Ngày 15-09-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 16/09: Ai là người sống tinh thần của Chúa - Lm. Giuse Đỗ Tuấn Anh, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
02:02 15/09/2022

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

Khi ấy, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.

Đó là lời Chúa
 
Giá Trị Cá Nhân
Lm Vũđình Tường
04:24 15/09/2022
Công ti dù lớn hay nhỏ đều có chủ và thợ. Công ti sinh hoạt hài hoà khi mọi người tin tưởng cùng nhau làm việc; bất hoà xảy ra sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và do đó ảnh hưởng tới lợi nhuận của công ti. Mục đích chính của công ti là lợi nhuận, một khi lợi nhuận của công ti sút kém, chủ mau mắn có những biện pháp cứu vãn công ti. Dụ ngôn hôm nay nhắc đến người quản gia vừa bất trung vừa lạm quyền. Chủ báo cho ông biết ông sẽ sớm mất việc. Ông quản gia liền gọi con nợ đến làm thân, sau đó giảm số nợ của chủ xuống với hy vọng sau khi mất việc sẽ có người đón tiếp ông. Ngạc nhiên thay chủ khen người quản gia khôn ngoan. Người quản gia không khôn trong vấn đề thất tín, bởi việc làm của ông bị chủ nhận ra ngay tức khắc. Chủ còn biết ông thất tín như thế nào? Giảm số nợ cho con nợ. Chủ còn khôn hơn ông tưởng, bởi chủ còn biết mục đích tại sao ông giảm nợ cho con nợ. Chủ không chấp nhận việc làm thất tín nên chủ cho người quản gia thôi biệc, nhưng khen ông khôn ngoan bởi ông biết nhận ra khả năng tiềm ẩn nơi người thợ. Khả năng tiềm ẩn đó chính là giá trị của mỗi cá nhân. Người quản gia biết nhìn xa, dùng của bất tín để gây uy tín trong tương lai. Hơn nữa ông biết khả năng của ông, biết ông không có khả năng làm công việc nặng nhọc, vất vả. Nên ông cần có bạn trong tương lai với hy vọng nhận được giúp đỡ từ họ. Khi kêu gọi con nợ đến viết lại giấy nợ, người quản gia thay đổi cách đối xử với con nợ. Trước đây ông đối xử với con nợ là thầy thợ. Đổi thái độ, ông coi con nợ ngang hàng như thân hữu, giúp nhau khi cần.

Đức Kitô kêu gọi môn đệ trở thành bạn hữu của mọi người, giúp đỡ nhau khi có thể. Đây là việc làm khôn ngoan. Đối với Chúa tất cả mọi người đều có giá trị. Giầu hay nghèo mọi người đều là món quà Chúa trao tặng thế giới. Món quà quí hoá nhất, cao cả nhất tiềm ẩn trong mỗi người chúng ta. Món quà này giúp ta làm ra của cải, vật chất. Của cải vật chất không làm nên con người, nhưng con người làm ra của cải vật chất. Vì thế cần tìm hiểu nhận biết món quà Chúa ban, xử dụng chúng làm ra của cải. Có người cần thời gian khám phá, tìm hiểu, nhận biết món quà Chúa ban. Một trong nhũng món quà đó là khả năng kết bạn.Ta không thể là môn đệ Đức Kitô nếu ta không kết bạn với Đức Kitô, bởi chính Ngài gọi chúng ta là bạn của Ngài,

'Thầy gọi các con là bạn hữu' Gn 15,14.

Vì thế tích trữ của cải không hư nát chính là kiến tạo tình bạn. Một trong những cách kiến tạo tình bạn là bố thí vật chất, thực hành đức ái. Khi bố thí bạn sẽ có nhiều người bạn vô danh mà bạn không biết. Của cải, vật chất sớm muộn gì cũng hư nát nhưng tình bạn tồn tại lâu dài. Mọi sự ta có đều do Chúa ban để ta dùng và phục vụ tha nhân. Ta là người quản gia của cải, vật chất Chúa ban. Hãy khôn ngoan kiến tạo tình bạn. Cách khác trong việc dùng của cải chính là khả năng cho đi những gì mình có, bởi cho đi của cải hư nát bạn sẽ nhận được của cải vĩnh cửu trong nước Chúa. Ai cũng có khả năng cho đi, thực hành đức ái. Hãy xử dụng nó cách khôn ngoan. Đức ái bắt đầu từ con tim cảm mến. Chính lòng mến này làm cho của cải ta cho đi trở thành bất diệt.

Của cải thành vô dụng khi ta lìa cõi thế. Thiên Chúa là Đấng cứu độ ta nếu ta trong cậy vào Ngài. Nhãn hiệu chính đời ta không phải thứ bậc trong xã hội. Nhãn hiệu chính là con tim nhân ái, có lòng nhân ái đối với tha nhân. Chính điều này là gia tài theo chân ta vào Thiên quốc.

TiengChuong.org

Self Worth

Every company, big or small, comprises of an employer or a council of leaders and employee(s). The council takes charge of the whole company to make sure the company runs smoothly. The healthy company works in cohesion at every level, but disarray happens when there is a lack of trust in each other. The final goal of a company is to make a profit, and when a company's profit is not met, the employer must act; today's parable is all about the mistrust between the employer and his manager. A dishonest manager is about to lose his job because he has misused his power. Before his departure, he tries to reconcile with the employees by reducing their debts to their debtor. He does this in the hope that the employees will be friendly to him after he is dismissed from work. The employer commends this dishonest manager for his shrewdness. The employer certainly would disapprove of the manager's wicked behaviour, because if he would, he would not sack him. The manager is wise but his employer is even more brilliant, because he quickly discovers the trick his unjust manager employs to save him after being disgraced. The employer praises the manager not for his dishonesty, but probably for his new realization, which is the recognition of a hidden asset of his employees. This hidden asset is the 'self-worth' of a person.

The manager also knows his ability, that he is incapable of doing the hard labour, and that his future is dismayed. He uses wealth from his boss to make friends. By doing that, he quickly discards his former way of dealing with the employee, adopting the reciprocal relationships of friends, being friends with them, no more their boss.

Jesus calls his disciples to be friends with everyone, which is the wise thing to do. Everyone is valuable to God. Whether rich or poor, each of us is God's gift to the world. The ultimate asset is God's gift hidden in each one of us. Some know their gift and talent early in life; others take time to develop and recognize it. One of the hidden assets is the ability to make friends. We can't be Jesus' disciples if we don't make friends. Jesus calls us His friend, 'You are my friend' Jn 15,14. Do not accumulate wealth, but rather earn friendships. One way of making friends is by distributing wealth to the poor and the needy. You will have many anonymous friends. While getting wealth is vanity because, no one can bring wealth with them. Everything we own is God's gift to us. God has given them for our own use and to serve God's people. We are the manager of the wealth God has given us. We need to use it wisely, which is what Jesus calls us to do. Another hidden asset is distributing temporary world richness for friendship, which changes what is vanity into everlasting value through act of kindness. True charity starts from the heart. Our hearts can transform perishable things of this world into the imperishable reality in God's kingdom.

If wealth is our master on earth, the earthly master can't save us when we leave this world. However, when God is our Master, at the time we leave this earth, our loving God will welcome us into God's kingdom. Our trademark in life is not white colour or blue colour worker. Our true trademark is the warm heart we have for each other. Our network of friendships continues to be with us even after we leave this world.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:12 15/09/2022

ĐỨC ÁI (2)



“Tình yêu mãi không phai nhạt” (1 Cr 13, 8)


1. Đức ái không ghen ghét, bởi vì nó không những không khát vọng mà lại còn xem nhẹ tất cả, kể cả địa vị cao quý của người thế tục.

(Thánh Georgius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:13 15/09/2022
99. ĐẦU THAI LÀM THỨ GÌ

Có một người tội nghiệt trầm trọng, sau khi chết thì diện kiến diêm vương, diêm vương ra lệnh cho phán quan định tội của hắn ta.

Một phán quan chuẩn bị phán hắn ta kiếp sau đầu thai làm súc sinh, một phán quan khác chuẩn bị phạt hắn ta làm cỏ cây.

Hắn ta bèn nói:

- “Làm súc sinh, làm cỏ cây con đều không dám từ chối, nhưng con có một yêu cầu: nếu cho con làm súc sinh thì để con làm chó và ngựa, chứ không muốn làm heo và dê; nếu phạt con làm cỏ cây thì con tự nguyện làm cây sồi, không làm cây thông cây nam mộc”.

Diêm vương hỏi duyên cớ, hắn đáp:

- “Chó và người là loài hữu dụng, con người không dám giết, có lẽ có thể an nhiên sống qua ngày tháng; heo dê là loài vô dụng, chỉ có thể cung ứng thịt cho người ăn, cho nên lớn lên liền bị giết chết. Đến như cây sồi ư, nó là thứ gỗ vô dụng nên người ta không đốn; nếu làm cây thông cây nam mộc, vì chúng nó có thể làm cột nhà nên người ta nhất định phải đốn nó”.

Diêm vương thở dài nói:

- “Phàm là người có khí huyết đều coi trọng cái hữu dụng, giống như ngươi loại người sinh mệnh ngắc ngoải vô dụng ấy, chỉ có thể là cỏ cây không khí huyết”.

(Yết hậu ngữ)

Suy tư 99:

Con chó giữ nhà, con mèo bắt chuột, con giun làm cho đất đai màu mỡ, đó là hữu dụng; cây lúa cho gạo, rau răm ăn với hột vịt lộn thật là tuyệt, lại có thể chữa bệnh ho đàm, cây cỏ cú có thể chữa bệnh, lá mơ ăn với thịt cầy thì hết biết, đó là hữu dụng; trẻ em biết vâng lời cha mẹ thầy cô, học hành chăm chỉ, đó là hữu dụng; người tàn mà không phế, người biết cảm thông, người biết phục vụ, đó là hữu dụng.v.v...

Hữu dụng là thấy mình có ích cho đời cho người, mà Thiên Chúa tạo dựng mọi loài đều là hữu dụng, chỉ có những người lười biếng, ỷ lại, kiêu căng mới biến mình thành kẻ vô dụng mà thôi.

Con người ta ai cũng là người hữu dụng, nhưng người Ki-tô hữu thì càng phải biết mình là người hữu dụng cho tha nhân hơn những người khác, bởi vì họ được Đức Chúa Thánh Thần dạy bảo và hướng dẫn qua Lời Chúa và trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Quyết tâm làm người hữu dụng, thì không có nạn “mặc cả” với diêm vương phải đầu thai lại làm thứ gì, vì sẽ không có đầu thai lại; và bởi vì họ chắc chắn ở trên thiên đàng với Thiên Chúa rồi.

Sung sướng và hạnh phúc thay được làm người Ki-tô hữu hữu dụng có ít cho tha nhân.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đi bất cứ nơi đâu
Lm. Minh Anh
18:33 15/09/2022

ĐI BẤT CỨ NƠI ĐÂU
“Cùng đi với Ngài, có Nhóm Mười Hai và mấy phụ nữ đã được Ngài trừ quỷ và chữa lành”.

David Livingstone, nhà truyền giáo tiên phong đến Châu Phi, đã đi bộ hơn 46.000km. Là một bác sĩ, nhà thám hiểm, người chống chế độ nô lệ, người tử đạo; David nêu gương một cuộc sống bần hàn! David chết, nhật ký của ông ghi, “Lạy Chúa, hãy đặt trên con bất cứ gánh nặng nào, chỉ cần Chúa nâng đỡ con! Hãy cắt đứt khỏi con bất cứ ràng buộc nào, chỉ cần ràng buộc con với sứ vụ và trái tim của Chúa! Hãy gửi con ‘đi bất cứ nơi đâu’, chỉ cần Chúa đi với con!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Hãy gửi con ‘đi bất cứ nơi đâu’, chỉ cần Chúa đi với con!”. Đó là câu nói của một người được Chúa Giêsu chạm đến! Một khi để Chúa Giêsu chạm vào cuộc sống, chúng ta sẽ ‘đi bất cứ nơi đâu’ Ngài đi, làm bất cứ điều gì Ngài muốn! Tin Mừng hôm nay cho biết, Chúa Giêsu không lên đường thi hành sứ vụ một mình; đi theo Ngài, còn có Nhóm Mười Hai và mấy phụ nữ đã được chữa lành. Câu nói gọn ghẽ này tiết lộ nhiều điều!

Trước hết, ước muốn đi theo Chúa Giêsu không chỉ là một cảm xúc; chắc chắn sẽ có những cảm xúc liên quan. Nhưng đúng hơn, đó là một cảm nhận biết ơn đáng kinh ngạc và kết quả là, một mối dây tình cảm sâu sắc triển nở; bởi lẽ, quan hệ đã trở nên sâu sắc hơn. Đó là một tình yêu mới được tạo ra bởi quà tặng ân sủng và cứu rỗi. Nghĩa là những người theo Chúa Giêsu trải nghiệm sự tự do thoát khỏi tội lỗi ở một mức độ cao hơn so với trải nghiệm trước đó. Ân sủng đã biến đổi cuộc sống của họ; và kết quả là, họ sẵn sàng và sẵn lòng biến Chúa Giêsu thành trung tâm đời mình. Họ sẽ theo Ngài ‘đi bất cứ nơi đâu’, làm bất cứ điều gì Ngài muốn!

Thứ đến, nhờ ân sủng và lòng nhiệt thành này, các môn đệ Giêsu không chỉ loan báo Tin Mừng và thiết lập Nước Trời bằng lời nói và việc làm, bằng rao giảng và gương sáng; nhưng họ còn làm bất cứ điều gì Thiên Chúa muốn! Họ hỗ trợ việc loan báo Tin Mừng bằng cách cung cấp vật chất và các phương tiện cho đại cuộc; ở đây là những phụ nữ khá giả mà Tin Mừng cho biết. Hai vai trò này bổ sung cho nhau và cùng làm nên công cuộc truyền giáo của Giáo Hội.

Sau cùng, nhóm phụ nữ Galilê này sẽ được Luca nhắc đến khi từ đỉnh đồi Canvê, họ theo dõi tất cả những gì diễn ra chung quanh cái chết của Thầy mình. Họ thấy ngôi mộ và cách thi hài Ngài được đặt; sau đó, họ đến mồ ngày thứ nhất trong tuần; Maria Mađalêna và Gioanna được nêu đích danh với câu chuyện ly kỳ khi thiên thần hỏi họ, tại sao lại tìm người sống giữa kẻ chết. Họ trở nên mẫu mực về sự cởi mở để đón nhận ân sủng từ Chúa Giêsu, về sự sẵn sàng cho đi một cách hào phóng những gì đã nhận được và về lòng yêu mến Đấng họ đã đi theo!

Anh Chị em,

“Cùng đi với Ngài”. Các môn đệ và các phụ nữ đã đi theo Chúa Giêsu ‘bất cứ nơi đâu’, vì họ đã được Ngài chạm đến; đồng thời, nhận ra Ngài là Đấng sẵn sàng ‘đi bất cứ nơi đâu’, làm bất cứ điều gì Chúa Cha muốn. Họ rao giảng Tin Mừng theo cách thức của mình; các tông đồ giảng dạy, các phụ nữ lấy của cải để cung cấp những gì cần cho Thầy và trò. Cũng thế, mỗi người chúng ta được Chúa gọi cộng tác vào chương trình của Ngài theo cách rất riêng, và ai nấy nên thánh theo cách rất riêng ấy. Vấn đề là chúng ta cần cộng tác với ơn Chúa để chu toàn bổn phận và trách nhiệm mình. Chính Thánh Thần đang ở trong chúng ta, Ngài sẽ giúp sức để trước mỗi việc, chúng ta can đảm thưa lên với Chúa, “Xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa!”; “Con sẵn sàng ‘đi bất cứ nơi đâu’, làm bất cứ điều gì Chúa muốn!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin chạm vào con, biến đổi con; giúp con nhận ra ân sủng và đầu phục Chúa với lòng biết ơn sâu sắc, hầu con có thể ‘đi bất cứ nơi đâu’, làm bất cứ điều gì Chúa muốn!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Sắm sẵn chỗ ở trên quê trời
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
22:45 15/09/2022


Bài Tin mừng hôm nay cho biết: Khi chủ nhà sắp sa thải người quản gia vì những hành vi mờ ám trong việc quản lý tiền bạc, anh vô cùng lo lắng vì mai đây, anh không còn nơi nương tựa, không còn cơm ăn áo mặc như lâu nay. Sau một đêm trằn trọc suy nghĩ, anh tìm được cách xử trí khôn ngoan.

Anh khôn khéo gọi các con nợ của chủ đến, dùng quyền hạn chủ trao cho mình, tha bớt phần nợ cho họ. Khi làm như thế, anh hy vọng mai đây, khi bị đuổi việc, những con nợ nầy sẽ đền ơn và sẽ đón rước anh vào nhà họ.

Mỗi người chúng ta cũng đang ở trong hoàn cảnh tương tự như người quản gia nầy. Hôm nay, Chúa trao cho ta quản lý tài sản của Ngài và mai đây, Ngài đòi ta tính sổ.

Tài sản Chúa trao gồm nhiều thứ: Có những thứ vô hình, tiềm ẩn trong ta như thời giờ, sức khỏe, trí tuệ, tài năng… Có thứ hữu hình bên ngoài như nhà cửa, xe cộ, các loại đồ dùng, vân vân…

Như ông chủ nói với người quản gia trong Tin mừng: “Anh hãy tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!” thì mai đây, sớm muộn gì Chúa cũng nói với mỗi người chúng ta rằng: “Hãy tính sổ đi, vì hôm nay, con phải hoàn trả lại cho ta những gì Ta trao cho con quản lý và ra khỏi thế giới nầy để sang thế giới bên kia!”

Đây thật là những lời hãi hùng, khủng khiếp!

Khi nghe những lời nầy, nhiều người sẽ rất kinh hoàng, sợ hãi. Phải rời bỏ thế giới nầy ư? Phải trả lại tất cả những gì tôi đang có, không giữ lại được chút gì hay sao?

Thưa đúng vậy, phải lìa bỏ hết, phải trả lại tất cả… Số phận mọi người trên đời đều như thế, không miễn trừ cho bất cứ ai.

Vậy thì phải tính sao đây? Đâu là cách xử trí sáng suốt và khôn ngoan?

Làm cách nào để mai đây khi phải tính sổ với Chúa và rủ bỏ mọi thứ trên đời nầy ra đi, chúng ta được đón nhận vào chốn vĩnh phúc?

Người quản gia trên đây nghĩ được một diệu kế: đó là tranh thủ quyền hạn mình đang có, để xóa bớt nợ cho những con nợ của chủ, hy vọng rằng mai đây, khi bị sa thải, những người nầy sẽ đón anh vào nhà họ.

Chúa Giê-su khen cách xử sự như thế là khôn và Ngài khuyên chúng ta hãy dùng tài sản của cải ta đang quản lý, để mua sẵn chỗ ở trên thiên đàng; Nếu ta chần chừ không dứt khoát, ngày tính sổ sẽ đến bất ngờ; bấy giờ ta sẽ trắng tay và chỗ ở trên thiên đàng cũng chẳng có! Bi thảm biết bao!

Sắm sẵn chỗ ở trên thiên đàng

Sắm sẵn chỗ ở trên thiên đàng là dùng mọi ân huệ Chúa ban như thời giờ, sức khỏe, tài năng, trí tuệ… cũng như tiền bạc, của cải để giúp đỡ người nghèo, chăm sóc người đau bệnh, phục vụ người gặp hoạn nạn, tai ương. Phải thực hiện điều nầy ngay hôm nay, đừng chờ đến ngày mai.

Những món quà được trao cho những người khốn khó không bao giờ mất đi, nhưng sẽ tồn tại mãi bên ta và là chìa khóa mở cửa cho ta vào thiên đàng.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho chúng con nhớ rằng chúng con không phải là chủ nhân của những gì mình đang có mà chỉ là người quản lý thôi và chẳng biết lúc nào Chúa đòi chúng con tính sổ. Vì thế, xin dạy chúng con biết tranh thủ thời gian còn lại, sử dụng của cải Chúa ban để mua chỗ ở trên thiên đàng. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tông du Kazakhstan, Bài giảng của Đức Phanxicô trong Thánh lễ tại Nur-Sultan
Vũ Văn An
02:15 15/09/2022
Theo tin Tòa Thánh, vào lúc 16 giờ 45 ngày 14 tháng 9, 2022, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành Thánh lễ đại trào tôn vinh Thánh Giá, tại Khu vực Tiển lãm ở thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan. Dù người Công Giáo của nước này chỉ chiếm 1% dân số 19 triệu người, rất đông đã lũ lượt tới tham dự Thánh lễ này.

Trong Thánh lễ này, Đức Giáo Hoàng trình bầy với anh chị em tín hữu đường lối mầu nhiệm Chúa dùng xử lý với tội lỗi của chúng ta: mở cho chúng ta một chân trời mới. Sau đây là nguyên văn bài giảng của ngài, dựa vào bản tiếng Anh của Tòa Thánh.



Thập giá là cái giá của án tử. Tuy nhiên, hôm nay chúng ta cử hành việc tôn vinh thập giá Chúa Kitô, vì trên cây gỗ của nó, Chúa Giêsu đã tự mình gánh lấy mọi tội lỗi và điều ác của thế giới chúng ta, và đánh bại chúng bởi tình yêu của Người. Đó là lý do tại sao chúng ta cử hành ngày Lễ hôm nay. Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe cho chúng ta thấy việc tương phản rắn cắn với rắn cứu đã diễn ra như thế nào. Chúng ta hãy cùng nhau suy gẫm về hai hình ảnh này.

Đầu tiên, rắn cắn. Những con rắn này đã tấn công những người, một lần nữa, rơi vào tội nói chống lại Thiên Chúa. Việc nói chống lại Thiên Chúa như vậy không phải chỉ là việc càu nhàu và phàn nàn; ở bình diện sâu xa hơn, đó là dấu hiệu cho thấy trong lòng họ, dân Israel đã đánh mất lòng tin của họ vào Người và vào các lời hứa của Người. Khi dân Thiên Chúa băng qua sa mạc để đến miền đất hứa, họ ngày càng mệt mỏi và không còn sức chịu đựng cuộc hành trình nữa (xem Dân số 21: 4). Họ trở nên chán nản; họ mất hy vọng, và đến một điểm nào đó, thậm chí họ dường như còn quên cả lời hứa của Thiên Chúa. Thậm chí họ còn thiếu cả sức mạnh để tin rằng chính Chúa đang hướng dẫn họ đến một vùng đất dư thừa.

Không phải chuyện tình cờ khi không còn tin tưởng vào Thiên Chúa nữa, thì dân đã bị rắn độc cắn. Chúng ta nhớ đến con rắn đầu tiên được đề cập trong Kinh thánh, trong Sách Sáng thế: kẻ cám dỗ, kẻ đã đầu độc trái tim của Ađam và Evà và khiến họ nghi ngờ Thiên Chúa. Ma quỷ, dưới hình dạng một con rắn, đã lừa họ và gieo mầm ngờ vực trong họ, thuyết phục họ rằng Thiên Chúa không tốt, và thậm chí còn ghen tị với tự do và hạnh phúc của họ. Giờ đây, trong sa mạc, rắn xuất hiện trở lại, lần này là “rắn lửa” (câu 6). Nói cách khác, tội nguyên tổ trở lại: dân Israel nghi ngờ Thiên Chúa; họ không tin tưởng Người; họ phàn nàn và họ nổi loạn chống lại Đấng đã cho họ sự sống, và vì vậy họ gặp cái chết của họ. Đó là chỗ để những trái tim không tin tưởng kết thúc!

Anh chị em thân mến, phần đầu tiên của bài tường thuật này yêu cầu chúng ta xem xét kỹ những khoảnh khắc trong đời sống bản thân và cộng đồng của chúng ta khi sự tin cậy của chúng ta vào Chúa và người khác đã không còn. Biết bao lần chúng ta đã trở nên khô khan, chán nản và thiếu kiên nhẫn trong sa mạc bản thân của mình và đánh mất mục tiêu cuộc hành trình của mình! Ở đây cũng vậy, trên đất nước rộng lớn này, có một sa mạc. Dù với tất cả vẻ đẹp tự nhiên tuyệt vời của nó, nó vẫn có thể nhắc nhở chúng ta về sự mệt mỏi và khô cằn mà chúng ta đôi khi mang trong lòng. Những giây phút mệt mỏi và thử thách, khi chúng ta không còn đủ sức để nhìn lên Chúa. Các tình huống trong cuộc sống của chúng ta khi, với tư cách cá nhân, với tư cách Giáo hội và xã hội, chúng ta có thể bị cắn bởi con rắn của sự ngờ vực, bị đầu độc bởi sự vỡ mộng và tuyệt vọng, bi quan và cam chịu, và chỉ chăm chăm vào bản thân, thiếu tất cả nhiệt tình.

Ấy thế nhưng, vùng đất này đã trải qua những "vết cắn" đau đớn khác trong lịch sử của nó. Tôi nghĩ tới những con rắn hung hãn bạo lực, của vô thần bách hại và tất cả những khoảng thời gian khó khăn khi quyền tự do của con người bị đe dọa và nhân phẩm của họ bị xúc phạm. Chúng ta nên giữ cho ký ức về những đau khổ đó sống động và không quên những khoảnh khắc nghiệt ngã nào đó; nếu không, chúng ta có thể coi chúng như nước chẩy dưới cầu và nghĩ rằng bây giờ, một lần và mãi mãi, chúng ta đang đi đúng đường. Không. Hòa bình không bao giờ đạt được một lần và mãi mãi; giống như sự phát triển toàn diện, công bằng xã hội và sự chung sống hài hòa của các dân tộc và truyền thống tôn giáo khác nhau, nó cần được phục hồi mỗi ngày. Đòi hỏi mọi người phải cam kết nếu Kazakhstan muốn tiếp tục phát triển trong “tình huynh đệ, đối thoại và hiểu biết… xây dựng những nhịp cầu liên đới và hợp tác với các dân tộc, quốc gia và nền văn hóa khác” (Thánh Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Lễ đón tiếp, ngày 22 tháng 9 Năm 2001). Tuy nhiên, ngay cả trước đó, chúng ta cần phải đổi mới đức tin của mình vào Chúa: nhìn lên trên, nhìn vào Người và học hỏi từ tình yêu phổ quát và bị đóng đinh của Người.

Và vì vậy chúng ta đến với hình ảnh thứ hai: con rắn cứu. Khi dân chúng đang chết vì rắn lửa, Thiên Chúa nghe lời cầu bầu của Môsê và nói với ông: “Hãy làm một con rắn lửa và đặt nó trên một cây sào. Nếu ai bị nó cắn mà nhìn vào, thì sẽ được sống ”(Ds 21: 8). Và quả thật, “nếu ai bị rắn cắn, thì nhìn con rắn đồng mà sống” (câu 9). Tuy nhiên, chúng ta có thể hỏi: Tại sao Thiên Chúa không đơn giản tiêu diệt những con rắn độc đó thay vì đưa ra những chỉ dẫn chi tiết này cho Môsê? Cách hành động của Thiên Chúa cho chúng ta thấy cách Người đối phó với điều ác, tội lỗi và sự ngờ vực của nhân loại. Lúc đó, cũng như bây giờ, trong trận chiến tâm linh vĩ đại kéo dài suốt lịch sử, Thiên Chúa không hủy diệt những thứ thấp hèn và vô giá trị mà đàn ông và đàn bà chọn theo đuổi. Rắn độc không biến mất; chúng luôn ở đó, nằm chờ, sẵn sàng cắn xé. Rồi điều gì đã thay đổi, Chúa làm gì?

Chúa Giêsu nói với chúng ta trong Tin Mừng: “Như Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3: 14-15). Đây là sự thay đổi mang tính quyết định: con rắn cứu rỗi đã đến giữa chúng ta. Chúa Giêsu, đã được nâng lên trên cây thập giá, không cho phép những con rắn độc tấn công chúng ta để gây cái chết cho chúng ta. Đương đầu với sự khốn cùng của chúng ta, Thiên Chúa ban cho chúng ta một chân trời mới: nếu chúng ta cứ chăm chăm nhìn vào Chúa Giêsu, thì nọc độc của sự dữ không còn chiến thắng được chúng ta nữa, vì trên thập giá, Người đã tự mình mang lấy nọc độc của tội lỗi và sự chết, và đè bẹp sự hủy diệt sức mạnh của chúng. Đó là phản ứng của Đức Chúa Cha đối với sự lây lan của sự dữ trên thế giới: Người đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu, Đấng đến gần chúng ta một cách mà chúng ta không bao giờ có thể tưởng tượng được. “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2Cr 5:21). Đó là sự vĩ đại vô hạn của lòng thương xót thần linh: Chúa Giêsu “trở nên tội lỗi” vì chúng ta. Chúng ta có thể nói Chúa Giêsu trên thập giá “đã trở thành một con rắn”, để khi nhìn chằm chằm vào Người, chúng ta có thể chống lại những vết cắn độc của những con rắn độc ác tấn công chúng ta.

Thưa anh chị em, đây là con đường, con đường dẫn đến sự cứu rỗi của chúng ta, sự tái sinh và sự phục sinh của chúng ta: nhìn Chúa Giêsu bị đóng đinh. Từ đỉnh cao của thập giá, chúng ta có thể nhìn cuộc sống của chúng ta và lịch sử của các dân tộc của chúng ta một cách mới mẻ. Vì từ thập giá của Chúa Kitô, chúng ta học được tình yêu thương, chứ không phải lòng hận thù; lòng cảm thương, chứ không phải sự thờ ơ; tha thứ chứ không phải báo thù. Vòng tay dang rộng của Chúa Giêsu là vòng tay của tình yêu dịu dàng mà Thiên Chúa muốn ôm chúng ta vào lòng. Chúng cho chúng ta thấy tình yêu thương huynh đệ mà chúng ta được kêu gọi dành cho nhau và cho mọi người. Chúng chỉ cho chúng ta con đường, con đường Kitô giáo. Đó không phải là con đường áp đặt và cưỡng bức, của quyền lực và địa vị; nó không bao giờ vung thập giá của Chúa Kitô chống lại anh chị em của chúng ta, những người mà Người đã hiến mạng sống mình cho! Con đường của Chúa Giêsu, con đường cứu rỗi thì khác: đó là con đường của một tình yêu khiêm nhường nhưng không và phổ quát, không có những chữ “nếu”, “và” hay “nhưng”.

Đúng thế, vì trên gỗ thập giá, Chúa Kitô đã loại bỏ nọc độc khỏi con rắn dữ. Như thế, là một Kitô hữu, có nghĩa là sống không có nọc độc: không cắn xé lẫn nhau, không phàn nàn, đổ lỗi và đánh sau lưng, không gieo rắc điều ác, không làm ô nhiễm trái đất bằng tội lỗi và không tin tưởng vốn phát xuất từ tên ác. Thưa anh chị em, chúng ta đã được tái sinh từ cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa Giêsu bị đóng đinh. Xin cho chúng con được thoát khỏi chất độc của sự chết (xem Kn 1:14), và cầu xin nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng con càng được trở nên Kitô hữu trọn vẹn hơn bao giờ hết: thành các nhân chứng vui tươi của cuộc sống mới, của tình yêu và hòa bình.
 
Một linh mục Dòng Tên cho rằng Thượng hội đồng về tính đồng nghị là canh bạc lớn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Đặng Tự Do
05:05 15/09/2022


Thượng hội đồng về tính đồng nghị, đang diễn ra sôi nổi và sẽ kết thúc vào tháng 10 năm 2023, là “canh bạc lớn nhất của triều đại giáo hoàng này,” linh mục Dòng Tên Thomas Reese nói. Cha Reese nói: “Quá trình này có thể thành công trong việc mang lại sự đoàn kết hơn cho giáo hội, hoặc nó có thể dẫn đến xung đột và chia rẽ lớn hơn. Trong khi dưới thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô 16, các thượng hội đồng là “các công việc được quản lý theo giai đoạn, nơi chương trình nghị sự và cuộc tranh luận được kiểm soát cẩn thận” và nơi các giám mục quan tâm nhiều hơn đến việc thể hiện “lòng trung thành của họ với Đức Giáo Hoàng và giáo huấn của ngài” hơn là “tư vấn”.

Cha Reese lập luận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã phá vỡ truyền thống đó. Đối với vị Giáo hoàng Á Căn Đình, mọi người đều có thể thể hiện mình, nhưng nên cẩn thận không “'chính trị hóa' quy trình thượng hội đồng” bằng cách muốn thúc đẩy các chương trình nghị sự nhất định. Thượng Hội đồng phải là “thời gian cầu nguyện, lắng nghe và phân định”.

Tuy nhiên, Cha Reese than thở rằng “những người bảo thủ quá sợ hãi và những người tiến bộ quá thiếu kiên nhẫn cho một quá trình như vậy.” Do đó, tu sĩ Dòng Tên tỏ ra “bi quan,” trong khi cầu nguyện rằng “Đức Phanxicô một lần nữa có thể làm chúng ta ngạc nhiên”.
Source:National Catholic Register
 
Sau khi tài liệu đòi thay đổi giáo huấn Công Giáo về tính dục bị bác bỏ tại Tiến Trình Công Nghị, các nhà tổ chức thề sẽ yêu cầu Vatican can thiệp
Đặng Tự Do
05:06 15/09/2022


Sau khi các giám mục Đức ngăn chặn một cuộc bỏ phiếu yêu cầu thay đổi giáo huấn của Giáo hội về tình dục tại Tiến Trình Công Nghị Đức, các nhà tổ chức hôm thứ Sáu đã lên tiếng không hài lòng với kết quả và thề sẽ “đưa nó đến” Rôma.

Một trong hai chủ tịch của Tiến Trình Công Nghị, Giám mục Georg Bätzing, bày tỏ “sự thất vọng cá nhân” rằng việc một nhóm thiểu số các giám mục đã ngăn chặn tài liệu thúc đẩy những thay đổi đối với giáo huấn của Giáo hội về đồng tính, song tính, bản sắc giới tính và thủ dâm không được chính thức thông qua.

Trong khi gần 83% thành viên của Tiến Trình Công Nghị ở Frankfurt đã bỏ phiếu ủng hộ việc thông qua văn bản, có tiêu đề “Sống trong các mối quan hệ thành công”, chỉ có khoảng 61% giám mục đồng ý.

Do đó, tài liệu về tình dục không đạt được 2/3 đa số, vì 21 giám mục bác bỏ văn bản và 3 giám mục bỏ phiếu trắng, trong khi 33 giám mục đã bỏ phiếu thông qua tài liệu.

Theo quy chế của Tiến Trình Công Nghị Đức, không chỉ 2/3 số thành viên có mặt biểu quyết ủng hộ một văn bản để nó được chính thức thông qua, mà còn cần phải có 2/3 số giám mục có mặt bỏ phiếu “đồng ý”.

Bätzing cho biết văn bản bị từ chối dù sao cũng là sản phẩm của Tiến Trình Công Nghị, và “do đó, chúng tôi sẽ đưa nó lên cấp độ của Giáo hội hoàn vũ khi chúng tôi ở Rôma vào tháng 11 cho chuyến thăm ad limina khi chúng tôi chuẩn bị Thượng Hội đồng Thế giới với các Hội đồng Giám mục lục địa vào tháng Giêng. Chuyến viếng thăm “ad limina Apoolorum” là cuộc họp của giáo hoàng bắt buộc đối với mọi giám mục giáo phận trên thế giới để cung cấp thông tin cập nhật về tình hình của giáo phận do giám mục đó cai quản.

Kết quả của cuộc bỏ phiếu vào ngày 8 tháng 9 đã dẫn đến sự bùng nổ cảm xúc ở Frankfurt, với một số người tham gia cáo buộc các giám mục đã không lên tiếng trước khi bỏ phiếu chống lại văn bản được đề xuất.

Sau cuộc bỏ phiếu kín hôm thứ Năm, một số giám mục cho biết họ đã không nói trước vì sợ áp lực từ Tiến Trình Công Nghị.

Irme Stetter-Karp, chủ tịch Ủy ban Trung ương của những người Công Giáo Đức (ZdK) và đồng chủ tịch của Tiến Trình Công Nghị, đã phê phán lời giải thích này vào hôm thứ Sáu.

Chủ tịch ZdK nói: “Tôi muốn thấy một phong trào nổi lên từ hội đồng giám mục do kết quả của những gì đã diễn ra ngày hôm qua, giao tiếp thay đổi, mọi người nói chuyện với tinh thần cởi mở.”

Tài liệu về tình dục chỉ là một trong số những cuộc tranh cãi gay gắt. Các tài liệu yêu cầu phong chức phụ nữ và chấm dứt đời sống độc thân linh mục cũng nằm trong chương trình nghị sự, cũng như việc thực hiện một Thượng Hội đồng thường trực.

Động thái này sẽ tạo ra một cơ quan thường trực để giám sát Giáo hội ở Đức và được đưa vào lịch trình của hội đồng vào thứ Sáu, ngày 9 tháng 9.
Source:Catholic News Agency
 
Tông du Kazakhstan: Diễn từ của Đức Phanxicô tại Buổi Đọc Tuyên bố Sau cùng và Kết thúc Đại hội Các Nhà Lãnh đạo Các Tôn giáo Thế giới và Truyền thống
Vũ Văn An
18:58 15/09/2022

Theo VaticanNews, trong nhận định kết thúc của ngài tại Đại hội Lần thứ bẩy Các Nhà Lãnh đạo Các Tôn giáo Thế giới và Truyền thống ngày 15 tháng 9, tại Dinh Độc Lập ở Nur-Sultan, Kazakhstan, Đức Phanxicô đã thúc giục mọi tôn giáo và xã hội mời gọi phụ nữ và người trẻ tham dự công trình mưu cầu hoà bình cho thế giới. Sau đây là nguyên văn bài nhận định của ngài, dựa theo bản tiếng Anh của Tòa Thánh:



Anh chị em thân mến!

Chúng ta đã cùng nhau đi trên con đường này, và tôi cảm ơn anh chị em đã đến từ rất nhiều nơi khác nhau trên thế giới và mang theo sự phong phú về tín ngưỡng và văn hóa của anh chị em. Cảm ơn anh chị em đã tham gia rất mạnh mẽ trong những ngày làm việc, cam kết và chia sẻ để phục vụ cho cuộc đối thoại. Điều này có giá trị hơn bao giờ hết trong những thời điểm đầy thử thách như thời điểm của chúng ta, khi các vấn đề của đại dịch đã bị cộng hưởng bởi sự điên rồ hoàn toàn của chiến tranh. Có quá nhiều trường hợp thù hận và chia rẽ, quá ít đối thoại và nỗ lực để hiểu người khác. Trong thế giới hoàn cầu hóa của chúng ta, điều này càng nguy hiểm và gây tai tiếng. Gia đình nhân loại của chúng ta không thể tiến lên nếu đoàn kết và chia rẽ cùng một lúc, liên kết qua lại với nhau và bị chia cắt bởi sự bất bình đẳng lớn lao. Vì vậy, xin cảm ơn anh chị em vì những nỗ lực xây dựng hòa bình và đoàn kết. Lời cảm ơn của chúng tôi cũng gửi đến chính quyền địa phương, những người đã đón tiếp chúng tôi và tổ chức Đại hội một cách chu đáo, cũng như những người dân Kazakhstan hiếu khách và dũng cảm, có khả năng tiếp thu các nền văn hóa khác, đồng thời bảo tồn lịch sử cao quý và truyền thống quý báu của họ. Kiop raqmet! Bolshoe spaibo! Cám ơn rất nhiều!

Khẩu hiệu chuyến thăm của tôi, bây giờ đã kết thúc, là “Các Sứ giả của Hòa bình và Đoàn kết”. Nó cố ý để ở số nhiều, vì tất cả chúng ta đang trên một hành trình chung. Đại hội lần thứ bảy này, trong đó chúng ta được tham gia nhờ ân sủng của Đấng Toàn năng, đã đánh dấu một bước quan trọng trong hành trình chung này. Kể từ khi bắt đầu vào năm 2003, biến cố này đã lấy làm mô hình Ngày Cầu nguyện cho Hòa bình trên Thế giới, được Đức Gioan-Phaolô II triệu tập vào năm 2002 tại Assisi nhằm tái khẳng định sự đóng góp tích cực của các truyền thống tôn giáo đối với đối thoại và hòa hợp giữa các dân tộc. Sau biến cố ngày 11 tháng 9 năm 2001, cần phải đáp ứng tập thể đối với bầu không khí gây bạo động bị bạo lực khủng bố tìm cách xúi giục, và điều này đe dọa biến tôn giáo thành cơ sở cho xung đột. Chủ nghĩa khủng bố tôn giáo giả hiệu, chủ nghĩa quá khích, chủ nghĩa cực đoan, và chủ nghĩa dân tộc, đội lốt tôn giáo, tiếp tục gây ra nỗi sợ hãi và lo ngại về tôn giáo. Do đó, trong những ngày này, điều quan trọng là chúng ta có thể đến với nhau một lần nữa, để khẳng định lại bản chất đích thực và bất khả chuyển nhượng của tôn giáo.

Về phương diện trên, Tuyên bố của Đại hội lần thứ bảy này tuyên bố rằng chủ nghĩa quá khích, chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa khủng bố và mọi động cơ khác gây ra hận thù, thù địch, bạo lực và chiến tranh, bất kể động lực hoặc mục tiêu của chúng, không liên quan gì đến tinh thần tôn giáo đích thực và phải bị bác bỏ bằng những thuật ngữ quyết định nhất có thể (xem số 5). Hơn nữa, vì Đấng Toàn Năng đã tạo nên mọi người bình đẳng, bất kể nguồn gốc tôn giáo, dân tộc hay xã hội của họ, chúng ta đồng ý rằng sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau phải được coi là điều cần thiết và không thể thiếu trong giáo huấn tôn giáo (xem số 13).

Kazakhstan, nằm ở trung tâm của lục địa châu Á lớn lao và quan trọng, là nơi tự nhiên để chúng ta gặp nhau. Lá cờ của nó nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải duy trì mối quan hệ lành mạnh giữa chính trị và tôn giáo. Thật vậy, nếu con đại bàng vàng được hiển thị trên lá cờ đó nói lên uy quyền trần thế và các đế chế cổ đại, thì nền xanh lam gợi lên màu sắc của bầu trời và do đó siêu việt. Do đó, có một mối liên hệ lành mạnh giữa chính trị và tính siêu việt, một hình thức chung sống hợp lý giúp giữ cho các lĩnh vực của chúng trở nên khác biệt. Khác biệt, nhưng không nhầm lẫn hoặc tách biệt. Chúng ta hãy nói “không” với sự nhầm lẫn giữa chúng, vì lợi ích của tất cả mọi người, vốn cần một bầu trời tự do để bay giống như chim đại bàng, một không gian tự do mở cửa đi vào vô hạn và không bị gò bó bởi quyền lực trần gian. Về phần mình, tính siêu việt không được nhượng bộ trước cơn cám dỗ muốn biến thành quyền lực, kẻo trời sập xuống đất, điều vĩnh cửu “bên kia” bị xiềng xích vào hiện tại trần thế, và tình yêu thương người lân cận trở thành mồi cho những quyết định đảng phái. Do đó, nói “Không” với sự nhầm lẫn giữa chính trị và siêu việt, nhưng cũng nói “không” với sự tách biệt giữa chúng, vì những khát vọng cao nhất của con người không thể bị loại trừ khỏi cuộc sống công cộng và chỉ được xếp vào lĩnh vực riêng tư. Thành thử, những người muốn nói lên niềm tin của họ một cách hợp pháp phải được bảo vệ, luôn luôn và ở mọi nơi. Tuy nhiên, biết bao người hiện nay thậm chí vẫn còn bị bắt bớ và kỳ thị vì đức tin của họ! Chúng ta đã kiên quyết kêu gọi các chính phủ và các tổ chức quốc tế có liên quan hỗ trợ các nhóm tôn giáo và cộng đồng sắc tộc mà các quyền con người và các quyền tự do căn bản của họ đang bị vi phạm hoặc bị khống chế bởi bạo lực của những kẻ cực đoan và khủng bố, cũng do hậu quả của chiến tranh và xung đột quân sự (x. Số 6). Trên hết, chúng ta phải bảo đảm rằng tự do tôn giáo sẽ không bao giờ chỉ là một quyền trừu tượng mà là một quyền cụ thể. Chúng ta bảo vệ cho mọi người 'quyền tôn giáo, quyền hy vọng, quyền hưởng vẻ đẹp: quyền lên Thiên đàng. Theo lời bài quốc ca của mình, Kazakhstan là “bầu trời của mặt trời vàng”, và điều này cũng đúng với mỗi con người. Trong tính độc đáo tuyệt đối của họ, nếu họ tiếp xúc với thần linh, mọi người đàn ông và đàn bà có thể tỏa sáng đặc biệt trong thế giới của chúng ta.

Vì lý do này, Giáo Hội Công Giáo, vốn không mệt mỏi công bố phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi người, được tạo dựng “theo hình ảnh Thiên Chúa” (x. St 1,26), cũng tin tưởng vào sự hiệp nhất của gia đình nhân loại. Giáo hội tin rằng tất cả “nhân loại tạo nên chỉ một cộng đồng. Sở dĩ như vậy vì tất cả đều bắt nguồn từ một nguồn gốc duy nhất được Thiên Chúa tạo dựng cho con người trên toàn trái đất, và vì tất cả đều có chung một số phận, đó là Thiên Chúa. Sự quan phòng của Người, sự tốt lành hiển nhiên và những thiết kế cứu rỗi được mở rộng cho tất cả nhân loại” (Công đồng Vatican II, Tuyên ngôn Nostra Aetate, 1). Do đó, ngay từ đầu của Đại hội này, Tòa thánh, đặc biệt thông qua Thánh Bộ Đối thoại Liên tôn, đã tham gia tích cực vào việc này. Tòa Thánh mong muốn tiếp tục làm như vậy, vì con đường đối thoại liên tôn là con đường chung dẫn đến hòa bình và vì hòa bình; trong tư cách ấy, nó là điều cần thiết và không thể thu hồi. Đối thoại liên tôn không còn đơn thuần là một điều gì đó thiết thực nữa: nó là một sự phục vụ cấp bách và vô sánh đối với nhân loại, đối với việc ngợi khen và vinh quang của Đấng Dựng nên tất cả.

Thưa anh chị em, khi nghĩ đến con đường chung này, tôi đã tự hỏi mình: Điểm hội tụ của chúng ta là gì? Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, người đã đến thăm Kazakhstan 21 năm trước ngay trong tháng này, đã tuyên bố rằng “đối với Giáo hội, mọi con đường đều dẫn đến con người” và con người là “con đường đối với Giáo hội” (Redemptor Hominis, 14). Tôi muốn nói rằng con người ngày nay cũng là con đường cho tất cả các tôn giáo. Vâng, con người, đàn ông và đàn bà, những con người cụ thể, bị suy yếu bởi đại dịch, bị hao mòn bởi chiến tranh, bị thương bởi sự thờ ơ! Con người, những tạo vật yếu đuối và kỳ diệu, những tạo vật “một khi Thiên Chúa bị lãng quên, sẽ bị bỏ lại trong bóng tối” (Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 36) và ngoài những người khác thì không thể sống sót! Thiện ích của con người cần được xem xét trước các mục tiêu chiến lược và kinh tế, lợi ích quốc gia, năng lượng và quân sự, và trước các quyết định chủ yếu. Để đưa ra những quyết định thực sự lớn lao, chúng ta nên nhìn vào trẻ em, những người trẻ tuổi và tương lai của họ, những người già và túi khôn của họ, những người bình thường và những nhu cầu thực sự của họ. Chúng ta đã lên tiếng và nhấn mạnh rằng con người không thể bị giản lược vào những gì họ sản xuất và kiếm được; con người phải được chấp nhận và không bao giờ bị loại bỏ; Gia đình, một từ trong tiếng Kazakh có nghĩa là “tổ ấm của tâm hồn và tình yêu”, là thực tại tự nhiên và không thể thay thế, cần được bảo vệ và phát huy, để những người đàn ông và đàn bà ngày mai có thể lớn lên và trưởng thành.

Đối với mọi hữu thể nhân bản, các truyền thống tôn giáo và khôn ngoan vĩ đại được kêu gọi làm chứng ngôn cho sự hiện hữu của một di sản thiêng liêng và đạo đức chung, dựa trên hai nguyên tắc: siêu việt và tình huynh đệ. Siêu việt, Bên kia, thờ phượng. Điều ấn tượng là mỗi ngày có hàng triệu triệu người đàn ông và đàn bà, thuộc các lứa tuổi, nền văn hóa và điều kiện xã hội khác nhau, cùng nhau cầu nguyện ở vô số nơi thờ phượng. Đây là lực lượng tiềm ẩn làm thế giới của chúng ta tiến lên. Và sau đó là tình huynh đệ, người khác, sự gần gũi. Vì người ta không thể tuyên xưng lòng trung thành thực sự với Đấng Tạo Hóa mà không bày tỏ tình yêu thương đối với các tạo vật của Người. Đó là tinh thần xuyên suốt Tuyên ngôn của Đại hội chúng ta. Trong phần kết luận, tôi muốn nhấn mạnh ba hạn từ được nó chứa đựng.

Hạn từ đầu tiên là sự tổng hợp của tất cả mọi điều, nói lên một lời cầu xin chân thành, là ước mơ và mục tiêu của cuộc hành trình của chúng ta: hòa bình! Beybitşilik, mir, hòa bình! Người ta cấp thiết cần có hòa bình, vì trong thời đại của chúng ta, mọi cuộc xung đột quân sự hoặc điểm nóng căng thẳng và đối đầu nhất thiết sẽ gây ra “hiệu ứng domino” và gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ thống liên hệ quốc tế (xem số 4). Mặt khác, hòa bình “không những chỉ là không có chiến tranh: nó không thể bị giản lược vào việc duy trì cán cân quyền lực giữa các lực lượng đối lập cũng như không phát sinh từ sự thống trị chuyên quyền, nhưng nó được gọi một cách thích hợp là 'hiệu ứng của chính trực'.”(Gaudium et Spes, 78). Hòa bình phát sinh từ tình huynh đệ; nó phát triển thông qua cuộc đấu tranh chống lại bất công và bất bình đẳng; nó được xây dựng bằng cách đưa tay ra cho người khác. Chúng ta, những người tin tưởng vào Đấng Dựng nên tất cả, phải đi đầu trong việc cổ vũ sự phát triển của việc chung sống hòa bình. Chúng ta phải làm chứng cho hòa bình, rao giảng hòa bình, cầu xin cho có hòa bình. Do đó, Tuyên ngôn khuyến khích các nhà lãnh đạo thế giới chấm dứt xung đột và đổ máu ở khắp mọi nơi, và từ bỏ những luận điệu hung hăng và phá hoại (xem số 7). Chúng tôi khẩn khoản xin anh chị em, nhân danh Thiên Chúa và vì lợi ích của nhân loại: hãy làm việc cho hòa bình, không phải cho vũ khí! Chỉ bằng cách phục vụ cho sự nghiệp hòa bình, anh chị em mới ghi được tên mình vào biên niên sử của lịch sử.

Thiếu hòa bình, là vì thiếu sự quan tâm, yêu thương dịu dàng, khả năng tạo ra sự sống. Việc mưu cầu hòa bình của chúng ta, vì thế, ngày càng phải mời gọi sự tham gia - và đây là hạn từ thứ hai – của phụ nữ. Bởi vì phụ nữ cung ứng sự chăm sóc và sự sống cho thế giới: họ là chính con đường hướng tới hòa bình. Vì lý do này, chúng ta tán thành sự cần thiết phải bảo vệ phẩm giá của họ và cải thiện địa vị xã hội của họ với tư cách là những thành viên bình đẳng trong gia đình và xã hội (xem số 23). Phụ nữ cũng phải được giao phó những vị trí và trách nhiệm lớn hơn. Biết bao quyết định tai hại đã có thể tránh được nếu người phụ nữ trực tiếp tham gia vào việc ra quyết định! Chúng ta cam kết bảo đảm rằng phụ nữ ngày càng được tôn trọng, thừa nhận và tham gia!

Cuối cùng, hạn từ thứ ba: người trẻ. Giới trẻ là sứ giả của hòa bình và thống nhất, trong hiện tại và trong tương lai. Chính họ hơn ai hết kêu gọi hòa bình và tôn trọng ngôi nhà chung của sáng thế. Thái độ thống trị và bóc lột thâm căn cố đế, tích trữ tài nguyên, chủ nghĩa dân tộc, chiến tranh và đục khoét các phạm vi ảnh hưởng vốn lên khuôn thế giới cũ; thế giới này đang bị giới trẻ bác bỏ: vì đó là một thế giới không có chỗ cho hy vọng và ước mơ của họ. Cũng vậy, các hình thức tôn giáo hà khắc và đàn áp không thuộc về tương lai mà thuộc về quá khứ. Lưu ý đến các thế hệ tương lai, chúng ta đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục, điều này giúp củng cố sự chấp nhận lẫn nhau và sự chung sống tôn trọng giữa các tôn giáo và nền văn hóa khác nhau (xem số 21). Chúng ta hãy đặt vào tay người trẻ cơ hội giáo dục, chứ không phải vũ khí hủy diệt! Và chúng ta hãy lắng nghe họ, mà không sợ bị thách thức bởi những câu hỏi của họ. Trên hết, chúng ta hãy lưu tâm đến việc xây dựng thế giới với họ!

Thưa anh chị em, nhân dân Kazakhstan, cởi mở với ngày mai nhưng vẫn lưu tâm đến những đau khổ của ngày hôm qua, hướng tâm trí chúng ta về tương lai bằng sự phong phú phi thường của các tôn giáo và nền văn hóa của họ. Họ khuyến khích chúng ta tạo ra tương lai mà không quên tính siêu việt và tình huynh đệ, tôn thờ Đấng Tối Cao và chấp nhận anh chị em của chúng ta. Chúng ta tiến lên trên con đường này, cùng nhau bước đi trên trái đất như những đứa con của thiên đàng, những người dệt hy vọng và những nghệ nhân của sự hòa hợp, những sứ giả của hòa bình và thống nhất!
 
Văn Hóa
Nén Hương Lòng Niệm Tưởng
Sơn Ca Linh
21:13 15/09/2022
Nén Hương Lòng Niệm Tưởng

(Văn tế tưởng niệm Đức Cha Lambert de La Motte
Nhân dịp lễ Suy Tôn Thánh Giá và đón hài cốt Đức Cha về nhà thờ Chính Tòa – 14.9.2022)

Vinh quang thay,
Thập giá Đức Kitô, uy hùng trải rộng mọi nẻo đường thế giới,
Tin Mừng ơn Cứu độ, rạng rỡ vang xa khắp bờ cõi dương gian !
Công trình nầy, nhờ Chúa Thánh Linh, ngọn lửa ấm tuôn tràn,
Hoa quả ấy, do các Tông đồ, hạt lúa tươi nát mục !

Hội Thánh Việt Nam, kể từ hơn ba trăm năm về trước,
Thời khai sinh hai giáo phận Đàng Ngoài, Đàng Trong.
Có vị thừa sai, chốn trời u, hàng quý tộc cháu giống con dòng,
Chọn đời truyền giáo, cõi phương Đông, mặc trăm bề gian nguy bách hại !

Nhớ làm sao, Đức Cha Lambert de La Motte, nhà thừa sai vĩ đại,
Vị Giám Mục Đại diện Tông toà tiên khởi của Giáo phận Đàng Trong !
Đã 343 năm, sáng ngày 15.6.1679,
tại Vương quốc Thái Lan, ngài trút hơi thở cuối cùng,
Hơn ba thế kỷ, chiều nay, 14.9.2022,
Nơi giáo phận Qui Nhơn, dân Chúa quây quần tưởng niệm !

Như người mục tử,
bỏ chín mươi chín con, vì chiên lạc ra đi tìm kiếm,
Đức Cha Lambert,
Từ khi đặt bước chân trên vùng đất Ayutthaya, năm 1662.
Họp công nghị 1664, ra phương án Monita “Nhắn nhủ các thừa sai”,
Tìm phương thế, nhập đất Đàng Ngoài, Đàng Trong thăm giáo hữu.

Ưu tiên hàng đầu, như lệnh truyền Thánh Bộ, đào tạo hàng giáo sĩ,
Từ chủng viện Ayutthaya, truyền chức linh mục Việt tiên khởi: Giuse Trang.
Nối tiếp sau, có các cha Bênêđictô Hiền, Gioan Huệ, Luca Bền…
Những cột trụ xây nền cho Giáo Hội Việt Nam thời non trẻ !

Dip kinh lý mục vụ Đàng Ngoài,
Từ 1669 đến 1670, giữa muôn vàn khó khăn trắc trở,
Ngài đã thực hiện bao điều:
Truyền chức linh mục, hiệp hội tín hữu Mến Thánh Giá ra đời,
Mở công nghị Phố Hiến, lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng Ngoài (1670),
Công cuộc truyền giáo tại Việt Nam từ đây bắt đầu khởi sắc.

Vì lo lắng cho Hội thánh Đàng Trong gặp điều bất trắc,
Năm 1671, ngài lại lên đường bôn ba kinh lý Việt Nam.
Cũng năm nầy,
tại An Chỉ, dịp Giáng Sinh, lập Mến Thánh Giá Đàng Trong,
Sau đó tại Hội An 1672,
Linh mục, thầy giảng Việt Nam, lần đầu tiên tham dự Công nghị !

Tại Ayutthaya, năm 1672,
Dòng Mến Thánh Giá Thái Lan ra đời với những nữ tu đầu tiên gốc Việt,
Kể từ đây, đường đến Việt Nam mở rộng thênh thang,
Đức Cha Lambert lại thêm một lần kinh lý mục vụ Đàng Trong (1675),
Thăm các nữ tu, truyền chức linh mục, đối thoại với chính quyền…,
An ủi viếng thăm giáo dân và trao ban hồng ân Thêm Sức….

Nhưng, như Đức Kitô,
Đời mục tử của Đức Cha Lambert đã đi qua bao gian nan tủi cực,
Thập giá cuộc đời, của tinh thần thế tục, của chính anh em…
Của rẽ chia, bè phái, qua một thời “Bảo Trợ” sóng gió lênh đênh,
Của bệnh hoạn xác thân, của công cuộc loan báo Tin Mừng còn dang dở… !

Với Đức Cha Lambert,
Quả thật Hội Thánh Việt Nam như một mối tình duyên nợ,
Nói làm sao cho đủ, gương nhiệt thành, đức độ, hy sinh…
Kể biết mấy cho cùng, những lắng lo, trăn trở, quên mình…
Để có được,
Một Hội Thánh Việt Nam hôm nay đầy hoa thơm trái ngọt !

Đời mục tử, noi gương Thầy Giêsu,
Kề môi nhấp chén đau thương, dẫu đoạn trường đắng đót,
Phận Tông đồ, dõi bước Đấng Cứu Độ,
Vươn vai đón cây thập giá, dầu mục nát xác thân !
Đời trần thế, thân cát bụi, cuộc hành trình dưới thế 55 năm (1624-1679),
Ơn thánh chức, bước tông đồ, 19 năm trên ngai toà Giám Mục (1660-1679).

Hôm nay,
Nhân ngày lễ Suy Tôn Thánh Giá, giáo phận Qui Nhơn tiếp nhận hài cốt,
Cũng là dịp, sau 343 năm, Đức Cha Lambert từ giã cõi trần.
Cộng đoàn dân Chúa muôn nơi muôn người hiệp ý một lòng.
Thành kính tri ân Đức cha,
Cùng với nén hương lòng của cháu con tâm thành niệm tưởng.
Chúng con đồng thanh kính bái !

Sơn Ca Linh (Lm. Giuse Trương Đình Hiền)













 
VietCatholic TV
Chấn động Moscow: Diễn tiến và bối cảnh vụ mưu sát Putin tối thứ Tư. Ngôi làng ma trong vùng Donbas
VietCatholic Media
03:02 15/09/2022


1. Xe hơi của Putin bị tấn công. Một nỗ lực mưu sát Putin vừa thất bại, nhiều người bị bắt

Điện Cẩm Linh khẳng định chiếc limousine của ông Putin đã bị tấn công trong một vụ được cho là mưu toan ám sát, xảy ra khi cuộc chiến ở Ukraine đang diễn ra gay gắt.

Theo các nguồn tin thân cận với nhà lãnh đạo, chiếc xe của bạo chúa Nga đã bị một “tiếng nổ lớn” ở bánh trước bên trái và sau đó là “khói dày đặc”.

Theo tờ The Mirror, đoàn xe này bao gồm 5 chiếc xe, trong đó chiếc thứ ba là Putin.

“Trên đường đến tư dinh của ông ta, cách đó vài km, chiếc xe hộ tống đầu tiên bị xe cứu thương chặn lại, và xe hộ tống thứ hai chạy vòng qua mà không dừng lại trước chướng ngại vật đột ngột, và trong khi đi tìm cách vượt qua chướng ngại vật, từ xe của Putin một tiếng nổ lớn phát ra từ bánh trước bên trái, sau đó là khói dày đặc”.

Chiếc xe limousine của Putin đã về đến nơi an toàn, và ông Putin không hề hấn gì - nhưng đã có nhiều người bị bắt giữ bởi các cơ quan an ninh của ông ta trong một cuộc điều tra đang được tiến hành.

2. Bối cảnh vụ mưu sát Putin

Vụ tấn công vào chiếc xe của Putin diễn ra trong bối cảnh những tổn thất quân sự tại Ukraine đang dẫn đến sự gia tăng bất đồng chống lại Putin. Ba mươi lăm đại biểu thành phố Nga đã ký đơn yêu cầu ông ta từ chức do những “tổn hại” ông ta gây ra cho nước Nga do cuộc xâm lược. Ông Ksenia Tortstrem đã viết trên Twitter như trên vào hôm thứ Hai. Ông giữ vai trò là phó chủ tịch chính quyền thành phố Smolninskoye của Saint Petersburg.

Cho đến nay, các nhà lãnh đạo thành phố từ một số thành phố quan trọng của Nga, tiêu biểu là tại Mạc Tư Khoa, đã ký vào yêu cầu. Tortstem viết bản kiến nghị không “làm mất uy tín” của bất kỳ ai, một sự châm chọc rõ ràng vào các nhà chức trách Nga, những người đã buộc tội những người chỉ trích làm mất uy tín của chính phủ

Duma Quốc gia Nga đã thông qua luật vào tháng 3 cấm người Nga tung tin “giả” về các lực lượng vũ trang của nước này. Luật này đã được chính quyền Nga sử dụng để đàn áp những người tỏ ra chỉ trích chiến tranh và khiến việc lên tiếng phản đối chiến tranh có thể trở nên nguy hiểm.

Tuy nhiên, nhóm các nhà lập pháp đã tìm cách lách luật này. Họ lên án hành động của Putin, mà không đề cập cụ thể đến cuộc chiến, trong một thông điệp ngắn được đăng cùng với bản kiến nghị.

“Chúng tôi, những đại biểu các thành phố của Nga, tin rằng các hành động của Tổng thống Vladimir Putin gây tổn hại cho tương lai của nước Nga và của các công dân,” bản kiến nghị viết. “Chúng tôi yêu cầu Vladimir Putin từ chức Tổng thống Liên bang Nga ngay tức khắc!”

Bản kiến nghị không phải là lần đầu tiên các quan chức Smolninskoye chỉ trích Putin trong bối cảnh chiến tranh, nhưng nó đã được ký bởi các nhà lãnh đạo từ các thành phố tự trị khác bao gồm cả Mạc Tư Khoa, nơi có Điện Cẩm Linh - cho thấy sự thất vọng ngày càng tăng của các nhà lãnh đạo Nga khi tổn thất quân sự ngày càng chồng chất ở Ukraine.

Tuần trước, hội đồng quận thành phố Smolninskoye đã đề xuất rằng Putin nên bị cách chức “dựa trên cáo buộc phản quốc cao độ”. Nikita Yurefev, một phó chủ tịch thành phố khác của Smolninskoye ở Saint Petersburg, viết rằng “hoạt động quân sự đặc biệt” đã dẫn đến cái chết của binh lính Nga, các vấn đề kinh tế và sự mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NATO.

3. Biến cố tấn công vào xe của Putin xảy ra trong bối cảnh hàng loạt những cái chết đáng ngờ trong nội bộ Điện Cẩm Linh chỉ trong vài tháng.

Người phụ trách tờ báo nhà nước Nga Komsomolskaya Pravda, 68 tuổi, đã qua đời “đột ngột” hôm thứ Tư 14 tháng 9 sau khi có dấu hiệu “ngạt thở”, Leonid Zakharov, đồng nghiệp của ông cho biết.

Anh ấy đã đi cùng Sungorkin trong chuyến đi đến ngôi làng Roshchino ở vùng viễn đông của Nga khi ông trùm truyền thông đổ bệnh.

Zakharov nói: “Nó xảy ra hoàn toàn đột ngột, không có gì báo trước”.

“Chúng tôi đang lái xe, chúng tôi đã đi đến Khabarovsk, chúng tôi dự định đến đó vào buổi tối hôm nay, và từ đó đến Mạc Tư Khoa.

“Ba phút sau, Vladimir bắt đầu ngạt thở. Chúng tôi đưa anh ấy ra ngoài để có không khí trong lành, anh ấy đã bất tỉnh. Không có gì giúp đỡ.

“Bác sĩ khám ban đầu nói rằng rõ ràng đó là một cơn đột quỵ. Nhưng đây chỉ là kết luận sơ khởi”.

Sungorkin đã từng làm việc với tư cách là tổng biên tập và tổng giám đốc của tờ báo ủng hộ Điện Cẩm Linh từ năm 1997 sau khi bắt đầu ở đó với tư cách là một phóng viên vào năm 1976.

Putin dự kiến sẽ gửi một tin nhắn cá nhân cho gia đình Sungorkin.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết cái chết của Sungorkin là một “mất mát to lớn”.

Ông ta nói thêm: “Hôm nay là một tin buồn, thật không may, Sungorkin đã qua đời. Chúng tôi biết anh ấy rất rõ”.

Sungorkin nằm trong số các doanh nhân Nga bị phương Tây trừng phạt trong bối cảnh Putin xâm lược Ukraine.

Ông được Ủy ban Âu Châu mô tả là “một trong những tác nhân chính trong các hoạt động thao túng và can thiệp thông tin nước ngoài hoặc những kẻ tuyên truyền thường xuyên lên tiếng về Ukraine, tạo ra thông tin sai lệch và thao túng sự thật”.

Lệnh trừng phạt nói thêm: “Vladimir Sungorkin đang phổ biến và hợp pháp hóa tuyên truyền chống Ukraine và chống phương Tây tích cực của chế độ Putin dưới quyền trực tiếp của Điện Cẩm Linh trên một trong những phương tiện truyền thông nổi tiếng nhất của Nga.

“Tờ báo Komsomolskaya Pravda cũng được Tổng thống Vladimir Putin mô tả là tờ báo yêu thích của ông ấy.”

“Do đó, Vladimir Sungorkin có trách nhiệm hỗ trợ các hành động và chính sách làm suy yếu sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền và độc lập của Ukraine.”

Cái chết của ông diễn ra chỉ vài ngày sau khi một người bạn thân khác của Putin qua đời sau khi ông “rơi xuống tàu” một cách bí ẩn.

Ivan Pechorin - nhân vật quan trọng của Putin trong việc phát triển các nguồn tài nguyên rộng lớn ở Bắc Cực của Nga - đã rơi khỏi mạn thuyền ở vùng biển gần Đảo Russky.

Thi thể của ông ta được tìm thấy sau cuộc tìm kiếm kéo dài hơn một ngày.

4. Video đầy kịch tính cho thấy quân đội Nga đầu hàng hàng loạt khi tinh thần của họ xuống thấp khi đối mặt với đòn phản công chớp nhoáng của Ukraine

Các binh sĩ NGA đã được nhìn thấy đã đầu hàng hàng loạt khi đối mặt với làn sóng phản công chớp nhoáng của Ukraine.

Cảnh quay kịch tính từ tiền tuyến cho thấy những kẻ xâm lược của Vladimir Putin nằm sấp xuống mặt đường thay vì tiếp tục chiến đấu trong cuộc chiến với Ukraine

Lực lượng của bạo chúa Nga dường như đã bị sụp đổ một cách đáng kinh ngạc, với ước tính Ukraine đã giành lại khoảng 6000 km vuông lãnh thổ từ những kẻ xâm lược.

Cùng với số vũ khí trị giá hàng tỷ đô la, gần 3000 người Nga đã bị thiệt mạng và một con số còn lớn hơn nữa những người đang bị bắt làm tù binh.

Các videos do Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine công bố cho thấy một nhóm binh sĩ Nga đang nằm úp mặt xuống đường với hai tay bị trói sau lưng.

Trong một đoạn phim khác, một nhóm quân của Putin được nhìn thấy trong một khu vườn với mũ trùm kín đầu khi những người Ukraine đứng bảo vệ.

Các quan chức Ukraine cho biết họ đã bắt giữ rất nhiều binh sĩ đến nỗi họ đang phải vật lộn để tìm chỗ ở cho họ.

5. Ukraine thả truyền đơn kêu gọi và hướng dẫn quân Nga đầu hàng

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hanna Maliar cho biết Kyiv đang cố gắng thuyết phục nhiều binh sĩ Nga bỏ cuộc, tung ra các truyền đơn trước các phòng tuyến của họ với các số điện thoại giúp họ liên lạc đàm phán để đầu hàng với quân Ukraine.

“Người Nga sử dụng bạn như thức ăn gia súc. Cuộc sống của bạn không có ý nghĩa gì đối với họ. Bạn không cần cuộc chiến này. Hãy đầu hàng các lực lượng vũ trang của Ukraine.”

Tuy nhiên, một số người Nga thậm chí đã tự bắn vào mình hơn là đối mặt với trận chiến, một chỉ huy bị bắt cho biết như trên.

Tướng quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Mark Hertling cho biết tinh thần của quân đội Nga đã giảm mạnh khi họ phải đối mặt với kẻ thù kiên quyết mà không có nguồn cung cấp thích hợp.

“Hãy đặt mình vào vị trí của người Nga không được trả lương, anh ta đang ở tuyến đầu, không biết mình đang làm gì, anh ta đã không được tiếp tế và anh ta đang bị săn đuổi trong sáu tháng qua khi sống trong các chiến hào sình lầy.”

Theo các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, các chỉ huy Điện Cẩm Linh đã nghĩ rằng một cuộc tấn công do người Ukraine phát động ở Kherson là cuộc tấn công chính yếu.

Sự lừa dối đã cho phép người Ukraine gây bất ngờ cho người Nga ở khu vực Kharkiv với một thành công ngoạn mục.

“Các lực lượng Nga không tiến hành một cuộc rút quân có trật tự và đang vội vã chạy trốn khỏi phía đông nam Kharkiv để thoát khỏi vòng vây của quân Ukraine”

Khi những người lính của Putin chạy trốn khỏi các pháo đài của họ, những câu chuyện đã xuất hiện về những cảnh hoảng loạn trong bối cảnh Nga sụp đổ ở mặt trận phía đông.

Các báo cáo cho rằng binh lính Nga đã cướp quần áo từ các ngôi nhà của người Ukraine để họ cải trang thành dân thường, ăn cắp xe đạp trong tuyệt vọng để trốn thoát.

Những hình ảnh nổi bật đã xuất hiện về số lượng vũ khí khổng lồ của Nga bị bỏ lại hoặc bị phá hủy khi quân đội bỏ chạy khi đối mặt với cuộc tấn công dữ dội của Ukraine.

Và các chiến binh được trang bị kém và thiếu kinh nghiệm của Putin đã bị các chỉ huy của họ ở Nga bỏ rơi, theo một người Ukraine ở một ngôi làng mới giải phóng.

Olena Matvienko sống tại ngôi làng cách Kharkiv 37 dặm về phía đông nói với Washington Post rằng một số binh sĩ còn lại đang tuyệt vọng liên lạc với chỉ huy đơn vị của họ để cử người đến giúp họ. Nhưng chỉ huy họ trả lời “Mày hãy tự lo lấy.”

Cô nói trong vòng vài giờ đầu tiên sau cuộc tấn công dữ dội của Ukraine, một nửa quân số đã bỏ chạy để lại các phương tiện của họ.

“Họ vào nhà chúng tôi để lấy quần áo. Họ sợ máy bay không người lái nhìn thấy họ mặc đồng phục.”

Cô ấy tiếp tục: “Họ đã lấy xe đạp của chúng tôi. Hai người trong số họ đã chĩa súng vào chồng của tôi cho đến khi anh ấy đưa chìa khóa chiếc xe gắn máy cho họ”.

6. Thông tấn xã AFP có câu chuyện đau lòng này từ ngôi làng chỉ còn lại hai người

Người Nga đã bỏ lại một thị trấn ma ở Bohorodychne. Thông tấn xã AFP có câu chuyện đau lòng này từ ngôi làng chỉ còn lại có hai người.

Nina Gonchar, 92 tuổi, và con trai của bà, Mykola, đứng trước ngôi nhà đổ nát của họ, dường như là hai cư dân cuối cùng còn sót lại trong làng. Những người khác đã bị giết chết hay đã may mắn chạy kịp.

Họ đã nói chuyện với AFP.

Mykola, 58 tuổi, nói: “Người Nga đến, họ giết anh trai tôi và chị dâu tôi”.

Những người lính Nga muốn sử dụng nhà của anh trai anh ta làm căn cứ, nhưng sau khi anh ta từ chối, họ đã xả súng xuống ngôi nhà, giết chết hai vợ chồng cùng một lúc.

Mykola nói rằng anh ta quấn các thi thể trong chăn và tự mình chôn cất.

Anh và người mẹ già 92 tuổi “may mắn sống sót” nhờ vào những chiếc lọ đựng thức ăn, một ít gia cầm và một ít rau trong vườn.

“Làm thế nào tôi có thể mô tả nó bằng lời? Đó là điều khó khăn, mà đến bây giờ tôi vẫn rất sợ,” Mykola nói.

Mẹ của anh, bị chấn thương vì cuộc chiến, đang ẩn náu cùng với Mykola trong hầm trú ẩn mà con trai bà đào trong khu vườn của họ. Khu vực này đã lại nằm trong tay Ukraine sau cuộc phản công tuần qua.

“Tôi khóc mỗi ngày. Họ đã giết con trai tôi,” Nina nói, lấy khăn che mặt lau nước mắt.

7. Bảy bài học rút ra từ cuộc phản công của Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Seven Key Takeaways From Ukraine's Counteroffensive”, nghĩa là “Bảy bài học rút ra từ cuộc phản công của Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Quân đội Nga đang quay cuồng sau một cuộc phản công thành công của Ukraine, đẩy họ ra khỏi gần như toàn bộ Kharkiv ở phía bắc, cũng như giành được những thành tựu quân sự xung quanh Kherson ở phía nam, trong tuần qua.

Lực lượng của Kyiv đã chọc thủng các phòng tuyến của Nga ở phía đông Kharkiv, đẩy gần như toàn bộ quân Nga trở lại sông Oskil, trong chiến thắng được cho là lớn nhất của Ukraine kể từ khi nỗ lực chiếm Kyiv của Điện Cẩm Linh bị thất bại vào tháng 3.

Vào tối thứ Hai, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết quân đội của ông đã chiếm lại khoảng 2.320 dặm vuông kể từ khi cuộc phản công của họ bắt đầu vào đầu tháng này, và một quan chức Ukraine tuyên bố người Nga đã “bỏ lại một nửa thiết bị của họ” trong suốt cuộc rút lui hoảng loạn.

Một phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn của Washington DC, được công bố hôm thứ Hai kết luận rằng có bảy “điểm chính cần rút ra” như kết quả của cuộc tấn công của Ukraine và cuộc chiến tiếp diễn trên phạm vi rộng hơn.

Thứ Nhất: Quân đội Ukraine tiếp tục càn quét quân Nga ở Kharkiv

Quân đội Kyiv đang tiếp tục truy quét các lực lượng Nga ở Kharkiv, phía tây sông Oskil, và đã tiến đến các ngôi làng sát biên giới Nga.

Ở phía đông, họ chiếm lại Dvorchina, cách thành phố Kharkiv khoảng 62 dặm, cùng với Ternova xa hơn về phía bắc

Các lực lượng Ukraine cũng được tường trình đã đẩy quân Nga ra khỏi Bohorodychne, một khu định cư nhỏ bên kia biên giới hành chính ở vùng tây bắc Donetsk, khi cuộc tấn công phía bắc của họ mở rộng ra ngoài Kharkiv.

Thứ Hai: Nga đã đình chỉ triển khai các đơn vị mới thành lập tới Ukraine

Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, quân đội Nga đã ngừng gửi các đơn vị quân sự mới tới Ukraine để tránh các tổn thất nặng nề.

ISW nói thêm: “Tinh thần thấp do thành công trong cuộc phản công của Ukraine có thể tàn phá khả năng tạo ra năng lực chiến đấu có ý nghĩa của Điện Cẩm Linh vốn đã kém cỏi.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phải vật lộn để tuyển đủ quân cho cuộc chiến của ông ở Ukraine, trong khi những người theo đường lối cứng rắn thúc giục ông tuyên bố một cuộc tổng động viên toàn diện.

Thứ Ba: Lực lượng thân Nga đang “chạy trốn” khỏi các vùng của Luhansk bị chiếm đóng

Quân đội Nga và các cộng tác viên địa phương được cho là đang “chạy trốn” khỏi các vùng của Luhansk, nơi đã bị chiếm giữ gần như hoàn toàn và do chính phủ bù nhìn thân Cộng hòa Nhân dân Luhansk, gọi tắt là LNR, ủng hộ Điện Cẩm Linh cai trị.

ISW báo cáo: “Các lực lượng Nga đang thất bại trong việc củng cố chiến tuyến mới sau chiến thắng của Ukraine ở phía đông Kharkiv và đang tích cực tháo chạy khỏi khu vực hoặc tái bố trí sang các trục khác. Các nguồn tin Ukraine tuyên bố rằng tất cả các lực lượng Nga đã rời khỏi Svatove, Luhansk và chỉ có các phần tử dân quân của LNR - có thể là người dân địa phương - ở lại Svatove.

“Đoạn phim trên mạng xã hội cho thấy những dòng xe hơi kéo dài hàng km gần Schastia và Stanysia Luhanska, cả hai đều nằm dọc theo biên giới của lãnh thổ LNR lâu đời và gần với biên giới Nga.”

Thứ Tư: Việc tái chiếm Izium bảo vệ đường cao tốc Izium-Sloviansk khỏi hỏa lực pháo binh Nga

Việc Ukraine tái chiếm thành phố Izium đã khiến pháo binh Nga khó tấn công đường cao tốc Izium-Sloviansk, mà Kyiv đang sử dụng làm tuyến đường tiếp vận chính.

ISW cho biết: “Việc Ukraine tái chiếm Izyum có khả năng làm suy giảm khả năng tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo của lực lượng Nga dọc theo đường cao tốc Izyum-Slovyansk. Bộ Tổng tham mưu Ukraine lưu ý rằng các lực lượng Nga đã không tiến hành các cuộc tấn công bằng pháo vào hướng Slovyansk vào ngày 12 tháng 9, có khả năng ám chỉ các khu định cư phía tây bắc Slovyansk trên đường cao tốc E40.

Thứ Năm: Ukraine nhắm vào các mục tiêu của Nga ở Kherson, miền Nam Ukraine

Ukraine đã tiếp tục tấn công các lực lượng Nga ở khu vực Kherson xa hơn về phía nam, đặc biệt là ở phía bắc sông Dnepr xung quanh thành phố Kherson, nơi mà Ukraine đang hy vọng sẽ chiếm lại.

Theo Nhóm hoạt động Kakhovka, một bộ phận của quân đội Ukraine, các lực lượng của nước này đã tiến từ 2,5 đến 7,5 dặm kể từ khi họ bắt đầu các chiến dịch tấn công xung quanh Kherson, chiếm 310 dặm vuông lãnh thổ.

Các tuyến đường tiếp vận của Nga qua Dnepr, bao gồm cầu Antonovsky và hai cầu phao, đã bị đánh sập hoàn toàn vào hôm thứ Hai.

Ukraine đã tăng cường cuộc tấn công ở miền nam Kherson vào tháng 8, với nỗ lực rõ ràng là thu hút quân đội Nga từ các nơi khác trong nước, làm suy yếu hệ thống phòng thủ ở phía bắc và phía đông.

Thứ Sáu: Đường dây điện dự trữ được khôi phục cho Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế báo cáo rằng một đường dây điện dự trữ đã được khôi phục cho nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất Âu Châu.

Kể từ khi chiến tranh bắt đầu, địa điểm này đã liên tục bị pháo kích, Ukraine và Nga đổ lỗi cho nhau. Đôi khi nó đã bị ngắt kết nối với lưới điện chính và buộc phải dựa vào máy phát điện khẩn cấp.

Có những lo ngại rằng việc mất điện hoàn toàn có thể khiến lò phản ứng Zaporizhzhia tan chảy, dẫn đến thảm họa hạt nhân.

Thứ Bẩy: Những chiến thắng của Ukraine lan rộng sự hoảng sợ trong các khu vực do Nga chiếm đóng

Theo ISW, những thành công trên chiến trường của Ukraine đang gây ra sự hoảng loạn trong quân đội Nga tại các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine, và thậm chí khiến một số khu vực biên giới bị bỏ hoang.

ISW cho biết: “Cuộc phản công càn quét của Ukraine đang làm tổn hại đến năng lực cai trị của Nga và gây ra các cuộc tháo chạy của Nga khỏi các vùng bị chiếm đóng của Ukraine ở phía sau giới tuyến rất xa”.

“Trung tâm Kháng chiến Ukraine báo cáo vào ngày 12 tháng 9 rằng các lực lượng Nga trên khắp vùng Kherson bị chiếm đóng đã hạn chế quyền tự do đi lại nói chung, tăng cường các trạm kiểm soát quân sự và gia tăng cướp bóc, đặc biệt là xe máy - tất cả đều là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy sự tuyệt vọng của người Nga. Lực lượng Nga có thể cướp xe hơi và xe gắn máy để chạy trốn trong trường hợp quân đội sụp đổ”

Bộ Quốc phòng Nga đã được liên hệ để đưa ra bình luận.
 
Đòi thông qua một tài liệu xa lìa đức tin, Giám Mục Georg Bätzing vấp phải sự kháng cự của các Giám Mục Đức
VietCatholic Media
05:04 15/09/2022


1. Một linh mục Dòng Tên cho rằng Thượng hội đồng về tính đồng nghị là canh bạc lớn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Thượng hội đồng về tính đồng nghị, đang diễn ra sôi nổi và sẽ kết thúc vào tháng 10 năm 2023, là “canh bạc lớn nhất của triều đại giáo hoàng này,” linh mục Dòng Tên Thomas Reese nói. Cha Reese nói: “Quá trình này có thể thành công trong việc mang lại sự đoàn kết hơn cho giáo hội, hoặc nó có thể dẫn đến xung đột và chia rẽ lớn hơn. Trong khi dưới thời Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Bênêđíctô 16, các thượng hội đồng là “các công việc được quản lý theo giai đoạn, nơi chương trình nghị sự và cuộc tranh luận được kiểm soát cẩn thận” và nơi các giám mục quan tâm nhiều hơn đến việc thể hiện “lòng trung thành của họ với Đức Giáo Hoàng và giáo huấn của ngài” hơn là “tư vấn”.

Cha Reese lập luận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã phá vỡ truyền thống đó. Đối với vị Giáo hoàng Á Căn Đình, mọi người đều có thể thể hiện mình, nhưng nên cẩn thận không “'chính trị hóa' quy trình thượng hội đồng” bằng cách muốn thúc đẩy các chương trình nghị sự nhất định. Thượng Hội đồng phải là “thời gian cầu nguyện, lắng nghe và phân định”.

Tuy nhiên, Cha Reese than thở rằng “những người bảo thủ quá sợ hãi và những người tiến bộ quá thiếu kiên nhẫn cho một quá trình như vậy.” Do đó, tu sĩ Dòng Tên tỏ ra “bi quan,” trong khi cầu nguyện rằng “Đức Phanxicô một lần nữa có thể làm chúng ta ngạc nhiên”.
Source:National Catholic Register

2. 320 tân giám mục tham dự khóa huấn luyện tại Rôma

Sau hai năm bị tạm ngưng vì đại dịch, khóa huấn luyện cho các giám mục mới, đang được tiến hành tại Giáo hoàng Học viện “Nữ Vương Các Tông Đồ” (Regina Apostolorum) của Dòng Đạo Binh Chúa Kitô ở Roma.

Các giám mục này thuộc Bộ Giám mục và Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, được chia thành hai nhóm: nhóm thứ nhất gồm 150 vị, đã bắt đầu từ ngày 01 tháng Chín vừa qua; nhóm thứ hai gồm 170 vị sẽ bắt đầu từ ngày thứ Hai, ngày 12 tháng Chín này và kéo dài đến ngày 19 tháng Chín. Các khóa này được tổ chức theo ý muốn của Đức Thánh Cha.

Đề tài khóa của hai khóa là: “Loan báo Tin mừng trong một thời kỳ biến chuyển và hậu đại dịch: việc phục vụ của giám mục”.

Các đề tài được bàn tới khác với khóa của các giám mục thuộc các xứ truyền giáo và lần lượt đề cập tới ý nghĩa và những chân trời của một Giáo hội đồng hành; giáo dục việc tháp nhập vào khuôn khổ “đồng hành: quản lý khủng hoảng: đặc biệt chú ý đến nạn lạm dụng; Giáo hội trong xã hội hậu tân tiến sau thời đại dịch; kinh nghiệm theo giáo luật để quản trị một giáo phận; sống trong thế giới các phương tiện truyền thông vượt lên các mẫu thức kỹ thuật.

Có hai ưu tiên được đặc biệt cập tới, theo yêu cầu của Đức Thánh Cha, là gia đình và tình huynh đệ phổ quát, tiếp đến là sự thánh thiện của giám mục trong sự hiệp thông Công Giáo.

Các diễn giả trong khóa học hầu hết là các vị bộ trưởng của Tòa Thánh.

Hôm thứ Năm, ngày 08 tháng Chín vừa qua, Đức Hồng Y Marc Ouellet, Tổng trưởng Bộ Giám mục đã chủ sự thánh lễ với các giám mục, và sau đó các vị đã được Đức Thánh Cha tiếp kiến tại dinh Tông Tòa.

Sau các khóa trên đây, các giám mục nghi lễ Đông phương còn tham dự những cuộc gặp gỡ do Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương tổ chức.

3. Sau khi tài liệu đòi thay đổi giáo huấn Công Giáo về tính dục bị bác bỏ tại Tiến Trình Công Nghị, các nhà tổ chức thề sẽ yêu cầu Vatican can thiệp

Sau khi các giám mục Đức ngăn chặn một cuộc bỏ phiếu yêu cầu thay đổi giáo huấn của Giáo hội về tình dục tại Tiến Trình Công Nghị Đức, các nhà tổ chức hôm thứ Sáu đã lên tiếng không hài lòng với kết quả và thề sẽ “đưa nó đến” Rôma.

Một trong hai chủ tịch của Tiến Trình Công Nghị, Giám mục Georg Bätzing, bày tỏ “sự thất vọng cá nhân” rằng việc một nhóm thiểu số các giám mục đã ngăn chặn tài liệu thúc đẩy những thay đổi đối với giáo huấn của Giáo hội về đồng tính, song tính, bản sắc giới tính và thủ dâm không được chính thức thông qua.

Trong khi gần 83% thành viên của Tiến Trình Công Nghị ở Frankfurt đã bỏ phiếu ủng hộ việc thông qua văn bản, có tiêu đề “Sống trong các mối quan hệ thành công”, chỉ có khoảng 61% giám mục đồng ý.

Do đó, tài liệu về tình dục không đạt được 2/3 đa số, vì 21 giám mục bác bỏ văn bản và 3 giám mục bỏ phiếu trắng, trong khi 33 giám mục đã bỏ phiếu thông qua tài liệu.

Theo quy chế của Tiến Trình Công Nghị Đức, không chỉ 2/3 số thành viên có mặt biểu quyết ủng hộ một văn bản để nó được chính thức thông qua, mà còn cần phải có 2/3 số giám mục có mặt bỏ phiếu “đồng ý”.

Bätzing cho biết văn bản bị từ chối dù sao cũng là sản phẩm của Tiến Trình Công Nghị, và “do đó, chúng tôi sẽ đưa nó lên cấp độ của Giáo hội hoàn vũ khi chúng tôi ở Rôma vào tháng 11 cho chuyến thăm ad limina khi chúng tôi chuẩn bị Thượng Hội đồng Thế giới với các Hội đồng Giám mục lục địa vào tháng Giêng. Chuyến viếng thăm “ad limina Apoolorum” là cuộc họp của giáo hoàng bắt buộc đối với mọi giám mục giáo phận trên thế giới để cung cấp thông tin cập nhật về tình hình của giáo phận do giám mục đó cai quản.

Kết quả của cuộc bỏ phiếu vào ngày 8 tháng 9 đã dẫn đến sự bùng nổ cảm xúc ở Frankfurt, với một số người tham gia cáo buộc các giám mục đã không lên tiếng trước khi bỏ phiếu chống lại văn bản được đề xuất.

Sau cuộc bỏ phiếu kín hôm thứ Năm, một số giám mục cho biết họ đã không nói trước vì sợ áp lực từ Tiến Trình Công Nghị.

Irme Stetter-Karp, chủ tịch Ủy ban Trung ương của những người Công Giáo Đức (ZdK) và đồng chủ tịch của Tiến Trình Công Nghị, đã phê phán lời giải thích này vào hôm thứ Sáu.

Chủ tịch ZdK nói: “Tôi muốn thấy một phong trào nổi lên từ hội đồng giám mục do kết quả của những gì đã diễn ra ngày hôm qua, giao tiếp thay đổi, mọi người nói chuyện với tinh thần cởi mở.”

Tài liệu về tình dục chỉ là một trong số những cuộc tranh cãi gay gắt. Các tài liệu yêu cầu phong chức phụ nữ và chấm dứt đời sống độc thân linh mục cũng nằm trong chương trình nghị sự, cũng như việc thực hiện một Thượng Hội đồng thường trực.

Động thái này sẽ tạo ra một cơ quan thường trực để giám sát Giáo hội ở Đức và được đưa vào lịch trình của hội đồng vào thứ Sáu, ngày 9 tháng 9.
Source:Catholic News Agency
 
Tông Du Kazakhstan: Vài nét về đất nước và Giáo hội tại Kazakhstan. Đức Thánh Cha cử hành Lễ Suy Tôn Thánh Giá
VietCatholic Media
09:03 15/09/2022


1. Vài nét về đất nước và Giáo hội tại Kazakhstan

Kazakhstan là một lãnh thổ rộng lớn, với hai triệu 970.000 cây số vuông, đứng thứ chín trên thế giới về diện tích, gấp tám lần Việt Nam. Nước này bị sáp nhập vào Nga hồi thế kỷ XVIII, dưới thời Nga Hoàng Catarina Đại Đế. Bà gửi các linh mục Công Giáo đến làm việc mục vụ cho các tín hữu công nhân người Đức và Hòa Lan đến khai phá vùng này. Được độc lập ngày 16 tháng Mười Hai năm 1991, sau khi đế quốc Liên Xô tan rã, lãnh thổ Kazakhstan ngày nay chỉ có gần 19 triệu dân cư thuộc 150 sắc dân khác nhau, trong đó 63% là người Kazaki bản xứ, 24% là người Nga và 2% là người Ukraine.

Tuy chính phủ hiện nay muốn dành ưu tiên cho người Kazaki và ngôn ngữ này, nhưng cho đến nay, chỉ có 2% dân số tại Kazakhstan nói tiếng kazaki, và tất cả đều sử dụng tiếng Nga.

Kazakhstan được độc lập năm 1991 sau khi Liên Xô tan rã. Trong thập niên 1990 và sau đó, quyền bính tại nước này dần dần tập trung trong tay Tổng thống Nursultan Nazarbayev, một cựu công chức của chế độ Xô Viết. Ông cai quản Kazakhstan cho đến năm 2019, thì nhường quyền cho Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev hiện nay.

Về mặt tôn giáo, Kazakhstan có khoảng 70% dân số là tín hữu Hồi giáo, và Kitô giáo chiếm 26%, trong đó đa số thuộc Chính thống Nga. Cũng có 3% không thuộc tôn giáo nào.

Số tín hữu Công Giáo tại Kazakhstan chỉ có khoảng 125.000 người, với một Tổng giáo phận Astana-Nur-Sultan, hai giáo phận thuộc hạt là Almaty và Karaganda, và miền Giám quản Tông tòa Atyrau, tổng cộng có 81 giáo xứ, 146 trung tâm mục vụ. Nhân sự của Giáo hội gồm sáu giám mục, 78 linh mục giáo phận và 26 linh mục dòng, 5 tu huynh và 133 nữ tu. Cũng có 18 thừa sai giáo dân và 50 giáo lý viên.

Số tín hữu Công Giáo tại đây quá một nửa là người gốc Ba Lan, phần còn lại là người gốc Ý, Đức, Tây Ban Nha, v.v.

Tuy là thiểu số, nhưng các tín hữu Công Giáo đã hiện diện từ thế kỷ XIII tại nước này, và máu các vị tử đạo đã tưới gội tại đây, nhất là trong thế kỷ XX. Trong số các vị tử đạo được Tòa Thánh tôn phong chân phước, hồi cuối tháng Sáu năm 2001, đặc biệt có một giám mục và một linh mục bị giam và chết rũ tù trong các nhà giam gần thành phố Karaganda, mạn trung Kazakhstan, đó là Đức Tổng Giám Mục Budka và cha Zaricki.

2. Bài giảng của Đức Phanxicô trong Thánh lễ tại Nur-Sultan



Theo tin Tòa Thánh, vào lúc 16 giờ 45 ngày 14 tháng 9, 2022, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cử hành Thánh lễ đại trào tôn vinh Thánh Giá, tại Khu vực Tiển lãm ở thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan. Dù người Công Giáo của nước này chỉ chiếm 1% dân số 19 triệu người, rất đông đã lũ lượt tới tham dự Thánh lễ này.

Trong Thánh lễ này, Đức Giáo Hoàng trình bầy với anh chị em tín hữu đường lối mầu nhiệm Chúa dùng xử lý với tội lỗi của chúng ta: mở cho chúng ta một chân trời mới. Sau đây là nguyên văn bài giảng của ngài, dựa vào bản tiếng Anh của Tòa Thánh.



Thập giá là cái giá của sự chết. Tuy nhiên, hôm nay chúng ta cử hành việc tôn vinh thập giá Chúa Kitô, vì trên cây gỗ của nó, Chúa Giêsu đã tự mình gánh lấy mọi tội lỗi và điều ác của thế giới chúng ta, và đánh bại chúng bởi tình yêu của Người. Đó là lý do tại sao chúng ta cử hành ngày Lễ hôm nay. Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe cho chúng ta thấy việc tương phản rắn cắn với rắn cứu đã diễn ra như thế nào. Chúng ta hãy cùng nhau suy gẫm về hai hình ảnh này.

Đầu tiên, rắn cắn. Những con rắn này đã tấn công những người, một lần nữa, rơi vào tội nói chống lại Thiên Chúa. Việc nói chống lại Thiên Chúa như vậy không phải chỉ là việc càu nhàu và phàn nàn; ở bình diện sâu xa hơn, đó là dấu hiệu cho thấy trong lòng họ, dân Israel đã đánh mất lòng tin của họ vào Người và vào các lời hứa của Người. Khi dân Thiên Chúa băng qua sa mạc để đến miền đất hứa, họ ngày càng mệt mỏi và không còn sức chịu đựng cuộc hành trình nữa (xem Dân số 21: 4). Họ trở nên chán nản; họ mất hy vọng, và đến một điểm nào đó, thậm chí họ dường như còn quên cả lời hứa của Thiên Chúa. Thậm chí họ còn thiếu cả sức mạnh để tin rằng chính Chúa đang hướng dẫn họ đến một vùng đất dư thừa.

Không phải chuyện tình cờ khi không còn tin tưởng vào Thiên Chúa nữa, thì dân đã bị rắn độc cắn. Chúng ta nhớ đến con rắn đầu tiên được đề cập trong Kinh thánh, trong Sách Sáng thế: kẻ cám dỗ, kẻ đã đầu độc trái tim của Ađam và Evà và khiến họ nghi ngờ Thiên Chúa. Ma quỷ, dưới hình dạng một con rắn, đã lừa họ và gieo mầm ngờ vực trong họ, thuyết phục họ rằng Thiên Chúa không tốt, và thậm chí còn ghen tị với tự do và hạnh phúc của họ. Giờ đây, trong sa mạc, rắn xuất hiện trở lại, lần này là “rắn lửa” (câu 6). Nói cách khác, tội nguyên tổ trở lại: dân Israel nghi ngờ Thiên Chúa; họ không tin tưởng Người; họ phàn nàn và họ nổi loạn chống lại Đấng đã cho họ sự sống, và vì vậy họ gặp cái chết của họ. Đó là chỗ để những trái tim không tin tưởng kết thúc!

Anh chị em thân mến, phần đầu tiên của bài tường thuật này yêu cầu chúng ta xem xét kỹ những khoảnh khắc trong đời sống bản thân và cộng đồng của chúng ta khi sự tin cậy của chúng ta vào Chúa và người khác đã không còn. Biết bao lần chúng ta đã trở nên khô khan, chán nản và thiếu kiên nhẫn trong sa mạc bản thân của mình và đánh mất mục tiêu cuộc hành trình của mình! Ở đây cũng vậy, trên đất nước rộng lớn này, có một sa mạc. Dù với tất cả vẻ đẹp tự nhiên tuyệt vời của nó, nó vẫn có thể nhắc nhở chúng ta về sự mệt mỏi và khô cằn mà chúng ta đôi khi mang trong lòng. Những giây phút mệt mỏi và thử thách, khi chúng ta không còn đủ sức để nhìn lên Chúa. Các tình huống trong cuộc sống của chúng ta khi, với tư cách cá nhân, với tư cách Giáo hội và xã hội, chúng ta có thể bị cắn bởi con rắn của sự ngờ vực, bị đầu độc bởi sự vỡ mộng và tuyệt vọng, bi quan và cam chịu, và chỉ chăm chăm vào bản thân, thiếu tất cả nhiệt tình.

Ấy thế nhưng, vùng đất này đã trải qua những "vết cắn" đau đớn khác trong lịch sử của nó. Tôi nghĩ tới những con rắn hung hãn bạo lực, của vô thần bách hại và tất cả những khoảng thời gian khó khăn khi quyền tự do của con người bị đe dọa và nhân phẩm của họ bị xúc phạm. Chúng ta nên giữ cho ký ức về những đau khổ đó sống động và không quên những khoảnh khắc nghiệt ngã nào đó; nếu không, chúng ta có thể coi chúng như nước chẩy dưới cầu và nghĩ rằng bây giờ, một lần và mãi mãi, chúng ta đang đi đúng đường. Không. Hòa bình không bao giờ đạt được một lần và mãi mãi; giống như sự phát triển toàn diện, công bằng xã hội và sự chung sống hài hòa của các dân tộc và truyền thống tôn giáo khác nhau, nó cần được phục hồi mỗi ngày. Đòi hỏi mọi người phải cam kết nếu Kazakhstan muốn tiếp tục phát triển trong “tình huynh đệ, đối thoại và hiểu biết… xây dựng những nhịp cầu liên đới và hợp tác với các dân tộc, quốc gia và nền văn hóa khác” (Thánh Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Lễ đón tiếp, ngày 22 tháng 9 Năm 2001). Tuy nhiên, ngay cả trước đó, chúng ta cần phải đổi mới đức tin của mình vào Chúa: nhìn lên trên, nhìn vào Người và học hỏi từ tình yêu phổ quát và bị đóng đinh của Người.

Và vì vậy chúng ta đến với hình ảnh thứ hai: con rắn cứu. Khi dân chúng đang chết vì rắn lửa, Thiên Chúa nghe lời cầu bầu của Môsê và nói với ông: “Hãy làm một con rắn lửa và đặt nó trên một cây sào. Nếu ai bị nó cắn mà nhìn vào, thì sẽ được sống ”(Ds 21: 8). Và quả thật, “nếu ai bị rắn cắn, thì nhìn con rắn đồng mà sống” (câu 9). Tuy nhiên, chúng ta có thể hỏi: Tại sao Thiên Chúa không đơn giản tiêu diệt những con rắn độc đó thay vì đưa ra những chỉ dẫn chi tiết này cho Môsê? Cách hành động của Thiên Chúa cho chúng ta thấy cách Người đối phó với điều ác, tội lỗi và sự ngờ vực của nhân loại. Lúc đó, cũng như bây giờ, trong trận chiến tâm linh vĩ đại kéo dài suốt lịch sử, Thiên Chúa không hủy diệt những thứ thấp hèn và vô giá trị mà đàn ông và đàn bà chọn theo đuổi. Rắn độc không biến mất; chúng luôn ở đó, nằm chờ, sẵn sàng cắn xé. Rồi điều gì đã thay đổi, Chúa làm gì?

Chúa Giêsu nói với chúng ta trong Tin Mừng: “Như Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3: 14-15). Đây là sự thay đổi mang tính quyết định: con rắn cứu rỗi đã đến giữa chúng ta. Chúa Giêsu, đã được nâng lên trên cây thập giá, không cho phép những con rắn độc tấn công chúng ta để gây cái chết cho chúng ta. Đương đầu với sự khốn cùng của chúng ta, Thiên Chúa ban cho chúng ta một chân trời mới: nếu chúng ta cứ chăm chăm nhìn vào Chúa Giêsu, thì nọc độc của sự dữ không còn chiến thắng được chúng ta nữa, vì trên thập giá, Người đã tự mình mang lấy nọc độc của tội lỗi và sự chết, và đè bẹp sự hủy diệt sức mạnh của chúng. Đó là phản ứng của Đức Chúa Cha đối với sự lây lan của sự dữ trên thế giới: Người đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu, Đấng đến gần chúng ta một cách mà chúng ta không bao giờ có thể tưởng tượng được. “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta” (2Cr 5:21). Đó là sự vĩ đại vô hạn của lòng thương xót thần linh: Chúa Giêsu “trở nên tội lỗi” vì chúng ta. Chúng ta có thể nói Chúa Giêsu trên thập giá “đã trở thành một con rắn”, để khi nhìn chằm chằm vào Người, chúng ta có thể chống lại những vết cắn độc của những con rắn độc ác tấn công chúng ta.

Thưa anh chị em, đây là con đường, con đường dẫn đến sự cứu rỗi của chúng ta, sự tái sinh và sự phục sinh của chúng ta: nhìn Chúa Giêsu bị đóng đinh. Từ đỉnh cao của thập giá, chúng ta có thể nhìn cuộc sống của chúng ta và lịch sử của các dân tộc của chúng ta một cách mới mẻ. Vì từ thập giá của Chúa Kitô, chúng ta học được tình yêu thương, chứ không phải lòng hận thù; lòng cảm thương, chứ không phải sự thờ ơ; tha thứ chứ không phải báo thù. Vòng tay dang rộng của Chúa Giêsu là vòng tay của tình yêu dịu dàng mà Thiên Chúa muốn ôm chúng ta vào lòng. Chúng cho chúng ta thấy tình yêu thương huynh đệ mà chúng ta được kêu gọi dành cho nhau và cho mọi người. Chúng chỉ cho chúng ta con đường, con đường Kitô giáo. Đó không phải là con đường áp đặt và cưỡng bức, của quyền lực và địa vị; nó không bao giờ vung thập giá của Chúa Kitô chống lại anh chị em của chúng ta, những người mà Người đã hiến mạng sống mình cho! Con đường của Chúa Giêsu, con đường cứu rỗi thì khác: đó là con đường của một tình yêu khiêm nhường nhưng không và phổ quát, không có những chữ “nếu”, “và” hay “nhưng”.

Đúng thế, vì trên gỗ thập giá, Chúa Kitô đã loại bỏ nọc độc khỏi con rắn dữ. Như thế, là một Kitô hữu, có nghĩa là sống không có nọc độc: không cắn xé lẫn nhau, không phàn nàn, đổ lỗi và đánh sau lưng, không gieo rắc điều ác, không làm ô nhiễm trái đất bằng tội lỗi và không tin tưởng vốn phát xuất từ tên ác. Thưa anh chị em, chúng ta đã được tái sinh từ cạnh sườn bị đâm thủng của Chúa Giêsu bị đóng đinh. Xin cho chúng con được thoát khỏi chất độc của sự chết (xem Kn 1:14), và cầu xin nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng con càng được trở nên Kitô hữu trọn vẹn hơn bao giờ hết: thành các nhân chứng vui tươi của cuộc sống mới, của tình yêu và hòa bình.
 
TT Zelenskiy bị tai nạn xe ở Kyiv. Su-30 Nga chỉ là huyền thoại. Quân Putin bỏ chạy ở Melitopol
VietCatholic Media
17:01 15/09/2022


1. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy bị tai nạn xe hơi ở Kyiv sau khi thăm Izium

Tổng thống Zelenskiy đã bị tai nạn xe hơi chỉ vài giờ sau khi ông thề sẽ đưa quốc gia “tiến tới chiến thắng” trong chuyến viếng thăm bất ngờ.

Tổng thống Ukraine đang di chuyển trên đường phố Kyiv sau khi trở về từ Izium thì xe của ông bị một chiếc xe khác tông vào.

Thư ký báo chí của ông Sergii Nykyforov cho biết nhà lãnh đạo anh hùng không bị thương nặng trong vụ tai nạn giao thông. Ông cho biết tổng thống Zelenskiy đã được các bác sĩ kiểm tra sức khỏe. Tài xế xe hơi đã được cấp cứu tại hiện trường trước khi được xe cứu thương đưa vào bệnh viện. Hiện cảnh sát đang điều tra vụ việc.

Vụ tai nạn giao thông xảy ra sau khi nhà lãnh đạo anh hùng đến thăm quân đội tại thị trấn Izium vừa được giải phóng chỉ vài ngày sau khi quân đội của Putin bỏ chạy trong thất bại nặng nề nhất kể từ khi rút lui khỏi Kyiv.

Trong diễn từ với các binh sĩ, Zelenskiy thề sẽ tiếp tục xông lên phía trước khi quân của ông đến rìa Donbas do Nga trấn giữ trong một cuộc phản công tuyệt đẹp.

Ông nói: “Chúng ta đang đi theo một hướng duy nhất - về phía trước và hướng tới chiến thắng.”

Zelenskiy đã dự một lễ kéo cờ mang tính biểu tượng giữa đống đổ nát của thị trấn bị đánh bom và thề: “Lá cờ xanh-vàng của chúng ta đã và sẽ mãi mãi tung bay ở Izyum”.

“Nó sẽ như vậy ở mọi thành phố và làng mạc của Ukraine.”

Chuyến đi nâng cao tinh thần mới nhất của ông trái ngược hoàn toàn với Putin hèn nhát. Cuộc gặp gỡ duy nhất của ông ta với quân đội tiền tuyến diễn ra trong sự an toàn của một bệnh viện ở Mạc Tư Khoa.

Ukraine cho biết họ đã giải phóng khoảng 6.000 km vuông - một khu vực có diện tích bằng Devon - với cuộc tấn công chớp nhoáng vào tuần trước khiến quân đội Nga bất ngờ.

Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết các vũ khí tầm xa của Anh và Mỹ đã đóng một vai trò quan trọng cho sự thành công của sứ mệnh này.

2. Lính Dù Ukraine đã bắn hạ một máy bay chiến đấu Su-30 của Nga bằng súng phòng không.

Trong bản báo cáo hôm thứ Năm 15 tháng 9, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết Lữ Đoàn Dù số 80 đã bắn hạ và bắt sống phi công Nga đang lái một chiếc Sukhoi 30 của Nga, trị giá 36 triệu Mỹ Kim.

“Những ngày này, các xạ thủ phòng không của Lữ đoàn Dù số 80 đã hạ được một máy bay chiến đấu đa năng Su-30 của Nga. Phi công nhảy dù thoát ra ngoài trước khi chiếc máy bay nổ tung và đã bị bắt sống. Anh ta không ngờ rằng lính dù lại có thể bắn hạ anh ta bằng súng phòng không ZU 23ly”.

Như đã đưa tin, ngày 13/9, Lực lượng Phòng không của đơn vị này cũng đã bắn rơi 2 máy bay chiến đấu của đối phương - một máy bay cường kích Su-25 và một máy bay ném bom Su-24.

3. Khoảng 8.500 km vuông, 388 khu định cư và 150.000 người đã được giải phóng khỏi quân xâm lược Nga ở vùng Kharkiv kể từ ngày 6 tháng 9 năm 2022.

Trong bản báo cáo hôm thứ Năm 15 tháng 9, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết:

“Hôm qua tôi đã hứa sẽ cập nhật cho các bạn về các khu vực được giải phóng của vùng Kharkiv. Điều quan trọng là phải trình bày những dữ liệu này trong bối cảnh chung của cuộc chiến chứ không phải riêng lẻ.”

Theo lời của cô, đường giới tuyến hiện nay dài 2.500 km, và các cuộc chiến đang diễn ra trong phạm vi 1.300 km.

“Chúng tôi đang tiến hành hoạt động phòng thủ, như một phần của hoạt động này, chúng tôi cũng cố gắng thực hiện các hành động tấn công. Quả thực, chúng ta đã chờ đợi thành công này rất lâu, nhưng chúng ta vẫn phải chiến đấu và chiến đấu. Chúng ta cần giải phóng nhiều người và nhiều vùng đất của chúng ta trước khi chúng ta giành chiến thắng hoàn toàn. chúng ta cần nhiều thời gian, sức mạnh và sự kiên nhẫn.”

Theo Maliar, các con số liên quan đến các khu vực giải phóng đang được cập nhật liên tục, vì đây là một quá trình năng động. Ngoài ra, các khu vực giải phóng cần có thêm các biện pháp an toàn và ổn định để làm cho dân chúng an toàn để sinh sống. Các báo cáo chính thức về số lượng các khu vực được giải phóng được đưa ra với một sự trì hoãn có chủ ý và có thể tính đến các biện pháp bảo mật quốc phòng.

Xin nhắc lại rằng, vào ngày 14 tháng 9 năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã đến thăm thành phố Izium vừa được giải phóng, chào thăm quân đội Ukraine và tham gia lễ kéo Quốc kỳ.

4. Đan Mạch huấn luyện binh sĩ Ukraine trên lãnh thổ của mình

Chính phủ Đan Mạch đã đồng ý bắt đầu huấn luyện binh sĩ Ukraine trên lãnh thổ của Đan Mạch.

Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Morten Bodskov tuyên bố điều này sau chuyến thăm Kyiv. Ông Bodskov nói: “Tôi không muốn đi sâu vào chi tiết, nhưng sẽ có huấn luyện cho lực lượng phòng thủ Ukraine ở Đan Mạch.”

Vào đầu tháng 8, Bộ Quốc phòng Đan Mạch thông báo sẽ cử 130 hướng dẫn viên đến Anh để huấn luyện quân đội Ukraine.

Vào đầu tháng 7, nhóm quân nhân Ukraine đầu tiên đã đến Vương quốc Anh để tham gia một chương trình huấn luyện quân sự lớn mới. Khóa học bao gồm các chương trình về giải quyết vũ khí, sơ cứu chiến trường, sinh tồn tại hiện trường, chiến thuật tuần tra và các yếu tố pháp lý liên quan đến xung đột vũ trang, chẳng hạn như cách thức đối xử với tù hàng binh địch theo công ước Geneva.

5. Trong cuộc phản công Izium số khí tài chiến tranh Ukraine tịch thu và còn dùng được bằng với số người Đức gởi cho họ trong 6 tháng

Theo Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine, chỉ trong một tuần bắt đầu từ ngày 6 tháng 9, riêng tại vùng Kharkiv 590 thiết bị của Nga đã bị phá hủy.

“Tổn thất của địch theo kiểm đếm sơ bộ là 86 xe tăng và 158 xe chiến đấu bọc thép, 106 hệ thống pháo, 159 xe và 46 đơn vị thiết bị khác.”

Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nhấn mạnh rằng đây chỉ là các thiết bị của Nga bị phá hủy. Bên cạnh đó, còn một con số đông đảo các xe tăng, thiết giáp và các thiết bị khác bị bỏ lại còn nguyên vẹn. Nó bao gồm 20 xe tăng đang hoạt động và gần như cùng một số lượng như vậy cần sửa chữa cũng như 40 xe bọc thép, 100 xe quân sự khác và 21 xe chở quân bọc thép.

Một chuyên gia khẳng định chiến lợi phẩm của Kyiv ở khu vực Kharkiv lên tới nhiều khí tài quân sự hơn so với số lượng khí tài quân sự mà Đức đã cung cấp cho Tổng thống Volodymyr Zelenskiy trong 6 tháng qua.

Bước tiến đáng kinh ngạc được cho là xảy ra sau một “chiến dịch thông tin sai lệch” của Ukraine về một cuộc phản công ở phía nam đã chuyển hướng hàng nghìn quân Nga về hướng đó, khiến vùng đông bắc vô cùng dễ bị tổn thương.

Truyền thông Ukraine đã kêu gọi phương Tây không đưa tin về các hoạt động di chuyển của quân đội Ukraine trong tuần qua, vì lo ngại kế hoạch này sẽ lọt vào tay người Nga.

Khi những người lính của Putin chạy trốn khỏi thành trì cũ của họ, những câu chuyện đã xuất hiện về những cảnh hoảng loạn trong bối cảnh Nga sụp đổ ở mặt trận phía đông.

Các báo cáo cho rằng binh lính Nga đã cướp quần áo từ các ngôi nhà của người Ukraine để họ cải trang thành dân thường, ăn cắp xe hơi, xe gắn máy và cả xe đạp để trốn thoát trong tuyệt vọng.

Tốc độ sụp đổ của quân Nga nhanh đến mức, những đống đạn dược và thậm chí là thức ăn đang ăn dở đã bị bỏ lại.

Paul McNamara của Channel 4 News đưa tin: “Cuộc rút lui của Nga quá nhanh chóng, họ không có thời gian để hoàn thành bữa trưa theo lời một sĩ quan Ukraine.”

Marty, sĩ quan Ukraine 25 tuổi, nói với The Telegraph: “Tôi nghĩ rằng đó là sự khởi đầu của sự kết thúc đối với quân xâm lược Nga”.

“Họ đang chạy khỏi vị trí của mình theo đúng nghĩa đen, để lại đồ đạc của họ và hướng đến các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng khác họ cho rằng an toàn hơn, và thậm chí là chạy về Nga.”

Điều này xảy ra sau các báo cáo từ những người lính Nga bị bắt, tuyên bố rằng chỉ huy hèn nhát của họ đã bỏ trốn.

Những người lính đóng quân ở Chuguyiv trong vùng Kharkiv kể từ tháng 3, nói với những người bắt giữ họ rằng đơn vị đã bị “mất tinh thần” bởi cuộc tấn công gần đây của Ukraine.

“Trong suốt thời gian có mặt trên lãnh thổ Ukraine, tôi nhận ra rằng quân đội Nga đã mất niềm tin vào chiến thắng, và bộ chỉ huy đang cố gắng chạy trốn khỏi chiến trường một cách hèn nhát”.

Người lính trẻ cho biết anh sống sót được vì đã đầu hàng kịp thời, đồng thời kêu gọi các đồng đội của mình cũng hãy hạ vũ khí xuống.

Anh nói: “Tôi khuyên tất cả binh sĩ Nga đầu hàng. “Và đối với những người cha người mẹ - xin đừng để họ rơi vào các khế ước để cuối cùng họ phải chết, điều đó không đáng.”

“Đây không phải là cuộc chiến của chúng ta.”

Trong khi đó, với sự xáo trộn hàng đầu của Putin, các nguồn tin Ukraine báo cáo rằng Putin đã sa thải một trong các chỉ huy trưởng của mình chỉ sau 16 ngày làm việc.

Trung tướng Roman Berdnikov, đã bị sa thải khỏi vị trí chỉ huy Quân khu phía Tây chỉ hai tuần sau khi được bổ nhiệm. Pravda, trích lời Cục trưởng Cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, nói rằng ông đã được thay thế bởi Tướng Aleksandr Lapin.

Lần đầu tiên, truyền thông nhà nước Nga buộc phải thừa nhận rằng quân đội nước này đã bị tổn thất nặng nề. Vào cuối tuần, quân đội Nga đã giương cờ trắng và từ bỏ thành phố Izium.

Một quan chức Nga đã tuyên bố rằng lực lượng Ukraine đông hơn lực lượng của Nga từ 8 đến 1 trong cuộc phản công Kharkiv vào tuần trước.

Những số liệu này chưa được xác minh độc lập.

Vitaly Ganchev nói với kênh truyền hình Nga rằng quân đội Ukraine đã chiếm giữ một số ngôi làng ở phía bắc và đột nhập vào biên giới Nga.

Trên TV do nhà nước kiểm soát, nhiều chuyên gia tin tức Nga đổ lỗi cho nhau về chiến lược thất bại ở Ukraine.

Vào đầu cuộc chiến, nhiều người ở Nga đã khoe khoang rằng quân đội vượt trội của họ sẽ giành quyền kiểm soát thủ đô Kyiv của Ukraine chỉ trong ba ngày.

Nhưng giờ đây, khi “hoạt động quân sự đặc biệt” chạm mốc 200 ngày, nhiều chuyên gia khác nhau đã xếp hàng để tìm người có lỗi.

Trong một cuộc tấn công gần như chưa từng có, các chính trị gia ở Nga đã kêu gọi Putin phải đối mặt với tội danh phản quốc.

Các nhà lập pháp từ một hội đồng quận ở thành phố thứ hai của Nga St Petersburg - nơi Putin bắt đầu sự nghiệp chính trị - phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng khi lên tiếng chống lại chế độ.

Có thông tin rằng một số binh sĩ của Putin đã bắt đầu đàm phán với Quân đội Ukraine để giao nộp vũ khí.

Kênh 24 của Ukraine đã nói chuyện với phát ngôn viên quân đội Nataliya Humenyuk, người cho biết quân đội Nga “đang cố gắng đàm phán các điều khoản và cách thức họ sẽ hạ vũ khí và tuân theo sự bảo trợ của luật nhân đạo quốc tế”.

Cô cho biết: “Đã có một sự bất ổn nhất định và sự suy giảm tinh thần, sâu sắc đến mức ngay cả các chỉ huy của Nga cũng nhận ra rằng họ không còn nơi nào để đi.”

6. Quân đội của Putin bỏ chạy khỏi Melitopol khi Ukraine tấn công chớp nhoáng về phía Crimea

Quân đội của Putin đã bắt đầu rời bỏ một thành phố lớn khác khi đối mặt với cuộc phản công chớp nhoáng của Ukraine.

Trong một đòn sỉ nhục mới đối với Điện Cẩm Linh, các lực lượng Nga được cho là đang rút khỏi Melitopol ở khu vực Zaporizhzhia, miền nam Ukraine và tiến về Crimea

Thị trưởng trước khi bị chiếm đóng Ivan Fedorov viết trên Telegram rằng các hàng dài xe pháo quân sự được nhìn thấy ùn tắc tại một trạm kiểm soát ở Chonhar, một ngôi làng đánh dấu ranh giới giữa bán đảo Crimea và đất liền Ukraine.

Melitopol, một khu vực có diện tích bằng một nửa xứ Wales, đã bị chiếm đóng từ đầu tháng Ba khi bắt đầu cuộc chiến của Putin với Ukraine.

Chiếm được vùng này sẽ tạo cơ hội cho Kyiv phá vỡ các tuyến tiếp tế của Nga giữa miền nam và miền đông Donbas, là hai khu vực chính mà các lực lượng do Mạc Tư Khoa hậu thuẫn đang chiếm giữ.

Trong khi đó, các lực lượng Nga cũng đã rút hết khỏi khu vực đông bắc Kharkiv, bao gồm cả thị trấn cách Nga hai dặm bị chiếm giữ vào ngày đầu tiên của cuộc chiến.

Tuần trước, lực lượng của Putin đã bỏ thành phố trọng điểm Izium ở Kharkiv.

Tại ngôi làng Chkalovske mới được giải phóng ở vùng Kharkiv, Svitlana Honchar cho biết sự ra đi của người Nga là đột ngột và nhanh chóng.

Cô nói: “Họ ra đi như một cơn gió. Họ đã chạy trốn bằng mọi cách có thể.

“Một số người Nga dường như đã bị bỏ lại sau cuộc rút lui vội vàng. Họ đã cố gắng bắt kịp “.

Nó xảy ra khi các binh sĩ Nga được cho là đang đầu hàng liên tục trong một đòn nhục nhã khi quân của Kyiv đang tiến lên.

Một số binh lính của bạo chúa Nga đã mất tinh thần được nhìn thấy chạy xe đạp qua biên giới trong khi những người khác đầu hàng quân Ukraine.

Trong khi đó, các quan chức Ukraine đã công bố đoạn phim cho thấy quân đội của Kyiv đốt cờ Nga và kiểm tra những chiếc xe tăng bị bỏ hoang và bị cháy.

Trong một video, những người lính biên phòng đã xé một tấm áp phích có nội dung “Chúng ta là một dân tộc với nước Nga”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy nói rằng các lực lượng Ukraine đang thực hiện các biện pháp ổn định trên toàn bộ lãnh thổ đã chiếm lại ở phía nam và phía đông, đồng thời truy quét quân đội Nga, những kẻ phá hoại và những kẻ bị cáo buộc là cộng tác viên.

Zelenskiyy nói: “Điều rất quan trọng là cùng với quân đội của chúng ta, với lá cờ của chúng tôi, cuộc sống bình thường, bình thường tiến vào lãnh thổ bị chiếm đóng”.

Quân đội Nga đã bị tổn thất nghiêm trọng trong tuần qua khi quân đội Ukraine tiến hành một cuộc phản công tuyệt đẹp.

Tình báo Anh cho biết, một lực lượng hàng đầu, Sư đoàn quân xe tăng cận vệ số 1, đã bị suy giảm nghiêm trọng trong cuộc xâm lược, cùng với các lực lượng thông thường của Nga được thiết kế để chống lại NATO.

Các quan chức Anh cho biết: “Có thể sẽ mất nhiều năm để Nga xây dựng lại khả năng này”.

Các chuyên gia ước tính Nga đã mất số vũ khí trị giá gần một tỷ USD kể từ đầu cuộc tấn công Kharkiv của Ukraine vào ngày 6/9.

Khi cuộc tấn công dường như sắp sụp đổ, quân đội Nga đang từ bỏ số lượng lớn vũ khí như xe tăng trên chiến trường.
 
Chứng tá đức tin nghẹn ngào: Tù nhân khắc Kinh Lạy Cha trên tường phòng giam khu tra tấn Kharkiv
VietCatholic Media
17:05 15/09/2022


1. Kinh Lạy Cha trên bức tường của một phòng tra tấn

Các quan chức Ukraine cho biết có một phòng tra tấn do quân đội Nga thiết lập tại Balakliia vừa được giải phóng. Serhiy Bolvinov, người đứng đầu Cục Cảnh sát Điều tra Quốc gia Khu vực Kharkiv, nói rằng ít nhất 40 người đã từng bị giam giữ trong thời gian thành phố bị quân Nga chiếm đóng.

Các phóng viên của BBC đã vào thăm phòng tra tấn. Họ chứng kiến tận mắt một kinh nghiệm đức tin gây xúc động. Các tù nhân đã dùng móng tay của mình cào lên trên tường những lời của Kinh Lạy Cha, cùng với những vạch để đếm bao nhiêu ngày họ bị giam trong tầng đầu địa ngục khủng khiếp. BBC cũng đã báo cáo một số chứng từ của những người dân địa phương.

Artem, sống ở thành phố Balakliya thuộc tỉnh Kharkiv nói với BBC rằng anh bị người Nga giam giữ hơn 40 ngày và bị tra tấn bằng điện giật. Tâm điểm của sự tàn bạo là đồn cảnh sát của thành phố, nơi mà lực lượng Nga sử dụng làm trụ sở chính.

Artem cho biết anh có thể nghe thấy tiếng la hét đau đớn và kinh hoàng phát ra từ các phòng giam khác.

Anh nói, người Nga muốn bảo đảm rằng tất cả những người bị đưa vào đây có thể nghe thấy những tiếng rên la đau đớn bằng cách tắt hệ thống thông gió ồn ào của tòa nhà.

“Họ đã tắt nó đi để mọi người có thể nghe thấy những người khác hét lên như thế nào khi họ bị điện giật,” anh nói với BBC. “Họ đã cho điện giật một số tù nhân mỗi ngày”. Tình trạng các phụ nữ còn bi thảm hơn, họ cũng bị điện giật trong khi bị buộc phải khỏa thân, và trong nhiều trường hợp họ đã bị hãm hiếp.

Và họ cũng đã làm điều đó với Artem. “Họ bắt tôi phải cầm hai sợi dây,” anh nói.

“Có một máy phát điện quay bằng tay. Họ càng quay càng nhanh, điện áp càng cao. Họ nói, 'nếu mày cứ để tụi tao quay, thì mày chết là cái chắc'. Sau đó, họ bắt đầu đặt câu hỏi. Họ nói rằng tôi đã nói dối, và họ bắt đầu quay nó nhanh hơn và điện áp tăng lên”.

Artem nói với chúng tôi rằng anh ta bị giam giữ vì người Nga tìm thấy bức ảnh của anh trai anh, một người lính, trong bộ quân phục. Một người đàn ông khác từ Balakliya đã bị giữ trong 25 ngày vì anh ta có lá cờ Ukraine, Artem nói.

Một hiệu trưởng của trường tên là Tatiana nói với chúng tôi rằng cô ấy đã bị giam trong đồn cảnh sát trong ba ngày và cũng nghe thấy tiếng la hét từ các phòng giam khác.

Chúng tôi đến thăm đồn cảnh sát, và thấy Kinh Lạy Cha được cào trên tường của một trong những phòng giam chật chội, cùng với những dấu hiệu để đếm bao nhiêu ngày đã trôi qua.

Các sĩ quan cảnh sát Ukraine cho biết có tới tám người đàn ông bị giam trong các phòng giam dành cho hai người. Họ nói rằng người dân địa phương đã sợ hãi thậm chí không dám đi qua ngôi nhà này khi người Nga làm nhiệm vụ, họ sợ bị lính Nga tóm cổ lôi vào.
Source:BBC

2. Không có thay đổi nào đối với văn bản của Hội đồng các Giáo hội Thế giới về Ukraine, bất chấp các phản đối của Chính Thống Giáo Nga

Không có bất kỳ thay đổi nào so với dự thảo văn kiện cuối cùng của Đại hội đồng lần thứ 11 Hội đồng các Giáo hội Thế giới, gọi tắt là WCC, liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Văn bản đã được thông qua, bất chấp các chỉ trích của Chính Thống Giáo Nga.

Hôm thứ Năm 8 tháng 9, khi văn bản gốc được công bố, Chính Thống Giáo đã bày tỏ thái độ không hài lòng, sự phản đối đã đi xa đến mức mô tả văn bản khôn hơn gì các quảng cáo của Starbucks và Mc Donald.

Hôm thứ Sáu 9 tháng 9, tại cuộc họp cuối cùng của WCC ở Karlsruhe, ủy ban, sau khi nhấn mạnh rằng họ đã nhận được hơn 90 email liên quan đến các yêu cầu sửa đổi văn bản, đã quyết định không có bất kỳ thay đổi nào.

Đại diện của ủy ban đã nói, “Đây là nơi mà các cuộc thảo luận tiếp tục, nơi có cơ hội để chữa lành vết thương.”

Hai can thiệp duy nhất được thực hiện trong văn bản gốc là thay thế từ “chiến tranh” bằng cụm từ “Nga xâm lược Ukraine”, và thay thế từ “Nga” (trong câu: “sự hiện diện của đại diện các Giáo Hội từ Ukraine và Nga”) với cụm từ “phái đoàn đa quốc gia của Giáo Hội Chính thống Nga”.

Tại thời điểm này, đã có phản ứng từ Tòa Thượng Phụ Đại Kết. Đặc biệt, Tổng Giám Mục Iakovos Krotak, đã phản đối và yêu cầu loại bỏ từ “đa quốc gia”, vì theo quan điểm của ông, Nga và Ukraine chỉ là một quốc gia.

Tổng Giám Mục Antonios của Volokolamsk, người đứng đầu phái đoàn của Giáo hội Nga tại Karlsruhe, đã đề cập đến văn bản đã được phê duyệt và nhấn mạnh rằng “phái đoàn của Giáo hội Chính thống Nga không thể ủng hộ văn bản này đã được Hội đồng Hội đồng Giáo hội Thế giới công bố.

Đồng thời, chúng tôi lạc quan một cách thận trọng về quan điểm của WCC, mà trong quá trình làm việc về tài liệu về xung đột Ukraine, đã từ chối, bất chấp các áp lực chính trị chưa từng có, như đã được thể hiện qua bài phát biểu tại Hội đồng của Tổng thống Đức Frank Steinmeier và theo tuyên bố của một số người khác kêu gọi loại trừ Chính Thống Giáo Nga khỏi WCC, và thừa nhận tầm quan trọng của sứ mệnh nhân đạo quy mô lớn của Chính Thống Giáo Nga trong việc hỗ trợ những người tị nạn và nạn nhân của cuộc xung đột, diễn ra với sự chúc phúc của Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa.”

Tổng Giám Mục Antonios, trong khi mô tả văn bản cuối cùng “phần lớn bị chính trị hóa”, nói rằng cuộc thảo luận diễn ra trong khuôn khổ của Hội đồng, có thể là một điểm khởi đầu cho WCC, cho một “nghiên cứu khách quan và công bằng về nguyên nhân của xung đột kéo dài ở Ukraine, cũng như cho các nỗ lực hòa bình tiếp theo”.

Trong thông báo của mình, ông cũng lên tiếng chống lại Giáo Hội Chính Thống Giáo Ukraine, gọi tắt là OCU.

Đặc biệt, ông lấy làm tiếc rằng đề xuất của các đại diện của Giáo hội Ukraine về việc “lên án các vụ chiếm đóng bạo lực hàng loạt các nhà thờ tại Ukraine thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, do OCU “thực hiện, không được đưa vào tài liệu.
Source:Orthodox Times

3. Hoạt động của các Hội Giáo hoàng truyền giáo

Chủ tịch các Hội Giáo hoàng truyền giáo, Đức Tổng Giám Mục Giampietro Dal Toso, đề cao tầm quan trọng của các hội này trong việc truyền bá đức tin và kêu gọi các giám mục cộng tác với các hội này.

Đức Tổng Giám Mục Dal Toso cũng là Đồng Tổng thư ký Bộ Truyền giảng Tin mừng. Hôm 06 tháng Chín vừa qua, ngài đến thuyết trình cho 80 giám mục thuộc các xứ truyền giáo, thụ phong trong những năm gần đây, đang dự khóa bồi dưỡng tại Học viện thánh Phaolô ở Roma.

Trong dịp này, bốn vị Tổng thư ký bốn Hội Giáo hoàng truyền giáo cũng trình bày cho các giám mục về các cơ cấu, thẩm quyền và hoạt động. Cha Tadeusz Nowak, Dòng Hiến sinh Đức Mẹ Vô Nhiễm, Tổng thư ký Hội Truyền bá đức tin, kêu gọi các giám mục hãy giữ liên lạc và cộng tác với các vị Giám đốc toàn quốc các Hội Giáo hoàng truyền giáo tại quốc gia của mình. Có 120 vị giám đốc như vậy tại 120 nước. Trong năm 2021, Hội Truyền bá đức tin đã tài trợ hơn 110 triệu Mỹ kim cho các hoạt động tại các xứ truyền giáo.

Cha Guy Bognon, thuộc tu đoàn Xuân Bích, Tổng thư ký Hội thánh Phêrô Tông đồ, trong năm qua (2021), đã hỗ trợ việc đào tạo các chủng sinh: cụ thể là tài trợ cho 431 Tiểu chủng viện với hơn 45.800 tiểu chủng sinh, 120 chủng viện dự bị với gần 5.600 ứng viên, 220 Đại chủng viện với tổng cộng hơn 23.000 đại chủng sinh. Hội này cũng giữ liên lạc với 800 chủng viện, với 80.000 chủng sinh. Ngoài ra, Hội cũng trợ giúp 978 tập viện dòng nam và dòng nữ.

Hội Giáo hoàng Nhi đồng truyền giáo, hay cũng gọi là Hội Thánh Nhi, do nữ tu Roberta Tremarelli làm Tổng thư ký của Hội, cho biết trong năm ngoái Hội này đã trợ giúp hơn 15 triệu Mỹ kim cho các giáo phận ở Á, Phi, Mỹ và Châu đại dương với mục đích giúp các thầy cô khơi lên và phát triển nơi các trẻ em và thiếu niên ý thức về sứ vụ truyền giáo, ngay từ nhỏ.

Hội thứ tư là Liên hiệp Truyền giáo, một hội không liên hệ gì tới việc tài trợ cho các miền truyền giáo, nhưng nhắm giúp phát triển tinh thần truyền giáo nơi các tín hữu, giáo sĩ cũng như tu sĩ và giáo dân. Tổng thư ký của Hội là cha Tôma Nguyễn Đình Anh Nhuệ, dòng Phanxicô Viện Tu, đã trình bày cho các giám mục về chủ đích và đường lối hoạt động của Hội này. Đặc biệt, cha giới thiệu dự án triệu tập một Hội nghị quốc tế việc loan báo và huấn luyện Kitô để tiến tới một Giáo hội thấm đượm tinh thần truyền giáo, đặc biệt qui trọng tâm về các giáo lý viên. Hội nghị được sự cộng tác của Giáo hoàng Đại học Urbaniana của Bộ Truyền giáo. Hội nghị nhắm tái đẩy mạnh việc linh hoạt và đào tạo các giáo lý viên cũng như chương trình thường huấn cho họ ở các Giáo hội địa phương.

4. Đức Thánh Cha giúp 100.000 Mỹ kim cho nạn nhân lụt lội tại Pakistan

Qua Bộ Bác ái của Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi giúp 100.000 Mỹ kim, như một đóng góp vào việc cứu trợ các nạn nhân bị lụt tại Pakistan, thiên tai khủng khiếp gây thiệt hại cho 33 triệu dân nước này.

Tình trạng tại Pakistan vẫn còn trầm trọng: hàng trăm ngàn người đã phải bỏ gia cư đi lánh nạn và thiệt hại được ước lượng vào khoảng 10 tỷ đô la.

Lũ lụt do mưa gió mùa và các tảng băng ở miền bắc Pakistan tan chảy ra. Tổ chức Sức khỏe Thế giới ước lượng có hơn 6 triệu 400.000 người dân nước này cần được cứu trợ tại những vùng bị lụt. Liên Hiệp Quốc cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế quyên góp 160 triệu đôla để trợ giúp các nạn nhân. Và ngày 09 tháng Chín vừa qua, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Antonio Guterres đến thăm các vùng bị lụt.

Đức Hồng Y Joseph Coutts, nguyên Tổng giám mục giáo phận Karachi, nói rằng: “Đây là một cuộc tàn phá chưa từng thấy và những người nghèo nhất phải chịu thiệt hại nhất”.