Ngày 16-09-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 17/09: Mảnh Đất tốt - Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Giáo Hội Năm Châu
02:32 16/09/2022

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: "Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm".

Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: "Ai có tai để nghe thì hãy nghe!". Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: "Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".

Đó là lời Chúa
 
Tôi tớ tiền tạo tình tốt
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:10 16/09/2022

TÔI TỚ TIỀN TẠO TÌNH TỐT

Đồng tiền có 2 mặt đối nghịch: Tiền có thể đưa con người lên cao hoặc đè con người xuống thấp. Nhờ tiền, con người có thể giúp nhau, nhưng cũng vì tiền, con người đã giết nhau. Tiền có sức mạnh làm đổi đời hay tiêu đời con người. Thực sự thì tiền trở nên tốt hay xấu, giúp ích hay phá hỏng cuộc đời là tùy thuộc vào thái độ của con người với tiền: Coi tiền là gì, kiếm tiền ra sao, tiêu tiền thế nào?

1. Tiền là tôi tớ. Có câu tục ngữ nổi tiếng: Tiền là đầy tớ tốt, nhưng là ông chủ xấu. Thực tế ngày nay nhiều người cần tiền. Người đời cần tiền, người đi tu còn cần tiền hơn. Cần tiền để làm việc bác ái, xây nhà thờ, nhà giáo lý, trường học, bệnh viện… Tiền đúng là đầy tớ tốt giúp ta làm được nhiều điều tốt đẹp. Thế nên, nếu ai không cần tiền nữa thì xin đưa đây, nhận liền. Tuy nhiên, tiền lại là ông chủ xấu gây ra lắm tội khi người ta coi tiền là trên hết. Khi ấy, thần tiền sẽ hủy diệt nhân phẩm và các mối liên hệ của người đó. Thế nên Chúa đã cảnh báo: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”.

2. Tiền tạo tình nghĩa. Khi coi tiền là đầy tớ, thì tiền lại là phương tiện để tạo tình nghĩa, để giúp đỡ nhau như diễn tả trong các câu thành ngữ: Bán anh em xa, mua láng giềng gần. Lá lành đùm lá rách. Gian nan mới biết bạn hiền. Chính Chúa Giêsu đã khuyên: hãy dùng tiền của mà mua bạn bè, để rồi, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Chúa muốn chúng ta dùng tiền vì yêu thương và hướng tới vĩnh cửu. Trong yêu thương, tiền trở thành những món quà tình nghĩa trao tặng trợ giúp nhau. Những đồng tiền cho đi ấy trở thành khoản đầu tư dài hạn trong Nước Trời vĩnh cửu.

Như thế, tiền là phương tiện chứ không phải thần tiên. Tiền không thể đè đầu, mà là người hầu, là nhịp cầu kết nối con người với nhau và với cả đời sau. Amen.
 
Khôn ngoan của con cái sự sáng
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
14:09 16/09/2022

KHÔN NGOAN CỦA CON CÁI SỰ SÁNG
CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN NĂM C

Dư luận thế giới đôi khi vẫn nhắc lại nỗi đau cho khoảng 1.000 nạn nhân trong các vụ bắt cóc tàn nhẫn diễn ra tại Cộng hòa Ossetia thuộc Liên bang Nga bắt hơn người làm con tin dạo đầu tháng 9.2004.

Xót xa nhất là cuộc tấn công vào một trường học ở Nga, làm thiệt mạng quá nhiều người, trong đó có trên 330 trẻ em phải chết cách dã man.

Những kẻ giết người là ai? Họ là những kẻ rất khôn ngoan, biết suy nghĩ, khả năng tính toán rất cao. Vì thế họ biết cách chọn lựa những phương án hành động tội ác, nhưng kín đáo, không ai có thể phát hiện. Rất tiếc sự khôn ngoan ấy đã bị lạm dụng, đã đặt sai chỗ, vì thế trở nên quá nguy hiểm cho nền hòa bình của thế giới, nguy hiểm cho sự sống của con người.

Trong đời sống thường nhật, chúng ta vẫn nghe nói nhiều đến sự khôn ngoan. Một người ăn nên làm ra, người ta bảo anh ta là người khôn ngoan. Ai đó ăn nói lợi khẩu, nói những lời duyên dáng, khoan thai, nói những lời hay, ý đẹp không làm phật ý người nghe, họ được gọi là khôn ngoan.

Hay ai đó có thể đoán biết ý đồ xấu của người khác, và tránh né được sự hãm hại dành cho mình, cũng là người khôn ngoan. Một em học sinh khôn ngoan biết chăm lo cho việc học tập của mình, học ngày một tiến tới. Ngay cả một người giỏi mánh khóe, xu nịnh, làm giàu bằng móc ngoặc, ăn cắp của công, hối lộ, tham nhũng… cũng được gọi là khôn ngoan.

Cũng vậy, hôm nay trong dụ ngôn Người quản lý, một bên Chúa Giêsu gọi anh ta là bất lương, bên kia Chúa cũng dùng một kiểu nói mà thói thường người đời vẫn nói: Đó là gọi người quản lý bất lương kia đã hành động khôn khéo. Vì anh ta đã sử dụng trí thông minh, sự gian dối, xảo quyệt của mình để hưởng lợi, để thỏa mãn những tính toán vụ lợi cho riêng mình.

Vấn đề được đặt ra là: Chúa khen ngợi người quản lý bị coi là bất lương ấy? Bởi đó cũng sẽ là bài học cho chúng ta?

Chắc không ai ngây thơ đến nổi nghĩ như thế. Vì ngay sau đó, Chúa Giêsu đã phân biệt rạch ròi: “con cái thế gian” và “con cái sự sáng”.

Đã gọi là con cái thế gian, nó chẳng bao giờ thuộc về thế giới của con cái sự sáng, nhưng nó chỉ thuộc về cuộc đời này, đi xa hơn, nó tắm mình và chìm đắm trong cuộc đời này.

Vì thuộc về thế gian, con cái thế gian sẽ giỏi mọi ngóc ngách, mọi luồn lách để có thể có được càng nhiều, càng tốt những bảo đảm cho bản thân khi sống trong cuộc đời này.

Bởi vậy, nếu chỉ nhìn ở phía thế gian với tâm hồn chỉ toàn chiếm hữu, vụ lợi, ích kỷ…, thì đúng là “con cái thế gian khôn ngoan hơn con cái sự sáng”.

Phân biệt rạch ròi giữa “sự sáng” và “thế gian” cho thấy sự tối tăm của thế gian là đêm tối giăng mắc đầy hiểm nguy. Do đó làm sao bóng tối ấy lại có thể là bài học cho chúng ta!

Chúa Giêsu cũng không khen ngợi việc làm bất lương của người quản lý. Đúng hơn, Chúa chỉ nhắm đến việc sử dụng trí thông minh, sự khôn ngoan sao cho phù hợp, đúng nơi, đúng lúc, nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất cho đời sống của mình.

Và trên hết, ta phải hiểu đây là một so sánh, Chúa đưa ra để giúp ta chọn lựa thái độ sống theo đòi hỏi của đức tin. Vì nếu nơi thế gian, con cái thế gian dùng sự khôn ngoan của nó để sống, thì con cái của ánh sáng hãy dùng sự khôn ngoan trong đức tin để đạt đến sự sống đời đời.

Qua câu chuyện Người quản lý bất lương, Chúa kêu mời ta hãy rút ra từ đó những ý nghĩa, những bài học cần thiết cho đời sống đức tin của mình. Vì có khi đổ vỡ của người khác, ngay cả tội lỗi của chính mình hay của ai đó, cũng có thể là bài học kinh nghiệm cần thiết cho chúng ta sống tốt hơn, đến gần Chúa hơn, biết xa tránh mọi dịp tội hơn. Nếu chiếc xe trước đã đổ trên lối mòn, thì xe sau phải tìm lối khác mà đi cách đường hoàng hơn, an toàn hơn.

Đó là sự khôn ngoan. Đó cũng chính là “con cái của sự sáng”. Vì sự khôn ngoan của con cái sự sáng là luôn biết nhận ra chính mình, để không bao giờ tự biến mình thành mối nguy cho mình hay cho anh chị em.

Hơn thế, sự khôn ngoan của con cái sự sáng sẽ dẫn họ đi trên con đường có tên Giêsu để mỗi ngày tự hoàn bị mình nhờ chính mẫu gương sống của Chúa Giêsu và Lời Chúa dẫn lối. Tắt một lời, sự khôn ngoan của người tín hữu Kitô là đi trên Chính Lộ mà chính Chúa Giêsu đã vạch ra.

Chính Lộ ấy, sự khôn ngoan ấy là một lối sống được tóm gọn trong Tám mối Phúc thật như sống nghèo khó, hiền lành, chấp nhận Thánh giá, khao khát sự công chính, thương yêu anh chị em, giữ tâm hồn thanh sạch để sống thánh thiện, biết gây bầu khí hòa bình, chấp nhận mọi thử thách vì lòng yêu mến Chúa. Đi trên chính lộ do Chúa khai mở, ta sẽ chẳng bao giờ phải lo lạc lối.

Bạn thân mến, là Kitô hữu, bạn và tôi có chính đời sống của Chúa Kitô làm mẫu mực và có chính Lời của Chúa làm chuẩn mực cho mọi suy nghĩ, hành vi, lối sống của mình.

Là Kitô hữu, sự khôn ngoan của bạn và tôi, không phải là sự khôn ngoan mà ta vẫn nghe thấy trong đời thường quanh mình, càng không thể chấp nhận thái độ chỉ chọn lựa sống khôn ngoan theo thói đời mà làm cho đời sống đức tin trở thành tăm tối.

Sự khôn ngoan của Kitô hữu chỉ có một con đường, đó là ướm mình theo khuôn mẫu của đời sống Chúa Kitô và sống theo Lời Người dạy mà Tám mối phúc thật là bảng tóm gọn của những lời dạy ấy.

Từ những hình ảnh cụ thể của tội ác khủng bố, đến hình ảnh của một người khéo vun quén cho đời sống trần gian của mình mà Chúa Giêsu cho thấy trong dụ ngôn Người quản lý bất lương, chúng ta rút ra bài học đáng giá cho mình: sự khôn ngoan của người tín hữu là trở nên giống Chúa Kitô để được Thiên Chúa yêu thương, đón nhận.

Đời sống Kitô hữu có một nỗi giằng co lớn. Đó là vì ta cũng giống như anh chị em mình: rất say mê cuộc đời, say mê không thua bất kỳ ai. Nhưng ta cũng lại rất say mê vĩnh cửu, say mê đến tận cùng.

Bởi vậy chúng ta hãy để có thể gặp cái vĩnh cửu trong cái mau qua; vui chơi như mọi người nhưng vẫn tìm niềm vui thiên quốc; làm việc và sống trong cuộc đời, nhưng cũng thăng tiến Nước Trời trong chính cuộc đời ấy.

Sự khôn ngoan chúng ta, những người Kitô hữu đó là sự khôn ngoan biết để Chúa đi vào toàn bộ cuộc đời mình.

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:42 16/09/2022

2. Đức Ái là cẩn thận, là khiêm tốn, là chính trực, không nhu nhược, không cợt nhả, không tham công việc huyễn hoặc; đức ái là tiết kiệm, là thanh khiết, thường giữ gìn ngũ quan.

(sách Gương Đức Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:44 16/09/2022
100. VẬT LAO VÀO CHỖ CHẾT

Có một công tử quyền qúy có một gia tài kếch sù nhưng lại không biết chữ, nhưng anh ta vẫn cứ bày ra trong phòng rất nhiều sách vở tranh ảnh, để chứng tỏ mình là thư sinh biết sách biết lễ. Lại còn mời mấy môn khách (địa chủ phong kiến, thực khách môn hạ quan lại) ngồi trong phòng sách thay anh ta tiếp khách.

Một hôm, người bạn viết thư đến mượn sách, công tử quyền quý mở ra xem mà không hiểu gì cả, bèn kêu môn khách đến xem, môn khách xem xong thì nói:

- “Ông ta đến mượn “Tống sử”.

Công tử quyền quý nổi giận nói:

- “Nhà ta không có vật lao vào chỗ chết, kêu nó đi qua nhà khác mà mượn”.

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 100:

Ở đời, không có tiền thì khổ, có tiền mà không biết chữ thì lại càng khổ hơn, nhưng khổ nhất chính là sống không thật với con người của mình.

- Người sống không thật với mình thì không tự nhiên giữa đám đông, vì sợ người khác biết “tẩy” của mình.

- Người sống không thật với mình thì trong lòng luôn lo lắng, vì sợ một ngày nào đó con người thật của mình sẽ bị lộ ra.

- Người sống không thật với mình thì lương tâm giống như có hàng ngàn con kiến bò làm cho áy náy khó chịu, vì cứ tưởng người khác thấy suy nghĩ giả dối của mình.

- Người sống không thật với mình thì thường hay liếc ngang liếc dọc láo liên như kẻ trộm, vì sợ người khác nhìn thấy hành vi không thật của mình...

Công tử quyền quý sống không thật với mình nên lấy tiền bạc để che đậy cái dốt nát, và mượn các môn khách làm bình phong che cái gian trá của mình, nhưng rồi cái dốt nát của mình vẫn cứ bị lộ vì sự dốt nát của mình.

Người dễ thương nhất là người sống thật với mình: không biết thì họ nói không biết và cố gắng học hỏi, biết thì họ nói biết và ra tay giúp đỡ người khác cách vui vẻ.

Đó chính là dễ thương và đơn sơ của Phúc Âm vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần Sống Một Câu Lời Chúa (CN 25 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:45 16/09/2022
CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Lc 16, 10-13

“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được.”


Anh chị em thân mến,

Sống ở đời cần phải có sự trung tín, trung tín trong việc nhỏ cũng như trung tín trong việc lớn, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã dạy như thế, và chỉ có như thế chúng ta mới có thể trở thành chứng nhân Tin Mừng cho Nước Trời tại trần gian này.

Trung tín trong việc nhỏ là những việc mà chúng ta có lúc cho là tầm thường, quá tầm thường nữa là khác, việc tầm thường ấy chính là mỗi tuần đến quét nhà thờ một lần, việc tầm thường ấy chính là mỗi tuần đi thăm một bệnh nhân mà đoàn thể đã ủy thác, việc tầm thường ấy là nhặt một miểng chai nằm giữa đường đi có thể gây thương tích cho người khác, việc tầm thường ấy là soạn bài giảng cho thánh lễ trẻ em mà chúng ta cho là không cần thiết.v.v…và còn nhiều việc rất tầm thường khác trong cuộc sống của chúng ta.

Trung tín trong những việc tầm thường hoặc việc nhỏ, là bày tỏ một ý chí quyết tâm cao của người Ki-tô hữu, có quyết tâm thì mới có thể trung tín, việc nhỏ quyết tâm làm thì việc lớn chắc chắn sẽ quyết tâm nhiều hơn nữa.

Trung tín trong việc lớn là trung tín trong những việc nhỏ, đó là lời khuyên đầy tính giáo dục và đạo đức của Đức Chúa Giê-su, bởi vì người chỉ biết trung tín với những việc lớn mà thôi thì sự trung tín ấy sẽ không được dài lâu, vì sự trung tín ấy của họ là trung tín của lợi nhuận, của ích kỷ và của tham lam.

Từ việc trung tín trong công việc hàng ngày, Đức Chúa Giê-su hướng dẫn chúng ta đến sự trung tín phải có trong việc thờ phượng Thiên Chúa, đó là trung tín với đức tin và tín ngưỡng của mình trong cuộc sống hàng ngày.

Anh chị em thân mến,

Có những người Ki-tô hữu chỉ trung tín với Đức Chúa Giê-su khi gia đình khá giả, khi cuộc sống phong lưu, nhưng đến khi gặp những chuyện đau buồn ngoài ý muốn thì không còn trung tín với Thiên Chúa nữa, họ oán trách Thiên Chúa, họ lơ là đi nhà thờ, và cuối cùng thì nghe theo lời bạn bè đi chùa miếu cúng vái những hình tượng mà đã có một thời họ cho là dị đoan nhảm nhí ma quỷ. Cho nên, lòng trung tín của chúng ta với Thiên Chúa cần phải giống như ông Gióp trong cựu ước khi bị bà vợ cám dỗ ông bất trung với Thiên Chúa, ông nói: “Cả bà cũng nói như một mụ điên. Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (G 2, 10a)

Sự bất trung của chúng ta đối với Thiên Chúa ở ngay trong con người của mình đó là khi chúng ta kiêu ngạo; ở ngay trong nhà và bên cạnh chúng ta, đó chính là vợ con, cha mẹ và bạn bè xúi giục chúng ta bỏ Chúa khi nhìn thấy những khó khăn mà chúng ta phải chịu, mà chính bà vợ và bạn bè của ông Gióp là những người đại diện, bởi vì khi lòng trung tín không được đặt trên nền tảng của đức tin và lòng yêu mến thì sẽ trở thành bất trung.

Không ai làm tôi hai chủ, bởi vì như thế có nghĩa là chúng ta có hai quả tim, mà người có hai qủa tim là quá bất bình thường, cũng vậy, người Ki-tô hữu không thể vừa làm con cái của Thiên Chúa vừa làm con cái của ma quỷ, vì như thế chúng ta không thể trở nên chứng nhân cho Tin Mừng của Đức Chúa Giê-su, đó chính là chúng ta đi hàng hai vừa thỏa hiệp với ma quỷ để hưởng thụ vật chất ở đời này, vừa khấn vái cầu xin Thiên Chúa ban ơn khi gặp khó khăn trong cuộc sống.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Hy vọng và Tin yêu
Lm. Minh Anh
20:02 16/09/2022

HY VỌNG VÀ TIN YÊU
“Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm”.

James Lewis Pettigru sống một cuộc sống rất mẫu mực, đến nỗi sau khi ông qua đời, cộng đồng đã dựng một tấm bia; trên đó, khắc những dòng này: “Không sợ hãi bởi dư luận; không mê hoặc bởi tâng bốc; không nao núng bởi tai ương! James Lewis Pettigru sống một cuộc sống dũng cảm và khí phách, chết một cái chết ‘hy vọng và tin yêu!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Sống một cuộc sống dũng cảm và khí phách, chết một cái chết ‘hy vọng và tin yêu!’”. Đó cũng là một trong những thông điệp lớn của Lời Chúa hôm nay. Bởi lẽ, dù một số hạt mà mầm sẽ héo khô và chết đi, vẫn có một số hạt tìm thấy đất màu mỡ; vậy, hãy ‘hy vọng và tin yêu’ vào tương lai của Vương Quốc! Các môn đệ của Chúa Giêsu sẽ là những mảnh đất màu mỡ này!

Qua thư Côrintô hôm nay, Phaolô nói đến những con người ‘hy vọng và tin yêu’ đó như những mảnh đất màu mỡ, những con người tin và sống sự sống phục sinh của Chúa Kitô, Đấng “Gieo xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ. Gieo xuống trong hèn mạt, sống lại trong vinh quang”. Ai sống cho Chúa Kitô, người ấy bước đi trong ánh sáng vinh quang của Ngài. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Con sẽ bước đi trước mặt Ngài, trong ánh sáng dành cho kẻ sống!”.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu mời gọi mọi người có một ‘đôi tai nội tâm’, “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!”. Dĩ nhiên, Ngài không nói đến đôi tai thể chất; Ngài nói đến ‘đôi tai của trái tim’, tận tuỵ thực hiện tất cả những gì được nghe. Các môn đệ là những người có những đôi tai đó; Phêrô từng xác tín, “Thầy mới có lời đem lại sự sống đời đời!”. Là những người ‘hy vọng và tin yêu’; họ nức lòng lắng nghe! Những người khác nghe nhưng chỉ để nghe; “họ nhìn mà không thấy; nghe mà không hiểu”. Họ không thực sự muốn nhìn, ước nghe; bởi lẽ, để thực sự thấy và hiểu, họ sẽ phải xoay chuyển cuộc sống, vốn họ chưa, hoặc không sẵn sàng cho điều này!

Các môn đệ của Chúa Giêsu là những người đã xoay chuyển cuộc sống; họ đã bỏ ghe thuyền, lưới chài và gia đình; bỏ cả an sinh, bạn bè để theo Ngài. Đó là kết quả của việc thấy và nghe. Họ là những mảnh đất tốt, sẵn sàng nhận hạt Lời, để nó bén rễ, phát triển và đơm trái; đó là một trái tim rộng mở, biết tiếp thu, luôn sẵn sàng thực hành điều Chúa muốn. Với “đôi tai của trái tim”, “đôi mắt của trí óc”, “đôi tay của lòng quảng đại” họ tìm kiếm Lời và làm cho Lời phát triển và sinh trái tốt trong đời sống. Với tinh thần mềm mỏng dễ dạy, họ học hỏi và hiểu biết thánh ý Chúa dành cho mình. Họ cố gắng loại bỏ mọi ồn ào phiền nhiễu của thế giới chung quanh để có thể tìm thấy sự nuôi dưỡng trong Lời; tâm hồn họ đầy tràn ‘hy vọng và tin yêu!’.

Anh Chị em,

“Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm”. Tin vào sức mạnh và quyền năng của Thiên Chúa, chúng ta có đủ ‘khí’, ‘nước’, ‘ánh nắng’ và ‘phân bón’ để trổ sinh bông hạt. Vì thế, “Sống một cuộc sống dũng cảm và khí phách”, là nghe Lời, giữ Lời; đồng thời, trung thành thực hành Lời cách kiên trì cùng với lòng cao thượng và quảng đại. Được như thế, nhất định chúng ta sẽ sinh hoa trái. Maximilian Kolbê, người tù của thế chiến thứ hai đã làm được điều đó, ngài đã sống trọn vẹn yêu thương khi “chết cho người mình yêu”. Gần gũi chúng ta hơn, Carlo Acutis, một chân phước sinh hoa trái, trở nên nguồn cảm hứng cho nhiều người, “Thánh hoá không phải là bài toán cọng, nhưng là bài toán trừ, bớt ‘chỗ của tôi’ để có ‘chỗ cho Chúa’”; bởi lẽ, “Mục tiêu của chúng ta là vô hạn, chứ không là hữu hạn”. Chính nơi tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa mà các thánh và cả chúng ta, đặt tất cả niềm ‘tin yêu và hy vọng!’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, như Carlo Acutis nhận định, con được sinh ra “như bản gốc”; đừng để con chết “như bản sao!”. Cho con say mê Lời, thực thi Lời, để con có thể luôn ‘tin yêu và hy vọng!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tông du Kazakhstan, Bài nói chuyện của Đức Phanxicô với các Giám mục, Linh mục, Phó tế, các người Thánh hiến, các Chủng sinh và các Nhân viên Mục vụ
Vũ Văn An
00:35 16/09/2022

Theo tin Tòa Thánh, hồi 10 giờ 30 ngày 15, tháng 9, tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Nur-Sultan, Kazakhstan, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gặp gỡ thân mật các Giám mục, Linh mục, Phó tế, các người Thánh hiến, các Chủng sinh và các Nhân viên Mục vụ.

Sau đây là bài nói chuyện của ngài với các đối tượng trên, dựa theo bản tiếng Anh, do Tòa Thánh cung cấp:



Anh em giám mục, linh mục và phó tế, các nam nữ thánh hiến, các chủng sinh và các nhân viên mục vụ thân yêu, xin chào buổi sáng!

Tôi hân hạnh được cùng anh chị em chào đón Hội đồng Giám mục Trung Á và gặp gỡ một Giáo hội có rất nhiều khuôn mặt, lịch sử và truyền thống khác nhau, tất cả đều hiệp nhất bởi một đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô. Tôi cảm ơn Đức cha Mumbiela Sierra vì những lời chào hỏi ân cần của ngài, trong đó ngài nói rằng “hầu hết chúng con là người nước ngoài”. Đó là sự thật, vì anh chị em đến từ nhiều nơi và quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, vẻ đẹp của Giáo hội phát xuất từ việc chúng ta là một gia đình, trong đó không ai là xa lạ. Tôi xin nhắc lại: trong Giáo Hội, không ai là khách lạ! Chúng ta là Dân thánh duy nhất của Thiên Chúa, được làm giàu bởi vô số dân tộc! Sức mạnh của dân tộc tư tế và thánh thiện này chính là ở khả năng múc tỉa sự phong phú từ sự đa dạng này, bằng cách chia sẻ với nhau việc chúng ta là ai và chúng ta có những gì. Thật vậy, “sự nhỏ bé” của chúng ta được tăng lên khi nó được chia sẻ.

Đoạn Kinh thánh chúng ta vừa nghe nói rất rõ điều này. Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng mầu nhiệm của Thiên Chúa đã được bày tỏ cho mọi dân tộc. Không chỉ dành cho những người được chọn, hoặc cho một tầng lớp tôn giáo, mà cho tất cả mọi người. Thật vậy, như thánh Tông đồ giải thích, giờ đây mỗi người chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa, vì mọi dân tộc “đã trở thành những người đồng thừa kế, những chi thể trong cùng một thân thể, và thông phần vào lời hứa trong Chúa Kitô Giêsu qua Tin Mừng” (Ep 3, 6).

Tôi muốn nhấn mạnh hai hạn từ được Thánh Phaolô sử dụng: những người thừa kế và lời hứa. Mặt khác, mỗi Giáo hội đặc thù là người thừa kế một lịch sử trước đó. Nó luôn luôn được sinh ra từ sự công bố về Tin Mừng ban đầu, về một sự kiện trước đó, của các tông đồ và những người truyền bá Tin Mừng, những người đã thiết lập nó dựa trên lời hằng sống của Chúa Giêsu. Mặt khác, mọi Giáo Hội đều là cộng đồng của những người đã thấy lời hứa của Thiên Chúa được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu và là những người, trong tư cách con cái của sự sống lại, sống trong hy vọng về một ứng nghiệm trong tương lai. Chúng ta được tiền định hưởng vinh quang đã hứa, vinh quang mà ngay bây giờ cũng đã tràn ngập trên hành trình của chúng ta một cách đầy hy vọng và mong đợi. Người thừa kế và lời hứa. Quá khứ chúng ta được thừa hưởng là ký ức của chúng ta, và lời hứa của Tin Mừng là tương lai của Thiên Chúa, Đấng đến gặp chúng ta. Đó là điều tôi muốn cùng anh chị em suy gẫm: một Giáo hội đang hành trình xuyên suốt lịch sử giữa ký ức và tương lai.

Đầu tiên, ký ức. Nếu ở đất nước rộng lớn, đa văn hóa và đa tôn giáo này, ngày nay chúng ta thấy các cộng đồng Kitô giáo sôi động và cảm thức tôn giáo hiện diện trong cuộc sống của người dân, điều này trên hết là nhờ vào lịch sử phong phú có trước anh chị em. Tôi nghĩ tới việc truyền bá Kitô giáo ở Trung Á, vốn đã bắt đầu từ những thế kỷ đầu tiên, của nhiều người truyền bá Tin Mừng và những nhà truyền giáo, những người đã dành cả cuộc đời của mình để truyền bá ánh sáng Tin Mừng, thành lập các cộng đồng, đền thờ, tu viện và nơi thờ phượng. Chúng ta cần tôn vinh và bảo tồn di sản Kitô giáo và đại kết, việc lưu truyền đức tin này, vốn diễn ra nhờ rất nhiều những con người bình thường, nhờ rất nhiều ông bà, cha và mẹ. Trên hành trình thiêng liêng và giáo hội của chúng ta, chúng ta phải luôn nhớ đến những người đầu tiên đã rao truyền đức tin cho chúng ta. Thật vậy, hành động tưởng nhớ này truyền cảm hứng cho chúng ta suy gẫm về những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã làm trong lịch sử, ngay giữa những khó khăn của cuộc sống và những giới hạn của bản thân và cộng đồng của chúng ta.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải chú ý. Đó không phải là nhìn lại với nỗi tiếc nuối, mắc kẹt trong quá khứ và để bản thân tê liệt và bất động. Khi làm như thế, chúng ta bị cám dỗ lùi bước. Thay vào đó, khi Kitô hữu nhìn lại và nhớ lại quá khứ, họ càng ngạc nhiên trước mầu nhiệm Thiên Chúa, lòng họ tràn đầy ngợi khen và biết ơn về những gì Chúa đã hoàn thành. Thật vậy, những tấm lòng biết ơn tràn ngập ca ngợi không nuôi dưỡng tiếc nuối, nhưng chào đón mỗi ngày như một ân sủng. Họ háo hức lên đường, tiến về phía trước, để truyền bá lời nói về Chúa Giêsu, giống như các phụ nữ và các môn đệ ở Emmau vào ngày lễ Phục sinh!

Ký ức sống động và đầy kinh ngạc về Chúa Giêsu mà chúng ta gợi nhớ hơn cả trong Bí tích Thánh Thể, là sức mạnh của một tình yêu thúc đẩy chúng ta. Nó là kho báu của chúng ta. Không có ký ức, chúng ta thiếu kinh ngạc. Khi chúng ta mất đi ký ức sống động đó, đức tin, lòng sùng mộ và các hoạt động mục vụ của chúng ta có nguy cơ chết dần, biến mất như một ánh chớp trong chảo, cháy sáng nhưng sau đó nhanh chóng lụi tàn. Khi chúng ta mất ký ức, niềm vui sẽ biến mất. Lòng biết ơn của chúng ta đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em của chúng ta cũng mất dần đi, bởi vì chúng ta rơi vào cơn cám dỗ muốn nghĩ rằng mọi thứ phụ thuộc vào chúng ta. Cha Ruslan nhắc nhở chúng ta một điều quan trọng: làm linh mục đã là một điều gì đó tuyệt vời, vì trong đời sống linh mục, chúng ta nhận ra rằng những gì diễn ra không phải là công trình của chúng ta, nhưng xuất hiện như một hồng phúc từ Thiên Chúa. Và Sơ Clara, khi nói về ơn gọi của mình, trước tiên muốn cảm ơn những người đã chia sẻ Tin Mừng với sơ. Cảm ơn vì những lời chứng này, mời gọi chúng ta ghi nhớ với lòng biết ơn những gì chúng ta đã thừa hưởng.

Xem xét kỹ hơn về sự kế thừa này, chúng ta thấy gì? Thấy đức tin không được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một tập hợp các ý tưởng cần được hiểu và tuân theo, như một quy tắc cố định và bất hủ. Không, đức tin của chúng ta đã được truyền qua cuộc sống, qua các nhân chứng đã rõi ánh sáng Tin Mừng lên những hoàn cảnh khác nhau nhằm soi sáng và thanh tẩy chúng, và truyền bá hơi ấm an ủi của Chúa Giêsu, niềm vui của tình yêu cứu rỗi và niềm hy vọng của Người. Như thế, nhờ ký ức, chúng ta học được rằng đức tin phát triển nhờ việc làm chứng. Mọi thứ khác xẩy ra sau đó. Đó là lời kêu gọi dành cho mọi người. Tôi muốn nhắc lại điều này: dành cho mọi người, cho giáo dân, giám mục, linh mục, phó tế, và những người nam nữ thánh hiến đang làm việc nhiều cách khác nhau trong đời sống mục vụ của cộng đồng chúng ta. Mong sao chúng ta không bao giờ mệt mỏi khi làm chứng cho chính trái tim của ơn cứu rỗi, cho sự mới mẻ của Chúa Giêsu, cho sự mới mẻ chính Chúa Giêsu! Đức tin không phải là một cuộc triển lãm đáng yêu về các đồ tạo tác từ quá khứ xa xôi hay một viện bảo tàng, nhưng là một sự kiện luôn hiện hữu, một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô đang diễn ra ở đây và bây giờ trong cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, chúng ta không thể lưu truyền nó bằng cách chỉ lặp lại những điều cũ kỹ, nhưng bằng cách truyền đạt sự mới mẻ của Tin Mừng. Bằng cách này, đức tin mãi sống động và có một tương lai. Như tôi hay nói, đức tin được lưu truyền qua “tiếng mẹ đẻ”.

Do đó, chúng ta đi đến hạn từ thứ hai: tương lai. Nhớ về quá khứ không làm chúng ta khép mình vào chính mình; nó mở cửa để chúng ta tiến vào lời hứa Tin Mừng. Chúa Giêsu bảo đảm với chúng ta rằng Người sẽ luôn ở với chúng ta, như vậy Người không chỉ là một lời hứa về tương lai. Ngày nay, chúng ta được mời gọi đón nhận sự đổi mới mà Chúa Giêsu Phục sinh đang mang lại trong cuộc sống của chúng ta. Bất chấp những điểm yếu của chúng ta, Người không bao giờ mệt mỏi khi ở bên chúng ta, cùng chúng ta xây dựng tương lai của Giáo hội của Người và của chúng ta.

Đương nhiên, khi đối diện nhiều thách thức đối với đức tin - tôi đặc biệt nghĩ đến những thách thức liên quan đến sự tham gia của những người trẻ vào đời sống của Giáo hội, những vấn đề và khó khăn của cuộc sống, và số lượng hạn chế những người thực hành đức tin trong một đất nước rộng lớn như đất nước này -, chúng ta có thể cảm thấy “nhỏ bé” và không thỏa đáng. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn mọi sự bằng cái nhìn tràn đầy hy vọng của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ phát hiện ra một điều đáng ngạc nhiên: Tin Mừng nói rằng “nhỏ bé”, nghèo nàn về tinh thần, là một phước lành, một mối phúc, và thực sự là mối phúc đầu tiên (x. Mt 5: 3). Vì một khi thừa nhận sự nhỏ bé của mình, chúng ta có thể khiêm tốn phó mình cho quyền năng của Thiên Chúa, Đấng dạy chúng ta không dựa Giáo Hội vào khả năng của chính chúng ta. Đây là một ân sủng! Tôi xin nhắc lại: có một ân sủng tiềm ẩn khi trở thành một Giáo hội nhỏ bé, một đoàn chiên nhỏ bé, vì thay vì phô trương sức mạnh, số lượng, cơ cấu của chúng ta và những điều khác quan trọng về mặt con người, chúng ta có thể để mình được Chúa hướng dẫn và khiêm nhường đến gần những người khác. Không giàu trong điều gì và nghèo trong mọi điều, chúng ta hãy bước đi một cách đơn sơ cùng với anh chị em của mình, mang niềm vui của Tin Mừng vào những hoàn cảnh của cuộc sống hàng ngày. Như men trong bột và như hạt nhỏ nhất gieo vào đất (x. Mt 13,31-33), mong sao chúng ta hòa mình vào những biến cố vui buồn của xã hội trong đó chúng ta đang sống, để phục vụ nó từ bên trong.

Làm người bé nhỏ cũng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta không tự lấy mình làm đủ: chúng ta cần Thiên Chúa. Chúng ta cũng cần những người khác, mọi người khác: các anh chị em Kitô hữu của chúng ta thuộc các giáo phái khác, những người giữ niềm tin tôn giáo khác với niềm tin của chúng ta, tất cả những người đàn ông và đàn bà có thiện chí. Mong sao chúng ta nhận ra, trong tinh thần khiêm tốn, rằng chỉ cùng với nhau, trong đối thoại và chấp nhận lẫn nhau, chúng ta mới có thể thực sự đạt được điều gì đó tốt đẹp vì lợi ích của tất cả mọi người. Đó là nhiệm vụ đặc biệt của Giáo Hội tại đất nước này: không phải là một nhóm bị sa lầy vào cùng một cách làm việc cũ kỹ, hoặc thu mình vào trong vỏ bọc của nó vì cảm thấy nhỏ bé, nhưng là một cộng đồng cởi mở đón nhận tương lai của Thiên Chúa, bừng cháy với Thần Khí của Người. Một cộng đồng sống động, tràn đầy hy vọng, cởi mở đón nhận sự mới mẻ của Chúa Thánh Thần và các dấu chỉ thời đại, được soi dẫn bởi thí dụ trong Tin Mừng về hạt giống nhỏ bé đang phát triển và sinh hoa kết trái trong tình yêu khiêm tốn và sáng tạo. Vì bằng cách này, lời hứa ban sự sống và phước lành mà Thiên Chúa Cha đổ xuống trên chúng ta qua Chúa Giêsu không những lớn lên trong đời sống chúng ta, mà còn thành ứng nghiệm trong đời sống của người khác.

Điều này xảy ra bất cứ khi nào chúng ta sống trong tình huynh đệ với nhau, bất cứ khi nào chúng ta quan tâm đến người nghèo và những người đau khổ, bất cứ khi nào chúng ta làm chứng cho công lý và sự thật trong các mối liên hệ cá nhân và xã hội của chúng ta, bác bỏ tham nhũng và giả dối. Các cộng đồng Kitô giáo, và đặc biệt là các chủng viện, phải là “trường học của sự chân thành”, không phải là nơi cứng ngắc và hình thức, mà là cơ sở đào tạo trong sự thật, cởi mở và chia sẻ. Chúng ta hãy nhớ rằng trong cộng đồng của chúng ta, tất cả chúng ta đều là môn đệ của Chúa. Tất cả chúng ta đều là môn đệ: mỗi người chúng ta đều cần thiết, và tất cả đều có phẩm giá bình đẳng. Không chỉ giám mục, linh mục và những người thánh hiến, nhưng mỗi người trong số những người đã được rửa tội. Chúng ta đã được hòa mình vào sự sống của Chúa Kitô và như Thánh Phaolô đã nhắc nhở chúng ta, mỗi người được mời gọi thừa hưởng và đón nhận lời hứa của Tin Mừng. Như thế, chúng ta phải nhường chỗ cho giáo dân, và đây là một điều tốt, kẻo cộng đồng của chúng ta trở nên cứng ngắc hoặc giáo sĩ trị. Một Giáo hội đồng nghị, đang hành trình hướng tới tương lai của Chúa Thánh Thần, là một Giáo hội hoan hô sự tham gia và chia sẻ trách nhiệm. Một Giáo hội, được hình thành trong sự hiệp thông, có thể ra đi để gặp gỡ thế giới. Tôi có ấn tượng trước một chủ đề lặp đi lặp lại trong tất cả các chứng từ được nghe. Kirill, cha của một gia đình, cũng như Cha Ruslan và các Nữ tu nhắc nhở chúng ta rằng, trong Giáo hội, được lên khuôn bởi Tin Mừng, chúng ta học được việc chuyển dịch từ ích kỷ sang tình yêu thương vô điều kiện. Điều này có nghĩa là đi ra khỏi chính chúng ta. Mỗi chúng ta phải làm điều đó không ngừng. Tất cả chúng ta cần nuôi dưỡng ơn phúc đã nhận được trong Bí tích Rửa tội. Hồng phúc này truyền cảm hứng cho chúng ta, dù chúng ta ở bất cứ đâu - trong các buổi nhóm họp giáo hội, trong gia đình, nơi làm việc, ngoài xã hội - để chúng ta trở thành những người nam và những người nữ của sự hiệp thông và hòa bình, gieo hạt giống tốt ở bất cứ nơi nào chúng ta đến. Sự cởi mở, vui vẻ và chia sẻ là những dấu hiệu của Giáo hội mới thành lập, và của Giáo hội ngày mai. Chúng ta hãy ước mơ và, với ân sủng của Thiên Chúa, làm việc cho một Giáo hội ngày càng tràn ngập niềm vui của Chúa Phục sinh, không sợ hãi và không cam chịu, bác bỏ sự cứng ngắc, giáo điều và dạy đời.

Anh chị em thân mến, mong sao tất cả các điều này có được nhờ sự chuyển cầu của các nhân chứng đức tin vĩ đại của đất nước này. Ở đây, tôi nghĩ đến Chân phước Bukowiński, một linh mục đã dành cả cuộc đời mình để chăm sóc những người bệnh tật, những người bị ruồng bỏ và những người khốn khó, và đã trả giá cho sự trung thành với Tin Mừng bằng tù đày và lao động khổ sai. Tôi được biết ngay trước khi được phong chân phước, luôn có những bó hoa tươi và một ngọn nến thắp sáng trên ngôi mộ của ngài. Điều này xác nhận rằng dân Chúa có thể nhận ra sự thánh thiện, và một mục tử yêu mến Tin Mừng. Ở đây, tôi muốn nói một lời đặc biệt với các giám mục, linh mục và chủng sinh: sứ mệnh của chúng ta không phải là người quản lý thánh thiêng hay những người chấp pháp các quy tắc tôn giáo, mà là những mục tử gần gũi với dân của mình, những biểu tượng sống động của trái tim từ bi của Chúa Kitô. Tôi cũng muốn nhắc đến những chân phước tử đạo Công Giáo Hy Lạp - Giám mục Budka, Cha Zaryczkyj, và Gertrude Detzel - hiện đã bắt đầu tiến trình phong chân phước. Như Miroslava đã nói với chúng ta, các ngài đã mang tình yêu của Chúa Kitô đến với thế giới. Anh chị em là người thừa kế của các ngài, vì vậy hãy là hứa hẹn của mùa thánh thiện mới nở hoa!

Xin anh chị em biết rằng tôi gần gũi với anh chị em. Tôi khuyến khích anh chị em đón nhận phần thừa kế thiêng liêng của mình với niềm vui và làm chứng cho nó một cách đại lượng, để tất cả những người anh chị em gặp gỡ có thể nhận ra rằng cũng có một hứa hẹn hy vọng dành cho họ. Tôi đồng hành với tất cả anh chị em bằng những lời cầu nguyện của tôi. Và bây giờ, chúng ta hãy phó mình cách đặc biệt cho Trái tim của Mẹ Maria Rất Thánh, đấng mà anh chị em hết sức tôn kính như Nữ Vương Hòa Bình. Tôi đã được biết một dấu hiệu đẹp đẽ về tình mẫu tử của ngài từng diễn ra vào thời điểm khó khăn khi nhiều người bị trục xuất và những người khác bị buộc phải bỏ đói và chết cóng. Là một người Mẹ dịu dàng và quan tâm, Mẹ đã lắng nghe những lời cầu nguyện mà các con của Mẹ dâng lên Mẹ. Giữa mùa đông lạnh buốt giá, tuyết tan nhanh để lộ ra một hồ nước đầy cá, nuôi sống nhiều người sắp chết đói. Tương tự, xin Đức Mẹ làm tan chảy những trái tim lạnh giá, lấp đầy cộng đồng của chúng ta bằng một tình huynh đệ mới, và ban cho chúng ta niềm hy vọng và lòng nhiệt thành mới đối với Tin Mừng! Tôi cảm ơn từng người trong số anh chị em và với tình cảm rất lớn, tôi ban phép lành của tôi cho anh chị em. Và tôi xin anh chị em, vui lòng, cầu nguyện cho tôi.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng việc các nước cung cấp vũ khí cho Ukraine tự vệ là hợp đạo lý
Đặng Tự Do
17:11 16/09/2022


Hôm thứ Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết việc các nước cung cấp vũ khí cho Ukraine để giúp Ukraine tự vệ trước sự xâm lược của Nga là hợp pháp về mặt đạo đức.

Phát biểu với các phóng viên sau khi trở về sau chuyến công du kéo dài 3 ngày tới Kazakhstan, Đức Phanxicô đã đưa ra lập trường trên và cũng kêu gọi Kyiv cởi mở đối thoại, mặc dù điều đó có thể “có mùi” vì sẽ gây khó khăn cho phía Ukraine.

Trước câu hỏi của một phóng viên về việc các quốc gia gửi vũ khí đến Ukraine có đúng về mặt đạo đức hay không, Đức Giáo Hoàng nói:

“Đây là một quyết định chính trị mà nó có thể có ý nghĩa đạo đức, có thể chấp nhận được về mặt đạo đức, nếu nó được thực hiện trong những điều kiện phù hợp luân lý… Tự vệ không chỉ là phù hợp mà còn là biểu hiện của tình yêu quê hương đất nước. Ai đó không bảo vệ chính mình, người không bảo vệ một cái gì đó, không yêu nó. Những người bảo vệ một cái gì đó rất yêu quý điều đó”.

Giải thích về sự khác biệt khi việc cung cấp vũ khí cho quốc gia khác là đúng đắn hay vô luân, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Nó có thể là vô luân nếu có ý định kích động thêm chiến tranh, hoặc bán vũ khí hoặc tháo khoán số vũ khí mà một quốc gia không còn cần nữa. Động lực phần lớn là yếu tố định tính về mặt đạo đức của hành động này”.

Đức Giáo Hoàng cũng được hỏi liệu Ukraine có nên đàm phán với Nga hay không và liệu Ukraine có nên vạch ra “lằn ranh đỏ” hay không, tùy thuộc vào các hoạt động của Nga, khiến nước này có thể từ chối đàm phán.

“Luôn luôn là khó để hiểu được việc đối thoại với các quốc gia gây ra chiến tranh... rất khó nhưng không nên loại bỏ nó. Tôi sẽ không loại trừ đối thoại với bất kỳ cường quốc nào đang có chiến tranh, ngay cả khi nó là với kẻ xâm lược.... Đôi khi bạn phải thực hiện đối thoại như thế này. Nó có mùi nhưng nó phải được thực hiện”.
Source:Reuters
 
Ngôi mộ tập thể với 440 thi thể ở Izium
Đặng Tự Do
17:12 16/09/2022


'TỘI PHẠM CHỐNG NHÂN LOẠI' 'Ngôi mộ tập thể với 440 thi thể' được phát hiện trong thành phố được giải phóng khỏi sự kiểm soát của Nga, khi cuộc phản công của Ukraine tiếp tục

Trong bản báo cáo sáng thứ Sáu 16 tháng 9, Bộ Nội Vụ Ukraine cho biết một ngôi mộ tập thể chứa ít nhất 440 thi thể đã được tìm thấy tại một thành phố do quân Nga chiếm giữ từ ngày 1 tháng Tư cho đến khi được lực lượng Ukraine giải phóng vào ngày 10 tháng 9 vừa qua.

Cảnh sát trưởng điều tra Serhii Bolvinov cho biết tất cả các thi thể sẽ được đào lên và đưa đi giám định pháp y để thu thập bằng chứng nghi ngờ tội ác chiến tranh của Nga.

Ông mô tả khám phá nghiệt ngã này là “tội ác chống lại loài người”.

Cảnh sát hàng đầu nói với Sky News: “Tôi có thể nói rằng có một trong những khu chôn cất lớn nhất ở một thành phố vừa được giải phóng. Khoảng 440 thi thể được chôn ở một nơi.”

“Rất nhiều thi thể vẫn chưa được xác định danh tính. Vì vậy, lý do của cái chết sẽ được xác định trong quá trình điều tra. “

Anh nói thêm: “Đối với tôi, nó đặc biệt gây sốc và kinh khủng và đây là một tội ác chống lại loài người. Nó không nên xảy ra như thế này trong một thế giới văn minh vào năm 2022.”

“Đây là một câu chuyện kinh khủng và khó chịu từ mọi góc độ. Tôi tin chắc rằng kẻ ác chắc chắn sẽ bị trừng trị “.

Bolvinov cho biết các viên chức của ông cũng biết về một số ngôi mộ tập thể khác trong khu vực.

Hồi tháng 4, Ukraine bắt đầu nhiệm vụ khó khăn là đào một ngôi mộ tập thể ở Bucha, nơi chôn cất ít nhất 400 nạn nhân của những hành động tàn bạo của Nga.

Biến cố tại Izium diễn ra khi Putin phải đối mặt với sự sỉ nhục ở Ukraine khi ông ta phải chịu tổn thất lớn trong cuộc phản công của Ukraine.

Tổng thống Zelenskiy thề sẽ tiếp tục xông lên phía trước khi quân đội của ông tiến đến rìa Donbas do Nga chiếm giữ trong một cuộc phản công ngoạn mục.

Nhà lãnh đạo anh hùng đã đến thăm thị trấn Izium - một thành trì cũ của Nga - vài ngày sau khi quân đội của Putin bỏ chạy trong thất bại nặng nề nhất kể từ khi rút lui khỏi Kyiv.

Ông nói: “Chúng ta đang đi theo một hướng duy nhất - về phía trước và hướng tới chiến thắng.”

Quân đội Ukraine đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc trên các mặt trận phía đông và phía nam, trong bối cảnh quyết tâm quân sự của Nga đã sụp đổ.

Ukraine cho biết họ đã giải phóng khoảng 6.000 km vuông - một khu vực có diện tích bằng Devon - với cuộc tấn công chớp nhoáng vào tuần trước khiến quân đội Nga bất ngờ.

Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết: Các vũ khí tầm xa của Anh và Mỹ - bao gồm các bệ phóng hỏa tiễn di động cao hay HIMARS và hệ thống hỏa tiễn hàng loạt có hướng dẫn hay GMLRS - là chìa khóa thành công của cuộc phản công Kharkiv.

Biến cố này cũng diễn ra trong bối cảnh có các báo cáo cho thấy quân đội của Putin đã bắt đầu rời bỏ một thành phố lớn khác khi đối mặt với cuộc phản công chớp nhoáng của Ukraine.

Các lực lượng Nga được cho là đang rút khỏi Melitopol ở khu vực Zaporizhzhia, miền nam Ukraine và tiến về Crimea do Mạc Tư Khoa sáp nhập trong một đòn sỉ nhục mới đối với Điện Cẩm Linh.
Source:The Sun
 
Lời khai kinh hoàng của một nhân viên y tế Ukraine trước Quốc Hội Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
17:14 16/09/2022


Một nhân viên y tế tình nguyện Ukraine bị lực lượng Nga bắt giữ trong cuộc vây hãm thành phố cảng Mariupol chết chóc đã đưa ra lời khai kinh hoàng trước các nhà lập pháp Hoa Kỳ vào hôm thứ Năm, kể lại những kinh nghiệm bị tra tấn, chết chóc và khủng bố mà cô đã phải trải qua.

Yuliia Paievska, người đã bị giam giữ tại Mariupol vào tháng 3 và bị lực lượng Nga và thân Nga giam giữ trong 3 tháng, đã phát biểu trước Ủy ban Helsinki, một cơ quan chính phủ được thành lập để thúc đẩy việc tuân thủ nhân quyền trên toàn thế giới.

Được biết đến với biệt danh Taira, Paievska đã thu hút được sự chú ý trên toàn cầu sau khi cô chuyển cảnh quay bằng camera gắn trên người của mình cho Associated Press ngay trước khi họ rời Mariupol.

Giọng cô nghẹn ngào vì xúc động, cô liệt kê cho ủy ban một số hành động tàn bạo mà cô đã chứng kiến ở Mariupol, và đặc biệt là trong thời gian bị giam cầm:

Người thân và nhà nước Ukraine không thể biết về số phận của các tù nhân mang thai

Một chiến binh đã bị đánh đập trong ba giờ và sau đó bị ném xuống tầng hầm như một cái bao tải. Và chỉ một ngày sau, anh ta lại bị đánh tiếp.

Một đứa trẻ chết ngay trong vòng tay của người mẹ.

Một cậu bé bảy tuổi với vết đạn chết trong vòng tay của tôi vì tôi không thể cứu cậu bé trong hoàn cảnh đó.

Các tù nhân trong phòng giam của họ la hét hàng tuần và chết vì bị tra tấn mà không có bất kỳ sự trợ giúp y tế nào trong thời gian bị giam giữ ở địa ngục này. Điều duy nhất họ cảm thấy trước khi chết là bị ngược đãi và bị đánh đập tàn bạo.

Bạn tôi, người mà tôi vuốt mắt cho anh ấy trước khi anh chết. Sau đó, tôi lại vuốt mắt cho một người bạn khác. Và những người khác, cứ thế hết người này đến người khác.

Một thành phố có nửa triệu người đang chết trước mắt tôi, dưới các cuộc không kích, có kế hoạch, bài bản.

Người Nga thẳng tay không kích vào bệnh viện và khu dân cư.

Một bệnh viện đầy thương binh và thường dân, nơi thuốc mê đã hết và thuốc kháng sinh cũng hết.

Các binh sĩ và toàn bộ nhân viên y tế ngủ hai, ba giờ mỗi ngày vì các ca phẫu thuật nối tiếp nhau.

Những chiếc xe cứu thương Medivac cứ 5, 10 phút lại đến với những người bị thương và người chết nằm chồng chất lên nhau, và số phận của những người này thật không may bất kể các nỗ lực của các bác sĩ và y tá.

Người Nga đốt xe hơi, thiêu sống những người đang rên la trong đó.

Các nhân viên cảnh sát đưa phụ nữ và trẻ em ra khỏi đống đổ nát hình dạng không còn có thể nhận ra được.

Người dân phải uống nước từ vũng nước sình lầy.

Những ngôi nhà bị cướp phá.

Những chú chó từng là thú cưng kéo chân tay con người đi khắp thành phố.

Các tù nhân bị kẻ giết người buộc phải cởi bỏ quần áo trước khi họ bị giết từ từ.

Phòng tra tấn được chuẩn bị đặc biệt.

Paievska cho biết một người lính Nga đã hỏi cô khi anh ta tra tấn cô: “Mày có biết tại sao chúng tao làm như thế này với mày không?”. “Bởi vì mày có thể, bây giờ là giờ của mày” cô ấy trả lời, và cho biết cô đã muốn phỏng theo cách Chúa Giêsu trả lời Quan tổng trấn Phongxiô Philatô.
Source:ABC News
 
Nguyên văn cuộc phỏng vấn Đức Phanxicô trên chuyến máy bay từ Kazakhstan về Rôma
Vũ Văn An
19:29 16/09/2022

Theo Vatican News, Trên chuyến bay trở về Rôma từ Kazakhstan hôm thứ Năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với các phóng viên rằng "phương Tây suy đồi tạo ra chủ nghĩa dân túy; về chính trị, chúng ta phải bắt đầu lại từ các giá trị.... Với Trung Quốc, chúng ta cần kiên nhẫn đối thoại."

Ngài cũng nói đến cuộc chiến ở Ukraine, quyền tự vệ của một quốc gia và nạn buôn bán vũ khí.

Trả lời câu hỏi về tình hình ở Đức, Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng Giáo hội cần các mục tử, chứ không phải các kế hoạch mục vụ.

Mở đầu cuộc họp báo, Đức Giáo Hoàng đã chúc mừng sinh nhật nhà báo Stefania Falasca của Avvenire và sau đó có một chiếc bánh để chúc mừng cô.

Sau đây là nguyên văn cuộc họp báo dựa vào bản tiếng Anh không chính thức của Bộ Truyền thông Tòa Thánh:



Zhanat Akhmetova, Đài tuyền hình Khabar: "Thưa Đức Thánh Cha, xin chúc Đức Thánh Cha một ngày tốt đẹp. Xin chân thành cảm ơn Đức Thánh Cha đã đến thăm Kazakhstan. Kết quả chuyến thăm của Đức Thánh Cha, nguồn gốc của dân tộc chúng con, điều gì đã truyền cảm hứng cho Đức Thánh Cha?"

Đối với tôi, đó cũng là một điều ngạc nhiên, bởi vì Trung Á - ngoại trừ âm nhạc của Borodin - tôi thực sự không biết gì cả. Thật bất ngờ khi tìm thấy các đại diện của quốc gia này. Và Kazakhstan cũng thực sự là một bất ngờ, vì tôi không ngờ mọi chuyện lại như vậy. Tôi biết rằng đó là một đất nước, một thành phố, đã phát triển tốt, theo một cách thức thông minh. Thế nhưng, chỉ ba mươi năm kể từ ngày độc lập, đã thấy có sự phát triển như vậy, tôi không ngờ.

Ngoài ra, nó là một đất nước rộng lớn như vậy, mà chỉ có mười chín triệu dân – thật không thể tin được. Rất kỷ luật, và tốt đẹp. Với rất nhiều vẻ đẹp: kiến trúc của thành phố được bố trí cân đối, hợp lý. Một thành phố hiện đại, một thành phố mà tôi có thể nói là "của tương lai."

Đó là điều khiến tôi hết sức có ấn tượng: khát vọng tiến lên không chỉ trong kỹ nghệ, phát triển kinh tế và vật chất, mà còn cả phát triển văn hóa nữa. Đó là một bất ngờ mà tôi không mong đợi. Rồi, Đại hội là một biến cố rất quan trọng. Nó là lần thứ bảy đấy. Điều này có nghĩa đó là một quốc gia có tầm nhìn xa, đem vào đối thoại những người thường bị loại bỏ. Bởi vì có một nhận thức cấp tiến của thế giới, đối với họ, các giá trị tôn giáo là thứ đầu tiên bị loại bỏ. Đó là một quốc gia cung cấp cho thế giới một đề xuất như vậy - bây giờ là lần thứ bảy; quả tuyệt vời! Nếu có thời gian tôi sẽ quay lại cuộc họp liên tôn này. Bạn có thể tự hào về đất nước và quê hương mà bạn có.

Rudiger Kronthaler, ARD: "Thưa Đức Thánh Cha, xin cảm ơn Đức Thánh Cha vì thông điệp hòa bình của ngài, con là người Đức, như Đức Thánh Cha có thể nghe thấy từ giọng nói của con. Người dân của con phải chịu trách nhiệm cho hàng triệu cái chết cách đây tám mươi năm. Con muốn hỏi một câu hỏi về hòa bình, vì dân tộc của con có trách nhiệm đối với hàng triệu người chết, chúng con học ở trường rằng bạn không bao giờ được sử dụng vũ khí, không bao giờ được dùng bạo lực: ngoại lệ duy nhất là quyền tự vệ. Theo Đức Thánh Cha, Ukraine có nên được cung cấp vũ khí vào lúc này không? "

Đây là một quyết định chính trị, có thể là đạo đức - có thể chấp nhận được về mặt đạo đức - nếu nó được thực hiện theo các điều kiện của đạo đức, vốn đa dạng, và sau đó chúng ta có thể nói về nó. Nhưng nó có thể là trái đạo đức nếu nó được thực hiện với ý định kích động thêm chiến tranh hoặc bán vũ khí hoặc loại bỏ những vũ khí không còn cần thiết. Động cơ là điều phần lớn xác định ra tính đạo đức của hành vi này. Tự vệ không những hợp pháp mà còn là biểu thức nói lên tình yêu quê hương đất nước. Những người không bảo vệ chính mình, những người không bảo vệ một điều gì đó, thì không yêu thương nó, trái lại, những người bảo vệ nó, chắc chắn yêu thương nó.

Ở đây bạn đề cập đến một điều khác mà tôi đã nói trong một bài phát biểu của mình, đó là người ta nên suy nghĩ nhiều hơn về khái niệm chiến tranh chính nghĩa. Bởi vì ngày nay mọi người đều nói về hòa bình: trong rất nhiều năm, trong bảy mươi năm, Liên Hiệp Quốc đã nói về hòa bình; họ đã có rất nhiều bài phát biểu về hòa bình. Nhưng hiện tại có bao nhiêu cuộc chiến đang diễn ra? Cuộc chiến bạn đề cập, Ukraine-Nga, bây giờ là Azerbaijan và Armenia đã ngừng một thời gian nhờ Nga đóng vai trò người bảo đảm: người bảo đảm hòa bình ở đây và gây chiến ở kia... Sau đó là Syria, mười năm chiến tranh, điều gì tiếp tục ở đó mà vì đó nó không bao giờ dừng lại? Những lợi ích nào đang thúc đẩy những thứ này? Rồi vùng Sừng châu Phi, rồi phía bắc Mozambique, hay Eritrea và một phần của Ethiopia, rồi đến Myanmar với những con người đau khổ mà tôi vô cùng yêu mến, những người Rohingya cứ đi quanh quẩn như một người gypsy và không tìm thấy bình yên. Nhưng chúng ta đang ở trong một cuộc chiến tranh thế giới, làm ơn...

Tôi nhớ một sự kiện có tính bản thân, khi còn nhỏ; lúc ấy tôi chín tuổi. Tôi nhớ nghe tiếng báo động của tờ báo lớn nhất ở Buenos Aires: đôi khi để ăn mừng và những lúc khác để đưa tin xấu. Họ sẽ nói điều đó - bây giờ họ không còn nói nữa - và điều đó được nghe thấy ở khắp thành phố. Mẹ nói: "Chuyện gì vậy?" Chúng tôi đang ở trong chiến tranh, năm 1945. Một người hàng xóm đến nhà, và nói, "Chuông báo động..." và bà ấy khóc, "Chiến tranh đã kết thúc!" Và tôi vẫn thấy má và người hàng xóm khóc vì sung sướng vì chiến tranh đã kết thúc, ở một đất nước Nam Mỹ, rất xa! Những người phụ nữ này biết rằng hòa bình lớn hơn tất cả các cuộc chiến tranh, và họ đã khóc vì sung sướng khi hòa bình được tạo ra. Tôi không thể quên điều đó.

Tôi tự hỏi, không biết ngày nay trái tim chúng ta có được giáo dục đủ để khóc vì sung sướng khi thấy hòa bình hay không. Mọi thứ đã thay đổi. Nếu bạn không gây chiến, bạn không có ích gì! Rồi kinh doanh vũ khí. Đây là một cửa hàng của các sát thủ. Ai đó hiểu về số liệu thống kê đã nói với tôi rằng nếu bạn ngừng chế tạo vũ khí trong một năm, bạn sẽ giải quyết được tất cả nạn đói trên thế giới - tôi không biết điều đó có đúng hay không. Nhưng nạn đói, nền giáo dục; nó vô dụng, bạn không thể vì bạn phải chế tạo vũ khí.

Ở Genoa vài năm trước đây, ba hoặc bốn năm trước đây, một con tàu chở đầy vũ khí đã đến để chuyển chúng sang một con tàu lớn hơn sắp đi đến châu Phi, gần Nam Sudan. Các công nhân bến tàu không muốn làm điều đó; họ phải trả giá, nhưng họ nói, "Tôi sẽ không hợp tác." Đó là một giai thoại nhưng là một giai thoại khiến người ta cảm thấy ý thức về hòa bình.

Bạn nói về quê hương của bạn. Một trong những điều tôi học được từ các bạn là khả năng ăn năn và xin tha thứ cho những sai lầm trong chiến tranh. Và điều nữa, không chỉ xin tha thứ, mà còn đền trả cho những sai lầm trong chiến tranh nữa - điều này nói rất tốt về các bạn. Đó là một tấm gương mà chúng ta nên noi theo. Chiến tranh tự nó là một sai lầm; đó là một sai lầm! Và ngay bây giờ chúng ta đang hít thở bầu không khí này: nếu không có chiến tranh thì dường như không có sự sống. Hơi lộn xộn nhưng tôi đã nói tất cả những gì tôi muốn nói về chiến tranh chính nghĩa. Nhưng quyền tự vệ, thì có, điều đó có, nhưng hãy sử dụng nó khi cần thiết.

Sylwia Wysocka, PAP: "Thưa Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha từng nói: chúng ta không bao giờ có thể biện minh cho bạo lực. Mọi thứ đang xảy ra ở Ukraine bây giờ là bạo lực, chết chóc, tàn phá hoàn toàn bởi Nga. Chúng con ở Ba Lan có cuộc chiến gần đến ngưỡng cửa của chúng con, với hai triệu người tị nạn. Con muốn hỏi xem Đức Thánh Cha có nghĩ rằng có lằn ranh đỏ mà quá đó, Đức Thánh Cha không nên nói hay không: chúng tôi sẵn sàng đối thoại với Moscow. Bởi vì rất nhiều người khó hiểu được sự cởi mở này. Và con cũng muốn hỏi liệu chuyến đi tiếp theo có đến Kyiv không. "

Tôi sẽ trả lời điều đó, nhưng tôi muốn những câu hỏi về chuyến đi được hỏi trước...

Tôi nghĩ rằng luôn khó hiểu cuộc đối thoại với các quốc gia khởi đầu chiến tranh, và có vẻ như bước đầu tiên là từ đó, từ phía đó. Khó nhưng chúng ta không được vứt bỏ nó; chúng ta phải mở rộng cơ hội đối thoại cho mọi người, cho tất cả mọi người! Vì luôn có khả thể này là trong đối thoại, chúng ta có thể thay đổi sự việc, và cũng đưa ra một quan điểm khác, một điểm xem xét khác.

Tôi không loại trừ đối thoại với bất cứ thế lực nào, cho dù đó là nước đang gây chiến, cho dù đó là kẻ xâm lược... đôi khi đối thoại phải được thực hiện theo cách này, nhưng nó phải được thực hiện; nó "bốc mùi", nhưng nó phải được thực hiện. Luôn luôn đi trước một bước, một bàn tay dang rộng, luôn luôn! Bởi vì nếu không chúng ta sẽ đóng cánh cửa hợp lý duy nhất dẫn đến hòa bình.

Đôi khi một số không chấp nhận đối thoại: quá tệ! Nhưng đối thoại luôn phải được thực hiện, ít nhất là được đề nghị, và điều này tốt cho những người đề nghị; nó giúp họ đỡ ngột ngạt.

Loup Besmond de Senneville, LA CROIX: "Thưa Đức Thánh Cha, cảm ơn Đức Thánh Cha rất nhiều về những ngày này ở Trung Á. Trong chuyến đi này, đã có rất nhiều cuộc nói chuyện về các giá trị và đạo đức, đặc biệt là trong Đại hội Liên tôn, và một số nhà lãnh đạo tôn giáo đã gợi lên sự mất mát của phương Tây vì nó suy thoái đạo đức. Ý kiến của Đức Thánh Cha ra sao về điều này? Đức Thánh Cha có cho rằng phương Tây đang ở trong tình trạng diệt vong, bị đe dọa bởi việc đánh mất các giá trị của nó? Con nghĩ đặc biệt tới một cuộc tranh luận về an tử, về việc kết liễu sự sống, một cuộc tranh luận đã và đang diễn ra ở Ý, nhưng cả ở Pháp và Bỉ nữa."

Đúng là phương Tây, nói chung, không ở mức độ làm gương cao nhất hiện nay. Nó không hề còn là một đứa bé rước lễ lần đầu nữa. Phương Tây đã đi theo những con đường sai lầm; thí dụ, chúng ta nghĩ tới sự bất công xã hội đang hiện hữu giữa chúng ta. Có một số quốc gia đã phát triển hơn một chút về công bằng xã hội, nhưng tôi nghĩ tới lục địa của tôi, Châu Mỹ Latinh, cũng là phương Tây. Chúng ta cũng nghĩ tới Địa Trung Hải, cũng là phương Tây: ngày nay nó là nghĩa địa lớn nhất, không phải của châu Âu, mà là của nhân loại.

Phương Tây đã mất gì khi quên tiếp đón, khi nó cần người? Khi bạn nghĩ tới mùa đông nhân khẩu học mà chúng ta hiện có: nó cần người ta: cả ở Tây Ban Nha – nhất là ở Tây Ban Nha - ngay cả ở Ý cũng có những ngôi làng trống trải, chỉ có hai mươi bà già ở đó, và không có gì khác.

Nhưng tại sao không thực hiện một chính sách của phương Tây, trong đó người nhập cư được bao gồm với nguyên tắc qui định rằng người di cư phải được chào đón, đồng hành, cổ vũ và hòa nhập? Điều đó rất quan trọng, để hòa nhập, nhưng thay vào đó: "không", và bạn để sự việc trống rỗng. Đó là sự thiếu hiểu biết các giá trị, khi phương Tây trải nghiệm điều này, chúng ta là những quốc gia đã di cư.

Ở đất nước của tôi – đất nước mà tôi nghĩ hiện tại là 49 triệu người - chúng tôi chỉ có ít hơn một triệu người bản địa, và tất cả những người khác đều có nguồn gốc di cư, mọi người: Người Tây Ban Nha, người Ý, người Đức, người Slav Ba Lan, từ Tiểu Á, người Lebanon, tất cả mọi người... Ở đó máu được pha trộn, và kinh nghiệm này đã giúp chúng tôi rất nhiều.

Rồi, vì lý do chính trị, nó không diễn ra tốt đẹp ở các nước Mỹ Latinh, nhưng tôi nghĩ việc di cư vào thời điểm này nên được xem xét nghiêm túc, vì nó nâng cao giá trị trí thức và thích hợp của phương Tây lên một chút.

Ngược lại, với mùa đông nhân khẩu này, chúng ta sẽ đi đâu? Phương Tây đang suy tàn về điểm này; nó hết hạn một chút, nó đã mất...

Hãy nghĩ về khía cạnh kinh tế: nhiều điều tốt đã được thực hiện, nhưng chúng ta hãy nghĩ về tinh thần chính trị và huyền nhiệm của Schuman, Adenauer, De Gasperi, những vĩ nhân đó: họ đang ở đâu ngày nay? Có những con người vĩ đại, nhưng họ không thể đưa xã hội tiến lên. Phương Tây cần đối thoại, tôn trọng lẫn nhau, và rồi có nguy cơ là chủ nghĩa dân túy.

Điều gì xảy ra trong một trạng thái chính trị xã hội như vậy? Các đấng Mêxia sinh ra: các đấng mêxia của chủ nghĩa dân túy. Chúng ta đang thấy các chủ nghĩa dân túy ra đời như thế nào, tôi nghĩ một vài lần tôi đã đề cập đến cuốn sách đó của Ginzberg, Sindrome 1933: ông ấy nói chủ nghĩa dân túy ra đời như thế nào ở Đức sau khi chính phủ Weimar sụp đổ. Đó là cách các chủ nghĩa dân túy phát sinh: khi nửa vời không đủ sức mạnh, thì người ta hứa hẹn một đấng mêxia.

Tôi nghĩ người phương Tây chúng ta không ở cấp cao nhất trong việc giúp đỡ các dân tộc khác, có phải chúng ta có chút suy đồi không? Có thể có, nhưng chúng ta phải tiếp nhận lại các giá trị, những giá trị của Châu Âu, những giá trị của những người cha sáng lập ra Liên minh Châu Âu, những người vĩ đại. Tôi không biết, có một chút lộn xộn, nhưng tôi nghĩ tôi đã trả lời câu hỏi.

Loup Besmond de Senneville: "Thế còn euthanasia?"

Giết chóc không phải là con người, chấm hết. Nếu bạn giết người với động cơ, cuối cùng bạn sẽ giết nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Hãy để việc giết chóc cho những con thú.

Iacopo Scaramuzzi, LA REPUBBLICA: “Con xin tiếp nối câu hỏi cuối cùng vừa rồi: trong các bài phát biểu của Đức Thánh Cha, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh rất nhiều đến mối liên hệ giữa các giá trị, giá trị tôn giáo và sự sống động của nền dân chủ. Đức Thánh Cha nghĩ lục địa của chúng ta, Châu Âu, thiếu gì? Nó nên học gì từ những kinh nghiệm khác? Và, nếu có thể, con xin nói thêm một điều: trong vài ngày tới, Ý sẽ thực hiện một diễn trình dân chủ với việc bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử và sẽ có một chính phủ mới. Cuối cùng khi gặp Thủ tướng mới, Đức Thánh Cha sẽ đề xuất điều gì? Đức Thánh Cha nghĩ đâu là những ưu tiên đối với Ý, những mối quan tâm của Đức Thánh Cha và những rủi ro cần tránh là gì? "

Tôi nghĩ rằng tôi đã trả lời điều này trong cuộc hành trình cuối cùng của tôi. Tôi đã gặp hai tổng thống Ý rất được kính trọng: Napolitano và người hiện tại. Những con người tuyệt vời. Các chính trị gia khác, tôi không biết. Trong chuyến hành trình gần đây nhất của tôi, tôi đã hỏi một trong các thư ký của tôi rằng Ý đã có bao nhiêu chính phủ trong thế kỷ này: hai mươi. Tôi không thể giải thích. Tôi không lên án điều này cũng không chỉ trích điều này, nhưng tôi chỉ không thể giải thích nó. Nếu các chính phủ thay đổi như vậy, thì có rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Bởi vì ngày nay trở thành một chính khách, một nhà chính trị lớn, là một con đường gian nan.

Một chính trị gia đặt mình lên hàng đầu vì những giá trị của đất nước, những giá trị lớn lao, và không làm điều đó vì lợi ích bản thân, địa vị, sự tiện lợi... Các quốc gia, và trong số đó có Ý, phải tìm ra những chính trị gia vĩ đại, những người có khả năng thi hành các chính sách, đó là một nghệ thuật.

Chính trị là một thiên chức cao cả. Tôi tin rằng một trong những vị giáo hoàng, tôi không rõ đó là Đức Piô XII hay Thánh Phaolô VI, đã nói rằng chính trị là một trong những hình thức bác ái cao nhất. Chúng ta phải đấu tranh để giúp các chính trị gia của chúng ta duy trì một trình độ chính trị cao, chứ không phải chính trị cấp thấp không giúp được gì cả, thậm chí còn kéo Nhà nước đi xuống, làm nó nghèo đi.

Ngày nay, chính trị ở các quốc gia châu Âu nên xem xét vấn đề của mùa đông nhân khẩu học, chẳng hạn, các vấn đề liên quan đến phát triển kỹ nghệ, phát triển thiên nhiên, các vấn đề liên quan đến người di cư... Chính trị phải giải quyết các vấn đề một cách nghiêm túc để tiến lên. Tôi đang nói về chính trị nói chung. Tôi không hiểu chính trị Ý: chỉ có điều con số hai mươi chính phủ trong hai mươi năm có vẻ hơi lạ, nhưng mỗi người đều có cách nhảy tango của riêng mình... bạn có thể nhảy theo cách này hay cách khác và chính trị được nhảy theo cách này hay cách khác.

Châu Âu cần tiếp thu kinh nghiệm từ những nơi khác, một số sẽ tiến triển tốt hơn, một số thì không. Nhưng nó phải cởi mở, mỗi châu lục phải cởi mở đón nhận kinh nghiệm của những người khác.

Elise Allen, CRUX: "Cảm ơn các Đức Thánh Cha đã ở bên chúng con tối nay. Hôm qua tại Đại hội, Đức Thánh Cha đã phát biểu về tầm quan trọng của tự do tôn giáo. Như Đức Thánh Cha đã biết cùng ngày chủ tịch Trung Quốc đã đến thành phố, nơi có rất nhiều mối quan tâm về vấn đề này từ rất lâu, đặc biệt bây giờ với phiên tòa đang diễn ra chống lại Đức Hồng Y Quân. Đức Thánh Cha có coi việc xét xử ngài là một sự vi phạm tự do tôn giáo không? "

Để hiểu được Trung Quốc cần một thế kỷ, và chúng ta không sống trong một thế kỷ. Não trạng Trung Quốc là một não trạng phong phú, và khi ốm đau một chút thì nó mất đi sự phong phú của nó; nó có khả năng mắc sai lầm. Để hiểu được nó, chúng ta đã chọn con đường đối thoại, cởi mở để đối thoại.

Hiện có một ủy ban song phương giữa Vatican và Trung Quốc đang diễn ra tốt đẹp, từ từ, bởi vì tốc độ của Trung Quốc khá chậm, họ có cả một cõi vô tận để tiến tới: họ là một dân tộc có lòng kiên nhẫn vô tận. Từ những kinh nghiệm đã có trước đây: chúng ta nghĩ tới những nhà truyền giáo người Ý đã đến đó và được tôn trọng như những học giả; ngày nay cô cũng nên nghĩ, rất nhiều linh mục hoặc tín hữu được các trường đại học Trung Quốc mời gọi vì điều này mang lại giá trị cho nền văn hóa. Không dễ hiểu được não trạng của người Trung Quốc, nhưng cần tôn trọng nó, tôi luôn tôn trọng điều này. Và ở đây tại Vatican, có một ủy ban đối thoại đang diễn ra tốt đẹp, do Hồng Y Parolin chủ trì và ngài là người hiểu rõ nhất về Trung Quốc và đối thoại với người Trung Quốc hiện nay. Đó là một diễn trình chậm chạp, nhưng các bước tiến về phía trước luôn được thực hiện.

Xếp hạng Trung Quốc như quốc gia không dân chủ, tôi không đồng ý với điều đó, bởi vì đó là một quốc gia phức tạp... vâng, đúng là có những thứ dường như không dân chủ đối với chúng ta, đó là sự thật. Tôi nghĩ Đức Hồng Y Quân sẽ bị xét xử vào những ngày này. Và ngài nói những gì ngài cảm nhận, và cô có thể thấy có những hạn chế ở đó. Hơn cả việc xếp hạng, bởi vì nó khó khăn, và tôi cũng muốn xếp hạng, việc ấy gây ấn tượng, nhưng tôi cố gắng hỗ trợ con đường đối thoại.

Rồi, trong cuộc đối thoại, cô làm sáng tỏ nhiều điều và không chỉ về Giáo hội, còn về các lĩnh vực khác; thí dụ như phạm vi của Trung Quốc, các thống đốc của các tỉnh, thẩy đều rất đa dạng. Có những nền văn hóa khác nhau bên trong Trung Quốc, nó là một nước khổng lồ, và hiểu biết về Trung Quốc là một điều hết sức lớn lao. Nhưng cô không nên mất kiên nhẫn, điều ấy cần nhiều thời gian, nhưng chúng ta phải theo con đường đối thoại, tôi cố gắng kiềm chế không xếp hạng... nhưng chúng ta hãy tiến lên.

Elise Allen: "Còn Tập Cẩn Bình?"

Ông ấy đã có chuyến thăm cấp Nhà nước ở đó, nhưng tôi không gặp ông ấy.

Maria Angeles Conde Mir, ROME REPORTS: “Trong Tuyên bố mà họ đã ký [tại Đại hội], tất cả các nhà lãnh đạo nhấn mạnh lời kêu gọi các chính phủ và các tổ chức quốc tế bảo vệ những người bị đàn áp vì sắc tộc hoặc tôn giáo của họ. Thật không may, đây là những gì đang xảy ra ở Nicaragua. Chúng con biết rằng Đức Thánh Cha đã nói về điều này vào ngày 21 tháng 8 trong lúc đọc kinh Truyền tin. Nhưng có lẽ Đức Thánh Cha có thể bổ sung một số điều cho người Công Giáo, đặc biệt ở Nicaragua. Cũng xin một câu hỏi khác. Chúng con đã thấy Đức Thánh Cha thành công trong chuyến đi này. Chúng con muốn biết liệu sau hành trình này, Đức Thánh Cha có thể tiếp tục hành trình đến Châu Phi mà Đức Thánh Cha đã hoãn lại hay không và liệu có những hành trình khác được lên kế hoạch hay không.”

Về Nicaragua, tin tức đã rõ ràng. Có đối thoại. Đã có các cuộc đàm phán với chính phủ; có đối thoại. Điều đó không có nghĩa là cô chấp thuận mọi điều chính phủ làm hoặc cô không chấp thuận điều gì. Nó không có nghĩa như vậy. Có đối thoại và cần phải giải quyết vấn đề.

Ngay bây giờ đang có nhiều vấn đề. Ít nhất tôi cũng mong các nữ tu của Mẹ Teresa có thể trở lại. Những người phụ nữ này là những nhà cách mạng tốt lành, nhưng của Tin Mừng! Họ không gây chiến với bất cứ ai. Đúng hơn, tất cả chúng ta đều cần những người phụ nữ này. Đây là một cử chỉ khó hiểu... Nhưng hy vọng họ sẽ được trở lại.

Và mong sao cuộc đối thoại sẽ tiếp tục. Nhưng đừng bao giờ ngừng đối thoại. Có những điều cô không hiểu. Việc đuổi một sứ thần ra khỏi biên giới là một vấn đề ngoại giao nghiêm trọng. Sứ thần là một người tốt, đến nay đã được bổ nhiệm ở những nơi khác. Những điều này thật khó hiểu và cũng khó nuốt. Nhưng ở Mỹ Latinh, có những tình huống như vậy ở nhiều nơi khác nhau.

Còn về việc du hành: nó khá khó khăn. Đầu gối của tôi vẫn chưa lành. Điều đó thật khó, nhưng tôi sẽ làm chuyến du hành tiếp theo [có ý nói đến chuyến đi có thể có đến Bahrain vào tháng 11, chú thích của ban biên tập.] Sau đó, vào một ngày khác, tôi đã nói chuyện với Đức Tổng Giám Mục Welby [Tổng Giám mục Canterbury và người đứng đầu tượng trưng của Hiệp thông Anh giáo, chú thích của ban biên tập.] Và chúng tôi thấy tháng Hai có khả thể đến Nam Sudan. Và nếu tôi đến Nam Sudan, tôi cũng sẽ đến Congo. Chúng tôi đang cố gắng. Cả ba chúng tôi phải cùng đi với nhau: vị đứng đầu Giáo Hội Scotland, Đức Tổng Giám Mục Welby, và tôi. Chúng tôi đã có một cuộc họp qua Zoom vào một ngày khác về điều này...

Alexey Gotovskiy, EWTN: "Cảm ơn Đức Thánh Cha đã đến thăm đất nước của chúng con. Con muốn hỏi: đối với những người Công Giáo sống ở Kazakhstan, nơi có bối cảnh chủ yếu là người Hồi giáo, làm thế nào để việc truyền giáo có thể được thực hiện trong bối cảnh này? Và có điều gì đó đã truyền cảm hứng cho Đức Thánh Cha khi nhìn thấy những người Công Giáo ở Kazakhstan? "

Được truyền cảm hứng, tôi không biết... nhưng hôm nay tôi rất vui khi vào nhà thờ chính tòa thấy giáo dân hăng hái, vui vẻ, hân hoan. Đó là ấn tượng về người Công Giáo Kazakhstan. Sau đó, cùng hiện hữu với người Hồi giáo: đây là điều đang được thực hiện khá nhiều và chúng ta đang tiến triển, không chỉ ở Kazakhstan. Chúng ta hãy nghĩ tới một số quốc gia Bắc Phi, hiện có một sự chung sống tốt đẹp... chẳng hạn ở Marốc. Ở Marốc, có một cuộc đối thoại khá hay.

Thật vậy, tôi xin tạm dừng để xem xét cuộc họp tôn giáo [Đại hội diễn ra trong những ngày này, chú thích của ban biên tập.] Có ai đó đang chỉ trích và họ nói với tôi: 'Đây là sự xúi giục; đang làm cho thuyết tương đối phát triển." Không có gì là thuyết tương đối cả! Mọi người đều có tiếng nói của họ, mọi người đều tôn trọng lập trường của nhau, nhưng chúng tôi đối thoại như anh em. Vì nếu không có đối thoại, thì một là thiếu hiểu biết hai là chiến tranh. Tốt hơn là sống như anh em, chúng ta có một điểm chung, chúng ta đều là con người. Hãy sống như con người, với cách cư xử tốt: bạn nghĩ gì, tôi nghĩ gì? Hãy đồng ý, hãy nói chuyện, hãy tìm hiểu nhau.

Vì vậy, rất nhiều lần những cuộc chiến tranh "tôn giáo" bị hiểu lầm này xảy ra vì thiếu hiểu biết. Và đây không phải là thuyết tương đối, tôi không từ bỏ đức tin của mình khi nói với đức tin của người khác. Ngược lại. Tôi tôn vinh đức tin của mình vì người khác lắng nghe nó và tôi lắng nghe đức tin của họ. Tôi rất có ấn tượng khi một đất nước trẻ, với rất nhiều vấn đề - thí dụ như khí hậu - lại có thể có bảy phiên bản của một cuộc gặp gỡ như vậy: một cuộc gặp gỡ thế giới, với người Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, các tôn giáo phương Đông... Ở bàn hội nghị, bạn có thể thấy rằng mọi người nói chuyện và lắng nghe nhau một cách tôn trọng.

Đây là một trong những điều tốt đẹp mà đất nước của bạn đã làm được, một quốc gia như vậy – một quốc gia, có thể nói, hơi ở "góc" của thế giới một chút – đã thực hiện một cuộc triệu tập như vậy. Đây là ấn tượng mà nó mang lại cho tôi. Sau đó, thành phố có vẻ đẹp kiến trúc hạng nhất. Và cả những mối quan tâm của chính phủ, tôi rất có ấn tượng về những mối quan tâm của chủ tịch Thượng viện: ông đang tiến hành cuộc họp này, nhưng vẫn dành thời gian để giới thiệu cho tôi một ca sĩ trẻ, người mà bạn hẳn biết... người thanh niên này cởi mở đối với văn hóa. Tôi không mong đợi điều này và tôi rất vui được gặp bạn.

Rudolf Gehrig EWTN: "Thưa Đức Thánh Cha, nhiều Giáo hội ở Châu Âu, chẳng hạn như Giáo hội ở Đức, đang bị tổn thất nặng nề về số tín hữu, những người trẻ tuổi dường như không còn muốn đi lễ nữa. Đức Thánh Cha quan tâm đến xu hướng này như thế nào, và muốn làm gì với nó?"

Đúng một phần, tương đối một phần. Đúng là tinh thần thế tục hóa, tinh thần tương đối, đang thách thức những điều này; đúng như thế. Điều bạn phải làm, trước hết là kiên định với đức tin của mình. Ta hãy xét xem: nếu bạn là một giám mục hoặc một linh mục không kiên định, những người trẻ tuổi sẽ bắt chước xu hướng ấy - và thế là tạm biệt! Khi một Giáo hội, dù là gì, ở một quốc gia hay trong một lĩnh vực nào đó, nghĩ nhiều hơn về tiền bạc, về phát triển, về kế hoạch mục vụ chứ không phải chăm sóc mục vụ, và bạn đi theo hướng đó, điều đó không thu hút được ai.

Khi tôi viết lá thư cho người dân Đức cách đây hai năm, có những mục tử đã công bố và phổ biến nó, đích thân. Khi mục tử gần gũi với người dân, ngài nói, người dân nên biết những gì Đức Giáo Hoàng nghĩ. Tôi nghĩ rằng các vị chăn chiên phải tiến lên, nhưng nếu họ đánh mất mùi của chiên và chiên đã mất mùi của những người chăn, thì bạn không tiến về phía trước được. Đôi khi - tôi đang nói về tất cả mọi người, nói chung, không chỉ về nước Đức - có suy nghĩ về cách đổi mới, cách làm cho việc chăm sóc mục vụ trở nên hiện đại hơn: điều đó tốt, nhưng luôn luôn nó phải nằm trong tay của một người chăn chiên.

Nếu việc chăm sóc mục vụ nằm trong tay các "nhà khoa học" về mục vụ, là những người ra ý kiến ở đây và nói những gì nên làm ở đó... thì [bạn không tiến lên phía trước, chú thích của ban biên tập.] Chúa Giêsu tạo nên Giáo hội với các mục tử, không phải các nhà lãnh đạo chính trị. Ngài đã tạo ra Hội Thánh với những người dốt nát, trong số Mười Hai, người này dốt nát hơn người kia, và Hội Thánh vẫn tiếp tục. Tại sao? Nhờ cảm thức mùi bầy chiên của người chăn và cảm thức mùi người chăn của của bầy chiên.

Đây là mối liên hệ lớn nhất mà tôi thấy khi xảy ra khủng hoảng ở một nơi, ở một lãnh vực… Tôi tự hỏi mình, người chăn chiên có tiếp xúc, có gần gũi với đàn chiên không? Đàn này có người chăn không? Vấn đề là những người chăn chiên. Về điều này, tôi đề nghị bạn đọc bài bình luận của Thánh Augustinô về những người chăn chiên; nó được đọc trong một giờ nhưng đó là một trong những điều khôn ngoan nhất được viết cho những người chăn chiên và với điều đó bạn có thể xếp hạng cho người chăn chiên này hoặc người chăn chiên kia. Đó không phải là hiện đại hóa: tất nhiên, chúng ta phải cập nhật các phương pháp, điều đó đúng, nhưng nếu thiếu tấm lòng của mục tử, thì không có thừa tác mục vụ nào hoạt động được. Không hề.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
NAM ÚC: Thánh Lễ Tưởng Niệm & Cầu Nguyện cho Cố Giám Mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên
Jo Vĩnh SA
19:44 16/09/2022



Trong niềm tiếc thương vô hạn Đức Cố Giám Mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã được Chúa gọi về ngày 29.8.2022.
Anh chị em Công Giáo đồng hương giáo phận Vinh và Hội Bạn Thái Hà và đã tổ chức thánh lễ tưởng niệm và cầu nguyện cho vị chủ chăn kính yêu, đã một thời gian dài chăn dắt đoàn chiên giáo phận.

Cố Giám Mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên (1927- 2022) là chứng nhân lịch sử của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Ngài là cây đại thụ tỏa bóng nhân đức cho bao thế hệ mục tử và đoàn chiên của giáo phận Vinh và giáo phận Hà Tĩnh. Đức Cha đã trải qua 95 năm hành trình đức tin Công Giáo nơi dương thế, với 62 năm sứ vụ linh mục, 30 năm trong thiên chức Giám mục, đã để lại bao tiếc nhớ, mến thương. Không chỉ cho các tín hữu giáo phận Vinh mà cho tất cả người Công Giáo Việt Nam dù đang sống ở bất cứ nơi đâu.
Thánh lễ tưởng niệm và cầu nguyện được tổ chức vào lúc 6 giờ 30 chiều, thứ Ba, ngày13.9.2022 tại nhà thờ thánh Maximiliam Kolbe, Ottoway, tiểu bang Nam Úc, do Cha Phêrô Trần Trọng Mỹ phó xứ nhà thờ chánh tòa TGP Adelaide chủ tế, cùng đồng tế có Cha Antôn Hà Thanh Sơn, đến từ giáo phận Wollongong, tiểu bang New South Wales, Úc Châu
Ngoài những đồng hương giáo phận Vinh, còn có rất đông tín hữu Công Giáo Việt Nam ở Nam Úc cũng đã đến tham dự thánh lễ tối hôm nay.
Trước khi thánh lễ bắt đầu, BTC đã ngỏ lời chào mừng cộng đoàn và mời mọi người cùng hướng về cuối nhà thờ để cùng đoàn tế lễ rước di ảnh Đức cố GM Phaolô Maria Cao Đình Thuyên lên cung thánh.
Sau khi di ảnh đã an vị, 2 linh mục đồng tế và cộng đoàn lần lượt tiến lên thắp nhang, nến, tưởng niệm Đức Cha.
XEM VIDEO
XEM HÌNH

Mở đầu thánh lễ, Cha Trần Trọng Mỹ đã nói sơ qua về tiểu sử và đời sứ vụ mục tử của Cố Giám Mục Phaolô Maria, mà đồng hương giáo phận Vinh thường gọi Ngài là “Ông Tiên”, và chính Cha Mỹ cũng đã từng được ĐTGM Philip Wilson TGM/TGP Adelaide cho phép về GP Vinh làm mục vụ 4 năm, dưới thời của Đức Cha Thuyên cai quản.
Sau phần phụng vụ Lời Chúa, bài Phúc Âm theo thánh Gioan, là phần chia sẻ của Cha Antôn Hà Thanh Sơn (gốc GP Vinh) về cuộc đời cống hiến không mệt mỏi của Đức cố Giám Mục Phaolô Maria để đến được với đoàn chiên Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Ngài là hình ảnh của một hiền phụ luôn mang lửa mến đến cho giáo dân khắp mọi nẻo đường trong hoàn cảnh đất nước gặp rất nhiều khó khăn thử thách.
Trong phần giảng nghĩa đoạn Tin Mừng về Hạt Lúa mì rơi xuống đất, Cha Sơn đã cao hứng cất hát bài thánh ca:
“Như hạt lúa mì rơi xuống đất, mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình thôi.
Còn hạt lúa mì rơi xuống đất mà thối đi, thì nó sẽ sinh nhiều bông hạt”
Cha đã cất cao tiếng hát cho cộng đoàn cùng hát theo. Tinh thần và gương sáng về tình yêu thương và hy sinh trong suốt hành trình sứ vụ mục tử của Cố Giám Mục Phaolô Maria còn mãi mãi.
Lúc còn sinh thời, Ngài đã tuyên bố:“Giáo phận Vinh không chỉ có một Cao Đình Thuyên, mà có hơn 500.000 Cao Đình Thuyên khác nữa.” và Ngài nói: “Chuyện của giáo xứ Thái Hà cũng là chuyện của giáo phận Vinh. Chuyện của giáo phận Vinh cũng là chuyện của Thái Hà”, khi giáo xứ Thái Hà TGP Hà Nội đang bị chính quyền CSVN chiếm cứ đất đai và tài sản của giáo xứ.
Thật là một bài học đáng ghi nhớ về sự hiệp nhất trong giáo hội và bênh vực những kẻ yếu hèn, bị áp bức bởi quyền lực.

Thánh lễ được tiếp nối với những lời nguyện giáo dân cầu cho Đức Cố Giám Mục Phaolô Maria được yên nghỉ bên Chúa và cũng cầu nguyện cho giáo phận Vinh, cầu cho mỗi người biết noi gương Đức Cha trong việc phục vụ Thiên Chúa và con người.
Trước khi thánh lễ kết thúc, đại diện BTC đã có đôi lời cảm ơn quý Cha đồng tế và cộng đoàn đã hiệp thông dâng thánh lễ thật trang nghiêm và sốt sắng để cầu nguyện cho Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên.
Sau thánh lễ, nhiều người đã ở lại để chụp ảnh lưu niệm bên di ảnh của Đức Cha Phaolô Maria, như để tỏ tấm lòng thương tiếc một vị chủ chăn đầy lòng nhân ái.
Văn Khánh tường trình
 
Thiếu Nhi Thánh Thể Sydney Nhận Lãnh Bí Tích Thêm Sức
Diệp Hải Dung
20:15 16/09/2022
Thiếu Nhi Thánh Thể Sydney Nhận Lãnh Bí Tích Thêm Sức

Tối thứ Sáu 16/09/2022. Có 37 em Thiếu Nhi Thánh Thể thuộc Liên Đoàn Nữ Vương Hòa Bình Sydney đã đến thánh đường St. Luke Revesby, Sydney để lãnh nhận Bí tích Thêm Sức do Đức Giám Mục Terry Brady, Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Sydney chủ tế.

Xem Hình

Tham dự Thánh Lễ có quý Phụ huynh, quý Vú Bõ đỡ đầu, Quý Sơ Trợ Úy, quý Huynh Trưởng, và quý Quan Khách tham dự. Trước khi dâng Thánh lễ, Cha Paul Văn Chi thay mặt Ban Tuyên Úy ngỏ lời chào mừng Đức cha đã ưu ái thương mến Cộng Đồng đến chủ tế Thánh lễ và ban phép Bí tích Thêm Sức cho các em Thiếu Nhi Thánh Thể hôm nay.

Sau Phúc m, Cha FX Nguyễn Văn Tuyết, Tuyên uý Đặc Trách Liên Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Nữ Vương Hòa Bình Sydney, giới thiệu và đọc danh sách các em nhận lãnh Bí tích Thêm Sức cho Đức Cha. Trong bài giảng Đức cha Terry Brady nói với các em rằng lãnh nhận bí tích Thêm Sức là thêm sức mạnh đức tin để theo Chúa. Ngài cũng khen ngợi các em rất ngoan và khuyến khích các em luôn sống gương mẫu để xứng đáng với ơn Chúa Thánh Thần mà các em lãnh nhận.

Sau bài giảng là lời tuyên xưng đức tin của các em sẽ lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Kế tiếp Đức cha Terry Brady ban bí tích Thêm Sức. Cùng đồng tế Thánh lễ còn có quý Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Paul Văn Chi, Cha Trần Văn Trợ và Cha Nguyễn Thái Hoạch.

Trước khi kết thúc Thánh lễ hai em Thiếu Nhi Tuệ Mi và Anh Khôi đại diện các em lãnh nhận bí tích Thêm Sức lên ngỏ lời cám ơn Đức cha Terry Brady và tặng hoa cho Ngài, đồng thời cũng cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Huynh Trưởng, quý Giảng Viên Giáo Lý đã nâng đỡ hướng dẫn dạy dỗ các em trong những lớp Giáo Lý suốt trong một năm qua để hôm nay được vinh hạnh lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần qua Bí tích Thêm Sức. Các em cũng cám ơn quý ân nhân đã giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần, quý Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Revesby, Ca đoàn, và tất cả mọi người đã đến tham dự cầu nguyện cho các em trong Thánh lễ hôm nay. Các em hứa sẽ cố gắng sống ngoan hiền đạo đức và noi gương Chúa Giêsu Thánh Thể là Vị Anh Cả Tối Cao của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể.

Sau khi kết thúc Thánh lễ, Đức Cha và qúy Cha đã phát Chứng Chỉ Thẩm Sức và qùa cho các em và cùng với các em chụp chung tấm hình kỷ niệm và Ngài ở lại gặp gỡ mọi người trong tình thân mật.

Diệp Hải Dung
 
Đan viện Xitô Sacramento mừng bổn mạng
Thái Phạm
20:24 16/09/2022
 
VietCatholic TV
Diễn tiến 6 vụ mưu sát Putin theo Tình Báo Ukraine. Cẩm Linh nhận thất bại, đổ lỗi cho Tình Báo Nga
VietCatholic Media
03:04 16/09/2022


1. Putin đã sống sót sau 6 nỗ lực mưu sát, buộc ông phải luôn vây quanh mình với đội bắn tỉa thiện xạ

Ba ký giả Jon Rogers, Anthony Blair, và Will Stewart của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “HARD TARGET How Putin has survived SIX ‘assassination attempts’ – forcing him to surround himself with crack team of snipers”, nghĩa là “Mục tiêu khó khăn: Làm thế nào Putin đã sống sót sau 6 'nỗ lực ám sát' - buộc ông phải vây quanh mình với đội bắn tỉa thiện xạ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Tổng thống NGA, Vladimir Putin hiện được tường trình đã thoát chết sau đến 6 lần bị ám sát hụt và sợ hãi tính mạng của mình đến mức đã vây quanh mình với một đội bắn tỉa thiện xạ.

Hôm thứ Tư, chiếc limousine của ông Putin bị tường trình đã bị tấn công trong một nỗ lực có thể nhằm vào tính mạng của Tổng thống Nga khi cuộc chiến tàn khốc của ông ở Ukraine đang diễn ra gay gắt.

Các nguồn tin thân cận với nhà lãnh đạo cho biết chiếc xe limousine của Putin đã phát ra một “tiếng nổ lớn” ở bánh trước bên trái khi nó đang di chuyển ở Mạc Tư Khoa, sau đó là “khói dày đặc”.

“Một tiếng nổ lớn phát ra từ bánh trước bên trái, sau đó là khói dày đặc”, nguồn tin khẳng định.

Chiếc xe limousine của Putin được đưa đến nơi an toàn và tổng thống mà không hề hấn gì - nhưng đã có nhiều vụ bắt giữ từ cơ quan an ninh của ông.

Họ nói thêm: “Một vòng ít người biết về sự di chuyển của tổng thống trong chuyến đi này, và tất cả họ đều thuộc về cơ quan an ninh của tổng thống.”

Nguồn tin tương tự cũng tuyên bố trong một bài đăng khác rằng Putin đã ra lệnh cho người tình quyến rũ Alina Kabaeva, 39 tuổi, một cựu vận động viên thể dục dụng cụ Olympic, phải phá thai, dẫn đến mối quan hệ của họ “xấu đi”.

Tin tức này được đưa ra trong bối cảnh nhiều đồng minh của Putin đang nổi dậy sau thất bại liên tục trong việc đánh bại Ukraine.

Theo General SVR, một kênh truyền hình chống Điện Cẩm Linh, Putin được cho là đã quay trở lại dinh thự chính thức của mình vào thời điểm đó trong một đoàn xe đánh lạc hướng, hay decoy motorcade bao gồm các xe trông giống hệt như nhau, trong bối cảnh chứng hoang tưởng ngày càng gia tăng của ông.

Đoàn xe dự phòng gồm 5 chiếc xe bọc thép, trong đó chiếc thứ ba là xe của Putin.

Vẫn chưa rõ thời điểm vụ ám sát tiềm tàng diễn ra và người ta chưa thể xác minh ngay tuyên bố.

Điều này xảy ra sau khi ông Putin thoát chết sau một nỗ lực lấy mạng ông ta vào đầu năm nay.

Nỗ lực thứ hai gần đây nhất được tường trình diễn ra khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, mặc dù hiện nay các chi tiết mới chỉ xuất hiện.

2. Vụ ám sát ở Caucasus

Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov cho biết vào thời điểm đó đã có một “nỗ lực bất thành” nhằm lấy mạng Tổng thống Nga.

Budanov nói với Ukraine Pravda: “Putin đã bị mưu sát”

“Thậm chí, ông ta đã bị tấn công bởi các đại diện của Caucasus cách đây không lâu, khi họ đang xếp hàng chào hỏi ông ta.”

“Đây là thông tin không công khai. Nỗ lực hoàn toàn không thành công, nhưng nó thực sự đã diễn ra… Đó là khoảng hai tháng trước,” Thiếu Tướng Budanov nói.

“Một lần nữa, nỗ lực ám sát ông ta đã không thành công. Không có công khai về sự kiện này, nhưng nó đã diễn ra.”

Không rõ ai đứng sau vụ tấn công được tường trình và bối cảnh diễn ra bối cảnh này.

Putin hiện được cho là rất sợ hãi về một nỗ lực khác nhằm ám sát ông ta, nên đã vây quanh mình với những tay súng bắn tỉa và được tường trình là đi đâu cũng được bao quanh bởi những người này.

Các tay súng bắn tỉa có một công việc rất quan trọng đó là xác định vị trí của những tay súng khác và “hạ gục họ” trước khi họ có cơ hội bóp cò nhắm vào Putin.

Tổng thống Nga được cho là đã bị ám ảnh bởi ý tưởng ai đó sẽ bắt ông ta nếu ông ta đi ra ngoài, điều này khiến ông phải tìm kiếm sự bảo vệ trong boongke biệt lập của mình.

Đội quân tay sai của Putin được thuê để bảo vệ ông là những người duy nhất được phép ở đủ gần, vì ông bị ám ảnh bởi các âm mưu ám sát.

Tên bạo chúa thậm chí còn thuê một nhóm người nếm thức ăn của mình trước khi ăn, tin rằng ông ta có thể bị đầu độc.

Có vẻ như nhà độc tài Nga ngày càng trở nên hoang tưởng rằng đằng sau hậu trường, có ai đó trong vòng trong của chính mình có thể đầu độc ông ta.

Có tin đồn rằng cựu điệp viên KGB thậm chí còn đặt mua găng tay đặc biệt để bảo vệ da của mình khỏi khả năng tiếp xúc với các chất giết người.

Ngay cả việc bơi vào buổi sáng hàng ngày của ông ta cũng không còn là điều thiêng liêng nữa, vì ông ta phải kiểm tra nước nhiều lần trong ngày để kiểm tra nồng độ hóa chất đáng ngờ.

Khi ông gần bước sang tuổi 70 và trong bối cảnh có những tin đồn về sức khỏe giảm sút của ông, người ta hiểu rằng các tướng lĩnh thân tín của Tổng thống Nga hiện coi ông là kẻ bất tài và nhục nhã.

Theo các báo cáo, bạo chúa liên tục được tháp tùng bởi một quân đoàn bác sĩ khi ông ta đấu tranh với căn bệnh bí ẩn của mình.

Những lo ngại của Putin có thể là có cơ sở vì đã có ít nhất 4 lần mưu sát trước đó trong cuộc đời ông.

3. Chuyến viếng thăm Azerbaijan

Trong chuyến thăm cấp nhà nước của Putin tới Azerbaijan vào năm 2002, một người đàn ông Iraq đã bị bắt sau khi có vẻ đang âm mưu giết Tổng thống Nga.

Theo các báo cáo, nỗ lực này được thực hiện vào tháng Giêng năm 2002 bởi một người Iraq có liên hệ với Afghanistan và lực lượng nổi dậy Chechnya.

Ông này được tin là sẽ giao chất nổ cho một đồng phạm.

Lực lượng an ninh biết được âm mưu và bắt giữ ông này cùng đồng phạm.

Họ bị kết án mười năm tù.

4. Vụ đặt bom dưới xe hơi

Vào tháng 11 năm 2002, chi tiết về một âm mưu khác nhằm lấy mạng của Putin đã xuất hiện.

Nhà lãnh đạo Nga được cho là đang di chuyển dọc theo đường cao tốc gần Điện Cẩm Linh.

Trên đường đi, có một nhóm người tuyên bố rằng họ đang lắp đặt các biển báo mới.

Chỉ một giờ sau, một phương tiện truyền thông đưa tin rằng 40 kg chất nổ đã được phát hiện để kích nổ dọc đường.

Các thiết bị sau đó biến mất một cách bí ẩn và chiếc xe của Putin đã được định tuyến lại.

Các quan chức, cho đến ngày nay, từ chối bình luận về vấn đề này và thậm chí phủ nhận nó đã từng xảy ra.

5. Cảnh sát chống khủng bố Anh phá vỡ âm mưu ám sát Putin

Cảnh sát chống khủng bố Anh được cho là đã ngăn chặn âm mưu giết Putin vào tháng 10 năm 2003.

Một nguồn tin tiết lộ với The Sunday Times rằng hai nam sát thủ đã bị bắt nhưng họ đã được thả mà không bị buộc tội và đã trở về Nga.

Có thông tin cho rằng những người đàn ông, một người được cho là cựu sát thủ của cơ quan mật vụ Nga, đang nuôi dưỡng một âm mưu sử dụng một tay súng bắn tỉa để giết Putin trong một chuyến công du nước ngoài.

Báo cáo khẳng định cựu điệp viên Nga quen biết một sĩ quan cấp cao trong Cơ quan An ninh Liên bang, gọi tắt là FSB, là cơ quan an ninh nhà nước của Nga kế nhiệm KGB của Liên Xô, người sẽ cung cấp thông tin về các hoạt động của Putin khi ở nước ngoài, để cho phép sát thủ hành động.

Tờ báo cho biết thông tin chi tiết đã được Alexander Litvinenko, một cựu sĩ quan FSB, người đã đào tẩu sang Anh ba năm trước, cung cấp cho cảnh sát Anh sau khi anh ta được liên lạc với người bị cáo buộc là kẻ âm mưu.

Cảnh sát xác nhận vào thời điểm đó hai người đàn ông, 40 và 36 tuổi, đã bị cảnh sát bắt giữ liên quan đến cáo buộc nhưng họ đã được thả sau khi thẩm vấn và nói rằng sẽ không có hành động nào khác chống lại họ.

6. Quân du kích Chechen

Adam Osmayev, người Chechen, được cho là có liên hệ với Vương quốc Anh, đã bị điệu lên truyền hình Nga sau khi một âm mưu được cho là ám sát Putin bị lật tẩy vào năm 2012.

Adam Osmayev bị cáo buộc là “kẻ khủng bố” đã bị lực lượng đặc biệt bắt giữ tại cảng Odessa của Ukraine.

Anh ta sau đó xuất hiện trên truyền hình nhà nước, cởi trần và có những vết thương rõ ràng là do bị đánh đập, đã đưa ra một lời thú tội.

Osmayev cho biết khi xuất hiện: “Mục tiêu của chúng tôi là đến Mạc Tư Khoa và cố gắng giết Thủ tướng Putin... Hạn chót của chúng tôi là sau cuộc bầu cử tổng thống Nga.”

Các cơ quan an ninh Nga trước đây tuyên bố rằng Osmayev “tốt nghiệp một trường đại học uy tín ở Anh”, và xuất thân từ một gia đình Chechnya nổi tiếng căm thù với Putin.

Việc bắt giữ hai nghi phạm được thực hiện bởi đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố Alfa của Ukraine sau một vụ nổ ngẫu nhiên vào tháng Giêng năm 2012 tại một căn hộ ở Odessa khiến người thứ ba, Ruslan Madayev, bị thiệt mạng. Người quá cố này cũng bị cáo buộc là một kẻ “khủng bố”.

7. Quê hương của Zelenskiy ngập lụt sau cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga

Các phương tiện truyền thông Nga đã tỏ ra hồ hởi phấn khởi sau một đòn trả thù cuộc phản công Kharkiv của quân Ukraine.

Một đoạn video từ thành phố Kryvyi Rih, miền trung Ukraine, nơi sinh sống của gần 650.000 người, cho thấy các đường phố ngập trong nước sau một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga.

Trong bản báo cáo sáng thứ Sáu 16 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết quân đội của Putin đêm qua đã phóng 8 hỏa tiễn hành trình vào thành phố, nơi sinh của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.

Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết “Trạm bơm nước đã bị phá hủy. Con sông bị vỡ đập và tràn bờ. Các tòa nhà dân cư chỉ cách sông vài mét.”

Các cơ quan ứng phó với tình trạng khẩn cấp đã được điều động để đối phó với tình huống này.

8. Von der Leyen: 'Cực kỳ quan trọng' là các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu hỗ trợ Ukraine trang bị quân sự

Trong một lời chỉ trích nhẹ nhàng đối với Đức, Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban Âu Châu, đã đề cập đến các quốc gia thành viên Liên minh Âu Châu không thực hiện cam kết trang bị vũ khí cho Ukraine.

“Đối với tất cả các quốc gia thành viên: việc hỗ trợ Ukraine các thiết bị quân sự mà họ cần để tự vệ là vô cùng quan trọng và cần thiết. Họ đã chứng minh rằng họ có thể làm được điều đó nếu họ được trang bị tốt,” cô nói. “Đây là khuyến nghị chung cho tất cả các quốc gia thành viên.”

Khi các lực lượng Nga lần đầu tiên xâm lược Ukraine, Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, đã gây chấn động thế giới khi công bố chính sách 180 độ lịch sử về chi tiêu quốc phòng và xuất khẩu vũ khí sát thương. Ông cam kết gửi hỏa tiễn và vũ khí chống tăng để giúp Ukraine tự vệ trước sự xâm lược của Nga - nhưng 6 tháng sau, nhiều loại vũ khí rất cần thiết đó vẫn chưa đến tay người Ukraine.

Trong những ngày gần đây, Ukraine tăng cường kêu gọi cung cấp thêm vũ khí phòng không và các loại vũ khí khác, sau một cuộc phản công thành công đáng kể dẫn đến việc tái chiếm khu vực Kharkiv. Họ cũng trả đũa các cuộc tấn công có chủ đích vào cơ sở hạ tầng của đất nước và các vụ pháo kích liên tục của Nga vào Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

9. Trung Quốc ủng hộ rõ ràng nhất cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine cho đến nay

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “China Gives Clearest Support for Russia's Invasion of Ukraine So Far”, nghĩa là “Trung Quốc ủng hộ rõ ràng nhất cho cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine cho đến nay.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Một đoạn phim do Duma Quốc gia, tức là Hạ Viện Nga, công bố cho thấy một quan chức cấp cao của Trung Quốc đã đưa ra sự ủng hộ mạnh mẽ nhất của Bắc Kinh đối với cuộc chiến của Điện Cẩm Linh ở Ukraine.

Lật Chiến Thư (Li Zhanshu, 栗战书) người đứng thứ 3 trong giới lãnh đạo Trung Quốc, đã đến thăm Mạc Tư Khoa vào tuần trước và bảo đảm sự “hiểu biết và hỗ trợ đầy đủ” của đất nước ông đối với Nga trong cuộc gặp vào ngày 9 tháng 9 với các nhân vật cấp cao của Nga, bao gồm cả Vyacheslav Volodin, chủ tịch Duma Nga.

Lật Chiến Thư, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc, nói với các nhà lập pháp Nga: “Ví dụ, về vấn đề Ukraine, Hoa Kỳ và NATO đang mở rộng trực tiếp trước ngưỡng cửa của Nga, đe dọa an ninh quốc gia của Nga và cuộc sống của công dân Nga”.

“Trước tình hình này, Nga đã thực hiện các biện pháp cần thiết. Trung Quốc hiểu, và chúng tôi đang phối hợp trên nhiều khía cạnh khác nhau”.

Trong một video được công bố trên trang web của Duma, Lật Chiến Thư nói bằng tiếng Trung Quốc: “Tôi tin rằng Nga đã bị dồn vào đường cùng. Trong trường hợp này, để bảo vệ lợi ích cốt lõi của đất nước, Nga đã đưa ra phản ứng kiên quyết”.

Trong một diễn biến phức tạp cho thấy Nga có thể đã thao túng những nhận xét của Lật Chiến Thư. Câu nói của Lật Chiến Thư rằng “Trung Quốc hiểu, và chúng tôi đang phối hợp trên nhiều khía cạnh khác nhau”, đã được dịch sang tiếng Nga thành “Trung Quốc hiểu, và chúng tôi đang cung cấp sự hỗ trợ của chúng tôi.” Bản ghi chép của quốc hội cũng cho biết Mỹ và NATO đã “đặt Nga vào một tình huống chẳng đặng đừng”.

Tại Trung Quốc, các hãng truyền thông nhà nước đưa tin về chuyến đi của ông Lật Chiến Thư, bắt đầu bằng cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin ở Vladivostok, đã không đề cập đến bình luận của ông về Ukraine. Trước khi đoạn phim của Duma được phát hành, không thể xác minh độc lập những gì Lật Chiến Thư đã nói về cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã không đưa tin về video của Duma, một dấu hiệu cho thấy sự nhạy cảm xung quanh nội dung của nó.

Vị trí số 3 của Lật Chiến Thư đến từ việc ông ta ngồi trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm bảy người của Trung Quốc. Đó là cơ quan ra quyết định hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Những phát biểu gần đây của Lật Chiến Thư và những người khác đã tạo ra âm điệu cho cuộc gặp sắp tới giữa ông Tập và ông Putin, là cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên kể từ tháng 2 và chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập trong hơn hai năm. Hai nhà lãnh đạo, đều 69 tuổi, đang tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Samarkand, Uzbekistan, trong hai ngày 15 đến 16 tháng 9.

Duma cho biết Lật Chiến Thư và Volodin cũng đã gặp nhau trong các cuộc hội đàm trực tiếp vào ngày 8 tháng 9, trong đó quan chức Trung Quốc cũng bày tỏ tình cảm tương tự.

Ông nói: “Sự hợp tác của chúng tôi dựa trên những lợi ích quan trọng nhất của hai quốc gia và mang lại sự chắc chắn và ổn định cho một thế giới hỗn loạn”, trước khi kêu gọi “các hình thức hợp tác mới” trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Mạc Tư Khoa.

10. Điện Cẩm Linh đang bảo vệ Putin bằng cách thừa nhận thất bại của Nga ở Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Kremlin is Protecting Putin By Admitting Russia's Defeats in Ukraine: ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên cứu Chiến tranh nhận định rằng Điện Cẩm Linh đang bảo vệ Putin bằng cách thừa nhận thất bại của Nga ở Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, các quan chức Điện Cẩm Linh và các nhà tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông nhà nước đang thừa nhận những thất bại gần đây của Nga ở khu vực Kharkiv phía đông Ukraine trong một động thái nhằm che chắn cho Tổng thống Vladimir Putin khỏi trách nhiệm.

Tổ chức tư vấn của Mỹ đã viết trong đánh giá chiến dịch ngày 13/9 rằng Điện Cẩm Linh và các chuyên gia truyền thông nhà nước hiện đang “thảo luận rộng rãi” về lý do tại sao Nga phải đối mặt với tổn thất ở Kharkiv.

ISW viết: “Việc Điện Cẩm Linh thừa nhận thất bại là một phần trong nỗ lực nhằm làm giảm nhẹ và xoa dịu những lời chỉ trích về thất bại nặng nề như vậy đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như Bộ Quốc phòng Nga và bộ chỉ huy quân sự”.

Cuộc phản công bất ngờ của Ukraine ở Kharkiv diễn ra khi sự chú ý đang tập trung vào một nỗ lực tương đối mới khác nhằm chiếm lại lãnh thổ ở khu vực phía nam Kherson, nơi Nga cũng đang bị tổn thất.

Cuối tuần qua, Tướng Valeriy Zaluzhnyi, chỉ huy quân đội Ukraine, cho biết trong một bài đăng trên Telegram rằng quân đội Ukraine đã tiến tới biên giới Ukraine-Nga ở Kharkiv trong vòng 50 km, khoảng 30 dặm. Ban đầu, Bộ Quốc phòng Nga coi thông tin về việc Nga rút lui trong khu vực là một đợt tập hợp lực lượng của họ tới khu vực phía đông Donetsk, mặc dù một đại sứ Ukraine đã chế nhạo lời giải thích này trên Twitter bằng một đoạn video về bầy gà chạy trốn.

Các cuộc thảo luận về tổn thất của Nga ở Kharkiv đặc biệt đáng chú ý vì chúng đánh dấu lần đầu tiên Nga công khai thừa nhận những thất bại trong cuộc chiến đang diễn ra, ISW viết.

Khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, họ tập trung tấn công vào Kyiv nhưng sau đó bắt đầu một giai đoạn mới của cuộc chiến vào tháng 4, tập trung vào khu vực phía đông Donbas sau khi không chiếm được thành phố thủ đô.

“Điện Cẩm Linh không bao giờ thừa nhận rằng Nga đã bị đánh bại xung quanh Kyiv hoặc sau đó, tại Đảo Rắn, coi việc rút lui khỏi Kyiv là một quyết định nhằm ưu tiên giải phóng Donbas và chống chế cho việc rút khỏi Đảo Rắn là một 'cử chỉ thiện chí'“

Khi lực lượng của Nga rút khỏi Đảo Rắn vào tháng 6, Ukraine đã bác bỏ lời giải thích của Mạc Tư Khoa về việc rút lui, và khẳng định rằng họ chiếm lại tiền đồn ở Hắc Hải bằng lực lượng quân sự.

Hiện tại, theo ISW, các nguồn tin của Điện Cẩm Linh đang đổ lỗi cho những tổn thất ở Kharkiv của Nga vì những gì họ nói là “các cố vấn quân sự trong vòng trong của Putin không nắm được thông tin”.

“Một thành viên của Hội đồng Quan hệ các dân tộc có lợi ích của Điện Cẩm Linh, Bogdan Bezpalko, thậm chí còn tuyên bố rằng các quan chức quân sự đã không nhìn thấy sự tập trung của quân đội và thiết bị Ukraine và bỏ qua các kênh Telegram cảnh báo về cuộc phản công sắp xảy ra của Ukraine ở vùng Kharkiv. Cái đầu của những quan chức quân sự như thế phải nằm trên bàn của Putin.” Đó là cách nói của người Nga có nghĩa là các quan chức quân sự như thế phải chịu trách nhiệm hoàn toàn, chứ không phải là Putin, người đã ra thời hạn chót cho các tướng lãnh phải chiếm cho được toàn vùng Luhansk trước ngày 15 tháng 9. Một số nhà phê bình, nổi bật là Tướng Igor Girkin của Nga, cho rằng chính cái thời hạn chót này của Putin đã góp một phần đáng kể vào thất bại nhục nhã tại Kharkiv.

Nhóm nghiên cứu nói thêm rằng việc Điện Cẩm Linh thừa nhận những tổn thất ở Kharkiv cho thấy rằng Putin “sẵn sàng và có thể nhận ra và thậm chí chấp nhận một thất bại của Nga ít nhất là trong một số trường hợp và tập trung vào việc giảm nhẹ trách nhiệm bản thân”.

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh và Bộ Quốc phòng Nga để đưa ra bình luận.
 
Còn bao nhiêu người nữa phải hy sinh? ĐTC đặt câu hỏi với nước Nga trong diễn từ khai mạc
VietCatholic Media
05:36 16/09/2022


Cuộc chiến của Nga ở Ukraine trong bối cảnh chuyến thăm Kazakhstan của Giáo hoàng

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine và mối quan hệ căng thẳng của Tòa Thánh với Trung Quốc là bối cảnh cho chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tuần này tới nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ Kazakhstan, nơi ngài thăm một cộng đồng Công Giáo nhỏ và tham gia trong một hội nghị liên tôn nhằm thúc đẩy hòa bình và đối thoại.

Hôm thứ Ba, Đức Phanxicô đã đến thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan để gặp Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của chuyến công du ba ngày. Vào thứ Tư và thứ Năm, ngài đã tham gia một cuộc họp liên tôn với hơn 100 phái đoàn của các nhóm Hồi giáo, Kitô giáo, Do Thái, Phật giáo, Thần đạo và các nhóm tín ngưỡng khác từ 50 quốc gia.

Các khía cạnh đáng chú ý nhất trong chuyến thăm của Đức Phanxicô đã bị bỏ lỡ cơ hội: Đức Phanxicô được tường trình có thể gặp người đứng đầu Chính thống Nga bên lề hội nghị. Nhưng Thượng phụ Kirill, người đã biện minh cho cuộc chiến ở Ukraine, đã hủy chuyến đi của mình vào tháng trước.

Đức Phanxicô cũng đã đến thủ đô Kazakhstan cùng lúc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đang có chuyến thăm nước ngoài đầu tiên kể từ đại dịch coronavirus.

Ông Tập không tham dự đại hội tôn giáo. Trên chuyến bay của Đức Giáo Hoàng đến Kazakhstan, Đức Phanxicô được hỏi về một cuộc gặp có thể có với ông Tập và trả lời: “Tôi không có bất kỳ tin tức nào về việc này. Nhưng tôi luôn sẵn sàng đến Trung Quốc “.

Tòa thánh và Bắc Kinh đã không có quan hệ ngoại giao trong hơn nửa thế kỷ, và hai bên đang hoàn tất việc gia hạn một thỏa thuận gây tranh cãi về các bổ nhiệm giám mục Công Giáo ở Trung Quốc.

Cả Đức Giáo Hoàng và ông Tập đều tập trung sự chú ý vào hội nghị liên tôn, một sự kiện quan trọng ba năm một lần đối với Kazakhstan, quốc gia có biên giới với Nga ở phía bắc, Trung Quốc ở phía đông và là nơi sinh sống của khoảng 130 dân tộc. Đây là một điểm nhấn về chính sách đối ngoại của nước này và phản ánh cộng đồng dân cư đa văn hóa và đa sắc tộc của chính nó, từ lâu đã được coi là ngã tư giữa Đông và Tây.

Darhan Qydyrali, Bộ trưởng Thông tin và Phát triển xã hội, cho biết sự hiện diện của các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới trong nước hoàn toàn vì lợi ích quốc gia của Kazakhstan. “Chúng tôi đã mời họ và hy vọng rằng Thượng phụ Kirill cũng sẽ tham gia,” ông nói với Associated Press vào đêm trước đại hội. “Tựu chung lại, tôi nghĩ đại hội sẽ đưa ra một ví dụ rằng các vấn đề khác cũng có thể được giải quyết thông qua đối thoại của các tôn giáo”.

Khi Thánh Gioan Phaolô II viếng thăm vào năm 2001, 10 năm sau khi độc lập, ngài nhấn mạnh sự đa dạng của Kazakhstan trong khi nhắc lại quá khứ đen tối của nó dưới sự đàn áp của chế độ Stalin: Toàn bộ các ngôi làng của người Ba Lan bị trục xuất hàng loạt từ miền tây Ukraine đến Kazakhstan bắt đầu từ năm 1936, và chính phủ Liên Xô trục xuất hàng trăm nghìn người dân tộc Đức, Chechnya và các cộng tác viên Đức Quốc xã bị buộc tội khác đến Kazakhstan trong Thế chiến thứ hai. Nhiều hậu duệ của những người bị trục xuất vẫn còn và một số người trong số họ tạo nên cộng đồng Công Giáo của đất nước, với khoảng 125.000 người trong một đất nước gần 19 triệu dân.

Sophia Gatovskaya, một giáo dân tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở thủ đô, cho biết cô đã tham dự chuyến thăm đầu tiên của vị Thánh Giáo hoàng và nó đã đơm hoa kết trái cho đến ngày nay.

“Nó thực sự tuyệt vời. Và sau chuyến thăm này, chúng ta có được hòa bình và sự khoan dung ở nước cộng hòa của chúng ta. Chúng tôi có rất nhiều quốc tịch ở Kazakhstan, và tất cả chúng tôi đều sống cùng nhau. Và chúng tôi mong đợi điều tương tự từ chuyến thăm này của Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng chúng tôi sẽ có hòa bình trong nước cộng hòa của chúng tôi. Và chúng tôi rất kỳ vọng rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ kết thúc “.


Source:AP
 
Nga vừa bị Ukraine lừa một cú quá nặng ở Slobozhansky. Máy bay đến cứu, 4 chiếc bị rơi. Trục Nga-TQ
VietCatholic Media
17:03 16/09/2022


1. 4 chiếc máy bay Nga bị bắn rơi trong 24 giờ qua. Hai trung đoàn Nga bị tổn thất nặng ở Slobozhansky

Trong bản báo cáo hôm thứ Sáu 16 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Lực lượng chiếm đóng của Nga tiếp tục pháo kích vào các vị trí của Lực lượng vũ trang Ukraine dọc theo giới tuyến, cố gắng tập hợp lại lực lượng theo các hướng nhất định, và tiến hành trinh sát trên không.

Những thiệt hại nặng nhất của quân Nga được xác nhận trong 24 giờ qua diễn ra tại Slobozhansky. Các trung đoàn súng trường cơ giới số 202 và 204 thuộc quân đoàn 2 của Nga đã rút chạy khỏi Slobozhansky về vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời trong vùng Luhansk sau mưu toan ban đầu là chạy qua vùng Donetsk.

Theo tính toán của quân Nga, sau khi chiếm được Izium, quân Ukraine sẽ tấn công vào Lysychansk là thành phố gần nhất với Izium và thuộc về vùng Luhansk của Ukraine.

Sáng Chúa Nhật 11 tháng 9, tức là một ngày sau khi quân Ukraine tái chiếm được Izium, thống đốc Luhansk là ông Serhiy Hayday cho biết quân Ukraine đã có mặt trong vùng ngoại ô của thành phố Lysychansk, và quân Nga cũng được tường trình đang lũ lượt rút lui khỏi thành phố này. Tuy nhiên, đó có thể là một cái bẫy khác của người Ukraine nhằm làm cho người Nga tin rằng quân Ukraine dự định tấn công Luhansk. Các đơn vị chủ lực của Ukraine đã không tấn công vào vùng Luhansk nhưng tấn công sâu hơn ở miền Nam trong vùng Donetsk.

Quân đoàn 2 của Nga có thể đã nghĩ rằng rút lui về Donetsk là an toàn hơn và thực tế là cũng gần với vị trí của họ hơn. Trên đường rút lui về Donetsk, họ bị phục kích tại các khu vực Vesela Dolyna, Mayorsk và Zaitseve. Sau các tổn thất nghiêm trọng, hai trung đoàn 202 và 204, giờ đây nhập lại còn không quá một tiểu đoàn và phải thực hiện một cuộc vạn lý trường chinh để chạy ngược lên vùng Luhansk trong tình trạng hoàn toàn kiệt sức.

Nga đã cho các máy bay đến yểm trợ cho tàn quân của hai trung đoàn này. Tuy nhiên, trong bản tin mới nhất các lực lượng Ukraine cho biết đã bắn rơi 4 máy bay Nga trong 24 giờ qua. Bản cập nhật cho biết 3 chiếc Su-25 và 1 chiếc Su-24m của Nga đã bị bắn rơi khi đang cố gắng yểm trợ cho tàn quân của quân đoàn 2.

2. Siêu khuyết tật: Nga bị nhục nhã khi hỏa tiễn siêu thanh Dagger ‘không thể ngăn cản’ của Putin rớt xuống đất làm 8 người của ông ta bị thương

Tờ The Sun của Anh có bài tường trình nhan đề “HYPER MAYHEM Russia humiliated as Putin’s ‘unstoppable’ hypersonic Dagger missile CRASH LANDS injuring eight of his OWN people”, nghĩa là “Siêu khuyết tật: Nga bị nhục nhã khi hỏa tiễn siêu thanh Dagger ‘không thể ngăn cản’ của Putin rớt xuống đất làm 8 người của ông ta bị thương.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Nga đã bị bẽ mặt sau khi một trong những hỏa tiễn siêu thanh “không thể ngăn cản nổi” của Vladimir Putin được tường trình đã rớt xuống đất.

Tám người đã bị thương sau khi hỏa tiễn siêu thanh có khả năng hạt nhân mang tên “Dagger” được cho là rơi ở Nga đêm qua.

Mạc Tư Khoa tuyên bố hỏa tiễn “Kinzhal” chết người của họ - trước đây đã được Putin phóng trong cuộc chiến Ukraine - không thể bị các hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của phương Tây ngăn chặn.

Đoạn phim gây sốc xuất hiện cho thấy đống đổ nát bốc cháy của chiếc hỏa tiễn sau khi nó lao xuống mặt đất ở Stavropol Krai thuộc vùng Bắc Caucasus của Nga.

Các lực lượng vũ trang của Ukraine cho biết, quân đội Nga ban đầu phủ nhận đây là một trong những hỏa tiễn của họ - và đã đưa ra các báo cáo khẳng định đây là một máy bay không người lái của Ukraine.

Nhưng Ukraine tuyên bố đây là một trong những hỏa tiễn siêu thanh “không thể ngăn cản” của Putin đã “bắn vào Ukraine”.

Theo các báo cáo trích dẫn nguồn tin tình báo, các chuyên gia cho biết đó có thể là hỏa tiễn chống hạm đa năng siêu thanh P-800 của Nga hoặc một hỏa tiễn tương tự như hỏa tiễn 9-A-7660 “Dagger”.

“Dagger” có tầm bắn hơn 2.000 km và có thể di chuyển với tốc độ gấp 12 lần tốc độ âm thanh - gần như không thể bị phát hiện và vô hiệu hóa từ các vị trí phòng thủ.

Hỏa tiễn có thể được nạp tới 1.000 pound chất nổ, hoặc thậm chí là đầu đạn hạt nhân.

Vladimir Vladimirov, thống đốc Stavropol Krai của Nga, cho biết 8 người bị thương khi máy bay gặp nạn - trong đó có một lính cứu hỏa bị thương khi làm việc tại hiện trường.

Ông nói: “Một tình huống khẩn cấp đã xảy ra ở quận Turkmen.”

“Một vật thể bay không xác định đã rơi gần làng Kendzhe-Kulak.”

“Tổng cộng có tám nạn nhân. Trong số này, một người bị trầy xước và bầm tím nhẹ.”

“Bốn người đã được gửi đến các cơ sở y tế trong khu vực, một trong số họ là trẻ em.

“ Ba người hiện đang ở Bệnh viện Khu vực Stavropol, một trong số họ đang trong tình trạng nghiêm trọng.

“Các nạn nhân đang được cung cấp tất cả các chăm sóc y tế cần thiết bởi các bác sĩ chuyên khoa có trình độ cao, tất cả các thiết bị y tế cần thiết và thuốc men đều có sẵn.”

Hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga cho biết hỏa tiễn mà thống đốc Vladimir Vladimirov gọi là “một vật thể bay không xác định”, hóa ra là một “máy bay không người lái”.

Đoạn video trước đó của thông tấn xã TASS ghi lại khoảnh khắc ấn tượng một hỏa tiễn “Kinzhal” phá hủy một kho đạn dược ở phía tây Ukraine.

Biến cố sỉ nhục mới này xảy ra khi Putin phải chịu đựng sự sỉ nhục ở Ukraine khi ông phải chịu những tổn thất lớn trong cuộc phản công của Ukraine.

3. Nga và Trung Quốc tuần tra chung ở Thái Bình Dương

Hải quân Nga và Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận chung. Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Các thủy thủ đoàn đang thực hành diễn tập chiến thuật chung và tổ chức liên lạc giữa các tàu, tiến hành một loạt bài tập bắn pháo thực hành và tạo điều kiện cho các chuyến bay trực thăng trên boong”. Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết như trên trong tuyên bố hôm 15 tháng 9.

“Mục tiêu của các cuộc tuần tra là tăng cường hợp tác hải quân giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Á Châu - Thái Bình Dương, giám sát các vùng biển và bảo vệ các hoạt động kinh tế hàng hải của Liên bang Nga và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” Konashenkov nói.

Trong một diễn biến có liên quan, Nga đã cảnh báo Mỹ rằng họ sẽ bị lôi vào cuộc chiến nếu cung cấp thêm hỏa tiễn cho Ukraine.

Putin và ông Tập đã gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Uzbekistan. Đó là cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên của họ kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng Hai.

Khi hai bên đối mặt, Nga cảnh báo Mỹ không được cung cấp thêm hỏa tiễn cho Ukraine.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết: “Hoa Kỳ và các đồng minh của họ, những người cung cấp vũ khí cho chế độ Kyiv, đang thực sự trở thành đồng phạm trong tội ác chiến tranh của nó”.

“Nếu Washington quyết định cung cấp hỏa tiễn tầm xa hơn cho Kyiv, nước này sẽ vượt qua ranh giới đỏ và trở thành một bên trực tiếp gây ra xung đột”.

4. Người đứng đầu Liên Hiệp Âu Châu Ursula von der Leyen cho biết bà muốn Tổng thống Nga Vladimir Putin phải đối mặt với Tòa án Hình sự Quốc tế về tội ác chiến tranh ở Ukraine.

“Putin phải thua cuộc chiến này và phải đối mặt với trách nhiệm liên quan đến hành động của mình, đó là điều quan trọng đối với tôi”, cô nói trong chuyến công du đến Ukraine.

Cô nói thêm rằng: “ Chúng tôi ủng hộ việc thu thập bằng chứng” nhằm hướng tới các thủ tục tố tụng có thể xảy ra tại Tòa án Hình sự Quốc tế, liên quan đến các cáo buộc về tội ác chiến tranh của Putin ở Ukraine.

“Đó là cơ sở của hệ thống luật pháp quốc tế của chúng ta. Chúng ta phải trừng phạt những tội ác này. Và cuối cùng, Putin phải chịu trách nhiệm,” cô nói.

Khi được hỏi liệu một ngày nào đó Putin có thể bị đưa ra trước tòa hay không, cô trả lời: “Tôi tin là có thể.”

Diễn biến này xảy ra trong bối cảnh Bộ Nội Vụ Ukraine cho biết một ngôi mộ tập thể chứa ít nhất 440 thi thể đã được tìm thấy tại một thành phố do quân Nga chiếm giữ từ ngày 1 tháng Tư cho đến khi được lực lượng Ukraine giải phóng vào ngày 10 tháng 9 vừa qua.

Cảnh sát trưởng điều tra Serhii Bolvinov cho biết tất cả các thi thể sẽ được đào lên và đưa đi giám định pháp y để thu thập bằng chứng nghi ngờ tội ác chiến tranh của Nga.

Ông mô tả khám phá nghiệt ngã này là “tội ác chống lại loài người”.

5. Quân Ukraine may mắn cứu thoát được 5 thiếu niên bị quân Nga nhốt trong tầng hầm

Trong bản báo cáo hôm thứ Sáu 16 tháng 9, Bộ Nội Vụ Ukraine cho biết Lực lượng bảo vệ biên giới nhà nước Ukraine đã giải cứu 5 thiếu niên bị quân đội Nga nhốt trong tầng hầm suốt 7 ngày tại thành phố Kupiansk vừa được giải phóng ở vùng Kharkiv.

Các thiếu niên, bốn cô gái và một chàng trai từ 15 đến 17 tuổi, tất cả đều là học sinh của cùng một trường học. Họ cho biết binh lính Nga đã nhốt họ trong tầng hầm mà không một lời giải thích. “Hiện họ đã an toàn”.

Cảnh sát Ukraine cho biết họ lo ngại rằng có thể có những trường hợp tương tự như thế nên đã tập trung một lực lượng đông đảo tìm kiếm những người được báo cáo là mất tích.

6. Bộ trưởng Kinh tế Đức ước tính Ukraine cần 350 tỷ euro để tái thiết

Bộ trưởng Kinh tế Đức, Robert Habeck, cho biết hôm thứ Năm rằng theo ước tính của chính Kyiv, Ukraine cần 350 tỷ euro để tái thiết.

Reuters đưa tin rằng Habeck đã chào đón các bộ trưởng thương mại G7 trong cuộc họp tại Lâu đài Neuhardenberg ở bang Brandenburg.

Khi được hỏi về triển vọng của cuộc chiến, Habeck nói “Bây giờ bạn có thể thấy rằng Ukraine có thể kết thúc với chiến thắng cho tự do và dân chủ.”

Bộ trưởng Thương mại Ukraine Yulia Svyrydenko cũng tham dự sự kiện này.

7. Các quan chức địa phương của Nga gia tăng lời kêu gọi Putin từ chức - ngay cả sau khi đã bị phạt

Nikita Yuferev, phó chủ tịch thành phố Smolninskoye ở St. Peterburg, quê hương của Vladimir Putin tuyên bố với CNN: “Chúng tôi sẽ tiếp tục kiên quyết yêu cầu ông ta từ chức”

Yuferev cho biết anh đang làm điều đó cho các con của mình, nói rằng anh muốn chúng có thể nói lên suy nghĩ của mình tại các cuộc biểu tình và phản đối.

“Tôi không muốn họ sợ cảnh sát trả đũa,” anh nói với Erin Burnett của CNN,

Sau khi nhận được sự ủng hộ từ một số người, Yuferev cho biết ông tin rằng dư luận đang thay đổi, so với khi Putin vừa mở cuộc tấn công Ukraine lần đầu tiên. Ngoài việc đề nghị trả tiền phạt và lệ phí pháp lý, một người khác còn đề nghị mua cho anh ta một vé để chuyển gia đình đến Mễ Tây Cơ nơi anh ta có thể cảm thấy an toàn.

“Tất nhiên, tất cả chỉ là giai thoại. Chúng tôi đã từ chối, nhưng điều đó cho thấy chúng tôi đang nhận được sự hỗ trợ như thế nào và ý tưởng của chúng tôi đang được xã hội Nga chấp nhận ra sao”, Yuferev nói.

Cho đến nay, con số 7 quan chức yêu cầu Putin từ chức đã tăng lên đến 35 người vào hôm thứ Hai và đến ngày thứ Sáu đã tăng lên đến 47 người.

Ksenia Thorstrom, một phó chủ tịch của thành phố Semenovsky ở Saint Petersburg, nói với CNN. “Về phương diện địa lý, nhóm chúng tôi đã mở rộng đáng kể”

Những người ký tên là các đại biểu thành phố và các quan chức địa phương có ảnh hưởng chính trị.

Cuộc tháo chạy của các lực lượng Nga trong khu vực Kharkiv đã dẫn đến một số cuộc tranh luận gay gắt và công khai bất thường ở Mạc Tư Khoa. Các nhà bình luận và chính trị gia đã thảo luận về những gì đã xảy ra, và thường xuyên đổ lỗi cho Bộ Quốc phòng.

Việc công khai những lời phàn nàn về điều mà Nga mô tả là “hoạt động quân sự đặc biệt” ở Ukraine trái ngược hẳn với những gì đã xảy ra sau các thất bại trước đó, chẳng hạn như việc mất Đảo Rắn, mà Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, giải thích việc Nga rút quân như là một cử chỉ thiện chí.

Các nhà bình luận đã bác bỏ lời giải thích vào cuối tuần của Bộ Quốc phòng rằng các lực lượng đã được “tái phối trí” từ Kharkiv đến Donbas.

Một thành viên của Hội đồng Quan hệ các dân tộc có lợi ích của Nga, Bogdan Bezpalko, cho rằng các quan chức quân sự đã phớt lờ thông tin tình báo về một cuộc tấn công sắp xảy ra ở Ukraine nên họ đáng bị quy trách nhiệm.

Ông nói trên truyền hình nhà nước: “Ở mặt trận trong hai tháng, Lực lượng vũ trang và thiết bị quân sự của Ukraine đã tràn vào khu vực đó, tất cả các kênh Telegram đều viết về điều đó,” ông nói trên truyền hình nhà nước.

“Các đơn vị trinh sát chết tiệt của chúng ta đã ở đâu? Tất cả những cái đầu của họ nên nằm trên bàn của Putin”.

Thảo luận về một cuộc tổng động viên - và gọi hoạt động “quân sự đặc biệt” là một cuộc chiến tranh - cũng đang được thảo luận tại Quốc hội Nga.

“Hoạt động quân sự đặc biệt khác với chiến tranh như thế nào? Bạn có thể dừng hoạt động quân sự bất cứ lúc nào. Bạn không thể ngừng chiến tranh. Nó kết thúc trong chiến thắng hoặc thất bại. Tôi đang dẫn bạn đến ý tưởng rằng có một cuộc chiến đang diễn ra,” Gennady Zyuganov, lãnh đạo Đảng Cộng sản Nga, nói trong một phiên họp hôm thứ Ba.

Hôm thứ Ba, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết “hiện tại không có cuộc thảo luận nào về về một cuộc tổng động viên”. Khi được hỏi về những lời chỉ trích về hoạt động ở Ukraine, ông nói rằng nó thể hiện “chủ nghĩa đa nguyên”, nói thêm rằng người Nga ủng hộ Tổng thống Vladimir Putin và các quyết định của ông nhưng cảnh báo rằng có giới hạn đối với các ý kiến phản biện.

8. Thị trấn gần thành phố Kherson đã sạch bóng quân Nga, quan chức địa phương Ukraine tuyên bố

Người đứng đầu hội đồng thành phố Kherson nói rằng các lực lượng Ukraine đã giải phóng một thị trấn ở phía bắc tiếp cận thành phố.

Thị trấn Kyselivka đã được giải phóng “gần với trung tâm khu vực. Quân xâm lược Nga đang hoảng loạn, và người dân địa phương đang ở trong tình trạng mong đợi “, Oleksandr Samoilenko nói với đài truyền hình Ukraine.

Hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy một số phương tiện quân sự của Nga vẫn còn ở Kyselivka, con đường chính nối Mykolaiv - nơi do người Ukraine nắm giữ - và thành phố Kherson, nơi vẫn đang bị chiếm đóng.

Hôm thứ Hai, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW cho biết hình ảnh vệ tinh về các vị trí đã biết của Nga ở Kyselivka, cách thành phố Kherson 15 km về phía tây bắc, cho thấy tất cả đã hô biến ngoại trừ 4 phương tiện của Nga.

ISW cho biết: “Việc quân đội Nga rút khỏi vị trí này rõ ràng có thể làm tổn hại đến khả năng của quân Nga trong việc bảo vệ vùng ngoại ô phía tây bắc của Thành phố Kherson và cho thấy rằng quân đội Nga ở khu vực này nhận thấy mối đe dọa sắp xảy ra đối với các vị trí của họ”.

Kyselivka cách sân bay Kherson khoảng 12 km, từng được quân đội Nga sử dụng làm bộ chỉ huy và căn cứ.
 
Quá ác: Phát hiện kinh hoàng ở Izium. ĐTC nói các nước giúp vũ khí cho Ukraine tự vệ là hợp đạo lý
VietCatholic Media
17:10 16/09/2022


1. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng việc các nước cung cấp vũ khí cho Ukraine tự vệ là hợp đạo lý

Hôm thứ Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết việc các nước cung cấp vũ khí cho Ukraine để giúp Ukraine tự vệ trước sự xâm lược của Nga là hợp pháp về mặt đạo đức.

Phát biểu với các phóng viên sau khi trở về sau chuyến công du kéo dài 3 ngày tới Kazakhstan, Đức Phanxicô đã đưa ra lập trường trên và cũng kêu gọi Kyiv cởi mở đối thoại, mặc dù điều đó có thể “có mùi” vì sẽ gây khó khăn cho phía Ukraine.

Trước câu hỏi của một phóng viên về việc các quốc gia gửi vũ khí đến Ukraine có đúng về mặt đạo đức hay không, Đức Giáo Hoàng nói:

“Đây là một quyết định chính trị mà nó có thể có ý nghĩa đạo đức, có thể chấp nhận được về mặt đạo đức, nếu nó được thực hiện trong những điều kiện phù hợp luân lý… Tự vệ không chỉ là phù hợp mà còn là biểu hiện của tình yêu quê hương đất nước. Ai đó không bảo vệ chính mình, người không bảo vệ một cái gì đó, không yêu nó. Những người bảo vệ một cái gì đó rất yêu quý điều đó”.

Giải thích về sự khác biệt khi việc cung cấp vũ khí cho quốc gia khác là đúng đắn hay vô luân, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Nó có thể là vô luân nếu có ý định kích động thêm chiến tranh, hoặc bán vũ khí hoặc tháo khoán số vũ khí mà một quốc gia không còn cần nữa. Động lực phần lớn là yếu tố định tính về mặt đạo đức của hành động này”.

Đức Giáo Hoàng cũng được hỏi liệu Ukraine có nên đàm phán với Nga hay không và liệu Ukraine có nên vạch ra “lằn ranh đỏ” hay không, tùy thuộc vào các hoạt động của Nga, khiến nước này có thể từ chối đàm phán.

“Luôn luôn là khó để hiểu được việc đối thoại với các quốc gia gây ra chiến tranh... rất khó nhưng không nên loại bỏ nó. Tôi sẽ không loại trừ đối thoại với bất kỳ cường quốc nào đang có chiến tranh, ngay cả khi nó là với kẻ xâm lược.... Đôi khi bạn phải thực hiện đối thoại như thế này. Nó có mùi nhưng nó phải được thực hiện”.
Source:Reuters

2. 'TỘI PHẠM CHỐNG NHÂN LOẠI' 'Ngôi mộ tập thể với 440 thi thể' được phát hiện trong thành phố được giải phóng khỏi sự kiểm soát của Nga, khi cuộc phản công của Ukraine tiếp tục

Trong bản báo cáo sáng thứ Sáu 16 tháng 9, Bộ Nội Vụ Ukraine cho biết một ngôi mộ tập thể chứa ít nhất 440 thi thể đã được tìm thấy tại một thành phố do quân Nga chiếm giữ từ ngày 1 tháng Tư cho đến khi được lực lượng Ukraine giải phóng vào ngày 10 tháng 9 vừa qua.

Cảnh sát trưởng điều tra Serhii Bolvinov cho biết tất cả các thi thể sẽ được đào lên và đưa đi giám định pháp y để thu thập bằng chứng nghi ngờ tội ác chiến tranh của Nga.

Ông mô tả khám phá nghiệt ngã này là “tội ác chống lại loài người”.

Cảnh sát hàng đầu nói với Sky News: “Tôi có thể nói rằng có một trong những khu chôn cất lớn nhất ở một thành phố vừa được giải phóng. Khoảng 440 thi thể được chôn ở một nơi.”

“Rất nhiều thi thể vẫn chưa được xác định danh tính. Vì vậy, lý do của cái chết sẽ được xác định trong quá trình điều tra. “

Anh nói thêm: “Đối với tôi, nó đặc biệt gây sốc và kinh khủng và đây là một tội ác chống lại loài người. Nó không nên xảy ra như thế này trong một thế giới văn minh vào năm 2022.”

“Đây là một câu chuyện kinh khủng và khó chịu từ mọi góc độ. Tôi tin chắc rằng kẻ ác chắc chắn sẽ bị trừng trị “.

Bolvinov cho biết các viên chức của ông cũng biết về một số ngôi mộ tập thể khác trong khu vực.

Hồi tháng 4, Ukraine bắt đầu nhiệm vụ khó khăn là đào một ngôi mộ tập thể ở Bucha, nơi chôn cất ít nhất 400 nạn nhân của những hành động tàn bạo của Nga.

Biến cố tại Izium diễn ra khi Putin phải đối mặt với sự sỉ nhục ở Ukraine khi ông ta phải chịu tổn thất lớn trong cuộc phản công của Ukraine.

Tổng thống Zelenskiy thề sẽ tiếp tục xông lên phía trước khi quân đội của ông tiến đến rìa Donbas do Nga chiếm giữ trong một cuộc phản công ngoạn mục.

Nhà lãnh đạo anh hùng đã đến thăm thị trấn Izium - một thành trì cũ của Nga - vài ngày sau khi quân đội của Putin bỏ chạy trong thất bại nặng nề nhất kể từ khi rút lui khỏi Kyiv.

Ông nói: “Chúng ta đang đi theo một hướng duy nhất - về phía trước và hướng tới chiến thắng.”

Quân đội Ukraine đã đạt được những thành tựu đáng kinh ngạc trên các mặt trận phía đông và phía nam, trong bối cảnh quyết tâm quân sự của Nga đã sụp đổ.

Ukraine cho biết họ đã giải phóng khoảng 6.000 km vuông - một khu vực có diện tích bằng Devon - với cuộc tấn công chớp nhoáng vào tuần trước khiến quân đội Nga bất ngờ.

Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết: Các vũ khí tầm xa của Anh và Mỹ - bao gồm các bệ phóng hỏa tiễn di động cao hay HIMARS và hệ thống hỏa tiễn hàng loạt có hướng dẫn hay GMLRS - là chìa khóa thành công của cuộc phản công Kharkiv.

Biến cố này cũng diễn ra trong bối cảnh có các báo cáo cho thấy quân đội của Putin đã bắt đầu rời bỏ một thành phố lớn khác khi đối mặt với cuộc phản công chớp nhoáng của Ukraine.

Các lực lượng Nga được cho là đang rút khỏi Melitopol ở khu vực Zaporizhzhia, miền nam Ukraine và tiến về Crimea do Mạc Tư Khoa sáp nhập trong một đòn sỉ nhục mới đối với Điện Cẩm Linh.
Source:The Sun

3. Lời khai kinh hoàng của một nhân viên y tế trước Quốc Hội Hoa Kỳ

Một nhân viên y tế tình nguyện Ukraine bị lực lượng Nga bắt giữ trong cuộc vây hãm thành phố cảng Mariupol chết chóc đã đưa ra lời khai kinh hoàng trước các nhà lập pháp Hoa Kỳ vào hôm thứ Năm, kể lại những kinh nghiệm bị tra tấn, chết chóc và khủng bố mà cô đã phải trải qua.

Yuliia Paievska, người đã bị giam giữ tại Mariupol vào tháng 3 và bị lực lượng Nga và thân Nga giam giữ trong 3 tháng, đã phát biểu trước Ủy ban Helsinki, một cơ quan chính phủ được thành lập để thúc đẩy việc tuân thủ nhân quyền trên toàn thế giới.

Được biết đến với biệt danh Taira, Paievska đã thu hút được sự chú ý trên toàn cầu sau khi cô chuyển cảnh quay bằng camera gắn trên người của mình cho Associated Press ngay trước khi họ rời Mariupol.

Giọng cô nghẹn ngào vì xúc động, cô liệt kê cho ủy ban một số hành động tàn bạo mà cô đã chứng kiến ở Mariupol, và đặc biệt là trong thời gian bị giam cầm:

Người thân và nhà nước Ukraine không thể biết về số phận của các tù nhân mang thai

Một chiến binh đã bị đánh đập trong ba giờ và sau đó bị ném xuống tầng hầm như một cái bao tải. Và chỉ một ngày sau, anh ta lại bị đánh tiếp.

Một đứa trẻ chết ngay trong vòng tay của người mẹ.

Một cậu bé bảy tuổi với vết đạn chết trong vòng tay của tôi vì tôi không thể cứu cậu bé trong hoàn cảnh đó.

Các tù nhân trong phòng giam của họ la hét hàng tuần và chết vì bị tra tấn mà không có bất kỳ sự trợ giúp y tế nào trong thời gian bị giam giữ ở địa ngục này. Điều duy nhất họ cảm thấy trước khi chết là bị ngược đãi và bị đánh đập tàn bạo.

Bạn tôi, người mà tôi vuốt mắt cho anh ấy trước khi anh chết. Sau đó, tôi lại vuốt mắt cho một người bạn khác. Và những người khác, cứ thế hết người này đến người khác.

Một thành phố có nửa triệu người đang chết trước mắt tôi, dưới các cuộc không kích, có kế hoạch, bài bản.

Người Nga thẳng tay không kích vào bệnh viện và khu dân cư.

Một bệnh viện đầy thương binh và thường dân, nơi thuốc mê đã hết và thuốc kháng sinh cũng hết.

Các binh sĩ và toàn bộ nhân viên y tế ngủ hai, ba giờ mỗi ngày vì các ca phẫu thuật nối tiếp nhau.

Những chiếc xe cứu thương Medivac cứ 5, 10 phút lại đến với những người bị thương và người chết nằm chồng chất lên nhau, và số phận của những người này thật không may bất kể các nỗ lực của các bác sĩ và y tá.

Người Nga đốt xe hơi, thiêu sống những người đang rên la trong đó.

Các nhân viên cảnh sát đưa phụ nữ và trẻ em ra khỏi đống đổ nát hình dạng không còn có thể nhận ra được.

Người dân phải uống nước từ vũng nước sình lầy.

Những ngôi nhà bị cướp phá.

Những chú chó từng là thú cưng kéo chân tay con người đi khắp thành phố.

Các tù nhân bị kẻ giết người buộc phải cởi bỏ quần áo trước khi họ bị giết từ từ.

Phòng tra tấn được chuẩn bị đặc biệt.

Paievska cho biết một người lính Nga đã hỏi cô khi anh ta tra tấn cô: “Mày có biết tại sao chúng tao làm như thế này với mày không?”. “Bởi vì mày có thể, bây giờ là giờ của mày” cô ấy trả lời, và cho biết cô đã muốn phỏng theo cách Chúa Giêsu trả lời Quan tổng trấn Phongxiô Philatô.
Source:ABC News4. Chính phủ Eritrea bắt lính ngay trong các thánh lễ

Thông tấn xã Catholic News Service của Hội Đồng Giám Mục có bài tường trình nhan đề “Eritrean government rounds up teens from church service”, nghĩa là “Chính phủ Eritrea bắt lính ngay trong các thánh lễ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các địa điểm thờ tự đã trở thành mục tiêu mới nhất cho việc bắt buộc các thanh thiếu niên Eritrea phải gia nhập quân ngũ. Các giáo sĩ mô tả động thái này là một vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng và tình hình xã hội đang xấu đi rất nhanh.

Trong hai năm qua, các học sinh 15 và 16 tuổi đã bị quân đội ruồng bắt tại các thị trấn và làng mạc. Theo các nguồn tin, một số sẽ ra tiền tuyến trong cuộc chiến ở bang Tigray, miền bắc Ethiopia.

“Một vài tuần trước, chính quyền Eritrea tiếp tục tịch thu các trường học do Giáo Hội Công Giáo điều hành và sở hữu. Như thể điều này vẫn chưa đủ, bây giờ họ ngang nhiên phá rối các thánh lễ và bắt những chàng trai và cô gái trẻ 16 tuổi. Cha Mussie Zerai, một linh mục Công Giáo gốc Eritrea, người làm việc với những người di cư, nói với tờ Catholic News Service vào ngày 7 tháng 9.

“Họ làm điều đó ở những nơi thờ phượng như đã xảy ra vào Chúa Nhật tuần trước 4 tháng 9 ở giáo phận Segheneity, trong ngôi làng ở Akrur thuộc giáo xứ Công Giáo Medhanie Alem”

Chỉ vào những bức ảnh được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, vị linh mục nói rằng những người lính đã đến trong Thánh lễ và bao vây nhà thờ để ngăn không cho bất cứ ai chạy thoát. Vị linh mục cho biết họ bắt các thiếu niên, bao gồm tất cả các cậu bé của dàn hợp xướng trong đồng phục của họ.

Cha Zerai nói: “Những người trẻ này bị đưa đến các trại huấn luyện quân sự và sau đó sẽ bị đưa ra tiền tuyến trong các cuộc chiến đang diễn ra trong khu vực, đặc biệt là ở Ethiopia.

Ngài cảnh báo rằng nếu chế độ tiếp tục đánh phá các nơi thờ tự, sẽ có nguy cơ những người trẻ tuổi - lo sợ bị ép buộc tuyển mộ nhập ngũ - sẽ thôi không đến các nhà thờ nữa.

“Quyền thiêng liêng của mỗi tín hữu được đến nhà thờ để cầu nguyện mà không bị quân đội hay cảnh sát đàn áp ở đất nước của họ là quyền cơ bản của mỗi con người”

Trong 20 năm, chính phủ của Tổng thống Eritrea Isaias Afwerki đã thực hiện chương trình động viên quốc gia đối với mọi công dân từ 17 đến 55 tuổi.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nhiều người Eritrea đã dành cả cuộc đời của họ để phục vụ chính phủ, trong các khu vực quân sự hoặc dân sự. Nhiều người trong số này được tuyển dụng trực tiếp từ các trường trung học.

Các cuộc tuyển mộ cưỡng bức đã khiến nhiều thanh niên từ 18 đến 24 tuổi phải chạy trốn khỏi đất nước, bao gồm cả việc thực hiện cuộc hành trình nguy hiểm qua sa mạc và biển Địa Trung Hải để đến Âu Châu.

Chính phủ Eritrea đã phớt lờ những lời cầu xin của cộng đồng quốc tế về việc tôn trọng nhân quyền.

“Hàng ngày, mọi người tiếp tục chạy trốn khỏi sự tuyển dụng bắt buộc của chính phủ và thực hiện những chuyến hành trình băng qua sa mạc. Chính phủ không quan tâm. Nó không có gì để mất, “một nguồn tin Giáo Hội Eritrea không thể nêu tên vì lý do an ninh cho biết như trên”.
Source:nzcatholic.org.nz

5. Các giám mục Ukraine hoan nghênh các báo cáo của Liên Hiệp Quốc về các công dân bị trục xuất sang Nga

Các giám mục Ukraine ủng hộ các báo cáo của Liên Hiệp Quốc rằng thường dân đang bị trục xuất cưỡng bức khỏi các khu vực do Nga chiếm đóng trên đất nước của họ, như những cảnh tượng đã diễn ra trong những thập kỷ trước.

Đức Cha Stanislav Szyrokoradiuk của Odesa-Simferopol cho biết: “Mặc dù chúng tôi không biết chính xác những người dân của chúng tôi bị gửi đi đâu, hoặc ở quy mô nào, nhưng những vụ trục xuất này chắc chắn đang diễn ra”.

“Nhiều trẻ em đang bị đưa từ các trại trẻ mồ côi ở Kherson và các thị trấn bị chiếm đóng khác - và mặc dù một số đã cố gắng trở về, nhưng hầu hết không thể làm thế. Đó chỉ là một trong nhiều vụ vi phạm nhân quyền mà chúng tôi đang chứng kiến”.

Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 9 tháng 9 với Catholic News Service, ngài nói rằng rất khó để đưa ra “sự phân biệt thực tế rõ ràng giữa trục xuất và di tản,” hoặc có được các dữ liệu về việc tái định cư “cưỡng bức và tự nguyện”.

“Trong khi hầu hết người Công Giáo từ các khu vực bị ảnh hưởng bởi chiến tranh đã trốn sang Ba Lan và phương Tây, một số công dân thân Nga cũng đã sang phương Đông, có lẽ tin rằng cuộc sống ở đó sẽ tốt hơn,” Đức Cha Szyrokoradiuk nói.

“Tuy nhiên, các nỗ lực cũng đang được tiến hành để nhận càng nhiều trẻ em Ukraine càng tốt và biến chúng thành những người mới thuộc về Nga. Cũng giống như trong lịch sử trước đây, khi người Ukraine cũng bị bắt đi, trẻ em đang được sử dụng để tuyên truyền, để cho thấy người Nga tốt bụng như thế nào “.

Kể từ cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2 của Nga, các báo cáo đã lan truyền rằng dân thường từ khu vực Donbas phía đông bị chiếm đóng một phần của Ukraine và các thành phố như Mariupol và Kharkiv đã bị thẩm vấn trong các “trại thanh lọc”, trước khi bị đưa đến Siberia và các khu vực khác của Nga, mặc dù Mạc Tư Khoa khẳng định Nga đang cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho những người Ukraine muốn tái định cư một cách tự nguyện.

Trong một bài đăng trên trang web ngày 8 tháng 9, Tòa Thượng phụ Chính thống giáo Nga cho thấy Thượng phụ Kirill đang chào hỏi trẻ em và thanh thiếu niên Ukraine từ “các vùng giải phóng” Donbas, Kharkiv và Kyiv tại một cuộc họp ở Mạc Tư Khoa.

Bài đăng cho biết Thượng phụ Kirill đã nói với những người trẻ tuổi rằng ông ta “coi tất cả những người Chính thống Ukraine là con cái của mình” và đã cảnh báo họ chống lại những lời kêu gọi “từ chối căn tính thật của họ vì lợi ích của một căn tính sai trái”.

Đức Cha Szyrokoradiuk cho biết những bức ảnh đã được “sử dụng để tuyên truyền cho Nga” và “không có điểm chung nào với sự thật hay đức tin.”

“Không có gì đáng ngạc nhiên khi những đứa trẻ này trông không vui vẻ, vì chúng đã bị đưa khỏi quê hương của chúng và bị cắt đứt nguồn gốc dân tộc của mình,” vị giám mục nói.

“Cuộc chiến này đã phá vỡ mọi giới hạn của sự kiềm chế và vô luật pháp - nó đã biến thành một làn sóng khủng bố, trong đó toàn bộ thị trấn và thành phố bị phá hủy cùng với cư dân của những nơi ấy, và tất cả những nỗ lực được thực hiện để xóa bỏ ý tưởng về quốc gia Ukraine”,

Phát biểu tại cuộc họp báo mở ngày 7 tháng 9 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Ilze Brands Kehris, trợ lý tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về nhân quyền, cho biết Liên Hiệp Quốc đã nghe thấy “những cáo buộc đáng tin cậy” rằng trẻ em không có người đi kèm đã bị “cưỡng bức trục xuất” và được các gia đình Nga nhận làm con nuôi sau khi được nhập quốc tịch Nga.

Quan chức Latvia nói thêm rằng các lực lượng Nga đã buộc dân thường phải bị “kiểm tra an ninh một cách đầy xúc phạm” và “nhiều hành vi vi phạm nhân quyền đã diễn ra”, với những người được coi là thân cận với chính phủ Ukraine bị đưa đến những miền xa xôi và các trung tâm giam giữ hoặc “biến mất”.

“Các lực lượng vũ trang Nga và các nhóm vũ trang liên kết đã bắt mọi người phải trần truồng để khám xét cơ thể, đôi khi liên quan cả đến việc cưỡng bức chụp hình khỏa thân và thẩm vấn chi tiết về lý lịch cá nhân, mối quan hệ gia đình, quan điểm chính trị và lòng trung thành, phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị lạm dụng tình dục cao độ”, Kehris nói với cuộc họp của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

“Chúng tôi kêu gọi Liên bang Nga cấp quyền truy cập và không bị cản trở tới tất cả các nơi giam giữ dưới sự kiểm soát của họ,” bà nói thêm.

Vasily Nebenzya, đại sứ Liên Hiệp Quốc của Nga, bác bỏ những cáo buộc này là “vô căn cứ” và nói rằng người Ukraine đang chạy trốn khỏi đất nước của họ “để tự cứu mình khỏi chế độ tội phạm của Ukraine.”

Ngày hôm sau, Tổng Giám mục Công Giáo Ukraine Sviatoslav Shevchuk của Kyiv-Halych cho biết có tin 2,5 triệu người, trong đó có 38.000 trẻ em, đã được gửi đến Siberia và vùng viễn đông của Nga, và đó là một “vết thương lớn đối với đất nước Ukraine.”

Đức Cha phụ tá Jan Sobilo của Kharkiv-Zaporizhzhia nói với CNS ngày 9 tháng 9 rằng giáo phận của ngài đã mất liên lạc với một số người Công Giáo bày tỏ lo ngại rằng họ bị đưa đến Nga, và nói thêm rằng mục đích của việc trục xuất dường như là để “làm suy yếu tinh thần quốc gia” và buộc người Ukraine đến các khu vực dân số thấp của Nga.

“Thật khó tin là chúng ta đang thấy sự lặp lại của những hành động từ một thế kỷ trước đang quay trở lại cùng với những phương pháp thô sơ, quyết liệt như vậy, điều này sẽ được ghi nhớ cho các thế hệ sau. Những người được gửi từ lâu đến Siberia và Kazakhstan không bao giờ đánh mất tinh thần hay ý thức dân tộc của họ. Tuy nhiên, người Nga lại mắc phải sai lầm tương tự khi buộc trục xuất mọi người một lần nữa “.

Hàng triệu người Đông Âu đã bị trục xuất đến những nơi khổ sai và chết chóc ở Siberia và Trung Á dưới sự chiếm đóng của Nga hoàng và sau đó là sự chiếm đóng của cộng sản Liên Xô. Mặc dù nhiều người trở về từ các nhà tù và trại lao động trong những thập kỷ sau đó, nhưng phần lớn người Ba Lan, Ukraine, Lithuania và các dân tộc thiểu số khác vẫn còn trên khắp nước Nga ngày nay.

Việc trục xuất “những cá nhân được coi là có quan điểm thân Ukraine hoặc chống Nga” đã được trích dẫn trong một báo cáo ngày 29 tháng 6 của Cao ủy Người tị nạn Liên Hiệp Quốc, cũng như trong một báo cáo ngày 14 tháng 7 của Tổ chức An ninh và Hợp tác Âu Châu và một báo cáo ngày 1 tháng 9 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, cho biết việc cưỡng bức chuyển dân thường đến lãnh thổ của một bên chiếm đóng bị cấm theo luật nhân đạo quốc tế, bao gồm cả Công ước Geneva năm 1949.

Vào tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết “nhiều nguồn tin” chỉ ra rằng các lực lượng Nga đã thẩm vấn, giam giữ và buộc trục xuất 1,6 triệu người Ukraine, trong đó có 260.000 trẻ em, trong “một nỗ lực rõ ràng nhằm thay đổi cấu trúc nhân khẩu học của các vùng của Ukraine.”
Source:catholicphilly.com