Ngày 03-10-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 4/10: Tất cả chúng ta là anh chị em với nhau. Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
04:51 03/10/2021

Ai là người thân cận của tôi?

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói : ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.’ Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Đó là lời Chúa
 
Đức Mẹ Chào Ta Bằng Ơn Phúc
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
07:49 03/10/2021
Đức Mẹ Chào Ta Bằng Ơn Phúc

CN kính trọng thể lễ Mân Côi 2021

Trong danh mục các ngày lễ liên quan đến Đức Mẹ của Năm Phụng vụ, chúng ta nhận ra có hai loại:

- Loại liên quan đến Thánh Kinh, Thánh Truyền, nhất là các “Tín điều” về Đức Mẹ: Mẹ Thiên Chúa (1/1), Mẹ Vô Nhiễm (8/12), Mẹ Lên Trời (15/8), Mẹ Thăm Viếng (31/5), Mẹ Sầu bi (15/9), Sinh Nhật Đức Mẹ (8/9), Mẹ Dâng Mình (21/11)…

- Loại liên quan đến “mạc khải tư” hoặc “lòng đạo đức bình dân” của dân Chúa: Mẹ Fatima (13/5), Mẹ Lộ Đức (11/2), Trái tim vô nhiễm Đức Mẹ, Mẹ Camêlô (16/7), Mẹ Mân Côi (7/10)...

Riêng lễ Đức Mẹ Mân Côi mà chúng ta mừng kính trọng thể hôm nay lại có cả một chiều dài lịch sử trong dòng chảy “lòng đạo đức bình dân” của dân Chúa mà cội nguồn chính thức đã bắt đầu từ thế kỷ 13 với Thánh Đa Minh.

Thật vậy, cách đây khoảng chín thế kỷ (thế kỷ 12), tại tỉnh Albi thuộc miền nam Nước Pháp, lạc thuyết Albigensê đã gieo lầm lạc và sai quấy về mầu nhiệm Chúa Kitô, kéo theo sự khủng hoảng niềm tin và chia rẽ trong Hội Thánh. Sau bao nhiêu nỗ lực để chinh phục bè rối Albigensê này bất lực, thánh Đaminh rút vào một cánh rừng ở gần thành phố Toulouse, cầu nguyện, ăn chay, phạt xác cho đến nỗi ngất lịm đi. Chính lúc đó, Đức Mẹ đã hiện ra với thánh nhân và ban cho thánh nhân một khí cụ mà Chúa Ba Ngôi Chí Thánh muốn dùng để canh tân thế giới (Lời Đức Mẹ nói với thánh Đaminh). Khí cụ đó chính là việc thực hành kinh nguyện Mân Côi. Thánh Đaminh đã là sứ giả của Đức Mẹ và là tông đồ tiên khởi truyền bá Kinh Mân Côi từ năm 1214.

Và như để xác nhận tính “chính danh” và “hiệu quả” của lòng đạo đức bình dân nầy, chính Đức Mẹ, vào hai lần hiện ra quan trọng nhất trong những lần Mẹ hiện ra từ đầu thế kỷ 19, một tại Lộ Đức năm 1858, và một tại Fatima năm 1917, đã cầm trong tay tràng hạt Mân Côi. Vâng, đây chính “lời kinh của Mẹ” như lời cả quyết của Đức Thánh GH Gioan-Phaolô II tại Fatima ngày 13.5.1982: “Hợp với truyền thống của bao thế kỷ, Đức Mẹ của sứ điệp Fatima đã đề cập đến Kinh Mân Côi, một kinh có thể được khẳng định là 'Kinh của Mẹ Maria', một kinh mà Mẹ đặc biệt cảm thấy gắn liền với chúng ta.

Nhưng Kinh Mân Côi có đặc điểm gì để Đức Mẹ chọn làm “Kinh của mình” và được dân Chúa thực hành xuyên suốt trong lịch sử?

Trước hết, nhắc đến huyền nhiệm Mân Côi là phải đọc lại kinh Kính Mừng. Đây là kinh nồng cốt và chính yếu của kinh nguyện Mân Côi (hay chuổi hạt Mân Côi) với hai phần rõ rệt:

Phần đầu: “Kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phước lạ hơn mọi người nữ và Giêsu con lòng bà gồm phước lạ”. Lời chào ngắn ngủi nầy liên quan đế hai biến cố quan trọng của thuở bình minh lịch sử cứu rỗi như tường thuật của Tin Mừng Luca: Truyền tin: “Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ” (Lc 1,28); và Thăm viếng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ và con lòng bà được chúc phúc” (Lc 1,42). Có thể nói được, đây là Lời chúc khen của Chúa Cha nói với Mẹ qua sứ thần Gabriel (Chúa Cha sai sứ thần Gabriel đến…) và của Chúa Thánh Thần nói với Mẹ qua bà Isave (Bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, kêu lớn...).

Phần cuối của Kinh Kính Mừng: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử. Amen”. Phần nầy chính là lặp lại tín điều Mẹ Thiên Chúa của công đồng chung Êphêsô năm 431; và có thể nói được, đây là lời tuyên nhận của Chúa Giêsu nói với Mẹ qua Giáo Hội, Nhiệm Thể của Người.

Như vậy, giá trị tuyệt vời của Kinh Mân Côi chính là tổng hợp Lời của Thiên Chúa 3 Ngôi: Chúa Cha (Truyền tin), Chúa Thánh Thần (Thăm viếng) và Chúa Con (tín điều Nhập Thể của Công đồng Êphêsô 431), do đó, đã có một giá trị vô cùng.

Nhưng, như Thánh Louis Montfort, người đã gắn chặt Kinh Mân Côi với phong trào Tông Đồ Legio Mariae, đã phát bểu: “Kinh Mân Côi không chỉ là một chuỗi các kinh Lạy Cha và Kính Mừng, nhưng đó là bản tóm lược các mầu nhiệm của cuộc sống, cuộc khổ nạn, cái chết đau đớn và cuộc phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu và Mẹ Maria”.

Giá trị là thế. Còn hiệu quả thì sao? Lịch sử Hội Thánh đã có những trang dài về sự can thiệp và chiến thắng của kinh Mân Côi trên những đe doạ, hiểm nguy thể chất cũng như tinh thần, xã hội cũng như Giáo Hội; từ cuộc chiến thắng lạc giáo Albigense thế kỷ 13 đến cuộc chiến thắng quân Hồi ở trận Lepantô năm 1571; hay biến cố Nước Nga dứt khoát từ bỏ chủ nghĩa và chế độ Cộng Sản, khi Gorbachev, lãnh tụ Cộng Sản cuối cùng chính thức từ chức ngày 25/12/1991. Đây là biến cố Đức Mẹ báo trước cho ba em bé chăn cừu làng Fatima từ năm 1917, năm mà Lênin làm cuộc cách mạng cọng sản đầu tiên trên thế giới. Đức Thánh GH Gioan-Phaolô II tóm tắt tác dụng thần linh của Kinh Mân Côi bằng những lời giản đơn sau: Kinh Mân Côi ôm lấy những khó khăn của Giáo Hội, của Toà Thánh Phêrô, khó khăn của toàn thế giới. Nơi Kinh Mân Côi chúng ta cũng nhớ đến các tội nhân để họ được hối cải và cứu rỗi, đồng thời cũng nhớ đến các linh hồn trong luyện ngục nữa.

Đứng trước đại dịch Covid-19 đang tàn phá thế giới cùng với bao “cơn đại dịch” khác về tinh thần, về luân lý, về đức tin… đang de doạ Ngôi Nhà chung trái đất cũng như “mái nhà Hội Thánh Công Giáo”, chúng ta, đặc biệt trong tháng nầy, cùng gia tăng lòng sùng kính Mẹ Mân Côi qua việc siêng năng cầu nguyện với chuỗi hạt Mân Côi.

Sứ điệp Mân Côi luôn mang theo niềm hy vọng ngút ngàn cho dân Chúa mà sứ ngôn Giacaria đã từng cảm nhận và tiên báo: Hỡi thiếu nữ Sion hay ca tụng và hân hoan: vì này đây Ta đến ngự gữa ngươi. Trong ngày ấy, sẽ có nhiều dân tộc quy phục Chúa, họ sẽ là dân Ta và Ta sẽ ngự giữa ngươi…”

Tin Mừng hôm nay nhắc lại sự kiện Tuyền Tin phải chăng muốn chúng ta thường xuyên sống niềm vui và hy vọng qua sự nhắc nhở đặc biệt thân thương của lời kinh Kính Mừng, kinh Mân Côi giữa đời thường cuộc sống. Thế giới hôm nay, Giáo Hội hôm nay luôn cần những tin vui cứu độ được sẻ chia, được rao giảng qua chính chúng ta; và cũng rất cần sức mạnh của thái độ “xin vâng” ngoan nguỳ của Đức Mẹ mà kinh Kính Mừng thường nhắc nhở, để Tin Mừng chiến thắng trên mọi chiến tuyến với thế gian ma quỷ xác thịt; và chúng ta cũng cần sức mạnh tiềm tàng của lời kinh Mân Côi để chiến thắng chính mình mỗi ngày.

Riêng anh chị em hội viên Legio Mariae, ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay chắc chắn được nhiều Praesidia, Curiae chọn làm ngày truyền thống Bổn mạng để đặc biệt kính nhớ và tôn kính Mẹ, anh chị em hãy gia tăng lòng đạo đức, nhiệt thành trong công tác tông đồ để cùng với Mẹ, đem nhiều ơn thiêng liêng cho cộng đoàn… như lời khuyên của Thánh Louis Montfort: “Đức Mẹ chẳng những chúc lành cho những ai rao giảng kinh Mân Côi, Người còn ban thưởng bội hậu cho những ai nhờ lần hạt Mân Côi của mình cũng làm cho người khác bắt chước đọc theo”.

Riêng mỗi người chúng ta, mỗi khi đọc Kinh Kính Mừng, hãy xác tín như Thánh Bonaventura: “Nếu ta kính chào Mẹ bằng Kinh Kính Mừng thì Mẹ Maria sẽ chào lại ta bằng ơn phúc”. Amen.

Trương Đình Hiền.

 
Điều Nào Tốt Nhất
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
16:55 03/10/2021
Điều Nào Tốt Nhất

(Thứ Ba sau Chúa Nhật XXVII TN – Lc 10,38-42)

Kitô hữu Công Giáo chúng ta ít nhiều quen thuộc với câu chuyện chị em nhà Bêtania là Macta và Maria đón tiếp Chúa Giêsu và các môn đệ do thánh sử Luca tường thuật. Qua bài Tin mừng này chúng ta vốn nghe giải thích về sự hơn kém, trọng khinh giữa “đời sống cầu nguyện-chiêm niệm” và “đời sống hoạt động tông đồ”. Cái gì cũng có nguyên do của nó. Lối giải thích này khởi đi từ thời các Giáo phụ. Lịch sử cho thấy Giáo Hội Công Giáo sau khi hình thành thì đã bị bách hại khốc liệt, cách riêng bởi các hoàng đế Rôma. Đoàn tín hữu Kitô phải ẩn mình dưới các hang toại đạo gần cả ba trăm năm. Sau khi hoàng đế Constantin trở lại Công Giáo và với sắc chỉ Milan năm 317 của hoàng đế thì Công Giáo không chỉ được công nhận mà còn có điều kiện thuận lợi nhiều mặt để phát triển.

Hoàng đế đã theo đạo thì kéo theo các quan lớn bé, những người giàu sang quyền thế trong đế quốc. Và thế là có tình trạng Giáo hội bị cám dỗ thân cận với giới quyền chức và người giàu có. Các sinh hoạt tôn giáo cũng nở rộ với nhiều hình thức hoạt động bề ngoài. Trong hoàn cảnh lịch sử này thì xuất hiện một số Kitô hữu muốn xa lánh thế trần, ẩn mình vào hoang mạc để sống đời chiêm niệm, sống đời ẩn tu và đan tu. Dĩ nhiên tín hữu mến mộ những người này và thế là hình thành những so sánh giữa đời chiêm niệm và đời hoạt động.

Theo văn mạch và xét theo nghĩa văn tự của bài Tin mừng tường thuật chuyện hai chị em nhà Bêtania đón tiếp Chúa Giêsu và các môn đệ thì xem ra việc so sánh trên có phần khiên cưỡng và khập khễnh. Khi nói với Macta: “Macta, Macta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện quá. Chỉ có một sự cần mà thôi, Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”, thì Chúa Giêsu mặc nhiên xác nhận Macta đã chọn phần tốt nhưng không phải là tốt nhất và phần tốt Macta chọn sẽ bị những ai đó lấy mất. Cô Macta đã chọn lương thực, thực phẩm (cơm, canh, cá, thịt..) để dâng cho thầy và các môn đệ vì cô đang bận rộn việc nấu nướng.

Dâng trao cho người mình kính yêu những gì mình có, dẫu rằng tốt đó nhưng chưa phải là tốt nhất. Bửa ăn mà Macta lo lắng chuẩn bị để tiếp đón Chúa Giêsu tuy là tốt nhưng chưa là tốt nhất vì đó là những gì cô có và chắc chắn Thầy Giêsu đâu có dùng tất cả những gì Macta dâng. Phần các tông đồ dùng phải hơn gấp mười lần phần Chúa Giêsu dùng đấy. Trái lại khi cô em Maria ngồi nghe Chúa Giêsu tâm sự thì cô đã dâng cho Thầy tâm hồn biết lắng nghe và đó là những gì mà cô là. Dĩ nhiên sau khi nghe hiểu thì có hành vi đáp trả, sống theo điều mình nghe. Chuyện Maria lấy một cân dầu thơm cam tùng hảo hạng mà Giuđa ước tính khoảng ba trăm đồng (tương đương tiền công ba trăm ngày) để xức chân Chúa Giêsu rất có thể là sự đáp trả của Maria (x.Ga 12,1-11).

Trong đời sống gia đình, khi con cái biếu tặng cha mẹ nhiều món quà vật chất là điều tốt nhưng điều tốt nhất là chúng biết nghe cha mẹ. Khi biết nghe cha mẹ là chúng đã dâng trao phận làm con của mình. Bài đọc thứ nhất tường thuật câu chuyện vua quan và dân thành Ninivê đã biết nghe lời Thiên Chúa qua lời rao giảng của ngôn sứ Giona. Và thái độ biết nghe này đã giúp họ nhận được lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa (x.Gn 3,1-10).

Qua Người Con Một làm người, Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu với nhân loại khi trao cho nhân trần điều tốt nhất là chính thân phận của một vị Thiên Chúa để rồi mặc lấy kiếp phàm nhân. Người lại còn trao ban trao ban chính thân phận của một vị tôn sư để mặc lấy phận của một tội nhân chết trên thập giá. Và Người đã đi đến cùng khi tiếp tục ẩn mình trong hình bánh rượu (bí tích Thánh Thể) để yêu thương chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta dâng trao cho Người những gì? Lắm khi có nhiều điều trao dâng nhưng chỉ là những gì chúng ta có. Điều Thiên Chúa muốn chúng ta dâng cho Người hơn hết đó là cái chúng ta là, tức là tâm tình những người con biết lắng nghe. Đây là điều tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất vậy.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
18:28 03/10/2021

26. Thế gian như chim yến làm tổ mùa hè, chờ thu qua đông đến, thời tiết dần dần lạnh thì chim yến mới rời khỏi tổ cũ bay thật xa tìm nơi ấm áp hơn.

(Thánh John Chrysostom)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


-------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
18:42 03/10/2021
74. LÀ THƠ CỦA NGƯỜI MÙ

Thi nhân đời Đường là Mạnh Hạo Nhiên có một bài thơ ngũ tuyệt:

- "Xuân ngủ không ngon giấc, khắp nơi nghe chim hót, đêm về tiếng gió mưa, hoa rơi biết là bao?”

Có người vỗ tay nói tuyệt, không ngừng gật đầu khen đi khen lại; lại còn có người không cho là như thế, nói:

- “Đó là thơ của người mù làm !”

Người nghe câu nói này thì miệng câm như hến.

(Tiếu tiếu lục)

Suy tư 74:

Khi người mù làm thơ tả chân dung tâm hồn thì tuyệt vời, bởi vì họ sống trong những cảm nghiệm tận nơi sâu thẳm của tâm hồn, nhưng người mù không thể làm thơ tả cảnh vật thiên nhiên vì họ không thấy cảnh vật chung quanh mình...

Có những người Ki-tô hữu đọc kinh oang oang mà lòng trí thì không suy niệm kinh mình đọc, nên được gọi là đọc như vẹt, bởi vì con vẹt chỉ biết nói vài câu như người, nhưng tuyệt đối nó không hiểu nó nói gì; có một vài người Ki-tô hữu làm việc thiện nhưng thiện thì ít mà bắt chẹt tha nhân thì nhiều, bởi vì họ làm việc thiện theo tỷ lệ 5% là vì Chúa, còn 95% là vì mình...

Làm thơ tả cảnh mà không hay thì người ta sẽ nói là thơ của người mù làm, nhưng nếu làm không đúng bổn phận của người Ki-tô hữu thì người ta sẽ cười và nói: đạo đức giả...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thánh Phanxicô Assisi và nền Linh đạo huynh đệ đại đồng
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
20:35 03/10/2021

THÁNH PHANXICÔ ASSISI
VÀ NỀN LINH ĐẠO HUYNH ĐỆ ĐẠI ĐỒNG
Ngày 4/10

Thánh Phanxicô Asissi là một vị thánh lớn, đã và đang là nguồn cảm hứng cho nhiều người, nhiều thế hệ sống lý tưởng Kitô giáo, trong đó cao nhất trong Giáo hội là Đức Giáo Hoàng Phanxicô và gần nhất là những anh em trong cộng đoàn đã chọn Ngài làm quan thầy.
Vẽ đẹp của nền linh đạo huynh đệ đại đồng.

Có rất nhiều điều thú vị để nói về vị thánh này. Nhưng trong thánh lễ hôm nay, tôi chỉ muốn chúng ta dừng lại một điểm sáng như là viên ngọc sáng chói trong di sản thiêng liêng của Ngài, đó là nền linh đạo huynh đệ phổ quát: “Tutti fratelli, - tất cả đều là anh em hay tứ hải giai huynh đệ.” Linh đạo này là nguồn cảm hứng cho từng trang của hai thông điệp xã hội: Laudato Sí và “Tutti fratelli.”

Thánh Phanxicô đã sống và mời gọi mọi người hãy đối xử với nhau như là anh chị em một nhà. Ngài nói rằng: “Phúc cho những ai biết yêu thương tha nhân dù họ ở gần hay ở xa.” Theo ngài, tình huynh đệ phổ quát cho phép chúng ta nhìn nhận, quý trọng và yêu thương mỗi người, bất kể sự gần gũi về thể lý, bất kể nơi người đó sinh ra hay sinh sống ở đâu.

Thực ra, linh đạo huynh đệ phổ quát này được gợi hứng hay dựa trên nền tảng của mạc khải Kitô giáo. Theo đó, tương quan huynh đệ giữa người với người bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dựng nên mọi loài và mọi người. Nên mọi người đều là anh em một nhà. Thế giới này như là ngôi nhà chung và mọi người là con cái và là hình ảnh Thiên Chúa. Nên mọi người đề bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ, phẩm giá và được mời gọi đối xử với nhau như anh em một nhà.

Tình huynh đệ này được cũng cố bởi biến cố Ngôi Lời làm người, chết và phục sinh, rồi ban Thánh Thần để cứu độ nhân loại và làm cho mọi người trở thành dưỡng tử của Thiên Chúa và là anh em với nhau trong Đức Kitô. Như bài đọc II (Gl 6,14-18), của thánh Phaolô nói, “cắt bì hay không cắt bì chẳng là gì cả, điều quan trọng là trở nên tạo vật mới” trong Đức Kitô. Tin Mừng Chúa Giêsu (Lc 10,25-37) mở rộng tầm nhìn “tứ giải giai huynh đệ” qua dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, dám phá tan cái rào cản thù hiềm của ngăn cách chủng tộc, màu da, ngôn ngữ để giúp người anh em trong lúc khốn cùng cần có người giúp đỡ.

Đối với chúng ta, tình huynh đệ này cũng được cũng cố nhờ các bí tích trong Giáo hội: Phép Rửa tội, Thánh thể, hay Truyền chức mà chúng ta lãnh nhận làm cho chúng ta trở nên một, chi thể trong Nhiệm thể Chúa Kitô, và là anh em trong đại gia đình Giáo hội. Ta gọi đó là tình huynh đệ bí tích. Tất cả là anh em trong một nhà

Thánh Phanxicô đã sống tình huynh đệ phổ quát này đối với mọi người, không loại trừ ai. Thánh nhân đã gieo hoà bình khắp nơi, và đến với những người nghèo, những người bị bỏ rơi, những người bệnh tật, những người bị loại trừ, những anh chị em hèn mọn nhất. Ngài đã 3 lần đi sang Trung Đông, tới Ai Cập, gặp gỡ nhà vua Hồi giáo để thuyết phục họ từ bỏ chiến tranh và cùng nhau xây dựng nền hoà bình thế giới.
Thánh nhân còn đi xa hơn khi sống linh đạo huynh đệ phổ quát này không chỉ với mọi người mà còn với mọi loài: Ngài sống thân thiện, hài hoà và trân trọng thiên nhiên. Trong bài ca tạo vật, Ngài gọi anh mặt trời, mẹ trái đất, anh gió, chị nước và chị chết v.v... Bằng tinh thần và cách thế ấy, thánh Phanxicô đã trở thành người cha kiến tạo hoà bình và là người đánh thức giấc mơ về một xã hội huynh đệ.
Chúng ta đang xây tường hay xây cầu?

Ở ngoài xã hội, thế giới mà chúng ta đang sống, vẫn còn bị thống trị bởi nền văn hóa loại trừ và thù địch. Hay nói theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đó là nền văn hoá “xây tường và vứt bỏ.” Con người vẫn còn đối xử và nhìn người khác như là kẻ thù, nếu không muốn nói là như chó sói. Con người coi tha nhân và công trình tạo thành như đối tượng hay như phương tiện để lạm dụng, bóc lột và khai thác một cách vô tội vạ.

Ở trong Giáo hội, đó đây vẫn còn đó lối sống của một số người Công Giáo chỉ co cụm lại trong nhóm nhỏ của mình; ở một số nơi, nhà xứ luôn đóng cửa, nhà thờ chỉ dành cho những người ưu tiên, mục vụ chỉ theo lối bảo tồn hơn là mở ra với những người lương dân xung quanh để truyền giáo.

Đó đây vẫn còn đó những hiện tượng phá hoại thiên nhiên và môi trường, chẳng hạn như ở một giáo xứ nọ, có những cây cổ thụ hằng trăm năm, nhưng cụ xứ đến liền chặt bỏ một cách không thương tiếc để đổ bê tông lát gạch.... Thử hỏi lòng mình, chúng ta đang xây tường ngăn cách hay xây cầu nối kết hiệp thông? Đó là điều mà chúng ta cần hoán cải, không chỉ có thay đổi thái độ sống với tha nhân mà còn đối với thiên nhiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi đó là sự hoán cái môi sinh.

Nền linh đạo huynh đệ của thánh Phanxicô giúp chúng ta không nhìn thụ tạo và người khác theo ánh mắt của một người xa lạ, hay của kẻ thù, hay của một ông chủ để độc quyền, lạm dụng, nhưng như một người bạn, với thái độ thân thiện, tôn trọng, chiêm ngưỡng, lắng nghe, gặp gỡ, đối thoại và chăm sóc công trình tạo thành.

Vì thế, noi gương người Samaritanô nhân hậu và thánh Phanxicô, chúng ta được mời gọi loại bỏ nền văn hoá cục bộ, loại trừ, phân biệt đối xử, nhưng xây dựng nền văn hóa gặp gỡ và quan tâm, bắt đầu từ trong môi trường sống của mình.

Từ đó, mỗi chúng ta vươn ra ngoài, ra vùng ngoại ô, để vươn tới mọi người, để gặp gỡ mọi người mà không loại trừ ai theo cách nhìn của Thiên Chúa, để sống tình liên đới nhân loại hoàn vũ khi nhìn nhận mọi người dù có khác biệt tôn giáo, văn hoá, chủng tộc, màu da, và địa lý..., để cùng nhau kiến tạo tình huynh đệ đại đồng và tình bằng hữu hoàn vũ giữa người với nhau, làm cho thế giới này trở thành ngôi nhà chung đáng sống hơn, nhân bản hơn và hoà bình hơn. Đồng thời chúng ta cũng được mời gọi sống hài hoà, thân thiện và có trách nhiệm đối với môi trường sinh thái.

Tóm lại, nếu không có khả năng trân trọng và chiêm ngắm công trình của Thiên Chúa, sẽ không có khả năng nói về Thiên Chúa. “Hãy đi và làm như vậy,” đó là lời mời gọi của Chúa Giêsu cho tôi và cho tất cả chúng ta hôm nay. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Không thể trốn chạy
Lm. Minh Anh
23:57 03/10/2021

KHÔNG THỂ TRỐN CHẠY
“Hãy đi và làm như vậy!”.

Trong cuốn “Facing Loneliness”, “Đối Mặt Với Cô Đơn” của mình, J. O. Sanders viết, “Vòng lẩn quẩn của các thú vui hoặc thu tích của cải đều là những nỗ lực hoài hơi nhằm chạy trốn những nỗi đau dai dẳng! Triệu phú thường cô đơn hơn người nghèo; vua hài thường bất hạnh hơn khán giả. ‘Không thể trốn chạy’ cô đơn, nếu không biết yêu thương!”.
Kính thưa Anh Chị em,

Theo Sanders, ‘Không thể trốn chạy’ cô đơn, nếu không biết yêu thương! Thú vị thay! Lời Chúa hôm nay cho thấy một điều tương tự, ‘không thể trốn chạy’ yêu thương, nếu không muốn cô đơn! Đó là câu chuyện của một Giôna ‘vùng vằng’ khi ông là ngôn sứ bất đắc dĩ; đó còn là câu chuyện của một người Samaria ‘mủi lòng’ khi ông cứu một nạn nhân bên đường. Điều thú vị ở đây, là dù vùng vằng hay mủi lòng, hai nhân vật này vẫn ‘không thể trốn chạy’ khỏi lời mời gọi yêu thương!

Bài đọc thứ nhất mở đầu cho câu chuyện dài của Giôna. Thoạt tiên, Chúa sai ông mang thông điệp của Ngài cho dân thành Ninivê, một thành thù nghịch của Ngài, “Vì tội ác của nó thấu đến Ta”. Thù nghịch của Chúa, là thù nghịch của Israel, của Giôna. Giôna bất tuân lời Chúa dạy, ông chạy trốn Ngài càng xa càng tốt! Thay vì lên Ninivê, hướng đông; ông xuống tàu đi ngược qua Tarshish, hướng tây. Tuy nhiên, Chúa đâu để Giôna yên, Ngài theo ông đến cùng! Dẫu người ta ném ông xuống biển; một con cá đã chực sẵn đó. Và sau khi cá nhả ông lên bờ, Chúa gọi ông lần thứ hai. Cuối cùng, vì ‘không thể trốn chạy’ và cô đơn mãi, ông buộc phải rao giảng lòng thương xót của Ngài cho Ninivê, mang cho họ thông điệp sám hối; họ ăn năn và được thứ tha.

Nếu Giôna trốn Thiên Chúa để khỏi yêu thương kẻ thù, thì một người Samaria vô danh sẽ nghe tiếng lương tâm mà phục vụ kẻ thù. Ông đã cứu một người Do Thái sống dở, chết dở bên đường; dẫu Do Thái và Samaria là kẻ thù truyền kiếp của nhau. Nếu Giôna là sứ giả bất đắc dĩ cho Ninivê, người Samaria sẵn sàng là sứ giả cho kẻ thù mình; ông ‘không thể trốn chạy’ yêu thương. Câu chuyện của con người tốt lành này là câu trả lời của Chúa Giêsu cho chất vấn của một luật sĩ, “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?”, và “Ai là người anh em của tôi?”. Và để kết thúc cuộc phỏng vấn, Chúa Giêsu nói với nhà thông luật, “Ông cũng hãy đi và làm như vậy!”.

“Hãy đi và làm như vậy!”. Chúa Giêsu đã đi và làm như vậy! Người Samaria đại diện cho Chúa Giêsu; và nạn nhân, đại diện cho cả nhân loại, cho mỗi chúng ta. Khi chúng ta không thể tự cứu mình, trầy trụa, ghẻ lạnh vì tội lỗi; Chúa Giêsu đã rời thiên cung, xuống thế, lưu lại để cứu chúng ta. Chúng ta “sống dở, chết dở”; tiếng Anh diễn tả rất thú vị, “half dead”, ‘chết một nửa’. Ngoài cái chết thể chất, chúng ta có thể ‘chết một nửa’ theo nghĩa lửa trong tim đã tắt; chỉ còn ‘sống một nửa’ và đang lây lất kéo bản thân ‘sống qua ngày, đợi qua đời’ khi không còn một chút nhiệt huyết cho bất cứ điều gì! Có lẽ đó là cách mà nhiều người đang cảm thấy trong những ngày hôm nay do tác động của Corona, dịch bệnh; ‘chết một nửa’, hay tích cực hơn, ‘một nửa còn sống’. Chính trong tình trạng đó, Chúa Giêsu vực chúng ta lên; Ngài đưa chúng ta ra khỏi mồ, đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, Ngài đã đưa con lên khỏi huyệt để con được sống!”.

Anh Chị em,

Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, Đấng luôn chạnh thương mọi người; dù muốn dù không, chúng ta ‘không thể trốn chạy’ khỏi lời mời gọi yêu thương của Ngài. Chính Chúa Giêsu đã làm gương; đến lượt mình, Ngài trao mệnh lệnh, “Hãy đi và làm như vậy!”. Hôm nay, mỗi người chúng ta hãy mạnh dạn đến với người gần chúng ta nhất, nở một nụ cười cảm thông, nói một lời khích lệ, một ánh mắt bao dung, trao một cử chỉ yêu thương. Dụ ngôn đã mời gọi chúng ta mở lòng đón nhận nhiều cách khác nhau và đáng ngạc nhiên mà Thiên Chúa có thể đến chữa lành chúng ta; cùng lúc, quan trọng hơn, mời gọi chúng ta sống yêu thương. Vì cuối cùng, chúng ta ‘không thể trốn chạy’ lời mời gọi này, nếu thực sự chúng ta là môn đệ của Ngài.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì bao lần, con là nạn nhân nửa sống nửa chết của những đam mê tội lỗi; nhưng Chúa đã cứu con. Xin biến con thành một người Samaria cho anh chị em con trong những ngày hôm nay, vì con ‘không thể trốn chạy’ tình yêu Chúa đang mời gọi!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Xung đột quanh tượng Chúa Cứu thế ở Rio de Janeiro
Đặng Tự Do
04:59 03/10/2021


Vào trước lễ kỷ niệm 90 năm thành lập, tượng Chúa Cứu thế ở Rio de Janeiro đã là trung tâm của nhiều cuộc xung đột giữa Giáo Hội, cơ quan chính phủ quản lý khu bảo tồn thiên nhiên xung quanh và chủ sở hữu của một số cửa hàng nằm trong khu vực tượng đài.

Được khánh thành vào ngày 12 tháng 10 năm 1931, sau 5 năm xây dựng, bức tượng cao 98 feet, tức là khoảng 30m - được tài trợ hoàn toàn bởi Tổng giáo phận Rio de Janeiro và các nhà tài trợ khác - đã được xây dựng trên đỉnh núi Corcovado, một khu vực đã được chính thức được chính phủ liên bang Brazil cấp cho Giáo Hội.

Vào những năm 1960, chính phủ đã tạo ra Công viên Quốc gia Tijuca với mục tiêu bảo vệ những khu rừng núi rộng lớn bao quanh bức tượng.

Gần đây, đã xảy ra xung đột giữa Giáo Hội và cơ quan quản lý công viên, là Viện Bảo tồn Đa dạng Sinh học Chico Mendes, gọi tắt là ICMBio.

“Theo truyền thống, Giáo hội là một nhà hòa giải xung đột. Tuy nhiên, trong tình huống này, Giáo Hội đã là một phần của cuộc xung đột. Đã đến lúc phải sửa chữa những vấn đề đó,” Cha Omar Raposo, Giám đốc tượng đài Chúa Cứu thế, nói với Crux.

Theo Cha Raposo, trong nhiều năm ICMBio không tôn trọng quyền của Giáo Hội được tự do sử dụng khu vực xung quanh bức tượng. Các nhân viên an ninh của Viện thường xuyên tạo ra các chướng ngại vật đối với các công nhân và các linh mục của Thánh địa khi họ cố gắng vào công viên và đến nhà nguyện nằm dưới chân tượng đài.

Vào ngày 11 tháng 9, Cha Raposo đã bị cản trở bởi các nhân viên an ninh khi ngài chuẩn bị cử hành lễ rửa tội. Gia đình của đứa trẻ cũng bị cấm vào khu vực tượng đài. Phải mất hai giờ trước khi vị linh mục cuối cùng được phép đi đến nhà nguyện.

ICMBio tuyên bố rằng vì lý do an ninh, tất cả các phương tiện phải được xác định một cách chính xác trước khi vào công viên Tijuca và quá trình này có thể mất thời gian, nhưng Cha Raposo cho biết cơ quan nhà nước đang cố gắng “làm cho hoạt động của Giáo Hội tại Thánh địa Chúa Kitô là không thể thực hiện được”.

“Tôi không thể bị cản trở để vào tượng đài. Bức tượng đó thuộc sở hữu của Giáo Hội. Chúng tôi phải tố cáo những tội lạm dụng chức quyền và bất khoan dung tôn giáo,” ngài nói.

Một số cửa hàng truyền thống hoạt động trong khu vực gần đây đã bị ICMBio đóng cửa, mặc dù một số cửa hàng đã thuộc về cùng một gia đình trong bốn thế hệ. Giờ đây, khách du lịch và những người đi nhà thờ thậm chí không thể mua một chai nước khi họ đến thăm tượng Chúa.

“Tất cả khu đất đó đã được chuyển giao cho Nhà thờ vào năm 1931, nhưng ICMBio đã trục xuất các chủ cửa hàng”

Tổng giáo phận đã cố gắng hủy bỏ các quyết định đó về mặt pháp lý để các cửa hàng có thể mở cửa trở lại.
Source:Crux
 
Một số đồ bị đánh cắp từ nhà thờ giáo xứ Denver đã được thu hồi
Đặng Tự Do
05:00 03/10/2021


Một số đồ vật có giá trị thuộc về một giáo xứ Công Giáo Denver, bao gồm nhà tạm và các bình dùng cho Thánh lễ, đã được tìm lại vào cuối tuần trước, sau khi nhà thờ bị cướp gần một tháng trước. Các bánh thánh bị đánh cắp vẫn không được tìm thấy.

Giáo xứ Curé d'Ars chủ yếu là người Mỹ gốc Phi, nằm ở phía bắc Denver, đã bị đột nhập và cướp trong đêm 30-31 tháng 8. Tất cả các bình của nhà thờ được sử dụng cho Thánh lễ đã bị đánh cắp, sau khi những tên trộm xông vào bằng cách đá bể một cánh cửa gỗ.

Nhà tạm của nhà thờ, chứa Thánh Thể, đã bị đánh cắp khỏi cung thánh.

Trong một bài đăng ngày 25 tháng 9 trên trang Facebook của nhà thờ, Phó tế Clarence McDavid báo cáo rằng ngài đã được một thám tử làm việc trong vụ án gọi đến để xem xét các đồ vật được thu hồi từ một người đàn ông mà Cảnh sát Denver vừa bắt giữ gần đây.

Các đồ vật được thu hồi bao gồm một nhà tạm, một bình đựng Mình Thánh Chúa, một dĩa cho rước lễ và một chiếc thùng được sử dụng để đựng các bánh thánh của linh mục.

“Những món đồ này rõ ràng là của chúng tôi và đã được lấy về từ sở cảnh sát. Người đang bị cảnh sát giam giữ được cho là đã đột nhập vào một số nhà thờ khác trong khu vực”, Phó tế McDavid viết.

Thầy McDavid cho biết các bánh thánh được cất giữ trong nhà tạm, tuy nhiên, vẫn bị mất tích và “có lẽ đã bị vứt bỏ”.

Các bình kim khí được tìm thấy hiện đã được làm sạch và đang ở trong nhà thờ. Thầy lưu ý rằng một bình đựng Thánh Thể lớn hơn vẫn chưa tìm ra.

Phát biểu với CNA ngày 27 tháng 9, Phó tế McDavid cho biết thầy muốn cảm ơn tất cả mọi người, những người cảm động trước câu chuyện về vụ cướp, đã liên lạc để quyên góp, đưa ra các lời chúc tốt đẹp và các lời cầu nguyện.

“Điều đó chắc chắn cho thấy chúng ta được liên đới với nhau như thế nào với tư cách là một Giáo hội. Thật là xúc động khi được chứng kiến như thế,”

Cảnh sát Denver xác nhận với CNA rằng một vụ bắt giữ đã được thực hiện liên quan đến vụ trộm tại giáo xứ Cure d'Ars, và cho biết người bị bắt là Deshaun Glenn, ba mươi bảy tuổi.

Tưởng cũng nên nhắc lại là bọn cướp đã tấn công vào nhà thờ Công Giáo Curé d'Ars và cướp sạch tất cả các áo lễ được sử dụng cho các thánh lễ từ tủ áo. Chúng đã xông vào bằng cách đá bể cánh cửa gỗ. Chúng cũng lấy một máy tính xách tay dùng để phát trực tiếp Thánh lễ và một bảng âm thanh dùng để kết nối với micrô của nhà thờ.

Cha Joseph Cao, linh mục Việt Nam, cha sở của nhà thờ, cho biết ngài vẫn chưa biết những ai đã thực hiện vụ cướp, diễn ra vào khoảng đêm thứ Hai 30, rạng sáng thứ Ba 31 tháng 8. Cha Cao nói, đây là vụ đột nhập đầu tiên vào nhà thờ.

Những kẻ tấn công cũng loại bỏ bốn camera an ninh khắp nơi trong cung thánh, để bảo đảm rằng chúng không bị quay video. Chúng cũng cắt tất cả các đường ống bằng đồng nối từ lò sưởi của tòa nhà ở tầng dưới, và các ống đồng tại một cầu thang bên ngoài tòa nhà, và làm nước ngập tầng hầm của nhà thờ.

Khoảng 8:40 sáng ngày 31 tháng 8, Cha Cao phát hiện cửa ngoài của nhà thờ đã bị cạy tung. Ngài tìm thấy một chiếc ghế lật ngửa và một số bánh thánh chưa được thánh hiến trên mặt đất khi ngài bước vào gian cung thánh. Sau đó ngài nhận ra rằng nhà tạm đã biến mất, và phát hiện ra tình trạng lũ lụt trong tầng hầm.

“Trái tim tôi chùng xuống. Tôi cảm thấy vô cùng bất lực. Chúng tôi cầu nguyện cho sự trở lại an toàn của Thánh Thể.”

Bảo hiểm có thể sẽ thanh toán cho hầu hết các món đồ bị đánh cắp, nhưng tất nhiên, Mình Thánh Chúa Kitô là vô giá.

“Như bạn có thể tưởng tượng, điều này rất tàn khốc đối với toàn bộ cộng đồng,” Phó tế Clarence McDavid nói với CNA.

“Chúng tôi có những người đã ở đây có lẽ từ giữa những năm 60. Tôi đã là một phó tế ở đây được 34 năm”.

Giáo xứ Curé d'Ars có từ năm 1952, và tên của ngôi thánh đường là nhằm tôn vinh Thánh John Vianney, vị thánh bảo trợ của các linh mục quản xứ đã chăm sóc các linh hồn ở Ars, bên Pháp, vào thế kỷ 19.

Cho đến những năm 1970, chủ yếu nhờ vào sự thay đổi nhân khẩu học trong khu vực, giáo xứ Curé d'Ars đã phục vụ khoảng 200 gia đình chủ yếu là người da đen.

Cung thánh đã được làm phép và trang trí lại như một không gian linh thiêng vào ngày 31 tháng 8.

Cha Cao đã cử hành thánh lễ đền tạ để chuộc tội cho những kẻ đã đánh cắp nhà tạm. Ngài và Phó tế McDavid đã đi khắp nhà thờ, làm phép và rảy nước Thánh lên những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vụ cướp.

“Những đồ vật có thể được thay thế, nhưng Thánh Thể là một món quà quý giá vô cùng, và đó là điều không thể được thay thế,” Cha Cao nói trong bài giảng.

“Cái ác dường như chiến thắng; nhưng chúng ta biết cuối cùng Chúa sẽ thắng, chúng ta thực sự tin như vậy. Bởi vì Thiên Chúa mạnh hơn sự dữ rất nhiều”, Cha Cao nói.

Cuối thánh lễ, một số giáo dân đã xin vị linh mục và vị phó tế chúc lành và cầu nguyện cho họ.

Tòa nhà hiện tại của nhà thờ được cung hiến vào năm 1978 dưới thời Cha sở Robert Kinkel. Giáo xứ sau đó đã chào đón Charlie Bright với tư cách là phó tế người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong tổng giáo phận Denver.

Cha Cao hiện vẫn còn đang phải để tang mẹ là bà cố Maria Đỗ Thị Đượm qua đời ngày 10 tháng 11 năm ngoái 2020 vì coronavirus. Thánh lễ an táng cho bà cố đã được cử hành tại nhà thờ Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở Denver hôm 21 tháng 11, 2020.
Source:Catholic News Agency
 
Đại học Anh đã chấp nhận bổ nhiệm một tuyên úy Công Giáo phò sinh
Đặng Tự Do
05:01 03/10/2021


Đại học Nottingham đã thông báo hôm thứ Bảy rằng họ sẽ công nhận Cha David Palmer là tuyên úy cho trường Đại Học, sau khi từ chối việc bổ nhiệm ngài vì những bình luận về việc hỗ trợ tự tử và phá thai mà ngài đã đăng trên mạng xã hội.

“Sau cuộc đối thoại mang tính xây dựng và hữu ích với Giáo phận Nottingham trong những tuần gần đây, chúng tôi đã đồng ý rằng Cha David Palmer sẽ được công nhận là tuyên úy Công Giáo,” trường đại học cho biết hôm 25 tháng 9.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Đại học Nottingham, miền trung nước Anh, xác nhận vào ngày 25 tháng 8 rằng họ đã từ chối công nhận chính thức Cha David Palmer là tuyên uý. Cha David là một linh mục của Giáo Hạt Tòng Nhân Đức Mẹ Walsingham.

“Mối quan tâm của chúng tôi không liên quan đến chính các quan điểm của Cha David, nhưng là cách mà những quan điểm này được thể hiện trong bối cảnh cộng đồng đa dạng của chúng tôi gồm những người thuộc nhiều tín ngưỡng”, một phát ngôn viên của trường đại học nói với CNA.

Cha Palmer đang phục vụ tại Giáo phận Nottingham, đã được Đức Cha Patrick McKinney, Giám Mục bản quyền, bổ nhiệm làm tuyên úy cho cộng đồng Công Giáo tại Đại học Nottingham.

Đức Cha cũng yêu cầu ngài làm tuyên úy Công Giáo cho Đại học Nottingham Trent.

Trong khi Đại học Nottingham Trent chấp nhận bổ nhiệm này, Đại học Nottingham đã mời Cha Palmer đến phỏng vấn vào ngày 17 tháng 6.

Sau cuộc phỏng vấn, trường đại học đã viết thư cho Đức Cha McKinney bày tỏ quan ngại về việc bổ nhiệm Cha David.

Tại một cuộc họp sâu hơn vào ngày 1 tháng 7, trường đại học chỉ rõ rằng những lo ngại của họ liên quan đến các bài của Cha Palmer đăng trên mạng xã hội, nhấn mạnh một số vấn đề về trợ tử và một vấn đề khác về phá thai.

Vị linh mục đã viết trên Twitter vào ngày 24 tháng 8 rằng trường đại học cũng phản đối một bài thứ hai trong đó ngài mô tả phá thai là “tàn sát trẻ sơ sinh”, và khẳng định rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden không nên được cho rước lễ vì ông ta ủng hộ việc phá thai hợp pháp..

Cha Palmer nói rằng ngài bị từ chối vì niềm tin Công Giáo truyền thống của mình.

Trước diễn biến mới này, Đức Cha Patrick McKinney của Nottingham nhận xét rằng: “Tôi rất vui mừng khi trường đại học đã đồng thuận với việc tôi bổ nhiệm Cha David Palmer làm Tuyên úy Công Giáo, để làm việc cùng với các tuyên úy đại học khác, những người đã hỗ trợ rất nhiều cho sinh viên và nhân viên.”

Trường đại học đã đưa ra một thủ tục mới để công nhận các tuyên úy, trong đó “cho phép một năm dự bị để cho phép các tuyên úy được đề cử, tổ chức tôn giáo bổ nhiệm và trường đại học cùng khám phá xem vai trò đó có phù hợp với môi trường đa tín ngưỡng tại Nottingham hay không.”

Cha Palmer lưu ý trên Twitter vào ngày 27 tháng 9 rằng “Rất nhiều người đã giúp chúng tôi ở hậu trường” trong việc bảo đảm việc bổ nhiệm tôi, và lời khuyên pháp lý của ADF International và Free Speech Union ‘là vô giá’.”

Free Speech Union, hay Liên minh Tự do Ngôn luận, đã viết thư cho phó hiệu trưởng của trường Đại Học vào hôm 2 tháng 9, nhắc nhở ông rằng “Đạo luật Bình đẳng năm 2010 khiến một tổ chức công cộng phân biệt đối xử dựa trên niềm tin tôn giáo hoặc triết học là bất hợp pháp, và thực tế là việc bổ nhiệm Cha David đã bị cản trở theo cách này. Rõ ràng cha ấy nạn nhân của sự phân biệt đối xử bất hợp pháp”.


Source:Catholic News Agency
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 3/10/2021
J.B. Đặng Minh An dịch
07:23 03/10/2021


Chúa Nhật 3 tháng 10, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ 27 Mùa Quanh Năm, bài Tin Mừng tường thuật với chúng ta đáp trả của Chúa Giêsu với những người Pharisêu thách thức Ngài về tính hợp luật của ly hôn.

“Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái đến gần và hỏi thử Chúa Giêsu rằng: “Người ta có được phép ly dị vợ mình chăng?” Người đáp: “Môsê đã truyền cho các ông thế nào?” Họ thưa: “Môsê cho phép làm giấy ly dị và cho ly dị”. Bấy giờ Chúa Giêsu đáp lại: “Chính vì sự cứng lòng của các ông, mà Môsê đã viết ra điều luật đó. Nhưng lúc khởi đầu cuộc sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên một người nam và một người nữ. Bởi đó người nam sẽ lìa cha mẹ để luyến ái vợ mình, và hai người sẽ nên một huyết nhục. Như thế, họ không còn là hai mà là một huyết nhục. Vậy sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân rẽ”. Về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điểm đó. Và Người bảo các ông: “Ai bỏ vợ mình và lấy vợ khác, thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Và người nữ bỏ chồng và lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình”. Bấy giờ người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Trong bài Tin Mừng của Phụng vụ hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu phản ứng có phần khác thường: Ngài phẫn nộ. Và điều đáng ngạc nhiên nhất là sự phẫn nộ của Ngài không xuất phát từ việc những người Pharisêu thách thức Ngài với những câu hỏi về tính hợp pháp của việc ly hôn, mà xuất phát từ các môn đệ của Ngài, những người để bảo vệ Ngài khỏi đám đông, đã quở trách một số trẻ em đã được đưa đến với Chúa Giêsu. Nói cách khác, Chúa không nổi giận với những người tranh luận với Ngài, nhưng với những người, để giảm bớt gánh nặng cho Ngài, khiến các con cái xa lánh Ngài. Tại sao? Đó là một câu hỏi hay: tại sao Chúa làm điều này?

Chúng ta hãy nhớ - chính bài Tin Mừng được đọc trong hai Chúa nhật trước - Chúa Giêsu, khi thực hiện cử chỉ ôm một đứa trẻ, đã đồng hóa mình với những người bé mọn: Người đã dạy rằng chính những đứa trẻ nhỏ, tức là những người phải thuộc vào người khác, là những người đang cần mà không thể hồi đáp lại, là những người phải được phục vụ trước (x. Mc 9:35-37). Những ai tìm kiếm Thiên Chúa, thì thấy Người ở đó, nơi những người nhỏ bé, nơi những người thiếu thốn: không thiếu của cải vật chất mà thôi, nhưng thiếu cả sự chăm sóc và ủi an, chẳng hạn như những người bệnh tật, những người bị sỉ nhục, những tù nhân, những người nhập cư, những người bị giam cầm. Chúa ở đó: trong những người nhỏ bé này. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu nổi giận: bất cứ điều bạc đãi nào gây ra cho một người nhỏ bé, một người nghèo, một trẻ em, một người không có khả năng tự vệ, đều là gây ra cho chính Ngài.

Hôm nay Chúa chọn lại lời dạy này và hoàn thành điều đó. Thật vậy, Người nói thêm: “Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó” (Mc 10:15). Đây là điều mới mẻ: người môn đệ không chỉ phải phục vụ những người nhỏ bé, mà còn phải nhìn nhận mình là một người nhỏ bé. Và mỗi người chúng ta, chúng ta có nhận mình là nhỏ bé trước mặt Chúa không? Hãy suy nghĩ về điều đó, nó sẽ giúp chúng ta. Ý thức mình là nhỏ bé, ý thức về sự cần thiết của ơn cứu rỗi là không thể thiếu để tiếp nhận Chúa. Đó là bước đầu tiên trong việc mở lòng đón nhận Ngài. Tuy nhiên, chúng ta thường quên điều này. Khi sống trong thịnh vượng, trong sự sung túc, chúng ta có ảo tưởng tự mãn, rằng chúng ta đủ rồi, rằng chúng ta không cần Chúa. Thưa anh chị em, đây là một sự lừa dối, vì mỗi người chúng ta đều là những người cần, đều là những người nhỏ bé. Chúng ta phải tìm kiếm sự nhỏ bé của mình và nhận ra nó. Và ở đó, chúng ta sẽ tìm thấy Chúa Giêsu.

Trong cuộc sống, nhận ra sự nhỏ bé của bản thân là điểm khởi đầu để trở nên vĩ đại. Nếu chúng ta nghĩ về điều đó, chúng ta trưởng thành không hệ tại quá nhiều trên những thành công của chúng ta và những thứ chúng ta có, mà hơn hết là trong những khoảnh khắc khó khăn và mong manh. Ở đó, trong sự cần thiết của chúng ta, chúng ta trưởng thành; ở đó chúng ta mở rộng tâm hồn mình cho Chúa, cho người khác, cho ý nghĩa của cuộc sống. Chúng ta hãy mở rộng tầm mắt của chúng ta với những người khác. Hãy để chúng ta mở rộng tầm mắt, về ý nghĩa thực sự của cuộc sống và nhận thức về sự nhỏ bé của chúng ta. Khi chúng ta cảm thấy mình nhỏ bé trước một vấn đề, nhỏ bé trước thập giá, bệnh tật, khi chúng ta gặp mệt mỏi và cô đơn, chúng ta đừng nản lòng. Mặt nạ của sự hời hợt đang rơi xuống và sự yếu đuối triệt để của chúng ta đang tái xuất hiện: đó là điểm chung của chúng ta, là kho tàng của chúng ta, bởi vì với Thiên Chúa, sự yếu đuối không phải là một trở ngại mà là một cơ hội. Một lời cầu nguyện tuyệt vời sẽ là thế này: “Lạy Chúa, xin nhìn vào sự yếu đuối của con…” và liệt kê chúng trước mặt Ngài. Đây là một thái độ tốt trước mặt Chúa.

Thật vậy, chính trong sự yếu đuối mà chúng ta khám phá ra rằng Thiên Chúa chăm sóc chúng ta nhiều như thế nào. Tin Mừng hôm nay cho biết Chúa Giêsu rất dịu dàng với những người bé mọn: “Người đã ôm họ vào lòng và chúc phúc, đặt tay Người trên chúng” (c. 16). Những khó khăn và tình huống bộc lộ sự yếu đuối của chúng ta là những cơ hội đặc biệt để cảm nghiệm tình yêu của Ngài. Những ai cầu nguyện với lòng kiên trì đều biết rõ điều này: trong những thời khắc đen tối hoặc cô đơn, sự dịu dàng của Thiên Chúa đối với chúng ta càng thể hiện rõ hơn. Khi chúng ta còn nhỏ, chúng ta cảm nhận được sự dịu dàng của Chúa nhiều hơn. Sự dịu dàng này mang lại cho chúng ta sự bình an; sự dịu dàng này làm cho chúng ta lớn lên, bởi vì Thiên Chúa đến gần chúng ta theo cách của Ngài, đó là sự gần gũi, từ bi và dịu dàng. Và, khi chúng ta cảm thấy mình bé mọn vì bất cứ lý do gì, Chúa đến gần hơn, chúng ta cảm thấy Người gần hơn. Ngài ban cho chúng ta sự bình an; Ngài làm cho chúng ta phát triển. Trong lời cầu nguyện, Chúa kéo chúng ta đến gần Ngài, như một người cha với con mình. Đây là cách chúng ta trở nên vĩ đại: không phải trong sự giả vờ hão huyền về khả năng tự cung tự cấp của chúng ta - điều này khiến không ai trở nên vĩ đại - nhưng trong sức mạnh của việc đặt tất cả hy vọng của chúng ta vào Cha, giống như những đứa trẻ nhỏ bé làm, chúng làm như thế.

Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria một ân sủng to lớn, đó là sự nhỏ bé: để trở thành những người con tín thác vào Cha, chắc chắn rằng Ngài sẽ không bỏ qua việc chăm sóc chúng ta.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp như sau

Anh chị em thân mến,

Tôi rất đau buồn về những gì đã xảy ra trong những ngày gần đây tại nhà tù Guayaquil, Ecuador. Một vụ bạo lực khủng khiếp bùng phát giữa các tù nhân thuộc các băng đảng đối địch đã khiến hơn một trăm người chết và nhiều người bị thương. Tôi cầu nguyện cho họ và cho gia đình của họ. Xin Chúa giúp chúng ta chữa lành vết thương của tội ác, đang nô dịch những người nghèo nhất. Và cầu mong Người giúp những người đang làm việc hàng ngày để cuộc sống trong tù nhân bản hơn.

Tôi cầu xin Chúa ban hòa bình cho đất nước Miến Điện thân yêu: cầu mong bàn tay của những người đang sống ở đó không còn phải lau đi những giọt nước mắt đau thương và cái chết, mà thay vào đó là cùng nhau vượt qua khó khăn và cùng nhau làm việc để mang lại hòa bình.

Hôm nay, tại Catanzaro, Maria Antonio Samà và Gaetana Tolomeo, hai phụ nữ bị liệt giường trong suốt cuộc đời, sẽ được phong chân phước. Được vững mạnh bởi ân sủng thiêng liêng, họ đã ôm lấy thập tự giá của sự yếu đuối của mình, biến nỗi đau thành lời ngợi khen dành cho Chúa. Chiếc giường của họ đã trở thành điểm tham chiếu tâm linh và là nơi cầu nguyện và phát triển Kitô cho nhiều người tìm thấy niềm an ủi và hy vọng ở đó. Chúng ta hãy hoan nghênh các Chân Phước mới!

Vào Chúa Nhật đầu tiên của tháng 10 này, suy nghĩ của chúng ta hướng về các tín hữu tập trung tại Đền thờ Pompeii để đọc kinh Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria. Trong tháng này, chúng ta hãy cùng nhau làm mới lại cam kết lần chuỗi Mân Côi.

Tôi chào anh chị em, những người Rôma thân yêu và những người hành hương! Đặc biệt, các tín hữu của Wépion, giáo phận Namur, ở Bỉ; những người trẻ của Uzzano, thuộc giáo phận Pescia; và những người trẻ khuyết tật đến từ Modena, cùng với các Nữ tu nhỏ của Chúa Giêsu Thợ và các tình nguyện viên. Về vấn đề này, hôm nay ở Ý là Ngày xóa bỏ các rào cản kiến trúc: mọi người có thể chung tay vì một xã hội mà không ai cảm thấy bị loại bỏ. Cám ơn về công việc của anh chị em.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành. Cũng cho những trẻ em Immacolata! Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.
Source:Holy See Press Office
 
Chiều hướng Thế Giới: Cảm tình cuả dân đối với tôn giáo thì tăng, nhưng sự đàn áp cuả chính quyền vẫn không giảm.
Trần Mạnh Trác
13:06 03/10/2021
Ghi chú: Đây tuy là những dữ liệu được công bố mới nhất, nhưng là từ những nghiên cứu cuả năm 2019. Chúng ta phải đợi sang năm để có dữ liệu năm 2020 và 2 năm nữa cho năm 2021.

Những dữ liệu cuả 2 năm đó, 2020 và 2021, đặc biệt đáng quan tâm vì chúng cho thấy chiều hướng cuả thế giới trong đại dịch mà nhiều học giả về xã hội cho rằng sẽ gia tăng cái chiều hướng sẵn có.

Lý do là mỗi khi xã hội có một biến động lớn như chiến tranh, kinh tế hay dịch tễ thì người ta có khuynh hướng tìm về tôn giáo, nhưng ngược lại chính quyền lại lo sợ cho quyền hành bị thách thức, nhất là ở các nước đang có chế độ chuyên chế.

Bài dịch từ báo Crux với tựa đề:


Pew: Social hostility toward religion down, government hostility stays high

By Mark Pattison

Oct 2, 2021

Catholic News Service

WASHINGTON, DC - Theo bản báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Pew được công bố ngày 30 tháng 9, thì các hành động thù địch xã hội (cuả dân chúng) chống lại các tín đồ tôn giáo và các giáo hội đã giảm vào năm 2019.

Tuy nhiên, sự thù địch của chính phủ đối với tôn giáo vẫn ở mức cao nhất kể từ khi Pew bắt đầu thực hiện nghiên cứu này cách đây hàng chục năm.

Về phiá xã hội, nói cách khác là về phiá người dân, thì trong năm 2019, có 43 quốc gia mà chỉ số thù địch đối với tôn giáo được liệt vào hạng "cao" hoặc "rất cao", nhưng đó là giảm so với năm 2018 (có 53 quốc gia) và là tiếp tục giảm so với năm 2012 là lúc có con số cao nhất với 65 quốc gia.

Về phía chính phủ, 180 quốc gia đã có ít nhất một trường hợp quấy rối của chính quyền đối với một nhóm tôn giáo, như vậy là tăng so với năm 2018 (175). Riêng nói về chỉ số "cao" hoặc "rất cao" thì có 75 quốc gia vào năm 2019, giảm so với năm 2018 (80).

Cô Samirah Majumdar, phụ tá nghiên cứu của Pew và là nhà nghiên cứu chính về vấn đề tôn giáo cho biết: “Chúng tôi nhận thấy có nhiều biến chuyển trong những năm qua với nhiều mức độ thăng trầm. "Sự thù địch về mặt xã hội thì có thăng có trầm vì tuỳ thuộc vào việc có một sự cố nào đó diễn ra hay không,

nhưng sự thù địch của chính phủ thì dựa trên nền tảng chính trị và không thay đổi bao nhiêu."

Sự can thiệp của chính phủ vào việc thờ phượng bao gồm từ việc từ chối cho phép hoạt động tôn giáo hoặc cấm một vài thực hành cụ thể nào đó, chẳng hạn như cách thức thờ cúng, mặc trang phục, cấm để râu, không có miễn trừ nghĩa vụ quân sự, cấm sử dụng một số chất liệu trong việc thờ cúng hoặc cấm một vài tập tục và nghi lễ mai táng.

Một ví dụ được trích dẫn là: "Ở Slovenia, có sự nghiêm cấm giết mổ động vật còn sống (không gây choáng cho chúng trước,) cho nên người Hồi giáo và người Do Thái không được phép mổ chiên bò theo chế độ ăn uống halal và kosher."

Trong năm 2019, có 49 quốc gia có ít là một hình thức khủng bố liên quan đến tôn giáo, nhưng đó là "mức thấp kỷ lục so với các nghiên cứu trước", Pew nói, so với 64 quốc gia vào năm 2018 và 82 (kỷ lục cao) vào năm 2014, khi Nhà nước Hồi giáo ISIS tàn phá Trung Đông và Boko Haram quấy nhiễu Nigeria và các láng giềng.

Pew cũng bắt đầu theo dõi việc các chính quyền sử dụng công nghệ để quấy rối các hoạt động tôn giáo, "thí dụ việc chính phủ sử dụng công nghệ camera để giám sát, nhận dạng khuôn mặt hoặc dữ liệu sinh trắc học để hạn chế hoặc giám sát các nhóm tôn giáo".

Ở Trung Quốc, Pew nói, “nhà nước đã lắp đặt thiết bị trong các nhà thờ, đền thờ Hồi giáo, giáo đường Do Thái và các nơi thờ cúng khác; chính phủ cũng sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để theo dõi và thu thập dữ liệu sinh trắc học về người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các nhóm khác được coi là có tiềm năng đe dọa. Nhà chức trách ở Tân Cương cũng bắt người Duy Ngô Nhĩ phải cài đặt phần mềm trên điện thoại để theo dõi các cuộc gọi và tin nhắn của họ ”.

Cô Majumdar cho biết báo cáo xuất bản năm 2022 sẽ bao gồm nhiều chi tiết quấy rối trực tuyến hơn, vì nó có thể so sánh với số liệu của năm 2020 và năm 2019.

Pew nghiên cứu 196 quốc gia, kể cả Hoa Kỳ, và dùng số liệu thống kê của Hoa Kỳ và từ các ấn phẩm của Bộ Tư pháp về các trường hợp tự do tín ngưỡng, và dùng nhiều nguồn quốc tế khác, cô Majumdar nói.

Pew báo cáo có một trường hợp của Hoa Kỳ về các hạn chế của chính phủ đối với tôn giáo.

“Một bộ tộc bản địa là Người da đỏ ở núi Ramapough đã khởi kiện liên tục từ năm 2019 chống lại thị trấn Mahwah, New Jersey, sau khi thị trấn ra luật hạn chế các cuộc tụ họp tôn giáo của họ và ra lệnh dỡ bỏ một số công trình tôn giáo cuả họ, gồm bàn thờ và vòng cầu nguyện.”

Báo cáo cho biết rằng Bộ Tư pháp sau đó đã ủng hộ bộ lạc và hai bên cuối cùng đã giải quyết vào tháng 6 năm 2019.

Những người theo đạo Thiên chúa thì phải đối mặt với nhiều vụ quấy rối ở 153 quốc gia, theo sau là người Hồi giáo với 147 quốc gia. Cô Majumdar nói với CNS rằng điều này xảy ra là bởi vì người theo đạo Thiên chúa là nhóm tín ngưỡng lớn nhất và phân tán rộng nhất trên thế giới. Người Do Thái bị quấy rối ở 89 quốc gia, mặc dù họ chỉ chiếm 0,2% dân số thế giới.

Báo cáo của Pew đã ghi nhận một số trường hợp mà những người theo đạo Thiên Chúa trở thành mục tiêu bị quấy rối.

Tại Pakistan, báo cáo cho biết, “một nghi phạm Cơ đốc giáo trong một vụ trộm cắp đã bị tra tấn khi cảnh sát giam giữ và chết vài giờ sau khi được thả. Anh trai của nạn nhân báo cáo rằng một trong những sĩ quan cảnh sát đã nói khi bắt giữ người em đó, 'Tôi biết cách đối phó với những kẻ ngoại đạo này.'

Tại Cuba, Pew nói thêm, "có nhiều báo cáo về các quan chức nhà nước đe dọa các nhà mục sư Cơ đốc giáo vì tiến hành các hoạt động tôn giáo tại tư gia."

Báo cáo năm sau (năm 2020) sẽ đề cập đến năm đầu tiên của đại dịch coronavirus. Khi được hỏi liệu dữ liệu đã thu thập được rồi (cho bá cáo này) có sẵn bất cứ điều gì có thể tiên liệu một chiều hướng nào hay không, cô Majumdar trả lời: "Đó là điều mà chúng tôi đang chú tâm tìm hiểu."
 
Trước thảm trạng ở Myanmar, Đức Thánh Cha kêu gọi hãy cầu nguyện cho hòa bình ở Myanmar
Thanh Quảng sdb
16:30 03/10/2021
Trước thảm trạng ở Myanmar, Đức Thánh Cha kêu gọi hãy cầu nguyện cho hòa bình ở Myanmar

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu mời hãy cầu nguyện cho đất nước Myanmar, tìm thấy hòa bình sau nhiều năm xung đột và bách hại.

(Tin Vatican - Francesca Merlo)

Trong buổi đọc kinh “Truyền Tin” trưa Chủ nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi mọi người hãy cầu nguyện cho Myanmar. ĐTC nói hãy cầu xin Chúa "ban hòa bình" cho "vùng đất đáng thương này" đã phải hứng chịu quá nhiều đau thương trong những năm gần đây.

Đức Thánh Cha cầu xin Chúa cho “những bàn tay của những người đang sống ở đó, dù có thể không lau khô được nước mắt trước những niềm đau và chết chóc, nhưng có thể cùng nhau vượt qua những khó khăn và cùng nhau tìm kiếm hòa bình."

Sáu tháng trước đây, quân đội đã đảo chánh cướp chính quyền ở Myanmar. Kể từ đó, những người dân vô tội và tha thiết với dân chủ đã xuống đường biểu tình, và kết liễu của những cuộc biểu tình thường là những chết chóc thương vong. Tướng Min Aung Hlaing là kẻ cầm đầu cuộc đảo chính, đã bị quốc tế lên án và trừng phạt vì đã dùng quân đội mà trấn át và xua trừ các dân tộc thiểu số. Kể từ cuộc đảo chính, đã có hơn 200.000 người phải bỏ làng mạc mà trốn chạy...

Việc Myanmar đối xử với người thiểu số Rohingya đã bị quốc tế lên án. Myanmar coi họ là những người nhập cư bất hợp pháp và từ chối quyền công dân của họ. Trong nhiều thập kỷ, nhiều người đã trốn khỏi đất nước để tránh bị đàn áp.

Hàng nghìn người Rohingya đã thiệt mạng và hơn 700.000 người đã trốn chạy sang Bangladesh, kể từ sau cuộc đàn áp của quân đội vào năm 2017.
 
Con đường Đồng nghị Đức đã bế mạc Kỳ họp hai, đưa ra nhiều đề nghị cải tổ táo bạo
Vũ Văn An
20:56 03/10/2021

Theo tin Wall Street Journal ngày 1 tháng 10, 2021, “Con đường Đồng nghị” Đức đã có quyết nghị ủng hộ việc chúc lành cho các cặp đồng tính với số phiếu 168 thuận, 28 chống, một quyết nghị họ cho là đi ngược lời dạy của Đức Phanxicô.



Theo Catholic News Services ngày 3 tháng 10, 2021, hội nghị toàn thể lần thứ hai của Con đường Đồng nghị Đức đã kết thúc ngày 2 tháng 10, 2021 với việc ủng hộ áp đảo hàng loạt các đề nghị mà nếu được chấp thuận sẽ mang lại nhiều cải tổ sâu rộng trong Giáo Hội.

Hội nghị trên bao gồm 230 đại biểu giáo dân, các nhà học thuật, linh mục và Giám Mục, đã “vật lộn” suốt trong 3 ngày tại Frankfurt với những quyết nghị cho hướng đi của Giáo Hội trong tương lai. Giáo Hội Công Giáo tại Đức vốn đang vật lộn lấy lại tính khả tín của mình sau một thập niên bị giao động bởi tai tiếng lạm dụng tình dục và số tín hữu mỗi ngày một giảm.

Đức Cha Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức đồng thời là đồng chủ tịch Con đường Đồng nghị cho rằng “Các bản văn được đem ra thảo luận không phải chỉ là các bản văn, nhưng là các giấc mơ được đặt thành lời nói lên việc chúng ta muốn thay đổi Giáo Hội tại Đức ra sao: một Giáo Hội tham gia, công chính về phái tính và cùng đi trên con đường này với người ta”.

Đây là Phiên họp Khoáng đại lần thứ hai của Con đường Đồng nghị Đức vốn bị đình hoãn vì đại dịch COVID-19.

Bốn chủ đề đã được đem ra thảo luận: chỗ đứng của phụ nữ trong Giáo Hội, việc quản trị và phân chia quyền hành trong tương lai, nền luân lý tính dục Công Giáo, và việc độc thân của linh mục. Vì lượng các vấn đề và thời gian hạn hẹp, ủy ban chấp hành đã quyết định thêm một phiên khoáng đại thứ năm vào năm 2023.

Hội nghị xem xét 13 trong số 16 bản văn đã được thảo luận trước đó tại các diễn đàn đồng nghị, và 12 bản văn đã được chấp thuận. Hội nghị bế mạc đột ngột và không ngờ một giờ trước dự kiến, vì nhiều đại biểu ra về sớm.

Các đại biểu bỏ phiếu điện tử và cả ba ngày hội nghị đều được phát hình trực tuyến. Các người lên tiếng chỉ có 2 phút để phát biểu. Họ được xếp ngồi theo thứ tự a,b,c, nên một số vị Hồng Y ngồi mãi ở cuối phòng. Một số người phê bình việc sắp xếp này cho là bắt chức “thệ phản”.

Các bản văn mang ra biểu quyết nhận được phiếu thuận từ 76% tới 92%, cho thấy đa số đại biểu nghiêng về phía cải tổ. Tuy nhiên, các quyết nghị không có giá trị ràng buộc luật pháp trong Giáo Hội.

Một bản văn đề cập tới việc phân chia lại quyền hành, với nhiều tham gia hơn của hàng ngũ giáo dân, và do đó, các Giám Mục mất đi một số quyền hành. Có đề nghị chuyên biệt để giáo dân có tiếng nói trong việc bổ nhiệm các Giám Mục và phụ nữ được đảm nhận các chức vụ thụ phong.

Đức Hồng Y Reinhard Marx của Munich và Freising, người đã bắt đầu tiến trình Con đường Đồng nghị vào năm 2019, đã tóm tắt: “Tôi nghĩ rằng bản văn căn bản 'Quyền lực và Phân chia Quyền lực trong Giáo hội' là bản văn tốt vì nó thực tế và không đòi chúng ta phải thay đổi Bộ Giáo luật trong Giáo hội hoàn cầu, nhưng chúng ta có thể tiến lên từng bước".

Khi việc tham gia của giáo dân trong việc bổ nhiệm giám mục giáo phận được thảo luận, các đại biểu – một cách chuyên biệt và công khai - đã nhắc đến những gương “xấu” của các giáo phận Cologne và Regensburg, nơi vị tiền nhiệm của Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki, Đức Cố Hồng Y Joachim Meisner, và lãnh đạo hiện tại của Regensburg, Đức Giám Mục Rudolf Voderholzer, đã được bổ nhiệm chống lại mong muốn rõ ràng của nhiều người Công Giáo. Đức Hồng Y Woelki và Đức Giám Mục Voderholzer có mặt tại cuộc họp và lắng nghe, nhưng không phát biểu.

Một bản văn bàn tới việc lạm dụng tình dục đã được mang ra thảo luận, và Đức Tổng Giám Mục Ludwig Schick của Bamberg nói rằng diễn trình theo giáo luật nên “nhanh hơn, minh bạch hơn và các nạn nhân nên được tham gia và lắng nghe.” Johannes Norpoth, phát ngôn viên của Hội đồng Cố vấn các Nạn nhân, cho biết trường hợp của riêng ông theo giáo luật mất đến chín năm.

Các Đức Giám Mục Franz-Josef Overbeck của Essen và Gebhard Fürst của Rottenburg-Stuttgart nhấn mạnh với đại hội rằng “vị thế của một giám mục ở Đức đã bị tổn hại rất nhiều”.

Trong cuộc thảo luận về hình ảnh của các linh mục, Đức Giám Mục Overbeck nói, “Sự độc thân đã trở thành một tiêu chuẩn để loại trừ rất nhiều người khỏi thừa tác vụ giáo sĩ đến nỗi ngày nay, chúng ta thấy hầu như không còn ứng cử viên nào cho chức linh mục nữa. Và đây không chỉ là vấn đề của riêng Đức”.

Claudia Lücking-Michel, một nhà thần học tham gia cùng diễn đàn, nói với đài truyền hình ZDF của chính phủ Đức rằng “Bây giờ hoặc không bao giờ. Khi nào thì nó (cải cách) nên xảy ra đây?” Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương người Công Giáo Đức nói thêm, "Vì, theo quan điểm của tôi, những gì chúng ta đang trải nghiệm, đúng ra là một sự phản bội Tin Mừng hơn là một việc làm môn đệ tốt".

Thomas Sternberg, chủ tịch Ủy ban Trung ương người Công Giáo Đức và đồng chủ tịch của Con đường Đồng nghị, cho biết, “Chúng ta đang thực hành tính đồng nghị mà Đức Giáo Hoàng gọi là một yếu tố cấu thành ra Giáo Hội”.

Sternberg nói với một cuộc họp báo sau hội nghị rằng ông đến Frankfurt “với sự phân vân lớn, do các lập trường khác nhau của các thành viên hội nghị và chương trình nghị sự dày đặc. Nhưng… đã có những cuộc tranh luận công bằng và những cuộc thảo luận xây dựng. Tôi rất vui vì chúng ta đã trải qua một cuộc trình bày bình tĩnh cả những lập trường gây tranh cãi”.

Hội nghị toàn thể có 20 quan sát viên từ các cơ quan đại kết và các tổ chức Công Giáo quốc tế. Một nhà quan sát từ Luxembourg, Théo Péporté, cựu phát ngôn viên của Tổng giáo phận Luxembourg, đã nói trong một cuộc họp báo rằng Con đường Đồng nghị ở Đức “sẽ ảnh hưởng đến Giáo Hội bất luận nó kết thúc như thế nào”.

Vatican không cử quan sát viên nào từ Rôma mặc dù có lời mời, nhưng Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, sứ thần của Đức Giáo Hoàng tại Đức, đã tham dự các phiên họp.

Khi Đức Tổng Giám Mục Eterovic đang rời khỏi hội nghị, Karin Kortmann, phó chủ tịch Ủy ban Trung ương người Công Giáo Đức và của Con đường Dồng nghị, đã yêu cầu ngài từ trên sân khấu: “Xin ngài đừng đi - xe của ngài sẽ đợi.”

Bà đặc biệt cảm ơn ngài đã đến và xin ngài báo cáo với Đức Giáo Hoàng “về một Giáo Hội thân thiện với mọi người hơn và có sự tham gia của nhiều người hơn”. Bà cũng nêu vấn đề ủy ban trung ương đang chờ lời mời từ Vatican để thảo luận về Con đường Đồng nghị. Sau đó, bà nói với một cuộc họp báo rằng bà hy vọng đức sứ thần sẽ thêm vào cuối báo cáo của ngài rằng một cuộc họp với ủy ban trung ương "được khẩn cấp khuyến cáo".
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo dân Việt ở Little Saigon tham dự Thánh Lễ đầu tiên tại Linh Đài Đức Mẹ La Vang Nam California
Thiện Lê/Người Việt
08:14 03/10/2021
GARDEN GROVE, California (NV) – Đông đảo giáo dân gốc Việt ở Little Saigon có mặt tại nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô, Garden Grove, sáng Thứ Bảy, 2 Tháng Mười, để dự Thánh Lễ đầu tiên tại Linh Đài Đức Mẹ La Vang vừa khánh thành hồi Tháng Bảy.

Giám Mục Nguyễn Thái Thành cùng các linh mục cử hành Thánh Lễ đầu tiên tại Linh Đài Đức Mẹ La Vang trong khuôn viên nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô, Garden Grove. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Thánh Lễ này có mục đích vinh danh Đức Mẹ La Vang, biểu tượng của Công Giáo Việt Nam, và vinh danh cộng đồng giáo dân gốc Việt hơn 100,000 người ở Orange County.

Nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô sẽ tổ chức Thánh Lễ cho các cộng đoàn Việt Nam ở Orange County mỗi tháng, và Giáo Phận Orange làm lễ đầu tiên.

Linh Đài Đức Mẹ La Vang được khánh thành vào ngày 17 Tháng Bảy, với lễ Thánh Hiến có khoảng 8,000 giáo dân tham dự, và còn được chiếu trực tiếp khắp thế giới.

Vì đây là một Thánh Lễ quan trọng đối với giáo dân Little Saigon, mọi thứ được chuẩn bị rất kỹ. Rất nhiều người bận bịu chuẩn bị bàn làm lễ, sắp xếp ghế ngồi cho giáo dân, và chuẩn bị các thiết bị âm thanh và thu hình.

Tuy giờ bắt đầu lễ là 8 giờ 30 phút, nhưng nhiều giáo dân đến sớm hơn cả tiếng đồng hồ để lấy chỗ đậu xe và quan sát công việc chuẩn bị Thánh Lễ.

Bà Trinh Nguyễn, cư dân Santa Ana, chia sẻ cảm nghĩ với phóng viên Người Việt: “Đây là Thánh Lễ vô cùng trọng đại với cộng đồng Việt Nam mình. Chúng ta có Linh Đài Đức Mẹ La Vang trong nhà thờ lớn nhất ở vùng Little Saigon. Điều đó nói lên được sức mạnh của cộng đồng Công Giáo Việt Nam ở đây, tôi chắc chắn Thánh Lễ đầu tiên tại linh đài sẽ thể hiện được niềm tin của chúng ta. Tôi rất mừng vì giáo phận có chiếu Thánh Lễ trên mạng để đồng hương ở xa có thể chia vui với chúng ta hôm nay.”

Ông Lê Thanh Hải, cư dân Garden Grove, cho hay: “Đức Mẹ La Vang là đấng phù hộ cho cộng đồng người Việt Nam tị nạn trong nhiều năm, nhất là trong những tháng ngày lênh đênh trên biển, đến những ngày trong trại tị nạn, và những ngày đầu tiên trên đất Mỹ. Tôi nghĩ Thánh Lễ hôm nay vô cùng quan trọng với cộng đồng người Việt Nam hải ngoại vì là lễ đầu tiên tại Linh Đài Đức Mẹ La Vang lớn và đẹp như vậy.”

Nhiều giáo dân khác cũng chia sẻ suy nghĩ tương tự, và ai cũng vui vì có một Thánh Lễ trọng đại như vậy.

Nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô ước tính có khoảng 1,000 giáo dân đến dự Thánh Lễ.

Sau khi đọc kinh và cầu nguyện cho nhiều gia đình giáo dân, Thánh Lễ chính thức bắt đầu lúc 9 giờ sáng trong không khí vui tươi và tiếng hát đầy cảm xúc của ca đoàn 120 người.

Vì trời nắng và nóng bức, ca đoàn và nhiều giáo dân phải cầm dù che nắng. Những người không có ghế phải ngồi bên ngoài, và chịu ngồi ngoài nắng nóng để tham dự Thánh Lễ, nhưng ai cũng đọc kinh và hát thánh ca rất hăng hái.

Một giáo dân nói: “Nóng thì nóng, nhưng Thánh Lễ này rất quan trọng, nên tôi sẵn sàng ngồi ngoài nắng một chút để được chia vui với mọi người trong ngày trọng đại của giáo dân Việt Nam ở Little Saigon.

Linh Mục Christopher Tuấn Phạm, phó xứ giáo xứ Chính Tòa Chúa Kitô, cho biết ông rất mừng vì đồng hương tụ họp đông đảo tại nhà thờ để chia vui trong Thánh Lễ đầu tiên tại Linh Đài Đức Mẹ La Vang, và còn nói Giáo Phận Orange đã đạt được nhiều thành tích trong sáu năm vừa qua.

Ông còn nói Thánh Lễ này để vinh danh Đức Mẹ La Vang, đấng đồng hành và che chở cho người Việt Nam khi bỏ quê nhà để đến một vùng đất mới.

Giám Mục Nguyễn Thái Thành, giám mục gốc Việt duy nhất tại Hoa Kỳ và là phụ tá Giáo Phận Orange, làm chủ tế Thánh Lễ.

Giám mục cũng mừng rỡ vì giáo dân đến đông đảo như vậy, và kêu gọi mọi người cầu nguyện cho quê nhà Việt Nam, cũng như nhiều đồng hương ở đó vượt qua được đại dịch COVID-19.

Giám mục còn cảm ơn sự hợp tác của thành viên thuộc nhiều cộng đoàn để chuẩn bị Thánh Lễ kỹ lưỡng như vậy, người thì làm âm thanh, người thì chuẩn bị ghế ngồi, bàn làm lễ, và nhiều thứ khác.

Ông cũng cảm ơn sự giúp đỡ của Linh Mục Christopher Smith, chánh xứ giáo xứ Chính Tòa Chúa Kitô, vì tích cực tham gia cùng cộng đồng giáo dân gốc Việt từ những ngày đầu của chương trình xây dựng Linh Đài Đức Mẹ La Vang.

“Ngài vừa tích cực tham gia từ đầu, vừa lo chuyện hình ảnh của tượng Đức Mẹ, và rất thích thú với mọi thứ diễn ra trong ngày Thánh Hiến, cũng như ngày hôm nay,” Giám Mục Nguyễn Thái Thành nói.

Nhiều giáo dân chia sẻ niềm vui được dự Thánh Lễ đầu tiên tại Linh Đài Đức Mẹ La Vang, và nhiều người nói sẽ quay lại tham dự Thánh Lễ của Tháng Mười Một.

Thiện Lê / Người Việt
 
VietCatholic TV
Ma quỷ dùng mỹ nhân kế tấn công các linh mục ra sao? Tên trộm rinh nguyên nhà tạm tưởng là vàng khối
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:58 03/10/2021


1. Ma quỷ tìm cách thao túng các linh mục như thế nào? Tường trình của nhà trừ quỷ

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #143: Satan Tries to Manipulate Priests”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 143. Ma quỷ tìm cách thao túng các linh mục”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một linh mục trẻ có thiện chí đã gọi cho tôi và hỏi ý kiến của tôi. Ngài đang giúp một phụ nữ trẻ bị ma quỷ khống chế hoàn toàn, người đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm một nhà trừ tà. Ngài tự nguyện nhập cuộc và bắt đầu thường xuyên cầu nguyện cho cô ấy bằng những lời cầu nguyện trừ tà đơn sơ, không sử dụng nghi thức long trọng. Về mặt kỹ thuật, điều này nghe có vẻ ổn vì ngài không làm một lễ trừ tà trọng thể cũng không đọc Nghi thức trừ tà chính thức.... nhưng...

Sau đó, người phụ nữ trẻ bắt đầu phàn nàn về việc không thể ngủ vào ban đêm. Vì vậy, trước khi cô ta đi ngủ, vị linh mục đã cầu nguyện cho cô và cô chìm vào giấc ngủ ngon. Cuối cùng, ngài bắt đầu cầu nguyện cho cô mỗi đêm trước khi cô đi ngủ, để cô ấy có thể ngủ được. Chuyện gì sẽ xảy ra với bức tranh này?

Có thể bạn hơi ngạc nhiên nhưng tôi đã gặp ít nhất bốn tình huống khác nhau, trong đó các linh mục trẻ, có thiện chí kết thúc việc trừ tà của họ trong việc cầu nguyện ru ngủ hàng đêm cho những phụ nữ trẻ bị quỷ ám để họ có thể yên giấc. May mắn thay, trong mỗi tình huống như thế, khi điều này được phát hiện, nó đã được ngăn chặn ngay lập tức.

Nhiều năm trước, một nhà trừ tà cao niên đã cảnh báo tôi một cách khôn ngoan rằng hãy đề phòng đừng đến gần những người phụ nữ bị quỷ nhập một cách quá tình cảm. Ngài biết một số linh mục đã làm như vậy và, ngay cả khi mối quan hệ không trở thành các hành vi tình dục, bản thân sự gần gũi không thích hợp này đã là một sơ hở cho Satan. Ma quỷ sẽ sử dụng điều đó để tiếp cận với linh mục. Do đó, bản thân linh mục có thể bị rối loạn, và thậm chí bị quỷ nhập. Tôi đã thấy điều này xảy ra.

Cuộc chiến thực sự trong một cuộc trừ tà không phải là chính bản thân buổi trừ tà đó. Satan biết mình thua trong cuộc chiến trực diện với Giáo hội tràn đầy quyền năng của Chúa Phục sinh. Nhưng, Satan là một bậc thầy của những thao túng lắt léo.

Thông thường, một vị trừ tà là một linh mục lớn tuổi. Ngay cả khi đó, ngài cũng cần phải cẩn thận về việc thiết lập các ranh giới vững chắc trong chức vụ thường khi nguy hiểm này. Nếu một linh mục trẻ hơn được chọn, ngài phải được giám sát chặt chẽ bởi một nhà trừ tà lớn tuổi hơn. Satan là một kẻ thù xảo quyệt và không thể coi thường.
Source:Catholic Exorcism

2. Xung đột quanh tượng Chúa Cứu thế ở Rio de Janeiro

Vào trước lễ kỷ niệm 90 năm thành lập, tượng Chúa Cứu thế ở Rio de Janeiro đã là trung tâm của nhiều cuộc xung đột giữa Giáo Hội, cơ quan chính phủ quản lý khu bảo tồn thiên nhiên xung quanh và chủ sở hữu của một số cửa hàng nằm trong khu vực tượng đài.

Được khánh thành vào ngày 12 tháng 10 năm 1931, sau 5 năm xây dựng, bức tượng cao 98 feet, tức là khoảng 30m - được tài trợ hoàn toàn bởi Tổng giáo phận Rio de Janeiro và các nhà tài trợ khác - đã được xây dựng trên đỉnh núi Corcovado, một khu vực đã được chính thức được chính phủ liên bang Brazil cấp cho Giáo Hội.

Vào những năm 1960, chính phủ đã tạo ra Công viên Quốc gia Tijuca với mục tiêu bảo vệ những khu rừng núi rộng lớn bao quanh bức tượng.

Gần đây, đã xảy ra xung đột giữa Giáo Hội và cơ quan quản lý công viên, là Viện Bảo tồn Đa dạng Sinh học Chico Mendes, gọi tắt là ICMBio.

“Theo truyền thống, Giáo hội là một nhà hòa giải xung đột. Tuy nhiên, trong tình huống này, Giáo Hội đã là một phần của cuộc xung đột. Đã đến lúc phải sửa chữa những vấn đề đó,” Cha Omar Raposo, Giám đốc tượng đài Chúa Cứu thế, nói với Crux.

Theo Cha Raposo, trong nhiều năm ICMBio không tôn trọng quyền của Giáo Hội được tự do sử dụng khu vực xung quanh bức tượng. Các nhân viên an ninh của Viện thường xuyên tạo ra các chướng ngại vật đối với các công nhân và các linh mục của Thánh địa khi họ cố gắng vào công viên và đến nhà nguyện nằm dưới chân tượng đài.

Vào ngày 11 tháng 9, Cha Raposo đã bị cản trở bởi các nhân viên an ninh khi ngài chuẩn bị cử hành lễ rửa tội. Gia đình của đứa trẻ cũng bị cấm vào khu vực tượng đài. Phải mất hai giờ trước khi vị linh mục cuối cùng được phép đi đến nhà nguyện.

ICMBio tuyên bố rằng vì lý do an ninh, tất cả các phương tiện phải được xác định một cách chính xác trước khi vào công viên Tijuca và quá trình này có thể mất thời gian, nhưng Cha Raposo cho biết cơ quan nhà nước đang cố gắng “làm cho hoạt động của Giáo Hội tại Thánh địa Chúa Kitô là không thể thực hiện được”.

“Tôi không thể bị cản trở để vào tượng đài. Bức tượng đó thuộc sở hữu của Giáo Hội. Chúng tôi phải tố cáo những tội lạm dụng chức quyền và bất khoan dung tôn giáo,” ngài nói.

Một số cửa hàng truyền thống hoạt động trong khu vực gần đây đã bị ICMBio đóng cửa, mặc dù một số cửa hàng đã thuộc về cùng một gia đình trong bốn thế hệ. Giờ đây, khách du lịch và những người đi nhà thờ thậm chí không thể mua một chai nước khi họ đến thăm tượng Chúa.

“Tất cả khu đất đó đã được chuyển giao cho Nhà thờ vào năm 1931, nhưng ICMBio đã trục xuất các chủ cửa hàng”

Tổng giáo phận đã cố gắng hủy bỏ các quyết định đó về mặt pháp lý để các cửa hàng có thể mở cửa trở lại.
Source:Crux

3. Một số đồ bị đánh cắp từ nhà thờ giáo xứ Denver đã được thu hồi

Một số đồ vật có giá trị thuộc về một giáo xứ Công Giáo Denver, bao gồm nhà tạm và các bình dùng cho Thánh lễ, đã được tìm lại vào cuối tuần trước, sau khi nhà thờ bị cướp gần một tháng trước. Các bánh thánh bị đánh cắp vẫn không được tìm thấy.

Giáo xứ Curé d'Ars chủ yếu là người Mỹ gốc Phi, nằm ở phía bắc Denver, đã bị đột nhập và cướp trong đêm 30-31 tháng 8. Tất cả các bình của nhà thờ được sử dụng cho Thánh lễ đã bị đánh cắp, sau khi những tên trộm xông vào bằng cách đá bể một cánh cửa gỗ.

Nhà tạm của nhà thờ, chứa Thánh Thể, đã bị đánh cắp khỏi cung thánh.

Trong một bài đăng ngày 25 tháng 9 trên trang Facebook của nhà thờ, Phó tế Clarence McDavid báo cáo rằng ngài đã được một thám tử làm việc trong vụ án gọi đến để xem xét các đồ vật được thu hồi từ một người đàn ông mà Cảnh sát Denver vừa bắt giữ gần đây.

Các đồ vật được thu hồi bao gồm một nhà tạm, một bình đựng Mình Thánh Chúa, một dĩa cho rước lễ và một chiếc thùng được sử dụng để đựng các bánh thánh của linh mục.

“Những món đồ này rõ ràng là của chúng tôi và đã được lấy về từ sở cảnh sát. Người đang bị cảnh sát giam giữ được cho là đã đột nhập vào một số nhà thờ khác trong khu vực”, Phó tế McDavid viết.

Thầy McDavid cho biết các bánh thánh được cất giữ trong nhà tạm, tuy nhiên, vẫn bị mất tích và “có lẽ đã bị vứt bỏ”.

Các bình kim khí được tìm thấy hiện đã được làm sạch và đang ở trong nhà thờ. Thầy lưu ý rằng một bình đựng Thánh Thể lớn hơn vẫn chưa tìm ra.

Phát biểu với CNA ngày 27 tháng 9, Phó tế McDavid cho biết thầy muốn cảm ơn tất cả mọi người, những người cảm động trước câu chuyện về vụ cướp, đã liên lạc để quyên góp, đưa ra các lời chúc tốt đẹp và các lời cầu nguyện.

“Điều đó chắc chắn cho thấy chúng ta được liên đới với nhau như thế nào với tư cách là một Giáo hội. Thật là xúc động khi được chứng kiến như thế,”

Cảnh sát Denver xác nhận với CNA rằng một vụ bắt giữ đã được thực hiện liên quan đến vụ trộm tại giáo xứ Cure d'Ars, và cho biết người bị bắt là Deshaun Glenn, ba mươi bảy tuổi.

Tưởng cũng nên nhắc lại là bọn cướp đã tấn công vào nhà thờ Công Giáo Curé d'Ars và cướp sạch tất cả các áo lễ được sử dụng cho các thánh lễ từ tủ áo. Chúng đã xông vào bằng cách đá bể cánh cửa gỗ. Chúng cũng lấy một máy tính xách tay dùng để phát trực tiếp Thánh lễ và một bảng âm thanh dùng để kết nối với micrô của nhà thờ.

Cha Joseph Cao, linh mục Việt Nam, cha sở của nhà thờ, cho biết ngài vẫn chưa biết những ai đã thực hiện vụ cướp, diễn ra vào khoảng đêm thứ Hai 30, rạng sáng thứ Ba 31 tháng 8. Cha Cao nói, đây là vụ đột nhập đầu tiên vào nhà thờ.

Những kẻ tấn công cũng loại bỏ bốn camera an ninh khắp nơi trong cung thánh, để bảo đảm rằng chúng không bị quay video. Chúng cũng cắt tất cả các đường ống bằng đồng nối từ lò sưởi của tòa nhà ở tầng dưới, và các ống đồng tại một cầu thang bên ngoài tòa nhà, và làm nước ngập tầng hầm của nhà thờ.

Khoảng 8:40 sáng ngày 31 tháng 8, Cha Cao phát hiện cửa ngoài của nhà thờ đã bị cạy tung. Ngài tìm thấy một chiếc ghế lật ngửa và một số bánh thánh chưa được thánh hiến trên mặt đất khi ngài bước vào gian cung thánh. Sau đó ngài nhận ra rằng nhà tạm đã biến mất, và phát hiện ra tình trạng lũ lụt trong tầng hầm.

“Trái tim tôi chùng xuống. Tôi cảm thấy vô cùng bất lực. Chúng tôi cầu nguyện cho sự trở lại an toàn của Thánh Thể.”

Bảo hiểm có thể sẽ thanh toán cho hầu hết các món đồ bị đánh cắp, nhưng tất nhiên, Mình Thánh Chúa Kitô là vô giá.

“Như bạn có thể tưởng tượng, điều này rất tàn khốc đối với toàn bộ cộng đồng,” Phó tế Clarence McDavid nói với CNA.

“Chúng tôi có những người đã ở đây có lẽ từ giữa những năm 60. Tôi đã là một phó tế ở đây được 34 năm”.

Giáo xứ Curé d'Ars có từ năm 1952, và tên của ngôi thánh đường là nhằm tôn vinh Thánh John Vianney, vị thánh bảo trợ của các linh mục quản xứ đã chăm sóc các linh hồn ở Ars, bên Pháp, vào thế kỷ 19.

Cho đến những năm 1970, chủ yếu nhờ vào sự thay đổi nhân khẩu học trong khu vực, giáo xứ Curé d'Ars đã phục vụ khoảng 200 gia đình chủ yếu là người da đen.

Cung thánh đã được làm phép và trang trí lại như một không gian linh thiêng vào ngày 31 tháng 8.

Cha Cao đã cử hành thánh lễ đền tạ để chuộc tội cho những kẻ đã đánh cắp nhà tạm. Ngài và Phó tế McDavid đã đi khắp nhà thờ, làm phép và rảy nước Thánh lên những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vụ cướp.

“Những đồ vật có thể được thay thế, nhưng Thánh Thể là một món quà quý giá vô cùng, và đó là điều không thể được thay thế,” Cha Cao nói trong bài giảng.

“Cái ác dường như chiến thắng; nhưng chúng ta biết cuối cùng Chúa sẽ thắng, chúng ta thực sự tin như vậy. Bởi vì Thiên Chúa mạnh hơn sự dữ rất nhiều”, Cha Cao nói.

Cuối thánh lễ, một số giáo dân đã xin vị linh mục và vị phó tế chúc lành và cầu nguyện cho họ.

Tòa nhà hiện tại của nhà thờ được cung hiến vào năm 1978 dưới thời Cha sở Robert Kinkel. Giáo xứ sau đó đã chào đón Charlie Bright với tư cách là phó tế người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong tổng giáo phận Denver.

Cha Cao hiện vẫn còn đang phải để tang mẹ là bà cố Maria Đỗ Thị Đượm qua đời ngày 10 tháng 11 năm ngoái 2020 vì coronavirus. Thánh lễ an táng cho bà cố đã được cử hành tại nhà thờ Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở Denver hôm 21 tháng 11, 2020.
Source:Catholic News Agency

4. Đại học Anh đã chấp nhận bổ nhiệm một tuyên úy Công Giáo phò sinh

Đại học Nottingham đã thông báo hôm thứ Bảy rằng họ sẽ công nhận Cha David Palmer là tuyên úy cho trường Đại Học, sau khi từ chối việc bổ nhiệm ngài vì những bình luận về việc hỗ trợ tự tử và phá thai mà ngài đã đăng trên mạng xã hội.

“Sau cuộc đối thoại mang tính xây dựng và hữu ích với Giáo phận Nottingham trong những tuần gần đây, chúng tôi đã đồng ý rằng Cha David Palmer sẽ được công nhận là tuyên úy Công Giáo,” trường đại học cho biết hôm 25 tháng 9.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Đại học Nottingham, miền trung nước Anh, xác nhận vào ngày 25 tháng 8 rằng họ đã từ chối công nhận chính thức Cha David Palmer là tuyên uý. Cha David là một linh mục của Giáo Hạt Tòng Nhân Đức Mẹ Walsingham.

“Mối quan tâm của chúng tôi không liên quan đến chính các quan điểm của Cha David, nhưng là cách mà những quan điểm này được thể hiện trong bối cảnh cộng đồng đa dạng của chúng tôi gồm những người thuộc nhiều tín ngưỡng”, một phát ngôn viên của trường đại học nói với CNA.

Cha Palmer đang phục vụ tại Giáo phận Nottingham, đã được Đức Cha Patrick McKinney, Giám Mục bản quyền, bổ nhiệm làm tuyên úy cho cộng đồng Công Giáo tại Đại học Nottingham.

Đức Cha cũng yêu cầu ngài làm tuyên úy Công Giáo cho Đại học Nottingham Trent.

Trong khi Đại học Nottingham Trent chấp nhận bổ nhiệm này, Đại học Nottingham đã mời Cha Palmer đến phỏng vấn vào ngày 17 tháng 6.

Sau cuộc phỏng vấn, trường đại học đã viết thư cho Đức Cha McKinney bày tỏ quan ngại về việc bổ nhiệm Cha David.

Tại một cuộc họp sâu hơn vào ngày 1 tháng 7, trường đại học chỉ rõ rằng những lo ngại của họ liên quan đến các bài của Cha Palmer đăng trên mạng xã hội, nhấn mạnh một số vấn đề về trợ tử và một vấn đề khác về phá thai.

Vị linh mục đã viết trên Twitter vào ngày 24 tháng 8 rằng trường đại học cũng phản đối một bài thứ hai trong đó ngài mô tả phá thai là “tàn sát trẻ sơ sinh”, và khẳng định rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden không nên được cho rước lễ vì ông ta ủng hộ việc phá thai hợp pháp..

Cha Palmer nói rằng ngài bị từ chối vì niềm tin Công Giáo truyền thống của mình.

Trước diễn biến mới này, Đức Cha Patrick McKinney của Nottingham nhận xét rằng: “Tôi rất vui mừng khi trường đại học đã đồng thuận với việc tôi bổ nhiệm Cha David Palmer làm Tuyên úy Công Giáo, để làm việc cùng với các tuyên úy đại học khác, những người đã hỗ trợ rất nhiều cho sinh viên và nhân viên.”

Trường đại học đã đưa ra một thủ tục mới để công nhận các tuyên úy, trong đó “cho phép một năm dự bị để cho phép các tuyên úy được đề cử, tổ chức tôn giáo bổ nhiệm và trường đại học cùng khám phá xem vai trò đó có phù hợp với môi trường đa tín ngưỡng tại Nottingham hay không.”

Cha Palmer lưu ý trên Twitter vào ngày 27 tháng 9 rằng “Rất nhiều người đã giúp chúng tôi ở hậu trường” trong việc bảo đảm việc bổ nhiệm tôi, và lời khuyên pháp lý của ADF International và Free Speech Union ‘là vô giá’.”

Free Speech Union, hay Liên minh Tự do Ngôn luận, đã viết thư cho phó hiệu trưởng của trường Đại Học vào hôm 2 tháng 9, nhắc nhở ông rằng “Đạo luật Bình đẳng năm 2010 khiến một tổ chức công cộng phân biệt đối xử dựa trên niềm tin tôn giáo hoặc triết học là bất hợp pháp, và thực tế là việc bổ nhiệm Cha David đã bị cản trở theo cách này. Rõ ràng cha ấy nạn nhân của sự phân biệt đối xử bất hợp pháp”.


Source:Catholic News Agency
 
Phường gian ác đã nếm mùi thất bại, Đức Hồng Y Burke: Chúa vẫn cho tôi sống hiên ngang trên cõi đời
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:37 03/10/2021


1. Các giám mục Mỹ cực lực phản đối Hạ viện thông qua luật phá thai vô giới hạn

Các giám mục Mỹ mạnh mẽ phản đối Hạ viện nước này, với đa số thuộc đảng dân chủ, đã thông qua dự luật cho phá thai trong mọi giai đoạn.

Hôm 24/9 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật số 3755, mang tên là “Luật bảo vệ sức khỏe phụ nữ”. Luật sẽ áp đặt việc phá thai theo yêu cầu trên toàn quốc trong mọi giai đoạn thai nghén, và sẽ giới hạn các luật ủng hộ sự sống ở mọi cấp độ của chính phủ, kể cả luật phải thông báo cho cha mẹ nếu đương sự xin phá thai là trẻ nữ vị thành niên... Luật sẽ bó buộc mọi người Mỹ phải ủng hộ phá thai tại Mỹ, cũng như tại nước ngoài bằng tiền thuế và cũng sẽ buộc các nhà thương và nhân viên y tế phải thi hành, trợ giúp phá thai, dù đó là điều trái với tín ngưỡng của họ, cũng như bó buộc các chủ nhân và hãng bảo hiểm phải trả tiền phá thai.

Phản ứng về việc này, Đức Cha Joseph Naumann, Tổng giám mục giáo phận Kansas City, Chủ tịch Ủy ban Giám mục Mỹ về các hoạt động bảo vệ sự sống, ra tuyên ngôn nói rằng: “Dự luật với tên hiệu đánh lừa là dự luật tháo thứ nhất về phá thai tại đất nước Mỹ chúng ta từ trước đến nay. Dự luật 3755 không bảo vệ sức khỏe của phụ nữ, nhưng chỉ loại trừ bất kỳ và mọi sự bảo vệ các trẻ em chưa sinh ra - kể cả các thai nhi nữ. Nó sẽ đưa tới sự cố tình tiêu diệt hàng triệu sự sống chưa sinh ra, để cho vô số phụ nữ phải chịu những vết sẹo về thể lý, cảm xúc và tinh thần.

“Dự Luật này cho rằng phá thai có thể là giải pháp tốt đẹp duy nhất cho một cuộc khủng hoảng về thai nghén. Dự luật 3755 dựa trên huyền thoại giả tạo và tuyệt vọng khiến phụ nữ hoàn toàn thất bại. Khi coi phá thai như một sự cắt bỏ một ruột thừa, đề nghị này hoàn toàn không phù hợp với công chúng Mỹ. Trong tư cách là một quốc gia được xây dựng trên sự nhìn nhận rằng mỗi người được Đấng Tạo Hóa ban cho quyền sống bất khả nhượng, quyền tự do và theo đuổi hạnh phúc, luật này hoàn toàn là một điều bất công. Hạ viện cần công khai chấp nhận chính sách tôn trọng quyền của các bà mẹ, con cái của họ và lương tâm của mọi người dân Mỹ, và đừng đưa ra chính sách cho phá thai theo yêu cầu cho đến khi sinh ra, đây là điều hoàn toàn không phù hợp với các nguyên tắc của đất nước chúng ta”.

2. Anh không chết đâu em, người anh hùng mũ đỏ tên Burke

Như chúng tôi đã đưa tin: Hôm thứ Bảy 14 tháng 8, Đức Hồng Y Raymond Leo Burke đã được khẩn cấp đưa vào bệnh viện và phải sử dụng một máy thở khi ngài chiến đấu với các biến chứng tai hại của COVID-19.

Các phương tiện truyền thông ghét cay đắng Đức Hồng Y bày tỏ công khai sự hả hê. CNN,, chẳng hạn, đưa ngay hàng tít lớn “Cardinal Raymond Leo Burke, a Covid-19 denier, is hospitalized and on a ventilator”, nghĩa là “Đức Hồng Y Raymond Leo Burke, người phủ nhận Covid-19, nhập viện và thở máy”. Thực ra, Đức Hồng Y không phủ nhận đại dịch coronavirus, nhưng ngài chống lại việc lợi dụng COVID-19 để tung ra các nghị trình được ấp ủ từ lâu. Ba ngày sau, trước các chỉ trích của độc giả, họ sửa lại “Cardinal Raymond Leo Burke, a Covid-19 vaccination critic, is hospitalized and on a ventilator”, nghĩa là “Đức Hồng Y Raymond Leo Burke, người chống báng vắc xin Covid-19, nhập viện và thở máy”. Thực ra, ngài cũng không chống vắc xin. Ngài chỉ nhắc lại một tuyên bố của Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Trong tài liệu về đạo đức liên quan đến vắc-xin chống Covid, Bộ Giáo lý Đức tin nói rằng “lý do thực tế cho thấy rõ ràng rằng tiêm chủng không phải là một quy tắc, một nghĩa vụ đạo đức và do đó, nó phải tự nguyện”.

Những người cầu mong cho Đức Hồng Y Burke bị coronavirus cắn chết đã thất bại!

Thật vậy, Đức Hồng Y Raymond Leo Burke đã cập nhật cho những người quan tâm theo dõi tình trạng sức khoẻ của ngài sau khi bị nhiễm COVID-19 và cảm ơn họ vì những lời cầu nguyện dành cho ngài trong một bức thư được công bố vào tối Chúa Nhật. Ngài cho biết chỉ “vài tuần nữa” ngài sẽ sẵn sàng trở lại các hoạt động bình thường của mình.

Đức Hồng Y cho biết: “Cảm ơn anh chị em một lần nữa, với tất cả trái tim tôi, vì những lời cầu nguyện sốt mến và quảng đại của anh chị em cho sự hồi phục sức khỏe của tôi, tôi viết thư này để cập nhật cho anh chị em về tiến trình phục hồi chức năng của tôi”.

Đức Hồng Y Burke cho biết như trên trong lá thư có tiêu đề “Thư gửi những ai đang cầu nguyện cho tôi.”

“Trong lời cảm ơn, tôi cảm ơn, trên hết, Chúa của chúng ta, Đấng đáp lại lời cầu nguyện của anh chị em, đã giữ mạng sống cho tôi. Tôi cũng cảm ơn Đức Mẹ Guadalupe và tất cả các vị Thánh nhờ sự chuyển cầu mà anh chị em đã đưa ra và đang tiếp tục cầu nguyện cho tôi.”

Đức Hồng Y thông báo rằng ngài đã được xuất viện vào ngày 3 tháng 9 và đang sống trong một ngôi nhà gần các thành viên trong gia đình.

“Ngôi nhà thích nghi tốt với chương trình phục hồi chức năng mà tôi đang theo đuổi. Vị linh mục thư ký linh mục của tôi hiện đã từ Rôma đến đây để ở lại với tôi và hỗ trợ tôi trong chương trình phục hồi chức năng.”

Đức Hồng Y nói: “Về phần mình, tôi đang cố gắng phục hồi trong sự kiên nhẫn. Hiện tại, thách thức chính của tôi là lấy lại một số kỹ năng thể chất cơ bản cần thiết cho cuộc sống hàng ngày của tôi và vượt qua tình trạng mệt mỏi và khó thở nói chung, đây là điều điển hình đối với những người đã bị lây nhiễm vi-rút Covid-19.”

Là một phần trong quá trình phục hồi của mình, Đức Hồng Y nói rằng ngài sẽ không thể trả lời các tin nhắn riêng lẻ và sẽ giới hạn số lượng cuộc gọi điện thoại và số lượng khách truy cập.

Đức Hồng Y Burke đã tạ ơn Chúa vì sự sống sót của ngài, là điều mà đôi khi dường như không chắc chắn.

“Chúa của chúng ta đã gìn giữ tôi trong cuộc sống này vì một số công việc mà Ngài mong muốn tôi thực hiện, với sự trợ giúp của ân sủng của Ngài, vì tình yêu đối với Ngài và nhiệm thể của Ngài, là Giáo hội.”

“Tôi quyết tâm sử dụng thời gian phục hồi hiện tại theo cách tốt nhất có thể, để tôi chuẩn bị thực hiện công việc của Ngài. Trong suốt thời gian nằm viện và bây giờ, tôi tiếp tục đặt mình dưới sự chăm sóc của Đức Mẹ, để trái tim của tôi, hiệp nhất với Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ, luôn được an toàn trong Trái Tim Cực Thánh của Chúa chúng ta.”

Đức Hồng Y yêu cầu mọi người “tiếp tục cầu nguyện cho sự hồi phục hoàn toàn” của ngài, và nói thêm rằng “mỗi ngày tôi dâng những lời cầu nguyện và những đau khổ của mình cho nhiều ý định của anh chị em”.

Đức Hồng Y Burke nói: “Tất cả chúng ta hãy cầu nguyện và dâng những hy sinh cho thế giới và Giáo hội, vốn đang bị bủa vây bởi quá nhiều những nhầm lẫn và sai lầm trước tác hại lớn lao và thậm chí là sinh tử của nhiều linh hồn”.


Source:Catholic News Agency

3. Đức Thánh Cha tiếp các giám mục bạn của Phong trào Focolarê hay Tổ Ấm

Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 25/9, dành cho các giám mục bạn của Phong trào Focolarê, Tổ Ấm, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích các vị tiếp tục dấn thân trong sứ mạng cổ võ và sống tình hiệp nhất của Giáo hội và của mọi thành phần dân Chúa.

Hội các giám mục bạn của Phong trào Tổ Ấm được thành lập cách đây 40 năm, và sống theo đoàn sủng hiệp nhất của Phong trào, do chị Chiara Lubich sáng lập. Các cuộc gặp gỡ thường niên trước đại dịch thường có sự tham dự của khoảng 50, 60 giám mục thuộc nhiều quốc gia.

Trong cuộc gặp gỡ thường niên năm nay, có 15 giám mục trực diện, không những các giám mục Công Giáo, nhưng cả Tin lành và Chính thống, Anh giáo. Đặc biệt, cũng có Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, và Đức Tổng Giám Mục Lazaro Du Huỳnh Trị, người Hàn Quốc, Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ. Nhiều vị khác tham dự trực tuyến, vì đại dịch không đến được. Ngoài ra, có chị Margaret Karam, Chủ tịch Phong trào Focolarê, người Palestine - Israel. Chị thông dịch diễn văn của Đức Thánh Cha ra tiếng Anh cho các tham dự viên không thuộc ngôn ngữ này.

Đức Thánh Cha đặc biệt gửi lời chào thăm Đức Hồng Y Francis Xavier Kovithavanij, Tổng giám mục Bangkok, Thái Lan và là điều hợp viên của Hội này, không đến dự cuộc gặp gỡ được vì đang bị bệnh. Ngài cầu chúc Đức Hồng Y sớm bình phục.

Trong buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha đặc biệt đề cao đoàn sủng của Phong trào Tổ Ấm, trong tương quan với Giáo hội, là “Dân được tụ họp trong tình hiệp nhất của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (De Orat. Dom. 23: PL 4,553). Đức Thánh Cha nói: “Đó cũng là giấc mơ về tình huynh đệ mà tôi nói đến trong Thông điệp Fratelli tutti:

“Đứng trước những ‘bóng đen của một thế giới khép kín’, trong đó bao nhiêu giấc mơ hiệp nhất ‘bị tan tành’, trong đó thiếu ‘một dự phóng cho tất cả’ và sự hoàn cầu hóa tiến hành mà ‘không có một con đường chung’, và trong đó, tai ương đại dịch có nguy cơ càng gia tăng sự chênh lệch, Chúa Thánh Linh kêu gọi “hãy có can đảm hiệp nhất”, như chủ đề cuộc gặp gỡ của anh em. Hãy dám hiệp nhất, khởi hành từ ý thức rằng hiệp nhất là một hồng ân”.

Và Đức Thánh Cha cám ơn các giám mục vì sự dấn thân tiến bước trên con đường thân hữu. Ngài nói: “Tôi khuyên anh em hãy luôn cởi mở, - đừng bao giờ loại trừ ai,- để tăng trưởng trong việc phục vụ tình hiệp thông. Hãy tiếp tục tươi cười. Tôi cầu nguyện cho anh em và các cộng đoàn của anh em”.