Ngày 05-10-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cảm Nghiệm Sống 75 - Bàn Tiệc Lời Chúa Trong Gia Đình
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
04:44 05/10/2010
Cảm nghiệm Sống # 75:

BÀN TIỆC LỜI CHÚA TRONG GIA ĐÌNH

*HÀNG NGÀY- HÀNG TUẦN*HÀNG THÁNG*

“CHA MẸ LÀ CÁC LINH MỤC TẠI GIA”

Các nghị phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục thứ 12 về Lời Chúa trong Gia đình, đã nhận định và ước ao mỗi Gia đình có một cuốn Kinh Thánh riêng, và cổ võ việc đọc Kinh Thánh trong gia đình:

1- Sự dốt nát về Lời Chúa: gần đây tại 10 nước Âu Châu cho thấy sự dốt nát kinh khủng của các Tín hữu về những ý niệm sơ đẳng liên quan tới Kinh Thánh. Sự dốt nát như thế là mảnh đất màu mỡ cho các Giáo phái Kitô khác phat triển như Tin Lành, Anh Giáo…Nên để ý tới khía cạnh đại kết đó, vì sự chú ý tới Lời Chúa sẽ làm cho Giáo hội xích gần lại các hệ phái Kitô khác trong sự tìm kiếm chung.

2- Các khoá học Kinh Thánh: Giáo hội có nhiều học viện với những môn học biệt lập; nhưng lại coi nhẹ những kiến thức căn bản về Kinh Thánh, không thực thi được điều cần có về phương diện Mục vụ Kinh Thánh. Nên cần có những khoá học về Kinh Thánh mà không cần phải có bằng cấp, như thế mọi Tín hữu có thể tham dự các khoá học đó dễ dàng hơn ở mọi Cộng đoàn, mọi Giáo xứ…

3- Đức Mẹ đón nhận Lời Chúa: Mẹ là mẫu gương cho các Tín hữu trong việc nghe Lời Chúa, là chìa khoá để hiểu Kinh Thánh, giữ và suy đi lại nghĩ trong lòng (Lc 2, 19). Qua sự kết hợp với Lời Chúa của Mẹ, bạn có thể đọc Kinh Thánh và hiểu rõ về Chúa Kitô qua việc suy niệm các mầu nhiệm trong khi đọc Kinh Mân Côi. Vì Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Giáo hội dạy bạn lắng nghe, đón nhận và can đảm công bố Lời Chúa một cách trọn vẹn cho người khác nữa.

4- Cha Lucien Legrand nói: Người Tin Lành học Kinh Thánh, người CG nói về Kinh Thánh. Tin lành nhớ thuộc lòng, trưng dẫn phần lớn Kinh Thánh, còn chúng ta không thể trưng dẫn một câu Kinh Thánh chính xác. Chúa Giêsu là nhà kể chuyện rất tài tình, còn ta nói chuyện về Ngài đôi khi nhạt nhẽo, dạy luân lý một cách tầm thường không có sự sống, biến Lời Chúa thành trừu tượng.

5- Đức Cha Ignatius Kaigama đề nghị: Mỗi Tín hữu Công giáo cần có một cuốn Kinh Thánh riêng để chắc chắn giúp họ yêu mến và sống Lời Chúa. Nhất là khi họ phải biết đọc Kinh Thánh trước khi được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, Thêm Sức và phép Hôn phối. Riêng các em nhỏ, cha mẹ phải giữ cho con đến khi em có thể đọc được. Chúng tôi cũng khuyến khích các Gia trưởng đặt Kinh Thánh trên bàn thờ và chia sẻ Kinh Thánh tại gia trong giờ cầu nguyện chung, để Lời Chúa là sức sống cho các phần tử trong Gia đình.

6- Đức Thượng Phụ Bartolomaios I: Giáo Chủ Chính Thống được Đức Thánh Cha mời tham dự Thượng HĐGM nhận định rằng: “Chúng ta đã hành động một cách kiêu hãnh và dửng dưng đối với thiên nhiên thụ tạo, từ chối chiêm ngưỡng Lời Chúa trong các đại dương trên trái đất. Chúng ta đã chối bỏ chính bản chất, vốn đã kêu gọi chúng ta khiêm tốn lắng nghe Lời Chúa, nếu chúng ta muốn trở thành những người tham gia vào bản tính Thiên Chúa.” (2 Pr 1, 4)

7- Sứ điệp Thượng HĐGM: Các nghị phụ nhấn mạnh sự kiện Lời Chúa có trước và vượt ra ngoài Kinh Thánh; lịch sử cứu độ và một nhân vật là Đức Giêsu Kitô. Lời Thiên Chúa nhập thể làm người. Vì thế, người đọc Kinh Thánh luôn luôn cần khiêm tốn và lắng nghe Chúa Thánh Linh dẫn dắt đến chân lý toàn vẹn (Ga 16, 13).

Các Tín hữu dù là người đơn sơ nhất cũng nhớ rằng Lời Chúa mang hình thức những lời cụ thể, để mọi người nghe và hiểu. Đừng chỉ hiểu theo nghĩa đen và cần phải hiểu theo nghĩa bóng. Tín hữu cần đi tham dự đầy đủ bữa tiệc Lời Chúa, là phần đầu của Thánh lễ với ba bài đọc và bài giảng, để lắng nghe, nhớ và đem thực hành.

8- Bàn tiệc Lời Chúa trong Gia đình: Các gia trưởng được coi như là Linh mục tại gia, có trách nhiệm giữ gìn Kinh Thánh, hãy đọc và cùng nhau chia sẻ giữa cha mẹ, vợ chồng con cháu trong các buổi sinh hoạt và giờ kinh tối Gia đình. Hãy thinh lặng và lắng nghe thật sự với cái tai con tim, là cả tấm lòng, để Lời Chúa thấm nhập, ở lại và sống với mọi người. Đoạn Kinh Thánh vừa đọc sẽ trở thành những chứng tá sống động ở trong Gia đình và ngoài xã hội.

9- Các cha mẹ là Linh mục Gia đình: Hãy làm cho Lời Chúa vang dội vào đầu mỗi ngày trong vợ chồng, con cháu, vào các buổi tối, là sức sống dồi dào của mọi phần tử trong Gia đình. ( Ga 10, 10)

Mỗi giờ, hàng ngày, hằng tuần, hằng tháng, Gia đình tôi hãy là một Gia đình êm ấm trong thanh bần, cùng Mẹ Maria suy gẫm Lời Chúa với Thánh Giuse để đem ra thực hành. Như thánh Phaolô đã xác quyết: “Chân đi giầy là lòng hăng say loan báo Tin Mừng bình an...Hãy đội mũ chiến là ơn cứu độ và cầm gươm của Thần Khí ban cho, tức là Lời Thiên Chúa.” (x. Ep 6, 14-17)

Phó tế: JB. Maria Nguyễn Văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Lòng biết ơn
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
08:00 05/10/2010
Lòng biết ơn

(Suy niệm Tin Mừng Tin Mừng Luca (17, 11-19) trích đọc vào Chúa nhật 28 thường niên)

Thỉnh thoảng lại có một vài vụ sập hầm mỏ xảy ra đây đó, khiến nhiều người thợ đang làm việc bị chôn sống dưới những tầng đất sâu.

Khi các lối đi xuống hầm mỏ bị tắc nghẽn hoàn toàn do các tầng đất sụp đổ, các người thợ mỏ như bị chôn vùi dưới huyệt sâu, không chút ánh sáng soi đường, không có khí trời trong lành để thở, không có lương thực để ăn, không còn nước uống… Họ nằm đó chờ đợi thần chết từ từ tiến đến kết liễu cuộc đời.

Trong hoàn cảnh đó, họ mới nhận ra rằng có được không khí trong lành để thở, có thêm vài lít nước để uống, có bát cơm để ăn, có được chút ánh nắng mặt trời để sưởi ấm và chiếu sáng là những hồng phúc vô cùng lớn lao và họ sẵn sàng đánh đổi tất cả những gì đang có để được những thứ nầy.

Được một chút không khí trong lành, được uống vài ngụm nước, được bát cơm trắng, được ánh sáng mặt trời chiếu soi và sưởi ấm…là những gì mà những người lâm nạn hết lòng khao khát và ước mơ, nhưng những ước mơ giản dị đó đã không đến được với nhiều nạn nhân bị chôn vùi ở nhiều nơi vì tai nạn hầm mỏ hay động đất.

Tuy nhiên, những ân huệ đó đang ở trong tầm tay chúng ta cách dồi dào và dư dật. Thiên Chúa cho chúng ta có thừa những gì mà những người lâm nạn trên đây đang mơ ước. Thế mà nhiều người không nhận ra đó là những ân huệ vô cùng cao quý, mà chỉ xem như chuyện thường tình.

Nước, không khí, ánh nắng mặt trời… chỉ là một vài trong vô vàn ân huệ Thiên Chúa rộng ban cho mọi người. Đếm sao cho xiết những ân huệ Chúa ban. Vậy mà số người nhận ra ân huệ Chúa ban và tỏ lòng tri ân Thiên Chúa thì rất khan hiếm.

***

Khi Chúa Giê-su đi qua biên giới Samaria thì gặp mười người phong cùi. Họ là những người mang số phận bi đát. Vì mắc bệnh truyền nhiễm đáng sợ, họ bị xã hội Do-thái thời bấy giờ xua ra khỏi gia đình, làng mạc; họ bị cách ly với tất cả mọi người. Những con người bất hạnh nầy tụ tập với nhau, sống trong các hang hốc ngoài đồi núi, áo quần tả tơi, đầu tóc bù xù, thân thể bốc mùi hôi hám. Họ bị luật buộc phải để đầu trần, đi đâu phải lấy tay che miệng và hô lên báo hiệu cho người qua lại biết mà lánh xa.

Vì thế, họ không được phép lại gần Chúa Giê-su để xin Người cứu chữa. Họ đứng đằng xa kêu lên: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi”.

Theo luật quy định, nếu người nào mắc bệnh phong mà có cơ duyên lành bệnh, thì phải đến trình diện với các tư tế, để được kiểm tra. Nếu thực sự được lành bệnh thì họ mới được cho hoà nhập với cộng đồng.

Chúa Giê-su bảo mười người phong đến trình diện với các tư tế là vì lý do đó. Họ đã đi trình diện, đã được chứng nhận là khỏi bệnh, nhưng chỉ có một người xứ Samari, người được xem là thuộc phường rối đạo, biết quay trở lại tôn vinh Thiên Chúa và cảm tạ Chúa Giê-su. Còn chín người kia thì không. Chưa được ơn thì van vái khẩn cầu thật tha thiết, được ơn rồi thì nín lặng chẳng biết cám ơn.

***

Trong giao tế hằng ngày, người đời vẫn biết đền ơn đáp nghĩa. Hôm nay anh mời tôi bữa cơm, mai đây thế nào tôi cũng tìm cách mời lại. Nay anh viếng thăm tôi, mai đây tôi sẽ tìm dịp đáp lễ. Bạn giúp tôi việc nầy, mai kia tôi tìm cách giúp lại bạn việc khác. “Có qua có lại mới toại lòng nhau”, “bánh ít đi, bánh quy lại.” Trong giao tế đời thường, người đời luôn biết xử đẹp với nhau. Vậy mà trong tương quan với Chúa, Chúa ban cho chúng ta vô vàn phúc lộc, chúng ta đã làm gì để đáp lại ân lộc Chúa chưa?

Trong xã hội văn minh, người ta luôn nói tiếng cám ơn mỗi khi được người khác làm ơn cho mình, dù chỉ là những trợ giúp thật nhỏ bé. Hai tiếng cám ơn làm ấm lòng người nghe và làm tăng thêm giá trị của người nói. Người biết nói tiếng cám ơn, khi được người khác làm ơn cho mình, cả trong những điều nhỏ nhặt, được đánh giá là người văn hoá, văn minh.

Ước gì trong tương quan với Chúa, mỗi người chúng ta cũng không thua kém những người khác trong xã hội thế trần, biết nhận ra hồng ân Thiên Chúa bao phủ đời mình và luôn dâng lời cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân Người tuôn ban trong suốt cuộc đời. Và lời tạ ơn đẹp nhất, xứng hợp nhất, là cùng với Chúa Giê-su dâng hy tế tạ ơn Thiên Chúa Cha qua mỗi thánh lễ hằng tuần.
 
Một cái nhìn về các tông đồ
+GM Bùi Tuần
08:02 05/10/2010
MỘT CÁI NHÌN VỀ CÁC TÔNG ĐỒ

Trong tháng 10 này, các giám mục tại Việt Nam được quan tâm một cách đặc biệt. Bởi vì Đại hội Hội Đồng Giám Mục Việt Nam được tổ chức vào một thời điểm quan trọng có nhiều vấn đề bức xúc trong Đạo ngoài Đời. Nhiều cái nhìn khác nhau sẽ làm nảy sinh ra nhiều tính toán khác nhau.

Tình thế rất phức tạp. Suy đoán dễ sai lầm. Vì thế, nên bình tĩnh dựa vào một nền tảng chắc chắn, để nhìn và để ước mơ nơi các người kế vị các thánh tông đồ.

Nền tảng chắc chắn sẽ tìm trong Phúc Âm. Ở đây, xin trích Phúc Âm thánh Marcô.

"Rồi Chúa Giêsu lên núi, và gọi đến Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người."Người lập Nhóm Mười Hai. Để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng với quyền trừ quỷ" (Mc 3,13-15).

Cách chọn nhóm Mười Hai

Chúa Giêsu đã chọn nhóm Mười Hai cách nào?

Thưa một cách trang trọng.

Trang trọng trước hết ở chỗ Chúa Giêsu tách 12 người Chúa chọn ra khỏi đám đông. Phúc Âm tả đám đông đó thế này: "Từ miền Galilê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giuđê, từ Giêrusalem, từ xứ Samaria, từ vùng bên kia sông Giođan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xiđon, người ta lũ lượt đến với Người" (Mc 3,7-8).

Đám đông như vừa kể được hiểu là rất nhiệt tình, từ khắp nơi, gồm nhiều khác biệt. Đám đông ấy rất xô bồ. Họ là một số nhiều phức tạp. Có thể số đông ấy là mấy ngàn người. Từ đám đông ấy, Chúa tách ra 12 người. Chúa tách ra một nhóm rất nhỏ. Họ là "những kẻ Người muốn" (Mc 3,13). Họ được tách ra từ đám đông và trước mặt đám đông. Đó là một cử chỉ trang trọng.

Trang trọng đó được thêm lên bởi một cử chỉ trang trọng khác, đó là Người gọi tên từng người được chọn "Và các ông đến với Người" (Mc 3,13). Các ông đến với Chúa, tức là các ông bước ra khỏi đám đông, đến với Chúa và đứng ở cạnh bên Chúa.

Mục đích Chúa chọn Nhóm Mười Hai

Chúa Giêsu chọn Nhóm Mười Hai đó, vì mục đích gì?

Phúc Âm nói rõ vì hai mục đích:

- "để các ông ở với Người".

- "để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ" (Mc 3,14).

Mục đích thứ nhất là "để các ông ở với Người". Ở với Chúa không chỉ là hiệp thông với Chúa bằng trí khôn, mà là sống thân mật bên cạnh Người. Như những người bạn, như những người đồng hành, như những người chia sẻ mọi thăng trầm cuộc sống của Chúa, như những người cảm thông được mọi ý định của Chúa.

"Ở với Chúa" một cách thân mật như thế sẽ không chỉ nhấn mạnh đến những gì Chúa dạy, mà còn quan tâm đến nếp sống thường ngày của Chúa. Như cách Người sống khó nghèo, cách Người nguyện cầu tín thác, cách Người phục vụ với tấm lòng hiền lành khiêm nhường, yêu thương tha thứ.

Tất cả cuộc sống "ở với Chúa" sẽ là một kinh nghiệm bản thân, riêng tư, sống động. Chính kinh nghiệm ấy sẽ được các tông đồ rao giảng.

Mục đích thứ hai là để "Người sai các ông đi rao giảng" (Mc 3,14).

Mục đích thứ hai này gồm hai chi tiết, đó là "để được sai đi" và "đi rao giảng".

Được Chúa sai đi có nghĩa là sáng kiến việc đi rao giảng là do chính Chúa. Chúa sai đi đâu, đi lúc nào, cách nào, phải do chính Chúa.

Rao giảng chủ yếu là rao giảng Đức Kitô, là Đấng mà các ngài đã có kinh nghiệm bản thân. Rao giảng về Nước Thiên Chúa, mà các ngài đã cảm nhận một cách sâu sắc trong suốt đời mình.

Rao giảng Đức Kitô như thế chính là làm chứng về Đức Kitô. Làm chứng bằng kinh nghiệm bản thân của mình.

Làm chứng về Đức Kitô một cách đích thực như thế sẽ kèm theo "việc trừ quỷ" (Mc 3,14).

Việc trừ quỷ, mà Phúc Âm thánh Marcô ghi liền với việc rao giảng, phải hiểu là mọi phấn đấu để xua đuổi tội lỗi.

Các tông đồ Chúa Giêsu gắn liền việc rao giảng với việc phấn đấu chống lại mọi sự ác.

Nhìn vào các Đấng kế vị Nhóm Mười Hai

Trên đây là một thoáng nhìn về Nhóm Mười Hai được Chúa Giêsu thiết lập. Nhóm Mười Hai này được gọi là 12 tông đồ. Kế vị các tông đồ là các giám mục. Các ngài hiệp thông chặt chẽ với Đức Giáo Hoàng, là Đấng đại diện Chúa Giêsu. Các ngài được chọn một cách đặc biệt, để làm việc theo những chức vụ được cắt đặt. Dù với chức vụ nào, các giám mục vẫn luôn muốn mình là những người làm chứng về Đức Kitô và cho Đức Kitô.

Chứng của các ngài chủ yếu rút ra từ Phúc Âm và kinh nghiệm được sống với Chúa Giêsu. Rao giảng của các ngài luôn tập trung vào Đức Kitô. Sự kết hợp với Chúa Giêsu trên thánh giá chính là sức mạnh đẩy lùi tội lỗi và góp phần làm cho Nước Thiên Chúa được lan rộng vào các tâm hồn. Các ngài thành thực nói như thánh Phaolô: "Ước chi tôi đừng khoe mình về một điều gì khác, ngoại trừ về thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta" (Gl 6,11).

Làm chứng về Đức Kitô trong những hoàn cảnh thuận lợi vẫn không luôn dễ dàng. Làm chứng về Đức Kitô trong những hoàn cảnh bi đát càng rất khó khăn và đòi nhiều khiêm tốn.

Xưa, trước khi bước vào con đường tử nạn, Đức Kitô đã sợ hãi, toát mồ hôi máu ra. Người đã cầu nguyện thảm thiết với Đức Chúa Cha: "Cha ơi, Cha có thể làm được mọi sự. Xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha" (Mc 14,36).

Chúa Giêsu đã là như thế. Các tông đồ của Người nhiều khi cũng sẽ phải nguyện cầu như vậy. Các ngài cũng sẽ làm chứng về Đức Kitô bằng sự từ bỏ mình dấn thân vào mầu nhiệm thập giá.

Xin hãy cầu nguyện nhiều cho các ngài. Xin hãy cùng các ngài nói lời tín thác: "Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha" (Lc 23,46). Theo gương Chúa Giêsu, các ngài muốn sống và chết như một của lễ bình an và khiêm nhường trong công trình cứu độ của Chúa Giêsu.

+ Gm. Gioan B. Bùi Tuần
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:33 05/10/2010
THÔI NÔI

N2T


Danh tướng Tào Bân thời Tống Thái tổ, lúc được một năm tuổi thì cha mẹ vì muốn lường trước chí hướng và tiền đồ của ông ta, nên bỏ vào trong “cái nôi một tuổi” hơn một trăm món đồ chơi, để nó tự do chọn lấy món mà nó thích, kết quả Tào Bân chụp lấy can qua (chiến tranh) và con dấu, sau này quả thật trở thành một võ tướng, và được phong làm quốc công của nước Lỗ. Do đó mà người ta tin tưởng “tuổi thôi nôi” có thể lường trước vận mệnh tương lai của một người, và dần dần diễn biến thành tập tục thôi nôi như sau: trẻ em sau khi sinh được một năm tuổi và sau khi tế tổ xong, thì nơi thần đàn trong phòng khách lớn chuẩn bị cái sàn gạo để làm cái dĩa thôi nôi, bên trong bỏ từ mười hai đến mười bốn loại vật phẩm, ví dụ như sách, viết, mực, tỏi, cái cân, hành, tiền bạc.v.v... để cho em bé chú ý lấy một loại, rồi bói xem tính tình khuynh hướng và chức nghiệp tương lai của em bé.

(Truyện truyền thuyết)

Suy tư:

Thời nay người ta cũng ăn thôi nôi con của mình, vì là cái tuổi từ giả cái nôi để tập đi tập đứng chuẩn bị làm con người đi bằng hai chân. Rồi cha mẹ cũng theo tục người xưa bỏ những đồ vật để em bé chọn lựa rồi đoán vận mệnh tương lai cho em bé...

Người Ki-tô hữu thì không làm như thế, bởi vì họ biết rằng quá khứ dù đã qua đi, hiện tại đang gặp vui buồn hạnh phúc và tương lai chưa đến hoặc đang đến đều là ở trong tay Chúa, chính Ngài nắm giữ vận mạng và tương lai của mỗi người.

Người Ki-tô hữu biết rằng dù tương lai nằm trong tay Chúa, nhưng không phải vì thế mà cứ không làm gì cả để đợi Chúa ban cho, nhưng họ cố gắng nổ lực làm việc trong khả năng tài trí của mình, để cộng tác vào chương trình tạo dựng của Thiên Chúa, đó chính là đem tương lai của mình phó thác cho Thiên Chúa vậy.

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:52 05/10/2010
N2T


3. Có thể dùng các tiếng nói tôi đã nghĩ tới, có thể dùng các hình thức để đối đãi với người tôi đã thử qua, nhưng phương thức tốt nhất là vừa thành thực vừa khiêm tốn, thì tự mình có thể nhẫn nại mà khiến người khác vui vẻ.

(Thánh Silas)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vai trò tâm lý học trong việc xưng tội
Lm Nguyễn Hữu Thy
07:42 05/10/2010
Vai trò tâm lý học trong việc xưng tội

Trong tâm lý trị liệu pháp (Psychotherapie) cổ điển, người ta thường có khuynh hướng xếp mặc cảm tội lỗi vào hàng ngũ bệnh lý học (Pathologie). Và mặc dù các nhà tâm lý trị liệu tân tiến ngày nay đã khám phá ra được nhiều nhận thức mới mẻ, nhưng quan niệm cũ vẫn còn ít nhiều ám ảnh và đeo đuổi họ. Dĩ nhiên có những hiện tượng bệnh tâm lý, chẳng hạn: hiện tưởng tâm thần suy sụp (Depression), chứng ảo giác, chứng rối loạn thần kinh, tình trạng tự ti mặc cảm hay mất hết tự tín nơi một số người nào đó, khiến cho những người ấy cảm thấy mình sống và hành động luôn sai sót. Nhưng những hiện tượng này là những trường hợp bệnh hoạn ngoại lệ, chứ không phải là trường hợp của những người bình thường và khỏe mạnh.

Còn bình thường, thì một người có mặc cảm tội lỗi hay cảm thấy mình có tội, là khi người ấy thực sự đã vấp phạm một tội lỗi nào đó, tức là lúc người ấy đã quyết định làm một hành động xấu, mặc dù người ấy vẫn có đủ điều kiện để làm một điều tốt. Vì thế, sau khi đã thực sự phạm một tội nào đó và rồi người ta cảm thấy mình có tội hay có mặc cảm tội lỗi, thì không thể coi đó là „mặc cảm“ hay „cảm giác“ thuẩn tuý được. Trái lại, trong trường hợp này, hiện tượng cảm thấy mình có tội là hậu quả tất yếu của hành động phạm tội gây nên, và đã được lương tâm nhắc bảo, đánh động. Vì sự ý thức được hành động sai trái và tội lỗi của mình như thế, chính là tác động nhận thức của lý trí kèm theo cảm xúc của cảm giác, chứ không phải là một tác động của cảm giác thuần tuý. Sự mặc cảm tội lỗi vì đã phạm tội thực sự này nhất thiết đòi hỏi người trong cuộc phải thành tâm tự kiểm điểm chính mình, một thái độ mà người ta gọi sự khiêm tốn.

Trong trường hợp này, người thực hành tâm lý trị liệu pháp không có quyền đưa ra bất cứ phán quyết luân lý nào về hành động của bệnh nhân để cho là xấu hay tốt, bởi vì anh chỉ là người trị liêu, chứ không giữ vai trò xét xử của pháp lý. Dĩ nhiên, điều đó tuyệt đối không muốn nói rằng trong cuộc sống con người không có sự hiện hữu của chiều kích luân lý đạo đức.

Và trong thuật ngữ y khoa (medizinische Termonologie), hai cách thức của mặc cảm tội lỗi này người ta có thể cho là thuộc về sinh lý học và bệnh lý học. Nhưng trong y khoa, từ ngữ „sinh lý học“ thường được sử dụng để nói về tình trạng những người khỏe mạnh bình thường, chứ không phải người bệnh tật. Trong khi đó, từ ngữ „bệnh lý học“ lại được sử dụng để nói về tình trạng mất định hướng, bị khủng hoảng, sinh lý bất ổn và bệnh hoạn.

Người ta có thể quan sát và nhận thức được điều đó, chẳng hạn trong trường hợp khi bị đau nhức ở một phần nào đó trên cơ thể do bị chấn thương, nghĩa là bộ phận thần kinh tại „hiện trường“, nơi bị chấn thương, liền cấp báo trong nháy mắt cho trung ương bộ máy thần kinh biết điều gì đang tác động không tốt cho cơ thể. Chính nhờ có ký hiệu báo động này mà diễn tiến điều trị và chữa lành vết thương mới có thể tiến hành được.

Trái lại, sự đau đớn thuộc bệnh lý học lại thiếu cảm giác, hay người ta cũng có thể nói là „thiếu sự báo động“ của cơ thể. Cũng gần tương tự như thế, mặc cảm tội lỗi là một sự cảm nhận đau đớn của linh hồn, và đồng thời sự cảm nhận ấy cũng cho thấy sự tác hại của tội lỗi lên con người.

Chính hình ảnh về y khoa trên đây cũng minh giải cho thấy rằng theo nguyên tắc thì sự bất lực trong việc cảm nhận được sự đau đớn là một mất mát đầy nguy hiểm cho cuộc sống. Và cũng tương tự như thế trong lãnh vực tâm lý học, nếu nói một cách tổng quát thì sự thiếu mặc cảm tội lỗi biến con người thành quái vật, chỉ biết hành động theo sự điều khiển của bản năng tự nhiên cho sự tồn tại của mình một cách ích kỷ, và đồng thời coi tất cả những người khác chỉ là những phương tiện hay những bậc thang giúp họ đạt tới sự tồn tại ich kỷ ấy của mình mà thôi. Vì thế, khi họ cảm thấy những đồng loại nào đó có thể là một đe dọa nguy hiểm cho sự tồn tại của mình, thì họ tìm mọi cách diệt trừ. Đây là một điều đã được minh chứng rõ ràng trong suốt lịch sử nhân loại qua một số nhân vật tiêu biểu, như các nhà độc tài: Tần Thủy Hoàng, Tào Tháo, Nero, Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, Ceausescu, Pol-pot, v.v…!

Nhưng dĩ nhiên, không chỉ những nhân vật vừa được nêu danh mới độc ác khủng khiếp như thế. Mỗi người trong chúng ta cũng đều có thể trở thành tồi tệ, bất nhân và nguy hiểm cho đồng loại một cách tương tự, nếu chúng ta thiếu sự trung thành với sự hướng dẫn của lý trí và thiếu sự thuần phục tiếng nói của lương tâm, mà đánh mất đi ý thức sống động về thiện/ác và phúc/tội và chỉ tìm kiếm sự lợi lộc ích kỷ do bản năng tự nhiên điều khiển. Vì con người không chỉ „nhân chi sơ tính bản thiện“, tức bản tính con người sinh ra vốn tốt, nhưng trong mỗi người còn ẩn chứa khả năng có thể trở nên tốt hay trở thành xấu, có thể làm lành hay làm ác. Tất cả đều tùy thuộc vào sự nỗ lực hướng thiện của bản thân và môi trường ngoại cảnh. Bởi vậy, con người cần có được một nền giáo dục tốt, đúng đắn và một môi trường xã hội lành mạnh.

Trong ngôn ngữ thần học, để trình bày những tình trạng lành mạnh hay bệnh hoạn đó, người ta sử dụng các ý niệm „lương tâm ngay chính“ và „lương tâm sai lạc“.

Đối với những người có tâm thức tôn giáo sâu xa hay cũng được gọi là những người tín hữu đạo đức, thì mặc cảm tội lỗi lành mạnh cần phải được giải quyết qua Bí tích Hòa Giải, tức qua việc xưng tội. Bởi vì, qua việc xưng tội, người ta loại bỏ ngay chính nguyên nhân sâu xa nhất của tội lỗi. Trong khi đó, mặc cảm tội lỗi thuộc lãnh vực bệnh lý học thì chỉ tìm cách loại bỏ hay giải quyết mang tính cách tâm lý, tức qua thần kinh bệnh học (Psychiatrie) hay qua tâm lý trị liệu pháp (Psychotherapie), và trong trường hợp này, người ta không thể chứng mình được một cách rõ ràng tội lỗi do cảm xúc gây nên và vì thế, cũng không thể loại trừ tội lỗi một cách tận gốc được. Hành động này cũng có thể so sánh với hành động người nhổ cỏ chỉ nhổ những sợi cỏ bò trên mặt đất, còn các rễ ăn sâu dưới đất thì vẫn để nguyên, và sau đó mọi sự đâu lại vào đấy, chứ không có gì thay đổi cả.

Đàng khác, sự bất cập của tâm lý trị liệu pháp cũ là ở chỗ đã thường tâm lý hóa (và đã bệnh lý hóa) mặc cảm tội lỗi „thuộc sinh lý“, và vì thế đã làm đảo lộn con đường dẫn tới sự hoán cải và qua đó làm lệch lạc cả sự hoàn thiện. Không ít các nhà tâm lý trị liệu pháp, vì do vũ trụ quan thuần chủ quan của họ, đã phủ nhận cả những vấn đề minh nhiên, chẳng hạn những tội lỗi thực tiễn và cụ thể. Thật vậy, nếu con người được định nghĩa một cách thuần túy vật chất, chẳng hạn như trường hợp nhà phân tâm Sigmund Freud đã làm, thì tất nhiên sẽ đi tới hậu quả hợp lý là con người không có tự do và trách nhiệm nữa. Theo chủ nghĩa giản lược này, thì thủ phạm sẽ trở thành nạn nhân và trút hết tội lỗi của mình lên các hoàn cảnh tâm lý này nọ, như: „tôi đã không thể làm khác được“, hay đổ tội cho những người khác, như: „do sự giáo dục sai lạc“ của cha mẹ hay của thầy cô giáo.

Nhưng sự tìm cách qui tội cho ngoại cảnh một cách truy tưởng như thế sẽ làm nảy sinh hai khuynh hướng nguy hiểm, đó là đánh mất hoàn toàn cảm năng về tội và ảo tưởng tự cho mình là vô tội, tức tự công chính hóa chính mình. Tuy nhiên, theo tâm lý, thì con người sẽ phải luôn trường kỳ phấn đấu mới mong có thể tiếp tục giữ được phần nào sự tự lừa dối mình như thế, vì trong một lúc nào đó lương tâm người ấy sẽ lại đánh động và làm hồi tỉnh lại ý thức về tội trong mình và từ đó nảy sinh ra tình trạng bất ổn nội tâm, mà người ta thường gọi „lương tâm cắn rứt“. Trong thuật ngữ thuộc phân tâm học, người ta gọi sự „trường kỳ phấn đấu“ này là tình trạng tâm lý dồn ép (Refoulement (F) hay Verdrängung (D)). Một thái độ „chạy tội“ như thế thường sẽ trực tiếp dẫn tới tình trạng bất ổn và „mất vui“ nội tâm, vì đương sự phải luôn tìm mọi cách để tự vệ và để tự khẳng định sự vô tội của mình, như: Thủ phạm chắc chắn là những người khác, chứ „tôi chỉ là kẻ đáng thương mà thôi.“

Tình trạng tâm lý dồn ép về sự bất toàn của mình là một chủ nghĩa cầu toàn bệnh hoạn

Nhưng thái độ không muốn chấp nhận khả năng lầm lỗi của mình như thế là một chủ nghĩa cầu toàn (Perfectionisme) mang nặng tính chất rối loạn thần kinh, một chủ nghĩa lẫn lộn giữa sự hoàn thiện Kitô giáo với sự mất ý thức về tội. Người theo chủ nghĩa cầu toàn bệnh hoạn, thì xác tín rằng anh không được phép để mình làm bất cứ sai lỗi nào. Và hậu quả tất yếu là anh cũng không muốn hoàn thiện mình hơn, vì làm sao một người lại cần phải hoàn thiện mình hơn nữa, khi người đó không sai phạm bất cứ lầm lỗi nào cả? Người ấy chỉ cần sự chứng thực là anh luôn hành động đúng đắn, thế thôi. Nếu vậy, đối với người ấy, sự hiện diện các quy luật này nọ trong Giáo Hội là cả một xúc phạm, vì như thế là đã tỏ ra nghi ngờ tính cách hoàn thiện nơi con người anh, và sau cùng tất cả các quy luật ấy còn là một đe dọa đến sự hiện sinh của anh. Vì thế, rất có thể anh sẽ bức xúc tự hỏi: „Những gì tôi làm trong phòng ngủ của tôi thì có liên quan gì đến Đức Giáo Hoàng?“

Qua đó, người ta nhận thấy được rằng người bị chứng rối loạn thần kinh sẽ thất bại vì thiếu đi ý thức tội lỗi và đồng thời khuynh hướng hiếu chiến sẽ bắt đầu nảy nở dần trong người đó, và khuynh hướng ấy thường sẽ đưa người đó có những tư tưởng và thái độ thù nghịch vô căn cứ đối với tôn giáo nói chung, cũng như phê bình chỉ trích, chứ không còn tìm ra được lý do để thông cảm với Giáo Hội nói riêng. Đối với những người mang sẵn định kiến tự tôn và thiếu phán đoán trung thực về tình trạng nội tâm của mình, thì mỗi sai lỗi nhỏ mọn nhất của người đại diện của Giáo Hội đều là một xì-căn-đan nguy hiểm, cần phải được nêu danh và tẩy trừ để trả lại cho Giáo Hội sự thánh thiện nguyên thủy, hay nói theo ngôn ngữ tân thời: để „lành mạnh hóa“ Giao Hội.

Nhưng chúng ta biết rằng sứ điệp đầy yêu thương và khoan dung của Giáo Hội lại đang tìm cách giải thoát con người ra khỏi sự phán đoán và quan điểm hẹp hòi và chủ quan như thế qua Bí tích Hòa Giải, qua sự xưng tội riêng thường xuyên. Bởi vì, đã là người thì ai cũng có sự lầm lỗi, dù người ấy ở đấng bậc nào đi nữa. Vâng, tất cả chúng ta đều là những kẻ có tội trước mặt Chúa, và vì thế, ai ai cũng đòi hỏi phải có thái độ khiêm tốn hối cải và hoàn lương.

Diễn tiến của sự ăn năn hối cải thăng tiến sự tự do cá nhân của con người

Như thế, trong Bí tích Hòa Giải, bên cạnh chiều kích chủ yếu là ân sủng thiêng liêng của Thiên Chúa ban, còn có lãnh vực tâm lý và nhân bản nữa. Đúng vậy, nơi một người thành tâm đón nhận Bí tích Hòa Giải một cách sốt sắng và nghiêm chỉnh, thì sau ý nghĩa thần học là sự tha thứ của Thiên Chúa, còn có tác dụng của tâm lý học nữa. Nói cách khác, một người sau khi xưng tội một cách đúng đắn xong – tức thành tâm ăn năn hối cải và làm đầy đủ các đòi hỏi cần thiết của Bí tích Hòa Giải – thì sẽ được Thiên Chúa tha thứ cho các tội đã phạm và đồng thời người ấy cũng cảm thấy thanh thản nhẹ nhàng, chứ không còn bị mặc cảm tội lỗi đè nặng lương tâm như trước kia.

Qua sự được giải hòa với Thiên Chúa cũng như với đồng loại bằng sự thú nhận tội lỗi và sự tha thứ, tâm lý dằn vặt của con người sẽ được giải tỏa. Đây quả là một sự vơi nhẹ có hiệu quả mạnh mẽ và sâu xa đối với người mang nặng khuynh hướng cầu toàn đang phải đối mặt với cuộc chiến nội tâm giữa tâm lý tự khẳng định chính mình và thực tại bị dồn ép. Ở đây, người ta cũng phải ghi nhận là nếu xét về phương diện tâm lý, thì có lẽ Bí tích Hòa Giải Kitô giáo, tức sự xưng tội, là một thực tại duy nhất có thể làm cho con người xác tín được tận đáy lòng thẳm sâu của họ, để họ có thể suy tư, tự kiểm điểm, thú nhận tình trạng thực tiễn của tâm hồn mình, ăn năn hối cải và hoàn lương.

Việc thành tâm nhìn nhận mình là kẻ yếu đuối và xưng thú các khiếm khuyết cũng như các tội lỗi của mình cho vị Linh Hướng, vị đại diện của Thiên Chúa – một người cũng hoàn toàn mang đầy yếu đuối như mình và cũng cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa – chứ không tìm cách bào chữa, dấu diếm hay đổ lỗi cho người khác, quả thực là một hành động hết sức dũng cảm của người có đức tin mạnh mẽ. Bởi vì, người ấy xác tín được rằng Thiên Chúa luôn khoan dung và đầy lòng trắc ẩn, sẽ tha thứ mọi tội lỗi cho tất cả những ai biết thành tâm ăn năn và quay trở về với Người, và đồng thời người ấy cũng xác tín được rằng dù vị Linh Hướng ngồi ở tòa Cáo Giải kia cũng là một người như bao người khác, nhưng qua trung gian của Giáo Hội, ngài đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm người đại diện hữu hình cho Người để mang lại ơn tha thứ cho hối nhân.

Do đó, hành động xưng tội mang lại tác dụng tâm lý mạnh mẽ nhất định trên người hối nhân, mà hiệu quả cuối cùng là sự chữa lành, sự thánh hóa và sự hồi sinh. Câu nói dũng cảm của hối nhân „Con đã phạm tội…“ đã nói lên rằng đương sự đã tự lên án hành động lệch lạc sai trái của mình, loại bỏ nó và bắt đầu lại từ đầu. Người ấy cảm thấy lương tâm thanh thản nhẹ nhàng, chứ không còm cảm thấy nặng chĩu, không vui và bất ổn nữa. Nhưng dĩ nhiên, đó không chỉ là một cảm nhận mang tính cách thuần túy tâm lý mà thôi, nghĩa là một vấn đề thuộc cảm giác, nhưng trước hết đó là một thực tại của linh hồn, được đức tin và lý trí chứng thực: Con người thực sự đã được Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi đã phạm, vì đã can đảm và thành tâm xưng nhận chúng trước tòa Chúa qua Bí tích Hòa Giải, qua việc xưng tội.

Như vậy, con người sẽ loại bỏ được tội lỗi của mình, được tha thứ và được cứu rỗi, khi biết chân thành chấp nhận chúng và hối cải. Hay nói theo ngôn ngữ tâm lý học, khi con người biết loại bỏ được khuynh hướng tự tôn và tự mãn sai lệch về mình, thì con người thực sự đang ở trong tiến trình trở nên lành mạnh.

Tuy nhiên, việc xưng tội còn đòi hỏi phải có sự đền tội kèm theo, nghĩa là sự nỗ lực bù đắp và sửa chữa những tác hại do tội gây nên, như dấu chỉ tất yếu của sự tự nhận thức được chính mình và ăn năn hối cải chân thành. Ăn năn hối cải có nghĩa là hoàn lương và tìm ra định hướng nội tâm mới cho đời mình. Qua đó, nảy sinh lòng quyết tâm xa tránh tội lỗi – tức những hành động không hợp lý – và nhờ sự cương quyết xa tránh tội lỗi như thế giúp cho con người tránh được cả những dịp đưa con người tới chỗ phạm tội. Người ta có thể nói được rằng diễn tiến này đã thăng tiến và mở rộng sự tự do bản thân người liên hệ. Bởi vì, nếu một người có thói quen phạm đi phạm lại các thứ tội, mà không chịu chấm dứt ngay, hay nói theo ngôn ngữ thần học luân lý là „thiếu dốc lòng chừa“, thì thói quen xấu ấy sẽ dần dà trở thành bức màn vô thức được phủ lên tình trạng sai trái tội lỗi của người đó, khiến cho đương sự không còn nhìn thấy rõ được tình trạng tội lỗi xấu xa của mình nữa, nên vẫn cho mình là đàng hoàng, trong trắng và vô tội. Cụ thể là không ít người suốt cả 3,4 năm trời, hay còn lâu hơn nữa, không hề đi xưng tội, nhưng họ vẫn cảm thấy mình không hề phạm tội gì cả và lương tâm họ cũng không hề áy náy (vì có lẽ đã trở nên quá chai lì rồi). Trong khi đó, một tín hữu đạo đức sốt sắng thì luôn biết phát huy và trau dồi cho tiếng lương tâm mình mỗi ngày một trở nên nhạy cảm, sắc bén và lành mạnh trong tất cả mọi tư tưởng, lời nói và hành vi sai trái.

Điều đó muốn nói rằng, nếu nhìn theo phương diện tâm lý học, thì toàn bộ diễn tiến của việc xưng tội, gồm có sự xét mình hay sự dọn mình, là một dịp tốt và cụ thể nhất, giúp cho con người thoát ra khỏi vực sâu của tình trạng bán vô tri hay cả vực sâu của tình trạng vô tri về tội lỗi của mình. Đồng thời việc xưng tội làm vô hiệu hóa những xung đột nội tâm đầy nguy hiểm qua hành động xưng nhận các lầm lẫn và các tội lỗi của mình một cách rõ ràng với vị đại diện của Thiên Chúa. Chính nhà phân tâm học Sigmund Freud cũng đã trình bày một cách rất sáng suốt rằng bệnh rối loạn thần kinh sẽ phát triển mạnh ở đâu tội lỗi được che đây khéo léo, hầu để lý tưởng hóa cái tôi một cách thái quá so sánh với bản ngã thực tiễn. Nói cách khác, khi một người càng tô đẹp hình ảnh của chính mình một cách quá đáng, thì khả năng trở nên bệnh hoạn càng nhiều, khi người ấy phải đối mặt với thực tại cụ thể. Trong khi đó, qua việc xưng nhận tội đã phạm, thì tình trạng đau khổ, bất an và dồn ép của nội tâm sau khi sai phạm các tội lỗi sẽ có thể hoàn trả lại cho lương tâm sự thanh thản và an bình, và qua đó cả chứng rối loạn thần kinh của đương sự cũng được giảm thiểu, bởi lẽ việc làm cần thiết cho sự giải tỏa tình trạng tâm lý bị dồn ép cũng đã bớt đi.

Ở đây, có lẽ chúng ta cũng cần nhắc lại một ý niệm thường hay được một số học giả trích dẫn, mà người ta có thể gọi là sự „ảo giác tôn giáo“ hay sự „rối loạn thần kinh mang tính cách tôn giáo“ (ekklesiogene Neurose). Đây là ý niệm mà vào năm 1955 nhà phụ khoa học Schaetzing viện vào để gán ghép một cách lầm lẫn một loại bệnh thuộc thần kinh bệnh học như là hậu quả của công cuộc truyền bá tôn giáo gây ra. Nhưng trong thần kinh bệnh học tân thời ngày nay, sự gán ghép này được coi là sai lạc và lỗi thời. Trái lại, chính sự đòi hỏi rõ ràng về luân lý trong tất cả các lãnh vực của cuộc sống đã mang lại cho con người điều kiện để làm giảm thiểu tình trạng tâm lý bị dồn ép của mình, một tình trạng do chính tội lỗi của bản thân gây nên, mà người ta, vì do thiếu nhận thức đầy đủ về gánh nặng tâm lý ấy, thường chỉ có thể tháo gỡ, cởi mở hay làm vơi nhẹ đi được phần nào tình trạng đó mà thôi.

Tiếp đến, sự đam mê của con người thường hay phát triển lệch sang một hướng khác – tức bằng một sự thỏa mãn ngắn ngủi trong chốc lát – càng làm cho tiếng nói của Giáo Hội trở nên vô cùng cần thiết trong việc làm tăng cường lý trí và sự suy luận của con người trong diễn tiến thuộc nội tâm thần. Bởi vậy, những người chuyên môn chân chính trong lãnh vực tâm lý trị liệu pháp đã có lý khi phủ nhận hoàn toàn ý niệm „ảo giác tôn giáo“.

Điều đó cũng muốn nói rằng sự đòi hỏi khắt khe thuộc lãnh vực luân lý đạo đức không hề là nguyên nhân gây ra chứng loạn thần kinh mà ý niệm „ảo giác tôn giáo“ muốn áp chỉ – như một vài khuynh hướng Mục Vụ bị tâm lý hóa hay hoàn toàn dựa vào tâm lý học, đã từng truyền bá trong hàng thập niên qua –, nhưng sự đòi hỏi ấy thực ra là một nhu cầu cần thiết khi đối mặt với tình trạng mất ý thức về tội nơi một số người. Đây là một tình trạng nguy hiểm, làm cho sự phán đoán của con người về chân/giả, thiện/ác bị lệch lạc và không còn chấp nhận định nghĩa về tội/phúc của lý trí lành mạnh bình thường nữa, bởi vì phương tiện cần thiết và hữu hiệu trong việc hàn gắn lại những đổ vỡ tâm lý và trong việc cứu chữa linh hồn con người – việc xưng tội – đã bị đánh giá thấp hay đã bị loại bỏ trong cuộc sống hằng ngày, hoặc cá nhân người liên hệ đã tự ý sao nhãng và bê trể trong việc lãnh nhận Bí tích Hòa Giải. Chính Bí tích Hòa Giải làm cho đức tin Kitô giáo nói chung và sự đòi hỏi cần thiết trong việc cải thiện cuộc sống mỗi người nói riêng, trở thành sống động.

Thật vậy, một trong những điều kiện khắt khe tiên quyết của đời sống hoàn thiện theo tinh thần Kitô giáo là sự đòi hỏi phải biết nhận thức được sự yếu đuối và sự sai phạm các tội lỗi của bản thân và tẩy rửa chúng qua sự hoán cải nhờ vào Bí tích Hòa Giải hay việc xưng tội. Vì thế, nếu để muốn khẳng định sự tự công chính hóa của mình một cách sai lạc và bệnh hoạn, mà người ta tìm cách loại bỏ ý niệm về tội, hay: để muốn làm vơi nhẹ sự dằn vặt của lương tâm, mà người ta hùng hổ chống đối các điều luật của Giáo Hội một cách chủ quan, thì người ta sẽ khó tránh được tình trạng tâm lý bị dồn ép trước sự bất toàn của mình, vì bản chất con người vốn bất toàn và hay sa phạm các thứ tội (x. 1Ga 1,8).

Đây cũng là xu hướng của một số người, nhất là những người thuộc thế hệ trẻ, đã từng làm bùng nổ vào thập niên 80 của thế kỷ vừa qua một phong trào nông nổi và quá khích với khẩu hiệu chứa đầy tính chất chống đối: „Tin Mừng, chứ không phải là Tin Buồn“ hay: „Tin Lành, chứ không phải Tin Dữ“. Điểm đặc biệt là những thành phần này không muốn nhắc đến các từ ngữ hay các ý niệm thuộc luân lý, như „tội lỗi“, „Hỏa ngục“, „án phạt của Thiên Chúa“, „ma quỷ“ hay sự báo oán và đền bù về các tội ác trong cuộc sống mai hậu, v.v…! Bởi vì những từ ngữ hay ý niệm đó luôn là dịp tốt làm vang vọng lên một cách rõ ràng và sống động tiếng nói của lương tâm, kèm theo sự cắn rứt và dằn vặt không nguôi, một điều mà họ rất sợ hãi và luôn tìm cách tránh né. Nhưng người ta cũng tự hỏi là những thành phần của phong trào kia đã trải nghiệm được thế nào về ý niệm „tin buồn“ hay „tin dữ“ mà họ nêu danh? Và tại sao?

Trong khi đó, ngược lại, những người tín hữu thường xuyên lãnh nhận Bí tích Hòa Giải hay xưng tội một cách sốt sắng, thì bình thường sẽ đạt tới được sự nhận thức cao và rõ ràng về chính mình và về tình trạng cuộc sống của mình, bởi vì những tín hữu ấy phát huy cho mình được khả năng biết cân nhắc và phán đoán một cách chính xác những cảm xúc, những tình cảm, những đam mê và các hành động của mình. Lương tâm những người ấy luôn nhạy cảm, sắc bén và sống động. Vâng, những người như thế thường có được khả năng suy tư đúng đắn về những sinh hoạt của đời sống tình cảm của mình. Và nhờ thế, những người tín hữu ấy không hề hành động theo bản năng tự nhiên hay gán ghép các sai lỗi của mình cho định mệnh mù quang, nhưng họ luôn hành động với đầy đủ ý thức và luôn dựa theo sự phán đoán hợp lý của lý trí. Đây chính là điều dẫn tới sự tự ý thức lành mạnh về chính mình, vì đã được bám rễ sâu trong ý thức đầy đủ về thiên chức làm nghĩa tử Thiên Chúa của mình.

Và cuối cùng, từ đó sẽ nảy sinh ra lòng tri ân cảm tạ sâu xa đối với một Thiên Chúa luôn đầy khoan dung và nhân từ, Đấng đã tha thứ mọi tội lỗi của con người. Tiếp đến, những con người như thế cũng biết thông cảm và tha thứ cho người khác cũng như cho chính mình, và qua đó họ càng sống lạc quan, tin tưởng và vui tươi phấn khởi hơn, dù cho họ có phải sống trong hoàn cảnh nào đi nữa, hay nói rõ hơn, dù cho họ có phải đối mặt với những điều tích cực hay tiêu cực xảy ra trong cuộc sống.
 
Giáo Hội với vấn đề Di Dân
FX. Trần Kim Ngọc, OP.
07:58 05/10/2010
Giáo Hội Với Vấn Đề Di Dân

Dẫn nhập

Chúng ta đang sống trong một xã hội có nhiều biến đổi và biến đổi không ngừng. Những biến đổi đó làm cho con người phải thích nghi liên tục, tạo nên một làn sóng di chuyển rộng lớn. Mục vụ di dân tại Việt Nam là một điều rất mới mẻ và lạ lẫm đối với nhiều người và thậm chí là đối với nhiều vị mục tử. Di dân không đơn thuần là chuyện của một người, một giáo xứ hay một giáo phận; di dân là chuyện toàn cầu, là chuyện của toàn xã hội, là chuyện của toàn Giáo hội và là chuyện liên quan đến nhiều lãnh vực của cuộc sống. Trong bối cảnh toàn cầu hoá này, người làm mục vụ không thể không biết đến hiện tượng di dân. Trong bài viết này, người viết thử nêu lên đôi nét tổng quát trong giáo huấn của Giáo hội về mục vụ di dân dưới nhiều khía cạnh khác nhau; nhờ đó, công việc mục vụ của mỗi người sẽ thêm phong phú và tốt đẹp hơn.

1. Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân

Theo Huấn thị Erga Migrantes Caritas Christi - Tình yêu Đức Kitô dành cho Di dân - của Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân, hiện tượng di dân nêu lên những khía cạnh như sau:

1.1. Dấu chỉ thời đại

Di dân là một hiện tượng mang tính toàn cầu và phức tạp; là một hiện tượng đặt ra cho Giáo hội những trách nhiệm và bổn phận cần phải hành động cho lợi ích của các linh hồn. Hiện tượng di dân sẽ là một cơ hội tốt hay là một dấu chỉ thời đại nếu Giáo hội nắm bắt và thích ứng kịp thời những đòi hỏi của hiện tượng này; nếu không thì đó là một thách đố cho Giáo hội. “Như thế chúng ta có thể coi hiện tượng di dân hiện nay là một ‘dấu chỉ thời đại’ đầy ý nghĩa, là một thách đố cần khám phá và sử dụng trong công tác canh tân nhân loại và loan báo tin mừng bình an.”(1) “Qua di dân đức tin lại tái khám phá sứ điệp phổ quát của các tiên tri khi các ngài tố cáo kỳ thị, áp bức, lưu đày, phân tán và bắt bớ như chống lại kế hoạch của Thiên Chúa.”(2)

1.2. Thách đố

Huấn thị nêu lên tinh thần của Gaudium et Spes của Vatican II là: vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người hôm nay cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của người môn đệ theo Đức Kitô;(3) không nắm bắt cơ hội về hiện tượng di dân thì đó là một thách đố đặt ra cho Giáo hội nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến đời sống luân lý, đức tin và truyền giáo. “Hoàn cảnh của di dân thách đố niềm tin và đức ái của các tín hữu.”(4) Không dễ dàng để giải quyết những vấn đề do di dân đặt ra: “Thách đố chúng ta phải đương đầu trong vấn đề di dân ngày nay thật không dễ dàng vì nó liên quan tới quá nhiều lãnh vực: kinh tế, xã hội, chính trị, ý tế, văn hoá và an ninh. Mọi Kitô hữu đều phải chấp nhận giáp mặt thách đố này. Đây không chỉ đơn thuần là công việc của thiện chí, hay dành cho một ít người có đặc sủng riêng.”(5)

1.3. Truyền giáo

Hiện tượng di dân xảy ra ồ ạt và mang tính toàn cầu; do đó, truyền giáo ngày hôm nay mang một sắc thái mới, đó là “sắc thái di dân”. Trong thời Giáo hội sơ khai, nhóm Do thái kiều ly tán đã góp phần vào việc truyền giáo rất nhiều, họ đi đâu là mang Tin Mừng tới đó.(6) “Nhiệm vụ truyền giáo/đối thoại thuộc về hết mọi phần tử của Nhiệm thể. Người di dân cũng phải thi hành nhiệm vụ ấy trong sứ vụ tam diện của Đức Kitô Ngôn sứ, Linh mục và Vương đế. Do đó cần xây dựng Giáo hội và làm cho Giáo hội được lớn lên trong và với di dân, hầu cùng nhau tái khám phá và tỏ hiện các giá trị Kitô hữu, đồng thời hình thành một cộng đoàn bí tích chân chính của đức tin, phụng vụ, đức ái và hy vọng.”(7)

1.4. Ưu tư của Giáo hội

Giáo hội rất quan tâm đến di dân là những người chịu nhiều thiệt thòi về nhiều mặt như xã hội, gia đình, tâm lý... và tôn giáo. Giáo hội qua Huấn thị này mời gọi các thành phần Dân Chúa dấn thân làm việc mục vụ cho người di dân: “Vì thế toàn thể Hội Thánh trong quốc gia chủ nhà cần cảm thấy mình thật sự quan tâm và nhập cuộc để lo cho di dân. Điều đó có nghĩa là các Giáo hội địa phương phải xét lại mục vụ chăm sóc, lên chương trình thế nào để giúp các tín hữu sống đức tin cách chân chính trong bối cảnh mới, đa văn hoá và đa tôn giáo ngày nay.”(8)

2. Các Đức giáo hoàng

2.1. Đức Phaolô VI

Đức Phaolô VI qua hai văn kiện là Tự sắc Pastoralis Migratorum Cura (Ban hành 1969) và Huấn thị De Pastorali Migratorum Cura, đã đề cập tới trách nhiệm và đường hướng mục vụ di dân.

2.2. Đức Gioan Phaolô II

Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, thông qua các sứ điệp Ngày Quốc tế Di dân và Di cư, nói nhiều đến các quyền lợi và những mối liên quan đến người di dân.

2.3. Đức Benedictô XVI

Tiếp bước các vị tiền nhiệm, Đức Benedictô XVI cũng rất quan tâm đến những người di dân và hoàn cảnh sống của họ. Ngài mời gọi người Kitô hữu niềm nở đón nhận anh chị em di dân như chính Đức Kitô. Đức Kitô xưa kia, hơn ai hết, cũng là một người di dân khi mới lọt lòng mẹ. Ngài cũng mang trong mình thân phận nay đây mai đó như “con chồn không có hàng, chim trời không có tổ”.

“Cha hướng đặc biệt tới các giáo xứ và các hiệp hội Công giáo đầy lòng tin tưởng và yêu mến, đang bỏ rất nhiều công sức để đáp ứng các nhu cầu của anh chị em của chúng ta. Đang lúc Cha bầy tỏ lòng biết ơn với tất cả mọi người đã làm các việc này với lòng quảng đại lớn lao, Cha muốn mời mọi Kitô hữu hãy nhạy bén với những thách đố về mục vụ và xã hội phát sinh ra trong hoàn cảnh người di dân và tị nạn vị thành niên.

Lời của Chúa Giêsu luôn vang vọng trong con tim của chúng ta: “Ta là khách lạ, các ngươi đã đón tiếp” (Mt 25,35), cũng giống như lệnh truyền trọng tâm mà Ngài đã để lại: Chúng ta hãy yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết sức, và hãy liên kết tình yêu này với tình yêu thương đồng loại (x. Mt 22,37-39).

Điều này phải giúp chúng ta nhận ra là bất kỳ một sự can thiệp cụ thể nào chúng ta làm cũng cần được nuôi dưỡng trước tiên bởi đức tin, trong tác động của ân sủng và sự quan phòng của Chúa. Sống như thế, lòng hiếu khách và sự liên đới với những anh chị em xa lạ, nhất là với các trẻ em, trở thành sự công bố Tin Mừng về tình liên đới. Giáo hội loan báo điều này khi Giáo hội mở rộng vòng tay và tranh đấu để quyền lợi của người di dân và tị nạn được trân trọng, để thôi thúc các nhà lãnh đạo các quốc gia, và những người có trách nhiệm trong các tổ chức và cơ chế quốc tế nhằm cổ võ những đề xuất thích đáng nâng đỡ người di dân.”(9)

Tất cả mối ưu tư mục vụ của Giáo hội đều nhắm tới mỗi người và mọi người đang trên đường lữ khách. Giáo huấn của Giáo hội đều nhắm tới con người là trọng tâm trong sứ mạng của Giáo hội. “Những tuyên bố mới gần đây nhất của Giáo hoàng cũng đã nhấn mạnh và mở rộng thêm tầm nhìn cũng như nhãn quan mục vụ về di dân, phù hợp với định hướng: con người là con đường của Hội thánh.”(10)

3. Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu

Châu Á là một châu lục với nhiều tôn giáo lớn và cổ kính, tại lục địa này rất nhiều người phải sống kiếp tha hương cầu thực. Cái nghèo và cái khổ, cái lầm lũi và cái long đong đang đeo đuổi rất nhiều người tại châu lục đông dân số nhất thế giới này. Làm sao Giáo hội có thể làm ngơ trước bao nhiêu thân phận của người Á Châu đang chịu cảnh đòi nghèo và dốt nát? Các nghị phụ Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã vạch ra những mặt tích và tiêu cực đối với hiện tượng di dân.

“Các Nghị Phụ Thượng hội đồng nói về những thay đổi nhanh chóng xảy ra trong các xã hội Á Châu và nói về những khía cạnh tích cực và tiêu cực do những thay đổi đó mang lại. Trong số đó có hiện tượng đô thị hoá và sự xuất hiện những khối đô thị khổng lồ, thường có những khu vực rộng lớn gây ngã lòng, nơi mà các tội ác có tổ chức, khủng bố, mại dâm và sự bóc lột những phần tử yếu kém hơn trong xã hội đang lớn mạnh. Việc di dân cũng là hiện tượng lớn xã hội, đặt hàng triệu người vào những hoàn cảnh khó khăn về mặt kinh tế, văn hoá và luân lý. Dân chúng di cư nội trong khu vực Á Châu và từ Á Châu đến các lục địa khác vì nhiều lý do, chẳng hạn nghèo đói, chiến tranh và xung đột sắc tộc, sự chối bỏ nhân quyền và những quyền tự do cơ bản. Việc thiết lập những liên hiệp công nghiệp khổng lồ là một lý do nữa của sự di dân nội và ngoại, kèm theo những hậu quả tàn phá đời sống và các giá trị của gia đình.”(11)

4. Công đồng Vatican II

4.1. Di dân – một hiện tượng quan trọng

Ngày hôm nay hơn bao giờ hết, hiện tượng di dân đang đặt ra nhiều thách đố cho xã hội cũng như Giáo hội.

“Các cộng đoàn cổ truyền địa phương, như gia tộc, "thị tộc", bộ lạc, xóm làng, các tập thể khác và các liên hệ trong cộng đoàn xã hội đều thay đổi mỗi ngày mỗi sâu xa hơn.

Tổ chức xã hội theo khuôn mẫu kỹ nghệ dần dần bành trướng, đưa một số quốc gia tới mức thịnh vượng kinh tế và thay đổi tận gốc rễ những quan niệm và hoàn cảnh đời sống xã hội đã cố định từ lâu đời. Sự ham chuộng theo đuổi đời sống thị thành cũng gia tăng, vì các thành phố càng ngày càng mọc lên nhiều, dân cư càng ngày càng đông, và vì cách sống thị thành đang lan rộng tới cả thôn quê (...)

Một hiện tượng không kém quan trọng khác: biết bao người bởi nhiều lý do phải di cư, và vì di cư đã thay đổi cả cách sống.”(12)

4.2. Cần đảm bảo cuộc sống cho người di dân

Thành phần di dân đóng góp vào việc phát triển cho xã hội tại địa phương rất nhiều, nhưng họ lại không được hưởng những thành quả do công mình làm ra cho xứng đáng. Công đồng mời gọi xã hội dân sự đảm bảo công bằng cho người di dân. Đó không những là một đòi hỏi cần thiết, nhưng đó là một phận vụ công bằng của xã hội dân sự.

“Sự di chuyển là điều cần thiết đối với nền kinh tế đang phát triển, tuy nhiên, sự công bằng và quân bình đòi hỏi phải tổ chức sự di chuyển ấy thế nào để đời sống cá nhân cũng như gia đình không bị xáo trộn và bấp bênh. Những công nhân từ một quốc gia hay một miền khác đến, cũng là những người góp công vào việc phát triển kinh tế của một nước hay một miền, nên cần phải cố gắng tránh mọi dị biệt về điều kiện lương bổng và việc làm. Hơn nữa, mọi người, nhất là chính quyền, phải coi họ như những nhân vị, chứ không phải chỉ như những công cụ sản xuất; phải giúp đỡ để họ có thể đưa gia đình đến và có thể kiếm được một nơi nương thân đàng hoàng; cũng phải cho phép họ dễ dàng gia nhập đời sống xã hội của quốc gia hay miền đất nào đón tiếp họ. Tuy nhiên, nếu có thể, nên tạo cho họ có công ăn việc làm ngay tại nguyên quán của họ.”(13)

4.3. Di dân góp phần vào công cuộc truyền giáo

“Để đáp ứng những nhu cầu nơi thành thị cũng như ở thôn quê, họ không chỉ hạn hẹp sự cộng tác của mình trong giới hạn giáo xứ hay giáo phận nhưng họ cố gắng mở rộng phạm vi tới cả các lãnh vực liên xứ, liên giáo phận, quốc gia hay quốc tế. Hơn nữa, việc di dân mỗi ngày một nhiều, những mối tương giao gia tăng, và việc giao thông dễ dàng đã không để một thành phần xã hội nào sống đóng kín cho riêng mình. Vì thế người giáo dân phải quan tâm đến những nhu cầu của dân Thiên Chúa ở rải rác trên khắp địa cầu. Nhất là họ phải coi những công cuộc truyền giáo như việc của chính mình, bằng cách đóng góp về vật chất hay về cả nhân sự. Vì chưng nhiệm vụ và vinh dự của người Kitô hữu là trả lại cho Thiên Chúa phần của họ đã nhận nơi Ngài.”(14)

4.4. Nhận thức những tác động của hiện tượng di dân

Hiện tượng di dân tác động rất nhiều lên đời sống xã hội. Công đồng mời gọi ý thức tầm quan trọng của hiện tượng này. Công đồng cũng đặc biệt kêu gọi các Kitô hữu ý thức về hiện tượng di dân và nhận ra các tác động của nó lên đời sống con người.(15)

4.5. Quyền và phẩm giá của người di dân

Di dân cũng là con người như ai khác, vì thế họ cũng có các quyền lợi và phẩm giá. Ngày nay, giới di dân bị thua thiệt nhiều điều. Họ là người dễ bị bỏ quên. Họ là những người dễ bị tổn thương. Họ là những người bị khinh mệt nhiều. Công đồng khẳng định các quyền và phẩm giá của người di dân.(16)

4.6. Điều tiết dòng chảy di dân

Hiện tượng di dân đang là vấn đề nóng của xã hội thời đại thông tin và toàn cầu hoá. Hiện tượng di dân hầu như xảy ra khắp nơi. Xã hội nếu không điều tiết nổi dòng chảy của hiện tượng này thì sự phát triển bền vững và ổn định chắc chắn sẽ khó mà đạt được. Công đồng nhìn nhận những quyền hạn của công quyền trong việc điều chỉnh dòng chảy di dân. Công đồng đánh giá cao quyền hạn của công quyền trong việc điều tiết dòng chảy di dân để đảm bảo sự ổn định của cộng đồng quốc gia cũng như quốc tế, của cá nhân cũng như tập thể.(17)

4.7. Cột mốc quan trọng cho mục vụ di dân

Sau chiến tranh thế giới II, trật tự thế giới được sắp xếp lại. Cuộc sống của con người xem ra dễ thở hơn, người ta có thể dễ dàng di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Hơn nữa, khoa học kỹ thuật phát triển làm cho công việc đi lại của con người cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn. Với bối cảnh xã hội như thế, Giáo hội qua Công đồng Vatican II đã sớm nắm bắt được nhịp thay đổi của xã hội con người. “Như thế Công đồng Vatican II đã là một cột mốc đáng nhớ của mục vụ chăm sóc di dân và người lữ hành, khi nêu lên ý nghĩa quan trọng đặc biệt của tính di chuyển và công giáo, của các Giáo hội địa phương, nhận thức về giáo xứ, và nhãn quan Hội thánh như mầu nhiệm hiệp thông.”(18)

5. Giáo Luật (GL)

5.1. Di dân là đối tượng chăm sóc của cha xứ

Bộ giáo luật khẳng định và thể hiện mong muốn của Công đồng khi buộc các linh mục quản xứ phải đặc biệt quan tâm tới những người sống xa quê hương.(19)

5.2. Một chọn lựa cần được ưu tiên

Giáo hội mong muốn và đòi hỏi có những chăm sóc cho người di dân.(20)

5.3. Cần có mục vụ chuyên biệt cho di dân

Giáo luật cũng tiên liệu thiết lập những tổ chức mục vụ chuyên biệt cho người di dân.(21)

6. Giáo hội tại Việt Nam với Mục vụ Di dân

6.1. Đề cương chuẩn bị Năm Thánh 2010

6.1.1. Một bận tâm trong dịp đặc biệt

Giáo hội tại Việt Nam đang đối diện với một hiện tượng vừa mới mẻ, vừa phức tạp và cũng vừa đa dạng. Di dân không đơn thuần là chuyện đi lại, công ăn việc làm hay nhà ở nhưng còn liên quan đến nhiều khía cạnh khác của cuộc sống con người.

“Đất nước cũng đang chứng kiến sự bùng phát về di dân. Vì gặp thiên tai bão lụt thường xuyên, vì không có việc làm và sinh sống khó khăn, nên nhiều người trẻ từ nông thôn đổ xô vào các thành phố lớn để kiếm kế sinh nhai. Làn sóng di dân làm thay đổi nhanh chóng khung cảnh sinh hoạt xã hội. Không những thế, môi trường sống cũng bắt đầu phát sinh những vấn đề không nhỏ. Các đô thị trở nên quá tải đến độ nghẹt thở; nhiều băng đảng nảy sinh từ tình trạng hỗn độn không được dự phòng và không sao kiểm soát. Đất nước mở ngỏ có thể trở thành miếng mồi ngon cho buôn bán ma túy, trẻ em và phụ nữ. Nếp sống buông thả dường như có khuynh hướng gia tăng. Bạo lực cũng xảy ra thường hơn nơi những nhóm vị thành niên. Tệ nạn xã hội cũng như “du lịch tình dục” đang làm mất đi hình ảnh một xã hội Việt Nam trong sáng đã từng là niềm tự hào của cả dân tộc. Vì thế, cùng với toàn cầu hoá kinh tế, còn có thể nói tới một thứ toàn cầu hoá tội phạm, và Giáo hội chắc chắn phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề đạo đức và luân lý trong tiến trình toàn cầu hoá.”(22)

6.1.2. Hiện tượng di dân làm thay đổi xã hội và Giáo hội

“Làn sóng di dân tại Việt Nam, trong nước cũng như ngoài nước, đang làm thay đổi bộ mặt đất nước, tại cả nơi đi lẫn nơi đến. Một đàng chính những biến động xã hội đã tạo nên làn sóng di dân từ nông thôn lên thành thị hoặc đi lao động tại nước ngoài; đàng khác, tình trạng di dân lại tạo nên nhiều phức tạp về môi trường, xã hội, văn hoá. Dù thế nào chăng nữa, trong tiến trình hội nhập, anh chị em di dân luôn chịu nhiều áp lực về tâm lý, tình cảm, kinh tế, xã hội và cả trong đời sống luân lý đức tin. Họ thật sự cần đến tình thương hiền mẫu của Giáo hội. Để làm dịu đi những cơ cực của họ và để giúp họ sớm hội nhập vào xã hội cũng như cộng đoàn Giáo hội địa phương, Hội đồng Giám mục Việt Nam nên đi đến sự thống nhất về một số nguyên tắc và tiêu chuẩn trong phương sách mục vụ, nhất là mục vụ hôn nhân và dự tòng. Đồng thời các Giáo hội địa phương tiếp nhận anh chị em di dân cũng cần đề ra một kế hoạch để hội nhập họ vào trong sinh hoạt đức tin. Nhờ đó, họ cảm nghiệm thật sự Giáo hội là mầu nhiệm hiệp thông, là mẹ hiền nâng đỡ, yêu thương và là vị thầy hướng dẫn khôn ngoan.”(23)

6.1.3. Di dân – một cơ hội loan báo Tin Mừng

Công cuộc loan báo Tin Mừng ngày hôm nay đang đòi hỏi nhiều nỗ lực của người tín hữu trong bối cảnh đa phức của hiện tượng di dân. Di dân là một thách đố lớn, nhưng đồng thời cũng là một cơ hội. Giáo hội khi gặp bắt bớ, các tín hữu bị phân tán khắp nơi, khi họ tới đâu là mang Tin Mừng tới đó. Trong cái nhìn đức tin, di dân là một hồng ân Thiên Chúa ban để Giáo hội có thể mang sứ điệp cứu độ ra khỏi miền đất có truyền thống đức tin lâu đời đến nơi xa khác. “Lịch sử làm chứng rằng việc di dân cũng mang theo nhiều cơ hội cho việc loan báo Tin Mừng. Được chuẩn bị cách thích đáng, chính anh chị em di dân trở thành những nhà truyền giáo tại nơi họ đến và làm cho cộng đoàn Giáo hội đón tiếp có khuôn mặt mới mẻ hơn. Vì thế, chăm sóc mục vụ cho anh chị em di dân là trách vụ gắn liền với sứ mạng truyền giáo, và cần được lưu tâm đặc biệt trong bối cảnh ngày nay.”(24)

6.2. Hội nghị Toàn quốc về Mục vụ Di dân 08-09/01/2010

Dưới đây là bản đúc kết các ý kiến của Hội nghị Toàn quốc về Mục vụ Di dân diễn ra trong hai ngày 08-09/01/2010 tại Học Viện Phan Sinh - Q.9 - TP.HCM do Uỷ ban Mục vụ Di dân thuộc HĐGMVN tổ chức:

2.2.1. Về hội nghị: nhiều người tỏ ra ngạc nhiên, phấn khởi, vui mừng vì hội nghị được triệu tập. Có rất nhiều kỳ vọng nhiều vào kết quả hội nghị. Có nhiều ý kiến mong được triển khai sau Hội nghị, chẳng hạn như nên tổ chức hội nghị thường xuyên hơn, có thể là hàng năm hay ít là 02 năm một lần.

2.2.2. Mục vụ di dân trong tình hình hiện nay là quá cần thiết và cấp bách. Phải làm ngay không thể chần chừ, vì lợi ích các linh hồn.

2.2.3. Mong UBMVDD/HĐGMVN sớm ra những hướng dẫn cụ thể để ứng dụng toàn quốc, cần tạo thông tin liên lạc tốt hơn.

2.2.4. Mọi người đều nhận ra Giáo hội phải quan tâm tới lãnh vực mục vụ di dân vì chính bản chất mục tử và truyền giáo của mình. Tầm cỡ và sự quan trọng của hiện tượng di dân tại Việt Nam và trên thế giới là điều không thể chối cãi. Có điều ý thức thì lại chưa đồng bộ.

2.2.5. Lý do cần có sự cộng tác chăt chẽ giữa các Giáo hội xuất phát và Giáo hội tiếp nhận là quá rõ: chính vì lợi ích thiêng liêng của người di dân. Một nơi đã quen biết họ, nhất là trong các biểu hiện cuộc sống đức tin, nơi kia đang phải nâng đỡ đức tin của họ gặp hiểm nghèo.

2.2.6. Có sự khác biệt sâu sắc về mục vụ di dân giữa nơi xuất phát và nơi tiếp nhận.

* Nơi xuất phát phải giúp di dân chuẩn bị đối phó với tình thế sống đạo mới. Chăm sóc những người ở lại cách đặc biệt vì nhiều khó khăn tinh thần có thể xảy ra. Tiếp nhận và thông cảm với họ khi trở về. Giúp họ tái hội nhập.

* Nơi tiếp nhận: rộng lượng tiếp nhận và nâng đỡ họ về mọi mặt. Giúp họ hội nhập. Tạo cho họ có dịp phát huy truyền thống đức tin của họ.

2.2.7. Trong tình hình hiện nay của Giáo hội Việt Nam các vấn đề cấp thiết nhất của mục vụ di dân là:

* Thoát khỏi não trạng cục bộ trong mục vụ. Cần thông tin và liên kết.

* Các chủ chăn cấp giáo phận và giáo xứ cần nắm bắt tình hình qua hiểu biết tình hình và thống kê chính xác.

* Cụ thể cần sớm có một ‘Cẩm nang Mục vụ Di dân’ áp dụng trên toàn quốc được mọi giáo phận chấp nhận. Cẩm nang chứa đựng các nét chính về giáo lý di dân, các qui định về mục vụ và quản lý di dân, các hướng dẫn thống nhất về cử hành bí tích, đặc biệt là hôn phối…

* Cũng cần sớm thiết lập ‘văn phòng’ hoặc ‘ủy ban’ di dân cấp giáo phận hoặc giáo xứ có đông di dân.

* Cũng cần sớm thực hiện việc cấp thẻ di dân là phương tiện quản lý và theo dõi rất hữu hiệu. Cũng cần thống nhất các thủ tục giấy tờ.

2.2.8. Công tác gây nhận thức về tầm quan trọng của mục vụ di dân là rất lớn: bắt đầu từ các cấp lãnh đạo là các giám mục, bề trên dòng và các linh mục quản xứ. Các khóa đào tạo về mục vụ di dân là rất cấp thiết, cần dành ưu tiên, đặc biệt là các chủng sinh và các tu sĩ trẻ. Cần sớm phổ biến các kế hoạch mục vụ di dân tới các cấp Cộng đoàn Dân Chúa.

2.2.9. Nên soạn một cuốn giáo lý thích hợp hơn cho di dân trong đó các khía cạnh tông đồ, truyền giáo, hội nhập văn hóa và đối thoại liên tôn cũng được đề cập tới.(25)

Tạm kết

Giáo hội lấy con người là con đường phải đi qua. Tất cả mọi nỗ lực của Giáo hội là vì con người. Con người là trung tâm của mọi ưu tư và mục vụ của Giáo hội. Giáo hội hoàn vũ đã có đường hướng mục vụ cụ thể cho người di dân. “Không chỉ những qui định của giáo luật, mà nếu học hỏi cách nghiêm túc các tài liệu và hướng dẫn về di dân đã được Giáo hội ban hành cho đến nay, ta sẽ thấy sáng tỏ những khám phá thần học và mục vụ quan trọng tới nay đã đạt được. Đó là: vị trí trung tâm của con người và việc bảo vệ quyền của người di dân, bất luận nam nữ, và con cái họ; chiều kích Giáo hội và truyền giáo của di dân; giá trị của việc tông đồ giáo dân; giá trị của văn hoá trong công tác phúc âm hoá; bảo vệ và tôn trọng của việc đối thoại trong và ngoài Giáo hội; đóng góp độc đáo của di dân cho nền hoà bình thế giới. Các tài liệu này cũng nói lên chiều kích mục vụ trong công tác phục vụ di dân.”(26)

Còn Giáo hội tại Việt Nam thì sao? Giáo hội tại Việt Nam trong những năm qua đã nỗ lực rất nhiều trong vấn đề chăm sóc mục vụ cho người di dân. Nhưng những cố gắng đó chỉ là bước khởi đầu dò dẫm tìm tòi, chưa đi tới đâu cả, khả năng đáp ứng so với nhu câu thực tế đang còn rất khiêm tốn. Giáo hội phải làm thế nào để nắm bắt được nhịp thay đổi của xã hội ngõ hầu thích nghi với công việc mục vụ trong hoàn cảnh mới? Giáo hội tại Việt Nam đã có những thống kê về khả năng chăm sóc mục vụ cho người di dân chưa? Bao nhiêu người Công Giáo phải rời bỏ quê hương để đi tìm kiếm việc làm hay học tập? Họ rời quê nhà, ai sẽ lo cho đời sống đức tin của họ? Có bao nhiêu người, vì phải sống cảnh nay đây mai đó, đã đánh mất đức tin? Những người trẻ Công Giáo khi sống trong một môi trường phức tạp và đầy cạm bẫy, có bao nhiêu người sống trong tình trạng rối hay sống thử? Các vị mục tử có quan tâm đủ đến các con chiên xa đàn của mình không? Giáo hội gốc đã chuẩn bị gì cho con chiên của mình trước khi họ rời quê đi xa? Giáo hội tiếp nhận đã sẵn sàng đón tiếp người di dân với lòng trắc ẩn của Đức Giêsu trước cảnh dân chúng lầm than không người chăn dắt?

Hiện tượng di dân là một vấn đề rất quan trọng, nhưng trong thực tế thì rất nhiều người trong Giáo hội tại Việt Nam lại chưa quan tâm đúng mức, thậm chí có nhiều vị mục tử coi chuyện di dân như là chuyện tốn công phí thời gian, là chuyện của người ta chứ không phải là chuyện của mình! Năm Thánh 2010 là dịp để đưa vấn đề di dân lên đúng tầm mức của nó, qua đó, mỗi người sẽ nhận ra được những tác động của hiện tượng đa phức này. Xin mượn lời của một tham dự viên Đại Hội Toàn Quốc về Mục Vụ Di Dân để nói thay cho những ưu tư và thao thức của người viết: “Giáo hội nói chung và mỗi Giáo hội địa phương nói riêng (Giáo hội gốc, nơi người di dân xuất phát lẫn Giáo hội nơi tiếp nhận), qua huấn thị Erga Migrantes, đều được mời gọi cảm thấy có liên quan tới và phải dấn thân cho di dân, và giúp mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo hội nhận ra tính phức tạp của vấn đề di dân, và chống lại các ngờ vực vô căn cớ cũng như những thành kiến chống lại các ngoại kiều. Chúng ta không thể đáp ứng lại lời mời gọi này, nếu không cùng một thao thức quan tâm với Giáo hội, không cùng một nhịp đập với “con tim chạnh lòng thương của Chúa” nơi các Đấng thay mặt Chúa đã góp phần tạo ra Huấn thị Erga Migrantes Caritas Christi - Tình Yêu Đức Kitô dành cho Di dân. (27)

-------------------------------

Chú thích

(1) Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân, Erga Migrantes Caritas Christi – Tình yêu Đức Kitô dành cho Di dân (Bản dịch Việt ngữ của Uỷ ban Mục vụ Di dân – Hội đồng Giám mục Việt Nam), số 14.

(2) Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân, Sđd, số 13.

(3) Xc. Vatican II, Gaudium et Spes, số 1.

(4) Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân, Sđd, số 12.

(5) Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân, Sđd, số 3.

(6) Xc. Cv.

(7) Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân, Sđd, số 38.

(8) Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân, Sđd, số 41.

(9) Đức Bênêđictô XVI, Sứ Điệp Nhân Tuần Lễ Di Dân và Tị Nạn: 3-10/01/2010. Truy cập ngày 03/09/2010; http://liendoanconggiao.net.

(10) Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân, Sđd, số 29.

(11) Đức Gioan Phaolô II, Giáo hội tại Á châu, số 7.

(12) Vatican II, Gaudium et Spes, số 6.

(13) Vatican II, Sđd, số 66.

(14) Vatican II, Tông đồ Giáo dân, số 11.

(15) Xc. Vatican II, Gaudium et Spes, số 65 và 66.

(16) Xc. Vatican II, Sđd, số 65 và 66.

(17) Xc. Vatican, Sđd, số 87.

(18) Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân, Erga Migrantes Caritas Christi – Tình yêu Đức Kitô dành cho Di dân (Bản dịch Việt ngữ của Uỷ ban Mục vụ Di dân – Hội đồng Giám mục Việt Nam), số 22.

(19) Bộ Giáo Luật 1983, 529 #1.

(20) Sđd, 568.

(21) Sđd, 294; xin coi thêm: Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, Giáo hội tại Mỹ Châu, số 65; Giáo hội tại Âu Châu, số 103.

(22) Hội đồng Giám mục Việt Nam, Đề cương Giáo hội tại Việt Nam: Mầu nhiệm – Hiệp thông – Sứ vụ, Ban tổ chức Năm Thánh 2010, tháng 10/2008, số 4d.

(23) Hội đồng Giám mục Việt Nam, Sđd, số 43.

(24) Hội đồng Giám mục Việt Nam, Sđd, số 43.

(25) Uỷ ban Mục vụ Di dân trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, Tổng kết Hội nghị Toàn quốc về Mục vụ Di dân lần thứ nhất. Truy cập ngày 03/09/2010; http://www.mucvudidan.com.

(26) Hội đồng Giáo hoàng về Mục vụ Di dân, Sđd, số 27.

(27) Lm Giuse Nguyễn Hữu An, Hội nghị Toàn quốc về Di dân lần I. Truy cập ngày 03/10/2010; http://www.mucvudidan.com.
 
Đức Thánh Cha nói: “Đức tin vượt ra khỏi tầm với của nghệ thuật”.
Tiền Hô
10:47 05/10/2010
VATICAN (CatholicCulture 4/10/2010) - Sau một buổi hòa nhạc diễn ra tại Vatican vào tối hôm Thứ Sáu ngày 2 Tháng Mười, ĐGH Benedict XVI nhận xét rằng, nghệ thuật có thể hỗ trợ cho đức tin, nhưng đức tin lại vượt ra khỏi tầm với của nghệ thuật. Ngài nói, "Lời của đức tin cần có sự thinh lặng tuyệt vời ở trong thâm tâm, để lắng nghe và thực hành một tiếng gọi nằm ngoài thế giới hữu hình và hữu dạng".

"Đức tin theo gót tiếng gọi sâu thẳm này đến những nơi mà ngay cả nghệ thuật tự nó cũng chẳng thể đến được một mình". Khi đức tin dẫn đến hành động của đức mến - ngài nói, "thì cuộc sống tự nó sẽ trở thành một bài thánh ca".

ĐGH đã mô tả sự tương phản giữa nghệ thuật và đức tin như thế sau lời cám ơn gửi đến những người biểu diễn và nhà tài trợ cho buổi hòa nhạc. Buổi hòa nhạc này biểu diễn các tác phẩm nổi bật của Haydn và Mozart cùng với một phần dành riêng cho Thánh Cecila, quan thầy bảo trợ cho âm nhạc.

http://www.catholicculture.org/news/headlines/index.cfm?storyid=7803
 
Giáo Hội tại Đài Loan muốn chia sẻ “niềm vui và cả sự đau khổ” với nhập cư và người tị nạn.
Tiền Hô
10:51 05/10/2010
ĐÀI BẮC (Fides 2/10/2010) - "Bằng ngày Chúa Nhật dành cho người nhập cư và người tị nạn, Giáo Hội tại Đài Loan đã khẳng định và đảm bảo với người nhập cư rằng, Giáo Hội mong muốn được chia sẻ niềm vui lẫn sự đau khổ với họ".

Đức Cha Bosco Lin Chi Nan - Giám mục Giáo phận Đài Nam, kiêm Chủ tịch Ban Mục vụ cho người nhập cư và tị nạn của Hội đồng Giám mục Lãnh thổ Đài Loan, đã khẳng định sự ủng hộ và đoàn kết của Giáo Hội đối với người nhập cư trên hòn đảo.

Với chủ đề thông điệp mà ĐGH Benedict XVI gửi cho Ngày Thế giới Di Dân và Tị Nạn năm 2010 - “Những Trẻ Di Dân và Tị Nạn Vị Thành Niên” - Đức Giám mục Lin nhấn mạnh rằng, họ là những người mất khả năng tự vệ nhất trong xã hội dân sự.

Sau đó, ngài mời gọi tất cả mọi người: các cộng đoàn, nhà cầm quyền, các công ty, các tập đoàn và cá nhân của Đài Loan “hãy tôn trọng nhân quyền của người nhập cư, vì kể từ khi có họ, xã hội Đài Loan đã nhận được rất nhiều lợi ích". Cuối cùng, vị Giám mục Đài Nam kêu gọi tất cả mọi người làm theo lời dạy của của ĐGH trong thông điệp ngày Thế Giới Di Dân và Tị Nạn: "Cha tha thiết mong ước các trẻ di dân vị thành niên được quan tâm đến. Chúng là những thiếu niên cần có một môi trường xã hội chấp nhận và hỗ trợ để chúng có thể phát triển thể lý, văn hoá, tinh thần và đạo đức”.

Theo thông tin mà Fides nhận được thì hôm Chúa Nhật ngày 26 Tháng Chín vừa qua, tất cả các giáo xứ, các cộng đoàn giáo hội tại Đài Loan cùng với người nhập cư đã tổ chức “Ngày Chúa Nhật dành cho Người Nhập Cư và Người Tị Nạn” với các sáng kiến khác nhau. Khoảng 70% nguồn kinh phí thu được trong dịp này sẽ dùng để hỗ trợ các sáng kiến mục vụ cho người nhập cư, 30% còn lại được gửi đến cho Hội đồng Giám mục Lãnh thổ Đài Loan và cho quỹ của Cao Ủy Người Nhập Cư và Tị Nạn.

Từ năm 1997, Hội đồng Giám mục Lãnh Thổ Đài Loan đã chọn ngày Chúa Nhật cuối cùng của Tháng Chín hàng năm để dành riêng cho người nhập cư và người tị nạn. Năm nay, Giáo Hội địa phương đã kêu gọi mọi tín hữu rằng, "việc chăm sóc mục vụ cho người nhập cư là của chính mỗi anh chị em".

http://www.fides.org/aree/news/newsdet.php?idnews=27533&lan=eng
 
Giám đốc Phòng Báo Chí Toà Thánh nêu lập trường của Giáo Hội về hình phạt tử hình.
Tiền Hô
10:56 05/10/2010
RÔMA, 4 Tháng Mười, 2010 (Zenit) – “Tôi không muốn dành nó cho bất kỳ một ai” - Giám đốc phòng báo chí Tòa thánh Vatican nói rằng, ngài chống lại việc áp dụng án tử hình, và muốn hình phạt tử hình không còn tồn tại ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Đây là lời khẳng định của Cha Dòng Tên Federico Lombardi, khi ngài nêu quan điểm cá nhân cũng như sự phản đối của Giáo Hội về án phạt tử hình.

"Tôi không muốn nó có mặt ở Trung Quốc, hoặc ở Iran, hoặc Hoa Kỳ hay Ấn Độ, hoặc ở Indonesia hay ở Ả Rập Saudi - không nơi nào trên thế giới", ngài khẳng định như vậy trong chương trình gần đây nhất của Đài Truyền Hình Vatican mang tên "Octava Dies".

"Tôi không muốn điều đó xảy ra, bằng hình thức ném đá hay xử bắn, chém đầu hay treo cổ, ngồi ghế điện hay tiêm độc dược". Ngài nói tiếp, "Tôi không muốn dù nó đau đớn hay không đau đớn. Tôi không muốn dù nó công khai hay bí mật”.

"Tôi không muốn dành nó cho phụ nữ, hoặc nam giới; cho người khuyết tật hoặc cho người khỏe mạnh. Tôi không muốn dành nó cho thường dân hoặc quân nhân, tôi không muốn nó xảy ra trong hòa bình hay chiến tranh; tôi không muốn nó cho một người vô tội, nhưng tôi cũng không muốn nó cho tội phạm đã tự thú. Tôi không muốn nó cho người đồng tính, tôi không muốn nó cho người ngoại tình… Tôi không muốn dành nó cho bất kỳ một ai…”

"Tôi thậm chí cũng không muốn dành nó cho kẻ giết người, cho Mafia, cho kẻ phản bội hoặc cho bạo chúa", Cha Lombardi nói thêm.

"Tôi không muốn nó dù là trả thù, hay là để giải thoát khỏi bị quấy nhiễu và tù tội, thậm chí là để thương xót".

"Bởi vì tôi tìm kiếm một sự công bằng hơn nữa. Và thật là tốt khi đi trên đường hướng này để sự phê chuẩn và thuận tình của mọi người được tăng cao, nhân phẩm và sự sống con người - chúng ta không một ai quyết định được".

Vị phát ngôn viên Vatican lấy dẫn chứng Giáo Lý của Giáo Hội Công giáo để nói rằng, những trường hợp áp dụng hình phạt tử hình là để làm phương tiện bảo vệ cuộc sống loài người và trật tự công cộng. Nhưng ngài cũng nói, "[những trường hợp đó] đừng xảy ra thì vẫn tốt hơn."
 
Đức Thánh Cha khuyến khích truyền giáo ở khu vực Amazon
Tiền Hô
13:43 05/10/2010
RÔMA, ngày 5 Tháng Mười 2010 (CNA/EWTN) – Hôm Thứ Hai, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các vị giám mục đại diện cho hai khu vực phía bắc của Hội đồng Giám mục Quốc gia Brazil. Các vị giám mục này quản nhiệm trên lưu vực rộng lớn của Amazon, các ngài đang thực hiện chuyến "ad limina" định kỳ đến thăm mộ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô.

Đức Thánh Cha đã nói với các vị giám mục của Brazil rằng, lời mời gọi của sứ vụ truyền giáo là yếu tố cơ bản trong ơn gọi của tất cả những ai đã lãnh nhận phép rửa. Tập trung vào "trung tâm" là Bí Tích Thánh Thể, ngài nói, nhiệm vụ của người Kitô hữu là giới thiệu thông điệp của Tin Mừng và đảm bảo nó tiếp cận đến với mọi người.

Đức Thánh Cha Benedict XVI đã ca ngợi và khuyến khích các vị giám mục trong công việc truyền giáo ở khu vực rộng lớn này, ngài nói đừng bao giờ "áp đặt" Lời Chúa cho người dân, nhưng luôn luôn "giới thiệu" trong "sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo của họ". Trích dẫn lời giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong bối cảnh này, ngài nói, hãy coi đó như là "đường hướng mời gọi một cách tôn trọng của Chúa Kitô và Vương quốc của Người" hơn là một “quyền lực” hay một “nghĩa vụ" của truyền giáo. Ngoài ra ngài nói, hãy để người ta có quyền đón nhận sứ điệp của Tin Mừng cứu độ.

Truyền giáo là một phần cơ bản trong sứ vụ Kitô giáo, Đức Thánh Cha nhắc nhở các vị giám mục như thế, nhưng ngài nói thêm rằng: lời mời gọi cho sứ vụ này "không chỉ dành riêng cho một nhóm thành viên giới hạn nào của Giáo Hội, đúng hơn, nó gửi đến tất cả những ai đã chịu phép rửa, vì đó là một yếu tố thiết yếu trong ơn gọi của họ".

Trong khi những thách thức thời hiện đại có thể dẫn đến một cái nhìn quá đơn giản cho sứ vụ này, Đức Thánh Cha lưu ý rằng, "đừng nên chỉ cố đi tìm kiếm những phương thức mới mẻ để làm cho Giáo hội được thu hút hơn và có khả năng đối phó với những cạnh tranh của các nhóm tôn giáo hay ý thức hệ theo thuyết tương đối". Quan điểm này, Đức Thánh Cha cũng đã trả lời các câu hỏi của ký giả trên chuyến bay đến Anh Quốc hôm 16 Tháng Chín. Ngài nói rằng, giáo hội nào đang tìm kiếm sự thu hút là đang đi vào "con đường sai lầm", bởi vì công nghiệp của Giáo Hội là để phục vụ "Người khác" chứ không phải bản thân mình. Giáo hội theo đuổi việc làm cho mình “phản ảnh về Chúa Giêsu Kitô".

Lặp đi lặp lại điều cốt lõi trong thông điệp đó với các vị giám mục Brazil, ngài nhấn mạnh rằng, Giáo Hội "phục vụ Chúa Giêsu Kitô và tồn tại để đảm bảo Tin Mừng có thể ngự đến tất cả mọi người”.

Ngài nói, “Giáo Hội mang đặc tính "công giáo”, đúng vậy, bởi vì Giáo Hội mời gọi tất cả mọi người trải nghiệm cuộc sống mới trong Chúa Kitô. Sau đó, một sứ mệnh không kém tầm quan trọng trong bản chất tự nhiên của Giáo Hội, đó là phục vụ hiệp nhất trong thân xác bị đóng đinh của Chúa theo ý Người muốn".

Đức Thánh Cha nhắc nhở các vị giám mục rằng, điều trọng yếu của sứ vụ chính là Thân Thể Chúa Kitô, "để thực sự hiệu quả, sứ vụ của châu lục là phải bắt đầu với Bí Tích Thánh Thể và dẫn đưa đến Bí Tích Thánh Thể."
 
Thông Tin Báo Chí của Đạo Công Giáo nay được nhìn nhận là cần thiết hơn mọi lúc
Dominic David Trần
14:57 05/10/2010
Thông Tin Báo Chí của Đạo Công Giáo nay được nhìn nhận là cần thiết hơn mọi lúc. Vì tương lai của Truyền Thông Công Giáo sẽ lệ thuộc vào sự thành tín.

Điện VATICAN ngày 04/10/2010 theo bản tin của TTX Công Giáo toàn cầu Zenith, Đức TGM Claudio Celli, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội đã tuyên bố như trên trong bài phát biểu khai mạc Hội Nghị Báo Chí Công Giáo Tòan cầu. Đức TGM Claudio khẳng định rằng;

" Tương lai của Hệ thống Thông Tin Báo chí Công Giáo Toàn cầu sẽ ra sao tại đỉnh cao của cuộc Cách mạng về Thông Tin Điện Tử Kỹ thuật Số hiện đang làm phá sản biết bao nhiêu nhật báo và đặc san in bằng giấy?" Theo ĐTGM Chủ Tịch thì tương lai đó sẽ tùy thuộc vào năng lực của Giới Thông Tin Báo Chí Công Giáo và sự trung thành với sứ mạng của chính nó."

Đức TGM Claudio Celli cũng nói thêm rằng; "Các vụ khủng hoảng bởi truyền thông báo chí và tai tiếng mà Giáo Hội Công Giáo đã phải vất vả chịu đựng và vượt thắng trong những năm gần đây nhất cho thấy tầm quan trọng và sự nhấn mạnh của nhu cầu cấp thiết phải có nhiều phương tiện và cách thế truyền thông báo chí được phục vụ với Ơn Gọi của Đạo Công Giáo. "

(Chú thích của David Trần: Đức TGM Claudio đã khẳng định cho biết hiện tình tài chính thông tin thế giới đang phá sản, các báo giấy và Truyền Thông bôi bác tấn kích Giáo Hội và Đức Thánh Cha thông qua việc một số giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên để câu khách. Điều quan trọng và cần thiết hơn nữa chính là Ơn Gọi Công Giáo cho những ký giả, nhà báo, phóng viên. Làm nhà báo Công Giáo là một Ơn Gọi đặc biệt: là Loan truyền Chân Lý và Tình Yêu của Chúa trong thời đại Kỹ thuật Số và bảo vệ Giáo Huấn của Giáo Hội bằng nhiệt tình và lòng trung thành với Sứ mạng cao cả ấy: Ơn Gọi Công Giáo.)

Tham dự Đại Hội Truyền Thông Báo Chí Công Giáo Toàn cầu tại Rôma gồm có khoảng 230 Giám Đốc hay Đại Diện của các Nhật Báo; Nhà Xuất Bản-Cơ sở In Ấn Phát hành bằng Điện tử Kỹ thuật Số của Đạo Công Giáo; các Đức Giám Mục và Giáo Sĩ Tu Sĩ; các chuyên gia đặc trách về Truyền Thông của các Tu Hội Dòng, Học Viện, các Ủy Ban thuộc Giáo Hội; và các Giáo Sư Đại Học Công Giáo. Đức Thánh Cha Benedicto XVI sẽ ban huấn từ trong buổi bế mạc Đại Hội vào ngày thứ Năm 07/10/2010.

Cũng trong bài diễn văn khai mạc Đại Hội, Đức TGM Celli đã giới thiệu Báo Chí Công giáo " như là một thực thể gần gũi với mọi người, có khả năng đồng hành với mọi người, cảm nhận được những quan tâm, ước muốn, dự định chương trình của bạn đọc -- kể cả những bạn đọc không thuộc về các cộng đoàn Công Giáo.

Trong lãnh vực truyền thông; Đức TGM Celli nói; Giáo Hội Công Giáo cũng là " Chuyên gia của Nhân Loại; Chuyên viên phục vụ Loài Người", cho dù " ngay lúc này đây chắc hẳn sẽ có ai đó cười vào sự khẳng định này, đặc biệt nếu ám chỉ này được dành cho những tai tiếng đầy đau đớn và ồn ào dư luận của các vụ lạm dụng tình dục mà giới báo chí đã mang lại biết bao là dư âm buồn bã và đắng cay. "

Vị Giám Chức đứng đầu Ủy Ban Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội của Tòa Thánh cũng công nhận rằng; " dù cho những tiết lộ, công khai hóa các vụ lạm dụng tình dục này đã gây chấn động cho Đức Thánh Cha và Giáo Hội, như khi Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI tự chính ngài bày tỏ với các nhà báo tháp tùng ngài trên chuyến bay đến thăm Tô Cách Lan - Scotland- vừa qua; những tội trọng và đầy nhục nhã xấu hổ ấy tuy vậy cũng không có cách nào để nghi ngờ vào Ơn Gọi và đặt dấu hỏi vào Sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo có bản chất là phục vụ nhân loại với Tình Yêu." ĐTGM Celli nhấn mạnh tiếp;

" Từ những biến cố đầy chấn động và qua những thời điểm đầy đau đớn khó khăn này một Quyết tâm lớn hơn nữa sẽ phải trổi vượt lên trong toàn thể Cộng Đồng Tín Hữu của chúng ta là: tiếp tục bước theo chân Chúa và đặt mỗi người chúng ta trong phục vụ cộng đồng nhân loại như là một chứng nhân của Chúa một cách vững vàng và đậm nét hơn trong cuộc sống thế gian bằng tất cả những gì tốt đẹp trong tấm lòng của chúng ta."

Trong tương quan nối kết này, ĐTGM Celli công nhận rằng Sứ mệnh của Giới Báo Chí Truyền Thông Công Giáo lúc này là cần thiết hơn mọi lúc; " đưa ra những thông tin tôn giáo chính xác, đúng đắn và sống động đã được chuẩn bị nghiêm ngặt để vượt hẳn lên trên tất cả những phần việc tốt đẹp đã được giới báo chí thuộc về thế tục phục vụ nhưng hiện nay không thật khách quan vô tư và có nhiều lúc gây ra sự rối loạn tâm trí cho người đọc." Ngài tiếp tục phân tích;

" Cái bối cảnh và hiện trạng mà Báo chí Truyền Thông Công Giáo đang phải bơi chải trong đó hiện nay là của " một sự độc tài chuyên chế của Chủ Nghĩa Duy Tương Đối; nơi mà chúng ta đã và đang làm chứng nhân cho những âm mưu cố tình làm suy giảm vai trò hoạt động của Giáo Hội và đẩy tôn giáo vào phạm trù cá nhân; các mưu đồ biến tín ngưỡng trở thành vấn đề riêng tư, làm mất đi tầm vóc quan trọng về công ích và công cộng của tôn giáo và tín ngưỡng. Thậm chí còn làm mất đi tính hợp pháp-hợp lý của tôn giáo bằng mọi cách rêu rao không ngớt rằng như thể tôn giáo là kẻ thù của con người, là kẻ thù của tự do và nhân phẩm con người - trong cái thời buổi của những cuộc khổ nạn buồn thảm này."

Trong tình hình này; Đức TGM Celli kết luận; "sự hiện diện của Đạo Công Giáo phải được duy trì một cách sống động việc tìm kiếm ý nghĩa và chỗ đứng chắc chắn cho việc tìm kiếm Sự Siêu Việt."

(Chú thích của người chuyển ý: Đức TGM là đấng bậc đặc trách Truyền Thông Xã Hội của Giáo Triều nên ngài giữ ý trong lời phát biểu. Thế nhưng mỗi khi mở TV hay internet các độc giả của VietCatholic cũng thấy những gì gọi là: "một sự độc tài chuyên chế của Chủ Nghĩa Duy Tương Đối;... bằng mọi cách rêu rao không ngớt rằng như thể tôn giáo là kẻ thù của con người, là kẻ thù của tự do và nhân phẩm con người - trong cái thời buổi của những cuộc khổ nạn buồn thảm này." thí dụ chuyện về những cô diễn viên điện ảnh Mỹ no cơm ấm cật hút sách, vào tù rồi ra tù, rồi quần áo, giày dép, mỹ phẩm và chuyện hẹn hò ăn mảnh của họ đầy trên đó. Nếu không phải là một sự độc tài chuyên chế của Chủ Nghĩa Duy Tương Đối của giới nào đó thì những điều trơ trẽn đó phải gọi là sự gì ?.)

Dominic David Trần
 
Top Stories
Papouasie occidentale: victimes d’attaques répétées, les protestants menacent le gouvernement de faire sécession si la liberté de religion n’est pas respectée
Eglises d'Asie
08:07 05/10/2010
INDONESIE

Papouasie occidentale: victimes d’attaques répétées, les protestants menacent le gouvernement de faire sécession si la liberté de religion n’est pas respectée


Eglises d'Asie, 5 octobre 2010 - Le 24 septembre dernier, des pasteurs protestants de Papouasie occidentale se sont rendus à Djakarta pour protester contre les attaques dont les chrétiens sont victimes et qui se sont multipliées ces derniers mois. Ils demandent que la liberté religieuse soit respectée. Selon le Setara Institute (Institut pour la démocratie et la paix), 28 attaques d’églises et fermetures forcées de lieux de culte ont été recensées depuis le début de l’année 2010 dans tout le pays, montrant une nette augmentation des actions des extrémistes à l’encontre des chrétiens.

Située à l’extrémité orientale de l’Indonésie, la Papouasie occidentale (1) se démarque des autres provinces indonésiennes par ses composantes ethniques et religieuses. Peuplée essentiellement de populations aborigènes, malgré l’afflux récent de « colons » venus des autres îles d’Indonésie, elle est également majoritairement chrétienne (surtout protestante) au sein du premier pays musulman au monde (240 millions d’habitants dont 86 % sont des fidèles de l’islam).

A Djakarta, la délégation protestante a été reçue par les responsables de la Communion des Eglises en Indonésie (PGI), importante fédération qui réunit 80 % des protestants du pays, puis a rencontré la Rév. Luspida Simanjuntak et Hasean Lubantoruan Sihombing, de l’Eglise Huria Kristen Batak Protestant (HKBP) de Ciketing. La femme pasteur et son assistant avaient été violemment attaqués le 12 septembre dernier alors qu’ils se rendaient au service dominical à Bekasi, dans la banlieue de Djakarta (2).

A l’issue de leur rencontre du 24 septembre, les représentants des Eglises protestantes de Papouasie se sont adressés à la presse, rappelant qu’en Papouasie occidentale « bien que les protestants soient majoritaires dans la région », toutes les minorités religieuses, quelles qu’elles soient, « étaient libres de pratiquer leur religion et de construire leurs propres lieux de culte ». Selon ces leaders chrétiens, ce sont en effet les difficultés liées à la construction des lieux de culte qui sont à l’origine des attaques contre les églises chrétiennes: depuis le décret de 2006, les règles en vigueur sont telles qu’il est facile pour une communauté locale de faire part de son opposition à la construction dans son voisinage d’un lieu de culte (3).

Pour la population papoue, affirme le Rév. Akwila Marin, pasteur à Manokwari, c’est à l’Etat de prendre ses responsabilités et assurer le respect des libertés constitutionnelles. « La liberté religieuse doit être appliquée, ou nous nous battrons pour obtenir l’indépendance », a-t-il menacé, suivi par le Rév. M. L. Wanma, directeur de l’Indonesian Protestant Church (GPI) pour la Papouasie: « Si la violence antireligieuse persiste et que le gouvernement ne joue pas son rôle en protégeant la population, nous nous retirerons de l’Indonésie. »

Bien que les Eglises chrétiennes aient toujours ouvertement défendu les droits des Papous, elles ne se sont que très rarement aventurées à émettre des propos indépendantistes. Toutefois, l’augmentation des attaques et le manque de réaction du gouvernement indonésien a cette fois-ci fait réagir les représentants de différentes confessions, y compris du côté musulman. Hasyim Muzadi, secrétaire général de l’International Conference of Islamic Scholars et ancien président de la Nahdlatul Ulama, la plus importante organisation musulmane de masse du pays, a ainsi demandé au gouvernement de procurer un lieu de culte à l’Eglise de Ciketing. En réponse, le secrétaire général du ministère aux Affaires religieuses, Bahrul Hayat, a officiellement assuré qu’un édifice serait temporairement mis à la disposition de la communauté protestante pour ses offices dominicaux.

Le P. Antonius Benny Susetyo, secrétaire exécutif de la Commission pour l’œcuménisme et les relations interreligieuses de la Conférence épiscopale catholique, a fait également une déclaration dans laquelle il demande « aux forces de l’ordre d’agir avec fermeté et de protéger les Eglises qui doivent faire face à ces problèmes ». Quant à la réputée Union of Catholic University Students of the Republic of Indonesia, elle a déclaré par l’intermédiaire de son dirigeant, Stefanus Gusman, que les attaques avaient démontré l’incapacité du gouvernement à protéger les minorités religieuses et qu’il devait en reconnaître la responsabilité.

A la tête de la PGI, le Rév. Andreas A. Yewangoe a réaffirmé lui aussi la conviction selon laquelle le gouvernement était responsable de l’amplification du phénomène des attaques contre les chrétiens. Cette agression antichrétienne « est un exemple de l’indécision du gouvernement local (...). Et lorsque des attaques contre les églises continuent de se produire, c’est qu’il n’est pas impossible que les autorités de l’Etat soient infiltrées par ces groupes [d’extrémistes] », a déclaré en juillet dernier, dans une interview à la BBC, ce spécialiste du dialogue interreligieux.

(1) En 1969, l’Indonésie a annexé la partie occidentale de la Nouvelle-Guinée, la moitié orientale de l’île devenant indépendante au sein du Commonwealth, en 1975, sous le nom de Papouasie - Nouvelle-Guinée. La province indonésienne de Papouasie occidentale (Papua Barat) a été créée en 2003 dans la partie ouest de l’île, laissant le nom de Papouasie à la province située à l’est. En raison des fortes revendications autonomistes dans la région, un statut d’autonomie spéciale a été accordé en 2001 à la Papouasie.

(2) Voir EDA 535

Fondée en 1990, l’Eglise de Ciketing HKBP (de la Batak Society Christian Church), une mouvance luthérienne, compte, selon des sources locales, près de 1 500 membres. Elle est la cible d’extrémistes musulmans, particulièrement actifs à Bekasi, notamment ceux du Front des défenseurs de l’islam (FPI) et du Forum pour la Fraternité islamique (FUI), qui l’ont attaquée à plusieurs reprises ces derniers mois.

(3) Le décret de 2006 autorise la construction de lieux de culte pour les six religions reconnues par le gouvernement (islam, protestantisme, catholicisme, hindouisme, bouddhisme, confucianisme), mais permet cependant l’interdiction ou la fermeture des édifices si la communauté locale fait part de son opposition. Voir EDA 438

Le temple de Ciketing offre une illustration que peut rencontrer une communauté chrétienne minoritaire installée au sein d’un voisinage majoritairement musulman: le temple avait été fermé une première fois par les autorités faute de permis reconnaissant clairement l’utilisation des locaux comme lieu de culte. Rouvert après autorisation officielle, il avait été de nouveau interdit par le gouvernement local, au motif que le lieu de culte n’était pas désiré par la communauté. Malgré ces fermetures successives et les différentes attaques qui avaient touché l’Eglise de Ciketing, la police locale avait déclaré à la presse le 12 septembre 2010 que l’agression des deux protestants « n’avait aucun lien avec la religion ». Cette déclaration avait déclenché de vives réactions au sein des communautés chrétiennes, qui avaient organisé une grande manifestation à Djakarta le 16 septembre, réclamant que le gouvernement cesse de nier la réalité des violences antichrétiennes, en constante augmentation, et agisse en conséquence.
 
The History of the World Youth Day
Presented by Cardinal Stanisław Ryłko
17:27 05/10/2010

The History of the World Youth Day


By: Cardinal Stanisław Ryłko
President of the Pontifical Council of the Laity.

The origins of World Youth Day are tied to two events that featured the youth themselves as protagonists: The Jubilee in 1984 and the International Youth Year in 1985.

The young people’s response to the Holy Father’s invitation was extraordinary. The Pope gave the youth the Cross, as a symbol of the Jubilee year. This Cross has become the Cross of the youth, the World Youth Day Cross.

The first World Youth Day after the institution of this event in the Church was celebrated on a diocesan level.

The first World Youth Day outside of Rome took place in 1987, one year later, on Palm Sunday in Buenos Aires.

We gather together today at the World Youth Day, together with the Church, said Pope John Paul II in the opening Mass.

More than one million young people attended the first World Youth Day outside of Rome.

Next, it was Santiago de Compostela’s turn to host the event in 1989. The World Youth Day featured a program and structure with three definitive parts: Catechesis, the Prayer Vigil, and the Mass with the youth from all over the world.

After this came Częstochowa, another shrine. This time, it was a Marian shrine, the destination of many pilgrimages. On a historical level, this event was the first World Youth Day to include youth from two previously hostile regions, because it was the first to take place after the fall of the Berlin Wall.

The next World Youth Day celebration was in Denver, a pilgrimage to a modern city, instead of a shrine. It’s a modern metropolis where participants brought Christ’s presence to life by bearing witness to Him.

Then, another World Youth Day: Manila. The gathering in the Philippines has gone down in history as the largest World Youth Day ever, with some 4 million participants. This was the first time that so many young people, so many people gathered together with Peter’s successor.

The next was in France. Among other new developments, France added the celebration of the Stations of the Cross as well as the visits to French Dioceses.

Next came the great Jubilee in 2000. More than 2 million young people gather in Kairos, sacred time, the special time of the great Jubilee.

Once again, we find ourselves in a modern city, Toronto.

Cologne went down in history as the World Youth Day of two Popes: Pope John Paul II who called for the celebration, chose Cologne, and prepared this World Youth Day, and Pope Benedict XVI, who celebrated it.

Pope Benedict has completely identified himself with this program proposed by Pope John Paul II to evangelize young people.

After Cologne was Sydney. In spite of the fact that only 20% of the population is Catholic the welcoming was spectacular.

And now we are on our way towards Madrid, a journey full of high hopes and great expectations.

The Pontifical Council of the Laity - October 2010
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Chủng sinh Long Xuyên mừng lễ thánh Têrêsa
William Nguyễn
07:38 05/10/2010
Hội Cửu Chủng Sinh Long Xuyên từ các Tiểu bang Texas, Nevada, California....Tổ Chức Mừng Lễ Thánh Têresa tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam Giáo Phận Orange California

vào lúc 5:00PM 03 tháng 10, 2010.

Xem hình

Chủ Tế Thánh Lễ Cha Cố Đỗ Thanh Hà, Cha Nguyễn Thái Linh Hướng. Các Cha Đồng tế đều là Chủng Sinh của Chủng Viện Long Xuyên.

Sau Thánh Lễ các Cựu Chủng sinh và các Gia đình thuộc Giáo phận Long Xuyên hàn huyên tâm tình. Đây là lần đầu tiên tụ họp của các Cửu Chủng sinh và từ nay, hàng năm sẽ tổ chức mừng lễ thánh Têresa quy tụ các Chủng sinh và thân nhân để giúp nhau xây dưng Đức Tin và tình thân ái hơn nữa. Trong khi sinh hoạt, có Đức Cha Mai Thanh Lương Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange đến thăm và Chúc Lành. Thánh lễ và buổi sinh hoạt kết thúc lúc 7:30PM cùng ngày,
 
Nhóm SVCG Thái Bình chào đón tân sinh viên Công Giáo
Truyền Thông SVCG Hải Hà
07:49 05/10/2010
Nhóm SVCG Thái Bình chào đón tân sinh viên Công Giáo

Năm học mới đã tới, các vùng quê, vùng miền nhiều gia đình chuẩn bị cho con em mình lên đường nhập học Đại Học. Đảo qua rất nhiều gia đình, thấy nhiều cô, chú đang rất vui nhưng nói chuyện một hồi thì lại thấy các cô chú có chút lo lắng nào đó.

Xem hình

Sự lo lắng đó của nhiều gia đình là tất nhiên, lo kinh tế, lo các giấy tờ cần thiết và đặc biệt lo nơi ăn chốn ở cho các em. Có những em hầu như chưa bao giờ rời xa gia đình mình, chưa gặp những khó khăn, những cạm bẫy ngoài xã hội bao giờ. Nhiều gia đình qua các phương tiện truyền thông đã vô cùng lo ngại về những cảnh sống của các bạn sinh viên ngày nay (sống thử, yêu đương, chơi bời, nghiện ngập...) lo đến nỗi mà có gia đình còn phải bắt con em mình làm bản cam kết...

Sự lo lắng đó là có căn cứ, may thay với các nhóm SVCG của chúng ta thì những nỗi lo đó được hoàn trả về với sự tin tưởng, các em đậu Đại Học sẽ nhờ Cha xứ, Giáo phận, anh chị em trước để liên hệ tới các nhóm SVCG trên Hà Nội, từ đây các anh chị em sẽ chủ động tìm phòng trọ, nhà trọ, tự điều chỉnh, ghép lại... Những gia đình không tự đưa, không có người thân, có thể nhờ nhóm SVCG nào đó giúp đỡ cho con em mình, lúc đó quý cô chú chỉ cần lo kinh tế và hồ sơ cho con em mình.

Hiện tại thì hầu như các em tân sinh viên, tân sinh viên công giáo nói chung đã ổn định chỗ ở tại Hà Nội. Theo ghi nhận trong những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 các nhóm SVCG đã chủ động kêu gọi anh chị em SVCG tham gia ghi danh sách qua giới thiệu, qua truyền thông, nhóm Sinh viên Công Giáo Thái Bình đã có 55 em tân sinh viên, nhóm SV Công Giáo Hải Hà có khoảng 50 em, các nhóm SVCG khác cũng có tân sinh viên nhưng chưa có số liệu thống kê cụ thể. Như vậy sẽ hứa hẹn một năm mới có nhiều thành quả với các SVCG của Giáo Hội, các phong trào sinh viên, giới trẻ sẽ ngày càng mạnh lên, có nhiều anh chị em co trí thức phục vụ.

Để chia sẻ đón nhận niềm vui này, một số các nhóm SVCG đã tổ chức đón các em tân sinh viên của mình tại DCCT, Nhà Thờ Thái Hà, ngày 26/09/2010, tại đây tổ chức ghi danh bổ sung, Thánh Lễ chúc mừng, văn nghệ và tặng quà các em, những cuốn Kinh Thánh để làm hành trang cho các em, cũng muốn nhắn gởi tới các em rằng, cuốn sách đầu tiên các em nên đọc là cuốn Tin Mừng, và làm kim chỉ nam cho đời sống đức tin của mình.

Ngày 03 tháng 10 năm 2010, nhóm SVCG Thái Bình tổ chức đón tân sinh viên, chương trình diễn ra cả ngày Chúa nhật tại Thánh Đường giáo Họ Giảng Võ. Khoảng 8h chương trình nối kết, gặp gỡ Quý ân nhân, khách mời các anh chị cựu sinh viên, chú Viễn, anh Quân Ls, chú Khang đại diện chia sẻ với các em về những hoạt động, những kinh nghiệm của mình, nhắn gởi và chúc mừng các em. Đại diện anh chị cựu anh Paul Nguyễn Văn Tài cựu trưởng nhóm SVCG Thái Bình chia sẻ niềm vui khi nhìn thấy nhiều gương mặt mới, chia sẻ về đời sống sinh viên công giáo ngày nay và tương lai, nhắc nhớ những tệ nạn cần tránh... Sau chương trình là đón tiếp ghi danh và tặng quà tới những em tân sinh viên, làm quen và kết giao thành viên...

Thánh Lễ, Cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh, phụ trách Di dân và SVCG dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội chủ tế Thánh Lễ và chia sẻ: Cha hỏi các bạn SVCG là: Các bạn cần Cha chia sẻ điều gì trong Thánh Lễ đón tân SV ngày hôm nay, hầu như các bạn cần Cha chia sẻ về đời sống sinh viên, đời sống đức tin của SVCG. Cha nhắc lại một số chia sẻ của Quý ân nhân, quý anh chị cựu và chia sẻ về một số những kinh nghiệm để phát triển đức tin của mình. Mẫu gương học hỏi là noi gương Mẹ Mân Côi, năng lần hạt cầu nguyện hàng ngày đó là chính đời sống SVCG, luôn suy đi ngẫm lại và tập trung lần Chuỗi Mân Côi. Cha cũng nhắc nhở các bạn sinh viên, với đời sống hiện tại, nhiều bạn SVCG đã lao vào tình yêu và trao tặng cho bạn mình những món quả quý giá của mình để rồi nhiều bạn nhờ đến sự giúp đỡ của Cha xem tình yêu đó, người bạn đó có thực sự yêu mình hay không.. và rồi ảnh hưởng tới học tập của mình.... Cuối Thánh Lễ Cha có nhắc nhớ các em, ai cần học hỏi về Đức Tin và Khoa học tại DCCT Thái Hà tối thứ 5 hàng tuần thì tới tham gia. Ghi nhận cùng Quý Thầy của GP Thái Bình đang học tập tại Hà Nội và luôn đồng hành cùng nhóm SVCG TB suốt 3 năm qua cũng chia sẻ với các em tân sinh viên, Quý thầy cũng thông báo sáng Chúa nhật hàng tuần bắt đầu từ 17/10/2010 sẽ khai giảng khóa giáo lý hôn nhân tại giáo họ giảng võ cho các bạn sinh viên.

Sau Thánh Lễ, nhóm SVCG Thái Bình tổ chức liên hoan chào mừng các em, ra mắt Ban Cán Sự mới trong nhiệm kỳ mới, tổ chức trao giải thưởng Smile mà BTC đã phát động trên website: http://svcgthaibinh.net

Một Thánh Lễ rất ý nghĩa nhằm ngày Lễ Đức Mẹ Mân Côi, Thánh Lễ cầu chúc cho các bạn sinh viên học tập tốt, các em tân sinh viên với một nhiệm vụ mới khó khăn nhưng đừng lo lắng, luôn có các bạn SVCG đồng hành cùng các em. Điều cần thiết là các bạn SVCG học tập tốt, học giáo lý, đọc Kinh Thánh và năng lần Chuỗi Mân Côi hàng ngày. Nhóm SVCG Thái Bình sinh hoạt và hoạt động tại Giáo họ Giảng võ là một sáng kiến và chính là một thành quả mà các bạn đang phục vụ theo khẩu hiệu "Tự nguyện - Hy sinh - Phục vụ", vì giáo họ giảng võ có nhiều người quê gốc GP Thái Bình sinh sống tại đây, khu vực có nhiều người làm ăn lưu trú nhưng họ giáo thì hiện chỉ có ngôi nhà thờ tạm, chưa xây dựng được, nguồn lực về con người thiếu thốn.. Chính nơi đây các bạn đã mang đến cho cộng đoàn một sự đông đúc, một niềm vui, các bạn phục vụ hát lễ, bài đọc... Nhiều giáo dân nói giáo họ Giảng Võ không có các em sinh viên thì Thánh Lễ ít người và buồn lắm...

Những năm qua đánh dấu sự phát triển của các nhóm SVCG tại Hà Nội, những công tác hoạt động đầy ý nghĩa như: Nhóm SVCG Thái Bình luôn giúp đỡ phục vụ giáo họ Giảng Võ ít người, nhóm SVCG Hải Hà thăm trại Phong Quả Cảm bắc Ninh, nhà tình thương Hương La, các buổi cầu nguyện theo phương pháp 7 bước hàng tuần, rước Thánh Giá hàng tuần... các bạn sinh viên đã tới những vùng miền núi xa xôi để tặng quần áo cũ... Những hoạt động thật ý nghĩa và đúng với SVCG, điều cần thiết nữa cũng mong BCS các nhóm SVCG để ý là tại những giáo phận quê nhà còn có rất nhiều gia đình chưa ý thức được việc học tập giáo lý, học tập văn hóa mà để cho con em mình bỏ học. Nhiều các em các cháu chưa thấy được tấm gương SVCG, chưa được gặp các anh chị SVCG để coi đó là tấm gương là một sự thành đạt để thèm muốn và phấn đấu. Nhiều giáo họ, giáo xứ tại các giáo phận hầu như chua có SVCG. Vậy nếu có thể được các bạn SV nên chia nhóm, xếp thời gian về các giáo xứ, giáo phận quê nhà. Sự có mặt của các bạn sẽ là một điểm trông thấy để các em cố gắng học tập, thúc giục và hướng dẫn các em cách học, hướng các em nên học những ngành nghề nào, và có nên học hay không cũng như động viên phụ huynh gia đình cố gắng...

Sắp tới ngày 13, 14 tháng 11 năm 2010, sẽ có Thánh Lễ truyền thống của SVCG TGP Hà Nội tại Nhà Thờ Giáo Xứ Yên Kiện, Chương Mỹ, Hà Tây các nhóm SVCG nhất là SVCG Thái Bình sẽ có mặt, lúc đó là nơi mà mọi người nhìn thấy sự gắn kết và phát triển của các bạn sinh viên, tân sinh viên khi tham gia nhóm..

Truyền Thông SVCG Hải Hà - SVCG Thái Bình
 
Tin lụt từ Tri Bản GP Vinh
Lm Antôn Lâm Văn Hân
08:20 05/10/2010
Tin lụt từ Tri Bản GP Vinh

Mặc dầu mưa đã nhẹ hơn từ sáng sớm nay, nhưng nước vẫn còn dâng cao. cao hơn chiều hôm qua trên 40cm. Người dân vẫn đang bị nước lũ ngăn cách với thế giới bên ngoài.

Sáng nay, đoàn cứu trợ của hội Caritas giáo phận Vinh, do Cha Phêrô Nguyễn Văn Vinh trưởng đoàn đã tới giáo xứ Tri Bản trao quà cho bà con, với phần quà cứu trợ 150 thùng mì ăn liền. Được biết đoàn đi phân phát tất cả các giáo xứ bị ngập lụt trong hạt Ngàn Sâu. Sau khi chia tay phái đoàn, tôi cùng với các ông trong hội đồng mục vụ xứ, họ Tri Bản chèo thuyền đi phát mì cứu đòi cho bà con giáo dân và lương dân trong vùng. Sau hơn ba giờ đồng hồ, số lượng 150 thùng mì chúng tôi đã trao tận tay tới những người đang chờ “cơm bánh”.

Hiện tại nước bắt đầu có dấu hiệu xuống, nếu thời tiết tốt, có lẽ khoảng 3 ngày sau người dân mới có thể “thả bồ cầu” đi tìm sự sống.

Tôi ghi lại đây những hình ảnh để quý vị nhìn thấy tận mắt cảnh sống chung với lũ của bà con giáo dân Tri Bản và bà con xã Hoà Hải, Hương Khê. Xin quý vị rộng tay giúp đỡ những người đang ngày đêm chiến đấu với con nước.
 
Giới trẻ giáo xứ Phú Xuân mừng lễ thánh Têrêxa
Đồng Lầy
08:23 05/10/2010
VINH - Tối ngày 04/10/2010 tại Thánh đường giáo xứ Phú Xuân Linh Mục Giuse Nguyễn Văn Hiệu đã dâng Thánh Lễ quan thầy cho giới trẻ trong giáo xứ. Theo lịch phụng vụ của giáo hội lễ kính thánh Têrêsa hài đông Giêsu là vào ngày 01/10, nhưng do một số lý do hôm nay Ngài mới dâng Thánh lễ cho các bạn trẻ được.

Chia sẻ trong Thánh lễ Cha Giuse nhấn mạnh đến con đường nên Thánh của Chị Thánh: Con đường thơ ấu thiêng liêng mà thánh nữ vạch ra là con đường tình yêu. Một con đường yêu thương nhỏ bé để đạt được chính Thiên Chúa. Con đường thơ ấu thiêng liêng chính là con đường phó thác, con đường cậy mến trung kiên, con đường hiến thân từ bỏ, con đường xả kỷ:” vác thập giá” mà theo Đức Kitô. Con đường này, nói một cách nôm na là con đường tín thác

Nhận biết được vai trò quan trọng của người trẻ trong giáo xứ, sau khi được sai về quản xứ Phú Xuân Linh Muc Giuse Nguyễn Văn Hiệu là bắt tay vào việc xây dựng và tái thiết giáo xứ. Ngài đã chon giới trẻ là điểm khởi đầu cho việc xây dựng và tái thiết đó. Ban điều hành giới trẻ được lập từ cấp giáo xứ cho đến các giáo họ. Xây dựng những chương trình hoạt động củ thể hướng tới lễ giáng sinh. Được biết số lượng các bạn trẻ trong giáo xứ có khoảng 900 người, và đây là năm đầu tiên giới trẻ của giáo xứ tổ chức lễ quan thầy.

Con đường tín thác tuyệt vời thánh nữ Têrêsa vạch ra đang kêu mời mọi người đi theo đặc biệt là các bạn trẻ đã nhận Ngài làm quan Thầy. Thánh nữ đã làm gương để nhân loại noi theo, bắt chước Ngài trong việc hoàn thiện, nên thánh bằng những việc nhỏ bé, nhưng đầy ắp tình yêu. Các bạn hãy có trái tim yêu để mang chúa đến môi trường sống của mình.
 
Tình hình lũ lụt tại giáo hạt Ngàn Sâu giáo phận Vinh
Antôn Trần Đức Hà
20:00 05/10/2010
Trong mấy ngày vừa qua (1.10-5.10), các trận mưa lớn đã gây ra ngập lụt trên diện rộng các tỉnh Bắc Trung Bộ. Giáo phận Vinh nằm trọn trong khu vực này và lũ đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho hàng chục nghìn giáo dân, nặng nhất là giáo dân tại hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình hiện vẫn đang bị cơn lũ dữ bủa vây.

Xem hình ảnh lũ lụt tại giáo xứ Ngàn Sâu, Vinh

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, tính đến chiều ngày 5.10.2010, cơn lũ đã cướp đi sinh mạng của 27 người, hàng chục nghìn nhà dân bị ngập, cuốn trôi......
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chơi thì cứ… chơi, nợ thì cứ… nợ, lũ thi cứ… lũ
Hà Long
19:45 05/10/2010
Chơi thì cứ… chơi, nợ thì cứ… nợ, lũ thi cứ… lũ

Thủ đô Hà Nội chìm đắm, ngất ngây với Nghìn Năm Thăng Long, không còn điều gì chê trách được cho việc tổ chức trọng thể khi kênh truyền hình quốc gia phối hợp với truyền hình Hà Nội chiếm gọn giờ cao điểm trên đài truyền hình Việt Nam nói về 1.000 năm. Nếu cộng thêm tất cả dây mơ rễ mã của truyền thống tuyên truyền cộng sản gồm các đài phát thanh và 700 tờ báo lề phải thì có thể tóm gọn: Toàn dân rã ngõ đụng Nghìn Năm.

Hồ Hoàn Kiếm đang trở thành con tim của cả nước với nhiều bộ môn ca nhạc kịch, lễ hội. liên hoan vây quanh bờ hồ trong 10 ngày đầu tháng 10 và nơi chính là tượng đài Vua Lý Thái Tổ. Tất cả người đến đều đổ dồn về đây.

Dịp Nghìn Năm người ta cố gắng nhào nặn thêm bao nhiêu kỷ lục 'khủng' mừng Thăng Long: 'Con đường Gốm sứ được trao kỷ lục Guinness; Lá cờ đại lễ đạt kỷ lục Việt Nam về độ lớn, Bức trấn phong Chiếu Dời Đô có kích thước 4,58m x 3,85m, nặng gần 5,5 tấn; Sản phẩm Rồng thời Lý do các nghệ nhân làng tò he Xuân La thực hiện lớn nhất; Chiếc phở cuốn dài nhất từ trước đến nay; Đèn kéo quân lớn nhất; Kỷ lục dàn trống đồng phục vụ đại hợp xướng; Cặp áo dài gồm áo nam thêu hình 1000 rồng, áo nữ thêu hình 1000 phượng, v.v....

Hoành tráng, kỷ lục, tự hào, pháo hoa, lộng lẫy, giăng đèn kết hoa, đèn sáng nhấp nhánh ban đêm, một thoáng sạch sẽ hiếm có cứ tưởng như Hà Nội đang khoác vào một chiếc áo mới cho mình.

Báo chí csVN còn gia công nhồi nhét mê tín dị đoan vào Nghìn Năm trong những ngày vừa qua cho đượm hương sắc linh thiêng ngây ngất vượt trời cao và nhào xuống ngụp lặn dưới nước như „Rồng thiêng hiện lên trời mừng thủ đô nghìn tuổi“ và „Linh thiêng cụ Rùa nổi đúng ngày đại lễ“. Cả thế giới có lẽ chỉ có báo chí csVN mới nhận dạng được rồng thật qua việc khẳng định 100% đưa tin: „Điều đáng kinh ngạc là đám mây "rồng" này khá trùng hợp với hình dạng của con rồng thời Lý, triều đại đã chọn Hà Nội làm thủ đô của cả nước.“ Chẳng thế quan lớn Phạm Quang Nghị đột xuất muốn trở thành chuyên gia phong thủy oang oang đọc to: „Thành Đại La ở nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng chầu, hổ phục, đã đúng ngôi Nam - Bắc - Đông - Tây, lại tiện hướng nhìn sông tựa núi… Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; đúng là nơi định đô bậc nhất của kinh sư muôn đời”.

Chơi thì cứ… chơi, lũ thi cứ… lũ

Đại Lễ hội tụ khí linh thiêng Nghìn Năm của Thăng Long có phần nào giảm bớt vì ông Trời, hay nói cho đúng ý của quan Nghị là rồng đã phun nước. Tai Ương lũ lụt trong vài ngày qua thật khủng khiếp tại Hà Tĩnh và Quãng Bình. Báo Dân Trí vừa đưa tin với tựa đề của những người tin vào Kinh Thánh theo Kitô giáo: „Quảng Bình chìm sâu trong cơn Đại Hồng Thủy“ và cho biết thêm „Gần 30 người chết và mất tích, hàng trăm tỷ đồng trôi theo lũ.“ Trận lụt Đại Hồng Thủy này không biết quan bí thư Phạm Quang Nghị còn nhớ đến trận lụt tại Hà Nội vào cuối năm 2008 không?

Lúc ấy ông nghị cũng phải dơ tay đầu hàng ông trời với câu than vãn: "Thiên tai thì không tính trước được". Ngoài ra người dân Hà Thành vẫn còn nhớ rõ mồn một sự miệt thị khinh bỉ của ông đối với những người dân đang gặp nạn lụt: "Kinh nghiệm tốt nhất vẫn là huy động chính sức dân và huy động tại chỗ. Do đang đi kiểm tra dưới cơ sở nên tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm." (trả lời phỏng vấn qua điện thoại chiều 2/11/2008 từ Mỹ Đức - Hà Nội).

Hôm nay hơn 20.000 dân đang chạy lụt tại Hà Tĩnh, Quãng Bình, Hơn 35.000 hộ dân bị ngập sâu từ 0,5m đến 4m. Ông Nguyễn Văn Sơn - trưởng thôn Cồn Nâm cho báo Tiền Phong biết: „Hơn một nửa số dân ở đây không có chỗ ở vì nước ngập gần nóc nhà; không nước ngọt, không lương thực...“ Lực lượng cứu hộ vùng lũ 'bó tay' theo Thượng Tá Phạm Hữu Tân - Trưởng Công an huyện Quảng Trạch. Ông tiếp tục kể lại: Đây là hiện tượng chưa từng gặp từ trước đến nay. Hiện, lực lượng cứu hộ của huyện Quảng Trạch cũng chỉ tập trung cứu hộ ở một số vùng Bắc Sông Gianh, còn vùng cồn bãi giữa dòng Gianh thì gần như “bó tay”.

Nếu quan điểm của quan bí thư Phạm Quang Nghị vẫn đúng và chuẩn mực theo đường lối Đảng (không bao giờ sai) như lời phỏng vấn 2008 thì việc tiến hành vui chơi nhảy múa trong 10 ngày tại Hà Nội cứ tiếp diễn như chương trình chuẩn bị trong 10 năm với tổng số tiền chi hơn 4,5 tỷ Đôla Mỹ là chuyện đương nhiên. Ở Hà Nội ta còn mắng cho là loại người ỷ lại thì chúng bay ở tận xa tít Miền Trung thì chẳng dính dáng đến ta.

Coi chừng, cơn mưa lũ còn có thế kéo đến tận vùng trời Hà Nội nếu ông trời muốn, mà đã là thiên tai thì tính được chi theo cách nói của ông Nghị. Sống với lũ năm 2008 người dân Hà Thành đã có sự cảm thông với người lâm nạn như nhà văn Trần Nhương đã kêu gọi khẩn cấp đến ông Chủ tịch thành phố Hà Nội ngày 5/10/2010: Tôi là Trần Nhương, Nhà văn, công dân thủ đô. Tôi viết thư này xin đề nghị mấy điểm sau đây:

- Cắt giảm 19 điểm bắn pháo hoa (thay vì 29 điểm) và các tiết mục khác không cần thiết để tiết kiệm tiền giúp đỡ bà con lũ lụt miền Trung. Nhân dân chúng tôi sẵn sàng xem pháo hoa qua TV cũng không sao. Hà Nội tổ chức kỉ niệm ngàn năm kéo dài tới 10 ngày liệu có quá lãng phí, phô trương không? Một nước nghèo vào nhóm cuối của thế giới mà lễ hội quá linh đình liệu có nên không?

- Sau đại lễ Hà Nội nên công khai cho dân biết số kinh phí chi cho đại lễ là bao nhiêu. Đây là tiền của dân, dân phải biết. Hà Nội nên làm gương về việc “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. (Kính thư, Trần Nhương)

Quặn lòng cuốn theo những khổ đau của người sống với lũ nhà văn Trần Nhương nhắc nhở thêm Nghìn Năm Thăng Long qua vài dòng thơ:

Chúng ta đang tưng bừng Hà Nội

Lũ miền Trung chìm nổi nhân dân

Một con ngựa đau cả tầu bỏ cỏ

Hà Nội nghĩ gì hay vẫn cứ lâng lâng

Thôi hãy bớt phù hoa trưởng giả

Vua Lý chắc vui lòng Hà Nội nghĩa nhân...

Chơi thì cứ… chơi, nợ thì cứ… nợ

Nợ nần của Việt Nam nói chung giờ đây cứ như chúa chổm vì vốn vay từ ngoại quốc phải qua ngã rẽ rơi vung vãi vào túi áo quan lớn. Nickname „nineunc“ viết bình luận ngắn gọn về Đại Lễ Nghìn Năm Thăng Long trong Blog của Trương Duy Nhất như sau: Sau Đại lễ là gì nhỉ? Đại vệ sinh môi trường (dân xả rác vô tư quá); Đại sửa chữa (làm công trình cho kịp đại lễ); Đại trùng tu (làm nhanh chẳng bao giờ tốt); Đại ăn mừng (vụ này kiếm chác khá khá); Đại Lo (không biết địa phương nào cũng tổ chức ăn theo như Đại giải phóng, đại kỷ niệm,. ..)! Không biết còn bao nhiêu cái Đại nữa đây???

- Cái đại nữa mà dân đen thấy rõ chính là phải ì cổ ra trả đại nợ nần. Điển hình báo viết về kinh tế Vneconomy, hôm nay cho biết rằng đồng Yên của Nhật tăng giá mạnh sẽ tác động đến Việt Nam, nhất là về vấn đề trả vay nợ nần: „Tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, Nhật Bản có lượng vốn ODA cho Việt Nam cam kết đến nay là 1.394 tỷ Yên. Trước đây nguồn vốn này chỉ tương đương với khoảng dưới 14 tỷ USD, nay đã tương đương gần 16,3 tỷ USD do đồng Yên tăng giá. Nếu tính theo VND, khoản nợ này đã tăng thêm khoảng 53 nghìn tỷ đồng, từ 251 nghìn tỷ đồng trước đây lên 304,5 nghìn tỷ đồng.“ Khủng khiếp, chỉ với một quyết định của chính phủ Nhật, VN phải trả thêm 2,3 tỷ Đôla Mỹ cho việc vay nợ. Nên nhớ Việt Nam còn là con nợ của nhiều quốc gia khác nữa.

- Thế mà cũng ngày hôm qua, 4/10 người dân đọc thêm tin tức rất có lợi cho các quan lớn của chính phủ csVN: „Nới rộng tiêu chuẩn xe công vụ“. Thay vì mức 800 triệu đồng một xe theo quy định cho cấp quan lớn thuộc Trưởng ban của Đảng ở Trung ương, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội... và các chức danh có hệ số lương khởi điểm 9,7 trở lên – thì bây giờ họ được mua xe với giá 1,1 tỷ đồng (tăng hơn 20%). Hiện nay cả nước có trên 25.660 xe công vụ được phân bổ cho 63 tỉnh thành và các bộ ngành trên cả nước. Người dân đen lại phải oằn lưng trả thuế cho chục ngàn tỷ phung phí này của các quan lớn.

- Lại thêm một trái bom về nợ nần khi báo chí hôm nay cho biết con số về nợ công của chính phủ: Tính đến 31/12/2009, nợ công so với tổng sản lượng quốc gia GDP chiếm đến 52,6%, trong đó nợ Chính phủ chiếm 41,9%, trong khi quy định của Thủ tướng về chỉ tiêu nợ Chính phủ là 50%. Mức dư nợ công năm nay dự kiến lên tới 52,6% GDP, nợ nước ngoài chiếm 38,8% GDP và nợ công sẽ chiếm đến 57% năm 2011 đã cho thấy độ an toàn tài chính quốc gia có nguy cơ sắp vượt ngưỡng cho phép. Theo suy diễn của dân đen là chính phủ sẽ lấy tiền thuế của dân đi trả nợ, chắc chắn là phải trả thêm cho những chiếc xe nhà nước.

Còn theo cách nói của các nhà kinh tế thì nhà nước csVN đang phải báo động về thâm hụt ngân sách, nguồn vốn quốc gia cạn dần, chỉ có cách duy nhất vác mặt đi vay nợ nước khác. Gương Hy Lạp còn rành rành ra đó, hoặc gần nhất là Vinashin, một số tổng công ty nhà nước hiện đại của Nguyễn Tấn Dũng đã phá sản hoàn toàn trong thực chất, cho dù bây giờ có đổ tiền thuế của dân vào cứu thì Vinashin vẫn là một cái xác chết. Tiện đây chúng ta cũng có thể nhắc đến những tổng công ty đang thua lỗ khá lớn như Tổng công ty Cơ khí Xây dựng lỗ lũy kế tính là 39 tỷ đồng; Tổng công ty Công trình giao thông 6 lỗ lũy kế 149 tỷ đồng, Tổng Công ty Càphê tuy báo cáo lãi 199 tỷ đồng nhưng lỗ lũy kế 525 tỷ đồng. Ngoài ra còn rất nhiều đơn vị, tổng công ty lớn để tồn tại các khoản nợ khó đòi cao như Tổng công ty Lương thực miền Nam có khoản nợ khó đòi 56 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng Hà Nội 51,2 tỷ đồng, Công ty Thương mại và Xuất khẩu Viettel thuộc tập đoàn Viettel (khi đó còn là tổng công ty) để nợ quá hạn 79 tỷ đồng...

Nhà nước csVN có nhận ra sự yếu kém để rút ra những bài học cho mình, để sửa đổi làm cho dân giàu nước mạnh, để cho Nghìn Năm Thăng Long sẽ là bước tiến nhảy vọt chứ không chỉ là một lễ hội hoành tráng kéo dài trong 10 ngày rồi sau đó đâu vẫn hoàn đấy.

Hoặc là nhà nước csVN nhẫn tâm khoanh tay ngồi chờ những tổng công ty nhà nước kế tiếp khác phá sản theo Vinashin?
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Vai Trò Tâm Lý Học Trong Việc Xưng Tội
Lm Nguyễn Hữu Thy
07:31 05/10/2010
Vai trò tâm lý học trong việc xưng tội

Trong tâm lý trị liệu pháp (Psychotherapie) cổ điển, người ta thường có khuynh hướng xếp mặc cảm tội lỗi vào hàng ngũ bệnh lý học (Pathologie). Và mặc dù các nhà tâm lý trị liệu tân tiến ngày nay đã khám phá ra được nhiều nhận thức mới mẻ, nhưng quan niệm cũ vẫn còn ít nhiều ám ảnh và đeo đuổi họ. Dĩ nhiên có những hiện tượng bệnh tâm lý, chẳng hạn: hiện tưởng tâm thần suy sụp (Depression), chứng ảo giác, chứng rối loạn thần kinh, tình trạng tự ti mặc cảm hay mất hết tự tín nơi một số người nào đó, khiến cho những người ấy cảm thấy mình sống và hành động luôn sai sót. Nhưng những hiện tượng này là những trường hợp bệnh hoạn ngoại lệ, chứ không phải là trường hợp của những người bình thường và khỏe mạnh.

Còn bình thường, thì một người có mặc cảm tội lỗi hay cảm thấy mình có tội, là khi người ấy thực sự đã vấp phạm một tội lỗi nào đó, tức là lúc người ấy đã quyết định làm một hành động xấu, mặc dù người ấy vẫn có đủ điều kiện để làm một điều tốt. Vì thế, sau khi đã thực sự phạm một tội nào đó và rồi người ta cảm thấy mình có tội hay có mặc cảm tội lỗi, thì không thể coi đó là „mặc cảm“ hay „cảm giác“ thuẩn tuý được. Trái lại, trong trường hợp này, hiện tượng cảm thấy mình có tội là hậu quả tất yếu của hành động phạm tội gây nên, và đã được lương tâm nhắc bảo, đánh động. Vì sự ý thức được hành động sai trái và tội lỗi của mình như thế, chính là tác động nhận thức của lý trí kèm theo cảm xúc của cảm giác, chứ không phải là một tác động của cảm giác thuần tuý. Sự mặc cảm tội lỗi vì đã phạm tội thực sự này nhất thiết đòi hỏi người trong cuộc phải thành tâm tự kiểm điểm chính mình, một thái độ mà người ta gọi sự khiêm tốn.

Trong trường này, người thực hành tâm lý trị liệu pháp không có quyền đưa ra bất cứ phán quyết luân lý nào về hành động của bệnh nhân để cho là xấu hay tốt, bởi vì anh chỉ là người trị liêu, chứ không giữ vai trò xét xử của pháp lý. Dĩ nhiên, điều đó tuyệt đối không muốn nói rằng trong cuộc sống con người không có sự hiện hữu của chiều kích luân lý đạo đức.

Và trong thuật ngữ y khoa (medizinische Termonologie), hai cách thức của mặc cảm tội lỗi này người ta có thể cho là thuộc về sinh lý học và bệnh lý học. Nhưng trong y khoa, từ ngữ „sinh lý học“ thường được sử dụng để nói về tình trạng những người khỏe mạnh bình thường, chứ không phải người bệnh tật. Trong khi đó, từ ngữ „bệnh lý học“ lại được sử dụng để nói về tình trạng mất định hướng, bị khủng hoảng, sinh lý bất ổn và bệnh hoạn.

Người ta có thể quan sát và nhận thức được điều đó, chẳng hạn trong trường hợp khi bị đau nhức ở một phần nào đó trên cơ thể do bị chấn thương, nghĩa là bộ phận thần kinh tại „hiện trường“, nơi bị chấn thương, liền cấp báo trong nháy mắt cho trung ương bộ máy thần kinh biết điều gì đang tác động không tốt cho cơ thể. Chính nhờ có ký hiệu báo động này mà diễn tiến điều trị và chữa lành vết thương mới có thể tiến hành được.

Trái lại, sự đau đớn thuộc bệnh lý học lại thiếu cảm giác, hay người ta cũng có thể nói là „thiếu sự báo động“ của cơ thể. Cũng gần tương tự như thế, mặc cảm tội lỗi là một sự cảm nhận đau đớn của linh hồn, và đồng thời sự cảm nhận ấy cũng cho thấy sự tác hại của tội lỗi lên con người.

Chính hình ảnh về y khoa trên đây cũng minh giải cho thấy rằng theo nguyên tắc thì sự bất lực trong việc cảm nhận được sự đau đớn là một mất mát đầy nguy hiểm cho cuộc sống. Và cũng tương tự như thế trong lãnh vực tâm lý học, nếu nói một cách tổng quát thì sự thiếu mặc cảm tội lỗi biến con người thành quái vật, chỉ biết hành động theo sự điều khiển của bản năng tự nhiên cho sự tồn tại của mình một cách ích kỷ, và đồng thời coi tất cả những người khác chỉ là những phương tiện hay những bậc thang giúp họ đạt tới sự tồn tại ich kỷ ấy của mình mà thôi. Vì thế, khi họ cảm thấy những đồng loại nào đó có thể là một đe dọa nguy hiểm cho sự tồn tại của mình, thì họ tìm mọi cách diệt trừ. Đây là một điều đã được minh chứng rõ ràng trong suốt lịch sử nhân loại qua một số nhân vật tiêu biểu, như các nhà độc tài: Tần Thủy Hoàng, Tào Tháo, Nero, Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, Ceausescu, Pol-pot, v.v…!

Nhưng dĩ nhiên, không chỉ những nhân vật vừa được nêu danh mới độc ác khủng khiếp như thế. Mỗi người trong chúng ta cũng đều có thể trở thành tồi tệ, bất nhân và nguy hiểm cho đồng loại một cách tương tự, nếu chúng ta thiếu sự trung thành với sự hướng dẫn của lý trí và thiếu sự thuần phục tiếng nói của lương tâm, mà đánh mất đi ý thức sống động về thiện/ác và phúc/tội và chỉ tìm kiếm sự lợi lộc ích kỷ do bản năng tự nhiên điều khiển. Vì con người không chỉ „nhân chi sơ tính bản thiện“, tức bản tính con người sinh ra vốn tốt, nhưng trong mỗi người còn ẩn chứa khả năng có thể trở nên tốt hay trở thành xấu, có thể làm lành hay làm ác. Tất cả đều tùy thuộc vào sự nỗ lực hướng thiện của bản thân và môi trường ngoại cảnh. Bởi vậy, con người cần có được một nền giáo dục tốt, đúng đắn và một môi trường xã hội lành mạnh.

Trong ngôn ngữ thần học, để trình bày những tình trạng lành mạnh hay bệnh hoạn đó, người ta sử dụng các ý niệm „lương tâm ngay chính“ và „lương tâm sai lạc“.

Đối với những người có tâm thức tôn giáo sâu xa hay cũng được gọi là những người tín hữu đạo đức, thì mặc cảm tội lỗi lành mạnh cần phải được giải quyết qua Bí tích Hòa Giải, tức qua việc xưng tội. Bởi vì, qua việc xưng tội, người ta loại bỏ ngay chính nguyên nhân sâu xa nhất của tội lỗi. Trong khi đó, mặc cảm tội lỗi thuộc lãnh vực bệnh lý học thì chỉ tìm cách loại bỏ hay giải quyết mang tính cách tâm lý, tức qua thần kinh bệnh học (Psychiatrie) hay qua tâm lý trị liệu pháp (Psychotherapie), và trong trường hợp này, người ta không thể chứng mình được một cách rõ ràng tội lỗi do cảm xúc gây nên và vì thế, cũng không thể loại trừ tội lỗi một cách tận gốc được. Hành động này cũng có thể so sánh với hành động người nhổ cỏ chỉ nhổ những sợi cỏ bò trên mặt đất, còn các rễ ăn sâu dưới đất thì vẫn để nguyên, và sau đó mọi sự đâu lại vào đấy, chứ không có gì thay đổi cả.

Đàng khác, sự bất cập của tâm lý trị liệu pháp cũ là ở chỗ đã thường tâm lý hóa (và đã bệnh lý hóa) mặc cảm tội lỗi „thuộc sinh lý“, và vì thế đã làm đảo lộn con đường dẫn tới sự hoán cải và qua đó làm lệch lạc cả sự hoàn thiện. Không ít các nhà tâm lý trị liệu pháp, vì do vũ trụ quan thuần chủ quan của họ, đã phủ nhận cả những vấn đề minh nhiên, chẳng hạn những tội lỗi thực tiễn và cụ thể. Thật vậy, nếu con người được định nghĩa một cách thuần túy vật chất, chẳng hạn như trường hợp nhà phân tâm Sigmund Freud đã làm, thì tất nhiên sẽ đi tới hậu quả hợp lý là con người không có tự do và trách nhiệm nữa. Theo chủ nghĩa giản lược này, thì thủ phạm sẽ trở thành nạn nhân và trút hết tội lỗi của mình lên các hoàn cảnh tâm lý này nọ, như: „tôi đã không thể làm khác được“, hay đổ tội cho những người khác, như: „do sự giáo dục sai lạc“ của cha mẹ hay của thầy cô giáo.

Nhưng sự tìm cách qui tội cho ngoại cảnh một cách truy tưởng như thế sẽ làm nảy sinh hai khuynh hướng nguy hiểm, đó là đánh mất hoàn toàn cảm năng về tội và ảo tưởng tự cho mình là vô tội, tức tự công chính hóa chính mình. Tuy nhiên, theo tâm lý, thì con người sẽ phải luôn trường kỳ phấn đấu mới mong có thể tiếp tục giữ được phần nào sự tự lừa dối mình như thế, vì trong một lúc nào đó lương tâm người ấy sẽ lại đánh động và làm hồi tỉnh lại ý thức về tội trong mình và từ đó nảy sinh ra tình trạng bất ổn nội tâm, mà người ta thường gọi „lương tâm cắn rứt“. Trong thuật ngữ thuộc phân tâm học, người ta gọi sự „trường kỳ phấn đấu“ này là tình trạng tâm lý dồn ép (Refoulement (F) hay Verdrängung (D)). Một thái độ „chạy tội“ như thế thường sẽ trực tiếp dẫn tới tình trạng bất ổn và „mất vui“ nội tâm, vì đương sự phải luôn tìm mọi cách để tự vệ và để tự khẳng định sự vô tội của mình, như: Thủ phạm chắc chắn là những người khác, chứ „tôi chỉ là kẻ đáng thương mà thôi.“

Tình trạng tâm lý dồn ép về sự bất toàn của mình là một chủ nghĩa cầu toàn bệnh hoạn

Nhưng thái độ không muốn chấp nhận khả năng lầm lỗi của mình như thế là một chủ nghĩa cầu toàn (Perfectionisme) mang nặng tính chất rối loạn thần kinh, một chủ nghĩa lẫn lộn giữa sự hoàn thiện Kitô giáo với sự mất ý thức về tội. Người theo chủ nghĩa cầu toàn bệnh hoạn, thì xác tín rằng anh không được phép để mình làm bất cứ sai lỗi nào. Và hậu quả tất yếu là anh cũng không muốn hoàn thiện mình hơn, vì làm sao một người lại cần phải hoàn thiện mình hơn nữa, khi người đó không sai phạm bất cứ lầm lỗi nào cả? Người ấy chỉ cần sự chứng thực là anh luôn hành động đúng đắn, thế thôi. Nếu vậy, đối với người ấy, sự hiện diện các quy luật này nọ trong Giáo Hội là cả một xúc phạm, vì như thế là đã tỏ ra nghi ngờ tính cách hoàn thiện nơi con người anh, và sau cùng tất cả các quy luật ấy còn là một đe dọa đến sự hiện sinh của anh. Vì thế, rất có thể anh sẽ bức xúc tự hỏi: „Những gì tôi làm trong phòng ngủ của tôi thì có liên quan gì đến Đức Giáo Hoàng?“

Qua đó, người ta nhận thấy được rằng người bị chứng rối loạn thần kinh sẽ thất bại vì thiếu đi ý thức tội lỗi và đồng thời khuynh hướng hiếu chiến sẽ bắt đầu nảy nở dần trong người đó, và khuynh hướng ấy thường sẽ đưa người đó có những tư tưởng và thái độ thù nghịch vô căn cứ đối với tôn giáo nói chung, cũng như phê bình chỉ trích, chứ không còn tìm ra được lý do để thông cảm với Giáo Hội nói riêng. Đối với những người mang sẵn định kiến tự tôn và thiếu phán đoán trung thực về tình trạng nội tâm của mình, thì mỗi sai lỗi nhỏ mọn nhất của người đại diện của Giáo Hội đều là một xì-căn-đan nguy hiểm, cần phải được nêu danh và tẩy trừ để trả lại cho Giáo Hội sự thánh thiện nguyên thủy, hay nói theo ngôn ngữ tân thời: để „lành mạnh hóa“ Giao Hội.

Nhưng chúng ta biết rằng sứ điệp đầy yêu thương và khoan dung của Giáo Hội lại đang tìm cách giải thoát con người ra khỏi sự phán đoán và quan điểm hẹp hòi và chủ quan như thế qua Bí tích Hòa Giải, qua sự xưng tội riêng thường xuyên. Bởi vì, đã là người thì ai cũng có sự lầm lỗi, dù người ấy ở đấng bậc nào đi nữa. Vâng, tất cả chúng ta đều là những kẻ có tội trước mặt Chúa, và vì thế, ai ai cũng đòi hỏi phải có thái độ khiêm tốn hối cải và hoàn lương.

Diễn tiến của sự ăn năn hối cải thăng tiến sự tự do cá nhân của con người

Như thế, trong Bí tích Hòa Giải, bên cạnh chiều kích chủ yếu là ân sủng thiêng liêng của Thiên Chúa ban, còn có lãnh vực tâm lý và nhân bản nữa. Đúng vậy, nơi một người thành tâm đón nhận Bí tích Hòa Giải một cách sốt sắng và nghiêm chỉnh, thì sau ý nghĩa thần học là sự tha thứ của Thiên Chúa, còn có tác dụng của tâm lý học nữa. Nói cách khác, một người sau khi xưng tội một cách đúng đắn xong – tức thành tâm ăn năn hối cải và làm đầy đủ các đòi hỏi cần thiết của Bí tích Hòa Giải – thì sẽ được Thiên Chúa tha thứ cho các tội đã phạm và đồng thời người ấy cũng cảm thấy thanh thản nhẹ nhàng, chứ không còn bị mặc cảm tội lỗi đè nặng lương tâm như trước kia.

Qua sự được giải hòa với Thiên Chúa cũng như với đồng loại bằng sự thú nhận tội lỗi và sự tha thứ, tâm lý dằn vặt của con người sẽ được giải tỏa. Đây quả là một sự vơi nhẹ có hiệu quả mạnh mẽ và sâu xa đối với người mang nặng khuynh hướng cầu toàn đang phải đối mặt với cuộc chiến nội tâm giữa tâm lý tự khẳng định chính mình và thực tại bị dồn ép. Ở đây, người ta cũng phải ghi nhận là nếu xét về phương diện tâm lý, thì có lẽ Bí tích Hòa Giải Kitô giáo, tức sự xưng tội, là một thực tại duy nhất có thể làm cho con người xác tín được tận đáy lòng thẳm sâu của họ, để họ có thể suy tư, tự kiểm điểm, thú nhận tình trạng thực tiễn của tâm hồn mình, ăn năn hối cải và hoàn lương.

Việc thành tâm nhìn nhận mình là kẻ yếu đuối và xưng thú các khiếm khuyết cũng như các tội lỗi của mình cho vị Linh Hướng, vị đại diện của Thiên Chúa – một người cũng hoàn toàn mang đầy yếu đuối như mình và cũng cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa – chứ không tìm cách bào chữa, dấu diếm hay đổ lỗi cho người khác, quả thực là một hành động hết sức dũng cảm của người có đức tin mạnh mẽ. Bởi vì, người ấy xác tín được rằng Thiên Chúa luôn khoan dung và đầy lòng trắc ẩn, sẽ tha thứ mọi tội lỗi cho tất cả những ai biết thành tâm ăn năn và quay trở về với Người, và đồng thời người ấy cũng xác tín được rằng dù vị Linh Hướng ngồi ở tòa Cáo Giải kia cũng là một người như bao người khác, nhưng qua trung gian của Giáo Hội, ngài đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm người đại diện hữu hình cho Người để mang lại ơn tha thứ cho hối nhân.

Do đó, hành động xưng tội mang lại tác dụng tâm lý mạnh mẽ nhất định trên người hối nhân, mà hiệu quả cuối cùng là sự chữa lành, sự thánh hóa và sự hồi sinh. Câu nói dũng cảm của hối nhân „Con đã phạm tội…“ đã nói lên rằng đương sự đã tự lên án hành động lệch lạc sai trái của mình, loại bỏ nó và bắt đầu lại từ đầu. Người ấy cảm thấy lương tâm thanh thản nhẹ nhàng, chứ không còm cảm thấy nặng chĩu, không vui và bất ổn nữa. Nhưng dĩ nhiên, đó không chỉ là một cảm nhận mang tính cách thuần túy tâm lý mà thôi, nghĩa là một vấn đề thuộc cảm giác, nhưng trước hết đó là một thực tại của linh hồn, được đức tin và lý trí chứng thực: Con người thực sự đã được Thiên Chúa tha thứ mọi tội lỗi đã phạm, vì đã can đảm và thành tâm xưng nhận chúng trước tòa Chúa qua Bí tích Hòa Giải, qua việc xưng tội.

Như vậy, con người sẽ loại bỏ được tội lỗi của mình, được tha thứ và được cứu rỗi, khi biết chân thành chấp nhận chúng và hối cải. Hay nói theo ngôn ngữ tâm lý học, khi con người biết loại bỏ được khuynh hướng tự tôn và tự mãn sai lệch về mình, thì con người thực sự đang ở trong tiến trình trở nên lành mạnh.

Tuy nhiên, việc xưng tội còn đòi hỏi phải có sự đền tội kèm theo, nghĩa là sự nỗ lực bù đắp và sửa chữa những tác hại do tội gây nên, như dấu chỉ tất yếu của sự tự nhận thức được chính mình và ăn năn hối cải chân thành. Ăn năn hối cải có nghĩa là hoàn lương và tìm ra định hướng nội tâm mới cho đời mình. Qua đó, nảy sinh lòng quyết tâm xa tránh tội lỗi – tức những hành động không hợp lý – và nhờ sự cương quyết xa tránh tội lỗi như thế giúp cho con người tránh được cả những dịp đưa con người tới chỗ phạm tội. Người ta có thể nói được rằng diễn tiến này đã thăng tiến và mở rộng sự tự do bản thân người liên hệ. Bởi vì, nếu một người có thói quen phạm đi phạm lại các thứ tội, mà không chịu chấm dứt ngay, hay nói theo ngôn ngữ thần học luân lý là „thiếu dốc lòng chừa“, thì thói quen xấu ấy sẽ dần dà trở thành bức màn vô thức được phủ lên tình trạng sai trái tội lỗi của người đó, khiến cho đương sự không còn nhìn thấy rõ được tình trạng tội lỗi xấu xa của mình nữa, nên vẫn cho mình là đàng hoàng, trong trắng và vô tội. Cụ thể là không ít người suốt cả 3,4 năm trời, hay còn lâu hơn nữa, không hề đi xưng tội, nhưng họ vẫn cảm thấy mình không hề phạm tội gì cả và lương tâm họ cũng không hề áy náy (vì có lẽ đã trở nên chai lì rồi). Trong khi đó, một tín hữu đạo đức sốt sắng thì luôn biết phát huy và trau dồi cho tiếng lương tâm mình mỗi ngày một trở nên nhạy cảm, sắc bén và lành mạnh trong tất cả mọi tư tưởng, lời nói và hành vi sai trái.

Điều đó muốn nói rằng, nếu nhìn theo phương diện tâm lý học, thì toàn bộ diễn tiến của việc xưng tội, gồm có sự xét mình hay sự dọn mình, là một dịp tốt và cụ thể nhất, giúp cho con người thoát ra khỏi vực sâu của tình trạng bán vô tri hay cả vực sâu của tình trạng vô tri về tội lỗi của mình. Đồng thời việc xưng tội làm vô hiệu hóa những xung đột nội tâm đầy nguy hiểm qua hành động xưng nhận các lầm lẫn và các tội lỗi của mình một cách rõ ràng với vị đại diện của Thiên Chúa. Chính nhà phân tâm học Sigmund Freud cũng đã trình bày một cách rất sáng suốt rằng bệnh rối loạn thần kinh sẽ phát triển mạnh ở đâu tội lỗi được che đây khéo léo, hầu để lý tưởng hóa cái tôi một cách thái quá so sánh với bản ngã thực tiễn. Nói cách khác, khi một người càng tô đẹp hình ảnh của chính mình một cách quá đáng, thì khả năng trở nên bệnh hoạn càng nhiều, khi người ấy phải đối mặt với thực tại cụ thể. Trong khi đó, qua việc xưng nhận tội đã phạm, thì tình trạng đau khổ, bất an và dồn ép của nội tâm sau khi sai phạm các tội lỗi sẽ có thể hoàn trả lại cho lương tâm sự thanh thản và an bình, và qua đó cả chứng rối loạn thần kinh của đương sự cũng được giảm thiểu, bởi lẽ việc làm cần thiết cho sự giải tỏa tình trạng tâm lý bị dồn ép cũng đã bớt đi.

Ở đây, có lẽ chúng ta cũng cần nhắc lại một ý niệm thường hay được một số học giả trích dẫn, mà người ta có thể gọi là sự „ảo giác tôn giáo“ hay sự „rối loạn thần kinh mang tính cách tôn giáo“ (ekklesiogene Neurose). Đây là ý niệm mà vào năm 1955 nhà phụ khoa học Schaetzing viện vào để gán ghép một cách lầm lẫn một loại bệnh thuộc thần kinh bệnh học như là hậu quả của công cuộc truyền bá tôn giáo gây ra. Nhưng trong thần kinh bệnh học tân thời ngày nay, sự gán ghép này được coi là sai lạc và lỗi thời. Trái lại, chính sự đòi hỏi rõ ràng về luân lý trong tất cả các lãnh vực của cuộc sống đã mang lại cho con người điều kiện để làm giảm thiểu tình trạng tâm lý bị dồn ép của mình, một tình trạng do chính tội lỗi của bản thân gây nên, mà người ta, vì do thiếu nhận thức đầy đủ về gánh nặng tâm lý ấy, thường chỉ có thể tháo gỡ, cởi mở hay làm vơi nhẹ đi được phần nào tình trạng đó mà thôi.

Tiếp đến, sự đam mê của con người thường hay phát triển lệch sang một hướng khác – tức bằng một sự thỏa mãn ngắn ngủi trong chốc lát – càng làm cho tiếng nói của Giáo Hội trở nên vô cùng cần thiết trong việc làm tăng cường lý trí và sự suy luận của con người trong diễn tiến thuộc nội tâm thần. Bởi vậy, những người chuyên môn chân chính trong lãnh vực tâm lý trị liệu pháp đã có lý khi phủ nhận hoàn toàn ý niệm „ảo giác tôn giáo“.

Điều đó cũng muốn nói rằng sự đòi hỏi khắt khe thuộc lãnh vực luân lý đạo đức không hề là nguyên nhân gây ra chứng loạn thần kinh mà ý niệm „ảo giác tôn giáo“ muốn áp chỉ – như một vài khuynh hướng Mục Vụ bị tâm lý hóa hay hoàn toàn dựa vào tâm lý học, đã từng truyền bá trong hàng thập niên qua –, nhưng sự đòi hỏi ấy thực ra là một nhu cầu cần thiết khi đối mặt với tình trạng mất ý thức về tội nơi một số người. Đây là một tình trạng nguy hiểm, làm cho sự phán đoán của con người về chân/giả, thiện/ác bị lệch lạc và không còn chấp nhận định nghĩa về tội/phúc của lý trí lành mạnh bình thường nữa, bởi vì phương tiện cần thiết và hữu hiệu trong việc hàn gắn lại những đổ vỡ tâm lý và trong việc cứu chữa linh hồn con người – việc xưng tội – đã bị đánh giá thấp hay đã bị loại bỏ trong cuộc sống hằng ngày, hoặc cá nhân người liên hệ đã tự ý sao nhãng và bê trể trong việc lãnh nhận Bí tích Hòa Giải. Chính Bí tích Hòa Giải làm cho đức tin Kitô giáo nói chung và sự đòi hỏi cần thiết trong việc cải thiện cuộc sống mỗi người nói riêng, trở thành sống động.

Thật vậy, một trong những điều kiện khắt khe tiên quyết của đời sống hoàn thiện theo tinh thần Kitô giáo là sự đòi hỏi phải biết nhận thức được sự yếu đuối và sự sai phạm các tội lỗi của bản thân và tẩy rửa chúng qua sự hoán cải nhờ vào Bí tích Hòa Giải hay việc xưng tội. Vì thế, nếu để muốn khẳng định sự tự công chính hóa của mình một cách sai lạc và bệnh hoạn, mà người ta tìm cách loại bỏ ý niệm về tội, hay: để muốn làm vơi nhẹ sự dằn vặt của lương tâm, mà người ta hùng hổ chống đối các điều luật của Giáo Hội một cách chủ quan, thì người ta sẽ khó tránh được tình trạng tâm lý bị dồn ép trước sự bất toàn của mình, vì bản chất con người vốn bất toàn và hay sa phạm các thứ tội (x. 1Ga 1,8).

Đây cũng là xu hướng của một số người, nhất là những người thuộc thế hệ trẻ, đã từng làm bùng nổ vào thập niên 80 của thế kỷ vừa qua một phong trào nông nổi và quá khích với khẩu hiệu chứa đầy tính chất chống đối: „Tin Mừng, chứ không phải là Tin Buồn“ hay: „Tin Lành, chứ không phải Tin Dữ“. Điểm đặc biệt là những thành phần này không muốn nhắc đến các từ ngữ hay các ý niệm thuộc luân lý, như „tội lỗi“, „Hỏa ngục“, „án phạt của Thiên Chúa“, „ma quỷ“ hay sự báo oán và đền bù về các tội ác trong cuộc sống mai hậu, v.v…! Bởi vì những từ ngữ hay ý niệm đó luôn là dịp tốt làm vang vọng lên một cách rõ ràng và sống động tiếng nói của lương tâm, kèm theo sự cắn rứt và dằn vặt không nguôi, một điều mà họ rất sợ hãi và luôn tìm cách tránh né. Nhưng người ta cũng tự hỏi là những thành phần của phong trào kia đã trải nghiệm được thế nào về ý niệm „tin buồn“ hay „tin dữ“ mà họ nêu danh? Và tại sao?

Trong khi đó, ngược lại, những người tín hữu thường xuyên lãnh nhận Bí tích Hòa Giải hay xưng tội một cách sốt sắng, thì bình thường sẽ đạt tới được sự nhận thức cao và rõ ràng về chính mình và về tình trạng cuộc sống của mình, bởi vì những tín hữu ấy phát huy cho mình được khả năng biết cân nhắc và phán đoán một cách chính xác những cảm xúc, những tình cảm, những đam mê và các hành động của mình. Lương tâm những người ấy luôn nhạy cảm, sắc bén và sống động. Vâng, những người như thế thường có được khả năng suy tư đúng đắn về những sinh hoạt của đời sống tình cảm của mình. Và nhờ thế, những người tín hữu ấy không hề hành động theo bản năng tự nhiên hay gán ghép các sai lỗi của mình cho định mệnh mù quang, nhưng họ luôn hành động với đầy đủ ý thức và luôn dựa theo sự phán đoán hợp lý của lý trí. Đây chính là điều dẫn tới sự tự ý thức lành mạnh về chính mình, vì đã được bám rễ sâu trong ý thức đầy đủ về thiên chức làm nghĩa tử Thiên Chúa của mình.

Và cuối cùng, từ đó sẽ nảy sinh ra lòng tri ân cảm tạ sâu xa đối với một Thiên Chúa luôn đầy khoan dung và nhân từ, Đấng đã tha thứ mọi tội lỗi của con người. Tiếp đến, những con người như thế cũng biết thông cảm và tha thứ cho người khác cũng như cho chính mình, và qua đó họ càng sống lạc quan, tin tưởng và vui tươi phấn khởi hơn, dù cho họ có phải sống trong hoàn cảnh nào đi nữa, hay nói rõ hơn, dù cho họ có phải đối mặt với những điều tích cực hay tiêu cực xảy ra trong cuộc sống.
 
Bên lề Hà Nội, một thời đã mất
Trần Mạnh Trác
18:49 05/10/2010
Lời phi lộ

Tôi đã không viết về Hà Nội vì một lý do rất đơn giản là tôi đã xa Hà Nội hơn 50 năm rồi, hồi đó mới lên 9 chưa biết gì nhiều, và tới nay là hơn một nửa thế kỷ, thời cuộc đổi thay cũng nhiều lắm.

Nhưng mặc dù bề dày lịch sử 1000 năm đã được nhiều người mang ra mổ xẻ, vẫn còn thấy nhiều thiếu sót, giống như thể có những lổ hổng chưa được bít lại trên một mái nhà.

Cho nên tôi mạn phép mời quí vị tới thăm cái thế giới Hà Nội nhỏ bé mà tôi đã lớn lên, là một lỗ hổng chưa có ai lưu tâm tới, một cái cõi nhân sinh tuy khiêm tốn nhưng chưa bao giờ phai mờ trong ký ức.

Cỏi nhân sinh ấy là phố Hưng Ký, vùng chợ Mơ, thời điểm những năm 1950...

Chợ Mơ

Để tới chợ Mơ, người ta có thể đón tầu điện từ Hồ Gươm.

Tầu đi Chợ Mơ lúc nào cũng chật cho nên cái may để có một ghế ngồi là hiếm lắm, nhưng thanh niên Hà Nội hồi đó rất là 'galant', họ sẽ ngả mũ nhường ghế cho quí bà quí cô. Trông lịch sự 'cứ' như là 'Tây thật'!

Khi ông tài xế kéo cái 'cần câu điện' lên phía trước và móc vào hàng dây điện ở bên trên thì chiếc tầu sẽ rung rinh chuyển bánh trên đường sắt. Bây giờ hành khách sẽ một tay bám lấy xà ngang và một tay kia lấy sẵn ra một 'hào', vì 'thày kiểm vé' sẽ đi qua ngay. 'Thày' là tên gọi của các quí công chức thời đó, ông ta thoăn thoắt đi từ dưới lên trên, tay nhận tiền, tay phát vé, len lỏi qua cái boong tàu chật ních người. Mọi người sẽ được ông ta hỏi trước khi chiếc xe dừng ở trạm kế tiếp.

Một hào là vé đồng hạng. Chợ Mơ là trạm cuối cùng, đường xe điện chấm dứt ở đây trước cửa một rạp 'xi nê ma' Ngọc Hồi (?). Khi xuống xe, hành khách phải chìa vé cho một thày đội 'phú lít' (Cảnh sát) đứng đón ngay cửa.

Có vị sẽ hỏi nếu muốn chạy xe tới thì sao, hồi đó có xe đạp là 'sang' lắm, nhất là lọai xe Peugeot hay là xe 'cua' (course, sport). Cảnh một ông chồng mặc áo 'vét tông' chỉnh tề, một tay dắt xe Peugeot, một tay dẫn con, bánh xe chiếu lấp lánh, thằng con trai mặc 'quần sọoc áo sơ mi', còn bà vợ thì 'guốc cao, quần lãnh, áo lụa, tóc vấn tròn' bế đứa con gái 'váy đầm' ríu rít theo sau, cảnh một gia đình như thế là 'bảnh' lắm.

Vậy con đường chạy xe đạp là theo lối Đinh Tiên Hòang trực chỉ hướng Nam, đường sẽ đổi tên nhiều lần mặc kệ, cứ việc đi cho đến hết đường (hồi đó) thì đến chợ Mơ.

Tôi còn nhớ nhiều buổi tối được thầy (bố) 'đèo' (chở) xe đạp về nhà. Xe lọc cọc lăn trên đường vắng giữa phố phường 'hoa đăng muôn sắc'. Nhưng khi đi qua Chùa Vua thì đèn phố bắt đầu rải rác, để nhường lại cái không gian riêng tư tĩnh mịch cho hai 'bố con'.

Tại Chợ Mơ vào buổi sáng, quí vị sẽ phải len lỏi qua nhiều hàng rong, gồm cả hàng cá hàng thịt nhiều mùi. Dân ngọai thành mang sản phẩm tới bán từ 'lúc tinh mơ', họ bày hàng chật đường, lấn cả cửa vào chợ, tới xế trưa thì về hết. Qua khỏi chợ là một ngã ba, lối bên phải đi về Bạch Mai, còn bên trái là đường Hưng Ký.

Đây là vùng ngọai ô.

Chùa Hưng Ký

Đường Hưng Ký lúc này còn quang đãng, một bên là phố còn bên kia vẫn là đồng ruộng. Làng Quỳnh thấp thóang ở đằng sau ruộng lúa. Đi xa nữa theo đường Hưng Ký thì đến Nghĩa Địa.

Ngày nay đường Hưng Ký đã đổi tên thành đường Minh Khai thì phải?

Hưng Ký còn là tên của một ngôi chùa không xa chợ Mơ là bao nhiêu. Do ông bà Hưng Ký xây, còn có tên gọi là Chùa Mới. Mỗi chiều trẻ con thường lang thang tới chùa, đi qua chiếc cổng tô vôi màu vàng nghệ, rồi vào chùa ngắm cảnh địa ngục với những tượng quỷ dữ đỏ hoe đang phanh thây kẻ có tội. Vào tới chánh điện thì có nhiều tượng phật vàng óng ánh, gương mặt hiền từ, khói nhang nghi ngút, quang cảnh lung linh u uẩn. Việc tới chơi chùa không bao giờ bị cấm cản cả, có nhiều khi còn đựơc cho ăn ỏan.

Chùa nằm sâu bên đường, trước cổng là một sân cỏ và một ao nước rộng đám trẻ dùng làm nơi tụ tập tắm gội mỗi chiều. Trên sân lúc nào cũng có con trâu ăn với một gã mục đồng ngồi chỗm chệ trên lưng.

Chiến tranh

Nhiều đám con nít ở vùng chợ Mơ tụ tập thành nhiều 'đảng' (băng đảng), hồi đó có người rủa chúng là những 'lũ du côn' hoặc 'tụi con nhà mất dạy', nhưng thực sự chỉ là những đứa trẻ ham chơi rỗi rảnh mà cha mẹ lại bận rộn không có thể chăm sóc từng giờ. Chúng tụ tập đánh bi đánh đáo hoặc chơi khăng, có lúc giàn hàng đánh trận với nhau, thường là ném đất qua những thửa ruộng. Vết 'sẹo' trên đầu của tôi là dấu tích của một cuộc thư hùng với đảng làng Quỳnh.

Và cũng có đứa chết vì tai nạn. Đó là thằng Quấy, nó chết đuối. Ngày chôn nó, đám bạn bè chúng tôi bảo nhau tặng tất cà đồ chơi cho nó. Nhiều cánh quạt giấy quay vù vù trên một ngôi mộ đất vàng mới được vun lên. Gió lạnh thổi, ruộng lúa quạnh hiu gờn gợn sóng...

Cũng trên những ruộng lúa vàng này mà nhiều lần cảnh chiến tranh thật đã diễn ra. Những máy bay 'khu trục' đi oanh tạc ở khắp nơi thường trở về bay ngang qua phố Hưng Ký. Cứ mỗi lần nghe tiếng động cơ nổ khụt khịt là người dân hò nhau chạy ra nhìn lên trời quan sát. Những chiếc máy bay bị trúng đạn trông có vẻ như là một con chim bị mắc nghẹn nhưng vẫn gắng gượng giang cánh bay về tổ. Có khi một làn khói đen cuồn cuộn phun ra, con chim sắt rít lên rồi chao đảo 'đâm xầm' xuống ruộng. Khói lửa bùng lên, trên không trung nở rộ ra một cánh dù trắng. Dân chúng đua nhau chạy tới xem người phi công vừa may mắn thóat chết... thì ra vẫn là một ông 'Tây trắng mũi lõ'...

Phố xá

Có một ông Tây thuê phòng bên cạnh nhà để chứa một cô 'me Tây'. Cô ta thoa son để tóc 'phi dê' (uốn). Ông Tây thỉnh thỏang mới về thăm nhà và không bao giờ ở qua đêm. Còn cô me Tây thì tìm cách tránh mặt hàng xóm. Cho tới một lần khi cô nàng đi qua nhà tôi mua cà nén thì bà mẹ tôi tìm cách hỏi thăm và thế là trở thành thân, cô ta nhẩy đầm giỏi, nhưng luôn luôn cúi đầu giữ vẻ khiêm nhường bẽn lẽn.

Nhà bên đó cũng còn có một 'nhà Hộ Sinh' do hai cô đỡ xinh trẻ mặc áo trắng, tuy giương bảng lên là 'nhà hộ sinh' nhưng chỉ thuê có một phòng sau, lấy màn ngăn ra nhiều khu. Hai cô đỡ vẫn còn độc thân và cũng rất thân thiết với gia đình tôi, mỗi tối các cô lân la qua trò chuyện, mẹ tôi cứ đòi làm mai mối nhưng các cô vẫn chẳng chịu đám nào, ấy thế mà vẫn cứ sang.

Có một lần tôi đi ngang qua nhà hộ sinh, nghe có tiếng la lối xuyên qua cửa sổ, tò mò tôi vén màn nhìn vào thì thấy một thai nhi còn đỏ hỏen đang co người mà khóc, dây nhau còn lòng thòng vấy máu. Bỗng một bàn tay túm lấy cổ tôi lôi ra, thì ra là cô đỡ trẻ, bắt được tôi tại trận...nhưng cô ta chỉ biết chỉ trỏ, không nói được lên lời, ra vẻ tôi là thằng con trai mà làm như vậy thì xấu lắm và híp mắt cười rũ rợi.

Xa hơn nhà hộ sinh nhưng vẫn còn trong tầm mắt là một hãng làm 'than quả bàng', lọai than đá nghiền chung với đất rồi nắm thành cục. Những anh lao công đen đủi nhào những than đá đã được cán thành bụi với bùn rồi nén qua những khuôn của một trục bánh xe bằng gang, bánh xe to lớn với bề kính cao hơn đầu người và ở trên mặt bánh xe có những khuôn nhỏ to bằng nắm tay đúc lõm xuống. Sự di chuyển bánh xe là do sức người, than được đổ vào một đầu và khi vòng bánh quay qua đầu bên kia thì những quả than giống như trái bàng cũng đã được nắm xong, sẵn sàng mang ra phơi khô. Than quả bàng giá rẻ nhưng mau tàn, người ta vẫn thích than đá hơn.

Xa hơn nữa là một hãng thổi ve chai, người nào cũng ở 'trần trùng trục', mồ hôi nhõa nhuệ trước một lò than đỏ rực. Lò than nung một thau thủy tinh từ các ve chai đã vỡ. Những người thợ dùng một ống sắt nhỏ và dài nhúng vào khối thủy tinh lỏng rồi thổi hơi vào đầu bên kia. Thủy tinh nở phồng ra như một bong bóng, người thợ mau mắn ép vào một cái khuôn, rồi nhúng ngay vào một bồn nước lạnh, khói trắng tủa ra nghi ngút. Khi làn khói tan đi thì một cái chai đã thành hình mầu xanh lục. Người thợ cắt ống thổi ra khỏi cổ chai và tiếp tục công việc làm cái chai khác.

Rỏ ràng đây là một khu phố thủ công lao động.

Cây me

Giữa khu phố đó, nhà tôi ở số 30 đường Hưng Ký, Bạch Mai, Hà Nội.

Đó là một căn nhà ngói một tầng, có chiều sâu, chia làm hai gian phần ở giữa có sân và bể nước, sân nhà có tường cao với bờ tường gắn nhiều mảnh chai vỡ để chống ăn trộm. Mặt tiền của nhà thì mẹ tôi mở một cửa hàng bán tạp hóa nhưng ban đêm thì dọn làm phòng ngủ, nhà phía sau có nhiều phòng cho thuê, trong số người thuê có một văn sĩ và một gia đình thợ thêu, họ phục vụ cho các thân chủ ở ngòai phố. Đông người ở như vậy mà cuối nhà vẫn còn một chỗ trống cho một chuồng lợn nhỏ, nằm bên cạnh lu nước tiểu và cầu tiêu, mẹ tôi nuôi một đôi lợn ỉ (Potbelly pig).

Trước nhà có một cây me và một cây bàng. Cả khu phố Hưng Ký nhà nào cũng trồng hai cây như thế. Dưới bóng mát của cây me thường có các bà bán hàng rong đặt gánh.

Tuy có Me nhưng hình như người Hà Nội không dùng để nấu canh chua thì phải, họ dùng quả Sấu. Cây Sấu được trồng thành hàng bên nhiều con đường để làm bóng mát. Quả Sấu chín có vị chua ngọt. Sấu còn là nơi sinh trưởng của Cà Cuống. Mỗi đêm đứng dưới đèn đường, nhiều khi tôi bị Cà Cuống bay xà xuống bám vào ngực áo, chỉ việc gỡ ra mà bắt lấy. Nấu canh Sấu thì dùng cá chiên, không dùng cá sống như ở miên Nam, có Đậu Phù (Tầu Hũ) được thái mỏng và chiên lên, có Bạc Hà (Dọc Mùng), có Thì Là... Khi ăn thì cắt 'đít' Cà Cuống mà nhỏ vào cho dậy mùi. Hương vị bát canh là một bản hợp ca, chua và ngọt, bùi và béo...thật tuyệt!

Cũng dưới cây me này tôi đã chứng kiến một cảnh thưong tâm của thời chiến, một tên ăn trộm bị người dân trong hẻm bắt được trong đêm, họ trói hắn vào gốc me, vì hắn mặc quần áo 'nhẩy dù' cho nên không ai dám đụng đến hắn, họ giữ hắn ở đó đợi 'phú lít' tới, vẻ mặt hắn lờ đờ mệt mỏi, con mắt đã mất thần tuyệt vọng. Không may cho hắn một chiếc xe lính nhẩy dù đi ngang. Chiếc xe dừng lại, ông 'xếp' nhảy xuống chống nạnh hỏi chuyện, gương mặt bực tức, và khi 'xếp' tuyên bố một câu lạnh lùng "mày làm nhục nhảy dù, mày đáng chết" thì lập tức cả tóan lính trên xe ào xuống thi nhau đấm đá chửi bới...Khi cái thân mềm nhũn của hắn bị lôi đi rồi, tôi vẫn còn thấy vết máu, chó liếm chưa hết, dính trên gốc cây nhiều ngày sau đó.

Ở phía bên kia đuờng là một giếng nước công cộng nằm ngay cạnh bờ ruộng. Hồi trước là một giếng đào, người dân tấp nập kín nước ngày đêm cho nên nước thì đục và giếng thì lầy lội, khu phố hồi ấy chưa có ống nước, mọi nhà đều xây bể nước mưa để uống, còn nước rửa thì nhờ vào cái giếng công cộng ấy. Về sau 'Tây' đặt một ống sắt xuống lòng đất để lấy nước mạch lên, đặt cần bơm tay và lát xi măng chung quanh, nhờ đó có nước trong và mặt giếng thì cũng khô hơn. Lợi dụng có giếng nước, nhiều người đã cuốc đất bên đường đắp thành luống để trồng rau 'Diếp' quanh năm, do đó cứ mỗi chiều là thấy cảnh những cô gái gánh nước tưới rau rất nhộn nhịp.

Hàng rong

Cùng với lúc các cô gái rủ nhau ra giếng thì một ông bán 'phá xa' cũng xuất hiện. Ông ta đi dọc khu phố, miệng rao hai tiếng "Phá...Xa!", tay cầm một cái nhạc bằng tre và đánh lên những tiếng tách tách theo nhịp chân đi. Mỗi khi nghe tiếng ông ta rao hàng thì chúng tôi túa ra mua lạc rang của ông. Đây là một lọai 'đậu phụng da cá' còn nóng hổi, một món hàng rong mà trẻ già đều thích.

Hàng rong tại phố Hưng Ký thì nhiều, giờ nào thức ấy, từ sáng tinh mơ đã nghe lanh lảnh hai tiếng 'bánh tây'. Đó là thứ bánh mì bagette từ các lò mới rỡ ra, trao cho các em bé mang đi bán lẻ. Mỗi sáng mùa đông của miền Bắc gió thổi, hé cửa lùa gọi hàng bánh tây tới, nhận những tấm bagette còn nóng hổi từ bọc vải rút ra, mà rồi chạnh lòng cảm thương cho các em nhỏ đang chịu cảnh cóng lạnh ngòai sương gió.

Vào những sáng đẹp trời hơn thì mẹ tôi kêu hàng cháo lòng lại. Kêu một hàng thì lập tức các hàng khác cũng đổ xô đến vây quanh. Thành thử vỉa hè nhà tôi trở thành một khu chợ nhỏ, hàng xóm cũng nhân đấy tới mua điểm tâm, có cháo lòng, cháo sườn, sôi lạc, sôi đậu, cốm xanh...

Nhưng món 'ăn quà' mà những đứa trẻ thích nhất vẫn là 'kem' (cà rem cây) do một đứa trẻ mang đi bán. Nó đeo một cái phích to hơn thân nó, chứa được khỏang hai từng kem. Đó là một thứ nước đường có pha màu và đông lạnh thành đá, nhưng đám trẻ mùa hè chúng tôi thì thích lắm. Sau này khi có dịp vượt qua cái ranh giới của chùa Hưng Ký mà đi xa hơn về phía nghĩa địa thì chúng tôi khám phá ra rằng cái hãng làm kem chẳng ở đâu xa, cũng là cùng trong khu phố mà thôi. Họ là những người nhập cư mới tới, di cư về Hà Nội để tránh chiến tranh, họ dựng nhà gỗ bên phía ruộng, mỗi ngày họ xay những cối kem ngay trước cửa nhà.

Phát triển

Những người di cư mang đến cho khu phố nhiều dịch vụ mới, nhưng đồng thời cũng đưa đến những xô xát và tranh cãi. Lúc đó thầy mẹ tôi đã xây thêm một căn nhà thứ hai, số 105, cạnh những căn nhà mới dựng. Một anh thợ rèn từ vùng Nghệ cũng dựng một lò rèn ở ngay cạnh nhà. Tranh cãi đã xảy ra khi anh ta gác mái lên tường và đặt lò lửa vào sát nhà tôi. Mẹ tôi là một phụ nữ 'cũng chẳng tay vừa', bà làm 'rùm beng' lên như kiểu một con gà mái bênh con, và vì thế mà anh ta phải chịu thua. Tuy gây gỗ với mẹ tôi, nhưng anh ta lại 'hiền như bụt' với tôi, anh không có con trai, thường rủ tôi vào nhà xem anh ta rèn dao. Anh thường mua vỏ đạn đại bác bằng đồng thau, nung nóng lên và rèn thành những bình hoa.

Anh ta dọa nếu cách mạng thành công thì sẽ lấy búa đập vỡ nhà tôi ra. Năm 1954 khi chúng tôi đã đi rồi thì ông nội tôi có ghé qua căn nhà ấy một lần, ông tôi cho biết nó đã không bị phá nhưng đã bị nhiều người nhập cư chiếm đọat.

Nhưng trước khi sự kịên đó xảy ra thì khu phố Hưng Ký lớn rất mau, một hàng dệt 'chiếu cói' được mở ra, rồi thêm một nhà hàng làm chõng. Phía sau dãy phố, nhiều căn nhà đất đã được dựng lên nối dài thêm những con đường hẻm, khu đầm lầy nay trở thành ruộng rau muống và chẳng mấy chốc các ngõ hẻm đã trở thành những khu phố nhỏ.

Trước nhà tôi, các ruộng lúa khuất dần, thay thế vào là một trường tư thục mà tôi cũng là học trò, và một quán ăn mà đứa con trai của chủ quán, hơn tôi một tuổi, hiền lành và kiên nhẫn hơn tôi nhiều, đã trở thành người bạn chí thân của tôi. Trước ngày di cư, khi giã biệt, chúng tôi có hẹn khi nào thanh bình thì sẽ tìm gặp nhau. Tôi hỏi làm cách nào để tìm lại nhau đây thì Khanh trả lời hãy đăng báo mà tìm, tên nó là Khanh, Nguyễn Phi Khanh thì phải...Tôi chưa có dịp về Hà Nội đăng báo bao giờ.

Tình đời

Nói tới báo chí thì một người thuê nhà làm văn sĩ, ông ta sau này nổi tiếng với bút hiệu TH. Lúc đó ông còn trẻ và đang ở tuổi yêu đương.

Khi viết về Hà Nội, người ta thường bàn quá nhiều về những câu chuyện tình đến nỗi đã trở thành 'sáo'. Cho nên tôi xin vắn tắt câu chuyện văn nghệ này. TH là một văn sĩ nghèo, tiền viết sách vào ra thất thường, có một người yêu làm ý tá ở bệnh viện Bạch Mai, mỗi buổi chiều nàng đều mang cơm tiếp tế cho chàng. Nhưng TH bắt đầu than phiền rằng càng ngày nàng càng trở niên phiền nhiễu.

Một lần kia nàng giận, và thay vì một lồng cơm thịnh sọan thì nàng mang đến một lồng...gan người chết, rồi bỏ đi.

Lúc đó TH sợ gần phát điên, run cầm cập và khóc sướt mướt. Mẹ tôi đã nghiêm nghị cảnh cáo cô nàng y tá sau đó.

Sau này vào năm 1954 khi người ta bàn luận có nên di cư vào Nam hay không thì cô nàng cho TH hay nàng là một cán bộ nội thành và yêu cầu ông ở lại. TH đã bỏ trốn vào Nam. Lần cuối tôi nghe về ông ta thì biết ông là một chánh sở của bộ Chiêu Hồi tại Saigon.

Một người thuê nhà số 105 cũng là một nghệ sĩ nghèo chưa nổi tiếng. Ông là nhạc sĩ, thường hội họp với bạn bè để tập hát bài "tôi còn có mỗi cây đàn, tôi đem bán nốt tôi theo cô hàng chè xanh...".

Các nghệ sĩ thường hay thức khuya làm phiền hàng xóm cho nên mẹ tôi đã 'ra luật' cấm cửa vào lúc 10 giờ. Họ là những người lúc nào cũng vui đời, ngoan ngõan nhưng hay phá rào và thích khoe khoang. Một hôm ông ta mừng rỡ và hãnh diện khoe với mọi người rằng báo Ánh Sáng (?) đã có một bài 'không tiếc lời khen' bản nhạc do ông trình diễn tại hội chợ. Ông thích nhất là câu bình phẩm "quan tòan quyền (Pháp) đã cười đến nỗi rung ra khỏi ghế tới cả thước tây". Ông vừa đọc báo vừa giang tay dài ra cho đúng một thứơc tây, thích thú lắm.

Người Mỹ

Người ta nói 'nhà báo nói láo ăn tiền', nhưng khi mô tả một ông Tây mà 'cười rung ra khỏi ghế ngồi' như thế thì một cách bóng bẩy nhà báo đó đã tiên đóan ông Tây ấy sắp phải than khóc vì cái ghế tòan quyền sắp rơi. Thực vậy lúc đó thời thế đã rối ren rồi, bằng cớ mỗi ngày Chúa Nhật đi dự lễ tại nhà thờ Bạch Mai, trên đường đi tôi thấy nhiều tóan lính đóng trạm kiểm sóat, gặp những thanh niên có dáng khỏe mạnh là họ lùa lên xe hết, họ bắt lính cho những chiến trường đang sôi động.

Người ta đồn thổi có một phái đòan Mỹ đã đến Hà Nội. Người lớn xôn xao lắm, vì lúc ấy Thủ Tướng vừa tuyên bố sẽ không bỏ Hà Nội. Họ tụ tập dăm bẩy người bàn cãi hoang mang. Không biết họ bàn về vấn đề gì nhưng riêng đám nhỏ chúng tôi thì cũng căng thẳng không kém, chúng tôi cãi nhau về việc một người Mỹ thì trông giống như thế nào, có giống Tây trắng không, cao lớn bao nhiêu, ăn mặc ra sao. Qua nhiều cuộc thảo luận sôi nổi, kết luận là người Mỹ thì phải đỏ vì họ là giống Da Đỏ 'mà lại', dĩ nhiên vì họ ở 'Tân Thế Giới' cho nên nhất định phải to và cao hơn bình thường, họ mặc đồ Cao Bồi như trong 'xi nê' và nhất định họ ăn cơm với chocolat vì theo lời đồn thì họ hay ném chocolat cho các đám con nít...và chúng tôi hẹn nhau phải rình cho bằng được một người Mỹ, hẹn sẽ báo động cho nhau biết.

Rồi thì tin báo động cũng được loan truyền ra. Một chiếc xe díp ngừng lại trứơc phố hỏi thăm, thầy tôi và nhiều người khác ra đón tiếp. Thầy tôi trước thời chiến tranh là một viên thông ngôn, khi Nhật đảo chính thì về quê làm ruộng, tới khi Bảo Đại về chấp chính thì gia nhập Bảo Chính Đòan, lo canh gác cho phủ Thủ Hiến Bắc Việt, ông là đội trưởng. Lúc đó nhiều tiểu đòan quân Việt Nam đã rút về làng Quỳnh, và người Mỹ này muốn tới thăm.

Ông ta là một linh mục mặc áo chùng thâm. Ông nói tiếng Việt.

"Tôi tên là Nhân", ông tự giới thiệu mình với đám trẻ chúng tôi sau khi kết thúc cuộc nói chuyện với người lớn.

"Thưa ông, có phải ông là người Mỹ không ạ?"

"Phải đấy, tôi là người Gia Nã Đại ở bên Mỹ Châu".

Đó là linh mục 'Gérard Gagnon Nhân', một linh mục nổi tiếng của Dòng Chúa Cứu Thế, ông đã ở Việt Nam lâu năm, nói tiếng Việt sõi hơn cả người Việt, ông nghiên cứu tường tận về đạo Khổng và viết nhiều sách. Lúc đó ông muốn dâng lễ Chúa Nhật cho các gia đình binh sĩ mới về.

Ngày Chúa Nhật đó gia đình tôi tới làng Quỳnh. Nơi dâng lễ là một ngôi chùa đổ nát mới bị bom tàn phá, chỉ còn lại hai bức tường lỗ chỗ nhiều vết đạn. Một cái bàn thô sơ được mang ra và Cha Gagnon đứng bên cạnh giảng thuyết. Ông mở đầu rất trịnh trọng bằng một lời dạy của đức Khổng: "Nhân chi sơ tính bản thiện".

Nhìn quanh chùa, tôi thấy có một bức tượng nữ thần nhiều tay cầm gươm nhảy múa, đã vỡ, trên tường có nhiều hình nổi mô tả những cung nữ mặc áo hở rốn, sát nóc nhà là một đường viền trạm trổ với nhiều bộ vú của đàn bà trông như những nửa trái banh nằm sát nhau. Phải chăng đây là một ngôi chùa Ấn Giáo không? Phải chăng họ thờ nữ thần Kali, hiện thân cho giết chóc và đồng thời cũng là hiện thân cho tình mẫu tử, một thể hiện cực kỳ mâu thuẫn?

Cha Gagnon nói rằng lòai người là vốn nhân lành nhưng đã sa đọa trở thành tội lỗi mà hình phạt là sự đau khổ.

Bài giảng thấm thía làm nhiều người khóc.

Thóat nợ

Trên đường về tôi chú ý xem có những khuôn mặt quen thuộc nào không. Những đứa trẻ làng Quỳnh năm nao vẫn thường tranh hùng với bọn trẻ chúng tôi bây giờ đi đâu cả rồi?

Thời cuộc giống như là một ngọn gió Bấc lạnh lẽo ghê gớm đã lùa đi tất cả. Nó lấy hết, bạn và thù, giống như những chiếc lá bàng rơi rụng bị quét theo chiều gió một cách không thương tiếc.

Như có linh tính báo trước, những ngày sau đó tôi đi thăm tất cả mọi người, thân cũng như sơ.

Tôi và mẹ tôi ghé thăm gia đình người thợ thêu. Đã có một lần đùa nghịch tôi ném cát vào phòng của họ, cát bùn tung tóe làm bẩn một bức tranh gánh lúa sắp kết thúc. Mọi người khóc ré lên. Vì là con của chủ nhà cho nên họ không giám làm to chuyện, tuy nhiên tôi cũng cảm thấy hối hận mãi.

Lần ấy họ kể cho mẹ tôi nghe là bức tranh đã bán được rồi.

"Thưa bà thật là may mắn, chúng cháu đã thêu lại được chỗ nhem mà lại bán được giá hời nữa chứ"

Mẹ tôi đưa mắt nghi ngờ dò xét.

"Dạ thưa bà, chúng cháu sửa xong thì cái mặt cô gái bị nhếch sang một tý, nhưng mà khi bà Đầm ấy hỏi thì chúng cháu nói rằng cô ấy vừa gánh lúa vừa quay lại nói chuyện với người ở đằng sau, thế là bà Đầm ấy reo lên thích quá, ôm lấy chúng cháu mà 'hôn lấy hôn để', mà lại còn thưởng thêm tiền cho chúng cháu nữa chứ"

Tôi thở phào nhẹ nhõm.

Bí mật gò Đống Đa

Chiều hôm đó tôi đựợc chở đi chơi ở Gò Đống Đa, nơi vua Quang Trung chôn xác quân Thanh. Trời chiều, công viên cao rộng, gío thổi hiu hiu, những tàng cây xanh mát rợi, mời mọc, hữu tình.

Không ngờ tôi khám phá ra một bí mật.

Hồi đó những đứa trẻ phá phách đã học được một bí quyết của các đàn anh từ đời nào truyền lại không biết, và tôi tin chắc cái bí quyết ấy cũng sẽ được lan truyền cho mãi tới thiên thu vạn đại về sau, khi mà những đứa 'nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò' vẫn còn tồn tại trên thế gian này, đó là tìm tới gốc của một cây Sưa, một lọai cây trồng rất nhiều ở gò Đống Đa, nhặt lấy trái Sưa mà đập cho nẻ ra rồi châm lửa đốt. Khi vỏ trái Sưa bén lửa thành một đốm đỏ to như đầu cây 'hương' (nhang) thì ném vào một mục tiêu ở xa, thường là dưới chân các cặp nhân tình đang 'chim cò' (hú hí) với nhau ở một góc vườn nào đó, lửa bén tới ruột thì trái Sưa sẽ xịt hơi ra như kiểu một viên pháo xì. Mùi 'khắm' (thối kinh hồn) sẽ xông ra 'nhức đầu'. Và đôi nhân tình xui xẻo đó đành phải bịt mũi 'dắt nhau chạy trối chết'...Một kỷ niệm đẹp đã bị phá bỉnh...

Giã từ

Những kỷ niệm tuổi thơ của tôi rồi cũng sẽ bị cắt ngang không lâu sau đó. Lúc đó người ta ùn ùn kéo nhau lên Hà Nội, nhà tôi chật ních người tạm trú từ quê ở Hà Nam lên, họ kể cho nghe những câu chuyện kinh hòang về đấu tố, những họ hàng bên Công Giáo của tôi thì bàn nhau phải đi vào Nam... Nhưng lúc đó cũng có tin nhắn cho thầy tôi rằng ông ta cứ yên tâm ở lại và như thế mẹ tôi đã đem lá cờ vàng lén đốt đi. Tôi đã tưởng rằng mình sẽ ở Hà Nội mãi mãi, trong lòng cũng tiêng tiếc vì không được phiêu lưu nơi phương xa...

Một đêm nọ, khi tôi còn đang say ngủ thì mẹ tôi lay tôi dậy, các bị vải xếp quần áo đã sắp sẵn từ lúc nào rồi, và tôi lặng lẽ bị đẩy ra khỏi nhà, vừa đi vừa ngáp ngủ.

Một chiếc xe 'cam nhông' đang đứng đợi ở trên đường, những anh lính 'học trò' (đàn em) của thầy tôi bế chúng tôi lên, và chiếc xe âm thầm chuyển bánh.

Chiếc xe chạy qua cầu Long Biên dài. Dòng sông Cái nước rộng tối đen, phản chiếu yếu ớt ánh đèn ngòai phố. Rồi chiếc xe đi vào phi trường Gia Lâm, mọi người không ai nói lên một lời, nghe thấy rõ có nhiều hơi thở dài và...

Thành phố Hà Nội bỏ lại sau lưng, vẫn tiếp tục giấc ngủ say, ánh đèn vàng lung linh thấp thóang...

Chúng tôi bay vào Nam.
 
Văn Hóa
Nữ hoàng tháng Mười
Jos. Tú Nạc, NMS
08:05 05/10/2010
NỮ HOÀNG THÁNG MƯỜI

Khi cỏ cây trải biếc,
Khi đồng nội tươi mầu,
Khi gió lên tiếng hát
Ngày hạnh phúc đơm sâu,
Rồi chúng ta quây quần xung quanh Mẹ,
Thân lạy Mẹ, cùng vương miện của Người
Với muôn hoa sắc thắm xinh tươi
Của tháng Năm lung linh đầy mật ngọt.
Mà giờ đây những cơn gió tạ từ
Mối đau thương của tháng ngày hạ chết,
Tất cả những rừng cây giã biệt
Lá úa tàn sắc đỏ của đời mình,
Lại một lần chúng ta quỳ khấn nguyện,
Trước tim Người khẩn khoản nài xin,
Kết thành đôi những vòng hoa khác
Cho vương miện cực thánh của Người.
Vương miện hồng ta trang điểm cho Người
Cho tất cả những tháng hoa của Mẹ,
Vương miện hồng ta dâng tặng cho Người
Từ tháng Năm bóng mát dưới tàn cây
Khi những đóa hồng trong ta dần phai nhạt
Kinh Mân Côi lại trở giấc vỗ về
Với tất cả kết dâng Người vương miện
Trong tháng Mười những khoảnh khắc đầy vơi.


 
Sống đời yêu Mẹ
Hiền Lâm
08:36 05/10/2010
SỐNG ĐỜI YÊU MẸ

Sống đời yêu Mẹ, hạnh phúc thay !
Quả phúc, hoa thiêng Mẹ ban đầy.
Rạo rực trong tim tình thương mến,
Yêu thương bác ái nở vòng tay.

Sống đời yêu Mẹ, hạnh phúc thay !
Mẹ thương che chở suốt đêm ngày,
Tâm thần ngập chìm trong ơn thánh,
Thả hồn theo Mẹ tới cung mây.

Sống đời yêu Mẹ, hạnh phúc thay !
“A-vê” chăm chỉ đọc mỗi ngày,
Quỷ ma hãi hùng quay lưng chạy,
Vì quyền năng Mẹ kíp ra tay.

Sống đời yêu Mẹ, hạnh phúc thay !
Có Mẹ ban ơn xuống dư đầy,
Giông tố bão bùng không lo sợ,
Vì này tay mẹ giải thoát ngay.

Sống đời yêu Mẹ, hạnh phúc thay !
Ẩn mình trong Mẹ… sẽ vui vầy,
Tiền của bạc vàng không lo thiếu
Mẹ là vĩnh cửu… Mẹ hôm nay.

Sống đời yêu Mẹ, hạnh phúc thay !
Sẽ được yên vui ở kiếp này,
Giờ chết mỉm cười trong Ơn Thánh
Mẹ đón linh hồn ẵm vào tay.
 
Mười người phong hủi
Ngô xuân Tịnh
15:13 05/10/2010
Lc 17, 11-19

.

Trên đường lên Gia-liêm Chúa phải

Qua biên giới hai miền khác nhau

Galilê và Samari

Dân tình mâu thuẫn khác gì cừu nhân

.

Khi vào tận làng kia Người gặp

Mười người hủi rắp tâm tìm Người

Dừng chân đứng lại xa thôi

Cùng kêu lớn tiếng xin Người xót thương

.

Chúa Giêsu tỏ tường cảnh đó

Chạnh lòng thương thi thố quyền năng

Chỉ cần bảo với họ rằng

Trình diện tư tế luật hằng tuân theo

.

Họ vâng lời điều Chúa vừa dạy

Vững lòng tin sẽ thấy phúc lành

Đi trình tư tế nhanh chân

Đang đi họ thấy thân mình sạch trơn

.

Trong bọn họ một người khi thấy

Bệnh của mình cất lấy vừa xong

Cõi lòng xúc cảm mênh mông

Biết ơn Người đã ra công chữa lành

.

Cho nên đã nhanh chân quay lại

Qùy lạy Nguời với cả thành tâm

Cám ơn với cả ân cần

Người Samari lại nhanh chân thực hành !

.

Chuá Giêu đành lên tiếng nói

Cả mười người không khỏi cả sao

Chín người kia đã đi đâu

Sao không trở lại nói câu ơn trời ?

.

Tôn vinh Chúa không người nào ca ?

Chỉ một người lại là ngoại bang

Với anh ấy Người nói rằng

Lòng tin anh đã rõ ràng chữa anh

Đứng lên đi trong an bình.

.

Luôn luôn phải nhớ lòng thành tạ ơn

Hồng ân Thiên Chúa vô vàn

Ban cho hồn xác chứa chan mỗi ngày

Tạ ơn Thiên Chúa từng giây

Để cho cuộc sống rạng ngời đẹp hơn

Hồng ân cứu độ tuôn tràn
 
Hai chị em Maria và Macta
Ngô xuân Tịnh
15:16 05/10/2010
Lc 10 38--42

Trong khi thầy trò đi đường

Đức Giê-su đã đi vào làng kia

Người phụ nữ tên Mac-ta

Rước Người vào ngự trong nhà nghỉ ngơi

Ma-ri-a đã tức thời

Đến bên chân Chúa để ngồi lắng nghe

Lời Người giảng dạy say mê

Mac-ta tất bật lo bề nước nôi

Cơm nước phục vụ để rồi trách thưa

Thưa thầy! thầy đã thấy chưa

Con đây phục vụ te tua đồng thời

Em con ngồi đó nghỉ ngơi

Xin thầy bảo nó một lời giúp con

Chúa Giêu đã ôn tồn

Mac-ta ơi quá bồn chồn làm chi

Lo nhiều chuyện quá làm gì hỡi con

Em con đã chọn phần hơn

Là điều tốt nhất ở trên cõi đời

Không bị lấy mất con ơi