Ngày 23-09-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật 25 Mùa Quanh Năm 23/9 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:03 23/09/2023

BÀI ĐỌC 1 Is 55:6-9

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Hãy tìm Đức Chúa khi Người còn cho gặp, kêu cầu Người lúc Người ở kề bên.

Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình đang theo, người bất lương, hãy bỏ tư tưởng mình đang có mà trở về với Đức Chúa - và Người sẽ xót thương -, về với Thiên Chúa chúng ta, vì Người sẽ rộng lòng tha thứ.

Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta - sấm ngôn của Đức Chúa.

Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Pl 1:20c-24,27a

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.

Thưa anh em, Đức Ki-tô sẽ tỏ bày quyền uy cao cả của Người nơi thân xác tôi, dù tôi sống hay tôi chết: vì đối với tôi, sống là Đức Ki-tô, và chết là một mối lợi. Nếu sống ở đời này mà công việc của tôi được sinh hoa kết quả, thì tôi không biết phải chọn đàng nào. Vì tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô, điều này tốt hơn bội phần, nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em.

Chỉ có một điều là anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Ki-tô.

Đó là lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG x. Cv 16:14b

Alleluia. Alleluia.

Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời của Con Chúa.

Alleluia.

TIN MỪNG Mt 20:1-16a

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này:

“Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.’ Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: ‘Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?’ Họ đáp: ‘Vì không ai mướn chúng tôi.’ Ông bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!’ Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.’ Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn chủ nhà: ‘Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.’ Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: ‘Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?’ Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.”

Đó là lời Chúa.
 
Điều ngạc nhiên lớn nhất
Lm Minh Anh
15:18 23/09/2023

ĐIỀU NGẠC NHIÊN LỚN NHẤT
“Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi?”.

“Tôi tin chắc sẽ có ba điều bất ngờ xảy ra trên thiên đàng. Một, tôi sẽ gặp một số người mà tôi chưa bao giờ ‘mong được gặp’; hai, một số người mà tôi ‘mong gặp’ sẽ không có mặt ở đó. Và - thậm chí dựa vào lòng thương xót Chúa - điều ngạc nhiên lớn nhất có thể là, ‘tôi sẽ ở đó!’” - Fulton Sheen, Đấng đáng kính.

Kính thưa Anh Chị em,

“‘Điều ngạc nhiên lớn nhất’ có thể là tôi sẽ ở đó!”; hay “Tôi được xót thương!’ là một trong những chủ đề của Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay; đặc biệt với dụ ngôn Tin Mừng.

Dụ ngôn nói đến sự phản kháng của những người làm việc từ sớm; họ khác nào người anh cả trong dụ ngôn Người Cha Nhân Hậu. Họ trải nghiệm công việc cho Vương Quốc như một gánh nặng chứ không như một đặc ân. Họ làm việc không với niềm vui làm con mà với sự gắt gỏng của người làm thuê. Với họ, đức tin là thứ trói buộc và nô lệ, và họ ghen tị với những người “sống hết mình” dẫu là những người đến sau. Họ cảm thấy sự cứu rỗi là điều xứng đáng với họ, và ghen tị điều đó với những người không xứng đáng.

Tinh thần nhỏ mọn của họ trái ngược hoàn toàn với lòng quảng đại của Chúa Cha, “Đấng muốn mọi người được cứu rỗi”. Những người được gọi vào những giờ sau hết tin tưởng sự từ tâm của Chủ và họ đã không nhầm. Biết được điều này là lý do và sự bảo đảm để chúng ta tin cậy vào Chúa vô điều kiện. Vì thế, Phaolô căn dặn chúng ta trong bài đọc hai, “Anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô!”.

Chúng ta thuộc về Giáo Hội Chúa Kitô, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn và tôi tốt hơn những người khác và như vậy, ân huệ phải được ban nhiều hơn những người khác! Hãy nhớ, nếu Thiên Chúa quảng đại với tôi thì Ngài cũng quảng đại với người khác. Anh trộm lành là một ví dụ. Thiên Chúa nói với chúng ta trong bài đọc thứ nhất, “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi”. Đó phải là ‘điều ngạc nhiên lớn nhất!’.

Thuốc giải độc duy nhất cho sự đố kỵ là sự khiêm tốn, một nhân đức giúp chúng ta biết mình thực sự là ai trước Thiên Chúa: những tội nhân! Đó là ‘công thức nên thánh’ của các thánh. Thay vì so mình với người khác, các thánh luôn so sánh mình với Thiên Chúa, “Đấng từ bi nhân hậu” như Thánh Vịnh đáp ca lưu ý. Robert Browning nhắc nhở, “Mọi sự phục vụ đều được xếp ngang hàng với Chúa. Với Ngài, chúng ta, những con rối tốt nhất và tồi tệ nhất; không có cái cuối cùng hay cái đầu tiên”. Với dụ ngôn này, Chúa Giêsu mở lòng chúng ta trước logic của tình yêu và sự quảng đại của Chúa Cha. Đó là việc để cho mình ngạc nhiên và bị mê hoặc bởi những “tư tưởng” và “đường lối” của Ngài.

Anh Chị em,

“Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi?”. Những con đường chật hẹp, quanh co của chúng ta không thể sánh được với những con đường rộng, thẳng của Chúa. Ngài không bao giờ ‘chán ghé thăm chợ’, cả những giờ cuối ngày, để đưa ra lời đề nghị yêu thương. Ngài mở ra cho mọi người lãnh thổ vô biên của tình yêu và ân sủng, điều duy nhất mang lại niềm vui đích thực. Hôm nay, Chúa Giêsu muốn bạn và tôi chiêm ngưỡng nghĩa cử của Chủ vườn. Ngài nhìn từng người đang đợi việc và gọi họ vào vườn với ánh mắt chứa chan ân cần và yêu thương. Và đó phải là ‘điều ngạc nhiên lớn nhất!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết ngạc nhiên khi hiểu rằng, vấn đề quan trọng không phải là ‘làm bao nhiêu’ mà là tình yêu đi kèm với nó ‘lớn bao nhiêu!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
CN-25A Sự ghen tị
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
16:08 23/09/2023
CN-25A Sự ghen tị

Trong bài điếu văn ca tụng Rabbi Boun Bar Hijja cách đây gần 2000 năm, người ta đã ví Rabbi Boun bằng một dụ ngôn như thế này :

Có một vị vua kia thuê nhiều người làm công vào phục vụ cho mình. Trong số đó có một người làm việc tích cực hơn. Vua nhìn thấy. Vua liền đưa anh ta đi đi lại lại dạo chơi với vua. Đến chiều, khi trả tiền công, anh này cũng được trả bằng với các người làm công từ sáng tới chiều. Thấy vậy họ phàn nàn: chúng tôi mệt mỏi suốt ngày, còn anh này chỉ làm hai giờ mà cũng được trả công như chúng tôi sao? Vua đáp : Đó là vì hai giờ làm của anh ta, công việc hoàn tất còn nhiều hơn các anh làm cả ngày. Bài điếu văn kết : Cũng vậy Rabbi Boun học luật cho tới tuổi hai mươi lăm, nhưng thông biết am tường còn hơn cả một nhà thông thái hay một nhà đạo đức có khi đã phải học tới tuổi một trăm !

Có lẽ Chúa Giêsu cũng đã biết bài điếu văn viết dưới hình thức dụ ngôn trên, được lưu truyền trong sách Talmud, nên Ngài cũng dạy chúng ta một dụ ngôn mà nghe qua ta thấy có vài nét giông giống. Nhưng xét kỹ thì khác xa: Nét giông giống là trả lương bằng nhau : làm hai giờ bằng làm cả ngày, tương đương với làm từ sáng, hoặc từ trưa, hoặc từ ba, năm giờ chiều mà cũng được một đồng.

Nhưng cái khác chính yếu là lý do tại sao trả bằng nhau:

Ở dụ ngôn điếu văn : 2 giờ làm việc của chàng kia cũng bằng và có khi hơn các người làm cả ngày : sự công bằng.

Ở dụ ngôn Chúa Giêsu : Tôi trả cho người làm có một giờ thôi cũng bằng bạn làm suốt ngày: tôi không có quyền sao?

Và -câu này ý vị hơn- hay bạn ghen tị vì tôi nhân lành chăng?

Ta sẽ bàn đề tài "ghen tị" với hai câu hỏi:

(1) Ghen tị là gì và (2) làm sao bớt ghen tị.

1. Ghen tị là gì?

Mở tự điển "sách" hay tự điển "sống" (tức là quan sát cuộc đời), chúng ta chắc ai cũng hiểu được ghen tị là "khó chịu, so bì với ai đó vì họ HƠN ta". Cái chính là vì họ hơn ta. Chẳng ai ghen với kẻ thua ta.

Trong tình trường cũng vậy: ghen là khi ta đong đo, cân đếm ta thấy ta thua tình địch một cái gì đó. Hoặc là mặt con nhỏ đó sáng hơn, miệng nó nói có duyên hơn, hoặc nó giàu hơn hoặc thông minh hơn (nên chồng ta mới mê nó). Nếu nó xấu hơn, nghèo hơn, dốt hơn, ta chẳng thèm ghen, cứ để vậy cho chồng ta biết mùi, rồi lại quay về với ta thôi.

Do đó, bình thường khi đi đánh ghen là ta cố tìm cho ra điều hơn của tình địch để rồi diệt cái hơn đó. Khi nó hết hơn ta, ta hết ghen. Nó đẹp hơn ta: ta rạch mặt nó hoặc cho một muỗng acid đậm đặc vào ngay đôi má nó ! Nó giàu hơn ta, ta phá cho nó tan gia bại sản. Nó ăn nói có duyên, ta cắt lưỡi nó.

Cái đánh ghen của Trịnh Thị Dữu đời vua Sở đã được ghi như một điển tích trong sử sách.

Vua Sở (Hoài Vương) mới có một mỹ nữ do vua Nguỵ tặng. Vua Sở rất yêu mỹ nữ này nên Trịnh Dữu (vợ vua Sở, hoàng hậu) rất ghen. Nhưng cái ghen của Trịnh Dữu vượt trên bài bản, không thấy ghi trong sách vở dạy cách đánh ghen phải làm như vây. Bà vượt trên bài bản. Bà tỏ ra rất yêu chiều mỹ nữ: đồ trang sức đẹp, sắm cho mà mang; y phục lộng lẫy, may cho mà mặc. Khi vua và mỹ nữ tin rằng Trịnh Dữu yêu mỹ nữ không kém gì vua, thì bấy giờ Trịnh Dữu mới ra tay. Trịnh Dữu nhỏ nhẹ nói với mỹ nữ là : "vua yêu vẻ đẹp của em lắm, nhưng chỉ có cái mũi của em là vua không ưa, vậy khi gặp vua, em hãy che mũi lại" ! Mỹ nữ nghe lời Trịnh Dữu. Gặp vua, mỹ nữ che mũi lại. Vua thấy lạ, mới hỏi Trịnh Dữu sao vậy? (giá mà hỏi chính mỹ nữ, thì không nên nỗi. Hỏi ngay Trịnh Dữu !) Trịnh Dữu nói : "Thiếp biết tại sao rồi. Hình như nó không ưa cái mùi hôi của đại vương !" Tức giận, vua ra lệnh cắt mũi mỹ nữ. Mỹ nữ mà không có mũi thì chẳng khác gì Chung Vô Diệm, chẳng khác gì người cùi đến giai đoạn cụt luôn sống mũi, thì còn đâu là mũi hếch, mũi cao để mà hếch mũi cao ngạo rằng mình đẹp nữa. Và thế là nó xấu hơn mình rồi, ghen làm gì nữa?

Ca-in ghen với Abel vì cái hơn của Abel là Chúa nhận lễ vật của nó, còn của mình thì không, nên Cain đã giết Abel. Anh em Giuse ghen với Giuse vì cái hơn của Giuse là được cha cưng hơn, nên đã bàn với nhau bán quách nó đi cho lái buôn.

Tin Mừng hôm nay: những người làm công từ sớm, ghen với người làm công có một vài giờ mà cũng hưởng cùng một số tiền lương. Họ bốn mùa rong chơi quên lãng, mà cũng bằng mình vất vả xuân hạ thu đông. Họ ngồi mát mà cũng ăn bát vàng, ta không ghen tị sao được? Vậy ghen tị là khó chịu vì ai đó hơn ta một cái gì.

2. Vậy làm sao để bớt ghen tị?

Ở đây ta chỉ trả lời dựa theo Dụ ngôn của Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay.

Ghen tị là vì họ hơn ta. Vậy muốn bớt ghen tị thì phải nhìn cho rõ : họ không hơn ta.

a-Họ không hơn ta:

Ta là những người theo đạo từ nhỏ, giữ đạo từ bé. Thức khuya dậy sớm, lễ lạy ban mai, nói tắt: ta là người đi làm vườn nho từ sáng sớm. Còn họ là những người cả một đời ở ngoài đạo hoặc lớn lên mới phải giữ luật Chúa, hoặc gần chết mới ăn năn giống như tên trộm lành bên phải thập giá : cả một đời trộm cắp và cuối cùng còn ăn trộm được Nước Trời.

Ta ghen tị vì họ thảnh thơi hơn ta. Thực ra họ không hơn ta đâu. Đó là cái ta tưởng vậy thôi, chứ thật ra ta hơn họ. Ta biết đạo Chúa sớm hơn họ. Ta an tâm hơn họ. Hay nói theo kiểu dụ ngôn: ta kiếm được việc làm trước họ, còn họ thất nghiệp cho đến trưa đến chiều làm sao họ hơn ta được. Mà họ không hơn ta, ta thèm gì ganh tị với họ, mà còn thương họ nữa.

b-Ta cũng như họ.

Nếu vừa rồi ta nói những người giữ đạo từ nhỏ là kẻ làm vườn nho từ sớm, còn những người sau này mới vào đạo là kẻ làm công lúc 5 giờ chiều. Thì bây giờ xét theo mặt lịch sử cứu độ: cả họ và ta đều là những người làm công giờ thứ 5 buổi chiều cả.

Bất cứ ai sống sau khi Chúa Giêsu sinh ra, chịu chết phục sinh, thì đều sống trong thời đại cuối cùng, sống trong giờ chót của lịch sử cứu độ. Các tổ phụ, các tiên tri, các hiền nhân thời Cựu Ước mới là kẻ làm công từ sớm. Còn tất cả những ai sinh sau công nguyên, đều hưởng ân cứu độ cách nhưng không cả: cho dù là hưởng từ bé hay lớn rồi mới hưởng đều là những kẻ làm vườn nho giờ chót. Vậy có gì mà phải ganh tị khi họ và ta cũng như nhau.

Họ cũng như ta, lấy gì mà ganh. Họ không hơn ta, lấy gì mà ghen. Mình có ganh có ghen là ghen vì họ đạo đức hơn mình, họ bác ái hơn ta, để rồi cố ganh lên bằng họ. Vậy mới là tốt. Vậy mới là hay. Người ta gọi đó là cái ghen thánh thiện. Chứ ghen vì Chúa thương họ hơn ta thì không phải là cái ghen thánh. Câu ông chủ trong dụ ngôn là một câu hay để khuyên bảo nhau: Đừng ghen tị về lòng nhân từ của Chúa mà phải mừng vui vì Chúa nhân từ như thế đối với mọi người, nhất là những người tội lỗi.

Trong suốt chiều dài của kinh Tin Kính, chúng ta sẽ tuyên xưng người Cha toàn năng, thương xót yêu thương chúng ta vô cùng bằng những hành vi kỳ diệu, mà tột đỉnh là gửi Người Con duy nhất xuống trần để làm cho con người trần được làm con Chúa. Ai cũng bình đẳng trong phẩm giá làm con Chúa, không ai hơn ai, lấy gì mà ghen?

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha tới thăm một trong những địa diểm nghèo nhất nước Pháp ở Marseille.
Thanh Quảng sdb
16:44 23/09/2023
Đức Thánh Cha tới thăm một trong những địa diểm nghèo nhất nước Pháp ở Marseille.

Aleteia

Vào sáng ngày thứ hai trong chuyến viếng thăm Marseille, ngày 23 tháng 9 năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành một thời gian riêng cho những người gặp khó khăn, tại một trung tâm do Dòng Thừa sai Bác ái – các sơ của Mẹ Teresa – ở Saint-Mauront, một vùng nghèo nhất của thành phố Marseille.

Đức Thánh Cha, vị Giáo hoàng 86 tuổi đã đến Marseille vào ngày 22 tháng 9. Ngay sau đó Ngài đã gặp hàng chục người từ Hiệp hội Fratello, một tổ chức mà ngài biết rất rõ. Hiệp hội này được thành lập ở Pháp vào năm 2014 và giúp thúc đẩy Ngày Thế giới Người nghèo.

Sáng nay, Đức Thánh Cha đã tổ chức một loạt cuộc gặp riêng khác, đầu tiên với Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, chính trị gia Hy Lạp Margaritis Schinas, và sau đó với đại diện của các tổ chức giúp đỡ người di cư trên biển.

Sau những cuộc gặp gỡ không chính thức này, Đức Thánh Cha đã đến quận Saint-Mauront, là một trong những nơi nghèo nhất ở Pháp. Hơn 50 người đã chờ đợi ngài tại nhà của Dòng Thừa Sai Bác Ái.

Đức Thánh Cha được chào đón bởi một nhóm nhỏ vui tươi trong sân trụ sở với những tấm biển ngữ chào mừng bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Theo truyền thống Ấn Độ, một vòng hoa được các sơ quàng lên cổ ĐTC.

Trong số những người có mặt có Yannick, 52 tuổi đến từ Marseilles, ông nói với các phóng viên rằng ông rất vui mừng trước chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, và ca ngợi “tinh thần cao cả dấn thân” của các nữ tu, những người vẫn “hăng say” dù có phải “thiếu thốn”, luôn lạc quan tôn trọng vui tươi dấn thân dù có phải đối diện với thực tế sôi động của thành phố.

Trong cuộc gặp gỡ này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tặng cộng đồng một bức tượng Thánh Giuse ẵm Chúa Giêsu Hài Đồng trên tay.

Sau đó, ĐTC trở lại lâu đài Pharo để tham dự bế mạc của Đại Hội Vùng Biển Địa Trung Hải (Rencontres Méditerranéennes).

Đại hội quy tụ các giám mục của các quốc gia quanh Địa Trung Hải và các đại diện trẻ để thảo luận về những thách thức của vùng.

Đáng chú ý là vấn đề di cư, vì Địa Trung Hải giống như một nghĩa trang như Đức Thánh Cha đã từng than thở.

Tổ chức Di cư Quốc tế cho biết ít nhất 2.000 người đã thiệt mạng kể từ đầu năm nay khi họ cố vượt Địa Trung Hải. Kể từ năm 2014, thống kê đã lên tới 27.364 người chết và mất tích trên biển.
 
Truyền thông Pháp nói về chuyến viếng thăm Marseille của Đức Thánh Cha
Thanh Quảng sdb
18:21 23/09/2023
Truyền thông Pháp nói về chuyến viếng thăm Marseille của Đức Thánh Cha

Khi Đức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu ngày thứ hai tại Marseille, các phương tiện truyền thông trên khắp nước Pháp nhấn mạnh thông điệp của ngài dành cho các quốc gia châu Âu là hãy tôn trọng phẩm giá con người của những người di cư và giải cứu họ trên biển cả.

(Tin Vatican - Paul Samasumo)

Khi đến Marseille vào thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bắt tay ngay vào các hoạt động đã được chuẩn bị cho chuyến viếng thăm cuối tuần này tới thành phố miền nam nước Pháp.

“Hiệu ứng về ĐTC” được thấy rõ khi các phương tiện truyền thông Pháp, thường dè dặt trong việc đưa tin về các vấn đề tôn giáo, dường như tìm mọi cách để đưa tin về ĐTC Phanxicô - đặc biệt là ngay sau khi ĐTC đến, dù cùng thời điểm đó, giải bóng bầu dục thế giới bước sang giai đoạn đấu thứ hai.

Tập trung vào người di cư

Kể từ khi ĐTC đến, một số đài truyền hình đã đưa tin khắp nơi về chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Marseille.

Kênh truyền hình France 24 thuộc của chính phủ, một kênh truyền hình tin tức và thời sự có ảnh hưởng quốc tế, đã tập trung vào tin sáng thứ Bảy về lời nhắc nhở của Đức Thánh Cha Phanxicô với các chính phủ châu Âu rằng họ có nhiệm vụ giải cứu những người di cư trong những tình huống nguy hiểm trên biển.

Ngay sau khi đến nơi, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng việc giải cứu những người di cư là nghĩa vụ của nhân loại.

Tờ Le Figaro, một trong những tờ báo lâu đời nhất của Pháp, cũng đi theo con đường tương tự, lặp lại thông điệp của Đức Phanxicô chống lại việc cưỡng bức hồi hương những người tị nạn, người di cư hoặc những người xin tị nạn.

Tờ La Provence, một trong những tờ nhật báo hàng đầu được xuất bản ở Marseille, nói về một vị Giáo hoàng đối đầu với sự thờ ơ trước vụ đắm tàu và trước cái chết của những người di cư trên biển.

Tình hình bảo mật

Mặt khác, tờ báo phát hành rộng rãi của Pháp, tờ Le Monde, lại có quan điểm mang tính luận chiến hơn một chút, khi nói rằng chuyến viếng thăm của ĐTC tới Marseille nêu bật mối quan hệ phức tạp của Giáo hoàng Phanxicô với người Pháp.

Tờ báo cũng cho hay tình hình an ninh chưa từng có được bố trí cho chuyến thăm của ĐTC và Tổng thống Emmanuel Macron tới thành phố cảng.

Nhìn chung, cái nhìn tổng thể của giới truyền thông về Ngày thứ nhất trong chuyến viếng thăm kéo dài hai ngày của Đức Thánh Cha là tích cực và được trân quí.
 
Diễn văn kết thúc Cuộc Gặp Gỡ Địa Trung Hải của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Vũ Văn An
19:05 23/09/2023

Sáng ngày 23 tháng 9, Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, đã chính thức chào đón Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại cung điện Pharo [Hải Đăng], nơi diễn ra phiên họp cuối cùng của Cuộc Gặp Gỡ Địa Trung Hải. Tại đây, Đức Giáo Hoàng đã đọc một bài diễn văn, trước Tổng thống Pháp và phu nhân, các giám mục, các thị trưởng, cùng các đại diện chính quyền của vùng Địa Trung Hải. Sau đây là nguyên văn bài diễn văn của ngài, dựa vào bản tiếng Anh của Tòa Thánh:



Thưa Tổng thống,
Anh em Giám mục thân mến,
Thưa quí Thị trưởng và Chính quyền đại diện cho các thành phố và vùng lãnh thổ giáp Địa Trung Hải,
Tất cả các bạn thân mến!


Tôi xin gửi lời chào thân ái và biết ơn từng người trong số qúi vị đã chấp nhận lời mời của Đức Hồng Y Aveline tham gia vào các cuộc gặp gỡ này. Cảm ơn Đức Hồng Y vì công việc của ngài và những suy tư có giá trị mà ngài đã chia sẻ. Sau Bari và Florence, hành trình phục vụ các dân tộc Địa Trung Hải đang tiến về phía trước: cũng tại đây, các nhà lãnh đạo Giáo hội và dân sự tụ tập không phải để giải quyết các lợi ích chung, nhưng được thúc đẩy bởi ước muốn chăm sóc mọi người nam nữ. Cảm ơn các quí vị đã lôi kéo giới trẻ, những người là hiện tại và tương lai của Giáo hội và xã hội.

Marseille là một thành phố rất cổ kính. Được thành lập bởi các thủy thủ Hy Lạp đến từ Tiểu Á, truyền thuyết kể về câu chuyện tình yêu giữa một thủy thủ di cư và một công chúa bản xứ. Ngay từ đầu, nó đã thể hiện một đặc điểm đa dạng và có tính quốc tế: nó chào đón sự giàu có của biển khơi và trao quê hương cho những người không còn quê hương. Marseilles nói với chúng ta rằng, dù có khó khăn, việc chung sống vẫn có thể thực hiện được và là nguồn vui. Trên bản đồ, nó gần như vẽ ra một nụ cười giữa Nice và Montpellier. Tôi thích nghĩ về nó theo cách đó: Marseilles là “nụ cười của Địa Trung Hải”. Vì vậy, tôi muốn cung cấp cho quí vị một số suy nghĩ xoay quanh ba khía cạnh đặc trưng của Marseille, ba biểu tượng: biển khơi, bến cảng và ngọn hải đăng.

1. Biển khơi. Một làn sóng các dân tộc đã biến thành phố này thành một bức tranh hy vọng, với truyền thống đa sắc tộc và đa văn hóa vĩ đại, được đại diện bởi hơn sáu mươi Lãnh sự quán trên lãnh thổ của nó. Marseille vừa là một thành phố đa dạng vừa khác biệt, vì chính sự đa dạng của nó, kết quả của cuộc gặp gỡ với thế giới, đã làm cho lịch sử của nó trở nên khác biệt. Ngày nay chúng ta thường nghe nói rằng lịch sử Địa Trung Hải là sự đan xen của những xung đột giữa các nền văn minh, tôn giáo và viễn kiến khác nhau. Chúng ta đừng bỏ qua những vấn đề đang hiện hữu, nhưng cũng đừng để bị lừa dối: những trao đổi diễn ra giữa các dân tộc đã biến Địa Trung Hải thành cái nôi của nền văn minh, một vùng biển tràn ngập kho báu, đến mức, như một sử gia vĩ đại người Pháp đã viết, đó “không phải một cảnh quan mà là vô số cảnh quan. Không phải một biển, mà là hàng loạt biển… trong nhiều thiên niên kỷ, mọi thứ đã chảy vào đó, làm phức tạp và làm phong phú thêm lịch sử của nó” (F. BRAUDEL, La Méditerranée, Paris 1985, 16). Biển của chúng ta (mare nostrum) là nơi gặp gỡ: giữa các tôn giáo Ápraham; giữa tư tưởng Hy Lạp, Latinh và Ả Rập; giữa khoa học, triết học và luật pháp; và trong số nhiều thực tế khác. Nó đã chuyển tải cho thế giới giá trị cao cả của con người, được ban cho tự do, cởi mở với sự thật và cần ơn cứu rỗi, coi thế giới như một kỳ quan cần được khám phá và như một khu vườn để sinh sống, dưới dấu ấn của một Thiên Chúa lập giao ước với con người nam và nữ.

Một thị trưởng vĩ đại đã nhìn thấy ở Địa Trung Hải không phải là vấn đề xung đột mà là phản ứng của hòa bình, thực sự là “sự khởi đầu và nền tảng của hòa bình giữa tất cả các quốc gia trên thế giới” (G. LA PIRA, Nhận xét tại buổi Kết thúc cuộc Hội thảo Địa Trung Hải đầu tiên, ngày 6 tháng 10 năm 1958). Ông nói: “Câu trả lời… có thể thực hiện được nếu chúng ta xem xét ơn gọi chung và có thể nói là vĩnh viễn mà Chúa Quan Phòng đã giao phó trong quá khứ, đã giao phó trong hiện tại và, theo một nghĩa nào đó, sẽ giao phó trong tương lai cho các dân tộc và các quốc gia, những người sống trên bờ Hồ Tiberias mở rộng đầy mầu nhiệm này, tức là Địa Trung Hải” (Diễn văn khai mạc Hội thảo Địa Trung Hải đầu tiên, ngày 3 tháng 10 năm 1958). Vào thời Chúa Kitô, Hồ Tiberias, hay Biển hồ Galilê, là nơi tập trung nhiều quần thể, tín ngưỡng và truyền thống khác nhau. Chính tại đó, tại “Galilê của Dân Ngoại” (x. Mt 4:15), vượt qua được nhờ Đường Biển, phần lớn cuộc đời công khai của Chúa Giêsu đã diễn ra. Một bối cảnh đa diện và không ổn định về nhiều mặt đã là nơi để mọi người công bố các Mối Phúc Thật, nhân danh một Thiên Chúa là Cha của mọi người, Đấng “làm cho mặt trời mọc lên trên kẻ xấu cũng như người tốt, và làm mưa trên kẻ người công chính và kẻ bất chính” (Mt 5:45). Đây cũng là một lời mời gọi mở rộng biên giới của trái tim, vượt qua các rào cản sắc tộc và văn hóa. Vậy thì đây là câu trả lời đến từ Địa Trung Hải: Biển hồ Galilê lâu năm này kêu gọi chúng ta chống lại tính chia rẽ của các xung đột với “sự cùng tồn tại của những khác biệt” (T. BELLO, Benedette inquietudini, Milan 2001, 73). Biển của chúng ta, ở ngã tư Bắc và Nam, Đông và Tây, hội tụ những thách thức của toàn thế giới, như “năm bờ biển” mà quí vị đã suy tư làm chứng: Bắc Phi, Cận Đông, Biển Đen và Biển Aegean, vùng Balkan và châu Âu Latinh. Đó là tiền đồn của những thách thức mà mọi người đều quan tâm: chúng ta hãy nghĩ đến khí hậu, với Địa Trung Hải là một điểm nóng nơi những thay đổi được cảm nhận nhanh chóng hơn. Điều quan trọng biết bao là bảo vệ sự kết nối của Địa Trung Hải, một kho tàng đa dạng sinh học độc đáo! Nói tóm lại, vùng biển này, một môi trường mang lại một cách tiếp cận độc đáo đối với tính đa phức, là một “tấm gương của thế giới” và mang trong mình một ơn gọi hoàn cầu hướng tới tình huynh đệ, một ơn gọi độc đáo và là cách duy nhất để ngăn chặn và khắc phục xung đột.

Thưa anh chị em, giữa biển cả xung đột ngày nay, chúng ta có mặt ở đây để tăng cường sự đóng góp của Địa Trung Hải, để nó có thể trở lại là một phòng thí nghiệm của hòa bình. Vì đây là thiên chức của nó, trở thành một nơi mà các quốc gia và thực tại khác nhau có thể gặp nhau trên cơ sở nhân tính mà tất cả chúng ta cùng chia sẻ, chứ không phải trên cơ sở những hệ tư tưởng tương phản. Quả thực, Địa Trung Hải nói lên một lối suy nghĩ không độc diện và mang tính hệ tư tưởng, mà đa diện và nhất quán với bản chất của sự việc; một lối suy nghĩ sống động, cởi mở và thích nghi, một lối suy nghĩ mang tính cộng đồng, đó là từ ngữ chính xác. Chúng ta cần điều này biết bao trong thời điểm hiện nay, khi những chủ nghĩa dân tộc cổ hủ và hiếu chiến muốn làm tan biến giấc mơ của cộng đồng các quốc gia! Tuy nhiên – chúng ta hãy nhớ điều này – với vũ khí, chúng ta gây ra chiến tranh chứ không phải hòa bình, và với lòng tham quyền lực, chúng ta luôn quay về quá khứ hơn là xây dựng tương lai.

Vậy chúng ta nên bắt đầu từ đâu để hòa bình bén rễ? Trên bờ Biển hồ Galilê, Chúa Giêsu bắt đầu bằng việc ban niềm hy vọng cho người nghèo và tuyên bố họ là người có phúc: Người lắng nghe những nhu cầu của họ, chữa lành vết thương cho họ và trên hết là loan báo cho họ tin mừng về Nước Trời. Chúng ta cần bắt đầu lại từ đó, từ tiếng kêu thường thầm lặng của những người nhỏ bé nhất trong chúng ta, chứ không phải từ những người may mắn hơn, những người không cần giúp đỡ nhưng vẫn lên tiếng. Chúng ta, Giáo hội và xã hội dân sự, hãy bắt đầu lại bằng cách lắng nghe những người nghèo “cần được ôm ấp chứ không phải được đếm số” (P: MAZZOLARI, La parola ai poveri, Bologna 2016, 39), vì họ là những gương mặt chứ không phải những con số. Sự thay đổi hướng đi trong cộng đồng của chúng ta nằm ở việc đối xử với họ như anh chị em mà chúng ta biết những câu chuyện của họ, chứ không phải là những vấn đề rắc rối hay đuổi họ đi, đuổi họ về nhà; nó nằm ở việc chào đón họ chứ không che giấu họ; trong việc tích hợp họ, không đuổi họ đi; trong việc mang lại cho họ phẩm giá. Tôi muốn nhắc lại rằng Marseilles là thủ đô của sự hội nhập các dân tộc. Anh chị em có thể tự hào về điều này! Ngày nay, biển chung sống của con người bị ô nhiễm bởi sự bất ổn, thậm chí còn tấn công cả Marseille xinh đẹp. Ở đâu có bất ổn ở đó có tội phạm. Nơi nào thiếu việc làm cùng với tình trạng nghèo đói về vật chất, giáo dục, văn hóa và tôn giáo, con đường sẽ mở ra cho các băng đảng và nạn buôn bán bất hợp pháp. Chỉ cam kết của các tổ chức thôi thì chưa đủ, chúng ta cần một cú hích lương tâm để nói “không” với tình trạng vô luật pháp và nói “có” với tình liên đới, đó không phải là một giọt nước trong đại dương, mà là yếu tố không thể thiếu để thanh lọc vùng nước của nó.

Quả thực, tệ nạn xã hội thực sự không phải ở việc gia tăng các vấn đề mà là ở việc giảm bớt sự quan tâm. Ai ngày nay trở thành hàng xóm của những người trẻ bị bỏ rơi, những người dễ trở thành con mồi cho tội ác và mại dâm? Ai đang chăm sóc họ? Ai gần gũi với những người bị nô lệ bởi công việc để giúp họ được tự do hơn? Ai quan tâm đến những gia đình đang sợ hãi, sợ hãi về tương lai và sợ hãi việc đưa con cái vào đời? Ai lắng nghe tiếng than thở của những người anh chị em lớn tuổi bị cô lập của chúng ta, những người thay vì được đánh giá cao lại bị gạt sang một bên, với lý do giả tạo về một cái chết được cho là xứng đáng và “ngọt ngào” nhưng lại “mặn đắng” hơn cả nước biển? Ai nghĩ đến những đứa trẻ chưa chào đời, bị từ chối nhân danh một quyền tiến bộ giả tạo, thay vào đó lại là sự rút lui vào những nhu cầu ích kỷ của cá nhân? Ngày nay chúng ta thấy thảm kịch nhầm lẫn trẻ em với động vật. Thư ký của tôi nói với tôi rằng khi ngài đi ngang qua Quảng trường Thánh Phêrô, ngài nhìn thấy một số phụ nữ đang đẩy trẻ em trong xe đẩy... nhưng chúng không phải là trẻ em mà là những con chó! Sự nhầm lẫn này cho chúng ta biết điều gì đó đáng lo ngại. Ai có lòng trắc ẩn nhìn xa hơn bờ biển của mình để nghe tiếng kêu đau đớn vang lên từ Bắc Phi và Trung Đông? Biết bao người đang sống trong bạo lực và chịu đựng những hoàn cảnh bất công và bách hại! Ở đây tôi đang nghĩ đến nhiều Kitô hữu thường xuyên bị buộc phải rời bỏ quê hương hoặc cư trú tại đó mà không được công nhận các quyền lợi của mình và không được hưởng quyền công dân đầy đủ. Xin chúng ta hãy dấn thân để tất cả mọi người trong xã hội đều có thể trở thành những công dân có đầy đủ quyền lợi. Cuối cùng, có một tiếng kêu đau đớn vang dội hơn hết, và nó đang biến Địa Trung Hải, mare nostrum [biển của chúng ta], từ cái nôi của nền văn minh thành mare mortuum [biển người chết], nghĩa địa của phẩm giá con người: đó là tiếng kêu nghẹn ngào của anh chị em di dân. Tôi muốn dành sự chú ý cho tiếng kêu này bằng cách suy gẫm về hình ảnh thứ hai mà Marseille cống hiến cho chúng ta, đó là hình ảnh bến cảng của nó.

2. Cảng Marseille vốn là cửa ngõ rộng lớn mở ra biển khơi, đi vào Pháp và vào châu Âu trong nhiều thế kỷ. Từ đây nhiều người đã ra đi để tìm việc làm và tương lai ở nước ngoài, và từ đây nhiều người đã đi qua cửa ngõ vào lục địa với hành lý trĩu nặng niềm hy vọng. Marseille có một cảng lớn và là một cửa ngõ lớn không thể đóng lại được. Mặt khác, một số cảng Địa Trung Hải đã đóng cửa. Và có hai từ vang lên, khơi dậy nỗi sợ hãi của mọi người: “xâm lược” và “khẩn cấp”. Vì vậy họ đã đóng cửa các cảng. Tuy nhiên, những người liều mạng sống trên biển không xâm lược, họ tìm kiếm sự chào đón, họ tìm kiếm sự sống. Đối với tình trạng khẩn cấp, hiện tượng di dân không phải là một vấn đề cấp bách ngắn hạn, luôn tốt cho việc thúc đẩy tuyên truyền gây hoang mang, mà là một thực tại của thời đại chúng ta, một quá trình liên quan đến ba lục địa xung quanh Địa Trung Hải và phải được quản lý bằng tầm nhìn xa khôn ngoan, bao gồm cả đáp ứng của châu Âu có khả năng đối phó với những khó khăn khách quan. Ở đây, trên bản đồ này, tôi đang nhìn những bến cảng được người di cư ưa thích: Síp, Hy Lạp, Malta, Ý và Tây Ban Nha... Chúng hướng ra Địa Trung Hải và tiếp nhận những người di cư. Mare nostrum kêu gọi công lý, với bờ biển của nó một mặt toát lên sự sung túc, chủ nghĩa tiêu dùng và lãng phí, mặt khác lại là nghèo đói và bất ổn. Ở đây, Địa Trung Hải cũng phản chiếu thế giới, với miền Nam hướng về phía Bắc, với nhiều nước đang phát triển, bị cản trở bởi sự bất ổn, chế độ, chiến tranh và sa mạc hóa, hướng tới những nước khá giả, trong một thế giới hoàn cầu hóa mà tất cả chúng ta đều kết nối với nhau, nhưng lại có sự chênh lệch chưa bao giờ lớn đến thế. Tuy nhiên, tình trạng này không phải là điều mới lạ trong những năm gần đây, và vị Giáo hoàng này đến từ bên kia thế giới không phải là người đầu tiên cảnh cáo về nó một cách cấp bách và quan tâm. Giáo hội đã nói về nó với giọng chân thành trong hơn năm mươi năm qua.

Ngay sau khi kết thúc Công đồng Vatican II, Thánh Phaolô VI, trong Thông điệp Populorum Progressio, đã viết: “Các quốc gia đang đói khát trên thế giới đang kêu gọi các dân tộc được ban phước dư thừa. Và Giáo hội, bị đau đớn bởi tiếng kêu này, yêu cầu mỗi người hãy lắng nghe lời van vỉ của anh chị em mình và đáp lại một cách yêu thương” (số 3). Đức Giáo Hoàng Phaolô liệt kê “ba nhiệm vụ” của các quốc gia phát triển hơn, “xuất phát từ tình huynh đệ nhân bản và siêu nhiên của con người… tình liên đới hỗ tương – sự trợ giúp mà các quốc gia giàu có hơn phải dành cho các quốc gia đang phát triển; công bằng xã hội – điều chỉnh quan hệ thương mại giữa các quốc gia mạnh và yếu; bác ái phổ quát – nỗ lực xây dựng một cộng đồng thế giới nhân bản hơn, nơi tất cả mọi người đều có thể cho và nhận, và sự tiến bộ của một số người không bị mua chuộc bằng sự tổn hại của những người khác” (Số 44). Vào năm 1967, dưới ánh sáng Tin Mừng và những cân nhắc này, Đức Phaolô VI đã nhấn mạnh “bổn phận tiếp đón những người nước ngoài một cách hiếu khách”, một nghĩa vụ mà ngài viết: “chúng ta không thể nhấn mạnh đủ” (Số 67). Mười lăm năm trước, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã khuyến khích điều này khi viết rằng “Thánh Gia lưu vong, Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse di cư sang Ai Cập… là mẫu mực, gương sáng và sự hỗ trợ cho tất cả những người di cư và hành hương ở mọi thời đại, mọi quốc gia, và của mọi người tị nạn trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù do bắt bớ hay do thiếu thốn, đều bị buộc phải rời bỏ quê hương và cha mẹ thân yêu của mình… và đi tìm một vùng đất xa lạ” (Tông Hiến Exsul Familia de Spirituali emigrantium cura, 1 tháng 8 năm 1952).



Chắc chắn không ai không nhìn thấy những khó khăn trong việc chào đón. Người di cư phải được chào đón, bảo vệ hoặc đồng hành, thăng tiến hội nhập. Nếu điều này không xảy ra thì người di cư sẽ bị đẩy ra bên lề xã hội. Được chào đón, đồng hành, thăng tiến và hội nhập: đây là phong cách. Đúng là không dễ để có phong cách này hoặc hòa nhập những người bất ngờ, tuy nhiên tiêu chuẩn chính không thể là việc bảo tồn hạnh phúc của chính mình, mà là bảo vệ phẩm giá con người. Chúng ta không nên coi những người nương náu giữa chúng ta như một gánh nặng phải gánh: thay vào đó, nếu chúng ta coi họ như anh chị em, thì trước hết họ sẽ xuất hiện với chúng ta như những hồng phúc. Ngày mai chúng ta kỷ niệm Ngày Thế giới Di dân và Tị nạn. Xin cho chúng ta cảm động trước câu chuyện của rất nhiều anh chị em bất hạnh, những người có quyền di cư và không di cư, và không khép kín trong lòng thờ ơ. Lịch sử đang thách thức chúng ta thực hiện bước nhảy vọt về lương tâm để ngăn chặn cuộc đắm tầu của nền văn minh. Vì tương lai sẽ không nằm trong sự khép kín, vốn là sự trở về quá khứ, một bước ngoặt trong hành trình lịch sử. Trước tai họa khủng khiếp của việc bóc lột con người, giải pháp không phải là bác bỏ mà là bảo đảm, tùy theo khả năng của mỗi người, một số lượng dồi dào các lối vào hợp pháp và thường xuyên. Điều này sẽ duy trì được với sự chào đón công bằng từ phía lục địa Châu Âu, trong bối cảnh hợp tác với các nước xuất xứ. Trong khi đó, việc kêu “đủ rồi!” là nhắm mắt lại; mưu toan “tự cứu mình” bây giờ sẽ trở thành bi kịch ngày mai. Các thế hệ tương lai sẽ cảm ơn chúng ta nếu chúng ta có thể tạo điều kiện cho sự hội nhập cần thiết. Nếu không, họ sẽ khiển trách chúng ta nếu chúng ta chỉ ủng hộ những hình thức đồng hóa vô sinh. Việc hòa nhập của người di cư là một nỗ lực mệt mỏi nhưng có tầm nhìn xa; một việc đồng hóa không tính đến những khác biệt và vẫn cố định một cách cứng ngắc trong các mô hình riêng của nó chỉ làm cho các ý tưởng chiếm ưu thế hơn thực tại và gây nguy hiểm cho tương lai, gia tăng khoảng cách và kích động sự phân biệt chủng tộc, từ đó gây ra sự thù địch và các hình thức bất khoan dung. Chúng ta cần tình huynh đệ như chúng ta cần bánh mì. Chính chữ “anh em” trong từ nguyên Ấn-Âu của nó bắt nguồn từ một chữ gốc gắn liền với nuôi và dưỡng. Chúng ta sẽ chỉ dưỡng bản thân bằng cách nuôi những người dễ bị tổn thương nhất một cách đầy hy vọng, chấp nhận họ như anh chị em. “Đừng quên tỏ lòng hiếu khách” (Dt 13:2), Kinh thánh dạy chúng ta như thế. Và trong Cựu Ước điều này được lặp lại: góa phụ, trẻ mồ côi và khách lạ. Ba bổn phận bác ái: giúp đỡ người góa bụa, giúp đỡ trẻ mồ côi và giúp đỡ người xa lạ, người di cư.

Về phương diện này, cảng Marseille cũng là “cánh cửa đức tin”. Theo truyền thống, chính tại đây các Thánh Mácta, Maria và Ladarô đã đặt chân tới và gieo hạt giống Tin Mừng tại những vùng đất này. Đức tin đến từ biển cả, khi chúng ta được nhắc nhở bởi truyền thống Lễ Nến ở Marseille và cuộc rước hàng hải của nó. Trong Tin Mừng, Ladarô là bạn của Chúa Giêsu, nhưng cũng là tên của nhân vật chính trong một trong những dụ ngôn hợp thời nhất của Người, một dụ ngôn mở mắt chúng ta trước sự bất bình đẳng làm xói mòn tình huynh đệ và nói với chúng ta về việc Chúa dành ưu tiên cho người nghèo. Là những Kitô hữu, những người tin vào Thiên Chúa làm người, vào Con Người duy nhất không thể bắt chước được, Đấng trên bờ Địa Trung Hải tự gọi mình là đường, là sự thật và là sự sống (x. Ga 14,6), chúng ta không thể chấp nhận rằng những con đường gặp gỡ phải bị đóng cửa. Làm ơn, chúng ta đừng đóng những con đường gặp gỡ! Chúng ta không thể chấp nhận điều này: sự thật về tiền tài lấn át phẩm giá con người, sự sống sẽ biến thành cái chết! Giáo hội tuyên bố rằng Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô “cách nào đó đã hiệp nhất với mọi người nam nữ” (Gaudium et Spes, 22) và cùng với Thánh Gioan Phaolô II tin rằng nhân loại là con đường của mình (x. Thông điệp Redemptor Hominis, 14). Hãy thờ phượng Thiên Chúa và phục vụ những người dễ bị tổn thương nhất, đó là kho báu của Người. Hãy tôn thờ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, đó mới là điều quan trọng: không phải tầm quan trọng xã hội hay con số rộng lớn, mà là lòng trung thành với Chúa và với nhân loại!

Đây là chứng tá Kitô giáo, và thường thì nó còn có tính anh hùng: chẳng hạn tôi nghĩ đến Thánh Charles de Foucauld, “người anh em phổ quát”, các vị tử đạo ở Algeria, nhưng tôi cũng nghĩ đến tất cả những tác nhân bác ái trong thời đại chúng ta. Trong lối sống Tin Mừng gây xôn xao này, Giáo Hội khám phá ra bến cảng chắc chắn để cập bến và khởi hành để thắt chặt mối liên kết với người dân của mọi quốc gia, tìm kiếm khắp mọi nơi dấu vết của Chúa Thánh Thần và cống hiến tất cả những gì Giáo Hội đã nhận được nhờ ân sủng. Đây là thực tại thuần khiết nhất của Giáo hội, như Bernanos đã viết, đây là “Giáo hội của các vị thánh”, đồng thời nói thêm rằng “bộ máy vĩ đại của sự khôn ngoan, sức mạnh, kỷ luật mềm dẻo, sự tráng lệ và uy nghi này tự nó chẳng là gì cả, trừ khi được truyền cảm hứng từ đức ái” (Jeanne, relapse et sainte, Paris, 1994, 74). Tôi vui mừng ca ngợi cái nhìn sâu sắc đặc biệt của người Pháp này, thiên tài sáng tạo Kitô giáo này đã tái khẳng định rất nhiều sự thật thông qua vô số hành động và bài viết. Thánh Caesarius thành Arles đã nói: “Nếu bạn có đức ái, bạn có Thiên Chúa; và nếu bạn có Thiên Chúa, thì bạn còn thiếu điều gì?” (Bài giảng 22, 2). Pascal thừa nhận rằng “đối tượng duy nhất của Kinh thánh là đức ái” (Pensées, số 301) và “sự thật ngoài đức ái không phải là Thiên Chúa mà là hình ảnh của Người và một ngẫu tượng mà người ta không được yêu mến hay tôn thờ” (ibid., số 767). Do đó, Thánh John Cassian, người đã qua đời ở đây, đã viết rằng “Mọi thứ, ngay cả những gì chúng ta coi là hữu ích và cần thiết, đều có giá trị thấp hơn sự tốt lành vốn là hòa bình và bác ái” (Collationes, XVI, 6).

Như thế, điều đúng đắn là các Kitô hữu không nên thua ai về lòng bác ái; và Tin Mừng về lòng bác ái là một đại hiến chương của mọi công việc mục vụ. Chúng ta không được kêu gọi đau buồn về thời đã qua, hoặc xác định lại vai trò của Giáo hội trong xã hội; chúng ta được kêu gọi làm chứng, không thêu dệt Tin Mừng bằng lời nói, nhưng làm cho Tin Mừng thành xác thịt; đừng lo lắng về tính hiển thị của chúng ta nhưng hãy tận hiến một cách nhưng không, tin rằng “thước đo của Chúa Giêsu là tình yêu không thước đo” (Bài giảng, ngày 23 tháng 2 năm 2020). Thánh Phaolô, vị tông đồ của các dân tộc, người đã dành phần lớn cuộc đời của mình băng qua Địa Trung Hải từ cảng này sang cảng khác, đã dạy rằng để chu toàn luật Chúa Kitô, cần phải mang gánh nặng cho nhau (x. Gl 6:2). Anh em Giám mục thân mến, chúng ta đừng tạo gánh nặng cho người khác, nhưng nhân danh Tin Mừng về lòng thương xót, làm nhẹ bớt gánh nặng của họ, để hân hoan loan truyền niềm an ủi của Chúa Giêsu cho nhân loại đang mệt mỏi và bị tổn thương. Cầu mong Giáo hội không phải là một danh sách các quy định mà là trái tim! Ước gì Giáo hội trở thành một bến cảng tươi mát, nơi mọi người cảm thấy được khuyến khích dấn thân vào cuộc sống với sức mạnh vô song phát sinh từ niềm vui Kitô giáo. Ước gì Giáo hội không phải là một nhà hải quan. Chúng ta hãy nhớ những gì Chúa đã nói với chúng ta: mọi người, mọi người, mọi người đều được mời gọi.

3. Bây giờ, nói ngắn gọn, tôi đến với hình ảnh cuối cùng của mình, hình ảnh ngọn hải đăng, chiếu tia sáng xuống biển và giúp người ta có thể nhìn thấy bến cảng. Những ngọn đèn hiệu sáng chói nào có thể hướng dẫn lộ trình của các Giáo hội Địa Trung Hải? Nghĩ về biển cả, nơi kết hợp rất nhiều cộng đồng tín hữu khác nhau, tôi tin rằng người ta có thể suy nghĩ về những cách hợp tác hơn nữa, có lẽ cũng nên xem xét sự hữu ích của một hội nghị giáo hội Địa Trung Hải, như Đức Hồng Y Aveline đã đề cập, có thể mang lại những khả năng lớn hơn cho đối thoại khu vực và đại diện. Ngoài ra, khi nghĩ đến các bến cảng và chủ đề di cư, sẽ rất hữu ích nếu hướng tới một kế hoạch mục vụ cụ thể thậm chí còn liên kết chặt chẽ hơn, để những giáo phận dễ bị ảnh hưởng nhất có thể cung cấp sự trợ giúp tốt nhất về tinh thần và nhân bản cho các anh chị em của chúng ta, những người đến đó với nhu cầu rất lớn.

Cuối cùng, ngọn hải đăng, trong cung điện danh giá mang tên nó, khiến tôi đặc biệt nghĩ đến giới trẻ. Họ là ánh sáng chỉ đường cho tương lai. Marseille là một thành phố đại học lớn, nơi có bốn cơ sở; trong số 35,000 sinh viên của trường, có 5,000 người nước ngoài. Chúng ta bắt đầu dệt nên mối quan hệ giữa các nền văn hóa từ đâu, nếu không phải từ các trường đại học? Ở đó, người trẻ không bị thu hút bởi sự cám dỗ của quyền lực mà bởi ước mơ xây dựng tương lai. Ước gì các trường đại học Địa Trung Hải trở thành những phòng thí nghiệm của những giấc mơ và những buổi hội thảo trong tương lai, nơi những người trẻ trưởng thành bằng cách gặp gỡ nhau, tìm hiểu nhau và khám phá những nền văn hóa và bối cảnh vừa gần gũi vừa đa dạng. Bằng cách này, những thành kiến được dỡ bỏ, những vết thương được chữa lành và những luận điệu theo trào lưu chính thống cực đoan bị bác bỏ. Hãy lưu ý đến việc rao giảng của rất nhiều trào lưu chính thống cực đoan đang thịnh hành ngày nay! Những người trẻ, được chuẩn bị tốt và quen với việc giao tiếp xã hội, sẽ có thể mở ra những cánh cửa đối thoại bất ngờ. Nếu chúng ta muốn họ cống hiến hết mình cho Tin Mừng và phục vụ chính trị cao cả, trước tiên chúng ta cần phải đáng tin cậy: quên mình, không quy chiếu về mình, tận tâm cống hiến không mệt mỏi cho người khác. Tuy nhiên, thách thức chính của giáo dục liên quan đến mọi lứa tuổi: bắt đầu từ trẻ em, bằng cách “hòa nhập” với những người khác, chúng có thể vượt qua những rào cản, vượt qua những định kiến và phát triển bản sắc riêng của mình trong bối cảnh cùng làm giàu cho nhau. Giáo hội chắc chắn có thể đóng góp vào việc này bằng cách cung cấp mạng lưới giáo dục của mình và khuyến khích “sự sáng tạo của tình huynh đệ”.

Thưa anh chị em, thách đố cũng là một thách đố của thần học Địa Trung Hải – thần học phải bắt nguồn từ cuộc sống, thần học trong phòng thí nghiệm không hữu dụng – có khả năng phát triển những lối suy nghĩ bắt nguồn từ thực tại, là “ngôi nhà” cho con người chứ không chỉ là dữ kiện kỹ thuật, sẵn sàng hợp nhất các thế hệ bằng cách liên kết ký ức và tương lai, đồng thời thúc đẩy một cách độc đáo hành trình đại kết của các Kitô hữu và cuộc đối thoại giữa các tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau. Có thể rất hứng thú khi bắt đầu cuộc tìm kiếm phiêu lưu này, cả triết học lẫn thần học, một cuộc tìm kiếm, bằng cách rút ra từ các nguồn văn hóa Địa Trung Hải, có thể khôi phục lại niềm hy vọng cho con người nam nữ, một mầu nhiệm tự do, cần đến Thiên Chúa và những người khác để mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của họ. Cũng cần phải suy gẫm về mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng mà không ai có thể chiếm hữu hoặc kiểm soát được, và thay vào đó, Đấng phải được bảo vệ khỏi mọi lạm dụng bạo lực và công cụ, với ý thức rằng việc tuyên xưng sự cao cả của Ngườii đòi hỏi nơi chúng ta lòng khiêm nhường của những người tìm kiếm.

Anh chị em thân mến, tôi vui mừng được đến đây, ở Marseilles! Tổng thống đã mời tôi đến thăm Pháp, nhưng ông nói: “Điều quan trọng là ngài phải đến Marseilles!” Vậy là tôi đã tới đây! Tôi cám ơn quí vị đã kiên nhẫn lắng nghe tôi và vì mọi nỗ lực của quí vị. Hãy tiếp tục công việc tốt đẹp đầy can đảm của quí vị! Hãy là một biển cả của điều tốt đẹp, để đương đầu với tình trạng nghèo đói ngày nay trong tình liên đới và hợp tác; hãy là một bến cảng chào đón, để đón nhận tất cả những ai đang tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn; hãy là ngọn hải đăng của hòa bình, để chọc thủng, qua nền văn hóa gặp gỡ, những vực thẳm tối tăm của bạo lực và chiến tranh. Cảm ơn quí vị rất nhiều!
 
Bài giảng và lời từ giã của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Thánh lễ tại Vélodrome, Marseille
Vũ Văn An
20:45 23/09/2023


Theo trang mạng https://france3-regions.francetvinfo.fr, từ lúc 3 giờ 35 chiều ngày 23 tháng 9, giáo hoàng xa đã có mặt ở cuối đại lộ Prado, Marseille. Đức Giáo Hoàng sẽ hướng về sân vận động vélodrome trong ít phút. Ngài sẽ được hàng ngàn người tụ tập dọc đường hoan hô. Đoàn rước sẽ được bảo vệ bởi cảnh sát Pháp, cảnh sát Ý và vệ binh Thụy sĩ. Đúng 4 giờ, Đức Giáo Hoàng tiến vào và được 57,000 tín hữu nghinh đón tại Vélodrome. 4 giờ 20, ngài được hướng dẫn tới bàn thờ đặt tại lòng Vélodrome. Ngài bắt đầu Thánh Lễ bằng lời chào: "bonjour Marseille, bonjour la France" [Chào Marseille buổi sáng, chào Nước Pháp buổi sáng], sau đó, bằng một giọng yếu ớt, ngài bắt đầu buổi cử hành, bằng tiếng Pháp, lễ ngoại lịch Đức Trinh Nữ Maria de la Garde. Trong bài giảng, ngài đặc biệt nói đến cuộc gặp gỡ gây phấn khởi, nhẩy mừng hân hoan của hai người đàn bà kỳ diệu, một trinh nữ và một người lớn tuổi son sẻ, cả hai cùng mang thai cách nhiệm mầu.

Sau đây là nguyên văn bài giảng của ngài và lời tạm biệt của ngài sau hai ngày viếng thăm Marseille nhân dịp cuộc Gặp Gỡ Địa Trung Hải, dựa vào bản tiếng Anh của Tòa Thánh:



Kinh thánh cho chúng ta biết rằng sau khi thành lập vương quốc của mình, Vua Đavít đã quyết định vận chuyển Hòm bia Giao ước đến Giêrusalem. Sau khi triệu tập mọi người, ông đứng dậy và lên đường mang theo Hòm bia; trên đường đi, ông và dân chúng nhảy múa trước nó, vui mừng trước sự hiện diện của Chúa (x. 2 Sm 6:1-15). Chính trong tấm phông của cảnh này mà thánh sử Luca kể lại chuyến viếng thăm của Đức Maria với người chị họ là bà Êlisabét. Đức Maria cũng chỗi dậy và lên đường đi đến vùng Giêrusalem, và khi bước vào nhà bà Êlisabét, đứa trẻ mà bà đang mang thai, nhận ra sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai, đã nhảy lên vui mừng và bắt đầu nhảy múa như vua Đavít đã nhảy trước Hòm Bia (x. Lc 1:39-45).

Khi đó, Đức Maria được trình bày như Hòm bia giao ước thực sự, giới thiệu Chúa nhập thể vào thế giới. Mẹ là Trinh nữ trẻ đến gặp người phụ nữ già cả son sẻ và khi đem Chúa Giêsu đến, Mẹ trở thành dấu chỉ cuộc viếng thăm của Thiên Chúa vượt qua mọi tình trạng vô sinh. Mẹ là Mẹ đi lên vùng núi Giuđa để nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đang ra đi tìm kiếm chúng ta bằng tình yêu của Người, để chúng ta có thể nhẩy mừng vì hân hoan. Chính Thiên Chúa đang lên đường!

Nơi hai người phụ nữ này, Đức Maria và bà Êlisabét, cuộc viếng thăm nhân loại của Thiên Chúa được mạc khải. Một người trẻ và một người già, một người là trinh nữ và một người son sẻ, thế mà cả hai đều đang mang thai một cách “không thể nào có được”. Đây là công việc của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta; Người làm cho những điều dường như bất khả trở thành khả hữu, Người tạo ra sự sống ngay cả trong tình trạng vô sinh.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy thành thật tự hỏi mình từ đáy lòng: Chúng ta có tin rằng Thiên Chúa đang hoạt động trong cuộc đời chúng ta không? Chúng ta có tin rằng Chúa, bằng những cách thức ẩn giấu và thường không thể đoán trước, hành động trong lịch sử, thực hiện những điều kỳ diệu và đang làm việc ngay cả trong những xã hội của chúng ta vốn bị đánh dấu bởi chủ nghĩa duy tục trần thế và một sự thờ ơ tôn giáo nào đó không?

Có một cách để nhận biết liệu chúng ta có lòng tin cậy nơi Chúa hay không. Cách nào? Tin Mừng kể rằng “vừa khi bà Êlisabét nghe lời chào của Đức Maria thì hài nhi liền nhảy mừng trong lòng bà” (c. 41). Đây là dấu hiệu: nhảy lên vì vui mừng. Bất cứ ai tin, ai cầu nguyện, ai chào đón Chúa đều nhảy múa trong Chúa Thánh Thần, và cảm thấy có điều gì đó đang chuyển động bên trong và “nhảy múa” trong niềm vui. Tôi muốn tập trung vào điều này: bước nhảy vọt của đức tin.

Kinh nghiệm đức tin, trước hết và trên hết, gợi lên một bước nhảy mừng nào đó trước cuộc sống. Nhảy có nghĩa là “được chạm vào bên trong”, có sự rung động bên trong, cảm thấy có điều gì đó đang chuyển động trong trái tim chúng ta. Điều này trái ngược với một trái tim phẳng lặng, lạnh lùng, quen với cuộc sống lặng lẽ, bị bao bọc trong sự thờ ơ và trở nên không thẩm thấu. Một trái tim như vậy trở nên chai cứng và vô cảm với mọi sự và mọi người, thậm chí cả việc loại bỏ sự sống con người một cách bi thảm, điều ngày nay được thấy trong việc từ chối nhiều người nhập cư, vô số trẻ chưa sinh và người già bị bỏ rơi. Một trái tim lạnh lùng, phẳng lặng kéo cuộc sống trôi theo một cách máy móc, không có đam mê, không có động lực, không có ham muốn. Trong xã hội châu Âu của chúng ta, một người có thể bị bệnh vì tất cả những điều này và phải chịu đựng sự hoài nghi, vỡ mộng, cam chịu, bất an và một nỗi buồn toàn diện – tất cả những điều này cùng với nhau: nỗi buồn, nỗi buồn ẩn giấu trong trái tim con người. Có người đã gọi những khuynh hướng này là “niềm đam mê buồn bã” và được tìm thấy ở những người không “nhảy mừng trước cuộc sống”.

Mặt khác, những ai sinh ra trong đức tin đều nhận ra sự hiện diện của Chúa, giống như hài nhi trong bụng bà Êlisabét. Họ nhận ra công việc của Người khi mỗi ngày ló dạng và nhận được những con mắt mới để nhìn thực tại. Ngay cả giữa những khó khăn, vấn đề và đau khổ, mỗi ngày họ nhận ra việc Thiên Chúa viếng thăm giữa chúng ta và cảm thấy được Người đồng hành và nâng đỡ. Đứng trước mầu nhiệm cuộc sống và những thách thức của xã hội, những người có đức tin đều có một bước nhảy, một niềm đam mê, một ước mơ để vun đắp, một mối quan tâm thôi thúc họ dấn thân một cách bản vị. Bây giờ mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: tôi có cảm nhận được những điều này không? Tôi có những thứ này không? Những người như thế biết rằng Chúa hiện diện trong mọi sự, kêu gọi và mời gọi họ làm chứng cho Tin Mừng với lòng hiền lành, để xây dựng một thế giới mới, bằng cách sử dụng những hồng ân và đặc sủng họ đã nhận được.

Ngoài việc giúp chúng ta có thể nhảy mừng khi đối diện với cuộc sống, kinh nghiệm đức tin còn buộc chúng ta phải nhảy về phía người lân cận. Thật vậy, trong mầu nhiệm Thăm Viếng, chúng ta thấy rằng cuộc viếng thăm của Thiên Chúa không diễn ra qua những biến cố ngoại thường thiên giới, nhưng qua sự đơn sơ của một cuộc gặp gỡ. Thiên Chúa đến trước cửa một gia đình, trong cái ôm dịu dàng giữa hai người phụ nữ, trong sự gắn kết qua lại của hai lần mang thai đầy ngạc nhiên và hy vọng. Ở đó chúng ta thấy sự quan tâm của Đức Maria, sự ngạc nhiên của bà Êlisabét và niềm vui của việc chia sẻ.

Chúng ta hãy luôn nhớ điều này trong Giáo Hội: Thiên Chúa có tương quan và thường xuyên đến thăm chúng ta qua những cuộc gặp gỡ giữa con người với nhau, khi chúng ta biết cách cởi mở với người khác, khi trong chúng ta có một “sự khuấy động” ủng hộ những người đi ngang qua chúng ta hàng ngày, và khi trái tim chúng ta không thờ ơ và vô cảm trước những vết thương của người mong manh. Các thành phố lớn của chúng ta và nhiều quốc gia Châu Âu như Pháp, nơi các nền văn hóa và tôn giáo khác nhau cùng hiện hữu, là một lực lượng mạnh mẽ chống lại sự thái quá của chủ nghĩa cá nhân, tính ích kỷ và sự bác bỏ vốn tạo ra sự cô đơn và đau khổ. Chúng ta hãy học nơi Chúa Giêsu cách động viên để giúp đỡ những người sống gần chúng ta. Chúng ta hãy học nơi Đấng động lòng thương xót trước một đám đông mệt mỏi và kiệt sức (x. Mc 6:34) và “nhảy mừng với lòng thương xót” trước thân xác bị thương tích của những ai Người gặp. Như một trong những vị thánh vĩ đại của anh chị em, Thánh Vincent de Paul, đã khuyên nhủ, “vì vậy, chúng ta nên làm mềm lòng mình và khiến chúng nhận thức được những đau khổ và khốn khổ của người lân cận chúng ta. Chúng ta nên cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta tinh thần thương xót, vốn chính là Thần Khí của Thiên Chúa,” đến mức nhận ra rằng người nghèo là “chúa và chủ của chúng ta” (Correspondance, entretiens, Documents, Paris 1920-25, 341; 392-393).

Thưa anh chị em, tôi nghĩ đến nhiều “sự khuấy động” ở Pháp, với lịch sử phong phú về sự thánh thiện và văn hóa; những nghệ sĩ và nhà tư tưởng đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ. Ngày nay cũng vậy, cuộc sống của chúng ta và cuộc sống của Giáo hội, nước Pháp và châu Âu đang cần điều này: ân sủng của một bước nhảy vọt, một bước nhảy vọt mới trong đức tin, bác ái và hy vọng. Chúng ta cần khơi dậy niềm đam mê và nhiệt huyết của mình, đánh thức lại ước muốn dấn thân cho tình huynh đệ. Chúng ta cần một lần nữa liều lĩnh yêu thương gia đình mình và dám yêu thương những người yếu đuối nhất, đồng thời tái khám phá trong Tin Mừng ân sủng biến đổi làm cho cuộc sống trở nên tươi đẹp.

Chúng ta hãy nhìn lên Đức Maria, người đã tự gây khó khăn cho mình khi bắt đầu một cuộc hành trình và là người dạy chúng ta rằng đây là đường lối của Thiên Chúa: Người làm phiền chúng ta, khiến chúng ta chuyển động và làm cho chúng ta “nhảy mừng”, tương tự như kinh nghiệm của bà Êlisabét. Chúng ta muốn trở thành những Kitô hữu gặp gỡ Thiên Chúa trong lời cầu nguyện và là anh chị em của chúng ta trong tình yêu; Những Kitô hữu nhảy mừng, rung động và đón nhận ngọn lửa của Chúa Thánh Thần và sau đó để cho mình được đốt cháy bởi những câu hỏi của thời đại chúng ta, bởi những thách thức của Địa Trung Hải, bởi tiếng kêu của người nghèo – và bởi “những điều không tưởng thánh thiện” của tình huynh đệ và hòa bình đang chờ được thực hiện.

Thưa anh chị em, cùng với anh chị em, tôi cầu nguyện với Đức Mẹ de la Garde, xin Mẹ gìn giữ cuộc sống của anh chị em, bảo vệ nước Pháp và bảo vệ toàn thể Châu Âu, và xin Mẹ khiến chúng ta nhảy mừng trong Chúa Thánh Thần. Tôi muốn dâng lời cầu nguyện này bằng những lời của Paul Clau-del: “Con thấy nhà thờ mở cửa…. Con không có gì để cung hiến và không có gì để yêu cầu. Lạy Mẹ, con đến, chỉ để nhìn Mẹ thôi. Để nhìn Mẹ, để khóc vì hạnh phúc, khi biết rằng con là con của Mẹ, và Mẹ đang ở đó….Ôi Maria, được ở bên Mẹ, được ở nơi Mẹ đang ở….Vì Mẹ luôn ở đó…Đơn giản vì Mẹ là Maria … Đơn giản vì Mẹ hiện hữu… Mẹ của Chúa Giêsu Kitô, tạ ơn Mẹ (“Đức Trinh Nữ vào buổi trưa”, Poëmes de Guerre 1914-1916, Paris, 1992).

_________________________________________

Từ giã lúc kết thúc Thánh lễ

Tôi xin cảm ơn Đức Hồng Y vì những lời nói của ngài và tôi xin cảm ơn tất cả anh chị em vì sự hiện diện và những lời cầu nguyện của anh chị em: xin cảm ơn!

Bây giờ đã kết thúc chuyến thăm này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn về sự đón tiếp nồng nhiệt mà tôi đã nhận được, cũng như về tất cả công việc và sự chuẩn bị đã diễn ra trong chuyến thăm này. Tôi xin cảm ơn Tổng thống nước Cộng hòa và qua ông, tôi gửi lời chào thân ái tới tất cả mọi người nam nữ nước Pháp. Tôi chào Thủ tướng đã đến đón tôi tại sân bay và tôi cũng chào các nhà chức trách có mặt, đặc biệt là Thị trưởng Marseille.

Tôi ôm lấy toàn thể Giáo hội Marseille, với các giáo xứ và cộng đồng tôn giáo, vô số cơ sở giáo dục và các tổ chức từ thiện của nó. Tổng giáo phận này là tổng giáo phận đầu tiên trên thế giới được thánh hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, trong trận dịch hạch bùng phát vào năm 1720. Vì vậy, trong tâm hồn anh chị em, chính là dấu hiệu của tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa, ngay cả giữa “đại dịch thờ ơ" ngày nay. Cảm ơn anh chị em vì sự phục vụ dịu dàng và tận tâm của anh chị em, làm chứng cho sự gần gũi và lòng cảm thương của Chúa!

Một số anh chị em đã đến đây từ nhiều vùng khác nhau của nước Pháp: merci à vous (cám ơn anh chị em]! Tôi xin chào các anh chị em từ Nice, cùng với Đức Giám Mục và Thị trưởng của họ. Tôi nhớ lại cuộc tấn công khủng khiếp ngày 14 tháng 7 năm 2016, trong đó anh chị em là những người sống sót. Chúng ta hãy cầu nguyện tưởng nhớ tất cả những người đã thiệt mạng trong thảm kịch đó, cũng như trong tất cả các hành động khủng bố đã xảy ra ở Pháp và ở mọi nơi trên thế giới. Khủng bố là hèn nhát. Chúng ta đừng mệt mỏi cầu nguyện cho hòa bình ở những vùng bị chiến tranh tàn phá, đặc biệt là cho người dân Ukraine bị chiến tranh tàn phá.

Tôi gửi lời chào chân thành tới các bệnh nhân, trẻ em và người già, những người là ký ức của nền văn minh. Tôi đặc biệt nghĩ đến những người đang gặp khó khăn và tất cả những người lao động ở thành phố này: Jacques Loew, linh mục công nhân đầu tiên của Pháp, một công nhân tại cảng Marseille. Cầu mong phẩm giá của người lao động được tôn trọng, thăng tiến và bảo vệ!

Anh chị em thân mến, tôi sẽ ghi nhớ những cuộc gặp gỡ của những ngày này trong trái tim mình. Xin Đức Bà de la Garde trông coi thành phố này, một thành phố vốn là một bức tranh ghép hy vọng, cho tất cả các gia đình và mỗi người trong anh chị em. Je vous bénis. S'il vous plaît, n'oubliez pas de prier pour moi. Ce travail n’est pas facil! Merci [Tôi chúc lành cho anh chị em. Làm ơn, đừng quên cầu nguyện cho tôi. Công việc của tôi không dễ dàng! Cảm ơn anh chị em].
 
Văn Hóa
Giờ Thứ Mười Một
Nguyễn Trung Tây
15:15 23/09/2023
□ Nguyễn Trung Tây
Giờ Thứ Mười Một

https://www.youtube.com/watch?v=0B7ppdE67j4

Cô ấy nói, tôi đạo theo. Lập gia đình, theo đạo chồng! Tôi chẳng hiểu gì về Chúa.
Chỉ biết nếu theo đạo, mai mốt chết đi, nếu không bị luận phạt, sẽ được lên thiên đàng.

Hàng xóm đạo gốc bỏ không đi lễ Chúa Nhật, bởi đau nặng.
Ông ấy than, bỏ lễ Chúa Nhật, sợ mai này Chúa phạt rớt xuống hỏa ngục.

Thế hệ Digital giờ này cười vang vang bởi những lời giảng dạy của các đấng bậc trên trang mạng về Chúa, những lời nói hớ về Ngài!
Utube ghi rõ. Hớ đoạn nào? Phút thứ mấy? Không trật một giây!

Người tuổi trẻ Thỉnh sinh chia sẻ, con mở miệng ra nói về Chúa về bài Phúc Âm, bạn thỉnh sinh đồng môn tụi hắn chạy hết!

Người quen viết trên trang mạng, thần học viết về Chúa, đọc hại não quá!
Nếu cố gắng đọc, được một đoạn ngắn, đọc đi đọc lại, vẫn chẳng hiểu gì!

Bạn thân nhận xét, sách tu đức Tây phương viết về Chúa, viết về đời sống nội tâm của họ với Chúa. Nhưng lạ kỳ chưa? Cả một thế giới Tây phương giờ này không còn giáo dân. Giáo đường Tây phương giờ thứ 25 trống trơn, hoặc đóng cửa bỏ hoang!

Hỏi người quen ở Long An về Chúa. Cô ấy nói ngay, bây giờ bận rộn lắm, sáng sớm đi làm, tối mịt mờ về tới nhà, thở không ra hơi. Chuyện về Chúa hả? Thời buổi công nghệ điện tử, chuyện Chúa chuyện cổ tích. Hoặc thi thoảng nghe được từ cửa miệng của những người có tuổi, già, lẩm cẩm!

Người quen thân, đạo ông bà, anh ấy nói không biết chi về Chúa hết.
Tôi hỏi, sao ông không đọc hoặc nghe giảng về Phúc Âm, đầy trên trang mạng đó.
Nghe tới đây, bạn mở miệng, ngáp, to to!

□ Thế đấy! Thế hệ điện toán hôm nay không dễ để chia sẻ về Chúa!

Lần đó, ông con trai Giêsu kể chuyện về ông Bố như thế này!

Bữa đó Ngài, ông chủ vườn nho,
mặt trời sáng sớm, canh giờ ban mai (6 giờ sáng), gà gáy vang vang,
ông chủ cất công, đi bộ ra đường, kiếm thợ vườn nho.
Gặp người, ông chủ gợi ý một quan tiền công, tiền lương nguyên ngày.
Nhân công đồng ý, tiếp nối theo sau, bước chân nhanh nhanh, tiến vào khu vườn,
giờ này cánh cửa rộng mở, đón nhận thợ mới vườn nho.

Vào canh giờ thứ Ba, 9 giờ sáng, ông chủ đi ra khu chợ, nơi đó nhiều người đang đứng ngóng cổ cao cao, đợi chờ được gọi đi làm. Ông nói với họ, “Mấy anh đi làm vườn nho cho tôi đi. Tôi sẽ trả lương sòng phẳng.”

Vào canh giờ thứ Sáu, 12 giờ trưa, ông lại đi ra. Vẫn vậy, ông lại thấy người người đứng đó lơ ngơ đợi chờ giây phút. Ông chủ lại mời, đi làm vườn nho.

Vào canh giờ thứ Chín, 3 giờ chiều. Ông lại đi ra. Ông lại mời gọi. Ông lại mở rộng cửa cho người thợ mới.

Vào canh giờ thứ Mười Một (5 giờ chiều). Chỉ còn một tiếng nữa thôi, một ngày sẽ biến tan, trôi vào quá khứ. Ông chủ vườn nho lại cất công đi ra, để rồi nhận ra bao nhiêu người thất nghiệp đứng đó. Ông hỏi, “Sao bạn ta đứng đây cả ngày, không làm chi hết vậy?”
Họ nói ngay, “Có ai gọi tụi tôi đi làm đâu?”
Ông chủ vườn nho cũng nói ngay, sắc nét gọn gàng, âm giọng thân mật, “Tất cả mấy ông tới vườn nho làm cho tôi đi.”

Buổi chiều tối, tiếng chuông gõ báo hiệu hết một ngày vang vang. Ông chủ vườn nho nói với nhân viên quản lý, “Anh gọi những người đi làm giờ thứ Mười Một vô đây và trả lương cho họ trước tiên.”

Mỗi người của canh giờ thứ Mười Một tới bàn tiền lương, để rồi nhận được trọn vẹn một quan tiền lương cho nguyên một ngày.
Những người của canh giờ thứ Chín, thứ Sáu, thứ Ba, cũng thế. Họ cũng nhận được tiền lương như canh giờ thứ Mười Một.

Tới phiên những người đi làm vườn nho canh giờ sáng sớm. Họ nghĩ họ sẽ nhận được nhiều hơn. Nhưng không, họ cũng chỉ nhận được một quan tiền.

Thợ canh giờ ban mai càm ràm, than thở, nhóm thợ giờ thứ 11 chỉ làm có một tiếng, và họ cũng nhận được đồng tiền lương như tụi tôi, những người thợ làm vườn nho, nguyên ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời!

Ông chủ vườn nho, trả lời,
“Bạn ơi! Tôi đâu có xử bất công với bạn.
Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền hay sao?
Chẳng lẽ tôi lại không có quyền định đoạt những gì thuộc về tôi hay sao?
Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”

Suy Niệm
Ông con Giêsu kể chuyện “Giờ Thứ Mười Một” về Bố như thế đó.
Một Thiên Chúa đậm chất ngạc nhiên và bất ngờ!

Ngài như vậy đấy! Từ những giây phút đầu tiên, hành xử bất ngờ!
Nhưng tôi lại muốn Ngài làm như tôi, như cách tôi muốn.

Tôi từ bao lâu nay, vẫn thích ngồi trong bốn bức tường của người tù Plato!
Tôi quen rồi, người tù ký ức đau thương,
Tôi đam mê lắng ghe những bản tin buồn,
những bản tin nặng một cõi lòng, cả người nghe và người nói!

Nhưng không, tôi sẽ đứng dậy, bước ra khỏi hang, đi theo bước chân Đức Giêsu,
người con trai kể chuyện về Bố, kể chuyện duyên dáng, kể chuyện bất ngờ!
đậm nét Thiên “văn!”□
 
Church Documents
Cẩm Hạnh - News 24 September, 2023
VietCatholic Media
18:43 23/09/2023
1. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra những nhận định liên quan đến tổn thất của các sĩ quan cao cấp trong quân đội Nga. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Hạnh.

Kể từ tháng 2 năm 2022, ba chỉ huy liên tiếp của một trong những Lữ Đoàn Dù có tiếng tăm nhất của Nga đã từ chức hoặc bị giết.

Đại tá Vasily Popov, chỉ huy Lữ Đoàn Dù Cận vệ 247 có khả năng đã thiệt mạng tại khu vực Orikhiv đang tranh chấp gay gắt vào đầu tháng 9 năm 2023.

Chỉ vài tuần trước đó, vào tháng 8 năm 2023, người tiền nhiệm của ông, Đại tá Pytor Popov, có khả năng đã từ chức quyền chỉ huy. Các nguồn truyền thông độc lập của Nga cho biết ông từ chức để phản đối việc quân đội không tìm được thi thể các tử sĩ Nga.

Trong những tuần đầu của cuộc xâm lược, Đại tá chỉ huy Lữ Đoàn Dù 247 lúc đó là Konstantin Zizevsky đã bị giết gần Mykolaiv. Kinh nghiệm của Lữ Đoàn 247 nêu bật mức độ tiêu hao và biến động cao trong quân đội được triển khai của Nga, ngay cả trong các cấp bậc tương đối cao.

2. Thương vong trong vụ Nga ném bom miền Trung và miền Nam Ukraine

Nga đã bắn phá các khu vực Dnipropetrovsk và Kherson của Ukraine trong đêm, khiến một người thiệt mạng và ba người bị thương, các quan chức chính quyền quân sự khu vực cho biết hôm thứ Bảy.

Nhà lãnh đạo chính quyền quân sự của khu vực Oleksandr Prokudin cho biết trên Telegram rằng khu vực biên giới phía nam Kherson của Ukraine đã bị tấn công bởi 598 quả đạn pháo trong 24 giờ qua.

Theo Prokudin, một người đã thiệt mạng và ba người khác bị thương trong vụ tấn công.

Nga đã sử dụng súng cối, pháo binh, hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, hỏa tiễn, máy bay không người lái và máy bay trong cuộc tấn công nhằm vào các khu dân cư, cơ sở y tế và giáo dục ở vùng Kherson cũng như một nhà tù ở khu vực xung quanh thành phố Kherson. Prokudin nói.

Serhii Lysak, nhà lãnh đạo chính quyền quân sự khu vực cho biết trên Telegram rằng khu vực miền trung Dnipropetrovsk của Ukraine đã hứng chịu các cuộc tấn công từ UAV và pháo hạng nặng.

Thủ phủ Dnipro của khu vực đã bị máy bay không người lái Shahed do Iran sản xuất tấn công, làm hư hại “cơ sở hạ tầng quan trọng”, Lysak nói. Lysak cho biết thêm, vụ tấn công cũng làm hư hại các trạm xăng và đèn giao thông ở khu Novooleksandrivka.

Theo Lysak, chất nổ được thả từ máy bay không người lái và các cuộc oanh tạc bằng pháo hạng nặng đã tấn công các thị trấn khác trong khu vực, phá hủy 10 ngôi nhà và làm hư hỏng đường ống dẫn khí đốt.

Lysak cho biết không có thương tích hay tử vong nào được báo cáo sau vụ tấn công vào vùng Dnipropetrovsk.

3. Những vụ nổ rung chuyển các thị trấn Berdiansk, Tokmak

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Chúa Nhật 24 tháng Chín, Ivan Fedorov, Thị trưởng Melitopol của Ukraine, cho biết trong ngày Thứ Bẩy nhiều vụ nổ đã vang lên ở khu vực Berdiansk, Zaporizhzhia tạm thời bị chiếm đóng.

“Người dân địa phương báo cáo về một loạt các vụ nổ trong thị trấn gây ra các phản ứng hốt hoảng của quân xâm lược Nga.”

“Ở Tokmak, trong ngày thứ hai liên tiếp, người dân báo cáo có nhiều tiếng nổ lớn. Thương vong của đối phương đang được làm rõ”, ông nói.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết lực lượng Ukraine tiếp tục hoạt động tấn công theo hướng Zaporizhzhia, trong khu vực Verbove, đẩy lùi kẻ thù và giành được chỗ đứng ở phía Nam thị trấn này.

“Theo hướng này, các binh sĩ của Lữ đoàn Địa Phương Quân 103 của Lực lượng vũ trang Ukraine đã bắn trúng một xe thiết giáp chuyển quân BTR-80, phá hủy một ổ súng máy, đồng thời làm hư hại một xe chiến đấu bộ binh và xe tải Ural-4320 bằng máy bay không người lái chiến đấu”.

Trong 24 giờ qua, 510 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 11 xe tăng, 21 xe thiết giáp, 33 hệ thống pháo, 4 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 2 hệ thống phòng không, và 26 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 24 Tháng Chín, Lực lượng vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến khoảng 275.460 quân nhân Nga. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 315 máy bay, 316 trực thăng, 4.655 xe tăng, 4.867 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 8.912 xe thiết giáp, 1.518 hỏa tiễn hàng trình,6.210 hệ thống pháo, 20 tàu chiến, 1 tàu ngầm, 789 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 8.716 xe chuyển quân và nhiên liệu, 530 hệ thống phòng không, và 912 thiết bị đặc biệt.
 
VietCatholic TV
Làm mù S-400 Nga, Ukraine vừa phá tan BTL hành quân Hắc Hải. Canada đón Zelenskiy như một anh hùng
VietCatholic Media
04:39 23/09/2023


1. Nga cáo buộc Ukraine đã tấn công trụ sở chính của Hạm Đội Hắc Hải bằng hỏa tiễn vào sáng thứ Sáu

Thống đốc địa phương Mikhail Razvozhayev cho biết rằng ít nhất một hỏa tiễn Ukraine đã tấn công trụ sở hải quân Hắc Hải của Nga ở cảng Sevastopol của Crimea hôm thứ Sáu, gây ra hỏa hoạn. Ông cho biết một số sĩ quan và binh sĩ Nga đã thiệt mạng và bị thương, mặc dù không nêu rõ tổn thất cụ thể.

Razvozhayev cho biết một cuộc tấn công khác có thể xảy ra và kêu gọi người dân tránh xa trung tâm thành phố nơi có tòa nhà. Ông cho biết lính cứu hỏa đã có mặt tại hiện trường.

Các hãng tin Nga đưa tin rằng một số cư dân Sevastopol cho biết họ nghe thấy nhiều tiếng nổ kéo dài trong nhiều giờ và nhìn thấy khói đặc bốc cao bằng tòa nhà 5 tầng.

Crimea, nơi Nga chiếm giữ và sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014, là mục tiêu thường xuyên của các cuộc tấn công của Ukraine trong suốt cuộc chiến kéo dài 19 tháng.

Trước biến cố mới nhất này, hôm thứ Tư, Ukraine đã tuyên bố chịu trách nhiệm về một loạt vụ nổ được báo cáo tại bán đảo Crimea bị tạm chiếm. Phát ngôn nhân Tình báo Quốc phòng Ukraine Andrii Yusov cho biết “Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hắc Hải ở Verkhniosadove thuộc thành phố Sevastopol bị tạm chiếm đã bị hư hại nghiêm trọng”.

Ông nói tiếp rằng Nga đang sử dụng Crimea làm “trung tâm hậu cần” và “mục tiêu cuối cùng của Ukraine tất nhiên là giải phóng bán đảo Crimea”.

Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hắc Hải ở Verkhniosadove là nơi cư trú của các sĩ quan cao cấp của Hạm Đội Hắc Hải. Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hôm thứ Tư dường như là nhằm hạ sát các sĩ quan này.

Cuộc tấn công hôm thứ Sáu chủ yếu là bằng hỏa tiễn và diễn ra sau khi các máy bay không người lái tấn công vào các bộ cảm biến của hệ thống phòng không S-400 của Nga. Có lẽ, quân Ukraine muốn nhắm đến các vũ khí và thiết bị của quân Nga.

Nga có tổng cộng 5 hệ thống phòng không S-400 trên bán đảo Crimea, 2 trong số đó đã bị phá hủy.

Một số thông tin cơ bản: Trong tháng qua, Ukraine đã tăng cường tấn công vào các căn cứ quân sự và cơ sở khác của Nga, bao gồm cả hệ thống phòng không, ở Crimea.

Cuối Tháng Tám vừa qua quân Ukraine đã phá hủy hệ thống phòng không S-400 của Nga ở Cape Tarkhankut, phía Tây bán đảo Crimea. Ngày thứ Hai 11 Tháng Chín, họ đã tái chiếm được 2 giàn khoan và tháo gỡ các bộ cảm biến của Nga được đặt ở đó. Bây giờ là thời điểm mà quân Ukraine tấn công, quân Nga không thể đỡ nổi. Chính vì thế, quân Ukraine liên tục tấn công vào bán đảo Crimea.

2. Trưa thứ Sáu, quân Ukraine phóng hỏa tiễn thành công vào trụ sở chính của Bộ Tư Lệnh Hạm đội Hắc Hải của Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Smoke Rises Over Russian Black Sea Fleet Headquarters after Missiles Hit Crimea—Video”, nghĩa là “Video cho thấy khói bốc lên từ trụ sở Hạm đội Hắc Hải của Nga sau khi hỏa tiễn tấn công Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Các hỏa tiễn bị nghi ngờ là của Ukraine đã nhắm vào trụ sở chính của Bộ Tư Lệnh Hạm đội Hắc Hải của Nga tại thành phố Sevastopol ở Crimea, đánh dấu một ngày tấn công khác vào các trung tâm chỉ huy hải quân Nga khi Kyiv tìm cách buộc lực lượng Mạc Tư Khoa rời khỏi bán đảo.

Các vụ nổ đã được báo cáo ở Sevastopol vào trưa thứ Sáu, với các video và hình ảnh từ hiện trường cho thấy những đám khói trắng cuồn cuộn bốc lên từ tòa nhà trụ sở của Hạm đội Hắc Hải, nơi trước đây bị nghi là mục tiêu của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine.

Một hình ảnh được kênh Telegram Trukha Ukraine công bố cho thấy mái của tòa nhà bị hư hại nghiêm trọng.

Bộ Quốc phòng Nga báo cáo rằng một số hỏa tiễn và máy bay không người lái đã bị phá hủy trên Crimea. Trong một tuyên bố đăng trên Telegram, Bộ này cho biết: “Nỗ lực của chế độ Kyiv nhằm thực hiện một cuộc tấn công khủng bố bằng hỏa tiễn dẫn đường máy bay và máy bay không người lái nhằm vào các vật thể trên lãnh thổ Liên bang Nga đã bị ngăn chặn”.

Bộ Quốc phòng Nga không đề cập đến bất kỳ hỏa tiễn hoặc máy bay không người lái nào đã xuyên thủng hàng phòng không của Nga và tìm thấy mục tiêu của chúng, cũng như không có bất kỳ thiệt hại nào trên mặt đất do các mảnh vỡ rơi xuống từ các cuộc đánh chặn trên không.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Cuộc tấn công hỏa tiễn rõ ràng hôm thứ Sáu diễn ra sau cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hành trình hôm thứ Tư vào sở chỉ huy hải quân của Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hắc Hải gần Sevastopol và vụ bắn phá bằng hỏa tiễn hành trình và máy bay không người lái vào tuần trước vào các cơ sở ụ tàu ở bến cảng chiến lược được tường trình đã phá hủy hai tàu quân sự của Nga.

Kyiv đang gia tăng nhịp độ tấn công vào Crimea song song với chiến dịch phản công quy mô lớn ở miền nam Ukraine bị tạm chiếm. Mục tiêu của hoạt động đó là cắt đứt cái gọi là “hành lang đất liền” nối bán đảo với miền Tây nước Nga, từ đó cô lập và gây nguy hiểm cho các lực lượng Nga đang trấn giữ Crimea.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã thể hiện rõ mong muốn giải phóng vùng lãnh thổ bị quân đội Nga xâm lược và sau đó sáp nhập vào năm 2014.

“Nó bắt đầu với Crimea, nó sẽ kết thúc với Crimea,” Zelenskiy nói vào tháng 8 năm ngoái, dẫn lời nhà hoạt động Crimea Nariman Dzhelyal đang bị bỏ tù.

Các đối tác phương Tây đã bày tỏ sự hoài nghi. Ví dụ, vào Tháng Giêng, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Mark Milley, đã nói: “Trong năm nay sẽ rất, rất khó để đẩy lực lượng Nga ra khỏi tất cả mọi vùng lãnh thổ của Ukraine bị tạm chiếm.”

Các nhà quan sát cũng suy đoán rằng Mạc Tư Khoa có thể sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt nếu phải đối mặt với khả năng mất quyền kiểm soát Crimea, vốn là nền tảng trong việc tạo ra huyền thoại về đế quốc mới của Tổng thống Vladimir Putin.

Tuy nhiên, các quan chức Ukraine vẫn không nản lòng, phản đối bất kỳ ý kiến nào cho rằng họ sẽ nhượng lãnh thổ cho Nga để theo đuổi hòa bình.

“Chỉ có chúng tôi, người dân Ukraine, mới có thể quyết định điều gì sẽ xảy ra với lãnh thổ của chúng tôi và phần lớn người dân tuyệt đối ủng hộ việc chiếm lại tất cả các khu vực bị tạm chiếm mà không có ngoại lệ,” Tamila Tasheva, người kể từ tháng 4 năm 2022, đã giữ chức đặc phái viên của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy về những vấn đề liên quan đến đến bán đảo bị tạm chiếm, nói với Newsweek vào tháng Bảy.

Tasheva nói: “Ukraine sẽ không từ bỏ và sẽ không đánh đổi sự toàn vẹn lãnh thổ của mình để lấy một số lời hứa về việc gia nhập NATO hoặc Liên Hiệp Âu Châu”.

3. Quân đội Ukraine xác nhận “tấn công thành công” trụ sở Hạm đội Hắc Hải của Nga ở Sevastopol

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 23 tháng Chín, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, xác nhận rằng Ukraine đã tấn công thành công trụ sở Hạm đội Hắc Hải của Nga ở Sevastopol một ngày trước đó.

“Vào khoảng 12 giờ trưa ngày 22 tháng 9, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã tấn công thành công vào Trụ sở Bộ Tư lệnh Hạm đội Hắc Hải của Nga tại Sevastopol bị tạm chiếm,” ông nói.

Sevastopol là một trong những thành phố lớn nhất ở bán đảo Crimea của Ukraine và đã bị lực lượng Mạc Tư Khoa sáp nhập trái phép vào năm 2014.

Trong tháng qua, Ukraine đã tăng cường tấn công vào các căn cứ quân sự và cơ sở khác của Nga, bao gồm cả hệ thống phòng không ở Crimea.

4. Diễn từ của Tổng thống Zelenskiy trước Quốc Hội Canada

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy gọi cuộc chiến của Nga ở Ukraine là một cuộc diệt chủng trong bài phát biểu trước Quốc hội Canada ở Ottawa hôm thứ Sáu.

“Đó là một tội ác diệt chủng,” Zelenskiy nói và nhấn mạnh rằng cuộc xâm lược của Nga “phải kết thúc bằng chiến thắng của chúng ta” để Nga không bao giờ có thể “đưa nạn diệt chủng trở lại Ukraine”.

Tổng thống cảm ơn Canada vì sự hỗ trợ chính trị và cho biết ông rất biết ơn sự lãnh đạo của Canada trong việc hỗ trợ “phong trào Ukraine gia nhập NATO”. Ukraine đang cố gắng để có được tư cách thành viên của tổ chức quốc tế này.

Zelenskiy cho biết ông và Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã thảo luận về sáng kiến của Canada về “nỗ lực của G7” nhằm tịch thu tài sản của Nga vào hôm thứ Sáu.

Zelenskiy nói: “Những khoản tiền mà Nga và tay sai của họ sử dụng để chi trả cho cuộc chiến của họ nên được sử dụng để “bù đắp cho những thiệt hại do chiến tranh và khủng bố gây ra”.

Ông nói tiếp rằng sự hỗ trợ của Canada, đặc biệt là về vũ khí, đã cứu sống hàng nghìn người.

Tổng thống Ukraine cũng nói rằng Nga đang cố gắng phá vỡ chủ quyền của các quốc gia khác thông qua việc “thao túng tài nguyên năng lượng”.

Zelenskiy giải thích: “Càng nhiều quốc gia thoát khỏi nguồn năng lượng của Nga thì năng lượng trên thế giới sẽ càng sớm trở thành một nguồn năng lượng” chứ không phải “vũ khí”.

Zelenskiy nói: “Tự do và công lý sẽ chiến thắng, chứ không phải Điện Cẩm Linh.”

5. Lãnh đạo Ái Nhĩ Lan cảnh báo về cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới sau lời đe dọa của Nga đối với Ukraine

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu, Thủ tướng Ái Nhĩ Lan Leo Varadkar gọi lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga đối với Ukraine là “quá đáng” và cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân lần thứ hai.

“Trong số rất nhiều nỗi kinh hoàng của tình hình ở Ukraine có mối đe dọa và thực sự là nhiều mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Bản thân những lời đe dọa như vậy là quá đáng. Nga cũng như tất cả chúng ta đều biết rằng việc sử dụng chúng sẽ dẫn đến thảm họa tàn khốc về nhân đạo và môi trường”, nhà lãnh đạo Ái Nhĩ Lan nói.

Ái Nhĩ Lan là nước chỉ trích mạnh mẽ việc Nga xâm lược Ukraine, cung cấp hơn 224 triệu Mỹ Kim viện trợ nhân đạo cho Ukraine kể từ khi chiến tranh nổ ra.

Theo Varadkar, quốc gia trung lập về mặt quân sự này “từ lâu đã cam kết xây dựng một thế giới không có các mối đe dọa hạt nhân”.

“Nhưng chúng ta thấy một thế giới trong đó vị trí của vũ khí hạt nhân trong các học thuyết an ninh đang tăng lên chứ không giảm đi. Điều này phải được đảo ngược. Giải pháp thay thế rõ ràng là phải ngưng ngay những lời hăm dọa tống tiền hạt nhân. Đó là một thái độ vô trách nhiệm. Sự tàn phá đối với thường dân vô tội do việc sử dụng vũ khí nổ ở các khu vực đông dân cư không thể tiếp tục vang vọng qua nhiều thế hệ. Chúng ta không bao giờ được chứng kiến điều đó nữa”, Thủ tướng Varadkar nhấn mạnh.

6. Zelenskiy cảm ơn Canada vì đã hỗ trợ Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cảm ơn Canada vì đã hỗ trợ Ukraine trong cuộc gặp với Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm thứ Sáu tại Ottawa.

“Tôi muốn cảm ơn vì trong giai đoạn khó khăn này, bạn đã tiếp đón người Ukraine và giúp đỡ chúng tôi trên chiến trường, quân sự, tài chính và nhân đạo, những điều rất quan trọng”, ông Zelenskiy nói.

Tổng thống Ukraine ám chỉ rằng ông có thể sẽ đến thăm Canada cùng vợ và các con “sau chiến thắng” trong cuộc chiến giữa Ukraine với Nga.

“Cảm ơn vì các bạn đã ở bên cạnh chúng tôi,” Zelenskiy nói và nhấn mạnh rằng Canada đã hỗ trợ Ukraine kể từ trước cuộc xâm lược.

Trudeau cho biết cuộc gặp này là cơ hội để ông “ngồi xuống và nói về tất cả những điều chúng ta cần cùng nhau làm” và lập trường mạnh mẽ chống lại Nga. Thủ tướng cho biết Canada “mạnh mẽ và dứt khoát” đứng về phía Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Rustem Umerov, cũng đang có mặt tại Ottawa để tổ chức các cuộc đàm phán song phương với Bộ trưởng Quốc phòng Canada trong nỗ lực tăng cường hỗ trợ quân sự.

7. Điện Cẩm Linh tuyên bố “căng thẳng sẽ gia tăng” giữa Ukraine với Ba Lan và các nước Âu Châu khác

Chính phủ Nga dự đoán căng thẳng có thể sẽ gia tăng giữa Ukraine và Ba Lan, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Sáu.

“Như chúng ta có thể thấy, có những căng thẳng nhất định giữa Warsaw và Kyiv. Chúng tôi dự đoán rằng những căng thẳng này sẽ gia tăng”, ông Peskov nói trong cuộc họp báo thường xuyên với các phóng viên khi được yêu cầu bình luận về việc Ba Lan ra tín hiệu sẽ ngừng gửi vũ khí cho Ukraine.

“Chúng tôi hiểu rằng căng thẳng giữa Kyiv và các thủ đô Âu Châu khác cũng sẽ gia tăng theo thời gian. Đó là điều không thể tránh khỏi. Trong khi đó, chúng tôi tiếp tục hoạt động quân sự đặc biệt để hoàn thành các nhiệm vụ mà chúng tôi đã đặt ra cho mình”, Peskov nói.

Khi được yêu cầu bình luận về nhận xét của chính phủ Ba Lan rằng nước này sẽ tập trung vào việc trang bị vũ khí cho lực lượng của mình và liệu điều đó có gây lo ngại ở Nga và Belarus hay không, ông Peskov cho biết công việc nhằm bảo đảm an ninh của Belarus và Nga đang “đang được tiến hành”.

“Về vũ khí, mối quan hệ láng giềng với Ba Lan không phải là điều thoải mái nhất đối với các đồng chí Belarus của chúng tôi. Đất nước này khá hung hăng. Họ không kiềm chế các hoạt động lật đổ và can thiệp vào công việc nội bộ. Nhưng những người bạn và đồng minh Belarus của chúng tôi đang cảnh giác trước những mối đe dọa tiềm tàng có thể đến từ Ba Lan, chúng tôi cũng vậy.”

8. Tổng thống Ba Lan cho biết tranh chấp với Ukraine về nhập khẩu ngũ cốc sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ ngoại giao tích cực, Reuters đưa tin.

Phát biểu tại một hội nghị kinh doanh, Andrzej Duda cho biết:

Tôi không nghi ngờ gì rằng tranh chấp về việc cung cấp ngũ cốc từ Ukraine cho thị trường Ba Lan có thể tạo ra một sự gãy đổ trong toàn bộ các mối quan hệ Ba Lan-Ukraine.

Tôi không tin rằng nó có thể ảnh hưởng đáng kể đến các mối quan hệ giữa 2 nước, vì vậy chúng ta cần giải quyết vấn đề này giữa chúng ta.

Ba Lan là một trong những nhà cung cấp vũ khí chính của Kyiv và là một trong những nước cổ vũ lớn nhất cho chính nghĩa của Ukraine kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, nhưng mối quan hệ đã trở nên xấu đi trong những ngày gần đây trong bối cảnh tranh chấp ngũ cốc ngày càng gia tăng.

Slovakia, Ba Lan và Hung Gia Lợi đã áp đặt các hạn chế quốc gia đối với nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine sau khi ban điều hành Liên Hiệp Âu Châu quyết định không gia hạn lệnh cấm nhập khẩu vào các quốc gia này và các thành viên khối Bulgaria và Rumani.

Các nước này lập luận rằng hàng nông sản giá rẻ của Ukraine – chủ yếu để vận chuyển về phía Tây và đến các cảng – được bán tại địa phương, gây hại cho nông dân của họ. Liên Hiệp Âu Châu, nơi đã áp đặt lệnh cấm vào tháng 5, đã cho phép lệnh này hết hạn vào thứ Sáu sau khi Ukraine tuyên bố sẽ thắt chặt kiểm soát.

9. Tổng thanh tra Hoa Kỳ được chọn để giám sát viện trợ cho Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyi và Đệ nhất phu nhân Olena Zelenska đã phát biểu trước đại diện chính phủ Mỹ, giới doanh nghiệp, truyền thông và cộng đồng Ukraine.

Vợ chồng tổng thống bày tỏ lòng biết ơn tới những người Mỹ đã hết lòng giúp đỡ Ukraine và người dân Ukraine. Các giải thưởng cấp nhà nước được trao cho những cá nhân có đóng góp đáng kể trong việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, hỗ trợ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, và quảng bá nhà nước Ukraine trên thế giới.

Khi chính quyền Biden tiếp tục gửi hàng tỷ đô la viện trợ cho Ukraine, một số thành viên Quốc hội, đã kêu gọi giám sát nhiều hơn để ngăn chặn gian lận và lạm dụng.

Tuần trước, tổng thanh tra Ngũ Giác Đài đã thành lập một nhóm mới ở Ukraine để giám sát tốt hơn hoạt động hỗ trợ an ninh của Mỹ cho Kyiv. Tổ chức này cho biết một đại diện cao cấp của Mỹ đã bắt đầu làm việc tại Ukraine vào cuối tháng 8 và nhân sự bổ sung dự kiến sẽ đến vào cuối tháng 9.

Trong một diễn biến tích cực, để tránh việc nói ra nói vào, Tổng Thanh tra Bộ Quốc phòng đã được chọn làm cơ quan giám sát chính đối với viện trợ chảy vào Ukraine.

Robert Storch sẽ bắt đầu vai trò mới vào ngày 18 tháng 10, theo Hội đồng Tổng Thanh tra về Tính chính trực và Hiệu quả. Ông sẽ làm việc với Bộ Ngoại giao và các cơ quan giám sát của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ để giám sát khoảng 113 tỷ Mỹ Kim viện trợ đã được gửi đến Ukraine và các nước khác kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào năm ngoái.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Roger Wicker, thành viên cao cấp của Ủy ban Quân vụ, cùng với một số đồng nghiệp của ông, hoan nghênh việc công bố một tổng thanh tra trưởng.

Wicker cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu: “Việc bổ nhiệm một Tổng thanh tra trưởng sẽ giúp bảo đảm rằng Quốc hội hỗ trợ quốc phòng Ukraine theo cách có trách nhiệm và hiệu quả nhất có thể”.

Phát ngôn nhân Megan Reed cho biết, đây là lần đầu tiên tổng thanh tra quốc phòng sẽ cử nhân sự đến Ukraine kể từ khi Nga xâm lược vào tháng 2 năm 2022.

10. Thương vong trong vụ hỏa tiễn Nga tấn công thành phố Kremenchuk của Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 23 tháng Chín, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết một người đã thiệt mạng và ít nhất 31 người khác bị thương, trong đó có 3 trẻ em, sau khi một hỏa tiễn của Nga tấn công thành phố Kremenchuk miền trung Ukraine hôm thứ Sáu.

Cô cho biết hoạt động tìm kiếm cứu nạn đã hoàn tất và “một ủy ban chuyên môn sẽ làm việc trong thành phố để kiểm tra cơ sở vật chất và ghi nhận mọi thiệt hại” trong ngày thứ Bảy.

Cô cho biết thêm cuộc tấn công cũng làm hư hại các tòa nhà xung quanh.

11. Tướng hàng đầu của Ukraine nói rằng cuộc tấn công vào Crimea rất quan trọng cho sự thành công của cuộc phản công

Theo tướng chỉ đạo các nỗ lực quân sự của Ukraine dọc chiến tuyến phía Nam, Oleksandr Tarnavsky, các cuộc tấn công vào Crimea, giống như cuộc tấn công hôm thứ Sáu, rất quan trọng cho sự thành công của cuộc phản công của Kyiv.

Tarnavsky nói: “Thành công của các hoạt động tấn công không chỉ là tiêu diệt đối phương trước mặt bạn mà còn là phá hủy những nơi tập trung trang thiết bị, nhân sự và đặc biệt là phá hủy các trung tâm chỉ huy”.

Tarnavsky giải thích: “Việc phá hủy các trung tâm chỉ huy của họ ở cấp độ cao hơn sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn trên chiến trường”. “Một người chỉ huy bị tiêu diệt có nghĩa là một liên kết chỉ huy bị phá hủy và nếu không có nó thì sẽ không có hành động phối hợp nào cả.”

Vị tướng này giải thích thêm, Crimea đặc biệt quan trọng trên mặt trận đó vì nơi đây tập trung nhiều thiết bị quân sự của Nga. Ông nói: “Chúng tôi biết họ tấn công từ đâu, cả trên không cũng như trên mặt đất”.

Tarnavsky nói: Việc tấn công trụ sở Hạm đội Hắc Hải của Nga giúp ích cho Ukraine và cũng “mang lại cho chúng tôi hy vọng về tương lai”.

“Ý tôi là chúng tôi có khả năng tấn công chúng không chỉ ở phía trước mà còn ở phía sau”, ông nói. “Và khi bạn nhận ra rằng đối phương đang nóng lên ở phía sau, điều đó sẽ nâng cao tinh thần cho binh lính của chúng ta.”

12. Vụ Ukraine tấn công Crimea cho thấy Kyiv có thể gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho lực lượng Nga

Vụ tấn công bằng hỏa tiễn của Ukraine vào trụ sở Hạm đội Hắc Hải của Nga về mặt chính trị là một dấu hiệu cho thấy mặc dù tiến độ phản công chậm chạp trên tiền tuyến, Ukraine vẫn có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho quân đội Nga. Các mục tiêu như cầu Crimea có giá trị biểu tượng cũng như mục đích chiến lược đáng kể.

Đây cũng là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn – ở Crimea, Zaporizhzhia, Donetsk và Luhansk – nhằm tấn công các trung tâm hậu cần, nhiên liệu, bảo trì và chỉ huy của Nga, nhằm làm gián đoạn khả năng cung cấp cho tiền tuyến của họ.

Hạm đội Hắc Hải của Nga đã tham gia vào hàng trăm cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hành trình nhằm vào Ukraine và đe dọa hoạt động vận chuyển thương mại sử dụng các cảng của Ukraine. Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với các cơ sở hoạt động và chỉ huy của nước này (cũng như việc tấn công vào các tàu trên biển và trong bến tàu) đều là một chiến thắng, đặc biệt là sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Hắc Hải vào tháng 7. Và trong tuần này, người Ukraine đã tấn công một cơ sở máy bay không người lái ở Crimea. Nga đã sử dụng máy bay không người lái để tấn công các cảng sông Danube của Ukraine.

Ukraine đã nỗ lực đáng kể để làm suy yếu hệ thống phòng không của Nga ở Crimea. Nỗ lực đó giờ đây dường như đã được đền đáp - vì hỏa tiễn Neptune của Ukraine (và có lẽ trong hầu hết các cuộc tấn công là Storm Shadows do Anh cung cấp) có khả năng tiếp cận các mục tiêu sâu bên trong Crimea.

Trong khi một số quan chức Mỹ chỉ trích việc Ukraine tập trung vào Crimea, người Ukraine lập luận rằng việc tấn công vào bất cứ điều gì liên quan đến Hạm đội Hắc Hải là đáng giá. Như Viện Nghiên cứu Chiến tranh đã lưu ý hôm thứ Năm, “các thành phần của Lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến số 810 của Hạm đội Hắc Hải đang tham gia vào các hoạt động phòng thủ quan trọng ở phía tây Zaporizhzhia, và Quân đoàn 22 của Hạm đội Hắc Hải đang bảo vệ các vị trí ở bờ đông Kherson”.

13. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra các nhận định về vụ Ukraine tấn công vào Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hắc Hải. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Trong bốn ngày qua, cả Nga và Ukraine đều đã trải qua các cuộc tấn công dữ dội bất thường vào sâu trong phòng tuyến của họ. Đã có báo cáo về vụ nổ tại các địa điểm hậu cần, căn cứ không quân và sở chỉ huy của Nga ở Crimea, vùng Krasnodar và gần Mạc Tư Khoa.

Rất có thể Hạm đội Hắc Hải của Nga lại một lần nữa trở thành mục tiêu tấn công nặng nề. Tuy nhiên, các vụ nổ tại căn cứ không quân Chkalovsky, gần Mạc Tư Khoa, có thể là mối lo ngại chiến lược nhất đối với các nhà lãnh đạo Nga.

Đây là địa điểm nhạy cảm vì là nơi tiếp đón các máy bay quân sự chuyên dụng cũng như chuyên chở các yếu nhân trong hàng lãnh đạo Nga.

Thiệt hại được báo cáo đối với máy bay thực hiện nhiệm vụ đặc biệt COOT là đặc biệt có liên quan: biến thể chính xác vẫn chưa rõ ràng, nhưng những tài sản có giá trị này đảm nhận các nhiệm vụ bao gồm thu thập thông tin tình báo điện tử.

Nga đã liên tục tiến hành các cuộc tấn công tầm xa vào các mục tiêu trên khắp Ukraine trong tuần qua.

Cường độ bất thường này có thể một phần là phản ứng trước các sự việc ở Nga và Crimea. Với trận chiến trên bộ tương đối ổn định, mỗi bên đều tìm kiếm lợi thế bằng cách tấn công xuyên qua chiều sâu chiến lược của đối thủ.
 
Kỳ tích: Hai quả đạn pháo găm vào tường nhà thờ Ba Lan, không nổ. Diễn từ của ĐTC ở Marseille, Pháp
VietCatholic Media
06:13 23/09/2023


1. Hội nghị đầu tiên tại Campuchia về lịch sử Kitô giáo tại nước này

Hội nghị đầu tiên về lịch sử Kitô giáo tại Campuchia đã tiến hành tại Đại học Hoàng gia ở thủ đô Phnom Penh.

Đây là lần đầu tiên, sau những năm tháng của ý thức hệ điên cuồng thời Pol Pot, một hội nghị chính thức được tổ chức, với sự cộng tác của giới học thuật địa phương, bàn về lịch sử sự hiện diện của Kitô giáo tại Campuchia, với chủ đề: “500 năm thân hữu: Giáo hội và Vương quốc Campuchia”.

Hội nghị do Khoa sử học của Đại học Hoàng gia tổ chức, với sự cộng tác của Hội lịch sử Campuchia và các thành viên của Hội thừa sai Paris, vốn hiện diện tại đây trước thời Khmer Đỏ và ngày nay đang tiếp tục phục vụ Giáo Hội Công Giáo được tái sinh tại nước này.

Tham dự hội nghị, có khoảng 70 người, trong đó có nhiều sinh viên trẻ, đặc biệt quan tâm theo dõi công việc của Hội nghị. Trong số các diễn giả, có Đức Cha Olivier Schmitthaeusler, Đại diện Tông tòa Phnom Penh, cùng với Hòa thượng Yon Seng Yeath, nói về tương quan giữa Hàng Giáo phẩm Công Giáo và Phật giáo, từ năm 1860 đến nay.

Bài thuyết trình quan trọng khác là của cha Vincent Chrétienne, thừa sai tại Phủ doãn Tông tòa Battambang, về lịch sử Giáo hội tại Campuchia, xét vì sau khi cuộc phá hủy các tài liệu do Khmer Đỏ thực hiện, những nguồn mạch duy nhất còn lại về thời kỳ trước Pol Pot, được giữ trong Văn khố của Hội thừa sai Paris. Nhiều học giả Khmer đã trình bày các đóng góp về những khuôn mặt đặc biệt trong năm thế kỷ lịch sử: từ các hoạt động chống chế độ nô lệ cho đến những bài về căn tính Khmer, kể cả vấn đề dịch Kinh thánh.

Cha Franco Legnani, thuộc hội PIME, Giáo hoàng truyền giáo hải ngoại Milano, đang hoạt động tại Campuchia, nhận định rằng: tôi nghĩ Hội nghị này đã đạt được mục tiêu, nghĩa là nhóm họp các học giả quan tâm nghiên cứu và đào sâu lịch sử chung của nhân dân Campuchia, và của Giáo hội, để khích lệ ý muốn tiếp tục những nghiên cứu về vấn đề này. Chúng tôi là một cộng đoàn bé nhỏ, nhưng điều quan trọng là phổ biến những căn cội lịch sử chúng tôi. Trong một lúc nào đó, sự hiện diện của Kitô giáo, quá gắn liền với chế độ bảo hộ, đó là điều đúng, nhưng không thể đóng khung trong kinh nghiệm ấy. Một điều cũng quan trọng là cho thấy chúng tôi không phải như nhiều giáo phái đến nước này chỉ sau thời kỳ Pol Pot: chúng tôi đã chia sẻ lịch sử và những đau khổ với người Khmer”.

2. Đạn pháo từ thế chiến thứ hai chưa nổ được tìm thấy trên tường nhà thờ Ba Lan

Bốn mảnh bom chưa nổ từ Thế chiến thứ hai – bao gồm đạn pháo và một quả lựu đạn – đã được phát hiện trên các bức tường của một nhà thờ ở miền nam Ba Lan trong quá trình cải tạo.

Tuần trước, cảnh sát địa phương đã được thông báo về phát hiện ở Babice, một thị trấn nằm giữa thành phố Kraków và Katowice, cách trại Auschwitz trước đây của Đức Quốc xã khoảng 20 km.

Khi đến nơi, họ xác định có hai quả đạn pháo găm trên bức tường xung quanh khuôn viên nhà thờ cũng như một quả lựu đạn và một viên đạn găm vào một trong những bức tường của chính nhà thờ

Khu vực này đã được cảnh sát bảo vệ trong khi các chuyên gia quân đội được gọi đến để loại bỏ những quả đạn pháo khỏi bức tường bên ngoài, sau đó được vận chuyển đến một nhà kho dùng để cất giữ những phát hiện đó một cách an toàn. Cảnh sát cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu rằng quân đội sẽ quay lại để loại bỏ lựu đạn và viên đạn “trong tương lai gần”.

Việc phát hiện ra đạn dược, vũ khí và các vật liệu khác từ Thế chiến thứ hai là điều thường thấy ở Ba Lan, nơi chứng kiến giao tranh dữ dội sau khi bị cả Đức và Liên Xô xâm lược và xâm lược.

Tháng trước, gần 14.000 người được khuyên nên rời khỏi nhà ở thành phố Lublin trong khi công binh quân đội dỡ bỏ một quả bom nặng 250kg được phát hiện trong quá trình xây dựng.

Hồi tháng 7, các công nhân đang tiến hành cải tạo một trường tiểu học ở miền trung Ba Lan đã phát hiện hàng chục quả đạn pháo chưa nổ từ Thế chiến thứ hai.

Năm ngoái, hàng nghìn cư dân của Wrocław, thành phố lớn thứ ba của Ba Lan, đã phải di tản sau khi một quả bom nặng nửa tấn được phát hiện tại một khu nhà ở trong quá trình xây dựng. Một cuộc di tản khác đã được thực hiện tại thành phố này trong năm nay sau khi một quả bom chưa nổ của Đức được tìm thấy.

Vào tháng 2, một bé gái 11 tuổi đã phải vào bệnh viện với những vết thương nghiêm trọng sau khi anh trai cô vô tình bắn cô bằng khẩu súng trường thời Thế chiến thứ hai mà anh tìm thấy trong rừng.

Năm ngoái, xác một chiếc máy bay ném bom thời Thế chiến thứ hai của Mỹ nằm dưới đáy một hồ ở Ba Lan. Vào năm 2020, công binh đã cho nổ một quả bom nặng 5,4 tấn của Anh nằm dưới nước gần thành phố Świnoujście của Ba Lan. Đây là quả bom chưa nổ lớn nhất từng được tìm thấy ở Ba Lan.

Sau phát hiện mới nhất ở Babice, cảnh sát đã nhắc nhở công chúng thông báo cho họ ngay lập tức khi tìm thấy bất kỳ vật liệu nổ nào và không cố gắng giả mạo nó dưới bất kỳ hình thức nào.


Source:Notes From Poland

3. Thông điệp của Đức Thánh Cha nhân Hội nghị về thông điệp Hòa bình tại thế, do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội tổ chức từ 19 đến 20 tháng 9 năm 2023

Kính gửi Đức Hồng Y Peter KA Turkson

Viện trưởng Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội

Tôi gửi lời chào nồng nhiệt đến các bạn và tất cả những người tham gia Hội nghị Quốc tế do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo tổ chức để kỷ niệm 60 năm xuất bản Thông điệp Pacem in Terris, hay Hòa Bình Tại Thế,là thông điệp mang tính bước ngoặt của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Hội nghị diễn ra đúng lúc nhất, khi thế giới của chúng ta tiếp tục bị ảnh hưởng bởi một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba diễn ra từng phần, và, trong trường hợp bi thảm là cuộc xung đột ở Ukraine, nơi không phải là không có mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Thật vậy, thời điểm hiện tại rất giống với thời kỳ ngay trước Pacem in Terris, khi cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba vào tháng 10 năm 1962 đã đưa thế giới đến bờ vực hủy diệt hạt nhân trên phạm vi rộng lớn. Đáng buồn thay, trong những năm sau mối đe dọa tận thế đó, không chỉ số lượng và sức mạnh của vũ khí hạt nhân tăng lên mà các công nghệ vũ khí khác cũng phát triển, và ngay cả sự đồng thuận lâu dài về việc cấm vũ khí hóa học và sinh học cũng đang bị căng thẳng. Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta phải chú ý đến lời khuyên mang tính tiên tri của Giáo hoàng Gioan rằng, trước sức mạnh hủy diệt khủng khiếp của vũ khí hiện đại, “các mối quan hệ giữa các quốc gia, cũng như giữa các cá nhân, phải được điều chỉnh không phải bằng vũ lực, mà phải phù hợp với các nguyên tắc của lý trí đúng đắn: các nguyên tắc về sự thật, công lý và sự hợp tác mạnh mẽ và chân thành”.

Về vấn đề này, điều phù hợp nhất là Hội nghị này nên dành những suy nghĩ của mình cho những phần của Pacem in Terris thảo luận về việc giải trừ quân bị và những con đường dẫn đến hòa bình lâu dài. Tôi hy vọng rằng các cuộc thảo luận của các bạn, cũng như những phân tích về các mối đe dọa hòa bình dựa trên quân sự và công nghệ hiện nay, sẽ bao gồm sự phản ánh đạo đức có kỷ luật về những rủi ro nghiêm trọng liên quan đến việc tiếp tục sở hữu vũ khí hạt nhân, nhu cầu cấp thiết về tiến bộ mới trong giải trừ quân bị, và sự phát triển của các sáng kiến xây dựng hòa bình. Ở nơi khác, tôi đã tuyên bố niềm tin chắc chắn của mình rằng “việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh là vô đạo đức, cũng như việc sở hữu vũ khí hạt nhân là vô đạo đức” (Diễn văn tại Đài tưởng niệm Hòa bình Hiroshima, ngày 24 tháng 11 năm 2019). Trách nhiệm của tất cả chúng ta là duy trì tầm nhìn rằng “một thế giới không có vũ khí hạt nhân là có thể và cần thiết” (Diễn văn trước Ngoại giao đoàn, ngày 10 tháng 1 năm 2022). Ở đây, công việc của Liên Hiệp Quốc và các tổ chức liên quan trong việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy các biện pháp quản lý phù hợp vẫn là cơ bản.

Tương tự như vậy, không được phép để mối lo ngại về ý nghĩa đạo đức của chiến tranh hạt nhân làm lu mờ những vấn đề đạo đức ngày càng cấp bách nảy sinh do việc sử dụng cái gọi là “vũ khí thông thường” trong chiến tranh hiện đại, vốn chỉ nên được sử dụng cho mục đích phòng thủ chứ không phải hướng tới các mục tiêu dân sự. Tôi hy vọng rằng sự suy ngẫm liên tục về vấn đề này sẽ dẫn đến sự đồng thuận rằng những vũ khí như vậy, với sức tàn phá to lớn, sẽ không được sử dụng theo cách có thể gây ra “thương tích bừa bãi hoặc đau khổ không cần thiết”, theo lời của Tuyên bố St. Petersburg. Các nguyên tắc nhân đạo đã truyền cảm hứng cho những lời này, dựa trên truyền thống của ius gentium hay luật được công nhận bởi mọi dân nước, vẫn có giá trị cho đến ngày nay cũng như khi chúng được viết lần đầu tiên, hơn một trăm năm mươi năm trước.

Ý thức được những vấn đề quan trọng đang được thảo luận tại Hội nghị, tôi bày tỏ sự cảm kích của mình đối với các diễn giả và những người tham dự. Tôi sẵn sàng nhắc lại niềm hy vọng cầu nguyện được Đức Thánh Cha Gioan bày tỏ khi kết thúc Thông điệp của ngài rằng “nhờ quyền năng và sự soi dẫn của Thiên Chúa, tất cả các dân tộc có thể ôm lấy nhau như anh chị em, và nền hòa bình mà họ mong mỏi có thể phát triển và ngự trị giữa họ”. Tôi gửi lời chúc phúc tới tất cả mọi người.

Từ Vatican, ngày 12 tháng 9 năm 2023

+Đức Thánh Cha Phanxicô


Source:Holy See Press Office
 
BTL Hắc Hải: 9 sĩ quan tử trận, 16 bị thương, 2 tướng thập tử nhất sinh. Kyiv thắng lớn ở Verbove
VietCatholic Media
15:11 23/09/2023


1. Văn hóa dối trá: Nga rút lại báo cáo thương vong trong vụ tấn công vào Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hắc Hải

Lúc 12 giờ trưa ngày thứ Sáu 22 Tháng Chín, quân Ukraine đã phóng hỏa tiễn tấn công thành công vào trụ sở chính của Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Hắc Hải ở thành phố Sevastopol.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Walks Back Rare Casualty Admission After Attack on Crimea”, nghĩa là “Nga rút lại việc thừa nhận hiếm hoi con số thương vong sau cuộc tấn công ở Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Các quan chức Nga đã rút lại báo cáo ban đầu rằng một quân nhân đã thiệt mạng do cuộc tấn công trưa nay vào trụ sở chính của Bộ Tư Lệnh Hạm đội Hắc Hải của Nga ở Sevastopol, Crimea.

Một tuyên bố xác nhận một người chết vì vụ tấn công hỏa tiễn đã được thay thế bằng cá nhân này hiện được cho là “mất tích trong trận chiến”.

Cả Nga và Ukraine đều cẩn thận tiết lộ thông tin tối thiểu về thương vong chiến tranh của các bên tương ứng, với ước tính chính thức cuối cùng của Nga được đưa ra cách đây một năm, vào tháng 9 năm 2022. Khi đó Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu tuyên bố rằng 5937 quân nhân đã thiệt mạng trong chiến tranh cho đến nay.

Tòa nhà dùng làm trụ sở chính của Bộ Tư Lệnh hạm đội Hắc Hải trước đây từng là mục tiêu của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine, trong khi một sở chỉ huy khác của Bộ Tư Lệnh Hạm Đội ở Sevastopol đã bị trúng hỏa tiễn hành trình hôm thứ Tư.

Các cuộc tấn công diễn ra sau vụ bắn phá bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái vào tuần trước vào các cơ sở ụ tàu ở cảng chiến lược Hắc Hải, được tường trình đã phá hủy hai tàu quân sự của Nga, trong đó có một tàu ngầm lớp Kilo.

Sau khi xuất hiện những báo cáo ban đầu về việc trụ sở chính bị tấn công, Bộ Quốc phòng Nga đã đưa ra tuyên bố tuyên bố rằng một số hỏa tiễn và máy bay không người lái đã bị phá hủy trên Crimea.

“Nỗ lực của chế độ Kyiv nhằm thực hiện một cuộc tấn công khủng bố bằng hỏa tiễn dẫn đường bằng máy bay và máy bay không người lái nhằm vào các vật thể trên lãnh thổ Liên bang Nga đã bị ngăn chặn”, Bộ này cho biết trong một tuyên bố đăng trên Telegram, đồng thời tuyên bố rằng 5 hỏa tiễn đã bị phòng không Nga hạ gục.

“Một quân nhân đã thiệt mạng trong cuộc tấn công”, tuyên bố được hãng truyền thông nhà nước RIA Novosti trích dẫn cho biết.

Tuy nhiên, Bộ này đã nhanh chóng đưa ra lời đính chính, nói rằng tình trạng hiện tại của người lính này là “mất tích trong chiến đấu” trong khi ít nhất 6 người bị thương trong cuộc tấn công. Một hãng thông tấn nhà nước khác, TASS, cũng đưa tin rằng một số lượng lớn xe cứu thương đã được phát hiện trên đường đến tòa nhà bị hư hại.

Việc báo cáo rồi lại rút lại đã được các nhà báo của iStories, một hãng tin điều tra độc lập của Nga chú ý.

Tỷ lệ thương vong cao trong cuộc chiến được báo cáo ở Nga đã dẫn đến lời kêu gọi một làn sóng huy động khác từ một số quan chức Mạc Tư Khoa, sau nỗ lực ban đầu chứng kiến 300.000 người bị gọi nhập ngũ. Đánh giá gần đây nhất về tổn thất quân Nga của quân đội Ukraine đưa ra con số là 274.470.

Newsweek chưa thể xác minh độc lập số liệu của Ukraine. Nhưng đầu tuần này, có thông tin tiết lộ rằng chính quyền Nga đã đặt mua 230.000 giấy chứng nhận cho thành viên gia đình của các cựu chiến binh đã hy sinh, cung cấp một cái nhìn sâu sắc gián tiếp về quy mô tổn thất mà Mạc Tư Khoa phải gánh chịu trong gần 19 tháng chiến tranh.

Theo một tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ bị rò rỉ hồi đầu năm nay, các quan chức Mỹ ước tính số người thiệt mạng trong chiến đấu tính đến tháng 2/2023 có thể lên tới 43.000 người phía Nga và khoảng 17.500 người phía Ukraine.

Số người chết ngày càng tăng đang buộc cả hai nước phải triển khai quân đội trong thời gian dài và tăng cường quân dịch. Tuần trước, một nhà lập pháp hàng đầu của Nga thừa nhận rằng binh lính của ông có thể sẽ được yêu cầu ở lại tiền tuyến cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine để yêu cầu bình luận qua email.

2. Tướng hàng đầu Ukraine khẳng định rằng mùa đông sẽ không ngăn cản được cuộc tấn công của Kyiv và bước đột phá lớn nhất vẫn chưa đến

Mùa đông sẽ không làm chậm cuộc phản công của Ukraine và bước đột phá lớn nhất của Kyiv vẫn sắp xảy ra, vị tướng chỉ huy cuộc chiến của đất nước dọc chiến tuyến phía nam nói với CNN.

Tướng Oleksandr Tarnavsky nói: “Thời tiết có thể là trở ngại nghiêm trọng trong quá trình tiến quân, nhưng xét đến cách chúng tôi tiến về phía trước, hầu hết không có phương tiện, tôi không nghĩ thời tiết sẽ ảnh hưởng nặng nề đến cuộc phản công”

Những trận mưa lớn vào mùa thu có thể khiến mặt đất ở Ukraine sũng nước và khiến việc di chuyển bằng máy móc hạng nặng như xe tăng trở nên khó khăn hơn, nhưng Tarnavsky cho biết lực lượng Ukraine di chuyển theo nhóm nhỏ, chủ yếu là đi bộ.

Vị tướng này cũng cho biết ông tin rằng bước đột phá lớn của Ukraine - bước đột phá lớn nhất trong cuộc phản công này - vẫn chưa đến.

“ Tôi nghĩ điều đó sẽ xảy ra sau Tokmak,” Tarnavsky nói về bước đột phá này. “Hiện tại, họ đang dựa vào độ sâu của tuyến phòng thủ ở đó.”

Thay vì “phòng tuyến Surovikin”, là tuyến phòng thủ được xây dựng theo lệnh của cựu Tướng Sergey Surovikin, Tarnavsky cho biết vấn đề lớn hơn là “ngã tư, hàng cây và bãi mìn giữa các hàng cây”.

Ông nói: “Có một sự kết hợp của các nhóm phòng thủ nhỏ gây hại của đối phương hiện đang được thiết lập rất chính xác và thành thạo”. “Nhưng hành động của các chiến binh của chúng tôi buộc họ phải từ từ rút lui khi đối mặt với đội tấn công của chúng tôi.”

Lạc quan về kết quả cuối cùng, vị tướng thừa nhận rằng để cuộc phản công thành công, lực lượng Ukraine ít nhất cần phải tiếp cận thành phố Tokmak.

“Tokmak là mục tiêu tối thiểu,” ông nói. “Mục tiêu tổng thể là đến được biên giới quốc gia của chúng tôi.”

Khi được hỏi về sự phản đối ngày càng tăng đối với việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là ở Mỹ, nơi một số người bày tỏ nghi ngờ về cơ hội thành công của Kyiv, Tarnavsky cho biết ông tôn trọng quan điểm của họ.

Ông cũng cảm ơn các đồng minh phương Tây của Ukraine vì sự hỗ trợ liên tục của họ, đặc biệt là xe tăng và các phương tiện bọc thép khác mà họ đang cung cấp, đồng thời hứa rằng Kyiv sẽ đối xử hết sức cẩn thận với họ.

3. Những lợi ích ở Zaporizhzhia gia tăng khi Ukraine tiếp tục chọc thủng 'tuyến phòng thủ Surovikin'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine War Map Shows Zaporizhzhia Gains as 'Surovikin Line' Breach Expands”, nghĩa là “Bản đồ chiến tranh Ukraine cho thấy những lợi ích ở Zaporizhzhia khi Ukraine mở rộng thêm việc chọc thủng 'tuyến phòng thủ Surovikin'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cuộc phản công của Ukraine tại Zaporizhzhia bị tạm chiếm đang đạt được thành công và mở rộng phạm vi các điểm chọc thủng “phòng tuyến Surovikin” đáng gờm của Nga.

Một báo cáo được công bố hôm thứ Năm bởi ISW, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, trích dẫn các đoạn phim được định vị địa lý cho thấy các xe thiết giáp của Ukraine đang hoạt động bên ngoài tuyến “phòng thủ ba lớp” và đang tham gia “chiến đấu hạn chế” ở phía tây khu định cư Verbove. Cơ quan cố vấn này cảnh báo rằng “không rõ liệu lực lượng Ukraine có giữ được các vị trí này hay không”.

Phòng tuyến Surovikin—được đặt theo tên của Sergei Surovikin, cựu tổng tư lệnh Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga còn được gọi là “Tướng Armageddon” —là một hệ thống chiến hào dài 81 dặm đi qua ngay bên ngoài Verbove và bao gồm một loạt chướng ngại vật trong đó có mìn.

ISW cho biết lực lượng Ukraine đã chọc thủng phòng tuyến bằng cách vượt qua “các hào chống tăng và chướng ngại vật răng rồng của Nga”, trở thành “trường hợp đầu tiên được quan sát thấy về việc lực lượng Ukraine vận hành xe thiết giáp vượt ra ngoài lớp phòng thủ ba lớp của Nga”.

Báo cáo của ISW nêu rõ: “Khả năng Ukraine đưa các phương tiện bọc thép đến và vượt qua các hệ thống phòng thủ đáng gờm nhất của Nga nhằm ngăn chặn chúng và vận hành các phương tiện này gần các vị trí phòng thủ đã được chuẩn bị sẵn của Nga là những dấu hiệu quan trọng cho thấy sự tiến bộ trong cuộc phản công của Ukraine”.

“Các lực lượng Nga hiện đang phòng thủ ở phía tây tỉnh Zaporizhzhia đã không thể ngăn cản lực lượng Ukraine tiến dần dần nhưng ổn định kể từ giữa tháng 8”.

Các bản đồ trong báo cáo của ISW cho thấy những bước tiến mà Ukraine tuyên bố, trong khi không có tuyên bố nào của Nga và cũng chẳng có đoạn phim định vị địa lý nào cho thấy rằng “các lực lượng Nga đã đẩy lùi các lực lượng Ukraine” đang cố gắng tấn công vào Verbove như tuyên bố hôm thứ Tư của Bộ Quốc phòng Nga.

Newsweek đã đưa ra bình luận cho Bộ Quốc phòng Nga qua email vào tối thứ Năm.

Báo cáo của ISW cũng trích dẫn lời một người lính Ukraine nói với tờ Wall Street Journal rằng quân đội Nga “có phẩm chất kém” đang bảo vệ các chiến hào tiền tuyến trong khu vực nhưng quân đội “mạnh hơn” sẽ xuất hiện khi tuyến phòng thủ bị chọc thủng.

Viện nghiên cứu cho biết nhận xét của binh sĩ này “phù hợp” với đánh giá của họ rằng quân đội “tinh nhuệ” của Nga là “yếu tố phản công chính” ở phía tây Zaporizhzhia.

Ukraine cũng được cho là đã chọc thủng phòng tuyến Surovikin hồi đầu tháng này, mặc dù không thấy xe thiết giáp nào hoạt động ngoài phòng tuyến vào thời điểm đó.

Đầu tuần này, ISW cho biết tổn thất của Nga đã “tăng đáng kể” khi cuộc phản công của Ukraine thành công ở khu vực Zaporizhzhia, cho thấy sự gia tăng thương vong có thể là do Mạc Tư Khoa phụ thuộc vào các đơn vị “Storm-Z” được trang bị kém, bao gồm chủ yếu là cựu tù nhân.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đến thăm Washington, DC hôm thứ Năm để gặp Tổng thống Joe Biden và các thành viên Quốc hội, đưa ra yêu cầu cần thêm viện trợ quân sự của Hoa Kỳ để tăng cường cơ hội cho Ukraine chống lại cuộc xâm lược của Nga, bắt đầu gần 19 tháng trước.

Cùng ngày, Biden công bố khoản viện trợ bổ sung 325 triệu Mỹ Kim cho Ukraine, mặc dù yêu cầu lớn hơn nhiều về khoản 24 tỷ Mỹ Kim đang bị hoãn lại tại Quốc hội do cuộc đấu đá nội bộ của Đảng Cộng hòa đang đe dọa khiến chính phủ đóng cửa.

4. Tướng hàng đầu Ukraine nói chiến binh Wagner vẫn xuất hiện “đây đó” ở Ukraine

Các chiến binh của Wagner tiếp tục xuất hiện “đây đó” trên tiền tuyến ở Ukraine, vị tướng chỉ huy cuộc phản công của đất nước dọc theo tiền tuyến phía nam cho biết.

“Ở một số hướng, tôi không thể nói liệu đó là khu vực Kherson, hay hướng của chúng tôi, hay nơi nào khác mà chúng xuất hiện,” Tướng Oleksandr Tarnavsky nói khi được hỏi về các báo cáo cho thấy chiến binh của Wagner đã được tái triển khai tới Kherson. “Thực tế là huy hiệu của họ xuất hiện đây đó - điều đó là không đổi.”

Tarnavsky nói tiếp rằng người của ông thường suy đoán về sự hiện diện của Wagner bất cứ khi nào đối phương của họ bắt đầu hành xử một cách thành thạo hơn.

Ông giải thích: “Chúng tôi nghi ngờ sự hiện diện của Wagner nếu chúng tôi thấy lực lượng đang tấn công chúng tôi có sự quyết liệt, gan dạ với sự tham gia của một nhóm quân nhân thực hiện các nhiệm vụ này theo những cách bất thường hơn. Điều này khiến người ta nghĩ: 'Có lẽ Wagner đã xuất hiện?'“

Ông nói: “Nhưng ngày nay ở khu vực mặt trận của tôi không có đơn vị nào như vậy. “Về hướng Kherson — tôi không thể nói.”

Diễn biến này xảy ra sau khi các blogger quân sự Nga báo cáo rằng một số đơn vị của Wagner đã được tung vào Kherson sau khi Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Dù số 7 bị xóa sổ trong một vụ tấn công bằng HIMARS vào hôm thứ Hai.

Hôm thứ Ba, Kênh telegram VChK-OGPU của Nga, có nguồn thông tin nội bộ từ lực lượng an ninh Nga, cho biết Bộ Tư Lệnh của Sư đoàn Dù số 7 đóng ở khu vực bị tạm chiếm của tỉnh Kherson phía nam Ukraine đã bị tấn công.

Bài đăng cho biết: “Nhiều sĩ quan đã chết vì một cuộc tấn công có tính toán của quân Ukraine, số lượng nạn nhân chính xác đã được che giấu cẩn thận. Vào thời điểm pháo kích, Bộ Tư Lệnh Dù đang họp lên kế hoạch hàng ngày.”

Kênh này cho biết thông tin này đã được xác nhận bởi Yevgeny Khanin, chủ tịch tổ chức cựu chiến binh của Sư đoàn Dù cận vệ số 7 đóng tại Novorossiysk, thuộc vùng Krasnodar của Nga, nằm gần Kherson.

5. Phát ngôn nhân quân đội nói rằng Ukraine còn “một chặng đường dài phía trước” để phá hủy khả năng của Nga ở Crimea

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ 7 23 tháng Chín, Phát ngôn nhân Bộ Tư Lệnh Phía Nam, Thiếu Tá Nataliya Humenyuk cho biết tình hình ở Hắc Hải vẫn “căng thẳng”, đồng thời nói thêm rằng Ukraine vẫn còn “một chặng đường dài phía trước” để “tiêu diệt toàn bộ khả năng của đối phương” ở Crimea.

Natalia Humeniuk, phát ngôn nhân của Lực lượng An ninh và Quốc phòng miền Nam Ukraine, cho biết Nga đang “nhận ra rằng không còn an toàn cho họ ở Hắc Hải và trong các căn cứ của họ”.

Trước đó vào trưa ngày thứ Sáu, Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào trụ sở Hạm đội Hắc Hải của Nga. Đó có lẽ là ví dụ ấn tượng nhất về sự tự tin của Kyiv trong việc tấn công các cơ sở của Nga ở Crimea.

Tuy nhiên, phát ngôn nhân thừa nhận những thách thức phía trước.

Humeniuk nói: “Vẫn còn nhiều điểm như vậy trên bản đồ Crimea và chúng tôi còn một chặng đường dài phía trước”.

Humeniuk cũng cho biết “mùa bùng nổ” sẽ tiếp tục và nói thêm, “sẽ còn nhiều điều thú vị và nhiều thông tin sắp tới”.

Trong tháng qua, Ukraine đã tăng cường tấn công vào các căn cứ quân sự và cơ sở khác của Nga, bao gồm cả hệ thống phòng không ở Crimea. Trong những tuần gần đây, Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào một xưởng đóng tàu ở Sevastopol, cho biết họ đã phá hủy hệ thống hỏa tiễn S-400 của Nga ở Crimea và gần đây nhất cho biết họ đã tấn công một sở chỉ huy của Nga gần Sevastopol hôm thứ Tư.

6. Người Ukraine hận người Nga đến mức Ủy ban ngôn ngữ quốc gia cho phép viết các tên riêng của Nga mà không cần viết hoa

Ký giả Claudia CHIAPPA của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Ukraine’s language commission snubs Russia”, nghĩa là “Ủy ban ngôn ngữ Ukraine chế nhạo Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Ủy ban Quốc gia về Tiêu chuẩn Ngôn ngữ Nhà nước Ukraine đã ra phán quyết rằng việc viết các từ như “Nga” và “Mạc Tư Khoa” bằng chữ thường trong các tài liệu từ nay sẽ không còn bị coi là lỗi.

Ủy ban cho biết họ đưa ra quyết định này sau khi xem xét yêu cầu của Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk và các công thư từ Viện Ngôn ngữ Ukraine và Viện Ngôn ngữ học OO Potebnia của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Ukraine.

Từ nay trở đi, các từ viết thường như “Liên bang Nga”, “Nga”, “Mạc Tư Khoa”, “Vương quốc Mạc Tư Khoa”, “Đế quốc Nga” và “Duma Quốc gia Liên bang Nga” viết thường sẽ không còn là “sự khác biệt so với cách viết chuẩn mực của ngôn ngữ Ukraine trong các văn bản”, ủy ban cho biết.

Nhiều người Ukraine, đặc biệt là trên mạng xã hội, đã sử dụng chữ thường khi đề cập đến Nga, kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Điện Cẩm Linh vào nước này bắt đầu vào tháng 2 năm 2022.

7. Ukraine nói 'khủng bố năng lượng' của Nga đã bắt đầu trước mùa đông

Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết Nga đã bắt đầu lại chiến dịch tấn công trên không vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, theo AFP.

Trong mùa đông năm ngoái, lực lượng Nga đã tiến hành các cuộc tấn công liên tục vào mạng lưới năng lượng của Ukraine khiến hàng triệu người không có điện, sưởi ấm và nước trong thời gian dài.

“Chúng tôi hiểu rằng giai đoạn khủng bố năng lượng trong mùa nóng này đã bắt đầu,” Shmyhal nói tại một diễn đàn kinh tế ở Kyiv, một ngày sau khi lực lượng Mạc Tư Khoa được cho là đã bắn hơn 40 hỏa tiễn hành trình vào Ukraine.

Theo hãng tin Interfax-Ukraine, ông nói: “Chúng tôi thấy điều đó trong các cuộc tấn công đầu tiên vào các trạm biến áp điện trong khu vực trong hai tuần qua”.

Cuộc tấn công vào mùa đông năm ngoái của lực lượng Nga đã thúc đẩy Ukraine tăng cường phòng không với sự hỗ trợ từ các đồng minh quân sự ở phương Tây.

“Chúng tôi đã chuẩn bị tốt hơn và mạnh mẽ hơn nhiều so với năm ngoái. Chắc chắn mùa đông sẽ khó khăn”, Shmyhal nói và nhấn mạnh rằng “Nhưng chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho điều đó, bởi vì chúng ta hiểu đối phương đang chuẩn bị cho điều gì và những mối đe dọa, thách thức mà tất cả chúng ta phải đối mặt.”

8. Canada cảnh báo nguy cơ tấn công mạng trong chuyến thăm của Zelenskiy

Canada đã cảnh báo cộng đồng mạng phải nâng cao cảnh giác trong chuyến thăm Canada của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Cộng đồng an ninh mạng Canada - đặc biệt là các nhà điều hành các trang web của chính phủ và cơ sở hạ tầng quan trọng - nên nâng cao cảnh giác và nâng cao nhận thức cũng như bảo vệ họ trước các mối đe dọa mạng độc hại, một tuyên bố từ Cơ quan An ninh Truyền thông Canada, gọi tắt là CSE, cảnh báo hôm thứ Sáu.

Tuyên bố tiếp tục: “Chúng tôi nhận thấy rằng không có gì lạ khi thấy các chiến dịch từ chối dịch vụ, gọi tắt là DdoS, ngày càng gia tăng chống lại các quốc gia NATO ủng hộ Ukraine đặc biệt là trong các chuyến thăm của những quan chức chính phủ Ukraine”.

Về chuyến thăm của tổng thống Ukraine: Zelenskiy đã có bài phát biểu trước Quốc hội Canada vào thứ Sáu và gặp bộ trưởng tài chính Canada cũng như các lãnh đạo doanh nghiệp ở Toronto.

9. Quan chức do Nga bổ nhiệm cho biết các nhà cung cấp Internet ở Crimea đang bị tấn công mạng “chưa từng có”

Các nhà cung cấp Internet ở Crimea đã phải đối mặt với một cuộc tấn công mạng “chưa từng có”, dẫn đến các vấn đề truy cập Internet cho người dân trên bán đảo, một quan chức địa phương do Nga bổ nhiệm cho biết hôm thứ Sáu.

Sergei Aksyonov, Thống đốc khu vực bán đảo Crimea, do Nga dựng nên, nói: “một cuộc tấn công mạng chưa từng có” đã được thực hiện nhằm vào các nhà cung cấp Internet ở Crimea.

“Chúng tôi đang phát hiện sự gián đoạn trên Internet trên bán đảo Crimea. Tất cả các dịch vụ đang nỗ lực để loại bỏ mối đe dọa”, ông cho biết như trên, đồng thời cho biết thêm rằng những nỗ lực đang được tiến hành để giảm thiểu mối đe dọa.

Trưa ngày thứ Sáu, Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công hỏa tiễn vào trụ sở của Hạm đội Hắc Hải của Nga, Aksyonov cho biết.

Trong tháng qua, Ukraine đã tăng cường tấn công vào các căn cứ quân sự và cơ sở khác của Nga, bao gồm cả hệ thống phòng không ở Crimea. Sevastopol, nơi đặt trụ sở Hạm đội Hắc Hải của Nga, là một trong những thành phố lớn nhất trên bán đảo Crimea và đã bị lực lượng Mạc Tư Khoa sáp nhập trái phép vào năm 2014.

10. Quan chức Ukraine hoan nghênh cuộc tấn công vào Hạm đội Hắc Hải của Nga ở Crimea

Các quan chức Ukraine đang bình luận về vụ tấn công hỏa tiễn của Ukraine nhằm vào trụ sở Hạm đội Hắc Hải của Nga ở Sevastopol, một trong những thành phố lớn nhất của Crimea, vào trưa hôm thứ Sáu.

Oleksii Danilov, thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine cảnh báo rằng Nga có hai lựa chọn cho tương lai của hạm đội của mình, “tự nguyện hoặc bị ép buộc tự thanh lý”. Ông nói thêm, “cách tốt nhất và an toàn nhất để bảo vệ tính toàn vẹn của tài sản và tổ hợp kinh tế” Sevastopol và các khu vực xung quanh “là tự nguyện rút lui”.

Mykola O Meatchuk, chỉ huy Lực lượng Không quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine, đã đăng trên Telegram hôm thứ Sáu và chỉ ra những cảnh báo gần đây của người Ukraine về việc gia tăng các cuộc tấn công vào các căn cứ quân sự của Nga ở Crimea. “Chúng tôi đã hứa rằng 'sẽ tiếp tục...' Vì vậy, trong khi quân xâm lược đang nhức nhối ở Melitopol và tiếng còi báo động không kích vẫn vang lên ở Sevastopol, tôi xin cảm ơn các phi công của Lực lượng Không quân một lần nữa!”

Refat Chubarov, chủ tịch Mejlis của người Tatar Crimea ở Ukraine, cảm ơn những người tham gia chiến dịch “giải phóng” Crimea. Chubarov, người hiện đang làm việc từ lãnh thổ do Ukraine kiểm soát bên ngoài Crimea, cho biết: “Các bạn của tôi, những người chúc mừng sinh nhật tôi, viết rằng cuộc tấn công hôm nay nhằm vào các mục tiêu quân sự quan trọng nhất của bọn man rợ Nga ở Crimea là một món quà từ Lực lượng Phòng vệ Ukraine”.

11. Một chuyên gia hàng đầu của Liên Hiệp Quốc cảnh báo hôm thứ Sáu rằng, sự đàn áp ở Nga đã tăng vọt kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa vào Ukraine vào năm ngoái, đạt đến mức độ chưa từng thấy kể từ thời Stalin.

Mariana Katzarova nói với các phóng viên ở Geneva: “Mức độ đàn áp đối với các phương tiện truyền thông độc lập của xã hội dân sự và nói chung là bất kỳ ai có tiếng nói bất đồng chính kiến… là chưa từng có trong lịch sử gần đây”.

Trình bày những phát hiện trong báo cáo đầu tiên của mình, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình hình nhân quyền ở Nga đã than thở về “cuộc đàn áp quy mô lớn” của Mạc Tư Khoa đối với những người chỉ trích kể từ khi Putin phát động cuộc chiến vào tháng 2 năm 2022.

Cô nói với các phóng viên: “Xã hội dân sự ở Nga đã bị chính quyền đóng cửa”.

Cô nói thêm rằng “cuộc đàn áp rất tinh vi”, với các luật mới được đưa ra hầu như hàng tuần “để ngăn chặn” mọi hình thức chỉ trích hoặc bất đồng chính kiến.

Katzarova được bổ nhiệm vào tháng 4 năm ngoái làm người giám sát đầu tiên được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn về tình hình nhân quyền ở Nga hoặc ở bất kỳ quốc gia nào trong số năm quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.

Nga đã từ chối cho phép cô tiếp cận lãnh thổ của mình, thậm chí từ chối công nhận nhiệm vụ của cô và từ chối tham gia cuộc tranh luận về báo cáo của cô tại hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong tuần này.