Ngày 29-08-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 30/08: Người Môn Đệ trước những đòi hỏi của xác thịt – Thầy Phanxicô Xavie Cao Văn Trí, C.P
Giáo Hội Năm Châu
02:23 29/08/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rằng: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là đạo đức giả và gian ác!

“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu đạo đức giả! Các người xây mồ cho các ngôn sứ và tô mả cho những người công chính. Các người nói: “Nếu như chúng ta sống vào thời của tổ tiên, hẳn chúng ta đã không thông đồng với các ngài mà đổ máu các ngôn sứ.” Như vậy, các người tự làm chứng rằng các người đúng là con cháu của những kẻ đã giết các ngôn sứ. Thì các người đổ thêm cho đầy đấu tội của tổ tiên các người đi!”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:54 29/08/2023

15. Nếu các con kỳ vọng được ân huệ của đức trinh khiết, thì phải tránh xa tất cả thời cơ và duyên phận không lương thiện.

(Thánh Dominicus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:57 29/08/2023
35. BAY CAO LÊN TRỜI

Ở Triết Giang có một chàng trai muốn tu hành để thành tiên nên ẩn cư rất lâu, và hoang tưởng cho rằng thân mình nhẹ như chim én có thể bay cao lên trên trời.

Thế là anh ta ra sau vườn chồng mấy cái bàn lại với nhau, bò lên và tập bay lên thử. Nhưng hai cánh tay vừa mới giang ra thì rơi xuống rất nhanh làm gãy mấy cái xương sườn, mời thầy thuốc lại cho thuốc uống, suốt cả tháng sau mới lành bệnh !

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 35:

Muốn bay lên trời thì phải thành tiên mới bay được đó là quan niệm của nhân gian, vì vậy ngày xưa có nhiều người muốn tu luyện để thành tiên thành phật, ngày nay người ta không tin là có tu luyện để thành tiên thành phật, nhưng người ta tin rằng khi mình ăn ngay ở lành thì sau khi chết có thể thành tiên thành phật, sung sướng trọn kiếp…

Có những người Ki-tô hữu dùng tiền của chồng lên kiêu ngạo rồi giang tay chỉ người này người nọ nói “bây giờ tớ có thể bay lên được rồi, tụi bây phải nghe lời của tớ”, thế là họ tác oai tác quái với mọi người, thế là họ bị “gãy cánh” khi người ta không ai thèm nghe và hợp tác với họ; lại có những người lâu nay ở “dưới tay” người khác, bây giờ được đề bạt lên làm những chức vụ khác tương đối quan trọng thì tuyên bố “cờ đã tới tay thì ta phất”, thế là họ vênh váo cái mặt hạch người này yêu sách người nọ, họ không bị gãy xương sườn nhưng quả tim của họ đã bị giập nát vì va vào tảng đá kiêu căng của ma quỷ.

Bay lên trời với đôi tay trần trụi của mình thì không thể được, nhưng bay lên thiên đàng với quả tim biết kính mến Thiên Chúa và yêu thương người thân cận như chính mình, thì tất cả chúng ta đều có thể làm được, bởi vì trên thiên đàng không ai dùng tay để chỉ huy ai, nhưng dùng con tim để yêu thương nhau mà thôi…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chúa biết con
Lm. Minh Anh
13:45 29/08/2023

CHÚA BIẾT CON
“Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ!”.

Anatoli Shcharansky hôn tạm biệt vợ khi cô rời Nga để đến Israel tự do, “Anh sẽ sớm gặp em ở Jérusalem!”. Rốt cuộc, Anatoli cũng bị bắt. Sau 12 năm, anh được tự do. Tháng 2/1986, khi cả thế giới theo dõi, Anatoli rời Nga để đi về phía các nhà ngoại giao đón anh. Vào phút cuối, mật vụ Nga tìm cách tịch thu cuốn Thánh Vịnh của anh! Gục mặt xuống tuyết, Anatoli từ chối bước tới lằn ranh tự do, nếu không có nó. Đó là những lời đã giữ anh sống sót trong thời gian lao tù; và anh sẽ không tiến đến tự do nếu không có nó!

Kính thưa Anh Chị em,

Cuốn Thánh Vịnh đã giúp Anatoli trải nghiệm sự đỡ nâng của Chúa suốt những năm lao tù! Cũng thế, với bạn và tôi, một trong những Thánh Vịnh hay nhất cần thuộc lòng và sẽ rất hữu ích, là Thánh Vịnh 138, ‘Chúa biết con!’, đó cũng là Thánh Vịnh đáp ca hôm nay.

“Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ! Biết cả khi con đứng, con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa; đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét. Mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả…!”. Ai liên lỉ ý thức sự hiện diện của Chúa trong đời sống, người ấy đã đặt nền móng toà nhà thiêng liêng của mình trên đá tảng; đã chọn đúng hướng trong hành trình nên thánh! Nhờ ý thức việc ‘Chúa biết con!’, Phaolô, trong thư Thessalonica hôm nay, dám nói “Anh em làm chứng, và Thiên Chúa cũng chứng giám rằng… chúng tôi đã cư xử một cách thánh thiện, công minh, không chê trách được!”.

Trái với ý thức được Chúa ở cùng, là việc chẳng đoái hoài Ngài; điều này dẫn đến một lối sống giả hình, bất tuân và coi thường lề luật. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nặng lời với những kẻ giả hình, “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu đạo đức giả!”. Đó là những người lẽ ra phải truyền bá hy vọng, họ lại gây thất vọng khi tự tiện bóp méo lề luật, khiến cho gánh nặng của dân ra nặng hơn đến mức tuyệt vọng.

Họ là những người luôn bận tâm đến sự khen lao và tôn trọng của người khác; vậy mà việc ăn mày những thứ này cũng là ‘chiếc máy chém’ dành cho ‘các thánh!’. Nó có tác dụng tự sát và giết chóc để ‘cắt lát’ hành động của một con tim nhiệt thành. Nó khiến cho tình yêu Thiên Chúa và tha nhân nơi một con người trở nên ‘vô sinh’, bởi nó là sự kiêu hãnh ‘khéo ngụy trang’ dưới hình thức bẽn lẽn, nghi ngờ hoặc ngụy biện. Vì thế, tránh xa lời khen, không tìm kiếm sự trọng vọng là một trong những con đường nên thánh.

Anh Chị em,

“Ngài dò xét con và Ngài biết rõ!”. Chúa biết chúng ta được dựng nên bằng gì, cát bụi; Chúa biết lòng dạ mỗi người ra sao, đổi thay như sương sớm! Ngài dò xét để dạy dỗ, bảo ban, vì Ngài biết chúng ta yếu đuối. Ngài dò xét và biết rõ chúng ta chỉ để cứu độ và giải thoát. Ngài biết bạn và tôi luôn bận tâm đến sự phù hoa của những khen lao và trọng vọng nơi người khác; và dễ thường, quên mất việc tìm kiếm Ngài. Vì thế, ý thức việc ‘Chúa biết con’ sẽ tránh cho bạn và tôi bao điều đáng tiếc. Chúng ta sẽ sợ tội hơn, sợ mất lòng Chúa và tha nhân hơn; đồng thời, yêu mến sự thật và gớm ghiếc sự giả dối.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con mỗi ngày lang thang ăn mày khen lao trọng vọng. Cho con dám gọi tên những gì uế tạp trong con; và can đảm giao chúng cho Chúa thanh tẩy!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTGM Shevchuk bày tỏ sự đau đớn trước những nhận xét của ĐTC
Đặng Tự Do
14:11 29/08/2023

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, là nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương vừa đưa ra tuyên bố sau đây liên quan đến cuộc thảo luận chung quanh một số tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô tại cuộc gặp gỡ với giới trẻ Công Giáo Nga vào ngày 25 tháng 8 năm 2023. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Thật đau đớn và lo lắng khi chúng tôi biết được những lời được tường trình của Đức Thánh Cha Phanxicô tại cuộc gặp gỡ trực tuyến với giới trẻ Công Giáo Nga vào ngày 25 tháng 8 năm 2023 tại St. Petersburg. Chúng tôi hy vọng rằng những lời này của Đức Thánh Cha được nói ra một cách ứng khẩu, không có bất kỳ nỗ lực đánh giá lịch sử nào, chứ đừng nói đến việc ủng hộ tham vọng đế quốc của Nga. Tuy nhiên, chúng tôi chia sẻ nỗi đau lớn mà những lời ấy đã gây ra, không chỉ giữa các giám mục, giáo sĩ, tu sĩ và tín hữu của Giáo cộng đoàn tôi, mà còn giữa các giáo phái và tổ chức tôn giáo khác. Đồng thời, chúng tôi cũng nhận thức được sự thất vọng sâu sắc mà những lời ấy đã gây ra cho xã hội.

Những lời về “nước Nga vĩ đại của Peter Đại Đế I, Nữ hoàng Catherine II, như các đế chế vĩ đại, khai sáng - một đất nước có nền văn hóa vĩ đại và lòng nhân đạo vĩ đại” - là ví dụ tồi tệ nhất về chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Nga. Có nguy cơ là những lời này có thể bị coi là ủng hộ chính chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đế quốc đã gây ra cuộc chiến ở Ukraine ngày nay - một cuộc chiến mang lại cái chết và sự hủy diệt cho người dân chúng ta mỗi ngày.

Những ví dụ do Đức Thánh Cha đưa ra thực sự mâu thuẫn với giáo huấn của ngài về hòa bình, vì ngài luôn lên án mọi hình thức biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc trong thế giới hiện đại và cảnh báo về sự nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đồng thời nhấn mạnh rằng đó là nguyên nhân của “chiến tranh thế giới thứ ba” đang diễn ra cục bộ.

Với tư cách là một Giáo hội, chúng tôi muốn tuyên bố rằng trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, những tuyên bố như vậy truyền cảm hứng cho những tham vọng thuộc địa mới của quốc gia xâm lược, mặc dù cách thức “là người Nga” như thế đáng bị lên án một cách dứt khoát.

Để tránh bất kỳ sự thao túng nào về các ý định, bối cảnh và các tuyên bố được cho là của Đức Thánh Cha, chúng tôi chờ đợi sự làm rõ tình huống này từ Tòa Thánh.

Giáo Hội Công Giáo-Hy Lạp Ukraine, cùng với mọi công dân của đất nước chúng tôi, lên án ý thức hệ “thế giới Nga” và toàn bộ cách thức tội ác “là người Nga” như thế. Chúng tôi hy vọng Đức Thánh Cha sẽ nghe thấy tiếng nói của chúng tôi.

Trong một vài ngày nữa, các giám mục của Giáo cộng đoàn ta sẽ cùng nhau đến Rôma để tham dự Thượng hội đồng thường niên của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine. Chúng tôi sẽ có cơ hội được gặp Đức Thánh Cha và đích thân truyền đạt cho Ngài những nghi ngờ và nỗi đau của người dân Ukraine, tin tưởng vào sự chăm sóc hiền phụ dành cho họ.


Source:UGCC
 
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Latinh Ukraine kêu gọi bình tĩnh
Đặng Tự Do
14:21 29/08/2023
Liên quan đến cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine theo sau những nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô tại cuộc gặp gỡ với giới trẻ Công Giáo Nga vào ngày 25 tháng 8 năm 2023, Đức Cha Vitalij Skomarovskyi, Giám Mục giáo phận Lutsk, đã ra một tuyên bố như sau:

Với tư cách là Giáo hội và xã hội Ukraine, chúng tôi bác bỏ và coi là không thể chấp nhận được bất kỳ biểu hiện ủng hộ nào đối với cái gọi là “Thế giới Nga”, vốn đã mang lại quá nhiều đau đớn và đau khổ cho đất nước và các gia đình chúng ta.

Việc đề cập đến 'nước Nga vĩ đại', với nền văn hóa và tính nhân văn vĩ đại của nó thật không may lại làm chứng cho sự tồn tại liên tục của huyền thoại về chủ nghĩa nhân văn và sự vĩ đại của một Nhà nước, mà trong 9 năm qua đã gây ra cuộc chiến đẫm máu và tàn khốc chống lại Ukraine. Những tuyên bố được trích dẫn khiến chúng tôi đau lòng và lo lắng.

Tuy nhiên, xét đến và ghi nhớ tất cả những gì Đức Thánh Cha Phanxicô đã và đang làm cho Ukraine, chúng tôi không nghi ngờ gì về sự hỗ trợ của ngài dành cho người dân của chúng tôi. Ngài bày tỏ sự ủng hộ này một cách liên tục và lớn tiếng, không để thế giới quên đi nỗi đau khổ của người dân Ukraine. Chúng tôi tin rằng những hiểu lầm như vậy là do thiếu sự đối thoại thỏa đáng giữa Đức Thánh Cha và Ukraine, ở cấp độ giáo hội và ngoại giao. Chúng tôi hy vọng rằng phản ứng của xã hội Ukraine trước những lời nói trên sẽ giúp khắc phục tình hình hiện tại và tránh những hiểu lầm trong tương lai

Chúng tôi mời gọi các tín hữu và những người có thiện chí không giới hạn mình trong những tuyên bố riêng lẻ của Đức Thánh Cha, nhưng hãy chú ý đến hành động của ngài và tình đoàn kết của ngài với Ukraine.

+Đức Cha Vitalij Skomarovskyi

Giám Mục giáo phận Lutsk

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Latinh Ukraine


Source:SIR
 
Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi chủ nghĩa đế quốc lịch sử của Nga trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine?
Đặng Tự Do
14:25 29/08/2023

Ký giả Francis Rocca của tờ Wall Street Journal có bài tường trình nhan đề “Pope Francis Praises Historical Russian Imperialism Amid War in Ukraine”, nghĩa là “Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi chủ nghĩa đế quốc lịch sử của Nga trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Đức Thánh Cha ca ngợi triều đại của các Sa hoàng Nga đã chinh phục Ukraine vì “nền văn hóa vĩ đại và tình nhân đạo vĩ đại” của họ

Đức Thánh Cha Phanxicô ca ngợi các hoàng đế Nga thế kỷ 18 mà Tổng thống Vladimir Putin đã lấy làm hình mẫu cho việc sáp nhập lãnh thổ của ông ở Ukraine, khiến chính phủ Ukraine và lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương của đất nước này lên án.

Hôm thứ Sáu, phát biểu qua video trước một cuộc tụ họp của giới trẻ Công Giáo Nga ở St. Petersburg, Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu gọi họ đi theo con đường của Peter Đại đế và Catherine Đại đế, những người mà ngài gọi là những người cai trị một “đế chế vĩ đại, được khai sáng bởi nền văn hóa và tính nhân văn vĩ đại.”

Những nhận xét về Peter và Catherine, ở cuối bài phát biểu của Đức Giáo Hoàng, không có trong bản ghi chính thức do Vatican công bố, nhưng được giáo phận Công Giáo Mạc Tư Khoa công bố và sau đó trong một video từ đài truyền hình Công Giáo Siberia, một cơ quan của Giáo Hội.

Putin đã viện dẫn Peter, người đã mở rộng lãnh thổ Nga và hạn chế quyền tự trị của Ukraine, để biện minh cho cuộc xâm lược hiện tại. Putin đã sử dụng thuật ngữ Novorossiya, hay Nước Nga Mới, để chỉ miền nam Ukraine bị Nga tạm chiếm - sử dụng thuật ngữ bắt nguồn từ cuộc chinh phục miền nam Ukraine của Nga dưới thời Catherine năm 1764.

Catherine cũng nuôi dưỡng dòng Tên, trong đó Đức Thánh Cha Phanxicô là thành viên, trong thời gian dòng này bị Tòa Thánh đàn áp vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19.

Oleg Nikolenko, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ukraine, gọi những lời của Đức Giáo Hoàng là “tuyên truyền cho chủ nghĩa đế quốc” thuộc loại mà Điện Cẩm Linh sử dụng để biện minh cho việc xâm lược Ukraine. Nikolenko viết trên Facebook: “Thật xấu hổ khi những ý tưởng về cường quốc Nga, vốn thực sự là nguyên nhân dẫn đến sự hung hăng kinh niên của Nga, lại được Đức Giáo Hoàng lên tiếng khen ngợi, dù cố ý hay vô tình”. Ông viết, sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng thay vào đó nên là “mở rộng tầm mắt của giới trẻ Nga về đường lối hủy diệt của giới lãnh đạo Nga hiện tại”.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương, cho biết trong một tuyên bố tối thứ Hai rằng những lời của Đức Giáo Hoàng đã gây ra nỗi đau lớn trong hàng giáo phẩm của giáo hội và sự thất vọng lớn lao trong xã hội dân sự Ukraine, vì đế chế được giáo hoàng ca ngợi là “ví dụ tồi tệ nhất về chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Nga.”

“Chúng tôi lo ngại rằng một số người có thể hiểu những lời đó là sự khuyến khích cho chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đế quốc, vốn là nguyên nhân thực sự của cuộc chiến ở Ukraine,” Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói và cho biết thêm rằng ngài dự định bày tỏ “những nghi ngờ và nỗi đau của người Ukraine” trực tiếp với Đức Thánh Cha trong vòng vài ngày tới tại một cuộc họp đã được lên lịch trước đó ở Rôma.

Nhận xét của Đức Giáo Hoàng đã thu hút những phản ứng giận dữ trên mạng xã hội, đặc biệt là ở các nước gần Nga. Cựu Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves gọi những bình luận này là “thực sự phản cảm” trong một bài viết trên X, trước đây gọi là Twitter. Nexta, một cơ quan truyền thông Belarus có trụ sở tại Warsaw, Ba Lan, đã đăng trên cùng một nền tảng: “Nhân tiện, xin nói rằng những người Công Giáo ở Ba Lan, Lithuania và Belarus đã ba lần nổi dậy chống lại 'đế chế khai sáng' này.”

Trong một tuyên bố được đưa ra vào chiều thứ Hai, Sứ thần Tòa Thánh tại Kyiv đã bác bỏ những đề xuất cho rằng “Đức Thánh Cha Phanxicô có thể đã khuyến khích những người Công Giáo trẻ ở Nga lấy cảm hứng từ các nhân vật lịch sử Nga nổi tiếng và theo đuổi những ý tưởng và hành động theo chủ nghĩa đế quốc và bành trướng đã tác động tiêu cực đến các dân tộc lân cận, bao gồm cả người dân Ukraine.”

“Đức Thánh Cha Phanxicô chưa bao giờ tán thành các quan niệm đế quốc. Ngược lại, ngài là người phản đối và chỉ trích mạnh mẽ bất kỳ hình thức chủ nghĩa đế quốc hay chủ nghĩa thực dân nào đối với mọi dân tộc và mọi tình huống”, tuyên bố viết.

Đức Thánh Cha Phanxicô thường xuyên lên án những đau khổ của Ukraine kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào tháng 2 năm 2022, nhưng ngài đã kiềm chế không lên án rõ ràng Mạc Tư Khoa về cuộc chiến, đồng thời cho rằng điều đó có thể đã bị kích động bởi việc mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ở phía đông Âu Châu. Lập trường của Đức Giáo Hoàng đã thu hút sự chỉ trích từ người Ukraine, bao gồm cả các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo ở đó.

Đức Thánh Cha đã nhiều lần coi cuộc chiến ở Ukraine là cuộc đấu tranh giữa các siêu cường Nga và Mỹ, trong đó Ukraine là nạn nhân bị kẹt ở giữa. “Có những lợi ích của đế quốc đang bị đe dọa, không chỉ đế quốc Nga, vốn đã tồn tại từ thời Peter Đại đế và Catherine Đại đế, mà còn cả các đế chế khác. Có những đế chế này. Và các đế quốc đặt các quốc gia ở vị trí thứ hai,” Đức Giáo Hoàng nói trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Ba với đài truyền hình công cộng Thụy Sĩ.

Vatican đã đề nghị làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine, và Đức Hồng Y Matteo Zuppi người Ý đã tới Kyiv, Mạc Tư Khoa và Washington với tư cách là đặc phái viên của Đức Thánh Cha để theo đuổi sứ mệnh đó. Nhưng cả Ukraine và Nga đều không tỏ ra quan tâm đến việc hòa giải.

Vào tháng 5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã gặp Đức Giáo Hoàng ở Rôma và kêu gọi ngài ủng hộ công thức hòa bình của Kyiv, dựa trên việc rút các lực lượng xâm lược của Nga, khôi phục lãnh thổ được quốc tế công nhận của Ukraine, truy tố và bồi thường tội ác chiến tranh.


Source:Wall Street Journal
 
Tuyên bố của phòng báo chí về những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô với một số giới trẻ Công Giáo Nga
Đặng Tự Do
14:37 29/08/2023
Trả lời câu hỏi của các nhà báo, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh, Matteo Bruni, đã cho biết như sau:

“Trong lời chào gửi giới trẻ Công Giáo Nga trong những ngày qua, rõ ràng là từ bối cảnh ngài nói, Đức Thánh Cha có ý khuyến khích giới trẻ bảo tồn và phát huy những gì tích cực trong di sản văn hóa và tinh thần vĩ đại của Nga, và chắc chắn không đề cao logic đế quốc và tính cách của của các nhà cầm quyền, được trích dẫn để chỉ ra các giai đoạn tham chiếu lịch sử nhất định”.

Dưới đây là những lời của Đức Thánh Cha được ghi lại từ video:

“Đừng bao giờ quên di sản của các bạn. Các bạn là người thừa kế của nước Nga vĩ đại. Nước Nga vĩ đại của các vị thánh, của các vị vua, nước Nga vĩ đại của Peter Đại đế, của Nữ Hoàng Catherine II, đế quốc Nga vĩ đại được vun đắp với biết bao văn hóa và nhân văn. Đừng bao giờ từ bỏ di sản này. Đừng bao giờ từ bỏ di sản này. Các bạn là người thừa kế của Nước Nga vĩ đại, hãy tiến lên. Và cảm ơn. Cảm ơn vì cách sống của các bạn, vì cách các bạn trở thành người Nga”.


Source:Sismografo
 
Mông Cổ: Gặp gỡ một Giáo hội nhỏ nhưng sống trong đức tin
Vũ Văn An
14:41 29/08/2023

Theo tin của Zenit ấn bản tiếng Pháp, trong buổi đọc kinh Truyền Tin vào trưa Chúa Nhật 27 tháng 8, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho biết, Chuyến đi “được mong đợi từ lâu” tới Mông Cổ – từ ngày 31 tháng 8 đến ngày 4 tháng 9 – “sẽ là cơ hội để đón nhận một Giáo hội tuy ít về số lượng, nhưng sống động trong đức tin và vĩ đại trong đức ái”.

Trong chuyến đi này, Đức Thánh Cha hy vọng “gặp gỡ gần gũi một dân tộc cao quý và khôn ngoan, có truyền thống tôn giáo cao cả”. Ngài sẽ có “vinh dự” được “biết dân tộc đó đặc biệt trong bối cảnh của một sự kiện liên tôn”.

Đức Thánh Cha cám ơn lời mời và xin cầu nguyện cho ngài: “Bây giờ tôi muốn ngỏ lời với anh chị em Mông Cổ, để nói với anh chị em rằng tôi rất vui được đến ở giữa anh chị em như một người anh em của tất cả mọi người. Tôi xin cảm ơn chính quyền của các bạn vì lời mời tốt đẹp của họ và tất cả những người đang chuẩn bị chuyến thăm của tôi với sự cam kết cao độ. Tôi xin mọi người đồng hành với chuyến viếng thăm này bằng lời cầu nguyện. »



Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm một trong những thủ đô ô nhiễm nhất thế giới

Courtney Mares của hãng tin CNA, ngày 28 tháng 8 năm 2023, nhận định rằng, Trong khi những suy nghĩ về Mông Cổ có thể gợi lên hình ảnh những dân tộc du mục cưỡi ngựa băng qua những thảo nguyên rộng lớn, thì thủ đô đông dân hơn của đất nước này lại có tiếng xấu là một trong những thủ đô ô nhiễm nhất thế giới, đặc biệt là vào mùa đông.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ đến thủ đô Ulaanbaatar của Mông Cổ vào ngày 1 tháng 9, tức là Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Sáng thế, một ngày mà Đức Phanxicô đã thành lập vào năm 2015 sau khi công bố thông điệp môi trường mang tính bước ngoặt Laudato Si’.

Như Đức Giáo Hoàng gần đây đã tiết lộ rằng ngài đang viết phần thứ hai của Thông điệp Laudato Si' nhằm giải quyết “các cuộc khủng hoảng môi trường gần đây”, Đức Phanxicô có thể sẽ biến “việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta” thành chủ đề chính trong chuyến tông du Mông Cổ của ngài.

Phẩm chất không khí của thủ đô Mông Cổ trở nên độc hại vào năm 2018 đến mức một cơ quan của Liên Hợp Quốc đã đưa ra một báo cáo coi đây là một “cuộc khủng hoảng sức khỏe trẻ em”. Các phép đo hạt mịn trong không khí có thể hấp thụ từ đường hô hấp vào máu gọi là PM2.5 cho thấy mức này cao gấp 133 lần mức mà Tổ chức Y tế Thế giới coi là an toàn.

Không khí bị ô nhiễm một phần là do các khu định cư bao quanh thành phố ở nơi được gọi là Quận Ger, nơi các gia đình nghèo đốt than thô ở chợ đen cũng như lốp xe, chai nhựa và các chất thải khác trong nhà của họ, được gọi là yurts, để giữ ấm trong mùa đông lạnh giá. Bốn nhà máy than lớn ở Ulaanbaatar cũng làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm.

Theo báo cáo của UNICEF, “Ô nhiễm không khí đã trở thành một cuộc khủng hoảng sức khỏe trẻ em ở Ulaanbaatar, khiến mọi trẻ em và phụ nữ mang thai đều gặp nguy hiểm”.

Cơ quan Liên Hợp Quốc cũng báo cáo rằng khói bụi của thành phố độc hại đến mức trẻ em Mông Cổ sống ở khu vực Ulaanbaatar bị ô nhiễm nặng có chức năng phổi thấp hơn 40% so với trẻ em sống ở nông thôn. Một nghiên cứu tại một bệnh viện Mông Cổ cho thấy các chất ô nhiễm không khí theo mùa có mối tương quan chặt chẽ với tỷ lệ sảy thai tăng gấp 3.6 lần ở thủ đô. Để đối phó với những hậu quả về sức khỏe cộng đồng, chính phủ Mông Cổ đã cấm tiêu thụ than thô vào năm 2019, nhưng thành phố vẫn đang phải giải quyết hậu quả của tình trạng ô nhiễm không khí đang diễn ra.

Mông Cổ còn nổi bật bởi nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, bao gồm uranium, đồng, vàng và các nguồn dự trữ đất hiếm khác. Nhiều nước ngoài, bao gồm Nhật Bản, Mỹ và Trung Quốc, có liên doanh khai thác mỏ ở Mông Cổ. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng có thể nêu bật vấn đề này, như ngài đã làm trong chuyến tông du tới Cộng hòa Dân chủ Congo hồi đầu năm nay, nơi ngài đã gây chú ý bằng cách lên án hành vi bóc lột khai thác mỏ, nói rằng: “Hãy tránh xa châu Phi!”

Theo Tổng thống Hung Gia Lợi Katalyn Novák, người đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Vatican vào ngày 25 tháng 8, Đức Giáo Hoàng Phanxicô được cho là đang có kế hoạch phát hành phiên bản cập nhật mới của Laudato Si’ nhân dịp lễ Thánh Phanxicô Assisi vào ngày 4 tháng 10.

Năm điều cần biết về Mông Cổ

Trong khi đó, Jonah McKeown, cũng thuộc hãng tin CNA, cung cấp 5 điều nên biết về Mông Cổ nhân chuyến viếng thăm nước này của Đức Phanxicô:

Mông Cổ là một trong những quốc gia không giáp biển lớn nhất thế giới, nằm giữa các nước láng giềng lớn hơn và hùng mạnh hơn nhiều là Trung Quốc và Nga. Nơi đây có một trong những cộng đồng Kitô giáo nhỏ nhất trên thế giới - một cộng đồng tuy nhiên vẫn được khích lệ bởi chuyến tông du sắp tới của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Trước chuyến đi lịch sử của Đức Giáo Hoàng, đây là một số thông tin quan trọng cần biết về Mông Cổ.

1) Mông Cổ chỉ có vài nghìn Kitô hữu.

Về mặt chính thức, Mông Cổ chỉ có 1,300 người Công Giáo, ít hơn 1% trong tổng số 3.3 triệu dân của đất nước. Con số này tuy nhỏ nhưng vào đầu những năm 1990, đất nước này hầu như không có người Công Giáo bản địa. Điều này chủ yếu là do chế độ cộng sản của quốc gia này tồn tại từ những năm 1920 cho đến năm 1990 và đàn áp mọi hình thức tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo Tây Tạng.

Các nhà truyền giáo quay trở lại đất nước để bắt đầu xây dựng lại cộng đồng Công Giáo từ đầu sau khi chế độ cộng sản kết thúc, và Vatican đã tái lập quan hệ ngoại giao với đất nước này vào năm 1992. Năm 2003, Nhà thờ Hai Thánh Phêrô và Phaolô được xây dựng; vào năm 2016, vị linh mục gốc bản xứ đầu tiên của thời kỳ hiện đại đã được thụ phong.

Mặc dù có dân số nhỏ nhưng Kitô giáo ở Mông Cổ đã hiện diện từ thế kỷ thứ bảy hoặc thứ tám khi những người thuộc phái Nestoriô (các Kitô hữu Ba Tư với lòng nhiệt thành truyền giáo) lần đầu tiên đến thăm khu vực này. Các nhà truyền giáo Công Giáo dòng Phanxicô đã rao giảng cho người Mông Cổ ngay từ thế kỷ 13.

Theo CIA World Factbook, hơn một nửa dân số được xác định là Phật tử, với người Hồi giáo chiếm 3.2%, Shamanist 2.5%, Kitô giáo 1.3% và khoảng 40% tuyên bố không có tôn giáo.

Phủ doãnTông tòa Ulaanbaatar, một khu vực truyền giáo không có đủ người Công Giáo để thành lập một giáo phận, có thẩm quyền đối với toàn bộ Mông Cổ. Nó được lãnh đạo bởi Đức Hồng Y Giorgio Marengo, 49 tuổi, ngài là phủ doãn tông tòa và là vị Hồng Y trẻ nhất thế giới. Ngài được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tặng chiếc mũ đỏ vào tháng 8 năm 2022.

2) Nhìn chung không có nhiều người: Mông Cổ là quốc gia có mật độ dân số thấp nhất thế giới.

Ba triệu người nghe có vẻ nhiều, nhưng đối với một đất nước rộng lớn như Mông Cổ thì không phải vậy. Mật độ dân số chỉ hai người trên mỗi km vuông khiến nơi đây trở thành nơi vắng vẻ nhất thế giới. Phần lớn Mông Cổ bao gồm môi trường thảo nguyên khô cằn và trống trải, nơi chăn thả gia súc và dân cư chủ yếu du mục rất thưa thớt. Mặc dù vậy, thủ đô Ulaanbaatar là nơi sinh sống của khoảng một nửa dân số cả nước và là một thành phố tương đối lớn và đông đúc với 1.6 triệu người.

3) Thời tiết tháng 9 ở Ulaanbaatar nhìn chung dễ chịu, nhưng Mông Cổ lại nổi tiếng với khí hậu khắc nghiệt.

Nằm trên cao nguyên, nhiệt độ cao trung bình ở Ulaanbaatar vào tháng 9 là 66 độ F (19 độ C), trong khi nhiệt độ thấp nhất là 36 F (2 C). Tuy nhiên, nhìn chung, Ulaanbaatar là thủ đô lạnh nhất trên trái đất. Cả nước có khí hậu nhiều gió, lạnh, khô và dễ thay đổi, ngày càng trở nên khắc nghiệt và khó dự đoán hơn khi khí hậu hoàn cầu thay đổi, buộc ngày càng nhiều người phải di cư đến thủ đô ngày càng đông đúc để tìm kiếm sinh kế.

4) Theo hầu hết các thước đo, Mông Cổ không hoạt động tốt.

Phần lớn cư dân của đất nước sống bằng nghề chăn nuôi du mục, một nghề mà như đã đề cập trên đây, ngày càng trở nên khó khăn. Một phần là do khí hậu thay đổi nhưng cũng do sự tàn phá các vùng đất chăn thả do sự gia tăng chăn nuôi dê để lấy len cashmere ở những khu vực trước đây dành riêng cho chăn nuôi gia súc.

Tình trạng quá đông đúc ở thủ đô, cũng như những khó khăn khác như mức độ ô nhiễm cao, đã dẫn đến sự gia tăng nghèo đói, nghiện rượu và lạm dụng gia đình ở nhiều người chăn nuôi trước đây. Các Kitô hữu đôi khi bị nghi ngờ, và Mông Cổ đã phải đối mặt với sự gia tăng các hệ tư tưởng bài ngoại trong công dân của mình đối với những người đến từ nước láng giềng lớn hơn của họ là Trung Quốc.

5) Lịch trình chuyến thăm đầy đủ của Đức Giáo Hoàng.

Trong số các hoạt động khác, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ có chuyến thăm xã giao với Tổng thống Ukhnaagiin Khürelsükh, gặp gỡ ngắn gọn Chủ tịch Quốc hội Khural, tức Quốc hội Mông Cổ, và thăm Thủ tướng Oyun-Erdene Luvsannamsrai. Ngài cũng sẽ gặp gỡ các giám mục, linh mục, nhà truyền giáo, tu sĩ và nhân viên mục vụ tại Nhà thờ Thánh Phêrô và Phaolô, tòa của phủ doãn tông tòa Ulaanbaatar.
 
Thông cáo báo chí từ Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine
Đặng Tự Do
14:44 29/08/2023

Liên quan đến cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine theo sau những nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô tại cuộc gặp gỡ với giới trẻ Công Giáo Nga vào ngày 25 tháng 8 năm 2023, Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine đã ra tuyên bố sau đây. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Kyiv, ngày 28 tháng 8 năm 2023

Sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine đã nhận xét rằng sau cuộc tương tác viễn liên của Đức Thánh Cha Phanxicô với giới trẻ Công Giáo Liên bang Nga vào ngày 25 tháng 8 năm 2023, đã có các cuộc thảo luận trên các phương tiện truyền thông Ukraine và quốc tế về một số nhận xét nhất định của Đức Thánh Cha trong sự kiện đó. Đặc biệt, theo một số cách giải thích, Đức Thánh Cha Phanxicô có thể đã khuyến khích giới trẻ Công Giáo Nga lấy cảm hứng từ các nhân vật lịch sử Nga nổi tiếng với những ý tưởng và hành động theo chủ nghĩa đế quốc và bành trướng đã tác động tiêu cực đến các dân tộc lân cận, bao gồm cả người dân Ukraine.

Đại diện Giáo hoàng này kiên quyết bác bỏ những cách giải thích nói trên, vì Đức Thánh Cha Phanxicô chưa bao giờ tán thành các quan niệm đế quốc. Ngược lại, Đức Thánh Cha là người phản đối và phê phán kịch liệt mọi hình thức chủ nghĩa đế quốc, thực dân ở mọi dân tộc và mọi hoàn cảnh. Những lời của Đức Thánh Cha nói vào ngày 25 tháng 8 phải được hiểu trong cùng bối cảnh này.


Source:nunciaturekyiv.org
 
Điện Cẩm Linh ca ngợi Đức Giáo Hoàng biết rõ lịch sử nước Nga
Đặng Tự Do
15:00 29/08/2023
Liên quan đến những lời của Đức Thánh Cha gửi giới trẻ Công Giáo Nga vào ngày 25 tháng 8 vừa qua đang gây ra nhiều tranh cãi và chỉ trích Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết: “Đây không phải là lần đầu tiên người Ukraine chỉ trích Đức Thánh Cha Phanxicô về sự ngưỡng mộ của ngài đối với nước Nga. Trước đây, Kyiv đã từ chối đề xuất hòa giải của Đức Phanxicô để đạt được hòa bình ở Ukraine.” TASS, cơ quan truyền thông của nhà nước Nga cho biết như trên.

Cơ quan truyền thông này nói thêm: “Phát ngôn nhân của Tổng thống Vladimir Putin Peskov hoan nghênh những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Đức Giáo Hoàng biết rõ lịch sử Nga, và điều đó rất tích cực. Điều này thực sự sâu sắc, nó có gốc rễ sâu xa. Di sản này phải được liên tục truyền lại cho thế hệ trẻ của chúng ta và điều đó phải được ghi nhớ.”


Source:Sismo Grafo
 
Catherine Đại đế đã buộc 1,5 triệu người Công Giáo phải cải đạo theo Chính thống giáo
Đặng Tự Do
15:16 29/08/2023

Giải thích các phản ứng dữ dội của Ukraine, Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic những nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô tại cuộc gặp gỡ với giới trẻ Công Giáo Nga vào ngày 25 tháng 8 năm 2023, Catholic World News có bài tường trình nhan đề “Catherine the Great, praised by Pope Francis, forcibly united 1.5 million Catholics to Orthodoxy”, nghĩa là “Catherine Đại đế, được Đức Giáo Hoàng Phanxicô ca ngợi, đã buộc 1,5 triệu người Công Giáo phải cải đạo theo Chính thống giáo”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Catherine II (Đại đế), nữ hoàng Nga được Đức Giáo Hoàng Phanxicô ca ngợi trong một bài phát biểu gần đây, đã buộc 1,5 triệu người Công Giáo Đông phương thống nhất với Chính thống giáo.

Trong bài phát biểu qua video ngày 25 tháng 8 với giới trẻ Công Giáo Nga, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói một cách ứng khẩu:

“Đừng bao giờ quên di sản của các bạn. Các bạn là người thừa kế của nước Nga vĩ đại. Nước Nga vĩ đại của các vị thánh, của các vị vua, nước Nga vĩ đại của Peter Đại đế, của Nữ Hoàng Catherine II, đế quốc Nga vĩ đại được vun đắp với biết bao văn hóa và nhân văn. Đừng bao giờ từ bỏ di sản này. Đừng bao giờ từ bỏ di sản này. Các bạn là người thừa kế của Nước Nga vĩ đại, hãy tiến lên. Và cảm ơn. Cảm ơn vì cách sống của các bạn, vì cách các bạn trở thành người Nga”.

Những nhận xét của Đức Thánh Cha, không có trong phiên bản bài phát biểu của Vatican, đã gây ra sự tức giận từ các nhà lãnh đạo Ukraine. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine, cho biết trong một tuyên bố rằng những lời của Giáo hoàng đã gây ra “nỗi đau lớn”. Ngài nói thêm:

“Những lời về ‘nước Nga vĩ đại của Peter Đại Đế I, Nữ hoàng Catherine II, như các đế chế vĩ đại, khai sáng - một đất nước có nền văn hóa vĩ đại và lòng nhân đạo vĩ đại’ - là ví dụ tồi tệ nhất về chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Nga. Có nguy cơ là những lời này có thể bị coi là ủng hộ chính chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đế quốc đã gây ra cuộc chiến ở Ukraine ngày nay - một cuộc chiến mang lại cái chết và sự hủy diệt cho người dân chúng ta mỗi ngày.

Những ví dụ do Đức Thánh Cha đưa ra thực sự mâu thuẫn với giáo huấn của ngài về hòa bình.”

Được Encyclopaedia Britannica mô tả là một “người cai trị khắc nghiệt và vô đạo đức”, Catherine Đại đế, người trị vì từ năm 1762 đến năm 1796, đã chào đón các tu sĩ Dòng Tên đến Nga và từ chối không cho phép chiếu chỉ của Đức Giáo Hoàng Clement XIV đàn áp nhà dòng được công bố trong vương quốc của bà vào năm 1773. Viết trong Bách khoa toàn thư Công Giáo Mới, Cha WC JasKyiviz, linh mục dòng Tên, nhà lãnh đạo Viện Nghiên cứu Nga đương đại của Đại học Fordham, lưu ý:

Mặc dù các tu sĩ Dòng Tên được Catherine bảo vệ, nhưng những người Công Giáo theo Nghi thức Đông phương vẫn bị đàn áp. Sau sự phân chia Ba Lan lần thứ nhất, bà đã cử các nhà truyền giáo cùng với binh lính đến để buộc “những kẻ phản bội” phải quay lại Chính thống giáo. Bà đã đồng ý đề cử một giám mục mới cho giáo phận Nghi lễ Đông phương tại Polotsk, nhưng sau đó, sau sự chia cắt Ba Lan lần thứ hai và bất chấp lời hứa bảo vệ những người Công Giáo theo cả hai nghi lễ, Catherine đã đàn áp tất cả các giáo phận Nghi thức Đông phương khác, buộc 1,5 triệu người Công Giáo theo nghi thức Đông phương phải cải đạo sang Chính thống giáo, và giải tán Dòng Basiliô.

Encyclopaedia Britannica cũng lưu ý rằng Peter Đại đế, Sa hoàng Nga từ năm 1682 đến năm 1725, “thường sử dụng các phương pháp của một địa chủ chuyên chế—bằng roi và cai trị độc đoán. Ông ấy luôn hành động như một kẻ chuyên quyền, tin tưởng vào sức mạnh kỳ diệu của sự ép buộc của nhà nước.” Bằng cách loại bỏ Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa và thay thế nó bằng Thượng hội đồng thánh vốn “bắt bớ dữ dội tất cả những người bất đồng chính kiến và tiến hành kiểm duyệt tất cả các ấn phẩm”, Peter Đại đế đã buộc Giáo Hội phải tùng phục nhà nước và biến Giáo hội Chính thống Nga “trở thành trụ cột của chế độ chuyên chế”.

Thảo luận về mối quan hệ của Peter Đại đế với Giáo Hội Công Giáo, Cha JasKyivicz viết:

Mặc dù những người Công Giáo theo nghi lễ Latinh nhìn chung được sống trong hòa bình, nhưng điều đó lại không xảy ra với những người Công Giáo Đông phương ở các vùng phía Tây nước Nga. Mặc dù được Peter hứa bảo vệ nhưng họ vẫn liên tục bị quân Nga quấy rối. Một số linh mục thậm chí còn chết dưới tay quân lính.

Sự khoan dung của Peter đối với người Công Giáo xuất phát từ mong muốn được Vatican hỗ trợ chống lại Vua Charles XII của Thụy Điển. Ông phản đối mối lo ngại về việc buộc cải đạo, nhưng Đức Giáo Hoàng Clement XI nhận ra mục đích của ông là chính trị và từ chối tán thành chiến dịch chống lại Thụy Điển. Sau trận chiến ở Poltava (1709), Peter không còn sử dụng Vatican nữa và mọi cuộc bàn tán về hiệp nhất đã chấm dứt


Source:Catholic World News
 
Tại sao một nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine lại chỉ trích nhận xét về Nga của Đức Thánh Cha
Đặng Tự Do
15:52 29/08/2023

Liên quan đến cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine theo sau những nhận xét của Đức Thánh Cha Phanxicô tại cuộc gặp gỡ với giới trẻ Công Giáo Nga vào ngày 25 tháng 8 năm 2023, Catholic Pillar có bài tóm lược và phân tích nhan đề “Why a Ukrainian Catholic leader criticized the pope’s Russia remarks”, nghĩa là “Tại sao một nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine lại chỉ trích nhận xét về Nga của Đức Thánh Cha”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Hôm thứ Ba, Vatican đã đưa ra lời thanh minh hiếm hoi về tuyên bố của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Việc thanh minh này diễn ra sau những lời chỉ trích công khai thậm chí còn hiếm hoi hơn đối với những nhận xét của giáo hoàng bởi nhà lãnh đạo một Giáo Hội Công Giáo Đông phương.

Nhà lãnh đạo được đề cập là Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, người đã hướng dẫn Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương từ năm 2011.

Điều gì đã thúc đẩy Đức Cha Shevchuk lên tiếng? Ngài đã nói gì? Và bối cảnh lịch sử là gì?

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã phản ứng thế nào?

Vào ngày 25 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được kết nối qua liên kết video với những người tham gia Đại hội Giới trẻ Công Giáo Nga lần thứ 10 tại St. Petersburg.

Theo một báo cáo của Vatican News ngày 26 tháng 8, Đức Thánh Cha đã tương tác “trong hơn một giờ” với khoảng 400 bạn trẻ có mặt tại Vương cung thánh đường Thánh Catherine, là nhà thờ Công Giáo lâu đời nhất ở Liên bang Nga.

Cùng ngày, văn phòng báo chí Tòa Thánh đã công bố nội dung bài diễn văn của Đức Thánh Cha bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý.

Vào buổi tối, trang web Công Giáo Ý Il Sismografo lưu ý rằng các phương tiện truyền thông Vatican đã bỏ qua những bình luận của Đức Giáo Hoàng được đăng trên trang web của tổng giáo phận Công Giáo Mạc Tư Khoa.

Il Sismografo nhận xét rằng trước khi chúc lành cho giới trẻ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói:

“Đừng bao giờ quên di sản của các bạn. Các bạn là người thừa kế của nước Nga vĩ đại. Nước Nga vĩ đại của các vị thánh, của các vị vua, nước Nga vĩ đại của Peter Đại đế, của Nữ Hoàng Catherine II, đế quốc Nga vĩ đại được vun đắp với biết bao văn hóa và nhân văn. Đừng bao giờ từ bỏ di sản này. Đừng bao giờ từ bỏ di sản này. Các bạn là người thừa kế của Nước Nga vĩ đại, hãy tiến lên. Và cảm ơn. Cảm ơn vì cách sống của các bạn, vì cách các bạn trở thành người Nga”.

Vào ngày 28 tháng 8, Il Sismografo đã liên kết với một video trên YouTube cho thấy giáo hoàng nói những lời này một cách ứng khẩu bằng tiếng Ý.

Trang web này bình luận: “Nghe Đức Giáo Hoàng Rôma, vào thời điểm nhạy cảm này trong lịch sử, ca ngợi Catherine II, vị Nữ Hoàng ' đã cấm công bố bất cứ sắc lệnh nào của Đức Giáo Hoàng ở quốc gia của mình ' và là người 'vào năm 1783 đã sáp nhập Crimea, do đó tạo ra một làn sóng 'Chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ' mới, có lẽ sẽ khiến nhiều người Công Giáo khá tò mò.”

“Nhưng có lẽ hơn cả là vị giáo hoàng Dòng Tên Jorge Mario Bergoglio là người đã biết ơn khi nhớ lại Sa hoàng đã ngăn chặn việc đàn áp Dòng Tên ở Đế quốc Nga như thế nào.”

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã nói gì?

Trong một tuyên bố được công bố trên trang web chính thức của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương – là giáo hội lớn nhất trong số 23 Giáo Hội Công Giáo Đông phương hiệp thông hoàn toàn với Rôma – Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói rằng những bình luận của Đức Thánh Cha đã gây ra “đau đớn và mối quan ngại lớn lao”.

Ngài nói “Thật đau đớn và lo lắng khi chúng tôi biết được những lời được tường trình của Đức Thánh Cha Phanxicô tại cuộc gặp gỡ trực tuyến với giới trẻ Công Giáo Nga vào ngày 25 tháng 8 năm 2023 tại St. Petersburg. Chúng tôi hy vọng rằng những lời này của Đức Thánh Cha được nói ra một cách ứng khẩu, không có bất kỳ nỗ lực đánh giá lịch sử nào, chứ đừng nói đến việc ủng hộ tham vọng đế quốc của Nga. Tuy nhiên, chúng tôi chia sẻ nỗi đau lớn mà những lời ấy đã gây ra, không chỉ giữa các giám mục, giáo sĩ, tu sĩ và tín hữu của Giáo cộng đoàn tôi, mà còn giữa các giáo phái và tổ chức tôn giáo khác. Đồng thời, chúng tôi cũng nhận thức được sự thất vọng sâu sắc mà những lời ấy đã gây ra cho xã hội.”

Ngài nói tiếp rằng: “Những lời về ‘nước Nga vĩ đại của Peter Đại Đế I, Nữ hoàng Catherine II, như các đế chế vĩ đại, khai sáng - một đất nước có nền văn hóa vĩ đại và lòng nhân đạo vĩ đại’ - là ví dụ tồi tệ nhất về chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa dân tộc cực đoan của Nga. Có nguy cơ là những lời này có thể bị coi là ủng hộ chính chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đế quốc đã gây ra cuộc chiến ở Ukraine ngày nay - một cuộc chiến mang lại cái chết và sự hủy diệt cho người dân chúng ta mỗi ngày.”

“Những ví dụ do Đức Thánh Cha đưa ra thực sự mâu thuẫn với giáo huấn của ngài về hòa bình, vì ngài luôn lên án mọi hình thức biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc trong thế giới hiện đại và cảnh báo về sự nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đồng thời nhấn mạnh rằng đó là nguyên nhân của ‘chiến tranh thế giới thứ ba’ đang diễn ra cục bộ.

“Với tư cách là một Giáo hội, chúng tôi muốn tuyên bố rằng trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine, những tuyên bố như vậy truyền cảm hứng cho những tham vọng thuộc địa mới của quốc gia xâm lược, mặc dù cách thức ‘là người Nga’ như thế đáng bị lên án một cách dứt khoát.”

Đức Tổng Giám Mục Trưởng nói rằng ngài đang chờ đợi việc làm rõ những bình luận từ Tòa thánh.Ngài cũng hứa sẽ nêu vấn đề này với Đức Thánh Cha Phanxicô khi các giám mục Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương sớm nhóm họp tại Rôma để dự Thượng Hội đồng thường niên.

Bối cảnh lịch sử là gì?

Hai nhân vật mà Đức Thánh Cha Phanxicô chọn để minh họa cho sự vĩ đại của nước Nga đều đóng những vai trò quan trọng nhưng gây nhiều tranh cãi trên trường thế giới.

Peter thứ nhất là Sa hoàng của toàn nước Nga từ năm 1682 cho đến năm 1721, và trở thành Hoàng đế đầu tiên của toàn nước Nga, và giữ chức vụ này cho đến khi qua đời vào năm 1725. Người đàn ông thường được gọi là Peter Đại đế có thân hình to lớn. Ông nổi tiếng là cao đến 2 mét và được biết đến là người đã đánh các quan chức hàng đầu của mình bằng gậy.

Peter, một nhà cai trị chuyên quyền tàn nhẫn, đã áp đặt những thay đổi sâu rộng lên Giáo hội Chính thống Nga mà những ảnh hưởng vẫn còn được cảm nhận cho đến ngày nay. Ông đã đặt Giáo hội dưới sự quản lý của nhà nước một cách hiệu quả khi tuyên bố rằng Giáo hội không còn được cai trị bởi một Thượng Phụ mà bởi một cơ quan gồm các giám mục và các quan chức được gọi là Thánh Công Đồng.

Mặc dù có khuynh hướng phương Tây nhưng ông không có thiện cảm với Giáo Hội Công Giáo. Theo Bách khoa toàn thư Công Giáo, “Peter Đại đế bộc lộ lòng căm thù chống Công Giáo khi, tại Polotsk năm 1705, ông đã tự tay giết chết tu sĩ Theophanus Kolbieczynski dòng Basiliô. Bằng nhiều biện pháp khác; ông ta đã gây ra những lời vu khống xúc phạm nhất chống lại Công Giáo ở Nga; ông trục xuất Dòng Tên vào năm 1719; ông đã ban hành ukases để buộc người Công Giáo phải cải đạo sang Chính thống giáo, và ngăn cản con cái của các cuộc hôn nhân hỗn hợp trở thành người Công Giáo; và cuối cùng, ông ta tổ chức những cuộc truy hoan quái đản vào năm 1722 và 1725 như một sự nhại lại Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng, để chế giễu Đức Giáo Hoàng và giáo triều Rôma.”

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra những so sánh giữa ông và Peter đại đế, nêu bật cuộc đấu tranh của Peter chống lại Thụy Điển trong trận chiến được gọi là Đại chiến phương Bắc.

“Peter Đại đế đã tiến hành cuộc Đại chiến phương Bắc trong 21 năm. Có vẻ như khi đang có chiến tranh với Thụy Điển, ông đã lấy đi thứ gì đó từ họ. Ông ấy không lấy bất cứ thứ gì từ họ, ông ấy trả lại những gì là của Nga”, ông Putin nói sau khi đến thăm một cuộc triển lãm dành riêng cho Peter vài tháng sau khi ông phát động cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.

Catherine Đại đế trở thành Hoàng hậu Nga vào năm 1762, sau khi giám sát việc bắt giữ và buộc chồng bà, Peter Đệ Tam phải thoái vị.

Catherine sinh ra ở Stettin, Vương quốc Phổ, và lớn lên theo Tin lành Luthera cho đến năm 1744, khi cô chuyển sang Chính thống giáo Nga bất chấp sự phản đối của cha cô.

Như Il Sismografo đã lưu ý, Catherine từ chối cho phép đàn áp Dòng Tên ở Nga, một hành động mà một số học giả tin rằng đã bảo đảm sự sống sót của Dòng Tên. Nhưng cô ấy đối xử khắc nghiệt với những người Công Giáo theo nghi thức Đông phương.

Catherine bị đối phương buộc tội vô đạo đức hoang dâm trong suốt triều đại của mình, nhưng các nhà sử học coi nhiều lời buộc tội là vô căn cứ.

Trong thời gian trị vì lâu dài của mình, bà đã mở rộng đáng kể biên giới của Đế quốc Nga, mở rộng sang vùng được gọi là Nước Nga mới (lục địa phía nam Ukraine), một phần của Ukraine ngày nay ở phía tây sông Dnipro và Crimea.

Vatican đã nói gì?

Trong một tuyên bố ngày 29 tháng 8, văn phòng báo chí Tòa Thánh đã tìm cách làm rõ những bình luận của Đức Thánh Cha.

“Trong lời chào gửi giới trẻ Công Giáo Nga trong những ngày qua, rõ ràng là từ bối cảnh ngài nói, Đức Thánh Cha có ý khuyến khích giới trẻ bảo tồn và phát huy những gì tích cực trong di sản văn hóa và tinh thần vĩ đại của Nga, và chắc chắn không đề cao logic đế quốc và tính cách của của các nhà cầm quyền, được trích dẫn để chỉ ra các giai đoạn tham chiếu lịch sử nhất định”.


Source:Pillar Catholi

 
Ý cầu nguyện tháng 9 của Đức Thánh Cha: ‘Cầu cho những người bị xã hội gạt ra ngoài lề’
Thanh Quảng sdb
21:51 29/08/2023
Ý cầu nguyện tháng 9 của Đức Thánh Cha: ‘Cầu cho những người bị xã hội gạt ra ngoài lề’

Đức Thánh Cha Phanxicô công bố ý cầu nguyện tháng 9 và mời gọi mọi người cầu nguyện và hỗ trợ những người sống bên ngoài lề xã hội.

(Tin vatican - Devin Watkins)

“Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người ở bên lề xã hội với những điều kiện sống dưới mức con người, để họ không bị bỏ rơi và không bị loại ra ngoài xã hội”.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lời mời đó vào thứ Ba (29/8/2023) khi ngài công bố ý cầu nguyện tháng 9 năm 2023, dành cho “những người sống bên lề xã hội”.

‘Trái tim sơ cứng và thờ ơ’

Trong Video nói vế ý cầu nguyện tháng 9, do Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của ĐTC thực hiện, Ngài đã suy tư về sự thờ ơ mà nhiều người bị gạt ra ngoài lề xã hội đang phải chịu đựng.

ĐTC than thở: “Một người vô gia cư chết trên đường phố sẽ không bao giờ xuất hiện trong những câu chuyện hàng đầu trong các bản tin”, ĐTC tự hỏi làm thế nào xã hội chúng ta lại có thể thờ ơ như vậy.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho rằng sự thờ ơ lãnh cảm này là do “một nền văn hóa vứt bỏ trong đó hàng triệu người nam và nữ chẳng có giá trị gì so với của cải kinh tế”.

ĐTC nói “cái nhìn của chúng ta bị đông cứng, không nhìn về hướng khác nên chúng ta không nhìn ra cảnh trạng này”.

Văn hóa chào đón

Sau đó, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người chú ý đến những người phải đối diện với tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội, ngay cả khi đó là kết quả của “nghèo đói, nghiện ngập, tâm thần hoặc khiếm khuyết tật nguyền”.

ĐTC nói: “Hãy tập trung vào việc chấp nhận họ, chào đón tất cả những gì liên hệ tới…”

Để đáp lại sự thờ ơ, ĐTC trình bày một “nền văn hóa chào đón, là cung cấp chỗ ở, nơi trở nêm tổ ấm, trao tặng tình yêu, mang lại sự ấm áp cho con người”.

Và Đức Thánh Cha kết luận bằng cách mời gọi mọi Kitô hữu hãy cầu nguyện cho những người “bị gạt ra bên lề xã hội, sống với những điều kiện kém nhân bản”.

Nghèo đói và khó khăn lan rộng

Một thông cáo báo chí kèm theo ý cầu nguyện của ngài lưu ý rằng Video của ý chỉ tháng 9 trình bày những hình ảnh của những người vô gia cư, trẻ em đường phố đang rửa kính xe ô tô và những người khuyết tật khác nhau.

Theo Liên Hợp Quốc, hơn 10% dân số toàn cầu, tương đương 700 triệu người, sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực. 1,6 tỷ người khác sống trong điều kiện không đầy đủ, ngay cả tại các quốc gia phát triển.

Theo thông cáo báo chí, “Tương tự như vậy, các báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới tiết lộ rằng cứ tám người thì có một người mắc bệnh ‘rối loạn tâm thần’ và 16% dân số thế giới sống trong tình trạng ‘khuyết tật nghiêm trọng’”.

Trái tim bằng thịt

Đức Hồng Y Michael Czerny, Bộ trưởng Bộ Cổ vũ sự Phát triển Con người Toàn diện, đã lặp lại ý cầu nguyện của Đức Thánh Cha, mời gọi chúng ta hãy có trái tim bằng thịt chứ không phải bằng đá.

“Chào đón không chỉ là giúp đỡ: nó còn có nghĩa là đặt người khác ngang hàng với chúng ta, tìm lại người anh chị em mà chúng ta đã mất,” Đức Hồng Y Czerny nói. “Chúng ta được biến đổi thành một Thân Thể nhờ lời cầu nguyện.”
 
VietCatholic TV
Putin trả giá đắt, Kurks: 5 máy bay tan tành. Crimea: 252 triệu Mỹ Kim nổ tung. Lữ đoàn Nga nổi loạn
VietCatholic Media
03:13 29/08/2023


1. Ukraine tiết lộ đã chế tạo được siêu hỏa tiễn. Hệ thống phòng không tinh vi 252 triệu Mỹ Kim của Nga bị nổ tung.

Hai ký giả Iona Cleave và Will Stewart của tờ The Sun có trụ sở ở Luân Đôn có bài tường trình nhan đề “PINPOINT STRIKE Ukraine unveils mysterious new ‘flawless’ super missile after blowing up Putin’s £200m air defence battery in Crimea”, nghĩa là “Cú tấn công chính xác. Ukraine tiết lộ siêu hỏa tiễn mới bí ẩn 'hoàn hảo' sau khi cho nổ hệ thống phòng không trị giá 200 triệu bảng của Putin ở Crimea.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine vừa tiết lộ “siêu hỏa tiễn” bí ẩn mới được cho là có “hiệu suất hoàn hảo” khi tấn công lực lượng Nga.

Loại vũ khí này được cho là đã hạ gục một trong những hệ thống phòng không Triumf trị giá 200 triệu bảng Anh hay 252 triệu Mỹ Kim của Vladimir Putin trong một cuộc tấn công ngoạn mục vào sâu sau phòng tuyến của đối phương ở Crimea bị sáp nhập vào tuần trước.

Đoạn phim cho thấy khoảnh khắc gây sốc khi bệ phóng S-400 phát nổ thành một quả cầu lửa khổng lồ sau đòn tấn công chính xác.

Một cột khói khổng lồ bốc lên không trung sau khi loại vũ khí tối tân này bị phát nổ.

Suy đoán ban đầu là Kyiv đã sử dụng hỏa tiễn Storm Shadow do Anh hoặc Pháp cung cấp để thực hiện cuộc tấn công chết người tại Cape Tarkhankut ở phía tây bắc Crimea.

Nhưng giờ đây rõ ràng Ukraine đã triển khai hỏa tiễn hành trình mới tinh vi của riêng mình.

Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia Ukraine, cho biết: “Hỏa tiễn này là loại mới, hoàn toàn hiện đại.”

Sau đó, ông ca ngợi “hiệu suất hoàn hảo” của nó trên chiến trường.

Tuy nhiên, đài truyền hình Ukraine nói thêm rằng “không có thông tin làm rõ liệu đây là hỏa tiễn hoàn toàn mới hay hỏa tiễn đã được sửa đổi”.

Một nghi ngờ là Ukraine đã điều chỉnh hỏa tiễn chống hạm Neptune bay thấp, cận âm – tức là gần bằng tốc độ âm thanh - vốn đã đánh chìm tàu chỉ huy Moskva nặng 12490 tấn của Hạm đội Hắc Hải của Putin vào năm ngoái.

Hỏa tiễn mới dường như được thiết kế để tấn công các mục tiêu mặt đất.

Cuộc tấn công vào S-400 có ý nghĩa rất lớn vì hệ thống phòng không tiên tiến của Nga này và radar liên quan sẽ phát hiện và vô hiệu hóa hỏa tiễn ở khoảng cách khoảng 200 dặm.

Việc triển khai S-400 ở Cape Tarkhankut đã giúp Nga kiểm soát một vùng đất và nước chiến lược ở phía tây Hắc Hải.

Đã có những tuyên bố trước đó rằng người Ukraine đang điều chỉnh Neptune không chỉ bằng GPS mà còn những tiến bộ khác để cho phép nó tấn công các mục tiêu trên bộ có khả năng ở khoảng cách 225 dặm.

Cuộc tấn công của Ukraine vào hệ thống S-400 của Nga tuần trước đã phá hủy hỏa tiễn phòng không trong một vụ nổ khổng lồ và cũng tiêu diệt quân đội Nga.

Quan chức Ukraine Anton Gerashchenko cho biết: “Sau vụ nổ, cơ sở, hỏa tiễn và nhân sự lắp đặt trên đó đã bị phá hủy hoàn toàn”.

Sau cuộc tấn công, một số nguồn tin của Nga cho rằng cuộc tấn công là do Storm Shadow thực hiện.

Chưa hết, Ukraine đang phát triển hỏa tiễn của riêng mình cũng như dựa vào các loại đạn dược của phương Tây như Storm Shadow và HIMARS do Mỹ sản xuất.

Họ cũng đã điều chỉnh hỏa tiễn phòng không S-200 thành một phương án tấn công đã được sử dụng ở Crimea và các khu vực bị Nga sáp nhập.

Diễn biến này xảy ra khi Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hôm nay đã phá hủy một hỏa tiễn hành trình của Ukraine trên không trung ngoài khơi bờ biển Crimea.

Mạc Tư Khoa hôm nay cũng cho biết họ đã điều động hai chiến đấu cơ để đánh chặn hai máy bay không người lái trinh sát của Mỹ gần Crimea.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trên Telegram rằng họ đã huy động hai máy bay phản lực sau khi “phát hiện một chuyến bay theo hướng biên giới quốc gia Nga”.

Theo Bộ này, hai máy bay không người lái của Mỹ, Reaper và Global Hawk, đang “thực hiện trinh sát trên không ở khu vực bán đảo Crimea”, gần Hắc Hải.

2. Ukraine thức giấc với tin vui chiến thắng 5 chiến đấu cơ của không quân Nga bị phá hủy tại thành phố Kursk

MSN có bài tường thuật nhan đề “Attack on air base: Ukraine destroys Putin’s ‘greyhound’”, nghĩa là “Tấn công căn cứ không quân: Ukraine tiêu diệt hệ thống ‘chó săn’ của Putin”.

Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công thành công vào căn cứ không quân của Nga. Jason Jay Smart, phóng viên tờ Kyiv Post cho biết như trên qua mạng X, trước đây gọi là Twitter.

Smart viết: “Cuộc tấn công thành công của Ukraine vào căn cứ không quân Nga. Lực lượng phản gián của Cơ quan An ninh Ukraine đã tấn công phi trường Kursk bằng máy bay không người lái.” Smart đi sâu vào chi tiết hơn về cuộc tấn công, “Theo nguồn tin của SBU, 16 máy bay không người lái kamikaze của Ukraine đã tấn công vào 4 chiếc Su-30 và một chiếc MiG-29 của Nga. Các mục tiêu bị tấn công còn bao gồm radar S-300 của Nga và hai chiếc Panzirs.”

Panzir là hệ thống phòng không tầm ngắn của Nga, được NATO gọi với mật danh SA-22 Greyhound hay chó săn SA-22.

Tờ Kyiv Post có bài tường trình chi tiết hơn như sau:

Kyiv tuyên bố 5 chiến binh của Nga bị tấn công bằng máy bay không người lái vào phi trường Kursk

Ukraine tuyên bố họ đã tấn công 5 chiến binh của Nga trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái kamikaze vào phi trường Kursk trong đêm qua.

Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SBU, cho biết một làn sóng máy bay không người lái đã tấn công phá hủy “bốn máy bay Su-30 và một chiếc MiG-29” tại căn cứ không quân, cũng như làm hư hại hai bệ phóng hỏa tiễn Pantsir và hệ thống phóng hỏa tiễn phòng không S-300.

Dù họ không nêu rõ có bao nhiêu máy bay không người lái được sử dụng trong cuộc tấn công nhưng nguồn tin cho biết “chỉ có 3 chiếc trong số đó bị hệ thống phòng không của Nga bắn hạ”.

Vùng Kursk nằm cạnh biên giới Ukraine và phi trường Kursk nằm sâu trong lãnh thổ Nga khoảng 100 km.

Tuyên bố của Kyiv vẫn chưa được xác minh độc lập nhưng bản thân Bộ Quốc phòng Nga đã thừa nhận một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong đêm qua ở khu vực. Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết

“Chế độ Kyiv một lần nữa thực hiện các nỗ lực trong đêm nhằm thực hiện các cuộc tấn công khủng bố trên lãnh thổ Liên bang Nga bằng cách sử dụng các loại máy bay không người lái,” họ viết như trên.

“Các hệ thống phòng không đang làm nhiệm vụ đã phát hiện và tiêu diệt hai máy bay không người lái bay qua lãnh thổ vùng Bryansk và Kursk.”

Konashenkov không đề cập đến cuộc tấn công vào phi trường Kursk nhưng thống đốc khu vực cho biết một máy bay không người lái đã đâm vào một tòa nhà chung cư ở thành phố Kursk trong đêm, thổi bay các cửa sổ trên nhiều tầng.

Thống đốc Roman Starovoit cho biết: “Không có hỏa hoạn, không có cư dân nào bị thương”.

Cuộc tấn công này chỉ là vụ mới nhất trong làn sóng tấn công ngày càng leo thang của Ukraine nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga và các khu vực bị Nga tạm chiếm ở Ukraine.

Ukraine đã thực hiện một cuộc tấn công thành công bằng máy bay không người lái vào Hạm đội Hắc Hải của Nga ở Crimea bị tạm chiếm hôm thứ Sáu, giết chết và làm bị thương “vài chục” quân nhân Nga, đồng thời làm hư hại các kho đạn và cơ sở lưu trữ.

Một số vụ nổ đã được đưa tin trên mạng xã hội tại một căn cứ quân sự gần làng Perevalne, Simferopol sau vụ được cho là cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất của Ukraine cho đến nay.

“Hiện tại, chúng tôi chắc chắn có thể nói về hàng chục người Nga thiệt mạng và bị thương. Kho chứa đạn dược cũng bị hư hại. Thiết bị quân sự cũng bị hư hỏng nghiêm trọng”, một nguồn tin nói với Kyiv Post.

3. Ukraine tuyên bố giành được nhiều lợi ích hơn dọc tiền tuyến phía Nam khi “giao tranh ác liệt” diễn ra ác liệt ở phía đông

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm thứ Ba 29 tháng Tám, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hanna Maliar cho biết các lực lượng Ukraine đang đạt được những tiến bộ hơn nữa dọc theo tiền tuyến phía nam.

Maliar nói với đài truyền hình quốc gia rằng quân đội đang di chuyển về phía đông nam của ngôi làng Robotyne được giải phóng sau khi đã chiếm được các khu định cư Novodanylivka, Novoprokopivka và đang hướng đến Ocheretuvate ở vùng Zaporizhzhia.

Maliar nói: “Đối phương đang dồn toàn bộ lực lượng vào những khu vực này để không thất thủ các vị trí đã chiếm được”.

Ở phía đông: “Giao tranh ác liệt” vẫn tiếp diễn, đặc biệt là xung quanh Kupiansk, Lyman, Avdiivka, Mariinka và thành phố Bakhmut bị vây hãm, Maliar nói.

“Bakhmut là một khu vực rất nóng. Chúng tôi có những cuộc tiến quân hàng tuần về phía đông, dần dần nhưng ổn định,” cô nói. “Giặc đang tấn công vào sườn phía bắc, chúng muốn chiếm lại các vị trí chúng ta đã chiếm. Đây chính là điều mà chúng tôi đang đấu tranh hiện nay.”

Cô cho biết thêm, lực lượng Ukraine đã giải phóng thêm 1 km2 xung quanh Bakhmut, nâng tổng diện tích chiếm lại gần thành phố lên 44 km2.

Maliar cũng cho biết giao tranh vẫn tiếp diễn ở làng Klishchiivka và lực lượng Ukraine đang tiến vào khu vực Orikhovo-Vasylivka, phía tây bắc Bakhmut.

Ở những nơi khác trong khu vực Donetsk, Maliar cho biết giao tranh ác liệt và “đối đầu mạnh mẽ” vẫn tiếp diễn ở Avdiivka và Mariinka, đồng thời nói thêm “đối phương đã không thành công”.

Ở phía đông bắc Kupiansk và Lyman gần đó, “Người Nga đang tập hợp lực lượng mới… tập hợp lại, cố gắng sử dụng các đơn vị chuyên nghiệp nhất của họ – các đơn vị Dù,” Maliar nói và nói thêm, “họ đã không thành công”.

Trong 24 giờ qua, 490 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 4 xe tăng, 8 xe thiết giáp, 22 hệ thống pháo, 2 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, một hệ thống phòng không, và 12 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 28 Tháng Tám, khoảng 261,310 đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 315 máy bay, 316 trực thăng, 4.400 xe tăng, 4.383 máy bay không người lái, 8.562 xe thiết giáp, 1.415 hỏa tiễn hàng trình, 5.425 hệ thống pháo, 18 tàu chiến,730 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 7.866 xe chuyển quân và nhiên liệu, 499 hệ thống phòng không, và 809 đơn vị thiết bị đặc biệt.

4. Các blogger quân sự Nga cho biết quân đội Nga ở vùng Kherson nổi loạn vì thiếu pháo binh và đạn dược

Theo một số blogger quân sự nổi tiếng của Nga, lực lượng của Mạc Tư Khoa ở khu vực Kherson thiếu sự hỗ trợ về pháo binh và đạn dược và đã nổi loạn bất chấp quân lệnh.

Roman Saponkov, một blogger người Nga có hơn 70.000 người ghi danh, hôm thứ Sáu viết rằng quân đội ở vùng Kherson đã nhắn tin cho ông về việc họ thiếu sự hỗ trợ của pháo binh.

Saponkov đăng: “Chỉ huy lữ đoàn và tiểu đoàn trưởng trinh sát đang gửi người của chúng tôi đến mà không có sự hỗ trợ của pháo binh, không có máy bay không người lái – những kẻ tội nghiệp đang bị giết theo bầy”.

Kênh Visioner's, một blog khác của Nga, đăng hôm Chúa Nhật rằng lữ đoàn 205 của Nga đang đối mặt với “tín hiệu đáng báo động về khủng hoảng trong quân đội và đất nước”.

“Vấn đề chính của Bộ Quốc phòng Nga đã được nhiều người biết đến”, blog lưu ý, đề cập đến việc thiếu đạn dược.

“Sau thảm họa với Prigozhin, người ta tin rằng bây giờ, dù thế nào đi nữa, mọi thứ sẽ bắt đầu tiến triển và những thay đổi sẽ bắt đầu. Nhưng tháng thứ ba đã trôi qua mà vẫn chưa có gì”, blogger này lưu ý, đề cập đến vụ việc cố lãnh đạo Wagner Yevgeny Prigozhin chỉ trích các quan chức Nga về việc thiếu đạn dược nhiều tháng trước khi ông qua đời.

Một blog khác của Nga, Republic, đã thảo luận về “những vấn đề ngày càng gia tăng trong quân đội Nga” trong một bài hôm thứ Hai.

“Lữ đoàn 205 của Lực lượng vũ trang Nga đang chiến đấu ở vùng Kherson được lệnh chiếm các đảo trên sông Dnipro; Các quân nhân phản ứng bằng cách nói rằng họ thiếu đạn dược, lương thực, pháo binh hỗ trợ và trinh sát và từ chối thực hiện quân lệnh”

Quỹ Ataman của Nga, một tổ chức cựu chiến binh cung cấp hỗ trợ tài chính cho các binh sĩ ở tiền tuyến, đã viết hôm Chúa Nhật rằng họ hy vọng vấn đề cung cấp ở Kherson sẽ được giải quyết để các quân nhân Nga “có thể bảo vệ quê hương của họ bằng mọi thứ họ cần.”

“Nếu không, sẽ có rắc rối,” nó nói thêm.

5. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine hoan nghênh sự xuất hiện của một loại vũ khí mới “thay đổi cuộc chơi”

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết trong một cuộc họp báo hôm thứ Hai, rằng “những vũ khí thay đổi cuộc chơi” dự kiến sẽ đến thị trường vũ khí của Ukraine.

“Vào cuối tháng này hoặc đầu tháng 9, sẽ có tin tốt về những vũ khí hùng mạnh sẽ gia nhập thị trường vũ khí Ukraine. Một số thỏa thuận sẽ được ký kết”, Reznikov nói.

Ông cho biết Ukraine có kế hoạch tổ chức một diễn đàn phòng thủ công nghiệp vào khoảng cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10. Ông nói thêm: “Sự tham gia của khoảng 50 công ty hùng mạnh trên thị trường vũ khí đã được lên kế hoạch”.

Reznikov cho biết Ukraine đã “tăng đáng kể việc sản xuất vũ khí nội địa”, chẳng hạn như đạn pháo 155 ly đã vượt qua các cuộc thử nghiệm.

“Hợp đồng đang được thực hiện. Các đơn đặt hàng đầu tiên đã có sẵn, chúng tôi sẽ chuyển ngay số đạn pháo này cho Lực lượng Vũ trang. Và chúng tôi có kế hoạch tăng số lượng để họ sản xuất”, ông nói.

Reznikov lưu ý rằng mặc dù đạn pháo 125 ly hiện vẫn đang được thử nghiệm nhưng việc sản xuất đạn pháo 122 ly vẫn gặp khó khăn.

Reznikov cho biết Ukraine có một số chương trình hỏa tiễn và đang thảo luận về “cách sử dụng kinh phí hợp lý hơn theo hướng này”.

“Cần rất nhiều tiền để các chương trình này có thể triển khai trong hai năm 2024 và 2025. Đó là lý do tại sao chúng tôi đang thảo luận: nên chi tiền và mua đạn pháo từ các nhà sản xuất nước ngoài hay đầu tư trong nước và có hỏa tiễn trong khoảng một năm nữa”, ông giải thích.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy lặp lại bình luận của Reznikov trong bài phát biểu hàng đêm hôm thứ Hai, lưu ý rằng Ukraine đang “tối đa hóa năng lực sản xuất” vũ khí nội địa.

“Pháo binh được sản xuất tại Ukraine. Đạn pháo được sản xuất tại Ukraine. Máy bay không người lái, hỏa tiễn, xe bọc thép. Chúng tôi đang tối đa hóa năng lực sản xuất. Ukraine có thể làm được điều đó Nguồn tài trợ có sẵn. Ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta sẽ mang lại kết quả tốt hơn”, ông Zelenskiy nói.

6. Nga cáo buộc Mỹ trinh sát bán đảo Crimea để cung cấp tin tình báo cho quân Ukraine

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết Nga đã triển khai hai chiến đấu cơ để đánh chặn máy bay không người lái MQ-9 “Reaper” và RQ-4 “Global Hawk” của Không quân Hoa Kỳ gần bán đảo Crimea.

Konashenkov cho biết các máy bay không người lái đã bị lực lượng Nga phát hiện khi đang giám sát khu vực phía tây nam Hắc Hải. Ông cáo buộc Mỹ trinh sát bán đảo Crimea để cung cấp tin tình báo cho quân Ukraine

Konashenkov nhấn mạnh rằng hai chiến đấu cơ của Nga đã được triển khai để ngăn chặn “một hành vi có thể vi phạm biên giới quốc gia” và để “chống lại bất kỳ hoạt động trinh sát kỹ thuật vô tuyến nào”.

Ông cho biết thêm: “Do hành động của lực lượng phòng không đang làm nhiệm vụ, các máy bay không người lái trinh sát của Không quân Hoa Kỳ đã thay đổi đường bay và rời khỏi khu vực đang tiến hành trinh sát trên không”.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ thường lệ trên Hắc Hải theo sự cho phép của luật pháp quốc tế để bảo đảm quyền tự do hàng hải và cơ động trong khu vực”.

7. Chính quyền Ukraine ra lệnh di tản bắt buộc hơn nữa các trẻ em khỏi các cộng đồng tiền tuyến

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba 29 tháng Tám, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết chính quyền Ukraine đã ra lệnh bắt buộc di tản trẻ em khỏi hai quận thuộc vùng Zaporizhzhia phía đông nam nơi đang bị quân Nga pháo kích liên tục.

Cô nói rằng việc di tản trẻ em khỏi các quận Vasylivskyi và Pologivskyi hiện là bắt buộc. Tổng cộng có hơn 50 trẻ em được cho là vẫn còn sống ở các quận này.

Ngoài ra còn có lệnh di tản bắt buộc đối với một cộng đồng ở quận Kupiansk thuộc vùng Kharkov, nơi đã chứng kiến các đợt ném bom dữ dội của Nga trong những tuần gần đây.

Và tại khu vực Donetsk, “89 trẻ em từ 11 khu định cư đang được di tản và hôm nay quá trình này đang được tiến hành,” Vereshchuk nói.

8. Đồn cảnh sát Nga ở Enerhodar đã bị đánh bom, quân Chechnya không may

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba 29 tháng Tám, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine Andriy Yusov, cho biết đã xảy ra một vụ nổ tại một căn cứ của Nga ở thành phố Enerhodar bị tạm chiếm, gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia do một hoạt động kháng cự.

Ông cho biết vụ nổ xảy ra vào sáng thứ Hai tại trụ sở của lực lượng cảnh sát chống bạo động đặc biệt của Nga, được gọi là đơn vị OMON.

“Do hoạt động của phong trào kháng chiến địa phương do Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine điều phối, một 'doanh trại' của đơn vị Vệ binh Nga 'Akhmat-1' đã bị 'thanh lý'.”

Akhmat-1 là đơn vị Chechnya. Tình báo quốc phòng cho biết sau khi thành phố bị tạm chiếm, các chiến binh Chechnya đã chiếm giữ và chuyển đổi một chi nhánh ngân hàng Ukraine thành đồn cảnh sát.

Andriy Yusov cho biết vụ nổ “dẫn đến thương tích cho nhân viên và xe hơi đậu trong sân. Một đám cháy bùng phát trong tòa nhà. Đội cứu hỏa và xe cứu thương đã tới hiện trường. Thông tin về số người Kadyrovite thiệt mạng và bị thương hiện đang được làm rõ.”

Tình báo Quốc phòng Ukraine cũng đăng tải đoạn video về vụ nổ cho thấy một máy bay không người lái bay về phía lối vào phía trước của tòa nhà mà CNN đã định vị địa lý là ở Enerhodar. Tình báo quốc phòng cho biết không có thường dân thương vong hoặc bị thương.

Một quan chức do Nga bổ nhiệm ở Zaporizhzhia bị tạm chiếm thừa nhận rằng tòa nhà hành chính quân sự-dân sự ở Enerhodar đã bị máy bay không người lái tấn công hôm thứ Hai. Tuy nhiên, quan chức này phản bác tuyên bố của Ukraine rằng có thương vong về nhân sự xảy ra do vụ đánh bom.

Vladimir Rogov cho biết “sơ bộ không có người chết hoặc bị thương. Nhân viên của chính quyền đã được di tản.”

Rogov cho biết trên Telegram rằng các dịch vụ khẩn cấp đang làm việc tại chỗ.

Thông tin thêm: Tình báo Quốc phòng Ukraine trước đây đã tuyên bố có các cuộc tấn công phá hoại vào đầu tháng này ở Enerhodar. Họ cho biết đã có một vụ nổ tại cuộc họp của các cảnh sát trưởng lực lượng cảnh sát xâm lược vào ngày 18 tháng 8 và một vụ nổ khác vào tuần trước tại trụ sở địa phương của Cơ quan An ninh Liên bang Nga.

9. Chỉ huy Ukraine nhấn mạnh cần ngăn chặn người Nga phát triển hệ thống phòng thủ xung quanh Bakhmut

Đại Tá Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine cho biết điều quan trọng là phải ngăn chặn người Nga thiết lập hệ thống phòng thủ thích hợp trong khu vực thành phố Bakhmut.

Ông nói: “một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất ở khu vực Bakhmut là giữ vững đà tiến công nhằm ngăn chặn đối phương thực hiện các biện pháp tự tạo hệ thống phòng thủ. Đó là những nỗ lực mà đối phương đã thực hiện, chẳng hạn như ở khu vực Zaporizhzhia”, nơi các lực lượng Ukraine đang vật lộn để phá vỡ các lớp công sự và bãi mìn của Nga.”

“Đương nhiên, có mìn trong khu vực của chúng tôi và chúng tôi hầu như phải phá hủy chúng trong các hoạt động tấn công. Ngoài ra còn có những công sự mà họ có thời gian để xây dựng”, Zhorin nói. “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không cho phép họ xây dựng một hệ thống mạnh mẽ ở đây, vì chúng tôi liên tục đánh bật họ ra khỏi vị trí hoặc gây sát thương, ngăn cản họ thực hiện các hành động cần thiết.”

Ông nói thêm: “Sẽ là một vấn đề nghiêm trọng nếu chúng ta cho đối phương thời gian và cơ hội để đào và gài mìn”.

Lực lượng Ukraine đã đạt được những tiến bộ nhỏ ở phía nam và tây bắc Bakhmut trong những tuần gần đây, nhưng vẫn chưa đe dọa được đường tiếp tế của Nga vào thành phố đổ nát.

Thông tin thêm về Bakhmut: Hôm Chúa Nhật, các quan chức Ukraine cho biết quân đội của họ vẫn đang tấn công theo hướng Bakhmut và tiếp tục tiến “từng mét”, Đại Tá Serhiy Cherevatyi cho biết trong ngày qua, lực lượng Nga đã pháo kích vào các vị trí của Ukraine 590 lần, sử dụng nhiều bệ phóng hỏa tiễn và pháo binh có cỡ nòng khác nhau.

Ông cho biết thêm tổng cộng có 14 cuộc giao chiến đã diễn ra vào thứ Bảy. “Đối phương đang dùng đến các biện pháp phản công, cố gắng vô ích để lấy lại vùng đất đã mất.”

Ông nói: “Chiến thuật của đối phương hầu như không thay đổi” ở khu vực Bakhmut. “Đầu tiên là các đơn vị tấn công, bao gồm những người bị kết án cố gắng xông vào các vị trí, thậm chí đôi khi không có sự che chở của thiết bị hạng nặng; tiếp theo là quân đội chính quy, những người được quân đội Nga chăm sóc tốt hơn.”

10. Ba Lan và các nước vùng Baltic cam kết đóng cửa biên giới Belarus nếu xảy ra “sự việc nghiêm trọng”

Bộ trưởng Nội vụ Ba Lan Mariusz Kamiński cho biết hôm thứ Hai rằng Ba Lan và các nước vùng Baltic đã cam kết đóng cửa biên giới với Belarus nếu xảy ra “sự việc nghiêm trọng”.

“Tình trạng này đang leo thang. Trong nhiều tuần, trong nhiều tháng, chúng ta đã phải đối mặt với sự quay trở lại của áp lực di cư ở biên giới của chúng ta. Điều tương tự cũng áp dụng cho biên giới của các đối tác của chúng tôi”, Kamiński nói trong một cuộc họp báo ở Warsaw sau cuộc gặp với những người đồng cấp Latvia, Lithuania và Estonia.

Kamiński nói thêm, việc đóng quân của “vài nghìn lính đánh thuê” từ Tập đoàn Wagner ở Belarus đã bổ sung thêm một “yếu tố mới” cho tình hình dọc biên giới.

“Chúng tôi quyết tâm cùng nhau hành động, nếu xảy ra tình huống nguy cấp, bất kể là biên giới Ba Lan, Lithuania hay Latvia, chúng tôi sẽ áp dụng biện pháp trả đũa ngay lập tức. Tất cả các cửa khẩu biên giới đã mở cho đến nay, cả hành khách và hàng hóa, sẽ bị đóng cửa “, Kamiński cảnh báo như trên sau cuộc họp báo.

Các nhà điều tra Nga đã xác nhận rằng ông chủ của Wagner, Yevgeny Prigozhin, nằm trong số 10 người thiệt mạng khi máy bay của họ rơi gần Mạc Tư Khoa hôm thứ Tư, sau khi thực hiện các xét nghiệm di truyền.

Prigozhin đã biến Tập đoàn Wagner từ một nhóm lính đánh thuê mờ ám thành một thế lực quân sự đáng sợ hoạt động trên nhiều quốc gia trên ba lục địa. Bây giờ anh ta đã ra đi, tương lai của nhóm không chắc chắn.

Đầu tháng 8, Ba Lan công bố kế hoạch điều khoảng 10.000 quân tới sườn phía đông trong bối cảnh ngày càng lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của lính đánh thuê Wagner ở Belarus.

Kamiński nhấn mạnh rằng cần có hai điều “ổn định tình hình ở biên giới của chúng tôi với Belarus”.

Trước hết, ông kêu gọi nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko ra lệnh cho quân đội Wagner “ngay lập tức rời khỏi” Belarus và bảo đảm rằng những người di cư đang tập trung dọc biên giới Belarus sẽ được đưa trở về quê hương của họ.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki trước đây đã cảnh báo rằng các chiến binh Wagner đóng quân ở Belarus có thể cải trang thành người di cư khi cố gắng vượt biên.

11. Zelenskiy hy vọng Ukraine sẽ nhận được bảo đảm an ninh kiểu Israel từ Mỹ

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết ông hy vọng Ukraine sẽ nhận được sự bảo đảm an ninh từ Mỹ tương tự như những gì Israel được hưởng.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Ukraine, Zelenskiy nói rằng bảo đảm an ninh bao gồm cả khiên và kiếm, nghĩa là cả khả năng phòng thủ lẫn khả năng tấn công.

Ông nói, những bảo đảm như vậy sẽ được thực hiện thông qua quá trình Ukraine gia nhập NATO, nhưng sẽ được củng cố thông qua một thỏa thuận song phương với Hoa Kỳ.

“Chúng tôi có thể sẽ có một mô hình tương tự với Hoa Kỳ, giống như mô hình của Israel, nơi có vũ khí, công nghệ, đào tạo, tài chính, v.v. Điều gì đó giống như Israel có, nhưng chúng tôi có một đối phương khác với Israel”, Zelenskiy nói.

Một số thông tin cơ bản: Hoa Kỳ và Israel đã ký nhiều thỏa thuận an ninh kể từ khi thành lập nhà nước Israel và Hoa Kỳ bảo đảm điều được gọi là Lợi thế Quân sự Định tính cho Israel so với các lực lượng khác trong khu vực.

12. Ukraine cần thêm hỗ trợ hoặc Nga sẽ không dừng lại, tổng thống Moldova nói

Tổng thống Moldova Maia Sandu cho biết “Ukraine cần nhận được nhiều hỗ trợ hơn… và mọi người nên hiểu rằng nếu Ukraine không được giúp đỡ thì Nga sẽ không dừng lại ở Ukraine hay Moldova”.

Tổng thống nói thêm rằng cô hy vọng “sẽ sớm có thêm sự hỗ trợ để Ukraine có thể tái chiếm các vùng lãnh thổ của mình và chúng ta sẽ chứng kiến sự kết thúc của cuộc chiến điên rồ này”.

Tổng thống Sandu đưa ra lập trường trên hôm Chúa Nhật khi Moldova đánh dấu ngày độc lập thứ 32 của mình. Quốc gia này giáp Ukraine và đã trải qua căng thẳng nghiêm trọng với Nga, đặc biệt là về vùng lãnh thổ ly khai Transnistria thân Nga ở phía đông, nơi quân đội Nga đóng quân.

Theo Reuters, vào tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thu hồi sắc lệnh chính sách đối ngoại năm 2012, trong đó công nhận nền độc lập của Moldova.

Sandu nhấn mạnh rằng ở Transnistria “có một chế độ được Nga ủng hộ”.

“Có quân đội Nga đóng quân bất hợp pháp ở khu vực Transnistrian. Và tất nhiên, đây là cách chính quyền Nga đang cố gắng tác động đến mọi thứ ở Cộng hòa Moldova.”

Căng thẳng càng gia tăng kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, với việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga khỏi Moldova và người Moldova khỏi Nga.

Sandu nói: “Khi người Nga cố gắng lật đổ một chính phủ được bầu cử dân chủ như chính quyền Moldova, đây là một dấu hiệu rất rõ ràng rằng không có sự tôn trọng nào của người Nga đối với đất nước chúng tôi”.

Moldova hiện không phải là thành viên của Liên minh Âu Châu, nhưng đã nộp đơn xin làm thành viên ngay sau khi Nga tiến hành xâm lược và sau đó được cấp tư cách ứng cử viên vào tháng 6 năm 2022.

Tổng thống Sandu lưu ý rằng “đó là một quá trình lâu dài” và thừa nhận “chúng tôi vẫn có những thẩm phán tham nhũng và các công tố viên tham nhũng, những người không muốn cải cách của chúng tôi thành công,” nhưng bà nhấn mạnh rằng “nền dân chủ của Moldova sẽ được bảo tồn khi Moldova trở thành một quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu..”

Khi được hỏi về cái chết của Yevgeniy Prigozhin, Sandu lưu ý rằng “điều này chỉ tái xác nhận những nguy hiểm đến từ Nga, một quốc gia không có công lý… Thật không may, điều này không giới hạn ở biên giới Nga. Thật không may, đây lại là cách Nga hành động với các nước láng giềng”.
 
Hồng Y Đoàn sau khi ĐHY Agnelo qua đời. Dòng Tên Trung Mỹ lên án nhà nước độc tài Nicaragua
VietCatholic Media
04:58 29/08/2023


1. Hồng Y Đoàn sau sự qua đi của Đức Hồng Y Geraldo Majella Agnelo, Tổng Giám Mục hiệu tòa São Salvador da Bahia, Brazil

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết Đức Hồng Y Geraldo Majella Agnelo, Tổng Giám mục danh dự của São Salvador da Bahia, Brazil, đã được Chúa gọi về vào hôm thứ Bẩy 26 Tháng Tám, hưởng thọ 89 tuổi.

Sinh ngày 19 tháng 10 năm 1933 tại Juiz de Fora, Brazil, ngài được thụ phong cho Tổng giáo phận São Paulo vào ngày 29 tháng 6 năm 1957 và có bằng tiến sĩ phụng vụ tại Đại Học Giáo hoàng Athenaeum Thánh Anselmô, Rôma.

Ngài là giám đốc chủng viện triết học, Aparecida, linh hướng và giáo sư tại Chủng viện Vô nhiễm Nguyên tội, Ipiranga, giáo sư thần học phụng vụ và bí tích tại Viện Thần học Piô XI và giám đốc Chủng viện Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.

Vào ngày 5 tháng 5 năm 1978, ngài được bổ nhiệm làm Giám mục Toledo và được tấn phong giám mục vào ngày 6 tháng 8. Vào ngày 4 tháng 10 năm 1982, ngài được thăng chức Tổng giám mục Londrina. Ngài là Chủ tịch Ủy ban Phụng vụ của Giám mục Brazil. Ngày 16 tháng 9 năm 1991, ngài được bổ nhiệm làm Thư ký Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích.

Ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục São Salvador da Bahia vào ngày 13 Tháng Giêng năm 1999.

Ngài được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch thứ hai của CELAM vào tháng 5 năm 1999 cho đến tháng 5 năm 2003.

Vào tháng 5 năm 2003, ngài được bầu làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Quốc gia Brazil và hoàn thành nhiệm vụ vào tháng 5 năm 2007.

Ngài Chủ tịch Đại hội lần thứ năm của Hội đồng Giám mục Mỹ Châu Latinh, Aparecida, Brazil từ 13 đến 31 tháng 5 năm 2007.

Từ ngày 12 Tháng Giêng năm 2001, ngài là Tổng giám mục hiệu tòa của São Salvador da Bahia

Ngài đã tham gia mật nghị tháng 4 năm 2005 bầu Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI và mật nghị tháng 3 năm 2013 bầu Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Ngài được Thánh Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y trong công nghị ngày 21 tháng 2 năm 2001, với tước hiệu San Gregorio Magno alla Magliana Nuova, nghĩa là Thánh Grêgoriô Đại Đế ở Magliana Nuova.

Với sự qua đi của Đức Hồng Y Geraldo Majella Agnelo, Hồng Y đoàn giảm xuống còn 221 Hồng Y, bao gồm 120 Hồng Y cử tri và 101 vị không có quyền bầu cử.

Trong số 120 Hồng Y cử tri: 9vị được Đức Gioan Phaolô II tấn phong, 30 vị được Đức Bênêđíctô XVI nâng lên hàng Hồng Y và 81 vị được Đức Thánh Cha Phanxicô trao mũ đỏ.

Trong 101 vị Hồng Y không có quyền bầu Giáo Hoàng, 38 vị được Đức Gioan Phaolô II tấn phong, 34 do Đức Bênêđíctô 16 nâng lên hàng Hồng Y, và 29 vị được Đức Thánh Cha Phanxicô trao mũ đỏ.

2. Đức Thánh Cha nói giới trẻ Nga có thể “gieo hạt giống hòa giải”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi những người trẻ Nga hãy trở thành “những người gieo hạt giống hòa giải” trong bài diễn văn trực tuyến trước cộng đoàn 400 người ở St Petersburg tụ tập nhân ngày Giới trẻ Công Giáo hàng năm.

Ngài nói hôm qua trong các bình luận được Vatican News đưa tin:

Tôi chúc các bạn, những người trẻ Nga, ơn gọi trở thành những người kiến tạo hòa bình giữa rất nhiều xung đột và giữa rất nhiều sự phân cực đến từ mọi phía và đang hoành hành trên thế giới của chúng ta. Tôi mời gọi các bạn hãy gieo những hạt giống hòa giải, những hạt giống nhỏ mà trong mùa đông chiến tranh này sẽ không nảy mầm trên mặt đất băng giá lúc này, nhưng sẽ nở hoa vào mùa xuân tương lai.

Hãy can đảm thay thế nỗi sợ hãi bằng ước mơ… Đừng trở thành người quản lý nỗi sợ hãi mà hãy trở thành doanh nhân của ước mơ! Hãy cho phép mình có được sự xa xỉ khi mơ ước lớn lao!

Đức Thánh Cha, trước đây đã bị chỉ trích vì không lên án Nga sau cuộc xâm lược nước láng giềng, mặc dù bày tỏ tình liên đới với người dân Ukraine, đã nhấn mạnh vai trò của giáo hội là “một người mẹ có trái tim rộng mở, biết cách chào đón và tiếp nhận, đặc biệt là những người cần được chăm sóc nhiều hơn.” Ngài nói thêm: “Tình yêu của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người và giáo hội thuộc về tất cả mọi người”

3. Tỉnh dòng Tên Trung Mỹ lên án nhà nước Nicaragua

Tỉnh dòng Tên tại Trung Mỹ mạnh mẽ lên án quyết định hôm 23 tháng Tám vừa qua, của nhà nước Nicaragua giải tán Dòng Tên tại nước này, xóa bỏ pháp nhân và tịch thu tất cả tài sản của dòng tại đây.

Trong thông cáo công bố ngày 23 tháng Tám vừa qua, các cha Dòng Tên Trung Mỹ lên án cuộc tấn công mới chống lại dòng do thánh Ignatio Loyola sáng lập. Hành động này nằm trong chính sách khủng bố đối với nhân dân Nicaragua và nhất loạt đàn áp trên bình diện toàn quốc của chính phủ Daniel Ortega. Điều này bị một toán chuyên gia của Liên Hiệp Quốc về Nicaragua gọi là “những tội ác chống lại nhân loại”.

Theo Tỉnh dòng Tên Trung Mỹ, các biện pháp của nhà nước Nicaragua nhắm thiết lập một chế độ độc đoán, dưới trách nhiệm của vợ chồng Tổng thống và Phó tổng thống Nicaragua. Hai người ngày cản trợ tính độc lập và trung lập của ngành tư pháp. Trong thông cáo, Tỉnh dòng Tên Trung Mỹ kêu gọi giới lãnh đạo Nicaragua hãy ngưng các hoạt động đàn áp và đồng thời tìm kiếm một giải pháp hợp lý trong đó sự thật, công lý, đối thoại và sự tôn trọng các quyền con người và nhà nước pháp quyền được trổi vượt”.

Thông cáo của các cha Dòng Tên Trung Mỹ kêu cầu nhà nước Nicaragua tôn trọng tự do và căn tính của các tu sĩ Dòng Tên và những người cộng tác với họ. Dòng Tên tại Nicaragua hiệp thông với hàng ngàn nạn nhân tại nước này đang chờ đợi công lý và sự bồi thường những thiệt hại do chế độ hiện nay tại Nicaragua gây nên. Đồng thời, dòng bày tỏ lòng biết ơn đối với vô số những người biểu lộ lòng biết ơn, hỗ trợ và liên đới sau những vụ xách nhiễu mới đây của nhà nước Nicaragua đối với dòng.

Theo nghị định số 105-2023 của Bộ Nội vụ Nicaragua, quyết định rằng các bất động sản và động sản của Dòng Tên tại nước này được chuyển cho nhà nước. Cũng những trường hợp xóa bỏ tư cách pháp nhân mà nhà nước Nicaragua đưa ra từ năm 2018, quyết định được đưa ra mà không theo các thủ tục hành chánh được luật pháp ấn định. Các tu sĩ Dòng Tên không được khiếu nại với một quan tòa độc lập.

Quyết định xóa bỏ Dòng Tên tại Trung Mỹ nằm trong một một loạt các biện pháp đàn áp và bách hại Công Giáo mà nhà nước Nicaragua đưa ra từ lâu nay, trong đó nổi bật nhất là vụ kết án Đức Cha Rolando Álvarez, Giám mục Giáo phận Matagalpa, bị nhà cầm quyền kết án 26 năm 4 tháng tù về tội gọi là “Phản quốc”.
 
Sợ đảo chính và ám sát, Putin sẽ không dự tang lễ Prigozhin. Kyiv vừa bắn cháy vũ khí bí mật của Nga
VietCatholic Media
15:19 29/08/2023


1. Giữa các âu lo đảo chính và ám sát, Điện Cẩm Linh cho biết Vladimir Putin sẽ không tham dự tang lễ của Yevgeny Prigozhin

Hãng tin Fontanka ở St. Petersburg và một số phương tiện truyền thông khác cho biết chỉ huy lính đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin, có thể được an nghỉ tại nghĩa trang Serafimovskoye của thành phố, nơi được sử dụng làm nơi chôn cất các sĩ quan cao cấp trong quân đội.

Hãng tin AP đưa tin, cảnh sát dày đặc bao vây nghĩa trang, nơi cha mẹ Putin cũng được chôn cất, nhưng không có lễ viếng nào được tổ chức ngay lập tức và cảnh sát đã tăng cường tuần tra tại một số nghĩa trang khác của thành phố.

Ủy ban điều tra Nga hôm Chúa Nhật xác nhận Prigozhin nằm trong số những người thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay hôm thứ Tư tuần trước. Ủy ban cho biết trong một tuyên bố rằng sau khi khám nghiệm pháp y, tất cả 10 thi thể được tìm thấy tại hiện trường đã được xác định danh tính và danh tính của họ “khớp với bản kê khai”.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov hôm thứ Ba cho biết ông Putin không có kế hoạch tham dự lễ tang của thủ lĩnh nhóm lính đánh thuê Wagner Yevgeny Prigozhin.

Ông nói với các phóng viên rằng Điện Cẩm Linh không biết về việc sắp xếp tang lễ theo kế hoạch và nói rằng đây là vấn đề của gia đình, theo Reuters.

Điện Cẩm Linh phủ nhận việc giết chết nhà lãnh đạo Wagner, gọi những đánh giá của tình báo phương Tây về sự tham gia của Putin là “hoàn toàn dối trá”.

Prigozhin đã từ chối giao lính đánh thuê của mình cho Bộ Quốc phòng Nga, bất chấp yêu cầu trực tiếp từ Putin trong cuộc họp tại Điện Cẩm Linh vào tháng 6. Cuộc nổi dậy vũ trang của ông vào tháng đó diễn ra vài ngày trước thời hạn buộc nhóm phải ký hợp đồng với Bộ Quốc phòng Nga.

Một số blogger quân sự chê trách việc “bố già mafia Putin” không dám tham dự lễ tang của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin, và cho rằng điều đó củng cố thêm những đồn đoán cho rằng Putin đã trực tiếp ra lệnh giết chết Prigozhin.

Tuy nhiên, cũng có những blogger quân sự khác cho rằng việc Putin không tham dự là đúng trong bối cảnh có thể có các hành động bạo lực đáng tiếc giữa bầu khí sục sôi hiện nay.

2. Nga triển khai đơn vị chiến đấu tốt nhất trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm ngăn chặn bước tiến của Ukraine

Ký giả Chris Jewers của tờ Daily Mail có trụ sở ở London có bài tường trình nhan đề “Russia deploys its best fighting unit to the front lines in desperate bid to halt Ukraine advance as counter-offensive achieves breakthrough”, nghĩa là “Nga triển khai đơn vị chiến đấu tốt nhất của mình ra tiền tuyến trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm ngăn chặn bước tiến của Ukraine khi cuộc phản công đạt được bước đột phá.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Nga đã triển khai một trong những đơn vị chiến đấu tinh nhuệ nhất của mình ra tiền tuyến trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm ngăn chặn bước tiến của Ukraine.

Trong khi cuộc phản công của Kyiv tiến triển chậm chạp kể từ khi được phát động vào đầu năm nay, Ukraine hôm thứ Hai báo cáo có bước đột phá khi cho biết quân đội của họ đã giải phóng khu định cư Robotyne ở phía đông nam.

Các lực lượng của nước này hiện đang cố gắng tiến sâu hơn về phía nam, có thể với mục tiêu cuối cùng là tới Biển Azov để chia cắt 'cầu đất liền' của Nga nối đất liền của quốc gia xâm lược với Crimea bị tạm chiếm. Cầu đất liền này nhằm cung cấp tuyến đường tiếp tế quan trọng cho Nga.

Quân đội Ukraine tuần trước cho biết lực lượng của họ đã treo quốc kỳ tại khu định cư chiến lược nhưng vẫn đang tiến hành các hoạt động dọn dẹp.

Đáp lại, các báo cáo cho biết Mạc Tư Khoa đã triển khai Sư đoàn Dù cận vệ số 76 - thường được coi là đơn vị chiến đấu tốt nhất của Nga - tới khu vực, với các đơn vị được phát hiện gần Robotyne vào tuần trước.

Trong bản cập nhật hàng ngày về tình hình ở Ukraine, Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW - một tổ chức có trụ sở tại Washington, hôm thứ Bảy cho biết họ đã thấy bằng chứng về “việc tái triển khai các đơn vị của Sư đoàn Dù Cận vệ Sơn cước số 7 từ Kherson đến tiền tuyến ở tỉnh Zaporizhzhia, và các đơn vị của Sư đoàn 76 Dù từ khu vực Kreminna đến khu vực Robotyne'.

Điều này cho thấy 'các lực lượng Nga có thể đang sử dụng các đơn vị tương đối tinh nhuệ để củng cố các khu vực quan trọng của mặt trận'.

Hôm qua, ISW lặp lại báo cáo về việc các đơn vị tinh nhuệ được tái triển khai, đồng thời nói thêm: “Các lực lượng Nga đã đầu tư một lượng đáng kể về trang thiết bị, công sức và nhân lực để trấn giữ hàng loạt vị trí phòng thủ mà lực lượng Ukraine hiện đang xâm nhập”.

ISW nói thêm: 'Không rõ liệu các lực lượng Nga có giữ được những lợi thế mà họ đã nắm giữ hay không nếu họ không thể cung cấp cùng mức nguồn lực và nhân sự cho các lớp phòng thủ tiếp theo này. Tuy nhiên, lớp phòng thủ tiếp theo của Nga rất có thể sẽ đặt ra những thách thức đáng kể cho bước tiến của Ukraine.'

Các hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội Ukraine dường như cho thấy các khí tài chiến tranh bị phá hủy của các đơn vị Nga thuộc các Lữ Đoàn Dù cận vệ 234 và Lữ Đoàn Dù 104 - cả hai đều thuộc Sư Đoàn Dù Cận Vệ 76. Một số xe tăng và xe thiết giáp của các đơn vị này được tường trình là chiến lợi phẩm của quân Ukraine.

Lữ Đoàn Dù cận vệ 234 của Nga được cho là đã tham gia vào vụ thảm sát Bucha, là vụ thảm sát hàng loạt thường dân Ukraine bởi binh lính Nga vào tháng 3 năm 2022.

Báo cáo rộng rãi của Associated Press và các hãng tin khác đã phát hiện ra cách Lữ Đoàn Dù cận vệ 234 thực hiện chiến dịch 'thanh lọc' ở vùng ngoại ô Kyiv, bắt giữ, tra tấn và sát hại cư dân Ukraine.

Các thành phần của Sư Đoàn Dù Cận Vệ 76 đã chiến đấu ở Kremmina trong vùng Luhansk - cách Robotyne khoảng 250 dặm về phía đông bắc.

Việc họ nhìn thấy xung quanh thị trấn phía nam cho thấy một số đã được di chuyển.

Các báo cáo được đưa ra khi lực lượng Ukraine tin rằng họ đã chọc thủng tuyến phòng thủ khó khăn nhất của Nga ở phía nam và giờ đây họ sẽ bắt đầu tiến quân nhanh hơn, một chỉ huy dẫn quân vào Robotyne cho biết vào tuần trước.

Khu định cư này cách thị trấn tiền tuyến Orikhiv ở vùng Zaporizhzhia 6 dặm về phía nam, trên một con đường quan trọng hướng tới Tokmak, một trung tâm đường bộ và đường sắt bị Nga tạm chiếm.

Việc chiếm giữ Tokmak sẽ là một cột mốc quan trọng khi quân đội Ukraine tiến về phía nam tới Biển Azov trong một nỗ lực quân sự nhằm chia cắt các lực lượng Nga sau cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa vào tháng 2 năm 2022.

Các tướng lĩnh của Kyiv muốn tiếp cận thành phố Melitopol, cách Robotyne khoảng 40 dặm về phía tây nam, để cắt 'cầu đất liền' của Nga - một vùng lãnh thổ Ukraine hiện đang bị lực lượng Mạc Tư Khoa xâm lược, nối liền Nga với Crimea, bán đảo Ukraine đã bị Vladimir sáp nhập Putin vào năm 2014

Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar nói với đài truyền hình Ukraine rằng quân của Kyiv, bắt đầu phản công vào đầu tháng 6, hiện đang di chuyển về phía đông nam Robotyne và phía nam Mala Tokmachka gần đó.

Thành công của Ukraine trong việc chiếm lại Robotyne, là điều mà Nga chưa xác nhận, diễn ra sau các báo cáo trên phương tiện truyền thông về cuộc họp trong tháng này giữa các chỉ huy quân sự cấp cao của NATO và tướng hàng đầu của Ukraine về việc thiết lập lại chiến lược quân sự của Ukraine.

Lực lượng Ukraine cũng đang chiến đấu với quân đội Nga ở miền đông Ukraine, và tiến độ phản công chậm hơn so với dự đoán rộng rãi vì họ gặp phải các bãi mìn và chiến hào rộng lớn của Nga.

Maliar mô tả tình hình chiến trường ở miền Đông là “rất nóng” trong tuần qua.

Cô cho biết quân đội Nga đang tập hợp lực lượng mới ở đó và tập hợp lại, và Mạc Tư Khoa đang nhắm đến việc triển khai lực lượng tốt nhất của mình ở đó.

Cô nói, các lực lượng Ukraine đã tiếp tục tiến về phía nam Bakhmut, đề cập đến thành phố phía đông gần như bị tàn phá đã bị quân đội Mạc Tư Khoa chiếm giữ hồi tháng 5 sau nhiều tháng giao tranh ác liệt khiến hàng chục nghìn người thương vong.

3. Giữa các tin đồn đảo chính và dị nghị rằng bố già mafia hết dám đi máy bay, Điện Cẩm Linh cho biết Putin sẽ có chuyến ra nước ngoài

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Leaving Russia for First Time Since Prigozhin's Death, Kremlin Says”, nghĩa là “ Putin rời Nga lần đầu tiên kể từ cái chết của Prigozhin, Điện Cẩm Linh cho biết.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo truyền thông Nga, sau khi bị buộc phải hủy bỏ các kế hoạch du lịch vào đầu năm nay do lo ngại bị bắt vì lệnh truy nã tội ác chiến tranh của Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, ông Vladimir Putin được cho là sẽ rời Nga vào mùa thu này.

Bất kỳ chuyến đi nào ông ta thực hiện đều sẽ là chuyến đi đầu tiên kể từ cái chết của nhà lãnh đạo Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prighozhin, người qua đời trong một vụ tai nạn máy bay vào ngày 23 tháng 8.

Putin chỉ rời Nga một lần kể từ khi Tòa án Hình sự Quốc tế kết tội ông hồi tháng 3 về việc bắt cóc và chuyển giao trái phép trẻ em từ các khu vực bị tạm chiếm của Ukraine sang Liên bang Nga.

Mạc Tư Khoa đã bác bỏ cáo buộc và khẳng định không công nhận thẩm quyền của ICC.

Hãng thông tấn nhà nước TASS hôm thứ Hai cho biết Thư ký Báo chí Điện Cẩm Linh, ông Dmitry Peskov đã nói với các phóng viên rằng ông Putin sẽ thực hiện “một số chuyến đi quốc tế” vào mùa thu này.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về các chuyến công du của Putin sau lệnh bắt giữ, Peskov nói, “Có những kế hoạch như vậy. Vào mùa thu. Chúng tôi sẽ thông báo cho bạn vào thời điểm thích hợp.”

Ông không cung cấp thêm thông tin chi tiết về chính xác thời gian và địa điểm Putin có thể tới thăm.

Ông giải thích: “Vì những lý do hiển nhiên, chúng tôi không muốn thông báo trước về điều này.

Có khả năng ông Putin có thể tới Thổ Nhĩ Kỳ, vì ông Peskov xác nhận rằng Tổng thống Nga và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan, sẽ tổ chức một cuộc gặp.

“Cuộc gặp giữa hai tổng thống sẽ sớm diễn ra. Chúng tôi sẽ đưa ra thông báo chính thức vào thời điểm thích hợp”, ông Peskov nói khi được hỏi về việc liệu hai người có gặp nhau ở Nga hay không và từ chối nêu rõ cuộc gặp sẽ diễn ra ở đâu.

Peskov nói thêm: “Có một số thỏa thuận nhất định về thời điểm có thể đưa ra thông báo và chúng tôi sẵn sàng tuân thủ các thỏa thuận này”.

Tass cũng đưa tin một nhà ngoại giao giấu tên ở Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hai tổng thống có thể gặp nhau ở Sochi, một thành phố của Nga vào ngày 4/9. Hiện chưa rõ quan chức này là người Nga hay người Thổ Nhĩ Kỳ.

Một chuyến đi tiềm năng của Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên NATO đã được đồn đoán từ đầu mùa hè này.

Vào tháng 12 năm ngoái, ông đã đến thăm Belarus – một đồng minh thân cận của Điện Cẩm Linh, trong khi vào tháng 7, ông đã có chuyến thăm ngắn hạn tới Iran.

Đầu tháng này, ông Putin đã hủy chuyến đi dự kiến tới Nam Phi và cử Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thay mặt ông tham dự cuộc họp BRICS tại Johannesburg từ ngày 22 đến 24/8. Lệnh bắt giữ của ICC đã được coi là lý do đằng sau quyết định của ông.

Dù Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO và lên án mạnh mẽ cuộc chiến của Putin ở Ukraine, Erdogan vẫn cố gắng đóng vai trò trung gian giữa Mạc Tư Khoa và Kyiv, đề nghị đàm phán các cuộc đàm phán hòa bình.

Vào năm 2022, Erdogan đã làm trung gian cho các cuộc đàm phán để bảo đảm việc vận chuyển ngũ cốc một cách an toàn từ các cảng của Ukraine qua Hắc Hải. Nga đã rút khỏi kế hoạch vào ngày 17/7 năm nay.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng từ chối áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga dù nước này đã cung cấp vũ khí cho Ukraine. Chuyến thăm tiềm năng tới Thổ Nhĩ Kỳ của Putin có thể sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ của nước này với Liên Hiệp Âu Châu và Mỹ.

Tuyên bố của phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov được đưa ra giữa các tin đồn đảo chính và dị nghị rằng bố già mafia Putin hết dám đi máy bay vì sợ sẽ bị bắn hạ như trùm Wagner Yevgeny Prigozhin.

4. Zelenskiy gợi ý cuộc bầu cử ở Ukraine có thể diễn ra vào năm tới

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết có thể tổ chức bầu cử ở Ukraine vào năm tới như dự kiến, nhưng nước này sẽ cần hỗ trợ tài chính cho một công việc phức tạp như vậy trong thời chiến.

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông địa phương, Zelenskiy lưu ý rằng Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc bầu cử trong Thế chiến thứ hai.

“Chúng ta đang bảo vệ nền dân chủ và đất đai của chúng ta. Đó là lý do tại sao mọi người đang nói chuyện về bầu cử. Có một quá trình chính trị. Nó không thể bị cản trở.”

Với tình trạng thiết quân luật hiện nay ở Ukraine, việc bầu cử là không thể thực hiện được. Nhưng Zelenskiy nói: “Nếu các thành viên quốc hội của chúng tôi đã sẵn sàng, chúng tôi cần thay đổi Bộ luật bầu cử, chúng tôi nên làm điều đó nhanh chóng”.

Zelenskiy cho biết ông sẽ không lấy tiền mua vũ khí để chi cho việc tổ chức bầu cử và hy vọng Mỹ và Âu Châu sẽ hỗ trợ tài chính.

Trong số những thách thức được tổng thống Ukraine liệt kê, ông nói: “Chúng ta phải đưa các quan sát viên ra tiền tuyến để có thể có một cuộc bầu cử hợp pháp và dân chủ trước toàn thế giới”.

Cũng sẽ có vấn đề bảo đảm hàng triệu người Ukraine ở những nơi khác ở Âu Châu có thể bỏ phiếu.

Zelenskiy nhấn mạnh rằng mọi người Ukraine phải có cơ hội bỏ phiếu. “Chúng ta cần nó là sự lựa chọn của xã hội, để nó không chia rẽ người dân của chúng ta, để quân đội có thể bỏ phiếu. Ngày nay họ đang bảo vệ nền dân chủ, và thật không công bằng nếu không cho họ cơ hội này vì chiến tranh”, ông nói.

“Tôi không muốn chính quyền bị coi là những người đang khư khư nắm giữ quyền lực. Tôi không nắm giữ bất cứ điều gì. Tôi muốn tổ chức bầu cử. Tôi thích làm điều đó trong vòng một năm.”

5. Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho rằng lực lượng Ukraine 'xâm nhập' được tiền tuyến này sẽ tiết lộ 'giai đoạn tiếp theo'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Forces 'Penetrating' This Front Line Will Reveal 'Next Phase': ISW”, nghĩa là “Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ cho rằng lực lượng Ukraine 'xâm nhập' được tiền tuyến này sẽ tiết lộ 'giai đoạn tiếp theo'.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Một tổ chức nghiên cứu đánh giá rằng biến cố lực lượng Ukraine đột phá được các vị trí phòng thủ ở khu định cư Robotyne ở phía đông nam sẽ tiết lộ giai đoạn tiếp theo về diễn biến của cuộc chiến trong cuộc phản công ở Kyiv, một tổ chức nghiên cứu đánh giá, ngay trước khi một quan chức Ukraine tuyên bố rằng thị trấn đã được giải phóng.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết trong phân tích mới nhất về cuộc xung đột ở Ukraine hôm Chúa Nhật rằng sự mơ hồ về các vị trí phòng thủ của Nga ở miền nam Ukraine có nghĩa là không rõ “giai đoạn tiếp theo” của cuộc chiến sẽ diễn ra như thế nào. Tuy nhiên, việc vượt qua các vị trí phòng thủ này sẽ tiết lộ cuộc phản công có thể tiến triển ra sao.

Kyiv đang tiến hành cuộc phản công ba tháng để chiếm lại lãnh thổ bị Nga chiếm giữ và các quan chức Ukraine thừa nhận rằng nỗ lực giải phóng các vùng lãnh thổ của mình cho đến nay vẫn gặp nhiều khó khăn.

ISW dẫn lời một binh sĩ Ukraine “có khả năng hoạt động trong khu vực Robotyne” mô tả chi tiết các vị trí phòng thủ phức tạp của Nga. Chúng bao gồm một hệ thống hào và hầm thông nhau rải rác với các mương chống tăng và bãi mìn. Anh cho biết các lực lượng Ukraine đang nỗ lực rà phá những thứ này để tiến xa hơn.

ISW cho biết các vị trí phòng thủ là kết quả của nhiều tháng chuẩn bị của Nga và lưu ý rằng ở giai đoạn này vẫn chưa rõ liệu chúng có được lực lượng Nga mở rộng xa hơn về phía nam hay không.

Tổ chức nghiên cứu này đánh giá: “Thành phần các vị trí phòng thủ của Nga ở miền nam Ukraine và sự mơ hồ về cách lực lượng Nga điều động và trang bị tiếp tục khiến người ta không rõ giai đoạn chiến đấu tiếp theo sẽ diễn ra như thế nào”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Sáng thứ Hai, vài giờ sau khi công bố đánh giá ISW, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar thông báo rằng lực lượng của Kyiv đã chiếm được Robotyne và đang cố gắng tiến xa hơn.

“Robotyne đã được giải phóng,” cô nói trong buổi phát sóng quốc gia hôm thứ Hai, Ukrainska Pravda đưa tin.

“Ở phía nam, chúng ta đang tiến hành một cuộc tấn công. Đây là mặt trận tấn công chính của chúng ta. Ở các tỉnh Zaporizhzhia và Kherson, đối phương đang ở thế phòng thủ”, Maliar nói. “Quân của chúng tôi đang di chuyển về phía đông nam Robotyne và phía nam Mala Tokmachka.”

Cô nói thêm rằng các lực lượng Ukraine cũng đã chiếm lại 1 km2 xung quanh Bakhmut, một thành phố công nghiệp ở vùng Donetsk, nơi đã chứng kiến một số cuộc giao tranh khốc liệt nhất trong cuộc chiến.

ISW cho biết “tầng phòng thủ tiếp theo của Nga rất có thể sẽ đặt ra những thách thức đáng kể cho bước tiến của Ukraine”.

6. Hệ thống radar 'rất kỳ lạ' của Nga trị giá 200 triệu Mỹ Kim bị phá hủy ở Kherson

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “'Exotic' Russian Radar System Worth 200 million Destroyed in HIMARS Strike: Video”, nghĩa là “Video cho thấy hệ thống radar 'kỳ lạ' của Nga trị giá 200 triệu USD bị phá hủy trong cuộc tấn công bằng HIMARS.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ..

Ukraine cho biết các lực lượng của mình đã phá hủy hệ thống radar ven biển PREDEL-E mới tinh của Nga ở khu vực Kherson đang tranh chấp của nước này, nơi lực lượng của Kyiv đã đẩy lùi quân đội Mạc Tư Khoa trong gần ba tháng.

Ukraine đã phá hủy trạm radar ven biển di động PREDEL-E “tinh vi” của Nga và hệ thống tác chiến điện tử bảo vệ trạm này, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết như trên, đồng thời cho biết thêm: “Thành công trong việc săn lùng những con thú kỳ lạ”.

Các tài khoản tình báo nguồn mở và một blogger quân sự có ảnh hưởng cho rằng lực lượng Ukraine sử dụng HIMARS, hay Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, trong cuộc tấn công.

Newsweek không thể xác nhận điều này và đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine để yêu cầu bình luận.

Nga đang sử dụng hệ thống này để theo dõi các hoạt động trên bộ và trên biển của Ukraine, nhóm lực lượng phía nam của Kyiv cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm thứ Hai. Các chiến binh phía nam của Ukraine đã chia sẻ cùng một đoạn video, cho thấy các cuộc tấn công vào thiết bị, sau đó là khói cuồn cuộn và lớp vỏ cháy rụi của nơi có vẻ là trạm radar PREDEL-E.

Nhóm lực lượng phía Nam cho biết thêm, bất chấp hệ thống tác chiến điện tử PREDEL-E và hệ thống radar che chắn Leer-2, “không có gì có thể che giấu được chúng tôi trên lãnh thổ của chúng tôi”. Quân đội cho biết như trên: “Binh lính của chúng tôi đã phá hủy hoàn toàn công trình phát triển độc đáo trị giá 200 triệu USD”.

Điện Cẩm Linh đã sáp nhập vùng Kherson phía nam Ukraine, cùng với Zaporizhzhia, Donetsk và Luhansk vào lãnh thổ Nga, mặc dù điều này không được quốc tế công nhận và Ukraine đã tuyên bố sẽ giành lại toàn quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ này.

Sáng thứ Ba, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết Nga đã tiến hành các cuộc không kích vào các khu định cư ở Kherson và pháo kích vào một số thị trấn trong 24 giờ trước đó. Ngày hôm trước, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã tiêu diệt tới 35 binh sĩ Ukraine dọc tuyến giao tranh ở Kherson, đồng thời tiêu diệt 3 phương tiện và 2 khẩu pháo.

Newsweek không thể xác minh độc lập các báo cáo chiến trường.

Cuộc phản công của Ukraine, được phát động vào đầu tháng 6, đã dần dần giành lại lãnh thổ bị Nga tạm chiếm ở miền nam và miền đông Ukraine, và các cuộc giao tranh đặc biệt ác liệt dọc theo chiến tuyến Donetsk và Zaporizhzhia.

Hôm thứ Hai, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine, Hanna Maliar, cho biết các lực lượng Nga “vẫn đang cố gắng tiến lên theo nhiều hướng”, bao gồm cả gần thành phố Bakhmut của Donetsk bị tàn phá, nơi đã chứng kiến một số cuộc đụng độ ác liệt nhất trong cuộc chiến mà Mạc Tư Khoa tuyên bố chiếm được vào giữa tháng Năm.

Maliar cho biết: “Giao tranh ác liệt đang diễn ra ở khắp mọi nơi”, đồng thời cho biết thêm Nga đang “ở thế phòng thủ” trên khắp các khu vực Zaporizhzhia và Kherson ở miền nam Ukraine.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, có trụ sở tại Washington cho biết trong đánh giá mới nhất rằng Mạc Tư Khoa tiếp tục sử dụng “lực lượng không quân tương đối tinh nhuệ của Nga” bằng cách đưa lực lượng này chống lại các cuộc phản công của Ukraine và bảo vệ “các vị trí dễ bị tổn thương”.

7. Thủ tướng Tiệp cho biết chủ nghĩa đế quốc Nga khiến chúng tôi lo lắng

Ký giả Laura Hülsemann của tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Czech PM: Russian imperialism makes us nervous”, nghĩa là “Thủ tướng Tiệp cho biết chủ nghĩa đế quốc Nga khiến chúng tôi lo lắng”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Thủ tướng Tiệp Petr Fiala đưa ra cảnh báo hôm thứ Hai về mối đe dọa lớn từ chính sách đối ngoại của đế quốc Nga.

Ông nói: “Hậu quả của hành động gây hấn của Nga là rất đa dạng và ở một mức độ nhất định, chúng cũng ảnh hưởng đến sự lo lắng mà chúng tôi cảm thấy ở đất nước mình”.

“Cơ hội để giải quyết nhanh chóng cuộc xung đột hóa ra là rất nhỏ và ngày càng nhỏ đi”, ông đưa ra lập trường trên khi đề cập đến cuộc tấn công dữ dội đang diễn ra của Điện Cẩm Linh ở Ukraine.

Fiala nói với các đại sứ rằng không chỉ Nga đặt ra mối đe dọa lớn đối với Cộng hòa Tiệp mà còn cần thận trọng đối với Trung Quốc, quốc gia đã theo dõi cuộc chiến của Điện Cẩm Linh chống lại Ukraine để sử dụng cho lợi ích riêng của mình.

Ông cũng nói rằng cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine có thể dẫn đến “bế tắc” và “xung đột đóng băng”. Ông nói, hợp tác chính trị với các đồng minh chiến lược như NATO và Liên Hiệp Âu Châu là điều cần thiết, cũng như việc tiếp tục viện trợ quân sự và dân sự cho Kyiv cũng như các kế hoạch tái thiết Ukraine sau chiến tranh cũng rất quan trọng.

Trong ba ngày tới, các đại sứ Tiệp, thủ tướng và bộ trưởng ngoại giao sẽ thảo luận về các vấn đề liên quan đến chính sách an ninh, kinh tế và đối ngoại, cuộc chiến ở Ukraine và các chủ đề của Liên Hiệp Âu Châu.

8. Ukraine cần thêm hỗ trợ hoặc Nga sẽ không dừng lại, tổng thống Moldova nói

Tổng thống Moldova Maia Sandu cho biết “Ukraine cần nhận được nhiều hỗ trợ hơn… và mọi người nên hiểu rằng nếu Ukraine không được giúp đỡ thì Nga sẽ không dừng lại ở Ukraine hay Moldova”.

Tổng thống nói thêm rằng cô hy vọng “sẽ sớm có thêm sự hỗ trợ để Ukraine có thể tái chiếm các vùng lãnh thổ của mình và chúng ta sẽ chứng kiến sự kết thúc của cuộc chiến điên rồ này”.

Tổng thống Sandu đưa ra lập trường trên hôm Chúa Nhật khi Moldova đánh dấu ngày độc lập thứ 32 của mình. Quốc gia này giáp Ukraine và đã trải qua căng thẳng nghiêm trọng với Nga, đặc biệt là về vùng lãnh thổ ly khai Transnistria thân Nga ở phía đông, nơi quân đội Nga đóng quân.

Theo Reuters, vào tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thu hồi sắc lệnh chính sách đối ngoại năm 2012, trong đó công nhận nền độc lập của Moldova.

Sandu nhấn mạnh rằng ở Transnistria “có một chế độ được Nga ủng hộ”.

“Có quân đội Nga đóng quân bất hợp pháp ở khu vực Transnistrian. Và tất nhiên, đây là cách chính quyền Nga đang cố gắng tác động đến mọi thứ ở Cộng hòa Moldova.”

Căng thẳng càng gia tăng kể từ cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, với việc trục xuất các nhà ngoại giao Nga khỏi Moldova và người Moldova khỏi Nga.

Sandu nói: “Khi người Nga cố gắng lật đổ một chính phủ được bầu cử dân chủ như chính quyền Moldova, đây là một dấu hiệu rất rõ ràng rằng không có sự tôn trọng nào của người Nga đối với đất nước chúng tôi”.

Moldova hiện không phải là thành viên của Liên minh Âu Châu, nhưng đã nộp đơn xin làm thành viên ngay sau khi Nga tiến hành xâm lược và sau đó được cấp tư cách ứng cử viên vào tháng 6 năm 2022.

Tổng thống Sandu lưu ý rằng “đó là một quá trình lâu dài” và thừa nhận “chúng tôi vẫn có những thẩm phán tham nhũng và các công tố viên tham nhũng, những người không muốn cải cách của chúng tôi thành công,” nhưng bà nhấn mạnh rằng “nền dân chủ của Moldova sẽ được bảo tồn khi Moldova trở thành một quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu..”

Khi được hỏi về cái chết của Yevgeniy Prigozhin, Sandu lưu ý rằng “điều này chỉ tái xác nhận những nguy hiểm đến từ Nga, một quốc gia không có công lý… Thật không may, điều này không giới hạn ở biên giới Nga. Thật không may, đây lại là cách Nga hành động với các nước láng giềng”.
 
Đáng buồn: Đặc sứ ĐTC thất bại ở Ấn Độ. Thượng Hội Đồng Công Giáo Đông phương Ukraine nhóm tại Rôma
VietCatholic Media
17:23 29/08/2023


1. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đồng tế với các giám mục của Thượng hội đồng Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương tại Đền Thờ Thánh Phêrô ở Vatican

Trong một tuyên bố long trọng được đưa ra hôm Chúa Nhật 27 Tháng Tám, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương cho biết như sau::

Vào ngày Chúa nhật, 10 tháng 9, lúc 1:30 chiều giờ Rôma, Phụng vụ Thánh sẽ được tổ chức tại Đền Thờ Thánh Phêrô ở Vatican, do Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk chủ tế với các giám mục của Thượng hội đồng Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine.

Với Phụng Vụ long trọng này, các giám mục Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương từ khắp nơi trên thế giới sẽ kết thúc công việc của Thượng Hội đồng, sẽ diễn ra tại Rôma năm nay từ ngày 3 đến ngày 13 tháng 9 và đánh dấu kỷ niệm 400 năm cuộc tử đạo của Thánh Josaphat.

“Đối với các giám mục, giáo sĩ, tu sĩ và tín hữu của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương việc cầu nguyện tại Đền Thờ Thánh Phêrô ở Rôma là một món quà đặc biệt từ Thiên Chúa và là một dấu chỉ cho thấy, khi hiệp nhất trong cộng đồng của Giáo hội hoàn vũ, chúng ta không đơn độc trong cơn khủng khiếp này, không lẻ loi trước những thử thách chiến tranh đã xảy đến với nhân dân ta. Trong năm kỷ niệm cuộc tử đạo của Thánh Josaphat, thánh tích của ngài được đặt trong vương cung thánh đường này, chúng tôi muốn cầu xin Thiên Chúa ban nền hòa bình công chính cho đất nước chúng ta và làm chứng cho toàn thế giới về các giá trị tự do Kitô giáo mà chúng tôi sẵn sàng thực hiện để hiến mạng sống của chúng ta”

Ngài kêu gọi các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ở Ukraine và cộng đồng hải ngoại hiệp nhất cầu nguyện tại Mộ Thánh Phêrô ở Vatican. Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương cho biết: “Hãy để lời cầu nguyện chung của chúng ta trở thành biểu hiện của sự hiệp thông với Đức Thánh Cha, người kế vị Thánh Tông Đồ Phêrô, lòng biết ơn của chúng ta đối với sự chăm sóc mục vụ của ngài đối với ‘người dân Ukraine đang đau khổ’ và tiếng nói của sự thật về Ukraine”.

2. Đức Thánh Cha tiếp Đức Tổng Giám Mục Đặc sứ Cyril Vasil

Hôm 23 tháng Tám vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến Đức Tổng Giám Mục Cyril Vasi, Đặc sứ của ngài sau gần 20 ngày thi hành sứ vụ giải quyết vấn đề thống nhất phụng vụ thánh lễ trong Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly, thuộc Giáo hội Syro Malabar bên Ấn Độ.

Sau khi gặp Đức Thánh Cha, Đức Tổng Giám Mục Cyril cũng gặp các vị lãnh đạo của Bộ Các Giáo Hội Công Giáo Đông phương.

Trước đó, trong thông cáo báo chí, sáng ngày 23 tháng Tám ở Kochi, Ấn Độ, cha Antony Vadakkekara, Trưởng ban thông tin của Giáo hội Syro Malabar cho biết Đức Tổng Giám Mục Đặc sứ của Đức Thánh Cha sẽ trở lại Ấn Độ để tiếp tục giúp giải quyết vấn đề cử hành thánh lễ thống nhất trong Giáo hội này.

Cho đến nay, chỉ có bảy giáo xứ trong số 328 giáo xứ tại Giáo phận Ernakulam-Angamaly chấp nhận cử hành thánh lễ theo nghi thức thống nhất đã được giáo quyền phê chuẩn.

Nhà lãnh đạo trong nhóm chống đối là linh mục Mundadan, Tổng thư ký Hội đồng Linh mục của Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly. Linh mục này đã viết thư cho Đức Hồng Y Pietro Parolin để phản đối Đặc sứ của Đức Thánh Cha và nói là Đức Tổng Giám Mục “hành xử như một pháp tòa điều tra thời Trung Cổ”, đồng thời cho biết sở dĩ cha không chấp nhận cách thức cử hành thánh lễ theo nghi thức mới là vì các tín hữu, chứ không phải vì không vâng lời Đức Giáo Hoàng.

Tuy nhiên cha Vadakkekara, Phát ngôn viên của Giáo phận Ernakulam nói rằng “Lá thư của cha Mundadan gửi Đức Hồng Y Parolin chỉ là tiếng kêu gọi của phe đang thua cuộc trong sự gan lỳ bất công. Thư đó cũng nhắm che đậy cuộc tấn công Đức Tổng Giám Mục Cyril Vasil, Đặc sứ của Đức Thánh Cha tại Tổng giáo phận này. Lá thư đó là một sự bất tuân phục tỏ tường của cha Mandadan”.

Cha Jose Vailikodath, thư ký của Hội đồng Bảo vệ Tổng giáo phận, người cũng đang lãnh đạo phe đối lập, gọi nỗ lực khôi phục trật tự của Đức Cha Vasil là “một thất bại hoàn toàn”.

Theo Cha Vailikodath, một linh mục khác của tổng giáo phận đã đệ đơn khiếu nại Đức Cha Vasil trước một thẩm phán dân sự trong khu vực, cáo buộc rằng Đức Cha Vasil không có thẩm quyền đe dọa các hình phạt đối với các linh mục vì người quản lý tông tòa của Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly thực sự là Tổng giám mục Andrews Thazhath, người được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào vai trò đó vào tháng 7 năm 2022.

Đức Cha Thazhath đã đưa ra một tuyên bố vào Chúa Nhật ủng hộ mạnh mẽ Đức Cha Vasil và yêu cầu các linh mục bất đồng tuân thủ.

“Với tư cách là người đại diện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Cyril Vasil đã thông báo rằng từ hôm nay, ngày 20 tháng 8, tại tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly, chỉ nghi thức Thánh Thể được Thượng Hội đồng phê chuẩn mới được phép”

3. 116 Đại học Công Giáo Mỹ Latinh kêu gọi chính phủ Nicaragua

116 Đại học Công Giáo tại Mỹ châu Latinh kêu gọi nhà cầm quyền Nicaragua rút lại quyết định trưng thu Đại học Công Giáo Trung Mỹ, ở Managua và trục xuất các cha Dòng Tên ra khỏi tu viện của các vị.

Trong thông cáo công bố hôm 22 tháng Tám vừa qua, Tổ chức các Đại học Công Giáo Mỹ châu Latinh và quần đảo Caraibí, gọi tắt là ODUCAL, với trụ sở tại thành phố Salta, Á Căn Đình, khẳng định rằng Đại học Công Giáo Trung Mỹ có hơn 60 năm lịch sử và đã đóng góp rất nhiều cho việc giảng huấn, nghiên cứu, và có ảnh hưởng rất lớn trên công chúng, luôn nỗ lực tìm kiếm hòa bình và công lý tại Nicaragua. Tổ chức ODUCAL bày tỏ tình liên đới với các cha Dòng Tên, đứng trước “hành vi bạo lực và độc đoán của chính quyền Nicaragua, bách hại chống lại 26 trung tâm giáo dục cao đẳng tại nước này cũng như tịch thu tài sản của các cơ sở này.”

Tổ chức ODUCAL kêu gọi Tổng thống Daniel Ortega tìm một giải pháp hợp lý để sự thật, công lý, đối thoại và sự bênh vực tự do giảng huấn được trổi vượt. Ngoài ra, tổ chức này cũng liên đới với nhân dân Nicaragua đồng thời tái khẳng định lập trường bênh vực các quyền con người và hòa bình, trong lúc các dân tộc ở nhiều nơi đang bị hạn chế các nhân quyền và tự do.

Tin mới nhất cho biết hôm 23 tháng Tám, Bộ Nội vụ Nicaragua đã giải tán Dòng Tên tại nước này, xóa bỏ pháp nhân và tịch thu tất cả tài sản của dòng tại đây.