ ăn, người ở, thì sẽ được ân thưởng khi chủ về. Trái lại viên quản lý nào chểnh mảng, mãi mê chơi bời ăn uống mà bỏ bê bổn phận, thậm chí còn hành xử bạo lực với người dưới quyền, thì sẽ bị chung số phận với quân bất lương, sẽ bị giam vào nơi phải khóc lóc và nghiến răng (x.Lc 12,41-48).

(Ban Mê Thuột)
 
Chúa thì thương mà con lại bướng
Lm. Nguyễn Xuân Trường
20:16 05/10/2023

CHÚA THÌ THƯƠNG MÀ CON LẠI BƯỚNG

Phúc Âm tuần này kể dụ ngôn những tá điền làm vườn nho đã dã man giết người cướp của, đánh đập chém giết các đầy tớ và cả con ông chủ. Họ bất chấp tất cả miễn sao chiếm đoạt được vườn nho. Dụ ngôn nhắm vào những nhà lãnh đạo Do Thái thời đó là những người đã giết các ngôn sứ, và cuối cùng giết luôn cả Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, dụ ngôn còn nhắm vào “vườn nho cuộc đời” của mỗi người, mỗi cộng đoàn ngày hôm nay.

1. Chúa yêu thương. Ông chủ vườn nho là hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương sáng tạo mảnh vườn thế giới này cho con người canh tác. Chúa cho mưa nắng, khí trời để con người và muôn loài được sống. Trên nền tảng sự sống, Chúa ban cho con người sức khoẻ, tài năng, trí khôn. Thế nên, chính Thiên Chúa mới là ông chủ tối thượng, còn mỗi người chỉ là những tá điền trong vườn nho cuộc đời. Chúa là chủ nên ta không thể muốn làm gì thì làm theo ý thích ích kỷ của riêng mình, mà phải làm những điều tốt đẹp theo ý Chúa để cuộc đời này sinh nhiều hoa lợi.

2. Con ngang bướng. Người tính tình ngang bướng là người chỉ làm theo ý mình, không chịu nghe ai, dù biết là sai trái. Lịch sử thế giới từ xưa tới nay cho thấy: nhân loại nhiều lúc như những đứa trẻ ương bướng. Đã và đang có nhiều cá nhân lẫn tập thể, chủ trương chạy theo những triết thuyết, chủ nghĩa tìm mọi cách gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời, để tôi làm chủ đời tôi, tôi thống trị xã hội theo ý thức hệ của tôi. Kết quả là đời sống tinh thần cao quý bị sụp đổ, những giá trị cao đẹp của siêu việt, tâm linh, tình yêu, niềm tin bị hủy hoại.

Tháng Mân Côi, chúng ta hãy noi gương Đức Mẹ mở lòng xin vâng theo ý Chúa, cho Chúa ngự vào lòng mình, để Chúa làm chủ cuộc đời ta, để Chúa giúp chúng ta canh tác vườn nho cuộc đời sinh nhiều hoa trái tốt đẹp. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các nhà tổ chức Thượng Hội Đồng Giám Mục về tính đồng nghị nhấn mạnh tới ‘Ngữ pháp đồng nghị’
Vũ Văn An
00:26 05/10/2023

Jonathan Liedl của Hãng tin CNA, ngày 4 tháng 10, tường trình rằng vào ngày khai mạc Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị, một viên chức lãnh đạo tiến trình đã kêu gọi những người tham gia đọc “các dấu chỉ thời đại” để “khám phá một ngữ pháp về tính đồng nghị cho thời đại chúng ta”.



“Giống như ngữ pháp các ngôn ngữ của chúng ta thay đổi khi chúng phát triển, ngữ pháp của tính đồng nghị cũng vậy: Nó thay đổi theo thời gian,” Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich, tổng tường trình viên của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường lệ lần thứ 16, nói trong bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn vào đầu phiên chiều.

Khám phá một ngữ pháp mới về tính đồng nghị, một thuật ngữ có nghĩa là “hành trình cùng nhau”, có thể là mục tiêu đã nêu của thượng hội đồng, sẽ tiếp tục trong suốt tháng và kết thúc với phiên họp cuối cùng vào tháng 10 năm 2024. Nhưng vào ngày khai mạc, các nhà lãnh đạo thượng hội đồng cũng làm nổi bật nhiều cách trong đó cuộc họp mặt hiện tại phá vỡ khuôn mẫu của các Thượng Hội đồng Giám mục trước đây.

Đức Hồng Y Mario Grech lưu ý rằng, “lần đầu tiên”, việc đưa những người không phải là giám mục vào Thượng Hội đồng, bao gồm “các giáo dân nam nữ, các tu sĩ nam nữ, phó tế và linh mục, những người không còn là 'ngoại lệ đối với chuẩn mực' ', nhưng là thành viên đầy đủ của phiên họp.

Hai mươi bảy phần trăm trong số 365 thành viên bỏ phiếu của hội đồng không phải là giám mục, trong đó có 54 phụ nữ. Khoảng 80 thành viên không bỏ phiếu, bao gồm các chuyên gia và người điều phối, cũng tham gia vào quá trình này.

Đức Hồng Y Grech, người đứng đầu văn phòng Vatican tổ chức Thượng Hội đồng Giám mục, cho biết: “Không phái đoàn nào có thể đại diện đầy đủ cho toàn thể dân Chúa, chủ thể của ‘cảm thức đức tin’” hay ý thức của các tín hữu. Ngài cũng nói thêm rằng Thượng Hội đồng không thể được coi là một “đại diện đầy đủ” của Giáo hội, bởi vì nó không bao gồm sự tham gia đầy đủ của giám mục đoàn, giống như trong một công đồng đại kết.

Vị giáo phẩm người Malta nói: “Nhưng các anh chị em này nhắc nhở chúng ta bằng chính sự hiện diện của họ về sự hiệp nhất trong tiến trình thượng hội đồng”.

Bối cảnh và cách bố trí độc đáo của Thượng Hội đồng - được tổ chức không phải ở Hội trường Thượng hội đồng mà ở Hội trường Yết kiến Phaolô VI lớn hơn - cũng là trọng tâm của bài phát biểu khai mạc.

Đức Hồng Y Hollerich cho biết quyết định để những người tham gia ngồi “không theo thứ bậc” mà tại các bàn tròn để tạo điều kiện cho cuộc thảo luận nhóm nhỏ không phải là một quyết định được đưa ra từ trên xuống, mà “phản ảnh trải nghiệm của dân Chúa” đã tham gia vào các giai đoạn trước của Thượng Hội đồng về tính đồng nghị. Quá trình đó bắt đầu vào năm 2021 và bao gồm các giai đoạn giáo phận, quốc gia và lục địa.

Ngay cả Đức Thánh Cha Phanxicô cũng ngồi ở một chiếc bàn tròn, mặc dù ở đầu phòng và hơi cao. Cùng ngồi cùng bàn với Đức Giáo Hoàng có những người tổ chức chủ chốt của Thượng Hội đồng, bao gồm các Hồng Y Hol-lerich và Grech, Nữ thư ký Thượng hội đồng Nathalie Becquart, và Thượng phụ Ibrahim Isaac Sidrak, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Coptic và là chủ tịch-đại biểu trong ngày khai mạc.

Những người phát biểu khai mạc, trong đó có Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã phát biểu ở thế ngồi. Camera ở mỗi bàn đã ghi lại hình ảnh của những người đang phát biểu, hiển thị họ không chỉ trên màn hình lớn ở phía trước phòng mà còn trên bốn màn hình ở mỗi bàn tròn.

Đức Hồng Y Hollerich nói thêm rằng “các bàn tròn cũng nhắc nhở chúng ta rằng không ai trong chúng ta là ngôi sao trong Thượng Hội đồng này”, vì “nhân vật chính của sự kiện là Chúa Thánh Thần”. Đức Hồng Y cũng gợi ý rằng các giám mục “không tích cực lắm” trong các giai đoạn trước của thượng hội đồng “có thể phải đối mặt với những thách thức” về cách bố trí, trong khi nhiều thành viên không phải là giám mục, ngược lại, đã tích cực tham gia vào các cuộc thảo luận của giai đoạn lục địa của thượng hội đồng.

Các nhà tổ chức Thượng hội đồng thừa nhận rằng tiến trình dẫn tới Thượng hội đồng hiện tại về tính đồng nghị không phải là không có những thách thức.

Thượng phụ Sidrak nói rằng “ban đầu, điều đó không hề dễ dàng,” vì nhiều người cảm thấy “hơi mất phương hướng” trước những điểm mới lạ của tiến trình đồng nghị kéo dài nhiều năm nhằm mục đích tham gia hoàn cầu. Đức Hồng Y Grech cũng nói thêm rằng một số người mà ngài đã gặp trong giai đoạn trước đều “cảnh giác” với quy trình này, và thậm chí còn nói rằng mẹ anh gần đây đã hỏi anh “tại sao tôi lại 'lãng phí' nhiều [thời gian] như vậy trong các văn phòng ban thư ký nếu điều đó không giúp tôi rao giảng Tin Mừng.”

"Bà rất đúng! Và tôi không muốn quên câu hỏi này của bà ngay cả khi chúng ta được mời gọi dừng lại một cách tích cực để cầu nguyện và lắng nghe suốt cả tháng.”

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Thượng Hội đồng cũng cho biết các giai đoạn tiến hành của Thượng hội đồng đã hợp pháp hóa phiên họp hiện tại. Đức Hồng Y Grech nói rằng “toàn thể Giáo hội và mọi người trong Giáo hội đã có cơ hội tham gia vào tiến trình thượng hội đồng”, trong khi Thượng phụ Sidrak nói thêm rằng phiên họp thượng hội đồng “đã được chuẩn bị trước bởi sự tham khảo ý kiến của dân Chúa, của mỗi người và mọi người đã được rửa tội, mỗi người theo đặc sủng riêng của mình một cách sống động, thực tế và cụ thể hơn”.

Đức Hồng Y Hollerich nói rằng nhiệm vụ của phiên họp trong việc khám phá một ngữ pháp đương thời về tính đồng nghị sẽ “không bắt đầu lại từ đầu” nhưng sẽ được xây dựng dựa trên “truyền thống thần học phong phú về tính đồng nghị” của Giáo hội, cũng như huấn quyền của các vị giáo hoàng, đặc biệt là Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Tổng tường trình viên của Thượng Hội đồng cũng nói thêm rằng quá trình này sẽ được hướng dẫn bởi “những quy tắc căn bản không bao giờ thay đổi”: phẩm giá bí tích rửa tội, thừa tác vụ Phêrô, tính hợp đoàn giám mục, thừa tác vụ thụ phong, chức tư tế chung của các tín hữu, và “mối quan hệ qua lại của chúng”.

Đức Hồng Y Hollerich cũng nói rằng “công việc phân định chung” của Thượng Hội đồng không nên là một cuộc tranh luận kiểu nghị viện – “một cuộc chiến giữa quan điểm A và B” và giữa những người được gọi là bảo thủ và những người được gọi là cấp tiến – mà là “đồng hành cùng Chúa Kitô trong Giáo hội của Người”.

Với ngày khai mạc Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị đã kết thúc, những người tham gia bước vào một loạt các cuộc thảo luận và bỏ phiếu - với khả năng tiếp cận báo chí hoặc phương tiện truyền thông hạn chế. Bốn “mô thức” [modules]sẽ được dành cho các vấn đề có trong Tài liệu Làm việc, tài liệu được soạn thảo dựa trên kết quả của các giai đoạn thượng hội đồng trước đó, với phiên họp cuối cùng dành để thảo luận và phê duy-ệt “báo cáo tổng hợp” cuối cùng.

Đức Hồng Y Hollerich cho biết “hy vọng chân thành” của ngài là phiên họp tháng 10 năm 2023 sẽ xây dựng “lộ trình” cho năm tiếp theo.

Ngài nói: “Lý tưởng nhất là lộ trình này sẽ chỉ ra chỗ chúng ta cảm thấy đã đạt được sự đồng thuận giữa chúng ta và trên hết là trong dân Chúa, đặt ra các bước có thể thực hiện để đáp lại tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Nhưng nó cũng nên cho biết chỗ nào cần suy gẫm sâu hơn và điều gì có thể giúp ích cho quá trình suy gẫm đó.”
 
Đức Thánh Cha Phanxicô gợi ý về việc mở ra việc chúc lành cho các cặp đồng giới
Đặng Tự Do
03:59 05/10/2023


Đức Thánh Cha Phanxicô dường như đã để ngỏ khả năng các linh mục chúc lành cho các cặp đồng giới, nếu những cử hành này bị hạn chế, được quyết định theo từng trường hợp cụ thể và không nhầm lẫn với lễ cưới giữa một người nam và một người nữ.

Đức Phanxicô đã đưa ra ý kiến của mình trong một câu trả lời cho năm câu hỏi từ năm Hồng Y bảo thủ đến từ Á Châu, Âu Châu, Phi Châu, Hoa Kỳ và Mỹ Châu Latinh.

Các Hồng Y đã gửi cho Đức Thánh Cha một loạt câu hỏi chính thức, được gọi là “dubia” - tiếng Latinh có nghĩa là “những điểm hồ nghi”, về các vấn đề liên quan đến cuộc họp toàn cầu bắt đầu tại Vatican vào hôm thứ Tư.

Một trong những câu hỏi đặc biệt liên quan đến một thực hành, vốn đã trở nên tương đối phổ biến ở những nơi như Đức, về việc các linh mục chúc lành cho các cặp đồng giới đang trong mối quan hệ gắn bó.

Cuộc trao đổi bằng văn bản diễn ra vào tháng 7 và Vatican đã công bố các câu trả lời của Đức Thánh Cha vào hôm thứ Hai sau khi năm vị Hồng Y đơn phương tiết lộ sáng kiến của mình, nói rằng họ không hài lòng với các câu trả lời của Đức Phanxicô.

Phản ứng mang sắc thái của Đức Giáo Hoàng khác với phán quyết rõ ràng chống lại những kiểu chúc lành như vậy của Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican vào năm 2022.

Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican đã đưa ra tuyên bố của mình vào ngày 15 tháng 3 năm 2022, trong một tài liệu chính thức được gọi là Responsum Ad Dubium nghĩa là “câu trả lời cho nghi vấn”. Để trả lời cho câu hỏi, “Giáo hội có quyền chúc lành cho sự kết hợp của những người đồng giới không?” Bộ Giáo Lý Đức Tin đã trả lời: “Không. Giáo Hội không thể chúc lành cho tội lỗi”

Trong phần giải thích của mình, Vatican cho biết: “Cộng đồng Kitô hữu và các mục tử của cộng đoàn được kêu gọi chào đón với sự tôn trọng và nhạy cảm đối với những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái và sẽ biết cách tìm ra những cách thích hợp nhất, phù hợp với giáo huấn của Giáo hội, để loan báo Tin Mừng cho họ, trong sự viên mãn của Tin Mừng.”

“Đồng thời, họ nên nhận ra sự gần gũi thực sự của Giáo hội - Giáo hội cầu nguyện cho họ, đồng hành với họ và chia sẻ hành trình đức tin Kitô giáo của họ - và đón nhận giáo lý với sự cởi mở chân thành.”

Trong câu trả lời bảy điểm của mình, Đức Phanxicô cho biết Giáo hội rất rõ ràng rằng bí tích hôn nhân chỉ có thể được thực hiện giữa một người nam và một người nữ và mở ra cho việc sinh sản và Giáo hội nên tránh bất kỳ nghi lễ hoặc nghi thức bí tích nào khác mâu thuẫn với giáo huấn này.

Tuy nhiên, ngài nói “bác ái mục vụ phải thấm nhuần mọi quyết định và thái độ của chúng ta” và nói thêm rằng “chúng ta không thể là những thẩm phán chỉ phủ nhận, bác bỏ và loại trừ”.

Ngài nói, đôi khi, những lời cầu xin chúc lành là một phương tiện qua đó con người đến với Chúa để sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, ngay cả khi một số hành vi “không thể chấp nhận được về mặt đạo đức một cách khách quan”.

Giáo hội dạy rằng sự hấp dẫn đồng giới không phải là tội lỗi nhưng những hành vi đồng tính luyến ái thì có tội.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng bất kỳ chúc lành cuối cùng nào cũng không nên trở thành tiêu chuẩn hoặc nhận được sự chấp thuận chung chung từ các khu vực pháp lý của Giáo hội như các giáo phận hoặc hội đồng giám mục quốc gia.

Francis DeBernardo, giám đốc điều hành của New Ways Ministry, một cơ quan thúc đẩy việc Giáo hội tiếp cận những người Công Giáo LGBT, nói rằng mặc dù phản ứng này không phải là “sự chứng thực đầy đủ và rõ ràng” về những chúc lành như vậy, nhưng nó rất được hoan nghênh.

Trong một tuyên bố, DeBernardo nói rằng những lời của Đức Giáo Hoàng ngụ ý “rằng Giáo Hội thực sự thừa nhận rằng tình yêu thánh thiện có thể tồn tại giữa các cặp đồng giới, và tình yêu của những cặp đôi này phản ánh tình yêu của Thiên Chúa”.


Source:Reuters
 
Các Hồng Y xin Đức Thánh Cha giải thích rõ lập trường về phụ nữ, các cặp đồng giới trước cuộc họp ở Vatican
Đặng Tự Do
04:10 05/10/2023


Các Hồng Y đã đưa ra một loạt thách thức đối với Đức Thánh Cha Phanxicô trước một cuộc họp lớn ở Vatican, với năm vị Hồng Y yêu cầu làm rõ về các cặp đồng giới và các vấn đề khác.

Các Hồng Y đến từ Á Châu, Âu Châu, Phi Châu, Hoa Kỳ và Mỹ Châu Latinh cho biết hôm thứ Hai rằng họ đã gửi cho Đức Thánh Cha một bộ câu hỏi chính thức, được gọi là “dubia”, tiếng Latinh có nghĩa là các “điểm hồ nghi” liên quan đến Thượng Hội Đồng.

Trong một bức thư ngỏ gửi người Công Giáo, các ngài cho biết đã công bố những thách thức của mình “để anh chị em không bị bối rối, sai lầm và chán nản mà thay vào đó có thể cầu nguyện cho Giáo hội hoàn vũ”.

Hành động này là cuộc đụng độ mới nhất giữa Đức Giáo Hoàng và những vị thường cáo buộc ngài phá hoại một số giáo huấn truyền thống.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội đã chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục – trong hai năm qua, yêu cầu người Công Giáo trên khắp thế giới chia sẻ tầm nhìn của họ về tương lai của Giáo hội.

Các chủ đề sẽ bao gồm vai trò của phụ nữ, sự chấp nhận nhiều hơn đối với người Công Giáo LGBT, công bằng xã hội và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với người nghèo.

Tại cuộc họp, khoảng 365 “thành viên”, bao gồm các Hồng Y, giám mục, giáo dân và lần đầu tiên, phụ nữ sẽ bỏ phiếu cho các đề xuất.

Các cuộc thảo luận sẽ diễn ra trong tháng này và tiếp tục vào tháng 10 năm 2024. Rất có thể sẽ có một tài liệu của Đức Giáo Hoàng vào năm 2025, có nghĩa là những thay đổi trong giáo huấn của Giáo hội, nếu có, sẽ còn rất lâu mới có.

Năm vị Hồng Y - tất cả đều là những nhà phê bình nổi tiếng đối với Đức Giáo Hoàng, ở độ tuổi từ 75 đến 90 và không còn giữ bất kỳ chức vụ quan trọng nào – là Đức Hồng Y Raymond Burke của Hoa Kỳ, Walter Brandmueller của Đức, Giuse Trần Nhật Quân của Hương Cảng, Robert Sarah của Guinea và Juan Sandoval Iniquez của Mễ Tây Cơ.

Có 242 vị Hồng Y trong Giáo hội và không rõ liệu năm vị này có mời ai khác tham gia hay không. Một nhà phê bình nổi tiếng đối với Đức Phanxicô, Đức Hồng Y người Đức Gerhard Mueller, không nằm trong số những người ký tên.

Đức Hồng Y Burke nói với National Catholic Register, rằng các Hồng Y đã gửi cho Đức Giáo Hoàng một loạt câu hỏi trước đó và ngài đã trả lời một ngày sau khi nhận được vào tháng Bảy.

Không hài lòng, các ngài đã chỉnh sửa lại và gửi lại để đưa ra câu trả lời đơn giản là có hoặc không. Register cho biết Đức Giáo Hoàng vẫn chưa trả lời.

Vatican sau đó đã xuất bản bảy trang trả lời của Đức Thánh Cha cho loạt câu hỏi đầu tiên vào tháng Bảy. Một nguồn tin của Vatican, phát biểu với điều kiện giấu tên, cho biết điều đó cho thấy rằng Đức Giáo Hoàng đã xem xét họ một cách nghiêm túc và nguồn tin này chỉ trích các Hồng Y vì đã yêu cầu những câu trả lời “có” hoặc “không”.

Một câu hỏi đặt ra là liệu các cặp đồng giới có thể nhận được các phép lành hay không, điều mà một số linh mục đã thực hiện ở một số quốc gia, đặc biệt là ở Đức, mặc dù Vatican đã ra phán quyết chống lại các phép lành đó vào năm 2022.

Các Hồng Y cho biết các ngài muốn tái khẳng định rõ ràng giáo huấn của Giáo hội rằng các hành vi đồng tính luyến ái là tội lỗi.

Các ngài cũng tìm kiếm sự rõ ràng hơn về lệnh cấm của Giáo hội đối với các nữ linh mục, mặc dù Đức Phanxicô, trích dẫn phán quyết năm 1994 của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã nói rằng “cánh cửa đã đóng” về vấn đề đó.

Những người ủng hộ thượng hội đồng, bao gồm nhiều Hồng Y và giám mục, đã hoan nghênh các cuộc tham vấn như một cơ hội để thay đổi động lực và quyền lực của Giáo hội và mang lại tiếng nói lớn hơn cho giáo dân, bao gồm cả phụ nữ, cộng đồng LGBT và những người bên lề xã hội.

Nhưng một số vị đã đặt vấn đề với thực tế là nhiều giáo dân sẽ có quyền biểu quyết trong một Thượng Hội đồng Giám mục chính thức.

Tuần trước, nhóm phụ nữ Công Giáo có trụ sở tại Hoa Kỳ đã lên án việc cho phép phụ nữ được bỏ phiếu tại cuộc họp ngang bằng với phiếu bầu của một Hồng Y hoặc giám mục, đồng thời cho biết một số phụ nữ trong số các cử tri tại Thượng Hội Đồng là những người đã công khai ủng hộ “các học thuyết dị giáo” chống lại truyền thống.

“Chúng tôi mong muốn chỉ được đại diện bởi các giám mục,” nhóm nói.

Nhóm “Truyền thống, Gia đình và Di sản” đã gửi cho những người tham gia một cuốn sách nhỏ dài 100 trang gọi cuộc tụ tập là “Chiếc hộp Pandora” nguy hiểm. Đức Hồng Y Burke nói rằng ngài lo ngại thượng hội đồng sẽ gieo rắc “sự nhầm lẫn, sai sót và chia rẽ”.


Source:Reuters
 
Diễn Từ Khai Mạc Thượng Hội Đồng Của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Hội trường Phaolô VI, Thứ Tư, 4 tháng 10 năm 2023
Vũ Văn An
16:28 05/10/2023

Sau Thánh Lễ khai mạc long trọng tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, Phiên họp thường lệ lần thứ 16 của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tính Đồng nghị đã diễn ra tại Hội trường Phaolô VI. Sau phần chào mừng của Vị Chủ Tịch Đại Biểu, Đức Phanxicô đã nhắn nhủ Phiên họp bằng những lời chân thành, ứng khẩu. Sau đây là nguyên văn diễn từ của ngài, dựa vào bản tiếng Ý có tham khảo bản tiếng Pháp của hãng tin Zenit:



Chào anh chị em buổi chiều!

Tôi xin chào tất cả anh chị em, những người cùng chúng ta bắt đầu cuộc hành trình đồng nghị này.

Tôi muốn nhắc lại rằng chính Thánh Phaolô VI đã nói rằng Giáo hội ở phương Tây đã mất đi ý tưởng về tính đồng nghị, và vì lý do này ngài đã thành lập văn phòng thư ký cho Thượng hội đồng Giám mục, nơi đã tổ chức rất nhiều cuộc họp, nhiều Thượng hội đồng, về các chủ đề khác nhau.

Nhưng kiểu nói tính đồng nghị vẫn chưa chín muồi. Tôi nhớ rằng tôi là thư ký của một trong những Thượng Hội đồng này, và Đức Hồng Y Thư ký – một nhà truyền giáo tốt bụng người Bỉ, tốt, tốt – khi tôi chuẩn bị các lá phiếu, ngài đã đến nhìn tôi và hỏi: “Đức Cha đang làm gì vậy?” – “Ngày mai Đức Cha nên bỏ phiếu cho điều gì” – “Đó là điều gì? Không, điều này không được bỏ phiếu” – “Nhưng nghe này, đây là thượng hội đồng mà” – “Không, không, Đức Cha không bỏ phiếu”. Bởi vì lúc đó, chúng ta vẫn chưa có thói quen để mọi người được tự do tự phát biểu. Và như vậy, dần dần, trong gần 60 năm qua, con đường đã đi theo hướng này, và hôm nay chúng ta có thể đi đến Thượng Hội đồng về tính đồng nghị này.

Nó không dễ dàng, nhưng nó rất hay, rất hay. Một Thượng Hội đồng mà tất cả các giám mục trên thế giới đều mong muốn. Trong cuộc khảo sát được thực hiện sau Thượng hội đồng về Amazon, trong số tất cả các giám mục trên thế giới, ưu tiên thứ hai là: tính đồng nghị. Ưu tiên đầu là các linh mục, ưu tiên thứ ba, tôi nghĩ, là một vấn đề xã hội. Nhưng [điều này là] là ưu tiên thứ hai. Tất cả các giám mục trên thế giới đều thấy cần phải suy gẫm về tính đồng nghị. Tại sao vậy? Bởi vì mọi người đều hiểu rằng điều đó đã chín muồi.

Và với tinh thần này, chúng ta bắt đầu làm việc ngay hôm nay. Và tôi muốn nói rằng Thượng Hội đồng không phải là một quốc hội, mà là một điều gì đó khác; Thượng hội đồng không phải là một cuộc hội ngộ bạn bè để giải quyết một số vấn đề thời sự hoặc đưa ra ý kiến, đây là một chuyện khác. Thưa anh chị em, chúng ta đừng quên rằng nhân vật chính của Thượng Hội đồng không phải là chúng ta: đó là Chúa Thánh Thần. Và nếu ở giữa chúng ta có Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta thì đó sẽ là một Thượng Hội đồng tốt đẹp. Nếu ở giữa chúng ta có những cách khác để tiến tới vì lợi ích con người, bản thân và ý thức hệ, thì đó sẽ không phải là một Thượng Hội đồng, mà sẽ là một cuộc họp mang tính nghị viện hơn, đó là một điều gì đó khác.

Thượng Hội đồng là một cuộc hành trình do Chúa Thánh Thần điều hành. Một số tài liệu đã được trao cho anh chị em với các văn bản giáo phụ sẽ giúp chúng ta khai mạc Thượng Hội đồng. Chúng được lấy từ Thánh Basilêô, người đã viết luận thuyết hay về Chúa Thánh Thần. Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta cần hiểu thực tại này vốn không hề dễ dàng, không hề dễ dàng.

Vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng, khi các nhà thần học chuẩn bị một bức thư mà tôi đã ký, đó là một bước tiến tốt đẹp. Nhưng bây giờ chúng ta phải tìm được lời giải thích về con đường đó. Nhân vật chính của Thượng Hội đồng không phải là chúng ta mà là Chúa Thánh Thần, và nếu chúng ta dành chỗ cho Chúa Thánh Thần thì Thượng Hội đồng sẽ tốt đẹp. Những tài liệu của Thánh Basilêô này đã được cung cấp cho anh chị em bằng các ngôn ngữ khác nhau: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Tây Ban Nha, vì vậy anh chị em có chúng trong tay. Tôi không đề cập đến những bản văn này mà tôi yêu cầu anh chị em suy tư và suy gẫm về chúng.

Chúa Thánh Thần là nhân vật chính của đời sống Giáo hội: kế hoạch cứu rỗi con người được thực hiện nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Người là Đấng đảm nhận vai chính. Nếu chúng ta không hiểu điều này, chúng ta sẽ giống như những người được nói đến trong Sách Công vụ Tông đồ: “Anh em đã nhận được Chúa Thánh Thần chưa?” “Chúa Thánh Thần là gì? Chúng tôi thậm chí còn chưa nghe nói đến điều đó” (x. 19:1-2). Chúng ta phải hiểu rằng Người là nhân vật chính của đời sống Giáo hội, là Đấng đưa nó tiến về phía trước.

Chúa Thánh Thần khơi dậy trong cộng đồng giáo hội một động lực sâu sắc và đa dạng: “budro” [đấng lay động] của Lễ Hiện Xuống. Điều tò mò là việc gì xảy ra trong Lễ Ngũ Tuần: mọi sự đang yên ổn, tất cả đều rõ ràng... Sáng hôm đó có sự hối hả và nhộn nhịp, mọi ngôn ngữ đều được nói, mọi người đều hiểu... Nhưng đó là một sự đa dạng mà người ta không hiểu nó có nghĩa gì cho lắm... Và sau đó là công việc vĩ đại của Chúa Thánh Thần: không phải sự hiệp nhất, không, am là sự hòa hợp. Người hiệp nhất chúng ta trong sự hòa hợp, sự hòa hợp của mọi khác biệt. Nếu không có sự hòa hợp thì không có Chúa Thánh Thần: chính Người làm điều đó.

Sau đó, bản văn thứ ba có thể giúp ích: Chúa Thánh Thần là soạn giả hài hòa của lịch sử cứu độ. Sự hòa hợp – hãy cẩn thận – không có nghĩa là “tổng hợp”, mà là “sợi dây hiệp thông giữa những phần khác nhau”. Nếu tại Thượng hội đồng này, chúng ta kết thúc bằng một tuyên bố tất cả đều như nhau, không có sắc thái nào cả, thì Thánh Thần không có ở đó, Người vẫn ở bên ngoài. Người tạo ra sự hài hòa đó không phải là sự tổng hợp, nó là mối dây hiệp thông giữa những phần khác nhau.

Giáo Hội, một sự hòa hợp duy nhất của nhiều tiếng nói, bằng nhiều tiếng nói, được Chúa Thánh Thần thể hiện: chúng ta phải quan niệm về Giáo Hội theo cách này. Mỗi cộng đồng Kitô giáo, mỗi người đều có đặc điểm riêng của mình, nhưng những đặc điểm này phải được đưa vào bản giao hưởng của Giáo hội và bản giao hưởng đúng đắn đó tạo nên Thần Khí: chúng ta không thể làm được điều đó. Chúng ta không phải là quốc hội, chúng ta không phải là Liên Hiệp Quốc, không, là điều gì đó khác.

Chúa Thánh Thần là nguồn gốc của sự hòa hợp giữa các Giáo hội. Thật đáng lưu ý khi Thánh Basilêô nói với các anh em giám mục của mình: “Vì chúng tôi quý trọng sự hòa hợp và hiệp nhất lẫn nhau của anh em như lợi ích của chúng tôi, nên chúng tôi mời gọi anh em tham gia vào những đau khổ của chúng tôi do chia rẽ gây ra và đừng tách rời chúng tôi khỏi anh em vì chúng tôi ở cách xa vì vị trí và địa điểm, nhưng vì chúng ta hiệp nhất trong sự hiệp thông theo Thánh Thần, để chào đón chúng ta trong sự hòa hợp của một thân thể”.

Chúa Thánh Thần nắm tay dẫn dắt chúng ta và an ủi chúng ta. Do đó, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần – tôi xin dùng chữ này – gần như có tính mẫu tử, như một người mẹ dẫn dắt chúng ta, an ủi chúng ta. Người là Đấng Yên ủi, một trong những danh hiệu của Chúa Thánh Thần: Đấng An ủi. Hành động an ủi của Chúa Thánh Thần được mô tả bởi người chủ quán, người mà nạn nhân của bọn cướp đã được giao phó cho (x. Lc 10:34-35): Thánh Basilêô giải thích dụ ngôn người Samaritanô nhân lành và nơi người chủ quán, ngài thấy Chúa Thánh Thần, Đấng cho phép thiện chí của người này và tội lỗi của người kia đi vào con đường hòa hợp.

Hơn nữa, Đấng bảo vệ Giáo hội là Chúa Thánh Thần. Như thế, Chúa Thánh Thần chu toàn chức năng một cố vấn ở nhiều mặt. Chúng ta phải học cách lắng nghe các tiếng nói của Thánh Thần: tất cả đều khác nhau. Hãy học cách phân định.

Và sau đó, Chúa Thánh Thần là Đấng tạo nên Giáo hội: chính Người là Đấng tạo nên Giáo hội. Có một mối liên hệ rất quan trọng giữa Lời Chúa và Chúa Thánh Thần. Chúng ta có thể nghĩ về điều này: Lời Chúa và Chúa Thánh Thần. Kinh thánh, Phụng vụ, truyền thống cổ xưa nói với chúng ta về “nỗi buồn” của Chúa Thánh Thần, và một trong những điều làm Chúa Thánh Thần buồn lòng là những lời nói trống rỗng. Những lời nói trống rỗng, những lời trần tục và – xuống một chút tới thói quen nào đó của con người nhưng không tốt – lời tán gẫu. Tán gẫu là chống lại Chúa Thánh Thần, quả chống lại. Đó là một căn bệnh rất phổ biến giữa chúng ta. Và những lời trống rỗng làm buồn lòng Chúa Thánh Thần. “Anh chị em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em” (x. Eph 4:30).

Chúng ta có cần phải nói rằng làm buồn lòng Thánh Thần của Thiên Chúa là tội ác lớn xiết bao không? Nói huyên thuyên, nói hành: điều này làm buồn lòng Chúa Thánh Thần. Đó là căn bệnh phổ biến nhất trong Giáo hội, căn bệnh tán gẫu. Và nếu chúng ta không để Người chữa lành căn bệnh này cho chúng ta, thì khó có thể đoán trước một cuộc hành trình đồng nghị sẽ tốt đẹp. Ít nhất là ở đây: nếu anh chị em không đồng ý với những gì vị giám mục, nữ tu đó hoặc giáo dân đó nói ở đó, hãy nói thẳng với vị ấy. Đó là lý do tại sao đây là Thượng Hội đồng. Nói thật chứ không tán gẫu dưới gầm bàn.

Chúa Thánh Thần củng cố chúng ta trong đức tin. Người là Đấng luôn làm điều đó...

Những đoạn văn này của Thánh Basilêô, hãy đọc đi, chúng được trình bầy bằng ngôn ngữ của anh chị em, bởi vì tôi tin rằng chúng sẽ giúp chúng ta biến tâm hồn mình thành chỗ cho Chúa Thánh Thần. Tôi nhắc lại: đây không phải là một quốc hội, không phải là một cuộc họp để chăm sóc mục vụ cho Giáo hội. Đây là một syn-odos, chương trình là đi cùng nhau. Chúng ta đã làm rất nhiều điều, như Đức Thượng phụ đã nói: tham khảo ý kiến, tất cả những điều này, với dân Chúa. Nhưng người nắm giữ điều này trong tay và hướng dẫn là Chúa Thánh Thần. Nếu Người không có ở đó, điều này sẽ không mang lại kết quả tốt.

Tôi nhấn mạnh vào điều này: làm ơn, đừng làm buồn Chúa Thánh Thần. Và trong thần học của chúng ta, hãy dành chỗ cho Chúa Thánh Thần. Và cũng trong Thượng Hội đồng này, hãy phân định tiếng nói của Chúa Thánh Thần với những tiếng nói không phải của Chúa Thánh Thần, những tiếng nói của thế gian. Theo tôi, căn bệnh tồi tệ nhất mà ngày nay – luôn luôn, nhưng cả ngày nay nữa – được thấy trong Giáo hội là những gì đi ngược lại Thần Khí, tức là tính thế gian tâm linh. Một tinh thần nhưng không thánh thiện: mang tính trần tục. Hãy cẩn thận về điều này: chúng ta đừng thay thế Chúa Thánh Thần bằng những thứ trần tục – dù tốt – như lương tri [common sense]: điều này giúp ích, nhưng Chúa Thánh Thần còn đi xa hơn. Chúng ta phải học cách sống trong Giáo hội của mình với Chúa Thánh Thần. Tôi khuyên anh chị em nên suy gẫm về những bản văn này của Thánh Basilêô, chúng sẽ giúp ích cho chúng ta rất nhiều.

Sau đó, tôi muốn nói rằng trong Thượng Hội đồng này – cũng để dành chỗ hoàn toàn cho Chúa Thánh Thần – có ưu tiên lắng nghe, có ưu tiên này. Và chúng ta phải đưa ra một thông điệp tới những người điều hành báo chí, những nhà báo, những người đang làm một công việc rất tốt, rất tốt. Chúng ta phải cung cấp một nền truyền thông phản ảnh sự sống này trong Chúa Thánh Thần. Cần phải có một sự khổ hạnh – xin lỗi nếu tôi nói như thế này với các nhà báo – một sự kiêng khem nào đó về lời lẽ công khai để cảnh giác về điều này. Và những gì được công bố phải được công bố trong bầu khí này. Người ta nói một số người cho rằng các giám mục sợ hãi và vì lý do này các ngài không muốn các nhà báo nói ra. Không, công việc của nhà báo rất quan trọng. Nhưng chúng ta phải giúp họ truyền đạt và làm điều này theo Chúa Thánh Thần. Và hơn cả ưu tiên của việc nói là ưu tiên của việc lắng nghe. Và tôi yêu cầu các nhà báo làm cho mọi người hiểu điều này, để họ biết rằng ưu tiên hàng đầu là lắng nghe.

Khi có Thượng Hội đồng về gia đình, công luận, do tinh thần thế tục của chúng ta, muốn người ta cho phép những người ly dị được rước lễ: và chúng ta đã bước vào Thượng hội đồng như thế. Khi có Thượng hội đồng về Amazon, công luận a gây áp lực buộc phải thực hiện việc cho các viri pro-bati làm linh mục: chúng ta đã bước vào Thượng Hội Đồng với áp lực này.

Ngày nay, có một số đồ đoán về Thượng Hội đồng này: “họ sẽ làm gì?”, “có lẽ là chức linh mục cho phụ nữ”…, tôi không biết, những điều này được nói ra ở bên ngoài. Và họ nhiều lần nói rằng các giám mục ngại truyền đạt những gì xảy ra. Vì lý do này, tôi yêu cầu các bạn, giới truyền thông, thực hiện chức năng tốt và công bằng của mình, để Giáo hội và những người thiện chí – những người khác sẽ nói những gì họ muốn – hiểu rằng ngay cả trong Giáo hội cũng dành ưu tiên cho việc lắng nghe. Điều rất quan trọng là làm cho người ta biết vice này.

Tôi cảm ơn anh chị đã giúp đỡ tất cả chúng ta trong thời điểm “tạm dừng” này của Giáo hội. Giáo hội đã dừng lại, như các Tông đồ đã dừng lại sau Thứ Sáu Tuần Thánh, Thứ Bảy Tuần Thánh đó, các ngài đóng cửa, nhưng vì sợ hãi, chúng ta không sợ như vậy. Nhưng nó vẫn còn đó. Đó là sự tạm dừng để toàn thể Giáo hội lắng nghe. Đây là thông điệp quan trọng nhất. Cảm ơn vì công việc của anh chị em, cảm ơn vì những gì anh chị em làm. Và tôi khuyên anh chị em, nếu có thể, hãy đọc những tác phẩm này của Thánh Basilêô, chúng giúp ích rất nhiều. Cảm ơn anh chị em.

Bản dịch này đã được bổ túc sau khi tham khảo bản tiếng Pháp của Hãng tin Zenit, ấn bản tiếng Pháp
 
Đừng để bị lừa: Chúa Kitô cấm các hành vi đồng tính luyến ái, và Giáo Hội không thể dạy ngược lại
J.B. Đặng Minh An dịch
17:35 05/10/2023


Đức Ông Charles Pope là giáo sư Kinh Thánh đang giảng dạy tại các chủng viện ở tổng giáo phận Washington DC và phụ trách một lớp Kinh Thánh tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Ngài cũng là niên trưởng linh mục đoàn của tổng giáo phận Washington.

Ngài đã có bài viết sau trên tờ National Catholic Register với nhan đề “Do Not Be Deceived: Christ Forbids Homosexual Acts, and the Church Cannot Teach Otherwise” nghĩa là “Đừng để bị lừa: Chúa Kitô cấm các hành vi đồng tính luyến ái, và Giáo Hội không thể dạy ngược lại” nhằm đưa ra các dẫn chứng Kinh Thánh bảo vệ các giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến vấn đề các hành vi đồng tính luyến ái.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

“Căn cứ vào Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng (x. St 19,1-29; Rm 1,24-27; 1 Cr 6,10; 1 Tm 1,10), truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố: ‘Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn’ (x. Bộ Giáo Lý Đức Tin, tuyên ngôn “persona humana” 8). Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên vì loại bỏ chủ đích truyền sinh của hành vi tính dục, cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này là không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào.” (GLCG 2357)

Cuộc cách mạng tình dục đang từng bước tiến sâu vào một sự hoang mang ngày càng sâu sắc khiến nhiều người Công Giáo và những Kitô hữu khác bị bối rối. Nhưng không thể lầm lạc và cũng không ai, dù là giáo dân hay giáo sĩ, được phép bất đồng chính kiến đối với các giáo huấn của Giáo Hội về tính dục con người. Cả Kinh Thánh và giáo lý của Giáo Hội đều rất rõ ràng rằng tất cả các hình thức kết hợp tình dục bất chính, dù là ngoại tình, tà dâm hay các hành vi đồng tính luyến ái, đều là tội lỗi và không thể được chấp thuận dưới bất kỳ hình thức nào.

Một số người Công Giáo chính thức bất đồng chính kiến với Giáo Hội vì nhận thức và thái độ cố ý bác bỏ giáo huấn của Giáo Hội của họ, nhưng số người như thế không nhiều bằng những người bất đồng chính kiến với Giáo Hội vì sự lầm lạc gây ra bởi một nền văn hóa ồn ào và một bục giảng câm nín.

Đặc biệt đáng trách là bất kỳ phó tế, linh mục hoặc giám mục nào gieo rắc lầm lạc bằng những tuyên bố trực tiếp, hay cố ý nói mơ hồ hoặc đưa ra những chính sách sai lầm quảng bá lòng thương xót mà không đề cập gì đến sự ăn năn cần thiết. Chăm sóc cho mọi người tội lỗi là công việc liên tục của Giáo Hội. Tất cả những người tội lỗi đều đáng được yêu thương và chăm sóc mục vụ cẩn thận, với một niềm tôn trọng. Nhưng những gì Thiên Chúa đã mạc khải là tội lỗi, mà dám gọi là tốt hay cho rằng đó chỉ là chuyện thường tình, dù bằng lời nói trực tiếp hay bằng sự ngụy biện, đều không phải là chăm sóc mục vụ; nhưng là một lỗi nặng. Tất cả chúng ta, giáo sĩ và giáo dân, đều được kêu gọi trở thành tiên tri của Thiên Chúa, truyền bá giáo huấn của Ngài; và chúng ta phải nhớ rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ phải giải trình với Ngài.

Trước đây tôi đã viết về nhiều khía cạnh lầm lẫn khác nhau liên quan đến tính dục trong nền văn hóa của chúng ta, ví dụ như tà dâm, ngoại tình, tránh thai, chuyển giới, cuộc chiến chống lại dục vọng, hôn nhân, ly hôn và Rước lễ, và các nạn nhân của cuộc cách mạng tình dục. Trong bài này, tôi đặc biệt tập trung vào giáo huấn của Thiên Chúa liên quan đến hành vi đồng tính luyến ái.

Đáng buồn thay, trong những tháng gần đây, một số giáo sĩ đã truyền bá những quan niệm phiến diện và đôi khi sai lầm nghiêm trọng rằng những hành vi đó có thể được chấp nhận. Chúng không thể được chấp nhận.

Do đó, một lần nữa tôi cảm thấy bị bắt buộc phải giảng dạy về vấn đề này, xác nhận lại Kinh Thánh và giáo lý của Giáo Hội. Kinh Thánh rất rõ ràng khi mô tả một cách rõ ràng và dứt khoát hoạt động đồng tính luyến ái như một tội lỗi nghiêm trọng và một sự rối loạn luân lý. Một số người cố gắng giải thích lại Kinh Thánh để nói khác đi, nhẹ nhất tôi phải nói rằng các cố gắng ấy là hoang đường. Họ thường đưa ra những lý thuyết bẻ cong luận lý và đưa ra những quan điểm lịch sử lừa đảo để loại bỏ chính ý nghĩa rất đơn giản của các văn bản.

Tôi muốn chia sẻ với anh chị em một vài đoạn Kinh Thánh này, nhưng trước khi thực hiện điều này, tôi muốn mô tả bối cảnh của bài suy tư này và làm rõ hai điều rất quan trọng.

Bối cảnh - Những suy tư của tôi hướng đến những Kitô hữu đồng đạo, do đó tôi sử dụng Kinh Thánh làm điểm xuất phát chính, vì tất cả chúng ta cùng chia sẻ niềm tin vào vị thế chuẩn mực và thẩm quyền của Lời Chúa. Trong các bối cảnh khác, chẳng hạn khi đề cập đến thế giới thế tục, các lập luận dựa trên Luật Tự nhiên sẽ phù hợp hơn. Nhưng, trong bài viết này, Kinh Thánh và giáo huấn của Giáo Hội là nền tảng. Người Công Giáo, những người nên chấp nhận rằng Kinh Thánh được Thiên Chúa soi sáng và giảng dạy không chút sai lầm về đức tin và đạo đức, phải có sự hiểu biết rõ ràng về Kinh Thánh, nếu không chúng ta lại sa vào sự lầm lạc đang lan rộng trên thế giới.

Minh xác thứ nhất: Hoạt động tình dục đồng giới phải bị lên án, nhưng chúng ta không lên án những người có khuynh hướng tình dục đồng giới. Một số cá nhân bị thu hút bởi các thành viên cùng giới tính. Tại sao điều này lại xảy ra hoặc nó xảy ra như thế nào vẫn chưa được hiểu đầy đủ, nhưng dù sao thì đó cũng là một cuộc đấu tranh trong nội tâm đối với một số người. Bởi vì xu hướng tình dục thường không phải là vấn đề được lựa chọn trực tiếp hoặc thậm chí là được kiểm soát ngay lập tức, bản thân nó không phải là đối tượng bị lên án về mặt đạo đức. Bị cám dỗ phạm tội không làm cho người ta trở nên tội lỗi, hay xấu xa, họ thậm chí không có tội vì cơn cám dỗ đó. Đúng hơn, chính sự đầu hàng cơn cám dỗ mới là điều khiến người ta trở thành kẻ tội lỗi.

Nhiều người đồng tính luyến ái sống trong sạch. Dù bị cám dỗ thực hiện các hành vi quan hệ tình dục đồng giới nhưng họ không làm như vậy. Đây là điều can đảm, thánh thiện và đáng khen ngợi. Tuy nhiên, đáng buồn thay, những người khác bị thu hút đồng giới không chỉ phạm tội hoạt động tình dục đồng giới mà còn công khai phô trương nó và bác bỏ các văn bản Kinh Thánh rõ ràng ngăn cấm điều đó. Chúng ta chỉ có thể hy vọng và cầu nguyện cho sự hoán cải của họ. Tuy nhiên, chúng ta phải phân biệt giữa xu hướng tình dục đồng giới và hoạt động tình dục đồng giới.

Minh xác thứ hai: Chúng ta không nên xem hoạt động tình dục đồng giới như thể đó là tội lỗi tình dục duy nhất bị Thiên Chúa lên án. Những người dị tính luyến ái cũng được mời gọi sống thuần khiết trong tình dục. Kinh Thánh lên án hoạt động đồng tính luyến ái, và chính Kinh Thánh cũng lên án một cách rõ ràng những hành vi ngoại tình và tà dâm. Kinh Thánh mô tả đây là những tội lỗi nghiêm trọng có thể loại trừ con người khỏi dân Chúa và Nước Trời (xem Eph 5:5-7; Gal 5:16-21; Rev 21:5-8; Rev. 22:14-16; Mt. 15:19-20; 1 Cor 6:9-20; Col 3:5-6; 1 Thess 4:1-8; 1 Tim 1:8-11; Heb 13:4). Đáng buồn thay, ngày nay nhiều người đang sống trong tình trạng công khai vi phạm giáo huấn của Kinh Thánh. Nhiều người tham gia vào các quan hệ tình dục trước hôn nhân, và nói rằng điều đó là OK vì “ai cũng làm thế mà”. Điều này, giống như hoạt động đồng tính luyến ái, là tội lỗi và cần được ăn năn ngay lập tức.

Do đó, hoạt động tình dục đồng giới không phải là tội lỗi duy nhất Kinh Thánh và các Kitô hữu chỉ ra. Mỗi con người, không có ngoại lệ, dù dị tính hay đồng tính luyến ái, đều được mời gọi đến với sự thuần khiết về tình dục, sống khiết tịnh và tự chủ. Mọi sự vi phạm điều này đều là một tội lỗi. Nói một cách tích cực hơn, mệnh lệnh của Thiên Chúa về sự khiết tịnh có nghĩa là với ân sủng của Thiên Chúa, mọi người đều có thể thuần khiết về tình dục. Thiên Chúa ban ân sủng cho chúng ta để có thể thi hành những lệnh truyền của Ngài!

Với bối cảnh và những minh định này trong trí, giờ đây chúng ta có thể hướng sự chú ý của mình sang lời dạy trong Kinh Thánh về đồng tính luyến ái.

Như đã trình bày ở trên, Kinh Thánh lên án rõ ràng và mạnh mẽ các hành vi đồng tính luyến ái. Ví dụ:

Ngươi không được nằm với đàn ông như nằm với đàn bà: đó là điều ghê tởm (Lv 18:22)
Người đàn ông nào nằm với một người đàn ông khác như nằm với đàn bà, thì cả hai đã làm điều ghê tởm (Lv 20:13)

Tương tự như vậy, câu chuyện về sự hủy diệt thành Xơ-đôm và Gô-mô-ra, trong số những thứ khác, miêu tả tội lỗi hoạt động đồng tính luyến ái. Quá dài dòng để sao chép lại toàn bộ ở đây, nhưng anh chị em có thể đọc trong chương thứ 19 Sách Sáng thế ký. Một số người đã cố truyền bá một cách lầm lạc rằng câu chuyện của Xơ-đôm và Gô-mô-ra chỉ là câu chuyện về “lòng tốt”, và tôi đã viết về chủ đề đó ở đây: Tội lỗi của Xơ-đôm và Gô-mô-ra. Và mọi người Công Giáo hãy lưu ý rằng Sách Giáo lý nêu bật chương thứ 19 Sách Sáng thế ký như là cơ sở Kinh Thánh trong việc cấm các hành vi đồng tính luyến ái.

Từ trời, Thiên Chúa mặc khải cơn thịnh nộ của Người chống lại mọi thứ vô luân và bất chính của những người lấy sự bất chính mà giam hãm chân lý. Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ...qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ…Bởi thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục tình đồi bại. Đàn bà không quan hệ theo lẽ tự nhiên, mà lại làm điều trái tự nhiên. Đàn ông cũng vậy, không quan hệ với đàn bà theo lẽ tự nhiên, mà lại đem lòng thèm muốn lẫn nhau: đàn ông bậy bạ với đàn ông. Như vậy là chuốc vào thân hình phạt xứng với sự lầm lạc của mình. Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Người đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng (Rm 1: 18-29).

Nào anh em chẳng biết rằng những kẻ bất chính sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp sao? Anh em đừng lầm. Những kẻ dâm đãng, thờ ngẫu tượng, ngoại tình, truỵ lạc, kê gian, những kẻ trộm cướp, tham lam, say sưa rượu chè, quen chửi bới, sẽ không được Nước Thiên Chúa làm cơ nghiệp (1 Cr 6: 9-10).

Chúng ta biết rằng Lề Luật là tốt, nếu người ta sử dụng cho đúng cách. Thật vậy, Lề Luật có đó, không phải cho người công chính, mà là cho hạng người sống ngoài lề luật và bất phục tùng, vô luân và tội lỗi, phạm thánh phạm thượng, giết cha giết mẹ, sát nhân, dâm dật, kê gian, buôn người, nói dối, bội thề, và những kẻ sống ngược với giáo lý lành mạnh. Đó là giáo lý phù hợp với Tin Mừng đã được giao phó cho tôi, Tin Mừng về vinh quang của Thiên Chúa chí tôn. (1 Tim 1: 8-11).



Anh chị em hãy lưu ý rằng trong những văn bản này, hoạt động tình dục đồng giới, hay còn gọi là kê gian, được liệt kê là một trong số các tội phạm tình dục khác; nó không phải là tội lỗi tình dục duy nhất. Vậy thì đây là điều Kinh Thánh dạy: hoạt động tình dục đồng giới là tội lỗi, cũng như các tội lỗi tình dục khác như tà dâm và ngoại tình. Đúng là không có nhiều văn bản nói về hoạt động đồng tính luyến ái, nhưng bất cứ khi nào đề cập đến các hành vi đồng tính, thì các hành vi này đều bị lên án rõ ràng và không khoan nhượng. Hơn nữa, sự kết án này xảy ra ở mọi giai đoạn của mặc khải trong Kinh Thánh, từ đầu đến cuối.

Một số người nói rằng Chúa Giêsu chưa từng đề cập đến đồng tính luyến ái. Vâng, Ngài cũng chưa từng đề cập đến hiếp dâm, loạn luân hay, lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, nhưng sự “im lặng” của Ngài trong những vấn đề này chắc chắn không phải là một sự tán thành. Hơn nữa, Chúa Giêsu nói rằng ai nghe các môn đệ của Ngài thì nghe Ngài (xin xem Luca 10:16), và các Thư chung của các Tông Đồ đề cập rõ ràng đến các hành vi đồng tính luyến ái và lên án chúng cùng với tà dâm, ngoại tình và tất cả những gì là ô uế tình dục.

Đáng buồn thay, ngày nay nhiều người đã bỏ qua một bên những giáo huấn này về hoạt động đồng tính luyến ái. Họ không chỉ tuyên bố rằng điều đó không phải là tội lỗi, mà họ còn cử mừng, và chúc phúc cho nó như thể đó là một điều tốt đẹp. Những người ngoại đạo làm điều này đã là tồi tệ lắm rồi, nhưng thật là quá bi thảm hơn bội phần khi những người tự xưng mình là Công Giáo và là Kitô hữu mà lại làm ra những điều như vậy.

Anh chị em đừng để bị lừa. Những kẻ nào tán thành hành vi đồng tính luyến ái hoặc bất kỳ hành vi tình dục bất hợp pháp nào khác đang bỏ qua Lời Đức Chúa Trời hoặc đang diễn giải lại Lời Chúa cho phù hợp với chương trình nghị sự của họ. Thánh Vịnh 2:1 than thở “Sao chư dân lại ồn ào náo động? Sao vạn quốc dám bày kế viển vông” Chúa Giêsu biết rằng một số người sẽ lợi dụng Ngài để thúc đẩy các chương trình nghị sự sai trái của họ, và vì vậy Ngài đã cảnh báo rằng: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị người ta lừa gạt. Sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: ‘Chính Ta đây!’, và họ sẽ lừa gạt được nhiều người.” (Mc 13:5-6) Thánh Phaolô cũng biết rằng một số sẽ xuyên tạc đức tin Kitô: “Tôi biết rằng khi tôi đi rồi, thì sẽ có những sói dữ đột nhập vào anh em, chúng không tha đàn chiên. Ngay từ giữa hàng ngũ anh em sẽ xuất hiện những người giảng dạy những điều sai lạc, hòng lôi cuốn các môn đệ theo chúng.” (Cv 20:29-30).

Chúng ta phải nói sự thật đến từ Thiên Chúa và sau đó sống với sự thật ấy. Kìm hãm sự thật dẫn đến xuyên tạc, lầm lạc và đau khổ. Tình trạng tháo thứ tình dục trong thời đại của chúng ta đã dẫn đến những đau khổ lớn: những bệnh lây truyền qua đường tình dục, AIDS, nạo phá thai, mang thai ở tuổi vị thành niên, hôn nhân tan vỡ, ly hôn, làm cha mẹ đơn thân, nghiện các nội dung khiêu dâm, lạm dụng tình dục, ngộ nhận về tình dục và suy giảm văn hóa. Kinh Thánh chép rằng: “Họ gieo gió thì sẽ gặt gió lốc” (Hs 8: 7). “Anh em đừng có lầm tưởng: Thiên Chúa không để cho người ta nhạo báng đâu! Thật vậy, ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu, thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát. Còn ai theo Thần Khí mà gieo điều tốt, thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời” (Gl 6:7-8). Nền văn hóa của chúng ta chắc chắn đang gặt hái những tác động tàn phá của cuộc cách mạng tình dục. Như mọi khi, chính những đứa trẻ phải trả giá cao nhất cho những hành vi sai trái của người lớn.

Một số người phản đối giáo huấn của Kinh Thánh và Giáo Hội đã chụp mũ những ai có quan điểm khác với họ là “hận thù” và “cố chấp”. Chúng ta là những người có đức tin phải tuyên bố rằng sự phản đối của Giáo Hội đối với hành vi đồng tính luyến ái bắt nguồn từ Lời Chúa, mà chúng ta phải ngoan ngoãn vâng theo. Chúng ta không thể nói và dạy gì khác hơn là những gì Thiên Chúa đã mạc khải một cách nhất quán trong Lời Ngài. Chúng ta không bao giờ được phép nói dối người khác hoặc tán thành những thực hành sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ hoặc ơn cứu rỗi đời đời của họ. Khẳng định cho rằng một số tầng lớp hoặc một số hạng người nhất định, trong trường hợp này là những người có sức hấp dẫn đồng giới, không thể sống một cách hợp lý theo lời dạy của Kinh Thánh mới chính là một hình thức cố chấp.

Có lẽ tốt nhất nên kết thúc bằng một tuyên bố từ Sách Giáo lý, thể hiện sự rõ ràng về giáo huấn của Giáo Hội nhưng cũng yêu thương tôn trọng những người có sức hấp dẫn đồng giới:

Đồng tính luyến ái là những liên hệ giữa những người nam hay nữ cảm thấy bị lôi cuốn tính dục với người đồng phái nhiều hơn với người khác phái. Đồng tính luyến ái xuất hiện trong nhiều thời đại và văn hóa, với nhiều hình thức khác nhau. Cho đến nay, người ta vẫn chưa giải thích được nguyên nhân tâm thần của hiện tượng này. Căn cứ vào Kinh Thánh vốn xem chúng như những suy đồi nghiêm trọng (x. St 19,1-29; Rm 1,24-27; 1 Cr 6,10; 1 Tm 1,10), truyền thống Hội Thánh luôn tuyên bố: “Các hành vi đồng tính luyến ái tự bản chất là thác loạn” (x. Bộ Giáo Lý Đức Tin, tuyên ngôn “persona humana” 8). Các hành vi này nghịch với luật tự nhiên vì loại bỏ chủ đích truyền sinh của hành vi tính dục, cũng không xuất phát từ nhu cầu bổ túc thực sự về tình cảm và tính dục. Những hành vi này không thể chấp nhận được trong bất cứ trường hợp nào.

Đừng quên một số người đã có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn. Đối với đa số những người này, khuynh hướng lệch lạc ấy là một thử thách. Chúng ta phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm và tế nhị, tránh đối xử bất công. Cả những người này cũng được mời gọi thực hiện ý Chúa trong cuộc sống, và, nếu là Ki-tô hữu, họ được kêu gọi kết hợp những khó khăn họ có thể gặp phải do hoàn cảnh của mình với hy lễ thập giá của Chúa.

Những người đồng tính luyến ái cũng được mời gọi sống khiết tịnh. Họ có thể và phải cương quyết tiến dần đến sự toàn thiện Ki-tô Giáo nhờ kinh nguyện và ân sủng bí tích, nhờ biết tự chủ để củng cố tự do nội tâm và nhờ sự nâng đỡ của một tình bạn vô vị lợi. (GLCG 2357-2359).



Tôi viết bài này hôm nay với hy vọng rằng anh chị em sẽ không bao giờ sa vào sự lầm lạc của thời đại chúng ta. “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo.” (xem Rm 12: 2). Sự chăm sóc mục vụ thích hợp cần thiết ngày nay là làm sáng tỏ và củng cố mọi người trong đức tin tông truyền được ủy thác cho Giáo Hội. Vì mục đích đó, tôi hy vọng anh chị em thấy bài viết này hữu ích. Xin cho tất cả chúng ta, các giáo sĩ và giáo dân, các vị tiên tri qua phép rửa tội, dám nói ra sự thật với lòng yêu mến, bền đỗ và can đảm.


Source:National Catholic Register
 
Nguyên văn Tài liệu Làm việc cho Phiên họp đầu của Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị
Vũ Văn An
18:50 05/10/2023

Phiên họp Toàn thể Thường lệ Lần Thứ Mười Sáu Của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Cho Một Giáo Hội Đồng Nghị: Hiệp thông, Tham Gia, Sứ Mệnh



Tài Liệu Làm việc



Cho phiên đầu tiên, (Tháng 10 năm 2023)



Mục Lục

Lời tựa

Cuộc hành trình cho đến nay

Một công cụ làm việc cho giai đoạn thứ hai của hành trình đồng nghị

Cấu trúc của bản văn

A. Cho một Giáo hội Đồng nghị. Một trải nghiệm toàn diện

A 1. Những dấu hiệu đặc trưng của một Giáo hội Đồng nghị

A 2. Con đường phía trước cho Giáo Giáo hội Đồng nghị: đối thoại trong Thánh Thần

B. Hiệp thông, tham gia, sứ mạng. Ba vấn đề ưu tiên đối với Giáo hội có tính đồng nghị.

B 1. Một sự hiệp thông tỏa sáng: Làm thế nào chúng ta có thể trở thành dấu chỉ và khí cụ trọn vẹn hơn của sự kết hợp với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại?

B 2. Đồng trách nhiệm trong sứ vụ: Làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ tốt hơn các ân sủng và nhiệm vụ phục vụ Tin Mừng?

B 3. Tham gia, quản trị và thẩm quyền: Những tiến trình, cơ cấu và tổ chức nào trong một Giáo hội truyền giáo có tính đồng nghị?

Bảng Câu Hỏi Cho Phiên họp Thượng Phiên họp



Giới thiệu

Bảng câu hỏi cho phần B 1. Sự hiệp thông lan tỏa

B 1.1 Việc phục vụ bác ái và dấn thân cho công lý cũng như chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta nuôi dưỡng sự hiệp thông trong một Giáo hội Đồng nghị như thế nào?

B 1.2 Làm thế nào một Giáo hội Đồng nghị có thể khiến lời hứa rằng “tình yêu và sự thật sẽ gặp nhau” (Tv 85:11) trở nên đáng tin cậy?

B 1.3 Làm thế nào mối quan hệ trao đổi quà tặng năng động giữa các Giáo hội có thể phát triển?

B 1.4 Làm thế nào một Giáo hội Đồng nghị có thể hoàn thành sứ mệnh của mình thông qua một cam kết đại kết được đổi mới?

B 1.5 Làm thế nào chúng ta có thể nhận ra và thu thập được sự phong phú của các nền văn hóa và phát triển cuộc đối thoại giữa các tôn giáo dưới ánh sáng Tin Mừng?

Bảng Câu hỏi cho phần B 2. Đồng trách nhiệm trong sứ mệnh

B 2.1 Làm thế nào chúng ta có thể cùng nhau hướng tới một ý thức chung về ý nghĩa và nội dung của sứ mệnh?

B 2.2 Cần phải làm gì để một Giáo hội Đồng nghị cũng là một Giáo hội truyền giáo ‘toàn thừa tác’?

B 2.3 Làm thế nào Giáo hội thời đại chúng ta có thể hoàn thành tốt hơn sứ mệnh của mình thông qua việc nhìn nhận và cổ võ hơn nữa phẩm giá rửa tội của phụ nữ?

B 2.4 Làm thế nào chúng ta có thể đánh giá đúng đắn thừa tác vụ thụ phong trong mối quan hệ của nó với các thừa tác vụ rửa tội dưới góc độ truyền giáo?

B 2.5 Làm thế nào chúng ta có thể đổi mới và phát huy thừa tác vụ của Giám mục từ góc độ đồng nghị truyền giáo?

Bảng Câu hỏi cho phần B 3. Sự tham gia, quản trị và thẩm quyền

B 3.1 Làm thế nào chúng ta có thể đổi mới việc phục vụ thẩm quyền và thực thi trách nhiệm trong một Giáo hội truyền giáo có tính đồng nghị?

B 3.2 Làm thế nào chúng ta có thể phát triển các thực hành phân định và các quá trình đưa ra quyết định theo cách thức đồng nghị đích thực, tôn trọng vai trò chính của Thánh Thần?

B 3.3. Những cơ cấu nào có thể được phát triển để củng cố một Giáo hội Đồng nghị truyền giáo?

B 3.4 Làm thế nào chúng ta có thể đưa ra cấu trúc cho các trường hợp về tính đồng nghị và tính hợp đoàn liên quan đến các nhóm Giáo hội địa phương?

B 3.5 Làm thế nào cơ chế của Thượng hội đồng có thể được củng cố để nó thể hiện tính hợp đoàn giám mục trong một Giáo hội toàn đồng nghị?

Các Chữ Viết Tắt

AA Vatican Council II, Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem (18/11/1965)

AG Vatican Council II, Sắc lệnh Ad gentes (7 tháng 12 năm 1965)

CA Thánh Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus (01/05/1991)

CL Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Christifideles laici (30 tháng 12 năm 1988)

CV Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Christus vivit (25 tháng 3 năm 2019)

PD Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng, Cho một Giáo hội có tính đồng nghị. Hiệp thông, tham gia, sứ mệnh. Tài liệu Chuẩn bị (2021)

DCS Văn Phòng Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng, Cho một Giáo hội Đồng nghị. Hiệp thông, tham gia, sứ mệnh. “Hãy mở rộng không gian lều của bạn (Is 54:2). Tài liệu làm việc cho giai đoạn lục địa (2022)

DV Vatican Council II, Hiến chế tín lý Dei Verbum (18 tháng 11 năm 1965)

EC Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông hiến Episcopalis communio (15 tháng 9 năm 2018)

EG Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông huấn Evangelii gaudium (24 tháng 11 năm 2013)

FT Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Fratelli tutti (3 tháng 10 năm 2020)

GS Vatican Council II, Hiến chế mục vụ Gaudium et spes (7 tháng 12 năm 1965)

IL Tài liệu làm việc

LG Vatican Council II, Hiến chế tín lý Lumen gentium (21 tháng 11 năm 1964)

PE Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Tông hiến Praedicate Evangelium (19 tháng 3 năm 2022)

SC Vatican Council II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (4 tháng 12 năm 1963)

UR Công Đồng Vatican II, Sắc lệnh Unitatis reintegratio (21 tháng 11 năm 1964)

Tài liệu Làm Việc



Lời tựa

“Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Kitô Giêsu đòi hỏi. Nhờ đó, anh em sẽ có thể hiệp ý đồng thanh mà tôn vinh Thiên Chúa, là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (Rm 15:5- 6).

Cuộc hành trình cho đến nay

1. dân Chúa đã và đang chuyển động kể từ khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô triệu tập toàn thể Giáo hội tham dự Thượng Phiên họp vào tháng 10 năm 2021. Bắt đầu từ bình diện sơ bộ và quan trọng nhất của mình, các Giáo hội địa phương hoàn cầu đã khởi xướng việc tham khảo ý kiến của dân Chúa, bắt đầu với câu hỏi căn bản được xây dựng ở số 2 của Tài liệu Chuẩn bị (PD): “Làm thế nào để ‘cuộc hành trình cùng nhau’ diễn ra ngày nay ở các bình diện khác nhau (từ bình diện địa phương đến bình diện phổ quát) cho phép Giáo hội loan báo Tin Mừng phù hợp với sứ mạng được ủy thác cho mình; và Thánh Thần mời gọi chúng ta thực hiện những bước nào để phát triển như một Giáo hội Đồng nghị?”. Thành quả của cuộc tham khảo đã được thu thập ở cấp giáo phận, sau đó được tóm tắt và gửi đến Thượng Hội Đồng của các Giáo Hội Công Giáo Đông phương và các Phiên họp Giám mục. Đến lượt mình, mỗi Giáo Hội và Hội đồng soạn thảo một bản tổng hợp được chuyển đến Văn phòng Tổng Thư ký Thượng Hội Đồng.

2. Để phục vụ một giai đoạn mới trong tiến trình đồng nghị đang diễn ra, Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Lục địa (DCS) đã được soạn thảo từ việc đọc và phân tích các tài liệu được thu thập. Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Lục địa đã được trả lại cho các Giáo hội địa phương trên khắp thế giới, mời họ tham gia và sau đó gặp gỡ và đối thoại tại bảy Phiên họp Lục địa. Trong thời gian này, công việc của Thượng Hội Đồng Kỹ thuật số vẫn tiếp tục. Mục đích là tập trung vào những hiểu biết sâu sắc và những căng thẳng gây tiếng vang mạnh mẽ nhất với kinh nghiệm của Giáo hội ở mỗi châu lục và để xác định, từ quan điểm của mỗi châu lục, những ưu tiên cần giải quyết trong phiên họp đầu tiên của Thượng Hội Đồng (tháng 10 năm 2023) ).

3. Tài liệu làm việc (IL) này được soạn thảo trên cơ sở tất cả các tài liệu thu thập được trong giai đoạn lắng nghe, và đặc biệt là các tài liệu cuối cùng của các Phiên họp Châu lục. Việc công bố nó kết thúc giai đoạn đầu tiên của Thượng Hội Đồng, “Cho một Giáo hội có tính đồng nghị: hiệp thông, tham gia, truyền giáo” và mở đầu giai đoạn thứ hai, bao gồm hai phiên họp (tháng 10 năm 2023 và tháng 10 năm 2024), trong đó Phiên họp Toàn thể thường lệ lần thứ XVI của Thượng Hội Đồng các Giám mục sẽ diễn ra. Mục đích của nó sẽ là tiếp tục làm sinh động tiến trình đồng nghị trong đời sống bình thường của Giáo hội, xác định những con đường nào mà Thánh Thần mời gọi chúng ta bước đi một cách dứt khoát hơn với tư cách là Dân duy nhất của Chúa. Hoa quả mà chúng ta cầu xin tại Phiên họp tới là Chúa Thánh Thần soi sáng việc Giáo hội cùng nhau bước đi trong tư cách Dân Thiên Chúa, trung thành với sứ mệnh mà Chúa đã giao phó. Thật vậy, mục đích của tiến trình đồng nghị “không phải là tạo ra các tài liệu, mà là mở ra những chân trời hy vọng cho việc hoàn thành sứ mệnh của Giáo hội” (DCS, 6).

4. Cuộc hành trình cho đến nay, đặc biệt là giai đoạn lục địa, đã giúp xác định và chia sẻ những hoàn cảnh cụ thể mà Giáo hội trải qua ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Chúng bao gồm thực tại có quá nhiều cuộc chiến tranh làm vấy máu thế giới của chúng ta, dẫn đến lời kêu gọi đổi mới cam kết xây dựng một nền hòa bình công bằng, mối đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra bao hàm một ưu tiên cần thiết là chăm sóc ngôi nhà chung, tiếng kêu phản đối một hệ thống kinh tế tạo ra sự bóc lột, bất bình đẳng và một nền văn hóa vứt bỏ, cũng như mong muốn chống lại áp lực đồng nhất hóa của chủ nghĩa thực dân văn hóa đang đè bẹp các nhóm thiểu số. Những tình huống bách hại đến mức tử đạo và di cư đang dần dần làm rỗng các cộng đồng, vốn đe dọa đến sự sống còn của họ, đang được kêu than sâu xa. Các Giáo hội địa phương đã bày tỏ mối quan tâm của mình trong việc trang bị để giải quyết các thực tại xã hội cấp bách, từ chủ nghĩa đa nguyên văn hóa đang gia tăng hiện đang đánh dấu toàn bộ hành tinh, đến trải nghiệm của các cộng đồng Kitô giáo đại diện cho các nhóm thiểu số rải rác trong quốc gia nơi họ sinh sống, đến trải nghiệm phải chấp nhận một thứ tục hóa ngày càng cấp tiến hơn, và đôi khi hung hãn hơn, dường như coi kinh nghiệm tôn giáo là không thích hợp, nhưng vẫn còn khao khát Tin Mừng Phúc Âm. Ở nhiều khu vực, các Giáo hội bị ảnh hưởng sâu xa bởi cuộc khủng hoảng gây ra bởi nhiều hình thức lạm dụng khác nhau, bao gồm lạm dụng tình dục và lạm dụng quyền lực, lương tâm và tiền bạc. Đây là những vết thương toang hoác, hậu quả của nó vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đối với sự sám hối mình nợ các nạn nhân và những người sống sót vì những đau khổ mà mình đã gây ra, Giáo hội phải gia tăng cam kết hoán cải và cải cách để ngăn chặn những tình huống tương tự xảy ra lần nữa trong tương lai.

5. Chính trong bối cảnh đa dạng nhưng có những đặc điểm chung hoàn cầu này mà hành trình đồng nghị diễn ra. Thượng Hội đồng vào tháng 10 năm 2023 sẽ được yêu cầu lắng nghe sâu sắc những hoàn cảnh mà Giáo hội đang sống và thực hiện sứ mệnh của mình. Đi cùng nhau đạt được tính cấp thiết truyền giáo nào khi câu hỏi này được đặt ra trong một bối cảnh cụ thể với những con người và tình huống thực tế trong tâm trí. Điều đang có vấn đề là khả năng loan báo Tin Mừng bằng cách đồng hành cùng với những người nam nữ của thời đại chúng ta, dù họ ở đâu, và thực hành tính Công Giáo xuất phát từ việc đồng hành cùng với các Giáo hội đang sống trong những điều kiện đặc biệt đau khổ (x. LG. 23).

6. Đến với Phiên họp Thượng Hội Đồng, chúng ta mang theo những thành quả thu được trong giai đoạn lắng nghe. Trước hết, chúng ta đã cảm nghiệm được niềm vui được phát biểu trong cuộc gặp gỡ chân thành và tôn trọng giữa anh chị em trong đức tin: gặp nhau là gặp Chúa đang ở giữa chúng ta! Như vậy, chúng ta đã có thể tận tay chạm tới tính Công Giáo của Giáo hội, một Giáo hội, dù ở lứa tuổi, giới tính và điều kiện xã hội khác nhau nào, đều tỏ hiện sự phong phú phi thường về các đặc sủng và ơn gọi trong Giáo hội, đồng thời là người bảo vệ một kho tàng các khác biệt trong ngôn ngữ, văn hóa, cách diễn đạt phụng vụ và truyền thống thần học. Thực thế, tính đa dạng phong phú này là món quà của mỗi Giáo hội địa phương dành cho tất cả các Giáo hội khác (x. LG 13), và động lực đồng nghị là một cách để đánh giá cao và nâng cao sự đa dạng phong phú này mà không biến nó thành sự độc dạng. Tương tự như vậy, chúng ta đã phát hiện ra rằng có những câu hỏi được chia sẻ, ngay cả khi tính đồng nghị được trải nghiệm và hiểu theo nhiều cách khác nhau ở những nơi khác nhau trên thế giới trên cơ sở kế thừa chung của Truyền thống tông đồ. Một phần thách thức của tính đồng nghị là phân định bình diện thích hợp nhất để giải quyết từng vấn đề. Chia sẻ không kém là những căng thẳng nào đó. Chúng ta không nên sợ hãi trước chúng, cũng không nên cố gắng giải quyết chúng bằng bất cứ giá nào, nhưng thay vào đó hãy tham gia vào việc phân định đồng nghị đang diễn ra. Chỉ bằng cách này, những căng thẳng này mới có thể trở thành nguồn năng lực và không rơi vào tình trạng phân cực mang tính hủy diệt.

7. Giai đoạn đầu đổi mới ý thức để chúng ta nhận ra rằng căn tính và ơn gọi của chúng ta là trở thành một Giáo hội ngày càng có tính đồng nghị: cùng nhau bước đi, nghĩa là trở thành có tính đồng nghị, là con đường để thực sự trở thành môn đệ và bạn bè của Thầy và Chúa, Đấng đã nói về chính mình: “ Thầy là đường đi” (Ga 14,6). Ngày nay đó cũng là một ước muốn sâu sắc: sau khi trải nghiệm nó như một món quà, chúng ta muốn tiếp tục làm như vậy, ý thức rằng cuộc hành trình này sẽ viên mãn vào ngày cuối cùng, khi, nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta sẽ trở thành một phần của đám đông được mô tả như thế này trong Khải Huyền: “Có một đoàn người rất đông không ai đếm được, từ mọi quốc gia, mọi chi tộc, mọi dân tộc và ngôn ngữ, đứng trước ngai và trước Chiên Con, mặc áo trắng, tay cầm cành chà là. Họ kêu lớn tiếng: ‘Ơn cứu rỗi thuộc về Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và thuộc về Chiên Con!’” (Khải huyền 7:9-10). Bản văn này cho chúng ta hình ảnh về một tính đồng nghị được hoàn thành một cách dứt khoát, trong đó sự hiệp thông hoàn hảo ngự trị trên tất cả những khác biệt tạo nên nó, những khác biệt được duy trì và thống nhất trong một sứ mệnh duy nhất còn phải hoàn thành: tham gia vào phụng vụ ca ngợi rằng mọi tạo vật, nhờ Chúa Kitô, được nâng lên cùng Chúa Cha trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần.

8. Nhờ sự chuyển cầu của các anh chị em này, những người đang sống sự hiệp thông trọn vẹn của các thánh (x. LG 50), và đặc biệt là của Đấng đứng đầu trong hàng ngũ của họ (x. LG 63), Đức Maria Mẹ Giáo hội, chúng ta giao phó công việc của Phiên Họp và việc tiếp tục cam kết của chúng ta cho một Giáo Phiên họp nghị. Chúng ta cầu xin cho Phiên Họp trở thành thời gian tuôn đổ Thánh Thần, nhưng thậm chí, ân sủng đó đồng hành với chúng ta nhiều hơn nữa khi đến lúc đưa hoa trái của nó vào hành động trong đời sống hằng ngày của các cộng đồng Kitô giáo trên khắp thế giới.

Một công cụ làm việc cho giai đoạn thứ hai của hành trình thượng hội đồng

9. Những đặc điểm đặc biệt đánh dấu Thượng Hội Đồng 2021-2024 chắc chắn được phản ảnh trong ý nghĩa và động lực của Thượng hội đồng, và do đó, trong cơ cấu của Tài Liệu Làm Việc phục vụ nó. Đặc biệt, giai đoạn chuẩn bị kéo dài đã dẫn đến việc sản xuất nhiều tài liệu: Tài liệu Chuẩn bị, báo cáo của các Giáo hội địa phương, Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Lục địa và Tài liệu cuối cùng của các Phiên họp Lục địa. Bằng cách này, một chu trình truyền thông được thông tin lẫn nhau đã được thiết lập giữa các Giáo hội địa phương và giữa họ với Văn phòng Tổng Thư ký của Thượng Hội Đồng. Tài Liệu Làm Việc hiện tại không bãi bỏ các tài liệu trước đó hoặc tan hòa tất cả sự phong phú của chúng, mà bắt nguồn từ chúng và liên tục đề cập đến chúng. Để chuẩn bị cho Phiên họp, các Thành viên của Thượng Hội Đồng được yêu cầu ghi nhớ các tài liệu trước đó, đặc biệt là Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Lục địa và các Tài liệu cuối cùng của các Phiên họp lục địa ở các châu lục khác nhau, cũng như báo cáo của Thượng hội đồng kỹ thuật số và sử dụng chúng như công cụ cho sự phân định của chính họ. Đặc biệt, các Tài liệu Cuối cùng của các Phiên họp Lục địa có giá trị trong việc duy trì tính cụ thể của các bối cảnh khác nhau và những thách thức do mỗi bối cảnh đặt ra. Công việc chung của Thượng hội đồng không thể bỏ qua những nguồn biện phân này. Nhiều nguồn tài liệu được thu thập trong phần đặc biệt của trang mạng Thượng hội đồng 2021-2024, www.synod.va, cũng có thể giúp ích, đặc biệt là Tông hiến Episcopalis communio và hai tài liệu của Ủy ban Thần học Quốc tế, Tính đồng nghị trong Đời sống và Sứ mệnh của Giáo hội (2018) và Cảm thức đức tin trong Đời sống Giáo hội (2014).

10. Với lượng tài liệu dồi dào sẵn có, Tài liệu làm việc được thiết kế như một công cụ hỗ trợ thiết thực cho việc tiến hành Thượng hội đồng vào tháng 10 năm 2023 và do đó cho việc chuẩn bị nó. Điều có giá trị hơn đối với Tài liệu làm việc là phần mô tả được dành cho Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Lục địa: “không phải là một tài liệu của Huấn quyền Giáo hội, cũng không phải là báo cáo của một cuộc khảo sát xã hội học; nó không cung ứng việc đưa ra các chỉ dẫn, mục đích và mục tiêu hoạt động cũng như không cung ứng một trình bày đầy đủ về một tầm nhìn thần học” (số 8). Điều này không tránh khỏi vì Tài liệu làm việc là một phần của một quá trình chưa hoàn thành. Tuy nhiên, Tài liệu làm việc tiến một bước xa hơn Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Lục địa, rút ra từ những hiểu biết sâu sắc của giai đoạn đầu tiên và nay là công việc của các phiên họp Lục địa, nêu rõ một số ưu tiên xuất phát từ việc lắng nghe dân Chúa, nhưng tránh trình bày chúng như những khẳng định hoặc lập trường. Thay vào đó, nó diễn đạt chúng như những câu hỏi ngỏ với Phiên họp Thượng hội đồng. Cơ quan này sẽ có nhiệm vụ phân định các bước cụ thể giúp cho một Giáo hội có tính đồng nghị tiếp tục phát triển, những bước mà sau đó sẽ trình lên Đức Thánh Cha. Chỉ khi đó động lực lắng nghe cụ thể đó mới được hoàn thiện, trong đó “mỗi người có điều gì đó để học hỏi. Các tín hữu, Giám mục đoàn, Giám mục Rôma: người này lắng nghe người kia; và tất cả đều lắng nghe Chúa Thánh Thần, ‘Thần Chân Lý’ (Ga 14:17), để biết Người ‘đang nói gì với các Giáo Hội’ (Kh 2:7)”. (2) Theo quan điểm này, mục đích của Tài liệu làm việc không phải là bản dự thảo đầu tiên của Tài liệu cuối cùng của Phiên họp Thượng Phiên họp, chỉ để được sửa chữa hoặc bổ sung. Đúng hơn, nó phác thảo một sự hiểu biết ban đầu về chiều kích đồng nghị của Giáo hội, trên cơ sở đó có thể đưa ra sự phân định sâu hơn. Các Thành viên của Phiên họp Thượng hội đồng là những người nhận chính của Tài liệu làm việc, vốn cũng được công bố không những vì lý do minh bạch mà còn như một đóng góp vào việc thực hiện các sáng kiến của Giáo hội. Đặc biệt, nó có thể khuyến khích sự tham gia vào năng động đồng nghị ở cấp địa phương và khu vực, trong khi chờ đợi kết quả của Phiên họp tháng Mười. Điều này sẽ cung cấp thêm tài liệu để các Giáo hội địa phương được mời gọi cầu nguyện, suy tư, hành động và thực hiện việc đóng góp riêng của họ.

11. Các câu hỏi mà Tài liệu làm việc đặt ra là một biểu thức cho thấy sự phong phú của tiến trình mà từ đó chúng được rút ra: chúng mang dấu ấn của các tên tuổi và khuôn mặt đặc thù của những người tham gia, và chúng làm chứng cho kinh nghiệm đức tin của dân Thiên Chúa và do đó tiết lộ thực tại của một trải nghiệm siêu việt. Từ quan điểm này, chúng chỉ ra một chân trời mà chúng ta được mời gọi tiến tới một cách tin tưởng, đào sâu thực hành đồng nghị của Giáo hội. Giai đoạn đầu tiên giúp chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc lấy Giáo hội địa phương làm điểm quy chiếu đặc biệt, (3) như nơi thần học trong đó những người được Rửa tội trải nghiệm việc “cùng bước đi với nhau, theo ngôn từ thực tiễn”. Tuy nhiên, điều này không dẫn đến sự rút lui. Không một Giáo hội địa phương nào có thể sống ngoài những mối quan hệ hiệp nhất nó với tất cả những người khác, kể cả mối quan hệ đặc biệt đó với Giáo hội Rôma, một Giáo Hội được giao phó phục vụ sự hiệp nhất qua thừa tác vụ của Mục tử nó, người đã triệu tập toàn thể Giáo hội tham dự Thượng hội đồng.

12. Việc tập chú vào các Giáo hội địa phương này đòi hỏi phải tính đến sự đa tạp và đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ và phương thức diễn đạt của họ. Đặc biệt, cùng một chữ - thí dụ hãy nghĩ về thẩm quyền và sự lãnh đạo - có thể có những âm hưởng và ý nghĩa rất khác nhau trong các lĩnh vực ngôn ngữ và văn hóa khác nhau, đặc biệt khi trong một số bối cảnh, một thuật ngữ được liên kết với các cách tiếp cận lý thuyết hoặc hệ tư tưởng chính xác. Tài liệu làm việc cố gắng tránh ngôn ngữ gây chia rẽ với hy vọng nâng cao hơn nữa sự hiểu biết tốt hơn giữa các thành viên của Phiên họp Thượng hội đồng đến từ các khu vực hoặc truyền thống khác nhau. Tầm nhìn của Vatican II là điểm tham chiếu chung, bắt đầu từ tính Công Giáo của dân Chúa, theo đó “mỗi phần riêng lẻ đóng góp bằng những hồng ân đặc biệt của mình vì lợi ích của những phần khác và của toàn thể Giáo hội. Thông qua việc chia sẻ chung các hồng phúc và thông qua nỗ lực chung để đạt được sự hiệp nhất trọn vẹn […] mà không hề chống lại quyền tối thượng của Tòa Phêrô, một Tòa vốn chủ trì toàn thể cộng đồng bác ái và bảo vệ những khác biệt chính đáng, đồng thời bảo đảm rằng những khác biệt như vậy không cản trở sự hiệp nhất mà đúng hơn là góp phần vào sự hiệp nhất” (LG 13). Tính Công Giáo này được thể hiện trong mối quan hệ nội bộ hỗ tương giữa Giáo hội hoàn vũ và các Giáo hội địa phương, trong đó và từ đó “hình thành nên Giáo Hội Công Giáo duy nhất” (LG 23). Tiến trình thượng hội đồng trước hết được phát biểu trong các Giáo hội địa phương giờ đây đã đạt đến giai đoạn thứ hai trong Giáo hội hoàn vũ, với việc khai mạc hai phiên họp của Thượng hội đồng Giám mục thường lệ lần thứ XVI.

Cấu trúc của bản văn

13. Tài liệu làm việc này được chia thành hai phần, tương ứng với các nhiệm vụ được giao cho các Phiên họp Châu lục (và do đó phù hợp với nội dung của các Tài liệu Cuối cùng liên quan): trước hết, các Phiên họp Châu lục được mời thực hiện việc đọc lại lộ trình được thực hiện trong giai đoạn đầu tiên, để xác định những gì Giáo hội ở mỗi châu lục đã học được từ kinh nghiệm sống chiều kích đồng nghị trong việc phục vụ truyền giáo; thứ hai, các Phiên họp Châu lục được mời gọi suy gẫm về Tài liệu Làm việc cho Giai đoạn Lục địa và phân định những hồi đáp tạo ra trong các giáo hội địa phương của lục địa, nhằm xác định các ưu tiên để tiếp tục phân định trong Phiên họp Thượng hội đồng.

14. Phần A của Tài liệu làm việc, có tựa đề “Cho một Giáo hội có tính đồng nghị”, cố gắng thu thập những hiểu biết sâu sắc về con đường đã đi cho đến nay. Đầu tiên, nó phác thảo một loạt các đặc điểm căn bản hoặc các dấu hiệu phân biệt của một Giáo hội đồng nghị. Sau đó, nó nêu rõ ý thức rằng một Giáo hội đồng nghị cũng được đánh dấu bằng một cách tiến hành cụ thể. Theo kết quả của giai đoạn đầu tiên, cuộc đàm luận trong Thánh Thần là cách tiến hành như vậy. Phiên họp sẽ được mời trả lời những cái nhìn thông sáng này nhằm mục đích làm rõ và hoàn thiện chúng. Phần B của Tài liệu làm việc này, có tựa đề “Hiệp thông, truyền giáo, tham gia”, (4)trình bày rõ ràng, dưới hình thức ba câu hỏi, những ưu tiên xuất hiện mạnh mẽ nhất từ công việc của tất cả các châu lục, do đó đặt chúng trước Phiên Họp để phân định. Để hỗ trợ quá trình làm việc của Thượng hội đồng, đặc biệt là công việc nhóm (Circuli Minores), năm bảng câu hỏi được đề xuất cho mỗi ưu tiên trong số ba ưu tiên, cho phép tiếp cận chúng từ những quan điểm khác nhau.

15. Ba ưu tiên của phần B, được khai triển thông qua các bảng câu hỏi tương ứng, bao gồm các chủ đề bao quát có mức độ liên hệ cao. Nhiều điều có thể là chủ đề của toàn bộ Thượng hội đồng, và một số đã như vậy rồi. Trong một số trường hợp, sự can thiệp của Huấn quyền cũng rất nhiều và được xác định rõ ràng. Trong Phiên họp, chúng không thể được đề cập một cách rộng dài, và trên hết, chúng không thể được xem xét độc lập với nhau. Thay vào đó, chúng nên được giải quyết bắt đầu từ mối quan hệ của chúng với chủ đề thực sự của công trình, tức là một Giáo hội đồng nghị. Thí dụ, những đề cập đến tính cấp thiết của việc dành sự quan tâm thỏa đáng cho gia đình và giới trẻ không nhằm mục đích kích thích một cách xử lý mới về mục vụ gia đình hoặc giới trẻ. Mục đích của chúng là giúp tập trung vào việc thực hiện các kết luận của hai Phiên họp Toàn thể thường lệ trước đây của Thượng Hội đồng Giám mục (2015 và 2018) và của các Tông huấn Hậu Thượng hội đồng kế tiếp, Amoris laetitia Christus vivit, tạo cơ hội để cùng nhau bước đi như một Giáo hội có khả năng chào đón và đồng hành, chấp nhận những thay đổi cần thiết trong các quy tắc, cơ cấu và thủ tục. Điều tương tự cũng áp dụng cho nhiều vấn đề khác xuất hiện suốt trong cuộc thảo luận.

16. Cam kết mà Phiên Họp và các Thành viên được yêu cầu sẽ là duy trì sự cân bằng năng động giữa việc duy trì một cái nhìn tổng quan vốn đặc trưng cho công việc được nêu trong phần A, và việc nhận diện các bước thực tế cần thực hiện một cách cụ thể và kịp thời, một công việc vốn là trọng tâm của phần B. Lệ thuộc điều này là tính sinh hoa trái của việc Thượng hội đồng phân định, vốn có nhiệm vụ mở lòng toàn thể Giáo hội đón nhận tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Nguồn cảm hứng cho công việc này có thể đến từ việc suy gẫm về việc trình bày rõ ràng Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, vốn “gồm hai phần”, khác nhau về đặc điểm và tập chú, nhưng trở thành “một toàn thể thống nhất” (GS, chú thích 1).

A. Cho một Giáo hội đồng nghị



Một trải nghiệm toàn diện

“Hiện nay có nhiều ân phúc khác nhau, nhưng cùng một Chúa Thánh Thần; và có nhiều phục vụ khác nhau nhưng cùng một Chúa; và có nhiều hoạt động khác nhau nhưng chính Thiên Chúa là Đấng kích hoạt tất cả những hoạt động đó trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12:4-7).

17. Một nét chung hợp nhất các trình thuật về các thời điểm của giai đoạn đầu tiên: đó là sự ngạc nhiên được bày tỏ bởi những người tham gia đã có thể chia sẻ hành trình Thượng hội đồng theo cách vượt quá sự mong đợi của họ. Đối với những người tham gia, tiến trình Thượng hội đồng mang đến cơ hội gặp gỡ trong đức tin tạo nên mối liên kết với Chúa, tình huynh đệ giữa con người và tình yêu đối với Giáo hội, không chỉ ở bình diện cá nhân, mà còn lôi kéo và tiếp thêm sinh lực cho toàn thể cộng đồng. Kinh nghiệm này là một chân trời hy vọng mở ra cho Giáo hội, một dấu hiệu rõ ràng về sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Thần hướng dẫn Giáo hội xuyên qua lịch sử trên con đường hướng tới Vương quốc (x. LG 5): “Nhân vật chính của Thượng hội đồng là Chúa Thánh Thần”. (5) Bằng cách này, lời mời cùng nhau đồng hành càng được chấp nhận một cách mãnh liệt thì Thượng hội đồng càng trở thành một con đường mà dân Chúa tiến hành với lòng nhiệt thành nhưng không ngây thơ. Thực ra, những vấn đề, những kháng cự, những khó khăn và căng thẳng không bị che giấu hay giấu kín nhưng được xác định và nêu tên nhờ vào bối cảnh đối thoại đích thực giúp người ta có thể nói và lắng nghe một cách tự do và chân thành. Các vấn đề thường được đặt ra theo cách thức đối nghịch, hoặc đời sống của Giáo hội ngày nay thiếu nơi chấp nhận và phân định dành cho nó, có thể được giải quyết theo cách truyền giáo trong tiến trình đồng nghị.

18. Do đó, một thuật ngữ trừu tượng hoặc lý thuyết như tính đồng nghị đã bắt đầu được thể hiện trong một kinh nghiệm cụ thể. Từ việc lắng nghe dân Chúa, xuất hiện một sự hiểu biết và tiếp nhận dần dần về tính đồng nghị “từ bên trong”, không xuất phát từ việc đưa ra một nguyên tắc, một lý thuyết hay một công thức, nhưng phát triển từ việc sẵn sàng bước vào một động lực mang tính xây dựng, cách nói chuyện, lắng nghe và đối thoại một cách tôn trọng và cầu nguyện. Căn nguyên của tiến trình này là việc chấp nhận, cả bản thân lẫn cộng đồng, một điều gì đó vừa là một hồng ân vừa là một thách thức: trở thành một Giáo hội gồm anh chị em trong Chúa Kitô, lắng nghe nhau và khi làm như vậy, dần dần được Chúa Thánh Thần biến đổi.

A 1. Những dấu hiệu đặc trưng của một Giáo hội đồng nghị



19. Trong sự hiểu biết toàn diện này, nảy sinh ý thức về một số đặc điểm hoặc dấu hiệu đặc biệt của một Giáo hội đồng nghị. Đây là những xác tín chung để cùng nhau dừng lại và suy gẫm khi chúng ta thực hiện một hành trình sẽ tiếp tục làm sáng tỏ và tinh luyện chúng, bắt đầu từ công việc được Phiên họp Thượng hội đồng đảm nhận.

20. Đây là điều xuất hiện một cách mạnh mẽ từ tất cả các châu lục: ý thức rằng một Giáo hội đồng nghị được thành lập dựa trên việc nhìn nhận một phẩm giá chung bắt nguồn từ Bí tích Rửa tội, làm cho tất cả những ai lãnh nhận nó trở thành con cái Thiên Chúa, thành viên của gia đình Thiên Chúa, và do đó là anh chị em trong Chúa Kitô, được Thánh Thần duy nhất cư trú và được sai đi để hoàn thành sứ mệnh chung. Theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô, “tất cả chúng ta đều đã chịu phép rửa trong một thân thể – Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do – và tất cả chúng ta đều được uống cùng một Thánh Thần” (1Cr 12:13). Do đó, Bí tích Rửa tội tạo ra một sự đồng trách nhiệm thực sự giữa tất cả các chi thể của Giáo hội, được thể hiện qua sự tham gia của tất cả mọi người, với đặc sủng của mỗi người, vào sứ mệnh của Giáo hội và xây dựng cộng đồng Giáo hội. Không thể hiểu một Giáo hội đồng nghị ngoài phạm vi của sự hiệp thông, một chân trời luôn luôn là sứ mệnh loan báo và nhập thể Tin Mừng trong mọi chiều kích của đời sống con người. Sự hiệp thông và sứ mạng được nuôi dưỡng trong việc tham dự chung vào Bí tích Thánh Thể, làm cho Giáo hội trở thành một thân thể “được gắn kết và gắn bó với nhau” (Eph 4:16) trong Chúa Kitô, có thể cùng nhau bước đi hướng tới Vương quốc.

21. Bắt nguồn từ ý thức này là mong muốn một Giáo hội ngày càng có tính đồng nghị trong các tổ chức, cơ cấu và thủ tục của mình, để tạo thành một không gian trong đó phẩm giá rửa tội chung và tinh thần đồng trách nhiệm đối với sứ mệnh không chỉ được khẳng định mà còn được thực thi, và thực hành. Trong không gian này, việc thực thi thẩm quyền trong Giáo hội được đánh giá cao như một hồng phúc, với mong muốn nó ngày càng được định hình như “một công việc phục vụ đích thực, và trong Kinh Thánh nó được gọi một cách đầy ý nghĩa là 'diakonia' hay thừa tác vụ" (LG 24), theo gương Chúa Giêsu, Đấng đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,1-11).

22. “Một Giáo hội đồng nghị là một Giáo hội lắng nghe” (6): nhận thức này là kết quả của kinh nghiệm về hành trình thượng hội đồng, vốn là việc lắng nghe Chúa Thánh Thần qua việc lắng nghe Lời Chúa và lắng nghe nhau với tư cách cá nhân và giữa các cộng đồng giáo hội, từ bình diện địa phương đến bình diện châu lục và hoàn cầu. Đối với nhiều người, điều ngạc nhiên lớn nhất là trải nghiệm được cộng đồng lắng nghe, trong một số trường hợp lần đầu tiên họ được trải nghiệm, do đó nhận được sự công nhận về giá trị con người độc đáo của họ, điều đó chứng tỏ tình yêu của Chúa Cha dành cho mỗi người con trai và con gái của Người. Kinh nghiệm lắng nghe và được lắng nghe theo cách này không chỉ phục vụ một chức năng thực tế mà còn có chiều sâu thần học và giáo hội vì nó noi gương cách Chúa Giêsu lắng nghe những kẻ Người gặp. Phong cách lắng nghe này là cần thiết để đánh dấu và biến đổi tất cả các mối quan hệ mà cộng đồng Kitô hữu thiết lập giữa các thành viên của mình cũng như với các cộng đồng đức tin khác và với toàn thể xã hội, đặc biệt đối với những người mà tiếng nói của họ thường bị phớt lờ nhất.

23. Là một Giáo hội cam kết lắng nghe, một Giáo hội đồng nghị mong muốn được khiêm nhường và biết rằng mình phải cầu xin sự tha thứ và có nhiều điều để học hỏi. Một số tường trình lưu ý rằng con đường đồng nghị nhất thiết phải là con đường sám hối, nhìn nhận rằng chúng ta không phải lúc nào cũng sống theo chiều kích đồng nghị cấu thành cộng đồng giáo hội. Bộ mặt của Giáo hội ngày nay mang dấu hiệu của những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về sự ngờ vực và thiếu tín nhiệm. Trong nhiều bối cảnh, các cuộc khủng hoảng liên quan đến lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực, tiền bạc và lương tâm đã đẩy Giáo hội đến một cuộc kiểm tra lương tâm đòi hỏi để “được Chúa Thánh Thần thúc đẩy” Giáo hội “không bao giờ ngừng đổi mới mình” (LG 9), trong một hành trình sám hối và hoán cải mở ra những con đường hòa giải, chữa lành và công lý.

24. Một Giáo hội đồng nghị là một Giáo hội gặp gỡ và đối thoại. Trên con đường chúng ta đã đi, khía cạnh đồng nghị này nổi lên với sức mạnh đặc biệt trong mối quan hệ với các Giáo hội và Cộng đồng giáo hội khác, mà chúng ta được hiệp nhất bởi mối dây liên kết của một Bí tích Rửa tội. Chúa Thánh Thần, Đấng là “nguyên tắc hiệp nhất của Giáo hội” (UR 2), đang hoạt động trong các Giáo hội và Cộng đồng giáo hội này, và mời gọi chúng ta dấn thân vào con đường hiểu biết lẫn nhau, chia sẻ và xây dựng đời sống chung. Ở bình diện địa phương, tầm quan trọng của những gì đã được thực hiện cùng với các thành viên của các Giáo hội và Cộng đồng giáo hội khác xuất hiện một cách mạnh mẽ, đặc biệt như một chứng tá chung trong bối cảnh văn hóa xã hội thù địch đến mức bị bách hại - đây là đại kết tử đạo —và trước tình trạng khẩn cấp về sinh thái. Ở khắp mọi nơi, phù hợp với Huấn quyền của Công đồng Vatican II, ước muốn sâu sắc đào sâu hành trình đại kết cũng xuất hiện: một Giáo hội đồng nghị đích thực không thể không thu hút tất cả những người cùng chia sẻ một Bí tích Rửa tội.

25. Một Giáo hội đồng nghị được kêu gọi thực hành nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại với các tín đồ của các tôn giáo khác cũng như với các nền văn hóa và xã hội mà nó gắn liền, nhưng trên hết là giữa nhiều khác biệt đang diễn ra trong chính Giáo hội. Giáo hội này không sợ sự đa dạng mà nó mang theo, nhưng coi trọng nó mà không buộc nó phải độc dạng. Diễn trình thượng hội đồng là một cơ hội để bắt đầu tìm hiểu ý nghĩa của việc sống hiệp nhất trong đa dạng, một điểm căn bản để tiếp tục khám phá, tin tưởng rằng con đường sẽ trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta tiến về phía trước. Do đó, một Giáo hội đồng nghị khuyến khích việc chuyển từ “tôi” sang “chúng tôi”. Đó là một không gian trong đó tiếng gọi vang vọng để trở thành thành viên của một cơ thể coi trọng sự đa dạng nhưng được Thánh Thần làm nên một. Chính Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta lắng nghe Chúa và đáp lại Người như một dân tộc phục vụ sứ mệnh duy nhất là loan báo cho muôn dân ơn cứu độ do Thiên Chúa ban tặng trong Chúa Giêsu Kitô. Điều này xảy ra trong rất nhiều bối cảnh khác nhau: không ai được yêu cầu rời khỏi bối cảnh của chính mình, nhưng phải hiểu nó và đi vào nó sâu sắc hơn. Trở lại với tầm nhìn này sau trải nghiệm của giai đoạn đầu tiên, tính đồng nghị xuất hiện trước hết như một động lực sinh động các cộng đồng địa phương cụ thể. Tiến tới bình diện phổ quát hơn, động lực này bao trùm mọi chiều kích và thực tại của Giáo hội, trong một chuyển động có tính Công Giáo đích thực.

26. Sống trong sự đa dạng của bối cảnh và văn hóa, tính đồng nghị chứng tỏ là một chiều kích cấu thành của Giáo hội kể từ khi thành lập, ngay cả khi nó vẫn đang trong quá trình được hiện thực hóa. Thật vậy, nó thúc ép phải được thực hiện một cách trọn vẹn hơn bao giờ hết, thể hiện lời kêu gọi triệt để hoán cải, thay đổi, cầu nguyện và hành động dành cho tất cả mọi người. Theo nghĩa này, một Giáo hội đồng nghị luôn cởi mở, chào đón và đón nhận tất cả mọi người. Không có biên giới nào mà sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần này không cảm thấy buộc phải vượt qua, để thu hút mọi người vào sự năng động của nó. Bản chất triệt để của Kitô giáo không phải là đặc quyền của một vài ơn gọi cụ thể, mà là lời mời gọi xây dựng một cộng đồng sống và làm chứng cho một cách hiểu khác về mối quan hệ giữa con cái Thiên Chúa, một mối quan hệ hiện thân cho sự thật tình yêu, một sự thật dựa trên ơn phúc và tính nhưng không. Do đó, lời kêu gọi triệt để là cùng nhau xây dựng một Giáo hội cụ thể và hấp dẫn: một Giáo hội hướng ngoại, trong đó mọi người đều cảm thấy được chào đón.

27. Đồng thời, một Giáo hội đồng nghị đối mặt một cách trung thực và can đảm với lời kêu gọi hiểu biết sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa tình yêu và sự thật theo lời mời gọi của Thánh Phaolô: “Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Eph 4:15-16). Để bao gồm tất cả mọi người một cách đích thực, cần phải đi vào mầu nhiệm Chúa Kitô cho phép mình được đào tạo và biến đổi qua cách Người sống mối tương quan giữa tình yêu và sự thật.

28. Đặc điểm của một Giáo hội đồng nghị là khả năng xử lý những căng thẳng mà không bị chúng đè bẹp, trải nghiệm chúng như một động lực để đào sâu cách sống và hiểu sự hiệp thông, sứ mệnh và sự tham gia. Tính đồng nghị là một con đường hoán cải đặc biệt, bởi vì nó tái thiết Giáo hội trong sự hiệp nhất: nó chữa lành những vết thương và hòa giải ký ức của Giáo hội, đón nhận những khác biệt mà Giáo hội phải gánh chịu và cứu chuộc Giáo hội khỏi những chia rẽ ngày càng trầm trọng, nhờ đó giúp Giáo hội thể hiện trọn vẹn hơn ơn gọi của mình là “ở trong Chúa Kitô như một bí tích hay như một dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp rất chặt chẽ với Thiên Chúa cũng như của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại” (LG 1). Sự lắng nghe đích thực và khả năng tìm ra những cách để tiếp tục cùng nhau bước đi vượt qua sự phân mảnh và phân cực là điều không thể thiếu để Giáo hội tiếp tục sống động và trở thành một dấu chỉ mạnh mẽ cho các nền văn hóa của thời đại chúng ta.

29. Việc cố gắng bước đi cùng nhau cũng đưa chúng ta tiếp xúc với sự bồn chồn lành mạnh của sự không trọn vẹn, với ý thức rằng vẫn còn nhiều thứ mà sức nặng của chúng chúng ta không thể mang hay chịu đựng (x. Ga 16,12). Đây không phải là một vấn đề cần giải quyết, mà là một món quà cần được vun trồng. Chúng ta đang đối diện với mầu nhiệm bất tận và thánh thiện của Thiên Chúa và phải luôn cởi mở trước những điều ngạc nhiên của nó khi chúng ta bước qua lịch sử hướng tới Vương quốc. Điều này cũng áp dụng cho các vấn đề mà tiến trình thượng hội đồng đã đưa ra ánh sáng. Bước đầu tiên, chúng yêu cầu sự lắng nghe và chú ý mà không cần vội vàng đưa ra giải pháp ngay lập tức.

30. Gánh vác sức nặng của những vấn đề này không phải là gánh nặng bản thân của những người đảm nhận một số vai trò nhất định, có nguy cơ bị chúng đè bẹp, mà là một nhiệm vụ đối với toàn thể cộng đồng, mà đời sống quan hệ và bí tích của nó thường là phản ứng tức thời hữu hiệu nhất. Đây là lý do tại sao một Giáo hội đồng nghị không ngừng nuôi dưỡng chính mình từ nguồn mạch của mầu nhiệm được cử hành trong phụng vụ, “đỉnh cao mà hoạt động của Giáo hội hướng tới” và “là nguồn mạch từ đó mọi sức mạnh của Giáo hội tuôn chảy” (SC 10), đặc biệt là trong Bí tích Thánh Thể.

31. Một khi dân Chúa được giải thoát khỏi nỗi lo lắng về sự thiếu thỏa đáng, thì sự bất toàn không thể tránh khỏi của một Giáo hội đồng nghị và việc các chi thể của Giáo hội sẵn sàng chấp nhận những điểm yếu của chính họ trở thành không gian cho hành động của Chúa Thánh Thần, Đấng mời gọi chúng ta nhận ra các dấu chỉ về sự hiện diện của Người. Đây là lý do tại sao một Giáo hội đồng nghị cũng là một Giáo hội của sự phân định, với vô số ý nghĩa mà thuật ngữ này mang trong các truyền thống tâm linh khác nhau. Giai đoạn đầu giúp dân Chúa bắt đầu cảm nghiệm được sự phân định qua việc thực hành đối thoại trong Thánh Thần. Khi chăm chú lắng nghe kinh nghiệm sống của nhau, chúng ta tăng trưởng trong sự tôn trọng lẫn nhau và bắt đầu nhận ra những thúc đầy của Thánh Thần Chúa trong cuộc sống của người khác và của chính chúng ta. Bằng cách này, chúng ta bắt đầu chú ý hơn đến “điều Thánh Thần đang nói với các Giáo hội” (Kh 2:7), trong sự cam kết và hy vọng trở thành một Giáo hội ngày càng có khả năng đưa ra những quyết định mang tính tiên tri vốn là hoa trái từ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

A 2. Con đường phía trước cho Giáo hội đồng nghị: đàm luận trong Thánh Thần



32. Trong giai đoạn đầu của Thượng Hội Đồng và trên khắp các châu lục, người ta đã công nhận tính sinh hoa trái của phương pháp được đề cập ở đây như “cuộc đàm luận trong Thánh Thần” hay “phương pháp đồng nghị” (xem hình 1).

33. Theo nghĩa từ nguyên của nó, thuật ngữ “đàm luận” không ám chỉ sự trao đổi ý tưởng chung chung, nhưng là một động lực trong đó lời nói và lời nghe tạo ra sự quen thuộc, giúp những người tham gia đến gần nhau hơn. Đặc điểm “trong Thánh Thần” xác định nhân vật chính đích thực: ước muốn của những người trò chuyện hướng tới việc lắng nghe tiếng của Người, tiếng nói trong cầu nguyện mở ra đón nhận hành động tự do của Đấng, giống như gió, thổi ở đâu Người muốn (x. Ga 3:8). Dần dần cuộc đàm luận giữa anh chị em trong đức tin sẽ mở không gian cho việc ‘cùng nhau lắng nghe’, nghĩa là cùng nhau lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần. Sẽ không phải là cuộc trò chuyện trong Thánh Thần nếu không có một bước tiến tới theo một hướng chính xác, thường là bất ngờ, hướng tới hành động cụ thể.

34. Trong các Giáo hội địa phương, cuộc đàm luận trong Chúa Thánh Thần đã được chấp nhận và đôi khi được “khám phá” như cung cấp bầu không khí giúp thực hiện việc chia sẻ kinh nghiệm sống và không gian để phân định trong một Giáo hội đồng nghị. Trong các Tài liệu cuối cùng của các Phiên họp Lục địa, nó được mô tả như một thời điểm Lễ Ngũ Tuần, như một cơ hội để trải nghiệm việc là Giáo hội và chuyển từ việc lắng nghe anh chị em chúng ta trong Chúa Kitô sang lắng nghe Chúa Thánh Thần, Đấng là nhân vật chính đích thực, và trở thành được Người phái đi truyền giáo. Đồng thời, qua phương pháp này, ân sủng của Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể trở thành một thực tại được cảm nhận, hiện thực hóa và biến đổi, chứng thực và hiện thực hóa sáng kiến Chúa Giêsu hiện diện và hoạt động trong Giáo hội. Chúa Kitô sai chúng ta đi truyền giáo và tập hợp chúng ta lại quanh Người để tạ ơn và tôn vinh Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Do đó, từ khắp các châu lục đều có lời yêu cầu làm cho phương pháp này có thể ngày càng sinh động và cung cấp thông tin cho đời sống hàng ngày của các Giáo hội.

35. Đàm luận trong Chúa Thánh Thần là một phần của truyền thống phân định lâu dài của Giáo hội, truyền thống này đã tạo ra nhiều phương pháp và cách tiếp cận khác nhau. Giá trị truyền giáo chính xác của nó cần được nhấn mạnh. Việc thực hành tâm linh này giúp chúng ta chuyển từ cái “tôi” sang cái “chúng ta”: nó không làm mất đi hay xóa bỏ chiều kích bản thân của cái “tôi”, nhưng nhận ra nó và đưa nó vào chiều kích cộng đồng. Bằng cách này, việc tạo điều kiện cho những người tham gia nói và nghe trở thành một cách diễn đạt phụng vụ và cầu nguyện, trong đó Chúa hiện diện và lôi kéo chúng ta hướng tới những hình thức hiệp thông và biện phân đích thực hơn bao giờ hết.

36. Trong Tân Ước, có rất nhiều thí dụ về kiểu đàm luận này. Một trình thuật mang tính mô hình được cung cấp bởi trình thuật về cuộc gặp gỡ của Chúa Phục Sinh với hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24:13-35, và lời giải thích được đưa ra trong CV 237). Như kinh nghiệm của họ cho thấy, cuộc đàm luận trong Thánh Thần xây dựng sự hiệp thông và mang lại tính năng động truyền giáo. Trên thực tế, cả hai đã quay trở lại cộng đồng mà họ đã rời bỏ để chia sẻ lời loan báo Phục sinh rằng Chúa đã sống lại.

37. Trong thực tại cụ thể của nó, cuộc đàm luận trong Chúa Thánh Thần có thể được mô tả như một lời cầu nguyện chung nhằm sự phân định cộng đồng mà những người tham gia tự chuẩn bị bằng cách suy tư và suy niệm bản thân. Họ trao cho nhau hồng phúc lời suy niệm được nuôi dưỡng bằng lời cầu nguyện, chứ không phải một ý kiến ngẫu hứng ngay tại chỗ. Sự năng động giữa những người tham gia thể hiện rõ ba bước căn bản. Bước đầu tiên được dành cho người phát biểu, bắt đầu từ kinh nghiệm của chính mình được đọc lại trong lời cầu nguyện trong thời gian chuẩn bị. Những người khác lắng nghe vì biết rằng mỗi người đều có những đóng góp có giá trị để cống hiến và kiềm chế các cuộc tranh luận hoặc thảo luận.

38. Thinh lặng và cầu nguyện giúp chuẩn bị cho bước tiếp theo, trong đó mỗi người được mời mở toang ngay trong mình một không gian cho những người khác và cho Đấng Khác. Một lần nữa, mỗi người lên phát biểu: không phản ứng hay phản đối những gì họ đã nghe, khẳng định lại lập trường của mình, mà để bày tỏ những gì qua việc lắng nghe đã khiến họ cảm động sâu sắc nhất và những gì họ cảm thấy bị thách thức mạnh mẽ nhất. Những dấu vết nội tâm phát sinh từ việc lắng nghe anh chị em là ngôn ngữ mà Chúa Thánh Thần dùng để vang lên tiếng nói của Người. Mỗi người tham gia càng được nuôi dưỡng bằng việc suy niệm Lời Chúa và các Bí tích, ngày càng quen thuộc với Chúa, thì họ càng có thể nhận ra âm thanh của giọng nói của Người (x. Ga 10:14.27), cũng được hỗ trợ bởi sự đồng hành của Huấn quyền và thần học. Tương tự như vậy, những người tham gia càng chú ý và cẩn thận lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần thì họ càng lớn mạnh trong cảm thức chung về sứ mệnh.

39. Bước thứ ba, cũng trong bầu khí cầu nguyện và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, là nhận diện những điểm chính đã xuất hiện và xây dựng sự đồng thuận về thành quả của công việc chung mà mỗi người cảm thấy là trung thành với quy trình và do đó họ có thể cảm thấy được đại diện. Việc lập một báo cáo liệt kê những điểm thường được đề cập nhất là chưa đủ. Đúng hơn, cần phải có sự phân định, nó cũng chú ý đến những tiếng nói bên lề và có tính tiên tri, đồng thời không bỏ qua tầm quan trọng của những điểm nảy sinh sự bất đồng. Chúa là hòn đá tảng sẽ cho phép “công trình” đứng vững và Chúa Thánh Thần, chủ nhân của sự hòa hợp, sẽ giúp chuyển bản nhạc chói tai thành bản giao hưởng êm tai.

40. Cuộc hành trình dẫn tới lời cầu nguyện ca ngợi Thiên Chúa và lòng biết ơn vì trải nghiệm đó. “Khi chúng ta sống nền linh đạo biết tiến gần lại người khác hơn và tìm kiếm phúc lợi cho họ, trái tim chúng ta sẽ rộng mở đón nhận những món quà lớn lao và đẹp đẽ nhất của Chúa. Bất cứ khi nào chúng ta gặp một người khác trong yêu thương, chúng ta đều học được điều gì đó mới mẻ về Thiên Chúa. Bất cứ khi nào mắt chúng ta mở ra để nhìn nhận người khác, chúng ta lớn lên trong ánh sáng đức tin và sự hiểu biết về Thiên Chúa” (EG 272). Tóm lại, đây là hồng phúc nhận được bởi những ai cho phép mình tham gia vào cuộc đàm luận trong Chúa Thánh Thần.

41. Trong những tình huống cụ thể, không bao giờ có thể tuân theo khuôn mẫu này một cách mù quáng. Đúng hơn nó phải luôn luôn được điều chỉnh. Đôi khi cần phải dành ưu tiên cho mỗi người phát biểu và lắng nghe người khác; trong những hoàn cảnh khác, dành ưu tiên cho việc đưa ra những mối liên hệ giữa những quan điểm khác nhau, tìm kiếm điều khiến “tâm hồn chúng ta bừng cháy trong chúng ta” (x. Lc 24:32); ở những trường hợp khác nữa, ưu tiên phải được dành cho việc giải thích sự đồng thuận và làm việc cùng nhau để nhận diện hướng đi trong đó, một người cảm thấy được Thánh Thần kêu gọi để di chuyển. Tuy nhiên, ngoài những sự thích ứng cụ thể thích hợp, ý định và tính năng động hợp nhất ba bước vẫn là đặc điểm của cách thức tiến hành của một Giáo Phiên họp nghị.

42. Ghi nhớ tầm quan trọng của cuộc đàm luận trong Thánh Thần để làm sống động kinh nghiệm sống của Giáo hội đồng nghị, việc đào tạo theo phương pháp này, và đặc biệt là những người hỗ trợ có khả năng đồng hành cùng các cộng đồng thực hành nó, được tri nhận như ưu tiên ở mọi bình diện của cuộc sống giáo hội và cho tất cả những người đã được Rửa tội, bắt đầu từ các thừa tác viên thụ phong trong tinh thần đồng trách nhiệm và cởi mở với các ơn gọi khác nhau trong Giáo hội. Việc đào tạo để đàm luận trong Thánh Thần là đào tạo để trở thành một Giáo hội đồng nghị.



(Chú thích hình 1

Đàm luận trong Thánh Thần

Tính năng động biện phân trong Giáo hội đồng nghị

Chuẩn bị Bản thân

Bằng cách phó thác cho Chúa Cha, đàm luận trong cầu nguyện với Chúa Giêsu và lắng nghe Chúa Thánh Thần, mỗi người chuẩn bị phần đóng góp của mình cho câu hỏi mình được mời gọi biện phân

Im lặng, cầu nguyện và lắng nghe Lời Chúa

“Tiếp nhận lời và lắng nghe”

Mỗi người thay phiên nhau nói từ kinh nghiệm và việc cầu nguyện của mình, và cẩn thận lắng nghe các đóng góp của người khác.

Im lặng và cầu nguyện.

“Dành không gian cho những người khác và Đấng Khác”

Từ những gì các người khác đã phát biểu, mỗi người chia sẻ điều vang vọng nhất đối với mình hoặc điều gì khơi dậy nơi mình sự đề kháng nhiều nhất, để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn: “Khi lắng nghe, tâm hồn tôi có bừng nóng trong tôi không?”

Im lặng và cầu nguyện.

“Cùng nhau xây dựng”

Cùng nhau chúng ta đối thoại dựa trên những gì đã xuất hiện trước đó để biện phân và thu lượm thành quả của cuộc đàm luận trong Chúa Thánh Thần: thừa nhận các trực giác và hội tụ; nhận diện các bất đồng, trở ngại và các vấn đề mới; cho phép các tiếng nói tiên tri xuất hiện. Điều quan trọng là mọi người cảm thấy được đại diện bởi thành quả của việc làm. “Chúa Thánh Thần kêu gọi chúng ta cùng nhau bước những bước nào?”

Cầu nguyện cảm tạ cuối cùng)

B. Hiệp thông, truyền giáo, tham gia



Ba vấn đề ưu tiên đối với một Giáo hội đồng nghị

“Cũng như trong một thân thể, chúng ta có nhiều bộ phận, mà các bộ phận không có cùng một chức năng, thì chúng ta cũng vậy: tuy nhiều nhưng chỉ là một thân thể trong Đức Kitô, mỗi người liên đới với những người khác như những bộ phận của một thân thể.” (Rm 12:4-5).

43. Trong số những thành quả của giai đoạn đầu tiên, và đặc biệt là của các Phiên họp Châu lục, vốn nổi bật nhờ cách thức tiến hành vừa được vạch ra, ba ưu tiên đã được xác định và hiện đang được đề xuất lên Phiên họp Thượng hội đồng vào tháng 10 năm 2023 để phân định. Đây là những thách thức mà toàn thể Giáo hội phải tự đo lường để tiến một bước và phát triển trong hữu thể đồng nghị của mình ở mọi bình diện và từ nhiều quan điểm. Chúng cần được giải quyết từ quan điểm thần học và giáo luật, cũng như từ quan điểm chăm sóc mục vụ và linh đạo. Chúng đặt câu hỏi về cách thức các Giáo phận lên kế hoạch cũng như những lựa chọn và lối sống hàng ngày của mỗi thành viên dân Chúa. Chúng cũng mang tính đồng nghị đích thực bởi vì việc giải quyết chúng đòi hỏi phải cùng nhau bước đi như một dân tộc, với tất cả các thành viên của mình. Ba ưu tiên này sẽ được minh họa liên quan đến ba từ khóa của Thượng Phiên họp: hiệp thông, truyền giáo, tham gia. Mặc dù điều này được thực hiện vì mục đích đơn giản và rõ ràng trong cách trình bày, nhưng nó có nguy cơ trình bày ba từ khóa như ba “trụ cột” độc lập với nhau. Thay vào đó, trong đời sống của Giáo hội đồng nghị, sự hiệp thông, sứ mệnh và sự tham gia được khớp nối, nuôi dưỡng và hỗ trợ lẫn nhau. Chúng phải luôn được hiểu với sự tích hợp này trong tâm trí.

44. Thứ tự khác nhau trong đó ba thuật ngữ này xuất hiện, trong đó sứ mệnh chiếm vị trí trung tâm, cũng bắt nguồn từ ý thức về những mối liên kết đã phát triển trong giai đoạn thứ nhất. Đặc biệt, hiệp thông và sứ mệnh đan xen và phản ảnh lẫn nhau, như Thánh Gioan Phaolô II đã dạy: “Hiệp thông và truyền giáo gắn liền với nhau một cách sâu sắc, chúng thâm nhập và bao hàm lẫn nhau, đến mức sự hiệp thông tượng trưng cho cả nguồn mạch lẫn hoa trái của sứ mệnh: sự hiệp thông làm nảy sinh sứ mệnh và sứ mạng được hoàn thành trong sự hiệp thông” (CL 32, được đề cập trong PE I,4). Chúng ta được mời gọi vượt ra ngoài cách hiểu nhị nguyên trong đó các mối quan hệ trong cộng đồng giáo hội là lãnh vực của sự hiệp thông, trong khi sứ vụ liên quan đến đến đà ad extra [hướng ra bên ngoài]. Thay vào đó, giai đoạn đầu đã nhấn mạnh sự hiệp thông là điều kiện cho tính khả tín của việc rao giảng, một cái nhìn sâu sắc gợi nhớ đến Phiên họp Toàn thể thường lệ lần thứ XV của Thượng hội đồng Giám mục về Giới trẻ, Đức tin và Phân định Ơn gọi (7). Đồng thời, ngày càng có ý thức hơn rằng định hướng truyền giáo là tiêu chuẩn duy nhất được Tin Mừng đặt ra cho việc tổ chức nội bộ của cộng đồng Kitô giáo, việc phân bổ các vai trò và nhiệm vụ cũng như việc quản lý các tổ chức và cơ cấu của cộng đồng này. Chính trong mối tương quan với sự hiệp thông và sứ mạng mà sự tham gia có thể được hiểu, và vì lý do này, nó chỉ có thể được đề cập sau hai điều kia. Một mặt, nó mang lại cho haii điều kia một cách diễn đạt cụ thể: việc chú ý đến các thủ tục, quy tắc, cơ cấu và thể chế cho phép sứ mệnh được củng cố theo thời gian và giải phóng sự hiệp thông khỏi tính tự phát cảm xúc đơn thuần. Mặt khác, nó nhận được một ý nghĩa, một định hướng và tính năng động giúp nó thoát khỏi nguy cơ biến thành một cuộc cuồng loạn đòi hỏi các quyền cá nhân mà chắc chắn sẽ gây ra sự chia rẽ hơn là thống nhất.

45. Để đi kèm với việc chuẩn bị và cơ cấu công việc của Phiên họp, năm bảng câu hỏi đã được chuẩn bị để giải quyết từng ưu tiên, tìm thấy ở cuối phần này. Mỗi bảng này tạo nên một điểm khởi đầu cho vấn đề ưu tiên mà theo cách này có thể được tiếp cận từ những quan điểm khác nhau nhưng bổ sung cho nhau liên quan đến các khía cạnh khác nhau của đời sống Giáo hội đã xuất hiện qua hoạt động của các phiên họp Lục địa. Trong trường hợp này, ba đoạn văn tiếp theo, tương ứng với ba nhóm bảng câu hỏi trong phụ lục, không nên được đọc dưới dạng các cột song song và không liên lạc với nhau. Đúng hơn, chúng là những tia sáng soi sáng cùng một thực tại, đó là đời sống đồng nghị của Giáo hội, từ những vọng nhìn khác nhau, liên tục đan xen và khêu gợi lẫn nhau, mời gọi chúng ta lớn lên.

B 1. Một sự hiệp thông tỏa sáng: Làm thế nào chúng ta có thể trở thành dấu chỉ và khí cụ trọn vẹn hơn của việc kết hợp với Thiên Chúa và của việc hiệp nhất toàn thể nhân loại?



46. Hiệp thông không phải là một cuộc tụ họp nhau mang tính xã hội học như các thành viên của một nhóm bản sắc nhưng trên hết là một hồng ân của Thiên Chúa Ba Ngôi, và đồng thời là một nhiệm vụ không bao giờ cạn kiệt là xây dựng cái “chúng ta” của Dân Thiên Chúa. Như các Phiên họp Châu lục đã trải nghiệm, sự hiệp thông đan xen một chiều dọc mà Lumen gentium gọi là “sự hiệp nhất với Thiên Chúa” và chiều ngang, “sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại”, trong một động lực cánh chung mạnh mẽ. Hiệp thông là một cuộc hành trình trong đó chúng ta được mời gọi lớn lên, “cho đến khi tất cả chúng ta đạt đến sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự hiểu biết Con Thiên Chúa, đến mức trưởng thành, đạt tới tầm vóc viên mãn của Chúa Kitô” (Eph 4:13).

47. Chúng ta đón nhận giây phút đó trong phụng vụ, nơi Giáo hội trên hành trình trần thế trải nghiệm sự hiệp thông, nuôi dưỡng và xây dựng nó. Nếu phụng vụ thực sự là “phương tiện nổi bật nhờ đó các tín hữu có thể diễn tả trong đời sống mình và biểu lộ cho người khác biết mầu nhiệm Chúa Kitô và bản chất thực sự của Giáo hội đích thực” (SC 2) thì chúng ta phải nhìn chính phụng vụ để hiểu đời sống đồng nghị của Giáo hội. Trước hết và quan trọng nhất, chính nhờ hành động phụng vụ chung, và đặc biệt là việc cử hành Thánh Thể, mà Giáo hội trải nghiệm được sự hiệp nhất triệt để, được thể hiện trong cùng một lời cầu nguyện hưng trong sự đa dạng về ngôn ngữ và nghi thức: một điểm căn bản trong chìa khóa đồng nghị. Từ quan điểm này, sự đa dạng của các nghi thức trong một Giáo Hội Công Giáo duy nhất là một phúc lành đích thực, cần được bảo vệ và phát huy, như đã được trải nghiệm trong các phụng vụ của các Phiên họp Lục địa.

48. Một phiên họp thượng hội đồng không thể được hiểu mang tính đại diện và lập pháp, tương tự như một cơ cấu nghị viện với động lực xây dựng đa số. Đúng hơn, chúng ta được mời gọi hiểu nó bằng cách so sánh với cộng đoàn phụng vụ. Truyền thống cổ xưa cho chúng ta biết rằng khi một thượng hội đồng được cử hành, nó bắt đầu bằng lời kêu cầu Chúa Thánh Thần, tiếp tục bằng việc tuyên xưng đức tin và đi đến những quyết tâm chung nhằm bảo đảm hoặc tái lập sự hiệp thông trong giáo hội. Trong một phiên họp thượng hội đồng, Chúa Kitô hiện diện và hành động, biến đổi lịch sử và các sự kiện hàng ngày, đồng thời ban Thánh Thần để hướng dẫn Giáo hội tìm ra sự đồng thuận về cách cùng nhau bước đi hướng tới Vương quốc và giúp toàn thể nhân loại tiến tới sự hiệp nhất lớn hơn. Cùng nhau bước đi trong khi lắng nghe Lời Chúa và anh chị em của chúng ta, nghĩa là tìm kiếm ý muốn của Thiên Chúa và sự đồng thuận của nhau, dẫn đến việc tạ ơn Chúa Cha qua Chúa Con trong một Thánh Thần. Trong một phiên họp thượng Phiên họp, những người quy tụ nhân danh Chúa Kitô, lắng nghe Lời Người, lắng nghe nhau, biện phân trong sự vâng phục Chúa Thánh Thần, công bố những gì họ đã nghe và coi đó là ánh sáng cho hành trình của Giáo hội.

49. Theo quan điểm này, đời sống đồng nghị không phải là một chiến lược tổ chức Giáo hội, mà là kinh nghiệm có khả năng tìm thấy một sự hiệp nhất bao trùm sự đa dạng mà không xóa bỏ nó, bởi vì nó được thiết lập trên sự kết hợp với Thiên Chúa trong việc tuyên xưng cùng một đức tin. Tính năng động này có một sức mạnh thúc đẩy không ngừng tìm cách mở rộng phạm vi hiệp thông, nhưng phải chấp nhận những mâu thuẫn, những giới hạn và những vết thương của lịch sử.

50. Vấn đề ưu tiên đầu tiên xuất hiện từ tiến trình thượng hội đồng bắt nguồn chính từ điểm này. Trong tính chất cụ thể của thực tại lịch sử của chúng ta, việc bảo tồn và phát huy sự hiệp thông đòi hỏi phải chấp nhận tính không trọn vẹn của việc có thể sống hiệp nhất trong đa dạng (x. 1 Cr 12). Lịch sử tạo ra sự chia rẽ, gây ra những vết thương cần được chữa lành và đòi hỏi những con đường được rèn giũa để hòa giải. Trong bối cảnh này, nhân danh Tin Mừng, những mối dây nào cần được củng cố để vượt qua các chiến hào và hàng rào, những nơi trú ẩn và bảo vệ nào cần được xây dựng, và để bảo vệ ai? Những bộ phận nào không hiệu quả? Khi nào thì sự tiệm tiến làm cho con đường đi tới sự hiệp thông trọn vẹn có thể thực hiện được? Đây dường như là những câu hỏi lý thuyết, nhưng chúng bắt nguồn từ đời sống cụ thể hàng ngày của các cộng đồng Kitô hữu được tư vấn trong giai đoạn đầu. Thật vậy, họ quan tâm đến câu hỏi liệu có những giới hạn đối với việc chúng ta sẵn lòng chào đón mọi người và các nhóm hay không, làm thế nào để tham gia đối thoại với các nền văn hóa và tôn giáo mà không ảnh hưởng đến bản sắc của chúng ta, cũng như quyết tâm của chúng ta trở thành tiếng nói của những người ở bên lề và tái khẳng định rằng không một người nào nên bị bỏ lại phía sau. Năm Bảng câu hỏi đề cập đến ưu tiên này cố gắng khám phá các câu hỏi này từ năm khía cạnh bổ sung cho nhau.

B 2. Đồng trách nhiệm trong sứ vụ: Làm thế nào chúng ta có thể chia sẻ tốt hơn các ân sủng và nhiệm vụ phục vụ Tin Mừng?



51. “Giáo hội lữ hành tự bản chất là truyền giáo” (AG 2). Sứ mệnh tạo thành một chân trời năng động mà từ đó chúng ta phải suy nghĩ về Giáo hội đồng nghị, trong đó nó truyền đạt một động lực hướng tới “sự xuất thần” bao gồm việc “ra khỏi chính mình và tìm kiếm thiện ích cho người khác, thậm chí hy sinh mạng sống của mình” (CV 163; xem thêm FT 88). Truyền giáo cho phép người ta nhận được kinh nghiệm về Lễ Hiện Xuống: sau khi nhận được Chúa Thánh Thần, Phêrô và Nhóm Mười Một đứng lên và dùng lời loan báo Chúa Giêsu chịu đóng đinh và phục sinh cho tất cả những người sống ở Giêrusalem (x. Cv 2:14-36). Đời sống đồng nghị bắt nguồn từ cùng một động lực. Có nhiều chứng từ mô tả kinh nghiệm sống của giai đoạn thứ nhất theo những thuật ngữ này, và thậm chí còn nhiều hơn nữa là những chứng từ liên kết tính đồng nghị và truyền giáo một cách không thể tách rời.

52. Trong một Giáo hội tự coi mình là dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp nhất với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại (x. LG 1), diễn ngôn về sứ mệnh tập trung vào tính trong suốt của dấu hiệu và hiệu quả của công cụ, nếu không có nó thì bất cứ tuyên bố nào cũng thiếu độ tin cậy. Truyền giáo không phải là tiếp thị một sản phẩm tôn giáo, nhưng là xây dựng một cộng đồng trong đó các mối quan hệ là sự biểu hiện tình yêu Thiên Chúa và do đó chính cuộc sống của họ trở thành một lời loan báo. Trong Sách Công vụ Tông đồ, ngay sau bài diễn văn của Phêrô là trình thuật về đời sống của cộng đoàn nguyên thủy, trong đó mọi sự đều trở thành cơ hội hiệp thông (x. 2:42-47), khiến cộng đoàn trở nên hấp dẫn.

53. Theo hướng này, câu hỏi đầu tiên liên quan đến sứ mệnh hỏi các thành viên của cộng đồng Kitô giáo thực sự sẵn sàng chia sẻ điều gì, bắt đầu từ tính độc đáo không thể giản lược của mỗi thành viên, nhờ mối quan hệ trực tiếp của họ với Chúa Kitô trong Bí tích Rửa tội và như một nơi cư trú của Chúa Thánh Thần. Điều này làm cho sự đóng góp của mỗi người đã được Rửa tội trở nên quý giá và không thể thiếu được. Một trong những lý do khiến cảm giác ngạc nhiên được ghi nhận trong giai đoạn thứ nhất có liên quan đến khả năng đóng góp này: “Tôi thực sự có thể đưa ra điều gì đó không?”. Đồng thời, mỗi người được mời gọi thừa nhận sự bất toàn của mình, và do đó ý thức rằng để hoàn thành sứ mạng thì mọi người đều cần thiết cả. Theo nghĩa này, sứ mạng cũng có một chiều kích đồng nghị mang tính cấu thành.

54. Vì lý do này, ưu tiên thứ hai được xác định bởi một Giáo hội tự khám phá ra mình là truyền giáo và đồng nghị liên quan đến cách thức mà Giáo hội có thể thu hút sự đóng góp của tất cả mọi người, mỗi người có năng khiếu và vai trò của mình, đánh giá cao sự đa dạng của các đặc sủng và tích hợp mối tương quan giữa các hồng phúc phẩm trật và đặc sủng (8). Viễn cảnh truyền giáo đặt các đặc sủng và thừa tác vụ vào chân trời của những gì là chung, và bằng cách này bảo vệ tính sinh hoa kết quả của chúng, vốn bị tổn hại khi chúng trở thành những đặc quyền hợp pháp hóa các hình thức loại trừ. Một Giáo hội đồng nghị truyền giáo có nhiệm vụ tự hỏi làm thế nào mình có thể nhận ra và đánh giá cao sự đóng góp mà mỗi người đã được Rửa tội có thể cống hiến trong sứ vụ, đi ra khỏi chính mình và cùng với những người khác tham gia vào một điều gì đó lớn lao hơn. “đóng góp tích cực cho lợi ích chung của nhân loại” (CA 34) là một thành phần không thể tách rời của phẩm giá con người, ngay cả trong cộng đồng Kitô giáo. Đóng góp đầu tiên mà mọi người có thể thực hiện là hướng tới việc ý thức được các dấu chỉ của thời đại (x. GS 4), để duy trì ý thức về sứ mệnh chung của chúng ta hòa hợp với hơi thở của Chúa Thánh Thần. Mọi quan điểm đều có điều gì đó góp phần vào sự phân định này, bắt đầu từ quan điểm của người nghèo và người bị loại trừ: đồng hành với họ không chỉ có nghĩa là đáp ứng và đón nhận những nhu cầu và đau khổ của họ, mà còn tôn trọng tính cách chính của họ và học hỏi từ họ. Đây là cách để nhận ra phẩm giá bình đẳng của họ, thoát khỏi cạm bẫy của chủ nghĩa phúc lợi và dự đoán càng nhiều càng tốt luận lý của trời mới và đất mới mà chúng ta đang trên đường hướng tới.

55. Các Bảng câu hỏi liên quan đến ưu tiên này cố gắng cụ thể hóa câu hỏi căn bản này liên quan đến các chủ đề như thừa nhận sự đa dạng của ơn gọi, đặc sủng và thừa tác vụ, thăng tiến phẩm giá rửa tội của phụ nữ, vai trò của thừa tác vụ thụ phong và đặc biệt thừa tác vụ của Giám mục trong Giáo hội có tính đồng nghị truyền giáo.

B 3. Sự tham gia, quản trị và thẩm quyền: Những tiến trình, cơ cấu và tổ chức nào trong một Giáo hội truyền giáo có tính đồng nghị?



56. “Các chữ ‘hiệp thông’ và ‘truyền giáo’ có thể có nguy cơ vẫn còn hơi trừu tượng, trừ khi chúng ta trau dồi một thực hành giáo hội thể hiện tính cụ thể của tính đồng nghị ở mọi bước trong hành trình và hoạt động của chúng ta, khuyến khích sự tham gia thực sự của mỗi người và tất cả mọi người”. (3) Những lời này của Đức Giáo Hoàng giúp chúng ta đặt sự tham gia vào mối tương quan với hai chủ đề còn lại. Sự tham gia bổ sung thêm mật độ nhân học vào đặc tính cụ thể của khía cạnh thủ tục. Nó bày tỏ mối quan tâm đến sự phát triển của con người, nghĩa là nhân bản hóa các mối quan hệ ở trung tâm của dự án hiệp thông và cam kết truyền giáo. Nó bảo vệ tính độc đáo trên khuôn mặt của mỗi người, thúc giục việc chuyển đổi sang “chúng tôi” không hòa tan cái “tôi” vào trạng thái ẩn danh của một tập thể không khác biệt. Nó bảo vệ khỏi việc rơi vào tình trạng trừu tượng về quyền lợi hoặc giản lược con người thành những công cụ phụ thuộc cho hoạt động của tổ chức. Trong căn bản, việc tham gia là một cách thể hiện tính sáng tạo, một cách nuôi dưỡng các mối quan hệ hiếu khách, chào đón và phúc lợi con người vốn nằm ở trung tâm của sứ mạng và hiệp thông.

57. Từ tầm nhìn về sự tham gia toàn diện được trình bày ở trên, xuất hiện ưu tiên thứ ba cũng được đề cập tại các phiên họp ở giai đoạn châu lục: vấn đề về thẩm quyền, ý nghĩa của nó và phong cách thực thi nó trong một Giáo hội đồng nghị. Cách riêng, thẩm quyền có phát sinh như một dạng quyền lực bắt nguồn từ những mô hình được thế giới đưa ra, hay nó bắt nguồn từ sự phục vụ? “Giữa các con sẽ không như vậy” (Mt 20:26; x. Mc 10:43), Chúa nói thế, Đấng sau khi chân cho các môn đệ, đã khuyên răn họ: “Vì Thầy đã làm gương cho anh em, anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13:15). Trong nguồn gốc của nó, chữ “thẩm quyền” biểu thị khả năng giúp người khác phát triển và do đó, nó phục vụ cho sự độc đáo của mỗi người, hỗ trợ tính sáng tạo thay vì là một hình thức kiểm soát ngăn cản nó và phục vụ cho việc sáng tạo của quyền tự do cá nhân chứ không phải là một ràng buộc hạn chế nó. Liên kết với câu hỏi này là câu hỏi thứ hai, liên quan đến sự quan tâm đến tính cụ thể và tính liên tục theo thời gian: làm thế nào chúng ta có thể thấm nhuần các cơ cấu và thể chế của mình với tính năng động của Giáo hội đồng nghị truyền giáo?

58. Từ trọng tâm này xuất phát một chủ đề xa hơn, cụ thể không kém, nhằm mục đích duy trì tính năng động của việc tham gia theo thời gian. Chủ đề đào tạo xuất hiện trên tất cả các tài liệu của giai đoạn thứ nhất. Như đã được nhấn mạnh nhiều lần trong các tường trình của các phiên họp Châu lục và trước đó là các tường trình của các Giáo hội địa phương, chỉ các định chế và cơ cấu thôi thì không đủ để biến Giáo hội thành đồng nghị. Một nền văn hóa và linh đạo đồng nghị cần được sinh động bởi ước muốn hoán cải và được duy trì bằng sự đào tạo thích đáng. Nhu cầu đào tạo không chỉ giới hạn ở việc cập nhật nội dung, nhưng có phạm vi toàn diện, ảnh hưởng đến mọi khả năng và thiên hướng của con người, bao gồm cả việc định hướng sứ mệnh, khả năng liên hệ và xây dựng cộng đồng, sự sẵn sàng lắng nghe về mặt thiêng liêng và sự quen thuộc với sự phân định bản thân và cộng đồng. Cũng cần thiết là sự kiên nhẫn, kiên trì, tự tin và tự do khi nói lên sự thật (parrhesia).

59. Việc đào tạo là phương tiện không thể thiếu để biến cách tiến hành đồng nghị thành một mô hình mục vụ cho đời sống và hoạt động của Giáo hội. Chúng ta cần sự đào tạo toàn diện, lúc đầu và liên tục, cho mọi thành viên của dân Chúa. Không một người đã Rửa tội nào có thể cảm thấy xa lạ với cam kết này và do đó cần phải đưa ra những đề xuất thích hợp cho việc đào tạo theo cách thức đồng nghị ngỏ với tất cả các Tín hữu. Đặc biệt, càng được mời gọi phục vụ Giáo Hội, người ta càng phải cảm thấy tính cấp bách của việc đào tạo: các Giám mục, Linh mục, Phó tế, những người thánh hiến, và tất cả những người thi hành thừa tác vụ đều cần được đào tạo để đổi mới cách thức thực thi thẩm quyền và các diễn trình đưa ra quyết định theo bí quyết đồng nghị, đồng thời học cách đồng hành với sự phân định và đối thoại của cộng đồng trong Thánh Thần. Các ứng viên cho thừa tác vụ thụ phong phải được đào tạo theo phong cách và não trạng đồng nghị. Việc thúc đẩy một nền văn hóa đồng nghị bao hàm việc đổi mới chương trình giảng dạy chủng viện hiện tại và đào tạo các giáo viên và giáo sư thần học, để có một định hướng rõ ràng và dứt khoát hơn đối với việc đào tạo một đời sống hiệp thông, truyền giáo và tham gia. Việc đào tạo một nền linh đạo đồng nghị thực sự hơn là trọng tâm của việc đổi mới Giáo hội.

60. Nhiều đóng góp nhấn mạnh sự cần thiết phải có một nỗ lực tương tự để đổi mới ngôn ngữ được Giáo hội sử dụng trong phụng vụ, rao giảng, dạy giáo lý, nghệ thuật thánh, cũng như trong mọi hình thức truyền thông hướng tới các Tín hữu và công chúng rộng rãi hơn, kể cả thông qua các phương tiện truyền thông mới hoặc các hình thức truyền thông truyền thống. Không hạ thấp phẩm giá hay hạ thấp chiều sâu của mầu nhiệm được Giáo hội công bố hay sự phong phú của truyền thống Giáo hội, việc đổi mới ngôn ngữ thay vào đó phải nhằm mục đích làm cho những phong phú này có thể tiếp cận được và hấp dẫn đối với con người nam nữ của thời đại chúng ta, thay vì là một trở ngại cản ngăn họ ở một khoảng cách xa. Cảm hứng của sự mới mẻ trong ngôn ngữ Tin Mừng, khả năng hội nhập văn hóa mà lịch sử Giáo hội vốn biểu lộ, và những trải nghiệm đầy hứa hẹn đang diễn ra, ngay cả trong môi trường kỹ thuật số, mời gọi chúng ta tiến hành một cách tin tưởng và quyết tâm một nhiệm vụ quan trọng là tính hữu hiệu của việc rao giảng Tin Mừng, vốn là mục tiêu mà một Giáo hội truyền giáo có tính đồng nghị hướng tới.

Rôma, ngày 29 tháng 5 năm 2023

Lễ nhớ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo Hội


Ghi Chú

(1) Do đó, để vắn gọn và ngoại trừ chỉ rõ cách khác, kiểu nói “phiên họp” (assembly) và “phiên họp thượng hội đồng” (Synodal assembly) chỉ phiên họp tháng 10 năm 2023, mà Tài liệu Làm việc này được dành cho

(2) Đức Phanxicô, Diễn văn tại buổi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng Giám mục, ngày 17 tháng 10 năm 2015 (x. PD 15).

(3) Cụm từ “Giáo Hội địa phương” ở đây ám chỉ điều mà Bộ Giáo luật gọi là “Giáo Hội đặc thù”.

(4) Phần B sẽ đưa ra các lý do cho việc đảo ngược trật tự liên quan đến phụ đề của Thượng Hội đồng: cf. trong số 44.

(5) Đức Phanxicô, Giây phút suy gẫm về sự khởi đầu của con đường đồng nghị, ngày 9 tháng 10 năm 2021.

(6) Đức Phanxicô, Diễn văn tại buổi lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng Giám mục, ngày 17 tháng 10 năm 2015.

(7) Thí dụ, ở số 128, Tài liệu Cuối cùng nêu rõ: “[Chỉ] có các cơ cấu thôi thì chưa đủ, nếu các mối quan hệ đích thực không được phát triển bên trong chúng; thực ra chính phẩm chất của những mối quan hệ này đã truyền giảng Tin Mừng”.

(8) X. Bộ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Thư Iuvenescit Ecclesia, 15 tháng 5 năm 2016, 13-18.

(9) Đức Phanxicô, Giây phút suy gẫm về sự khởi đầu của hành trình Thượng Hội đồng, ngày 9 tháng 10 năm 2021.

Kỳ sau: Các Bảng câu hỏi
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hướng Về Đại Lễ Làm Phép – Khánh Thành Tượng Đài Đức Mẹ Lavang tại Thánh Địa Fatima, Bồ-Đào-Nha.
Khanh Lai
00:31 05/10/2023
Hướng Về Đại Lễ Làm Phép – Khánh Thành Tượng Đài Đức Mẹ Lavang tại Thánh Địa Fatima, Bồ-Đào-Nha.



Dù đi bốn bể chân trời, cũng chẳng tìm thấy nơi đâu như Nhà Mẹ mình!

“Nhà Mẹ”! Đó là nơi duy nhất người ta tìm thấy được tình thương yêu, sự dịu dàng, vỗ về, chăm sóc, chở che... bàn tay “Mẹ” muôn đời vẫn là nơi vững chắc cho các con nương tựa, Mẹ luôn nắm chặt tay con, dắt đưa con đi những bước chập chững đầu đời, mãi mãi không rời, vẫn đưa con đi qua muôn gian khó khắp nẻo đường đời; Bàn Tay Mẹ Maria, Mẹ La Vang, Mẹ Việt Nam.

Đoàn Con Dân Việt thật vô cùng hạnh phúc! Giữa cơn gian nan khốn khó, từ La Vang, Mẹ đã hiện đến cứu giúp che chở hộ phù, cho Đoàn Con Dân Việt thoát cơn hiểm nghèo nguy khốn. Mẹ đã đỡ nâng để Đoàn Con Mẹ đủ sức mạnh làm chứng nhân cho Chúa Ki-tô, dù phải đầu rơi máu đổ!

La Vang đã trở thành “Nhà Mẹ”, nơi mà chúng con, dù đi bốn bể chân trời, vẫn mãi mong ngóng ngày hạnh phúc được trở về bên Mẹ La Vang. Ngày hạnh phúc đã đến! Mẹ La Vang đã đến với Đoàn Con Việt tha hương, “Nhà Mẹ La Vang” đã đến với Đoàn Con ngay tại Thánh Địa Fatima, Bồ-Đào-Nha này. Còn hạnh phúc nào hơn cho Đoàn Con Dân Việt!

Lòng yêu mến Mẹ La Vang của Đoàn Con Việt từ bao đời, đã và mãi còn là một nét son trong lòng mỗi người. Không chỉ riêng tại Việt Nam, ngày nay khắp nơi trên thế giới, nơi đâu có người Việt là ở đó có Mẹ La Vang, có nhiều Giáo Xứ, Cộng Đoàn mang tên Mẹ La Vang, có tượng Đài Mẹ La Vang, có Đại Hội Đức Mẹ La Vang... Ngay trong Vương Cung Thánh Đường Quốc Gia Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tại Thủ Đô Hoa-Thịnh-Đốn, Hoa-Kỳ, Nguyện Đường Đức Mẹ La Vang đã được khánh thành tháng 10 năm 2006 do nhiều công sức trên 10 năm vận động và xây dựng của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa-Kỳ. Những năm gần đây, Đại Hội Đức Mẹ La Vang được tổ chức khắp nơi: Đại Hội Thánh Mẫu La Vang tại Houston, TX, Đại Hội Thánh Mẫu La Vang tại Quận Cam, California, Đại Hội Thánh Mẫu La Vang tại Las Vegas, rồi New York...và ngay tại Calgary Canada, Úc Châu...

Những nét son của lòng yêu mến Mẹ La Vang ngày càng được tô đậm hơn nơi những người Con Việt ở khắp nơi trên thế giới. Và hôm nay, ngày 12, 13, 14 tháng 10 năm 2023, với sự có mặt của Đức TGM Giuse Nguyễn Năng, Chủ Tịch HĐGMVN cùng Đoàn Con Dân Việt khắp nơi trên thế giới lại qui tụ về Thánh Địa Fatima Bồ-Đào-Nha trong Đại Lễ Làm Phép – Khánh Thành Tượng Đài Đức Mẹ La Vang và Nhà Mẹ La Vang.

Chương trình 3 ngày Đại Lễ sẽ được trực tiếp truyền hình trên Youtube:

Oct. 12 - Thánh Lễ 3:30pm

https://youtube.com/live/Ocn8hmbVT5k

Oct. 13 - Thánh Lễ 10:00am

https://youtube.com/live/JUdM2EcJO0E

Oct. 14 - Làm Phép Tượng Đài - Thánh Lễ: 10:00am

https://youtube.com/live/IwgrSFAJ0lQ

Xin mời Qúy Vị tham dự Đại Lễ ngày 14 tháng 10 cùng mặc quốc phục và cùng tham gia phần thánh vũ:

Quý Ông, Quý Anh: Áo thụng khăn đống.

Quý Bà, Quý Chị: Áo dài màu xanh Đức Mẹ, khăn đống.

Cùng về bên Mẹ La Vang,

Vững lòng trông cậy Mẹ hằng chở che.

Vọng Sinh.- phóng viên ViệtCatholic có mặt tại Portugal

04.10.2023
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Kinh Mân Côi - Chìa khóa mở cửa Thiên đàng
Đinh văn Tiến Hùng
23:11 05/10/2023

KINH MÂN CÔI
Chìa Khóa Mở Cửa Thiên Đàng
( Tháng 10 Kính Đức Mẹ Mân Côi- Lễ kính 7/10/23 )

*Hàng năm Giáo Hội dành riêng 2 tháng để tôn kính Đức Mẹ Maria :
Tháng 5- Tháng Hoa và Tháng 10 - Tháng Mân Côi.

Kinh Lạy Cha được chính Chúa truyền dạy cho các Tông Đồ cách cầu nguyện hiệu quả nhất.
Kinh Kính Mừng: Kinh Mân Côi là kinh Đức Mẹ yêu thích nhất vì ngăn cản cơn thịnh nộ
Thiên Chúa giáng phạt loài người. Đức Mẹ khuyên nhủ mọi người hãy siêng nặng đọc Kinh Kính Mừng khi Mẹ hiện ra tại Fatima, Lộ Đức, La Vang, La Salette, Mễ Du, Guadalupe…
Kinh Mân côi khởi nguyên từ lời Sứ Thần chào mừng Trinh Nữ Maria khi truyền tin và lời
bà Elizabeth chúc tụng khi Đức Mẹ đến săn sóc bà sắp đến ngày sinh Vị Tiền Hô Chúa.

Trình thuật theo Tin Mừng Tân Ước :
-“ Thiên Thần Gabriel được Thiên Chúa sai đến một thành xứ Galilêa tên là Nazareth, đến cùng Trinh Nữ tên là Maria đã đính hôn với 1 người tên là Giuse, thuộc nhà Đa-vít. Vào nơi Bà, Thiên Thần nói với Bà:
“ Vui lên! Hỡi Người Đầy Ơn Phúc ! Chúa ở cùng Bà ! “… ( Lc.1: 28- 33 )
-“ Và xảy ra khi Elizabeth thoạt nghe lời Maria chào, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng mẹ và bà được đầy ơn Thánh Thần thốt lên tiếng kêu và nói : Trong nữ giới, chỉ có Người là Diễm Phúc ! Và đáng chúc tụng thay Hoa quả Lòng Người !.. ( Lc.1: 41& 42 )

*Phát xuất từ tiếng La-tinh Rosarium là Vườn Hồng. Tiếng Việt có nhiều từ đọc khác nhau nhưng cùng một ý nghĩa : Mân Côi, Môi Côi, Môi Khôi, Văn Khôi, Mai Khôi.
Một Chuỗi Mân Côi hay Tràng Mân Côi do nhiều đóa Hoa Hồng kết thành một Tràng Hoa Hồng Tuyệt
Diệu gồm 5 Kinh Lạy Cha, 50 Kinh Kính Mừng và 5 Kinh Sáng Danh, diễn tả cuộc đời Chúa Giêsu và Mẹ Maria qua trình tự Tân Ước với các mầu nhiệm: Năm Sự Vui- Năm Sự Thương – Năm Sự Mừng.

Chúa soi sáng cho Thánh Bergetta lập ra Chuỗi Mân Côi gồm 50 Kinh Kính Mừng để kính nhớ 150 Thánh Vịnh trong Cựu Ước. Còn lời nguyện sau mỗi 10 Kinh Kính Mừng và Kinh Sáng Danh do Đức Mẹ truyền dạy cho 3 trẻ tại Fatima :
‘Lạy Chúa Giêsu xin tha tội cho chúng con ! xin cứu chúng con cho khỏi sa hỏa ngục ! Xin đưa các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến lòng Chúa thương xót hơn.’

Năm 2002, Thánh GH Gioan Phaolô 2 thêm vào Năm Sự Sáng tả lại 5 sự kiện quan trọng trong hành trình rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu :

(1) Chúa chịu Phép Rửa trên sông Jordan.
(2) Chúa biến nước hóa rượu tại tiệc cưới Cana.
(3) Chúa rao giảng về Nước Trời và sự thống hối.
(4) Chúa Biến Hình trên núi Tabo.
(5) Chúa lập Bí tích Thánh Thể.

*Thánh Đa Minh sáng lập Dòng Thuyết giáo là Sứ giả tiên khởi Kinh Mân Côi và nhiều Vị Tông đồ hăng say truyền bá Kinh Mân Côi như tu sĩ Dominique Dòng Chartreux hay tu sĩ Alain de la Roche Dòng Đa Minh…
-Năm 1213 Đức Mẹ truyền dạy Thánh Đa Minh khuyên mọi người đọc Kinh Mân Côi để phá tan bè rối Albigeois.
-Năm 1475 Hoàng Đế Frederic III, Hoàng Hậu và Hoàng Tử ghi tên gia nhập Hội Mân Côi.
-Năm 1571 Giáo Hoàng Piô V truyền Hội Thánh đọc Kinh Mân Côi để cứu vãn sự tàn phá đạo Công Giáo của quân Hồi.
-Năm 1629 bệnh dịch tả lan tràn khắp nước Ý, tu sĩ Timoteo Ricci phát động phong trào đọc Kinh Mân Côi xin Đức Mẹ cứu giúp.
-Năm 1657 ĐGH Alexandre VII ban nhiều ân xá cho những ai đọc Kinh Mân Côi.
-Năm 1826 bà Pauline Jaricot lập phong trào ‘Kinh Mân Côi Sống’ gồm mỗi nhóm 10 người cầu nguyện hàng ngày.
-Thế Kỷ 16 Giáo Hoàng Lêô 13 phổ biến Kinh Mân Côi trong toàn Giáo Hội.
-Thế Kỷ 20 Lm Joseph Eyquem thành lập Hội Mân Côi và ngày nay đã lan rộng tại nhiều quốc gia.
- Đức Giáng Hoàng Phao-lô VI khuyên nhủ : “ Việc đọc Kinh Mân Côi được cho là một trong những kinh nguyện chung tốt đẹp nhất, hữu hiệu nhất mà gia đình Công Giáo được khuyến khích siêng năng đọc “

*15 ơn lành cho những ai siêng năng đọc Kinh Mân Côi :
-1/ Những ai trung thành phụng sự Mẹ bằng Kinh Mân Côi sẽ được ơn cao cả.
-2/ Mẹ hứa sẽ phù trợ đặc biệt cho những ai đọc Kinh Mân Côi.
-3/ Kinh Mân Côi là áo giáp chống Hỏa ngục, tiêu diệt thói xấu, giảm thiểu tội lỗi.
-4/ Kinh Mân Côi giúp nhân đức và các việc lành triển nở, kéo nhiều tình thương Chúa trên các linh hồn.
-5/ Linh hồn đến với Mẹ bằng Kinh Mân côi sẽ không hư mất.
-6/ Những ai đọc kinh Mân Côi sốt sáng, áp dụng mầu nhiệm vào đời sống sẽ không bị rủi ro.
-7/ Những ai thật sự tôn sùng mầu nhiệm Mân Côi, sẽ được ơn chịu các phép bí tích giờ cuối cùng.
-8/ Những ai trung thành Lần Hạt Mân Côi khi sống và nhất là trong giờ chết, sẽ được Chúa soi sáng cùng với những ơn huệ của Ngài.
-9/ Mẹ sẽ cứu khỏi luyện tội những ai tôn sùng phép Lần Hạt Mân Côi.
-10/Những con cái trung thành với phép Lần Hạt Mân Côi sẽ được hưởng vinh quang Nước Trời.
-11/Nhờ Lần Hạt Mân Côi sẽ được hưởng những gì mình xin.
-12/Những ai truyền bá Kinh Mân Côi sẽ được Mẹ giúp đỡ lúc khó khăn gian nan.
-13/Mẹ đã xin Con Chí Thánh Mẹ ơn này : những ai truyền bá phép Mân Côi, sẽ được cả Triều đình Thiên Quốc cầu bầu cho lúc sống cũng như khi chết.
-14/Những ai đọc Kinh Mân Côi đều là con cái Mẹ và anh em với Con Một Mẹ là Chúa Giêsu.
-15/Tôn sùng phép Lần Hạt Mân Côi là dấu chắc chắn được ơn tiền định cứu rỗi.

*Kinh Mân Côi không chỉ giành riêng cho những người bình dân, ít học vì ngắn gọn dễ thuộc, đọc đi đọc lại nhiều lần. Một số người cho là nhàm chán, thật là điều ngộ nhận và phỉ báng. Nhưng lịch sử đã chứng minh nhiều người trí thức, quyền thế, khoa học, chính trị, văn nhân, nghệ sĩ…là những người ít tin vào tôn giáo, lại là những người sùng mộ Kinh Mân Côi như : Hoàng Đế Karl V, Tướng Tily, Hoàng hậu Maria Teresa, Thủ tướng Áo Rulius Raab, nhà toán học Andre Maria Ampere, Khoa học gia Louis Pasteur, văn hào Clemens Brentano, nhạc sư Amadeus Mozart, các họa sĩ Albred Durero và Da Vinci…

*Muôn ơn lành Thiên Chúa ban xuống cho thế gian qua lời Kinh nguyện Mân Côi mà chúng ta đã đón nhận không sao kể hết được. Người viết xin trích dẫn một phép lạ điển hình trong 100 truyện tích lạ Mân Côi về ‘Thánh Dominico, Đấng sáng lập dòng Đa-Minh và Chuỗi Mân Côi ‘ :
Nói đến Kinh Mân Côi mà không nói đến Thánh Dominico là một điều thiếu sót. Ngài sinh tại Tây Ban Nha năm 1170 và qua đời năm 1221 tại Ý, hưởng thọ 51 tuổi. ĐGH Gregorio IX phong Hiển Thánh cho Ngài ngày 11/7/1234. Ngài được Đức Mẹ trao nhiệm vụ truyền bá Kinh Mân Côi.
Một ngày kia Thánh Nhân đang cầu nguyện cho bè rối Albigense ăn năn trở lại, thì Đức Mẹ hiện ra với Ngài, có 3 Vị Nữ Hoàng và 50 Trinh Nữ theo hầu. Đức Mẹ phán bảo với Thánh Nhân :
“Hỡi con ! Mẹ xin Thiên Chúa ơn cải tử hoàn sinh cho nhân loại. Con hãy chịu khó đi rao giảng cho dân chúng bằng Kinh Mân Côi”
Nói đến đây Đức Mẹ chỉ vào 3 đoàn Trinh Nữ mặc 3 màu áo khác nhau : trắng, đỏ, vàng và dạy Thánh Nhân ý nghĩa mầu nhiệm : 5 Sự Vui- 5 Sự Thương và 5 Sự Mừng. Nhận lệnh thị kiến đó, Thánh Nhân biết rằng Kinh Mân Côi là khí giới thần lực, đánh bại các phe lạc giáo, cứu Giáo Hội và nhân loại. Ngài đi đến đâu cũng giảng về Chuỗi Mân Côi. Một hôm, từ Fanjeux đến Prouille giảng về Kinh Mân Côi. Ngài vào nhà thờ lần Chuỗi Mân Côi. Bỗng Đức Mẹ hiện ra phán bảo :
“Hỡi con ! Mẹ đã nhận tấm lòng thành kính con dâng lên Mẹ, như những đóa hồng hái trong mưa !”
Dominico ngửa mặt lên nhưng không thấy gì, Ngài lại tiếp tục đọc kinh và cầu xin cho dân thành Prouille
ăn năn trở lại. Bỗng lại nghe tiếng nói :
“Hỡi con ! Hãy hái cho Mẹ những hoa hồng bất diệt, để Mẹ cứu các linh hồn.”
Thánh Nhân hỏi lại Đức Mẹ chỉ cho biết những hoa hồng nào hoàn hảo nhất.
Đức Mẹ trả lời : “Hoa hoàn hảo nhất chính là Kinh Kính Mừng mà con đang đọc.”
Dominico sung sướng vì đã tìm được bí quyết với niềm hy vọng tràn trề.
Bấy giờ Đức Mẹ mới hiện ra rõ ràng, nghiêng mình và nâng cửa nhà thờ cho Thánh Nhân bước vào. Mặt Đức Mẹ sáng láng, áo trắng như tuyết, cổ tay và chân Mẹ có hoa hồng tươi nở, tỏa hương thơm ngào ngạt. Dominico quay nhìn Đức Mẹ chào kính ‘Kính Mừng Maria đầy ơn phúc !’ Lập tức chín phẩm Thiên Thần hòa nhịp ca tụng Đức Mẹ. Ngài cũng được Đức Mẹ đưa lên trời Kính thờ Chúa Ba Ngôi và thấy những Kinh Kính Mừng Ngài đọc được điểm tô trên ngai tòa Chúa.
Sáng hôm sau, Ngài trở về Fanjeux rao giảng Kinh Mân Côi. Nhờ đó bè rối Albigense tan rã. Giáo Hội trở lại yên bình.
Đó là nguồn gốc Kinh Mân Côi Thánh Dominico đã truyền cho nhân loại.

*Suy gẫm Mầu nhiệm Mân Côi, chúng ta thấy biết bao ơn lành Chúa ban phát cho nhân loại nhờ Kinh Mân Côi và Trái Tim Nhân Lành Mẹ đồng công cùng Chúa cứu chuộc nhân loại.
Những ai siêng năng Lần Chuỗi Mân Côi, không những chỉ được Mẹ cứu giúp đời sau, mà ngay trong cuộc sống đời này cũng được Mẹ ban cho nhiều ơn phúc.
Nhìn vào thế giới hiện nay, bao nhiêu tai ương hoạn nạn : chiến tranh, thiên tai, khủng bố, kỳ thị, sa đọa
chống tôn giáo, vô luân lý đạo đức…chỉ có phép Mầu Nhiệm Kinh Mân Côi mới mong cứu thoát.
Chúng con tha thiết khẩn cầu Mẹ qua Kinh Mân Côi- Lời cầu nguyện hiệu quả nhất- Chúa sẽ không từ chối lời chúng con xin.

Kinh Mân Côi
Kinh Hồng ân Cứu độ Loài người.



Kinh Mân Côi : Nhạc Linh Trần Thi- Thơ Đinh văn Tiến Hùng

“Ta là Đức Mẹ Mân Côi! Ta muốn người ta xây một nhà nguyện để kính nhớ Ta tại nơi này. Các con hãy tiếp tục Lần Hạt mỗi ngày.”
(Lời Đức Mẹ phán bảo với 3 em tại Fatima năm 1917.)

Mân Côi mở cửa Nước Trời,
Mưa Hồng Ân xuống cho đời hoan ca.

Kính chào Trinh Nữ hiển vinh,
Ngôi Hai bỏ chốn Thiên đình cao sang,
Hạ sinh trần thế nghèo nàn,
Chọn Bà làm Mẹ vinh quang hơn người.

Mừng đón hạnh phúc tuyệt vời,
Nhờ ơn cứu độ loài người vui thay,
Lời nguyền xóa tội từ đây,
Này E-và Mới tràn đậy hồng ân.

Maria trinh tuyết vô ngần,
Một lời thề hứa Xin Vâng vẹn toàn,
Đồng công cứu chuộc nhân gian,
Cùng con Thiên Chúa chu toàn hiến dâng.


Đầy tràn phúc lộc bội phần,
Từ tay Thiên Chúa nguồn ân cứu đời,
Cúi mình con cảm tạ Người,
Tuôn ơn lành xuống như trời đổ mưa.

Ơn Mẹ con nói sao vừa,
Ngàn lời cảm tạ vẫn chưa thỏa lòng,
Đời con chỉ biết cậy trông,
Phó dâng tay Mẹ xác thân tâm hồn.

Phúc thay những lúc cô đơn,
Đến nương bóng Mẹ là nguồn ủi an,
Cuộc đời dù lắm gian nan,
Không còn đau khổ với hàng lệ rơi.

Đức Maria Mẹ Chúa Trời,
Trạng sư quyền thế muôn đời ngợi ca,
Người là Từ Mẫu giao hòa,
Cầu xin Thiên Chúa thứ tha loài người.

Chúa thương con lắm Mẹ ơi!
Đem thân xác xuống làm người trần gian,
Cùng Mẹ nhận sống cơ hàn,
Chết trên Thập giá ơn ban cứu đời.

Trời cao giáng phúc muôn nơi,
Mưa ân sủng xuống đất trời hoan ca,
Gieo nguồn nắng ấm chan hòa,
Làm cho trần thế nở hoa reo mừng.

Ở đời kiếp sống mông lung,
Biển trần bão tố chập chùng vây quanh,
Thuyền con lạc hướng bồng bềnh,
Mẹ là Sao Sáng hải trình dẫn đưa.
Cùng con ngày tháng sớm trưa,
Nâng niu phù trợ ủi an ân cần,
Đời con đã biết bao lần,
Mẹ luôn che chở tấm thân mọn hèn.

Bà được Thiên Chúa nâng lên,
Xác hồn thanh khiết ngự trên Thiên đính,
Loài người muôn vật cúi mình,
Tôn vinh Mẹ Chúa hiển vinh muôn đời.



*KINH KÍNH ĐỨC BÀ MÂN CÔI

“Lạy rất Thánh Đồng Trinh Maria ! Chúng con trông cậy Đức Bà lầ Đấng hay thương giúp những kẻ khốn nạn và khô khan, hay gìn giữ những kẻ là dân Đức
Chúa Trời và hay ban mọi ơn lành cho những kẻ có lòng kính mến lễ trọng này.
Chúng con xin Rất Thánh Đức Bà Maria Mân Côi cầu cho chúng con.
Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.
Lạy Đức Chúa Trời lòng lành vô cùng, chúng con xin vì công nghiệp Con Người là Đức Giêsu đã lấy sự sống, sự chết và sự sống lại của Người, mà làm cho chúng con được mọi ơn lành, được rỗi linh hồn.
Chúng con xin Chúa ban cho chúng con siêng năng suy ngắm những mầu nhiệm trong phép Rất Thánh Mân Côi cho nên, cùng được bắt chước những mầu nhiệm ấy, để chúng con đáng được hưởng phần phúc Chúa đã hứa ban cho.
Vì công nghiệp Con Một Chúa là Đấng hằng sống hằng trị làm một cùng Chúa đời đời chẳng cùng.
Amen-

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

(*) Ghi chú : Bài thơ Kinh Mân Côi ( Kinh Kính Mừng ) Ns Linh Trần Thi phổ thơ, trích trong băng nhạc Tấu Khúc Hoan Ca- Ca đoàn Sao Mai trình

*Phụ dẫn : Đức Mẹ đi tu 15 năm

Beatrice, 1 thiếu nữ còn trẻ xinh đẹp. Chị được ơn kêu gọi gia nhập Nữ tu viện ở Pondro, Tây ban Nha. Khi vào dòng, chị được Mẹ Bề Trên và các chị dòng rất yêu mến, vì Beatrice tỏ ra hiền lành, đạo hạnh, chu toàn mọi phận sự được giao phó. Chỉ 1 thời gian sau, chị được giao nhiệm vụ coi sóc nhà thờ, trưng bày hoa nến, đóng mở cửa nhà thờ cho người ta đến kính viếng. Những thì giờ rảnh rỗi, chị thường đến quỳ dưới chân Đức Mẹ cầu nguyện và lần chuỗi Mân Côi.
Hôm ấy nhà dòng có đại hội, thiện nam tín nữ đến cầu nguyện rất đông. Trong số đó có 1 chàng trai thanh niên hào hoa phong nhã, cứ chăm chú nhìn nữ tu Beatrice, mường tượng như chàng đã gặp chị ở đâu. Rồi khi tan lễ, chàng nán ở lại để tìm cách tâm sự với chị. Hai bên gặp nhau 1,2 lần, rồi chị đã bị lôi cuốn bởi cơn cám dỗ rất nặng nề, không sao chống trả nổi. Chị đã quyết định cùng chàng trai bỏ nhà dòng trốn đi, xây tổ uyên ương. Trước khi ra đi, chị đem áo dòng và chìa khóa đặt dưới chân tượng Đức Mẹ, và nói: Xin Mẹ tha thứ tội lỗi cho con. Con không thể ở lại và con ra đi…
Sau 15 năm, sống theo đàng tội lỗi, thoả mãn xác thịt với chàng trai xinh đẹp. Nhưng với thời gian trôi qua, nhan sắc tàn phai. Chàng thanh niên ruồng rẫy và sinh lòng phản bội. Chị cảm thấy đau khổ, rồi mắc nhiều bệnh nan y, không phương cứu chữa. Lúc ấy chị mới cảm thấy cái đau xót ê chề. Trước đây 15 năm, cuộc sống hạnh phúc, tâm hồn an vui, nhớ lại không khí êm đềm trong nhà dòng. Chiều chiều dưới chân Đức Mẹ, chị cùng các bạn đọc kinh khấn nguyện trong sự thinh lặng hiếm có này. Bây giờ không còn nữa!…Chị hối tiếc dĩ vãng, nguyền rủa hiện tại, và ngã lòng ở tương lai.
Rồi tình cờ 1 ngày kia, chị gặp người cung cấp lương thực cho nhà dòng, chị đánh bạo hỏi thăm: Anh có biết dì phước Beatrice không? Anh trả lời: Tôi biết : Dì là 1 vị thánh sống, và hiện nay là Bề Trên Tập Viện.
Hết sức ngạc nhiên, Beatrice không hiểu truyện gì đã xảy ra. Người ta có lầm lẫn không?
Chị quyết định ăn mặc sang trọng, giả làm khách ở xa đến thăm nhà dòng. Chị bấm chuông xin gặp các nữ tu, hỏi thăm từng người và từng sự việc xảy ra.
Được nhiều người cho biết: chị dòng Beatrice năm xưa vẫn còn đó. Bỡ ngỡ chị vội chạy vào nhà thờ, thì thấy Đức Mẹ hiện ra nói: "Con đã bỏ Mẹ 15 năm, nhưng không bao giờ Mẹ bỏ con. Để giữ tiếng tốt cho con. Mẹ đã thay thế con coi nhà thờ. Không ai biết việc này. Bây giờ con ăn năn trở laị. Mẹ trả áo dòng và chìa khóa cho con, tiếp tục nhiệm vụ như xưa” Nói đoạn Đức Mẹ biến đi. Beatrice vào tu trở lại 1 cách hết sức tự nhiên và thánh thiện.
Trước khi qua đời chị kể lại đầu đuôi sự việc này cho mọi người nghe, và kết thúc: Đức Mẹ đã cứu tôi vì tôi đã lần chuỗi Mân côi hằng ngày.

Lời bàn : Câu truyện có vẻ khó tin, nhưng có thật, vì đã có hơn 10 thày dòng Tên xác nhân là đúng. Đó là các thày Cesario, thày Rho, thày Raymond và thày Piquet…. Dựa vào quyền lực của chuỗi Mân Côi, thì việc gì Đức Mẹ cũng làm được để bảo vệ uy tín cho con cái Mẹ.
( Trích trong 100 truyện tích lạ về Đức Mẹ Mân Côi )
 
VietCatholic TV
Ukraine đại thắng: 600 triệu USD của Putin nổ tung, Hạm Đội hốt hoảng bỏ chạy. Lính Nga ra đầu hàng
VietCatholic Media
02:55 05/10/2023


1. Ukraine tuyên bố đã phá hủy tổ hợp phòng không tiên tiến của Nga ở Belgorod, 600 triệu Mỹ Kim của Nga nổ tung

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng mùng 5 Tháng Mười, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, đã loan tin chiến thắng.

Ông cho biết các máy bay không người lái do Cơ quan An ninh nước này, gọi tắt là SBU, vận hành đã tiêu diệt thành công một tổ hợp phòng không có giá trị cao của Nga ở khu vực Belgorod vào sáng sớm thứ Tư.

“Nguyên nhân gây ra các vụ nổ vào ban đêm ở vùng Belgorod là SBU đã bắn trúng hệ thống phòng không S-400 Triumph”

S-400 là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Nga, trị giá đến 600 triệu Mỹ Kim.

Nguồn tin cho biết các video do người Nga đăng tải “cho thấy khoảng 20 vụ nổ tại vị trí của Triumph và radar của nó. Đồng thời, các khu định cư lân cận bị mất điện.”

Belgorod là một khu vực của Nga giáp phía đông bắc Ukraine.

Tháng trước, Ukraine đã tấn công thành công tổ hợp S-400 ở Crimea vào thành phố Yevpatoria và sau đó thực hiện một loạt cuộc tấn công hỏa tiễn vào bán đảo này.

2. Hình ảnh vệ tinh chứng thực Hạm đội Hắc Hải của Nga đang bỏ chạy khỏi bán đảo Crimea

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Black Sea Fleet is Fleeing Crimea, Satellite Photos Show”, nghĩa là “Hình ảnh vệ tinh cho thấy Hạm đội Hắc Hải của Nga đang chạy trốn khỏi Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Hình ảnh vệ tinh mới cho thấy Hạm đội Hắc Hải của Nga đang chạy trốn từ cảng Sevastopol ở Crimea đến Novorossiysk thuộc khu vực Krasnodor Krai ở miền nam nước Nga, và cảng hải quân Nga ở Feodosia trên bán đảo Crimea.

Những hình ảnh ngày 1 và 2 tháng 10, được ba blogger Nga chia sẻ, cho thấy một số tàu lớn nhất của Hạm đội Hắc Hải đang neo đậu tại một căn cứ hải quân gần Novorossiysk, trong khi các tàu nhỏ hơn hiện đang ở Feodosia, The Bell, một trang trực tuyến độc lập của Nga, đưa tin hôm thứ Tư.

Các chuyên gia thân cận với Bộ Quốc phòng Ukraine trước đây đã nói với Newsweek rằng Kyiv đang bắt tay vào chiến lược “phi quân sự hóa” Hạm đội Hắc Hải như một phần trong các bước tiến tới giải phóng Crimea, nơi đã bị Tổng thống Nga Vladimir Putin sáp nhập vào năm 2014.

Các hình ảnh cho thấy các tàu khu trục Đô đốc Essen và Đô đốc Makarov của Nga, 3 tàu ngầm diesel, 5 tàu đổ bộ lớn, một số tàu hỏa tiễn nhỏ, một tàu đổ bộ lớn, tàu quét mìn và các tàu nhỏ khác đã được di dời khỏi Sevastopol.

Hạm đội Hắc Hải của Nga đã bị giáng một đòn mạnh khi Ukraine tiến hành cuộc tấn công hỏa tiễn vào trụ sở của lực lượng này ở Sevastopol vào ngày 22/9, được cho là đã giết chết một số sĩ quan lãnh đạo.

Hôm thứ Hai, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, trong những tuần gần đây, lực lượng Không Quân Hải quân thuộc Hạm đội Hắc Hải của Nga đã đảm nhận vai trò đặc biệt quan trọng trong các hoạt động của mình khi họ phải vật lộn để đối phó với các mối đe dọa đồng thời ở sườn phía nam của cuộc chiến trên bộ ở Ukraine.

Trong một bản cập nhật tình báo, cơ quan này cho biết các hoạt động tuần tra trên không phận Hắc Hải đang ngày càng trở nên quan trọng, “rất có thể với nhiệm vụ chính là xác định sớm các tàu nổi không có người lái”.

“Tài sản quan trọng của Nga trong các hoạt động này là máy bay đổ bộ Be-12 MAIL, được thiết kế vào những năm 1950, bay từ các căn cứ ở Crimea”, tuyên bố cho biết. “Các chiến đấu cơ biến thể Su-24 FENCER và FLANKER tiến hành các hoạt động tấn công trên biển, bao gồm ít nhất một cuộc không kích gần đây vào Đảo Rắn có vị trí chiến lược.”

Bộ Quốc phòng cho biết, với việc nhiều tài sản của Hạm đội Hắc Hải có khả năng được chuyển đến Novorossiysk trước các mối đe dọa đối với Sevastopol, Nga đang “cố gắng sử dụng sức mạnh không quân hải quân để triển khai lực lượng trên vùng tây bắc Hắc Hải”.

Andriy Zagorodnyuk, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine và hiện là cố vấn của Bộ, nói với Newsweek vào tháng 9 rằng các tàu Hắc Hải còn sót lại của Nga đã cũ và lỗi thời.

“Tất cả đều được xây dựng từ lâu rồi. Họ có một số vấn đề nghiêm trọng về vũ khí, thiết bị, v.v.”, ông nói và cho biết thêm rằng việc thay thế các tàu bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng sẽ mất nhiều năm chứ không phải vài tháng.

3. Giao tranh ác liệt được báo cáo ở mặt trận phía nam Ukraine, 25 lính Nga đầu hàng trong ngày qua

Các báo cáo về giao tranh ở miền nam Ukraine cho thấy các trận chiến dữ dội ở khu vực xung quanh các làng Verbove và Novoprokovika, với cả các đơn vị Nga và Ukraine đang cố gắng chiếm lãnh thổ.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng hôm Thứ Năm mùng 5 Tháng Mười, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết:

“Chúng ta đã thành công một phần ở các khu vực phía tây Robotyne ở vùng Zaporizhzhia. Ở đó, binh lính của chúng ta đã chứng kiến lực lượng xâm lược chịu tổn thất cả về nhân lực và trang thiết bị”

“Chúng ta tiếp tục giành được chỗ đứng trong các khu vực phòng thủ và tiếp tục tiêu diệt địch ở hướng đó. Chúng ta đã tiến được từ 100 đến 600 mét ở một số khu vực nhất định”.

Trong vài tuần qua, được và mất trong khu vực được đo bằng vài trăm mét, khi lực lượng Ukraine cố gắng vượt qua nhiều hàng rào phòng thủ của Nga và tiến tới trung tâm quan trọng Tokmak.

Ông nói rằng “theo hướng Melitopol, chúng tôi đang dần gây áp lực” và 25 binh sĩ Nga đã đầu hàng trong ngày qua.

“Nhưng đối phương không chịu bỏ cuộc, đối phương đang cố gắng giành lại vị trí đã mất, đặc biệt là phía tây Verbove, phía đông nam Mala Tokmachka nên đang tung một số lực lượng dự bị cho các cuộc tấn công. Chúng tôi cũng ghi nhận rằng lực lượng không quân tinh nhuệ của Nga đang được cử đi tấn công nhưng bị tổn thất”

Về phía Nga, một blogger quân sự nổi tiếng, WarGonzo, nói rằng “quân đội Ukraine, với sự yểm trợ lớn của pháo binh, đang tấn công Novoprokopivka”.

Chiến lược của Ukraine là tiêu diệt các đơn vị phòng thủ của Nga trong khu vực bằng pháo tầm xa. Hôm thứ Tư, quân đội Ukraine cho biết lực lượng Nga đã không thành công khi cố gắng chiếm lại các vị trí đã mất ở phía tây Verbove và phía đông nam Mala Tokmachka, bỏ lại nhiều xác đồng đội.

4. Hung Gia Lợi thành công trong việc tống tiền Liên Hiệp Âu Châu

Ký giả PAOLA TAMMA của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “EU readies payout to Hungary to avoid Ukraine aid blockade”, nghĩa là “Liên Hiệp Âu Châu sẵn sàng chi cho Hung Gia Lợi để tránh bị nước này phong tỏa viện trợ Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Ủy ban Âu Châu đang chuẩn bị giải tỏa khoảng 13 tỷ euro trong quỹ nhất quán dành cho Hung Gia Lợi nhằm cố gắng tránh việc Thủ tướng Viktor Orbán phủ quyết viện trợ của Liên Hiệp Âu Châu cho Ukraine, một động thái có thể sẽ thu hút sự chỉ trích từ Nghị viện Âu Châu.

Lan Vy xin mở ngoặc để giải thích quỹ nhất quán là gì? Chủ trương của Liên Hiệp Âu Châu là tạo ra sự đồng đều trong 27 nước tham gia, để tránh tình trạng công dân ở các nước nghèo di cư vào các nước giầu. Các quốc gia có thu nhập bình quân đầu người ít hơn 90% mức trung bình của khối sẽ được cho vay hay tài trợ, miễn là họ thực hiện các cải cách dân chủ và đặc biệt là chống tham nhũng. Quỹ dùng để cho vay hay tài trợ này được gọi là cohesion fund hay quỹ nhất quán.

Ủy ban cần sự ủng hộ đồng thanh của 27 quốc gia trong khối để cập nhật ngân sách dài hạn của Liên Hiệp Âu Châu, trong đó bao gồm khoản tài trợ 52 tỷ euro cho Ukraine.

Viện trợ hiện tại của Liên Hiệp Âu Châu dành cho Kyiv sẽ hết vào tháng 12 và thỏa thuận của 27 nước càng trở nên cấp bách hơn do quyết định của các nhà lập pháp Hoa Kỳ tạm thời cắt bỏ nguồn tài trợ quân sự tiếp tục và vì cuộc bầu cử Robert Fico ở Slovakia, một nhà phê bình thân Nga đối với chính sách về Ukraine của Âu Châu.

Orbán đã nói rằng Hung Gia Lợi sẽ không hỗ trợ thêm việc tài trợ cho Ukraine, với lý do lo ngại về các nhóm thiểu số Hung Gia Lợi ở nước này, đồng thời yêu cầu thay đổi luật năm 2017 về các nhóm ngôn ngữ thiểu số.

Ủy ban hy vọng rằng việc giải phóng một phần lớn quỹ Liên Hiệp Âu Châu cho Hung Gia Lợi, vốn đã bị đóng băng từ cuối năm ngoái do lo ngại về việc nước này tuân thủ các tiêu chuẩn dân chủ, sẽ thuyết phục Orbán không phủ quyết viện trợ cho Ukraine, các quan chức ở Brussels và Budapest quen thuộc với các cuộc thảo luận, được phép giấu tên để thảo luận về các cuộc đàm phán bí mật, nói với POLITICO.

Đầu năm nay, Hung Gia Lợi đã thông qua các biện pháp nhằm tăng cường tính độc lập tư pháp, một yêu cầu do Ủy ban đặt ra để giải phóng phần lớn nhất trong quỹ nhất quán dành cho Hung Gia Lợi, tổng cộng lên tới 22 tỷ euro.

Tuần trước Ủy ban đã gửi thư tới Budapest yêu cầu làm rõ thêm. Nếu những cải cách của Hung Gia Lợi được coi là thỏa đáng, Budapest có thể yêu cầu được tiếp cận khoảng 13 tỷ euro từ các quỹ nhất quán của Liên Hiệp Âu Châu. Quyết định dự kiến sẽ được đưa ra vào cuối tháng này hoặc đầu tháng 11.

Phần tài chính còn lại của Hung Gia Lợi vẫn bị đóng băng vì nhiều lý do: 6,3 tỷ euro bị chặn theo cơ chế cho phép Liên Hiệp Âu Châu đóng băng các quỹ có nguy cơ tham nhũng trong khi 2,5 tỷ euro khác đang bị giữ lại do những tranh cãi liên quan đến cách đối xử của Budapest đối với những người xin tị nạn, và tính độc lập về mặt học thuật của các trường đại học Hung Gia Lợi.

Ngoài ra, Hung Gia Lợi cũng được hưởng 10,4 tỷ euro tài trợ và cho vay theo quỹ phục hồi sau đại dịch của Liên Hiệp Âu Châu nhưng để tiếp cận được số tiền đó, Hung Gia Lợi cần phải đáp ứng 27 điều kiện, bao gồm cả nỗ lực chống tham nhũng.

5. Ukraine để mắt nâng cấp hỏa tiễn hành trình trên máy bay không người lái Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ

Theo một báo cáo mới, Ukraine có thể nhận được máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất có khả năng phóng hỏa tiễn hành trình, điều này sẽ tăng cường khả năng tấn công của Kyiv vào phía sau tuyến phòng thủ của Nga.

Haluk Bayraktar, Giám đốc điều hành của hãng, nói với Radio Free Europe rằng việc nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ Baykar có tặng bất kỳ máy bay không người lái Bayraktar Akinci nào của họ cho Ukraine hay không vẫn đang được xem xét.

Ukraine từ lâu đã sử dụng chiến đấu cơ không người lái Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất trong cuộc chiến chống lại lực lượng Nga. Theo nhà sản xuất, máy bay không người lái có độ cao trung bình, độ bền cao có thể hoạt động như một phương tiện giám sát hoặc máy bay không người lái tấn công.

Chúng nhanh chóng thành công với quân đội Ukraine ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, mặc dù chúng đã biến mất khỏi bầu trời Ukraine khi Nga tăng cường lực lượng phòng không trong nhiều tháng sau chiến tranh. Samuel Bendett, nhà phân tích của Trung tâm Phân tích Hải quân Hoa Kỳ, nói với Insider vào tháng 5: “Một khi quân đội Nga phối hợp hành động, họ có thể bắn hạ nhiều TB2”.

Bayraktar TB2 được cho là đã tiêu diệt 5 xe tăng, 8 xe chiến đấu bọc thép của Nga, 15 hệ thống hỏa tiễn đất đối không của Mạc Tư Khoa và 10 máy bay trực thăng kể từ khi cuộc chiến tổng lực bùng nổ vào cuối tháng 2 năm 2022. Theo nguồn mở của Hà Lan Cơ quan tình báo Oryx, Ukraine đã xác nhận mất 24 TB2, nhưng con số thực tế có thể cao hơn vì con số này chỉ bao gồm những tổn thất đã được xác minh bằng mắt.

Vào tháng 7, Baykar đã bắt đầu xây dựng một nhà máy sản xuất máy bay Bayraktar TB2 bên trong lãnh thổ Ukraine. Nhà máy có thể đi vào hoạt động trong vòng 18 tháng tới, Haluk Bayraktar cho biết thêm bên lề một hội nghị ở Kyiv vào cuối tháng 9.

“ Quân đội Ukraine biết rõ những gì chúng tôi sản xuất. Vì vậy kế hoạch của chúng tôi là sản xuất tất cả các hệ thống chúng tôi có ở đây.”

Theo chuyên gia về máy bay không người lái ở Anh, Steve Wright, Akinci là “một bước tiến lớn so với máy bay không người lái TB2 nổi tiếng hiện nay của Bayraktar”. Ông nói với Newsweek rằng Akinci “lớn hơn rất nhiều” so với TB2.

Theo Baykar, Akinci “dài hơn và rộng hơn Bayraktar TB2” với sải cánh dài khoảng 20 mét. Nhà sản xuất cho biết trong phần mô tả về máy bay không người lái tiên tiến của mình, nó có thể mang “nhiều trọng tải khác nhau” lên tới 1.500 kg hoặc khoảng 3.300 pound, đồng thời cho biết thêm nó “có khả năng thực hiện các hoạt động vẫn thường được thực hiện bằng chiến đấu cơ”. Phương tiện này có thể được sử dụng trong các nhiệm vụ tấn công không đối đất và không đối không.

Ukraine đã trải qua cuộc chiến mệt mỏi, tính đến nay đã bước sang tháng thứ 20, không có ưu thế trên không và số lượng chiến đấu cơ trong lực lượng không quân của nước này cũng rất hạn chế. Mặc dù các phi công Ukraine hiện đang được huấn luyện lái những chiếc F-16 do Mỹ sản xuất nhưng vẫn chưa rõ liệu các máy bay phản lực thế hệ thứ 4 sẽ đến Ukraine trước cuối năm nay hay đầu năm 2024.

Nếu không có những máy bay phản lực này, Ukraine sẽ phải vật lộn để tranh giành quyền kiểm soát không phận với Nga. Kyiv có số lượng máy bay thời Liên Xô tương đối hạn chế có thể phóng hỏa tiễn tầm xa như hỏa tiễn hành trình Storm Shadow và SCALP do Anh và Pháp cung cấp.

Bayrak cho biết máy bay không người lái Akinci tương thích với nhiều loại hỏa tiễn, bao gồm hỏa tiễn không đối không Gökdoğan được cho là nằm ngoài tầm nhìn, hỏa tiễn dẫn đường hồng ngoại Bozdoğan và hỏa tiễn hành trình dự phòng SOM. Hỏa tiễn SOM có tầm bắn tương tự như tầm bắn 155 dặm thường được coi là tầm bắn của hỏa tiễn Storm Shadow và SCALP.

Bayrak nói thêm: “Akinci cũng sẽ có thể bắn phá trên không, điều này sẽ giảm tải cho các chiến đấu cơ”.

Wright nói: Các hỏa tiễn hành trình như Storm Shadow thường nặng gần 2.900 pound và Akinci “gần như có thể nâng được trọng lượng đó - một kỳ công về kỹ thuật máy bay không người lái”.

Wright lập luận: “Tuy nhiên, thách thức tiếp theo sẽ là việc bổ sung tất cả các hệ thống cần thiết để mang và phóng hỏa tiễn một cách đáng tin cậy”, việc này có thể sẽ mất nhiều năm trong điều kiện bình thường. “Tuy nhiên, tốc độ mà người Ukraine phóng Storm Shadow bằng máy bay tấn công Su-24 của họ khiến tôi ngạc nhiên và tôi tưởng tượng họ có thể làm điều tương tự với Akinci”, ông nói thêm.

Theo thông số kỹ thuật của máy bay không người lái, máy bay không người lái sẽ có thể bay ở độ cao khoảng 40.000 feet, ở trên không trong tối đa 24 giờ. TB2 bay ở độ cao khoảng 18.000 feet, với độ cao tối đa 25.000 feet và khả năng tải trọng nhỏ hơn nhiều là 150 kg, tương đương khoảng 330 pound.

6. Hệ thống pháo binh Giatsint-S của Nga gần 2 triệu Mỹ Kim trúng HIMARS nổ tung

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “HIMARS Strike Blows Up Russia's Deadly Giatsint-S Artillery System: Video”, nghĩa là “Video cho thấy cuộc tấn công HIMARS làm nổ tung hệ thống pháo binh Giatsint-S chết người của Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Video được chia sẻ trên mạng xã hội có nội dung cho thấy lực lượng vũ trang Ukraine tấn công mục tiêu có giá trị cao của Nga bằng Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, do Mỹ cung cấp.

“Cuộc tấn công HIMARS của Ukraine đã đẩy hệ thống pháo binh Giatsint-S của Nga vào thế giới bên kia,” tài khoản X (trước đây là Twitter) thân Ukraine của War Translated đăng tải, chia sẻ video và báo cáo về cuộc xung đột, cho biết như trên bên cạnh đoạn clip.

Đoạn phim dài 37 giây từ máy bay không người lái cung cấp hình ảnh từ trên không về mục tiêu trên một cánh đồng được bao quanh bởi cây cối bị thổi bay và khói cuồn cuộn bay lên bầu trời. Trước vụ nổ, có thể thấy các binh sĩ Nga đang chạy trốn khỏi địa điểm mà tài khoản X của Neonhandrail định vị là Novokrasnyanka, thuộc tỉnh Luhansk của Ukraine.

Kênh Telegram thân Ukraine MYSYAGIN đã đăng đoạn video này và nói thêm rằng vụ phá hủy là do “quả bóng cacbua vonfram” do HIMARS bắn ra. Theo một bản dịch, điều đó “đã diễn ra rất tốt đẹp”.

Trong vài giờ đoạn clip đã được xem hơn 100.000 lần. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Được sản xuất lần đầu tiên vào năm 1976, Giatsint-S có thể tấn công mục tiêu ở tầm xa hơn và tốc độ bắn cao hơn so với pháo tự hành 2S3 Akatsiya 152 ly được sản xuất rộng rãi hơn.

Nó có thể mang theo 30 viên đạn 152 ly với tầm bắn lên tới 20 dặm và có thể bắn đạn chùm, đạn khói và đạn hạt nhân. Nó được sử dụng bởi cả quân đội Ukraine và Nga.

Theo trang web Oryx, trang web sử dụng các nguồn mở để theo dõi tổn thất của cả hai bên trong cuộc chiến, kể từ khi Mạc Tư Khoa bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, Nga đã mất 41 hệ thống pháo binh Giatsint-S.

Đoạn phim xuất hiện khi Mỹ chuẩn bị gửi cho Ukraine một hệ thống hỏa tiễn khác mà Kyiv hy vọng sẽ tạo ra sự khác biệt trên chiến trường.

Doug Bush, trợ lý thư ký của quân đội Hoa Kỳ về mua sắm, hậu cần và công nghệ, cho biết quân đội sẵn sàng gửi một số Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội tầm xa, gọi tắt là ATACMS, được trang bị đạn chùm.

Ông nói với Bloomberg rằng quân đội Hoa Kỳ “đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống này trong một thời gian” và “chúng tôi sẵn sàng khi nào và nếu tổng thống quyết định làm điều này”.

ATACMS có tầm bắn lên tới 466km và có thể mang tới 950 quả bom chùm, điều này sẽ tăng cường khả năng của Ukraine trong cuộc phản công mà họ đã thực hiện kể từ khoảng ngày 4 tháng Sáu.

Trong chuyến thăm Washington của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vào tháng trước, Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố tăng cường hỗ trợ quân sự cho Kyiv.

7. Sunak kêu gọi phương Tây trang bị cho Ukraine 'hoàn thành công việc'

Thủ tướng Anh Rishi Sunak kêu gọi các đồng minh phương Tây tiếp tục hỗ trợ và trang bị vũ khí cho Ukraine để nước này có thể “hoàn thành công việc” chống lại Nga.

Bình luận của ông được đưa ra trong bối cảnh viện trợ của Mỹ cho Ukraine vẫn chưa chắc chắn sau khi Kevin McCarthy bị phế truất khỏi chức Chủ tịch Hạ viện. Trước cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua, McCarthy đã tránh được việc chính phủ đóng cửa bằng cách thúc đẩy thông qua thỏa thuận chi tiêu tạm thời của chính phủ Hoa Kỳ trong đó không bao gồm sự ủng hộ dành cho Kyiv, khiến Joe Biden phải dựa vào Chủ tịch Hạ viện Đảng Cộng hòa để đạt được một thỏa thuận riêng.

Hôm qua, Đô đốc Rob Bauer, quan chức quân sự cao cấp nhất của NATO, đã cảnh báo rằng

Các cường quốc quân sự phương Tây sắp hết đạn để cung cấp cho Ukraine. Bauer nói: “Bây giờ có thể nhìn thấy đáy thùng”.

8. Ukraine, Ba Lan và Lithuania đã đạt được thoả thuận về hành lang vận chuyển ngũ cốc Ukraine tới cảng Baltic

Ukraine, Ba Lan và Lithuania đã đạt được thỏa thuận chuyển một số biện pháp dỡ bỏ kiểm tra biên giới đối với ngũ cốc Ukraine từ biên giới Ukraine-Ba Lan sang cảng Klaipeda của Lithuania nhằm tăng tốc độ xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp Ukraine tuyên bố hôm thứ Ba.

“Trong hai ngày tới, việc kiểm soát thú y, vệ sinh và kiểm dịch thực vật sẽ được chuyển từ biên giới Ukraine-Ba Lan đến cảng Klaipeda (Lithuania) đối với tất cả hàng hóa nông sản hướng đến cảng này. Điều này sẽ tăng tốc độ vận chuyển qua Ba Lan”, Bộ Nông nghiệp Ukraine cho biết trong một tuyên bố.

Thỏa thuận đã đạt được trong cuộc họp trực tuyến hôm thứ Ba giữa Bộ trưởng Bộ Chính sách Nông nghiệp và Thực phẩm Ukraine Mykola Solskyi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ba Lan Robert Telus và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Lithuania Kęstutis Navickas.

Tuyên bố cho biết Bộ trưởng nông nghiệp Ba Lan và Lithuania “lưu ý rằng chính phủ của họ ủng hộ cơ chế kiểm soát như vậy và coi đây là một bước đi mang tính xây dựng”.

Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cũng ca ngợi thỏa thuận này.

“Nga tiêu hủy thực phẩm, Lithuania giao hàng. Hành lang vận chuyển ngũ cốc đến các cảng Baltic đã được chấp nhận và đồng ý, giảm bớt áp lực ở biên giới Ukraine và tăng nguồn cung cho Phi Châu và xa hơn nữa. Hợp tác mang lại kết quả,” Landsbergis cho biết hôm thứ Ba.

9. Nhận định của Ukraine sau khi Diễn đàn An ninh Warsaw khẳng định rằng “Ukraine đã đánh bại Hạm đội Hắc Hải của Nga”.

Anton Gerashchenko, cố vấn cho Bộ trưởng nội vụ Ukraine, hôm nay đã đi sâu hơn về tầm quan trọng của bình luận của Diễn đàn An ninh Warsaw và những chiến thắng gần đây của Ukraine ở Crimea.

“Crimea và Hắc Hải gần Crimea hiện là khu vực quan trọng nhất, nơi có thể xảy ra bước ngoặt trong cuộc chiến”, ông Gerashchenko nói.

Ông lưu ý “các cuộc tấn công có hệ thống của Ukraine nhằm vào cơ sở hạ tầng quân sự, trung tâm hậu cần, trung tâm chỉ huy của Hạm đội Hắc Hải và các tàu của Hạm đội Hắc Hải của Crimea đã dẫn đến việc dần dần di dời và rút Hạm đội Hắc Hải khỏi Sevastopol.

Theo truyền thông Crimea, có vẻ như Hạm đội Hắc Hải đã di dời tất cả các tàu ngầm từ Sevastopol đến Novorossiysk. Gerashchenko nói: “Phần lớn là do sự vô hiệu hóa một phần của Hạm đội Hắc Hải của Nga và thực tế là hạm đội thực tế hiện đang bị khóa ở Sevastopol, việc di chuyển về phía tây bắc Hắc Hải, dọc theo bờ biển Rumani và Bulgaria đã trở nên an toàn hơn”. “Ba cảng Hắc Hải của Ukraine đã có thể tiếp tục tiếp nhận tàu xuất khẩu ngũ cốc. Điều này bất chấp những lời đe dọa của Nga đối với các tàu chở hàng đi đến các cảng của Ukraine. 10 tàu đầu tiên đã sử dụng hành lang mà Ukraine bắt đầu xây dựng sau khi Nga từ chối gia hạn thỏa thuận ngũ cốc. Cũng có thông tin cho rằng các công ty bảo hiểm quốc tế đã bắt đầu khôi phục phạm vi bảo hiểm cho các rủi ro bảo hiểm.”

Gerashchenko dẫn lời cựu tướng chỉ huy Mỹ Ben Hodges nói: “Ai kiểm soát được Crimea vào cuối cuộc chiến này sẽ là người chiến thắng”.

10. Nga tăng cường dọa nạt dân chúng với các vụ xử khiếm diện để dằn mặt

Một tòa án ở Nga đã kết án cựu nhà báo truyền hình nhà nước Marina Ovsyannikova, người đã xông vào phòng phát sóng đang phát trực tiếp với tấm biểu ngữ có dòng chữ “Hãy chấm dứt chiến tranh” và “Họ đang nói dối các bạn”.

Tòa đã tuyên án cô 8 năm rưỡi tù vắng mặt vào hôm thứ Tư..

Ovsyannikova bị kết tội “truyền bá thông tin sai lệch có chủ ý về lực lượng vũ trang Nga”

Theo luật sư của cô, Ovsyannikova, 45 tuổi, đã trốn khỏi Nga cùng con gái để đến một quốc gia Âu Châu không xác định một năm trước sau khi thoát khỏi sự quản thúc tại gia.

11. Nga thử nghiệm trên toàn quốc hệ thống cảnh báo công cộng trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân

Hôm Thứ Tư, Nga đã tiến hành thử nghiệm trên toàn quốc hệ thống cảnh báo công cộng khẩn cấp, trong đó phát ra còi báo động và làm gián đoạn các chương trình phát sóng truyền hình để cảnh báo người dân về mối nguy hiểm sắp xảy ra.

Cuộc thử nghiệm được tiến hành trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đã gây ra cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất trong quan hệ của Nga với phương Tây kể từ cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba năm 1962.

Vào lúc 10h43 sáng theo giờ Mạc Tư Khoa, còi báo động đã vang lên và những thông báo nghiêm khắc yêu cầu “Mọi người chú ý!” cảnh báo công chúng, bắt chước những gì sẽ xảy ra trong một thảm họa hoặc thảm họa thực sự.

“Khi nghe thấy tiếng còi báo động, bạn cần giữ bình tĩnh và không hoảng sợ, hãy bật TV – bất kỳ kênh hoặc đài nào có thể truy cập công khai – và nghe thông báo”, Bộ Tình trạng Khẩn cấp cho biết trong một tuyên bố.

“Hệ thống cảnh báo được thiết kế để truyền tín hiệu kịp thời đến người dân trong trường hợp có mối đe dọa hoặc trường hợp khẩn cấp có tính chất tự nhiên hoặc nhân tạo.”

Hoa Kỳ cũng đang tiến hành thử nghiệm quy mô lớn các hệ thống cảnh báo công cộng của mình vào hôm thứ Tư, nhưng chỉ thông qua điện thoại di động và các đài truyền hình và đài phát thanh của Hoa Kỳ để bảo đảm tin nhắn đến được với người dân, chứ không kinh hoàng đến mức buộc các xe cộ đang lưu thông phải tấp vào lề.

Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang cho biết trong một thông cáo báo chí rằng mục đích của cuộc thử nghiệm của Hoa Kỳ là để bảo đảm rằng các hệ thống “tiếp tục hoạt động hiệu quả trong việc cảnh báo công chúng về các trường hợp khẩn cấp, đặc biệt là ở cấp quốc gia”.

12. Ukraine “sẽ làm mọi thứ” để duy trì sự hỗ trợ từ Mỹ và Âu Châu, Zelenskiy nói

Tổng thống Ukraine cho biết Ukraine “sẽ làm mọi thứ” để duy trì sự hỗ trợ từ Mỹ và Âu Châu trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

“Hoa Kỳ là một trong những nước đi đầu trong việc giúp đỡ và hỗ trợ Ukraine, bảo vệ nền dân chủ. Tôi cảm thấy có sự hỗ trợ ở Hoa Kỳ”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói.

Tổng thống Ukraine cho biết có “sự ủng hộ 100% từ Tòa Bạch Ốc” và “sự ủng hộ to lớn trong Quốc hội”. Nó xảy ra vào thời điểm các ứng cử viên hàng đầu chạy đua vào vị trí Chủ tịch Hạ viện đang bỏ trống đã lên tiếng về các quan điểm khác nhau về Ukraine.

Thỏa thuận chi tiêu tạm thời được thông qua vào cuối tuần này nhằm giữ cho chính phủ Mỹ mở cửa đã không bao gồm nguồn tài trợ bổ sung cho Ukraine do sự phản đối của một số nhân vật trong Quốc Hội. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cảnh báo điều này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cuộc chiến.

“Hoa Kỳ đã không làm chúng tôi thất vọng trong thời điểm rất khó khăn. Mặc dù có nhiều giọng nói khác nhau. Bạn biết rằng có nhiều tiếng nói khác nhau. Nhưng phần lớn, cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều ủng hộ Ukraine”, ông Zelenskiy nói.

Zelenskiy cho biết ông tin rằng Nga hiện nay yếu hơn so với thời điểm bắt đầu chiến tranh, vì vậy việc tạm dừng hỗ trợ hoặc biến cuộc giao tranh thành một cuộc xung đột đóng băng theo cách nào đó có nghĩa là giúp đỡ kẻ xâm lược.

“Việc chậm trễ sẽ làm phức tạp thêm các hành động tấn công hoặc phòng thủ của chúng tôi. Bất kỳ sự tạm dừng nào hôm nay đều là sự trợ giúp dành riêng cho Liên bang Nga”, ông nói.

Zelenskiy cho biết cá nhân ông rất biết ơn Biden và lãnh đạo các nước Âu Châu đang ủng hộ Ukraine. Ông nói: “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để không đánh mất nó.

13. Ukraine đang dần đẩy Nga ra ngoài - nhưng tình trạng thiếu vũ khí gây khó khăn, Zelenskiy nói

Tổng thống Ukraine cho biết Ukraine đang “chậm mà chắc” đẩy Nga ra khỏi lãnh thổ của mình, nhưng tình trạng thiếu vũ khí và đạn dược gây ra nhiều khó khăn.

“Khó khăn là các lãnh thổ đã bị gài mìn. Khó khăn là thiếu vũ khí, đạn dược, đặc biệt là thiếu hụt trầm trọng lực lượng phòng không”, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết hôm thứ Tư.

Ông cho biết có “sự thiếu hụt trong phòng không”, điều này rất quan trọng đối với cuộc phản công nhưng cũng rất thiết yếu để bảo vệ người dân.

Ông nói, mùa đông đang đến gần có thể đặt ra một thách thức khác đối với người Ukraine, bao gồm “tất cả công dân, tất cả thường dân, những người dân lao động bình thường và binh lính của chúng ta”.

Ông nói: “Chúng ta cần phải vượt qua mùa đông này một cách thận trọng, mà không đánh mất thế chủ động mà chúng ta có trên chiến trường”, đồng thời cho biết thêm rằng “những mối đe dọa” của Nga có thể sẽ gia tăng trong những tháng giá lạnh.

Nói về việc tham gia vào các cuộc đàm phán có thể xảy ra với Mạc Tư Khoa, Zelenskiy nói, “Putin không có khả năng đàm phán bất cứ điều gì với bất kỳ ai” vì “ngay cả sau khi ông ấy đã đưa ra lời hứa và đồng ý với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, ông ấy vẫn nhảy ra khỏi sáng kiến ngũ cốc này.”

14. Ukraine bổ sung ba công ty lớn của Trung Quốc vào danh sách tài trợ cho chiến tranh Nga

Căng thẳng giữa Ukraine và Trung Quốc đã gia thăng hơn nữa. Trong một diễn biến mới nhất, Ukraine đã bổ sung thêm ba công ty dầu khí Trung Quốc vào danh sách các công ty quốc tế tài trợ cho cuộc chiến của Nga chống lại nước này.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Ukraine, Oleg Nikolenko, cho biết Tập đoàn Dầu khí Ngoài Khơi Quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã bị liệt vào danh sách các công ty hỗ trợ cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Nikolenko cho biết cả ba công ty “tiếp tục phát triển các dự án chung với Nga và tài trợ cho ngành công nghiệp chiến lược của Nga qua những món tiền thuế đáng kể”.

Danh sách bổ sung này nâng số lượng công ty Trung Quốc trong danh sách ủng hộ cuộc xâm lược của Nga lên đến 12.

15. Nhiều tàu đi từ các cảng Ukraine qua Hắc Hải bằng hành lang mới

Theo các quan chức Ukraine và Mỹ, nhiều tàu đã sử dụng thành công hành lang nhân đạo mà Ukraine tự tuyên bố đi qua Hắc Hải.

Ukraine thiết lập tuyến đường này sau khi Sáng kiến ngũ cốc Hắc Hải sụp đổ, khi Nga rút khỏi thỏa thuận này vào tháng 7.

Đại sứ Hoa Kỳ tại Ukraine Bridget A. Brink đã viết trên X, trước đây gọi là Twitter, rằng ba chiếc tàu nữa đang tiến ra thị trường toàn cầu thông qua hành lang và năm chiếc khác đang chờ chất hàng.

Cô nói: “Xuất khẩu của Ukraine rất quan trọng đối với nền kinh tế nước này và để nuôi sống thế giới.”

Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov cho biết ba tàu chở đầy ngũ cốc và quặng sắt đã rời cảng Chornomorsk và Pivdennyi ở Hắc Hải vào cuối tuần này. Ông cho biết các tàu chở hàng rời đang sử dụng hành lang tạm thời do Hải quân Ukraine thiết lập để xuất khẩu 127.000 tấn sản phẩm.

Ông cho biết thêm, 5 tàu đang trong quá trình bốc hàng sẽ vận chuyển gần 120.000 tấn ngũ cốc của Ukraine đến Phi Châu và Âu Châu.

Nhưng số lượng tàu sử dụng các cảng Hắc Hải để chở ngũ cốc ra thị trường thế giới đã giảm mạnh kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc. Theo Bộ Cơ sở hạ tầng, cho đến nay đã có 10 tàu hoàn thành hành trình.
 
Ngỡ ngàng: Đức Thánh Cha mở ra việc chúc lành cho các cặp đồng giới. Lễ Khai Mạc Thượng Hội Đồng
VietCatholic Media
03:58 05/10/2023


1. Đức Thánh Cha Phanxicô gợi ý về việc mở ra việc chúc lành cho các cặp đồng giới

Đức Thánh Cha Phanxicô dường như đã để ngỏ khả năng các linh mục chúc lành cho các cặp đồng giới, nếu những cử hành này bị hạn chế, được quyết định theo từng trường hợp cụ thể và không nhầm lẫn với lễ cưới giữa một người nam và một người nữ.

Đức Phanxicô đã đưa ra ý kiến của mình trong một câu trả lời cho năm câu hỏi từ năm Hồng Y bảo thủ đến từ Á Châu, Âu Châu, Phi Châu, Hoa Kỳ và Mỹ Châu Latinh.

Các Hồng Y đã gửi cho Đức Thánh Cha một loạt câu hỏi chính thức, được gọi là “dubia” - tiếng Latinh có nghĩa là “những điểm hồ nghi”, về các vấn đề liên quan đến cuộc họp toàn cầu bắt đầu tại Vatican vào hôm thứ Tư.

Một trong những câu hỏi đặc biệt liên quan đến một thực hành, vốn đã trở nên tương đối phổ biến ở những nơi như Đức, về việc các linh mục chúc lành cho các cặp đồng giới đang trong mối quan hệ gắn bó.

Cuộc trao đổi bằng văn bản diễn ra vào tháng 7 và Vatican đã công bố các câu trả lời của Đức Thánh Cha vào hôm thứ Hai sau khi năm vị Hồng Y đơn phương tiết lộ sáng kiến của mình, nói rằng họ không hài lòng với các câu trả lời của Đức Phanxicô.

Phản ứng mang sắc thái của Đức Giáo Hoàng khác với phán quyết rõ ràng chống lại những kiểu chúc lành như vậy của Bộ Giáo Lý Đức Tin của Vatican vào năm 2022.

Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican đã đưa ra tuyên bố của mình vào ngày 15 tháng 3 năm 2022, trong một tài liệu chính thức được gọi là Responsum Ad Dubium nghĩa là “câu trả lời cho nghi vấn”. Để trả lời cho câu hỏi, “Giáo hội có quyền chúc lành cho sự kết hợp của những người đồng giới không?” Bộ Giáo Lý Đức Tin đã trả lời: “Không. Giáo Hội không thể chúc lành cho tội lỗi”

Trong phần giải thích của mình, Vatican cho biết: “Cộng đồng Kitô hữu và các mục tử của cộng đoàn được kêu gọi chào đón với sự tôn trọng và nhạy cảm đối với những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái và sẽ biết cách tìm ra những cách thích hợp nhất, phù hợp với giáo huấn của Giáo hội, để loan báo Tin Mừng cho họ, trong sự viên mãn của Tin Mừng.”

“Đồng thời, họ nên nhận ra sự gần gũi thực sự của Giáo hội - Giáo hội cầu nguyện cho họ, đồng hành với họ và chia sẻ hành trình đức tin Kitô giáo của họ - và đón nhận giáo lý với sự cởi mở chân thành.”

Trong câu trả lời bảy điểm của mình, Đức Phanxicô cho biết Giáo hội rất rõ ràng rằng bí tích hôn nhân chỉ có thể được thực hiện giữa một người nam và một người nữ và mở ra cho việc sinh sản và Giáo hội nên tránh bất kỳ nghi lễ hoặc nghi thức bí tích nào khác mâu thuẫn với giáo huấn này.

Tuy nhiên, ngài nói “bác ái mục vụ phải thấm nhuần mọi quyết định và thái độ của chúng ta” và nói thêm rằng “chúng ta không thể là những thẩm phán chỉ phủ nhận, bác bỏ và loại trừ”.

Ngài nói, đôi khi, những lời cầu xin chúc lành là một phương tiện qua đó con người đến với Chúa để sống một cuộc sống tốt đẹp hơn, ngay cả khi một số hành vi “không thể chấp nhận được về mặt đạo đức một cách khách quan”.

Giáo hội dạy rằng sự hấp dẫn đồng giới không phải là tội lỗi nhưng những hành vi đồng tính luyến ái thì có tội.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng bất kỳ chúc lành cuối cùng nào cũng không nên trở thành tiêu chuẩn hoặc nhận được sự chấp thuận chung chung từ các khu vực pháp lý của Giáo hội như các giáo phận hoặc hội đồng giám mục quốc gia.

Francis DeBernardo, giám đốc điều hành của New Ways Ministry, một cơ quan thúc đẩy việc Giáo hội tiếp cận những người Công Giáo LGBT, nói rằng mặc dù phản ứng này không phải là “sự chứng thực đầy đủ và rõ ràng” về những chúc lành như vậy, nhưng nó rất được hoan nghênh.

Trong một tuyên bố, DeBernardo nói rằng những lời của Đức Giáo Hoàng ngụ ý “rằng Giáo Hội thực sự thừa nhận rằng tình yêu thánh thiện có thể tồn tại giữa các cặp đồng giới, và tình yêu của những cặp đôi này phản ánh tình yêu của Thiên Chúa”.


Source:Reuters

2. Các Hồng Y xin Đức Thánh Cha giải thích rõ lập trường về phụ nữ, các cặp đồng giới trước cuộc họp ở Vatican

Các Hồng Y đã đưa ra một loạt thách thức đối với Đức Thánh Cha Phanxicô trước một cuộc họp lớn ở Vatican, với năm vị Hồng Y yêu cầu làm rõ về các cặp đồng giới và các vấn đề khác.

Các Hồng Y đến từ Á Châu, Âu Châu, Phi Châu, Hoa Kỳ và Mỹ Châu Latinh cho biết hôm thứ Hai rằng họ đã gửi cho Đức Thánh Cha một bộ câu hỏi chính thức, được gọi là “dubia”, tiếng Latinh có nghĩa là các “điểm hồ nghi” liên quan đến Thượng Hội Đồng.

Trong một bức thư ngỏ gửi người Công Giáo, các ngài cho biết đã công bố những thách thức của mình “để anh chị em không bị bối rối, sai lầm và chán nản mà thay vào đó có thể cầu nguyện cho Giáo hội hoàn vũ”.

Hành động này là cuộc đụng độ mới nhất giữa Đức Giáo Hoàng và những vị thường cáo buộc ngài phá hoại một số giáo huấn truyền thống.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội đã chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục – trong hai năm qua, yêu cầu người Công Giáo trên khắp thế giới chia sẻ tầm nhìn của họ về tương lai của Giáo hội.

Các chủ đề sẽ bao gồm vai trò của phụ nữ, sự chấp nhận nhiều hơn đối với người Công Giáo LGBT, công bằng xã hội và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với người nghèo.

Tại cuộc họp, khoảng 365 “thành viên”, bao gồm các Hồng Y, giám mục, giáo dân và lần đầu tiên, phụ nữ sẽ bỏ phiếu cho các đề xuất.

Các cuộc thảo luận sẽ diễn ra trong tháng này và tiếp tục vào tháng 10 năm 2024. Rất có thể sẽ có một tài liệu của Đức Giáo Hoàng vào năm 2025, có nghĩa là những thay đổi trong giáo huấn của Giáo hội, nếu có, sẽ còn rất lâu mới có.

Năm vị Hồng Y - tất cả đều là những nhà phê bình nổi tiếng đối với Đức Giáo Hoàng, ở độ tuổi từ 75 đến 90 và không còn giữ bất kỳ chức vụ quan trọng nào – là Đức Hồng Y Raymond Burke của Hoa Kỳ, Walter Brandmueller của Đức, Giuse Trần Nhật Quân của Hương Cảng, Robert Sarah của Guinea và Juan Sandoval Iniquez của Mễ Tây Cơ.

Có 242 vị Hồng Y trong Giáo hội và không rõ liệu năm vị này có mời ai khác tham gia hay không. Một nhà phê bình nổi tiếng đối với Đức Phanxicô, Đức Hồng Y người Đức Gerhard Mueller, không nằm trong số những người ký tên.

Đức Hồng Y Burke nói với National Catholic Register, rằng các Hồng Y đã gửi cho Đức Giáo Hoàng một loạt câu hỏi trước đó và ngài đã trả lời một ngày sau khi nhận được vào tháng Bảy.

Không hài lòng, các ngài đã chỉnh sửa lại và gửi lại để đưa ra câu trả lời đơn giản là có hoặc không. Register cho biết Đức Giáo Hoàng vẫn chưa trả lời.

Vatican sau đó đã xuất bản bảy trang trả lời của Đức Thánh Cha cho loạt câu hỏi đầu tiên vào tháng Bảy. Một nguồn tin của Vatican, phát biểu với điều kiện giấu tên, cho biết điều đó cho thấy rằng Đức Giáo Hoàng đã xem xét họ một cách nghiêm túc và nguồn tin này chỉ trích các Hồng Y vì đã yêu cầu những câu trả lời “có” hoặc “không”.

Một câu hỏi đặt ra là liệu các cặp đồng giới có thể nhận được các phép lành hay không, điều mà một số linh mục đã thực hiện ở một số quốc gia, đặc biệt là ở Đức, mặc dù Vatican đã ra phán quyết chống lại các phép lành đó vào năm 2022.

Các Hồng Y cho biết các ngài muốn tái khẳng định rõ ràng giáo huấn của Giáo hội rằng các hành vi đồng tính luyến ái là tội lỗi.

Các ngài cũng tìm kiếm sự rõ ràng hơn về lệnh cấm của Giáo hội đối với các nữ linh mục, mặc dù Đức Phanxicô, trích dẫn phán quyết năm 1994 của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã nói rằng “cánh cửa đã đóng” về vấn đề đó.

Những người ủng hộ thượng hội đồng, bao gồm nhiều Hồng Y và giám mục, đã hoan nghênh các cuộc tham vấn như một cơ hội để thay đổi động lực và quyền lực của Giáo hội và mang lại tiếng nói lớn hơn cho giáo dân, bao gồm cả phụ nữ, cộng đồng LGBT và những người bên lề xã hội.

Nhưng một số vị đã đặt vấn đề với thực tế là nhiều giáo dân sẽ có quyền biểu quyết trong một Thượng Hội đồng Giám mục chính thức.

Tuần trước, nhóm phụ nữ Công Giáo có trụ sở tại Hoa Kỳ đã lên án việc cho phép phụ nữ được bỏ phiếu tại cuộc họp ngang bằng với phiếu bầu của một Hồng Y hoặc giám mục, đồng thời cho biết một số phụ nữ trong số các cử tri tại Thượng Hội Đồng là những người đã công khai ủng hộ “các học thuyết dị giáo” chống lại truyền thống.

“Chúng tôi mong muốn chỉ được đại diện bởi các giám mục,” nhóm nói.

Nhóm “Truyền thống, Gia đình và Di sản” đã gửi cho những người tham gia một cuốn sách nhỏ dài 100 trang gọi cuộc tụ tập là “Chiếc hộp Pandora” nguy hiểm. Đức Hồng Y Burke nói rằng ngài lo ngại thượng hội đồng sẽ gieo rắc “sự nhầm lẫn, sai sót và chia rẽ”.


Source:Reuters
 
Biệt kích đổ bộ Crimea. Biden đồng ý mọi yêu cầu ATACM. Tịch thu đạn Iran. Bà đầm hạt nhân của Putin
VietCatholic Media
17:18 05/10/2023


1. Ukraine cho biết 'nhiều' người Nga thiệt mạng trong cuộc tấn công bí mật vào Crimea

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “'Many' Russians Killed During Secret Strike on Crimea: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết 'nhiều' người Nga thiệt mạng trong cuộc tấn công bí mật vào Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Ukraine hôm thứ Tư cho biết các đơn vị thuộc lực lượng tác chiến đặc biệt của nước này gần đây đã tiến hành một cuộc tấn công thành công vào quân đội Nga ở Crimea.

Các quan chức Kyiv không nói rõ thời điểm cuộc tấn công diễn ra, ngoài việc nói rằng nó xảy ra vào ban đêm và có sự tham gia của hai đơn vị.

Crimea được nhiều nước công nhận là lãnh thổ Ukraine, bất chấp việc Tổng thống Nga Vladimir Putin xâm chiếm và sáp nhập bán đảo này vào năm 2014. Khu vực này chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các cuộc tấn công vào các vị trí của Nga trong những tuần gần đây và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần tuyên bố sẽ đòi lại Crimea.

Andriy Yusov, đại diện cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine, nói với thông tấn xã Ukrainska Pravda rằng các đơn vị quân đội Ukraine tham gia vào hoạt động ở Crimea đã chịu một số tổn thất. Tuy nhiên, phía Nga chứng kiến thêm “nhiều” binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương, ông nói.

“Có một trận chiến với quân xâm lược của Nga; nhiều người đã thiệt mạng và bị thương trong số quân của quân xâm lược,” Yusov nói. “Thật không may, cũng có tổn thất trong số quân phòng thủ Ukraine, mặc dù con số này không nhiều như quân Nga.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine đã cung cấp thêm thông tin chi tiết về cuộc tấn công vào Crimea như trên.

“Các đơn vị hoạt động đặc biệt Stugna và Bratstvo, thuộc đơn vị đặc biệt của Tình báo Quốc phòng Ukraine do Tymur đứng đầu, đã đổ bộ lên lãnh thổ bán đảo Crimea và bắn vào quân xâm lược Mạc Tư Khoa! Crimea sẽ là của Ukraine! Niềm tự hào cho Ukraine!” cơ quan tình báo đã viết.

Ukrainska Pravda lưu ý rằng “Tymur” được đề cập trong bài đăng trên Telegram có thể ám chỉ một chỉ huy các đơn vị lực lượng hoạt động đặc biệt của Ukraine, người được biết đến với bí danh Tymur. Tờ báo này cho biết Tymur có liên quan đến việc Ukraine chiếm lại Đảo Rắn từ tay Nga vào năm 2022 sau khi hải quân của Putin nắm quyền kiểm soát đảo Hắc Hải trong một thời gian ngắn.

Một đoạn video do cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine đăng trên YouTube cho thấy các đơn vị lực lượng đặc nhiệm đến Crimea bằng đường biển để tấn công.

Tymur cũng có liên quan đến sứ mệnh bí mật trong đó lực lượng Kyiv cắm cờ Ukraine trên đất Crimea vào ngày 24 tháng 8, ngày Độc lập của Ukraine. Phát ngôn nhân của Kyiv nói với truyền thông Ukraine sau sứ mệnh rằng quân đội Ukraine đã làm hư hại 4 tàu cao tốc của Nga và giết chết ít nhất 30 binh sĩ Nga.

Theo báo cáo, không có binh sĩ Ukraine nào thiệt mạng trong cuộc tấn công hồi tháng 8.

2. Điện Cẩm Linh bác bỏ đề xuất nổ vũ khí hạt nhân ở Siberia của bà đầm hạt nhân

Chiều Chúa Nhật vừa qua, quân Ukraine đã tấn công bằng máy bay không người lái vào căn cứ không quân Sochi. Margarita Simonyan, một nhà tuyên truyền nổi tiếng người Nga và tổng biên tập cơ quan truyền thông Russia Today của nhà nước, tuyên bố trên Telegram rằng một phần của máy bay không người lái đã va chạm gần nhà của gia đình bà ta ở quận Adler. Bà nói thêm, cuộc tấn công này sẽ phải đối mặt với những mối đe dọa hạt nhân tiếp theo.

Simonyan tuyên bố rằng: “Đêm qua, một chiếc máy bay không người lái chiến đấu đã rơi ngay đối diện ngôi nhà của gia đình chúng tôi ở Adler, nơi cả mẹ tôi và tôi đều lớn lên, cũng như nơi người thân của tôi vẫn sống cùng những đứa con nhỏ của họ”. “Các mục tiêu mỗi lúc một xa hơn, táo bạo hơn và điều đó chứng tỏ rằng phải có tối hậu thư hạt nhân, chứ không còn lựa chọn nào khác”.

Trong mấy ngày vừa qua, bà ta đã hô hào tung vũ khí hạt nhân ngay lập tức để trả thù quân Ukraine to gan dám phóng máy bay không người lái vào gần nhà bà ta.

Tuy nhiên, tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Kremlin Shuts Down Suggestion to 'Nuke Siberia'“, nghĩa là “Điện Cẩm Linh từ chối đề xuất 'nổ vũ khí hạt nhân ở Siberia'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Điện Cẩm Linh bác bỏ đề xuất của Margarita Simonyan, tổng biên tập đài truyền hình nhà nước Nga Russia Today, gọi tắt là RT, rằng Mạc Tư Khoa có thể thử bom nguyên tử trên Siberia như một lời cảnh báo đối với phương Tây.

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Dmitry Peskov, cho biết trong một tuyên bố được hãng truyền thông nhà nước RIA Novosti đăng tải: “Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa rời bỏ chế độ phản đối thử nghiệm hạt nhân”. “Điều này vẫn chưa xảy ra cho đến bây giờ, vì vậy tôi không nghĩ rằng những cuộc thảo luận như vậy hiện có thể thực hiện được từ quan điểm chính thức.”

Là một phần của phân đoạn dài 8 phút đánh dấu kỷ niệm đầu tiên Nga sáp nhập 4 tỉnh của Ukraine, Simonyan nói rằng Mạc Tư Khoa không cần thiết phải tấn công trực tiếp vào phương Tây, là lời kêu gọi phổ biến trên truyền hình nhà nước Nga. Thay vào đó, bà ta đề nghị Nga nên “tiến hành một vụ nổ nhiệt hạch, cách xa lãnh thổ của chúng ta hàng trăm km ở đâu đó ở Siberia” để chứng tỏ sức mạnh của mình.

Simonyan tiếp tục cho rằng một vụ nổ như vậy sẽ “phá hủy tất cả các thiết bị điện tử vô tuyến” và ảnh hưởng đến vệ tinh, máy ảnh và điện thoại, đồng thời khẳng định cuộc sống sẽ quay trở lại như năm 1993 và cô sẽ rất vui khi được sống trong một thế giới có ít thiết bị hơn.

Lời kêu gọi thử vũ khí hạt nhân ở Siberia đã gây ra phản ứng giận dữ từ một số chính trị gia địa phương, trong đó có Maria Prusakova, một thành viên của Đảng Cộng sản liên kết với Điện Cẩm Linh tại Duma Quốc gia đại diện cho Lãnh thổ Altai phía đông.

Cô nhận xét: “Ít nhất bạn nên xin lỗi tất cả người dân Siberia, và thậm chí còn hơn thế nữa với những người cho đến ngày nay phải gánh chịu hậu quả của các cuộc thử nghiệm tại địa điểm thử nghiệm Semipalatinsk”.

Anatoly Lokot, thị trưởng thành phố Novosibirsk ở miền nam Siberia, cho biết: “Là một nhà vật lý được đào tạo bài bản, tôi sẽ bình luận. Không có gì tốt đẹp về các vụ nổ nhiệt hạch trên mặt đất. Hậu quả có thể ảnh hưởng không chỉ hàng trăm năm mà là hàng thiên niên kỷ. Bởi vì các yếu tố không ổn định được hình thành, chu kỳ bán rã của chúng là hàng trăm năm, thậm chí một số có thể lên đến nghìn năm.”

“Vấn đề thử nghiệm nhiệt hạch trên mặt đất và bất kỳ vụ nổ nào liên quan đến việc giải phóng năng lượng nhiệt hạch, năng lượng hạt nhân, phải được giải quyết rất có trách nhiệm.”

Quân đội Ukraine đang tiến bộ dần dần nhưng vẫn chưa đạt được bước đột phá nào kể từ khi phát động cuộc phản công chống lại lực lượng Nga vào tháng 6. Kyiv đang hy vọng cắt cầu đất liền của Nga tới Crimea nối bán đảo mà Putin đã chiếm giữ và sáp nhập vào năm 2014 với đất liền Nga.

Hình ảnh vệ tinh được công bố gần đây cho thấy một số tàu Nga thuộc Hạm đội Hắc Hải đã rời cảng Sevastopol của Crimea, nơi đã bị hỏa tiễn và máy bay không người lái của Ukraine tấn công liên tục trong vài tuần qua.

Các bức ảnh dường như cho thấy các tàu khu trục Đô đốc Essen và Đô đốc Makarov của Nga, 3 tàu ngầm diesel, 5 tàu đổ bộ lớn, một số tàu hỏa tiễn nhỏ, một tàu đổ bộ lớn, một số tàu quét mìn và các tàu nhỏ khác đều đã rời cảng.

Tuy nhiên, phát biểu tại Diễn đàn An ninh Warsaw, Đô đốc Rob Bauer, nhà lãnh đạo ủy ban quân sự của NATO, đã cảnh báo rằng kho dự trữ đạn dược của liên minh đang cạn kiệt và kêu gọi các thành viên “tăng cường sản xuất với nhịp độ cao hơn nhiều”.

Ông cảnh báo: “Chúng tôi bắt đầu viện trợ cho Ukraine những nhà kho đã đầy một nửa hoặc thấp hơn ở Âu Châu. Vì thế bây giờ có thể nhìn thấy đáy thùng.”

Tưởng cũng nên biết thêm: Một số blogger quân sự Nga cho rằng những lời kêu gọi tung vũ khí hạt nhân chỉ vì máy bay không người lái rơi gần nhà bà ta, khiến bà ta và má bà ta kinh sợ, chứng minh mối quan hệ được đồn thổi giữa người đàn bà này và Vladimir Putin. Tuy nhiên, bạo chúa có nhiều người tình và câu trả lời của phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov, cho thấy Margarita Simonyan, biệt danh bà đầm hạt nhân, có lẽ đã thất sủng.

3. Mỹ đã chuyển hơn 1 triệu viên đạn của Iran bị tịch thu sang Ukraine

Các quan chức Mỹ cho biết, Mỹ sẽ chuyển hàng nghìn vũ khí và đạn dược bị tịch thu của Iran sang Ukraine, một động thái có thể giúp giảm bớt một số tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng mà quân đội Ukraine đang phải đối mặt khi nước này chờ đợi thêm tiền và thiết bị từ Mỹ và các đồng minh.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết Hoa Kỳ đã chuyển hơn một triệu viên đạn Iran bị tịch thu cho lực lượng vũ trang Ukraine. Việc chuyển giao được tiến hành vào hôm thứ Hai.

Chuẩn tướng Pat Ryder cho biết: “Chính phủ đã giành được quyền sở hữu số vũ khí này vào ngày 20 tháng 7 năm 2023, thông qua yêu cầu tịch thu dân sự của Bộ Tư pháp đối với Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran”.

Bộ Tư pháp đã công bố vào tháng 3 rằng họ đang yêu cầu tịch thu một triệu viên đạn của Iran, hàng nghìn ngòi nổ, và lựu đạn mà Hải quân đã tịch thu từ Iran đang trên đường tới Yemen.

“Số đạn dược này ban đầu bị lực lượng hải quân Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ tịch thu từ tàu du hành quá cảnh MARWAN 1 không quốc tịch, vào ngày 9 tháng 12 năm 2022. Những quả đạn này đang được chuyển từ Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đến Houthis ở Yemen vi phạm Nghị quyết 2216 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Chính quyền Biden trong nhiều tháng đã cân nhắc cách gửi hợp pháp số vũ khí bị tịch thu, được cất giữ tại các cơ sở của quân đội Hoa Kỳ trên khắp Trung Đông, cho người Ukraine.

4. Về ATACMS cho Ukraine: Tổng thống Biden tuyên bố chúng tôi đã giải quyết mọi thứ được yêu cầu

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố rằng mọi yêu cầu của Tổng thống Zelenskiy liên quan đến việc chuyển hỏa tiễn tầm xa ATACMS cho Ukraine đều đã được giải quyết.

Biden đã nói điều này sau bài phát biểu của ông về nỗ lực xóa nợ cho sinh viên của Chính quyền Hoa Kỳ.

“Tôi đã nói chuyện với Zelenskiy và mọi thứ ông ấy yêu cầu, chúng tôi đều giải quyết được,” Tổng thống Biden nói.

Ông đã tuyên bố như trên để trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu ông có hứa với Tổng thống Ukraine sẽ cung cấp hỏa tiễn ATACMS hay không.

Một tuần trước, Trợ lý Bộ trưởng Quân đội về Mua sắm, Hậu cần và Công nghệ Hoa Kỳ Douglas Bush cho biết Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ sẵn sàng cung cấp cho Ukraine một số hỏa tiễn tầm xa ATACMS được trang bị đạn chùm ngay sau khi Tổng thống Biden chấp thuận.

5. Ukraine tuyên bố đã tạo ra cái gọi là “áo choàng tàng hình” để che giấu binh lính khỏi máy ảnh nhiệt và máy bay không người lái

Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov hôm thứ Tư đã tiết lộ một phát minh mới gọi là “áo choàng tàng hình”, mà ông khẳng định có thể che giấu binh lính khỏi máy chụp ảnh nhiệt và máy bay không người lái.

Những chiếc áo choàng ngăn chặn bức xạ nhiệt, được cho là khiến người lính trở nên vô hình trước đối phương.

Nó được tạo ra bởi Brave1, một dự án công nghệ quốc phòng được chính phủ Ukraine tài trợ.

Maxim Boryak, một trong những nhà phát triển áo choàng, nói với CNN rằng chiếc áo choàng này đã được phát triển từ năm 2015, khi nó được dự định sẽ được sử dụng bởi các tay súng bắn tỉa và các binh sĩ hoạt động đặc biệt của Cơ quan An ninh Ukraine ở khu vực phía đông Donbas. Sự phát triển lại bắt đầu một cách ráo riết khi Nga xâm lược vào tháng 2 năm 2022.

Áo choàng sử dụng các vật liệu thường được lính cứu hỏa sử dụng, giúp giữ không khí nóng thoát ra ngoài và hiển thị trên camera chụp ảnh nhiệt, đồng thời hệ thống thông gió tích hợp làm mát không khí nóng mắc kẹt bên trong áo choàng.

Boryak gọi nó là một “hệ thống đơn giản” nặng tới 2,5 kg. Áo choàng có khả năng chống mưa và không bắt lửa.

Boryak cho biết những chiếc áo choàng này đã được Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 35 sử dụng trong cuộc phản công của Ukraine.

Những chiếc áo choàng lần đầu tiên được công khai trong một video được Fedorov chia sẻ vào thứ Tư. Ông nói rằng video “cho thấy một mẫu hoàn thiện đã được thử nghiệm thành công trên thực tế”.

6. Tướng quân Ngày Tận Thế bị Putin sa thải lên tiếng sau khi bước ra từ một nhà thờ

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “General Armageddon Fired by Putin Breaks Silence after Attending Church”, nghĩa là “Tướng Armageddon bị Putin sa thải phá vỡ sự im lặng sau khi đến nhà thờ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Cựu chỉ huy các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine, Tướng Sergei Surovikin, còn được gọi là “Tướng Armageddon”, được tường trình đã bình luận về việc ông bị sa thải lần đầu tiên kể từ cuộc binh biến của Tập đoàn Wagner bị hủy bỏ vào tháng 6.

Surovikin, người có biệt danh là Tướng quân Ngày Tận Thế trên truyền thông Nga vì chiến thuật quân sự hung hãn ở Chechnya và Syria, chỉ xuất hiện hai lần kể từ khi người ta nhìn thấy ông trong một video kêu gọi chấm dứt cuộc binh biến ngày 24 tháng 6 được lãnh đạo bởi trùm Wagner Yevgeny Prigozhin, người được cho là có mối quan hệ thân thiết với ông.

Ông được cho là đã bị bắt vào tháng 6 và bị sa thải khỏi chức vụ nhà lãnh đạo Lực lượng Không Quân Vũ trụ Nga vào tháng 8. Có tin đồn rằng Surovkin đã được bổ nhiệm làm nhà lãnh đạo Ủy ban điều phối các vấn đề phòng không thuộc Hội đồng Bộ trưởng Quốc phòng của Cộng đồng các quốc gia độc lập, gọi tắt là CIS, nhưng điều đó chưa được xác nhận.

Novye Izvestia hôm thứ Ba đưa tin rằng họ đã nói chuyện với Surovikin bên ngoài một nhà thờ ở khu vực Mạc Tư Khoa.

“ Tôi phục vụ tổ quốc. Không có bình luận nào nữa”, Surovikin nói với thông tấn xã này. Cơ quan truyền thông này đã đăng một bức ảnh của vị tướng trong chuyến thăm “một trong những nhà thờ gần Mạc Tư Khoa”.

Novye Izvestia không nêu rõ Surovikin đã đến thăm nhà thờ nào, nhưng Agentstvo, một trang điều tra ra mắt vào năm 2021, đưa tin rằng bức ảnh được chụp tại Nhà thờ Thánh Demetrius thành Thessaloniki Tử Đạo ở làng Dmitrovskoe — nằm không xa một thương xá nơi Surovikin được chụp ảnh một tháng trước.

Các câu hỏi đã được đặt ra về nơi ở của Surovikin sau khi anh ta mất tích đáng chú ý trong cuộc họp ngày 10 tháng 7 với các quan chức quân sự. Một chính trị gia cao cấp của Nga hồi tháng 7 cho biết Surovikin đang “nghỉ ngơi”.

Các báo cáo vào tháng 7 dựa trên một báo cáo tình báo của Hoa Kỳ cho thấy vị tướng này đã biết trước về kế hoạch hành quân vào Mạc Tư Khoa của Prigozhin. Reuters đưa tin tình báo Mỹ cho biết Surovikin có thiện cảm với cuộc nổi dậy của Wagner, nhưng không rõ liệu ông có tích cực ủng hộ nó hay không.

Vài ngày sau cuộc nổi dậy thất bại của Prigozhin, tờ The Moscow Times phiên bản tiếng Nga trích dẫn các nguồn tin của Bộ Quốc phòng Nga nói rằng Surovikin đã bị bắt vì đứng về phía Prigozhin khi anh ta lên kế hoạch cho cuộc binh biến nửa vời của mình.

Blogger quân sự người Nga Vladimir Romanov cũng cho biết trên Telegram rằng Surovikin đã bị bắt vào ngày 25/6.

Các quan chức Nga không xác nhận việc bắt giữ Surovikin. Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để yêu cầu bình luận qua email.

Vào đầu tháng 9, Viktor Zavarzin, thành viên Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga cho rằng Surovikin đang làm việc “ở CIS”.

7. Truyền thông nhà nước Nga đưa tin một người Ukraine bị bắt sau cuộc đột kích vào bờ biển Crimea

Tình báo Quốc phòng Ukraine đã công bố một đoạn video có nội dung chiếu cảnh một cuộc tấn công đổ bộ vào bờ biển Crimea bị Nga tạm chiếm, khi truyền thông nhà nước Nga đưa tin một “kẻ phá hoại” người Ukraine đã bị bắt.

Trong một tuyên bố ngắn gọn Tình báo Quốc phòng Ukraine cho biết Lực lượng đặc biệt Ukraine “đã đổ bộ lên lãnh thổ bán đảo Crimea và nổ súng vào quân xâm lược Mạc Tư Khoa!”

Ngày và giờ của cuộc tấn công không được tiết lộ. Hoạt động cuối cùng như vậy được quân đội Ukraine công bố là vào tháng 8 vừa qua.

Hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti hôm thứ Tư đưa tin rằng đoạn video thẩm vấn một kẻ phá hoại người Ukraine bị bắt ở Crimea đã được cơ quan an ninh Nga, FSB công bố.

“ Một kẻ phá hoại Ukraine bị bắt ở Crimea nói rằng nhóm này gồm 16 người, được cho là đã treo cờ và chứng minh việc Tình báo Quốc phòng Ukraine tiến vào Crimea,” cơ quan này đưa tin.

Họ nói rằng “máy bay của không quân Nga đã ngăn chặn một nỗ lực khác của lực lượng vũ trang Ukraine nhằm đổ bộ biệt kích gần Mũi Tarkhankut ở Crimea từ ba ván trượt phản lực và một tàu cao tốc ở phía tây bắc Hắc Hải.”

RIA nêu tên người bị bắt là thành viên của Tình báo Quốc phòng Ukraine. Nó nói rằng anh ta đã nói với những người thẩm vấn rằng mục đích của cuộc đổ bộ là để treo cờ Ukraine.

Ukraine tuyên bố thiệt hại cho cả hai bên: Andriy Yusov, phát ngôn nhân của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine, thừa nhận Ukraine có tổn thất trong cuộc đột kích.

Yusov nói với hãng truyền thông RBC của Ukraine rằng biệt kích “đã có một trận chiến khốc liệt ở Crimea bị tạm chiếm. Người Nga đã chịu tổn thất đáng kể và nhóm của chúng tôi đã trở về sau chiến dịch đặc biệt.”

Yusov cho biết đây là một hoạt động phá hoại và trinh sát, không phải chỉ để treo cờ như các phương tiện truyền thông Nga cố ý hạ thấp.

Yusov nói: “Thật không may, lực lượng đặc biệt của chúng tôi cũng có tổn thất, nhưng không tương xứng với phía Nga”.

“Không thể không có tổn thất. Ukraine chắc chắn sẽ chiếm lại Crimea và toàn bộ vùng lãnh thổ bị tạm chiếm”,

8. Bộ Ngoại Giao Nga tấn công Na Uy và Moldova

Tuần trước Na Uy tuyên bố cấm xe hơi ghi danh ở Nga, phản ánh các lệnh trừng phạt trước đó của Liên minh Âu Châu đối với Mạc Tư Khoa.

Hôm thứ Năm, 5 Tháng 10, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova đã lên tiếng chỉ trích thái độ này của Na Uy là “bài Nga” và “gây hấn vô cớ.”

Zakharova cũng gọi lệnh cấm là “một nỗ lực khác nhằm khôi phục bức màn sắt ở Âu Châu”.

Trong khi đó, Quốc hội Moldova bắt đầu các động thái vào hôm thứ Tư nhằm ngăn chặn các thành viên của đảng Shor thân Nga không được tham gia các cuộc bầu cử địa phương với tư cách là đại diện cho đảng Shor và ngay cả với tư cách là ứng cử viên độc lập.

Reuters đưa tin, tòa án hiến pháp đã tuyên bố đảng đối lập là vi hiến vào tháng 6, nhưng hôm thứ Ba cho biết các thành viên của đảng này có quyền tranh cử trong các cuộc bầu cử địa phương vào ngày 5 tháng 11 nếu họ không đại diện cho đảng bị cấm.

Đảng do doanh nhân lưu vong Ilan Shor đứng đầu, đã dẫn đầu nhiều tháng biểu tình phản đối Tổng thống Maia Sandu và chính phủ của bà về việc giá cả tăng cao. Sandu đã cáo buộc Shor và Nga đang cố gắng gây bất ổn cho Moldova kể từ khi Mạc Tư Khoa xâm chiếm Ukraine, điều mà cô đã chỉ trích gay gắt.

Trong một động thái nhằm chống lại các thành viên Shor, quốc hội Moldova hôm thứ Tư đã thông qua việc sửa đổi bộ luật bầu cử để cấm họ ra tranh cử ngay cả với tư cách cá nhân.

Bản sửa đổi, hiện đã hoàn tất việc thông qua quốc hội, yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật gửi danh sách những người ra tranh cử cho ủy ban bầu cử trung ương để lập danh sách cuối cùng. Các thành viên của đảng Shor sẽ bị loại ngay từ đầu.

Zakharova đã lên án lệnh cấm là “một biểu hiện sợ Nga” của Moldova.

9. Quan chức Ukraine chỉ trích “giới tinh hoa bảo thủ phương Tây” miễn cưỡng đối đầu với Nga

Một quan chức cao cấp Ukraine đã chỉ trích “giới tinh hoa bảo thủ phương Tây” vì đề nghị đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine.

Mykhailo Podolyak, cố vấn cho nhà lãnh đạo văn phòng tổng thống Ukraine, cho biết hôm thứ Tư, “Khi bất kỳ đại diện nào của giới tinh hoa bảo thủ phương Tây nói về sự cần thiết phải đình chỉ viện trợ quân sự cho Ukraine, tôi có một câu hỏi trực tiếp : động cơ của bạn là gì?

“Tại sao các bạn lại kiên quyết chống lại việc… tiêu diệt quân đội Nga, vốn là quốc gia đáng sợ trong nhiều thập kỷ, và tại sao các bạn lại phản đối việc phải giảm đáng kể khả năng của Nga tiến hành ‘các hoạt động hủy diệt đặc biệt’ ở các quốc gia khác nhau và trên các lục địa khác nhau?” Podolyak nói thêm.

Ông không đề cập cụ thể đến việc Mỹ phong tỏa viện trợ cho Ukraine trong biện pháp chi tiêu tạm thời đã được Quốc hội thông qua cuối tuần qua, cũng như việc phế truất Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy.

Trong khi đó, đại sứ Ukraine tại Washington hôm thứ Tư cho biết đại sứ quán đã có cuộc đối thoại tốt với “đại đa số” các ứng cử viên có khả năng thay thế chủ tịch Hạ viện bị lật đổ.

Đại sứ Oksana Markarova cho biết: “Chúng tôi, Đại sứ quán Ukraine tại Hoa Kỳ tiếp tục làm việc tích cực với các cuộc họp kín, ủy ban, các cá nhân dân biểu và tất nhiên là cả Thượng viện để thảo luận về nhu cầu của chúng tôi cũng như các giải pháp khả thi cho gói hỗ trợ tiếp theo cho Ukraine”..

Cô nói rằng còn quá sớm để thảo luận về các ứng cử viên cụ thể, đồng thời nói thêm, “Tôi chỉ có thể nói rằng chúng tôi đã xây dựng một cuộc đối thoại mang tính xây dựng tốt với đại đa số những nhân vật đang được nhắc đến và đội của họ.”

10. Biden nói rằng ông lo lắng về tương lai của viện trợ Ukraine khi tranh chấp về quyền Chủ tịch Hạ viện diễn ra tại Hạ viện Hoa Kỳ

Sự xáo trộn trong hàng ngũ Đảng Cộng hòa tại Điện Capitol đang khiến Tổng thống Joe Biden lo ngại khi ông đang nỗ lực bảo đảm nguồn tài trợ mới cho Ukraine, điều mà ông cho biết sẽ sớm có bài phát biểu quan trọng.

Tổng thống Biden nói một ngày sau khi Dân biểu Kevin McCarthy bị phế truất khỏi vị trí chủ tịch Hạ viện, “Điều đó làm tôi lo lắng, nhưng tôi biết có đa số thành viên Hạ viện và Thượng viện ở cả hai đảng đã nói rằng họ ủng hộ việc tài trợ cho Ukraine.”

Bình luận của Biden được đưa ra khi đảng Cộng hòa đang tìm kiếm một Chủ tịch Hạ viện Hạ viện mới. Các ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ này đã bày tỏ quan điểm khác nhau về Ukraine. Một nhóm ủng hộ Kyiv cho rằng Dân biểu Steve Scalise, người đã bỏ phiếu cho các gói hỗ trợ cho Ukraine trước đó, là niềm hy vọng của họ.

Trong khi Dân biểu Jim Jordan là mối lo, vì những phiếu bầu trước đó của ông đều chống lại nguồn tài trợ dành cho Ukraine. Cả Scalise và Jordan đều đã thông báo rằng họ có ý định tranh cử vị trí Chủ tịch Hạ viện.

Biden lập luận rằng việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine vẫn mang lại lợi ích cho người Mỹ và cho biết ông sẽ có bài phát biểu nêu quan điểm đó. Tòa Bạch Ốc không cung cấp ngay thông tin chi tiết về bài diễn văn dự kiến này.

Trong cuộc điện đàm với các nhà lãnh đạo thế giới hôm thứ Ba, Biden cho biết ông “đã chứng minh rằng tôi biết phần lớn người dân Mỹ vẫn ủng hộ Ukraine và phần lớn các thành viên Quốc hội cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều ủng hộ điều đó”.

Vì tương lai của khoản hỗ trợ đã được quốc hội phê duyệt dành cho Ukraine vẫn còn bị đặt dấu hỏi, Biden cho biết có thể có những phương pháp thay thế để hỗ trợ Kyiv.

Ông nói: “Chúng tôi có thể hỗ trợ Ukraine trong đợt tiếp theo mà chúng tôi cần và có một cách khác để chúng tôi có thể tài trợ cho khoản tài trợ này”.

11. NATO tái khẳng định hỗ trợ lâu dài cho Ukraine sau cuộc họp hội đồng quốc phòng chung

NATO tái khẳng định sự hỗ trợ lâu dài của mình đối với Ukraine hôm thứ Tư sau cuộc họp của hội đồng quốc phòng mới giữa liên minh quân sự và Ukraine.

Phó Tổng thư ký liên minh Mircea Geoana đã chủ trì cuộc họp của Hội đồng NATO-Ukraine, gọi tắt là NUC, tại Brussels, nơi Geoana khen ngợi các đồng minh và nỗ lực của Ukraine trong việc nhanh chóng thực hiện các quyết định từ hội nghị thượng đỉnh Vilnius của NATO.

Hội nghị thượng đỉnh Vilnius, được tổ chức tại thủ đô Lithuania vào tháng 7, là cuộc họp đầu tiên của NUC và có sự tham dự của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy. Một trong những mục tiêu chính của nó là tăng cường hỗ trợ cho Ukraine.

Cuộc họp hôm thứ Tư tại Brussels có sự tham dự của Phó Thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna.

Tuyên bố của NATO cho biết các đồng minh sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả thông qua Gói hỗ trợ toàn diện của liên minh và bảo đảm các lực lượng của Ukraine “có thể tương tác hoàn toàn với NATO”. Tuyên bố nói thêm rằng Ukraine “gần gũi với NATO hơn bao giờ hết”.

Một số thông tin cơ bản về Hội đồng NATO-Ukraine: NUC là một cơ quan chung nơi Ukraine và các đồng minh gặp nhau để tham vấn về khủng hoảng và “đưa ra các quyết định một cách bình đẳng”.

Năm nay, Hội đồng NATO-Ukraine đã thay thế Ủy ban NATO-Ukraine, cơ quan ra quyết định chịu trách nhiệm phát triển mối quan hệ NATO-Ukraine và chỉ đạo các hoạt động hợp tác từ năm 1997.