Ngày 31-08-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cám Dỗ Ngầm
Lm Vũđình Tường
01:54 31/08/2023
Trong nhiều trường hợp khôn ngoan cho biết im lặng là cần thiết, im lặng tốt hơn là phát biểu, không góp í, lẫn không đáp trả là khôn ngoan, cẩn mực. Bởi nêu í kiến đã không giúp giải quyết vấn nạn mà có khi còn làm cho nó trở nên phức tạp, rắc rối hơn. Nếu thế thì im lặng đúng là vàng như câu tục ngữ khuyên đời.

Khi tranh biện người ta thường chọn những gì mình muốn nghe mà bỏ qua những điều khác. Chính chọn lựa lắng nghe này gây thêm hiểu lầm bởi một vài chữ trong câu nói nhiều khi không diễn tả trọn vẹn í người nói. Bởi không hiểu hết í muốn nói, nên khúc mắc hay bị xoắn tròn, bện chặt, méo mó, từ đó phát sinh thêm khúc mắc mới. Chọn lựa lắng nghe thường tạo nên phản ứng phản nghịch. Phản ứng phản xạ thường do thiếu suy nghĩ chín chắn. Bởi thiếu chín chắn nên tư tưởng đưa ra thường 'sượng', nửa chín, nửa sống, chưa chín hẳn nên hơi khó nuốt. Đây chính là kinh nghiệm Phêrô học hỏi trong bài đọc hôm nay. Đức Kitô thông báo cho môn đệ biết trước mọi người là Ngài sẽ bị bắt, hành hạ, bị chết và sau ba ngày sẽ sống lại vinh quang. Câu này có hai phần:

phần một Đức Kitô bị chết;

phần hai Ngài sống lại vinh quang.

Khi nghe đến Đức Kitô bị chết, Phêrô không chú í đến phần hai của câu nói mà chỉ chú tâm đến phần một. Bởi yêu mến Đức Kitô hết tâm tình, Phêrô không muốn điều xấu xảy ra cho Thầy mình nên ông mời Đức Kitô sang một bên thủ thì vào tai Ngài.

Con hy vọng điều đó không xảy ra cho Thầy.

Đức Kitô quở trách Phêrô. Ngài nói, khôn ngoan của anh là khôn ngoan của loài người. Nghe xong câu đó, có lẽ Phêrô cảm thấy hối hận vì đã can ngăn Đức Kitô thi hành í muốn của Chúa Cha. Điều xem ra tốt lành, thánh thiện chưa chắc đã tốt thật. Cái vỏ trông sáng sủa, công phu, bắt mắt, còn ruột khó đoán. Câu nói của Phêrô mang vẻ đẹp bóng bảy bên ngoài, ruột lại trái í Thiên Chúa. Phêrô không nhìn ra cái cám dỗ ẩn núp đằng sau câu nói của ông. Cám dỗ đó do Satan gài bẫy mà Phêrô vội vàng bám víu. Như thế khôn ngoan loài người không hoàn thiện, mà luôn có ít nhiều sai trái ẩn núp trong đó.

Công tâm xét đoán, câu nói của Phêrô là một câu nói tốt lành. Phêrô không muốn điều xấu xảy ra cho Thầy, ông cũng muốn bảo vệ sự sống của Thầy. Tuy nhiên câu nói đó quá giới hạn, lợi riêng cho một nhóm nhỏ. Vì thế Đức Kitô quở trách ông. Xét kĩ hơn, câu nói của Phêrô là một cám dỗ trá hình, núp bóng dưới dạng tốt lành bảo vệ Thầy và bảo vệ sự sống Thầy. Cám dỗ này xảy ra dưới hai hình thức. Thứ nhất, câu nói đó tạo nên ngờ vực, nếu không muốn nói thẳng là can ngăn việc Đức Kitô không nên vâng lời Chúa Cha. Thứ hai, câu nói đó ngăn cản hay làm đình trệ chương trình cứu độ nhân loại của Đức Kitô. Thứ ba, câu nói đó cho biết Phêrô nghĩ đến mình nhiều hơn đến anh em. Có lần Phêrô nói thẳng với Đức Kitô. Chúng con bỏ mọi sự, cả thuyền lẫn chài tin theo Thầy. Bỏ Thầy con biết theo ai? Như thế Phêrô lo lắng cho tương lai của chính mình. Mộng ước theo Thầy không trọn vẹn.

Chúng ta không thể đọc được những gì Phêrô nghĩ trong đầu, nhưng đoán chừng Phêrô nghe có phân nửa câu nói của Đức Kitô. Nửa câu đầu nói đến đau khổ, chia lìa, chết chóc. Phêrô nghe rõ và can ngăn. Phân nửa còn lại liên quan đến việc Đức Kitô Phục Sinh, đến hy vọng, đến sự sống trường sinh, Phêrô bỏ sót không nghe. Phêrô biết rõ Đức Kitô hoàn toàn tránh khỏi phải chết nếu Ngài muốn điều đó. Nhưng Đức Kitô chọn vâng phục thánh í Chúa Cha và đây là điều Phêrô gặp khó khăn, không hiểu thấu.

Để trung thành với Đức Kitô, người đó cần vâng phục, bước theo đường lối Đức Kitô. Đường lối Đức Kitô lại gắn liền, đi chung với thập giá. Đây không phải là thập giá làm bằng sắt, gỗ mà là thập giá cuộc sống của mỗi cá nhân. Thập giá này trộn chung mồ hôi, nước mắt, đau thương, và ngay cả máu đào, được pha trộn lẫn niềm vui, hy vọng. Thập giá này đòi hy sinh trong cuộc sống để sống cho chính mình và sống cho tha nhân. Từ đó vinh quang Chúa được sáng ngời. Vinh quang này hoàn toàn khác với vinh quang trần thế. Vinh quang thiên quốc nhận ánh sáng từ chính Đức Kitô nên vinh quang đó không hề tắt. Vì thế mồ hôi, nước mắt, đau khổ, Đức kitô trải qua rửa sạch bụi trần cho nhân loại. Kitô hữu trải qua đau khổ, thương đau chỉ là một cộng tác nhỏ trong viẹc rửa sạch vết nhơ, tì ố, c1 nhân để kết hợp, đón nhận vinh quang thiên quốc.

Chúng ta xin vâng phục theo í Chúa.

TiengChuong.org

Hidden Temptation

Sometimes it is better to keep quiet for oneself rather than to say things aloud. In real life, there are times, wisdom tells us, that it is better to say nothing. The more one says the greater the risk of being misinterpreted, and this leads to more resentment; and further dissatisfaction; especially when there is a dispute. Selective listening and quick response are the key factors that lead to great regret afterward. Most of us have this kind of disappointing experience. This is exactly what Peter had in today's reading. When Jesus told his disciples that he is going to be suffered in the hands of his opponents. Peter quickly took Jesus aside, probably avoiding his companions to hear what he would like to say to Jesus. Peter whispers in Jesus' ears that he hopes it would not happen to Jesus. His idea is good and sound, and right because he wants not just to protect his Master, but also save life. Peter soon regretted his remonstration to Jesus. What appears to be good and right in our sight may not be good and sound in God's eyes. Peter fails to foresee an evil idea that is hidden under good intention. It is well wrapped; and is uneasy to detect. Jesus told Peter that his idea was not simply purely human, but influenced by Satan. His saying presents an idea that leads to disobeying the Father's will. It is intended to interrupt God's plan of universal salvation for mankind. We can't read Peter's mind, but it looks like he fails to hear the second part of Jesus' revelation about his incoming death. Hearing that Jesus is going to die and from that point onward Peter fails to listen further. The first half of Jesus' saying poses fear and disappointment; while the second part gives hope and life and Peter fails to hear it. His suffering and death are not forever, but it is necessary for a new life to come. It is the parable of the seed that falls on the ground for a new life to generate. This new life is found in the second part of his saying. It assures that he is going to raise on the third day. On Peter's part, he once said he has left everything to follow Jesus. Hearing the dead of Jesus, Peter feels that his dream of following Jesus is unfulfilled. Part of his saying shows that he loved Jesus dearly and another part is of his concern for his own future. Apart from Jesus, who would he follow? Peter believes that Jesus has no trouble to avoid his death, and yet he determines to pursue it and that is not easy for Peter to digest the idea. No matter how good human wisdom is, it always has errors, defects, and if not pay attention one fails to detect them. Jesus makes very clear in the second part of his teaching.

To be faithful to Jesus one must follow his way. His way links to the cross. It is not a cross made of timber or steel, but rather a daily invisible cross that requires sweat and tears. It is blended with personal pain and suffering and agony and blood. It is the cross that requires personal sacrifice to make its true glory shine. It isn't the kind of glory that this world upholds, but the glory in God's kingdom. The glory in God's kingdom requires purification and cleansing to a point that not a single dirty spot or stain remained. Only this kind of holy glory is worthy before God.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:58 31/08/2023

17. Thiên Chúa báo đáp hành động của chúng ta, tức là chiếu theo cấp độ thuần khiết của chúng ta mà báo đáp.

(Thánh Magdalena de Pazzi)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Ngày 01/09: Khôn ngoan & Khờ dại - Lm. Giuse Đỗ Tuấn Anh, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
02:00 31/08/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Nước Trời sẽ giống như chuyện mười trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Trong mười cô đó, có năm cô dại và năm cô khôn. Quả vậy, các cô dại mang đèn mà không mang dầu theo. Còn những cô khôn thì vừa mang đèn vừa mang chai dầu theo. Vì chú rể đến chậm, nên các cô thiếp đi, rồi ngủ cả. Nửa đêm, có tiếng la lên: ‘Chú rể kia rồi, ra đón đi!’ Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn. Các cô dại nói với các cô khôn rằng: ‘Xin các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em sắp tắt rồi!’ Các cô khôn đáp: ‘Sợ không đủ cho chúng em và cho các chị đâu, các chị ra hàng mà mua lấy thì hơn.’ Đang lúc các cô đi mua, thì chú rể tới, và những cô đã sẵn sàng được đi theo chú rể vào dự tiệc cưới. Rồi người ta đóng cửa lại. Sau cùng, mấy trinh nữ kia cũng đến gọi: ‘Thưa Ngài, thưa Ngài! mở cửa cho chúng tôi với!’ Nhưng Người đáp: ‘Tôi bảo thật các cô, tôi không biết các cô là ai cả!’ Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:01 31/08/2023
37. CÂU TRẢ LỜI KỲ DIỆU

Có người dùng một cái lồng gỗ lớn nhốt một con hưu, một con hoẵng rồi đem đến biếu cho phụ thân của Vương Nguyên Trạch.

Hồi ấy, Vương Nguyên Trạch chỉ là một đứa bé, người ấy cố ý muốn thử tài nó, bèn hỏi:

- “Mày nhìn thử coi, con nào là hưu và con nào là hoẵng?”

Vương Nguyên Thạch không biết hai con vật này, nhưng trí óc rất linh hoạt bèn trả lời:

- “Bên cạnh con hưu là con hoẵng, bên cạnh con hoẵng là con hưu”.

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 37:

“Bên cạnh con hưu là con hoẵng, bên cạnh con hoẵng là con hưu”, nếu người lớn trả lời như thế thì người ta sẽ cho là nói càn, nhưng đây là câu trả lời hay của một em bé.

Bên cạnh thiên đàng là hỏa ngục, bên cạnh hỏa ngục là thiên đàng, cả hai tuy xa cách ngàn trùng nhưng lại rất gần nhau, gần nhau là vì thiên đàng và hỏa ngục nó ở ngay trong con người của chúng ta: một cái với tay hay một lời nói đều có thể làm cho chúng ta trong tíc tắc lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục…

Có những người Ki-tô hữu cứ tưởng rằng thiên đàng ở rất xa rất cao nên Thiên Chúa nhìn…không tới, và hỏa ngục ở rất sâu nên ma quỷ khó mà cám dỗ được, thế là họ cứ hoan lạc trong tội lỗi, họ cứ nhỡn nhơ trong vũng bùn tội lỗi, sống kiêu ngạo tham lam.v.v… mà vẫn cứ cười ha ha…

Trong một cái lồng lớn thì hai con hưu và con hoẵng ở bên nhau, trong một xã hội thì người xấu và người tốt ở bên nhau, cho nên thiên đàng và hỏa ngục cũng ở sát bên nhau, cái quan trọng là chúng ta có nhận ra ơn của Thiên Chúa ban cho để làm lành được lên thiên đàng, và lánh việc dữ để khỏi xuống hỏa ngục không mà thôi…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mất để được
Lm Phan Văn Lợi
02:36 31/08/2023

CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN NĂM A :

Mt 16,21-27
Từ khi ông Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống, thì Đức Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người : “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô : “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.
Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ : “Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?
"Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên sứ của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm”.




MẤT ĐỂ ĐƯỢC

1. Chớ hóa thành Xa-tan cản lối

Trang Tin Mừng hôm nay nối tiếp Chúa nhật tuần trước. Nhân danh nhóm Tông đồ, Phê-rô đã công nhận Đức Giê-su như Đấng Mê-si-a hay “Ki-tô”. Và lúc đó ông được tuyên bố là “có phúc” vì đã được Thiên Chúa thương “mạc khải” như vậy. Rồi Đức Giê-su giao cho ông sứ mạng làm Đá tảng trên đó Người sẽ xây Giáo hội mình ! Nhưng khi kết thúc lời hứa vĩ đại này, Đức Giê-su đã bảo các môn đồ “chớ nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô”. Tại sao buộc giữ bí mật như thế? Phần tiếp trình thuật, mà chúng ta suy niệm hôm nay, sẽ cho thấy đó là Phê-rô lẫn bạn bè ông đã quan niệm lệch lạc về thân thế lẫn sứ mạng Đức Giê-su… và cần phải được điều chỉnh.

Đức Giê-su nói cho môn đệ biết Người sẽ “phải đi” Giê-ru-sa-lem để chịu đau khổ, theo ý định mầu nhiệm của Cha, kế hoạch khôn dò của Thiên Chúa. Người biết các biến cố đau thương sắp xảy tới không thoát ra khỏi chủ quyền tối thượng của Cha. Vâng ý Cha là khẳng định chính Thiên Chúa sẽ có tiếng nói sau cùng, chứ không phải là sự dữ đang nghiền nát chúng ta trong hiện tại. Loan báo cuộc Khổ nạn của mình ba lần (x. Mt 16,21; 17,22-23; 20,18-19), Đức Giê-su như thế đã sống từng tuần một với tư tưởng về cái chết. Lúc đó Người khoảng 30 tuổi. Sứ vụ của Người, dẫu quan trọng đến đâu, cũng sắp kết thúc một cách dữ dằn. Dưới mắt loài người, đó là thất bại, là chấm dứt tất cả. Đâu cần phải là thầy bói mới biết trước một vài cái “hạn” không thể tránh. Đức Giê-su đã thấy các giới chức mỗi lúc thêm căm ghét mình và dân chúng tuần tự bỏ đi cả. Người phân tích rất kỹ sự chống đối ấy, vốn phát triển và lan khắp Giê-ru-sa-lem : “kỳ mục, thượng tế và kinh sư…”, mọi thân hào nhân sĩ lãnh đạo. Thế mà bây giờ Người cố ý đi lên đó.

Phê-rô can gián lập tức. Nhưng ông liền bị kết án là “tên cám dỗ”: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy!” Mới được phong lên giáo hoàng, Phê-rô bị giáng ngay thành quỷ dữ. Đúng như lời Napoléon: “Vinh quang và ô nhục chỉ cách nhau có một bước”. Hay nói theo kiểu Việt Nam: “Lên voi xuống chó” ngay liền. Qua phản ứng này của Đức Giê-su, ta đoán ra Người đã cảm thấy trong chính xác thịt mình mối ghê tởm khủng khiếp như ta trước tất cả những gì trái ngược với bản năng, với các khao khát triển nở nơi con người. Cái mà Phê-rô đề nghị, tức thoát khỏi thập giá, Đức Giê-su cũng cảm thấy ước muốn. “Nếu có thể được thì xin cất chén này xa khỏi con”. Cảnh hấp hối (hay chiến đấu) ở vườn Ghet-sê-ma-ni không phải là một biến cố thoáng qua đơn lẻ: lắm phen trong đời mình, Đức Giê-su đã cảm thấy gớm ghét đau khổ… và đã từng bị cám dỗ bất tuân các ý định khôn dò của Cha: “Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội… Người đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết… Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 4,15; 5,7-8). Ở đây, Đức Giê-su đã thấy vâng phục khó khăn như thế nào. Câu đáp xem ra tàn nhẫn của Người cho thấy cám dỗ mạnh biết bao nhiêu.

Nhưng Đức Giê-su đã chiến thắng được vì không ngớt ngước con mắt linh hồn lên Thiên Chúa: “Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người”. Thiên Chúa thấy mọi sự khác với chúng ta. Trong các hoàn cảnh bắt buộc phải sống, chúng ta được mời gọi vượt quá “quan điểm con người” để chấp nhận “quan điểm Thiên Chúa “. Thời đại của chúng ta, hơn bao giờ hết, đang bị cám dỗ “giản lược” chính các vấn đề đức tin thành những cách thế suy tư kiểu con người. Hết thảy những gì vượt quá lý trí con người không dễ được chấp nhận. Nếu thế, sẽ đi đến chỗ cấm Thiên Chúa là Thiên Chúa! Người phải nên như chúng ta, phải khuôn theo tư tưởng của chúng ta… Nhưng lúc đó ta sẽ chỉ có một Thiên Chúa theo kích cỡ mình và hình ảnh mình… một Thiên Chúa do ta phát minh sáng tạo!

2. Một nên như môn đệ bước theo.

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Tất cả não trạng hiện thời bao quanh ta và thấm nhiễm các phản ứng của ta, đều đề cao triển nở, lạc thú, tự do, sáng tạo, hưởng thụ: “Chơi xuân kẻo hết xuân đi. Cái già sồng sộc nó thì theo sau!” Đức Giê-su đưa ra một lôgích (lý luận) hoàn toàn khác. Lôgích của thập giá! Lôgích của tình yêu! Hoàn toàn trái ngược với hết thảy những gì thế gian đề nghị: “Phải từ bỏ chính mình”. Không thể yêu thật nếu không có bỏ mình. Và chỉ cần gợi lên một vài hoàn cảnh đau thương trong đó tình yêu gặp nguy cơ, thì sẽ hiểu yêu không phải dễ: tha thứ cho một kẻ thù, can đảm “bênh vực Chúa Giê-su” trong môi trường chống tôn giáo, lên tiếng đòi công lý cho những ai bị chà đạp nhân quyền, dạn dĩ công bố sự thật, trung thành yêu mến người phối ngẫu, tiếp tục phục vụ đám trẻ xem ra chế nhạo bạn, duy trì ý thức chia sẻ đang khi tất cả đều khuyến khích ta tích lũy hay tiêu pha cho mình, vẫn làm ăn lương thiện khi các quy luật kinh tế hay chính trị trở nên luật rừng trong đó người yếu bị kẻ mạnh đè bẹp. Muốn yêu thực, phải chấp nhận trả giá.

Như Phê-rô lúc ấy, chúng ta cũng bị cám dỗ “mài nhẵn” Tin Mừng, muốn Tin Mừng là đường thay vì là muối. Có lắm người, đặc biệt là giới trẻ, bị bản thân Đức Giê-su thu hút; họ phóng chiếu vào Người tất cả mọi giấc mơ của họ về tình huynh đệ, công bằng, tự do… Nhưng này Đức Giê-su yêu cầu họ “từ bỏ bản thân để theo Người”, cùng Người leo núi cao theo bước Người hướng dẫn. Người đi trước và sẽ bỏ mình hoàn toàn. Người lặp lại với họ mỗi Thánh lễ “phải thí mạng và đổ máu”… Thế là chẳng còn mấy ai muốn theo Người nữa.

Nhưng “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Ý kiến ngược đời của Đức Giê-su là đó: phải “mất” để “được”. Một công thức điên rồ, vốn sẽ chỉ sáng tỏ thật trong cuộc Phục sinh. Vì bất chấp vẻ bên ngoài, đây không phải là thái độ khổ dục hay bệnh hoạn: Đức Giê-su đâu có đòi chúng ta phải thích khổ đau hay từ bỏ… Người gợi ý cho chúng ta yêu mến đến cùng, sống thật viên mãn, đạt được điều chủ yếu. Và gợi ý của Đức Giê-su, bất chấp dáng vẻ bên ngoài, chẳng có gì phi nhân cả: “Con có yêu Ta đến độ bỏ mình được không? Nếu không, đừng nói với Ta về tình yêu, tình yêu nhân loại lẫn tình yêu Thiên Chúa !” Tình yêu, sự thật và hy sinh là ba cái chẳng bao giờ rời nhau cả. Không, Đức Giê-su đâu có lỗi thời. Người không ngừng nói với thế giới cái mà thế giới cần hơn cả. Vì đây là chuyện thành công, thành công trọn vẹn và dứt khoát. Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem để chịu nhiều đau khổ, bị giết chết nhưng sẽ… phục sinh ở đó ngày thứ ba. Chính chiến thắng ở cuối con đường chông gai này.

Đây là điều đã được ba Thánh tử đạo Augustinô Phan Viết Huy (1795-1839), Nicôla Bùi Đức Thể (1792-1839) và Đôminicô Đinh Đạt (1803-1839) hiểu rõ và thể hiện trong đời mình. Hồi ấy (5-1838), tổng đốc Nam Định là Trịnh Quang Khanh ra tay bắt đạo rất dữ. Một hôm, ông tổ chức đại tiệc chiêu đãi mọi binh sĩ Công Giáo. Tiệc tàn, ông cho mời hết thảy vào dinh, có bày sẵn những dụng cụ tra tấn, để thử lòng họ. Tiếc thay trong số 500 người, chỉ có 15 anh em trung kiên và tức khắc họ bị tống giam vào ngục. Mấy ngày tiếp, sau những trận đòn chí tử, chỉ còn lại 9, rồi 5, cuối cùng còn 3 ông Huy, Thể, Đạt. Tuy nhiên, khi quan cho tập trung kỳ mục làng Hạ Linh, Kiên Trung, Phú Nhai đến và đánh đập họ trước mặt các ông, cả ba thấy động lòng nên cũng bước qua Thánh giá, bỏ cuộc.

Thế nhưng ba người lính được tự do trở về lại thấy lương tâm cắn rứt. Việc bỏ đạo của những kẻ cuối cùng trong đám binh sĩ trở thành tin buồn lớn lao cho tập thể tín hữu đã hy sinh và cầu nguyện mỗi ngày cho họ. Thế là sau khi xưng tội, ba ông lên tỉnh xưng đạo lần nữa. Quan Tổng đốc chỉ ra lệnh đánh đòn và đuổi khỏi dinh, không tiếp. Quyết tuyên xưng đức tin, cả ba viết một lá đơn cho vua, rồi vào Huế để dâng trình. Ông Đạt bận việc quân nên chỉ ông Huy và Thể khăn gói vào kinh đô. Theo thủ tục, ba ông đến nộp đơn ở tòa Tam Pháp. Các quan nhận đơn nhưng chẳng trình lên vua. Sau lá đơn thứ hai mà vẫn không động tĩnh, hai ông tính đến một kế hoạch táo bạo. Nhân dịp Minh Mạng ngự giá đi dạo trong thành phố, hai vị đón đường để trình đơn thẳng lên vua. Đọc xong, vua nổi giận truyền tống giam cả hai vị. Bị tra khảo đánh đập, hai chứng nhân vẫn một lòng. Sau đó quan cho bày trước mặt hai ông mười nén vàng, một tượng Chúa chịu nạn và một thanh gươm rồi nói: “Cho bay tự ý chọn, bước qua tượng thì được vàng, bằng không thì gươm sẽ chặt đôi người bay ra, xác sẽ bị bỏ trôi ngoài biển”. Hai ông bày tỏ ý muốn chọn gươm.

Ngày 13-6-1839, lính điệu 2 chứng nhân ra cửa Thuận An thi hành án lệnh. Chèo thuyền ra khơi, họ chặt đầu các vị rồi bổ thân làm 4, ném xuống biển. Phần ông Đinh Đạt, sau khi hay tin 2 bạn đã bị hành hình, cũng từ giã bà con lên tỉnh xưng đạo. Tổng đốc bảo ông: “Hai bạn ngươi vì cuồng tín không chịu bỏ đạo tà, nên đã bị chém làm tư quăng xuống biển. Còn ngươi, nếu khôn hồn thì chối bỏ thứ đạo đó đi để về với vợ con”. Ông thưa: “Tôi đã chịu lắm cực hình vì đức tin, nay xin sẵn sàng chịu thêm nhiều hình khổ khác nữa. Hai bạn tôi đã được phúc lớn, nay quan cứ chém tôi làm 8 khúc cũng được”. Biết có đe dọa cũng bất thành, quan liền lập án gởi về kinh xin xử giảo.
 
Thập giá: Con đường chúng ta đi
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
14:16 31/08/2023

THẬP GIÁ: CON ĐƯỜNG CHÚNG TA ĐI
(Chúa Nhật XXII TN A)

Mãi mãi thập giá vẫn là một chướng ngại khó vượt qua. Ngay đến cả Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, cũng đã vất vả ướt đẩm mồ hôi pha lẫn máu mới can đảm đón nhận thập giá, cho dù trước đó không dưới ba lần chính Người đã tiên báo, nghĩa là đã tiên liệu và đã có sự chuẩn bị. Thế mà lời khẳng định của Người, một lời khẳng định không thể làm giảm khinh bằng bất cứ lối giải thích nào, đó là: “Ai muốn đi theo Ta, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).

“Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện và Toàn Bích khôn lường. Theo ý định nhân hậu, Người đã tự ý tạo dựng con người, để họ được thông phần sự sống vĩnh phúc”. Giáo lý Hội Thánh Công Giáo mở đầu bằng chân lý này và cũng là câu trả lời cho vấn nạn muôn thưở rằng ta sống ở đời này để làm gì. Kitô hữu vốn nằm lòng câu giáo lý của một thời: “Ta sống ở đời này để nhận biết, thờ phượng, kính mến Đức Chúa Trời là Cha chúng ta và yêu thương mọi người như anh em, cùng nhau xây dựng một xã hội tốt đẹp cho ngày sau được hạnh phúc đời đời”. Như thế hạnh phúc đời đời hay sự sống vĩnh phúc chính là mục đích tối hậu của đời người. Khi sinh thời, để trả lời cho một chàng thanh niên đạo hạnh vốn đã giữ các giới răn từ thưở bé, muốn có sự sống đời đời, thì Chúa Giêsu nói rằng hãy về bán tất cả của cải, phân phát cho kẻ khó, rồi đến mà theo Người (x.Mt 19,16-22). Thế thì ta có thể khẳng định rằng theo Chúa Kitô là cách thế để có hạnh phúc vĩnh cửu. Hay nói ngược lại, muốn có hạnh phúc vĩnh cửu là phải theo Chúa Kitô. Và muốn theo Chúa Kitô là phải vác thập giá mình.

Theo Chúa Kitô là theo Con Đường Sự Thật, Sự Sống, và Tình Yêu. Nguyên chỉ với những thiện hảo chóng qua đời này cũng đòi hỏi phải trả giá. Tomas Edison, ông tổ phát minh bóng đèn điện đã khẳng định một tất yếu của cuộc sống: “một lần thành công là kết quả của chín mươi chín lần thất bại”. Để trung thành với sự thật và công bố sự thật, ngôn sứ Giêrêmia đã phải hứng chịu bao truân chuyên, khốn khó, và có khi, tưởng như sẽ bị mạng vong. Số phận các sứ ngôn khác và những người công chính cũng chẳng hơn gì (x.Mt 23,29-32). Để làm phát triển sự sống với hoa trái tốt xinh thì trước đó hạt giống phải chịu cảnh thối rửa đi (x.Ga 12,24). Để thực sự là yêu trong sự phục vụ người mình yêu đến cùng thì tất yếu phải bỏ mình, hiến dâng mạng sống mình vì người mình yêu (x.Ga 15,13). Những gì phải trả ở trên, đó chính là thập giá mà Chúa Kitô muốn đề cập.

Tuy nhiên, chúng ta cần ý thức rằng thập giá không phải là đối tượng mà chúng ta muốn cách trực tiếp. Đã nói đến thập giá là nói đến một sự dữ. Không ai được quyền và được phép tự mình trực tiếp tìm kiếm sự dữ. Thế thì chúng ta phải hiểu sao đây về việc phải vác thập giá? Không lẽ Chúa Kitô lại muốn chúng ta phải chịu khổ? Dĩ nhiên không ai dám to gan khẳng định điều này. Thập giá là một mầu nhiệm mà ta chỉ có thể hiểu được phần nào khi quy chiếu về thập giá của Chúa Kitô.

Lật giở các trang Tin Mừng, chúng ta cần chân nhận sự thật này: Chúa Kitô không bao giờ trực tiếp kiếm tìm thập giá. Điều mà Người luôn kiếm tìm đó là thánh ý Chúa Cha. Ngay phút giây nhập thể vào đời, tác giả thư Do Thái đã cảm nhận tâm ý của Ngôi Lời: “Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, này con xin đến để thực thi ý Chúa” (Dt 10,5). Lễ vật hy sinh thì Chúa Cha không muốn và Chúa Cha cũng chẳng thích gì khi Con mình phải đổ máu. Điều Chúa Cha muốn là Chúa Con nhập thể, tìm cách bày tỏ cho nhân loại thấy tình yêu bao la vô bờ và hoàn toàn nhưng không của Người.

Thập giá chính là đối tượng trực tiếp mà giới lãnh đạo Do Thái giáo thời bấy giờ kiếm tìm để đặt trên vai người mà họ cho là “phản động”, xách động quần chúng đi ngược với tập truyền tiên tổ, dám phạm thượng, tự cho mình ngang hàng với Thiên Chúa duy nhất… “Chẳng thà một người chết cho toàn dân được nhờ” (Ga 11,50). Đằng sau lý lẽ ngài Caipha đưa ra thì còn đó lý do cần phải hiểu đó là vị thế và quyền lợi của những bậc vị vọng như tư tế, biệt phái, luật sĩ khỏi bị lung lay và sứt mẻ.

Thế mà Chúa Kitô vẫn không ngần ngại lên Giêrusalem để đón nhận khổ hình thập giá, không phải vì chính thập giá nhưng là để vâng phục Chúa Cha nhằm tìm cách bày tỏ cho nhân gian thấy tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu vô điều kiện và đến cùng. Cho dù các ngươi có đặt thập giá trên vai Ta, cho dù các ngươi có đâm thủng trái tim Ta, cho dù các ngươi có giết chết Ta cách nhục nhã, thì Ta vẫn không hề bỏ các ngươi mà còn đứng về phía các ngươi để cầu bàu cho các ngươi (x.Lc 23,34). Chúa Kitô đón nhận thập giá không phải vì thập giá mà là để mình chứng rằng không có gì có thể ngăn cản được việc Người yêu thương chúng ta (x.Rm 8,38-39).

Như thế thập giá không phải là đích đến, mà chỉ là một cái giá cần phải trả, một thách đố, một chướng ngại cần vượt qua của hành trình yêu thương. Khi ngăn cản Chúa Giêsu đừng lên Giêrusalem, thực ra Phêrô có ý tốt với Thầy. Thế nhưng, ông đã bị Chúa Giêsu quở trách nặng lời. Tưởng rằng Phêrô bị quở trách nhưng không phải ông mà chính là Satan bị quở trách. Satan lợi dụng ý tốt của Phêrô để cám dỗ Chúa Giêsu. Ma quỷ thật lắm tinh ranh. Chúng sử dụng cả những điều thiện hảo thường tình để cám dỗ ta đứng lại và không đạt đến sự thiện hảo cuối cùng.

Dẫu biết rằng chẳng có một sự thiện hảo nào mà không đòi phải trả giá nghĩa là đòi phải có sự nỗ lực, gắng công, thế nhưng thập giá vẫn mãi còn đó sự thách đố cho người tự nguyện sống đạo yêu thương, cho người can đảm làm chứng cho sự thật, cho người tích cực gìn giữ và làm phát triển sự sống. Nếu cứ chăm chăm dán mắt hay quy lòng vào sự khó khăn đầy nghiệt ngã của thập giá thì e rằng nhiều khi chân ta sẽ chùn bước. Ước gì Kitô hữu chúng ta trên đường theo Chúa Kitô biết ngước nhìn đến chân trời tươi sáng, nơi mà tình yêu, sự thật và sự sống hiển trị, thì sẽ có cơ may vượt qua các trở ngại cần phải vượt qua là thập giá, cho dù khó khăn, vất vả, đau thương vẫn có đó và mãi còn đó. Hiểu được sự thật này thì chúng ta không chỉ biết lắng nghe lời nhận định của Franklin: “Đường đến thành công không hề có bước chân của người ngại khó, sợ khổ”, mà còn cần phải xác tín rằng “đường đến Nước Trời sẽ chẳng hề có bước chân của người quá e ngại, quá sợ hãi vác thập giá của mình”.

Ban Mê Thuột



 
Đèn tinh tuyền
Lm. Minh Anh
15:09 31/08/2023

ĐÈN TINH TUYỀN
“Bấy giờ tất cả các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Dụ ngôn “Chàng rể giữa đêm khuya” của Tin Mừng hôm nay được thêu dệt chung quanh hình ảnh “mười trinh nữ” một cách cố ý! Phải chăng Lời Chúa muốn nhắc nhở bạn và tôi về ‘đèn tinh tuyền’ hay sự thanh khiết của thân xác vốn là một khía cạnh tối quan trọng của việc nên thánh và sống trọn lành nơi người môn đệ của Chúa Kitô?

‘Đèn tinh tuyền’ cháy sáng miêu tả ‘tình trạng ân sủng’, nơi mà ánh sáng Chúa Kitô luôn ngời sáng trong đời sống một Kitô hữu qua ngọn lửa của sự trong sạch và tự chủ. Bởi lẽ, một hành động vô đạo đức sẽ dập tắt toàn bộ ánh sáng! Thân xác bạn là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Không có Thánh Thần, bạn không thể xứng đáng vào dự tiệc cưới Chiên Con. Vậy liệu bạn và tôi đang sống theo xác thịt hay sống theo Thánh Thần. Sống theo xác thịt, theo Tin Mừng hôm nay, khác nào mang một cây đèn không dầu; đang khi sống theo Thánh Thần, bạn là ‘đèn tinh tuyền’ mà dầu luôn đầy bình.

Một sự trùng hợp như xếp đặt khi qua thư Thessalônica hôm nay, Phaolô khuyến khích chúng ta tránh xa sự vô luân, “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh, tức là xa lánh gian dâm… chứ không buông theo đam mê dục vọng”. Mỗi người phải biết làm chủ cơ thể mình, “Thiên Chúa đã không kêu gọi chúng ta sống ô uế, nhưng sống thánh thiện”. Không có một công thức chung nào cho mọi tính khí. Một số người cần phải tránh hoàn toàn những mối quan hệ quyến rũ; số khác chỉ cần kiểm soát suy nghĩ của mình, tránh xem phim ảnh khiêu dâm; trong khi một số khác cần thận trọng với lời mình nói. Động lực làm chủ ham muốn tình dục có thể khác nhau một chút tuỳ theo từng người và từng gia đình, nhưng yêu cầu chung vẫn là phải tránh mọi hành vi ô uế, đặc biệt là làm tổn thương người lân cận do việc ngoại tình.

Sau một đêm giông bão, người ta tìm thấy một cây lớn gãy đổ, qua nhiều năm đã trở thành một người khổng lồ trang nghiêm, sừng sững trong một công viên. Chẳng còn lại gì ngoài một gốc vỡ vụn. Kiểm tra kỹ hơn cho thấy lõi của nó đã bị thối rữa vì hàng vạn con mối đã ăn mòn nó. Nó đã thối tận lõi! Sự yếu đuối của cái cây không do cơn bão bất ngờ gây ra; nó bắt đầu ngay khi con mối đầu tiên làm tổ trong vỏ của nó. Với Chúa Thánh Thần, bạn “hãy hết sức cẩn thận để bảo vệ sự trong sạch của mình!”.

Anh Chị em,

“Các trinh nữ ấy đều thức dậy, và sửa soạn đèn!”, “Hãy hết sức cẩn thận để bảo vệ sự trong sạch của mình!”. “Bảo vệ sự trong sạch của mình” là dầu luôn đầy bình! Đó là cầu nguyện đủ; đủ thời gian yên tĩnh, học hỏi đầy đủ Lời Chúa, sùng kính các Bí tích, đặc biệt là Thánh Lễ, ít nhất 3 lần một tuần nếu có thể, và đi xưng tội ngay khi chúng ta mất ân sủng. Đây là thói quen đức hạnh của các “trinh nữ khôn ngoan” và đó là ý nghĩa của việc ‘tháo vát’ thiêng liêng. Đời sống đức tin đòi buộc chúng ta luôn ở trong ‘trạng thái ân sủng’ vì chúng ta không biết giờ chết của mình. Sự sẵn sàng thường xuyên của chúng ta đối với tiệc Thánh Thể ở đây, trên trái đất, là bảo đảm chắc chắn cho sự sẵn sàng đối với tiệc cưới Nước Thiên Chúa. Thomas Jefferson nói, “Cảnh giác vĩnh viễn là cái giá của tự do, là lời kêu gọi tối cao của trí tuệ!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để ‘đèn con’ mãi tinh tuyền, ‘cây đời con’ mãi sừng sững, đừng để con vui mừng chào đón ‘con mối’ đầu tiên, dù nó dễ thương và xinh đẹp đến mấy!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Sống đời từ bỏ
Lm. Thái Nguyên
20:56 31/08/2023



SỐNG ĐỜI TỪ BỎ
Chúa Nhật 22 Thường Niên năm A : Mt 16, 21-27

Suy niệm

Biến cố ở Xêdarê Philípphê cho thấy tâm trí các tông đồ vẫn còn đang hướng về những hào nhoáng thế gian và vinh quang trần thế. Tuy vậy, Chúa Giêsu vẫn bắt đầu vén mở cho các ông thấy số phận đau thương đang chờ đợi Ngài tại Giêrusalem: “phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Nghe nói thế, Phêrô liền kéo riêng Ngài ra bên ngoài và khuyên can Thầy. Phản ứng của Phêrô cũng là lẽ tự nhiên theo tình cảm của người đời, không muốn Thầy phải chịu khổ lụy. Nhưng rất tiếc, đó là một sự lầm lạc trong sứ vụ, “vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

Ở đây, cám dỗ lại càng nghiêm trọng và sâu sắc hơn vì nó phát xuất từ một người môn đệ yêu mến Thầy, muốn giữ Thầy lại theo ý riêng, nên Đức Giêsu quay lại và phản ứng rất mạnh: “Xatan, lui lại đàng sau Thầy, anh cản lối Thầy…”. Mới đó Phêrô giống như một thiên thần khi tuyên xưng Thầy là Con Thiên Chúa hằng sống, mà bây giờ lời của ông khác nào cơn cám dỗ của Xatan. Mới đó Phêrô đã được đặt làm “tảng đá, trên đó Thầy sẽ xây Hội Thánh”, bây giờ ông thành tảng đá “cản lối làm cho Thầy vấp”. Thật ra, tảng đá xây Hội Thánh không phải là bản thân bác thuyền chài Simon, mà là niềm tin của ông đặt nơi Đức Giêsu. Thiếu niềm tin này, tất cả công việc của ông đều sụp đổ.

Điều này cho chúng ta thấy, nhận ra Thầy là Đức Kitô mới chỉ là một ân phúc; tuyên xưng đức tin mới là một khởi đầu, còn cả một tiến trình khám phá qua việc sống đức tin, đòi người môn đệ phải vượt qua gian nan thử thách, mới đạt tới tầm vóc đích thực mà Chúa mong mỏi nơi chính mình. Vì thế, để các ông đừng lầm tưởng về lý tưởng mà các ông muốn dấn thân, nên Chúa Giêsu không ngần ngại nói thẳng cho biết: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. Đây là một trong những đề tài chủ yếu đã được Đức Giêsu công bố và sẽ được nhắc đi nhắc lại nhiều lần cho những ai muốn làm môn đệ Ngài (x. Mt 10, 37-39; Mc 8, 34-37; Lc 9, 23-27; Ga 12, 25).

“Từ bỏ chính mình” có vẻ tự tha hoá, vong thân, không còn là chính mình. Đúng là khi không yêu thì không thể nói đến từ bỏ. Chỉ khi yêu thì người ta mới dám từ bỏ, để sống trọn vẹn cho người mình yêu. Từ bỏ cũng là một cách dâng hiến lại cho Thiên Chúa những gì Người đã tặng ban. Trong ý nghĩ sâu xa hơn, từ bỏ để có thể tìm lại cái tôi trong suốt hơn, ngời sáng hơn, để trở nên “đồng hình đồng dạng” với Đức Giêsu. Ngay từ đầu Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người “giống hình ảnh” Người, chỉ sau đó do tội lỗi, nên con người mới bị tha hóa, vong thân. Nay ta phải cố gắng đạt “tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô”, chính là tìm lại hình ảnh đích thực từ ban đầu của mình, để hoàn toàn là chính mình. Gặp gỡ Đức Kitô cũng là gặp lại chính mình.

“Vác thập giá” nghĩa là gánh chịu những hy sinh cũng là điều đương nhiên trong thân phận con người, dù là ai hay trong cuộc sống nào cũng thế, nếu muốn có những gì tốt hơn. Hy sinh đối với người Kitô hữu là nhằm để phục vụ Chúa nơi mọi người. Vác thập giá cũng chính là cái “giá” phải trả cho một chọn lựa mà ta muốn dấn thân thực hiện. Hơn nữa, lời mời gọi vác thập giá ở đây không phải là dự tính của con người, mà là đường nẻo của Thiên Chúa trong kế hoạch cứu độ phát xuất từ lòng thương xót của Ngài, không muốn một ai phải hư mất.

Vì thế, “ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất”. Chỉ lo bảo toàn cho mạng sống mình ở đời này thì cuối cùng sẽ còn lại gì? Do đó, môn đệ Đức Giêsu là người say mê cái được vĩnh cửu, nên chấp nhận những mất mát tạm thời: mất công, mất của, mất thì giờ, có thể mất uy tín, mất tương lai và mất cả mạng sống nữa. Nhưng cuối cùng, chẳng có gì để mất, vì “chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Đó là điều mà Chúa Giêsu bảo đảm cho những ai tin vào Ngài. Thánh Phaolô cũng đã xác định: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người.” (2Tm 2,11), “Nếu ta cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với Người.” (Rm 8, 17).

Thật ra khi từ bỏ mình, vác thập giá, chịu mất mạng sống vì Chúa, thì không chỉ đợi đến đời sau mới nhận thấy mình nhận được được sự sống mới nơi Chúa. Nhưng ngay đời này, chúng ta cũng đã bắt đầu nếm hưởng được sự bình an, hoan lạc, được sống trong tự do và yêu thương, nhất là thấy mình đã được thuộc về Chúa là niềm hạnh phúc vô vàn. Vì thế hãy hiến thân cho Chúa như Chúa đã hiến mình cho ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Để có thể thành người môn đệ Chúa,
Ngài mời gọi con sống đời từ bỏ,
sẵn sàng bỏ hết những gì con có,
để bước đi vác thập giá theo Ngài.
Đời sống con vẫn có thêm mỗi ngày.
hôm nay chưa dính bén mai lại có,
điều bỏ từ lâu nay lại dính bén,
nên con cứ phải tập dần cho quen.
Từ bỏ là cách diễn tả tình yêu,
khi yêu con mới sẵn sàng từ bỏ,
từ bỏ những cái xấu không nói gì,
còn bỏ cái tốt chọn điều tốt hơn.
Từ bỏ gây lo sợ và luyến tiếc,
nhưng xem ra cũng giống như phiến đá,
nhiều thô nhám và xấu xí nhăn nheo,
thành tác phẩm khi để thợ đục đẽo,
Từ bỏ như điều kiện để giải thoát,
khỏi những gì kiềm buộc và tù hãm,
tránh cho con khỏi mọi thứ tham lam,
để tâm con nhẹ nhàng và thanh thản,
không âu sầu vì nặng gánh lo toan,
dần vươn lên khỏi bụi cát phàm trần.
Từ bỏ vẫn luôn là một điều khó,
vì con thích dung dưỡng và dễ dãi,
để được sống an nhàn và thoải mái,
như bao người đang sống ở xung quanh,
nhưng con thấy bất an và bất xứng,
với sứ mạng làm nhân chứng cho Ngài.
Xin cho con dám sống đời từ bỏ,
từ bỏ hoài từ bỏ mãi không ngơi,
một cuộc đời luôn thanh thoát mọi nơi,
cho đến khi gặp được Chúa muôn đời,
nơi vinh phúc sáng ngời con mong đợi.
là nên một với Chúa trên quê Trời. Amen.
 
Bỏ mình và sống tương quan
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
22:16 31/08/2023

BỎ MÌNH VÀ SỐNG TƯƠNG QUAN
CN XXII THƯỜNG NIÊN NĂM A

Một ngày trong những tháng gần cuối năm 2013, tôi nhận một tin dữ: Một người trẻ trong hàng ngũ chúng tôi chết trong tư thế bị treo. Xét nghiệm cho biết: người anh em chết vì tự tìm đến cái chết. Thông tin đau lòng này làm tôi nhớ lại, nhiều năm trước, cũng người trẻ, cũng cùng theo đuổi một ơn gọi, cuối cùng, cũng đã tự mình tìm đến sự rủi ro đáng sợ này.

Những cái chết như thế, với người bình thường, đã gây chấn động. Với những người có ảnh hưởng cách này, cách khác nơi cộng đồng, trên đời sống chung, càng tạo nhiều bàn tán trong dư luận, thu hút nhiều sự chú ý, gây nhiều sửng sốt, bàng hoàng, xót xa…

1. Tương quan mà thất bại thì...

Đây là thất bại trong tương quan của đời sống. Tương quan gồm cả hai phía. Không thể đơn lẻ một mình mà có thể có tương quan. Tương quan nghiêng ngã, hậu quả là tổn thương, đau buồn trong nhau. Đổ vỡ tương quan, hậu quả thật bẽ bàng. Đánh mất tương quan, hậu quả không thể lường hết.

Vì sống là sống trong tương quan. Sống bao giờ cũng phải có tương quan. Do đó, mất tương quan, người ta không có sự sống, hoặc không có lý tưởng sống đúng nghĩa. Vì thế, tương quan mà đổ vỡ, nó sẽ kéo về những xót đau, những nỗi niềm đáng suy nghĩ.

ĐỂ CỦNG CỐ TƯƠNG QUAN, NHẤT THIẾT PHẢI GỌI VỀ SỰ TỪ BỎ. Từ bỏ lớn nhất là thu nhỏ cái tôi của mình. Cái tôi mà đặt đúng chỗ đúng lúc, tương quan trổi vượt. Cái tôi mà thể hiện hợp lý, tương quan rộng mở. Cái tôi được biểu lộ là sự thanh thoát, là những nghĩ suy thông thoáng, tương quan đầy đặn, thắm thiết, chân thành.

2. Tương quan giả thiết cần lối sống "bỏ mình".

Trong Tin Mừng hôm nay, một lần nữa, Chúa Giêsu đòi: "Hãy từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy". Dựa trên chính lời Chúa, chúng ta nói đến sự "BỎ MÌNH". Và bởi những tương quan trong đời, nhiều khi là chính thập giá cho mình, nên chúng ta bàn về sự bỏ mình để sống những tương quan, nhất là tương quan ngay với chính người đang sống bên cạnh mình.

Ngày xưa, một khi chấp nhận lời mời gọi của Chúa, các tông đồ chấp nhận lang thang cùng Chúa rày đây mai đó trên mọi nẻo đường, mọi làng quê, mọi nơi phố thị, dù ở giữa dân ngoại hay giữa cộng đoàn Dothái giáo…

Các tông đồ gác lại việc đang làm, gác lại sự nghiệp, gác lại nghề nghiệp, gác lại việc phải kiếm tiền cho cuộc sống gia đình. Các tông đồ còn chấp nhận bỏ lại sau lưng một ít của cải mà mình có được, là thuyền và lưới.

Các ngài cũng gác lại thói quen sống tự do giữa mênh mông trời biển, gác lại não trạng của một ngư dân bình thường để chấp nhận đời sống cộng đoàn, gác lại thói quen vùng vẫy để khép mình vào đời sống lề luật, khép mình vào nếp sống không phải của riêng mình, để thuận theo nếp sống chung của cả cộng đoàn…

Từ bỏ quá nhiều như thế không dễ chút nào, nếu các tông đồ không ý thức để tự từ bỏ chính bản thân, từ bỏ ý riêng mình. Chắc chắn, các tông đồ phải thu nhỏ cái tôi của bản thân để tôn trọng, để sống chung, để hòa hợp cùng mọi anh em.

3. Ngay việc "bỏ mình" đã là "vác thập giá".

Vận dụng lời Chúa dạy: “Hãy bỏ mình"; "hãy vác thập giá" để sống trong một cộng đoàn là chấp nhận từ bỏ chính mình để đời sống cộng đoàn trổi vượt, để thượng tôn các tương quan trong đời sống, thì sự từ bỏ chính là vác thập giá. Sự từ bỏ ấy cần thiết để theo Chúa. Theo Chúa là hướng nhắm, là đích đến cuối cùng của việc từ bỏ, của việc vác thập giá.

Cho nên từ bỏ chính bản thân là một hy sinh lớn vô cùng. Nó là cây thập giá mà những người trong cuộc phải kiên trì vác lấy. Nó không miễn trừ ai. Nó đòi hỏi cả người lớn, kẻ nhỏ, có quyền hay không có quyền… phải ra sức thực hiện cho bằng được.

Sự bỏ mình có thể đến từ người đồng phận dành cho nhau; bề trên dành cho bề dưới; hoặc bề dưới đối lại bề trên. Càng chung sống, chung nhiệm vụ, chung những hoạt động… càng phải thực hành sự bỏ mình.

Khi sống cùng nhau, nếu từng cá nhân, ai cũng biết bỏ mình, tương quan sẽ ùa về, sẽ mỗi ngày một thêm lớn, thêm đẹp, thêm keo sơn, thắm thiết, bền chặt. Một cộng đoàn thấm đẫm tương quan, cộng đoàn ấy đầy tình yêu, niềm hạnh phúc, lòng tương trợ, nghĩa bao dung… Từng thánh lễ, từng giờ kinh nguyện của cộng đoàn không giả tạo, không bên ngoài, nhưng sốt sắng, dễ rung động tâm hồn, làm lắng sâu cõi lòng. Cá nhân của cộng đoàn ấy sẽ an bình, sẽ thấy nơi mình sống đáng để sống, đáng để hiến thân phụng sự, đáng để đời mình nương ẩn.

Sở dĩ có những cái chết oan uổng, gây kinh ngạc, gây suy nghĩ nhiều, là bởi trước đó, những ai hiện diện bên nhau đã để xảy ra tình trạng thiếu vắng hy sinh, thiếu vắng đặt mình vào nhau, thiếu vắng từ bỏ chính mình, hoặc từ bỏ ấy đã không tới được mức độ cần thiết của nó.
Khi rơi vào cô đơn hay cùng quẫn, bản thân sẽ quay quắt, thậm chí có những quyết định dại dột, đáng tiếc.

Phải chấp nhận cô đơn giữa tập thể, bản thân đau khổ. Phải cô đơn triền miên giữa tập thể, bản thân rơi vào bế tắc. Cô đơn đến mức bế tắc, tình trạng sẽ rất xấu…

Vì thế, đừng vội trách móc người đã tự mình hoàn tất số phận. Đơn giản, vì chỉ cần để xảy ra những đổ vỡ tương quan, thì dù người đang sống hay kẻ đã chết ít nhiều đều có trách nhiệm. Tuy nhiên, với tinh thần "nghĩa tử, nghĩa tận" hãy để cho người nằm xuống được an phần...

4. Sống bên Chúa như các tông đồ.

Hãy nhớ, để giữ tương quan vững chắc, hãy luôn trung thành sống bên Chúa như các tông đồ của Chúa xưa. Hãy cố ra sức mà nắm chắc tương quan trong từng thời điểm sống.

Tương quan là cần thiết. Chẳng những tương quan giúp giải quyết tình trạng cô đơn, nhưng còn thăng tiến, phát triển con người; còn giúp con người rút tỉa nhiều bài học sống, nhiều kinh nghiệm sinh động.

Có tương quan tốt, chúng ta không chăm chăm nhìn mình, nhưng sẽ khôn ngoan hướng cái nhìn vào anh chị em, đặt mình vào họ, vào hoàn cảnh của họ, để có thể hiểu, cảm thông, đón nhận, yêu thương… nhau hơn.

Hòa bình, tình tương thân tương ái sẽ phát sinh nếu tương quan diễn ra tốt. Chúng ta sẽ trưởng thành tư duy, lớn lên tình cảm, sâu sắc nội tâm, nhạy bén tầm nhìn…, nếu tương quan của ta mỗi ngày một được nâng cấp, được mở rộng.

Nếu sống bên Chúa, các tông đồ cần có tương quan tốt, thì TƯƠNG QUAN CHÍNH LÀ ƠN GỌI. Đó là ơn gọi sống cùng và sống cho Chúa; sống cùng và sống cho anh chị em. Ơn gọi xây dựng tương quan là một trong những ơn gọi căn bản của người tông đồ. Không thể nói, mình theo Chúa, mà lại thiếu tương quan. Nếu tương quan không được đề cao, những người theo Chúa dễ bị xem là đội lốt, là phản chứng, là hình thức.

Có tương quan, ta sống mạnh mẽ cho niềm tin vào Thiên Chúa; giới luật yêu thương của Chúa mà ta áp dụng để cùng sống sẽ thành công. Vì thế, ơn gọi sống tương quan mà được lưu tâm, nó nâng đỡ mọi ơn gọi khác. Bởi một trong những lý do thất bại về sự sống, thất bại trong chọn lựa bậc sống, thậm chí thất bại cả về lý tưởng, là vì tương quan không thể xác lập, hoặc tương quan bị đổ vỡ. Vì thế, sống ơn gọi tương quan là vô cùng cần thiết, cấp bách.

Tương quan và sự từ bỏ bản thân luôn cần đến nhau, song hành cùng nhau, bổ túc cho nhau. Phải biết từ bỏ bản thân để có tương quan. Khi tương quan được nâng cao, càng thực hành từ bỏ bản thân dễ hơn. Người ta khó lòng từ bỏ bản thân vì kẻ thù của mình. Đã xảy ra tình trạng người này khó ưa, kẻ kia khó thương, nghĩa là tương quan đã biến mất, hoặc ở mức độ thấp, sự từ bỏ bản thân sẽ khó khăn, gượng ép, giả hình…

Chúng ta hãy theo chân các tông đồ, sẵn sàng đáp trả lời mời gọi của Chúa, bằng việc hiến dâng sống ơn gọi đời mình. Nhưng như thế chưa đủ. Chúng ta phải noi gương các tông đồ tập tành việc từ bỏ chính mình, để ở với Chúa và sống cùng anh chị em. Khi biết bỏ mình, tương quan nảy sinh. Bỏ mình tốt, tương quan sẽ đi lên. Bỏ mình đến mức quên mình, tương quan đạt tới đỉnh cao.

Từ bỏ chính mình để gầy dựng tương quan, kinh nghiệm cho biết, sẽ đau đớn như thể bị sát thương. Nhưng chính lúc bị sát thương vì phải sống tương quan, có thể nói, đó là chính lúc sống lời Chúa mời gọi “bỏ mình, vác thập giá” theo Chúa.

Hãy hướng nhìn các tông đồ, những người đã đi trước chúng ta, sống thành công sự từ bỏ bản thân; xác lập thành công tương quan với Chúa, với anh em; và đã vác thập giá đời mình cách trung thành đến cùng.

Nhìn các tông đồ, giúp chúng ta sống như các tông đồ…
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bức tranh toàn cảnh đức tin phức tạp ở Mông Cổ, điểm đến hôm nay của Đức Phanxicô
Vũ Văn An
14:45 31/08/2023

Theo tạp chí Aleteia (aleteia.org/2023/08/17/complex-faith-panorama-in-mongolia-popes-next-destination/), Quốc gia có đa số Phật giáo này có lịch sử phát triển lâu đời và sự tương tác giữa các truyền thống bản địa và tôn giáo thế giới.



Chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Mông Cổ, từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9 năm 2023, sẽ là cơ hội để ngài ngỏ lời với một dân tộc có truyền thống tôn giáo đa dạng và cổ xưa. Nói về Thiên Chúa trong bối cảnh này sẽ là một thách thức đối với Đức Giáo Hoàng, người đã coi việc đối thoại huynh đệ với các tôn giáo khác là một trong những khía cạnh quan trọng trong triều giáo hoàng của ngài.

Ở Mông Cổ, các tôn giáo độc thần - chủ yếu là Hồi giáo và Kitô giáo - chiếm rất ít. Một nửa dân số hiện nay theo đạo Phật, nhưng đất nước này vẫn còn bị đánh dấu bởi chủ nghĩa vô thần của nhà nước trong nhiều năm thời kỳ Cộng sản (hơn 40% dân số cho biết họ là những người không có tín ngưỡng) và bởi một truyền thống pháp sư rất cổ xưa, đạo thờ Tengri [*], dẫn đến nhiều thực hành hòa đồng chủ nghĩa.

Trong xã hội 3.3 triệu dân này, tôn giáo là một vấn đề phức tạp và thường mang tính chính trị. Tuy nhiên, nhân vật Thành Cát Tư Hãn (khoảng 1160-1227) đã hợp nhất - về mặt tinh thần hoặc lịch sử - các nhánh khác nhau của truyền thống tôn giáo của đất nước. Trong một tiểu luận xuất bản năm 2016, nhà nhân chủng học người Pháp Roberte Hamayon lưu ý rằng, sau thời kỳ cộng sản, người dân Trung Á cảm thấy cần phải hồi sinh quá khứ tôn giáo của mình. Điều đó bao gồm việc tìm kiếm các vị thần của riêng họ và hình thành các tôn giáo quốc gia. Ở Mông Cổ, nhân vật huyền thoại Thành Cát Tư Hãn, người sáng lập, trở nên được tôn vinh.

Vào những năm 2000, Lịch sử bí mật của người Mông Cổ, một bản văn có từ thế kỷ 13 kể lại gia phả và lịch sử của vị lãnh tụ vĩ đại, bắt đầu được sử dụng như một loại kinh thánh. Tuy nhiên, việc thần thánh hóa Thành Cát Tư Hãn đã có từ rất lâu. Nó có nguồn gốc từ hình tượng truyền thống về thủ lĩnh Mông Cổ, người có được sức mạnh từ mối liên hệ đặc biệt với “Tenger” - “bầu trời” - nơi ông được cho là có khả năng đọc được những điềm báo.

Đạo Tengri [*], thiên đường không có Thiên Chúa

Mối liên kết nguyên tố, pháp sư với thiên đường này nằm ở trung tâm của “ đạo Tengri”, truyền thống tâm linh vĩ đại của Trung Á. Vào thế kỷ 12, nhà truyền giáo người Flemish Guillaume de Rubrouck đã lưu ý rằng thuật ngữ “khan” là một “danh hiệu của phẩm giá, có cùng ý nghĩa với người bói toán (…); do đó các hoàng tử của họ đã lấy tên này, bởi vì chức vụ của họ là cai trị các dân tộc bằng phương pháp bói toán.” Nhưng, Roberte Hamayon nói, trong hệ thống tôn giáo này, “thiên đường” không phải là một con người, càng không phải là một vị thần.

Quan niệm này mang một hình thức hòa đồng chủ nghĩa trong truyền thống Phật giáo Mật tông, với hình tượng Gesar, người anh hùng trong sử thi mang tên ông. Trong Phật giáo Mông Cổ, người anh hùng Gesar được coi là hóa thân của thần chiến tranh Begtse, một vị thần phẫn nộ có chức năng bảo vệ những Phật tử thực hành tốt, nhưng không phải là một vị thần sáng tạo hay toàn năng.

Vị vua thần thoại này được biết đến với sự đồng hành của 33 anh hùng, “baatar”. Thuật ngữ này được tìm thấy trong tên thủ đô, Ulaanbaatar, có nghĩa là “anh hùng đỏ”, biệt danh của nhà cách mạng cộng sản Mông Cổ Damdin Sükhbaatar.

Phật giáo, sức mạnh kiến tạo của Mông Cổ

Có mặt ở Mông Cổ từ thế kỷ thứ 8, Phật giáo thực sự phát triển vào thế kỷ 13 với cháu trai của Thành Cát Tư Hãn, Hốt Tất Liệt, người sáng lập triều đại nhà Nguyên trị vì Trung Quốc trong một thế kỷ (1271-1368). Ông quyết định tiếp nhận truyền thống Tây Tạng và áp đặt nó lên người dân của mình. Tuy nhiên, truyền thống pháp sư đã giành lại ưu thế sau khi đế chế của ông sụp đổ.

Phật giáo Tây Tạng đã trở lại vào thế kỷ 16 với Altan Khan, một người cai trị đã sử dụng các tu sĩ Phật giáo để củng cố quyền lực của mình, lấy cảm hứng từ quá khứ huy hoàng của triều đại Thành Cát Tư Hãn. Tôn giáo ngày càng có tầm quan trọng cao, lên đến tuyệt đỉnh vào đầu thế kỷ 20 với Bogd Khan, người vừa là nhà lãnh đạo chính trị của Mông Cổ vừa là “lạt ma” quan trọng nhất trong hệ thống tôn giáo Phật giáo của đất nước.

Sau khi trở thành một nhà nước thực sự trong một nhà nước, mạng lưới tu viện hùng mạnh đã bị những người Cộng sản lên nắm quyền vào năm 1924 phá hủy một cách tàn bạo và chỉ được tái lập sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Vào cuối những năm 1990, Phật giáo đã được chính quyền công nhận là quốc giáo và được một nửa dân số cả nước thực hành.

Phật giáo Tây Tạng thực hành ở Mông Cổ không tin vào sự tồn tại của một vị thần tối cao mà khuyến khích sự tôn kính các vị thần và linh hồn địa phương. Nó cũng coi trọng những nhân cách siêu nhiên như Đức Phật, một con người có thể đạt đến giai đoạn giác ngộ và do đó trải nghiệm một dạng thần thánh; Phật có nghĩa là “thức tỉnh”.

Thành Cát Tư Hãn, ông tổ của các tôn giáo Trung Á

Trong lịch sử Mông Cổ, hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn quan tâm đến các truyền thống Hồi giáo và Kitô giáo mà quân Mông Cổ gặp phải trên đường đi. Sự hiện diện của người Hồi giáo ở trung tâm đế quốc Mông Cổ có thể bắt nguồn từ thế kỷ 13, dưới triều đại của chắt ông là Ghazan, người đã cải đạo và thành lập đế chế Ilkhanate, một đế chế Hồi giáo mở rộng sang Ba Tư và vùng Caucasus vào thế kỷ 14. Berke, một cháu trai khác của Thành Cát Tư Hãn, được biết đến là người sáng lập Golden Horde - trải dài từ Ukraine đến Mông Cổ cho đến thế kỷ 14 - cũng cải sang đạo Hồi. Ngày nay, 2% dân số Mông Cổ theo đạo Hồi và tin vào Alla, vị Thiên Chúa đã được mạc khải cho nhà tiên tri Mohammed.

Vào thế kỷ 13, một trong những người con trai của Thành Cát Tư Hãn, Tolui, đã trở thành người bảo vệ phái Nestoriô, một lạc giáo của Kitô giáo lúc bấy giờ hiện diện khắp khu vực. Mặc dù ông chọn Phật giáo Tây Tạng nhưng con trai ông là Kubilai Khan sẽ được phái Nestoriô nuôi dưỡng nhưng bị cấm chịu phép rửa. Lạc giáo Nestoriô cuối cùng đã biến mất, và Kitô giáo quay trở lại muộn hơn nhiều với hai làn sóng truyền giáo, làn sóng đầu tiên từ thế kỷ 19 đến thời kỳ cộng sản, và làn sóng thứ hai bắt đầu từ đầu thế kỷ 21.

Ngày nay, cộng đồng Công Giáo nhỏ bé sát cánh với Chính thống giáo, hiện diện để đồng hành với cộng đồng người Nga hải ngoại, cũng như với các nhà truyền giáo Thệ phản và Ngũ tuần. Những người sau đặc biệt tích cực trong việc truyền đạo và là nguồn gây căng thẳng với chính phủ và các tôn giáo khác. Một cựu truyền giáo ở Mông Cổ nói với I.MEDIA: “Là những Kitô hữu, tất cả chúng ta đều tập hợp lại với nhau”.

Khi nói về Thiên Chúa, Roberte Hamayon lưu ý rằng các Kitô hữu ở Mông Cổ thường sử dụng thuật ngữ “Burhan”, có nghĩa là “quyền lực cao quý”. Chữ này cũng được dùng để chỉ Đức Phật. Đôi khi họ sử dụng “Iertönciin Ezen”, có nghĩa là “bậc thầy của vũ trụ” - một thuật ngữ cũng được dùng để chỉ Thành Cát Tư Hãn. Tuy nhiên, việc sử dụng nó của Kitô hữu bị người Mông Cổ coi là xúc phạm và do đó đã bị bỏ rơi. Trong Từ điển Công Giáo Anh-Mông Cổ năm 2008, linh mục người Pháp Pierre Palussière đề xuất thuật ngữ tổng hợp “Tengerburhan”, kết hợp các khái niệm Tenger (thiên đường) và Burhan.
__________________________________________________________________________________________________________________
[*] Theo từ điển mở Wikipedia, Đạo Tengri [Tengrism, có khi viết là Tengriism, Tengerism, hay Tengrianism) là một tôn giáo có tính cách sắc tộc Thổ Nhĩ Kỳ, Yeniseia, Mông Cổ có nguồn gốc ở các thảo nguyên Âu Á dựa trên đạo pháp sư và vật hồn giáo. Một cách tổng quát, nó liên hệ tới vị thần trời tên là Tengri, đấng không được coi như một thiên chúa theo nghĩa thông thường, như là hiện thân của vũ trụ. Theo một số học giả, các tín đồ của đạo Tengri coi mục đích đời người là sống hoà hợp với vũ trụ.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô khởi động chuyến Tông du tới Mông Cổ
Vũ Văn An
18:39 31/08/2023

Theo Devin Watkins của VaticanNews, Đức Thánh Cha Phanxicô khởi hành từ Rome trên máy bay giáo hoàng khi ngài bắt đầu chuyến tông du đến Mông Cổ, và nói với các nhà báo đi cùng ngài rằng Mông Cổ có thể dạy chúng ta biết chấp nhận sự im lặng.

Thực vậy, máy bay của Đức Giáo Hoàng cất cánh từ Sân bay Fiumicino của Rome vào chiều thứ Năm lúc 6:41 để đến Ulaanbaatar, Mông Cổ.

Chuyến bay dự kiến kéo dài 9 tiếng rưỡi và sẽ hạ cánh tại thủ đô Mông Cổ lúc 10 giờ sáng (GMT +8).

Sau khi khởi hành, Đức Thánh Cha Phanxicô đi qua cabin và chào đón hơn 70 nhà báo đưa tin về chuyến Tông du tới Mông Cổ của ngài.

Trong những nhận xét ngẫu hứng, Đức Thánh Cha nói rằng chuyến thăm của ngài tới quốc gia châu Á này mang lại cơ hội để thực hiện sự im lặng.

Ngài nói: “Đến Mông Cổ là đến với một dân tộc nhỏ bé trên một vùng đất rộng lớn. Mông Cổ dường như không có điểm kết thúc, và cư dân của nó rất ít, một dân tộc ít về số người nhưng có nền văn hóa vĩ đại. Tôi nghĩ sẽ tốt cho chúng ta nếu hiểu được sự im lặng này, quá rộng lớn, quá lớn lao. Nó sẽ giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của nó: không phải bằng trí tuệ mà bằng giác quan. Mông Cổ phải được hiểu bằng giác quan. Tôi xin nói rằng có lẽ sẽ tốt cho chúng ta nếu nghe một chút âm nhạc của Borodin, một âm nhạc có thể diễn tả ý nghĩa rộng lớn và vĩ đại của Mông Cổ."

Đức Thánh Cha Phanxicô cảm ơn các nhà báo đã đưa tin về chuyến viếng thăm Mông Cổ của ngài


Khi Đức Thánh Cha chào Eva Fernandez Huescar, một nhà báo của Radio Cope, bà đã tặng ngài một bi đông nước của một người lính Ukraine bị thương trong một vụ nổ.

Ngài ban phước lành cho chiếc bi đông đầy mảnh đạn mà người lính đã tặng cho một nhà thờ ở Lviv để tạ ơn Chúa vì món quà cuộc đời anh. Bà Fernandez dự định sẽ trả lại bi đông cho nhà thờ sau khi chuyến thăm Mông Cổ kết thúc.

Đức Thánh Cha Phanxicô ban phép lành cho bình bi đông của một người lính Ukraine bị thương


Gặp gỡ những người nhận lòng bác ái của Giáo Hội

Trước khi khởi hành, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp gỡ 12 cư dân của Ký túc xá của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, được gọi là “Món quà của Lòng thương xót”, nằm ngay bên ngoài các bức tường của Thành phố Vatican.

Theo Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, những người này đến từ nhiều quốc gia khác nhau và nằm trong nhóm 30 người hôm thứ Tư đã giúp dỡ một chuyến hàng viện trợ nhân đạo tới Ukraine.

Khoảng 300,000 phần nước dùng đông đặc đã được chuyển đến Vatican từ Hàn Quốc để hỗ trợ những người đau khổ vì cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Đức Hồng Y Konrad Krajewski, Bộ trưởng Bộ Bác ái, nói với Vatican News rằng ngài đã thông báo với 12 người rằng họ sẽ làm việc trở lại vào thứ Năm lúc 5 giờ chiều.

Đức Hồng Y nói: “Thay vì chất hàng viện trợ lên xe tải, chúng tôi đến chào Đức Thánh Cha trước chuyến viếng thăm Mông Cổ. Họ rất ngạc nhiên vì có thể làm được điều đó. Tôi không muốn cho họ biết trước để họ có thể ngạc nhiên. Tất cả họ đều rất ấn tượng khi được gặp Đức Thánh Cha ngày hôm nay. Đây chính là cách ân sủng hoạt động.”

Vị phát chẩn của Đức Thánh Cha cũng nhắc lại tính chất biểu tượng của khoản viện trợ nhân đạo này cho Ukraine, đồng thời giải thích rằng cư dân trong Ký túc xá của Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiệt tình tham gia vào dự án để giúp đỡ những người hiện đang phải đối mặt với hoàn cảnh rất khó khăn.

Đức Thánh Cha Phanxicô chào đón các cư dân của Ký túc xá “Món quà của Lòng thương xót


Đức Mẹ Phù Hộ

Vào chiều thứ Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện chuyến viếng thăm theo thông lệ tới Vương cung thánh đường Đức Bà Cả.

Ngài dừng lại cầu nguyện trước biểu tượng cổ kính Maria, Phù hộ Dân Rôma và giao phó chuyến Tông du tới Mông Cổ cho sự phù hộ của Đức Trinh Nữ Maria.

Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ


Tổng quan về hành trình đến Mông Cổ

Chuyến viếng thăm kéo dài 4 ngày sẽ chứng kiến Đức Thánh Cha nghỉ ngơi sau chuyến bay dài cả ngày vào thứ Sáu, trước khi bắt đầu các sự kiện công khai vào thứ Bảy.

Đầu tiên ngài gặp Tổng thống và chính quyền dân sự của Mông Cổ, sau đó có cuộc gặp gỡ với các Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và các thừa tác viên giáo dân tại Nhà thờ Chính tòa Các Thánh Phêrô và Phaolô ở Ulaanbaatar.

Vào Chúa Nhật, Đức Thánh Cha Phanxicô tổ chức cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn vào buổi sáng và chủ sự Thánh lễ công cộng vào buổi chiều.

Sự kiện công khai duy nhất của ngài vào thứ Hai là cuộc gặp gỡ với các nhân viên từ thiện của Giáo hội tại Nhà Thương xót.

Dự kiến Đức Giáo Hoàng sẽ trở lại Rome vào khoảng 5:20 chiều (GMT +2).
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ghé thăm Nhà thờ Rọc Lá - Gp. Long Xuyên
Maria Vũ Loan
05:14 31/08/2023

Ghé thăm Nhà thờ Rọc Lá Gp. Long Xuyên

Xem Hình

Giữa mùa hè 2023, chúng tôi có chuyến đi về miền tây để thăm học sinh có hoàn cảnh đáng chú ý và thăm vùng quê ngoại; một chuyến đi hoàn toàn theo ý Chúa vì chúng tôi đã “thiết kế” chuyến đi vùng Đồng Nai, một nơi có sông nước, thuyền bè, cá hồ... thế nhưng phải rẽ ngược về miền tây, theo ý Ngài.

Đến vùng Tân Hiệp, giáo phận Long Xuyên, lưu trú nhà người thân lúc trời đã tối hẳn, thế mà sáng sớm hôm sau, chúng tôi phải dậy sớm để đến vùng U Minh Thượng, dự lễ bổn mạng xứ đạo mang tên hai thánh tử đạo Quý - Phụng, dân địa phương gọi là nhà thờ Rọc Lá, theo lời mời của cha sở giáo họ Kênh 1B.

Trong cơn mưa nhỏ lất phất, tín hữu họ đạo Quý Phụng đã có những bước chân rộn rã để chuẩn bị cuộc rước và dự nghi thức xông hương trước đài kính hai thánh tử đạo. Chúng tôi cũng đứng vào hàng giáo dân, hôn xương để tỏ lòng ngưỡng mộ hai thánh. Khi đoàn rước từ từ tiến vào thánh đường, tiểu sử hai thánh Phêrô Quý và Emmanuel Phụng được đọc lên; chúng tôi xúc động trước sự can đảm của một linh mục và một ông trùm đã tử vì đạo.

Sau thánh lễ, chúng tôi cũng dự tiệc mừng, một bữa tiệc rặt phong cách miền tây. Chúng tôi chụp hình khi quí cha đi “chào bàn” một cách thân thiện, vui vẻ.


Cả ngày hôm sau, chúng tôi gặp gỡ học sinh ở vùng này do cha và quí ông bà trùm xứ đạo giới thiệu. Các cháu tập trung bên hông nhà thờ và trước sân nhà người quen. Đáng nhớ nhất là giữa cái nắng chói chang, một ông trùm khu chở tôi và hai thùng tập vở chạy dọc theo con kênh ngang, khu kinh tế mới để phát tập và tiền cho các cháu. Nhờ có sự giới thiệu, chúng tôi mới hiểu hoàn cảnh từng em. Có vài trường hợp bố mẹ phải ra nhận dùm vì các cháu vắng nhà.

Ở vùng này, người ta vừa xạ lúa (cấy lúa) xong thì mưa dầm, mưa trút cả tuần lễ, thế là phải cấy lại, có nhà lỗ cả chục triệu đồng. Khi giúp các em học cấp 3, bố mẹ các cháu vui ra mặt.

Một buổi chiều, giáo họ Kênh 1B vui rộn ràng hẳn lên khi Đức Cha Giuse Trần Văn Toản, giáo phận Long Xuyên, đến dự buổi Hội Ca giữa các ca đoàn thiếu nhi trong giáo hạt Tân Hiệp. Giữa trưa nắng, sau khi mục vụ từ nơi khác về mà Đức Cha vẫn tỏ ra thân thiện với các cháu. Còn cha quản hạt và cha chánh xứ lại cười tươi giữa hàng ghế. Lời huấn từ của Đức Cha ngắn gọn mà ý nghĩa. Vui nhất là khi thiếu nhi ăn buffet, cả hội trường rộn ràng. Đức Cha cũng lại “cửa hàng” trái cây của cháu chúng tôi và còn gõ nhẹ vàu đầu cháu trai tôi mà nói: “Tóc đẹp!” làm nó vui ngây ngất cả buổi tối.

Thánh lễ tại giáo họ thật trang nghiêm như một Giáo Hội thu nhỏ trên cánh đồng có con sông chạy dài “gọi là kênh”. Trước mặt 12 ca đoàn và cộng đoàn dân Chúa, Đức Cha nhấn mạnh đến những yếu tố của một bài ca tròn đầy: “.... sử dụng chỉ có bảy nốt nhạc mà làm nên rất nhiều bài hát; đó là cái tài của người nhạc sĩ, mà cái tài đó cũng được thể hiện nơi ca sĩ. Chúng con là những ca sĩ trong các ca đoàn nhỏ. Nếu có bản nhạc mà không có người hát thì bản nhạc đó cũng chỉ trên giấy tờ mà thôi. Và, những người ca sĩ thể hiện bản nhạc của nhạc sĩ lại cũng cần những người thưởng thức cái hay, cái đẹp, cái ý nghĩa của bài hát thì một bài ca mới được tròn đầy.....”

Chúng tôi nhiều cảm xúc khi thăm mộ ông bà, gặp gỡ họ hàng trong gia tộc. Hương vị cuộc sống ở làng quê vẫn thấm đậm cho dù có điện thoại thông minh hay những chiếc xe phân khối lớn chạy vù vù trên con đường hai bên cỏ cây xanh mượt.

Ngày thứ bảy trong tuần, chúng tôi được quan sát cảnh Thiếu Nhi Thánh Thể trong khu vực cắm trại tại họ đạo Kênh 1B. Sau những nghi thức trân trọng mở đầu ngày trại là những hoạt động vui tươi, hoạt náo, thân tình... có thể nói đó là cả một ngày vui cho các thanh thiếu niên Công Giáo mà từ niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh mới qui tụ được.

Ngày sau cùng ở làng quê trước khi về Sài Gòn, chúng tôi tham dự thánh lễ chiều Chúa nhật. Tham dự thánh lễ có nhiều quí bà quí cô hơn quí ông. Thanh niên rất ít, đa phần người trẻ dự lễ buổi sáng để thuận tiện công việc trong ngày. Chúng tôi chụp hình và có lời chào cha xứ để hôm sau về Sài Gòn, kết thúc một chuyến đi với một số sự kiện đáng nhớ.
 
Nét đẹp hiệp hành của Thánh Tử đạo
Maria Vũ Loan
05:24 31/08/2023

NÉT ĐẸP HIỆP HÀNH CỦA THÁNH TỬ ĐẠO

Cách đây nhiều năm, tôi đến vùng U Minh và được Cha Tăng đưa đi dọc con đường đất, có khu nhà lá hai bên đường. Sau đó, lòng tôi cứ "tương tư” vùng đất ấy mà chẳng thể nào nhớ ra mà trở lại thăm. Nay, được một cha xứ mời đi vùng U Minh Thượng, chúng tôi hăm hở lạ thường.

Quãng đường từ Tân Hiệp đến nhà thờ Rọc Lá là 60 km. Đường rộng, cảnh hai bên đường đẹp như bức tranh đồng quê làm chúng tôi nao lòng. Chiếc xe bảy chỗ đưa cha, mấy ông bà trùm khu và chúng tôi bon bon trên đường. Chúng tôi có phần hăm hở khi biết trong lễ mừng bổn mạng, nhà thờ Rọc Lá có phát quà cho gia đình nghèo nhưng trên quãng đường đi, cha xứ Quý Phụng gọi điện thoại cho biết quà đã trao cho giáo dân từ chiều hôm qua. Chúng tôi có một chút tiếc nuối. Quà của cộng đoàn Kênh 1B hôm nay là một tạ gạo, mấy trăm quyển tập và nhu yếu phẩm tặng cộng đoàn giáo xứ Quý Phụng. Thì ra ở vùng này, qua tay các cha xứ, các cộng đoàn dân Chúa tặng quà cho nhau để giúp giáo dân lại là “chuyện thường ngày ở làng quê”, một nét đẹp bỗng dưng làm chúng tôi rất thích.

Ở vùng quê ngày nay, giáo dân khi đến nhà thờ dự lễ mừng thì ăn mặc đẹp, vẻ hân hoan, phong thái nhẹ nhàng mà không ồn ào, nhốn nháo. Khi quí Cha đến trước đài kính hai thánh tử đạo, màu áo đỏ rực như toát lên vẻ trang trọng, ẩn chứa nét hào hùng lẫn bi thương của máu, máu đã đổ vì đạo, vì một niềm tin tuyệt đối.

Từ đài kính vào đến nhà thờ chỉ là đoạn đường ngắn thôi, thế mà đoàn rước thật trang nghiêm, cung kính đến cảm động. Lúc xếp hàng để được hôn xương hai thánh, tôi bay bổng ý nghĩ: thân xác, xương cốt chỉ là tro bụi, thế nhưng nhờ đức tin can trường mà phần thân xác ấy bỗng là báu vật cho các tín hữu cung kính. Đến khi bài giảng của linh mục trẻ, vóc dáng cao to, vang lên giữa cộng đoàn thì tôi hiểu, sự hiệp hành làm cho “thiên cung” và “trần thế” có một điểm chung muôn đời là niềm tin vào Đức Kitô tử nạn và phục sinh.

Nối kết giữa quá khứ và hiện tại, cha khách đã nói về sự hiệp hành của thánh Emanuel Lê Văn Phụng: “Thánh Emmanuel Lê Văn Phụng đã làm cho Tin Mừng được tiếp tục loan báo bằng cách cộng tác với vị mục tử của mình là cha thánh Phêrô Đoàn Công Quý, một sự cộng tác tốt nhất. Trước tiên, thánh nhân đã sống hiệp hành trong chính gia đình mình, một gia đình có chín người con và hai người con nuôi, bằng cách nuôi dạy những người con của mình trở thành những giáo hữu gương mẫu và cũng là những công dân tốt. Tiếp theo, thánh nhân đồng hành với các linh mục; thời đó, người theo đạo gặp nhiều khó khăn, thế mà nhà ông câu Phụng thường có những linh mục đến trú ngụ, hiện diện và sống cùng. Việc chứa chấp các đạo trưởng là một trọng tội, sẽ phải chết vì chống lại lệnh vua, nhưng với lòng tin và sự quảng đại, ông bất tuân lệnh ấy và cứ để các linh mục đem lại niềm tin cho nhiều người.

Sự hiệp hành giữa một người là giáo dân và một người là linh mục, để rồi ông câu Phụng phải trả giá bằng chính mạng sống mình để đức tin được loan báo. Thánh Emanuel Phụng còn hiệp hành với những người xung quanh, đặc biệt là những người nghèo. Ông sẵn sàng chia sẻ những gì mình có như chia gạo, cho nước, chia công việc làm, thậm chí cứu chữa cả những bệnh nhân. Đó là một sự hiệp hành với Giáo Hội cách tích cực qua việc liên đới và bác ái. Ông đã diễn tả niềm tin ngay trong lúc đau khổ....

Hai vị thánh Quý - Phụng đã dùng cái chết của mình để làm chứng cho niềm tin vào Đức Kitô phục sinh. Mỗi gia đình hôm nay, dùng chính hoàn cảnh đang sống để làm chứng cho niềm tin của mình. Qua sự hiệp hành, mỗi người diễn tả cách rõ nét hình ảnh về một Giáo Hội Hiệp Hành, một Giáo Hội được Chúa Kitô đồng hành và hướng dẫn, trên con đường về quê trời, nơi hai thánh tử đạo Phêrô Quý và Emmanuel Phụng, đang chờ đón mỗi người chúng ta.”

Trong thánh lễ, Ban Hành Giáo nhiệm kỳ mới được trao Ủy Nhiệm Thư. Thú thật, theo kinh nghiệm tuổi đời của chúng tôi, cộng tác với quý cha trong việc điều hành giáo xứ là một ơn gọi rõ ràng, phải thực sự chân thành, không vị lợi và đầy yêu mến. Một ông trùm từng nói với tôi: “Làm việc cho cộng đoàn giáo xứ là “một niềm vui nhà thờ” cô ạ!” Thế nên khi nhìn cha trao Ủy Nhiệm Thư, tôi thầm cầu nguyện cho những vị ấy biết phục vụ trong khiêm nhường thì tốt lành biết bao!

Đường trở về vùng Tân Hiệp nắng đã đứng giữa đỉnh đầu. Tôi xúc động khi cha chánh xứ Kênh 1B vẫn nhường chỗ tốt trên xe cho tôi, cha ngồi cuối xe. Vài câu chuyện trên xe làm chúng tôi vui. Có một ông trùm “nhà có điều kiện” đã dâng cúng vào nhà thờ một tỷ đồng, cha xứ (đang cùng đi với chúng tôi) bèn làm một cái hội trường thật to, làm nơi sinh hoạt cho đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, các sinh hoạt chung cho các đoàn thể... Thế là cộng đoàn giáo dân vui hẳn lên, đặc biệt là thanh thiếu niên. Chúng tôi thầm nghĩ, ai mà được Chúa đặt vào một vị trí “ảnh hưởng đến nhiều người” mà không làm cho họ vui lên là “có lỗi” rõ ràng.

Xe về đến tận sân nhà thờ. Vừa xuống xe, cha cho chúng tôi một con cua sống mà anh chị chủ nhà quen với cha, nơi đoàn chúng tôi dừng chân uống cà phê, đã tặng. Cha còn nói thêm: “Dì Loan muốn lấy xe hơi đi đâu thì cứ vào con mà lấy chìa khóa!”. Tôi xúc động, xách “toòng teng” con cua đi về phía bên kia sông, lòng thầm nghĩ: Chúng tôi chỉ có thể hiệp hành qua những chuyến đi như thế này mà thôi.
 
VietCatholic TV
Putin tá hỏa: Được chôn tử tế, Prigozhin lại xuất hiện tấn công Shoigu, Putin. Liên minh Nga-Bắc Hàn
VietCatholic Media
03:12 31/08/2023


1. Ukraine trình làng robot chiến đấu 'Kamikaze' mới chuẩn bị tham chiến

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Unveils New 'Kamikaze' Combat Robots Heading to War”, nghĩa là “Ukraine trình làng robot chiến đấu 'Kamikaze' mới chuẩn bị tham chiến.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Ukraine đang phát triển một “đội quân robot” để tăng cường số lượng phương tiện không người lái được triển khai dọc chiến tuyến chống lại lực lượng Nga.

Các cuộc thử nghiệm đã được thực hiện trên 25 robot do Ukraine sản xuất được thiết kế cho quân đội, Bộ trưởng chuyển đổi kỹ thuật số của đất nước, Mykhailo Fedorov, cho biết như trên.

Ông nói thêm rằng các loại robot này bao gồm “từ tháp pháo điều khiển từ xa đến robot kamikaze”, đồng thời cho biết: “Công nghệ và đổi mới là chìa khóa dẫn đến chiến thắng của chúng tôi”.

Ukraine đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ máy bay không người lái, với các thuyền không người lái và máy bay không người lái thường xuyên gây chú ý khi tấn công vào tài sản của Nga ở Hắc Hải, cũng như tấn công chính Mạc Tư Khoa.

Các chuyên gia cho rằng chiến tranh Ukraine đã gây ra sự phát triển đột biến chưa từng có trong công nghệ không người lái, với các dạng phương tiện không người lái mới liên tục xuất hiện và phát triển khi chiến tranh tiếp diễn.

Fedorov cho biết hồi đầu tháng này rằng Ukraine đang tìm cách “mở rộng quy mô kinh nghiệm trong lĩnh vực máy bay không người lái sang các lĩnh vực đổi mới quân sự khác” và thành lập “đội quân robot”.

Fedorov nói thêm: “Nhóm của chúng tôi sẵn sàng hợp tác với bất kỳ ai có thể giúp chúng tôi củng cố mặt trận công nghệ của mình”.

Nga cũng đã phát triển các robot mà họ cho biết sẽ được sử dụng ở Ukraine, bao gồm cả robot chiến đấu “Marker” được hỗ trợ bởi Trí Tuệ Nhân Tạo, mà truyền thông nhà nước cho biết sẽ có thể chống lại các loại máy bay không người lái khác nhau, bao gồm cả các phương tiện “kamikaze”.

Samuel Bendett, thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân, nói với Newsweek vào Tháng Giêng rằng ý tưởng đằng sau robot chiến đấu Marker của Nga là “thay thế một người lính trong các nhiệm vụ nguy hiểm và thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả hơn”.

“Mục đích chung của việc xây dựng những hệ thống như vậy là làm cho chúng có thể sử dụng được,” Bendett nói thêm vào thời điểm đó.

Ukraine thường xuyên sử dụng các phương tiện cảm tử không người lái, có thể sử dụng được để tiến hành các cuộc tấn công vào Nga, đặc biệt là vào các căn cứ hải quân ở Hắc Hải ở Sevastopol và ở khu vực Krasnodar, gần Crimea.

Kyiv đã tấn công vào các cơ sở của Mạc Tư Khoa ở thành phố cảng Novorossiysk, trong khi Bộ Quốc phòng Nga thường xuyên cáo buộc Ukraine thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong lãnh thổ của mình.

Sáng thứ Ba, Nga cho biết một số máy bay không người lái cánh cố định đã tấn công các khu vực Belgorod của Nga, giáp biên giới phía đông bắc Ukraine và Tula, phía nam Mạc Tư Khoa, trong vài giờ. Lực lượng phòng không đã bắn hạ các máy bay không người lái đang lao tới.

Mạc Tư Khoa cũng thường xuyên sử dụng máy bay không người lái cảm tử Shahed-131 và -136 do Iran sản xuất để tấn công các mục tiêu Ukraine trên khắp đất nước trong suốt cuộc chiến.

2. Kinh dị: Đã được chôn cất tử tế, Prigozhin lại vừa xuất hiện tấn công Bộ Quốc phòng Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Prigozhin Resumes Attacks on Russian Military in Message from Beyond”, nghĩa là “Prigozhin tiếp tục tấn công quân đội Nga trong thông điệp từ bên kia thế giới.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Video về nhà lãnh đạo Tập đoàn Wagner Yevgeny Prigozhin chỉ trích các nhà lãnh đạo quân sự Nga đã xuất hiện trở lại sau khi ông qua đời trong một vụ tai nạn máy bay.

Các đoạn clip, được ghi lại trước khi Prigozhin lãnh đạo một cuộc nổi dậy chống lại những nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh trong “Cuộc tuần hành công lý” vào tháng 6, đã thu hút được sự chú ý trên mạng xã hội trong những ngày gần đây.

Trước cuộc nổi dậy thất bại, nhà lãnh đạo Wagner thường xuyên quay các video tin nhắn chỉ trích giới lãnh đạo quân sự Mạc Tư Khoa về cách họ giải quyết cuộc chiến, đăng chúng qua kênh Telegram cho công ty cung cấp thực phẩm Concord của ông.

Ủy ban Điều tra Nga hôm Chúa Nhật cho biết các xét nghiệm di truyền đã xác nhận Prigozhin là một trong 10 người thiệt mạng khi chiếc máy bay riêng của ông bị rơi vào ngày 23/8, gần làng Kuzhenkino ở vùng Tver của Nga. Máy bay đang bay từ Mạc Tư Khoa đến St. Petersburg. Nguyên nhân vụ tai nạn vẫn chưa rõ ràng nhưng Ukraine và Nga đều phủ nhận trách nhiệm.

Prigozhin đã được an nghỉ trong một buổi lễ an táng bí mật và vội vàng ở St. Petersburg vào hôm thứ Ba.

Các video được lưu hành kể từ khi anh ta qua đời bao gồm một video được xuất bản lần đầu vào ngày 23 tháng 6, vài giờ trước cuộc binh biến Wagner. Trong đoạn clip, Prigozhin đặt ra nghi ngờ về những lời biện minh của Tổng thống Vladimir Putin khi tiến hành một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, nói rằng đó là những lời nói dối của những nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh.

Một phiên bản dài hai phút của đoạn video dài 30 phút đầy những lời tục tĩu ban đầu của Prigozhin đã được đăng trên X, trước đây là Twitter, sau khi Prigozhin đã được chôn cất.

Prigozhin nói rằng cuộc chiến chỉ cần thiết đối với những tên tài phiệt—bọn đầu sỏ hiện đang thực sự kiểm soát nước Nga”—và nói thêm rằng họ chỉ nghĩ đến bản thân mình.

Nhà lãnh đạo Wagner cũng cho biết “sự lừa dối sâu sắc nhất” đang tiếp tục diễn ra từ các nhà lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga, và sự thật sẽ chỉ được tiết lộ khi “một nhóm những kẻ khốn nạn này nhận ra rằng chúng đã chiếm được một phần lãnh thổ khổng lồ, họp lại với nhau và nói rằng họ đã tái tổ chức để có những vị thế thuận lợi hơn.”

Trong phiên bản đầy đủ của video, Prigozhin mô tả những ngày đầu của cuộc chiến là một “chiến dịch được lên kế hoạch kém” và đổ lỗi cho Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu vì đã giết chết “hàng nghìn người trong bộ phận sẵn sàng chiến đấu nhất trong quân đội”.

Anh ta nói thêm: “Tên tâm thần này đã quyết định, 'Không sao đâu, chúng tôi sẽ ném thêm vài nghìn người Nga vào làm bia đỡ đạn. Họ sẽ chết dưới làn đạn pháo, nhưng chúng ta sẽ có được thứ chúng ta muốn.’ Đó là lý do tại sao nó đã trở thành một cuộc chiến kéo dài.”

Prigozhin cho biết chiến tranh là cần thiết để “một nhóm sinh vật chiến thắng và phát huy bản thân”.

Những cuộc tấn công cá nhân chống lại những nhà lãnh đạo Điện Cẩm Linh đã gia tăng mạnh mẽ trước cuộc nổi loạn bị hủy bỏ của anh ta. Anh đã đưa các chiến binh của mình vào thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine sau nhiều tháng giao tranh nhưng trở nên thất vọng vì thiếu sự hỗ trợ và đạn dược từ Bộ Quốc phòng.

Vài tuần trước cuộc nổi dậy, vào ngày 9 tháng 5, Ngày Chiến thắng—lễ kỷ niệm hàng năm của Mạc Tư Khoa đánh bại Đức Quốc xã—Prigozhin phàn nàn về việc thiếu đạn dược, đăng tải các video ngay trước và ngay sau bài phát biểu của Putin tại Quảng trường Đỏ. Prigozhin cho biết các chiến binh của anh ta vẫn cần đạn dược và Nhóm Wagner không được phép rút lui, đồng thời bị đe dọa với các cáo buộc là phản quốc vì đào ngũ.

Các tướng lĩnh Nga, Prigozhin nói trong cuộc tấn công gay gắt của mình, là những kẻ phản bội. “Nếu hóa ra bố già là một tên khốn nạn thật thì sao?” anh ta nói thêm.

Nhiều người coi “bố già” là ám chỉ chính Putin. Ông ta thích hành xử như một bố già mafia hơn là như một vị Tổng thống. Với những nhân vật đối lập hay những người mà ông ta không thích, ông ta ném người ta xuống cửa sổ hơn là đưa ra tòa xét xử. Cách hành xử như thế gây ra một sự khiếp sợ sâu rộng trong xã hội.

3. Liên Hiệp Âu Châu kêu gọi cung cấp cho Ukraine một triệu quả đạn pháo

Nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại của Liên minh Âu Châu đã kêu gọi các nước thành viên đặt mua thêm đạn dược cho Ukraine, vì các số liệu cho thấy khối này còn lâu mới đạt được mục tiêu hồi tháng 3 là cung cấp cho Kyiv một triệu quả đạn pháo trong vòng 12 tháng.

Hôm thứ Tư, ông Josep Borrell cho biết các thỏa thuận tổng thể, được gọi là hợp đồng khung, đã được ký kết với các công ty vũ khí để cho phép các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu đặt hàng chung các loại đạn 155 ly, loại đạn mà Ukraine rất cần khi nước này chống lại cuộc xâm lược của Nga.

Borrell nói với các phóng viên sau cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng Liên Hiệp Âu Châu tại thành phố Toledo của Tây Ban Nha: “Bây giờ, các quốc gia thành viên phải thông qua các đơn hàng cụ thể trong các thỏa thuận khung này với các ngành sản xuất vũ khí.

Trong một bước đi mang tính bước ngoặt, hồi tháng 3, các nước Liên Hiệp Âu Châu đã đồng ý về kế hoạch trị giá khoảng 2 tỷ euro hay 2,18 tỷ Mỹ Kim để cung cấp 1 triệu quả đạn pháo hoặc hỏa tiễn cho Ukraine trong vòng 12 tháng.

Yếu tố đầu tiên liên quan đến việc các nước đào sâu vào nguồn dự trữ của mình hoặc mua nguồn dự trữ từ nơi khác. Borrell cho biết đơn vị này đã mang lại khoảng 224.000 viên đạn và 2.300 hỏa tiễn, trị giá tổng cộng khoảng 1,1 tỷ euro.

Điều đó có nghĩa là Liên Hiệp Âu Châu thậm chí còn chưa đạt được 1/4 mục tiêu, hơn 5 tháng sau khi sáng kiến này được đưa ra.

Đạn pháo còn lại được lấy từ yếu tố thứ hai của kế hoạch – đó là một kế hoạch mua sắm chung nhằm khuyến khích các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu đặt hàng cho Ukraine và bổ sung nguồn dự trữ của chính họ, vốn đã cạn kiệt nghiêm trọng do viện trợ cho Kyiv.

Nhưng cho đến nay vẫn chưa có đơn đặt hàng nào được công bố theo kế hoạch này, một số thành viên Liên Hiệp Âu Châu đang kêu gọi khối xem xét các lựa chọn khác.

“Chúng ta phải tự hỏi mình… liệu chúng ta có thể làm được nhiều hơn nữa không? Và câu trả lời của tôi ở đây rõ ràng là có, chúng tôi có thể”, Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur nói với các phóng viên tại cuộc họp ở Toledo, được tổ chức tại một nhà máy sản xuất vũ khí trước đây hiện là tòa nhà đại học.

4. Tòa Bạch Ốc cho biết đàm phán vũ khí Nga với Triều Tiên 'tiến triển tích cực'

Tòa Bạch Ốc hôm thứ Tư cho biết Nga đang bí mật đàm phán tích cực với Triều Tiên để mua nhiều loại đạn dược và khí tài chiến tranh cho cuộc chiến của Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

Phát ngôn nhân an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết: “Các cuộc đàm phán vũ khí giữa Nga và Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên đang tiến triển tích cực”, đồng thời cho biết thêm rằng trọng tâm chính của các cuộc đàm phán là đạn pháo cho lực lượng Mạc Tư Khoa.

Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia lưu ý rằng bất chấp sự phủ nhận của Triều Tiên, nước này đã cung cấp hỏa tiễn và hỏa tiễn bộ binh cho Nga vào năm ngoái để tập đoàn quân sự Wagner do tư nhân kiểm soát sử dụng.

Ông cho biết, mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã tới Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên để tìm cách mua thêm đạn dược cho chiến tranh.

Kirby nói với các phóng viên: “Kể từ chuyến thăm đó, Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân đã trao đổi thư cam kết tăng cường hợp tác song phương”.

Tại Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Anh, Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết trong một tuyên bố chung rằng bất kỳ thỏa thuận nào như vậy sẽ vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an cấm các thỏa thuận vũ khí với Triều Tiên, là các nghị quyết mà chính Mạc Tư Khoa đã thông qua.

Họ nói rằng sau chuyến thăm của ông Shoigu tới Bình Nhưỡng, một nhóm quan chức Nga khác đã tới Triều Tiên để đàm phán tiếp theo về việc mua vũ khí.

Họ cho biết: “Nga đang đàm phán các thỏa thuận tiềm năng về số lượng đáng kể và nhiều loại đạn dược từ Triều Tiên để sử dụng chống lại Ukraine”.

“Những thỏa thuận tiềm năng này cũng có thể bao gồm việc cung cấp nguyên liệu thô hỗ trợ cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nga.

Họ nói: “Bất kỳ thỏa thuận vũ khí nào như vậy sẽ vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết mà hội đồng bảo an đã nhất trí thông qua sau các vụ thử hạt nhân và phóng hỏa tiễn đạn đạo trước đây của Triều Tiên”.

5. Điện Cẩm Linh không loại trừ hành vi chơi xấu trong vụ tai nạn Prigozhin

Điện Cẩm Linh hôm thứ Tư cho biết các nhà điều tra đang xem xét tất cả các kịch bản có thể xảy ra xung quanh cái chết vào tuần trước của nhà lãnh đạo Wagner, Yevgeny Prigozhin, trong một vụ tai nạn máy bay, bao gồm cả vụ giết người có chủ ý.

Prigozhin, 62 tuổi, được chôn cất hôm thứ Ba trong một buổi lễ riêng ở St Petersburg, quê hương ông, hơn hai tháng sau khi ông tổ chức một cuộc binh biến ngắn ngủi gây ra thách thức nghiêm trọng cho Điện Cẩm Linh, AFP đưa tin.

Nhà chức trách cho biết doanh nhân này, người đang chịu lệnh trừng phạt của phương Tây, đã chết khi máy bay riêng của ông bị rơi cùng với 9 người khác giữa Mạc Tư Khoa và St Petersburg, đồng thời đã mở một cuộc điều tra.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, hôm thứ Tư nói với các phóng viên rằng các quan chức điều tra vụ việc không loại trừ bất kỳ nguyên nhân nào gây ra vụ tai nạn, bao gồm cả hành vi chơi xấu.

“Rõ ràng là có nhiều phiên bản khác nhau, bao gồm cả phiên bản – bạn biết chúng ta đang nói về điều gì, hãy nói về một tội ác có chủ ý – v.v.,” Peskov nói.

Ông cho biết vụ tai nạn máy bay đang được ủy ban điều tra Nga điều tra và sẽ không có ý kiến quốc tế nào.

Điện Cẩm Linh bác bỏ cáo buộc dàn dựng vụ tai nạn để trả thù cuộc tuần hành của Wagner ở Mạc Tư Khoa hồi tháng 6. Các quan chức đang điều tra các vi phạm giao thông hàng không có thể xảy ra nhưng chưa tiết lộ chi tiết.

Người Nga đã bày tỏ lòng kính trọng đối với Prigozhin hôm thứ Tư sau khi các viên chức cảnh sát dỡ bỏ hàng rào xung quanh nghĩa trang sau đám tang của ông vào ngày hôm trước.

6. Trùm Wagner Yevgeny Prigozhin được an táng lặng lẽ dưới sự canh gác của một lực lượng hùng hậu

Ba ký giả Olivia Burke, Iona Cleave và Will Stewart của tờ The Sun có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “WARLORD'S TOMB First pics of Putin enemy Prigozhin’s grave after mysterious secret funeral under gaze of Vlad’s henchmen”, nghĩa là “Ngôi mộ của lãnh chúa chiến tranh. Những bức ảnh đầu tiên về mộ của Prigozhin, đối phương Putin, sau đám tang bí mật bí ẩn dưới sự theo dõi của tay sai của Vlad.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Những bức ảnh đầu tiên về ngôi mộ được trang hoàng lộng lẫy của nhà lãnh đạo Wagner Yevgeny Prigozhin đã xuất hiện.

Hôm nay, tay sai của Putin đã canh gác cổng một nghĩa trang ở St. Petersburg khi lãnh chúa nổi dậy được an nghỉ trong một “buổi lễ riêng” bí ẩn.

Ngôi mộ phủ đầy hoa cuối cùng đã được chụp hình tại nghĩa trang Porokhovskoye sau những thông tin sai hướng khiến những người ủng hộ Wagner không thể tập trung để tiễn biệt.

Anh ta được chôn cất ngay bên cạnh cha ruột Viktor ở quê nhà sau một đám tang nhỏ mà Putin hoang tưởng đã từ chối tham dự.

Các báo cáo cho biết chỉ có gia đình và bạn bè thân thiết của Prigozhin mới được phép có mặt, số lượng chỉ khoảng 30 người tụ tập để nói lời từ biệt với người lãnh đạo cuộc đảo chính thất bại.

Điện Cẩm Linh dường như đang cố gắng tránh một cuộc tụ tập đông người vì lo ngại rằng lính đánh thuê của Wagner và đội quân người hâm mộ của họ có thể tận dụng cơ hội để gây rắc rối.

Trong bài đăng đầu tiên trên kênh Telegram chính thức của mình sau hơn hai tháng, Tập đoàn Wagner xác nhận rằng lãnh đạo của họ đã chết trong một vụ tai nạn máy bay vào tuần trước.

Họ đã kêu gọi những người ủng hộ đến dự đám tang.

Trong khi đó, các cấp dưới hàng đầu của Prigozhin, những người cũng thiệt mạng trong đống đổ nát của chiếc máy bay, cũng được cho là đã được chôn cất hôm thứ ba tại nghĩa trang Severnoye, cùng nghĩa địa với cha mẹ của Putin là Vladimir và Maria.

Cả hai nghĩa trang đều được canh gác nghiêm ngặt trong đám tang ngày hôm nay khi các lực lượng vũ trang của Putin đi vòng quanh khuôn viên, trong khi cảnh sát cũng được phát hiện tại các khu chôn cất khác.

Prigozhin đã thiệt mạng vào thứ Tư tuần trước khi chiếc máy bay riêng của anh ta bị thổi bay khỏi bầu trời và phát nổ trong một vụ tai nạn kinh hoàng khiến cả 10 người trên máy bay thiệt mạng.

Anh ta trở thành người mới nhất tham gia vào con số đáng kinh ngạc bao gồm 40 cái chết nổi tiếng có liên quan đến Putin kể từ khi nhà độc tài phát động cuộc chiến đẫm máu ở Ukraine.

Cơ quan ngôn luận của Mạc Tư Khoa, Dmitry Peskov không tiết lộ chi tiết về tang lễ của Prigozhin.

Anh ta cáo buộc rằng gia đình anh ta đã tổ chức đám tang và nói thêm rằng “sự hiện diện của Tổng thống là không được dự kiến”.

Những người đưa tang đầy nước mắt cũng tràn ngập nghĩa trang Serafimovskoye và hoa được gắn trên cổng.

Mọi người được phép vào nghĩa địa, mặc dù các báo cáo cho biết họ đang bị thẩm vấn xem họ sẽ đến thăm ai và phải đi qua máy dò kim loại.

Những hàng hoa hồng đỏ, nến và cờ Wagner do người Nga để lại.

Một người phụ nữ đến thăm mộ người thân của mình nói với hãng truyền thông địa phương MKRU: “Họ không bao giờ đóng cổng, đây là lần đầu tiên tôi thấy điều này”.

Một nhân viên tại nghĩa trang cũng cho rằng các biện pháp tăng cường an ninh trên thực tế có thể chỉ là một trò lừa.

Họ nói: “Có vẻ như họ muốn làm bạn bối rối, họ đặc biệt tổ chức linh đình ở đây, nhưng thực tế đám tang sẽ diễn ra ở một nơi khác”.

Các nhóm người đưa tang cũng được nhìn thấy mang hoa đến nghĩa trang Severnoye.

Người ta tin rằng giám đốc hậu cần của Wagner, Valery Chekalov, người cũng thiệt mạng trong vụ tai nạn, đã được chôn cất tại đó vào chiều thứ ba.

Theo Reuters, một linh mục Chính thống Nga chủ trì buổi lễ, trong khi những người tham dự đau buồn hôn quan tài của anh ta khi họ nói lời tạm biệt.

Ủy ban điều tra nước này đã chính thức xác nhận cái chết của Prigozhin vào hôm Chúa Nhật, nhưng vẫn chưa đưa ra nguyên nhân có thể gây ra vụ tai nạn.

Máy bay phản lực được quay theo hình xoắn ốc hướng xuống mặt đất từ độ cao 28.000 ft, với khói bốc ra từ thân máy bay ngay trước khi nó phát nổ.

Có nhiều tin đồn xung quanh vụ tai nạn nảy lửa do mối quan hệ căng thẳng của Prigozhin với Putin sau cuộc binh biến.

Tuy nhiên, Điện Cẩm Linh đã phủ nhận mọi liên quan đến cái chết của Prigozhin, bất chấp suy đoán từ các quan chức phương Tây rằng anh ta có thể đã bị thanh trừng.

Đánh giá sơ bộ của tình báo Mỹ kết luận rằng một vụ nổ có chủ ý đã khiến máy bay rơi.

Một trong những quan chức giấu tên cho biết vụ nổ phù hợp với “lịch sử lâu dài của Putin trong việc cố gắng bịt miệng những người chỉ trích ông”.

Nguồn tin trên Telegram cho biết một lô hàng “rượu đắt tiền” đã được chất lên máy bay vài phút trước khi cất cánh.

Một tuyên bố khác trên mạng xã hội cho biết chất nổ được giấu trong thùng rượu.

Đoạn video đầy ám ảnh lại xuất hiện sau cái kết khủng khiếp của Prigozhin cho thấy anh ta lạnh lùng dự đoán về cái chết bi thảm của chính mình.

Nhà lãnh đạo Wagner ví nước Nga dưới thời Vladimir Putin như một chiếc máy bay “bên bờ vực thảm họa” có thể “rơi vỡ trên bầu trời”.

Máy bay riêng của Prigozhin bốc cháy chỉ cách cung điện xa hoa của Putin ở Valdai, miền bắc nước Nga 31 dặm.

Bố già mafia Putin gửi lời chia buồn tới gia đình Prigozhin, nhưng chỉ ra rằng anh ta đã phạm “sai lầm nghiêm trọng” và có “số phận khó khăn”.

Prigozhin được cho là đã sống mượn thời gian trong nhiều tuần và được cho là đã ở trong một khách sạn không có cửa sổ ở nước láng giềng Belarus.

Trong số chín nạn nhân khác của vụ tai nạn máy bay có Dmitry Utkin, một nhân vật bóng tối có hình xăm của Đức Quốc xã được coi là cấp phó của Prigozhin.

Anh ta quản lý các hoạt động của Wagner và được cho là trước đây từng phục vụ trong cơ quan tình báo quân đội Nga.

Trên máy bay còn có tiếp viên hàng không của Prigozhin, Kristina Raspopova, 39 tuổi, người đã tiết lộ vài giờ trước đó với người thân của cô về việc chuyến bay bị trì hoãn một cách bí ẩn cũng như việc máy bay được sửa chữa không rõ nguyên nhân.

Vụ việc xảy ra đúng hai tháng sau khi Prigozhin tổ chức cuộc nổi dậy của mình, cuộc nổi loạn đã phản tác dụng một cách ngoạn mục và khiến anh ta bị lưu đày.
 
Sóng gió: Trước nhận xét của ĐTC, hàng giáo phẩm Ukraine đau buồn. Lithuania triệu tập ĐTGM Sứ Thần
VietCatholic Media
05:08 31/08/2023


1. Bộ Ngoại Giao Lithuania triệu tập Sứ Thần Tòa Thánh để phản đối nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô

Lithuania, thành viên đa số theo Công Giáo của Liên Hiệp Âu Châu, đã triệu tập nhà ngoại giao hàng đầu của Vatican tại nước này sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô nói với giới trẻ Nga hãy nhớ rằng họ là những người thừa kế của “đế quốc Nga vĩ đại”.

Để đáp lại những nhận xét ngẫu hứng mà Đức Phanxicô đưa ra hôm thứ Sáu trong một bài phát biểu trực tiếp qua video với giới trẻ Công Giáo tụ tập tại St. Petersburg, Bộ Ngoại giao Lithuania đã mời Sứ thần Tòa thánh đến “nói chuyện” sau khi tổng giám mục trở về sau kỳ nghỉ, Ông Gabrielius Landsbergis, Bộ Trưởng Ngoại Giao Lithuania cho biết hôm Thứ Tư.

Vatican hôm thứ Ba cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô không có ý định ca ngợi chủ nghĩa đế quốc Nga trong bài phát biểu, trong đó ngài cũng ca ngợi các hoàng đế Nga Peter Đại đế và Catherine II, những người đã mở rộng đế chế Nga.

Các lãnh thổ của Lithuania và Ba Lan đã bị Catherine II sáp nhập vào đế quốc Nga vào thế kỷ 18. Các quốc gia này ly khai sau Thế chiến thứ nhất, sau hai cuộc nổi dậy chống đế quốc ở thế kỷ 19 bị đàn áp dã man.

Vatican cho biết ý định của Đức Phanxicô là “bảo tồn và phát huy tất cả những gì tích cực trong di sản văn hóa và tinh thần vĩ đại của Nga”.

Ukraine, từng là một phần của đế chế này, cho biết những bình luận này là “vô cùng đáng tiếc”. Điện Cẩm Linh cho biết họ “rất hài lòng” trước những nhận định của Đức Thánh Cha.

Lithuania, một quốc gia có 2,8 triệu dân, trong đó 75% là người Công Giáo Rôma, là nước chỉ trích mạnh mẽ Nga và ủng hộ Ukraine ở cả Liên minh Âu Châu và NATO.

Giáo Hội Công Giáo vẫn được tôn kính ở nước này vì lập trường chống Cộng, ủng hộ độc lập khi bị Liên Xô sáp nhập. Trong thời gian này, Vatican giữ đại diện ngoại giao của Lithuania tại Tòa thánh vì Vatican không công nhận việc sáp nhập Lithuania vào Liên Xô.

Đức Phanxicô đã cử hành thánh lễ trước đám đông ước tính khoảng 100 nghìn người ở Lithuania khi ngài đến thăm vào năm 2018.

Trong cuộc gặp gỡ với giới trẻ Công Giáo Mạc Tư Khoa, trước khi chúc lành bế mạc, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Đừng bao giờ quên di sản của các bạn. Các bạn là người thừa kế của nước Nga vĩ đại. Nước Nga vĩ đại của các vị thánh, của các vị vua, nước Nga vĩ đại của Peter Đại đế, của Nữ Hoàng Catherine II, đế quốc Nga vĩ đại được vun đắp với biết bao văn hóa và nhân văn. Đừng bao giờ từ bỏ di sản này. Đừng bao giờ từ bỏ di sản này. Các bạn là người thừa kế của Nước Nga vĩ đại, hãy tiến lên. Và cảm ơn. Cảm ơn vì cách sống của các bạn, vì cách các bạn trở thành người Nga”.

Khó khăn là cả hai triều đại Peter Đại đế, Nữ Hoàng Catherine II đều cổ vũ cho chủ nghĩa đế quốc, và cả hai triều đại này đều là các triều đại bắt bớ người Công Giáo tàn tệ; và cả hai nhân vật đều khét tiếng độc ác và hoang dâm vô độ.


Source:Reuters
2. Tuyên bố của phòng báo chí về những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô với một số giới trẻ Công Giáo Nga

Trả lời câu hỏi của các nhà báo, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Matteo Bruni, đã cho biết như sau:

“Trong những lời chào hỏi ứng khẩu dành cho một số thanh niên Công Giáo Nga trong những ngày gần đây, như đã thấy rõ trong bối cảnh ngài phát biểu những lời ấy, Đức Thánh Cha có ý khuyến khích giới trẻ bảo tồn và phát huy tất cả những gì tích cực trong nền văn hóa vĩ đại và tâm linh Nga, và chắc chắn không đề cao luận lý đế quốc và các nhân vật được trích dẫn để chỉ ra một số giai đoạn lịch sử tham khảo. “

Dưới đây là những lời của Đức Thánh Cha được ghi lại từ video:

“Đừng bao giờ quên di sản của các bạn. Các bạn là người thừa kế của nước Nga vĩ đại. Nước Nga vĩ đại của các vị thánh, của các vị vua, nước Nga vĩ đại của Peter Đại đế, của Nữ Hoàng Catherine II, đế quốc Nga vĩ đại được vun đắp với biết bao văn hóa và nhân văn. Đừng bao giờ từ bỏ di sản này. Đừng bao giờ từ bỏ di sản này. Các bạn là người thừa kế của Nước Nga vĩ đại, hãy tiến lên. Và cảm ơn. Cảm ơn vì cách sống của các bạn, vì cách các bạn trở thành người Nga”.


Source:Sismografo

3. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk bày tỏ sự đau đớn và âu lo trước những nhận xét của Đức Thánh Cha

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương vừa đưa ra tuyên bố sau đây liên quan đến cuộc thảo luận chung quanh một số tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô tại cuộc gặp gỡ với giới trẻ Công Giáo Nga vào ngày 25 tháng 8 năm 2023. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Thật đau đớn và lo lắng khi chúng tôi biết được những lời được tường trình của Đức Thánh Cha Phanxicô tại cuộc gặp gỡ trực tuyến với giới trẻ Công Giáo Nga vào ngày 25 tháng 8 năm 2023 tại St. Petersburg. Chúng tôi hy vọng rằng những lời này của Đức Thánh Cha được nói ra một cách ứng khẩu, không có bất kỳ nỗ lực đánh giá lịch sử nào, chứ đừng nói đến việc ủng hộ tham vọng đế quốc của Nga. Tuy nhiên, chúng tôi chia sẻ nỗi đau lớn mà những lời ấy đã gây ra, không chỉ giữa các giám mục, giáo sĩ, tu sĩ và tín hữu của Giáo cộng đoàn tôi, mà còn giữa các giáo phái và tổ chức tôn giáo khác. Đồng thời, chúng tôi cũng nhận thức được sự thất vọng sâu sắc mà những lời ấy đã gây ra cho xã hội.

Những lời về “nước Nga vĩ đại của Peter Đại Đế I, Nữ hoàng Catherine II, như các đế chế vĩ đại, khai sáng - một đất nước có nền văn hóa vĩ đại và lòng nhân đạo vĩ đại” - là ví dụ tồi tệ nhất về chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Nga. Có nguy cơ là những lời này có thể bị coi là ủng hộ chính chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đế quốc đã gây ra cuộc chiến ở Ukraine ngày nay - một cuộc chiến mang lại cái chết và sự hủy diệt cho người dân chúng ta mỗi ngày.

Những ví dụ do Đức Thánh Cha đưa ra thực sự mâu thuẫn với giáo huấn của ngài về hòa bình, vì ngài luôn lên án mọi hình thức biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc trong thế giới hiện đại và cảnh báo về sự nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đồng thời nhấn mạnh rằng đó là nguyên nhân của “chiến tranh thế giới thứ ba” đang diễn ra cục bộ.

Với tư cách là một Giáo hội, chúng tôi muốn tuyên bố rằng trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, những tuyên bố như vậy truyền cảm hứng cho những tham vọng thuộc địa mới của quốc gia xâm lược, mặc dù cách thức “là người Nga” như thế đáng bị lên án một cách dứt khoát.

Để tránh bất kỳ sự thao túng nào về các ý định, bối cảnh và các tuyên bố được cho là của Đức Thánh Cha, chúng tôi chờ đợi sự làm rõ tình huống này từ Tòa Thánh.

Giáo Hội Công Giáo-Hy Lạp Ukraine, cùng với mọi công dân của đất nước chúng tôi, lên án ý thức hệ “thế giới Nga” và toàn bộ cách thức tội ác “là người Nga” như thế. Chúng tôi hy vọng Đức Thánh Cha sẽ nghe thấy tiếng nói của chúng tôi.

Trong một vài ngày nữa, các giám mục của Giáo cộng đoàn ta sẽ cùng nhau đến Rôma để tham dự Thượng hội đồng thường niên của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine. Chúng tôi sẽ có cơ hội được gặp Đức Thánh Cha và đích thân truyền đạt cho Ngài những nghi ngờ và nỗi đau của người dân Ukraine, tin tưởng vào sự chăm sóc hiền phụ dành cho họ.


Source:UGCC

4. Thông cáo báo chí từ Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine

Liên quan đến cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine theo sau những nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô tại cuộc gặp gỡ với giới trẻ Công Giáo Nga vào ngày 25 tháng 8 năm 2023, Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine đã ra tuyên bố sau đây. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy

Kyiv, ngày 28 tháng 8 năm 2023

Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine đã nhận xét rằng sau cuộc tương tác viễn liên của Đức Thánh Cha Phanxicô với giới trẻ Công Giáo Liên bang Nga vào ngày 25 tháng 8 năm 2023, đã có các cuộc thảo luận trên các phương tiện truyền thông Ukraine và quốc tế về một số nhận xét nhất định của Đức Thánh Cha trong sự kiện đó. Đặc biệt, theo một số cách giải thích, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể đã khuyến khích giới trẻ Công Giáo Nga lấy cảm hứng từ các nhân vật lịch sử Nga nổi tiếng với những ý tưởng và hành động theo chủ nghĩa đế quốc và bành trướng đã tác động tiêu cực đến các dân tộc lân cận, bao gồm cả người dân Ukraine.

Đại diện Giáo hoàng này kiên quyết bác bỏ những cách giải thích nói trên, vì Đức Thánh Cha Phanxicô chưa bao giờ tán thành các quan niệm đế quốc. Ngược lại, Đức Thánh Cha là người phản đối và phê phán kịch liệt mọi hình thức chủ nghĩa đế quốc, thực dân ở mọi dân tộc và mọi hoàn cảnh. Những lời của Đức Thánh Cha nói vào ngày 25 tháng 8 phải được hiểu trong cùng bối cảnh này.


Source:nunciaturekyiv.org
 
Truy lùng Sư Đoàn Dù ngay trên đất Nga. Trung tá FSB đột tử. Tướng Mỹ: Vài tuần nữa quân Nga sụp đổ
VietCatholic Media
15:04 31/08/2023


1. Sư Đoàn Dù 76 bị tấn công ngay trên đất Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Drones Hit Home of Russian Unit Blamed for Bucha Massacre”, nghĩa là “Máy bay không người lái Ukraine tấn công ngôi nhà của đơn vị Nga bị đổ lỗi cho vụ thảm sát Bucha.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các cuộc tấn công qua đêm vào Pskov được tường trình đã làm hư hỏng một số máy bay vận tải quân sự và buộc phải đóng cửa phi trường của thành phố phía Tây nước Nga, gần biên giới NATO và là nơi có một đơn vị lính Dù tinh nhuệ dính líu đến tội ác chiến tranh chống lại dân thường Ukraine.

Andriy Yusov, phát ngôn nhân của cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là GUR, nói với Ukrainska Pravda rằng cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã phá hủy 4 máy bay Il-76 và làm hư hại 2 chiếc khác. Cơ quan truyền thông nhà nước Tass của Nga đưa tin chỉ có 4 chiếc Il-76 bị phá hủy và không có thương vong. Thống đốc khu vực Mikhail Vedernikov cho biết phi trường đã bị đóng cửa đối với máy bay dân sự cho đến thứ Năm.

Hãng tin Meduza của Nga đưa tin Trung đoàn Hàng không Vận tải 334, sở hữu máy bay Il-76, đóng tại phi trường Pskov. Il-76, có tên theo báo cáo của NATO là “Candid”, tạo thành xương sống cho năng lực vận tải hàng không quân sự của Nga. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Pskov—cách biên giới Estonia và Latvia một giờ lái xe—cũng là nơi đặt Sư đoàn Dù cận vệ 76, một đơn vị tinh nhuệ và là một phần của Lực lượng Dù Nga, thường được coi là một trong những đơn vị chuyên nghiệp nhất, được trang bị tốt nhất., và vũ khí hiệu quả hơn của quân đội Mạc Tư Khoa.

Sư Đoàn Dù 76 đi đầu trong cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, với các thành phần khác nhau của đơn vị được cho là đã tham gia chiến đấu ở phía bắc Kyiv, ở tỉnh Kharkiv gần thành phố Izyum và ở phía đông tỉnh Luhansk xung quanh Popasna.

Một số đơn vị của Sư đoàn 76 phục vụ trong lực lượng xâm lược phía bắc tấn công từ Belarus đã dính líu đến tra tấn, bắt cóc và sát hại thường dân tại các thị trấn bị tạm chiếm, bao gồm cả Bucha.

Các báo cáo của quân đội Nga gởi cho các chỉ huy là Thiếu tướng Sergei Chubarykin và Thượng Tướng Alexander Chaiko có liên quan đến “các hoạt động thanh lọc” – nghĩa là hãm hiếp, giết người tập thể - được ghi chép rõ ràng ở Bucha, như hãng tin AP mô tả.

Sư Đoàn Dù 76 được cho là đã bị thiệt hại nặng nề sau 18 tháng chiến đấu. Một quan chức quốc phòng Âu Châu nói với Newsweek vào tháng 12 rằng “rất có thể sư đoàn này đã chịu tổn thất nặng nề” trong sáu tháng giao chiến đầu tiên.

Một quan chức giấu tên cho biết: “Chúng tôi có thể đánh giá 30 đến 40% quân đội được triển khai tới cuộc chiến Ukraine bị thương, mất tích hoặc thiệt mạng”. “Chúng tôi đánh giá rằng tại căn cứ của họ ở Pskov và Cherekha chủ yếu là lính nghĩa vụ và một số sĩ quan hợp đồng còn lại.”

Sư Đoàn Dù 76 sẽ đi đầu trong bất kỳ lực lượng xâm lược nào của Nga trong tương lai đang tìm cách vượt qua biên giới phía đông của NATO. Lực lượng Dù của nước này có thể sẽ được giao nhiệm vụ chiếm Estonia và các quốc gia vùng Baltic khác trước khi các đồng minh NATO của họ có thể đến trợ giúp.

Thiếu tướng Veiko-Vello Palm, tư lệnh sư đoàn Lực lượng Phòng vệ Estonia, nói với Newsweek ở Tallinn vào tháng 5 rằng “hoạt động chính” của đơn vị này trong những tháng gần đây “là tổ chức tang lễ, đây là một hoạt động rất tốt đối với họ”.

Tuy nhiên, Palm nói thêm: “Tình hình mà chúng tôi thấy hiện nay – về cơ bản là các đơn vị đồn trú trống rỗng và không có hoạt động huấn luyện có ý nghĩa – có thể thay đổi sau vài tuần nữa”.

2. Sĩ quan cấp tá của FSB qua đời vì bị máy bay không người lái tấn công

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russian Colonel Killed in Drone Strike While Mowing Lawn at Belgorod Dacha”, nghĩa là “Sĩ quan cấp tá Nga thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khi đang cắt cỏ ở Belgorod Dacha.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Một trung tá Nga được cho là đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào một thị trấn ở vùng Belgorod, gần biên giới với Ukraine.

Theo kênh Telegram Baza của Nga, Trung tá an ninh Alexei Chernykh của lực lượng tình báo chống tham nhũng Nga đang cắt cỏ tại ngôi nhà nông thôn của ông ở làng Shchetinovka vào ngày 26 tháng 8 thì ông bị giết.

Cùng ngày, Thống đốc Belgorod Vyacheslav Gladkov cáo buộc Ukraine đứng sau một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào Shchetinovka, giết chết một “thường dân” mà không nêu tên cá nhân đó. Ukraine chưa tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công bằng máy bay không người lái, phù hợp với chính sách tránh xa các cuộc tấn công trên đất Nga.

Baza hôm thứ Hai đưa tin rằng Chernykh đã chết “sau khi một máy bay không người lái của Ukraine thả đạn xuống khu vườn của ông ở Shchetinovka”.

“Alexei đã có một ngày nghỉ và đang cắt cỏ,” kênh này đưa tin.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga và Ukraine để yêu cầu bình luận qua email.

Thống đốc Belgorod cáo buộc lực lượng vũ trang Ukraine đã thả “một thiết bị nổ từ máy bay không người lái” tấn công một thường dân đang “cắt cỏ tại ngôi nhà mùa hè của anh ta”. Ông chết vì vết thương do mảnh đạn, Gladkov nói.

Gladkov đã gửi lời chia buồn tới gia đình và bạn bè của người quá cố.

Nga đã hứng chịu nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, với các cuộc tấn công gần đây nhắm vào thủ đô Mạc Tư Khoa.

Cuộc tấn công vào ngày 30 tháng 5 mà Ukraine chưa nhận trách nhiệm đã đánh dấu lần đầu tiên thủ đô hứng chịu một cuộc tấn công quy mô lớn bằng máy bay không người lái kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

Andriy Yusov, phát ngôn nhân của cơ quan tình báo quân sự Ukraine, nói với Kyiv Post vào tháng 7 rằng việc máy bay không người lái có thể tiếp cận Mạc Tư Khoa “chứng tỏ thực tế rằng chế độ Putin không thể kiểm soát hoàn toàn bầu trời ngay cả để bảo vệ những mục tiêu quan trọng nhất”

“Rõ ràng, tình trạng này sẽ tiếp tục và gia tăng về quy mô”, Yusov nói thêm.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trước đây nói rằng các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga là một “quá trình tất yếu, tự nhiên và hoàn toàn công bằng”.

Boris Bondarev, người từng giữ chức vụ ngoại giao trong Bộ Ngoại giao Nga từ năm 2002 đến năm 2022, nói với Newsweek vào tháng 2 rằng Ukraine phải tấn công các mục tiêu hợp pháp bên trong Nga để giành chiến thắng trong cuộc chiến.

Bondarev nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Thụy Sĩ: “Bạn không thể thắng trong cuộc chiến nếu không đánh trúng đối phương của mình. Tất nhiên, Ukraine không được tấn công các mục tiêu dân sự như Nga đã làm ở Ukraine”.

Bondarev từng là cố vấn tại Phái đoàn Nga tại Văn phòng Liên Hiệp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, trước khi ông nghỉ việc vào tháng 5 năm 2022 để phản đối cuộc chiến của Putin ở Ukraine.

3. Cựu tướng Mỹ nói đột phá Ukraine có thể xảy ra trong 'vài tuần' tới

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Breakthrough Could Come in 'Weeks,' Former U.S. General Says”, nghĩa là “Cựu tướng Mỹ nói đột phá Ukraine có thể xảy ra trong 'vài tuần' tới”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Cuộc tấn công đang lan rộng về phía nam của Ukraine vẫn đang tìm kiếm bước đột phá mang tính quyết định mà Kyiv hy vọng sẽ trở thành trận chiến tiếp theo, giống như những thành công tấn công đáng kinh ngạc đã nâng cao tinh thần của Ukraine vào năm 2022.

Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges - cựu chỉ huy Quân đội Hoa Kỳ ở Âu Châu - nói với Newsweek rằng, bất chấp những khó khăn, một bước đột phá vẫn có thể xảy ra trước khi bùn mùa thu và băng giá mùa đông buộc phải tạm dừng các hoạt động tấn công lớn vào cuối năm nay.

Hodges nói trong một cuộc phỏng vấn: “Có cảm giác rằng chúng tôi còn vài tuần nữa mới đạt được bước đột phá đó.”

Hodges nói thêm, đường lối chậm chạp của Kyiv – điều mà các quan chức trước đây đã nói với Newsweek là tập trung vào việc làm xói mòn khả năng quân sự của Nga trong khi vượt qua các bãi mìn và công sự phòng thủ – có thể vẫn chứng minh được điều đó là đúng.

Ông nói: “Tôi nghĩ rằng người Ukraine cũng đã có sự thích ứng đúng đắn bằng cách cố gắng tiêu hao pháo binh và hậu cần của Nga”. “Làm như vậy, tất nhiên điều đó sẽ giảm bớt một số áp lực cho họ khi cố gắng vượt qua những bãi mìn này.

“Họ không cần phải rà phá toàn bộ 1.500 km mìn, họ chỉ cần đi qua hai, ba hoặc bốn nơi để khai thác sự thâm nhập đó. Và sau đó bạn lại ở trong một tình huống chiến đấu hoàn toàn khác, năng động hơn nhiều.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy thừa nhận tiến độ “chậm hơn mong muốn” của cuộc phản công được chờ đợi từ lâu. Kyiv đang chịu áp lực từ các đồng minh phương Tây để đạt được kết quả, với các quan chức cảnh báo rằng sự hỗ trợ quân sự lớn được tích lũy vào năm 2023 có thể không được lặp lại vào năm 2024.

Hodges - từ lâu đã là người ủng hộ nổi bật cho Ukraine trong nỗ lực giành được thêm sự hỗ trợ quân sự của NATO - đã kêu gọi sự kiên nhẫn.

“Người Ukraine giỏi hơn bất kỳ ai tôi từng thấy, kể cả chúng tôi, trong việc bảo vệ thông tin. Họ rất kỷ luật về cái mà chúng tôi gọi là 'OpSec'—bảo mật hoạt động,” Hodges nói. “Chúng tôi không biết và chúng tôi không có quyền biết chính xác chuyện gì đang xảy ra, ai đang làm gì, tình trạng ở các đơn vị khác nhau ra sao.”

Ông nói: “Mọi người đang đưa ra kết luận dựa trên những gì họ nghĩ sẽ xảy ra hoặc những gì họ nghĩ họ nhìn thấy”. “Nhưng theo thiết kế thì họ thực sự không có thông tin chính xác hiện tại.”

Một số quan chức Ngũ Giác Đài đã chỉ trích kế hoạch tác chiến của Ukraine, trong đó Kyiv dàn trải lực lượng để tiến hành các cuộc tấn công cục bộ vào một số điểm dọc mặt trận. Điều này bao gồm một cuộc tấn công xung quanh thành phố Bakhmut bị tàn phá ở tỉnh Donetsk, các cuộc tấn công vào khu vực Urozhaine-Staromaiorske trên biên giới hành chính Zaporizhzhia-Donetsk và tiến vào khu định cư Zaporizhzhia của Robotyne.

Mặc dù lực lượng Ukraine đã giành được thắng lợi về mọi mặt nhưng vẫn khó có thể đạt được bước đột phá mang tính quyết định. Mục tiêu cuối cùng là cắt đứt cái gọi là “hành lang đất liền” của lãnh thổ bị tạm chiếm ở miền nam Ukraine nối Crimea với miền tây nước Nga. Tốc độ hoạt động chậm chạp đã làm dấy lên lo ngại rằng điều này sẽ không thể thực hiện được trước mùa thu.

Tờ New York Times đưa tin trong tháng này rằng các quan chức Mỹ đã kêu gọi Kyiv tập trung binh lính và trang thiết bị vào một chỗ để tăng cơ hội thành công. Hodges cho rằng những đề xuất như vậy là “hoàn toàn vô nghĩa”. Ông nói thêm: “Thực sự thì tôi cảm thấy ghê tởm trước những lời chỉ trích từ Ngũ Giác Đài”.

“Ơn trời là những thiên tài này đã không quanh quẩn khi Tướng Dwight Eisenhower đang chỉ huy cuộc xâm lược Ngày D,” Hodges nói thêm, lưu ý những thách thức mà lực lượng xâm lược của Đồng minh phải đối mặt khi thoát ra khỏi khung cảnh “bocage” khó khăn ở phía bắc Pháp trong Thế chiến thứ hai.

Hodges nói: “Phải mất hai tháng với ưu thế áp đảo trên không.”

Cựu tướng nói thêm: “Điều này không phải là không đáng kể, hãy chú ý rằng người Ukraine không có sự hỗ trợ trên không”. “Chúng tôi sẽ không bao giờ đưa lính Mỹ, lính Đức hay lính Anh vào một cuộc chiến như thế này mà không có được ưu thế trên không.”

Hodges nói: “Bạn sẽ nhớ về Bão sa mạc, sáu tuần liên tiếp, hơn 100.000 lượt máy bay tấn công các tuyến phòng thủ của Iraq trước cú 'móc trái' nổi tiếng và cuộc chiến trên bộ kéo dài 4 ngày”.

Các quan chức Ngũ Giác Đài ít chỉ trích đường lối của Ukraine hơn trong các nhận xét được tường trình. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley, cho biết hồi đầu tháng 8: “Việc này mất nhiều thời gian hơn Ukraine dự kiến”. “Nhưng họ đang đạt được tiến bộ hạn chế.”

Trong khi đó, Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc, cho biết Mỹ “không đánh giá rằng cuộc xung đột là bế tắc”. Ông nói thêm: “Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong nỗ lực chiếm lãnh thổ như một phần của cuộc phản công này và chúng tôi thấy họ tiếp tục chiếm lãnh thổ một cách có hệ thống”.

Phát biểu với các nhà báo hôm thứ Ba, Sabrina Singh - phó thư ký báo chí Ngũ Giác Đài - cho biết người Ukraine “tiếp tục đạt được những tiến bộ dù chậm chạp và đang tiếp tục tiến lên”.

4. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thảo luận về đề xuất của Mạc Tư Khoa về một giải pháp thay thế cho thỏa thuận ngũ cốc ở Hắc Hải khi họ gặp nhau trong tuần này, Bộ Ngoại giao Nga cho biết hôm thứ Tư.

Theo kế hoạch, Nga sẽ gửi một triệu tấn ngũ cốc tới Thổ Nhĩ Kỳ với mức giá chiết khấu, với sự hỗ trợ tài chính từ Qatar, để giải quyết tại Thổ Nhĩ Kỳ và gửi đến các nước có nhu cầu nhất, Bộ Ngoại giao cho biết, theo Reuters.

“Chúng tôi coi dự án này là giải pháp thay thế tối ưu cho thỏa thuận Hắc Hải”, đề cập đến thỏa thuận mà Nga đã rút khỏi vào tháng 7.

Thông báo này được đưa ra khi một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, thông báo với các phóng viên rằng các quan chức Hoa Kỳ và Rumani đang làm việc để “có khả năng cố gắng tăng gấp đôi” lượng xuất khẩu đi qua sông Danube.

5. Một tòa án ở Nga hôm thứ Tư đã kết án một nữ nhà hoạt động sáu năm tù sau khi cô bị buộc tội truyền bá thông tin sai lệch về quân đội Nga.

Nhóm bảo vệ nhân quyền ở Nga OVD-Info chuyên giám sát các vụ bắt giữ phe đối lập cho biết, Olga Smirnova, một thành viên của phong trào Kháng chiến Hòa bình, đã bị kết án đến 6 năm tù giam và cũng bị cấm quản lý các trang web trong ba năm.

Đại diện của tòa án quận Kirovsk ở St Petersburg xác nhận với AFP rằng Smirnova đã bị kết án nhưng từ chối cung cấp thông tin chi tiết.

Vào tháng 3 năm 2022, Smirnova đã đăng một số bài đăng trên mạng xã hội về chiến thuật của quân đội Nga ở Ukraine và cái chết của dân thường.

Kể từ khi phát động chiến sự toàn diện chống lại Ukraine cách đây một năm rưỡi, những lời chỉ trích công khai về cuộc tấn công của Điện Cẩm Linh đã bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và một số người Nga nổi tiếng và bình thường đã phải nhận án tù dài hạn.

6. Thống đốc khu vực Pskov cáo buộc máy bay không người lái của Ukraine tấn công từ Estonia và Latvia

Thống đốc khu vực Pskov, Mikhail Vedernikov, cho biết phi trường Pskov có thể được mở cửa trở lại vào ngày thứ Năm sau các cuộc điều tra cho thấy đường băng của phi trường này không bị hư hỏng. Các máy bay không người lái của Ukraine chỉ tập trung vào việc tấn công và phá hủy 4 chiếc máy bay khổng lồ Il-76 của Trung đoàn Hàng không Vận tải 334 của Nga.

Pskov là một thành phố quân sự quan trọng và là nơi đồn trú của những lính dù tinh nhuệ nhất đất nước, những người đã tham gia vào cuộc xâm lược Ukraine bất hợp pháp của Putin.

Cuộc tấn công vào thành phố ở phía tây bắc nước Nga cách lãnh thổ Ukraine gần nhất gần 500 dặm hay 800km, cho thấy một bước tiến mới của Kyiv trong các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của mình.

Tuy nhiên, Vedernikov nói: “Có tới 21 máy bay không người lái đã tấn công phi trường Pskov. Làm sao một khối lượng máy bay không người lái đông đảo như thế có thể vượt qua 800km mà không bị phòng không của chúng ta phát hiện.”

Thống đốc cho rằng máy bay không người lái của Ukraine không phải bay từ Ukraine nhưng từ Estonia hay Latvia gần đó. Đây là một cáo buộc nghiêm trọng có thể dẫn đến thế giới chiến tranh.

Tổng cộng có sáu khu vực của Nga là mục tiêu trong các cuộc tấn công vào sáng thứ Tư. Nga tuyên bố đã đẩy lùi các máy bay không người lái kamikaze tiến hành các cuộc tấn công ở các khu vực Bryansk, Oryol, Ryazan, Kaluga và Mạc Tư Khoa.

7. Nga tung 110.000 quân tập trung ở hướng Lyman–Kupyansk để giảm áp lực cho chiến trường miền Nam

Các trận chiến ác liệt đang diễn ra ở hướng đông, quân xâm lược sử dụng mọi loại vũ khí có thể. Đặc biệt, 110.000 quân quân xâm lược tập trung ở đoạn Lyman-Kupyansk.

“Các trận chiến ác liệt hiện đang diễn ra ở hướng Đông, quân xâm lược sử dụng toàn bộ trang bị hàng không và pháo binh của mình. Quân Nga không bị thiếu đạn dược. Hàng ngày, họ bắn hàng chục nghìn quả đạn pháo vào các vị trí phòng thủ của chúng tôi ở hướng đông”, Đại Tá Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine, cho biết như trên

Phát ngôn nhân lưu ý rằng hướng đi Lyman-Kupyansk vẫn là khó khăn nhất khi 110.000 quân nhân Nga đang tập trung ở đây, cố gắng vượt qua các tuyến phòng thủ của Lực lượng Vũ trang Ukraine. Ông nhấn mạnh: “Nhưng nhờ những nỗ lực to lớn của bộ binh, pháo binh, lính xe tăng, phi công và tất cả các lực lượng phòng thủ khác, chúng tôi đã cầm chân được đối phương.

Theo hướng này, 13 trận giao tranh đã diễn ra trong ngày, 11 trận trong số đó gần Novoyehorivka. Quân trú phòng Ukraine nhờ hoạt động thành công của các đơn vị phản pháo và trinh sát nên đã phá hủy nhiều hệ thống pháo binh của quân xâm lược. Tổng cộng, trong ngày, 7 máy bay không người lái đã bị tiêu diệt, đặc biệt là 6 máy bay không người lái Lancet và 141 quân xâm lược đã bị loại bỏ.

Phát ngôn nhân cho biết, theo hướng Bakhmut, quân Nga đã tiến hành 471 cuộc tấn công vào các vị trí quân sự của Ukraine. Ở phía bắc Bakhmut, đối phương tiếp tục phòng thủ trong khi hoạt động tấn công của lực lượng Ukraine vẫn tiếp tục ở sườn phía nam.

Ở mặt trận phía Nam, hướng Melitopol, quân Ukraine đã thành công ở các khu vực Novodanylivka và Novoprokopivka.

Trong 24 giờ qua, 610 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 13 xe tăng, 8 xe thiết giáp, 31 hệ thống pháo, 1 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, và 23 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 31 Tháng Tám, khoảng 263.020 quân nhân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 315 máy bay, 316 máy bay trực thăng, 4.436 xe tăng, 4.417 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 8.604 xe thiết giáp, 1.445 hỏa tiễn hành trình, 5.507 hệ thống pháo, 18 tàu thuyền, 734 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 7.976 xe chuyển quân và nhiên liệu, 500 hệ thống phòng không, và 830 đơn vị đặc biệt thiết bị.

8. Nga tuyên bố hai 'kẻ phá hoại' Ukraine thiệt mạng khi đột nhập vào Bryansk

Một quan chức Nga hôm thứ Năm cho biết hai “kẻ phá hoại” người Ukraine đã thiệt mạng và 5 người bị bắt trong cuộc đột nhập vào khu vực Bryansk.

AFP đưa tin: Các khu vực của Nga giáp biên giới Ukraine đã báo cáo các vụ pháo kích và tấn công liên tục từ lực lượng của Kyiv, bao gồm cả các cuộc xâm nhập xuyên biên giới thường xuyên.

Thống đốc Bryansk Alexander Bogomaz cho biết, một nhóm lực lượng đặc biệt Ukraine đã cố gắng thực hiện một loạt “các hành động khủng bố nhằm vào các cơ sở hạ tầng quân sự và năng lượng” vào hôm thứ Tư.

Ông cho biết “Trong quá trình xâm nhập ở quận Navlinsky, hai chiến binh đã bị tiêu diệt, 5 người bị bắt giữ, 3 người trong số họ bị thương”. Quận Navlinsky cách biên giới Ukraine 40 km (25 dặm).

Bogomaz cho biết nhóm này đã sử dụng súng trường tự động do Mỹ sản xuất cùng đạn và lựu đạn tiêu chuẩn NATO để thực hiện vụ tấn công, đồng thời chia sẻ hình ảnh về những thứ dường như là vũ khí bị thu giữ.

Ông cho biết ba máy bay không người lái đã bị bắn hạ trong khu vực hôm thứ Năm và không có thương vong.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga xác nhận họ đã “ngăn chặn” cuộc đột nhập biên giới hôm thứ Tư trong một tuyên bố và cho biết họ đang xem xét “các thủ tục tố tụng hình sự”.

9. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong đêm 29 rạng sáng 30/8, Nga đã phải hứng chịu tới 5 cuộc tấn công riêng biệt bằng máy bay không người lái tấn công một chiều – đó là cuộc tấn công lớn nhất vào Nga kể từ khi bắt đầu xung đột. Các vụ nổ được ghi nhận ở Mạc Tư Khoa, Bryansk và Ryazan cũng như tại căn cứ không quân Pskov gần biên giới Estonia. Cuộc tấn công vào Pskov có thể đã làm hư hại một số máy bay vận tải quân sự của Nga.

Trong tháng 8 năm 2023, Nga đã trải qua 25 cuộc tấn công bằng máy bay không người lái riêng biệt, gần như chắc chắn được thực hiện bởi các máy bay không người lái tấn công kamikaze. Nhiều chiếc máy bay không người lái trong số này đã tiếp cận được mục tiêu, điều đó có nghĩa là phòng không Nga đang gặp khó khăn trong việc phát hiện và tiêu diệt chúng. Nga có thể đang xem xét lại tư thế phòng không của mình ở khu vực giữa Ukraine và Mạc Tư Khoa để đối phó tốt hơn với các cuộc tấn công này. Các cuộc tấn công trước đây nhằm vào các căn cứ không quân của Nga đã khiến máy bay Nga phải phân tán tới các địa điểm trên khắp nước Nga.

Tuy nhiên, các cuộc tấn công gần đây nhằm vào Soltsy và Pskov đã chứng minh rằng các máy bay không người lái có tầm bắn đáng kể, khiến việc phân tán tiếp theo trở nên khó khăn hơn. Có khả năng Nga sẽ phải xem xét bổ sung thêm các hệ thống phòng không cho các phi trường mà nước này cho là có nguy cơ bị tấn công bằng máy bay không người lái.

10. Thủ lĩnh lính đánh thuê quá cố của Wagner, Prigozhin, nói về an ninh trong video mới xuất hiện

Một đoạn video mới được phát hành về thủ lĩnh lính đánh thuê Wagner Yevgeny Prigozhin có mục đích quay cảnh anh ta ở Phi Châu chỉ vài ngày trước khi chết.

Trong video, anh ta nói: “Đối với những người đang thảo luận về việc tôi còn sống hay không, tôi đang thế nào – bây giờ là cuối tuần, nửa cuối tháng 8 năm 2023, tôi đang ở Phi Châu,” Prigozhin nói trong đoạn video ngắn do Grey Zone Telegram công bố. Kênh này được liên kết với nhóm Wagner của Prigozhin

“Vì vậy, đối với những người muốn thảo luận về việc xóa sổ tôi hoặc cuộc sống riêng tư của tôi, tôi kiếm được bao nhiêu hay bất cứ điều gì khác – mọi thứ đều ổn,” anh ta nói thêm và vẫy tay.

Reuters không thể xác minh địa điểm hoặc ngày tháng của đoạn video được quay bằng một phương tiện đang di chuyển. Quần áo và mũ rằn ri của Prigozhin, cũng như chiếc đồng hồ trên tay phải của anh ta, khớp với ngoại hình của anh ta trong một video phát hành vào ngày 21 tháng 8, mà anh ta cũng khẳng định được quay ở Phi Châu.

Việc đề cập đến “cuối tuần” của anh ta ngụ ý rằng đoạn clip mới nhất này phải được thực hiện vào ngày 19 hoặc 20 tháng 8, tức là chỉ ba hoặc bốn ngày trước khi anh ta cùng các nhân vật và vệ sĩ hàng đầu khác của Wagner thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay ở phía bắc Mạc Tư Khoa vào ngày 23 tháng 8.

Vào tháng 6, Prigozhin đã tổ chức một cuộc binh biến thất bại chống lại các chỉ huy quân sự Nga, trong đó quân Wagner của anh ta nắm quyền kiểm soát thành phố Rostov phía nam trong một thời gian ngắn và tiến về Mạc Tư Khoa.

Anh ta được chôn cất tại nghĩa trang Porokhovskoye ở quê nhà St. Petersburg vào hôm thứ Ba.

11. Nhà độc tài Belarus Alexander Lukashenko phản ứng trước các yêu cầu rút quân Wagner của Ba Lan, và các quốc gia Baltic

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết yêu cầu rút nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga khỏi Belarus là “vô căn cứ và ngu ngốc”, hãng thông tấn nhà nước Belarus Belta đưa tin hôm thứ Năm.

Thủ lĩnh Yevgeny Prigozhin của quân Wagner đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay vào tuần trước. Trước đó, anh ta đã chuyển một số chiến binh của mình đến Belarus theo một thỏa thuận do Lukashenko làm trung gian sau khi đội quân đánh thuê phát động một cuộc binh biến thất bại nhằm lật đổ các đối thủ của Prigozhin khỏi Bộ Quốc phòng Nga vào tháng 6.

12. Nga tuyên bố sẽ tăng cường quan hệ với Triều Tiên

Reuters đưa tin hôm thứ Năm rằng Nga cho biết họ có ý định phát triển quan hệ với Triều Tiên.

Tòa Bạch Ốc hôm thứ Tư cho biết họ lo ngại rằng các cuộc đàm phán vũ khí giữa Nga và Triều Tiên đang tiến triển tích cực, đồng thời cho biết Vladimir Putin và Kim Chính Ân đã viết thư cho nhau, cam kết tăng cường hợp tác.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov không trả lời trực tiếp khi được các phóng viên hỏi liệu cuộc trao đổi thư có diễn ra hay không.

“Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng duy trì mối quan hệ tốt đẹp và tôn trọng lẫn nhau. Chúng tôi dự định phát triển chúng hơn nữa. Các mối liên hệ đang được thực hiện ở nhiều cấp độ khác nhau”, ông nói và gọi Triều Tiên là “một nước láng giềng rất quan trọng”.

Washington trước đó đã cảnh báo rằng Triều Tiên có thể cung cấp thêm vũ khí cho Nga để sử dụng chống lại Ukraine.

Đầu tháng này, Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với ba thực thể mà nước này cáo buộc có liên quan đến các thỏa thuận vũ khí giữa Triều Tiên và Nga.
 
Catherine, Peter Đại đế, Putin: Tai ương của nhân loại. Tuyên bố của Chủ tịch HĐGM Công Giáo Ukraine
VietCatholic Media
17:54 31/08/2023


1. Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Latinh Ukraine kêu gọi bình tĩnh

Liên quan đến cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine theo sau những nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô tại cuộc gặp gỡ với giới trẻ Công Giáo Nga vào ngày 25 tháng 8 năm 2023, Đức Cha Vitalij Skomarovskyi, Giám Mục giáo phận Lutsk, đã ra một tuyên bố như sau:

Với tư cách là Giáo hội và xã hội Ukraine, chúng tôi bác bỏ và coi là không thể chấp nhận được bất kỳ biểu hiện ủng hộ nào đối với cái gọi là “Thế giới Nga”, vốn đã mang lại quá nhiều đau đớn và đau khổ cho đất nước và các gia đình chúng ta.

Việc đề cập đến 'nước Nga vĩ đại', với nền văn hóa và tính nhân văn vĩ đại của nó thật không may lại làm chứng cho sự tồn tại liên tục của huyền thoại về chủ nghĩa nhân văn và sự vĩ đại của một Nhà nước, mà trong 9 năm qua đã gây ra cuộc chiến đẫm máu và tàn khốc chống lại Ukraine. Những tuyên bố được trích dẫn khiến chúng tôi đau lòng và lo lắng.

Tuy nhiên, xét đến và ghi nhớ tất cả những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã và đang làm cho Ukraine, chúng tôi không nghi ngờ gì về sự hỗ trợ của ngài dành cho người dân của chúng tôi. Ngài bày tỏ sự ủng hộ này một cách liên tục và lớn tiếng, không để thế giới quên đi nỗi đau khổ của người dân Ukraine. Chúng tôi tin rằng những hiểu lầm như vậy là do thiếu sự đối thoại thỏa đáng giữa Đức Thánh Cha và Ukraine, ở cấp độ giáo hội và ngoại giao. Chúng tôi hy vọng rằng phản ứng của xã hội Ukraine trước những lời nói trên sẽ giúp khắc phục tình hình hiện tại và tránh những hiểu lầm trong tương lai

Chúng tôi mời gọi các tín hữu và những người có thiện chí không giới hạn mình trong những tuyên bố riêng lẻ của Đức Thánh Cha, nhưng hãy chú ý đến hành động của ngài và tình đoàn kết của ngài với Ukraine.

+Đức Cha Vitalij Skomarovskyi

Giám Mục giáo phận Lutsk

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Latinh Ukraine


Source:SIR

2. Catherine Đại đế đã buộc 1,5 triệu người Công Giáo phải cải đạo theo Chính thống giáo

Giải thích các phản ứng dữ dội của Ukraine, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic những nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô tại cuộc gặp gỡ với giới trẻ Công Giáo Nga vào ngày 25 tháng 8 năm 2023, Catholic World News có bài tường trình nhan đề “Catherine the Great, praised by Pope Francis, forcibly united 1.5 million Catholics to Orthodoxy”, nghĩa là “Catherine Đại đế, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô ca ngợi, đã buộc 1,5 triệu người Công Giáo phải cải đạo theo Chính thống giáo”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Catherine II (Đại đế), nữ hoàng Nga được Đức Giáo Hoàng Phanxicô ca ngợi trong một bài phát biểu gần đây, đã buộc 1,5 triệu người Công Giáo Đông phương thống nhất với Chính thống giáo.

Trong bài phát biểu qua video ngày 25 tháng 8 với giới trẻ Công Giáo Nga, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói một cách ứng khẩu:

“Đừng bao giờ quên di sản của các bạn. Các bạn là người thừa kế của nước Nga vĩ đại. Nước Nga vĩ đại của các vị thánh, của các vị vua, nước Nga vĩ đại của Peter Đại đế, của Nữ Hoàng Catherine II, đế quốc Nga vĩ đại được vun đắp với biết bao văn hóa và nhân văn. Đừng bao giờ từ bỏ di sản này. Đừng bao giờ từ bỏ di sản này. Các bạn là người thừa kế của Nước Nga vĩ đại, hãy tiến lên. Và cảm ơn. Cảm ơn vì cách sống của các bạn, vì cách các bạn trở thành người Nga”.

Những nhận xét của Đức Thánh Cha, không có trong phiên bản bài phát biểu của Vatican, đã gây ra sự tức giận từ các nhà lãnh đạo Ukraine. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine, cho biết trong một tuyên bố rằng những lời của Giáo hoàng đã gây ra “nỗi đau lớn”. Ngài nói thêm:

“Những lời về ‘nước Nga vĩ đại của Peter Đại Đế I, Nữ hoàng Catherine II, như các đế chế vĩ đại, khai sáng - một đất nước có nền văn hóa vĩ đại và lòng nhân đạo vĩ đại’ - là ví dụ tồi tệ nhất về chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Nga. Có nguy cơ là những lời này có thể bị coi là ủng hộ chính chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đế quốc đã gây ra cuộc chiến ở Ukraine ngày nay - một cuộc chiến mang lại cái chết và sự hủy diệt cho người dân chúng ta mỗi ngày.

Những ví dụ do Đức Thánh Cha đưa ra thực sự mâu thuẫn với giáo huấn của ngài về hòa bình.”

Được Encyclopaedia Britannica mô tả là một “người cai trị khắc nghiệt và vô đạo đức”, Catherine Đại đế, người trị vì từ năm 1762 đến năm 1796, đã chào đón các tu sĩ Dòng Tên đến Nga và từ chối không cho phép chiếu chỉ của Đức Giáo Hoàng Clement XIV đàn áp nhà dòng được công bố trong vương quốc của bà vào năm 1773. Viết trong Bách khoa toàn thư Công Giáo Mới, Cha WC JasKyiviz, linh mục dòng Tên, nhà lãnh đạo Viện Nghiên cứu Nga đương đại của Đại học Fordham, lưu ý:

Mặc dù các tu sĩ Dòng Tên được Catherine bảo vệ, nhưng những người Công Giáo theo Nghi thức Đông phương vẫn bị đàn áp. Sau sự phân chia Ba Lan lần thứ nhất, bà đã cử các nhà truyền giáo cùng với binh lính đến để buộc “những kẻ phản bội” phải quay lại Chính thống giáo. Bà đã đồng ý đề cử một giám mục mới cho giáo phận Nghi lễ Đông phương tại Polotsk, nhưng sau đó, sau sự chia cắt Ba Lan lần thứ hai và bất chấp lời hứa bảo vệ những người Công Giáo theo cả hai nghi lễ, Catherine đã đàn áp tất cả các giáo phận Nghi thức Đông phương khác, buộc 1,5 triệu người Công Giáo theo nghi thức Đông phương phải cải đạo sang Chính thống giáo, và giải tán Dòng Basiliô.

Encyclopaedia Britannica cũng lưu ý rằng Peter Đại đế, Sa hoàng Nga từ năm 1682 đến năm 1725, “thường sử dụng các phương pháp của một địa chủ chuyên chế—bằng roi và cai trị độc đoán. Ông ấy luôn hành động như một kẻ chuyên quyền, tin tưởng vào sức mạnh kỳ diệu của sự ép buộc của nhà nước.” Bằng cách loại bỏ Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa và thay thế nó bằng Thượng hội đồng thánh vốn “bắt bớ dữ dội tất cả những người bất đồng chính kiến và tiến hành kiểm duyệt tất cả các ấn phẩm”, Peter Đại đế đã buộc Giáo Hội phải tùng phục nhà nước và biến Giáo hội Chính thống Nga “trở thành trụ cột của chế độ chuyên chế”.

Thảo luận về mối quan hệ của Peter Đại đế với Giáo Hội Công Giáo, Cha JasKyivicz viết:

Mặc dù những người Công Giáo theo nghi lễ Latinh nhìn chung được sống trong hòa bình, nhưng điều đó lại không xảy ra với những người Công Giáo Đông phương ở các vùng phía Tây nước Nga. Mặc dù được Peter hứa bảo vệ nhưng họ vẫn liên tục bị quân Nga quấy rối. Một số linh mục thậm chí còn chết dưới tay quân lính.

Sự khoan dung của Peter đối với người Công Giáo xuất phát từ mong muốn được Vatican hỗ trợ chống lại Vua Charles XII của Thụy Điển. Ông phản đối mối lo ngại về việc buộc cải đạo, nhưng Đức Giáo Hoàng Clement XI nhận ra mục đích của ông là chính trị và từ chối tán thành chiến dịch chống lại Thụy Điển. Sau trận chiến ở Poltava (1709), Peter không còn sử dụng Vatican nữa và mọi cuộc bàn tán về hiệp nhất đã chấm dứt


Source:Catholic World News

3. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk nhận định rằng những lời của Đức Giáo Hoàng gây đau khổ cho người Ukraine và hàng giáo phẩm Công Giáo nước này

Ký giả Francis Rocca của tờ Wall Street Journal có bài tường trình nhan đề “Pope Francis Praises Historical Russian Imperialism Amid War in Ukraine”, nghĩa là “Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi chủ nghĩa đế quốc lịch sử của Nga trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Đức Thánh Cha ca ngợi triều đại của các Sa hoàng Nga đã chinh phục Ukraine vì “nền văn hóa vĩ đại và tình nhân đạo vĩ đại” của họ

Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi các hoàng đế Nga thế kỷ 18 mà Tổng thống Vladimir Putin đã lấy làm hình mẫu cho việc sáp nhập lãnh thổ của ông ở Ukraine, khiến chính phủ Ukraine và lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương của đất nước này lên án.

Hôm thứ Sáu, phát biểu qua video trước một cuộc tụ họp của giới trẻ Công Giáo Nga ở St. Petersburg, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi họ đi theo con đường của Peter Đại đế và Catherine Đại đế, những người mà ngài gọi là những người cai trị một “đế chế vĩ đại, được khai sáng bởi nền văn hóa và tính nhân văn vĩ đại.”

Những nhận xét về Peter và Catherine, ở cuối bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng, không có trong bản ghi chính thức do Vatican công bố, nhưng được giáo phận Công Giáo Mạc Tư Khoa công bố và sau đó trong một video từ đài truyền hình Công Giáo Siberia, một cơ quan của Giáo Hội.

Putin đã viện dẫn Peter, người đã mở rộng lãnh thổ Nga và hạn chế quyền tự trị của Ukraine, để biện minh cho cuộc xâm lược hiện tại. Putin đã sử dụng thuật ngữ Novorossiya, hay Nước Nga Mới, để chỉ miền nam Ukraine bị Nga tạm chiếm - sử dụng thuật ngữ bắt nguồn từ cuộc chinh phục miền nam Ukraine của Nga dưới thời Catherine năm 1764.

Catherine cũng nuôi dưỡng dòng Tên, trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô là thành viên, trong thời gian dòng này bị Tòa Thánh đàn áp vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19.

Oleg Nikolenko, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ukraine, gọi những lời của Đức Giáo Hoàng là “tuyên truyền cho chủ nghĩa đế quốc” thuộc loại mà Điện Cẩm Linh sử dụng để biện minh cho việc xâm lược Ukraine. Nikolenko viết trên Facebook: “Thật xấu hổ khi những ý tưởng về cường quốc Nga, vốn thực sự là nguyên nhân dẫn đến sự hung hăng kinh niên của Nga, lại được Đức Giáo Hoàng lên tiếng khen ngợi, dù cố ý hay vô tình”. Ông viết, sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng thay vào đó nên là “mở rộng tầm mắt của giới trẻ Nga về đường lối hủy diệt của giới lãnh đạo Nga hiện tại”.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, cho biết trong một tuyên bố tối thứ Hai rằng những lời của Đức Giáo Hoàng đã gây ra nỗi đau lớn trong hàng giáo phẩm của giáo hội và sự thất vọng lớn lao trong xã hội dân sự Ukraine, vì đế chế được giáo hoàng ca ngợi là “ví dụ tồi tệ nhất về chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Nga.”

“Chúng tôi lo ngại rằng một số người có thể hiểu những lời đó là sự khuyến khích cho chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đế quốc, vốn là nguyên nhân thực sự của cuộc chiến ở Ukraine,” Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói và cho biết thêm rằng ngài dự định bày tỏ “những nghi ngờ và nỗi đau của người Ukraine” trực tiếp với Đức Thánh Cha trong vòng vài ngày tới tại một cuộc họp đã được lên lịch trước đó ở Rôma.

Nhận xét của Đức Giáo Hoàng đã thu hút những phản ứng giận dữ trên mạng xã hội, đặc biệt là ở các nước gần Nga. Cựu Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves gọi những bình luận này là “thực sự phản cảm” trong một bài viết trên X, trước đây gọi là Twitter. Nexta, một cơ quan truyền thông Belarus có trụ sở tại Warsaw, Ba Lan, đã đăng trên cùng một nền tảng: “Nhân tiện, xin nói rằng những người Công Giáo ở Ba Lan, Lithuania và Belarus đã ba lần nổi dậy chống lại 'đế chế khai sáng' này.”

Trong một tuyên bố được đưa ra vào chiều thứ Hai, Sứ thần Tòa Thánh tại Kyiv đã bác bỏ những đề xuất cho rằng “Đức Thánh Cha Phanxicô có thể đã khuyến khích những người Công Giáo trẻ ở Nga lấy cảm hứng từ các nhân vật lịch sử Nga nổi tiếng và theo đuổi những ý tưởng và hành động theo chủ nghĩa đế quốc và bành trướng đã tác động tiêu cực đến các dân tộc lân cận, bao gồm cả người dân Ukraine.”

“Đức Thánh Cha Phanxicô chưa bao giờ tán thành các quan niệm đế quốc. Ngược lại, ngài là người phản đối và chỉ trích mạnh mẽ bất kỳ hình thức chủ nghĩa đế quốc hay chủ nghĩa thực dân nào đối với mọi dân tộc và mọi tình huống”, tuyên bố viết.

Đức Thánh Cha Phanxicô thường xuyên lên án những đau khổ của Ukraine kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào tháng 2 năm 2022, nhưng ngài đã kiềm chế không lên án rõ ràng Mạc Tư Khoa về cuộc chiến, đồng thời cho rằng điều đó có thể đã bị kích động bởi việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ở phía đông Âu Châu. Lập trường của Đức Giáo Hoàng đã thu hút sự chỉ trích từ người Ukraine, bao gồm cả các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo ở đó.

Đức Thánh Cha đã nhiều lần coi cuộc chiến ở Ukraine là cuộc đấu tranh giữa các siêu cường Nga và Mỹ, trong đó Ukraine là nạn nhân bị kẹt ở giữa. “Có những lợi ích của đế quốc đang bị đe dọa, không chỉ đế quốc Nga, vốn đã tồn tại từ thời Peter Đại đế và Catherine Đại đế, mà còn cả các đế chế khác. Có những đế chế này. Và các đế quốc đặt các quốc gia ở vị trí thứ hai,” Đức Giáo Hoàng nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Ba với đài truyền hình công cộng Thụy Sĩ.

Vatican đã đề nghị làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine, và Đức Hồng Y Matteo Zuppi người Ý đã tới Kyiv, Mạc Tư Khoa và Washington với tư cách là đặc phái viên của Đức Thánh Cha để theo đuổi sứ mệnh đó. Nhưng cả Ukraine và Nga đều không tỏ ra quan tâm đến việc hòa giải.

Vào tháng 5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã gặp Đức Giáo Hoàng ở Rôma và kêu gọi ngài ủng hộ công thức hòa bình của Kyiv, dựa trên việc rút các lực lượng xâm lược của Nga, khôi phục lãnh thổ được quốc tế công nhận của Ukraine, truy tố và bồi thường tội ác chiến tranh.


Source:Wall Street Journal
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Chính Chúa chọn Con – Tháng năm đời dâng hiến
Lời Ca Nguyện Cầu
01:51 31/08/2023