Ngày 14-09-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 15/09: Tại sao Mẹ Sầu Bi? – Lễ Đức Mẹ Sầu Bi – Lm. Giuse Đỗ Tuấn Anh, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
00:58 14/09/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan

Khi ấy, đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:58 14/09/2023

29. Đoan chính là đức hạnh duy trì phong độ chắc chắn, đúng đắn và uy nghiêm của linh hồn và thân xác.

(Thánh John Berchmans)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:01 14/09/2023
49. TIỆN MỒM ỨNG ĐỐI

Văn Hoàng đã từng ứng đối với học sĩ Giải, nói:

- “Có người viết câu “sắc nản” rất là khó đối”.

Học sĩ Giải lập tức trả lời:

- “Quá dễ”.

Đợi một lúc sau Văn Hoàng không thấy học sĩ Giải viết xuống câu đối, nói:

- “Mặc dù nói rất dễ, sao lại ứng đối chậm quá vậy?”

Giải học sĩ trả lời:

- “Tôi vừa mới đối đó”.

Văn Hoàng mới sực tỉnh ngộ và cười ha ha.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 49:

Người thông minh thì ứng đối giỏi, người bình tĩnh thì luôn giải quyết tình huống cách tốt đẹp. Đem “quá dễ” đối với “quá khó” trong câu nói thông thường thì quả là người thông minh và bình tĩnh.

Cuộc đời là một câu đối đầy ẩn số mà chỉ những ai có tinh thần khiêm tốn của Phúc Âm mới có thể ứng đối được: thánh thiện đối với tội lỗi, khiêm tốn đối với kiêu ngạo, rộng rãi đối với ích kỷ, yêu thương đối với ghen ghét.v.v…

Đức Chúa Giê-su đã dùng đau khổ và sự chết của mình để đối lại với sự dữ đang hoành hành trên thế gian, để nhân loại nhờ ân sủng của Ngài để chiến thắng ma quỷ và những cám dỗ của nó.

Văn Hoàng phải ngẫm nghĩ rất lâu mới hiểu được câu đối của học sĩ Giải, cũng vậy, người Ki-tô hữu phải biết cầu nguyện liên lĩ để hiểu biết mầu nhiệm khổ đau và yêu thương của Đức Chúa Giê-su, để trong cuộc sống họ có đủ sức mạnh để đối đầu với những cám dỗ…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Vì sao phải quảng đại tha thứ?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
05:24 14/09/2023

VÌ SAO PHẢI QUẢNG ĐẠI THA THỨ?
(Chúa Nhật XXIV TN A)

Tha thứ là một chủ đề không có gì mới lạ. Đã là con người thì phải biết tha thứ. Đây là một trong những đức luân lý nhân bản. Và tôn giáo nào cũng dạy con người sống phải biết đại lượng, khoan dung, tha thứ cho người lỗi phạm đến mình. Sự oán ghét, hận thù thỉnh thoảng có mặc chiếc áo của sự công bình làm con người thấy hả hê khi kẻ có tội phải bị đền nợ. Thế nhưng điều ấy chẳng thể thực sự “có hậu” vì “lấy oán trả oán thì oán oán chồng chất”. Vấn đề đặt ra là vì sao chúng ta phải quảng đại tha thứ cho nhau và cần phải tha thứ mãi mãi như Chúa Giêsu khẳng định với Phêrô là đến bảy mươi lần bảy?

Phụng vụ Lời Chúa ngày Chúa Nhật XXIV TN A, đặc biệt bài trích Sách Huấn ca và bài trích Tin Mừng Thánh Matthêu đã nêu rõ nguyên nhân khiến chúng ta phải tha thứ cho nhau cách quảng đại và mãi mãi đó là vì chúng ta cũng là kẻ có tội và đã được Thiên Chúa không ngừng tha thứ cách quảng đại. Đồng thời việc tha thứ cho nhau còn là điều kiện như tất yếu để nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Chúng ta đều là kẻ có tội. Đã là người ít có ai dám to gan khẳng định mình vẹn sạch, không vương bẩn tội nhơ. Mọi thứ tội mà chúng ta phạm đến Thiên Chúa đều to lớn và nặng nề như món nợ không bao giờ có thể trả được. Mười ngàn nén vàng mà anh đầy tớ mắc nợ nhà vua theo câu chuyện dụ ngôn Chúa Giêsu kể là một minh họa. Mức độ nặng nhẹ của tội mà chúng ta phạm không nguyên chỉ căn cứ vào loại tội gì mà còn căn cứ vào người mà chúng ta xúc phạm. Mọi tội lỗi của chúng ta đều xúc phạm đến chính Thiên Chúa, vì chúng ta đã cố tình đi ngược với đường lối Người chỉ dạy, làm trái với giới răn Người ban truyền. Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành đã dựng nên muôn vật muôn loài và dựng nên chúng ta từ hư vô. Người còn là Người cha chí ái đã yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban chính Con Một cho chúng ta. Chính vì thế bất cứ thứ loại tội nào dù lớn hay bé, dù mặt này hay khía cạnh kia, khi đã xúc phạm đến Đấng Toàn Năng và Toàn Thiện thì đều đáng chịu “tru di cửu tộc”.

Thế mà Thiên Chúa lại tỏ bày tình yêu, lòng khoan dung nhân hậu với chúng ta không bút nào tả xiết. Người đã yêu thương nhân loại chúng ta đến nỗi trao ban chính Người Con Một để chúng ta được thứ tha, được hòa giải với Người và dĩ nhiên là để cho chúng ta được hưởng gia tài là hạnh phúc vĩnh cửu. Thánh Gioan Tông đồ quả quyết chính Thiên Chúa đã đi bước trước trong việc yêu thương chúng ta. Thánh Phaolô cũng đã khẳng định rằng Chúa Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là kẻ phản nghịch. Anh đầy tớ mắc món nợ kếch xù trong câu chuyện dụ ngôn, không xin tha mà chỉ xin cho khất nợ một kỳ hạn, thì đức vua lại chạnh lòng thương cho anh về và xí xóa luôn cả món nợ kếch xù ấy. Lòng xót thương tha thứ của Thiên Chúa là thế đó. Đức Bênêđictô XVI trong Thông Điệp đầu triều đại Giáo hoàng của Ngài, Thông điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” đã nhận định: Tình yêu của Thiên Chúa như chống lại sự công minh của Người (số 10).

Một định luật tất yếu: Nước trên nguồn tuôn đổ dạt dào thì nó cần phải được chảy xuôi về hạ lưu. Đã đón nhận tình yêu tha thứ cách dồi dào và nhưng không, thì chúng ta phải biết yêu thương tha thứ cho nhau cách quảng đại và mãi mãi. Tuy nhiên một thực tế dường như không thể chối cãi, đó là dòng suối ân tình tha thứ đã từng bị chặn đứng bởi tấm lòng hẹp hòi, nhỏ nhen của chúng ta trước lầm lỗi của tha nhân. Cần xác định rằng mọi lỗi lầm mà tha nhân phạm đến chúng ta đều chỉ là món nợ lẻ, không đáng kể. Chúng ta cũng chỉ là thọ tạo như tha nhân không hơn không kém. Chúng ta đồng thời cũng là những tội nhân đầy hạn chế và bất toàn và hơn nữa cái tình mà chúng ta dành cho tha nhân lại có giới hạn, chính vì thế những lỗi lầm mà tha nhân xúc phạm đến chúng dù ở mức nào đi nữa thì chẳng đáng là bao. Thế mà như người đầy tớ vừa được tha một món nợ kếch xù trong chuyện dụ ngôn, chúng ta nhiều khi lại ghim gút lỗi lầm của tha nhân đến độ có hành vi nhẫn tâm và tàn ác dường như không thể tưởng.

Một định luật tất yếu thứ hai: Khi dòng chảy bị chặn thì nguồn nước sẽ trào lênh láng ra ngoài. Dù Thiên Chúa đã ban ơn tha thứ nhưng chúng ta sẽ không nhận được hồng ân ấy, nếu chúng ta khép lòng từ tâm của mình trước tha nhân. Xin cùng nhau ngẫm nghĩ Lời Chúa trong Sách Huấn ca: “người với người cứ nuôi lòng hờn giận, thế mà lại xin Đức Chúa chữa lành! Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó?” (Hc 28,3-5). Chúa Giêsu kết thúc câu chuyện dụ ngôn bằng những lời sau: “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế (tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông), nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35). Trước đó, khi dạy các môn đệ cầu nguyện với Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu cũng đã khẳng định điều tương tự: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 14-15).

Là Kitô hữu Công Giáo, chúng ta đã từng nhiều lần đến tòa cáo giải. Căn cứ vào lời khẳng định của Chúa Giêsu thì vẫn có đó nhiều người dù đã xưng thú tội lỗi, đã nhận được lời xá giải: “Cha tha tội cho con…”, nhưng tội họ vẫn còn đó, nghĩa là chưa nhận được hồng ân tha thứ của Thiên Chúa, tất thảy chỉ vì họ chưa thực lòng tha thứ cho tha nhân, những người đã lỗi phạm đến họ.

(Ban Mê Thuột)
 
Phúc cho người biết thứ tha
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
06:49 14/09/2023


Nhiều nghiên cứu y học cho thấy sự tức giận gây nhiều tác hại nghiêm trọng lên sức khỏe như gây hại cho tim mạch, tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ, tổn hại gan, viêm loét dạ dày, làm suy giảm hệ miễn dịch, rút ngắn tuổi thọ và nhiều chứng bệnh khác… Ngoài ra, giận hờn còn gây xáo trộn tâm lý, khiến người ta cảm thấy bực bội, mất ăn mất ngủ, rồi trút nỗi bực dọc của mình lên đầu những người vô tội chung quanh.

Như vậy, giận hờn người khác là tự hủy hoại sức khỏe mình, tự rước bệnh vào thân, làm cho cuộc đời bất hạnh.

Tuy nhiên, muốn giải tỏa mọi thứ giận hờn để sống khỏe mạnh và hạnh phúc là điều không dễ.

Qua Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su đề ra một giải pháp tốt đẹp giúp ta xóa bỏ giận hờn, tìm lại bình an cho tâm hồn, đó là hãy tha thứ để được Thiên Chúa thứ tha.

Giải pháp nầy được Chúa Giê-su trình bày qua dụ ngôn sau đây:

Một tên đầy tớ mắc nợ vua một món nợ khổng lồ. Vua truyền cho anh ta phải tự bán thân mình, cùng với tất cả gia tài vốn liếng, bán luôn cả vợ con để trả cho hết nợ.

Anh khẩn khoản nài xin vua cho khất nợ một thời gian… Thấy thế, vua động lòng thương xót, tha hết nợ cho anh.

Thế rồi, khi anh ta vừa ra khỏi công đường, gặp một người bạn mắc nợ anh một số tiền nhỏ, anh túm lấy và buộc người đó phải trả nợ ngay. Người nầy cũng khẩn thiết nài xin anh cho khất một thời gian. Anh không chấp nhận, tống giam người bạn kia vào ngục.

Khi nghe biết sự việc đó, vua truyền cho anh đến và bảo:

“Hỡi tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta. Sao ngươi không tha nợ cho bạn người như ta đã tha cho ngươi? Thế rồi vua nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày trả hết nợ cho ông.”

Rồi Chúa Giê-su kết luận: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35).

Như vậy, nếu không tha thứ cho người khác, chúng ta phải gánh lấy hậu quả đáng sợ biết chừng nào!

Có tha thứ thì mới được thứ tha là một điều kiện phải có để được tha tội. Luật nầy được Chúa Giê-su lặp lại nhiều lần:

Khi dạy ta cầu nguyện với Chúa Cha, Chúa Giê-su nói:

“Xin Cha tha tội cho chúng con cũng như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con.” Rồi Chúa Giê-su diễn giải rõ ràng minh bạch ý nguyện nầy như sau:

“Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6,12-15).

Và qua Tin mừng Luca, Chúa Giê-su dạy tiếp:

“Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6, 37).

Như thế, khi giận hờn người khác mà không sẵn lòng tha thứ cho nhau, người ta sẽ rước họa vào thân, tự đày đọa thân xác mình, làm cho cuộc sống mất bình an và điều tai hại nhất là không được Thiên Chúa tha tội cho. Vậy thì chúng ta phải xóa bỏ giận hờn và sẵn sàng tha thứ cho nhau.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho chúng con biết noi gương Chúa, không giận hờn oán trách ai và sẵn sàng tha thứ cho những người xúc phạm chúng con như Chúa đã tha thứ cho những kẻ lăng nhục và kết án Ngài trên thập giá. Amen.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 
Đâm thấu tâm hồn
Lm. Minh Anh
13:55 14/09/2023

ĐÂM THẤU TÂM HỒN
“Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà!”.

Một câu nói rất nổi tiếng nhưng khá khó hiểu mà hầu như không ai biết xuất xứ của nó, “A mother is only as happy as her saddest child!”, tạm dịch, “Một người mẹ chỉ có thể hạnh phúc bằng đứa con kém hạnh phúc nhất của mình!”. Phải chăng, nhiều người mẹ tin rằng, hạnh phúc ‘của họ’ phụ thuộc vào hạnh phúc ‘của con cái’ họ! Hạnh phúc của bà có giỏi cũng chỉ ‘ngang bằng’ hạnh phúc của đứa con kém hạnh phúc nhất!

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay Giáo Hội kính lễ Mẹ Sầu Bi. Phải chăng, hạnh phúc của Mẹ Maria phụ thuộc hoàn toàn vào hạnh phúc của Chúa Giêsu, chứ không phụ thuộc vào một điều gì khác. Giêsu vui, Mẹ vui; Giêsu buồn, Mẹ buồn; Giêsu tan nát, Mẹ nát tan! Nát đến mức gươm ‘đâm thấu tâm hồn!’.

Mọi sự sống đều phải leo lên đồi Canvê của nó! Mỗi tâm hồn có ‘nỗi đau kín’ của nó! Giêsu, Đấng ‘rất Chúa và rất người’ cũng thế. Do sự hoàn hảo ‘rất Chúa’, đau khổ của Ngài càng rất sâu sắc. Vì thế, chỉ một ai đó ‘hoàn hảo tương tự’ mới có thể đi vào nỗi đau của Ngài. Một ai đó chỉ có thể là Maria, một người hoàn hảo được Thiên Chúa tiền định từ tạo thiên lập địa! Mẹ không phải là một ‘Nữ Thần’, nhưng là một ‘Evà mới’ hoàn hảo, nên có thể thấu cảm hoàn hảo nhất nỗi đau của Người Con Hoàn Hảo. Điều này dẫn Mẹ đến nỗi ‘sầu chung’ với Con, nỗi sầu linh ứng điều đã hé lộ hơn ba thập kỷ trước, “Một lưỡi gươm sẽ ‘đâm thấu tâm hồn’ Bà!”. Và đó là ý nghĩa của lễ Đức Mẹ Sầu Bi!

Những hình ảnh đạo đức cho thấy trái tim Maria bị xuyên thâu bởi bảy lưỡi gươm, tượng trưng cho “Bảy Sự Thương Khó Đức Mẹ” mà một số giáo xứ truyền thống vẫn giữ thói quen “Làm Việc Đức Mẹ” cuối tuần với tràng chuỗi “Bảy Sự”. Qua đó, ‘bảy mầu nhiệm sầu bi’ được ngắm. Maria hoàn hảo, nhưng xem ra ‘đời Mẹ’ không hoàn hảo! Từ buổi đầu, Mẹ đã nghe xóm diềng xì xào... cho đến phút cuối dưới chân Con; Mẹ đã sống một cuộc sống thực với những bi kịch thật của một phận người thật. Thế nhưng, nỗi đau xé lòng nhất Mẹ cảm nhận chính là xác chết rách bươm của Con mà Mẹ ôm vào lòng. Đó là “kiếp phàm nhân” Mẹ cùng Con trải nghiệm như tác giả thư Do Thái hôm nay nói đến.

Anh Chị em,

“Một lưỡi gươm sẽ ‘đâm thấu tâm hồn’ Bà!”. Lưỡi gươm ấy đang tiếp tục ‘đâm thấu tâm hồn’ Maria, Mẹ Hội Thánh và những con cái của Mẹ. Mẹ bị vắt kiệt bởi cùng một nỗi đau đang vắt kiệt từng phận người. Dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai, nguội lạnh, thiếu thốn hồn xác trăm bề… và chúng ta tin, tình yêu sâu đậm của Mẹ dành cho Chúa Giêsu cũng đang dành cho mỗi người chúng ta. “Hạnh phúc của Mẹ có giỏi cũng chỉ ‘ngang bằng’ hạnh phúc của đứa con kém hạnh phúc nhất!”. Vậy đừng nghi ngờ! Trái tim Mẹ bùng cháy lòng trắc ẩn khi Mẹ nhìn chúng ta đau khổ trăm bề lúc này, cả khi khổ đau vì một tội lỗi nào đó. Tình yêu Mẹ đang ngập tràn trái tim chúng ta; và qua chúng ta, Mẹ mong nó tràn vào cuộc sống của người khác. Hãy để tình yêu, sự quan tâm và thuỷ chung của Mẹ chảy qua tim mình. Hãy nhận nó vào trong và sau đó, cho phép nó chảy ra!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Mẹ Maria, mỗi tâm hồn có ‘nỗi đau kín’ của nó! Chớ gì nỗi đau của anh chị em con cũng là nỗi đau ‘đâm thấu tâm hồn’ con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Đức Mẹ Sầu Bi - Đức Mẹ Anh Hùng
Lm. Nguyễn Xuân Trường
22:03 14/09/2023
Đức Mẹ SẦU BI – Đức Mẹ ANH HÙNG

Lễ Đức Mẹ Sầu Bi cho thấy hình ảnh Đức Mẹ anh hùng: Mẹ tận mắt chứng kiến người con trai trẻ duy nhất của mình chết tang thương trên thập giá, vậy mà Mẹ vẫn không rụng rời chân tay, không rũ rượi quỵ ngã, trái lại, Mẹ vẫn ĐỨNG anh hùng bên thánh giá Chúa. Vì sao?

Mẹ anh hùng vì Mẹ tin tưởng mãnh liệt Con của Mẹ chết là chết cho chính nghĩa, cứu cả nhân loại tội lỗi. Con của Mẹ có chết nhưng sẽ sống lại. Con của Mẹ sẽ chiến thắng tử thần.

Mẹ anh hùng vì tình yêu mãnh liệt tạo cho Mẹ sức mạnh. Giữa gian khó, cảm xúc làm cho người ta yếu mềm, còn tình yêu lại làm cho người ta mạnh mẽ. Mẹ cần sức mạnh để thi hành thiên chức làm Mẹ ôm ấp che chở đoàn con của cả Giáo hội.

Hãy đón Mẹ về nhà mình để Mẹ chở che nâng đỡ ta, và để ta học bước theo Mẹ: giữa những đau thương cuộc đời, ta không gục ngã mà vẫn ĐỨNG anh hùng như Mẹ, vì ta vững một niềm tin yêu vào Chúa, vào Mẹ chở che nâng đỡ. Amen.

(Bắc Ninh)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chúa Giêsu là Đường và Tính đồng nghị
Vũ Văn An
15:23 14/09/2023

Tiến sĩ Angela Franks là một nhà thần học, diễn giả, nhà văn và là mẹ của sáu đứa con. Bà phục vụ với tư cách là Giáo sư Thần học tại Chủng viện St. John ở Boston và là Nghiên cứu viên Cao cấp tại Viện Abigail Adams ở Cambridge. Bà giữ mục Đời Sống và Phẩm Giá cho tạp chí Church Life Journal của Đại học Notre Dame. Trên tạp chí The Thomist số 87, bà có bài “Jesus the Way and Synodality” (https://whatweneednow.substack.com/p/jesus-the-way-and-synodality):



Khi tôi được yêu cầu viết về tính đồng nghị cho The Thomist, một tạp chí học thuật, tôi đã cố gắng từ chối. Tôi đã không say mê theo dõi các diễn biến, nhưng tôi đã lưu ý rất nhiều xã hội học, nói chung thuộc loại thế phẩm chất lượng kém, cũng như sự vắng mặt rõ rệt của tên Chúa Giêsu Kitô ở đó.

Tuy nhiên, chủ bút đã thắng thế, và vì tội lỗi của mình, tôi quyết định có một cái nhìn mới về chủ đề này. Tôi lấy điểm khởi đầu của mình từ từ nguyên của chữ synod, như một con đường (hodos) cùng đi với nhau (syn). Khi thăm dò chữ “con đường” trong Kinh thánh, tôi đã phát hiện ra một số hướng dẫn quan trọng để hiểu về tính đồng nghị, vốn đã vươn lên bình diện Kitô giáo thực sự (trái ngược với bình diện xã hội học đơn thuần). Trong tiểu luận này, tôi sẽ tóm tắt những hướng dẫn đó.

I. Người nhắc đến chữ “con đường” rõ ràng nhất là chính Chúa Kitô, Đấng là “Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14:6). Nhưng chữ “con đường” lần đầu tiên được tìm thấy trong Kinh thánh tiếng Do Thái, nói về đường lối chính trực của Thiên Chúa, được ban cho dân Israel trong luật pháp của Người. “Vì Chúa hằng che chở nẻo đường người công chính, còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong” (Tv 1:6). “Đường kẻ lành đi là đường ngay thẳng, lối kẻ hiền theo là lối Chúa san bằng” (Is 26:7). Ngôn ngữ này được phát triển trong Tân Ước. “Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính...” (Mt 21:32). “Chúng đã bỏ con đường ngay thẳng mà lạc lối, đi theo con đường của Balaam, con trai Bôsô, là kẻ ưa thích được trả tiền công vì làm điều ác…” (2 Pr 2:15). “Con đường ngay thẳng” hay “con đường công chính” gắn liền với việc tuân theo lề luật của Thiên Chúa. ““Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7:13-14).

Chúa Kitô tiếp thu những lời khuyên dạy này về sự công chính và kết nối chúng với Bản vị của Người; bây giờ con đường công chính không chỉ là vấn đề tuân theo lề luật của Thiên Chúa mà là đi theo Con Đường là chính Người. Ngay cả những người Pharisiêu cũng thừa nhận rằng Chúa Giêsu “thành thật và [dạy] đường lối của Thiên Chúa phù hợp với sự thật” (Mt 22:16), nhưng Người còn hơn thế nữa: Người chính là Đường.

Tính triệt để của tuyên bố này thậm chí có thể được hiểu rõ hơn bằng cách nhìn vào bối cảnh của Gioan 14, trong đó, Chúa Giêsu tự xưng là Đường.

Chúa Giêsu dạy: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường [hodon] rồi” (Ga 14:1–4)

Đến đây, chúng ta (đã biết phần cuối câu chuyện) có thể nghĩ rằng Chúa Giêsu đang nói về con đường Thập Giá, Phục Sinh và Lên Trời của Người. Nhưng Tôma, với đặc sủng nói to lên những gì người khác nghĩ, đã thúc đẩy câu chuyện diễn ra một cách đáng ngạc nhiên.

Ông Tôma thưa: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu; làm sao chúng con biết được đường đi [hodon]?” Chúa Giêsu nói với ông: “Thầy là đường [Egō eimi hē hodos], là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy. Nếu các con biết Thầy thì các con cũng biết Cha Thầy; ngay từ bây giờ, các con biết Người và đã thấy Người” (Ga 14:5–7).

Câu trả lời của Chúa Giêsu cho chúng ta biết rằng câu 4 và 6 giải thích lẫn nhau. Con-đường-Chúa-Giêsu-đi cũng là một với chính Người. Người là Con-đường-Người-đi, khi Người đích thân đi tới Chúa Cha. Chúa Giêsu không chỉ là con đường cho chúng ta, theo nghĩa một tấm gương để chúng ta noi theo (dù Người cũng là như vậy). Chính Người là con đường. Người là một danh từ nhưng theo một nghĩa nào đó, Người cũng là một động từ, là chính việc bước đi.

Tuyên bố này đơn giản là không thể hiểu được - như các Tông đồ dường như nhận thấy - nếu không hiểu một nền thần học Ba Ngôi nào đó (vì vậy hãy thắt dây an toàn). Theo Thánh Tôma Aquinô, Các Ngôi trong Ba Ngôi là “những mối quan hệ tồn hữu”. Để hiểu điều này, bạn cần biết sự phân biệt do Aristốt đưa ra giữa bản thể và những tùy thể. Như Thánh Tôma giải thích về Aristốt, các bản thể tự hiện hữu, như “một hữu thể” hoặc “điều này”. Nói cách khác, là con ruồi giấm này, là con người đó, là cây phong này. Tốt, nhưng điều gì không “tự hiện hữu” như “điều này”? Chà, đối với một số người có thể là “accidents”.

Đối với các triết gia, “accidents” không có nghĩa là làm rơi ly cà phê hay đụng xe. “Accidents” (tùy thể) là một điều gì đó phụ thuộc vào một bản thể để hiện hữu. Màu sắc chẳng hạn: cây phong này chuyển sang màu vàng vào mùa thu. Nhưng màu vàng không phải là thứ bạn hướng tới, hay là bạn phải mất một ngày để đi tham quan. (“Cuối tuần này bạn làm gì?” “Ồ, tôi đang lái xe lên để xem màu vàng.” “mà, màu vàng chứ?”) Bạn không nhìn vào màu vàng; bạn nhìn vào những thứ màu vàng. Màu sắc, giống như màu vàng, chỉ hiện hữu trong sự vật, tức là trong các bản thể. Vì vậy, màu sắc không “tự hiện hữu” mà chỉ hiện hữu “trong sự vật” - trong các bản thể mà cách tự hiện hữu đặc thù của chúng còn được gọi là tồn hữu (subsisting). Các bản thể tồn hữu, trong khi các tùy thể hiện hữu nơi hữu thể khác.

Các mối liên hệ đều là tùy thể; bạn không gặp tình phụ tử, thay vào đó bạn gặp những con người (bản thể!) là những người cha (các mối liên hệ). Ngoại lệ chứng tỏ quy luật, ngoại lệ đó là… Ba Ngôi. Trong Thiên Chúa, có những mối liên hệ hành động như những bản thể, bởi vì những mối liên hệ này tồn hữu. Nói cách khác, Chúa Cha không phải là một người (rất, rất, rất) to lớn nào đó đồng thời cũng là một người cha. Tư cách cha trong Thiên Chúa không phải là một tùy thể. Thực ra, không có gì nơi Thiên Chúa là tùy thể cả; Người hoàn toàn đơn giản. Như Thánh Tôma nói, “bất cứ điều gì ở trong Thiên Chúa đều là Thiên Chúa”. Điều ở trong chúng ta là tùy thể – mối liên hệ – trong Thiên Chúa đơn giản là chính Người. Thiên Chúa không có tình yêu (như chúng ta); Người chính là tình yêu, đồng nhất với tình yêu (xem I Ga 4:8).

Như vậy, Thiên Chúa Cha tự sinh ra chính mình, từ thuở đời đời, sinh ra Chúa Con và thở ra Chúa Thánh Thần. Đây không phải là những hành động rời rạc mà đơn giản là đồng nhất với chính Thiên Chúa Cha. Theo nghĩa đó, khía cạnh “động từ” và khía cạnh “danh từ” của Ba Ngôi—Việc hành động và việc hiện hữu của Các Vị—đơn giản là đồng nhất.

Cũng vậy, Chúa Con đơn giản mối liên hệ làm con (filiation), được Chúa Cha sinh ra và là việc thổi ra Chúa Thánh Thần. Nhưng còn một điều khác về Chúa Con: Người nhập thể thành Chúa Giêsu Kitô bằng cách mang lấy bản chất con người vào Ngôi vị của Người. Như là Thần-nhân, Chúa Giêsu nói với Tôma rằng Người là con đường mà ngài sẽ đi. Người có thể như vậy chính vì từ đời đời Người là sự tiếp nhận vĩnh viễn quyền làm con từ Chúa Cha. Như đoạn Gioan 14 tiếp tục, “Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 14:12).

Joseph Ratzinger gọi đây là “hữu thể xuất hành” của Chúa Giêsu; tôi gọi nó là bản chất-véctơ của Chúa Kitô. Toàn bộ sự hiện hữu của Chúa Giêsu là con đường dẫn tới Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Là Đấng được Chúa Cha sai đến thế gian và sẽ về cùng Chúa Cha (Ga 14:28), Người vừa là Đấng được sai đi vừa là chính Con đường của sai đi và bước đi.

Chúng ta dường như đang ở rất xa “tính đồng nghị”. Và quả thực, đó có thể là một phần của vấn đề. Hodos mà Chúa Giêsu xem ra dường như quá xa vời với tâm trí của mọi người khi họ viết và nói về tính đồng nghị. Tuy nhiên, để trở thành Kitô hữu trọn vẹn, chúng ta phải thừa nhận rằng bất cứ “con đường” nào của tính đồng nghị đều phải bắt nguồn từ Chúa Kitô là Đường, trong Người mà chúng ta là Kitô hữu phải “sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17:28).

Là Kitô hữu, chúng ta được kêu gọi để đồng hình đồng dạng, một cách xa xôi, với việc Chúa Con đến và đi từ và tới Chúa Cha: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20:21); và phù hợp với sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần: “[Chúa Giêsu nói:] 'Như Kinh thánh đã nói: “Sông nước sống sẽ chảy ra từ lòng người tin.”' Bây giờ, Người nói điều này về Chúa Thánh Thần, Đấng mà những người tin vào Người phải đón nhận…” (Ga 7:38–39). Như Ratzinger lưu ý, “Trở thành một Kitô hữu có nghĩa là giống như Chúa Con, trở thành một người con; nghĩa là không đứng một mình và trong chính mình, mà sống hoàn toàn cởi mở trong tư thế ‘từ’ và ‘hướng tới’”.

Có lẽ vì lý do này mà Giáo hội của các Tông đồ đã nhanh chóng được gọi là “con đường” [đạo] (Cv 9:2). Giáo Hội hiện hữu để là con đường dẫn tới Con Đường là Chúa Kitô. Ở đây, tất cả ngôn ngữ Cựu Ước về “con đường công chính” đều tìm thấy vị trí của nó trong Giáo hội, bởi vì người Do Thái biết rằng không phải mọi con đường đều phù hợp với đường lối của Thiên Chúa. “Chúa phán thế này: Này Ta đặt trước mặt các ngươi con đường sống và con đường chết” (Grm 21:8; xem Đnl 30:15). Trong Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô trích dẫn Is 59:8: “Chúng nhanh chân đi đổ máu người ta, đi tới đâu cũng gieo tai rắc hoạ. Chúng chẳng biết con đường đưa tới bình an” (Rm 3:15-17). Bối cảnh trong thư Rôma 3 nhằm nhấn mạnh rằng tất cả đều thiếu sót và cần có sự cứu chuộc do máu Chúa Kitô. Chỉ trong Chúa Kitô, chúng ta mới có thể tìm được con đường bình an, bởi vì chỉ trong Chúa Kitô mới có sự cứu rỗi (xem Cv 4:12).



Theo Người đòi hỏi một lối sống nhất định. “Thật vậy, Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện. Vậy ai khinh thường những lời dạy trên, thì không phải khinh thường một người phàm, nhưng khinh thường Thiên Chúa; Đấng hằng ban cho anh em Thánh Thần của Người (I Tx 4:7–8). Thân xác của người Kitô hữu là một phần của thân thể Chúa Kitô và là đền thờ của Chúa Thánh Thần (xem I Cr 6:17–19). “Vì bạn đã được mua bằng một giá đắt; vậy hãy lấy thân xác mình mà tôn vinh Thiên Chúa” (I Cr 6:20). Như Israel vốn biết, Giáo hội cũng lặp lại rằng có con đường công chính và con đường chết chóc.

Thánh Phaolô đã đích thân trải nghiệm điều này, đã trải qua cả hai con đường. Ngay sau khi nhận được những lá thư để bách hại Giáo hội, những người “của Con Đường” (tēs Hodou, Cv 9:2), chính ngài, như Ananias đã cho thấy, là người nhận được sự hiện ra của Chúa ở “trên đường” (en tē hodō, 9:17) đến Đamát. Điều được dự định là cuộc hành trình đi đến cái chết của Giáo hội lại trở thành cuộc hành trình dẫn đến sự sống cho Thánh Phaolô và cho các dân tộc, trong lòng con đường giáo hội được đại diện bởi Ananias, người chữa lành và rửa tội cho ngài, và bởi Barnabas, người biện hộ cho ngài (xem 9:27). Thánh Phaolô viết và hành động như ngài đã làm một phần là để bảo vệ các bước đi của Giáo Hội non trẻ, để Giáo Hội có thể vững bước đi trên con đường dẫn tới Con Đường.

Như thế, bất cứ phiên bản nào của tính đồng nghị nếu bỏ qua cả Chúa Kitô là Đường Đi lẫn đời sống luân lý là con đường dẫn đến Người đều không đạt đến bình diện syn-hodos, con đường cùng nhau bước đi.

Nhưng còn việc lắng nghe, sự đa dạng và sự đồng hành, những khẩu hiệu được lặp đi lặp lại thì sao? Chúng thích ứng ra sao? Trên thực tế, Gioan 14 cũng giúp chúng ta hiểu được chúng. Câu 2 nói đến việc có nhiều chỗ ở trong nhà Cha. Theo truyền thống, khía cạnh này của Giáo hội được thể hiện bằng một “dấu hiệu” của Giáo hội, đó là “tính Công Giáo” hay “tính phổ quát”. Giáo Hội Công Giáo không phải là một tổ chức dựa trên địa lý, quốc gia hay giai cấp; nó dành cho tất cả mọi người, ở mọi thời điểm và địa điểm. Kitô giáo dành cho “tất cả các dân tộc” (Mt 28:19), và Chúa Kitô ở với chúng ta “mọi ngày” (Mt 28:20).

Như Hans Urs von Balthasar đã nói, mỗi Kitô hữu, nhờ phép rửa, nhận được “một nhiệm vụ và sứ mạng thuộc về mình chứ không thuộc về ai khác”. Trên thực tế, Balthasar lập luận, sứ mệnh này là bí quyết dẫn tới bản sắc mỗi con người. Nó chứa đựng “ý tưởng sâu sắc nhất về bản ngã họ - mà nếu không thì sẽ không thể khám phá được.”

Những sứ mệnh này có thể bao gồm việc tạo ra các linh đạo và tổ chức mới, như lịch sử của Giáo hội đã chứng minh rõ ràng. Đức Hồng Y Ratzinger nói rằng những hình thức mới này “là câu trả lời của Chúa Thánh Thần cho những hoàn cảnh đang thay đổi trong đó Giáo hội đang sống”. Những hình thức mới này xuất hiện từ bên dưới thay vì bị áp đặt về mặt hành chính từ bên trên. “Chúng phải được trao cho chúng ta, và chúng đã được trao. Chúng ta chỉ cần lưu ý đến chúng: bằng ơn biện phân …” Nói cách khác, sự biện phân liên quan đến tính xác thực của một sứ mạng như được đo lường bằng mặc khải và sự thánh thiện. Phong trào hay nền linh đạo mới này có phải là con đường đi đến Con Đường không? Hay nó dẫn đi xa khỏi Con Đường?

Nói cách khác, việc biện phân không phải là vấn đề hỏi xem liệu một nẻo đường hay quan điểm đặc thù có phù hợp với tôi hay không. Đúng hơn vấn đề phải hỏi là liệu nó có khiến tôi trở nên giống Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần hơn hay không, và Thánh Phaolô cảnh cáo chúng ta rằng việc phù hợp với Chúa Kitô là phù hợp với việc đóng đinh [cruciformity]. Chúng ta phải hoàn thành những đau khổ của Chúa Kitô (xem Cl 1:24) trong xác thịt của chính mình (xem Gl 6:17), như một việc đặt cọc cho sự phục sinh của xác thịt đó theo gương Chúa Kitô (xem I Cr 15:20).

Thánh Phaolô còn cho chúng ta biết thêm rằng việc truyền giáo nhằm xây dựng thân thể của Chúa Kitô, là Giáo hội. “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (I Cr 12:4–7; xem thêm I Cr 14:4, 12). Những đặc sủng này phải được Giáo hội kiểm nghiệm. “Hãy kiểm tra mọi sự : điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (I Tx 5:21–22).

Một tiêu chuẩn mà Giáo hội đưa ra đối với các phong trào mới là liệu chúng có phù hợp với “sự hiệp nhất trong đức tin và sự hiểu biết về Con Thiên Chúa” hay không (Eph 4:13). Chỉ nhờ sự hiệp nhất đó mà sự hiệp nhất của thân thể Chúa Kitô mới được duy trì, để nó có thể “sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Eph 4:15–16).

Do đó, lạc giáo làm tổn hại đến sự hiệp nhất của thân thể Chúa Kitô, nhưng lạc giáo đồng thời làm tổn hại đến sự đa dạng thực sự của các sứ vụ của giáo hội. Do đó, nghịch lý thay, nếu không có sự hiệp nhất thì nhiệm thể của Chúa Kitô cũng sẽ thiếu sự đa dạng! Một cơ thể với tất cả các bộ phận của nó phải thống nhất để sống. Nếu không, Balthasar khẳng định, “sẽ không có cơ thể sống mà chỉ có sự khác biệt tuyệt đối”, các bộ phận riêng lẻ của cơ thể - bàn tay này, cơ quan kia - bị cắt khỏi toàn thể, không có sự sống và cuối cùng là thối rữa. Chức vụ trong Giáo hội, chẳng hạn như Huấn quyền, hiện hữu để phục vụ sự hiệp nhất này, và đôi khi điều đó có nghĩa là Giáo hội phải nói không với một Kitô hữu nào đó cứ khăng khăng đòi tính chân chính cho việc biện phân của họ. Balthasar viết,

“Chính chức vụ của Giáo hội giành lấy những tiêu chuẩn riêng của từng cá nhân và giao chúng cho Chúa của Giáo hội, bảo đảm rằng kinh nghiệm về tình yêu của Giáo hội sẽ vượt lên trên chính nó theo hướng tình yêu của Chúa Kitô (với tư cách là Đầu của Giáo hội) và sẽ vượt qua mọi tính chủ quan của nó và đạt tới tính khách quan của tình yêu ‘tin tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả’ (1 Cr 13:7)”.

Như thế, chức vụ trong Giáo hội phải lưu ý đến sự đa dạng thực sự của các sứ mệnh trong thân thể, như những điều ngạc nhiên của Chúa Thánh Thần, Đấng thổi bất cứ nơi nào Người muốn, và nó phải kéo tất cả các Kitô hữu ra khỏi tầm nhìn giới hạn của họ để đạt tới một bình diện giáo hội thực sự phổ quát.

Lumen Gentium của Công đồng Vatican II cho chúng ta biết rằng nhiệm vụ cổ vũ sự hiệp nhất của Giáo hội, trong căn bản, thuộc về Đức Giáo Hoàng. Ngoài ra, mỗi giám mục là nguyên tắc và nền tảng của sự hiệp nhất trong giáo phận của mình. Những vai trò định chế này cũng là các đặc sủng, nghĩa là các ơn của Chúa Thánh Thần, được Thiên Chúa ban cho chúng ta để xây dựng thân thể. Chúng không phải là sự áp đặt của con người đối với quyền tự do của các thành viên Giáo hội, mặc dù chúng có thể xuất hiện hoặc thậm chí được thực hiện theo cách đó; không có gì bảo đảm rằng các thành viên của hàng giáo phẩm, kể cả Đức Giáo Hoàng, sẽ không sai lầm trong hoạt động củng cố hoặc đàn áp các phong trào và đặc sủng của giáo hội. Khả thể này là kết quả tất yếu của khía cạnh con người của Giáo hội. Nhưng chúng ta không thể đáp lại khả thể này bằng cách bác bỏ toàn bộ cấu trúc. Đúng hơn, chúng ta phải tin tưởng rằng sự quan phòng của Chúa Cha sẽ bảo đảm để những sứ mệnh đích thực sẽ được hoàn thành, hy vọng bởi người Kitô hữu đã nhận sứ mệnh, nhưng có lẽ theo một cách khác, bởi một người khác, có thể ở một thời đại khác. Sứ mệnh quan trọng hơn thành tích cá nhân của người được giao nó. “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể. Kẻ trồng người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình” (I Cr 3:6–8).

Tôi tin rằng những điểm này phác họa một tầm nhìn thực sự của Kitô giáo về tính đồng nghị, chứ không phải là một tầm nhìn xã hội học kém tiêu chuẩn. Con Đường là Chúa Kitô, Đấng là con đường Người sẽ đi, nghĩa là từ và về với Chúa Cha. Giáo Hội là con đường đi đến Con Đường này và Giáo Hội phải kêu gọi chúng ta đi vào con đường công chính để chúng ta có thể “di chuyển” trong Con Đường là Chúa Kitô. Tính đồng nghị, như một sự suy tư về tính đa dạng của các sứ mệnh trong sự hiệp nhất của Giáo hội - tính Công Giáo của Giáo hội - có thể nhắc nhở chúng ta về quá trình biện phân thực sự về sứ mệnh, vốn đòi hỏi việc xây dựng thân thể của Chúa Kitô, là Giáo hội.

Liệu Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị có phản ảnh những sự thật này không? Chà, tôi không phải là thầy bói, và chắc chắn có những dấu hiệu đáng nản lòng. Nhưng nếu chúng ta thực sự lắng nghe, các Kitô hữu có thể nghe được câu trả lời của Chúa Kitô: Egō eimi hē hodos, “Ta là Đường.” Chúa Thánh Thần sẽ ban cho chúng ta phương tiện, nếu chúng ta chấp nhận chúng, để tìm thấy hữu thể của mình và “di chuyển” trong Con Đường đó.
 
Đức Hồng Y tân cử Ángel Fernández Artime, bề trên tổng quyền Dòng Salêdiêng Don Bosco, người Tây Ban Nha được bổ nhiệm dù chưa phải là giám mục.
Thanh Quảng sdb
19:12 14/09/2023
Đức Hồng Y tân cử Ángel Fernández Artime, bề trên tổng quyền Dòng Salêdiêng Don Bosco, người Tây Ban Nha được bổ nhiệm dù chưa phải là giám mục.

Trong số các vị Hồng Y tân cử sẽ được tấn phong vào ngày 30 tháng 9 năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyển chọn một người quen biết ngài lâu năm từ Buenos Aires. Ngài là một linh mục dòng người Tây Ban Nha tên là Ángel Fernández Artime, người kế vị thứ 10 của Don Bosco với tư cách là Bề trên Tổng quyền của Dòng Salêdiêng.

Cha Fernández là bề trên đầu tiên của một Hội Dòng được bổ nhiệm làm Hồng Y trong khi đang giữa nhiệm kỳ. Với sự tân cử của ngài, con số Hồng Y Salêdiêng sẽ tăng lên 10 vị.

Cha thừa nhận khi nghe tin về việc bổ nhiệm mình làm Hồng Y vào ngày 9 tháng 7 trong tổng số 18 Hồng Y tân cử “Tôi nghĩ chắc có một sai lầm nào đó,” vì cha thậm chí chưa phải là giám mục. Khi Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp ngài trong buổi tiếp kiến vào ngày 11 tháng 7, cha đã nói với Đức Thánh Cha: “Thưa Đức Thánh Cha, ngài đã làm gì với con vậy?”

Theo thỏa thuận với Đức Thánh Cha, cha sẽ tại vị là Bề trên cả thêm một năm nữa, sau khi được bổ nhiệm làm Hồng Y. Cha sẽ chính thức từ chức khỏi chức vụ Tổng quyền Hội dòng vào ngày 31 tháng 7 năm 2024, như cha đã giải thích trong một lá thư gửi các Salêdiêng.

Nhiều năm kinh nghiệm làm bề trên Tổng quyền Dòng Salêdiêng

Cha Ángel Fernández Artime, 63 tuổi, sinh ra trong một gia đình đánh cá ở Gozón-Luanco, Tây Ban Nha, vào ngày 21 tháng 8 năm 1960. Ngài khấn trọn đời vào ngày 17 tháng 6 năm 1984 trong dòng Salêdiêng ở Santiago de Compostela. Ba năm sau, ngài được thụ phong linh mục vào ngày 4 tháng 7 năm 1987 tại Giáo phận León. Trong thời gian phục vụ, ngài đã phục vụ với tư cách là Ủy viên mục vụ giới trẻ, Phó Giám tỉnh và bề trên tỉnh Salêdiêng.

Năm 2009, ngài được bổ nhiệm làm bề trên tỉnh miền Nam Argentina, có trụ sở tại Buenos Aires. Như vậy, ngài đã cộng tác với Đức Tổng Giám Mục Buenos Aires lúc bấy giờ là Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio.

Sau đó vào ngày 23 tháng 12 năm 2013, ngài được bổ nhiệm làm bề trên tỉnh Tây Ban Nha ở Địa Trung Hải. Tuy nhiên, cha chưa bắt đầu nhiệm vụ mới này, thì ngày 25 tháng 3 năm 2014, Tổng Tu nghị đã chọn ngài làm Bề trên Tổng Quyền. Ngài lại mới tái trúng cử trách nhiệm này trong sáu năm nhiệm ký thứ hai vào ngày 11 tháng 3 năm 2020. Trong nhiệm kỳ vừa qua, cha đã viếng thăm 118 quốc gia.

Gần gũi với Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong cách tiếp cận các vấn đề mục vụ của mình, Cha Ángel rất thân thiết với ĐTC Phanxicô. Là con cái của Don Bosco, đam mê giáo dục, ngài đặc biệt quan tâm đến các tù nhân trẻ. Cha phát biểu cùng đồng hành với giới trẻ trong đời, cái nét trẻ “như đã có sẵn trong máu huyết của tôi, và bất cứ nơi nào tôi đi và bất cứ điều gì tôi được yêu cầu làm, điểm nhấn luôn là hướng về giới trẻ, giáo dục, những người dễ bị tổn thương nhất!”

Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2018, Cha đã lên tiếng phản đối các chính sách chống nhập cư là “vô nhân đạo”. Cha đã nói lên quan điểm này sau khi được tái bổ nhiệm vào năm 2023, phản đối quan điểm coi nhập cư là mối đe dọa an ninh, mà cho rằng “tỵ nạn gây ra nhiều mối phức tạp!” Về cuộc chiến ở Ukraine cũng vậy, cha đã ủng hộ đường lối của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong những năm gần đây, cha Ángel Fernández Artime điều hành các Salêdiêng đã phát triển sự gần gũi gắn bó hơn với Vatican, đặc biệt qua việc ký kết hợp tác với Bộ Truyền thông vào năm 2017.

Vào đêm trước lễ Thánh Gioan Bosco, trong giờ Truyền tin ngày 30 tháng 1 năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ rằng ngài đã cầu nguyện cho tất cả các thành viên của gia đình Salêdiêng bằng cách theo dõi từ xa thánh lễ do Cha Ángel Fernández Artime cử hành tại đền thờ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu. Ngài bày tỏ lòng kính trọng đối với con cái Don Bosco “làm rất nhiều điều tốt đẹp trong Giáo hội” trên khắp thế giới. Quyết định của ĐTC về việc bổ nhiệm Cha Bề trên Tổng quyền vào Hồng Y đoàn được coi là sự ghi nhận những công việc của Hội Dòng và có lẽ trong tâm tư của Đức Thánh Cha có chương trình cho Đức Tân cử Hồng Y Artime làm một cái gì đó cho giới trẻ trong Giáo hội...
 
Church Documents
Bích Ngọc - Newd 15 September 2023
VietCatholic Media
21:09 14/09/2023
1. Liên Hiệp Âu Châu dỡ bỏ lệnh trừng phạt 3 tài phiệt Nga, Mạc Tư Khoa lại phản ứng

Điện Cẩm Linh tuyên bố rằng các doanh nhân Nga bày tỏ quan điểm chống Nga ngõ hầu có thể thoát các biện pháp trừng phạt cá nhân của phương Tây đối với họ, đều là những kẻ phản bội sẵn sàng bán đứng đất nước của họ.

Diễn biến này xảy ra sau khi có thông cáo báo chí chính thức từ Liên Hiệp Âu Châu vào hôm thứ Năm cho biết, Liên Hiệp Âu Châu vừa loại bỏ ba lãnh đạo doanh nghiệp Nga khỏi danh sách trừng phạt mà họ đưa ra nhằm trừng phạt Mạc Tư Khoa vì cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với nhiều người khác đã được gia hạn. Khi được yêu cầu bình luận về diễn biến này, phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, nói với các phóng viên rằng khó có khả năng chính Âu Châu có thể giải thích tính logic của quá trình ra quyết định đằng sau các lệnh trừng phạt.

Ông ta nói: “Có những doanh nhân rơi vào quan điểm chống Nga vì cố gắng thoát khỏi lệnh trừng phạt chỉ vì 12 đồng bạc - họ là những kẻ phản bội.”

Cũng có những doanh nhân bảo vệ lợi ích của mình một cách có hệ thống và có phương pháp trước tòa - đây là quyền của bất kỳ doanh nhân nào và chúng tôi tôn trọng điều này.

12 đồng bạc là cụm từ được dùng ở Nga ý nói là chỉ vì tiền. Con số 12 không có ý nghĩa gì nhiều.

2. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh điều trần với Quốc Hội về vụ phi công Nga muốn bắn hạ một chiếc máy bay của không quân Hoàng Gia Anh

Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã cung cấp tất cả thông tin cho Quốc Hội sau một sự việc xảy ra vào năm ngoái liên quan đến một phi công Nga và một máy bay của không quân Hoàng Gia Anh, gọi tắt là RAF.

Ben Wallace cho biết một “phi công Nga liều lĩnh” đã cố gắng bắn hạ một máy bay RAF vào năm 2022.

Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết cựu Bộ trưởng Quốc phòng đã trình bày chi tiết liên quan đến việc khai hỏa chiếc hỏa tiễn.

3. Hàn Quốc bày tỏ 'quan ngại và lấy làm tiếc' về cuộc đàm phán hợp tác quân sự giữa ông Kim và ông Putin

Hàn Quốc đã bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc và lấy làm tiếc” về cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân và Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó dường như tập trung vào việc mở rộng hợp tác quân sự.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Lâm Tú Tích (Lim Soo-suk) cho biết:

Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại sâu sắc và lấy làm tiếc rằng bất chấp những cảnh báo liên tục từ cộng đồng quốc tế, Triều Tiên và Nga đã thảo luận về các vấn đề hợp tác quân sự, bao gồm cả việc phát triển vệ tinh, trong hội nghị thượng đỉnh của họ.

Bất kỳ sự hợp tác khoa học và công nghệ nào góp phần phát triển vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn, bao gồm cả các hệ thống vệ tinh liên quan đến công nghệ hỏa tiễn đạn đạo, đều đi ngược lại các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc bày tỏ lo ngại rằng ông Kim có thể cung cấp vũ khí và đạn dược cho Nga, quốc gia đã tiêu tốn một lượng lớn vũ khí và đạn dược trong hơn 18 tháng chiến tranh ở Ukraine. Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng đã phủ nhận những ý định như vậy.

Hôm thứ Tư, Putin đã đưa ra nhiều gợi ý rằng hợp tác quân sự đã được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo, nhưng tiết lộ ít chi tiết. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tham dự cuộc hội đàm. Điện Cẩm Linh cho biết các cuộc thảo luận nhạy cảm giữa các nước láng giềng là vấn đề riêng tư.

Ông Lâm cho biết phái đoàn của ông Kim tại Nga bao gồm một số người bị hội đồng an ninh trừng phạt vì liên quan đến các hoạt động phát triển vũ khí bất hợp pháp của Triều Tiên, hãng tin AP đưa tin.

Phát ngôn nhân của chính phủ Hán Thành cho biết Mạc Tư Khoa nên nhận ra rằng sẽ có “những tác động rất tiêu cực” đến mối quan hệ của họ với Hán Thành nếu tiếp tục hợp tác quân sự với Bình Nhưỡng.

4. Lukashenko và Putin sẽ nói về 'các vấn đề khu vực' trong cuộc gặp vào thứ Sáu

Theo cơ quan báo chí của ông, Alexander Lukashenko đã rời Belarus vào hôm thứ Năm để có chuyến thăm chính thức Nga.

Các cuộc hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến diễn ra vào thứ Sáu và sẽ đề cập đến “chương trình nghị sự quốc tế và các vấn đề khu vực”, cũng như các vấn đề kinh tế như “nỗ lực chung trong việc thay thế nhập khẩu”, Kyiv Independent đưa tin.

Belarus là một trong số ít người bạn còn lại của Nga. Lukashenko đã cho phép Điện Cẩm Linh xâm lược Ukraine từ lãnh thổ của mình vào đầu cuộc chiến, điều này chứng kiến Mạc Tư Khoa thực hiện một nỗ lực thất bại trong việc chiếm Kyiv.

Mạc Tư Khoa cũng đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus, quốc gia mà nước này vẫn giữ quyền kiểm soát và đã đồn trú hàng nghìn binh sĩ Nga ở đó.
 
VietCatholic TV
Sevastopol: Diễn biến cuộc tấn công oanh liệt. Hai chiếc tầu Nga ra sao? F-16: Putin đe dọa thế giới
VietCatholic Media
01:17 14/09/2023


1. Máy bay ném bom Ukraine bắn hỏa tiễn hành trình phương Tây hạ gục tàu ngầm Nga

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “Ukrainian Bombers Firing Western Cruise Missiles Have Knocked Out A Russian Submarine”, nghĩa là “Máy bay ném bom Ukraine bắn hỏa tiễn hành trình phương Tây hạ gục tàu ngầm Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Các đô đốc Nga biết rằng họ có vấn đề.

Mùa hè này, đơn vị máy bay ném bom duy nhất của không quân Ukraine - Lữ đoàn hàng không chiến thuật số 7 - bắt đầu trang bị cho những chiếc Sukhoi Su-24 cổ điển của những năm 1970 những hỏa tiễn Storm Shadow do Anh sản xuất và các hỏa tiễn SCALP cũ của Pháp: mỗi hỏa tiễn hành trình tàng hình, cận âm có sức công phá trong phạm vi gần 200 dặm hay 320km.

Các máy bay Su-24 bắn Storm Shadows và SCALP bắt đầu tấn công hệ thống hậu cần của quân đội Nga ở miền nam Ukraine bị tạm chiếm, tấn công các kho chứa, bãi sửa chữa và cầu cống.

Các binh sĩ của Hạm đội Hắc Hải của Nga – gồm 30 tàu chiến lớn rải rác khắp các cảng ở miền nam nước Nga và xâm lược Crimea – cảm thấy các tàu của họ có thể là mục tiêu tiếp theo. Họ bắt đầu sơn lớp ngụy trang phức tạp trên một số tàu, hy vọng lớp sơn này sẽ gây nhầm lẫn cho các cảm biến hình ảnh hồng ngoại của hỏa tiễn hành trình.

Các đô đốc Nga đã đúng khi lo lắng. Nhưng họ đã sai lầm khi cho rằng một chút sơn như thế sẽ bảo vệ được tàu của họ. Sáng thứ Tư, các phi đội máy bay ném bom Ukraine đã bắn một loạt hỏa tiễn hành trình Storm Shadow hoặc SCALP vào căn cứ Hạm đội Hắc Hải ở Sevastopol, phía nam Crimea.

Bằng một hỏa tiễn chống hạm đã được sửa đổi của hải quân, các lực lượng Ukraine đã dọn đường cho hỏa tiễn bằng cách cho nổ tung khẩu đội phòng không tầm xa S-400 của lực lượng không quân Nga ở phía tây Crimea - và bằng cách cử biệt kích đến tháo dỡ các cảm biến của Nga trên một cặp giàn khoan dầu của Ukraine bị chiếm giữ ở vùng biển phía tây Crimea.

Không gì có thể ngăn cản được hỏa tiễn hành trình của Lữ đoàn hàng không chiến thuật số 7 anh hùng khi chúng lao thẳng qua các tàn tích của lực lượng phòng không Crimea của Nga hôm thứ Tư và tấn công một ụ tàu thuộc Nhà máy sửa chữa tàu số 13 của Hạm đội Hắc Hải ở Sevastopol.

Hai con tàu trong ụ tàu — một tàu đổ bộ lớp Ropucha và một tàu ngầm lớp Kilo — bốc cháy suốt đêm. Vào buổi sáng, các vệ tinh chụp ảnh đã phát hiện ra hai con tàu bị cháy tan tành: đó là bằng chứng là cả hai con tàu đều không thể sửa chữa được.

Tư lệnh lực lượng không quân Ukraine, Trung tướng Mykola Oleschuk khen ngợi các phi hành đoàn máy bay ném bom. Oleschuk cho biết: “Trong khi quân xâm lược Nga… vẫn đang cố hồi phục sau các vụ nổ vào ban đêm ở Sevastopol, tôi muốn cảm ơn các phi công của lực lượng không quân thuộc lực lượng vũ trang Ukraine vì công việc chiến đấu xuất sắc của họ”.

Cuộc đột kích là đỉnh điểm của nhiều tháng nỗ lực của Ukraine và các đồng minh nhằm trang bị cho các máy bay Sukhois của Lữ đoàn hàng không chiến thuật số 7, giảm khả năng phòng thủ của Nga và sau đó tấn công vào thời điểm hai tàu có giá trị dễ bị tổn thương nhất: đó là khi chúng được đưa lên bờ.

Trong 19 tháng chiến đấu cam go với một đối phương chẳng có lấy một tàu chiến lớn, Hạm đội Hắc Hải của Nga đã mất một tàu tuần dương, ba tàu đổ bộ, một tàu ngầm, một tàu tiếp tế và một số tàu tuần tra, tàu đổ bộ. Họ không thể bù đắp những tổn thất này chừng nào chiến tranh vẫn tiếp diễn và khi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục cấm tàu chiến đi qua eo biển Bosphorous vào Hắc Hải.

Và những mất mát gần như chắc chắn sẽ tiếp tục. Người Ukraine đã chứng minh rằng họ có thể tấn công các tàu chiến Nga tại các cảng ở cả Crimea và nước Nga. Không có cảng nào là an toàn cho những gì còn lại của Hạm đội Hắc Hải.

2. Hình ảnh vệ tinh mới cho thấy hậu quả của cuộc tấn công của Ukraine vào xưởng đóng tàu ở Crimea

Các hình ảnh vệ tinh mới đã cho thấy hậu quả của vụ tấn công hỏa tiễn của Ukraine vào xưởng đóng tàu ở Sevastopol, Crimea. Đài Âu Châu Tự Do đã dùng các từ “tan tành” và “bình địa” để báo cáo điều này trên kênh Telegram của mình, đề cập đến những hình ảnh được chụp bởi dịch vụ Planet.com vào ngày 12 và 13 tháng 9.

“Theo dữ liệu sơ bộ, một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn Storm Shadow vào nhà máy đã phá hủy tàu đổ bộ khổng lồ Minsk và tàu ngầm diesel-điện Rostov-on-Don”, Đài Âu Châu Tự Do cho biết.

Những vụ nổ mạnh đã xảy ra ở Sevastopol bị tạm chiếm vào rạng sáng thứ Tư theo giờ địa phương. Bộ Quốc phòng Nga báo cáo về một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hành trình vào xưởng đóng tàu Ordzhonikidze ở Sevastopol tạm thời bị tạm chiếm, khiến hai tàu chiến bị hư hại. Theo các nhà phân tích kỹ thuật của OSINT, một tàu đổ bộ cỡ lớn lớp Ropucha và một tàu ngầm lớp Kilo đã bị hư hại không thể sửa chữa được trong cuộc tấn công. OSINT cho rằng chỉ có hỏa tiễn Storm Shadow mới có thể gây ra mức độ thiệt hại kinh hoàng như vậy.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Năm 14 tháng Chín, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov nói ông tin rằng những con tầu này đã hoàn toàn bị xóa sổ, không thể sửa chữa được. Ông cho biết một số tầu khác của Nga đang lũ lượt bỏ chạy khỏi cảng Sevastopol. Ông cảnh cáo rằng những chiếc còn lại có thể chịu một số phận tương tự.

Yusov cũng cho biết không phải cả 3 thuyền không người lái của Ukraine đều bị đánh chặn như tuyên bố của Bộ Quốc Phòng Nga. Ukraine có những bằng chứng ngược lại. Các blogger quân sự Nga cũng tỏ ra nghi ngờ báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga. Theo tường thuật ban đầu của Mikhail Razvozhaev, Thống đốc khu vực Sevastopol, do Nga dựng nên, cuộc tấn công là do hỏa tiễn gây ra. Ông ta chỉ nhắc đến hỏa tiễn. Giải thích điều này, các blogger quân sự Nga cho rằng 10 hỏa tiễn đã được chia làm 2 đợt. Giữa hai đợt đó là cuộc tấn công bằng thuyền không người lái. Sau cuộc tấn công thứ nhất, có nhiều khả năng lúc đó quân Nga đang tập trung chữa cháy và hoang mang tột độ. Cuộc tấn công bằng thuyền không người lái là một yếu tố bất ngờ. Khả năng cả 3 thuyền không người lái của Ukraine đều bị đánh chặn như tuyên bố của Bộ Quốc Phòng Nga khó xảy ra.

Khi được hỏi về khả năng quân Nga tấn công vào các giàn khoan Boyko ở ngoài khơi Hắc Hải vừa được Ukraine tái chiếm, Yusov nói Hải Quân Nga không dám tấn công. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ bị không quân Nga tấn công. Cho đến lúc này, người Nga không dám đưa máy bay ra tấn công. Nếu họ dám, họ đã làm rồi.

3. Cơn cuồng nộ - Tàu ngầm và tàu chiến Putin bị hạ gục tan tành

Ba ký giả Imogen Braddick, Will Stewart, Sarah Hooper của tờ The Sun có trụ sở ở Luân Đôn có bài tường trình nhan đề “FIRE AND FURY. Putin sub and warship blasted by ‘Storm Shadow missiles & kamikaze drone boats’ in massive Crimea port blitz”, nghĩa là “Hoả hoạn và cuồng nộ. Tàu ngầm và tàu chiến Putin bị 'hỏa tiễn Storm Shadow & tàu không người lái kamikaze' cho nổ tung trong trận tấn công lớn ở cảng Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

UKRAINE đã tung ra một loạt 10 hỏa tiễn hành trình cùng với máy bay không người lái kamikaze trong một cuộc tấn công lớn vào Hạm đội Hắc Hải hùng mạnh của Nga.

Lực lượng của Vladimir Putin đã bị rung chuyển khi một tàu ngầm và một tàu tấn công bị nổ tung trong cuộc tấn công dữ dội vào cảng Sevastopol của Crimea.

Hỏa tiễn Storm Shadow do Anh sản xuất và tàu không người lái chứa chất nổ được cho là đã được sử dụng trong cuộc tấn công lớn nhất thuộc loại này nhằm vào Hạm Đội Hắc Hải - đánh dấu lần đầu tiên những loại vũ khí như vậy được sử dụng ở Crimea.

Đoạn phim gây sốc cho thấy những đám khói và ngọn lửa khổng lồ được nhìn thấy cách xa hàng dặm bốc lên từ căn cứ bị cháy.

Đây là đòn mới nhất nhằm vào nỗ lực chiến tranh của Putin - và là một sự bối rối lớn đối với Putin khi ông ta đang ngồi nói chuyện với nhà độc tài Triều Tiên Kim Chính Ân cách đó khoảng 5.500 dặm.

Hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không Storm Shadow có thể di chuyển với tốc độ lên tới 600 dặm/giờ và làm nổ tung các mục tiêu cách xa tới 350 dặm. Khi được phóng ra từ máy bay, nó nhào xuống bay rất thấp, và khi đến gần mục tiêu nó sẽ bay lên cao trước khi nhào xuống mục tiêu đã định.

Ukraine đã mạnh mẽ cầu xin các hỏa tiễn do phương Tây cung cấp để sử dụng trong các cuộc tấn công tàn bạo. Đó là các hỏa tiễn có thể tấn công mục tiêu ở cự ly tối đa chỉ trong 35 phút.

Phương tiện truyền thông Shot thân thiện với Điện Cẩm Linh cho biết, tàu ngầm Rostov-on-Don lớp Kilo quý giá của Putin đã bị hư hại hoàn toàn trong cuộc tấn công vào xưởng đóng tàu.

Tàu ngầm Rostov-on-Don là tàu diesel-điện, được hạ thủy năm 2014, đã được sử dụng để tấn công Ukraine.

Con tàu bị hư hỏng thứ hai là tàu đổ bộ cỡ lớn mang tên Minsk – nó được xem là tàu đổ bộ lớn nhất của Nga.

Nhà lãnh đạo lực lượng không quân Ukraine Mykola O Meatchuk cảm ơn các phi công vì “công việc chiến đấu xuất sắc” của họ.

Ông mạnh mẽ cho rằng loại vũ khí này đã được máy bay Ukraine phóng đi - và cảnh báo rằng sẽ còn nhiều vụ tấn công khác nữa.

Cuộc tấn công mới nhất này diễn ra sau những thiệt hại trước đó gây ra cho các tàu đổ bộ Nga Saratov, Novocherkassk và Caesar Kunikov.

Các cuộc tấn công xảy ra khi Putin tiếp đón Kim Chính Ân trong một hội nghị thượng đỉnh – là điều mà Mỹ cảnh báo có thể dẫn đến một thỏa thuận cung cấp vũ khí cho quân đội đang cạn kiệt của Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

Ông Kim bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với cuộc chiến mà ông ta gọi là cuộc đấu tranh chính nghĩa của Nga và cho biết hai bên đã đạt được thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác chiến lược và chiến thuật cũng như tình đoàn kết trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền chủ quyền và an ninh.

Thống đốc Sevastopol do Putin bổ nhiệm, Mikhail Razvozhayev, cho biết ít nhất 24 người bị thương và 2 người chết.

Đoạn phim cho thấy quy mô của cuộc tấn công - lớn nhất trong cuộc chiến cho đến nay - vào thành phố là trụ sở của Hạm đội Hắc Hải của Nga.

Một xưởng đóng và sửa chữa tàu bị nhấn chìm trong biển lửa, đồng thời một nhà máy điện và các cơ sở hải quân khác ở Hắc Hải cũng bị ảnh hưởng.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết 10 hỏa tiễn hành trình đã tấn công xưởng đóng tàu và tuyên bố 7 hỏa tiễn đã bị bắn hạ.

Họ thừa nhận hai tàu đang sửa chữa bị “hư hỏng” nhưng không xác định danh tính các tàu.

Lực lượng không quân Ukraine cho biết họ đã chặn 32 trong số 44 máy bay không người lái loại Shahed được phóng qua Ukraine trong đêm, hầu hết trong số chúng được phóng về phía nam của quận Odessa.

Bộ này cho biết ba máy bay không người lái kamikaze trên biển đã bị tàu tuần tra Vasily Bykov phá hủy.

Nhà máy đóng tàu được Hải quân Hoàng gia thành lập vào năm 1783 - và là nhà máy lớn nhất trong khu vực.

Putin sử dụng thành phố này làm trung tâm tấn công Ukraine.

Razvozhayev cho biết: “Hậu quả của vụ tấn công, theo thông tin sơ bộ, có tổng cộng 24 người bị thương, 4 người đang trong tình trạng vừa phải.”

“Tất cả sự hỗ trợ cần thiết cho các nạn nhân đều được cung cấp đầy đủ.”

Một nhân chứng cho biết: “Tôi nghe thấy hỏa tiễn bay qua chúng tôi về phía vịnh và tiếng nổ bắt đầu. Ba trong số bốn hỏa tiễn đã bay ngay phía trên chúng tôi.”

Một cư dân Sevastopol khác cho biết đã có “một vụ nổ khủng khiếp ngay bên ngoài cửa sổ nhà tôi - bầu trời bốc cháy”.

Các nhân chứng khác cho biết cửa sổ bị vỡ trong vụ nổ, giữa những ánh chớp kinh hoàng.

Vụ tấn công xảy ra khi Putin và Kim Chính Ân bắt tay khi họ gặp nhau tại một căn cứ không gian để đàm phán về vũ khí chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên bắn hai hỏa tiễn đạn đạo.

Ông Kim - người hiếm khi rời khỏi đất nước - được cho là sẵn sàng trao đạn pháo và hỏa tiễn chống tăng cho Putin để đổi lấy công nghệ vệ tinh và tàu ngầm hạt nhân.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đến Sân bay vũ trụ Vostochny trên chuyến tàu bọc thép của mình vào sáng thứ Tư sau khi qua Nga một ngày trước đó.

Putin nói với ông Kim rằng ông “rất vui mừng được gặp” ông, trong khi nhà lãnh đạo Triều Tiên cảm ơn Putin về lời mời tới Nga.

Phát biểu tại căn cứ không gian, ông Putin nói với các phóng viên rằng cặp đôi sẽ thảo luận về “tất cả các vấn đề” tại cuộc gặp của họ.

4. Chiến tranh Ukraine là 'mối đe dọa nghiêm trọng' nhất đối với trật tự quốc tế được ghi trong hiến chương Liên Hiệp Quốc - Blinken

Liên quan đến chuyến viếng thăm Nga của Kim Chính Ân, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Antony Blinken, nhận xét rằng

Chúng ta thấy mình đang ở một điểm mấu chốt khác trong lịch sử khi phải vật lộn với câu hỏi cơ bản về chiến lược như Nitze đã định nghĩa: “Làm thế nào để chúng ta đi từ vị trí hiện tại đến vị trí mong muốn mà không gặp phải thảm họa trên đường đi?”

Những gì chúng ta đang trải qua hiện nay không chỉ là một cuộc thử nghiệm trật tự thời hậu chiến tranh lạnh. Đó là sự kết thúc của nó. Nhiều thập kỷ tương đối ổn định về địa chính trị đã nhường chỗ cho sự cạnh tranh ngày càng gay gắt với các cường quốc độc tài, theo chủ nghĩa xét lại.

Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine là mối đe dọa trực tiếp và nghiêm trọng nhất đối với trật tự quốc tế được ghi trong hiến chương Liên Hiệp Quốc và các nguyên tắc cốt lõi của tổ chức này về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập.

Blinken nói thêm rằng Trung Quốc đặt ra một “thách thức dài hạn đáng kể” hơn do mong muốn tạo ra một “trật tự quốc tế mới” và thực tế là nước này có đủ sức mạnh về công nghệ, kinh tế, ngoại giao và quân sự để làm điều đó.

5. Nga 'không có lựa chọn nào khác' ngoài việc giành chiến thắng ở Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng nói

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hôm thứ Tư cho biết lực lượng của ông đang duy trì “phòng thủ tích cực” trước cuộc phản công của Ukraine và Mạc Tư Khoa không còn lựa chọn nào khác ngoài chiến thắng.

Shoigu cho biết chiến dịch mùa thu hiện đang được tiến hành và thừa nhận trong bình luận với một phóng viên của đài truyền hình nhà nước Rossiya-1 rằng tình hình mặt trận ở nhiều nơi rất khó khăn.

Ông ta nói:

Các lực lượng đang duy trì hoạt động phòng thủ tích cực trên các mặt trận cần thiết, thiết yếu. Ở một số nơi thì khó hơn, ở những nơi khác thì đơn giản hơn.

Nhưng tôi có thể nói rằng các chàng trai và các vị chỉ huy đang thi đấu một cách tự tin và bảo vệ một cách đáng tin cậy những gì chúng tôi cần bảo vệ vào lúc này –là những nơi mà lực lượng vũ trang Ukraine đang cố gắng đột phá.

Ông cho biết thêm, nhiệm vụ chính là tiêu diệt vũ khí của đối phương.

Nga kiểm soát gần 1/5 lãnh thổ Ukraine sau hơn 18 tháng chiến tranh, nhưng đã buộc phải rút lui khỏi các khu vực rộng lớn mà nước này chiếm giữ trong cuộc xâm lược ban đầu gần thủ đô Kyiv cũng như ở phía nam và phía đông.

Ukraine đã phát động một cuộc phản công được mong đợi từ lâu vào tháng 6 và đã chiếm lại hơn chục thị trấn nhưng gặp nhiều khó khăn do các bãi mìn rộng lớn và lực lượng Nga cố thủ dày đặc.

Khi được hỏi liệu Nga có thắng hay không, Shoigu trả lời: “Chúng tôi không có lựa chọn nào khác”.

6. Trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Tư, phát ngôn nhân Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby bày tỏ quan ngại về các cuộc đàm phán giữa Nga và Triều Tiên.

Kirby nói: “Chúng tôi tiếp tục thúc giục Triều Tiên đáp ứng các cam kết công khai không ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine… Chắc chắn sẽ có hậu quả”.

Ông nói thêm: “Chúng ta phải xem điều gì sẽ xảy ra trong cuộc họp này… Rõ ràng là chúng tôi lo ngại về bất kỳ mối quan hệ quốc phòng nào đang phát triển giữa Triều Tiên và Nga”.

Kirby cũng nói rằng có mối lo ngại rằng Nga có thể “tích cực thúc đẩy” việc cải tiến chương trình hỏa tiễn của Triều Tiên.

7. Một quan chức cao cấp của Ukraine đã mô tả cuộc tấn công qua đêm vào Sevastopol là một “tuyên bố” chuyên nghiệp và có ý nghĩa. Ukraine tuyên bố đã làm hư hại một tàu đổ bộ lớn và một tàu ngầm trong cuộc tấn công vào căn cứ của hạm đội Hắc Hải của Nga ở Crimea.

Mykhailo Podolyak, cố vấn cho nhà lãnh đạo văn phòng tổng thống Ukraine, nhận xét rằng

Việc phi quân sự hóa hạm đội Hắc Hải của Nga là sự bảo đảm an ninh lâu dài thực sự cho các tuyến thương mại khu vực và “hành lang ngũ cốc”.

Đây là phản ứng đúng đắn duy nhất trước nỗ lực biến nạn đói thành vũ khí của Nga và là cách duy nhất để bảo đảm nguồn cung cấp ngũ cốc không bị gián đoạn cho các nước phía đông và Phi Châu.

Cách để làm điều này là xây dựng năng lực cho các lực lượng vũ trang Ukraine, bao gồm cả việc mở rộng phạm vi sử dụng vũ khí. Chúng ta đã có thể thấy kết quả của việc này ở Sevastopol. Một “tuyên bố” chuyên nghiệp và đầy ý nghĩa...

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố rằng Ukraine đã tấn công bằng 10 hỏa tiễn hành trình và 3 tàu cao tốc không có người điều khiển, làm hư hại 2 tàu đang được sửa chữa định kỳ.

8. Putin đưa ra cảnh báo tới Ukraine về chiến đấu cơ F-16

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Fires Warning to Ukraine About F-16 Fighter Jets”, nghĩa là “Putin đưa ra cảnh báo tới Ukraine về chiến đấu cơ F-16.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Ba đã cảnh báo Ukraine về các chiến đấu cơ F-16 mà Kyiv chuẩn bị nhận trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông ở Vladivostok, khai mạc vào ngày 10 tháng 9, Putin đã đề cập đến việc các lực lượng của Kyiv đang hoạt động như thế nào trong cuộc phản công hiện đã bước sang tháng thứ tư. Ông tuyên bố Ukraine đã mất 71.500 quân trong một nỗ lực cho đến nay “không mang lại kết quả”.

“Có những tổn thất lớn”. Họ nói: “Họ muốn đạt được kết quả bằng mọi giá. Đôi khi, bạn có ấn tượng rằng đây không phải là người của họ. Các chỉ huy nói với tôi từ chiến trường. Chúng tôi liên tục liên hệ với họ.”

Putin bình luận về cam kết của các quốc gia phương Tây sẽ cung cấp cho Ukraine chiến đấu cơ F-16 để tăng cường lực lượng không quân thời Liên Xô và hỗ trợ nước này chiến đấu chống lại lực lượng Nga trong chiến tranh.

“Họ sẽ cung cấp F-16. Nó sẽ thay đổi? Không. Điều này chỉ đơn giản là kéo dài xung đột”, ông ta nói.

Ngày 24/8, thành viên NATO là Na Uy đã trở thành quốc gia thứ ba cam kết tặng F-16 do Mỹ sản xuất cho Ukraine, cùng với Hà Lan và Đan Mạch. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ca ngợi quyết định của các đồng minh phương Tây là “lịch sử và đầy cảm hứng”.

Tuy nhiên, phát ngôn nhân của Lực lượng Không quân Ukraine, Đại tá Yuriy Ihnat, cho biết trong bài phát biểu được hãng tin Ukraine Ukrinform đưa tin vào tháng trước rằng Ukraine sẽ không nhận được chiến đấu cơ F-16 trước năm tới.

Ihnat nói: “Rõ ràng là chúng tôi sẽ không thể bảo vệ Ukraine bằng máy bay F-16 vào mùa thu và mùa đông này”.

Newsweek đã liên hệ với chính quyền Ukraine qua email để bình luận.

Putin cũng cho biết hôm thứ Ba rằng kể từ lệnh động viên một phần vào tháng 9 năm 2022, khoảng 570.000 người Nga đã gia nhập quân đội - gần bằng dân số của Baltimore, Maryland.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết vào tháng 9 năm ngoái rằng sắc lệnh huy động một phần của Putin sẽ nhắm tới 300.000 quân nhân dự bị và cựu quân nhân có “các chuyên môn quân sự nhất định và kinh nghiệm liên quan”.

“Chúng tôi đã tiến hành huy động một phần. Ba trăm ngàn người đã được triệu tập. Hiện nay, trong 6-7 tháng qua, đã có 270.000 người tự nguyện ký hợp đồng phục vụ trong lực lượng vũ trang và các đơn vị tình nguyện. Quá trình này vẫn tiếp tục”, Putin nói.

“Đây là điều tạo nên sự khác biệt của người dân Nga, xã hội Nga. Tôi không biết điều này có thể thực hiện được ở bất kỳ quốc gia nào khác hay không. Mọi người cố tình ghi danh nghĩa vụ quân sự, dù nhận ra rằng cuối cùng họ sẽ ra mặt trận”, Tổng thống Nga nói.

“Và những người đàn ông Nga của chúng tôi, hiểu điều gì đang chờ đợi họ, hiểu rằng họ có thể hy sinh mạng sống của mình cho quê hương hoặc bị thương nặng, họ vẫn làm điều đó một cách có ý thức và tự nguyện.”

Những điều Putin nói mâu thuẫn với thực tế. Ít nhất 370.000 người Nga đã lũ lượt rời bỏ đất nước khi ông ta tung ra lệnh động viên bán phần vào tháng 9 năm ngoái. Mạc Tư Khoa cũng đã tìm cách thu hút các chiến binh nước ngoài tham gia cuộc chiến ở Ukraine trong những tuần gần đây, với các công dân Cuba, Armenia và Kazakhstan, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ giáp với Nga, bị dụ dỗ thông qua nhiều phương tiện khác nhau. Và đã bị Cuba vạch trần gần đây.

Các báo cáo cũng xuất hiện rằng những người lao động nhập cư có quốc tịch Nga đang bị bắt để chiến đấu ở Ukraine.

Điện Cẩm Linh chưa bình luận về thông tin này. Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.

9. Các quan chức Rumani cho biết đã tìm thấy những mảnh vỡ mới của máy bay không người lái tương tự như những mảnh được quân đội Nga sử dụng gần biên giới nước này.

Bộ Quốc phòng Rumani cho biết, các máy bay trực thăng của lực lượng không quân Rumani đã được triển khai tới quận Tulcea phía đông cùng với các đội chuyên gia, nơi các mảnh vỡ nằm rải rác trên một khu vực “vài chục mét”.

“Phi hành đoàn trên trực thăng IAR 330 Puma của lực lượng không quân Rumani… đã xác định các mảnh vỡ có thể đến từ máy bay không người lái, phân tán trên một khu vực rộng vài chục mét,” nó nói thêm.

Reuters đưa tin các phân tích sơ bộ về hai mảnh máy bay không người lái đầu tiên cho thấy chúng không phát nổ ở Rumani, một thành viên NATO và không mang theo chất nổ.

Thủ tướng Rumani Marcel Ciolacu nói với các phóng viên: “Không ai tấn công chúng tôi”. “Một số mảnh của máy bay không người lái bị quân đội Ukraine bắn trúng đã rơi xuống. Nó không có chất nổ hay bất cứ thứ gì gây hại”, ông nói thêm.

Phát ngôn nhân của NATO cho biết đại sứ Rumani đã cập nhật cho các đồng minh của họ về những phát hiện này và không có dấu hiệu nào cho thấy “bất kỳ cuộc tấn công có chủ ý nào của Nga nhằm vào lãnh thổ của đồng minh”.

Ông nói: “Nato luôn đoàn kết với đồng minh Rumani của chúng tôi.

10. Cuộc gặp của Kim Chính Ân với Putin có thể được cảm nhận trên khắp thế giới

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Kim Jong Un's Meeting With Putin Could Be Felt Around the World”, nghĩa là “Cuộc gặp của Kim Chính Ân với Putin có thể được cảm nhận trên khắp thế giới.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân đang được phương Tây coi là dấu hiệu của sự tuyệt vọng. Cuộc họp dự kiến diễn ra ở thành phố cảng phía đông Vladivostok dự kiến sẽ tập trung vào các thỏa thuận quân sự mới, trong đó Tổng thống Vladimir Putin dường như hy vọng kho vũ khí của Bình Nhưỡng có thể giúp ông giành được thành công nào đó từ ván cờ của mình ở Ukraine.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Matthew Miller nói với các nhà báo hôm thứ Hai: “Tôi nghĩ rõ ràng điều đó có nghĩa là ông ấy đang gặp khó khăn trong việc duy trì nỗ lực quân sự và vì vậy đang tìm kiếm sự giúp đỡ từ Triều Tiên”. “Ông ấy không những không đạt được mục tiêu trên chiến trường mà còn phải xách bị đi xuyên đất nước để cầu xin sự trợ giúp quân sự của Kim Chính Ân”.

Putin có rất ít nơi để hướng đến. Trong khi Ukraine đang thu thập vũ khí tiên tiến từ các nước ủng hộ NATO và chờ bật đèn xanh để nhận các phần cứng như chiến đấu cơ F-16 và Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội MGM-140 thì Mạc Tư Khoa đang dựa vào Iran về máy bay không người lái kamikaze, Belarus về xe bọc thép và Bắc Triều Tiên để lấy đạn dược.

Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa dốc toàn lực hỗ trợ Điện Cẩm Linh. Mặc dù Bắc Kinh dường như đang theo đuổi chính sách trung lập thân Nga một cách trắng trợn, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chưa sẵn sàng trang bị vũ khí cho chế độ chuyên chế láng giềng.

Một nước Nga ngày càng bị cô lập đang buộc phải chuyển sang các chế độ bị cô lập tương tự. Frederik Mertens, nhà phân tích chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hague, nói với Newsweek: “Nhiều người Nga yêu nước sẽ thắc mắc tại sao đế chế hùng mạnh của họ lại phải cầu xin một nhà độc tài của một quốc gia bần cùng”.

Việc Nga và Triều Tiên trao đổi vũ khí mới sẽ gây ra vấn đề cho Ukraine nhưng cũng có thể làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng ở những nơi khác. Nga được cho là đã đồng ý trang bị cho Iran các chiến đấu cơ để đổi lấy sự ủng hộ của Tehran trong cuộc xâm lược Ukraine. Một thỏa thuận tương tự với Bình Nhưỡng sẽ gây lo ngại cho các nền dân chủ Đông Á.

Mertens cho biết: “Bất kỳ sự gia tăng nào về khả năng quân sự của Triều Tiên sẽ tiếp tục thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang ở Viễn Đông, vì nó sẽ thúc đẩy cả Hàn Quốc và Nhật Bản tăng cường hơn nữa lực lượng vũ trang của họ - điều này sẽ khiến Trung Quốc lo lắng nghiêm trọng”.

Trong khi đó, Kyiv đang thận trọng theo dõi các diễn biến khi quân đội của họ tìm kiếm một bước đột phá mang tính quyết định vào các tuyến phòng thủ của Nga ở vùng phía nam bị tạm chiếm của đất nước.

“Tất nhiên, có những lo ngại về chuyến thăm này,” Thứ trưởng Hanna Maliar nói.

“Trước hết, Triều Tiên là đồng minh thân cận của đối phương của chúng ta và đã công nhận các vùng lãnh thổ bị Putin tạm chiếm là của Nga. Thứ hai, nếu Triều Tiên bắt đầu cung cấp đạn dược cho Nga, điều đó sẽ làm tăng rủi ro cho binh lính và dân thường của chúng ta. Trên thực tế, Triều Tiên sẽ trở thành kẻ đồng lõa trong hành động xâm lược Ukraine của Nga”.

“Triều Tiên là một phần của trục chiến tranh tà ác tiến hành chống lại Ukraine. Trong số các quốc gia này còn có Belarus và Iran. Đó là dấu hiệu của sự tuyệt vọng khi Putin quay sang Triều Tiên để nhờ giúp đỡ”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Yêu cầu của một cuộc chiến tranh toàn diện đang đè nặng lên cả Ukraine và Nga. Kyiv ngày càng phụ thuộc vào các nước phương Tây hậu thuẫn, trong khi Nga buộc phải khai thác sâu các kho dự trữ đã tồn tại hàng chục năm và chuyển sang các đối tác yếu hơn. Sự tiêu hao về con người và vật chất của Nga đang ở mức cao.

Tổn thất về thiết giáp và pháo binh của Nga được cho là lên tới hàng nghìn chiếc, và trọng pháo của Mạc Tư Khoa được cho là đã bị tắt tiếng trong những tháng gần đây do sự kết hợp của những thách thức về hậu cần và sự trừng phạt của hỏa lực phản pháo của Ukraine.

Quân đoàn pháo binh của Triều Tiên kế thừa từ Liên Xô có thể giúp ích phần nào. Mertens cho biết: “Viện trợ trực tiếp quan trọng nhất mà ông Kim có thể cung cấp cho Putin là đạn dược, cũng như ống lót nòng thay thế và các bộ phận pháo binh khác”. Mertens cho biết hỏa tiễn chiến thuật của Triều Tiên cũng có thể là chủ đề được thảo luận.

“Xét đến vai trò quan trọng của pháo binh trong cuộc giao tranh gần như bất phân thắng bại ở Ukraine, điều này sẽ có tác động đến chiến trường. Bao nhiêu tùy thuộc vào số tiền viện trợ mà ông Kim sẽ gửi tới Nga. Ước tính của tôi là điều này có thể làm chậm và có thể ngăn chặn sự yếu kém ngày càng tăng về hỏa lực của pháo binh Nga, nhưng tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu nó có thể đảo ngược tình thế đó.”

Pavel Luzin nói với Newsweek rằng hội nghị thượng đỉnh Kim-Putin có thể không giúp ích gì nhiều trong việc giảm bớt các vấn đề trên chiến trường của Nga. “Chúng tôi không biết Triều Tiên có bao nhiêu pháo binh và chúng tôi không biết phẩm chất của các loại pháo này; có vẻ đáng nghi ngờ.” Luzin là một nhà phân tích quân sự người Nga và là học giả thỉnh giảng tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher tại Đại học Tufts ở Massachusetts.

Ông cho rằng Bình Nhưỡng “không có khả năng giúp đỡ Nga nhiều. Số lượng đạn pháo có hạn, phẩm chất lại thấp”.

Triều Tiên sở hữu số lượng lớn xe bọc thép. Oleg Ignatov, nhà phân tích cao cấp về Nga của tổ chức Crisis Group, nói với Newsweek: “Nga rất cần không chỉ đạn dược mà còn cả thiết bị hạng nặng”.

Ông nói thêm: “Nga cần một siêu thị để có thể mua vũ khí ngay bây giờ”. “Triều Tiên có một tổ hợp công nghiệp quân sự rất tốt”. Mạc Tư Khoa được cho là có thể sản xuất khoảng 200 xe tăng chiến đấu chủ lực mỗi năm, một con số mà Ignatov cho rằng Triều Tiên có thể đạt gần, mặc dù nhỏ hơn và kém hơn nhiều.

“Triều Tiên là một lựa chọn hợp lý” đối với nước Nga đang thiếu vũ khí. “Nó có những tiêu chuẩn vững chắc, có khả năng sản xuất số lượng lớn và giá thành khá rẻ”.

“Họ có thể giúp đỡ họ về mặt pháo binh. Xe tăng không hiện đại lắm nhưng chính Nga cũng chẳng có xe tăng hiện đại để sử dụng ở tiền tuyến vào lúc này”.

Hỏa tiễn và máy bay phản lực

Kim không thực hiện sứ mệnh bác ái. Ignatov nói: “Nếu Nga nhận được thứ gì đó từ Triều Tiên, thì đó sẽ không phải là miễn phí”. “Nga sẽ phải tặng thứ gì đó cho ông Kim”.

Ông nói thêm: “Triều Tiên chắc chắn quan tâm đến công nghệ hỏa tiễn hiện đại. Bình Nhưỡng đang đẩy mạnh công nghệ vũ khí siêu thanh, nhưng ông Kim và các quan chức của ông dường như có động cơ tìm kiếm sự giúp đỡ cho những khía cạnh khác”.

Thật vậy, một nhóm điện tặc của Triều Tiên được nhà nước hậu thuẫn đã bị cáo buộc vào tháng 8 vì liên tục xâm phạm mạng máy tính tại tập đoàn phát triển hỏa tiễn Mashinostroyeniya của Nga.

Ignatov nói: “Nếu ông Kim yêu cầu công nghệ hỏa tiễn, tôi không biết Putin sẽ phản ứng thế nào”. “Nhưng nếu anh ta chấp thuận, tất nhiên, đó sẽ là một diễn biến rất tồi tệ của tình hình này.”

Mertens cho biết nhà độc tài Triều Tiên “có khả năng đạt được rất nhiều: viện trợ trực tiếp để giảm bớt sự thiếu thốn cho người dân Triều Tiên và công nghệ quân sự của Nga. Thứ hai là thứ mà anh ta thực sự khao khát vì nó sẽ cho phép anh ta giải quyết sự gần như lỗi thời của các lực lượng thông thường và tăng cường lực lượng hạt nhân của mình.”

Mertens nói thêm rằng lực lượng không quân của Triều Tiên có thể là một lĩnh vực đặc biệt được quan tâm. “Lực lượng không quân Triều Tiên dường như vẫn có máy bay Ilyushin Il-28 và Thẩm Dương F-5 do Trung Quốc chế tạo trong danh sách của mình; đó là những chiếc máy bay thuộc về một bảo tàng cổ vật.”

Bất kỳ bước nhảy vọt về công nghệ nào đối với Triều Tiên sẽ đặt ra những câu hỏi khó cho Trung Quốc, quốc gia từ những năm 1950 đã là đối tác nước ngoài quan trọng và có ảnh hưởng nhất của Bình Nhưỡng.

Mertens nói: “Tôi thực sự tự hỏi ông Tập vui mừng thế nào với những diễn biến này. Ông ấy có lẽ muốn Nga không bị đánh bại – mặc dù một nước Nga bại trận thời hậu chiến thậm chí phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc có vẻ là một kịch bản rất hấp dẫn – nhưng việc Nga gián tiếp thúc đẩy Hàn Quốc và Nhật Bản tự trang bị thêm vũ khí sẽ không làm Tập Cận Bình hài lòng. “

Ignatov đồng tình. “Họ có quan tâm đến việc phát triển chương trình hỏa tiễn hiện đại ở Triều Tiên không?” anh ta hỏi về Bắc Kinh. Dù thế nào đi nữa, ông cho rằng ông Kim sẽ để mắt tới việc thách thức ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Mertens nói: “Tôi không nghĩ họ quan tâm đến chiến đấu cơ, tôi nghĩ họ quan tâm đến hỏa tiễn”. “Mối quan tâm chính của họ là có những khả năng mà họ có thể sử dụng hoặc có khả năng sử dụng để chống lại Hoa Kỳ, chứ không chỉ Nhật Bản và Hàn Quốc.”
 
Cú thứ hai: Căn cứ Putin ở Crimea nổ tung. Nga đóng cửa cầu Kerch. Ngày thê thảm của Hải Quân Nga
VietCatholic Media
18:01 14/09/2023


1. Quân Nga ở Crimea bị thêm cú thứ hai liên tiếp trong hai đêm

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Crimea Hit by Another Night of 'Powerful' Explosions”, nghĩa là “Crimea lại bị tấn công bởi một đêm với những tiếng nổ 'dữ dội' khác”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Crimea lại rung chuyển bởi một đêm nổ “dữ dội” khác, một ngày sau khi thuyền không người lái của hải quân Ukraine và các hỏa tiễn hành trình tấn công một xưởng đóng tàu ở cảng Sevastopol, được tường trình đã phá hủy hai tàu chiến Nga đang được sửa chữa.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố rằng vào sáng thứ Năm, các hệ thống phòng không đã phá hủy 11 máy bay không người lái của Ukraine ở bán đảo Hắc Hải, nơi bị Tổng thống Nga Vladimir Putin sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014.

Các cuộc tấn công trên bán đảo Hắc Hải trở nên thường xuyên hơn trong những tháng gần đây trong bối cảnh Kyiv phản công nhằm đòi lại lãnh thổ bị lực lượng Nga xâm lược. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cam kết hủy bỏ việc sáp nhập Crimea của Putin.

Cư dân các quận Yevpatoria, Zaozerne và Uyutne của Crimea đã báo cáo về các vụ nổ kể từ sáng sớm, theo kênh Telegram của Nga. Kênh này đã công bố nhiều video và hình ảnh cho thấy những vụ nổ lớn và những đám khói bốc lên trời.

Kênh Telegram của Ukraine viết: “Một số vụ nổ mạnh đã xảy ra ở Yevpatoria bị tạm chiếm, một người dân địa phương nói với Suspilne”.

Kênh Telegram “Crimea Wind” đưa tin rằng các vụ nổ bắt đầu sau 5 giờ sáng giờ địa phương vào sáng thứ Năm sau khi “máy bay không người lái đến” và các vụ nổ ở Yevpatoria khiến nhiều “ngôi nhà rung chuyển”.

Theo truyền thông địa phương, có nhiều đơn vị quân đội đóng tại khu vực Yevpatoria. Quận này cũng nằm gần phi trường quân sự Saki, nơi đã nhiều lần bị tấn công. Tổn thất của Nga vẫn chưa biết rõ nhưng các vụ cháy nổ kéo dài suốt ngày thứ Năm.

Ukraine chưa lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công. Nhưng chiều thứ Năm 14 Tháng Chín, phát ngôn nhân của Bộ chỉ huy quân sự miền Nam, Thiếu Tá Nataliya Humenyuk đã nói gần như thẳng thắn về sự liên quan của Kyiv. Cô nói trên truyền hình quốc gia: “Sự tập trung của các cơ sở quân sự, sự hiện diện của một phi trường gần đó - tất cả những điều này cho thấy rằng công việc đang được tiến hành hoàn toàn đúng như kế hoạch. Các mục tiêu đều hợp pháp và hoàn toàn mang tính quân sự.” Cô kết luận bài tường thuật của mình rằng “Зараз або ніколи”, nghĩa là “Bây giờ hay không bao giờ”.

Thảo Ly xin mở ngoặc để giải thích tại sao “Bây giờ hay không bao giờ”. Cuối Tháng Tám vừa qua quân Ukraine đã phá hủy hệ thống phòng không S-400 của Nga ở Cape Tarkhankut, phía Tây bán đảo Crimea. Ngày thứ Hai 11 Tháng Chín, họ đã tái chiếm được 2 giàn khoan và tháo gỡ các bộ cảm biến của Nga được đặt ở đó. Bây giờ là thời điểm quân Ukraine tấn công, quân Nga không thể đỡ nổi. Có thể đó là lý do “Bây giờ hay không bao giờ”.

Các nguồn tin tình báo giấu tên của Ukraine nói với hãng tin địa phương Lb.ua rằng cuộc tấn công là một hoạt động đặc biệt, do Cơ quan An ninh Ukraine và Lực lượng Hải quân dẫn đầu, nhằm phá hủy hệ thống hỏa tiễn đất đối không di động S-400 “Triumf” của Nga.

Newsweek không thể xác minh độc lập tuyên bố đó và đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga và Ukraine.

Hôm thứ Tư, Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã bắn 10 hỏa tiễn hành trình trong đêm nhằm vào căn cứ hải quân quan trọng ở Sevastopol và Hạm đội Hắc Hải của Nga đã bị ba thuyền không người lái trên biển nhắm tới. Các quan chức do Điện Cẩm Linh bổ nhiệm ở Crimea cho biết vụ hỏa hoạn bùng phát tại nhà máy sửa chữa tàu S. Ordzhonikidze khiến ít nhất 24 người bị thương, một tầu ngầm và một tầu đổ bộ khổng lồ của Nga bị phá hủy hoàn toàn.

2. Hải quân Nga vừa trải qua ngày tồi tệ nhất kể từ khi Ukraine đánh chìm soái hạm Moskva

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Navy Just Had Its Worst Day Since Ukraine Sunk Moskva Flagship”, nghĩa là “Hải quân Nga vừa trải qua ngày tồi tệ nhất kể từ khi Ukraine đánh chìm soái hạm Moskva.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Các vụ nổ và lửa bao trùm bến cảng Sevastopol vào sáng sớm thứ Tư khi Kyiv ghi thêm một thành công nữa trước Hạm đội Hắc Hải đang bị nao núng của Nga, khi hỏa tiễn hành trình và máy bay không người lái của nước này tấn công vào trung tâm quyền lực trong khu vực của Mạc Tư Khoa.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết 10 hỏa tiễn hành trình và 3 thuyền không người lái của hải quân đã tấn công Sevastopol, và nói rằng cả 3 máy bay không người lái bị phá hủy và 7 hỏa tiễn bị bắn hạ. Hình ảnh và video từ hiện trường cho thấy khu vực ụ tàu Sevastopol chìm trong biển lửa, trong đó tàu đổ bộ khổng lồ Minsk thuộc lớp Ropucha và tàu ngầm tấn công Rostov-on-Don lớp Kilo được tường trình là đã bị hư hại hoàn toàn.

Tư lệnh Không quân Ukraine Nikolai O Meatchuk xác nhận Kyiv chịu trách nhiệm về vụ tấn công và cho biết một số phi công của ông đã tham gia vào chiến dịch này. “Tôi cảm ơn các phi công của Lực lượng Không quân thuộc Lực lượng Vũ trang Ukraine vì công việc chiến đấu xuất sắc của họ! Còn tiếp…” ông viết, hãng tin Ukraine Strana.ua đưa tin.

Tờ Kyiv Post dẫn nguồn tin giấu tên trong cơ quan tình báo quốc phòng của Ukraine, gọi tắt là GUR cho biết: “Có thông tin về việc ít nhất có vụ phá hủy một tàu đổ bộ lớn và một tàu ngầm. Tất nhiên đây là một kết quả rất tốt”.

Thống đốc thành phố do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm, Mikhail Razvozhayev, cho biết ít nhất 24 người bị thương trong vụ tấn công.

Andriy Ryzhenko, thuyền trưởng hải quân Ukraine đã nghỉ hưu và hiện là chuyên gia chiến lược tại công ty tư vấn quốc phòng và hậu cần Sonata, nói với Newsweek rằng cuộc tấn công là “một cuộc tấn công thực sự gây ấn tượng, đó là cuộc tấn công lớn nhất từ khi cuộc chiến bắt đầu”.

Ryzhenko nói thêm: “Tôi nghĩ người Nga không mong đợi một cuộc tấn công mạnh mẽ như vậy từ Ukraine”. “Điều đó thực sự khiến quân đội Nga mất tinh thần và cũng làm giảm khả năng chiến đấu của họ”.

Không rõ loại vũ khí nào đã được sử dụng để tấn công Sevastopol, mặc dù lời khen ngợi của Oleshchuk dành cho các phi công của ông cho thấy hỏa tiễn hành trình phóng từ trên không, có lẽ là vũ khí Storm Shadow/SCALP của Anh-Pháp đã gây ra sự tàn phá đáng kể đối với các mục tiêu của Nga ở miền nam Ukraine bị tạm chiếm vào mùa hè này.

“Rất có thể chúng là hỏa tiễn Storm Shadow/SCALP,” Ryzhenko nói, mặc dù cũng nói thêm rằng hỏa tiễn hành trình chống hạm Neptune đã được sửa đổi cũng có thể đã được sử dụng.

Mười tám tháng chiến tranh đã chứng kiến nhiều sự sỉ nhục đối với lực lượng hải quân Nga ở Hắc Hải. Ukraine không có lực lượng hải quân thông thường đáng kể có thể thách thức các tàu Nga nhưng vẫn duy trì cuộc tranh chấp ở Hắc Hải bằng cách chuyển sang sử dụng máy bay không người lái, thuyền không người lái và hỏa tiễn tầm xa.

Kỳ hạm của Hạm đội Hắc Hải—tàu tuần dương hỏa tiễn dẫn đường Moskva—vẫn là nạn nhân đáng chú ý nhất, đã bị đánh chìm bởi hỏa tiễn chống hạm của Ukraine vào tháng 4 năm 2022. Kyiv suýt chút nữa đã tuyên bố xóa sổ con tầu kế nhiệm soái hạm là Đô đốc Makarov vào tháng 10 năm 2022 khi thuyền không người lái của hải quân tấn công và làm hư hại tàu khu trục nhỏ này.

Vào tháng 8, thuyền không người lái của hải quân Ukraine đã tấn công tàu đổ bộ Olenegorsky Gornyak lớp Ropucha đang neo đậu ở Novorossiysk – cách Sevastopol hơn 200 dặm về phía đông – và ngay sau đó họ tấn công tàu chở dầu Sig ngoài khơi bờ biển Crimea. Cả 2 đều bị hư hỏng nặng phải nhờ tàu kéo cấp cứu.

Dữ liệu nguồn mở Oryx cho thấy 16 tàu Nga đã bị tấn công kể từ tháng 2 năm 2022, 10 trong số đó đã bị phá hủy. Những tàu bị mất bao gồm tàu Moskva, tàu Minsk, tàu đổ bộ lớp Saratov Tapir và một tàu đổ bộ lớp Serna thuộc Dự án 11770. Những chiếc bị hư hại bao gồm tàu ngầm Rostov-on-Don, tàu Olenegorsky Gornyak và tàu quét mìn lớp Natya thuộc Dự án 266M.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Thành công của Kyiv vang dội đến nỗi các tàu Nga sẽ không còn dám tiếp cận bờ biển phía nam Ukraine nữa, và một số tài sản hải quân có giá trị nhất của Mạc Tư Khoa được cho là đã được di dời từ Crimea đến các cảng an toàn hơn ở phía tây Hắc Hải.

Tàu Nga là mục tiêu có giá trị đối với người Ukraine. Mạc Tư Khoa thường xuyên sử dụng Hạm đội Hắc Hải để phóng hỏa tiễn hành trình vào các thành phố của Ukraine và thực thi lệnh phong tỏa hải quân không liên tục đối với các cảng phía nam Ukraine quan trọng đối với các ngành xuất khẩu của Kyiv.

Nga đã chiếm giữ và sáp nhập Crimea vào năm 2014, một hoạt động được hỗ trợ bởi căn cứ quân sự lâu đời của Nga ở Sevastopol. Thành phố này là mấu chốt trong việc Mạc Tư Khoa kiểm soát Crimea và do đó Ukraine phải đưa ra những nỗ lực nhằm giải phóng bán đảo này.

Các cuộc đột kích của biệt kích Ukraine cũng gây ra nhiều vấn đề cho người Nga. Kyiv đã giành chiến thắng trong trận chiếm Đảo Rắn, một tiền đồn nhỏ nhưng mang tính chiến lược gần bờ biển Rumani, bằng cách khiến quân đội Nga, những người đã chiếm giữ mỏm đá này trong giai đoạn mở đầu của cuộc xâm lược, không còn có thể thể trụ được

Tháng trước, một đội đặc nhiệm đã tới bờ biển phía tây bắc Crimea. Và trong tuần này, Kyiv tuyên bố chiếm lại các giàn khoan dầu ở Hắc Hải gần bờ biển Crimea đã bị Nga xâm lược từ năm 2015.

3. Cầu Crimea bị đóng cửa sau biến cố Sevastopol

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Crimea Bridge Closed After Naval Drones Target Russian Black Sea Fleet”, nghĩa là “Cầu Crimea bị đóng cửa sau khi thuyền không người lái của hải quân nhắm vào Hạm đội Hắc Hải của Nga”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Phương Thảo.

Nga đã đóng cửa cây cầu chiến lược Kerch nối đất nước với bán đảo Crimea sáp nhập hôm thứ Tư sau khi thuyền không người lái của hải quân Ukraine và một hỏa tiễn hành trình tấn công một xưởng đóng tàu ở cảng Sevastopol, được tường trình làm hư hại hai tàu chiến Nga đang được sửa chữa.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết Ukraine đã bắn 10 hỏa tiễn hành trình trong đêm nhằm vào căn cứ hải quân quan trọng và Hạm đội Hắc Hải của Nga đã bị 3 máy bay không người lái trên biển nhắm tới. Các quan chức do Điện Cẩm Linh bổ nhiệm ở Crimea cho biết vụ hỏa hoạn bùng phát tại nhà máy sửa chữa tàu S. Ordzhonikidze khiến ít nhất 24 người bị thương.

Các cuộc tấn công trên bán đảo Hắc Hải trở nên thường xuyên hơn trong những tháng gần đây trong bối cảnh Kyiv phản công để đòi lại lãnh thổ bị tạm chiếm. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã cam kết đảo ngược việc sáp nhập Crimea bất hợp pháp của Tổng thống Nga Vladimir Putin, diễn ra vào năm 2014.

Ukraine đã trực tiếp nhận trách nhiệm về vụ tấn công, và chỉ huy lực lượng không quân Ukraine, Trung tướng Mykola Meatchuk, cho biết của mình hôm thứ Tư: “Trong cuộc bắn phá đúng lúc ở Sevastopol, tôi xin cảm ơn các phi công của Lực lượng Không quân Ukraine vì công việc chiến đấu xuất sắc của họ! Còn tiếp...”

Ngay sau vụ tấn công, Cầu eo biển Kerch — trước đó đã bị Ukraine tấn công hai lần vào tháng 10 năm 2022 và tháng 7 năm 2023 — đã bị đóng cửa không cho xe cộ qua lại. Vào tháng 8, Kyiv đã nhận trách nhiệm về cả hai cuộc tấn công. Zelenskiy cho biết vào tháng trước rằng cầu Kerch là mục tiêu hợp pháp vì Nga sử dụng nó làm tuyến đường tiếp tế quân sự trong cuộc chiến kéo dài 18 tháng.

“Giao thông trên cầu Crimea tạm thời bị tắc nghẽn. Những người trên cầu và trong khu vực kiểm tra được yêu cầu giữ bình tĩnh và làm theo hướng dẫn của nhân viên an ninh giao thông”, một kênh Telegram cung cấp thông tin cập nhật về hoạt động trên cầu cho biết vào khoảng 11 giờ sáng giờ địa phương mà không nêu rõ lý do tại sao nó lại phải đóng cửa.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Cầu eo biển Kerch là tuyến đường tiếp tế quan trọng cho lực lượng Nga và là đường nối đất liền duy nhất với Crimea. Nó bao gồm hai phần chính – một con đường bốn làn xe và một cây cầu đường sắt với hai đường ray – và rất quan trọng để duy trì các cuộc tấn công quân sự của Mạc Tư Khoa ở miền nam Ukraine.

Cây cầu gần đây đã bị cản trở bởi việc đóng cửa thường xuyên, đặc biệt là sau cuộc tấn công của Ukraine vào ngày 17 tháng 7. Ngày 3/9, giao thông trên cầu cũng bị tạm dừng mà cơ quan chức năng không đưa ra lý do. Nó vừa được mở cửa trở lại vào hôm thứ Ba sau một thời gian ngắn đóng cửa. Ngay sau đó, nó lại bị đóng sau biến cố quân Ukraine tấn công Sevastopol vào rạng sáng thứ Tư.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington DC đã đánh giá vào tháng trước rằng các cuộc tấn công của Ukraine vào những cây cầu quan trọng nối Crimea với miền nam Ukraine và với đất liền Nga đang ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển tài nguyên của Mạc Tư Khoa. Viện nghiên cứu cho biết điều này cũng ảnh hưởng đến nỗ lực của Điện Cẩm Linh nhằm chống lại cuộc phản công đang diễn ra của Kyiv nhằm giành lại lãnh thổ của mình.

Cho đến nay nhà chức trách không cho biết khi nào cầu Kerch sẽ được thông xe trở lại.

4. Kim nói với Putin rằng Nga sẽ đánh bại các “thế lực tà ác” và Triều Tiên ủng hộ cuộc chiến của Mạc Tư Khoa ở Ukraine

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân đã bày tỏ sự tán thành mạnh mẽ nhất đối với cuộc chiến của Mạc Tư Khoa với Ukraine kể từ khi hội nghị thượng đỉnh của ông ở Nga bắt đầu, nói với Vladimir Putin rằng “Nga sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến trừng phạt các thế lực tà ác”.

Ông Kim nói trước khi nâng cốc chúc mừng trong bữa tối cấp nhà nước với ông Putin rằng ông “chắc chắn rằng người dân và quân đội Nga sẽ chiến thắng trong cuộc chiến trừng phạt các thế lực tà ác có tham vọng theo đuổi quyền bá chủ và bành trướng”.

Ông không nêu tên Ukraine nhưng đề cập đến “hoạt động quân sự” của Nga, cụm từ hoa mỹ mà Mạc Tư Khoa sử dụng để mô tả cuộc xâm lược bất hợp pháp vào Ukraine.

Ông Kim cho biết “quân đội và người dân Nga sẽ kế thừa truyền thống chiến thắng chói sáng” và thể hiện danh tiếng của họ trên tuyến đầu của “chiến dịch quân sự”.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên nói thêm rằng ông và ông Putin đã có “cuộc thảo luận sâu” với ông Putin về “bối cảnh chính trị và quân sự của Bán đảo Triều Tiên và Âu Châu”.

Ông Kim cam kết sẽ thiết lập “kỷ nguyên mới của tình hữu nghị 100 năm” giữa hai nước, đồng thời nâng ly chúc mừng “chiến thắng mới vĩ đại của nước Nga” và sức khỏe của ông Putin.

Các nước phương Tây đã cảnh báo rằng ông Putin sẽ tìm kiếm một thỏa thuận vũ khí với ông Kim để củng cố cuộc chiến vốn đã kéo dài 18 tháng và khiến quân đội Mạc Tư Khoa thiếu nguồn cung cấp và nhân lực.

Sự ủng hộ hết mình của Kim đối với cuộc chiến tại bữa tối sẽ chỉ củng cố thêm những nỗi sợ hãi đó. Triều Tiên, quốc gia đã phải đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế trong nhiều năm vì chương trình vũ khí hạt nhân, đang thiếu mọi thứ từ tiền mặt, thực phẩm cho đến công nghệ hỏa tiễn.

5. Ukraine phá hủy tàu chiến, tàu ngầm, 33 chiến xa, và 42 hệ thống pháo trong 24 giờ qua

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Năm 14 tháng Chín, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine chính thức xác nhận chiếc tầu đổ bộ khổng lồ Minsk và chiếc tầu ngầm Rovtov-On-Don đã bị phá hủy tại thành phố Sevastopol, và từ nay sẽ được ghi vào bản thống kê tình hình chiến sự hàng ngày.

Tưởng cũng nên nhắc lại là vào sáng sớm thứ Tư ngày 13 tháng 9, Ukraine đã phóng một loạt hỏa tiễn hành trình vào ụ tàu Sevmorzavod ở Sevastopol. Chính phía Nga đã xác nhận rằng cuộc tấn công đã phá hủy một tàu ngầm lớp Kilo là tầu Rostov-on-Don và tàu đổ bộ lớp Ropucha là tầu Minsk cũng như khiến các ụ tàu và cơ sở sửa chữa không thể hoạt động vô thời hạn.

Ban đầu, thông tấn xã Tass của Nga cho rằng một trong hai chiếc vẫn còn có khả năng phục hồi. Tuy nhiên, Mikhail Razvozhaev, Thống đốc khu vực Sevastopol, do Nga bổ nhiệm, xác nhận rằng cả hai bị cháy trong nhiều giờ và bị trúng hỏa tiễn Storm Shadow chuyên dùng để tấn công các boongke nên cả hai đã được xác nhận là bị phá hủy.

Trong ngày qua, Không quân Ukraine đã tiến hành 12 cuộc tấn công vào các cụm nhân lực và thiết bị của đối phương và hai cuộc tấn công vào các hệ thống hỏa tiễn phòng không của quân Nga.

Các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh đã tấn công một sở chỉ huy của Nga, một hệ thống hỏa tiễn phòng không, cụm nhân lực và vũ khí, 15 hệ thống pháo binh, hai kho đạn dược và một trạm tác chiến điện tử.

Trong ngày qua, 29 cuộc đụng độ đã diễn ra dọc chiến tuyến. Quân Nga đã tiến hành hai cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và 92 cuộc không kích, cũng như 42 cuộc tấn công liên quan đến nhiều bệ phóng hỏa tiễn, nhằm vào các vị trí quân sự và các mục tiêu dân sự.

Đêm thứ Tư rạng sáng ngày thứ Năm quân xâm lược đã phóng 47 máy bay không người lái kamikaze thuộc loại Shahed-136 và 131, trong đó 35 chiếc đã bị lực lượng phòng không Ukraine tiêu diệt. Thật không may, hậu quả của các cuộc tấn công khủng bố của Nga là một số thường dân đã thiệt mạng và bị thương. Cơ sở hạ tầng cảng, các gia đình và cơ sở hạ tầng dân sự khác bị thiệt hại và phá hủy.

Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết một cậu bé sáu tuổi đã thiệt mạng vì pháo kích của Nga ở vùng Kherson. Vụ tấn công, xảy ra ở làng Novodmytrivka, nằm ở vùng Kherson, cũng làm cho 4 người khác bị thương.

Các mảnh vỡ của máy bay không người lái cũng được tường trình đã phá hủy một phần ngôi nhà gần vùng Nikopol thuộc vùng Dnipropetrovsk.

Maliar cũng nhắc lại vào ngày 11 tháng 9 thị trấn Opytne đã được giải phóng và lực lượng Ukraine vẫn đang tảo thanh quân Nga trong một nghĩa trang. Từ ngày 13 tháng 9, đã có các cuộc giao tranh ở phía tây nam Opytne. Những cuộc tấn công mới này diễn ra ở làng Pisky, và là một phần của cuộc tấn công ba mũi nhọn vào thị trấn, hai mũi tấn công còn lại đến từ hướng Nevelske và Pervomaiske. Theo Thứ trưởng Hanna Maliar, lực lượng Nga trong thị trấn Vodiane đã rút lui để tránh bị bao vây.

Trong 24 giờ qua, 620 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 15 xe tăng, 18 xe thiết giáp, 42 hệ thống pháo, 3 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 46 máy bay không người lái và 14 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 14 Tháng Chín, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 270.970 quân nhân Nga. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 315 chiến đấu cơ, 316 trực thăng, 4.599 xe tăng, 4.697 máy bay không người lái, 8.810 xe thiết giáp, 1.455 hỏa tiễn hành trình, 5.944 hệ thống pháo,, 20 tàu chiến, 1 tàu ngầm,769 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 8.458 xe chuyển quân và nhiên liệu, 517 hệ thống phòng không, và 889 thiết bị chuyên dụng.

6. Truyền thông nhà nước Nga đưa tin Putin và Kim đã dành vài giờ bên nhau và có những cuộc hội đàm “thực chất”

Truyền thông nhà nước Nga hôm thứ Tư dẫn lời phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết, các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân là “rất thực chất”.

“Các cuộc đàm phán giữa Putin và Kim Chính Ân rất thực chất”, RIA đưa tin, dẫn lời Peskov. Theo RIA, Peskov nói thêm rằng Triều Tiên “thể hiện sự quan tâm rất lớn đến việc phát triển quan hệ song phương với Nga”.

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, cặp đôi đã dành khoảng 5 giờ bên nhau vào thứ Tư.

Theo TASS, các nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Vostochny Cosmodrome lúc 7h09 sáng giờ Mạc Tư Khoa, nơi nhà lãnh đạo Triều Tiên đến trên chuyến tàu của mình và cả hai đã kiểm tra các cơ sở của Vostochny. Theo TASS, các cuộc đàm phán bắt đầu lúc 8h25 sáng và kéo dài “hơn một giờ”. TASS cho biết hội nghị thượng đỉnh sau đó tiếp tục với “cuộc trò chuyện trực tiếp giữa Putin và Kim Chính Ân”.

7. Ukraine sử dụng giàn khoan ngoài khơi được thu hồi để tăng cường kiểm soát Hắc Hải

Giàn khoan Boyko sẽ được Lực lượng Phòng vệ Ukraine sử dụng để tăng cường kiểm soát ở Hắc Hải và chuẩn bị cho các hoạt động tiếp theo nhắm vào Crimea.

Andriy Yusov, phát ngôn nhân của Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine, đã cho biết như trên trong cuộc họp báo tại Trung Tâm Báo Chí Kyiv chiều thứ Nm 14 Tháng Chín.

“Chúng tôi sẽ không bình luận chi tiết về hoạt động của các giàn khoan này nhưng bây giờ chúng tôi có thể quan sát Đảo Rắn, do Ukraine kiểm soát. Các lực lượng an ninh và quốc phòng của chúng tôi thường xuyên nhận được từ đó các tài liệu ảnh và video mới, ghi lại các hành động của lực lượng Ukraine, nhằm tăng cường bảo vệ chủ quyền của chúng ta. Trên thực tế, giàn khoan Boyko cũng sẽ được lực lượng an ninh và quốc phòng của chúng ta sử dụng để bao quát khu vực Tây Bắc Hắc Hải. Sau khi tàu tuần dương Moskva bị phá hủy, sau khi giải phóng Đảo Rắn, đây là một bước nữa nhằm giành lại quyền kiểm soát vùng biển Hắc Hải, cũng như chuẩn bị cho các hành động tiếp theo, đặc biệt là nhắm vào Crimea”, Yusov nói.

Ông cũng lưu ý rằng đối phương có thể cố gắng chiếm lại các giàn khoan nên lực lượng phòng thủ Ukraine phải chuẩn bị.

Như Ukrinform đã đưa tin trước đó, vào ngày 11 tháng 9, các đơn vị thuộc Tổng cục Tình báo Chính của Bộ Quốc phòng đã hoàn thành một chiến dịch đặc biệt, nhờ đó Ukraine giành lại quyền kiểm soát giàn khoan Boyko – là giàn khoan dầu khí ngoài khơi bờ biển Crimea ở Hắc Hải.

8. Putin gợi ý về tiềm năng hợp tác quân sự với Triều Tiên

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này đang xem xét và thảo luận về một số hợp tác quân sự với Triều Tiên, theo hãng thông tấn nhà nước Nga Russia 1.

Khi được hỏi liệu ông có thảo luận về hợp tác quân sự với ông Kim Chính Ân trong cuộc gặp hôm thứ Tư hay không, ông Putin lưu ý “những hạn chế nhất định” trong việc gửi viện trợ quân sự cho Triều Tiên.

Tuy nhiên, Tổng thống Nga thừa nhận rằng có những lĩnh vực mở để thảo luận và xem xét, đồng thời gợi ý rằng chủ đề này sẽ là một nét đặc trưng trong chuyến thăm Nga của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

“Vâng, có một số hạn chế nhất định và Nga tuân thủ tất cả những hạn chế này,” Putin nói với Russia 1 thuộc sở hữu nhà nước. “Nhưng có những điều tất nhiên chúng ta có thể nói, thảo luận và suy nghĩ về nó. Và ở đây cũng có nhiều triển vọng,” ông nói thêm.

Một số bối cảnh: Ông Kim trước đây đã nhấn mạnh vai trò của các vệ tinh quân sự như một phương tiện bảo vệ an toàn quốc gia và ổn định lãnh thổ, đồng thời đã nói về giá trị chiến lược của chúng khi triển khai lực lượng quân sự phủ đầu, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin vào tháng 4.

Cung cấp công nghệ này cho Triều Tiên sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt quốc tế vốn được áp đặt nhằm cản trở khả năng của Bình Nhưỡng trong việc xây dựng lực lượng vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo hoạt động đầy đủ.

Các quan chức Mỹ cảnh báo hội nghị thượng đỉnh có thể dẫn đến việc Bình Nhưỡng cung cấp vũ khí cho Mạc Tư Khoa sử dụng trong cuộc chiến Ukraine đang chùn bước để đổi lấy công nghệ hỏa tiễn đạn đạo bị trừng phạt.

9. Mạc Tư Khoa cho biết 5 tàu Ukraine tấn công tàu bị phá hủy

Thông tấn xã, là cơ quan truyền thông chính thức Nga dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga đưa tin quân đội Nga đã phá hủy 5 tàu không người lái của Ukraine đang cố gắng tấn công tàu tuần tra Sergei Kotov ở Hắc Hải vào sáng sớm thứ Năm.

Bộ này cho biết các thuyền không người lái đã “bị phá hủy bởi hỏa lực từ vũ khí tiêu chuẩn của tàu” khi đẩy lùi cuộc tấn công vào tàu Sergei Kotov vào khoảng 5 giờ sáng.

Hôm thứ Tư, quân đội Nga đã phá hủy ba tàu không người lái của Ukraine ở Hắc Hải.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine đã bác bỏ các báo cáo này của Nga.

10. Putin mô tả cuộc đàm phán với Kim Chính Ân là “hiệu quả” và “thẳng thắn”

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ngày hội đàm đầu tiên của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân “rất hiệu quả”, liên quan đến việc “trao đổi quan điểm thẳng thắn” về cả các vấn đề khu vực và quan hệ song phương.

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga TASS, hai ông này đã dành khoảng 5 giờ bên nhau vào thứ Tư.

Putin tiếp tục xác nhận rằng ông Kim sẽ bay đến Komsomolsk-on-Amur và sau đó là Vladivostok như một phần trong chương trình mở rộng của ông trong thời gian ở Nga. Ông sẽ đến thăm các nhà máy sản xuất cả thiết bị dân sự và quân sự. Sau đó, phái đoàn Triều Tiên sẽ được trình diễn khả năng quân sự của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga, ông nói với hãng thông tấn nhà nước Russia 1 sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Tư.

Ông Putin cho biết chương trình của ông Kim Chính Ân tại Nga cũng sẽ bao gồm các vấn đề môi trường và giáo dục, với các chuyến thăm tới Đại học Liên bang Miền Đông và Viện Hàn lâm Khoa học Nga, trong đó có phòng thí nghiệm sinh học biển.

11. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết Ukraine đã thành công trong việc sử dụng các tổ hợp nhiên liệu hạt nhân cho các lò phản ứng. Điều này chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga trong lãnh vực này. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Vào ngày 10 tháng 9 năm 2023, Energoatom, nhà điều hành nhà máy điện hạt nhân của Ukraine, thông báo họ đã tiếp nhiên liệu thành công cho một lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Rivne bằng cách sử dụng các tổ hợp nhiên liệu hạt nhân do phương Tây sản xuất.

Tất cả các nhà máy điện hạt nhân của Ukraine đều có lò phản ứng dựa trên thiết kế của Liên Xô và cho đến tháng 2 năm 2022, nước này vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân của Nga. Kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga, Ukraine đã đẩy nhanh kế hoạch đa dạng hóa nguồn cung của mình.

Với việc năng lượng hạt nhân cung cấp khoảng một nửa lượng điện năng của Ukraine, thành công của Energoatom trong việc tìm nguồn cung ứng và lắp đặt nhiên liệu của phương Tây là một bước tiến quan trọng trong việc Ukraine tách khỏi Nga về lâu dài. Ảnh hưởng của Nga trên nguồn cung cấp năng lượng của Ukraine đã bị suy giảm nghiêm trọng.

12. Blogger quân sự Mạc Tư Khoa nói 10 hỏa tiễn hành trình được phóng vào xưởng đóng tàu Nga

Một blogger quân sự nổi tiếng của Nga nói rằng cuộc tấn công vào xưởng đóng tàu Sevastopol trong đêm do Không quân Ukraine thực hiện, lực lượng này đã phóng 10 hỏa tiễn hành trình Storm Shadow vào cơ sở này.

Blogger Rybar cho biết hỏa tiễn được phóng từ máy bay Su-24M trên Hắc Hải. Rybar cho biết lực lượng phòng không, bao gồm một chiếc Pantsir-S1, đã bắn hạ 7 hỏa tiễn, nhưng nói thêm rằng “không may, 3 hỏa tiễn Storm Shadow đã bắn trúng mục tiêu: tàu đổ bộ Minsk và tàu ngầm Rostov-on-Don, đang ở trong ụ tàu, mức độ thiệt hại nặng nề.”

Rostov-on-Don là tàu ngầm lớp Kilo tương đối hiện đại có khả năng mang hỏa tiễn hành trình Kalibr.

Rybar cho biết: “Sau một thời gian dài tạm dừng, các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hành trình vào Crimea đã tiếp tục diễn ra”. “Với khả năng rất cao, các cuộc đột kích sẽ tiếp tục trong những ngày tới và không chỉ ở Sevastopol.”

Trong một đề cập rõ ràng đến vụ tấn công qua đêm, nhà lãnh đạo Văn phòng Tổng thống Ukraine, Andriy Yermak, nói rằng “ngoài áp lực trừng phạt và tước bỏ khả năng sản xuất vũ khí của tổ hợp công nghiệp quân sự Nga, chúng tôi cần tước đoạt hậu cần của quân đội Nga. Không có nó, họ sẽ không thể giữ được lãnh thổ của chúng ta.”

“Con đường dẫn đến chiến thắng trên chiến trường là đánh bại hệ thống hậu cần của quân Nga”.

Hãng thông tấn chính thức của Nga TASS đưa tin, đám cháy đã được dập tắt: Vụ tấn công đã làm hư hại 8 nhà xưởng. Hỏa hoạn kéo dài nhiều giờ hiện đã bị dập tắt.
 
Có nên cung cấp vũ khí cho Ukraine hay không? Ý kiến của Thủ tướng Scholz, và Tiến sĩ George Weigel
VietCatholic Media
18:03 14/09/2023


1. Sứ điệp Đức Thánh Cha gửi cuộc gặp gỡ cầu nguyện hòa bình tại Berlin

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi tín hữu và những người thiện chí đừng cam chịu chiến tranh, nhưng hãy dám táo bạo, can đảm dấn thân cho hòa bình.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây, trong sứ điệp gửi các tham dự viên cuộc gặp gỡ quốc tế cầu nguyện cho hòa bình, do Cộng đồng thánh Egidio tổ chức, từ ngày 10 đến chiều ngày 12 tháng Chín vừa qua, tại Berlin, thủ đô Đức, với sự tham dự của các vị lãnh đạo tôn giáo, nhiều nhân vật chính trị và xã hội. Hàng ngàn người đã có mặt tại buổi kết thúc, diễn ra tại Cổng Brandenburg, nơi đánh dấu sự sụp đổ của Bức tường Berlin, mở ra những viễn tượng mới: tự do cho các dân tộc, đoàn tụ các gia đình, hy vọng một nền hòa bình mới cho xã hội sau chiến tranh lạnh.

Đức Thánh Cha nhận định rằng: “Rất tiếc là trong những năm qua, người ta không xây dựng trên niềm hy vọng mới ấy, nhưng trên những lợi lộc riêng, và trên sự nghi kỵ đối với người khác. Và thế là, thay vì phá đổ các bức tường, người ta dựng lên bao nhiêu bức tường khác. Từ bức tường tới chiến hào, thật là ngắn ngủi. Ngày nay, chiến tranh vẫn còn tàn phá tại quá nhiều nơi trên thế giới và tại Âu châu là nơi đất nước Ukraine, một cuộc xung đột kinh khủng, không có dấu hiệu kết thúc, với chết chóc, người bị thương, đau thương, tản cư và tàn phá.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: “Đứng trước tình trạng đó, ta không thể cam chịu. Cần một cái gì hơn nữa, cần thái độ can đảm, táo bạo hòa bình. Đó cũng là trọng tâm cuộc gặp gỡ của anh chị em. Óc thực tiễn vẫn không đủ, những cứu xét chính trị, những khía cạnh chiến lược hiện nay không đủ, cần cái gì hơn nữa, vì chiến tranh đang tiếp diễn, cần can đảm dấn thân cho hòa bình, cần thay đổi, mặc dù có những chướng ngại và khó khăn khách quan.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Sự táo bạo hòa bình đặt câu hỏi cách riêng cho các tín hữu, nơi họ, sự táo bạo ấy biến thành kinh nguyện, để khẩn cầu Trời Cao điều mà dường như không thể đạt được trên trái đất. Sự kiên trì cầu nguyện là hình thức đầu tiên của sự táo bạo... Chúng ta đừng sợ trở thành những người đầu tiên ăn xin hòa bình, hiệp với các anh chị em thuộc các tôn giáo khác và tất cả những người không cam chịu sự không thể tránh được của các cuộc xung đột. Tôi hiệp với anh chị em trong việc cầu nguyện cho sự chấm dứt các chiến tranh và chân thành cám ơn anh chị em vì những gì anh chị em đang làm”.

Và Đức Thánh Cha kết luận:”Cần tiến bước để vượt qua bức tường bất khả, được dựng lên trên những lý lẽ có vẻ không thể phi bác được, trên ký ức bao nhiêu đau khổ quá khứ và những vết thương sâu đậm đã phải chịu. Đó thực là điều khó khăn, nhưng không phải là không thể. Không gì là bất khả đối với các tín hữu, đang sống sự táo bạo của kinh nguyện hy vọng. Và đó cũng không được trở thành điều bất khả đối với các nhà chính trị, đối với các vị hữu trách và các nhà ngoại giao. Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình, không mệt mỏi, tiếp tục gõ cửa, với tinh thần khiêm tốn và kiên trì, gõ cánh cửa luôn mở rộng của con tim Thiên Chúa và những cánh cửa của con người. Chúng ta hãy cầu xin cho những con đường được mở ra, nhất là cho Ukraine yêu quý đang chịu đau thương”.

2. Thủ tướng Scholz nói tại cuộc họp của Cộng Đồng Sant'Egidio ở Berlin “vì hòa bình công chính cho Ukraine mà cung cấp vũ khí”

“Đức ngày nay là một quốc gia dang rộng bàn tay với niềm tin sâu sắc nhất đối với những ai mạnh dạn tìm kiếm hòa bình”. Điều này đã được Thủ tướng liên bang Đức, Olaf Scholz nói hôm 12 Tháng Chín tại diễn đàn “Sự táo bạo của hòa bình”, cùng với chủ tịch Sant'Egidio Marco Impagliazzo, vào ngày cuối cùng của cuộc họp quốc tế do Sant'Egidio thúc đẩy ở Berlin.

“Ngày nay, có lẽ không ai ở Âu Châu mong muốn hòa bình nhiều như người Ukraine – ông nhấn mạnh. Mỗi ngày, họ bảo vệ tự do, quê hương, mạng sống của mình trước sự say sưa quyền lực mù quáng và đế quốc của những kẻ thống trị Điện Cẩm Linh.” Theo Scholz, “kế hoạch hòa bình mà Tổng thống Zelenskiy đang thúc đẩy trên toàn thế giới thể hiện rõ ràng niềm khao khát hòa bình này”. Đồng thời, “chúng ta phải đề phòng các giải pháp giả mạo chỉ có từ ‘hòa bình’ trong tên của chúng.”

Hoà bình mà không có tự do thì gọi là áp bức – ông nói tiếp. Hòa bình không có công lý được gọi là độc tài.

Vì lý do này, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ lời kêu gọi của Ukraine về một nền hòa bình công bằng, tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Điều đó tôn trọng các nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ và độc lập.” “Đây là lý do tại sao chúng tôi hỗ trợ những người đàn ông và phụ nữ Ukraine bảo vệ quê hương của họ. Chúng tôi cũng làm điều đó bằng cách cung cấp vũ khí cho họ.”

“Quyết định này không hề dễ dàng đối với chúng tôi – và chúng tôi không xem nhẹ nó – Thủ tướng Đức nói thêm -. Chính vì chúng tôi biết tác động của vũ khí mà chúng tôi cung cấp nên chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ và liên tục kiểm tra rất cẩn thận những gì cần thiết và những ai phải chịu trách nhiệm trong tình hình hiện tại.”

Theo Olaf Scholz, “luật pháp phải khắc phục bạo lực chứ không phải ngược lại. Bất kỳ quan điểm nào khác sẽ dẫn đến sự công nhận quy luật của kẻ mạnh nhất.” Và “chúng tôi đã biết rất rõ con đường này dẫn đến đâu qua nhiều thế kỷ bị khai thác thuộc địa và tàn phá do chiến tranh”.

“Đối với tôi, điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine thực hiện quyền tự vệ của mình chừng nào còn cần thiết. Tôi cho rằng điều đó là cần thiết không chỉ từ quan điểm chính trị và chiến lược mà còn về mặt đạo đức hòa bình”. “Bởi vì việc bảo vệ sự tồn vong của mình trước kẻ xâm lược là điều kiện tiên quyết để một Ukraine độc lập và tự do tìm thấy hòa bình và để giới lãnh đạo Nga sẵn sàng đàm phán thực sự – Thủ tướng Đức nói thêm -. “Thực tế này phải là điểm khởi đầu cho việc tìm kiếm hòa bình của chúng ta.”

Gần đây, “với sự hỗ trợ của chúng tôi và của nhiều quốc gia thân thiện khác, Ukraine đã có thể ngồi vào bàn đàm phán với các quốc gia Á Châu, Phi Châu và Mỹ Latinh, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Ả Rập Saudi và Brazil”. Scholz nhấn mạnh: “Chúng ta hiện đang cùng nhau phát triển các khía cạnh khác nhau của công thức hòa bình ở Ukraine và các nguyên tắc cho một giải pháp hòa bình”. “Điều đó không đơn giản, cũng như do những nhận thức khác nhau mà chúng ta có về thế giới về cuộc chiến ở Nga. Nó làm mất thời gian và công sức. Thời gian, đáng tiếc là chúng ta không có, vì Nga vẫn tiếp tục ném bom, tra tấn và giết hại ở Ukraine trong thời gian này.”

Scholz kết luận: “Nhưng cho dù thời gian có cấp bách đến đâu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đúng khi mô tả công việc vì hòa bình là ‘công việc của những nghệ nhân kiên nhẫn’. Đó là một mô tả thực sự phù hợp.”

Cuối bài phát biểu của mình, Thủ tướng Scholz đã trả lời các câu hỏi của một số người tham gia diễn đàn diễn ra tại trụ sở Axica ở Pariser Platz, trước Cổng Brandenburg.

Lập trường của Thủ tướng Scholz mâu thuẫn gay gắt với lập trường của nhà sử học Andrea Riccardi, là người sáng lập Cộng đồng Sant'Egidio.

Trong một cuốn sách gần đây có nhan đề “Tiếng kêu của hòa bình” và trong sự kiện ra mắt cuốn sách này ngày 4 tháng 7, ông và các diễn giả khác đã hô hào việc chấm dứt tức khắc các viện trợ vũ khí cho Ukraine và lên án”chủ nghĩa dân tộc” dưới bất kỳ hình thức nào và tuyên bố những khái niệm như bản sắc dân tộc và biên giới là có thể thay thế được. Nói về bản sắc dân tộc và biên giới được họ mô tả là một sự khiêu khích đối với những người hàng xóm. Các diễn giả nói rằng chiến tranh luôn là sự tàn sát vô nghĩa và không bao giờ dẫn đến giải pháp. Nhưng không có sự lên án đạo đức nào đối với cuộc tấn công vô cớ của Nga vào Ukraine cũng như những hành động chiến tranh tàn bạo của nước này trong những tháng sau đó. Không ai nói bất cứ điều gì về nghĩa vụ đạo đức chính đáng của một quốc gia phải bảo vệ công dân của mình chống lại một kẻ xâm lược nguy hiểm.

Scholz, “just peace for Ukraine, that's why we supply weapons”. The chancellor at the Sant'Egidio meeting in Berlin

https://www.tracieloeterra.blog/europa/scholz-pace-giusta-per-lucraina-per-questo-forniamo-armi-il-cancelliere-allincontro-di-santegidio-a-berlino/