Ngày 10-09-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thần học về Thập giá
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
14:47 10/09/2008
THẦN HỌC VỀ THẬP GIÁ

Trải qua lịch sử Kitô giáo đã có nhiều thứ thần học về Thập giá, bắt nguồn từ những đường lối suy tư và chiêm ngắm khác nhau khi người tín hữu đứng trước Thập giá. Không ai chối cãi được sự quan trọng của Thập giá đối với Kitô giáo. Không những các Kitô hữu đeo ảnh Thập giá trên người để tỏ lòng mộ mến hay để tỏ ra căn cước của mình, mà thậm chí người ngoại đạo cũng coi Thập giá như là biểu tượng của Kitô giáo. Chính vì thế mà tổ chức từ thiện “Hội Chữ Thập đỏ” đã bị các nước Hồi giáo bắt sửa lại phù hiệu thành “vầng trăng đỏ” để tránh lẫn lộn công tác nhân đạo với Kitô giáo. Mặt khác, nhiều người Kitô hữu đã gắn liền Thập giá với hy sinh đau khổ, và họ có cảm tưởng rằng không còn gì khác để nói ngoài đề tài đó. Cảm tưởng đó chỉ đúng một phần, theo nghĩa là từ hai mươi thế kỷ nay, mỗi lần nói tới Thập giá thì không thể nào tránh được vấn đề đau khổ. Tuy nhiên, ngoài đề tài đau khổ ra còn có những khía cạnh khác nữa. Một điểm đáng ghi nhận khác nữa là tuy rằng đã có nhiều suy tư về ý nghĩa của Thập giá trải qua suốt lịch sử Kitô giáo, nhưng mãi tới thập niên 70 của thế kỷ này, mới nảy ra một ngành thần học mang tựa đề là “Thần học về Thập giá” (staurologia), theo nghĩa là Thập giá trở thành trung tâm của thần học: chính nhờ Thập giá mà chúng ta biết được khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa.

A.THẦN HỌC KINH THÁNH VỀ THẬP GIÁ

Trong phần này, xin đề cập đến 3 vấn đề:
1. Thập giá trong khung cảnh lịch sử của nó.
2. Bốn tác giả Phúc âm đã nghĩ gì về việc Đức Giêsu phải chịu chết trên Thập giá.
3. Thần học của Thánh Phaolô về Thập giá.

I. Nhục hình Thập giá

Vào thời của Đức Giêsu, Thập giá tiên vàn là một nhục hình. Trong đế quốc Rôma, Thập giá là một hình phạt dành cho các tội trọng. Tội nhân thường bị đánh đòn, và sau đó phải vác thanh ngang tới pháp trường. Có hai hình thức Thập giá. Một thứ giống như chữ T (thanh ngang được chồng lên chóp của cây gỗ đứng); một thứ giống hình chữ thập, với bản án ghi vào ở trên thanh ngang. Thêm vào đó, cũng có nhiều kiểu để treo tử tội: thường là bị lột hết áo xống, và bị cột hoặc đóng đinh vào khổ giá, có khi đầu bị dốc ngược xuống đất. Nói chung, đây là một hình phạt chỉ dành cho lớp bần đinh hoặc nô lệ, các tên đại tặc hay là phiến loạn; các công dân Rôma không phải chịu hình phạt này trừ khi nào họ đã bị tước đoạt quyền công dân. Ngoài sự đau đớn do cuộc hành hình gây ra, hình phạt Thập giá còn mang thêm tính cách ô nhục: tử tội không được an táng, nhưng phải phơi thây giữa trời làm mồi cho chim muông dã thú. Vì tính cách nhục nhã như vậy nên không ai muốn làm anh hùng bằng cái chết trên Thập giá. Cũng vì lý do đó mà việc tôn kính Đức Kitô trên thập tự là cả một chuyện điên rồ hèn hạ, không những thánh Phaolô đã viết như vậy trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô vào khoảng 20 năm sau biến cố xảy ra, mà rồi một thế kỷ sau đó (khoảng 150-153) trong quyển sách “Hộ giáo” (Apologia I, 13,4), thánh Giustinô còn ghi nhận rằng: dân ngoại coi chúng tôi là bọn khùng bởi vì đã tôn tên tử tội trên Thập giá là Đấng Tạo dựng đất trời.

II. Từ tường thuật hình khổ Thập giá tới suy niệm về ý nghĩa Thập giá dựa theo bốn tác giả Phúc âm.

Việc Đức Giêsu chết trên Thập giá là một biến cố lịch sử, được tất cả bốn tác giả Phúc âm thuật lại; biến cố đó cũng được ghi chép nơi các sử gia Rôma (như Tacitus, Annales XV, 44-45) và Do Thái (Josephus Flavius, Antiquitates Judaicae XVIII, 64). Những người hoài nghi về sử tính của Phúc âm thì chỉ nêu nghi vấn chung quanh những đoạn viết về lời giảng hay về phép lạ của Đức Giêsu, chứ không hề đụng tới câu chuyện chết trên Thập giá. Các Kitô hữu cũng không hổ thẹn gì để chấp nhận sự kiện thầy mình đã bị xử án giống như các tên trộm cướp. Thậm chí M. Kaeler cho rằng lúc đầu Phúc âm là bản tường thuật về cuộc tử nạn của Đức Giêsu trên Thập giá, rồi về sau người ta mới thêm một phần dẫn nhập để giải nghĩa lý do gì đã đưa tới sự cố đó. Dù những giả thuyết về tiến trình sự hình thành của bốn Phúc âm thế nào đi nữa, một điều rõ ràng mà chúng ta nhận thấy là tất cả bốn thánh sử đều khá đồng nhất khi thuật lại cuộc tử nạn của Đức Giêsu, với ba hồi chính:

* Ngài bị bắt;
* Bị xét xử;
* Bị đóng đinh.

1. Trong hồi thứ nhất (xức dầu ở Betania, tiệc ly, hấp hối trong vườn cây dầu), chúng ta thấy rằng Đức Giêsu đã biết và đã báo trước điều sắp xảy ra cho mình, và giải thích lý do và ý nghĩa của nó: điều đó cần phải xảy ra để hoàn tất sứ mạng. Tuy bề ngoài Ngài bị bắt nhưng kỳ thực là Ngài đã được trao nộp theo chương trình của Chúa Cha.

2. Hồi diễn thứ hai diễn ra ở hai tòa: Do thái và Rôma, kết thúc với án tử hình được thi hành ngay tức khắc. Các thánh sử đều quả quyết rằng bản án đó bất công vì Đức Giêsu không có tội tình gì hết.

3. Hồi thứ ba gồm có việc đóng đinh vào Thập giá, chết và an táng. Giọng văn kín đáo, gọn gàng, không có những chi tiết lâm ly bi đát. Nên biết thêm là ngoài những chương thuật lại cuộc Tử nạn, Phúc âm ít khi nói tới Thập giá. Xem ra các Kitô hữu đầu tiên chấp nhận việc Đức Giêsu chịu đóng đinh vào Thập giá như một sự kiện đã xảy ra, nhưng họ ngượng ngùng khi nhắc tới chuyện kinh hoàng ô nhục đó. Họ tìm cách lục lọi các bản văn Kinh Thánh (mà ta gọi là Cựu ước) để tìm hiểu lý do và ý nghĩa của nó trong chương trình của Thiên Chúa: tại sao Thiên Chúa lại để cho Đức Giêsu bị trao nộp và chết cách thảm thương như vậy? Vì thế, dần dần các tín hữu ít nghĩ tới chính cây Thập giá cho bằng suy gẫm nhiều hơn về việc Đức Kitô chết trên Thập giá. Nói khác đi, các thánh sử không chú trọng tới cây Thập giá xét trong toàn thể sứ mạng của Ngài. Việc đóng đinh trên Thập giá chỉ là một hồi trong tấn kịch dài hơn.

Thánh Matthêu và Marcô trình bày Đức Giêsu như một người hoàn toàn công chính đã bị bắt bớ và bị hãm hại vì sứ mạng của mình. Việc thiết lập bí tích Thánh thể (được đặt ở hồi thứ nhất của cuộc tử nạn) đã trình bày ý nghĩa cái chết của Đức Giêsu như là sự trao hiến mạng sống của mình cho người anh chị em. Kế đó, người công chính đã lần lượt bị các bạn hữu của mình bỏ rơi, bị những người đồng đạo Do thái xét xử và nộp cho quân Rôma để bị giết. Hơn thế nữa, (Mt 27,46) và (Mc 15,34) còn nhấn mạnh tới việc Đức Giêsu bị bỏ rơi trên thập tự: “Chúa ơi, Chúa ơi, tại sao Chúa bỏ con?”. Đã có nhiều giải thích khác nhau về ý nghĩa của lời than ấy, chẳng hạn như: đó là tiếng kêu tuyệt vọng, tiếng kêu phản kháng, hoặc chỉ bộc lộ tình trạng tối tăm trong tâm hồn vì không thể hiểu được đường lối của Thiên Chúa. Dù sao thì Thiên Chúa vẫn thinh lặng; hay nói đúng hơn, Thiên Chúa đã trả lời qua sự thinh lặng. Thực vậy, vào lúc mà tối tăm bao trùm khắp mặt đất, ra như vùi lấp hết những công trình của Thiên Chúa, thì này viên đội trưởng đã thốt lên: “Ông này quả thực là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39). Chính lúc xem ra tuyệt vọng hơn cả, lúc mà xem như Đức Giêsu bị Thiên Chúa bỏ rơi, thì viên đội trưởng lại nhận ra được ánh sáng mặc khải để khám phá ý nghĩa hoàn toàn trái ngược: không phải là Đức Giêsu bị Thiên Chúa bỏ rơi, nhưng mà chính Đức Giêsu đã phó mặc mạng sống mình cho Thiên Chúa, và Chúa Cha đã trao ban mình cho Con.

Luca đánh dấu thêm một bứơc tiến nữa trong việc suy niệm về ý nghĩa Thập giá. Không những viên đội trưởng đã tuyên xưng rằng Đức Giêsu hoàn toàn vô tội, nhưng nhờ cái chết của Ngài mà bao nhiêu người được ơn trở lại: Simon Phêrô đã khóc lóc sau khi chối bỏ thầy, Simon Cirênê đã hoán cải từ chỗ bị cưỡng bách phải tháp tùng Đức Giêsu tới chỗ vác Thập giá như một môn đệ theo thầy; một số phụ nữ đã đấm ngực than khóc thống hối; một tên tử tội cũng ăn năn. Nhất là những giây phút chót của Đức Giêsu trên Thập giá đã trở thành cao điểm của ơn cứu chuộc: Đức Giêsu đã xin Chúa Cha tha tội cho những lý hình; và ơn cứu chuộc được thể hiện cách cụ thể khi mà tên trộm lành được hứa vào nước trời ngay hôm ấy. Sau cùng, lời cuối cùng của Đức Giêsu trước khi tắt thở biểu lộ lòng tín thác vô biên nơi Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác thần trí con trong tay Cha” (Lc 23,46). Như vậy, đối với Luca, việc Đức Giêsu chịu chết trên Thập giá không còn phải là chuyện hành hình của một tử tội nữa, nhưng là một biến cố cứu rỗi.

Gioan thì nhìn Thập giá như sự bộc lộ của vinh quang Thiên Chúa: Đức Kitô bị treo trên Thập giá là biểu trưng của việc Ngài được nhấc lên khỏi mặt đất để thu hút mọi sự về với mình (Ga 12,32). Trong Phúc âm thứ bốn, cuộc tử nạn bắt đầu với việc rửa chân cho các môn đệ và di chúc về tình yêu: Đức Giêsu giải thích ý nghĩa cái chết của mình như một cử chỉ tình nguyện để bộc lộ tình yêu dành cho các bằng hữu. Chính Ngài đi ra đón những kẻ lùng bắt mình. Cuộc tra tấn dã man biến thành lễ nghi phụng vụ, khi Đức Giêsu khoác tấm áo đỏ với vòng gai, và bản án là Vua (Ga 19,14.19). Thánh Gioan lặng lẽ theo dõi những giây phút chót của Đức Giêsu trên Thập giá, ghi chú những cử chỉ nhằm hoàn tất Kinh Thánh: từ việc ký thác bà mẹ cho môn đệ, việc nhắp những giọt giấm cho tới việc bị ngọn giáo đâm thủng sườn; nhất là Gioan nhận định về những hậu quả của cái chết: máu, nước, Thánh Thần, biểu hiệu của mạch sống mới. Thập giá trở thành nơi bộc lộ của vinh quang Thiên Chúa: Thiên Chúa tỏ vinh quang của tình yêu khi ban Con Một mình cho nhân loại; nơi Đức Giêsu, Thập giá không phải là một nhục hình nhưng là ngai toà mà Ngài hành xử vương quyền, không phải vương quyền theo nghĩa trần tục nhưng là vương quyền của tình yêu.

Như vậy, ta thấy nơi bốn cuốn Phúc âm đã có một diễn trình từ chỗ tường thuật một biến cố kết liễu cuộc đời của Đức Giêsu cho đến chỗ khám phá ra ý nghĩa của biến cố trong kế hoạch của Thiên Chúa.

III. Thần học của Thánh Phaolô về Thập giá

Các tác giả Phúc âm không chỉ tường thuật lại cảnh Đức Giêsu bị xử án và bị chết trên Thập giá, nhưng còn tìm cách giải thích ý nghĩa của Thập giá trong chương trình của Thiên Chúa.

Hơn nữa, các suy tư của Phaolô và của các tông đồ về Thập giá của Đức Kitô lại là một lời tuyên xưng hùng hồn về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Từ đó, những ai muốn làm môn đệ Đức Kitô phải có thái độ nào đối với Thập giá.

1. Thánh Phaolô với Thập giá

Nơi các tác phẩm của thánh Phaolô và của các thánh tông đồ, ta thấy Thập giá được trình bày dưới khía cạnh của một việc tuyên xưng, hoặc trong lời giảng hoặc trong phụng vụ. Trong những bài giảng đầu tiên của Phêrô (được ghi lại trong sách Tông đồ công vụ), việc Đức Giêsu bị người Do thái nộp cho Philatô xử trên Thập giá đã trở thành một biến cố cứu độ: Thiên Chúa đã suy tôn Đức Giêsu làm Đức Chúa và vị Cứu tinh (Cv 2,36; 4,10; 10,39; 13,29). Lời tuyên xưng trong lời giảng của các thánh tông đồ cũng trở thành lời tuyên xưng đức tin của các tín hữu, đặc biệt là khi cử hành phụng vụ: “Đức Kitô đã chết vì tội chúng ta, theo lời Kinh Thánh” (1Cr 15,3); “Đức Giêsu Kitô đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8); nhưng cái chết đó đã trở thành nguyên cớ (chính vì thế) cho sự siêu tôn: Đức Giêsu Kitô là Chúa. Trong thư gửi Côlôsê 1,19 ta cũng gặp thấy lời tuyên xưng dưới hình thức của thánh ca: “Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên Thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời”.

Dĩ nhiên, khi nghe các tông đồ và các tín hữu tuyên dương một tội phạm bị xử tử trên Thập giá, nhiều người đã chói tai và không khỏi đặt câu hỏi: phải chăng các Kitô hữu là bọn người cuồng tín? Thế nhưng, thay vì tránh né nói tới Thập giá để khỏi gây hiểu lầm, thánh Phaolô đã dám đi thẳng vào vấn đề trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô. Thánh Phaolô tuyên bố rằng lời giảng về Thập giá mang tính chất nghịch lý, bởi vì nó tuyên dương quyền năng thượng trí của Thiên Chúa ở nơi mà người đời coi là điên rồ: “Dân Do thái thì đòi phép lạ, dân Hy lạp thì tìm lý lẽ cao siêu; còn chúng tôi lại rao giảng một Đức Kitô trên Thập giá, một điều vấp phạm cho dân Do Thái và điều dại dột đối với dân Hy lạp. Thế nhưng, đối với ai được gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, thì đó là một vị cứu tinh với quyền năng và khôn ngoan của Thiên Chúa; bởi lẽ sự dại dột của Thiên Chúa thì khôn ngoan hơn con người gấp bội, và sự yếu ớt của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn của con người trăm lần” (1Cr 1,18-25). Thánh Phaolô còn thêm: “Khi ở với anh em, tôi không biết chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, Đức Giêsu Kitô trên Thập giá” (1Cr 2,2). Chúng ta đừng nên coi lời lẽ của Phaolô như là một thứ thuật ngữ hùng biện! Việc Đức Giêsu chịu chết trên Thập giá thực sự là chuyện ô nhục tồi tệ thực trước mặt người Do thái và người Hy lạp! Với Do thái, tử thi đã là vật ô uế rồi, lại còn phơi bày giữa trời nữa thì quả là đồ bị Chúa rủa bỏ (x. Gal 3,13). Thánh Phaolô chấp nhận cái phản ứng hợp lý đó, và dùng nó làm lập luận nghịch lý để trình bày kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa… chính qua Thập giá của Đức Kitô và chúng ta nhận thức được khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa: sự hèn yếu của Ngài thì mạnh mẽ hơn quyền lực của con người trăm ngàn lần (x. 2Cr 13,4). Tiếp tục đào sâu ý nghĩa cứu độ từ Thập giá, thánh Phaolô kể ra những hồng ân trọng đại mà Thiên Chúa ban cho nhân loại từ cái hình khổ của Đức Kitô, đó là: sự toàn thắng trên các lực lượng của sự dữ và ơn tha thứ tội lỗi. Cái chết của Đức Kitô được coi như một hy lễ; ngoài yếu tố Thập giá. Tác giả của thư gửi Do thái phân tích thêm yếu tố “máu”, biểu hiệu của việc hiến mạng sống vì tình yêu (Dt 9,11-12). Thư gửi Ephêsô tuyên dương Thập giá như dụng cụ mang lại ơn hòa giải cho nhân loại: từ một đối tượng đáng khinh bỉ trước mặt dân Do thái lẫn dân Hy lạp, Thập giá đã được Đức Kitô biến thành nơi hòa giải, phá đổ bức tường ngăn cách giữa dân Do thái với dân ngoại cũng như sự thù nghịch giữa nhân loại với Thiên Chúa (Ep 2,15-16). Như vậy, từ chỗ là biểu tượng của oán thù, nhờ Đức Kitô mà Thập giá trở nên nơi thi thố tình yêu và sự hòa giải giữa Thiên Chúa với loài người, và hòa giải giữa loài người với nhau. Thập giá không phải chỉ là một biến cố kết liễu cuộc đời Đức Giêsu, nhưng nó mang một giá trị vĩnh cửu: tác giả của sách Khải Huyền và của thư thứ nhất Phêrô trình bày thần học của chiên sát tế và vinh hiển trên ngai.

2. Thập giá của môn đệ

Tân ước không những chỉ nói tới Thập giá của Đức Kitô mà còn nói tới Thập giá của môn đệ muốn đi theo Ngài. Phúc âm để lại hai lời mời gọi môn đệ vác Thập giá để theo thầy. “Ai muốn theo Tôi thì hãy từ bỏ mình đi, vác Thập giá của mình và đi theo Tôi. Quả thực, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì danh nghĩa Tin mừng thì sẽ cứu được nó” (Mc 8,34 – 9,1; xc. Mt 10,38-39; Lc 9,23-27). – “Ai không vác lấy Thập giá của mình mà theo tôi thì không xứng đáng với Tôi” (Mt 10,38; xc. 16,24). Thực ra, tuy là hai lời mời gọi nhưng kỳ thực chỉ có một lời kêu gọi, diễn đạt một đàng là dưới hình thức tích cực (“hãy vác Thập giá đi theo Tôi”) và một đàng là dưới hình thức tiêu cực (“Ai không vác Thập giá đi theo Tôi”). Lời kêu gọi đó hướng tới hết mọi người (công thức tích cực theo Matthêu được dành cho các môn đệ, Marcô đi nhằm tới đám đông có mặt với các môn đệ, còn Luca thì nói cho tất cả). Việc vác Thập giá là điều kiện cần thiết để “đi theo Đức Giêsu”; nó đòi hỏi phải từ bỏ mình, từ bỏ những mỗi liên hệ gia đình (Mt 10,37), và đưa tới sự mất mạng sống. Trong những lời vừa nói, Thập giá không còn được hiểu theo nghĩa đen của một khổ hình nữa, nhưng đã được đồng hóa với chính bản thân Đức Giêsu, kẻ bị chết trên Thập giá như biểu hiệu của sự hiến thân phục vụ tha nhân.

Thánh Phaolô đã hiểu điều kiện làm môn đệ của Đức Kitô như là thông dự và Thập giá của Ngài: “tôi đã được đóng tinh vào Thập giá cùng với Đức Kitô: không còn phải tôi sống nữa song là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,19). Dĩ nhiên, ở đây Phaolô không hiểu theo nghĩa là mình cũng phải lãnh chịu khổ hình bị đóng đinh vào Thập giá giống như Đức Giêsu trước đây, nhưng Phaolô đã mở rộng tất cả các chiều kích thần học của Thập giá. Tiên vàn là Phaolô muốn đến lãnh nhận tất cả những hồng ân cứu chuộc phát sinh từ cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô; ơn cứu chuộc ấy được thông qua cho ta qua Bí tích Thánh tẩy (x. Rm 6,1-11). Kế đó, hồng ân đã lãnh nhận cần phải phát sinh một sinh lực mới nơi người tín hữu: người tín hữu phải đóng đinh tiêu diệt nơi thân xác mình tất cả những đam mê tội lỗi (xc. Gl 5,24). Hơn thế nữa, người tín hữu cần phải tìm cách diễn tả sự thông dự vào những đau khổ của Đức Kitô (xc. 2Cr 4,10) trong cuộc đời của mình, đặc biệt qua những cuộc bách hại gặp phải trên đường truyền giáo. Trong bối cảnh ấy Phaolô nói tới “những người bị bách hại vì Thập giá của Đức Kitô” (GL 6,12), và tuyên bố rằng mình đang mang trên thân thể những dấu thương (stigmata) của Đức Kitô (Gl 6,17). Thậm chí Phaolô còn đi tới chỗ quả quyết rằng: “Tôi bổ túc trong thân xác hay chết của tôi những chi còn thiếu nơi những gian nan của Đức Kitô, nhằm sinh ích cho thân thể của Ngài là Hội thánh” (Cl 1,24). Phaolô lấy làm hãnh diện vì Thập giá của Chúa Giêsu Kitô: “nhờ đó thế gian đã bị đóng vào Thập giá đối với tôi và tôi đối với thế gian” (Gl 6,14).

3. Việc tôn kính Thập giá

Từ những dòng suy niệm trên đây, chúng ta thấy rằng Thập giá mang một ý nghĩa sâu đậm đối với Kitô giáo: nói được là nó trở thành biểu tượng của chính Đức Kitô. Tuy nhiên, lòng tôn sùng hình ảnh Thập giá xuất hiện khá muộn. Một lý do có lẽ là tại vì nó gợi lên cảnh tượng của nhục hình ghê tởm. Vì thế mà trước khi hoàng đế Constantinô ra lệnh bãi bỏ khổ hình Thập giá trong đế quốc Rôma, người ta ít thấy các biểu tượng tôn kính Thập giá. Trong các hang toại đạo, chúng ta thấy có một biểu tượng na ná với hình thức chiếc neo tàu. Trái lại, trong khu vực Palatinô ở Rôma, người ta thấy một bức họa châm biếm vẽ một người bị treo trên Thập giá với đầu con lừa đang khi có một người khác đang tỏ dấu tôn kính, với những dòng chữ như sau: “Alexanênô đang thờ lạy chúa nó”.

Từ sau khi Constantinô thắng trận nhờ dấu Thập giá, thì Thập giá thay đổi ý nghĩa. Như đã nói, hình phạt Thập giá bị loại khỏi hình luật. Đối lại, các Kitô hữu đang dùng tài nghệ của mình để trang hoàng Thập giá dưới những dạng thức khác nhau. Họ không chỉ giới hạn vào việc họa lại Thập giá lịch sử trên núi Calvê, nhưng hoặc được trang hoàng với những viên ngọc bích, hoặc diễn tả như cây sum suê hoa trái. Cũng nên biết là vào thời ấy, các Kitô hữu chỉ tôn kính cây Thập giá chứ không có hình tượng của Đức Giêsu. Tại sao vậy? Có lẽ vì họ không muốn trở lại cảnh Ngài đang chết nhục nhã đang khi mà họ thâm tín rằng Ngài đã sống lại vinh hiển: bởi thế họ muốn trình bày Thập giá như là nguồn sống, như là biểu hiệu của sự chiến thắng nói chung bên Đông phương, mỗi khi phải trưng bày Đức Kitô trên Thập giá thì người ta dùng hai mẫu tự Hy lạp bắt đầu danh xưng giống như chữ X và P), hoặc là dùng hình con chiên (chiên sát tế nói trong sách Khải huyền) và kể cả Đức Kitô Phục sinh. Còn bên Tây phương, từ thế kỷ XII dần dần các nghệ sĩ muốn trở về với cảnh tượng lịch sử và tâm lý, họa lại Đức Kitô hấp hối, đầu đội mão gai và mình mang đầy thương tích.

Trong những thế kỷ đầu, việc tôn kính Thập giá Đức Kitô đưa tới linh đạo muốn thông dự vào khổ nạn của Ngài nhất là qua sự tử đạo. Nhưng từ thế kỷ thứ IV, nhất là kể từ khi tục truyền kể là tìm lại được chính Thập giá thực của Đức Kitô (năm 326), thì việc tôn kính Thập giá được phát triển trong phụng vụ, đặc biệt vào ngày thứ 6 Tuần Thánh. Thập giá được ca ngợi như là cây gỗ đã mang lại ơn cứu rỗi cho thế giới. Từ thế kỷ 11, bên Tây phương phát triển lòng tôn kính các sự khổ nạn của Chúa, với việc suy gẫm những chặng đường mà Chúa đã đi qua cũng như những lần đã té ngã. Lúc đầu mỗi địa phương bày một hình thức suy niệm (thí dụ 7 lần Chúa ngã) hoặc những chặng dừng chân (có khi lên tới 47 chặng). Hình thức 14 chặng hiện nay đã được ấn định vào đầu thế kỷ 17 tại Tây Ban Nha. Cạnh việc suy gẫm con đường Thập giá của Đức Kitô cũng không thể thiếu hình ảnh của Đức Maria cùng chia sẻ những đau khổ với Con mình (bài ca Stabat mater dolorosa).

Lòng tôn sùng Thập giá cũng còn được biểu lộ qua dấu Thánh giá mà tín hữu vạch ra trên mình đang khi kêu cầu danh Chúa Ba Ngôi. Tục lệ này đã xuất hiện ít là từ thế kỷ thứ 2. Vào khoảng năm 211, Tertullianô đã kể lại như một thói quen đã thịnh hành: “Chúng tôi làm dấu Thập giá trên trán vào mỗi bứơc đi và cử động, khi khởi sự và kết thúc việc làm; khi mặc áo, khi chỗi dậy, khi tắm rửa, khi ăn uống, khi thắp đèn vào buổi chiều tối, khi ngồi xuống và trong bất cứ công chuyện gì” (De corona militum 3,4).

Cũng nên biết là trong lịch sử có nhiều hình thức làm dấu thánh giá. Từ thế kỷ thứ 2, người tín hữu đã có thói quen vạch dấu thánh giá trên trán bằng ngón tay cái hay ngón tay trỏ. Đến thế kỷ thứ 4, thì làm dấu thánh giá trên ngực nữa. Còn dấu thánh giá trên môi thì mãi tới thế kỷ thứ 8 mới thấy nói tới. Đó là cái mà chúng ta quen gọi là dấu thánh giá kép. Còn dấu thánh giá đơn vạch từ trán xuống ngực và qua hai vai thì xuất hiện riêng tư từ thế kỷ thứ 5, nhưng chỉ được phổ biến từ thế kỷ thứ 10 trong các đan viện. Hồi thế kỷ thứ 13, Đức Giáo Hoàng Innocente III khuyên nên làm dấu thánh giá như vậy với 3 ngón tay, từ trán xuống ngực, rồi từ vai phải sang vai trái. Thế nhưng, qua thế kỷ sau, thì người ta làm dấu với 5 ngón tay, và đổi ngược thứ thự hai vai, nghĩa là từ trái sang phải. Trong khi bên Tây phương thì khi làm dấu thánh giá như vậy, người ta quen đọc: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần; bên Đông phương thì người ta dùng nhiều công thức khác nhau, tỉ như: “Lạy Chúa chí thánh! Lạy Chúa chí thánh và Hùng mạnh! Lạy Chúa chí thánh, hùng mạnh và Bất tử, xin thương xót chúng con!”.

Các tác giả đã vạch ra ba ý nghĩa chính của cử chỉ làm dấu, đó là: tuyên xưng, kêu cầu và hiến dâng.

a. Tuyên xưng rằng chúng ta là Kitô hữu; chúng ta đã để cho Đức Kitô ghi ấn trên bản thân chúng ta, cũng như tuyên xưng việc Ngài đã cứu rỗi chúng ta nhờ Thập giá.
b. Dấu Thập giá cũng là lời kêu van, xin Chúa đến giúp chúng ta nhờ sức mạnh cứu rỗi từ Thập giá.
c. Dấu Thập giá có ý nghĩa hiến dâng, bởi vì chúng ta dâng cho Chúa công việc sắp khởi sự, trong tinh thần vâng lời và phục vụ giống như Đức Kitô, ngõ hầu làm vinh danh cho Thiên Chúa Ba Ngôi.

4. Biểu tượng Thập giá qua các thời đại trong Kitô giáo.

Xuôi dòng lịch sử có một số biểu tượng của thập giá qua các thời đại và đã được du nhập chính thức vào Kitô giáo. Dấu chỉ chữ thập, được hiểu là một cam kết khẳng định trong một giao ước, đã trở thành dấu của Phép Rửa khi ta chịu bí tích Thánh Tẩy, biểu hiện giao ước của Thiên Chúa với con người: Thiên Chúa chính thức là Cha của người nhận Phép Rửa, và người đó là con của Thiên Chúa. Ta có thể hiểu mối liên kết giữa Phép Rửa và Thập Giá mà thánh Phaolô đề cập (Rm 6: 5-6). Việc cầu nguyện giang tay cũng gợi lên hình ảnh của thập giá. Và cầu nguyện cũng đem lại cho chúng ta sự sáng và sự sống từ nguồn sống vĩnh cửu của Chúa Giêsu.

1. Thập giá hình tròn thường dùng trong ma thuật.
2. Thập giá chìa khóa, tên la-tinh là crux ansata, biểu tượng cho sự sống và sinh lực của người Ai cập; được Kitô hoá vào trước năm 391.
3. Thập giá Hy lạp, còn gọi crux quadrata.
4. Thập giá của Thánh An-rê (cũng như thập giá Hy lạp để nghiêng), còn gọi crux decussata, thấy xuất hiện trong nghệ thuật của Do thái.
5. Thập giá La-tinh, gọi là crux immissa; vào cuối thế kỷ thứ IV, được vẽ thêm các trang trí hình vỏ sò ở các đầu cạnh (xem hình 11)
6. Hình chữ thập, hoặc còn gọi (tuy không chính xác) là crux monogrammatica, có lẽ là biểu tượng Kitô giáo cổ xưa nhất. Gồm hai chữ cái Hy lạp rho và tau chồng lên nhau, thoạt tiên được coi là viết tắt của người ngoại đạo, nhưng sau đó được đưa vào các thủ bản Tin Mừng tiếng Hy lạp vào khoảng năm 200. Được coi là một dấu thánh, nomen sacrum.
7. Thập giá của thánh An-tôn, còn được gọi là thập giá tau hay crux commissa, lấy chữ Hy lạp tau, và được cho là có dạng của thập giá ở Golgotha (sách giáo phụ Justin Martyr 91.2)
8. Thập tự xoắn thường thấy trong các văn bản.
9. Thập giá của người Malta, biểu tượng của trật tự.
10. Thập giá có hình chiếc nĩa, còn gọi thập giá mang bệnh dịch, phổ thông vào cuối thời Trung Cổ. Nó nhấn mạnh đến vẻ đau khổ của thập giá, còn khi vẽ có các nhành lá, thì mang biểu tượng của Cây Sự Sống.
11. Thập giá hình giọt nước mắt, như mở rộng cánh tay, biểu tượng tính chiến thắng của thập tự.
12. Thập giá Giêrusalem, mang 5 dấu thương tích của Chúa Giêsu.
13. Thập giá kép, còn gọi là crux gemina, sau này trở thành thập giá của các thượng phụ, trên thanh ngang có thêm gạch đầu; nếu có ba thanh ngang là thập giá của giáo hoàng.
14. Thập giá bên nước Nga, có thêm gạch dưới để chân.
15. Thập giá ánh sáng, còn gọi crux radiata, có màu vàng, hay 4 tia sáng chiếu ra.
16. Thập giá có hoa văn, còn gọi crux florida, hay thập giá cây mang sự sống, gợi ý về thiên đàng (Khải Huyền 22: 2)
17. Thập giá kết hợp hai chủ đề của Tân Ước là ánh sáng (ΦωC / phōs) và sự sống (ΖωH / zōē; xem Tin Mừng Gioan 8:12), kết hợp được hai thập giá 15 và 16.
18. Thập giá kết hợp hai chữ Hy lạp chi (X) và rho (P) viết chồng lên nhau. Thật ra không phải là thập giá theo đúng nghĩa, vì đó là dấu chỉ tên của Chúa Giêsu, chứ không mang nghĩa phải thập giá.

B. NHỮNG SUY TƯ CỦA CÁC GIÁO PHỤ VÀ CÁC NHÀ THẦN HỌC VỀ THẬP GIÁ

I.Thập giá trong thần học Cổ điển

Kinh Thánh gắn liền Thập giá với ơn cứu rỗi của nhân loại. Có những lời tuyên xưng đức tin về ý nghĩa của cái chết của Đức Kitô: tuy không mắc tội tình gì nhưng Ngài đã phải chết trên Thập giá; thế nhưng, đó không phải là cái chết oan uổng, bởi vì theo 1Cr 15,3: Đức Kitô đã chết vì tội chúng ta, theo như lời sách thánh. Công thức còn được thánh Phaolô lặp lại ở nhiều nơi khác nữa, thí dụ như: 1Tx 5,9; 2Cr 5,14-21; Rm 4,25. Những lời tuyên bố khi thiết lập Bí tích Thánh thể cũng cho thấy rằng máu của Đức Kitô được đổ ra “để mang lại ơn tha thứ tội lỗi cho muôn người” (Mt 26,28; xc. Mc 14,24; Lc 22,20). Ngoài ơn tha thứ tội lỗi, thánh Phaolô cũng còn nêu bật rất nhiều những hồng ân khác như hiệu quả của Thập giá, thí dụ như: ơn trở thành công chính, ơn cứu chuộc, sự bình an hòa giải (Rm 3,24; Cl 1,20).

Các giáo phụ và các nhà thần học thời Trung cổ đã đặt câu hỏi về ý nghĩa cái chết của Đức Giêsu đối với chúng ta: tại sao Tân ước lại quả quyết Đức Kitô chết vì chúng ta? Làm thế nào mà cái chết của Đức Kitô trên Thập giá có sức mang lại ơn cứu độ cho chúng ta? Đây là vấn đề mà trong quá khứ quen được bàn trong thiên về công hiệu cứu chuộc của Thập giá, nhưng gần đây đã bị xét lại vì muốn tìm lối giải thích hợp với tư tưởng Kinh Thánh hơn.

Để trả lời cho câu hỏi về mối liên hệ giữa cái chết của Đức Giêsu trên Thập giá với ơn cứu chuộc ban cho nhân loại, các giáo phụ và các thần học đưa ra nhiều lời giải thích khác nhau, tóm lược vào 3 khuynh hướng chính: mẫu gương, giá chuộc, hy lễ.

1/ Dựa trên đoạn văn Phúc âm thánh Gioan 19,37 (Họ sẽ nhìn thấy kẻ họ đâm thâu), các giáo phụ tiên khởi cho rằng Thập giá là mặc khải của Thiên Chúa, giống như ánh sáng chiếu tỏa ra giữa đêm tối. Vài giáo phụ khác, khi chú giải đoạn văn 1Pr 2,21 (Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một mẫu gương cho anh em dõi bước theo Ngài), đã nêu bật giá trị của Thập giá ở chỗ nó là bài học, tấm gương và chứng tá. Dù sao chúng ta cũng đừng nên quên rằng từ thánh Irênê, các giáo phụ đã coi sự cứu độ được ban cho nhân loại không phải chỉ nguyên từ Thập giá nhưng mà ngay từ lúc Đức Kitô nhập thể, khi Thiên Chúa kết hợp với nhân tính để chữa trị và thánh hóa nó. Nói khác đi, toàn thể cuộc đời Đức Kitô (từ khi nhập thể, giáng trần, trong thời ẩn dật ở Nadarét lẫn những lời nói việc làm trong khi hoạt động công khai) đều trở nên mầu nhiệm cứu độ. 2/ Một số giáo phụ giải thích ơn cứu độ do Thập giá mang lại theo chiều hướng chuộc lại, nghĩa là giải thoát con người khỏi quyền lực tội lỗi. Thập giá là nơi diễn ra cuộc giao tranh giữa Đức Giêsu với các lực lượng của sự dữ và sự chết. Trước đây, trong vường địa đàng, vì một cây mà con người bị làm nô lệ cho ma quỷ; giờ đây, nhờ cây Thập giá, Thiên Chúa qua Đức Giêsu đã đến trợ giúp con người trong cuộc giao tranh và chiến thắng. Thực ra, tư tưởng chuộc lại đã gặp thấy trong Tân ước, thí dụ như thánh Phaolô ví Thiên Chúa như một ân nhân đã bỏ một số tiền ra để chuộc một nô lệ. Tân ước dùng hình ảnh đó để mô tả việc con người được giải thoát khỏi cảnh nô lệ của lề luật cũ, của cái chết và tội lỗi nhờ cái chết của Đức Giêsu (Gl 3,13; 4,4; 2Cr 5,21; Cl 2,14; một cách tương tự như vậy: Tt 2,14; 1Pr 1,18). Tuy nhiên, đó chỉ là một hình ảnh loại suy, khi mà sự dữ và cái chết được nhân cách hóa như những ông chủ đang xiềng xích con người. Tư tưởng chính mà Phaolô muốn nói là: con người được giải thoát khỏi tội lỗi và cái chết và được trở về sống trong ơn nghĩa Chúa. Phaolô không đề cập tới cái giá phải trả để chuộc lại. Thế nhưng về sau, các giáo phụ và các nhà thần học lại giải thích theo từ ngữ pháp lý: vì tội lỗi mà con người phải làm nô lệ của ma quỷ: cho nên Đức Kitô phải nộp mình chết thay cho con người để chuộc nó lại. Cái chết của Đức Kitô trở nên giá chuộc tội. Tuy cùng dùng một từ ngữ “chuộc lại”, nhưng ý nghĩa của nó nơi thần học kinh viện không hoàn toàn trung thực với ý nghĩa của Tân ước nữa.

3/ Một chiều hướng khác thì dựa vào tư tưởng hy lễ (hiến tế) đã được Kinh Thánh nói tới, nhất là “hy lễ xá tội” ở trong thư gửi Hy bá chương 9 và 10. Hy lễ được giải thích như là một hồng ân mà Thiên Chúa ban cho con người qua Con của mình để nhờ đó con người có thể hiến dâng cho Thiên Chúa hy lễ thiêng liêng. Việc con người hiến dâng mạng sống mình cho tha nhân thì cũng giống như việc Đức Giêsu đã hiến mình làm hy lễ vâng phục và yêu mến lên Chúa Cha vậy (Ep 5,2). Mặt khác, tác giả của thư gửi Hy bá cũng nhấn mạnh rằng Hy lễ của Đức Kitô hoàn toàn khác với các hy lễ trước đó, bởi vì giá trị của nó không phải là máu me sát tế đổ ra, nhưng là tinh thần vâng phục (Dt 5,8; 10,1). Các giáo phụ cũng không ngừng lặp đi lặp lại rằng Thiên Chúa không cần tới hy lễ; nếu Chúa muốn hy lễ thì chỉ vì loài người mà thôi. Đó là đạo lý của các giáo phụ được thánh Augustinô diễn ra trong De Civitate Dei X, 5-20. Tiếc rằng kể từ thánh Anselmô, hy lễ xá tội được giải thích hoàn toàn theo phạm trù triết học và pháp lý, hơn là dựa trên đạo lý của toàn bộ Kinh Thánh. Theo lập luận này, Thiên Chúa nhân hậu muốn tha tội cho con người, nhưng đồng thời cũng cần phải tôn trọng sự công bằng nữa. Tội lỗi đã gây ra xáo trộn trật tự, làm xúc phạm đến Thiên Chúa công thẳng vô cùng; vì thế mà cần phải có Con Thiên Chúa mới có khả năng dâng lên hy lễ chính mạng sống mình (có giá trị vô cùng) thì mới có thể khôi phục lại trật tự. Từ đó, Thập giá được giải thích theo chiều hướng là hy lễ sát tế đền bồi, công thẳng của Chúa (Đức Kitô đền tội thay cho chúng ta, hứng lấy tất cả những hình phạt chúng ta đáng phải chịu: substitutio, expiatio); còn chiều kích tình yêu trao hiến, vâng phục không được nêu bật.

Có lẽ khuyết điểm lớn của thần học trong quá khứ là khi sử dụng các từ ngữ của Kinh Thánh, họ đã giải thích các từ ngữ ấy theo triết lý hay pháp luật mà bỏ qua toàn thể bối cảnh của mặc khải. Thực vậy, Kinh Thánh nói tới sự “công bằng” của Thiên Chúa, hạch sách cho tới đồng xu cuối cùng. Ngay từ Cựu ước, sự “công bằng” của Thiên Chúa ám chỉ việc Ngài giữ lời hứa, lòng trung tín đối với giao ước. Tuy rằng Israel có thất trung, nhưng Thiên Chúa không rút lời. Tư tưởng đó được nối dài qua Tân ước, nơi mà Thiên Chúa bày tỏ sự công bằng qua việc duy trì lời hứa: chính Ngài không ngừng yêu thương nhân loại cho dù tội lỗi của loài người gây ra bao nhiêu rối loạn. Ngài đứng ra khởi xướng cuộc giao hoà với nhân loại nhờ Đức Kitô. Như thế, chúng ta đừng hiểu sự “công bằng” của Thiên Chúa như là “công thẳng”, nhưng phải nói là sự “trung tín” thì mới đúng. Một cách tương tự như vậy, các từ ngữ đọc thấy trong Kinh Thánh như là “công trạng”, “chuộc lại”, “hy lễ”, “làm nguôi lòng” cần phải hiểu theo nghĩa loại suy (như thánh Tôma Aquinô đã nhắc nhở nhiều lần: ST III, q.47,3; q.48,1-5), và nhất là cần được đi kèm theo với những từ ngữ khác biểu lộ ơn cứu độ: “trao ban, hoà giải, bình an, ban sự sống”,.v.v…

Như thế, để trả lời thoả đáng cho câu hỏi: “tại sao ơn cứu độ thế gian được thông ban qua cái chết của Đức Giêsu?”, chúng ta cần phải xây dựng theo lời giảng đầu tiên của thánh Phêrô để nói rằng: “tại vì tội lỗi và vũ lực của con người đã khai trừ Đức Giêsu, người công chính tuyệt đối”. Cái chết của Đức Giêsu là do con người đã gây ra; còn sự sống thì xuất phát từ Thiên Chúa khi cho Đức Kitô sống lại (x. Cv 2,23-24). Thiên Chúa luôn luôn trung tín với lời hứa ban ơn cứu độ bất chấp sự phá hoại của con người. Nói khác đi, xem ra trước đây, thần học nhìn từ đất lên trời chú ý tới giá trị công nghiệp đền tội của Đức Giêsu dâng lên Thiên Chúa; còn ngày nay, người ta muốn nhìn từ trời xuống đất để ý tới tình thương của Chúa Cha tỏ ra cho nhân loại khi ban chính con của mình cho nhân loại. Một cách tương tự như thế, Thập giá được nhìn như biểu hiệu tình yêu của Đức Kitô trao ban mình cho các bằng hữu. Dù sao, thiết tưởng cả hai chiều hướng đi lên hoặc đi xuống (hoặc nói theo kiểu thánh Tôma: đi ra đi về, exitus-reditus, con người từ Chúa đi ra và lại trở về với Chúa) cũng cần được bổ túc cho nhau.

Dù nói thế nào đi nữa, chúng ta phải khiêm tốn nhìn nhận giới hạn của trí óc chúng ta khi đứng trước thập giá: mãi mãi Thập giá vẫn là một mầu nhiệm, đồng thời cũng là sự điên rồ phi lý theo kiểu tính toán của con người.

II. Thần học cận đại về Thập giá

Từ thời các giáo phụ, vấn đề chính của thần học về Thập giá là tìm hiểu mối liên hệ giữa cái chết trên Thập giá của Đức Kitô với hồng ân cứu độ ban cho loài người. Nói khác đi, Thập giá được bàn tới trong nhãn giới của mầu nhiệm cứu chuộc.

Thần học cận đại có một nhãn giới khác về vấn đề này. Bắt nguồn từ vấn nạn của Luther về mặc khải của Thiên Chúa nơi Thập giá, các nhà thần học Tin lành cận đại nói tới sự đau khổ của Thiên Chúa trên Thập giá, và từ đó xét lại vấn đề ý nghĩa sự đau khổ của con người. Sau cùng cũng cần nói thêm đôi chút về thần học Thập giá theo Thượng Hội đồng Giám mục thế giới họp năm 1985.

1. Sự đau khổ của Thiên Chúa

Trong khi thần học Công giáo cổ điển bàn tới Thập giá trong nhãn giới của ơn cứu chuộc, thì Luther nói tới Thập giá dưới khía cạnh mặc khải: làm sao con người có thể biết được Thiên Chúa? Luther phân biệt giữa 2 cách biết Thiên Chúa: một đàng là biết nhờ suy luận các hữu thể thụ tạo, được mệnh danh là theologia gloriae, Thiên Chúa được quan niệm như Đấng chủ tế trọn tốt trọn lành. Thế nhưng, Luther cho rằng đó không phải là khuôn mặt thực của Thiên Chúa mà chỉ là một hình tượng do con người đã tạo ra. Luther chủ trương rằng cách thức để nhận khuôn mặt thật của Thiên Chúa là con đường Thập giá (theologia crucis), nơi mà Thiên Chúa tỏ ra ý định của Ngài đối với nhân loại. Ngài không phải là một hữu thể toàn hảo bất biến, nhưng là một Đấng rất xa với tội lỗi và đau khổ của con người, đã bày tỏ tình yêu với con người cách hùng hồn nơi Thập giá của Đức Giêsu. Tiếp theo Luther, Thần học về Thập giá về phía Tin lành mang một hướng đi độc đáo: nó không những chỉ muốn đào sâu giá trị của ơn cứu chuộc được ban từ Thập giá, nhưng nó cũng trình bày toàn thể thần học về bản tính của Thiên Chúa được mặc khải nơi Thập giá. Vào thế kỷ 20 này, vấn đề được phát biểu một cách bạo dạn như sau: ai chịu khổ và chịu chết trên Thập giá? Phải chăng chỉ có Đức Kitô chịu khổ hình chịu chết? Có thể nói rằng Chúa Cha chịu đau khổ hay không? Có thể nói rằng Thiên Chúa chịu chết hay không? Nên biết rằng đây không phải là những câu hỏi ngớ ngẩn, gợi lên để nói cho vui. Một số câu hỏi này đã được đặt ra từ các trại tập trung của Đức quốc xã, khi hàng triệu người phải nếm những cảnh tra tấn tù tội, hỏa lò: họ cảm tưởng rằng Thiên Chúa đã chết trong sự thinh lặng, không ra tay can thiệp, cũng giống như cảnh tưởng Đức Giêsu bị bỏ rơi trên Thập giá. Cũng trong hoàn cảnh tương tự, nhà thần học Tin lành Kazo Kitamori người Nhật đã viết những dòng suy tư về sự đau khổ của Thiên Chúa từ kinh nghiệm đau khổ của dân tộc vào hồi thế chiến thứ hai (Theology of the Pain of God, 1946, tái bản 1972).

Từ một câu hỏi đặt lên trong giới thần học Luther, nó trở thành một đối tượng cho một ngành của thần học gọi là staurologia (Thập giá học). Các thần học gia của Công giáo lẫn Tin lành đều tham gia vào cuộc khảo cứu những đề tài về sự mặc khải của Thiên Chúa từ Thập giá. Trước tiên, họ bàn tới sự đau khổ và sự chết nơi Đức Kitô như một chủ thể duy nhất gồm thiên tính và nhân tính (nơi Đức Kitô, thiên tính đã chia sẻ sự đau khổ của nhân tính như thế nào). Kế đó, họ đi lên mối liên hệ giữa Chúa Cha với Đức Kitô (xét vì Đức Kitô với Cha là một). Tác giả dẫn đầu cho hướng đi này là Jurgen Moltmann, với tác phẩm “Thiên Chúa bị đóng đinh trên Thập giá” (xuất bản năm 1972), mở rộng Thập giá tới toàn thể mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: “Vì yêu mà con đau khổ khi bị Cha bỏ rơi; vì yêu mà Cha khổ khi con đau đớn và chết; Thánh Thần tình yêu đã khôi phục sự sống cho người đã chết. Nơi Thập giá ta chứng kiến được sự tham dự yêu thương của cả Ba Ngôi Thiên Chúa”.

Cũng trong chiều hướng đó mà các nhà thần học Công giáo như Hans Urs Von Balthasar, F.X. Durwell đã trình bày toàn bộ mầu nhiệm vượt qua như là mặc khải mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.

2. Ý nghĩa của sự đau khổ

Đang khi mà thần học Tin lành nhìn lên Thập giá để tìm hiểu sự đau khổ của Thiên Chúa, thì thần học giải phóng nhấn mạnh tới sự đau khổ của con người. Thật ra, như chúng ta đã biết, việc gắn liền Thập giá với đau khổ không còn gì mới lạ. Văn chương tu đức đã trình bày khía cạnh này từ lâu rồi: chúng ta hãy bắt chước Đức Kitô chấp nhận những đau khổ như Thập giá mà Chúa gởi đến! Tuy nhiên, thần học giải phóng tố cáo rằng một luồng tu đức như vậy sẽ tạo ra những hạng người thụ động: đứng trước các bất công xã hội, những cảnh lầm than của nhân loại, người tín hữu chỉ biết học đức kiên nhẫn chịu đựng, thay vì tìm cách cải tạo xã hội. Hơn thế nữa, nói rằng chấp nhận những đau khổ như Thập giá Chúa gởi đến thì có khác nào như nói rằng Chúa muốn cho con người phải đau khổ hay sao?

Những vấn nạn vừa nêu lên đã bắt buộc thần học cận đại xét lại một câu hỏi mà con người mọi nơi mọi thời đã đặt lên cho tất cả các tôn giáo: vì đâu mà con người phải khổ? Giới hạn vào sự liên hệ với Thập giá, ta nên biết rằng Kitô giáo tiên vàn không nhằm đề ra một lý thuyết để giải thích về nguyên nhân của sự đau khổ cho bằng trưng ra mẫu gương của một người đã cùng chia sẻ sự đau khổ: người ấy chính là Đức Kitô. Nơi Người, Thiên Chúa đã nếm thử tất cả những mùi đau khổ của con người, cả về thể chất lẫn tinh thần, nhất là sự khắc khoải trước cái chết và cái chết đã mang ô nhục. Thiên Chúa đã lãnh lấy đau khổ không phải vì Ngài yêu thích đau khổ, nhưng là vì yêu thương con người khổ đau. Ngài không muốn phô trương kỷ lục về đau khổ cho bằng muốn chia sẻ thân phận con người ngay từ khi vào đời. Chính trong sự liên đới của Đức Kitô với những đau khổ của loài người mà chúng ta tìm thấy một niềm an ủi; thực vậy, bất cứ người nào cho dù bị chìm sâu xuống bể khổ đến đâu, cũng đều có thể hướng mắt nhìn lên Thập giá. Thực ra, Đức Kitô không có thánh hóa sự đau khổ xét như là đau khổ: sự đau khổ nguyên nó là điều xấu và có thể gây ra bao nhiêu sự xấu khác (căm tức, oán hờn, trách phận, ghen tương,…). Chúng ta cũng đừng coi sự đau khổ như là giá mà Đức Kitô phải trả cho Thiên Chúa để đền tội của loài người; bởi vì như vậy là hạ giá Thiên Chúa, coi Ngài như ông chủ nợ khắc nghiệt cay cú! Hình ảnh ấy không phản ánh khuôn mặt của Thiên Chúa mà Đức Kitô đã mặc khải cho chúng ta. Thiết tưởng phải nói rằng không phải số lượng đau khổ chồng chất lên thân xác của Đức Kitô đã mang lại ơn cứu độ cho nhân loại, cũng chẳng phải chính cái chết có sức đền tội thay cho chúng ta: nhưng là cách thức mà Đức Kitô đã lãnh nhận cái chết. Đức Kitô đã đón nhận hết tất cả những đau khổ cho tới chết với tinh thần tự do âu yếm và trao hiến thân mình. Đức Kitô đã hoán cải cái chết, từ chỗ là hoa quả của thù hận và tội lỗi để trở nên ngọn lửa của yêu thương. Chính vì đã xoay ngược ý nghĩa của cái chết như vậy mà ta có thể nói rằng Đức Kitô đã giao tranh với sự chết. Đức Kitô đã lãnh nhận cái chết trên mình và đã vật ngã nó nhờ sự sống lại; hay nói cách khác, Ngài đã tiêu diệt cái chết. Nhờ tình yêu mà Ngài thông ban cho con người, chúng ta cũng có thể chấp nhận cùng với Ngài (nghĩa là có thể hoán cải) sự đau khổ. Vì thế, đau khổ có thể có giá trị hay không là tuy theo thái độ chúng ta có chấp nhận nó cách tự do hay không, nghĩa là có biết đón nhận nó với sức mạnh của Đức Kitô (giống như Ngài và cùng với Ngài) hay không.

Dù sao, cần phải nhấn mạnh rằng Thập giá không phải là một học thuyết giải thích hay biện minh cho sự đau khổ của con người. Thập giá cho ta thấy một sự kiện là Thiên Chúa đã đến gặp gỡ sự đau khổ, với thái độ tự do của Ngài. Điều đó đã vạch ra hai bộ mặt của đau khổ: nó vừa kinh tởm vừa xinh đẹp. Nó kinh tởm bởi vì chính một kẻ công chính vô tội đã chịu khổ do dã tâm của đồng loại. Nó xinh đẹp bởi vì cách thức mà Đức Giêsu đã chấp nhận và biến đổi nó: Người đã đón nhận nó cách âu yếm và hoán cải nó thành dụng cụ yêu thương. Và Đức Kitô mời gọi các môn đệ hãy vác Thập giá đi theo Ngài với nghĩa ấy: bắt chước Chúa trong thái độ yêu mến.

Đức Gioan Phaolô II đã viết dòng suy niệm về ý nghĩa sự đau khổ trong tông thư Salvifici Doloris.

3. Thần học Thập giá trong tương quan giữa Giáo hội với trần thế

Trong hậu bán thế kỷ 20, thần học Công giáo có nhiều du dịch đáng kể chung quanh thần học Thập giá. Trước đó, Thập giá được nói nhiều trong các sách tu đức, đề cao việc chia sẻ những đau khổ của Chúa Giêsu qua những việc hãm mình đền tạ. Vào thập niên 50, với cuộc cải tổ phụng vụ, Thập giá dần dần biến đi nhường chỗ cho mầu nhiệm Phục sinh. Thật vậy, nếu không có sự phục sinh thì Thập giá chẳng có ý nghĩa gì hết mà chỉ dẫn tới tuyệt vọng. Trùng với thời kỳ phát triển khoa học và kinh tế tại Âu châu, các văn kiện của công đồng Vaticanô II được soạn ra dưới ánh sáng lạc quan của mầu nhiệm phục sinh đến nỗi quên đi mầu nhiệm Thập giá! Thế nhưng, đến khoảng thập niên 70, với những cuộc khủng hoảng kinh tế, với những cảnh bất công còn tái diễn trên thế giới, thần học lại quay lại với Thập giá. Sự quân bình giữa Thập giá và Phục sinh không phải lúc nào cũng dễ dàng! Vào dịp kỷ niệm 20 năm bế mạc công đồng Vaticanô II, khi nhận định về sứ mạng của Hội thánh trong thế giới dựa theo hiến chế “vui mừng và hy vọng” Thượng Hội đồng Giám mục khoá bất thường năm 1985 đã tuyên bố như sau:

Chúng tôi nhận thấy rằng những dấu chỉ của thời đại chúng ta có phần khác với thời đại công đồng, với những vấn đề và khắc khoải lớn hơn. Thực vậy, ngày nay khắp nơi trên thế giới chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng của đói kém, đàn áp, chiến tranh, đau khổ, khủng bố và nhiều hình thức bạo lực khác. Điều này đòi hỏi một sự suy tư thần học mới và sâu xa hơn, ngõ hầu có thể giải thích những dấu chỉ này trong ánh sáng của Tin mừng. Chúng tôi thấy rằng trong nỗi khó khăn hiện tại Thiên Chúa muốn dạy chúng ta cách thấm thía hơn về giá trị, tầm quan trọng và trung tâm của Thập giá Đức Kitô. Vì thế, sự liên hệ giữa lịch sử nhân loại và lịch sử cứu rỗi cần được giải thích dưới ánh sáng của mầu nhiệm vượt qua. Dĩ nhiên, thần học Thập giá không loại bỏ hoàn toàn thần học về tạo dựng và nhập thể, nhưng nó giả thiết cả hai nền tảng đó. Khi các kitô hữu nói tới Thập giá, chúng ta không muốn bị gán là bi quan yếm thế nhưng chúng ta muốn đặt mình trên thực trạng của nền hy vọng kitô giáo. Từ viễn ảnh của mầu nhiệm vượt qua, cùng với sự khẳng định mối liên kết giữa Thập giá và Phục sinh, chúng ta có thể nhận định một sự thích nghi canh tan và chính hiệu hay giả hiệu. Một đàng chúng ta không thể nào chấp nhận hoàn toàn đồng hóa với thế gian; đàng khác, chúng ta cũng không thể đóng khung Giáo hội vào cộng đồng các tín hữu: chúng ta cần phải khẳng định sự cởi mở truyền giáo của Giáo hội nhằm tới sự cứu rỗi toàn diện con người. Nhờ đó, hết mọi giá trị chân chính của con người không những được chấp nhận mà còn được bảo vệ cách cương quyết: phẩm giá nhân vị; những quyền lợi căn bản của con người; hoà bình; tự do khỏi mọi áp bức, nghèo kém và bất công. Tuy nhiên, sự cứu rỗi toàn diện đạt được khi mà những thực tại vừa nói của con người được thanh luyện và nâng cao nhờ ân sủng và sự kết hợp với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần.

Cũng nên biết là văn kiện ấy cũng lấy mầu nhiệm Thập giá làm mẫu mực cho việc hội nhập văn hóa. Nói cách khác, tiêu chuẩn của việc hội nhập văn hóa không thể chỉ dựa thuần tuý trên mầu nhiệm nhập thể, nhưng còn phải dựa cả trên mầu nhiệm Thập giá nữa: Giáo hội cần biết thu nhận các nền văn hóa nhưng đồng thời cũng cần phải biết thanh tẩy luyện lọc chúng nữa. Như thế, ta thấy một chiều kích khác nữa của thần học Thập giá, đặt trong mối tương quan giữa Giáo hội với trần thế, giữa lịch sử nhân loại với lịch sử cứu độ.

C. THÁNH GIÁ LÀ TÌNH YÊU

Thập giá được tạo nên do hai thanh gỗ, một nằm và một đứng. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự yếu đuối trải rộng. Thanh đứng tượng trưng cho sự sống vươn cao. Hai thanh bắc ngang nhau tượng trưng cho sự tương phản giữa sự sống và sự chết, giữa vui buồn và cười khóc, giữa khoái lạc và đau khổ, giữa ý muốn con người và ý muốn Thiên Chúa. Đặt thanh vui mừng trên thanh đau khổ là cách duy nhất để làm nên một Thập giá.

Ý muốn của con người là thanh nằm. Ý muốn của Thiên Chúa là thanh đứng. Ngay khi đối kháng hai ý muốn này tức là đã tạo nên một thập giá. Do đó thập giá là biểu tượng của đau khổ. Người ta sợ thập giá. Đó là hình phạt sỉ nhục đau đớn nhất cho tội nhân.

Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hòan toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Đấng là tình yêu đã cho thấy rằng tình yêu có thể biến đau khổ thành niềm vui, để những ai gieo trong nước mắt có thể gặt giữa tiếng cười, những ai khóc lóc có thể được an ủi, những ai đau khổ có thể đồng hiển trị với Ngài. Những ai mang thập giá ngày thứ Sáu Tuần Thánh có thể hạnh phúc ngày Chúa Nhật Phục Sinh.

Tình yêu như là điểm giao thoa giữa thanh nằm của sự chết và thanh đứng của sự sống trong một xác quyết: mọi sự sống đều ngang qua sự chết. Đau khổ là hy sinh không tình yêu đang hy sinh là đau khổ kèm theo tình yêu. Tình yêu biến đau khổ thành hy sinh dâng hiến với niềm vui. Thiếu tình yêu, hy sinh chỉ còn là đau khổ gánh nặng và buồn chán. Đức Kitô đã đón nhận cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân lọai. Cái chết của Người là một hiến lễ có giá trị chuộc tội, đền tội, gánh tội và Người chỉ dâng hiến lễ một lần là đủ.

Trước khi Đức Kitô bị đóng đinh đã có thập giá rồi. Người Rôma dùng thập giá để lên án tử hình cho các tội nhân. Bấy giờ ở đâu có thập giá là ở đó có sự chết. Người ta sợ hãi thập giá. Bóng thập giá là tử thần. Thập giá tới đâu là khóc than khổ đau đến đó.

Hôm nay, nơi nào có bóng thập giá là nơi ấy có dấu chân người Kitô hữu. Ba cây thập giá dựng lên chiều thứ sáu tử nạn, Đức Kitô ở giữa hai tội nhân. Trong ba cây thập giá ấy chỉ có cây ở giữa là Thánh giá. Khi Đức Kitô tắt thở trên cây thập giá, Ngài đi vào đời sống mới thì cây thập giá khốn khổ ấy trở thành cây cứu rỗi và trở nên Thánh. Sự thánh ấy là tình yêu, là đau khổ, là sự chết và là vinh quang. Không có tình yêu thì thập giá không phải là Thánh giá. Thập giá dụng cụ giết người nhục nhã đã trở nên Thánh giá phương tiện ban sự sống mới qua tình yêu Đấng Cứu Thế. Thánh giá là biểu tượng cho Kitô giáo. Thánh giá mang ánh sáng, nguồn chân lý đến cho các giáo huấn của Giáo hội. Thánh giá là biểu tượng cho niềm tin Kitô hữu, cho ơn cứu độ của Đức Giêsu. Tôn vinh Thánh giá là tôn vinh chính Đức Giêsu Kitô. Mỗi ngày người tín hữu nhìn lên Thánh giá, biểu tượng đức tin và ơn cứu độ, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa và ngợi khen Đức Giêsu Kitô. Nhờ đó ta sẽ an tâm vững bước trên con đường Chúa Cứu Thế đã đi qua.

(viết theo Thời sự thần học số 7 tháng 3/97).
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:14 10/09/2008
KỲ TÍCH

N2T


Có một người không ngại trèo núi vượt đèo, đến kiểm chứng kỳ tích hiển hách của đại sư.

- “Sư phụ của các anh đã làm những kỳ tích gì ?”

- “À...à, trên thế gian có rất nhiều loại kỳ tích, chỉ cần ở nơi quê hương của ngài, ngài cậy vào Thiên Chúa để thỏa mãn nguyện vọng của người nào đó và coi đó như là kỳ tích; còn chúng tôi ở đây, khi mọi người thực hành thánh ý của Thiên Chúa, thì chúng tôi coi đó là kỳ tích.”


(Anthony de Mello, sj.)

Suy tư:

Con người ta luôn muốn được nhìn thấy kỳ tích phép lạ xảy ra cho mình, bởi vì sức lực và tài năng của con người thì có giới hạn.

Nhưng kỳ tích của Thiên Chúa vẫn xảy ra hằng ngày trong vũ trụ này, và trong cuộc sống của mỗi người:

- Mỗi sáng thức dậy thấy mình vẫn còn...cử động, tai nghe chim hót líu lo, thấy ánh mặt trời chói lọi, đó là kỳ tích của Thiên Chúa.

- Hôm nay đi làm gặp được người bạn tốt, đó là kỳ tích của Thiên Chúa đối với mình.

- Đọc được một quyển sách hay, coi một cuộn phim có ý nghĩa, nghe một bài giảng sâu sắc, đó là kỳ tích của Thiên Chúa đối với mình.

Kỳ tích của Thiên Chúa không phải lả điều vượt quá cuộc sống của mỗi người, nhưng nếu chúng ta dùng con mắt đức tin để nhìn thấy kỳ tích của Thiên Chúa, thì quả thật Chúa làm quá nhiều kỳ tích, như lời của thánh Gioan tông đồ đã nói: “Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết ra từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.” (Ga 21, 25)

Không ai có thể nhận ra được kỳ tích của Thiên Chúa nếu họ không có đức tin, bởi vì kỳ tích của Chúa vẫn thường ngày xảy ra, nhưng có rất nhiều người không biết, nên họ vẫn cứ oán trời trách người.

Muốn nhìn thấy kỳ tích của Thiên Chúa thì trước hết phải có đức tin, và tiếp theo là khiêm tốn đón nhận các biến cố xảy ra trong cuộc sống của mình.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:15 10/09/2008
N2T


27. Cầu nguyện như một mặt kiếng sáng, làm cho chúng ta thấy được những thứ nhơ bẩn trong linh hồn.

(Thánh Bonaventura)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh Phaolô, Nhà Truyền Giáo vĩ đại (2)
Vũ Văn An
01:01 10/09/2008
Thánh Phaolô, Nhà Truyền Giáo vĩ đại(tiếp theo)

Các thính giả của Thánh Phaolô

Thánh Phaolô nói với đủ mọi thành phần trong xã hội. Dù người Côrintô phần lớn thuộc giai cấp tầm thường trong xã hội và các tên được nhắc tới trong thư Rôma 16 cũng cho thấy họ có lối sống đơn giản, Thánh Luca cũng đã hơn một lần tường thuật rằng Thánh Phaolô từng tiếp xúc với các thành viên thuộc giai cấp thượng lưu trong xã hội: Lydia chẳng hạn là một phụ nữ làm nghề buôn tơ lụa, nhiều phụ nữ khác thuộc giai cấp thượng lưu ở Thessalonica và Berea (Cv 17:4, 12), cũng như nhiều chức sắc miền Asia (Cv 19:31). Những người vừa kể được coi là bằng hữu của Thánh Phaolô, có thể là kết quả công trình truyền giáo của Ngài. Công Vụ 13:7 ghi lại cho chúng ta trường hợp nổi tiếng của Sergius Paulus, tổng đốc tại Paphos.

Cuộc giáp mặt của Thánh Phaolô với tổng trấn Festus và Vua Agrippa là điều đáng lưu ý, nó cho thấy Thánh Phaolô từng nói truyện với những nhân vật ở tột cùng bậc thang xã hội. Với Festus, người từng gọi Ngài là một tên điên, Thánh Phaolô trả lời bằng cách thưa truyện thẳng với Vua Agrippa, người tin vào các tiên tri (Cv 26:27). Ngài kết luận bằng cách bày tỏ ý muốn: một ngày kia các thính giả của mình cũng bắt chước nhà vua mà trở thành tín hữu (Cv 26:29). Đoạn văn có tính hô hào trong nghệ thuật hùng biện truyền giáo này không những cho thấy lòng can đảm của Thánh Phaolô mà còn cho thấy công cuộc truyền giáo ngày một tỏ ra thành công hơn nơi người Do Thái.

Theo thư thứ 2 gửi Timôtê 4:16-17, Thánh Phaolô rao giảng Phúc Âm ngay cả trong thời gian bị giam tại Rôma” Khi tôi đứng ra tự biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi. Xin Chúa đừng chấp họ. Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử”.

Những tiếp xúc và đối thoại trong các hoàn cảnh tương tự như thế giúp Ngài nhận được sự hỗ trợ về chính trị và tới lui được nhiều địa điểm gặp gỡ rộng lớn. Chúng cũng cho thấy sự kiện này nữa là Phúc Âm đụng tới mọi tầng lớp trong xã hội. Tuy nhiên, trong các bản văn này, không có chỗ nào cho thấy Thánh Phaolô có bất cứ chiến thuật đặc thù nào trong lãnh vực này.

Thời gian các lần truyền giáo tại thành thị

Đọc lướt qua Tông Đồ Công Vụ cũng như các Thư của Thánh Phaolô, ta có cảm tưởng Ngài không lưu lại lâu tại bất cứ thành phố nào. Ngài chỉ đi qua các thành phố đó mà thôi. Nhưng thật ra, có khi Ngài dừng chân tại một thành phố khá lâu. Như ở Syria (Antiốc) chẳng hạn, Công Vụ 11:26 nói tới một năm. Việc truyền giáo tại Macedonia và Achaia kéo dài ba năm từ năm 49 CN tới năm 51 CN. Trong thời gian đó, Thánh Phaolô lập ra ít nhất bốn cộng đoàn: Philippi, Thessalonica, Berea và Côrintô. Thánh Phaolô cũng lưu lại Côrintô 18 tháng (Cv 18:11, từ tháng Hai-Ba năm 50 tới tháng Chín năm 52 CN). Việc truyền giáo của Ngài tại Asia trong các năm 52-55 tập trung chính ở Êphêsô, nơi Ngài làm việc trong ba năm (Cv 20:31): Ngài giảng dạy trong hội đường ba tháng (Cv 19:8), tại trường của Tyrannô khoảng hai năm và có thể hơn một chút, tuy không được tường thuật chính xác (Cv 19:22). Nhà truyền giáo nào cũng nên biết rằng muốn chuyển giao đức tin cho ai, cần phải dành nhiều thì giờ cho họ.

Cách thông đạt của Thánh Phaolô

Sự phong phú của Thánh Phaolô làm chúng ta thèm thuồng! Cẩn thận đọc các thư của Ngài cũng như Tông Đồ Công Vụ, ta hiểu rõ lý do của sự phong phú phi thường ấy. Ta đã thấy: Thánh Tông Đồ ví mình như chiếc bình bằng đất sét, dễ bể, dễ nứt rạn. Nhưng chiếc bình ấy là nơi cư ngụ của Chúa Thánh Thần, của quyền lực Thiên Chúa. Và Thánh Phaolô tìm mọi cách làm dễ dàng quyền lực ấy, làm dễ dàng công việc của Chúa Thánh Thần. Đó sẽ là điểm đầu tiên trong cuộc trình bầy của chúng ta. Thánh Phaolô hoàn toàn sống vì Phúc Âm và sống với Phúc Âm. Phúc âm được loan báo chủ yếu nhờ hai phương tiện:rao giảng và thực hành đặc sủng.

Mọi sự cho Phúc Âm và nhờ Phúc Âm

Theo Thánh Phaolô, điều kiện chính của hoạt động truyền giáo là lối sống nhất quán. Cuộc sống của nhà truyền giáo phải là một công bố Phúc Âm. Nó không được cản trở việc công bố này bất cứ cách nào. Thánh Tông Đồ phát biểu quan điểm này cách đặc biệt khi Ngài cho hay Ngài không muốn trở thành gánh nặng cho cộng đoàn mà Ngài tới thăm viếng và loan báo Phúc Âm, dù Ngài nhìn nhận rằng nhà rao giảng có quyền sống nhờ sự rao giảng của mình. Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, chương 9, trình bầy cho ta rõ suy nghĩ của Thánh Phaolô về điểm này. Dù có quyền hưởng hoa trái lao công của mình, thánh nhân cũng đã từ khước không hưởng đặc quyền ấy. Lý do chính là: Thánh Phaolô coi việc rao giảng Phúc Âm như nhiệm vụ được trao phó cho Ngài: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Phúc Âm!” (1 Cor 9:16). Tiếp nhận sáng kiến rao giảng ấy không tùy thuộc ở Ngài. Phần thưởng của Ngài nằm ở chỗ được tự do loan báo Phúc Âm! Và để làm việc đó, Ngài ráng hết sức để trở thành mọi sự cho mọi người!

Cộng đoàn duy nhất được Ngài vui lòng tiếp nhận sự hỗ trợ về tài chánh là cộng đoàn Philippi. Khi Thánh Phaolô đang bị cầm tù, nghĩa là không thể làm việc được, cộng đoàn này đã cung cấp cho Ngài những thứ cần dùng. Các tù nhân thường chẳng được ăn uống gì khác, ngoài ‘của thăm nuôi’ từ gia đình hay bạn bè. Tù nhân Phaolô cũng vậy thôi.

Rao giảng

Thánh Phaolô là bậc thầy trong nghệ thuật rao giảng. Chỉ cần lướt qua các thư của Ngài, ta cũng thấy Ngài ‘xuất khẩu thành văn’, không cần phải chuẩn bị chi. Chắc chắn Ngài được Chúa Thánh Thần “linh hứng”, rất khác với lối thuyết giảng rỗng tuếch của các diễn giả ngụy biện thời ấy. Tuy nhiên, thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô 2:1-5 cho ta thấy cách xếp đặt nền tảng trong lời giảng của Ngài. Chắc chắn Thánh Phaolô không thích lối tu từ học rỗng tuếch chỉ biết vụ khoe khoang của thời ấy. Tuy nhiên, vốn xuất thân từ những trường nổi danh, hẳn Ngài cũng biết: bất cứ bài nói truyện nào, muốn có hiệu quả, đều cần phải áp dụng các luật căn bản của khoa hùng biện Hy Lạp. Ngài áp dụng nhận thức đó vào việc phục vụ Phúc Âm. Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô, chương 2, cho ta một bài học có giá trị về điểm này, ta cần khảo sát kỹ. Bề ngoài xem ra như Ngài chỉ trích nghệ thuật ăn nói, mà bên trong, quả Ngài đã khai triển ra cả một nền thần học về rao giảng. Trước nhất, Ngài nhắc cho mọi người hay sứ mệnh của Ngài là rao giảng Chúa Giêsu như Đấng Được Xức Dầu, nhưng là Đấng Được Xức Dầu Chịu Đóng Đinh. Công bố cái chết của Chúa là điều chính yếu. Người chia sẻ bàn tiệc Chúa phải công bố cái chết của Người (1Cor 11:26), lời Chúa phải được công bố trong các hội đường (Cv 13:5). Ngài cho các thành phần Giáo Hội tại Rôma hay đức tin của họ đang nổi tiếng khắp thế giới (Rm 1:8). Cần phải nhấn mạnh tới việc trình bầy nơi công cộng. Không nhất thiết phải hiểu là công bố tại các công trường hay công thự. Vì điều ấy buộc Thánh Phaolô phải đảm nhiệm vai trò một diễn giả nơi công cộng. Tuy nhiên, việc công bố bao giờ cũng có tính công cộng: không thông đạt một thứ giáo thuyết kỳ bí cho một nhóm người được dẫn nhập bí mật, nhưng là thuật lại các biến cố cho bất cứ ai sẵn sàng lắng nghe. Không như các nhà hùng biện thời Ngài, Thánh Phaolô từ khước không dùng bất cứ điều gì chỉ có mục đích khoái tai người nghe, mà cản trở việc hiểu rõ Phúc Âm. Ngài không nhằm gây giật gân, quyến rũ thính giả. Việc công bố của Ngài nhằm loan báo mầu nhiệm Thánh Giá. Ngài chỉ biết một điều, đó là Chúa Kitô chịu đóng đinh. Nhận thức ấy là trọn bộ nội dung sứ điệp của Ngài. Ngài thực sự nhập thân thực tại ấy. Chúa Kitô chịu đóng đinh sống trong Ngài (Gl 2:20).

Ngài cho ta biết Ngài rao giảng ra sao: Ngài rao giảng trong “run sợ”, một điều hết sức ngạc nhiên vì các thư của Ngài cho thấy Ngài có một đức kiên cường rất sáng ngời. Thực ra, đây là kiểu nói đặc biệt trong Cựu Ước, thường được dùng để nói về một người đang giáp mặt với kẻ thù hay một cuộc tấn công sinh tử (Xh 15:16; Đnl 2:25; Giuđít 2:28; Tv 54:6; Is 19:16). Rao giảng là một cuộc chiến đấu. Sự yếu đuối của Ngài giữa người Côrintô không phải là chuyện thường tình. Nó là bối cảnh để quyền lực của Thiên Chúa tự mạc khải ra. Ta thấy điều ấy trong 1Cor 1:27-29 và trong 2Cor 12:9 (“ơn Ta đã đủ cho con”). Thái độ này thật trái ngược với thái độ tự phụ của những nhà ngụy biện xiết bao. Thánh Phaolô chắc chắn không phải là loại người bạn có thể gọi là diễn giả mua vui cho đám đông.

Bản chất đặc biệt trong nghệ thuật rao giảng của Ngài thấy rõ trong các câu 1 Cor 2: 4 và 5 trong đó Ngài chơi chữ khá tinh tế. Nhiều chữ được Thánh Phaolô dùng với nghĩa kép, khó lòng ta mới có thể dịch nguyên văn được. Ngài dùng các chữ có nghĩa trong từ vựng tôn giáo nhưng cũng có nghĩa kỹ thuật trong khoa hùng biện. Chúa Thánh Thần được Ngài trình bầy như Đấng thuyết phục các tâm hồn. Thuật ngữ ấy dành cho Chúa Thánh Thần sức mạnh thuyết phục. Người mới là Đấng “chứng minh” (demonstration, bản phổ thông: ostensione) (một từ chuyên môn trong khoa hùng biện), và kết quả của việc chứng minh này không phải chỉ là một chứng cớ, một xác tín, nhưng là chính đức tin. Sức mạnh của Chúa Thánh Thần đánh tan sự yếu đuối của Thánh Phaolô và sức mạnh chứng minh của Chúa Thánh Thần đánh tan sức mạnh thuyết phục của lời nói, vốn thuộc sự khôn ngoan của người đời.

Ngoài bối cảnh lịch sử phần nào xác định ra lối rao giảng của Thánh Phaolô, ta cũng có thể nhận diện được một vài yếu tố quan trọng đối với việc loan báo Phúc Âm. Sứ điệp phải đặt trọng tâm nơi mầu nhiệm Thánh Giá, nói cách khác, nơi ơn cứu độ. Phương tiện sử dụng phải phụ thuộc vào nội dung sứ điệp, hay tốt hơn, phải làm nổi bật sứ điệp ấy. Hoa trái của rao giảng phải là đức tin, chứ không phải là một hình thức thuyết phục. Nơi Thánh Phaolô, đức tin phải được biểu hiệu bằng đức vâng lời (xem Rm 1:18). Nó là lòng trung thành với con người và lời nói của Chúa Kitô. Đó mới chính là hoa trái việc làm của Chúa Thánh Thần. Người mới là diễn giả thực sự, đứng đàng sau con người của nhà truyền giáo, là người có nhiệm vụ phải hành động trong “run sợ”. Đồng thời, điều ấy có nghĩa: tình thế ở đây không có chi ổn định, nó là một trận chiến, nhưng cũng cần hiểu thêm: đây là công việc của Thiên Chúa. Nó diễn ra trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Do đó, việc truyền giáo quả là một ‘nghề’ có tính thần học. Việc sắp xếp tinh tế trong đoạn văn vốn sử dụng được mọi phương tiện của khoa tu từ học này cho thấy nó không nghèo nàn về ngôn từ hay tính độc đáo. Trái lại, phương thế nào có thể chuyên chở được sứ điệp thì đều đã được Ngài sử dụng.

Đặc sủng và phép lạ

Không nên đánh giá quá thấp mà cũng không nên đánh giá quá cao vấn đề đặc sủng và phép lạ. Sách Tông Đồ Công Vụ cho ta thấy phép lạ không phải là nguyên nhân chính của việc rao giảng Phúc Âm. Đôi khi phép lạ đã không đóng góp tích cực chi vào việc rao giảng ấy. Khi một đám đông trở lại, thì điều ấy chủ yếu không do phép lạ mà là do lời rao giảng. Cũng có hiện tượng trong đó phép lạ bị hiểu lầm và trở thành nguồn cho lầm lẫn. Ở đây, chỉ cần nhắc đến việc chữa lành cho một người bất toại ở Lystra trong Công Vụ 14. Thoạt đầu, dân thành Lystra nghĩ Thánh Phaolô và Banaba là các thần Zeus và Hernes! Ngay sau biến cố ấy, ta được tường thuật rằng Thánh Phaolô bị ném đá, sau khi công chúng bị một nhóm người Do Thái từ Icôniô và Antiốc tới xúi giục (Cv 14:19). Công Vụ 16:18 thuật lại việc giải thoát cô gái nô lệ khỏi qủy ám đã gây phẫn nộ ra sao nơi người chủ vốn hưởng lợi nhờ ‘tài’ bói toán của cô ta. Sau cùng trong Công Vụ 28, Thánh Phaolô bị rắn hổ mang cắn nhưng không chết. Tuy nhiên những người chứng kiến cảnh ấy đâu có trở lại mà chỉ ngó nhau ngạc nhiên như thể muốn nói Thánh Phaolô chắc phải là một vị thần!

Tuy nhiên cũng không nên đánh giá quá thấp các đặc sủng và phép lạ, coi chúng như không có hay hoàn toàn vô ích. Lịch sử rao giảng Phúc Âm đầy các ơn lạ của Chúa Thánh Thần, những ơn lạ đã cùng các phương tiện thông thường và ngoại thường khác đem nhiều tín hữu lại cho đức tin. Muốn rõ điều ấy, chỉ cần đọc đoạn nói về các đặc sủng trong 1Cor 12-14. Tuy nhiên, vẫn phải nhớ: chính lời tiên tri, lời linh hứng trong các buổi tụ tập cầu nguyện mới là nguyên nhân trực tiếp làm người chưa có đức tin trở lại.

Trong các Thư của mình, Thánh Phaolô nói rất ít tới các phép lạ ngoại trừ trong đoạn nói về các đặc sủng, trong 1Cor 12-14 và có lẽ cả trong 1Cor 2:4, trong đó, khi nhắc đến việc chứng minh bằng quyền lực Chúa Thánh Thần, có thể Ngài muốn ám chỉ tới phép lạ. Chỉ có Sách Tông Đồ Công Vụ mới chứng thực cho các phép lạ mà thôi. Ở đây ta phải nhận rằng dù đôi lúc bị người ta hiểu lầm, nhưng các phép lạ thường là nguồn làm nhiều người trở lại. Như việc chữa người bất toại ở Lydda và việc phục sinh Tabitha ở Jaffa (Cv 9:32-43), việc Thánh Phaolô và Sila được thả cách lạ lùng khỏi nhà tù (Cv 16:25-34) chẳng hạn. Công Vụ 14:3 còn đáng lưu ý hơn. Lúc ấy Thánh Phaolô và Banaba đang giảng đạo tại Icôniô, và sách Công Vụ thuật lại như sau: “Phaolô và Banaba ở lại một thời gian khá lâu, mạnh dạn vì dựa vào Chúa, là Đấng chứng nhận lời giảng về ân sủng của Người, khi cho tay các ông thực hiện những dấu lạ điềm thiêng”.

Kết luận

Thánh Phaolô từng được hiểu lầm là người sáng lập ra Kitô giáo chỉ vì tác động mạnh của Ngài trong công cuộc truyền giáo từ thuở ban đầu. Như thế quả không vô lý khi ta coi Ngài như tấm gương chói lọi của mọi nhà truyền giáo. Đặc điểm chính yếu ta nên noi gương Ngài chắc chắn phải là sự gần gũi của Ngài với Chúa Kitô: “điều đáng kể là phải đặt Chúa Giêsu Kitô làm tâm điểm đời ta, để bản sắc ta chủ yếu được đánh dấu bằng cuộc gặp gỡ, bằng cuộc hiệp thông với Chúa Kitô và với Lời Người” (Đức Bênêđíctô XVI, buổi triều yết ngày 25 tháng Mười năm 2006).

Đặc điểm thứ hai là quan điểm truyền giáo của Ngài. Ngài coi nó như công việc của Chúa Thánh Thần cộng với ý thức về sự nghèo nàn của bản thân mình. Nhà tông đồ phải là một với Chúa Kitô, nhưng phải là Chúa Kitô trên Thánh Giá. Sức mạnh của nhà tông đồ phải là sự yếu đuối của mình, vì qua sự yếu đuối ấy, Chúa Thánh Thần mới biểu dương được hết mọi quyền lực của Người. Việc mở lòng ra với Chúa Thánh Thần này phải là điều kiện cho bất cứ hoạt động tông đồ có kết quả nào.

Đặc điểm quan trọng thứ ba là quan niệm của Thánh Phaolô về tính phổ quát của ơn cứu rỗi. Ngài là người của phổ quát tính. Trong một thế giới đầy chia rẽ và phân hóa giữa các dân tộc và các nền văn hóa, Ngài đã hiểu ra rằng sứ điệp của Chúa Kitô là sứ điệp dành cho mọi người, bất kể họ thuộc nền văn hóa hay tôn giáo nào, quốc tịch hay hoàn cảnh xã hội nào. Ngài hiểu rõ: “Thiên Chúa là Thiên Chúa của mọi người” (Bênêđíctô XVI, buổi triều yết chung ngày 25 tháng Mười năm 2006).

Cuối cùng, tính trung tâm của Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô, chắc chắn phải là bài học sau hết ta rút được từ gương sáng của Ngài. Thánh Phaolô luôn nghĩ rằng sứ mạng truyền giáo của Ngài phải được thực hiện trong lòng Giáo Hội và qua Giáo Hội. Truyền giáo là xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô. Điều ấy có nghĩa: Ngài không bao giờ tưởng tượng được việc rao giảng mà lại không do Giáo Hội sai đi. Dù khi phải gặp cho bằng được Thánh Phêrô để chắc mẩm là mình không rao giảng vô ích, hay khi yêu cầu cộng đoàn ở Rôma hỗ trợ, Thánh Phaolô đều biết rằng công việc truyền giáo luôn phải là hoa trái do mối liên kết sống động với Giáo Hội đem lại.

Phụ lục

Thánh Phaolô Tông Đồ, trong giáo huấn của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI

Từ lúc được bầu làm giáo hoàng cho đến nay, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI thường hay nhắc đến khuôn mặt Thánh Phaolô, Tông Đồ Mọi Dân Tộc. Ngay từ ngày 25 tháng Tư năm 2005, Đức Thánh Cha đã đi thăm mộ Thánh Phaolô, nơi đó, Ngài đã nói trong bài giảng như sau: “Tôi đến đây để làm sống lại trong đức tin “ơn phúc tông đồ” này, vì, như lời Thánh Tông Đồ Dân Ngoại từng nói, Thiên Chúa đã ủy thác cho tôi “nỗi lo lắng đối với mọi Giáo Hội”. Thánh Tông Đồ chủ yếu nổi tiếng là người rao giảng Phúc Âm cho mọi dân tộc. Nếu nhiệm vụ của Giáo Hội là truyền giáo, thì người kế nhiệm Thánh Phêrô đã tới đây “có thể nói, trong một cuộc hành hương tìm về cội rễ của việc truyền giáo ấy” (Thăm Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô, ngày 25 tháng Tư năm 2005).

Đức Giáo Hoàng nói về Thánh Phaolô trong ngày lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô và trong lễ bế mạc Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Sự Hiệp Nhất các Kitô Hữu hàng năm. Ngài cũng nói đầy đủ về con người và nền thần học của Thánh Phaolô vào các buổi triều yết chung các ngày Thứ Tư hàng tuần và khi loan báo Năm Thánh Phaolô, Ngài trình bầy Thánh Phaolô như người để ta bắt chước.

Khi đề cập tới con người của Thánh Phaolô, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh đến bản chất triệt để của cuộc gặp gỡ giữa thánh nhân và Chúa Kitô và sự mạc khải thánh nhân tiếp nhận được trên đường tới Đamát, coi chúng như nguồn thần học của Thánh Phaolô. “Ngài hiểu ngay tức khắc điều Ngài sẽ diễn tả sau này trong các trước tác của mình là: Giáo Hội hợp thành một cơ thể duy nhất với Chúa Kitô là đầu. Và điều này nữa: từ một người bách hại các Kitô hữu, Ngài đã trở thành Tông Đồ Dân Ngoại” (Kinh Chiều tại Nhà Thờ Thánh Phaolô ở Rôma, 25 tháng Giêng năm 2006).

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI nhấn mạnh tới việc Thánh Phaolô ý thức mình được Thiên Chúa chọn và sai đi. Đối với Thánh Phaolô, ơn Chúa gọi này, ơn Chúa tỏ bầy lòng nhân hậu này là lý do để Ngài đích thân tham dự việc truyền giáo. Việc tự hiến thân là nguyên nhân chính đem lại hoa trái cho việc tông đồ của Ngài (Kinh Chiều, 28 tháng Sáu năm 2007). Trong buổi triều yết ngày 25 tháng Mười năm 2006, Đức Giáo Hoàng cho rằng cuộc sống Thánh Phaolô được đánh dấu bằng tính trung tâm nơi con người Chúa Kitô và tính phổ quát nơi hoạt động tông đồ của thánh nhân. Điều giúp thánh nhân vượt qua được các chặng đường truyền giáo khó khăn chính là tình yêu của Chúa Kitô dành cho Ngài và tình yêu của Ngài dành cho Chúa Kitô (2Cor 5:14-15). Như thế, phúc tử đạo chỉ là hậu quả luận lý, là biểu thức tối hậu của tình yêu hoàn toàn, một tình yêu dẫn thánh nhân tới chỗ tự đồng hóa mình với Thầy Chí Thánh, cả trong sự chết.

Đối với Đức Giáo Hoàng, sứ điệp của Thánh Phaolô có tính quy Kitô rõ rệt (Buổi triều yết chung ngày 8 tháng 11), là công việc của Chúa Thánh Thần (15 tháng 11), là Giáo hội hiện diện trong tâm hồn Ngài (Buổi triều yết chung ngày 22 tháng Mười Một năm 2006).

Chúa Kitô công chính hóa con người “bằng lòng nhân từ của Thiên Chúa”, qua việc đi vào hiệp thông sâu sắc với con người, tha thứ mọi tội lỗi của họ. Đó là cảm nghiệm căn bản trong cuộc trở lại của Thánh Tông Đồ. Con người nên công chính nhờ đức tin. Khía cạnh thứ hai cho thấy khía cạnh quy Kitô này chính là bản sắc Kitô hữu: “Bản sắc Kitô hữu này được tạo thành bởi hai yếu tố: hạn chế không tự đi tìm chính mình; thay vào đó phải tiếp nhận mình từ Chúa Kitô và cùng với Chúa Kitô, tự hiến mình đi, nhờ thế tự mình tham gia vào đời sống của chính Chúa Kitô đến độ tự đồng hóa mình với Người và biết chia sẻ cả sự chết lẫn sự sống của Ngài” (Buổi triều yết ngày 8 tháng Mười Một).

Cuộc sống của Thánh Tông Đồ trở thành một thể hiện cuộc sống của Chúa Kitô. Việc này xẩy ra trong chúng ta qua sự sống Chúa Thánh Thần, sự sống được Thánh Phaolô gọi là Thần Khí Chúa Kitô. Thánh Phaolô phân tích việc làm của Chúa Thánh Thần trong cuộc đời Kitô hữu như sau: Người làm việc trong hiện thể và hoạt thể của họ (Buổi triều yết 15 tháng Mười Một năm 2006). Đối với Đức Giáo Hoàng, tư cách con cái Thiên Chúa, vốn là hoa trái sự hiện diện của Chúa Thánh Thần nơi Kitô hữu đã rửa tội, là ơn phúc đầu tiên và là ơn phúc chính của Chúa Thánh Thần, một ơn giúp Kitô hữu có thể gọi Thiên Chúa là “Lạy phụ thân, lạy cha của con”. Sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa trong ta này là lời hứa hẹn cho vinh quang mai hậu.

Giáo Hội là chương cuối trong suy niệm của Đức Giáo Hoàng về Thánh Phaolô, là người “đã trở lại với Chúa Kitô và Giáo Hội của Người” (Buổi triều yết chung ngày 22 tháng Mười Một năm 2006). Giáo Hội tìm thấy mình một cách đúng đắn trong cuộc đời của Thánh Tông Đồ. Đối với Ngài, các giáo hội vừa là nguồn vui vừa là nguồn sầu khổ. Đối với các giáo hội, Ngài vừa là cha vừa là mẹ. Nhiệm Thể Chúa Kitô được tiếp nhận trong Phép Thánh Thể (1Cor 10:17). Lời kêu gọi hiệp nhất và bác ái của Thánh Phaolô là kết quả tức khắc của quan niệm thần học nơi Ngài. Giáo Hội là nơi hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau, đó là cộng đoàn những người kêu danh Chúa Giêsu Kitô.

Các suy niệm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI về con người Thánh Phaolô quả là một bản tóm lược giáo huấn của Ngài. Đức Thánh Cha đặt ta diện đối diện với một soạn giả mà có lần chính Thánh Phêrô cũng cho là khó hiểu. Các suy niệm này là phương pháp tuyệt hảo để ta phân tích các thư của Thánh Phaolô

________________________________________________________________________________

(*) Nhiều tác giả hoài nghi điểm này vì nếu Thánh Phaolô học tại Giêrusalem vào lúc đó, hẳn bản thân Ngài phải biết hay nghe nói về Chúa Giêsu. Thực tế, không thấy Ngài để lộ cái biết ấy. Xem bài “Vài nét sử học về cuộc đời Thánh Phaolô” (Vietcatholic các ngày 5 và 6 tháng 9 năm 2008)
 
Thượng nghị sĩ Joe Biden bị sửa sai về vấn đề phá thai
Phụng Nghi
13:16 10/09/2008
Denver (Catholic Online) – Ngày 7 tháng 9, Thượng nghị sĩ Joseph Biden, người do đảng Dân chủ đề cử ra tranh chức phó tổng thống Hoa kỳ, đã được Tom Brokaw phỏng vấn trong chương trình “Meet the Press (Gặp gỡ Báo chí)”. Biden xưng mình là người Công giáo hành đạo. Cũng tương tự như Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi trước đây, ông Biden khi trả lời câu hỏi về lập trường của mình liên quan đến Quyền Sống, đã đưa ra những lời bình luận không chính xác và khó hiểu về giáo huấn của Giáo hội Công giáo đối với Quyền Sống.

Ông cũng chứng tỏ thiếu hiểu biết về khoa sinh học, Luật Tự nhiên, sự tách biệt giữa Giáo hội và Nhà nước, chủ thuyết đa nguyên chân chính, và vai trò đúng đắn của các vị dân cử người Công giáo. Tổng giám mục Charles Chaput và Giám mục James D. Conley, giáo phận Denver, đã công bố một phản hồi gởi tới người Công giáo trong giáo phận. Sau đây là toàn văn:

Người Giữ chức vụ công và Biện luận về Luân lý: Bản thông báo gửi cộng đồng Công giáo vùng bắc Colorado.



Gửi giáo dân Công giáo tổng giáo phận Denver:

Khi người Công giáo phục vụ trên sân khấu quốc gia, các hoạt động và phát biểu của họ có tác động trên đức tin của người Công giáo trong cả nước. Do đó, họ phơi bầy cho tín hữu Công giáo địa phương và các giám mục sở tại được xem xét tỉ mỉ và chính đáng về những vấn đề liên quan đến đức tin Công giáo.

Vào năm 2008 này, mặc dầu đài truyền hình NBC không có ý định đó, nhưng chương trình Meet the Press đã trở thành cửa sổ mở ra cho cả nước thấy những biện luận luân lý sai lạc của một số người Công giáo giữ chức vụ công. Ngày 24 tháng 8, bà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, tự mô tả là một người Công giáo nhiệt tình hành đạo, trong lúc bảo vệ quan điểm của bà về phá thai “phò chọn lựa”, đã trình bày sai lạc hoàn toàn những giảng huấn Công giáo về vấn đề phá thai trong show truyền hình toàn quốc. Ngày 7 tháng 9, Thượng nghị sĩ Joseph Biden gây thêm tác hại cũng vấn đề này với cùng khán thính giả của Meet the Press.

Thượng nghị sĩ Biden là một con người có thành tích xuất sắc trong lãnh vực phục vụ công cộng. Nhưng điều đó không tha thứ được cho lý luận kém cỏi hoặc sự việc xấu. Khi được hỏi rằng sự sống bắt đầu khi nào, Thượng nghị sĩ Biden nói “đó là một vấn đề cá nhân và riêng tư”. Nhưng trong thực tế, khoa sinh học hiện đại biết chính xác khi nào cuộc sống con người bắt đầu: đó là lúc thụ thai. Tôn giáo không liên quan gì đến vấn đề đó hết. Người ta có thể tranh biện về: khi nào “nhân tính” của một con người bắt đầu – mặc dầu điều đó dẫn chính sách công đi vào những chiều hướng rất nguy hiểm – nhưng không ai còn có thể cho rằng sự bắt đầu của cuộc sống là một vấn đề liên quan đến quan niệm tôn giáo nữa.

Thượng nghị sĩ Biden cũng lẫn lộn về tính chất của chủ thuyết đa nguyên. Chủ nghĩa đa nguyên chân chính phát khởi sự bất đồng lành mạnh và không bạo động, nó cần đến một môi trường, nơi đó con người có niềm tin sẽ tranh đấu một cách tôn trọng nhưng mãnh liệt để thăng tiến niềm tin của họ. Trong cuộc phỏng vấn, Thượng nghị sĩ đưa ra nhận xét rằng những người có quan điểm tôn giáo mạnh mẽ thường bất đồng với cách tiếp cận của Công giáo về vấn đề phá thai. Đúng thực là chúng ta cần công nhận quan điểm của người khác và thỏa hiệp khi cần – nhưng không phải trả giá bằng quyền được sống của một đứa trẻ đang phát triển.

Phá thai là một vấn đề căn cội, nó không giống như vấn đề chính sách nhà đất hoặc giá cả nhiên liệu nhập cảng. Nó luôn luôn liên quan đến chuyện cố ý giết hại một mạng sống vô tội, và lúc nào nó cũng là một lỗi lầm nghiêm trọng. Nếu, như Thượng nghị sĩ Biden nói: “Tôi sẵn sàng chấp nhận rằng cuộc sống bắt đầu lúc hoài thai chỉ là vấn đề thuộc về đức tin” thì ông không những chỉ lầm lẫn về khoa học về cuộc sống mới, mà còn không bảo vệ được sinh mạng vô tội mà ông biết là có đó.

Như Thượng nghị sĩ nói trong cuộc phỏng vấn, ông đã bỏ phiếu chống việc dùng quỹ tài trợ công cộng cho việc phá thai. Thêm vào với thành tích lớn lao của mình, ông cũng ủng hộ thành công việc cấm phá thai từng phần (partial-birth abortions). Nhưng việc ông mạnh mẽ ủng hộ quyết nghị Roe v. Wade năm 1973 của Tối cao Pháp viện cùng với “quyền” sai lạc được phá thai mà quyết định đó bao hàm, không thể được người Công giáo nghiêm chỉnh nào tha thứ. Ủng hộ đạo luật Roe và “quyền chọn lựa” phá thai, chỉ là mặt nạ che dấu bản chất và hành động của việc phá thai.

Roe là một đạo luật tồi tệ. Khi nào nó còn hiện hữu, nó còn ngăn cản không cho vấn đề phá thai được trở lại vị trí chính xác để cho dân chúng Hoa kỳ có thể quyết định dựa trên tranh biện và xây dựng luật pháp một cách công bằng. Trong cuộc phỏng vấn ở chương trình Meet the Press, Thượng nghị sĩ Biden sử dụng một lý luận đã nhàm chán về luân lý mà người Công giáo Mỹ đã nghe suốt 40 năm qua: đó là người Công giáo không thể áp đặt trên cả nước những quan điểm dựa trên tôn giáo. Nhưng việc chống lại nạn phá thai là vấn đề liên quan đến quyền con người, không phải là một quan niệm tôn giáo. Và, trong cương vị một nhà lập pháp, ông Thượng nghị sĩ biết rất rõ rằng mọi đạo luật đều liên quan đến việc áp đặt niềm xác tín của một số người lên một số người khác. Đó là bản chất của luật pháp.

Người Công giáo Hoa kỳ đã tự để cho họ bị ép buộc phải chấp nhận sự phá hủy mỗi năm hơn một triệu sinh mạng đang phát triển của những đứa trẻ chưa ra đời. Những người khác đã áp đặt niềm tin “phò chọn lựa” của họ lên xã hội Mỹ mà không chút ân hận suốt hàng mấy chục năm qua. Nếu chúng ta nhận mình là người Công giáo, là người Công giáo Hoa kỳ, kể cả những viên chức công quyền tự cho mình là người Công giáo, thì cần phải hành động một cách xứng hợp. Chúng ta cần chấm dứt đạo luật Roe và cái kỹ nghệ phá thai buông thả dễ dãi mà nó tạo ra. Nếu không thì, tất cả chúng ta – từ các thượng nghị sĩ và dân biểu, đến những giáo dân Công giáo – đều chẳng những không xứng đáng là người tín hữu và môn đệ (Chúa Kitô), mà còn không xứng đáng là người công dân nữa.

+Charles J. Chaput, O.F.M. Cap.

Tổng giám mục Denver

+James D. Conley

Giám mục phụ tá Denver
 
Đức Thánh Cha đến Lộ Đức giữa những ngưòi hành hương
PT Huỳnh Mai Trác
14:16 10/09/2008
ROMA, 10 tháng 9 năm 2008 (Zenit.org) Đức Thánh Cha Benedictô XVI sẽ đến thăm viếng Lộ Đức như một người hành hương giữa những kẻ hành hương, từ ngày 13 đến 15 tháng 9, và để cử hành lễ kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại đây.

Trước khi đến tại vùng núi Pyrénéea này, Đức Giáo Hoàng sẽ thực hiện ba giai đoạn liên quan đến cuộc đời của thánh Bernadette như cha Federico Lombardi, Giám đốc Báo chí của Tòa Thánh tiết lộ.

Trong buổi chiều tối, ĐTC sẽ cùng đi rước kiệu Đức Mẹ, một cuộc rước đuốc với những ngưòi hành hương và những người bệnh tật đau ốm. ĐTC sẽ đọc bài diễn văn đầu tiên cho khách hành hương trong khu vực thánh mẫu.

Buổi sáng Chủ Nhật lúc 10:00, ĐTC sẽ chủ tọa thánh lễ kỷ niệm những cuộc hiện ra trên sân cỏ trước hang đá.

Cũng theo như cha Lombardi, thánh lễ này là một thánh lễ cầu cho nước Pháp trên bình diện quốc tế là cùng cầu cho tất cả mọi người đến từ nhiều quốc gia trên thế giới hành hương nơi thánh địa này.

Tất cả các Giám mục người Pháp sẽ hiện diện trong thánh lễ này. Sau đó ĐTC sẽ cùng hội nghị với các ngài nơi phòng họp trong thánh đường Thánh Bernadette. Với các Giám Mục, ĐTC sẽ đề cập đến nhiều vấn đề và nhất là vai trò của Giáo Hội trong một xã hội thế tục như nước Pháp.

Ngày thứ hai, ngày dành riêng cho những ngưòi bệnh tật đau ốm, ĐTC sẽ dâng lễ theo như ý chỉ của họ, sau khi viếng nhà nguyện Lộ Đức và chiêm niệm cùng cầu nguyện nơi mà thánh Bernadette rước lễ lần đầu, đó là giai đoạn bốn và cuối cùng trong các giai đoạn của Lễ Kỷ niệm 150 năm Lộ Đức.

Đến trưa ngày 15 tháng 9, Đức Thánh Cha Benedictô XVI trở về lại Roma.
 
Đức Thánh Cha gửi sứ điệp chào mừng Giáo Hội Pháp
LM Trần Đức Anh, OP
23:46 10/09/2008
VATICAN -. ĐTC Biển Đức 16 bày tỏ niềm vui vì được hiệp với các đoàn hành hương tại Lộ Đức nhân dịp kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại đây.

Trong sứ điệp gửi nước Pháp công bố vào cuối buổi tiếp kiến chung các tín hữu sáng 10-9-2008, ĐTC nói:

”Anh chị em thân mến, thứ sáu này (12-9-2008), tôi sẽ thực hiện chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên của tôi tại Pháp trong tư cách là người kế vị Thánh Phêrô. Trước khi đến, tôi muốn gửi lời chào thăm nồng nhiệt đến dân tộc Pháp và mọi người dân sinh sống tại quốc gia yêu quí này. Tôi đến nơi anh chị em như một sứ giả hòa bình và huynh đệ. Đất nước của anh chị em không phải là xa lạ đối với tôi. Nhiều lần tôi đã vui mừng đến Pháp và quí chuộng truyền thống đón tiếp quảng đại và bao dung, cũng như niềm tin Kitô vững chắc và nền văn hóa cao về nhân bản và tinh thần của anh chị em. Lần này, cơ hội cho cuộc viếng thăm của tôi là kỷ niệm 150 năm Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức. Sau khi viếng thăm Paris, thủ đô đất nước của anh chị em, tôi sẽ được niềm vui lớn lao, hiệp với đoàn ngũ đông đảo các tín hữu hành hương theo các giai đoạn trong hành trình Kỷ Niệm, theo thánh Bernadette cho tới hang đá Massabielle.”

ĐTC nói thêm rằng: ”Tôi sẽ sốt sắng cầu nguyện dưới chân Đức Mẹ cho các ý nguyện của toàn thể Giáo Hội, đặc biệt là cho các bệnh nhân, những người bị bỏ rơi nhất, cũng như cho hòa bình trên thế giới. Ước gì Đức Maria trở thành cho tất cả anh chị em, đặc biệt là người trẻ, Người Mẹ luôn sẵn sàng đối với các nhu cầu của con cái, một nguồn sáng hy vọng soi chiếu và hướng dẫn bước đường của anh chị em! Các bạn Pháp thân mến, tôi mời các bạn hiệp nguyện với tôi để cuộc viếng thăm này mang lại thành quả dồi dào. Trong niềm hân hoan chờ đợi được ở nơi các bạn, tôi cầu xin Đức Trinh Nữ Maria, Đức Mẹ Lộ Đức, phù hộ và bảo vệ mỗi người, gia đình và trên các cộng đồng của các bạn. Xin Chúa chúc lành cho các bạn!”.

Đây là lần đầu tiên ĐTC lên tiếng như thế trước một cuộc viếng thăm mục vụ. Người ta ghi nhận sứ điệp của ngài, đọc trước máy thu hình của Trung tâm truyền hình Vatican trong một buổi tiếp kiến chung, là câu trả lời cho nhiều đơn của báo chí Pháp xin phỏng vấn ĐTC. Trước đây, ngài đã trả lời các cuộc phỏng vấn của giới truyền thông Đức và Ba Lan trước cuộc viếng thăm, nhưng sau đó ngài ngưng các cuộc trả lời phỏng vấn. Trái lại, trước cuộc viếng thăm tại Hoa Kỳ hồi tháng 4 năm nay, ngài thu một sứ điệp Video để gửi đến nhân dân Hoa Kỳ (SD 10-9-2008)
 
Top Stories
Vietnamese archbishop clashes with government over property seizures
Ekklesia
00:21 10/09/2008
Vietnamese archbishop clashes with government over property seizures

Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of Vietnam has been accused by the government there of breaking the law and causing disorder by supporting prayer vigils against the authorities' confiscation of Catholic Church property.

The archbishop has bee accused of inciting thousands of Catholics to take part in daily vigils, in defiance of the actions of the state.

The Vietnamese security forces have now threatened to disperse the crowds and to bring in the armed forces to carry out "extreme actions", reports J. B. An Dang writing on Independent Catholic News in the UK (http://www.indcatholicnews.com/).

On 1 September the New Hanoi newspaper carried a report in which Lt General Nguyen Van Huong, vice-minister for public security in Vietnam, said that the protestors at Thai Ha were "belittling [our] laws, and disrupting public order".

Major-General Nguyen Duc Nhanh, director of the Hanoi Police Agency was quoted as saying: "The presence of priests where Catholics assemble to pray illegally, or to perform riot behaviours [sic], or to destroy state properties, is by itself an act of riot stimulation."

The protestors point out that their actions have been entirely peaceful and public spirited.

New Hanoi goes on to accuse Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet of attempting to associate the dispute in Thai Ha with one at the former nunciature. It blames him for encouraging 82 priests in Hanoi to sign a letter declaring communion with a parish the state refuses to recognise.

In a Letter of Communion sent to the Provincial Superior of the Redemptorists in Vietnam and the Superior of Thai Ha Monastery, dated 8 September 2008, Bishop Anthony Vu Huy Chuong of Hung Hoa gives his full to the churches' efforts to regain their land in Thai Hai.

"I have prayed," he writes, "for justice and the truth may be honored not only in Thai Ha but also in anywhere that people still have to suffer injustice and dishonesty."

The authorities in Vietnam are reported to have threatened arrest and imprisonment to people writing about the protest on the internet.

(Source: Ekklesia, by staff writers, 10 Sep 2008)
 
Vietnam: Bishop warns the government “not to use the sword”
Joseph Nguyen
06:32 10/09/2008
The threats of two Police Generals to subjugate Catholic protestors with “extreme actions” have resulted in virulent reactions of Vietnamese Catholics.

Pray in hot sun
Pray in cold rain
Pray late in the night despite of being filmed by police
In an article titled "For all who draw the sword will die by the sword" (Matthew 26:52), released today, Bishop Francis Nguyen Van Sang of Thai Binh diocese warns the communist government “not to use the sword.” “Using the sword against innocent civils is shameful,” he writes “and will be condemned by international public opinion.”

His statement is a typical Catholics' response to reports on the New Hanoi and the People’s Police papers on Monday Sep. 8 in which Lt. General Nguyen Van Huong, Vice-Minister of Public Security; and Major-General Nguyen Duc Nhanh, the Director of the Hanoi Police Agency warned Archbishop Ngo Quang Kiet of Hanoi, his priests and faithful of an imminent crackdown.

Bishop Francis Nguyen explains that Thai Ha parishioners have repeatedly request the requisition of the property claiming that it was seized illegally – all to no avail. In response to their legitimate claim, the government launched a media campaign falsely accusing them, their priests, and the Church as a whole; and then attacked them physically. “Only those who are totally devoid of all conscience can ignore the truth,” he added warning that “Dishonesty and brutality cannot dominate forever.”

In the meantime, despite of threats of violence from the government, “thousands of Catholics continue to gather daily here to pray,” Fr. Joseph Nguyen reported from Hanoi.

“They go in procession from the monastery to the land of dispute where most of the time they just stand in silent to pray for hours braving cold rain and hot sun,” he added. “The prayer protest is very peaceful. Sometimes protestors sing hymns, sometimes they sing the rosary together. But they never yell nor shout any slogans. They just stand there silently but stubbornly asking for justice,” said Fr. Joseph.

On Tuesday, another bishop joined the protestors. Bishop Cosme Hoang Van Dat of Bac Ninh led 39 priests and hundreds of faithful from his diocese to Thai Ha to pray with protestors.

“I have prayed for you from a far distant,” said Bishop Cosme Hoang. “Today, I want to be with you here at the church that I used to attend Mass in the childhood… to show my solidarity with you.”

Bishop Cosme Hoang has just been appointed bishop of Bac Ninh on April 4. Last week, he consecrated a church in Tam Dao which had been seized by the government for 54 years. The church was returned to the diocese on Aug. 8. In an emotional gesture, the congregation of more than 2000 faithful knelt down in front of the altar asking the Lord to forgive them of their failure to protect the God’s House.
 
Protests and internet reporting by Catholics elicit threats from Vietnamese police
Catholic News Agency
06:45 10/09/2008
Hanoi, Sep 10, 2008 / 01:13 am (CNA).- Amid ongoing demonstrations held by Vietnamese Catholics who seek to recover confiscated church properties, the Vietnamese government has accused the Archbishop of Hanoi of inciting the protests. Meanwhile, Vietnam Police Generals have threatened to punish anyone who “incites protests” or writes and distributes articles relating to Catholic protests on the internet.

The accusations and threats come as the Catholic Bishop of Hung Hoa has charged the state-run media with lying and presenting fake Catholic priests as critics of the protests.

In the Monday edition of the New Hanoi, the Vice-Minister of Public Security Lt. General Nguyen Van Huong strongly criticized the Catholics demonstrating at Thai Ha, accusing them of “belittling the laws, and disrupting public order” while threatening to severely punish anyone “who incites protests.”

Major-General Nguyen Duc Nhanh, the Director of the Hanoi Police Agency has said that priests' mere presence at Catholic demonstrations qualifies as incitement.

“The presence of priests where Catholics assemble to pray illegally, or to perform riot behaviors, or to destroy state properties, by itself, is an act of riot stimulation,” he claimed.

Major-General Nhanh also reportedly threatened to punish anyone who writes and distributes on the Internet articles about the Catholics’ demonstrations.

Catholic News Agency has received information from sources, who have requested anonymity for their own safety, that the communist government is monitoring CNA reports on the protests.

The Vietnam Police is an organization with a military hierarchy, comparable to the Soviet KGB, Fr. An Dang tells CNA. It is seen as the “sword and shield” for the defense of the Communist Party.

“The fact that two Generals of the ‘sword and shield’ speak out simultaneously against protestors signals potential hard-line measures to force them into submission,” he explained.

The New Hanoi newspaper has also accused Archbishop of Hanoi Joseph Ngo Quang Kiet of trying to associate the property dispute concerning the Redemptorists’ Thai Ha Church in Hanoi with the dispute surrounding the former papal nunciature in the same city. The paper also criticized the archbishop for encouraging 82 Hanoi priests to sign a Letter of Communion with the parish, Fr. An Dang said.

A Letter of Communion was recently sent by Bishop of Hung Hoa Anthony Vu Huy Chuong to the Provincial Superior of the Redemptorists in Vietnam and the Superior of Thai Ha Monastery, concerning the Thai Ha Church property dispute.

In the letter, the bishop gave his full support to the Vietnamese Redemptorists’ efforts to regain their land.

“I have prayed,” Bishop Anthony Vu wrote, “that justice and the truth may be honored not only in Thai Ha but also in anywhere that people still have to suffer injustice and dishonesty.” He added that his diocese is not an exception.

“Recently,” the bishop said, “the vicar of Can Kiem confirmed with me that the man who spoke on state television against Thai Ha on behalf of Can Kiem parishioners is only a local government official – not a Catholic at all.”

The bishop’s report that the media is presenting false Catholics echoes another incident in which state newspapers on September 7 introduced as Catholic priests two men named Pham Huy Ba and Nguyen Van Nhat. The men spoke against the protestors at Thai Ha, but the Archdiocese of Hanoi immediately confirmed that the men are not Catholic priests, saying “They are never ever priests. It is the government that ‘ordained’ them.”

Bishop Anthony Vu ended his letter by calling the false accusations and distortions state run media have leveled against Catholics “extremely sad and wearisome.” He then asked Catholics to pray on the feast of the Birth of the Virgin Mary “for the Church in Vietnam and the nation.”

Fr. An Dang reports that thousands of Catholics continue their peaceful protests daily at Thai Ha.
 
Vescovo di Thai Binh, la violenza delle autorità di Hanoi sarà condannata dal mondo
Asia-News
10:07 10/09/2008
Il presule ha risposto così alle minacce proferite dai responsabili della pubblica sicurezza verso i pacifici manifestanti che chiedono la restituzione dei terreni della parrocchia di Thai Ha. Nuove manifestazioni di solidarietà dei vescovi.

Hanoi (AsiaNews) – Si intitola “chi prende la spada morirà di spada” una dichiarazione diffusa oggi dal vescovo di Thai Binh, mons. Francis Nguyen Van Sang, con la quale si ammoniscono le autorità di Hanoi: “usare la spada contro civili innocenti è vergognoso” e “sarà condannato dall’opinione pubblica internazionale”. La sua dichiarazione è una risposta agli articoli di New Hanoi e People’s Police dell’8 settembre, nei quali i generali Nguyen Van Huong, viceministro della Pubblica sicurezza e Nguyen Duc Nhanh, direttore dell’Agenzia di pubblica sicurezza di Hanoi, mettono in guardia l’arcivescovo della capitale, mons. Ngo Quang Kiet, i suoi sacerdoti ed i fedeli su un imminente giro di vite.

La minaccia riguarda le pacifiche veglie di preghiera che i cattolici della parrocchia di Thai Ha organizzano da tempo per chiedere la giusta restituzione dei terreni illegalmente sottratti alla loro chiesa. Il vescovo Nguyen ha spiegato che i parrocchiani hanno più volte chiesto la requisizione della proprietà, protestando per l’illegalità della sottrazione, ma inutilmente. In risposta alle loro legittime richieste, il governo ha lanciato una campagna mediatica di false accuse e li ha fisicamente attaccati. “Solo chi manda totalmente di ogni coscienza può ignorare la verità”, ha commentato l’arcivescovo, aggiungendo che “la disonestà e la brutalità non potranno dominare per sempre”.

Intanto, come da Hanoi riferisce ad AsiaNews padre Nguyen, “migliaia di cattolici continuano a riunirsi ogni giorno in preghiera”. “Vanno in processione – aggiunge – fino al terreno in questione dove la maggior parte del tempo stanno in silenzio e pregano per ore, sfidando il freddo della pioggia o il calore del sole”. “La preghiera do protesta – dice ancora – è veramente pacifica. A volte si cantano inni, qualche volta recitano il rosario. Ma non gridano mai, né scandiscono slogan. Stanno in silenzio, ma chiedono risolutamente giustizia”.

Ieri, intanto, un altro vescovo è venuto Thai Ha a portare solidarietà. E’ mons. Cosme Hoang Van Dat di Bac Ninh, arrivato con 39 sacerdoti e centinaia di fedeli. “Abbiamo pregato per voi da lontano – ha detto, arrivando – oggi voglio essere con voi, nel luogo dove venivo a messa da bambino, per esprimere la mia solidarietà con voi”.

Peraltro, mons. Cosme Hoang è vescovo di Bac Ninh, nel nord del Paese, da aprile. La settimana scorsa ha riconsacrato a Tam Dao una chiesa, che era stato presa dalle autorità 54 anni fa.
 
Bishop of Thai Binh, violence of Hanoi authorities will be condemned by the world
Asia-News
13:25 10/09/2008
The prelate is responding to the threats from public security officials against the peaceful demonstrators asking for the restitution of property belonging to the parish of Thai Ha. New manifestations of solidarity from the bishops.

Hanoi (AsiaNews) - "All who take the sword will perish by the sword" is the title of a statement released today by the bishop of Thai Binh, Francis Nguyen Van Sang, who warns the Hanoi authorities: "Using the sword against innocent civilians is shameful, and will be condemned by international public opinion". The statement is a response to articles in the New Hanoi and in the People’s Police on September 8, in which generals Nguyen Van Huong, the deputy minister of public security, and Nguyen Duc Nhanh, director of the public security agency in Hanoi, issued a warning to the archbishop of the capital, Ngo Quang Kiet, the priests, and the faithful, about an impending crackdown.

The threat concerns the peaceful prayer vigils that Catholics of the parish of Thai Ha have long been organizing to call for the restitution of the property illegally seized from their church. Bishop Nguyen has explained that the parishes have repeatedly asked for the restitution of the property, protesting the illegality of the seizure, but without any effect. In response to their legitimate requests, the government has launched a media campaign of false accusations, and has physically attacked them. "Only those who are totally devoid of all conscience can ignore the truth”, the archbishop comments, adding that "dishonesty and brutality cannot dominate forever".

Meanwhile, as Fr Nguyen tells AsiaNews from Hanoi, "thousands of Catholics continue to gather daily here to pray". "They go in procession from the monastery to the land in dispute, where most of the time they just stand in silence to pray for hours, braving cold rain and hot sun. The prayer protest is very peaceful. Sometimes the protesters sing hymns, sometimes they sing the rosary together. But they never yell or shout any slogans. They just stand there silently but stubbornly asking for justice".

Yesterday, another bishop went to Thai Ha to express solidarity. Cosme Hoang Van Dat, the bishop of Bac Ninh, arrived with 39 priests and hundreds of faithful. "I have prayed for you from afar", he said on arriving, "and today I want to be with you, in the place where I went to Mass as a child, to express my solidarity with you".

Cosme Hoang has been bishop of Bac Ninh, in the northern part of the country, since April. Last week, he went to Tam Dao to reconsecrate a church taken by the authorities 54 years ago.
 
太平教区主教指出河内当局的暴行将受到世界的谴责
Asia-News
13:29 10/09/2008
由此,主教回应公安部门负责人对和平示威要求归还太河堂区教产的教友们的威胁。各地继续举行示威,向主教们表示慰问支持

河内(亚洲新闻)—今天,越南太平教区阮文创蒙席发表声明,题目是《玩儿火者必自焚》。声明中,阮主教警告河内政府当局,“向无辜的平民挥动利剑是可耻的”;“将受到国际舆论的谴责”。

阮主教的声明,无疑是对九月八日《新河内报》和《人民公安报》文章的回应。在上述文章中,越南公安部副部长和河内公安厅厅长警告将对首都总主教吴光杰、河内总主教区的司铎和教友们采取严厉措施。

他们的矛头,直指一段时间以来太河堂区坚持和平祈祷示威、要求收回被非法侵占的教会财产的事件。阮主教在声明中进一步详述,堂区教友们多次要求归还教产、抗议非法侵占。但是,一切努力都毫无结果。而政府对他们合法要求的回答,却是一场舆论污蔑大战和武力攻击。总主教指出,“只有那些没有任何良心的人才会无视真相”。“虚伪和野蛮是不可能永远占上峰的”。

与此同时,据河内的阮神父向亚洲新闻通讯社介绍,“数以千计的教友继续每天聚集在一起祈祷”。“他们一直游行到存在争议土地上,不顾暴雨酷暑,默默地祈祷”。“他们的抗议的确是和平的。有时唱圣歌、有时颂念玫瑰经。但是,他们从不会高声叫喊、也没有打出标语口号。他们只是默默地,但不屈不挠地要求伸张正义”。

昨天,又一位主教——太海教区主教公开表达了对太河堂区教友的支持。而北宁教区黄主教,则亲自带领39位司铎和百余名教友专程赶来看望太河堂区的教友们。主教表示,“我们在远方为你们祈祷。今天,我愿意和你们一起,在我当年还是个孩子时望弥撒的地方向你们表达我对你们的支持”。

黄主教,是于今年四月正式就任北部北宁教区主教的。上周,他亲手重新祝圣了五十四年前被当局收缴、今天终于回到教会手中的一座圣堂。
 
Vietnam Cardinal wants dialogue to end dispute with government
UCAN
14:54 10/09/2008
HA NOI (UCAN) -- The cardinal-archbishop of Ho Chi Minh City has asked local Catholics to pray that northern parishioners, Redemptorists and government officials will be able to resolve a land dispute through dialogue.

Cardinal Jean Baptiste Pham Minh Man reiterated fraternal communion with Thai Ha parish in Dong Da district, Ha Noi, in a letter to all priests, Religious and Catholics in his archdiocese.

"We sincerely ask God and Our Lady of Perpetual Help to offer peace and strength to parishioners, Redemptorists and related parties so they can dialogue frankly to resolve the land dispute in the light of truth, justice and charity," he wrote.

The Sept. 1 letter, which has been posted on church bulletin boards, will be read out during Masses in his archdiocese this weekend. Ho Chi Minh City lies 1,710 kilometers south of Ha Noi.

Cardinal Man, 74, says the Church wants to resolve all social issues through dialogue among involved parties with respect for truth, justice and charity. Truth reflects reality correctly, justice reflects morality and common good, and charity involves loving and serving people, he explains.

The Church leader reveals that many Catholics in the archdiocese told him local media reported the controversy partially, not in a balanced way. Such communication aims to serve the interests of individuals and factions, but not the common good or the country's sustainable development, he notes.

In the letter, he points out that according to Redemptorist provincial superior Father Vincent Pham Trung Thanh, local Redemptorists and the parish have legal papers proving ownership of the controversial plot of land in hand. And no paper exists showing the local Church offered, presented or changed the ownership of the land to any other organizations or legal entities, he adds.

Father Thanh has said local Redemptorists and the parish are determined to seek justice from the government and get back their property in accordance with the country's constitution and international laws the government is committed to respect, the cardinal continues.

The Church leader complains that many items in the latest amendment of the country's land laws are illogical. Government authorities in many places only act on their superiors' orders, do not dialogue with people and do not properly examine land disputes that have gone on for a long time, he adds.

Cardinal Man also warns in his letter that acting just on orders and using power or violence will not resolve problems and only create much injustice and unrest in society.

The archbishop's letter is a reaction to recent incidents surrounding the disputed plot of land.

Last year, a state-run company began building houses for sale on the 14,000-square-meter plot, adjacent to the parish church, but local Catholics protested and forced the work to stop. The company and two other companies use the plot.

Wary that construction might resume, parishioners have gathered to pray outside the controversial plot since Jan. 6. Shifts of young and elderly Catholics stay all day and night in two tents erected outside the site's barbed-wire fence, on which they hang statues of Our Lady of Perpetual Help, crosses and flowers. After daily Mass in the nearby church, they also conduct prayer sessions outside the fence.

Plainclothes police officers have been on duty at the place and follow local Catholics' activities. State-run media have reported on the standoff, accusing the Catholics of violating laws, intending to damage public property and creating public disorder.

On Aug. 31, following evening Mass at the parish church, 2,000 Catholics gathered at the site to pray in front of the Marian statues and crosses. Thirty people, including some children and women, apparently were overcome by tear gas and were carried to the nearby monastery for medical attention.

People then asked policemen, including plainclothes officers who had been hiding in the dark, to file a report on the incident. Only one policeman confirmed that he sprayed tear gas, but he refused to sign any record or statement, sources said.

Earlier in August, hundreds of Catholics from Thai Ha parish occupied the controversial plot of land next to the parish church on Aug. 15, the feast of the Assumption of Mary. They placed crosses and Marian statues. According to local Church sources, district police accused local Catholics of having intended to damage public property and creating public disorder, and arrested four Catholics on Aug. 28.

In Ho Chi Minh City that day, about 3,000 Catholics attended a special evening Mass Father Thanh led with 75 local Redemptorist and Dominican priests concelebrating. Members of 22 Redemptorist communities throughout the country joined the Mass at Redemptorist-run Our Lady of Perpetual Help Church.

Indian Catholic
 
Wietnam fałszywi księża krytykują katolików w telewizji (tiếng Ba Lan)
Gazeta Wyborcza
15:04 10/09/2008
Wietnam fałszywi księża krytykują katolików w telewizji (tiếng Ba Lan)

(Việt Nam: Linh mục giả nói xấu giáo dân trong đài truyền hình)

2008-09-09, ostatnia aktualizacja 2008-09-09 18:54 - Wietnamskie władze uciekają się nawet do oszustwa, by zdyskredytować walczących o swe prawa katolików. W państwowej telewizji wystąpiło kilku księży krytykujących protesty wiernych, którzy domagają się zwrotu zagrabionych przez komunistów terenów.

Byli to jednak nie prawdziwi duchowni, lecz partyjni działacze przebrani za księży. Co więcej, podając się za kapłanów, udzielili oni krytycznych pod adresem katolików wywiadów w rządowej prasie. Archidiecezja Hanoi, nie wchodząc w polemikę, skomentowała całe to smutne wydarzenie słowami, że,, musiał ich wyświęcić rząd".

Jak twierdzi agencja Asianews, odczuwalne jest coraz większe zagęszczenie atmosfery wokół sporu o zwrot budynku dawnej nuncjatury i terenu parafii Thai Ha w stolicy Wietnamu. Przedstawiciele Kościoła zaapelowali, aby odpowiedzią wiernych na działania komunistycznego rządu były spokój i modlitwa.
 
Hanoi: Konflikt um Redemptoristenkloster spitzt sich zu (Tiếng Đức)
KATHweb
15:05 10/09/2008
Hanoi, 10.9.08 (KAP) In der vietnamesischen Hauptstadt Hanoi spitzt sich der Konflikt zwischen Kirche und Behörden um die Rückgabe des Grundbesitzes der Redemptoristenpfarre Notre-Dame-de-Thai Ha weiter zu. Wie die Website "Vietcatholic.net" am Mittwoch berichtete, werfen staatliche Medien Erzbischof Joseph Ngo Quang Kiet vor, Drahtzieher katholischer Demonstrationen in Hanoi zu sein. Es gebe auch die Androhung "extremer Aktionen" gegen die Proteste.

Seit Wochen demonstrieren Tausende Katholiken in Hanoi für die Rückgabe des Grund- und Immobilienbesitzes der Redemptoristen. Die Kirche wirft den staatlichen Medien rufschädigende Berichterstattung vor. Als jüngsten Vorfall nennt "Vietcatholic.net" den Auftritt von zwei angeblichen katholischen Priestern im staatlichen Fernsehen, die sich gegen die Demonstrationen und die Landrückgabe ausgesprochen hatten.

Die Erzdiözese Hanoi stellte klar, dass die Männer keine Priester sind und wahrscheinlich von der Regierung beauftragt wurden. Bereits Ende August hatte die Erzdiözese die Manipulationen der Öffentlichkeit durch die Medien kritisiert.

Der Konflikt betrifft ein Grundstück in der Hauptstadt Hanoi, das vom Redemptoristenorden 1928 gekauft wurde. Als die Trikolore 1954 in Hanoi eingeholt wurde und der "Vietminh" die Macht übernahm, wurde der größte Teil der Priester und Ordensleute eingesperrt oder deportiert. Nur P. Joseph Vu entging der kommunistischen Verhaftungswelle und blieb als Verwalter des Grundstückes zurück, auf dem ein Kloster und eine Pfarre stehen. Die lokalen Machthaber besetzten Schritt für Schritt das Grundstück.

In den letzten Jahren sind die Redemptoristen zurückgekehrt, sie haben das Kloster wiederbesiedelt und betreuen die angeschlossene Pfarre. Die staatlichen Behörden behaupten, dass die Patres das Kloster zu Unrecht bewohnen, da das Grundstück durch "Schenkung" von P. Joseph Vu seit Jahrzehnten in Staatsbesitz übergangen sei. Der bejahrte Ordensmann versicherte wiederholt, nie eine solche Schenkung ausgesprochen zu haben. Laut Ordensangaben wäre ein solcher Vorgang ohnehin rechtlich ungültig, da laut Kirchenrecht allein der zuständige Bischof dazu befugt gewesen wäre. Bereits am 19. August verhinderten Tausende Katholiken durch ihre Anwesenheit die Zerstörung von Kreuzen und Marienfiguren auf dem Grundstück. (ende)
 
Vietnam: government threatens, while state media work to discredit Catholics
Catholic World News
18:09 10/09/2008
Communist Party officials are appearing on state-controlled radio and television programs, being introduced as "priests," in the continuing campaign to vilify Catholic activists who are protesting at sites seized by the government from Church ownership. A top official in Hanoi has accused the demonstrators of "belittling the laws and disrupting public order," and threatened "extreme actions" against them. That threat applied specifically to Archbishop Joseph Ngo Quang Kiet, who has been accused of inciting the protests.

Bishop Francis Nguyen Van Sang of Thai Binh, responding to the threats, warned the government “not to use the sword." The use of force against peaceful demonstrators would be "shameful," he wrote
 
An 82 year old Bishop travelled 334 km to join protestors
J.B. An Dang
19:23 10/09/2008
Despite of threats of imminent crackdown, more bishops have arrived Thai Ha to join protestors in a protest that challenges the communist government more boldly than ever.

Bishop Paul Cao Dinh Thuyen, 82, travelled 334 km on Wednesday from his Vinh diocese to Thai Ha – Hanoi to show his solidarity with protestors. “The problem of Thai Ha is also a trouble of Vinh and Thanh Hoa diocese, and of the entire Church in Vietnam,” said Bishop Paul Cao on arriving.

Bishops Paul Cao and Joseph Nguyen at the site
The land dispute in Thai Ha by its nature is a civil row between a Catholic parish and a state-run company. However, the government, in its efforts to keep seizing the land illegally, mobilized its system of media to falsely accuse, distort, and defame parishioners, their priests, and the Church as a whole; and then attacked them physically. For almost a month, the state media has been fabricating stories each day in an attempt to discredit the Catholic Church. False priests, false Catholics have also been employed in interviews on TV, radio, and newspapers. These things “upset extremely” Bishop Paul Cao who “has monitored all developments in Thai Ha” with great concerns.

Bishop Joseph Nguyen Chi Linh of Thai Hoa diocese concelebrated Mass for protestors with Bishop Paul Cao and Bishop Joseph Dang Duc Ngan of Lang Son who has been among the protestors since last Friday. “We are here to show our communion with you,” said Bishop Joseph Nguyen in his sermon. He asked everyone to pray intensely “for those who were arrested and for those who have been harassed somehow by the government.”

Thousands of Catholics in nearby provinces had to ride bicycles to Thai Ha after their buses were forced to return by police.

Correspondents in Vietnam report that plain clothed police are hunting for Catholic reporters who have informed to the outside world developments of the protest. Internet Café have been raided since Monday. “I was about to send an email,” said a source who has requested anonymity for her own safety, “when police swamped in. The person next to me had his browsing history inspected. He even was forced to log-in his Gmail account for ‘security inspection’.”

Vietnam is closely monitoring reports of Catholic outlets on the protests. “VietCatholic News is completely firewalled. Other Catholic sites are still accesible. But you are in serious trouble should your browsing history include Asia-News, Catholic News Agency, Catholic World News, Independent Catholic News, Zenit...just to name a few” the source warned.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Nhà Ứng Sinh Dòng Tên khai giảng năm học mới 2008-2009
Hoàn Chỉnh
21:02 10/09/2008
SAIGÒN - Vào lúc 17 giờ ngày 6 tháng 9 năm 2008, Nhà Ứng Sinh Dòng Tên Việt Nam đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2008-2009 tại Nhà thờ Thiên Thần, Q2, Saigòn với sự chủ tế của Cha Giuse Hoàng Văn Tình, S.J, Giám đốc Nhà Ứng Sinh; cùng đồng tế là cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J. Viện trưởng Học viện Thánh Giuse Dòng Tên Việt Nam, cha Antôn Nguyễn Cao Thắng, S.J, Phụ tá giám đốc, Ban giáo sư, quý thầy học viện, quý ân nhân và khoảng 120 bạn ứng sinh.

Sau lời chào mừng cha Viện trưởng, quý thầy, quý ân nhân và các bạn ứng sinh, cha mời gọi cộng đoàn đặc biệt là các ứng sinh cùng dâng lên Chúa tâm tình tạ ơn sau 4 ngày của khóa học Nạp Năng Lượng đầu năm. Khóa học nhằm mục đích hướng dẫn và củng cố thêm cho các ứng sinh về đời sống cầu nguyện, học tập và nhân bản trước khi bước vào năm học mới.

Trong bài giảng lễ, sau khi giới thiệu sơ lược về khóa học đến quý cha, quý thầy và quý ân nhân, cha Giám đốc đưa ra một vài nhận xét về kết quả của khóa học, cũng như nhắn nhủ các ứng sinh tiếp tục giữ ngọn lửa nhiệt huyết mà Chúa đã ban qua khóa học và áp dụng để sống tốt năm phương diện thiêng liêng, nhân bản, học tập, cộng đoàn và tông đồ của Nhà Ứng Sinh. Sau đó cha mời một số bạn ứng sinh lên chia sẻ tâm tình sau 4 ngày học.

Nhìn chung các bạn đều cảm thấy vui vì được gặp gỡ nhau trong tình huynh đệ sau kỳ nghỉ hè, được củng cố thêm về cách cầu nguyện, phương pháp học, trau dồi nhân bản. Không những thế, tất cả các bạn đều cảm thấy yêu mến ơn gọi hơn và mong muốn sống tình thân mật với Chúa hơn để khám phá thánh ý Ngài trên đời mình.

Sau đó, cha Giám đốc đã mời cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J. chia sẻ với các bạn ứng sinh. Trong phần chia sẻ của mình, Cha Antôn đã giới thiệu sơ lược bối cảnh ơn gọi hôm nay trên thế giới và cách riêng tại Việt Nam. Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến sự phát triển về ơn gọi tại Việt Nam nói chung và Dòng Tên Việt Nam nói riêng. Ngài vui sướng khi chia sẻ rằng chính các ứng sinh là hồng ân mà Chúa đã dành cho Dòng Tên Việt Nam. Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đào tạo ứng sinh, vì theo ngài đây là tương lai của Dòng và nếu không có ứng sinh thì cũng không thể có Tập Viện hay Học Viện. Cha khẳng định Dòng vẫn luôn dồn nhiều tâm sức vào việc đào luyện. Chính vì thế, các ứng sinh cũng được mời gọi để gia tăng sự hiểu biết và nỗ lực hơn trong việc học. Sau cùng, ngài khuyến khích các ứng sinh tiếp tục khám phá và đào sâu ơn gọi của mình qua việc chu toàn các phương diện của đời sống ứng sinh.

Đáp lại lời mời gọi của cha Giám đốc và cha Viện trưởng, anh Vinh sơn Phạm Văn Đoàn, trưởng Ban Ứng Sinh, đại diện toàn thể anh em cám ơn cha Giám đốc, cha Viện trưởng, quý cha, quý thầy giảng huấn, quý ân nhân và nói lên quyết tâm của các anh em ứng sinh trong năm học mới.

Ngày lễ khai giảng được tiếp nối với bữa tiệc thân mật và văn nghệ chào mừng năm học mới.
 
Chương trình ''Nhờ Mẹ đến với Chúa'', kỉ niệm ngày 13 Đức Mẹ Fatima hiện ra
LM Trần Đình Long, SSS
21:14 10/09/2008
"Nhờ Mẽ đến với Chúa", kỉ niệm ngày 13 Đức Mẹ Fatima hiện ra

1- Để Kỷ Niệm sự kiện Đức Mẹ hiện ra tại Fatima mỗi ngày 13 hàng tháng, BẮT ĐẦU TỪ THÁNG 08-2008, tại Giáo Xứ Chí Hòa sẽ có THÁNH LỄ ĐÚNG 12 GIỜ TRƯA MỖI NGÀY 13 HÀNG THÁNG do cha Giuse Trần Đình Long cử hành và giảng thuyết. Các Thánh lễ trong năm 2008 theo lịch như sau:

- Tháng 09: Thứ Bảy 13 - 09
- Tháng 10: Thứ Hai 13 - 10
- Tháng 11: Thứ Năm 13 - 11
- Tháng 12: Thứ Bảy 13 - 12

Kính mời anh chị em đến tham dự tại nhà thờ Chí Hoà, số 149 đường Bành Văn Trân - CMT8, Phường 7, Quận Tân Bình, Saigòn.

2- Từ tháng 5-2008, tập san “NHỜ MẸ ĐẾN VỚI CHÚA” của Cộng Đoàn Cầu Nguyện Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ xứ Chí Hòa đã được phát hành vào mỗi Chiều Thứ Năm Đầu Tháng. Đây là tài liệu lưu hành nội bộ, ghi lại những bài suy niệm, chia sẻ, những cảm nghiệm về Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ, những chứng từ của các chứng nhân. Cộng đoàn nào cần số lượng nhiều xin đăng ký nơi Bàn Phục Vụ. Xin mời anh chị em đóng góp bài vở, hoặc giới thiệu các chứng nhân để tập san này thêm phong phú và những giờ cầu nguyện được sống động. Bài viết xin gởi theo địa chỉ email: vietnamlong2003@yahoo.com

3- Trong năm Giáo Dục Kitô Giáo 2008, mời anh chị em tham dự những buổi chia sẻ chuyên đề về Tâm Lý Giáo Dục của Câu Lạc Bộ Mục Vụ Gia Đình, do cha Long phụ trách:

- Thời gian: Mỗi tối thứ Ba Đầu Tháng, từ 18g30 đến 20g30
- Địa điểm: Trung Tâm Mục Vụ, số 6Bis Tôn Đức Thắng, Quận 1- Sagiòn (cạnh Đại Chủng Viện Thánh Giuse)
- Thứ ba 02-09: Nghỉ Lễ Quốc Khánh
- Chủ đề chia sẻ tối thứ ba 07-10: “Giải Tỏa Tâm Lý Mặc Cảm”
- Chủ đề chia sẻ tối thứ ba 04-11: “Giảm Stress Trong Gia Đình”

4- CÔNG TÁC BÁC ÁI: Nhóm Phục Vụ, Cộng Đoàn Cầu Nguyện Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ Chí Hoà đã thực hiện trong tháng 8-2008

Tặng 400 phần quà cho anh chị em vùng sâu vùng xa thuộc xã Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang.
Tặng vải, quần áo cho Nhóm Khuyết Tật Đồng Nai và công nhân cạo mủ cao su Long Khánh.
Trợ cấp học bổng cho một số con em của những người khuyết tật bán vé số để các em có điều kiện đến trường.
Tặng 50 thùng mì cho các em mồ côi khuyết tật tại Trung Tâm Nhân Đạo Quê Hương.
Tặng một xe đạp cho một em công nhân vệ sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Cộng tác với chính quyền địa phương trợ giúp đồng bào bị lũ quét ở miền Bắc.
Trợ giúp vốn cho vài người cơ nhỡ và những gia đình có hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo.
Tặng xe lăn cho một chị bại liệt bán vé số nuôi con ăn học.

5- Ngày thứ bảy 13-09-2008, Nhóm Phục Vụ sẽ đi phát quà Trung Thu cho các em thiếu nhi nghèo, và tặng quà cho những anh chị em ở vùng sâu vùng xa Cần Giờ. Xin anh chị em cùng chia sẻ công tác bác ái này như Lời Chúa nói: “Phúc cho ai biết xót thương người, thì họ sẽ được xót thương”. Các bạn trẻ muốn tham gia Nhóm Phục Vụ “Đội Quân Ao Xanh” xin liên lạc với cha Long (tusilangtu@yahoo.com), hoặc anh Chiêu (0983494714).

Kính chúc anh chị em tràn đầy ân sủng và bình an nơi Trái Tim Đức Giêsu qua lời cầu bầu của Mẹ Maria.

-------

Tập San “Nhờ Mẹ đến với Chúa”

SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC MẸ MARIA, NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH
BAN CHO TOÀN THẾ GIỚI


“Các con thân yêu !

Hôm nay Mẹ kêu gọi các con hãy hoán cải chính bản thân mình. Các con hãy trở thành những người trở lại với Thiên Chúa. Bằng đời sống của mình, các con sẽ làm chứng cho tình yêu thương, sự tha thứ, và đem niềm vui của Đấng Phục Sinh vào trong thế giới này, là nơi mà con người không còn cảm thấy cần tìm đến Người, không nhận ra Người trong đời sống của họ. Các con hãy thờ lạy Người, và chớ gì niềm cậy trông của các con sẽ là niềm cậy trông của tâm hồn những ai không có Chúa Giêsu.

“Hỡi các con, hãy tin tưởng và mến yêu. Đừng cảm thấy mình yếu đuối, cô độc và vất vưởng. Các con hãy leo lên núi đồi cứu độ cùng với đức tin, lời cầu nguyện và tình thương yêu. Chớ gì Thánh Lễ, là hành động cầu nguyện mạnh mẽ nhất và đáng được tán dương nhất của các con, sẽ là trọng tâm của đời sống tinh thần các con.

Mẹ đặc biệt kêu gọi các con hãy đổi mới việc cầu nguyện trong gia đình các con. Chỉ bằng cách đổi mới việc cầu nguyện trong gia đình mà thế giới ngày nay mới có thể đổi mới tâm linh được. Đổi mới tâm linh là việc cần thiết cho thế giới ngày nay.

Hỡi các con, hãy biết rằng Mẹ cầu nguyện cùng với các con. Mẹ cầu bầu cho tất cả mọi người với Con của Mẹ. Mẹ yêu thương tất cả các con. ”

“CÓ THỰC MỚI VỰC ĐƯỢC ĐẠO”

“Ta sẽ ban cho chúng một tấm lòng … để chúng không lìa bỏ Ta.” (Gr 32, 39)

“Nếu tôi không bỏ Chúa là vì tấm lòng của Chúa giữ tôi lại với Ngài. Muốn nhìn được rõ Thánh Thể thì phải nhìn vào Trái Tim Chúa Giêsu Thánh Thể là tấm lòng của Thiên Chúa.” (ý của Đức Giáo Hoàng Pio XII)

Trong Chúa Nhật XVIII thường niên năm A vừa rồi, chúng ta đã được nghe bài Tin Mừng thánh Mathêu 14,13-21 kể lại việc Đức Giêsu hoá bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Bài Tin Mừng này, vào năm 1976 có vị lãnh tụ một quốc gia nhỏ bé thuộc vùng biển Trung Mỹ đã huyênh hoang tuyên bố: “Cũng như Đức Giêsu, đất nước chúng ta đang lao động hăng say hoá bánh ra nhiều để nuôi dân.” Đến nay đã hơn ba mươi năm rồi, sáu triệu dân thuộc hòn đảo ấy vẫn còn nghèo đói. Phần chúng ta, bài Tin Mừng này làm liên tưởng đến câu nói ở cửa miệng dân gian: “Có thực mới vực được đạo”!

Câu nói này thật là thực tiễn, ai nghe cũng chịu là có lý vô cùng. Bụng tôi đói lấy sức đâu mà đi đạo? Trước hết tôi phải lo làm sao cho gia đình tôi đủ ăn, đủ mặc đã, thì tôi mới có sức, có lòng, có dạ mà đi nhà thờ, đi lễ, đi tham dự những lễ nghi, rước sách linh đình. Bụng đói áo vá, hứng khởi gì mà đi vào nơi đông đúc, hội hè, “đình đám người, mẹ con ta” mà!

Nếu hiểu đạo là như thế, thì quả là đúng: “có thực mới vực được đạo”. Nhưng về phương diện thế gian, vấn đề nào cũng có mặt trái của nó. Vào thời kỳ trước 1975, dân Chúa ở miền Nam có cuộc sống sung túc, các đấng các bậc thì ra vào các cơ quan chỗ quyền quý được kính nể trọng vọng, sinh hoạt đoàn thể thì hết sức rầm rộ, nhà thờ mọc lên san sát, kinh kệ rước sách linh đình. Thế mà vào thời kỳ ấy, “cái thực” nó chẳng vực được “cái đạo” mà đôi khi còn làm “ố danh sự đạo” là khác! Bước sang thiên niên kỷ thứ ba, thời buổi mở cửa, thời buổi @, nhiều gia đình Việt Nam đã có của ăn của để, kẻ ăn người ở, cuộc sống còn sang hơn Tây, hơn Mỹ nữa. Thậm chí trong khoản ăn xài thì “Việt kiều còn thua Việt Nam” nữa. Về phương diện vật chất dường như họ không thiếu sự gì, nhưng “cái thực” nó cũng chẳng vực được “cái đạo”, đáng buồn hơn nữa là nó còn làm mất luôn “cái đạo”. Càng những ông to bà lớn, càng những cậu ấm cô chiêu thì càng suy thoái đạo đức, tung tiền qua cửa sổ vào những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng, nhất dạ đế vương. Con nhà nghèo, không “có thực” lấy tiền đâu ra mua thuốc “lắc”, uống rượu ngoại, chích xì ke? Họ chẳng biết bám víu cậy nhờ vào ai trên thế gian này, cho nên chỉ còn biết ngửa mặt lên phó thác vào Lòng Thương Xót Chúa. Chính những con người khốn khó cơ cực đó lại vực lên được “cái đạo” thì sao? Nhìn sang những nước văn minh tiên tiến giầu có ở Âu Châu, ở Hoa Kỳ, có biết bao nhà thờ phải đóng cửa, phải bán đi vì không có ai đến tham dự thánh lễ nữa. Có nhiều nhà dòng, chủng viện phải chuyển đổi mục đích sử dụng vì không còn người đi tu nữa. “Cái thực” nó có vực được “cái đạo” nơi những quốc gia giầu có này không?

Vì thế muốn đặt vấn đề “có thực mới vực được đạo” cho đúng đắn, chúng ta phải cậy nhờ vào Kinh Thánh. Lời Chúa nói thế này: “Nước Thiên Chúa không phải là chuyện ăn uống, nhưng là công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần, ai làm tôi Đức Kitô như vậy thì được Thiên Chúa vui lòng chấp nhận.” Qua miệng ngôn sứ Giêrêmia, Thiên Chúa nói: “Ta sẽ ban cho chúng một tấm lòng, để chúng không lìa bỏ Ta.” (Gr 32, 39) Lời Chúa không nói: “Ta sẽ cho chúng ăn no để chúng không bỏ Ta.”

Thực tế cho thấy chính số đông dân chúng được ăn no nê, lại là những kẻ bỏ Đức Giêsu trước hết. Tin mừng thánh Gioan thuật lại khi đã được ăn bánh và cá rồi, người ta theo Đức Giêsu đông quá, Người phải nói thẳng với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6, 26-27). Dân chúng nghe nói đến thức ăn lạ lùng này thì cùng phấn khởi hăm hở xin: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy” (6, 34). Đức Giêsu liền tỏ rõ ràng cho họ: “Bánh ấy là chính thịt và máu ta.” Nghe Đức Giêsu nói như vậy, tất cả đều sửng sốt, rồi lần lượt bỏ đi hết. Các môn đệ của Ngài cũng thốt lên: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?” (6, 60) Phê phán như vậy rồi họ cũng bỏ đi, chỉ còn có nhóm mười hai ở lại với Đức Giêsu.

Đức Giêsu nói: “Không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho” (Ga 6, 44). Hôm nay, mỗi người chúng ta còn yên tâm yên dạ chịu lấy Mình Thánh Chúa mà lòng không có gì thắc mắc thì chúng ta phải hết lòng cảm tạ Thiên Chúa, vì việc chúng ta cứ ngày ngày bị cuốn hút vào Thánh Thể, say mê không nhàm chán, chính là một phép lạ Đức Giêsu đang làm trong mỗi người, chẳng phải do đạo đức riêng của mình làm cho chúng ta yêu mến Chúa được đâu. Nếu Thiên Chúa không nâng đỡ chúng ta trên bàn tay của Ngài, thì tức khắc chúng ta lại đứng ngay vào số đông, những người thấy việc ăn uống Mình Máu Con Thiên Chúa là điều chướng tai gai mắt và bỏ đi.

Có một vị giáo sư yêu nước, rất thông thái, học ở bên Tây về, ông đã tuyên bố trước một số linh mục: “ Nếu thực sự Thánh Thể là mình Đức Giêsu ở trong đó thì tôi sẽ không bao giờ chịu, vì bản tính của tôi là không thích ăn thịt người!”

Đứng trước mầu nhiệm các bí tích, chúng ta không thể lý luận tranh cãi được mà phải tin, Đức Giêsu nói: “Ý của Cha ta là, phàm ai trông thấy Con mà tin thì có sự sống đời đời.”

Khi hai vợ chồng bắt đầu cãi lý với nhau thì tình yêu bắt đầu đi đến chỗ rạn nứt rồi.

Chịu Mình Thánh Chúa, là tự nguyện dìm đời mình vào nguồn suối yêu thương của Con Thiên Chúa, mở trái tim đã nhão nát vì tội lỗi của mình ra để Thần Khí Đức Kitô chiếm hữu và biến đổi thành lành lạnh xinh tươi giống như trái tim của Đấng Phục Sinh, rồi phó thác đời mình cho Đức Giêsu hoạt động với lòng tin yêu vô bờ bến. Nếu không như vậy thì việc rước lễ mỗi ngày của tôi dễ biến thành một việc đạo đức cao cấp, dần trở thành thói quen “không đi rước lễ không chịu được”, nhưng mỗi ngày đời tôi chẳng thấy thay đổi gì cả. Ra khỏi nhà thờ, tôi vẫn là tôi. Trong giáo xứ, trong cộng đoàn, tôi vẫn cứ là một sự nặng nề cho giáo dân, cho anh em của tôi. Trong gia đình, tôi vẫn là mối khổ tâm cho chồng, cho vợ, cho con dâu, con gái tôi. Trong xã hội, tôi vẫn là gai góc cho bà con trong lối xóm, là nỗi lo âu cho bạn bè đồng nghiệp nơi trường học, nơi làm việc của tôi. Tại sao thế? Thưa là bởi vì Đức Giêsu ở trong tôi đã bị nhốt kín, Ngài không thi thố được tình yêu thương và sự vui mừng bình an của Ngài ra cho tôi, cho giáo xứ, cho cộng đoàn và gia đình tôi, vì thế sự dữ, sự xấu, ganh ghét cứ tự do hoành hành nơi bản thân tôi và trong gia đình. Bởi vì tôi chịu lấy Đức Giêsu vào tâm hồn, tôi đưa Ngài về giáo xứ tôi, cộng đoàn tôi, gia đình tôi, nhưng tôi cứ dành lấy quyền làm chủ, tôi quyết đoán mọi chuyện, không chịu để cho Ngài làm Chúa, làm chủ cuộc đời tôi. Thậm chí, suốt cả ngày tôi không hề hỏi ý kiến Ngài lấy một câu trong bất cứ một toan tính, một công việc nào của tôi cả. Cho nên sự dữ bao giờ nó cũng mạnh hơn tôi, nó sẽ vùng lên dành quyền làm chủ, tự do gieo rắc những kình địch, bất an, nóng giận, xao xuyến nơi tôi. Hằng ngày vẫn dâng lễ, vẫn ruớc lễ, vẫn chầu Thánh Thể mà tôi vẫn thấy tối tăm lạnh giá.

Kinh Thánh nói: Khi Đức Giêsu trở về Nazaret quê hương của mình, Ngài “ đã không thể làm được phép lạ nào tại đó”, bởi vì họ không tin vào Ngài (Mc 6, 5).

Mình Thánh Đức Giêsu không phải là một liều thuốc bổ cứ uống vào là không bổ chiều dọc cũng bổ chiều ngang! Mình Thánh Đức Giêsu là một con người Thiên Chúa, vì say mê con người phàm trần tội lỗi mà đến ở với nó để cải hoá nó, và làm cho nó được vui tươi hạnh phúc như Thiên Chúa. Cho nên nêu tôi chịu lấy Đức Giêsu nơi phép Thánh Thể, tôi phải chịu lấy với một ý thức tự do, với lòng yêu mến và sự tín nhiêm vào Ngài để trao phó đời tôi cho Ngài làm chủ.

Đức Giêsu có làm được bánh cá ra nhiều là bởi vì Ngài có lòng yêu mến và tin vào Cha của Ngài. Kinh Thánh nói: Đức Giêsu ngửa mặt lên trời, hết lòng chúc tụng Cha trên bánh và cá, rồi Ngài bẻ ra, bánh và cá cứ ban tiếp ban tiếp cho đám đông, 50 người một cỗ. Bánh cá như dòng suối ơn huệ tự Cha ban qua Đức Giêsu qua các môn đệ đến những kẻ tin, hầu như vô tận. Kết quả của lòng tin là mọi người ăn no, ăn dư thừa. Bí tích Thánh Thể còn hơn như thế này bội phần. Nếu tôi tin, tôi sẽ thấy quyền năng của Đức Giêsu. Bởi vì Đức Giêsu yêu tôi, nên Ngài mới làm phép lạ hoá bánh cách cụ thể để tôi nhìn vào đó mà tin vào phúc lộc siêu hình, là chính Máu Thịt Ngài sẽ ban cho tất cả những kẻ tin vào Ngài, và từ bí tích Thánh Thể những kẻ tin sẽ được hiệp nhất với nhau nên một thân mình mà Đức Giêsu là đầu trong Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Đó là ý nghĩa của lòng mến, của bác ái Kitô giáo. Tình yêu của Thiên Chúa từ Thánh Thề đổ xuống lòng tôi nhờ bởi Thánh Thần cho nên khi tôi có máu thịt Con Thiên Chúa trong máu thịt tôi, thì Thiên Chúa yêu ai, tôi yêu người ấy. Mà Thiên Chúa, thì Ngài không ghét ai, Đức Giêsu Kitô yêu mến tất cả và muốn cứu tất cả.

Vậy nếu sau khi tôi rước Mình Thánh Chúa, mà những sự ấy không xảy ra trong tôi thì lời Chúa trong thư Côrintô nói thế này: “Ai nấy phải tự xét chính mình, rồi hãy ăn Bánh ấy và uống Chén này.” (1Cr 11, 28)

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con thấy lòng thương xót của Chúa nơi phép Thánh Thể. Xin cho con cảm nghiệm và xác tín rằng Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích của Lòng Xót Thương.

Lm. Giuse Trần Đình Long,sss

-------

Tất Cả Là Hồng Ân

Lòng thương xót Chúa bao la,
Đã tuôn đổ xuống chan hoà muôn ơn
Cho đoàn chiên nhỏ chúng con,
Cả ơn phần xác, phần hồn Chúa cho
Người đang đau bệnh lắng lo,
Cầu xin, khấn nguyện Chúa cho khoẻ liền
Người mang trọng tội ưu phiền,
Hết lòng hối cải Chúa liền thứ tha
Người mê mải lạc lối xa,
Chúa cho trở lại chan hoà niềm vui
Ôi tình thương Chúa cao vời,
Đã tuôn đổ xuống trên đời chúng con
Một người bị bệnh đau lưng,
Thoát vị đĩa đệm vô cùng đớn đau
Không đi được khổ biết bao,
Cậy trông ơn Chúa chẳng nao núng lòng
Vì thương Chúa đã ban ơn,
Chị đi, đứng được chẳng còn đớn đau
Người chồng cảm nhận ơn sâu,
Cũng lo sống đạo, nguyện cầu siêng năng
Một em bé gặp khó khăn,
Bị nghẽn đường thở, tưởng rằng chết thôi
Chúa thương cứu chữa kịp thời,
Cho em khoẻ mạnh, tươi vui bình thường
Anh em Nhà Cỏ đau thương,
Xì ke, nghiện ngập cùng đường sida
Bao năm vất vưởng bê tha,
Cầm như những kẻ rất là đáng khinh
Vậy mà Chúa vẫn thương tình,
Đua về Nhà Cỏ kết tình tri giao
Ôi tình Chúa đẹp biết bao,
Đã kêu gọi chúng con vào tình yêu
Con xin tín thác mọi điều,
Lòng thương xót Chúa cao siêu tuyệt vời.

Diệu Hiền Cảm nghiệm sau những buổi cầu nguyện ở Chí Hòa

-------

Điểm Hẹn Giêsu

• Phúc Bình An

Phúc bình an của Thiên Chúa là niềm hạnh phúc, là tình yêu và là niềm vui trọn hảo nhất. Nhờ ân huệ này mà con người được thanh thản nội tâm, lòng trí an bình để sống hài hoà, vui tươi và yêu thương. Chính vì thế mà bao lâu chưa quay về với Thiên Chúa Tình Yêu thì con người cứ mãi loay hoay, vật vã, khổ sở, dằn vặt và bất an. Nghèo đói, bệnh tật mà không biết chạy đến với Chúa thì vẫn rơi vào bế tắc, tuyệt vọng. Hoặc cho dù cuộc sống khoẻ mạnh, có mọi thứ tiện nghi vật chất thì cảnh “nhà giàu cũng khóc” không chỉ trên phim ảnh, truyền hình, mà là một thực tế trong cuộc sống của nhiều gia đình, nhiều tâm hồn vắng bóng Thiên Chúa, chưa hẹn hò với Giêsu hay khước từ Tình yêu dịu dàng của Người. Trong nhật ký “Lòng thương xót Chúa nơi linh hồn tôi”, chị thánh Faustina viết: “Nhân loại sẽ không được bình an cho đến khi nào quay về với lòng thương xót của Chúa với niềm tín thác” (NK 300). ĐIỂM HẸN GIÊSU tại giáo xứ Chí Hòa thứ Năm hàng tuần là nơi hẹn hò với Chúa Giêsu để đón nhận phúc lành bình an ấy. Trong tình yêu Giêsu mọi người đến đó được gặp gỡ nhau để sống yêu thương, và làm cho Tình yêu đó hiện diện bất cứ nơi nào họ đến: trong gia đình, nơi công sở, trường học hay đường phố… Sự triển nở của cộng đoàn cầu nguyện Lòng thương xót Chúa và Đức Mẹ giáo xứ Chí Hòa là hoa quả của Tình Yêu Giêsu chứ không phải là một phong trào dấy lên do những hiện tượng lạ, và người ta tuôn đến vì niềm tin sâu thẳm chứ không phải vì hiếu kỳ hay mê tín. Muôn người từ muôn nơi đến với Giêsu nhưng chung một tâm tình yêu mến, cậy trông và tín thác.

• Tuổi Teen Hò Hẹn

Niềm vui và hoan lạc nhờ Lòng thương xót Chúa đâu chỉ dừng lại nơi các chứng nhân chia sẻ trước cộng đoàn mà là của tất cả mọi người. Nếu không phải Giêsu thì ai có thể thuyết phục và quy tụ các em nhỏ mới 12-13-14 tuổi ở mãi quận Tân Phú, Hốc Môn đến đây cầu nguyện suốt cả mùa hè?

Mẹ của một em gái trong nhóm này cho biết lúc đầu rủ hoài em không chịu đi. Tuổi teen ham chơi, trời thì nắng, nhà thì xa, mà mẹ bảo đi cầu nguyện, mới nghe thôi em đã thấy ngán ngẩm. Tuần nào cũng rủ, thậm chí năn nỉ và vì nể, không đi sợ mẹ buồn nên em miễn cưỡng vâng lời. Điều lạ lùng xảy ra. Ngay từ lần đầu tiên, chính Điểm Hẹn Giêsu này đã làm thay đổi suy nghĩ và thái độ của em. Không còn miễn cưỡng, không hề cảm thấy chán ngán hay tẻ nhạt mà em thấy rất vui, và từ đó thích đi cầu nguyện. Nhiều tuần tiếp theo, em rủ các bạn cùng đi, 2 đứa, 3 đứa, 5 đứa và rồi nhóm của em hơn chục, trai có gái có. Mới đầu tuần đã lo hẹn nhau, đến thứ 5 thì đến sớm vì sợ không có chỗ ngồi. Mẹ của bé gái kéo hết cả đám “teen” ăn cơm bên nhà soeur trước cổng nhà thờ rồi mới qua đọc kinh cầu nguyện vì sợ chúng đói. Nhìn các em cùng quỳ ngàoi sân nắng chang chang, giang tay cầu khẩn Lòng thương xót Chúa, sốt sắng lần hạt mân côi, như những thiên thần thật xinh xắn và đáng yêu. Tuần rồi, đứa nào cũng than thở vì sắp tới không được đi “hẹn hò” với Giêsu nữa. Năm học mới bắt đầu và lại học buổi chiều nên đành phải đợi tới hè sang năm.

• Các Cụ Cũng Hẹn Hò

Hẹn hò với Giêsu là một nhu cầu tâm linh của tất cả mọi người, đặc biệt là những người lớn tuổi. Thấy cảnh các cụ đi cầu nguyện mới chứng được lòng tin mạnh mẽ. Tuổi già sức yếu, chân chùng gối mỏi rồi, không làm gì được nữa, duy chỉ một việc giúp cho con cho cháu là cầu nguyện. Cũng nhờ vậy mà gia đình êm ấm hạnh phúc. Lòng thương xót Chúa qua lời bầu cử của Mẹ dẫn đứa con trai ra khỏi đam mê cờ bạc, rượu chè; đứa con gái hiền dịu, nữ tính hơn; đứa cháu gái hết đua đòi và đã biết cầu nguyện; đứa cháu trai nay hết ương ngạnh mà chăm học và vâng lời… Biết bao nhiêu thay đổi tích cực, Chúa làm cho gia đình đầm ấm, khu xóm yên ả nhờ lời cầu nguyện tha thiết của các cụ ông cụ bà, các bậc làm cha mẹ.

Nhóm Phục Vụ cho biết, thứ năm nào cũng vậy, họ thấy một bà cụ gần 70 tuổi đến từ rất sớm, đem theo cơm nắm muối mè để ăn rồi cầu nguyện. Bà nói rằng nếu ở nhà ăn trưa rồi mới đi sẽ không còn chỗ ngồi, nên bây giờ bà đến sớm, đem cơm đi ăn, xong là ngồi ngay cửa nhà thờ, cửa vừa mở là vô liền không thì hết chỗ. Được đắm chìm trong bầu khí cầu nguyện thành tâm sốt sắng của hàng ngàn người, cho nên hơn 3 tiếng đồng hồ trôi qua, bà không cảm thấy mệt gì cả. Đức tin đem lại sự an bình cho tâm hồn, là nền tảng của hòa bình và hạnh phúc vì đã cắm neo vào Lời Thiên Chúa, một Thiên Chúa của tình yêu, giàu lòng thương xót và nhân hậu. Tuổi già đi cầu nguyện chính là để giữ lửa đức tin cho tuổi trẻ, để con cháu của mình thực sự là một người sống tốt đời, đẹp đạo, có ích lợi cho xã hội, cho mọi người.

Biển Mặn (Những chiều hẹn hò thứ năm)

-------

PHÚT ĐẤU BÙ GIỜ CỦA TRẬN CHUNG KẾT

• Chỉ Nhờ Cuốn Sách Nhỏ “Nhờ Mẹ Đến Với Chúa”

Đó là câu chuyện của một gia đình ở Biên Hoà, Đồng Nai đến với Điểm Hẹn Giêsu. Nhiều năm qua không gì có thể lôi kéo người vợ của mình ra khỏi chốn cờ bạc đỏ đen, quá buồn chán và thất vọng ông chồng sa vào rượu chè be bét. “Bà ăn chả thì ông cũng ăn nem”! Bầu khí gia đình bất hoà, buồn tẻ không thể giữ chân hai đứa con ở nhà, nên mạnh đứa nào đứa nấy trốn học đi chơi. Nhìn vào gia cảnh ấy ai cũng nghĩ không thể cứu vãn được, nhưng Lòng thương xót của Chúa không làm ngơ trước sự rạn vỡ của gia đình này nhờ Đức Mẹ chuyển cầu. Cả vợ chồng và hai đứa con chưa hề biết đến đọc kinh Lòng thương xót Chúa, và cũng chưa hề nghe nói về Điểm Hẹn Giêsu Chí Hòa, cho đến một hôm Tình yêu Giêsu thức tỉnh anh ngay tại cuộc nhậu nhẹt. Người bạn chung bàn nhậu đưa cho anh cuốn Tập san “Nhờ Mẹ Đến Với Chúa” số tháng 8/2008. Những bài viết về các chứng nhân trong đó đã đánh động tâm hồn anh, và anh quyết định làm lại cuộc đời. Đặc biệt các “ađam” của nhóm chứng nhân “Con Nay Trở Về” đã giúp anh dứt khoát quay về cùng Cha. Anh không đi nhậu nữa, vợ anh lấy làm lạ. Hỏi ra mới biết anh đọc tập sách nhỏ đó và đã quyết định từ bỏ lối sống cũ. Chị vợ không khỏi tò mò, với tay lên bàn thờ lấy tập sách xuống đọc. Thật lạ lùng, trong chốc lát Lòng thương xót của Chúa đã giải thoát chị khỏi đam mê cờ bạc tội lỗi. Lòng trí được sáng ra sau bao ngày tăm tối, chị như bừng tỉnh nhận ra Thiên Chúa, đấng giàu lòng thương xót vẫn hiện diện trong cuộc đời này, vậy mà bấy lâu nay mình quên lãng. Hai đứa con đi chơi về thấy sao lạ lùng quá. Ba không đi nhậu, má không đi ngồi sòng. Lâu lắm rồi gia đình mình có bao giờ sum họp đông đủ thế này. Sao lạ quá vậy??? Ba mẹ đưa cho hai con coi cuốn tập san “Nhờ Mẹ đến Với Chúa” thay cho lời giải thích. Cả hai cùng đọc và cũng quyết định không thèm đi chơi nữa. Từ ngày đó, tối đến cả gia đình đọc kinh, lần hạt chung với nhau. Bao năm tháng mối tương quan giữa vợ với chồng, con cái với cha mẹ như bị cô lập bằng những tảng băng cồng kềnh lạnh lẽo, vậy mà giờ đây bỗng chốc đã tan chảy nhường chỗ cho sự quan tâm lo lắng, yêu thương nhau và mỗi người là hạnh phúc của nhau. Anh chị đã tìm đường đến với cộng đoàn cầu nguyện Chí Hòa để tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã giải thoát khỏi những đam mê tội lỗi, và cứu vãn hạnh phúc tưởng đã bay mất của gia đình mình.

Tình yêu Giêsu đem lại niềm vui và hy vọng cho con người để họ có thể kiên trì, vượt qua sóng gió cuộc đời. Một người vợ vẫn chung thủy, vẫn chờ đợi, vẫn cứ tảo tần làm lụng nuôi con với gánh rau ra chợ hàng ngày lúc chồng đang trong trại cai nghiện ma tuý. Vẫn cứ kiên tâm cầu nguyện và hy vọng dù trời mưa hay trời nắng, những lúc khỏe mạnh hay yếu mệt. Hay một người chồng đang tận tình chăm sóc vợ trong bệnh viện Chợ Rẫy vì căn bệnh sống dở chết dở mà vẫn không chút than thở càu nhàu. Đem niềm vui và hy vọng đến cho người vợ tội nghiệp bằng chính tình yêu thuỷ chung gắn bó của mình. Người vợ tảo tần hay người chồng chịu khó đó đều đang sống cho một tình yêu mang tên Giêsu. Trong tự do họ đã lựa chọn, đã giao ước và vẫn đang trung thành với quyết định của mình. Ð?c tin qua việc cầu nguyện cho h? s?c m?nh d? bu?c di trn do?n du?ng chơng gai d?n v?i h?nh phc – và dĩ l h?nh phc th?t.

• Phút Bù Giờ Của Trận Chung Kết

Lòng thương xót Chúa là niềm an ủi lớn lao cho những tâm hồn lẻ loi cô độc. Những ngày cuối đời của cụ Giuse Trần Văn Hai được Nhà Cỏ giang rộng vòng tay yêu thương, chăm sóc. Thực ra tên thánh và tên họ của cụ là do các anh em ở đây đặt cho. Tên Hai vì cụ đến với Nhà Cỏ vào ngày thứ hai. Một ngày thứ hai, tiết tháng 7-2008, Đội Quân Ao Xanh Nhóm Phục Vụ trong chuyến công tác bác ái đưa giường, áo quần, thực phẩm và những thảm cỏ xanh để trồng cho anh chị em mang “căn bệnh thế kỷ” trong mái ấm Nhà Cỏ ở Củ Chi đã gặp cụ nằm ở ven đường. Như người Samaria tốt bụng trong Tin Mừng, anh tài xế trong nhóm Phục Vụ dừng lại đưa cụ lên xe chở vào Nhà Cỏ chăm sóc. Tứ cố vô thân, con cháu bỏ rơi, bị lẫn thẫn cho nên không thể biết danh tánh, quê quán, tuổi tác chính xác của cụ. Anh em Nhà Cỏ, những mảnh đời rách nát, đã thể hiện tinh thần “lá rách đùm lá nát”. Họ cưu mang ông, chăm sóc ông như một người cha trong gia đình. Sau hơn một tháng dưỡng bệnh ở đây, cụ trút hơi thở cuối cùng đúng vào chiều ngày thứ năm khi anh em Nhà Cỏ lên nhà thờ Chí Hoà làm chừng trong giờ cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa.

Lòng thương xót của Chúa không để cụ, một người già “tứ cố vô thân”, phải hiu quạnh trong cơn hấp hối và giờ lâm tử hãi hùng bên đường vắng hay bờ ruộng lạnh lẽo. Ấm cúng hơn nữa khi có một trại hòm lo liệu cho cụ cỗ áo quan và cho mượn mặt bằng để cụ nằm ở đó. Đêm hôm đó, sau buổi làm chứng và cầu nguyện ở Chí Hoà, anh em Nhà Cỏ cùng với Đội Quân Ao Xanh thức với cụ đêm cuối. Các anh em ngồi quanh cụ, chẳng ai là ruột thịt, nhưng hết lòng an ủi hương hồn cụ bằng câu kinh tiếng hát thốt ra từ trái tim yêu thương. Sau mỗi chục kinh kính mừng chậm rãi, sốt sắng là một bài hát với trọn tâm tình dâng Chúa và Đức Mẹ. Giọng hát với cây đàn guitare của anh Ngọc, phụ trách Nhà Cỏ bên ngọn đèn cầy leo lét và nén hương đơn sơ vang trong đêm như những lời kinh thật trầm ấm, làm rung động lòng người. Sáng sớm hôm sau, trong cơn mưa giông tháng bảy, người linh mục lãng tử cùng Đội Quân Ao Xanh đã dâng thánh lễ cuối cùng cho cụ ngay tại trại hòm này và sau đó đưa cụ đi hỏa táng. Vì không có mảnh giấy tờ tuỳ thân nào nên một người anh em trong Đội Quân Ao Xanh đã lăn tay xác nhận đây là ông nội của mình để làm thủ tục hoả táng rồi đưa nắm tro tàn của cụ về lại Nhà Cỏ. Lòng thương xót Chúa là thế, “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người thương yêu họ đến cùng”(Ga 13,1). Đã hết giờ thi đấu, nhưng những phút bù giờ của trận chung kết lại làm nên chiến thắng chung cuộc. Từ một người lang thang, thất thểu ngoài đường, không ai thân thích, thậm chí không tên, không tuổi, không quê quán, nhưng phút cuối cùng của trận đấu bù giờ, cụ ra đi thanh thản ấm cúng trong tình yêu thương của mọi người. Chúa đã bù đắp cho cụ tất cả. Phần thưởng Chúa dành cho cụ thật tuyệt vời! Chợt nghĩ đến trong nhân gian không thiếu những người khi vừa nằm xuống, con cháu túc mục kiếm tìm chìa khóa két sắt, tranh giành, tị nạnh, xô xát nhau chia chác nhà cữa đất đai khi thân xác người thân của mình nằm đó còn chưa lạnh.

Ôi! Lạy Chúa Giêsu. Chúng con xin ngợi khen chúc tụng tình yêu Chúa đến muôn thuở muôn đời!

Kim Yên (Mùa Olympic 2008)
-------

BÀN TAY GIÊSU

“ Ai về sông nước miền Tây, gạo trắng nước trong, cây trái dư đầy…” Thực đâu ai ngờ được nơi vùng Tây đô sung túc nổi tiếng của miền Nam vẫn còn những dải đời bèo dạt lênh đênh cùng sông nước, bấp bênh cơm áo gạo tiền từng ngày, từng bữa. Cơn mưa đầu tháng tám đã đưa Đội Quân Ao Xanh nhóm Phục Vụ chúng tôi và người linh mục lãng tử đến cùng bao mảnh đời lục bình long đong ấy.

Trời hôm đó mưa rả rích từ sáng đến chiều. 45 thành viên của Đội Quân Ao Xanh nhóm Phục Vụ khởi hành từ thành phố lúc 4 giờ sáng với 400 phần quà của Cộng Đoàn Cầu Nguyện Lòng Thương Xót Chúa Chí Hoà chất đầy chặt chuyến xe. Gần 11 giờ trưa, đến được đầu kênh, chúng tôi đang băn khoăn không biết chuyển hàng xuống bằng cách nào dưới cơn mưa tầm tã này thì đã thấy cha sở và anh chị em trong xứ chờ sẵn để đưa chúng tôi đến điểm phát quà. Hàng được chuyển từ xe tải xuống ghe. “Lệnh trên” đưa xuống là bất cứ giá nào cũng phải giữ cho những gói quần áo, mì gói, đường, sách báo và hình Chúa Thương Xót được an toàn. “Người chấp nhận ướt, nhưng hàng thì không”! Thế là Nhóm Phục Vụ chịu đội mưa để gìn giữ phần quà cho bà con được khô ráo trên đoạn đường sông 7 Km trên ghe vào điểm phát quà thuộc xứ Phụng Tường, xã Phụng Hiệp. Khi ghe cập bến đỗ, hình ảnh làm chúng tôi cảm thấy những giọt nước mắt hoà lẫn nước mưa tràn trên mặt là bà con nam phụ lão ấu, không kể lương giáo, đứng chờ đông nghẹt trên bờ, bất kể trời vẫn đang mưa. Không hẹn mà hò, anh chị em cùng với sự giúp sức của những em thiếu nhi, mỗi người một tay nhanh chóng chuyển hàng vào trong nhà thờ. Đành phải phát quà trong nhà thờ thôi, vì ngoài trời đang mưa tầm tã. Nhà của Chúa thực sự trở thành nơi trú ẩn, nuôi dưỡng những con chiên gầy ốm. Làn mưa mát lạnh mà Chúa ban như đang tưới gội cõi lòng của những cánh chim áo xanh cùng với bà con nơi vùng sông nước nghèo khổ này. Vì đây là lúc tưng bừng rộn rã nhất trong chuyến công tác. Đoàn người xếp hàng, tay run run tấm phiếu, đợi đến phiên mình lên lãnh quà. Như những người chuyên nghiệp làm công tác xã hội, đội quân áo xanh đưa tay lau vội những giọt mưa pha lẫn mồ hôi vương trên trán, thoăn thoắt phân loại, sắp xếp bao quà. Đến lúc phát tặng, chúng tôi mới có dịp nhìn kỹ bà con nông dân ở đây. Sao mà họ khổ quá, cái cơ bần hằn trên khoé mắt, nỗi nhọc nhằn cáu nơi bàn tay. Trong khoảnh khắc hồ hởi trao và nhận ấy, vẫn xen lẫn chút bùi ngùi, xót cay khi tôi chạm vào bàn tay một ông lão thất thập cổ lai hy, một chị nông dân, một em nhỏ… Tôi chợt nhận ra mình đang được chạm vào bàn tay Giêsu, vì Lời Chúa đã nói: “Ai cho người bé mọn này dù một chén nước lã thôi, là trao ban cho chính Thầy…”

Khi quà tặng vơi dần, niềm vui cũng theo đó dâng lên. Tôi thở phào nhẹ nhõm, nghĩ mình vừa làm được việc đẹp lòng Thiên Chúa. Chợt, một cậu bé khoảng tám chín tuổi, ốm yếu mặc chiếc áo đã sờn rách quá nửa bờ vai, chạy đến kéo áo tôi: “ Cô ơi, cô có thước và bảng không ạ? Con sắp vào năm học rồi.” Bất ngờ quá, khi đến đây chúng tôi chỉ chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm, chứ dụng cụ học tập thì…. Tôi ngẩn người ra trước câu hỏi và ánh mắt trông đợi của thằng bé. Thực ra, ở Sài thành, chúng tôi đâu thiếu những thứ ấy, lắm khi lại dư dật, thừa mứa. Vậy mà trong phút giây này, khi tôi tưởng mình vừa làm được việc tốt đẹp thì lập tức lại trở nên bất lực trước sự khẩn nài của một cậu bé. Trong mưa phùn lất phất, thằng bé thất vọng ra về, từ chối phần mì gói tôi tặng bù vào. Chúa ơi, phải chăng Người đã gửi đến cậu bé này để nhắc nhở mỗi người chúng con luôn ý thức sự sẻ chia là không bao giờ đủ, phải luôn cho đi để nhận được tình Chúa đầy hơn.

“Thiên Chúa, Ngài ở đâu?” Đôi khi chúng tôi mất công chạy tìm những phép lạ, những dấu chỉ ? ch?n nào xa xôi. Nhưng chính tại nơi đây, nơi vùng sông nước với những mảnh đời lênh đênh, chúng tôi bắt gặp Đức Kitô trong đôi mắt của những người anh chị em này, ánh mắt bừng lên ngàn tia hạnh phúc ấm áp truyền đến trái tim chúng tôi. Thiên Chúa chẳng ở đâu xa mà ngay tại những con người này, và ngay trong chính bản thân mỗi người nữa. Tại sao tôi không thử nắm lấy bàn tay của một người nghèo khổ, chia nửa cái bánh, trao một ly nước, tự lúc ấy Chúa Giêsu Đấng giầu Lòng Thương Xót nở nụ cười nơi kẻ cho và người nhận, vì “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật các con, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mt 10, 42)

Khánh Vân (Cảm nghiệm sau chuyến đi công tác bác ái Phụng Hiệp- Hậu Giang, tháng 08-2008)

-------

Tâm Thư “Nhờ Mẹ đến với Chúa”

Mỗi tuần chúng tôi nhận được hàng ngàn lá thư viết tay “Nhờ Mẹ đến Với Chúa”. Có những lá thư viết nguệch ngoạc, bình dị, sai lỗi chính tả. Có những lá thư với nét chữ và giọng văn đơn sơ của các em thiếu nhi. Có những lá thư rất tâm tình dạt dào cảm xúc của các bạn trẻ. Có những là thư chứa chan nước mắt của các bà mẹ, của những người vợ đau khổ chất chồng. Có những lá thư hồn nhiên của những anh chị em ngoài Công Giáo… Dù dưới hình thức nào đi nữa, những lá thư đó đều phát xuất từ trái tim đắp đầy tin yêu, gói ghém cả tâm tình của những người con thảo dâng lên Chúa từ nhân qua Mẹ hiền Maria. Xin trích đăng một vài tâm tình “Nhờ Mẹ đến với Chúa” như những chứng nhân sống động để anh chị em cùng cảm nghiệm được lòng tin cậy mến mạnh mẽ của cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ giáo xứ Chí Hoà:

1- “Con cám ơn cha vì nhờ cha cầu nguyện mà con đã đổi thay không mê kiếm tiền. Con đã siêng cầu nguyện, nhưng đi lễ còn ít.

Bố mẹ con trưa nào 3 giờ cũng làm Lòng Thương Xót Chúa. Nhất là mẹ con có thay đổi tính tình không nóng nảy, cáu gắt, biết thông cảm cho con cháu hơn.” (Maria Trang)

2- “Cám ơn Chúa đã ban cho con 1 người chồng bịnh hoạn và những đứa con nhỏ dại và những nợ nần chồng chất. Đó là hồng ân Chúa ban. Con sẽ dâng lên Chúa những gì mà Chúa ban cho. Con sẽ nhận lấy moị sự Chúa gửi đến cho con, dù vất vả khó nhọc cơ cực tủi hờn… Con sẽ nhận lãnh như món quà Chúa tặng cho con.” (Têrêsa Thu Hà -Đồng Nai)

3- “Mẹ ơi, Chúa đã ban cho con ơn cảm nghiệm tình yêu Chúa, cho nên giờ đây con không còn lười biếng nữa. Gần đây con rất sốt sắng, tuy không được giỏi như những người khác nhưng có sự thay đổi hẳn trong con. Con không còn chần trừ và lười biếng đọc kinh cầu nguyện nữa.

“Hôm nay con khấn xin với Mẹ dâng lên Chúa cho con được bền đỗ ơn ăn chay,vì xưa kia con chẳng bao giờ nghĩ tới việc ăn chay. Cứ mỗi thứ 6 hàng tuần Mẹ nhắc con Mẹ nhé! Và xin Mẹ ban cho đứa con trai của con được biến đổi không còn bị sự dữ là ma tuý ngự trị nũa, vì sự kìm kẹp này mà con trai con cứ bị trượt dài. Với ơn của Chúa cộng với lời bầu cử của Mẹ, và lòng chân thật cầu nguyện của con là người mẹ đau khổ đây, con của con được ơn giải thoát khỏi ma tuý.” (Một người mẹ đau khổ)

4- “Chúa đã ban cho chồng con trở lại đạo. Chúa đã ban cho con được hoà thuận với các anh chị em sau 3 năm hận thù. Xin cho con biết cầu nguyện và không làm Chúa buồn” (Maria Thục)

5- “Qua lời bầu cử Mẹ, gia đình con được gặp những tai nạn, bệnh tật, túng thiếu, nghèo khổ… Nhưng con vẫn tạ ơn Chúa và Me, vì nhờ có những rủi ro ấy mà con được biết đến Chúa và Mẹ, để chúng con thêm lòng tin yêu mến Chúa và Mẹ hơn…”(Têrêsa Hồng Yến- Ban Mê Thuột)

6- “Lạy mẹ Maria. Con là kẻ ngoại đạo, nhưng con tin tưởng vào lòng xót thương của Thiên Chúa và Mẹ. Con xin Mẹ chuyển lời cầu của vợ chồng con lên Chúa Giêsu, xin ban cho vợ chồng con một Đức tin vào quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa và Mẹ Maria” (Ngô Văn Khôi - tỉnh Hải Dương)

7- “Nhờ ơn Chúa, con được một anh bạn chỉ đường tới nhà thờ Chí Hoà. Con là người ngoại đạo, nhưng khi đến đây, thấy mọi ngưởi cầu nguyện sốt sắng, và nhất là gặp gỡ được các chúng nhân, con bắt đầu tin có Chúa. Để tạ ơn Chúa, con xin bỏ thuốc, không nản chí khi gặp việc khó. Xin chỉ đường cho con để nhờ Mẹ đến với Chúa” (Nguyễn Văn Chính, Kẻ Ngoại Đạo)

8- “Lạy Mẹ Maria,con là người ngoại đạo,nhưng con tin ở Mẹ. Mẹ sẽ giúp đỡ con và yêu thương con như những đứa con của Mẹ. Con đang rất khủng hoảng về tinh thần. Con xin Mẹ cho con sức mạnh, lòng tin để vượt qua chuyện tình cảm của con bây giờ (con không kể rõ ra, nhưng con nghĩ là Mẹ biết). Chuyện tình cảm này con đặt rất là nhiều hy vọng, nhưng lại không đi đến đâu. Con mong Mẹ ủng hộ cho quyết định của con.Đây là giải pháp đúng đắn nhất. Con cám ơn Mẹ Maria!”(Phan Thị Xuân K.- Giang Điền)

9- “Con là người ngoại đạo, qua mấy người bạn có đạo, con cũng có đi nhà thờ nhiều lần. Con tin là có Mẹ Maria và Chúa Giêsu.Lúc nào cũng che chở chúng con” (Diễm Thu)

10- “Tạ ơn Thiên Chúa thật nhiều,
Để dành đến tận ban chiều mới mưa.
Nếu mà đang giữa ban trưa,
Mà Ngài mưa xuống thì thua với Ngài.
Những người đang đứng ở ngoài,
Không dù, không nón, ướt ngay tức thì.

Không ai đang lễ bỏ đi,
Nếu mà mưa xuống rồi thì ra sao?
Nhà thờ không có chỗ vào,
Chẳng may gặp trận mưa rào tính sao?
Lòng con cảm tạ xiết bao,
Đã không đổ trận mưa rào ban trưa.” (Nam Hoà)

-------

CHỨNG NHÂN LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA VÀ ĐỨC MẸ

• Có chịu khó khăn thử thách, người ta mới biết được lòng tin mình mạnh mẽ đến đâu. Ngay đến thánh Phêrô khi xưa, gặp sóng to gió lớn cũng phải chao đảo để chịu Thầy mắng là kẻ kém tin, vậy mà cộng đoàn cầu nguyện giáo xứ Chí Hòa ngày 7/8/2008 đã được gặp một người phụ nữ bé nhỏ nhưng mạnh mẽ đức tin vô cùng.

Chị tên là Maria Nguyễn Thị Thúy Hồng, giáo xứ Bình Thuận. Chị có con trai là bé Giuse Phạm Hồng Phúc, 4 tuổi rưỡi. Bé Phúc từ nhỏ đã bị viêm hô hấp. Đến khoảng tháng 10/2007 thì bị triệu chứng khó thở và đầu năm 2008 thì triệu chứng ngày càng nặng hơn. Chị Hồng cùng chồng là anh Giuse Phạm Tấn Phát đưa bé đi khám, chạy chữa mãi vẫn không khỏi. Tháng 4/2008, bệnh bé trở nặng. Bé thở khó khăn hơn, về đêm thường phải mở miệng để thở, nhiều khi bị sùi bọt mép. Lúc này chị Hồng dẫn bé đi tái khám và biết được bé bị khối thịt dư chặn đường thở, phải mổ sớm nếu không sẽ tắc hẳn đường thở. Nhưng khó khăn không dừng ở đó, sau khi xét nghiệm máu, bác sĩ cho biết bé còn bị bệnh máu đông, nếu mổ cũng sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Gia đình chị như rơi vào bế tắc, không biết phải làm gì để cứu chữa cho đứa con trai đáng thương của mình. Chị chạy đến với lòng thương xót của Chúa. Nhưng dường như Chúa muốn thử thách lòng cậy trông của chị khi ban cho chị một trở ngại: gia đình chồng chị là người ngoại giáo. Họ đã nhờ sự giúp đỡ của một bệnh viện tư nhân. Bệnh viện này cho rằng có thể thực hiện ca mổ.

Lúc này, một bên là sức ép từ phía gia đình, một bên là sinh mạng người con từng ngày lâm nguy, chị lo lắng và phiền sầu vô cùng. Nhưng thật phúc cho chị, khi chính thời điểm này, Thiên Chúa đã ban cho chị một niềm tin thật mạnh mẽ, một niềm phó thác thật vững vàng. Chị quyết định sử dụng cầu nguyện làm phương thuốc chữa lành duy nhất cho con trai mình. Nửa đêm chị thức dậy làm giờ đền tội, chị đọc kinh, cầu nguyện, ăn năn sám hối. Nhiều lần chị khóc trong đêm xin Chúa thương xót cứu lấy đứa con bé bỏng của mình. Chị còn tha thiết mời gọi chồng là anh Giuse Phạm Tấn Phát (tân tòng) cùng chị tham dự thánh lễ sốt sắng, chầu Thánh Thể, lần chuỗi Mân côi, làm nhiều việc hy sinh đền tội…

“Đồng vợ đồng chồng tát biển Đông cũng cạn”, quả thật Thiên Chúa nhân từ vô cùng, Người không để con cái Người đồng lòng cầu xin mà phải về tay không. Thiên Chúa đã ban một điều kì diệu: bé Phúc hoàn toàn được chữa lành. Khi chị dẫn con đi tái khám, bác sĩ cho biết khối thịt đã dần teo, con chị lại được khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Bé Phúc hôm đó cũng được ba mẹ ẵm lên để làm chúng cho lòng thương xót của Chúa. TẠ ƠN CHÚA!!!

• Một chứng nhân khác cũng được Thiên Chúa là Đấng rất giầu lòng xót thương ban ơn chữa lành. Đó là chị Lucia Phạm Thị Bạch Tuyết, xứ Cây Gáo, Đồng Nai.

Chị Tuyết bị đau đã tám năm, uống thuốc mãi vẫn không khỏi. Đến tháng 10/2007, chị đau nhiều hơn nên phải đi khám. Bác sĩ chẩn đoán chị bị thoát vị đĩa đệm, gần chắn dây thần kinh, cần phải mổ. Gia đình làm rẫy, nhưng vẫn cố gắng chạy tiền mổ để mong chị hết đau bệnh. Nhưng sau khi mổ một tuần, chị lại trở đau dữ dội, phải vào bệnh viện. Suốt sáu tuần sau đó, ngày nào cũng uống thuốc kháng sinh, cứ hết thuốc chị lại đau. Ít ngày sau, chị liệt hẳn.

Chị trở về nhà, lòng buồn vô cùng khi thấy năm đứa con thơ và tất cả mọi công việc lớn nhỏ trong nhà chỉ còn mỗi tay chồng (anh Tuyến) phải quán xuyến. Lúc bấy giờ, chị dốc lòng cầu xin Thiên Chúa nhân từ và Đức Mẹ rộng lòng xót thương. Cả nhà lúc trước còn khô khan lắm, thì sau biến cố này bỗng thức tỉnh, quay về với Chúa. Chị Tuyết trên giường bệnh đọc kinh, cầu nguyện, tin tưởng và phó thác nơi Chúa. Chồng chị đi khắp nơi xin khấn. Cứ gặp nhà thờ nào mở cửa anh lại vào quỳ dưới chân Đức Mẹ nguyện rằng: “Mẹ ơi, trước giờ con khô khan không biết cầu nguyện là gì, nay con chỉ biết quỳ dưới chân mẹ xin mẹ thương lấy vợ con, để vợ con bớt đau đớn… Mẹ ơi, xin Mẹ đừng bỏ rơi chúng con… Mẹ ơi, xin mẹ cứu chúng con với… Mẹ ơi, xin Mẹ giúp chúng con với…” Cứ thế, anh đi khắp các nhà thờ, gặp nhà thờ khóa cổng, anh lại đứng ngoài vọng về hướng có tượng Mẹ mà cầu xin. Các con chị cũng cùng với ba đi cầu nguyện, đến buổi cầu nguyện tại nhà thờ Chí Hòa rất đông, rất sốt sắng, các bé về nói với mẹ ước cho mẹ có thể được đi thì “sướng lắm”.

Cả gia đình cùng hiệp ý cầu nguyện cho chị Tuyết được “gặp thầy, gặp thuốc” để bớt đau. Và Đức Mẹ dường như thương tình đã để anh Tuyến tìm gặp được một thầy thuốc giỏi. Thầy thuốc này vốn đã giải nghệ, nhưng không hiểu vì sao đã chấp nhận đến tận nhà xem bênh và kê đơn cho chị Tuyết. Điều bất ngờ thú vị hơn là vị thầy thuốc ngoại giáo này lại dặn anh Tuyến một câu trước khi ông ra về: “Mỗi lần anh cho cô uống thuốc thì nhớ tới bà Maria nhé”. Anh Tuyến sửng sốt và thầm cảm tạ Mẹ. Quả thật bàn tay Mẹ thật diệu kỳ.

Và cứ thế, chị Tuyết cùng gia đình kiên trì đọc kinh, cầu nguyện. Chị từ bị liệt, hàng ngày chịu đau đớn vô cùng, nhờ ơn Chúa thương đã bớt đau, cử động được dần các ngón chân, rồi dần ngồi lên được… Đến cuối tháng 7/2008, chị quyết tâm tham dự buổi cầu nguyện tại nhà thờ Chí Hòa. Nếu ở nhà chị chỉ có thể đứng năm phút là đau lắm, phải nằm nghỉ, thì hôm ấy, chị lại có thể sốt sắng tham dự buổi cầu nguyện, vừa quỳ, vừa đứng được đến gần hết thánh lễ. Từ sau buổi cầu nguyện, bệnh chị chuyển biến tích cực, và 2 tuần sau, 7/8/2008, chị đã có thể đi lại và lên làm chứng cho lòng thương xót Chúa và Đức Mẹ Maria.

Chị chia sẻ rằng hiện tại gia đình chị rất hạnh phúc. Chị vui vẻ nói những thử thách vừa qua như một hồng ân Thiên Chúa thương gửi đến khi thấy gia đình chị ngày trước khô khan quá. Bây giờ gia đình chị tràn ngập tiếng cười và những lời kinh nguyện. Cả nhà sốt sắng lần hạt, đọc Kinh thánh với niềm sung sướng, hạnh phúc vô cùng. Tạ ơn Chúa khi Ngài không chỉ chữa lành đau đớn thể xác, mà còn làm tròn đầy khiếm khuyết tinh thần của chúng con. Amen!

Quỳnh Trâm ghi nhận

-------

MẸ CỦA LẼ CẬY TRÔNG – CHÚA CỦA LÒNG XÓT THƯƠNG

“Khi một linh hồn tiến đến gần Ta với lòng tín thác, Ta sẽ đổ tràn đầy ân sủng trên họ đến mức độ họ không tài nào chỉ giữ riêng cho mình, mà phải toả ra cho các linh hồn khác được nhờ.” (Trích nhật ký thánh nữ M.Faustina, 1074)

Đó là lời Chúa hứa cho những ai đặt lòng tin tưởng tuyệt đối vào Chúa và phó thác mọi sự cho Chúa một cách triệt để. Quả thật, nhờ lòng tín thác vào Lòng Thương Xót của Chúa mà biết bao điều lạ lùng, kỳ diệu đã xảy ra, những điều “không thể” Chúa làm thành “có thể”. Ân sủng của Thiên Chúa lớn lao cho đến nỗi những ai cậy nhờ Lòng Thương Xót vô biên ấy, “họ không tài nào giữ riêng cho mình” mà họ bắt đầu ra đi, loan báo Tin Mừng, họ sẵn sàng làm chứng cho Chúa bất cứ nơi đâu.

• Lòng Thương Xót Chữa Lành

Nói như anh Giuse Hoàng Duy Hòa, 55 tuổi, thuộc Giáo xứ Bình An, quận 8: “Tôi xin làm chứng cho Chúa, đi đến đâu tôi cũng đi”. Vào mỗi buổi chiều thứ năm, cộng đoàn cầu nguyện Lòng Thương Xót Chúa và Đức Mẹ quy tụ đến nhà thờ Chí Hòa để cùng nhau cầu nguyện, tham dự thánh lễ và chứng được ân sủng của Chúa qua các chứng nhân họ gặp gỡ. Anh Hoà đứng trước cộng đoàn để làm chứng về việc anh được Chúa chữa lành bệnh ung thư hàm cách lạ lùng. Trong dáng vẻ gầy guộc nhưng giọng nói của anh đầy xác tín và phấn khởi vui mừng khi chia sẻ với cộng đoàn. Anh vừa được xuất viện ngày 20-03-2008 sau gần một năm lưu trú điều trị tại Bệnh Viện Ung Bướu. Bao nhiêu ngày nằm bệnh ở đó thì cũng bấy nhiêu ngày anh không thể ăn gì được, chỉ uống được ít sữa mỗi ngày. Nhìn anh tiều tụy kiệt sức đến nỗi ai cũng nghĩ rằng anh không qua khỏi vì trong các bệnh nhân đang điều trị anh là người yếu nhất. Đã vậy, bác sĩ còn cho gia đình biết anh bị nhiễm trùng máu nữa nên tình trạng của anh rất nguy kịch. Chị Dung, vợ anh đã mấy lần mời Cha đến xức dầu cho anh, và nhiều lần lắm chị đã đọc kinh phó linh hồn cho chồng trong những khi anh thở gấp gáp hay lịm đi tưởng chừng không qua khỏi. Thế mà anh được sống, ung thư đã sạch, máu huyết bình thường, ổn định. Bây giờ anh có thể đi làm lại như trước vì Chúa đã dủ lòng thương xót anh.

• Lòng Thương Xót Biến Đổi

Tình Yêu và Quyền Năng của Lòng Thương Xót Chúa không chỉ chữa lành bệnh tật nơi thân xác yếu hèn mà còn biến đổi trái tim nguội lạnh chai đá của anh nữa. Là một người Kitô hữu nhưng biết bao năm anh sống khô khan nguội lạnh. Anh thú nhận: “Thưa Cha và cộng đoàn, con thú thật là lúc trước con khô khan lắm, không biết cầu nguyện là gì, đi lễ là theo thói quen, đi cho có thôi, nhiều khi bỏ cả lễ ra quán cà phê ngồi. Con tội lỗi lắm!” Nếu không nhờ ơn Chúa giúp, chắc chắn không dễ dàng để thú nhận trước cộng đoàn cả ngàn người rằng mình là người khô khan nguội lạnh, tội lỗi, bê tha. Dường như khi anh can đảm kể lại quãng đời tăm tối của mình thì cũng là lúc thêm một lần nữa anh cúi đầu tạ tội với Cha Nhân Lành, đồng thời ai nấy cũng cảm nhận được anh đang ngợi khen tình yêu quá lớn lao Cha trên Trời dành cho anh. Tạ ơn Chúa! Anh được trở về, được sống và đang bước đi trong ánh sáng của Thiên Chúa. Anh quả quyết r?ng chính Mẹ Maria đã can thiệp, giúp đỡ và dẫn đưa anh đến với Chúa. Anh và gia đình đã chạy đến với Mẹ, kêu xin Mẹ cứu giúp khi gặp khốn khó. Quả thật Mẹ đã đồng hành, che chở và cầu thay nguyện giúp cho gia đình anh.

Xin tri ân Chúa. Xin cảm ơn Mẹ. M? c?a L? C?y Trơng. Chúa của Lòng Xót Thương.

Trùng Dương ghi lại

GÓC SUY TƯ

1- Một nhúm muối nếu bỏ vào 1 cốc nước, cốc nước ấy có thể ko còn uống được, nhưng nếu được bỏ vào một hồ nước thì nguồn nước ấy vẫn trong ngọt. Vì thế, vấn đề ko chỉ đơn thuần là có hay ko có một ai đó bỏ 1 nhúm muối vào cuộc đời bạn, mà còn là ở bạn: Trái tim bạn là một hồ nước lớn hay chỉ là một cốc nước nhỏ.

2- Một hạt cát có thể cuốn trôi vì sóng biển...Một hạt mưa có thể vỡ tan vì lòng đất...Một chiếc lá có thể rời cành vì cơn gió...Một ngôi sao có thể vụt tắt vì mây đêm...Một hạt nắng có thể dịu dàng vì hoàng hôn...Một trái tim có thể ngừng nhịp vì yêu thương...Mọi thứ có thể bắt đầu và mọi thứ có thể sẽ kết thúc.. Hãy luôn yêu thương và trân trọng những gì đang tồn tại xung quanh bạn, đừng để đến khi nó mất đi, bạn sẽ hối tiếc nhiều lắm đấy!
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thông báo quan trọng của Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội
Gx thái Hà - DCCT Hà Nội
00:33 10/09/2008
TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI
Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội

180/2 Nguyễn Lương Bằng,
Đống Đa, Hà Nội


Hà Nội, ngày 09.09.2008

THÔNG BÁO

Để việc tôn kính Đức Mẹ Maria diễn ra tốt đẹp và để tránh những điều không hay xảy đến cho quý ông bà anh chị em cũng như cho Giáo xứ Thái Hà chúng tôi, khi đến tham dự các thánh lễ và các buổi cầu nguyện tại Thái Hà, kính xin quý ông bà anh chị em tỉnh thức và lưu ý các điểm sau:

  • 1. Xin giữ gìn vệ sinh trong khu vực thánh đường, tu viện, đền thánh Giêrađô, linh địa Đức Bà và các lối đi dẫn đến các khu vực này.


  • 2. Xin sử dụng nước uống tại các bình nước tinh khiết đặt ở sân nhà thờ, tu viện và các nơi khác.


  • 3. Xin tiết kiệm nước sinh họat, để có thể đủ nước tối thiểu phục vụ nhu cầu vệ sinh. Xin chỉ sử dụng nước khi thật cần thiết và mở vòi nước ở mức vừa đủ dùng.


  • 4. Tư trang, hành lý xin giữ gìn cẩn thận kẻo bị kẻ gian lợi dụng đông người lấy cắp.


  • 5. Không nên nghe theo và làm theo lời những người không quen biết và/ hoặc những người không thuộc đoàn mình.


  • 6. Không mắc mưu những kẻ kích động: Không tranh luận, không phản ứng gay gắt bằng lời nói hay hành động, không đánh trả khi bị tấn công trước.


  • 7. Khi bị tấn công, xin thông báo cho những người xung quanh, cho Ban trật tự và cho quý cha quý thầy có trách nhiệm trong giáo xứ để được bảo vệ và giúp đỡ.


  • 8. Khi đang đứng cầu nguyện đông người, nếu thấy có biểu hiện quấy phá, xin tất cả cùng nhau mau chóng ngồi xuống.


  • 9. Chỉ nhận những giấy tờ, tài liệu do Giáo xứ cung cấp tại sân nhà thờ. Không nhận giấy tờ, tài liệu, ảnh tượng ở bất cứ chỗ nào trong khu vực giáo xứ, để tránh bị kẻ xấu lợi dụng và tránh tai vạ cho mình.


  • 10. Không được có những lời nói, hành động hay biểu ngữ gây ảnh hưởng trật tự chung.


  • 11. Những khách hành hương đến từ xa, nếu có nhu cầu ở lại qua đêm, xin vui lòng mang theo giấy tờ tuỳ thân đến liên hệ với Văn phòng Giáo xứ để được giúp đỡ.


  • 12. Mọi người cần tôn trọng, yêu thương và giúp đỡ nhau để mỗi người đều đón nhận được nhiều ơn ích phần xác phần hồn.


  • 13. Nếu muốn biết sự thật về vấn đề đất đai đang diễn ra giáo xứ Thái Hà, xin vui lòng đọc các bài viết dán ở các bảng thông tin, ở các tài liệu do giáo xứ để trên bàn trong khu vực sân nhà thờ hoặc vào tham khảo tại các trang web sau đây:

    http://www.chuacuuthe.com;
    http://www.vietcatholic.net. (trang Web này bị tường lửa ở Việt Nam chặn, muốn vào xin hỏi những người đã quen sử dụng chỉ dẫn sẽ vào được. Ngoài ra cũng có thể viết email cho conggiao@gmail.com để được gửi tin trực tiếp vào hộp thư của anh chị em mỗi ngày)
Xin chân thành cám ơn quý ông bà anh chị em. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nguyện xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.
 
Thông báo Giờ Lễ tại Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội
Gx thái Hà - DCCT Hà Nội
00:39 10/09/2008
TỔNG GIÁO PHẬN HÀ NỘI
GIÁO XỨ THÁI HÀ-DCCT HÀ NỘI

180/2Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa, Hà Nội


Ngày 09 tháng 09 năm 2008

THÔNG BÁO GIỜ LỄ

Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của đông đảo quý ông bà anh chị em, Giáo xứ Thái Hà-DCCT Hà Nội xin thông báo giờ lễ như sau:

Từ thứ 2 đến thứ 6, Giáo xứ cử hành 3 thánh lễ lần lượt vào các giờ sau:
1. Thánh lễ I: 5 giờ 30
2. Thánh lễ II: 10 giờ 30
3. Thánh lễ II: 18 giờ 30

Thứ bẩy Giáo xứ cử hành 3 thánh lễ lần lượt vào các giờ sau:
1. Thánh lễ I: 5 giờ 30
2. Thánh lễ II: 12 giờ (thánh lễ chúa nhật)
3. Thánh lễ II: 19 giờ (tthánh lễ chúa nhật)

Chúa nhật, Giáo xứ cử hành 6 thánh lễ lần lượt vào các giờ sau:
1. Thánh lễ I: 5 giờ 30
2. Thánh lễ II: 8 giờ (có rửa tôi trẻ em vào chúa nhật đầu tháng)
3. Thánh lễ III: 10 giờ (có cử hành bí tích hôn nhân)
4. Thánh lễ IV: 16 giờ (lễ dành cho thiếu nhi)
5. Thánh lễ V: 18 giờ
6. Thánh lễ VI: 20 giờ

Ngoài các thánh lễ trên đây, tại nguyện đường Giêrađô lúc 19 h 30 chiều thứ ba hằng tuần có thánh lễ dành cho quý ông bà anh chị em xa quê và chúa nhật có thánh lễ cho các bạn sinh viên học sinh của các giáo phận, giờ giấc thay đổi tuỳ theo nhóm.

Kính xin quý ông bà anh chị em nhắc bảo nhau để tránh mất lễ và tránh tập trung tham dự quá đông vào một lễ nào trong ngày.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn.
 
Cho tôi được hỏi nhà báo vài câu
Gioan Lê Quang Vinh
00:42 10/09/2008
Cho tôi được hỏi nhà báo vài câu

Xin thú thật là từ trước đến nay tôi chưa bao giờ đọc báo Hà Nội Mới. Cũng nhờ sự việc ở Thái hà mà tôi có hân hạnh nghe đến tên quí báo. Và hôm nay, cũng nhờ một bài viết trên trang web của http://vietcatholic.net về Dòng Chúa Cứu Thế đáng kính mà tôi vào đọc trang web của quí báo, (đáng kính, là tôi nói theo cái nhìn của nhân loại nói chung, còn đối với quí báo, như trong bài viết sáng nay 10/9/08 “Vụ việc Thái Hà có lợi cho ai”, thì “không thể mang lại tiếng thơm gì cho dòng Chúa Cứu Thế” , tôi mạn phép viết lại từ Chúa Cứu Thế viết hoa, dù bài báo của vị phóng viên ký Anh Quang viết từ cao trọng ấy là chữ thường. Đối với loài người được cứu độ, thì Danh Chúa Cứu Thế cao trọng đến nỗi “khi nghe Danh Người, cả trên Trời, dưới đất và cả trong địa ngục còn phải quì xuống” (Phi.2,10), huống gì một chữ viết hoa viết thường).

Khi đọc bài báo của Anh Quang, tôi là người vốn không hiểu nhanh ý các bài viết trên báo chí, cảm thấy thắc mắc rất nhiều. Trước hết là thắc mắc bài báo viết để làm gì, để thêm thông tin cho nhà nước hay thêm thông tin cho dân chúng, nếu cho dân chúng thì là người có đạo hay người không có đạo. Nếu cho người có đạo cùng đọc thì tôi là người Công giáo, cảm thấy chưa hiểu nhiều chỗ. Tôi chỉ xin hỏi vài chỗ thôi (chứ hỏi hết thì dài lắm). Ví dụ những chỗ sau:

Thứ nhất, bài báo viết: “Bình yên trong lòng người, bình yên cho giáo xứ, bình yên cho đất nước là điều quý giá hơn bất cứ một thứ của cải, tài sản nào; và đương nhiên đó luôn luôn là điều mà mọi công dân chân chính không phân biệt dân tộc, tôn giáo nào phải có trách nhiệm gìn giữ” . Tôi trân trọng câu này, vì đây chính là Tin Mừng cho nhân loại nói chung ngày Chúa Giêsu, Chúa chúng ta, giáng sinh vào trần gian vốn nhiều mưu mô và loạn lạc này. Và ngày Phục Sinh, lời Đức Kytô vẫn là “bình an cho các con”. Bình an chính là ơn phúc Chúa ban cho người tin và thực hành Lời, thực hành công lý. Như vậy tôi có thể hỏi nhà báo câu này được chứ ạ? Nhà báo định nói “mọi công dân chân chính… phải có trách nhiệm gìn giữ bình an ấy”, mà nhà báo thừa biết là người Công giáo chúng tôi khi thực thi công lý, đã mang trong tâm hồn sự bình an của Đức Kytô rồi, thế thì nhà báo định nhắc nhở ai vậy? Và nhà báo có tin là những người ấy cũng sẽ yêu mến bình an như anh chị em Thái Hà?

Cho tôi được thắc mắc điểm thứ hai. Nhà báo viết “Chúa sẽ rất đau lòng khi thấy các con chiên của Ngài bị xúi bẩy làm càn, bị cả xã hội chê trách, làm mất thanh danh của Chúa.” Tôi biết là nhà báo muốn nói là việc xảy ra ở Thái hà là bị xúi bẩy, là làm càn, là bị cả xã hội chê trách. Đọc giọng văn của nhà báo chê trách linh mục Chúa và dân Chúa, tôi nghĩ là nhà báo không tin có Chúa, đúng không ạ? Đã không có Chúa, sao Chúa lại đau lòng được? Ví dụ khi nhà báo đi học, nhà báo không thèm vô lớp và nói với bạn bè là không có thầy giáo trong lớp. Thế thì nhà báo đâu có thể nói với bạn bè là thầy giáo cô đơn trong lớp học? Còn chuyện Thái hà bị xúi bẩy, cái này khó nói à nghe. Nếu xúi mà xúi được cả ngàn người từ muôn nơi đến chỉ để ngước mắt lên cầu nguyện trong nắng trong mưa thì chắc là không ai ở trần gian này xúi nổi, như lời Cha Bề Trên Matthêu Vũ Khởi Phụng nói với một quan chức ở Hà nội đại ý rằng không ai có thể ép dân chúng đến Thái hà để “phải vạ vật chịu mưa chịu nắng, ăn ngủ thất thường” (theo cách nói của nhà báo), nếu trong lòng họ không có cái gì đó mạnh mẽ, sâu xa. Và quan chức ấy nói: “Câu này thì linh mục nói đúng”. Còn cho rằng Thái hà bị cả xã hội chê trách thì tôi cũng muốn hỏi nhà báo đó là xã hội nào, chứ tôi thấy xã hội thì chỉ chê trách những người coi khinh luân thường đạo lý, chứ ai mà chê trách các linh mục khi các ngài chẳng hề bỏ túi lấy một xu của công. Tôi nhớ có lần một nhóm anh em tặng Cha Matthêu Vũ Khởi Phụng một chiếc áo sơ mi đơn giản và một hộp bánh ngọt. Áo thì chẳng thấy ngài mặc. Bánh thì ngài ăn không chúng tôi không biết. Nhưng sau đó mấy hôm thì hai món quà nhỏ ấy đã nằm trong tay anh em trong khu nuôi trẻ mồ côi câm điếc ở Tân Bình (Sàigòn), hộp bánh còn nguyên niêm phong. Chắc nhà báo nói xã hội chê trách các ngài dở hơi vì thấy lợi mà không giành, thấy bình yên mà không hưởng? Xin nhà báo viết rõ ra chứ đọc chả hiểu gì mấy.

Câu hỏi thứ ba, nhà báo viết thế này nghĩa là gì ạ? “Trong con mắt của các tầng lớp nhân dân, vụ đòi đất của Nhà thờ Thái Hà có sự tham gia của hàng ngàn giáo dân, nếu không sớm được chấm dứt, sẽ làm mai một hình ảnh tích cực của Thiên Chúa” . Hình ảnh tích cực của Thiên Chúa mà bị mai một được ư? Mà lại bị mai một do đoàn người đông đảo đến cầu nguyện? Xin lỗi nhà báo, tôi nói về giáo lý Công giáo một chút nghe. Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối, quyền năng và vinh quang. Trời đất này chỉ là một phản ánh nhỏ xíu của vinh quang Thiên Chúa. Người ta tìm đến cầu nguyện với Ngài là người ta muốn tôn vinh Ngài. Cho nên ý của nhà báo trong câu ấy cũng khó hiểu. Nếu nhà báo trích từ một sách thần học mới thì cũng ghi ra cho rõ, để tiện bề tham khảo.

Nhà báo kết luận bằng câu mà học sinh được học trong lối văn dạy đời (không phải văn phong báo chí): “Đó là điều mà những người có trách nhiệm trong Nhà thờ Thái Hà cần suy ngẫm nghiêm túc. Chỉ có bằng con đường đối thoại và hợp tác với chính quyền, chỉ có bằng con đường tuân theo pháp luật thì những nguyện vọng chính đáng, đề nghị phù hợp với tình hình thực tế mới được đáp ứng.” Nói thật nhà báo nghe, để làm linh mục, người ta phải đi tu ít là mười năm, thông thường mười mấy năm, mỗi ngày suy ngẫm ít là mười lăm phút hay nửa tiếng, rồi suy nghĩ, đọc sách, cầu nguyện nữa. Đó là chưa kể những kỳ tĩnh tâm chỉ để suy nghĩ và cầu nguyện. Bởi vậy nhà báo có thể dạy các linh mục tu sĩ cách viết báo kiểu riêng của nhà báo, chứ dạy các ngài suy ngẫm thì tôi e rằng các ngài sẽ … suy ngẫm về nhà báo thôi. Còn “đối thoại và hợp tác” là điều mà Đức Thánh Cha đã nhắc đi nhắc lại, và Đức Tổng Giám Mục Hà nội đã nhắc cả các Cha các thầy và nhà cầm quyền nữa. Thánh Vịnh đã dạy: “Ước chi hôm nay các ngươi nghe tiếng Người, các ngươi đừng cứng lòng nữa”.

Lời kết của bài viết này, tôi không răn dạy nhà báo như nhà báo đã răn dạy các Cha của chúng tôi, mà tôi xin cám ơn nhà báo. Nhà báo nói lung tung một hồi rồi cũng quay lại ủng hộ Thái hà (đã nói là có ai cả đời giơ chân đạp chân lý cơ chứ!). Nhà báo viết “chỉ có bằng con đường tuân theo pháp luật thì những nguyện vọng chính đáng, đề nghị phù hợp với tình hình thực tế mới được đáp ứng” . Câu này tuyệt hay. Nếu nhà báo không có ý định viết nó ra, thì tôi nghĩ là chính Thiên Chúa, Đấng mà nhà báo không tin, hoặc còn bán tín bán nghi, chính Ngài đã dùng ngòi bút của nhà báo mà nhắc nhở những ai có trách nhiệm. Khi luật lệ, cả Thiên luật và nhân luật, được thực thi, thì công lý và chân lý sẽ sáng chói, mọi tranh chấp sẽ ngưng lại ngay tức khắc, và như lời Thánh Vịnh, “sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở” (Tv.71,7).

Là những người tin yêu Thiên Chúa và Mẹ hiền của Ngài, chúng tôi cầu xin cho nhà báo và những ai nhà báo làm việc cho, luôn giữ tâm hồn bình an để phục vụ công lý hữu hiệu.
 
''Ai dùng gươm... sẽ chết vì gươm''
+ GM F.X. Nguyễn Văn Sang
01:06 10/09/2008
AI DÙNG GƯƠM...
(Bài suy gẫm của Đức Giám Mục F.X. Nguyễn Văn Sang – GM GP Thái Bình)

Câu Kinh Thánh được trích trong TM theo Thánh Mathêu 26, 50-54: “ Bấy giờ họ tiến đến, tra tay bắt Đức Giêsu. Một trong những kẻ theo Đức Giêsu liền vung tay tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai. Đức Giêsu bảo người ấy: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm. Hay anh không tưởng là Thầy không thể kêu cứu với Cha Thầy sao? Người sẽ cấp ngay cho Thầy hơn mười hai đạo binh thiên thần! Nhưng như thế, thì lời Kinh Thánh ứng nghiệm sao được?”

Dĩ nhiên cũng có lúc chúng ta phải cầm gươm chiến đấu để bảo vệ sinh mạng, quyền lợi chính đáng, nhất là bảo vệ nền tự do độc lập của đất nước thân yêu. Ví dụ trong bức thư trên mạng Sina, Trung quốc sẽ dùng kế hoạch A để chiếm đất Việt Nam trong 31 ngày thì hết thảy công dân Việt Nam sẽ dùng gươm..., và kẻ hèn này đã 78 tuổi nếu không có gươm, cũng sẽ dùng dao thái thịt dưới bếp để bảo vệ non sông tươi đẹp của ta. Nhưng việc sử dụng gươm chống đối người dân bình thường vô tội thì thật là điều đáng trách và sẽ bị dư luận trên toàn thế giới lên án, nghiêm trọng nhất là bị lương tâm cắn rứt cho đến muôn đời. Nhất là khi họ đến gặp những người có trách nhiệm để trình bày oan ức một cách hoà bình trong lời ca tiếng hát “Đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào nơi lỗi lầm...” (Kinh Hoà Bình của Thánh Phanxicô Assisi)

Lối dùng gươm kiểu đó dư luận quốc tế trong nhiều nước từ bây giờ và cho đến muôn đời thường chống đối và kết án: có thể một thời gian nào điều đó chưa được phát hiện nhưng “Cái kim trong bọc ắt có ngày được lôi ra”, ánh sáng mặt trời sẽ soi chiếu và sức nóng bỏng sẽ làm tan đi những băng giá bao phủ sự thật. Lịch sử khách quan là một quan toà công minh chính trực sẽ phán xét những sự việc xảy ra mà không gì có thể giấu diếm được. Sự gian dối và tàn ác không thể ngồi trên ngai vàng mãi mài được. Xưa nay những nhân vật độc tài gian ác đứng đầu những hệ thống chính trị xã hội xấu xa cũng không thọ được trên dưới 100 năm và hiện nguyên hình dưới con mắt lịch sử cho mọi người xem tỏ rõ ràng.

Toà án của lương tâm còn sáng suốt, công minh và chính trực hơn nhiều vì toà án đã dựa nền trên chính Thiên Chúa là Quan Toà chí công vô đối, chỉ những ai chúng ta gọi là “Táng tận lương tâm” mới có thể ngoảnh mặt với sự thực, nhưng cũng không thể kéo dài vì có lúc (ngắn hạn) cũng phải đối đầu với những sự thật, với những lời kết án đanh thép, với lương tâm và nhất là với chính Thiên Chúa. Chúng ta đã học nhiều trong chuyện Cain và Aben nơi sách Sáng Thế và đã được văn hào Victo Huygô tả vẽ một cách sinh động trong bài thơ “Con mắt...”. Đúng thế, con mắt của lương tâm sẽ theo chúng ta lên trời, xuống đất, biển cả mênh mông hay nơi núi non trùng điệp, trú trong lều đá hay túp lều da đều có tiếng nói của lương tâm hay máu của Aben vang vọng khiến cho con người tàn ác không sao sống nổi, chưa cần đến hình phạt của Đấng Chí Công Vô Đối.

Trong vụ tranh chấp ở Thái Hà, chúng ta tự xét lương tâm để đừng tra tay vào gươm mà dùng nó cách tai hại và vô ích, nhất là với những người tín hữu chỉ biết đọc kinh cầu nguyện.

Sau đây tôi cũng xin kể lại câu chuyện có thật mà tôi là người chứng kiến để thấy rõ trong xã hội chúng ta cũng có người theo tiếng lương tâm mà hành xử, chúng ta không nên thất vọng và phải tin tưởng sẽ không có chuyện dùng gươm mà hại vì gươm.

Số là trong cuộc xáo động cách đây mấy chục năm về viễn tượng Giáo Hội Công Giáo Rôma sẽ phong 117 Á Thánh Tử Đạo Việt Nam lên hàng Hiển Thánh, các cuộc hội họp diễn ra khắp nơi trong đất nước, lời qua tiếng lại khen chê đủ kiểu. Chúng tôi – Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (lúc đó tôi đang làm tổng thư ký) được triệu tập ra cơ quan để nghe một vị có trách nhiệm thuyết trình. Vị đó nói rất hùng hồn và lôi cuốn, nhưng đa số những lời đó là để chỉ trích bôi nhọ các Thánh Tử đạo Việt Nam là những người bán nước, đầu trộm, gian thương, xấu nết...

Đột nhiên tôi thấy Đức Hồng Y Giuse Maria Trịnh Văn Căn quỳ xuống ôm mặt khóc ầm lên và lớn tiếng kêu: “Xin thôi, xin thôi! Ông không có quyền thoá mạ, bôi nhọ cha ông chúng tôi là những người chúng tôi yêu mến và kính trọng”. Nói đoạn, ngài lại lớn tiếng khóc hu hu...!

Các Giám Mục thấy sự việc như vậy, yên lặng rút lui ra khỏi căn phòng, và cuộc họp tự động được kết thúc không kèn không trống. Hôm sau, nghe tin người diễn thuyết hôm đó bị cấp trên “Chỉnh” rằng: “Nếu để cho Hồng Y Căn hôm qua ngã xuống mà chết thì không phải Toà Thánh Vatican chỉ phong chức cho 117 vị Thánh Tử đạo mà sẽ phong cho cả Hồng Y Căn vào số danh sách là 118 vị Tử Đạo Việt Nam”.

Thiết tưởng trong lịch sử thế giới đã có nhiều người dùng gươm và đã bị trừng trị thích đáng. Trong lịch sử danh sách đó đã dài, chúng ta không nên thêm vào nữa để cũng thêm nhiều người phải chết vì gươm trong công cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm trên đất nước chúng ta cũng hàng hàng lớp lớp trên các nghĩa trang của mảnh đất thân yêu này. Xin cũng đừng nối dài danh sách những kẻ đã chết vì gươm trong những cuộc tụ họp cầu nguyện bình an – yêu thương – thân ái như anh chị em trong giáo xứ Thái Hà ngày nay thì đau thương lắm thay.

Tôi lại ước mong có một vị có trách nhiệm gìn giữ an ninh đất nước kịp ra lệnh cho các phần tử cấp dưới mình đừng thi hành giờ “G” như trong vụ tranh chấp đất đai ở Toà Khâm Sứ cũ cách đây mấy tháng, và tôi đã lên tiếng ngợi khen tính quả cảm và nhân ái của vị đó. Ngày hôm nay chớ gì cũng được như vậy. Và nhất là vụ tranh chấp ở Thái Hà giữa đôi bên có thể ngồi lại với nhau trình bày lý lẽ thuận – nghịch mà tìm ra hướng giải quyết, đừng đổ thêm dầu, tra thêm củi vào lửa để cho tình hình thêm căng thẳng, kẻo Lời Chúa phán “Ai dùng gươm sẽ bị hại...”

Tôi xin chắp tay nguyện cầu Mẹ Hằng Cứu Giúp mau chóng ban cho mảnh đất đền thờ Thái Hà trở về hoà thuận yêu thương để mọi người an vui thờ phượng Chúa, sống yêu thương và hạnh phúc.

Thái Bình, ngày 10 thnág 9 năm 2008
Giám Mục GP Thái Bình
 
CSVN dọa sẽ bắt cả linh mục trong vụ đòi đất tại Thái Hà
Người Việt
01:29 10/09/2008
Giáo dân khắp nơi vẫn đổ về Thái Hà bằng mọi cách

HÀ NỘI 9-9 (TH).- Nhà cầm quyền CSVN cảnh cáo sẽ bắt giữ “Những ai cố tình vi phạm, kích động, xúi giục hay gây rối sẽ bị xử lý nghiêm khắc” trong vụ việc giáo xứ Thái Hà đòi lại tài sản.

Tân GM và các linh mục địa phận Bắc Ninh
Bản tin tờ CAND (cơ quan tuyên truyền của Bộ Công An CSVN) ngày Thứ Hai 8/9/2008 hàm ngụ cho thấy không loại trừ việc bắt giữ và truy tố các vị linh mục, tu sĩ đến cầu nguyện cùng với giáo dân ở khu đất mà giáo xứ và Dòng Chúa Cứu Thế đang áp lực đòi lại.

Bản tin trên thuật lời Nguyễn Văn Hưởng, thứ trưởng Bộ Công An CSVN, xác định “Công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự, khởi tố, bắt tạm giam một số bị can có hành vi quá khích, gây rối, hủy hoại tài sản là biện pháp cần thiết và đúng pháp luật” và lại còn “chỉ đạo Công an Hà Nội cần tiếp tục điều tra, làm rõ những đối tượng có hành vi vi phạm để xử lý đúng tính chất, mức độ”.

Bản tin đó còn đưa lời Nguyễn Ðức Nhanh, giám đốc Sở Công An CSVN Hà Nội, nói rõ “riêng việc linh mục có mặt tại các địa điểm có đông giáo dân tụ tập, cầu nguyện trái phép hoặc tại địa điểm có hành vi gây rối, hủy hoại tài sản thì việc có mặt đó đã là hành vi xúi giục, kích động.”

Những bản tin từ trước đến nay trên VietCatholic News cho thấy giáo dân, cả giáo xứ Thái Hà và nhiều nơi khác tụ tập về đây, đều chỉ tập trung xem lễ tại nhà thờ và cầu nguyện tại khu đất mà vốn là tài sản của Dòng Chúa Cứu Thế mà nhà cầm quyền CSVN cướp đoạt.

Bản tin của tờ CAND thuật lời Nguyễn Ðức Nhanh còn vu cho các linh mục dòng Chúa Cứu Thế là “vu cáo, bịa đặt” khi kể lại cho thấy giáo dân đã bị đàn áp bằng roi điện, dùi cui và xịt hơi cay vào các ngày 28 và 31/8/08.

Tờ báo tuyên truyền một chiều của Bộ Công An CSVN đả kích tác giả các bài viết phổ biến trên VietCatholic News và đe dọa “sẽ điều tra làm rõ để xử lý nghiêm theo pháp luật”.

Bài báo cũng không quên đả kích Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt “chỉ đạo linh mục đoàn giáo phận Hà Nội ra thư hiệp thông với dòng Chúa cứu thế xứ Thái Hà, nội dung lập lờ, kích động linh mục, giáo dân kiên quyết đòi đất khu vực này. Ông Kiệt còn gắn việc chiếm đất của một số giáo dân Thái Hà với vụ việc tại 42 Nhà Chung, Hà Nội.”

Trong khi đó, các tin tức phổ biến cho thấy từ cuối tuần quan đến nay, giám mục, linh mục của nhiều giáo xứ tại Việt Nam gửi thư hiệp thông và hậu thuẫn cho công cuộc đấu tranh đòi đất của giáo xứ và Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà.

Một số giám mục còn đến tận nơi dâng thánh lễ, cầu nguyện hiệp thông với giáo dân tại khu đất đang đòi.

Theo bản tin VietCatholic News, ngày 9/9/08 “gần 100 người đi xe đạp đến Thái Hà từ sang sớm. Hỏi ra mới biết, họ ở tận Vĩnh Phúc (cách Hà nội 65 km) về đây. Mấy ngày hôm trước họ thuê xe ô tô nhưng bị công an ngăn chặn và giải tán. Sáng nay họ quyết tâm phải trở về Thái Hà bằng được. Vì nghèo, không có xe máy, nên họ dùng chính phương tiện sẵn có của mình là những chiếc xe đạp để đi từ 1 giờ sáng...”

Theo nguồn tin này thì giáo dân từ nhiều nơi vẫn tìm cách vượt vòng kiểm soát và cấm cản của công an CSVN các địa phương để về Thái Hà cầu nguyện hiệp thông.

Những lời đả kích, đe dọa phổ biến trên tờ CAND có vẻ như được đưa ra để đối phó lại sự hậu thuẫn rộng rãi của cộng đồng Công Giáo Việt Nam, cả trong và ngoài nước, dành cho giáo xứ và Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà.

Ngày 9/9/08, hàng ngàn giáo dân vẫn tiếp tục đổ dồn về nhà thờ Thái Hà và khu đất đang đòi để cầu nguyện. Ðặc biệt còn có sự tham dự của tân giám mục và 65 linh mục giáo phận Bắc Ninh. Mấy ngày trước là sự hiện diện của giám mục Hải phòng và giám mục Thái Bình cùng rất nhiều linh mục các giáo xứ.

Ngày 9/8/08, Ðức Cha Vũ Huy Chương, giám mục địa phận Hưng Hóa từ thành phố Sơn Tây gửi các cha giám tỉnh và Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà lời hiệp thông cầu nguyện và cho biết thêm là “...tại giáo phận Hưng Hóa, cha xứ Cần Kiệm đã cho tôi biết: có một người đã phát biểu trên đài truyền hình Hà Nội về sự kiện Thái Hà và đã được giới thiệu là đại diện giáo dân giáo xứ Cần Kiệm, nhưng ai cũng biết người đó không phải là giáo dân Công giáo mà là viên chức tại địa phương”.

Gần đây, ngày 5/9/08, nhà cầm quyền quận Ðống Ða “mời họp” về vụ Thái Hà với 2 “linh mục” và một số “giáo dân cốt cán” nhưng một bản tin trên VietCatholic News vạch ra cho thấy đó là hai “linh mục” do đảng CSVN “phong chức” để sử dụng cho nhu cầu lừa gạt dư luận.

Liệu công an CSVN có giám bắt giam các tu sĩ, linh mục và giám mục trong vụ việc Thái Hà hay không? Một nhà phân tích thời sự nói rằng CSVN nhiều phần không dám đẩy vụ việc đến một cuộc đàn áp tôn giáo cao hơn một vụ tranh chấp đất đai.

(Nguồn: Người Việt, Tuesday, September 09, 2008)
 
Mấy câu hỏi gởi các ông Thượng tướng Hưởng và Thiếu tướng Nhanh
Thái Sứ
01:45 10/09/2008
Mấy câu hỏi gởi các ông Thượng tướng Hưởng và Thiếu tướng Nhanh

Ngày thứ 2, 08-09-2008 cả hai ông Thượng tướng Hưởng và Thiếu tưởng Nhanh đã có những thông báo làm những người quan tâm giật mình không biết hai ông sẽ làm gì để thể hiện mình là người làm việc chí công vô tư. Hai ông sẽ làm gì cho đất nước, cho nhân dân khi hai ông đang hưởng lương nhân dân trả cho mình.

Ai cũng biết, giáo dân Thái Hà đã hết sức vất vả khi đi đòi công lý cho Nhà thờ, cũng tức là đòi cho xã hội Việt Nam, đã bị vùi dập bao nhiêu năm. Các ông cứ hô hét nhân dân làm đúng pháp luật, làm đúng quy định, quy tắc. Nhưng các ông có làm đúng không, hay các ông và người của nhà nước thì được phép làm những việc đứng trên hiến pháp và pháp luật, đứng trên cả lương tâm tình người.

Ông Hưởng có biết người dân Thái Hà khiếu nại đúng thủ tục quy trình 12 năm nay không ai thèm trả lời họ không? Ông Nhanh có biết ông tự ý kiếm các “giáo gian” tự phong chức cho họ là cốt cán để làm trò họp hành phát biểu là không đúng những quy định sơ đẳng nhất với một tổ chức của nhân dân không? Lẽ ra là ông phải biết.

Những người đã có tiếng nói trung thực, công tâm thì bị ông đe dọa, có phải ông chỉ thích nghe nói dối hay không? Ông đe dọa họ phải bịt miệng để những người dối trá bịa đặt tha hồ lũng đoạn đất nước theo ý một nhóm người nào đó để bảo vệ những cái họ làm không chính đáng và không vì lợi ích quốc gia?

Ông là Công an, ông có biết ai đã kích động giáo dân cả nước này đến Thái Hà không? Chính những tờ báo, Đài Truyền hình cố tình kích động giáo dân đến Thái Hà bằnh cách nói không có sự thật và áp đặt một chiều xưa nay, người dân đã học cách hiểu ngược nên kéo nhau đến Thái Hà đấy. Đó là báo Hà nội mới và Đài PT-TH Hà Nội đã dựng đứng, vu cáo giáo dân và linh mục, tung tin thất thiệt, bôi xấu nhân phẩm nhân dân, ông có đến hỏi thăm họ không hay ông chỉ nhăm nhăm người nào dám nói lên sự thật. Ông muốn xã hội VN này luôn chìm trong sự man trá, tù mù để có những người được đục nước mà béo cò phải không hai ông?

Chính những đài, báo của nhà nước đã đi ngược luật pháp và cố tình tạo ra rồi khoét sâu mâu thuẫn tôn giáo trong lòng dân tộc, sẽ để lại những hậu quả chưa biết đến khi nào có thể xóa lấp được là cái tội lớn nhất. Các ông là người tham gia quản lý nhà nước, có biết đến những hậu quả đó như thế nào đối với đường lối đoàn kết mọi tôn giáo và dân tộc không? Có phải các ông biết, nhưng vì những mục đích trước mắt, các ông cứ cố tính đạt bằng được, hậu quả đất nước này chịu thì tính sau?

Công an đàn áp giáo dân bằng dùi cui điện, vụ xịt hơi cay, ông Nhanh cho là bị vu cáo, ông nói trơn như bôi mỡ là làm gì có chuyện đó. Nhưng chắc hôm nay ông đã nhìn thấy ai xịt hơi cay rồi thì ông có kiên quyết điều tra, vẫn cứ giả vờ không biết nữa không.

Ai sẽ giải quyết được vụ Thái Hà được lòng dân và yên việc nước để tập trung sức mạnh đất nước cho việc bảo vệ Tổ quốc đang bị xâm chiếm. Hay chỉ luẩn quẩn loanh quanh trong việc cố tính lấy bằng được đất của giáo dân đã bị chiếm để chia nhau và dân phải lên tiếng ở Thái Hà. Nếu đất đó không được bán cho công ty Phước Điền để chia lô cho quan lại có nhiều tiền mà chỉ để phục vụ lợi ích nhân dân, thì dân có đòi lại như bệnh viện Đống Đa hiện nay hay không.

Dân tộc này, có ai có thể đủ khả năng để giải quyết các vấn đề trong lòng đất nước đặt ra gay gắt một cách nghiêm minh và có lý, có tình nữa hay chỉ có những người chỉ biết giải quyết bằng hăm dọa và bỏ tù, đàn áp? Ở các cấp, từ địa phương đến Trung ương, có ai nghe được tiếng kêu thấu trời xanh của người dân không. Những tháng qua, các ông thể hiện cách làm việc chỉ biết dựa vào những cái không có thật, những văn bản và giấy tờ đưa ra không đủ căn cứ để chiếm đất của dân, thì các ông có biết không? Hay các ông chỉ biết một câu là làm như một cái máy?

Mấy câu hỏi đó, mong được các ông trả lời trước khi các ông muốn giải quyết được vụ Thái Hà.

Ai có đủ tầm vóc để giải quyết vấn đề Thái Hà công minh, tình lý rõ ràng, được lòng dân, nghiêm luật pháp, mới là người có thể kinh bang tế thế trong thời điểm hiện nay của đất nước mà thôi.
 
Vụ việc Thái Hà có lợi cho ai?
Hà Thạch
07:33 10/09/2008
Báo Hà Nội Mới, số ra ngày 10 tháng 9 năm 2008, tiếp tục thực hiện vai trò xung kích một cách xuất sắc bằng những thông tin méo mó, một chiều.

Trong mục “Về những hành vi vi phạm pháp luật tại khu đất 178 phố Nguyễn Lương Bằng”, phóng viên Anh Quang và một số cộng sự đã tiếp tục có những thông tin không đúng sự thật, hết sức ngớ ngẩn:

“Hôm qua 9 – 9, từ 5giờ - 5 giờ45, sau khi lễ nhà thờ, các linh mục nhà thờ Thái Hà tiếp tục huy động 500 giáo dân kéo vào tụ tập trong khu đất 178 Nguyễn Lương Bằng, tổ chức cầu nguyện trái phép. Đến 20giờ tối cùng ngày, khoảng 1.000 giáo dân dưới sự hậu thuẫn của 600 linh mục tiếp tục tụ tập đặt thêm một bức tượng cao 1,2m trong khu đất và tổ chức cầu nguyện tại khu vực đặt tượng” (trích nguyên văn).

Những thông tin trên đây của các phóng viên Báo Hà Nội Mới khiến người ta nhớ lại chuyện phóng viên Đình Hiếu – Đài tiếng nói Việt Nam, khi được các giáo dân gọi điện mời đến hiện trường vào tối 31/8/2008, đã không biết lối vào nhà thờ Thái Hà mà phải nhờ các giáo dân dẫn đường. Các phóng viên Báo Hà Nội mới cũng vậy, nếu họ có tới nhà thờ Thái Hà thì họ phải biết rõ giờ giáo xứ cử hành thánh lễ lúc mấy giờ, chứ không thể bắt nhà thờ hành lễ theo giờ của báo như vậy.

Thông tin có 600 linh mục tham gia cầu nguyện tại “linh địa Đức Bà” tối 9/9/2008, cũng là một thông tin nực cười, khiến người ta nhớ lại chuyện “Nhà nước đã từng phong chức linh mục giả cho một số giáo dân”. Ai cũng biết cả Tổng giáo phận Hà Nội cho tới giờ này, số linh mục chưa tới 600 vị. Vậy, Báo Hà Nội Mới lấy đâu con số này? Đây quả thật là một thông tin bịa đặt! Nếu không, thì phải hiểu rằng có những “linh mục chìm” mà Nhà nước vừa mới phong.

Những thông tin không đúng sự thật, xuyên tạc sự thật như vậy quả là nguy hiểm. Kiểu thông tin như vậy thì có lợi cho ai?

Có lợi cho Hội Nhà Báo Việt Nam?

Chắc chắn là không. Sứ mạng của nhà báo là thông tin sự thật. Sự kiện báo chí, truyền thanh, truyền hình, suốt mấy tuần qua, liên tiếp đưa những thông tin dối trá, che đậy sự thật, không đúng sự thật, tạo hiện trường giả, vu oan giá hoạ, mạ lị chức sắc đã làm giảm uy tín của cơ quan truyền thông cả nước và cho thấy một sự suy đồi đạo đức trong xã hội, cách riêng trong các cơ quan thông tấn, báo chí.

Người ta tự hỏi, không biết những nhà báo có lương tri có cảm thấy bị xúc phạm thanh danh một cách nặng nề hay không?

Không biết các nhà báo – các Sĩ phu Hà Thành, đứng trước sự kiện các đồng nghiệp của mình, tác nghiệp cách vô lương tâm, có cảm thấy hổ thẹn trước lương tâm mình không hay cũng “hèn đại nhân” với chủ trương “thời thế thế thời phải thế”?

Có lợi cho Nhà nước Việt Nam?

Sau khi báo Hà Nội Mới đưa tin, ngày 19 tháng 8 năm 2008, ông Vũ Hồng Khanh – phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, phụ trách về đất đai – cung cấp tài liệu và yêu cầu các cơ quan báo chí “tạo dư luận, tố cáo nhà thờ Thái Hà”, thì ai cũng biết đây là chủ trương của Nhà nước. Theo nhiều nguồn tin khác nhau, thì Chính quyền đã phải chi hàng chục tỉ để bôi trơn cho hệ thống truyền thông, tích cực “tố cáo, vu cáo, thông tin một chiều, bóp méo sự thật” diễn ra tại giáo xứ Thái Hà.

Sự kiện báo chí, các cơ quan truyền thông, dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, thông tin bịa đặt, mạ lị các chức sắc và cộng đồng giáo dân, vô tình tố cáo chính quyền Việt Nam đang vi phạm luật tự do báo chí, tự do ngôn luận, đi ngược lại quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận mà Hiến pháp đã qui định.

Việc chính quyền chỉ đạo các cơ quan ngôn luận tung tin thất thiệt, tạo dư luận kết án nhà thờ Thái Hà, đã làm cho người dân, đặc biệt là các giáo dân không còn tin vào “tiếng nói của Đảng” nữa.

Như vậy, việc báo chí, các cơ quan truyền thông, khi thông tin một chiều, nhẫn tâm vu cáo nhà thờ bằng những thông tin thất thiệt, chẳng mang lại ích lợi gì cho chính quyền. Trái lại, kể từ ngày được chỉ đạo vào cuộc, các cơ quan truyền thông đã “tiếp tay với thế lực xấu” (nói theo kiểu của Báo Hà Nội Mới số 10/9/2008) chống phá Nhà nước từ bên trong, làm mất mặt những nhà lãnh đạo có lương tri, làm suy yếu hệ thống truyền thông cả nước và làm cho người dân mất niềm tin vào “sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.”

Có lợi cho khối đại đoàn kết toàn dân?

Ai cũng biết, suốt gần tháng qua, qua những thông tin thất thiệt, xuyên tạc, mạ lị các chức sắc và cộng đồng giáo dân, các cơ quan truyền thông báo chí đã tích cực làm cho khối đại đoàn kết toàn dân vốn đã rất lỏng lẻo ngày càng có nguy cơ bị phá đổ. Chính những thông tin không đúng sự thật này đã gây nên một sự chia rẽ sâu sắc giữa cộng đồng giáo dân với chính quyền và với những người dân chỉ nhận được những thông tin một chiều qua các hệ thống truyền thông cả nước.

Sự kiện báo, đài tung tin sai sự thật, khiến cho khối Công giáo - những người đang tích cực cùng với cộng đồng dân tộc xây dựng một Nhà nước pháp quyền, cảm thấy quyền con người, quyền tự do ngôn luận, quyền tự do tôn giáo đang bị xúc phạm nặng nề, khơi lại một vết thương lòng đã âm ỉ rỉ máu từ thời Cải cách ruộng đất.

Như vậy, việc các cơ quan thông tấn, báo chí, dưới sự chỉ đạo của chính quyền, nhẫn tâm vu khống, xuyên tạc sự thật đã chẳng mang lại lợi ích gì cho quê hương đất nước, cho dân tộc, cho khối đại đoàn kết toàn dân. Trái lại, việc các báo đài đang thông tin sai sự thật, tô vẽ sự kiện theo dụng ý xấu của một số cá nhân và tổ chức trực tiếp hưởng lợi từ khu đất số 178 Nguyễn Lương Bằng, đang làm cho một xã hội vốn đã nghèo về lòng nhân ái càng nghèo thêm; đang làm cho những người không còn tin vào “sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng” càng bất tín hơn và đang làm cho khối đại đoàn kết toàn dân lung lay hơn lúc nào hết.

Vậy, ai phản động? Giáo dân hay các cơ quan thông tấn báo chí?

Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2008
 
Giám mục, linh mục và giáo dân thuộc Giáo khu Hà Nội đoàn kết và cương quyết đòi công lý và sự thật
Đăng Khôi
12:16 10/09/2008
THÁI HÀ - Ngày hôm nay 10.9.2009 có tới 3 Giám mục thuộc giáo khu Hà Nội tới thăm hỏi ủng hộ tinh thần và cầu nguyện với Thái Hà.

Xe từ nơi xa dán chữ "Song Hỉ" mới qua mặt công an để đến tới Thái Hà

Chúng tôi có mặt tại Thái Hà lúc 7h30. Có tới 20 xe ôtô 16 chỗ đỗ trong khuôn viên nhà thờ và Đền thánh Giêrađô. Hầu hết xe nào cũng dán chữ “song hỉ” ở phía trước. Lấy làm lạ, chúng tôi liền đi tìm hiểu. Các bác tài cho biết: “Mấy ngày qua công an tìm đủ mọi cách để ngăn chặn, không cho chở giáo dân đến Thái Hà cầu nguyện! Chúng tôi đành phải đánh lạc hướng họ bằng cách dán chữ song hỉ. Nếu họ có hỏi đi đâu, thì trả lời là đi rước dâu”.

Xem hình ảnh Lễ đồng tế của 2 Đức Cha và cuộc tôn vinh Đức Mẹ

Hầu hết giáo dân hôm nay trở về Thái Hà là những người thuộc giáo phận Thái Bình, Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hóa và Hưng Hóa. Tính đến thời điểm này, lượng người có mặt tại linh địa khoảng 400 và ở trong khuôn viên nhà thờ ước chừng 200.

Khoảng 8h, một xe ôtô chở báo đỗ ngay trước cửa vào linh địa. Tờ báo Hà Nội Mới được phát miễn phí cho những người có mặt. Một số người xem qua, rồi đem đội lên đầu che nắng, những người khác bỏ vào túi. Chúng tôi hỏi chuyện vài giáo dân: “Người ta cho báo, tại sao các bác không đọc, mà lại bỏ vào túi?”. Họ trả lời gọn lỏn: “Để đến trưa có cái trải ra mà nghỉ trưa”.

Phái đoàn Từ Lạng Sơn do ĐC Đặng Đức Ngân dẫn đầu

Với những nét mặt âu tư...
Lúc 11h: Mọi người tề tựu đông đủ ở nhà thờ để chuẩn bị dự lễ. Con số giáo dân bây giờ lên tới 2000. Chiếc xe ôtô INOVA đỗ trước cửa Tu viện. Mọi người nổ trang pháo tay giòn giã. Hóa ra là Đức Giám Mục Giuse Đặng Đức Ngân cùng linh mục đoàn và bề trên các dòng đang hoạt động tại giáo phận Lạng Sơn-Cao Bằng đến dâng lễ cầu nguyện cho Thái Hà. Đoàn có 12 người tất cả, trong đó có Đức Giám mục, 7 linh mục và 4 nữ tu. Được biết, đang khi tĩnh tâm tháng, các linh mục đoàn và Đức Giám Mục quyết định trở về Thái Hà để bày tỏ sự hiệp thông với các linh mục và giáo dân giáo xứ Thái Hà trong việc tìm kiếm công lý và sự thật.

Xem bản tường trình thêm về sinh hoạt của Phái đoàn giáo phận Lạng Sơn

Sau thánh lễ, cả Đức Giám mục lẫn các linh mục đồng tế và giáo dân tiến ra linh địa cầu nguyện. Sự hiện diện của Đức Giám mục đã thu hút sự chú ý của các nhân viên an ninh canh giữ linh địa. Đang ngồi chơi xơi nước, thấy đoàn rước tiến ra, họ vội vàng đứng dậy, người nào người nấy cầm lấy dùi cui của mình.

Đức Cha Phó chủ tịch Hội Đồng GMVN và Đức Cha giáo phận Vinh tới Thái Hà

Lúc13h30: Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh – Giám mục giáo phận Thanh Hóa, Giám quản giáo Phận Phát Diệm; Phó chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Đức Cha Phaolo Cao Đình Thuyên – Giám mục giáo phận Vinh đã đến và hiệp thông và dâng thánh lễ cầu nguyện cho giáo xứ Thái Hà, Dòng Chúa Cứu Thế và các anh em đồng đạo bị bắt giữ.

Đức Giám Mục giáo phận Vinh, năm nay đã 82 tuổi, ngài ngồi xe từ 5h sáng ở Vinh, đến lúc 13h30 mới tới Hà Nội. Còn Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, sau khi giảng tĩnh tâm cho linh mục đoàn giáo phận Phát Diệm, không kịp ăn trưa đã lên đường đến Thái Hà luôn để cùng với Đức Cha Phaolo tỏ tình hiệp thông.

Khi đến giáo xứ Thái Hà, hai Đức Giám Mục đã gặp và nói truyện với Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, cha Matheu Vũ Khởi Phụng và các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế và đông đảo bà con giáo dân. Sau khi gặp gỡ và nói chuyện với, hai Đức Giám Mục đã dâng thánh lễ cầu nguyện cho giáo xứ Thái Hà.

Lúc 14h: Thêm một thánh lễ nữa được cử hành tại nhà thờ. Chủ tế là Đức Cha Phaolô Cao Đình Thuyên và bên cạnh ngài là Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh. Đồng tế với 2 Đức Cha có 30 linh mục (trong đó có 17 linh mục của Dòng Chúa Cứu Thế). Số giáo dân tham dự thánh lễ có chừng 1000, hầu hết từ Vinh, Thanh Hóa gồm có cả giáo dân trong Nam cũng đến hiệp thông và tham dự thánh lễ.

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha Phaolo Cao Đình Thuyên nói: “ … việc của Thái Hà cũng là việc của Vinh của Thanh Hóa và của cả Giáo hội Việt Nam. Đây là vấn đề chúng tôi rất bức xúc! Như anh chị em biết, mọi nhất cử nhất động của chúng ta đều liên đới với nhau cả, vì chúng ta đều nằm trong một thân thể mầu nhiệm là Đức Kitô, nên việc của Thái Hà cũng là việc của Thánh Hóa, cũng là việc của Vinh, và việc của Vinh cũng là việc của anh chị em Thái Hà và của cả Giáo Hội Việt Nam. Do đó chúng tôi đến đây để cầu nguyện cùng anh chị em cho công lý và hòa bình. Xin Chúa ban thêm sức mạnh cho anh chị em vì công lý mà đã chịu nhiều đau khổ và thử thách…”

Trong bài giảng, Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh đã nhắc lại một lần nữa lời khai lễ của Đức Cha Phaolo: “Đức Cha Phaolo Cao Đình Thuyên, đại diện cho giáo phận Vinh; tôi đại diện cho giáo phận Thanh Hóa và Phát Diệm đến để tỏ tình hiệp thông với anh chị em để nói lên tình hiệp thông rộng lớn trong Giáo hội Việt Nam…”. Ngài cũng kêu gọi mọi người tỏ tình hiệp thông với những “anh em đồng đạo bị bắt giam, với những người bị chính quyền “hỏi thăm” cách này cách khác…”.

Sau thánh lễ, đoàn đồng tế với thánh giá nến cao đi đầu đã tiến ra linh đài Đức Mẹ để cầu nguyện trong tiếng hát của Lời Kinh Hòa Bình…

Giáo khu Hà Nội đoàn kết và cương quyết đòi công lý và sự thật

Cho đến nay, các vị giám mục, linh mục và giáo dân Công Giáo từ khắp nơi miền Bắc, và bắt đầu có các nhóm từ miền Trung, miền Nam đến Thái Hà hiệp thông cầu nguyện như sau

Các vị Giám Mục thuộc Giáo Khu Hà Nội đã tỏ tình hiệp thông và tới cầu nguyện ở thái Hà gồm có 7 Giám Mục:
GM Thái Bình Đức Cha Nguyễn Văn Sang
GM Hải Phòng Đức Cha Vũ Văn Thiên
GM Lạng Sơn Đức Cha Đặng Đức Ngân
GM Bắc Ninh Đức Cha Hoàng Văn Đạt
GM thuộc Phát Diệm Đức Cha Nguyễn Văn Yến
GM Thanh Hoá Đức Cha Nguyễn Chí Linh
GM Vinh Đức Cha Cao Đình Thuyên

Có 2 Giám Mục đã lên tiếng, viết thư hiệp thông gồm:
TGM Hà Nội Đức TGM Ngô Quang Kiệt
GM Hưng Hoá Đức Cha Vũ Huy Chương

Ngoài ra TGM Sài Gòn Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn cũng đã lên tiếng ủng hộ giáo xứ Thái Hà đòi công lý và phiền trách về việc báo chí Nhà Nước thông tin thiếu trung thực và một chiều.

(Chú thích: Như vậy tất cả các Đức giám mục thuộc Giáo khu Tổng Giáo phận Hà nội đã tỏ tình hiệp thông và đã tới cổ võ tinh thần, nâng đỡ và cầu nguyện với giáo xứ Thái Hà. [Chỉ còn thiếu vắng 2 giám mục giáo phận Bùi Chu. Chắc chắn các vị sẽ có mặt trong nay mai!] )

Lên tiếng, bênh vực, khẳng định chính nghĩa của giáo dân, tu sĩ Thái Hà và hiệp thông đòi công lý.

Đã có 4 linh mục đoàn gồm:
Linh mục đoàn Hà Nội gần 100 vị
Linh mục đoàn Bắc Ninh hơn 60 vị
Linh mục đoàn Hạt xóm mới Sài Gòn
Linh mục, tu sĩ đoàn tỉnh dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.

Thêm vào đó các Cộng đồng, cộng đoàn Công giáo Việt nam tại Hoa Kỳ, Úc châu và Âu châu đã lên tiếng ủng hộ, viết thỉnh nguyện thư lên các tổng thống, thủ tướng và các cơ quan Nhân quyền và các tổ chức tranh đấu cho Tự do Tín ngưỡng.

Một điểm đáng lưu ý là dù các cơ quan ngôn luận của Nhà nước đều đưa tin bêu xấu các linh mục và giáo dân Thái Hà, lại còn bị hai ông tướng công an đe dọa bỏ tù, nhưng linh mục và giáo dân vẫn tiép tục đến cầu nguyện với Thái Hà.

Kinh nghiệm cũng cho biết rằng các giáo xứ trên toàn quốc đều đã biết tin, thông qua truyền hình, báo chí nhà nước, họ có thừa kinh nghiệm nhận ra tính cách "đảo chiều" những lời nói của báo đài cộng sản, sau đó họ được các linh mục coi sóc giải đáp, thông tin thêm về Thái Hà, ở đâu, người Công Giáo Việt Nam cũng lo lắng và Cầu Nguyên cho Thái Hà … Họ nhận ra bộ mặt thật của chính quyền cộng sản từ lâu, đây chỉ là lúc thuận tiện để họ cùng người anh em Thái Hà Cầu nguyện đòi công lý.
 
Những tính toán sai lầm của chính quyền Hà Nội
Đức Hải
15:12 10/09/2008
HÀ NỘI - Ở trang nhất báo Hà Nội Mới ra ngày hôm nay (10.9.2008) có bài viết của Anh Quang với nhan đề “Vụ việc Thái Hà có lợi cho ai?” Ở đầu bài báo, tác giả đặt câu hỏi: “Liệu những người chủ tâm gây ra vụ việc nghiêm trọng này trong nhà thờ Thái Hà có nhận thức hết hậu quả tai hại từ hành động nguy hiểm của họ hay không? Vì sao đến nay, họ vẫn bất chấp tất cả, không chịu nghe theo lẽ phải, ngang nhiên coi thường kỷ cương phép nước, phớt lờ dư luận …?”

Những câu hỏi này thiết tưởng cần được đặt ra cho chính giới chức cầm quyền Hà Nội thì mới phải. Có lẽ bây giờ các vị này cũng đang bối rối vì những động thái thiếu khôn ngoan của mình thời gian qua.

Hậu quả của những can thiệp thô bạo của một số lãnh đạo nhà nước trong vụ việc tranh tụng đất nhỏ bé ở Thái Hà bây giờ đã trở nên quá to tát và tai hại.

Chưa xác định được rõ chủ quyền sở hữu đích thực, hợp pháp của mảnh đất là ai, vậy mà công an quận Đống Đa đã vội vàng khởi tố vụ án đập tường và bắt giam một số người! (Những văn bản pháp lý mà UBND thành phố Hà Nội trưng ra để đưa ra phán quyết về mảnh đất, trái ngoe nhau đến mức những người am hiểu pháp luật một chút cũng dễ dàng nhận thấy được).

Hơn nữa, giáo dân đang cầu nguyện ôn hoà thì chính quyền đã vội vàng mang dùi cui và hơi cay đến để đàn áp! Đặc biệt, chỉ đạo sai lầm của nhà chức trách Hà Nội là huy động toàn bộ hệ thống truyền thông nhảy vào cuộc để vùi dập và bóp méo sự thật về sự kiện Thái Hà.

Đã vậy, những phóng viên của nhà nước được huy động để làm việc này dương như là những người cẩu thả, làm cho qua chuyện. Cụ thể đọc bài báo của Anh Quang sáng nay, nhiều người bảo nhau: Không biết anh nhà báo này có phải là của nhà thờ Thái Hà gài vào hay không?!

Những thông tin sơ đẳng nhất về diễn biến sự kiện Thái Hà tối qua, anh nhà báo này cũng còn nắm không chắc. Anh đã phóng đại con số linh mục đồng tế tại nhà thờ Thái Hà lên đến 600, thực chất thì chỉ có khoảng gần 70. Chính vì huy động những phóng viên, nhà báo thiếu hiểu biết, làm việc tắc trách, cẩu thả, nên giới lãnh đạo Hà Nội bây giờ mới phải trả giá đắt: hệ thống truyền thông sai lệch, một chiều của nhà nước từ trước đến nay bị vạch trần, dân chúng dường như mất tin tưởng vào đường lối chỉ đạo của nhà nước!

Trước sức ép của quần chúng nhân dân trong nước và nước ngoài như hiên nay, liệu những người chủ tâm gây ra vụ việc nghiêm trọng này trong bộ máy lãnh đạo nhà nước có nhận thức hết hậu quả tai hại từ hành động nguy hiểm của họ hay không? Vì sao đến nay, họ vẫn bất chấp tất cả, không chịu nghe theo lẽ phải, ngang nhiên coi thường kỷ cương phép nước, phớt lờ dư luận …?
 
Tha thứ nhưng không đồng loã với bất công, phản bội lẽ phải!
Lại Thế Lãng
15:14 10/09/2008
THA THỨ NHƯNG KHÔNG ĐỒNG LÕA VỚI BẤT CÔNG, PHẢN BỘI LẼ PHẢI

Bài Phúc âm Chúa nhật tới, Chúa nhật 24 thường niên năm A sách Phúc âm thánh Mac-cô kể lại: Khi Phêrô hỏi Chúa Giêsu “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?”. Chúa Giêsu đáp lại “Thầy không bảo là đến bảy lần nhưng là đến bảy mươi lần bảy”.

Hẳn là Chúa Giêsu không có ý nói phải tha thứ cho đến con số 490 thì thôi không tha thứ nữa nhưng mà là tha thứ mãi, tha thứ không ngừng, không giới hạn. Cũng chẳng phải Chúa Giêsu chỉ muốn nói với Phêrô hay các môn đệ của Người nhưng đó là lệnh truyền cho tất cả mọi người Kitô hữu về sự tha thứ.

Tha thứ qủa là không dễ dàng gì. Chỉ nói trong một phạm vi nhỏ hẹp là gia đình giữa vợ chồng với nhau, giữa anh chị em với nhau hay giữa con cái với cha mẹ thì cũng đã thấy chuyện tha thứ nhiều khi rất khó khăn huống hồ trong phạm vi rộng lớn và phức tạp hơn. Chẳng hạn đối với những kẻ xúc phạm đến danh dự; xâm phạm đến tính mạng, tài sản hay là đối với kẻ coi ta là kẻ thù, là đối tượng mà họ muốn trừ khử.

Vụ việc đang diễn ra ở Thái Hà là một thách đố lớn về sự tha thứ đối với giáo dân Thái Hà nói riêng và đối với người Công giáo nói chung. Làm sao không phẫn nộ cho được khi nhà cầm quyền dùng mọi phương tiện sẵn có trong tay, bất chấp mọi thủ đoạn để xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm vu cáo, mạ lỵ môt cách trắng trợn hầu chuẩn bị cho việc bắt bớ, đàn áp? Làm sao có thể không nguyền rủa đối với những thủ đoạn gian manh vừa ăn cướp vừa la làng? Đánh đập những người dân chân yếu tay mềm đến mang thương tích rồi lại chối leo lẻo rằng chỉ tự vệ. Làm sao không oán hận những trò bỉ ổi đưa người trà trộn vào giáo dân, lợi dụng lúc cúp điện thiếu ánh sáng để dở cái trò ném đá giấu tay? Xịt hơi cay vào những giáo dân đang chú tâm cầu nguyện rồi lại trơ trẽn hỏi ai là thủ phạm. Làm sao mà không muốn đưa tay vả vào miệng những kẻ được coi là rường cột của quốc gia lại có hành động vô giáo dục khi hè nhau cất tiếng hát “như có…” không đúng nơi, đúng lúc hay là tát vào mặt những kẻ trâng tráo dí sát ống kính vào mặt những giáo dân đến cầu nguyện? Làm sao mà không căm phẫn cho được khi người ta bày ra cái trò đưa một số người gọi là “những giáo dân cốt cán, đại diện giáo dân giáo xứ Thái Hà” để đấu tố linh mục và giáo dân Thái Hà hay là dở trò ngăn cản giáo sỹ và giáo dân từ những nơi khác hành hương về cầu nguyện và hiệp thông với Thái Hà ?

Thế nhưng người Kitô hữu không được hành động như lẽ thường tình bởi vì Kitô giáo là một tôn giáo của yêu thương. Yêu thương thì phải tha thứ. Tha thứ không phải chỉ được nói đến trong đoạn Phúc âm nêu trên mà còn được nói đến nhiều lần trong thánh kinh chẳng hạn như:

Trong sách Phúc âm thánh Mat-thêu: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mt 6:14-15)

Trong sách Phúc âm thánh Mac-cô: “Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em” (Mc 11:25-26)

Trong sách Phúc âm thánh Luca: “Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. (Lc 6:37)

Trong thư Colôsê: “Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3:13)

Trong sách Huấn ca: “Hãy nhớ đến các điều răn mà đừng oán hờn kẻ khác, nhớ đến giao ước của Đấng Tối Cao mà không chấp nhất điều lầm lỗi” (Hc28:7)

Người Công giáo ở Việt Nam, nhất là những giáo dân có mặt ở linh địa Thái Hà hàng ngày phải đối diện với bao nhiêu thử thách như bị vu khống, bị bắt bớ, bị hành hung, bị ngược đãi, bách hại, bị khiêu khích đủ cách …và hiện đang có những dấu hiệu cho thấy nhà cầm quyền sẽ mạnh tay với Thái Hà.Vậy phải làm gì? Có lúc tôi đã tự hỏi liệu có thể nhịn nhục mãi trước lối hành sử qúa vô lý, qúa thô bạo, qúa ngang ngược của những người ỉ quyền cậy thế? Nhưng là con cái của Chúa tất nhiên chúng ta phải đương đầu với mọi thách thức theo đường lối của Chúa.

Đối với những người đã nhúng tay vào việc bắt bớ, đàn áp, hãm hại những anh chị em tại Thái Hà, chúng ta hãy cầu nguyện cho họ và làm như lời khuyên trong thư Rôma “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa” (Rm 12:14). Chúng ta chỉ chúc lành và cầu nguyện cho họ còn việc khác hãy để cho Chúa lo liệu. Ngày xưa Saolô ngã ngựa trên đường đến Damas tìm diệt con cái Chúa để rồi sau đó trở thành một tông đồ nhiệt thành của Chúa. Biết đâu cũng sẽ có những Saolô khác hồi tâm khi đang ra sức tìm cách bách hại con cái Chúa tại Thái Hà.

Đối với những người đang làm công việc bịa đặt, đổi trắng thay đen, vu oan gía họa cho các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế và giáo dân Thái Hà thì Phúc âm thánh Luca đã dậy rằng “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6:28). Hay theo Phúc âm thánh Mat-thêu: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta xỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa” (Mt 5:11). Chúng ta cứ làm như lời dạy của Chúa và đừng quan tâm đến những trò đặt điều, vu khống vì cổ nhân đã nói “Hàm huyết phún nhân tiên ô tự khẩu”. Sự thật bao giờ cũng vẫn là sự thật. Những sự dối trá, lọc lừa trước sau gì cũng bị phanh phui và kết qủa sẽ đi ngược lại với những gì kẻ dối trá mong muốn.

Đối với những người được lệnh trà trộn vào trong giáo dân để theo dõi, phá rối hay khiêu khích … hãy cứ để cho họ làm công việc của họ. Phần giáo dân hãy giữ thái độ lịch sự với mọi người đến với Thái Hà, dù họ là ai. Biết đâu một lúc nào đó khi một mình đối diện với lương tâm, những người đó sẽ nhận ra đâu là sự thật đâu là gỉa dối mà có sự chuyển đổi trong tâm hồn. Với những phóng viên muốn quay phim chụp hình, đừng tỏ ra bực bội mà hãy vui vẻ, nở một nụ cười với họ hoặc vẫy tay chào trước ống kính của họ. Những hình ảnh này sẽ là những hình ảnh tuyệt đẹp khi được đưa lên truyền hình hay báo chí.

Cả thế giới đã lên tiếng về vụ việc ở thái Hà. Người Công giáo Việt Nam không thể che mắt bịt tai đối với những bất công mà anh chị em ở Thái Hà đang phải gánh chịu. Hơn lúc nào hết cần gặt bỏ cái tinh thần “Đèn nhà ai nhà ấy rạng”mà tỏ rõ thái độ hỗ trợ cho giáo dân Thái Hà. Càng ngày càng có nhiều đoàn hành hương gồm Giám mục, linh mục, tu sỹ và giáo dân từ khắp nơi đổ về Thái Hà khiến cho nhà cầm quyền lo ngại. Họ đã chỉ thị cho công an dùng nhiều thủ đoạn nhằm ngăn cản những cuộc hành hương đến Thái Hà. Rồi đây có thể các đoàn hành hương sẽ khó vượt qua được hết những nút chặn của công an để đến được Thái Hà. Trong trường hợp đó các linh mục quản hạt, quản xứ chỉ cần kêu gọi giáo dân trong giáo hạt, giáo xứ cầu nguyện cho Thái Hà và bày tỏ sự liên đới với Thái Hà bằng những lá thư hiệp thông. Chẳng có ai có quyền ngăn cấm các buổi cầu nguyện và cũng chẳng ai có thể ngăn chặn được những lá thư hiệp thông nói lên sự đồng lòng với Thái Hà.

Chúa Giêsu không chủ trương bạo động nhưng người Công giáo Việt Nam, noi gương tiền nhân, sẽ không khiếp nhược trước bạo quyền trong việc đòi hỏi công bằng. Là người tin theo Chúa, các Kitô hữu sẵn sàng tha thứ. Nhưng tha thứ không có nghĩa là đồng lõa với bất công và phản bội lẽ phải.

Vermont 10/9/2008
 
Báo Hà Nội Mới ''tự tố cáo“ sự dối trá của mình qua những con số thống kê
Hà Long
15:18 10/09/2008
THÁI HÀ - Báo Hà Nội Mới với nhóm phóng viên nội chính đã sự dụng tất cả từ ngữ đội vạ cáo gian cho giáo xứ Thái Hà trong nhiều ngày qua như: tiếp tay cho kẻ xấu gây rối xã hội, vi phạm pháp luật, dụ dẫn giáo dân, bị dư luận lên án, chính quyền và các ngành chức năng phải kiên quyết xử lý, phải dứt khoát trừng trị những kẻ phá rối an ninh trật tự, xử lý nghiêm những người giả danh theo đạo để làm những việc phi pháp.

HNM còn nhìn thấy cảnh tình thảm thương của giáo dân Thái Hà: „Vài ngày trở lại đây, trong nhà thờ Thái Hà luôn có vài trăm giáo dân tụ tập, ăn ngủ vạ vật chờ được thấy “Đức Mẹ hiển linh”, nhưng chờ mãi mà không thấy... “Đức Mẹ hiển linh”, nhiều người đã bỏ về.

Theo thống kê riêng biệt của các phóng viên nội chính HNM đã ghi chép trong báo HNM, có lẽ nhóm bồi bút này chẳng còn tâm trí đâu mà tìm ra các sự dối trá nữa ngoài đi đếm… từng người hành hương, mặc dù là họ cố tình đếm „gian““ đi một chút, nhưng cũng cho chúng ta thấy các con số dữ liệu đáng kể như sau, (trích dẫn nguyên văn 4 thống kê của HNM):

  • … ngày 7/9, khu vực nhà thờ Thái Hà chật ních người đến làm lễ và kéo sang khu đất của công ty cổ phần may Chiến Thắng với khoảng 2.200 người.
  • Sáng nay (8/9) có hàng chục linh mục với hơn 1.000 giáo dân đến làm lễ ở khu vực này.
  • Đến 20h tối cùng ngày (9/9), khoảng 1.000 giáo dân dưới sự hậu thuẫn của nhiều linh mục, tiếp tục tụ tập đặt thêm một bức tượng cao 1,2m trong khu đất và tổ chức cầu nguyện tại khu vực đặt tượng.
  • Tiếu lâm và ngây ngô nhất trong những ngày qua của HNM, ngày 10/9 do tác giả Anh Quang vẽ thêm rồng phượng về Linh Địa Đức Bà, tên này trông gà hóa quốc vào lúc ban đêm đã thổi phồng trơn tru cho con số linh mục hiện diện lên đến 600 lận.
  • Ngay trong đêm 9-9, đã có tới 600 linh mục cùng hàng nghìn giáo dân kéo sâu vào trong khu đất để dựng tượng (HNM ngày 10/9).
Như thế HNM dùng câu viết „nhiều người đã bỏ về“ để chính mình vạch áo tố cáo mình về sự dối trá biến đen thành trắng qua các thống kê về đoàn người giáo dân đến Thái Hà chật ních do chính họ đưa ra con số cho cả 3 ngày, tuy chưa chính xác cho lắm vì theo GX Thái Hà cho biết vào lúc cao điểm lên đến 6.000 khách hành hương. Lần đầu tiên báo HNM nói một chút xíu trung thực về GX Thái Hà, tuy nhiên chỉ nói về con số mà thôi!

Khi HNM nêu con số còn nhắc thêm một điểm quan trọng trong những ngày 7 và 8/9 về thời tiết xấu „lợi dụng trời mưa to“ . Trời mưa to để làm gì, đáng lý người dân ở nhà cho đỡ cơ cực hơn không? Hay là mưa to nhìn thấy biển người „giáo dân thật danh“ dầm mưa đến Linh Địa Thái Hà đã làm cho nhóm phóng viên nội chính HNM càng căm thù thêm?

HNM đã dùng những câu thật mạnh bạo để tố giác giáo dân Thái Hà như: „xử lý nghiêm những người giả danh theo đạo để làm những việc phi pháp“, xin họ hãy đọc tựa đề bài báo của Ba Lan mới đăng ngày 9/9 như sau: „Wietnam fałszywi księża krytykują katolików w telewizji“ - tạm dịch: „Việt Nam - Linh mục giả danh nói xấu giáo dân trên đài truyền hình“. Ngay cả tòa giám mục Hưng Hóa vào ngày 8/9 đã vạch trần sự giả danh dối trá của một cán bộ tại Cần Kiệm đã xưng mình là người theo đạo và thuộc về giáo xứ Cần Kiệm phát biểu trên ĐTH Hà Nội.

Ai đang coi thường pháp luật ở nơi đây? Ai đang làm những việc phi pháp?
 
Giám mục, linh mục và giáo dân giáo phận Lạng sơn đến Thái Hà và củng hiệp thông
PV VietCatholic
15:33 10/09/2008
THÁI HÀ- Trưa thứ tư, 10/09/208, Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân đã đến Thái Hà dâng lễ bày tỏ sự hiệp thông với Giáo xứ Thái Hà trong công cuộc làm chứng cho công lý.

Cùng đi với Đức Giám Mục còn có cha Giêrônimô Trần Phúc Hạnh, Tổng Đại Diện và các thành viên thuộc Linh Mục Đoàn Giáo phận và đại diện các tu sĩ nam nữ đang phục vụ ở Lạng Sơn.

Thánh lễ có khoảng 20 cha đồng tế và khoảng 2000 người tham dự trong đó phần lớn là khách hành hương thập phương về từ nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Trước lễ, sau khi đã giới thiệu Phái Đoàn Lạng Sơn, cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng còn nói với cộng đoàn rằng: “Sự kiện hiệp thông cầu nguyện của Lạng Sơn này là một vinh dự rất lớn cho chúng ta. Qua Đức Cha chúng ta cảm thấy tất cả các anh chị em dân tộc, cả vùng biên giới cùng hiện diện ở đây và cầu nguyện với chúng ta”.

Xem hình ảnh phái đoàn giáo phận Lạng Sơn thăm Thái Hà

Ngỏ lời với cộng đoàn hiện diện khi nhập lễ, Đức Giám Mục Lạng Sơn cho biết: “Hôm nay là ngày tĩnh tâm của linh mục tu sĩ trong Giáo phận. Nhưng kỳ tĩnh tâm này là một cuộc hành hương. Tất cả đã vội vã lên đường để thăm viếng, khích lệ, ủi an người anh chị em, để cùng tuyên xưng giá trị của niềm tin trong ơn gọi Kitô hữu”.

Trong bài chia sẻ lời Chúa, Đức Giám Mục nhấn mạnh thái độ sẵn sàng lên đường của những người đã đến Thái Hà. Họ đến đây để nói lên giá trị của niềm tin. Để trình bày một khuôn mặt của Chúa Kitô trong thân thể mầu nghiệm của Giáo Hội. Để trình bày một giá trị của tình yêu, đó là sự liên đới với anh chị em của mình và ngài khẳng định “các cha các tu sĩ nam nữ và giáo dân Thái Hà chỉ cần cái đó mà thôi”.

Đức Giám Mục còn nói rằng: “Chúng ta đến đây là ra khỏi sự sợ hãi của mình, ra khỏi sự nghi kỵ của những cái nhìn bên ngoài để trình bày cho thế giới chúng ta đang mang một giá trị lớn nhất, một ước mơ lớn nhất, một tiếng nói duy nhất, đó là giá trị của công bằng của đạo lý của tình yêu thương và của hoà bình. Chúng ta mang đến đây để chia sẻ cho nhau”.

Đức Giám Mục đã dành cho các tu sĩ DCCT Thái Hà những lời thật đẹp. Ngài nói: “Gặp gỡ các cha DCCT ở đây tôi thấy thật là yên ủi. Nơi họ vẫn sáng lên một giá trị của tình yêu. Nơi họ vẫn nói lên một tiếng gọi hiệp nhất. Và nơi họ vẫn là xác tín những gì mình đã đang và tiêp tục thể hiện. Họ không phải là những người chống đối xã hội. Họ không phải là những người làm rối loạn trật tự cộng đoàn. Mà họ đang là những người chỉ trình bày một cách thế của niềm tin để sống ơn gọi là ki tô hữu giữa hành trình trần thế. Cuộc hành trình đó có thử thách, nhưng cũng có những ơn chúc lành của Chúa nâng đỡ họ. Và cái chúc lành đó đang đọng lại trên những đôi mắt, nụ cười, gương mặt, dù là gương mặt vất vả vì lo toan và mệt nhọc vì thời gian và năm tháng”.

Cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng, Bề trên-Chính xứ Thái Hà, đại diện cộng đoàn cám ơn Đức Giám Mục, các linh mục và các tu sĩ Lạng Sơn và quý ông bà anh chị em từ khắp nơi đã về Thái Hà cầu nguyện. Ngài nói sự hiện này là “một hình ảnh rất đẹp về sự hiệp thông trong Hội Thánh” và ngài cảm thấy hạnh phúc vì sự hiện diện này.

Đức Giám Mục cùng quý cha đồng tế đã xếp hàng tiến ra Linh địa Đức Bà cầu nguyện cùng các tín hữu đang quay quần bên Đức Mẹ. Tại đây, Đức Giám Mục Lạng Sơn gợi đến các dấu chỉ Mẹ tỏ lộ ở nơi này: Dấu chỉ của hiệp nhất, dấu chỉ của thu hút, dấu chỉ của việc đề cao những giá trị của con người.

Đức Giám Mục cũng khẳng định những dấu chỉ đó nâng đỡ con cái Mẹ và ngài mời gọi cộng đoàn xin Mẹ hiện diện ban ơn hãy khích lệ, giúp đỡ cho cộng đồng dân Chúa giáo xứ Thái Hà, để họ nhận ra tiếng gọi của tình thương Chúa, giúp cho họ thêm tin tưởng mạnh mẽ can đảm hiệp nhất và bày tỏ tâm tình con thảo với mẹ.

Bài giảng của Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân trong thánh lễ hiệp thông với Thái Hà ngày 10.09.2008.

Nge bài giảng của ĐC Đặng Đức Ngân

Quí ông bà anh chi em thân mến,

Khi Đức Maria vội vã lên đường, Mẹ đã mang trong mình một giá trị lớn nhất. Mang một giá trị tin, mang một khả năng yêu thương và mang một tinh thần phục vụ. Cũng như những người thiếu nữ Do Thái khác, Maria luôn tin vào tình thương của Đức Chúa và niềm tin đó mạnh đến mức “Xin hãy đến để canh tân bộ mặt trái đất”, và Maria một niềm tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa. Cha mẹ đã dâng hiến Maria cho Thiên Chúa ngay từ nhỏ. Nhưng với con người có sự tự do, Maria vẫn tiếp tục chọn lựa sự tự do mà cha mẹ mong muốn nơi cuộc đời mình trở nên một giá trị dâng hiến liên lỉ, dâng hiến trong tin tưởng, dâng hiến trong yêu mến và dâng hiến trong sự phục vụ.

Khi được sứ thần truyền tin để trở nên Mẹ của Thiên Chúa Nhập Thể, Maria đã ngỡ ngàng. Sự ngỡ ngàng đó nói lên một sự thánh thiện, thánh thiện để muốn trọn vẹn với lời hứa của Thiên Chúa. Thánh thiện trong sự khiêm cung của cuộc đời mình ẩn dật muốn luôn là như vậy. Nhưng khi đón nhận ơn của Chúa và tình thương của Chúa mời gọi qua lời Sứ Thần, Maria đã thốt lên trong tin tưởng, thốt lên trong phó thác, thốt lên trong vâng phục và yêu mến. “Xin Chúa hoàn tất nơi con những gì Chúa muốn”. Ngay lập tức Maria đã trỗi dậy lên đường để đến thăm bà chị họ không phải đến để khoe được mình là Mẹ của Thiên Chúa Nhập Thể mà đến trong phục vụ trong tư cách của một người em họ để phục vụ và nâng đỡ người chị họ đang mang thai được sáu tháng mà là người chị họ đã có tuổi. Thế thôi, đó là một tư tưởng của niềm tin và cách trình bày giá trị của lòng đạo đức nhưng trong khiêm tốn và yêu thương, khi gặp gỡ chỉ một chút loé sáng mà thôi, bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi. Maria đã không nhận những công hiệu mà cũng không nhận những ơn hồng phúc mà Thiên Chúa đã dành cho mình mà đã thốt lên những lời cảm tạ tri ân cùng Chúa đến muôn đời để nói lên tất cả, để tôn vinh Chúa, để cho danh Chúa hiện diện và tất cả để thực hiện thánh ý Thiên Chúa. Rồi ba tháng ở lại trong âm thầm để nâng đỡ, để giúp đỡ bà chị họ.

Hôm nay khi ngồi trên xe từ Lạng Sơn về Hà Nội trong ngày tĩnh tâm tháng của Giáo Phận, chúng tôi nhận thấy một quyết định thật lạ, chúng tôi cũng như hình ảnh của một Đức Maria, nhưng không dám mang mình là những người sánh với Đức Maria mà chỉ là một hình ảnh lắng nghe. Maria đã lắng nghe lời Thiên Chúa truyền tin. Có lẽ anh em linh mục và chúng tôi cũng lắng nghe nhưng mà lắng nghe tin tức của cuộc đời. Một Sứ Thần truyền tin cho một Maria làm nên một giá trị vĩ đại, trở nên Mẹ Thiên Chúa

Còn truyền tin của thế giới hôm nay là đang nhắn nhủ, đang nhắc nhủ và có thể nói đang nói những câu có thể làm chúng ta ngỡ ngàng về một người anh chị em họ của mình và chúng tôi cũng lên đường đến đây. Cũng như quí ông bà đang hiện diện nơi đây không phải đến để như Đức Maria mà nói lên dấu chỉ Thiên Chúa mà có thể dấu chỉ mà Êlisabet thốt lên “Bởi đâu mà Mẹ Thiên Chúa đến thăm tôi”.

Qua lời chào của cha Bề Trên DCCT Hà Nội, chúng ta mới cảm thấy chúng ta đang như một hành trình của ơn một gọi khi ngài chào đón tất cả chúng ta từ Giám mục Linh mục đoàn của giáo phận Lạng Sơn, các bà bề trên của các dòng tu của Lạng Sơn và chính chúng ta nữa là những người từ khắp nơi trong Giáo Hội Việt Nam hiện diện hôm nay, hiện diện nơi đây liên lỉ.

Chúng ta không thể như Đức Maria hiện diện và ở lại tiếp tục đồng hành với Giáo xứ này với quí cha Dòng Chúa Cứu Thế liên lỉ như Đức Maria cho đến ngày bà Êlisabet sinh con. Chúng ta làm điều đó bởi vì chúng ta cũng phải có công việc, có bổn phận, có trách nhiệm, nhưng chúng ta đến đây, cũng như anh em chúng tôi từ giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ đến đây, không phải để khoe chức giám mục, linh mục của mình; cũng không phải để khoe các chức vị bề trên của các dòng tu; cũng như anh chị em đến đây không phải để khoe mình là kỹ sư, là bác sĩ, là những thành phần trong xã hội hay những người nông dân nghèo. Chúng ta không đến đây để khoe cuộc đời nghèo của mình, mà chúng ta đến đây để nói lên một giá trị hiệp nhất, đó chính là giá trị của niềm tin và niềm tin đó cần thiết lắm, niềm tin đó là tất cả cho chúng ta.

Chúng ta đến đây để trình bầy một gương mặt của Chúa Kitô trong thân thể mầu nhiệm của Giáo hội và thân thể đó được bày tỏ của sự hiệp thông lớn nhất.

Chúng ta trình bày ở nơi đây một giá trị của tình yêu đó là sự liên đới với anh chị em của mình. Và các cha, các tu sĩ nam nữ và giáo dân Thái Hà chỉ cần cái đó thôi, không phải mong chúng ta đến đây để cung cấp tiền bạc hoặc các phương tiện trần thế để làm nên một dấu chỉ sức mạnh của Giáo hội.

Giáo hội không là sức mạnh giữa trần thế hôm nay, mà Giáo hội chỉ có một sức mạnh, mà sức mạnh đó Đức Kitô nói: “Hỡi Phêrô, con là đá. Trên đá này Ta xây Hội Thánh của thầy và không cửa địa ngục nào thắng nổi”. Chúng ta đang trình bày một giá trị đức tin đó, chúng ta đang chia sẻ sự hiệp nhất yêu thương đó, dù chúng ta vẫn nghèo, dù chúng ta vẫn còn thiếu thốn, dù chúng ta vẫn còn bao khó khăn và thử thách.

Hôm nay Cha Bề Trên giới thiệu Giáo Phận Lạng Sơn của chúng tôi thật sự khiêm tốn: một Giám mục, tám linh mục - một linh mục đang ở ngoại quốc, còn bảy linh mục hôm nay cũng đang hiện diện nơi đây; có ba dòng tu nữ thì ba bà bề trên cũng đang hiện diện nơi đây, đại diện cho 6.200 giáo dân trải dài trên gần 500km. Một Giáo phận nghèo, một Giáo phận cũng bị khó khăn và thử thách trải dài trong lịch sử, thế nhưng sự hiện diện của giáo phận đó, cũng nói lên sự hiện diện của cả cộng đồng dân Chúa. Và sự chia sẻ với anh chị em, từ linh mục, tu sĩ nam nữ giáo xứ Thái Hà, thì tiếng nói chúng tôi rất đơn sơ chân thành nhưng lại là dấu ấn của giá trị đức tin cũng đã từng vượt qua những thử thách giữa cuộc đời này. Maria vội vã lên đường, tức là đã dám đi ra khỏi nhà mình để mang ơn Chúa, mang Đức Kitô đi gặp gỡ người khác.

Trong ngày tĩnh tâm của linh mục đoàn cũng như tu sĩ nam nữ Giáo Phận Lạng Sơn, chúng tôi không đóng cửa lòng mình lại để ngồi trong những căn phòng tĩnh lặng mà tĩnh tâm với Chúa, nhìn lại một tháng đã qua của cuộc đời mình trong ơn gọi, nhưng lần tĩnh tâm này, đặc biệt tĩnh tâm đi giữa cuộc đời, mang ơn của Chúa trong lòng mình, nơi đó có cả những khiếm khuyết, nơi đó có cả những trăn trở, nơi đó có cả những thao thức, nơi đó có cả những lo lắng cho những khó khăn của một giáo phận nhỏ, giáo phận nghèo, nhưng nơi đó cũng mang một hy vọng mới, một giáo phận đang thổi bùng lên ngọn lửa truyền giáo và đó là tất cả.

Cũng như quý ông bà và anh chị em cũng can đảm đến đây, là ra khỏi cái tôi của mình, ra khỏi sự sợ hãi của mình, ra khỏi sự nghi kỵ của những cái nhìn bên ngoài của mình để trình bày cho thế giới thấy chúng ta đang mang một giá trị lớn nhất, một ước mơ lớn nhất và một tiếng nói duy nhất, đó là giá trị của công bằng, của đạo lý, của tình yêu thương và của hoà bình. Và đó là chúng ta mang đến đây để cùng chia sẻ cho nhau. Tưởng rằng đến đây để gặp gỡ Đức Mẹ, nhưng không ngờ chính Đức Mẹ lại đồng hành với chúng tôi và với mỗi ông bà và anh chị em để cùng trao tặng cho giáo xứ Thái Hà, nhưng lại nhận lãnh từ nơi đây, trung tâm hành hương, những dấu chỉ của Mẹ Maria, sự nâng đỡ, và chính những gì mà giáo xứ Thái Hà qua các cha và những tu sĩ nam nữ và giáo dân đang thể hiện giá trị niềm tin thì chúng ta lại đón nhận để tiếp tục trở về trong trách nhiệm và bổn phận của mình mà trình bày với miền đất chúng ta đang sinh sống, đang thể hiện bổn phận ơn gọi Kitô hữu một giá trị đức tin, một giá trị của tình yêu mến và sự phục vụ tha nhân liên lỉ.

Ngày hôm nay tình thương của Chúa giúp chúng ta gặp gỡ nhau và sự liên đới qua Mẹ giúp chúng ta nhìn thấy nhau, và đó chính là ơn phúc. Và ngày hôm nay khi chúng ta cùng dâng lên lời cầu nguyện với Chúa và lời cầu xin với Mẹ cho anh chị em, cho quý cha của giáo xứ Thái Hà tiếp tục với những gì mà các ngài đang khởi hành. Khi mới đến gặp Cha Bề Trên tôi có hơi bâng khuâng nhìn hình ảnh của một Vị Bề Trên cách đây mấy tháng khi nhận chức bề trên, mặt mũi hồng hào đẹp đẽ nhưng ngày hôm nay như da mặt có vẻ xanh mướt. Tôi hỏi sao mà Cha yếu thế, ngài bảo không yếu không được, nhưng thấy rõ ràng qua câu chuyện: “Đó chỉ là cái yếu về thể xác” những sự khó khăn và thử thách nhưng vẫn toát lên qua ánh mắt, cũng như gặp gỡ các cha của DCCT ở nơi đây hôm nay tôi cảm thấy thật yên ủi, nơi họ vẫn sáng lên một giá trị của tình yêu, nơi họ vẫn nói lên một tiếng gọi hiệp nhất, và nơi họ vẫn là xác tín những gì mình đã đang và tiếp tục thể hiện.

Họ không phải là những người chống đối xã hội, họ không phải là những người làm rối loạn trật tự cộng đồng, mà họ đang là những người chỉ trình bày một cách thế của một niềm tin để sống ơn gọi là Ki tô hữu giữa cuộc hành trình trần thế. Và cuộc hành trình đó có thanh luyện, có thử thách, nhưng cũng có những ơn phúc lành của Chúa nâng đỡ họ. Cái phúc lành đó đang ẩn hiện trên những đôi mắt những nụ cười, trên những gương mặt, dù gương mặt có thể vất vả lo toan và mệt nhọc vì thời gian và năm tháng.

Chúng ta cũng vậy, hãy cầu nguyện cho nhau, và chúng ta cũng như hình ảnh Đức Maria hôm nay, vội vã lên đường để đến với Chúa, vội vã lên đường để đến với nhau, và vội vã lên đường để trình bày giá trị của con tim yêu mến tin tưởng và phó thác. Nguyện xin tình yêu của Chúa qua lời cầu của Mẹ Maria nâng đỡ quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý ông bà anh chị em và nâng đỡ cuộc hành trình sống đạo chúng ta, để chúng ta cũng có thể thốt lên như Đức Maria một tâm tình đẹp nhất: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa đã làm cho tôi những điều trọng đại”. Trong ơn gọi bổn phận, trong những khó khăn thử thách, thì chung ta vẫn có thể thốt lên tâm tình đó, để trở lên một dấu chỉ hiệp thông, dấu chỉ cầu nguyện và dấu chỉ bình an trong niềm hạnh phúc mà chúng ta khắc khoải xây dựng nền công chính hòa bình, tình thương Chúa giữa cuộc sống hôm nay, xin được như vậy. Amen
 
Chiến dịch bắt bớ và đàn áp ở Thái Hà tăng tốc, đang khi TGM Hà Nội gặp Trợ lý Ngoại giao Hoà Kỳ
Đồng Nhân
20:22 10/09/2008
Chiến dịch dọa nạt, bắt bớ, và đàn áp những người hiệp thông cầu nguyện ở Thái Hà đã bắt đầu

HÀ NỘI - Nhà cầm quyền CSVN đã lên tiếng cảnh cáo sẽ bắt giữ “Những ai cố tình vi phạm, kích động, xúi giục hay gây rối sẽ bị xử lý nghiêm khắc” trong vụ việc giáo xứ Thái Hà đòi lại tài sản. Sang hôm nay công an bắt thêm 4 người liên quan tới việc cầu nguyện ở Thái Hà, thì chiều hôm nay (10.09.2008) tại toà tổng giám mục Hà Nội, Đức TGM Ngô Quang Kiệt cũng tiếp Ngài trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Á Châu, cùng phó đại sứ và tham tán đặc trách Nhân quyền của Toà đại sứ Hoa Kỳ Tại Hà Nội. (Chi tiết cuộc gặp chưa được tiết lộ, nhưng chúng tôi sẽ tường trình sau).

Một phóng viên của VietCatholic ở Hà nội đưa tin cho chúng tôi như sau: "Những ngày qua, có nhiều động thái cho thấy có thể có nhiều diễn biến phức tạp với Thái Hà cũng như với các giáo dân. Những sự phức tạp đó bắt nguồn từ việc nhà cầm quyền Hà Nội không chấp nhận lắng nghe tiếng nói của người dân mà chỉ dựa vào những ý định áp đặt của họ. Phần tôi, tôi cũng đã bị công an đến thẩm vấn mấy lần và còn đe dọa không được tiếp tục viết bài thông tin về tình hình ở Thái Hà. Tôi trả lời họ, tôi chỉ viết những điều mình thấy, những điều mình nghĩ, những tiếng nói của lương tâm khi thấy sự bất công và là tiếng kêu bé nhỏ cho sự đau thương gian khó của cộng đồng giáo dân nhỏ bé đã không được ai chú ý đên. Rộng hơn, đó là một đất nước mà sự dối trá đã bị lan tràn. Những điều đó, với lương tâm người Công giáo là không được bỏ qua, vì vậy tôi đã nói lên tiếng nói của mình, dù có thể một số người không vừa ý... tuy nhiên họ cảnh cáo và đe dọa nếu không nghe họ sẽ truy tố... Hiện nay, căn cứ những gì mà nhà nước đang làm, một số người có sự lo lắng cho tôi, tôi xin cảm ơn nhiều tất cả những người đó và cảm ơn Giáo Hội Hiệp nhất trong tình huynh đệ. Xin mọi người cầu nguyện cho tôi nhiều. Sau mấy lần tiếp xúc, hiện họ vẫn còn chưa bắt, nhưng những ngày tới, chưa biết sẽ ra sao."

Những lời đe dọa từ phía chính quyền CS Hà Nội:

Thứ trưởng Bộ Công An CSVN Nguyễn văn Hưởng xác định “Công an Hà Nội khởi tố vụ án hình sự, khởi tố, bắt tạm giam một số bị can có hành vi quá khích, gây rối, hủy hoại tài sản là biện pháp cần thiết và đúng pháp luật” và lại còn “chỉ đạo Công an Hà Nội cần tiếp tục điều tra, làm rõ những đối tượng có hành vi vi phạm để xử lý đúng tính chất, mức độ”.

Bản tin đó còn đưa lời Nguyễn Ðức Nhanh, giám đốc Sở Công An CSVN Hà Nội, nói rõ “riêng việc linh mục có mặt tại các địa điểm có đông giáo dân tụ tập, cầu nguyện trái phép hoặc tại địa điểm có hành vi gây rối, hủy hoại tài sản thì việc có mặt đó đã là hành vi xúi giục, kích động.”

Bản tin tờ CAND (cơ quan tuyên truyền của Bộ Công An CSVN) ngày Thứ Hai 8/9/2008 hàm ngụ cho thấy không loại trừ việc bắt giữ và truy tố ngay cả các giám mục, linh mục, tu sĩ đến cầu nguyện cùng với giáo dân ở khu đất mà giáo xứ và Dòng Chúa Cứu Thế đang áp lực đòi lại.

Bản tin của tờ CAND thuật lời Nguyễn Ðức Nhanh còn vu cho các linh mục dòng Chúa Cứu Thế là “vu cáo, bịa đặt” khi kể lại sự kiện là giáo dân đã bị đàn áp bằng roi điện, dùi cui vào ngày 28.8 và bị xịt hơi cay đang khi cầu nguyện vào đêm ngày 31/8/08.

Bài báo cũng không quên đả kích Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt “chỉ đạo linh mục đoàn giáo phận Hà Nội ra thư hiệp thông với dòng Chúa cứu thế xứ Thái Hà, nội dung lập lờ, kích động linh mục, giáo dân kiên quyết đòi đất khu vực này. Ông Kiệt còn gắn việc chiếm đất của một số giáo dân Thái Hà với vụ việc tại 42 Nhà Chung, Hà Nội.”

Thế rồi ngày hôm nay 10.9.2008, trên tờ Hà Nội Mới lại mượn lời của một công dân có email: laclaclonglinh@yahoo.com.vn cho rằng “Những việc làm đi ngược lại lợi ích của cộng đồng, đi ngược lại cả những điều răn dạy của Chúa, thiết nghĩ cũng không cần phải kể ra nữa vì nó quá rõ ràng, đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm” và đưa ra 3 biện pháp mạnh sau đây:

“1/ Trừng trị nghiêm khắc bằng pháp luật những hành vi phạm pháp của nhóm giáo dân gây rối kể cả những linh mục đang hàng ngày, hàng giờ kích động bằng lời nói, việc làm cũng như các bài viết phản động của họ. Dù có là gì đi chăng nữa thì họ vẫn đã và đang là công dân của nước Việt Nam nên phải chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam.

2/ Truy cứu trách nhiệm những cán bộ công chức nhà nước thiếu trách nhiệm có liên quan đã để xảy ra tình trạng này.

3/ Chính quyền cần thu hồi lại ngay mảnh đất, lập đề án xây dựng công viên cây xanh hoặc các công trình phúc lợi khác”


Đài truyền hình Việt Nam trong bản tin thời sự tối ngày 10/09/2008 còn cáo buộc là giáo dân vẫn tiếp tục tập trung cầu nguyện trái phép, mang thêm ảnh, tượng vào khu đất, và đe doạ "Sẽ có một ngày các đối tượng gây rối bị bắt bị đem ra xử trước pháp luật".

Tiếp tục bắt người liên quan tới vụ cầu nguyện tại Thái Hà

Hôm nay 10.9.2008 Công an Hà nội cũng loan báo tin quyết định khởi tố thêm 4 bị can về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Thực ra chiến dịch đàn áp bắt người cầu nguyện ở Thái Hà đã bắt đầu ngay từ ngày 28.8 khi công an bắt giữ 8 người tại khu đất Thái hà, và cho đến nay những người đó vẫn chưa được thả về nhà.

Tờ Dân Trí ở Hà nội đưa tin như sau: "Liên quan đến vụ án gây rối trật tự công cộng và hủy hoại tài sản tại Công ty cổ phần May Chiến Thắng, ngày 10/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa đã ra quyết định khởi tố thêm 4 bị can về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Sau một thời gian thu thập chứng cứ, tài liệu và nhân chứng, Công an quận Đống Đa tiếp tục khởi tố và bắt giam 2 tháng đối với Nguyễn Thị Nhi (sinh năm 1962), trú tại huyện Ngọc Hồi, Kon Tum và Nguyễn Đắc Hùng (sinh năm 1977), trú tại Thôn Đầm, xã Tân Hoà, Quốc Oai, Hà Nội về tội "Gây rối trật tự công cộng" theo Điều 34 và 126 Bộ luật Hình sự. Cùng với tội danh trên, Công an cũng đã khởi tố cho tại ngoại đối với Nguyễn Thị Việt, phường Thịnh Quang và Thái Thanh Hải, phường Nam Đồng, đều ở quận Đống Đa, Hà Nội. Cơ quan điều tra cũng đã ra lệnh truy nã đối với bị can Ngô Thị Dung (54 tuổi, trú tại tập thể Vĩnh Hồ, quận Đống Đa), đã bị khởi tố ngày 1/9 về tội "hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" tại Công ty may Chiến Thắng nhưng đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Trước đó, ngày 28/8, cơ quan công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bà Lê Thị Hợi (trú ở số 8 ngách 62 Quan Trạm, Thổ Quan, Đống Đa, Hà Nội), ông Lê Quang Kiệm (trú ở số 8 ngõ 162 Tôn Đức Thắng, Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội) về hành vi hủy hoại tài sản. Trong những ngày qua, bất chấp các quy định của pháp luật và thông báo của các cấp chính quyền, nhiều lần các linh mục cùng với giáo dân vẫn tiếp tục đưa thêm tượng, bàn thờ vào tiến hành làm lễ, cầu nguyện trái phép trên đất của Công ty cổ phần may Chiến Thắng ở số 178 Nguyễn Lương Bằng."

Một cộng tác viên khác của VietCatholic ở Hà Nội viết như sau: "Tình hình giáo Xứ Thái Hà tiếp tục căng thẳng, và đang leo lên một nấc thang nguy hiểm mới... Quan chức công an cộng sản phát biểu bôi nhọ linh mục, tu sĩ giáo dân Thái Hà trên các tờ báo của Nhà nước và họ đe dọa rằng sẽ khởi tố và bắt giam cả các tu sĩ, bắt thêm giáo dân cầm đầu. Giám đốc công an Hà Nội còn đe doạ cả linh mục từ nơi khác dẫn đầu đoàn giáo dân đến cầu nguyện hiệp thông tại Thái Hà, ông nói sẽ nghiêm minh "xử lý" linh mục có mặt tại khu đất để "kích động giáo dân... Họ cũng cáo buộc Đức Tổng Giám Mục Hà Nội là ra lệnh cho linh mục đoàn ra thư hiệp thông với Thái Hà, cố ý gây kích động giáo dân phản loạn…"

Một giáo sư tại một Đại học ở Hà nội viết cho chúng tôi biết như sau: "Ở vụ việc Thái Hà này, người ta lo ngại là họ đã khởi tố các giáo dân và sau khi khởi tố thì họ bắt luôn, mặc dù những người khách quan nhìn vào, thì họ cho rằng đó chỉ là một vụ việc dân sự. Theo chúng tôi nhận định, có thể họ muốn bắt giữ những người có tiếng nói như linh mục, phóng viên, nhà tranh đấu dân quyền, cốt ý để cảnh cáo cho sợ và làm cho giáo dân Thái hà và Giáo hội cô đơn, mặt khác để đe dọa những ai muốn giúp đỡ Giáo hội".

Xiết chặt vòng vây thông tin và tiếp cận thế giới bên ngoài

Đường cáp internet của Dòng Chúa Cứu Thế ở Thái Hà đã bị "ai đó" cắt giây 3 ngày qua, nên tạm thời vẫn chưa liên lạc được. Một vị linh mục ở Nhà Dòng cho biết đường giây điện thoại cầm tay cũng bị tắt luôn không gọi được. Muốn liên lạc hay muốn gửi email ra ngoài, phải nhờ người khác hoặc tìm cách nào đó mới vhuyển tin được.

Một giáo dân ờ Thái Hà gửi email cho VietCatholic tường trình như sau: "Tại Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà, các tu sĩ đã dọn dẹp nhà cửa, sắp xếp ngăn lắp tài liệu, kinh sách... chuẩn bị cho việc công an bắt các Cha và kèm theo khám nhà Dòng. Có tin từ phía công an đưa kín ra ngoài là người mà công an đang nhắm tới và muốn bắt đầu tiên là linh mục NVK".

Giáo dân này còn tỏ ra không lo lắng gì khi đưa tin thêm: "Giáo dân Thái Hà chúng tôi cũng chuẩn bị cho việc công an sẽ bắt thêm những người "tích cực" tham gia, tình nguyện hướng dẫn anh em giáo dân khắp nơi về cầu nguyện. Những người này đang gói gém đồ hầu mang theo nếu phải vào tù. Họ cũng thu dọn nhà cửa, chuẩn bị người ở nhà để công an bắt, khám nhà có người ở lại trông nhà ".

Một thông tín viên khác của VietCatholic mô tả tình hình hôm nay ở Thái Hà như sau: "Về phía công an, lực lượng công an mặc sắc phục được tăng quân số, thường trú có khoảng 120 tên, đổi ca 4 lần/24h, nhưng tập trung trong khu nhà kho, nhà làm việc của công ty may Chiến Thắng, họ ít xuất hiện ngoài khu vực... Lực lương công an mặc thường phục có khoảng 100 tên rải rác từ ngoài đường vào đến khu đất... Lực lượng "ăng ten" của công an nhiều vô số... chúng ngồi la liệt bên đường, trong quán nước, trà trộn vào trong giáo dân thỉnh thoảng phát ngôn những từ ngữ khiêu khích... Nhưng giáo dân đã được các tu sĩ chuẩn bị tinh thần trước, không mắc mưu của kẻ xấu..."

Thông tín viên này còn viết thêm rằng khi nghe tin công an sắp bắt thêm người, anh ta hỏi dò một cụ ông tuổi 60 rằng "Ông có sợ không?" - Ông ta trả lời như sau: "Cộng sản nhiều mưu sâu kế độc, tàn ác vô luân, bàn tay đã nhuốm máu bao dân lành, chắc chắn nó không chịu thua dễ dàng... Nó sẽ mở ra trang sử các chân phước tử đạo Việt Nam thế kỷ 21... Đối với người Công Giáo tử vì đạo là một phúc rất lớn, con cái Chúa phải tranh đấu, phải hy sinh liên nỉ mới được chọn. Chúa gọi rất nhiều Chúa chọn thì ít! Lậy Chúa, Vì Ngài đã gọi Thái Hà chúng con! Xin Ngài chọn chúng con!"

Thế mới đáng kính phục chứ!

Trong khi đó, các tin tức phổ biến cho thấy từ cuối tuần quan đến nay, hầu hết các giám mục thuộc Giáo khu Hà nội, mấy trăm linh mục của nhiều giáo xứ tại Việt Nam gửi thư hiệp thông và hậu thuẫn cho công cuộc đấu tranh đòi đất của giáo xứ và Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà. Một số giám mục còn đến tận nơi dâng thánh lễ, cầu nguyện hiệp thông với giáo dân tại khu đất đang đòi. Giáo dân từ nhièu nơi xa xôi vẫn tìm cách vượt vòng kiểm soát và cấm cản của công an CSVN các địa phương để về Thái Hà cầu nguyện hiệp thông.

Những lời đả kích, đe dọa phổ biến trên tờ CAND có vẻ như được đưa ra để đối phó lại sự hậu thuẫn rộng rãi của cộng đồng Công Giáo Việt Nam, cả trong và ngoài nước, dành cho giáo xứ và Dòng Chúa Cứu Thế tại Thái Hà.

Đang khi đó, Đức Giám Mục Thái Bình có một bài viết hôm nay với tiêu đề "Kẻ dùng gươm sẽ chết vì gươm" trong đó Ngài lên tiếng cáo giác chính quyền làm ngơ trước hành vi, cũng như nguy cơ xâm lấn đất đai, biển đảo, kế hoạch xâm lược từ Trung Quốc, trong khi lại dùng vũ lực với giáo dân tay không ôn hoà cầu nguyện đòi công lý trên một vuông đất nhỏ hẹp vốn của họ bị cưỡng chiếm trái lẽ. Rồi Ngài trích dẫn kinh thánh mà kết luận: Kẻ dùng gươm sẽ chết vì gươm.

Diễn biến từ phía Ngoại Giao Hoa Kỳ tại Việt Nam

Phía Ngoại gia Hoa Kỳ, qua Tòa Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội và Saigòn đã có một loạt cuộc gặp những người hoạt động dân chủ trong tuần lễ diễn ra chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao John Negroponte. Chiều hôm nay Đức TGM Ngô Quang Kiệt cũng tiếp ông trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Á Châu, cùng phó đại sứ và tham tán đặc trách Nhân quyền của Toà đại sứ Hoa Kỳ Tại Hà Nội.

Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, John Negroponte, có mặt tại Hà Nội hôm nay cho chuyến thăm ba ngày. Tin từ Hà Nội nói trước chuyến thăm, đại diện của Sứ quán Hoa Kỳ đã đến gặp hai ông Nguyễn Khắc Toàn và Lê Quốc Quân. Cuộc tiếp xúc được cho là đã đề cập nhiều vấn đề liên quan nhân quyền, dân chủ và tự do tôn giáo.

Ông Nguyễn Phương Anh, một nhà hoạt động ở Hà Nội, nói với BBC rằng ông cũng thuộc số người mà phía Mỹ muốn gặp trong mấy ngày tới. Ông nói đây là sự “động viên rất lớn cho chúng tôi và thân nhân các gia đình anh em đấu tranh dân chủ đang bị giam cầm”.

Hôm mồng bốn tháng Chín, tại Saigòn, Tòa Tổng lãnh sự Mỹ đã gặp thân nhân của một số người mà Mỹ gọi là tù nhân tôn giáo và chính trị. Trước đó một ngày, phái đoàn Mỹ cũng đến gặp Hòa thượng Thích Quảng Độ, người đứng đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, không được nhà nước thừa nhận.

Ngoài ra, hôm 20 tháng Tám, trong buổi họp báo kỷ niệm một năm nhiệm kỳ, Đại sứ Michael Michalak nói tự do ngôn luận là “giá trị then chốt của nước Mỹ... Khi chính phủ có thêm lòng tin đối với người dân, sẽ có thể có tự do ngôn luận hơn nữa”.
 
Đức GM Nguyễn Chí Linh nói: ''Đến đây để nói lên tình hiệp thông rộng lớn của Giáo Hội Việt Nam''
Lạc Việt
20:39 10/09/2008
THÁI HÀ- Địa điểm hành hương tìm công lý của Giáo Hội Miền Bắc đang được các tín hữu Bắc-Trung-Nam lũ lượt kéo nhau về, trong đó có cả các Đức Giám Mục.

Chiều thứ tư, 10/09/208, Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám Mục Thanh Hoá và Đức cha Phaolô Cao Đình Thuyên, Giám Mục Vinh, đã đến Thái Hà hành hương, hiệp thông dâng lễ và cầu nguyện.

Được biết hai Đức Cha có vị đã khởi hành từ 6 giờ sáng hôm nay và mãi đến giờ này mới tới đây. Một trong những lý do khiến các ngài đến chậm là vì “Các công an đeo bám theo các ngài từ Vinh và Thanh Hoá ra đây và đeo bám rất sát”. - Người lái xe cho biết.

Trong lời giới thiệu, Cha Bề Trên Mátthêu Vũ Khởi Phụng cũng chia sẻ với hai Đức Giám Mục rằng: “Chúa thương cho các các anh em chị em tín hữu tụ họp ở mảnh đất này đối để cầu nguyện. Ngài và các tín hữu ở đây là “những người nghèo đang thèm khát công lý, nhân phẩm và sự tự do của con cái Chúa”.

Mở đầu thánh lễ, Đức cha Phaolô Cao Đình Thuyên chủ tế. Ngài bày tỏ niềm vui sướng được đến đây để hiệp thông với Giáo xứ và với tất cả anh chị em. Ngài cho biết:

“Qua báo đài, các ngài đã biết câu chuyện Thái Hà rất lâu rồi, nhưng vì là độc chiều do đó chưa biết phải như thế nào. “Muốn thấy bụt phải lên Chùa” cho nên hôm nay chúng tôi muốn đến đây để được hiểu được sự việc rõ hơn, vì đây cũng là một vấn đề rất bức xúc, là vì như anh chị em biết mọi nhất cử nhất động đều có liên kết vơi nhau cả, vì chúng ta đều là nằm trong mầu nhiệm hiệp thông của thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Việc của Thái Hoà cũng là việc của Thánh Hoá cũng là việc của Vinh. Việc của Vinh cũng là việc của anh chị em ở Thái Hoà hay là của tất cả Giáo Hội Việt Nam, do đó chúng tôi muốn đến đây cầu nguyện cùng anh chị em cho công lý mau thực hiện và xin Chúa thương đến các anh chị em vì quyền lợi vì công lý đã hy sinh thật nhiều”.

Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám Mục Thanh Hoá chia sẻ lời Chúa với cộng đoàn. Một lần nữa, ngài xác tín rằng vì tình hiệp thông cao quý mà các ngài thay mặt cho các Giáo phận Vinh, Phát Diệm và Thanh Hoá đến đây chia sẻ với anh chị và để nói lên tình hiệp thông rộng lớn của Giáo Hội Việt Nam.

Đức Cha Phó Chủ tịch Hồi đồng GMVN chia sẻ những lời đầy xác tín và hết sức cảm động sau đây: “ Thật ra hiệp thông là hiệp thông trong Thánh Thần. Hiệp thông có nghiã là chia sẻ với nhau niềm vui nỗi sầu.Chỉ biết rằng người đồng đạo của chúng tôi ở Thái Hà có những người đang bị tạm giữ. Có những người đang bị hỏi thăm và những tình huống phức tạp như thế phải được kể như là những tình huống đang ở trong tình trạng thử thách. Về hiệp thông có nghĩa là về chia sẻ nỗi đau của Giáo xứ Thái Hà. Về hiệp thông còn có nghĩa là về chung lời cầu nguyện với Giáo xứ Thái Hà”

Cha Vũ Khởi Phụng đã thay mặt cộng đoàn cám ơn hai Đức Giám Mục. Ngài nói: “Chính vì niềm tin ấy mà anh chị em chúng con từ bắc chí Nam về đây cầu nguyện. Nay nhờ hai Đức Cha chúng con thêm tin tưởng rằng lời cầu nguyện của chúng con sẽ được Chúa nhận lời”.

Cuối lễ, Đức Giám Mục Giáo phận Vinh cũng cám ơn cha Bề Trên và cộng đoàn. Trong tư cách là chủ chăn đứng đầu một Giáo Phận, rành rẽ việc quản trị Giáo Hội, ngài nói với cộng đoàn rằng ngài xác tín không có vấn đề cha Vũ Ngọc Bích hiến nhượng đất cho nhà nước và ngài kêu gọi mọi người cầu nguyện cho chính quyền sớm trả lại đất đai để Giáo Hội phục vụ cộng đồng.

Đức cha Phaolô Cao Đình Thuyên còn nói rằng “vì nằm trong một thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô cho nên nhất cử nhất động các hành động của người Công giáo đều có liên hệ với nhau cả. Không cần ai bảo ai. Mỗi tín hữu xác tín đây là nhiệm vụ. Vì người ta không hiểu cái mầu nhiệm hiệp thông này cho đến nơi đến chốn cho nên người ta hay nói âm mưu này âm mưu khác, người này kích động người khác. Chúng tôi đây không ai kích động ai cả. Bà con trở về và tôi trở về. Ai cũng về hết. Ai cũng nhận là việc của mình. Cho nên chúng ta hăng hái làm thôi!”.

Kết thúc thánh lễ, đoàn đồng tế do hai Đức Cha chủ sự đã hành hương Linh Địa Đức Bà. Sau khi cầu nguyện và dâng hương trước Linh Đài Đức Mẹ, hai Đức Cha đã ra viếng địa điểm ngày 31/08/2008 các tín hữu bị xịt hơi cay. Nơi đây các cảnh sát đã rút hết và thay vào đó là một bàn thờ có đặt tượng Chúa Kitô Vua và ảnh tượng Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hôn nhân, Đức tin và Tình yêu (24)
Vũ Văn An
23:58 10/09/2008
CHƯƠNG HAI MƯƠI: TÌNH YÊU (chương sau cùng)

Trong các xã hội Tây phương, khi hai người lấy nhau, họ thường chỉ lấy nhau vì yêu nhau mà thôi. Hơn thế nữa, họ còn hy vọng họ sẽ tiếp tục yêu nhau suốt đời. Cảm nghiệm của họ về nhau thật êm ái và họ muốn điều ấy cứ thế tiếp tục. Mặc dù nhìn lên cha mẹ hoặc những cuộc kết hôn của thân nhân và bằng hữu, họ thấy hôn nhân không hẳn là một vườn hồng. Nhưng đa số vẫn tin rằng cuộc hôn nhân của riêng họ sẽ thành công và tình yêu của họ sẽ tiếp tục trổ bông trong cuộc đời họ. Tuy thế, tỷ lệ từ hai mươi lăm đến ba mươi phần trăm các cuộc hôn nhân tan vỡ là một nhắc nhở đáng buồn cho họ thấy rằng tình yêu không hẳn bền vững mãi, và do đó bản chất của yêu thương trong hôn nhân hiện đại là một hiện tượng chủ yếu cần được thấu hiểu.

Tình yêu trong hôn nhân hiện đại vẫn có những hoài mong có tính cách cổ truyền như nâng đỡ nhau về mặt vật chất lẫn mặt xã hội. Về phương diện vật chất, nhiệm vụ duy trì gia đình về phương diện kinh tế vẫn chủ yếu là nhiệm vụ của người chồng, nhưng càng ngày người vợ càng chia sẻ với chồng trong nhiệm vụ này. Trong các xã hội ít có nạn thất nghiệp, phần lớn phụ nữ đi làm việc trước khi có con và đi làm trở lại sau khi các con đã lớn khôn. Trong một số trường hợp, vì cả hai vợ chồng cùng có nghề nghiệp quan trọng như nhau, nên vấn đề chia sẻ trách nhiệm trông coi việc nhà lại càng cần được đặt ra. Tuy nhiên, phần lớn các ông chồng không phản đối vấn đề này. Lợi tức do người vợ kiếm được nhiều khi là điều cần thiết để tránh cảnh thiếu thốn, nhưng phần lớn nó giúp gia đình sống sung túc hơn. Nhưng trong khi các phụ nữ đi làm càng ngày càng đông như thế, thì xã hội lại không chịu điều chỉnh các sắp xếp của mình giúp họ dễ dàng trong công việc làm của họ, tỷ dụ như thay đổi giờ làm việc để người chồng làm buổi sáng, người vợ làm buổi chiều. Vì thiếu những điều chỉnh cần thiết như thế, nên các bà vợ vừa phải đi làm vừa phải trông coi việc gia đình và chăm sóc con cái. Một thời khóa biểu như thế chắc chắn sẽ gây ra nhiều mệt mỏi và chán nản tuyệt vọng. Một số ông chồng sẵn sàng giúp vợ nhẹ gánh phần nào, nhưng xã hội như một toàn thể phải làm sao cho có sự quân bình trách nhiệm trong tương quan giữa gia đình, việc làm và con cái. Phần hai vợ chồng, lúc nào cũng phải ráng tạo ra bầu khí yêu thương để nâng đỡ nhau khi cả hai cùng đi làm.

Nói về cuộc sống xã hội của hai vợ chồng, ta thấy vai trò lệ thuộc của người vợ càng ngày càng bớt đi. Việc vâng lời chồng không còn được coi là một đòi hỏi xã hội nữa. Hai vợ chồng cùng thích ứng các nhu cầu xã hội của nhau và bảo đảm cả hai đều hài lòng. Các sinh hoạt xã hội như thăm viếng, chiêu đãi ăn uống đôi khi trùng hợp nhau, nhưng cũng có khi hai vợ chồng có những sở thích khác nhau nên đã có những sinh hoạt riêng. Thế giới của người vợ không còn chỉ quanh quẩn trong gia đình và tùy thuộc ý muốn của chồng nữa. Nàng có khả năng trở thành một con người độc lập trong cuộc sống xã hội và nàng thi hành sự tự do ấy rất thường xuyên.

Nhưng ở các xã hội Tây Phương, chính trong thế giới cảm quan và xúc cảm, tình yêu tự bộc lộ cách mới mẻ hơn cả. Vì khi thoát ra khỏi những truyền thống và những đòi hỏi của đại gia đình, của cộng đòan và của xã hội nói chung, hai vợ chồng cảm thấy nhu cầu mạnh mẽ phải yêu thương nhau và phát biểu cái tình yêu bản vị ấy cho nhau. Tấm tình yêu này lập lại kiểu mẫu tình yêu họ từng cảm nhận thời thơ ấu. Ðứa trẻ lớn lên học biết ý nghĩa yêu thương khi được bế bồng, vỗ về, mơn trớn trong đó cái phần thể lý rất mạnh. Dần dà, nó nhận ra ý nghĩa của việc cảm thấy được nhìn nhận, được ước muốn và được đánh giá, ý nghĩa của việc được yêu thương vì chính bản thân nó. Những nguyên tố đầu tiên của tình yêu được nhận chìm trong bể yêu thương vô điều kiện. Những năm đầu đời, đứa trẻ được yêu mà không cần phải đã làm được gì, có những thành tích gì. Các nguyên tố của yêu thương trong giai đoạn này là tiếp xúc thể xác và khẳng nhận cảm quan. Ðứa trẻ thấy mình được quan tâm chỉ vì mình có đó, có mặt ở đó, hiện hữu. Giữa cha mẹ và đứa trẻ có một sự tin cậy lẫn nhau rằng nó được yêu vì nó từ họ mà ra. Chỉ mãi sau này, tình yêu mới dần dần tùy thuộc điều kiện nó phải ngoan và có thành tích.

Tình yêu thu lượm được trong mối liên hệ thân mật đầu tiên giữa đứa trẻ và cha mẹ ấy sẽ được sống lại trong tình thân mật của hôn nhân. Hai vợ chồng, và nhất là người vợ, sẽ tìm về với sự trìu mến êm ái của việc nhận ra thể xác và xúc cảm của nhau. Ðiều ấy được thể hiện qua việc nâng đỡ nhau, chữa lành nhau và cùng nhau lớn mạnh, và qua muôn vàn cách thế những điều trên được cảm nghiệm. Việc hôn nhân tan vỡ hầu như bao giờ cũng cho ta thấy sự kiện này là vì nó thiếu mất cái mức tối thiểu của thứ tình yêu bản thân kia. Thay vì tin tưởng nhau, họ hoài nghi nhau. Thay vì chấp nhận nhau, họ từ khước nhau. Thay vì khẳng nhận nhau, họ không ngừng chỉ trích nhau và loại trừ nhau. Thay vì cam kết và khích lệ nhau, họ lại giận hờn và dửng dưng đối với nhau. Trong quá khứ, vì vai trò của vợ chồng là trợ giúp về vật chất, săn sóc nhà cửa và con cái, nên người ta vẫn mong chờ họ tiếp tục sống với nhau dù bị tù túng về phương diện tình cảm. Ngày nay, điều ấy không còn được chấp nhận nữa. Vợ chồng thời nay tìm kiếm yêu thương qua thỏa mãn bản thân, và tỷ lệ tan vỡ lớn lao cho thấy giữa các hoài mong và việc huấn luyện cũng như trợ giúp để thực hiện các hoài mong ấy có cả một ngắt quãng thật lớn.

SI TÌNH

Trong hôn nhân hiện đại, tình yêu có hai giai đoạn. Giai đoạn nhất là si tình, giai đoạn hai mới là yêu thương. Si tình là giai đoạn được cảm nghiệm như một biến cố mạnh mẽ thuộc cảm xúc (emotional). Thể xác giữ phần chủ động, đem lại cho ta sự lôi cuốn về thể xác và việc tìm về với lối chăm sóc của mẹ cha. Có một cảm thức hoà hợp đầy thân mật giữa các xác thân, rồi dần dà mới đụng đến tâm tư tình cảm. Sự hòa hợp này được lý tưởng hóa. Dưới mắt người yêu, người được yêu có mọi đức tính độc đáo. Chàng hay nàng đâu phải chỉ lôi cuốn mà thôi, họ còn tuyệt trần ngây ngất nữa, đâu phải chỉ tốt bụng mà còn là hiện thân của lòng tốt nữa. Sự hiện diện của họ làm ta hân hoan thèm muốn. Họ muốn được gần nhau và không ngừng ở bên cạnh nhau. Những cuộc cãi vã nếu có sẽ được mau chóng hàn gắn và thiện ý lúc nào cũng trổi vượt. Các khuyết điểm được thu nhỏ lại, còn các ưu điểm được phóng lớn lên. Khuynh hướng chung là tối thiểu hóa các bất đồng và tối đa hóa các hòa điệu. Cả hai tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng những gì lầm lỗi bây giờ sẽ được sửa chữa đúng lúc. Nói cách khác, cảm thức hòa hợp và vui sướng luôn luôn thắng thế. Cái tình yêu lãng mạn này là cái đang điều khiển diễn trình si tình kia. Có người hoài nghi cho rằng đó không phải là căn bản để ta xây dựng một liên hệ vĩnh viễn và rằng sự hiện diện của một cảm thức mạnh mẽ như thế sẽ xóa nhòa cả lương tri lẫn sự khôn ngoan. Thiết nghĩ lời bình luận này có đúng một phần, nhất là khi thời gian hẹn hò quá ngắn. Nhưng thực ra, tình yêu lãng mạn đã trở thành phương thức thông thường nhất để xây dựng các mối liên hệ thân mật dẫn tới hôn nhân, và điểm mạnh của phương thức này nằm ở chỗ hôn nhân được đặt căn bản trên sự hỗ tương tin cậy nhau, chấp nhận nhau và sẵn sàng cho nhau. Và đặc tính này sẽ trở thành hậu cảnh cho giai đoạn yêu thương sau này.

YÊU THƯƠNG

Sau khi cưới, si tình biến dạng thành yêu thương. Những tiếp xúc hàng ngày với nhau cho họ thấy thực tế chứ không còn lý tưởng hóa nữa. Thời gian dành cho nhau mỗi ngày một ít ỏi hơn nhất là khi đã có con. Thất vọng, tổn thương và giới hạn kéo hai vợ chồng lại cỡ người chân thực của mình. Dần dần cái hào quang ngây ngất giảm đi và nỗi hân hoan háo hức của thời gian si tình cũng mất dần. Hành vi yêu thương thay thế cho ngất ngây và lãng mạn. Trong hành vi yêu thương này, vợ chồng coi nhau như nhân vật quan trọng nhất trong đời, nhưng những người khác như cha mẹ, thân bằng quyến thuộc cũng lấy lại được tầm quan trọng của họ.

Giờ đây người ta không còn cảm nghiệm tình yêu như một bầu không khí nữa nhưng như một cam kết ngày ngày phải nâng đỡ nhau, chữa lành nhau và giúp nhau lớn mạnh. Ðiều này bao hàm việc đối thoại tương cảm, nhìn nhận những thay đổi nơi nhau, nhẫn nại trong những lúc sa lầy, bùn đọng, hoặc trong những lúc người kia cần có thì giờ để đuổi kịp mình. Có nghĩa là cần phải không ngừng làm mới lại sự sẵn sàng đối với nhau, chống lại cái khuynh hướng muốn rút lui và muốn chỉ có mình. Tranh chấp, lời qua tiếng lại và đau khổ là những cái không thể tránh được nhưng tha thứ, chuộc lỗi và làm hòa đã trở thành những yếu tố nội tại của hành vi yêu thương. Và lúc nào vợ chồng cũng tìm cách hiểu nhau và đáp ứng với nhau bằng cái tài khéo léo và quán thông của một người mẹ hoặc một người cha. Họ cảm thấy thực sự được yêu thương khi các nhu cầu của thế giới bên trong được người kia thấu hiểu và thực tế được dự ứng trước mà không cần phải nhiều lời giải thích cũng như cố gắng. Họ thực sự thấy buồn và thất vọng khi họ thấy họ chẳng có nghĩa lý gì đối với người bạn đời của mình hoặc người bạn đời chẳng có nghĩa lý gì đối với chính họ, vì yêu thương là làm cho sự cách phân tan hòa vào sự nên một.

Việc tan hòa này dĩ nhiên được thực hiện bằng nhiều cách nhưng mạnh mẽ hơn cả là qua giao hợp tính dục. Ở đó, thân xác, tâm tư và xúc cảm trở nên một trong một cảm nghiệm trong đó sự nên một và toàn diện tính dẫn họ đến ngất ngây. Xác thân trở thành môi trường cho sự hiệp nhất toàn diện hệt như sự nên một không còn biên giới về phương diện thể lý giữa người mẹ và đứa con.

Sự yêu thương giữa vợ chồng như thế, một yêu thương nhằm nâng đỡ, chữa lành và giúp nhau lớn mạnh trong một môi trường liên tục, đáng tin cậy và dự đóan được, sẽ đem lại một bầu không khí yêu thương cho con cái phát triển, và thực sự đó là căn bản chắc chắn duy nhất cho sự lớn mạnh của chúng. Ðược như thế, gia đình quả là đơn vị căn bản của xã hội nơi người ta học biết yêu thương.

Trong diễn trình yêu thương ấy, vài việc sau đây sẽ xẩy đến với các thành viên của gia đình. Mỗi thành viên của gia đình sẽ dần dần tự dị biệt hóa. Ðứa con sẽ lớn lên về thể xác, tâm trí và xúc cảm để dần dần tách rời khỏi mẹ cha. Vợ chồng tiếp tục phát triển thể xác, tâm trí và xúc cảm của mình. Mỗi ngày họ càng học biết về mình nhiều hơn và hội nhập được một cách tiệm tiến các phần khác nhau trong nhân cách mình. Họ học cách trở thành chồng/vợ, mẹ/cha. Họ mở rộng tầm ý nghĩa và quan trọng của mình khi trở nên tự tin về các tài nguyên và tài năng của mình. Họ hội nhập ý chí với các cảm quan của mình và lập cầu giao lưu giữa cõi ý thức và cõi vô thức. Tất cả các điều trên cho phép họ có được một cảm thức sắc bén về chính mình đến độ dù tùy thuộc người kia nhưng họ không sống tùy thuộc sự cho phép tốt bụng của người ấy. Diễn trình dị biệt hóa đưa nhân cách đến chỗ chín mùi, trở thành một thực thể duy nhất và khác biệt, mà theo truyền thống Kitô giáo vốn có số phận đời đời. Không có chuyện tái sinh trong một con người khác. Ta chỉ có một cuộc đời và một nhân cách để phát triển đầy đủ, và nhiên liệu để chúng lớn mạnh chính là tình yêu, chủ yếu nhận từ cha mẹ và vợ chồng.

Sự dị biệt hóa trên đi kèm với việc tự chiếm hữu bản thân một cách khẳng nhận và tiệm tiếm. Người đàn ông và người đàn bà nào khi ra khỏi tuổi thơ cũng mang theo mình một mức độ nào đó trong cảm thức mình chiếm hữu được mình và thấy mình thoải mái về từng phần trong bản thân mình. Diễn trình tự chiếm hữu và tự khẳng định ấy sẽ được hoàn tất với sự giúp đỡ của vợ hoặc chồng vì tình yêu của họ sẽ vén mở và xác nhận các phong phú đang khai mở nơi nhau. Tất nhiên, vợ chồng không phải là những người duy nhất làm được điều đó. Con cái, thân bằng quyến thuộc cũng có góp phần; tuy nhiên, vợ chồng phải đóng vai trò chủ yếu.

Cái bản ngã khẳng định, đã được dị biệt hóa nơi người phối ngẫu kia, sẽ sống trong sự cân bằng giữa phân cách và nên một. Người phối ngẫu ấy sẽ khai triển các đặc điểm riêng của mình và dung hợp với người bạn đời theo từng mức độ để cuối cùng tan hòa vào một hợp nhất toàn diện trong giao hợp. Sự tan hoà này được phản ảnh trong ý thức hỗ tương ngày càng lớn mạnh về thế giới bên trong của nhau. Vợ chồng biết rõ các thói quen, các cách nhìn, các ý kiến, các giá trị, các ưu tiên, và các giới hạn của nhau. Có sự tương hợp trong cảm quan và hành động.

TÌNH YÊU THIÊN CHÚA

Tình yêu vợ chồng phản ảnh tình yêu của Chúa Kitô dành cho Giáo hội và tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi gồm Ba Ngôi Vị tách biệt (distinct) và khác nhau, nhưng cùng một bản tính. Chính tình yêu hợp nhất các Ngài, một tình yêu giữa những ngôi vị tuyệt đối bằng nhau trong liên hệ với nhau. Như thế, chìa khóa để hiểu Chúa Ba Ngôi là các Ngôi Vị trong liên hệ yêu thương. Mỗi Ngôi Vị đều hoàn toàn dị biệt hóa đối với Ngôi Vị kia và chiếm hữu mình một cách đầy đủ và khẳng định. Cũng giống như thế, tình yêu vợ chồng là một trong những liên hệ bổ túc, trong đó, vợ chồng dần dần được dị biệt hóa và đạt tới việc chiếm hữu mình một cách khẳng định. Họ trở nên hoàn toàn sẵn sàng cho nhau và nhờ thế có thể hiến thân trọn vẹn cho người khác, cho con cái và sau cùng cho toàn thế giới. Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Hai đã dị biệt hóa trong Ba Ngôi Thiên Chúa, đã tự chiếm hữu mình trọn vẹn và khẳng nhận và do đó đã có thể hiến thân trọn vẹn cho toàn thể thế giới cho đến tận thế.

Các thành viên trong Ba Ngôi không lấy nhau nhưng liên hệ với nhau trong yêu thương. Học thuyết của Thầy Chí Thánh cho ta thấy hôn nhân chỉ có ở đời này; nó không có ở đời sau. Ðặc điểm của đời sau là liên hệ yêu thương, nhưng hôn nhân chính là phương thế thông thường nhất để chuẩn bị những người đàn ông và những người đàn bà hướng tới cái liên hệ yêu thương ấy. Nước Trời quả đã khởi sự ngay ở đời này.

GIA ÐÌNH VÀ TÌNH YÊU

Bản tóm lược trên đây về tình yêu cho ta thấy một cách rõ ràng rằng trong hôn nhân, và đặc biệt trong Bí tích Hôn phối, Thiên Chúa đã đặt trong tay ta một trong những phương thế chính để phát triển các mối liên hệ yêu thương để chuẩn bị ta hướng về cõi đời đời. Gia đình chính là chiếc nôi của tình yêu, do đó không có bí tích nào, sau Phép Rửa và Phép Thánh Thể, quan trọng hơn bí tích hôn phối. Gia đình là giáo hội tại gia mục đích tạo ra các điều kiện để các phần tử vươn tới những tiềm năng đầy đủ nhất của tình yêu, một tình yêu phản ảnh và tham dự vào tình yêu của Chúa Ba Ngôi; sự chia sẻ này chính là số phận sau cùng của ta.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Hiểm Nghèo
Diệp Hải Dung
00:15 10/09/2008

HIỂM NGHÈO



Ảnh của Diệp Hải Dung (Hình chụp tại Camden – Australia)

Dù bước đi trong thung lũng tối

Tôi không lo mắc nạn vì Chúa ở cùng tôi.”

(Trích Tv: 22)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền