Ngày 16-09-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:47 16/09/2019

37. Tôi tìm “cái thang” phù hợp trong kinh thánh và cuối cùng cũng tìm được, vì chính Thiên Chúa đã nói: “Ai trở nên trẻ nhỏ thì có thể đến cùng Ta.”

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:54 16/09/2019
15. SÓT MẤT BỐN CHẤM

Lúc Trình Đàm làm quan ở kinh thành thì có rất nhiều tiếng tốt, chỉ có điều là biết chữ quá ít.

Một lần nọ, bá tánh đi kiện, mời ông ta ngồi kiệu đến, Trịnh Đàm rất thông cảm với bá tánh, lập tức viết trên tờ cáo trạng hai chữ “chấp chiêu”, những người biết chữ trong đám dân chúng suy đoán chữ này nhất định là chữ “chiêu” thiếu bốn chấm (1) phía dưới, bèn nói với Trình Đàm:

- “Sót mất bốn chấm”.

Trình Đàm cầm lấy coi, cầm viết cạo cạo dưới chữ “chấp” và thêm bốn chấm (2), cho nên chữ “chấp chiêu” biến thành chữ “nhiệt chiêu”. Chuyện này đồn ra ai nghe được cũng cười.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 15:

Thời nay có một vài người giàu có thích chơi nổi để ra vẻ ta đây là người điệu nghệ, họ vung tiền ra mua những bức họa thời xưa để gọi là sưu tầm tranh cổ, họ bỏ tiền ra mua một vài thứ mà ở nhà quê có đầy đem về treo trang trọng trong nhà gọi là đồ quý hiếm, họ không tiếc tiền để mua vài cái bình sành đã cũ và hí hửng khoe với bà con hàng xóm là đồ quý hiếm, nhưng đem về nhà thì vứt lăn lóc trong xó…

Có người không biết tí gì về văn học nhưng cũng mua rất nhiều loại sách nghiên cứu chất đầy trên kệ sách để khoe mình là người tài hoa văn học, nhưng một chữ trong sách thì không để mắt đến…

Cũng có một vài người Ki-tô hữu mua về những quyển sách đạo đức chất đầy tủ sách, nhưng sách gối đầu giường của họ là những quyển tiểu thuyết ba xu nhảm nhí, những chuyện tình cảm đồi trụy lố lăng…

Đừng khoe mình biết nhiều tác phẩm văn chương tuyệt bút hoặc thuộc lòng những bài thơ hay, nhưng hãy khoe mình sống như lời Đức Chúa Giê-su dạy trong Phúc Âm, đó là người dễ thương nhất vậy !

(1) Chữ 照 là chữ “chiếu”, viết thiếu bốn chấm bên dưới thành chữ 昭 “chiêu”. “Chấp chiếu” chứ không phải là “chấp chiêu”.

(2) Chữ 執 “chấp” thêm bốn chấm bên dưới là chữ “nhiệt” 熱, nên đọc thành là chữ “nhiệt chiêu”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giai đoạn hai tái thiết Nhà Thờ Đức Bà Paris đã bắt đầu, nhưng còn nhiều giai đoạn khác nữa
Vũ Văn An
18:02 16/09/2019
Theo Ký giả Christopher White của tạp chí Crux, công trình tái thiết Nhà Thờ Đức Bà đã khởi sự và hiện đang ở trong giai đoạn hai. Tuy nhiên, còn rất nhiều giai doạn kế tiếp. Bạn đọc có thể đọc bài viết của ông tại https://cruxnow.com/notre-dame-cathedral-fire/2019/09/16/season-two-opens-for-famed-paris-cathedral-but-its-a-long-running-show/. Sau đây là bản dịch sang Việt ngữ:

Trong nhiều thế kỷ, khách du lịch đến thăm Paris đã dừng lại dọc theo bờ sông Seine để trố mắt ngắm Nhà thờ Đức Bà. Bây giờ, họ tạm dừng để xem xét những gì có thể đã xảy ra - những gì gần như đã xảy ra - năm tháng trước, khi một đám cháy gần như đã đánh sập cột mốc 850 năm tuổi đời này.

Quảng trường một lần bận rộn ở bên ngoài mặt tiền nhà thờ chính tòa, nơi người ta có thể thưởng ngoạn các cảnh điêu khắc từ việc sáng tạo ra thế giới đến cuộc phán xét cuối cùng, hiện chứa đầy các xe kéo xây dựng, giàn giáo và xe tải đang tìm cách bảo vệ một trong những kho báu quý giá nhất của Giáo hội Pháp.



Tuy nhiên, vì nhà thờ chính tòa vĩ đại là một địa điểm tôn giáo, nhưng nó lại thuộc quyền sở hữu của nhà nước Pháp, nên nó đã tạo ra một trong những thách thức đầu tiên khi các quan chức nhà thờ và nhà nước phải đối diện với triển vọng khôi phục nhà thờ Đức Bà.

Đức ông Patrick Chauvet, Cha sở Nhà thờ Đức Bà, mô tả vai trò của ngài ngày nay như vai trò của một “nhà ngoại giao”, phục vụ trong tư cách liên lạc viên giữa tổng giám mục Paris, thành phố Paris, Tổng thống Pháp và Bộ Văn hóa, bộ chịu trách nhiệm đối với các nỗ lực khôi phục.

Trong những tuần sau vụ hỏa hoạn ngày 15 tháng 4, đã có một thứ giằng co quốc gia giữa những người muốn sử dụng việc khôi phục để hiện đại hóa thiết kế của nhà thờ chính tòa và những người khác đang tìm cách đem nhà thờ chính tòa trở lại trạng thái chính xác trước khi xảy ra hỏa hoạn.

Bất chấp bi kịch này, Đức Ông Chauvet đã nói với Crux vào tháng trước rằng ngài đang hưởng được một mối “liên hệ tốt đẹp” với các bên liên hệ, nhưng thừa nhận đây là một diễn trình tế nhị. Trong khi đương nhiên quan tâm đến các vấn đề về thiết kế, an toàn và sửa chữa, ngài vẫn chủ yếu quan tâm đến việc đem Nhà thờ Đức Bà trở lại tư cách ngôi nhà cầu nguyện.

Đức ông Chauvet nói rằng “Tôi tiếp tục nhận được thư của những người mô tả hậu quả của đám cháy và tôi muốn duy trì một sự đổi mới thiêng liêng”.

“Tôi muốn Đức Mẹ có thể rời nhà thờ chính tòa vì chúng tôi không thể trở lại bên trong, nhưng ngài thì ngài có thể ra ngoài để gặp con cái của ngài”, Đức ông tiếp tục nói thế, trong khi mô tả ngài hy vọng ra sao trong việc đặt bức tượng Đức Mẹ thế kỷ 14 bên ngoài nhà thờ như một địa điểm hành hương mới trong khi những nỗ lực khôi phục đang được tiến hành.

Ngài nói “Chúng ta là một tôn giáo nhập thể. Chúng ta thích nhìn, vì vậy điều quan trọng đối với tôi là có thể làm một việc như vậy để duy trì ngọn lửa đổi mới thiêng liêng này”.

Tuy nhiên, đối với khoảng 13 triệu du khách ghé thăm nhà thờ mỗi năm, nhiều người lo lắng muốn biết khi nào họ sẽ lại được phép trở lại bên trong một trong những nhà thờ mang tính biểu tượng nhất thế giới.

Đức Ông Chauvet nói rằng việc khôi phục đang diễn ra trong ba giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên - giai đoạn hiện nay - là bảo đảm cấu trúc, sau đó là giai đoạn thứ hai để đưa lên một mái nhà bằng gỗ, cho phép lắp đặt giàn giáo trên đỉnh nhà thờ nơi đặt mái nhà nguyên thủy, bị sụp đổ trong đám cháy. Cuối cùng, giai đoạn khôi phục sẽ cho phép thợ mộc, thợ đá và các nhà điêu khắc bắt đầu công trình khôi phục nó trở lại trạng thái trước khi xảy ra hỏa hoạn.

Dọc theo đường Rue du Cloître-Notre-Dame, chạy song song với phía bắc của nhà thờ chính tòa, một bức tường chắn ngăn cách nhà thờ chính tòa với các quán cà phê và nhà hàng đã từng tấp nập khách hàng, vốn nằm dọc theo vỉa hè, nơi gần nhất để thưởng thức bánh crêpe trong khi ngắm nhìn những chiếc cửa sổ hoa Hồng Yêu dấu ở bên ngoài nhà thờ chính tòa, người ta đưa ra đủ ý kiến.

Một người quản lý quán cà phê, người yêu cầu không bị nhận diện, nói rằng công việc kinh doanh của cô đã giảm 70% kể từ vụ cháy, và cô đã phải vật lộn từ tháng nhà hàng bị đóng cửa sau vụ cháy.

Tuy nhiên, trong tổng giáo phận Paris, có văn phòng cũng song song với nhà thờ chính tòa, công việc đang dần bắt đầu trở lại bình thường, ngay cả khi chúng vẫn còn, theo nghĩa đen, nằm dưới bóng của nhà thờ chính tòa như một nhắc nhở hàng ngày về thảm kịch hỏa hoạn, nhưng với hy vọng đối với những gì đã được ngăn chặn.

Karine Dalle, giám đốc truyền thông của tổng giáo phận, nói rằng trong khi khoảng 750 triệu euro đã được hứa tặng, chỉ một phần nhỏ trong số đó đã được chuyển khoản. Bà nói thêm rằng Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit đã gửi lời cảm ơn đặc biệt đến nhiều người Mỹ đã hảo tâm trong các đóng góp của họ.

Dalle, người đã ở với Đức Tổng Giám Mục Aupetit trong những giờ phút lính cứu hỏa chiến đấu để cứu nhà thờ chính tòa, nói rằng bà nhớ những hình ảnh lửa và khói mỗi ngày - nhưng cả những cảnh người Paris dừng lại trên đường để nhìn Nhà thờ chính tòa khi nó đang bốc cháy và tham gia cầu nguyện công khai, trước nhất cho Nhà thờ khỏi sụp và sau đó, cầu nguyện tạ ơn vì phép lạ nó đã được cứu.

“Chúng tôi không còn phải quản lý khủng hoảng nữa”, bà nói trong khi đánh giá cơn lốc của năm tháng qua.

Bà Dalle tiếp tục cho hay “Nếu bạn muốn nghĩ theo các chương trình truyền hình, thì chúng tôi vừa hoàn thành giai đoạn một và giai đoạn hai đang bắt đầu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều giai đoạn nữa ở phía trước”.
 
Giáo sư Chad Pecknold: Các Giám Mục Đức đang đề xuất một lòng thương xót giả
J.B. Đặng Minh An dịch
18:23 16/09/2019
Trong những năm gần đây, có một thực tế đáng âu lo là mỗi năm có hàng trăm ngàn tín hữu Công Giáo chính thức làm đơn lên tòa án tuyên bố bỏ đạo, và như thế khỏi phải đóng thuế 9% thu nhập cho Giáo Hội. Theo các dữ liệu được Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Đức công bố 216,078 tín hữu Công Giáo đã bỏ đạo trong năm 2018. Trong khi đó, Giáo Hội Tin Lành Đức cho biết 220,000 tín hữu Tin Lành đã rời bỏ hàng ngũ của họ.

Một nghiên cứu được công bố bởi Đại học Freiburg vào tháng 5 đã kết luận rằng nếu tình hình vẫn tiếp tục như hiện nay, số các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo tại Đức sẽ giảm chỉ còn một nửa vào năm 2060.

Khó khăn hiện nay tại Đức là trước nguy cơ trầm trọng này, các Giám Mục không tìm ra được hướng đi, và đang tìm cách thay đổi các giáo huấn và kỷ luật của Giáo Hội theo hướng Tin Lành hóa đạo Công Giáo.

Chad C. Pecknold, giáo sư Thần Học Hệ Thống trường Đại Học Công Giáo Mỹ Châu tại Washington DC có bài nhận định sau được đăng trên Catholic Herald ngày 13 tháng 9 vừa qua, sau đó trên nhiều cơ quan truyền thông Công Giáo khác. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây: The German bishops are proposing a counterfeit mercy. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt ngữ.


The German bishops are proposing a counterfeit mercy

Các Giám Mục Đức đang đề xuất một lòng thương xót giả

Chad Pecknold


Họ muốn thay đổi giáo huấn không phải để giải thoát con người khỏi tội lỗi, nhưng nói rằng tội lỗi không còn là tội lỗi nữa



Bất cứ ai đã từng nghiên cứu cuộc tranh cãi giữa Thánh Augustinô với Pelagiô đều biết rằng đôi khi ta có thể sử dụng một từ với một ý nghĩa ngược lại. Pêlagiô đã sử dụng từ ‘grace’ - ‘ân sủng’ khá thường xuyên, và luôn thừa nhận ‘sự cần thiết của ân sủng’. Kết quả là, nhiều Giám Mục đã bán tín bán nghi. Thánh Augustinô không dễ bị lừa. Ngài truy cho tới cùng những gì Pêlagiô muốn nói qua từ ‘ân sủng’. Ngài không tuyệt vọng trước việc bao nhiêu người ủng hộ cho dị giáo này. Ngài chỉ đơn giản là tiếp tục với câu hỏi về ân sủng, và cuối cùng đã phơi bày sự thật rằng Pêlagiô dùng từ ân sủng với ý nghĩa không gì khác hơn là ‘những năng lực tự nhiên’ của chúng ta. Nói cách khác, Thánh Augustinô đã sử dụng lý trí để giúp tất cả các Giám Mục anh em của mình thấy rằng khi Pêlagiô sử dụng từ ‘ân sủng’, ông ta có ý nói về một điều hoàn toàn ngược lại. Nhờ Thánh Augustinô mà giờ đây chúng ta có thể thấy một ý kiến nhiều người cho rằng có thể chấp nhận được, thật ra, lại là một dị giáo đáng nguyền rủa.

Trong thời đại của chúng ta cũng vậy, rất nhiều từ đang được sử dụng với ý nghĩa ngược lại, và vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta, trong một số khía cạnh nhất định, khó khăn hơn. Nếu ai đó nói về “phước lành của tự do”, bạn có thể cảm thấy một nỗi xúc cảm dành cho tự do đang chạy rần rần trên đôi chân yêu nước của bạn. Nhưng nếu xem xét kỹ hơn bạn có thể phát hiện ra rằng ý nghĩa của ‘tự do’ người ta đang nói đây thực sự chỉ có nghĩa là ‘giấy phép’ – đó là sự lừa dối suy đồi biện minh cho thứ lựa chọn muốn làm gì thì làm không bị ràng buộc [bởi bất cứ trách nhiệm nào và như thế là giết chết tự do đích thực] - bạn nên cảnh giác hơn và quan tâm đến việc người nói thường sử dụng chữ tự do để nói về điều ngược lại như thế nào.

Chúng ta cũng thấy cùng một năng động như thế khi người ta nói về lòng thương xót, và những thứ lòng thương xót giả mạo. Lòng thương xót là một loại cảm thông dành cho kẻ có tội, nhưng lòng thương xót giả mạo hầu như luôn là một hình thức cảm thông với chính tội lỗi. Trong mớ bòng bong những thuật ngữ của nền văn hóa trị liệu của chúng ta, thương xót đang có ý nghĩa là một cái gì đó giống như “đồng tình”. Để thể hiện sự đồng cảm với một tội nhân, người ta cho rằng cần phải thể hiện sự đồng cảm rất lớn với chính tội lỗi. Với một ý nghĩa giả mạo như vậy, lòng thương xót dành cho kẻ có tội không giúp giải phóng kẻ có tội khỏi một tội lỗi thực sự, nhưng chỉ là khoác cho những tội lỗi thực sự ấy một ý nghĩa ngược lại – “Khốn thay những kẻ bảo cái tốt là xấu, cái xấu là tốt, những kẻ biến tối thành sáng, sáng thành tối” (Is 5:20).

Thoáng một cái, ngôn ngữ về lòng thương xót có thể trở nên tế nhị, bắt đầu có nghĩa ngược lại mà ta không cảm nhận được. Nó ngay lập tức trở nên vô lý khi nó được làm rõ. Không ai có thể khẳng định một cách nghiêm túc rằng thời gian Chúa dành để khuyên bảo các cô gái mại dâm thực sự là một sự đồng hành mục vụ với “các công nhân ngành tình dục” đang phải lao động dưới một hệ thống bất công! Quá vô lý! Nhưng những điều phi lý tương tự đang được đề xuất thường xuyên trong Giáo hội, và chúng phát sinh khi chúng ta không chú ý đến ý nghĩa thực sự của những từ ngữ. Ân sủng không phải là sức riêng tự nhiên của một người. Tự do không phải là giấy phép. Lòng thương xót không phải là sự thông cảm với tội lỗi.

Ở Đức, trái với ý muốn của Đức Thánh Cha, các Giám Mục đã và đang theo đuổi một chương trình thương xót giả. Các vị muốn tự do hóa cuộc sống độc thân linh mục không phải để thánh hóa chức tư tế, nhưng là xóa bỏ một quy luật dẫn đến sự thánh hóa ấy. Các vị muốn thay đổi giáo huấn về đồng tính luyến ái không phải vì thương xót cho gánh nặng tội lỗi nặng nề, nhưng để nói rằng tội lỗi không còn là tội lỗi nữa. Các vị muốn chấp nhận quan hệ tình dục ngoài hôn nhân không phải để cổ vũ cho “quan hệ tình dục tích cực”, nhưng vì muốn phủ nhận hôn nhân là định chế duy nhất cho phép hành vi tình dục diễn ra như mong muốn của Thiên Chúa.

Đức Hồng Y Rainier Woelki, Tổng Giám mục Köln, là một ngoại lệ rất đáng chú ý. Giáo hội ở Đức cần nhiều Giám Mục dám đứng lên như ngài. Mùa xuân vừa rồi, Đức Hồng Y lưu ý rằng những người đang thúc đẩy những thay đổi này chưa bao giờ thậm chí quan tâm đến việc tự hỏi bản thân mình những câu hỏi có tính chất xã hội học cơ bản nhất: “Tại sao các Kitô hữu Tin Lành ở Đức không phát triển?” Họ là những người đã thực hiện tất cả các đề xuất này nhưng đã không tìm thấy chút triển vọng nào, thậm chí còn đau khổ hơn nữa. Đức Hồng Y Woelki viết rằng mặc dù đã thực hiện tất cả những gì các Giám Mục Công Giáo ở Đức hiện đang đề nghị, người Tin Lành “không khá hơn chút nào – có thể nhìn thấy nơi cách thực hành đức tin của họ, cách họ chỉ tuyển dụng được rất ít các thừa tác viên mục vụ, và số lượng các tín hữu rời khỏi giáo hội của họ còn ồ ạt hơn. Chẳng nhẽ những điều đó không chỉ ra rằng vấn đề thực sự nằm ở chỗ khác, và toàn bộ Kitô Giáo đang phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng về đức tin và sự hiểu biết, hơn là thích nghi với một ‘thực tế mới của cuộc sống’ được trình bày như thể là không thể cưỡng lại được?” Chính xác là như thế.

Cảm nhận của tôi là các Giám Mục khác ở Đức không hỏi câu hỏi tuyệt vời của Đức Hồng Y Woelki vì các vị không có hứng thú với câu trả lời. Các ngài thao tác trên một định nghĩa giả về lòng thương xót, là một định nghĩa đang lừa dối chính các vị và đàn chiên của các vị. Tuần vừa qua, Vatican nói rằng các Giám Mục Đức đang lên kế hoạch cho một tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” mà, trên thực tế, “là vô giá trị về mặt giáo hội học”. Đó là một lời thẳng thắn, không quanh co.

Tháng Sáu vừa qua, chính Đức Giáo Hoàng cảnh báo các Giám Mục Đức: “Mỗi lần các cộng đồng giáo hội đã cố gắng để giải quyết vấn đề của nó một mình, tin tưởng và tập trung hoàn toàn vào lực lượng của nó hoặc các phương pháp của nó, sự thông minh của nó, ý chí hoặc uy tín của mình, cuối cùng nó chỉ làm gia tăng và kéo dài tệ nạn nó đã cố gắng giải quyết.” Đó là một lời thẳng thắn, không quanh co.

Các Giám Mục ở Đức nên bắt đầu lắng nghe Đức Giáo Hoàng hơn là những người muốn làm giáo hoàng. Đức Thánh Cha đã ban cho họ một đề nghị chú tâm đến việc truyền giáo. Đáng buồn thay, như với tất cả các thứ giả mạo, ân sủng giả, tự do giả và lòng thương xót giả các Giám Mục Đức dường như đang bước trên một con đường tự hủy diệt. ‘Ưu tiên truyền giáo’ mà Đức Thánh Cha kêu gọi các vị chấp nhận cho tiến trình công nghị của các vị có thể cần phải bắt đầu với chính các Giám Mục ở Đức.


Source:Catholic Herald
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ Giỗ Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
06:37 16/09/2019
Ngày 16.9.2019 : Ngày Giỗ lần thứ 17, Đầy Tớ Chúa, Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận

Ngày 4.5.2017, Bộ Phong Thánh đã công bố sắc lệnh nhìn nhận Vị Tôi Tớ Chúa, khi còn tại thế, đã sống lòng yêu mến Chúa và thực hành các nhân đức đến mức độ anh hùng, để từ ngày đó, Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận được mang tước hiệu "Đấng Đáng Kính" (Venerabile).

"Đấng Đáng Kính" là khởi đầu của tiến trình tuyên phong hiển thánh.

Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận sinh ngày 17.4.1928, tại Phú Cam, thuộc Tổng Giáo phận Huế, tỉnh Thừa Thiên, Việt Nam.

Gia đình có 8 anh chị em, 3 trai và 5 gái. Ngài là con cả của Cụ Nguyễn Văn Ấm, và Cụ Bà Elisabeth Ngô Đình Thị Hiệp. Cụ Bà là con gái của Cụ Ngô Đình Khả. Cụ Bà cũng đồng là em gái của Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục và Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Năm 1939, ngài vào Tiểu Chủng Viện An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị. Năm 1947, ngài vào Đại Chủng Viện Phú Xuân, Huế.

Ngày 11.6.1953, thầy Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận được Đức Giám Mục Urrutia phong chức linh mục. Sau đó, ngài được bổ nhiệm làm Cha Phó giáo xứ Tam Tòa, một Giáo xứ lớn ở thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Giáo xứ này, lúc bấy giờ do linh mục Nguyễn Văn Tâm làm chánh xứ.

Năm 1954, cha Phanxicô về Huế chữa bệnh. Sau đó, cha được cử làm cha Phó Giáo xứ Phanxicô Xavier ở Huế. Giáo xứ này do linh mục Darbon, quen gọi là Cố Triết, làm chính xứ. Một thời gian sau, cha được cử làm quản xứ Phanxicô Xavier, kiêm tuyên úy lao xá Thừa Thiên, tuyên úy trường Pellerin, và tuyên úy nhà thương Huế.

Năm 1956, cha được cử đi du học tại Roma và học Giáo luật tại Đại học Giáo Hoàng Urbaniana. Cha đậu Tiến sĩ Giáo luật năm 1959.

Sau đó cha về nước và làm giáo sư Tiểu Chủng Viện Phú Xuân, Huế. Năm 1962, khi Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện được thành lập để thay thế Tiểu Chủng Viện Phú Xuân, cha được cử làm Giám đốc Tiểu Chủng Viện mới. Năm 1964, cha còn kiêm Tổng Đại Diện Giáo phận Huế.

Tháng 5.1967, Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Nguyễn Văn Thuận làm Giám mục Việt Nam tiên khởi của giáo phận Nha Trang.

Đức Cha Thuận được tấn phong Giám mục đúng ngày lễ Sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả (24.6.1967) , tại Tiểu Chủng Viện Hoan Thiện. Chiều ngày 10.7.1967, tân Giám mục nhận chức Giám Mục Nha Trang do Đức Khâm Sứ Palmas chủ lễ. Đức Cha Phanxicô lấy khẩu hiệu "Gaudium et Spes” (Vui Mừng và Hy Vọng).

Ngày 25.4.1975, điện tín từ Vatican gửi đến tòa Tổng Giám mục Sài Gòn xác nhận: Đức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm Đức Cha Nguyễn Văn Thuận, đang làm Giám mục Nha Trang, sẽ làm Tổng Giám mục Phó Sài Gòn, với quyền kế vị.

Vì những khó khăn của thời cuộc lúc bấy giờ, mãi đến ngày 7.5.1975, Tòa Tổng Sài Gòn mới liên lạc được với Ðức Cha Nguyễn Văn Thuận và xin ngài vào Sài Gòn gấp.

Cùng ngày, Đức Cha Thuận viết Tâm Thư gởi hàng giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân Giáo phận Nha Trang: "Ngày 24.5.1975, Đức Thánh Cha Phaolô VI thuyên chuyển tôi về làm Tổng Giám mục phó Sài Gòn với quyền kế vị, bổn phận tôi là cúi đầu tuân phục quyết định tối thượng của Đức Thánh Cha".

Chưa lâu sau ngày về Sài Gòn, chiều ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, 15.8.1975, Đức Tổng Phanxicô Thuận bị bắt và bị giam cầm.

Mãi đến ngày 23.11.1988, Đức Tổng Thuận mới được rời khỏi nhà tù, nhưng bị quản chế tại Hà Nội. Ngày 27.3.1989, Đức Tổng bị trục xuất khỏi Việt Nam. Sau khi rời Việt Nam, ngài đến Roma.

Ngày 21.11.1994, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Phó Chủ Tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hoà Bình. Đây là lần đầu tiên một giáo sĩ Việt Nam được bổ nhiệm vào một chức vụ quan trọng tại Tòa Thánh Vatican. Năm 1998, ngài được bổ nhiệm làm Chủ Tịch của Hội đồng này.

Ngày 21.2.2001, trong cuộc họp của Mật viện Các Hồng Y, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã trao mũ Hồng Y cho ngài và đặt ngài làm Hồng Y Phó tế, Hiệu Tòa Nhà Thờ Santa Maria della Scala (Đức Mẹ tại các Bậc Thang). Nhà thờ này do các Cha Dòng Đức Mẹ Núi Carmêlô coi sóc, nằm tại vùng Trastevere, Roma.

Đức Hồng Y Phanxicô Thuận được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II mời giảng tĩnh tâm mùa Chay cho giáo triều năm 2002. Sau đó, ngài được Đức Thánh Cha tiếp riêng và tặng một chén thánh.

Đức Hồng Y Phanxicô Xavier Nguyễn Văn Thuận qua đời lúc 18 giờ ngày 16.9.2002, tại Roma vì chứng ung thư ruột.

Nhân dịp lễ Giỗ Đức Hồng Y, chúng ta tưởng nhớ ngài, quyết tâm sống lòng yêu mến Chúa như ngài, bất chấp mọi gian nguy, đau khổ, bị thù hận, bị chà đạp quyền sống, quyền làm người và mọi bất công vây bũa tứ bề.

Chúng ta nài xin Đức Hồng Y chuyển cầu cho chúng ta, và nài xin Chúa cho án tuyên thánh của Đức Hồng Y được Hội Thánh xúc tiến mau lẹ, để có thể tuyên thánh cho Đức Hồng Y sớm nhất, nhằm thỏa lòng yêu mến và mong đợi của mọi người Công Giáo Việt Nam.
 
Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, đấng sáng lập Dòng Mến Thánh Giá
MTG Los Angeles
10:16 16/09/2019
Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, đấng sáng lập Dòng Mến Thánh Giá

Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy.” (Mt. 16:24) Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, đấng Sáng Lập Dòng Mến Thánh Giá là hình ảnh của người môn đệ đích thực đã chọn con đường khổ giá để đi theo bước chân của Chúa Giesu Kito chịu-đóng đinh. Đức Cha đã từ bỏ tất cả: địa vị, danh vọng, tiền của, để dấn thân tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô hầu giúp mọi người nhận ra tình thương cứu độ của Thiên Chúa.

Pierre Lambert de la Motte sinh năm 1624 tại Lisieux, nước Pháp, trong một gia đình quý tộc hành nghề thẩm phán. Lúc lên chín tuổi, Lambert có được một cảm nghiệm thiêng liêng, ao ước quy tụ những người yêu Thánh Giá Chúa Giêsu, thành một Hội Dòng mang tên “Những người Mến Thánh Giá”. Vì Cha Mẹ mất sớm, Lambert đã phải gánh vác gia đình nên không dám nghĩ đến việc tu trì. Sau khi tốt nghiệp ngành Luật, Lambert hành nghề thẩm phán tại tòa án thuế vụ, và được sự kính nể của nhiều người. Dưới sự hướng dẫn của các vị linh hướng, Lambert đã có một đời sống nội tâm sâu xa và một tình yêu phi thường dành cho Chúa Giesu Kito chịu-đóng-đinh. Trong thời gian này, Lambert cảm nhận lời mời gọi của Chúa để chết đi cho trần gian và chỉ sống cho một mình Thiên Chúa. Sau khi cầu nguyện để tìm thánh ý Chúa, ngài quyết định từ bỏ chức vụ thẩm phán, đi tĩnh tâm 30 ngày và làm một cuộc hành hương khổ nhục để chuẩn bị tâm hồn lãnh nhận chức linh mục, với hy vọng sẽ được tham gia vào việc truyền giáo tại Canada.

Nhưng mộng truyền giáo tại Canada đã không thành, và Cha Lambert đã được mời gọi giữ chức vụ giám đốc cơ quan từ thiện. Chính trong khi thi hành sứ vụ này, Cha Lambert đã biết đến chương trình vận động của dòng Tên, qua Cha Alexandre de Rhodes, để xin tòa thánh gửi Giám mục đến các miền truyền giáo tại viễn đông, với mục đích tránh tình trạng thiếu linh mục, khi các thừa sai ngoại quốc bị trục xuất vào thời kỳ cấm đạo. Cuối cùng 3 Linh mục được tuyển chọn để phong chức Giám mục chuẩn bị cho công cuộc truyền giáo, đó là Cha Pallu, Cha Lambert và Cha Cotolendi.

Ngày 09.09.1659, Đức Thánh Cha Alexandre VII ký sắc chỉ “Super Cathedram” thiết lập hai địa phận tông tòa tại Việt nam, bổ nhiệm Đức Cha Pallu làm Đại Điện Tông Tòa xứ Đàng Ngoài Việt Nam, và Đức Cha Lambert làm Đại Điện Tông Tòa xứ Đàng Trong Việt Nam. Sự kiện này được coi như mốc điểm khai sinh của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

Sau cuộc hành trình đầy gian nan dài hơn hai năm, Đức Cha Lambert cùng với hai cha thuộc hội thừa sai Hải Ngoại Ba Lê đã đến Thái Lan vào tháng 8 năm 1662. Vì tình hình bắt đạo tại Việt Nam, Đức Cha Lambert đã không đến với giáo đoàn của ngài ngay được; tuy nhiên, ngài đã khéo léo điều hành giáo hội Việt Nam từ Thái Lan và mỗi khi tình hình lắng dịu, ngài tìm phương tiện để đi Việt Nam. Ngoài việc truyền chức cho các linh mục Việt nam đầu tiên, Đức cha Lambert còn thành lập Dòng nữ Mến Thánh Giá. Ngày 19 tháng 2 năm 1670, ngài đã nhận lời khấn của hai nữ tu Mến Thánh Giá đầu tiên tại Phố Hiến, Đàng Ngoài.

Từ ngày rời bỏ quê hương là nước Pháp năm lên 36 tuổi, Đức Cha Lambert đã không một lần trở lại thăm quê hương, gia đình và bạn bè. Ngài đã an nghỉ trong Chúa ngày 15 tháng Sáu, năm 1679 tại Thái Lan, sau 17 năm phục vụ không ngơi nghỉ cho công cuộc truyền giáo tại Việt Nam.

Dòng Mến Thánh Gía đã được khai sinh tại Việt Nam để thi hành sứ mạng yêu thương, hy sinh và phục vụ, tiếp nối cuộc đời lữ thứ của Chúa Giêsu nơi trần gian. Đức Cha Lambert đã gieo vào lòng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam một linh đạo tập trung vào Chúa Kitô trên Thánh Giá. Chính nền linh đạo này đã trở nên động lực vững chắc thúc đẩy hàng trăm ngàn tín hữu mạnh dạn tuyên xưng đức tin trong gần 300 năm cấm đạo. Chị em Mến Thánh Giá đã cùng Giáo hội Việt nam trải qua những trang sử đau thương thấm nhuộm máu tử đạo. Trong thời gian cấm đạo, đã có nhiều tu viện bị tàn phá, rất nhiều chị em bị phân tán và nhiều chị em đã chết vì đức tin.

Từ con số khiêm tốn với hai chị Mến Thánh Giá tiên khởi, đến nay đã có 30 Hội dòng Mến Thánh Giá gồm 24 Hội dòng tại Việt Nam, 3 tại Thái Lan, 1 tại Lào, 1 tại Cam Bốt và 1 tại Hoa Kỳ. Tổng số thành viên hiện nay có gần 9,000 nữ tu khấn tạm và trọn đời, và hơn 1,000 tập thử sinh.

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì muôn ngàn hồng ân Chúa đã ban cho Dòng Mến Thánh Giá trong suốt 350 năm qua, hợp cùng toàn thể chị em Mến Thánh Giá trên toàn thế giới, và đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxico, chị em Mến Thánh Giá Los Angeles muốn "Nhìn lại quá khứ với lòng biết ơn, sống hiện tại với đầy nhiệt huyết, và đón nhận tương lai trong hy vọng”.

Nguyện xin Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Mẹ La Vang, thánh cả Giuse và Đức Cha Lambert, giúp chúng con biết trung thành với quyết tâm của mình, để mạnh dạn tuyên xưng:

“Lậy Chúa Giêsu Kitô chịu-đóng-đinh, là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con, chúng con thờ lậy Chúa, chúng con chúc tụng Chúa,
vì Chúa đã dùng Thánh Giá để cứu chuộc trần gian”.
 
Những bước đường Mến Thánh Giá Phát Diệm Gò Vấp từ Saigon Việt nam sang Hoa Kỳ
MTG Los Angeles
10:17 16/09/2019
Những bước đường Mến Thánh Giá Phát Diệm từ Saigon Việt nam sang Hoa Kỳ (1)

Ba mươi tháng Tư năm 1975 là một biến cố khó quên trong tâm trí của hàng trăm ngàn nguời Việt tị nạn tại nhiều quốc gia trên tòan thế giới, ngày mà Saigon đã bị xóa tên trên bản đồ nước việt, ngày mà người ta chen lấn nhau tại tòa đại sứ Hoa Kỳ để cầu mong được tạm trú tại một quốc gia thứ hai. Bằng đường biển hay đường hàng không, ai ai cũng tìm cách để trốn tránh chế độ Cộng sản. Cùng chung tâm trạng hoang mang và sợ hãi trước một tương lai mịt mờ, một số chị em Mến Thánh Giá Phát Diệm tại Gò Vấp ra đi để tạm tránh những hỗn lọan của bom đạn và pháo kích. Ðây là một cuộc ra đi vào giờ chót, không chuẩn bị, không tính tóan, nhưng cũng không thiếu bàn tay quan phòng của Thiên Chúa dẫn dắt. Tổng số là 28 chị em ra đi từ nhiều nhóm và ngả đường khác nhau, và cuối cùng đã tìm về vơi nhau để gay dụng nên một cộng đòan Mến Thánh Giá đầu tiên trên đất Hoa Kỳ.

Nhóm “Thánh Mẫu”

Nhóm này gồm 8 chị em: Chị Marie Phấn, Cecilia Chuyên, Martha Hoa, Lucille Nhiệm, Agatha Công, Mary Niên, Maria Goretti Lụa và Anne Nhẫn thuộc tu viện Thánh Mẫu, Hòa Hưng ra đi từ bến Bạch Ðằng. Trước tình thế bấp bênh và bất ổn của đất nước, Mẹ Bề Trên Elizabeth Nhẫn cho phép chị em được về tạm trú với gia đình. Sáng sớm ngày 30 tháng 4, Saigon tuy còn đang trong tình trạng giới nghiêm, nhưng trên khắp các đường phố, dân chúng ngược xuôi đi tìm một lối thóat. Các chị em đã mượn chiếc xe Datsu của nhà Dòng để về với gia đình và người thân. Mỗi người trên tay vỏn vẹn một xách tay với ít thức ăn khô và vài bộ quần áo.

Khi đến Bến Bạch Ðằng, thấy dân chúng tấp nập như quang cảnh của ngày lễ hội, kẻ lên tầu, người xuống tầu, ai cũng hối hả, nhưng không ai biết số phận mình sẽ đi về đâu, chị em dừng lại để thăm dò tình thế. Lúc này đạn pháo kích gia tăng và chị em phải theo đòan người lên tầu tránh đạn. Ngồi một lúc thì chị em chuyển sang con tầu buôn bên cạnh mang tên Ðông Hải, vì được biết con tầu này bị hư không chạy được. Thấy tình hình không khả quan lắm, chị Lụa mới lái xe về để báo cho chị em ở nhà, nhưng đi chỉ được vài phút thì các đường phố đã bị chắn bằng kẽm gai. Sợ quá, chị đành bỏ chiếc xe Datsu bên lề đường và đi ngược về bến để trở lên tầu tìm các chị em trong nhóm. Chờ đợi một lúc nữa thì nhóm gặp thêm chị Maria Joseph Nhung và chị Theresa Thanh Thủy (Tập sinh) do thân nhân chở đến.

Sau đó không bao lâu thì một tiếng pháo kích that to nổ ngay tại bến Bạch Ðằng, khiến cho cảnh tượng càng thêm hỗn lọan. Các tầu bè tranh nhau vội vã nhổ neo ra khơi khiến vài người lớn và trẻ em đang chuyển từ tầu này sang tầu khác đã bị rơi ngay xuống sông và không được ai cứu vớt. Tầu Ðông Hải tuy không có thuyền truởng, cũng được các anh lính Thủy Quân lèo lái đưa con tầu rời bến. Ði được khỏang 1 tiếng thì đài phát thanh loan tin Tổng Thống Dương văn Minh đã đầu hàng vô điều kiện. Lúc đó khỏang 10 giờ sáng. Lúc này, không ai biết mình sẽ đi về đâu, nhưng tất cả đều ngầm hiểu là tầu sẽ không quay trở lại. Ði đến chiều thì tầu ra đến hải phận quốc tế và gặp được tầu chiến của quân đội Hoa Kỳ. Mọi người hy vọng sẽ được họ cứu vớt, nhưng mỗi khi tầu tiến đến gần thì bị nổ súng. Thất vọng, đêm đó tầu thả neo để chờ đến sáng trực chỉ Singapore.

Ði khoảng 3 ngày thì đến được Singapore, lúc đó đã có hàng trăm chiếc tầu vượt biên hớn bé đủ cỡ đậu ngổn ngang tại cảng Singapore. Tại đây, chính phủ Singapore thăm dò tình trạng của mỗi con tầu, mỗi chiếc ghe. Chiếc nào không có khả năng đi xa thì phế bỏ và dồn người lên ghe khác, tầu nào đông người quá thì được chuyển sang những chiếc tầu rộng hơn. (Chị em MTG được chuyển sang con tầu Ðại Ðương, nơi đây gặp được cha Long và ngài đã cho con chiên của ngài giúp đỡ các sơ tận tình.) Sau đó chính phủ Singapore cho xăng nhớt, nước uống, bánh mì và hướng dẫn cho các con tầu chở người tị nạn Việt Nam đến Subic Bay, một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ tại Phi Luật Tân. Ði thêm gần một tuần lễ nữa thì tầu cấp bến Subic Bay. Tại đây, chị em MTG, vì thuộc diện độc thân, được chọn để đi may bay hoặc tiếp tục đi đường biển đến Guam - một căn cứ quân đội của Hoa Kỳ – nhưng vì không rõ tình thế và vì qúa lo lắng, nên đã chọn ở lại tầu và tiếp tục thêm một tuần nữa mới tới đảo Guam. Sau 10 ngày ở trại tị nạn tại Guam, chị em quyết định xin định cự tại miền Bắc nước Mỹ (Nếu xin đi California là nơi nắng ấm thì phải chờ đợi vài tháng nữa) Ngày 26 tháng 5 chị em được bay tới trại tạm cư Indiantown Gap thuộc bang Pennsylvania.

Indiantown Gap là một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ được chỉnh trang lại để đón tiếp người Việt tị nạn, Chị em lưu lại nơi đây gần 2 tháng để học Anh văn trong khi chờ cơ quan thiện nguyện tìm người bảo lãnh. Chị em không bỏ lỡ cơ hội tham gia các mục vụ tông đồ giúp ý, đồng hương tị nạn như dạy giáo trẻ em, ca đòan v.v. Thời gian này, chị em được anh em linh mục, tu sĩ du học thăm viếng và ủy lạo tinh thần, đặc biệt là sự giúp đỡ của các Sơ Nữ Tử Bác Ái về văn hóa cũng như vật chất. Từ Indiantown Gap, chị em được 4 dòng Mỹ tại Erie, PA bảo lãnh: Dòng St. Joseph, Benedictine, Our Lady of Charity và Dòng Mercy. Mỗi dòng nhận bảo lãnh 2 hoặc 3 người.

Ngày 16 tháng 7, nhóm thứ nhất lên đường đi Erie dưới sự hướng dẫn của Chị Marie Phấn. Mặc dầu được các Sơ ân can tiếp đón, những ngày tháng đầu tiên hít thou bầu khí tự do trên đất Hoa Kỳ thật là cô đơn và nhớ quê hương. Lúc này chưa có bất cứ một hình thức liên lạc nào với Việt Nam. Chị em cố gắng học anh văn và đóng góp tùy khả năng vào đời sống tu dòng nơi được bảo trợ. Nhóm thứ hai đến Erie ngày 15 tháng 8 dưới sự hướng dẫn của chị Cecilia Chuyên. Hai chị Maria Goretti Lụa và Marie Niên được bảo lãnh sang học tại Úc.

Nhóm “Phước Tỉnh”

Nhóm “Phước Tỉnh” gồm 6 chị: Mary John Tuất, Agnes Ái, Maria Thêm, Maria Nguyệt, Anne Mary Hiến, Mary Mơ và Theresa Thanh Hảo (tập sinh). Nhóm này đi từ tu viện Tân Phước. Ngày 27 tháng 4, chị em chuẩn bị lên một chiếc ghe đánh cá. Ðêm 27, ghe thả neo tại Bến Ðá và đêm 28-29 tại Vũng Tầu để nghe ngóng tình hình. Ngày 30 tháng 4, sau khi nghe tin Tổng Thống Dương văn Minh đầu hàng vô điều kiện, đòan người trên ghe quyết định vượt biên tìm tự do. Sau hơn một tuần lênh đênh trên biển, ghe may mắn được tầu buôn của Mỹ cứu. Ngày 8 tháng 5 năm 1975, mọi người được đưa tới đảo Guam. Nơi đây chị em đòan tụ với nhóm Nam Bình và ở lại trại tị nạn khỏang một tuần.

Ngày 13 tháng 5, chị em nghĩ là được chấp thuận định cư tại bang California, nhưng sau khi máy bay cất cánh, mới biết là California không nhận thêm người và đòan người tị nạn được chở đến trại Fort Chaffee, bang Arkansas, để chuẩn bị thủ tục bảo lãnh. Tại Fort Chaffee, chị em gặp Cha sinh viên du học Trần Công Nghị. Cha cho biết là hai chị sinh viên du học Mến Thánh Giá Phát Diệm là chị Tuyết và Tố Nga hiện đang tạm trú với các Sơ Dòng Mercy ở Buffalo, New York. Sau khi liên lạc và được hai chị trình bày hòan cảnh với các Sơ Mercy, tất cả chị em thuộc hai nhóm Phước Tỉnh và Nam Bình được Dòng Mercy, Buffalo bảo lãnh. Ngày 15 tháng 6, chị em bay đến Buffalo, NY với sự tiếp đón ân can của các Sơ và niềm xúc động nghẹn ngào của hai chị du học. Hai chị Tuyết và Tố Nga cũng cho biết rằng trong khỏang ba tháng trước khi Saigon thất thủ, các chị đã gủi không biết bao nhiêu thư về Việt Nam, nhưng cuối cùng những lá thư đó đã được hòan trả cho người gửi sau ngày 30 tháng 4. Tại Buffalo, chị em được gửi đến ba tu viện khác nhau để tiếp tục học anh ngữ và bắt đầu hội nhập vào đời sống mới.

Tháng 11 năm 1975, dòng Mercy bảo lãnh thêm ba chị nữa đị từ Rạch Giá, đến đảo Phú Quốc và sang Thái Lan. Dòng cũng bảo trợ chị Marian Uyên gia nhập từ Hội Dòng Mến Thánh Giá Huế.

Nhóm “Nam Bình”

Nhóm “Nam Bình” gồm 5 chị: Anne Phúc, Martha Lộc, Anne Sáng, Anne Mai và Miriam Xuyến đi từ tu viện Nam Bình bằng một chiếc ghe đánh cá của một gia đình trong giáo xứ. Ghe này được tầu Ðài Loan cứu và đưa đến căn cứ Subic Bay tại Phi Luật Tân. Chị em lưu lại đây một tuần trước khi lên máy bay để đi Guam. Tại Guam, chị em đoàn tụ với nhóm Phước Tỉnh.

Nhóm "Rạch Giá"

Nhóm “Rạch giá” gồm bốn chị: Mary Mỹ, Anne Lành, Marie Tiễn và Rose Hường đi từ tu viện Hòa Hưng vào ngày 1 tháng 5. Bốn chị em gặp nhau tại Rạch Giá và được trọ qua đêm tại chủng viện thánh Têrêsa thuộc Giáo Phận Long Xuyện. Sáng hôm sau, chị em phải vội vàng rời chủng viện vì sợ nơi này bị duyệt xét. Ðang lang thang trên bờ biển thì gặp gia đình một nguời cảnh sát rủ đi thuê thuyền để vượt biên. Mọi người gom góp tiền bạc và nghỉ đêm tại một căn nhà trên nước. Chương trình đổ bể, số tiền được hòan trả và mọi người lại phải rời nhà trước 4 giờ sáng. Sau đó, chị Mỹ và Tiễn tìm phương tiện đi Phú Quốc, còn chị Lành và Hường định đi Hà Tiên, nhưng các chuyến xe, chuyến tầu đều đông nghẹt, nên bốn chị đành trở lại Rạch Giá. Sau cùng, cả 4 chị giả dạng như đang đi tìm chồng, đều sang đến được Phú Quốc. Ðến Phú Quốc, các chị gặp đuợc hai Freres dòng Lasan. Các thầy xông xáo tìm được ghe và cùng các chị đi vượt biên. Sau hai ngày hai đêm, con thuyền chở đoàn người tị nạn đến Thái Lan vào đêm mồng 7 tháng 5. Tại đây chị em được sự giúp đỡ tận tình của các chị Dòng Mến Thánh Giá Thái Lan. Sau khi ở trại một tuần, chị em được ông Tỉnh Trưởng đón ra nhà riêng và lưu lại đây cho đến ngày hoàn tất thủ tục bảo lãnh. Chị Mary Mỹ được gia đình bảo lãnh sang Hoa Kỳ, chị Tiễn được một nhà dòng bên Pháp bảo lãnh, hai chị Lành và Hường được Dòng Mercy-Buffalo bảo lãnh, qua sự giới thiệu của Cha Trần Công Nghị và hai chị du học.

Ngoài bốn nhóm trên còn có hai chị Monica Phi và Marguerite Nhật đi với gia đình và sau đó nhập với các chị em trong các trại tị nạn.

1975 - Các Cha Dòng Vinh Sơn

Ngay từ khi còn ở trong trại tị nạn, tuy được chung sống với các Sơ tại Erie, các Bề Trên luôn quan tâm và tìm cách để chị em có thể trở về sống chung với nhau để duy trì đời sống cộng đoàn. Ngày xưa Ðức Cha Lambert de la Motte là một người ái mộ Cha Thánh Vinh Sơn và cùng thuộc về "Hiệp Hội Thánh thể" với ngài; ngày nay, qua sự qua phòng của Thiên Chúa, con cái của Ðức Cha Lambert lại có mối duyên tinh thần với con cái của Thánh Vinh Sơn.

Ngày 1 tháng 8 năm 1975, qua trung gian của Cha Phan Thanh Hiền và Cha Nguyễn Trường Cửu, thuộc địa phận New York, bốn chị Cecilia Chuyên (đi từ trại tị nạn), chị Marie Phấn, chị Monica Phi và Theresa Thủy (đi từ Erie) đến Philadelphia để tiếp kiến Cha John G. Nugent, Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Vinh Sơn, Tỉnh dòng miền Ðông Hoa Kỳ. Chị Cecilia Chuyên ngỏ ý với Cha về ước vọng sống cộng đoàn của chị em. Kết quả là các cha Dòng Vinh Sơn chấp thuận để chị em phục vụ tại hai địa điểm là đại chủng viện "Mary Immaculate" tại Northampton, PA và chủng viện "St. Vincent" tại Philadelphia, PA. Tại Northampton, chị em đảm trách công tác lo ẩm thực cho các cha và các thầy. Tại Philadelphia, chị em cho ẩm thực và phụ giúp các cha nhà hưu dưỡng. Hội Dòng luôn ghi ơn các Cha Vinh Sơn đã nâng đỡ chị em về phương diện tài chánh lẫn tinh thần trong những bước đầu dò dẫm hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ.

1975 - Ðức Cha McShea, Bề Trên Bản Quyền đầu tiên

Trong thời gian này, chị Cecilia Chuyên cũng xin Cha Nugent giúp đỡ trong vấn đề hợp thức hóa hội dòng tại Hoa Kỳ với Tòa Thánh và Ðịa Phận. Cha Nugent chuyển lời thỉnh nguyện lên Ðức Cha Joseph McShea, Giám Mục địa phận Allentown. Vì là dòng địa phận, nên chị em thuộc quyền Ðức Giám Mục địa phận. Ðức Cha McShea cử Cha Nugent làm đại diện cho ngài trong các vấn đề liên quan đến chị em Mến Thánh Giá Phát Diệm tại Hoa Kỳ.

1976 - Hai cơ sở đầu tiên: Northampton và Philadelphia

Ngày 15 tháng 2 năm 1976, một nhóm chị em bắt đầu hoạt động tại cơ sở đầu tiên ở Hoa Kỳ là chủng viện "Mary Immaculate" tại Northampton thuộc giáo phận Allentown, PA. Năm tháng sau, ngày 19 tháng 7 năm 1976, một nhóm chị em khác đến cơ sở thứ hai là Chủng Viện "St. Vincent" tại Philadelphia, PA. Ðây cũng là nhà Mẹ và nhà hưu dưỡng của các cha Dòng Vinh Sơn. Chị em đến vào giữa lúc thành phố đang mừng kỷ niệm Ngày Ðộc Lập và 200 năm lập quốc Hoa Kỳ. Nhân dịp này, cha Nugent có nhận xét như sau: "Dòng Mến Thánh Giá còn kỳ cựu hơn cả nước Hoa Kỳ, các chị em đã mừng 300 năm lập Dòng (1670-1970), còn chúng mới mừng 200 năm lập quốc."

Ngoài giờ làm việc, chị em về chung sống tại các tu viện gần đó. Nơi đây, các chị Bề Trên và chị em trung niên tận tình hi sinh phục vụ để các chị em trẻ có cơ hội thăng tiến về văn hóa tại các đại học. Các chị em sinh viên nội trú thường trở về chung sống với cộng đoàn vào những ngày cuối tuần và trong những tháng hè.

Northampton và Philadelphia cũng là nơi Chúa chọn để thánh hóa chị em Mến Thánh Giá. Chị em không những gặp trở ngại trong vấn đề sinh ngữ, nhưng còn ngỡ ngàng trước những công việc chưa hề quen biết. Những hi sinh của các Bề Trên thời đó là một tấm gương cho chị em noi theo, đồng thời là một sự khích lệ để chị em tập chấp nhận những thử thách trong cuộc sống và luôn tìm thánh ý Chúa. Từ một Bà Hiệu Trưởng trường Trung Học chỉ biết đến công việc điều hành và hội họp, nay sang đất nước tự do lại trở thành một đầu bếp "bất đắc dĩ". Thay vì cầm sổ sách thì vui vẻ cầm khăn để lau rửa những cái nồi khổng lồ nấu cho hàng trăm người ăn. Từ một Bà Bề Trên Tập Viện suốt ngày chỉ biết có kinh nguyện và linh hướng, nay sang đất văn minh Hoa Kỳ lại trở thành một giám đốc "ẩm thực", kiên nhẫn tập nấu những món ăn ngoại quốc và suốt ngày chỉ biết có thức ăn và chợ búa. Từ một Bà Bề Trên đã từng chi tiêu những món tiền lớn cho công việc của tu viện, nay lại phải ngửa tay vay từng đồng dollar để có tiền mua rau trái cho chị em ăn. Vạn sự khởi đầu nan. Ðầu xuôi thì đuôi lọt. Chị em ghi ơn các đấng bậc tiền bối đã hi sinh cho tương lai của những thế hệ trẻ. Chị em Mến Thánh Giá Phát Diệm tại Hoa Kỳ luôn tri ân ba “Bà Lớn” là Chị Cecilia Chuyên, chị Mary Mỹ, và chị Marie Phấn.

Northampton còn là nơi tổ chức Lễ Khấn Dòng lần đầu tiên cho hai Tập Sinh duy nhất đi từ Việt Nam. Thánh Lễ Khấn Dòng diễn ra tại nguyện đường của chủng viện "Mary Immaculate" do Ðức Cha McShea chủ sự ngày 25 tháng 8 năm 1976. Northampton cũng là nơi chị em đón nhận hai chị Mary Paul Soi và Martha Ann Huệ đến từ Việt Nam theo diện “thuyền nhân” vào tháng 4 năm 1983.

Hai tu việnn Northampton và Philadelphia cũng được xem như hai các nôi đã nuôi dưỡng chị em trong những ngày đầu chập chững bước vào xã hội Hoa Kỳ. Theo dòng thời gian, khi nhu cầu và sức sống của chị em tăng triển, thì chị em đành phải bỏ hai chiếc nôi đầy kỷ niệm đó để tìm đến một môi trường sinh hoạt tông đồ rộng lớn hơn. Tu viện Philadelphia đóng cửa và mùa hè năm 1984 và tu viện Philadelphia đóng của vào mùa hè năm 1989. Chị em Mến Thánh Giá Phát Diệm tại Hoa Kỳ mãi mãi tri ân các Cha Vinh Sơn Tỉnh dòng miền Ðông, đặc biệt là cha cựu Giám Tỉnh John G. Nugent, CM.

1976 - Thánh Bộ Truyền Giáo

Cũng trong năm 1976, qua trung gian của Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ và Sister Sheila McGinnis, S.C.M.M., Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm tại Hoa Kỳ nhận được một quy chế qua lá thư của Ðức Hồng Y Rossi, bộ trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo gửi cho Cha Jean Jadot, đại diện Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, cho phép bốn Dòng Tu Việt Nam (trong đó có Hội Dòng MTG PD Hoa Kỳ) được tạm thời thiết lập dưới quyền của Ðức Giám Mục địa phận trong thời gian là ba năm, trong khi chờ đơiï để liên lạc với nhà Mẹ tại Việt Nam. Mỗi nhóm phải có một Bề Trên Miền và một ban Tổng Cố Vấn. Chị Cecilia Chuyên được chị em bầu làm Bề Trên Miền, với thành phần ban cố vấn gồm có chị Mary Mỹ và chị Marie Phấn.

(còn tiếp...)
 
Bước đường Dòng Mến Thánh Giá được thành lập tại Los Angeles
MTG Los Angeles
10:23 16/09/2019
font=+2> Từ muôn phương dần dần qui tụ và định cư tại Los Angeles, California:

1978 - Mục vụ Giáo Lý - Orange California

Mùa hè năm 1977, nhận thấy số người tị nạn, Việt Nam đến Orange, California ngày càng gia tăng, Ðức Cha William R. Johnson ngỏ ý mời chị em về cộng tác với ngài trong Giáo Phận Orange. (Giáo Phận Orange tách khỏi Tổng Giáo Phận Los Angeles năm 1976). Sau khi được phép Ðức Giám Mục McShea, Giám Mục Giáo Phận Allentown, tháng 2 năm 1978, hai chị Monica Phi và Mary Tố Nga lên đường đi California để làm việc mục vụ cho người Việt Nam. Hai chị tạm trú với các Sơ Dòng St. Joseph, Orange.

Tháng Giêng năm 1979, tu viện đầu tiên tại California được thành lập dưới sự điều hành của chị Bề Trên Marie Phấn. Tu viện tọa lạc tại 18952 Ervin Lane, Tustin, CA. Chị Marguerite Nhật là một trong số các chị em được chỉ định sang California, nhưng trước khi lên đường, chị qua đời trong một tai nạn xe hơi ngày 25 tháng 9 năm 1978. Chị Maria Goretti Lụa (về từ Úc ngày 1-12-1978) được chỉ định thay thế.

Các chị em làm việc cho chương trình giáo lý trẻ em và người lớn tại Orange. Một số chị em khác làm việc tại Catholic Charities và St. Joseph Hospital. Thời gian này, chị em bắt đầu thâu nhận những ơn gọi vào Ðệ Tử Viện. Các Ðệ Tử Sinh chia sẻ đời sống cộng đoàn, cầu nguyện, công tác tông đồ và tiếp tục theo các chương trình trung học và đại học. Ngày 11 tháng 2 năm 1979, tu viện Tustin đón nhận thêm một phần tử mới, chị Lê Kim Ðính (Stella Kim Lê) gia nhập từ Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.

Công việc mục vụ Giáo Lý tại Orange ngày càng bành trướng. Ngày 23 tháng 6 năm 1982, Ðức Cha Johnson đổi cho chị em một tu viện rộng rãi hơn. Tu viện mới tọa lạc tại 1125 West Walnut St. Santa Ana. Ngoài việc giúp đỡ các đoàn thể Công Giáo tiến hành như hội các Bà Mẹ Công Giáo, Legio Mariae, Thiếu Nhi Thánh Thể v.v…, chị em tiếp tục điều hành chương trình giáo lý trẻ em và dạy tân tòng cho người lớn tại các cộng đoàn nơi có giáo dân Việt Nam.

Tháng 9 năm 1979 đến 9 năm 1980, hai chị em được gửi đi San Jose, California, làm việc cho các thuyền nhân mới đến định cư. Hai chị tạm trú với các Nữ Tử Bác Ái tại tu viện Thánh Martin, San Jose.

1979 - Thánh Bộ Truyền Giáo

Ngày 28 tháng 9 năm 1979, Ðức Cha Mc Shea gửi cho Thánh Bộ Truyền Giáo qua Cha Jean Jodot, đại diện Toà Thánh tại Hoa Kỳ, tờ tường trình về sinh hoạt trong ba năm của chị em Mến Thánh Giá Phát Diệm tại Hoa Kỳ. Trong thư phúc đáp cho Ðức Cha McShea, Thánh Bộ cho phép chị em Mến Thánh Giá Phát Diệm tại Hoa Kỳ được gia hạn thêm 5 năm nữa dưới quyền của Ðức Cha địa phận Allentown.

1981 - Tập Viện Tại Northampton

Sau khi tạm ổn định đời sống vật chất, chị em bắt đầu quan tâm đến những nhu cầu thiêng liêng. Việc đầu tiên là thiếp lập một Tập Viện tại Northampton, vì một số đệ tử bên Californai đã sẵn sàng để tiến lên. Tháng 8 năm 1981, chương trình hai năm Tập Viện được bắt đầu với sự giúp đỡ của các Cha Vinh Sơn và dưới sự hướng dẫn của chị Giám Ðốc Tập Viện Maria Goretti Lụa. Hai năm sau, bốn tập sinh đầu tiên tại Hoa Kỳ tuyên khấn lần đầu tại nguyện đường của chủng viện Mary Immaculate. Thánh Lễ đồng tế do Ðức Cha McShea, Giám Mục địa phận Allentown chủ tế.

1982 - Luật Lệ

Trong vòng năm năm đầu sống trên đất Mỹ, chị em chỉ theo những luật lệ được đa số biểu quyết trong những cuộc họp chung, thích ứng với đời sống tu dòng và linh đạo của Hội Dòng, nhưng chưa có một bản qui luật nhất định. Trong vòng hai năm 1980-1981, Chị Cecilia Chuyên gom góp tất cả các luật lệ đang áp dụng, cộng thêm với những điều chị học hỏi và tham khảo được từ những dòng khác để hình thành một cuốn luật lệ cho chị em tuân giữ. Năm 1981, theo lời thỉnh cầu của chị Cecilia Chuyên, cha Nugent giúp soạn một bản dự thảo gồm một số qui tắc diều hành liên quan đến những việc như bầu cử, các chức vụ trong Hội Dòng v.v… Ngày 14 tháng 2 năm 1982, cha Nugent đệ trình bản dự thảo lên Ðức Cha McShea và được ngài phê chuẩn trong lá thư đề ngày 22 tháng 2, 1982.

Sự kiên này giúp rất nhiều cho việc bầu cử Bề Trên Miền ngày 27 tháng 4 năm 1982. Chị Cecilia Chuyên tái đắùc cử Bề Trên Miền, nhiệm kỳ 1982-1986. Ban Tổng Cố Vấn gồm có Chị Mary Mỹ, chị Mary Tố Nga, chị Marie Phấn và chị Maria Goretti Lụa.

1983 - Ðức Cha Thomas J. Welsh, Bề Trên Bản Quyền thứ hai

Ngày 21 tháng 3 năm 1983, Ðức Cha Thomas J. Welsh được tấn phong Giám Mục thứ hai của địa phận Allentown, kế vị Ðức Cha McShea. Ngài đương nhiên trở thành Ðấng Bề Trên Bản Quyền của chị em Mến Thánh Giá Phát Diệm tại Hoa Kỳ. Ðức Cha Welsh tiếp tục bổ nhiệm Cha Nugent trong vai trò đại diện ngài trong các vấn đề liên quan đến chị em Mến Thánh Giá.

1983 - Tu viện New Orleans, Lousiana

Trước những nhu cầu tông đồ của Giáo Hội địa phương, Hội Dòng dự định mở thêm một chi nhánh tại New Orleans, nơi có dân số tị nạn Việt Nam cao thứ nhì tại Hoa Kỳ. Tháng 8 năm 1983, Ðức Cha Philip M. Hannan, Tổng Giám Mục New Orleans chấp thuận cho chị em đến làm việc trong giáo phận của ngài. Tu viện đầu tiên thiếp lập tại 6230-6232 Waldo Drive gồm bốn chị dưới sự hướng dẫn của chị Mary Tố Nga. Chị em cộng tác với các linh mục Việt Nam trong chương trình dạy Giáo Lý và Việt Ngữ cho trẻ em tại giáo xứ Maria Nữ Vương, Versailles. Một số khác làm việc trong viện dưỡng lão "Chateau Notre Dame" và Trường St. Raphael. Chị em cũng bắt đầu đón nhận tu sinh đến từ vùng này. Với số tu sinh gia tăng, mùa hè năm 1985, chị em dời đến một trụ sở khác rộng rãi hơn thuộc giáo xứ Our Lady of Lourdes.

Năm 1993, vì nhu cầu cần mở một nhà giữ trẻ, chị em dời về địa điểm 1216 Avenue G. Marrero, LA. Ngòai việc giữ trẻ, chị em tiếp tục điều hành chương trình giáo lý trẻ em tại Họ Ðạo Ðức Mẹ Vô Nhiễm và Họ Ðạo Ðức Mẹ Lên Trời và làm y tá tại bệnh viện University Hospital và Wyhoven Healthcare Center.

Cũng trong hai năm 1983-1985, hai chị Anne Lành và Monica Phi được mời sang New York để làm việc cho người Việt tị nạn tại Hội Văn Hóa Việt Mỹ (VACO). Tại New York, chị em di chuyển bằng subway đến các vùng Manhattan, Bronx, Brooklyn, Queens và Staten Island để phục vụ cho người tị nạn trong các công tác xã hội liên quan đến bệnh viện, văn phòng, toà án, nhà tù, trường học và tư gia. Chị em tạm trú với các Nữ tu Charity, Society of Mary Reparatrix và Franciscan Sisters. Năm 1984, chị Rose Hường thay thế chị Monica Phi được chỉ định đi California.

1984-Tu Viện Panama City

Sau gần 10 năm sống trên đất Mỹ, một số chị em đã đến tuổi về hưu và khí lạnh tại miền Ðông Bắc không thích hợp cho các chị lớn tuổi, chị em quyết định tìm mua một căn nhà tại Florida để làm nhà hưu dưỡng. Ngày 25 tháng 3 năm 1984, dưới sự hướng dẫn của chị Bề Trên Mary Mỹ, một tu viện mới được thành lập tại 3013 Brookins Road, Panama City, Florida.

Tu Viện Panama City hoạt động đến ngày 27 tháng 6 năm 1987

1984 - Tập Viện tại Pensacola, Florida

Tháng 9 năm 1984, với sự chấp thuận của Ðức Cha J. Keith Symons, Giám Mục Pensacola-Tallahassee, Tập Viện được thuyên chuyển về Pensacola, Florida. Ðức Giám Mục đã ưu ái dành cho chị em một ngôi nhà khang trang tọa lạc tại 9917 Hillview Road. Thánh Lễ khánh thành Tập Viện được cử hành vào ngày 8 tháng 9 năm 1984.

Tháng 9 năm 1989, một lần nữa Tập Viện được dời về Sepulveda, California, nơi có trụ sở nhà Mẹ đầu tiên. Tập Viện Pensacola đóng cửa sau đó một năm.

1984-Tu Viện St. Bruno, Whittier, California

Trong những năm trước đây, qua trung gian của Cha Nugent, chị em Mến Thánh Giá đã có dịp gặp gỡ và quen biết với Ðức Hồng Y Manning, Tổng Giám Mục Los Angeles, nhưng mãi đến mùa hè năm 1984, qua buổi tiếp xúc của hai chị Marie Phấn và Monica Phi với vị đại diện của Tổng Giáo Phận là Ðức Ông Benjamin Hawkes, chị em mới xin được mở tu viện đầu tiên trong Tổng Giáo Phận Los Angeles.

Ðức Ông Hawkes chấp thuận với điều kiện là chị em phải tự tìm việc làm để sinh sống. Mặc dầu lúc đó chưa ai có việc, chị em phó thác và chấp nhận điều kiện trên. Một phái đoàn bốn chị em khăn gói lên đường đi Cali vào đầu tháng 9 để bắt đầu tìm việc. Tạ ơn Chúa, chỉ trong vòng một tháng, kẻ trước người sau đều có việc làm. Chị em làm việc tại Catholic Charities-Los Angeles, Catholic Charities-Long Beach và St. Jude Hospitial-Fullerton. Ðịa phận dành cho tu viện St. Bruno tọa lạc tại 10734 S. Widener Ave. Whittier, CA. Ngày 22 tháng 12, tức 3 ngày trước lễ Giáng Sinh, chị em bắt đầu sinh hoạt tại tu viện St. Bruno dưới sự hướng dẫn của chị Bề Trên Monica Phi.

Whittier cũng là nơi được diễm phúc săn sóc chị Martha Lộc trong những ngày cuối đời của chị. Chị qua đời ngày 8 tháng 5 năm 1988.

Hiện nay, có bẩy chị em đang cư ngự tại tu viện St. Bruno. Các chị phục vụ tại St. Francis Hospital-Lynwood, St. Jude Hospital-Fullerton và St. Bruno parish.

1985-Phục vụ người vô gia cư tại Good Shepherd Center-Languille Residence

Tháng 9 năm 1985, chị em được Ðức Ông Languille, Giám Ðốc Catholic Charities, Los Angeles mời đến phục vụ tại Trung Tâm Good Shepherd Center làm cho các phụ nữ vô gia cư. Trung tâm tọa lạc tại 267 N. Belmont Avenue, Los Angeles. Cộng Ðoàn được thành lập dưới sự hướng dẫn của chị Anne Lành. Công việc tông đồ này giúp chị em gần gũi với người nghèo, vì đây là nơi chị em làm việc ban ngày và cư trú ban đêm. Hiện nay vẫn đang tiếp tục công việc tông đồ này.

1985 - Thánh Bộ Truyền Giáo

Ngày 11 tháng 2 năm 1985, sau thời hạn 5 năm, Ðức Cha Welsh lại gửi một tờ tường trình về năm năm hoạt động của chị em Mến Thánh Giá Phát Diệm Hoa Kỳ lên Ðức Hồng Y Agnelo Rossi, Bộ Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, qua cha đại diện Pio Lagni. Trong thư phúc đáp cho Ðức Cha Welsh ngày 20 tháng 5 năm 1985, Thánh Bộ cho phép gia hạn bảy năm những phép ban trước đây vào 1980, Chiếu theo Giáo Luật số #595, Ðức Cha Welsh chính thức là Bề Trên Bản Quyền của một Hội Dòng thuộc địa phận.

1986 - Bầu Cử

Mùa Xuân năm 1986, chị Mary Mỹ kế vị chị Cecilia Chuyên trong chức vụ Bề Trên Miền, nhiệm kỳ 1986-1990. Ban Tổng Cố Vấn gồm có Chị Marie Phấn, chị Cecilia Chuyên, Chị Mary Tố Nga và Chị Maria Goretti Lụa.

1987 - Phục vụ người vô gia cư tại Good Shepherd Center-Hawkes Residence

Tháng 10 năm 1987, Good Shepherd Center mở thêm một chi nhánh thứ hai, là Hawkes Residence, tọa lạc tại 703 Waterloo St, Los Angeles, CA. Chị em được Ðức Ông Daviđ Cousineau, Giám Ðốc Catholic Charities, Los Angeles mời về phục vụ tại trung tâm này. Ngày 12 tháng 10 năm 1987, bốn chị em đến làm việc dưới sự hướng dẫn của chị Bề Trên Cecilia Chuyên. Chị em phục vụ tại Catholic Charities, Los Angeles và Queen of Angels Presbyrerian Hospital.

Năm 1998, trung tâm dời về cơ sở mới xây cất với danh gọi là "Woman's Village". Hiện nay, chị em vẫn tiếp tục hoạt động tại ba trung tâm dành cho người vô gia cư: Languille Residence, Hawkes Residence và Mother and Child Residence.

1989-Ðức Hồng Y Roger Mahony, Bề Trên Bản Quyền Thứ Ba

Sau 10 năm (1978-1988) phục vụ dân Chúa tại Miền Nam California trong hai Giáo Phận Orange và Los Angeles, chị em nhận ra đây là nơi thích hợp để định cư vĩnh viễn. Tuy nhiên chị em vẫn tiếp tục cầu nguyện và bàn hỏi. Ðức Cha Welsh, Giám Mục Giáo Phận Allentown, cũng là vị đại diện Thánh Bộ có trách nhiệm với Hội Dòng trên phương diện Giáo Luật, khuyên chị em nên chuyển trụ sở chính về Los Angeles, California. Một cuộc họp lịch sử của Hội Dòng diễn ra ngày 28 tháng 9 năm 1988, theo lời khuyên của vị đại diện Chúa, chị em quyết định rút khỏi giáo phận Allentown, Pennsylvania và chuyển trụ sở chính về Los Angeles, California.

Chính Ðức Cha McShea đã viết thư cho Ðức Hồng Y Roger Mahony, Tổng Giám Mục Los Angeles, để xin cho Hội Dòng được gia nhập Tổng Giáo Phận Los Angeles. Lời thỉnh cầu này được Ðức Hồng Y chấp thuận. Sau khi biết ý định của chị em, Ðức Cha Welsh viết thư cho Ðức Hồng Y Josef Tomko, Bộ Trưởng Thánh Bộ Truyền Giáo, qua vị Khâm Sứ Toà Thánh là Ðức Tổng Giám Mục Pio Laghi để xin chuyển quyền coi sóc Hội Dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm - Hoa Kỳ theo Giáo Luật cho Ðức Hồng Y Mahony. Sau khi tham khảo ý kiến của Ðức Hồng Y Mahony, Thánh Bộ đã chấp nhuận trong văn thư đề ngày 29 tháng 11 năm 1989.

Trong dịp này, Ðức Hồng Y Mahony cử Ðức Ông Cousineau làm đại diện của ngài để liên lạc với chị em, và xin Cha Nugent, MC làm cố vấn cho Hội Dòng về các vấn đề liên quan đến Giáo Luật.

1989 - Nhà Mẹ tại Our Lady of Peace, Sepulveda, CA

Ngày 8 tháng 6 năm 1989, Chị Bề Trên Miền Mary Mỹ cùng với một số chị em lớn tuổi di chuyển đến tu viện Our Lady of Peace, trụ sở chính của Hội Dòng ở Sepulveda, California. Ngày 15 tháng 6, các tập sinh chuyển về từ Pensacola. Tập Viện được đặt dưới sự hướng dẫn của chị Theresa Thanh Thủy. Ngày 29 tháng 7 năm 1989, tất cả chị em tụ họp về nhà chính để tham dự ngày Cộng Ðoàn, và ngày 6 tháng 8 tham dự Thánh Lễ Khấn Dòng đầu tiên tại California. Thánh Lễ đồng tế do Ðức Tổng Giám Mục Roger Mahony chủ tế. Ðây cũng là dịp khánh thành trụ sở chính của Hội Dòng tại California.

Tại đây chị em được chia sẻ niềm vui cuối đời của hai chị: Chị Anne Mary Thanh Hiến qua đời tại tu viện ngày 13 tháng 4 năm 1990, nhằm ngày thứ sáu tuần Thánh và Chị Maria Goretti Lụa qua đời tại St. Vincent Hospital, Los Angeles ngày 27 tháng 11 năm 1991, dịp lễ Thanksgiving.

Sau sáu năm sinh hoạt tại tu viện Our Lady of Peace, ngày 1 tháng 7 năm 1995, trụ sở nhà Mẹ được chuyển về Gardena.

1990 - Tổng Tu Nghị Ðầu Tiên Tại Hoa Kỳ

Qua cuộc bầu cử bằng thư, Chị Mary Lê Thị Mỹ tái đắc cử chức vụ Bề Trên Miền nhiệm kỳ 1990-1994. Ban Tổng Cố Vấn gồm có chị Cecilia Chuyên, Maria Phấn, Monica Phi, Anne Lành và Theresa Hảo. Sau đó, Tổng Tu Nghị đầu tiên tại Hoa Kỳ đã được diễn ra từ ngày 29 tháng 6 đến ngày 3 tháng 8, 1990 tại trung tâm tĩnh tâm Manresa, Asuza, California. Trong Tổng Tu Nghị này, chị em biểu quyết thi hành quyển Hiến Chương mới do ban nghiên cứu Linh Ðạo và Hiến Chương ở Việt Nam biên soạn đã được Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình phê chuẩn. Bản Hiến Chương này cũng được Cha John Nugent, CM phiên dịch ra tiếng Anh, được Ðức Cha Roger Mahony, Tổng Giám Mục Los Angeles phê chuẩn ngày 6 tháng 2 năm 1991 và được áp dụng cho đến Tổng Tu Nghị kế tiếp.

1991 - Ðức Hồng Y Roger Mahony

Ngày 3 tháng 8 năm 1991, chị em lại hân hạnh được Ðức Hồng Y Roger Mahony chủ tế Thánh Lễ Khấn Dòng. Cũng trong dịp này, chị em cùng với nhiều đại diện giáo dân Việt Nam trong Tổng Giáo Phận Los Angeles chúc mừng Ðức Mahony mới nhậm chức Hồng Y. Chị em luôn biết ơn tấm lòng ưu ái ngài đã dành cho Hội Dòng trong giáo phận của ngài.

Ngày 14-9-2019 Lễ tôn vinh Thánh giá khai mạc Năm Thánh mừng 350 năm
Và hôm nay đây, tại Nhà thờ chính tòa Christ Cathedral giáo phận Orange, các chị em nữ tu Mến Thánh Giá cùng nhau dâng lời cám tạ hồng ân Thiên Chúa cùng với ĐHY Roger Mahony, Đức Cha Kevin Vann, các Đức Giám Mục phụ cận, với 70 linh mục, 15 phó tế, cùng với chừng 2000 giáo dân thuộc nhiều sắc tộc khác nhau tham dự lễ kỷ kiệm 350 năm ngày thành lập Dòng Mến Thánh Giá.

Các vị nữ tu Dòng Mến Thánh Giá từ nhiều nơi về dự lễ tưng bừng và đông vui như ngày hội.


Theo gương con Chúa hy sinh cứu đời.

 
Lễ giỗ thứ 17 Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tại Roma
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
16:58 16/09/2019
Vào lúc 9,30 sáng ngày 16.9.2019, Đức Hồng Y Peter Turkson, Bộ trưởng Bộ Phục vụ phát triển nhân bản toàn diện, đã chủ sự lễ giỗ lần thứ 17 Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận tại Roma. Có 30 linh mục Việt Nam và Italia đồng tế với ĐHY Turkson tại Nhà Thờ Đức Mẹ Cầu Thang (Madonna della Scala) với sự hiện diện của khoảng 150 người gồm các viên chức của Bộ cùng với tu sĩ và giáo dân Việt Nam. Sau đây là những ý chính của bài giảng: Chúng ta tụ họp nhau vào ngày 16.9 mỗi năm để tạ ơn Thiên Chúa về món quà cuộc đời và sứ vụ giám mục của ĐHY Nguyễn Văn Thuận cũng như để cầu nguyện cho tiến trình tuyên thánh. Vào năm 1995, tôi được gặp ĐHY khi ngài đến nói chuyện với Hội đồng Giám mục Ghana với chủ đề cầu nguyện. Ngài cầu nguyện với những tù nhân trong tù cho mọi ngườiu. Trong tay ngài luôn có cỗ tràng hạt Mân côi. Trong thư gửi môn đệ Timôthê, thánh Phaolô khuyên mọi người dâng lời cầu xin, khấn nguyện, nài van và tạ ơn cho mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh. Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý (1Tm 2,1-8). Cầu nguyện không có biên giới và không có giới hạn. Cầu nguyện là hành động cá nhân cũng như cộng đoàn. Xã hội cầu nguyện thì sẽ có hòa bình và thanh thản. Thánh Luca thuật lại việc viên sĩ quan sai vài người kỳ lão Do thái di xin Chúa Giêsu đến cứu chữa đầy tớ của ông (Lc 7,1-10). Những người này van xin Chúa Giêsu ban cho ông điều ông xin vì ông đã yêu mến dân chúng và xây hội đường cho họ. Khi Chúa gần đến nhà, ông nhờ mấy người bạn đến thưa với Chúa Giêsu rằng ông không xứng đáng mời Chúa đến nhà nhưng chỉ xin ngài phán một lời thì đấy tớ được lành mạnh. Ông đã tin Chúa Giêsu và ông được điều ông xin...Tôi mới đi thăm một nhà tù ở Camerun. Có những tù nhân có hình ĐHY Thuận và họ cầu nguyện với ngài. Hơn nữa, họ cùng cầu nguyện cho những người ở trong nhà tù và ngoài nhà tù, theo gương của ĐHY Thuận là người của cầu nguyện. Hôm nay, chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người, đặc biệt những người nhờ chúng ta cầu nguyện cho họ.”

Cuối thánh lễ, chủ tế và các vị đồng tế tiến đến nhà nguyện Đức Mẹ Mân Côi, dưới bàn thờ có mộ của Đấng Đáng Kinh Nguyễn Văn Thuận để cùng đọc kinh cầu xin Chúa cho ngài sớm được tôn vinh trên bàn thờ.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
 
VietCatholic TV
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, ngày 16/9/2019: Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Thái Lan và Nhật Bản
VietCatholic Network
00:14 16/09/2019

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 15 tháng 09, 2019.

2- Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Giám mục là trung gian giữa Chúa và dân Chúa.

3- Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm Thái Lan và Nhật Bản.

4- Đức Thánh Cha giải thích về hộp xương thánh Phêrô mà Ngài đã tặng cho Đức Thượng phụ Bartolemeo.

5- Tòa Thánh cương quyết phản đối các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

6- Hội Nghị Mùa Thu của Hội đồng Giám mục Đức.

7- Các Giám mục Philippines khẳng định: Kitô giáo không phải là thực dân.

8- Hơn 120 nhà thờ ở Syria bị hư hại do chiến tranh kể từ 2011.

9- Tháng Kinh Thánh tại Châu Mỹ Latinh.

10- Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, tân Giám mục chính tòa Giáo phận Đà Lạt.

11- Giới thiệu Thánh Ca: Người Con Hoang Đàng.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết:
 
Đội trưởng cứu hỏa New York trong vụ khủng bố 9/11 trở thành linh mục. Câu chuyện khiến nhiều người Mỹ rơi lệ.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:42 16/09/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 8 giờ 46 phút ngày 11 tháng Chín, 2001, chiếc Boeing 767 gồm 11 thành viên phi hành đoàn, và 81 hành khách trong đó có 5 tên không tặc, khởi hành từ Sân bay Quốc tế Logan ở Boston, để đến Sân bay Quốc tế Los Angeles đã đâm vào mặt phía bắc của Tòa Tháp Đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới, giữa các tầng 93 và 99.

Cha Mychal Judge, tuyên úy của lính cứu hỏa thành phố New York chạy ngay đến hiện trường. Ông Rudolph Giuliani, thị trưởng thành phố New York, kể lại rằng ông đã xin cha Mychal cầu nguyện cho thành phố và các nạn nhân khi thấy ngài không ngại hiểm nguy chạy đi chạy lại cử hành các nghi thức sau cùng cho những người đang hấp hối và cầu nguyện cho các thi thể nằm trên đường phố. Trong khi đó, một cảnh tượng kinh hoàng vẫn tiếp tục diễn ra. Nhiều người ở trên các tầng lầu cao không còn đường thoát thân lao ra từ các cửa sổ.

Trong khi cảnh tượng kinh hoàng vẫn đang tiếp diễn, lúc 9 giờ 03 phút, một chiếc Boeing 767 khác của hãng hàng không United Airlines, chở 9 thành viên phi hành đoàn và 56 hành khách, trong đó có 5 tên không tặc, khởi hành từ Sân bay Quốc tế Logan ở Boston, để bay đến Sân bay Quốc tế Los Angeles, lại đâm vào mặt phía nam của Tháp phía Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới, giữa các tầng 77 và 85.

Lúc 9:59 sáng, tòa tháp này sụp đổ. Các mảnh vỡ đã bay qua tháp phía Bắc, giết chết nhiều người trong đó có cha Mychal Judge đang xức dầu cho những người hấp hối.

Chứng kiến cái chết của cha Mychal Judge và các đồng đội mình, đội trưởng lính cứu hỏa của sở cứu hỏa thành phố New York, Tom Collucci đã suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng quyết định trở thành một linh mục Công Giáo.

Xin kính mời quý vị và anh chị em nghe chính cha Tom Collucci giải thích về bước ngoặt này trong đời mình, qua lời dịch của Như Ý.

Cha Tom Collucci kể lại như sau:

“Vào ngày 11 tháng Chín, 2001, mặt trời chiếu sáng rực rỡ trên bầu trời trong xanh của thành phố New York. Tôi cảm thấy nhẹ nhàng sau một ca trực tại sở cứu hỏa và đang trên đường trở về nhà nghỉ ngơi, thì tôi được nghe về các cuộc tấn công khủng khiếp. Cảnh sát và lính cứu hỏa được gọi đến hiện trường.

Tôi quay xe ngược trở lại thành phố và trình diện ở sở cứu hỏa. Chúng tôi lấy các thiết bị và hối hả lao xuống xa lộ West Side để đến hiện trường.”

Lúc ấy Tom Collucci là một đội trưởng lính cứu hỏa của sở cứu hỏa thành phố New York.

Cha Tom Collucci kể tiếp:

“Chúng tôi chạy đến Tháp phía Nam và bắt đầu đào bới trong đống đổ nát tìm kiếm bất cứ thi thể và cố gắng cứu sống các nạn nhân hết sức có thể. Khi chúng tôi còn đang ở hiện trường, tòa tháp thứ hai sụp đổ.”

Tom Collucci bàng hoàng chứng kiến tận mắt các đồng đội của mình hy sinh như thế nào cùng với vị tuyên úy của họ là cha Mychal Judge.

“Chiếc xe cứu hỏa Ladder 3 của chi khu cứu hỏa phía Đông Manhattan bị những khối đá khổng lồ đổ xuống. Tôi đã từng đi trên chiếc xe cứu hỏa ấy một vài lần khi tôi còn phục vụ ở bên Manhattan. Tôi biết rõ từng người lính cứu hỏa bị giết trong ngày đó.”

“Chúa ở đâu trong ngày đó?

Tôi cho rằng hình ảnh ấn tượng nhất tôi có thể nghĩ đến là cách nhiều người phản ứng trước cảnh tượng này. Có các lính cứu hỏa, cảnh sát, các nhân viên cấp cứu, bác sĩ, y tá và đông đảo người chạy đến cứu giúp tại hiện trường. Tất cả họ đều lao vào cứu giúp. Mọi người nói ‘Chúa Kitô ở đâu trong cái ngày này?’ Những người chạy đến cứu giúp tại hiện trường này chính là nhiệm thể của Chúa Kitô! Chúa Kitô hiện diện nơi tất cả những người này, tất cả những người chạy đến trong ngày đó. Chúa ở cùng chúng ta trong đau khổ và nỗi buồn sầu của chúng ta. Tôi nghĩ chính là Chúa, là Thánh Thần của Người đã giúp nâng đỡ chúng ta vượt qua thảm kịch, đào bới trong đống đổ nát cả hàng 9 tháng, tham dự các nghi lễ an táng, chia sẻ những đau khổ và nỗi buồn biến cố này gây ra. Do đó, tôi xác tín rằng Thiên Chúa chắc chắn ở cùng chúng ta trong ngày đó.”

Vì thế, đội trưởng lính cứu hỏa của sở cứu hỏa thành phố New York, Tom Collucci, quyết định trở thành một linh mục Công Giáo.

Cha Tom Collucci giải thích về quyết định của ngài như sau:

“Tôi đã chứng kiến sự tồi tệ nhất của nhân loại trong ngày đó. Nhưng tôi cũng được chứng kiến điều tốt đẹp nhất của nhân loại trong ngày này. Tôi cho rằng điều này linh hứng cho tôi trở thành một linh mục vì tôi thấy nơi thảm kịch này rằng chúng ta dự phần trong một điều gì đó lớn hơn cái thế giới nhỏ bé của chúng ta. Tất cả chúng ta đều liên hệ với nhau trong một gia đình nhân loại rộng lớn. Có điều gì đó lớn hơn, có một mục đích khác trong cuộc đời này. Vì thế, tôi nghĩ rằng tôi muốn làm điều gì đó nhằm giúp đỡ cho nhiều người, một số đông người. Tôi luôn nghĩ đến việc trở thành một linh mục nhưng cần một điều củng cố quyết định của tôi hơn nữa để trở thành một linh mục. Tôi đã được thụ phong hai năm trước đây và thật là một cuộc sống tuyệt vời. Tôi tạ ơn Chúa vì tất cả ơn lành mà người đã ban cho tôi khi từ người lính cứu hỏa cứu giúp người chuyển sang một linh mục cứu giúp các linh hồn. Trong công việc của một người lính cứu hỏa cũng như sứ vụ của một linh mục, chúng ta giúp những người đang cần. Ở sở cứu hỏa, người ta gọi chúng tôi cả ngày lẫn đêm, chúng tôi chẳng bao giờ hỏi họ là ai. Chúng tôi chỉ đơn giản là chạy đến, đáp ứng và giúp họ. Điều đó cũng như vậy đối với một linh mục.”
 
Ước mơ rao giảng Tin Mừng tại Nhật của Đức Thánh Cha đang dần trở thành hiện thực
Giáo Hội Năm Châu
17:51 16/09/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Văn phòng báo chí Tòa thánh vừa thông báo về chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Nhật Bản vào tháng 11 này như là một giấc mơ được hiện thực đối với Đức Thánh Cha Phanxicô vì khi còn là một tu sĩ Dòng Tên trẻ tuổi, ngài đã ước ao được đi truyền giáo tại Nhật bản.

"Theo thời gian, Cha cảm nhận một khát vọng được trở thành một nhà truyền giáo tại Nhật Bản, nơi mà Dòng Tên đã gieo mầm một công việc rất quan trọng. Đó là tâm tình của Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio, được ghi trong cuốn sách El Eluituita, được xuất bản vào năm 2010.

Nhật Bản và Dòng Tên

Nhật Bản đã trở thành một điểm thu hút đặc biệt đối với Dòng Tên kể từ năm 1549 khi Thánh Phanxicô Xavier đến thăm đất nước này. Trong năm thế kỷ sau đó, Dòng Tên đã luôn quan tâm đặc biệt đến người dân và văn hóa Nhật Bản.

Sự chú ý này đã được củng cố trong những thập kỷ gần đây bởi hai cha Bề trên cả của dòng Tên là Cha Pedro Arrupe và Cha Adolfo Nicolás, cả hai đều có sống ở Nhật Bản một số năm. Chưa kể đến vai trò quan trọng của linh mục Giuseppe Pittau, dòng Tên đã có công rất lớn trong lãnh vực đối thoại văn hóa được triển khai giữa Nhật Bản và phương Tây.

Các tu sĩ dòng Tên đã luôn theo đuổi một đường hướng là kiên trì hội nhập văn hoá với xác tín rằng "không thể có những thành công nhanh chóng và ngay lập tức, vì chính Chúa cũng chạy có ba dặm một giờ, có nghĩa là, theo tốc độ của vũ hoàn chúng ta", như Cha Nicolás đã bình luận trong bài viết “Tổ chức của Giáo Hội Công Giáo” (La Lailtiltà Cattolica), với tựa đề "Sống sứ mệnh tại Nhật Bản" được xuất bản năm 2014.

Nhật Bản và Đức Thánh Cha Phanxicô

Tác phẩm “Tổ chức của Giáo Hội Công Giáo” (La Lailtiltà Cattolica) ảnh hưởng rất sâu đậm trong tâm tư của Đức Thánh Cha Phanxicô mà chúng ta có thể tìm gặp, phảng phất trong các bài giảng mà ngài hay chia sẻ trong các thánh lễ tại nhà nguyện thánh Matta. Vào ngày 17 tháng 4 năm 2013, ngài đã chia sẻ với lòng ngưỡng mộ trước những chứng tá của Giáo hội Nhật Bản, vẫn còn âm hưởng dù các ngài đã tuẫn tiết tử đạo từ những thế kỷ 16 và 17.

Điều gây ấn tượng nhiều cho vị Giáo hoàng này là sức mạnh của các tín hữu Nhật bản trong các cuộc cứu trợ các thiên tai! Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ lại cảnh các nhà truyền giáo cho hay "tất cả cộng đoàn cùng học đạo, đều chịu phép rửa tội, và tất cả hợp thức hóa hôn nhân trong Giáo hội".

Đức Thánh Cha Phanxicô và các Giám mục Nhật Bản

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đón nhận lời khẩn xin của hàng Giám mục Nhật bản trong chuyến “viếng mộ Thánh Phêrô” của hàng Giám mục Nhật bản hai năm trước đây, rằng ngài sẽ viếng thăm đất nước Nhật bản trong một ngày nào đó!

Trong dịp đó, ĐTC đã nói đến di sản của Giáo hội tại Nhật Bản dựa trên hai trụ cột: các vị truyền giáo đến sau Thánh Phanxicô Xavier, "các ngài đã hiến dâng cuộc đời để phục vụ Tin Mừng cho nhân dân Nhật Bản", và những gì mà ĐTC gọi là "các Kitô hữu ẩn danh".

Đức Thánh Cha Phanxicô cho hay: “Khi mà các linh mục tu sĩ và những giáo dân ngoại quốc bị trục xuất khỏi đất nước Nhật bản, thế mà "đức tin Kitô giáo của anh chị em không hề bị tiêu tan, nhưng vẫn được kiên vững dù có phải sống ẩn dật và bị cô lập!

Giáo hội tại Nhật Bản

Giáo hội Nhật Bản, với một lịch sử đầy gian chuân khốn khó, nhưng cũng không thiếu ơn lành của Chúa. Giáo hội Nhật bản nêu gương cho chúng ta rằng “mỗi Kitô hữu là người truyền giáo”.
 
Giáo Hội tại Đức trên bờ vực ly giáo - Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki cảnh báo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:17 16/09/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
“Một Giáo Hội tìm cách thích nghi đức tin của mình cho phù hợp với thế giới, thì công việc điều chỉnh ấy không phải là hoạt động của Chúa Thánh Thần, nhưng đơn thuần là do tinh thần con người của chúng ta mà ra”. Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki nói như trên trong bài giảng của ngài nhân ngày lễ Sinh Nhật Đức Mẹ.

Theo Đức Hồng Y Tổng Giám mục Köln, sứ vụ thực sự và duy nhất của Giáo Hội là: “Loan báo; và làm chứng cho các dân tộc và toàn thế giới về ơn cứu độ nhờ Con Thiên Chúa; cũng như chỉ cho mọi người con đường dẫn đến cõi vinh phúc muôn đời”.

“Tuy nhiên, oái oăm thay, đó không phải là những gì thường thấy ngày hôm nay trong Giáo Hội,” Đức Hồng Y Woelki than thở như trên trong bài giảng hôm 8 tháng Chín.

“Thay vào đó, đối với một số người, Giáo Hội đã trở thành một ‘thực thể xã hội học thuần túy - phù hợp với học thuyết về giới tính - và phải thích nghi với xu hướng chính trị và xã hội’”.

Ngài đã đưa ra nhận xét trên sau khi các Giám Mục Đức bác bỏ một dự thảo kế hoạch được ngài và Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg đệ trình lên Hội đồng Thường trực của Hội Đồng Giám Mục Đức tại cuộc họp ngày 19 tháng 8.

Với tỷ số áp đảo 21-3, các Giám Mục Đức đã bác bỏ đề nghị của ngài và kiên quyết tiến hành một “tiến trình công nghị với hiệu lực ràng buộc” do Đức Hồng Y Marx đề nghị trong đó xét lại luật độc thân linh mục, vấn đề phong chức linh mục cho phụ nữ, giáo lý về đạo đức tình dục, các kết hiệp đồng tính, và chủ nghĩa giáo sĩ trị.

Những thay đổi đó chắc chắn sẽ khiến Giáo Hội tại Đức tách ra khỏi tình hiệp thông với Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội hoàn vũ. Sau Anh Giáo, thế giới chuẩn bị có “Đức Giáo”, ngài cảnh báo.

Đức Hồng Y Tổng Giám Mục giải thích thêm:

“Đức tin và tín lý của Giáo Hội không thể bị thay đổi bằng cách biểu quyết theo đa số như trong trường hợp quốc hội thay đổi luật pháp khi đối diện với những điều được cho là hiểu biết khoa học mới hơn - đặc biệt là khoa học xã hội và con người. Như quá khứ đã thường chỉ ra, đằng sau những mỹ từ như tiến trình dân chủ hay cải cách Giáo Hội, không có gì khác ngoài ý đồ thích nghi các chân lý đức tin với suy nghĩ của thế giới đương đại.”

“Bất cứ ai làm một việc như vậy đều đang đòi buộc chính Giáo Hội trở nên bất trung với Chúa Kitô”, Đức Hồng Y Woelki nhấn mạnh.

“Giáo Hội sẽ mất đi bản sắc và tan rã, bởi vì Giáo hội không phải do con người tạo ra, Giáo Hội được Đức Kitô tạo thành, và điều đó có nghĩa là chúng ta không thể dùng áp lực của đa số mà bác bỏ hay thay đổi mọi thứ theo ý thích của chúng ta và gọi đó là ‘Giáo Hội ngày nay’”.

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng đức tin, và tín lý theo Kinh Thánh và Tông Truyền không thể bị thay đổi. Cả các bí tích và kỷ luật của Giáo Hội cũng không thể bị đổi thay. Chẳng hạn, chức tư tế dành cho phụ nữ là điều không thể được vì điều đó không thuộc về thẩm quyền của Giáo Hội. Đức Hồng Y Woelki nhắc nhớ rằng Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa ra “quyết định chung cuộc cho vấn đề này” với tất cả hiệu lực ràng buộc trên toàn thể Giáo Hội vào năm 1994 - và nhiều lần Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng khẳng định như thế.

Trong cuộc sống của Giáo Hội, điều quan trọng là “những gì tạo ra nên chính chúng ta, chứ phải không phải những gì xã hội thế tục hóa đòi buộc nơi chúng ta để thỏa mãn những tiêu chí của một Kitô hữu ‘hiểu biết’ và ‘cởi mở’”

“Chính Thiên Chúa đã cứu chuộc chúng ta, biến chúng ta thành con cái Ngài và là men trong thế giới này”.

Đức Hồng Y Woelki bác bỏ mọi nỗ lực để biến Giáo Hội thành một “định chế đóng kín trong nỗi lo sợ muốn ẩn mình khỏi thế giới”.

“Trái lại, Giáo Hội phải tiến ra cống hiến cho thế giới những gì thế giới cần, chứ không phải biến mình thành bất kể những gì mà thế giới muốn nơi Giáo Hội.”

“Một Giáo Hội tìm cách thích nghi đức tin của mình cho phù hợp với thế giới, thì công việc điều chỉnh ấy không phải là hoạt động của Chúa Thánh Thần, nhưng đơn thuần là do tinh thần con người của chúng ta mà ra xuất phát từ nỗi sợ hãi không được thế giới đó nhận.”

“Đức Hồng Y Höffner luôn nhắc nhở chúng ta về Tông đồ Phaolô, là người đã từng chỉ đường cho các tín hữu Kitô tiên khởi: Chúng ta không đi theo con đường thế gian, đó không phải là con đường của chúng ta, nhưng chúng ta chống lại nó, chúng ta phải tuân theo Chúa Kitô, theo thánh ý Ngài dành cho con cái của Ngài. Nếu không chúng ta đánh mất bản sắc Kitô của chúng ta và căn tính của Giáo Hội.”


Source:Catholic News Agency