Ngày 17-09-2018
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha nhắn nhủ tu sĩ nam nữ ở Palermo: Chứng tá cuộc sống thì hiệu lực gấp ngàn lần lời nói xuông
Thanh Quảng sdb
01:14 17/09/2018
Đức Thánh Cha nhắn nhủ tu sĩ nam nữ ở Palermo: Chứng tá cuộc sống thì hiệu lực gấp ngàn lần lời nói xuông

Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ các giáo sĩ, chủng sinh, và nam nữ tu sĩ của Giáo phận Palermo Ý, Ngài nêu mẫu gương của Cha Pino Puglisi để nói lên tầm quan trọng của việc sống chứng tá Tin mừng trong cuộc sống hàng ngày.
Trong những phát biểu đã được chuẩn bị, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai triển ba khía cạnh căn bản về chức tư tế của Cha Pino Puglisi, theo cách này, Ngài nói lên tầm quan trọng của việc rao giảng bằng cuộc sống thực sự qua cách sử dụng “ba động từ đơn giản”.

Lễ kỷ niệm
Động từ đầu tiên là “ăn mừng”, Đức Thánh Cha Phanxicô đề cập tới "Ăn và ăn: đây là Chính xác thân của Chúa hiến tế vì chúng ta". ĐTC giải thích những lời này của Chúa Giêsu, đã được lặp lại hôm nay cũng như mọi ngày nào trong quá khứ và tương lai "không chỉ ở trên bàn thờ mà thôi!"
“Chúng ta phải đưa lời ấy vào trong cuộc sống” bởi vì nó nhắc nhở chúng ta rằng linh mục là người dâng hiến đời mình cho tha nhân. “Chúng ta, hỡi các anh em linh mục và tu sĩ thân mến, đây không phải là một nghề nghiệp, nhưng là món quà; nó không phải là một công việc, mà là một nhiệm vụ. Mỗi ngày, không có ngày nghỉ, đừng nghỉ ngơi ”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “đó là cuộc sống của Cha Pino”.

‘Đào luyện linh mục’
ĐTC nói các linh mục hãy chia sẻ với thế giới sự bình an mà Chúa Giê Su ban cho chúng ta. Đức Thánh Cha cho biết các con mang "sự hiểu biết vào nơi có bất hòa, hòa hợp vào nơi tranh chấp và an hòa vào nơi hận thù". Con người linh mục cũng được gọi là “mang đến cho cuộc sống” những lời: “Cha tha tội cho con, tha tất cả tội lỗi của con”, khiến linh mục trở thành “người của ơn tha thứ”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói "Nơi đào luyện linh mục trở thành một người của sự tha thứ là chủng viện ... Với đời sống thánh hiến của Giáo hội luôn mang chiều kích của một cộng đồng trong thời gian tu luyện."
"Hãy học hỏi nơi Cha Pino", Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, "ngài luôn hiến mình cho tất cả mọi người và chờ đợi tất cả với một trái tim rộng mở - ngay cả cho những tội nhân."

Nghe báo cáo của chúng ta
Động từ thứ hai là “cùng đồng hành”. Đức Thánh Cha Phanxicô nói việc cùng đồng hành "là yếu tố then chốt để trở thành một linh mục cho ngày hôm nay". Các con nên nhớ rằng Cha Pino “nói chuyện với những người trẻ hơn là nói về những người trẻ”. “Ngài luôn nêu lên những câu hỏi thực tế, và đưa ra những câu trả lời hay nhất.” Điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói đây thực sự là một sứ mệnh “bắt nguồn từ sự kiên nhẫn, lắng nghe, và từ tấm lòng, từ trái tim của một người cha”.

Giáo Hội Mẹ
Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích ngắn gọn về nữ tu. Ngài nói họ đóng một vai trò quan trọng, bởi vì "Giáo hội là một người mẹ, và con đường của Giáo hội phải luôn có dấu vết của một người mẹ". Vì vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi các nữ tu hãy làm bừng sáng lên "khuôn mặt từ mẫu của Giáo Hội."

Nhân chứng
Đức Thánh Cha Phanxicô nói động từ cuối cùng là "làm chứng", Ngài nói, "đây là những ưu tư của tất cả chúng ta". ĐTC cho hay trong ngôi nhà của Cha Pino Puglisi tỏa ra "nét đơn sơ nổi bật". Đức Thánh Cha giải thích rằng cuộc sống của Cha rất đơn giản, đó là “dấu chứng hùng hồn của một đời sống tận hiến cho Chúa, một người không tìm kiếm sự an ủi cũng như vinh quang trần gian”.
ĐTC nói "Cuộc sống là chứng nhân hùng mạnh hơn là lời nói xuông!" chúng ta "phải phục vụ trong đơn sơ".
Cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả các nam nữ tu sĩ, chủng sinh và giáo sĩ của Giáo phận Palermo hãy trở thành "những chứng nhân cho hy vọng". Đức Thánh Cha nói “Nếu những người chứng nhân của hy vọng mà không biết hy vọng là gì thì cón biết cậy nhờ vào ai? May thay chúng ta có Chúa Kitô là hy vọng ”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ giỗ Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tại giáo xứ Bình Nguyên, Phú Cường
Giuse Nguyễn Hữu Lộc
09:02 17/09/2018
Ngày 16/9/2017 kỷ niệm lần thứ 16 ngày Đấng đáng kính Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận về nhà Chúa. Cha Lucianô Nguyễn Thành Tiến – phó xứ Thala; Phụ trách xứ Giáo xứ Bình Nguyên, cũng là người con của gia đình Lâm Bích, chủ tế Thánh Lễ Giỗ lần thứ 16 ngày Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được Chúa gọi về.

Cùng đồng tế với Cha Lucianô còn có Cha Giuse Trần Kim Thiện – Cha linh hướng của gia đình Lâm Bích cùng Quý Cha khách. Trong thánh lễ ngoài sự hiện diện của Bà con Hội viên gia đình Lâm Bích Tây Ninh; còn có sự tham dự của Bà con Giáo dân Giáo xứ Bình Nguyên và Giáo xứ Thala. Thánh lễ được bắt đầu lúc 17g00, ngày 16 tháng 9 năm 2018.

Xem Hình

Ngỏ lời trước Thánh lễ, cha Lucianô đã nói lên lý do của việc tổ chức Thánh lễ hôm nay cũng như tóm tắt sơ lược về Gia đình Lâm Bích.

Trước Thánh lễ, cha Lucianô, quý cha đồng tế, tất cả anh chị em gia đình Lâm Bích và bà con giáo dân thắp hương kính viếng Hồng Y trước linh ảnh ngài.

Trong bài giảng, cha Giuse Trần Kim Thiện đã gợi lại những nhân đức trổi vượt của Đấng đáng kính. Ngài mời gọi cộng đoàn, đặc biệt là bà con gia đình Lâm Bích hãy biết cảm tạ Thiên Chúa về những hồng ân mà Ngài đã ban qua sự hiện diện của Đấng đáng kính, và qua “những hồng ân mà thậm chí chúng ta còn chưa nhận thức được nhờ sự hiện diện của ngài giữa chúng ta”. Cũng bài giảng của mình Cha Giuse cũng mời gọi tất cả anh chị em hãy biết “Cầu nguyện trước khi hành động một việc nào đó, chứ đừng để khi gặp thất bại rồi mới Cầu nguyện”.

Được biết Bộ Phát triển Nhân bản toàn diện (Toà Thánh Roma) đã chọn ngày 15/9/2017; ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi để tổ chức Thánh lễ tạ ơn mà Bộ Phong thánh công bố sắc lệnh nhìn nhận các nhân đức anh hùng của vị tôi tớ Chúa - Hồng Y Nguyễn Văn Thuận, và ngài được tôn xưng là Đấng đáng kính. Sắc lệnh này được ký ngày 04.5.2017. Việc Bộ Phát triển Nhân bản toàn diện đã chọn ngày lễ này nhằm nói lên sự thông phần cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời ngài, nhất là trong các năm bị giam cầm. Và đây cũng là dịp để mỗi người chúng ta cùng nhau suy gẫm để dễ dàng cảm thụ được “Đường hy vọng”, một linh đạo sống được viết ra bởi chính Đấng đáng kính Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.

Trong phần giảng lễ, cha Giuse cũng đã mời gọi mọi người hãy cầu nguyện cùng với Đấng đáng kính Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Để qua đó án phong chân phước cho Hồng Y Nguyễn Văn Thuận được thuận tiện.

Đấng đáng kính Phanxicô Nguyễn Văn Thuận tạ thế ngày 16.9.2002, sau khi phục vụ tại Giáo triều Roma trong cương vị Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã cho phép Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình khởi lập hồ sơ tuyên thánh ngày 16.9.2007 và sau khi chuẩn nhận việc thu thập thông tin, chứng từ, tài liệu cần thiết, Giáo triều Roma đã chính thức mở án tuyên thánh ngày 22.10.2010. Uỷ ban Hồng Y và Giám mục thuộc Bộ Phong thánh đã biểu quyết đồng loạt chấp thuận án tuyên thánh theo thỉnh cầu của cáo thỉnh viên và báo cáo viên của án tuyên thánh ngày 02.5.2017.

Lễ Giỗ Năm thứ 16 của Đấng Đáng Kính ĐHY Phaxicô Xaviê đã diễn ra trong tâm tình sốt mến và linh thánh. Mong sao nguyện ước Giáo Hội Việt Nam có được một vị Thánh hiển tu sẽ sớm được viên thành trong tình yêu Thiên Chúa, Đấng là Suối Nguồn bất tận của “Niềm Vui và Hy Vọng”.

Cũng trong dịp này, cha Giuse Trần Kim Thiện cùng với cha Lucianô, đã trao 100 phần quà cho bà con trong địa bàn Giáo xứ Bình Nguyên; Giáo xứ Thala;

Thánh lễ tạ ơn kết thúc với tiệc mừng và chia tay với cha Lucianô trong khuôn viên giáo xứ.

Giuse Nguyễn Hữu Lộc –Truyền thông Phú Cường
 
Lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi tại núi Gò xứ Đồng Đinh - Phát Diệm
GP Phát Diệm
09:23 17/09/2018
Ngày 15/09/2018, tại Núi Gò thuộc giáo xứ Đồng Đinh, giáo phận Phát Diệm, Đức Giám Mục giáo phận, cha Tổng đại diện, quý cha, quý tu sĩ, quý chủng sinh và hàng ngàn giáo dân, từ nhiều giáo phận khác nhau như Phát Diệm, Bùi Chu, Hà Nội, Sài Gòn…, đã về bên Mẹ Sầu Bi hành hương để cùng chung chia niềm vui hiệp thông và tham dự Thánh Lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi.

Xem Hình

Tưởng chừng cái nắng chói chang và tiết trời oi bức sẽ làm chùn chân con dân không thể đến bên Mẹ. Thế nhưng, những tia nắng mang theo trong mình nhiệt độ trên 30 đó lại nung nóng làm tan chảy bao con tim chai lì, ích kỉ, vô cảm… thành những dòng chất lỏng của lòng yêu mến, dấn thân và vị tha. Tất cả tạo thành một dòng suối yêu thương chảy về bên Mẹ. Về bên Mẹ để hoán cải đời sống, để kín múc ơn Chúa qua tình yêu của người Mẹ hiền. Hành trang họ mang theo khi về bên Mẹ là một tấm lòng đơn sơ và một Đức Tin chân thành.

Ngay từ sáng sớm, bên bờ sông Hoàng Long êm đềm, nhưng chốc chốc lại vang lên tiếng “gầm rú” của những động cơ thuyền to, thuyền nhỏ nối đuôi nhau chở những đoàn khách hành hương đến với Mẹ. Tiếng cười nói, tiếng kèn, tiếng trống, tiếng cồng chiêng vang trời báo hiệu một ngày lễ thật nhiều niềm vui và sốt sắng.

Lúc 9g30 Đức Cha giáo phận đã chủ sự Thánh lễ kính Đức Mẹ Sầu Bi. Cha Tổng đại diện, quý cha trong và ngoài giáo phận đồng tế với Đức Cha. Thánh lễ được cử hành trên sông, các tin hữu tham dự có thể đứng trên bờ, hoặc trên các thuyền đã được ghép sát với nhau.

Mở đầu Thánh Lễ, cha Quản nhiệm xứ Đồng Đinh Giuse Đào Văn Du có đôi lời chào mừng Đức cha, quý cha và cộng đoàn dân Chúa. Sau lời chào mừng, cha cũng chia sẻ đôi dòng lịch sử về pho tượng Đức Mẹ Sầu Bi tại Núi Gò, và dâng lời cảm tạ vì biết bao ơn lành mà giáo xứ và khách hành hương đã nhận được qua tình yêu của Mẹ. Đây là dịp thật đặc biệt để giáo xứ tri ân quá khứ, chấn hưng hiện tại và hướng tới tương lai.

Tiếp đó, Đức Cha Giuse bắt đầu Thánh lễ bằng việc chia sẻ: “Hôm nay, chúng ta về bên Mẹ, không phải là đi trẩy hội, để kiếm chác và hái lộc, nhưng chúng ta đến với Mẹ với tư cách là người hành hương để dâng Mẹ tâm tình hoán cải trong đức tin với quyết tâm dứt bỏ tội lỗi, thay đổi bản thân, xây dựng Giáo Hội và xã hội ngày càng thăng tiến.”

Trong bài giảng, dựa vào bài Tin Mừng Thánh Gioan (Ga 19, 25- 27), Đức Cha nhấn mạnh: trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã trao Đức Mẹ cho Thánh Gioan, và trao Thánh Gioan cho Đức Mẹ, nhưng sự trao phó này vượt trên tình mẫu tử tự nhiên. Mẹ đón nhận Thánh Gioan là đón nhận mỗi người chúng ta; Mẹ ôm chúng ta vào lòng để chở che dẫn dắt, và nhất là nhờ Mẹ chúng ta có thể đến với Chúa.

Cuộc đời của Mẹ nhận được biết bao ơn lành của Thiên Chúa. Phải chăng Mẹ chẳng gặp sự đau khổ nào? Câu trả lời sẽ là có. Cuộc đời của Mẹ gắn liền với hai chữ “đau khổ”. Mẹ đã đứng bên Thập Giá để thông phần đau khổ với Chúa. Lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn Chúa Giêsu cũng đã đâm nát tâm hồn Mẹ. Có người mẹ nào khi nhìn thấy con bị đánh đập dã man, bị sỉ nhục và nhất là bị kết án đóng đinh như một tên tử tội dù người con ấy vô tội mà không đau khổ? Chỉ có những ai làm mẹ mới thấu hiểu được nỗi đau này. Đức Mẹ là Nữ Vương các Thánh Tử Đạo, vì chính Mẹ đã hoàn toàn hiệp thông với những nỗi đau khổ của Chúa Giêsu và vì Mẹ là Đấng đã ủi an nâng đỡ và ban sức mạnh thiêng liêng cho các Thánh Tử Đạo, đặc biệt là Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Trong tâm tình chân thành và đầy cảm động, Đức Cha đã hiến dâng tất cả nỗi ưu tư, phiền muộn lên Mẹ:

- Thế giới trước nguy cơ chiến tranh quân sự, kinh tế, tôn giáo.

- Đất nước đang bị rình rập xâm chiếm bởi ngoại bang. Tình trạng tham nhũng, bất công, dối trá đang làm tan nát xã hội.

- Giáo Hội đang đau thương vì tội lỗi của con cái.

- Các gia đình đau khổ vì bạo hành, li dị, con cái rơi vào tệ nạn.

- Những người nghèo bất hạnh đang vất vưởng, đói ăn, bị bỏ rơi.

Xin Mẹ ôm lấy tất cả và cứu giúp chúng con.

Cuối bài giảng, Đức Cha nhắn nhủ con cái Mẹ: Chúng ta đến đây với Mẹ để đón Mẹ về nhà là chính cõi lòng của mình. Và khi Mẹ đã ở nhà với chúng ta, hãy chạy đến và cầu nguyện với Mẹ qua kinh Mân Côi. Hãy yêu mến Mẹ, đón Mẹ bằng cả trái tim chân thành. Có như vậy, Mẹ mới ban ơn để ta biết hoán cải, sám hối và trở về với Tin Mừng.

Trước khi Thành lễ kết thúc, thay lời cha Tổng đại diện, quý cha và khách hành hương, Đức Cha cảm ơn cha Quản hạt Vô Hốt, quý cha và các giáo xứ trong giáo hạt, các riêng cha quản nhiệm, quý chức, quý hội đoàn và cộng đoàn giáo xứ Đồng Đinh, cùng tất cả mọi người đã góp sức để Thánh lễ được diễn tra trong trang nghiêm và sốt sắng.

Đức Cha nhắn nhủ:

- Chúng ta đi hành hương về bên Mẹ để kín múc ơn lành của Chúa nhờ sự bầu cử của Mẹ, nhưng nếu không có Đức tin chân chính và vững mạnh thì dù có một “rổ” ơn lành cũng sẽ bị “lọt” hết.

- Tại nơi đây, có hai hình ảnh trái ngược nhau: một hình ảnh tĩnh và một hình ảnh động. Hình ảnh động là dòng nước sông Hoàng Long với sóng xô dạt dào và luôn luôn chảy. Nó tượng trưng cho cuộc đời chúng ta với nhiều bấp bênh, trắc trở và đổi thay. Hình ảnh tĩnh các ngọn núi xung quanh, là Thánh Giá và pho tượng của Mẹ trên Núi Gò vẫn đứng vững trước dòng nước chảy xiết. Hình ảnh ấy muốn nói đến một điểm tựa vững vàng là chính Chúa và Đức Mẹ. Cuộc đời ta cũng vậy, mỗi khi gặp sóng gió xô đẩy, hãy đến bên Mẹ vì Mẹ vẫn ngày đêm ôm ấp chúng ta.

Thánh Lễ kết thúc, những con thuyền lại tiếp tục nối đuôi nhau, luân phiên chở khách hành hương về lại Nhà thờ xứ. Mọi người ra về trong hân hoan vì giờ đây đã có Mẹ đồng hành với mình, sống với mình và che chở mình. Thật chẳng có hạnh phúc nào hơn!
 
Tin Đáng Chú Ý
Nghị viên Nguyễn Tâm: 'Đảng Dân Chủ khó lật ngược thế cờ'
Tina Hà Giang BBC
11:10 17/09/2018
BBC - Ngày 7 tháng 9 2018 -- Vài ngày sau cuộc phỏng vấn với LS Nguyễn Quốc Lân về cử tri gốc Việt và cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ, BBC có dịp trao đổi với nghị viên Nguyễn Tâm của thành phố San Jose về cùng đề tài.

Cùng là dân cử của những thành phố đông dân Việt Nam nhất tại Hoa Kỳ, nhưng hai ông Nguyễn Quốc Lân và Nguyễn Tâm có những nhận định rất khác nhau về tình hình chính trị tại Mỹ.

Đặc biệt, ông Nguyễn Quốc Lân, đảng Cộng Hoà lo ngại rằng Hạ Viện có thể mất vào tay đảng Dân Chủ sau cuộc bầu cử giữa kỳ. Trái lại, ông Nguyễn Tâm, đảng Dân Chủ lại cho rằng rất khó cho đảng của mình lật ngược thế cờ theo tình trạng hiện nay.

BBC: Sau hai năm dưới sự lãnh đạo củaTổng thốngDonald Trump, ông có nhận định gì về cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới? Có dấu hiệu gì cho thấy Dân Chủ, Cộng Hòa, đảng nào đang nắm lợi thế không?

NV Nguyễn Tâm: Cuốn sách "Fear" sắp phát hành của tác giả Bob Woodward cộng thêm bài xã luận ẩn danh trên tờ New York Time hôm thứ Tư đã trở nên những điềm bất lành cho Tổng thống Donald Trump khi vòng vây điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Muller ngày càng siết chặt khiến cho ông Trump càng thêm chật vật và rối rắm. Nhiều chiếc ghế dân biểu liên bang Hoa Kỳ đã họăc có thể bị lọt vào tay Dân Chủ hay cấp tiến. Ngay cả nội bộ đảng Dân Chủ cũng bị khuynh hướng cấp tiến quá khích lật đổ như cô Alexandria Ocasio-Cortez lật ông Joe Crowley (NY14) hồi tháng Sáu, và mới đây, nghị viên Ayanna Presley cũng đã lật dân biểu đương nhiệm Michael Capuano (MA07).

Tuy nhiên, vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu con số 24 ghế ưu thế trong tay phe Cộng Hòa hiện nay. Đồng thời, tuy ông Muller đã triệt hạ được nhiều nguời liên quan đến Trump, nhưng vẫn chưa có được chứng cớ cụ thể nào liên quan đến mục tiêu chính, đó là nghi vấn sử dụng điệp báo của Nga Sô cho cuộc tranh cử 2016. Và chỉ còn 9 tuần lễ nữa là bầu cử rồi, mà cử tri vẫn chưa thấy dấu hiệu lay chuyển gì nhiều.

BBC: Theo ông thì cử tri người Việt có những suy nghĩ gì, phản ứng ra sao và sẽ bỏ phiếu thế nào trong cuộc bầu cử giữa kỳ này?

NV Nguyễn Tâm: Câu hỏi hơi rộng liên quan đến nhiều cuộc bầu cử ở nhiều cấp độ khác nhau, nhưng có thể nói chia làm hai cấp: Cấp cao gồm tiểu bang và liên bang, và cấp địa phương từ quận xuống thành phố. Ở cấp cao, vì đây là cuộc bầu cử giữa kỳ, tức là chỉ bầu cấp Thống đốc tiểu bang, do đó không sôi nổi như bầu Tổng thống như năm 2016 hay 2020. Vì vậy, những người đương nhiệm thì chẳng có gì phải quan tâm vì họ thường thăng tuyệt đối hay không có ai ra tranh giành. Ngay cả chức vụ Thống đốc thì ông Gavin Newsom đang dẫn đầu quá xa 28 điểm so với thủ công hòa John Cox. Còn ở cấp địa phương thì không lệ thuộc vào chính đảng (non-partisan), do đó không bị ảnh hưởng gì đáng kể.

BBC:Ông nghĩ gì về nhận định của LS Nguyễn Quốc Lân về việc cộng đồng người Việt là cộng đồng thiểu số duy nhất có mức ủng hộ Donald Trump rất cao, và lý do có sự phân cách đó?

NV Nguyễn Tâm:Có thể nói tôi thuộc về một thiểu số rất ít người Việt theo đảng Dân Chủ, còn hầu hết đại đa số bà con mình theo đảng Cộng Hòa. Nhưng rất may vấn đề chính đảng Hoa Kỳ vẫn còn là một ý niệm mơ hồ xa vời và không ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, do đó ít có dịp xảy ra tranh chấp. Thêm nữa, niềm Nam Cali nhất là quận Cam vốn là thành trì của đảng Cộng Hòa nhưng người Mỹ vùng Bắc Cali đa số lại theo đảng Dân chủ. Một số đông người Việt, nhất là cựu quân dân cán chính, thường theo đảng Cộng Hòa với niềm tin vào khuynh hướng diều hâu chống cộng binh vực VNCH, và họ sẵn sàng bỏ qua những điểm mốc lịch sử chứng minh ngược lại như Dân Chủ Johnson đưa quân đổ bộ vào Việt Nam chiến đấu chống cộng, và Cộng Hòa Nixon lại đi đêm với Trung cộng bỏ rơi VNCH, Cộng hòa Ford hủy bỏ mọi cam kết bảo vệ miền Nam, Dân chủ Carter mở tay đón tiếp người tị nạn, v.v… Do đó một số bạn bè tôi và các em giới trẻ có khuynh hướng chọn đảng Dân Chủ vì chủ trương binh vực người tị nạn di dân và đề cao các chương trình xã hội giúp đỡ dân nghèo. Trong khi đó thì đa số cộng đồng mình vẫn ủng hộ Tổng thống Trump theo truyền thống Cộng Hòa, và họ tỏ ra rất hài lòng về một số hành động cụ thể tỏ ra chống Trung cộng như việc đánh thuế mậu dịch, v.v..

BBC:Sinh hoạt chính trị trong cộng đồng San Jose, hay nói chung Bắc Cali, so với Nam Cali có những tương đồng và dị biệt gì?

NV Nguyễn Tâm: Hai miền Nam-Bắc Cali có hai cộng đồng người gốc Việt đông đảo nhất nước Mỹ và thế giới, với rất nhiều họat động sôi nổi thu hút sự quan tâm của nhiều người xa gần. Có thể nói nội dung và bản sắc thì giống nhau, và chỉ khác nhau ở cấu trúc của tổ chức hành chánh địa phương. Nam Cali thì tuy đông dân Việt gấp đôi bắc Cali, nhưng lại chia ra nhiều thành phố nhỏ. Nguồn tài chánh ngân sách của chính quyền tập trung vào quận Cam, tương đương với một tỉnh, trong đó có nhiều thành phố nhỏ. Do đó vai trò và quyền lực của Giám sát viên rất quan trọng, trước đây có GSV Janet Nguyễn, và hiện đang có GSV Andrew Đỗ. San Jose, ngược lại, là thành phố với một triệu dân, đứng hàng thứ 10 nước Mỹ, có 10 nghị viên và một thị trưởng làm việc toàn thời gian với ngân sách $3.5 tỉ đô la.

Người nghị viên có trách nhiệm chăm sóc cho 100 ngàn cư dân trong quận mình. Mỗi văn phòng nghị viên có khỏang 5, 6 nhân viên làm việc với ngân sách dành riêng cho mỗi quận. Về mặt nội dung, thì sinh hoạt các cộng đồng đều giống nhau ở các đặc điểm như chống cộng, tích cực, nhiều ý kiến, hay tranh cãi, và chia thành nhiều nhóm nhỏ, do đó không có sức mạnh tập thể đòan kết.

Nhưng bù lại nhờ vào sự cạnh tranh thi đua nhau, nhờ đó mà mọi người mọi nhóm phải luôn cố gắng cải tiến làm tốt hơn. Thủ phủ quận Cam có rất nhiều thành tựu đáng kể như tượng đài chiến sĩ, diễn hành, chợ đêm, v.v... Riêng tại San Jose thì có những đặc biệt như chào cờ vườn Việt, Café Vườn Rau Việt, Trung tâm Văn hóa Việt Mỹ do thành phố đài thọ toàn phần, v.v…

BBC:Người Việt hải ngoại, trong đó có Hoa Kỳ, rất tha thiết với việc Việt Nam có dân chủ và có nhân quyền. Nhưng xem ra ông Trump có vẻ không mặn mà lắm về nhân quyền cho Việt Nam, cử tri vùng San Jose nghĩ gì về điều này?

NV Nguyễn Tâm: Tuy mọi người Việt Nam vẫn mong đợi Tổng thống Trump có quan điểm hay hành động cụ thể hỗ trợ cho đấu tranh tự do dân chủ nhân quyền tại Việt Nam, nhưng thực tế chỉ là thất vọng nầy đến thất vọng khác, và chính quyền Trump đã bỏ lỡ nhiều có hội rất quý báu. Mới đây nhất, hồi tháng 7 nhân cuộc viếng thăm của Ngoại trưởng Pompeo, thì bài phát biểu của Đại sứ Daniel Kritenbrink về cuộc viếng thăm này đã gây xôn xao khi tự kiểm duyệt để bỏ đi chữ "nhân quyền." Chỉ mỗi một chữ nhỏ bé như thế mà còn không dám nói, thì mong gì đến những quan điểm hay thái độ cứng rắn hơn đối với chế độ cộng sản Hà Nội. Vì thế mà cho đến nay, hoàn cảnh của Việt Nam càng ngày càng tệ hại hơn, nhưng chưa hề thấy một phản ứng cụ thể nào của Tổng thống Trump. Nhất là càng ngày ông càng thêm vất vả đối phó với thù trong giặc ngoài ngay tại tòa Bạch ốc, thì tâm trí đâu mà lo chuyện xa vời bên kia bờ đại dương.

BBC: Theo ông tại sao người Việt lại có nhận định rằng đảng Cộng Hòa đánh cộng sản và đảng Dân Chủ làm mất miền Nam Việt Nam như LS Nguyễn Quốc Lân nói?

NV Nguyễn Tâm: Như tôi đã nói, lịch sử ghi rõ về việc chống cộng hay hợp tác với cộng sản quốc tế của lãnh tụ các đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa. Sự thật ngược lại với quan niệm của một số người Việt cho rằng Dân Chủ thì thân cộng và Cộng Hòa thì chống cộng. Nếu để ý kỹ, ta sẽ thấy đối với Mỹ, thì chẳng có vấn đề binh hay chống cộng, mà chỉ có quyền lợi của Mỹ trên hết. Nói rõ hơn, quyền lợi của tập đoàn tư bản Mỹ trên hết, bất chấp đồng minh là ai.

Đối với Mỹ, không có kẻ thù hay đồng minh vĩnh viễn, mà chỉ có kẻ thù và đồng minh giai đoạn, như đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử, mà nổi bật nhất phải kể đồng minh với Nga chống Đức hồi đệ Nhị thế chiến, sau đó thì lại đồng minh với Đức chống lại Liên Sô. Nay thì Tổng thống Trump lại rất phục ông Putin và công khai vận động cho Nga tham gia vào hội nghị thượng đỉnh kinh tế G7, v.v…

Đối với Nhật thì từ là kẻ thù dội bom nguyên tử, nay trở thành đồng minh sát cánh tại Á Châu. Đối với cộng sản Việt Nam cũng thế, trước đây là kẻ thù qua chiến tranh tàn khốc với hàng triệu binh lính và hơn 58,000 người hy sinh, nhưng nay thì đã trở thành đồng minh hợp tác trên mọi mặt kể cả quân sự mỗi ngày một gia tăng.

BBC:Theo ông thì người Việt nghĩ thế nào về sự cứng rắn của ông Trump với Trung Quốc? Ông ta có thực sự cứng rắn không? Hay cuộc chiến thương mại là cách mà ông ấy tỏ ra cứng rắn?

NV Nguyễn Tâm: Tổng thống Trump đã tỏ ra cứng rắn trong việc tung ra chiến tranh mậu dịch đánh thuế nhập khẩu lên trên $250 tỉ hàng hóa Trung quốc, nhằm giải quyết tình trạng mất cân bằng mậu dịch kéo dài từ nhiều năm nay. Nhưng ngược lại, giới nông dân và sản xuất của Hoa Kỳ cũng đang khổ sở vì bị Trung quốc trả đũa trên 5,200 mặt hàng xuất khẩu từ Mỹ, với tổng giá trị lên đến $150 tỉ đô.

Đồng thời, Tổng thống Trump lại vội vã cứu sống công ty ZTE sau khi công tuy nầy bị trưng phạt vì vi phạm luật bán hàng cho quốc gia khủng bố. Vấn đề chiến tranh mậu dịch của Tổng thống Trump không phải chỉ dành cho Trung quốc, mà xảy ra cho tất cả các quốc gia đồng minh, NATO, Mễ và Canada nữa. Do đó đây không phải là sự trừng phạt, mà chỉ là những giải pháp mạnh mẽ nhằm cải tiến thị trường ngoại thương mà thôi.

BBC: Dù chiến tranh thương mại có lợi cho Hoa Kỳ hay không, nhiều người Việt, kể cả người Việt trong nước vẫn cho đây là một điểm son của ông Donald Trump, rằng chỉ có ông mới đập được cho ông Tập Cận Bình như thế. Nghị viên nghĩ gì về điều này?

NV Nguyễn Tâm: Xin nhắc lại, tôi không thấy chủ trương của Hoa Kỳ là đánh đập ai trong lúc nầy cả. Ngay cả vụ Bắc Hàn, Tổng thống Trump cũng chỉ muốn đạt mục tiêu giải giới hạt nhân, và sau khi bị hố nặng, vẫn phải kiên nhẫn chờ đợi và ra lệnh huy bỏ chuyến đi của ngoại trưởng Pompeo. Về vụ Trung Quốc cũng thế, Hoa Kỳ phải có những hành động cứng rắn như ông Trump đã tung ra chẳng qua là nhằm cải tiến tình trạng mậu dịch thâm thủng mỗi ngày càng tồi tệ hơn mà thôi. Ngay cả đồng minh khối NATO cũng bị sốc khi Tổng thống Trump mạnh mẽ chỉ trích họ trong việc đóng góp ngân sách, kết quả là các quốc gia ấy phải gia tăng tỉ lệ ngân sách đóng góp vào NATO.

BBC:Nếu phải tiên đoán, Nghị viên nghĩ là vào bầu cử giữa kỳ chỉ còn vài tháng nữa thôi này, đảng Dân Chủ có lấy được đa số ghế ở một trong hai viện không, hay là sẽ như thế nào?

NV Nguyễn Tâm: Phía Dân Chủ cần phải lật 24 ghế trong mùa bầu cử 9 tuần nữa. Tuy có dấu hiệu cho thấy họ đang trên đà gia tăng, nhưng phe Dân Chủ vẫn chưa đưa ra một đường lối chính sách cải tiến cụ thể nào nhằm giải quyết tình trạng nhập cư lậu, giảm tiền bảo hiểm sức khỏe, hay gia tăng nhà cửa. Trái lại, với sự phát triển kỷ lục về kinh tế, và mức độ gia tăng công việc cao độ, sẽ càng bảo đảm cho chính quyền đương thời khi người dân vẫn có công ăn việc làm, v.v.. Do đó phe Dân Chủ, theo tôi, sẽ rất khó lật ngược thế cờ theo tình trạng hiện nay.

BBC: Là một người trong đảng Dân Chủ, ông mong nhìn thấy gì?

NV Nguyễn Tâm: Trước khi làm nghị viên hay chọn khuynh hướng Dân Chủ khi vào quốc tịch Hoa kỳ 35 năm qua, tôi là một người Việt Nam và vẫn thấy mình là người Việt Nam. Buổi sáng bước ra đường tôi là một người Mỹ, nhưng đêm tối trở về trong căn phòng riêng tư, tôi trở về với hạnh phúc sâu kín bên chén cơm, tô canh rau mắm cá kho. Tôi chia xẻ những suy tư khát vọng chung cho quê hương dân tộc mình bên kia bờ đại dương. Những suy tư khát vọng ấy không có biên giới địa lý hay tổ chức chính trị phe nhóm. Tôi có viết lên tâm sự ước mơ qua bài hát Trái Tim Việt Nam: "Nghe trong tim anh có những lời sông núi. Nghe trong tim em có tiếng gọi dân lành, Nghe trong tôi bao nỗi niềm Quê Hương. Tên tôi là Trái Tim Việt Nam." Tôi chân thành cầu mong sớm được hát lên ước vọng của mình trên bầu trời quê hương dân chủ tự do một ngày rất gần.

------
Nghị viên Nguyễn Tâm của quận 7 TP San Jose đắc cử chức Nghị viên Thành phố năm 2014, và nhiệm kỳ hiện tại của ông hết hạn vào tháng 11 năm 2018. Trước đó ông hành nghề luật sư trong thời gian 22 năm và được biết với những vụ kiện lớn như vụ Mặt Trận năm 1994 được viết thành sách, và vụ kiện báo Mercury News năm 2000.

(Nguồn: Tina Hà Giang, https://www.bbc.com/vietnamese/world-45444099)
 
Văn Hóa
Đức Mẹ Sầu Bi Đồng Đinh - Phát Diệm
Lm Giuse Nguyễn Hồng Phúc
09:06 17/09/2018
MẸ SẦU BI ĐỒNG ĐINH - PHÁT DIỆM

LTS: Ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi 15/9/2018 vừa qua, Đức cha Giuse Nguyễn Năng đã về chủ sự thánh lễ trọng thể tại Núi Gò thuộc giáo xứ Đồng Đinh, giáo phận Phát Diệm. Cùng với bài giảng sống động, Đức cha đã có những huấn từ sâu sắc. Cảm hứng từ huấn từ này, chúng tôi xin giới thiệu tới độc giả bài thơ về Đức Mẹ Sầu Bi Đồng Đinh

Sông Hoàng Long hiền lành uốn khúc
Mùa lũ về có lúc dâng cao
Mênh mông, sủi đục, tràn trào
Lũ qua, nước hạ lại bao êm đềm!
Hai triền sông có thêm dải núi
Soi bóng mình vững với thời gian.
Hài hoà non nước ngàn năm,
Đồng Đinh hiếu khách ai thăm Núi Gò.

"Sông có khúc, đời ta có lúc"
Nguyên lý này hun đúc trong ta,
Giữa sông càng dễ nhận ra
Đời như dòng chảy luôn là đổi thay.
Nhưng dải núi ngày ngày kiên vững
Tựa bóng hình Chúa đứng bên ta
Dù dòng đời có phôi pha
Chúa luôn trụ vững như là núi cao!

Mẹ Sầu bi nghe sao thảm thiết
Nhưng về đây học biết từ bi.
Khổ đau mang ý nghĩa gì?
Tình yêu cứu độ xoá đi hận thù!
Mẹ ôm xác Giêsu - con Mẹ
Lễ tình yêu cứu thế gian này
Về đây không để ngửa tay
Nhưng là học Mẹ ngày ngày hiệp thông.

Núi gò non nước mênh mông
Sầu Bi bên Mẹ mãi không cạn lời./.
 
Tản Mạn Đời Tha Hương: Sấm Trạng Trình - Nhà Tiên Tri hàng đầu nước Việt ?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thư
14:54 17/09/2018

Bà con mình rất ưa tò mò về chuyện tương lai. Thành ra ai cũng thích nghe về ‘Sấm Trạng Trình’. Người ta gọi ngài là nhà đại tiên tri, coi bói hậu lai như thần.

Tên gốc là Nguyễn bỉnh Khiêm. Tên húy là Nguyễn văn Đạt. Tên tự là Hanh Phủ. Tên hiệu là Bạch Vân Am cư sĩ. Các môn sinh tôn ngài là Tuyết Giang phu tử. Từ thế kỷ 16, tiếng tăm ngài đã vang dội khắp chốn. Đã tiên đoán tương lai giỏi, lại có tài thơ văn, kèm theo lối sống đạo hạnh khác thường. Năm 1535 đậu trạng nguyên, ra làm quan, được phong tước ‘Trình tuyền hầu’ rồi ‘Trình quốc công’. Thiên hạ gọi ngài gọn ghẽ với tên TRẠNG TRÌNH.

Dĩ nhiên ngài nổi tiếng về những bài SẤM, cho nên huyền thoại Sấm Trạng Trình đã đi vào lịch sử dân gian dân ta. Bà con mình còn tôn kính ngài, bên cạnh vĩ nhân Nguyễn Trãi, là ‘cây đại thụ văn hóa dân tộc’ (qua nhiều tác phẩm dồi dào phong phú, được lưu truyền rộng rãi khắp nơi). Ngài cũng được yêu mến như một nhân sĩ chủ trương ‘nhân đạo chủ nghĩa’ cho mọi người. Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, Nguyễn Bỉnh Khiêm có khả năng là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có một tầm nhìn chiến lược thấu suốt sâu rộng và dài lâu.

Nhân tài chỗ nào ?



Có nhân sĩ đã nhận xét : “Trạng Trình là người khôi ngô anh tuấn, học hết các kinh sách lại rất tinh tế về nghĩa lý Kinh Dịch. Phàm việc mưa nắng, lụt hạn, họa phúc, điềm dữ, điềm lành, cơ suy, cơ thịnh... việc gì cũng biết trước.

Thật ra, bà con mình hay nhắc tới những biến cố lớn : ví dụ ông là người đã đưa ra lời khuyên giúp các nhà Nguyễn, Mạc, Trịnh, Lê. Khi Nguyễn Hoàng sợ bị anh rể Trịnh Kiểm giết, ông khuyên nên xin về phía nam với câu “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (có tài liệu viết là “khả dĩ dung thân”) nghĩa là “Một dải Hoành Sơn có thể dung thân lâu dài”. Nguyễn Hoàng nghe theo và lập được nghiệp lớn, truyền cho con cháu từ đất Thuận Hoá. Lúc nhà Mạc sắp mất cũng sai người đến hỏi ông, ông khuyên vua tôi nhà Mạc “Cao Bằng tuy thiển, khả diên số thể” (tức Cao Bằng tuy nhỏ, nhưng có thể giữ được). Nhà Mạc theo lời ông và giữ được đất Cao Bằng gần 80 năm nữa. Đối với Lê – Trịnh, khi vua Lê Trung Tông chết không có con nối, Trịnh Kiểm định thay ngôi nhà Lê nhưng còn sợ dư luận nên sai người đến hỏi ông. Ông nói với chú tiểu, nhưng thực ra là nói với bề tôi họ Trịnh: “Giữ chùa thờ Phật thì ăn oản” (ý nói giữ là bề tôi của các vua Lê thì lợi hơn). Trịnh Kiểm nghe theo, sai người tìm người tôn thất nhà Lê thuộc chi Lê Trừ (anh Lê Lợi) đưa lên ngôi, tức là vua Lê Anh Tông. Họ Trịnh mượn tiếng thờ nhà Lê nhưng nắm thực quyền điều hành chính sự, còn nhà Lê nhờ họ Trịnh lo đỡ cho mọi chuyện chính sự, hai bên nương tựa lẫn nhau tồn tại tới hơn 200 năm. Bởi thế còn có câu: “Lê tồn Trịnh tại”.

Dân gian lưu truyền nhiều bản Sấm ký được cho là của ông. Hiện nay ở kho sách Viện nghiên cứu Hán – Nôm còn giữ được bốn bản. Ví dụ có truyện kể lại rằng, trước khi qua đời, Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại một phong thư, đặt trong một ống quyển gắn kín, dặn con cháu sau này nếu làm ăn sa sút, mang thư ấy đến gặp quan sở tại thì sẽ được cứu giúp. Đến đời thứ bảy, người cháu thứ bảy là Thời Đương nghèo khốn quá, nhớ lời truyền lại, đem phong thư đến gặp quan sở tại. Quan lúc này đang nằm võng đọc sách, nghe gia nhân báo có thư của cụ Trạng Trình thì lấy làm lạ, lật đật chạy ra đón thư. Vừa ra khỏi nhà thì cái xà rơi xuống đúng chỗ võng đang nằm. Quan sợ hãi vội mở thư ra xem thì chỉ có mấy chữ:

“Ngã cứu nhĩ thượng lương chi ách Nhĩ cứu ngã thất thế chi tôn (Ta cứu ngươi thoát khỏi ách xà rơi Ngươi nên cứu cháu bảy đời của ta).

Quan vừa kinh ngạc, vừa cảm phục, bèn giúp đỡ cháu bảy đời của Trạng hết sức tử tế.

Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị như tập thơ Bạch Vân, gồm hàng trăm bài thơ chữ Hán (còn lưu lại) và hai tập Trình Quốc công Bạch vân thi tập và Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm thi tập, hay còn gọi là Bạch Vân quốc ngữ thi, (với hàng trăm bài thơ chữ Nôm) hiện còn lưu lại được một quyển của Bạch Vân thi tập gồm 100 bài và 23 bài thơ trong tập Bạch Vân Gia Huấn mang nhiều chất hiện thực và triết lý sâu xa, thể hiện đạo lý đối nhân xử thế lấy đức bao trùm lên tất cả, mục đích để răn dạy đời.

Nhờ học tính theo Thái Ất, ông tiên đoán được biến cố xảy ra 500 năm sau này. Người Trung Hoa khen Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là “An Nam lý số hữu Trình Tuyền”. Ông tinh thông về thuật số, được dân gian truyền tụng và suy tôn .

Chuyện thời sự hôm nay :



Bây giờ người Việt chúng ta thử bàn chuyện thời đại đang ‘nóng’với vụ ‘Biển Đông’ nhé :

Trạng Trình đã ghi rõ "Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình/Chí những phù nguy xin gắng sức/Cõi bờ xưa cũ tổ tiên mình".

Với con mắt chiến lược, nhìn thấy đại cục thiên hạ ngàn năm, Trạng Trình đã khuyên thế hệ sau phải nắm giữ được Biển Đông thì đất nước mới thái bình, thịnh trị muôn đời.

Bài thơ có tuổi đã khoảng 500 năm mà bây giờ càng đọc, càng thấy rất rất thời sự. Ta những tưởng như cụ Trạng Trình đang nói với chính chúng ta hôm nay. Bài thơ lắng đọng trong đó một tư tưởng chiến lược, một dự báo thiên tài: "Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình/Vạn lý Đông minh quy bả ác/ức niên Nam cực điện long bình".

Trải qua không ít thực tế, chúng ta càng thấy những câu thơ sấm truyền của cụ Trạng mang tính thời sự thức thời đối với người Việt. Hai câu thơ mang tính dự báo chiến lược của cụ Trạng càng khiến lay động từ sâu thẳm ý chí của người Việt về cái tâm thức bám biển, giữ biển của mình. Tự ngàn xưa, người Việt đã là những cư dân sông nước, cư dân của văn hóa biển đảo.

Với kho sấm truyền của cụ Trạng còn ứng đúng với những cục diện trên thế giới, tỉ như đại chiến thế giới lần thứ II. Đại chiến này khởi đầu khi phát xít Đức tấn công Ba Lan, từ năm 1940 đã bắt đầu rục rịch (cuối năm Thìn - Long vĩ) khởi đầu chiến tranh, đến năm 1941 (đầu năm Tỵ - Xà đầu) Hitler tấn công Liên Xô (cũ). Qua cuối năm 1942, giữa năm 1943 (Mã đề dương cước) thì đến năm 1944 - 1945 (Thân Dậu niên lai kiến thái bình) mới qua khỏi nạn chiến tranh.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa thể giải mã hết những bí ẩn của điều gọi là "Sấm Trạng Trình". Thực tế, cho đến nay vẫn cần sự quan tâm của các nhà khoa học để giải đáp. Cuối cùng, những lời sấm của nhà tiên tri số 1 Việt Nam cũng vẫn quay trở về với ý nghĩa sâu xa như ngay trong lời cảm đề ông đã viết: "Bí truyền cho con cháu - Dành hậu thế xem chơi", mọi ý nghĩa ‘sâu xa hơn’ vẫn là một câu hỏi lớn.

LM. Giuse Nguyễn Văn Thư
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sát Cánh Bên Nhau
Nguyễn Đức Cung
07:48 17/09/2018
SÁT CÁNH BÊN NHAU
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Dù cho sát cánh kề vai
Hay xa vạn dặm tình ta vẫn gần.
(nđc phóng ngữ)

Side by side or miles apart
Clear friends are always
close to the heart.
(ukn)