Ngày 07-09-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 8/9: Lịch sử và ý nghĩa lễ sinh nhật Đức Maria. Lm. Giuse Vũ Hải Đăng, SDĐ. Kinh Thánh Giuse
Giáo Hội Năm Châu
03:31 07/09/2021

PHÚC ÂM: Mt 1, 1-16. 18-23

“Bà đã thụ thai bởi phép Ðức Chúa Thánh Thần”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Sách gia phả của Chúa Giêsu Kitô, con vua Ðavít, con của Abraham.

Abraham sinh Isaac; Isaac sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuđa và các anh em người. Giuđa sinh Phares và Zara; Phares sinh Esrom; Esrom sinh Aram; Aram sinh Aminadab; Aminadab sinh Naasson; Naasson sinh Salmon; Salmon sinh Booz do bà Rahab; Booz sinh Giobed do bà Rút. Giobed sinh Giêsê; Giêsê sinh vua Ðavít. Ðavít sinh Salomon do bà vợ của Uria; Salomon sinh Robo-am; Roboam sinh Abia; Abia sinh Asa; Asa sinh Giosaphát; Giosaphát sinh Gioram; Gioram sinh Ozia; Ozia sinh Gioatham; Gioatham sinh Achaz; Achaz sinh Ezekia; Ezekia sinh Manas-se; Manasse sinh Amos; Amos sinh Giosia; Giosia sinh Giêconia và các em trong thời lưu đày ở Babylon.

Sau thời lưu đày ở Babylon, Giêconia sinh Salathiel; Sala-thiel sinh Zorababel; Zorababel sinh Abiud; Abiud sinh Eliakim; Eliakim sinh Azor; Azor sinh Sađoc; Sađoc sinh Akim; Akim sinh Eliud; Eliud sinh Eleazar; Eleazar sinh Mathan; Mathan sinh Giacóp; Giacóp sinh Giuse, là bạn của Maria, mẹ của Chúa Giêsu gọi là Ðức Kitô.

Chúa Kitô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Maria đính hôn với Giuse, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giuse, chồng Bà, là người công chính, không muốn tố giác Bà, nên mới định tâm lìa bỏ Bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thì thiên thần hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giuse con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; Bà sẽ sinh hạ một Con trai mà ông đặt tên là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Mình khỏi tội”. Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

Ðó là lời Chúa.
 
Suy niệm lễ Sinh Nhật Đức Mẹ Maria
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
08:33 07/09/2021
Suy niệm lễ Sinh Nhật Đức Mẹ Maria

Câu Chuyện: Kiên Tâm Cầu Nguyện

Tại Pháp, có gia đình sĩ quan M.X. đạo đức, sùng kính Đức Mẹ thật tình, gia đình có bốn người con và thuê hai người giúp việc. Một chị trong hai người giúp lại mắc chứng động kinh, nhà lại nghèo. Bà vợ sĩ quan chỉ muốn sa thải chị ta về quê không mướn nữa, vì sợ con mình có ngày chết oan vì chị ta. Nhưng ông chồng đạo đức, đầy lòng bác ái không chịu, chỉ muốn lưu lại nhà để nâng đỡ một gia đình nghèo túng. Nhân địp tháng Mẹ về, ông sĩ quan đặt hết niềm tin ở Mẹ, rồi báo với vợ cùng làm tuần chín ngày khấn xin với Đức Mẹ cho chị khỏi bệnh. Bà vợ động lòng ưng thuận. Qua tuần chín, chị ở chưa khởi bệnh, bà vợ lại nghi nan và xin thải chị ta về. Ông chồng nhất định lưu lại và cùng với vợ làm thêm tuần chín thứ hai, rồi tiếp tuần chín thứ ba. Ông thường lấy câu Phúc Âm Chúa phán mà giục vợ tin cậy cho vững: “Ai tin sẽ được, ai gõ sẽ mở cho...” Sắp mãn tuần chín lần thứ ba. Sau khi dự thánh lễ và hiệp lễ, ông về nhà ở trong phòng riêng, sấp mình trước ảnh Mẹ, thiết tha van nài: “Lạy Mẹ con đã đặt hết niềm tin ở Mẹ, đã đặt hết niềm tin tưởng dâng cả gia đình con cho Mẹ, chẳng lẽ Mẹ bỏ lời con xin? Chẳng lẽ lời thánh Bênađô quả quyết: ‘Xưa nay chưa từng nghe nói ai chạy đến cùng Mẹ mà Mẹ từ chối’. Xin Mẹ thương chị ở gia đình con”. Đức Mẹ đã nhận lời, hôm sau chị ở đã khỏi bệnh, cả nhà vui vẻ mua hoa nến đến nhà thờ xin lễ tạ ơn Mẹ.

Trong tâm tình của những ngày buồn vì đại dịch Covid-19 đang hoành hành, toàn thể Giáo hội long trọng mừng ngày lễ Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria. Trong phụng vụ Giáo hội chỉ có ba vị được mừng ngày sinh ra đời, tức ngày chào thế gian, đó là Đức Giê-su mừng vào ngày 25/12; Thánh Gioan Tẩy Giả mừng vào ngày 24/6 và hôm nay 8/9, chúng ta mừng sinh nhật Đức Maria. Còn tất cả các thánh mà chúng ta mừng kính trong lịch phụng vụ quanh năm là mừng ngày sinh nhật vào thiên đàng, mừng ngày hiển thánh. Chúng ta rút ra được một vài điểm để suy gẫm trong ngày lễ Sinh nhật Đức Maria hôm nay.

1. Thiên Chúa, Đấng tiên liệu mọi sự

Thiên Chúa là Cha đầy lòng nhân hậu và tràn ngập lòng xót thương nên đã luôn luôn tìm mọi cách để cho con người được sống và hạnh phúc. Mặc dầu sau khi sáng tạo con người giống hình ảnh của Thiên Chúa, con người đã phạm tội bất tuân với Ngài, nhưng thay vì giết chết và loại trừ, Thiên Chúa đã có sáng kiến để cứu vớt và giải thoát con người. Chính vì thế, hình ảnh được tiên báo trong Sách Sáng Thế khi con người phạm tội, đó là một người đàn bà sẽ đạp đầu con rắn xưa và sẽ trở thành người mẹ của Đấng Cứu Thế. Do đó, để hình ảnh tiên báo đó được nên trọn vẹn, Thiên Chúa cũng đã có một chương trình, hoạch định cụ thể ngang qua một dòng dõi mà chúng ta được lắng nghe trong bài khởi đầu Tin mừng của Thánh Mathêu nói về Gia phả của Đức Giê-su Ki-tô hôm nay. Trong trình thuật Gia phả này, chúng ta bắt gặp 4 người phụ nữ không mấy tốt đẹp, đó là bà Ta-ma, một người giả làm gái điếm; bà Ra-kháp là gái điểm thứ thiệt; người thứ 3 là bà Rút, một người phụ nữ dân ngoại nhưng sẵn sàng trung thành với mẹ chồng và Thiên Chúa của mẹ chồng; người phụ nữ thứ tư đó là bà Bat-sê-va vợ ông U-ri-gia, ngoại tình và trở thành vợ Vua Đa-vit. Sự xuất hiện của các bà phụ nữ đặc biệt này trong Gia phả Đức Giê-su như muốn nói rằng Đức Giê-su được sinh ra từ dòng máu dân ngoại. Như vậy, đọc Gia Phả Đức Giê-su, chúng ta biết ngay rằng Đức Maria cũng xuất phát từ dòng dõi Vua Đavid. Qua Mẹ, Đức Giê-su được sinh ra. Vì thế,

2. Để có sinh nhật Đức Giê-su ắt phải có sinh nhật của Đức Maria

Vì yêu thương con người tội lỗi, nên Thiên Chúa đã muốn cứu con người ngang qua việc trở nên làm người. Nhưng để làm người như con người, Thiên Chúa phải chọn cho mình một người nữ để được sinh ra. Người nữ đó cũng phải có một tổ tiên, một dòng dõi. Người nữ đó cũng phải được chuẩn bị từ trong thai mẫu. Quả thật, để Đức Giê-su trở nên Ngôi Lời Nhập thể trong cung lòng Đức Maria, Thiên Chúa đã có chương trình cụ thể nơi gia đình Gioakim và Anna. Vì thế, giữa gia đình Gioakim và Anna hiếm muộn đã được Thiên Chúa quan phòng và cho xuất hiện một niềm vui. Niềm vui lớn nhất của gia đình Gioakim và Anna, là bà Anna có thai sau những ngày cầu nguyện kiên trì. Sự thánh thiện và kiên nhẫn của gia đình Gioakim và Anna đã trở nên ‘giáo thai’ cho đứa con trong bụng bà Anna. Niềm vui lớn hơn nữa đối với ông bà là ngày đứa con được chào đời. Ngày sinh nhật hay ngày chào đời của Đức Maria báo hiệu sự tốt lành của nhân loại là Mẹ sẽ trở nên cung lòng diệu vời của Con Thiên Chúa, là Đức Giê-su.

Mừng ngày sinh nhật của Đức Maria, chúng ta nhận chân được sự quan phòng và tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Từ đây, nơi Mẹ, nơi cung lòng Mẹ, Đức Giê-su, Con Thiên Chúa sẽ được sinh ra và sẽ mang bản tính nhân loại. Nhờ Đức Maria, Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa sẽ làm người giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi để cứu chuộc chúng ta. Nhờ sự sinh ra của Đức Maria, nhân loại tội lỗi sẽ được giải thoát trong tương lai ngang qua Con Chí Thánh của Mẹ là Đức Giê-su Ki-tô. Nhờ sự sinh ra của Đức Maria, con rắn ngày xưa, là ma quỷ, là tội lỗi sẽ bị đè bẹp và diệt trừ ngang qua Đức Giê-su, Ngôi Lời Nhập Thể. Nhờ sự sinh ra của Đức Maria, Mẹ đã trở nên người mẹ tuyệt vời, người Mẹ của Thiên Chúa, người Mẹ của Hội Thánh và người Mẹ của mỗi ki-tô hữu. Nhờ sự sinh ra của Đức Maria, chúng ta được đón nhận những hoa quả thơm tho, là các nhân đức, là sự chuyên chăm lắng nghe Lời Chúa và thi hành Lời trong mọi biến cố. Nhờ sự sinh ra của Đức Maria, chúng ta bắt gặp một người mẹ hết tình với con của mình là Đức Giê-su, một người vợ đảm đang và khiêm tốn đối với người chồng là Giu-se. Nhờ sự sinh ra của Đức Maria, chúng ta sẽ bắt gặp một hình ảnh người phụ nữ đã luôn đồng hành với Con Chí Ái của Mẹ trong mọi biến cố cuộc đời, từ lúc sinh ra, sống ẩn dật, rao giảng công khai và chết treo trên Thập Giá. Nhờ ngày sinh nhật của Đức Maria, mỗi chúng ta sẽ được đón nhận một niềm hy vọng và ơn cứu độ là Đức Giê-su, Con Chí Thánh của Mẹ. Do đó,

3. Bài học gì cho chúng ta trong ngày sinh nhật của Đức Maria

Mừng ngày sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria cũng là dịp để chúng ta nhớ đến ngày sinh nhật của mỗi người, để chúng ta nhìn vào cuộc đời của mình và tự hỏi với lòng mình rằng: Đã bao lần mừng ngày sinh nhật của tôi? Tôi đã có những thay đổi cách sống như thế nào? Cuộc đời tôi đã làm được gì cho Giáo hội, cho Xã hội, cho gia đình, cho bạn bè và cho tha nhân? Tôi sinh ra trên đời này để làm gì? Tôi sinh ra, tôi lớn lên và tôi làm việc, tất cả có thực sự trở nên hữu ích, trở nên niềm vui, niềm hy vọng cho tha nhân không? Nhờ việc sinh ra nơi trần gian, Đức Maria đã trở nên dấu chỉ tình yêu và lòng thương xót của Thiên Cho nhân loại, tôi thì sao? Tôi được sinh ra và hiện diện trên trần gian này cũng cố gắng trở nên dấu chỉ của sự bình an, niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân. Như nhờ sự sinh ra của Đức Maria, Mẹ đã trở nên cung lòng cho Đức Giê-su ngự trị và đã mang Đức Giê-su đến cho mọi người, tôi cũng được mời gọi trở nên ‘nhà tạm’ hằng ngày cho Đức Giê-su ngự trị ngang qua việc lắng nghe Lời Chúa và đón nhận Mình Máu Ngài và sẵn sàng mang Đức Giê-su đến cho mọi người ở mọi nơi mọi lúc. Như Đức Maria, tôi đã chu toàn thế nào trong bổn phận của người chồng, người vợ, người cha, người mẹ và người con tại gia đình? Tôi đã sống thế nào để xứng đáng là những người được Thiên Chúa yêu thương, chọn gọi vào trong hàng Giáo Phẩm, hàng linh mục, chủng sinh và tu sĩ trong bối cảnh của xã hội hôm nay?

Lạy Mẹ Maria, con chúc mừng ngày sinh nhật của Mẹ. Trong ngày sinh nhật của Mẹ, con nhận ra được nhiều điều thật kỳ diệu mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại nói chung, và cho bản thân nói riêng ngang qua sự hiện diện của Mẹ. Mẹ đã được chọn để làm Mẹ của Thiên Chúa bằng một hành trình dài với bao nhiêu đời. Để sinh ra Con Thiên Chúa, Mẹ đã được chuẩn bị cung lòng thật xứng đáng với biết bao nhân đức tuyệt vời. Sự khiêm nhường, kiên trì và can đảm của Mẹ đã trở nên bài học quý giá cho cuộc đời ki-tô hữu chúng con. Xin Mẹ hãy tỏ ra Mẹ là Mẹ của chúng con ngay giờ phút cả và nhân loại đang phải đau buồn và hoang mang bởi cơn đại dịch Covd-19. Xin Mẹ cầu cùng Chúa chúc lành, gìn giữ và ban muôn bình an cho toàn thể thế giới. Xin Mẹ tiếp tục đồng hành với chúng con trong mọi biến cố của cuộc đời, nhất là trong lúc này như Mẹ đã đồng hành với Con Chí Ái của Mẹ. Amen.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Phúc Đức Tại Mẫu
Lm.. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:34 07/09/2021
Phúc Đức Tại Mẫu

(Lễ Kính Sinh Nhật Đức Maria)

Trong niên lịch phụng vụ Công Giáo có ba đấng được kính sinh nhật cách trọng thể đó là Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh Gioan Tẩy Giả. Khi kính nhớ sinh nhật một ai đó cách trọng thể thì nói lên sự tôn kính, tình yêu mến, lòng biết ơn đối với người ấy và qua đó nhìn nhận công ơn to lớn người ấy đã dành tặng cho đời cho nhân loại. Không ai lại đi kính nhớ sinh nhật của một bạo vương hay một nhà độc tài, dù rằng có đó nhiều nhà độc tài tìm đủ cách bắt người kính nhớ sinh nhật của mình nhưng thường là khi quyền chức còn đủ đầy và khi sự thật chưa phô bày.

Hôm nay ngày 8/9 Giáo Hội Công Giáo kính nhớ sinh nhật của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế, Giêsu Kitô. Bài Tin Mừng giáo hội cho đoàn tín hữu nghe trích đọc khá dài tường thuật gia phả của Chúa Giêsu theo thánh sử Matthêu (Mt 1,1-16.18-23). Theo văn hóa Đông phương thì dòng tộc tổ tiên có vai trò rất quan trọng đối với đời người hậu duệ con cháu. Chính vì thế việc gìn giữ gia phả là điều việc khó có thể sơ suất. Tuy nhiên vì theo chế độ phụ hệ nên gia phả thường chú trọng phía nội tộc. Thánh sử Matthêu như không là ngoại lệ khi tường thuật gia phả Chúa Giêsu thì dẫn ra một dảy các tên tuổi khởi đi từ Abrraham đến Giuse, người cha nuôi của Chúa Giêsu.

Với chủ ý nói lên sự chuẩn bị đủ đầy của Thiên Chúa, thánh sử Matthêu đã phân chia gia phả Chúa Giêsu thành ba phần mỗi phần có 14 đời. Trong dảy danh sách các tiên tổ của Chúa Cứu Thế lại xuất hiện tên của bốn người phụ nữ được xem là tổ mẫu của Người. Đó là bà Ta-ma, bà Ra-Khap, bà Rút và bà Bét-sa-bê (vợ của ông U-ri-gia).

Cả bốn bà đều là người gốc lương dân. Bà Ta-ma là con dâu cả của ông Giuđa, con ông Giacob. Chồng chết bà đã giả làm gái điếm ăn ở với ông cha chồng mà có con nối dỏi. Bà Ra-Kháp thì đáng tội hơn vì là một cô gái điếm đã bán đứng dân tộc để cứu lấy mạng sống mình. Bà Rút là một góa phụ lương dân theo mẹ chồng về Israel sinh sống đã ăn ở với một trưởng tộc để có con. Còn bà Bét-sa-bê thì khỏi nói, đã ngoại tình với vua Đavít, lại còn thông đồng với vua giết chồng là Uria.

Phải chăng tự nguyện làm cháu con của các tổ mẫu này, Chúa Kitô muốn liên đới với tất cả mọi người, đặc biệt với những người tội lỗi. Chắc hẳn dưới ánh sáng đức tin chúng ta tin nhận chân lý này. Tuy nhiên ân sủng vẫn khộng loại trừ các yếu tố tự nhiên. Tạ ơn Thiên Chúa đã an bài cho Đấng làm người có một người mẹ tuyệt vời là Đức Maria.

“Phúc đức tại mẫu”. Cô thôn nữ Maria là mẫu mực của mọi mẹ hiền. Ngay từ thuở niên thiếu Maria đã đồng cảm với số phận bi đát của quê hương dân tộc đang trong cảnh nô lệ đế quốc Rôma. Tự nguyện sống cuộc đời son sẻ là một trong những cách thế mẹ chọn để góp phần lễ hy sinh hầu khẩn sinh Đấng Thiên Sai mau đến cứu thoát dân tộc. Khi nghe sứ thần truyền tin với sứ mệnh làm mẹ Đấng Cứu Thế thì Maria đã can đảm hiến dâng cả mạng sống mình để thực thi thánh ý. Mẹ không chỉ vuông tròn sứ mạng làm ngôi sao mai báo trước mặt trời công chính xuất hiện cứu đời mà hiệp dâng trái tim vẹn tuyền bị đâm thủng bởi thanh gươm huyền nhiệm vào công trình cứu độ của con mình từ Nagiarét đến tận đỉnh đồi Gôngôta. Đức Maria chính là người mẹ phúc đức hơn mọi người nữ (x.Lc 1,42). Bởi đức tràn trề của một người mẹ mà nhân loại tội nhơ đã được diễm phúc hưởng nhận hồng ân cứu độ mà Thiên Chúa hứa ban từ ngàn xưa.

Mừng kính sinh nhật của Mẹ, chúng ta nguyện noi theo người môn đệ yêu dấu của Chúa Giêsu ngày xưa đón Mẹ về nhà mình nghĩa là vào cuộc đời của mình. Và điều làm đẹp lòng Mẹ nhất cũng là quà tặng sinh nhật quý giá nhất đó là hãy lắng nghe và thực hành lời Mẹ truyền năm xưa tại tiệc cưới Cana: “Ngài, Giêsu biểu gì thì hãy làm theo” (Ga 2,5).

Lm.. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:05 07/09/2021

5. Hỡi những người yêu mến thế gian, những người ngu xuẩn bất hạnh ơi, các ngươi đi đâu để tìm kiếm sự thỏa mãn lòng dạ các ngươi? Các ngươi hãy đi đến cùng Đức Chúa Giê-su, Ngài là Đấng duy nhất có thể làm thỏa lòng các ngươi.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:10 07/09/2021
52. ĐẠI PHU PHÁT THỆ

Đại phu Vương Đới Sinh và Tam Điểu Tùng Thần, cùng nhau phát thệ ước định rằng: “Không nên đi vào cổng của người quyền thế để nịnh nọt lấy lòng”.

Về sau Triệu Tuyên tử nắm quyền triều chính rất lớn, các đại phu mỗi ngày đi vào đi ra cổng triều thăm hỏi ông ta, Tam Điểu Tùng Thần khi nghe gà trống mới gáy canh nhất thì tiến vào chờ đón Triệu Tuyên tử.

Vừa tiến vào cửa lớn, thì chỉ thấy một đại phu đang ngồi ngay ngắn ở phía đông, đưa cao nến để nhìn thì té ra là Vương Đới Sinh, cả hai người quá xấu hổ, mỗi người lủi thủi đi một ngã.

(Tiếu tiếu lục)

Suy tư 52:

Có những việc nên thề nên hứa và có những việc chỉ nên răn mình mà thôi.

Việc nên thề nên hứa là những việc đã suy nghĩ kỷ càng hẳn hoi, đã bàn hỏi với người khôn ngoan và nhất là đã cầu nguyện, đó là việc thề hứa giữ độc thân của các linh mục, việc khấn dòng của các tu sĩ nam nữ, và việc thề hứa của đôi tân hôn trước mặt Thiên Chúa và Giáo Hội...

Đừng thề là không bao giờ vào nhà của người quyền quý, vì sẽ có lúc nào đó vì công việc mà phải vào; đừng thề sẽ không bao giờ nói chuyện với người xấu, vì sẽ có một ngày nào đó phải nói chuyện với họ; đừng thề mỗi ngày sẽ làm vài việc thiện, vì có một lúc nào đó mình sẽ quên làm; đừng thề sẽ bỏ uống rượu, bỏ hút thuốc, vì thân xác yếu đuối sẽ có lúc ngã gục trước lời mời mọc của bạn bè.v.v...Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta đừng thề thốt gì cả, nhưng có thì nói có và không thì nói không, bởi vì khi không giữ trọn lời thề hứa thì tình trạng càng bi đát hơn.

Đừng thề thốt gì cả nhưng hãy cố gắng vươn lên: cố gắng sửa đổi tật xấu, cố gắng làm việc thiện, cố gắng sống yêu thương và chan hòa với mọi người, cố gắng vươn lên với tất cả ý chí...

Cố gắng vươn lên là điểm son của người tội lỗi...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
4 tên đốt nhà thờ bị bắt trong hoàn cảnh bất ngờ
Đặng Tự Do
05:11 07/09/2021


Hôm 9 tháng 5, năm nay, các nhân viên cứu hỏa đã phải chiến đấu vất vả với một ngọn lửa kinh hoàng tại nhà thờ Thánh Lêô Cả trong khu vực Tacony của Philadelphia trong khi cư dân khu vực và anh chị em giáo dân đứng bên ngoài theo dõi tiếc xót cho ngôi thánh đường lịch sử.

Những kẻ đốt ngôi thánh đường cũng đứng lẫn chung với họ theo dõi vụ hỏa hoạn với sự đắc chí mãn nguyện trên nét mặt của chúng. Sau hàng mấy tháng trời yên ắng, chúng đã bất ngờ bị bắt.

Hôm 2 tháng 9, văn phòng Biện lý quận Philadelphia thông báo rằng bốn tên vị thành niên đốt phá ngôi nhà thờ đã bị bắt và bị buộc tội phóng hỏa ngôi thánh đường và ngôi nhà xứ bên cạnh. Ngôi nhà xứ này đã được biến thành nơi cư trú của Phó tế vĩnh viễn Pascual Mota và gia đình của ông, cũng bị chìm trong biển lửa.

Vụ cháy nhanh chóng được các cơ quan chức năng điều tra. Lực lượng đặc nhiệm đã đề nghị phần thưởng lên tới 20,000 Mỹ Kim cho bất kỳ ai cung cấp thông tin nào dẫn đến việc bắt giữ và kết án những người chịu trách nhiệm về vụ cháy.

Một người đã báo cáo, giúp các nhà điều tra xác định và bắt giữ bốn tên. Cả 4 tên đã phải nhận tội. Đoạn phim quay tại hiện trường vụ cháy cho thấy những nụ cười mãn nguyện của chúng. Những nụ cười ấy đã bán đứng chúng. Chúng sẽ phải đối mặt với nhiều tội danh bao gồm đốt phá, âm mưu trộm cắp và các tội danh liên quan trong vụ phá hủy nhà thờ lịch sử được xây dựng vào năm 1884.

Vào tháng 6, Đức Tổng Giám Mục Nelson Pérez đã cử hành Thánh lễ tưởng nhớ tại địa điểm của ngôi nhà thờ đổ nát - một nghi lễ thu hút hàng trăm giáo dân, hầu hết họ mặc áo phông màu xanh sáng với hình ảnh của Thánh Lêo và chú thích “Kho báu của Tacony, mãi mãi trong tim chúng tôi.”
Source:Catholic Philly
 
Đức Thánh Cha thừa nhận: Bạn có thể bị Trung Quốc lừa trong cuộc đối thoại
Đặng Tự Do
05:12 07/09/2021


Hôm 2 tháng 9, Cha Gianni Criveller, linh mục thuộc Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, và là quan sát viên về Trung Quốc có bài nhận định sau về cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha dành cho radio COPE, phần nói về Trung Quốc.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa nói về Trung Quốc. Ngài không làm điều này thường xuyên. Vì lý do này, những gì ngài nói với Đài phát thanh Tây Ban Nha COPE, được AsiaNews đưa tin ngày hôm qua, là quan trọng.

Lời nói của ngài có một hương vị mới hơn so với quá khứ, đó là chưa nói đến một sự hối lỗi phải có của những người cảm thấy được ủy quyền để nói về những suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng.

Khi Đức Phanxicô nói rằng vấn đề Trung Quốc “không hề dễ dàng”, dường như ngài đang thừa nhận, so với những gì vẫn thường nói trong quá khứ, như Trung Quốc có một nền văn minh vĩ đại, chẳng hạn. Điều này càng rõ ràng hơn khi ngài nói “Bạn có thể bị lừa trong cuộc đối thoại, bạn có thể mắc sai lầm”.

Tôi không nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng sẽ đề cập đến điều này nếu ngài có thể tránh được điều đó. Vì vậy, có thể nói, giờ đây cả Đức Thánh Cha cũng lo sợ rằng kết quả của thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican có thể là một thất bại.

Việc Đức Giáo Hoàng thừa nhận khả năng này cho thấy ngài nhận thức được tình hình trên thực tế. Ngài đã nghe thấy những tiếng nói lo lắng của những người ở Trung Quốc, đã lên tiếng trong những năm gần đây cũng như những người theo dõi sự phát triển trong các cộng đồng Công Giáo ở nước này.

Sau khi mô tả các khía cạnh tích cực và kém tích cực của thỏa thuận năm 2018, chúng tôi lưu ý rằng thỏa thuận của Trung Quốc với Vatican có thể là “một sự lừa đảo quỷ quyệt”, tạo cơ hội cho bọn cầm quyền Trung Quốc rêu rao một sự cởi mở nhất định không có trên thực tế nơi tự do vẫn tiếp tục bị hạn chế.

Đức Giáo Hoàng đưa ra đánh giá ban đầu, một đánh giá khá mong manh, thiếu các kỳ vọng và hy vọng. “Những gì đã đạt được cho đến nay ở Trung Quốc ít nhất là đối thoại”, ngài nói, “một số việc cụ thể như việc bổ nhiệm các giám mục mới, một cách chậm chạp... Nhưng đây cũng là những bước có thể bị nghi ngờ, cả các kết quả về mặt này mặt khác”.

Trên thực tế, có rất ít giám mục được bổ nhiệm so với nhu cầu của dân Chúa. Một số Giám Mục đã được chọn trước khi có thỏa thuận, như thế chúng ta có thể nói là chẳng có lợi gì bao nhiêu. Ngược lại, như các báo cáo từ các cộng đồng Công Giáo cho thấy, các tín hữu phải đối mặt với tình trạng ngày càng khó khăn.

Đức Giáo Hoàng thật chí lý khi không đưa đại dịch ra để biện minh cho những kết quả kém cỏi. Trên thực tế, đại dịch đã không ngăn cản Trung Quốc đạt được kết quả trong các lĩnh vực khác, bao gồm cả việc đàn áp tự do và dân chủ ở Hương Cảng.

Giữa tất cả những điều này, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng “chúng ta không nên từ bỏ đối thoại”. Đây là điểm mạnh trong những gì ngài nói. Nhưng chúng ta chỉ có thể đánh giá cao đức tin của Đức Giáo Hoàng trong đối thoại, là điều đặc biệt quan trọng đối với những người đối thoại cứng đầu nhất.

Tử đạo cũng là một khía cạnh trong đối thoại. Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài được truyền cảm hứng từ cuộc đối thoại giữa Agostino Casaroli bắt đầu với các chế độ cộng sản cũ ở châu Âu.

Casaroli nói về điều đó trong cuốn The Martyrdom of Patience, một tựa đề gợi cảm hứng cho những suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng. Do đó, để lôi kéo Trung Quốc vào đối thoại đòi hỏi sự kiên nhẫn. Người Công Giáo Trung Quốc biết rõ điều này, và không vui mừng bao nhiêu.

Với tất cả tấm lòng của những người Công Giáo trung thành, chúng tôi thực sự hy vọng Đức Giáo Hoàng sẽ thành công và đạt được thông qua cuộc đối thoại thực sự khó khăn như vậy, những gì ngài có trong lòng, đó là tự do cho Giáo hội ở Trung Quốc, niềm tin tốt đẹp và hòa bình cho người dân.

“Ngay cả khi tôi còn là một giáo dân và một linh mục, tôi rất thích chỉ đường cho giám mục; đó là một sự cám dỗ mà tôi thậm chí sẽ nói là phù hợp nếu nó được thực hiện với thiện chí”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, với phong cách có chút dỗi hờn mà đôi khi ngài sử dụng, khi đề cập đến nhiều nghi ngờ và lo ngại được bày tỏ về thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican, được gia hạn vào tháng 10 năm 2020.

Chúng tôi là một trong số những người đã, đang và vẫn bị cám dỗ để “chỉ đường”, nghĩa là, chúng tôi muốn trình bày cho Tòa Thánh với lòng kính trọng, với lương tâm và thiện chí, những báo cáo mà chúng tôi nhận được từ các anh chị em của chúng tôi ở Trung Quốc, cũng như những trăn trở và đau khổ của họ.

Chúng tôi bày tỏ lòng trung thành của mình đối với Đức Giáo Hoàng và các phụ tá của ngài bằng cách cung cấp cho họ những phân tích và suy tư để phác thảo mức độ phức tạp của tình hình, bao gồm những câu chuyện thành công và những thách thức.

Đây là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng sự im lặng – thật rõ ràng của các phương tiện truyền thông Công Giáo - về những trở ngại mà các cộng đồng Công Giáo của Trung Quốc phải đối mặt và những bi kịch khác đang diễn ra ở quốc gia đó không phục vụ Đức Giáo Hoàng.

Năm 1933, Edith Stein, được Đức Gioan-Phaolô II tôn xưng là tử đạo, vị thánh và là bổn mạng của Âu Châu, đã viết một lá thư rất đúng nguyên tắc cho Đức Piô XI cầu xin ngài đừng im lặng về các chính sách của Hitler. Do đó, đối thoại - có khía cạnh đau khổ khi làm chứng - không thể tiến lên nếu một bên im lặng.

Do đó, người ta có thể phỏng đoán rằng Tòa thánh đã tìm mọi cách, mặc dù không được công khai biết đến, để bày tỏ sự thất vọng của mình với phía bên kia về sự suy giảm tự do tín ngưỡng ở Trung Quốc và sự đàn áp tự do và dân chủ ở Hương Cảng.

Nếu, như Đức Giáo Hoàng đã nói trên đài phát thanh Tây Ban Nha, “chỉ đường cho giám mục” là một cám dỗ chính đáng mà ngài đã thực hành trong quá khứ, thì người ta hy vọng rằng nhiều người sẽ noi gương ngài và cho phép mình bị cám dỗ làm như thế và gửi những đóng góp quan trọng của họ cho Đức Giáo Hoàng và Tòa thánh.
Source:Asia News
 
Di tích của các vị tử đạo Công Giáo Hàn Quốc được phát hiện 230 năm sau khi các ngài bị hành quyết
Đặng Tự Do
16:51 07/09/2021


Hài cốt của các vị tử đạo tiên khởi của Hàn Quốc đã được tìm thấy sau hơn hai thế kỷ bị xử tử.

Đạo Công Giáo được đưa đến Hàn Quốc vào thế kỷ 17 bởi những giáo dân Triều Tiên, những người đã gặp gỡ đức tin trong chuyến du hành đến Trung Quốc và Nhật Bản. Đạo Công Giáo đã trở nên phổ biến và vững chắc trên bán đảo Triều Tiên vào thế kỷ 18. Khi đức tin bắt đầu lan rộng, người Công Giáo phải đối mặt với sự đàn áp dưới triều đại Tiên Quốc (Joseon, 조선). Triều đại này đã cai trị Hàn quốc hơn 500 năm.

Trong suốt 100 năm bách hại, có khoảng 10,000 người Công Giáo đã tử vì đạo ở Hàn Quốc. Mãi đến năm 1886, cuộc bách hại người Công Giáo mới kết thúc theo sau một hiệp ước với Pháp.

Bảy năm trước, vào năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Hàn Quốc để phong chân phước cho 125 vị tử đạo Công Giáo. Trong số 125 vị này, chỉ có ba vị tử đạo đã được tìm thấy hài cốt. Để minh chứng cho sức mạnh của đức tin bất chấp nghịch cảnh, ước tính có 800,000 người đã tham dự Thánh lễ phong chân phước.

AFP đưa tin rằng tháng 3 năm nay, trong quá trình chuyển một ngôi mộ thành một khu bảo tàng gần Toàn Châu (Jeonju, 전주) phía nam Hán Thành (Seoul, 서울) một số hài cốt đã được phát hiện. Một cuộc điều tra sử dụng hồ sơ lịch sử và xét nghiệm DNA đã giúp các nhà nghiên cứu xác định rằng hài cốt thuộc về Phaolô Duẫn Chí Trung (Yun Ji-chung, 정윤지) 32 tuổi và Giacôbê Quyền Thượng Nghiên (Kwon Sang-yeon, 야고보), 40 tuổi, là những người bị chặt đầu vào năm 1791.

Hài cốt của em trai anh Phaolô Duẫn Chí Trung là Phanxicô Duẫn Chí Hiến (Yun Ji-heon, 정치스) người đã tử vì đạo ở tuổi 37, mười năm sau khi anh trai của anh bị hành quyết, cũng được phát hiện.

Đức Giám Mục Gioan Kim Tôn Thái (Kim Son-tae, 김선태), người đứng đầu của Giáo Phận Toàn Châu vui mừng nói:

“Chúng tôi đã tìm thấy hài cốt của những người đầu tiên thiết lập lịch sử tử đạo cho Giáo Hội chúng tôi, được thành lập nhờ máu của các vị tử đạo”,

Giáo phận cho biết hài cốt của anh Phanxicô Duẫn, “cho thấy những dấu hiệu rõ ràng anh đã bị chém thành nhiều phần”.

Theo vị giám mục, các ghi chép lịch sử cho thấy anh Phaolô Duẩn đã giữ vững đức tin của mình cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.

Vị giám mục nói với AFP rằng anh Phaolô Duẩn đã “mỉm cười như thể đang trên đường đến một bữa tiệc” khi bị kéo lê đến địa điểm hành quyết.

“Anh bị chặt đầu đang khi gọi các danh cực trọng ‘Giêsu, Maria’”.

Tính đến năm 2019, có 5.6 triệu người Công Giáo ở Hàn Quốc, chiếm 11% dân số.
Source:Aleteia
 
Đức Cha Tobin phê phán những nỗ lực Hỗ trợ và Thúc đẩy Phá thai của Biden
Đặng Tự Do
16:51 07/09/2021


Đức Cha Thomas Tobin đã phê phán vị tổng thống Công Giáo thứ hai của Hoa Kỳ trên twitter vì đã ủng hộ và thúc đẩy việc phá thai, vi phạm giáo huấn của nhà thờ.

Đức Cha Tobin, một người gốc Pittsburgh, đã lãnh đạo Giáo phận Providence kể từ khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài vào tháng 3 năm 2005, đã phản ứng trước tuyên bố của ông Joe Biden đe dọa một luật mới của Texas cấm tất cả các trường hợp phá thai khi thai nhi có nhịp đập.

Đức Cha Tobin viết trong một dòng tweet hôm thứ Tư rằng “‘Người Công Giáo sùng đạo’ Joe Biden tiếp tục nhiệt thành ủng hộ và thúc đẩy việc phá thai để giết những đứa trẻ chưa chào đời.” Ngài đặt dấu ngoặc xung quanh cụm từ “Người Công Giáo sùng đạo” để biểu thị sự mỉa mai của ngài đối với hình ảnh mà Biden thường sử dụng để bảo vệ các lập trường mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo Hội.

Giáo huấn Công Giáo chính thức cấm phá thai trong mọi hoàn cảnh, và coi đó là một tội trọng.

Như quý vị và anh chị em có thể thấy trong ảnh chụp màn hình này, tweet của Đức Cha Tobin là một phản hồi trực tiếp với một tweet trước đó của Biden, trong đó Biden tuyên bố “cam kết sâu sắc” của ông ta chống lại luật phò sinh mới của Texas đã có hiệu lực vào ngày hôm đó.

Theo thói quen phớt lờ các giám mục chỉ trích ông ta, vì các tuyên bố sùng đạo trong khi lại theo đuổi các chính sách nghịch lại với giáo huấn Công Giáo, Biden đã không trả lời tweet của vị giám mục.

Cuộc trao đổi trên twitter của họ diễn ra sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bác bỏ các động thái khẩn cấp nhằm ngăn chặn luật. Cuộc bỏ phiếu trong đêm với tỷ số 5-4 đã khiến quan điểm của Tối Cao Pháp Viện thậm chí còn rõ ràng và chính thức hơn nữa.

Hôm thứ Năm, Biden đã chỉ trích phán quyết của Tối Cao Pháp Viện trong một tweet khác, và hứa hẹn các “nỗ lực của cả chính phủ” để bảo đảm “phá thai an toàn và hợp pháp” ở Texas.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (D-CA), cũng là người tự nhận mình là người Công Giáo sùng đạo trong khi tuyên bố ủng hộ việc phá thai. Bà ta cũng phổ biến một tuyên bố chính thức coi quyết định 5-4 của Tối Cao Pháp Viện là một “phán quyết đen tối”.

Pelosi cũng gửi một loạt các tweet cổ vũ việc phá thai theo yêu cầu và gọi phán quyết này là một “cuộc tấn công vi hiến đối với quyền và sức khỏe của phụ nữ”. Trong một tweet, bà ta hứa sẽ nhanh chóng thông qua Đạo luật Bảo vệ Sức khỏe Phụ nữ để bảo vệ luật phá thai theo yêu cầu, là điều mà bà ta coi là quyền cơ bản của con người.

Đạo luật Nhịp tim của Texas đã có hiệu lực vào hôm thứ Tư, sau khi Tòa án Tối cao đã quyết định không hành động gì cả vào phút cuối để ngăn chặn luật này.

Luật yêu cầu các bác sĩ phải tìm kiếm nhịp tim của thai nhi trước khi thực hiện phá thai. Nếu một nhịp tim được phát hiện thì việc phá thai bị cấm theo luật, trừ trường hợp cấp cứu y tế. Luật được thực thi thông qua các vụ kiện tư nhân, chứ không phải bởi chính quyền tiểu bang.

Các công dân có thể khởi kiện hành vi phá thai bất hợp pháp chống lại bất kỳ ai thực hiện phá thai bất hợp pháp hoặc bất kỳ ai hỗ trợ phá thai bất hợp pháp kể cả thông qua các khoản thanh toán hoặc bồi hoàn. Các vụ kiện cũng có thể được đưa ra đối với bất kỳ ai “có ý định tham gia” vào việc thực hiện hoặc hỗ trợ phá thai bất hợp pháp.

Các quan sát viên cho rằng luật phò sinh của Texas có khả năng rất lớn ngăn chặn việc phá thai. Tình huống sau đây sẽ có khả năng xảy ra rất cao: Hai vợ chồng thực ra đồng lòng phá thai. Sau khi ca phá thai được thực hiện, người chồng khởi tố. Luật sư chỉ cần tìm một giấy chứng nhận hay một bác sĩ nào đó chứng minh vào thời điểm phá thai, thai nhi đã có nhịp tim thì hai vợ chồng nhà đó sẽ kiếm được một món tiền lớn đủ để sống suốt đời. Nhà phò sinh nào nghĩ ra luật “nhịp tim” này rất thông minh.

Cả Joe Biden và Kamala Harris nhận ra tức khắc khả năng phò sinh của luật này.

Đức Cha Tobin, một người gốc Pittsburgh nổi tiếng với quan điểm chính trị bảo thủ của mình, trước đây đã lên tiếng phản đối các chính trị gia ủng hộ phò lựa chọn không được lên rước lễ trong địa phận Rhode Island của mình. Ngài cũng đã hướng dẫn người Công Giáo không tham dự các sự kiện trong tháng tự hào về LGBT được tổ chức vào tháng Sáu.

Mặc dù các giáo sĩ Công Giáo hiếm khi tiết lộ đảng phái chính trị của họ, Đức Cha Tobin đã tuyên bố vào năm 2013 rằng ngài đã chuyển từ đảng Dân chủ sang đảng Cộng hòa vì sự khác biệt của họ trong việc hợp pháp hóa phá thai.


Source:Catholic Vote
 
Đức Thánh Cha cùng các nhà lãnh đạo đại kết quyết tâm: Cam kết chăm sóc cho ngôi nhà chung
Thanh Quảng sdb
21:30 07/09/2021
Đức Thánh Cha cùng các nhà lãnh đạo đại kết quyết tâm: Cam kết chăm sóc cho ngôi nhà chung

Trong một thông điệp chung của mùa Xuân 2021, Đức Thánh Cha Phanxicô, Thượng phụ Đại kết Bartholomew và Đức Tổng Giám Mục Justin Welby của Canterbury cùng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc hợp tác và định giá tính bền vững so với những lợi thế ngắn hạn là những phần thiết yếu trong phản ứng chung của tất cả trước mối đe dọa biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.

(Tin Vatican - Benedict Mayaki, SJ)

“Trong hơn một năm qua, tất cả chúng ta đều trải nghiệm những tác động tàn khốc của đại dịch toàn cầu - tất cả chúng ta, dù nghèo hay giàu, yếu hay mạnh. Một số được bảo vệ tốt hơn so với những người khác, nhưng trước sự lây lan nhanh chóng, chúng ta phải nhìn nhận là chúng ta phụ thuộc vào nhau trong những nỗ lực gìn giữ an toàn cho nhau”.

Những nhận xét này khởi đầu cho “Thông điệp chung về bảo vệ sự sáng tạo” do Đức Thánh Cha Phanxicô, Thượng phụ Đại kết Bartholomew I và Đức Tổng Giám Mục Justin Welby, Tổng giám mục Canterbury, ban hành vào ngày 1 tháng 9.

Các nhà lãnh đạo tôn giáo lưu ý rằng khi đối diện với thảm họa trên toàn cầu này, “không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người được an toàn”, bởi vì “mọi hành động của chúng ta đều ảnh hưởng đến nhau” và “những gì chúng ta làm hôm nay ảnh hưởng đến tương lai ngày mai”.

Chọn cuộc sống

Thông điệp chung được đưa ra vào khởi điểm Mùa Xuân 2021 từ ngày 1 tháng 9 đến ngày 4 tháng 10, đưa đến “cơ hội để cầu nguyện và chăm sóc cho ngôi nhà chung”. Nó được công bố lúc các nhà lãnh đạo thế giới chuẩn bị nhóm họp Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26), dự kiến diễn ra vào tháng 11, tại Glasgow, Scotland, để thảo luận về tương lai của hành tinh chúng ta.

Thông điệp thúc giục mọi người hành động để “không lãng phí khoảnh khắc này”, các nhà lãnh đạo tôn giáo mời mọi người “quyết định loại thế giới nào mà chúng ta muốn để lại cho thế hệ tương lai”, nhấn mạnh tới chúng ta phải chọn cách sống và “cuộc sống” khác. Và hơn thế nữa, Thiên Chúa muốn chúng ta phải “lựa chọn sự sống, để bạn và con cái bạn được sống” (Đnl 30:19).

Do đó, thông điệp mời gọi tất cả chúng ta, bất kể tín ngưỡng nào hay có cái nhìn nào đi nữa, hãy “cố gắng lắng nghe tiếng kêu của trái đất và của những người nghèo khổ, nhìn những hành vi của họ mà cam kết hy sinh vì lợi ích của trái đất mà Thiên Chúa đã tạo dựng cho chúng ta."

Tính bền vững so với cái lợi ngắn hạn

Các nhà lãnh đạo tôn giáo nhấn mạnh, một khởi điểm quan trọng cho sự ổn định xã hội, kinh tế và quản lý môi trường với “trách nhiệm cá nhân và tập thể đối với khả năng được Chúa phú ban”.

Về vấn đề này, truyền thống Kitô giáo, qua các thánh thư và các tổ phụ cung cấp cho chúng ta một quan điểm để hiểu cả hiện tại và tương lai về “một lời hứa về điều gì đó to lớn hơn những gì chúng ta thấy trong lúc này”.

Chẳng hạn, những câu chuyện trong Kinh thánh về người giàu có dại khờ, tích trữ nhiều thóc lúa mà quên đi mạng sống mong manh của mình (Lc 12, 13-21), hoạc dụ ngôn người con hoang phung phí cơ nghiệp và bị đói (Lc 15, 11). -32), cảnh báo chúng ta không nên áp dụng cách lựa chọn những cái ngắn hạn, rẻ tiền, những hãy có “một cái nhìn lớn rộng hơn, nhận ra vị trí của chúng ta trong câu chuyện chung của nhân loại.”

Thông điệp chung cũng cảnh báo chúng ta không nên lạm dụng tối đa cho lợi ích của chúng ta vì đó là cái giá mà các thế hệ tương lai phải đền trả, hãy nhớ rằng bằng cách thu vén cho sự giàu có của chúng ta, các tài sản dài hạn, bao gồm cả tiền thưởng do thiên nhiên ưu đãi, sẽ bị cạn kiệt vì lợi ích ngắn hạn của bạn... Hơn nữa, thông qua những khả năng mới cho sự tiến bộ và tích lũy của cải mà công nghệ mang lại cho chúng ta, chúng ta đang hành xử theo cách "thể hiện lợi ích mà không quan tâm đến người khác hoặc nghĩ tới những giới hạn của hành tinh chúng ta đang sinh sống!"

Các nhà lãnh đạo tôn giáo
nhấn mạnh: “Hãy có can đảm kiên cường và tinh tế “Bây giờ, lúc này đây là cơ hội để ăn năn, quay đầu quyết tâm,chấn chỉnh lại hướng đi... Chúng ta phải theo đuổi sự rộng lượng và công bằng trong cách chúng ta sống, làm việc và sử dụng tiền của thay vì chỉ vụ lợi ích kỷ”.

Những người nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất


Các nhà lãnh đạo tôn giáo chỉ ra rằng giữa cuộc khủng hoảng khí hậu, chúng ta đứng trước “một nền công lý khắc nghiệt” được đánh dấu bằng sự đánh mất tính đa dạng sinh học, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu - tất cả những hậu quả này không thể tránh được vì các hành động của chúng ta - bởi vì chúng ta “đã tham lam tiêu thụ nhiều tài nguyên trái đất hơn là hành tinh có...”

Cho nên chúng ta phải đối diện với “một sự bất công sâu sắc”, vì “những người gánh chịu những hậu quả thảm khốc nhất này lại là những người nghèo nhất trên hành tinh và họ ít có trách nhiệm nhất trong việc gây ra các hậu quả này”.

Điều này thể hiện rõ qua tình hình thời tiết khắc nghiệt và thiên tai trong những tháng gần đây cho chúng ta thấy, cái giá phải trả rất lớn về con người, biến đổi khí hậu “không chỉ là thách thức trong tương lai, mà là vấn đề sống còn trước mắt và cấp bách”. Ngoài ra, lũ lụt, hỏa hoạn và hạn hán đã buộc toàn thể cộng đồng phải di dời; lốc xoáy đã tàn phá toàn bộ khu vực, mất an ninh nguồn nước và lương thực bị xung đột và khiến hàng triệu người phải di dời.

Các thế hệ tương lai phải trả giá

Các nhà lãnh đạo cảnh báo “ngày mai có thể tồi tệ hơn” và thế hệ trẻ và thanh thiếu niên ngày nay có nguy cơ đối diện với những hậu quả thảm khốc trừ khi chúng ta nhận trách nhiệm duy trì thế giới chúng ta với tư cách là “những người đồng cộng tác với Thiên Chúa”. Vì vậy, các ngài mời tất cả mọi người, vì lợi ích của con cái chúng ta, hãy “sinh sống, đi du lịch, chi tiêu, đầu tư và đừng sống chỉ nghĩ đến lợi ích và lợi ích trước mắt mà quên cái lợi ích cho các thế hệ tương lai”.

“Chúng ta hãy thống hối tội lỗi của thế hệ chúng ta. Chúng ta chãy sát cánh cùng các thế hệ trẻ trên khắp thế giới chung lời cầu nguyện cam kết và hành động cho một tương lai ngày càng phù hợp hơn với những lời hứa của Thiên Chúa.”

Cần hợp tác và thay đổi


Thông điệp cho chúng ta hay trong quá trình đại dịch, chúng ta thấy rõ những lỗ hổng và sự yếu kém của các hệ thống, những cuộc khủng hoảng này cho chúng ta một sự lựa chọn.

“Chúng tôi đang ở một vị trí duy nhất có thể giải quyết vấn đề cấp thiết và trục lợi hoặc nắm bắt điều này như một cơ hội để thay đổi và chuyển đổi.”

Nếu nhân loại như một gia đình cùng nhau hướng tới một tương lai dựa trên lợi ích chung, chúng ta có thể thấy mình đang sống trong một thế giới khác, thông điệp viết “Cùng nhau, chúng ta có thể chia sẻ tầm nhìn về cuộc sống nơi mọi người cùng thăng tiến. Cùng nhau, chúng ta có thể chọn hành động với tình yêu thương, công lý và lòng thương xót. Cùng nhau, chúng ta có thể hướng tới một xã hội công bằng và hoàn thiện hơn với những người dễ bị tổn thương nhất đang ở trọng tâm..."

Tuy nhiên, điều này liên quan đến việc thực hiện các thay đổi liên quan đến trách nhiệm cá nhân đối với việc sử dụng tài nguyên của chúng ta. Nó đòi hỏi “sự hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn giữa tất cả các Giáo hội cùng nhau cam kết chăm sóc cho ngôi nhà chung” và làm cho các cộng đồng và quốc gia “khám phá ra những cách thức làm việc mới cùng nhau phá bỏ những rào cản truyền thống giữa các dân tộc, ngừng tranh giành tài nguyên và biết hợp tác.”

Hơn nữa, các nhà lãnh đạo, người đứng đầu công ty và sử dụng lao động phải trở thành những nhà lãnh đạo trong quá trình chuyển đổi sang các nền kinh tế công bằng và bền vững, chọn “lợi nhuận lấy con người làm trung tâm và hy sinh ngắn hạn để bảo vệ tương lai của chúng ta”.

Kêu gọi các Kitô hữu

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo tôn giáo nhắc lại lời kêu gọi tới các tín hữu và những người có thiện chí đóng góp trong việc thay đổi phản ứng tập thể của chúng ta trước mối đe dọa biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường.

Các ngài cũng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo thế giới, những người sẽ tập hợp về Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP26 vào tháng 11 tới, để tái cam kết sự “lựa chọn cuộc sống có nghĩa là hy sinh và thực hiện tự kiềm chế”.

Đức Thánh Cha Phanxicô, Thượng phụ Đại kết Bartholomew và Đức Tổng Giám Mục Justin Welby của Canterbury cũng lưu ý rằng đây là lần đầu tiên họ cảm thấy buộc phải cùng giải quyết “tính cấp thiết của sự bền vững, tác động của nó trước tình trạng nghèo đói dai dẳng và tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu”.

Các ngài cho rằng: “Chăm sóc sự sáng tạo của Thiên Chúa là một nhiệm vụ thuộc lãnh vực thiêng liêng, đòi hỏi sự đáp trẻ lại bằng sự cam kết. “Đây là một thời điểm quan trọng. Tương lai của con cái chúng ta và tương lai của ngôi nhà chung của chúng ta đều phụ thuộc vào nó”.
 
Tài liệu Chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tính Đồng nghị đã được công bố
Vũ Văn An
23:30 07/09/2021

Theo tạp chí The Pillar, các hướng dẫn và tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tính Đồng nghị đã được công bố tại Rôma hôm qua, 7 tháng 9, 2021.

Các viên chức Tòa Thánh cho biết trong một cuộc họp báo cùng ngày rằng các văn kiện này chỉ là một nguồn tài liệu, mỗi Giáo Hội địa phương phải tìm ra các phương thế tốt nhất để sống diễn trình đồng nghị.



Khi các nhà báo yêu cầu cung cấp câu định nghĩa chính xác và cô đọng cho tính đồng nghị, thì Tiến sĩ Myriam Wijlens, giáo sự giáo luật của Đại Học Erfurt, Đức, trả lời rằng sẽ là một “bất công” đối với ý niệm đồng nghị khi định nghĩa nó trước diễn trình đồng nghị. Bà ví tính đồng nghị như bông hoa phải chờ nó nở mới mô tả nó được.

Theo Inés San Martin của tạp chí Crux, phiên họp của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tính Đồng nghị mãi tháng Mười năm 2023 mới bắt đầu, nhưng biến cố này sẽ chính thức được khai mạc vào tháng tới bằng một diễn trình lắng nghe, đối thoại và biện phân cộng đồng trong các Giáo Hội địa phương.

Martin cũng cho hay mặc dù Thượng Hội Đồng có sự tham dự của cả các tu sĩ và giáo dân, nhưng chỉ có các giáo sĩ mới có quyền bỏ phiếu. Tuy nhiên thực hành này đang được sửa đổi dưới triều Giáo Hoàng của Đức Phanxicô khi Nữ tu Nathalie Becquart, hiện là phó tổng thư ký của Văn Phòng Thượng Hội Đồng sẽ là người phụ nữ đầu tiên có quyền bỏ phiếu.

Hạn từ tính đồng nghị được nói nhiều dưới triều Giáo Hoàng Phanxicô, nhưng chưa ai nắm vững định nghĩa của nó. Chính vì thế, theo Martin, phần lớn Tài liệu chuẩn bị nhằm giải thích diễn trình và gốc rễ thần học của nó.

Tài liệu cho hay tính đồng nghị “không chỉ là việc cử hành các phiên họp trong Giáo Hội và các cuộc họp của các Giám Mục, hay chỉ là một vấn đề quản trị nội bộ trong lòng Giáo Hội; nó là “modus vivendi et operandi” [một phương thức sống và hành động] của Giáo Hội, Dân Thiên Chúa, biểu lộ và mang bản thể lại cho hữu thể Giáo Hội như một hiệp thông khi mọi chi thể của Giáo Hội cùng hành trình với nhau, tụ họp trong các phiên họp và dự phần vào sứ mệnh rao truyền Tin Mừng của Giáo Hội”.

Những trục chính của một Giáo Hội đồng nghị là hiệp thông, tham gia, và sứ mệnh, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và lắng nghe Kinh Thánh.

Đức Hồng Y Mario Grech, đứng đầu văn phòng Thượng Hội Đồng, cho biết thánh lễ khai mạc Thượng Hội Đồng sẽ được Đức Phanxicô chủ tọa vào ngày 9 tháng 10, 2021; các giáo phận sẽ khai mạc một tuần sau.

Tới ngày 10 tháng 4, 2022, sau diễn trình “cầu nguyện và suy nghĩ”, các Giáo Hội địa phương sẽ hoàn tất một tài liệu dài không quá 10 trang và gửi về Rôma. Tháng 9, 2022, một tài liệu làm việc sẽ được công bố để hướng dẫn các phiên họp lục địa và miền, diễn ra trước tháng 3 năm 2023. Kết quả của các phiên họp này cũng sẽ được gửi về Rôma, giúp hướng dẫn việc soạn thảo một tài liệu làm việc thứ hai cho phiên họp thực sự của Thượng Hội Đồng Giám Mục vào tháng Mười năm 2023.

Trong số các “mục tiêu” của con đường đồng nghị này là xét xem trách nhiệm và quyền hành trong Giáo Hội phải được quản lý ra sao, “đem ra ánh sáng và cố gắng hoán cải các thiên kiến và thực hành méo mó vốn không bắt rễ từ Tin Mừng”.

Tài liệu cũng quả quyết rằng đại dịch COVID-19 “trong giây lát, đã làm sống dậy cảm thức này: chúng ta là một cộng đồng hoàn cầu, tất cả đang ở trong cùng một con thuyền, trong đó, vấn đề của một người là vấn đề của mọi người” và không ai được cứu một mình, trong khi khiến cho các bất bình đẳng và bất công vốn có “nổ tung”.

Tình trạng trên, một tình trạng “hợp nhất toàn thể gia đình nhân loại” bất chấp nhiều khác biệt bên trong nó, “thách thức khả năng của Giáo hội trong việc đồng hành với các cá nhân và cộng đồng”. Tuy nhiên, tài liệu thừa nhận, “chúng ta không thể che giấu sự kiện này: chính Giáo hội đang đương đầu với việc thiếu đức tin và sự băng hoại ngay trong chính mình,” đặc biệt làm nổi bật nỗi đau khổ các trẻ em và những người dễ bị tổn thương phải chịu do việc lạm dụng tình dục của giáo sĩ và các hành vi sai trái khác được thực hiện bởi một số lượng “đáng kể” các linh mục và tu sĩ.

Tài liệu cho biết, “Toàn thể Giáo hội được kêu gọi đối phó với sức nặng của một nền văn hóa thấm nhuần chủ nghĩa giáo sĩ trị mà Giáo hội vốn kế thừa từ lịch sử của mình, và với những hình thức thực thi quyền hành trên đó các loại lạm dụng khác nhau (quyền lực, kinh tế, lương tâm, tình dục) được cấy ghép vào”.

Bản văn cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đặc biệt chú ý đến tiếng nói của phụ nữ, cũng như tiếng nói của các cộng đồng Kitô hữu sống ở những quốc gia nơi họ là thiểu số và thường xuyên bị bách hại và “tử đạo thường xuyên”.

Tài liệu cho biết thêm, “Nếu một mặt, não trạng tục hóa có xu hướng trục xuất tôn giáo ra khỏi quảng trường công cộng, thì mặt khác, chủ nghĩa cực đoan tôn giáo, vốn không tôn trọng quyền tự do của người khác, đã tạo ra các hình thức bất khoan dung và bạo lực, các hình thức cũng được phản ảnh trong cộng đồng Kitô hữu, và trong các mối liên hệ của nó với xã hội”.

Trong cuộc họp báo, Đức Hồng Y Grech khẳng định nếu không có Chúa Thánh Thần thì thượng hội đồng sẽ trở thành “trò chơi của các bên”, và việc tham gia của “dân thánh Thiên Chúa” sẽ trở thành một “cuộc thăm dò ý kiến”.

Khi ngỏ lời với các nhà báo, Đức Hồng Y Grech yêu cầu họ không "làm thui chọt thượng hội đồng" bằng cách sử dụng cơ chế "tin sốt dẻo" và tin giật gân.

“Điều Đức Thánh Cha mong đợi từ Thượng Hội đồng này là đặt toàn thể Giáo hội vào một điều kiện để sống kinh nghiệm đồng nghị chân chính, đảm nhiệm thái độ quan trọng nhất trong một Giáo hội đồng nghị: Cùng nhau bước đi”.

Nữ tu Becquart nói thêm vào, "Chúng ta đang tái học hỏi tính đồng nghị, và một trong các thách thức chính là, với tính đồng nghị, bạn học bằng cách làm".

Nữ tu nói, “Đó là một khái niệm dễ dàng diễn đạt thành lời, nhưng không dễ áp dụng vào thực hành, và đây là lý do tại sao chúng tôi đã viết ‘vademecum’ (cẩm nang); bởi vì chúng tôi nghe nói cần có những hướng dẫn thực tiễn cho các giáo phận để phát động diễn trình này”.

Kỳ tới: Nguyên văn Tài liệu Chuẩn bị cho Thượng Hội đồng về Tính Đồng nghị
 
VietCatholic TV
Đức Thánh Cha nhận xét: Đối thoại với Trung Quốc có thể bị lừa. 4 tên đốt nhà thờ bị bắt hết sức bất ngờ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:07 07/09/2021


1. 4 tên đốt nhà thờ bị bắt trong hoàn cảnh bất ngờ

Hôm 9 tháng 5, năm nay, các nhân viên cứu hỏa đã phải chiến đấu vất vả với một ngọn lửa kinh hoàng tại nhà thờ Thánh Lêô Cả trong khu vực Tacony của Philadelphia trong khi cư dân khu vực và anh chị em giáo dân đứng bên ngoài theo dõi tiếc xót cho ngôi thánh đường lịch sử.

Những kẻ đốt ngôi thánh đường cũng đứng lẫn chung với họ theo dõi vụ hỏa hoạn với sự đắc chí mãn nguyện trên nét mặt của chúng. Sau hàng mấy tháng trời yên ắng, chúng đã bất ngờ bị bắt.

Hôm 2 tháng 9, văn phòng Biện lý quận Philadelphia thông báo rằng bốn tên vị thành niên đốt phá ngôi nhà thờ đã bị bắt và bị buộc tội phóng hỏa ngôi thánh đường và ngôi nhà xứ bên cạnh. Ngôi nhà xứ này đã được biến thành nơi cư trú của Phó tế vĩnh viễn Pascual Mota và gia đình của ông, cũng bị chìm trong biển lửa.

Vụ cháy nhanh chóng được các cơ quan chức năng điều tra. Lực lượng đặc nhiệm đã đề nghị phần thưởng lên tới 20,000 Mỹ Kim cho bất kỳ ai cung cấp thông tin nào dẫn đến việc bắt giữ và kết án những người chịu trách nhiệm về vụ cháy.

Một người đã báo cáo, giúp các nhà điều tra xác định và bắt giữ bốn tên. Cả 4 tên đã phải nhận tội. Đoạn phim quay tại hiện trường vụ cháy cho thấy những nụ cười mãn nguyện của chúng. Những nụ cười ấy đã bán đứng chúng. Chúng sẽ phải đối mặt với nhiều tội danh bao gồm đốt phá, âm mưu trộm cắp và các tội danh liên quan trong vụ phá hủy nhà thờ lịch sử được xây dựng vào năm 1884.

Vào tháng 6, Đức Tổng Giám Mục Nelson Pérez đã cử hành Thánh lễ tưởng nhớ tại địa điểm của ngôi nhà thờ đổ nát - một nghi lễ thu hút hàng trăm giáo dân, hầu hết họ mặc áo phông màu xanh sáng với hình ảnh của Thánh Lêo và chú thích “Kho báu của Tacony, mãi mãi trong tim chúng tôi.”
Source:Catholic Philly

2. Đức Thánh Cha thừa nhận: Bạn có thể bị Trung Quốc lừa trong cuộc đối thoại

Hôm 2 tháng 9, Cha Gianni Criveller, linh mục thuộc Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, và là quan sát viên về Trung Quốc có bài nhận định sau về cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha dành cho radio COPE, phần nói về Trung Quốc.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa nói về Trung Quốc. Ngài không làm điều này thường xuyên. Vì lý do này, những gì ngài nói với Đài phát thanh Tây Ban Nha COPE, được AsiaNews đưa tin ngày hôm qua, là quan trọng.

Lời nói của ngài có một hương vị mới hơn so với quá khứ, đó là chưa nói đến một sự hối lỗi phải có của những người cảm thấy được ủy quyền để nói về những suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng.

Khi Đức Phanxicô nói rằng vấn đề Trung Quốc “không hề dễ dàng”, dường như ngài đang thừa nhận, so với những gì vẫn thường nói trong quá khứ, như Trung Quốc có một nền văn minh vĩ đại, chẳng hạn. Điều này càng rõ ràng hơn khi ngài nói “Bạn có thể bị lừa trong cuộc đối thoại, bạn có thể mắc sai lầm”.

Tôi không nghĩ rằng Đức Giáo Hoàng sẽ đề cập đến điều này nếu ngài có thể tránh được điều đó. Vì vậy, có thể nói, giờ đây cả Đức Thánh Cha cũng lo sợ rằng kết quả của thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican có thể là một thất bại.

Việc Đức Giáo Hoàng thừa nhận khả năng này cho thấy ngài nhận thức được tình hình trên thực tế. Ngài đã nghe thấy những tiếng nói lo lắng của những người ở Trung Quốc, đã lên tiếng trong những năm gần đây cũng như những người theo dõi sự phát triển trong các cộng đồng Công Giáo ở nước này.

Sau khi mô tả các khía cạnh tích cực và kém tích cực của thỏa thuận năm 2018, chúng tôi lưu ý rằng thỏa thuận của Trung Quốc với Vatican có thể là “một sự lừa đảo quỷ quyệt”, tạo cơ hội cho bọn cầm quyền Trung Quốc rêu rao một sự cởi mở nhất định không có trên thực tế nơi tự do vẫn tiếp tục bị hạn chế.

Đức Giáo Hoàng đưa ra đánh giá ban đầu, một đánh giá khá mong manh, thiếu các kỳ vọng và hy vọng. “Những gì đã đạt được cho đến nay ở Trung Quốc ít nhất là đối thoại”, ngài nói, “một số việc cụ thể như việc bổ nhiệm các giám mục mới, một cách chậm chạp... Nhưng đây cũng là những bước có thể bị nghi ngờ, cả các kết quả về mặt này mặt khác”.

Trên thực tế, có rất ít giám mục được bổ nhiệm so với nhu cầu của dân Chúa. Một số Giám Mục đã được chọn trước khi có thỏa thuận, như thế chúng ta có thể nói là chẳng có lợi gì bao nhiêu. Ngược lại, như các báo cáo từ các cộng đồng Công Giáo cho thấy, các tín hữu phải đối mặt với tình trạng ngày càng khó khăn.

Đức Giáo Hoàng thật chí lý khi không đưa đại dịch ra để biện minh cho những kết quả kém cỏi. Trên thực tế, đại dịch đã không ngăn cản Trung Quốc đạt được kết quả trong các lĩnh vực khác, bao gồm cả việc đàn áp tự do và dân chủ ở Hương Cảng.

Giữa tất cả những điều này, Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng “chúng ta không nên từ bỏ đối thoại”. Đây là điểm mạnh trong những gì ngài nói. Nhưng chúng ta chỉ có thể đánh giá cao đức tin của Đức Giáo Hoàng trong đối thoại, là điều đặc biệt quan trọng đối với những người đối thoại cứng đầu nhất.

Tử đạo cũng là một khía cạnh trong đối thoại. Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài được truyền cảm hứng từ cuộc đối thoại giữa Agostino Casaroli bắt đầu với các chế độ cộng sản cũ ở châu Âu.

Casaroli nói về điều đó trong cuốn The Martyrdom of Patience, một tựa đề gợi cảm hứng cho những suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng. Do đó, để lôi kéo Trung Quốc vào đối thoại đòi hỏi sự kiên nhẫn. Người Công Giáo Trung Quốc biết rõ điều này, và không vui mừng bao nhiêu.

Với tất cả tấm lòng của những người Công Giáo trung thành, chúng tôi thực sự hy vọng Đức Giáo Hoàng sẽ thành công và đạt được thông qua cuộc đối thoại thực sự khó khăn như vậy, những gì ngài có trong lòng, đó là tự do cho Giáo hội ở Trung Quốc, niềm tin tốt đẹp và hòa bình cho người dân.

“Ngay cả khi tôi còn là một giáo dân và một linh mục, tôi rất thích chỉ đường cho giám mục; đó là một sự cám dỗ mà tôi thậm chí sẽ nói là phù hợp nếu nó được thực hiện với thiện chí”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, với phong cách có chút dỗi hờn mà đôi khi ngài sử dụng, khi đề cập đến nhiều nghi ngờ và lo ngại được bày tỏ về thỏa thuận giữa Trung Quốc và Vatican, được gia hạn vào tháng 10 năm 2020.

Chúng tôi là một trong số những người đã, đang và vẫn bị cám dỗ để “chỉ đường”, nghĩa là, chúng tôi muốn trình bày cho Tòa Thánh với lòng kính trọng, với lương tâm và thiện chí, những báo cáo mà chúng tôi nhận được từ các anh chị em của chúng tôi ở Trung Quốc, cũng như những trăn trở và đau khổ của họ.

Chúng tôi bày tỏ lòng trung thành của mình đối với Đức Giáo Hoàng và các phụ tá của ngài bằng cách cung cấp cho họ những phân tích và suy tư để phác thảo mức độ phức tạp của tình hình, bao gồm những câu chuyện thành công và những thách thức.

Đây là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng sự im lặng – thật rõ ràng của các phương tiện truyền thông Công Giáo - về những trở ngại mà các cộng đồng Công Giáo của Trung Quốc phải đối mặt và những bi kịch khác đang diễn ra ở quốc gia đó không phục vụ Đức Giáo Hoàng.

Năm 1933, Edith Stein, được Đức Gioan-Phaolô II tôn xưng là tử đạo, vị thánh và là bổn mạng của Âu Châu, đã viết một lá thư rất đúng nguyên tắc cho Đức Piô XI cầu xin ngài đừng im lặng về các chính sách của Hitler. Do đó, đối thoại - có khía cạnh đau khổ khi làm chứng - không thể tiến lên nếu một bên im lặng.

Do đó, người ta có thể phỏng đoán rằng Tòa thánh đã tìm mọi cách, mặc dù không được công khai biết đến, để bày tỏ sự thất vọng của mình với phía bên kia về sự suy giảm tự do tín ngưỡng ở Trung Quốc và sự đàn áp tự do và dân chủ ở Hương Cảng.

Nếu, như Đức Giáo Hoàng đã nói trên đài phát thanh Tây Ban Nha, “chỉ đường cho giám mục” là một cám dỗ chính đáng mà ngài đã thực hành trong quá khứ, thì người ta hy vọng rằng nhiều người sẽ noi gương ngài và cho phép mình bị cám dỗ làm như thế và gửi những đóng góp quan trọng của họ cho Đức Giáo Hoàng và Tòa thánh.
Source:Asia News

3. Đức Thánh Cha cho biết sẽ có thêm giáo dân làm Bộ trưởng tại Vatican

Đức Thánh Cha Phanxicô hy vọng sẽ sớm có thêm các giáo dân nam nữ phụ trách các cơ quan trung ương Tòa Thánh, sau khi Tông hiến mới về Giáo triều Roma được chính thức công bố và bắt đầu có hiệu lực.

Ngài cho biết như trên, trong cuộc phỏng vấn dài dành cho Đài Phát thanh Công Giáo Cope bên Tây Ban Nha, được phổ biến ngày 1 tháng 9 vừa qua.

Trả lời câu hỏi về Bộ Truyền thông của Tòa Thánh, Đức Thánh Cha nói: “Đây là một bộ có nhiều triển vọng. Đây là bộ hiện nay có ngân sách lớn nhất tại giáo triều, do một nam giáo dân đảm trách. Tôi hy vọng chẳng bao lâu sẽ có những bộ khác do một giáo dân, nam hoặc nữ, lãnh đạo, và điều này đang bắt đầu với những cuộc cải tổ mới”.

Đức Thánh Cha cũng giải thích rằng: Tông hiến “Praedicate Evangelicum”, Các con hãy loan báo Tin mừng, nhắm cải tổ các cơ quan trung ương Tòa Thánh, có một số nội dung đã được áp dụng trong thực tế. Giai đoạn chót đối với tôi bây giờ là đọc và tôi phải đọc vì tôi phải ký. Tôi đọc từng chữ. Văn kiện này không có những điều mới so với những gì đang được thấy ngày nay. Có lẽ có một số chi tiết, vài thay đổi các bộ, được gộp lại với nhau, hai hoặc ba bộ gộp lại, nhưng việc này đã được loan báo rồi: ví dụ, Bộ giáo dục và Hội đồng Văn hóa sẽ được gộp với nhau. Bộ Truyền giáo và Hội đồng tái truyền giảng Tin mừng sẽ thành một Bộ Loan báo Tin mừng. Không có gì mới so với những gì đã được hứa thực hiện. Có vài người hỏi tôi: “Khi nào Tông hiến về việc cải tổ Giáo hội sẽ được ban hành, để xem có gì mới?” Không, sẽ không có gì mới. Nếu có gì mới thì chỉ là những điều nhỏ bé. Tông hiến gần hoàn tất rồi, nhưng bị chậm trễ vì bệnh của tôi... Cần nhớ rõ là việc cải tổ không có gì khác hơn là thi hành điều mà Hồng Y đoàn đã yêu cầu trong các cuộc họp trước mật nghị bầu Giáo hoàng. Và điều này đã được thấy rồi”.


Source:COPE
 
Tường thuật thánh lễ đại trào khai mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest
Giáo Hội Năm Châu
16:40 07/09/2021

Thánh lễ khai mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Budapest đã được truyền trực tiếp và do Đức Hồng Y Angelo Bagnasco, Tổng giám mục hiệu tòa của Genoa và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Châu Âu cử hành.

Đồng tế thánh lễ, có các giám mục Hung Gia Lợi Latinh và Đông phương từ nhiều nước, cùng với đông đảo các linh mục. Trong số các vị ấy, có các đại diện Giáo hội tại Âu châu, Trung Đông, Á châu, và các châu lục khác. Trong các tín hữu hiện diện, đặc biệt có 1.200 em bé được rước lễ lần đầu. Các em mặc y phục truyền thống và đến từ các nơi ở Hung Gia Lợi. Thánh lễ này cũng là lễ khai giảng niên học mới cho các học sinh Công Giáo trên toàn quốc. Phần thánh ca do ca đoàn 1.000 ca viên, trong đó có cả các ca đoàn học sinh và giới trẻ. Nhiều bài ca quen thuộc của cộng đoàn Taizé được xướng lên để cộng đoàn cùng hát.

Trong lời chào mở đầu, Đức Hồng Y Peter Erdoe, Tổng giám mục sở tại, nhắc đến Đại hội Thánh Thể đã bị hoãn lại một năm vì đại dịch, làm cho “ta cảm thấy cuộc sống của chúng ta không chỉ tùy thuộc sức mạnh của chúng ta”. Ngài cũng nhắc nhở rằng Thánh Thể là nguồn sức mạnh và sự sống đối với các tín hữu Kitô... Xin Thiên Chúa đang ban cho chúng ta, trong những ngày này, được cảm thấy Chúa Kitô ở với chúng ta trong Thánh Thể. Chúa không để Giáo hội, các dân tộc và nhân loại bị đơn độc”. Đức Hồng Y cũng gửi lời chào thăm các đại diện các tín hữu Kitô Đông phương, “cùng với họ chúng ta đang làm việc và cầu nguyện để kiến tạo tình hiệp nhất giữa các Kitô hữu để chứng tá của chúng ta được đáng tin cậy”.

Giảng trong Thánh lễ ở Quảng trường Anh hùng, Đức Hồng Y Bagnasco nói: “Tôi xin chào các bạn với một sự chào đón nồng nhiệt, những người đại diện cho các dân tộc Kitô, tại quảng trường quan trọng về mặt lịch sử này. Tôi có một món nợ là lòng biết ơn vô cùng đối với Giáo hội ở Hung Gia Lợi, là quốc gia chủ nhà đăng cai Đại hội Thánh Thể Quốc tế này”.

“Từ tòa giảng lý tưởng này, tiếng nói của các vị mục tử, tiếng nói của cộng đoàn cảm động này, muốn khiêm tốn và vui mừng, gõ cửa tâm hồn các dân tộc Âu châu, và đi xa hơn nữa tới tận những miền xa xăm nhất của trái đất. Đó là một tiếng nói yếu, nhưng vọng lại tiếng nói của các thế kỷ và mang đậm máu của các vị tử đạo, từ Thánh Thể các vị đã kín múc sức mạnh để loan báo Chúa Kitô và nhắc nhớ rằng: “mặc dù có những giới hạn và bóng tối của các con cái, trong Giáo hội vẫn sáng tỏ ánh sáng của Chúa Kitô.

Đức Hồng Y Bagnaso nói thêm rằng: “Tiếng nói ấy, như một cánh buồm được mở ra nhờ ngọn gió của Thánh Linh, nói lên một chân lý cao cả với con người ngày nay rằng: “bạn không lẻ loi trong một vũ trụ đố kỵ, bạn không cô độc trước mầu nhiệm tuyệt vời của sự sống, bạn không đơn độc với lòng khao khát tự do và vĩnh cửu của bạn. Dù bạn đi đâu, bạn không vô hình, Thiên Chúa yêu thương nhìn bạn; bạn không mồ côi, Thiên Chúa là Cha của bạn; bạn đáng giá máu của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc thế giới và là Bánh sự sống vĩnh cửu. Đừng sợ: Thiên Chúa không chết, Thánh Thể vượt qua mọi cô đơn, mọi khoảng cách, mọi sự dửng dưng”.

“Và thế là cùng tiếng nói ấy làm cho Giáo hội được kêu gọi đừng im lặng, đừng để mình phải im tiếng, nhưng mang lại cho khuôn mặt mỗi người ánh quang của Chúa Kitô phục sinh”.

Đức Hồng Y Péter Erdő, Tổng Giám mục của Esztergom-Budapest và là Giáo chủ Công Giáo Hung Gia Lợi, cũng phát biểu trong Thánh lễ.

Ngài nói: “Xin Thiên Chúa ban cho chúng ta trong những ngày này biết đặc biệt ý thức rằng Chúa Kitô đang ở với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể, rằng Người không từ bỏ Giáo hội, dân tộc, nhân loại của Ngài. Tất cả sức mạnh và hy vọng của chúng ta đều bắt nguồn từ nơi Ngài!”

“Bí tích Thánh Thể là nguồn nuôi dưỡng sứ mệnh và đời sống Kitô hữu của chúng ta. Lạy Chúa, xin ở với chúng con! Xin ban cho chúng con sức mạnh và ánh sáng cho sứ mệnh của chúng con trong thế giới hiện đại! Xin cho chúng con được sống với Chúa ở đây trên Trái đất này và sau này trong cõi phúc muôn đời!”

Đại hội ban đầu dự kiến diễn ra vào năm 2020 nhưng đã bị hoãn lại đến năm 2021 do đại dịch coronavirus.

Sự kiện kéo dài một tuần sẽ lên đến đỉnh cao vào ngày 12 tháng 9 với thánh lễ bế mạc do Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành tại Quảng trường Anh hùng.
 
Các vị tử đạo Hàn quốc hiển linh, 230 năm sau vẫn tìm được hài cốt. Đức Cha Tobin quở trách Biden
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:49 07/09/2021


1. Di tích của các vị tử đạo Công Giáo Hàn Quốc được phát hiện 230 năm sau khi các ngài bị hành quyết

Hài cốt của các vị tử đạo tiên khởi của Hàn Quốc đã được tìm thấy sau hơn hai thế kỷ bị xử tử.

Đạo Công Giáo được đưa đến Hàn Quốc vào thế kỷ 17 bởi những giáo dân Triều Tiên, những người đã gặp gỡ đức tin trong chuyến du hành đến Trung Quốc và Nhật Bản. Đạo Công Giáo đã trở nên phổ biến và vững chắc trên bán đảo Triều Tiên vào thế kỷ 18. Khi đức tin bắt đầu lan rộng, người Công Giáo phải đối mặt với sự đàn áp dưới triều đại Tiên Quốc (Joseon, 조선). Triều đại này đã cai trị Hàn quốc hơn 500 năm.

Trong suốt 100 năm bách hại, có khoảng 10,000 người Công Giáo đã tử vì đạo ở Hàn Quốc. Mãi đến năm 1886, cuộc bách hại người Công Giáo mới kết thúc theo sau một hiệp ước với Pháp.

Bảy năm trước, vào năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến Hàn Quốc để phong chân phước cho 125 vị tử đạo Công Giáo. Trong số 125 vị này, chỉ có ba vị tử đạo đã được tìm thấy hài cốt. Để minh chứng cho sức mạnh của đức tin bất chấp nghịch cảnh, ước tính có 800,000 người đã tham dự Thánh lễ phong chân phước.

AFP đưa tin rằng tháng 3 năm nay, trong quá trình chuyển một ngôi mộ thành một khu bảo tàng gần Toàn Châu (Jeonju, 전주) phía nam Hán Thành (Seoul, 서울) một số hài cốt đã được phát hiện. Một cuộc điều tra sử dụng hồ sơ lịch sử và xét nghiệm DNA đã giúp các nhà nghiên cứu xác định rằng hài cốt thuộc về Phaolô Duẫn Chí Trung (Yun Ji-chung, 정윤지) 32 tuổi và Giacôbê Quyền Thượng Nghiên (Kwon Sang-yeon, 야고보), 40 tuổi, là những người bị chặt đầu vào năm 1791.

Hài cốt của em trai anh Phaolô Duẫn Chí Trung là Phanxicô Duẫn Chí Hiến (Yun Ji-heon, 정치스) người đã tử vì đạo ở tuổi 37, mười năm sau khi anh trai của anh bị hành quyết, cũng được phát hiện.

Đức Giám Mục Gioan Kim Tôn Thái (Kim Son-tae, 김선태), người đứng đầu của Giáo Phận Toàn Châu vui mừng nói:

“Chúng tôi đã tìm thấy hài cốt của những người đầu tiên thiết lập lịch sử tử đạo cho Giáo Hội chúng tôi, được thành lập nhờ máu của các vị tử đạo”,

Giáo phận cho biết hài cốt của anh Phanxicô Duẫn, “cho thấy những dấu hiệu rõ ràng anh đã bị chém thành nhiều phần”.

Theo vị giám mục, các ghi chép lịch sử cho thấy anh Phaolô Duẩn đã giữ vững đức tin của mình cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.

Vị giám mục nói với AFP rằng anh Phaolô Duẩn đã “mỉm cười như thể đang trên đường đến một bữa tiệc” khi bị kéo lê đến địa điểm hành quyết.

“Anh bị chặt đầu đang khi gọi các danh cực trọng ‘Giêsu, Maria’”.

Tính đến năm 2019, có 5.6 triệu người Công Giáo ở Hàn Quốc, chiếm 11% dân số.
Source:Aleteia

2. Giám đốc Đền thánh Lộ Đức xin hỗ trợ mục vụ

Trong thư công bố trên trang mạng của Đền thánh, Đức ông Dumas viết: “Tại Đền thánh, chúng tôi không nề quản cố gắng để nhiều người hơn có thể cảm nghiệm ơn thánh đặc biệt tại Lộ Đức”. Công tác này hiện do 240 nhân viên và hàng ngàn người thiện nguyện thi hành và có nhiều dịch vụ cần phải thực hiện. Phần lớn tài chánh của Đền thánh đến từ các tín hữu hành hương, nhưng năm nay Lộ Đức chỉ có 20% các cuộc hành hương theo đoàn đến đây. Vì thế, số tiền do các tín hữu dâng cúng và giúp đỡ giảm sút, và số thu từ nhà trọ rất thấp.

Vì thế, Đức ông Ribadeau Dumas xin các tín hữu hỗ trợ. Kết toán chi thu trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy có một vài tia hy vọng để tránh sự thâm thủng, nhưng Đức ông Giám đốc vẫn kêu gọi lòng quảng đại của các tín hữu và nói rằng: “Toàn thể Đền thánh Lộ Đức được hình thành với sự đón tiếp vô điều kiện: dĩ nhiên là Hang Đá Đức Mẹ, nhưng cả việc đón tiếp các bệnh nhân, các cơ cấu hạ tầng cho người trẻ, Đàng Thánh Giá, hai Vương cung thánh đường, quảng trường, các nhà nguyện ánh sáng. Tất cả ngân khoản dâng cúng chúng tôi nhận được là để phục vụ sứ mạng đón tiếp và phổ biến sứ điệp của Đức Mẹ. Anh chị em biết rằng tại đây những người bé nhỏ, mong manh nhất, các bệnh nhân ở hàng đầu và tình huynh đệ được sống thực hằng ngày do các nhân viên y tế, là một dấu chỉ đối với Giáo hội và xã hội chúng ta”.

Thư của Đức ông Dumas cho biết thêm rằng: “Đền thánh Đức Mẹ Lộ Đức đang hồi sinh với sự hiện diện của các tín hữu hành hương, đang lạc quan nhìn về năm nay, với hy vọng năm tới có thể tốt đẹp hơn. Ước gì tất cả những người đã không thể đến Lộ Đức trước đây, nay có thể tổ chức các cuộc hành hương.”
Source:Vatican News

3. Đức Cha Tobin phê phán những nỗ lực Hỗ trợ và Thúc đẩy Phá thai của Biden

Đức Cha Thomas Tobin đã phê phán vị tổng thống Công Giáo thứ hai của Hoa Kỳ trên twitter vì đã ủng hộ và thúc đẩy việc phá thai, vi phạm giáo huấn của nhà thờ.

Đức Cha Tobin, một người gốc Pittsburgh, đã lãnh đạo Giáo phận Providence kể từ khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài vào tháng 3 năm 2005, đã phản ứng trước tuyên bố của ông Joe Biden đe dọa một luật mới của Texas cấm tất cả các trường hợp phá thai khi thai nhi có nhịp đập.

Đức Cha Tobin viết trong một dòng tweet hôm thứ Tư rằng “‘Người Công Giáo sùng đạo’ Joe Biden tiếp tục nhiệt thành ủng hộ và thúc đẩy việc phá thai để giết những đứa trẻ chưa chào đời.” Ngài đặt dấu ngoặc xung quanh cụm từ “Người Công Giáo sùng đạo” để biểu thị sự mỉa mai của ngài đối với hình ảnh mà Biden thường sử dụng để bảo vệ các lập trường mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo Hội.

Giáo huấn Công Giáo chính thức cấm phá thai trong mọi hoàn cảnh, và coi đó là một tội trọng.

Như quý vị và anh chị em có thể thấy trong ảnh chụp màn hình này, tweet của Đức Cha Tobin là một phản hồi trực tiếp với một tweet trước đó của Biden, trong đó Biden tuyên bố “cam kết sâu sắc” của ông ta chống lại luật phò sinh mới của Texas đã có hiệu lực vào ngày hôm đó.

Theo thói quen phớt lờ các giám mục chỉ trích ông ta, vì các tuyên bố sùng đạo trong khi lại theo đuổi các chính sách nghịch lại với giáo huấn Công Giáo, Biden đã không trả lời tweet của vị giám mục.

Cuộc trao đổi trên twitter của họ diễn ra sau khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bác bỏ các động thái khẩn cấp nhằm ngăn chặn luật. Cuộc bỏ phiếu trong đêm với tỷ số 5-4 đã khiến quan điểm của Tối Cao Pháp Viện thậm chí còn rõ ràng và chính thức hơn nữa.

Hôm thứ Năm, Biden đã chỉ trích phán quyết của Tối Cao Pháp Viện trong một tweet khác, và hứa hẹn các “nỗ lực của cả chính phủ” để bảo đảm “phá thai an toàn và hợp pháp” ở Texas.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (D-CA), cũng là người tự nhận mình là người Công Giáo sùng đạo trong khi tuyên bố ủng hộ việc phá thai. Bà ta cũng phổ biến một tuyên bố chính thức coi quyết định 5-4 của Tối Cao Pháp Viện là một “phán quyết đen tối”.

Pelosi cũng gửi một loạt các tweet cổ vũ việc phá thai theo yêu cầu và gọi phán quyết này là một “cuộc tấn công vi hiến đối với quyền và sức khỏe của phụ nữ”. Trong một tweet, bà ta hứa sẽ nhanh chóng thông qua Đạo luật Bảo vệ Sức khỏe Phụ nữ để bảo vệ luật phá thai theo yêu cầu, là điều mà bà ta coi là quyền cơ bản của con người.

Đạo luật Nhịp tim của Texas đã có hiệu lực vào hôm thứ Tư, sau khi Tòa án Tối cao đã quyết định không hành động gì cả vào phút cuối để ngăn chặn luật này.

Luật yêu cầu các bác sĩ phải tìm kiếm nhịp tim của thai nhi trước khi thực hiện phá thai. Nếu một nhịp tim được phát hiện thì việc phá thai bị cấm theo luật, trừ trường hợp cấp cứu y tế. Luật được thực thi thông qua các vụ kiện tư nhân, chứ không phải bởi chính quyền tiểu bang.

Các công dân có thể khởi kiện hành vi phá thai bất hợp pháp chống lại bất kỳ ai thực hiện phá thai bất hợp pháp hoặc bất kỳ ai hỗ trợ phá thai bất hợp pháp kể cả thông qua các khoản thanh toán hoặc bồi hoàn. Các vụ kiện cũng có thể được đưa ra đối với bất kỳ ai “có ý định tham gia” vào việc thực hiện hoặc hỗ trợ phá thai bất hợp pháp.

Các quan sát viên cho rằng luật phò sinh của Texas có khả năng rất lớn ngăn chặn việc phá thai. Tình huống sau đây sẽ có khả năng xảy ra rất cao: Hai vợ chồng thực ra đồng lòng phá thai. Sau khi ca phá thai được thực hiện, người chồng khởi tố. Luật sư chỉ cần tìm một giấy chứng nhận hay một bác sĩ nào đó chứng minh vào thời điểm phá thai, thai nhi đã có nhịp tim thì hai vợ chồng nhà đó sẽ kiếm được một món tiền lớn đủ để sống suốt đời. Nhà phò sinh nào nghĩ ra luật “nhịp tim” này rất thông minh.

Cả Joe Biden và Kamala Harris nhận ra tức khắc khả năng phò sinh của luật này.

Đức Cha Tobin, một người gốc Pittsburgh nổi tiếng với quan điểm chính trị bảo thủ của mình, trước đây đã lên tiếng phản đối các chính trị gia ủng hộ phò lựa chọn không được lên rước lễ trong địa phận Rhode Island của mình. Ngài cũng đã hướng dẫn người Công Giáo không tham dự các sự kiện trong tháng tự hào về LGBT được tổ chức vào tháng Sáu.

Mặc dù các giáo sĩ Công Giáo hiếm khi tiết lộ đảng phái chính trị của họ, Đức Cha Tobin đã tuyên bố vào năm 2013 rằng ngài đã chuyển từ đảng Dân chủ sang đảng Cộng hòa vì sự khác biệt của họ trong việc hợp pháp hóa phá thai.


Source:Catholic Vote