Ngày 01-10-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 02/10: Các Thiên Thần hộ thủ – Lm. Phêrô Trần Ngọc Đức, SDB
Giáo Hội Năm Châu
00:21 01/10/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu,

Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và nói: “Thầy bảo thật anh em : nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

“Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.

“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.

“Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết : các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”

Đó là lời Chúa
 
Hai hồng Ân
Lm Phêrô Phan Văn Lợi
07:14 01/10/2024
CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN NĂM B :
MC 10,2-16

2 Khi ấy, có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng : “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?” Họ hỏi thế là để thử Người. 3 Người đáp : “Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì?” 4 Họ trả lời : “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” 5 Đức Giê-su nói với họ : “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. 6 Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; 7 vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, 8 và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. 9 Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” 10 Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. 11 Người nói : “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác làm phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; 12 và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”

13 Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. 14 Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông : “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. 15 Thầy bảo thật anh em : Ai không đón nhận nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.” 16 Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng.


HAI HỒNG ÂN

Đoạn Tin Mừng hôm nay, với giáo huấn luân lý, nằm trong văn mạch nói về chuyện Đức Giê-su 3 lần loan báo việc Người chịu khổ nạn (Mc 8,31-33; 9,30-32; 10,32-34). Việc Mc ghép hai vấn đề này như vậy thật đáng suy nghĩ. Thay vì “lên lớp” dạy luân lý, hoặc trích luật này luật nọ trong Kinh Thánh, ông nhìn nhận chỉ có một nền tảng duy nhất cho đời sống luân lý Ki-tô giáo là tấm gương của Đấng Sáng lập. Các trình thuật loan báo số phận Đức Ki-tô chỉ muốn cho thấy chính từ định mệnh của Người, ta sẽ hiểu được những đòi hỏi của Người. Do đó ta sẽ không còn ngạc nhiên thấy đời sống Ki-tô giáo có những yêu sách quyết liệt, bất khoan nhượng. Và việc thực thi được những yêu sách này là một hồng ân Thiên Chúa.

1. Hồng ân chung thủy trong hôn nhân

Trước hết là vấn đề luân lý hôn nhân. Đức Giê-su trả lời một câu hỏi gài bẫy : “Phải chăng chồng được phép rẫy vợ?” bằng cách cố gắng làm cho các đối thủ, rồi các môn đệ của mình suy nghĩ về hôn nhân như đã được Thiên Chúa đặt ra. Chú ý kỹ, ta có thể thấy ngay là Đức Giê-su gỡ mình khỏi quan điểm pháp lý thuần túy (lề luật có cho phép không?). Sau khi phái Pha-ri-sêu thú nhận : Mô-sê không phải đã “truyền dạy” mà là “cho phép”, tức nhân nhượng tạm thời, Đức Giê-su đã tái xác quyết ý định ban đầu của Đấng Tạo Hóa, lên tới tận ý nghĩa sâu xa nguyên thủy của một trong những thực tại nhân loại quan trọng. Việc tìm kiếm ý nghĩa như thế này, điển hình của Tin Mừng, thúc đẩy chúng ta trước hết chiêm ngưỡng dự định của Thiên Chúa về hôn nhân, tiếp đến là xin được hồng ân trung tín với dự định đó, vì nó không dễ thực hiện.

Đức Giê-su muốn chúng ta chiêm ngưỡng cái gì? Chiêm ngưỡng hôn nhân như là sáng tạo của Thiên Chúa : “Lúc khởi đầu”. Nhân loại sẽ không ngớt đưa ra nhiều nhận xét và luật lệ về vấn đề này, tùy theo sự tiến triển của các phong tục, nhưng Tin Mừng bao giờ cũng sẽ đưa chúng ta về lại cái Thiên Chúa đã muốn : một đôi bạn thiết lập trên sự khác biệt phái tính và trên sự chung sống lâu dài.

“Lúc khởi đầu công trình tạo dựng… Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Đơn giản và mạnh mẽ. Phải bám vào tảng đá đó mỗi khi thấy chuyện tính dục đồng giới, đa thê, sống thử, ly dị và bất trung, mỗi khi đứng trước các các nổi loạn, các chế nhạo hay các quan niệm khác của trần đời. Dẫu trong nhiều nền văn hóa, thiên hạ nghiêng chiều đến đâu về sự dễ dãi (đặt lại vấn đề lòng chung thủy) cũng như về sự quảng đại (thông cảm đối với những thất bại), Đức Giê-su vẫn đòi phải luôn hướng về lý tưởng ban đầu ấy : một người nam và một người nữ yêu nhau lúc sướng khổ vui buồn, trong thời gian và cho đến vĩnh cửu. Họ là những “bạn đường vĩnh cửu” (compagnons d'éternité) như nhan đề cuốn sách rất hay của Cha Ambroise-Marie Carré viết về hôn nhân, về linh đạo vợ chồng.

Tình yêu mong manh ban đầu của họ phải biến thành tình yêu không lay chuyển tiếp đó : một hỗn hợp gồm âu yếm, can đảm, bền bỉ và đức tin, sẽ giúp họ đứng vững trong các cơn giông tố hay, đôi lúc tệ hơn, trong những ngày nhạt nhẽo, đặc biệt giữa hoàn cảnh bất thuận lợi cho hôn nhân như hiện thời. Hôm qua, ly dị bị đàm tiếu, và trong các môi trường Ki-tô giáo, người ta chẳng chút thương xót chuyện ấy. Nay thì thiên hạ chấp nhận bất cứ vụ ly hôn nào, coi như một sự cố đơn giản trên hành trình thôi. Nhiều người mất lòng ao ước chiến đấu để cứu vãn một tình yêu, tình yêu của họ hay của những cặp khác.

Chính vì thế mà cần cầu nguyện, vì chiến đấu trước hết và luôn luôn là cầu nguyện. Ở đây cũng vậy, ta có thể không cưỡng được những mỉa mai và thất vọng lúc nói đến chuyện cầu nguyện để cứu vãn một tổ ấm. Nhưng một Ki-tô hữu tin gì nếu không tin vào lời cầu nguyện? Việc cầu nguyện mà chúng ta thực hiện để thay đổi con tim kẻ khác trước hết phải là việc cầu nguyện để thay đổi chính con tim của chúng ta, các suy nghĩ, các lời nói, các thái độ của chúng ta. Nó giữ chúng ta luôn tỉnh thức về sự tiến triển của tình yêu mình. Nó đặt chúng ta lại trước Đức Giê-su, Đấng nói với chúng ta về ý định của Thiên Chúa : một người nam và một người nữ yêu nhau chung thủy. Vì sự trung tín đến cùng trong đời đôi bạn rốt cục là một hồng ân của Thiên Chúa.

— Ngày 10-09-2000 đã diễn ra Ngày Hội Các Gia Đình tại quê hương của thánh Phan-xi-cô Khó nghèo. Nhân dịp này, báo chí đã đặc biệt nhắc đến chuyện một linh mục dòng Phan-xi-cô là “gia trưởng gương mẫu trong một gia đình có 7 người con” mà đa số đã dâng mình cho Chúa. Đó là cha Probo Vaccarini, 81 tuổi, thuộc giáo phận Rimini, nước Ý, thi hành chức vụ linh mục đã 12 năm nay. Năm 1952, chàng thanh niên Probo Vaccarini kết hôn với cô Anna Maria Vannuci. Cả hai sống rất đạo đức, chuyên chăm thờ phượng và làm việc bác ái. Cuộc hôn nhân này vì thế được Chúa chúc lành với 7 người con. Năm 1970, bà Anna qua đời. Thấy con cái đã khôn lớn, ông Probo đã bày tỏ với giáo quyền ý muốn dâng mình cho Chúa. Sau nhiều thử thách, ông đã trở thành linh mục dòng Phan-xi-cô. Nhưng trong gia đình cha Probo, không chỉ có ngài làm linh mục. Ba con trai là Giovanni, Francesco và Giuseppe cũng là linh mục. Con trai thứ tư, Gioacchino, làm thầy sáu. Maria Lusia là nữ tu, Maria Celeste thuộc dòng ba Phan-xi-cô và Maria Pia đã kết hôn, có 4 con nhỏ. (Theo VietCatholic).

2. Hồng ân gia nhập Nước Thiên Chúa

Tiếp ngay sau giáo huấn về hôn nhân, một số cha mẹ đã dẫn con họ đến với Đức Giê-su để “Người đặt tay trên chúng” và họ đụng phải phản ứng thô bạo của các môn đồ : mấy ông thẳng tay xua đuổi. Đức Giê-su bèn lợi dụng cơ hội để đưa thêm một giáo huấn mới : Nước Thiên Chúa được ban cho những người “giống chúng”, và ai không đón nhận Nước này “như một trẻ nhỏ” sẽ chẳng được vào. Nhưng “như một trẻ nhỏ” và “giống chúng” nghĩa là gì? Hoàn cảnh lịch sử của Đức Giê-su cũng như cộng đoàn Mc loại trừ mọi lối giải thích tâm lý học.

Không phải cái mà trẻ em tưởng nghĩ và cách chúng cảm nhận sự vật phải được coi là kiểu mẫu và lề lối. Đúng hơn, tư tưởng Đức Giê-su đi theo chiều hướng xã hội, dựa trên thân phận trẻ nhỏ. Nước Thiên Chúa thuộc về những ai ít được lưu tâm như trẻ nhỏ. Bởi vì trong toàn thể thế giới cổ xưa, kể cả Do-thái, trẻ em đặc biệt bị coi như một cái gì chưa hoàn thành, có tính cách chuẩn bị và do đấy, đối với tư tưởng Do-thái, là thiếu khả năng để thực thi Lề luật, thành thử câu 10,14 có nghĩa : Nước Thiên Chúa được ban cho những người không đủ khả năng, khờ dại, chả được học hỏi những vấn đề của luật pháp. Nói cách khác : Nước Thiên Chúa không thể chiếm đoạt bằng những tính toán, bằng việc giữ đúng Lề luật. Nó là hồng ân nhưng không, chỉ ban cho ai sẵn sàng chờ đợi và đón nhận nó “như một trẻ nhỏ”, nghĩa là với thái độ vâng phục và sẵn sàng.

Thành thử lời Đức Giê-su không đề ra cho chúng ta một tấm gương là lối cư xử trẻ con, ngay cả trong tương quan giữa con người với Thiên Chúa. Nó cũng chẳng khuyến khích một thái độ ngây thơ sai lạc, một thái độ khiến ta trút cho kẻ khác nỗ lực nên thánh, bổn phận định đoạt số phận bản thân mình (“Con đường thơ ấu” của thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giê-su hoàn toàn khác). Đúng hơn, đây là một lời phản đối ý tưởng cho rằng chỉ những ai có khả năng tài giỏi trong những vấn đề Lề luật mới đi vào được Nước Trời. Theo phe các trẻ nhỏ như Đức Giê-su làm ở đây (Người chứng minh bằng lời nói và hành động), thành ra theo phe tất cả những ai chờ đợi sứ điệp và ơn cứu rỗi của Người cách đơn sơ, vô thành kiến và không bị trói buộc bởi bao truyền thống cổ lỗ, những truyền thống vốn được duy trì với những cấm kỵ và kiêu căng của chúng. Vậy là qua hình ảnh “vị thế” xã hội của trẻ em, Đức Giê-su muốn chống lại mọi tôn giáo muốn tìm cách quản lý hồng ân Thiên Chúa nhờ việc tự thân nỗ lực thực thi các quy tắc luân lý lẫn phụng tự của Lề luật (trường hợp phái Pha-ri-sêu) và như thế là muốn mua lấy hay tạo lấy sự cứu rỗi con người.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:59 01/10/2024

3. Người không bỏ việc cầu nguyện thì sẽ không thường đắc tội với Thiên Chúa. Nếu họ không bỏ cầu nguyện thì sẽ dừng việc phạm tội.

(Thánh Alphonsus Liguori)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:03 01/10/2024
76. NẰM ĐẤT UỐNG RƯỢU

Hai cha con đem từ quán rượu về một hủ rượu, bởi vì đường trơn trợt sau cơn mưa, nên đứa con vì không cẩn thận nên bị ngã xuống đất, tất cả rượu đều từ từ đổ ra kêu “tỏm tỏm” trên đất.

Ông cha thấy vậy thì giận dữ, nhưng đứa con thì nằm phục trên đất uống rượu, ngẫng đầu lên thấy cha mình liền nói:

- “Mau đến uống, lẽ nào ông còn đợi đem thức nhắm đến sao?”

(Thời Hưng tiếu thoại)

Suy tư 76:

Có người say từ quán say về tới nhà đập đánh vợ con; có người say xỉn say từ nhà thờ ra ngoài đường; có người uống rượu nơi quán chưa đã về nhà uống tiếp chửi mắng xóm giềng; lại có người say đến quên cả đường về nhà.v.v... tất cả cái say xỉn ấy đều bắt đầu bằng một lý do là vui và buồn. Vui thì uống chia vui, buồn thì uống để giải cơn sầu, thế là nhân cách của con người bị rượu làm biến chất trở thành đối tượng chê cười cho mọi người.

Có người khi uống rượu thì giải thích Thánh Kinh như sau: Đức Chúa Giê-su cũng uống rượu và...nhảy đầm, thế là họ xả láng uống và quay cuồng trong điệu nhạc xập xình; có người “giỏi” giáo lý hơn giải thích như sau: thời đại của Đức Chúa Giêsu cũng uống rượu với người thu thuế tội lỗi, thế là họ đi tìm bạn nhậu bất kể người tốt hay người xấu để uống rượu...

Say rượu thì xấu lắm, xấu về thân xác và xấu về tâm hồn, cho nên người Ki-tô hữu luôn biết dùng Lời Chúa để tự kiềm chế mình khi vui và khi buồn, để không trở thành gương mù cho người khác, nhất là cho trẻ em.

Không lấy lời Chúa để biện minh cho việc làm sai trái của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Bạn đồng hành
Lm. Minh Anh
16:45 01/10/2024
BẠN ĐỒNG HÀNH
“Này Ta sai thiên sứ đi trước con, để giữ gìn con khi đi đường và đưa con vào nơi Ta đã dọn sẵn!”.

“Nếu Chúa sai chúng ta đi trên những con đường đầy đá, Ngài sẽ cung cấp những đôi giày bền bỉ! Sai chúng ta đến một nơi xa lạ, Ngài sẽ chuẩn bị một người bạn đồng hành! Và nếu muốn cứu độ chúng ta đời đời, Ngài ban Con Một!” - A. Maclaren.

Kính thưa Anh Chị em,

Gặp lại ý tưởng của Maclaren, Lời Chúa ngày lễ Thiên Thần Bản Mệnh cho thấy tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta bao la như trời bể. Giáo lý Hội Thánh dạy, để canh giữ hồn xác chúng ta từ khi chào đời cho đến ngày tắt hơi, Chúa Cha đã ban cho mỗi người một người ‘bạn đồng hành’ yêu thương như một vệ sĩ vô hình.

Ngài phán, “Này Ta sai thiên sứ đi trước con, để giữ gìn con khi đi đường và đưa con vào nơi Ta đã dọn sẵn!” - bài đọc một. Thánh Vịnh đáp ca xác tín sự có mặt của các ngài, “Chúa đã lệnh cho các thiên thần săn sóc bạn, để chư vị đó gìn giữ bạn trên khắp nẻo đường!”. Trong Tin Mừng hôm nay, khi đặt một em bé giữa các môn đệ, Chúa Giêsu cũng nói đến sự hiện diện của những người bạn thân thiết này, “Các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy!”.

Hãy tưởng tượng, mỗi người có một vệ sĩ vô hình đồng hành chăm sóc suốt đời! Điều này sẽ gợi lên hai tình cảm khác biệt. Trước hết, thật an ủi lúc chúng ta gặp nguy khốn, bạn và tôi không đơn độc, nhưng được bảo vệ an toàn; tuy nhiên, sự có mặt thường xuyên của ‘ai đó’ cũng có thể làm mất quyền riêng tư. Với một số người, điều này không luôn luôn được chấp nhận. Tại sao? Bởi lẽ, có một ‘ai đó’ luôn nhìn thấy mọi hành vi chúng ta làm, kể cả những tội lỗi chúng ta phạm.

Vậy mà, người ‘bạn đồng hành’ dễ thương đó luôn tôn trọng tự do của chúng ta; ngài không phán xét, nhưng chỉ hành động với tình yêu hoàn hảo. Các ngài giữ bí mật tuyệt đối và chỉ quan tâm đến sức khoẻ hồn xác của mỗi người! Khi chúng ta sợ hãi, Thiên Thần Bản Mệnh bảo vệ; khi chúng ta khó khăn, các ngài gỡ rối; khi chúng ta bất an, các ngài ban lòng can đảm. Cách riêng, khi chúng ta phạm tội, các ngài sẽ ra sức cản ngăn; nhưng vì tôn trọng tự do, không ít lần, các ngài bất lực! Mối quan tâm duy nhất của các ngài là dẫn chúng ta trở về với Chúa mỗi khi chúng ta lạc đường. Chỉ khi ở trên thiên đàng, bạn và tôi mới hiểu hết được chiều kích sâu xa của tình yêu Thiên Chúa vốn tiềm ẩn nơi những người ‘bạn đồng hành’ tuyệt vời này.

Anh Chị em,

“Này Ta sai thiên sứ đi trước con!”. Thiên Chúa như một người mẹ chu đáo không nỡ để con cái Ngài lẻ loi trên con đường ‘đầy đá’ dẫn đến một nơi khá ‘xa lạ’ - quê trời, Ngài ban cho chúng ta một Thiên Thần Bản Mệnh. Như thế, ngày lễ hôm nay đúng nghĩa, là ngày bổn mạng của mỗi người. Hãy cảm tạ Chúa vì quà tặng cao quý này; hãy vui mừng, biết ơn, kính trọng và lắng nghe các ngài! Được như vậy, chắc chắn bạn và tôi sẽ đi đúng hướng để về đến nơi Chúa dọn sẵn. Hãy xin lỗi các ngài vì sự ơ hờ và vô ơn của chúng ta! Hãy cầu nguyện với các ngài và giao phó hồn xác trọn vẹn hơn cho sự bảo bọc của các ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con làm buồn lòng người ‘bạn đồng hành’ âm thầm Chúa ban khi con nhân danh tự do để làm điều mất lòng Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 03/10: Bóc trần một quan niệm sai về Tin Mừng – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
22:00 01/10/2024


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca,

Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông:

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’ Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.’ Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: ‘Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.’ Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”

Đó là lời Chúa
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đêm vọng thượng hội đồng đồng nghị, Đức Giáo Hoàng xin tha thứ tội lỗi.
Vũ Văn An
15:15 01/10/2024

Các thành viên của Thượng hội đồng về tính Thượng hội đồng tham dự một cuộc họp tại Vatican. (Nguồn: Vatican Media.)


Elise Ann Allen của CruxNow, ngày 1 tháng 10 năm 2024, viết:

Trước khi bắt đầu giai đoạn cuối cùng trong một tiến trình Thượng hội đồng từng cho thấy một số điểm mới, bao gồm sự tham gia của giáo dân và quyền bầu cử của phụ nữ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chủ trì một buổi lễ sám hối để xin tha thứ một danh sách tội lỗi mới.

Trong danh sách đó có những tội chống lại tính Thượng hội đồng và "sử dụng giáo lý như những hòn đá để ném" vào người khác.

Phát biểu trong buổi lễ sám hối ngày 1 tháng 10 tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng cho biết, "Giáo hội luôn là Giáo hội của những người nghèo trong tinh thần và của những tội nhân đang tìm kiếm sự tha thứ, và không chỉ của những người công chính và các thánh, mà đúng hơn, của những người công chính và các thánh nhận ra mình là người nghèo và tội nhân."

Ngài cho biết ngài đã viết những lời cầu xin tha thứ do nhiều Hồng Y đọc to trong buổi lễ, “bởi vì cần phải gọi đích danh tội lỗi của chúng ta”.

Trong buổi lễ, Đức Hồng Y Oswald Gracious của Bombay đã cầu xin tha thứ cho “tội thiếu can đảm, lòng can đảm cần thiết để tìm kiếm hòa bình và công nhận phẩm giá của mỗi người”, cũng như việc không tôn trọng sự sống “trong mọi giai đoạn của nó”.

“Để tạo ra hòa bình, cần có lòng can đảm: Nói có với cuộc gặp gỡ và nói không với xung đột; nói có với sự tôn trọng các thỏa thuận và nói không với sự khiêu khích; nói có với sự chân thành và nói không với sự gian dối”, ngài nói, cầu xin tha thứ cho việc biện minh cho chiến tranh và phân biệt đối xử.

Đức Hồng Y Michael Czerny, Tổng trưởng Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, đã cầu xin tha thứ cho những tội lỗi chống lại sáng thế, người bản địa và người di cư, lên án việc khai thác trái đất và bản năng thực dân, và cầu xin tha thứ cho việc tham gia vào “việc hoàn cầu hóa sự thờ ơ”.

Đức Hồng Y Sean O’Malley, Tổng giám mục danh dự của Boston và là chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, đã cầu xin sự tha thứ cho tội lạm dụng, bao gồm cả lạm dụng lương tâm, quyền lực và lạm dụng tình dục.

Ngài đặc biệt cầu nguyện “cho tất cả những lần chúng ta đã lợi dụng điều kiện của thừa tác vụ thụ phong và đời sống thánh hiến để phạm tội lỗi khủng khiếp này, cảm thấy an toàn và được bảo vệ trong khi chúng ta đang lợi dụng một cách quỷ quyệt những đứa trẻ và người nghèo”.

Đức Hồng Y Kevin Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống đã cầu xin sự tha thứ cho những tội lỗi chống lại phụ nữ, gia đình và những người trẻ tuổi.

Ngài cầu xin sự tha thứ thay mặt cho tất cả mọi người trong Giáo hội, “đặc biệt là chúng ta, những người đàn ông, cảm thấy xấu hổ vì tất cả những lần chúng ta không công nhận và bảo vệ phẩm giá của phụ nữ, vì khi chúng ta khiến họ câm lặng và nhu nhược, và không ít lần bị bóc lột, đặc biệt là trong điều kiện của đời sống thánh hiến”.

Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã cầu xin sự tha thứ cho “tất cả những lần trong Giáo hội, đặc biệt là chúng ta, những mục tử được giao phó nhiệm vụ củng cố anh chị em mình trong đức tin, đã không thể bảo vệ và đề xuất Tin Mừng như một nguồn sống mới vĩnh cửu, ‘nhồi nhét nó’ và có nguy cơ biến nó thành một đống đá chết để ném vào người khác”.

“Tôi cầu xin sự tha thứ, cảm thấy xấu hổ vì tất cả những lần chúng ta đã đưa ra lý lẽ giáo lý để biện minh cho cách đối xử vô nhân đạo”, và vì những nỗ lực cản trở “nhiều quá trình hội nhập văn hóa hợp pháp khác nhau về chân lý của Chúa Giêsu Kitô”, ngài nói.

Đức Hồng Y Cristóbal López Romero, Tổng giám mục Rabat đã cầu xin sự tha thứ vì đã ngoảnh đầu đi hướng khác “trước bí tích của người nghèo, thích trang điểm cho bản thân và bàn thờ bằng những đồ vật có giá trị tội lỗi lấy cắp bánh mì của người đói”.

Ngài cũng xin tha thứ vì đã đầu hàng trước “sự quyến rũ của quyền lực và sự nịnh hót” của đặc quyền và danh hiệu, cũng như vì đã khép kín trong “sự tự tham chiếu” và do đó không vươn tới được các vùng ngoại vi vật chất và hiện sinh.

Đức Hồng Y Christoph Schönborn, Tổng giám mục Vienna, đã xin tha thứ vì đã không xây dựng được “một Giáo hội thực sự đồng nghị, giao hưởng, nhận thức được mình là những người thánh thiện của Chúa, những người cùng nhau bước đi và công nhận phẩm giá chung của phép rửa tội”.

Ngài đã cầu xin tha thứ vì “thích lắng nghe chính mình, bảo vệ các ý kiến và hệ tư tưởng làm tổn hại đến sự hiệp thông trong Chúa Kitô của tất cả mọi người”, và vì đã biến “thẩm quyền thành quyền lực, bóp nghẹt sự đa dạng, không lắng nghe mọi người, khiến nhiều anh chị em khó tham gia vào sứ mệnh của Giáo hội”.

Ngoài các lời cầu xin tha thứ, ba lời chứng cũng đã được đưa ra, đại diện cho các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, chiến tranh và hoàn cảnh khó khăn của người di cư.

Chị Deema, đến từ Homs, Syria, đã nói về cuộc nội chiến đã xé nát đất nước của chị, dẫn đến, theo chị, “sự từ chối mọi hình thức đồng cảm, dán nhãn người khác là kẻ thù và thậm chí trong những trường hợp cực đoan là hạ thấp nhân tính của họ và biện minh cho việc giết họ”.

Cần phải có “nỗ lực phi thường” để hàn gắn các mối quan hệ, chị nói, và kêu gọi cam kết “phản kháng bất bạo động”.

Laurence, mộtca sĩ đến từ Nam Phi, đã nói về việc bị một linh mục xâm hại tình dục khi mới 11 tuổi, và về hậu quả tâm lý lâu dài mà nạn nhân, gia đình và cộng đồng của họ phải gánh chịu, cũng như khó khăn của những người sống sót khi lên tiếng và sự thiếu minh bạch trong Giáo hội.

"Trong nhiều thập niên, các cáo buộc đã bị bỏ qua, che đậy hoặc xử lý nội bộ thay vì báo cáo với chính quyền. Sự thiếu trách nhiệm này không chỉ cho phép những kẻ xâm hại tiếp tục hành vi của chúng mà còn làm xói mòn lòng tin mà rất nhiều người từng đặt vào địnnh chế", ông nói.

Ông cho biết sự miễn cưỡng của Giáo hội trong việc giải quyết những tội ác này "là một sự bất công đối với các nạn nhân và là sự phản bội trách nhiệm đạo đức và tinh thần của Giáo hội".

Ông cũng nói về tác động của các vụ tai tiếng đối với xã hội, nói rằng chúng đã làm tổn hại đến tính đáng tin cậy của Giáo hội và phá vỡ lòng tin.

"Khi một định chế nổi tiếng như Giáo Hội Công Giáo không bảo vệ được những thành viên dễ bị tổn thương nhất của mình, điều đó gửi đi thông điệp nói rằng công lý và trách nhiệm có thể thương lượng được—trong khi trên thực tế, chúng phải là nền tảng", ông nói.

Sara, giám đốc của Fondazione Migrantes, đã chia sẻ về kinh nghiệm làm việc với những người di cư gần đảo Lampedusa của Ý, lưu ý rằng nhiều người được họ chăm sóc đều bị chấn thương, suy dinh dưỡng và "chịu mọi hình thức bạo lực".

Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong bài phát biểu của ngài đã nói rằng tội lỗi là thứ luôn làm tổn thương các mối quan hệ, trước hết là với Chúa và cả với những người khác.

"Không ai được cứu một mình, nhưng cũng đúng là tội lỗi của một người để lại hậu quả cho nhiều người", ngài nói, và nói rằng Giáo hội "về bản chất đức tin và lời công bố luôn luôn hợp lý, và chỉ bằng cách chữa lành các mối quan hệ đang đau yếu, chúng ta mới có thể trở thành một Giáo hội đồng nghị".

Giáo hội và các tín hữu, ngài nói, phải nhận ra những sai lầm của mình để chữa lành vết thương và trở thành những nhân chứng đáng tin cậy.

Điều này bắt đầu bằng việc xưng thú tội lỗi của mình, ngài nói, và đặt câu hỏi về việc các tín hữu thường chỉ dành không gian cho bản thân và những ý tưởng, phán đoán và quan điểm của họ, mà không dành không gian cho Chúa hoặc người khác.

"Ngày nay, tất cả chúng ta đều giống như người thu thuế, chúng ta cúi mặt và xấu hổ về tội lỗi của mình. Giống như ông này, chúng ta vẫn ở lại phía sau, giải phóng rộng không gian bị chiếm giữ bởi sự kiêu ngạo, đạo đức giả và lòng kiêu hãnh,” ngài nói.

Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng không thể kêu cầu danh Chúa mà không cầu xin sự tha thứ từ anh chị em mình, cũng như từ trái đất và mọi loài thụ tạo.

“Trong thực tế của cái ác và sự đau khổ của những người vô tội, chúng ta tự hỏi: Chúa ở đâu? Nhưng chúng ta phải tự hỏi và tự vấn về trách nhiệm của mình khi chúng ta không thể ngăn chặn cái ác bằng điều thiện.”

Người có đức tin không thể “giả vờ giải quyết xung đột bằng cách kích động bạo lực ngày càng tàn bạo hơn, tự cứu mình bằng cách gây ra đau khổ, tự cứu mình bằng cái chết của người khác,” ngài nói.

Ngài nói rằng cần phải thú nhận tội lỗi của mình trước Thượng hội đồng để tái lập lòng tin và làm cho lời chứng của mình đáng tin cậy hơn, “chúng ta phải làm phần việc của mình, thậm chí mắc lỗi.”

“Chúng ta tiếp tục sứ mệnh hết khả năng của mình, nhưng bây giờ chúng tôi quay sang các bạn, thưa các bạn trẻ, những người mong đợi chúng tôi truyền đạt chứng ngôn của mình, cầu xin sự tha thứ từ các bạn nếu chúng tôi đã không đáng tin cậy,” ngài nói.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết thúc lời cầu nguyện của mình bằng lời cầu xin sự tha thứ “cho mọi tội lỗi của chúng con” và cầu xin Chúa giúp Giáo hội “phục hồi khuôn mặt của Chúa mà chúng con đã làm biến dạng vì sự bất trung của mình. Chúng con cầu xin sự tha thứ, cảm thấy xấu hổ, đối với những người đã bị tổn thương bởi tội lỗi của chúng con”.

Được Đức Giáo Hoàng chính thức khai mạc vào tháng 10 năm 2021, Thượng hội đồng giám mục về tính đồng nghị là một quá trình tham vấn nhiều giai đoạn đã diễn ra ở cấp địa phương, quốc gia, lục địa và hoàn cầu.

Sau cuộc họp ban đầu tại Rome vào năm ngoái đánh dấu lần đầu tiên giáo dân nói chung được phép tham gia và phụ nữ được trao quyền bỏ phiếu, thượng hội đồng sẽ lên đến tuyệt đỉnh với cuộc họp tại Rome từ ngày 2 đến ngày 27 tháng 10 trong tháng này, quy tụ 368 tham dự viên từ khắp nơi trên thế giới.
 
‘Tiến lên với sự khôn ngoan can đảm’, Đức Giáo Hoàng Phanxicô trò chuyện với các tu sĩ Dòng Tên tại Indonesia, Đông Timor và Singapore
Vũ Văn An
17:30 01/10/2024

Cha Antonio Spadaro, SJ, trên Civiltà Cattolica, ngày 24 tháng 9 năm 2024, đã phổ biến nội dung các cuộc đàm luận giữa Đức Phanxicô và các tu sĩ Dòng Tên tại Indonesia, Đông Timor và Singapore. Sau đây là nguyên văn bài tường thuật của ngài:



Cuộc gặp gỡ tại Jakarta, Indonesia

Sau khi gặp Tổng thống Indonesia và chào các nhà chức trách và đoàn ngoại giao, vào khoảng 11:30 sáng ngày 4 tháng 9 năm 2024, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã trở lại Tòa Sứ thần tại Jakarta, nơi ngài thấy khoảng 200 tu sĩ Dòng Tên đang đợi ngài cùng với bề trên của họ, Cha Benedictus Hari Juliawan. Họ đại diện cho hai phần ba số tu sĩ trong tỉnh. Đức Giáo Hoàng bước vào phòng họp hình chữ T, chào hỏi và mỉm cười. Bình luận đầu tiên của ngài là: “Có rất nhiều người trẻ ở đây!” Thật vậy, một phần ba trong số những người có mặt là các tu sĩ Dòng Tên trẻ đang học triết học và thần học hoặc đang trong giai đoạn đào tạo được gọi là “magisterium” hoặc “regency”, được hoàn thành giữa giai đoạn học triết học và thần học và thường dành cho công việc tông đồ. Đức Phanxicô ngay lập tức yêu cầu đặt câu hỏi để tận dụng thời gian của họ:

“Ai muốn hỏi câu hỏi, hãy giơ tay lên!”

Cuộc đối thoại diễn ra bằng tiếng Indonesia, có phiên dịch sang tiếng Ý.

Thưa Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Cảm ơn Đức Giáo Hoàng đã đến Indonesia và có cuộc gặp gỡ này với chúng con. Con là một sinh viên đang học thần học. con có một câu hỏi. Chúng ta giải quyết ra sao những vấn đề quan trọng nhất trong Giáo hội ngày nay? Và đặc biệt, chúng ta giúp đỡ ra sao những người bị thiệt thòi và bị loại trừ nhất?

Tôi muốn các tu sĩ Dòng Tên gây ồn ào. Hãy đọc Công vụ Tông đồ để xem họ đã làm gì vào thời kỳ đầu của Kitô giáo! Chúa Thánh Thần dẫn đến “sự náo động”, chứ không phải để mọi thứ đứng yên. Nói tóm lại, đây là cách giải quyết các vấn đề quan trọng. Hãy nhớ rằng các tu sĩ Dòng Tên phải ở những nơi khó khăn nhất, nơi mà chúng ta khó hành động nhất. Đó là cách chúng ta “vượt lên trên và vượt ra ngoài” vì vinh quang lớn hơn của Chúa. Để tạo ra tiếng ồn tốt dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, chúng ta phải cầu nguyện, cầu nguyện rất nhiều. Tôi luôn nhớ đến di sản của Cha Arrupe, khi ngài yêu cầu các tu sĩ Dòng Tên không được từ bỏ cầu nguyện. Cha Arrupe muốn các tu sĩ Dòng Tên làm việc với những người tị nạn – một sứ vụ khó khăn ở biên giới – và ngài đã bày tỏ điều này bằng cách trước hết và quan trọng nhất yêu cầu họ một điều: cầu nguyện, cầu nguyện nhiều hơn nữa. Bài phát biểu cuối cùng của ngài, được ngài đưa ra tại Bangkok, là di chúc của ngài gửi đến các tu sĩ Dòng Tên. Ngài nói rằng chỉ trong lời cầu nguyện, chúng ta mới tìm thấy sức mạnh và nguồn cảm hứng để giải quyết bất công xã hội. Hãy nhìn vào cuộc sống của Phanxicô Xavier, Matteo Ricci và rất nhiều tu sĩ Dòng Tên khác; họ có thể tiến về phía trước nhờ tinh thần cầu nguyện của họ.

Con có một yêu cầu: Đức Thánh Cha nói về đối thoại liên tôn và tầm quan trọng của sự hòa hợp giữa các tôn giáo. Các tu sĩ Dòng Tên sống ở Pakistan đang giải quyết với những người là nạn nhân của sự đàn áp. Lời khuyên của Đức Thánh Cha là gì?

Tôi nghĩ rằng con đường của Ki-tô hữu luôn là con đường “tử đạo”, tức là làm chứng. Người ta cần phải làm chứng với sự khôn ngoan và lòng dũng cảm. Đây là hai yếu tố đi đôi với nhau, và mỗi người phải tự tìm ra con đường của riêng mình. Nói về Pakistan, tôi nhớ đến Asia Bibi, người đã bị bỏ tù gần 10 năm. Tôi đã gặp con gái bà, người đã bí mật đưa Mình Thánh cho bà. Bà đã làm chứng can đảm trong nhiều năm. Tiến lên với sự khôn ngoan can đảm! Sự khôn ngoan luôn mạo hiểm khi nó can đảm. Thay vào đó, sự khôn ngoan hèn nhát có một trái tim nhỏ bé.

Thưa Cha, con tự hỏi làm sao cha có thể cầu nguyện giữa những ngày bận rộn của mình?

Tôi cần điều đó, anh em biết đó. Tôi thực sự cần nó! Tôi dậy sớm, vì tôi đã già rồi. Sau khi nghỉ ngơi, một điều tốt cho tôi, tôi dậy vào khoảng 4 giờ, rồi đến 5 giờ, tôi bắt đầu cầu nguyện: Tôi đọc kinh nhật tụng và nói chuyện với Chúa. Nếu lời cầu nguyện hơi, chúng ta hãy nói là, hơi "nhàm chán", thì tôi lần chuỗi mân côi. Sau đó, tôi đến Tông Dinh để tiếp kiến. Sau đó, tôi ăn trưa và nghỉ ngơi một lúc. Đôi khi trước Chúa, tôi cầu nguyện âm thầm. Tôi cầu nguyện, tất nhiên là tôi cử hành Thánh Thể. Vào buổi tối, tôi cầu nguyện thêm một chút. Đọc sách thiêng liêng là điều rất quan trọng đối với lời cầu nguyện của một người: chúng ta phải phát triển đời sống thiêng liêng của mình bằng những bài đọc hay. Tôi cầu nguyện như thế này, đơn giản thôi. Đơn giản lắm, con biết đấy. Đôi khi tôi ngủ quên khi cầu nguyện. Và điều này, khi xảy ra, không thành vấn đề. Đối với tôi, đó là dấu hiệu cho thấy tôi đang ở bên Chúa! Tôi nghỉ ngơi bằng cách cầu nguyện. Đừng bao giờ ngừng cầu nguyện!

Thưa Đức Thánh Cha, con làm việc trong quá trình đào tạo. Con muốn biết những gợi ý của Đức Thánh Cha về việc đào tạo sinh viên trong một cộng đồng quốc tế. Làm thế nào để thúc đẩy tính liên văn hóa, tôn trọng bối cảnh đa văn hóa của những người đang trong quá trình đào tạo?

Này, tôi sẽ kể cho anh em nghe về "trò diễu" mà Chúa Thánh Thần chơi với anh em. Ngài làm gì? Như tôi đã nói trước đây, sau khi Chúa Kitô phục sinh, điều đầu tiên Chúa Thánh Thần làm là tạo ra một "sự lộn xộn". Anh em phải đọc kỹ Công vụ Tông đồ, tôi nhắc lại. Chúa Thánh Thần "sáng tạo", và theo cách này, Người đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc đời. Công vụ Tông đồ nói với chúng ta điều gì? Rằng có những người từ mọi quốc gia ở Giêrusalem: có người Parthia, người Medes và người Elamites. Họ hết thẩy khác nhau. Và họ hết thẩy nói ngôn ngữ riêng của họ. Đây là ân sủng của Chúa Thánh Thần: họ tạo ra một “sự ồn ào”, họ nói ngôn ngữ của riêng mình và tất cả đều hiểu nhau. Điều này phù hợp với các tu sĩ Dòng Tên: trở thành công cụ của Chúa Thánh Thần là tạo ra tất cả những tiếng ồn ào này.

Đây là sự hội nhập văn hóa. Các tu sĩ Dòng Tên phải có khả năng hội nhập văn hóa, như rất nhiều nhà truyền giáo đã làm ở các châu lục khác nhau. Điều này ngụ ý rằng các tu sĩ Dòng Tên rao giảng bằng ngôn ngữ phù hợp và theo hình thức phù hợp, tùy theo địa điểm và thời gian. Hai trụ cột là hội nhập văn hóa Tin Mừng và truyền bá văn hóa. Đây cũng là lý do tại sao tất cả các tu sĩ Dòng Tên đều khác nhau, và điều đó là tốt. Không có mô hình duy nhất. Ơn gọi của chúng ta là để Chúa giúp chúng ta rao giảng Tin Mừng với tất cả sự phong phú mà Người đã ban cho chúng ta.

Điều này cũng áp dụng cho các điều kiện, tính khí và tính cách cá nhân, ví dụ như tuổi tác. Một thanh niên không thể tự làm mình già đi, cũng như một ông già không thể tự làm mình trẻ lại, vì điều đó thật nực cười. Mọi người đều được kêu gọi rao giảng Tin Mừng theo độ tuổi, kinh nghiệm và văn hóa của riêng mình. Tôi muốn nói thêm điều này: đó là lý do tại sao sự phân định lại quan trọng đến vậy. Người ta phải có khả năng phân định để hội nhập văn hóa: tìm kiếm và tìm thấy Chúa ở nơi Người hiện diện, đã hiện diện trong các nền văn hóa. Việc thực hành sự phân định là động lực. Nó giúp chúng ta không bao giờ có thể ẩn sau câu nói “luôn luôn được thực hiện theo cách này”, tiếp tục như chúng ta vẫn thường làm. Điều này không tốt; chúng ta cần phải phân định mọi lúc, và sự phân định dẫn đến việc tiến lên phía trước.

Điều quan trọng là không phân định một mình, mà còn phải đối thoại với cấp trên. Nếu anh em nhận được một sứ mệnh nhàm chán hoặc một sứ mệnh mà anh em cảm thấy không phải của mình, hãy phân định. Sự phân định tốt không phải lúc nào cũng có thể thực hiện một mình: nó cần có bạn đồng hành. Tôi đang nói với cả những người trẻ đang trong quá trình đào tạo và những tu sĩ Dòng Tên đã được đào tạo, và thậm chí có thể là cả những người lớn tuổi. Tuy nhiên, hãy cẩn thận; những bức biếm họa về sự phân định luôn rình rập! Tôi luôn nhớ trường hợp của một tu sĩ Dòng Tên đang trong quá trình đào tạo. Mẹ của anh bị ung thư, và anh đã yêu cầu giám tỉnh của mình chuyển đến một thành phố khác để ở gần mẹ. Sau đó, anh đến nhà nguyện để cầu nguyện. Anh ở đó cho đến rất muộn. Khi trở về, anh thấy một lá thư từ tỉnh dòng. Anh thấy rằng lá thư được viết vào ngày hôm sau. Bề trên đã quyết định rằng anh nên ở lại nơi anh đang ở và viết thư cho anh rằng ngài đã đưa ra quyết định này sau khi suy gẫm và cầu nguyện. Nhưng điều này không đúng! Ngài đã đưa lá thư có ghi ngày hôm sau cho thừa tác viên [1] để chuyển vào sáng hôm sau, nhưng vì đã muộn nên thừa tác viên đã chuyển nó vào đêm hôm đó. Đây là sự giả hình! Anh em, những người sẽ trở thành bề trên vào ngày mai, hãy lắng nghe! Đừng làm hư sự phân định! Anh em phải lắng nghe Chúa Thánh Thần. Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Sự thật phải luôn được nói trực tiếp. Anh em có hiểu không?

Một tu sĩ Dòng Tên mà Đức Thánh Cha rất yêu mến là một trong những người bạn đồng hành đầu tiên của Thánh Inhaxiô, Peter Faber. Với con, có vẻ như Đức Thánh Cha nhắc đến Faber nhiều hơn cả bản thân I-nha-xi-ô. Vì vậy, con đã đi sâu vào nhân cách của ngài và nhận ra ngài có khả năng lắng nghe và dựa vào Chúa Thánh Thần rất nhiều. Đó có phải là lý do tại sao Đức Thánh Cha yêu mến ngài nhiều như vậy không?

Vâng, đúng vậy. Tôi đã đọc Faber Memoriale nhiều lần và đã xuất bản một phiên bản khi tôi còn là Giám tỉnh. Có một số câu chuyện trong nhật ký của ngài phản ảnh sự khôn ngoan sâu sắc của trái tim. Và ngài đã chết "trên đường đi". Tuy nhiên, ngài vẫn là một "có phúc". Khi tôi trở thành giáo hoàng, tôi đã phong thánh cho ngài. Có những nghiên cứu rất cảm động về cuộc đời của ngài mà anh em có thể đọc. Tôi muốn gọi ngài là "sự chăm sóc mục vụ bằng trái tim", một phẩm chất mà chúng ta rất cần ngày nay.

Chúng con là những sinh viên trẻ, và đôi khi chúng con tham gia vào các phong trào phản đối. Con đồng hành cùng gia đình của các nạn nhân bị vi phạm nhân quyền trong quá khứ. Con để lại cho Đức Thánh Cha một lá thư do bà Maria Katarina Sumarsih viết, bà là mẹ của một trong những nạn nhân của thảm kịch Semanggi năm 1998, khi những người dân thường biểu tình bị giết. Bà là một trong những người khởi xướng Kamisan, lấy cảm hứng từ các bà mẹ của Plaza de Mayo ở Argentina. Nhóm này kêu gọi chính phủ tiết lộ những vi phạm nhân quyền trong quá khứ và mang lại công lý cho các nạn nhân và gia đình của họ. Đức Thánh Cha có thể cho chúng con lời khuyên nào?

Anh em có biết rằng chủ tịch của phong trào Plaza de Majo đã đến gặp tôi không? Tôi đã rất xúc động và việc nói chuyện với bà ấy đã giúp ích rất nhiều cho tôi. Bà ấy đã truyền cho tôi niềm đam mê để lên tiếng cho những người không có tiếng nói. Đây là nhiệm vụ của chúng ta: lên tiếng cho những người không có tiếng nói. Hãy nhớ rằng: đây là nhiệm vụ của chúng ta. Tình hình dưới chế độ độc tài của Argentina rất khó khăn, và những người phụ nữ này, những người mẹ này, đã đấu tranh cho công lý. Hãy luôn thúc đẩy lý tưởng công lý!

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đọc bức thư và thấy tên của Marta Taty Almeida và nói thêm:

Đúng vậy, Marta Taty Almeida! Bà ấy đã đến gặp tôi trước khi chết!

Con đến từ Myanmar. Chúng con đã trải qua một tình huống khó khăn trong ba năm. Đức Thánh Cha khuyên chúng con nên làm gì? Chúng con đã mất mạng, gia đình, ước mơ và tương lai. Làm thế nào để chúng con không mất hy vọng?

Tình hình ở Myanmar rất khó khăn. Anh em biết rằng người Rohingya rất gần gũi với trái tim tôi. Tôi đã đến Myanmar và nói chuyện ở đó với bà Aung San Suu Kyi, người đã là thủ tướng và hiện đang ở trong tù. Sau đó, tôi đã đến thăm Bangladesh, và ở đó tôi đã gặp những người Rohingya bị trục xuất. Hãy xem, không có câu trả lời chung cho câu hỏi của anh em. Có những người trẻ tuổi tốt đang chiến đấu vì quê hương của họ. Ở Myanmar ngày nay, anh em không thể im lặng; anh em phải làm gì đó! Tương lai của đất nước anh em phải là hòa bình, dựa trên sự tôn trọng phẩm giá và quyền của tất cả mọi người, tôn trọng một trật tự dân chủ cho phép mỗi người đóng góp vào lợi ích chung. Tôi đã kêu gọi trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và đón con trai bà tại Rome. Tôi đã đề nghị Vatican là nơi ẩn náu cho bà. Ngay bây giờ, người phụ nữ này là một biểu tượng và các biểu tượng chính trị cần được bảo vệ. Anh em có nhớ nữ tu quỳ gối với hai tay giơ lên trước quân đội không? Hình ảnh của bà đã lan truyền khắp thế giới. Tôi cầu nguyện để những người trẻ tuổi sẽ dũng cảm như vậy. Giáo hội ở đất nước anh em rất dũng cảm.

Con là một giám tỉnh và con muốn cảm ơn Đức Thánh Cha vì những gì Đức Thánh Cha đã nói với chúng con và vì sự khôn ngoan của Đức Thánh Cha. Con không hỏi một câu hỏi, nhưng con muốn giới thiệu với Đức Thánh Cha một hoạt động mà chúng con thực hiện ở đây, một phần của Mạng lưới cầu nguyện hoàn cầu của Đức Giáo Hoàng. Chúng con sẽ giới thiệu cho Đức Thánh Cha "Utusan", một tạp chí nổi tiếng ở Indonesia. Hợp tác với "Rohani", một tạp chí dành cho những người theo đạo, tạp chí này đã mời độc giả viết thư cho Đức Thánh Cha. Nhiều người đã làm như vậy, bao gồm một số người theo đạo Hồi. Những lá thư sau đó đã được công bố trên "Utusan" và "Rohani", và cũng được xuất bản trong một cuốn sách có tựa đề "Những lời thì thầm hy vọng: Những lá thư từ trái tim chúng ta gửi đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô". Ngoài ra còn có một món quà từ chúng con, một chiếc khăn choàng do tù nhân làm theo họa tiết batik, một kỹ thuật trang trí của Indonesia. Đây là món quà tượng trưng cho sự ăn năn của họ.

Hãy chào các tù nhân thay cho tôi; xin chào họ! Khi tôi còn là tổng giám mục Buenos Aires, vào Thứ Năm Tuần Thánh, tôi không rửa chân trong nhà thờ lớn mà là trong nhà tù. Và ở đó, tôi đã học được cách luôn cầu nguyện khi vào tù, "Lạy Chúa, tại sao lại là họ mà không phải là con?" Sẽ rất tốt nếu chúng ta cầu nguyện như thế khi gặp những người đã thất bại, đã sa ngã, “Tại sao lại là anh ấy chứ không phải tôi?”

Cuối cùng, vị giám tỉnh trao cho Đức Giáo Hoàng một tác phẩm điêu khắc bằng gỗ có biểu tượng IHS của Dòng Tên [2], nói rằng, “Với những món quà này, chúng con hy vọng Đức Thánh Cha sẽ luôn nhớ đến chúng con, những tu sĩ Dòng Tên của Indonesia.” Đức Giáo Hoàng đáp lại bằng một nụ cười:

Quá nhiều quà tặng! Cảm ơn anh em vì tất cả. Hãy cầu nguyện cho tôi và cho Dòng được can đảm… Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Đức Mẹ bằng một Kinh Kính Mừng, mỗi người bằng ngôn ngữ của mình.

Cuối buổi họp, Đức Phanxicô đã quyết định chào thăm tất cả các tu sĩ Dòng Tên có mặt, từng người một, tặng một tràng hạt để làm quà.

* * *

Cuộc gặp gỡ tại Dili, Đông Timor

Sau khi gặp các giám mục, linh mục và người tận hiến tại Nhà thờ chính tòa Dili, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp 42 tu sĩ Dòng Tên từ đất nước này vào khoảng 11 giờ sáng ngày 10 tháng 9. Sau lời chào, bề trên khu vực, Erik Jon Gerilla, đã gửi lời chào ngắn đến Đức Giáo Hoàng và giới thiệu nhóm, được sắp xếp theo hình móng ngựa: “Thay mặt cho tất cả những người hiện diện, cho phép con bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến Đức Thánh Cha, vì đã ân cần tiếp đón chúng con hôm nay, các thành viên của Khu vực Dòng Tên Độc lập Timor. Cùng với chúng con có những sinh viên đang được đào tạo ở nước ngoài, và chúng con cũng có một linh mục ở Rome. Chúng con tham gia vào mục vụ giáo dục, mục vụ linh đạo, mục vụ xã hội, công tác mục vụ và đào tạo. Con đặc biệt muốn giới thiệu Cha João Felgueiras, nhà truyền giáo phục vụ lâu nhất từ Bồ Đào Nha, hiện đã 103 tuổi. Cá nhân ngài đã biết những nhà truyền giáo Dòng Tên đầu tiên và kết nối lịch sử ngày xưa với hiện tại. Năm nay đánh dấu một ngày lịch sử đối với chúng con, những tu sĩ Dòng Tên ở Timor, khi chúng con kỷ niệm 125 năm ngày truyền giáo đầu tiên của Dòng Tên. Mặc dù chúng con đã bị trục xuất khỏi Timor vào năm 1910, nhưng chúng con đã trở lại nhiều năm sau đó. Thưa Đức Thánh Cha, chiếc ghế mà Đức Thánh Cha đang ngồi được làm từ gỗ của nhà thờ cũ, do các tu sĩ Dòng Tên xây dựng vào năm 1905.”

Cha thật cần cù! Hãy hỏi tôi những câu hỏi ngay bây giờ…

Cuộc đối thoại tiếp tục bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Bồ Đào Nha.

Thưa Đức Thánh Cha kính yêu, xin Chào ĐTC buổi sáng. Trước hết, cảm ơn Đức Thánh Cha rất nhiều vì đã ở đây với chúng con. Con là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu I-nha-xi-ô và là điều phối viên quốc gia của Mạng lưới Cầu nguyện hoàn cầu của Đức Giáo Hoàng. Với niềm vui, con muốn đặt ra một câu hỏi cho Đức Thánh Cha: với phương châm của chuyến thăm Đông Timor, “để đức tin của bạn trở thành văn hóa của bạn”, Đức Thánh Cha hy vọng gì cho người Công Giáo và Giáo Hội Công Giáo ở Đông Timor, đất nước mà phần lớn người Công Giáo ở lục địa Châu Á sinh sống? Cuộc gặp gỡ giữa đức tin và văn hóa này đang ở giai đoạn nào, trong thời đại thực sự đầy thách thức này, trong bối cảnh cuộc sống của Giáo hội Timor? Xin chân thành cảm ơn Đức Thánh Cha.

Một điều phải rõ ràng trong việc rao giảng Tin Mừng: truyền bá văn hóa, nhưng cũng phải hội nhập văn hóa Tin Mừng. Đức tin phải được hội nhập văn hóa. Một đức tin không tạo ra văn hóa là một đức tin cải đạo. Chúng ta không được quên điều Đức Benedict XVI đã nói: Tin Mừng không được truyền bá bằng cách cải đạo, mà bằng cách hội nhập văn hóa. Truyền bá văn hóa và hội nhập văn hóa của đức tin phải song hành, và chúng ta phải chú ý đến điều này. Luôn nhớ phong cách truyền giáo của chúng ta tại Trung Quốc!

Thưa Đức Thánh Cha, trước những thách thức hoàn cầu mà Giáo hội đang phải đối diện, những lĩnh vực chính mà các tu sĩ Dòng Tên ở Đông Timor nên ưu tiên trong sứ mệnh tông đồ của mình là gì?

Thách thức của Giáo hội luôn là không xa rời dân Chúa. Chúng ta cần tránh xa các hệ tư tưởng của Giáo hội. Đây là thách thức mà tôi để lại cho anh em: đừng quay lưng lại với những người là tài sản quý giá nhất.

Con đã được thụ phong linh mục cách đây ba năm và con cảm ơn Chúa vì lời kêu gọi trở thành một tu sĩ Dòng Tên. Hiện tại, con đang phục vụ với tư cách là thủ quỹ của Dòng Tên tại Timor. Con tự hào được tham gia vào Văn Phòng Bác ái, đơn vị chuẩn bị cho chuyến thăm của Đức Thánh Cha. Đó là một nguồn cảm hứng lớn và con đã học được một bài học. Con muốn bày tỏ lòng biết ơn chân thành của mình vì cơ hội quý giá và đặc ân này. Con có một câu hỏi về mối quan hệ giữa Giáo hội và Dòng Tên: theo Đức Thánh Cha, mối quan hệ của Dòng với Giáo hội hoàn vũ là gì?

Đây luôn là mối quan hệ trong chiến tranh! [Đức Giáo Hoàng nói điều này với một nụ cười]. Tôi vào tập viện năm 1958, vì vậy tôi đã trải qua tất cả những thay đổi của công đồng. Tôi đã tham gia vào cuộc bầu cử Cha Kolvenbach, nơi đã có một nhóm tu sĩ Dòng Tên người Tây Ban Nha cáo buộc Dòng phản bội Giáo hội. Vào thời điểm khủng hoảng đó trong Dòng Tên, điều rất quan trọng là phải có một Cha Tổng quyền có sức lôi cuốn. Và ở đó, tôi đã thấy những căng thẳng trong Giáo hội diễn ra. Bài phát biểu mà Thánh Phaolô VI đã đưa ra tại Tổng hội XXXII là một tác phẩm nghệ thuật. Nó nói rõ ràng những gì Giáo hội muốn từ Dòng. Tôi yêu cầu anh em đọc bài phát biểu đó: đó là một kiệt tác. Khi tôi trở thành giáo hoàng, tôi đã hỏi xem có bản thảo nào của bài phát biểu không; vì vậy, thủ thư đã đến Văn Khố Bí mật và mang chúng đến cho tôi. Ngài đã tự tay viết nó; đó là lý do tại sao tôi nói rằng nó là tự phát. Tôi đã thấy bản thảo được viết bằng chính tay ngài. Hãy đọc nó, đó là một bài phát biểu mạnh mẽ. Điều này phác thảo mối quan hệ với Giáo hội, một mối quan hệ tự do.

Sau đó, có những khoảnh khắc được diễn giải là xung đột, chẳng hạn như khi Thánh Gioan Phaolô II đến thăm Cha Arrupe, người đã bị bệnh. Cha Dezza được bổ nhiệm tạm thời lãnh đạo Dòng vào thời điểm đó. Một số người chỉ ra việc ngài là một người bảo thủ sẽ có tác động tiêu cực. Nhưng thay vào đó, ngài là người tuyệt vời. Ngài đã giúp chúng ta hiểu cách điều hành Dòng trong cơn bão. Ở đây, anh em phải điều khiển nhiều cơn bão. Hãy học hỏi từ truyền thống này trong thời kỳ khó khăn của Dòng!

Đông Timor là một quốc gia Công Giáo. Có nguy cơ giáo sĩ trị. Đức Thánh Cha nghĩ gì về điều đó?

Anh em đã chỉ vào điểm nhạy cảm: giáo sĩ trị, hiện diện ở khắp mọi nơi. Ví dụ, có một nền văn hóa giáo sĩ trị mạnh mẽ ở Vatican, mà chúng ta đang cố gắng thay đổi dần dần. Giáo sĩ trị là một trong những phương tiện tinh vi nhất mà ma quỷ sử dụng. Trong những trang cuối của cuốn sách Suy gẫm về Giáo hội, Cha de Lubac nói về "tính thế gian thiêng liêng". Ngài nói rằng đó là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Giáo hội, thậm chí còn tồi tệ hơn thời kỳ các giáo hoàng có vợ lẽ. Chủ nghĩa giáo sĩ là hình thức thế tục cao nhất trong hàng giáo sĩ. Văn hóa giáo sĩ trị là văn hóa thế tục. Đó là lý do tại sao Thánh I-nha-xi-ô nhấn mạnh rất nhiều vào việc xem xét thế tục, tinh thần thế gian, bởi vì tội lỗi của chúng ta, đặc biệt là đối với những người ở biên giới, sẽ ở đó, trong những lĩnh vực này; trong tính thế gian trí thức, trong tính thế gian chính trị…

Tôi rất được giúp đỡ bởi tấm gương của thánh Peter Faber, người mà tôi rất yêu quý. Nhân tiện, họ đã "liệt kê" ngài là "người có phước", một trong những người vĩ đại nhất mà Dòng từng có. Được bầu làm Giáo hoàng, tôi đã phong ngài làm hiển thánh. Một người vĩ đại. Faber là một linh mục không phải giáo sĩ, đi từ nơi này đến nơi khác để phục vụ Chúa. Theo tôi, đối với anh em, đối với chúng ta, những linh mục, tính thế gian thiêng liêng này là căn bệnh khó vượt qua nhất.

Tôi đã tập hợp một cuốn sách về những chủ đề thỉnh thoảng tôi viết khi tôi còn là tổng giám mục. Trong số những điều khác, có một lá thư tôi đã viết về chủ nghĩa giáo sĩ và tính thế gian. Thánh I-nha-xi-ô khiến chúng ta cầu xin ân sủng không có tinh thần thế gian. Nếu anh em có thời gian, hãy đọc nó; nó nằm trong một cuốn sách nhỏ có tên: Santos no mundanos [các thánh không có tinh thần thế gian].[3] Chủ nghĩa giáo sĩ trị là căn bệnh tồi tệ nhất. Vì vậy, anh em nói, "Có chủ nghĩa giáo sĩ ở đây", vì vậy chúng ta phải có trách nhiệm và dạy các linh mục trẻ một cách khác để sống thừa tá vụ của họ. Chủ nghĩa giáo sĩ trị là một nền văn hóa phá hủy Giáo hội. Do đó, cần phải chống lại nó. Cách để chống lại nó là trở thành mục tử của mọi người. Nhưng anh em có thể nói với tôi, "Con làm việc trong trường đại học, giữa những người trí thức." Vâng, những người trí thức mà anh em có ở đó tại trường đại học là những con người. Hãy là người chăn dắt mọi người của anh em! Một điều cuối cùng để tránh chủ nghĩa giáo sĩ trị. Tôi mượn lời của Thánh Phaolô nói với Ti-ô-tê, "Hãy nhớ đến mẹ và bà của bạn." Khi anh em trở nên tự phụ, hãy nghĩ đến mẹ và bà của anh em! Đức tin mà họ trao cho anh em không phải là chủ nghĩa giáo sĩ trị, đó là một điều khác thế…

Thưa Đức Thánh Cha, trong 11 năm làm giáo hoàng đầu tiên của Dòng Tên, đâu là những quyết định quan trọng nhất và những thách thức khó khăn nhất đối với Giáo Hội Công Giáo hoàn cầu?

Những gì anh em có thể gọi là chương trình cho triều giáo hoàng của tôi nằm trong Evangelii Gaudium [niềm vui Tin Mừng]. Anh em có thể tìm thấy nó ở đó. Tôi muốn nhắc anh em một điều về việc thuyết giảng. Đối với tôi, điều rất quan trọng là tìm những nhà thuyết giảng gần gũi với người ta và với Thiên Chúa. Tôi thích những linh mục thuyết giảng trong 8 phút và nói được mọi điều. Và sau đó là lòng thương xót: luôn tha thứ! Nếu ai đó xin tha thứ, anh em hãy tha thứ. Tôi thú nhận rằng trong 53 năm làm linh mục, tôi chưa bao giờ từ chối một việc giải tội. Ngay cả khi nó không đầy đủ. Tôi nghe một Hồng Y nói rằng khi ngài ở trong phòng giải tội và người ta bắt đầu kể cho ngài nghe những tội lỗi nặng nề nhất trong khi lắp bắp vì xấu hổ, ngài luôn nói, "Cứ tiếp tục đi, cứ tiếp tục đi, tôi đã hiểu cả rồi", ngay cả khi ngài chưa hiểu gì cả. Thiên Chúa hiểu mọi sự. Làm ơn, chúng ta đừng biến phòng giải tội thành phòng tư vấn tâm thần; chúng ta đừng biến nó thành tòa án. Nếu có một câu hỏi cần được hỏi, và tôi hy vọng là có ít câu hỏi, thì câu hỏi đó sẽ được hỏi và sau đó việc giải tội sẽ được ban cấp. Một cha giải tội ở Buenos Aires, một tu sĩ dòng Capuchin mà tôi đã phong làm Hồng Y và hiện đã 96 tuổi, giải tội suốt ngày. Có lần ngài đến gặp tôi và nói, “Con có một sự do dự, vì con luôn tha thứ, con tha thứ mọi sự.” “Và cha làm gì khi cha có sự do dự này?”, tôi hỏi ngài. “Con đến với Chúa và nói với Người, ‘Tỉnh táo lại đi! Vì Chúa đã nêu gương xấu cho con!’”

Đức Thánh Cha có lời khuyên cụ thể nào cho công việc của chúng con ở Đông Timor liên quan đến công lý xã hội không?

Công lý xã hội phải tính đến ba ngôn ngữ của con người: ngôn ngữ của lý trí, ngôn ngữ của trái tim và ngôn ngữ của đôi tay. Là một trí thức tách biệt khỏi thực tại thì không có ích gì trong việc đấu tranh cho công lý xã hội; trái tim không có trí hiểu thì cũng chẳng có ích gì; và ngôn ngữ của đôi tay không có trái tim và trí hiểu thì cũng chẳng có ích gì.

Cách Cha Arrupe nói với các tu sĩ Dòng Tên Mỹ Latinh về mối nguy hiểm của hệ tư tưởng pha trộn với công lý xã hội là rất quan trọng. Cha Arrupe đã gửi cho chúng ta một lá thư mục vụ rất phong phú về công lý xã hội. Và Thánh Gioan Phaolô II cũng đã gửi cho chúng ta một lá thư khác.

Đây là đặc điểm của Dòng Tên. Ví dụ, khi họ tiếp cận các cộng đồng bản địa, họ bắt đầu bằng công việc, văn hóa và âm nhạc. Họ cũng giúp đỡ những nô lệ da đen trốn thoát khỏi chế độ nô lệ trong các "Khu giảm thiểu" [Reductions] được gọi là quilombos. Nói cách khác, Dòng Tên cũng giúp đỡ những người bị coi là tội phạm xã hội theo quan điểm hẹp hòi của thời đó vì đã trốn khỏi chế độ nô lệ. Lịch sử của Dòng đầy rẫy những ví dụ về công lý xã hội. Không ai trong số những người đàn ông vĩ đại này là "người cộng sản". Không, họ là những người Dòng Tên, và họ đã tiếp nhận chiều kích xã hội của Tin Mừng.

Vào ngày phán xét, không ai trong chúng ta sẽ bị hỏi, "Ngươi đã cư xử thế nào? Ngươi có đi lễ mỗi Chúa Nhật không? Ngươi có tham dự các cuộc họp không? Ngươi có vâng lời giám tỉnh không?" Tất nhiên, tôi không bảo anh em là không vâng lời, nhưng Chúa sẽ không hỏi chúng ta điều này. Thay vào đó, Người sẽ hỏi chúng ta, "Ta đói, ngươi có cho Ta ăn không? Ta khát, ngươi có cho Ta uống không? Ta ở trong tù, ngươi có thăm viếng Ta không? Ta là một kẻ chạy trốn, ngươi có giúp Ta không?” Đó là điều chúng ta sẽ bị phán xét. Và đây là điều Chúa phán. Vì vậy, công lý xã hội là một phần thiết yếu và không thể thiếu của Tin Mừng.

Thật đáng mừng khi thấy mong muốn công lý xã hội này trong suốt chiều dài lịch sử đã đơm hoa kết trái, tùy thuộc vào thời đại, con người và địa điểm, như Thánh I-nha-xi-ô đã nói. Khi Thánh I-nha-xi-ô yêu cầu chúng ta sáng tạo, ngài bảo chúng ta: hãy nhìn vào địa điểm, thời đại và con người. Các quy tắc và Hiến pháp rất quan trọng, nhưng hãy luôn xem xét địa điểm, thời đại và con người. Đó là một thách thức đối với sự sáng tạo và công lý xã hội. Đây là cách công lý xã hội nên được thiết lập, không phải bằng các lý thuyết xã hội. Tin Mừng có tiếng nói riêng của nó.

Bằng cách nào chúng ta có thể lôi kéo giáo dân vào sứ mệnh của chúng ta, theo lời kêu gọi của nó tiến tới một Giáo hội bao gồm và có sự tham gia hơn?

Đối với sứ mệnh hội nhập văn hóa của nó, Dòng cần giáo dân, và tôi thích những gì Dòng đang làm với họ ở nhiều nơi khác nhau. Vài tháng trước, viện trưởng của một trường đại học Dòng Tên đã đến gặp tôi. Trường đại học có một đội ngũ giáo sư giáo dân, rõ ràng là cả nam lẫn nữ. Tôi hỏi bà, “Còn các tu sĩ Dòng Tên làm gì?” Bà trả lời, “Những gì họ phải làm: đồng hành mục vụ và đặt ra các tiêu chuẩn cho chúng con.” Khi biết rằng giáo dân có thể đảm nhiệm một vai trò nào đó, tu sĩ Dòng Tên sẽ để họ đảm nhiệm. Tôi nhấn mạnh rất nhiều về tầm quan trọng của việc để lại không gian cho giáo dân, có lẽ vì tôi đã quen làm như vậy. Khi tôi còn là giám tỉnh, chúng tôi có ba trường đại học Công Giáo, hai trong số đó nợ rất nhiều. Với một trong số đó, Universidad del Salvador ở Buenos Aires, chúng tôi đã bắt đầu quá trình bàn giao cho giáo dân, những người đã điều hành trường trong 25 năm nay và mọi sự diễn tiến rất tốt, thậm chí còn tốt hơn trước. Các tu sĩ Dòng Tên giúp đỡ công tác mục vụ. Trường đại học khác ở Salta, do các tu sĩ Dòng Tên Wisconsin điều hành, đã được tổng giáo phận tiếp quản và hoạt động rất tốt. Chỉ còn lại một trường, nơi hầu hết các vị trí hàng đầu đều do giáo dân nắm giữ, và các tu sĩ Dòng Tên làm công tác mục vụ. Đây là trường đại học do Dòng Tên thành lập. Tôi đã phải thực hiện ba thay đổi sau: giao một cho giáo dân, một cho tổng giám mục và giữ lại một để có thể quản lý tốt. Đây là kinh nghiệm của tôi. Đừng quên rằng điều quan trọng là chăm sóc mục vụ, cả chăm sóc mục vụ trí thức, là điều cơ bản, và chăm sóc mục vụ liên quan đến việc gần gũi với những người trẻ tuổi. Ví dụ, tôi có mối quan hệ (với những người) đang học tại một trường đại học ở Washington, tức là Georgetown. Các tu sĩ Dòng Tên đã tổ chức một hệ thống tốt và sinh viên có sự đào tạo thiêng liêng, trí thức và cộng đồng tốt. Đối với câu hỏi "Trường đại học ngày nay có phải là một việc tông đồ xã hội không?", câu trả lời của tôi là "Tất nhiên!" Tất nhiên là để chuẩn bị cho các nhà lãnh đạo đại học tiếp theo.

Cảm ơn Đức Thánh Cha đã là mục tử của Giáo hội với phong cách biết cách thể hiện sức mạnh của Tin Mừng Chúa Giêsu trong việc đối đầu với chủ nghĩa duy vật và thế tục hóa. Đức Thánh Cha đã phát triển chương trình cai quản của mình như thế nào? Các tu sĩ Dòng Tên chúng con muốn nhận được lời khuyên của Đức Thánh Cha để đối diện với các thách thức trong ơn gọi của mình. Đức Thánh Cha khuyên chúng con nên làm gì?

Tôi được bầu làm giáo hoàng mà không hề tưởng tượng rằng mình có thể làm được. Nhưng sau khi được bầu, tôi đã nghĩ về chương trình mà mình nên tuân theo. Những gì các Hồng Y đã nói trong các cuộc họp trước Mật nghị là những gì tôi cảm thấy mình phải cải thiện và biến nó thành một chương trình. Bởi vì khi một người chỉ làm một việc gì đó bằng nguồn lực của riêng mình, thì nó không có kết quả, không có ích. Mỗi người chúng ta phải thực hiện những gì mình được giao phó, nhưng phải có sự độc đáo về địa điểm, thời gian và con người. Tất nhiên, tôi đến từ Mỹ Latinh và, ví dụ, một người Đức có thể không hiểu tôi ngay, vì họ và tôi có nền văn hóa khác nhau. Tiêu chuẩn luôn là: đảm nhận sứ mệnh vì nó đã được giao cho anh em. Khi anh em được bầu làm giáo hoàng, anh em sẽ được hỏi liệu anh em có chấp nhận vai trò đó hay không. Nhưng một khi anh em đã chấp nhận, anh em không có lựa chọn nào khác: hoặc là anh em tiếp tục với các tiêu chuẩn trừu tượng, bản thân của mình, hoặc là anh em tiếp tục với những gì Giáo hội yêu cầu anh em. Đó là cách tôi xây dựng chương trình của mình.

Câu chuyện về Đức Clê-men-tê XIV hiện lên trong tâm trí. Tôi rất tiếc cho cuộc đời của ngài. Nhờ những thủ đoạn của chế độ quân chủ Tây Ban Nha, ngài được bầu làm giáo hoàng. Ngài là người tốt, nhưng ngây thơ. Ngài có một thư ký tên là Bontempi, một kẻ phản diện. Với sự đồng lõa của đại sứ Tây Ban Nha, ngài đã giải tán Dòng Tên. Ganganelli là một giáo hoàng yếu kém trong việc cai trị, bị một tên vô lại xảo quyệt làm thư ký. Một tu sĩ Dòng Tên phải mạnh mẽ trong những gì mình làm, mạnh mẽ ngay cả trong sự vâng lời, và không được để bất cứ ai quản trị mình. Ông lắng nghe lời khuyên, đúng vậy, nhưng cuối cùng ông quyết định một cách sáng suốt. Khi Đức Giáo Hoàng Clê-men-tê XIV qua đời, Bontempi, một tu sĩ Dòng kín, đã trốn trong đại sứ quán Tây Ban Nha. Khi cơn bão đi qua, ông đã trình diện với Bề trên Tổng quyền của mình ba sắc lệnh của Đức Giáo Hoàng: một sắc lệnh cho phép ông quản lý tiền bạc, một sắc lệnh khác cho phép ông sống bên ngoài tu viện, và sắc lệnh thứ ba, nếu tôi nhớ không nhầm, cho phép ông đi bất cứ đâu. Bề trên của ông, một người của Chúa, đã nói với ông, "Ông bỏ lỡ sắc lệnh thứ tư!" "Mà sắc lệnh nào?" Bontempi hỏi, lưu ý, "Chỉ có ba!" "Một đảm bảo sự cứu rỗi cho linh hồn bạn," câu trả lời vang lên. Tôi khuyên anh em đọc giải trình của Mục Tử về việc dẹp bỏ Dòng. [4] Ông kể rất hay trong Lịch sử các Giáo hoàng của mình. Mọi tu sĩ Dòng Tên nên biết những câu chuyện trong đó Dòng bị đe dọa triệt hạ.[5]

Vào cuối buổi họp, các tu sĩ dòng Tên có mặt đã tặng Đức Giáo Hoàng một số món quà, sau đó là hai gói nhựa trong suốt bên trong đựng những tấm thiệp có lời cầu nguyện mà nhiều người đã ủy thác cho Đức Phanxicô. Ngài đã nhận chúng, đặt tay lên các ý nguyện và ban phước cho chúng. Buổi họp kết thúc bằng việc đọc chung Kinh Kính Mừng và chụp ảnh theo thông lệ. Khi chào từng tu sĩ dòng Tên riêng lẻ, ngài tặng họ một tràng hạt.

* * *

Buổi gặp gỡ ở Singapore

Vào ngày 11 tháng 9, Đức Phanxicô rời Dili đến Singapore. Sau chuyến bay kéo dài khoảng 4 giờ, hạ cánh vào khoảng 4 giờ chiều, ngài đã đến Trung tâm tĩnh tâm Thánh Phanxicô Xaviê, nơi ngài dự kiến sẽ gặp các tu sĩ dòng Tên lúc 6:15 chiều. Mặc dù lịch trình rất gấp, Đức Phanxicô vẫn đến dự cuộc họp sớm hơn khoảng nửa tiếng.

Chào mừng! Chào mừng! Tôi rất vui được gặp anh em. Chúng ta có một giờ tuyệt vời để ở bên nhau. Hãy bắt đầu đặt câu hỏi! Ai là người dũng cảm nhất? Hãy bước lên phía trước!

Thưa Đức Phanxicô, con sẽ giới thiệu nhóm, một tu sĩ Dòng Tên nói bằng tiếng Tây Ban Nha. Trước hết, chào mừng ĐTC đến Singapore, thành phố của những chú sư tử! Con là một tu sĩ Dòng Tên đến từ Mã Lai và con vừa được thụ phong linh mục… Hãy nói con là một bé thơ….

À, cha là người đầu tiên lên tiếng và tôi nghĩ cha là Cha Giám tỉnh! [Đức Giáo Hoàng cười nói].

Con muốn giới thiệu khu vực của chúng con. Chúng con có 25 tu sĩ Dòng Tên từ khu vực Mã Lai-Singapore, bao gồm cả cha giám tỉnh, người ở đây, bên cạnh con, và tên của ngài là Phanxicô giống như Đức Thánh Cha. Ngoài ra còn có một tu sĩ Dòng Tên đến từ Bangkok thuộc tỉnh Nam Phi và một người đến từ Đức. Trong khu vực này, chúng con có 40 thành viên. Độ tuổi trung bình là 56. Hai phần ba là người Mã Lai và một phần ba người Singapore. Ơn gọi rất ít, và chỉ có một người trong chúng con dưới 40 tuổi. Trung bình cứ hai năm lại có một tập sinh. Chúng con ít người, nhưng nhiệt thành trong việc phục vụ Chúa. Chúng con có hai giáo xứ rất sôi động và năng động: một ở Singapore, Thánh I-nha-xi-ô; và một ở Mã Lai, Thánh Phanxicô Xa-vi-ê. Cả hai đều được thành lập vào năm 1961. Chúng con có hai trung tâm linh đạo, một ở Mã Lai và một ở Singapore, và một trường cao đẳng ở Mã Lai. Chúng con rất vui khi được biết Đức Thánh Cha như một người anh em và người bạn trong Chúa. Cảm ơn Đức Thánh Cha đã dành thời gian cho chúng con!

Đức Giáo Hoàng quay sang nhóm, cười nói:

“Cha ấy biết cách bán sản phẩm! Hãy hỏi tôi những câu hỏi của cha ngay bây giờ!”

Cuộc đối thoại tiếp tục bằng tiếng Anh, với bản dịch tiếng Ý.

Thưa cha, sứ mệnh nào là quan trọng đối với chúng con, các tu sĩ Dòng Tên ở Châu Á?

Tôi thực sự không biết đường lối chung của Dòng khắp hoàn vũ là gì, nhưng chắc chắn Cha Arrupe rất kiên quyết về sứ mệnh ở Châu Á. Lời tạm biệt của ngài thực sự là ở Châu Á, khi ngài đến thăm trung tâm tị nạn ở Bangkok. Cha Arrupe lúc đó đã nói hai điều: làm việc với người tị nạn và đừng từ bỏ cầu nguyện. Một công việc quan trọng của Dòng tại Châu Á là các trung tâm xã hội và tông đồ trí thức và giáo dục. Đôi khi người ta nghĩ rằng Dòng Tên hiện đại phải rời khỏi các trường đại học. Nhưng xin đừng! Dòng đang trong quá trình đào tạo trái tim và khối óc của người ta. Điều này được thực hiện tốt với các trường học, và cũng được thực hiện bằng cách có các giáo sư giáo dân. Tôi tin rằng việc tông đồ giáo dục này là cần thiết ở khu vực Châu Á này, cùng với việc tông đồ xã hội. Người của anh chị có tạp chí nào ở Châu Á không? Các ấn phẩm của Dòng Tên cũng là một việc tông đồ quan trọng.

Tôi muốn nhấn mạnh một điều: công việc của chúng ta là hội nhập văn hóa đức tin và truyền bá văn hóa. Hãy để văn hóa được truyền bá, hãy để đức tin được hội nhập văn hóa: đây là một nhận thức sâu sắc tuyệt vời của những người Dòng Tên đầu tiên. Hãy nghĩ đến những người Dòng Tên Trung Quốc, những người đã hiểu điều này ngay lập tức! Sau đó, ở Rome, họ đã bị gây gương mù; họ sợ hãi. Điều tệ nhất đã xảy ra với các khu định cư gọi là Reductions ở Mỹ Latinh, vốn đã bị đóng cửa vì một cách suy nghĩ đến từ trên cao, từ thẩm quyền, nhưng đó không phải là tinh thần của Chúa Giêsu. Cuối cùng, điều gì đã xảy ra? Các tu sĩ Dòng Tên đã bị chặt đầu.

Con rất vui vì Đức Thánh Cha muốn lắng nghe chúng con, và chúng con thậm chí còn vui hơn khi được lắng nghe Đức Thánh Cha. Con được cử đến làm việc trong Mạng lưới cầu nguyện hoàn cầu của Đức Giáo Hoàng. Con làm việc với những người trẻ tuổi và họ đã sản xuất truyện tranh mà họ muốn Đức Thánh Cha xem. Công việc này được gọi là "Tông đồ cầu nguyện" theo truyền thống được thực hiện với những người lớn tuổi, và bây giờ thay vào đó, nó cũng liên hệ với những người trẻ tuổi. Những người trẻ tuổi này rất tận tâm; tuy nhiên, khi đến lúc ai đó nghĩ đến việc gia nhập Dòng chúng con, rất khó để họ đưa ra quyết định.

Và tại sao?

Họ ngưỡng mộ chúng con, nhưng khi đến lúc gia nhập với chúng con, họ lại chờ đợi, họ trì hoãn….

Ơn gọi là như vậy. Mỗi người chúng ta đều có sự phản kháng với ơn gọi. Chúng ta phải giúp những người trẻ tuổi không chỉ suy nghĩ, mà còn cảm nhận và làm việc. Ví dụ, tôi biết về các giáo phận thành thị mà ở một số giáo xứ của họ có một công tác mục vụ ban đêm được gọi là "đêm liên đới". Ở những giáo xứ đó, những người trẻ nhiệt tình giúp đỡ người nghèo, cho họ ăn. Sau đó, họ có thời gian trưởng thành về đức tin của riêng mình. Không phải tất cả họ đều đi lễ vào Chúa Nhật hoặc là tín hữu, nhưng họ tiếp cận và trưởng thành bằng cách cam kết. Vào thời của tôi, công cuộc truyền giáo được thực hiện thông qua các hội nghị. Tuy nhiên, ngày nay, anh em phải chấp nhận những người trẻ như họ vốn có. Anh em phải đặt ra những thách thức về mặt xã hội, giáo dục mà họ cảm thấy và đồng hành với họ trong đức tin với sự dạn dĩ và thận trọng.

Về tông đồ cầu nguyện: nó không lỗi thời, không! Nó liên quan rất nhiều đến việc tôn thờ Thánh Tâm. Trong tháng tới, tôi sẽ công bố một lá thư về lòng sùng kính Thánh Tâm. Đây là một sứ mệnh đúng nghĩa của Dòng Tên: lòng sùng kính Thánh Tâm; đó thực sự là việc của riêng chúng ta.

Con là mục tử của Nhà thờ Thánh I-nha-xi-ô. Đây là câu hỏi đầu tiên: khi Đức Thánh Cha được bầu, con đã trả lời phỏng vấn trên TV và nói rằng thật không thể tưởng tượng được khi một tu sĩ Dòng Tên trở thành giáo hoàng.

Đôi khi bạn mắc sai lầm [Đức Giáo Hoàng vừa cười vừa nói].

Câu hỏi của con là, đâu là cây thánh giá lớn nhất mà ĐTC phải mang khi là một tu sĩ Dòng Tên trở thành giáo hoàng?

Làm giáo hoàng là một cây thánh giá giống như cây thánh giá của cha vậy. Tất cả anh em đều có cây thánh giá của riêng mình. Chúa đồng hành với anh em, an ủi anh em, ban cho anh em sức mạnh. Nhiều lần anh em phải cầu nguyện rất nhiều để có được ánh sáng cho các quyết định. Nhưng mọi người đều phải làm như vậy. Một điều rất đẹp là thấy Chúa nói với anh em qua người ta, nói với anh em qua những người có thể cầu nguyện tốt nhất, những người giản dị. Ngay cả cha xứ cũng có những cộng sự của mình, giáo hoàng cũng vậy. Và giáo hoàng phải lắng nghe rất nhiều. Sau đó, tôi cố gắng không đánh mất khiếu hài hước của mình. Điều này thực sự quan trọng. Khiếu hài hước là lành mạnh. Có thể tôi đang phóng đại, nhưng làm giáo hoàng không khó hơn hay khác biệt nhiều so với làm linh mục, nữ tu, giám mục. Nói tóm lại, điều đó có nghĩa là ở nơi Chúa đã đặt anh em, theo đuổi ơn gọi của anh em: không phải làt một việc đền tội.

Trong trường hợp của tôi, tôi đã đến mật nghị và làm các bài toán, và tôi nghĩ, "Giáo hoàng sẽ sớm được bầu và ngài sẽ không nhậm chức trong Tuần Thánh, khi đó sẽ là tuần tiếp theo." Đó là lý do tại sao tôi đặt vé khứ hồi vào thứ Bảy trước Chúa Nhật Lễ Lá, để tôi có thể đến giáo phận để cử hành. Tôi đã chuẩn bị sẵn các bài giảng cho Tuần Thánh. Do đó, tôi không mong đợi điều đó. Đó là cách bạn làm mọi việc; bạn tiến về phía trước, như Chúa muốn. Tôi đã đọc trong một cuốn sách của nhà báo Gerald O'Connell rằng khi tôi được bầu, một Hồng Y đã nói với một Hồng Y khác về tôi, "Đây sẽ là một thảm họa!" Chúa sẽ cho biết nếu tôi là một thảm họa!

Đức Thánh Cha bắt đầu nói về Cha Arrupe. Con đã làm việc hơn 25 năm với Dịch vụ tị nạn của Dòng Tên và hiện con đang làm việc ở phía bắc với những người tị nạn và cả với người Rohingya từ Myanmar. Con cũng đang làm việc cho Laudato Si' ở Mã Lai. Một thách thức lớn đối với con là mối liên hệ giữa đức tin và công lý. Con thấy nhiều tín hữu gắn bó với lòng sùng kính, nhưng khi đức tin được thể hiện trong công lý và sự quan tâm đến tạo vật, thì mọi người lại quay lưng. Con thấy khó nói về cách Tin Mừng nên được chuyển tải thành các việc làm, sự lựa chọn, cuộc sống hàng ngày, phục vụ nhân loại đau khổ và sáng thế. Đôi khi con cảm thấy nản lòng….

Một "vụ tai tiếng" lớn, có thể nói như vậy, trong Dòng là Sắc lệnh IV nổi tiếng của Tổng hội XXXII.[6] Tôi đã ở trong tổng hội đó. Đúng vậy, nó đã gây ra một vụ tai tiếng lớn trong một nhóm tu sĩ Dòng Tên người Tây Ban Nha đang cố gắng làm mất uy tín của Cha Arrupe vì đã phản bội sứ mệnh của Dòng. Tôi cũng nhớ rằng Cha Arrupe đã bị Văn phòng Quốc vụ khanh triệu hồi vì một số lo ngại về con đường mà Dòng đang đi. Và ngài luôn vâng lời. Đó là một thời điểm rất khó khăn. Tôi biết trực tiếp tình hình đó, bởi vì trong Tỉnh dòng Argentina, tôi có một tu sĩ Dòng Tên liên quan đến những người chống lại Tổng hội và Cha Arrupe. Họ là những nhóm rất hiếu chiến. Tôi đã gọi cho ngài. Ngài đã từng nói với tôi, “Ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời tôi sẽ là khi tôi thấy Cha Arrupe bị treo cổ tại Quảng trường Thánh Phêrô.” Cha Arrupe đã chịu đựng điều này với lòng tha thứ và thương xót.

Khi Thánh Gioan Phaolô II bổ nhiệm Cha Paolo Dezza làm đại biểu giáo hoàng cho Dòng, người vẫn tại vị cho đến khi bầu ra Bề trên Tổng quyền mới, Cha Arrupe đã hôn tay ngài. Ngài là người của Chúa. Tôi đang làm mọi cách có thể để đưa ngài lên danh dự của các bàn thờ. Ngài thực sự là một người Dòng Tên mẫu mực: ngài không sợ hãi, ngài không bao giờ buôn chuyện về người khác, ngài làm việc cho sự hội nhập văn hóa của đức tin và truyền bá văn hóa. Một vài lần tôi đã lẻn ra nhà thờ Gesù để cầu nguyện, và tôi luôn đi ngang qua mộ của Cha Arrupe. Truyền bá văn hóa và hội nhập văn hóa của đức tin: đây là sứ mệnh cơ bản của Dòng.

Thưa Đức Thánh Cha, con là một linh mục giáo xứ ở Mã Lai. Con cảm thấy rằng chúng ta có nghĩa vụ phải cổ vũ bản sắc Dòng Tên của mình. Và điều này cũng dễ dàng đến với chúng con nhờ ĐTC, vì ĐTC công khai và thể hiện rõ ràng ý nghĩa của việc trở thành “người vì người khác”. Chúng con thu hút nhiều người trẻ, nhưng sau đó họ không tham gia Dòng, vì quá trình đào tạo rất dài và họ cảm thấy rằng chỉ những người rất thông minh mới có thể tham gia. Câu hỏi của con là, chúng ta thay đổi câu chuyện này cách nào? Chúng ta có nên tiếp tục duy trì các tiêu chuẩn cao và dành nhiều năm đào tạo hay có lẽ, chúng ta nên thay đổi?

Không bao giờ hạ thấp lý tưởng! Tất nhiên, anh em có thể sửa đổi cách chúng ta làm việc với những người trẻ tuổi, nhưng anh em không được hạ thấp lý tưởng. Những người trẻ tuổi luôn khao khát sự chân thực. Ví dụ, hôm nay, trước khi lên máy bay, tôi đã có một cuộc họp với những người trẻ tuổi từ Đông Timor. Tôi cảm thấy họ rất dũng cảm! Họ muốn cam kết và họ cần được đồng hành trong lý tưởng của mình. Sáng nay, tôi đã nói với những người trẻ tuổi rằng, “Hãy lên tiếng”. Điều thứ hai tôi nói là họ cần chăm sóc người già. Mối quan hệ trực tiếp giữa những người trẻ tuổi và người lớn tuổi này thực sự quan trọng đối với tôi. Làm việc với những người trẻ tuổi là điều phải được phát minh ra mỗi ngày. Nó đòi hỏi sự sáng tạo. Và đừng bao giờ nản lòng.

Một trong những kinh nghiệm con có được là các giám mục giáo phận không coi trọng ơn gọi tu trì. Họ coi chúng con như thể chúng con là thành viên của giáo sĩ giáo phận. Họ không có ý thức về đời sống tu trì như một đặc sủng được ban cho Giáo hội. Phải làm gì đây?

Tôi hiểu là cha nói đúng. Đây là vấn đề của toàn thể Giáo hội trên thế giới. Một vấn đề mà tôi liên hệ đến là việc phong chức giám mục cho một tu sĩ Dòng Tên. Chúng ta, những người Dòng Tên, phải nói "không". Nhưng nếu Đức Giáo Hoàng muốn, thì có lời khấn thứ tư và bạn phải nói "có". Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm của mình: Tôi đã nói "không" hai lần. Có lần tôi được yêu cầu làm giám mục tại khu vực có tàn tích của các phái bộ Dòng Tên cũ ở biên giới với Paraguay. Tôi trả lời rằng tôi muốn trở thành một linh mục chứ không phải là người bảo vệ tàn tích. Một lần khác, tôi ở Cordova, và Sứ thần đã gọi điện cho tôi và nói rằng ngài muốn nói chuyện với tôi. Tôi bị các bề trên cấm ra khỏi thành phố: đó là khoảng thời gian rất đau khổ đối với tôi. Vì vậy Sứ thần nói với tôi rằng ngài sẽ đến sân bay và gặp tôi ở đó. Ở đó, ngài nói với tôi: Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm cha làm giám mục, và đây là lá thư của Cha Tổng quyền cho phép điều đó. Vì vậy, mọi thứ đã được quyết định và giải quyết. Khi đó, Tổng quyền là Cha Kolvenbach, một người của Chúa. Chúng ta, những người Dòng Tên, phải tuân theo Giáo hội. Thánh I-nha-xi-ô đã viết ra các quy tắc để “suy nghĩ cùng Giáo hội”. Nếu Đức Giáo Hoàng cử cha đi truyền giáo, cha phải vâng lời. Nhưng liên quan đến chức giám mục, bước đầu tiên luôn là nói “không”.

Viễn kiến của Đức Thánh Cha về Giáo hội trong tương lai dưới góc độ công đồng là gì? Mối quan hệ giữa Giáo hội địa phương và Giáo hội trung ương là gì?

Thượng hội đồng mà chúng ta đang tiến hành là về tính đồng nghị đồng hành. Thượng hội đồng Giám mục ra đời từ một sáng kiến của Thánh Phaolô VI, bởi vì Giáo hội phương Tây đã mất đi chiều kích công đồng, trong khi Giáo hội phương Đông vẫn giữ được chiều kích này. Vào cuối Công đồng, Thánh Phaolô VI đã thành lập Văn Phòng Thượng Hội đồng Giám mục để tất cả các giám mục có thể có chiều kích đối thoại theo tinh thần đồng nghị. Năm 2001, tôi đã tham dự Thượng Hội đồng Giám mục. Tôi đã thu thập tài liệu và sắp xếp chúng. Thư ký của Thượng Hội đồng sẽ xem xét và yêu cầu loại bỏ mục này hoặc mục kia đã được các nhóm khác nhau chấp thuận bằng cách bỏ phiếu. Có những điều mà ngài cho là không phù hợp, và ngài sẽ nói với tôi, "Không, sẽ không bỏ phiếu về điều đó, không bỏ phiếu về điều này". Nói tóm lại, người ta không hiểu Thượng Hội đồng là gì.

Một vấn đề khác là có phải chỉ có giám mục hay cả linh mục, giáo dân hay phụ nữ cũng được bỏ phiếu. Trong Thượng Hội đồng này, đây là lần đầu tiên phụ nữ được bỏ phiếu. Điều này có nghĩa gì? Có nghĩa đã có sự phát triển để sống theo tinh thần đồng nghị này. Và đây là một ân sủng của Chúa, bởi vì tinh thần đồng nghị phải đạt được không chỉ ở bình diện Giáo hội hoàn vũ, mà còn ở các Giáo hội địa phương, trong các giáo xứ, trong các tổ chức giáo dục. Tính công đồng là giá trị của Giáo hội ở mọi bình diện. Đó là một hành trình rất tốt. Điều này liên quan đến một điều khác, khả năng phân định. Tính đồng nghị đồng hành là một ân sủng của Giáo hội. Đó không phải là dân chủ. Đó là một điều gì đó khác, và nó đòi hỏi sự phân định.

Thưa Cha, con có hai câu hỏi. Con là một giáo viên. Cha đã nói chúng ta phải mơ ước. Cha có giấc mơ gì cho chúng con ở Singapore? Sau đó, con muốn hỏi cha một câu hỏi khác, vì con không thể ngủ được đêm nay nếu không hỏi: khi nào Matteo Ricci sẽ được phong thánh?

Matteo Ricci là một nhân vật vĩ đại. Luôn có những vấn đề, nhưng án phong thánh đang tiến triển và tôi muốn nó tiến triển. Chúng ta phải cầu nguyện để có những điều kiện phù hợp cho việc phong thánh. Sau đó, tôi không biết giấc mơ của mình là gì! Tôi đang tiến bước. Ví dụ: được ở đây đối với tôi là một giấc mơ! Được lắng nghe Giáo hội ở đây để phục vụ Giáo hội tốt hơn, đây là một giấc mơ.

Nghĩ về Dòng, tôi mơ về sự đoàn kết, can đảm. Tôi thích sai lầm về phía lòng dũng cảm hơn là về phía an toàn. Nhưng người ta có thể nói, "Nếu chúng ta ở những nơi đấu tranh, trên biên giới, thì luôn có nguy cơ 'trượt'...." Và tôi trả lời, "Vậy thì trượt!" Những ai luôn sợ mắc lỗi không làm được gì trong cuộc sống. Hãy can đảm trong những tình huống khó khăn của công việc tông đồ! Can đảm, nhưng khiêm nhường với sự cởi mở hoàn toàn của lương tâm. Khi đó, cộng đồng, tỉnh dòng sẽ giúp bạn tiến về phía trước! Chúng ta có một ân sủng lớn trong việc xét mình. Người Dòng Tên nào giấu giếm mọi thứ với bề trên sẽ có kết cục tồi tệ.

"Nhưng tôi xấu hổ khi phải nói với bề trên về những lỗi lầm của mình", anh em có thể nói. Nhưng chúng ta, những bề trên cũng phạm lỗi; chúng ta là anh em. Bề trên cũng phải nói với bề trên của mình. Việc giải trình về lương tâm là một ân sủng lớn và cũng là một trách nhiệm lớn đối với bề trên. Người ta phải rất khiêm nhường để đồng hành với anh em trong cuộc sống của họ. Một số người nói rằng việc xét mình là trái với tự do. Không phải vậy. Bản tường trình về lương tâm là một viên ngọc quý: chúng ta thể hiện cuộc sống của mình như chúng vốn có trước Chúa, và bề trên, người nhận thức được những thiếu sót của chính mình, đồng hành cùng anh em. Đây là tình anh em của chúng ta.

Có lẽ lời lăng mạ xấu xí nhất mà chúng ta có thể nhận được là việc trở thành kẻ đạo đức giả. Anh em thậm chí có thể tìm thấy nó trong từ điển: "Jesuit" cũng có nghĩa là "kẻ đạo đức giả". Đó là một lời vu khống, bởi vì ơn gọi của chúng ta phải trái ngược với sự đạo đức giả. Trách nhiệm của lương tâm là một ân sủng của Hội. Hiểu không?

Bây giờ chúng con có hai điều dành cho Đức Thánh Cha: trước hết là một con rối của Thánh I-nha-xi-ô!

Anh em có biết rằng Thánh I-nha-xi-ô có khiếu hài hước không? Và ngài rất kiên nhẫn. Hãy nghĩ đến sự kiên nhẫn mà ngài phải có với Simão Rodrigues và tất cả những người khác….

Và rồi chúng con có hai gói lời cầu nguyện do các tín hữu trong giáo xứ Singapore viết. Chúng ở đây để Đức Thánh Cha chúc phúc cho chúng.

Đây là điều khiến tôi xúc động! Cảm ơn anh em! Anh em rao giảng về lời cầu nguyện!

Hai gói lời cầu nguyện đã được mang đến cho Đức Giáo Hoàng. Sau khi đặt tay lên chúng, ngài ban phép lành.

Cảm ơn vì những gì anh em đã làm. Tôi hứa rằng tôi sẽ cầu nguyện cho anh em có ơn gọi. Bây giờ chúng ta có thể cùng nhau cầu nguyện một kinh Kính Mừng và sau đó tôi sẽ ban phép lành cho anh em. Tôi sẽ tặng mỗi người một tràng hạt, đích thân chào anh em. Hãy cầu nguyện cho tôi! Cho, chứ không phải chống! Tôi kể cho anh em nghe điều này vì có lần, sau buổi tiếp kiến chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, tôi gặp một bà lão nhỏ bé có đôi mắt đẹp. Bà là một người phụ nữ khiêm nhường. Tôi đến gần bà, chào bà và nhìn vào đôi mắt đẹp của bà. Tôi hỏi bà, "Bà bao nhiêu tuổi?" Bà nói, "87." "Bà ăn gì để khỏe mạnh như vậy?" Và bà nói với tôi rằng bà làm món ravioli ngon. "Hãy cầu nguyện cho tôi!", tôi nói với bà. "Tôi làm như vậy mỗi ngày," bà trả lời. Và tôi hỏi bà, "Nhưng bà cầu nguyện cho hay chống lại?" Người phụ nữ nhìn tôi và chỉ vào Vatican và nói, "Họ cầu nguyện chống lại Đức Thánh Cha ở đó!"

____________________________

DOI: https://doi.org/10.32009/22072446.1024.9

[1]. Trong các cộng đồng Dòng Tên, "thừa tác viên" là phó bề trên.

[2]. IHS là chữ viết tắt của cụm từ Iesus Hominum Salvator [Giêsu Cứu Chúa của Nhân loại].

[3]. X. J. M. Bergoglio, Santi, non mondani. La grazia di Dio ci salva dalla corruzione interiore [Thánh nhân, không phải phàm nhân. Ân sủng của Thiên Chúa cứu chúng ta khỏi sa đọa nội bộ], Vatican City, Libreria Editrice Vaticana, 2023.

[4]. Ludwig von Pastor (1854-1928) là một nhà sử học và nhà ngoại giao người Đức, một người Áo nhập tịch. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là History of the Popes from the End of the Medieval Age [lịchh sử các vị giáo hoàng từ cuối thời trung cổ], được xuất bản thành 16 tập.

[5]. Cf. J. M. Bergoglio, Lettere della tribolazione [thư từ trong cảnh hoạn nạn], Milan, Àncora, 2019, 12.

[6]. Tựa đề của Sắc lệnh là “Sứ mệnh của chúng ta ngày nay: Phục vụ đức tin và thúc đẩy công lý.
 
Trong buổi cầu nguyện canh thức trước thềm Thượng Hội đồng Đức Phanxicô nguyện cầu: Chúng ta hội tụ về đây, như những kẻ cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa.
Thanh Quảng sdb
18:12 01/10/2024
Trong buổi cầu nguyện canh thức trước thềm Thượng Hội đồng Đức Phanxicô nguyện cầu: Chúng ta hội tụ về đây, như những kẻ cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô dẫn đầu các thành viên và tham dự viên Thượng hội đồng trong Nghi lễ xám hối, ngài bày tỏ sự tủi hổ về tội lỗi của chúng ta và cầu xin sự tha thứ của Chúa và những người chúng ta đã làm thiệt hại.

(Tin Vatican - Christopher Wells)

Trong một buổi lễ xám hối được đánh dấu bằng lời chứng của những người bị tổn thương do lạm dụng, chiến tranh và thiếu lòng bác ái, Đức Phanxicô đã cầu xin sự tha thứ từ Thiên Chúa và từ những người đã bị tổn thương bởi tội lỗi của Giáo hội.

Buổi canh thức xám hối đánh dấu cao điểm của buổi tĩnh tâm Thượng hội đồng kéo dài hai ngày trước lễ khai mạc trọng thể Phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XVI vào thứ Tư (2/10/2024).

Hòa Giải

Trong buổi lễ, bảy vị Hồng Y đã bày tỏ sự tủi hổ và cầu xin sự tha thứ "thay mặt cho tất cả mọi thành phần trong Giáo hội" về những tội lỗi chống lại hòa bình, chống lại môi trường, chống lại phẩm giá của phụ nữ và chống lại người nghèo; về những tội lạm dụng và xử dụng giáo lý như một "hòn đá để ném" vào người khác; và về những tội chống lại tính công đồng.

Đức Giáo Hoàng phát biểu: “Tôi muốn nêu ra những lỗi lầm lạm dụng mà một số Hồng Y đã trình bày, bởi vì cần phải nói lên những lỗi lầm nặng nề của chúng ta.”

Trong bài suy tư dọn mình hòa giải, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Giáo hội, “trong bản chất đức tin và lời tuyên xưng của mình, luôn có mối quan hệ – và chỉ bằng cách chữa lành những mối quan hệ lệch lạc của chúng ta, thì Giáo hội mới trở thành một Giáo hội công đồng.”

“Làm thế nào chúng ta có thể đáng tin cậy được trong sứ mệnh,” ngài hỏi, “nếu chúng ta không thừa nhận những sai lầm của mình và khiêm hạ để chữa lành những vết thương mà chúng ta đã gây ra bởi tội lỗi của mình?”

Dụ ngôn người biệt phái (Pharisi) và người thu thuế

Suy ngẫm về bài Tin Mừng, kể lại dụ ngôn của Chúa Giêsu về người biệt phái (Pharisi) cao ngạo và người thu thuế thống hối, Đức Phanxicô đã mời gọi hãy dùng ánh mắt đức tin mà xem xét xem chúng ta đã hành động như thế nào trong Giáo hội.

ĐTC tự hỏi, “đã bao nhiêu lần chúng ta tự chiếm hết không gian, bằng lời nói, phán đoán, danh hiệu, niềm tin rằng chỉ mình chúng ta mới có công trạng?”

Thay vào đó, Đức Phanxicô nói: “ngày nay tất cả chúng ta đều giống như người thu thuế, mắt chúng ta nhìn xuống và xấu hổ về tội lỗi của mình. Giống như người thu thuế, chúng ta co rút lại, loại bỏ không gian huynh hoang tự phụ, đạo đức giả và kiêu hãnh.”

Khôi phục lòng tin

Đức Phanxicô nhấn mạnh, buổi lễ xám hối vào thứ Ba (1/10/2024), vào đêm trước lễ khai mạc long trọng của Thượng hội đồng, “là cơ hội để khôi phục lòng tin vào Giáo hội và hướng về Giáo hội, một lòng tin đã bị phá vỡ bởi những sai lầm và tội lỗi của chúng ta; và để bắt đầu chữa lành những vết thương không ngừng chảy máu.”

Khi chúng ta đang mang gánh nặng bởi “bản chất con người của tội lỗi mình,” Đức Giáo Hoàng nói, “Chúng ta không muốn gánh nặng này làm chậm lại hành trình của Vương quốc Thiên Chúa trong lịch sử.”

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng Phanxicô hướng đến các thế hệ trẻ hơn, “những người đang chờ đợi chúng ta truyền lại chứng tá của mình,” để cầu xin sự tha thứ, “nếu chúng ta chưa là những chứng nhân đáng tin cậy.”

Tìm kiếm sự tha thứ

Sau khi suy ngẫm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tóm tắt lời cầu xin tha thứ trong lời cầu nguyện với Thiên Chúa Cha, ngài cầu xin: “Chúng con cầu xin Chúa tha thứ mọi tội lỗi của chúng con; xin giúp chúng con phục hồi Khuôn mặt của Chúa mà chúng con đã làm biến dạng bởi sự bất trung của mình. Chúng con cầu xin sự tha thứ, chúng con cảm thấy xấu hổ, vì chúng con đã làm tổn thương chúng con bởi tội lỗi của chúng con.”

Và ĐTC cầu xin Chúa “ban cho chúng con lòng can đảm ăn năn chân thành để thực sự hoán cải.”

Dấu hiệu bình an và trao Tin Mừng

Kết thúc Đêm canh thức xám hối, Đức Phanxicô đã mời gọi những người hiện diện trao đổi cho nhau nghĩa cử bình an.

Chính Đức Thánh Cha đã chúc bình an cho những người đã làm chứng trong buổi lễ, và cho một chàng trai và một cô gái trẻ, một chủng sinh và một nữ tu.

Sau đó, Đức Phanxicô đã trao cho một đại diện giới trẻ, một cuốn Tin Mừng, giao phó cho em và những người đương thời của em nhiệm vụ công bố Tin Mừng cho các thế hệ tương lai, với hy vọng về “một sứ mệnh tốt đẹp hơn, ngày càng trung tín hơn với những đòi hỏi của Vương quốc Thiên Chúa.”
 
Linh mục Raymond J. de Souza: Thượng Hội Đồng Địa Ngục về Tính Đồng Nghị
J.B. Đặng Minh An dịch
18:54 01/10/2024


Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Trong bài phân tích nhan đề “The Infernal Synod on Synodality”, nghĩa là “Thượng Hội Đồng Địa Ngục về Tính Đồng Nghị” đăng trên tờ First Things ngày 30 tháng Chín, 2024, ngài phân tích về tiến trình Thượng Hội Đồng kéo dài ba năm qua và sắp kết thúc trong vòng 3 tuần tới đây.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Khi tiến trình Thượng Hội Đồng kéo dài ba năm về tính đồng nghị cho một Giáo hội đồng nghị đang đi vào ba tuần họp cuối cùng tại Rôma, ngay cả việc chế giễu nó cũng trở nên hơi nhàm chán.

Ngay từ đầu Thượng Hội Đồng này đã bị nhiều người chế giễu là “cuộc họp về các cuộc họp”, nhưng nó không bao giờ cố chứng minh rằng nó không phải như vậy. Quay trở lại tháng 11 năm 2021, khi vẫn còn phấn khích về tiến trình đồng nghị - với các cuộc họp ở cấp giáo xứ, giáo phận, quốc gia, lục địa và hành tinh vẫn còn hấp dẫn - Đức Hồng Y Christophe Pierre, Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, đã nói rằng nếu tính đồng nghị là “cuộc họp về các cuộc họp”, thì đó sẽ là “luyện ngục”. Thật vậy, chính “ý tưởng tổ chức một cuộc họp về các cuộc họp” có nghĩa là “chúng ta chắc chắn sẽ ở một trong những tầng địa ngục thấp hơn trong Địa ngục của Dante!”

Địa ngục đã trở lại phiên họp tuần này. Cha cố Richard John Neuhaus thích nói đùa rằng những lời đầu tiên nghe được khi bước vào địa ngục sẽ là, “Chia thành các nhóm nhỏ, thảo luận, rồi báo cáo lại với toàn thể.”

Vào cuối “cuộc họp” năm ngoái—khoảng bốn trăm người tham gia tụ họp thành các nhóm nhỏ trong nhiều tuần—báo cáo cuối cùng kêu gọi nghiên cứu sâu hơn về ý nghĩa thực sự của “tính đồng nghị”, hai năm vật lộn bên trong nó vẫn chưa làm rõ được điều đó. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ghi nhận và gửi công trình khái niệm và định nghĩa đến một “nhóm nghiên cứu”, nhóm này sẽ nghiền ngẫm cho đến tháng 6 năm 2025. Vì vậy, địa ngục của tháng 10 này sẽ tiếp tục mà không biết tính đồng nghị thực ra có nghĩa là gì.

Điều này đặt ra một vấn đề nhất định cho “buổi lễ sám hối” được lên kế hoạch vào tối Thứ Ba, 01 Tháng Mười. Buổi lễ sẽ lắng nghe lời chứng từ những người đã phải chịu đựng “tội lạm dụng; tội chiến tranh; tội thờ ơ với thảm kịch hiện diện trong hiện tượng di cư ngày càng gia tăng trên khắp thế giới”.

Sau đó, một lời thú tội đầy đủ hơn sẽ theo sau, cụ thể bao gồm các tội lỗi “chống lại hòa bình”, “chống lại tạo vật”, “chống lại các dân tộc bản địa”, “chống lại người di cư”, “chống lại phụ nữ, gia đình, thanh thiếu niên” và “chống lại đói nghèo”.

Hai tội mới cũng xuất hiện trong danh sách: đó là “tội sử dụng giáo lý như đá để ném” và tội “chống lại tính đồng nghị/thiếu lắng nghe, hiệp thông và tham gia của tất cả mọi người”.

Chi tiết về buổi lễ không được tiết lộ trước, nhưng người ta mong mỏi một khoảnh khắc kịch tính khi Hồng Y Victor Manuel Fernández, nhà lãnh đạo giáo lý của Vatican, xé áo vì đã phạm tội chống lại tính đồng nghị. Không có nhân vật nào trong Giáo hội phạm tội chống lại tính đồng nghị nghiêm trọng hơn ngài, với ác ý được suy tính trước. Năm ngoái, trong khi Thượng Hội Đồng thực sự đã từ chối đề cập đến vấn đề đồng tính luyến ái và các vấn đề liên quan trong báo cáo cuối cùng của mình, thì bản thân Hồng Y Fernández đã bí mật làm việc để đưa ra các phước lành cho các cặp đồng giới. Sự phản bội tính đồng nghị đó của ngài, được tung ra vào giữa mùa đông từ hố băng giá dưới đáy Địa ngục, đã gây chấn động thế giới Công Giáo.

Thảm họa này—sau đó được rút lại trên cơ sở địa lý—đã giáng một đòn trí mạng vào tính đồng nghị. Nếu các thẩm quyền cao nhất trong Giáo hội cảm thấy thoải mái bỏ qua các cuộc tham vấn Thượng Hội Đồng—ngay cả khi chính thức tham gia vào các Thượng Hội Đồng ấy—thì tình hình còn tệ hơn nhiều so với lo ngại ban đầu. Sẽ có vô số cuộc họp về các cuộc họp mà không có hiệu quả, trong khi ở những nơi khác, các quyết định quan trọng được đưa ra mà không có bất kỳ cuộc họp nào.

Một câu hỏi quan trọng vào thứ Ba là liệu Đức Hồng Y Fernández có dám thú nhận tội lỗi của mình chống lại tính đồng nghị hay không; có thể ngài không có đủ sự ăn năn và mục đích sửa đổi cần thiết.

Ngoài sự ăn năn và sửa đổi, có thể khó biết phải xưng tội gì. “Tội lạm dụng” thì đủ rõ ràng, nhưng còn tội “chống lại tạo hóa” thì sao? Tất cả những người bay đến Rôma có phải đều phạm tội tham lam carbon hay tham lam khí hậu không? Hay “tội chống lại tạo hóa” có nghĩa là những người ủng hộ chương trình nghị sự “LGBT”, chữ “T” mà Đức Thánh Cha Phanxicô lên án bằng những từ ngữ gay gắt nhất?

Buổi lễ sám hối “có mục đích hướng công việc của Thượng hội đồng tới sự khởi đầu của một cách thức mới để trở thành Giáo hội”.

Có vẻ như Giáo hội đã quên mất cách thức hoạt động cũ kỹ của mình, thậm chí chỉ mới có từ hai mươi lăm năm trước.

Những người quản lý Thượng hội đồng viết về nghi lễ sám hối rằng “Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dạy chúng ta rằng Giáo hội cũng cần phải cầu xin sự tha thứ bằng cách gọi tên tội lỗi, cảm thấy đau đớn và thậm chí là xấu hổ, bởi vì tất cả chúng ta đều là tội nhân cần được thương xót”.

Thánh Gioan Phaolô II đã đưa lời cầu xin tha thứ và thanh tẩy ký ức thành một phần trọng tâm của Đại lễ 2000. Phụng vụ Mùa Chay đó, một trong những phụng vụ cảm động nhất trong toàn bộ năm, đã được chuẩn bị một cách cầu nguyện và tỉ mỉ—không phải là vội vã bởi một thông báo tại một cuộc họp báo. Đức Gioan Phaolô đã bày tỏ mong muốn của mình về một sáng kiến như vậy vào năm 1994; năm năm sau, Ủy ban Thần học Quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, đã thực hiện một nghiên cứu dài, Ký ức và Hòa giải: Giáo hội và những Lỗi lầm của Quá khứ.

Đó là một cuộc xem xét sâu sắc về ý nghĩa của câu nói rằng Giáo hội là thánh thiện và tội lỗi—Ecclesia sancta simul et semper purificanda—hoặc, theo cách diễn đạt đáng lo ngại của các giáo phụ, casta meretrix—cô gái điếm trong trắng.

Đức Hồng Y Fernández nắm giữ ghế của Đức Hồng Y Ratzinger với tư cách là tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, nhưng ngài không ngang hàng với Đức Ratzinger. Đức Ratzinger đã phát triển khuôn khổ thần học để Giáo hội nhìn vào bóng tối của chính mình dưới ánh sáng của Chúa Kitô, Đấng đã biến đổi tai tiếng của thập giá thành công cụ cứu rỗi. Chúa Kitô bị đóng đinh—được xức dầu và bị nguyền rủa—là mầu nhiệm mà Giáo hội xoay quanh.

Thượng hội đồng về tính đồng nghị mời gọi Giáo hội nhìn vào bên trong, để tự tham chiếu vào chính mình hơn là tham chiếu đến Chúa Kitô. Do đó, Giáo hội thấy mình đang đi vòng quanh.

Chuyến đi vòng quanh của Dante cuối cùng đã để lại Địa ngục phía sau. Mong các đại biểu của hội đồng ở Rôma được ban phước như vậy.


Source:First Things
 
VietCatholic TV
Putin đưa đại quân tái chiếm Kursk, lọt bẫy, hoảng bỏ xe chạy. Israel vượt biên, thề giải phóng Iran
VietCatholic Media
03:36 01/10/2024


1. Phản công ở Kursk, xe tăng Nga bị kẹt trong bẫy chống tăng của chính Nga

Một chiếc xe của Nga bị kẹt trong chiến hào chống tăng bên ngoài Plekhovo và bị Lữ đoàn Phòng thủ Lãnh thổ số 129 của Ukraine bắt giữ

Một lực lượng hùng mạnh của Nga, có thể là từ Lữ đoàn Pyatnashka số 15, đã phản công vào vị trí tiền phương của Ukraine ở Tỉnh Kursk vào hôm Chúa Nhật, 29 Tháng Chín.

Cuộc tấn công, nhắm vào thị trấn Plekhovo do Ukraine chiếm giữ ở rìa phía nam của mũi tấn công, không chỉ thất bại mà còn thất bại theo cách trớ trêu nhất có thể. Đoàn quân Nga bị kẹt trong các bẫy chống tăng—một chiến hào và một dãy chướng ngại vật bằng bê tông—mà quân Nga đã xây dựng trước khi Ukraine tấn công xuyên biên giới vào Kursk vào đầu tháng 8.

Có hai công trình phòng thủ chính do Nga xây dựng bên ngoài Plekhovo— một bẫy chống tăng và một khu phức hợp chiến hào bộ binh gần đó. Quân Nga tấn công đang vật lộn để vượt qua bẫy chống tăng khi Lữ đoàn Phòng thủ Lãnh thổ số 129 của Ukraine phóng một làn sóng máy bay điều khiển từ xa góc nhìn thứ nhất vào các chiến xa của họ.

“Những người lính của chúng tôi đã dạy cho quân xâm lược Nga và thiết bị của chúng một bài học, đốt cháy hàng chục xe thiết giáp và tiêu diệt đối phương”, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết như trên chiều Thứ Hai, 30 Tháng Chín.

Các hệ thống phòng thủ do Nga chế tạo đã giúp ngăn chặn cuộc phản công gần đây của Nga có thể là một trở ngại nghiêm trọng đối với cuộc tấn công của Ukraine—nhưng không phải vậy. Theo thông tin tình báo Nga do Ukraine thu thập được, các hệ thống phòng thủ bên ngoài Plekhovo được đồn trú bởi một số trung đội và ít nhất một đại đội, tổng cộng có thể lên tới hàng trăm quân.

Nhưng quân đội Nga ở Kursk đã bị bất ngờ bởi cuộc tấn công xuyên biên giới của Ukraine vào ngày 6 tháng 8—và không thể huy động hỏa lực đáng kể, bao gồm gần 200 khẩu pháo, trước khi lực lượng cơ giới Ukraine di chuyển nhanh chóng tấn công họ.

Vì vậy, các bẫy chống tăng và chiến hào bộ binh hình tròn đã trở thành tài sản của Ukraine. Và không giống như người Nga, Lữ đoàn Phòng thủ Lãnh thổ 129 không bị bất ngờ. Họ hoàn toàn mong đợi một cuộc phản công—và đã chuẩn bị để tận dụng lợi thế của các tuyến phòng thủ được xây dựng tốt.

Thật đáng khen cho các kỹ sư Nga đã xây dựng hệ thống phòng thủ bên ngoài Plekhovo vì những hệ thống phòng thủ này hoạt động đúng như quảng cáo và làm chậm cuộc tấn công của đối phương đủ lâu để những người bảo vệ địa phương triển khai hỏa lực tốt nhất của họ. Quân đội Nga, lại chính là những người cuối cùng đã mắc bẫy của họ.

[Kyiv Independent: Counterattacking In Kursk, Russian Tanks Got Stuck In Russia’s Own Anti-Tank Traps]

2. Tổng Thư Ký Stoltenberg cho biết Thổ Nhĩ Kỳ nên ủng hộ kế hoạch hòa bình của Ukraine chứ không phải kế hoạch của Trung Quốc

Các nước NATO nên hoàn toàn ủng hộ kế hoạch tương lai của Ukraine, Tổng Thư Ký sắp mãn nhiệm của liên minh Jens Stoltenberg cho biết, nhằm đáp lại quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ sáng kiến mới của Trung Quốc.

“Chúng ta nên ủng hộ sáng kiến của Ukraine,” Stoltenberg nói trong một cuộc phỏng vấn với POLITICO vào hôm Thứ Hai, 30 Tháng Chín, một ngày trước khi mãn nhiệm chức tổng thư ký NATO. Ông đã trả lời một câu hỏi về sự tham gia của Ankara vào cái gọi là sáng kiến “Những người bạn vì hòa bình” do Trung Quốc và Brazil khởi xướng vào tuần trước.

“Sáng kiến hòa bình của Ukraine là sáng kiến bảo đảm rằng chúng ta có một tiến trình có thể dẫn đến hòa bình lâu dài,” Stoltenberg nói. “Và tất nhiên, cuối cùng, chính người Ukraine phải là người quyết định những điều kiện nào là có thể chấp nhận được. Họ là nạn nhân của một cuộc xâm lược toàn diện.”

Một nhóm gồm 17 quốc gia đã tham gia sáng kiến Trung Quốc-Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO duy nhất trong nhóm đó. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, “Những người bạn vì hòa bình không phải là về việc chọn phe trong cuộc xung đột, không phải về sự đối đầu của khối, và không phải về việc thay thế các nền tảng hiện có”.

Kyiv trước đó đã mô tả động thái của Bắc Kinh là đáng thất vọng và phi logic. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vào tháng 5 đã cáo buộc Bắc Kinh cố gắng phá hoại hội nghị thượng đỉnh hòa bình ở Thụy Sĩ vào tháng 6, mà Nga và Trung Quốc đã tẩy chay.

Tuy mang danh là kế hoạch hòa bình cho Ukraine, kế hoạch của Trung Quốc không hề hỏi qua Ukraine. Nguy hiểm nhất, nó đòi hỏi chấm dứt tất cả viện trợ dành cho Ukraine và thực hiện ngưng bắn tại chỗ, nghĩa là không đòi quân Nga phải rút về nước. Kế hoạch của Trung Quốc về thực chất là nhằm bảo đảm rằng cuối cùng Nga sẽ là người thắng trận và sẽ thôn tính Ukraine.

Trong khi đó, trong một diễn biến rất bất lợi Thụy Sĩ, một bên trung gian chủ chốt, đã ca ngợi nỗ lực mới nhất của Trung Quốc.

Quan điểm của Thụy Sĩ về kế hoạch của Trung Quốc, được ban hành lần đầu vào tháng 5, đã thay đổi kể từ khi một tài liệu tham khảo được thêm vào Hiến chương Liên Hiệp Quốc - hiệp ước thành lập cơ quan toàn cầu cam kết các quốc gia duy trì hòa bình.

“Đối với chúng tôi, điều này chuyển thành một sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của chúng tôi về những sáng kiến này,” Nicolas Bideau, phát ngôn nhân chính của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, cho biết, theo Reuters. “Một nỗ lực ngoại giao cụ thể do nhóm Trung Quốc-Brazil tổ chức có thể khiến chúng tôi quan tâm.”

[Politico: Turkey should endorse Ukraine’s — not China’s — peace plan, says Stoltenberg]

3. Một số chi tiết về kế hoạch chiến thắng của Ukraine sẽ được giữ bí mật, Yermak nói

Kế hoạch chiến thắng của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy sẽ được công khai nhưng một số phần sẽ được giữ bí mật, nhà lãnh đạo Văn phòng Tổng thống Andriy Yermak cho biết hôm Thứ Hai, 30 Tháng Chín

Tổng thống Zelenskiy đã trình bày kế hoạch chiến thắng gồm năm điểm với người đồng cấp Hoa Kỳ Tổng thống Joe Biden tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 26 tháng 9. Ông cũng thảo luận về kế hoạch này với các ứng cử viên tổng thống Ông Donald Trump và Kamala Harris cùng các thành viên Quốc hội.

Kế hoạch bao gồm các thành phần quân sự và ngoại giao, bao gồm lời mời Ukraine gia nhập NATO, nhưng các chi tiết đầy đủ của khuôn khổ hòa bình vẫn chưa được công bố. Mục tiêu của kế hoạch là củng cố vị thế đàm phán trong tương lai của Ukraine và thúc đẩy Nga thực hiện một nền hòa bình công bằng, Kyiv cho biết.

Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Yermak cho biết kế hoạch sẽ được trình bày cho người dân Ukraine mà không có một số chi tiết “nhạy cảm” để ngăn thông tin bị rò rỉ sang Nga.

“Mọi thứ được công khai không chỉ được nghe thấy ở đất nước chúng ta mà còn được nghe thấy bởi kẻ thù. Đó là lý do tại sao một số chi tiết của kế hoạch này được phân loại. Nhưng điều quan trọng là phải xem kế hoạch này được thực hiện trên lãnh thổ của đối phương”, ông nói thêm.

Sau chuyến thăm Hoa Kỳ, phát ngôn nhân của tổng thống Serhii Nykyforov cho biết Washington đã tiếp nhận kế hoạch này một cách “mang tính xây dựng”.

[Kyiv Independent: Some details of Ukraine's victory plan will remain secret, Yermak says]

4. Thủ tướng Netanyahu: Sự thay đổi chế độ ở Iran sẽ diễn ra ‘sớm hơn nhiều so với mọi người nghĩ’

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm Thứ Hai, 30 Tháng Chín, đã nói với người Iran rằng sự thay đổi chế độ đang đến gần.

“Khi Iran cuối cùng cũng được tự do, và khoảnh khắc đó sẽ đến sớm hơn nhiều so với mọi người nghĩ — mọi thứ sẽ khác”, Netanyahu phát biểu trong một tuyên bố video gửi tới người dân Iran, trong đó ông chỉ trích những “nhà thần quyền cuồng tín” đang cai trị đất nước.

“Hai dân tộc cổ xưa của chúng ta, dân tộc Do Thái và dân tộc Ba Tư, cuối cùng sẽ có hòa bình. Hai quốc gia của chúng ta, Israel và Iran, sẽ có hòa bình,” ông nói thêm.

Thông điệp video của Netanyahu xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng gia tăng và lo ngại về một cuộc chiến tranh khu vực toàn diện ở Trung Đông sau một cuộc không kích của Israel vào Beirut vào cuối ngày thứ Sáu đã giết chết thủ lĩnh Hezbollah và là đồng minh hàng đầu của Iran là Hassan Nasrallah. Nó diễn ra sau một cuộc tấn công điều khiển từ xa trước đó đã kích nổ máy nhắn tin do các thành viên Hezbollah mang theo, giết chết hàng chục người và làm gián đoạn liên lạc của nhóm. Israel cũng đã thực hiện các cuộc không kích ở Li Băng.

Netanyahu cho biết các nhà lãnh đạo Iran ủng hộ “những kẻ hiếp dâm và giết người Hamas và Hezbollah”, nhưng “những kẻ bạo chúa Iran không quan tâm đến tương lai của người dân Iran” và đất nước này “xứng đáng có sự lãnh đạo tốt hơn”.

“Có hàng chục triệu người tử tế và tốt bụng với hàng ngàn năm lịch sử đằng sau họ, và một tương lai tươi sáng đang chờ đón họ. Đừng để một nhóm nhỏ những nhà thần quyền cuồng tín đè bẹp hy vọng và ước mơ của bạn. Bạn xứng đáng được tốt hơn. Con cái của bạn xứng đáng được tốt hơn. Toàn bộ thế giới xứng đáng được tốt hơn,” Netanyahu nói.

“Người dân Iran nên biết rằng Israel luôn sát cánh cùng các bạn. Mong rằng chúng ta cùng nhau hướng đến một tương lai thịnh vượng và hòa bình”, ông nói.

Netanyahu đã tiến hành chiến tranh với các chiến binh Hamas ở Gaza để trả đũa cho cuộc tấn công bạo lực của nhóm này vào Israel vào tháng 10 năm ngoái. Ông cũng giám sát việc mở rộng các hoạt động quân sự của Israel ở Bờ Tây và ở Li Băng trong những tuần gần đây nhằm vào Hezbollah, một phong trào chính trị và nhóm chiến binh được Iran hậu thuẫn có trụ sở tại Li Băng.

[Politico: Netanyahu: Iran regime change will come a ‘lot sooner than people think’]

5. Lực lượng đặc nhiệm Israel tiến vào Li Băng

Lực lượng biệt kích Israel được cho là đã tiến hành các cuộc đột kích đặc biệt ở Li Băng nhằm vào các mục tiêu của Hezbollah trước một cuộc tấn công trên bộ có thể diễn ra sớm nhất là trong tuần này.

Hôm Thứ Hai, 30 Tháng Chín, một cuộc không kích đã đánh trúng một tòa nhà dân cư, phá hủy một căn nhà, làm hư hại những căn nhà khác và giết chết ba chiến binh Palestine ở trung tâm Beirut, khi Israel dường như muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng không có khu vực nào của Li Băng nằm ngoài giới hạn.

Phát ngôn nhân Lực Lượng Phòng Vệ Israel, Trung Tá Jonathan Conricus, cho biết biệt kích tinh nhuệ Israel đang tập trung vào cơ sở hạ tầng của Hezbollah, bao gồm các địa điểm vũ khí và trung tâm chỉ huy và kiểm soát. Các hoạt động này nhằm mục đích đẩy nhóm chiến binh này ra khỏi biên giới phía bắc của Israel. “Họ đang nhắm vào các địa điểm quan trọng đã được xây dựng bên kia khu vực biên giới”, viên chức này nói với tờ báo.

Tờ Wall Street Journal còn đưa tin rằng lực lượng biệt kích Israel hiện đang tham gia vào các hoạt động bên trong mạng lưới đường hầm của Hezbollah. Các cơ sở ngầm này từ lâu đã là một thành phần quan trọng trong chiến lược phòng thủ của Hezbollah, cho phép các chiến binh di chuyển và tiến hành các cuộc tấn công bí mật. Theo báo cáo, một cuộc tấn công xuyên biên giới trên bộ toàn diện vào Li Băng dường như ngày càng có khả năng xảy ra.

Quyết định tăng cường các cuộc tấn công của Israel diễn ra sau vụ giết hại Hassan Nasrallah, thủ lĩnh lâu năm của Hezbollah, trong một cuộc không kích của Israel tại Beirut vào thứ hôm Thứ Sáu, 27 Tháng Chín. Nhóm này đã xác nhận cái chết của Nasrallah, với việc Hezbollah tuyên bố rằng họ sẽ chọn một thủ lĩnh mới “sớm muộn gì cũng được”.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Naim Kassem, phó thủ lĩnh Hezbollah, đã gửi lời chia buồn đến thân nhân của những chiến binh thiệt mạng cùng với Nasrallah trong vụ tấn công. Kassem tuyên bố rằng Hezbollah sẽ giành chiến thắng trong cuộc đối đầu với Israel, giống như tuyên bố của họ trong cuộc xung đột Israel-Li Băng năm 2006. Ông cũng tuyên bố rằng lực lượng Hezbollah sẽ sẵn sàng chiến đấu với quân đội Israel nếu xảy ra cuộc xâm lược trên bộ. “Israel không thể tác động đến năng lực quân sự của chúng tôi”, Kassem nói, đồng thời nói thêm rằng Hezbollah dự đoán “trận chiến có thể kéo dài”.

“Câu hỏi bây giờ là Hoa Kỳ sẽ làm gì, và tôi chỉ hy vọng Hoa Kỳ không can thiệp và kéo chúng tôi lại”, Trung Tá Jonathan Conricus nói. Trong khi Hoa Kỳ đã công khai ủng hộ Israel trong việc bảo vệ nước này, thì sự tán thành của Hoa Kỳ đối với một cuộc xung đột rộng lớn hơn có thể xảy ra ở Li Băng vẫn còn chưa chắc chắn.

Chiến lược này phản ánh hành động của Israel ở Dải Gaza vào đầu năm 2023. Trong những tuần trước cuộc xâm lược toàn diện vào Gaza vào cuối tháng 10, lực lượng Israel đã tiến hành các cuộc tấn công có mục tiêu vào các vị trí của Hamas để làm suy yếu khả năng phòng thủ của họ. Những cuộc xâm lược này đã giúp mở đường cho hoạt động quân sự rộng lớn hơn sau đó.

Mặt trận phía bắc của Israel với Hezbollah tương đối yên tĩnh so với các cuộc đụng độ thường xuyên với Hamas ở Gaza. Tuy nhiên, vụ ám sát Nasrallah có thể thay đổi động lực, có thể kéo Hezbollah vào một cuộc đối đầu trực tiếp hơn. Bất kỳ cuộc xâm lược trên bộ nào của Israel ở Li Băng đều có nguy cơ làm leo thang căng thẳng trên khắp khu vực, đặc biệt là với Iran, nước hậu thuẫn chính của Hezbollah.

Khi căng thẳng leo thang, lực lượng Israel được cho là đang tăng cường sự hiện diện của họ dọc theo biên giới phía bắc. Cả hai bên đang chuẩn bị cho những gì có thể là một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn, khi các nỗ lực ngoại giao vẫn tiếp tục diễn ra đằng sau hậu trường để ngăn chặn một cuộc chiến tranh toàn diện.

[Newsweek: Israeli Special Forces Enter Lebanon: Reports]

6. Putin nói rằng ‘tất cả các mục tiêu dự định sẽ đạt được’ ở Ukraine vào ngày kỷ niệm 2 năm việc sáp nhật bất hợp pháp 4 tỉnh của Ukraine

Hôm Thứ Hai, 30 Tháng Chín, Putin đã cam kết rằng “tất cả các mục tiêu dự định sẽ đạt được” tại Ukraine, trong bài phát biểu đánh dấu kỷ niệm hai năm ngày thành lập một mục tiêu mà Điện Cẩm Linh vẫn chưa đạt được.

Năm ngoái, đúng vào ngày 30 Tháng Chín, 2023, Putin cũng nói y như vậy. Một năm sau những lời hứa của ông ta vẫn chưa đạt được, thậm chí một phần lãnh thổ của tỉnh Kursk còn rơi vào tay quân Ukraine.

Cay đắng hơn nữa, thời hạn 1 tháng 10 để tái chiếm tỉnh Kursk đã đến mà quân Nga không có bất cứ tiến triển nào để nhà độc tài Vladimir Putin có thể khoe khoang với người dân Nga.

Trong một thông điệp video gửi tới người dân Nga, Putin cho biết ông đang phát biểu trước người dân để “kỷ niệm Ngày thống nhất với Nga của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk, các khu vực Zaporizhia và Kherson”.

Putin tuyên bố sáp nhập bất hợp pháp các tỉnh Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhzhia vào tháng 9 năm 2022, mặc dù chỉ xâm lược được một phần các khu vực phía nam và phía đông của Ukraine.

Chỉ vài tuần sau đó, một cuộc phản công của Ukraine đã giải phóng nhiều vùng rộng lớn thuộc tỉnh Kherson, bao gồm cả thủ phủ của tỉnh này, vốn được Nga tuyên bố chủ quyền.

Các thủ phủ khu vực Kherson và Zaporizhzhia vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine, trong khi Luhansk và Donetsk đã bị Nga xâm lược từ năm 2014.

“Tôi xin trân trọng chúc mừng toàn thể công dân nước ta về sự kiện thực sự quan trọng này”, Putin phát biểu.

Trùm mafia Vladimir Putin cũng nhắm vào các đồng minh phương Tây của Ukraine, những người mà ông tuyên bố đã “biến Ukraine thành thuộc địa của họ, thành căn cứ quân sự nhắm vào Nga”.

“Họ đã có hệ thống gieo rắc lòng căm thù và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, kích động thái độ thù địch với mọi thứ liên quan đến Nga, cung cấp vũ khí, gửi lính đánh thuê và cố vấn, chuẩn bị cho quân đội Ukraine cho một cuộc chiến tranh mới, để một lần nữa, giống như mùa xuân và mùa hè năm 2014, họ có thể thực hiện hành động trừng phạt ở phía đông nam”, nhà độc tài nói thêm.

“Tôi cảm ơn tất cả công dân của đất nước vì sự đoàn kết và tinh thần yêu nước này. Sự thật đang ở bên chúng ta. Tất cả các mục tiêu dự định sẽ đạt được.”

Mục tiêu ban đầu của Putin trong cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine được phát động vào đầu năm 2022 là “giải phóng các tỉnh Donetsk và Luhansk, “phi quân sự hóa và phi phát xít hóa” đất nước mà theo quan điểm của Điện Cẩm Linh, là loại bỏ vị tổng thống Do Thái của Ukraine và xâm lược thủ đô Kyiv.

Sau khi nhanh chóng không đạt được những mục tiêu này, ngoại trừ việc quân đội Nga xâm lược thêm một phần của Tỉnh Luhansk, Putin buộc phải hạ thấp tham vọng của mình và đầu tháng này đã tuyên bố “mục tiêu chính” của Nga là chiếm toàn bộ khu vực Donbas phía đông Ukraine, bao gồm cả Tỉnh Donetsk liền kề.

[Kyiv Independent: Putin says 'all intended goals will be achieved' in Ukraine on 2nd anniversary of major failed achievement]

7. Tổng thống Iran tìm kiếm phản ứng ‘khu vực’ đối với Israel

Tổng thống Iran cho biết “các nước trong khu vực, các nước Hồi giáo” phải đoàn kết để đối đầu với Israel về các cuộc không kích gần đây nhằm vào Hezbollah ở Li Băng.

Trong cuộc họp báo hôm Chúa Nhật, 29 Tháng Chín, phát ngôn nhân Lực Lượng Phòng Vệ Israel, Đề Đốc Daniel Hagari, cho biết hệ thống chỉ huy của Hezbollah có 9 nhân vật do Hassan Nasrallah cầm đầu. 7 người đã bị giết, chỉ còn 2 người còn sống sót.

Trong một cuộc phỏng vấn được ghi âm trước và phát sóng vào Chúa Nhật trên chương trình “Fareed Zakaria GPS” của CNN, Tổng thống Masoud Pezeshkian đổ lỗi cho Israel về tình trạng bạo lực đang diễn ra ở khu vực này, chứ không phải cho đất nước của ông hay Hezbollah, nhóm hiếu chiến mà Iran đã tài trợ trong nhiều thập niên.

Ông nói với Zakaria rằng: “Một mình Hezbollah không thể chống lại một quốc gia được trang bị vũ khí tận răng và có quyền tiếp cận các hệ thống vũ khí vượt trội hơn bất kỳ thứ gì khác”.

Phát biểu với Zakaria thông qua một phiên dịch viên, Pezeshkian nói thêm: “Các quốc gia Hồi giáo phải triệu tập cuộc họp để đưa ra phản ứng với những gì đang xảy ra. Bây giờ, nếu chúng ta chỉ nói về Hezbollah, thì Hezbollah có thể làm gì một mình? Các quốc gia trong khu vực, các quốc gia Hồi giáo phải ngồi lại với nhau.”

Một cuộc không kích của Israel vào cuối ngày thứ sáu đã giết chết thủ lĩnh Hezbollah, Hassan Nasrallah; hành động đó diễn ra sau một cuộc tấn công từ xa của Israel, trong đó Israel đã cho nổ tung các máy nhắn tin mà các thành viên của Hezbollah mang theo, giết chết hàng chục người và cũng làm gián đoạn thông tin liên lạc của nhóm. Israel cũng đã tiến hành các cuộc không kích vào Li Băng.

Trong cuộc phỏng vấn với Zakaria, Pezeshkian cho biết Iran sẽ tìm cách trừng phạt Israel vì hành vi của nước này nếu không có ai đứng ra và làm như vậy.

Ông nói: “Nếu các tổ chức quốc tế không thể buộc Israel ngồi xuống và cho phép một người có phương tiện và quyền lực làm bất cứ điều gì họ muốn, bất cứ khi nào họ muốn, và không ai ngăn cản họ, thì tất nhiên chúng tôi sẽ đưa ra phản ứng thích hợp”.

Hezbollah, trong nhiều thập niên là cái gai trong mắt Israel, đã bắt đầu phóng hỏa tiễn vào Israel sau cuộc tấn công chết người vào ngày 7 tháng 10 năm ngoái của Hamas từ Gaza vào Israel. Cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 đó cũng dẫn đến một cuộc xâm lược Gaza của Israel, cho đến nay đã gây ra cái chết của hàng chục ngàn cư dân Gaza, cũng như sự tàn phá trên quy mô lớn.

“Những kẻ tấn công chúng tôi, chúng tôi sẽ tấn công chúng”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói về cuộc tấn công của Israel vào Hezbollah. “Không có nơi nào ở Iran hay Trung Đông nằm ngoài tầm với của cánh tay dài của Israel, và hôm nay bạn biết điều đó đúng như thế nào”.

Về phần Nasrallah, Netanyahu nói: “Ông ta không phải là một tên khủng bố khác. Ông ta chính là tên khủng bố.”

Iran không công nhận quyền tồn tại của Israel và liên tục ủng hộ những người muốn gây hại cho Israel; Iran là một trong bốn quốc gia cùng với Cuba, Bắc Hàn và Syria mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ coi là quốc gia tài trợ cho khủng bố.

Pezeshkian đã bảo vệ hành vi của Hezbollah và quốc gia của ông khi trả lời tất cả các câu hỏi của Zakaria.

“Kẻ khủng bố lớn nhất hiện tại trên thế giới là đất nước Israel,” ông nói với Zakaria. “Hãy nhìn vào số liệu về số người mà Israel đang khủng bố mỗi ngày bằng hỏa tiễn, máy bay điều khiển từ xa và người dân của họ.”

Khi được hỏi về khả năng đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới với các quốc gia phương Tây, Pezeshkian đổ lỗi cho Hoa Kỳ vì đã từ bỏ thỏa thuận trước đó và cho biết mọi việc tùy thuộc vào giới lãnh đạo Mỹ để chứng minh rằng họ muốn có một thỏa thuận.

“Nếu Hoa Kỳ đang tìm kiếm hòa bình trong khu vực, chúng tôi sẽ tìm kiếm hòa bình,” ông nói. “Chúng tôi không để mắt đến lãnh thổ của bất kỳ người dân nào khác. Iran chưa bao giờ xâm lược bất kỳ quốc gia nào khác. Hãy nhìn vào hai thế kỷ qua trong lịch sử. Chúng tôi không tìm cách xâm lược bất kỳ quốc gia nào khác. Nếu chúng tôi sản xuất vũ khí, nếu chúng tôi sản xuất hỏa tiễn, thì đó là để tự vệ.”

[Politico: Iran’s president seeks ‘regional’ response to Israel]

8. Nga tăng cường tấn công vào nhà máy Vovchansk đã chiếm lại, quân đội cho biết Nga sử dụng hỏa lực tối đa

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí hôm Thứ Ba, 01 Tháng Mười, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết quân đội Nga đang sử dụng “hỏa lực tối đa” để tấn công nhà máy tổng hợp mà Ukraine vừa mới tái chiếm tại thị trấn Vovchansk thuộc tỉnh Kharkiv.

Mô tả tình hình là “khó khăn”, Sarantsev cho biết lực lượng Nga liên tục tấn công vào khu vực Kharkiv và coi nhà máy Vovchansk là “mục tiêu số một”.

Quân đội Nga đã kiểm soát cơ sở này trong nhiều tháng trước khi lực lượng tình báo quân sự đặc biệt của Ukraine, gọi tắt là HUR giành lại vào ngày 24 tháng 9.

“Nhà máy không phải là mục tiêu chiến thuật đối với Nga. Nhưng việc mất đi cơ sở này là một đòn giáng mạnh vào hình ảnh của họ, vì thế quân xâm lược đã tìm cách trả thù.”

Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết lực lượng Nga đang tiến hành các cuộc tấn công vào nhà máy bằng bom dẫn đường và hệ thống phóng hỏa tiễn đa nòng “Solntsepek”.

“Nói cách khác, Nga đang thực hiện theo thông lệ của mình là phá hủy những gì mà họ không thể chiếm được”, ông nói thêm.

Tuần trước, một thành viên của cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR tuyên bố rằng lực lượng Ukraine đã bắt giữ khoảng 20 lính Nga và giết chết “vài chục” người khác trong một chiến dịch nhằm chiếm lại một nhà máy tổng hợp ở thị trấn Vovchansk thuộc tỉnh Kharkiv.

Vovchansk là một thị trấn nằm cách Kharkiv khoảng 60 km về phía đông bắc, nơi đã chứng kiến những trận chiến ác liệt kể từ khi Nga phát động một cuộc tấn công mới vào khu vực này vào tháng 5.

Mặc dù ban đầu giành được nhiều thắng lợi, cuộc tấn công của Nga ở phía bắc tỉnh Kharkiv đã nhanh chóng sa lầy, và quân đội Nga đã chịu tổn thất nặng nề.

Cường độ giao tranh đã giảm phần nào so với các khu vực khác ở phía đông Ukraine gần Pokrovsk, Vuhledar và Toretsk.

[Kyiv Independent: Russia intensifies attacks on recaptured Vovchansk plant, uses 'maximum range of weapons,' military says]

9. Zelenskiy từ chối thảo luận về yêu cầu sa thải đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy tuyên bố ông chỉ có thể thảo luận vấn đề sa thải các đại sứ với chủ tịch quốc hội Ukraine.

Tổng thống Zelenskiy đưa ra lập trường trên trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, khi được hỏi về tối hậu thư của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson về việc sa thải Đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ, Oksana Markarova.

“Tôi là tổng thống Ukraine và tôi chỉ có thể thảo luận về các đại sứ của chúng tôi với chủ tịch quốc hội của đất nước tôi. Đó là Hiến pháp. Với tất cả sự tôn trọng, tôi phải nói rằng tôi không thể thảo luận điều này với Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Mike Johnson” ông nói.

Đầu tuần này, Johnson đã công bố một lá thư gửi tới Tổng thống Zelenskiy với những yêu cầu rõ ràng dành cho Ukraine.

Johnson cho rằng tối hậu thư của mình xuất phát từ một sự việc trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Zelenskiy, cụ thể là chuyến đi của ông tới một nhà máy sản xuất đạn dược ở Pennsylvania.

Ông tuyên bố rằng Đại sứ Markarova đã tổ chức sự kiện này, mà “không có một đảng viên Cộng hòa nào được tham gia”.

Do đó, Johnson lưu ý rằng vụ việc đã khiến “đảng Cộng hòa mất lòng tin vào khả năng phục vụ công bằng và hiệu quả của Đại sứ Markarova với tư cách là một nhà ngoại giao tại quốc gia này” và nhắc lại yêu cầu với Zelenskiy rằng Đại sứ Ukraine phải “bị cách chức ngay lập tức”.

Zelenskiy nhấn mạnh rằng ứng cử viên tổng thống Donald Trump đã không nêu vấn đề về chuyến thăm Pennsylvania của ông trong cuộc gặp của họ. “Tôi đã ở Utah... Tôi đã ở Pennsylvania. Đó là vào những thời điểm khác nhau, nhưng không phải về cuộc bầu cử. Tôi không muốn liên quan chúng tôi vào giai đoạn bầu cử của Hoa Kỳ “, ông nói và nhấn mạnh rằng cuộc gặp gỡ của ông ở Utah là với các thành viên của Đảng Cộng Hòa, không có đảng viên Dân Chủ nào có mặt trong cuộc gặp gỡ đó.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự ủng hộ của lưỡng đảng và đề cập rằng ông đã gặp đại diện của cả hai đảng, bày tỏ lòng biết ơn đối với người dân Mỹ bình thường vì sự ủng hộ của họ.

[Ukrainska Pravda: Zelenskyy refuses to discuss demands for dismissal of Ukraine's ambassador to US]

10. Zelenskiy tóm tắt cho cựu Tổng thống Trump về kế hoạch chiến thắng của Ukraine và tình hình ở Tỉnh Kursk

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy trong cuộc gặp với ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Ông Donald Trump hôm thứ Sáu 27 Tháng Chín, đã trình bày Kế hoạch Chiến thắng của Ukraine, nói về tình hình tiền tuyến ở Ukraine và tình hình ở Tỉnh Kursk của Nga.

Ông Andriy Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, cho biết như trên hôm Thứ Ba, 01 Tháng Mười.

Theo ông Yermak, Tổng thống Zelenskiy đã tóm tắt cho Ông Trump về tình hình trong khu vực chiến sự, các hoạt động và tiến triển của chiến dịch tại Kursk của Nga, những đổi mới của Ukraine trong cuộc chiến chống khủng bố Nga và tổn thất lớn không cân xứng của quân đội Nga. Họ đã đi sâu vào chi tiết về tác động của chiến tranh đối với người dân Ukraine và nền kinh tế, cũng như tình hình chung của đất nước. Họ cũng thảo luận về các cuộc ném bom đang diễn ra của Nga vào cơ sở hạ tầng dân sự và các thành phố, cũng như vai trò của hệ thống Patriot của Mỹ trong việc bảo vệ mạng sống con người.

Tổng thống Zelenskiy cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải ngăn chặn mọi cơ hội để Nga tài trợ cho cuộc chiến bằng xuất khẩu dầu khí, cũng như cắt đứt mọi kênh cung cấp phụ tùng của phương Tây cho hỏa tiễn Nga.

Ông Trump tuyên bố rằng ông ủng hộ một nền hòa bình “công bằng” cho Ukraine, nhưng không nói rõ giải pháp nào để chấm dứt chiến tranh giữa Nga và Ukraine.

Ngay trước cuộc gặp, Ông Donald Trump đã ca ngợi cách Volodymyr Zelenskiy hành động trong nỗ lực luận tội Ông Trump năm 2019 và cho biết họ có “mối quan hệ tuyệt vời”.

[Ukrainska Pravda: Zelenskyy briefs Trump on Ukraine's Victory Plan and situation in Kursk Oblast]

11. Chỉ huy Lữ đoàn 72 của Ukraine được điều động sang vị trí khác trong bối cảnh trận chiến giành Vuhledar đang diễn ra ác liệt

Đại tá Ivan Vinnik, chỉ huy Lữ đoàn cơ giới độc lập số 72 của Ukraine hiện đang bảo vệ thị trấn Vuhledar đang bị bao vây ở Tỉnh Donetsk, đã được điều động sang một trách nhiệm khác, lữ đoàn xác nhận vào ngày Thứ Hai, 30 Tháng Chín.

Theo Bộ chỉ huy tác chiến “Phía Bắc”, Vinnik được thuyên chuyển “với mục đích thăng chức và chuyển giao kinh nghiệm chiến đấu”.

Người ta vẫn chưa công bố ai sẽ thay thế ông.

Vinnik được bổ nhiệm làm chỉ huy Lữ đoàn 72 vào tháng 8 năm 2022. Dưới sự chỉ huy của ông, lữ đoàn đã bảo vệ Vuhledar trong hơn hai năm. Lực lượng Nga đã cố gắng chiếm thị trấn này kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022.

“Kể từ mùa hè năm 2022 cho đến nay, tôi đã có một hành trình dài và khó khăn. Nhưng không khó khăn, vì tôi không vượt qua nó một mình. Tôi có một đội ngũ trung thành và có động lực bên cạnh mình”, Vinnik chia sẻ.

“Tôi cảm ơn từng người trong số các bạn vì sự kiên nhẫn, ý chí và sức mạnh của các bạn. Cảm ơn vì đã lắng nghe, nói chuyện và đưa ra những gợi ý. Cảm ơn vì cuộc đấu tranh chung của chúng ta.

“Cảm ơn vì đã ở bên cạnh tôi. Tôi thực sự trân trọng điều đó! Tôi rất vinh dự khi được trở thành một phần của Black Cossacks, và mối liên kết đã được hình thành giữa chúng ta sẽ tồn tại mãi mãi.”

Việc cải tổ diễn ra vào thời điểm giao tranh ác liệt ở Vuhledar vẫn đang diễn ra. Thị trấn tiền tuyến này nằm cách Donetsk bị tạm chiếm khoảng 50 km, về phía tây nam và cách biên giới hành chính với Zaporizhzhia khoảng 40 km, về phía đông.

Theo Thống đốc tỉnh Donetsk Vadym Filashkin, quân đội Nga vẫn chưa bén mảng được đến vùng ngoại ô Vuhledar tính đến ngày Thứ Hai, 30 Tháng Chín. Một ngày sau, lữ đoàn đã bác bỏ các báo cáo rằng họ đang rút lui khỏi thị trấn và công bố một video từ thị trấn.

Điều này mâu thuẫn với báo cáo của trang web giám sát cộng đồng DeepState, tuyên bố vào ngày 29 tháng 9 rằng quân đội Nga đang cố gắng giành được chỗ đứng trong các tòa nhà cao tầng ở ngoại ô Vuhledar.

Federico Borsari, thành viên của Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu, gọi tắt là CEPA, đã nói với tờ Kyiv Independent vào đầu tháng này rằng: “Việc mất Vuhledar không chỉ là đòn giáng mạnh vào tinh thần của Ukraine vì thành phố này đã chống trả rất nhiều cuộc tấn công kể từ năm 2022, mà còn là diễn biến rất nghiêm trọng có khả năng đe dọa đến an ninh của toàn bộ khu vực phía tây nam của Tỉnh Donetsk chưa bị tạm chiếm, cùng với mối đe dọa đối với sườn phía nam của Pokrovsk”.

[Kyiv Independent: Commander of Ukraine's 72nd Brigade transferred amid battle for Vuhledar]

12. Zelenskiy tổ chức cuộc họp của Ban tham mưu Tổng tư lệnh tối cao về các lữ đoàn chiến đấu

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskiy, đã triệu tập cuộc họp của Ban tham mưu Tổng tư lệnh tối cao vào ngày 30 tháng 9. Cuộc họp là nhằm thảo luận về việc bố trí các lữ đoàn quân sự và cung cấp vũ khí, thiết bị.

“Hôm nay tôi đã tổ chức một cuộc họp của Ban tham mưu. Một số vấn đề chính đã được thảo luận. Đầu tiên là việc điều động các lữ đoàn. Thứ hai là vũ khí và trang thiết bị cho các chiến binh của chúng ta – mua sắm và tiếp tế. Ngoài ra, tôi đã có một cuộc thảo luận riêng với Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Umerov về việc thực hiện các hợp đồng và hoạt động của các tổ chức trong Bộ Quốc phòng. Tất cả các biện pháp cải cách thực sự phải được thực hiện đầy đủ,” Tổng thống Zelenskiy cho biết như trên trong diễn từ gởi quốc dân đồng bào tối Thứ Hai, 30 Tháng Chín.

Zelenskiy cũng đã có cuộc trò chuyện dài với Oleksandr Syrskyi, Tổng tư lệnh Quân đội Ukraine, và Anatolii Barhylevych, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Ukraine.

“Tôi đã nhận được báo cáo về từng khu vực tiền tuyến của chúng ta, các năng lực tiếp theo của chúng ta và các nhiệm vụ cụ thể của chúng ta. Tình hình rất thách thức. Điều quan trọng nhất là gây áp lực lên Nga bằng mọi phương tiện và công cụ có sẵn để đạt được mục tiêu của chúng ta về một nền hòa bình thực sự và công bằng cho Ukraine và tất cả người dân của chúng ta càng sớm càng tốt. Mọi thứ có thể thực hiện được vào mùa thu này, mọi thứ chúng ta có thể đạt được, chúng ta phải đạt được.”

[Ukrainska Pravda: Zelenskyy hold Staff of Supreme Commander-in-Chief meeting regarding staffing of combat brigades – video]
 
Lý do 200 khẩu pháo của Nga im tiếng khi Kyiv tràn qua biên giới. CIA: Những lý do để đừng sợ Putin
VietCatholic Media
14:58 01/10/2024


1. Nga có gần 200 khẩu pháo ở Kursk khi Ukraine xâm lược. Nhưng các pháo thủ vẫn chưa sẵn sàng.

Vào ngày 6 tháng 8, một lực lượng cơ giới hùng mạnh của Ukraine đã phá vỡ tuyến phòng thủ của Nga dọc biên giới Ukraine-Nga, di chuyển nhanh và bỏ qua các chiến hào của Nga, nhanh chóng chiếm được 1.300 km vuông và 102 thị trấn thuộc Tỉnh Kursk của Nga.

Lý do tại sao người Ukraine tấn công xuyên biên giới có thể phức tạp. Việc chiếm một phần của Kursk đã thay đổi động lực của cuộc chiến—mặc dù không mang tính quyết định—và buộc Điện Cẩm Linh phải chuyển hướng lực lượng tinh nhuệ khỏi cuộc chiến ở miền đông và miền nam Ukraine. Phần Kursk đó có thể là một con bài mặc cả có giá trị cho Kyiv trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai với Mạc Tư Khoa.

Làm thế nào mà người Ukraine có thể chiếm được nhiều đất Nga như vậy, và nhanh như vậy, đang trở nên ít bí ẩn hơn. Không hẳn là do thiếu lực lượng đã khiến hệ thống phòng thủ của Nga ở Kursk bị phá hủy. Mà là do thiếu thông tin tình báo và sự phối hợp.

Một bản đồ mà một người sĩ quan Ukraine lấy được từ một sĩ quan Nga bị bắt trong cuộc giao tranh ở Kursk giúp kể lại câu chuyện. Một ngày trước khi những người lính Ukraine đầu tiên vượt qua biên giới, quân đồn trú Nga ở Kursk có 18 bệ phóng hỏa tiễn BM-21, 98 khẩu pháo ống và 71 khẩu súng cối.

“Thật là to lớn,” Kriegsforscher, một người điều khiển máy bay điều khiển từ xa người Ukraine đã nhìn thấy bản đồ chụp được, lưu ý. “Hỏa lực nằm ở phía Nga.”

Số lượng pháo binh đó, nếu được triển khai đúng cách chống lại quân đội Ukraine khi quân đội Ukraine đột phá vào Kursk, có thể đã mang tính quyết định đối với người Nga. “Với sự phối hợp tốt, bạn có thể khiến bất kỳ đột phá nào gần như không thể xảy ra”, Kriegsforscher giải thích.

Nhưng pháo binh không được triển khai đúng cách, phần lớn là do tình báo kém từ phía người Nga—và một giả định rằng người Ukraine sẽ không bao giờ có gan tấn công qua biên giới vào Kursk. “Thật đáng tiếc, nhóm lực lượng bảo vệ biên giới không có tài sản tình báo riêng”, Andrei Gurulev, một vị tướng Nga đã nghỉ hưu và là thành viên của hạ viện quốc hội Nga, đã viết trên mạng xã hội.

Vì vậy, các bệ phóng, các hệ thống pháo và súng cối không được ngắm bắn để bắn phá các tuyến đường xâm lược có khả năng xảy ra nhất—chưa nói đến việc chuyển hướng bắn vào quân đội Ukraine khi họ tiến vào lãnh thổ mà người Nga không bao giờ mong đợi. Người Ukraine di chuyển nhanh hơn so với khả năng thích ứng của pháo binh Nga không được chuẩn bị tốt.

Việc quân đội Ukraine gây nhiễu liên lạc vô tuyến, sử dụng máy bay điều khiển từ xa và bắn pháo của họ - bao gồm cả Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao tốt nhất do Mỹ sản xuất - đã gây bất lợi cho kế hoạch pháo binh của Nga.

Lần đầu tiên trong một cuộc chiến chủ yếu được đặc trưng bởi những trận chiến chiến hào khốc liệt, ở Kursk, quân đội Ukraine có lợi thế về khả năng cơ động—từ đầu cho đến nay. “Trong những giờ đầu và những ngày đầu của cuộc tấn công Kursk, họ đã có thể xâm nhập sâu vào lãnh thổ Nga,” Michael Weiss và nhà phân tích James Rushton đã viết trên Tạp chí New Lines vào những ngày đầu của cuộc xâm lược tháng Tám.

“ Trong nhiều trường hợp, họ không mất thời gian giao tranh với các chiến hào của Nga và các vị trí chiến đấu đã chuẩn bị của quân Nga; họ chỉ lái xe vòng qua chúng,” Weiss và Rushton viết. “Các tuyến đường bộ không bị cản trở cho phép Ukraine tiến nhiều dặm chỉ trong vài giờ.”

Trong những ngày đầu tiên đó, quân đội Nga và Ukraine đã xen lẫn vào nhau trong một mớ hỗn độn liên tục thay đổi của các vị trí nhỏ, linh hoạt. Các sĩ quan Nga bị bắt khai rằng khi bắn phá kẻ tấn công trong những trường hợp đó, họ sợ rằng không khéo quân Nga lại tấn công cả vào quân phòng thủ của mình.

Tóm lại, người Nga có hỏa lực để bảo vệ Kursk, nhưng không có trí thông minh hoặc sự phối hợp. Người Ukraine đã bỏ qua ưu thế rõ ràng của pháo binh Nga ở Kursk, họ đã suy đoán đúng rằng những xạ thủ bối rối là những xạ thủ vô dụng.

Trong gần hai tháng kể từ khi lực lượng Ukraine xâm lược Kursk, cả hai bên đều đã nhanh chóng đưa lực lượng vào. Một cuộc phản công của Nga đã làm xói mòn vị trí tiền tiêu của Ukraine—nhưng không nhiều. Tiền tuyến đã ổn định và cả hai bên đều đang đào hầm.

Có thể chắc chắn rằng pháo binh Nga ở Kursk hiện đã được ngắm và phối hợp đúng cách. Nếu người Ukraine định lặp lại thành công của họ ở Kursk từ đầu tháng 8 và một lần nữa chống lại pháo binh chuẩn bị kém, họ sẽ phải làm điều đó ở một nơi khác ngoài Kursk.

[Forbes: Russia Had Nearly 200 Artillery Pieces In Kursk When Ukraine Invaded. But The Gunners Weren’t Ready.]

2. Nhắm vào Iran: Israel nắm bắt thời cơ để định hình lại Trung Đông

Các nhà lãnh đạo Israel tin rằng họ hiện có cơ hội ngàn năm có một để định hình lại Trung Đông, một cơ hội không chỉ dừng lại ở việc tiêu diệt Hamas và Hezbollah.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nói rõ vào hôm Thứ Hai, 30 Tháng Chín, rằng mục tiêu cuối cùng của ông trong sự chuyển giao quyền lực trong khu vực là làm suy yếu quyền lực của giới lãnh đạo tôn giáo Tehran, làm suy yếu những người Iran đóng vai trò là nhà tài trợ, người huấn luyện và người bảo vệ cho cả Hamas ở Gaza và lực lượng dân quân Shiite Hezbollah của Li Băng.

Trong bài phát biểu bằng tiếng Anh, Netanyahu đã hứa với “người dân Ba Tư cao quý” rằng ngày họ thoát khỏi sự cai trị của “bạo chúa” và có thể có hòa bình với Israel sẽ đến “sớm hơn nhiều so với suy nghĩ của mọi người”.

“Không có nơi nào ở Trung Đông mà Israel không thể tiếp cận được”, ông cảnh báo một cách đáng ngại.

Đối với Iran, điều đó nghe có vẻ không giống như một lời nói bâng quơ. Israel không chỉ chiến đấu với Tehran bằng cách đập tan các đồng minh và lực lượng ủy nhiệm của nước này — chẳng hạn như Hezbollah và Houthis ở Yemen — mà còn thể hiện sự thống trị của mình về cả công nghệ và hoạt động gián điệp trên đất Iran.

Vào tháng 4, không hề hấn gì trước loạt hỏa tiễn lớn của Iran, Israel đã đáp trả bằng cách cho nổ tung một radar phòng không gần thành phố trung tâm Isfahan, trong động thái được nhiều người coi là lời cảnh báo rằng họ có thể phá hủy các cơ sở hạt nhân của Iran theo ý muốn. Vào tháng 7, thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh đã bị sát hại bởi một quả hỏa tiễn bắn vào một nhà khách của chính phủ ở Tehran. Các chỉ huy cao cấp của Iran đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công vào Damascus và Beirut. Thông điệp của Netanyahu về “tầm với” của Israel rất rõ ràng, và nhằm hạn chế khả năng cơ động của Iran.

Đối với giới lãnh đạo Tehran, đây là một thách thức đau đớn. Iran thể hiện sức mạnh trên khắp khu vực bằng cách tự coi mình là thế lực quân sự có thể hỗ trợ lực lượng dân quân ủy nhiệm trung thành của mình trên khắp Iraq, Syria, Li Băng và Yemen. Israel hiện đang trực tiếp thách thức thẩm quyền đó, với vụ ám sát thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah bằng cách phá hầm trú ẩn kiên cố vào thứ sáu là ví dụ rõ ràng nhất về việc Netanyahu ném găng tay xuống Tehran.

Israel chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó.

Không có dấu hiệu nào cho thấy Netanyahu sẽ gọi đó là một ngày sau khi cắt xén toàn bộ cấu trúc chỉ huy cao cấp của Hezbollah. Thật vậy, tất cả các dấu hiệu cho thấy lực lượng phòng thủ của Israel đang chuẩn bị phát động một cuộc tấn công trên bộ ở miền nam Li Băng, với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói với những người lính được triển khai ở miền bắc Israel rằng giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến chống lại Hezbollah sắp bắt đầu. Lực lượng dự bị cũng đang được triệu tập và được điều động về phía bắc.

Một viên chức cao cấp của Israel giấu tên đã nói với POLITICO rằng, bất chấp những lời kêu gọi ngừng bắn ngày càng tăng của quốc tế, Netanyahu sẽ tăng cường tấn công Hezbollah. Điều đó có thể bao gồm việc phát động một cuộc tấn công trên bộ lớn nhằm đập tan Hezbollah ở miền nam Li Băng, buộc lực lượng này phải rút quân về phía bắc sông Litani, cách biên giới Israel-Li Băng 29 km, theo một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc kết thúc cuộc chiến tranh Li Băng năm 2006.

Israel cũng sẽ tiếp tục tấn công các kho vũ khí, hậu cần và trung tâm chỉ huy của Hezbollah ở xa hơn về phía bắc và tại Thung lũng Beqaa, trong khi vẫn tiếp tục triển khai các nhiệm vụ săn lùng và tiêu diệt các chỉ huy cao cấp. “Đây là cơ hội của chúng ta để phá vỡ Hezbollah để nó không bao giờ có thể phục hồi và nắm giữ quyền lực ở Li Băng”, viên chức này cho biết.

Số phiếu thăm dò ý kiến ủng hộ Netanyahu, vốn từng gây bất lợi cho cuộc bầu cử, đang tăng lên kể từ vụ ám sát Nasrallah, có nghĩa là ông ta có mọi động cơ chính trị để kéo dài cuộc tấn công và phớt lờ những lời kêu gọi ngừng bắn liên tục từ các đồng minh phương Tây và các nhóm cứu trợ, những người lo ngại cuộc khủng hoảng nhân đạo đang trở nên tồi tệ hơn ở Li Băng.

[Politico: Target Iran: Israel seizes its moment to reshape the Middle East]

3. Tại sao đường phố Ả Rập lại ăn mừng việc Israel giết chết thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah

Nếu bạn xem các bình luận trên mạng xã hội kể từ khi có thông báo rằng lãnh tụ Hezbollah Hassan Nasrallah đã bị tấn công và có thể đã bị giết trong một cuộc không kích của Israel vào khu nhà của ông ở Beirut, bạn sẽ thấy rằng phần lớn những người đăng bài từ các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo đều có thái độ tích cực. Nhiều người còn đi xa hơn thế nữa khi tỏ ra hả hê. Có những video về cảnh mọi người phát kẹo trên phố, và một cảm giác vui mừng tràn ngập về những gì có vẻ như là sự kết thúc của Hezbollah, khi Israel tiếp tục tấn công vào các viên chỉ huy của tổ chức này.

Đối với những ai không quen thuộc với khu vực này, điều này có thể gây ngạc nhiên, đặc biệt là khi phản ứng này hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta đã thấy trong cuộc chiến năm 2006 giữa Israel và Hezbollah, khi các cuộc biểu tình lớn diễn ra hàng ngày trên khắp các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo, với những người biểu tình mang theo hình ảnh của Nasrallah, hô vang các khẩu hiệu ủng hộ ông và tuyên bố lòng trung thành với ông.

Điều gì đã thay đổi khiến sự ủng hộ chuyển thành sự căm ghét và phẫn nộ?

Hezbollah là một đảng tư tưởng dựa trên nguyên tắc Wilayat al-Faqih hay Quyền giám hộ của Luật gia, là nền tảng của học thuyết Shiite. Nó đòi hỏi lòng trung thành của những người theo nó đối với luật gia giám hộ, người hành động thay mặt cho mệnh lệnh của thiên đường. Người đó là Lãnh tụ tối cao của Iran, Đại giáo chủ Khomeini, và lòng trung thành của Hezbollah đối với Khomeini là điều đã thúc đẩy đảng này không ngần ngại tham gia vào các cuộc nội chiến ở Syria, Iraq và Yemen, và can thiệp vào các cuộc biểu tình ở Bahrain nhiều năm trước. Những cuộc can thiệp này của Hezbollah không phải chống lại Israel mà là chống lại công dân Hồi giáo ở những quốc gia đó, hầu hết trong số họ đã tham gia vào các cuộc nổi loạn chống lại các chế độ độc tài chuyên chế, những kẻ đã xây dựng quyền lực của mình trên cơ thể của những người đối lập.

Sự ủng hộ của Hezbollah đối với các chế độ tội phạm và tham nhũng ở Yemen, Syria, Iraq và Iran đã có tác động mạnh mẽ hơn nhiều đến quần chúng Ả Rập và Hồi giáo so với các cuộc tấn công của Hezbollah vào Israel, đó là lý do tại sao vụ ám sát Hassan Nasrallah không phải là sự kiện đáng để hầu hết những người này rơi nước mắt.

Sự tham gia của Hezbollah vào các hành động đàn áp ở các nước láng giềng đã nâng cao vị thế của những nhà lãnh đạo độc tài đàn áp những người Hồi giáo đồng hương của họ, điều này khiến nhiều người tức giận đến mức Israel có thể tuyển dụng một căn cứ lớn cho các nhiệm vụ gián điệp, điều này chắc chắn đã giúp thực hiện nhiều vụ ám sát liên tiếp các nhà lãnh đạo Hezbollah, vụ gần đây nhất nhưng không kém phần quan trọng là vụ ám sát lãnh tụ Nasrallah.

Ngay cả ở quê nhà Li Băng, Hezbollah cũng bị người dân Li Băng (trừ cộng đồng người Shiite) cáo buộc là lực lượng dân quân vũ trang phá hoại và làm suy yếu nhà nước Li Băng. Lời cáo buộc này đã trở thành sự thật trong những năm qua; Hezbollah đã cầm vũ khí chống lại Phong trào Tương lai của Saad Hariri vào năm 2008 và xâm lược các tòa nhà và cơ sở ở Beirut trong một cuộc phô trương lực lượng trắng trợn. Nhóm này cũng bị cáo buộc có liên quan đến vụ ám sát cựu Thủ tướng Li Băng Rafik Hariri.

Theo quan điểm của đại đa số người dân Ả Rập và Hồi giáo, Hezbollah là một thành phần phá hoại gây ra xung đột giáo phái và ủng hộ các chế độ độc tài miễn là các chế độ này có chung mối quan hệ giáo phái với Hezbollah và Lãnh tụ tối cao của Iran muốn ủng hộ họ.

Tất nhiên, người Hồi giáo trên khắp khu vực đang ăn mừng sự kết thúc của nhóm Hezbollah mà chúng ta biết.

Tính cách của Nasrallah là một trong những yếu tố hỗ trợ sự ủng hộ của dân chúng đối với Hezbollah ở Li Băng. Là một nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn được coi là người hướng dẫn về mặt trí tuệ và tinh thần, Nasrallah đã vun đắp một giáo phái cá nhân củng cố sự ủng hộ mà Hezbollah có thể trông cậy. Nếu không có Nasrallah làm nhà lãnh đạo, nhiều người hiện có thể xem xét lại sự ủng hộ của họ và cái giá mà họ đã phải trả cho việc trở thành một người đại diện của Iran.

Thật vậy, Israel chắc chắn đã biết trước khi thực hiện vụ ám sát Nasrallah rằng hành động này sẽ không gây ra các cuộc biểu tình của người dân ở các nước láng giềng và do đó sẽ không tạo ra áp lực buộc các nước Hồi giáo ôn hòa xung quanh phải trả đũa.

Israel nên nắm bắt thời cơ để tạo ra một giải pháp hòa bình lâu dài cho cuộc xung đột với người Palestine. Một giải pháp công bằng cho vấn đề Palestine phải dựa trên các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và việc thành lập một nhà nước Palestine dân sự trong phạm vi biên giới năm 1967. Cả nhà nước Palestine mới và Israel đều phải thông qua một hiến pháp nhấn mạnh đến quyền công dân và chủ nghĩa thế tục, đồng thời cấm chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và sử dụng bạo lực.

Bây giờ là thời điểm. Có một cơ hội để thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại, để các bên xung đột ở Trung Đông đưa ra các sáng kiến chính trị loại trừ chủ nghĩa cực đoan và thúc đẩy hòa bình, đa dạng và cùng tồn tại.

[Newsweek: Why the Arab Street Is Celebrating Israel's Killing of Hezbollah Chief Nasrallah]

4. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg có lời chia tay với Âu Châu: Đừng sợ Ông Trump, hãy làm việc với ông ấy

Đối với các nhà lãnh đạo Âu Châu đang lo sợ phải làm việc với cựu Tổng thống Trump, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đưa ra ba từ: Cứ làm đi.

Một ngày trước khi từ chức tổng thư ký liên minh quân sự này, hôm thứ Hai, Stoltenberg đã kêu gọi các chính phủ Âu Châu đang hoài nghi hãy “làm mọi thứ có thể” để thuyết phục Ông Trump duy trì sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Ukraine, nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11.

“Bất kỳ ai được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11, tôi nghĩ điều quan trọng là các đồng minh Âu Châu phải hợp tác với Hoa Kỳ để bảo đảm rằng người Mỹ tiếp tục hỗ trợ Ukraine,” Stoltenberg nói với POLITICO trong cuộc phỏng vấn trực tiếp cuối cùng với tư cách là nhà lãnh đạo NATO.

Ông sẽ được thay thế bởi cựu Thủ tướng Hòa Lan Mark Rutte vào hôm Thứ Ba, mùng 1 Tháng Mười, đánh dấu sự kết thúc 10 năm lãnh đạo liên minh của người Na Uy, khiến ông trở thành nhà lãnh đạo tại vị lâu thứ hai trong lịch sử NATO.

Stoltenberg đã nhắc lại những nỗ lực của cựu Tổng thống Trump với tư cách là tổng thống trong việc cung cấp cho Ukraine Javelin, một loại vũ khí chống tăng mà quân đội Ukraine đã sử dụng để chống lại cuộc xâm lược của Nga.

“Điều quan trọng là các đồng minh Âu Châu không tạo ra những lời tiên tri tự ứng nghiệm, mà thực sự... hãy làm bất cứ điều gì có thể để bảo đảm rằng Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Ukraine”, nhà lãnh đạo NATO cho biết. Tất cả các đồng minh Âu Châu, ông nói thêm, nên “truyền đạt rất rõ ràng với Hoa Kỳ” rằng người Mỹ “sẽ không mang lại hòa bình” cho Ukraine nếu Ukraine không thể tiếp tục là một quốc gia có chủ quyền, và độc lập.

cựu Tổng thống Trump đã chỉ trích Âu Châu — đặc biệt là Đức — vì không đạt được mục tiêu của NATO là chi 2% GDP cho quốc phòng.

Dưới sự lãnh đạo của Stoltenberg, liên minh 32 nước này đã chứng kiến số quốc gia thực hiện mục tiêu tăng từ 3 lên 23.

“Tin xấu là 2 phần trăm là không đủ,” Stoltenberg nói trong cuộc phỏng vấn. “Tôi không muốn đưa ra một con số cụ thể về điều đó, bởi vì nó phụ thuộc rất nhiều vào cách các quốc gia thành viên tổ chức quốc phòng của riêng họ... Rõ ràng là nó phải lớn hơn đáng kể so với 2 phần trăm.”

Ông cũng phản bác lại những ý kiến từ các nước Baltic và Đức rằng khu vực Baltic có thể bị Nga tấn công chỉ trong vòng năm năm.

“Chúng ta không nên nói như thể việc Nga tấn công là điều không thể tránh khỏi. Vấn đề là NATO ở đó để ngăn chặn điều đó xảy ra”, ông nói, nhấn mạnh đến khả năng răn đe đáng tin cậy của NATO. “Tôi sợ một số lời lẽ chỉ ra rằng trong một số năm nhất định, Nga sẽ tấn công. Không, họ sẽ không tấn công miễn là chúng ta mạnh mẽ và đoàn kết. Và đó là mục đích của NATO”.

Vấn đề này không còn là của Stoltenberg nữa khi ông rời NATO vào thứ Ba — và ông đã dành những lời tốt đẹp cho người kế nhiệm mình.

“Tôi hoàn toàn chắc chắn rằng Mark Rutte có đủ mọi phẩm chất để trở thành một tổng thư ký hoàn hảo và tuyệt vời. Tôi nghĩ đó là sức mạnh của các quốc gia dân chủ và các thể chế dân chủ... rằng chúng ta thay đổi ở cao cấp nhất. Đó là một phần tạo nên sức mạnh của NATO”, ông nói.

Stoltenberg mô tả đó là một cảm giác “lạ” khi rời đi sau 10 năm. “Đã đến lúc phải rời đi... Nhưng đồng thời, tôi sẽ nhớ NATO. Tôi có bạn bè, tôi có những người ở đây mà tôi sẽ nhớ, nhưng đó là một phần của cuộc sống.

“Thành thật mà nói, tôi đã từng mãn nhiệm chức bộ trưởng tài chính Na Uy năm 1997, và tôi luôn có cảm giác như đang bước vào khoảng trống... Mỗi lần như vậy, một điều gì đó mới mẻ và thú vị sẽ xảy ra”, ông nói thêm.

[Politico: NATO’s Stoltenberg has parting words for Europe: Don’t fear Trump, work with him]

5. The Hill đưa tin: Báo cáo của Ủy ban Helsinki kêu gọi xem xét lại chiến lược của Hoa Kỳ đối với Nga

Ủy ban lưỡng đảng có nhiệm vụ thúc đẩy dân chủ và nhân quyền tại các quốc gia hậu Xô Viết đang kêu gọi Hoa Kỳ từ bỏ đường lối hậu Chiến tranh Lạnh đối với Nga và chính thức công nhận Mạc Tư Khoa là mối đe dọa “liên tục” đối với an ninh toàn cầu.

Trong báo cáo mà The Hill có được trước khi công bố, Ủy ban Helsinki kêu gọi thay đổi đáng kể chiến lược của Washington đối với Nga, tương tự như cách nước này gần đây xem xét lại mối quan hệ với Trung Quốc, và khuyến nghị phân bổ nguồn lực cho phù hợp.

Một yếu tố then chốt của chiến lược được đề xuất là bảo đảm chiến thắng của Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. Báo cáo ủng hộ viện trợ quân sự và nhân đạo “dồi dào” cho Kyiv và ủng hộ việc cho phép lực lượng Ukraine tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga bằng vũ khí do Hoa Kỳ cung cấp.

Những khuyến nghị này vượt ra ngoài các cam kết hiện tại của chính quyền Tổng thống Biden đối với Ukraine và xung đột với quan điểm của một số thành viên Quốc Hội, những người đã lập luận rằng Hoa Kỳ đang chi tiêu quá mức cho an ninh Âu Châu và đã vận động đàm phán một thỏa thuận giữa Ukraine và Nga thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp với các nhà lãnh đạo của họ, bao gồm cả Putin.

Báo cáo của Ủy ban Helsinki khuyến nghị rằng các mối đe dọa hạt nhân của Nga “không thể chỉ đơn giản là bị bác bỏ”, mà thay vào đó nên được phản bác bằng “lý lẽ hợp lý”.

Một phụ tá quốc hội cho biết: “Chúng ta không thể để nỗi sợ hãi chi phối cách chúng ta suy nghĩ về những vấn đề này”, giải thích về lời kêu gọi trong báo cáo về một kế hoạch rõ ràng để giải quyết và ứng phó với các mối đe dọa và tấn công hạt nhân tiềm tàng.

Báo cáo cũng ủng hộ sự thay đổi trong cách Washington nhìn nhận Nga, kêu gọi các nhà hoạch định chính sách ngừng đối xử với quốc gia này như một siêu cường hoặc ngang hàng với Hoa Kỳ chỉ vì kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Báo cáo nhấn mạnh nhu cầu Hoa Kỳ phải tham gia đầy đủ với các đồng minh toàn cầu của mình, đặc biệt là những đồng minh ở tuyến đầu của sự xâm lược, thao túng và ép buộc của Nga. Quan điểm này phản đối xu hướng chủ nghĩa cô lập đang gia tăng, đặc biệt là trong GOP.

[Kyiv Independent: Helsinki Commission paper calls for reconsideration of US strategy toward Russia, The Hill reports]

6. Mối đe dọa mới của Orbán: Đưa người di cư đến Grand-Place ở Brussels

Chúng tôi sẽ gửi người di cư đến Grand-Place ở Brussels, Thủ tướng Hung Gia Lợi Viktor Orbán đã cảnh báo Liên Hiệp Âu Châu vào hôm Thứ Ba, 01 Tháng Mười.

Thủ tướng Hung Gia Lợi cho biết: “Nếu Brussels vẫn kiên quyết trừng phạt chúng tôi, họ sẽ đạt được điều họ muốn”, ám chỉ đến quyết định trước đó của Tòa án Công lý Liên minh Âu Châu phạt Budapest 200 triệu euro vì vi phạm các quy định tị nạn của Liên Hiệp Âu Châu.

“Chúng tôi sẽ đưa những người di cư đang đập cửa cổng Hung Gia Lợi đến quảng trường chính ở Brussels.”

Vào cuối tháng 8, chính phủ Hung Gia Lợi đã đưa ra ý tưởng là trao cho mọi người di cư cố gắng nhập cảnh vào nước này một vé một chiều đến Brussels. Phán quyết trước đó vào tháng 6 của tòa án tối cao Liên Hiệp Âu Châu đã buộc Budapest phải áp dụng chính sách tị nạn “không giam giữ”, nghĩa là họ không thể giữ những người xin tị nạn trong các “khu vực trung chuyển” giống như nhà tù. Mặc dù các kế hoạch mới nhất của Liên Hiệp Âu Châu sẽ giới thiệu các “trung tâm tiếp nhận” tương tự tại biên giới Schengen.

Thị trưởng Brussels và các quan chức Bỉ khác đã chỉ trích đề xuất của Budapest, gọi đó là “hành động khiêu khích đi ngược lại các nghĩa vụ của Âu Châu”. Tuy nhiên, Orbán khẳng định phán quyết của Tòa án Công lý Âu Châu là không công bằng - đặc biệt là khi các quốc gia ở Tây Âu thắt chặt kiểm soát biên giới của riêng họ - và muốn lấy lại lợi ích của mình.

“Thời đại tự do đi lại sắp kết thúc”, Orbán phát biểu trong bài phát biểu trước quốc hội nước này, ám chỉ đến quyết định tạm thời kiểm soát biên giới của Đức và lập trường của Thủ tướng Pháp mới Michel Barnier về việc thắt chặt kiểm soát biên giới của Pháp.

Orbán cho biết “tất cả những gì họ phải làm” để tránh tình trạng này là “làm theo gương Hung Gia Lợi và không cho người di cư vào ngay từ đầu”. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng ngay cả khi chính sách của Budapest “được chứng minh là đúng”, Hung Gia Lợi vẫn đang bị trừng phạt vì “bảo vệ biên giới của Âu Châu”.

[Politico: Orbán’s new threat: Dispatching migrants to Grand-Place in Brussels]

7. Lithuania thúc giục ICC điều tra tội ác của chế độ Lukashenko

Lithuania đã chính thức yêu cầu Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC điều tra các tội ác chống lại nhân loại do chính quyền của nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko gây ra.

Lời kêu gọi này tập trung vào các hành vi phạm tội chủ yếu được thực hiện kể từ tháng 5 năm 2020, khi chế độ Lukashenko bắt đầu tấn công nhiều hơn vào dân thường thông qua việc trục xuất và đàn áp những người đối lập chính trị.

Bộ Tư pháp Lithuania khẳng định rằng những hành động này là cuộc tấn công có hệ thống vào phong trào bất đồng chính kiến ở Belarus, phù hợp với chính sách của nhà nước.

Aarif Abraham, Luật sư của Chính phủ Lithuania trước Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, cho biết: “Yêu cầu về công lý - xuất phát từ chính các nạn nhân – không thể được bỏ qua”.

Một cáo buộc cụ thể là việc di dời cưỡng bức hàng ngàn công dân Belarus sang các nước láng giềng, bao gồm cả Lithuania.

Mặc dù Belarus không phải là bên tham gia Quy chế Rôma, ICC vẫn có thẩm quyền xét xử các tội ác xảy ra trên lãnh thổ của các quốc gia tham gia.

Lithuania, quốc gia trước đây đã thành công trong việc buộc tội Putin, hiện đang tìm kiếm lệnh bắt giữ Lukashenko.

Tình trạng bất ổn ở Belarus bắt đầu vào năm 2020 sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi, với các cuộc biểu tình lan rộng và lệnh trừng phạt quốc tế sau cuộc tái đắc cử gây tranh cãi của Lukashenko.

Khi làn sóng ủng hộ tăng lên cho thấy rõ ràng rằng ứng cử viên đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya đang hướng tới chiến thắng, Lukashenko đã làm sai lệch kết quả, tự cho mình hơn 80% số phiếu bầu.

Hơn 1.000 tù nhân chính trị đã bị tuyên án tù hơn một thập niên và 1.500 người khác đã bị bỏ tù vì phản đối chiến tranh ở Ukraine, bao gồm cả việc phá hoại hỏa xa để cản trở quân đội Nga.

[Kyiv Independent: Lithuania urges ICC probe into crimes of Lukashenko regime]

8. Bắc Hàn đáp trả Zelenskiy vì gọi nước này là đồng phạm của Nga

Em gái của Kim Chính Ân đã phản pháo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy sau khi ông gọi Bắc Hàn là “đồng phạm” của Nga trong cuộc chiến đang diễn ra.

Phát biểu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Ba 24 Tháng Chín,, Zelenskiy cho biết: “Nga không có lý do chính đáng nào, hoàn toàn không có lý do nào, để biến Iran và Bắc Hàn thành đồng phạm trong cuộc chiến tội ác của mình ở Âu Châu—bằng vũ khí của họ, giết chết chúng ta, giết chết người Ukraine và giúp Putin cướp đất đai của chúng ta khỏi người dân của chúng ta.”

Kim Yo Jong hay còn gọi là Kim Dữ Chính, phó giám đốc ban Tuyên truyền và Thông tin của Đảng Lao động Bắc Hàn, đã phản hồi những tuyên bố này vào hôm Thứ Hai, 30 Tháng Chín, theo Đài phát thanh Á Châu Tự do do Hoa Kỳ tài trợ, trích dẫn từ Cơ quan Thông tấn Trung ương Bắc Hàn do nhà nước điều hành.

Em gái của nhà lãnh đạo Bắc Hàn cho biết, “Sự vô lý khi cáo buộc đất nước chúng tôi là 'đồng phạm' trong cuộc chiến ở Ukraine, nơi băng đảng Zelenskiy độc ác đang tàn sát những người Nga vô tội, sử dụng vũ khí phế thải do Hoa Kỳ và phương Tây cung cấp, là một hành động khiêu khích chính trị liều lĩnh không thể biện minh bằng bất cứ điều gì.”

Bà nói, “Thế giới đang bắt đầu chán ngán những trò keo kiệt của Zelenskiy. Tôi không biết có thể làm được gì hơn nữa với lòng thương hại và sự thông cảm, nhưng vì hòa bình và ổn định của thế giới, tốt hơn là ông ấy nên từ chức trước khi quá muộn.”

Kim Dữ Chính cũng được cho là đã nói rằng bà đang đưa ra “lời cảnh báo nghiêm khắc” trước “hành động khiêu khích chính trị liều lĩnh” của Zelenskiy.

Kim Dữ Chính cũng là thành viên của Ủy ban các vấn đề nhà nước Bắc Hàn kể từ năm 2021 và là thành viên nữ duy nhất trong ban quản trị.

Theo Reuters, cả Nga và Bắc Hàn đều phủ nhận việc vận chuyển vũ khí trái phép bất chấp những cáo buộc từ phương Tây.

Cùng với Iran, các nguồn tin phương Tây cáo buộc Bình Nhưỡng đang cung cấp hỏa tiễn tầm ngắn cho Nga và đã được sử dụng ở Ukraine, vì hỏa tiễn và hệ thống phòng không của Bắc Hàn được cất giữ tại các kho đạn của Nga được cho là đã bị phá hủy trong các cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa của Ukraine vào ngày 18 tháng 9.

Một báo cáo gần đây của Conflict Armament Research, một nhóm nghiên cứu vũ khí của Anh, cho biết Bắc Hàn đã cung cấp hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn cho Nga sau khi họ phân tích tàn tích của bốn hỏa tiễn được sử dụng trong các cuộc tấn công ở Ukraine suốt mùa hè và xác định chúng được sản xuất tại Bắc Hàn trong năm nay.

Kim Dữ Chính cũng chỉ trích việc Hoa Kỳ cung cấp viện trợ cho Ukraine, mô tả gói viện trợ 8 tỷ đô la mới công bố là “một sai lầm đáng kinh ngạc và hành động ngu ngốc”, sau thông báo của Tổng thống Joe Biden rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp 375 triệu đô la viện trợ quân sự ngay lập tức cho Ukraine vào ngày 25 tháng 9.

Đáp lại sự ủng hộ liên tục của Mỹ đối với Ukraine, Kim Dữ Chính nói: “Hoa Kỳ và phương Tây không nên bỏ qua hoặc đánh giá thấp cảnh báo nghiêm chỉnh của Nga”, theo Reuters.

“Liệu Hoa Kỳ và phương Tây có thực sự có thể giải quyết được hậu quả khi họ liều lĩnh đùa giỡn với lửa chống lại Nga, một siêu cường hạt nhân không?” bà ta hỏi.

[Newsweek: North Korea Fires Back at Zelensky for Calling It Russia's Accomplice]

9. Cựu Tổng thống Trump nói ông thích Zelenskiy

Cựu tổng thống Hoa Kỳ và ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Ông Donald Trump đã tuyên bố rằng ông thích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Ông Trump cho biết như trên trong một cuộc phỏng vấn cho tờ The Washington Post, theo báo cáo của European Pravda

Cựu Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng: “Tôi có mối quan hệ tốt với Zelenskiy… Tôi thích ông ấy. Bởi vì trong trò lừa bịp luận tội… ông ấy có thể nói rằng ông ấy không biết cuộc trò chuyện đã bị ghi âm. … Nhưng thay vì khoa trương và nói rằng, 'Vâng, tôi cảm thấy bị đe dọa,' ông ấy nói, 'Ông Trump hoàn toàn không làm gì sai cả'“

Trong cuộc họp báo ngày 27 tháng 9 tại New York, Ông Trump đã hết lời khen ngợi Zelenskiy, nói rằng tổng thống Ukraine giống như “một khối thép” trong nỗ lực luận tội ông.

Ông Trump tuyên bố rằng nhờ Zelenskiy, “trò lừa bịp luận tội đã chết ngay tại đó”. Sau cuộc gặp, Ông Trump nói: “Tôi đã học được rất nhiều. Cả hai chúng ta đều muốn thấy cuộc chiến này kết thúc, và cả hai chúng ta đều muốn thấy một thỏa thuận công bằng được thực hiện, và nó sẽ công bằng”.

Khi cựu Tổng thống Trump được hỏi liệu ông có giữ lời hứa không, ông trả lời: “Tôi đã nói thế, nhưng không ai hiểu cả. Họ không hiểu vì nó có quá nhiều ý nghĩa”.

Sau cuộc gặp với Tổng thống Zelenskiy ở New York, cựu Tổng thống Trump tuyên bố rằng nếu ông thua trong cuộc bầu cử sắp tới, cuộc chiến ở Ukraine sẽ biến thành Thế chiến thứ III.

[Ukrainska Pravda: Trump says he likes Zelenskyy]

10. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine đến Hung Gia Lợi để hội đàm với Ngoại trưởng Hung Gia Lợi

Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Andrii Sybiha đã tới thăm Budapest trong chuyến thăm làm việc vào ngày 30 tháng 9 theo yêu cầu của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Hung Gia Lợi, Péter Szijjártó.

Sybiha cho biết: “Các chủ đề thảo luận chính sẽ bao gồm phát triển quan hệ láng giềng tốt đẹp, thực hiện các dự án chung, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế và cơ sở hạ tầng biên giới, bảo vệ quyền của các dân tộc thiểu số, thúc đẩy Ukraine gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và NATO và Công thức Hòa bình như một con đường dẫn đến một kết thúc công bằng cho sự xâm lược của Nga.”

Bộ Ngoại giao Ukraine lưu ý rằng chuyến thăm này là sự tiếp nối chuyến công du khu vực của Sybiha, bắt đầu tại Rumani ngay sau khi được bổ nhiệm.

Sau các cuộc hội đàm, các bộ trưởng dự kiến sẽ ra tuyên bố với báo chí.

Trước đó, có thông tin cho rằng Kế hoạch Chiến thắng mà Tổng thống Ukraine trình bày tại Hoa Kỳ bao gồm lời mời Ukraine gia nhập NATO và cam kết của Hoa Kỳ sẽ cung cấp vũ khí hiện đại cho Ukraine một cách ổn định.

Péter Szijjártó đã có cuộc hội đàm vào cuối tuần trước với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tại New York bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, cùng với Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Juraj Blanár.

Hung Gia Lợi cũng tham gia cuộc thảo luận do Trung Quốc và Brazil khởi xướng về một “kế hoạch hòa bình” nhằm chấm dứt chiến tranh, bất chấp sự chỉ trích từ Ukraine rằng kế hoạch này thậm chí còn chưa được thảo luận với Kyiv.

Vào đầu nhiệm kỳ chủ tịch Liên Hiệp Âu Châu kéo dài sáu tháng của Hung Gia Lợi, Thủ tướng Viktor Orbán đã bắt đầu một “chuyến công du gìn giữ hòa bình” tới Mạc Tư Khoa và Trung Quốc, điều này đã gây ra sự tức giận ở nhiều thủ đô Liên Hiệp Âu Châu. Liên Hiệp Âu Châu đã tránh xa các chuyến thăm của Orbán, nhấn mạnh rằng ông chỉ đại diện cho đất nước mình trong những chuyến đi này.

[Ukrainska Pravda: Ukraine's Foreign Minister goes to Hungary for talks with his counterpart]
 
Cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha trên máy bay. Giám Mục cấp tiến Đức muốn THĐ cho Đức phong chức linh mục cho phụ nữ
VietCatholic Media
16:28 01/10/2024


1. Không theo bản văn soạn sẵn và không theo chương trình: Một điểm dừng chân bất ngờ khác tại Bỉ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Đức Giáo Hoàng Phanxicô chắc chắn nổi tiếng vì đã bỏ qua các bản văn đã soạn sẵn khi phát biểu. Trong chuyến đi đến Bỉ này, ngài cũng nổi tiếng vì đã thêm những điều bất ngờ vào lịch trình đã chuẩn bị.

Vào ngày 27 tháng 9, ngài đã có một cuộc gặp gỡ dài với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, không nằm trong lịch trình chính thức của Vatican. Tuy nhiên, tuy thực ra, những cuộc họp này, thường diễn ra trong các chuyến công du của Đức Giáo Hoàng kể từ thời Đức Bênêđíctô XVI, nhưng không bao giờ nằm trong lịch trình chính thức, vì tôn trọng các nạn nhân. Cuộc gặp gỡ của ngài, mặc dù đã được mong đợi, nhưng đã kéo dài hơn dự kiến, vì Đức Thánh Cha đã dành khoảng hai giờ với khoảng hai chục nạn nhân. Aleteia sẽ có một báo cáo về sự kiện đó trong bản tin Chúa Nhật.

Một tiền “tip” hậu hĩnh cho nhân viên pha chế cà-phê

Như chúng tôi đã lưu ý trước đó, tại Luxembourg, Đức Giáo Hoàng đã mang đến nụ cười với bất ngờ đầu tiên của ngài cho chương trình, khi dừng chân uống cà phê espresso sau bữa trưa tại một quán cà phê gần dinh thự của tổng giám mục.

Theo báo cáo của COPE, Đức Giáo Hoàng không những mang đến bất ngờ lớn nhất trong đời cho nhân viên pha chế tại cửa hàng có tên Gruppetto mà còn để lại cho anh ta một khoản tiền “típ” hậu hĩnh.

Jassin, nhân viên pha chế, đã kể với tờ Le Quotidien của Luxembourg về việc một nhân viên bảo vệ đeo tai nghe đã vào cửa hàng. “Anh ta đến gần tôi và nói với tôi rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến bất cứ lúc nào và rằng ngài sẽ uống cà phê. Tôi nghĩ đó là một trò đùa, nhưng không! Ông ấy nghiêm chỉnh!”

Sau khi Đức Thánh Cha thưởng thức xong tách espresso, ngài đã để lại cho Jassin 100 euro, chúc mừng anh vì công việc của anh.

“Chúng tôi không có Giáo hoàng đến thăm cửa hàng của chúng tôi mỗi ngày”, Jassin cười. “Thật không thể tin được. Chà. Rõ ràng là tôi không ngờ điều này khi thức dậy sáng nay!”

“Khi nhìn thấy ngài, tôi phải hít một hơi thật sâu”, người pha chế cho biết, người phải đối mặt với nhiệm vụ lớn là pha chế cà phê cho Đức Giáo Hoàng. Nhưng ah cho hay Đức Giáo Hoàng “dễ gần gũi và thân thiện” và ngài đã chụp ảnh với những khách hàng khác trong cửa hàng.

Điểm dừng chân tiếp theo ngoài chương trình trong chuyến đi của Đức Giáo Hoàng là ngày 27 tháng 9, trong ngày đầu tiên trọn vẹn của ngài ở Bỉ.

Sau cuộc gặp với chính quyền dân sự, ngài đã có chuyến thăm bất ngờ đến Nhà Saint-Joseph, nơi chăm sóc những người cao tuổi gặp khó khăn về kinh tế.

Theo Vatican News, ngôi nhà này do các Nữ tu Dòng Tiểu muội Người nghèo điều hành. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành thời gian chào đón những người cao tuổi, các y tá làm việc tại đó và các nữ tu.

Vào ngày 28 tháng 9 này, Đức Giáo Hoàng đã thêm một sự kiện nữa vào chương trình: ăn sáng với người tị nạn và người nghèo.

Bữa ăn khá ấm cúng của ngài diễn ra tại Giáo xứ St. Giles. Giáo xứ này có một mục vụ mạnh mẽ dành cho người vô gia cư, bao gồm cả việc bán bia của riêng họ để gây quỹ cho các hoạt động.

Tất nhiên, họ đã tặng Đức Giáo Hoàng một ít.

Vatican News lưu ý rằng sau một bài phát biểu ngắn, Đức Giáo Hoàng đã tặng họ một bức tượng Thánh Lawrence Tử đạo với dòng chữ này: “Tôi rất vui khi thấy tình yêu thúc đẩy sự hiệp thông và sáng tạo ở đây. Các bạn thậm chí còn sản xuất bia! Tôi nghĩ rằng nó rất ngon. Tôi sẽ nói với các bạn vào chiều nay.”

Một khoảnh khắc để lên tiếng phản đối phá thai

Cuối cùng, sau cuộc gặp với các giám mục địa phương và cộng đồng Giáo hội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dừng chân tại hầm mộ bên dưới Vương cung thánh đường Đức Mẹ Laeken, nơi có hài cốt của Vua và Hoàng hậu Bỉ. Ngài dừng lại để cầu nguyện trước lăng mộ của Vua Baudouin, hay 1951-1993.

Phát biểu với Vua Philippe và những người có mặt, Đức Giáo Hoàng ca ngợi lòng dũng cảm của cố quốc vương khi chọn tạm thời “từ bỏ ngôi vua để tránh ký một đạo luật giết người”, hợp pháp hóa phá thai vào năm 1990.

Ngài kêu gọi người Bỉ hướng đến ngài vào thời điểm luật hình sự đang được ban hành và bày tỏ hy vọng rằng quá trình phong chân phước cho Vua Baudouin sẽ được tiến triển, theo văn phòng báo chí Vatican.

2. Trong cuộc họp báo trên máy bay Đức Giáo Hoàng đề cập đến phụ nữ, chiến tranh Do Thái, Hamas, Hezbolla, vua Baudouin, phá thai

Elise Ann Allen của CruxNow, ngày 29 tháng 9 năm 2024, tường trình rằng trên máy bay trở về Vatican từ Brussels, Bỉ, hôm Chúa Nhật, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gạt bỏ những lời chỉ trích về bài phát biểu của ngài về phụ nữ trong chuyến đi cuối tuần đến Bỉ, nhấn mạnh rằng việc nam tính hóa phụ nữ là “không phải của Kitô giáo” và là sản phẩm của “chủ nghĩa nữ quyền cường điệu”.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viện dẫn một ẩn dụ kinh điển của Á Căn Đình, ám chỉ đến điệu Tango, để ngụ ý rằng những gợi ý cho rằng ngài có quan điểm bảo thủ đối với phụ nữ hoặc vai trò của họ trong Giáo Hội Công Giáo là vô lý.

Tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thực sự có thể đã đổ thêm dầu vào lửa ở một thời điểm khác, khi nhắc đến cựu Quốc vương Baudouin của Bỉ, người đã từ chức trong một ngày vào năm 1990 thay vì ký luật hợp pháp hóa phá thai, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ca ngợi lòng dũng cảm của ông bằng cách nói rằng những gì ông đã làm đòi hỏi “một chính trị gia mặc quần”.

Trong các bình luận với các phóng viên trên máy bay của Đức Giáo Hoàng trở về từ Bỉ, Đức Phanxicô đã phản ứng lại sự chỉ trích về ngôn từ của ngài về phụ nữ trong phiên họp vào thứ Sáu tại Đại học Công Giáo Leuven, khi ngài nói rằng, “Những gì đặc trưng cho phụ nữ, những gì thực sự nữ tính, không được quy định bởi sự đồng thuận hay ý thức hệ, cũng giống như bản thân phẩm giá được bảo đảm không phải bởi luật lệ được viết trên giấy, mà bởi một luật lệ nguyên bản được viết trong trái tim chúng ta”.

Trường đại học đã công bố một bản tuyên bố ngay lập tức bày tỏ “sự không hiểu và không tán thành”, gọi lập trường của Đức Giáo Hoàng là “tất định và giản lược” và thúc giục nhà thờ thúc đẩy sự hòa nhập lớn hơn “mà không có bất cứ hình thức phân biệt đối xử nào”.

Đáp lại vào hôm Chúa Nhật, Đức Phanxicô cho biết ngài thường lên tiếng về phẩm giá của phụ nữ và rằng “nam tính hóa Giáo hội, nam tính hóa phụ nữ là không phải nhân bản, không phải Kitô giáo”.

“Nữ tính có sức mạnh riêng của nó”, ngài nói rằng phụ nữ “quan trọng hơn nam giới vì Giáo hội là phụ nữ, là cô dâu của Chúa Kitô”.

“Nếu điều này, đối với những người phụ nữ đó, có vẻ bảo thủ, thì tôi là Carlo Gardel,” ngài nói, ám chỉ đến một nhạc sĩ Tango nổi tiếng người Á Căn Đình gốc Pháp, ám chỉ rằng ng thấy ý tưởng này vô lý.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết ngài thấy trong những phản ứng tiêu cực “có một não trạng trì trệ không muốn nghe điều này được nói đến. Phụ nữ bình đẳng với đàn ông, họ bình đẳng.”

“Một chủ nghĩa nữ quyền cường điệu muốn thấy phụ nữ nam tính hóa, điều đó không hữu hiệu. Một điều là chủ nghĩa nam tính, điều đó không hiệu quả, điều kia là chủ nghĩa nữ quyền không hiệu quả. Điều hiệu quả là Giáo hội phụ nữ vốn vĩ đại hơn thừa tác vụ nam giới,” ngài nói.

Ở một lúc khác, ngài được hỏi về quyết định thúc đẩy quá trình phong chân phước cho Vua Baudouin.

“Nhà vua rất dũng cảm, vì khi đối đầu với luật giết hại, ông đã không ký và từ chức. Điều đó đòi hỏi lòng dũng cảm, bạn cần một chính trị gia mặc quần để làm điều này, bạn cần lòng dũng cảm”, ngài nói, trong một nhận xét có thể sẽ bị chỉ trích từ một số phía.

Ở một mặt trận khác, Đức Phanxicô cũng đề cập đến cuộc chiến đang diễn ra ở Gaza, với các phóng viên hỏi liệu ngài có cảm thấy Israel đã “đi quá xa” trong các cuộc tấn công mới nhất vào Hezbollah hay không.

Giơ tay lên mặt trong một cử chỉ rõ ràng cho thấy ngài đau lòng trước tình hình này, Đức Phanxicô cho biết ngài gọi điện đến giáo xứ Công Giáo ở Gaza hàng ngày, nơi có khoảng 600 người đang trú ẩn, và họ kể cho ngài nghe về “sự tàn ác xảy ra ở đó”.

“Phòng thủ”, ngài nói, “luôn phải tương xứng với cuộc tấn công. Khi có điều gì đó không tương xứng, điều đó khiến bạn thấy một xu hướng thống trị vượt ra ngoài đạo đức”.

“Một quốc gia mà với lực lượng của mình, tôi đang nói về bất cứ quốc gia nào, thực hiện những điều này theo cách cực kỳ như vậy, thì đây là những hành động vô đạo đức”, ngài nói, đồng thời nói rằng trong khi bản thân chiến tranh là vô đạo đức, thì các quy tắc của chiến tranh chỉ ra một đạo đức phải được “bảo vệ”.

Khi điều này không được thực hiện, ngài nói, thì rõ ràng là có “máu xấu trong những điều này”.

Những phát biểu của ngài được đưa ra sau khi quân đội Israel thực hiện hàng chục cuộc không kích trên khắp Li Băng vào cuối tuần nhằm vào Hezbollah, khiến 11 người thiệt mạng.

Israel đã ám sát thủ lĩnh của nhóm này là Hassan Nasrallah vào thứ Bảy và vào Chúa Nhật đã giết chết Nabil Kaouk, một quan chức cao cấp khác của Hezbollah, giáng một đòn mạnh vào nhóm này trong bối cảnh xung đột xuyên biên giới đang diễn ra dữ dội kể từ tháng 10 năm ngoái.

Hezbollah bắt đầu bắn hỏa tiễn vào Israel để liên đới với người dân Gaza, với số người chết trong cuộc trả đũa của Israel đối với cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 năm 2023 đã lên tới khoảng 41,000 người. Hezbollah đã đặt lệnh ngừng bắn ở Gaza như một điều kiện để chấm dứt các cuộc tấn công xuyên biên giới của mình.

Đức Phanxicô cũng đã đề cập đến vấn đề này trong bài phát biểu khi đọc kinh Truyền Tin vào Chúa Nhật, nói rằng Li Băng, nơi mà ngài luôn ca ngợi như thông điệp khu vực về lòng khoan dung và chung sống hòa bình, giờ đây là “một thông điệp đau khổ”.

“Cuộc chiến này gây ra những tác động tàn khốc đối với người dân. Rất nhiều, quá nhiều người tiếp tục chết ngày này qua ngày khác ở Trung Đông”, ngài nói và kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức.

Khi được hỏi về vụ tai tiếng giáo sĩ lạm dụng và cuộc gặp gỡ của ngai với những người sống sót ở Bỉ, trong đó họ trình bày cho ngài một danh sách các yêu cầu, Đức Phanxicô cho biết việc lắng nghe nạn nhân bị lạm dụng là “một nghĩa vụ”.

Bất kể tỷ lệ phần trăm về lạm dụng trong gia đình hoặc các định chế giáo dục so với Giáo hội là bao nhiêu, “Điều đó không quan trọng với tôi. Tôi chỉ đề cập tới những gì trong Giáo hội”, ngài nói.

“Chúng ta có trách nhiệm lắng nghe những người bị lạm dụng và chăm sóc họ. Một số người cần được điều trị tâm lý để giúp giải quyết vấn đề này”, ngài nói, đồng thời nói rằng không chỉ nạn nhân phải được chăm sóc mà thủ phạm cũng phải bị trừng phạt.

“Lạm dụng không phải là tội lỗi có ngày hôm nay và có thể ngày mai không, đó là một khuynh hướng, đó là một căn bệnh tâm lý và vì lý do này, chúng ta phải đưa họ đi điều trị”, ngài nói. “Bạn không thể để một kẻ lạm dụng tự do trong cuộc sống bình thường với trách nhiệm trong các giáo xứ và trường học”.

Ngài lưu ý rằng một số giám mục, sau khi một linh mục bị buộc tội và kết án, giao cho họ một nhiệm vụ làm việc trong thư viện, xa giáo xứ và xa trẻ em.

“Chúng ta phải tiến hành việc này”, ngài nói, thêm rằng sự xấu hổ của Giáo hội “là che đậy. Chúng ta không được che đậy”.

Ngài cũng đề cập đến vấn đề phá thai, nói rằng phụ nữ “có quyền được sống, sống đời họ và quyền được sống của con cái họ”.

Như đã từng làm trong quá khứ, ngài gọi phá thai là “giết người”, nói rằng “bạn đang giết một con người” và gọi những bác sĩ thực hiện phá thai là “sát thủ”.

“Phụ nữ có quyền bảo vệ sự sống. Một điều nữa là các phương pháp chống thụ thai, đây là vấn đề khác, đừng nhầm lẫn chúng. Hiện tại, tôi chỉ nói về phá thai. Bạn không thể tranh luận về điều này. Tôi xin lỗi, nhưng đó là sự thật”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến thăm Luxembourg và Bỉ từ ngày 26 đến 29 tháng 9, chủ yếu là để kỷ niệm 600 năm thành lập Đại học Leuven và Louvain, có từ năm 1425, khi một trường đại học duy nhất ở nơi ngày nay là Bỉ được Đức Giáo Hoàng Martin V thành lập.

Tuy nhiên, họ đã tách ra vào những năm 1960, dẫn đến việc thành lập hai trường đại học riêng biệt: KU Leuven nói tiếng Hòa Lan và Université Catholique de Louvain, gọi tắt là UCL nói tiếng Pháp.

3. Các giám mục Đức không đồng thuận về việc truyền chức cho phụ nữ

Các giám mục Đức tham dự Thượng Hội đồng Giám mục sắp tới tại Roma, không có lập trường đồng thuận về vấn đề có nên truyền chức phó tế và linh mục cho phụ nữ hay không. Có những vị đặt hy vọng nơi Thượng Hội đồng Giám mục thế giới vào tháng Mười tới đây tại Rôma, nơi bàn thảo về những vấn đề quan trọng cho tương lai của Giáo hội.

Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí, hôm 24 tháng Chín vừa qua, bên lề khóa họp mùa thu của Hội đồng Giám mục Đức, tiến hành ở thành phố Fulda, từ 23 đến ngày 26 tháng Chín này, 5 giám mục đại biểu của Hội đồng Giám mục Đức cho biết, trong Đại hội của các giám mục Đức tại thành phố này, cũng nói về vấn đề trong tương lai các Hội đồng Giám mục có thể có tự do quyết định về vấn đề truyền chức thánh cho phụ nữ hay không.

Đức Cha Franz-Josef Overbeck, khét tiếng là cấp tiến, cho biết đứng trước những khác biệt về văn hóa và xã hội trong các Giáo hội địa phương, có thể có những qui luật khác biệt về sự bình đẳng hóa phụ nữ. Vì thế, Thượng Hội đồng Giám mục thế giới có thể cho các Hội đồng Giám mục quốc gia quyền tự do quyết định về vấn đề truyền chức cho phụ nữ. Tuy nhiên, Đức Cha nói thêm ngay rằng: “đề nghị này có thể là quá sớm hiện nay. Nó chỉ có thể khi người ta thấy rõ đây sẽ không phải là một sự mâu thuẫn phá vỡ tình hiệp nhất của Giáo hội”.

Nhiều người đánh giá lập luận của Đức Cha Franz-Josef Overbeck là xu hướng tùng phục tinh thần thời đại dưới chiêu bài văn hóa. Thử hỏi, trong thế giới ngày nay vẫn không thiếu các xã hội chấp nhận đa phu đa thê, phải chăng Giáo Hội tại các nước như thế cũng được phép tách biệt với Giáo Hội hoàn vũ khi cúi đầu uốn nắn giáo lý cho đồng điệu với các xã hội như vậy sao.

Một đại biểu khác là Đức Cha Georg Baetzing, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, cũng thuộc khuynh hướng cấp tiến một cách cực đoan, nhận định rằng sự tham gia của phụ nữ vào mọi lãnh vực và cấp độ của đời sống Giáo hội, là vấn đề quan trọng quyết định đối với tương lai của Giáo Hội Công Giáo. Ngài nói: “Tôi rất mong muốn các phụ nữ có thể được chịu chức phó tế”. Vấn đề này trong tương lai phải được địa phương quyết định, trong tinh thần tản quyền về địa phương.

Đức Cha Bertram Meier, Giám mục Giáo phận Augsburg, cũng là đại biểu, có một lập trường khác. Theo Đức Cha, vấn đề cho phụ nữ chịu chức phó tế hoặc linh mục, hiện nay là điều không có thể, vì Tông thư “Ordinatio Sacerdotalis”, Truyền chức linh mục, do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, có tính chất bó buộc, vẫn còn hiệu lực. Trong văn kiện đó, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng Giáo hội không có năng quyền truyền chức cho phụ nữ.

Về Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, Đức Cha Meier nhận định rằng xác tín nòng cốt của Tiến trình Công nghị thế giới là Giáo hội không được điều khiển bằng những quyết định đơn độc, do những người được quyền từ trên xuống dưới. Đúng hơn là sự tham gia, minh bạch và cởi mở, trách nhiệm trong các quyết định.

Đại biểu thứ tư của các giám mục Đức, là Đức Cha Felix Genn, Giám mục Giáo phận Muenster, cho giới báo chí biết rằng ngài muốn làm sao để Thượng Hội đồng Giám mục có một hướng đi rõ ràng. “Các vấn đề nêu lên cần có những câu trả lời. Một cuộc thảo luận minh bạch là điều quan trọng, kể cả những vấn đề được chuyển cho các nhóm nghiên cứu, như vấn đề bình quyền của phụ nữ. Đức Cha Genn là điều hợp viên của một trong mười nhóm được ủy thác nghiên cứu về những vấn đề các quyền và việc bầu các giám mục.

Sau cùng, Đức Cha Stefan Oster, Dòng Don Bosco, Giám mục Giáo phận Passau, vốn bênh vực đạo lý và kỷ luật truyền thống của Giáo hội, thì nhắc lại cơ cấu phẩm trật căn bản của Giáo hội, dành quyền quyết định nòng cốt cho Đức Giáo Hoàng và các giám mục. Vì thế, Thượng Hội đồng Giám mục thế giới sẽ thảo luận về “sự hội nhập của Giáo hội hiệp hành và đồng thời là Giáo hội phẩm trật”. Điều chủ yếu là một cuộc khởi hành mới và một đường lối mới “cùng với nhau là Giáo hội”.

4. Đức Thánh Cha kêu gọi các tôn giáo tích cực xây dựng hòa bình

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các tôn giáo và những người thiện chí, góp phần xây dựng hòa bình, giữa lúc chiến tranh và xung đột đang lan tràn tại nhiều nơi trên thế giới. Ngài cũng mời gọi các vị trách nhiệm chính trị hãy làm cho khí giới im tiếng, và các tín hữu hãy làm gia tăng tình huynh đệ trên thế giới.

Lời kêu gọi trên đây của Đức Thánh Cha được công bố, trong buổi kết thúc Cuộc gặp gỡ quốc tế lần thứ 38, về hòa bình, do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức tại Paris, thủ đô Pháp, từ ngày 22 đến ngày 24 tháng Chín vừa qua, với chủ đề: “Tưởng tượng hòa bình”.

Cộng đồng thánh Egidio ở Roma vẫn tổ chức hằng năm các cuộc gặp gỡ như vậy, nối tiếp tinh thần cuộc gặp gỡ đầu tiên do Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II triệu tập, ngày 27 tháng Mười năm 1986, ở Assisi. Năm ngoái, hay 2023, cuộc gặp gỡ đã tiến hành ở Berlin, bên Đức từ ngày 10 đến ngày 12 tháng Chín, với chủ đề “Táo bạo xây dựng hòa bình”.

Đề tài cuộc gặp gỡ năm nay phản ánh ý tưởng cơ bản, đó là không cam chịu đối với chiến tranh. Tham dự có 150 vị lãnh đạo các tôn giáo, chính trị, văn hóa, xã hội cùng với 4.000 người khác, trong 20 diễn đàn về các đề tài khác nhau, tại Trung tâm Hội nghị (Palais des Congrès), ở Paris.

Ban chiều ngày 24 tháng Chín, các tham dự viên đã cử hành các buổi cầu nguyện theo nghi thức tôn giáo của mình, tại các nhà thờ và địa điểm khác nhau, trước khi tựu về Quảng trường nhà thờ chính tòa Đức Bà Paris để dự nghi thức kết thúc.

Trong dịp này, Sứ điệp của Đức Thánh Cha đã được công bố, qua đó sau khi ca ngợi sáng kiến, sự kiên trì và những cố gắng của Cộng đồng thánh Egidio trong việc tổ chức hàng năm các cuộc gặp gỡ hòa bình này, Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Cuộc gặp gỡ này thúc đẩy tất cả các tín hữu tái khám ơn gọi để làm tăng trưởng ngày nay tình huynh đệ giữa các dân tộc. Quá nhiều khi trong quá khứ, các tôn giáo đã bị lạm dụng để nuôi dưỡng các xung đột và chiến tranh. Một nguy hiểm ngày nay vẫn đang trình rập”.

“Tôi tái đề nghị với tất cả mọi người xác tín đã liên kết tôi với Đại Imam Ahmad Al-Tayyeb, đó là: “Các tôn giáo không bao giờ thúc đẩy chiến tranh và không xúi giục những tâm tình oán ghét, đố kỵ, cực đoan, và cũng chẳng mời gọi bạo lực hoặc đổ máu. Những tai ương này là kết quả của sự sai trệch khỏi giáo huấn của các tôn giáo, lạm dụng các tôn giáo vào lãnh vực chính trị và những giải thích sai lầm của những nhóm người có tôn giáo, trong một số giai đoạn lịch sử, đã lạm dụng ảnh hưởng tâm tình tôn giáo trong tâm hồn con người”. Chúng ta phải đẩy xa khỏi tôn giáo cám dỗ trở thành một dụng cụ nuôi dưỡng quốc gia chủ nghĩa, óc duy bộ tộc, dân túy. Các cuộc chiến tranh trở nên khốc liệt hơn. Khốn cho kẻ tìm cách lôi kéo Thiên Chúa tham phần vào các cuộc chiến tranh!”

Tại buổi lễ kết thúc, trước khi sứ điệp của Đức Thánh Cha được công bố, có phần trình bày chứng từ từ một số nước đang có chiến tranh, và công bố lời kêu gọi hòa bình gửi đến các vị trách nhiệm chính trị quốc tế.