Ngày 16-09-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
“Hoa Hậu Áo Đen” Trong “Dáng Đứng Thập Giá”
Trần Tuy Hòa
08:46 16/09/2011
“HOA HẬU ÁO ĐEN” TRONG “DÁNG ĐỨNG THẬP GIÁ”

Cảm nhận về Lễ Suy Tôn Thánh Giá 14-9-2011

Đứng dưới chân tượng đài Anrê Phú yên - người thanh niên vùng quê nghèo Mằng lăng, áo dài khăn đóng của thế kỷ 17, tay giơ cao thập giá, biểu tượng vượt thời gian, Đức Giám Mục Leopoldo Girelli, đại diện tòa thánh, ngài cất tiếng chào bằng thứ tiếng Việt vượt khó : “Xin Chào Anh Chị Em”. Những tràng vổ tay vang lên, những tràng vổ tay biểu lộ niềm vui tột cùng của đàn chiên bé nhỏ được gặp “Đấng nhân danh Chúa mà đến”, những tràng vổ tay tự phát hiếm có trong thói quen “văn hóa vổ tay được cài đặt trước” như thường thấy. Người tín hữu Mằng Lăng nói riêng và tín hữu cả hạt Phú Yên nhận được nơi Đức Tổng sự gần gũi khi Ngài hòa nhập vào đàn chiên không chỉ qua mũ gậy mà còn qua cả sắc mầu của các em thiếu nhi múa hát chào mừng, qua cả áng mây che mát hay cả ánh sáng mặt trời khi Ngài vừa phát biểu xong. Cuộc gặp gỡ dưới bóng thập giá Anrê Phú Yên này cũng là dịp để chúng tôi tuyên tín lại lần nữa rằng chúng tôi yêu mến Hội thánh Công Giáo, yêu mên Đức Thánh Cha, thứ tình cảm mà tổ tiên chúng tôi đã từng trả giá và cho đến tận hôm nay người ta còn ghen tỵ, bằng những tiểu xảo thấp hèn để lôi kéo chúng tôi tách rời Hội Thánh Mẹ yêu quý này cùng cây Thập Giá gia sản mà thế hệ trước đã trao lại cho chúng tôi.

Từ cây “thập giá Anrê Phú Yên” đến cây “thập giá ở trung tâm thương mại thế giới” cách nhau gần 400 năm ; tuy khác thời gian, khác vị trí nhưng đều xuất phát từ thập giá Can vê, giá trị không thay đổi và cũng không thay thế được. Một thanh sắt hình thánh giá đã mọc lên trên đống tro tàn của tòa tháp đôi hùng vĩ biểu tượng cho quyền lực vật chất bị lụn xuống sau biến cố 11-9-2001. Kỷ niệm 10 năm biến cố 11-9-2001 để nhắc nhớ chúng ta rằng sự dữ, cái ác không từ chối ai ; và cây thập giá có mặt cách tình cờ muốn cho thấy rằng : tình yêu thì lớn hơn nhiều, trong đau thương, Thập giá là nguồn an ủi cho nhiều nạn nhân (Cha Brian Jordan OFM – vietcatholic).

Cây thập giá của trung tâm thương mại thế giới đứng giữa những đau thương mất mát được tìm thấy trong ngày 13-9-2001 đã thành dịp tốt nhắc nhở con người đừng quên Thập Giá từ thuở bình minh của giáo hội nơi đỉnh đồi Golgotha ; và dường như cũng là để chuẩn bị trước cho phụng vụ thánh lễ sáng ngày 14-9, lễ Suy Tôn Thánh Giá, một thánh lễ đã có từ những thế kỷ đầu của ngàn năm thứ nhất để hôm nay, cách riêng, các nữ tu Mến Thánh Giá Việt Nam tỏ bày lòng suy tôn đặc biệt : Thập Giá Đức Ki-tô.

Nhìn các nữ tu Mến Thánh Giá đi lại nơi cung thánh để công bố lời Chúa, đọc lời nguyện cộng đồng trong bộ tu phục mầu đen làm tôi lo ra nhớ về cuộc thi hoa hậu hoàn vũ vừa mới diễn ra lúc 8 giờ sáng ngày 13-9-2011, đúng vào ngày tìm thấy thanh sắt có hình Thánh Giá 10 năm về trước.

Cuộc thi được tổ chức tại khán phòng Credicard Hall – Sao Paolo – Brasil. Người ta đã thiết kế một sân khấu đặc biệt, mà đường đi của các hoa hậu như đáy của dòng suối và các hoa hậu như dòng nước mát chảy từ hậu trường ùa về phía đám đông cuồng nhiệt phía trước, rất sôi nổi, rất hoành tráng…

Tám mươi chín hoa hậu, đại diện cho những thanh nữ duyên dáng nhất, thông minh nhất, lịch sự nhất và hiểu biết nhất - từ khắp vùng miền trên trái đất quy tụ về đây để tìm người nhất trong nhiều cái nhất ; họ hơn nhau trong phần ứng xử cuối cùng. Người đoạt giải năm nay là cô Leila Lopes, một thanh nữ da mầu, quốc tịch Angola mà câu trả lời cho câu hỏi “Nếu được thay đổi một nét tính cách của mình, cô sẽ thay đổi điều gì?". Thưa là : “Tạ ơn Chúa, tôi rất hài lòng với những gì Chúa đã ban cho…”.

Hoa hậu sẽ giữ vương miện một năm, cư ngụ tại căn hộ tháp Triump – New York với một lịch làm việc dày kín như làm đại sứ thiện chí, công tác xã hội mang tính toàn cầu … cùng với nó là những bữa tiệc linh đình giữa những yếu nhân quốc gia, quốc tế…

Nếu Leila Lopes trở thành hoa hậu nhờ câu nói : “Tạ ơn”, thì các nữ tu Mến Thánh Giá đã nói lời này từ rất lâu trước đó và sẽ còn nói tiếp mỗi ngày ; nếu công việc xã hội của hoa hậu là một năm thì của các “hoa hậu áo đen” là suốt đời ; nếu những ngày sau lễ đăng quang của hoa hậu là yến tiệc linh đình nặng phần nghi lễ thì bữa điểm tâm khó nghèo của các nữ tu Mến Thánh Giá tại Tuy Hòa sau thánh lễ Suy Tôn đã biến phòng ăn thành căn nhà Bêtania đậm tình cha con, đậm tình huynh đệ, nơi người quan trọng nhất trở thành người gần gũi nhất ; người thấp nhất trở thành người đáng yêu nhất.

Lúc nghe lời phát biểu về sự chọn lựa được phát ra từ khán phòng Credicard Hall đến toàn thế giới qua miệng á hậu 3, cô Shamcey Supsup (Philippin) khi nhận được câu hỏi về sự lựa chọn giữa người yêu và đức tin của mình, cô quả quyết : “Nếu phải thay đổi tôn giáo để kết hôn, tôi sẽ không kết hôn. Bởi người tôi kính yêu nhất là Chúa. Bởi đức tin là thứ tôi đã chọn, là thứ làm nên bản thân tôi. Người yêu tôi phải yêu cả Chúa của tôi". Các nữ tu đã nói lời này từ lúc khởi đầu đời thánh hiến, trong tuổi thanh xuân, một lời mà Đấng sáng lập Dòng Mến Thánh Giá Việt Nam – Đức cha Lambert De la Motte, đã khắc ghi vào lòng các nữ tu MTG đầu tiên như một kim chỉ nam để từ đó hình thành nên “linh đạo Mến Thánh Giá” : “Chúa Giêsu chịu đóng đinh phải là đối tượng duy nhất của long trí chúng ta”

Cảm ơn các nữ tu, không chỉ áo đen Mến Thánh Giá mà cả áo trắng Phao Lô, áo xám, áo xanh Nữ tử bác ái, nhiều mầu khác nữa… đã cho tôi hiểu được tình yêu dành cho Thập giá nơi các nữ tu lớn lao ; đời sống, sự chọn lựa của các chị đẹp đẽ dường nào. Trong lần gặp gỡ của Đức Bênêdictô 16 tại Madrid nhân ngày đại hội giới trẻ vừa qua với các nữ tu, ngài đã nói : “Các nữ tu là sự chú giải của Lời Chúa” ; mà nét nổi bật nhất của Lời Chúa không đâu bằng thập giá. Từ thập giá chiến thắng Anrê Phú yên đến thập giá thử thách nơi các pháp trường ; từ thập giá may mắn trên ngọn đồi Kryziu Kelnas – Lithuania đến thập giá ủi an nơi Trung tâm thương mại…, tất cả đã hình thành nên dáng đứng của người nữ tu khắp nơi, mọi thời trong Giáo Hội.

Qua nhận định của Đức Bênêdictô 16, vị giám khảo công minh và uy tín, vương miện sẽ được đặt lên đầu các chị, nhưng không bởi bàn tay đương kim hoa hậu Navarrete (Mexico) cũng không phải tại khán phòng Credicard nhưng trên thiên quốc bỡi bàn tay của Đức Ki-Tô.

Trần Tuy Hòa
 
Định lý tình thương
Lm. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
20:53 16/09/2011
ĐỊNH LÝ TÌNH THƯƠNG

Dụ ngôn làm vườn nho bao hàm nhiều ý nghĩa cũng như công việc làm vườn nho bao gồm nhiều giai đoạn. Ban đầu là việc chuẩn bị ruộng đất làm vườn nho, đến việc cấy trồng, vun tưới, chăm sóc và hái nho. Công nghệ ép rượu nho cũng đòi hỏi cả một khối lượng công việc khổng lồ…Bài học rút ra từ dụ ngôn này không phải ở những lãnh vực chuyên môn nói trên, nhưng là sự cảm nghiệm được tình thương của ông chủ khi mướn người làm vườn nho. Chưa đến mùa hái nho nên công việc có lẽ không đòi hỏi hối thúc đến mức ông chủ phải liên tục ra đường trực tiếp làm vườn nho như vậy. Đặc biệt ở người đứng không vào giờ thứ mười một. Chắc chắn ông chủ mướn người này chỉ vì tình thương chứ không phải vì nhu cầu cần người làm. Bằng chứng là ông đã trả công cho người này đầu tiên và cũng không “khấu hao” tiền công của họ. Hơn nữa ông chủ còn bênh vực cho người làm công cuối cùng này, khi họ bị người khác ganh ghét. Lời kết của ông chủ không chỉ là một lời xử công minh mà còn là một định lý cho công thức tình thương: “Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức” (Mt 20,15b)

Từ “định lý tình thương” này, bổn phận mỗi người chúng ta trong tư cách làm công hôm nay, là tin tưởng vào ông chủ và làm việc với ý thức đền ơn đáp nghĩa. Ý thức này khiến người ta trở nên khiêm tốn và làm với lương tâm, với trách nhiệm cao nhất.

Thế giới của chúng ta hôm nay bao gồm những người thợ. Dưới nhiều hình thức khác nhau, họ đều là những người thợ làm vườn nho cho Chúa. Làm cho trái đất này trở nên phì nhiêu và cảm thức được công trình sáng tạo của Thiên Chúa qua từng thời đại. Khi người ta đánh mất lương tâm và trách nhiệm, khi người ta chỉ biết có đồng tiền, là khi đó người ta rơi vào tình trạng ganh ghét và lời xử công minh của Thiên Chúa lại phải nhắc lại riêng cho họ: “Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức”?

Ý thức mình còn nhiều khiếm khuyết và lệch lạc trong tư cách người làm vườn nho, cần phải cắt tỉa, gọt giũa và định hướng lại. Cũng như vườn nho cần phải dọn sạch gai góc để trở thành mảnh đất tốt sinh nhiều hoa trái. Bụi gai này cũng cần phải nhìn lại chính mình.

Con như bụi gai
Lạc loài ghềnh núi,
Lửa trời đã tới
đốt cháy trong tim.
Im lìm,
Không tiêu tán,
Không phát sáng, gai vẫn là gai.

Chúa gọi lần hai
Tỉnh lay, xuyên thấu,

Đưa những tâm hồn như Môisê yêu dấu
Tới gần Chúa hơn.
Con vẫn ngạnh ương, gai không biến mất !

Lửa tình nơi phát xuất,
Biến đất thành linh thiêng.
Gai vẫn trơ nguyên, um tùm choán đất.
Môisê phủ sấp
Lãnh sứ mệnh ra đi
Gậy trong tay làm bao dấu lạ kỳ.
Gai ở lại, lợm lỳ đeo bám !

Trải dài năm tháng
Gai vẫn là gai,
Thần trí kêu nài
Lửa sao không huỷ ?

Đức Kitô đến
Gai vẫn um tùm.
Hạt giống Tin Mừng
Bị gai bóp nghẹt.
Chúa ra đi hiến thân chịu chết
Mão đội đầu lại cũng kết bằng gai.
Con còn biết ngỏ cùng ai
Chúa sao không huỷ bụi gai bạc tình?

Chúa đã dạy con từ bỏ mình
Con còn tiếc nuối những nhục vinh
Bụi gai nhớ đó càng thêm rậm
Con hiểu từ đây phải hành trình.

Con như bụi gai,
Lạc loài ghềnh núi.
Chúa không xử tội
Con nguyện THEO NGÀI ./.


Lạy Chúa, xin cho con được trở thành người thợ làm vườn nho cho Chúa.
Nhiệt tình không đòi hỏi,
Trách nhiệm và lương tâm.
Ý thức đáp lại tình yêu thương vô biên của Chúa.
Để con được phần thưởng
là một đồng tiền công,
đồng tiền khiêm tốn và đủ để đạt tới Nước Trời. Amen.


 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:58 16/09/2011
TIỀN CHÈ BỘT MÌ
Có một ông quan ở kinh thành rất bủn xỉn keo kiết, sau khi đến nha môn thì rất muốn ăn điểm tâm, người hầu đưa lên một bát chè bột mì, lão gia ăn xong, người hầu cũng muốn ăn nhưng sợ lão gia không cho tiền, thế là trước mặt lão gia xin tiền, lão gia sợ mất mặt nên cho người hầu mười hai xu.
Sau khi rời khỏi nha môn ngồi xe ngựa trở về nhà, người hầu cưỡi ngựa đi phía trước xe, lão gia ngồi trên xe chửi: “Cái đồ khốn nạn, mầy không phải là trưởng bối của ta, tại sao cưỡi ngựa phía trước ?”
Người hầu vội vàng ghìm cương đi phía bên cạnh xe, lão gia lại chửi: “Mầy không phải là cùng trang lứa với ta, sao lại đi ngang hàng với ta ?”
Người hầu vội vàng ghìm cương đi tụt phía sau xe, lão gia lại chửi: “Mầy đi sau xe hất bụi bay ngút trời trong xe tao, thật là đáng ghét”.
Đến lúc này thì người hầu đi trái phải đều khó lòng, thế là xuống ngựa bẩm báo:
- “Lão gia, vậy thì tiểu nhân cưỡi ở chỗ nào ?”
Lão gia nói:
- “Chỉ cần mày đem mười hai xu tiền chè bột mì trả lại cho ta, thì mày thích cưỡi như thế nào thì cưỡi !!!”

Suy tư:
Vì lòng bủn xỉn mà lão gia làm khó dễ người hầu, chỉ vì mười hai xu mà người giàu có làm khó dể người nghèo, và chỉ vì bủn xỉn mà lão gia đánh mất lòng tự trọng và danh giá của mình.
Có những người đánh mất lòng tự trọng của mình không vì bủn xỉn keo kiết, nhưng là vì ích kỷ kiêu ngạo và ghét ghen:
- Có người hễ thấy người khác trỗi vượt hơn mình, được mọi người yêu mến thì đâm ra ghen ghét, gặp ai cũng nói xấu người ấy và tìm mọi cách (kể cả cách tiểu nhân nhất) để mọi người không còn quý mến người ấy nữa.
- Có người khoe khoang khắp nơi với mọi người mình là người ưu tú của nhà dòng này hội dòng nọ, nên dứt khoát không chấp nhận người khác giỏi hơn mình trên cùng lãnh vực.
- Có người hễ ai khen ngợi người mà họ quen biết, thì bất luận người đó là ai, là anh em trong cùng chủng viện, trong cùng hội dòng, trong cùng một chí hướng, thì đều bị họ hạ bệ chơi xấu đâm chọt sau lưng...
Lòng ích kỷ làm cho đôi mắt tâm hồn của chúng ta không nhìn thấy ưu điểm của người khác; lòng kiêu ngạo thì làm cho tâm hồn chúng ta thành nhỏ bé không dung nạp được tha nhân; lòng ghét ghen của chúng ta làm cho người khác không nhìn thấy được tình yêu của Chúa Giê-su trên con người chúng ta.
------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN 25 TN A)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:59 16/09/2011
CHỦ NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 20, 1-6a.
“Phải chăng vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?”


Anh chị em thân mến,
Làm công cho một ông chủ hào phóng và biết thương người thì thật hạnh phúc, ai đã từng đi làm thuê làm mướn mới cảm nghiệm được nội dung lời của Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay, sự cảm nghiệm ấy bắt đầu từ việc ông chủ đi tìm người làm công từ sáng cho đến chiều, tức là từ khi công việc bắt đầu ông đã ra đi tìm nhân công, cho đến giờ làm việc cuối cùng, ông cũng đi tìm những người không có công việc vào làm vườn nho cho ông.

Niềm vui được làm việc trong vườn nho của Thiên Chúa.
Tất cả những người Ki-tô hữu đều hiểu rằng, làm việc trong vườn nho của Thiên Chúa chính là từ khi họ lãnh nhận bí tích Rửa Tội, gia nhập vào Giáo Hội Công Giáo trở thành môn đệ của Chúa Giê-su, và công khai làm việc của Thiên Chúa giữa lòng xã hội trong các chức vụ và bổn phận của mình.

Một linh mục suốt đời mệt nhọc phụng sự Thiên Chúa nơi giáo xứ của mình, nhưng vẫn vui tươi vì được làm trong vườn nho của Thiên Chúa; một nữ tu âm thầm phục vụ nơi các bệnh viện, viện dưỡng lão, cô nhi viện, trường học, với tâm hồn vui tươi vì được làm việc trong vườn nho của Thiên Chúa; có những “thợ” được mời gọi làm công buổi chiều, đó là những anh em chị em tân tòng, họ vui sướng nhận được lời mời gọi của chủ vườn nho là Thiên Chúa và trở thành những tạo vật mới trong tình yêu và ân sủng của Ngài; có những người được Thiên Chúa gọi vào làm vườn nho của Ngài vào giây phút cuối cuối ngày làm việc, đó là khi họ từng giây từng phút giằng co giữa thiện và ác, giữa ma quỷ và Thiên Chúa, cuối cùng họ đã tình nguyện vào làm trong vườn nho của Thiên Chúa với nụ cười vui trên môi và cũng là giây phút cuối của họ ở trần gian...

Niềm vui sẽ biến thành đau khổ, khi người thợ biếng nhác và thỏa mãn với những giờ làm việc của mình.
Những người thợ đến trước đã bị lòng tham che mất con mắt tâm hồn, nên không thấy được tình thương của ông chủ vườn nho, họ phân bì vì những người làm việc cuối giờ cũng được trả lương một đồng như họ.

Có những người thỏa mãn vì công việc xây cất nhà thờ xứ đạo to lớn của mình, để rồi chế nhạo người anh em không có tài xin xỏ tháo vát như mình; có những người vỗ ngực xưng tên mình là đạo dòng chính gốc, để rồi khinh bỉ các tân tòng không biết “giữ đạo” khi những người tân tòng ấy thích học hỏi thánh kinh và tham gia các lớp giáo lý, sinh hoạt đoàn thể; lại có những người thợ làm trong vườn nho chỉ biết tìm chổ mát mẻ núp nắng núp mưa cho nhàn tấm thân, để rồi kiện cáo người này làm ít người kia mới vào làm không bằng mình...

Anh chị em thân mến,
Những người thợ biếng nhác và thích tranh đấu cho quyền lợi nhỏ của mình ấy, đã đem niềm vui biến thành đau khổ cho mình và cho cộng đoàn, họ đem tình yêu của Thiên Chúa so sánh với việc làm trời ơi đất hỡi của họ, họ quên mất lời của Chúa Giê-su: “Những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót”.

Được làm con cái của Thiên Chúa là một hạnh phúc to lớn, được làm trong vừơn nho của Thiên Chúa với bổn phận của mình là một hạnh phúc, bởi vì trong cương vị làm con họ sẽ được hưởng phần gia nghiệp Nước Trời, và trong thân phận là người làm công, họ đáng được hưởng công lao khó nhọc do mình làm ra, nghĩa là họ cố gắng trở nên ánh sáng và muối cho tha nhân trong cuộc sống của mình...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:35 16/09/2011
N2T

26. Con phải thành thật khi đối xử với các linh hồn mà con dẫn dắt, không chút giấu giếm điều gì.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
22:37 16/09/2011
CHA LÀM LỄ SAI RỒI
Lễ chiều chủ nhật vừa xong, về nhà, đứa cháu gái nói với ông ngoại:
- “Hôm nay cha làm lễ sai rồi”.
- “Sao con nói vậy ?”
- “Vì cha đọc Phúc Âm không như cha bên nhà thờ con học giáo lý”.

Té ra là cha sở già của họ đạo làm lễ Đức Mẹ Mân Côi hai lần (chủ nhật) trong một tháng.
Đừng coi thường trẻ em.
-----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:34 16/09/2011
KIỆU PHU LÃNH LƯƠNG
N2T

Kiệu phu hầu hạ trong vệ môn, khi đến cuối tháng lãnh lương thì viết một tờ giấy tường trình cho quan huyện phê chuẩn.
Quan huyện vừa nhìn tờ giấy lãnh lương thì rất giận, chửi:
- “Tụi bây dám lừa dối bổn huyện à, rõ ràng ta chỉ nhìn thấy có hai tên kiệu phu khiêng kiệu mà thôi, tại sao trong danh sách lại viết những bốn tên ?”
Kiệu phu nói:
- “Đại nhân thấy là chỉ thấy hai người trước mặt, nhưng phía sau kiệu còn có thêm hai người nữa!”
Quan huyện nghe xong, biết là mình lầm to, lập tức tự mình giải thích:
- “Mày coi, xét cho cùng ta đây làm quan cũng phải, vì ngươi vừa nói là ta lập tức hiểu liền”.

Suy tư:
Người hám lợi thì chỉ thấy tiền bạc trước mặt mà không nhìn thấy tình cảm phía sau, nên bất công vẫn cứ xảy ra; người ham chức quyền thì chỉ biết dùng quyền lực trước mà không nhìn thấy nổi khổ phía sau của tha nhân, nên đau khổ nối tiếp đau khổ xảy ra thường ngày; người kiêu ngạo thì chỉ biết có mình trước mà không nhìn thấy anh chị em phía sau, cho nên họ vẫn cứ gây phiền muộn cho mọi người.
Người tội lỗi thì chỉ biết hưởng thụ thân xác đời này trước mà không nhìn thấy án phạt đời sau, cho nên họ vẫn cứ mãi mãi như ông quan huyện chỉ nhìn thấy hai kiệu phu trước mặt, mà không nhìn thấy hai người kiệu phu khác phía sau, đó là sự “thông thái” của những người ngu nhưng kiêu ngạo.
Người Ki-tô hữu thì luôn đặt Chúa ở trước mặt mình, Ngài là vị trí số một trong tất cả các công việc của họ, nên họ -dù té ngã- thì cũng vội vàng đứng lên để tiến bước theo Chúa là cùng đích của mình.
------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:35 16/09/2011
N2T

25. Tôi lập công lao không vì cho mình, nhưng là vì linh hồn tha nhân và vì Giáo Hội, tức là hướng về tất cả mọi người, phân phát hoa hồng mà không phân biệt người tốt người xấu.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hà Nội trì hoãn hội nghị vòng 3 nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam – Vatican
PV Vietcatholic
10:31 16/09/2011
HÀ NỘI - Theo lịch trình từ hội nghị vòng 2 tháng 6-2010 của nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam- Vatican thì hội nghị vòng 3 sẽ nhóm họp tại Hà Nội vào tháng 6 năm nay, nhưng việc này đã không xẩy ra.

TGM Leopoldo Girelli đang ở Việt Nam và gặp xã giao đại diện chính quyền
Từ tháng 6 đến tháng 8-2011, Vatican đã gửi ba công hàm đề nghị nhóm họp vòng 3 theo lịch trình, nhưng Hà Nội trì hoãn nhiều lần lấy lý do là bận bầu Quốc hội rồi bầu nhân sự cấp cao và do chưa có người thay thế ông Nguyễn Quốc Cường- Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam nay đã đi làm đại sứ tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên giới thạo tin cho rằng, lý do chính là Việt Nam chưa muốn đi xa hơn trong quan hệ với Vatican.

Đặc biệt sau những chuyến công tác của quan chức Việt Nam và Trung Quốc gần đây để chuẩn bị cho chuyến công du Bắc Kinh của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguồn tin cho biết Trung Quốc đã đặt điều kiện là Việt Nam không được để những cuộc biểu tình chống Bắc Kinh được tái diễn và không được hữu khuynh với giáo hội Công giáo và Vatican.

Chính vì thế mà các cuộc xuống đường chống Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông ở Hà Nội và Sài Gòn đều đã bị dập tắt. Nhiều thanh niên, sinh viên Công giáo bị bắt giữ. CSVN đã thẳng tay bắt bớ những người mà họ cho rằng chủ mưu khích động biểu tình chống Trung quốc.

Mới hôm nay đây cuộc Toạ đàm với chủ đề “Công lý và hoà bình trên biển Đông” do câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình và nhà xuất bản Tri thức dự kiến tổ chức vào ngày 17-9-2011 tại 43 Nguyễn Thông Sài Gòn đã buộc phải huỷ bỏ vào phút chót. Chính quyền đã làm áp lực cả với Hội đồng giám mục Việt Nam, Toà TGM Sài Gòn, dòng Đa Minh, cả Đức TGM Leopoldo Girrelli -đại diện không thường trực của Toà thánh- đang ở Việt Nam can thiệp mặc dù biết rõ câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình không phải là tổ chức trực thuộc. Chiều 15-9-2011, Ban tổ chức buộc phải gửi thông báo cho các tham dự viên thông báo: “Do yêu cầu của Ban tôn giáo Chính phủ và Ban dân tộc tôn giáo Thành phố Hồ Chí Minh, cuộc toạ đàm “Công lý và hoà bình trên biển Đông” dự trù tổ chức ngày 17-9 phải bị huỷ bỏ. Chúng tôi lấy làm tiếc một cơ hội góp phần khẳng định chủ quyền Việt nam trên biển Đông đã phải bị bỏ qua nhưng chúng tôi tin rằng mọi người Việt Nam yêu nước tiếp tục hành động để Công lý và Hoà bình được thể hiện trên biển Đông”.

Thế nhưng có thể do “già néo đứt dây”, chính sự ép buộc quá đáng của Trung Quốc nên phía Việt Nam thấy không thể không quay các quốc gia trọng yếu khác như với Ân độ và với Đông Nam Á, và sang Âu- Mỹ trong đó có Vatican. Bởi vậy nguồn tin đáng tin cậy cho chúng tôi biết là cuộc họp vòng 3 nhóm công tác hỗn hợp sẽ được nối lại sau chuyến đi của ông Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh vào cuối tháng 9 và trước chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua châu Âu vào đầu tháng 10 tới.

Liệu cuộc họp vòng 3 tới có thiết lập được ngoại giao hai bên không? Đầu năm nay, Vatican đã có công hàm đề nghị phía Việt Nam chuyển vị trí người đại diện không thường trực của Toà thánh tại Việt Nam thành đại diện chính thức nhưng phía Việt Nam cho rằng quá sớm vì chưa có quan hệ ngoại giao đầy đủ.

Thời gian vừa qua, giới thạo tin cho rằng Vatican đã nhân nhượng khá nhiều để có thể tiến tới thiết lập ngoại giao với Hà Nội mà tiêu biểu nhất là việc yêu cầu TGM Ngô Quang Kiệt ngưng cầu nguyện ở Toà Khâm sứ cuối năm 2008 và thay vị TGM này bằng TGM Nguyễn Văn Nhơn. Sự kiện này đã tạo nên một cơn sóng mất niền tin của giáo dân Việt Nam vào đường lối ngoại giao của Vatican.

Hai năm vừa qua, bằng chứng rõ ràng cho thấy những phản ứng từ giáo sĩ và giáo dân Việt Nam càng ngày càng tỏ ra mạnh bạo hơn, họ công khai lên tiếng phản đối đường lối ngoại giao của Vatican với Việt Nam, phản đối Hội đồng Giám mục Việt Nam và các giám mục bị coi là thỏa hiệp. Những sự kiện này lập tức tạo nên sự mất niềm tin nơi giới lãnh đạo Công giáo từ phía giáo dân mà từ trước tới nay vốn luôn luôn là kính trọng và vâng phục các đấng bề trên. Nhìn vào những gì đang xẩy ra ai cũng nhận thấy là Hội đồng Giám mục Việt nam đã mất đi "tiếng nói quyền lực lãnh đạo" của mình (moral authority), thứ quyền lực tinh thần mà các vị giám mục luôn luôn được giáo dân tuân phục và kính mến, ít khi có phản ứng bất lợi với các ngài dù trong những hoàn cảnh khó khăn. Ảnh hưởng tai hại là hình như bây giờ các giám mục Việt nam lại càng dè dặt hơn và không dám lên tiếng gì về những vấn đề rất hệ trọng của đất nước, ngay cả những lãnh vực thuộc thẩm quyền phải lên tiếng về công lý và tự do. Trong vài năm qua, tiếng nói của Hội đồng Giám mục Việt Nam xem ra rất dè dặt và hầu như im lặng...

Mới đây, những phản ứng dè dặt ở giáo phận Vinh sau các cuộc bắt những thanh niên sinh viên ở đây cũng đang bị kìm nén. Các Giám mục không có phản ứng gì về việc quân Trung Cộng xâm chiếm Biển Đông cũng là một vấn đề khó hiểu về việc "sống đức tin trong lòng dân tộc".

Trong hai vòng đàm phán trước, Hà Nội đã yêu cầu Vatican nhiều điều phi lý như hoãn tiến trình phong thánh cho Hồng y Nguyễn Văn Thuận, không bổ nhiệm TGM Kiệt vào các chức vụ ở Việt Nam và Vatican, không để TGM Kiệt trở thành ngọn cờ quy tụ những lực lượng chống đối Nhà nước, chấm dứt các vụ cầu nguyện biểu tình đòi đất đai, tài sản…

Gần đây, khi TGM Kiệt về Châu Sơn nghỉ dưỡng, người ta lại lo ngại vì có quá nhiều đoàn về đây tĩnh tâm, hành hương và biến tu viện này thành “Châu Sơn Hào Kiệt” (vì linh mục Bề trên ở đây có tên là Simon Hào) và cũng đang muốn ép TGM Kiệt đi khỏi tổng giáo phận Hà Nội, về Long Xuyên là tốt nhất. Tại cuộc hội đàm vòng 2 tháng 6-2010, Vatican đã bác bỏ những yêu cầu của Hà Nội.

Trước tình hình kinh tế suy đồi, nạn lạm phát tăng cao, ngoại giao Việt nam bí lối, các quốc gia đầu tư vào VN mất niềm tin, CSVN bị Trung cộng ức hiếp mà không dám ngo ngoe... Vatican có cơ hội đàm phán trên lợi thế, chắc Vatican cũng sẽ không nhượng bộ Hà Nội trong vòng 3 dù vẫn mong muốn đặt ngoại giao với Việt Nam chính thức.

Vatican và Giáo hội Việt Nam cần phải học hỏi từ kinh nghiệm quá khứ trong biến cố tổng giáo phận Hà nội mới đây, và cũng cần nhìn thẳng vấn đề nối bang giao có thực sự mang lại lợi ích gì thiết thực cho giáo hội Việt nam hay không, hay là lại một lần nữa sự kiện này sẽ lại tạo thành "cái cớ" cho người ta kết tội về sau này. Một bài học lịch sử sẽ phải trả giá quá đắt!
 
Đài Loan: Diễn Đàn Phụng Vụ Á Châu bàn về các nghi thức mai táng theo Công Giáo.
Tiền Hô
10:59 16/09/2011
Hội thảo sẽ giải quyết các quan niệm hiện nay về chôn cất hay hỏa táng người chết.

Đài Bắc (Đài Loan), 16 Tháng Chín 2011 (UCANEWS) - Sau một quyết định vừa đạt được hồi tháng trước rằng: việc rải rắc tro cốt người chết là mâu thuẫn với những nghi thức mai táng được khuyến khích, Đài Loan sẽ tổ chức một hội thảo về phụng vụ vào tháng sau để bàn về các hình thức mai táng được chấp nhận trong Công Giáo.

Diễn Đàn Phụng Vụ Á Châu lần thứ 15 sẽ được tổ chức tại Đài Bắc bắt đầu từ ngày 17 Tháng Mười sắp tới. Khoảng 60 nhà nghiên cứu về phụng vụ đến từ Hồng Kông, Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân, Singapore, Đài Loan và Thái Lan dự kiến sẽ tham dự sự kiện kéo dài 5 ngày này.

Cha Charles Pan - thư ký điều hành Ủy Ban Giám Mục Về Phụng Vụ của Đài Loan, cũng là chủ tọa cuộc hội thảo lần này cho biết: vấn đề mai táng người chết sẽ được đề cập trong chủ đề về hội nhập văn hóa.

Để chuẩn bị cho hội thảo này, Ủy Ban của Đài Loan đã tham khảo Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ 'và Sách Hướng dẫn về Lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ (Directory of Popular Piety and the Liturgy) của Vatican trong việc quyết định rằng: việc rải rắc tro cốt trên biển, trên đất "không phải là một nghi thức mai táng phù hợp với Công Giáo".

Ủy Ban này lưu ý, việc rải rắc tro cốt mâu thuẫn với giáo huấn Giáo Hội về sự sống lại của xác loài người và cũng đi ngược lại vấn đề về môi trường khi làm lây lan các bệnh truyền nhiễm vẫn còn sót lại sau khi hỏa táng.

Giáo Hội Công Giáo không cho phép hỏa táng trong trường hợp tại các nơi không thiếu thốn đất chôn cất, và yêu cầu phải chôn lấp tro cốt mà không được phân tán đi.

Cha Pan cũng đã tham dự một cuộc hội thảo do chính phủ tổ chức hồi tuần trước về chủ đề nghi lễ chôn cất. Ngài cho biết, lãnh đạo giáo hội địa phương có thể sẽ tham khảo quyển hướng dẫn về nghi lễ chôn cất do chính phủ công bố vào cuối năm nay để xem xét các vấn đề về hội nhập văn hóa.

Ấn phẩm này được coi là sẽ nhạy cảm với phong tục văn hóa khi quy định về các vấn đề liên quan đến việc quản lý và chôn cất người quá cố.

Một truyền thống văn hóa lâu nay của nhiều nước Á Đông là tìm cho người quá cố một mảnh đất chôn làm nơi để họ an nghỉ.
 
Mật vụ Đông Đức xem Ratzinger là một kẻ thù ác liệt
Nguyễn Trọng Đa
11:50 16/09/2011
Bài báo cho thấy cảnh sát chìm đã theo dõi Đức Giáo Hoàng tương lai ra sao

ROMA - Năm 1974, một chiếc xe Trabant – là xe Đông Đức cũ - chạy nổ bình bịch qua vùng nông thôn Thuringian, một tỉnh thuộc Cộng hòa Dân chủ Đức cộng sản.

Trong ghế hành khách là Giáo sư Joseph Ratzinger và ngồi ở tay lái là Linh mục Joachim Wanke, lúc đó là một trợ giảng tại một chủng viện địa phương – chủng viện duy nhất ở Đông Đức.

Rainer Erice, một nhà báo của đài phát thanh Đức Mitteldeutsche Rundfunk Thüringen (MDR), viết rằng hai linh mục này đi một vòng tham quan vô hại, tại các thành phố lịch sử Jena và Weimar. Đây là khoảnh khắc thư giãn trong chuyến thăm ngắn của Cha Ratzinger đến Đông Đức, mục đích là để dạy thần học cho sinh viên và các nhà thần học ở Erfurt, thủ phủ của Thuringia.

Tuy nhiên, điều làm cho chuyến thăm này thêm ý nghĩa, là rằng nó đánh dấu sự bắt đầu theo dõi bí mật của Stasi (Cơ quan tình báo) Đông Đức đối với cha Ratzinger.

Việc giáo sư Ratzinger bị điệp viên của Stasi theo dõi đã được biết đến từ lâu. Trong năm 2005, người ta biết rằng các điệp viên Đông Đức đã có các hồ sơ về Đức Giáo Hoàng mới được bầu lên. Nhưng hiện nay các hồ sơ mới, được đài phát thanh Đức Mitteldeutsche Rundfunk Thüringen (MDR) phát hiện trong tuần này, đưa thêm ánh sáng vào cách thức mật vụ theo dõi Đức Giáo hoàng tương lai, và ai là người phụ trách theo dõi Ngài.

Các tài liệu cho thấy rằng trong năm 1974, Cơ quan Tình báo Stasi đã nhận thức rõ rằng Cha Ratzinger là một ngôi sao đang lên trong Giáo Hội, nhưng họ thiếu nhân viên phù hợp để theo dõi Ngài. Tất cả những gì họ biết ở giai đoạn này (từ một điệp viên không chính thức tên là Birke, một nhân viên của tòa Giám mục giáo phận Meissen) là Giáo sư Ratzinger đã dạy nhiều bài về thần học hiện đại cho các sinh viên và các học giả trong chuyến thăm.

Tăng cường các nỗ lực

Tuy nhiên, vì vai trò của giáo sư thần học trong Giáo Hội đã tăng lên, cảnh sát mật vụ Đông Đức bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động của Ngài và tăng cường các nỗ lực của họ, theo bài viết của phóng viên Erice. Vào thời Đức Tổng Giám Mục Joseph Ratzinger, tổng giáo phận Munich, đến thăm Berlin vào năm 1978 để dự họp với Đức Hồng Y Alfred Bengsch, Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Berlin, phân bộ nước ngoài của cơ quan an ninh nội chính Đông Đức đã thực hiện công tác gián điệp đối với Ngài, và đã chỉ định nhiều điệp viên không chính thức trong cả Đông Đức và Tây Đức.

Erice viết, mật vụ Đông Đức xem Giáo sư Ratzinger là người "bảo thủ, phản động và độc tài", và cho rằng ĐTC Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Ratzinger làm người tổ chức cho sự "phát triển phản cách mạng ở Ba Lan". Các giấy tờ của Stasi cho thấy họ coi Ngài như là "một trong các đối thủ ác liệt nhất của chủ nghĩa cộng sản"; họ tin rằng Ngài ủng hộ việc răn đe hạt nhân giữa các khối quân sự Đông và Tây, và Ngài xem chủ nghĩa hòa bình là “không thực tế”.

Tuy nhiên, phóng viên Erice nói thêm rằng mặc dù có “hàng trăm trang” thông tin tình báo về Joseph Ratzinger, số trang “có ý nghĩa là rất ít”, và các báo cáo cá nhân của gián điệp nước ngoài "gần như bị hủy bỏ hoàn toàn". Các tài liệu được phát hiện chỉ liên quan đến “thông tin cơ bản về tác giả và cơ hội nào thông tin được thu thập".

Tuy nhiên, các tài liệu cho thấy một số sự kiện thú vị, cụ thể là thông tin chi tiết về các điệp viên được Stasi sử dụng để theo dõi Joseph Ratzinger. Phóng viên Erice viết rằng "ít nhất một chục điệp viên không chính thức" đã được giao nhiệm vụ. Trong số này, có hai giáo sư đại học Đông Đức được Stasi cho là "đáng tin cậy": Điệp viên "Hừng đông, Aurora" là một giáo sư của chủ nghĩa vô thần khoa học tại Jena và Warnemünde, trong khi điệp viên "Lorac" mang vỏ bọc là giáo sư thần học tại Leipzig. Điệp viên "Georg" làm trong Ban điều hành của Hội đồng Giám mục Berlin, và dường như rất thành thạo về các công việc nội bộ của Giáo Hội.

Ở Tây Đức, mạng lưới của Stasi bao gồm một tu sĩ Biển Đức ở Trier, được biết đến với mật danh là "Lichtblick" (Tia hy vọng). Lichtblick làm gián điệp cho Stasi trong nhiều thập kỷ, và theo Erice, "người này chia sẻ các báo cáo rất phong phú và đáng tin cậy về các sự kiện của Vatican". Một điệp viên không chính thức khác, được gọi là "Antonius", là một nhà báo thuộc hãng tin Công Giáo KNA của Đức, và cung cấp "vô số" thông tin về Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Ratzinger và Tòa thánh Vatican.

Một nhà báo khác đã được thuê tại Munich dưới mật danh "Con sơn dương", trong khi một điệp viên đặc biệt nổi bật là một chính trị gia thuộc Đảng Liên minh Xã hội Kitô giáo và là một người thân tín cũ của ông Franz Josef Strauss, cựu lãnh đạo của đảng. Điệp viên này có các mật danh là "Sư tử" và "Người đáng tin cậy". Mạng lưới của họ cũng vượt ra ngoài biên giới của Đức. Ở Italia, Stasi sử dụng điệp viên "Bernd”, người đã cung cấp thông tin về chính sách ngoại giao của Tòa Thánh.

Nhút nhát, nhưng quyến rũ

Với tất cả các điệp viên tại chỗ, phóng viên Erice viết rằng Stasi đã chuẩn bị tốt khi Joseph Ratzinger đi du lịch đến Dresden vào năm 1987 để gặp gỡ một nhóm người Công giáo. Erice nói: "Stasi có một nỗ lực rất lớn trong việc theo dõi cuộc gặp này”, và họ cố gắng để tránh thu hút sự chú ý với bất kỳ sự theo dõi nào, đặc biệt là khi đi qua biên giới. Theo các báo cáo, “các lực lượng an ninh đã được chỉ thị dành cho Ngài sự tiếp đãi ưu tiên và lịch sự tại biên giới”, và "các điều xấu như kiểm tra hải quan chẳng hạn”, vốn thường được áp dụng cho du khách phương Tây, “phải được bỏ qua".

Nhưng bất chấp các nỗ lực lớn lao ấy, Erice nói rằng Stasi đã có một số sai lầm cơ bản. Họ phát âm không đúng thị trấn quê hương của Hồng Y Ratzinger là Merkl thay vì là Marktl. Và mặc dù họ muốn miêu tả Ngài một cách tiêu cực, họ chỉ có nhận xét tích cực mà thôi. Ngoài ra để ca ngợi trí thông minh vượt bậc của Ngài, họ đã ghi nhận: "Mặc dù ông ấy ngại ngùng lúc đầu với người đối thoại, ông ấy có một nét quyến rũ chiến thắng".

Lẽ tất nhiên ĐTC Biển Đức XVI không phải là Đức Giáo Hoàng đầu tiên bị các điệp viên theo dõi chặt chẽ nhiều về cuộc sống của mình. Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã bị KGB (Tình báo Nga) và SB (mật vụ Ba Lan) theo dõi. Theo nghiên cứu của George Weigel trong cuốn sách gần đây của ông "Sự kết thúc và sự bắt đầu” (The End and the Beginning), các cơ quan gián điệp bắt đầu quan tâm đến hoạt động của Karol Wojtyla, sau khi Ngài được bổ nhiệm làm Giám mục phụ tá của Tổng giáo phận Krakow năm 1958.

Ông Weigel nhắc lại rằng giữa năm 1973 và 1974, chính quyền Ba Lan đã xem xét việc bắt giữ Karol Wojtyla và buộc tội Ngài xúi giục nổi loạn. Mật vụ lén đi theo khi Ngài đi thuyền kayak và cố gắng để thỏa hiệp với các người cộng tác gần gũi nhất của Ngài, đôi khi cẩu thả trong công việc của họ. Và mật vụ không chỉ theo dõi Đức Giáo Hoàng, mà còn theo dõi Tòa thánh Vatican nữa.

Ông Weigel cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn của tờ National Catholic Register năm ngoái: "Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là độ lớn tuyệt đối của nỗ lực gián điệp, vốn liên quan đến hàng triệu giờ làm việc và hàng tỉ USD. Tôi cũng không biết về mức độ mà các cơ quan tình báo khối Sô Viết đã cố gắng theo dõi Công đồng chung Vatican II cho các mục đích của họ - và không biết Vatican dường như ý thức cuộc tấn công này ra sao (và tiếp tục cho đến năm 1978)".

Tiết lộ trên đây trong tuần này xảy ra chỉ ít ngày trước khi ĐTC Biển Đức XVI có chuyến thăm chính thức đến Đức từ ngày 22 đến ngày 25-9, trong đó có việc ghé lại Erfurt.

Ngài sẽ được chào đón tại thành phố Erfurt bởi Đức Giám mục hiện nay của giáo phận, Joachim Wanke, người đã lái xe cho Ngài hồi năm 1974. (Zenit.org 16-9-2011)
 
Đức Thánh Cha ''ngạc nhiên'' về số lượng các tác phẩm của ngài
Bùi Hữu Thư
13:18 16/09/2011
Cuộc triển lãm trình bầy 600 tập sách với hàng chục bản dịch sang các ngôn ngữ khác nhau

Nhà Thờ Chánh Tòa Erfurt, Đức


CASTEL GANDOLFO, Ý, ngày 15 tháng 9, 2011 (Zenit.org).- Một cuộc triển lãm do nhà xuất bản Đức Herder và nhà xuất bản Vatican đã khiến cho Đức Thánh Cha Benedict XVI "hơi ngạc nhiên," ngài nói thế hôm nay.

Cuộc triển lãm Đức Thánh Cha ghé thăm tại Castel Gandolfo hôm nay, thu tập được 600 tác phẩm được Đức Hồng Y Joseph Ratzinger/ Đức Thánh Cha Benedict XVI viết và đã được chuyển ngữ sang nhiều sinh ngữ khác nhau.

Cuộc triển lãm được tổ chức để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm nước Đức của Đức Thánh Cha cuối tháng này.

Ngài nói: "Tôi cám ơn quý vị về nỗ lực và sự cam kết tìm kiếm các công trình tôi đã soạn thảo để trình bầy cho thế giới được biết, trong khi tôi chuẩn bị cho chuyến tông du nước Đức. Đối với tôi, hành trình này sẽ là một thời gian để suy niệm về những gì trong cuộc đời mục vụ của tôi, tôi có thể làm được gì cho thế giới và Giáo Hội."

Đức Thánh Cha tiếp: "Tôi rất cảm động và khá ngạc nhiên được thấy số lượng các sách vở tôi đã viết. Hy vọng của tôi là những lời tôi viết trong đó không chỉ đến và đi, nhưng giúp cho các độc giả nam và nữ tìm được hướng đi của họ."

Đức Thánh Cha cũng cám ơn những người đã âm thầm trợ giúp trong việc xuất bản các tác phẩm của ngài.

Ngài nói: "Tác giả đã làm phần vụ của mình và được vui hưởng tiếng tốt, những người khác làm việc ẩn dấu trong hậu trường, trong thầm lặng, tất cả đều hiện diện. Tôi hết sức biết ơn họ, và đây là lúc tôi bầy tỏ lòng tri ân cho tất cả những sự trợ giúp này."

Cuộc triển lãm được trình bầy cho Đức Thánh Cha tại Castel Gandolfo, nhưng cũng sẽ được mở ra cho các du khách tại Vatican và ngày 24 tháng 9 tại trụ sở của nhà xuất bản Herder tại Freiburg.

Các tập sách được dịch sang ngôn ngữ của trên 25 quốc gia. Chẳng hạn, cuộc triển lãm trình bầy một ấn bản bằng tiếng Romania của sách "Muối của Trái Đất" và một ấh bản tiếng Trung Hoa của "Thiên Chúa và Thế Giới."

Giám đốc nhà xuất bản Vatican, Giuseppe Costa, nhận xét: "Là nhà xuất bản có toàn bản quyền về mọi ấn phẩm của Đức Thánh Cha, đây là một niềm khích lệ hân hoan cho chúng tôi [Libreria Editrice Vaticana] là được thấy các tác phẩm này được sắp xếp thành các tập sách và được phiên dịch sang các ngôn ngữ quan trọng nhất trên thế giới."
 
Lãnh đạo Chính thống kêu gọi Vatican giải quyết tranh chấp
Phạm Kim An
18:14 16/09/2011
ROMA - Một nhà lãnh đạo cao cấp của Giáo Hội Chính Thống Nga đã kêu gọi Tòa thánh Vatican hãy làm nhiều hơn, để giải quyết các tranh chấp lớn, nhằm cho một cuộc gặp gỡ giữa ĐTC Biển Đức XVI và Đức Thượng Phụ Kirill có thể diễn ra.

Kể từ Liên Xô tan rã vào đầu thập niên 1990, Giáo Hội Chính Thống Nga đã cáo buộc người Công giáo sử dụng các quyền tự do mới, để cải đạo nhiều người Chính thống giáo vào Kitô giáo, một cáo buộc mà Vatican đã phủ nhận.

Tuy nhiên sự bất đồng lớn nhất liên quan đến số phận nhiều tài sản của Giáo hội, mà lãnh tụ Xô viết Josef Stalin đã ra lệnh tịch thu từ người Công giáo theo Nghi lễ Đông phương, họ là những người làm việc thờ phượng theo nghi lễ Chính thống giáo, nhưng nguyện trung thành với Roma.

Ông Stalin đã trao tài sản này cho Giáo Hội Chính Thống Nga, nhưng sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, người Công giáo theo Nghi lễ Đông phương đã lấy lại hơn 500 nhà thờ, chủ yếu là ở miền tây Ukraine.

“Không nhiều việc đã làm hoặc đang làm để giải quyết vấn đề này”, - Tổng Giám mục Hilarion, người đứng đầu cơ quan đối ngoại của Giáo hội chính thống Nga với 165 triệu thành viên, và là một trong các trợ lý gần gũi nhất với Đức Thượng Phụ Kirill, nói như thế.

Ngày 12-9, Ngài nói: “Ngay khi chúng tôi có sự hiểu biết này, chúng tôi sẵn sàng để chuẩn bị cho cuộc họp như vậy".

Tổng Giám mục Hilarion nói rằng việc tranh chấp vẫn là vấn đề lớn trong quan hệ giữa Công Giáo và Chính Thống giáo, và là trở ngại chính cho một cuộc gặp gỡ giữa ĐTC Biển Đức XVI và Thượng phụ Kirill, sau khi hai Giáo hội tách rời trong cuộc "Ðại Ly Giáo Tây Phương" năm 1054.

Cố ĐTC Gioan Phaolô II đã muốn gặp gỡ cố Thượng phụ trước đây của Nga, Alexy II, có thể tại Nga, để thúc đẩy ước mơ của Ngài về chính nghĩa hiệp nhất Kitô giáo. Tuy nhiên, Giáo Hội Chính Thống Nga ngăn cản sáng kiến của Ngài.

ĐTC Biển Đức XVI, đứng đầu một Giáo hội với khoảng 1,2 tỉ tín hữu, được xem là dễ chịu hơn đối với người Nga so với vị tiền nhiệm Ba Lan của Ngài, vì cuộc chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản ở quê hương của ĐTC Gioan Phaolô II đã được một số người trong Giáo Hội Chính Thống xem như là một cuộc thập tự chinh chống lại nước Nga.

Tổng Giám mục Hilarion nói rằng, ĐTC Biển Đức XVI trong nhiều cách cho thấy “sự nhạy cảm với truyền thống Chính Thống giáo hơn so với vị tiền nhiệm của Ngài”.

Tổng Giám mục nói: “Đây là lý do tại sao chúng tôi tích cực quan tâm sự phát triển của mối quan hệ của hai bên, nhưng chúng tôi vẫn tin rằng một số công việc cần tiếp tục được thực hiện, để cải thiện tình hình, trước khi cuộc gặp giữa ĐTC Biển Đức XVI và Thượng phụ có thể diễn ra".

Ngài nói thêm: "Chúng tôi tin rằng một cuộc gặp gỡ như vậy là hoàn toàn có thể, nhưng trước khi chúng tôi thảo luận về thời gian, địa điểm và thể thức của cuộc gặp, chúng tôi muốn đạt thỏa thuận về các vấn đề cơ bản, và chúng tôi muốn tiếp nhận một số dấu hiệu của sự sẵn sàng làm việc cho các giải pháp của vấn đề hiện tại".

Tổng Giám mục Hilarion nói rằng khả năng là cuộc họp không diễn ra ở Mátxcơva (Moscow) hoặc Vatican.

Ngài cho biết: “Một lãnh thổ trung lập chắc chắn sẽ dễ dàng hơn cho cuộc gặp đầu tiên, nhưng chúng tôi không chuẩn bị thảo luận về thời gian hoặc địa điểm, trước khi chúng tôi thảo luận về nội dung. Đối với chúng tôi, nội dung là quan trọng – chứ không phải là địa điểm hoặc thời gian".

Hai thành phố Geneva và Vienna đã được đề xuất như là địa điểm của cuộc gặp gỡ.

Cũng có một sự suy đoán rằng ĐTC Biển Đức XVI và Thượng phụ Kirill có thể gặp gỡ tại Serbia vào năm 2013, như là một phần kỷ niệm 1.700 năm ngày công bố Sắc chỉ Milan, vốn cho phép sự khoan dung tôn giáo trong Đế quốc Roma. (The Moscow Times 15-9-2011)
 
Ấn Độ: bang Orissa thu hồi lệnh phá hủy các nhà thờ
Phạm Kim An
18:15 16/09/2011
Cuttack-Bhubaneswar - Không nhà thờ nào ở Kandhamal (bang Orissa) sẽ bị phá hủy. Ông Rajesh Prabhakar Patil, người phụ trách thu thuế quận, đích thân trấn an như thế với những người có mặt tại một cuộc họp với một phái đoàn các Kitô hữu.

Tuy nhiên đối với Đức Tổng Giám Mục Công Giáo John Barwa của tổng giáo phận Cuttack-Bhubaneswar (Cuttack-Bhubaneswar là thủ phủ của bang Orissa), "các lời nói bảo đảm của người phụ trách thu thuế quận đã không làm cho các quan chức địa phương ngưng việc hành hạ người của chúng tôi".

Trong tháng Tám, nhân dịp các cuộc tàn sát chống Kitô hữu ở Kandhamal, chính quyền bang đã ra lệnh phá hủy năm nhà thờ. Lệnh được ban ra dựa vào một phán quyết rằng các nhà thờ đã được xây dựng (năm 1942) trên đất thuộc sở hữu nhà nước và không có giấy phép.

Đức Tổng Giám Mục Công Giáo nhận xét: “Đáng buồn thay, các đảm bảo Hiến pháp không được áp dụng trong quận Kandhamal của chúng tôi, nơi đây có rất ít sự tôn kính đối với các nơi thờ phượng công cộng của Kitô giáo. Và trong khi chúng tôi tha thứ cho kẻ tấn công chúng tôi và cầu nguyện cho những người đã gây thương vong cho người chúng tôi, phá hủy các nhà thờ và đốt cháy nhà của chúng tôi, đây là một vấn đề của Tư pháp cho người dân của chúng tôi mà chúng tôi đang cố gắng tranh đấu".

Việc thu hồi lệnh phá hủy đến quá trễ cho giáo xứ Betticola, đã một thời được các tên cực đoan Ấn giáo nhắm tới như là mục tiêu. Đức Tổng Giám Mục nói: “Các linh mục chúng tôi ở giáo xứ Betticola đã bị đánh đập thường xuyên trong quá khứ và ngày nay, tiếc là giáo xứ không còn tồn tại nữa". May mắn hơn cho giáo xứ Nandagiri trong khu vực G. Udayagiri Tahasil. Ngày 17-8, cộng đồng Kitô giáo ở đây đã được chính quyền ra lệnh đình chỉ việc xây dựng một nhà thờ nhỏ.

May mắn thay, kể từ tháng 6-2009, không ít hơn 54 gia đình Công Giáo và 17 gia đình Tin lành phái Ngũ Tuần, đã sơ tán sau cuộc bạo động chống Kitô giáo trong năm 2008, đã được tái định cư. Người dân cũng xây dựng một nhà cộng đồng, và mặc dù nhà cộng đồng này bị ghi nhận là sẽ bị phá hủy, người phụ trách thu thuế quận nó rằng việc phá hủy sẽ không xảy ra.

Đức Tổng Giám Mục Barwa kết luận bằng một lời cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria: "Hôm nay là lễ Đức Mẹ Sầu Bi, và Đức Mẹ đã phải chịu đựng sự thống khổ cay đắng của đau khổ nơi Con của Mẹ, xin Mẹ can thiệp cho chúng con và cho người dân chúng con, và quan trọng hơn cho Phẩm chất Thế tục của Ấn độ sẽ không bị hoen ố”. (AsiaNews)
 
ĐTC Biển Đức XVI: ‘Chúa Thánh Thần tiếp tục xây dựng Giáo hội’
Nguyễn Trọng Đa
18:16 16/09/2011
Ngài chia sẻ suy tư về đoàn sủng với các Giám Mục

ROMA – Trong khi Chúa Thánh Thần tiếp tục xây dựng Giáo hội và linh hứng các đoàn sủng mới, vai trò của các Giám mục là đón nhận các hồng ân với lòng biết ơn, và cũng phân biệt và đánh giá tính hợp lệ của chúng, - ĐTC Biển Đức XVI nói.

Sáng ngày 15-9, Đức Giáo Hoàng nói với một nhóm khoảng 100 Giám mục mới được tấn phong, khi Ngài tiếp kiến các vị trong Cung điện tông đồ ở Castel Gandolfo. Các Giám mục đang tham gia một khóa học hàng năm, được phối hợp tổ chức bởi Thánh Bộ Giám Mục và Thánh bộ các Giáo Hội Đông Phương.

Trong bài phát biểu của mình, ĐTC Biển Đức XVI suy tư về vai trò của các Giám mục liên quan đến "các đoàn sủng mà Chúa Thánh Thần gợi lên để xây dựng Giáo Hội".

Nhắc nhở các Giám mục rằng "việc tấn phong Giám mục thông chuyển cho các hiền đệ sự sung mãn của Bí tích Truyền Chức thánh”, Ngài lưu ý rằng các Giám mục "được đặt để phục vụ chức Linh mục phổ quát của các tín hữu, của sự phát triển tinh thần và sự thánh thiện của họ”.

ĐTC Biển Đức XVI nói tiếp: “Bởi vì thế, các Giám mục có nhiệm vụ xem xét và làm việc để đảm bảo rằng các người đã rửa tội lớn lên trong ân sủng, phù hợp với đoàn sủng mà Chúa Thánh Thần làm phát sinh trong tâm hồn và cộng đồng của họ".

ĐTC Biển Đức XVI nhắc đến Công đồng chung Vatican II, nói rằng Công đồng "nhắc nhở rằng Chúa Thánh Thần, trong khi hiệp nhất trong sự hiệp thông và sứ vụ của Giáo Hội, cung cấp và hướng dẫn Giáo hội với nhiều hồng ân đoàn sủng và hồng ân phẩm trật khác nhau, và tô thắm Giáo hội với các hoa trái của mình”.

Ngài đề cập đến Đại hội Giới trẻ Thế giới mới đây như là một dấu hiệu của "tính phong nhiêu của đoàn sủng của Giáo Hội", và nói rằng đây là một sự chứng minh cho "một sức sống, vốn củng cố công tác Phúc âm hóa và sự hiện diện của Chúa Kitô trong thế giới".

ĐTC Biển Đức XVI nói thêm: “Chúng ta có thể nhìn thấy - và chúng ta gần như có thể chạm đến – rằng Chúa Thánh Thần vẫn còn hiện diện trong Giáo Hội hôm nay, và rằng Ngài tạo ra các đoàn sủng và sự hiệp nhất".

ĐTC Biển Đức XVI tiếp tục: “Các hiền đệ hãy luôn nhớ trong tâm trí rằng các hồng ân của Chúa Thánh Thần – luôn được tặng ban tự do để xây dựng mọi người. Giám mục, như là một dấu chỉ hữu hình của sự hiệp nhất của Giáo Hội riêng của Ngài, có nhiệm vụ hiệp nhất và hài hòa hóa sự đa dạng đoàn sủng, cổ vũ tương quan lẫn nhau giữa chức linh mục phẩm trật và chức linh mục phổ quát”.

Vì thế, ĐTC kêu gọi các Giám chức "hãy đón nhận các đoàn sủng với lòng biết ơn để thánh hóa Giáo Hội và sức sống của việc tông đồ".

Tuy nhiên, Ngài cảnh báo rằng sự đón nhận các đoàn sủng là "không thể tách rời sự phân định, vốn là riêng biệt cho sứ vụ của Giám mục”: "Công Đồng chung Vatican II nói nhiều về điều này, khi Công đồng trao cho sứ vụ mục vụ của Giám mục công tác đánh giá tính xác thực của đoàn sủng, và sử dụng chúng cách thích hợp, không dập tắt Chúa Thánh Thần, nhưng thử nghiệm và giữ lại những gì là tốt đẹp".

Ngài nói thêm: "Vì vậy, luôn phải rõ ràng rằng không đoàn sủng nào có thể miễn khỏi chiều theo hoặc qui phục các vị mục tử của Giáo Hội".

Ngài nói: “Bằng cách đón nhận, đánh giá và xếp hạng các hồng ân và đoàn sủng khác nhau, Giám mục thực hiện một sự phục vụ lớn lao và có giá trị cho chức linh mục phổ quát của các tín hữu, và cho sức sống của Giáo Hội, và Giáo hội sẽ sáng láng như là Tân nương của Chúa, mặc y phục trong sự thánh thiện của con cái Giáo hội”. (Zenit.org 15-9-2011)
 
Hội nghị liên tôn do Cộng Đồng Sant’Egidio tổ chức tại Munich
Vũ Văn An
04:10 16/09/2011
Trong truyền thống Assisi, hàng năm Cộng Đồng Sant’Egidio đều tổ chức một hội nghị liên tôn tại các địa điểm khác nhau trên thế giới, để vừa đối thoại, học hỏi vừa cầu nguyện cho hòa bình. Năm nay, Cộng Đồng chọn Munich làm địa điểm cho cuộc gặp gỡ liên tôn trong 3 ngày 11 tới 13 tháng 9. Chủ đề cuộc gặp gỡ năm nay tuy ngắn ngủi: “Buộc phải sống với nhau” (Bound to live together), nhưng nó được khai triển thành gần 30 đề tài khác nhau bao trùm rất nhiều những vấn đề nóng hổi đang được các nhà thức giả cũng như không thức giả quan tâm: Âu Châu và sứ mệnh của nó đối với thế giới, hợp nhất Kitô Giáo và tình yêu người nghèo, tinh thần Assisi, tử đạo và chứng nhân đức tin, mùa xuân Ả Rập, cầu nguyện: gốc rễ hòa bình, công lý và yêu thương trong Thánh Kinh, di trú: buộc phải sống với nhau, Nhật Bản sau cơn động đất, tôn giáo và truyền thông trong thời đại mạng lưới xã hội, đô thị và hoàn cầu hóa, đâu là tương lai cho thế giới Ả Rập?, tự do và thế giới Ả Rập, các luận điểm cho cuộc sống chung, tự do tôn giáo: đường tới hòa bình, tôn giáo và giá trị sự sống, con người nam nữ hiện đại trên đường tìm kiếm Thiên Chúa, tín hữu Do Thái và Kitô Giáo: từ đối thoại tới tình bạn, điểm mạnh điểm yếu của gia đình: suy tư tôn giáo, phụ nữ và tôn giáo, nói về hy vọng: ngôn từ của Kitô hữu trong thiên niên kỷ thứ ba, người Do Thái và Palestine: có thể có hòa bình không?, ngày 11 tháng 9 2001-2011, leo thang bạo lực: những biên cương mới cho hòa bình, … người nghèo tại đô thị, tín hữu tại đất lạ, tái quan niệm thế giới: nhìn quá bên kia khủng hoảng kinh tế…

Hội nghị liên tôn và 10 năm sau cuộc tấn công khủng bố

Lễ khai mạc trùng vào ngày kỷ niệm 10 năm cuộc tấn công của khủng bố vào một số cơ sở quan trọng của Hoa Kỳ mà nhiều người nhất trí cho là có tính hoàn cầu, hội nghị đã đặc biệt tưởng nhớ các nạn nhân và khuyến khích mọi người hướng về phía trước. Trong bài phát biểu nhân dịp này, Đức Hồng Y Reinhard Marx, Tổng Giám Mục Munich và Freising, cho rằng hình ảnh ngày 11 tháng 9 là hình ảnh của kinh hoàng, của bạo lực, của khiếp đảm, của sợ sệt. Kinh hoàng đến độ vết thương đến nay, 10 năm sau, vẫn chưa hoàn toàn lành lại. Nhưng ta nên kỷ niệm nó theo một nghĩa rộng lớn hơn, biến cái ký ức ấy thành một nghĩa vụ, làm thế nào để khuất phục cái luận lý học của bạo lực và sợ hãi cũng như việc truyền bá hận thù và phân rẽ. Ta cần vượt quá việc phòng vệ trực tiếp chống lại bạo lực, để tìm ra các giải đáp cho hòa bình và việc chung sống trong thế giới hòan cầu, một thế giới trong đó, các nền văn hóa, các tôn giáo, các xác tín khác nhau đều có chỗ đứng.

Đức Hồng Y cho rằng: hình như 10 năm qua, ta đã lãng phí thì giờ vào những viễn kiến và mỹ từ học chiến tranh, thay vì học hỏi công lý và liên đới, hòa giải, hòa bình và chung sống. Ngài mong ước cuộc gặp gỡ tại Munich này là dịp để ta làm việc học hỏi ấy. Ta phải cương quyết chống lại việc sử dụng sai lạc danh Thiên Chúa, chống lại bất cứ bạo lực, khai thác, áp chế nào nhân danh tôn giáo. “Nại tới danh Thiên Chúa để giết người vô tội là phạm thượng!”. Ta phải chứng tỏ cho thế giới thấy: tôn giáo là nguồn của hòa bình, của đối thoại thực sự và của hòa giải.

Mang tới cho việc sống chung một nội dung tích cực

Nhân dịp này, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã gửi tới hội nghị một thông điệp, nhấn mạnh rằng: thân phận con người buộc ta phải chung sống, đừng biến thế giới thành địa ngục. Muốn thế, ta phải chấp nhận lẫn nhau, học cách chung sống với nhau, cởi mở và hiến thân. Ngài viết: “Chủ đề của cuộc gặp gỡ hòa bình, ‘buộc phải chung sống với nhau’ nhắc nhở ta rằng là những con người nhân bản, ta được cột chặt với nhau. Việc chung sống này, trên thực tế, là một điều kiện có sẵn phát sinh từ thân phận làm người của ta. Và bổn phận của ta là đem lại cho nó một nội dung tích cực”.

Tuy nhiên, ngài nhận định tiếp, việc chung sống này có thể “tự biến thành cuộc sinh tồn chống lại nhau… trở thành một địa ngục nếu ta không chịu tìm cách chấp nhận nhau, nếu ai cũng muốn chỉ có mình”. Ngài cho rằng: “Nếu ta biết cởi mở với nhau, biết hiến thân cho nhau, thì việc chung sống ấy sẽ trở thành một hồng ân”. Theo ngài, phải coi việc sống chung về tôn giáo và văn hóa vừa là một nhiệm vụ vừa là một hồng ân; đó là con đường đích thực dẫn tới việc sống chung. Việc sống chung này không còn là một thách đố miền hay địa phương nữa, nhưng nay đã có tính hoàn cầu, liên hệ tới toàn bộ nhân loại như một toàn thể.

Theo Đức Thánh Cha, đức tin Kitô Giáo dạy rằng: Thiên Chúa muốn toàn thể nhân loại trở nên một gia đình, trong đó, “ta là anh chị em với nhau”. Bài học này cần được học đi học lại “Ta phải học cách không phải sống cạnh nhau mà là sống với nhau. Điều này có nghĩa mở rộng trái tim cho nhau, để người lân cận tham dự vào các niềm vui, niềm hy vọng và nỗi buồn của ta”.

Ngài cũng nhấn mạnh rằng: tôn giáo “trong yếu tính liên kết với vấn đề hòa bình… Khi tôn giáo thất bại trong cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa này, khi nó lôi Người xuống với ta thay vì nâng ta lên với Người, khi ta, có thể nói như thế, biến Người thành sở hữu của ta, thì lúc đó, tôn giáo chỉ góp phần vào việc phá hoại hòa bình. Nhưng nếu nó tìm ra đường dẫn tới Đấng Thần Linh, tới Đấng Tạo Hóa và Cứu Chuộc muôn người, thì nó là một sức mạnh của hòa bình”.

Đức Bênêđíctô XVI cho hay: những cuộc gặp gỡ như tại Assisi và tại Munich dịp này là “cơ hội để các tôn giáo tự tìm hiểu chính mình và tự hỏi làm thế nào để trở thành lực lượng của việc sống chung”. Ý nghĩa của những cuộc gặp gỡ này là ta sẵn sàng chào đón người gần người xa trong tinh thần hòa bình của Chúa Kitô. Nền hòa bình này dựa vào nhiều cơ sở từ di trú, tới hoàn cầu hóa, khủng hoảng kinh tế, bảo vệ môi sinh… Cũng theo ngài, kể từ cuộc gặp gỡ đầu tiên tại Assisi cách nay 25 năm, đã có nhiều sáng kiến đầy hy vọng được đưa ra đối với hòa giải và hoà bình, tuy nhiên cũng không thiếu trở ngại, bỏ lỡ cơ hội. Về điểm sau, ngài nhắc tới “những hành động bạo lực và khủng bố khiếp đảm bóp nghẹt hy vọng sống chung”. Ngài hy vọng cuộc gặp gỡ tại Munich sẽ cổ vũ sự hiểu biết lẫn nhau để sống chung, nhờ thế mở ra con đường thênh thang cho hòa bình.

Hai nghìn đại biểu

Trong cử hành Thánh Thể tại nhà thờ chính tòa Munich ngày 11 tháng 9 để khai mạc hội nghị, người ta thấy có sự tham dự của ít nhất 2,000 người đến từ nhiều quốc gia cũng như từ nhiều tôn giáo khác nhau. Trong buổi cử hành này, Đức HY Marx nhấn mạnh rằng: “Không nên coi việc xây dựng hòa bình là một thành tích của Kitô hữu, vì việc làm chứng cho hòa bình là việc chủ yếu của bất cứ kinh nghiệm đức tin nào”. Lời cầu nguyện giáo dân trong buổi cử hành cũng nhấn mạnh tới nhu cầu phải có việc làm chứng ấy, tới việc tưởng niệm các quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá và tới việc phải chào đón người di dân.

Kết thúc buổi cử hành là lời phát biểu của Tổng Giám Mục Filaret, đại diện Toà Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa, nhấn mạnh tới khía cạnh “Ta nhìn nhận tính đơn nhất của nhân loại và ta cam kết tuân giữ lệnh truyền Thiên Chúa muốn ta hợp nhất và yêu thương lẫn nhau. Với một tấm lòng biết ơn, tôi bảo đảm với qúi vi rằng cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay là một bước tiến tới sự hợp nhất mà Đấng Hóa Công đã truyền dạy”.

Trong ngày khai mạc này, Andrea Riccardi, sáng lập viên Cộng Đồng Sant’Egidio cho rằng: “Giữa sự va chạm nhau của các nền văn minh và việc hoàn cầu hóa thô thiển chỉ chú trọng tới khía cạnh kinh tế, là cả một phạm vi rộng lớn dành cho việc xây dựng hợp nhất trong đa dạng”. Theo Riccardi, trong 10 năm qua, “văn hóa kình chống đã lớn mạnh, một phần do việc phát triển bạo lực tại nhiều quốc gia trên thế giới, thành quả của tranh chấp chính trị, của mafia, của tội ác”. Nên 10 năm tới đòi phải có nhiều cố gắng hơn nhằm xây dựng chính trị, nhất là đem lại cho Âu Châu một vai trò chính trị đổi mới trong trách nhiệm chung đối với thế giới trong khi không quên tin tưởng vào Mùa Xuân Ả Rập… Riccardi cũng cho rằng trong cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, tôn giáo có thể góp phần làm thay đổi các não trạng, vì tôn giáo nhắc nhở ta rằng không được dùng sự giầu có bản thân để xác định giá trị cuộc đời… Tiêu thụ vừa phải giúp tinh thần con người được tự do hơn, nhờ đó biết quan tâm tới người khác… Trong cuộc đối thoại với văn hóa, tôn giáo đưa lại cho ta sự thiện cảm và lòng cảm thương có tính hoàn cầu… Không nên phí phạm 10 năm sắp tới. Chính vì thế, từ 25 năm nay, không năm nào tinh thần Assisi không “giữ cho cuộc đối thoại tiếp diễn với các chủ đề thuộc tinh thần và lịch sử”.

Nhân dịp này, Shear Yashuv Cohen, Trưởng Giáo Sĩ Haifa về hưu của Do Thái Giáo, phát biểu rằng: “Chúng tôi, những người sống tại Đất Thánh, biết rất rõ rằng con đường duy nhất để sống còn tại xứ sở thân yêu của chúng tôi là chống lại thù hận và cổ vũ hòa bình, an ninh và sự hiễu biết lẫn nhau”. Ông cho rằng đó là đất thánh của cả tín hữu Do Thái Giáo lẫn tín hữu Hồi Giáo và Kitô Giáo và đó phải là “lý do để tất cả chúng ta cùng nhau góp phần ngăn ngừa việc đổ máu, hận thù và ganh ghét”. Ông thống thiết kêu gọi “Các bạn thân mến, thưa các nhà lãnh đạo tôn giáo, ta hãy dạy các đồng đạo của ta hãy chấm dứt tội ác khủng khiếp này.Ta hãy học cách sống chung, tôn trọng và nhắc đi nhắc lại lời của tiên tri Malakhi: ‘Há tất cả chúng ta không có chung một người cha hay sao? Há một Thiên Chúa duy nhất đã không tạo nên tất cả chúng ta hay sao? Tại sao ta lại phản bội lẫn nhau và làm hoen ố giao ước của cha ông ta?” (Mk 2:10).

Trung Đông

Qua ngày thứ hai, Casmoussa, Phụ Tá Thượng Phụ Công Giáo Syriac của Beirut, kêu gọi “một liên minh mới giữa Kitô Giáo và Hồi Giáo” vì hòa bình của vùng Địa Trung Hải. Vị này bác bỏ nguồn tin cho rằng các lực lượng quá khích đang chiếm đa số tại các nước Hồi Giáo. “Ta phải khuyến khích các nhóm ôn hòa là các nhóm biết nhìn nhận quyền sống và quyền phát biểu của người khác”. Đây là một chọn lựa đáng giá đối với mọi tôn giáo nếu họ muốn song hành với thế giới mới, thế giới hoàn cầu hóa.

Nhà lãnh đạo Công Giáo này sau đó đề cập tới quyền công dân cho mọi người, bất phân biệt tôn giáo, phái tính hay căn tính sắc tộc. “Mọi tín hữu được mời gọi chú tâm tới những gì kết hợp họ, theo tinh thần Vatican II”.

Cũng trong ngày này, nữ thủ tướng Angela Merkel của Đức tuyên bố bà hỗ trợ Mùa Xuân Ả Rập và cho hay: chúng ta đừng phí phạm tương lai của tuổi trẻ. Nói về Mùa Xuân Ả Rập, bà cho hay Đức “Đang đưa ra nhiều biện pháp để tạo công ăn việc làm cho 5,000 người trẻ Ả Rập. Mọi người phải góp phần theo khả năng của mình”. Đối với bà, Âu Châu phải tái đảm nhiệm sứ mệnh của mình trong lịch sử: “Không nên phó mặc chính nghĩa Âu Châu cho một số người, nếu không, ta sẽ trở thành tù nhân cho chính những cuộc tranh luận tại các xứ sở của ta, chỉ biết la hét rồi mau chóng lãng quên… Bằng cách đó, ta chỉ tổ hết hơi mà thôi”. Bà nói thêm: “Không phải căn nhà chung của Âu Châu đã được xây dựng trong một ngày, chính vì thế, nó bền vững và trở thành một cộng đồng. Nó từng kinh qua nhiều thế kỷ chiến tranh và những ngày đen tối nhất của văn minh qua nạn Diệt Chủng (Shoah)”. Ngày nay, nó phải lặp lại lối sống có tầm nhìn bao quát hơn: “Ta chỉ có thể có được sức mạnh từ nền kinh tế nếu biết duy trì nó” bởi “ta không thể sống trên lưng các thế hệ tương lai. Ta phải sống bằng chính các tài nguyên của ta trong khi bảo toàn chúng cho tương lai. Ta không được tước đoạt tương lai của người khác”.

Dù có nhiều khó khăn, Âu Châu vẫn còn những xác tín sâu sắc chung giúp nó hợp nhất với nhau. Bà cho rằng các giáo hội đã đóng góp rất nhiều trong chiều hướng này. Việc tục hóa và phân biệt giữa Giáo Hội và Nhà Nước vẫn không xóa nhòa được sự kiện này: không có niềm tin vào Thiên Chúa, ta sẽ quên khuấy cả chính ý nghĩa đời ta. Đến đây, bà bỗng nhiên nhắc đến cuộc thăm viếng sắp tới của Đức Giáo Hoàng: “Ở Đức, chúng tôi hân hoan được đón tiếp cuộc thăm viếng của Đức Bênêđíctô XVI”

Đề cập tới các căng thẳng hiện nay tại Trung Đông và Bắc Phi, Angela Merkel tỏ ý lo ngại về các quan hệ giữa Do Thái và Ai Cập: “Ai cập cần thận trọng để các biến cố như biến cố tại toà đại sứ (Do Thái) không tái diễn”. Bà cũng nhấn mạnh tới nhu cầu hai nhà nước tại Đất Thánh: nhà nước Do Thái và nhà nước Palestine.

Lên tiếng với các nhà lãnh đạo tôn giáo, Angela Merkel mời gọi các ngài quảng bá Hiến Chương Nhân Quyền LHQ, rất có lợi cho việc sống chung. Vì chính tôn giáo cũng đại biểu cho sức mạnh sống chung ấy. Bà nhìn nhận sự đóng góp to lớn của Cộng Đồng Sant’Egidio: “Cộng Đồng này đã sống cạnh người nghèo và đã chữa lành các vết thương của họ. Cộng Đồng này dạy ta rằng chiến tranh là mẹ đẻ của nghèo đói. Cho phép tôi thêm rằng hòa bình là mẹ đẻ của phát triển. Chúng ta hãy can đảm dấn thân vào việc bảo vệ hòa bình”.

Không phải một mình nữ thủ tướng Đức nhắc tới Mùa Xuân Ả Rập, Rami Shaath, đứng đầu liên minh tuổi trẻ tại Tahrir Square, nơi diễn ra cuộc cách mạng lật đổ Mubarak, nhân dịp tham dự hội nghị, cũng đã mô tả về Mùa Xuân này như sau: “Chúng tôi cùng diễn hành để lật đổ chế độ và ngẩng cao đầu. Vì chiến thắng thực sự là một lần nữa được tự hào về quê hương mình. Chúng tôi có thể xây dựng được xã hội của mình nếu biết mở rộng tâm trí. Cuộc cách mạng này cho thấy: thịnh vượng phát sinh từ tính đa dạng của nền văn hóa Ai Cập. Đa dạng là một giá trị gia tăng”. Ông cũng cho hay: “Các cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 là một đáp ứng sai lầm đối với sự bất công đích thực từng dẫn tới việc xâm lăng Iraq… Mặt khác, cuộc cách mang Ai Cập là một cuộc biểu dương bất bạo động, một đòi hỏi dân chủ và tự do, công bằng xã hội và hoà bình”.

Chúng ta thực sự gặp nhau

Trong buổi lễ bế mạc vào ngày 13 tháng 9, Đức Hồng Y Marx cho rằng: “Chúng ta không nói qua đầu nhau, chúng ta nói với nhau. Chúng ta không bước qua nhau mà không nhìn nhau, chúng ta thực sự gặp nhau… (Cho nên) Đừng đánh gía thấp sức mạnh của cuộc gặp gỡ này”.

Ngài kêu gọi mọi người hãy truyền đạt sức mạnh tạo hòa bình của đối thoại, hãy khuyến khích để mọi người cùng tham gia chính nghĩa chung. “Chúng ta tất cả đều có trách nhiệm đối với hòa bình và tương lai thế giới. Cho nên, ta không nên chần chừ. Hòa bình đáng giá bất cứ cam kết nào của ta!”.

Nhân dịp này, Hội Nghị đã đưa ra lời kêu gọi hòa bình như sau: “Chúng tôi biết ơn những ai luôn giữ cho niềm hy vọng này (tinh thần Assisi) sống động trong thời buổi khó khăn khi các cây cầu đang thi nhau xụp đổ. Sau 10 năm đánh dấu bằng văn hóa bạo lực và điên loạn khủng bố, trong một thế giới xem ra bị thống trị bởi chủ nghĩa tư bản vô kỷ cương, chúng tôi đã dừng lại chỉ để cầu nguyện, lắng nghe và lục tìm tương lai. Những giây phút cầu nguyện và đối thoại này đã thay đổi chúng tôi! Chúng tôi lắng nghe lời yêu cầu phải có một thời đại mới phát sinh từ chứng tá của nhiều người.

Cơn cám dỗ muốn thu mình vào chính mình cũng như sử dụng tôn giáo để phân rẽ nhau quả là mạnh mẽ. Cơn cám dỗ này càng tệ hại hơn do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giói hiện nay. Thế giới, đôi khi, xem ra không ý thức được các giới hạn của mình. Nó thường bị lôi cuốn bởi những điều chia rẽ chứ không phải bởi tình bạn đối với người khác; nó để ý tới các động lực ích kỷ chứ không lưu tâm tới ích chung. Tại nhiều khu vực trên thế giới, bạo lực và vô nghĩa đang gia tăng. Chúng ta cần một khúc quanh!

Hoàn cầu hóa, tự nó là một tài nguyên lớn lao, nhưng cần một linh hồn. Lòng vị kỷ đang dẫn tới nền văn minh chết chóc, gây nên cái chết cho rất nhiều người. Do đó, chúng ta phải nhìn tới, phải mở cửa cho tương lai, và trở nên người có khả năng hoàn cầu hóa công lý. Chúng ta cần nêu lại vấn đề hoà bình một lần nữa, với quyết tâm và trong mọi chiều kích của nó. Thực thế, chúng ta buộc phải sống chung với nhau và tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với nghệ thuật sống chung. Ngày nay, đối thoại đã được chứng minh là phương tiện tinh khôn và hoà bình nhất. Nó là đáp ứng duy nhất đối với các những người truyền giảng khủng bố, những người dám sử dụng cả ngôn ngữ tôn giáo để gieo rắc hận thù và chia rẽ thế giới. Với đối thoại, ta không mất chi cả. Ở đây, tại Munich này, chúng tôi đã thử nghiệm ngôn ngữ đối thoại và tình bạn; không một người đàn ông, đàn bà nào, không một ai là một hòn đảo: chỉ có một số phận, đó là số phận chung.

Chúng tôi nhìn nhau bằng một tình bạn mới, và rất nhiều điều đã thành khả thể một lần nữa, mọi sự đều có thể. Đây là lúc để thay đổi. Thế giới cần nhiều hy vọng và hòa bình hơn. Chúng ta, một lần nữa, có thể học cách sống không phải chống lại nhau, nhưng là sống với nhau. Chúng ta ý thức rằng các tôn giáo phải chịu trách nhiệm về việc phá hoại hòa bình nếu họ không biết hướng lên, không biết nhìn lên. Bất cứ ai sử dụng danh Thiên Chúa để ghét bỏ người khác và sát hại họ là xúc phạm tới Thánh Danh Thiên Chúa. Bởi thế, chúng tôi tuyên bố rằng: Trong chiến tranh, không hề có tương lai! Không có giải pháp nào thay thế cho đối thoại. Đối thoại là vũ khí đơn giản, người nào cũng có được. Với đối thoại, chúng ta sẽ xây dựng được một thập niên mới và một thế kỷ hòa bình. Chúng ta hết thẩy hãy trở thành những người thợ xây dựng hòa bình. Vâng, xin Thiên Chúa ban hồng phúc hòa bình diệu kỳ cho thế giới”.

 
Triển lãm 600 cuốn sách của ĐTC Benedictô XVI
LM Trần Đức Anh OP
07:44 16/09/2011
CASTEL GANDOLFO - Sáng ngày 15-9-2011, ĐTC Biển Đức 16 đã viếng thăm cuộc triển lãm 600 cuốn sách của ngài được dịch ra bằng 30 thứ tiếng, do Nhà xuất bản Herder ở Đức và Nhà Xuất bản Vatican thực hiện tại Sảnh đường Thụy Sĩ trong Dinh Tông Tòa ở Castel Gandolfo.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC nhiệt liệt cám ơn ban tổ chức cuộc triển lãm để làm cho đại thế giới sách vở trở nên hữu hình hơn đối với nhân loại, đặc biệt trong dịp ngài sắp viếng thăm nước Đức.

ĐTC ứng khẩu nói: ”Đây cũng là dịp để tôi suy tư về điều mà tôi có thể làm cho thế giới và cho Giáo Hội, qua sứ vụ của tôi. Tôi cảm động và cũng thấy lo lo khi thấy bao nhiêu bộ sách ở đây xuất phát từ tư tưởng của tôi.. Tôi hy vọng điều này có thể hữu ích cho con người, và chúng không phải chỉ là những lời qua đi, nhưng là những lời có thể giúp tìm ra con đường. Tôi phải cám ơn tất cả các nhà xuất bản, và nhất là anh chị em ở đây, tất cả những người phụ trách việc ấn hành các sách của tôi: tôi biết thế nào là duyệt lại một cuốn sách, bao nhiêu công việc âm thầm để một cuốn sách có thể xuất hiện đúng đắn trước mặt thế giới.. Tác giả làm phần của mình và được nổi tiếng, còn những người khác ở hậu trường làm công việc của họ mà không bao giờ xuất hiện; nhưng trong thinh lặng tất cả họ đều hiện diện: trong lúc này đây, tôi cảm thấy thực sự phải nhiệt liệt cám ơn vì tất cả những điều ấy”.

Trong số các sách được triển lãm, có cả các bản dịch bằng tiếng Hoa và tiếng Hungari. Nhà Xuất Bản Herder ở thành phố Freiburg bên Đức đã ấn hành các sách của giáo sư Joseph Ratzinger từ năm 1956.

Sau khi trưng bày ở dinh Tông Tòa, ngày 16-9-2011, các sách của ĐTC sẽ được đưa tới Học viện Đức, Campo Santo Teutonico, ở Nội thành Vatican để trưng bày. Trong cuộc viếng thăm của ĐTC tại Đức, các sách này sẽ được trưng từ ngày 23 đến 25-9-2011 tại trụ sở Nhà xuất bản Herder ở Freiburg (SD, KNA 15-9-2011)
 
Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế phê bình danh sách CPC của Mỹ, kêu gọi bộ Ngọai Giao làm lại
Khánh Huy
08:41 16/09/2011
Phê bình về bản danh sách vừa mới được công bố của Bộ Ngoại giao Mỹ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (CPC,) Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế bày tỏ mối quan tâm về việc nhiều quốc gia mà ủy ban đề nghị thêm đã không được ghi vào bản danh sách năm nay.

Ông Leonard Leo, chủ tịch của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế, than phiền "rằng không có quốc gia mới nào đã được ghi thêm vào danh sách (CPC)." Tất cả tám nước trong danh sách CPC hiện nay đều là những nước đã ở trong danh sách từ năm ngoái.

"Chỉ lặp đi lặp lại danh sách hiện hành rõ ràng là một thiếu sót ", ông Leo nói. Ông cho biết rằng Ủy ban của ông đã đề nghị từ hồi đầu năm nay là cần thêm 6 quốc gia nữa vào bản danh sách, đó là Ai Cập, Iraq, Nigeria, Pakistan, Turkmenistan, và Việt Nam.

"Vì việc chỉ định danh sách CPC có thể được thực hiện bất kỳ lúc nào, chúng tôi trân trọng kêu gọi Ngoại trưởng Clinton hãy xem xét lại sáu quốc gia mà chúng tôi đã đề nghị", ông nói.

Ông Leo cũng kêu gọi Bộ Ngoại giao "dùng áp lực ngoại giao của Mỹ để cải tiến sự tôn trọng quyền cơ bản của con người này. "

Mỗi năm, Bộ Ngoại giao Mỹ duyệt lại tình trạng tất cả các nước trên thế giới để xác định chính phủ nào đã vi phạm những tiêu chí của Bộ Ngoại giao, đó là "tham gia hoặc dung nạp những hành vi vi phạm nghiêm trọng sự tự do tôn giáo."

Bản báo cáo của năm nay vừa được phát hành ra ngày 13 tháng 9. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, đã chỉ định tám nước đáng quan tâm. Đó là: Miến Điện, Cộng hòa Nhân dân Dân chủ Hàn Quốc (Bắc Triều Tiên), Eritrea, Iran, Cộng hòa nhân dân Trung Quốc, Ả Rập Saudi, Sudan và Uzbekistan.
 
Top Stories
Pope's Address to Newly Ordained Bishops
+ Pope Benedict XVI
07:30 16/09/2011
"The Bishop ... Has the Duty of Unifying and Harmonizing Charismatic Diversity"

ROME, SEPT. 15, 2011 (Zenit.org).- Here is a translation of the address Benedict XVI gave today to a group of some 100 newly ordained bishops upon receiving them in audience this morning in the apostolic palace in Castel Gandolfo. The bishops are taking part in an annual course organized jointly by the Congregation for Bishops and Congregation for Eastern Churches.

Dear Brothers in the Episcopate!

As Cardinal Ouellet mentioned, for the past 10 years newly appointed bishops have gathered in Rome to make a pilgrimage to the tomb of St. Peter and to reflect on the primary commitments of the episcopal ministry. This meeting, organized by the Congregations for Bishops and by the Congregation for Eastern Churches, is an addition to the initiatives for the permanent formation prescribed by the post-synodal apostolic exhortation "Pastores Gregis" (No. 24). You are invited to renew your profession of faith and your trusting adherence to Jesus Christ at the tomb of the Prince of the Apostles, showing the same impulse of love as Peter himself, and strengthening your ties of communion with his Successor and with your brother bishops.

Together with this central aspect of the initiative is a strong experience of affective collegiality. The bishop, as you well know, is not alone, but rather he is part of that "corpus episcoporum" that dates back to its apostolic roots and extends to our times, bringing us together in Christ, "Shepherd and bishop of our souls" (Roman Missal, Preface after the Ascension). May the episcopal fraternity that you are living in these days be lived out in your daily service, helping you to act always in communion with the Pope and with your brothers in the episcopate, and to cultivate friendships with your fellow bishops and with your priests. In this spirit of communion and friendship, I receive you, bishops of the Latin and Eastern rites, with great affection, greeting through each one of you the Churches entrusted to your pastoral care, with a particular thought for those that, especially in the Middle East, are suffering. I thank Cardinal Marc Ouellet, prefect of the Congregation for Bishops, for the words he addressed to me on your behalf, and for the book, and Cardinal Leonardo Sandri, prefect of the Congregation for Eastern Churches.

This annual meeting with the bishops attending this course has given me the possibility to highlight some aspects of the episcopal ministry. Today I would like to reflect briefly with you on the importance of acceptance, on the part of the bishop, of the charisms that the Spirit arouses for the edification of the Church. Episcopal consecration has conferred on you the plenitude of the sacrament of holy orders that, in the ecclesial community, is placed at the service of the common priesthood of the faithful, of their spiritual growth and their sanctity. The ministerial priesthood, as you know, has the objective and mission to make the faithful live out the priesthood in which they participate, through baptism and in their way, in the one priesthood of Christ, as the conciliar constitution "Lumen Gentium" states: "Though they differ from one another in essence and not only in degree, the common priesthood of the faithful and the ministerial or hierarchical priesthood are nonetheless interrelated: each of them in its own special way is a participation in the one priesthood of Christ" (No. 10).

Because of this, bishops have the task of watching and working to ensure that the baptized increase in grace, in accordance with the charisms the Holy Spirit causes to arise in their hearts and communities. Vatican II recalled that the Holy Spirit, while unifying in the communion and ministry of the Church, provides and directs her with different hierarchical and charismatic gifts and embellishes her with their fruits (cf. ibid., 4). The recent World Youth Day in Madrid showed, once again, the fecundity of the charisms of the Church, concretely today, and the ecclesial unity of all the faithful gathered around the Pope and the bishops. This is a vitality that reinforces the work of evangelization and the presence of Christ in the world. We are able to see -- and we can almost touch -- that the Holy Spirit is still present in the Church today, and that He creates charisms and unity.

The fundamental gift you are called to cherish in the faithful entrusted to your pastoral care is that of divine filiation; in other words, the fact that everyone participates in Trinitarian communion. Baptism, which makes men and women "children in the Son" and members of the Church, is the root and source of all other charismatic gifts. Through your ministry of sanctification, you educate the faithful to participate with increasing intensity in the priestly, prophetic and regal office of Christ, helping them to build the Church, actively and responsibly, according to the gifts they have received from God. In fact, always bear in mind the fact that the gifts of the Spirit -- be they extraordinary or simple and humble -- are always given freely for the edification of all. The bishop, as a visible sign of the unity of his particular Church, has the duty of unifying and harmonizing charismatic diversity, favoring reciprocity between the hierarchical and the baptismal priesthood.

Accept, therefore, the charisms with gratitude for the sanctification of the Church and the vitality of the apostolate! And this acceptance and gratitude to the Holy Spirit, who also works among us today, are inseparable from the discernment that is proper to the mission of the bishop. Vatican Council II said as much when it gave pastoral ministry the task of judging the genuineness of charisms and their proper use, not extinguishing the Spirit but testing and retaining what is good (cf. Ibid., No. 12). This seems important to me: On one hand, not to extinguish but, but on the other, to distinguish, order and keep in mind through examining. Therefore, it must always be clear that no charism can dispense from deferring and submitting to the pastors of the Church (cf. apostolic exhortation "Christifidelis Laici," No. 24). By accepting, judging and ordering the different gifts and charisms, the bishop carries out a great and valuable service to the priesthood of the faithful and to the vitality of the Church, which will shine as the Lord's Bride, clothed in the sanctity of her children.

This articulated and delicate ministry requires the bishop to nourish his own spiritual life with care. Only in this way does the gift of discernment grow. As the apostolic exhortation "Pastores Gregis" affirms, the bishop becomes "father" given that he is fully a "son" of the Church (No. 10). Moreover, in virtue of the plenitude of the sacrament of Holy Orders, he is teacher, sanctifier and pastor who acts in the name and in the person of Christ. These two inseparable aspects call him to grow as son and as pastor as he follows Christ, in order that his personal sanctity may be an expression of the objective sanctity he received through episcopal consecration.

Hence, I exhort you, dear brothers, to remain always in the presence of the Good Shepherd and to assimilate increasingly his sentiments and his human and priestly virtues, through personal prayer, which must accompany your difficult apostolic days. In intimacy with the Lord you will find consolation and support for your committed ministry. Do not be afraid to entrust to the heart of Jesus Christ all your concerns, certain that he looks after you, as he already admonished the Apostle Peter (cf. 1 Peter 5:6). May your prayer always be nourished by meditation on the Word of God, by personal study and just rest, so that you will be able to listen and accept with serenity "what the Spirit says to the Churches" (Revelation 2:11) and lead all to the unity of faith and love.

The sanctity of your lives and your pastoral charity will be an example and support to your priests, your main and irreplaceable collaborators. It will be your urgency to make them grow in co-responsibility as wise guides of the faithful, who are also called to build the community with their gifts, charisms and the witness of their lives, so that the choral communion of the Church may bear witness to Jesus Christ, that the world may believe. And this closeness with priests, yet today, with all their problems, is of very great importance.

Entrusting your ministry to Mary, Mother of the Church, who shines before the People of God full of gifts of the Holy Spirit, I impart with affection to each one of you, to your dioceses and particularly to your priests, the apostolic blessing. Thank you.
 
Pope ''Astounded'' at How Much He's Written - Exhibit Collects 600 Volumes in Dozens of Translations
Zenit
07:32 16/09/2011
CASTEL GANDOLFO, Italy, SEPT. 15, 2011 (Zenit.org).- An exhibition organized by the German publisher Herder and the Vatican Publishing House was enough to bring Benedict XVI to be "slightly astounded," he said today.

The exhibition, which the Pope visited today at Castel Gandolfo, brings together some 600 volumes of the various language editions of works written by Joseph Ratzinger/Benedict XVI.

The exhibition was organized in the lead-up to the Holy Father's visit to Germany later this month.

"I thank you for your efforts and commitment in seeking to make the works I have written known to the world, as I prepare for my apostolic trip to Germany," he said. "For me, that journey will also be a moment to reflect upon what, through my ministry, I can do for the world and the Church."

"I am moved and slightly astounded to see the amount of books I have created," the Holy Father added. "My hope is that the words they contain may not just come and go, but that they help men and women to find their way."

The Pontiff also thanked all those who were behind the scenes in his publications.

"The author does his part and enjoys the fame, the others remain behind the scenes and work without appearing but, in the silence, all are present," he said. "I feel truly obliged, at this time, to express my thanks for all of this."

The exhibition was put on display for the Holy Father at Castel Gandolfo, but it will also be available Friday to tourists at the Vatican and Sept. 24 at the headquarters of Herder in Freiburg.

The volumes represent more than 25 countries. For example, the exhibit contains the Romanian edition of "Salt of the Earth" and also the Chinese edition of "God and the World."

The director of the Vatican Publishing House, Giuseppe Costa, remarked: "As the publisher with the rights to the Pope's writings, it is a motive of great satisfaction for [Libreria Editrice Vaticana] to see them brought together in volumes translated into the most important languages of the world."
 
East German Stasi Considered Ratzinger a Fierce Foe
Edward Pentin
07:33 16/09/2011
Report Reveals How Secret Police Spied on Future Pope

ROME, SEPT. 15, 2011 (Zenit.org).- In 1974, a Trabant -- an old East German car -- was chugging through the Thuringian countryside, a province in the communist German Democratic Republic.

In its passenger seat sat Professor Joseph Ratzinger and at the wheel was Father Joachim Wanke, then an assistant at a local seminary -- the only one in the GDR.

The two priests, writes Rainer Erice, a journalist for the German radio station Mitteldeutsche Rundfunk Thüringen (MDR), were on a harmless sightseeing tour, taking in the historic cities of Jena and Weimar. It was a moment of relaxation during Father Ratzinger's short visit to East Germany, the purpose of which was to give several lectures to students and theologians in Erfurt, Thuringia's capital.

What gave this visit added significance, however, was that it marked the beginning of covert surveillance of Father Ratzinger by the East German "Stasi", or secret police.

That Professor Ratzinger was spied upon by Stasi informants is already known. In 2005, it was revealed that the East German agents had had files on the newly elected Pope. But now new files, uncovered this week by MDR, add more light on how the secret police viewed the future Pontiff, and who was employed to inform on him.

The documents reveal that in 1974, the Stasi were well aware that Father Ratzinger was a rising star in the Church, but they lacked suitable spooks to track him. All they knew at that stage (from an unofficial informant called Birke, an employee of the bishop of Meissen) was that Professor Ratzinger had given lectures on modern theology to students and academics during his visit.

Intensified efforts

As the theology professor's role in the Church grew, however, so the East German secret police began to take more of an interest in his activities and stepped up their efforts, according Erice's report. By the time Archbishop Joseph Ratzinger of Munich visited Berlin in 1978 for a meeting with Cardinal Alfred Bengsch, chairman of the Berlin Bishops' Conference, the foreign section of East Germany's homeland security had taken over the task of spying on him and had assigned numerous unofficial informants in both East and West Germany.

The GDR secret service viewed Professor Ratzinger as "conservative, reactionary and authoritarian," Erice writes, and contended that John Paul II had appointed the then-Cardinal Ratzinger as organizer for "counter-revolutionary development in Poland." More Stasi notes reveal they considered him as "one of the fiercest opponents of communism"; they believed he supported nuclear deterrence between the East and West military blocs, and that he considered pacifism "unrealistic."

But Erice adds that despite "several hundred pages" of information on Joseph Ratzinger, there was "little that was meaningful," and individual reports of foreign espionage had been "almost completely deleted." The discovered documents related only to "basic information about the author and the occasion of when the information was gathered."

Yet the documents reveal some interesting facts, namely details about the Stasi agents employed to inform on Joseph Ratzinger. Erice writes that "at least a dozen unofficial employees" were assigned to the task. These included two East German university professors known to the Stasi as "reliable": Agent "Aurora" was a professor of scientific atheism in Jena and Warnemünde, while Agent "Lorac" worked undercover as a theology professor in Leipzig. Agent "Georg" was in the executive committee of the Berlin Bishops' Conference and was apparently well versed on the internal workings of the Church.

In West Germany, the Stasi's network included a Benedictine monk in Trier known by the codename "Lichtblick" (Ray of Hope). Lichtblick spied for the Stasi for decades and, according to Erice, "shared very extensive and reliable reports about Vatican events." Another unofficial agent, known as "Antonius" was a journalist with the German Catholic news agency KNA and provided "masses" of information about the Pope, Cardinal Ratzinger and the Vatican.

Another journalist was hired in Munich under the alias "Chamois", while a particularly prominent spy was a politician belonging to the Christian Social Union party and a former confidant of Franz Josef Strauss, once a leader of the party. The agent was known by the codenames "Lion" and "Trustworthy". Their network also went beyond the borders of Germany. In Italy, the Stasi employed Agent "Bernd" who provided information on the Holy See's foreign policy.

Shy, but charming

With all these informants in place, Erice writes that the Stasi were well prepared when Joseph Ratzinger travelled to Dresden in 1987 to meet a group of Catholics. "The Stasi mounted a huge effort in monitoring the meeting," Erice says, and they strove to avoid drawing attention to any surveillance that was taking place, especially when passing through the border. "The security forces were instructed to give him preferential and polite treatment at the border crossing," say the reports, and that "worldly evils such as customs inspections" usually applied to Western visitors "had to be omitted."

But despite their great efforts, Erice says the Stasi made some basic mistakes. They incorrectly spelled Cardinal Ratzinger's native town Merkl instead of Marktl. And although they wanted to portray him negatively, they couldn't help but make the occasional positive observation. In addition to praising his high intelligence, they noted: "Although he would be shy at first with an interlocutor, he possesses a winning charm."

Benedict XVI is, of course, not the first Pontiff to have had much of his life closely monitored by secret agents. Blessed Pope John Paul II was heavily spied upon by the KGB and the SB (Poland's secret police). According to research revealed by George Weigel in his recent book "The End and the Beginning," the agencies began taking a keen interest in Karol Wojtyla's activities after he was made auxiliary bishop of Krakow in 1958.

Weigel recalls that between 1973 and 1974, Polish authorities considered arresting Karol Wojtyla and charging him with sedition. Secret police stalked him on kayaking trips and tried to compromise his closest associates, occasionally bungling their operations. And it wasn't just the Pope who was in their sights; the Vatican was, too.

"What most surprised me was the sheer magnitude of the effort, which involved millions of man-hours and billions of dollars," Weigel said in an interview with the National Catholic Register last year. "I was also unaware of the degree to which Soviet-bloc intelligence agencies attempted to manipulate the Second Vatican Council for their purposes -- and how unaware of this assault the Vatican seemed to be (and continued to be until 1978)."

This week's disclosures come just days before Benedict XVI makes a Sept. 22-25 state visit to Germany, which will include a stop in Erfurt.

He will be welcomed to the city by the current bishop of the diocese, his driver on that 1974 visit, Joachim Wanke.
 
Vietnam: Le représentant pontifical pour le Vietnam parcourt les diocèses du centre du pays avec un programme chargé mais haut en couleurs
Eglises d'Asie
07:35 16/09/2011
Eglises d'Asie, 16 septembre 2011 - Mgr Leopoldo Girelli a été nommé en janvier dernier « représentant non résident » du Saint-Siège pour le Vietnam. Il est en train d’achever son troisième voyage dans ce pays avant de rejoindre Singapour où il remplit les fonctions de nonce apostolique. Lors de son premier séjour, il avait expliqué aux évêques quelles étaient les limites et les contraintes de sa fonction. Cette fois-ci, au cours d’une rencontre avec le clergé de Huê, le jour de son arrivée, le 3 septembre (1), il a confié aux prêtres qu’il aspirait à devenir officiellement « représentant résident », des propos qui ont donné lieu à diverses interprétations...

... Quelle que soit l’évolution éventuelle du statut du représentant du pape au Vietnam, ce dernier n’a pas ménagé ses forces et multiplié les rencontres de toutes sortes durant cette troisième visite. Celle-ci, qui a débuté le 3 septembre et doit s’achever le 16, est consacrée aux diocèses du Centre-Vietnam. Les trois premiers jours de cette tournée (du 3 au 5 septembre) ont été réservés à la communauté catholique de l’ancienne capitale impériale de Huê. La visite des diocèses côtiers de Da Nang et de Quy Nhon a suivi (du 5 au 9 septembre). Mgr Girelli a ensuite pris la route des Hauts Plateaux dont il a visité les deux diocèses de Kontum et de Ban Mê Thuôt. Ce troisième voyage de l’envoyé du Saint-Siège est en train de s’achever avec la visite du diocèse de Nha Trang, qui s’étend, lui aussi, le long de la côte de la mer d’Orient, au sud des deux diocèses côtiers visités.

En chacun des diocèses traversés, le programme du diplomate romain a été particulièrement rempli, comme on a pu l’observer à Huê dès le premier jour. Arrivé de très bonne heure, dans la matinée du 3 septembre, il a aussitôt enchaîné les rencontres, entretiens, prises de contact et cérémonies. Après un court passage au centre pastoral du diocèse, où il était chaleureusement accueilli par les évêques, de nombreux prêtres et religieuses, il rencontrait les autorités civiles de la province de Thua Thien-Huê. Selon le journal officiel de la province (2), le représentant du Saint-Siège a vanté le capital culturel de la ville impériale, tandis que le vice-président du Comité populaire provincial, Ngô Hoa, qui le recevait, soulignait, dans un langage quelque peu convenu, l’importance des contributions apportées par les catholiques à la province. Ce fut ensuite le retour au centre pastoral où l’ensemble du clergé du diocèse attendait le représentant du Saint-Siège. On commença par l’informer de la situation de la communauté catholique, minoritaire au sein d’une population majoritairement bouddhiste (68 000 catholiques pour 1 700 000 habitants), mais comprenant de nombreux prêtres (112 prêtres séculiers pour 79 paroisses). Dans sa réponse, l’envoyé du Saint-Siège a tracé pour ses auditeurs un portrait du prêtre en tant que « véritable pasteur », avant de répondre aux questions de l’assistance. L’entretien terminé, l’archevêque a rejoint le centre de pèlerinage marial de La Vang où il a célébré la messe.

Les jours suivants, le prélat romain a continué sa découverte de l’archidiocèse de Huê au même rythme. Il a été reçu officiellement par l’archevêque Mgr Etienne Nguyên Nhu Thê et l’évêque auxiliaire Mgr François-Xavier Lê Van Hong. Il a présidé la messe dominicale à la cathédrale, rencontré les séminaristes, visité le Carmel ainsi que des établissements caritatifs comme le dispensaire tenu par la congrégation des filles de Marie immaculée ou le foyer pour handicapés des sœurs de Saint-Paul de Chartres.

Les visites des deux diocèses de Da Nang et de Quy Nhon se sont déroulées dans le même style, avec pour chacune d’entre elles quelques temps forts comme la messe solennelle à la cathédrale, les rencontres avec le clergé, les religieux et religieuses, puis la prière dans un lieu de pèlerinage marial. Partout les fidèles, nombreux, lui réservèrent un accueil enthousiaste et chaleureux.

Le passage du délégué pontifical dans le diocèse de Kontum, d’après les rapports parus sur Internet (3), a revêtu un caractère plus particulier, notamment du fait du cadre naturel grandiose et de la présence des catholiques des ethnies minoritaires. L’envoyé pontifical a traversé le diocèse en commençant par les territoires habités par le peuple bahnar. A Phu Yen H’ra, sa première halte, il a été accueilli au son des gongs par des milliers de catholiques de cette communauté. Ils étaient également présents tout au long de la centaine de km à parcourir pour arriver jusqu’à Kontum. Des célébrations émouvantes y ont eu lieu, en particulier, une cérémonie d’alliance entre l’évêque de Kontum, Mgr Michel Hoang Duc Oanh, et Mgr Girelli, dans la tradition des montagnards des Hauts Plateaux. Au cours de la visite des lieux (la cathédrale, l’évêché, le séminaire, etc.), il a été rappelé le souvenir des prêtres des Missions Etrangères de Paris (MEP), qui commencèrent l’évangélisation des Hauts Plateaux, il y a 170 ans. Une évocation qui a été renouvelée dans l’après-midi, lors de la visite de la paroisse de Kon Hring où le P. Dourisboure (MEP) apporta l’Evangile au peuple sedang, aux alentours de 1850. Mgr Girelli a fait une entrée haute en couleurs dans le village, perché sur un tracteur spécialement orné pour la circonstance.

La visite du diocèse s’est achevée le dimanche 11 septembre dans une partie du diocèse peuplée principalement de Jarais, au centre missionnaire de Plei Chuet, situé à quelques km de Pleiku, chef-lieu de la province de Gia Lai. Le programme prévoyait que le délégué pontifical y arriverait la veille et y passerait la nuit. Cependant, sous prétexte d’assurer sa sécurité, les autorités locales ont refusé au prélat de passer la nuit loin de Kontum, ce qui compliqua quelque peu le programme. Le délégué est arrivé aux environs de 21h00, accueilli autour d’un bûcher géant par une foule impressionnante, composée de milliers de catholiques du peuple jarai, auxquels s’étaient associés de nombreux Vietnamiens (Kinhs). On fit revivre pour lui les cérémonies traditionnelles des Jarais réservées aux hôtes de marque. Mais à la fin de la veillée, il fut donc obligé de rejoindre la ville de Kontum à 45 km de là. Après une très courte nuit, il était de retour, avant 5h00 du matin, heure à laquelle débutait la messe dominicale, une messe qui clôtura sa visite du diocèse de Kontum.

Le même jour il était accueilli par Mgr Vincent Nguyên Van Ban dans le second diocèse des Hauts Plateaux, à Ban Mê Thuôt, où un programme aussi éprouvant que les précédents l’attendait.

(1) http://tonggiaophanhue.net/home/index.php?option=com_content&view=article&id=5980:c-tng-giam-mc-leopoldo-girelli-gp-g-hang-giao-s-tng-giao-phn-hu-ngay-0392011&catid=3:tin-tuc-tong-giao-phan-hue&Itemid=4
(2) http://www.baothuathienhue.vn/?gd=1&cn=35&NewsID=20110904120616
(3) Voir en particulier « Le journal de voyage du délégué dans le diocèse de Kontum » mis en ligne sur http://www.chuacuuthe.com/catholic-news/ky-s%e1%bb%b1-chuy%e1%ba%bfn-vi%e1%ba%bfng-tham-giao-ph%e1%ba%adn-kontum-c%e1%bb%a7a-d%e1%bb%a9c-tgm-leopoldo-girelli-s%e1%bb%a9-th%e1%ba%a7n-toa-thanh-ph%e1%ba%a7n-1/

(Source: Eglises d'Asie, 16 septembre 2011)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thánh lễ Thêm sức cho các em Việt Nam tại TGP Sydney
Diệp Hải Dung
10:06 16/09/2011
SYDNEY - Tối thứ Sáu 16/09/2011. Có 64 em Thiếu Nhi Thánh Thể thuộc Liên Đoàn Nữ Vương Hòa Bình Tổng Giáo Phận Sydney đã đến thánh đường Our Lady of Mount Carmel, Mt. Pritchard lãnh nhận Bí tích Thêm Sức do Đức Giám Mục Julian Porteous chủ sự.

Xem hình ảnh

Tham dự Thánh Lễ có các bậc phụ huynh, quý Vú Bõ đỡ đầu, Quý Sơ Trợ Úy, quý Huynh Trưởng, và quý Quan Khách tham dự rất đông đủ. Trước khi dâng Thánh lễ, Cha Tuyên uý Trưởng Nguyễn Khoa Toàn ngỏ lời cám ơn chào mừng Đức Giám Mục Julian Porteous đã ưu ái thương mến Cộng Đồng đến chủ tế Thánh lễ và ban phép Bí tích Thêm Sức cho các em Thiếu Nhi Thánh Thể hôm nay.

Sau nghi thức cung nghinh Phúc Âm, Đức Giám Mục Julian Portoeus thuyết giảng về ơn Chúa Thánh Thần mà Đức Giêsu KiTô đã nói với các Tông Đồ khi xưa là hãy chờ đợi sẽ có Đấng Phù Trợ đến để ban thêm sức mạnh cho các con để các con đi rao giảng cho muôn dân. Đức Giám Mục cũng hỏi các em Thiếu Nhi có mấy ơn Chúa Thánh Thần, các em đã trả lời có 7 ơn Chúa Thánh Thần, Đức Giám Mục khen ngợi các em rất ngoan và khuyến khích các em luôn sống gương mẫu để xứng đáng với ơn Chúa Thánh Thần mà các em lãnh nhận và xin ơn Chúa Thánh Thần luôn ngự trị mãi trong tâm hồn của các em.

Sau bài giảng là lời tuyên xưng đức tin của các em sẽ lãnh nhận bí tích Thêm Sức. Kế tiếp ĐGM Julian Potreous chủ tế ban phép Thêm Sức và chủ tế dâng Thánh lễ tạ ơn gồm có quý Cha Tuyên uý Trưởng Nguyễn Khoa Toàn, Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết và Cha Đặng Đình Nên cùng đồng tế.

Trước khi kết thúc Thánh lễ hai em Thiếu Nhi đại diện các em lãnh nhận bí tích Thêm Sức lên ngỏ lời cám ơn ĐGM và tặng hoa cho Ngài, đồng thời cũng cám ơn quý Cha, quý Sơ, quý Huynh Trưởng, quý Giảng Viên Giáo Lý đã nâng đỡ hướng dẫn dạy dỗ các em trong những lớp Giáo Lý suốt trong một năm qua để hôm nay được vinh hạnh lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần qua Bí tích Thêm Sức. Các em cũng cám ơn quý ân nhân đã giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần, quý Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Mt. Pritchard, Ca đoàn Ngôi Ba Mt Pritchard đã hát rất hay giúp cho cộng đoàn dâng Thánh lễ một cách sốt sắng và tất cả mọi người đã đến tham dự cầu nguyện cho các em trong Thánh lễ hôm nay. Các em hứa sẽ cố gắng sống ngoan hiền đạo đức và noi gương Chúa Giêsu Thánh Thể là Vị Anh Cả Tối Cao của Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể.

Thánh lễ kết thúc, Đức Giám Mục phát Chứng Chỉ Thêm Sức và qùa cho các em Thiếu Nhi.
 
CSVN áp lực hủy bỏ cuộc Tọa đàm “Công lý và Hòa bình trên Biển Đông”
CLB Nguyễn Văn Bình
07:17 16/09/2011
Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình
THÔNG BÁO

Kính thưa Quý Diễn giả, Quý Khách mời, Quý Thành viên Câu lạc bộ và thân hữu,

Do yêu cầu của Ban Tôn giáo Chính phủ và Ban Dân tộc và Tôn giáo Thành phố Hồ Chí Minh, cuộc Tọa đàm “Công lý và Hòa bình trên Biển Đông”, dự trù tổ chức ngày 17/9, phải hủy bỏ.

Chúng tôi lấy làm tiếc một cơ hội góp phần khẳng định chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông đã phải bỏ qua nhưng chúng tôi tin rằng mọi người Việt Nam yêu nước sẽ tiếp tục hành động đề Công lý và Hòa bình được thể hiện trên Biển Đông.

Chúng tôi hy vọng sẽ có thể công bố toàn bộ nội dung cuộc Tọa đàm này để Quý Vị được tường.

Ngày 15-9-2011
Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình
 
Cuộc viếng thăm của Đức TGM Leopoldo Girelli tại giáo phận Ban mê thuột
Anh Thư
10:14 16/09/2011
Ngày 12-9-2011

Sáng ngày 12-9-2011, ĐGM Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản hướng dẫn phái đoàn GP. Banmêthuột đi đón Đức TGM Leopoldo Girelli.

Xem hình ảnh

Đúng 9 giờ, ĐGM Micae Hoàng Đức Oanh dẫn đầu phái đoàn GP. Kontum tiễn Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli đến GP. Banmêthuột tại Km 110, ranh giới giữa Buôn Cư Bă (Daklak) và Gia Lê (Gialai - Kontum). Một hình ảnh thật ấn tượng, hai phái đoàn gặp nhau mừng rỡ thân thương, trong tiếng cồng chiêng âm vang rộn rã. Bên vui, bên buồn… Vui vì GP. Banmêthuột được đón tiếp vị Đại diện Toà Thánh. Buồn vì GP. Kontum phải chia tay ngài...

Đoàn xe đón Đức TGM và Cha Andrea Spengne, Thư ký của vị Đại diện Toà Thánh, về đến Giáo xứ Buôn Hô, địa đầu của Giáo phận Banmêthuột. Xe chở Đức Tổng với lá cờ Toà Thánh từ từ rẽ vào cổng giáo xứ, hàng ngàn người chào đón Đức Tổng Giám mục vỗ tay vang dậy cả một góc trời. Đức Tổng tiến vào thánh đường trong tiếng trống, tiếng đàn rộn rã hân hoan.

Tiến lên cung thánh, Đức Tổng và ĐGM Giáo phận quỳ thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể. Sau đó ngài chào giáo dân bằng tiếng Việt.

Linh mục Phêrô Trương Văn Khoa, Quản xứ Giáo xứ Buôn Hô, đọc lời chào mừng vị Đại diện Toà Thánh và giới thiệu sơ lược vài nét về Giáo xứ địa đầu Giáo phận. Lời đầu tiên, Đức Tổng gửi đến cộng đoàn lời thăm hỏi và tình yêu của Đức Thánh Cha, ngài nói: “Chúng ta không có ai là người ngoại quốc, không có ai là người thiểu số. Tất cả đều là con cái của Thiên Chúa, là anh em của Chúa Giêsu Kitô…”.

Sau đó, Đức TGM cùng cộng đoàn Dân Chúa đọc kinh Lạy Cha và ngài ban phép lành Toà Thánh, giã từ Giáo xứ Buôn Hô trong sự lưu luyến của cộng đoàn nơi đây.

Đoàn xe tiếp tục tiến về Toà Giám mục Banmêthuột trong tiếng reo mừng, hân hoan của bà con giáo dân thành phố. Ngài được choàng vòng hoa và khoác lên người chiếc áo Êđê, biểu tượng của núi rừng Tây Nguyên.

Phái đoàn tiến vào cung thánh quỳ thờ lạy Chúa. Đức TGM chào giáo dân bằng tiếng Việt, gửi lời chào của Đức Thánh Cha đến ĐGM Vinh Sơn, các linh mục, tu sĩ và cộng đoàn Dân Chúa Giáo phận Banmêthuột.

Đức cha Vinh Sơn đọc lời chào mừng vị Đại diện Toà Thánh, và giới thiệu sơ lược đôi nét về Giáo phận Banmêthuột…

Sau khi nghe Đức cha Vinh Sơn, Giám mục Giáo phận Banmêthuột, thay mặt toàn thể giáo phận, đọc bài chào mừng, Đức Tổng Giám mục tươi cười chỉ vào chiếc ghế (ngai Giám mục) dành cho ngài và nói: ‘Cái ghế này không phải của tôi, mà là của Đức cha Vinh Sơn, của các cha sau này có thể sẽ ngồi. Giáo phận của anh chị em rất trẻ, Giám mục của anh chị em cũng rất trẻ. Đức Tổng Giám mục cảm ơn Đức cha Vinh Sơn và toàn thể cộng đoàn đã dành cho ngài sự đón tiếp nồng hậu đầy tình cảm thân thương. Ngài nói: “Đến với Giáo phận Tây Nguyên này, Cha gửi tới anh chị em tình yêu và phép lành của Đức Thánh Cha. Cha đến đây với đôi mắt của ngài để nhìn thấy những điều tốt đẹp, kỳ diệu, với đôi tai của ngài để nghe những tâm tư tình cảm của anh chị em, với miệng của ngài để nói lên lời cám ơn của ngài đối với lòng yêu mến của toàn thể Dân Chúa trong Giáo phận Banmêthuột đối với ngài. Cha cảm thấy mình là một người Êđê thực sự khi được khoác trên mình chiếc áo dân tộc. Và mong được nhận là thành viên của GP. Banmêthuột...”. Cả cộng đoàn trong nhà nguyện mừng rỡ quá đỗi, vỗ tay vang dội thật dài, thật lâu...

Nhìn ngôi nhà sàn bằng gỗ, ngài nói: “Giáo phận Banmêthuột có ngôi nhà nguyện thật ấn tượng mà cha chưa từng thấy bao giờ. Ngôi nhà nguyện như là một công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm nét văn hoá dân tộc, rất ấm cúng, bền chắc... làm cho cha liên tưởng: Đức cha và các linh mục là các cột trụ to, thẳng đứng vững chắc. Những đòn kèo, rui, mè là các tu sĩ nam nữ. Mái ngói đỏ xinh xắn là giáo dân, đã làm nên ngôi nhà Giáo phận Banmêthuột. Chính ngôi nhà nguyện này là biểu tượng rất sinh động của tình yêu thương, sự hiệp nhất trong Đức tin, Lòng mến đối với Đức Kitô và trung thành với Toà Thánh”.

Ngài kêu gọi mọi người hãy làm triển nở tình yêu của Đức Kitô và giữ tình yêu ấy luôn bền vững. Ngài xin mọi người cùng cầu nguyện cho ngài để chuyến thăm mục vụ của ngài đạt kết quả. Ngài mời gọi cộng đoàn sốt sắng đọc kinh Lạy Cha để nói lên sự hiệp nhất. Đức TGM ban phép lành cho cộng đoàn, và dâng tràng hoa kính Đức Mẹ trong lúc cộng đoàn hát vang bài thánh ca Magnificat.

Sau bữa cơm trưa, Đức TGM đến thăm Đức cha già Giuse đang nằm bất động trên giường bệnh, với đôi mắt nhắm nghiền hơn 2 năm qua. Một cảnh tượng thật xúc động, khi Đức cha Vinh Sơn ghé vào tai Đức cha già nói: “Hôm nay vị Đại diện Toà Thánh đến thăm Đức cha…”. Bỗng Đức cha già mở to đôi mắt nhìn, nước mắt chảy dài trên gương mặt của ngài, đôi môi mấp máy như hiểu biết… rồi nhẹ nhàng khép mắt lại… Thế mới biết, sức sống tình yêu và sự hiệp thông trong Giáo Hội mãnh liệt dường nào!

Đầu giờ chiều, Đức TGM viếng thăm Trung tâm Mục vụ, vừa được nhà nước trao trả lại sau 36 năm dùng làm trường tiểu học. Sau khi cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ La Vang trong Trung tâm Mục vụ, ngài gặp gỡ thân mật với Linh mục đoàn GP. Banmêthuột.

Buổi chiều cùng ngày, sau giờ gặp gỡ các linh mục trong Giáo phận Banmêthuột, lúc 16g00, Đức TGM đến thăm Nhà thờ Chính toà và dâng lễ đồng tế. Đoàn rước tiến vào nhà thờ giữa hai hàng rào danh dự và hàng ngàn giáo dân, trong tiếng nhạc hoành tráng của Ban Kèn đồng. Đức TGM giơ tay ban phép lành cho giáo dân đứng dọc hai bên.

Bằng tiếng Việt, Đức TGM gửi lời chào và tình yêu của Đức Thánh Cha đến toàn thể giáo dân Giáo phận Banmêthuột. Tiếng vỗ tay vang dội thật dài lâu như lời cảm ơn và vô cùng biết ơn của giáo dân đối với Đức Giáo Hoàng.

Tiếp theo, Linh mục Tổng Đại diện Đaminh Hà Duy Khâm đọc lời chào mừng vị Đại diện Toà Thánh.

Sau bài Tin Mừng lễ kính Các Thánh Tử đạo Việt Nam, Đức TGM chia sẻ: “Sức mạnh từ dòng máu của các Thánh Tử Đạo đã thách thức và chiến thắng thần chết. Sức mạnh này chính là tình yêu vào Đức Kitô Chúa chúng ta, và tình yêu này chiến thắng ngay cả khi thất bại rõ ràng. Khi mà các Kitô hữu thực sự là men, là ánh sáng, là muối cho trần gian, họ cũng trở nên đối tượng của sự bách hại, như Chúa Giêsu đã từng bị bách hại. Chúng ta hãy nhìn vào những gương chứng nhân sáng ngời của các đấng đã đi trước chúng ta trong dấu chỉ một niềm tin anh hùng tận đến điểm tử đạo…”.

Đựơc biết hôm nay là Tết Nhi Đồng, Đức TGM chúc lành cho các thiếu nhi và chúc các em hưởng mùa Trung thu thật vui vẻ.

Sau bữa cơm tối, ngài đến dự đêm Trung Thu cùng với các em học sinh nhà lưu tú Nữ Vương Hoà Bình, xem những màn múa lân thú vị do chính các em tự biên, tự diễn.

Ngày 13-9-2011

Lúc 7g30, Đức TGM chủ tế Thánh lễ kính Thánh Gioan Kim Khẩu. Ngài khuyên mọi người hãy bắt chước Thánh Gioan Kim Khẩu dùng miệng của mình để nói với nhau bằng lời của Chúa. Mỗi buổi sáng hãy ca tụng Thiên Chúa, vì mỗi ngày là một hồng ân. Ngài mời gọi mọi người nâng đỡ giám mục, linh mục bằng lời cầu nguyện…

Trong bài chia sẻ Tin Mừng (Lc 7,11-17) Đức Giêsu làm cho người con trai bà goá thành Naim sống lại, Đức TGM khẳng định “sự sống chiến thắng sự chết”, Đức Giêsu đã chiến thắng sự chết và sống lại trong vinh quang. Sứ điệp này bảo đảm cho chúng ta: “Đừng sợ hãi đau khổ dù có chết, hãy tin vào Đức Giêsu, vì Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”.

Lúc 9g00, Đức cha Vinh Sơn hướng dẫn vị Đại diện Toà Thánh đến chào thăm UBND tỉnh Daklak. Đón tiếp ngài có ông Lữ Ngọc Cư, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Daklak và đại diện các ban ngành trong tỉnh.

Đức TGM chào thăm và cảm kích trước sự đón tiếp của các vị đại diện chính quyền, ngài thay mặt Đức Thánh Cha cầu chúc cho Việt Nam luôn an bình và thịnh vượng, và bày tỏ niềm vui mừng về mối quan hệ đang tiến triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Toà Thánh Vatican. Ngài cũng rất vui mừng khi biết chính quyền Daklak đã trả lại Trung tâm Mục vụ cho Toà Giám mục Banmêthuột. Ngài mong ước chính quyền tạo điều kiện tốt hơn nữa cho các vùng sâu, vùng xa có đời sống đạo dễ dàng, vì tôn giáo tạo nhân cách con người tốt đẹp. Đồng thời tạo điều kiện cho tôn giáo cộng tác trong việc giáo dục, y tế. Nhất là về học đường. Học đường là nơi giúp con người càng ngày càng biết tôn trọng nhau. Giáo hội Công giáo luôn mong muốn được đóng góp hữu hiệu, làm cho xã hội ngày càng phát triển tốt đẹp.

Ông Lữ Ngọc Cư, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND Tỉnh Daklak cảm ơn sự thăm viếng của ngài TGM, ông chủ tịch trình bày sơ lược về tình hình kinh tế, xã hội, an ninh của tỉnh Daklak… Ông cho biết quan điểm của chính quyền là luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng, phát triển quan hệ tốt cho cả hai bên, chăm lo khối đoàn kết. Ông bày tỏ mối quan hệ giữa chính quyền và Toà Giám mục Banmêthuột là rất tốt, ông đánh giá cao về những đóng góp của bà con giáo dân trong sự phát triển kinh tế, văn hoá, an ninh của tỉnh Daklak…, và bày tỏ lòng khâm phục đối với việc làm của các nữ tu, đã cống hiến hết mình cho những người khuyết tật, phong cùi, bệnh down, người nghèo khổ… Với tấm lòng chân thành, ông mời Đức TGM nếu có thời gian, ngài có thể đi bất cứ nơi nào, đêm hay ngày để thăm viếng bà con giáo dân vùng sâu, vùng xa…

Từ 10giờ đến 11giờ, Đức TGM gặp gỡ tu sĩ nam nữ tại Toà Giám mục. Sau giờ gặp gỡ các tu sĩ nam nữ, Đức TGM đến cầu nguyện trước mộ Đức cố GM Giuse Nguyễn Tích Đức.

Từ 14giờ đến tối, Đức TGM thăm Gx. Eakmar, Gx. Mẫu Tâm và Đan viện Carmel Châu Sơn. Đặc biệt ngài đã lên đồi Đức Mẹ Giang Sơn để cầu nguyện (không có trong chương trình), và sau cùng là Dòng Nữ Vương Hoà Bình.

Trên đường đi đến Giáo xứ Êakmar, giáo dân từ các giáo xứ gần đó đã ra tận đường cái để chào đón ngài, họ giơ cao cờ Toà Thánh, và nhiều cờ màu sắc, nắm chặt tay Đức TGM, đoàn xe phải ngừng lại để Đức TGM bắt tay mọi người, họ mới thoả lòng ao ước…

Đến các Giáo xứ Eakmar, Mẫu Tâm, Châu Sơn, giáo dân ùa ra vây quanh Đức Tổng, họ vui mừng khôn tả níu kéo ngài, họ chờ đợi từ lâu để gặp được ngài. Đức Tổng luôn nở nụ tươi trên môi, ánh mắt hiền hoà mỗi khi gặp gỡ dân Chúa khiến giáo dân không muốn rời xa ngài. Họ bồng bế con đến để ngài yêu mến đặt tay lên đầu chúc lành cho các em.

Đến thăm Đan viện Carmel, ngài chúc lành cho các nữ tu, và nói: “Các chị là trái tim của Giáo Hội. Tuy là cộng đoàn nhỏ bé, nhưng có ba chị rất trẻ, nên các chị là niềm hy vọng của cộng đoàn trong tương lai”. Ngài nói: “ĐGM Giáo phận Banmêthuột là đầu, cộng đoàn nữ tu Dòng Carmel là trái tim, và nhiệm vụ trái tim là bơm máu đi để nuôi sống thân thể là Giáo hội địa phương. Đời sống chiêm niệm và cầu nguyện rất cần thiết cho Giáo Hội. Vì thế, xin các chị luôn luôn là trái tim sống động của Giáo phận”.

Từ giã các nữ tu Đan viên Carmel, Đức TGM đến thăm Dòng Đức Maria Nữ Vương Hoà Bình. Chị Phó Tổng Phụ trách trình bày đời sống của tu viện, sự hình thành và phát triển của Hội dòng trong hơn 25 năm qua. Đức TGM chúc lành cho các chị, ngài ví các chị là những công chúa Hoà Bình, vì Mẹ Maria là Nữ Vương Hoà Bình thì các chị phải là công chúa của Mẹ. Ngài nhắc nhủ các chị hãy giữ niềm trung tín, phục vụ tích cực. Ngài cũng hãnh diện về sự hiến thân phục vụ tận tình của các chị đối với những “người nghèo”.

Ngày 14-9-2011

7g30, Đức TGM gặp gỡ cộng đoàn dân Chúa từ giã để đi Nha Trang tiếp tục chương trình thăm viếng mục vụ của ngài. Đức GM Vinh Sơn cảm ơn Đức TGM đã trải qua hai ngày tại vùng đất xa xôi này, cảm ơn ngài đã cố gắng nói tiếng Việt trong những lúc có thể. Đức TGM cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Đức cha Vinh Sơn, và cộng đoàn đã dành cho ngài những tình cảm quý mến. Ngài hứa sẽ chuyển đến Đức Thánh Cha lòng hiếu thảo, trung thành và đức tin mạnh mẽ của giáo đoàn Banmêthuột. Ngài nói: “GP. Banmêthuột tràn trề sức sống, nhiệt tình, có nhiều hy vọng trong tương lai. Hãy cố gắng bước theo Thần Khí như khẩu hiệu của Đức cha Vinh Sơn. Xin chào và hẹn gặp lại anh chị em”.

12 chiếc xe tiễn Đức TGM đi Nha Trang, đến ranh giới giữa tỉnh Daklak và Khánh Hoà. Giây phút chia tay thật bịn rịn! Đoàn Banmêthuột quyến luyến với ngài mãi, mỗi người đều muốn chụp hình với ngài để làm kỷ niệm... Nhưng rồi cũng đến lúc ngài phải từ giã để lên xe cho kịp giờ đến Nha Trang. Đức TGM bắt tay Đức cha Vinh Sơn và từng người rồi lên xe... để lại đằng sau những ánh mắt thân thương đang dõi theo cho đến khi xe của ngài khuất dạng...
 
Văn Hóa
Nhạc phẩm ''Tôi Chỉ Có Một Đời Để Sống''
Phạm Đức Huyến & Bùi Hữu Thư
06:37 16/09/2011
Xin giới thiệu nhạc phẩm "Tôi Chỉ Có Một Đời Để Sống" của NS Phạm Đức Huyến phổ nhạc thơ của Bùi Hữu Thư

Nhạc phẩm "Tôi Chỉ Có Một Đời Để Sống"

Xin bấm vào đây để nghe: