Ngày 17-09-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ 25 Mùa Thường Niên 18/9 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
02:01 17/09/2022

BÀI ĐỌC 1 Am 8:4-7

Bài trích sách ngôn sứ A-mốt.

Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ

và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ.

Các ngươi thầm nghĩ:

“Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa;

bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra?

Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm;

ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ.

Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần,

đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ;

cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán.”

Đức Chúa đã lấy thánh danh

là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề:

Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 1Tm 2:1-8

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi ông Ti-mô-thê.

Anh thân mến, trước hết, tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.

Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người.

Điều này đã được chứng thực vào đúng thời đúng buổi. Và để làm chứng về điều này, tôi được đặt làm người rao giảng và làm Tông Đồ –tôi nói thật chứ không nói dối– nghĩa là làm thầy dạy các dân ngoại về đức tin và chân lý. Vậy tôi muốn rằng người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG 2Cr 8:9

Alleluia. Alleluia. Alleluia.

Đức Giê-su Ki-tô vốn giàu sang phú quý,

nhưng đã trở nên khó nghèo, để lấy cái nghèo của mình

mà làm cho anh em trở nên giàu có.

Alleluia. Alleluia. Alleluia.

TIN MỪNG Lc 16:1-13

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng:

“Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!’ Người quản gia liền nghĩ bụng: ‘Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!’

Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu ô-liu.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.’

Rồi anh ta hỏi người khác: ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?’ Người ấy đáp: ‘Một ngàn giạ lúa.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.’

Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.

Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?

Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”

Đó là Lời Chúa.
 
Tiền và Chúa, cách hành xử của người Ki-tô hữu
Lm. Phạm Trọng Phương
09:02 17/09/2022
Tiền và Chúa, cách hành xử của người ki-tô hữu

(Suy niệm Chúa nhật 25 thường niên C – Lc 16, 1-13)

Không ai không biết đến tiền, không ai không cần đến tiền và không ai không bị cám dỗ bởi đồng tiền. Vì tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là lọng để che thân, là cái cân của công lý, có tiền là hết ý. Hoặc có tiền phú quý giàu sang, không tiền lắm kẻ cơ hàn điêu linh – Có tiền lắm kẻ chung tình, không tiền nó đá cho mình quay lơ – Có tiền kẻ đợi người chờ, không tiền bạn hữu thờ ơ chẳng nhìn – Có tiền thăm được họ hàng, không tiền cô bác bàng hoàng chơi vơi – Có tiền thoả thích ăn chơi, không tiền làm toát mồ hôi cả ngày – Có tiền sáng xỉn chiều say, không tiền bụng đói suốt ngày nằm phơi – Có tiền dạo phố xe hơi, không tiền nằm ngủ chao ôi đói lòng – Có tiền cưới vợ gả chồng, không tiền thì cả tơ hồng không se – Có tiền anh nói em nghe, không tiền anh nói em chê anh nghèo – Không tiền cuộc sống gieo neo, không tiền cam phận tèo teo một mình.”

Vì đặt đồng tiền trên hết, vì xem đồng tiền là quan trọng nên đôi khi nhiều người đã sẵn sàng bất chấp tất cả để kiếm/ chiếm đoạt/ sở hữu cho được đồng tiền dẫn đến những toan tính, những mưu mẹo, những luồn lách, những gian trả, những kỹ xảo, những lừa lọc, những bất công, ngay cả chấp nhận bán rẻ lương tâm, chà đạp nhân phẩm và giết chết chính mình và tha nhân. Quả thật, vì tiền bạc mà nhiều cá nhân, nhiều gia đình, cộng đoàn, tập thể, tổ chức và nhà nước,…bị tan nát và sụp đổ. Nói đến đây, có bài thơ của ai đó đã viết thế này:

Độc ác chi mi lắm rứa tiền,

Mi làm nhân loại hóa ra điên,

Mi tô mặt nạ đen thành trắng,

Mi khiến nhân tình thẳng hóa xiên,

Mi đạp luân thường vô một xó,

Mi xua nhân nghĩa dẹp đôi bên

Mi lùa thế giới đâm nhau mãi,

Ác nghiệt chi mi lắm rứa tiền.

Thật vậy, có tiền chắc gì đã hạnh phúc và bình an. Điều quan trọng là mỗi người cần biết sử dụng đồng tiền và tìm kiếm đồng tiền cho phù hợp trong cuộc sống hằng ngày. Vì biết rằng,

Có tiền, ta có thể mua được một ngôi nhà nhưng không mua được một tổ ấm.

Có tiền, ta có thể mua được đồng hồ nhưng không mua được thời gian.

Có tiền, ta có thể mua được một chiếc giường nhưng không mua được giấc ngủ.

Có tiền, ta có thể mua được một cuốn sách nhưng không mua được kiến thức.

Có tiền, ta có thể đến khám bác sĩ nhưng không mua được sức khỏe tốt.

Có tiền, ta có thể mua được địa vị nhưng không mua được sự nể trọng.

Có tiền, ta có thể mua được máu nhưng không mua được cuộc sống.

Có tiền, ta có thể mua được thể xác nhưng không mua được tình yêu.

Nơi bài đọc I đã nhấn mạnh đến lối sống bất xứng của con cái Israel. Họ tham dự phụng vụ cách miễn cưỡng, trong khi thân xác họ ở trước tôn nhan Thiên Chúa; nhưng tâm hồn của họ chu du mọi nơi. Họ nghĩ đến những việc sắp làm để kiếm tiền, và mong ngày Sabat chóng qua để làm chuyện đó. Họ tin Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, và họ nghĩ chỉ cần giữ qua loa những lễ nghi bên ngoài là đủ đẹp lòng Ngài; chứ họ không bao giờ nghĩ đến việc họ phải hoán cải và thay đổi lối sống bất công với tha nhân. Điều này chúng tỏ họ chỉ thờ phượng Thiên Chúa bên ngoài, còn tâm hồn họ xa Ngài vạn dặm. Bên cạnh đó, tác giả Amos cho chúng ta thấy Đức Chúa chống lại những kẻ lấy tiền bạc mà mua người cơ bần. Đức Chúa lên án những cách thức làm tiền bất chính, đối xử bất công với tha nhân hay lỗi đức công bằng: kiểu sống buôn bán điêu ngoa qua việc họ “làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm, làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ”. Cái đấu có thể làm nhỏ lại bằng cách bóp méo, quả cân có thể nặng thêm bằng cách hàn thêm chì dưới đáy, cán cân cũng có thể làm lệch bằng cách sửa lại vị trí thăng bằng. Họ coi trọng đồng tiền hơn nhân phẩm con người bằng cách “ dùng tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ”. Họ sống thái độ lường gạt ngang qua việc họ có thể để trong thùng chứa những lúa gạo tốt bên trên, trong khi bên dưới toàn lúa nát gạo mục.

Nơi bài Tin Mừng (Lc 16, 1-13) nêu bật tính khôn khéo của tên đầy tớ bất lương khi xử sự với đồng loại để mời gọi sự cần thiết và khôn khéo trong việc sử dụng của cải thiêng liêng đối với con cái sự sáng, hay mỗi ki-tô hữu chúng ta.

Cách hành xử của người quản gia bất lương: Ngay từ đầu, trình thuật đã cho chúng ta biết đây là một quản gia không tốt, và đó là lý do tại sao anh bị thất nghiệp. Một con người quản gia tốt không phải chỉ biết cách làm việc mà còn phải biết trung tín với chủ. Người quản gia này có thể rất khôn lanh, nhưng không trung tín, vì anh ta bị tố cáo là đã phung phí tài sản của chủ. Vì thế, ông chủ mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!” (cc.1-2). Vì là người quản gia khôn lanh, nên ông ta biết dùng tài sản của chủ như một phương tiện để chuẩn bị cho tương lai của ông: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quan gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!” (cc.3-4). Ông nghĩ ra cách dùng tài sản của chủ để thu phục nhân tâm. Quả thật, ông chủ nhận ra sự khôn lanh của tên quản lý đã qua mặt ông để làm lợi cho nó cách hợp pháp. Ông chủ khen cách cử xử của người quản lý bất lương, chứ không khen tư cách hay phẩm chất của hẳn ta. Cũng vậy, Đức Giê-su không khen tên đầy tớ bất lương, nhưng khen sự khôn lanh của anh ta khi đối xử với đồng loại. Như vậy, ngay cả kẻ bất lương còn biết cách hành xử khôn khéo cho chính mình và tương lai của mình, phương chỉ những người ki-tô hữu càng phải khôn khéo để sống tốt, tích trữ những của cải thiêng liêng cho cuộc sống mai hậu của mình!

Mặt khác, Đức Giê-su nhấn mạnh đến vấn đề làm tôi hai chủ: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.” (c.13). Chúng ta nên nhớ rằng không thể đam mê và kiếm tìm vật chất hay tiền của mà lại có chỗ hiện diện cho Thiên Chúa nơi cõi lòng của chúng ta. Vì kho tàng của anh em ở đâu thì lòng anh em ở đó (Lc 12, 34). Vì thế,“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người,. còn tất cả những thứ kia Người sẽ thêm cho.” (Mt 6:33). Cho nên, đừng vì đam mê của cải vật chất mà đánh mất giá trị con người, giá trị thiêng liêng, đó là sự sống đời đời. Quả thật, Thánh Phao lô đã nhắn gửi chúng ta qua ông Timothê trong bài đọc II: “Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người.” (1 Tm 2,5-6). Chỉ có Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su Ki-tô mới đem lại ơn cứu độ cho con người, chứ tiền bạc – vật chất chỉ là phương tiện, dụng cụ trợ giúp chúng ta trên đường lữ hành trần gian. Nó không là ông chủ nhưng là nô lệ của con người, vì thế, đừng ai vì nó mà đánh mất linh hồn, đánh mất sự sống vĩnh cửu. Hãy chọn Chúa là gia nghiệp đời đời của chúng ta. Amen.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Vương Đạo Hay Con Đường Kitô
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
13:58 17/09/2022
“Vương Đạo” Hay “Con Đường Kitô”

(Chúa Nhật 25 TN C 2022)

Trong “triết lý chính trị”, và cả ngay trong lối ứng xử cuộc sống, người phương Đông thường phân biệt hai con đường, hai cách lựa chọn và hành xử: VƯƠNG ĐẠO và BÁ ĐẠO.

VƯƠNG ĐẠO đó là cách hành xử hợp lẽ trời, hợp lòng người, từ mục đích đến phương thế thực hiện đều mang tính thiện lương, đạo đức. Vua chúa, quan quyền cai trị dân theo lối nầy gọi là “đức trị”. Trong sách ‘Lã Thị Xuân Thu’ có một câu chuyện có thể được xếp vào loại chính trị “vương đạo” hay “đức trị” như sau:

Hạ Hầu Tương đánh nhau với Hữu Hỗ ở Cam Trạch mà không thắng được. Lục Khanh xin cho đánh nữa. Hạ Hầu Tương bảo: “Không được! Đất của ta không hẹp, dân của ta không ít, vậy mà đánh không thắng, ấy là bởi đức của ta mỏng và giáo hóa của ta không tốt”.

Thế rồi chăm lo sửa đức, ngồi thì không trải chiếu đôi, ăn thì không dùng hai món, con trai con gái không chau chuốt trang điểm, thương yêu người thân, tôn kính bậc trưởng, trọng bậc hiền lương, dùng người tài giỏi. Chỉ một năm sau thì họ Hữu Hỗ đã quy phục.

BÁ ĐẠO là cách lựa chọn “bất kể giá nào” nhằm đạt được ý đồ, mục đích, cho dẫu phương thế sử dụng có đi ngược lại với ý Trời, lòng người và những nguyên tắc luân lý thiện lương. Người ta gọi cách cai trị đó là “pháp trị”.

Trong tiểu thuyết dã sử ‘Tam Quốc Chí’ của La Quán Trung, người ta thường cho rằng nhân vật Tào Tháo xứng danh đại diện cho chủ trương “BÁ ĐẠO”, ít nhất qua hai sự kiện sau:

Có lần Tào Tháo gặp cảnh thiếu lương thực cho binh sĩ. Ông ta ra lệnh cho quan coi lương là Vương Cầu cắt bớt phần lương thực cho binh sĩ. Binh sĩ vì thiếu ăn bất mãn định làm loạn. Để làm yên lòng quân, ông ra lệnh chém đầu Vương Cầu rồi loan tin rằng sở dĩ thiếu lương vì viên quan trông coi lương thực ăn cắp kho chứa quân lương. Cách giải quyết của Tào Tháo đã làm tình hình tạm yên nhưng giết một viên quan vô tội khiến người đời sau nguyền rủa Táo Tháo là một đại gian hùng. Cứu cánh là làm cho tình hình quân sĩ yên lòng bằng phương tiện lấy thủ cấp của một người vô tội là lối làm chính trị bá đạo.

Có lần Tào Tháo thất trận sa cơ chạy trốn đến trú ngụ tại nhà nọ. Chủ nhà tốt bụng tiếp rước nồng hậu. Tháo đang ở nhà trên thoáng nghe có tiếng nói thì thầm ở nhà bếp rằng : “Nên trói lại để giết hay để vậy mà giết”. Tào Tháo hoảng kinh, nghi chủ nhà tìm cách giết mình nên ra tay hạ thủ trước. Sau đó ông ta mới phát giác chủ nhà định giết con heo để đãi Tháo. Dù biết mình giết lầm người, Tháo ra lệnh giết tất cả những người trong nhà. Tào Tháo nói một câu còn lưu xú lại muôn đời: “Thà mình phụ người còn hơn để người phụ mình”. Giết những người vô tội vì lý do không chính đáng để biện minh cho sự an toàn của bản thân đúng là hành vi bá đạo !

Đây chính là cách hành xử, là lựa chọn mà luân lý Kitô giáo không bao giờ chấp nhận đó gọi là “Lấy cứu cánh hay mục đích để biện minh cho phương tiện”.

Đây không phải là chuyện mới ! Từ 8 thế kỷ trước Công Nguyên, căn cứ vào giáo huấn của sách ngôn sứ Amos (764-755 BC) trong Bài đọc 1 Chúa Nhật hôm nay, trong dân Israel cũng đã từng có kẻ dùng cách ứng xử “bá đạo” đó với anh em: “Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ. Các ngươi thầm nghĩ: "Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa; bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra? Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm; Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ. Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ; cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán.” (Am 8,4-6).

Và cũng giống như niềm tin bàng bạc của đại đa số nhân loại về một “chiếc võng trời” (Thiên võng khôi khôi) sẽ không để “lọt lưới” bất kỳ người nào manh tâm hành ác (Sơ nhi bất lậu), nhà tiên tri mang tính “cách mạng” của Do Thái đã nhân danh Chúa mà tuyên bố dứt dạc: “Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng.” (Am 8,7).

Riêng với Đức Kitô, để các môn sinh và những ai bước theo Ngài tránh xa tinh thần thế tục, chiến thắng não trạng “tìm lợi ích riêng bất cứ giá nào” hay con đường “bá đạo”, ‘lấy mục đích biện minh cho phương tiện”, Ngài đã khắc họa hình tượng “tay quản lý tinh ranh” trong một dụ ngôn mang tính xã hội của thánh sử Luca: Để bảo đảm cho tương lai bấp bênh của mình một khi bị đuổi việc, tay quản lý đã xúi các con nợ thay trắng đổi đen các giấy văn tự. Đúng là “tay quản lý bá đạo”, sẵn sàng bán đứng chủ mình chỉ vì lợi ích bản thân !

Qua dụ ngôn nầy, quả thật, Chúa Giêsu muốn dạy cách “phân định” đâu là sự khôn ngoan đích thực của “con cái sự sáng” và sự “tinh ranh” của “con cái đời này”. Thật vậy, đối với những con người không bước đi dưới ánh sáng của Lời Chúa, của Tin Mừng, thì tiêu đích của cuộc đời chỉ là “lợi nhuận”, là “có lợi cho bản thân”, là “được việc của mình”…; mối tương quan xã hội, con người với nhau không đặt nền tảng trên phẩm giá, trên nhân vị, trên tình yêu… mà đơn thuần, chỉ là “có lợi”, bất chấp cả luân thường, đạo lý. Đây chính là một chọn lựa với nguyên tắc hoàn toàn thế tục và đi ngược lại luân lý Tin Mừng: lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện. Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông, Pônpốt… của thế kỷ trước, và hôm nay, Kim yong un, Putin… hình như rất khoái và thực thi tới nơi tới chốn chủ trương trên !

Sở dĩ xã hội hôm nay đầy dẫy những tiêu cực, bại hoại, giả dối, tham nhũng, lừa đảo… phải chăng vì thế giới đáng có quá nhiều “đầm lầy nhân loại” chọn cái “tinh ranh quái quỷ” đầy tham dục và ích kỷ, chọn cái nguyên tắc luân lý đầy tính tham sân si “vì mục đích tốt thì có thể sử dụng bất phương tiện nào, cho dù đó là những phương tiện tàn bạo, khát máu, gian dối, lừa gạt…”. Những người mang danh Kitô hữu, những người “con của sự sáng” chấp nhận “lội ngược dòng”, sẵn sàng chọn lựa “làm tôi Thiên Chúa”, môn sinh của Đức Kitô… cho dù phải trả giá bằng con đường “trắng tay khó nghèo”, con đường “quỳ xuống rửa chân cho anh em”, con đường “uống chén đắng thập giá”…

Thế nhưng, nếu Thiên Chúa không hề quên hành vi bạo tàn của kẻ dữ “Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng.”, thì chính Ngài sẽ ra tay thực hiện những điều tốt lành cho những kẻ thực thi công chình, như lời tuyên xưng của người phụ nữ “siêu công chính” là Đức Trinh Nữ Maria:

“Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

người giàu có, lại đuổi về tay trắng…” (Lc 1,52-53).

Nhưng Lời Chúa không chỉ dừng lại ở bình diện giáo dục con người “ăn ngay ở lành”, thực thi “vương đạo” trong cung cách ứng xử với nhau để thiết lập những mối tương quan xã hội tốt đẹp mà còn là kim chỉ nam để dẫn con người đạt tới ơn cứu độ, tới cùng đích vĩnh hằng, như niềm xác tín của Thánh Phaolô trong thư gởi người đồ đệ Timôthê: “Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,3-4).

Hy vọng tất cả mọi người tin vào Chúa Kitô trên thế giới, dẫu là Ukraina hay Liên bang Nga, những kẻ đều đã cùng nghe dụ ngôn “người Quản lý tinh khôn”, đều nhận chỉ thị của Tin Mừng “Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”, sẽ bắt đầu chọn lựa lại con đường tiến về phía trước: con đường mang tên KITÔ, như chính Ngài đã từng tuyên bố: “Thầy là đường, sự thật, sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

Trương Đình Hiền

 
CN 25C - Người quản lý mang tên Nguyễn Bất Lương
Lm. Alf.Nguyễn Công Minh
13:59 17/09/2022
CN 25C - Người quản lý mang tên Nguyễn Bất Lương

Dụ ngôn người quản lý bất lương thật hay. Hay vì khó giải thích, khó biện minh. Mà nếu biện minh được, thì mới thật hay. Bởi dụ ngôn nêu toàn là người xấu việc xấu mà cuối cùng lại được đánh giá là phải học hỏi noi theo y như người tốt việc tốt.

Ba loại người xấu trong dụ ngôn này là:

-Trước hết, viên quản lý. Tên của y rõ ràng là xấu: Nguyễn bất Lương. Y thụt két của chủ, y phung phí của cải nhà chủ. Phúc m ghi: Ông chủ mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản lý nữa!” Anh đã bất lương trước khi bị cảnh báo sa thải. Và anh bất lương mạnh hơn nữa sau khi nhận lời doạ cho về vườn.

-Các con nợ cũng là những người bất lương. Vì họ sẵn sàng kí sổ nợ bớt lại, thiệt hại cho ông chủ. “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai khống đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: “Một trăm giạ lúa”. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai khống của bác đây, viết lại tám mươi thôi”.

Quản gia này biết rằng hắn đã mất chức quản gia, vì thế nảy ra một sáng kiến. Hắn ghi sổ một cách gian lận để các con nợ được trả ít hơn cho chủ. Điều này có hai công hiệu. Thứ nhất, các con nợ phải mang ơn hắn. Thứ hai, còn có hiệu lực hơn, là hắn làm cho cùng liên lụy về hành động gian manh của hắn, và không ai dám tố cáo hắn, vì tố cáo sẽ thiệt mình, hại mình: bởi lòi ra chính mình gian dối, bất lương.

-Chính ông chủ của anh quản lý cũng là một phe cánh bất lương, bởi vì, thay vì khó chịu, ra tay ngay về hành động này, ông ta lại khen nó thông minh. Khen một người bất lương chẳng khác gì khuyến khích họ sống bất lương, và như thế cũng là bất lương.

Vậy ta giải thích làm sao? Ba hạng người bất lương, và nhất là tên quản lý Nguyễn Bất Lương lại được chính Chúa khen.

Điều giải thích dễ nhất là : có thể rút được cái tốt qua cái xấu. Một ví dụ nhỏ, ta hay xưng tội chia trí, thì từ cái xấu là chia trí đó ta biến nó thành cái tốt, chia trí về ai thì cầu nguyệ cho người đó. Chia trí nghĩ tới người yêu thì cầu nguyện nhiều cho người tình. Nói dễ hiểu hơn: rút bài học, rút kinh nghiệm. Nhưng không phải kinh ngiệm xương máu, tức, không phải mình phải trải qua mới rút, mà người khác trải qua, mình nhìn vào và rút ra cái tốt cho mình từ một hành vi xấu của họ. Không phải mình sống bất lương trước, rồi mới rút bài học cho mình. Không phải ăn cướp trước, rồi khi sứt trán vào tù mới ngồi từ từ rút bài học trộm.

Vậy từ hành vi bất lương của quản gia Nguyễn bất Lương và các con nợ bất lương, kể cả ông chủ hơi bị bất lương vì khen kẻ bất lương, Chúa Giêsu đã rút dùm chúng ta 4 bài học. Và xin anh chị em yên tâm, tôi chỉ dừng lại một bài học thôi. Bốn bài học là :

1) Con cái đời này tỏ ra khôn khéo với đời hơn con cái sự sáng.

2) Của cải vật chất nên dùng để giữ gìn tình bạn. để mua lấy Nước Trời (chứ không phải chơi !)

3) Trung thành trong việc nhỏ dẫn đến trung thành trong việc lớn.

4) Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ.

Mỗi bài học xây dựng ít là được một bài giảng dài. Anh chị em có biết tôi sẽ rút bài học nào không? Tôi trả lời ngay: bài đầu tiên. Con cái đời này tỏ ra khôn khéo với đời hơn con cái sự sáng.

Viên quản lý bất lương (con cái đời này) khôn khéo ở điểm nào:

1-Biết giới hạn của mình:

Khi bị chủ gọi và cho biết bị đuổi việc, người quản gia liền nghĩ bụng : 'Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi.

Viên quản lý biết cái giới hạn của mình. Chứ không giận quá mất khôn: đuổi thì đuổi, ta đâu có sợ. Với đôi tay này ta sẽ làm nên cơ đồ, với miệng lưỡi này ta sẽ xin (thuyết phục) được cả chục kẻ đến quì trước ta để xin ý kiến, tư vấn làm ăn.

Nhiều con cái sự sáng không khôn khéo, không biết cái giới hạn của mình như con cái đời này biết giới hạn của họ cuốc đất không nổi, ăn mày hổ ngươi. Con cái sự sáng cứ tưởng mình mạnh, mình có Chúa trong mình (không biết có hay không !) nên mình xông pha đó đây: càphê đèn mờ đèn tắt vào luôn, sợ gì. Sách báo phim xấu, gì đâu mà sợ, cứ xem qua cho biết chớ. Phải rút bài học tốt từ sách báo xấu mà. Ma tuý xì ke làm gì nổi con cái ánh sáng, ta chỉ thử cho biết thôi, chứ làm gì khiến ta nghiện được. Game online ta chơi cho biết thôi chứ sao khiến ta ghiền nó được.

Vậy là không khôn khéo. Khôn khéo là biết giới hạn của mình. Các kẻ thù vừa kể, thế gian, xác thịt… cách thắng nó (nếu kể tên nó là kẻ thù 35) hay nhất là kế cuối cùng, kế 36: tẩu vi thượng sách. Cuốc đất không nổi đâu. Và chạy trốn chẳng hổ ngươi đâu.

2- Biết lo cho tương lai

Cái khôn khéo thứ hai là anh biết lo cho tương lai. Người quản gia liền nghĩ bụng : 'Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ !'

Mình biết phải làm gì rồi. Biết lo cho tương lai. Chứ không phải: kệ tới đâu hay tới đó.

Tương lai của con cái ánh sáng chắc hẳn phải là Đức Kitô Ánh Sáng. Nói bình dân hơn: sống đời này mà phải biết để dành cho đời sau.

Bạn nghĩ gì về một người nghèo được người ta đồng ý cho «đổi giấy lấy tiền» (cứ một tờ giấy thường nhỏ lấy một tờ giấy bạc 10.000đ, tờ giấy hoa đổi được 50.000đ VN, tờ giấy dày, đổi được 100 ngàn), mà lại không chịu đổi, cứ nhất định khư khư giữ lại những tờ giấy tầm thường cho mình? Bạn có bao giờ nghĩ mình (con cái ánh sáng) cũng đang làm tương tự như thế trên bình diện tâm linh không?

Chúng ta ai nấy đều có một thời gian rất ngắn ngủi ở trần gian này trước khi bước vào đời sống vĩnh cửu đời sau. So với đời sống mai hậu, đời sống này rất là ngắn ngủi trong đó mọi sự đều chóng qua, giả tạm, không bền. Như bọt bèo mỏng mảnh, như bóng câu qua cầu. Thật vậy, tất cả mọi sự ta đang có trong tay – trí tuệ, khôn ngoan, sức khỏe, cha mẹ, vợ con, anh em, nhà cửa, ruộng vườn, của cải, v.v… – có thể mất đi bất cứ lúc nào. Chỉ một cơn bệnh nặng hay một tai nạn ở đầu có thể làm ta mất hết trí tuệ, sức khỏe, làm ta điên loạn, không còn biết gì. Một cuộc đổi đời có thể làm ta mất hết địa vị, quyền lực và tiền bạc. Như thế tất cả những gì ta đang có trong tay, dù là tinh thần hay vật chất, đều không phải là của ta, mà chỉ để ta quản lý một thời gian thôi. Ta chỉ quản lý nó nhiều lắm là 100 năm ở đời này. 100 năm đó so với sự hiện hữu vĩnh cửu của ta thì cũng tương tự như một phút so với cả cuộc đời trần thế của ta.

Tuy nhiên, một điều rất lạ lùng và hết sức đáng mừng là ta có thể dùng những thứ giả tạm chóng qua mà ta đang quản lý ở đời này để tạo nên của cải đích thực và vĩnh cửu cho ta ở đời sau. Vì thế, xét về mặt này, hoàn cảnh của ta giống y hệt hoàn cảnh của viên quản lý trong dụ ngôn của Đức Giê-su. Vậy thì dại gì ta cứ giữ khư khư lấy những của giả tạm đó cho mình, mà không lợi dụng thời gian quản lý quí báu những của cải ấy để mua sắm lấy Nước Trời, tức hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu của mình. Vì thế, những kẻ chỉ lo làm giàu ở đời này mà không màng đến việc lo liệu cho hạnh phúc đời sau, thì đúng là bỏ mất những cơ hội hết sức quí báu để «đổi giấy lấy tiền». Cơ hội này mất đi sẽ không bao giờ trở lại.

Ở trong dụ ngôn này, các bạn có thể thắc mắc khi Chúa nói : hãy dùng tiền của bất lương mua lấy bạn hữu, để họ đón ta vào Nước Trời. Phải chăng Chúa nói cứ trộm cướp, gian xảo, tham nhũng lấy tiền của cách bất lương. Không phải. Tiền Của thời đó là bất lương, bản dịch viết hoa (Tiền Của như là tên riêng). Cũng như ta nói : “đồ quỉ” hay “đồ quỉ dữ” cũng như nhau, vì chẳng có loại quỉ hiền nào cả (ma soeur mới hiền), cho nên nói tiền, hay nói tiền bất lương thì cũng là như nhau. Việt Nam ta có kiểu chơi chữ cũng hay : tiền bạc mà. Tiền lúc nào cũng bạc bẽo, giống như tiền của lúc nào cũng bất lương trong dụ ngôn.

Vậy là từ con người xấu vẫn có thể múc lấy cái tốt. Cái tốt nơi người quản lý bất lương là khôn khéo. Khôn khéo 1 là nhận biết mình yếu: cuốc đất đau tay, ăn mày xấu hổ. Khôn khéo 2 là : biết chăm chút cho tương lai.

Chúng ta được xem như “con cái ánh sáng,” chúng ta nghĩ sao?

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(lấy một số gợi ý từ cha Hàm)
 
Tiền đè đầu hay hầu hạ ta?
Lm. Nguyễn Xuân Trường
15:00 17/09/2022
Trân trọng giới thiệu 3 phút video chia sẻ Lời Chúa TIỀN ĐÈ ĐẦU HAY HẦU HẠ TA?

https://youtu.be/45nIE6BdElo?t=262

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:13 17/09/2022

3. Mặc dù tôi chỉ là người nhỏ nhất không chuyên làm những việc khác, nhưng chuyên làm việc yêu mến Thiên Chúa và hy sinh bản thân mình.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:15 17/09/2022
101. LỜI NÓI HAY CỦA ÂN HẠO

Có người hỏi trung quân Ân Hạo:”

- Tại sao muốn được chức quan thì phải nằm mộng thấy quan tài, muốn được bạc tiền thì phải nằm mộng thấy phân rác?”

Ân Hạo đáp:

- “Quan chức tước vị vốn là thối tha cũ rích, cho nên khi muốn được nó thì phải nằm mộng thấy tử thi quan tài; bạc tiền vốn là như phân rác, cho nên khi muốn được nó thì phải nằm mộng thấy những thứ bẩn thỉu”.

Người bấy giờ cho rằng lời nói của ông ta là lời nói hay, sáng tỏ.

(Thế thuyết tân ngữ)

Suy tư 101:

Có những chính nhân quân tử khinh chê chức tước địa vị đến nổi mai danh ẩn tích, vì họ đã “ngộ” được rằng: làm quan thì giống như những tử thi, chức tước địa vị thì giống như quan tài bọc kín lương tâm ngay thẳng của họ. Có những bậc thánh nhân, thánh hiền coi tiền bạc của cải như rác rưởi, như phân bón hôi thối, sẽ làm cho tâm hồn trong sáng của họ hôi tanh mùi tiền...

Quan chức tước vị là để phục vụ bá tánh, tiền bạc là tôi tớ của con người, cho nên nếu không có cái tâm chính trực thì quan tước chức vị sẽ trở thành tử thi và tiền của sẽ trở thành quan tài, người Ki-tô hữu thì biết rất rõ điều ấy, bởi vì chính Đức Chúa Giê-su vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì, địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân...”

Đó chính là hạnh phúc thật cua người Ki-tô hữu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chỉ là người quản lý
Lm. Minh Anh
21:52 17/09/2022

CHỈ LÀ NGƯỜI QUẢN LÝ
“Hãy tính sổ công việc quản lý của anh!”.

Trong cuốn “God's Little Instruction”, tạm dịch, “Những Chỉ Dẫn Nhỏ của Chúa”, tác giả viết, “Kẻ được gọi tự coi mình ‘chỉ là người quản lý’. Anh ta ngoan ngoãn hơn là tham vọng; cam kết hơn là đua tranh! Với anh, không gì quan trọng hơn là làm hài lòng người đã gọi anh!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Không gì quan trọng hơn là làm hài lòng người đã gọi anh!”. Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay chung một chủ đề với nhận định trên. Nó tiết lộ một sự thật: Thiên Chúa, Đấng sở hữu toàn bộ vật chất; chúng ta ‘chỉ là người quản lý’, những gì chúng ta có, những gì chúng ta là!
Qua bài đọc thứ nhất, Amos tố cáo những con người ‘cướp quyền’ Thiên Chúa; họ cho mình là ‘chủ’, khi quên mất Ngài, Chủ Nhân của mọi sự! Vì thế, Amos lên án họ, những người giàu chuyên “đàn áp kẻ nghèo khó, và muốn tiêu diệt hết những kẻ bần cùng”. Thế mà, Thiên Chúa luôn nhìn thấy việc gian ác họ mưu toan, “Ta sẽ không bao giờ lãng quên tất cả các việc chúng làm”. Ngài sẽ ra tay bênh đỡ kẻ bần hàn; tâm tình này được bộc lộ qua Thánh Vịnh đáp ca, “Hãy ngợi khen Chúa, Đấng nâng cao kẻ khó nghèo!”. Trong thư Timôthê hôm nay, cùng một quan điểm, Phaolô cho thấy địa vị độc tôn của Thiên Chúa, “Chỉ một Thiên Chúa, và một Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, Đức Giêsu Kitô”; bạn và tôi, ‘chỉ là người quản lý!’.

‘Chỉ là người quản lý!’. Đây là bài học quan trọng đầu tiên. Nói đến tất cả những gì bạn có: tiền bạc, tài sản; và ngay cả những gì bạn là, tôi là… thực sự, chúng ta không nắm giữ chúng với tư cách là những sở hữu chủ; Phaolô từng nói, “Có gì nơi bạn mà bạn đã không lãnh nhận?”. Là những quản lý; vì thế, khi phải chọn giữa của cải của Ông Chủ và chính Ông Chủ, bạn sẽ chọn ai, chọn gì? Chắc chắn phải chọn Chủ! Thiên Chúa không cho phép chúng ta đặt Ngài thấp hơn hoặc ngang hàng với các thứ Ngài giao cho chúng ta quản lý; Ngài muốn chúng ta sống châm ngôn: “Không ai hơn Chúa, không chi bằng Chúa; Chúa trên hết, Chúa trước hết!”.

Là người quản lý, chúng ta phải cam kết chỉ sử dụng những gì Chúa trao trong trách vụ của mình, theo cách Chúa muốn nó được sử dụng. Vì một ngày không xa, bạn và tôi cũng sẽ được Chúa gọi để tính sổ. Hãy biết sử dụng đúng những gì chúng ta có và ngay cả mạng sống mình để làm theo ý Chủ. Là thụ tạo, chúng ta ‘chỉ là người quản lý’; nên mọi sự, mọi điều, mọi việc, trong cuộc sống của chúng ta, “không gì quan trọng hơn là làm hài lòng người đã gọi anh”, Đấng ban cho chúng ta được sống, được làm người và được làm con cái của Cha Trên Trời.

Anh Chị em,

“Hãy tính sổ công việc quản lý của anh!”. Hôm nay, Chúa muốn bạn và tôi thử tính sổ. Lý do? Ngài muốn chúng ta thoát khỏi ràng buộc vào của cải vật chất để tự do sử dụng tất cả những gì chúng ta có cho vinh hiển Ngài, sao cho phù hợp với ý muốn của Ngài. Nếu vinh danh Chủ có nghĩa là sống đơn giản hơn như một ‘của lễ thánh’, bạn hãy sống như một ‘của lễ thánh!’. Nếu vinh danh Chủ có nghĩa là bạn ‘cho đi nhiều hơn’, hãy ‘cho đi nhiều hơn!’. Điều đó không có nghĩa là bạn phải vun quén tất cả những gì bạn có và giao cho các tổ chức từ thiện; thay vào đó, bạn liên tục dâng tất cả những gì bạn có cho Chúa và tìm cách sử dụng chúng sao cho phù hợp với ý muốn của Ngài. Người quản lý thì phân phát đúng thời, đúng buổi để vừa sinh lợi; vừa làm vinh danh Chủ. Nếu biết mình ‘chỉ là người quản lý’, chúng ta sẽ thật sự thanh thản và bình an giữa ‘có và không’; giữa ‘mất và được’. Tiền bạc không thể mua hạnh phúc; chỉ khi chấp nhận trọn vẹn thánh ý Chúa, bạn và tôi mới có hạnh phúc và sự viên mãn đích thực!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, tất cả những gì con có, con là… đều thuộc về Chúa; con ‘chỉ là người quản lý’. Cho con sử dụng tất cả cho vinh quang Ngài và chỉ làm điều phù hợp thánh ý Ngài!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đối thoại lắm nỗi ê chề: Vatican muốn có cuộc gặp gỡ giữa Tập Cận Bình và Đức Giáo Hoàng ở Kazakhstan nhưng Trung Quốc từ chối
Đặng Tự Do
20:18 17/09/2022
Philip Pullella, ký giả chuyên về Vatican của Thông tấn xã Reuters, là người vừa tháp tùng Đức Thánh Cha, có bài tường trình nhan đề “Vatican sought Xi-Pope meeting in Kazakhstan, China declined – source”, nghĩa là “Vatican muốn có cuộc gặp gỡ giữa Tập Cận Bình và Đức Giáo Hoàng ở Kazakhstan nhưng Trung Quốc từ chối”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Vatican nói với Trung Quốc rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẵn sàng gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong khi cả hai nhà lãnh đạo cùng ở thủ đô Kazakhstan nhưng Trung Quốc nói rằng Ông Tập không có thời gian, một nguồn tin của Vatican cho biết hôm thứ Năm.

Nguồn tin không đưa ra chi tiết về cách thức hoặc thời điểm Vatican tiếp cận với Trung Quốc, nơi mà họ tham gia vào một cuộc đối thoại tế nhị về tình trạng của Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này.

Nguồn tin cho biết Vatican đã đưa ra “một biểu hiện của sự sẵn sàng”. Phía Trung Quốc cho biết họ “đánh giá cao cử chỉ này” nhưng không có thời gian rảnh trong lịch trình của ông Tập.

Cả Đức Giáo Hoàng và ông Tập đều ở Nur-Sultan vào hôm thứ Tư. Ông Tập đã có chuyến thăm chính thức và Đức Giáo Hoàng đã đến đó để tham dự đại hội các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới.

Một cuộc gặp gỡ giữa hai người, dù ngắn ngủi, nhưng sẽ mang tính lịch sử.

Nói chuyện với các phóng viên tháp tùng ông trên chuyến bay đến nước cộng hòa Trung Á hôm thứ Ba, Đức Phanxicô được hỏi liệu ngài có thể gặp ông Tập ở thủ đô của nước này hay không.

Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời một cách bẽn lẽn: “Tôi không có tin tức gì về điều đó,” mà không nói rõ thêm.

Khi được hỏi liệu ngài có sẵn sàng đến Trung Quốc hay không, Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời: “Tôi luôn sẵn sàng để đến Trung Quốc”.

Đức Giáo Hoàng đã cố gắng xoa dịu mối quan hệ vốn có bề dày lịch sử giữa Tòa thánh và Trung Quốc, và nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 7 rằng ngài hy vọng sẽ gia hạn một thỏa thuận bí mật và gây tranh cãi về việc bổ nhiệm các giám mục Công Giáo ở Trung Quốc.
Source:Reuters
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nam Úc: Thánh lễ giỗ 20 năm ĐHY Fx. Nguyễn Văn Thuận
Jo. Vĩnh SA
20:40 17/09/2022

Vào lúc 6 giờ 30 chiều, thứ Năm, ngày 15/09/2022. tại nhà thờ Thánh Maximilian Kolbe thuộc giáo xứ Ottoway, Nam Úc đã quy tụ đông đảo quý tin hữu người Việt cư ngụ quanh khu vực nhà thờ Ottoway trong tâm tình tưởng nhớ và cùng tham dự thánh lễ cầu nguyện cho Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận, vào dịp giỗ 20 năm Ngài qua đời.
Chủ tế Thánh lễ là cha Antôn Hà thanh Sơn, hiện đang chăm sóc mục vụ cho 2 giáo đoàn VN tại GP Wollongon (TGP Sydney) tiểu bang NSW, Úc Châu, cùng đồng tế có cha Phêrô Trần Trọng Mỹ, phó xứ nhà thờ chánh toà Saint Francis TGP Adelaide, Nam Úc và cha Phêrô Maria Bùi Công Minh đến từ Hoa Kỳ, nhân chuyến đến Nam Úc giảng tĩnh tâm “Tái Sinh trong Thần Khí” vào dịp cuối tuần.
XEM VIDEO
XEM HÌNH
Thánh lễ diễn ra trong bầu khí thật sốt sáng và tâm tình. Qua những lời chia sẻ của cha chủ tế, cộng đoàn phụng vụ có dịp tưởng nhớ và suy gẫm về các nhân đức của Đức Cố Hồng Y, như lời Đức Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhận xét: "Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã cho chúng ta, nơi con người của Đức Hồng Y Thuận, một tấm gương sáng ngời về đời sống người Kitô hữu, phù hợp với đức tin, đến độ tử đạo.
Cũng trong phần chia sẻ Lời Chúa, cha chủ tế nhắc nhở về những nhân đức, khi Đức Hồng Y đã xác quyết nền tảng của đời sống Kitô hữu là "chọn một mình Chúa mà thôi" như các vị tử đạo Việt Nam đã làm trong những thế kỷ trước. Trong cả cuộc đời của ĐHY, Ngài đã sống với "Tin Mừng và Hy Vọng" ngoài ra "chúng ta chỉ có thể chu toàn Ơn Gọi ấy với sự hy sinh quyết liệt, dù phải chịu những thử thách cam go nhất.”
Thánh lễ được diễn ra thật sốt sắng qua những lời nguyện cầu, hoà quyện với những bài ca tưởng nhớ, yêu thương, như một sự hiệp thông trọn vẹn của cộng đoàn phụng vụ với niềm tín thác vào mầu nhiệm thánh thể để cầu cho vị cha chung đã khuất bóng.
Trong thánh lễ cộng đoàn đã cung kính đọc kinh Xin ơn cùng Đức Đáng Kính Phanxicô Xavier, cầu xin Ngài bằng những kinh nghiệm và sự khổ đau mà Ngài đã chịu đựng trong ngục CS, mà biết noi gương Ngài sống liên kết với Đức Kitô chịu đóng đinh để nhờ lời cầu bầu của Ngài trước toà đấng tối cao, ban cho chúng ta mọi ơn lành cần thiết, với niềm hy vọng sớm thấy Ngài vinh hiển lên thánh trong giáo hội.
Được biết, vào ngày 4 tháng 5 năm 2017, ĐGH Phanxicô đã phê chuẩn sắc lệnh của bộ tuyên thánh và đã công bố chính thức, Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận là đấng đáng kính và đang tiếp tục trong tiến trình phong Chân phước cho Ngài.
Thánh lễ kết thúc với lời cám ơn của cha Antôn Hà Thanh Sơn thay mặt cho anh em trong gia đình Lâm Bích Nam Úc, đến với cộng đoàn đã hiện diện để hiệp dâng lời nguyện cầu trong ngay giỗ lần thứ 20 cầu cho Đức Hồng Y đáng kính của giáo hội nói chung và cách riêng là vị cha chung của gia đình Lâm Bích khắp nơi đều hướng về Ngài, trong ngày giỗ năm thứ 20 với tâm tình kính nhớ vô biên.
ĐH truyền thông Vietcatholic News Adelaide
 
Văn Hóa
Tầm nhìn Hoa Kỳ về lý thuyết chính trị của Jacques Maritain:
Vũ Văn An
19:56 17/09/2022

I.Một thế giới Kitô giáo dịu dàng hơn

Trên tờ New York Times tháng 6 năm 2022, Ross Douthat có bài nhận định về một Thế giới Kitô giáo dịu dàng hơn [a Gentler Christendom] theo quan điểm của Jacques Maritain.



Các Kitô hữu đương thời nên phản ứng như thế nào trước sự suy sụp của các Giáo Hội của họ, sự tục hóa nền văn hóa, sự mất mát cuối cùng của thế giới Kitô giáo? Có lẽ, một tác giả quan trọng từng đề nghị, họ nên tự hòa giải với sự xếp đặt mới của trời, chấp nhận rằng “thời hiện đại không phải là thời đại thánh thiêng, mà là thời đại thế tục,” nhà nước không còn có thể bị đối xử như là “cánh tay thế tục của quyền lực thiêng liêng nữa, "tự do lương tâm cá nhân" là một trong những "tài sản quan yếu" của nền văn minh của chúng ta. Theo trật tự mới này, bất cứ phương thức tiếp cận chính trị nào của Kitô giáo đều phải chấp nhận sự kiện chủ nghĩa đa nguyên, với “các dòng dõi tâm linh đa dạng” của nó và “nhiều tín điều đạo đức đa dạng”, và đặt hy vọng của nó vào quyền tự do của Giáo Hội, cơ hội của nó để hoạt động như “men thiêng liêng” thoát khỏi mọi sa đọa của quá khứ.

Nếu điều này nghe có vẻ như đầu hàng trước tinh thần thời đại, thì có một quan điểm khác. Thay vào đó, các Kitô hữu có thể bắt đầu xây dựng “một thế giới Kitô giáo mới, một nền văn minh mới lấy cảm hứng từ Kitô giáo”. Họ có thể cố gắng mang lại sự sống mới từ những gì còn sót lại của nền văn hóa Kitô giáo - “các tâm tư Kitô giáo thường vô thức và các cấu trúc đạo đức hiện thân trong lịch sử của các quốc gia được sinh ra từ thế giới Kitô giáo cũ.” Họ có thể tìm cách xoay chuyển nhà nước khỏi chủ nghĩa thờ ơ đạo đức đầy nguy hiểm, vì “mục tiêu cuối cùng của luật pháp là làm cho con người trở nên tốt về mặt đạo đức,” và hướng tới sự công nhận của công chúng đối với Thiên Chúa và đức tin Kinh thánh.

Trên hết, họ nên bác bỏ cái ảo giác trung lập hoàn hảo về đạo đức và thần học. Vì trên thực tế, “thế giới đã từ bỏ trung lập từ lâu rồi. Dù muốn hay không, các Nhà nước cũng buộc phải lựa chọn một là ủng hộ hai là chống lại Tin Mừng. Họ sẽ được lên khuôn bởi tinh thần toàn trị hoặc bởi tinh thần Kitô giáo."

Những trích dẫn tương phản trên cung ứng một lượng giá hợp lý về một trong những chia rẽ quan trọng trong giới trí thức Kitô giáo ngày nay - không những khiến phe bảo thủ chống lại phe cấp tiến mà còn khiến phe bảo thủ chống lại nhau, trong một cuộc tranh luận về việc Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô nên nghĩ về chủ nghĩa cấp tiến, chủ nghĩa thế tục, Hoa Kỳ, và chính thời hiện đại ra sao.

Nhưng thực tại là tất cả những câu trích dẫn trên đều thuộc về cùng một nhà văn. Thật vậy, không những từ cùng một nhà văn, mà từ cùng một nhà văn trong cùng một chương của cùng một cuốn sách duy nhất: đó là Jacques Maritain, viết về “Giáo hội và Nhà nước” trong chương thứ sáu của cuốn Man and the State (Con người và Nhà nước), xuất bản năm 1951. Và thực tại là người ta có thể xây dựng những câu chuyện khác nhau như vậy từ một tiểu luận duy nhất cho thấy rằng việc quay lại với công trình của Maritain có thể làm sáng tỏ nhiều điều đáng lưu ý về những tranh cãi của chính chúng ta, gần ba thế hệ sau.

Trong chương được đề cập, Maritain - như một phần của một phong trào lớn hơn - cố gắng khai triển giáo huấn Công Giáo về mối liên hệ giữa Giáo hội và nhà nước ngoài quan điểm truyền thống của Giáo hội ông khi cho rằng, một cách lý tưởng, hai quyền lực nên thống nhất trên thực tế, được tích nhập vào nhau như linh hồn và thể xác tích nhập vào nhau trong suy nghĩ và hoạt động. Quan điểm cũ hơn hàm nghĩa rằng Công Giáo nên được công nhận là tôn giáo chính thức của nhà nước, cần có một số sự phục tùng của quyền lực thế tục đối với quyền lực phẩm trật của Giáo hội, và Giáo hội phải có khả năng hoàn toàn dựa vào quyền lực thế tục để thực thi các đòi hỏi của riêng mình đối với tất cả các Kitô hữu đã chịu phép rửa — khiến quyền lực nhà nước sẵn sàng cưỡng chế những kẻ dị giáo và ly giáo, duy trì tính độc dạng hơn là đa nguyên trong thực hành và niềm tin Kitô giáo.

Vào đầu thế kỷ 20, Giáo Hội Công Giáo sẵn sàng chấp nhận rằng sự sắp xếp trên thường là bất khả thi trong thực tế, nhưng nó vẫn được duy trì như một lý tưởng chính thức, một điểm đến được ngay cả một nước cộng hòa đa dạng và thiên nặng về Thệ phản như Hoa Kỳ hy vọng. Ngược lại, Maritain lập luận, một cách hết sức quan tâm và thận trọng, cho một sự thay đổi minh nhiên hơn, một sự thay đổi trong đó Giáo hội nên nói rằng lý tưởng của các mối liên hệ giữa Giáo hội và nhà nước thời Trung cổ “thánh thiêng” không còn được áp dụng trong thời hiện đại “thế tục” nữa, và mối liên hệ lý tưởng giờ đây đã khác rồi — đến nỗi không thể quay trở lại với thần học chính trị, chẳng hạn, của Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha nữa.

Dù Maritain có thành công hay không về mặt trí thức khi lập luận rằng sự thay đổi này có thể xảy ra mà không có sự thay đổi về tín lý chính thức, thì trên thực tế, ông và những người khác đã thành công trong việc đẩy nhanh việc thay đổi thái độ công khai của Giáo hội mình. Vào thời Man and the State, những tuyên bố của các vị giáo hoàng đã có vẻ thuận lợi hơn cho những ý tưởng về tự do tôn giáo, và mười bốn năm sau, Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo của Công đồng Vatican II đã phê chuẩn một sự thay đổi lớn. Sau đó, theo mức độ giáo huấn cũ vẫn còn đó, nó đã coi giáo huấn này như một khía cạnh cần che giấu, một bí mật duy truyền thống được bọc kỹ bằng những mỹ từ có âm thanh hiện đại. Ngay cả các học giả như Thomas Pink, những người cho rằng Công đồng thực sự vẫn duy trì giáo huấn cũ, tức lý tưởng duy toàn diện (integralist), cũng có xu hướng dựa vào việc đọc kỹ và phân tích cú pháp cẩn thận, trong khi thừa nhận rằng về việc Giáo hội tự trình bầy về chính mình, các ý niệm của nền “thần học chính thức” – để phân biệt với nền “thần học huấn quyền” không sai lầm – như của Maritain mang tất cả những gì có trước chúng.

Nhưng họ làm như vậy, một cách chủ yếu, vì họ hứa hẹn một điều gì đó không chỉ đơn giản là sự tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước, và chắc chắn một điều gì đó hơn cả sự hòa giải với chủ nghĩa cấp tiến ở khía cạnh tục hóa nhất của nó. Các nhị nguyên biểu kiến trong tiểu luận của Maritain phản ảnh yếu tố chủ chốt trong lập luận của ông, đó là: trong việc gạt bỏ bất cứ chủ trương chính thức nào về quyền lực chính trị, như việc bỏ mũ ba tầng của Giáo Hoàng, Giáo Hội của Chúa Kitô không những chỉ duy trì ảnh hưởng, mà còn mong muốn có được một quyền bá chủ mềm, một quyền lực trong bối cảnh đa nguyên được thực hiện một cách gián tiếp hơn nhưng vẫn giữ nguyên quyền lực thực sự - thực vậy, đủ thực để xứng với nhãn hiệu cũ “Thế giới Kitô giáo”, bất chấp các đặc điểm hiện đại của nó khác biệt ra sao.

Quyền lực trên trước hết sẽ phát sinh từ điều Maritain gọi là “nguồn cảm hứng sinh động” (vivifying inspiration). Giáo Hội tách biệt khỏi nhà nước và thoát khỏi một số sa đọa và cám dỗ nào đó sẽ rạng rỡ hơn, với “ảnh hưởng thâm nhập và sinh động” đối với “các tác nhân khác... có vị trí thấp hơn trong bậc thang hữu thể.” Nhưng ảnh hưởng đó sẽ không chỉ được cảm nhận trong lương tâm cá nhân. “Các tác nhân khác” của Maritain bao gồm tất cả các hình thức quyền lực thế tục, quyền làm luật và lên khuôn văn hóa, điều mà ông mong đợi sẽ đứng về phía Tin Mừng, không bao giờ áp đặt mọi tín lý của mình nhưng vẫn làm sinh động bằng các giáo huấn của mình, vẫn tìm kiếm một nền chính trị Kitô giáo giữa bối cảnh đa nguyên trong niềm tin thần học.

Nếu từ vọng nhìn của năm 1951 - Maritain là một người theo phe cấp tiến, thì từ vọng nhìn của năm 2022, giọng ông nghe có vẻ như giọng của một trong những nhà hậu-cấp tiến của chúng ta hơn, với lời hứa của họ về một xã hội “được sắp xếp lại vì lợi ích chung và cuối cùng là Điều thiện Cao nhất,” nói theo câu tấn công nổi tiếng của Sohrab Ahmari chống lại phe hữu cấp tiến cổ điển.

Viễn kiến của Maritain loại trừ sự cưỡng bức niềm tin nhưng rõ ràng vẫn cho phép, trong giới hạn khôn ngoan, tất cả các cách thức làm luật đạo đức, làm luật sabát (*), cấm nội dung khiêu dâm và phải cầu nguyện trong các trường học. Nó đòi hỏi việc khoan dung tôn giáo và sự tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước nhưng không mong đợi việc mọi nhóm tôn giáo đều được hưởng cùng một ảnh hưởng hoặc tôn trọng như nhau. Nó mong muốn nhà nước có thể khoan dung sự yếu đuối của con người nhưng cũng phải tìm cách cải thiện đạo đức, không đơn giản để mặc các cá nhân cho các trò phóng túng của họ. Nó giả định một số thừa nhận công khai về sự hiện hữu của Thiên Chúa, thậm chí một số “phát biểu công khai” về “việc tuyên xưng Kitô giáo”.

Và nếu viễn kiến về xã hội Kitô giáo này có vẻ hơi mơ hồ và trừu tượng, cũng như duy tâm và lạc quan quá mức — nếu hai động lực được trích dẫn ở phần đầu của tiểu luận này không hoàn toàn hài hòa — thì Maritain vẫn có thể cho rằng nó quả có một cơ sở tuy không được thiện cảm nhưng thực tế trong thế giới thực. Với bất cứ hành trang lý thuyết nào, chủ yếu ông mô tả một điều giống như mô hình Hoa Kỳ giữa thế kỷ về mối liên hệ giữa Giáo Hội và nhà nước, về nền chính trị Kitô giáo diễn ra trong một xã hội đa nguyên, tuy trong lập luận của mình, ông tái tưởng tượng một xã hội với đa số Công Giáo hơn là đa số Thệ phản.

Nói cách khác, việc thực thi thích đáng quyền lực Kitô giáo trong những điều kiện hiện đại, không chỉ hiển hiện trong một số điều không tưởng về mặt lý thuyết. Nó đã đủ rõ ràng trong vai trò mà các Giáo Hội Thệ phản đã đóng ở Hoa Kỳ trong nhiều thế hệ và cuối cùng được Giáo Hội Công Giáo tham gia. Ở đây niềm tin Kitô giáo không bị áp đặt, cũng như không có bất cứ giáo phái cá thể nào được đặc quyền. Tuy nhiên, Hoa kỳ rõ ràng là một xã hội Kitô giáo, được phó thác cho Đấng Toàn năng trong Lời thề Trung thành (pledge of Allegiance) và trên đồng tiền của họ, Kitô giáo trong thực hành, hơn nhiều nước châu Âu, với sức mạnh của đức tin hiển hiện trong vai trò lên khuôn mà các ý tưởng Kitô giáo đã đóng trong rất nhiều định chế và các cuộc tranh luận của nó.

Không bao giờ đòi hỏi phải hành động phù hợp với tín ngưỡng, Kitô giáo Hoa Kỳ không ngừng tranh luận về việc áp dụng đúng nguyên tắc Kinh thánh và luật tự nhiên vào chính trị thế tục, liên tục tạo ra các phong trào cải cách tôn giáo với viễn kiến xã hội hoặc kinh tế vì lợi ích chung. Và kinh nghiệm lâu dài đó - từ chủ nghĩa bãi nô đến phong trào ôn hòa, từ Tin Mừng xã hội đến Thỏa thuận mới, với phong trào thức tỉnh lòng đạo (revivalism) như một hằng số xuyên suốt, đã chứng minh tính hợp lý căn bản của viễn kiến Maritain. Nhà nước có thể tách mình ra khỏi Giáo Hội mà không tách Kitô giáo ra khỏi chính trị, không làm suy yếu đức tin Kitô giáo, thậm chí không từ bỏ chính lý tưởng thế giới Kitô giáo.

Ngày nay chúng ta biết rằng sự lạc quan này chỉ giá trị có lúc (timebound) và yểu mệnh. Các dàn xếp tôn giáo mà Maritain đã quan sát ở Mỹ, sự pha trộn giữa sự tách biệt Giáo Hội và nhà nước và quyền bá chủ mềm của Thệ Phản, đã tan biến qua nhiều thế hệ sau tiểu luận của ông, và chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo từng tìm cách khôi phục một thế giới Kitô giáo Mỹ bằng liên minh Công Giáo-Tin lành, đến lượt nó, đã bị đánh bại. Ở châu Âu, một mô hình Maritain được cho là có thể thực hiện được trong khoảng thời gian ngắn ngủi lúc sinh thời của ông, thời đại Dân chủ Kitô giáo của Konrad Adenauer, Alcide De Gasperi và Jean Monnet — và rồi bị giải thể tương tự thành hiện tượng phi Kitô hóa, với bất cứ phương thức thay thế nào cũng bị giới hạn ở các vùng ngoại vi của lục địa.

Trải nghiệm này đã tạo ra nhiều lời phê bình khác nhau về viễn kiến ban đầu của Maritain trong số các nhà văn đang sàng lọc đống đổ nát của Kitô giáo phương Tây. (Và cần phải lưu ý rằng tất cả các lời phê bình này đều theo bước chân của chính Maritain, vì từ thời The Peasant of the Garonne [Người nông dân xứ Garonne], tiếng than vỡ mộng cuối đời, giữa những năm 1960 của ông, ông xác tín rằng niềm hy vọng trước đó của ông “về việc ra đời của một nền chính trị Kitô giáo” đã “hoàn toàn nản chí.”)

Đối với mục đích của chúng ta, lời phê bình thẳng thừng nhất trong số này là lập luận cho rằng Maritain quá ngây thơ về những gì sẽ xảy ra, sớm hay muộn, từ việc Giáo Hội từ bỏ quyền lực chính trị chính thức. Dù đức tin giữ lại được quyền lực mềm nào đi nữa, thì các điều khoản từ bỏ này, trong căn bản vẫn khiến Kitô giáo phải rơi vào sự xài xể của nhà nước — và như Pink từng viết trong một lời phê bình trực tiếp hơn đối với Church and State [Giáo Hội và Nhà nước], kể từ những năm 1950 “việc thế tục hóa chính trị đã không mang một hình thức nhân từ nào” như Maritain dự đoán.

Thay vì vun xới (như Maritain hy vọng) sự phân biệt rõ ràng hơn giữa trần thế và thánh thiêng, cảm thức rõ ràng hơn về tính ưu việt của Giáo Hội so với lĩnh vực chính trị, nhà nước thế tục ngày nay áp đặt nó lên Kitô giáo hơn bao giờ hết, liên tục đòi hỏi những điều vốn thuộc Giáo Hội, coi thường các giới hạn quyền lực của nó mà Maritain, cũng như các thẩm quyền của Công đồng Vatican II, cho rằng mình nắm giữ. Và rồi bài học, đặc biệt đối với các nhà văn có thiện cảm với phong cách duy toàn diện [integralism] cũ - có thể là: một chế độ không minh nhiên sử dụng quyền lực của mình để ủng hộ đức tin chân chính, cuối cùng sẽ sử dụng những quyền lực đó chống lại đức tin, và nếu bạn từ bỏ tất cả các yêu sách đòi thẩm quyền đối với nhà nước, cuối cùng bạn sẽ nhận được sự thù địch của nó.

Từ lời phê bình này, bạn có thể nói tới câu chuyện suy sụp của Kitô giáo ở Mỹ, trong đó nhà nước thế tục trở thành tay chơi chính. Theo lý thuyết này, quyền bá chủ mềm của Thệ Phản Hoa Kỳ không những chỉ thất bại từ những năm 1950 trở đi. Thay vào đó, nó đã bị đánh phá bởi quyền lực chính trị trần trụi, bắt đầu bằng các quyết định của Tối cao Pháp viện về việc cầu nguyện trong trường học và tiếp tục từ phán quyết Roe v. Wade qua phán quyết Obergefell v. Hodges, cùng với các cú đánh phá về xã hội và kinh tế cũng như các cuộc cách mạng từ trên cao bổ xuống. Quyền lực mềm của Kitô giáo mà Maritain quan sát và ca ngợi không thể sánh được với quyền lực cứng của giới tinh hoa tự do và tân tự do. Loại tính thế tục chính trị chuyên biệt được ông bảo vệ luôn có định mệnh phải nhường chỗ cho một điều khác thế, ít nhân từ và Kitô giáo hơn, trái lại, hung hăng hơn, độc đoán và bất khoan dung hơn.

Điểm cuối cùng trên, về bản chất có thời hạn trong lập luận của Maritain, đại diện cho lời phê phán mạnh mẽ nhất, vì ngày nay không thể đọc Maritain mà không thỉnh thoảng lưu ý tới sự rung cảm quá lạc quan đã thông tri cho rất nhiều bài viết tôn giáo giữa Thế chiến II và những năm 1960 — tức tâm tư cho rằng bạn đang nghe một nhà quy hoạch đô thị giữa thế kỷ tự tin sẽ bán cho bạn một căn hộ ở Brasilia — và mười lăm năm sau, trông đã có tính giới hạn về thời gian đối với chính bản thân Maritain rồi, chứ đừng nói đến chúng ta ngày nay.

Nhưng với sự nhượng bộ đó, người ta có thể đưa ra hai lập luận để bảo vệ viễn kiến chung của Maritain. Lập luận đầu tiên thách thức chủ trương cho rằng động lực chính thúc đẩy sự rút lui của Kitô giáo Hoa Kỳ là sức mạnh của một nhà nước thế tục và phản Kitô giáo. Đúng, quyền lực nhà nước đáng kể đối với sự thay đổi tôn giáo, nhưng theo cách thường mang tính tạm thời hơn là dứt khoát và thường không những phụ thuộc vào các xu hướng văn hóa và xã hội nói chung, mà còn phụ thuộc các phát triển và khủng hoảng trong chính Giáo Hội Kitô giáo.

Vì vậy, các phán quyết về cầu nguyện tại trường học, chẳng hạn, đã giáng một đòn mạnh vào quyền bá chủ mềm của Thệ Phản, nhưng sự thù địch tư pháp đối với các biểu hiện công khai của Kitô giáo đã lên đến cao điểm vào những năm 1960 và đầu những năm 1970 và đã bị các thẩm phán thân thiện hơn với tự do tôn giáo lật ngược lại một phần trong những thập niên kể từ đó. Các phán quyết quan trọng của Tối cao Pháp viện về vấn đề đồng tính luyến ái theo sau sự thay đổi rộng rãi trong dư luận thay vì đi trước các quyết định đó, chỉ phê chuẩn một cuộc cách mạng văn hóa chứ không áp đặt cuộc cách mạng đó. Việc sử dụng luật dân quyền gần đây để xách nhiễu các Kitô hữu bảo thủ chỉ là thế thôi — một phát triển gần đây trở thành khả hữu do sự yếu đuối của Kitô giáo, chứ không phải là hệ quả tức thời và không thể thay đổi của các luật lệ đã được thông qua gần sáu mươi năm trước. Và trong khi phán quyết của Tối cao Pháp viện về việc phá thai quả đã áp đặt một mệnh lệnh cách mạng, vì phong trào ủng hộ sự sống là thành phần duy nhất của chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo đã thực sự có cơ sở kể từ những năm 1970, thật khó để lập luận rằng Roe v. Wade giải thích được phong trào thế tục hóa, sự suy giảm của việc nhận diện tôn giáo, sự yếu kém về văn hóa của các Giáo Hội.

Thay vào đó, lời giải thích quan trọng hơn nằm ở bên trong, trong sự chia rẽ nội bộ của Kitô giáo, sự thất bại của nó trong việc phản ứng hữu hiệu đối với những thay đổi xã hội và kinh tế và kỹ thuật, các cuộc nội chiến thần học và sự thất bại của giới lãnh đạo và những vụ tai tiếng nghiêm trọng. Không có thẩm quyền thế tục tàn nhẫn nào đã đẩy chính dòng Thệ Phản sụp đổ. Cuộc khủng hoảng đức tin của các nhà lãnh đạo Chính Dòng, các giám mục và các nhà thần học, những người phủ nhận các học thuyết cốt lõi của Kitô giáo, việc chạy theo các chính nghĩa chính trị một cách tuyệt vọng để bù đắp cho sự suy giảm nhiệt tình truyền giáo — ngay cả xu hướng, có từ trước những năm 1960, chấp nhận để giai cấp thượng và trung lưu của các phái Trưởng lão, Luthêrô và Giám lý, ít có con hơn - tất cả những điều này đáng kể hơn nhiều so với bất cứ điều gì được Tòa án Warren hay chủ nghĩa tân cấp tiến thực hiện.

Tương tự như vậy, thật khó thấy một phán quyết của Tối cao Pháp viện cấm cầu nguyện trong trường học công lập lại dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng sau những năm 1960 của hạ tầng cơ sở Công Giáo ở Mỹ — một hạ tầng cơ sở mà xét cho cùng, đã được thiết lập chính là để thay thế cho Thệ Phản mềm trong giáo dục công lập, và đã phát triển mạnh mẽ trong một thời kỳ có nhiều áp đặt chống Công Giáo hơn so với bất cứ điều gì được nhà nước thế tục mang ra thi hành trong những năm 1960 và 1970.

Tuy nhiên, những năm đó, chứ không phải những năm 1870, là những thập niên Công Giáo khủng hoảng và sụp đổ — một lần nữa, không phải vì áp lực bên ngoài từ nhà nước, mà vì những chia rẽ nội bộ khủng khiếp về cách thích ứng, hay không, với các xu hướng xã hội và những thay đổi của thời đại. Công Giáo Hậu Vatican II bị chia rẽ về phụng vụ, thần học, đạo đức và chính trị, và sau đó việc khôi phục thống nhất một phần thời Đức Gioan Phaolô II đã bị hủy hoại bởi sự khủng khiếp của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Nếu Giáo Hội tránh được tất cả những điều này, thì liệu vụ Griswold v. Connecticut có được quyết định cách khác không? Chắc chắn là không: Việc đổ vỡ của đạo Công Giáo tiền công đồng là điều mà người Công Giáo đã tự làm.

Không nên ngạc nhiên khi công thức của Maritain cho một hình thức bá chủ mềm của Kitô giáo đã thất bại trong thời đại mà rất nhiều Kitô hữu mất niềm tin vào học thuyết của chính họ, khi các Giáo Hội bị chia rẽ về các giáo huấn thiết yếu và khi muối mất đi hương vị của nó theo nhiều cách gây tai tiếng. Công thức của ông về quyền lực Kitô giáo theo chủ nghĩa đa nguyên không đòi hỏi sự hoàn hảo của Kitô giáo — không ai gọi cơ sở Thệ Phản thế kỷ 19 ở Mỹ là hoàn hảo — nhưng nó đòi hỏi một mức độ tự tin về tín lý, sự phù hợp hợp lý giữa các cơ cấu giáo hội và các xu hướng xã hội, một cảm thức rõ ràng về lòng nhiệt thành truyền giáo. Vì vậy, sự kiện mô hình của ông thất bại trong thời đại khi người Công Giáo tranh chấp gay gắt về phụng vụ của chính họ, khi Chính dòng Thệ Phản mất niềm tin vào sự Phục sinh và Việc sinh hạ đồng trinh, và khi giới lãnh đạo của phong trào phúc âm thoái hóa từ Billy Graham xuống Jerry Falwell, Jr., đã kết tội các Kitô hữu của thời đại nhiều hơn nó kết tội mô hình của Maritain về việc xã hội Kitô phải hoạt động ra sao.

Cũng cùng thời kỳ đó, không có điển hình gây tác dụng ngược lại nào về việc mối liên hệ chặt chẽ hơn giữa Giáo Hội và nhà nước có thể cứu quyền lực của Kitô giáo khỏi bị che khuất. Hoàn toàn ngược lại: Mặc dù mô hình quyền lực của Mỹ trong bối cảnh đa nguyên không ngăn cản được sự suy tàn của Kitô giáo, nhưng sự suy thoái của đức tin và ảnh hưởng của Kitô giáo ít hoàn thiện hơn ở Hoa Kỳ so với những xã hội đã lên mô hình cho mối liên hệ nhà nước - giáo hội tích hợp hơn trước những năm 1960. Ý niệm tự biết là cứng ngắc, đầy hơi hướm Đại Tòa án Dị Giáo nghĩ rằng Giáo Hội có thể sống thoát tai tiếng, thay đổi xã hội và khủng hoảng thần học qua việc chỉ cần thực thi quyền lực có thể đúng trong một số trường hợp lịch sử nào đó, nhưng nó không tìm được điển hình nào để minh chứng trong lịch sử gần đây. Sự hội nhập nhà nước-nhà thờ mạnh mẽ hơn, chẳng hạn, ở Québec hoặc Tây Ban Nha hoặc Ái Nhĩ Lan đã chứng tỏ chỉ là con hổ giấy hơn là một người bảo vệ vững chắc kiểu Platông, và chỉ đơn giản sụp đổ khi nó bị thử nghiệm.

Trong khi đó — và ở đây chúng ta đến điểm thứ hai có thể được đưa ra để bảo vệ giả thuyết của ông — mô hình quyền lực- tôn giáo-giữa- tính đa nguyên của Maritain được cho là tiếp tục hoạt động khá ấn tượng ở nước Mỹ sau những năm 1960. Chỉ là vì một thế giới quan tôn giáo khác đã lấp đầy nơi mà cho đến nay Kitô giáo vốn chiếm giữ, nắm quyền bá chủ mềm của chính nó, lấp đầy khoảng trống do sự rạn nứt của Chính Dòng và những thất bại khác nhau của Công Giáo và Phong trào Phúc âm để lại. Quảng trường công cộng Hoa Kỳ, trong bối cảnh này, đơn giản trở nên “trần trụi” khi ảnh hưởng của Kitô giáo suy giảm. Thay vào đó, một xu hướng tôn giáo, vốn phụ thuộc trong suốt lịch sử Hoa Kỳ, mạnh mẽ nhưng không bá quyền, đã chiếm lấy vai trò mà Maritain đã hình dung cho Giáo Hội của mình và cho toàn bộ Kitô giáo nói chung.

Xu hướng này có thể mang nhiều nhãn hiệu, nhưng đối với mục đích của bài tiểu luận này, chúng ta có thể gọi nó là Thuyết Ngộ đạo Hậu Thệ Phản. Nó xuống dốc dọc theo các tuyến khác nhau từ Chủ nghĩa Duy thần của người Mỹ sơ khai, Chủ nghĩa siêu việt và những chủ nghĩa mê say sức khỏe và giầu có khác nhau. Nó hiển hiện trong các hình thức trị liệu tâm linh đã được tô vẽ trong những năm 1960 và 1970, vào thời điểm họ nắm được quyền lực, bởi các nhà văn như Philip Rieff và Robert Bellah. Và hiện bây giờ nó đang hoạt động trong cuộc sống của người Mỹ gần như cùng một cách, với cùng một kiểu ảnh hưởng, mà Phong trào Thệ phản Chính dòng đã làm cách đây một trăm năm.

Vì nó thiếu các định nghĩa tín lý chắc chắn và các phẩm trật giáo hội, và đưa vào hàng ngũ của mình một hỗn hợp các cam kết chính thức — thế tục và thiêng liêng, ngoại giáo, Kitô giáo hơi hướm và Kitô giáo hẳn hoi — cái tính giáo hội này của tôn giáo không hiển thị ngay lập tức, đó là một lý do mà các Kitô hữu trong những năm 1960 và 1970 thường lo lắng về chủ nghĩa vô thần thuần túy hơn là về thế giới quan đang thực sự chiếm mất vị trí của họ trong nền văn hóa.

Nhưng theo thời gian, cái nhãn hiệu được những kẻ phản động áp dụng cho việc hình thành hậu Kitô giáo này, "Nhà thờ chính tòa", ngày càng trở nên phù hợp hơn. Giống như cơ sở tôn giáo cũ, thuyết ngộ đạo ngày một lên cao đã hoạt động qua một tập hợp các định chế giống như một ecclesia (giáo hội) —qua các định chế cũ của Kitô giáo Thệ Phản, đặc biệt là các trường đại học của nó, và cũng qua các định chế mới lạ hơn, từ mớ bòng bong các quĩ và các tổ chức từ thiện lớn và các cơ đội tranh đấu đến "nhà thờ của quần chúng" hiển hiện trên các phương tiện truyền thông và truyền hình và Thung lũng Silicon.

Giống như cơ sở Kitô giáo cũ, bá quyền mới này chứa đựng một lượng lớn sự đa dạng thần học, và giống như cơ sở cũ, nó trải qua các giai đoạn phục hưng và bất ổn nội tâm, trong đó những căng thẳng nội bộ của nó được tranh luận và tái lên khuôn. “Tân Đại” [New Age] của những năm 1960 có tính đào tạo giống như thời đại của George Whitefield và Jonathan Edwards có tính đào tạo đối với Phong trào Thệ Phản cộng hòa sơ khai; Phong trào “Great Awokening” [Đại Thức Tỉnh] hiện tại giống như phong trào Awakening [Thức Tỉnh] ở thế kỷ 19 trong nỗ lực đổi mới và định hình lại các định chế khác nhau của Giáo Hội.

Điều quan trọng, thuyết ngộ đạo mỗi ngày một lên cao này ảnh hưởng đến xã hội gần như cùng một cách với mô hình của Maritain. Nó sử dụng quyền lực của mình chủ yếu qua ảnh hưởng văn hóa của các định chế phi chính trị, và một cách thứ yếu qua việc trực tiếp tạo luật lệ hoặc quy tắc. Việc cai trị của nó vững chắc trong lĩnh vực định chế nhưng hạn chế hơn và dung hòa hơn trong lĩnh vực chính trị. Nơi nào nó trực tiếp lên khuôn việc giải thích luật lệ, nó làm như vậy qua “việc gợi hứng sinh động” chứ không phải việc áp đặt của giáo hội. Thí dụ, các giá trị ngộ đạo man mác khắp các phán quyết quan trọng của một nhân vật như Anthony Kennedy, nhưng không có một số sắc lệnh tôn giáo ngộ đạo rõ ràng nào mà Kennedy Công Giáo buộc phải tuân theo. Tương tự như vậy, không hề có ủy ban trung ương của phong trào thức tỉnh (woke), không có Văn phòng Thánh cấp tiến, thúc đẩy việc diễn giải lại Đạo luật Dân quyền.

Đồng thời, bá quyền mới cũng khoan dung với sự khác biệt tôn giáo, cho phép các hình thức Kitô giáo bảo thủ tồn tại giống như cách cơ sở Kitô giáo cũ đã cho phép các dị giáo khác nhau của Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ. Nó chỉ đặt ra những giới hạn nào đó đối với quyền tự do của họ, thiết lập các phẩm trật văn hóa mặc nhiên và nói chung cố gắng thúc đẩy các tín ngưỡng khác về phía nó, đặc biệt trong một số vấn đề quan trọng. Chẳng hạn, những nỗ lực khác nhau nhằm thúc đẩy các Giáo Hội Kitô giáo hướng tới một sự hòa giải với cuộc cách mạng tình dục, không giống như sự đàn áp bất đồng tôn giáo trong thời kỳ Cải cách. Nhưng chúng phần nào giống với áp lực mà Phái Mormon hoặc Khoa học Kitô giáo [Christian Science] hoặc thậm chí đạo Công Giáo trong quá khứ Thệ Phản hơn của chúng ta, khi vấn đề không phải là bản văn tín lý lớn mà là một số thực hành hoặc ý tưởng chuyên biệt đi quá xa so với sự đồng thuận về đạo đức và văn hóa. Hãy giữ vững niềm tin của bạn nhưng hãy cân nhắc việc làm cho nó giống niềm tin của chúng tôi hơn một chút, là thông điệp liên tục từ kẻ bá quyền này, với lời hứa thêm rằng nếu bạn đồng ý với kẻ bá quyền, bạn có thể chia sẻ một số quyền lực văn hóa của nó hơn là ở lại mãi ngoài cửa “Nhà thờ chính tòa”.

Tất nhiên, áp lực đối với những người không theo Thệ Phản trong thế kỷ 19 không phải lúc nào cũng nhẹ nhàng, và một số nhà phê bình đối với bá quyền ngộ đạo cho rằng khả năng khoan dung tương đối của chính nó chỉ là một giai đoạn tạm thời —trong các qui luật phát ngôn và triệt tiêu cũng như kiểm duyệt phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta từng quan sát một chủ nghĩa toàn trị mới chớm nở, một tương lai kiểm duyệt và có tính tòa dị giáo hơn, với việc bắt bớ công khai đang lấp ló. Và người ta chắc chắn đúng về việc bá quyền văn hóa mới đã trở nên bất khoan dung hơn khi quyền lực của nó trong một số định chế cốt lõi gia tăng.

Nhưng vẫn còn một câu hỏi bỏ ngỏ là liệu sự bất khoan dung đó nhất định sẽ dẫn đến quyền lực lớn hơn đối với toàn bộ nền văn hóa, hay liệu trong một nền xã hội đa dạng và phức tạp như của chúng ta, lòng nhiệt thành của một bá chủ sẽ có tác dụng tự giới hạn mình — tạo phản ứng dữ dội hơn khi sử dụng quyền lực quá công khai, tạo ra các trung tâm phản kháng mới khi nó áp đặt lệnh lạc thần học một cách quá rõ ràng, và áp đặt chủ trương đóng băng của Brezhnev (hoặc chủ trương Boston cuối thế kỷ 19) trông có vẻ vững chắc nhưng không thể sống sót qua sức nóng của khủng hoảng.

Trong khi chủ trương bá quyền ngộ đạo thoải mái hơn, một hình thức có tính Maritain hơn — thí dụ chương trình Hy vọng và Thay đổi [Hope and Change] thời kỳ đầu của Obama, chứ không phải là đỉnh cao Great Awokening - có thể có nhiều quyền lực tồn tại hơn, giải trừ đối lập và đánh phủ đầu phản công, cân bằng quyền lực của nó và chủ nghĩa đa nguyên của xã hội một cách bền vững hơn là mạo hiểm đánh phá để kiểm soát kiểu tòa dị giáo.

Ít nhất, chúng ta có thể nhận thấy giải pháp thay thế khốc liệt hơn đang gặp phải sự phản kháng khắp nơi, không chỉ ở Texas và Florida mà ngay cả với hội đồng trường học của San Francisco. Và giống như các biểu thức nghiêm ngặt nhất của bá quyền Thệ Phản ở nước Mỹ cũ đôi khi thấy mình bị ghét bỏ và phải quay trở lại thế nào, thì khuynh hướng ngộ đạo của chúng ta có thể vẫn được thiết lập về mặt văn hóa cho một thế hệ nữa, nhưng nhận ra rằng các chiến binh và nhà truyền giáo của nó buộc phải quay trở lại với các chiến thuật nhẹ nhàng hơn trong một thời gian như thế.

Do đó, từ cách giải thích lịch sử tôn giáo này, chúng ta có thể rút ra một số kết luận tạm thời. Đầu tiên, có cơ sở chung quan trọng giữa nỗ lực của Maritain nhằm dung hòa giáo huấn Công Giáo với tự do tôn giáo và chủ nghĩa đa nguyên và nỗ lực hậu tự do hiện tại nhằm phân biệt viễn kiến chính trị của Kitô giáo với chủ nghĩa tự do cổ điển và chủ nghĩa buông thả [libertarianism]. Các viễn kiến của Maritain và hậu tự do đều hình dung một xã hội được định hình một cách sâu sắc bởi quyền lực tôn giáo; cả hai đều mong luật pháp là người thầy đạo đức và nhà nước công nhận Quyền năng Tối cao và mưu cầu lợi ích chung. Họ chia sẻ quan điểm mặc nhiên coi chủ nghĩa tự do cổ điển ở hình thức thuần túy nhất của nó như là ngây thơ đến mức chết người, và mục tiêu trung lập nghiêm ngặt của nó như là một điều bất khả thi về mặt chức năng.

Và họ đồng ý rằng ngay cả trong các điều kiện đa nguyên, tôn giáo và chính trị sẽ không bao giờ tách rời nhau, một số tôn giáo sẽ luôn lên khuôn luật lệ hơn những tôn giáo khác, tôn giáo nào có nhiều người trở lại đạo chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến quyền lực chính trị — và nếu bạn đánh đổ một bá quyền tôn giáo, thì một quyền lực tinh thần mới sẽ sớm lấp đầy khoảng trống.

Nếu quan điểm chung này mà đúng, thì điều đó có thể ngụ ý rằng một số cuộc tranh luận lâu dài về mối liên hệ của Kitô giáo với việc sáng lập nước Mỹ, vị trí của tôn giáo cổ xưa trong chủ nghĩa tự do hiện đại, đang đặt quá nhiều tầm quan trọng lên điều chúng ta có thể giả thiết trên lý thuyết nhưng không đủ tầm quan trọng để áp đặt lên điều chúng ta đã thấy trong thực hành.

Bất kể thế hệ sáng lập có ý định gì một cách hữu thức, bất kể ý tưởng của họ được cho là ngụ ý gì, năm 1776 và 1789 đã tạo ra một trật tự chính trị tương ứng với nhiều hình thức bá quyền tôn giáo mềm khác nhau, tùy thuộc vào cách bạn phân chia lịch sử của chúng ta — thí dụ, thời đại ngắn ngủi của Phái Độc vị [unitarian], thời đại đi lên lâu dài của Thệ Phản, thời đại Tin lành-Công Giáo ngắn hơn và rồi thời đại “Do thái-Kitô giáo”, và cuối cùng là thời kỳ quyền lực ngộ đạo của chính chúng ta.

Mỗi hình thức bá quyền đều mạnh mẽ và có ảnh hưởng, mỗi hình thức cũng đều bị tranh cãi và ngẫu nhiên - và không có lý do gì để cho rằng ngày nay câu chuyện đã kết thúc, trật tự tự do - dân chủ đã mang hình thức tiền định và cuối cùng của nó. Chủ trương rằng tự do tôn giáo hay đa nguyên hoặc sự tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước sẽ nhất định và mãi mãi dẫn đến bá quyền ngộ đạo là bỏ qua sự kiện này: tranh chấp giữa Kitô giáo và thuyết ngộ đạo cũng đã có từ lâu như chính Kitô giáo, xuất hiện dưới các điều kiện phong kiến và đế quốc La Mã thường xuyên như ở thời hiện đại Mỹ. Và nếu một số điều kiện xã hội và kỹ thuật nào đó đã cho phép thuyết ngộ đạo đặc biệt nở rộ ngày nay, thì chúng đã không làm cho việc thống trị của nó thành tuyệt đối — và đối với bất cứ ai bất mãn với quyền bá chủ hiện tại của chúng ta, lịch sử Hoa Kỳ cho phép đủ loại khát vọng thay thế, bao gồm cả viễn kiến về một thế giới Kitô giáo Mỹ đổi mới được Maritain và những người hậu tự do chia sẻ.

Nhưng rồi, khi nói đến việc một sự đổi mới như vậy có thể xảy ra cách nào, tại nơi Maritain đã tách khỏi chủ nghĩa toàn diện cũ, và dường như tách rời khỏi chủ nghĩa toàn diện mới nữa — về câu hỏi Giáo Hội và nhà nước nên liên kết một cách chặt chẽ ra sao, một thế giới Kitô giáo đổi mới cần phải khoan dung chủ nghĩa đa nguyên ra sao, liệu việc đổi mới Kitô giáo có thể được áp đặt cách nào đó về mặt chính trị hay liệu nó phải bắt đầu như một diễn trình hữu cơ và tự nguyện - hồ sơ của bảy mươi năm qua tiếp tục cung cấp bằng chứng có lợi cho ông.

Bằng chứng đó, trong một danh sách: là sự suy sụp của Kitô giáo Hoa Kỳ bị thúc đẩy bởi một cuộc khủng hoảng đức tin nội bộ hơn là bởi áp lực từ bên ngoài; các giải pháp duy toàn diện cho cuộc khủng hoảng đã thất bại hoàn toàn hơn so với mô hình Maritain; hình thức kế vị cho bá quyền Thệ Phản đã đạt được sự thăng tiến của nó theo đúng cách được Maritain tưởng tượng quyền lực tôn giáo sẽ được vận dụng trong chủ nghĩa đa nguyên; và việc nắm giữ quyền lực của thuyết ngộ đạo này càng mong manh và dễ bị tổn thương hơn để có thể phản công, khi nó tìm cách trở thành duy toàn diện hơn.

Và điểm cuối cùng: Dù giá trị của các mô hình (chủ yếu là Trung Âu) được những người hậu tự do viện dẫn ra sao về cách thức khuyến khích sự phục hưng Kitô giáo từ phía trên, vẫn không có mô hình nào trong số này rõ ràng tạo ra một Thế giới Kitô giáo thay thế trong thực tế quan trọng như Kitô giáo Mỹ vẫn còn ngay cả bây giờ, như một quyền lực tôn giáo yếu hơn dưới chủ nghĩa đa nguyên, sau nhiều thập niên rút lui về văn hóa.

Tất cả những điều này, một mặt, cho thấy các Kitô hữu Mỹ quan tâm đến việc khôi phục ảnh hưởng đã mất có thể chấp nhận đến một mức nào đó sự phê phán của những người theo chủ nghĩa tự do cổ điển. Họ có thể nhận ra rằng xã hội hoàn toàn trung lập không hề hiện hữu, để rao giảng Tin Mừng chắc chắn phải tìm kiếm một loại Thế giới Kitô giáo nào đó, và những gì Kitô hữu nhìn thấy trong chủ nghĩa tiến bộ đang dâng cao ngày nay không phải chỉ là việc bắt chước cách thức đức tin của chính họ từng phát huy quyền lực bên trong một xã hội đa nguyên ra sao, nhưng cũng là một mô hình để một ngày nào đó nó có thể làm như thế một lần nữa.

Mặt khác, bằng chứng này cũng cho thấy tầm quan trọng của việc nhận ra các lợi thế về mặt đạo đức và tinh thần của việc đặt giới hạn cho những tham vọng trần thế của đức tin và cố gắng sử dụng quyền lực trong chủ nghĩa đa nguyên thay vì chống lại nó.

Đối với những người có tai để nghe, đây là những bài học thực tế của quá khứ Kitô giáo gần đây, và đặc biệt là lịch sử của đất nước Hoa Kỳ. Quyền lực tôn giáo được sử dụng một cách khôn ngoan, nhẹ nhàng và gián tiếp, tôn trọng sự tự do và đa dạng và tập trung trước hết vào sự lành mạnh và lòng nhiệt thành bên trong của đức tin, có thể duy trì sự thăng tiến của tôn giáo trong nhiều thế hệ.

Nhưng quyền lực tôn giáo được sử dụng quá nhiều để chống lại chủ nghĩa đa nguyên, với tham vọng chính trị thay thế cho lòng trung thành thực sự, sẽ làm hỏng và kiệt sức cũng như mang lại hậu quả tai hại cho chính nó.
_________________________________________________________________________
(*) Luật sabat: cổ vũ việc giữ không những Chúa nhật mà nói chung cả Mười Điều răn nữa.

Kỳ sau: Ông đã đi đâu, Jacques Maritain?
 
VietCatholic TV
Tuyên ngôn chung bế mạc cuộc gặp gỡ các tôn giáo thế giới
VietCatholic Media
02:27 17/09/2022


Lúc quá 4 giờ chiều, ngày 15 tháng Chín năm 2022, Hội nghị kỳ VII các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới đã kết thúc, với phần công bố Tuyên ngôn chung kết tại Tòa nhà Độc Lập, với sự hiện diện của Tổng thống, Đức Thánh Cha Phanxicô và gần 100 phái đoàn đến từ 50 quốc gia.

Tuyên ngôn chung kết dài đã được đại đa số các đoàn đại biểu tôn giáo thông qua trước đó và được nữ Giám mục Anh giáo Jo Balley Wells, thuộc giáo phận Dorking, thuộc phái đoàn Đức Tổng Giám Mục Giáo chủ Liên hiệp Anh giáo tham dự hội nghị này, tuyên đọc bằng tiếng Anh.

Nội dung Tuyên ngôn chung

Trong văn kiện này, gồm 35 điểm, các vị lãnh đạo nhấn mạnh ý chí của các tôn giáo đề ra những sáng kiến chung để xây dựng hòa bình và đối thoại, loại bỏ những thái độ cực đoan, duy căn và khủng bố. Tuyên ngôn lên án mọi loại xung đột võ trang: các xung đột này dẫn tới đổ máu vô ích, những phản ứng dây chuyền không thể lường trước được và hủy hoại những quan hệ quốc tế. Văn bản không nêu ví dụ cụ thể và không nói tới chiến tranh tại Ukraine hiện nay.

Trong ý hướng đó, Hội nghị tại Kazakhstan sẽ được mở rộng để trở thành diễn đàn đối thoại liên tôn. Để được vậy, các vị lãnh đạo tôn giáo muốn cộng tác với các tổ chức quốc gia và quốc tế trên toàn thế giới. Căn bản cho công việc tương lai sẽ là Văn kiện về Tình huynh đệ nhân loại, đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đại Rabbi Ahmed al-Tayyeb ở Cairo ký kết hồi tháng Hai năm 2019.

Sau Tuyên ngôn, đến lượt Đức Thánh Cha, Tổng thống và đại diện các phái đoàn tôn giáo lên tiếng nhận xét.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến!

Chúng ta đã cùng nhau đi trên con đường này, và tôi cảm ơn anh chị em đã đến từ rất nhiều nơi khác nhau trên thế giới và mang theo sự phong phú về tín ngưỡng và văn hóa của anh chị em. Cảm ơn anh chị em đã tham gia rất mạnh mẽ trong những ngày làm việc, cam kết và chia sẻ để phục vụ cho cuộc đối thoại. Điều này có giá trị hơn bao giờ hết trong những thời điểm đầy thử thách như thời điểm của chúng ta, khi các vấn đề của đại dịch đã bị cộng hưởng bởi sự điên rồ hoàn toàn của chiến tranh. Có quá nhiều trường hợp thù hận và chia rẽ, quá ít đối thoại và nỗ lực để hiểu người khác. Trong thế giới hoàn cầu hóa của chúng ta, điều này càng nguy hiểm và gây tai tiếng. Gia đình nhân loại của chúng ta không thể tiến lên nếu đoàn kết và chia rẽ cùng một lúc, liên kết qua lại với nhau và bị chia cắt bởi sự bất bình đẳng lớn lao. Vì vậy, xin cảm ơn anh chị em vì những nỗ lực xây dựng hòa bình và đoàn kết. Lời cảm ơn của chúng tôi cũng gửi đến chính quyền địa phương, những người đã đón tiếp chúng tôi và tổ chức Đại hội một cách chu đáo, cũng như những người dân Kazakhstan hiếu khách và dũng cảm, có khả năng tiếp thu các nền văn hóa khác, đồng thời bảo tồn lịch sử cao quý và truyền thống quý báu của họ. Kiop raqmet! Bolshoe spaibo! Cám ơn rất nhiều!

Khẩu hiệu chuyến thăm của tôi, bây giờ đã kết thúc, là “Các Sứ giả của Hòa bình và Đoàn kết”. Nó cố ý để ở số nhiều, vì tất cả chúng ta đang trên một hành trình chung. Đại hội lần thứ bảy này, trong đó chúng ta được tham gia nhờ ân sủng của Đấng Toàn năng, đã đánh dấu một bước quan trọng trong hành trình chung này. Kể từ khi bắt đầu vào năm 2003, biến cố này đã lấy làm mô hình Ngày Cầu nguyện cho Hòa bình trên Thế giới, được Đức Gioan-Phaolô II triệu tập vào năm 2002 tại Assisi nhằm tái khẳng định sự đóng góp tích cực của các truyền thống tôn giáo đối với đối thoại và hòa hợp giữa các dân tộc. Sau biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001, cần phải đáp ứng tập thể đối với bầu không khí gây bạo động bị bạo lực khủng bố tìm cách xúi giục, và điều này đe dọa biến tôn giáo thành cơ sở cho xung đột. Chủ nghĩa khủng bố tôn giáo giả hiệu, chủ nghĩa quá khích, chủ nghĩa cực đoan, và chủ nghĩa dân tộc, đội lốt tôn giáo, tiếp tục gây ra nỗi sợ hãi và lo ngại về tôn giáo. Do đó, trong những ngày này, điều quan trọng là chúng ta có thể đến với nhau một lần nữa, để khẳng định lại bản chất đích thực và bất khả chuyển nhượng của tôn giáo.

Về phương diện trên, Tuyên bố của Đại hội lần thứ bảy này tuyên bố rằng chủ nghĩa quá khích, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa khủng bố và mọi động cơ khác gây ra hận thù, thù địch, bạo lực và chiến tranh, bất kể động lực hoặc mục tiêu của chúng, không liên quan gì đến tinh thần tôn giáo đích thực và phải bị bác bỏ bằng những thuật ngữ quyết định nhất có thể (xem số 5). Hơn nữa, vì Đấng Toàn Năng đã tạo nên mọi người bình đẳng, bất kể nguồn gốc tôn giáo, dân tộc hay xã hội của họ, chúng ta đồng ý rằng sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau phải được coi là điều cần thiết và không thể thiếu trong giáo huấn tôn giáo (xem số 13).

Kazakhstan, nằm ở trung tâm của lục địa châu Á lớn lao và quan trọng, là nơi tự nhiên để chúng ta gặp nhau. Lá cờ của nó nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải duy trì mối quan hệ lành mạnh giữa chính trị và tôn giáo. Thật vậy, nếu con đại bàng vàng được hiển thị trên lá cờ đó nói lên uy quyền trần thế và các đế chế cổ đại, thì nền xanh lam gợi lên màu sắc của bầu trời và do đó siêu việt. Do đó, có một mối liên hệ lành mạnh giữa chính trị và tính siêu việt, một hình thức chung sống hợp lý giúp giữ cho các lĩnh vực của chúng trở nên khác biệt. Khác biệt, nhưng không nhầm lẫn hoặc tách biệt. Chúng ta hãy nói “không” với sự nhầm lẫn giữa chúng, vì lợi ích của tất cả mọi người, vốn cần một bầu trời tự do để bay giống như chim đại bàng, một không gian tự do mở cửa đi vào vô hạn và không bị gò bó bởi quyền lực trần gian. Về phần mình, tính siêu việt không được nhượng bộ trước cơn cám dỗ muốn biến thành quyền lực, kẻo trời sập xuống đất, điều vĩnh cửu “bên kia” bị xiềng xích vào hiện tại trần thế, và tình yêu thương người lân cận trở thành mồi cho những quyết định đảng phái. Do đó, nói “Không” với sự nhầm lẫn giữa chính trị và siêu việt, nhưng cũng nói “không” với sự tách biệt giữa chúng, vì những khát vọng cao nhất của con người không thể bị loại trừ khỏi cuộc sống công cộng và chỉ được xếp vào lĩnh vực riêng tư. Thành thử, những người muốn nói lên niềm tin của họ một cách hợp pháp phải được bảo vệ, luôn luôn và ở mọi nơi. Tuy nhiên, biết bao người hiện nay thậm chí vẫn còn bị bắt bớ và kỳ thị vì đức tin của họ! Chúng ta đã kiên quyết kêu gọi các chính phủ và các tổ chức quốc tế có liên quan hỗ trợ các nhóm tôn giáo và cộng đồng sắc tộc mà các quyền con người và các quyền tự do căn bản của họ đang bị vi phạm hoặc bị khống chế bởi bạo lực của những kẻ cực đoan và khủng bố, cũng do hậu quả của chiến tranh và xung đột quân sự (x. Số 6). Trên hết, chúng ta phải bảo đảm rằng tự do tôn giáo sẽ không bao giờ chỉ là một quyền trừu tượng mà là một quyền cụ thể. Chúng ta bảo vệ cho mọi người 'quyền tôn giáo, quyền hy vọng, quyền hưởng vẻ đẹp: quyền lên Thiên đàng. Theo lời bài quốc ca của mình, Kazakhstan là “bầu trời của mặt trời vàng”, và điều này cũng đúng với mỗi con người. Trong tính độc đáo tuyệt đối của họ, nếu họ tiếp xúc với thần linh, mọi người đàn ông và đàn bà có thể tỏa sáng đặc biệt trong thế giới của chúng ta.

Vì lý do này, Giáo Hội Công Giáo, vốn không mệt mỏi công bố phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi người, được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa” (x. St 1,26), cũng tin tưởng vào sự hiệp nhất của gia đình nhân loại. Giáo hội tin rằng tất cả “nhân loại tạo nên chỉ một cộng đồng. Sở dĩ như vậy vì tất cả đều bắt nguồn từ một nguồn gốc duy nhất được Thiên Chúa tạo dựng cho con người trên toàn trái đất, và vì tất cả đều có chung một số phận, đó là Thiên Chúa. Sự quan phòng của Người, sự tốt lành hiển nhiên và những thiết kế cứu rỗi được mở rộng cho tất cả nhân loại” (Công đồng Vatican II, Tuyên ngôn Nostra Aetate, 1). Do đó, ngay từ đầu của Đại hội này, Tòa thánh, đặc biệt thông qua Thánh Bộ Đối thoại Liên tôn, đã tham gia tích cực vào việc này. Tòa Thánh mong muốn tiếp tục làm như vậy, vì con đường đối thoại liên tôn là con đường chung dẫn đến hòa bình và vì hòa bình; trong tư cách ấy, nó là điều cần thiết và không thể thu hồi. Đối thoại liên tôn không còn đơn thuần là một điều gì đó thiết thực nữa: nó là một sự phục vụ cấp bách và vô sánh đối với nhân loại, đối với việc ngợi khen và vinh quang của Đấng Dựng nên tất cả.

Thưa anh chị em, khi nghĩ đến con đường chung này, tôi đã tự hỏi mình: Điểm hội tụ của chúng ta là gì? Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người đã đến thăm Kazakhstan 21 năm trước ngay trong tháng này, đã tuyên bố rằng “đối với Giáo hội, mọi con đường đều dẫn đến con người” và con người là “con đường đối với Giáo hội” (Redemptor Hominis, 14). Tôi muốn nói rằng con người ngày nay cũng là con đường cho tất cả các tôn giáo. Vâng, con người, đàn ông và đàn bà, những con người cụ thể, bị suy yếu bởi đại dịch, bị hao mòn bởi chiến tranh, bị thương bởi sự thờ ơ! Con người, những tạo vật yếu đuối và kỳ diệu, những tạo vật “một khi Thiên Chúa bị lãng quên, sẽ bị bỏ lại trong bóng tối” (Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 36) và ngoài những người khác thì không thể sống sót! Thiện ích của con người cần được xem xét trước các mục tiêu chiến lược và kinh tế, lợi ích quốc gia, năng lượng và quân sự, và trước các quyết định chủ yếu. Để đưa ra những quyết định thực sự lớn lao, chúng ta nên nhìn vào trẻ em, những người trẻ tuổi và tương lai của họ, những người già và túi khôn của họ, những người bình thường và những nhu cầu thực sự của họ. Chúng ta đã lên tiếng và nhấn mạnh rằng con người không thể bị giản lược vào những gì họ sản xuất và kiếm được; con người phải được chấp nhận và không bao giờ bị loại bỏ; Gia đình, một từ trong tiếng Kazakh có nghĩa là “tổ ấm của tâm hồn và tình yêu”, là thực tại tự nhiên và không thể thay thế, cần được bảo vệ và phát huy, để những người đàn ông và đàn bà ngày mai có thể lớn lên và trưởng thành.

Đối với mọi hữu thể nhân bản, các truyền thống tôn giáo và khôn ngoan vĩ đại được kêu gọi làm chứng ngôn cho sự hiện hữu của một di sản thiêng liêng và đạo đức chung, dựa trên hai nguyên tắc: siêu việt và tình huynh đệ. Siêu việt, Bên kia, thờ phượng. Điều ấn tượng là mỗi ngày có hàng triệu triệu người đàn ông và đàn bà, thuộc các lứa tuổi, nền văn hóa và điều kiện xã hội khác nhau, cùng nhau cầu nguyện ở vô số nơi thờ phượng. Đây là lực lượng tiềm ẩn làm thế giới của chúng ta tiến lên. Và sau đó là tình huynh đệ, người khác, sự gần gũi. Vì người ta không thể tuyên xưng lòng trung thành thực sự với Đấng Tạo Hóa mà không bày tỏ tình yêu thương đối với các tạo vật của Người. Đó là tinh thần xuyên suốt Tuyên ngôn của Đại hội chúng ta. Trong phần kết luận, tôi muốn nhấn mạnh ba hạn từ được nó chứa đựng.

Hạn từ đầu tiên là sự tổng hợp của tất cả mọi điều, nói lên một lời cầu xin chân thành, là ước mơ và mục tiêu của cuộc hành trình của chúng ta: hòa bình! Beybitşilik, mir, hòa bình! Người ta cấp thiết cần có hòa bình, vì trong thời đại của chúng ta, mọi cuộc xung đột quân sự hoặc điểm nóng căng thẳng và đối đầu nhất thiết sẽ gây ra “hiệu ứng domino” và gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ thống liên hệ quốc tế (xem số 4). Mặt khác, hòa bình “không những chỉ là không có chiến tranh: nó không thể bị giản lược vào việc duy trì cán cân quyền lực giữa các lực lượng đối lập cũng như không phát sinh từ sự thống trị chuyên quyền, nhưng nó được gọi một cách thích hợp là 'hiệu ứng của chính trực'.”(Gaudium et Spes, 78). Hòa bình phát sinh từ tình huynh đệ; nó phát triển thông qua cuộc đấu tranh chống lại bất công và bất bình đẳng; nó được xây dựng bằng cách đưa tay ra cho người khác. Chúng ta, những người tin tưởng vào Đấng Dựng nên tất cả, phải đi đầu trong việc cổ vũ sự phát triển của việc chung sống hòa bình. Chúng ta phải làm chứng cho hòa bình, rao giảng hòa bình, cầu xin cho có hòa bình. Do đó, Tuyên ngôn khuyến khích các nhà lãnh đạo thế giới chấm dứt xung đột và đổ máu ở khắp mọi nơi, và từ bỏ những luận điệu hung hăng và phá hoại (xem số 7). Chúng tôi khẩn khoản xin anh chị em, nhân danh Thiên Chúa và vì lợi ích của nhân loại: hãy làm việc cho hòa bình, không phải cho vũ khí! Chỉ bằng cách phục vụ cho sự nghiệp hòa bình, anh chị em mới ghi được tên mình vào biên niên sử của lịch sử.

Thiếu hòa bình, là vì thiếu sự quan tâm, yêu thương dịu dàng, khả năng tạo ra sự sống. Việc mưu cầu hòa bình của chúng ta, vì thế, ngày càng phải mời gọi sự tham gia - và đây là hạn từ thứ hai – của phụ nữ. Bởi vì phụ nữ cung ứng sự chăm sóc và sự sống cho thế giới: họ là chính con đường hướng tới hòa bình. Vì lý do này, chúng ta tán thành sự cần thiết phải bảo vệ phẩm giá của họ và cải thiện địa vị xã hội của họ với tư cách là những thành viên bình đẳng trong gia đình và xã hội (xem số 23). Phụ nữ cũng phải được giao phó những vị trí và trách nhiệm lớn hơn. Biết bao quyết định tai hại đã có thể tránh được nếu người phụ nữ trực tiếp tham gia vào việc ra quyết định! Chúng ta cam kết bảo đảm rằng phụ nữ ngày càng được tôn trọng, thừa nhận và tham gia!

Cuối cùng, hạn từ thứ ba: người trẻ. Giới trẻ là sứ giả của hòa bình và thống nhất, trong hiện tại và trong tương lai. Chính họ hơn ai hết kêu gọi hòa bình và tôn trọng ngôi nhà chung của sáng thế. Thái độ thống trị và bóc lột thâm căn cố đế, tích trữ tài nguyên, chủ nghĩa dân tộc, chiến tranh và đục khoét các phạm vi ảnh hưởng vốn lên khuôn thế giới cũ; thế giới này đang bị giới trẻ bác bỏ: vì đó là một thế giới không có chỗ cho hy vọng và ước mơ của họ. Cũng vậy, các hình thức tôn giáo hà khắc và đàn áp không thuộc về tương lai mà thuộc về quá khứ. Lưu ý đến các thế hệ tương lai, chúng ta đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục, điều này giúp củng cố sự chấp nhận lẫn nhau và sự chung sống tôn trọng giữa các tôn giáo và nền văn hóa khác nhau (xem số 21). Chúng ta hãy đặt vào tay người trẻ cơ hội giáo dục, chứ không phải vũ khí hủy diệt! Và chúng ta hãy lắng nghe họ, mà không sợ bị thách thức bởi những câu hỏi của họ. Trên hết, chúng ta hãy lưu tâm đến việc xây dựng thế giới với họ!

Thưa anh chị em, nhân dân Kazakhstan, cởi mở với ngày mai nhưng vẫn lưu tâm đến những đau khổ của ngày hôm qua, hướng tâm trí chúng ta về tương lai bằng sự phong phú phi thường của các tôn giáo và nền văn hóa của họ. Họ khuyến khích chúng ta tạo ra tương lai mà không quên tính siêu việt và tình huynh đệ, tôn thờ Đấng Tối Cao và chấp nhận anh chị em của chúng ta. Chúng ta tiến lên trên con đường này, cùng nhau bước đi trên trái đất như những đứa con của thiên đàng, những người dệt hy vọng và những nghệ nhân của sự hòa hợp, những sứ giả của hòa bình và thống nhất!
 
Mỹ ráo riết không vận HIMARS, TT Zelenskiy họp các tướng lĩnh, Tướng Nga cảnh báo sắp bị lừa cú nữa
VietCatholic Media
03:23 17/09/2022


1. Tổng thống Zelenskiy gặp gỡ các chỉ huy để thảo luận về giai đoạn tiếp theo của chiến dịch “giải phóng các vùng bị chiếm đóng”. Igor Girkin kêu gọi các tướng lãnh Nga đừng để bị lừa lần nữa.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã gặp gỡ các chỉ huy quân sự cấp cao để thảo luận về các bước tiếp theo trong nỗ lực “tái chiếm các khu vực bị chiếm đóng” của Ukraine.

Theo trang web của Tổng thống, các quan chức bao gồm Tư lệnh Lực lượng Lục quân Oleksandr Syrsky, Tư lệnh Bộ Tư lệnh phía Tây Serhiy Litvinov và Tư lệnh Bộ Tư lệnh phía Nam Andriy Kovalchuk đã tham gia cuộc họp thông qua cầu truyền hình.

“Những người tham gia cuộc họp đã xem xét các bước tiếp theo cho việc tái chiếm các vùng lãnh thổ của Ukraine và đưa ra các quyết định cần thiết,” tuyên bố cho biết.

Họ cũng đã “cập nhật danh sách vũ khí cần thiết để tiếp tục chiến dịch giải phóng các vùng đất của Ukraine.”

Igor Girkin, một cựu chiến binh tình báo và chỉ huy quân đội, người từng là Bộ Trưởng và từng là trung tâm trong việc chiếm Crimea và các phần của vùng Donbas vào năm 2014, đã bày tỏ sự hằn học đối với Putin vì những thất bại quân sự từ hôm thứ Tư 7 tháng 9 cho đến nay. Tháng trước, Girkin nói rằng Zelenskiy thường bị gắn mác 'chú hề' vì anh ấy là một diễn viên hài truyền hình trước khi được bầu làm tổng thống. Tuy nhiên, thực ra Putin mới là một thằng hề.

Đáp lại diễn biến này, ông nói rằng các tướng lãnh Nga không nên bị lừa một lần nữa. Đầu tháng này, Phủ tổng thống Ukraine cũng thông báo về một cuộc họp tương tự. Các tướng lãnh Nga cho rằng cuộc họp bàn về việc đánh Kherson và sau đó là cả bán đảo Crimea, nên đã chuyển quân từ Kharkiv xuống phía Nam, và qua Donetsk. Lợi dụng cơ hội bằng vàng này quân Ukraine đã bất ngờ mở cuộc phản công Kharkiv, gây sững sờ cho người Nga, và dẫn đến một cuộc rút lui nhục nhã của người Nga bỏ lại hàng loạt các thiết bị.

2. Trong những phát biểu công khai đầu tiên về cuộc phản công của Ukraine, Putin nói rằng Nga “không vội vàng”

Trong những bình luận đầu tiên của mình sau cuộc phản công ngoạn mục của Kyiv ở đông bắc Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết mục tiêu chính của “hoạt động quân sự đặc biệt” của Nga vẫn không thay đổi.

Phát biểu tại cuộc họp báo cuối hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan, ông Putin cho biết mục tiêu chính tiếp tục là “giải phóng toàn bộ lãnh thổ của Donbas” – bao gồm khu vực Luhansk và Donetsk - và rằng Nga “không vội vàng”.

“Công việc này vẫn tiếp tục, bất chấp những nỗ lực phản công gần đây của quân đội Ukraine. Hoạt động tấn công của chúng tôi ở Donbas không dừng lại. Nó vẫn tiếp tục,” Putin nói. “Nó đi với tốc độ chậm, nhưng nó vẫn tiếp tục. Dần dần, dần dần, quân đội Nga sẽ chiếm đóng các vùng lãnh thổ mới”.

Putin cáo buộc rằng “Chính quyền Kyiv từ bỏ mọi thỏa thuận, họ bị ném vào ngăn kéo và tuyên bố rằng họ sẽ không tìm kiếm bất kỳ thỏa thuận nào với Nga, mà sẽ tìm kiếm chiến thắng trên chiến trường.

“Lá cờ đã nằm trong tay họ. Bây giờ họ chỉ đang cố gắng làm điều này bằng cách tiến hành các cuộc phản công. Hãy xem điều này kết thúc như thế nào”, ông Putin nói.

Putin cũng nhắm vào phương Tây khi biện minh cho cuộc xâm lược, và tuyên bố rằng “trong nhiều thập kỷ, ý tưởng về sự sụp đổ của Liên bang Xô viết và sự sụp đổ của nước Nga cổ điển đã được nuôi dưỡng ở phương Tây”.

Một số bối cảnh: Tháng này đã mang lại tổn thất chiến lược lớn cho Điện Cẩm Linh khi Ukraine thực hiện các cuộc phản công ở phía đông bắc và nam. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Ukraine đã tái chiếm tổng cộng 8.000 km vuông đất đai. Trong khi Putin đang nói về việc “giải phóng toàn bộ lãnh thổ của Donbas”, cả một Tiểu đoàn Chiến thuật của Nga đã bị loại khỏi vòng chiến trong trận Bakhmut.

3. Biden cảnh báo Putin đừng leo thang chiến sự ở Ukraine

Tổng thống Joe Biden cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin không nên leo thang chiến sự ở Ukraine, nói rằng sẽ có hậu quả nếu Điện Cẩm Linh sử dụng vũ khí hóa học hoặc hạt nhân.

“Đừng. Đừng. Đừng. Nó sẽ thay đổi cục diện chiến tranh không giống bất cứ thứ gì kể từ Thế chiến thứ hai, “Biden nói trong một cuộc phỏng vấn 60 Minutes.

Khi được hỏi bởi Scott Pelley, phản ứng của Hoa Kỳ sẽ như thế nào nếu Nga sử dụng vũ khí hóa học hoặc hạt nhân, Biden nói rằng chắc chắn sẽ có những “hậu quả” đối với Nga.

“Bạn nghĩ rằng tôi sẽ nói với bạn nếu tôi biết chính xác nó sẽ như thế nào. Tất nhiên, tôi sẽ không nói với bạn. Nhưng sẽ có những hậu quả. Người Nga sẽ trở thành một kẻ lạc loài trên thế giới hơn bao giờ hết. Và tùy thuộc vào mức độ của những gì họ làm, chúng tôi sẽ quyết định phản ứng lại ra sao”, Biden nói.

4. Ukraine đang “củng cố các thành tựu của họ” xung quanh Kharkiv, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đánh giá rằng Ukraine đang “củng cố thành tựu của họ” từ việc chiếm lại lãnh thổ ở khu vực Kharkiv.

“Ở phía bắc, những gì chúng tôi đánh giá cao là người Ukraine đang củng cố những thành tựu của họ sau khi chiếm lại lãnh thổ đáng kể, trong khi đó người Nga có vẻ như đang cố gắng củng cố tuyến phòng thủ của họ sau khi bị đẩy lùi,” Thư ký Báo chí Ngũ Giác Đài, Chuẩn Tướng Pat Ryder cho biết như trên trong một cuộc họp báo.

Tướng Ryder cũng nói rằng các lực lượng Ukraine đang thực hiện “các cuộc phản công có chủ đích, có tính toán” ở khu vực Kherson.

“Như mọi khi, chúng tôi tiếp tục tập trung vào việc cung cấp cho họ sự hỗ trợ mà họ cần trong cuộc chiến của mình,” Tướng Ryder nói.

5. Tòa Bạch Ốc gọi các báo cáo về những mồ chôn tập thể ở Ukraine là “hãi hùng” và “kinh hoàng”

Tòa Bạch Ốc cho biết các báo cáo về những mồ chôn tập thể ở thành phố Izium, miền đông Ukraine là “hãi hùng” và “hết sức kinh hoàng.”

John Kirby, cố vấn truyền thông chiến lược tại Hội đồng An ninh Quốc gia, cho biết việc phát hiện ra những ít nhất 440 thi thể tại địa điểm này “phù hợp với kiểu thức băng hoại và tàn bạo mà các lực lượng Nga đã từng thực hiện trong cuộc chiến chống lại Ukraine và người dân Ukraine.”

Kirby cho biết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục “tích cực hỗ trợ các nỗ lực ghi lại các tội ác chiến tranh và hành động tàn bạo mà các lực lượng Nga gây ra ở Ukraine, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực quốc gia và quốc tế nhằm xác định và buộc người Nga phải chịu trách nhiệm.”

Trung tâm Truyền thông Chiến lược của Ukraine hôm thứ Năm cho biết một số ngôi mộ được phát hiện tại Izium là “rất mới” và các thi thể được chôn cất ở đó “hầu hết là thường dân.”

Izium đã phải hứng chịu các cuộc tấn công dữ dội của pháo binh Nga vào tháng 4, và thành phố, nằm gần biên giới giữa khu vực Kharkiv và Donetsk, đã trở thành một trung tâm quan trọng cho quân đội xâm lược trong suốt 5 tháng chiếm đóng.

6. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu cho phép tổng thống Zelenskiy phát biểu bằng liên kết video

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu đồng ý cho phép Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phát biểu tại phiên họp thứ 77 của Đại hội đồng qua liên kết video.

Cuộc bỏ phiếu có 101 quốc gia ủng hộ và 7 nước chống lại, và 19 phiếu trắng.

Các quốc gia bỏ phiếu chống là Nga, Belarus, Triều Tiên, Eritrea, Nicaragua, Syria và Cuba.

Trung Quốc bỏ phiếu trắng.

Cuộc tranh luận chung trong Hội đồng sẽ diễn ra từ ngày 20 tháng 9 đến ngày 26 tháng 9.

Một phần trong các cuộc tranh luận này liên quan đến những mồ chôn tập thể vừa được phát hiện tại thành phố Izium vừa được giải phóng.

7. Zelenskiy và các quan chức Ukraine khác nói rằng một số thi thể được tìm thấy ở Izium có “dấu hiệu bị tra tấn”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đăng một bức ảnh về quá trình khai quật thi thể đang diễn ra tại một khu chôn cất hàng loạt gần thành phố Izium.

Trong một dòng chữ kèm theo bức ảnh trên kênh Telegram của mình, Zelenskiy viết: “Cả thế giới nên nhìn thấy điều này. Thế giới không nên có sự tàn ác và khủng bố như thế này. Nhưng tất cả điều đó đã diễn ra ở Ukraine. Và kẻ sát nhân là Nga”.

“Hơn 400 thi thể được tìm thấy tại khu chôn cất tập thể ở Izium. Với các dấu hiệu tra tấn, trẻ em, những người dân thường, và các chiến binh của Lực lượng vũ trang Ukraine,” Zelenskiy nói.

“Nước Nga chỉ để lại cái chết và đau khổ. Những kẻ sát nhân các anh sẽ không thể chạy trốn. Các annh sẽ không thể trốn thoát. Quả báo sẽ rất khủng khiếp”.

Khi quá trình khai quật tiếp tục, vẫn chưa rõ từng nạn nhân đã chết như thế nào và khi nào. Nhiều dân thường và binh lính đã thiệt mạng trong cuộc bắn phá kéo dài một tuần vào Izium của quân đội Nga vào tháng 3 và tháng 4. Một nhóm của CNN tại địa điểm này cho biết những ngôi mộ mà họ nhìn thấy chủ yếu là của các cá nhân, một số chỉ được đánh dấu bằng số và những ngôi mộ khác có tên đầy đủ và các chi tiết khác.

Thống đốc vùng Kharkiv, Oleh Syniehubov, nói rằng “quy mô tội ác của những kẻ xâm lược ở Izium là rất lớn. Đây là sự khủng bố tàn bạo đẫm máu “.

“450 thi thể thường dân với dấu vết của cái chết và tra tấn bạo lực đã được chôn trong một vành đai rừng. Thật khó để tưởng tượng một điều gì đó như thế này trong thế kỷ 21, nhưng bây giờ nó là một thực tế bi thảm ở Izium,” ông nói.

Syniehubov khẳng định rằng “trong số các thi thể được khai quật hôm nay, 99% có dấu hiệu của những cái chết bạo lực. Có một số thi thể bị trói tay sau lưng, và một người được chôn với một sợi dây quanh cổ. Rõ ràng, những người này đã bị tra tấn và hành quyết. Có cả những đứa trẻ trong số những người được chôn cất”.

“Khoảng 200 nhân viên thực thi pháp luật và các chuyên gia hiện đang có mặt tại hiện trường. Các thi thể sẽ được gửi đi giám định pháp y để xác định nguyên nhân chính xác của cái chết. Sau khi xác định được khuôn mặt của những người đã chết, tất cả họ sẽ được chôn cất với sự kính trọng”, ông nói.

“Mỗi cái chết sẽ được điều tra và trở thành bằng chứng về tội ác chiến tranh của Nga trước các tòa án quốc tế,” Syniehubov nói.

8. Máy bay phản lực chiến đấu 'Fencer' của Nga bị phòng không Ukraine tiêu diệt

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian 'Fencer' Fighter Jet Destroyed by Ukraine Air Defense”, nghĩa là “Máy bay phản lực chiến đấu 'Fencer' của Nga bị phòng không Ukraine tiêu diệt”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine đã phá hủy một máy bay Su-24 của Nga, còn được gọi là máy bay phản lực “Fencer”, lực lượng vũ trang của họ cho biết hôm thứ Sáu, khi chiến tranh giữa hai quốc gia tiếp tục.

“ Trong ngày hôm nay, lực lượng Phòng không đã đánh vào 4 khu vực trọng điểm tập trung sinh lực, quân trang của địch và 1 trung tâm yểm trợ. Những tổn thất của kẻ thù đang được xác định cụ thể”, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong một bản cập nhật tình hình chiến sự. “Ngoài ra, các đơn vị phòng không của chúng tôi ở các hướng khác nhau đã tiêu diệt một máy bay Su-24, hai hỏa tiễn có cánh và một chiếc Gulf của quân xâm lược”.

Theo Airforce-Technology.com, máy bay Su-24 do Công ty cổ phần Phòng thiết kế Sukhoi có trụ sở tại Mạc Tư Khoa và Hiệp hội sản xuất máy bay Novosibirsk sản xuất.

Airforce-Technology.com cho biết: “Su-24M được đưa vào hoạt động vào năm 1983 và là sự phát triển của Su-24, được biết đến với mật danh của NATO là 'Fencer'“.

Bản cập nhật được đưa ra khi các lực lượng vũ trang của Ukraine tiếp tục phản công, với hy vọng giành lại quyền kiểm soát một số khu vực, chẳng hạn như Kherson và Izium.

Các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong bản cập nhật “Mối đe dọa từ các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và hàng không trên khắp Ukraine vẫn còn. Kẻ thù tiếp tục khủng bố dân thường, tấn công các khu dân cư và cơ sở hạ tầng dân sự, vi phạm Luật Nhân đạo Quốc tế, luật pháp và phong tục chiến tranh.”

Bản cập nhật cũng cho biết trong khi các lực lượng vũ trang Nga đã bắn nhiều hỏa tiễn và không kích vào các khu vực khác nhau ở Ukraine, “kẻ thù phải chịu tổn thất đáng kể về nhân sự và thiết bị quân sự hàng ngày, điều này ảnh hưởng lớn đến tình trạng tâm lý của quân xâm lược Nga”, do cho các hành động thành công của “các đơn vị Lực lượng Phòng vệ” Ukraine.

“Hỏa tiễn và pháo binh của quân ta tiếp tục tiêu diệt kẻ thù,” bản cập nhật cho biết thêm. “Do tác động của hỏa hoạn đối với trung tâm tiếp tế, việc bổ sung lực lượng dự bị cho quân chiếm đóng của Nga đã bị gián đoạn. Ngoài ra, 2 khu vực tập trung sinh lực và thiết bị chiến đấu của quân Nga đang chiếm đóng đã bị đánh phá ác liệt”.

Các quan chức Ukraine gần đây cũng cáo buộc lực lượng quân sự Nga đã phóng hỏa tiễn về phía các nhà máy điện.

Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, nói với hãng tin Interfax hôm thứ Sáu rằng: “Tôi tin rằng các cuộc tấn công của Nga vào các nhà máy nhiệt điện và cơ sở kỹ thuật thủy văn sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển giao các hệ thống này cho chúng tôi.”

Trong bối cảnh Ukraine đang phản công, Thư ký báo chí Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryde cho biết hôm thứ Sáu rằng “Những gì chúng tôi đánh giá cao là Ukraine đang củng cố các thành tựu của họ sau khi giành lại các lãnh thổ quan trọng, trong khi người Nga đang cố gắng củng cố tuyến phòng thủ của họ sau khi bị đẩy lùi lại.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga và Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine để đưa ra bình luận.
 
Vụ bạo lực kinh hoàng vừa xảy ra ở Canada. Đức Hồng Y Krajewski đến Ukraine lần thứ tư thay mặt cho Đức Thánh Cha
VietCatholic Media
09:03 17/09/2022


1. Các giám mục Saskatchewan, và cộng đồng cầu nguyện cho các nạn nhân bị đâm hàng loạt

Các giám mục Công Giáo của Saskatchewan đã cầu nguyện cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vụ đâm chém chết người khiến 12 người chết - bao gồm cả hai kẻ bị tình nghi là sát thủ - và ít nhất 18 người bị thương.

Và những người Công Giáo trong Giáo phận Prince Albert đã cùng với giám mục Anh giáo địa phương tham gia một buổi lễ đặc biệt dành cho các nạn nhân và những người sống sót sau vụ đâm chém ngày 4 tháng 9 ở James Smith First Nation và ở Weldon, Saskatchewan gần đó.

Năm giám mục của Saskatchewan cho biết họ thương tiếc “những người đã mất mạng, những người bị thương và những người mà hòa bình và an ninh đã bị tan vỡ bởi những sự kiện kinh hoàng này,” và mời “tất cả cùng tham gia cầu nguyện, hướng về Chúa để được an ủi và chữa lành”.

Các giám mục cũng cầu nguyện cho tất cả mọi người trên khắp Saskatchewan đã và đang hỗ trợ, bao gồm “những người phản ứng đầu tiên, nhân viên chăm sóc sức khỏe và mọi người đang giúp đỡ và hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi thảm kịch này.”

Cuối ngày 7 tháng 9, các phương tiện truyền thông đưa tin Myles Sanderson, 32 tuổi, đã chết sau khi cảnh sát buộc chiếc xe bị đánh cắp mà anh ta đang lái trên đường cao tốc ở Saskatchewan phải tấp vào lề. Một quan chức nói với các nhà báo rằng anh ta chết vì vết thương tự gây ra. Hãng tin AP đưa tin các thành viên của Đội Ứng phó Sự việc Nghiêm trọng của Saskatchewan đã đến địa điểm bắt giữ và sẽ xem xét cái chết của Sanderson và hành vi của cảnh sát.

Sanderson và anh trai của anh ta, Damien, được cho là đã thực hiện cuộc tấn công vào sáng sớm ngày 4 tháng 9 tại James Smith First Nation, nơi họ sinh sống và các khu vực xung quanh. Damien Sanderson được tìm thấy đã chết vào ngày 5 tháng 9 gần một trong những hiện trường của vụ tấn công.

Giáo phận Công Giáo St. Albert đã yêu cầu những người theo dõi trên Facebook vào ngày 4 tháng 9 “cầu nguyện với Giám mục Anh giáo Michael Hawkins và cộng đồng James Smith First Nation và Weldon.” Giám mục Anh giáo Hawkins đã dẫn đầu một buổi cầu nguyện đã được ghi lại và đăng trên mạng xã hội. Sự hiện diện của Nhà thờ Anh giáo rất mạnh mẽ trong cộng đồng Cree, và James Smith First Nation là quê hương của Nhà thờ Anh giáo St. Stephen.

Hawkins nói: “Giống như tất cả các bạn, tôi quay cuồng với những tin tức từ sáng nay và hôm nay về thảm kịch khôn lường tại khu bảo tồn James Smith và ở Weldon. Thật khó có thể tưởng tượng được nỗi kinh hoàng, sự đau buồn, sự lo lắng, nỗi đau đớn và tổn thương của các gia đình và người dân”.

Đức Cha ám chỉ chuyến thăm tháng Tư của Đức Tổng Giám Mục Justin Welby của Canterbury, người đã đến thăm cộng đoàn Cree. Welby đã gặp gỡ những người từng học trong trường học dân cư và những người lớn tuổi của First Nations tại Trường cộng đồng Bernard Constant của khu bảo tồn.

Hawkins nói: “Vào thời điểm đó, Đức Tổng Giám Mục Justin đã nói đến kinh nghiệm và di sản của ngôi trường nội trú như một 'địa ngục trần gian'. “Chắc chắn những gì mà người dân James Smith đã trải qua ngày hôm nay và đang trải qua bây giờ là một địa ngục trần gian”.

Welby đã trực tiếp trả lời các vụ tấn công khủng khiếp trong một bài đăng trên Twitter vào ngày 5 tháng 9.

“Đã đến thăm James Smith Cree Nation vào đầu năm nay, tôi kinh hoàng và vô cùng đau buồn vì những vụ đâm chết người ở đó và khắp Saskatchewan vào cuối tuần này. Tôi thương tiếc cùng cộng đồng và cầu nguyện rằng Chúa sẽ an ủi tất cả những người đang trải qua nỗi đau không thể tưởng tượng được như vậy, “Welby nói.

Trường Công Giáo Greater Saskatoon đã phát hành một tuyên bố cầu nguyện và đề nghị hỗ trợ cho các học sinh bị ảnh hưởng.

“Chúng tôi tại Trường Công Giáo Greater Saskatoon vô cùng bối rối và đau buồn trước tin tức về những sự kiện bi thảm tại James Smith Cree Nation và Weldon vào cuối tuần qua. Chúng tôi cầu nguyện cho linh hồn của những người đã thiệt mạng, sự phục hồi nhanh chóng của những người bị thương, và sự an ủi của Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa cho những người đang than khóc. “

Các trường học đã mở cửa, nhưng hội đồng cho biết họ hiểu nếu “phụ huynh không cảm thấy thoải mái khi gửi trẻ đến trường.”


Source:Crux

2. Kết thúc Đại hội Hội đồng đại kết

Chiều ngày 08 tháng Chín vừa qua, Đại hội lần thứ XI của Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô đã kết thúc với buổi cầu nguyện với nhiều sắc thái, sau chín ngày tiến hành tại thành phố Karlsruhe, nam Đức với sự tham dự của 4.000 người, trong đó có 800 đại biểu đến từ 120 quốc gia.

Các đại biểu đã quyết định Đại hội lần thứ XII sẽ tiến hành trong vòng tám năm nữa, tức là vào năm 2030.

Trong số các nghị quyết được đại hội thông qua, có việc lên án chiến tranh của Nga chống Ukraine, mặc dù có sự chống đối mạnh mẽ của phái đoàn Chính thống Nga.

Một số nghị quyết khác chống sự thay đổi khí hậu, nạn võ trang, bán và cung cấp võ khí, chống nạn áp bức các thổ dân bản xứ, nạn kỳ thị chủng tộc.

Có một số tuyên bố của đại hội thu hút nhiều chú ý là những nguy hiểm kinh khủng do hệ thống võ khí tự động gây ra, và đặc biệt là những hậu quả chính trị của những thông tin giả dối, vu khống, qua các mạng xã hội.

Nghị quyết về xung đột tại Trung Đông đã gây nhiều tranh luận vì có những lập trường khác nhau của các phái đoàn Giáo hội thành viên. Nghị quyết mạnh mẽ phê bình Israel vì những vụ vi phạm nhân quyền và những vụ trục xuất người Palestine, nhưng nhìn nhận quyền hiện hữu của Israel. Nghị quyết nhìn nhận rằng Hội đồng Đại kết các Giáo hội Kitô bị chia rẽ vì lời tố giác Israel thi hành chính sách phân biệt chủng tộc, Apartheid đối với người Palestine.

Tuy không phải là thành viên, Công Giáo đã cử một Phái đoàn chính thức 22 người đến tham dự Đại hội và do Đức Hồng Y Kurt Koch, Bộ trưởng Bộ Hiệp nhất các tín hữu Kitô làm trưởng đoàn. Ngoài ra cũng có 160 tín hữu Công Giáo tham dự, thuộc vào nhóm đông nhất, trong đó có các đại diện của các cộng đoàn và Phong trào Công Giáo dấn thân đại kết, như Phong trào Focolare, Tổ Ấm, và Chemin Neuf, Con đường mới.

3. Đức Hồng Y Krajewski sẽ đến Ukraine lần thứ tư thay mặt cho Đức Thánh Cha Phanxicô

Quan phát chẩn của Đức Thánh Cha, là Đức Hồng Y Konrad Krajewski, sẽ đến Ukraine lần thứ tư thay mặt cho Đức Thánh Cha Phanxicô.

Lần này, ngài sẽ đến Odessa, Žytomyr, Kharkiv và các thành phố khác ở phía đông đất nước. Đây là một số cộng đồng đã phải chịu đựng chiến tranh trong hơn 200 ngày.

Theo một tuyên bố từ Bộ Dịch vụ Bác ái mới được thành lập, chuyến đi sẽ “im lặng và mang tính truyền giáo”. Vị Hồng Y sẽ “ở với những người đau khổ,” cầu nguyện và an ủi những người đã phải chịu sự hủy diệt.

Chuyến thăm của Đức Hồng Y Krajewski cũng sẽ giúp đỡ cụ thể cho các nhóm thành viên Caritas các giáo phận khác nhau đang phục vụ ở tiền tuyến.

Vào tháng 3, vị Hồng Y người Ba Lan đã nhận được một chiếc xe cấp cứu do Đức Giáo Hoàng làm phép để đưa đến Lviv. Đức Hồng Y Michael Czerny của Dòng Tên, Tổng trưởng Bộ Phục Vụ Phát Triển Nhân Bản Toàn Diện cũng đã thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Ukraine.

Trong chuyến thăm cuối cùng tại Lviv, Quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng đã nói chuyện với các nhà báo, khi các cuộc đàm phán cấp cao giữa các ngoại trưởng Ukraine và Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.

“Tôi không phải là một nhà ngoại giao. Tôi đến đây với logic của Tin Mừng. Đó là những gì Chúa Giêsu sẽ làm. Ngài luôn đứng về phía những người cùng khổ. Đức Thánh Cha cũng sử dụng lôgic này của Phúc Âm”.

Vị Hồng Y 58 tuổi, người đứng đầu Bộ Dịch Vụ Bác Ái của Đức Giáo Hoàng, là cơ quan của Tòa thánh chịu trách nhiệm thực hiện các công việc bác ái cho người nghèo nhân danh Đức Giáo Hoàng, cho biết điều quan trọng là phải có mặt tại “quốc gia bị đau khổ” nhấn mạnh “sự hiện diện là tên đầu tiên của tình yêu”. Bên cạnh việc hỗ trợ tinh thần và chia sẻ đức tin của chúng tôi với những người, “chúng tôi cũng mang theo hy vọng thoát khỏi tình huống khủng khiếp này”.

Ngài nói về “ba vũ khí tinh vi nhất trên thế giới: cầu nguyện, ăn chay và bố thí”. “Bố thí có nghĩa là điều gì đó khiến tôi đau đớn, tôi đau khổ vì tôi phải chia sẻ bản thân với người khác - và điều này chúng ta phải làm bây giờ, ngay tại Âu Châu, khi chúng ta trả các hóa đơn cao hơn chính vì cuộc chiến này đang tồn tại.” Đề cập đến Tin Mừng trong ngày, ngài nói, “Ai gõ cửa cuối cùng sẽ thấy cửa mở, ai cầu nguyện sẽ nhận được, nhưng chúng ta phải kiên trì.”

Vũ khí mạnh mẽ khác là chay tịnh, đó là “Tôi mời Chúa vào ngay trong tôi, tôi khao khát sự hiện diện của Ngài, qua việc chay tịnh, tôi muốn loại bỏ khỏi tôi mọi thứ không thuộc về Ngài để nhường chỗ cho Ngài.”

Ngoài ra còn có vũ khí của đức tin “có thể dời núi, huống chi là những cuộc chiến ngu ngốc như thế này”. Ngài cho biết niềm tin cũng là sức mạnh của những người Ukraine, những người có tình yêu với đất nước và gia đình của họ đã xoay sở để kháng chiến và cứu quê hương của họ. Nó cũng có thể gây sợ hãi cho những ai đang tấn công Ukraine.

Ngài cảm ơn các nhà báo đã có mặt ở đó và nói rằng họ đang làm nhiều điều cho Ukraine.
Source:Rome Reports
 
Ukraine bất ngờ đánh mạnh ở Kherson: Thị trấn Vysokopillia được giải phóng sau khi quân Nga đầu hàng
VietCatholic Media
15:32 17/09/2022


1. Vysokopillia ở vùng Kherson hoàn toàn giải phóng sau khi quân Nga đầu hàng nhưng bị phá hủy tới 80%

Trong bản báo cáo hôm thứ Bẩy 17 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết thị trấn Vysokopillia gần thành phố Kherson đã được hoàn toàn giải phóng nhưng ngậm ngùi vì thị trấn đã bị phá hủy tới 80%.

Yaroslav Yanushevych, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Kherson, cho biết công cuộc giải phóng thị trấn Vysokopillia không khó khăn vì chỉ huy quân Nga trong vùng đã liên hệ với quân Ukraine để xin đầu hàng vô điều kiện.

“Hôm nay tôi đã đến thăm Vysokopillia và nói chuyện với cư dân địa phương. Những câu chuyện về con người và sự tàn phá do kẻ thù để lại thật kinh hoàng. Ngôi làng đã bị phá hủy 80%. Bây giờ 270 cư dân vẫn ở đây. Chúng tôi đã trao cho mọi người lương thực, viện trợ nhân đạo và vật liệu xây dựng để tái thiết nhà ở,” ông nói.

Courtesy: Українське національне інформаційне агентство - Thông tấn quốc gia Ukraine

Tình hình nhân đạo, cũng như ở phần còn lại của các khu định cư đã được giải phóng, vẫn còn nguy kịch và phức tạp do pháo kích. Yanushevych cho biết, điều này không cho phép khôi phục nguồn cung cấp điện và nước hoặc nối lại hoạt động của các bệnh viện, hiệu thuốc và cửa hàng.

Do đó, các nhà chức trách hiện đang làm mọi cách để di tản càng nhiều người càng tốt trước mùa đông và nếu có thể sẽ khôi phục hệ thống điện, nước và hệ thống sưởi.

Ông nói: “Nơi nào không làm được, chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề cung cấp cho người dân bếp gang, củi và than.

2. Su-25 của Nga bị phá hủy trên vùng Kherson

Trong bản báo cáo sáng thứ Bẩy 17 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Lực lượng Phòng không thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine đã tiêu diệt máy bay cường kích Su-25 của Nga trên bầu trời khu vực Kherson.

“Khoảng 08:30 sáng, ngày 16 tháng 9 năm 2022, trên bầu trời khu vực Kherson, đơn vị hỏa tiễn phòng không của Lữ đoàn Odesa thuộc Bộ Tư lệnh Không quân miền Nam đã tiêu diệt một máy bay cường kích Su-25 khác của Nga”, báo cáo viết.

Xin nhắc lại rằng, vào ngày 15 tháng 9 năm 2022, quân đội Ukraine đã thực hiện 9 cuộc tấn công vào các cụm đối phương ở miền nam Ukraine từ trên không và hơn 330 cuộc tấn công từ mặt đất.

Nga đã mất khoảng 54.050 quân ở Ukraine. Trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 2 năm 2022 đến ngày 16 tháng 9 năm 2022, tổng thiệt hại chiến đấu của kẻ thù bao gồm 2.199 xe tăng, 4.690 xe chiến đấu bọc thép, 1.302 hệ thống pháo, 312 hệ thống phóng hỏa tiễn hàng loạt, 168 hệ thống tác chiến phòng không, 250 máy bay, 216 trực thăng, 3.550 phương tiện cơ giới và xe chở nhiên liệu, 15 tàu chiến, 908 máy bay không người lái, 121 thiết bị đặc biệt. Tổng cộng 233 hỏa tiễn hành trình của đối phương đã bị bắn hạ.

Trong ngày thứ Sáu 16 tháng 9, quân đội Nga chịu tổn thất cao nhất tại Bakhmut và Donetsk. Dữ liệu vẫn chưa được cập nhật đầy đủ, nhưng ít nhất một Tiểu đoàn Chiến thuật của Nga đã bị loại khỏi vòng chiến tại Bakhmut.

Các quyết định được đưa ra để tiếp tục giải phóng các lãnh thổ bị chiếm đóng: Zelenskiy tổ chức cuộc họp của các chỉ huy tối cao

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã tổ chức một cuộc họp khác của các tư lệnh tối cao vào thứ Sáu, ngày 16 tháng 9.

“Những người tham gia cuộc họp đã xem xét các bước tiếp theo cho việc giải phóng các lãnh thổ bị chiếm đóng và đưa ra các quyết định cần thiết. Đặc biệt, họ tập trung hỗ trợ vật chất-kỹ thuật cho lực lượng quốc phòng và cập nhật danh sách vũ khí cần thiết cho việc tiếp tục chiến dịch giải phóng vùng đất Ukraine.”

Cuộc họp có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Oleksiy Reznikov, Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine Valeriy Zaluzhny, Tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Ukraine Serhiy Shaptala, Tư lệnh Lực lượng Tác chiến đặc biệt của Lực lượng vũ trang Ukraine Viktor Khorenko, Quyền Cục trưởng Cục An ninh Ukraine Vasyl Maliuk, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Oleksiy Danilov, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Denys Moosystemrsky, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dmytro Kuleba, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Oleksandr Kubrakov, Trưởng Văn phòng Tổng thống Andriy Yermak.

Tư lệnh Lực lượng Lục quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine Oleksandr Syrsky, Tư lệnh Lực lượng Chỉ huy Tác chiến phía Tây Serhiy Litvinov, Tư lệnh Lực lượng Chỉ huy Tác chiến phía Nam Andriy Kovalchuk đã tham gia cuộc họp qua cầu truyền hình.

3. 'Cảnh sát trưởng' Ukraine thông đồng với Nga bị bắt đang cố gắng chạy trốn

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukrainian 'Chief of Police' Who Colluded With Russia Caught Trying to Flee”, nghĩa là “'Cảnh sát trưởng' Ukraine thông đồng với Nga bị bắt đang cố gắng chạy trốn.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một người đàn ông Ukraine, người tự xưng là “cảnh sát trưởng” của thành phố Balakliya gần Kharkiv, người được cho là đã thông đồng với Nga đang tìm cách bỏ trốn thì bị bắt.

Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, gọi tắt là SSU, cho biết các nhân viên thực thi pháp luật Ukraine đã bắt giữ một người đàn ông 48 tuổi, người mà họ cho rằng đã thông đồng với các lực lượng Nga chiếm đóng trong thành phố. Cá nhân này đảm nhận vị trí “trưởng” của cái gọi là “dân quân của nhân dân Balakliia”.

Người đàn ông, chưa được SSU nêu tên, bị cáo buộc tuyển dụng các công nhân khác, quản lý các hoạt động chính thức của họ và tổ chức các cuộc tuần tra chung với lực lượng chiếm đóng của Nga gần các cơ sở hạ tầng quan trọng từ tháng 4 đến tháng 9 năm nay.

Theo SSU, người đàn ông này đã chạy trốn đến Kupyansk, nơi bị chiếm đóng vào thời điểm đó, và anh ta sau đó bị các nhân viên thực thi pháp luật Ukraine giam giữ sau khi thành phố này bị Ukraine tái chiếm. SSU cho biết thêm người đàn ông này hiện phải đối mặt với án tù lên đến 15 năm.

Newsweek đã liên hệ với các nhà chức trách Nga và Ukraine để đưa ra bình luận.

Vào ngày 8 tháng 9, Balakliya trở thành thành phố đầu tiên trong khu vực Kharkiv bị Ukraine chiếm lại trong cuộc phản công thành công bắt đầu vào đầu tháng 9.

Sau khi thành phố, cách khoảng 43 dặm về phía đông nam của thành phố Kharkiv, bị chiếm lại, các video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy những người dân xúc động chào các binh sĩ Ukraine.

Đoạn phim được cho là quay trong thành phố và được nhà báo Ukraine Nataliya Gumenyuk đăng trên Twitter cho thấy một nhóm phụ nữ xuất hiện từ một chung cư tiến ra ôm những người lính Ukraine khi họ đến nơi.

“Các phụ nữ đã chào những người lính Ukraine ở Balakliya đã được giải phóng sau 6 tháng bị Nga chiếm đóng... Tôi rất xúc động trước cảnh này,” Gumenyuk đã tweet.

“Làm tốt lắm, làm tốt lắm,” một phụ nữ nói, trong khi một phụ nữ khác nói, “Chúng tôi đã cầu nguyện sáu tháng để các anh quay lại với chúng tôi. Chúng tôi không thể chịu đựng được nữa”.

Những người phụ nữ cảm ơn các quân nhân và nói rằng “Cảm ơn các anh đã đến cứu chúng tôi,” một người nói.

Một đoạn clip khác cho thấy hai phụ nữ ôm và chụp ảnh với các binh sĩ được tường trình đang tập trung tại quảng trường thành phố Balakliia.

Việc giải phóng thành phố diễn ra trong bối cảnh một cuộc phản công lớn ở Kharkiv khiến quân đội Nga bị đẩy ra khỏi khu vực phía nam.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đến thăm vùng lãnh thổ được giải phóng trong nỗ lực hôm thứ Tư, hát quốc ca ở Izium.

Zelenskiy nói với các phóng viên: “Khung cảnh rất sốc nhưng không gây sốc đối với tôi, và nói thêm: Bởi vì chúng tôi bắt đầu thấy những bức ảnh tương tự từ Bucha, từ những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đầu tiên... cùng những tòa nhà bị phá hủy, những vụ giết người”

4. Trên khắp Ukraine, hàng loạt các viên chức thân Nga bị đền tội trong một ngày duy nhất

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Multiple Pro-Russian Officials Killed in Single Day Across Ukraine”, nghĩa là “Trên khắp Ukraine, hàng loạt các viên chức thân Nga bị đền tội trong một ngày duy nhất”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Nhiều quan chức do Nga cài cắm đã bị giết chỉ trong một ngày duy nhất trên khắp Ukraine, trong khi Kyiv đang tăng cường nỗ lực tái chiếm lãnh thổ bị quân Nga chiếm giữ trong suốt cuộc chiến.

Vào sáng thứ Sáu, các nhà chức trách cho biết Ukraine đã tấn công các tòa nhà chính phủ ở vùng Kherson bị chiếm đóng tối thiểu là 5 lần bằng Hệ thống Hỏa tiễn Pháo binh Cơ động Cao, gọi tắt là HIMARS, do Mỹ cung cấp, khiến ít nhất một người thiệt mạng và những người khác bị thương.

Ekaterina Gubareva, phó chủ tịch chính quyền do Nga thành lập ở Kherson, cho biết vào thời điểm xảy ra cuộc tấn công, một cuộc họp đang được tiến hành giữa những người đứng đầu thành phố và các quận, huyện của thành phố.

Cô gọi vụ tấn công là “một hành động khủng bố thấp hèn” và nói rằng người đứng đầu bộ phận lao động đã bị thương, và tài xế của cô đã chết.

Khu vực này đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ đầu tháng Ba. Tuy nhiên, Ukraine đang tiến hành một cuộc phản công trong khu vực và đã thành công trong một cuộc phản công khác ở khu vực Kharkiv ở phía đông bắc đất nước.

Trong một diễn biến khác vào thứ Sáu, ở phía bên kia của đất nước, Sergei Gorenko, tổng công tố viên của Cộng hòa Nhân dân Luhansk, gọi tắt là LPR, do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine và Ekaterina Steglenko, cấp phó của ông, đã thiệt mạng do một vụ nổ bom tại văn phòng của họ. Hãng thông tấn nhà nước Interfax của Nga đưa tin, trích dẫn các dịch vụ khẩn cấp.

Các nhân chứng nói với Interfax rằng họ đã nhìn thấy thiệt hại từ vụ nổ trên tầng ba của tòa nhà Văn phòng Tổng công tố.

Nguyên nhân của vụ nổ vẫn chưa rõ ràng.

Cũng trong ngày thứ Sáu, Interfax của Nga đưa tin tại Berdyansk bị chiếm đóng bên trong vùng Zaporizhzhia, Oleg Boyko, một “phó thị trưởng phụ trách nhà ở và dịch vụ cộng đồng” do người Nga bổ nhiệm và vợ của ông là Lyudmila, người đứng đầu ủy ban bầu cử lãnh thổ địa phương cho một cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga, đã thiệt mạng.

Mạc Tư Khoa cáo buộc Kyiv đã thực hiện các cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào các quan chức do Nga bổ nhiệm, những người đang làm việc với Điện Cẩm Linh trong bối cảnh xung đột đang diễn ra.

Cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, Mykhailo Podolyak, cho biết Kyiv không thực hiện vụ nổ ở Luhansk và cho rằng vụ nổ là một nỗ lực để loại bỏ các nhân chứng cho tội ác chiến tranh của Nga, hoặc nó là kết quả của một cuộc tranh chấp nội bộ của mafia.

Podolyak viết trên Twitter: “Việc loại bỏ cái gọi là 'Tổng công tố Luhansk' và cấp phó của ông ta nên được coi là sự thể hiện của các nhóm tội phạm có tổ chức ở địa phương không thể chia sẻ tài sản cướp được trước khi tẩu thoát quy mô lớn. Hay như việc Liên bang Nga thanh trừng nhân chứng tội ác chiến tranh. Điều tra sẽ cho thấy... “

Ukraine vẫn chưa đưa ra bình luận về các vụ việc khác.

Một số quan chức Nga được bố trí tại các thành phố bị chiếm đóng của Ukraine đã bị giết trong những tuần gần đây khi tổn thất của Nga ngày càng gia tăng và Ukraine tìm cách chiếm lại lãnh thổ bị chiếm đóng.

Newsweek đã liên hệ với các bộ ngoại giao của Ukraine và Nga để đưa ra bình luận.

5. Ukraine cho rằng các cuộc tấn công nhà máy điện của Nga đang thúc đẩy phương Tây gửi vũ khí tốt hơn

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Power Plant Attacks Pushing West to Send Better Weapons: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho rằng các cuộc tấn công nhà máy điện của Nga đang thúc đẩy phương Tây gửi vũ khí tốt hơn.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Mykhailo Podolyak, một cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, gần đây nói rằng các cuộc tấn công của Nga vào các nhà máy điện sẽ chỉ thúc đẩy phương Tây gửi vũ khí tốt hơn đến Ukraine.

“ … Những gì các đối tác của chúng tôi có thể giúp chúng tôi ngay bây giờ là hệ thống phòng không và phòng thủ hỏa tiễn. Mọi cản tiến cần thiết đối với Nasams, tức là Hệ thống hỏa tiễn đất đối không tiên tiến, và Iris, tức là hệ thống phòng không tiên tiến, đã được thỏa thuận”, Podolyak nói với hãng thông tấn Ukraine Interfax hôm thứ Sáu.

“Nhưng chúng tôi cần nhiều hơn, nhanh hơn những gì đã là ngày hôm qua. Tôi tin rằng các cuộc tấn công của Nga vào các nhà máy nhiệt điện và các cơ sở kỹ thuật thủy điện sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển giao các hệ thống này cho chúng tôi,” ông nói thêm.

Theo Anton Gerashchenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, gần đây, Nga đã nhắm vào các đập và nhà máy điện của Ukraine, với cuộc tấn công mới nhất liên quan đến 8 hỏa tiễn của họ đánh vào các hệ thống dẫn nước ở Kryvyi Rih vào hôm thứ Tư.

Kyrylo Tymoshenko, phó văn phòng tổng thống Zelenskiy, cho biết Nga “rõ ràng muốn gây ra một tình huống khủng hoảng”.

Ngoài ra, một đoạn video phát trên mạng truyền hình nhà nước Nga RT cho thấy một cuộc tấn công của Nga, trong đó một máy bay trực thăng đã bắn hỏa tiễn gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, phá hủy một số loại cấu trúc lớn trên mặt nước.

“Mục tiêu trên mặt nước đã đạt được”, phi công trong video nói trước khi hỏa tiễn được bắn, sau đó nói thêm, “Mục tiêu đã bị phá hủy.”

Tuy nhiên, ông Podolyak lưu ý rằng các lực lượng Ukraine vẫn có thể hạ hỏa tiễn Nga trong cuộc chiến chống lại cuộc xâm lược của Tổng thống Vladimir Putin, đã diễn ra trong hơn 6 tháng qua.

“Bất chấp những tưởng tượng 'sai trái' của Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống phòng không của chúng tôi đã bắn hạ hỏa tiễn Nga một cách hiệu quả. Đây là chìa khóa cho vấn đề,” Podolyak nói với Interfax.

“Chúng tôi đang có được thiết bị, khả năng, thông tin tình báo, tất cả các công cụ để tiêu diệt hiệu quả đội quân đang chiếm đóng, dù là chậm hơn chúng tôi muốn.”

Ông nhấn mạnh rằng Ukraine không yêu cầu bất cứ ai chiến đấu cho tự do của đất nước mình, nhưng nhấn mạnh rằng tất cả những gì đất nước cần “ngày hôm nay là số lượng vũ khí và đạn dược phù hợp được giao kịp thời nhất”.

Trong khi đó, Mỹ dự kiến sẽ gửi thêm khoản viện trợ quân sự trị giá 600 triệu USD cho Ukraine để giúp các lực lượng tiếp tục các nỗ lực phản công. Gói viện trợ bao gồm vũ khí, đạn dược và thiết bị bổ sung từ kho của Bộ Quốc phòng. Tổng viện trợ quân sự trị giá 15,8 tỷ USD đã được Mỹ cung cấp kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng Hai.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để đưa ra bình luận.
 
Đau lòng: Gia đình trẻ rơi vào tay lính Nga ở Izium. Cử chỉ tài xế Uber Công Giáo gây xúc động mạnh
VietCatholic Media
17:55 17/09/2022


1. Video lan truyền: Hành động trung thực của tài xế Uber khiến một cụ bà bật khóc vì nhẹ nhõm

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài tường thuật về một nghĩa cử rất đẹp sau đây:

Đó là một ngày thứ Bảy - một ngày làm việc bình thường của Thiago Rodrigues dos Santos, 34 tuổi, làm tài xế Uber. Trong số các chuyến đi của mình, anh đưa một người đàn ông lớn tuổi đến tiệm sửa xe ở Praia Grande, thuộc bờ biển phía nam São Paulo, Brazil.

Khi chuẩn bị đón một hành khách khác, anh nhận thấy người đàn ông này để quên một chiếc túi trên băng ghế sau của xe. Thiago không suy nghĩ kỹ: anh quay lại nơi ông già đã xuống xe, nhưng nơi này đã đóng cửa.

Người lái xe sau đó quyết định cố gắng tìm thông tin liên lạc của hành khách bên trong chiếc túi. Khi mở nó ra, Thiago kinh ngạc khi thấy cả một đống tiền. “Tôi thậm chí còn vội vàng hơn để trả lại nó, bởi vì tôi có thể tưởng tượng ra nỗi đau khổ của người đàn ông này”

Thiago quyết định đi theo chiều ngược lại và tìm kiếm người đàn ông ở nơi anh ta đã đón ông ấy. May mắn! Ở đó, ông lão và vợ rơi vào tình cảnh tuyệt vọng vì nghĩ rằng mình đã mất số tiền: 4.000 đô la Brazil, tương đương gần một nửa mức lương trung bình hàng tháng ở Brazil.

Sự thất vọng của họ nhanh chóng nhường chỗ cho sự ngạc nhiên, nhẹ nhõm và biết ơn vì tài xế đã đến trả lại tiền.

Số tiền kiếm được với nhiều hy sinh đã được dành cho một mục đích cụ thể: trả tiền sửa chiếc xe mà hai vợ chồng dùng để bán nước mía ở một hội chợ đường phố. Nếu không có nó, sinh kế của họ sẽ gặp rủi ro.

Khoảnh khắc đầy xúc động

Đoạn video do Rodrigues ghi lại cho thấy khoảnh khắc xúc động khi anh đưa tiền cho họ. Người phụ nữ thậm chí không biết làm thế nào để cảm ơn hành động trung thực của chàng trai trẻ. “Lạy Đức Mẹ của con, Lạy Đức Mẹ Aparecida!” cô ấy thốt lên trong một biểu hiện kinh ngạc phổ biến ở Brazil. “Con tốt biết bao, con trai của mẹ! Tiếp tục như vậy, và con sẽ có một cuộc sống hạnh phúc. Tôi sẽ đặt con vào tất cả những lời cầu nguyện của tôi, “người phụ nữ lớn tuổi nói, đầy xúc động.

Thiago kết luận: “Cảm giác vui sướng khi làm điều tốt và thực hành những gì cha mẹ tôi và Giáo hội dạy tôi đã giúp tôi nuôi dưỡng những giá trị không thể tương nhượng”.
Source:Aleteia

2. Mễ Tây Cơ đã đề xuất với Tòa Thánh việc thành lập ủy ban nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine

Tổng thống Mễ Tây Cơ, Andrés Manuel López Obrador, cho biết hôm thứ Sáu rằng Ngoại trưởng Marcelo Ebrard sẽ đề xuất kế hoạch thành lập '“Ủy ban Đối thoại và Hòa bình” để ngay lập tức tìm cách chấm dứt các hành vi thù địch ở Ukraine.

Trong bài phát biểu nhân Ngày Độc lập ở Mexico City, López Obrador cho biết đề xuất tìm cách đạt được thỏa thuận ngừng bắn kéo dài ít nhất 5 năm vì hòa bình giữa các quốc gia.

Ông nói: Kế hoạch này đã được gởi đến Đức Thánh Cha Phanxicô qua Đại Sứ Mễ Tây Cơ cạnh Tòa Thánh để góp thêm ý kiến; và sẽ được công bố tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sắp tới ở New York. Kế hoạch này sẽ dành thời gian để “đối mặt với những vấn đề kinh tế và xã hội nghiêm trọng và nghiêm trọng ảnh hưởng đến các dân tộc trên thế giới”.

López Obrador chỉ trích các lệnh trừng phạt đối với Nga và những “chuyến hàng lớn” các loại vũ khí cho Ukraine, gọi đó là “những hành động góp phần vào cuộc đối đầu đang diễn ra, một liều thuốc phi lý bổ sung”.

Theo López Obrador, đề xuất này sẽ bao gồm Đức Thánh Cha Phanxicô, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, và Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đóng vai trò là những người hòa giải trong ủy ban. Ông cho biết ông hy vọng điều này sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo của Ukraine và Nga.

Tòa Thánh chưa đưa ra phản hồi nào trước tin tức này. Trong khi đó, trung tâm đa phương tiện trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Mễ Tây Cơ bày tỏ hoài nghi về kế hoạch này.

López Obrador có lối nói chuyện hết sức lôi cuốn, nhưng toàn những điều viễn vông. Trong chiến dịch tranh cử năm 2018 cho chức tổng thống Mễ Tây Cơ, López Obrador đã đề xuất chính sách “abrazos no balazos” - một cụm từ hấp dẫn trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “cái ôm chứ không phải đạn”. Đường lối này chống lại bạo lực của các băng đảng ma túy bằng cách giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của việc buôn bán ma túy, chẳng hạn như nghèo đói, và giảm nhẹ việc sử dụng vũ lực của quân đội và cảnh sát. Nghe thì rất hay. Chính sách này của López Obrador trái ngược với “cuộc chiến chống ma túy” của những người tiền nhiệm. Tuy nhiên, dưới nhiệm kỳ của ông, tội phạm bạo lực đã gia tăng ở mức đáng sợ. Lễ Đêm Giáng Sinh bị hủy bỏ ở nhiều giáo phận vì tình trạng an ninh. Các thánh lễ cuối tuần vào chiều thứ Bẩy được khuyến cáo kết thúc trước 5 giờ chiều cũng vì lý do an ninh.

Hôm thứ Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết việc các nước cung cấp vũ khí cho Ukraine để giúp Ukraine tự vệ trước sự xâm lược của Nga là hợp pháp về mặt đạo đức. López Obrador chỉ trích những “chuyến hàng lớn” các loại vũ khí cho Ukraine. Không có vũ khí tự vệ, người Ukraine còn có gì để đàm phán với Nga, ngoại trừ đầu hàng vô điều kiện.
Source:Reuters

3. Thi thể của một gia đình trẻ có cô con gái nhỏ được tìm thấy tại mồ chôn tập thể ở Izium, quan chức Ukraine cho biết

Một quan chức Ukraine tại một khu chôn cất tập thể gần Izium cho biết thi thể của cả một gia đình trẻ đã được xác định ở đó.

Ủy viên Quốc hội Ukraine về Nhân quyền Dmytro Lubinets cho biết trong một cuộc họp báo ở Kyiv rằng “có cả một gia đình ngay bên cạnh tôi... Đây là một gia đình trẻ... Người cha sinh năm 1988, người vợ sinh vào năm 1991; con gái nhỏ của họ chào đời vào năm 2016.”

“Có rất nhiều trường hợp tương tự,” ông nói thêm.

“Chúng tôi cũng thấy ở đây một cuộc chôn cất hàng loạt các quân nhân của quân đội Ukraine. Bạn sẽ thấy bằng chứng cho thấy tay họ bị trói, họ bị giết ở cự ly gần,” Lubinets nói.

Ít nhất 440 thi thể được tìm thấy tại một khu chôn cất tập thể ở thành phố ở vùng Kharkiv của Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng một số thi thể có “dấu hiệu bị tra tấn”.

Ukraine đã tái chiếm thành phố từ tay quân Nga vào thứ Bảy tuần trước trong cuộc phản công. Quân đội Nga đã sử dụng nó như một căn cứ quan trọng và tuyến đường tiếp tế cho các lực lượng của họ ở miền đông Ukraine.
Source:outono.net

4. Chính phủ Eritrea bắt lính ngay trong các thánh lễ

Thông tấn xã Catholic News Service của Hội Đồng Giám Mục có bài tường trình nhan đề “Eritrean government rounds up teens from church service”, nghĩa là “Chính phủ Eritrea bắt lính ngay trong các thánh lễ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các địa điểm thờ tự đã trở thành mục tiêu mới nhất cho việc bắt buộc các thanh thiếu niên Eritrea phải gia nhập quân ngũ. Các giáo sĩ mô tả động thái này là một vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng và tình hình xã hội đang xấu đi rất nhanh.

Trong hai năm qua, các học sinh 15 và 16 tuổi đã bị quân đội ruồng bắt tại các thị trấn và làng mạc. Theo các nguồn tin, một số sẽ ra tiền tuyến trong cuộc chiến ở bang Tigray, miền bắc Ethiopia.

“Một vài tuần trước, chính quyền Eritrea tiếp tục tịch thu các trường học do Giáo Hội Công Giáo điều hành và sở hữu. Như thể điều này vẫn chưa đủ, bây giờ họ ngang nhiên phá rối các thánh lễ và bắt những chàng trai và cô gái trẻ 16 tuổi. Cha Mussie Zerai, một linh mục Công Giáo gốc Eritrea, người làm việc với những người di cư, nói với tờ Catholic News Service vào ngày 7 tháng 9.

“Họ làm điều đó ở những nơi thờ phượng như đã xảy ra vào Chúa Nhật tuần trước 4 tháng 9 ở giáo phận Segheneity, trong ngôi làng ở Akrur thuộc giáo xứ Công Giáo Medhanie Alem”

Chỉ vào những bức ảnh được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, vị linh mục nói rằng những người lính đã đến trong Thánh lễ và bao vây nhà thờ để ngăn không cho bất cứ ai chạy thoát. Vị linh mục cho biết họ bắt các thiếu niên, bao gồm tất cả các cậu bé của dàn hợp xướng trong đồng phục của họ.

Cha Zerai nói: “Những người trẻ này bị đưa đến các trại huấn luyện quân sự và sau đó sẽ bị đưa ra tiền tuyến trong các cuộc chiến đang diễn ra trong khu vực, đặc biệt là ở Ethiopia.

Ngài cảnh báo rằng nếu chế độ tiếp tục đánh phá các nơi thờ tự, sẽ có nguy cơ những người trẻ tuổi - lo sợ bị ép buộc tuyển mộ nhập ngũ - sẽ thôi không đến các nhà thờ nữa.

“Quyền thiêng liêng của mỗi tín hữu được đến nhà thờ để cầu nguyện mà không bị quân đội hay cảnh sát đàn áp ở đất nước của họ là quyền cơ bản của mỗi con người”

Trong 20 năm, chính phủ của Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki đã thực hiện chương trình động viên quốc gia đối với mọi công dân từ 17 đến 55 tuổi.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nhiều người Eritrea đã dành cả cuộc đời của họ để phục vụ chính phủ, trong các khu vực quân sự hoặc dân sự. Nhiều người trong số này được tuyển dụng trực tiếp từ các trường trung học.

Các cuộc tuyển mộ cưỡng bức đã khiến nhiều thanh niên từ 18 đến 24 tuổi phải chạy trốn khỏi đất nước, bao gồm cả việc thực hiện cuộc hành trình nguy hiểm qua sa mạc và biển Địa Trung Hải để đến Âu Châu.

Chính phủ Eritrea đã phớt lờ những lời cầu xin của cộng đồng quốc tế về việc tôn trọng nhân quyền.

“Hàng ngày, mọi người tiếp tục chạy trốn khỏi sự tuyển dụng bắt buộc của chính phủ và thực hiện những chuyến hành trình băng qua sa mạc. Chính phủ không quan tâm. Nó không có gì để mất, “một nguồn tin Giáo Hội Eritrea không thể nêu tên vì lý do an ninh cho biết như trên”.
Source:Catholic Newzealand

5. Các giám mục Ukraine hoan nghênh các báo cáo của Liên Hiệp Quốc về các công dân bị trục xuất sang Nga

Các giám mục Ukraine ủng hộ các báo cáo của Liên Hiệp Quốc rằng thường dân đang bị trục xuất cưỡng bức khỏi các khu vực do Nga chiếm đóng trên đất nước của họ, như những cảnh tượng đã diễn ra trong những thập kỷ trước.

Đức Cha Stanislav Szyrokoradiuk của Odesa-Simferopol cho biết: “Mặc dù chúng tôi không biết chính xác những người dân của chúng tôi bị gửi đi đâu, hoặc ở quy mô nào, nhưng những vụ trục xuất này chắc chắn đang diễn ra”.

“Nhiều trẻ em đang bị đưa từ các trại trẻ mồ côi ở Kherson và các thị trấn bị chiếm đóng khác - và mặc dù một số đã cố gắng trở về, nhưng hầu hết không thể làm thế. Đó chỉ là một trong nhiều vụ vi phạm nhân quyền mà chúng tôi đang chứng kiến”.

Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 9 tháng 9 với Catholic News Service, ngài nói rằng rất khó để đưa ra “sự phân biệt thực tế rõ ràng giữa trục xuất và di tản,” hoặc có được các dữ liệu về việc tái định cư “cưỡng bức và tự nguyện”.

“Trong khi hầu hết người Công Giáo từ các khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến tranh đã trốn sang Ba Lan và phương Tây, một số công dân thân Nga cũng đã sang phương Đông, có lẽ tin rằng cuộc sống ở đó sẽ tốt hơn,” Đức Cha Szyrokoradiuk nói.

“Tuy nhiên, các nỗ lực cũng đang được tiến hành để nhận càng nhiều trẻ em Ukraine càng tốt và biến chúng thành những người mới thuộc về Nga. Cũng giống như trong lịch sử trước đây, khi người Ukraine cũng bị bắt đi, trẻ em đang được sử dụng để tuyên truyền, để cho thấy người Nga tốt bụng như thế nào “.

Kể từ cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2 của Nga, các báo cáo đã lan truyền rằng dân thường từ khu vực Donbas phía đông bị chiếm đóng một phần của Ukraine và các thành phố như Mariupol và Kharkiv đã bị thẩm vấn trong các “trại thanh lọc”, trước khi bị đưa đến Siberia và các khu vực khác của Nga, mặc dù Mạc Tư Khoa khẳng định Nga đang cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho những người Ukraine muốn tái định cư một cách tự nguyện.

Trong một bài đăng trên trang web ngày 8 tháng 9, Tòa Thượng phụ Chính thống giáo Nga cho thấy Thượng phụ Kirill đang chào hỏi trẻ em và thanh thiếu niên Ukraine từ “các vùng giải phóng” Donbas, Kharkiv và Kyiv tại một cuộc họp ở Mạc Tư Khoa.

Bài đăng cho biết Thượng phụ Kirill đã nói với những người trẻ tuổi rằng ông ta “coi tất cả những người Chính thống Ukraine là con cái của mình” và đã cảnh báo họ chống lại những lời kêu gọi “từ chối căn tính thật của họ vì lợi ích của một căn tính sai trái”.

Đức Cha Szyrokoradiuk cho biết những bức ảnh đã được “sử dụng để tuyên truyền cho Nga” và “không có điểm chung nào với sự thật hay đức tin.”

“Không có gì đáng ngạc nhiên khi những đứa trẻ này trông không vui vẻ, vì chúng đã bị đưa khỏi quê hương của chúng và bị cắt đứt nguồn gốc dân tộc của mình,” vị giám mục nói.

“Cuộc chiến này đã phá vỡ mọi giới hạn của sự kiềm chế và vô luật pháp - nó đã biến thành một làn sóng khủng bố, trong đó toàn bộ thị trấn và thành phố bị phá hủy cùng với cư dân của những nơi ấy, và tất cả những nỗ lực được thực hiện để xóa bỏ ý tưởng về quốc gia Ukraine”,

Phát biểu tại cuộc họp báo mở ngày 7 tháng 9 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Ilze Brands Kehris, trợ lý tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, cho biết Liên Hiệp Quốc đã nghe thấy “những cáo buộc đáng tin cậy” rằng trẻ em không có người đi kèm đã bị “cưỡng bức trục xuất” và được các gia đình Nga nhận làm con nuôi sau khi được nhập quốc tịch Nga.

Quan chức Latvia nói thêm rằng các lực lượng Nga đã buộc dân thường phải bị “kiểm tra an ninh một cách đầy xúc phạm” và “nhiều hành vi vi phạm nhân quyền đã diễn ra”, với những người được coi là thân cận với chính phủ Ukraine bị đưa đến những miền xa xôi và các trung tâm giam giữ hoặc “biến mất”.

“Các lực lượng vũ trang Nga và các nhóm vũ trang liên kết đã bắt mọi người phải trần truồng để khám xét cơ thể, đôi khi liên quan cả đến việc cưỡng bức chụp hình khỏa thân và thẩm vấn chi tiết về lý lịch cá nhân, mối quan hệ gia đình, quan điểm chính trị và lòng trung thành, phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị lạm dụng tình dục cao độ”, Kehris nói với cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

“Chúng tôi kêu gọi Liên bang Nga cấp quyền truy cập và không bị cản trở tới tất cả các nơi giam giữ dưới sự kiểm soát của họ,” bà nói thêm.

Vasily Nebenzya, đại sứ Liên Hiệp Quốc của Nga, bác bỏ những cáo buộc này là “vô căn cứ” và nói rằng người Ukraine đang chạy trốn khỏi đất nước của họ “để tự cứu mình khỏi chế độ tội phạm của Ukraine.”

Ngày hôm sau, Tổng Giám mục Công Giáo Ukraine Sviatoslav Shevchuk của Kyiv-Halych cho biết có tin 2,5 triệu người, trong đó có 38.000 trẻ em, đã được gửi đến Siberia và vùng viễn đông của Nga, và đó là một “vết thương lớn đối với đất nước Ukraine.”

Đức Cha phụ tá Jan Sobilo của Kharkiv-Zaporizhzhia nói với CNS ngày 9 tháng 9 rằng giáo phận của ngài đã mất liên lạc với một số người Công Giáo bày tỏ lo ngại rằng họ bị đưa đến Nga, và nói thêm rằng mục đích của việc trục xuất dường như là để “làm suy yếu tinh thần quốc gia” và buộc người Ukraine đến các khu vực dân số thấp của Nga.

“Thật khó tin là chúng ta đang thấy sự lặp lại của những hành động từ một thế kỷ trước đang quay trở lại cùng với những phương pháp thô sơ, quyết liệt như vậy, điều này sẽ được ghi nhớ cho các thế hệ sau. Những người được gửi từ lâu đến Siberia và Kazakhstan không bao giờ đánh mất tinh thần hay ý thức dân tộc của họ. Tuy nhiên, người Nga lại mắc phải sai lầm tương tự khi buộc trục xuất mọi người một lần nữa “.

Hàng triệu người Đông Âu đã bị trục xuất đến những nơi khổ sai và chết chóc ở Siberia và Trung Á dưới sự chiếm đóng của Nga hoàng và sau đó là sự chiếm đóng của cộng sản Liên Xô. Mặc dù nhiều người trở về từ các nhà tù và trại lao động trong những thập kỷ sau đó, nhưng phần lớn người Ba Lan, Ukraine, Lithuania và các dân tộc thiểu số khác vẫn còn trên khắp nước Nga ngày nay.

Việc trục xuất “những cá nhân được coi là có quan điểm thân Ukraine hoặc chống Nga” đã được trích dẫn trong một báo cáo ngày 29 tháng 6 của Cao ủy Người tị nạn Liên Hiệp Quốc, cũng như trong một báo cáo ngày 14 tháng 7 của Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu Châu và một báo cáo ngày 1 tháng 9 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết việc cưỡng bức chuyển dân thường đến lãnh thổ của một bên chiếm đóng bị cấm theo luật nhân đạo quốc tế, bao gồm cả Công ước Geneva năm 1949.

Vào tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết “nhiều nguồn tin” chỉ ra rằng các lực lượng Nga đã thẩm vấn, giam giữ và buộc trục xuất 1,6 triệu người Ukraine, trong đó có 260.000 trẻ em, trong “một nỗ lực rõ ràng nhằm thay đổi cấu trúc nhân khẩu học của các vùng của Ukraine.”
Source:Catholic Philly