Ngày 15-09-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Linh mục: người của ai và người thế nào?
LM Nguyễn Vinh Gioang
11:27 15/09/2008
Linh mục: người của ai và người thế nào?

(Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang, Hạt trưởng Hạt Quảng Trị, giảng về chức Linh Mục dịp Tân Linh Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Thiện Nhân về dâng Thánh Lễ Tạ Ơn tại Giáo xứ Bố Liêu, hạt Quảng Trị, ngày 15/9/2008)

Ao có bờ, sông có bến, con người có Quê Cha Đất Tổ.

Thánh Lễ Tạ Ơn hôm nay, và tại đây, thật là đầy ý nghĩa cao đẹp trong tâm tình đối với Thiên Chúa và đối với Ông Bà Tổ Tiên. Trong dịp nầy, tôi xin chia sẻ với Cộng Đoàn Phụng Vụ những suy tư về Linh Mục như sau.

I. Linh mục là người của ai ?

Linh mục là người của gia đình.

Linh mục xuất thân từ một gia đình đạo đức, từ những cha mẹ thánh thiện.
Giáo Hội luôn xem gia đình là yếu tố hết sức quan trọng cho ơn gọi linh mục, vì thế, Giáo Hội định nghĩa gia đình là chủng viện đầu tiên.
Thánh Gioan Boscô đã từng nói: “Hồng ân quý giá nhất mà Thiên Chúa ban cho một gia đình công giáo, là gia đình đó có được một người con làm linh mục”.

Linh mục là người của giáo dân.

Giáo dân cảm thấy mình rất thiếu thốn khi sống mà vắng bóng linh mục.
Giáo dân cần đôi tay của linh mục để được chúc lành, cần đôi chân của linh mục để được thăm viếng, cần đôi môi của linh mục để được ăn Bánh Hằng Sống, để được nghe Lời Hằng Sống, cần đôi tai của linh mục để được tha thứ tội lỗi, cần những đau khổ và hy sinh trong thân xác và linh hồn của linh mục để được hưởng ơn cứu độ.

Linh mục là người của tha nhân.

Linh mục phục vụ tha nhân trong tinh thần khiêm tốn và vô vị lợi.
Linh mục không dùng quyền lực, không dùng ưu thế.
Linh mục là mục tử nhân hậu theo gương Chúa Kitô.
Linh mục là tôi tớ của Chúa. Chúa Giêsu đã chọn linh mục để phục vụ theo gương Ngài. Chính Ngài đã nói rõ với linh mục: “Thầy đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ.”
Linh mục được sai đến đâu, là để phục vụ tha nhân ở đó, chứ không phải để chú tâm vào đời sống riêng của mình, không phải để sống cuộc đời trưởng giả và bắt kẻ khác phục vụ mình.

Linh mục là người của Giáo Hội.

Giáo Hội cần linh mục để sống còn, để hoạt động.
Lịch sử Giáo Hội chứng minh rõ ràng: nơi nào linh mục tan rã thì Giáo Hội nơi đó cũng rã tan theo; nơi nào linh mục lung lay thì nơi đó Giáo Hội cũng lung lay theo; nơi nào linh mục bị tiêu diệt thì Giáo Hội nơi đó cũng không đứng vững được.
Bởi vậy, để sống còn, Giáo Hội luôn tìm cách, tìm đủ mọi cách, không cách nầy thì cách khác, để cho có linh mục.

Linh mục là người của Chúa.

Linh mục được Chúa Giêsu đặc biệt tuyển chọn. Và từ đó, linh mục trọn thuộc về Chúa Giêsu và về Giáo Hội của Ngài.
Chúa Giêsu Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi muôn đời, đó là khẩu hiệu sống động của linh mục.
Linh mục nói lên cho mọi người biết có Chúa, cho mọi người biết còn Chúa.
Người ta không thấy Chúa, nhưng người ta có thể thấy Chúa qua linh mục.
Tuy là một tín hữu như mọi tín hữu, linh mục đã được Chúa chọn đặc biệt trong muôn một để phụng sự Thiên Chúa, Giáo Hội và đồng loại.
Chính Đức Giám mục đã chọn các linh mục như xưa Chúa Giêsu đã chọn các tông đồ.

II. Linh mục là người thế nào ?

Linh mục là người đem lại nguồn vui.

Linh mục đem tin Mừng đến cho mọi người và làm cho mọi người biết có Chúa luôn ân cần săn sóc họ.
Dầu sống trong đau thương của Thập Giá, linh mục vẫn luôn luôn có một cuộc đời tràn ngập hân hoan.
Chính Chúa Giêsu là nguồn vui bất tận của linh mục. Ngài đã từng nói với các linh mục đầu tiên trong Nhà Tiệc Ly: Thầy muốn “các con được hưởng niềm vui của Thầy, để niềm vui các con được trọn vẹn”.
Linh mục vui tươi làm cho trần gian được bừng sáng, làm cho thế giới được mặn mà.
Linh mục vui tươi, mới đủ sức sống hăng hái trong những lúc nghiệt ngã và đầy thử thách của đời mình.
Linh mục vui tươi mới đủ sức giúp tha nhân vui sống và tiến lên trên con đường nhọc nhằn của họ.
Chúng ta có thể ví linh mục như một bông hoa: bông hoa luôn vui vẻ mở rộng lòng để đón tất cả: đón sương mai êm dịu cũng như đón nắng trưa gay gắt, đón gió xuân về mơn trớn cũng như đón mưa lũ bão lụt đến tàn sát, đón ngày sáng cũng như đón đêm đen. Bông hoa không bao giờ phàn nàn, không bao giờ sợ hãi. Bông hoa chỉ biết đem lại nguồn vui và sự êm ái cho mọi người.

Linh mục là người đem lại niềm hy vọng.
Chúa dùng linh mục để đem hy vọng đến cho mọi người.
Khi hướng về tương lai, không ai biết rõ được con đường nào chắc chắn để bước tới. Nhưng đã có linh mục: linh mục là kẻ có nhiệm vụ hướng dẫn mọi người đi trên con đường đầy yêu thương của Thiên Chúa quan phòng dành riêng cho họ.

Linh mục là người đem lại tình yêu.

Linh mục được Chúa dùng như máng nước để chuyển nước Tình Yêu đến tưới cho mọi người.
Linh mục là người đại diện Tình Yêu của Chúa.
Linh mục trở nên người cha đầy lòng nhân ái, luôn tìm đủ cách để hoà giải, để hiệp nhất, để tha thứ, để đem lại cho mọi người tình yêu vô bờ vô bến của Thiên Chúa.

III. Linh mục cao cả làm sao !

Ôi linh mục, linh mục thật cao cả!” Đó là lời của thánh linh mục Vianê, cha sở họ Ars, quan thầy của các linh mục quản xứ.
Ngài nói tiếp: “Nếu linh mục biết được mình là ai, có lẽ linh mục phải chết mất. .. bởi vì Thiên Chúa phải vâng lời linh mục: linh mục nói một lời, lập tức Thiên Chúa từ trời xuống thế và ẩn mình trong Bánh thánh.”
Ngài còn nói tiếp: “Nếu tôi gặp một linh mục và một thiên thần, tôi sẽ kính chào linh mục trước, rồi mới chào kính thiên thần sau, bởi vì thiên thần là bạn của Chúa, còn linh mục là người thay mặt Chúa.”

Ở trên đời nầy, Giáo Hội quý trọng thứ nhất là Chúa Giêsu, thứ hai là Đức Mẹ Maria, và thứ ba là linh mục. Vì thế, trong bất cứ thời điểm nào cũng như trong bất cứ hoàn cảnh nào - thời Giáo Hội gặp khó khăn cũng như thời Giáo Hội hưởng được tương đối an bình, khi Giáo Hội sống “chui” cũng như lúc Giáo Hội sống công khai, - Giáo Hội luôn coi việc đào tạo linh mục là một trong những bổn phận chính yếu nhất, là một trong những việc quan trọng nhất của mình.
Và khi phong chức được một linh mục mà thôi, Giáo Hội cũng xem đó là một trong những thành công lớn lao nhất của mình.
Vì sao? Vì Giáo Hội xác tín rằng linh mục, do Chúa Giêsu chọn để thay thế Ngài trên trần gian nầy, là người lúc nào cũng sẵn sàng sống chết với Giáo hội, là người luôn luôn cảm thông với Giáo Hội, là người luôn luôn yêu mến Giáo Hội, là người luôn luôn lắng nghe Giáo Hội và bênh vực Giáo Hội với bất cứ giá nào.

IV. Hãy cầu nguyện cho Linh mục !

Linh mục đã được Chúa tuyển chọn, đã được Chúa chúc phúc, nhưng linh mục vẫn phải sống giữa trần gian.
Cuộc đời của linh mục, tuy có nhiều cơ hội thuận tiện và tốt đẹp, nhưng cũng có rất nhiều hoàn cảnh éo le, đầy thách đố và khó khăn. Và trọng trách của linh mục thật là lớn lao: đem mọi người đến cùng Chúa, đem tất cả đoàn chiên về nước Trời.

Linh mục cần rất nhiều ơn Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện nhiều cho các linh mục, đặc biệt là cho tân linh mục hôm nay. Amen.
 
Cùng Mẹ Sầu Bi
Vũ Hiền
16:53 15/09/2008
Cùng Mẹ Sầu Bi

Mẹ yêu thương con xin chia cùng Mẹ
Nỗi đau nào tê tái cả vành môi
Nỗi đau nào đờ đẫn mắt nhìn rồi
Nỗi đau nào lạnh con tim giá buốt

16 tuổi Mẹ vẫn còn non nớt
Lấy đâu ra dũng cảm với can trường
“Mẹ Chúa Trời” lời Thiên sứ truyền tin
Sao sanh con: hang bò lừa hôi hám!!!

Khi ẵm Con lên đền thờ dâng hiến
Simeon báo Mẹ lưỡi gươm đời
Xuyên thấu hồn, cay nghiệt quá Mẹ ơi
Trong lặng thầm nỗi đau dài năm tháng

Con thơ dại như chồi non hé rạng
Đoạn trường nào lếch thếch trốn lủi chui
Đêm mùa Đông trời lạnh cắt da người
30 ngày, đường như không đích điểm

Tuổi mười hai, Con xa rời thất lạc
Ba ngày trời trái tim Mẹ lao đao
“Con lo việc Cha” Mẹ nghiệm được chưa nào
Mà xa xót, khổ sầu, không điểm tựa

Ba mươi ba: tuổi chín mùi rực rỡ
Đẹp rạng ngời thánh thiện tỏa hào quang
Đôi bàn tay ban ân phúc đầy tràn
Đôi bàn chân gieo Tin mừng rong ruổi

Con yêu thương những kẻ nghèo, người đói
Con chan hòa gần gũi đám hạ nhân
Con sóc săn, dạy dỗ, bao ân cần
Cho của ăn, chữa lành, tha lỗi tội

Chúng bắt Con, ôi, vì sao, Con hỡi!
Oan khiên nào Con nhận chịu rẻ khinh
Vâng ý Cha, thực thi sứ mệnh mình
Mẹ một lòng mím chặt đôi môi tím

Con Chí Thánh, Mẹ vẫn hằng chiêm niệm
Từ thưở mở lòng, lời tuân phục “Xin Vâng”
Vẫn lặng thầm, nước mắt nuốt vào tromg
Khi mường tượng: một ngày nào, Thập Tự

Đường hôm nay ngập lửa thù giận dữ.
Dốc núi cao khổ giá xót vai Con
Đòn đánh nát tan, sỉ nhục muôn vàn
Thân Con Mẹ ê chề tơi tả quá

Mẹ nhìn Con đớn đau trào máu lệ
Nuốt vào trong, Con hỡi: Ý Cha trời
Mẹ nhìn Con chia sẻ nỗi đau đời
Chung cùng Con khổ giá ơn cứu độ

Khi Con ngã Mẹ cũng cùng quỵ ngã
Nào đâu con tôi, hình tượng con người
Nào đâu con yêu, Vua cả đất trời
Bám vào Niềm Tin, hiến tế Con cùng Mẹ

Thập giá giương cao, nát tan đến thế
Tiếng búa đóng đinh xoáy động buốt lòng
Máu Con ướt đầm, máu Mẹ lạnh đông
Chân Thập tự, cả đất trời vỡ vụn

Mẹ đứng đó, lặng thầm cơn nấc nghẹn
Ba giờ Con quằn quại Mẹ cùng chia
Uống Lời Con trăn trối phút biệt lìa
Trọn cơn khát chén đắng Cha thịnh nộ

Đã hoàn tất chén chúc lành cứu độ
Con vẫn hoài khao khát chén Tình Yêu
Con vẫn bao dung, tha thứ, xót thương nhiều
Để lòng Mẹ theo con, nỗi đau dung thứ

Đón xác Con cứng còng,
thương tích đời,
lòng người độc dữ
Sự sống đã nở hoa, vinh thắng trước tử thần
Mẹ hiểu: Con XIN VÂNG,
bằng tặng phẩm thập hình
Chuộc lại tội gian trần, đắm mê ngập ngụa.

Pieta, nỗi Mẹ đau muôn đời, cóng tê muôn thưở
Ôm Con trong tay, bao chua xót, nghẹn ngào
Một chút này đây, xiết chặt Con vào
Một khoảnh khắc thôi, buông Con từ biệt
Hang mộ ngậm ngùi, Mẹ chừng tê liệt
Có thấu lòng ta? thê thiết mất Con rồi…

Bao nỗi đau thương dàn trải cuộc đời
Bảy sự đớn đau thảm sầu chan máu lệ
Mẹ đồng công: chuộc tội đời, hiến tế
Kiên vững, tín trung, vẫn vâng phục một lòng
Xin cho con noi bước Mẹ tập tành
Đủ dũng cảm, cậy tin, và phó thác
Đủ yêu mến thập tự Ngài gửi đến
Để vững vàng,
đường khổ giá dẫu chông chênh
Xin cho con: đường hẹp bước tới cùng
Nơi mỗi góc gai đời, nhận ra,
Ngài cùng gánh đỡ
Và con trút muộn phiền lắng lo trong Chúa…
 
Lễ suy tôn Thánh giá Đức Chúa Giêsu Kitô
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
17:30 15/09/2008
LỄ SUY TÔN THÁNH GIÁ ĐỨC CHÚA GIÊSU KITÔ

LỜI CHÚA: Gioan 3,13-17: Bài trích Phúc Âm theo thánh Gioan. Khi ấy, Đức Chúa GIÊSU phán cùng ông Nicôđêmô rằng: ”Không ai lên Trời được, ngoài Người đã từ Trời xuống, tức là Con Người vốn ở trên Trời. Cũng như Môisen treo con rắn nơi hoang địa thế nào, thì Con Người cũng phải bị treo lên như vậy, để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời”. Quả thật, THIÊN CHÚA đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì THIÊN CHÚA không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ.

SUY NIỆM

Đứng gần THÁNH GIÁ Đức Chúa GIÊSU KITÔ có Thân Mẫu Người, Gioan 19,25. Vì thế, tín hữu Công Giáo chân chính chỉ có thể suy niệm sâu xa về mầu nhiệm THÁNH GIÁ, về cuộc Khổ Nạn của Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng Cứu Độ nhân loại, nhờ sự trợ giúp của Hiền Mẫu nhân loại là Đức Nữ Trinh Rất Thánh MARIA mà thôi. Lý do là vì, Đức Mẹ MARIA đã cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và theo sát cuộc đời trần thế của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Theo sát đến tận đồi Golgotha và đứng dưới chân THÁNH GIÁ cho đến khi Đức Chúa GIÊSU KITÔ trút hơi thở cuối cùng. Đức Mẹ MARIA đã thông phần trọn vẹn cuộc Khổ Nạn và trở thành Đấng Đồng Công Cứu Chuộc với Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Con Dấu ái của Đức Mẹ. Khiết Tâm Đức Mẹ MARIA đập cùng nhịp với Thánh Tâm Đức Chúa GIÊSU KITÔ, xưa kia nơi trần gian cũng như ngày nay trên thiên quốc. Xin Đức Mẹ MARIA giúp tín hữu Công Giáo suy niệm thấu đáo và thật lòng tôn vinh THÁNH GIÁ Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Tôn vinh trong đời sống riêng tư và đặc biệt, dám can đảm tôn vinh THÁNH GIÁ Đức Chúa GIÊSU KITÔ nơi công cộng, trong sinh hoạt tập thể cộng đoàn.

THÁNH GIÁ Đức Chúa GIÊSU KITÔ là dấu chứng của ơn cứu độ, của Tình Yêu. Tình Yêu tự hiến tự hủy cho đến chết và chết ô nhục trên THÁNH GIÁ. Chỉ có Tình Yêu mới giúp tín hữu Công Giáo cảm nhận và hiểu thấu đáo Tình Yêu THÁNH GIÁ của Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Chính Ngài giải thích rõ ràng với ông Nicôđêmô rằng: Con Người phải bị treo lên để những ai tin vào Người, thì không bị tiêu diệt muôn đời. Nói cách khác, THÁNH GIÁ của Đức Chúa GIÊSU KITÔ trao ban ơn cứu độ cho tất cả những ai tin và dám tuyên xưng Đức Tin vào THÁNH GIÁ Đức Chúa GIÊSU KITÔ.

Ngày nay, khắp nơi nơi, trong xã hội bị tục hóa, bị vu khống bách hại, THÁNH GIÁ Đức Chúa GIÊSU KITÔ bỗng trở thành một thách đố, một dấu chỉ ngược dòng. Phải có can đảm lắm, phải can đảm thật nhiều, tín hữu Công Giáo mới dám công khai mang THÁNH GIÁ Đức Chúa GIÊSU KITÔ trên người và treo THÁNH GIÁ ở chỗ làm việc, nghĩa là nơi công cộng! Để biện minh cho lý do tôn trọng tín ngưỡng của người ngoài Kitô Giáo - như hồi giáo chẳng hạn! - kẻ vô thần, người chống đối và những kẻ bài Kitô Giáo, nhiều tín hữu Công Giáo không còn dám công khai bày tỏ lòng kính yêu và suy tôn THÁNH GIÁ Đức Chúa GIÊSU KITÔ nữa! Thật đáng tiếc, nếu không muốn nói là đáng chê đáng trách! Một tín hữu Công Giáo mà lại hổ thẹn vì THÁNH GIÁ của Đức Chúa GIÊSU KITÔ sao??? Chẳng lẽ tín hữu Công Giáo chân chính lại quên bẵng rằng ơn cứu độ loài người đến từ THÁNH GIÁ Đức Chúa GIÊSU KITÔ sao???

Đối với tín hữu Công Giáo Việt Nam, chúng ta có tấm gương nêu cao của 117 hiển thánh anh hùng tử đạo Việt Nam. Dẫn đầu niên lịch phụng vụ là ngày 13 tháng Giêng mừng kính 3 vị: thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm (1780-1859), Quan án; thánh Giuse Phạm Trọng Tả (1800-1859), Cựu Chánh Tổng và thánh Luca Phạm Trọng Thìn (1820-1859), Chánh Tổng. Cả 3 thánh Tử Đạo đều thuộc làng Quần Cống, tỉnh Nam Định, ngày nay thuộc giáo phận Bùi Chu. Và cả 3 Vị chịu tử đạo cùng ngày cùng năm: 13-1-1859. Lý do là vì cả 3 Vị Tử Đạo đều từ chối không bước qua THÁNH GIÁ Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Đặc biệt khi quân lính đến bao vây làng Quần Cống, xã Trà Lũ, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, thánh Đaminh Phạm Trọng Khảm tập họp mọi người lại, khuyên họ bền chí. Để khích lệ những người nhát đảm, thánh Khảm nói:

- Kẻ nào trong anh em đạp lên THÁNH GIÁ, khi quan về, tôi sẽ đuổi cổ ra khỏi làng, sẽ không có chỗ mà chôn xác đâu! (Uống Nước Nhớ Nguồn, Thiên Hùng Sử 117 Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam San José, California, Hoa Kỳ, 1991, trang 33-40).

Tấm gương trên đây thật quá rõ ràng cho tín hữu Công Giáo Việt Nam. Vậy thì, tín hữu Công Giáo còn chờ đợi điều gì, còn sợ hãi ai, mà không dám công khai treo Thánh Giá Đức Chúa GIÊSU KITÔ trong mỗi gia đình, trong các nơi làm việc công cộng?

Xin kết thúc với lời tuyên xưng Đức Tin của thánh Phaolô Tông Đồ trong thư gởi tín hữu Galát rằng: Chúng ta phải được vinh quang nơi THÁNH GIÁ Đức GIÊSU KITÔ, Chúa chúng ta. Chính nơi Người, chúng ta được cứu độ, được sống và sống lại, và nhờ Người, chúng ta đã được cứu chuộc và được giải thoát (Galát, 6,14).
 
Khám phá Đức Tin tại trung tâm thánh mẫu Lộ Đức
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
17:31 15/09/2008
KHÁM PHÁ ĐỨC TIN TẠI TRUNG TÂM THÁNH MẪU LỘ ĐỨC

Năm nay - 2008 - là lần thứ năm tôi đi hành hương Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức. Lần thứ năm với tư cách tín hữu Công Giáo. Nhưng lần đầu tiên thì không. Lần đó tôi nhập bọn với nhóm bạn trẻ vùng Alsace thuộc giáo phận Strasbourg miền Đông Bắc nước Pháp đi hành hương Lộ Đức. Chúng tôi ở lại Lộ Đức trong vòng một tuần lễ. Thật tuyệt vời bởi vì tuổi trẻ vô cùng ham vui! Nhưng tôi đâu ngờ rằng đây là cuộc vui biến đổi hẳn hướng đi tâm linh của cuộc đời tôi!

Câu chuyện bắt đầu với biến cố vào một buổi tối, chúng tôi tụ họp nhau trước Hang Đá Đức Mẹ Lộ Đức. Trong vòng một tiếng đồng hồ, tôi không hề nghe một tiếng động nhỏ. Tôi xin nhắc lại: không một tiếng động nhỏ, cho dù lúc đó đang có mặt khoảng hơn một trăm bạn trẻ. Mọi người giữ thinh lặng. Thinh lặng tuyệt đối. Thinh lặng chỉ bị phá tan bởi tiếng chuông ngân của đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức thỉnh thoảng đều đặn vang lên lời kinh AVE MARIA - Kính Mừng MARIA!

Biến cố thứ hai có quyết định chung kết chính là cuộc gặp gỡ với một Nữ Tu Công Giáo tại Trung Tâm Thánh Mẫu Lộ Đức. Sự hiện diện của Nữ Tu bỗng chốc như một dấu chỉ chứng tỏ cho tôi thấy THIÊN CHÚA hiện hữu và cùng lúc, sự hiện hữu của Tình Yêu, một thứ Tình Yêu sống động, như đụng chạm sờ mó được! Sự xuất hiện của Nữ Tu trên lộ trình cuộc đời tôi không những truyền đạt cho tôi niềm hân hoan, nhưng nhất là, thông truyền cho tôi cái gì đó cao cả hơn, dũng mạnh hơn, nhưng không thể mô tả được! Thật tuyệt vời! Cũng chính ngay lúc ấy, tôi bỗng ý thức được cái trống rỗng trong cuộc đời tôi.

Cuộc hành hương với giới trẻ Công Giáo Alsace chấm dứt. Khi trở về giáo xứ, tôi bắt đầu nghiêm chỉnh tiến bước trên hành trình Đức Tin. Và ngày trọng đại, ngày chờ mong đã đến. Đó là ngày 10-4-2004, Đêm Vọng Lễ Phục sinh, tôi được hồng phúc lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Năm ấy tôi 14 tuổi. Đúng thật là giây phút trọng đại, thời gian hồng phúc, lúc tôi thật sự trở thành con THIÊN CHÚA, trong một Lễ Hội quan trọng nhất trong năm của Giáo Hội Công Giáo. Đó là Lễ Phục Sinh, Lễ mừng Đức Chúa GIÊSU KITÔ chiến thắng sự dữ, chiến thắng cái chết và Sống Lại huy hoàng!

Chuyến hành hương thứ hai đến Lộ Đức - năm 2005 - tôi đi theo đoàn giới trẻ Alsace với tư cách là tín hữu Công Giáo với trọn vẹn ý nghĩa của danh xưng Công Giáo. Tôi cũng đi hành hương Lộ Đức với tư cách là nhân viên thiện nguyện phục vụ các Bệnh Nhân hành hương Lộ Đức. Tôi phải thành thật thú nhận rằng công tác phục vụ các Bệnh Nhân không dễ dàng. Nhưng tôi rút ra bài học: biết tôn trọng sự khác biệt của từng người giữa trẻ-già, mạnh khoẻ và tàn tật. Mỗi người đều có trọn nhân phẩm cho dù thuộc vào giai tầng xã hội nào, trạng thái thể xác và tinh thần nào!

Lần đầu tiên trong tuổi trẻ tôi nhận chân sự khác biệt giữa người lành lặn và người tàn tật. Tôi đau đớn tự nhủ: Sao lại có sự bất công lớn lao như thế này: tôi đi đứng bình thường trong khi người khác lại phải ngồi ghế lăn hay phải nằm liệt giường??? Hơn thế nữa, tôi ghi nhận thêm một sự kiện quan trọng. Đó là những bệnh nhân hành hương Lộ Đức biểu lộ một Đức Tin sâu thẳm. Họ luôn can đảm chịu đựng và mĩm cười ghi ơn mỗi khi được tận tâm giúp đỡ! Đúng thật là tôi nhận được nhiều hơn là cho đi. Tôi chỉ dâng hiến chút ít thời giờ phục vụ. Nhưng bù lại tôi được an ủi thật nhiều, thật nhiều! Thật cảm động.

Sau lần hành hương Lộ Đức với tư cách là nhân viên thiện nguyện phục vụ Bệnh Nhân ấy, khi trở về, tôi chính thức ghi danh trở thành nhân viên thiện nguyện phục vụ nơi một Nhà Hưu Dưỡng ở gần nhà tôi. Bởi vì tôi là thợ hớt tóc nên mỗi tháng một lần tôi đến Nhà Hưu Dưỡng để hớt tóc, cạo râu làm đẹp lão cho các cụ ông cụ bà, mang đầy nét dịu hiền nhân ái.

Ngày hôm nay khi viết lên chứng từ này tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì dâng hiến chút ít thời giờ phục vụ tha nhân. Đặc biệt tôi dâng lời cảm tạ THIÊN CHÚA đã ban cho tôi hồng phúc lãnh nhận bí tích Rửa Tội gia nhập Giáo Hội Công Giáo, duy nhất, thánh thiện và tông truyền. Chính hồng ân trở thành con THIÊN CHÚA đã lấp đầy trong tôi khoảng trống mà tôi cảm nghiệm trước đó. Giờ đây trong hành trình cuộc sống, vào những lúc gặp khó khăn, tôi luôn luôn xác tín rằng THIÊN CHÚA hằng ở ngay bên tôi.

Chứng từ của cô Morgane Zaiter, người Pháp.

... ”Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào THIÊN CHÚA, và có THIÊN CHÚA làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái” (Giêrêmia 17,7-8).

(”LOURDES Magazine”, n.4 (159) 2008, trang 2)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:13 15/09/2008
TÔN GIÁO

N2T


Có một vị đứng đầu chính phủ đi du lịch ngang qua mảnh đất này, đi đến trước mặt đại sư xin chỉ giáo.

- “Công việc nhà nước của tôi rất bận, không có lúc nào nhàn rỗi để nghe khải thị dài dòng văn tự.” Ông ta nói: “Ngài có thể vì tôi là người quá bận việc, mà đem tinh hoa của tôn giáo cô đặc thành một câu được không ?”

- “Vì để làm vừa lòng nguyện vọng của đại nhân, tôi sẽ đem nó cô đặc lại thành một chữ.”

- “Không thể tưởng tượng được, chữ huyền diệu ấy là gì ?”

- “Suy tư.”

- “Làm thế nào để đạt được suy tư ?”

- “Yên lặng quan sát.”

- “Tôi có thể hỏi lại: Yên lặng quan sát là gì ?”

- “Suy tư.”


(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Có một thời người ta quan niệm tôn giáo là dành cho những người quê mùa, dốt đặc và nghèo khổ. Nhưng thế giới xã hội loài người đã chứng minh, và luôn chứng minh: tôn giáo là động cơ thúc đẩy con người ta hướng thiện và tìm kiếm hòa bình cho mọi dân tộc. Không có tôn giáo thì con người chỉ là những người chỉ biết ăn, ngủ, hưởng thụ, chém giết, khủng bố, bạo tàn như một bầy khỉ mà thôi.

Ngày nay, tất cả những ai có lương tri đều tìm đến tôn giáo, nơi niềm tin của mình họ tìm được sự bằng an giữa cảnh đời bất công trụy lạc; nơi niềm tin của mình, họ nhìn thấy ánh sáng của Thiên Chúa đang dẫn lối họ bước theo.

Nhìn và quan sát những việc xảy ra cho mình, cho mọi người và cho thế giới rồi lấy đức tin mà suy niệm, thì sẽ thấy chính tôn giáo dạy cho chúng ta biết đâu là sự công chính và đâu là sự dối trá.

Thánh nữ Terese of Avila nói: “Ma quỷ tận lực ngăn cản người ta suy niệm, bởi vì nó biết người bền chí suy niệm thì sẽ thoát khỏi tay độc dữ của nó.”

Chỉ có những người không có niềm tin mới không biết suy niệm, cho nên họ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:14 15/09/2008
N2T


32. Con người cần phải đứng trước mặt Thiên Chúa, không những phải nghe Ngài, mà còn phải nói chuyện với Ngài.

(Thánh Francis de Sales)
 
Napoléon trở về với Giáo hội trước khi chết
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
22:27 15/09/2008
NAPOLÉON TRỞ VỀ VỚI GIÁO HỘI CÔNG GIÁO TRƯỚC KHI CHẾT

Ngày 18-3-1811, Napoléon đệ nhất, Hoàng đế nước Pháp, triệu tập tại điện Tuileries ở thủ đô Paris, một Ủy Ban của hàng Giáo Phẩm Pháp gồm Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và Cha Jacques-André Émery, Bề Trên Tổng quyền Tu Hội Xuân Bích.

Mục đích của Napoléon là thuyết phục hàng giáo phẩm Pháp đứng về phía ông trong việc chỉ định các Giám Mục Pháp mà không cần sự đồng ý của Đức Thánh Cha.

Vừa bắt đầu cuộc họp, Napoléon thao thao lên tiếng công kích Đức Giáo Hoàng Pio VI thậm tệ. Ông vu khống là Đức Thánh Cha muốn giảm uy tín của ông khi Ngài không chấp thuận trao cho ông quyền chỉ định các Giám Mục tại Pháp. Napoléon giận dữ kết thúc bài diễn văn chửi bới Đức Thánh Cha:

- Khi khước từ như thế, Đức Thánh Cha vừa gây hoang mang nơi cộng đồng các tín hữu Công Giáo vừa nhằm tìm kiếm lợi lộc cho tiểu quốc Roma mà thôi!

Hoàng đế Napoléon I có tên thật là Napoleone di Buonaparte chào đời ngày 15-8-1769 tại Ajaccio trên đảo Corse. Thân sinh là ông Carlo Maria Buonaparte và thân mẫu là bà Maria Letizia Ramolino. Cả hai ông bà thuộc gia đình quý tộc giàu sang.

Cuộc đời Hoàng đế Napoléon I là bức tranh đầy dẫy mâu thuẫn và màu sắc đen đỏ lẫn lộn. Ông là biểu tượng của tham vọng quân sự và chính trị cuồng điên. Ông đi từ Tướng Lãnh đến Đệ Nhất Toàn Quyền rồi làm Hoàng Đế nước Pháp. Hoàng Đế nước Pháp không thôi chưa đủ, ông còn nuôi mộng làm bá chủ lục địa Âu Châu. Nhưng rồi khi ở mức độ huy hoàng lộng lẫy nhất của quyền uy ông bắt đầu thua trận tại các nước Tây-Ban-Nha, Nga và ở Waterloo nơi vương quốc Bỉ. Thất bại cuối cùng này đưa ông đến cảnh tù đày trên đảo Sainte-Hélène dưới quyền giám sát của người Anh. Ông qua đời tại đây ngày 5-5-1821, hưởng dương 52 tuổi.

Thế nhưng trong tư cách tín hữu Công Giáo, Napoléon lại kết thúc cuộc đời trong tâm tình đáng mơ ước nhất. Đó là tâm tình ăn năn thống hối, hoán cải trở về với Giáo Hội Công Giáo Roma, Giáo Hội mà trong thời đạt tột đỉnh danh vọng, ông nhất quyết đánh phá và triệt hạ cho bằng được!

Người ta kể lại rằng. Một hôm, một phóng viên người Pháp tìm đến đảo Sainte-Hélène để làm cuộc phỏng vấn sau cùng với vị cựu hoàng đế từng làm chấn động Âu Châu và từng vẫy vùng ngang dọc, coi trời bằng vung! Cuộc phỏng vấn bắt đầu bằng câu hỏi cổ điển thông thường nhất:

- Nếu được quay lại đàng sau thì ngài nên tránh lầm lỗi nào?

Chàng phóng viên trẻ tuổi chờ đợi câu trả lời liên quan đến các biến cố quân sự lẫy lừng nhất, các cuộc tiến quân xâm lược các nước lân bang đưa đến thất trận ê chề, chấm dứt một thời vàng son của Nã-phá-luân đại đế!

Thế nhưng chàng phóng viên ngạc nhiên biết bao khi nghe Napoléon giải thích như sau.

Không phải lầm lẫn chính trị quân sự là lầm lẫn to tát và đáng quan tâm. Bởi vì, chỉ cần một chút thận trọng là người ta có thể tránh được các thất trận đó, dễ như chơi! Lầm lẫn vĩ đại nhất mà tôi lỗi phạm lại là điều không ai nghĩ tới. Đó là việc tôi muốn bằng mọi giá phải đánh phá và triệt hạ cho bằng được Giáo Hội Công Giáo Roma. Ngày ấy Giáo Hội Công Giáo đối với tôi giống như con rắn. Và muốn giết chết rắn, chỉ cần đập dập đầu rắn. (Câu nói ám chỉ việc Napoléon từng chỉ trích và xúc phạm nặng nề đến Đức Giáo Hoàng Pio VI (1775-1799) và Đức Giáo Hoàng Pio VII (1800-1823). Thế nhưng tôi đã lầm, lầm lẫn to lớn, lầm lẫn vĩ đại, lầm lẫn ê chề! Bởi vì, tôi càng tìm cách đánh phá Vị Chủ Chăn Giáo Hội Công Giáo thì Giáo Hội Công Giáo lại càng hồi sinh, hồi sinh mạnh ngay giữa hai bàn tay tôi, ngay trước mắt tôi! Khi tôi cầm quân đánh phá các nước lân bang, tôi biết rõ mình chỉ đánh phá các đội quân mỏng dòn của loài người! Nhưng khi tôi quyết liệt chống lại Giáo Hội Công Giáo Roma, đặc biệt các Vị Chủ Chăn của Giáo Hội Công Giáo Roma thì tôi thâm tín bài học sâu xa này là:

- Tôi không phải chỉ chống lại loài người mà tôi còn cả gan dám chống lại THIÊN CHÚA!

Và đó là tất cả thảm trạng và thất bại ê chề nhất cuộc đời tôi.

Khi giải bày rõ ràng ý nghĩ của mình - vào lúc ấy - cựu hoàng đế Napoléon I đã thực sự hồi tâm thống hối. Ông thành tâm trở về với Giáo Hội Công-Giáo, duy-nhất, thánh-thiện và tông-truyền. Ông sốt sắng lãnh nhận 2 bí tích Giải Tội và Thánh Thể.

Ngày cựu hoàng đế Napoléon cảm động rước Mình Thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ vào lòng, sau bao năm tháng dài bê trễ, ông cảm động giải bày:

- Niềm vui tôi cảm nghiệm bên trong thật bao la. Giờ đây tôi mới thật sự hiểu tại sao, ngay cả vào những lúc đen tối nhất của cuộc đời và trong những năm tháng sống xa lìa Đức Chúa GIÊSU KITÔ, tôi không bao giờ quên rằng, ngày hạnh phúc nhất cuộc đời tôi chính là ngày tôi rước lễ lần đầu!

... ”Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: Hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hỏa ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: Anh em hãy sợ Đấng ấy. Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt THIÊN CHÚA. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn cả chim sẻ. Thầy nói cho anh em biết: phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Con Người cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt các thiên thần của THIÊN CHÚA. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì sẽ bị chối trước mặt các thiên thần của THIÊN CHÚA” (Luca 12,4-9).

(”Il Settimanale di Padre Pio”, Anno VII, 31 Agosto 2008, n.34, trang 13)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC:Với Kinh Truyền Tin, Đức Maria Vô Nhiễm gần gũi những người tội lỗi chúng ta hơn
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:25 15/09/2008
Lộ Đức, Pháp (AsiaNews) - Tiếp tục các bài giáo lý về Lộ Đức, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI giải thích giá trị của việc đọc kinh Truyền Tin hằng ngày và thúc giục tất cả những người “yếu đuối và tội lỗi” trông cậy vững vàng “không kiểu cách, bằng sự chân thật” vào Đức Maria “nguồn đích thực hy vọng”.

Dưới đây là toàn văn bài huấn dụ của Đức Thánh Cha Bêneđictô XVI trước khi đọc kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 14/09/2008:

“Anh chị em thân mến

Hằng ngày, việc đọc kinh Truyền Tin làm cho chúng ta có cơ hội suy ngẫm một chút về mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa giữa mọi hoạt động của chúng ta. Vào giữa trưa, khi giờ thứ nhất trong ngày thực sự bắt đầu đè nặng chúng ta bằng sự mệt mỏi, khả năng sẵn sàng và lòng rộng lượng của chúng ta được canh tân bằng sự chiêm ngắm lời “Xin vâng” của Đức Maria. Lời “Xin vâng” rõ ràng và dứt khoát này là gốc rễ trong mầu nhiệm tự do nơi Đức Maria, một sự tự do hoàn toàn và trọn vẹn trước mặt Thiên Chúa, hoàn toàn tách khỏi mọi cám dỗ dẫn đến tội lỗi, nhờ đặc ân Vô Nhiễn Nguyên Tội của ngài.

Đặc ân này được ban cho Đức Maria, đặt ngài khỏi hoàn cảnh chung của chúng ta, không phải là tách ngài rời xa chúng ta, nhưng trái lại, điều này mang ngài lại gần chúng ta hơn. Trong khi tội lỗi chia cắt, tách chúng ta ra khỏi người khác, thì sự trong sạch tinh tuyền của Đức Maria làm ngài hết sức gần gũi với con tim chúng ta, ân cần đối với mỗi chúng ta và khát khao của chúng ta trở thành hiện thực. Các con thấy điều đó ở Lộ Đức này, như ở mọi đền Đức Mẹ Maria; đám đông rộng lớn vây quanh dưới chân Đức Maria để ký thác cho ngài những suy nghĩ mật thiết nhất, những ước ao thành tâm nhất của họ. Điều này đối với nhiều người chỉ vì tình trạng bối rối hay e lệ, họ không thể giải bày cho người gần gũi nhất và người thân yêu nhất, họ thổ lộ với ngài, người hoàn toàn trong sạch tinh tuyền, thổ lộ với Trái Tim Vô Nhiễm: với lòng đơn sơ, không kiểu cách, bằng sự chân thật. Trước Đức Maria, bằng đức hạnh rất trong sạch của ngài, con người không do dự bộc lộ yếu đuối của mình, thổ lộ những vấn đề, những lưỡng lự của mình, trình bày rõ những hy vọng và khao khát thầm kín nhất của mình. Tình yêu từ mẫu của Đức Maria Đồng Trinh sẽ đánh bật mọi kiêu căng; hoàn trả cho con người khả năng thấy được bản thân mình là ai, và truyền cảm hứng để được hoán cải mà vinh danh Thiên Chúa.

Vì thế Đức Maria cho chúng ta thấy đường lối ngay chính để đến với Chúa. Ngài dạy chúng ta đến gần Chúa trong sự thành thật và đơn sơ. Nhờ ngài, chúng ta khám phá ra rằng đức tin Kitô giáo không phải là một gánh nặng: nó giống như cái cánh làm chúng ta có thể bay cao hơn, để có được nơi ẩn náu trong vòng tay của Thiên Chúa.

Sự sống và đức tin của các tín hữu cho thấy rằng đặc ân Vô nhiễm Nguyên Tội được ban cho Đức Maria không chỉ đơn thuần là ân huệ cá nhân nhưng là ơn huệ ban cho toàn thể Dân Chúa. Trong Đức Maria, Hội Thánh có thể chiêm ngắm điều mà ngài được kêu gọi trở thành. Từ đây và ngay bây giờ, mỗi tín hữu có thể ngắm thấy ơn gọi hoàn hảo của chính bản thân mình. Cầu mong mỗi người trong các con luôn vẫn no đầy lời cảm tạ về những gì Chúa đã chọn để khám phá kế hoạch cứu độ của ngài qua mầu nhiệm của Đức Maria: mầu nhiệm mà nơi đó chúng ta có liên quan mật thiết nhất, từ nơi Thánh Giá mà chúng ta cử hành suy tôn hôm nay, tỏ lộ cho chúng ta qua lời của chính Chúa Giêsu nói rằng Mẹ Ngài cũng là Mẹ chúng ta. Chính vì thế mà chúng ta là những người con trai, con gái của Đức Maria, chúng ta có thể hưởng được những ân huệ được ban cho ngài; phẩm giá vô song đến với ngài qua đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội soi rọi chói loà trên chúng ta, con cái ngài.

Nơi đây, nơi cận kề hang động, và trong tình hiệp thông mật thiết với tấc cả người hành hương hiện diện nơi các Đền Đức Maria và với những người bệnh tật về thể xác hay tâm hồn, những người tìm kiếm sự cứu giúp, chúng ta cầu Chúa phù hộ cho sự có mặt của Đức Maria giữa con cái ngài, và chúng ta cầu khẩn mẹ lời nguyện cầu trong đức tin: “Thánh Maria, Mẹ đã tỏ hiện chính ngài nơi đây 150 trước với người trẻ Bernadette, Mẹ ‘là suối nguồn hy vọng đích thực’ (Dante, Paradiso, XXXIII:12).

Các tín hữu hành hương quy tụ nơi đây từ khắp nơi trên thế giới, chúng ta đến một lần nữa để kết múc đức tin và niềm an ủi, niềm vui và tình yêu, an ninh và hòa bình, từ nguồn mạch Trái Tim Vô Nhiễm của các con. Monstra Te esse Matrem. Ôi Maria, xin tỏ ra Mẹ là Mẹ của tất cả chúng con! Và xin ban cho chúng con Chúa Kitô, niềm hy vọng của thế giới! Amen”.

Sau khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chào đón những người hành hương bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
 
Mối quan hệ Kitô giáo và Do Thái giáo cần phải được củng cố
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
09:26 15/09/2008
Vatican (VIS) - Vào lúc 05 giờ chiều ngày 12/09, tại Toà Khâm sứ Paris, Đức Thánh Cha đã tiếp kiến các đại diện của cộng đồng người Do Thái ở Pháp, Đức Thánh Cha cho hay Kitô giáo và Do Thái giáo “chia sẻ một mối quan hệ cần phải được củng cố và làm cho sống động”, và “những cam kết huynh đệ này thiết lập nên lời mời gọi không ngừng hiểu biết và tôn trọng nhau hơn”.

Ngài nói thêm: “Giáo Hội Công Giáo lặp lại sự thuyết phục, qua tiếng nói của tôi, về lời của Đức Thánh Cha Piô XI vĩ đại: … Về mặt tinh thần, chúng ta đều là người Sêmít (Semites). Vì thế Giáo Hội phản đối mọi hình thức bài Do Thái, vốn không bao giờ có thể bào chữa về mặt thần học. Thần học gia Henri de Lubac – trong ‘thời đại tăm tối’, như Đức Piô XII mô tả - nói thêm rằng bài Do Thái cũng có nghĩa bài Kitô giáo. Một lần nữa tôi cảm thấy có trách nhiệm thành tâm công nhận những người phải chết một cách phi lý và những người đã cống hiến bản thân mình để đảm bảo rằng tên của các nạn nhân này phải luôn được ghi nhớ. Thiên Chúa không bao giờ quên!”

Sau cuộc gặp, Đức Thánh Cha đi xe hơi đến Học viện Bernardins để gặp gỡ 700 đại diện giới văn hóa Pháp, UNESCO, Liên minh Âu Châu, và các thanh viên khác nhau của Cộng đồng Hồi giáo Pháp.
 
Lộ Đức: Người thiếu nữ đã nhìn thấy ''Bà trắng''
Lm Nguyễn Hữu Thy
09:58 15/09/2008
Lộ Đức: Người thiếu nữ đã nhìn thấy «Bà trắng»

Lúc đầu, không một ai ở cái tỉnh lẻ hẻo lánh Lộ Đức tin những lời Bernadette kể lại rằng em đã nhìn thấy một «Bà trắng» hiện ra với em là thật. Người ta
Bernadette Soubirous, hình chụp năm 1858
luôn cho Bernadette là một cô gái miền quê chỉ muốn tìm cách cho mọi người biết đến mình, một cô gái biết kích động dư luận chú ý đến mình bằng một thái độ vừa thơ ngây kiểu trẻ con và vừa tinh vi xảo trá. Vị Linh mục Quản Xứ cấm cô không được mở miệng nói bất cứ điều gì. Còn viên cảnh sát trưởng khắt khe khó tính lại quát tháo và đe dọa Bernadette bằng đủ thứ cực hình, để nhân dịp này ông muốn lưu ý những người đạo đức ham thích các sự lạ lùng khác biết rằng chính quyền đã luôn biết phải đối xử với những chuyện mê tín tương tự như thế ra sao.

Trong khi đó, Bernadette không hề một chút mảy may nói dối hay bịa đặt về những thị kiến của em về Bà trắng. Lần hiện ra thứ nhất tại hang đá Massabielle Bernadette chỉ nói cho đứa em gái và người bạn gái mình biết mà thôi, những người cùng đi hái củi với em hôm đó nhưng lại không nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra, với điều kiện là phải tuyệt đối giữ kín không được nói lại cho ai khác biết. Bernadette nói: «Cả hai đã hứa với con là sẽ giữ bí mật điều đó. Nên bấy giờ con mới nói cho hai đứa biết là con đã nhìn thấy một người đàn bà mặc toàn áo trắng hiện ra. Nhưng con không biết bà đó là ai cả. Nhưng khi chúng con chưa kịp về đến nhà thì cả hai đứa kia đã rao khắp nơi về điều con đã nhìn thấy.»

Bernadette là con gái của một gia đình thợ xay lúa đã sa sút và đang sống trong cảnh khốn cùng, con cái đều nheo nhóc đói khổ. Khi Bernadette lên 11 tuổi thì cả gia đình Soubirous gồm cha mẹ và 4 đứa con phải dời về ở trong một căn phòng rộng vào khoảng 16 mét vuông thuộc về một nhà tù bỏ hoang tại Lộ Đức. Bernadette bản chất vốn yếu ớt hay đau ốm và có triệu chứng bị bệnh xuyển. Tuy thế, hằng ngày em cũng phải đi chăn thuê dê cừu để đỡ đần phần nào cho gia đình đang trong cảnh túng thiếu.

Hình diễn tả Đức Mẹ đang chỉ cho Bernadette làm dấu Thánh Gía và lần hạt Mân Côi
Ngày 11.2.1858, Bernadette vào lúc đó mới gần được 14 tuổi đã cùng đứa em gái và với một người bạn gái, con của một gia đình bên cạnh, rủ nhau vào rừng kiếm củi gần hang đá Massabielle. Trong khi đứa em và người bạn gái tiến sâu vào trong rừng, còn Bernadette vẫn còn nhặt củi gần bên hang Massabielle, bỗng chốc em nghe một «tiếng rì rào như tiếng gió thổi mạnh», em liền đưa mắt nhìn lên hang đá thì thấy một Bà mặc áo trắng với dây thắt lưng màu xanh da trời. «Khi nhìn thấy như thế, con liền giụi mắt, vì con tưởng mình nhìn sai. Nhưng rồi con vẫn thấy cùng một người đàn bà luôn đứng đó.»

«Bà trắng» đã muốn gì nơi Bernadette? Thật ra, thoạt đầu Bà chẳng muốn gì cả, trái lại Bà chỉ mỉm cười với Bernadette, một cái mỉm cười thần tiên không sao diễn tả nổi, một niềm vui thiên đàng cao cả không thể nói lên bằng lời được, tất cả như muốn an ủi Bernadette giữa cuộc sống nghèo khổ vất vả của em.

Còn Bernadette thì tỏ ra vô cùng hạnh phúc sung sướng tận đáy lòng ngây thơ trong trắng của em. Và niềm vui mừng thánh thiện đó của em cũng loan toả sang cả những người láng giềng và những người tò mò đã từng theo em đến hang đá Massabielle. Mỗi lần Bernadette diện kiến với Bà trắng, họ chỉ nhìn thấy trên khuôn mặt đơn sơ của em toả sáng lạ lùng, ngoài ra họ không nhìn thấy gì cả. Vâng, ngoài Bernadette ra, không một ai nhìn thấy được «Bà trắng.»

Về sau, trong suốt tổng số mười tám lần hiện ra với Bernadette, Bà Đẹp mới tỏ ý muốn của Bà: «Bà muốn người ta đến nơi đây… Người ta phải xây dựng cho Thiên Chúa ở đây một ngôi Thánh Đường và tổ chức các cuộc rước kiệu!»

Đối với một cô bé chăn chiên quê mùa, nghèo hèn và còn mù chữ như Bernadette, thì một lời yêu cầu như thế cả là một đòi hỏi vượt sức tưởng tượng của em. Chính Linh mục Pomian, phó xứ Lộ Đức vào lúc bấy giờ, khi nghe thế cũng đã nổi giận và la mắng rầm lên. Còn chính quyền thì nghĩ rằng cái tỉnh lẻ khỉ ho cò gáy Lộ Đức nằm gần biên giới Tây Ban Nha này đã bịa ra một chuyện ngây ngô kỳ quặc như thế để thu hút khách du lịch nhiều hơn nữa..

Sự nghi ngờ đó xem ra được chứng thực khi «Bà đẹp» vào ngày 25 tháng 2 năm đó đã yêu cầu Bernadette hãy đi tới «nguồn nước», múc nước uống và rửa mặt ở đó. Nhưng đây là nguồn nước nào? Vì tại hang Massabielle vào lúc bấy giờ không ai nhìn thấy có bất cứ một rãnh nước hay vũng nuớc nhỏ nào cả. Nhưng Bernadette hoàn toàn vâng nghe Vị Thiên Nữ dễ thương đó và em đã bắt đầu dùng hai tay đào một lỗ sâu ở chính nơi Vị Thiên Nữ chỉ cho em, và bỗng nhiên từ cái lỗ Bernadette vừa đào có nước phun lên.

Nhưng tiếp sau đó, Bernadette đã phải đương đầu với quá nhiều thử thách đau khổ hầu như vượt sức chịu đựng của em, một thiếu nữ nghèo hèn ốm yếu. Ông cảnh sát trưởng và công tố viện đã khảo cung Bernadette với một vẻ hằn học dữ tợn. Họ đã dọa bỏ tù em và cả gia đình em cũng phải chịu những hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, Bernadette chỉ luôn nhắc đi nhắc lại rằng em phải đi tới hang đá Massabielle, vì «Bà trắng» đã yêu cầu em như vậy.

Trong khi đó, cái vũng nước do Bernadette đã dùng tay đào lên trước đó, dòng nước tuôn chảy mỗi ngày mỗi mạnh hơn. Và khi có một người đàn ông hầu như bị mù, khó lòng nhìn thấy được gì nữa, nhưng khi ông lấy nước từ vũng nước do Bernadette đào lên và rửa mặt, hai mắt ông bỗng chốc sáng quắc như đô mắt chim phượng hoàng, thì hàng đoàn người xa gần đã tuôn đổ về hang đá Lộ Đức ngày đêm, bất kể các lệnh cấm của cảnh sát.

Và tiếp sau đó còn xảy ra rất nhiều trường hợp lành bệnh một cách lạ lùng không thể giải thích bằng y khoa được, và những trường hợp lành bệnh lạ lùng như thế - đã được ghi nhận bằng những hình ảnh rõ ràng và những bài tường trình khách quan và đầy đủ chi tiết – đã làm cho các nhà bác học cứng lòng tin khi khảo nghiệm những trường hợp lành bệnh đó lại đã đâm ra hồ nghi về chính sự hiểu biết của mình. Còn phía giáo quyền thì tin tưởng những trường hợp đã được các bác sĩ y khoa trung lập và vô tín ngưỡng kiểm chứng như thế.

Rất nhiều người đã được «Bà đẹp» cứu chữa. Tuy nhiên, số người đã được lành bệnh vẫn là số ít, còn đại đa số các bệnh nhân khi đến hang đá Lộ Đức để kính viếng Đức Mẹ vẫn không được lành bệnh. Nhưng bù vào đó, họ lại được thêm sức mạnh nội tâm, được thêm can đảm và nghị lực hơn, vâng, họ đã tìm được cho mình một thái độ tích cực mới mẻ đối với bệnh tật đau đớn, đối với người khác và đối với Thiên Chúa.

Riêng Bernadette, biến cố Đức Mẹ hiện ra với em đã không mang đến cho em sự vinh dự và hạnh phúc như người đời vẫn thường quan niệm. Trái lại, em phải chịu đựng bao nhiêu thử thách khổ sở trong đủ mọi lãnh vực, và nếu một số những người bệnh tật khi đến Lộ Đức đã được Đức Mẹ chữa lành thì chính bệnh tật của em lại mỗi ngày mỗi trở nên trầm trọng thêm. Trong khi cha Quản Xứ Lộ Đức đầy xác tín về những hiện tượng khỏi bệnh cách lạ lùng như thế, đã muốn đứng ra bênh vực bảo hộ cho sự kiện Lộ Đức, thì khuynh hướng chống giáo sĩ của các báo chí vào lúc bấy giờ càng lên tiếng đã kích và thoá mạ Giáo Hội một cách điên khùng cuồng nhiệt hơn nữa, nhất là khi Vị Thiên Nữ tự xưng mình là Đấng Vô Nhiễm Thai, và qua đó Bà đã xác nhận tín điều về đặc ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Trinh Nữ Maria vừa được Roma công bố và đang là một đề tài thời sự tranh cãi sôi nổi trong dư luận quần chúng cũng như trên các báo chí.

Trong khi đó, Bernadette, một thiếu nữ mộc mạc quê mùa chưa biết đọc biết viết và không hề có ý niệm gì về các vấn đề thần học cả, thì vừa chẳng hiểu điều «Bà đẹp» muốn nói với em là gì cả, vừa chẳng hiểu tại sao bên ngoài người ta cứ lao nhao chống đối nhau như vậy. Em chỉ mong sao người ta để cho em được yên, nhưng cả trong Tu Viện của các Sơ phụ trách nhà thường và dạy học ở Nevers -sur-Loire, nơi em vào tu năm 1866, em cũng không được yên.

Thật vậy, vì muốn giữ cho Bernadette khỏi trở nên kiêu căng vì đã được nhìn thấy Đức Mẹ và được quần chúng ca ngợi, các vị Bề Trên trong Tu Viện đã nghĩ ra mọi cách cư xử kỳ cục để làm nhục em. Chẳng hạn họ nói vào mặt em những câu như: em chỉ là «một loại đồ dùng lặt vặt, ngu dốt, chẳng có giá trị gì cả»; và cũng vì thế ngày lễ khấn dòng của Bernadette cứ bị hoãn đi hoãn lại mãi.

Nhưng bây giờ Sơ Marie Bernard, tên Dòng của Bernadette, - trong khi quên đi hoàn toàn mọi sự đã qua và không nghĩ gì đến những lời kháo láo khen ngợi xưa kia của thiên hạ ở Lộ Đức nữa – chỉ nổ lực tìm kiếm sự trọn lành và chấp nhận tất cả mọi thử thách đau khổ trong cuộc sống một cách than thản và phó thác. Sơ được Bề Trên giao cho công tác chăm sóc bệnh nhân và Sơ đã nói: «Đức Trinh Nữ đã sử dụng em như một dụng cụ, nên nếu em được đặt vào trong một góc nào đó, thì đó chính là chỗ của em, em sẽ sung sướng ở lại trong chỗ đó.»

Vì bị bệnh lao xương mãn tính bất trị và quá đau đớn, nên ngày 16.4.1879 Sơ Marie Bernard, tên rửa tội là Bernadette, người con yêu của Mẹ Maria, đã qua đời giữa hương thơm thánh thiện. Vì thế, 54 năm sau đó, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã tôn phong Bernadette lên bậc hiển thánh. Cho tới ngày nay xác thánh Bernadette vẫn không hề bị hư hoại và được bảo quản tại Tu Viện ở Nevers, miền nam nước Pháp.

Lạy thánh nữ Bernadette, xin cầu cho chúng con!

(Kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức: 1858-2008)
 
Đức giáo hoàng nhắc nhở châu Âu về những gốc rễ đan viện
Phụng Nghi
11:39 15/09/2008
Paris (Zenit) – Các đan viện vừa bảo tồn những kho tàng của nền văn hóa cổ kính vừa nuôi dưỡng một nền văn hoá mới được hình thành từ nền văn hóa xưa cũ. Đó là phát biểu của Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI trong bài diễn từ đọc trước giới văn hóa cũng như các đại biểu của UNESCO và Liên Hiệp châu Âu.

Trong phần nhập đề của bài diễn từ, Đức giáo hoàng nói rằng ngài muốn nói về “nguồn gốc của thần học tây phương và căn cội của văn hóa châu Âu.” Ngài gợi ý cho biết rằng Học viện Bernadines mới được trùng tu -- địa điểm của cuộc họp hội hôm nay -- là một biểu tượng. Học viện này, trước cuộc cách mạng Pháp, đã là chỗ cư trú của các đan sĩ trẻ. Từ đó, học viện đã trải qua bao nhiêu hình thức sử dụng khác nhau, nhưng cố hồng y Jean-Marie Lustiger, cựu tổng giám mục Paris, đã cho trùng tu lại và dùng làm nơi gặp gỡ của những cuộc đối thoại giữa đức tin và văn hóa. Cuộc viếng thăm của Đức thánh cha là buổi chính thức khai trương trung tâm này.

Do đó, ngài đề cập đến vai trò của các đan viện trong nền văn hoá Tây phuơng. Ngài nói: “Từ nhãn quan ảnh hưởng lịch sử của lối sống đan viện, chúng ta có thể nói rằng, giữa những biến cố lớn lao về văn hóa tạo ra do hành động di dân và sự nổi lên của các thể chế chính trị mới, đan viện là nơi những kho tàng quý giá của nền văn hóa cổ kính được lưu giữ, và đồng thời cũng là nơi một nền văn hóa mới chậm rãi thành hình bắt nguồn từ nền văn hóa xưa.”

Tiếp theo, Đức giáo hoàng giải thích cách thức các đan sĩ đã dấn thân vào “nền văn hóa ngôn từ”, bởi vì chính do ngôn từ trong Kinh thánh mà Thiên Chúa đến với con người và con người đến với Thiên Chúa. Ngài giải thích: “Bởi đó, chính qua sự tìm kiếm Thiên Chúa mà các khoa học thế tục đạt được tầm quan trọng của mình, những khoa học này trình bầy cho ta con đường đi đến ngôn từ. Bởi vì sự kiếm tìm Thiên Chúa cần đến nền văn hóa ngôn từ, do đó điều thích hợp là đan viện phải có một thư viện, nơi chỉ ra những con đường đi tới ngôn từ. Cũng thích hợp là phải có một trường học, nơi mở ra những con đường này.[…]

“Đan viện phục vụ “eruditio” (kiến thức), đào tạo và giáo dục con người – một sự đào tạo mà mục tiêu tối hậu là để cho con người học hỏi cách phụng sự Thiên Chúa. Nhưng nó cũng bao gồm cả sự đào tạo về lý trí – tức là giáo dục – qua đó con người học hỏi để nhận thức được, giữa những từ những lời, chính Đấng Ngôi Lời nữa.

Vẻ hùng vĩ

ĐGH Bênêđictô XVI tiếp tục đưa ra lời giải thích sâu xa hơn về nền văn hóa ngôn từ, gồm cả căn tính của nền văn hóa này là một “ngôn từ được chia sẻ.” Ngài nói: “Ngôn từ không dẫn đến một con đường hoàn toàn cá biệt làm chìm ngập trong huyền hoặc, nhưng dẫn tới cuộc đồng hành tìm kiếm đức tin. Ngài suy luận cách thức ngôn từ trong Kinh thánh, đặc biệt nơi các Thánh vịnh, là những ngôn từ Thiên Chúa đã cho con người dùng để đàm đạo với Người. Trong bối cảnh này, ngài đề cập đến vai trò quan trọng của âm nhạc trong kinh nguyện.

Sau đó, nhìn vào tính cách đặc biệt của Kinh thánh, như những cuốn sách trong đó các đan sĩ gặp gỡ ngôn từ, ngài cho biết rằng “Kinh thánh cần đến những lời chú giải, cần đến bối cảnh của cộng đồng từ đó Kinh thánh phát sinh và trong đó Kinh thánh tồn tại. Nói cách khác, có những chiều kích về ý nghĩa trong ngôn từ và nơi những ngôn từ, chỉ được xuất hiện trong phạm vi cộng đồng sống động của ngôn từ phát sinh từ lịch sử này. Qua sự hiểu biết càng ngày càng nhiều về các tầng các lớp khác nhau của ý nghĩa, ngôn từ không mất đi giá trị, nhưng trong thực tế hiện ra với tính cách hùng vĩ và chân giá trị hoàn toàn.”

Nền văn hóa lao động



Sau cùng, Đức giáo hoàng mở rộng suy tư bằng cách nhìn vào “yếu tố thứ hai của lối sống đan viện là “labora” (lao động). Trong thế giới Hy lạp, lao động chân tay được coi như dành cho người nô lệ. Chỉ có người minh triết, con người hoàn toàn tự do, mới hiến thân phục vụ cho những sự việc thuộc về tâm linh […]. Truyền thống Do thái lại khác hẳn: Các vị giáo trưởng lớn cũng đã làm thêm những việc thủ công […]. Đời sống đan viện đã đi theo truyền thống đó; lao động chân tay là yếu tố xây dựng trong lối sống đan viện Kitô giáo […].

“Do đó, những người Kitô hữu tiếp tục truyền thống Do thái giáo lập ra trước đây, chắc hẳn đã cảm thấy được thuyết phục hơn nữa bởi lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng thánh Gioan khi Người bênh vực sự làm việc trong ngày Sabbath: “Cha Ta đang làm việc và Ta cũng đang làm việc”. Trong thế giới Hy-La không có một Thiên Chúa đấng tạo thành vũ trụ; dưới con mắt họ, vị thần linh cao cả nhất không thể làm lấm bẩn đôi tay trong việc tạo dựng các vật thể. Việc “tạo ra” thế giới là công việc dành cho một vị thần minh thấp hơn, đó là Demiurge.

Thiên Chúa của người Kitô giáo thì lại khác. Người là Thiên Chúa thực và duy nhất, và cũng là Đấng Sáng tạo vũ trụ. Thiên Chúa đang làm việc và vẫn tiếp tục làm việc trong và trên lịch sử nhân loại […]. Do đó sự lao động của con người nay được coi như một hình thức đặc biệt làm cho con người có hình ảnh giống Thiên Chúa, như một cách thức làm cho con người có thể và được phép chia sẻ vào công việc của Thiên Chúa khi Người sáng tạo thế giới.” Đức giáo hoàng khẳng định: “Do đó, cuộc sống đan viện không chỉ liên quan đến nền văn hóa ngôn từ mà còn đến văn hóa lao động, nếu không có nó, sự trổi vượt của châu Âu, bản chất và ảnh hưởng của châu lục này trên thế giới, là những điều không thể hiểu được.”

Ngài cảnh giác: “Dĩ nhiên, bản chất đó phải bao gồm cả ý niệm rằng lao công của con người và sự hình thành lịch sử phải được hiểu là sự chia sẻ vào công việc của Đấng Sáng tạo, và phải được định giá theo những tiêu chuẩn đó. Nơi nào thiếu sự đánh giá như thế, nơi nào con người vu vơ tự nhận cho mình cái địa vị làm người sáng tạo giống như Thiên Chúa, thì việc hình thành thế giới của con người mau chóng trở thành sự phá hủy thế giới.”
 
Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ cho các bệnh nhân tại Lộ Đức
LM Trần Đức Anh, OP
17:27 15/09/2008
LỘ ĐỨC- Sáng 15-9-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã cử hành thánh lễ cho 100 ngàn tín hữu, trong đó có đông đảo các bệnh nhân, tại quảng trường trước Vương cung thánh đường Đức Mẹ Mân Côi ở Lộ Đức.

Đây là thánh lễ lộ thiên thứ 3 và cũng là thánh lễ cuối cùng trong 4 ngày viếng thăm của ngài tại Pháp.

Dưới bầu trời nắng đẹp, các bệnh nhân và người tàn tật, phần lớn ngồi trên xe lăn, ở khu vực trước bàn thờ. Đồng tế với ĐTC còn có hàng trăm GM Pháp và nước ngoài.

Trong bài giảng thánh lễ, ĐTC đã giải thích ý nghĩa ngày lễ Đức Mẹ sầu bi, mừng kính ngày 15-9-2009. Ngài nhận định rằng ”ngày nay, Mẹ Maria đang ở trong niềm vui và vinh quang Phục Sinh. Những giọt lệ của Mẹ dưới chân Thánh Giá đã biến thành một nụ cười mà không gì xóa bỏ được, trong khi lòng từ bi hiền mẫu của Mẹ đối với chúng ta vẫn nguyên vẹn.. Mẹ Maria yêu thương mỗi người con của Mẹ, Mẹ đặc biệt quan tâm đến những người, giống như Con của Mẹ trong giờ Khổ Nạn, đang phải chịu đau khổ; Mẹ yêu thương họ chỉ vì họ là con cái của Mẹ, theo ý muốn của Chúa Kitô trên Thánh Giá”.

ĐTC đặc biệt giải thích câu 13 của thánh vịnh 44 trong bài đáp ca của ngày lễ nói tiên tri về Mẹ Maria ”Những người giàu có nhất trong dân. .. sẽ tìm kiếm nụ cười của bà” (TV 44,13). Ngài nói: ”Nụ cười của Mẹ Maria là cho tất cả mọi người chúng ta, và đặc biệt cho những người đau khổ, để họ có thể tìm được qua đó sự an ủi và giảm bớt đau khổ. Tìm kiếm nụ cười của Mẹ Maria không phải là một điều sùng mộ theo tình cảm hoặc lỗi thời, nhưng đúng hơn đó là một sự diễn tả đúng đắn quan hệ sinh động và có đặc tính nhân bản sâu xa liên kết chúng ta với Đấng mà Chúa Kitô đặt làm Mẹ chúng ta”.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Mỗi lần đọc kinh Magnificat là chúng ta được trở thành chứng nhân về nụ cười của Mẹ Maria. Tại Lộ Đức này, trong cuộc hiện ra của Đức Mẹ ngày thứ tư, 3-3-1858, thánh nữ Bernadette đặc biệt chiêm ngắm nụ cười của Mẹ Maria. Nụ cười này là câu trả lời đầu tiên mà Bà Đẹp gửi tới Bernadette khi cô bé muốn hỏi danh tánh của Bà”.

Cũng trong bài giảng, ĐTC nói về sự trợ giúp của Mẹ Maria dành cho các bệnh nhân và những người đau khổ, và nói rằng:

”Có những cuộc chiến đấu mà con người không thể một mình đương đầu được, nếu không có ơn Chúa. Khi lời nói không tìm được những từ thích hợp, ta cần có một sự hiện diện yêu thương: khi ấy chúng ta tìm kiếm sự gần gũi không những của những người ruột thịt và bạn hữu, nhưng cử những người gần gũi chúng ta qua liên hệ đức tin. Ai có thể gần gũi thiêng liêng với chúng ta hơn là Chúa Kitô và Đức Mẹ Vô Nhiễm, Người Mẹ thánh thiện của Ngài? Hơn ai hết, các Ngài có thể hiểu chúng ta và thấy rõ cuộc chiến đấu cam go chống lại bất hạnh và đau khổ.. Ngoài ra, nơi Mẹ Maria chúng ta cũng được ơn thánh để chấp nhận rời bỏ trần thế này vào thời điểm Chúa muốn mà không chút sợ hãi hay cay đắng”.

Sau cùng, ĐTC giải thích về ý nghĩa bí tích xức dầu bệnh nhân và nói rằng: ”Ơn thánh riêng của bí tích này hệ tại đón nhận vào mình Chúa Kitô Y Sĩ. Nhưng Chúa Kitô không phải là y sĩ theo kiểu thế gian này. Để chữa lành chúng ta, Chúa không ở bên ngoài đau khổ người ta phải chịu; để thoa dịu đau khổ, Chúa đến ở trong tâm hồn người bị bệnh tật, để cùng chịu và sống đau khổ ấy với họ. Con người không còn chịu thử thách một mình, nhưng họ trở nên đồng hình dạng với Chúa Kitô Đấng tự hiến dâng cho Chúa Cha; trong tư cách là chi thể của Chúa Kitô chịu đau khổ, người bệnh tham gia vào việc sinh ra thụ tạo mới trong Chúa Kitô”.

”Nếu không có ơn phù trợ của Chúa, cái ách bệnh tật và đau khổ sẽ nặng nề kinh khủng. Khi lãnh nhận bí tích bệnh nhân, chúng ta không mong muốn mang ách nào khác ngoài ách của Chúa Kitô, trong niềm tin tưởng mạnh mẽ nơi lời hứa của Ngài cho chúng ta, theo đó ách của ngài dễ mang và gánh của ngài nhẹ nhàng (cf Mt 11,30). Tôi mời gọi tất cả những người sẽ lãnh nhận bí tích bệnh nhân trong thánh lễ này hãy tiến vào niềm hy vọng như vậy”.

Sau bài giảng, ĐTC đã cử hành nghi thức ban bí tích xức dầu cho 10 bệnh nhân thuộc mọi lứa tuổi, đứng đầu là một LM già yếu ngồi trên ghế lăn.. Ngài xức dầu trên trán và đôi tay của họ.

Sau thánh lễ, ĐTC đã ra sân vận động Antoine Béguère để từ đây đáp trực thăng tới phi trường Tarbes Lộ Đức. Tại đây vào lúc 12 giờ rưỡi đã diễn ra nghi thức tiễn biệt chính thức trong phòng khánh tiết của phi trường với sự hiện diện của thủ tướng Francois Fillon, các GM miền Midi Pyrénées, cùng các chức sắc đạo đời.

Chiếc Airbus 321 của hãng hàng không Pháp chở ĐTC, đoàn tùy tùng và các ký giả, đã cất cánh lúc 1 giờ 15 phút trưa và đã về đến phi trường Ciampino của thành Roma vào lúc gần 3 giờ chiều. Từ đây, ĐTC đã dùng xe về Castel Gandolfo, kết thúc tốt đẹp chuyến viếng thăm tại Pháp và cũng là cuộc viếng thăm thứ 10 của ngài tại hải ngoại.
 
Đức Thánh Cha cám ơn nước Pháp đã đón tiếp nồng hậu
Bùi Hữu Thư
21:16 15/09/2008

Đức Thánh Cha cám ơn nước Pháp đã đón tiếp nồng hậu



Ngài gửi điện văn cho Tổng Thống Pháp.

CASTEL GANDOLFO, Ý, 15 tháng 9, 2008
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI gửi điện văn cho Tổng Thống Pháp cảm tạ việc quốc gia này đã đón tiếp ngài thật nồng hậu cuối tuần qua.

Đức Thánh Cha trở về Lâu Đài Gandolfo hôm nay sau chuyến tông du 4 ngày đến Paris và Lộ Đức.

Đức Thánh Cha đến Paris ngày thứ sáu, và gặp gỡ các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và văn hóa trước khi gặp gỡ giới trẻ trước Nhà Thờ Đức Bà. Ngày thứ bẩy, Đức Thánh Cha cử hành Thánh Lễ tại Công Trường Invalides, trước 260,000 tín hữu.

Ngài đi Lộ Đức vào buổi chiều để tham dự các nghi thức được tổ chức để kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra với Thánh Bernadette Soubirous.

Tại Lộ Đức, Đức Thánh Cha đi qua tất cả các giai đoạn của Con Đường Năm Thánh: thánh đường của giáo xứ nơi Bernadette được rửa tội, nhà tù đã bỏ trống nơi gia đình Soubirous từng sinh sống, hang đá nơi Đức Mẹ hiện ra và nhà nguyện của bệnh viện nơi Bernadette rước lễ lần đầu.

Đức Thánh Cha cử hành hai Thánh Lễ tại Lộ Đức. Khoảng 190.000 khách hành hương tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật, và khoảng 70.000 người tham dự thánh lễ ngày hôm nay để cầu cho các bệnh nhân tại quảng trường Mân Côi.

Trong chuyến bay, Đức Thánh Cha gửi điện tín cho Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy và Tổng Thống Ý Giorgio Napolitano.

Ngài viết cho Tổng Thống Pháp vào lúc máy bay rời khỏi không phận nước Pháp: “Tôi muốn bầy tỏ một lần nữa với Tổng Thống cũng như các chức quyền và toàn dân chúng nước Pháp lòng tri ân chân thành của tôi về sự đón tiếp nồng hậu đã dành cho tôi. "

"Tôi sẽ luôn luôn trân quý kỷ niệm về những ngày qua tại đây và lòng quảng đại và tốt lành của dân chúng Pháp. Tôi gửi gấm nước Pháp cho lời cầu bầu của Đức mẹ Lộ Đức và tôi xin Thiên Chúa ban muôn vàn hồng ân xuống cho quý vị.”

Ngài viết như sau cho Tổng Thống nước Ý: “Vào ngày tôi rời Pháp trở về, nơi tôi đã có thể tham dự một cuộc hành hương trọng thể tại Lộ Đức, tôi cũng đã được gặp các bệnh nhân từ nhiều quốc gia, trong đó một số lớn là người dân nước Ý yêu quý của tôi, tôi muốn gửi đến Tổng Thống lời chào mừng nồng nhiệt của tôi và trong khi hồi tưởng lại kinh nghiệm thiêng liêng quý giá này, tôi cảm tạ Thiên Chúa, và cũng ghi nhớ với lòng biết ơn tất cả những người Ý đã dùng hết tài năng chuyên môn và sự tận tâm để cung ứng những dịch vụ quý giá cho những người bệnh tật và đau khổ.”
Tổng Thống Sarkozy và Đức Thánh Cha
190.000 người tham dự thánh lễ tại Lộ Đức
Đức Thánh Cha xức dầu một bệnh nhân
Con Đường Năm Thánh (The Jubilee Way)
 
Top Stories
Per Thai Ha, dalle autorità di Hanoi solo promesse non mantenute
Asia-News
07:28 15/09/2008
Il superiore dei Redentoristi riferisce in una lettera sui tentativi di risolvere nel dialogo la questione del terreno sottratto alla parrocchia. Sono nove, finora, i vescovi vietnamiti venuti a portare solidarietà ai fedeli che chiedono giustizia e non discriminazione verso i cattolici.

Hanoi (AsiaNews) – Solo promesse, peraltro non mantenute. E’ ciò che il superiore dei Redentoristi in Vietnam, padre Vincent Nguyen Trung Thanh è finora riuscito ad ottenere dalle autorità di Hanoi, con le quali ha tentato di portare avanti un dialogo che possa risolvere la questione del terreno della parrocchia di Thai Ha, del quale i cattolici chiedono pacificamente la restituzione. E’ quanto egli stesso scrive in una lettera ai Redentoristi del suo Paese, nella quale esorta i religiosi alla preghiera ed a chiedere l’aiuto di santi e beati che hanno sofferto persecuzioni.

In un’altra lettera, inviata ad AsiaNews, padre Nguyen Trung Thanh chiede di continuare a diffondere nel mondo notizie sulla vicenda di Thai Ha, visto che nel Paese “il Partito comunista usa i media statali per i suoi fini, lanciando contro di noi informazioni distorte e portando false testimonianza e falsi testimoni”.

La fine della campagna di stampa contro i cattolici, riferisce il provinciale dei Redentoristi, è stata una delle richieste che egli ha avanzato alle autorità, quando è riuscito a tentare un dialogo. “Abbiamo avuto l’opportunità – scrive nella lettera ai religiosi, che porta la data del 14 settembre – di parlare con i responsabili nazionali che hanno l’incarico del Comitato per gli affari religiosi e del Ministero della pubblica sicurezza” per “presentare le nostre aspirazioni alla giustizia ed alla pace”. Padre Nguyen riferisce di aver chiesto, in particolare, “di fermare i resoconti che su giornali, radio e televisioni lanciano false accuse per diffamarci”, “di rilasciare tutti coloro che sono stati arrestati” e “di discutere seriamente la questione di Thai Ha e di restituirci il terreno”. “Ci sono state promesse”, ma “anche il semplice impegno a fermare gli attacchi dei media statali contro di noi non è stato rispettato”.

Nel frattempo, continuano i gesti di solidarietà e comunione verso i parrocchiani di Thai Ha da parte dei cattolici. Sono nove, finora, i vescovi del nord del Vietnam che si sono recati su posto ed hanno pregato per la giustizia, la verità e la fede dei cristiani. Centinaia di sacerdoti vi hanno celebrato messa ed ogni giorno ci sono almeno duemila persone che prendono parte alle veglie di preghiera (nella foto) e chiedono che giustizia sia fatta.

“Veniamo qui – spiega un gruppo di loro ad AsiaNews – per pregare la Madre Maria e chiedere alle autorità locali di restituire il terreno alla nostra parrocchia, comportandosi giustamente verso di noi e senza commettere discriminazioni contro i cattolici del Vietnam. Noi vogliano che il nostro Paese si sviluppi sul piano economico, sociale, culturale e della libertà di religione”. “Le autorità debbono sapere come trattare questo problema. Non debbono usare la repressione e la violenza contro la gente. Le cellule rivoluzionarie debbono servire il popolo con dedizione assoluta. E si ricordi che i cattolici vietnamiti hanno passato tante esperienze e che più siamo stati perseguitati, più è cresciuta la nostra fede”.
 
French Bishop joins Thai Ha protestors
J.B. An Dang
08:47 15/09/2008
Bishop Jean Legrez at Thai Ha
Protestors at Thai Ha applauded crazily on Sunday when they were informed that Bishop Jean Marie Henri Legrez, O.P. of Saint-Claude diocese in France was among them. He was the first foreign Bishop to visit and join them in prayers for justice.

Bishop Jean Legrez came to Thai Ha on early Sunday morning when more than 15,000 Catholics from Hanoi and nearby provinces were travelling to Thai Ha by any means they could reach. A Redemptorist priest guided him to the land in dispute where he joined thousands of protestors in prayers. He was also briefed on the tension in the area caused by the presence of hundreds of police armed with stun guns.

The presence of Bishop Jean Legrez helped to calm down many protestors who were wondering why police were deployed at an abnormal large scale in and around Thai Ha. “I don’t think they [police] dare to attack us in front of a foreigner, especially a bishop,” a student said. “I feel safe and concentrate better to my prayers,” she added.

Major-General Nguyen Duc Nhanh, the Director of the Hanoi Police Agency, and many high ranking police officials were on the site to reconnoiter and direct police units to film protestors as an obvious intimidation tactic.

Police were in high alert after a sudden protest at Hanoi former nunciature on Saturday morning. They stopped every bus travelling from other provinces to the capital. Many faithful had to walk several miles after their buses were forced to turn back.

On Saturday morning, 32 sisters of the Adorers of the Holy Cross congregation in Hanoi took their solemn, perpetual profession of vows at Hanoi Cathedral. After the Mass, priests led the faithful march in procession from St. Joseph cathedral to the former nunciature where they had held daily protests until Feb. 1 when the government promised to return it to the Church.
 
Hanoi authorities unkept promises over Thai Ha
Asia-News
11:31 15/09/2008
In a letter Redemptorist superior describes his attempts to solve by dialogue the dispute over land seized from the parish. Nine Vietnamese bishops have come to express their solidarity to the faithful who demand justice and non-discrimination for Catholics.

Hanoi (AsiaNews) – Only promises that were not even kept is what Fr Vincent Nguyen Trung Thanh, Redemptorist superior in Vietnam, was able to get from Hanoi authorities after trying to engage them in a dialogue in order to solve the dispute over Thai Ha Parish land which Catholics are trying to peacefully recover. It is also the gist of a letter he sent to Redemptorists around the country, urging them to pray for the parish and ask for the help of saints and the blessed who suffered persecution.

In a letter to AsiaNews Fr Nguyen Trung Thanh also called for continued coverage of the Thai Ha affair since the “Communist Party relies on state media for its own purposes, spreading distorted information, bearing false witness with false witnesses against us.

In the letter dated 14 September he wrote: “We were able to talk to top officials in the Committee for Religious Affairs and the Public Security Ministry and present them with our aspirations for justice and peace.”

In his approach to the authorities clergyman demanded they end their anti-Catholic campaign, and “stop all reports on newspaper, radio and television that bear false accusations to defame us, [... ] release all those who have been arrested,” and “seriously discuss with us the Thai Ha dispute in order to return the land to us.”

“There were promises [from state officials],” he said, but unfortunately “even the simple promise to stop the assault by state-run on against us was never respected!”

Still Catholics continue to offer gestures of solidarity and communion with Thai Ha parishioners. Altogether nine bishops from northern Vietnam have come to the parish to pray for justice, truth and Christians’ faith. Hundreds of priests have celebrated Mass every day to an average of about 2,000 people who every day take part in the prayer vigils demanding justice (see photo).

“We come here,” a group leader told AsiaNews, “to pray Mother Mary and call on local authorities to return the land to the parish, acting with justice towards us and without discrimination towards Vietnamese Catholics.”

“We want our country to develop economically, socially and culturally as well as in terms of religious freedom. The authorities must find ways to address this problem. They should not use repression and violence against people. Revolutionary cadres must serve the people with the utmost dedication,” he said. “Lest they forget, Vietnam’s Catholics have had many experiences, and the more we have been persecuted, the stronger has grown our faith.”
 
Katolicy cierpią za wiarę, dziennikarze - za prawdę (tiếng Ba Lan)
Sebastian Karczewski, KAI
12:43 15/09/2008
Katolicy cierpią za wiarę, dziennikarze - za prawdę (tiếng Ba Lan)
(Người Kitô hữu chịu khổ nhọc về đức tin và sự thật)

Wietnamska policja aresztowała kilku katolików uczestniczących w pokojowym proteście w Hanoi, domagających się zwrotu ziemi zabranej parafii Thai Ha. Jednocześnie tamtejsze służby bezpieczeństwa oraz policja podjęły działania ograniczające wolność dziennikarzy przekazujących zagranicznym agencjom prawdziwe informacje na temat protestu w parafii prowadzonej przez ojców redemptorystów. Mimo gróźb ze strony wietnamskich służb bezpieczeństwa, do protestu przyłącza się coraz więcej osób.

Pierwsze nakazy aresztowania wydano w czwartek, 11 września. Spośród uczestników protestu wietnamska policja aresztowała już siedmiu parafian Thai Ha. Następnego dnia na policję wezwany został o. Matthew Vu Khoi Hung, redemptorysta, przełożony miejscowego klasztoru.

Wietnamskie władze przygotowują wniosek uznający protest katolików za działalność przestępczą. Dokument stwierdza, że przygotowany został on przez "wrogie siły" przeciwko komunistycznemu rządowi Wietnamu. - Oni nie są uczestnikami zamieszek ani ludźmi wrogimi społeczeństwu, którzy zakłócają porządek publiczny" - stwierdził ks. bp Joseph Dang Duc Ngan Lang Son w homilii wygłoszonej w miniony czwartek w parafii Thai Ha. Ordynariusz Lang Son i Cao Bang, który tego dnia odwiedził protestujących, dodał, iż pragną oni tylko "podczas swej ziemskiej pielgrzymki żyć zgodnie ze swoim chrześcijańskim powołaniem".

W kontrolowanej przez wietnamski rząd telewizji pojawiają się osoby przebrane za duchownych i osoby świeckie podające się za katolików, które nie tylko ostro krytykują protest, ale usiłują przedstawić protestujących jako przestępców. Wyrażają swoje "zdziwienie i zawód", że rząd nie podjął "wszystkich koniecznych środków, by przywrócić porządek publiczny".

8 września br. w dwóch hanojskich dziennikach wiceminister bezpieczeństwa publicznego gen. Nguyen Van Huong oraz dyrektor stołecznej Agencji Bezpieczeństwa Publicznego gen. Nguyen Duc Nhanh ostrzegli ks. abp. Josepha Ngo Quang Kieta, kapłanów i wiernych, że jeśli nie zakończą akcji protestacyjnych, grożą im surowe konsekwencje. Generał Nhanh zagroził też sankcjami wobec dziennikarzy przekazujących zagranicznym mediom informacje o proteście, nieodpowiadające oficjalnej propagandzie wietnamskiego rządu. Władze Wietnamu rozpoczęły już kontrolę publikacji katolickich dziennikarzy. Niektórzy z nich zostali wezwani przez policję i poproszeni, by zaprzestali informowania zagranicznych mediów. Na podstawie anonimowych źródeł agencje podają, iż władze zmierzają do zaostrzenia restrykcji wobec niepokornych. Policja zaczęła kontrolować Wietnamczyków, którzy odwiedzają witryny internetowe takich agencji prasowych, jak Asia News, Catholic News Agency, Catholic World News, Independent Catholic News, VietCatholic News, Zenit czy innych niezależnych zagranicznych mediów katolickich. - Przemoc stosowana przez władze z Hanoi zostanie potępiona przez świat - stwierdził tymczasem ks. bp Francis Nguyen Van Sang z diecezji Thai Binh, odnosząc się do pogróżek ze strony służb bezpieczeństwa. W wydanym dwa dni później oświadczeniu zatytułowanym "Kto mieczem wojuje, ten od miecza ginie" podkreślił, że "używanie miecza przeciwko niewinnym cywilom jest haniebne".

Obserwatorzy wydarzeń w Wietnamie zwracają uwagę, że o ile protest katolików w tym kraju jest wydarzeniem wyjątkowym, o tyle obecność w nim wszystkich biskupów z północnego regionu kraju czyni go bezprecedensowym w całej historii Wietnamu.

(Source: Sebastian Karczewski, KAI, Nasz Dziennik)
 
''Communism: The End Justifies the Means.'' By Father Stephen Chan Tin (August 2008)
World Evangelical Alliance
12:51 15/09/2008
"Communism: The End Justifies the Means." By Father Stephen Chan Tin (August 2008)

The facts:

Just over three weeks ago I went to Hanoi to participate in a special ceremony to venerate Our Lady of Perpetual Help at the Thai Ha church, and to participate in the struggle for justice and peace in the diocese.



After we had performed the holy ceremony at 6:30 PM, I along with monks of the Redemptorist Order and a host of believers held hands and sang songs of praise to the Holy Mother and prayed outside the fence the communist erected when they illegally confiscated our land. This praise and prayer service was organized in a very reverent and careful manner, and did nothing at all to impede people coming and going. On August 15, after I had returned to Saigon, the monks and some Christian believers repeated a ceremony outside the fence, but this time they brought along a statue of Mary and placed it inside the fence, that is on the property which was illegally seized and which our Redemptorist Order in Hanoi and Christian believers there have been requesting to be returned, a problem which the government refuses to resolve.



After this event, reporters of the central government and Hanoi, the official state media, radio and TV, accused the Christians and Redemptorist monks of breaking the law, and distorted and twisted the truth. They did not produce a single piece of paper as evidence that the members of our order had voluntarily offered the property to the government, the property on which we plan to build a church to honor Our Lady of Perpetual Help. The Redemptorist monks affirmed, "We have enough evidence and proof to demonstrate that the property entirely belongs to the Redemptorist Diocese of Thai Ha and that it was illegally confiscated by a number of government departments." After the Redemptorist monks produced legal document showing ownership and government authorities could not produce anything that showed it was voluntarily given to government by the Redemptorist Order, as they claim, the monks again affirmed, "This land continues to be the property of the Redemptorist Order in the Thai Ha Diocese. The activities of confiscating, seizing, selling or ceding the land to others, without our approval and without any legal documentation is entirely illegal. We are determined to guard this truth and to guard justice and our property as the constitution and the law stipulate – at any price."



If the truth is this clear, how come the state media of the central government and Hanoi city broadcast the exact opposite of this truth, for example this false story: "The Thai Ha church always turns its speakers way up so that it causes a loud public nuisance from 8:00 PM until 1:00 or 2:00 AM in the morning. At the same time some of the church officials speak crude words inciting people, words which are very hard to tolerate. The church also displays banners with lies, smearing government officials, speaking evil of our citizens and inciting the believers."



In the face of such slander, the Redemptorist monks resolutely affirm, "The words above are pure slander, insulting us monks and the honor of our citizens, the believers in our diocese in particular and the entire Catholic community. We request that all concerned government departments clarify this issue, and produce sufficient documentation to prove the stories that the official media has spread throughout the world at the earliest possible time. The gratuitous slander referred to above will fool no one and will have the effect of reducing trust in the political system not only among Catholics but the general population as well. The slander also goes contrary to the government’s goal of uniting all citizens in mutual respect and of building respect for human dignity in a law-abiding society, which the government asks us to pursue." (From a petition dated 19/08/2008).



The monks conclude their petition with these words: according to the information provided above, based on the constitution and the laws of Vietnam, and Article 28 of the press law, we request:



1. That Vietnam State Television and Hanoi State Radio and Television, the New Hanoi Newspaper, the Capital Economic News, and the Public Security Newspaper strictly view the facts in an objective manner and to respect the truth and to organize and investigation to make corrections according to the laws in effect.

2. Investigate to find out which individuals are responsible for this deliberate distortion of the truth as described above.

3. Answer us in writing according to the provisions of the relevant laws now in effect.



Conclusion



By the facts related above and by countless other incidents of slander in this country, used to imprison, to confiscate home and property and the lands and fields of our citizens and of religious organizations – particularly Catholics, we need to go to the source of communist doctrine.



Communist doctrine is atheistic and materialistic. Atheistic, meaning the belief that there is no Supreme Being, no Creator of the universe, no Creator of humankind who endowed mankind with a conscience in his heart that knows what is right to do and what is wrong to avoid. Materialism means that communists do not view human beings as having inalienable rights which no one should violate. Communism views people as tools to be used to serve the Communist party at any cost. Therefore the actions of communist regimes from the Soviet Union, to China, North Korea, Cuba and Vietnam brought about the wholesale robbery of money and homes and land of the their citizens.



In the Soviet Union, writer Alexander Solzhenitsyn who just passed away on August 5, 2008 showed in his monumental book Gulag Archipelago that during the ruthless Stalin regime that there was wide persecution of the innocent and the stealing of property of those they murdered. Intellectuals who opposed the regime were placed in mental institutions without reference to their sanity, and the writer himself was imprisoned nine years because he questioned Stalin. In the Gulag Archipelago the writer describes in detail the systematic abuses of the Soviet regime from 1918 to 1956, a system that built many prisons and concentrations camps. The publication of the works of Alexander Solzhenitsyn led to a systematic campaign against him in the Soviet press that accused him of being counter-revolutionary.



Communist regimes are that way -- for them the end justifies the means. Mr. Gorbachev saw the evil and the lack of humanity of communism and courageously stood up and dismantled the communist regime and moved it toward a democracy which respects human beings and respects religion. As he (Gorbachev) said to Pope John Paul II: "We need spiritual values, and we need a spiritual revolution, for this is the only thing that can provide a foundation for a new society and a new political order. We have changed our attitude toward a number of things, such as religion which we formerly evaluated much too simply. Now, not only do we conclude that no one may violate matters of individual conscience, we also affirm that the ideals religions have produced and consolidated though the centuries can help us renew our country. People who belong to various religions in the Soviet Union all have the right to satisfy their religious aspirations." (Time Magazine 11/12/1988)



And speaking of human rights, Gorbachev said, “The human rights of people under communism are not a gift of the government, and not a good deed done by anybody.. our reorganization is creating problems concerning the political rights of people.. we do not have the right to stumble on old dogmas and conserving the past, or to get hung up on anyone’s prejudices or individual ambitions." (Liberated Saigon 01/071988)



And so we ask, did the Soviet socialist revolution changed at all in 70 years? Mr. Constantine Katchev, head of religious affairs said: "There are many changes. The main change is that religious believers will no longer be viewed as second class citizens. What happened with regularity under the Soviet constitution when religious believers were discriminated against and atheists given priority must stop." (La Republica 04/03/1989)



The Soviet Union is no more. The very core of the Soviet Union, now Russia, was renewed. And therefore, officials of Russia today have more respect for basic human rights, including the freedom of religion.



After the Soviet Union, Communist China, North Korea, and Vietnam still follow the road of communism which brings untold suffering to citizens, and especially to religious believers.



In Vietnam during the days of public accusations, children accused their fathers, wives their husbands, the young accused the old -- leading to countless enmities and alienations because of the principle the end justifies the means. And countless times the murdered were robbed



After 1975 years, in the southern Vietnam, the Communists quickly established so-called re-education camps. This Vietnamese Gulag Archipelago was spread all over the country, from the north to the south, from the plains to the mountain jungles. And the plundering by government officials of citizens and religious organizations also began at the outset.



In January 1978, during one night police were sent to seize the Thu Duc Monastery which housed the Redemptorist Order, the Lasan Brotherhood, the Daminh Order and the Don Bosco Order and others. They drove the religious from the premises and imprisoned some of them, and the rest they held in one room so they could examine the institution without interference or witness so they could easily place pamphlets and guns and accuse the priests and monks of resisting the revolution. From that day on, many more such deceptive and illegal confiscations of the property of various orders and religions in the whole country were carried out.



With such a record and with the policy of the end justifies the means, how can the communists know what a conscience is, what justice is? They only have guns, jails and prisons and an endless system of secret police and a propaganda system controlled by government officials for their own ends – how can such a government do anything for its citizens, anything for religious believers? Only the people and religions know what justice is. The Thai Ha situation is only one of series of systematic robberies by the Vietnamese communist regime today.



We earnestly hope that among those in the Communist Party today that there are those who love their country, love humanity, and have a true conscience that will lead them to stand up and lead a true renewal, a political revolution as did Mr. Gorbachev in the Soviet Union. We would then have a chance of creating for our people a new life worthy of their humanity, which would respect basic human rights such as freedom of speech, freedom of the press, and freedom of religion, and give us hope that our property and possession would be secured according to the rule of law and true justice.



The principle of human behavior today cannot be the end justifies the means but rather we must have good goals and an equally good means to reach them in order to serve our people and our country.



Father Chan Tin

22/08/2008

38 Ky Dong, Saigon

Phone (08) 9316 322 118

(World Evangelical Alliance, Sep 13, 2008)
 
Hung Hoa, Vietnam: au cours des inondations d’août, un jeune prêtre organise les secours et mobilise ses paroissiens
Eglises d'Asie
17:22 15/09/2008
Hung Hoa, Vietnam: au cours des inondations d’août, un jeune prêtre organise les secours et mobilise ses paroissiens

Les péripéties de la paroisse de Thai Ha occupant l’essentiel de l’actualité, certains événements non moins dramatiques sont restés dans l’ombre. Du 7 au 10 août derniers, des pluies d’une force inhabituelle sont tombées sur dix provinces montagneuses du nord-est du Vietnam, provoquant de très importants dégâts en vies humaines et en biens matériels. Selon les statistiques produites par la presse vietnamienne, 119 personnes ont perdu la vie, 45 sont considérées comme disparues, 86 ont été blessées, quelque 18 000 habitations ont été détruites et plus de 15 000 ha de récolte ont été emportés par l’inondation.

Huit des provinces affectées par les inondations appartiennent au diocèse de Hung Hoa. Ce diocèse, qui s’étend sur le territoire montagneux du nord-est vietnamien aux frontières du Laos et de la Chine, a longtemps souffert d’une pénurie de prêtres l’empêchant d’envoyer des pasteurs aux communautés chrétiennes isolées et séparées les unes des autres par des distances considérables. Ce n’est que dans les années récentes, grâce à l’ordination d’un assez grand nombre de jeunes prêtres, que les paroisses couvrant parfois une province entière ont accueilli des desservants, souvent très dynamiques. C’est ainsi que le P. Michel Tran Van Thin, ordonné en 2001, a été chargé en janvier dernier d’une paroisse située dans la bourgade de Bao Dap, mais aussi de trois autres villages de la province de Yên Bai, une des provinces les plus touchées avec celle de Lao Cai par ces inondations. La communauté chrétienne date de 1964. Elle se compose de 3 000 fidèles, essentiellement des paysans pauvres, vivant au sein d’une population d’environ 30 000 habitants.

Le prêtre a déclaré à l’agence Ucanews que, durant cette période d’inondations – les plus catastrophiques depuis 40 ans –, il a estimé qu’il était de son devoir de protéger les vies et les biens des fidèles et d’inciter tout le monde à la solidarité (1). Dès que les eaux du Fleuve Rouge – le long duquel vivent la plupart de ses paroissiens dans des maisons de terre – ont commencé à monter, le P. Thin est allé informer les fidèles menacés et les a invités à gagner un endroit plus élevé. Grâce aux jeunes de son entourage, il a pu contribuer au déplacement d’environ 250 paysans. Pendant toute la période de l’inondation, du 7 au 13 août, ces derniers ont été accueillis par des familles épargnées par la montée des eaux et ont été nourris par la paroisse. Durant ce même temps, avec des volontaires, le prêtre a parcouru en bateau l’ensemble du territoire de sa paroisse, recouvert par les eaux du fleuve; il a porté secours à un certain nombre de personnes qui n’avaient pas pu ou pas voulu quitter leur maison. Ainsi personne ne s’est noyé.

Les dégâts ont été très importants. Les maisons de terre au toit de paille ont été emportées ou détruites par les eaux, qui pouvaient atteindre deux à cinq mètres de hauteur. Celles-ci ont également emporté les récoltes, les animaux domestiques et recouvert les champs de sable et de boue. Dès le début, le diocèse a débloqué une assistance d’urgence (pâtes alimentaires et une certaine somme d’argent pour chacun des sinistrés). Pour sa part, la paroisse a également fourni une importante contribution financière. Cependant, le prêtre se félicite surtout d’avoir suscité, dans les quatre villages dont il a la charge, une mobilisation générale qui a poussé les personnes les moins touchées par l’inondation à aider celles qui avaient tout perdu.

(1) Ucanews, 5 septembre 2008.
 
Pope: Accept death ''at the hour chosen by God'
AP
17:51 15/09/2008
LOURDES, France (AP) - People must accept death at "the hour chosen by God," Pope Benedict XVI told ailing pilgrims Monday in an anti-euthanasia message at Lourdes, the shrine that draws the desperate, sick and dying.

At the chilly open-air service outside the sanctuary reputed for its curative spring water, some faithful lay on gurneys, tucked into quilts and comforters. A few breathed with oxygen tanks. The 81-year-old pontiff administered the sacrament of the sick to 10 people, most in wheelchairs, gently anointing their foreheads and palms with oil.

While several European countries permit euthanasia, the Vatican vehemently maintains that life must continue to its natural end. The pope said in his homily that the ill should pray to find "the grace to accept, without fear or bitterness, to leave this world at the hour chosen by God."

The Mass closed the pope's four-day trip to France, his first to the country since becoming pontiff in 2005. Benedict used the trip to lay out the church's opposition to rampant materialism in modern life and recognition of divorced Catholics' new marriages.

The pontiff also urged more room for religion in society, a topic that renewed long-simmering debate in France about its historic separation of church and state — so staunch that schoolchildren cannot wear Muslim head scarves or large crosses around their necks in public schools.

In a traditionally Roman Catholic country with a dwindling churchgoing population and a growing Muslim community, conservative President Nicolas Sarkozy has argued that dialogue with religious groups should play a greater role in national decisions and debate — a subject on which he and Benedict found common ground.

Julien Dray, the spokesman of the opposition Socialists, complained that the stances that Benedict repeated in Lourdes were "fundamentalist" and "closed to the evolutions taking place in the church." During the visit, he said, Sarkozy "did not put enough distance between religious practice and the public sphere."

Francois Bayrou, a centrist politician, has said he had reservations about Sarkozy inviting the pope to the presidential Elysee Palace because it is a symbol of the French Republic. Bayrou is a Catholic who showed up for Sunday Mass at Lourdes.

Despite the political debate that erupted during the trip, the main purpose of Benedict's visit was to mark the 150th anniversary of visions of the Virgin Mary to a Lourdes peasant girl, 14-year-old Bernadette Soubirous, who was later named a saint.

The shrine in the foothills of the French Pyrenees draws 6 million pilgrims a year, many of whom believe that Lourdes' spring water has the power to heal and even work miracles.

Maryse Bargain, a 48-year-old woman from the Brittany region of northwest France, was among those praying for healing. She expressed hope that the pope, "someone else or the Virgin" might help cure the blindness she has suffered from since birth.

At Mass for the sick outside the gold mosaic facade of Lourdes' Basilica of the Rosary, the pope urged the ailing to remember that "dignity never abandons the sick person."

"Unfortunately we know only too well: the endurance of suffering can upset life's most stable equilibrium, it can shake the firmest foundations of confidence, and sometimes even leads people to despair of the meaning and value of life," the pope said.

"There are struggles that we cannot sustain alone, without the help of divine grace," he said.

"For each person, suffering is always something alien," he said. "It can never be tamed."

The pope's anti-euthanasia message followed up renewed debate on the subject this year in France following the death of a woman whose tumor burrowed through her head, leaving her disfigured and in constant pain. While Belgium and the Netherlands have legalized euthanasia, France permits patients to refuse treatment that can keep them alive but stops short of allowing euthanasia.

(Source: Angela Doland, Associated Press Writer, Mon Sep 15, 2008)
 
Church-state tensions building in Hanoi
Catholic World News
18:18 15/09/2008
Hanoi, Sep. 15, 2008 (CWNews.com) - Tensions between government officials and Catholic protestors in Hanoi continued to rise over the weekend, with thousands of the faithful joining in public protests, and the provincial superior of the Redemptorist order revealing that talks with government officials had failed to resolve a heated property dispute.

The protests in Hanoi centered on two sites that have been confiscated by the government: the former office of the apostolic nuncio and the Redemptorist monastery at Thai Ha parish.

Father Vincent Nguyen Trung Thanh, the Redemptorist superior, disclosed that officials of the order had spoken with local government leaders "to present our aspiration for justice and peace." They also asked the officials to stop attacks on the Catholic protestors in the state-controlled mass media. Despite promises from the government leaders, those requests have been ignored, he said.

On Sunday, September 14, the director of Hanoi's police force was on hand at the Thai Ha monastery site along with a crew filming the protests-- a move that the demonstrators saw as an intimidation tactic. An estimated 15,000 Catholics had participated in the protests. They were joined on Sunday by Bishop Jean Marie Henri Legrez of St. Claude, France: the first foreign bishop to join in the public demonstrations.

The previous day, a procession through the streets of Hanoi, following a ceremony in which 32 nuns took their solemn vows, turned into a protest at the building that once housed the nuncio's office. In February, after daily protests there, the government had promised to return that building to Church ownership. But the transfer has not yet taken place. Hanoi's Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet complained of the "numerous obstacles" raised by government officials in talks about restoration of the building.
 
太河堂区事件中河内当局仅做空口承诺
Asia-News
18:26 15/09/2008
赎主会省会长在致函越南省会全体会士时指出,修会努力希望通过对话解决堂区被占土地问题。截止到目前,共有九位越南主教亲自为太河堂区教友送去了支持和慰问;要求伸张正义、反对歧视天主教徒

河内(亚洲新闻)—河内当局向要求收回被占教产的太河堂区天主教徒只作出了从未兑现的空头承诺。为此,赎主会越南省会会长致函全省会士指出,长期以来,修会一直努力通过对话解决太河堂区的教产问题,要求以和平的方式归还教会土地。但是,修会迄今仅得到了河内当局的空口承诺。省会长激励全体会士努力祈祷;祈求为信仰而遭受迫害的诸圣和真福们的代祷。

在亚洲新闻通讯社收到这封信中,省会长要求在全世界广泛通告太河堂区事件。因为,“共产党利用官方传媒达到其目的,对我们进行不实的报道、作出伪证和假证”。

省会长指出,停止官方媒体对天主教徒的诋毁是教会向河内提出的要求之一,以便为对话铺平道路。在九月十四日签署的这封致全省会士的信中,会长表示,“我们获得了同国家宗教事务当局和国家安全部门责任人对话的机会”,以便向“他们展示我们对正义与和平的渴望”。特别提出了“停止在报纸、电台和电视台上进行歪曲报道的要求”;“并立即释放所有被捕人士”。他们对“我们作出了承诺”,可是,“就连简单的停止官方媒体歪曲报道的承诺都没有兑现”。

同时,全国各地天主教会团体继续向太河堂区表示关怀慰问。迄今,已有九位主教亲自为太河堂区教友送去了关怀和问候;一起为基督信徒获得正义、真相和信仰祈祷。数以百计的司铎每天都在为太河堂区祈祷、每天至少有两千人参加守夜祈祷(见照片);要求伸张正义。

一当地团体向亚洲新闻通讯社表示,“我们来这里象圣母玛利亚祈祷,要求归还我们堂区的土地、公正地对待我们、不要歧视越南天主教徒。我们希望我们的国家在经济、社会、文化和宗教自由等各个领域得到发展”。“当局应该知道该怎样处理这一问题;不应该对人们动用压制和暴力的手段。他们要记住,越南天主教徒经历了无数考验;我们越是受到迫害、信仰也就越坚定”。
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hợp Xướng Suối Việt vui Trung Thu với Thiếu Nhi Họ Đạo Cái Rắn- Cà Mau
Lê Kim
15:13 15/09/2008
CÀ MAU - Trong ngày Tết Trung Thu 2008, khoảng hơn 30 bạn trẻ trong Ban Hợp Xướng Suối Việt cùng với đại diện Nhóm Lasan-Exodus 97, Taberd 74 đã về thăm họ đạo Cái Rắn-Cà Mau thuộc giáo phận Cần Thơ để chia sẻ niềm vui Trung Thu với khoảng hơn 200 em thiếu nhi nghèo ở vùng sâu, vùng xa tận cùng đất nước này. Trong chuyến đi này, nhạc sĩ Nguyễn Bách đã phối hợp cùng linh mục-nhạc sĩ Tiến Lộc và 8 tập sinh thuộc dòng Chúa Cứu Thế, nghệ sĩ Kim Lệ để làm một chương trình văn nghệ thật vui tươi cho các em thưởng thức.

http://vietcatholic.net/Albums/80914CaMau15092008/

Lên đường rời Sài Gòn hoa lệ vào lúc 10 giờ đêm ngày thứ sáu 12.09.2008, xe chạy về miền lục tỉnh trong suốt đêm, trên xe lúc đầu còn rôm rả tiếng nói cười ca hát và tiếng harmonica rất điệu nghệ của linh mục Tiến Lộc, trời càng về khuya mọi người từ từ chìm vào giấc ngủ chập chờn trong khi chiếc xe ca dài thường thược chỡ gần 50 người cứ bo bon trên đường đêm hun húc. Về đến phà Cần Thơ hơn 1 giờ sáng, mọi người tỉnh ngủ xuống xe đi bộ để lên phà, qua con sông Hậu gió đêm mát rượi, dòng sông đen ngòm vì mưa nên không có ánh trăng!

Hơn 5 giờ sáng xe đến ngã 3 Ngọn Cạy thuộc xã Phú Hưng, huyện Cái Nước tỉnh Cà Mau đã thấy mấy chiếc võ lải (nơi khác còn gọi là tắc ráng) chờ sẵn để chuẩn bị chỡ mọi người vào đến nhà thờ Cái Rắn và vị linh mục coi sóc họ đạo này tuy già nhưng rất nổi tiếng qua những tác phẩm: Viết Cho Em, Nhật Ký Đức Giêsu, Dấu Chân Của Thầyv.v…linh mục-nhà văn Piô Ngô Phúc Hậu cũng đã ra tận nơi đón khách, bắt đầu từ đây mọi di chuyển sẽ toàn bằng võ lải…

Lần đầu tiên ngồi trên chiếc võ lải ( dân địa phương thường gọi tắt là đi võ) mọi người có hơi sợ một chút, cứ 6 người ngồi 1 vỏ chạy như bay trên mặt nước tạo thành hai luồng sóng trắng xoá bên mép vỏ thật thú vị! Nhưng hú hồn nếu có 1 người ngồi trên đó chỉ cần xoay qua, xoay lại một chút là sẽ lật ùm!

Thánh lễ lúc 4 giờ chiều thứ bảy dành cho thiếu nhi do linh mục Giuse Tiến Lộc đồng tế với cha sở và ca đoàn là các bạn trong ban Hợp Xướng Suối Việt hát lễ, cho dù gần nửa nhân số hiện diện là người ngoài Công Giáo nhưng các bạn trẻ Suối Việt dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Bách đã hát lễ rất tuyệt vời! Các em thiếu nhi ở đây cũng thật dễ thương, khao khát được vui chơi một đêm Trung Thu thật thoả thích nên đã đến rất sớm đứng trước các gian hàng hội chợ do các tập sinh dòng Chúa Cứu Thế phụ trách mà ngắm nghía xem sẽ được chơi trò gì? Những hộp sữa tươi, những chiếc bánh Trung Thu, những quyển vỡ, chiếc cặp, lồng đèn Trung Thu v.v… là những món quà mà các em nhận được trong mùa Trung Thu này cùng với một chương trình văn nghệ thật vui tươi với chú Cuội và chị Hằng đã làm cho bầu khí của một vùng quê hẽo lánh rộn rã hẵn lên. Các em ngạc nhiên sao mình chơi không được cũng được nhận một phần quà? Những đôi mắt ngây thơ cứ ánh lên mỗi khi được một món quà ở mỗi gian hàng dù mình không trả tiền mua vé để được vào chơi, thích nhất là gian tô màu trên tượng và tô hình trên giấy, các em được tặng những con thú hoặc búp bê bằng thạch cao màu trắng và màu nước, bút lông… thế là tha hồ tô lên những màu sắc mà các em thích để trang trí lên tượng và được tặng luôn để mang về nhà.

Đúng là một mùa Trung Thu thật ý nghĩa với cả những người “cho” và “nhận”!

Có một chi tiết mà tôi được cha Tám (cha Piô Ngô Phúc Hậu) cho biết: Địa phương này trước đây gia đình Ông Bà thân sinh Đức Hồng Y G.B Phạm Minh Mẫn đã từng sống mấy năm, Đức Hồng Y đã trãi qua thời thơ ấu nơi con sông này. Và ngôi trường tiểu học Phú Hưng B ngày nay đã được xây trên mảnh đất từng là ngôi nhà của gia đình Đức Hồng Y.
 
Toà Giám mục Hải Phòng phát quà trung thu cho các em Trường Câm Điếc
Minh Thu
15:20 15/09/2008
HẢI PHÒNG - Nhân dịp Tết Trung thu năm nay, Đức Giám Mục Vũ Văn Thiên Giám mục Hải Phòng đã cử Cha Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện đến chia sẻ niềm vui và phát quà cho các em trường Câm Điếc Hải Phòng.

Trường Câm Điếc Hải Phòng hiện nay có 190 em, hầu hết là trẻ em bị câm điếc, chậm phát triển và kém trí nhớ, các em ở đây được học chữ, học nghề, nhưng điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường cũng còn nhiều khó khăn. Toà Giám mục Hải Phòng luôn quan tâm tới nhà trường, tới các em có những hoàn cảnh đặc biệt, đã trợ giúp thường xuyên nhất là các dịp quốc tế Thiếu Nhi 1-6, trung Thu, tổng kết năm học, thành lập Trường...

Với một chút quà Trung thu mà Cha Kiện gưỉ đến các em đã làm cho các em học sinh ở đây thật vui trong ngày Tết của các em, những điệu múa của các em đã diễn tả niềm vui đó.

Trong bài phát biểu, của Cha Kiện đã động viên các em cố gắng vươn lên trong khó khăn để học tốt, ngoan ngoãn vâng lời thầy cô giáo, Cha đã khen ngợi các thầy cô giáo nhà trường đã đóng góp rất nhiều công sức của mình trong việc đào tậo những mảnh đời bất hạnh. Cha Kiện nói lên tâm tình của mình khi được chung vui, phá cỗ trung thu với các em. Cha hưá sẽ cố gắng cộng tác hơn nữa trong việc chăm sóc và giúp đỡ các em có những hoàn cảnh đặc biệt này.

Cầu chúc cho thầy cô giáo và các em học sinh trường Câm Điếc Hải Phòng luôn biết vươn lên trong những khó khăn để những mảnh đời bất hạnh biết vươn lên, hoà nhịp với cuộc sống xã hội. Xin cho có nhiều tấm lòng quảng đại tiếp tục nâng đỡ cho những mảnh đời đang cần sự quan tâm của nhiều người.
 
Thư Mục Vụ của Đức giám mục giáo phận Hải Phòng
+ GM Giuse Vũ Văn Thiên
15:23 15/09/2008
THƯ MỤC VỤ GIÁO PHẬN HẢI PHÒNG
DỊP LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI 2008


Kính gửi;
Các Cha, các Tu sĩ, Chủng sinh, các Ban Hành Giáo và Anh Chị Em Giáo hữu

Tháng Mân Côi là thời điểm các tín hữu Công giáo chúng ta thể hiện tình yêu mến và lòng hiếu thảo đối với Mẹ Thiên Chúa. Tháng 10 dương lịch, cùng với Tràng Hạt Mân Côi, đã trở nên quen thuộc đối với mỗi người, mỗi gia đình. Yêu mến Tràng Hạt Mân Côi và siêng năng lần hạt là một điểm sáng trong truyền thống của Giáo phận chúng ta.

Năm 2008 này là một năm đặc biệt đối với những con cái của Đức Mẹ. Vì năm nay kỷ niệm nhiều biến cố quan trọng cũng như có nhiều sinh hoạt đạo đức liên quan đến lòng tôn kính Đức Mẹ.

-Trước hết, chúng ta cùng với Giáo Hội Việt Nam long trọng kỷ niệm 210 năm Đức Mẹ hiện ra tại LaVang. Nơi đây, Mẹ đã đến thăm đoàn con cái đang chịu bách hại vì đức tin. Trước những cuộc tàn sát bắt bớ trong thời kỳ cấm đạo, các tín hữu phải lánh vào rừng sâu, đầy khó khăn và nguy hiểm. Ở đó, họ sốt sắng cầu nguyện và được Đức Mẹ hiện đến an ủi. La Vang từ đó đã trở nên linh địa và là nơi hành hương của mọi người Công giáo, trong nước cũng như quốc tế. Biết bao người đến với Mẹ đã nhận được nhiều ơn lành phần hồn phần xác. Đại Hội La Vang đã được tổ chức vào trung tuần tháng tám năm nay và quy tụ khoảng 500 000 tín hữu quây quần về bên Mẹ. Đại Hội cũng mời gọi mọi con cái Đức Mẹ xa gần hãy học hỏi nơi Đức Mẹ để sống đức tin, vì Mẹ là “Thày dạy đức tin, đức cậy và đức mến”. Mẹ là Đấng chỉ bảo đàng lành, là sao biển dẫn đưa chúng ta trong hành trình ra khơi, trong hành trình về Quê Trời.

-Chúng ta cũng hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức, miền Nam nước Pháp. Nơi đây, ngày 25-03-1858, tức là lần hiện ra thứ 16, Đức Mẹ đã nói với thiếu nữ Bê-na-đê-ta: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”. “Vô Nhiễm Nguyên Tội” đó là tín điều mà Tòa Thánh đã công bố 4 năm trước đó. Như vậy là Đức Mẹ công nhận điều mà Giáo Hội long trọng tuyên tín. Sứ điệp mà Đức Mẹ muốn qua thiếu nữ Bê-na-đê-ta gửi cho thế giới, trước hết là lời mời gọi sám hối. Sám hối để hòa giải với Chúa và hòa giải với anh chị em mình. Sám hối để đem lại bình an cho cuộc sống đang đầy hận thù và chia rẽ. Sám hối để tìm lại sự thanh thản trong tâm hồn và để có thể đón Chúa ngự đến. Tại chính Lộ Đức, Đức Mẹ cũng mời gọi mọi người hãy lần hạt Mân Côi để suy niệm cuộc đời Đức Giêsu; hãy cầu nguyện cho Giáo Hội được hợp nhất và cho thế giới biết đón nhận Đức Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Để ghi nhận 150 Đức Mẹ viếng thăm Lộ Đức, Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô đã ban phép mở Năm Thánh và ban ơn Toàn Xá cho những ai hành hương kính Đức Mẹ. Chính Ngài đã đến Lộ Đức chủ sự Thánh lễ trọng thể vào Chúa nhật 14-09-2008 vừa qua, để phó dâng Giáo Hội cho lời cầu bầu hiền mẫu của Đức Mẹ.

-Cùng hòa chung nhịp sống của Giáo Hội Việt Nam và Giáo Hội hoàn vũ, Giáo phận chúng ta đang cử hành những cuộc rước trọng thể kính Đức Mẹ tại các giáo xứ. Đức Thánh Cha đã rộng ban ơn Toàn xá cho những ai tôn vinh Đức Mẹ và cầu nguyện trước Thánh Tượng lịch sử của Giáo phận. Đã có những cuộc cung nghinh trọng thể, để lại những dấu ấn khó quên nơi các tín hữu Công giáo cũng như bà con ngoài Công giáo. Lòng yêu mến đối với Đức Mẹ thể hiện qua những cuộc rước này đã góp phần củng cố đức tin nơi Anh Chị Em tín hữu. Đức Mẹ đã đặt chân đến những giáo xứ, giáo họ vùng sâu vùng xa của Giáo phận để gặp gỡ và khích lệ các cộng đoàn đức tin. Như ngày xưa Mẹ đã lên đường viếng thăm gia đình người chị họ là bà I-sa-ve, hôm nay Mẹ đang đến viếng thăm chúng ta để lắng nghe những tâm tư nguyện vọng, để an ủi vỗ về, để nâng đỡ chở che những người con đang chân thành phó thác nơi Mẹ.

Thưa các Cha và Anh Chị Em thân mến,

Việc kỷ niệm những biến cố quan trọng liên quan đến lòng tôn kính Đức Maria cũng như việc tổ chức các cuộc cung nghinh Thánh Tượng Đức Mẹ đều nhằm nhắc nhở chúng ta noi gương Đức Mẹ trong cuộc sống đời thường. Những việc đạo đức kính Đức Mẹ phải giúp chúng ta đến gặp gỡ Đức Giêsu. Ngày hôm nay, Đức Mẹ vẫn đang nói với chúng ta điều Mẹ đã nói với những người giúp việc tại tiệc cưới Ca-na: “Người bảo thế nào, các anh cứ như vậy mà làm” (Ga 2,5). Cũng như Đức Mẹ đã cưu mang, đã lắng nghe và đã thực hành Lời Chúa, chúng ta hôm nay cũng được mời gọi bắt chước Đức Mẹ. Chính Lời Chúa đã làm cho Đức Mẹ vững tin khi Đức Giêsu gặp nhiều chống đối. Cũng chính Lời Chúa đã giúp cho Đức Mẹ can đảm đứng bên Thập giá trong giờ khổ nạn của Con mình. Chúng ta hãy noi gương Đức Mẹ, gắn bó với Lời Chúa, vì “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118,105). Sứ điệp sám hối và cầu nguyện mà Đức Mẹ muốn nhắn gửi từ Lộ Đức còn mang tính thời sự đối với chúng ta trong thời hiện đại này. Hơn bao giờ hết, con người cần sám hối vì những chia rẽ bất công và vì những gian dối trong mọi lãnh vực. Hơn bao giờ hết chúng ta cần cầu nguyện để lắng nghe ý Chúa, để đời sống thiêng liêng được phong phú và sinh hoa kết trái.

Chúng ta hãy tôn vinh và phó thác nơi Đức Mẹ trọn vẹn con người và cuộc sống chúng ta, đặc biệt trong tháng Mân Côi này. Với tấm lòng từ Mẫu bao la, Đức Mẹ luôn yêu thương và săn sóc những ai có lòng cậy trông. Chân phước Ghê-rích đã diễn tả lòng từ mẫu của Đức Mẹ như sau: “Đức Maria chí thánh, Mẹ Chúa Kitô, được nhận là Mẹ các tín hữu một cách huyền nhiệm, và từ đó Mẹ thi hành nhiệm vụ này với tất cả sự lo lắng ân cần và tình yêu thương riêng biệt của người Mẹ… Và tất cả các Kitô hữu cũng nhận Người là Mẹ của họ, và được thúc đẩy bởi tình thương mến tự nhiên như con thảo, họ chạy đến nép mình nơi Mẹ trong mọi lúc cần kíp và nguy hiểm, kêu cầu Danh Thánh Mẹ với lòng tin tưởng cậy trông, như con thơ ngủ yên trong vòng tay mẹ mình” (Trích bài giảng lễ Đức Mẹ lên trời).

Nguyện xin Mẹ Mân Côi, Quan Thày Giáo phận luôn che chở và gìn giữ các Cha và Anh Chị Em trong sự bình an. Xin Mẹ củng cố nơi mỗi người chúng ta lòng yêu mến Chúa và lòng nhiệt thành tông đồ.

Hải Phòng ngày 15 tháng 09 năm 2008
Giám mục Hải Phòng
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Khi nào Quê Hương là một cơ cấu bệnh hoạn?
Nguyễn Văn Thành
00:05 15/09/2008
Cơ cấu tổ chức, mà tôi đề cập trong suốt bài chia sẻ nầy, có thể là một gia đình bao gồm cha mẹ và con cái, cũng như bao nhiêu thành viên khác, đang sống chung dưới một mái nhà. Hay đó là một xí nghiệp với nhiều công nhân viên, từ ban lãnh đạo đến những cán bộ lao động thuộc nhiều tầng lớp tổ chức khác nhau.

Một cách đặc biệt, Đất Nước hay là Quê Hương, với bao nhiêu tầng lớp tổ chức và sinh hoạt... cũng là một cơ cấu tổ chức, có khả năng bao bọc, che chở và nuôi nấng, cơ hồ cái bào thai trong lòng Mẹ đối với chúng ta, trong những ngày tháng đầu đời. Trường hợp cái bào thai bị nhiễm trùng, đứa con ở bên trong cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề tăng trưởng và phát triển.

Hiểu được những định luật tâm lý xã hội, có phần vụ tác động và chi phối tình trạng sức khoẻ của bất kỳ một cơ cấu nào, chúng ta sẽ có rất nhiều cơ may trong chiều hướng « tránh những điều cần tránh, thực hiện những gì cần thực hiện, tác động vào chính vị trí cần tác động ».

Nhờ vào đó, chúng ta BIẾT mình đang ở đâu. Khi nào nên tiếp tục đi tới, khi nào phải tức khắc dừng lại. Khi nào hãy can đảm đi lui, vì thấy mình đã lầm đường. Và chính lúc bấy giờ chúng ta phải thực thi những động tác nào, để chọn lựa lại một con đường thích ứng, quang đãng và hữu hiệu hơn trong quá khứ.

Nói khác đi, với những điều kiện và thân phận làm người, ai ai trong chúng ta cũng có thể sai lầm. Cái cao cả và trọng đại, trái lại, bắt nguồn từ khả năng chuyển biến cái sai lầm, thành một kinh nghiệm, một bài học khả dĩ thăng tiến bản thân và làm đẹp cuộc đời, của chúng ta cũng như của anh chị em đồng bào.

Trong tinh thần và lăng kính ấy, tôi sẽ lần lượt khảo sát hai câu hỏi then chốt:

• Thứ nhất, một cơ cấu xã hội BỆNH HOẠN bao gồm những dấu hiệu cụ thể và khách quan nào ?
• Thứ hai, nhằm lành mạnh hóa một cơ cấu tổ chức như Đất Nước, chúng ta cần tôi luyện những kỹ năng hoạt động nào ?

I. PHÁT HIỆN NHỮNG CƠ CẤU BỆNH HOẠN

Để bắt đầu, chúng ta có thể so sánh một cơ cấu với một thân thể của con người. Trong một cơ thể lành mạnh và sinh động, mọi bộ phận như tim, buồng phổi, dạ dày, não bộ... đang thiết lập với nhau, những quan hệ tác động qua lại hai chiều, mặc dù từng bộ phận có một phần vụ độc đáo và riêng biệt. Để có thể sống và phát triển, mỗi bộ phận vừa nhận vừa cho, vừa diễn tả nhu cầu của mình vừa biết từ chối, dừng lại, « tri chỉ », không còn nhận thêm, khi không cần thiết.

Mặc dù công việc chính yếu của não bộ là ban phát những mệnh lệnh cho toàn thể tay chân và các cơ phận bên ngoài và bên trong. Tuy nhiên, để có thể lãnh đạo một cách đứng đắn, chính xác và hữu hiệu, nghĩa là thành tựu những kết quả mong muốn, não bộ không thể không lắng nghe, ghi nhận những tin tức hồi tố, do các thành phần ngoại vi gửi về. Mọi cơ phận khác, như tim phổi... cũng làm công việc « lắng nghe, tham khảo và đối thoại » tương tự như vậy, với mọi thành phần khác, trong con người.

Ngoài ra, theo cách bố cục và tổ chức tự nhiên của thân thể, não bộ nằm ở phía trên. Và đôi chân có vị trí ở dưới cùng. Tuy nhiên, nếu bàn chân không thực thi công việc « lãnh đạo », thể theo vai trò, phương thức và trách nhiệm đặc biệt của mình, toàn thể xác thân của con người cũng sẽ bị tê liệt hay là bệnh hoạn.

Trong tinh thần và lăng kính ấy, trong một cơ thể lành mạnh, năng động, đang diễn tả chiều hướng đi lên, phát triển, tăng trưởng và sáng tạo... mọi bộ phận từ nhỏ chí lớn, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, đều lãnh đạo, theo cách thế và địa hạt độc đáo của mình. Không một thành phần nào hoàn toàn năng động một trăm phần trăm. Và cũng không một cơ phận nào hoàn toàn bị động một cách tuyệt đối. Mỗi thành viên đều lãnh đạo, bằng cách « lắng nghe, tham khảo, đối thoại, chia sẻ và đóng góp phần tích cực của mình ».

Cũng vậy, trong một đất nước lành mạnh, có chiều đi lên và phát triển mọi mặt, vật chất cũng như tinh thần, giáo dục cũng như đạo đức, cá nhân cũng như tập thể... mọi thành viên đều biết lắng nghe nhau. Đối thoại với nhau. Mỗi người góp chung lại phần năng động của mình. Không ai chỉ ban phát mà không đón nhận. Không ai chỉ nhận và không tìm cách cho lại. Một nụ cười, một bàn tay thân mật, một lời trao đổi hỏi han, một ánh mắt chan hòa tình người... tất cả đều có thể là những món quà cao quí, có khả năng gói ghém trọn vẹn « một tấm lòng », một mối tình đồng bào, một khả năng đồng cảm và đồng hàn.

Trong một đất nước lành mạnh như vậy, không ai LÃNH ĐẠO một cách độc chiều, nghĩa là từ trên rót xuống những mệnh lệnh, những chương trình. Lãnh đạo còn có nghĩa là lắng nghe, trân trọng những đóng góp hồi tố của người dân, chân lấm tay bùn, ngày ngày lên đồng cạn xuống đồng sâu, để kiếm cho được một bát cơm lót lòng... Lãnh đạo, trong lối nhìn và lối nói của Nguyễn Trãi, có nghĩa là

« Chăn lạnh choàng vai, đêm chẳng ngủ.
Suốt đời ôm mãi, nỗi lo dân
».

Thêm vào đó, trong một đất nước lành mạnh, ngoài tầng lớp lãnh đạo, còn có những thành viên làm công việc NÂNG ĐỠ, ủng hộ, nối dài, cổ động. Họ là những vị Bồ Tát Quan Thế Âm, đang hiến tặng và đóng góp một trăm quả tim, một trăm cánh tay, một trăm đôi chân và nhất là một trăm đôi mắt để người lãnh đạo đất nước thấy được « bao nhiêu tầng lớp nắng mưa », trong lòng cuộc đời của người dân. Nếu không đảm nhận trách vụ ấy, người ủng hộ sẽ lập tức trở thành người vuốt đuôi, nịnh bợ, tâng bốc, làm kệ lót chân cho người có chức quyền. Loại người nầy sẵn sàng hối lộ cho các nhà lãnh đạo, bằng mọi phương tiện. Tuy nhiên, ở bên dưới những tầng lớp vàng bạc, tiền của, quà cáp... chầy kíp sẽ xuất hiện những quả bom nguyên tử làm băng hoại cả một quê hương gấm vóc.

Trong một đất nước lành mạnh, ngoài hai tầng lớp Lãnh Đạo và Ủng Hộ, còn có mặt một loại thành phần thứ ba mang tên là CHỨNG NHÂN. Nếu thực thi đúng trách nhiệm, họ sẽ là những tấm gương soi, phản chiếu cho người lãnh đạo, mọi bộ mặt lông lá của họ. Với đôi mắt của chứng nhân, người lãnh đạo thấy được những con nước ngầm ở dưới lòng đất. Với lỗ tai của người chứng nhân, người lãnh đạo nghe được tiếng kêu « vô thanh » của nhiều tầng lớp người dân đang đói, đang khát, đang bị hối lộ và bốc lột, trên từng chén cơm, chén cháo của mình. Trường hợp họ làm những chứng nhân ù lì, « không nói, không nghe, không thấy », họ đương nhiên hóa thân thành một lớp người thinh lặng đồng lõa. Trong giấc ngủ của họ, Thánh Gióng và Thần Kim Qui có lẽ đã hiện về hỏi họ: các con đã làm được những gì với dòng máu Rồng Tiên, trong huyết quản ? Và họ đã trả lời: Chúng con chấp nhận làm người chứng nhân ù lì, « không thấy, không nghe và không nói », để có thể sống cho qua ngày tháng. Nhưng sống như vậy là « sống thừa, sống cặn, sống ngất ngư. Sống cũng không ra sống. Chết cũng không chết thực sự.

Tầng lớp sau cùng là loại người CHỐNG ĐỐI. Trách nhiệm của họ không phải là đá đảo, đập phá hay là lật đổ. Nhưng là làm cho người lãnh đạo và mọi người dân thấy được rằng: khi có một vấn đề xảy ra trong lòng quê hương, không bao giờ CHỈ có một cách giải quyết duy nhất. Nếu chúng ta thay đổi cách nhìn và vị trí đứng nhìn, bao nhiêu cách giải quyết mới lạ sẽ từ từ xuất hiện.

Nói tóm lại, dựa vào những tiêu cứ sau đây, chúng ta có thể phát hiện chứng bệnh trầm kha của một đất nước. Bất kỳ đất nước nào. Ở đông hay ở tây. Ở nam hay ở bắc

Thứ nhất: đất nước ấy không có một tầng lớp lãnh đạo biết tôn trọng, lắng nghe và tham khảo người dân.
Thứ hai: trong đất nước ấy, thành phần ủng hộ chỉ biết dạ dạ, vâng vâng hay là vuốt đuôi, nịnh thần...
Thứ ba: thành phần chứng nhân đã biến thân thành một loại người có tai nhưng không nghe, có mắt nhưng không thấy, có miệng nhưng không dám nói nói.
Sau cùng, trong một đất nước bệnh hoạn, không ai có quyền đối chất, đối kháng. Chỉ có một thiểu số gọi mình là đa số, và tự động khoác cho mình mọi quyền lực về sự thật của quê hương. Bao nhiêu sự thật khác đều bị kiểm duyệt và ức chế. Tôi có xu thế gọi loại quê hương ấy với danh hiệu là « nhị nguyên », chỉ bao gồm hai phe. Một bên bị chụp mũ là « ác ôn côn đồ ». Bên kia tự tôn phong mình làm thành phần « ưu tú và siêu việt ». Nhưng thực ra, cho dù chúng ta là ai, thuộc phe bên nầy hoặc phe bên kia, khi chúng ta mang ý đồ loại thải hoặc tiêu diệt người anh chị em đồng bào của mình, phải chăng một cách vô tình hay hữu ý chúng ta đang phủ nhận dòng máu Lạc Hồng trong chúng ta ?

Hẳn thực, trong một đất nước lành mạnh, bốn phần vụ trên đây – lãnh đạo, ủng hộ, chứng nhân và chống đối – cũng đều có mặt với nhau. Tuy nhiên, không một ai chỉ đóng khung và khép kín mình trong một vai trò và trách nhiệm duy nhất, suốt cuộc đời của mình. Tùy nhu cầu và hoàn cảnh thay đổi của đất nước, khi nầy tôi có thể đảm nhiệm vai trò lãnh đạo. Khi khác tôi ở vị trí đối phương, chứng nhân hay là ủng hộ. Đất nước có thể được so sánh như một dòng sông. Chừng nào có khả năng lưu nhuận, trôi chảy, đất nước ấy đang ở trên một tiến trình phát triển và tiến bộ. Trái lại, khi bị ứ động và khép kín mình, trong những thành trì nghi nan, lo sợ, tự vệ và phản ứng... đất nước ấy đã bị ô nhiễm trầm trọng. Có lẽ hiện thời đất nước ấy đang còn hấp hối trên giường bệnh, đối với một số người. Nhưng trong lòng đại đa số người dân, đất nước ấy đã chết. Khi ra đi, không còn ai để nhớ. Khi trở về, không còn ai để thương.

Cũng giống hệt như vậy, trong một cơ cấu gia đình lành mạnh và triển nở, người cha có thể đóng nhiều vai trò trong cùng một lúc, một ngày. Ông soi sáng, hướng dẫn, dạy dỗ con cái. Đồng thời, ông cũng có thể chọn lựa vị trí làm người đồng cảm và đồng hành, có khả năng chia sẻ, trao đổi, đối thoại, đặt mình ngang hàng với con cái. Sau một ngày vắng mặt ở sở làm, khi về nhà, ông có thể bò bốn chân trên sàn nhà, chơi đùa, vui thú và hạnh phúc với đứa con vừa lên hai tuổi.

Trái lại, trong một gia đình có vấn đề, nhất là vào một giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, người cha chỉ biết đóng kín mình trong vai trò ra lệnh, đập đánh, la nạt, la cà ở quán cà phê. Người mẹ chỉ biết nấu cơm, giặt ủi và quét nhà. Con cái chỉ biết « dựa cột mà nghe ». Đó là một cơ cấu « ba đường song song vạn kiếp » bên ngoài, nhưng đang chưởi bới và xé nát lẫn nhau ở bên trong nội tâm.

II. ĐỂ PHÁT HUY MỘT CƠ CẤU TỔ CHỨC LÀNH MẠNH

Một cơ cấu tổ chức, như tôi đã trình bày trong phần trên đây, bao gồm nhiều thành tố, ở nhiều vị trí khác nhau, đang thực thi những phần vụ khác nhau. Tuy nhiên, để lập thành một cơ cấu sinh động, các thành tố kết dệt với nhau những quan hệ trao đổi qua lại hai chiều. Thành tố nầy tác động trên thành tố kia. Thành tố kia cũng có khả năng tác động trở lại trên thành tố nầy, bằng cách này hay cách khác. Đặc điểm nổi bật nhất của một cơ cấu đang phát triển là khi các thành tố họp lại với nhau, đó không phải là một tổng cộng. Nhưng là một tổng thể, tổng hợp còn mang tên là một thực thể toàn bích, toàn diện. Nói khác đi, trong cơ cấu ấy, khi một cộng với một, số thành không phải là hai. Nhưng là hai trăm, hai ngàn, hai triệu. Các thành tố sinh thành, nuôi dưỡng và thăng tiến lẫn nhau. Hẳn thực, mẹ sinh ra con. Nhưng đứa con, từ ngày sinh ra, đã có khả năng nuôi lại người mẹ, dưới nhiều thức dạng khác nhau. Con bi bô, làm cho mẹ vui. Con mỉm cười, làm cho cuộc đời của mẹ có một ý nghĩa diệu vợi. Con khóc la, làm cho lòng mẹ bồi hồi, xao xuyến... Con an bình trong giấc ngủ, mẹ là bầu trời tràn đầy trăng sao, đang bao phủ chiếc nôi của con.

Trong phần trên đây, tôi đã phác họa một vài đường nét thô thiển có liên hệ đến một cơ cấu sinh động, như gia đình, đất nước. Một cách đặc biệt, tôi tóm lược lại, bằng cách nhấn mạnh những điểm then chốt sau đây:

• Mỗi cơ cấu lành mạnh bao gồm nhiều thành tố khác biệt nhau,
• Những thành tố ấy tác động qua lại và có ảnh hưởng trên nhau. Không một thành tố nào có thể khẳng định rằng: tôi không chịu ảnh hưởng của một ai. Mỗi thành tố vừa chủ động, vừa bị động... cơ hồ hai nghệ sĩ nam và nữ đang cùng nhau thao tác một vũ khúc khi trầm khi bổng, khi vui khi buồn.
• Mỗi thành tố thực thi những công việc hay là những phần vụ độc đáo, riêng biệt.
• Đồng thời tất cả mọi thành tố đều cùng nhau chia sẻ một mục đích chung đang điều hướng mọi sinh hoạt của cơ cấu Tổng Thể, Toàn Diện. Chính vì lý do nầy, trên đây tôi đã gọi cơ cấu là một Bào Thai, một Bọc Trứng có khả năng cưu mang, nâng đỡ, hướng dẫn và động viên mọi thành tố cấu thành.

III.- PHÂN ĐỊNH 3 ĐỘNG TÁC HOÀN TOÀN KHÁC BIỆT: TRANH CÃI, THẢO LUẬN, KHOA HỌC VÀ ĐỐI THOẠI.

Trong khuôn khổ của một bài chia sẻ, tôi không quảng diễn thêm những điểm trên đây, với nhiều chi tiết khác, tuy dù rất quan trọng. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh hai chuẩn mực chính yếu là Thảo Luận và Đối Thoại. Dựa vào hai kỹ năng nầy, chúng ta có thể đánh giá hay là phát huy một cơ cấu tổ chức lành mạnh, năng động, như gia đình hay là đất nước.

Nói một cách vắn gọn, một đất nước đang dấn bước trên con đường thanh bình và thịnh vượng, chừng nào các thành viên của đất nước ấy, từ cấp lãnh đạo, trí thức cho đến những tầng lớp bình dân… có khả năng và cơ hội ngồi lại học hỏi, thảo luận và đối thoại với nhau. Hai bài học hay là hai sinh hoạt nầy không thể thiếu vắng, nếu chúng ta cùng nhau thực hiện hoài bảo Dựng Nước và Giữ Nước, một cách thiết thực và hữu hiệu.

1) TRANH CÃI

Thông thường, khi thảo luận về một vấn đề, cùng với nhiều thành viên khác trong một nhóm, tôi đi qua bốn giai đoạn:

giai đoạn một : trình bày những sự kiện cụ thể và khách quan mà tôi đã quan sát và ghi nhận.

giai đoạn hai : dựa vào những sự kiện ấy, tôi đề xuất một giả thuyết, còn mang tên là tiền đề, trong lối dùng từ ngữ cá biệt của một số người.

giai đoạn thứ ba: Từ giả thuyết ấy, tôi rút ra một kết luận cuối cùng, sau khi kiểm chứng và rà soát lại những sự kiện mà tôi đã khảo sát một cách kỹ lưỡng. Kết luận nầy diễn tả quan điểm, lối nhìn đời, lập trường hay là cách nhận thức của tôi về thực tế và thực tại bao quanh tôi. Thể thức rút ra một kết luận thay đổi từ người này qua người khác, cùng chung sống trong một môi trường giống nhau. Lý do cơ bản giải thích sự khác biệt ấy, là vì hai người có hai quá khứ khác nhau, hai tầng lớp kinh nghiệm khác nhau, đang đeo đuổi hai loại lợi ích và nhu cầu khác nhau.

giai đoạn thứ bốn: sau cùng là phương thức và chương trình hành động, nhằm thâu đạt những thành quả mong muốn.

Trong thực tế hằng ngày, thay vì thảo luận một cách có hệ thống và trật tự như vậy, chúng ta thường có xu thế tranh cãi, giành phần hơn, phần đúng, phần có lý, phần sự thật về cho mình. Đồng thời, chúng ta tố cáo, phê phán, qui chụp, gắn cho đối phương của chúng ta những nhãn hiệu hồ đồ như: sai lầm, gian manh, phản bội, dối trá.

Thêm vào đó, ngoại trừ giai đoạn bốn, ba giai đoạn một, hai và ba đều xảy ra trong nội tâm của chúng ta. Không ai thấy, không ai nghe, không ai có thể khảo sát thể thức suy luận của chúng ta

Ngoài ra, chính chúng ta cũng nhảy vọt một cách lung tung và lộn xộn. Rốt cùng chúng ta cũng không rõ ràng điều nào là sự kiện, điều nào là giả thuyết và điều nào là kết luận, trong tiến trình tư duy và lý luận của chúng ta.

Thay vào những cách làm hỗn độn, thiếu hệ thống như vậy, điều chúng ta cần làm, trong tiến trình dựng Nước và giữ Nước, là cùng nhau ngồi lại, học với nhau cách thức thảo luận có tính khoa học và kỹ thuật.

*Thảo luận một cách khoa học

Kỹ năng nầy bao gồm hai phần khác biệt và bổ túc cho nhau.

Trong phần thứ nhất: Tôi trình bày ra ngoài, một cách rõ ràng và khúc chiết, trước mặt những người cùng thảo luận, năm bước đi lên của tôi, trên tiến trình tư duy và suy luận, hay là cách giải quyết vấn đề.

• - Bước Một: Tôi nêu lên những sự kiện khách quan làm bàn đạp cho công việc và tiến trình suy tư.
• - Bước Hai: Tôi đề xuất một hay nhiều giả thuyết, nhằm thuyên giải vấn đề hay là tìm ra ý nghĩa và hướng di tới.
• - Bước Ba: Tôi chứng minh giả thuyết, bằng cách phát hiện những liên hệ ràng buộc các sự kiện với điều tôi đề xuất.
• - Bước Bốn: Tôi rút ra một kết luận cuối cùng, khả dĩ trình bày quan điểm và thể thức nhận thức của tôi.
• - Bước năm: Tôi tiên liệu những cách tác động trên môi trường, để thành đạt một kết quả mong muốn.

Trong phần thứ hai: Sau khi đã phát biểu và trình bày, tôi khiêm cung và thành khẩn yêu cầu mọi tham dự viên, đóng góp những ý kiến, đưa ra những nhận xét bổ túc, kiện toàn hay là sửa sai. Trong phần nầy, tôi cũng từ từ đi lên từng bước, một cách khoan thai và có thứ tự, để mọi người có mặt có thể bộc lộ những quan điểm hay là lối nhìn độc đáo và khác biệt của mình.

• - Bước Một: ngoài những sự kiện mà tôi đã ghi nhận và trình bày, trong các bạn có ai ghi nhận thêm những sự kiện khác lạ ?
• - Bước Hai: Ai đề xuất một hay nhiều giả thuyết khác, để bổ túc hay là điều chỉnh giả thuyết của tôi ?
• - Bước Ba: Bạn nào nhận thấy cách chứng minh giả thuyết và lối kiểm chứng các sự kiện do tôi thực hiện, còn thiếu tính mạch lạc và thuyết phục ?
• - Bước Bốn: Kết luận cuối cùng mà tôi rút tỉa, có hợp lý và hợp tình hay không ?
• - Bước Năm: Thể thức hành động mà tôi đã dự kiến, có ăn khớp với vấn đề mà chúng ta muốn giải quyết, hay là đi ra ngoài đề ?
• - Bước Sáu: Trong tiến trình tư duy và lý luận, với năm bước đi lên của tôi, các bạn còn muốn thêm, muốn bớt hay là muốn sửa sai những điểm nào ?

* Đối thoại

Trong một nhóm Đối Thoại, chúng ta cũng sử dụng kỹ năng thảo luận khoa học, như vừa được trình bày. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt hai mục tiêu khác nhau và hai khuôn khổ khác nhau.

Trong nhóm thảo luận khoa học, các thành viên nhắm đến một kết luận rõ ràng và cụ thể, bao gồm những quyết định, những điểm đồng ý và một số ưu tiên cần xác định.

Nói một cách vắn gọn, tư tưởng ĐỒNG QUI là khuôn khổ hoạt động của một nhóm thảo luận khoa học. Tư tưởng nầy là một điều kiện thiết yếu, khi nhóm có nhiệm vụ giải quyết một vấn đề cụ thể.

Trái lại, trong nhóm Đối Thoại, thực tế và thực tại « muôn màu muôn sắc » được trân trọng, nhận diện và đối diện, một cách thanh thản và an hòa nội tâm. Nội dung được trình bày và phát biểu, không khoác tầm mức quan trọng và ưu tiên, ngang bằng chủ thể hay là con người cụ thể và xương thịt, đang diễn tả những tầng lớp sâu xa của lòng mình.

Nói tóm lại, chúng ta cần ghi nhận ba đặc điểm quan trọng của nhóm trong sinh hoạt Đối Thoại.

Thứ nhất, mỗi thành viên đặt lên hàng đầu công việc lắng nghe chính mình và lắng nghe Nhóm, hơn là ghi nhận, khảo sát những quan điểm, lối nhìn của từng người.

Thứ hai, các thành viên cùng nhau chia sẻ, trao đổi và góp chung lại những quan điểm, kinh nghiệm và cảm nghiệm, hơn là đấu tranh, biện minh, cổ động cho cá nhân của mình.

Thứ ba, bản sắc của từng người vẫn được trân trọng. Nhưng các thành viên đang ý thức một cách nhạy bén mình đang cùng nhau làm nên một thực thể toàn bích, toàn diện, một « Chúng Ta ». Cho nên họ trở thành trong sáng, thông suốt với nhau. Không úp mở, ém nhẹm. Nhất cử nhất động, tất cả những gì xuất hiện trong nội tâm của từng người, đều được đặt lên bàn, trước mặt mọi người. Lối nói « Cùng Với Nhau » gói ghém trọn vẹn thế nào là đường đi, hơi thở, lối nhìn và nhất là tấm lòng trăn trở của nhóm Đối Thoại

Ngoài những nét đặc trưng ấy, hai loại nhóm Thảo luận khoa học và Đối Thoại cùng chia sẻ một mẫu số chung, như sau:

- Một: Khi phát biểu, mỗi thành viên trình bày ra ngoài, một cách rõ ràng, những bước đi lên có thứ tự, trong tiến trình tư duy.
- Hai : Ai ai cũng được gọi mời khảo sát và tìm hiểu những giả thuyết của người đang trình bày và diễn tả chính mình.
- Ba: Mọi thành viên khảo sát, một cách thanh thản và tường tận, những quan diểm bất đồng được nêu lên trong nhóm.
- Bốn: Mỗi người tham dự cố gắng hết mình, để nâng cao chất lượng, trong hai lãnh vực suy luận và quan hệ tiếp xúc đang diễn tiến trong nhóm.

***

Nhằm kết luận, tôi xin mượn lại câu chuyện của Đức Phật về « Năm người mù đi xem voi ».

Người thứ nhất đã sờ vành tai của voi, và mô tả con voi giống như cái quạt mo.
Người thứ hai đã sờ lưng của Voi, và mô tả con voi giống như một tấm ván.
Người thứ ba đã sờ chân của Voi, và mô tả con voi giống như một cột nhà.
Người thứ tư đã sờ cái vòi của voi, và mô tả con voi giống như một ống thổi lửa.
Người thứ năm đã sờ cái đuôi của voi, và mô tả con voi giống như một cây roi to bự.


Không một câu trả lời nào trên đây diễn tả trọn vẹn toàn diện sự thật về con voi. Tuy nhiên, mọi câu trả lời đều phản ảnh ít nhiều thực tế của con voi. Không một câu trả lời nào có thể bị đánh giá là sai lạc một cách tuyệt đối.

Cũng vậy, khi nói về Đất Nước và Quê Hương, mỗi người trong chúng ta đều giống như « một người mù đi xem voi » trên đây. Thế mà chúng ta cứ khư khư cho mình là Đúng hoàn toàn và kết án kẻ khác là sai một trăm phần trăm. Cho nên, trong suốt bốn nghìn năm văn hiến, chúng ta đã xếp hàng thành hai phe Sơn Tinh và Thủy Tinh, để loại trừ và hủy diệt lẫn nhau. Phải chăng ngày hôm nay là thời điểm thuận tiện hay là cơ may nghìn năm một thuở, để chúng ta thức tỉnh, cùng nhau ngồi lại, cùng nhau học hai bài học « Thảo Luận khoa học và Đối Thoại ».

Với hai bài học nầy, từng cá nhân xé lẻ, chúng ta vẫn tiếp tục làm người mù. Nhưng « Cùng Với Nhau », chúng ta có khả năng trở thành một Bồ Tát Quan Thế Âm, có một trăm đôi tay để làm. Một trăm đôi chân để bước đi những bước đi vạn dặm. Một trăm quả tim để yêu thương Nước Non và Anh Chị Em Đồng Bào. Lúc bấy giờ, mặt trời sẽ mọc lên lại trên Quê Hương của chúng ta. Và chúng ta sẽ thấy được những điều vô hình, nghe được những tiếng nói vô thanh. Sự Thật của Tình Nước, Tình Non, Tình Đồng Bào sẽ rạng ngời, trong con mắt nội tâm của mỗi người Việt Nam.

Ngày 15 Tháng 9 năm 2008
CH-1694 ORSONNENS/Fr Suisse

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thành

SÁCH THAM KHẢO:
1. P. M. SENGE
- The Fifth Discipline - Century Business, London 1993.
- The Fifth Discipline, Fieldbook - Currency Book, USA 1994
- The Dance of Change - NB, London 1999.
2. NGUYỄN VĂN THÀNH
- Tư Duy và Hành Động - TN, 2002.
- Bản Đồ Tâm Lý và Tư Duy sáu màu - TN, Lausanne 2002.
3. D. KANTOR & W. LEHR
- Inside the Family - JB, San Francisco 1975.
 
Một đất nước có quá nhiều thập giá
Lm. Quang Uy, DCCT
07:07 15/09/2008
Tuần qua, chúng tôi bắt tay vào thực hiện một thiên phóng sự về Bảo Vệ Sự Sống, trong đó có việc lần lượt đi ghi hình các nghĩa trang trải dài trên toàn quốc. Không phải các nghĩa trang liệt sĩ dọc đường Trường Sơn và quốc lộ 1A, không phải nghĩa trang đang sắp phải giải tỏa ở Bình Hưng Hòa trong Nam, không phải nghĩa trang của người dân thường ở Văn Điển ngoài Bắc, cũng chẳng phải nghĩa trang dành cho cán bộ cấp cao ở Mai Dịch, nhưng là các nghĩa trang đơn sơ mộc mạc dành riêng chôn cất các... cháu bé tý hon bị giết trong thảm trạng nạo phá thai hiện nay tại Việt Nam.

Kể từ khi hình thành nghĩa trang Anh Hài phủ kín ba quả đồi ở Giáo Xứ Ngọc Hồ, cố đô Huế, đến nay đã 15, 16 năm. Tiếp theo là nghĩa trang Đồng Nhi ở thành phố Pleiku của tỉnh Gia Lai. Riêng ngoại thành Sài-gòn đã có hai địa chỉ: Lăng Anh Hài với hơn 4 vạn thai nhi do DCCT thu tập hỏa thiêu, và một nghĩa trang địa táng ở huyện Hóc Môn. Ở thành phố biển Nha Trang thì có nghĩa trang Đồng Nhi ở Hòn Thơm. Kế nữa, đến phiên thành phố Đà Nẵng cũng có một nghĩa trang trên đồi dành cho các cháu bé. Rồi thành phố Quy Nhơn với một dạng nghĩa trang kỳ lạ trải dài rải rác dọc theo con đường lên Ghềnh Ráng. Thành phố Biên Hòa thì có một hầm mộ tập thể chia làm nhiều tầng.

Lăng Anh Hài DCCT
Từ thành phố Buôn Ma Thuột của Tây Nguyên, xuôi về miền đồng bằng đến Cần Thơ, Hậu Giang, tuy danh tánh và địa chỉ chưa được công khai, nhưng các thai nhi đã bắt đầu được các Nữ Tu kín đáo thu nhặt và chôn cất thật tử tế chu đáo, con số đã tăng mấy trăm chỉ trong mấy năm gần đây.

Ấy là một bản đồ các nghĩa trang được phác họa từ miền Trung đổ vào Nam. Còn từ miền Trung đổ ngược ra Bắc, theo sát với phong trào Bảo Vệ Sự Sống, ngoài việc đang dần dần hình thành các nhóm cầu nguyện và thuyết phục người ta từ bỏ ý định phá thai, anh chị em Giáo Dân cũng đã cùng với các cha, các Nữ Tu lo hậu sự cho các cháu bé bị giết và an táng thành những nghĩa trang be bé trong những khu đất riêng hoặc ngay trong Đất Thánh của Giáo Xứ. Chúng ta có thể điểm danh thêm ba bốn địa chỉ an táng thai nhi nữa: ở Thành phố Vinh, ở Sóc Sơn vùng ngoại thành thủ đô Hà Nội ( nhưng thuộc Giáo Phận Bắc Ninh ), và ở tận trên thành phố Thái Nguyên.

Đến đây, khách hành hương lại phải ngược trở vào miền Nam, vượt đèo Bảo Lộc và đèo Prenn để đến thăm ba nghĩa trang nhỏ nhất, mới nhất, gần đây nhất, vừa khởi sự từ giữa tháng 7 năm 2008, tọa lạc tại ba Giáo Xứ khác nhau thuộc thành phố Đà Lạt. Để tránh những rủi ro trù dập, chúng tôi xin được tạm giấu các địa danh cũng như họ tên các cha, các dì, các anh chị em Tông Đồ Giáo Dân đã tự nguyện trở thành những Tôbia của Việt Nam hôm nay.

Vậy là chỉ nguyên các nơi chúng tôi biết được đã gần hai mươi nghĩa trang Anh Hài rải rác khắp đất nước Việt Nam. Ở đó, tất cả các ngôi mộ, vì do các Kitô hữu đứng ra lo liệu chăm sóc nên luôn luôn được cắm một cây Thập Giá, cho dù các em bé tý hon được an táng nơi ấy, chưa hề chịu Bí Tích Thánh Tẩy, có cha có mẹ là người Công Giáo hay không.

Cứ thế, một rừng cây Thập Giá đã mọc lên trắng xóa trên các tỉnh thành Bắc Trung Nam, cao nguyên và đồng bằng, biên giới và duyên hải, thành thị và ven đô, mom sông và triền đồi, khuất trong một cánh rừng hay chạy dọc theo một con đường đèo uốn lượn lên cao...

Trời ơi, Việt Nam chiến tranh huynh đệ tương tàn bao nhiêu năm, để lại cơ man những nghĩa địa đó đây khắp ba miền, kể ra thì cũng còn hiểu được, chấp nhận được. Nhưng thời xây dựng Hòa Bình mà sao con số người chết, con số các nghĩa trang lại tăng vọt lên nhiều như thế ? Đến cả trăm ngàn thai nhi được táng trong hàng mấy vạn ngôi mộ nhỏ nhắn con con ấy. Kinh khủng quá ! Xót xa quá !

Mà ấy là chỉ tính những bào thai được thu nhặt về để lo hậu sự, còn gấp bốn năm lần như thế bị vứt đi như một loại rác y tế, hoặc bị đổ xuống cống, bị cho vào cầu tiêu giựt nước, hoặc dã man hơn, được cán bộ tuồn ra ngoài đem về nuôi lợn tăng trọng, nuôi chó berger canh biệt thự... Thậm chí, tại một viện nghiên cứu sinh học trực thuộc trung ương nhưng lại nằm ở ngoại thành Sài-gòn, cách đây mấy năm người ta còn thầu các bào thai về, ép lấy nước cốt đổ xuống hồ nuôi cá giống để phân phối các nơi !

Người ta viện dẫn nhiều lý do, như để kinh tế được tăng trưởng, để giữ vững chính sách kế hoạch hóa, để khuyến khích nạo phá thai, để giảm sinh tối đa, để kềm chế đà tăng dân số. Nghe có vẻ rất chính đáng, đánh lừa được nhiều người, nhưng thật ra lại cố tình che giấu hai nguyên nhân chủ yếu khiến cho đất nước đã 33 năm không còn chiến tranh mà 80% dân số vẫn cứ nghèo, đó chính là tham nhũng và hủy diệt môi trường. Thế là các gia đình bị phá vỡ, người phụ nữ bị dồn đến tội ác phá thai, và lương tri xã hội đành lòng với con số hàng năm mấy triệu sinh linh bị giết chết.

Chúa Nhật này, 14.9.2008, toàn thể Hội Thánh suy tôn cây Thánh Giá Chúa Giêsu đã dùng để cứu nhân loại khỏi chết, để nâng, để kéo, để đón con người mà đưa lên cao ngang tầm phẩm tính con cái của Thiên Chúa. Riêng với Việt Nam chúng ta, ngẫm mà thấy xót xa, cả một đất nước với quá nhiều Thập Giá, cả một dân tộc phải gánh vác quá nhiều Thập Giá.

Thập giá tại Thái Hà
Thập Giá nghĩa bóng, Thập Giá nghĩa đen, Thập Giá theo thần học, Thập Giá theo nhân sinh. Thập Giá trên cung thánh, trên nóc mái, trên gác chuông Nhà Thờ. Thập Giá san sát, lô nhô, trắng toát nơi các ngôi mộ Đồng Nhi vô tội. Lại có cả cây Thập Giá hơn nửa năm qua được rước đi ở Giáo Xứ Thái Hà với hai ngọn nến cao trước đoàn người hát vang Kinh Hòa Bình để cầu nguyện cho Công Lý và Sự Thật. Lại có hàng trăm cây Thập Giá nhỏ hơn được treo lên hàng rào thép gai như một biểu tượng nhắc nhở lòng dạ con người hãy mau sám hối, thôi đừng thản nhiên đầy đọa đàn áp dã man chính nhân dân, chính anh chị em cha mẹ đồng bào của mình.

Cha Hoàng Kim có để lại một bài Thánh Ca thường được dùng vào Thứ Sáu Tuần Thánh và nhất là trong dịp Lễ Suy Tôn Thánh Giá này, ai hát lên cũng thấy rùng mình bàng hoàng xúc động: “Thập Giá ngất cao ở trên thế gian này, ôi hỡi Thập Giá Chúa Giêsu !”

Vâng, lạy Chúa Giêsu, đất nước Việt Nam chúng con có lẽ chỉ thua có Do Thái là quê hương của Chúa ở chỗ: đã và đang có hàng vạn cây Thập Giá ngất cao trên bầu trời và trong lòng người, Thập Giá bằng gỗ, bằng xi-măng và có cả Thập Giá được nhận diện là chính sinh mạng trẻ thơ vô tội, lại cũng là chính thân phận Người Tin chúng con giữa dùi cui và bình xịt hơi cay...

Xin Chúa thương xót chúng con...
 
Thư hiệp thông của Tu viện DCCT Mai Thôn
Tu Viện DCCT Mai Thôn
07:12 15/09/2008
 
Chúng ta là những chi thể trong cùng một thân thể mầu nhiệm
Anton Lê Thanh Tùng
07:15 15/09/2008
Con là một thanh niên ở tận Sàigòn.

Con đã theo dõi sát sao về diễn biến vụ việc ở Thái Hà trong thời gian một tháng qua.

Hàng ngày dường như phần lớn thời gian của con là đọc hết những mẩu tin ở tất cả những trang có đưa tin về Thái Hà: Báo Hà Nội Mới online, trang ChuaCuuThe, trang BBC, Asia news, Vietcatholic, và tất cả những trang nào mà con search được từ Google....

Chẳng những một mình con đang sát sao theo giỏi mà còn có cả số lượng lớn bạn bè, đồng nghiệp cả Công giáo và không Công giáo cũng đang sát sao về vụ này, điều này con biết được là do người ta nói chuyện với con, hoặc có khi con vô tình nhắc tới thì con thấy hầu như ai cũng đưa ra nhận xét xác đáng về vụ việc cả.

Thậm chí con có một người bạn mới quen trong một chuyến nghỉ hè, người đó không theo đạo Công giáo và hiện đang là giảng viên ở trường đại học nông nghiệp cũng đã vô tình gọi điện nói cho con nghe về vụ việc, người đó còn bảo con là đừng tin vào thông tin một chiều của phía chính quyền, người đó hoàn toàn không biết là con có theo đạo.

Đọc qua lời chia sẻ của ĐC Cao Đình Thuyên về thân thể mầu nhiệm là Đức Kitô, việc của Thái Hà củng là việc của Vinh, của Thanh Hóa và cũng là việc của cả Giáo Hội:

Ôi thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô sao mà diệu kỳ, mà huyền nhiệm đế thế.

Giáo hội duy nhất: Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền, ôi đúng là một rồi.

Chẳng những một mình con rưng nức mắt mổi khi nghe tin những chi thể của ta đang bị bách hại, đang bị đàn áp dã man và bất công mà còn có cả hàng triệu người là thánh thiện là tông truyền củng đang đau xót cho những hành động tàn bạo của chính quyền, và tất cả đang cùng chịu đau khổ chịu nhức nhối trong lòng cùng với các chi thể khác đang ở Hà Nội.

Con không viết được nhiều để mà nói hết nổi lòng của con và của những anh em trong này mà chúng con chi biết hiệp thông cầu nguyện, chia sẻ và sẵn sàng chịu đau cùng với mổi chi thể trông Đức Ki tô mà thôi.

Quả đúng như con dự đoán cách đây hơn 2 tuần, là chính quyền Hà nội đã đụng đến tổ ong rồi.

Đụng đến tổ ông thì tất cả những con ong sẽ bay về để bảo vệ tổ của mình, và thực tế cho thấy là dòng người đổ về Thái Hà ngày một đông, ngoài sức tưởng tượng. Và con tin chắc rằng sẽ còn nhiều nữa những con ong tiếp tục bay về dù nó đang ở bất cứ nơi đâu trên hành tinh này.

Chúng con luôn hiệp thông và cầu nguyện nhiều, và con củng mong sớm thu xếp được thời gian để bay về với nơi mà những tế bào của con đang bị khổ sở đau đớn. Điều này thể hiện y như là thân thể của con đang bị tổn thương và bằng mọi giá phải đi tìm bác sỹ để cứu chữa.

Sàigòn 4h20 sáng ngày 15 tháng 9 năm 2008
 
Thái Hà ơi sao mà yêu đến thế!
Đa-Minh Trường
07:15 15/09/2008
Nhà thơ Chế Lan Viên rất có lý khi viết câu thơ trong bài “ Tiếng Hát Con Tầu”: “ Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Hơn bảy tháng rồi mình không đến Thái Hà - mảnh đất linh thiêng, con người nhân hậu. Mảnh đất này rất “dính” người, nếu có một lần nào đó bạn đến ắt sẽ chẳng thể quên.

Trước khi lên Hà Nội mình ở quê đã nghe biết về Ðền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp linh lắm. Ðến đây rồi mới hay Ðền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp thuộc Giáo xứ Thái Hà, Giáo phận Hà Nội, nơi có nhà dòng Chúa Cứu Thế. Ngôi nhà thờ không cổ kính, không to lớn hoành tráng, kiến trúc đơn giản nhưng khá đẹp. Đặc biệt, bàn thờ được thiết kế rất đẹp và độc đáo. Phía trên là tượng Chúa chịu nạn, dưới là tượng hình các Thánh tử đạo Việt Nam - Cha ông chúng ta. Lùi xuống dưới ngang Cung Thánh bên phải là tòa Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, bên trái là tòa Thánh An Phong Sô - tổ phụ DCCT, quan thầy Giáo xứ.

Hình ảnh các cha các thầy nhà dòng mới thánh thiện làm sao? Các cha thường không “béo mập phì nhiêu”, ăn mặc đơn sơ, không quan cách trong giao tiếp. Phải nói là rất bình dân. Do đó nếu không được biết các cha trước có thể bạn sẽ không nhận ra, cứ ngỡ là bác nông dân nào đến hành hương viếng Mẹ Hằng Cứu Giúp. Bạn không tin à ! Hãy đến mà xem, cha Bề trên Hiên trước đây, nay là cha Phụng, cha Thật, cha Khải, cha Phong, cha Đức…. Nay vì chuyện đất cát, qua mạng internet mình thấy các cha nhà mình lại càng gầy hơn. Nhưng chính trong hình thể ấy lại toát lên vẻ thánh thiện, đơn sơ, hiền hòa dễ mến, dễ gần. Nó được ví như thể viên ngọc quí được ẩn giấu trong chiếc bình sành. Chỉ người tinh tế mới nhận ra, còn kẻ phàm phu tục tử phải khó nhận thấy. Nếu bạn được các cha giải tội thì bạn càng cảm nhận rõ hơn. Thật đấy mình xin làm chứng.

Khi còn là sinh viên mình vẫn có thói quen đi Lễ hằng ngày tại nhà thờ Thái Hà, ngày nào cũng vậy, bỏ lễ thì cứ bứt rứt làm sao ấy. Có lẽ quen rồi. Tạ ơn Chúa qua lời giảng dạy của các cha mình mỗi ngày một hiểu đạo Chúa hơn để rồi đi đến xác tín: “Bỏ Chúa con biết theo ai. Chỉ có Chúa cho con được bình an hạnh phúc hôm nay, và mãi mãi.” Vì thế dù ở cách xa hơn 120 cây số nhưng làm sao mà quên được. Bởi cái triết lí: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.”

Lúc này mình lại nhớ Thái Hà hơn bao giờ hết, qua các phương tiện thông tin nhà nước. Mình rất đau vì sự gian dối, vu khống nói xấu các cha các thầy và bà con giáo dân Thái Hà. Làm sao mà không đau đuợc khi người mình yêu mến bị chà đạp, sỉ nhục danh dự, đe dọa tinh thần, chưa đủ còn bị đàn áp bằng cả dùi cui điện và hơi cay. Nhưng mình không thất vọng, trái lại mình hân hoan, hân hoan trong nước mắt. Những gì đang diễn ra ở Thái Hà chỉ làm cho mình thêm khâm phục Đức Tin can trường của quí Cha, quí Thầy và toàn thể bà con giáo dân. Mình đã thấy một Đức Tin mạnh mẽ không sức mạnh nào, không áp lực nào lay chuyển được. Mình tin nếu có áp lực thì chỉ có tác dụng tôi luyện Đức Tin thêm vững mạnh can trường. Mình đã học được cách ứng xử rất Tin Mừng, khi có bất bình người đi đạo có phản kháng có đấu tranh. Nhưng không bạo động, không đánh trả, không hận thù trái lại còn cầu nguyện cho người hại mình. Mình biết điều này không dễ. Ấy vậy mà Giáo xứ Thái Hà đã làm được. Mình hiểu những đau thương mất mát nhà Dòng và giáo dân phải chịu. Mình tin vào tình yêu của Chúa. Chúa nói “Ai muốn theo ta phải vác thập giá mình mà theo”. Thánh Phaolô đã xác quyết rằng phàm những ai Thiên Chúa yêu mến, thì Ngài muốn người đó được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài, dể được cùng Ngài chung hưởng vinh quang. Chúa Giê-su cứu thế đã chọn con đường yêu thương cho dẫu phải chết khổ nhục trên thập giá. Để làm chứng tình yêu và đích thực Ngài là tình yêu. Cha ông mình đã can đảm chịu bắt bớ tù đày vì yêu Chúa để làm chứng cho đức tin, và để truyền lại cho con cháu. Mình tin những hy sinh mà nhà Dòng và những ai vì công bình và chân lý phải chịu trong vụ khiếu nại đất Thái Hà sẽ không vô ích. Bởi nó sẽ là kho tàng vô giá trong Nước Trời.

Con viết những lời này để hiệp thông, chia sẻ, và cũng là để nói lên lòng biết ơn, yêu mến nhà dòng CCT và giáo xứ Thái Hà. Con đã tìm được bằng chứng sống đạo sống động. Con biết cây nến thắp sáng sẽ phải hao mòn. Con tin Thiên Chúa tốt lành, nhân hậu quyền năng sẽ xét xử công minh và ban đầy tràn ơn lành cho quí Cha quí thầy và con dân Thái Hà. Chắc chắn gương sáng sống đạo chốn nầy sẽ lan tỏa khắp nơi. Đã và rồi đây đoàn đoàn, lớp lớp người sẽ đến Thái Hà để cầu nguyện và chúc tụng Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa đã làm biết bao điều kì diệu chốn này. Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời.
 
Linh địa Đức Bà
Hà Thạch
07:18 15/09/2008
Những ngày vừa qua, địa danh được các giáo dân cả nước và ngay cả các báo đài Nhà nước nhắc tới nhiều nhất, đó là “Linh địa Đức Bà” - giáo xứ Thái Hà.

Thực ra, mảnh đất Thái Hà không phải bây giờ mới là mảnh đất thiêng. Không phải chỉ sau khi máu người giáo dân đổ vì công lý và hoà bình; cũng chẳng phải từ khi mảnh đất này chứng kiến những giáo dân bị xịt hơi cay - nhiều người bị thương, thì mảnh đất Thái Hà mới được gọi bằng cái tên trìu mến “Linh địa Đức Bà”.

Năm 1928, vùng đất này khi ấy còn hoang sơ, một vùng đồng ruộng cò bay thẳng cánh. Đứng ở Thái Hà, người ta còn nhìn thấy cả dinh quan Tổng đốc Hoàng Cao Khải. Cũng năm này, các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế - dưới sự hướng dẫn của bản quyền địa phương, của Đức giám mục Hà Nội, đã quên góp tiền bạc, mua khu đất và đã cung hiến mảnh đất cho Đức Trinh nữ Maria - Mẹ Hằng Cứu Giúp, đồng thời dựng lên đó một ngôi đền kính Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Kể từ đó, mảnh đất giáo xứ Thái Hà trở thành mảnh đất thiêng, chốn hành hương của người Công giáo Miền Bắc. Mỗi năm có cả mấy trăm ngàn lượt người về đây để tôn vinh, ngợi khen và tạ ơn Đức Mẹ.

Tại đây, Đền Đức Mẹ trở thành “tế đàn” thay thế “Đàn Xã Tắc” - ở phía đối diện, đã bị vùi lấp bởi thời gian; trở thành nơi người dân mỗi ngày dâng lễ tế để cầu cho quốc thái dân an, cho gia đình hạnh phúc.

Kể từ đó, mảnh đất Thái Hà, trở thành nhà của Mẹ; trở thành nơi Mẹ gặp con cái mình. Mảnh đất đó đã trở thành linh địa, nơi thiêng liêng, chốn thánh, nơi Mẹ nương mình để ban ơn, để phù giúp, để chở che và Mẹ Maria trở thành “bà chủ” của vùng đất này.

Trước đây, khi ngôi Đền kính Mẹ tại Thái Hà còn chưa sửa lại, bốn bức tường của ngôi đền, là bốn bức tường lưu niệm – nơi gắn hàng ngàn tấm bảng tạ ơn Chúa và Đức Mẹ. Năm 2002, khi sửa lại ngôi đền, các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế - giáo xứ Thái Hà, đã đưa một số tấm bảng tạ ơn vào vùng núi Hoà Bình, số còn lại gắn lên bức tường phía sau hang đá. Nhiều tấm bảng được làm từ những năm 1930 của thế kỷ trước. Nhiều tấm bảng từ thời chiến tranh và cũng có rất nhiều bảng tạ ơn của năm 2008.

Nhìn những tấm bảng tạ ơn, người ta chợt thấy cái linh thiêng hiển hiện ở đây trên vùng đất này. Sự linh thiêng gắn với từng gốc cây, bức tường và mọi nẻo đường trên khu đất.

Nhìn những bảng tạ ơn, người ta cũng chợt thấy cả một hành trình lịch sử đã đi qua nơi này với những đau thương và mất mát, với những bắt bớ và giam cầm, với những tù tội và những bất công mà những tu sĩ, linh mục và người giáo dân Thái Hà phải gánh chịu trong suốt 80 năm qua, cách đặc biệt những năm từ 1954-1970. Đây là giai đoạn mà các linh mục, tu sĩ và giáo dân Thái Hà phải trải qua những đàn áp, những bắt bớ hết sức bất công. Hai tu sĩ: thầy Marcel Nguyễn Tấn Văn và thầy Clêmenté Phạm Văn Đạt đều bị chết rũ tù, không án, cho tới nay vẫn chưa tìm thấy xác. Sinh thời, cha Giuse Vũ Ngọc Bích vẫn thường kể lại cho giáo dân những lần ngài bị chính quyền đầu độc nhưng Đức Mẹ đã cứu ngài qua khỏi. Người ta cô lập ngài. Ngài vẫn thường tự hào kể lại, có những giai đoạn ngài vừa là cha xứ, vừa là ông từ, vừa là chú giúp lễ, vừa là người giúp việc trong xứ, trong nhà.

Khó khăn là thế, nhưng Thái Hà vẫn tồn tại.

Khó khăn là thế, nhưng người dân Thái Hà vẫn luôn cảm thấy cánh tay Mẹ hiền nâng đỡ chở che; cảm nhận được rằng đằng sau những bắt bớ, những khó khăn, thì luôn có một dấu chỉ sự hiện diện của Chúa và Đức Mẹ trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời.

Khó khăn là thế, nhưng chưa bao giờ Mẹ bỏ rơi con cái mình. Những lúc khó khăn nhất là lúc Mẹ hiển linh trong những dấu chỉ rõ ràng nhất.

Cây thánh giá trên nóc tu viện – nay là bệnh viện Đống Đa, đã từng là nạn nhân của một thời tàn độc, nhưng cũng cây thánh giá ấy đã là dấu chỉ của một thời loạn ly và đã từng chứng kiến những người “coi trời bằng vung”, cố tình phạm thánh phải bị trừng trị.

Những ngày qua, nhiều người giáo dân Thái Hà đã cảm nghiệm một cách sâu sắc hơn bao giờ hết tình thương của Chúa và Đức Mẹ. Họ bảo với nhau rằng mảnh đất Thái Hà, giống như Giêrusalem xưa, đã được Chúa chọn làm nơi chỗ để Ngài ban ơn cho con người. Dù dòng đời thay đổi, dù chính quyền có ngăn cản cấm cách, thì Thái Hà vẫn mãi là linh địa, mảnh đất thánh thiêng. Nhà nước có thể một lần nữa tước đoạt khu đất, nhưng cái giá mà họ và con cái họ phải trả cũng sẽ rất oan nghiệt.

Cuộc sống là vậy, có vay có trả; có nhân có quả; gieo gì thì gặt nấy.

Còn “Linh địa Đức Bà” sẽ mãi là nhà của Đức Mẹ, nơi thánh, chỗ để dành riêng cho Thiên Chúa.

Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2008

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi
 
Công an lập rào chắn hai đầu Phố Đức Bà ?
Thái Hà
08:55 15/09/2008
Trăm năm trong cõi người ta
Ở đâu cũng được đi ra đi vào
Xa xôi như xứ Bồ Đào
Người ta cũng được đi vào đi ra
Đen đủi như Ăng Gô La
Người ta cũng được đi ra đi vào
Chậm tiến như ở nước Lào
Người ta cũng được đi vào đi ra
Chỉ riêng có ở nước ta
Người ta không được đi ra đi vào
 
Thư hiệp thông của anh em DCCT Tây Nguyên
DCCT Tây Nguyên
10:08 15/09/2008
 
Đánh lạc hướng
Lm Chân Tín
10:31 15/09/2008
Có người thắc mắc hỏi: Ông nhà nước làm ầm ỉ vụ mấy người giáo dân đập ít viên gạch, cắt ít đoạn thép của bức tường một công ty may mặc đã dựng lên bất hợp pháp trên đất của Xứ Thái Hà Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội để làm gì ?

Tôi nghĩ nhà nước đã có kế hoạch đánh lạc hướng người dân để họ quên những bất mãn lớn của chế độ.

Bất mãn thứ nhất: Tệ tham nhũng ngày càng tăng

Vấn đề tham nhũng tôi đã đề cập trong bài “Cán cân công lý trong chế độ cộng sản Việt Nam” cho thấy những viên chức cao cấp trong Đảng, trong chính quyền có làm mất của công quỹ hàng ngàn tỷ như vụ PMU18 vẫn được yên hàn, không bị điều tra, không bị bắt, không bị xử, không bị ở tù … Còn mấy người giáo dân nghèo chỉ cần đụng đến ít cục gạch của một công ty xây cất bất hợp pháp trên đất nhà thờ là có tội, vì dám đụng đến tài sản của con cái ông lớn nào đó đã chiếm của Dòng Chúa Cứu Thế.

Về phương diện tệ nạn xã hội, đây là mối bất mãn của toàn dân, ai cũng thấy.

Bất mãn thứ hai: Lạm phát kinh tế

Trong những ngày đầu, thủ tướng Dũng nghĩ rằng với đầu tư quốc tế, sau khi Việt Nam vào tổ chức WTO, Việt Nam sẽ tăng trưởng kinh tế. Đó là một ảo tưởng. tăng không thấy, lạm phát đang tiềm tàng. Trước hết, lạm phát vì ngân sách thiếu hụt ở mức cao trong nhiều năm trước đây, vì phải bù lỗ rất lớn từ năm này qua năm khác cho các xí nghiệp quốc doanh làm ăn thua lỗ và nạn tham nhũng tràn lan. Ngoài ra mức nhập siêu ngày càng gia tăng, phải trả nợ nước ngoài. Lạm phát đe dọa cuộc sống người dân. Chẳng có tăng trưởng kinh tế. Vì sự lạm phát này, những mặt hàng thiết yếu cho đời sống đang leo thang khủng khiếp. Đời sống của đa số dân chúng nghèo trở nên cơ cực, nhất là những người không nghề nghiệp, hoặc có nghề nhưng lương bổng thấp, nhân dân hết sức bất mãn chế độ.

Bất mãn thứ ba: Đầu hàng Bắc Kinh để cứu Đảng CSVN

Ít tháng sau khi làm thủ tướng, ông Dũng đã ký nghị định số 37 ngày 24.11.2006 bắt báo chí và các nhà báo phải tuân lệnh Ban Tuyên Giáo Trung Ương. Cuối năm 2007, ông cấm báo chí không được đưa tin về việc Bắc Kinh sát nhập Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam vào đất Trung Quốc. Chính quyền đã không phản ứng việc Trung Quốc cướp đất Việt Nam, mà còn răn đe báo chí. Thật tồi tệ. Lịch sử 4000 năm của Việt Nam là luôn luôn chống lại những cuộc xâm lăng của Trung Quốc. Bao anh hùng đã ngã xuống để bảo vệ đất nước. Những năm trước đây báo chí có đưa tin các nhà lãnh đạo Việt Nam đã sang Trung Quốc bán đứng miền Bắc và các hải đảo, thì nay họ đương nhiên sát nhập Hoàng Sa Trường Sa vào Trung Quốc. Thế nên Đảng và nhà nước CSVN cấm nói đến.

Trên đất thì Trung Quốc đã đặt mốc biên thùy của họ ăn sâu vào đất Việt Nam. Cả hàng ngàn năm, cửa Nam Quan là của Việt Nam, nhưng từ khi CSVN bán đứng cho Trung Cộng, thì ải Nam Quan lại ở bên Tàu. Vì quyền lợi của Đảng CS, những người lãnh đạo Việt Nam đã muối mặt trao cho Trung Cộng mảnh đất cha ông ta đã đổ bao xương máu để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.

Người dân Việt Nam rất bất mãn chính quyền và Đảng CS. Đảng chỉ cần Trung Quốc bảo vệ cho Đảng giữ quyền cai trị đất nước này, còn thì sống chết mặc bây !

Bất mãn thứ tư: Bắt bớ tù đày những người tranh đấu cho nhân quyền

Để bảo vệ quyền lợi của vô số viên chức cao cấp trong đảng, trong chính phủ, trong quân đội, trong công an, chính quyền cộng sản dùng bạo lực bắt bớ giam cầm những người yêu nước can đảm nói lên tiếng nói của lương tâm để bảo vệ nhân quyền và người dân. Bao nhiêu người dân chủ đấu tranh cho quyền con người, quyền của người dân, bằng lời nói, bằng những phương pháp bất bạo động, đã bị bắt oan uổng, bị tống giam.

Đảng CSVN sợ cuộc chống đối của các nhà dân chủ sẽ lôi kéo người dân bất mãn lan thành phong trào quần chúng lật đổ chế độ cộng sản nên chính quyền phải ra tay trước.

Tham nhũng, lạm phát kinh tế, đầu hàng Bắc Kinh, bắt bớ người dân chủ đấu tranh cho nhân quyền, đó là 4 yếu tố đưa đến bất mãn của dân chúng. Do đó chính quyền nghĩ đến việc bày ra những chuyện động trời giả tạo để đánh lạc hướng dân chúng, để tiếp tục cai trị đất nước này, để làm giàu cho các viên chức cao cấp trong đảng, trong chính quyền và cho tài phiệt trong nước cũng như nước ngoài.

ĐT 0909929584
 
Sai lầm của hệ thống truyền thông Nhà nước trong vụ Thái Hà
JB Nguyễn Hữu Vinh
10:55 15/09/2008
Sai lầm của hệ thống truyền thông Nhà nước trong vụ Thái Hà

Rằng hay thì thật là hay…

Thời đại kinh tế truyền thông, nhất là truyền thông điện tử đã đem cho nhân loại nhiều điều mà chỉ vài chục năm trước đây, có ngồi mơ ở Việt Nam cũng không bao giờ thấy được. Truyền thông đã làm biến đổi nhanh chóng bộ mặt xã hội, từ nhận thức đến cách hành động của mỗi con người.

Ngày nay, với hệ thống báo chí, truyền hình, các phương tiện đồng bộ khác và khi internet đã trở thành những nhu cầu thường nhật của người dân, thì truyền thông càng có một ý nghĩa và trở thành một ngành kinh tế lớn.

Với mục đích đem lại những lợi ích cho con người, cho xã hội và đất nước, việc tạo ra một hệ thống truyền thông đủ mạnh, nhanh, xác thực và bình đẳng là đòi hỏi bức thiết.

Với Việt Nam, hệ thống truyền thông cũng đồ sộ không kém, hơn 700 tờ báo các loại là một con số lớn. Hệ thống đó đã giúp người dân tìm được những thông tin mà họ quan tâm, những sự kiện mà họ cần biết…

Truyền thông hay thì thật là hay, nhưng sử dụng cái hay đó như thế nào là việc cần có nhiều bàn luận. Nó cũng như một con dao sắc, dùng thì thích, nhưng không cẩn thận thì có ngày trả giá không chỉ cho cá nhân mà là cả xã hội.

Tuy nhiên, những nhà làm truyền thông, ngoài những điều đã làm được thì nhiều khi cũng đã gây những tai hại không kém. Kể ra những sự việc đó, thì có quá nhiều, ở đây chỉ nói riêng vụ việc ở Giáo xứ Thái Hà, thuộc Phường Quang Trung, Quận Đống Đa – Hà Nội mà hiện đang còn nóng bỏng.

Truyền thông vào cuộc và chiến dịch bóp méo sự thật ở Giáo xứ Thái Hà

Thiết nghĩ, không có việc gì có thể ổn định, lâu dài và tạo niềm tin vững chắc bằng sự thật và sự công chính. Thế nhưng, có những người làm công tác truyền thông, vì một mục đích nào đó, đã không kể đến sự thật, bất chấp lương tâm, tạo ra những sản phẩm truyền thông méo mó và phản bội lại sự thật.

Ở sự kiện Thái Hà mấy tháng qua, nhất là tròn một tháng mới đây, truyền thông đã làm tất cả những điều có thể làm để chứng minh cho sự xảo trá, sự nô lệ và sự tha hóa lương tâm người cầm bút. Những điều đó làm người dân chỉ tiếp xúc với truyền thông chính thống nhà nước thấy rằng:

Ở Thái Hà, Hà Nội, có đám tu sĩ đang phản loạn, cầm đầu đám giáo dân dốt nát gây nên những điều không thể chấp nhận được. Họ đã thách thức pháp luật cả tám chín tháng trời, với lượng giáo dân ngày càng nhiều. Những người giáo dân đó không phải là những người kính Chúa, yêu nước. Họ đã đem ảnh tượng ra mà nhạo báng, để vào những nơi bẩn thỉu, nhục mạ hình ảnh Chúa và Đức Mẹ bằng cách vứt ảnh tượng xuống đất, rắc cát bẩn lên để quay phim và vu cáo. Họ đã không thuộc điều răn thứ 3 của Thiên Chúa do Đài TH Hà Nội sáng tác. Họ đã vu cáo nhà nước dùng dùi cui điện, hơi cay để trấn áp giáo dân mà sự việc đó không hề có, điều này chỉ do mấy ông linh mục cố tình ngụy tạo để kích động và làm mất ổn định xã hội, thậm chí còn dùng loa công suất lớn phá hoại an ninh người dân đến 1,2 giờ sáng…”.

Trên đó không ngớt những lời buộc tội họ là những kẻ vi phạm pháp luật, là những người trốn tránh trách nhiệm, hèn nhát không dám tiếp xúc với các cấp chính quyền. Dù chính quyền đã hết sức nhẫn nại và ôn hòa, đã rất thiện chí giải quyết. Một số giáo dân còn đập phá tài sản là cả đoạn tường rào gạch cũ dài những… 6 mét để vào khu đất đã được linh mục Bích bàn giao qua nhà nước quản lý từ 1961. Và sự vi phạm pháp luật đó ngày càng tăng. Giáo dân và tu sĩ đã dùng khẩu hiệu chống đối chính quyền…

Vì thế, hàng loạt những ý kiến phản đối được đưa ra. Từ những người ở miền xa xôi như Lao Cai, những linh mục ở Ban Mê Thuột, những giáo dân, những đảng viên công giáo, bí thư đảng ủy, ủy ban đoàn kết, đoàn thanh niên… và rất nhiều người có trách nhiệm với đất nước đã lên tiếng…

Trên nhiều tờ báo, (nhất là tờ Hà Nội mới và TH Hà Nội) nói rằng: Đất nước này chấp nhận các tôn giáo, nhưng để có đất nước tuyệt vời đẹp đẽ tươi sáng như ngày nay, là do công lao của bao nhiêu thế hệ máu xương Việt Nam đã đổ, vì vậy công giáo cũng là công dân, phải biết tôn trọng đất nước, đã có những thế lực đứng đằng sau giật giây việc này… Không thể để pháp luật bị vi phạm nghiêm trọng mà không bị xử lý nghiêm khắc… Một số đã bị khởi tố, tạm giam và đã nhận tội…

Ở trên các phương tiện đó, không có bao giờ đề cập rằng:

Ở đám tu sĩ, giáo dân kia, đã chờ đơn khiếu nại quyền lợi mới có 12 năm mà không chờ tiếp. Họ đã âm thầm cầu nguyện, ăn gió nằm sương tám chín tháng nay chỉ có công an canh chừng mà không ai đếm xỉa. Họ là những người đã chặn đứng mất âm mưu biến của Nhà thờ, của Thánh thất thành của nhà nước và bây giờ là bán chác chia nhau thành của tư nhân. Họ đã bị đám công nhân (hay giả danh công nhân công ty may Chiến Thắng) ném ảnh tượng của Đức Mẹ xuống đất và lấy mất mấy cái lều bạt của họ. Họ đòi lại quyền lợi chung của cộng đồng mà bản thân họ chẳng được lợi lộc gì, vậy mà vẫn quyết chết để bảo vệ. Họ đã cầu nguyện ôn hòa mà không hề phản kháng dù khi bị đàn áp bằng dùi cui điện, giày đinh. Khi bị đàn áp bằng hơi cay, họ đã yêu cầu lập biên bản, yêu cầu điều tra nhưng những người làm công tác an ninh tại đó đông đúc đã làm ngơ. Họ đã học tập mấy quan chức đã phá không chỉ mấy mét, mà là cả mấy chục mét hàng rào để làm nhà chiếm nửa đường đi, bằng cách phá mấy mét tường rào mà họ cho là bất hợp pháp để tiếp cận khu đất và tài sản của họ. Họ đã bị bắt và nhiều người trong số họ sẵn sàng tiếp tục chịu bị bắt để công lý được thể hiện mặt thật của mình… Họ cũng hiểu rằng họ là những người đã góp công, góp sức và cả tính mạng xây nên đất nước này, và hiện nay họ đang đòi công lý, đòi mọi việc phải tuân theo Hiến pháp và pháp luật.

Ở vụ việc Thái Hà, nhiều tờ báo đã lên tiếng, nhiều bài viết được sử dụng đưa lên mạng, chiếm nhiều trang quan trọng của nhiều tờ báo ở Việt Nam. Ở đó cả dàn truyền thông như một cơn lên đồng tập thể đã tham gia trận đòn hội chợ với nhóm nhỏ giáo dân và tu sĩ Thái Hà.

Tờ Công an Nhân dân viết trong bài “Sự thật đã rõ như ban ngày” như sau: “… gốc rễ vấn đề khởi nguồn từ động cơ mưu lợi của một nhóm ít người nấp dưới danh nghĩa chức sắc tôn giáo ở đây”. Tôi đọc những dòng này và cứ bật cười cho tờ báo này. Thì sự thật đã rõ hơn cả ban ngày chứ như gì nữa. Đất từ của Nhà thờ, định chia nhau thì dân đòi lại, mà những người được chia trong đó, chắc chắn không có một chức sắc tôn giáo nào. Nếu có, chắc chỉ là chức sắc làm công tác tôn giáo cho nhà nước mà thôi.

Thật ra thì họ đã nhầm chỉ mấy chữ là “chức sắc tôn giáo” với “cán bộ tham nhũng”. Vì chức sắc tôn giáo không có bất cứ một quyền lợi gì nơi đây kể cả khi đòi lại được, thì cũng chỉ để phục vụ cộng đồng và người nghèo, họ không hẹn nhau đòi để chia đất khi về hưu, họ không hối lộ nhau. Chỉ có những người nào đó mới có những mưu đồ trên thì ai chẳng biết.

Ngạo ngược hơn, tờ báo của mang tên của những người đã dùng hơi cay, dùng dùi cui điện lại đi lên lớp tu sĩ và giáo dân vê Lời Chúa. Đó là gì nếu không phải là sự nhục mạ?

Tờ Hà Nội mới thì cho rằng việc nhà thờ Thái Hà đưa đơn khiếu nại là việc làm vi phạm pháp luật, trích dẫn những người đã chết để lên án nhà thờ hòa giọng với ông bí thư đảng ủy, ông bí thư đoàn, ông Ủy ban đoàn kết tại Buôn Mê Thuột. Thật khôi hài.

Cũng trên tờ Hà Nội mới (và trên trang VOV), trong hàng loạt ý kiến phản hồi của những người không có địa chỉ cụ thể có đăng ý kiến phản hồi của “giáo dân Nguyễn Đức Thắng ở xứ Thạch Bích” khi kiểm tra lại qua linh mục chính xứ cho biết đã chết từ lâu. Lại còn có “Giáo dân Nguyễn Quốc Cường (giáo xứ Đại Ơn, Chương Mỹ) nói rằng đó là những hành vi không tôn trọng giáo lý”. Nhưng chúng tôi gọi đến hỏi Ban hành giáo Giáo xứ Đại Ơn, sau khi đã kiểm tra kỹ các xóm, hoàn toàn không có giáo dân nào là Nguyễn Quốc Cường? Những sự bịa đặt đến thế mà họ không thấy ngượng. Như vậy có ai có thể tin được những người khác với địa chỉ, hộp thư ảo khác là có thật?

Với những cách thông tin và nội dung như trên, với thời lượng phát sóng dày đặc vào những giờ vàng, trên trang nhất cũng như hệ thống loa phường ra rả… cả xã hội đã nhìn nhận đám tu sĩ và giáo dân cũng như giáo hội Công giáo Việt Nam như một bộ phận quái dị đứng ngoài đất nước đang chống lại đất nước này. Một cuộc bài xích tôn giáo này là điều có thể nhìn thấy đối với những người tiếp nhận thông tin đó.

Nhưng điểm lại những bài viết, những tiết mục truyền thanh, truyền hình… người ta thấy điều gì?

Những chứng cứ lẫn lộn thật giả, trắng đen đã được xào xáo và đưa lên đã làm cho dư luận hoang mang, tạo một phản ứng không thật trong xã hội với cách đưa tin lập lờ, những chứng cứ giả, những chuyện trái thành phải và trắng thành đen. Không thiếu những chuyện bịa đặt và vu cáo hết sức ác ý…

Như vậy, truyền thông đã “thắng” trong việc áp đặt những thông tin trái ngược và đã đáp ứng được cái định hướng là “tạo dư luận xã hội lên án, đấu tranh” như yêu cầu mà báo Hà Nội mới đã đưa tin.

Thắng, nhưng không … lợi

Với một cộng đồng tôn giáo Thái Hà nhỏ bé ở Thái Hà, và ngay cả Giáo hội Công giáo chiếm 1/10 dân số, không có một tờ báo nào riêng để có thể nói lên những tiếng nói của mình. Còn những tờ báo nhà nước, đố có ai trong cuộc này có được một lời bày tỏ mà không bị xuyên tạc. Kể cả Đức Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt.

Nhiều chi tiết truyền thông bịa đặt đã trở thành hài hước đã bị bóc trần làm trò cười cho thiên hạ như vụ đưa giáo dân giả, dùng cái bang để quay phim bị bắt tại trận, phỏng vấn giáo dân giả tận nơi xa xôi đưa lên truyền hình đã bị Tòa Tổng Giám mục Hà Nội bóc trần trong thông báo gửi toàn thể Cộng đồng dân Chúa.

Nhiều bài viết, với sự hiểu biết ngây ngô của tác giả và của Tổng biên tập đã tạo nên những sự cố mất niềm tin lớn lao với nhà nước không chỉ cộng đồng dân Chúa mà còn với cả những người quan tâm tìm hiểu. Không chỉ ở nội dung, mà ngay cả ở những từ ngữ và khái niệm đơn giản nhất.

Chính những tờ báo đó, những bản tin truyền hình đó đã đặt TP Hà Nội vào tình trạng dở khóc dở mếu khi chiếu lên màn hình cái quyết định số 76 của Sở Nhà đất HN ký ngày 31/1/1961 giao đất cho Xí nghiệp Thảm len để vu cáo rằng đó là giấy tờ linh mục Bích giao đất cho nhà nước các đây 50 năm. Trong khi TP HN đã nhỡ nói là tháng 10/1961 (thậm chí là đến năm 1963) thì linh mục Bích mới bàn giao đất qua nhà nước quản lý? Chính cái video clip đó lại được ai đó mau mắn đưa lên mạng, và giáo dân Thái Hà đã giữ nó lại để dùng khi cần thiết.

Nhiều bài viết đã kích động hằn thù tôn giáo rõ rệt khi đưa những thông tin có tính mạ lỵ, bôi xấu lãnh đạo giáo hội, hàng ngũ tu sĩ, giáo dân… điều đó đã gây nên những hậu quả tai hại hiện nay và lâu dài.

Hậu quả trước hết, là dù tiếp xúc với những thông tin một chiều, nhưng đa số giáo dân cũng như nhiều người không là giáo dân đã không còn tin những phương tiện đó như ngày xưa, họ có kinh nghiệm tìm hiểu bằng cách khác.

Khi sự thật đã bị bóc trần, người dân đã mất niềm tin, thì những thông tin trên hệ thống báo chí nhà nước đã vô tình kích động bản thân họ đến tận nơi để chứng kiến sự việc. Khi đã biết tường tận sự thật, họ chính là những nguồn tin đáng tin cậy trong cộng đồng. Vì thế, dòng người đổ về Thái Hà đông như hội.

Cũng chính hệ thống truyền thông bóp méo kia, đã không để các Giám mục yên vị, chờ đợi lâu hơn như vụ Tòa Khâm sứ. Không một Giám mục nào chấp nhận việc nhạo báng hình tượng Thiên Chúa và Đức Mẹ như báo chí, truyền hình đã đưa tin. Không một giáo dân nào thấy yên tâm, khi những chủ chăn của họ đã ngang nhiên bị mạ lỵ, bôi xấu và xúc phạm trước cộng đồng dân tộc. Tất cả thấy được nhiệm vụ của mình là phải đến tận nơi, làm chứng cho sự việc, kiểm tra thông tin.

Và khi các Giám mục đến tận nơi, hiệp thông cùng dân Chúa giáo xứ Thái Hà, thì làn sóng giáo dân sẽ còn hứa hẹn tăng lên theo cấp số nhân.

Người ta dự tính rằng, dù có cấm cản cách nào, thì những tháng ngày tới, số giáo dân đến Thái Hà cũng sẽ là con số khó kiểm soát nếu sự việc không nhanh chóng giải quyết đến kết thúc. Và nếu càng cấm theo cách cổ điển là chặn xe, phạt… thì biện pháp đó chỉ là những xúc tác cho phản ứng xảy ra nhanh hơn khi họ quyết tâm đến Thái Hà. Khi đó TP Hà Nội vốn chật chội sẽ xảy ra điều gì? Đặc biệt với những người dân quê chất phác ăn sóng nói gió và ít khi chấp nhận những sự khiêu khích, mạ lỵ, báng bổ Thiên Chúa của họ.

Đấy là chưa nói hết với toàn bộ nhà thờ, nhà ở hiện nay của Thái Hà chỉ có còn 2700 mét vuông, với lượng người có ngày lên đến 15.000 người, nói dại mồm là khi bệnh dịch đang ngấp nghé đâu đó, được những người xa xôi đưa về TP thì hậu quả là khôn lường.

Đó là một hậu quả thấy dễ nhất và tác hại lớn nhất của hệ thống truyền thông đã đưa đến cho nhà nước và TP Hà Nội.

Chính hệ thống truyền thông vừa qua, đã như một anh đầy tớ hăng hái, xảo trá nhưng ngốc nghếch vô dụng đã đặt TP Hà Nội trước một sức ép ghê gớm cần giải quyết vụ việc nhanh chóng.

Để giải quyết nhanh chóng, dễ dàng nhất là nếu TP HN có chứng cứ đầy đủ tính pháp lý thì Nhà thờ phải chấp nhận chấm dứt khiếu nại. Nếu nhà nước không có căn cứ pháp lý, thì phải trả lại khu đất và tài sản cho Nhà thờ. Nhưng cho đến nay, hình như TPHN chưa có ý định giải quyết vấn đề này dựa trên những chứng cứ pháp lý hai bên cung cấp. Vì nếu dựa trên những chứng cứ mà TP đưa ra, thì chắc là khó có thể đứng vững được dưới góc độ pháp lý ở môt nhà nước pháp quyền.

Hậu quả lâu dài khác, đó là sự khó hòa giải mối quan hệ đoàn kết dân tộc khi một tôn giáo đã bị ngang nhiên xúc phạm đến hình tượng mà họ tôn thờ. Hãy nhìn xem điều gì đã xảy ra khi một vài tờ báo ở nước ngoài đã đưa lên hình ảnh mà người Hồi giáo đã cho là xúc phạm đến đấng Mohamet để thấy được hậu quả lâu dài của những sai lầm mà truyền thông nhà nước vừa qua đã phạm phải.

Nguyên nhân khó tránh

Có thể những hậu quả đó là điều không lường trước được của những nhà điều khiển và những người làm truyền thông. Họ làm theo chỉ thị, định hướng, theo cách truyền thống bằng mọi giá. Đó là hậu quả của lối truyền thông theo cái cách nhìn những người không nghe chỉ thị, quyết định của chính quyền thì đều là thù địch, bất kể những quyết định đó là đúng hay sai.

Sai lầm đó chính là hậu quả của lối truyền thông không tôn trọng sự thật, bước qua lương tâm và đạo đức con người, đạo đức nghề nghiệp nhằm trấn áp những người bé mọn tay không. Qua đó như để thể hiện một quyền lực, mà thực chất chỉ là công cụ của những kẻ có quyền lực. Họ có thể bất chấp cả pháp luật, miễn là đứng về phía những người cai trị mà không có áy náy hoặc ân hận trong lương tâm, chỉ vì bà đỡ đang đứng đằng sau họ là bộ máy nhà nước mà họ là công cụ.

Khi truyền thông không đứng trên sự thật, không nhằm phục vụ những cộng đồng dân chúng mà chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của một nhóm người nào đó. Khi truyền thông không phản ánh đúng đắn những sự việc, hiện tượng trong xã hội mà trái lại còn bóp méo những sự việc đó với ý đồ ác độc.

Thực chất, đó cũng chỉ là lối tư duy nô lệ. Những vụ việc báo chí bị bắt, bị khởi tố, bị cấm đoán cũng như nhiều anh hùng trong làng báo chí đã ngã ngựa thời gian qua đã nói lên điều đó. Khi mà anh đầy tớ vô dụng làm hại đến ông chủ, thì dù trung thành, cũng phải bị thí đi, đó là quy luật của câu chuyện người đi săn và con chó. Câu chuyện PMU18 là một bằng chứng sống vẫn nóng hổi quanh ta.

Một vài điều dễ nhận thấy trên đây, là những hậu quả trước mắt của hệ thống truyền thông đã làm trong vụ việc Thái Hà. Những nguyên nhân đã được xác định rõ ràng, biết là không tốt, nhưng khó tránh.

Với những người Công giáo, họ biết họ phải làm gì để chứng minh một điều: “Sự thật bao giờ cũng chiến thắng” dù hiện tại có bị bóp méo, bị chôn vùi. Nhưng ánh sáng sự thật sẽ phải tỏa sáng, dù muốn hay không. Và khi ánh sáng ban ngày tới, lũ dơi, chuột sẽ hốt hoảng mà không kịp chạy tháo thân.

Bởi Kinh Thánh đã chỉ cho họ con đường giải thoát: “Sự thật sẽ giải thoát anh em”.

Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2008. Một tháng sau ngày Đức Mẹ về Linh địa Thái Hà.
 
Hàng loạt hàng rào song sắt được công an chở đến Thái Hà để làm gỉ?
Xuân Văn
12:09 15/09/2008
THÁI HÀ - Sáng nay lượng người kéo về Thái Hà cầu nguyện khoảng 1700. Họ đến từ Thái Nguyên, Yên Bái, Thái Bình, Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hóa, Nghệ An... Cũng có một số anh chị em từ trong Nam ra hiệp thông với Thái Hà.

Hình ảnh ngày hôm nay ở Thái Hà

Một số linh mục trong Giáo tỉnh Hà Nội đích thân dẫn đoàn hành hương của mình đến. Cụ thể, một linh mục đã lớn tuổi thuộc giáo phận Thái Bình lặn lội từ 3h sáng dẫn giáo dân của mình tới dâng lễ cầu nguyện cho Thái Hà. Chúng tôi cũng thấy linh mục quản hạt Nam Định cùng một số giáo dân ra linh địa Đức Bà cầu nguyện lúc 8h.

Đoàn hành hương làm nhiều người ngạc nhiên hơn cả là hội gia trưởng của giáo xứ Tân Độ thuộc Giáo phận Hà Nội với khoảng 150 thành viên. Các ông xếp theo hàng đôi, vừa đi vừa hát từ nhà thờ ra linh địa và từ linh địa trở về nhà thờ.

Buổi chiều, lúc 16h15 lực lượng cảnh sát cơ động được tăng cường. Họ ngồi án ngữ ở hai đầu đường dẫn vào linh địa. Một lát sau, một chiếc xe chở hàng rào sắt đỗ ở đầu đường. Mấy anh cảnh sát cơ động chạy ra, khênh xuống. Dù lực lượng an ninh và cảnh sát cơ động tay cầm dui cui lượn ra lượn vào linh địa, nhưng giáo dân vẫn bình thản cầu nguyện sốt sắng trước linh đài Đức Bà. Một số các bà các cô quét dọn vệ sinh quanh khu vực linh địa. Ấy vậy, công an không chịu để các bà các chị yên thân. Họ dí thật sát máy quay vào mặt các bà để hù dọa. Một bà nói thẳng với kẻ quay phim: “Con vẫn làm như thế này với mẹ con ở nhà, phải không con?!”

Buổi tối, sau thánh lễ, đoàn rước dài dằng dặc từ trong nhà thờ tiến ra linh địa cầu nguyện. Khác với mọi ngày, tối nay giáo dân đi theo hàng đôi, rất trật và nghiêm trang. Các chú công an chìm cũng đành phải khoanh tay nghiêm trang đi theo hàng theo lối mà vào linh địa cầu nguyện! Thấy giáo dân trật tự đi theo hàng theo lối, hai anh công an liền lái một chiếc xe quân dụng lượn đi lượn lại, cho xe phả ra thật nhiều khói đen để chọc tức bà con. Một bà cụ ở trong lều thấy thế, đi ra nói với anh công an (có lẽ là xếp của các đồng chí làm việc ở linh địa) đang ngồi trong ngôi nhà đối diện: “Con ra mà coi cái cách hành xử của đàn em của con. Con phải dạy cho chúng nó biết ‘hiếu với dân’ chứ con!”

Đoàn rước trở về nhà thờ. Một chiếc xe tải lại đỗ ở đầu đường dẫn vào linh địa. Hàng loạt hàng rào song sắt được chở đến. Không biết đêm nay chuyện gì nữa đây sẽ xảy ra tại linh địa Đức Bà Thái Hà?
 
Các viên gạch Thái Hà có phải nằm trong chính sách ''hưởng nhanh''?
Hà Long
12:30 15/09/2008
THÁI HÀ - Chuyện khôi hài tại Hà thành khi nhắc đến an ninh thủ đô và việc cầm cân nẩy mực thi hành những nghị quyết của thành phố Hà Nội được giao cho 2 ông quan lớn: thiếu tướng Nguyễn Văn Nhanh (giám đốc sở Công an thành phố Hà Nội) và thượng tướng công an Nguyễn Văn Hưởng: Người dân gọi tắt cho tiện và cũng biểu lộ đâu đó các thói quen rõ nét của chính quyền cộng sản độc đảng tham nhũng từ 2 ông tướng này kết lại như mì gói ăn liền: "hưởng nhanh".

Đơn cử 2 ví dụ:

Với quyền lực sinh sát trong tay, tướng Nguyễn văn Hưởng xác định về vụ Khu đất 178 phố Nguyễn Lương Bằng: “Công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự, khởi tố, bắt tạm giam một số bị can có hành vi quá khích, gây rối, hủy hoại tài sản là biện pháp cần thiết và đúng pháp luật” và lại còn “chỉ đạo Công an Hà Nội cần tiếp tục điều tra, làm rõ những đối tượng có hành vi vi phạm để xử lý đúng tính chất, mức độ”.

Không thua gì người bạn đồng nghiệp, tướng Nguyễn Đức Nhanh nhấn mạnh đến chi tiết: “riêng việc linh mục có mặt tại các địa điểm có đông giáo dân tụ tập, cầu nguyện trái phép hoặc tại địa điểm có hành vi gây rối, hủy hoại tài sản thì việc có mặt đó đã là hành vi xúi giục, kích động.”

Điểm lại các tin tức báo chí của tuần qua làm cho người đọc phải suy tư thật nhiều về "luật xử tàn bạo“ cho các viên gạch Thái Hà. Nhìn bờ tường được giáo dân gỡ ra từng viên gạch trong vài mét để tự mở cổng vào nhà mình, đếm non đếm già chắc thì hơn trăm viên. Giá trị thiệt hại của nó là 3.479.990 đồng (trên dưới 200 đô la) do Hội đồng định giá tài sản quận Đống Đa thẩm định.

Nếu được so sánh các tin tức trong vài ngày qua tại Việt Nam thì các viên gạch Thái Hà đáng giá hơn… bạc tỉ rất nhiều vì các vụ hối lộ, tham nhũng cướp đất gây hậu quả tai hại không lớn bằng khúc tường đổ vài mét của Thái Hà: bắt bớ, tù tội, đánh đập, đổ máu, thả hơi cay, đổ vạ cáo gian, v.v…

Xin 2 ông tướng: Hưởng – Nhanh đọc báo quốc nội sau đây và kiểm tra lại cách hành xử của mình đúng với tình và lý đối với giáo dân Thái Hà cầu nguyện ôn hòa:

1. Đem đất công cho thuê, hưởng lợi hàng tỉ đồng (Thanh Niên, 12/09/2008): Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài vừa chỉ đạo các sở - ngành liên quan xem xét, xử lý kết quả thanh tra về tình hình sử dụng đất của Công ty TNHH Sơn Tùng (gọi tắt là Công ty Sơn Tùng, trụ sở đặt tại P.12, Q.10, TP.HCM) tại Q.Thủ Đức. Đầu năm 2001, Công ty Sơn Tùng lập dự án trình Thủ tướng Chính phủ xin thuê phần diện tích 48.786m2 tại P. Linh Trung, Q. Thủ Đức để xây dựng xưởng dệt, may. Tháng 6.2006, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM ký hợp đồng với ông Cao Thanh Sơn, Giám đốc - đại diện Công ty Sơn Tùng, cho thuê sử dụng lô đất trên trong 50 năm, với tổng số tiền thuê mỗi năm hơn 203 triệu đồng. Mục đích thuê được ghi rõ là sử dụng làm xưởng dệt may như dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thế nhưng, thực tế, Công ty Sơn Tùng chỉ dành hơn 10.000m2 tại khu đất trên để xây dựng xưởng may, số còn lại chia nhỏ thành nhiều lô để, cho thuê, hưởng lợi hàng tỉ đồng.

Khủng khiếp 1: 38.786m2 đất lọt vào tay các tài phiệt được bảo kê bởi các tham quan!

2. Thu hồi 500 tỷ đồng đền bù sai: "Mò kim đáy bể" (Vietnamnet, 12/09/2008): … Điều đáng lưu ý là trong diện tích nêu trên (1.350ha) có 700ha cao su trước đây do Công ty Chế biến cây công nghiệp xuất khẩu (Sobexco) quản lý, nhưng do làm ăn thua lỗ, giải thể nên đã bán vườn cây để trả nợ. Trong việc bán đấu giá 700ha đất công này, UBND tỉnh Bình Dương đã cho phép Sobexco bán vườn cao su trên đất và “biếu không” quyền sử dụng 700ha đất công này cho những người mua đấu giá. Việc làm sai này đã được Thanh tra Bình Dương chỉ rõ vào tháng 6/2006 và yêu cầu thu hồi chủ quyền đất cấp sai. Tuy nhiên, thay vì sửa sai, khi dự án Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ An Tây được triển khai, UBND tỉnh Bình Dương lại tiếp tục cho phép Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương vay ngân hàng hàng trăm tỷ đồng để đền bù cho diện tích 700ha đất công này. Câu hỏi đặt ra, vì sao tỉnh Bình Dương lại bỏ tiền ngân sách ra mua lại chính phần đất công vốn là của Nhà nước? Hậu quả của việc làm trái này là hàng trăm tỷ đồng tiền Nhà nước “mất không” vào túi tư nhân một cách hợp pháp?

Khủng khiếp 2: 500.000.000.000 đ lọt vào túi tư nhân do sự cộng tác của tham quan!

3. Vụ tham nhũng đất đai tại Sơn La (Tuổi Trẻ, 11/09/2008): Viện KSND tỉnh Sơn La vừa có cáo trạng vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra trong quá trình thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng quốc lộ 6 tại thị xã Sơn La. Theo cáo trạng, Viện KSND tỉnh truy tố 14 bị can về các tội danh trên, trong đó có Nguyễn Thái Hải, nguyên chủ tịch UBND thị xã Sơn La. Trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã làm rõ sai phạm của nhóm bị can này khi thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm thiệt hại của Nhà nước 151 lô đất với tổng diện tích gần 100.000m2...

Khủng khiếp 3: 100.000m2 đất bị một „tham quan nhỏ“ thuộc hàng xã lừa đảo chiếm đoạt!

4. Phát hiện 22.000 khoản chi chưa đúng qui định (HNM, 10/09/2008): Bộ Tài chính cho biết, 8 tháng đầu năm 2008, hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã kiểm soát 128.000 tỷ đồng chi thường xuyên của ngân sách qua KBNN. Thông qua việc kiểm soát chi ngân sách nhà nước, các đơn vị KBNN đã phát hiện 22.000 khoản chi của 8.000 đơn vị chưa đúng thủ tục, chế độ quy định và yêu cầu đơn vị bổ sung các thủ tục cần thiết. KBNN cũng từ chối thanh toán số tiền trên 110 tỷ đồng chi không đúng chế độ quy định.

Khủng khiếp 4: 110.000.000.000 đ chi tiêu bậy bạ cho 22.000 khoản chi vô lý!

5. Vụ sai phạm tại Nông trường Sông Hậu (Tuổi Trẻ, 10/09/2008): Ngày 9/9, đại tá Lê Việt Hùng - PGĐ, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Cần Thơ - cho biết cơ quan này đã ký quyết định khởi tố bị can, cho tại ngoại đối với bà Trần Ngọc Sương (nguyên giám đốc Nông trường Sông Hậu). Bà Sương bị khởi tố về tội “lập quỹ trái phép gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Trong quá trình điều tra, cơ quan chức năng đã “dò” ra được việc Nông trường Sông Hậu lập quỹ trái phép 29 tỉ đồng. Trong số này, giai đoạn từ 1994 -2000, lúc ông Trần Ngọc Hoằng (đã mất) làm giám đốc thì số quỹ được lập là 20 tỉ đồng. Sau khi ông Hoằng mất, bà Sương là người kế nhiệm tiếp tục lập quỹ trái phép thêm 9 tỉ đồng nữa. Số tiền này được chi xài thông qua việc tiếp khách, quan hệ giao dịch, biếu xén, quà cáp, cho tặng… Bị can Trần Ngọc Sương từng được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động và nhận được danh hiệu Người phụ nữ ấn tượng châu Á...

Khủng khiếp 5: 29.000.000.000 đ xài riêng cho quỹ đen của một nông trường!

6. 24.000 hộ nghèo “từ trên trời rơi xuống”! (Dân Trí, 14/09/2008): Thông tin từ UBND tỉnh An Giang cho biết, ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã cho khoảng 65.000 hộ nghèo vay tiền. Tuy nhiên số liệu thống kê những hộ nghèo của tỉnh lại thấp hơn con số trên. Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và xã hội thì toàn tỉnh chỉ có 41.000 hộ nghèo và thuộc đối tượng được vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách. Thế nhưng số lượt người vay tại ngân hàng này hiện đã lên đến 65.000 hộ. Như thế có nghĩa là “dôi dư” khoảng 24.000 hộ nghèo.

Khủng khiếp 6: 24.000 hộ nghèo "ảo“ trong một tỉnh do các tham quan vẽ ra hưởng lợi!

7. Có tội, nhưng chỉ bị cảnh cáo - Hậu vụ án Minh Phụng – Epco (Vietnamnet, 9/9/2008): ngày 9/9, Hội đồng xét xử phán quyết, những cáo buộc của VKS đều có cơ sở để kết luận Lương Vĩnh Phúc (53 tuổi, nguyên trưởng phòng thi hành án dân sự TP HCM) và Bùi Liên Hiệp (51 tuổi, nguyên chấp hành viên) có tội, nhưng ông Phúc chỉ bị phạt cảnh cáo, ông Hiệp bị phạt 1 năm 8 tháng và 3 ngày tù. Bản án do thẩm phán Vương Văn Nghĩa, chủ toạ phiên toà tuyên cho các bị cáo, đã khiến báo giới và những người theo dõi đến cùng phiên xét xử ngạc nhiên, sau khi vị thẩm phán kết luận các bị cáo đều có tội như VKS đã buộc. Trước đó, VKS đề nghị 5-6 năm tù đối với bị cáo Bùi Liên Hiệp với tội danh “lạm quyền trong khi thi hành công vụ”, và với bị cáo nguyên Trưởng phòng Thi hành án dân sự TP.HCM, Lương Vĩnh Phúc với mức án 12–14 tháng tù treo. Với mức án trên, 2 bị cáo đã được tự do ngay tại toà, bởi ngoài ông Phúc chỉ bị cảnh cáo, ông Hiệp đã bị tạm giam 20 tháng, 3 ngày để phục vụ điều tra, với mức án đó, sau khi đã tính vào thời gian tạm giam, mà bị cáo đã “tạm ứng”, ông Hiệp được tự do ngay tại toà. … Trong phần kết luận của chủ toạ phiên toà đã bác bỏ quan điểm của luật sư, và khẳng định cáo buộc VKS là hoàn toàn có đủ chứng cứ, cơ sở để kết luận ông Phúc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”! Đối với bị cáo Bùi Liên Hiệp, luật sư Lưu Văn Tám cũng cho rằng, việc truy tố tội danh “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” là không đủ căn cứ, oan sai, và đề nghị huỷ tội danh trên đối với ông Hiệp và phục hồi tư cách công dân, đảng viên của thân chủ ông ngay tại toà. Ngay sau khi nghe toà tuyên, nhiều người dân đã ngạc nhiên trước bản án này!

Khủng khiếp 7: Hành vi của Phúc và Hiệp đã gây thiệt hại cho Công ty Epco 3,6 tỷ đồng, nhưng tham quan Phúc được tha án và phục hồi đảng viên!

Đau lòng cho người dân đen, nếu so với 3 triệu rưỡi để đền bù vài trăm viên gạch của Thái Hà thì chúng ta không thể tưởng tượng đến số tiền liên quan đến đất đai tính bằng bạc tỉ to lớn do các sai trái của các tham quan địa phương, đấy là chỉ đọc tin trong thời gian 6 ngày cho những việc đổ bể không còn che dấu được. Nhưng các việc gian lận khác do đám tham quan mờ ám che dấu còn cao hơn rất nhiều, điều ấy không loại trừ nơi quận Đống Đa hoặc tại phường Quang Trung, hoặc nơi cao hơn chẳng hạn tại văn phòng của ông Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh và cũng có thể đang xảy ra ngay tại bản doanh của 2 ông tướng Hưởng – Nhanh.

Sự thật quá tang thương cho đất nước vì nhiều nơi chính quyền độc đảng đang đục khoét tài sản, ngân quỹ quốc gia. Họ muốn đưa tiền đồ dân tộc Việt Nam xuống tận bùn xâu. Tầng lớp nghèo khổ nai lưng đóng thuế bù lại, có thể suốt đời vẫn chưa trả xong.

Bức tường Thái Hà giá trị 3 triệu rưỡi, tuy nhiên chỉ vì vài trăm viên gạch ấy dân lành đang phải trả giá cho việc tù tội của 10 người (gồm 4 phụ nữ), bao nhiêu giọt máu bị phụt ra bởi roi đòn công an đánh đập, bao nhiêu nước mắt phải rơi xuống vì bom cay, bao nhiêu nhục mạ giả trá của nhóm bồi bút và đài truyền hình, v.v…

Ngoài ra chúng ta phải cộng thêm các phí tổn từ nhiều tuần lễ qua cho: lực lượng công an mặc quân phục lên đến hàng trăm nhân viên vào lúc cao điểm, lực lượng chìm không đếm được trà trộn vào đám dân cầu nguyện. Đài truyền hình với đội ngũ săn tin thâu hình, nhóm phóng viên bồi bút chạy long rong quanh linh địa, v.v…

Nếu được tính như thế thì giá trị của vài trăm viên gạch Thái Hà lớn hơn… bạc tỉ do các tham quan gây ra thiệt hại cho đất nước trong những tin thời sự vài ngày qua.

Khi đọc được các tin tức tiêu hoang bạc tỉ vô thưởng vô phạt ở trên, cùng lúc thật khôi hài khi nghe được những lời phát biểu hùng hồn của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng vào ngày 12/9: "… Vì vậy, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải được lãnh đạo Bộ quan tâm một cách thỏa đáng, luôn coi công tác này là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong chương trình hành động. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục và phải mang tính quyết liệt và toàn diện.“ Quá hào hứng mà không cần biết đất nước lan tràn tham nhũng như dịch bệnh, ông ta nổ lớn thêm: „Khi đã phát hiện có các hành vi tham nhũng, tiêu cực phải có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để tiến hành xử lý, xử lý phải kiên quyết, triệt để, xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.“ (Sic!)

Nhìn lại những vụ tham nhũng lộng hành bất trị, trên bảo dưới không nghe, người dân nghèo luôn biết rằng nhiều kẻ vi phạm chưa bị xử lý thích đáng theo pháp luật. Tất cả rộ lên đôi chút làm xoa dịu lòng dân rồi... âm thầm lắng xuống rơi vào lòng xoáy được che chở bí mật của đảng cộng sản Việt Nam, điển hình qua vụ PMU 18, người chịu trách nhiệm chính chỉ bị cách chức thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với Nguyễn Việt Tiến là chìm xuồng. Ông Tiến bây giờ an nhàn sống bên gia tài kếch sù hưởng đến 3 đời vẫn chưa hết.

Sở hữu đất đai đang là bức xúc to lớn cho toàn dân. Từ Bắc chí Nam đất đai trở nên lĩnh vực nhạy cảm, thật dễ xảy ra các hành vi gian lận tham ô, hủ hóa và tiêu cực. Mảnh đất tại Thái Hà cũng không những tránh khỏi vòng xoáy này, mà cường độ bạo tàn gia tăng thêm lên khi người dân cầu nguyện ôn hòa đòi công lý đã trở thành nạn nhân của dùi cui, giầy đinh, roi điện, khói cay do bọn tham quan hoành hành.

Cộng sản với chủ trương độc đảng tham quá và muốn "hưởng nhanh"!
 
Một đề xuất nho nhỏ cho bế tắc lớn!
Alfonso Hoàng Gia Bảo
12:41 15/09/2008
Một đề xuất nho nhỏ cho bế tắc lớn!

Thái Hà, một ‘trận cầu’ không cân sức

Tình hình căng thẳng tại giáo xứ Thái Hà diễn ra đến nay vừa tròn 1 tháng. Cả ngày hôm nay tôi vào thăm tờ Hà Nội Mới vài lượt vẫn không thấy xuất hiện bài báo đả kích mới, trong lúc giáo dân khắp nơi vẫn tiếp tục đổ về, hôm qua còn có thêm cả một vị giám mục nước ngoài đến thăm giáo xứ v.v… vậy mà cái mục Thái Hà vẫn hay ‘nhảy múa’ ngay trên trang chủ tờ báo điện tử này bỗng dưng lại biến mất. Chuyện gì đang xảy ra, chẳng lẽ nhà nước đã chủ động ‘ngưng bắn’ hay đang có thêm ‘sáng kiến’ giải quyết nào mới?

Ba mươi ngày đêm ‘chiến đấu’ căng thẳng mà Thái Hà phải chịu đựng tỏ ra không vô nghĩa. Ngày càng có thêm nhiều người nhận ra công lý đang đứng phía về phía giáo xứ này và họ không còn cảm thấy cô đơn như lúc ban đầu.

Phải chăng vì nhận ra với lối truyền thông bóp méo sự thật quen dùng mà ‘đụng’ phải một tổ chức trên dưới chặt chẽ qui củ như đạo công giáo, lối truyền thông ấy trở thành phản tác dụng nên họ mới chịu tạm thôi? Đặc biệt sau toan tính đè bẹp việc cầu nguyện của giáo dân bằng dùi cui và hơi cay bất thành, chính quyền Hà Nội càng nhận ra rõ hơn điều mà chủ nghĩa Mác gọi là sức mạnh tôn giáo?.

“Đi một ngày đàng - học một sàng khôn” một tháng là ba mươi sàng, mớ kiến thức quận Đống Đa học được chắc phải là nhiều lắm? Nhưng quan trọng theo tôi chính là là ‘chất lượng’ của các buổi học. Nhờ có ‘trao đổi qua lại’ trực tiếp với nhau mỗi ngày suốt tháng qua, thay vì phải thông qua ban tôn giáo chính phủ hay cái ủy ban ‘đàn cót két’ (công giáo yêu nước) như mọi khi, bao nhiêu đơn từ khiếu nại đều bị xếp xó, mà nhà nước mới hiểu rằng, hóa ra chuyện “đồng hành với dân tộc” cũng như “sống tốt đạo đẹp đời” lâu nay chỉ là những báo cáo láo!

Riêng tôi thì sự hồi hộp lo lắng khi theo dõi vụ Thái Hà cũng giống như khi theo dõi trận túc cầu giữa đội Olympic Brasil và tuyển VN trên sân Mỹ Đình hôm 1/8 vừa qua. Trước một Brasil nhà nước quá mạnh đội Thái Hà không còn đấu pháp nào khác ngoài đổ bêtông trước khung thành Thánh Địa. Nói chính chính xác hơn là các cầu thủ giáo dân đội này đưa lưng ra chịu đòn và chỉ có đức tin mạnh mẽ mới cứu họ khỏi bị thua ít nhất là hai quả hạ knockout trông thấy: dùi cui và hơi cay. Chúa và Đức Mẹ đã ra tay cứu vớt giúp không thể thủng lưới!!

Nay thì với tình hình yên ắng kiểu này có vẻ như 90 phút giờ thi đấu chính thức căng thẳng đã qua, tỷ số vẫn là 0-0. Hai bên đang nghỉ giải lao để chuẩn bị vào thi đấu nốt hai hiệp phụ. Chẳng may cho đội banh Thái Hà bị mất tới 7 ‘bác’ cầu thủ vì bị ăn thẻ đỏ oan ức, càng bất công hơn thay vì được ngồi ngoài sân xem đồng đạo thi đấu thì họ lại bị nhà nước nhốt vào lồng !!!

Nếu là trận túc cầu bình thường thì mất người cỡ đó đội Thái Hà sẽ thua chắc, nhưng đây lại là trận so tài giữa CHÂN LÝ và DỐI TRÁ nên không có chỗ cho họ phơi bày những sự ác ra trước bao nhiêu ống kính đang chỉa vào giáo xứ này.

Và một ‘cuộc chiến’ giữa VietCatholic & tờ HàNội Mới

Mặc dù tôi không phải là chuyên gia về thể thao nhưng cũng không quá khó để nhận ra rằng, trong một trận đấu nếu một khi đội mạnh đã phải đẩy cao tốc độ trận đấu và đưa thêm cầu thủ giỏi vào sân, đồng nghĩa họ đang gặp bế tắc. Chiếu vào tình thế Thái Hà thì thấy rõ ràng nhà nước đang lâm vào hoàn cảnh này sau khi họ đã huy động nhiều lực lượng tấn công Thái Hà trên nhiều mặt và có thêm cả ông thứ trưởng bộ công an vào cuộc thay vì để một mình UBND Quận Đống Đa và ông tướng công an của quận này loay hoay tháo gỡ như lúc ban đầu => ‘Bài toán’ Thái Hà đã rơi vào bế tắc.

Một khi đã sắp hết đường ai cũng vậy hoặc phải làm liều điều gì đó để thoát thân hoặc… ‘đầu hàng’! Thật khó mà biết nhà nước đang thiên về hướng giải quyết nào?

Bế tắc! Bởi vậy, nếu có anh chị nào bên Úc đến gặp Giáo sư Carl Thayer chuyên gia nghiên cứu về VN nhờ đoán ‘tỷ số’, tôi nghĩ có nhiều khả năng vị giáo sư nổi tiếng này cũng bối rối không biết đâu mà lần.

Đơn giản chỉ vì đấu tranh ôn hòa bằng cách đem tượng Chúa ra sân cầu nguyện trên thế giới hình như chưa có tiền lệ, ngay cả với giáo hội Ba Lan 100% dân công giáo lúc còn chung sống với cộng sản bị chèn ép như VN cũng chưa thấy có kiểu đấu tranh này.

Thiếu dữ kiện đầu vào thì ngõ ra là con số không to tướng, ai cũng có thể suy ra điều này.

Tôi rất tâm đắc với lời nhận xét của Cha Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh khi Ngài bảo “Nói rõ ra khi cầu nguyện để đòi đất theo kiểu đó, chúng ta làm một hành vi vừa có tính thánh thiêng, vừa có tính chính trị” trong bài viết “Phim Thái Hà: Phần kết?”. Ngay từ những ngày đầu tin tức nóng bỏng về vụ Tòa Khâm Sứ nổ ra cuối năm 2007 tôi cũng đã nhận ra rằng việc biểu tình chống bất công của giáo hội đã thực sự nổ ra.

Bản thân việc biểu tình không có gì xấu, chẳng qua vì bị cấm đoán quá lâu năm khiến trong nước ai nấy đều bị dị ứng với hai chữ ‘biểu tình’. Biểu tình suy cho cùng là bày tỏ sự phản đối và đâu cứ phải ầm ĩ haybạo động mới là biểu tình. Biểu tình bằng cầu nguyện như Thái Hà tôi nghĩ ở các nước phương Tây có khi còn được chính phủ khuyến khích và tạo điều kiện thêm, vì xã hội nào mà có đông người tự nguyện ra đường cầu nguyện kiểu ấy, chắc chắn xã hội ấy phải được nhờ nó mà thánh thiện ngày một hơn, vậy có lãnh đạo quốc gia lại đi phản đối?

Nếu phản đối vì nhà nước ấy phải ‘có tật nên mới giật mình’, trong vụ Tòa Khâm Sứ cũng như Thái Hà đó là việc lén lút mua bán cái không phải của mình mà là chiếm đoạt của giáo hội dù bằng danh nghĩa gì cũng không thể xem là hợp pháp đối với một hành vi như vậy.

Bởi vậy, nếu sự kiện Thái Hà có thể khuất phục được ai đó buộc họ phải chấp nhận thay đổi giúp cho xã hội VN trở nên công bằng dân chủ hơn, tôi nghĩ rất có nhiều lý do chính đáng để các viện nghiên cứu về chính trị xã hội bỏ chút thời gian tìm hiểu và ‘giải mã’ hình thức đấu tranh tôn giáo này. Sở dĩ, nhà nước gặp phải bế tắc một phần vì các cha đã ‘bắt mạch’ đúng yếu huyệt của nhà nước bằng cách ‘lấy độc trị độc’: Vì không thích tôn giáo nên nhà nước đã huy động hết công suất thông tin để bóp méo sự việc, nhưng họ không biết rằng giữa thời buổi công nghệ thông tin ngày nay, làm thế là tự lấy gậy mình đập vào lưng mình. Để biết rõ hơn về điều này, xin mọi người xem biểu đồ sau:



Trên đây là bảng so sánh mức độ truy cập vào hai khẩu ‘thần công’ VietCatholic và HàNộiMới trong suốt tháng qua, do tiện ích www.alexa.com đem lại. Hiện có nhiều cách thống kê tương tự nhưng tôi chọn cách này vì hình ảnh rõ ràng dễ nhìn. Giá trị có thể không hoàn toàn chính xác mà chỉ mang tính tham khảo.

Trục thẳng đứng (vertical line) thể hiện số lần truy cập đơn vị là hàng triệu, biến đổi theo trục thời gian từ 15/8 – 15/9 trên nằm trên trục ngang (horizontal line). Biểu đồ của trang Vietcatholic có màu xanh nằm bên dưới và tờ Hanoimoi màu nâu sậm nằm trên.

Thoạt nhìn đúng là Vietcatholic bị ‘lép vế’. Trong khi tờ Hanoimoi có lượng truy cập khoảng 60.000 lượt/ngày thì VietCatholic chỉ cỡ 20.000 tức bằng 1/3 của họ. Tuy nhiên khi biết rằng đối tượng độc giả chính của tờ VietCatholic là người có đạo chỉ chiếm gần 10% dân số, thì tỷ lệ quan tâm của giáo hội lớn gấp ba lần ngoài xã hội và đó là còn chưa kể tờ VietCatholic bị bất lợi do bị phong tỏa ở trong nước, không phải ai cũng đều có thể truy cập vào được.

Chúng ta biết rằng nhà nước đang nuôi dưỡng cả một lực lượng công an mạng rất lớn, nắm bắt tình hình trên là nhiệm vụ của họ và chẳng còn gì bí mật trong thời đại ngày nay, ai cũng có thể biết nếu họ khát khao muốn biết. Phải chăng chính vì nhận ra tầm vóc lớn lao của sự kiện hiện được nhiều dân công giáo quan tâm mà cho đến nay sau 8-9 tháng họ vẫn không dám xử dụng vũ lực thẳng tay đàn áp?

Đâu là giải pháp?

Trước thông tin nhà nước sẽ thu hồi lại mảnh đất 1,4 Ha này để làm công trình công ích, tôi chợt nhớ ra rằng, gần đây giáo hội cũng đã nhiều lần đề nghị nhà nước cho phép giáo hội mở trường tư thục. Điều này đã khiến tôi tự hỏi, liệu đây có phải là giao điểm duy nhất (và có thể còn là cơ hội cuối cùng) nhà nước và giáo hội có thể gặp gỡ và dùng ý tưởng này làm nền tảng giải quyết vụ Thái Hà sao cho “đẹp anh đẹp ả đẹp cả đôi đàng”?

Bởi vì đề xuất này vừa đạt được cả hai yêu cầu phục vụ cộng đồng như nhà nước đang có ý định nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho phép giáo hội vào tham gia việc giáo dục như các quí Cha đang mong muốn.

Tất nhiên chỉ vì là giáo dân và công dân tôi không có quyền quyết định mà chỉ xin phép nói lên gợi ý này như là bổn phận phải góp tiếng nói vào việc chung, không chỉ với giáo hội còn đối với xã hội.

Xin hiệp ý cầu nguyện cùng Quí Cha và giáo dân Giáo xứ Thái Hà.

Sàigòn, 15/9/2008
 
Lá thư gửi Mẹ Đất
Trương Phú Thứ
16:16 15/09/2008
Lá thư gửi Mẹ Đất

Kính thăm u yêu quý,

Lậy Chúa con, thế là u đã “bám trụ” linh địa Thái Hà được hơn chín tháng rồi đấy và con chắc là u sẽ ở đấy cho đến giờ phút mà sự thật và lẽ phải được thể hiện trên mảnh đất hương hỏa nhỏ bé của cộng đòan giáo dân xứ Thái Hà. Thế chín tháng vừa qua ai thổi cơm nấu nước cho u. Ai đắp cho u tấm chăn lúc trời trở lạnh. Ai quạt cho u dưới cơn nắng hè gay gắt. Nhìn tấm hình u chụp với Đức Tổng Giám Mục Hà Nội thấy u vẫn mạnh khỏe thì con mừng lắm. Con cầu xin Chúa và Đức Mẹ luôn gìn giữ và ban mọi ơn lành hồn xác cho u.

Hôm qua con đọc báo Sài Gòn Giải Phóng đặt câu hỏi rằng “nếu đòi lại được đất Thái Hà thì những người đến cầu nguyện mỗi người được mấy mét vuông đất.” Ông nhà báo này có chữ nghĩa hơn u con mình nhưng lại dốt quá u nhỉ. U đâu có đòi lại miếng đất cho u hay cho con. U đòi lại miếng đất hương hỏa của giáo xứ Thái Hà đang bị nhà cầm quyền cưỡng chiếm phải được trả lại cho những chủ nhân đích thực của nó. Chủ nhân của miếng đất nhỏ bé này không phải là u, không phải là các linh mục dòng Chúa Cứu Thế mà là của cộng đòan gíao dân xứ Thái Hà và giáo hội công giáo Việt Nam. U đòi lại những kỷ niệm mà qua bao nhiêu năm trời, ở mảnh đất này, câu kinh tiếng hát của biết bao nhiêu người đã cất lên để vinh danh Thiên Chúa và ca tụng danh thánh Đức Mẹ. U con mình có tội tình gì mà lại bị coi là những công dân hạng hai. Giáo hội công giáo Việt Nam có tội tình gì mà lại bị liệt kê vào danh sách của các thế lực thù địch. U không chỉ đòi lại mảnh đất mà u còn đòi lại dân quyền và nhân quyền cho những “người có đạo”.

U cứ vững tin mà tranh đấu cho công bằng và lẽ phải u nhá. Súng đạn và cường lực sẽ không bao giờ dập tắt được câu kinh tiếng hát của u. Như u đã nói là nếu mà u có phải chết vì đạo Chúa thì u sẽ vui mừng mà tiến lên chứ u chẳng một chút sợ nào. Hôm nay con được biết là công an đã mang hàng rào sắt đến Thái Hà chẳng biết để làm gì nhưng chắc là phải có một mục đích nào đó. Con chắc là u chả sợ gì những thứ lôi thôi đó.

Thôi con xin ngừng ở đây để u còn có giờ dọn dẹp linh địa Đức Bà và hiệp thông với bà con giáo hữu trong kinh nguyện u nhá. Con hôn u ạ.

Con giai của u
 
Trích một vài lá thư cùng với những tâm tư và cảm mến của độc giả gửi đến giáo dân Thái Hà
Độc gỉa VietCatholic
16:45 15/09/2008
LTS: Cả tháng trời nay mỗi ngày chúng tôi nhận được rất nhiều thư của độc giả, nói lên nhận định và tâm tình của mình đối với sự kiện Thái Hà. Tất cả đều muốn chúng tôi đăng lên trên Net để chia sẽ những tâm tư và thao thức của mình đối với độc giả và cách riêng đối với những giáo dân đang cầu nguyện ở Thái Hà. Vì phải bận cập nhật những tin tức hằng ngày, nên Ban Biên Tập chúng tôi đã phải cáo lỗi các độc giả đã gửi những lá thư tới chúng tôi mà chúng tôi đã không có cơ hội đăng lên Net.

Hôm nay đánh dấu đúng 1 tháng từ ngày xẩy ra việc giáo dân phá bờ tường vào khu đất linh địa của Thái Hà cầu nguyện, nên chúng tôi cũng muốn nhân dịp này trình làng một vài lá thư tiêu biểu của độc giả VietCatholic gửi đến chúng tôi trong vài ngày qua, ngõ hầu chia sẻ với toàn thể mọi nguười, như sau:


Cô Agnes từ Nhật Bản (Tanaxxx281@ybb.ne.jp) đã viết ngày 15.9.2008:

La mot phu nu sinh truong o mien Nam Viet Nam, cuoc doi va tinh tinh binh lang, em dem nhu giong song Dong Nai, Cuu Long, khong bon chen, ngai tranh dau. Cho den nay da qua nua doi nguoi, toi luon nhan duoc Hong An Thien Chua doi dao.

Gan day theo doi tin tuc ve Cong Giao Viet Nam tu su viec toa Kham Su Hanoi, co so cua dong Nu Tu Bac Ai Sai Gon va gan nhat la su viec Thai Ha, Nhung hinh anh cua nhung con nguoi hien hoa nhung can dam dang tu hop cau nguyen duoi su de doa cua nhung nguoi co san sung dan, guom giao trong tay lam toi suy nghi nhieu.

Neu noi toi dang sinh song cung xay ra tinh trang nhu Thai ha, lieu toi co can dam tham gia cau nguyen khong? Hay chi o nha cau nguyen de tranh hoa vao than? Toi co the chung vai voi moi nguoi trong hiem hoa khong biet xay toi luc nao khong? Co the bo ca gia dinh va cong an viec lam de canh thuc cung moi nguoi o Linh Dia khong?

Xin thua: hien tai chac chan la toi khong dam tu bo minh va gia dinh minh mac du toi yeu men Thien Chua. Toi ban khoan tu hoi neu moi nguoi Cong Giao nhu toi thi lam sao ngay nay Viet Nam co duoc 117 vi Thanh Tu Dao, thi lam sao ngay nay toi duoc hieu biet Thien Chua la ai. Nhung do ban chat nhut nhat con nang long voi ban than, gia dinh nhu trong Thanh Kinh Chua ke lai mot nguoi giau co toi tim Chua va hoi lam sao duoc vao nuoc Troi, cuoi cung nguoi ay da lang lang bo di vi khong the tu bo duoc chinh minh ma theo Chua.

Ngay ngay them nhieu hinh anh va tin tuc ve Thai Ha, toi lai cang ban khoan khi dang an com toi voi gia dinh, khi dang giac ngu ngon nhung van lon von trong dau hinh anh nhung nguoi Cong Giao Thai Ha san sang tu bo tat ca de theo chan Chua. Toi hieu ra rang toi chua duoc du 7 on cua Chua Thanh Than nhat la On Can Dam ma nhung nguoi Cong Giao Thai Ha da va dang duoc nen da bat chap su de doa, gian nan va thoi gian de theo chan Chua, nhu nhung Soeur dong Nu Tu Bac Ai Sai Gon, nhu nhung con nguoi dang o mien Trung, mien Nam buong ba ra Bac de dua dau vao hiem nguy, tat ca nhung con nguoi dang kinh men ay da duoc On Can Dam cua Chua Thanh Than.

Lay Duc Chua thanh Than xin ban cho con On Can Dam de nhung ngay cuoi doi con lai tu bo tat ca ma theo Chua. Hien nay con khong dam tu bo minh ma dan than nhung voi quyen nang cua Thien Chua, xin hay dua day cuoc doi con lai cua con vao noi chon nhu Thai Ha va ban cho con tran day du dat 7 On Duc Chua Than Than de gop phan vao viec duy tri va mo rong Dao Thanh Chua. Hon nua doi nguoi con chi nhan An Sung cua Chua, phan cuoc doi con lai xin cho biet den on cam ta Chua bang nhung hanh dong nhu nhung nguoi Thai Ha, cac Soeur dong Nu Tu bac Ai, nhu nhung nguoi Cong giao khap noi dang tuon ve Thai Ha...Con hen yeu nhung con tin "xin thi se duoc".

Xin Vietcatholic cho dang bai cua toi len mang de nhung nguoi co cung tam trang nhu toi: Yeu men Chua nhung so nguy hiem, ngai dan than cung toi cau nguyen voi Chua Thanh Than.

Xin chan thanh cam on.


Ông Gioan Lê Quang Vinh từ Saigòn (johnxxxvinh@yahoo.com) ngày 15/9/2008 mơ ước như sau:

TÔI CÓ MỘT GIẤC MƠ

Một miền đất bỗng dưng đã thành nổi tiếng trên khắp địa cầu, không phải vì thắng cảnh hay biến cố chính trị, thì đó không phải là điều đơn giản. Một giáo xứ giữa Hà nội, nhưng không giàu có bằng ai, cũng chẳng giáo dân nào là anh hùng hào kiệt của thế gian, bỗng dưng thành trung tâm hành hương, thành nơi mà mọi lời nguyện cầu hướng đến, là nơi bao người nhỏ bé yếu ớt bỗng trở nên can trường, là nơi những tâm hồn nguội lạnh được bùng cháy lửa yêu mến Chúa. Đó không phải là phép lạ sao.

Tôi chưa được về Thái Hà, linh địa của Mẹ. Nên lòng cứ khát khao. Nên tâm cứ bồi hồi. Và tôi có những giấc mơ thật đẹp về miền đất yêu thương.

Tôi mơ một buổi sáng chạy bay đến trước linh địa Thái hà. Từng đoàn người thanh thản đến và đi, tay cầm tràng hạt, mắt hướng về Mẹ mà không chút ưu tư lo sợ.

Tôi mơ thấy ngôi thánh đường trong bản vẽ những năm 1940 đang sừng sững nguy nga. Tôi mơ thấy linh mục kỹ sư xây dựng là đương kim Bề Trên Giám Tỉnh nhà dòng cùng những cha DCCT là kỹ sư xây dựng như cha Đoàn văn Bảo đang xem xét lại từng chi tiết trước ngày Lễ Cung Hiến Đền Thờ.

Tôi mơ thấy Bố Matthêu Vũ Khởi Phụng, vẫn nét bình thản ung dung và gương mặt nhân hậu, cùng với các cha Bề Trên nhà dòng, các cha, các thầy đón tiếp từng đoàn dân Thiên Chúa muôn nơi, dẫn đầu là các Đức Hồng Y, các Đức Giám Mục và trùng điệp những tâm hồn thiện chí hăng say tiến vào thánh điện, vừa đi vừa hát vang lên: “Từ muôn phương ta về đây sánh vai lên Đền…”

Tôi lại mơ thấy những gương mặt thanh thản, rạng ngời, những gương mặt mà có một thời đằng đằng sát khí, tay họ bây giờ là chiếc khăn mù xoa thấm nước mắt thay vì những chiếc dùi cui, tay kia là tràng chuỗi Mai khôi thay cho những bình xịt hơi cay ngày nào.

Và tôi cũng mơ, tiếng chuông thánh điện vang lên từng hồi. Những bàn tay đấm ngực. Những bàn tay ấm áp nắm lấy bàn tay. Những ánh mắt reo vui. Những vết thương chưa lành thì nay bỗng hoá thành những ánh hào quang. Tôi mơ những bà cụ hiền lành đạo đức như bà cụ Đất, hát lên “Giờ đây xin Chúa để cho tôi tớ Chúa ra đi bình an…”

Và tôi mơ, mình được sống cùng gia đình thương yêu bên cạnh nhà thờ, sáng chiều bên Mẹ, ngước nhìn Mẹ và được cười với Mẹ, cùng hát lên lời kinh, không phải “trời u ám chiến tranh điêu tàn” như đã từng hoà ca với Cha Uy và ngàn dân Thiên Chúa ở Sàigòn nữa, mà là lời thánh ca trìu mến: “Linh hồn tôi tung hô Chúa, (…) Chúa đã dủ thương, đoái nhìn phận hèn tôi tớ”.

Và tôi còn mơ, một giấc mơ tuyệt vời: các phương tiện truyền thông đại chúng đồng thanh rao truyền công lý, như lời Thánh Vịnh “Đức công chính của Ngài,

con loan truyền giữa lòng đại hội; lạy Chúa, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh.” (TV.40,10).

Giấc mơ đẹp quá, thanh bình quá. Nhưng khác với những giấc mơ khác, tôi tin chắc chắn giấc mơ này sẽ thành hiện thực, vì chính Chúa là Đấng công minh, sẽ đứng lên bênh vực con cái Người và bênh vực chân lý của muôn đời. Và vì trong giấc mơ ấy có Mẹ, người Mẹ luôn ở bên con mình, dù là dưới chân Thánh Giá.


Chị Đỗ Loan từ Đức quốc (doXXXloan@googlemail.com) viết như sau:

Đức Quốc, ngày 14.9.2008

Kính thưa quý cha, quý tu sĩ nam nữ và đồng bào Việt Nam đang tranh đấu cho Công Lý và vì Chân Lý tại giáo xứ Thái Hà,

Thời gian qua kể từ ngày vụ Toà Khâm Sứ xẩy ra cùng với biến cố tại giáo xứ Thái Hà, lòng con đau như cắt. Chưa lúc nào hết và hơn lúc nào hết lòng con hướng về quê hương đất nứớc Việt Nam thân yêu như thế này. Những gì đang xẩy ra hôm nay trên mảnh đất nhỏ bé Thái Hà có khác gì với năm xưa nơi hành xử của Đức Giêsu Kitô??? Mỗi một người đứng trên mảnh đất Thái Hà và tranh đấu cho công lý trong con mắt nhìn với sự hiểu biết nhỏ bé của con là một Đức Kitô, là một Ngôn Sứ đang tranh đấu cho Chân Lý. Những hình ảnh đấu tranh đó đang làm quyển Kinh Thánh Tân Ước trong tay con trở nên sống động. Con đang nhìn thấy Đức Giêsu trong từng người.

Các cha ơi, các tu sĩ và tất cả giáo dân đang có mặt tại Thái Hà ơi, con kính phục, cảm ơn các người. Xin cho con được hoà nhịp cùng với những bước chân đang tranh đấu cho Chân Lý, cho công lý cho nền tự do hoà bình XHVN trên mảnh đất Thái Hà.

Riêng về phần con, chưa bao giờ con có một cảm nhận sát gần đối với những tín hữu công giáo VN trên toàn thế giới qua lời cầu nguyện nối dài cánh tay đến thế. Con không còn cảm thấy mình chỉ đơn độc đi trong con đường Hẹp mà biết rằng, có rất nhiều người, còn rất nhiều người hơn con tưởng cùng đi với con. Nước mắt Đức Tin nơi con được hoà nhịp cùng với nước mắt Đức Tin nơi quê hương. Con rất thương mến các người. Các cha ơi, các tu sĩ nam nữa và đồng bào VN ơi, con xin được xiết chặc vòng tay với các người và ấp ủ trong tim con lòng cảm kích, mến thương, tri ân mãi luôn. Cúi xin Chuá Cha ngự ở trên trời nâng đỡ và uỉ an các cha, các tu sĩ nam nữ cùng đồng bào Việt nam tại giáo xứ Thái Hoà. Một lần nữa con xin được gởi lời cảm ơn chân thành đến những chiến sĩ đang chiến đấu ở trần gian cho Chân Lý.

Ca khúc này làm con rất cảm động đến rơi lệ: "Lậy Chuá Giêsu Kitô, xin cho chúng con được chết với Ngài để được sống với Ngài trong vinh quang". Amen. Kính thơ


Anh Peter Trí Tâm từ Canada (peterxxxtam@yahoo.ca>) ngày 13.9.2008 bầy tỏ tâm tư của mình:

Hãy vui lên, các Cha, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, và anh chị em Giáo xứ Thái Hà. Vì các Cha và anh chị em không hề đơn độc trên hành trình hiện nay. Vì đã hơn 33 năm nay, đây là dịp để tất cả con cái Chúa loan báo Tin Mừng và làm chứng cho SỰ THẬT một cách sống động và hữu hiệu nhất. Ngàn năm có một lần.

Chúa Giêsu đã nói: "không phải anh em chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em". Vâng chính Chúa đã chọn Thái Hà nhỏ bé giữa lòng thủ đô Hà Nội, chứ không phải Thái Nguyên hay Thái Bình, mà là Thái Hà. Như xưa Chúa đã chọn Bêlem làm nơi xuất hiện của Đấng Cứu Thế.

Bây giờ Thái Hà cũng vậy, bổng chốc trở nên trung tâm điểm cho việc làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Giêsu và cả thế giới đang hướng về Thái Hà. Một cách nào đó, chúng ta những người Công giáo phải cám ơn nhà cầm quyền CSVN đã góp phần làm cho Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà và Giáo xứ Thái Hà trở nên nơi gặp gỡ của Đức Tin lan tỏa ra khắp năm châu bốn bể. Tạo điều kiện để giáo dân,tu sĩ, linh mục, giám mục, nói chung cộng đoàn Công Giáo biểu lộ Đức Tin, tình liên đới hiệp thông, đồng hành một cách sống động nhất, mà nhà cầm quyền không thể nào hiểu và tưởng tượng nổi.

Không chỉ có một Đức Giám mục F.X. Nguyễn Văn Sang, còn nhiều vị Giám mục, Linh mục, tu sĩ, cũng đã chuẩn bị đến Thái Hà để đi tù. Chủ chăn vào tù thì hàng hàng lớp lớp con chiên cũng vào tù, để ca ngợi Tình Yêu Thiên Chúa. Hãy vui lên anh em, vì Thái Hà đã đang đi vào lịch sử Giáo Hội Công giáo Việt Nam và Giáo Hội toàn cầu, cả lịch sử của nước Việt Nam nữa.

Người Công giáo Việt Nam nói chúng và giáo dân Thái Hà nói riêng, tất cả anh chị em đang có Chúa cùng ĐỒNG HÀNH với họ. Tình Yêu của Chúa đã thúc bách họ, không có gì có thể cưỡng lại nổi, như cơn bão lốc kinh hoàng sẽ cuốn phăng teo tất cả áp bức bất công, để cho Chân Lý được tỏ lộ.


Bạn Quốc-Anh từ Việt Nam (anhxxxnt@yahoo.com.vn) ngày 14/9/2008 chia sẻ niềm tin như sau:

Con kính chào Quý Cha, quý tu sĩ, quý ông bà anh chị em của Giáo khu Hà nội và của Giáo xứ Thái Hà nói riêng, những người đã hết lòng đấu tranh cho công lý và hòa bình. Kính chúc quý cha, quý tu sĩ và quý ông bà anh chi em tràn đầy ơn thánh Chúa để có sức mạnh chống lại phường ác bá...

Con là một bạn trẻ thuộc giáo phận Nha Trang, gần một tháng qua con luôn theo giỏi sát tình hình diễn biến ở Thái Hà, con cảm thấy buồn và thương cho quý cha và quý ông bà, buồn vì chúng ta phải sống trong xã hội không có công lý, thương vì quý cha và quý ông bà phải đội nắng phơi sương hết ngày này qua ngày khác để đấu tranh vì sự thật, đấu tranh cho đức tin của mình. Thiên Chúa mà chúng ta tin là đấng quyền năng và sự thật, ngài sẽ ban ơn lành cho quý cha và ông bà, vì đã nói lên sự thật, nói lên cái lẽ luân lý hết sức cơ bản mà Chúa đã tạo dựng. Ông bà hãy yên tâm, những kẻ đi ngược lại cái lẽ luân lý đó, sẽ bị hình phạt thích đáng trong ngày sau hết...

Quý ông bà hãy yên tâm, dù bản thân con hay bất cư bạn trẻ nào ở xa không thể đến với xứ Thái Hà, nhưng chúng con luôn cầu nguyện cho Thái Hà từng giây từng phút hàng ngày, và con tin lời cầu nguyện đó sẽ bay đến nhan Chúa và Ngài sẽ nhậm lời cầu nguyện của chúng con.

Và con cảm thấy vui vì Giáo hội Việt Nam đã hiệp nhất sâu sắc với xứ Thái hà, toàn thể Giám mục giáo khu Hà Nội, linh mục, tu sĩ đã đến và hiệp thông bằng cách này hay cách khác với giáo xứ Thái hà. Thật là một phép lạ toàn năng. Là một người công giáo con luôn xác tín đức tin của mình và con cảm ơn Chúa vì chính nhờ đức tin, chính nhờ Ngài mà con luôn là một người công chính trong một cái xã hội dối trá, bất lương... Toàn thể Giáo hội Việt nam ơi, toàn thể người dân Thái hà ơi, hãy vui lên như lời Thánh vịnh mà con nhớ đại khái như sau "vì Thiên Chúa, đấng toàn năng danh cao vọng trọng đã ngó mắt xem đến nhà này, và đây ngài sẽ dùng uy quyền của Ngài đập tan mọi âm mưu dơ bẩn, dối trá và hèn hạ của phường ác nhân. Và ngài sẽ sẽ nâng dậy những người thấp cổ bé họng chúng ta... "Chúa biểu dương sức mạnh oai phong tiêu diệt tơi bời, những phường tự đắc, bọn quyền quý tự kiêu ngài triệt hạ khỏi tòa cao và nâng dậy những ai ở khiêm nhường"

Lạy chúa xin cho Giáo hội Việt nam được nên một trong đức Giêsu Kitô. Con sẽ luôn cầu nguyện cho Quý cha, quý ông bà và anh chị em hàng ngày. Mến chào quý cha, quý ông bà và anh chị em. Xin thiên chúa quan phòng ở cùng Thái Hà
 
Các cơ quan truyền thông trong vụ giáo xứ Thái Hà
Đức Hoàng
16:56 15/09/2008
CƠ QUAN TRUYỀN THÔNG TRONG VỤ GIÁO XỨ THÁI HÀ

Kỳ 1: Lột tận gốc, bóc tận rễ

Trong giới làm báo chân chính, vẫn luôn có người khiêm tốn và tự cho mình là kẻ “khóc thuê”, bởi có mấy ai tự dưng muốn khóc, hoặc cấp trên bắt “khóc” thì phải “khóc”. Trong vụ Giáo xứ Thái Hà mới biết nhiều nhà báo vẫn còn ngây ngô lắm. Anh phóng viên báo Hà Nội Mới, Truyền hình Hà Nội, báo An Ninh Thủ Đô… đều bị cái gậy chỉ huy của Thành uỷ Hà Nội ép đi làm đấy thôi. Không ai muốn viết, nhưng nếu không làm “quan bác” sẽ cho nghỉ việc hoặc quy tội phản động.

Bị ép hay “quan bác” muốn thí “tốt”

Cái gì khó quá, nguy hiểm, người ta thường dùng lá chắn, bia đỡ đạn, và thực tế là “quan bác” đã dùng các phóng viên ra làm bia đỡ đạn cho vụ Giáo xứ Thái Hà. Sao cưỡng được khi Việt Nam đã gia nhập WTO, không thể chối bỏ các điều cam kết khi gia nhập, một trong những điều quan trọng đó là “sự thật và chân lý”. Mấy cái bài dựng cảnh giả dối đó nó đã xưa như trái đất rồi, ấy thế mà các bác cứ dùng là không ổn, không tin thử hỏi 1 cháu học lớp 3 mà xem? Các nhà báo ơi! Các bác thừa biết tập tài liệu giả mà UBND Thành phố Hà Nội tung ra rồi chứ? Với con mắt nhà nghề thì cái mớ tài liệu giả của UBND Thành phố sao qua mắt các bác được, chưa kể những phóng viên nước ngoài với cái nhìn khách quan. Vụ này mà điều tra tới bến thì ối kẻ sa lưới. Tuy nhiên, trong chuyện này, các nhà báo cũng hơi tỉnh táo, nên chẳng bác nào in cái tài liệu đó để phụ hoạ cho bài viết cả. Vụ này mà lột tận gốc rễ ra cho thiên hạ coi, quan trên lại thí một vài bác để lấp đi những cái gian dối và sự tàn nhẫn là điều đễ hiểu.

Nhà báo ngây ngô quá

Thỉnh thoảng được quan bác, quan trên rỉ tai cho mấy câu: cái này là thông tin “độc”, cái kia là thông tin mới, anh chỉ tiết lộ riêng cho chú thôi đấy! Thế là “thằng bé” hớn hở, hì hục cày một bài thật hoành tráng để tạo phong cách cho báo mình. Thế rồi quan trên lại “mớm” cho mấy câu như: “Tối hôm 31/8/2008 mấy đứa nhà thờ lu loa lên bị xịt hơi cay theo kịch bản của mấy ông cha, anh chỉ nói cho riêng chú thôi đấy nhé”, thằng bé lại hùng hục cầy tới 1 - 2giờ sáng để có 1 bài độc chiêu mà không báo nào có. Hôm sau, ra sạp báo không ngờ báo nào cũng có cái bài tương tự như của mình, “thằng bé” mới biết mình bị quan trên lừa, gọi điện về cơ quan “cóc làm vụ này kinh lắm”. Tuy nhiên, “thằng bé” vừa nói mấy câu: Phó tổng ơi, toàn tài liệu giả, toàn thông tin… Nhưng chưa nói dứt câu đã bị phó tổng quát: “Đây là chỉ thị cấp trên, chú cứ thế mà làm, làm như hôm qua là tốt đấy”. Thế là thằng bé lại uể oải tiếp tục bám theo vụ việc để làm những gì mình không muốn làm, nói những gì mình không muốn nói và viết những thứ của người khác nghĩ ra. Khi “thằng bé” càng theo sát sự việc càng thấy sự việc phũ phàng hơn, càng hiểu rõ bản chất của mấy quan bác hơn: “Vụ này nếu thành cũng chỉ được dăm ba đồng thôi, chứ phần đất kia chia chác đâu có đến lượt mình”.

Thời gian vừa qua, hàng loạt bài báo viết về vụ Giáo xứ Thái Hà mâu thuẫn tới mức ngây ngô. Các bài thường nêu ở phần tít phụ 1 là: Giáo dân và linh mục ở giáo xứ Thái Hà bất hợp tác với chính quyền và các cơ quan thông tấn báo chí. Ấy vậy mà phần thứ 2 thì lại đưa một loạt giáo dân bày tỏ quan điểm phản ứng lại với những gì đang diễn ra tại khu đất đang tranh chấp. Chúng tôi thừa biết các phóng viên viết bài về vụ tranh chấp này chẳng được hào nào trừ tiền nhuận bút nên mới viết sơ sài như thế. Nếu Giáo xứ Thái Hà mà là một doanh nghiệp thì người ta “bơm đầy đạn dược cho các bác”. Có viết các bác cũng viết rất kỹ hoặc kiếm “ít đạn” rồi chuồn cho yên thân. Đằng này Giáo xứ Thái Hà không chịu chi một xu, nên các bác tha hồ oanh tạc. Các bác cũng giỏi thật, không một đồng công tác phí mà sao các bác vẫn đi các tỉnh xa xôi đề phỏng vấn giáo dân vài câu được nhỉ?

Vụ Giáo xứ Thái Hà nếu có tiền thì chủ yếu là Thành uỷ chi cho các báo dưới quyền quản lý của TP. Hà Nội, chứ đâu có chi cho các báo khác. Không có nhà báo nào lại bỏ tiền túi ra làm những việc điên rồ như vậy. Thế nên, cách tác nghiệp của các nhà báo là bịa ra vài giáo dân, rồi đưa vào bài để tăng tính thuyết phục. Dù có bịa thì cũng chẳng sao, bởi vụ này các nhà báo đã túm tóc được mấy bác “quan trên” rồi.

Mời quý vị theo dõi tiếp kỳ 2: “Biến giả dối thành sự thật tại Giáo xứ Thái Hà”.
 
Dân giáo oan (thơ)
Lê Dân Việt
17:55 15/09/2008
DÂN GIÁO OAN

Hát đọc kinh sao kết tội gây rối
Thế mới biết chế độ này gian dối
Phải Trái, Trắng đen, tráo trở trị đời
Vu khống, chụp mũ, lật lọng cả lời

Đất nhà dân đen, tha hồ cướp giựt
Đất của đạo, tha hồ bọn chúng sực
Để tất cả trở thành dân giáo oan
Cướp của người, mà chúng còn la làng

Bọn lãnh đạo cả bọn chúng ngang tàng
Đất chùa chiền, công giáo.. . chúng lấy tuốt
Còn với Tàu, chúng nịnh bợ, ve vuốt
Gặp quân Tàu, chúng khiếp nhược cúi đầu

Thiên triều gọi, chúng quì gối đứng hầu
Ôi nhục nhã, cho bọn quân bán nước
Thế mới lộ, của giã tâm mưu chước
Chúng hung hăng, đánh đập dân tơi bời

Dám phạm thượng, đến cả Chúa, Phật Trời
Đúng vô thần là loài cáo, chồn hang
Vì chúng nó, mà đạo nước tan hoang

MƠ ƯỚC CHO CÔNG LÝ

Toàn dân Nam, vẫn mãi luôn ước mơ
Công lý đâu? Dân tôi đang mong chờ!
Dân, giáo oan đang mong ngày giải thoát
Quá đớn đau, thân thể đã khật khờ

Bởi roi điện, dùi cui,… mắt cay mờ
Bọn quỉ vương, hành động quá khinh khi
Chúng không đè, được tất cả lương tri
Chúng vu khống, ngược ngạo đến bắt bí

Nhưng tín hữu, đã đồng tâm nhất trí
Vì công lý, quyết đứng dậy mà đi
Đòi bằng được, công lý phải thực thi
Đòi đất đai, phải trả lại các đạo

Đòi đất, nhà, trả lại cho người dân
Cho công bằng, công lý rất cân phân
Hãy đứng lên, thời thế sẽ chuyển dần
Cầu nguyện đi, đạo giáo sẽ chuyển lần

Các tôn giáo, đã lấy lại niềm tin
Không cúi đầu, để cứ mãi xỏ xin
Các dân oan, khiếu kiện mãi cầu xin
Thế nhưng cộng, tất cả đều lặng im

Còn đuổi xua, đơn dân cứ thế dìm
Còn ngược ngạo, chúng vu cáo khinh khi
Bà con ơi, phải đứng dậy mà đi
Các tôn giáo, hãy hiệp thông tức thì

Hãy thành tâm, nổi lửa lên khắp nơi
Con Trời, Phật, phải đứng lên làm người
Trong cầu nguyện, giáo lương ta nhắn nhủ
Đòi công lý, không ai được chia rẽ

Dù khốn khổ, bị cộng gài nhiễu nhương
Chỉ chú tâm, cầu nguyện cho quê hương
Phải khấn vái, để có được công lý
Hãy tụng niệm, cầu kinh, hát hòa bình

Cộng gây hấn, ta cũng không bất bình
Chỉ một lòng, đòi công lý thực thi
Các tôn giáo, phải hưởng ứng cùng lúc
Mặc cộng sản, cứ ra sức chúng đì

Cứ đày dân, khốn nạn cứ đầy dẫy
Có Chúa, Phật, đâu còn sợ hãi chi
Các tôn giáo, phải thống nhất chung lòng
Không thể đứng, bên ngoài nhìn mông lung

Mặc đạo người, cứ đơn phương tranh đấu
Muốn công lý, tất cả phải nhất thể
Cùng cầu nguyện, siết chặt tay nắm tay
Đòi công lý, kỳ được ta mới hay

Cho công lý, trở về thành hiện thực
Trả công bằng cho tất cả con người
Để dân Nam mọi người sống ấm no
Toàn dân Việt, sống ung dung tự do

Các tôn giáo tự do ta phát triển
Đem từ bi, xoa dịu những đau thương
Đem bác ái, xoa dịu những đoạn trường
Để dân Việt, tất cả đều thăng tiến.
 
Dòng Ba Đa Minh Toronto cầu nguyện đặc biệt cho Thái Hà với Cha Bề Trên Tổng Quyền
Dominic David Trần
18:58 15/09/2008
TORONTO - Trưa Chuá Nhật Lễ Suy tôn Thánh Giá, 14 tháng 9 năm 2008, nhân chuyến kinh lý Canada, Tu sĩ Carlos Alfonso Azpiroz Costa OP, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Thuyết Giáo toàn thế giới thăm viếng Toronto. Cùng đến với ngài có Tu sĩ Allan James White OP, Phụ tá Tổng Quyền Đặc Trách Các Tỉnh Dòng thuộc Giáo Hội Nghi Lễ theo Đông Phương tại Âu Châu và Canada.

Gia Đình Đa Minh Toronto theo lời mời của Tu sĩ Claude Richard OP, Bề Trên-Tu Viện Trưởng Saint Thomas Aquinas, trong đó có Dòng Ba Đa Minh Việt Nam với đông đảo đoàn viên, đã đến Trung Tâm Nghiên Cứu Công Lý và Hoà Bình trong khuôn viên University of Toronto để tham dự buổi cầu nguyện đặc biệt và gặp mặt Bề Trên Tổng Quyền.

Sau lời khai mạc chaò mừng của bà Teresa Lippingwell OP, Chủ tịch Ban Phục Vụ Tỉnh Dòng Ba Đa Minh Canada, đại diện Ban Phục Vụ Dòng Ba Đa Minh Việt Nam đã đọc lời chào mừng bằng tiếng Việt và ý chỉ cầu nguyện của riêng Dòng:

"Lạy Chúa Giê-su Ki-Tô, chúng con kính thờ và ngợi khen Chúa vì Chúa đã dùng Thánh Gía mà chuộc tôị cho thiên hạ. Lạy Chúa, vị Hoàng Tử của Hoà Bình, Chuá đã dạy rằng; Phúc cho ai xây dựng hòa bình- vì họ sẽ được gọi là con cái Đức Chuá Trời. Xin Chúa thương xót cho Giáo Hội Việt Nam, cách riêng cho các giáo hữu yêu chuộng công lý và hoà bình tại Thái Hà, Hà Nội-cho linh hồn Anna Phạm Thi Nhưỡng OP vừa mới qua đời, cho tất cả các đoàn viên đang đau yếu, đoàn viên người đã qua đời cũng như còn sống thuộc Dòng Ba Đa Minh Việt Nam Toronto."

Đaị diện Dòng Ba Đa Minh Việt Nam Toronto cũng tặng hoa và qùa cho Cha Bề Trên Tổng Quyền và Cha Bề Trên-Tu Viện Trưởng Đặc Trách Gia Đình Đa Minh Toronto.

Phần Kinh nguyện Phụng vụ ban trưa của Dòng và các thánh ca Only This I Want và Lift High The Cross , ca vịnh nhân lễ Suy tôn Thánh Giá được tiếp nối bởi phần tuyên đọc Thư cuả Thánh Phao-Lô Tông đồ gởi tín hữu Philíppê (2:6-11) bằng song ngữ Anh-Việt. Sau lời nguyện tín hữu và xướng Kinh Lạy Cha, Bề Trên Tổng Quyền đã ban phép lành của toàn Dòng Đa Minh cho các thành viên tham dự.

Trong phần huấn từ và giảng phòng đặc biệt trưa nay, Bề Trên Tổng Quyền dùng Anh Ngữ nhưng ngài đã chào mừng các đoàn viên Dòng Ba Đa Minh Toronto riêng bằng tiếng Việt: ‘Chào’ và ‘ Cám ơn’ rất rõ ràng và cũng nói thêm những kỷ niệm của ngài về Dòng Đa Minh Việt Nam. Bề Trên Tổng Quyền đã nêu lên các suy niệm rất sâu sắc về mọi vinh quang của Thánh Giá Chúa đã cứu chuộc nhân loại. Tuân theo lời Chuá dạy, ‘ Hãy từ bỏ mọi sự thế gian để vác Thánh Giá theo Thầy’, Bề Trên Tổng Quyền khẳng định rằng trong cuộc sống mỗi người chúng ta sẽ phải vác Thánh Giá đã dành cho riêng mình và vác Thánh Gía đó theo Chúa. Tổng Quyền cũng trình bày sơ qua về hạnh tích của một số Các Thánh Nam Nữ nói chung và Các Thánh Dòng Đa Minh nói riêng hiện đã được khảm trong các tranh kính của nhà thờ này kể cả các chân phước thời hiện tại như thầy Andre đền thờ Thánh Cả Giu-se Quebec, Mẹ Têrêxa thành Calcutta, đặc biệt chân phước Giorgio Frassati OP và các vị khác.

Tổng Quyền đã lập lại rằng trong tiến trình phong thánh cho Thánh Đa Minh, đấng sáng lập Dòng Thuyết Giáo, các cáo thỉnh viên và đã nhận được vô vàn lời tuyên cáo làm chứng rằng Thánh Đa Minh rất yêu người và Thánh đã được mọi người yêu lại. Thánh Đa Minh đã thực hiện lời Chúa dạy trong những cách thế đặc biệt. Thưở còn theo học tại Đại Học Palenca, ngài đã bán hết các bộ sách Thánh sưu tập qúy giá bìa da dê, chép tay bằng bút mực lông ngỗng để lấy tiền cứu giúp kẻ khó và sau này có lần ngài xin tự bán thân mình để lấy tiền giúp cho một ngươì lạc giáo mới theo đạo.

Sau phần đáp từ cảm ơn Bề Trên Tổng Quyền của Cha Bề Trên-Tu Viện Trưởng Đặc trách Gia Đình Đa Minh Toronto, Tổng Quyền đã bắt tay thăm hoỉ và chụp hình chung với Gia đình Đa Minh Toronto. Buổi tiếp tân tiếp theo rất vui vì luôn luôn kết hợp bởi thực đơn Canada và chả giò Việt Nam rất đặc biệt, vốn được các tu sĩ và đoàn viên Dòng Ba Đa Minh khu vực Đại thủ phủ Toronto ưa thích.
 
"Báo Hà Nội Mới lại đưa tin sai rồi!"
Đức Hải
19:07 15/09/2008
THÁI HÀ - Cả tuần nay, ngoài việc đọc kinh trước linh đài Đức Mẹ Ban Ơn, giáo dân thường đến cầu nguyện trước tượng Chúa Kitô Vua. Bức tượng này được đặt ngay ở chỗ xảy ra vụ việc xịt hơi cay. Bức tượng được giáo dân cung nghinh từ nhà thờ ra linh địa vào tối hôm Đức Tân Giám Mục Cosma Hoàng Văn Đạt và linh mục đoàn Giáo phận Bắc Ninh đến Thái Hà hiệp dâng thánh lễ. Gắn liền với sự kiện bức tượng được cung nghinh ra linh địa là những câu chuyện liên quan đến đài truyền hình Hà Nội và báo Hà Nội mới.

Ngay sau khi bức tượng được đặt vào trong linh địa, các phóng viên đài truyền hình Hà Nội vội vàng đi vào nhà ông trưởng khu dệt may Chiến Thắng ở ngay bên cạnh linh địa để thực hiện cuộc phỏng vấn. Ông trưởng khu từ chối thẳng thừng: “Tôi van các anh các chị. Các anh các chị đừng ép tôi làm thêm cái chuyện thất đức nữa. Tôi chỉ dại dột một lần thôi!”.

Ông trưởng khu nói thế là vì cái ngày giáo dân đưa tượng Đức Mẹ vào linh địa (15/8), ông đã bị dụ dỗ và bị ép buộc phải trả lời cuộc phỏng vấn đài truyền hình Hà Nội. Ông đã bị ép nói những điều mà lương tâm ông không cho phép ông nói. Kể từ cái ngày ấy, ông hối hận và giận bản thân mình. Ông ăn không ngon ngủ không yên. Tối tối, ông lên trên lầu, hướng ra linh địa Đức Bà, đốt một nén nhang, vái lạy Đức Bà để xin Đức Bà xá tội cho ông (Câu chuyện này do chính anh con rể của ông kể lại).

Một ngày sau khi bức tượng Chúa Kitô Vua được đặt vào trong khu đất Đức Bà, chúng tôi cũng nghe nói, bà phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội gặp cụ Giám mục Cosma Đạt và gạn hỏi:

Cụ mới tặng cho Thái Hà bức tượng Chúa Kitô Vua đấy à?”

Cụ Giám mục bình thản đáp:
-“Bà phó chủ tịch nói, tôi mới biết đấy”.

Bà phó chủ tịch liền thốt lên:
Vậy là báo Hà Nội Mới lại đưa tin sai rồi!”
 
Nhận định: Ai được, ai mất từ vụ Thái Hà
Mai Văn Lành
19:26 15/09/2008
Nhận định: Ai được, ai mất từ vụ Thái Hà

Vụ Thái Hà đòi đất đã hơn 8 tháng. Giáo dân vào khu đất đã tròn một tháng, cả hai bên Thái Hà và TP Hà Nội đã qua nhiều vất vả, tốn nhiều công sức của mỗi bên.

Đến nay kết quả là: Căng thẳng sắp đến đỉnh điểm do cách làm việc của Hà Nội đã “đổ thêm dầu vào lửa” như đã có bài viết trên www.vietcatholic.net và www.chuacuuthe.com cảnh báo khi xảy ra vụ trấn áp bằng dùi cui của tác giả JB Nguyễn Hữu Vinh.

Trước đó, báo chí do Hà Nội kiểm soát đã làm cho cả nước thấy bất ổn khi thấy bị đe dọa bởi mấy ông linh mục và giáo dân Thái Hà đang có “mầm mống chống đối chính phủ”. Hà Nội chắc không biết rằng những người chú ý nhất lại là giới công giáo chiếm tỷ lệ dân số đáng kể. Giới công giáo chú ý, nhưng họ tin vào các giáo chức hơn những thông tin nhà nước mang đến.

Kể cả những người dân bình thường, không liên hệ tới công giáo, nhưng họ thấy báo chí nhà nước kết tội thái quá các giáo dân thì phải kiểm chứng thực tế. Câu nói: "Hãy đến mà xem" đã cho thấy thực hư như thế nào về những điều mà báo chí Nhà nước tuyên truyền. Để rồi, khi tìm hiểu được sự thật, họ đã phải thốt lên “hãy để tang cho một niềm tin”.

Sự thật được sáng tỏ, báo chí Việt Nam thực sự đã loan tin hộ giáo dân Thái Hà đến các đồng đạo của họ rằng họ đang bị đàn áp. Báo chí đã làm hộ giáo dân Thái Hà công việc họ đang muốn làm mà không có phương tiện do chế độ thông tin độc quyền.

Nhiều sai lầm liên tiếp khi Hà Nội thực hiện các bước giải quyết, đã đẩy tình trạng căng thẳng leo thang. Giáo dân đã bất chấp, không sợ lực lượng trấn áp và tù tội, không sợ bị đe dọa bắn giết hay nhục hình, giáo dân nhất định giành nhau để được “tử vì đạo” đã đặt chính quyền Hà nội vào một thế khó xử, bí lối, và chưa có cách gỡ.

Cách làm của Hà Nội đến nay được kết quả là hàng vạn lượt người xa gần đã về Thái Hà. Hàng ngũ Giám mục miền Bắc đã lên tiếng ủng hộ Thái Hà và vỉ vậy đã và cho giáo dân một khí tế quyết tâm hơn. Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt hình như đã hết kiên nhẫn sau khi mang tiếng là “bị lừa” vụ Tòa Khâm sứ. Ông đã rất kiên quyết ủng hộ vụ này mà theo ông, không có vi phạm pháp luật. Thậm chí ông đã đến thăm các gia đình giáo dân bị bắt đi tù.

Cử chỉ đó là thông điệp cho Hà Nội rất rõ ràng câu nói nổi tiếng của ông: “Nếu ai bị bắt, bị đi tù vì cầu nguyện, tôi sẽ đi thay”. Đó cũng là thông điệp gửi tới nhà cầm quyền Hà Nội rằng nhất định Giáo hội Công giáo phải đi đến cùng sự thật nếu những đòi hỏi hợp lý của họ về tài sản không được đáp ứng.

Ngoài ra, không chỉ công giáo mà còn rất nhiều tôn giáo khác, nhiều tầng lớp khác của xã hội, của đất nước đã chán ngấy hệ thống tham nhũng và dối lừa từ dưới lên trên, đang sẵn sàng nhập cuộc. Những tầng lớp, tôn giáo đó họ có thừa sự chán ghét chế độ cộng sản, nhưng họ thiếu tổ chức chặt chẽ như giáo hội công giáo. Tạm thời họ chỉ đứng quan sát để Hà Nội không thể coi vụ Thái Hà thành chính trị. Nhà thờ cũng luôn luôn độc lập với các lực lượng này. Đó là cách hành động khôn ngoan.

Để đáp trả cách hành động của Hà Nội dùng dùi cui và hơi cay cùng hàng loạt cảnh sát, Nhà thờ đã dùng biện pháp cầu nguyện ôn hòa. Kế đó đã buộc Hà Nội không thể công nhiên đàn áp, nếu họ không muốn được cả thế giới lên án và bị cô lập.

Trong khi Chính phủ VN đang bị nhiều áp lực về kinh tế và chính trị, đang có thể bước vào lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC) sắp bỏ phiếu, áp lực của Trung Quốc và lòng dân với lãnh thổ đã làm Hà Nội lúng túng. Cách ngăn chặn, đàn áp biểu tình yêu nước là cách làm bất đắc dĩ bị nhân dân coi là hèn nhát và nhục nhã. Chính phủ đang muốn dẹp bỏ mọi mâu thuẫn nội bộ để giải quyết các vấn đề của nền kinh tế đang khủng hoảng nghiêm trọng. Nhiều người cho rằng, Hà Nội đang sợ Chính phủ nhúng tay vào sẽ vỡ lỡ những chuyện bê bối khác của Hà Nội. Các quan chức của Hà Nội được đánh giá là khá xôi thịt, nên việc bê bối lùm xùm chắc không thiếu. Vì thế, Thành phố Hà Nội đã xung phong nhận lấy trách nhiệm này.

Với tình thế này, các chức sắc Hà Nội đang gặp một thế bí khó gỡ. Nếu không giải quyết êm đẹp mọi chuyện, chỉ cần có cớ là sai lầm, thì Chính phủ sẽ sẵn sàng thí tốt một số chức sắc để trấn an việc này. Ngay cả nội bộ của Hà Nội, khi nhập với Hà Tây, cũng đã phình ra bộ máy lãnh đạo, và trong số đó, không thiếu những người muốn thủ trưởng của mình mắc sai lầm chết người mới có cơ hội tiến lên.

Hai nhân vật được nhắc đến nhiều nhất là Vũ Hồng Khanh phó Chủ tịch TP và Nguyễn Đức Nhanh Giám đốc Công an Hà Nội.

Ông Vũ Hồng Khanh đã có những bước đi sai lầm từ đầu, khi cứng nhắc và coi thường quyết tâm của giáo dân Thái Hà. Ông đã đưa ra những kết luận và quyết định sai lầm khi giáo dân đang căng thẳng, những quyết định của ông đã bị giáo dân và nhà thờ bác bỏ rất thuyết phục mà ông không nói lại được điều nào. Không đưa chứng cứ thì không xong khi nhà thờ yêu cầu rất có lý, còn khi đã phải đưa ra chứng cứ mà không nói lên được tính pháp lý bị nhà thờ bắt giò. Ông Khanh đã không đủ sức để thuyết phục ngay cả những người ủng hộ ông.

Thực tế cũng là bài toán khó cho ông, làm gì có chứng cứ nào mà đưa ra. Khi nhà nước lấy khu đất này, là khi mà nhà thờ đang bị dồn vào thế cùng của những năm đầu của chính quyền cộng sản. Hồi đó, mấy ông nhà nước muốn lấy nhà ai thì chỉ việc vào đuổi chủ nhà ra là xong, huống chi là nhà thờ nhà tu, nên không cần quyết định nào cũng xong. Thế nên giờ mới bị nhà thờ hỏi lại khi nhà nước kêu gọi quyết thực thi theo hiến pháp và pháp luật.

Trên ông, ông Nguyễn Thế Thảo, mới được giữ lại chức Chủ tịch, mừng chưa kịp no cũng đang bị đe dọa nếu để vụ này nổ lớn ảnh hưởng đến ngoại giao và ổn định xã hội.

Ông Nguyễn Đức Nhanh, Thiếu tướng, năm nay 56 tuổi, là Giám đốc Công an Hà Nội. Ông đã tỏ ra năng nổ khi xử lý vụ này, nhưng vụ này xem chừng ngoài khả năng của ông. Ông vẫn hình như chưa hiểu nhiều về công giáo, vì vậy những tham mưu của ông cho Thành phố đều hỏng.

Nhất là khi ông đã cho khởi tố vụ án giáo dân đập 6m tường gạch cũ hòng đe dọa giáo dân nhưng không có tác dụng. Vụ việc thành nổ lớn, tiếng nổ vọng ra ngoài biên giới bắt đầu từ việc đánh người cầu nguyện bằng dùi cui điện. Tiếp đó là vụ lựu đạn cay xịt vào giáo dân trong đêm 31/8/2008. Nếu không có hai vụ đó, thì mọi việc vẫn diễn ra như đã từng diễn ra mà thế giới không dễ được biết.

Dù Hà Nội đã có buổi họp báo, phủ nhận những vụ đó, nhưng những người dân và những người trên con phố lớn mang tên Thái Hà đã không nhầm, thế giới đã không nhầm. Các hãng truyền thông lớn trên thế giới đã vào cuộc, và đã theo dõi vụ này chăm chú hơn. Chính vì thế, việc sử dụng các mánh lới theo cách thường làm của công an như chia rẽ, phân loại, khủng bố cá nhân là rất khó mà không bị phát hiện.

Hồi đầu tuần trước, ông Nhanh đã tổ chức buổi gặp một số người không được lòng giáo dân, trong đó có nhân vật trong Ủy ban đoàn kết công giáo phong cho họ là “giáo dân nòng cốt” để nói những điều ông muốn là kết tội giáo dân, tu sĩ và lập biên bản dùng cho mục đích thông tin. Việc làm này của ông chứng tỏ ông không thức thời trước lực lượng giáo dân đoàn kết nên đã bị bác bỏ rất nhanh mà chỉ làm cho ông mất uy tín.

Mới đây, ông Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng đã vào cuộc. Nhưng ngay trong buổi họp, ông Hưởng và ông Nhanh đã tuyên bố đe dọa các linh mục, giáo dân. Đặc biệt là đe dọa trừng trị những người viết tin bài mà ông cho là nói xấu nhà nước, việc này được tờ Công an Nhân dân loan tải như đã thêm một bước đẩy củi vào đáy nồi đang sôi.

Nếu ông Nhanh bắt bớ một trong những người đó, thì vụ việc lại mở thêm một hướng khác mà chắc chắn ông Nhanh và ông Hưởng không đủ sức để giải quyết. Bên ngoài Việt Nam, các tổ chức nhân quyền, tổ chức bảo vệ quyền tự do báo chí và nhiều tổ chức khác trên thế giới đang sẵn sàng vào cuộc nếu điều này xảy ra. Kết hợp nhiều vấn đề một lúc thì chắc chắn Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều phức tạp gấp bội.

Phía nhà thờ đã tuyên bố sẽ kiên trì trong việc đòi hỏi công lý cho mình, và quyết tâm trong sứ mạng này dù năm năm, mười năm hay cả đời. Giáo dân thì háo hức và sẵn sàng hi sinh vì lẽ công bằng và sự thật.

Những diễn tiến nói trên, đã đẩy các quan chức Hà Nội vào một tình thế không giải quyết hữu lý là không xong. Cái khó cho họ, là đã lỡ mạnh miệng tuyên bố qua hệ thống báo chí rằng sẽ nghiêm trị giáo dân và linh mục đã vi phạm pháp luật, cũng như khẳng định xử lý để làm gương. Những lời tuyên bố của họ đã làm họ khó có đường lui xuống mà không lui thì không thể được. Báo chí cũng đã góp công lớn làm cho quan chức Hà Nội khó giải quyết mà không mất mặt.

Quan chức Hà nội bị sức ép quá mạnh từ nhiều phía, chỉ cần một sơ suất, thì “thù trong nội bộ”, “giặc ngoài” cũng như cấp trên sẽ có cớ mà xử lý họ.

Gỡ vụ Thái Hà không dễ dàng bằng cách của Tòa Khâm sứ hồi đầu năm. Hồi đó, bằng con đường ngoại giao và giới công giáo không thông tin đầy đủ cho Vatican, nên đã có văn thư của Tòa Thánh bó tay TGM Ngô Quang Kiệt. Nhưng qua chuyến viếng thăm Hà Nội vừa qua của Thứ trưởng ngoại giao, Tòa Thánh đã hiểu hơn thực tế khi làm việc với UBND TP Hà Nội. Vì vậy không mong dùng lại lá bùa từ Vatican như trước. Kể cả khi có lá bùa như trước, thì hiệu quả thực tế sẽ không như hồi trước.

Vụ Tòa Khâm sứ bị bội ước, giáo dân đã có thêm kinh nghiệm. Nhưng vụ việc chưa xong, vẫn còn như một ngòi nổ mà có thể châm lửa bất cứ lúc nào. Nhất là khi giáo dân biết được là Thủ Tướng Việt Nam đã quyết định không trả lại khu đất Tòa Khâm sứ thì sự tức giận của giáo dân sẽ được biến thành các hành động tự giác. Ngoài Tòa Khâm sứ, thì ở Thành phố Hà Đông, tu viện trên đường Hai Bà Trưng và nhiều nơi khác nữa đều là những nơi hoàn toàn có thể bùng nổ hỗ trợ Thái Hà.

Nếu tình hình còn kéo dài, sẽ không chỉ giáo dân Tổng Giáo phận Hà Nội, mà khi đó các Tổng Giáo phận tiếp theo như Huế, Sài Gòn… sẽ làm nổi lên một phong trào toàn quốc hành hương Thái Hà.

Khi đó Hà Nội sẽ chống đỡ các cơn bão dồn dập bằng phương cách nào? Khi đó, cả thế giới cùng vào cuộc với giới công giáo trong quá trình đòi công lý của họ.

Người ta có quyền tưởng tượng một ngày nào đó không xa, Hà Nội dầy đặc người dân từ ngoại tỉnh đổ về. Người ta cũng đã dự tính việc Hà Nội sẽ chặn đường vào khu đất và vào nhà thờ (như hôm nay 15/9/2008 công an đã bắt đầu mang hàng loạt hàng rào song sắt tới phu phố Thái Hà), rồi mai đây hãy tưởng tượng những đoàn giáo dân ngoại tỉnh được các tu sĩ và giáo dân mang Thánh giá nến cao dẫn đầu kéo vào từ các cửa ô Hà Nội mà công an không thể dùng vũ lực với họ dù có nhiều đến đâu.

Trên các đường phố Hà Nội giáo dân diễu hành với tu sĩ, đó quả là một đại họa cho sự tồn vong của chế độ nếu dùng bạo lực khi nhân dân không còn sợ hãi. Đó cũng sẽ là lúc mà những lực lượng khác phát huy thế mạnh của mình.

Nếu cố giữ bằng được khu đất kia, đẩy tình hình đến mức nghiêm trọng, các quan chức Hà Nội sẽ chẳng được gì ngoài những cái cớ cho chính những kẻ thù của cá nhân triệt hạ mình. Nhà nước sẽ đối mặt với những khó khăn ngoại giao và kinh tế mà không dễ gỡ ra. Giáo dân sẽ theo đúng nguyên lý của Chủ nghĩa Mác – Lê nin là họ không có gì để mất, cũng chẳng được gì cho cá nhân. Nhưng giáo dân sẽ được những gì cho cộng đồng công giáo đã bị đè nén mấy chục năm qua và cái lớn nhất là họ được hi sinh cho niềm tin của mình, của tôn giáo mình. Họ chỉ muốn công lý và tự do tôn giáo.

Ngòi nổ Thái Hà nếu không gỡ kịp, chỉ thời gian ngắn thôi, những ác mộng trên sẽ dễ thành hiện thực.

Những diễn biến trên thực tế mấy tháng qua đã cho thấy một hướng đi tương đối rõ ràng của sự kiện này, nếu Hà Nội vẫn không có một sự “đột phá” nào đó để giải quyết như lời TGM Ngô Quang Kiệt đã nói.

Hà nội, Việt Nam 15/9/2008
 
Cách mạng nhung?
Lm. Chân Tín
19:35 15/09/2008
Trước lễ Phục Sinh 1990, tôi đã giảng 3 bài về sám hối: cá nhân sám hối, Giáo hội sám hối, đảng cộng sản Việt Nam sám hối. Và sau đó, tôi bị đẩy ra Cần Giờ và bị quản chế ba năm.

Nhân việc đấu tranh cho công lý và hòa bình của giáo xứ Thái Hà, Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội, ngày hôm nay đúng một tháng (15.8 đến 15.9.2008) mặc dầu chính quyền csvn đã không thực thi công bằng, công lý cho xứ Thái Hà, không trả đất cho họ, lại còn bày ra nhiều mưu kế để lên án những người dân vô tội, nào là dùng tất cả bộ máy tuyên truyền qua báo chí, truyền thanh, truyền hình của thánh phố Hà Nội và của trung ương để tố cáo xứ Thái Hà, nào là dùng guồng máy đàn áp công an để bắt bớ, đánh đập, giam cầm, ép người dân khai man, tạo những linh mục giả tố cáo các linh mục thật, bày trò giáo gian để hại giáo dân.

Năm 1990, tôi cùng anh Nguyễn Ngọc Lan lên tiếng chống lại bạo quyền. Cũng có những người trong đảng, ngoài đảng, giáo dân, giáo sĩ ủng hộ.

Năm nay, khi giáo dân giáo xứ Thái Hà lên tiếng đòi công lý thì toàn giáo xứ Thái Hà (trừ những ông giáo gian, linh mục giả và dỏm) đa số giáo dân khắp nước, các Linh mục, Giám mục ủng hộ công khai cuộc đấu tranh này, kể cả các tôn giáo bạn, như giáo hội phật giáo Việt Nam thống nhất. Tại miền Bắc, các giám mục đã đến linh địa Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cầu nguyện với những người dân trong khắp các giáo phận, Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đi thăm các gia đình có người bị đánh đập, giam cầm. Đức Hông Y Phạm Minh Mẫn cũng đã có thư mục vụ xin giáo phận cầu nguyện cho giáo xứ Thái Hà, và nhiều Giám mục khác cũng đã ủng hộ hết mình, như Đức Cha Nguyễn Văn Sang, Đức Cha Nguyễn Văn Yến. ...

Từ năm 1975 đến nay, không có gì thay đổi trong việc cai trị của đảng csvn. Những gì tôi nói, cách đây 18 năm, vẫn y nguyên, và nhân dân hết sức bất mãn về tham nhũng, về lạm phát kinh tế, đặc biệt về nhân quyền.

Do đó, tôi thấy nhắc lại ít đoạn trong bài giảng của tôi năm 1990 cũng rất hợp thời:
" Người Việt nam hôm nay hy vọng và lo âu cái gì ? Họ lo âu trước tình trạng của một xã hội tan rã về mọi phương diện. Trong đó họ bị tước đoạt những quyền căn bản của con người và người dân. "

Con người sinh ra bình đẳng và tự do, có tất cả những quyền căn bản của con người mà Thiên Chúa ban cho họ. Thêm vào đó, ngày 10.12.1948 Liên Hiệp Quốc đã ra Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền có đoạn nói như sau:

- “Xét rằng thừa nhận phẩm giá cố hữu những quyền bình đẳng và bất khả nhượng của con người trong đại gia đình - thế giới là đặt nền tảng cho tự do, công lý và hòa bình thế giới."

- “Xét rằng vì không biết rõ và khinh miệt nhân quyền nên loài người đã có những hành động dã man đối với lương tâm và xét rằng sự tiến tới một thế giới, trong đó nhân loại sẽ được hưởng tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và tự do sinh sống, không phải sợ hãi và thiếu thốn, đã được tuyên bố là nguyện vọng cao quý nhất của con người.

- “Xét rằng điều tối cần là nhân quyền phải được pháp luận che chở, nếu muốn cho loài người không bao giờ phải dồn đến phải nổi loạn, để chống lại sự tàn bạo và áp bức...... Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế này như là một lý tưởng chung cho các dân tộc và các quốc gia khác tiến tới.”

Tiếp đó Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân quyền đưa ra 30 điều về nhân quyền:

Quyền được hưởng tự do và an sinh cá nhân.
Quyền không bị hành hạ, hay ngược đãi, bị đối xử hay trừng phạt một cách vô nhân đạo, làm hại phẩm cách con người.
Quyền được bình đẳng trước pháp luật, được pháp luật bảo vệ.
Quyền được xét xử bình đẳng trước một tòa án vô tư và độc lập.
Quyền không bị bắt bớ, bị lưu đày một cách trái phép.
Quyền được coi như vô tội khi bị truy tố, mà chưa có tòa xét xử với bằng chứng để buộc tội.
Quyền không được xúc phạm trái phép đến đời tư, gia quyến, nhà ở, thư từ.
Quyền được tự do di chuyển và trú ngụ bất cứ nơi nào trong nước họ và quyền tự do rời bỏ bất cứ nơi nào, kể cả xứ mình hoặc trở về xứ của mình.
Quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá những quan điểm và ý tưởng của mình.
Quyền tự do tụ họp và lập hội để theo đuổi mục tiêu hòa bình và không bị bắt buộc ở trong một hội nào.
Quyền bầu cử tự do.
Quyền hưởng an ninh xã hội.
Quyền làm việc, quyền tự do lựa chọn việc làm cho mình, quyền hưởng số lương phải chăng và đủ để bảo đảm cho mình và gia đình một đời sống xứng đáng với phẩm giá con người, mọi người có quyền lập và gia nhập nghiệp đoàn để bảo vệ những quyền lợi của mình.
Quyền hưởng một mức sống đầy đủ cho sức khỏe và hạnh phúc của mình, của gia đình mình, quyền hưởng tiện nghi giáo dục, y tế.
Quyền của cha mẹ lựa chọn sự giáo dục cho con cái...

Nước Việt Nam Cộng Sản đã ký và bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và để che mắt thiên hạ, cũng đã ghi vào Hiến Pháp, thế mà đã không giữ một điều khoản nào.

Đứng trước một chính quyền không tôn trọng nhân quyền, ở Bắc Việt đẵ 54 năm và miền Nam đã 33 năm không có gì thay đổi, người dân, trong sự bất mãn của họ, mong có một cuộc cách mạng, không phải cách mạng đỏ tàn ác của cộng sản, nhưng của những người tôn trọng nhân quyền, dựng lên một chế độ mà mọi người được sống bình an hạnh phúc.

15.9.08
 
Những tin đồn đang được loan truyền tại thủ đô Hà Nội
Mê Linh
19:47 15/09/2008
HÀ NỘI - Trong vài ngày nay, tại thủ độ Hà nội, giới trí thức, ngay cả một số cán bộ, và những người am hiểu tình hình nội bộ các quan chức cộng sản, v.v... đã bắt đầu có những cuộc bàn tán bên chén trà hay tại góc phố quán cà phê... về sự kiện Thái Hà. Những tin đồn này hiện đang được rỉ tai nhau. Chúng tôi xin ghi lại như sau:

Bất đồng nội bộ các cơ quan Nhà nước về hiện tình vụ việc Thái Hà

Theo tin từ một quan chức cộng sản cấp trung ương (xin được dấu tên) hiện đang có sự bất đồng về vấn đề giải quyết cũng như qui kết trách nhiệm nội bộ các cơ quan Nhà nước về hiện tình vụ việc Thái Hà.

Một nhóm quan chức Trung ương thì cho rằng, Hà Nội đã định hướng và xử lý vụ việc Thái Hà không chuẩn xác nhất là trong thời điểm nhậy cảm hiện nay, làm cho chính phủ khó khăn hơn trong công tác ngoại giao, kinh tế …

Quan chức nhận định sai tình thế ngay từ đầu...

Vụ việc Thái Hà không thuộc loại việc đương nhiên phân cấp giải quyết lần đầu cho địa phương. Nó được trung ương hết sức quan tâm và lo ngại ngay từ đầu, khi họp nghe Hà Nội báo cáo. Theo đó, quan chức Hà Nội đã khẳng định nắm bắt được vụ việc và sẽ giải quyết êm thấm …

Rồi địa phương nhận nhiệm vụ được tự việc giải quyết vụ Thái Hà, chưa cần sự hỗ trợ của trung ương. Trong kế hoạch sơ bộ của Hà Nội (ngày 23.08) báo cáo trung ương các bước giải quyết vụ việc Thái Hà, không thấy ưu tiên biện pháp dùng vũ lực, hay dùng các thủ đoạn nghiệp vụ ngoài luật của công an để giải quyết …

Có lẽ quan chức Hà Nội không muốn để trung ương biết các vấn đề gai góc, tồn tại của Hà Nội… Nếu để trung ương giải quyết ngay từ đầu, Hà Nội sẽ phải báo cáo, công khai nhiều chi tiết … Sẽ làm lộ tẩy nhiều bí mật "làm ăn" khác của quan chức Hà Nội …

Tính cách kiêu binh của các Quan chức Hà nội...muốn che dấu sự thực

Người ta cho rằng: quan chức Hà Nội là kiêu binh, cậy thế phân quyền, phân chia lãnh địa, và tự cho rằng có "học" cao hơn các địa phương, có nhiều kinh nghiệm cọ xát nơi đất thánh "Kinh kỳ"… Ít khi chịu qui phục hoàn toàn trung ương … Quan hệ giữa các phe nhóm, giữa các quan chức cộng sản Việt Nam là mối quan hệ rất tế nhị, phức tạp nhiều khi nó có tính chất đấu trí, đối đầu như hoạt động của các cơ quan tình báo-phản gián …

Sau khi vụ việc Thái Hà bùng nổ (ngày 28.08) Trung ương một lần nữa lại để mắt tới Thái Hà … Quan chức Hà Nội càng lúng túng, nhưng vẫn cho rằng kiểm soát được tình hình. Họ bắt đầu sử dụng các đầu mối trung ương để tham gia giải quyết công việc như ban tôn giáo chính phủ, bộ công an. Tuy nhiên họ vẫn chỉ đạo mọi hành động bởi vụ việc đã được giao cho Hà Nội giải quyết lần đầu …

Hãy xem nhưng hành động và phản ứng của các quan chức trung ương tham gia giải quyết vụ việc: Trưởng-phó ban tôn giáo chính phủ, thứ trưởng bộ công an, người ta thấy các vị này hành động, phát ngôn rất mô thức, thiếu "sinh khí" thậm chí chỉ làm cho hết "phần trách nhiệm qui kết" …

Hình như có sự thiếu tin tưởng lẫn nhau vì quyền lợi xung đột

Giới chính trị cộng sản cho rằng các vị quan chức trung ương tham gia giải quyết vụ việc đang khi Hà Nội giữ quyền tổng chỉ huy. Muốn dậy cho quan chức Hà Nội biết rằng đường hướng họ theo đuổi khó có kết quả mong muốn … Họ không muốn nói ra, bởi trách nhiệm không phải của họ, măt khác đây là vấn đề rất nhạy cảm, rất dễ bị qui kết là "gián điệp" của Vatican, của CIA, nếu đưa ý kiến trái chiều khi không có thẩm quyền quyết định …

Thiếu tướng giám đốc công an Hà Nội là người sẽ bị qui kết trách nhiệm nặng nề nhất. Vì là người tham mưu quyết định cho thành uỷ, chính quyền Hà Nội đứng ra lãnh nhận trách nhiệm giải quyết vụ việc trước trung ương. Mấy ngày nay, người ta thấy ông Nhanh vận hết "công lực" mà công việc chẳng đến đâu … Mặt mày thất sắc … Khi đi thăm khu đất Thái Hà, bộ mặt võ biền của ông trông thật thảm hại… Một quan chức bộ ngoại giao nói: "Sao lại để cho một tay võ biền giải quyết vụ việc 'Ngoại giao với Thượng đế' cơ chứ" ???

Đang khi thành uỷ, chính quyền Hà Nội tin tưởng giao vụ việc Thái Hà cho CAHN dưới bàn tay sắt của thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh, thì trung ương vẫn âm thầm chỉ đạo một hướng khác theo sát, tìm hiểu sự việc cũng như các diễn tiến hành động của CAHN … Đó là tổng cục 2 - Tổng cục tình báo quân đội…

Sợ những vụ việc mờ ám trước đây của các quan chức sẽ bị phơi bầy ra ánh sáng

Sự việc Thái Hà ngày càng trở nên phức tạp không phải chỉ bởi tính chất chính nghĩa, đòi công lý của giáo dân, của người dân, được cả thế giới văn minh quan tâm, hậu thuẫn, mà từ vụ việc này, năng lực, lý lịch, các "thương vụ" làm ăn mờ ám của quan chức từ trước còn trong nghi hoặc nay tự bộc lộ …

Với người Công Giáo, thì đây là việc Chúa làm. Còn với người cộng sản có chút "suy tư", đây là một màn "đi dây" nguy hiểm, một di sản "rách nát" mà họ thừa kế từ chính sách cộng sản thời chiến… Với các phe cánh quyền lực, thì đây là dịp để hạ bệ nhau, tranh chức tranh quyền …

(Hà nội ngày 15/9/2008)
 
Thông Cáo của giáo xứ Thái Hà về trợ giúp/ đón nhận tiền bạc/ vật chất
LM Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
21:10 15/09/2008
TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI
Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội

180/2 Nguyễn Lương Bằng
Đống Đa, Hà Nội


Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2008

THÔNG CÁO
(V/v trợ giúp / đón nhận tiền bạc / vật chất)

Để Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội không bị hiểu lầm, để sứ mạng làm chứng cho công lý và sự thật của toàn thể quý linh mục, tu sĩ và quý ông bà anh chị em giáo dân trong ngoài Giáo xứ không bị tổn hại, Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội chúng tôi xin thông cáo:

1. Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội không xin bất cứ cá nhân hay tổ chức nào trong ngoài nước trợ giúp tiền bạc, vật chất.
2. Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội không uỷ nhiệm cho bất cứ cá nhân hay tổ chức nào trong ngoài nước tổ chức quyên góp tiền bạc, vật chất.
3. Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội không nhận bất cứ sự trợ giúp tiền bạc, vật chất nào từ bất cứ cá nhân hay tổ chức nào gửi về từ ngoại quốc cách trực tiếp hay gián tiếp.


Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội rất cảm động trước tấm lòng yêu thương bác ái của quý vị ân nhân trong ngoài nước đã vì tình thương mà tự nguyện quan tâm, giúp đỡ chúng tôi, đặc biệt là giúp đỡ các nạn nhân của các vụ trấn áp. Tuy nhiên trong hoàn cảnh tế nhị và phức tạp ở hiện nay, Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội chúng tôi chỉ xin được đón nhận từ quý vị ân nhân ở ngọai quốc những lời cầu nguyện tha thiết và sốt sắng mà thôi.

Chúng tôi xin chân thành cám ơn quý vị ân nhân. Nguyện xin Thiên Chúa qua lời chuyển cầu của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, ban cho quý vị và mọi người thân của quý vị muôn ơn lành.
Giáo xứ Thái Hà- Tu viện DCCT Hà Nội

Phát ngôn viên
Lm Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT


Sau đây là phóng ảnh Thông Cáo:
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Nguyên tắc bổ trợ
Nguyễn Thái Hợp, O.P.
10:47 15/09/2008

Nguyên tắc bổ trợ



Trong bối cảnh toàn cầu hoá và kinh tế tự do hiện nay, nguyên tắc bổ trợ đang trở thành một quan niệm thời thượng và thực sự đã đóng góp tích cực trong những cuộc tranh luận về mô hình cộng đồng Châu Âu. Đây là một quan niệm hữu ích cho phép nghĩ đến một cơ cấu mạnh mang tính “toàn cầu hoá”, nhưng đồng thời lại được hỗ sung bởi yếu tố “địa phương” vững chắc. Có thể coi đây như mô hình tân thời để điều phối mối tương quan phức tạp giữa các tổ chức quốc tế với các quốc gia, giữa Nhà nước với xã hội dân sự, giữa cơ quan trung ương với các cộng đồng địa phương, cũng như giữa thế giới chính trị với các cơ chế khác. Chính hiệp ước Maastricht cũng nhìn thấy nơi nguyên tắc bổ trợ định hướng hữu ích cho việc hội nhập tương lai của cộng đồng Âu châu (art. 3b).

1- Một cái nhìn lịch sử

Diễn ngữ “nguyên tắc bổ trợ” tương đối mới xuất hiện, nhưng đã được sử dụng nhiều trong triết lý xã hội Công giáo trong suốt một thế kỷ vừa qua. Hơn nữa, xét về nội dung, nguyên tắc này bắt nguồn từ kinh nghiệm ngàn đời của các hiền nhân và khá quen thuộc trong tư tưởng nhân loại[1].

Theo nguyên ngữ, bổ trợ diễn tả ý tưởng trợ giúp, can thiệp của một tổ chức cấp trên để yểm trợ, bổ túc cho các cơ cấu xã hội hay tổ chức thấp hơn, nhưng không bao giờ chủ trương làm suy giảm khả năng của các tổ chức này. Càng không bao giờ muốn thay thế chúng. Đây là hành động “can thiệp kỹ thuật” của thẩm quyền hay tổ chức cấp trên để yểm trợ các cấp dưới. Hành động bổ trợ này chỉ xảy ra khi cấp dưới không thể hay không đủ khả để năng tự mình thực hiện một công tác nào đó, hoặc thực hiện nó một cách kém hiệu quả.

Nguyên tắc bổ trợ đòi hỏi tôn trọng sự hiện hữu, tính tự lập và thẩm quyền của các tổ chức trung gian như hiệp hội, nhà trường, tôn giáo, nghiệp đoàn, khu xóm, nhóm, gia đình... Những cơ cấu trung gian này tạo nên nền tảng của một cộng đoàn nhân vị đích thực và cho phép hình các cấu trúc xã hội cao hơn. Do đó, Nhà nước nên cổ võ sự phát triển của “xã hội dân sự” và không được chủ trương làm thay cho các cấp dưới, khi chính họ có thể làm được[2].

Đứng trên phương diện ngữ học, hạn từ bổ trợ, mà ngôn ngữ Tây phương hiện nay thường dịch là subsidiarité, subsidiarity, subsidiariedad, sussidiarietà. .. bắt nguồn từ hạn từ Latin “subsidium”, có nghĩa là đội quân dự bị. Thật vậy, người Roma phân biệt giữa đạo quân đang chiến đấu tại mặt trận với đội quân dự bị, nhưng ở tiếp cận với tiền tuyến. Áp dụng vào môi trường xã hội, nguyên tắc bổ trợ diễn tả hành động can thiệp bổ túc và bù trừ của các cơ cấu xã hội lớn hơn để trợ giúp các cá nhân hay tổ chức xã hội nhỏ hơn, khi công ích đòi hỏi hay khi các cá nhân hoặc cơ quan trung gian không đủ khả năng chu toàn nhiệm vu.

Thánh Tôma đề cập đến nguyên tắc bổ trợ này khi cho rằng cần phải tôn trọng tính tự lập và hình thức đa dạng. Ngài cho rằng sự nhất loạt hay đồng nhất thái quá đe doạ sự hiện hữu của nền cộng hoà kết tạo bởi nhiều thành phần, cũng như âm điệu và sự hoà hợp của các bè bị phá vỡ khi mọi người chỉ hát cùng một nốt nhạc[3]. Theo thi hào Dante, hoàng đế không nên trực tiếp nhúng tay vào những chuyện nhỏ nhặt của mỗi thành thị, bởi vì mỗi quốc gia, vương quốc và thành thị có những đặc tính và những sắc thái riêng. Do đó cần phải có những luật lệ riêng phù hợp với mỗi hoàn cảnh[4].

Vào thế kỷ XIX, trước khi Giáo huấn xã hội của Giáo hội chính thức ra đời, giám mục Ketteler đã trình bày một cách rõ rệt mối tương quan giữa Nhà nước với các thành phần xã hội khác theo nguyên tắc bổ trợ. Lập luận của nhà tư tưởng xã hội nổi tiếng này dựa trên nguyên tắc đơn giản theo đó mỗi cá nhân có quyền quyết định về những quyền lợi riêng mà họ được phép hành xử. Nhà nước không phải là một cỗ máy vô hồn, mà là một cơ thể sống cấu tạo bởi những thành phần sống động, trong đó mỗi thành phần có quyền lợi, trách nhiệm, vận hành riêng và biểu lộ chính cuộc sống tự do. Các thành phần này có thể là cá nhân, gia đình, cộng đoàn hay những tổ chức trung gian. Bình thường, mỗi một thành phần cấp dưới này được tự do vận hành, chọn lựa, quyết định và tự trị trong lãnh vực riêng của mình. Chỉ khi nào các thành viên cấp dưới không đủ khả năng để tự mình đạt tới mục tiêu hoặc không thể đương đầu với những vấn đề quan trọng, và sự bất lực này có nguy cơ gây tổn thương đến sự phát triển hay sinh tồn của chính tổ chức, lúc đó thẩm quyền cấp cao mới can thiệp để bổ trợ[5].

2- Quan điểm của Giáo hội

Nguyên tắc bổ trợ là một trong những quan niệm bền vững và độc đáo của giáo huấn xã hội Công giáo. Vì nguyên tắc này hiện diện trong tất cả các văn kiện xã hội và hơn nữa nó trở thành một trong những đóng góp đặc sắc nhất của giáo huấn xã hội Công giáo cho lãnh vực đạo đức xã hội. Đức Leô XIII yêu cầu để cho gia đình quyền được quyết định độc lập trong phạm vi riêng và cho thợ thuyền quyền được tổ chức nghiệp đoàn[6]. Ngài nhắc nhở các nhà cầm quyền nhiệm vụ bảo vệ các hiệp hội hợp pháp của các công dân, “tuy nhiên không nên nhúng tay vào lãnh vực quản trị và kỷ luật nội bộ; bởi vì một trào lưu sống động luôn phát sinh từ nguyên tắc nội tại, trong khi những áp lực bên ngoài thường bóp nghẹt nó”[7].

Đức Piô XI tiếp tục khai triển và bảo vệ nguyên tắc này, bất chấp bối cảnh chính trị – xã hội khắc nghiệt của các chế độ độc tài và toàn trị ở giai đoạn đó. Thông điệp “Quadragesimo anno” chủ trương rằng Nhà Nước và thẩm quyền cấp cao không được vô hiệu hoá thẩm quyền cấp thấp. Trái lại, Nhà nước cần đề cao và bảo vệ tính tự lập của các hiệp hội và nhóm nhỏ hơn: “Nếu như việc tước đoạt khỏi các cá nhân điều mà họ có thể chu toàn với khả năng riêng để trao nó cho cộng đoàn là không hợp lý, thì cũng chẳng hợp lý việc trao phó cho một xã hội lớn và cao cấp hơn những gì mà những cộng đoàn nhỏ và thấp hơn có thể làm được. Điều đó gây ra một thiệt hại lớn và một sự đảo lộn trật tự hữu lý của xã hội; bởi vì mục đích tự nhiên của bất cứ sự can thiệp nào của chính xã hội là để giúp đỡ bằng cách bổ trợ các thành phần của cơ cấu xã hội, chứ không phải nhằm phá đổ và huỷ diệt chúng”[8].

Đức Gioan XXIII cho rằng sự can thiệp của Nhà nước vào sinh hoạt xã hội là hợp pháp và cần thiết để bảo đảm an ninh, bảo vệ công bằng xã hội, cổ võ sự phát triển và mưu cầu công ích. Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại, sự can thiệp của Nhà nước để khuyến khích, thúc đẩy, phối hợp, bổ túc và hội nhập chỉ đem lại hiệu quả nếu tôn trọng sáng kiến, sự tự lập và thẩm quyền của các cá nhân, cũng như các tổ chức trung gian, theo định hướng của nguyên tắc bổ trợ[9].

Trong thông điệp “Hoà bình trên thế giới”, đức Gioan XXIII tiếp tục khai triển quan điểm này và đề nghị nới rộng tầm ảnh hưởng của nó sang lãnh vực tương quan quốc tế. Ngài đề nghị nới rộng tầm ảnh hưởng của nguyên tắc bổ trợ như sau: “Trong mỗi nước, mối quan hệ giữa công quyền với công dân, với gia đình, cũng như với các đoàn thể trung gian phải được điều hành theo nguyên tắc bổ trợ. Cũng từ nguyên tắc này, nên điều hành mối quan hệ giữa quyền bính quốc tế với chính quyền các quốc gia. Quyền bính của các tổ chức quốc tế có nhiệm vụ cứu xét và giải quyết những gì mà công ích toàn cầu nêu ra trong lãnh vực kinh tế, xã hội, chính trị hay văn hoá. Vì đây là những vấn đề phức tạp, bao la và khẩn cấp, nên nhà cầm quyền các quốc gia không hy vọng một mình có thể giải quyết nổi. Tuy nhiên, quyền bính của cộng đồng quốc tế không được hạn chế phạm vi hoạt động của quyền bính các quốc gia và càng không nên thay thế họ. Trái lại, mục đích của cơ quan quốc tế là đóng góp vào việc kiến tạo, trên bình diện thế giới, một môi trường cho phép các chính quyền quốc gia, các công dân và các tổ chức trung gian có thể chu toàn trách nhiệm, thi hành nghĩa vụ và sử dụng quyền lợi của mình một cách an toàn hơn”[10].

Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo đã tóm lược một cách rõ ràng và giản dị nguyên tắc bổ trợ như sau: “Giáo huấn xã hội của Giáo hội đã đưa ra nguyên tắc bổ trợ, theo đó “một tập thể cấp cao không được can thiệp vào nội bộ tập thể cấp thấp, làm mất thẩm quyền của nó, nhưng đúng hơn phải nâng đỡ nó khi cần thiết và giúp nó phối hợp hành động của mình với những hoạt động của tập thể khác, để mưu cầu công ích”[11]. Thiên Chúa không muốn dành cho riêng mình việc thi hành mọi quyền hành. Người trao lại cho mỗi thụ tạo những phận vụ có thể thi hành theo khả năng của bản tính riêng. Cách lãnh đạo này phải được noi theo trong đời sống xã hội. Đường lối hành động của Thiên Chúa khi cai trị thế giới cho thấy Ngài rất tôn trọng quyền tự do của con người. Đó phải làø đường hướng chỉ đạo cho những ai cầm quyền trong các cộng đồng nhân loại. Họ phải xử sự như những người thừa tác viên của Chúa quan phòng. Nguyên tắc bổ trợ nghịch với mọi hình thức duy tập thể, nêu lên những giới hạn cho hành động can thiệp của Nhà Nước, dung hoà mối tương quan giữa cá nhân với xã hội, và hướng tới việc thiết lập một trật tự quốc tế đích thực”[12].

3- Trong lãnh vực kinh tế – chính trị

Sau khi tìm hiểu sơ lược về ý nghĩa của nguyên tắc bổ trợ, bây giờ xin nói đôi lời về vai trò của nguyên tắc này trong lãnh vực kinh tế. Nhìn lại lịch sử thế giới trong hai thế kỷ vừa qua, chúng ta thấy rằng trong một thời gian khá dài, nhân loại phải hứng chịu hậu quả khốc hại của cuộc đối đầu gay gắt giữa mô hình kinh tế tự do và mô hình kinh tế chỉ huy. Tại một số nơi và vào một số giai đoạn, chủ trương bảo vệ mậu dịch, quốc hữu hoá và kế hoạch hoá kinh tế được đề cao như những biện pháp hữu hiệu để phát triển đất nước. Quyền tư hữu, sáng kiến cá nhân và tự do thị trường hoàn toàn bị phủ nhận. Từ khi chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu sụp đổ do chính những mâu thuẫn và yếu kém nội tại, mọi người thấy rõ chính bao cấp đã dẫn đưa kinh tế đến chỗ bế tắc, lạc hậu và tốc độ tăng trưởng thấp. Kinh tế tự do trở thành mô hình kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, thực tế đau thương đã cải chính quan niệm “lạc quan ngây thơ” coi thị trường tự do như thuốc thần trị bách bệnh, giải quyết được mọi khó khăn kinh tế và đem lại phúc lợi đồng đều cho mọi người, mọi nước và mọi nơi.

Chính trong bối cảnh đó, nguyên tắc bổ trợ đang cống hiến cho nhân loại một đóng góp thật ý nghĩa: cần nối kết hài hoà hành động hỗ tương giữa thị trường và Nhà nước. Để đạt tới một phát triển toàn diện và bền vững, cần khai thác những ưu điểm của thị trường và tránh những hình thức can thiệp vô ích của Nhà nước vào lãnh vực sản xuất. Nhưng để thị trường tiếp tục phát triển sở trường và giảm thiểu sở đoản của nó, rất cần đến “bàn tay pháp lý” của Nhà nước và “bàn tay liên đới” của xã hội dân sự. Đó là một trong những đề nghị nòng cốt của nguyên tắc bổ trợ.

Ngay trong thông điệp xã hội đầu tiên, đức Leô XIII đã đề cập đến vai trò phục vụ công ích của Nhà nước: khi các cá nhân hay các cơ chế trung gian không thể chu toàn nhiệm vụ của mình, hoặc không có phương tiện để phục vụ công ích thì Nhà nước cần mạnh dạn can thiệp vì thiện ích chung. “Đó là những biện pháp chính phủ dùng để mưu ích cho mọi giai cấp trong xã hội nói chung và cho giai cấp lao động nói riêng. Nhà nước sẽ can thiệp với tất cả quyền hạn và không sợ bị chỉ trích là đã quá bảo hộ, bởi vì nhiệm vụ của Nhà nước chính là phục vụ công ích”[13].

Tuy nhiên, theo đúng tinh thần của nguyên tắc bổ trợ, “ngay từ đầu cần khẳng định rằng trong lãnh vực kinh tế phải dành vai trò ưu tiên cho các sáng kiến cá nhân, dù họ hoạt động một mình hay liên kết với người khác dưới nhiều hình thức để cùng nhau theo đuổi lợi ích chung”[14]. Nói rõ hơn, “các hoạt động phòng ngừa của Nhà nước trong lãnh vực kinh tế, dù rộng rãi và sâu sắc đến đâu chăng nữa, vẫn phải tránh việc hạn chế tự do sáng kiến của công dân. Trái lại phải gia tăng tự do này bao lâu quyền căn bản của mỗi người vẫn được bảo vệ hữu hiệu. Trong các quyền này, phải kể đến quyền và bổn phận của mỗi người là chu cấp cho các nhu cầu cuộc sống của mình và của gia đình mình. Điều này giả định rằng mỗi người phải được phép và được tạo cơ hội để dấn thân vào hoạt động sản xuất trong các hệ thống kinh tế”[15].

Thông điệp “Hoà bình trên thế giới” mở rộng nguyên tắc bổ trợ sang lãnh vực quốc tế. Tương tự như những gì đã trình bày trong phạm vi quốc gia, trên bình diện quốc tế “nhà cầm quyền của cộng đoàn quốc tế phải đối phó và giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá do công ích toàn cầu đặt ra”. Dĩ nhiên, đây là “những vấn đề lớn lao, phức tạp và khẩn cấp mà nhà cầm quyền của mỗi cộng đoàn chính trị không đủ khả năng để giải quyết”[16], chính vì vậy cần đến sự bổ trợ của cộng đồng quốc tế.

Nhân dịp kỷ niệm bách chu niên thông điệp “Tân Sự”, đức Gioan Phaolô II mời gọi mọi người nhìn lại quá khứ và đọc lại bản văn của các thông điệp để tái khám phá các nguyên tắc nền tảng hàm chứa trong đó. Về vai trò của Nhà nước trong lãnh vực kinh tế, đức Gioan Phaolô II đề cao và tái xác định quan điểm của đức Leô XIII: “Thông điệp Tân Sự chống lại việc quốc hữu hoá các phương tiện sản xuất vì làm cho mọi công dân chỉ còn là một bộ phận trong guồng máy quốc doanh, thông điệp cũng dứt khoát phê phán quan niệm một Nhà nước chủ trương đặt lãnh vực kinh tế hoàn toàn ra ngoài phạm vi quan tâm và hoạt động của mình. Chắc chắn có một phạm vi hợp pháp để các hoạt động kinh tế có quyền tự trị, Nhà nước không nên can thiệp vào. Tuy nhiên, Nhà nước có bổn phận xác định khuôn khổ pháp luật giúp triển khai các tương giao kinh tế, và như thế bảo vệ được những điều kiện tiên quyết của nền kinh tế tự do, nền kinh tế gia đình và sự bình đẳng giữa các thành phần, làm sao để thành phần này không quá trổi vượt hơn thành phần kia đến độ trong thực tế biến nó thành nô lệ”[17].

Được công bố sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, thông điệp “Bách chu niên” nhìn nhận vai trò quan trọng của thị trường trong sinh hoạt kinh tế ở thời đại chúng ta. Thông điệp yêu cầu cổ võ tự do và sáng kiến cá nhân trong sinh hoạt kinh tế, nhưng cũng mạnh mẽ phản kháng quan điểm coi thị trường như “thuốc thần trị bách bệnh”, đồng thời kêu gọi Nhà Nước cũng như xã hội công dân tích cực bảo vệ quyền lợi của người lao động nói riêng và nhân quyền nói chung trong lãnh vực kinh tế. Đây là một công tác quan trọng, nhưng phức tạp và tế nhị. Cần tránh những bất cập và thái quá. Trong mọi trường hợp, “phải tôn trọng nguyên tắc bổ trợ: một xã hội cấp trên không được can thiệp vào sinh hoạt nội bộ của xã hội cấp dưới đến độ tước đoạt thẩm quyền riêng của xã hội này. Tốt hơn nên bổ trợ trong trường hợp cần thiết và giúp đỡ để nối kết hoạt động của tổ chức này với các tổ chức xã hội khác, trong viễn tượng phục vụ công ích”[18].

Ngài cũng sáng suốt cảnh giác những người nghĩ rằng, với sự thất bại của “xã hội chủ nghĩa hiện thực”, kinh tế thị trường sẽ là mô hình kinh tế duy nhất và lý tưởng nhất cho nhân loại. Bởi vì, “giải pháp Mác-xít thất bại, nhưng vẫn còn đó hiện tượng bị loại trừ và bóc lột trong thế giới, đặc biệt ở Thế giới thứ ba, cũng như tình trạng vong thân trong các nước phát triển (…). Hơn nữa, còn có nguy cơ bành trướng ý thức hệ quá khích mang màu sắc tư bản chủ nghĩa, triệt để tín nhiệm nơi giải pháp tự do phát triển những năng lực của thị trường”[19]. Vì vậy, cần cố gắng hơn nữa để kiếm tìm một mô hình kinh tế phù hợp hơn, trong đó thị trường “được giám sát bởi các lực lượng xã hội và Nhà nước, ngõ hầu thỏa mãn những đòi hỏi căn bản của tất cả xã hội”[20].

Trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho nhật báo “La Stampa” (1993) ở Torino, Italia, đức Gioan Phaolo II đã diễn tả, một cách thẳng thắn hiếm có, quan điểm của ngài trước những diễn biến của lịch sử và mối quan tâm đối với tương lai của nhân loại. Theo ngài, “cuộc chiến chống lại các chế độ bất công và toàn trị rất chính đáng (...). Tuy nhiên, nhận định của đức Leô XIII cũng rất đúng khi cho rằng trong hệ thống xã hội cũng có “một số mầm chân lý”. Chúng ta không thể để những mầm chân lý này “bị phá huỷ hoặc cuốn theo chiều gió”. Đã hẳn, “chủ nghĩa tư bản hiện tại không còn là thứ tư bản chủ nghĩa ở thời đức Leo XIII”. Nhưng bất chấp những biến đổi quan trọng trong các nước phát triển, “tại một số nước trên trái đất, tư bản chủ nghĩa vẫn xuất hiện ở dạng thức hoang dã, y nguyên như trong các thế kỷ đã qua”.

Nhìn lại những đau thương, sóng gió và xung đột trong quá khứ, chúng ta có thể coi nguyên tắc bổ trợ như một mô hình vừa hiện đại, vừa hài hòa trong tương quan giữa Nhà nước và xã hội công dân, cũng như giữa cộng đồng quốc tế và cộng đồng địa phương. Nguyên tắc này không hề phủ nhận quyền và bổn phận can thiệp của thẩm quyền cấp trên, nhưng đề nghị một “hình thức can thiệp tích cực” trong đó luôn luôn nhìn nhận giá trị của thẩm quyền cấp dưới, cũng như tính tự lập và sáng kiến của mỗi tổ chức. Đây là một mô hình quân bình và hài hoà, nằm giữa mô hình “Nhà Nước bao cấp” với thứ mô hình “Nhà Nước từ nhiệm” hay “thị trường hoang dã”, phó mặc cho các cá nhân tự do chọn lựa và quyết định hoàn toàn theo tiêu chuẩn của xã hội tiêu thụ.

--------------------------------------------------------------------------------

[1] A.F. Utz nhìn thấy nơi sách Xuất Hành một vài hình ảnh của nguyên tắc bổ trợ này. Khi ông Jetro quan sát cảnh ông Môsê ngồi xử kiện từ sáng đến chiều, liền góp ý ới con rể: “Tại sao chỉ một mình anh ngồi xử kiện, trong khi cả dân đứng chầu chực anh từ sáng đến chiều? (...). Anh làm như thế không tốt đâu! Chắc chắn anh sẽ kiệt sức, và cả dân đang ở đây với anh cũng vậy; vì công việc qúa nặng đối với anh, anh không thể làm nổi một mình. Bây giờ anh hãy nghe lời tôi khuyên: (...) Anh hãy xem trong toàn dân những ai là người có tài, biết kính sợ Thiên Chúa, đáng tin cậy, không ham của bất chính, thì đặt họ làm người chỉ huy: điều khiển một ngàn hay một trăm, năm mươi hay mười người. Họ sẽ thường trực xử kiện cho dân; việc nào lớn thì họ trình lên anh, còn việc nhỏ thì chính họ xử lấy” (Xh 18,14-22).

[2] Xem Hội đồng Tòa Thánh “Công lý & Hòa bình”, Compendium …, số 185-186.

[3] Xem Thánh Tôma, In Pol., II, 5.

[4] Dante, De Monarchia, I, 14.

[5] Xem J. Hưffner, La dottrina sociale cristiana, Milano, 1986, tr. 39-43; A. Cuadron (Coord.), Manual de doctrina social de la Iglesia, Madrid, 1993.

[6] Leo XIII, Tân Sự, 19 & 33.

[7] Ibidem, 32.

[8] Pio XI, Tứ Thập niên, 80.

ơ Xem Gioan XXIII, Mẹ và Thầy, số 47-55.

[10] Gioan XXIII, Hoà bình trên thế giới, số 74.

[11] TĐ Bách Chu niên, số 48; Xc. Thập Tứ niên, số 184-186.

[12] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1883-1885.

[13] Leô XIII, Tân Sự, số 26.

[14] Gioan XXIII, Mẹ và Thầy, 39.

[15] Ibidem, số 42.

[16] Gioan XXIII, Pacem in terris, 74.

[17] Gioan Phaolô II, B\ách Chu niên, số 15.

[18] Ibidem, số 48.

[19] Ibidem, số 42.

[20] Ibidem, số 35.
 
Tin Đáng Chú Ý
Pháp luật Việt Nam 'gần đội sổ châu Á'
BBC
09:55 15/09/2008
Việt Nam gần 'đội sổ' về môi trường pháp lý ở châu Á theo điều tra của Perc, tổ chức tư vấn chuyên đánh giá rủi ro kinh tế và chính trị.
Trong báo cáo mới nhất ra tuần này, Perc đặt Hong Kong và Singapore lên đầu bảng, trên cả Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Philippines trong khu vực.

Còn Việt Nam, với 8.10 điểm, chỉ trên được nước kém nhất là Indonesia (8.26).

Trả lời BBC Tiếng Việt hôm 15/09, ông Robert Broadfoot, giám đốc điều hành cơ quan ra báo cáo nói từ Hong Kong rằng điều tra của Perc chỉ tập trung vào các doanh nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Vì thế, ông chia sẻ ý kiến rằng môi trường pháp lý kém như Việt Nam có thể được một số doanh nhân địa phương coi là 'tốt' và dễ làm ăn.

Perc đã hỏi tổng cộng 1537 nhân vật lãnh đạo (executives) các doanh nghiệp nước ngoài ở châu Á để nghe đánh giá của họ về các chỉ số như việc bảo vệ sở hữu trí tuệ và nạn tham nhũng.

Perc cũng cho rằng tại Việt Nam và Trung Quốc (7.25) chính trị can thiệp mạnh vào môi trường pháp lý và "đảng cộng sản đứng trên pháp luật".

Họ cũng nêu ra mối liên hệ giữa hệ thống pháp lý và các vấn đề như tham nhũng và bảo vệ tác quyền:

"Các hệ thống pháp luật tốt hơn thường đi đôi với việc bảo vệ sở hữu trí tuệ tốt hơn, tham nhũng ít hơn và nền kinh tế giàu mạnh hơn."

Dân chủ hay độc đoán?

Tuy nhiên, ông Broadfoot nói với BBC rằng hệ thống chính trị độc đảng hay dân chủ không nhất thiết thể hiện trong việc đánh giá môi trường pháp lý.

Bảng xếp hạng của Perc

Hong Kong 1.45
Singapore 1.92
Nhật Bản 3.50
Hàn Quốc 4.62
Đài Loan 4.93
Philippines 6.10
Malaysia 6.47
Ấn Độ 6.50
Thái Lan 7.00
Trung Quốc 7.25
Việt Nam 8.10
Indonesia 8.26

Ông nói Hong Kong dù thuộc Trung Quốc và các quyết định cuối cùng là do chế độ cộng sản ở Bắc Kinh duyệt nhưng có nền pháp lý đặc trưng đáng tin cậy.

Singapore theo chế độ độc đảng nhưng chính quyền lại thúc đẩy chống tham nhũng trong giới quan chức và cho áp dụng luật pháp rất chặt chẽ.

Bởi thế, như ví dụ của Việt Nam, ông nói chính việc không thi hành luật nghiêm minh ở các cấp địa phương, nơi tham nhũng cũng rất cao là yếu tố khiến toàn bộ hệ thống luật pháp bị coi là còn rất yếu kém.

Ông nói: "Trong nhiều trường hợp như ở Trung Quốc và Việt Nam thì chính quyền địa phương gây sức ép lên các toà án, và chính công an cấp địa phương dính vào tham nhũng, trong nhiều trường hợp thì cấp trung ương không tác động được đến họ."

Tất nhiên so với Trung Quốc thì ông Broadfoot cho rằng Việt Nam có một lợi thế rằng Việt Nam là nước nhỏ hơn nên sự lãnh đạo cấp toàn quốc có thể đến cấp địa phương nhanh hơn, nhưng việc thi hành luật ở địa phương vẫn là một vấn đề.

Ông cho rằng dù chính quyền trung ương ở Việt Nam đã nỗ lực cải tổ hệ thống pháp lý trong những năm qua nhưng còn phải rất lâu, thậm chí hàng chục năm Việt Nam mới có môi trường tốt được.


 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Cái Cò
Lm. Tâm Duy
00:12 15/09/2008

CÁI CÒ



Ảnh của Lm. Tâm Duy

Cái cò lặn lội bờ sông

Cổ dài mỏ cứng cánh cong lưng gù

Bãi xa sông rộng sóng to

Vì lo cái bụng đi mò cái ăn.

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền