Ngày 29-08-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội (8)
Vũ Văn An
00:58 29/08/2008
Chương V: Lời Chúa trong các thừa tác vụ của Giáo Hội

“Bánh Ban Sự Sống từ Bàn Thánh của cả Lời Chúa lẫn Thân Thể Chúa Kitô” (DV21)

Thừa tác vụ Lời Chúa

32. "Giống như chính Kitô giáo, tất cả các rao giảng của Giáo Hội phải được Sách Thánh nuôi dưỡng và điều hướng” (DV 21). Điều trói buộc đặc thù này, từng được Công đồng Vatican II nhắc nhở, đòi ta phải cố gắng thực sự.

Các giáo hội đặc thù đang đưa ra nhiều chương trình phục vụ Lời Chúa trong nhiều khung cảnh và hoàn cảnh khác nhau. Nơi đệ nhất hạng đang được đưa ra để cảm nghiệm Lời Chúa là trong phụng vụ Thánh Thể và các bí tích. Các câu trả lời (cho Bản Đề Cương) đều đề nghị dùng lối Đọc Lời Chúa (Lectio Divina), làm lối đọc lý tưởng, tức lối vừa đọc vừa cầu nguyện Lời Chúa, theo từng cá nhân hay theo nhóm. Nên dùng việc dạy giáo lý như một dẫn nhập vào Sách Thánh. Các chương trình và các bài giáo lý, ấy là chưa kể việc rao giảng và các hình thức đạo đức bình dân, nên đặt cơ sở trên Thánh Kinh. Hơn nữa, các cơ quan tông đồ thánh kinh cần tạo ra cuộc gặp gỡ Lời Chúa bằng cách thành lập và hướng dẫn các nhóm học hỏi Thánh Kinh cách nào đó để bảo đảm rằng Lời, Bánh Ban Sự Sống, cũng trở thành bánh vật chất để trợ giúp người nghèo và người đau khổ. Học hỏi và gặp gỡ, nhất là trong các cuộc trao đổi liên tôn và liên văn hóa, hết sức cần phải dành một địa vị trân qúy cho Lời Chúa so với văn hóa và tinh thần con người. Việc thể hiện các mục tiêu này đòi phải có một đức tin chăm chú, một lòng nhiệt thành tông đồ và một chương trình mục vụ đầy sáng tạo, thực hiện chu đáo, và liên tục, đặt trọng tâm vào việc cổ vũ tinh thần hiệp thông. Nhu cầu phải có một chương trình mục vụ luôn đặt căn bản trên Thánh Kinh chưa bao giờ lại lớn hơn lúc này.

Theo viễn tượng hiệp nhất và hành động qua lại, đặc điểm năng động trong cuộc gặp gỡ giữa Lời Chúa với con người cần được nhìn nhận và hỗ trợ trọn vẹn, một năng động tính vốn tạo cơ sở cho mọi sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội. Điều tất yếu là Lời, khi được công bố và được nghe, sẽ trở thành Lời được cử hành trong Phụng vụ và trong các bí tích, ngõ hầu linh hứng cho những cuộc đời biết sống theo Lời Chúa trong hiệp thông, trong đức ái và trong sứ vụ sai đi (43).

Một kinh nghiệm trong Phụng vụ và Cầu nguyện

33. Các giáo hội đặc thù có nhiều kinh nghiệm chung. Đối với đa số Kitô hữu khắp thế giới, việc cử hành Thánh Thể vào các Chúa Nhật là cuộc gặp gỡ duy nhất với Lời Chúa. Dân Chúa càng ngày càng ý thức được sự quan trọng của các buổi phụng vụ Lời Chúa, một phần nhờ sự thúc đẩy do việc tham chiếu và tái duyệt chúng trong Sách Bài Đọc mới đem lại. Về phương diện này, một số câu trả lời (cho Bản Đề Cương) có gợi ý rằng các ngài muốn thấy có sự phối trí tốt hơn về chủ đề của ba bài đọc cũng như sự trung thành hơn trong việc dịch bản văn gốc. Các bài giảng cần được cải thiện cách rõ ràng. Trong một số trường hợp, Phụng vụ Lời Chúa cũng được dùng như một hình thức của lối Đọc Lời Chúa (Lectio Divina). Vẫn cần phải làm nhiều nữa để khuyến khích tín hữu giáo dân tham gia vào việc cầu nguyện Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Đồng thời, một số vị cũng cho thấy Dân Chúa chưa bao giờ thực sự được dẫn nhập vào thần học Lời Chúa trong phụng vụ. Một số người vẫn sống một cách thụ động, không biết gì tới đặc tính bí tích của nó và chưa ý thức được các nét phong phú chứa trong các phần dẫn nhập của các sách nói về phụng vụ, đôi khi vì các vị giám mục tỏ ra thờ ơ. Nhiều dấu hiệu và cử chỉ đúng nghĩa của Phụng Vụ Lời Chúa thường vẫn bị coi là thủ tục bề ngoài mà không hiểu ý nghĩa bên trong. Đôi khi, mối liên hệ của Lời Chúa với các bí tích, nhất là bí tích Thống Hối, xem ra chỉ nhận được rất ít giá trị.

Nền tảng thần học và mục vụ: Lời, Thần trí, Phụng vụ và Giáo hội

34. Người thuộc mọi phạm vi trong đời sống Giáo Hội cần hiểu tốt hơn rằng phụng vụ là nơi ưu tuyển của Lời Chúa, nơi Giáo Hội được xây dựng bồi đắp. Thành thử, một số điểm nền tảng, rất quan trọng sau đây, cần được lưu ý

- Thánh Kinh là sách của một dân tộc và dành cho một dân tộc, được tiếp nhận như một gia bảo và là một chứng ước được trao cho người đọc để hiện thực hóa, ngay trong đời sống họ, lịch sử cứu độ đã được ghi lại trong đó. Cho nên, giữa Dân và sách có cả một mối liên hệ hỗ tương và đem lại sự sống. Thánh Kinh trở thành sinh động khi Dân đọc nó. Dân không thể hiện hữu nếu không có Sách, vì Sách chứa đựng lý do làm họ hiện hữu, ơn gọi và chính bản sắc họ.

- Mối liên hệ hỗ tương giữa Dân và Sách Thánh được cử hành trong cộng đoàn phụng vụ, vốn là nơi diễn ra công việc tiếp nhận Thánh Kinh. Về phương diện này, bài diễn văn của Chúa Giêsu ở Hội Đường Nadarét (xem Lc 4:16-21) có một ý nghĩa đặc biệt. Điều đã diễn ra ở đấy cũng diễn ra mỗi lần Lời Chúa được công bố trong phụng vụ.

- Việc công bố Lời Chúa trong Sách Thánh là kết quả hành động của Chúa Thánh Thần. Sức mạnh từng biến Lời thành sách, và giờ đây, thành phụng vụ, đang biến đổi sách thành Lời. Thực thế, truyền thống phụng vụ ở Alexandria có đến hai lời epiclesis, tức lời khẩn cầu Thần Trí trước khi công bố các bài đọc và lời cầu sau bài giảng (44). Thần Trí hướng dẫn vị chủ tế, trong nhiệm vụ tiên tri, phải hiểu, phải công bố và giải thích thỏa đáng Lời Chúa cho cộng đoàn và, theo chiều song hành, cầu khấn cho việc tiếp nhận chân chính và xứng đáng Lời Chúa nơi cộng đoàn tụ tập.

- Nhờ Chúa Thánh Thần, cộng đoàn phụng vụ lắng nghe Chúa Giêsu “chính Người nói khi Sách Thánh được đọc lên trong Giáo Hội” (SC 7) và tiếp nhận giao ước, được Thiên Chúa canh tân với Dân Người. Như thế, Sách Thánh và phụng vụ đồng quy về một mục đích duy nhất là đem Dân vào cuộc đối thoại với Chúa. Lời, vốn do miệng Thiên Chúa phán ra và được chứng thực trong Sách Thánh, nay trở về với Thiên Chúa dưới hình thức cầu nguyện đáp trả của Dân Người (xem Is 55:10-11).

- Trong các cử hành phụng vụ, việc công bố Lời Chúa trong Sách Thánh là một cuộc đối thoại đầy tính năng động, một cuộc đối thoại đạt tới đỉnh cao nhất của năng động tính trong cộng đoàn Thánh Thể. Xuyên suốt lịch sử Dân Chúa, cả trong thời thánh kinh lẫn thời hậu thánh kinh, ngay từ khởi thủy, Thánh Kinh đã là sách cung cấp sự trợ giúp trong mối liên hệ của Chúa với Dân Người, nghĩa là, sách thờ phượng và cầu nguyện. Thực vậy, Phụng Vụ Lời Chúa “không hẳn là lúc suy gẫm hay học giáo lý mà đúng hơn là một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và Dân của Người, một cuộc đối thoại trong đó các kỳ công của cứu rỗi được công bố và các yêu cầu của Giao Ước liên tục được thuật lại” (45).

- Một phần cấu thành mối liên hệ của Lời với hành động phụng vụ là việc cầu nguyện Phụng Vụ Các Giờ Kinh. Dù hết sức quan trọng đối với toàn bộ Giáo Hội, Phụng Vụ Các Giờ Kinh có một ý nghĩa đặc thù trong đời sống tận hiến. Phụng Vụ Các Giờ Kinh đặc biệt thích hợp để đào tạo việc cầu nguyện, chủ yếu vì các Thánh Vịnh đã minh hoạ cách tuyệt vời đặc điểm nhân thần của Sách Thánh. Các Thánh Vịnh quả là trường dạy cầu nguyện, trong đó, người hát hay đọc thánh vịnh học nghe, học nội tâm hóa và học giải thích Lời Chúa.

- Ngoài việc tiếp nhận Lời Chúa trong việc cầu nguyện bản thân và cộng đoàn ra, mọi Kitô hữu còn có trách nhiệm không thể tránh né phải tiếp nhận nó trong cầu nguyện phụng vụ. Việc này đòi phải có một cái nhìn mới đối với Sách Thánh, một cái nhìn coi Thánh Kinh không phải chỉ là một cuốn sách viết, nhưng là một công bố về và một chứng ước đối với Con Người Chúa Giêsu Kitô nhờ Chúa Thánh Thần. Theo đoạn đã trích dẫn truớc đây từ Công Đồng Vatican II, “Chúa Kitô hiện diện trong Lời của Người, vì chính Người nói khi Sách Thánh được đọc lên trong Giáo Hội” (SC 7). Thành thử, “Sách Thánh có tầm quan trọng lớn nhất trong cử hành phụng vụ” (SC 24).

Lời Chúa và Thánh Thể

35. Đôi khi, Phụng Vụ Lời Chúa không được chuẩn bị đầy đủ hay không được nối kết đúng đắn với Phụng Vụ Thánh Thể. Có một sợi dây chặt chẽ liên kết Lời Chúa với Thánh Thể được coi như chứng ước có tính thánh kinh (xem Ga 6), được các Giáo Phụ củng cố và được Công Đồng Vatican II tái khẳng định (xem SC 48, 51, 56; DV 21, 26; AG 6, 15; PO 18; PC 6). Về phương diện này, Truyền Thống vĩ đại của Giáo Hội có nhiều biểu thức có ý nghĩa có thể dùng làm điển hình: “Corpus Christi intelligitur etiam Scriptura Dei" ("Sách Thánh cũng được coi là Thân Thể Chúa Kitô”) (46), và "Ego Corpus Iesu Evangelium puto" ("tôi coi Phúc âm là Thân Thể Chúa Kitô”)(47).

Việc càng ngày càng ý thức được sự hiện diện của Chúa Kitô trong Lời Người đang được chứng tỏ là hữu ích trong việc chuẩn bị tức khắc để cử hành Thánh Thể cũng như trong hành động kết hợp với Chúa trong cử hành Lời Người. Thành thử, Thượng Hội Đồng lần này, dù vẫn luôn chủ trương tính ưu tiên của Bí Tích Thánh Thể, đã tìm cách suy tư một cách đặc biệt về mối liên hệ của Lời Chúa với Phép Thánh Thể (48). Thánh Giêrôm nhận định về vấn đề này như sau: “Thịt Chúa là lương thực thật sự và máu Người là của uống thật sự; đây thật là của cải của ta ở đời này: nuôi sống ta bằng thịt của Người và uống máu của Người không phải chỉ trong Phép Thánh Thể mà còn trong việc đọc Sách Thánh nữa. Thực vậy, Lời Chúa, được rút ra từ nhận thức Sách Thánh, là của ăn và của uống thật sự” (49).

Lời Chúa và nhiệm cục Bí Tích

36. Lời Chúa phải được sống trong nhiệm cục Bí Tích, được coi không những chỉ là thông truyền sự thật, giáo huấn và giới răn luân lý, mà còn là tiếp nhận sức mạnh và ơn thánh. Một cái hiểu như thế không những tạo ra cuộc gặp gỡ cho người nghe bằng đức tin, mà còn làm nó trở thành một cử hành giao ước thật sự.

Một số vị trả lời đã kêu gọi phải dành một xem xét ngang nhau cho nhiều hình thức gặp gỡ Lời Chúa khác nhau: trong hành động phụng vụ, trong các bí tích, trong việc cử hành năm phụng vụ, trong Phụng Vụ Các Giờ Kinh và trong các á bí tích. Cần phải đặc biệt chú ý tới Phụng Vụ Lời Chúa trong cử hành ba Bí Tích Khai Tâm Kitô Giáo: Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể. Cần phải có ý thức đổi mới trong việc công bố Lời Chúa trong các cử hành khác nhau, nhất là trong việc cử hành Bí Tích Thống Hối của cá nhân. Các vị cũng kêu gọi phải có sự am tường Lời Chúa trong nhiều hình thức thuyết giảng và đạo đức bình dân.

Các hệ quả mục vụ

37. Thánh Thể, nhất là Thánh Thể Chúa Nhật, đáng được ta chú ý trước nhất trong sinh hoạt mục vụ, vì “bàn thánh Lời và Bánh Sự Sống” liên kết với nhau hết sức mật thiết (DV 21). Thánh Thể là “nơi ưu tuyển trong đó sự hiệp thông luôn được công bố và nuôi dưỡng” (50). Vì đối với phần đông Kitô hữu, Thánh Lễ Chúa Nhật là giây phút độc nhất trong cuộc gặp gỡ bí tích của họ với Chúa Giêsu, nên việc nhiệt thành cổ vũ các buổi Phụng Vụ Thánh Thể chân chính và vui tươi trở thành vừa là một bổn phận vừa là một ơn phúc. Mục đích chính của việc công bố và đời sống Kitô giáo nói chung chính là Phép Thánh Thể, được cử hành theo chiều hướng biểu lộ được sự kết hợp mật thiết giữa Lời Chúa, hy lễ và hiệp thông.

Cần phải thận trọng để bảo đảm cho các phần khác nhau của Phụng Vụ Lời Chúa được diễn tiến một cách hoà hợp (công bố các bài đọc, bài giảng, tuyên xưng đức tin và lời nguyện giáo dân), để ý tới mối liên kết mật thiết của chúng với phụng vụ Thánh Thể (51). Đấng, được bản văn nhắc đến, tự làm Người hiện diện trong hy lễ toàn thiêu dâng lên Chúa Cha.

Phần dẫn nhập trong các sách phụng vụ, là sách giải thích các yếu tố trong phụng vụ, cần được trân trọng nhiều hơn, nhất là những Ghi chú trước (Prænotanda) của Sách Lễ Rôma, Kinh Thượng Tiến (Anaphore) của các Giáo Hội Đông Phương, Thứ Tự Các Bài Đọc Thánh Lễ (Ordo Lectionum Missæ), Sách Các Bài Đọc (Lectionaries), và Kinh Thần Vụ (Divine Office), tất cả nên được bao gồm trong chương trình đào tạo phụng vụ cho các mục tử và tín hữu, cùng với Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh của Công Đồng Vatican II.

Trong các công trình phiên dịch, cần phải bớt việc phân đoạn và trung thành hơn với nguyên bản. Vì nghi thức và lời nói phải được liên kết cách mật thiết với nhau trong phụng vụ (xem SC 35), nên việc gặp gỡ Lời Chúa phải xẩy ra qua đặc tính đặc thù của các dấu hiệu đang diễn ra trong cử hành phụng vụ, như nơi đặt bục đọc sách, việc chăm sóc các sách phụng vụ, phong cách đọc sao cho đúng đắn, và việc rước và xông hương Phúc Âm.

Trong Phụng Vụ Lời Chúa, phải hết sức chú ý tới việc công bố rõ ràng, dễ hiểu bản văn và bài giảng dựa trên Lời Chúa (52). Điều này đòi người đọc phải có khả năng, được chuẩn bị kỹ. Vì mục đích ấy, họ cần được huấn luyện tại trường, nếu cần thì tại những trường do giáo phận thiết lập. Đồng thời, Lời Chúa sẽ được hiểu tốt hơn nếu người đọc có thể thực hiện mấy lời giới thiệu ngắn về ý nghĩa của bài đọc sẽ được công bố.

Trong bài giảng, các vị giảng thuyết cần cố gắng hơn để trung thành với bản văn thánh kinh và lưu ý tới điều kiện của tín hữu, giúp họ có thể giải thích được chính các biến cố trong cuộc sống bản thân của họ và các biến cố lịch sử dưới ánh sáng đức tin. Khía cạnh thánh kinh này, nếu thuận tiện, nên được bổ túc bằng những điều căn bản về thần học và luân lý.

Thành thử, việc đào tạo đúng đắn các thừa tác viên tương lai là điều tối cần. Một số vị đề nghị pha trộn cả thánh ca và âm nhạc vào việc thông truyền Lời Chúa và biết trân qúy hơn đối với cả lời nói lẫn im lặng. Bên ngoài phụng vụ, các hình thức kịch hóa Lời Chúa khác nhau có thể thực hiện bằng trước tác, hình ảnh và cả công trình nghệ thuật nữa, tỷ dụ như các cuộc trình diễn tôn giáo (religious shows).

Một số vị lại muốn các cộng đoàn tu trì, nhất là các cộng đoàn đan viện, hỗ trợ các cộng đoàn giáo xứ khám phá ra khiếu thưởng ngoạn Lời Chúa qua các cử hành phụng vụ. Vì giáo dân ngày nay càng ngày càng tỏ ra thích thú tham dự vào Phụng Vụ Các Giờ Kinh, nên ngày nay, cần phải xem sét cách làm cho phương tiện truyền thông Lời Chúa tuyệt diệu này dễ tới tay tín hữu hơn và tham dự nhiều hơn vào sinh hoạt mục vụ.

Lối Đọc Lời Chúa (Lectio Divina)

38. Cầu nguyện bằng Lời Chúa là một cảm nghiệm ưu hạng, xưa nay vẫn gọi là Lối Đọc Lời Chúa. “Lectio Divina có nghĩa là đọc, cả trên bình diện cá nhân lẫn bình diện cộng đoàn, một đoạn Sách Thánh dài ngắn tùy theo, được tiếp nhận như Lời Chúa và nhờ ơn Chúa Thánh Thần thúc đẩy, sẽ dẫn ta tới suy niệm, cầu nguyện và chiêm niệm”(53). Toàn thể Giáo Hội ngày nay xem ra đang tái chú ý đặc biệt tới Lối Đọc Lời Chúa này. Ở một số nơi, người ta vốn dùng lối này theo truyền thống. Tại một số giáo phận, thói quen này đã từ từ gia tăng sau Công đồng vatican II. Nhiều cộng đoàn đang coi nó như một hình thức cầu nguyện mới và là một nền linh đạo Kitô giáo có thể đem lại nhiều lợi ích có ý nghĩa cho phong trào đại kết. Đồng thời, một số vị nhận ra nhu cầu phải xem sét các khả thể thật sự trong hàng ngũ tín hữu và thích ứng hình thức cổ điển này vào các hoàn cảnh khác nhau, cách nào đó để có thể bảo tồn được cả yếu tính lối vừa đọc vừa cầu nguyện này mà vẫn nhấn mạnh được các giá trị nuôi dưỡng của nó đối với đức tin của người ta. Lối Đọc Lời Chúa là lối đọc Thánh Kinh đã có từ thuở sơ khai của Kitô giáo và từng là một gia tài của Giáo Hội trong suốt lịch sử của mình. Các đan viện là nơi đã bảo tồn lối thực hành này. Tuy nhiên, ngày nay, Chúa Thánh Thần, qua Huấn Quyền, đã đề nghị dùng lối đọc này làm một phương tiện mục vụ hữu hiệu và là một dụng cụ giá trị trong Giáo Hội để giáo dục và đào tạo thiêng liêng cho các linh mục, trong đời sống hàng ngày của nam nữ tu sĩ sống đời tận hiến, trong các cộng đồng giáo xứ, trong các gia đình, hiệp hội và phong trào, và nơi tín hữu bình thường, cả già lẫn trẻ, bất cứ ai biết coi hình thức đọc này như một phương thế thực tiễn và có thể áp dụng được, để mọi cá nhân cũng như mọi cộng đoàn có thể tiếp xúc với Lời Chúa (xem OT 4) (54).

Theo Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: “Điều đặc biệt cần thiết là việc lắng nghe Lời Chúa phải trở thành cuộc gặp gỡ đem lại sự sống, theo truyền thống Đọc Lời Chúa ngày xưa nhưng luôn có giá trị, là lối đọc rút tỉa lời hằng sống từ bản văn Thánh Kinh, vốn là lời tra vấn, điều hướng và lên khuôn đời ta” (55). Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI cũng nói cụ thể rằng điều ấy phát sinh “qua việc dùng các phương pháp mới, đã được suy tư qua và cùng nhịp với nhiều thời kỳ” (56). Một cách đặc biệt, Đức Thánh Cha nhắc nhở giới trẻ rằng: “Điều luôn quan trọng là phải đọc Thánh Kinh theo lối hết sức bản thân, theo lối chuyện vãn bản thân với Thiên Chúa; nhưng, đồng thời, điều cũng quan trọng nữa là phải đọc nó trong tình đồng hành với người ta có thể cùng họ thăng tiến…” (57). Ngài thúc giục họ: “hãy trở nên quen thuộc với Thánh Kinh, và luôn có nó trong tay để nó trở thành kim chỉ nam chỉ đường cho chúng con đi theo” (58). Trong một sứ điệp gửi nhiều lớp người khác nhau, nhất là giới trẻ, Đức Thánh Cha bày tỏ ý muốn thâm sâu của Ngài rằng việc ước chi việc thực hành lối Đọc Lời Chúa được truyền bá như một yếu tố quan trọng trong việc canh tân đức tin ngày nay. Ngài phát biểu: “Cha đặc biệt muốn nhắc nhớ và đề nghị truyền thống Đọc Lời Chúa cổ xưa: tức việc siêng năng đọc Sách Thánh kèm với lời cầu nguyện; lối đọc này sẽ đem lại cuộc đối thoại thân mật kia, cuộc đối thoại trong đó người đọc nghe Chúa nói, và trong lúc cầu nguyện, họ đáp lại tiếng Người với một trái tim rộng mở tin yêu (xem DV 25). Nếu ta chịu cổ vũ nó một cách hữu hiệu, Cha tin chắc lối thực hành này sẽ đem về cho Giáo Hội một mùa xuân thiêng liêng mới. Là một trọng điểm trong thừa tác vụ thánh kinh, nên Lối Đọc Lời Chúa nên được khích lệ mỗi ngày một hơn, cùng với việc dùng các phương pháp mới, đã được suy tư qua và cùng nhịp với nhiều thời kỳ. Không bao giờ nên quên rằng Lời Chúa là ngọn đèn soi bước chân ta và là ánh sáng dẫn lối ta đi (xem Tv 119:105)” (59).

Tính cách mới mẻ của Lối Đọc Lời Chúa nơi Dân Chúa đòi phải có một nền sự phạm khai tâm thích hợp để dẫn người ta tới việc hiểu biết tốt điều đang được nói tới và cung cấp được một giáo huấn rõ ràng về ý nghĩa của từng bước và cách áp dụng chúng vào cuộc sống một cách vừa trung thành vừa khôn ngoan một cách sáng tạo. Các chương trình khác nhau, như Bẩy Bước (Seven Steps), ngày nay cũng đang được nhiều giáo hội đặc thù ở Phi Châu thực hành. Hình thức Đọc Lời Chúa này có cái tên đó là do bẩy thời điểm gặp gỡ Thánh Kinh (nhìn nhận sự hiện diện của Chúa, đọc bản văn, dừng lại ở bản văn, ở thinh lặng, chia sẻ những cái nhìn thông sáng, cùng nhau tìm tòi và cùng nhau cầu nguyện) trong đó, suy niệm, cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa là chính yếu. Ở một số nơi khác, Lối Đọc Lời Chúa được gọi bằng tên khác, như “Trường Lời Chúa” (the School of the Word) hay “Đọc trong Cầu Nguyện” (Reading in Prayer). Vì sự thay đổi nhanh chóng và vì hoàn cảnh đôi khi quá phân mảnh trong đời sống người thời nay, nên người nghe hay người đọc Lời Chúa có khác với người nghe hay người đọc trước đây, nên đòi hỏi hàng giáo sĩ, các vị tận hiến và tín hữu giáo dân phải nhận được một sự đào tạo có tính huấn giáo, kiên nhẫn và liên tục. Về phương diện này, việc chia sẻ kinh nghiệm, rút tỉa từ việc lắng nghe Lời Chúa (collatio) (60) hay các áp dụng thực tiễn và trên hết từ các công tác bác ái (actio), từng được thực hiện ở nhiều nơi, quả là hữu ích. Lối Đọc Lời Chúa nên trở thành nguồn gây hứng cho các thực hành khác nhau của cộng đoàn, như các buổi linh thao, cấm phòng, tôn sùng và cảm nghiệm tôn giáo. Một mục tiêu quan trọng là giúp người ta trưởng thành trong việc đọc Lời Chúa và nhận thức rõ ràng được thực tại một cách khôn ngoan.

Lối Đọc Lời Chúa không chỉ dành cho một ít người, tức các cá nhân nhiều cam kết nhất trong hàng ngũ tín hữu hay các nhóm chuyên cầu nguyện. Thực ra, Lối Đọc Lời Chúa này là một yếu tố cần thiết trong cuộc sống Kitô hữu chân chính giữa lòng một xã hội bị tục hóa, một xã hội cần có những người chiêm niệm, chăm chú, biết phê phán và quả cảm, những người đôi lúc phải đưa ra những lựa chọn hoàn toàn mới, chưa ai thử bao giờ. Các trách vụ đặc thù ấy không phải chỉ là thói quen hoàn toàn cũng không do công luận mà có nhưng do lắng nghe Lời Chúa mà phát sinh ra và nhận ra sự đánh động huyền nhiệm của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn.

Lời Chúa và việc phục vụ bác ái

39. Diakonia (hàng ngũ phó tế) hay việc phục vụ bác ái là một ơn gọi trong Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô để đáp lại đức ái đã được Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể biểu lộ bằng lời nói và việc làm. Lời Chúa vì thế cần phải dẫn ta tới tình yêu thương người khác. Nhiều cộng đoàn đang chứng tỏ rằng cuộc gặp gỡ với Lời Chúa không chỉ giới hạn vào việc nghe mà thôi hay vào việc cử hành không hơn không kém, nhưng còn là tìm cách trở thành một cam kết thật sự, trong tư cách cá nhân hay một cộng đoàn, đối với người nghèo vốn là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa chúng ta. Cái hiểu này tạo cơ sở cho cách tiếp cận Thánh Kinh có tính giải thoát. “Yếu tố quyết định” trong việc triển khai hơn nữa các tiếp cận này và các ích lợi của nó đối với Giáo Hội “sẽ hệ ở việc minh giải các giả định chú giải (hermeneutical presuppositions) của nó, các phương pháp của nó và các gắn bó rõ rệt của nó với đức tin và Truyền Thống của Giáo Hội như một toàn bộ” (61).

Mối liên hệ của Lời Chúa với đức ái cần phải được chứng tỏ ngay tức khắc, vì đức ái đặc biệt có sức mạnh tạo ra cuộc gặp gỡ với Lời Chúa đối với cả người tin lẫn người không tin. Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã chứng thực được mối liên hệ ấy trong thông điệp

Deus Caritas Est (Thiên Chúa là tình yêu) của Ngài, khi Ngài nhấn mạnh tới ba yếu tố tạo nên bản chất yếu tính của Giáo Hội: công bố Lời Chúa (Kerygma-martyria = rao giảng và tử đạo), cử hành các bí tích (leitourgia = phụng vụ) và thực thi thừa tác vụ bác ái (diakonia = hàng ngũ phó tế). Đức Thánh Cha viết: “Giáo Hội không thể lãng quên việc phục vụ bác ái cũng như không thể quên các Bí Tích Lời Chúa” (62). Thông Điệp Spe Salvi (Được cứu rỗi nhờ Đức Cậy) cũng tuyên bố rằng: “sứ điệp Kitô giáo không phải chỉ ‘thông tri’ mà còn ‘thông diễn’ (performative) nữa. Nghĩa là: Phúc Âm không chỉ thông truyền điều cần biết, mà còn làm cho sự vật xẩy ra và thay đổi cuộc sống. Cánh cửa đen tối của thời gian, của tương lai, đã được mở toang ra. Người có đức cậy sống cách khác hẳn; người hy vọng là người được ban cho quà phúc sự sống mới” (63). Căn bản cho mối tương quan giữa Lời và đức ái rõ ràng là gương sáng của chính Ngôi Lời làm người, tức Chúa Giêsu Nadarét, Đấng “đi khắp nơi làm việc thiện và chữa lành mọi người bị qủy ám, vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10:38).

Nhiều trang Sách Thánh không những khuyên mà còn ra lệnh phải kính trọng công lý đối với người lân cận của mình (xem Đnl 24:14-15; Am 2:6-7; Giêrêmia 22:13; Ge 5:4). Trung thành với Lời Chúa chỉ có, khi hình thức bác ái đầu tiên được thể hiện qua việc tôn trọng các quyền của con người nhân bản và qua việc bênh vực kẻ bị áp bức và những ai đau khổ. Vì lý do đó, các cộng đoàn đức tin đã đáp lại bằng một tầm quan trọng đặc thù, đặt cơ sở trên việc đọc Thánh Kinh, một việc đọc cũng phải bao gồm cả người nghèo nữa, là những người cần nghe sứ điệp ủi an và hy vọng. Bằng Lời của mình, Chúa chúng ta, Đấng vốn yêu sự sống, hằng muốn soi sáng, hướng dẫn và đem an ủi khích lệ đến cho các tín hữu trong suốt cuộc đời họ và ở mọi khía cạnh của cuộc đời ấy: nơi làm việc, lúc cử hành, lúc đau khổ, lúc vui chơi nhàn tản, trong các bổn phận đối với gia đình và xã hội và trong mọi khoảnh khắc đời sống, để mọi người có thể cân nhắc mọi sự và giữ vững lấy điều tốt (xem 1 Tx 5:21), nhờ thế mà tiến được đến chỗ nhận ra ý Thiên Chúa và đem nó ra thực hành (xem Mt 7:21).

Chú giải Sách Thánh và thần học

40. "Việc học hỏi Sách Thánh hiện nay, cũng như trước đây, vẫn là linh hồn của thần học thánh” (DV 24). Chắc chắn một điều: ta phải ca ngợi Chúa vì những hoa trái phát sinh trong thời kỳ sau Công Đồng Vatican II, mà một trong các hoa trái đó chính là sự cam kết của đa số các nhà chú giải và thần học trong việc nghiên cứu và giải nghĩa Thánh Kinh “theo cảm thức của Giáo Hội” cũng như giải thích và trình bầy Lời Chúa, đã được viết trong Thánh Kinh, trong bối cảnh Thánh Truyền sống động. Khi làm như thế, họ cũng xét tới gia sản của các Giáo Phụ và các hướng dẫn của Huấn Quyền (DV 12). Qua cách đó, họ đem lại cho các mục tử nhiều trợ giúp đối với thừa tác vụ của các ngài, và vì thế, đáng được cám ơn và khích lệ (64).

Theo một nghĩa, vì Lời Thiên Chúa đã thành nhục thân và ở giữa chúng ta (xem Ga 1:14), nên Thần Trí đang thúc giục ta phải suy niệm về lộ trình mới, một lộ trình Người có ý định theo đuổi giữa người thời nay. Đồng thời, cũng một Thần Trí này đã sai ta đi để quy tụ mọi viễn tượng và thách thức của con người về cho Lời. Cả hai khía cạnh ấy đòi phải có nhiều cố gắng mới để học hỏi và phục vụ cộng đoàn.

Học hỏi nghiên cứu trong phạm vi này đòi phải có một chương trình được thiết lập dựa trên các hướng dẫn của Huấn Quyền, gồm kiến thức, phương pháp nghiên cứu và diễn trình giải thích tập chú vào tính viên mãn do nghĩa thiêng liêng của bản văn thánh đem lại (65). Khi tiến hành công việc, cần phải vượt qua sự chia rẽ biểu kiến giữa việc nghiên cứu chú giải và phát biểu thần học và phải dẫn tới sự hợp tác hỗ tương (giữa hai ngành đó). Rồi thần học phải dùng các dữ kiện thánh kinh một cách khác quan, còn khoa nghiên cứu chú giải thì đừng tự giới hạn mình vào việc giải thích theo nghĩa đen mà thôi, trái lại phải biết nhìn nhận và thông truyền nội dung thần học có trong bản văn linh hứng. Một cách đặc biệt, khoa nghiên cứu thần học phải làm việc tay trong tay với khoa thần học Thánh Kinh coi nó như một trợ giúp để hiểu và biết đánh giá chân lý của Thánh Kinh trong đời sống đức tin, trong đối thoại với các nền văn hóa và trong việc phản ảnh đối với các trào lưu nhân học, các vấn nạn luân lý, đức tin và lý trí và đối thoại với các tôn giáo lớn thời nay.

Nghiên cứu chú giải và nghiên cứu thần học cũng phải biết đánh giá chứng tá từ Thánh Truyền, như phụng vụ và các Giáo Phụ. Đối với những người hiến thân chuyên chăm nghiên cứu, cộng đồng Kitô giáo chờ mong ở họ “các trợ giúp thích hợp”, giúp các thừa tác viên Lời Chúa mang lại được “của dưỡng nuôi của Lời Chúa cho Dân Chúa, để soi sáng tâm trí họ, củng cố ý chí họ, và làm tâm hồn họ rực lên lửa yêu mến Chúa” (DV 23). Để thực hiện được điều ấy, một vài vị kêu gọi phải có cuộc đối thoại liên tục có tính xây dựng giữa các nhà chú giải, thần học và mục tử, một đối thoại có thể dẫn tới việc biến suy tư thần học thành những đề nghị phúc âm hóa chính xác hơn. Nói tổng quát, cần phải chú ý hơn tới các khuyến cáo trong Sắc lệnh Optatam Totius nói về chủ đề giảng dậy thần học và chú giải thánh kinh cũng như suy tư về phương pháp học trong khi chuẩn bị đào tạo các mục tử tương lai. Phần lớn các khuyến cáo này vẫn còn đang chờ được đem ra thi hành.

Lời Chúa trong đời sống tín hữu

41. Ý thức rằng Lời Chúa là ơn phúc không tài nào lượng giá được nên ta có trách nhiệm phải tiếp nhận ơn phúc này trong đức tin. Bởi thế, như Chúa Giêsu nói, nội tại trong việc nghe Lời Chúa ta thấy có việc phải thực hành Lời ấy (xem Mt 7:21). Giáo Hội luôn rao giảng một cuộc sống phù hợp với Lời Chúa, luôn tìm cách bồi đắp một huấn luyện dựa trên nền linh đạo thánh kinh.

Loại liên hệ mà tín hữu có với Lời Chúa phải được đức tin xác định cách rõ ràng. Nghiên cứu các câu trả lời, chúng tôi thấy đối với một số người, Thánh Kinh được quan niệm chỉ như một đối vật văn hóa không hề có bất cứ hiệu quả nào đối với đời sống, trong khi một số người khác, tuy tỏ ra đôi chút yêu qúy sách, nhưng lại không biết lý do tại sao. Tuy nhiên, nói tổng quát, giống như các loại đất trong dụ ngôn người gieo giống, cũng có những người mang lại hoa trái, gấp ba mươi, sáu mươi, một trăm lần (xem Mc 4:20). Kinh nghiệm đang chứng minh rằng tiến bộ trong khoa giáo lý và linh đạo học là một trong những khiá cạnh hấp dẫn và hứa hẹn nhất của việc gặp gỡ giữa Lời Chúa với Dân của Người.

Căn bản cho mối liên hệ sinh tử của tín hữu với Thánh Kinh đã được tóm lược trong Hiến Chế Dei Verbum, là phải bám chặt vào Sách Thánh qua việc siêng năng đọc và cẩn trọng học hỏi nó (DV 25), vì Thánh Kinh là “nguồn sự sống thiêng liêng tinh ròng và không bao giờ cạn” (DV 1). Một nền linh đạo chân chính về Lời Chúa phải đòi hỏi rằng “kèm theo việc đọc Sách Thánh phải là việc cầu nguyện, để Thiên Chúa và con người có thể nói truyện với nhau; vì ‘ta nói với Người khi ta cầu nguyện; ta nghe Người khi ta đọc những lời thần thánh của Người” (DV 25) (66). Thánh Augustinô xác nhận điều ấy: “lời cầu nguyện của bạn là lời bạn ngỏ cùng Thiên Chúa. Khi bạn đọc Thánh Kinh, Thiên Chúa nói với bạn; khi bạn cầu nguyện, bạn nói với Thiên Chúa” (67). Trong cuộc sống Kitô hữu của mình, tín hữu phải học điều sẽ dẫn họ đến việc đọc Thánh Kinh cách chân thực bằng đức tin. Khi làm thế, họ sẽ biến tâm hồn họ thành một thư viện Lời Chúa (68).

Lời Chúa tác động mạnh lên cuộc sống đức tin, trước nhất không phải như một bộ các câu hỏi thuộc giáo thuyết hay một loạt các nguyên tắc đạo đức học, nhưng là tình yêu thương của Thiên Chúa mời gọi bản thân tín hữu tới gặp gỡ Người và là một biểu hiện sự cao cả khôn sánh của Người trong Mầu Nhiệm Vượt Qua. Lời Chúa trình bầy cho ta kế hoạch cứu rỗi của Chúa Cha dành cho mỗi người và dành cho mọi người. Lời Chúa tra vấn, khuyên bảo và thúc đẩy tín hữu trên đường làm môn đệ và trên đường bước theo Chúa Kitô; nó chuẩn bị người ta để họ chấp nhận hành động biến đổi của Chúa Thánh Thần; nó cổ vũ mạnh mẽ sự hiệp thông và tạo ra các dây nối kết thân mật trong tình bằng hữu; và nó linh hứng cho việc cam kết quảng bá Lời Chúa. Điều đó rất đúng, nhất là đối với bậc tu trì tận hiến.

Một vài khía cạnh liên quan tới chủ đề cần được cẩn thận xem sét. Trước nhất, Lời Chúa được những người nghèo trong tinh thần, cả bề trong lẫn bề ngoài, gặp gỡ, “vì nhờ ơn thánh của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta, chúng ta biết rằng dù Người giầu có, song vì bạn, Người đã trở nên nghèo khó, để nhờ sự nghèo khó của Người bạn có thể trở nên giầu có” (2 Cor 8:9). Nghèo khó trong tinh thần là cách để trở nên người biết lắng nghe Lời Chúa Cha và công bố Lời ấy cho người nghèo (Xem Lc 4:18). Một số người, nhất là phụ nữ, phải làm việc cực nhọc, phải trông nom gia đình, hiến mình trọn vẹn cho con cái, và vì đức tin nồng cháy, còn thực hiện nhiều phục dịch đối với tha nhân, đã nhắc người ta nhớ được nhiều Thánh Vịnh và Phúc Âm. Chứng tá một cuộc sống tốt lành bao giờ cũng làm cho việc đọc Thánh Kinh thành đáng tin.

Các bậc thầy trong cuộc sống thiêng liêng thường miêu tả một số hoàn cảnh trong đó Lời Chúa có thể nuôi dưỡng được đời sống tín hữu, nhờ thế mà tạo ra được một nền linh đạo thánh kinh: sâu sắc nội tâm hóa Lời Chúa; kiên vững trong thử thách nhờ linh hứng của Thánh Kinh; và tiếp tục trận chiến thiêng liêng chống lại các ngôn từ, tư tưởng và việc làm lầm lạc và hận thù. Thánh Kinh cũng ở dưới biểu hiệu Thánh Giá, nơi Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh hiện diện. Các hoàn cảnh trên hiện diện trong nhiều cộng đoàn tôn giáo và trung tâm linh đạo. Các cộng đoàn và trung tâm này đang cung cấp nhiều trợ giúp thật sự để ta thâm hậu hóa cảm nghiệm Lời Chúa của chúng ta.
 
Lắng nghe tiếng Chúa trong khi vác thánh giá
Lm Jude Siciliano OP
02:02 29/08/2008
CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN A

Giêrêmia 20: 7-9; Tv: 63; Rôma 12: 1-2; Matthêu 16: 21-27

Anh chị em thân mến,

Anh chị em sẽ làm gì để giúp cho người thân trong gia đình tránh khỏi những tai nạn? Khi thấy người đó sắp chọn một việc làm khờ dại, có lẽ anh chị em sẽ tìm cách khuyên can để giúp họ từ bỏ ý định của mình, hay giúp họ suy nghĩ lại điều mà họ sẽ làm? Có lẽ tôi cũng sẽ làm như anh chị em vậy. Vì thế, hôm nay chúng ta có thể đồng cảm với thánh Phêrô. Phêrô đang làm một việc cho người bạn mà có lẽ chúng ta cũng sẽ hành động như thánh nhân. Phêrô thương Chúa Giêsu nên ông muốn ngăn cản, không để Ngài lên Giêrusalem để chịu cực hình và sẽ chịu chết.

Mối tương quan giữa Chúa Giêsu và thánh Phêrô thay đổi rất nhanh. Trong vài câu trước bài phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu khen ngợi thánh Phêrô ("Này Simon, con ông Giôna, anh thật là người có phúc...") và Ngài sẵn sàng giao chìa khóa nước Trời cho ông. Thánh Phêrô có thẩm quyền trong sứ vụ của Chúa Giêsu. Nhưng trái lại, hôm nay Chúa Giêsu quay lại với Phêrô, gọi ông là Satan, và đuổi ông đi. Phêrô mới vừa đem Chúa Giêsu ra ngoài và khuyên Chúa Giêsu đừng nói về sự đau khổ và sự chết của Ngài nữa. Trái lại, Chúa Giêsu quay lại quở mắng Phêrô trước mặt mọi người. Vậy chuyện gì đang xảy ra ở đây? Tại sao Chúa Giêsu lại quở mắng Phêrô trước mặt mọi người vì những điều Phêrô nói riêng với Ngài? Và tại sao Chúa Giêsu lại muốn các môn đệ nghe bài học Ngài đang dạy cho Phêrô, và cho caû chúng ta nữa?

Nhiều người Kitô hữu nghĩ rằng giữ đạo thì tâm hồn và thân xác sẽ lành mạnh và sẽ gặp điều may mắn. Một lần, tôi nghe một người đang giảng Phúc âm trên truyền hình. Ông ta giảng cho 10 ngàn người trong một vận động trường lớn như một nhà thờ. (Vì tôi cũng là thầy giảng, có lúc tôi ước ao được như ông ta.) Ông ta có tiếng là thầy giảng rất giỏi, được nhiều người khen ngợi. Điều ông ta giảng là: Nếu chúng ta chấp nhận Chúa Giêsu vào đời sống của chúng ta, chúng ta sẽ được những điều tốt lành mà Thiên Chúa ban cho cuộc sống chúng ta, đó là những ơn lành của Ngài, mà những người có đức tin sẽ nhận được ở đời này, vì thế nhiều người thích nghe ông ta. Sau khi nghe ông ta giảng, tôi cảm thấy vui vẻ, và hình như nhiều người cũng cảm nhận như vậy. Những người đó tin rằng đức tin sẽ làm cho đời sống họ dễ dàng hơn. Và những lời hứa đó cũng ám chỉ đời sống tinh thần nữa, nên khi mình đã chấp nhận Chúa Giêsu, thì mình sẽ được sống hạnh phúc, và vơi bớt đi phiền toái là hay quá!

Những người vừa nhập đạo, hay vừa học xong lớp giáo lý tân tòng và được rữa tội vào ngày trước lễ Phục Sinh, họ thường cảm thấy rất sung sướng, vui vẻ vì đức tin mới nhận được, và vừa được gia nhập vào cộng đòan Công giáo. Họ vui vẻ như vậy là phải. Nhưng chúng ta biết là đời sống không kéo dài sự vui vẻ như vậy đâu. Rồi đây, những người tân tòng đó sẽ gặp thử thách trong đời sống đức tin của họ. Chúng ta biết đó là sự thật, vì chúng ta cũng đã trãi qua những thử thách đó. Chúng ta trân trọng gìn giữ đức tin chúng ta, chúng ta làm hết mọi cách có thể để giữ đức tin đó mạnh mẽ luôn. Và ngay cả những Kitô hữu có đức tin và sức sống đạo mạnh, đều hiểu rằng không dễ gì để giữ nếp sống đó dài lâu được

Điều nói trên đưa chúng ta vào bài Phúc âm ngày hôm nay. Chúa Giêsu là Đấng Messia, và Ngài tiếp tục sống cho sứ vụ của Ngài trên trần gian, nghĩa là Ngài phải chịu cực hình, và chịu chết khi Ngài lên Giêrusalem với các môn đệ, thánh Phêrô không hiểu điều đó. Thánh nhân muốn Chúa Giêsu ban sự vinh hiễn và những ngày vui vẻ cho những người sống cạnh Ngài. Thánh Phêrô không muốn nghe, vì nếu ông tin tưởng vào Chúa Giêsu và theo sống với Ngài như Ngài dạy, thì ông cũng sẽ phải chịu cực hình và sẽ chết vì đức tin của ông. Chúa Giêsu nói rõ điều ấy cho Phêrô và các môn đệ "Ai muốn theo Thầy thì phải bỏ mình đi, vác thập giá theo Thầy". Tôi không nghĩ rằng nếuChúa Giêsu với hàng chục ngàn người trong một sân vận động lớn, hay một đài truyền hình riêng để giảng những lời như Ngài đã báo các môn đệ thì ai muốn nghe những lời giảng như thế?

Trong tờ nhật báo tôi đọc cách đây vài hôm, có một bài viết về một tài xế vận tải nọ vẽ hình Thánh giá trước kết nước giải nhiệt của xe. Ông ta nghĩ là hình vẽ cây Thánh giá ấy giúp ông không bị tai nạn trong hai mươi hai năm qua. Có người khác treo hình thánh Christopher. Vậy những hình Thánh giá hay hình các thánh đó có giúp họ tránh tai nạn thật không? Có phải vì vậy mà chúng ta để hình thánh trong xe chúng ta không? Người lái xe tải đó không bị tai nạn có lẽ vì ông ta là người lái xe cẩn thận, và ông ta được may mắn.

Để hình thánh trong xe không có gì lạ cả, hay đeo cây Thánh giá nhỏ trước ngực cũng vậy. Mỗi buổi sáng trong lúc cạo râu tôi thấy cây Thánh giá đeo trước ngực, tôi hy vọng cây Thánh giá đó giúp tôi nhớ Chúa Giêsu mời gọi tôi chấp nhận những khó khăn hay sự đau khổ trong đời tôi, vì tôi đã chấp nhận theo chân Ngài.

Chúng ta không có cách nào tách cây Thánh giá ra khỏi tôn giáo chúng ta. Chúng ta cũng không thể quên cây Thánh giá trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta có thể không chịu đau khổ như Chúa Giêsu đã chịu khi Ngài vác Thánh giá của Ngài, hay chúng ta có thể không chịu những cực hình như các thánh tử đạo đã theo gương Ngài, Nhưng dù sao đi nữa Chúa Giêsu cũng đã nói với chúng ta là nếu chúng ta muốn theo Ngài thì phải vác Thánh giá của chúng ta để theo chân Ngài, Thánh giá sẽ mang theo sự đau khổ và nếu chúng ta nghe lời thánh Phaolô nói hôm nay: "Anh em đừng có rập theo cách sống đời này, nhưng hãy đổi mới tâm hồn anh em, hầu có thể nhận ra đâu là ý Chúa: cái gì tốt và đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo."

Vì chúng ta là Kitô Hữu, thánh Phaolô mời gọi chúng ta đừng chấp nhận những giá trị đời này như: những gì các giới truyền thông rêu rao thúc đẩy, hoặc đừng để bạn bè cùng trang lứa trong cách sống mới làm ảnh hưởng đến những suy nghĩ của chúng ta. Thánh Phaolô lại nói, là một Kitô hữu nghĩa là chúng ta phải sống một đời sống khác, một cách sống theo đời sống của Chúa Giêsu và theo sự Khôn Ngoan của Ngài, là luôn tìm hiểu thánh ý của Thiên Chúa trong mọi sự, và ngay cả trên đường tieán lên thập giá.

Chúng ta có thể kiểm nghiệm đời sống của chúng ta dựa vào lời Thánh Phaolô dạy, và nên tự hỏi: Nhiều của cải có làm cho chúng ta hạnh phúc thật không? Có phải những người giàu có, hay học hành cao là những người tốt không? Có phải khi chúng ta đồng ý với một số đông người là chúng ta đã đúng lẽ phải không? Có phải nếu chúng ta dùng thuốc an thần là chúng ta có thể quên những phiền muộn ở đời không? Hoặc chúng ta đi theo một thầy tu Ấn giáo để giúp chúng ta quên đi ưu phiền được không? Hoặc khi chúng ta là người ngoan đạo thì chúng ta sẽ không gặp phiền phức đời này chăng? Nếu chúng ta tin những điều vừa nói là sự thật thì chúng ta hãy học thuộc lòng bài Phúc âm hôm nay, và thử xem bài Phúc âm này có giúp chúng ta thay đổi cách suy nghĩ và cách sinh hoạt không.

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Hiến mình vì người mình yêu!
Anmai, CSsR
06:05 29/08/2008
Hiến mình vì người mình yêu!

Gr 20, 7-9; Rm 12, 1.2; Mt 16, 21-27

Trang tin mừng mà chúng ta vừa nghe thánh Matthêu thuật lại thấy nó làm sao ấy ? Đang vui vẻ với nhau vậy mà Thầy lại nói đến cái chuyện chết chóc rồi đến thập giá rồi đến chuyện vác thập giá rồi thêm nữa là thiệt mạng.

Thật ra, chẳng ai muốn nghe chuyện chết chóc và nhất các môn đệ nghe thầy mình báo trước một cái điềm “gỡ” mà chẳng ai mong đó là thầy mình phải chết trong đau khổ do các kỳ mục và thượng tế. Bởi vậy, Phêrô do yêu Thầy quá nên kéo Thầy riêng ra một bên và thỏ thẻ với Thầy: “Xin Thiên Chúa đừng để Thầy phải chết như vậy ! Chúng con, những môn đệ của Thầy không thích và không muốn Thầy phải chết như thế đâu ?”. Nếu như chúng ta có mặt ở đó với Thầy Giêsu, chúng ta cũng sẽ làm như ông Phêrô vậy nhưng quê quá ! Sau khi nói thế, tưởng Thầy sẽ khen nhưng ngược lại, Thầy đã mắng Phêrô. Sau khi mắng xong, Thầy lại nói thêm về chuyện vác thập giá. Thử hỏi ai trong chúng ta - những môn đệ của Chúa – mong vác thập giá không ? Chưa dừng lại ở chỗ đó, Chúa Giêsu còn đòi hỏi mỗi người chúng ta, như các môn đệ phải đi thêm một bước nữa là phải hiến mạng sống mình. Phải nói thật với nhau rằng lời này nghe sao mà “chói” tai thế ? Thế nhưng, chính khi sống những lời “chói” tai ấy mới đích thực là môn đệ của Chúa và được hưởng nước Trời như Chúa hứa.

Chúa Giêsu rất thẳng thắng: một là một, hai là hai chứ không lập lững trong lập trường về Nước Trời. Chúng ta còn nhớ: nào là không được làm tôi hai chủ, nào là thà cụt một tay một chân mà được vào Nước Trời và hôm nay Chúa mời gọi môn đệ của Chúa đi đến mức đỉnh điểm: Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ?

Nhìn lại cuộc đời, nhiều lúc chúng ta lại bé cái lầm, chúng ta lại cứ muốn vun vén cho mình nhiều quá để rồi đánh mất đi cái điều căn cốt của cuộc đời. Chưa nói đến cái cùng đích của cuộc đời, chưa nói đến cái Nước Trời mai hậu, chỉ cần nhìn lại cái thực tại của cuộc sống ngày hôm nay chúng ta sẽ thấy được chúng ta là ai ? Chúng ta sống như thế nào với anh chị em đồng loại ?

Đời sống gia đình: là cha, là mẹ, là con cái trong gia đình, ngày hôm nay chúng ta có thật lòng sống để hiến mạng sống mình cho gia đình nho nhỏ của chúng ta hay không ? Chúng ta có dám dẹp bỏ cái tự ái, cái tôi của chúng ta để chúng ta xây dựng hạnh phúc gia đình hay không ? Hay là chúng ta cứ khư khư giữ lấy cái ích kỷ của chúng ta để chúng ta phá vỡ hạnh phúc gia đình, phá vỡ hạnh phúc của “nước trời” trong trần gian này ?

Ngày hôm nay, đời sống gia đình đã đánh mất đi cái nền tảng của nó là đơn hôn và vĩnh hôn. Vì sao ? Vì lẽ mạnh chồng chồng sống, mạnh vợ vợ sống, không còn ai dám hiến mình cho nhau nữa. Cái ngày mà họ đưa ra nhà thờ cam kết, tuyên bố và thề hứa sao mà hay quá: “…Khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như lúc mạnh khoẻ, để yêu thương anh (em) suốt đời em (anh)” nhưng thử hỏi còn bao nhiêu gia đình sống đúng cái lời mà mình tuyên hứa trước mặt Chúa qua sự chứng kiến của Hội Thánh ? Chủ nghĩa mackeno (mặc kệ nó) ăn sâu vào mỗi người để rồi chẳng còn ai dám hiến mình cho ai nữa.

Một gia đình nọ về đời sống kinh tế khá vững vàng, đời sống danh vọng tạm gọi là có tiếng và nhìn bên ngoài có vẻ đạo đức lắm vì vẫn còn trong vòng lễ giáo của cha mẹ hai bên, vẫn còn tham gia ban hát, ca đoàn nhưng bên dưới của nó đang dần dần rạn nứt và có thể đi đến chuyện ly hôn bất cứ lúc nào. Nguyên nhân ? Nguyên nhân là vì hai vợ chồng chẳng còn ai sống cho nhau nữa, không còn hiến mình cho nhau nữa. Chồng đổ cho vợ, vợ đổ cho chồng. Chồng đổ cho vợ là suốt ngày chỉ ham đi kiếm tiền, cắm cúi đi kiếm tiền còn chồng thì đổ cho vợ là không lo cho gia đình, không lo cho vợ cho con. Xét ra thì ai cũng có cái lý cả, ai cũng cho mình là đúng cả nhưng thực tế thì vấn đề của gia đình này quá căng thẳng vì họ không biết hiến mình cho nhau. Đi sâu hơn một chút: họ không hiến mình cho con cái theo đúng nghĩa của nó. Đành biết đồng tiền rất cần cho cuộc sống nhưng đâu phải có tiền là có tất cả để rồi người vợ cứ cắm cúi đi tìm tiền mà không lo cho hạnh phúc gia đình. Lẽ ra hai vợ chồng phải tạm gọi là “dừng lại cuộc chơi” tìm tiền để mà lo cho hạnh phúc gia đình, lo hiến mình cho gia đình của mình. Không phải chị không biết hậu quả của việc lao đầu vào kiếm tiền, không phải anh không biết hậu quả của việc sống thờ ơ với việc bổn phận gia đình nhưng hình như hai người đã không tìm được tiếng nói chung: tiếng nói của sự hiến dâng cho nhau thật sự.

Nhìn vào hai đứa trẻ của gia đình ấy, tôi thật sự e ngại. Nếu như cha mẹ chúng không thay đổi lối sống, không thay đổi lập trường thì tương lai của chúng không biết sẽ đi về đâu khi cha mẹ chúng chia ly ?

Đời sống tu cũng thế, người ta không còn biết sống hiến mình cho nhau nữa. Không phải là nhiều, không phải đi tu ai cũng thế nhưng có vài trường hợp đáng tiếc đã xảy đến. Một vị nữ tu tuổi đời mới ngoài ba mươi, được lợi thế hơn các “sơ già” một chút là được ăn được học và được học cái ngành “thầy cãi” nữa nên cãi lý rất hay. Chuyện đáng tiếc đã xảy đến đó là khi nghe “tin hành lang” là vị nữ tu ấy sẽ thay thế vị trí của vị bề trên đương nhiệm để rồi từ đó cách hành xử của vị nữ tu trẻ chẳng ra làm sao cả. Chịu không thấu, vị phụ trách đã trình bày với vị hữu trách và cuối cùng hậu quả vị nữ tu trẻ ấy phải rời cộng đoàn để về nhà Mẹ của Tỉnh Dòng !

Chắc có lẽ vị nữ tu ấy đã quên đi lời khấn hứa trong ngày khấn dòng, lời khấn hứa vâng phục bề trên, lời hứa sẽ cộng tác với chị em để phục vụ, để hiến mình cho người nghèo. Chính vì đánh mất tâm tình dâng hiến nên mới có trục trặt, có đổ vỡ trong cộng đoàn.

Bên cạnh những người quên đi việc hiến mình cho anh chị em đồng loại, cho chồng, cho vợ cho con trong gia đình chúng ta vẫn gặp đâu đó những hình ảnh đẹp chứ không phải là ai ai cũng ích kỷ cả ! Trận động đất xảy ra cách đây hơn chục năm ở ácmênia thuộc Liên Xô cũ chắc chúng ta còn nhớ, sau trận động đất tan thương đấy người ta lại phát hiện ra tình mẫu tử thật tuyệt vời. Dưới đống gạch vụn đổ nát bi thương của một toà nhà bị sập, người ta nghe được tiếng của một đứa trẻ oe oe khóc. Gỡ đống gạch vụn đó lên người ta thấy được một đứa bé đang ngậm tay mẹ của nó, nó đang mút từng giọt máu từ ngón tay của mẹ nó. Hoá ra là trước khi chết, mẹ nó đã khứa tay của mình vào mảnh chai để cho con mình bú những giọt máu từ tay của mình. Chính những giọt máu ấy đã cứu đứa bé sống sót cho đến lúc đội cứu hộ tìm thấy cháu. Một kỳ tích của tình người, một thiên tình sử của tấm lòng mẹ con.

Với tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, ai ai cũng biết về Cha Thánh Lập Dòng của mình. Cha Thánh Anphongsô đã phải nhục nhã, cay đắng bị trục xuất ra khỏi tu viện mà chính mình sáng lập vì bị hiểu lầm, bị chà đạp. Ngài đã sống tâm tình “Hiến mình cho ơn cứu độ” một cách viên mãn. Vì Chúa, vì Nhà Dòng, vì anh em, Ngài đã hiến mạng sống mình cho đến chết.

Hiến mình cho Chúa, hiến mình cho ơn cứu độ, hiến mình cho nhau là cử chỉ rất đẹp, cử chỉ tuyệt vời nhất mà con người dành cho Chúa, cho anh chị em đồng loại. Cử chỉ đó được Thánh Phaolô nhắc cộng đoàn Rôma cũng như nhắc mỗi người chúng ta: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1a). Ngài còn kết luận một cách xác tín: Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người (Rm 1,1b). Hoá ra là cách thờ phượng xứng hợp mà Thiên Chúa mời gọi mỗi người chúng ta đó là hiến dâng thân mình chúng ta cho Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa gần nhất đó là Thiên Chúa đang hiện diện nơi anh chị em đồng loại của mình.

Ngài quả quyết với chúng ta rằng: vì Thiên Chúa thương xót chúng ta. Nếu chúng ta thấy Thiên Chúa thương xót chúng ta thì chúng ta mới có thể hiến dâng cho Chúa cũng như cho anh chị em đồng loại được. Ngài còn nhắc chúng ta rằng: Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình (2 Cr 5,15).

Vấn đề còn lại là của mỗi người chúng ta. Nếu chúng ta cảm nhận, chúng ta xác tín rằng Đức Kitô đã chết thay cho chúng ta, chết vì tội lỗi chúng ta và chết để đền bù tội lỗi chúng ta thì chắc chắn chúng ta sẽ không sống cho chính mình nhưng chúng ta sẽ sống lại cho Đấng đã chết và sống lại vì mình. Đấng đó đang ở đâu ? Xin thưa: Đấng đó ở ngay trong gia đình bạn, Đấng ấy hiện diện ngay trong chính con người của vợ, của chồng, của con của bạn và Đấng đó đang ở trong cộng đoàn tu trì của bạn, là anh chị em cùng lớp, là anh chị em cùng trong Tu Viện, trong cộng đoàn của bạn.

Thử nhìn lại đời sống của chúng ta, chúng ta có hiến mình vì anh chị em đồng loại hay chúng ta lại bắt anh chị em đồng loại hiến mình vì chúng ta ?
 
Con đường theo Chúa: Con đường thập giá
Lm Nguyễn Hữu Thy
09:41 29/08/2008
Chúa Nhật XXII Mùa Thường Niên/A

Con đường theo Chúa: Con đường thập giá


(Mt 16,21-27)

«Ai muốn theo Ta, thì hãy từ bỏ chính mình và vác thập giá mình mà theo!»

Toàn sứ điệp của bài Tin Mừng hôm nay đã trình bày cho chúng ta rất nhiều phương cách thực hành để đạt tới sự sống. Tuy nhiên, chúng ta chỉ dừng lại trong câu: «Ai muốn theo Ta, thì hãy từ bỏ chính mình và hãy vác thập giá mình mà theo!» Ðức Giêsu không nói: «Ai muốn theo Ta, thì hãy… vác thập giá của Ta mà theo», nhưng là: «hãy vác thập giá của chính mình mà theo!»

Vâng, trong cuộc sống ở đời này, mỗi người trong chúng ta đều có thập giá riêng để vác. Trong cuộc sống, mỗi người trong chúng ta đều có những vấn đề riêng, những khó khăn riêng. Thế nhưng, ít khi có ai biết đồng ý với thập giá của mình, ít khi có ai biết bằng lòng với cuộc sống của mình. Vì thế, Adalbert von Chamisso (1741-1794), một thi sĩ nổi tiếng người Ðức, đã kể lại một câu chuyện giả tưởng, để muốn nói lên rằng Thiên Chúa đã đối xử nhân hậu với một người hay kêu ca phàn nàn về thập giá mình đang vác: „Thiên Chúa đã dẫn anh ta đến một căn phòng dựng đầy thánh giá của nhân loại và nói cùng anh: ‘Ngươi hãy lựa đi!’ Anh kia bèn đi một vòng xem có thánh giá nào hợp với mình không. Bấy giờ anh ta thấy có một thánh giá mỏng thét, nhưng lại dài và to quá. Tiếp đến anh ta trông thấy một cái khác bé cỏn con, nhưng khi anh ta đưa tay đỡ thử, thì nặng như chì. Rồi khi đưa mắt nhìn, anh ta lại thấy có một cái khác nằm bên cạnh trông rất vừa với anh, và anh ta đã đặt lên vai. Tuy nhiên, anh lại cảm thấy chỗ vai vác cây thánh giá đó đau rát như có cái dằm đâm vào thịt vậy. Ðúng là mỗi thánh giá đều có điều gì đó không thể làm vừa ý chúng ta được. Và sau khi thử hết một lượt các thánh giá trong phòng, anh ta vẫn chưa tìm thấy được cái nào vừa ý hoàn toàn cả. Sau cùng, đưa mắt tìm mãi, anh mới thấy một cái thánh giá mà mãi đến giờ anh không thấy, vì nó nằm khuất phía sau những cái khác. Anh ta bèn đưa lên vai vác và đi đi lại lại và cảm thấy rất vừa với sức anh ta, vì nó không nhẹ quá mà cũng không nặng quá, không to quá mà cũng không nhỏ quá; xem chừng như thể nó đã được làm ra cho riêng anh vậy. Anh ta mừng vô cùng. Và anh chọn cái thánh giá đó cho cả đời mình. Nhưng khi anh ta nhìn kỹ lại thì mới thấy đó là chính cái thánh giá của anh mà anh đã vác cho đến lúc bấy giờ“(1).

Mỗi người có thể là một thánh giá đè nặng trên vai kẻ khác
Sống trong cõi đời này, dù muốn hay không, chúng ta sẽ phải đối mặt với đủ thứ thánh giá. Nhưng đã là thánh giá thì không thể có cái nào là vừa ý tự nhiên của chúng ta hết. Và xem ra mỗi người, dù muốn hay không, cũng đều có một thánh giá để vác. Do đó, chúng ta không nên ngồi chờ đợi sẽ gặp được một cái thoải mái dễ chịu. Vì thánh giá bao giờ cũng là thánh giá: Nó đè nặng trên vai chúng ta, nó gây ra thương tích, nó làm cho ta đau đớn, v.v… Vâng, thánh giá bao giờ cũng là một thách đố:

Là một thánh giá khi người ta bị bệnh tật và không biết sẽ kéo dài đến bao lâu hay còn đau đớn hơn nữa là liệu có thể chữa lành được nữa hay không.

• Là một thánh giá khi phải sống trong cảnh già yếu, khi cảm thấy bị bỏ rơi, bị cô đơn lẻ loi.

• Là một thánh giá khi mất hết công ăn việc làm, khi phải nhìn cảnh gia đình nheo nhóc đói khổ.

• Là một thánh giá khi thấy con cái lớn lên không đúng với sự mong muốn của mình, khi tiền bạc thiếu hụt đàng này chỗ nọ, khi gặp phải ông chủ độc ác, khi sinh ra thiếu nhan sắc, khi bất lực không thể chu toàn được các bổn phận được trao phó, v.v…


Tất cả những bất hạnh đó thực ra còn nặng nề hơn cả thánh giá nữa. Và những thánh giá như thế không bao giờ có thể hợp với ý tự nhiên của chúng ta được. Không hề có loại thánh giá xa xỉ, tiện nghi bao giờ! Tất cả mọi thánh giá đều nặng nề khó chịu! Vì thế, người ta cố sức tránh lánh thánh giá hay ít ra tìm kiếm các loại thánh giá nhẹ nhàng dễ chịu hơn. Nhưng những loại thánh giá rẻ tiền, thích hợp với tính xác thịt tự nhiên của con người như thế, thường chỉ làm cho đời con người trở nên vô ý nghĩa, đưa đẩy con người rơi vào tình trạng thất vọng chán chường, mất hết niềm vui vào cuộc sống!

Một cái thánh giá, một sự đau khổ trong cuộc sống có thể xô đẩy con người rơi vào cảnh tuyệt vọng và cam phận. Nó có thể biến con người thành cay đắng, thành chai lì bất cảm, thành giận hơn và đầy hận thù. Nhưng dĩ nhiên, thánh giá cũng có mặt tích cực của nó: Thánh giá cũng có thể đem đến một nghị lực tích cực và có sức biến đổi toàn diện một đời người. Thật vậy, để trở thành trưởng thành và dày dặn kinh nghiệm trong cuộc sống hơn, người ta thường phải trải qua những khó khăn vất vả, những thử thách nặng nề, những hoàn cảnh đầy bất trắc. Cha Teilhard Schardin, một Linh mục Dòng Tên, cũng đã nói: «Nhiều khi Ðức Kitô dùng sự khốn khổ và sự bất hạnh của chúng ta để hướng dẫn chúng ta bước đi trên những con đường cao cả hơn hay để làm cho chúng ta thêm kinh nghiệm hơn!»

Có lẽ qua cách thức đó, người ta sẽ cảm nhận được lời hứa phát xuất từ thập giá Ðức Kitô. Vâng, thánh giá Ðức Kitô đã cướp đi mạng sống của Người, nhưng nhờ sự vui nhận của Người, Ðức Kitô lại đã tìm lại được một sự sống mới và vô cùng cao trọng hơn qua cuộc phục sinh khải hoàn từ cõi chết. Bởi vậy, thánh giá của Ðức Kitô là một lời hứa cho chúng ta trong khi phải vác thánh giá của mình: Vác thập giá mình bước theo Ðức Kitô không hề dẫn chúng ta tới sự vô nghĩa, tới sự chết, nhưng là tới sự giải phóng, tới một cuộc sống đầy ý nghĩa!

_____________________

1. Aus: W. Hoffsümmer, 255 Kurzgeschichten, Mainz 1981, trang 38.
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục
LM Nguyễn Vinh Gioang
15:22 29/08/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo lý và Giáo dục (49)

491. “Hoặc là chịu đau khổ hoặc là chết”

Đó là khẩu hiệu của nữ thánh Têrêxa thành Avila (1515-1582).
Têrêxa sống cuộc đời rất hy sinh. Têrêxa muốn dạy mọi người chúng ta bài học: sống không hy sinh thì không đáng sống. Vì thế, vị nữ thánh nầy đưa ra khẩu hiệu sống cho mình: “Hoặc là chịu đau khổ hoặc là chết.”

492. Ba hạng người trước Thánh Giá

Hạng thứ nhất là hạng người chạy trốn Thánh Giá.
Hạng thứ hai là hạng người đi tìm Thánh Giá và gặp Thánh Giá.
Hạng thứ ba là hạng người hăm hở đi tìm Thánh Giá mà không gặp Thánh Giá.

493. Ba hạng người đón nhận Thánh Giá

Hạng bằng lòng (không phàn nàn khi gặp Thánh Giá Chúa gởi đến)
Hạng quý chuộng (gìn giữ Thánh Giá một cách cẩn thận, cất giấu Thánh Giá một cách kín đáo)
Hạng yêu thích (trau tria Thánh Giá cho đẹp thêm, luôn mang Thánh Giá theo mình, hãnh diện về Thánh Giá Chúa cho mình lãnh nhận)

494. Thánh Giá dạy chúng ta bài học hy sinh

Tay Chúa bị đóng đinh dạy chúng ta bài học hy sinh: về mặt tiêu cực, hãy loại trừ tay phạm tội, đó là những tội biếng nhác, ăn cắp, tức giận và dâm ô; về mặt tích cực, hãy chắp tay để cầu nguyện, hãy dùng tay để làm việc, hãy giăng tay ra để giúp đỡ kẻ khác, hãy đưa tay ra để bố thí cho người khác.
Chân Chúa bị đóng đinh dạy chúng ta bài học hy sinh: về mặt tiêu cực, hãy loại trừ chân phạm tội, đó là chân đi phạm tội, chân đi xúi người ta phạm tội, chân đi vô ích, chân đi đến những nơi nguy hiểm cho phần linh hồn; về mặt tích cực, chân đi làm việc lành, chân đi làm việc bác ái, chân đi làm việc hữu ích.

495. Sống theo nguyên tắc nhưng vẫn tỏ lòng nhân từ

Một trong những Giám mục nước Pháp, vốn có tính cương quyết trên phương diện bảo toàn các nguyên tắc, mới đây đã đích thân thăm viếng các gia đình có tang vì chiến cuộc trong thị xã.
Tự đồng hoá với mọi người, ngài an ủi một tín đồ Thệ Phản giáo đang khóc sướt mướt vì đứa con tử trận. Ngài nói với ông những lời cảm khích, phân ưu.
Xúc động tâm lý sâu xa vì cử chỉ bác ái khiêm nhượng đó, người rối đạo phải thú nhận:
- “Sao một vị Giám Mục dòng dõi sang trọng, học thức uyên thâm như thế, lại chiếu cố tới ngôi nhà hèn hạ chúng tôi, không kể chi tôn giáo bất đồng. Cử chỉ ngôn ngữ của ngài khiến tôi rất cảm động.”
Trong khi thuật lại câu truyện nầy, một kỹ nghệ gia còn nói thêm:
- “Đối với tôi, người Thệ Phản đó đã trở lại được một nửa rồi; dầu sao, nhờ đức nhân từ, vị Giám Mục đã chinh phục được nhân tâm mau chóng hơn những lời tranh luận sôi nổi nhiều phần.” (x. Hồn Tông Đồ)

496. Tướng Charles de Gaulle treo gương hy sinh cho các nhà lãnh đạo quốc gia

Sau khi hết nhiệm kỳ làm tổng thống, tướng Charles de Gaulle (1890-1970) được Chính phủ Pháp đài thọ mỗi tháng là 19.500 quan.
Tuy nhiên, tướng Charles de Gaulle từ chối không nhận số tiền nguyệt bổng nầy để nêu cao tấm gương cần kiệm hy sinh.

497. Không ngừng cố gắng mới đem lại thành công

Có một người chơi đàn vi-ô-ông nổi tiếng: ngay từ hồi lên bốn tuổi, đã được gọi là thần đồng âm nhạc.
Có người nói anh ta là thiên tài âm nhạc, nhưnh anh kiên quyết phủ nhận.
Có người hỏi anh, yếu tố bẩm sinh chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong thành công của anh, anh suy nghĩ rồi trả lời, chưa đầy hai mươi phần trăm. (x. Chi tiết nhỏ, thành công lớn)

498. Vấp ngã không đáng sợ. Điều đáng sợ là không có dũng khí để đứng lên.

Một người cha quyết tâm rèn luyện con mình trở thành một chàng trai khoẻ mạnh.
Điều làm ông thất vọng, là con ông ta đã hai mươi tuổi mà không có một chút khí thế nào tỏ ra là một trai tráng.
Ông đành tìm đến một ông thầy dạy võ nổi tiếng, để nhờ rèn luyện cho con trai.
- “Chỉ cần cậu ta ở đây với tôi nửa năm, tôi bảo đảm sẽ rèn luyện để cậu ta trở thành một chàng trai thật sự!” Thầy dạy võ nói.
Sau nửa năm, người cha đến đón con trai. Thầy dạy võ nói ông hãy nhìn xem con trai ông đang đấu võ với một thầy dạy võ trẻ.
Cuộc đấu bắt đầu khi thầy dạy võ trẻ ra tay, con trai ông mấy lần bị đánh ngã, song cậu ta đứng dậy ngay và tiếp tục thi đấu, lại bị đáng ngã, cậu lại đứng dậy. Cứ như thế, đấu đến 36 hiệp.
- “Con tôi không thể trở thành trai tráng được. Rõ ràng, hễ đánh là ngã!” Người cha cảm thấy quá xấu hổ.
- “Ông chỉ nhìn thấy cậu ấy ngã, song ông không để ý tới khi mỗi lần ngã, cậu đều đứng ngay dậy. Sau mỗi lần ngã, lại dám tiếp tục nghênh chiến, đó là một chàng trai thật sự!” Thầy dạy võ khẳng định, (x. Những đạo Lý Mà Thanh Thiếu Niên cần phải có)

499. Hãy luôn hoạt động bằng trí não hay thể chất!

Nguyên tắc “luôn hoạt động” liên quan đến quy tắc “không dùng thì sẽ mất”.
Chúng ta hiểu rất rõ quy tắc hoạt động của thiên nhiên. Chuyện gì sẽ xảy ra khi một con sông ngừng chảy. Dĩ nhiên, mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ. Giống như vậy với con người khi ngừng hoạt động trí não hay thể chất…
George Bernard Shaw đoạt giả Nobel khi gần 70 tuổi.
Benjamin Franklin đã cho ra đời những tác phẩm hay nhất của ông ở tuổi 84.
Danh họa Picasso để lại cho thế giới những bức họa có giá trị ở tuổi 80….
Một điều bổ ích khi tuân thủ nguyên tắc “luôn hoạt động” nầy, là khi chúng ta hoạt động, chúng ta không lo lắng gì cả. (x. Đời Thay Đổi Khi Chúng Ta Thay Đổi)

500. Khích lệ và tán thưởng là sức mạnh giúp con người vươn lên

Một hôm, đài truyền hình phát một phóng sự như sau: một con cá voi nặng 8.6 tấn có thể nhảy lên khỏi mặt nước 6.6 mét, biểu diễn các tiết mục khác nhau cho người xem.
Phóng viên truyền hình hỏi người huấn luyện cá voi, làm thế nào để tạo ra kỳ tích nầy.
Người huấn luyện cá voi đã tiết lộ bí mật với người xem truyền hình: lúc mới bắt đầu, ông căng một sợi giây thừng ở dưới nước, nghĩ cách làm cho cá voi bơi qua phía trên sợi dây. Mỗi khi cá voi bơi qua sợi giây, ông động viên và khích lệ nó bằng cách thưởng cho nó vài con cá hoặc khẽ vỗ lên mình nó. Khi số lần cá voi bơi phía trên sợi giây dần dần nhiều hơn số lần nó bơi phía dưới sợi giây, người huấn luyện nâng cao sợi dây lên, chỉ có điều không được quá cao so với lần trước, tránh để cho cá voi vì thất bại quá nhiều mà nản chí.
Một con cá voi nặng 8.6 tấn có thể nhảy lên khỏi mặt nước 6.6 mét, kỳ tích nầy chỉ dựa vào sự khích lệ và tán thưởng liên tục của người huấn luyện cá voi.
Con người chúng ta cũng thế: khích lệ và tán thưởng, chính là sức mạnh giúp con người vươn lên. (x. Những Bài Học Cuộc Đời)
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:34 29/08/2008
TRÒ CHƠI CỦA CON NÍT

N2T


Một tên cướp khủng bố Phật Đà, lên tiếng muốn giết ông ta, Phật Đà trả lời: “Vậy thì xin ông mở lòng từ bi, xin hoàn thành tâm nguyện trước khi chết của tôi, xin ông chặt cái nhánh cây kia.”

Mũi tên loang loáng vút đi, đạt thành tâm nguyện ! “Còn chuyện gì nữa không ?”

Phật Đà nói: “Lấy cành cây ghép trở lại.”

Tên cướp cười ha ha nói: “Ông thật điên cuồng, có người làm được chuyện đó sao ?”

- “Đúng là tương phản, điên cuồng chính là anh, anh chỉ biết làm hại và phá hoại, nhưng lại cho mình là người có tài năng lớn; nhưng đó chính là trò chơi của con nít. Người có tài năng lớn thì biết thế nào là sáng tạo và trị liệu.”

(Trích: Bài ca của loài ếch, phần tu đức)

Suy tư:

Phật Đà không sợ tên cướp khủng bố và coi đó là trò chơi của trẻ con, bởi vì một người đã từ bỏ tất cả mọi sự của thế gian thỉ còn gì phải nuối tiếc nữa chứ !

Người có tài năng lớn thì nhìn xa thấy rộng bao quát ra ngoài phạm vi cộng đoàn và gia đình, nhìn thấy cái lợi và bất lợi trong dự án, nhìn thấy cái ưu và cái khuyết trong công trình. Người có tài năng lớn thì không những chỉ biết đánh giặc công thành mà thôi, mà còn biết phòng thủ nữa; không những biết làm cho đối thủ sợ mà thôi, mà còn làm cho họ tâm phục khẩu phục nữa...

Phá hoại thì dễ nhưng xây dựng thì khó, đánh đỗ thì dễ nhưng hàn gắn thì khó, làm mất niềm tin thì dễ nhưng lấy lại niềm tin thì khó.

Trước mặt người hiền đức thì trò dọa nạt của tên cướp chỉ là trò chơi của con nít; trước mặt người có lòng tin thì sức mạnh của thế gian chỉ như con nít, bởi vì sức mạnh của họ chính là Thiên Chúa.
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:35 29/08/2008
CHỦ NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 16, 21-27.

“Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình.”


Bạn thân mến,

Đã có lần trong cuộc sống bạn và tôi đã từ bỏ: từ bỏ buổi đi nhậu với bạn bè để đi tham dự thánh lễ, từ buổi hẹn hò cùng người yêu để đi làm việc từ thiện, từ bỏ mọi sự của thế gian để đi tu dâng mình cho Chúa, từ bỏ quê hương để tha phương cầu thực tìm kế sinh nhai, từ bỏ cái này để chọn cái kia.v.v...

Tất cả những việc từ bỏ trên của bạn và của tôi đều rất đáng mừng, nhưng đó chưa phải là việc từ bỏ thật sự, bởi vì chúng ta chưa từ bỏ chính con người của mình, Chúa Giê-su mời bạn và tôi từ bỏ chính mình, chứ không phải từ bỏ những gì thuộc về người khác.

Chưa từ bỏ chính con người của mình, thì rồi tất cả những gì mà chúng ta đã từ bỏ, dần dần chúng ta cũng sẽ thu góp lại, mà thu góp cách “nhiệt tình” hơn những người khác. Có nhiều người từ bỏ mọi sự để theo Chúa, trong đó có bạn và tôi, nhưng khi đạt được mục đích rồi thì gom góp lại những gì mà mình đã từ bỏ: thích có nhiều tiền, thích tranh giành chức vụ danh vọng, thích được mọi người ca tụng, thích làm theo ý riêng của mình. Tại sao vậy ? Thưa, là bởi vì chúng ta chưa từ bỏ chính con người của mình, hay nói cách khác là chưa từ bỏ ý riêng của mình.

Bạn thân mến,

Chúa Giê-su đã nói cách dứt khoác là nếu ai muốn theo Ngài thì phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Từ bỏ chính mình là từ bỏ ý riêng của mình, mà ý riêng chính là dục vọng, là cái tôi ham muốn; vác thập giá mình là chu toàn bổn phận của mình trong cuộc sống hằng ngày, bổn phận của người Ki-tô hữu, bổn phận của kẻ làm cha làm mẹ, bổn phận của những con cái đối với cha mẹ.v.v...

Chúng ta nói từ bỏ nhưng chúng ta chưa thực hành từ bỏ, chúng ta nói vác thập giá mình, nhưng chúng ta đem thập giá của mình cho người khác vác, còn bản thân mình thì nhởn nhơ dạo phố ngắm cảnh hưởng thụ...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

--------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:36 29/08/2008
N2T


15. Nếu anh không khiếm khuyết sự cầu nguyện, thì sẽ không khiếm khuyết lòng nhân từ của Thiên Chúa.

(Thánh Augustinus)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các vị lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ đã lên tiếng về Nancy Pelosi
Paul Anh
09:32 29/08/2008
Các vị lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ đã lên tiếng về Nancy Pelosi

WASHINGTON (LifeSiteNews.com & Tim Waggoner).- Trong bản tin cũ của ngày 6 tháng 8 năm 2008 tại http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?Id=57198, Nancy Pelosi đã bày tỏ sự vui mừng vì chưa có Vị Giám Mục nào có đủ can đảm để nhắc nhở Bà về quan điểm phò phá thai rất mạnh mẽ của Bà, và Bà có mộng ước sẽ dùng luôn cả sức mạnh chánh trị của mình để khống chế luôn cả Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ, thế nhưng Bà đã sai lầm vì các vị lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ đã chính thức lên tiếng.

Thật ngạc nhiên, khi phát ngôn viên của Hạ Viện - một người tự xưng mình là Công Giáo, lại có những giải thích hết sức sai lầm và ấu trĩ về những giảng dạy của Giáo Hội liên quan đến việc phá thai.

Khi được hỏi sự sống con người được khởi đầu từ lúc nào trong chương trình "Meet the Press" (Gặp Gỡ Báo Chí) của NBC, Bà Pelosi trả lời rằng: "Qua những gì mà tôi đã nghiên cứu rất kỹ càng về vấn đề này cũng như những gì mà đức tin 'trung thành,' và 'kiên vững' của tôi mách bảo, thì tôi tin rằng không ai có thể trả lời được câu hỏi khi nào sự sống được bắt đầu."

Can đảm hơn và mánh khoé hơn, Bà đã khẳng định thêm rằng: "Qua suốt nhiều thế kỷ, các vị tiến sĩ của Giáo Hội cũng không thể đưa ra một sự định nghĩa rõ ràng" với mục đích là để ủng hộ cho quan điểm phò phá thai và phò chuyện ngừa thai của Bà.

Quý vị có thể xem trọn bài phỏng vấn này trên YouTube tại địa chỉ: http://www.youtube.com/watch?v=mwUSt7dfj5l.

Câu trả lời lệch lạc này của Pelosi đã khiến cho các vị lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ trên khắp cả nước hiện đang phân vân không hiểu làm sao một người dám tự nhận mình là "Công Giáo" và có kiến thức hiểu biết rất sâu rộng về "Công Giáo" lại bị lầm lạc một cách ấu trĩ và sai lầm về những gì đã được nêu ra rất rõ ràng trong Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo (Catechism of the Catholic Church hay CCC), cũng như về quan điểm rất thẳng thắng của Giáo Hội Công Giáo có liên quan đến phẩm giá và mạng sống của con người.

Đức Tổng Giám Mục Donald W. Wuerl đã trích dẫn lại giảng dạy này của Giáo Hội (Phần 2270-2271 có trong CCC) trong một lá thư đáp trả lại những lời bình luận của Pelosi trên truyền hình, và ngài viết như thế này:

"Mạng sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ một cách tuyệt đối từ ngay từ lúc thụ thai.. ...Kể từ thế kỷ đầu tiên, Giáo Hội đã rất rõ ràng và dứt khoát về thứ tội lỗi có liên quan đến đạo đức và luân lý này đối với bất kỳ những trường hợp phá thai nào. Giảng dạy này đã không hề thay đổi và vẫn còn nguyên vẹn mãi cho đến thời nay."

Lá thư của Đức Tổng Giám Mục Wuerl cũng đã phản bác lại những giải thích lệch lạc và sự hiểu biết kém cõi của Pelosi về lịch sử và bản chất của những giảng dạy đích thực của Giáo Hội Công Giáo trong việc chống lại chuyện phá thai.

Quý vị có thể xem toàn bộ nội dung lá thư của Đức Tổng Giám Mục Wuerl tại địa chỉ: http://www.adw.org/news/news.asp?ID=569&Year=2008.

Đức Tổng Giám Mục Charles J. Chaput của Tổng Giáo Phận Denver cũng đưa ra một lá thư phản bác lại những lời bình luận của Pelosi, và ngài giải thích rằng: tín ngưỡng của Pelosi là tín ngưỡng của một người đàn bà vốn muốn có "quyền tự do chọn lựa," hòng để kết liễu mạng sống của một đứa trẻ, và điều này hoàn toàn trái ngược với giảng dạy của Giáo Hội Công Giáo.

Đức Tổng Giám Mục Chaput viết:

"Không có bất kỳ vị Tổ Phụ đầu tiên nào của Giáo Hội đã 'xem nhẹ thứ tội lỗi phá thai tày trời này,' khi nó tấn công đến chính mạng sống của con người, và Giáo Hội ngay từ thời sơ khai đã liên kết chuyện phá thai này như là tội diệt chủng các trẻ thơ. Nói tóm lại, ngay từ lúc ban đầu, cộng đoàn Kitô Giáo tin rằng chuyện phá thai luôn là một thứ tội trọng. Những người Công Giáo nào cố tìm cách chạy chữa cho điều này - cho dẫu họ là những người nổi tiếng hay không - thì chính họ đã biến mình trở thành những kẻ ngu dốt cũng như lạm dụng và bội phản lại lòng trung tín của những người Công Giáo nào vốn thật sự theo đúng Phúc Âm và sống đúng với đức tin Công Giáo chân chính của họ."

Quý vị cũng có thể xem toàn bộ nội dung lá thư của Đức Tổng Giám Mục Chaput tại địa chỉ: http://www.archden.org/images/ArchbishopCorner/ByTopic/onseparationofsense%26state_openlettercjc8.25.08.pdf

Đức Hồng Y Justin F. Rigali - Chủ Tịch của Uỷ Ban Phò Sinh của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, và Đức Giám Mục William E. Lori - Chủ Tịch của Ủy Ban đặc trách về Học Thuyết của Giáo Hội Công Giáo cũng đã viết chung một lá thư phản bác về lời giải thích lầm lạc này của Pelosi.

Sau khi đề cập đến một sự thật mà hầu hết các khoa học gia đều chắc chắn khi đến kết luận rằng: "một mạng sống con người riêng lẽ được hình thành ngay từ lúc trứng và tinh trùng gặp nhau," hai vị này viết tiếp như sau: "Cùng đồng hành với sự hiểu biết tân tiến này của thời đại, Giáo Hội dạy rằng ngay từ lúc thụ thai, mỗi thành viên trong chủng loại con người phải nhận được sự tôn trọng hoàn toàn trong tư cách là một con người trọn vẹn, vốn được khởi đầu bằng việc tôn trọng đến quyền được sống của chính người ấy."

Để xem toàn bộ nội dung lá thư của Đức Hồng Y Rigali và Đức Giám Mục Lori, Quý vị có thể đọc tại địa chỉ: http://www.usccb.org

Đức Hồng Y Edward Egan của Tổng Giáo Phận New York cũng đã lên tiếng để bảo vệ đức tin của mọi người tín hữu.

Không những các vị lãnh đạo trong Giáo Hội đã lên tiếng phản bác về sự giải thích rất ấu trĩ của Pelosi, mà các vị Dân Biểu trong Hạ Viện cũng đã lên tiếng bằng cách gởi thư yêu cầu Pelosi phải công khai lên tiếng thừa nhận là Bà đã diễn giải một cách hết sức sai lệch về những giảng dạy của Giáo Hội Công Giáo.

Các vị Dân Biểu đó chính là:

Thaddeus G. McCotter (MI), Steve Chabot (OH), Virginia Foxx (NC), Phil Gingrey (GA), Peter King (NY), Steve King (IA), Daniel Lungren (CA), Devin Nunes (CA), John Sullivan (OK); và Patrick Tiberi (OH).

Để xem toàn bộ nội dung của lá thư được các vị Dân Biểu kể trên viết và gởi đến cho Bà Nancy Pelosi, xin mời Quý Vị hãy vào w

ww.americanpapist.com/Pelosi%20Letter.pdf
.
 
25.000 trường học Công Giáo Ấn Độ đóng cửa để phản đối bạo lực ở Orissa
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
12:11 29/08/2008
New Delhi (AsiaNews) – Hôm 29/08/2008, hàng ngàn trường học Công Giáo trên khắp Ấn Độ đã đóng cửa khi các giáo viên và học sinh đồng loạt xuống đường để phản đối bạo lực chống Kitô giáo ở bang Orissa.

Đáp lại lời thúc giục của Hội đồng Giám Mục Công Giáo Ấn Độ (CBCI), hầu như 25.000 trường phổ thông, trung cấp và đại học Công Giáo do Giáo Hội thiết lập có hàng thế kỷ hiện diện ở Ấn Độ đã ngừng mọi hoạt động bình thường khi người Công Giáo tổ chức những cuộc biểu tình ôn hòa. Để bày tỏ dấu hiệu của tình liên đới, các trường học không Công Giáo và các tổ chức khác cũng tham gia cùng họ. Trong khi đó bạo lực vẫn tiếp diễn ở Orissa, việc dàn quân của hơn 3.000 cảnh sát đả làm cho tình hình cải thiện đôi chút.

Hôm 28/08/2008, Hội đồng Giám Mục Công Giáo Ấn Độ đã đưa ra công bố hàng loạt những vụ phá hoại ở bang miền Đông Ấn Độ. Theo đó, có 12 người chết ở quận hạt Kandhamal cùng với 2 người bị thương rất nặng. Ít nhất 41 nhà thờ (Công Giáo và Tin Lành) bị phá hoại; hàng trăm nhà cửa bị hư hại, 4 nữ tu viện, 5 ký túc xá và nơi cư trú của giới trẻ, 6 cơ sở thiện nguyện Công Giáo bị tàn phá; thêm vào đó hàng trăm xe hơi và các vật dụng cá nhân khác bị đốt cháy trong các cuộc đột kích do các phần tử quá khích Ấn giáo tiến hành.

Đức Hồng y Osvaldo Gracias, Chủ tịch CBCI cho hay: “Cuộc phản đối mang ý nghĩa nêu lên cuộc tàn sát các Kitô hữu ở Orissa đã làm tồi tệ thêm sự bất lực của chính quyền trung ương nhằm ngăn chặn bạo lực vào thời điểm mà quan điểm chống Kitô giáo dâng cao và tín hữu bị tra tấn và giết hại”.

Đức Hồng y cũng nói rằng ngài muốn gởi “một tín hiệu rõ ràng” không chỉ cho Ấn Độ mà còn cho toàn thể thế giới về tầm quan trọng của sự hiện diện của cộng đồng Kitô giáo, vốn luôn đứng đầu trong “các vấn đề xã hội, giáo dục và trợ giúp cho người nghèo túng”. Sự đóng góp đó lại càng có ý nghĩa hơn ở Ấn Độ vì “nó không để ý đến những khác biệt đẳng cấp” và bao hàm “toàn thể người dân”.

Đóng cửa khoảng 25.000 trường học là một hành động “biểu tượng” mạnh mẽ được thiết kế để “một lần nữa đánh thức lương tâm của người dân Ấn Độ và trên toàn thế giới”
 
Biden có thể giúp Obama chiếm được cử tri Công giáo?
Phụng Nghi
12:42 29/08/2008
Khi nêu tên Joe Binden làm người đứng chung liên danh ra ứng cử, Barack Obama đã không chỉ chọn một người Công giáo như bất cứ người Công giáo nào. Ông ta đã lựa một người đi lễ hàng tuần, người đã có lần dọa lấy cỗ tràng hạt mân côi của mình tọng vào cổ họng tên đảng viên Cộng hoà nào dám nói ông không phải là người mộ đạo.

Obama, khi giới thiệu người mình lựa chọn vào vị trí số 2, đã hai lần đề cập đến tôn giáo Biden đang theo. Nhưng đức tin của Biden có thể làm tăng lên được bao nhiêu phiếu cho liên danh đảng Dân chủ này?
Obama và Biden


Trong một đất nước có 24% dân số là người Công giáo – nhóm tôn giáo đơn thuần lớn nhất – điều này không giản dị như thế, bởi vì suốt bao năm qua, người Công giáo không còn là những đảng viên Dân chủ trung kiên như đã có thời họ trung thành với đảng này.

John White tại trường Đại học Công giáo Hoa kỳ ở Washington nói rằng: “Điều quan trọng cần biết về số phiếu Công giáo là: không hề có ‘phiếu bầu Công giáo’.

White là một giáo sư dậy môn chính trị. Ông nói mức ghi dấu cao độ đối với cử tri Công giáo là vào năm 1960, khi đảng viên Dân chủ John F. Kennedy tạo nên lịch sử với chức vụ là tổng thống Công giáo đầu tiên, chiếm được 78% số phiếu của cử tri Công giáo. Tuy vậy, vào lúc này đây, căn tính Công giáo có khuynh hướng chỉ còn là một trong những đặc điểm các tín hữu này đem theo khi đi vào phòng phiếu, cùng với những yếu tố khác như mầu da, phái tính, giai cấp, trình độ học vấn, và quan niệm về sinh lý.

Các nhà chuyên môn nói rằng tín hữu Công giáo bảo thủ - những người chống phá thai và hôn nhân đồng phái – thiên về phía đảng Cộng hòa. Giáo dân cấp tiến - những người ủng hộ công lý xã hội, chống chiến tranh và án tử hình – thường có khuynh hướng là đảng viên Dân chủ. Người Công giáo gốc Âu châu, như Ái nhĩ lan, Ý và Balan, khi họ leo lên được các nấc thang kinh tế và định cư ở vùng ngoại ô, thì nghiêng về phía đảng Cộng hòa. Nhưng người Công giáo gốc Hispanic – là một nhóm đang lớn mạnh dần – lại ngả theo đảng Dân chủ.

John Green, một chuyên viên cao cấp tại Diễn đàn Pew chuyên về Tôn giáo và Đời sống Công cộng, nói: Ở giữa hai cực của quang phổ này “còn có một khu vực trung lập khá lớn. Và một số lớn người Công giáo lựa chọn tùy theo từng trường hợp một, tùy theo từng lần bầu cử một.”

Trong mấy thập niên vừa qua, người Công giáo đã đong đưa qua lại giữa hai đảng phái trong các cuộc bầu cử tổng thống. Tổng thống Bush chiếm được đa số phiếu của họ năm 2004, sau ba lần đảng viên Dân chủ Al Gore và Bill Clinton thắng thế. Trước đó, đảng Cộng hòa chiếm được cơ may thắng thế trong ba kỳ bầu cử, nhờ ở George H. W. Bush và Ronald Reagan. Trước đó nữa, Jimmy Carter chiếm được số phiếu của người Công giáo năm 1976, cũng như Richard Nixon chiếm được năm 1972. Ông White nói: “ Kể từ năm 1964 khi Lyndon Johnson thắng lớn, người Công giáo đã như một dòng nước rò rỉ chậm chạp chảy ra khỏi đảng Dân chủ.”

Ông nói: có một sự phân chia văn hóa thích đáng hơn tách biệt những người đi nhà thờ đều đặn và những người không. Người đi lễ đều đặn thường theo đảng Cộng hòa. Rồi có những người mà tôn giáo đối với họ chỉ là một hiện tượng nội tâm. White gọi họ là đám người chủ trương “tôn giáo của tôi là cho riêng tôi, không dành cho bạn” và ông nói rằng đối với họ, hàng giáo phẩm là một tiếng nói luân lý, nhưng không phải chỉ là một tiếng nói duy nhất. Những người này thường là đảng viên Dân chủ.

Nếu liên danh Obama-Biden thắng cử năm 2008 thì đó là một thành tích lịch sử. Hoa kỳ chưa bao giờ có một phó tổng thống theo đạo Công giáo cả. Bản danh sách những người Công giáo được đề cử ra tranh chức tổng thống của hai đảng phái lớn cũng rất ngắn: Kennedy thắng cử; trước đó là Al Smith, được đảng Dân chủ chọn ra tranh cử năm 1928, đã thất bại. Cũng thế, đảng viên Dân chủ John Kerry thua trong cuộc bầu cử năm 2004.

Cho đến nay, những người Công giáo được đề cử tranh chức phó tổng thống cũng đã không đem được nhiều may mắn đến cho liên danh của mình. Đó là những đảng viên Dân chủ Geraldine Ferraro ra tranh cử trong liên danh của Walter Mondale năm 1984, Sargent Shriver được McGovern chọn đứng chung liên danh năm 1972 (sau khi Tom Eagleton bỏ cuộc vì có những tiết lộ rằng ông đang điều trị tai nạn bị điện giật), và Ed Muskie trong liên danh với Hubert Humphrey năm 1968. Trước đó, năm 1964, đảng viên Cộng hòa Barry Goldwater đã chọn William Miller ra ứng cử chức vụ phó tổng thống.

Năm nay, số những người Công giáo da trắng không thuộc gốc Hispanic – nhóm này được các nhà khoa học chính trị nói sẽ đi bầu nhiều hơn số người Công giáo gốc Hispanic – đang được phân chia đồng đều giữa John McCain và Obama, theo cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew: 45% ủng hộ và 44% ủng hộ Obama.

Vì thế, chuyện Obama đang nỗ lực giành lấy người Công giáo, trong khi McCain hung hăng ve vãn họ, là điều không làm ta ngạc nhiên. Cũng cuộc thăm dò nói trên cho biết, thành phần rất quan trọng là những người còn do dự chưa xác định bầu cho ai, những người còn mở ngỏ cho cuộc bán buôn, chiếm hơn 20% số người Công giáo.

Hầu hết các nhà phân tích nghĩ rằng Biden có thể giúp cho Obama đạt được một số phiếu Công giáo – nhưng chắc chắn là không phải tất cả.

Tại trường Đại học Notre Dame, nhà khoa học chính trị David Campbell nghĩ rằng quá khứ đi từ hạnh phúc đến khổ cực của Biden mới là chìa khóa làm nên chuyện. Ông nói: “Hình ảnh người Công giáo thuộc giới lao động là một phần trong bản chất Hoa kỳ được mô tả trong văn chương và điện ảnh. Người ta có thể coi đó như là một thí dụ điển hình mẫu mực. Cuộc đời của Obama không có điểm nào phù hợp với những loại hình đó. Chúng ta không có một loại người một nửa gốc Hawai, một nửa gốc Kenya, đã sống cuộc đời đây đó khắp nơi.

Nguồn: Katherine Skiba /US News & World Report
 
Top Stories
Hanoi: la police a dispersé avec brutalité 500 catholiques venus réclamer la libération de quatre membres de leur communauté
Eglises d’Asie
05:50 29/08/2008
Hanoi: la police a dispersé avec brutalité 500 catholiques venus réclamer la libération de quatre membres de leur communauté

Dans la soirée du jeudi 28 août, aux environs de 20 heures (heure locale), des forces de police importantes ont dispersé avec une grande brutalité un groupe de plusieurs centaines de catholiques rassemblés pacifiquement et en prière devant le siège de la Sûreté de l’arrondissement de Dong Da de Hanoi; des protestataires ont été blessés et certains, semble-t-il, arrêtes.

Quelque temps avant l’intervention policière, environ 500 catholiques de Thai Ha, après avoir participé à la prière commune sur le terrain de la paroisse accaparée par l’Etat, objet du conflit actuel, étaient venus rejoindre un premier groupe de chrétiens déjà en prière devant le siège de la Sûreté pour demander la libération de quatre catholiques arrêtés dans la matinée. Très rapidement, des forces de police ont fait leur apparition, bientôt plus nombreuses que les manifestants. Peu après 20 heures, sortant de voitures de police, des agents muni d’un équipement spécial se sont jetés sur la foule rassemblée, la dispersant à coups de matraque et procédant à de nouvelles arrestations. Les blessés seraient nombreux, parmi lesquels une femme d’un certain âge appartenant à l’ethnie Muong et un religieux rédemptoriste. Pour l’instant, il n’est pas possible de connaître avec exactitude le bilan des blessés et le nombre des nouvelles arrestations.

Après la rencontre entre les représentants de la paroisse de Thai Ha et ceux du Comité populaire de l’arrondissement de Dong Da, ayant eu lieu le 22 août et les encouragements reçus des autorités religieuses (1), la confrontation entre les autorités civiles et la communauté catholique a gagné en intensité. Les séances de prière sur le terrain contesté, transformé désormais en lieu de culte marial, se sont multipliées, avec des participants de plus en plus nombreux. Le 27 août, un représentant des services de police de l’arrondissement de Dong Da avait annoncé l’ouverture d’une action en justice contre la paroisse pour destruction de biens et troubles de l’ordre public. Le même jour, un certain nombre de paroissiens recevaient des convocations au siège de la Sûreté de l’arrondissement pour interrogatoire et enquête. Quatre des personnes convoquées n’ayant pas répondu à la convocation (la loi leur donne le droit de refuser trois fois) ont été arrêtées à divers moments de la matinée du 28 août et en divers lieux de la paroisse. Ce sont ces arrestations qui ont conduit les paroissiens de Thai Ha jusqu’aux portes du siège de la Sûreté de l’arrondissement pour réclamer, pacifiquement et dans la prière, la libération des prisonniers.

Alors que se déroulaient à Hanoi ces événements, à Saigon, comme l’avait annoncé le supérieur provincial des rédemptoristes dans sa lettre à ses confrères du 24 août dernier, une célébration eucharistique était organisée dans l’église de Notre-Dame du Perpétuel Secours, dans la soirée du même jour, en union avec la communauté catholique de Hanoi. Plus de 3 000 personnes étaient venues participer à la célébration, parmi lesquelles des représentants de toutes les communautés rédemptoristes du Vietnam, 180 religieux, 22 de leurs supérieurs. Dans les quelques mots qu’il a prononcés, le supérieur provincial a souligné l’élan de solidarité que la lutte des paroissiens de Thai Ha soulevait dans toute l’Eglise au Vietnam, dans l’épiscopat comme dans le clergé et le peuple chrétien.

(1) Voir la dépêche d’EDA sur ce même sujet, diffusée le 27 août 2008.
 
Migliaia di cattolici alla veglia di preghiera di Ho Chi Minh City
Asia-News
06:24 29/08/2008
di J.B. An Dang

Contemporaneamente alla cerimonia, che ha voluto esprimere solidarietà ai fedeli di Hanoi, nella capitale la polizia è pesantemente intervenuta per disperdere i fedeli. Arresti e percosse.

Ho Chi Minh City (AsiaNews) – Più di 3mila persone hanno preso parte, ieri sera, alla veglia di preghiera (nella foto) organizzata al monastero redentorista di Saigon in segno di solidarietà con i Redentoristi ed i cattolici di Hanoi che manifestano per ottenere la restituzione del terreno illegalmente sottratto al monastero ed alla parrocchia di Thai Ha. A Hanoi, contemporaneamente la polizia è intervenuta pesantemente per allontanare i pacifici manifestanti dall’area della quale si chiede la restituzione. Ci sono stati quattro arresti ed alcuni fedeli sono stati bastonati.

A Ho Chi Minh City, 180 sacerdoti della città e delle province circostanti hanno concelebrato la messa per pregare per la Chiesa in Vietnam ed in particolare per i fedeli di Hanoi. Padre Vincent Nguyen Trung Thanh, superiore dei Redentoristi del Vietnam, ha invitato i religiosi a ringraziare Dio per le grazie che ha loro largamente concesso ed anche per le sofferenze e le persecuzioni. “Attraverso gli eventi a Thai Ha – ha detto ancora – noi capiamo più chiaramente il Vangelo… Siamo più chiaramente a fianco del povero, del debole, dell’emarginato, il perseguitato e coloro che soffrono ingiustizie… Vediamo più chiaramente il vero volto di un mondo dominato da menzogne, inganno e tirannia”.

Centinaia di poliziotti hanno sorvegliato la zona della cerimonia, riprendendo i presenti con fotografie e videocamere.

A Hanoi, intanto, la polizia interveniva per disperdere i fedeli riuniti in preghiera nel terreno illegalmente preso dalle autorità e del quale si chiede la restituzione. Ci sono stati alcuni arresti, ai quali i fedeli hanno risposto con una marcia silenziosa fino davanti alla stazione di polizia di Dong Da, per chiedere a liberazione dei fermati. A questa pacifica protesta, agenti in tenuta antisommossa hanno risposto con cariche e nuovi arresti.
 
Vietnam: police arrest Catholic protestors
Independent Catholic News
07:14 29/08/2008
Hundreds of police were mobilized in Hanoi yesterday, to hunt for Catholic activists who have been leading demonstrations at Hanoi Redemptorist monastery. Local Catholic sources in Hanoi confirm that so far at least three people, including an old woman, have been arrested.

Some parishioners, who took part in protests at the site, were also summoned to police stations. In one incident, 30 police men were deployed at the site to arrest Nguyen Thi Nhi, a protestor woman who has camped at the site since January.

Hanoi Redemptorists report that despite these threatening moves of security forces, hundreds religious and lay people kept praying at the site under the presence of large numbers of security police, in uniform and in plain-clothes, surrounding the protestors and mingling in their ranks, taking photos and filming with video cameras.

On Wednesday, with the clear intention of intimidation, Hanoi police announced at a press conference that they had launched a "criminal investigation" against Hanoi Redemptorists charging the religious with using their influence to incite the faithful in a confrontation with the government, destroying state property, assembling and praying illegally in public areas, and disturbing the public order.

In an open letter sent to Vietnam prime minister, the chairman of the Congress, and the Supreme Court released Thursday morning, the religious order criticizes the move asking for constructive dialogue respecting truth, justice, and law.

State-run media in Ho Chi Minh city (formerly known as Saigon) which, until recently, had stayed away from the Church land disputes in Hanoi, have "swamped in" the campaign of disinformation and threats. The Voice of Vietnam has repeatedly warned Catholic hierarchies in Saigon that any attempts to disturb public order will be punished severely. The warning has been issued after the provincial superior of the Redemptorists in Vietnam, Fr Vincent Nguyen Trung Thanh, sent a letter on last Sunday in which he urged all Redemptorists of Vietnam to be in solidarity with those of Hanoi, announcing a protest vigil at the Saigon Redemptorist monastery yesterday.
 
Vietnam: Catholics in largest protest since 1975
Independent Catholic News
07:14 29/08/2008
In one of the largest demonstrations since the Communists came to power in 1975, 3000 Catholics protested at Saigon Redemptorist Monastery last night to show their solidarity with their Hanoi brothers and sisters. Many Catholics in Hanoi were wounded in a clash with police last night.

More than 3000 Catholics in Saigon held a prayer vigil at Saigon Redemptorist Monastery to protest against the police raid at Hanoi Redemptorist Monastery on Thursday morning asking for the restitution of more than 60 thousand square metres of Hanoi Redemptorist Monastery's grounds that have been seized illegally by the local government.

180 priests from various religious orders in Saigon and nearby provinces concelebrated Mass to pray for the Church in Vietnam and in particular for the faithful in Hanoi.

Fr Vincent Nguyen Trung Thanh, the Provincial Superior of the Redemptorists in Vietnam, asked the congregation to thank Gods for all the graces poured abundantly on them and even for the sufferings and the persecutions.

He said: "Through events in Thai Ha, we understand the Gospel clearer. We stand clearer on the side of the poor, the weak, the marginal, the persecuted, and those suffering injustice. We see clearer the true face of a world dominated by lies, trickery, and tyranny".

Hundreds of police were sent to the site to take photos and film with video cameras.

Local Catholic sources in Hanoi report that at least four Catholics in Hanoi, including two elder women, were arrested yesterday. Hundreds of protestors are still camping on the disputed land in a peaceful protest.

In an attempt to lure the protestors to violence, police grabbed a woman when she was praying at the site and took her away. In response, more than 100 protestors led by Redemptorists marched silently after the police to a station in Hanoi's Dong Da district where they staged a peaceful protest asking for the release of all detainees.

At 7.45pm local time, when at least 500 Catholics of Thai Ha and nearby parishes were praying at the policestation, anti-riot police were sent to the site to disperse the protestors with batons. Many were wounded during the clash with police and dozens were arrested. A Redemptorist brother, beaten heavily by at least six police men, is in a serious condition.
 
Thousands of Catholics at prayer vigil in Ho Chi Minh City
Asia-News
07:16 29/08/2008
Simultaneously with the ceremony, which was intended to express solidarity with the faithful of Hanoi, police in the capital intervened forcefully to disperse the faithful. Arrests and beatings.

Ho Chi Minh City (AsiaNews) - More than 3,000 people took part yesterday evening in the prayer vigil (in the photo) organized at the Redemptorist monastery in Saigon, as a sign of solidarity with the Redemptorists and with the Catholics of Hanoi, who are demonstrating for the restitution of the property illegally seized from the monastery and from the parish of Thai Ha. While the vigil was taking place in Hanoi, the police intervened forcefully to drive the peaceful demonstrators away from the area that they are asking be given back. There were four arrests, and some of the faithful were beaten.

In Ho Chi Minh City, 100 priests from the surrounding cities and provinces concelebrated a Mass on behalf of the Church in Vietnam, and in particular for the faithful of Hanoi. Fr Vincent Nguyen Trung Thanh, superior of the Redemptorists in Vietnam, called upon the religious to thank God for the graces that he has granted to them, and even for suffering and persecution. "Through events in Thai Ha", he said, "we understand the Gospel more clearly. We stand more clearly on the side of the poor, the weak, the marginal, the persecuted, and those suffering injustice. We see more clearly the true face of a world dominated by lies, trickery, and tyranny".

Hundreds of policemen monitored the area where the ceremony took place, photographing and videotaping those present.

In Hanoi, meanwhile, the police intervened to disperse the faithful gathered in prayer on the property illegally seized by the authorities, which they are asking be given back. There were a few arrests, to which the faithful responded with a silent march to the police station of Dong Da, to ask for the liberation of those arrested. Officers in riot gear responded to this peaceful protest with beatings and new arrests.
 
Grootste protest van katholieken in Vietnam sinds 1975 (Tiếng Hòa Lan)
RKnieuws.net
07:52 29/08/2008
Grootste protest van katholieken in Vietnam sinds 1975 (Tiếng hòa Lan)
(Cuộc biểu tình lớn nhất của người Công giáo ở Việt Nam từ 1975)

SAIGON (RKnieuws.net) - In een van de grootste demonstraties sinds de communisten aan de macht kwamen, in 1975, hebben ruim 3000 katholieken gisteren geprotesteerd bij het Redemptoristen-klooster in Saigon. Zij gaven blijk van hun solidariteit met hun broeders en zusters in Hanoi. Veel katholieken in Hanoi raakten gewond bij een botsing met de politie afgelopen nacht.

180 priesters uit diverse religieuze ordes in Saigon en de nabijgelegen provincies concelebreerden de mis en baden voor de kerk in Vietnam en in het bijzonder voor de gelovigen in Hanoi. Fr Vincent Nguyen Thanh Trung, de provinciale overste van de redemptoristen in Vietnam, vroeg de congregatie te bedanken voor alle steun. Hij zei: "Door de gebeurtenissen in Thai Ha kunnen we het evangelie nog meer verduidelijken. Wij staan aan de kant van de armen, de zwakken, de marginale, de vervolgden en die onrecht lijden. We zien duidelijk het ware gezicht van een wereld die gedomineerd wordt door leugens en tirannie ".

29 augustus 2008 (RKnieuws.net)
 
Letter to The President of the United States
VietCatholic Network
09:07 29/08/2008
The Honorable George W. Bush
The President of the United States
The White House
Washington, DC 20500


August 29th, 2008

Dear President Bush,

We are writing this letter to express our deep concerns about the recent dispute between Redemptorists and the Government of Vietnam over a piece of property at Hanoi Redemptorist Monastery. We have been shocked by recent religious and human rights violations against the religious order as well as Catholic faithful who have assembled since January for peaceful prayer vigils at the site of dispute.

The property in question consists of 15 acres of land purchased by the religious order in 1928. After the Communist takeover in 1954, most of the Redemptorists in Vietnam were jailed or deported, leaving a local priest alone in charge of the land. Despite the pastor’s protests, local authorities, following a harsh anti-religion policy, had allowed individuals and state-run organizations to seize the parish’s land one section at a time. The 15-acre plot has been reduced to only about half an acre.

Since 1996, the religious order has repeatedly requested the requisition of the property claiming that it was seized illegally – all to no avail. Redemptorists and their followers in their desperation were left with no choice other than holding peaceful protests to call out for justice from the authorities.

In response, the Government of Vietnam launched a terrorizing campaign against Hanoi Catholics, starting with a series of arrests on August 28. On the same day, numerous of priests and lay people were kicked and beaten brutally by police when they peacefully requested for the release of detainees.

The United States of America has a long tradition of being a protector of religious and human rights throughout the world. We respectfully request that you do everything possible to ensure that the regime in Hanoi desists from all sorts of violent repression of the protestors, and seriously searches for negotiated settlements regarding the confiscated Church property that is at the root of the dispute. The Vietnam government must respect its own laws and international laws that it has signed. It must immediately take firm and concrete action to prevent further religious and human rights violations against followers of religious groups recognizing their rights to practice their faiths free of harassment and oppression. For a far too long period, people of faith have suffered and persecuted under Hanoi’s repressive and brutal rule.

Sincerely,

Fr. John Tran Cong Nghi
Director of VietCatholic Network
 
Vietnam denies use of stun gun to break protest
The Associated Press
13:05 29/08/2008
HANOI, Vietnam, Fri Aug 29, 9:58 AM ET - Vietnamese authorities denied Friday that they had used force or stun guns to break up a demonstration by Catholics who are demanding the return of land the Communist government took more than four decades ago.

Responding to accusations from protesters, including one who was bleeding, Hanoi's police chief told reporters Friday that officers had broken up the demonstration of about 300 people peacefully.

"Like police in other countries, we never use any kind of tools to beat unarmed people," Hanoi police Chief Nguyen Duc Nhanh told a news conference. "We just talked to them and the crowd dispersed."

Six people, including two priests, told The Associated Press that police had beaten and shocked church members who had gathered Thursday outside a police station to pray for the release of parishioners who were arrested earlier in the day.

Members of Thai Ha Church in Hanoi have been holding round-the-clock prayer vigils for nearly two weeks to demand the return of land next to their church that the government took in the early 1960s.

On Aug. 15, the day the vigils began, church members knocked down a section of a fence surrounding the property and placed several statues of the Virgin Mary inside.

Police say they arrested three people for damaging the fence. Church members, however, have said four were arrested in the fence incident and another seven following Thursday's demonstration.

One of the priests, Nguyen Ngoc Nam Phong, said Friday that police were lying about their actions.

"I was there and I saw them using stun guns to give electrical shocks to our church members," Phong said in an interview. "I could see the guns flare. They also beat people. Their denial once again shows that they never respect the truth."

Church leaders filed a complaint Friday protesting the conduct of police.

The Associated Press spoke to a parishioner shortly after the clash who had sought refuge inside the church, about 300 yards (meters) from the police station.

"They beat me on my face and used a stun gun to shock my daughter," said Nguyen Thi Phuc, who had blood on her face and shirt.

Hanoi authorities called the news conference Friday to address the land dispute and the charges of police violence.

Vu Hong Khanh, vice chairman of the Hanoi People's Committee, said the church members had no legal basis to demand the return of the land.

"If they need more land for their religious practice they have to apply to authorities to be granted land in accordance with the law," Khanh said.

Parishioners are seeking a 172,000 square foot (16,000 square meter) parcel next to their church. The lot is now occupied by a state-owned textile company.

Although religious freedom has been growing in Vietnam recently, the state closely monitors religious organizations and only recognizes a half-dozen officially sanctioned faiths, including Catholicism.

Catholicism is Vietnam's second-largest faith — after Buddhism — with more than 6 million adherents.

In the years after Vietnam's Communist government took power in 1954, all private land was taken over by the government.

Although demonstrations of any kind are rare in Vietnam, church members have been asserting themselves more boldly in recent months.

Earlier this year, Catholic leaders organized prayer vigils at a parcel of land near Hanoi's main cathedral demanding the return of that site, which once housed the Vatican's embassy in Vietnam.
 
Catholics rally at Vietnam police station, three detained
AFP
15:52 29/08/2008
HANOI (AFP) — Vietnamese Catholics have rallied outside a Hanoi police station in an escalating row over disputed church land taken over by the communist state half a century ago, police and a priest said Friday.

Police detained three parishioners after at least 100 Catholics gathered outside a police station Thursday night to call for the release of several other followers who had been arrested earlier in the day, they said.

Hanoi's police chief, in a rare press conference Friday, dismissed claims by the Thai Ha Redemptorist parish that riot police had charged the peaceful crowd and beaten them using electric batons, wounding at least three.

The disturbance came amid a long-simmering dispute in which Catholics have sought to reclaim an inner-city property that came under communist state control in the years after North Vietnam's 1954 victory against the French.

Authorities this week started legal proceedings against the Dong Da district parish, where priest Father Vu Khoi Phung has led hundreds of Catholics in prayer vigils on a disputed plot of land and erected an altar.

Tensions rose Thursday after police arrested three parishioners for damaging property and disturbing public order and took them back to the local police headquarters, said Hanoi police chief General Nguyen Duc Nhanh.

"Yesterday evening around 100 parishioners, including five to six priests, from Thai Ha parish gathered before the headquarters of Dong Da district police, creating pressure, demanding the release of the accused," he said.

"At 9:30pm last night the crowd dissolved itself," General Nhanh added. "Certainly before that there was some over-reactions, like abusing the policemen in charge. And as such we had to temporarily detain three persons."

One of the priests, Father Nguyen Van Peter Khai -- who put the total number of Catholics arrested since Thursday at eight -- told AFP that police had attacked the Catholics as they sat on the street for a peaceful vigil.

"We were in the street on Thai Ha street and the police repressed the Christians using electric shocks," said Khai. "A lot of people were beaten by police, they were beaten very hard."

He showed AFP digital photographs showing two women bleeding from head wounds who he said were victims of the police baton-charge.

When asked about the claim, police chief Nhanh only said: "We never use supporting instruments to beat those who do not violate the law. These instruments are only used when police are attacked."

Nhan said police had received no complaints alleging beatings on Thursday.

He also stressed that the police investigation was ongoing, saying "all violators should be investigated and punished."

Vietnam, a unified communist country since the war ended in 1975, has Southeast Asia's largest Catholic community after the Philippines -- at least six million out of a population of 86 million.

All religion remains under state control, but Hanoi's relations with the Catholic church had improved for years, leading to Prime Minister Nguyen Tan Dung making a landmark visit to the Vatican in 2007.

However, around Christmas last year Catholics started months of mass rallies at several churches, including Hanoi's main St Joseph's Cathedral, demanding the return of church land confiscated during the 1950s land reform era.

The Hanoi People's Committee at Friday's press conference laid out their case, backed by video recordings that showed Catholics breaking a wall to the dispute site, holding mass and erecting religious icons.

Officials called the acts illegal and said Vietnam no longer entertained land claims related to seizures made in the early years of North Vietnam.

They also said Thai Ha parish had donated the land to the state in 1961.

The Catholics say the land was stolen and have vowed more prayer vigils.
 
Vietnamese Catholics Say Police Uses Excessive Force to Break up Peaceful Protest
Associated Press
16:08 29/08/2008
HANOI (Associated Press) — Police used stun guns and beat parishioners protesting the arrest of fellow church members who have demanded the return of land they say was taken by Vietnam's communist government in the early 1960s, a Catholic priest said Thursday.

About 300 people gathered in front of the police station to pray for the release of those arrested. Some five hours after the crowd arrived, several hundred police officers used force to break up the crowd, witnesses said.

"We came to pray peacefully," said Nguyen Thi Phuc, a church member who had blood on her face and shirt. "Why did they have to beat us?"

State-run television report did not mention the confrontation. Vietnamese officials could not be reached for comment on Thursday night.

Earlier in the day, police had arrested two church members, accusing them of knocking down a fence that surrounds land parishioners want returned to the church, according to state-owned television.

Nguyen Van Khai, a priest at the Thai Ha church in Hanoi, said four church members were arrested.

The parishioners have been holding round-the-clock prayer vigils for nearly two weeks to demand the return of the land that they say was taken by Vietnam's communist government in the early 1960s.

On Aug. 15, the day the vigils began, church members knocked down a section of a fence surrounding the property and placed several statues of the Virgin Mary inside.

Police arrested seven demonstrators, and several people suffered minor injuries during Thursday's confrontation, said Khai, whose congregation totals several thousand.

"We will continue to pray peacefully, demanding that the government give us justice," Khai said, vowing that the church members would continue their vigil Friday.

Although religious freedom has been growing in Vietnam recently, the state closely monitors religious organizations and only recognizes a half-dozen officially sanctioned faiths, including Catholicism.

Catholicism is Vietnam's second-largest faith—after Buddhism—with more than 6 million adherents.

In the years after Vietnam's communist government took power in 1954, many church properties and other private lands were taken over by the government.

Although demonstrations of any kind are rare in Vietnam, church members have been asserting themselves more boldly in recent months.

Earlier this year, Catholic leaders organized prayer vigils at a parcel of land near Hanoi's main cathedral, demanding the return of that site, which once housed the Vatican's embassy in Vietnam.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại hội Giới Hiền Mẫu Giáo Hạt Đức Tánh – Phan Thiết
LM Giuse Nguyễn Hữu An
06:24 29/08/2008
PHAN THIẾT - Ngày lễ kính Thánh Nữ Mônica (27.8), Giáo hạt Đức Tánh tổ chức ngày Đại hội giới Hiền Mẫu tại Nhà thờ Võ đắt. 1.450 bà mẹ Công giáo từ 11 giáo xứ, 8 giáo họ đã đến tham dự.

Xin xem thêm hình ảnh về Đại Hội này

Theo chương trình của giới Hiền Mẫu Giáo phận, mỗi 3 năm tổ chức luân phiên, tại Giáo phận, giáo hạt, giáo xứ.

Tạm gác lại mọi công chuyện bề bộn, các bà mẹ có cơ hội quy tụ bên nhau, trao đổi, học tập về vai trò giáo dục của người mẹ trong gia đình cùng sinh hoạt chia sẽ niềm vui.

Cha Hạt trưởng JB Trần Văn Thuyết, Cha FX Đinh Quang Hùng, đặc trách giới Hiền mẫu Giáo hạt cùng các cha trong giáo hạt đến dự nghi thức khai mạc và dâng đồng tế thánh lễ.

Các bà mẹ đồng phục áo dài trắng trông thật đẹp, duyên dáng và tinh tuyền.

Buổi chiều giao lưu văn nghệ và thi giáo lý đã tạo nhiều niềm vui và sự hiểu biết để các bà mẹ đem về gia đình, giáo xứ chia sẽ cùng mọi người.

Ngày lễ Monica, bổn mạng giới hiền mẫu, học hỏi để càng hiểu về thánh Mônica, chúng ta càng quí trọng những người mẹ trong gia đình và trong giáo xứ. Suốt cuộc đời thánh Mônica luôn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi, chắc hẳn ngài mượn lời Mẹ Maria để nói rằng: Muôn đời ngợi khen tôi là người diễm phúc. Niềm hạnh phúc của thánh nữ Monica là trở nên gương mẫu cho các bà mẹ Công giáo, Monica là bổn mạng của các người mẹ Công giáo trong mọi thời đại. Xuyên thời gian, niềm hạnh phúc lớn lao của Monica vang vọng và lan tỏa trong Hội Thánh. .. Monica còn diễm phúc trong tư cách là người mẹ, bởi Monica đọc Lời Chúa và hiểu rằng con cái là triều thiên của cha mẹ. Đương nhiên triều thiên phải trả giá bằng nhiều đau khổ. Triều thiên của Monica là Augustinô. Chính Augustinô trở nên Tiến sĩ của Hội Thánh không chỉ ở thế kỷ thứ tư mà người ta luôn nhắc đến Augustinô với lòng trọng kính và biết ơn. Trong lịch sử Hội Thánh, nhiều người không ngần ngại nói rằng chính thánh Augustinô đã giúp nền văn minh thời bấy giờ đượm màu sắc Hylạp và Dothái đón nhận đức tin Công giáo… Monica thật sự là người diễm phúc, diễm phúc trong Hội Thánh và trong chính gia đình của mình. Monica phải nói lời tạ ơn theo gương của Mẹ Maria. Nhưng làm thế nào Monica có thể lãnh nhận được những triều thiên vô cùng cao quí đó ? Phải là một người vợ, một người mẹ hiền. Người vợ hiền (như sách Huấn Ca dạy) sưởi ấm gia đình, quy tụ con cái. Như mặt trời mọc lên sưởi ấm thế nào, người vợ làm cho mọi người trong gia đình cảm nhận được tình thương yêu hòa thuận. Monica đã thực hiện điều đó khi hết sức nhẫn nhục, yêu thương, tùng phục chồng, không nản chí và luôn dâng lên Chúa những lời kinh nguyện cầu trong nước mắt cho chồng… Hạnh phúc cho Monica khi thấy người chồng của mình được ơn trở lại. Chắc chắn người chồng hạnh phúc mãn nguyện và hãnh diện về người vợ hiền của mình. Trong vai trò là người mẹ, Monica cũng hết sức hiền lành. Hiền lành khi đối diện với những người con khó tính, muốn làm ngược ý mẹ mình, làm những điều phiền lòng mẹ mình. Yêu mến, biết ơn mẹ mình về sự hiền lành, nhẫn nhục, kiên trì và về niềm tin vững vàng, Augustinô kể lại: “Tôi đã làm nước mắt mẹ tôi chảy nhiều như dòng suối, mẹ đã khóc rất nhiều nhưng không làm tôi mềm lòng. Một vị Giám Mục đã an ủi mẹ tôi và nói rằng: “Con bà không hư đâu vì Chúa nhìn tới nước mắt của bà. Một người mẹ đã khóc nhiều và cầu nguyện kiên trì cho con mình thì người con không bao giờ hư mất…” Sau 17 năm trường trong khóc thương, hy sinh, hãm mình, làm việc bác ái và cầu nguyện nhiệt tình với Chúa, Monica đã cứu được người con “vô hy vọng” của mình. Vào năm 386, lúc 33 tuổi, Augustinô đã nhận ra “chân lý vĩnh cửu” và tin vào Phúc Âm tình thương của Chúa là chân thật và là con đường cứu rỗi. Augustino đã từ bỏ tất cả chủ trương sai lạc, quyết tâm gia nhập Hội Thánh và xin chịu phép Thánh Tẩy do chính tay Đức Tổng Giám Mục thành Milan là Ambrosio.

Sau khi gia nhập Hội Thánh, Augustinô đã từ bỏ mọi tham vọng và vui thú trần gian, trở về quê hương Phi Châu, bước vào cuộc đời tu trì khổ hạnh, rồi được chọn làm Giám Mục tại thành phố Hippo. Sau 34 năm tận tụy chăn dắt đòan chiên Chúa, Ngài đã được Chúa gọi về Nước Chúa vào năm 430, lúc Ngài 76 tuổi. Thánh Augustinô viết rất nhiều tác phẩm về thần học và triết học. Thánh Augustinô được kính như một Thánh Giáo Phụ thời danh và là Thánh Tiến Sĩ trong Giáo Hội.

Riêng Monica, sau khi con mình trở về với Chúa và Giáo Hội, bà vô cùng vui mừng tạ ơn Chúa và đã cùng các con trở về Phi Châu. Nhưng thánh ý Chúa nhiệm mầu, trên đường trở về quê hương, Chúa đã cất Monica về với Chúa tại Ostia vào năm 387, thọ 56 tuổi, sau cả một cuộc đời luôn trung thành giữ vững Đức Tin nơi Chúa và Giáo Hội, cả một cuộc đời hy sinh, chịu đựng mọi khổ đau để cầu nguyện trong nước mắt cho chồng, cho con.

Khi con cái đã được quy tụ trong một niềm tin và lòng yêu mến, Monica mãn nguyện về cùng Chúa, tâm tình cuối cùng Monica nói với con: “Mẹ không chờ mong, không tha thiết điều gì hơn, cha các con đã bình an về cùng Chúa trong thánh thiện … hãy cầu nguyện cho mẹ mỗi khi các con nhớ đến mẹ. Hướng về bàn thờ Chúa, hãy tin rằng nơi đó mẹ cùng cầu nguyện với các con …” Sau những thử thách thật dài, thật lâu, Thánh Nữ Monica đã được Chúa thương thực hiện những gì Thánh Nữ cầu xin mà nhiều người cứ tưởng là vô vọng. Thật là một tấm gương tuyệt diệu cho các Bà Mẹ.

Người mẹ hiền trong cuộc sống trần gian, người mẹ hiền bên cạnh Chúa, người mẹ hiền luôn quy tụ con cái của mình. Trong truyền thống của Hội Thánh, hay ngay như trong các giáo xứ, chính thánh Monica đã quy tụ các thế hệ hiền mẫu. Các hiền mẫu tiền bối đã yêu mến và đi theo con đường của Monica, các thế hệ hiền mẫu ngày hôm nay cũng được quy tụ lại để cầu nguyện, ăn chay, hãm mình, dâng biết bao nhiêu hy sinh từ cuộc sống gia đình, phục vụ trong giáo xứ và xã hội, kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu trong Mầu Nhiệm Thánh Giá. Ngày lễ Monica cũng là ngày quy tụ tất cả con cái. Yêu mến, biết ơn, kính trọng các hiền mẫu, chúng ta ước mong các thế hệ hiền mẫu tiếp tục đi theo con đường của Monica. Không những tại nhà thờ, mà còn nơi mỗi gia đình, các hiền mẫu trở nên những người mẹ hiền thật sự, làm cho gia đình mình được ấm cúng thuận hòa, làm cho các thế hệ con cháu trong gia đình và trong giáo xứ được vẻ vang. Như Monica có con cái là triều thiên của mình thế nào, các hiền mẫu trong giáo xứ cũng có các thế hệ con cháu làm vẻ vang cho chính các bà mẹ Công giáo như vậy.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Đức tin trung kiên của người Công giáo Thái Hà cho thế giới thấy: Thiên Chúa vẫn hiện diện dù trong thế giới Cộng Sản
Anmai, CSsR
06:03 29/08/2008
Đức tin trung kiên của người Công giáo Thái Hà cho thế giới thấy: Thiên Chúa vẫn hiện diện dù trong thế giới Cộng Sản

Phố Đức Bà bỗng dưng nổi tiếng khắp thế giới mà chẳng cần phải lăng-xê, quảng cáo gì cả! Và những người dân nghèo ở đây, bao nhiêu năm tín thác đời mình vào Thiên Chúa bỗng dưng cũng trở nổi tiếng với thế giới cùng với Mẹ của mình. Người đời vẫn thường nói “trong cái rủi có cái may”. Chẳng lẽ ở đời này người nghèo, người bị áp bức, người bị đối xử bất công cứ mãi ở trong cái phận rủi của họ sao? Họ cũng có cơ hội để nói lên tiếng nói của mình dẫu mang trong mình phận của một người nghèo, người thấp cổ bé họng.

Người tin cũng thế, bao nhiêu năm nay ấp ủ lòng tin của mình để rồi nhân sự kiện bi đát, đắng cay bị chèn ép, bị đối xử bất công ở Xứ Thái Hà - Phố Đức Bà thì người tin được bộc lộ lòng tin của mình rõ nét hơn lúc nào hết: Có Thiên Chúa!

Vấn đề nào cũng thế, cần bình tĩnh phân tích và suy xét, nhận định chứ không nền nhìn nó một cách hời hợt bên ngoài rồi kết luận hồ đồ. Đất đai ở Thái Hà cũng vậy, phải đưa ra chứng cứ rõ ràng thì mới có thể nói được. Đàng này, mảnh đất này còn chủ quyền và chưa bao rơi vào tình cảnh vắng chủ để rồi những kẻ tán tận lương tâm nhảy vào “hôi của” được. Linh địa - đất Thánh - đất nhà thờ chứ đâu phải là cái bánh cái trái cúng cô hồn để rồi “mạnh được - yếu thua”?

Phải nghe những người trong cuộc nói chuyện thì mới hiểu được ý của họ thế nào chứ đừng nghe qua nghe lại để rồi đánh tráo sự thật, bỏ mất lương tâm. Giáo hội, mục tử, con chiên nói chung và cách riêng anh em tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế không bao giờ tán tận lương tâm để được một mảnh đất cỏn con như thế. Nên nhớ cho rằng bên dưới vụ kiện mảnh đất đấy nó là tiếng nói đòi công lý, đòi công bằng trên một đất nước mà bi đát hay phải khóc lên để mà nói rằng chẳng còn chút gì là công lý, còn chút gì công bằng!

Giả như miếng đất tranh chấp bị rơi vào tay những người tán tận lương tâm đi chăng nữa thì lòng của mỗi anh em tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế vẫn bình an như vại. Là giáo dân đã xác tín rằng: “Được lời lãi cả và thế gian mà lỗ vốn mất linh hồn nào được ích gì ?” chứ huống chi là những người đã tận hiến đời mình cho người nghèo, cho ơn cứu độ chứa chan nơi Đức Kitô.

Nhờ sự kiện miếng đất này mà lòng tin của những con người bị ức hiếp, bị chèn ép về tôn giáo được nói lên tiếng nói, được nói lên lòng tin của mình là CÓ THIÊN CHÚA HIỆN DIỆN trong THẾ GIAN ĐẦY SỰ GIẢ TRÁ VÀ ĐẢO ĐIÊN này!

Còn nhớ, cách đây không lâu, Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt đã mạnh dạn nói rằng nếu phải đi tù thì Ngài sẽ đi tù thay cho dân của Ngài. Anh em Dòng Chúa Cứu Thế ngày nay, trong tình cảnh hiện cũng có tâm tư, cũng có thao thức như Đức Tổng là anh em tu sĩ linh mục sẽ chấp nhận ngồi tù. Không phải ngồi tù vì miếng đất cỏn con như thế nhưng ngồi tù để minh chứng cho lòng tin của mình vào Thiên Chúa. Những người bị bắt, những người bị đánh đập trong những ngày qua là những người tiên phong làm chứng rằng cuộc đời họ có Thiên Chúa và họ hoàn toàn tin tưởng, phó thác vào vòng bàn tay của Thiên Chúa.

Giờ đây, hơn bao giờ hết, anh em tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, giáo dân Thái Hà nói riêng và giáo dân mọi miền đất nước đều vui vẻ, bình an cảm nhận rằng:

Chúa là mục tử chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người. Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa” (Tv 23,1-5).

Dẫu có đổ máu, dẫu có tan thương đi chăng nữa nhưng miễn sao Thiên Chúa được tôn vinh và vinh danh là được rồi. Phải chăng Chúa dùng biến cố này để một lần nữa nói với con người, cách riêng những người vô thần, những người sống theo chủ nghĩa vật chất rằng CÓ THIÊN CHÚA. Máu của giáo dân đã đổ và thậm chí máu của linh mục, tu sĩ sẽ phải đổ cho công lý, cho sự thật nhưng xét cho cùng những đau khổ, những giọt máu phải đổ xuống thì chẳng có ý nào khác rằng giáo dân, tu sĩ, linh mục luôn minh chứng cho đời rằng CÓ THIÊN CHÚA trong đời của họ nên họ mới can đảm như thế! Chẳng ai dại phải đổ máu vì miếng đất cỏn con, chẳng ai dại gì mà phải chết cho một người mà người đó chẳng là gì trong đời họ. Họ chết, họ tử đạo cho Đấng đã sinh ra, đã chết và đã sống lại vì họ mà thôi.

Chỉ có những con người vô lương tâm hay bán rẻ lương tâm của mình để giành giật những thứ tài sản sẽ mất ngày mai dưới ba tấc đất của nắm mồ điểm tô bằng những miếng đá hoa cương bóng bẩy thôi. Còn chúng tôi, những kitô hữu, những tu sĩ, những linh mục Dòng Chúa Cứu Thế luôn xác định rằng bên dưới ba tấc đất là sự hiện diện, sự quan phòng của Thiên Chúa hằng sống. Chúng tôi không vì miếng đất mà lại bán rẻ lương tâm Công Giáo của chúng tôi được giáo huấn từ Thiên Chúa, từ Giáo Hội của Ngài. Chúng tôi sống cho một lý tưởng cao đẹp, cho một niềm tin sắt son vào Chúa chứ không bao giờ sống với cái lý tưởng tồi tệ là chỉ vun vén cho đầy túi tham của mình như một số người chẳng hề tin có Thiên Chúa, tin có đời sau.

Tiếc thay cho những hành vi bất nhẫn của họ thôi. Chúng tôi vẫn tôn trọng thái độ vô thần của những người không tin có Thiên Chúa nhưng xin nhắc cho rằng phải cư xử sao cho có công bằng, công lý với những người tin vào Chúa. Đừng đợi đến ngày phán xét nhưng ngay trong đời tạm này Thiên Chúa sẽ có cách nhãn tiền trước những người tán tận lương tâm. Hãy đợi đấy! Bán rẻ lương tâm, bán rẻ đạo lý của con người lẽ nào được bình chân như vại như những người cả đời tín thác vào Thiên Chúa, vào Đấng luôn hứa ban bình an cho chúng tôi.

Thật ra, Thiên Chúa có mặt, Thiên Chúa hiện diện từ muôn đời muôn thuở nhưng con người vì lý do này lý do khác, bằng cách này cách khác cố tình chối bỏ Ngài nhưng làm sao có thể lấp liếm được sự hiện hữu của Ngài. Không chấp nhận sự hiện hữu của Ngài cũng được - với những người vô thần – nhưng xin đừng tán tận lương tâm để chà đạp, để đàn áp những con người luôn tín thác, luôn xác tín rằng đời họ LUÔN LUÔN CÓ CHÚA ở kề bên!
 
Thái Hà nổi lửa! (Thơ)
Bút Trẻ
06:15 29/08/2008
Thái Hà nổi lửa!

Thái Hà nổi lửa
lửa thái hà, lửa Thánh Thần
HOÀ BÌNH CÔNG LÝ cho dân tộc này

lửa thái hà, lửa vinh THĂNG
LONG lanh mắt MẸ đêm canh Xác Ngài

lửa thái hà, lửa Từ NHÂN
QUYỀN là vươn thẳng hai chân làm người

lửa thái hà, lửa trùng KHƠI (khởi)
PHỤNG sự một Chúa đáp lời núi sông (1)

lửa thái hà, lửa trời NAM
PHONG là gió lớn bùng tâm hồn người (2)

lửa thái hà, lửa TIỀN PHONG
hai ngọn kiêu dũng giáp công đòi quyền

lửa thái hà soi mặt NGU
SI từ mồm đảng khạc vù… lên không

lửa thái hà mời HIỆP THÔNG
mỗi người một gậy đồng lòng ký tên (2)

mỗi ký tên, một que diêm
góp lửa với THÁI HÀ thêm rực hồng

mỗi ký tên một tầm vông
phang bọn Hán Ngụy đòi CÔNG LÝ về.

Bút Trẻ
Ngày 28/8/2008


(1) Xin xem:
a. Đơn khiếu nại lần thứ nhất của Lm Vũ Khởi Phụng về việc báo chí xuyên tạc sự thật tại nhà thờ Thái Hà viết ngày 19-8-2008: http://vietcatholic.net/pdf/80820khieunai.pdf
b. Báo cáo mục vụ và kiến nghị của Lm Vũ Khởi Phụng gửi Tổng Giám Mục Hà Nội, ngày 25/7/2008: http://www.vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?Id=57114
c. Chánh xứ Thái Hà kêu gọi Giáo Hội cần mạnh dạn bảo vệ giáo dân trước các bất công xã hội: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Catholic-church-should-take-critical-action-to-protect-people-from-social-injustice-TMi-08212008153958.html
d. Lời Phát Biểu Của LM Vũ Khởi Phụng Tại DCCT Sài Gòn kêu gọi Cầu nguyện cho Công lý và cầu nguyện cho nhà cầm quyền: http://thongtin.brinkster.net/diendan/loiphatbieucualinhmucvukhoiphung.htm
(2) Xin xem:
a. Lm Nguyễn Ngọc Nam Phong lý luận thẳng thắn với Chủ tịch UBND Quận Đống Đa ngày 22-08-2008: http://www.vietcatholic.net/News/Html/57722.htm
b. Báo cáo sơ qua của Lm Nguyễn Ngọc Nam Phong về tình hình đất đai của dòng Chúa Cứu Thế tại giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, từ 11/8/ tới nay: http://www.chuacuuthe.com/kysu/9560th125.html
c. Báo cáo sơ bộ của Lm Nguyễn Ngọc Nam Phong về tình hình giải quyết đất đai của Dòng Chúa Cứu Thế tại Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, ngày 30/6/2008: http://www.chuacuuthe.com/kysu/9600th105.html
 
Một ''dự án phong Thánh'' đã bắt đầu bằng... dùi cui điện
J.B. Nguyễn Hữu Vinh
06:45 29/08/2008
MỘT “DỰ ÁN PHONG THÁNH” ĐÃ BẮT ĐẦU BẰNG… DÙI CUI ĐIỆN

Một dự án “Phong Thánh” được bắt đầu?

Khi những người cầu nguyện ôn hòa trên đường phố Thái Hà đã suốt một buổi chiều vất vả kiên trì chờ những người bị bắt được thả ra, thì hàng trăm người sau buổi cầu nguyện tại khu đất lại tiếp tục đến hiệp thông với họ.

Để đón tiếp mấy trăm con người đến cầu nguyện nói lên nguyện vọng của mình, là thả những người mà theo họ là vô tội, (bởi theo họ, vụ án đã khởi tố các nạn nhân khi họ đi đòi lại những tài sản của Giáo hội mà họ đang có đầy đủ chứng cứ đã bị chiếm đoạt, trong khi các chứng cứ của phía nhà nước đang chiếm đoạt đưa ra đã bị họ bác bỏ một cách dễ dàng) thì lực lượng công an, cảnh sát cơ động được trang bị bằng những công cụ hỗ trợ mua bởi tiền của từ sự đóng góp của những người dân lành kia đã ra tay. Một số người bị trọng thương, một số người đã lại bị bắt đi.

Máu của họ đã đổ vì những quyền lợi thánh thiêng của Giáo hội Công giáo.

Lần đầu tiên trong đời, tôi được nhìn thấy tận mắt những điều có thể làm để chứng tỏ sự tàn bạo mà loài người có thể thực hiện, khi mà cả chục người thi nhau dẫm đạp, đấm đá, chọc bằng dùi cui điện ngay giữa đường phố đông đúc với một người dân vô tội đang cầu nguyện ôn hòa.

Như vậy, sau những “dự án” của Nhà nước về chuyển đất đai, tài sản của Giáo hội thành của nhà nước, tiếp đến là dự án chuyển tài sản nhà nước đó thành tài sản tư nhân. Khi dự án tư nhân hóa không thành công bởi giáo dân đã phát hiện, lại chuyển thành dự án công cộng, và để thực hiện dự án đó bằng mọi cách, thì một dự án không nằm trong kế hoạch đã bắt đầu được thực hiện: Dự án “Phong Thánh” cho những giáo dân kiên cường. Tiếc rằng, những dự án này được viết những dòng bắt đầu bằng dui cui điện và kết quả là những giọt máu đào kiên cường đã đổ xuống.

Sau khi đã đưa ra các chứng cứ non yếu về tính pháp lý đối với việc chiếm đoạt đất Dòng Chúa cứu thế - Xứ Thái Hà nhưng không hiệu quả. Bởi những cái gọi là chứng cứ đó được đưa ra, càng thấy rõ sự áp đặt, sự đánh tráo lẫn lộn các khái niệm đơn giản để áp đặt những ý muốn chiếm đoạt bằng mọi cách của nhà nước. Họ biết rằng: Nếu đối thoại hợp lý hợp tình, thì rõ ràng những cái gọi là chứng cứ nói trên dễ dàng sụp đổ. Nhà nước đã phải tính đến việc dùng lực lượng chuyên chính vô sản: Công an và dùi cui điện. Bắt đầu bằng lệnh khởi tố vụ án tại 178 Nguyễn Lương Bằng.

So với các vụ án khác, vụ án “phá hoại tài sản này" chỉ là… con muỗi nếu có, bởi cái gọi là tài sản đó chỉ là mấy mét tường rào gạch đáng giá bao nhiêu? Có bằng những dự án hàng ngàn tỷ đồng đã bị phá sản? có bằng hàng ngàn hecta rừng bị hô… biến hay không? Có bằng những vùng đất mênh mông của đất nước đang bị chiếm đoạt vô cớ không? Nó có nghiêm trọng bằng việc Bí thư tỉnh ủy, ủy viên trung ương đảng đã chiếm đoạt vô cớ đất đai của Bà mẹ liệt sỹ đẩy gia đình họ ra lề đường không? Sao chỉ bị “khiển trách” mà không khởi tố vụ án? Đó có là tài sản, là mồ hôi nước mắt của nhân dân hay không?

Trong khi những người dân lành này đã và đang xác quyết tài sản đó là của họ, khi họ tuyên bố: “Trong thời gian UBND TP chưa cung cấp được đầy đủ những chứng cứ đủ cơ sở pháp lý để chứng minh quyền sử dụng đất đai, tài sản trên, thì đất đai tài sản trên vẫn đương nhiên thuộc Dòng Chứa cứu thế - Giáo xứ Thái Hà” .

Cũng phải nói rằng, đây là một lời tuyên bố dựa trên cơ sở pháp lý hiển nhiên về tài sản.

Nhưng, vụ án này đã được nhà nước xử sự khác hơn. Ngay từ đầu, không cần đến lệnh triệu tập lần thứ hai, các giáo dân đã được cả một hệ thống công an dày đặc ào ào áp giải bắt đến quận Công an.

Vụ án này cũng khác hơn những vụ án khác, nó được thực hiện sau khi hệ thống truyền thông đã làm kỹ càng theo định hướng là: “tạo dư luận lên án, đấu tranh” . Với những người làm truyền thông nhà nước, bất cứ công việc gì của hàng ngũ giáo dân, linh mục làm đều được coi là “vi phạm pháp luật” Kể cả việc “gửi đơn khiếu nại”? gửi thư hiệp thông… (Xem báo HNM thì đầy rẫy những điều này).

Nhưng việc giáo dân bị trấn áp bằng dùi cui điện, bằng lực lượng chuyên chính ào ào như sôi với đám dân lành đang không tấc sắt trong tay, thì chưa thấy một báo nào trong hệ thống đó nhắc tới. Tôi không hiểu sao họ không đưa tin này làm tin nóng để báo cáo thành tích chào mừng 63 năm ngày thành lập cái nhà nước này mà chỉ còn một vài ngày nữa là cả dàn đồng ca lại thi nhau hót?

Một linh địa mới có thể được ghi danh

Người Công giáo xứ Thái Hà, cũng như những người Công giáo Hà Nội và toàn thể Giáo hội Công giáo toàn cầu, đã từng chấp nhận nhiều sự bách hại, đàn áp từ xưa tới nay, đâu có là chuyện lạ. Ngay từ thời sơ khai, nhiều người đã từng chấp nhận cái chết dưới các Thánh Giá lửa với những tiếng hát cất lên trong đêm. Và họ đã được thanh thản khi cái chết đến với họ trong niềm tin yêu mãnh liệt.

Người Công giáo hiểu rằng: với những thế lực thế gian, sự đau khổ, những điều họ chịu đựng chỉ là chuyện nhỏ, nếu vì danh Cha cả sáng.

Nhìn những cảnh giáo dân bị xâu xé, bị dồn đuổi đánh đập bằng dùi cui điện, băng giày đinh giữ phố, tôi cứ tưởng tượng đến những hình ảnh trên quãng trường cổ xưa kia khi hàng loạt giáo dân đã bị xua ra cho các loại thú dữ bị bỏ đói lâu ngày.

Nhưng, giáo dân có nhụt chí? có sợ hãi trước những cảnh đó không? Tôi tin là không. Khi những sự việc đã xảy ra, có mặt ở nhà xứ, kể cả những người bị đánh đập trọng thương đã nói: “Không đáng sợ, kể cả phải chết” , đó có phải là điều làm cho những người cầm quyền phải suy nghĩ chăng? Hay họ muốn chết thì… được chết để thể hiện quyền tự do gấp triệu lần tự do tư bản?

Và khi những người thân của họ đang trong vòng lao lý, mà họ là những người đã chứng kiến và chấp nhận tất cả, kể cả sự bạo tàn, thì điều đó rất có thể đến.

Nhưng có một điều hết sức khác biệt với những cái chết đơn thuần. Đó là dù có thể là những cái chết được báo trước, họ vẫn thấy trọn vẹn lòng tin mến mà không hề sợ hãi, sau khi nghe tin giáo dân Thái Hà bị đàn áp, rất nhiều người lại lũ lượt đến Thái Hà cùng chia sẻ với họ.

Nếu có một người nào ngã xuống, thì nơi đây, vốn là đã là nơi hành hương sẽ trở thành linh địa thiêng liêng. Khi đó, không có bất cứ một thế lực thế gian nào làm cho con người phải khuất phục trong sợ hãi.

“Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mattheu –X-18)

Hà Nội, ngày 29 tháng 8 năm 2008
 
Thái Hà vẫn vang ca tiếng hát: ''Mẹ ơi, xin thương đến Thái Hà con đây…''
PV VietCatholic
06:57 29/08/2008
THÁI HÀ - Ngày hôm qua 28/08/2008: Ngày của đau thương, nước mắt:

Giờ này, khi chúng tôi ngồi viết lại những gì đã xảy ngày 28/08/2008, thì đồng hồ trên tường đã điểm 9h ngày 29/08.

Cả ngày 28.8, chúng tôi phải chạy đôn chạy đáo chỗ này chỗ khác vì có quá nhiều chuyện bất thường xảy đến với Thái Hà. Có lẽ ngày này là ngày lịch sử của Thái Hà, ngày của sự bắt bớ, bách hại thương đau.

Hôm qua lúc 6h30 -10h45

Buổi cầu nguyện tại linh địa vừa kết thúc, những sự bắt bớ bắt đầu diễn ra. Trước hết tại nhà một ông giáo dân cách nhà thờ Thái Hà chừng một cây số, cảnh sát rình rập khắp ngõ hẻm. Một tên cảnh sát vào nhà đưa giấy triệu tập lúc 6h30. Được một lúc, ông giáo dân chưa kịp đi, thì toán cảnh sát xông vào áp chế ông về đồn cảnh sát. Hành động trái pháp luật này của cảnh sát đã làm cho người dân xung quanh bức xúc.

Lúc 9h30, một vài tu sĩ của tu viện Thái Hà đến thăm gia đình của thân chủ. Ngay lập tức, lực lượng cảnh sát đông đảo lại ập vào nhà và còng tay người vợ đưa đi. Và một tu sĩ bị đánh đánh sưng tím ở lưng. (Chú thích: Sáng nay, nghe có tin loan truyền rằng: "Trong buổi cầu nguyện sáng hôm nay lúc 6h15 ngày 29.8.2008, có một số người đã chứng kiến hiện tượng lạ tại linh địa: Hình Đức Mẹ mặc áo xanh bồng Chúa Hài Nhi Giêsu xuất hiện trên trời, sau đó là bánh Thánh Thể tóe ra từ mặt trời, tu sĩ này trở về tu viện và đã được chữa lành ngay tức khắc. Cả đêm mất ngủ vì vết thương, sau khi cầu nguyện tại linh địa về, vết thương thuyên giảm và mất hẳn, hết đau đớn".)

Cùng thời điểm bắt bớ tại nhà giáo dân vừa kể trên, hiện tượng áp chế, bắt bớ tương tự xảy ra tại ngay linh địa Đức Bà và một số gia đình giáo dân khác.

Lúc 14h30

Sau khi viếng Đức Bà tại linh địa, 7-8 linh mục, tu sĩ cùng đông đảo giáo dân xếp thành hàng dài cầm đơn lên trụ sở công an quận Đông Đa để đề nghị thả những người bị áp chế một cách bất hợp pháp. Cảnh sát tuốn ra đông đảo để trấn áp giáo dân. Họ dùng loa phóng thanh để đe dọa điều này điều khác. Thấy thiện chí của mình bị chối bỏ, bà con giáo dân cùng các linh mục kiên trì túc trực tại cổng của trụ sở công an để chờ câu trả lời của cấp lãnh đạo. Họ chờ đợi với những lời kinh cầu nguyện âm thầm và ôn hòa.

Lúc 20h15

Hơn bốn trăm giáo dân từ nhà thờ đi ra để hiệp thông với anh chị em của mình đang kiên nhẫn túc trực tại cổng trụ sở công an quận. Đáp lại thiện chí của giáo dân, chính quyền phái đến một đội cảnh sát cơ động khoảng chừng mấy trăm tên. Cuộc đàn áp bắt đầu diễn ra. Kẻ có quyền dùng dùi cui điện xông vào giáo dân, vụt tới tấp. Có người bị đánh ngất xỉu tại chỗ, có người bị đánh vỡ mặt, máu me tóe ra, có người bị đánh thâm tím cả người. Rất may là các linh mục không bịu ăn đòn, vì có các bà các chị vây quanh chịu đòn thay.

Thái Hà ngày 29.8.2009

Sau đêm cảnh sát đàn áp dã man giáo dân Thái Hà cầu nguyện, họ đánh đập và bắt người đưa đi. Nhưng sự đàn áp, bắt bớ của chính quyền ngày hôm qua đã không làm cho giáo dân sợ hãi, nhưng càng làm cho lòng tin của họ càng vững mạnh.

Xin xem hình ảnh cầu nguyện tại Thái Hà hôm nay

Sau thánh lễ sáng, giáo dân vẫn tiếp tục ra linh địa Đức Bà cầu nguyện. Lời kinh tiếng hát vẫn vang vọng nơi linh địa. Hôm nay lời kinh tiếng hát ấy nghe như tha thiết hơn: “Mẹ ơi, xin thương đến Thái Hà con đây…”. Trong cơn quẫn bách chắc chắn Mẹ sẽ nâng đỡ phù trì.

Quả thật, sau giờ cầu nguyện đột nhiên nhiều người quỳ xuống, hóa ra họ đã thấy Đức Mẹ linh thiêng hiển linh. Họ thấy hình Mẹ bồng Chúa Giêsu và hình cây thánh giá xuất hiện, một số khác thấy hình hào quang xuất hiện trên bầu trời…

Có người nói: "Trong cơn khốn khó, Mẹ đã tỏ dấu chỉ cho thấy rằng Mẹ vẫn luôn ở bên con cái của Mẹ."

Ra viếng linh địa lúc 8 giờ 30, chúng tôi thấy một phái đoàn các Sơ cùng với khá đông giáo dân đang cầu nguyện trước đài Đức Mẹ. Một số giáo dân bỗng la lên khi họ thấy nét mặt của Mẹ trở nên hồng hào, họ chắp tay cầu nguyện một cách thật sốt sắng.

Tại nhà xứ Thái Hà, vẫn nhộn nhịp với nhiều phái đoàn giáo dân từ các nơi kéo đến. Bên cạnh đó chúng tôi cũng thấy có một đoàn cán bộ tới làm việc. Nghe nói đó là đoàn cán bộ của phường Ô Chợ Dừa.

Tại sân nhà Dòng, chúng tôi thấy có hai cha và một thầy mặc tu phục đứng với một nhóm giáo dân, nghe nói là họ chuẩn bị đi ra Công an quận Đống Đa để trao đổi về sự kiện bắt người đêm qua.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin từ Thái Hà.
 
Từ Nhật Bản hướng về Giáo dân Thái Hà
Sinh viên Việt Nam tại Tokyo
07:15 29/08/2008
Từ Nhật Bản hướng về Giáo dân Thái Hà

LTS: Từ Nhật Bản, bạn Hoàng Lợi viết: “Chúng tôi là những sinh Viên Người Việt Nam đang sống và làm việc tại Nhật. Mấy hôm nay chúng tôi theo dõi tin về sự việc của giáo Xứ Thái hà, nay chúng tôi rất bất bình với cách hành xử với người dân của chính Quyền Việt Nam, nhóm chúng tôi vi có chung tinh thần yêu nước, yêu đồng bào Việt Nam đang bị chính quyền hành hạ, nên đã cùng nhau viết thư gưi cho Chính quyền Việt Nam qua báo Điện tử VTC nhưng người không tiếp nhân bài của chúng tôi. Chúng tôi nghe nói báo Vietcatholic san sang nhan va dang bài tự, nên chúng tôi muốn gứi đến để được xin đăng lên va rất mong chính quyền Việt Nam và mọi người cùng đọc để hiểu và nâng đỡ tinh thần bà con Giáo dân Thái Hà Hà Nội. Xin cám ơn"

Trước hết chúng tôi xin cảm ơn Báo điện tử VietCatholic đã kịp thời đưa mọi thông tin chính xác, kịp thời cho chúng tôi và mọi kiều bào chúng ta đang sống ở nước ngoài biết tình hình của bà con giáo dân giáo xứ Thái Hà và Quý Linh Mục Tu Sĩ Dòng Chúa cứu Thế.

Chúng tôi là nhóm sinh Viên, Nghiên cứu sinh Việt Nam đang học và làm việc ở Tokyo Nhật Bản, gồm cả người Công giáo, phật Giáo và có người không theo tôn giáo. Hơn bao giờ hết, chúng tôi thấy thương người dân Việt Nam chúng ta. Bị đánh đập một cách dã man ngay trên Thủ Đô, quê hương thân yêu Việt Nam. Hãy cùng chúng tôi hiệp ý cầu Trời, xin Đức Chúa, xin Đức Phật ra tay nâng đỡ và tìm cách bảo vệ bà con giáo dân Thái Hà:( vì trong tay họ không cầm vũ khí để đánh trá và tự vệ).

``Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tùy rằng khác giống, nhưng chung một giàn``


Cùng là người Việt, ai mà không cảm thấy đau lòng và chua xót khi người nắm chức quyền ra tay đàn áp dân lành. Không biết Bác Hồ chúng ta đang nơi chín suối có vui và hài lòng với cách tru diệt của chính quyền Việt Nam hay không? Chúng tôi học lịch sử nghe thầy cô kể về cảm xúc của Bác khi chính quyền đã ra tay giết nhiều người hiền tài vô tội. Sau đó Bác đã ra lệnh sửa sai...

Chúng tôi nghĩ rằng làm người không ai dại gì đem cái thân mình ra cho người khác hành hạ, nhìn cảnh máu me tràn trề của một số bà cụ bị cánh sát lợi dụng lúc đêm tối để tấn công người già, chúng tôi không thể cầm được nước mắt.

Chúng tôi xa nhà không nắm rõ diễn biến về vụ dành đất đai ở Thái Hà. Nhưng chúng tôi tin người dân Việt nam chúng ta từ trước tới nay không dám ngang nhiên biểu tình, ai cũng sợ bị nhốt tu, vì không phải giống như nước ngoài, được tự do...Chúng tôi luôn luôn đặt ra cho nhau câu hỏi tại sao giáo dân họ đứng lên để đòi lại đất? Tại sao các nhà báo viết bài đấu tranh vì sự tiến bộ của đất nước chúng ta lại bị nhốt tù, tước quyền nhà báo của họ? Hay là vì họ đã cố tình đụng đến các ``vua, quan Việt Nam`` nên họ bị tu di tam tộc? Xin các vị chính quyền xem lại cách làm Việc của mình đã trong sáng và nghiêm minh chưa? Tại sao bây giờ chính phủ Nhật trách chính phủ Việt nam không nghiêm túc trong việc chống tham nhũng? Chúng tôi nghĩ chính quyền Việt nam cần sáng suốt phân tích tìm ra nguyên nhân này, giống như thủ Tướng Nguễn tấn Dũng phân tích để tìm ra nguyên nhân vụ sập cầu cần Thơ năm ngoái.

Đừng vội vàng tàn ác, ra tay đánh đập đàn áp bà con, nhân dân Hà Nội một cách dã man như vậy. Chúng tôi nghĩ rằng sẽ đến lúc Chính quyền Việt Nam ngước mắt nhìn lên trời, nhìn ra thế giới bên ngoài, nhìn vào cách làm việc của chính quyền các nước tiên tiến, rồi họ sẽ nhận ra tội lỗi tày trời của họ.

Thực sự chúng tôi rất cảm động khi đọc được những lời cầu nguyện của của một số bà con giáo dân: ``xin Chúa tha tội cho kẻ thù,`` (nhờ sự giải thích của một bạn người công giáo về tư tưởng này, giúp chúng tôi hiểu rõ hơn) những viên cánh sát, chuyên lo phục vụ cho chính quyền mà phải đánh mất lương tri, bản tính lương thiện của chính mình.

Xin cho những người dân, những nhà báo chân chính bị bách hại vì dám đứng ra đòi công lý, chính nghĩa cho quê hương, đất nước được chính Chúa Giêsu, Đức Phật, các Thánh tử đạo Việt Nam, các vị anh hùng, các ông tổ bà tổ... nâng đỡ thêm sức cho họ để vượt qua nghịch cảnh, đang giày xéo quê hương chúng ta..

Xin mọi người Việt khắp năm Châu, bốn biển, hãy cùng nhau đoàn kết, hiệp ý đóng góp ý kiến xây dựng cho chính quyền Việt nam đồng thời hợp tác cầu nguyện cho bà còn Thái Hà được bình an trong cơn hoạn nạn này... Đảng và Nhà Nước Việt nam không thể làm ngơ bao che cho những việc làm sai trái độc tài của Đảng được. Xin mọi người cầu xin cho những nhà cầm quyền, sớm giác ngộ ra sai trái của họ, đừng để họ phải muôn đời xấu hổ với hậu thế, xấu hổ với quê hương đất nước Việt Nam, kịp thời sửa chữa hành vi sai trái. Tìm cách tốt nhất để an dân, trị quốc, xây dựng đất nước Việt Nam công bằng văn minh, tiên tiến.

Nhóm sinh viên- nghiên cứu sinh Việt Nam Tại Tokyo Nhật Bản đồng kính gửi: Ban Biên Tập VietCatholic
Hoàng Lợi
Nguyễn Thị Thùy Dương
Phạm Mai Trang
Phạm thanh Hương
Đỗ Nhật Minh
Nguyễn Thế Anh
Phạm Thái Hòa
 
Thế giới đang vào cuộc với Giáo Xứ Thái Hà sau cuộc đàn áp của công an
Hà Long
08:03 29/08/2008
Thế giới đang vào cuộc với Giáo Xứ Thái Hà sau cuộc đàn áp của công an

Chỉ ngay sau khi bộ đội công an lùng bắt người dân vô tội của GX Thái Hà và dùng bạo lực bằng dùi cui, roi điện đàn áp người dân vô tội đang cầu nguyện trước quận Đống Đa vào tối 28-8-2008, các hãng truyền thông quốc tế đã tham dự và chứng kiến cảnh đàn áp dã man của người cộng sản Việt Nam.

Ngay liền lập tức các tin tức được loan tải mau chóng trên thế giới, nhất là các hãng thông tấn nổi tiếng AFP, AP, Zenit, AsiaNews, Eglises d’Asie, Independent Catholic News …

Chúng ta có thể đọc được các tiêu đề của các hãng thông tấn xã quốc tế trong ngày hôm nay như sau:

- Tiếng Hòa Lan: Grootste protest van katholieken in Vietnam sinds 1975 - Báo RKnieuws.net(Cuộc biểu tình lớn nhất của người Công giáo từ 1975)

- Tiếng Ba lan: Wietnam: tysiące katolików na ulicach Hanoi – Hãng tin AsianNews. (Hàng ngàn người Công giáo trên đường phố Hà Nội)

- Tiếng Ý: Vietnam: Parrocchia Cattolica occupa e rivendica propieta' terreno- Báo Il Tempo (Giáo xứ Công giáo tranh đấu và đòi lại đất của mình)

- Tiếng Đức: Vietnam: Tausende Katholiken schützen Redemptoristen in Hanoi - Báo katholisches.info (Hàng ngàn tín hữu che chở các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế tại Hà Nội)

- Tiếng Pháp: Hanoi: la police a dispersé avec brutalité 500 catholiques venus réclamer la libération de quatre membres de leur communauté – Hãng tin Eglises d’Asie (Công an đã đàn áp dã man khi 500 người Công giáo đòi hỏi trả tự do cho 4 thành viên của họ)

- Tiếng Pháp: Vietnam: l’Eglise soutient les manifestations de prière à Hanoi – Hãng tin ZENIT (Giáo hội hỗ trợ những buổi cầu nguyện tại Hà Nội)

- Tiếng Anh: Vietnamese Catholics complain of police violence – Hãng tin AP (người Công giáo tố cáo công an đàn áp)

- Tiếng Anh: Vietnam arrests four in Catholic land dispute, say protesters – Hãng tin AFP (Những người biểu tình cho biết nhà nước đang bắt giữ 4 người về chuyện tranh chấp đất đai)

- Tiếng Anh: Vietnam: Police arrest Catholic protestors – Hãng tin Independent Catholic News (Công an bắt giữ những người Công giáo biểu tình)


Qua các bản tin và các hình ảnh đang tải về cuộc đàn áp của nhà nước cộng sản Việt Nam, xin chúng ta thêm lời cầu nguyện với Giáo xứ Thái Hà. Có thể mọi người tạm gác qua một bên các chính kiến riêng tư và khác tôn giáo để nhìn thấy người dân Việt Nam đang bị đàn áp và bị đánh đập ngay trên quê hương của mình. Những người đang bị đàn áp tại Thái Hà là những người can đảm đại diện cho tầng lớp đang bị áp bức để đòi hỏi công bằng xã hội.

Chắc chắn với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của các hãng truyền thông quốc tế sẽ làm cho thế giới tự do để ý hơn về Thái Hà, có thể nhờ vào đó quốc hội Mỹ mạnh dạn hơn đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia thuộc diện vi phạm nghiêm trọng vào quyền tự do tôn giáo.
 
Mẫu thư đã được cập nhật dành cho anh chị em ký thỉnh nguyện thư gởi chính phủ các nước vào cuối tuần này
VietCatholic Network
09:40 29/08/2008
Kính thưa quý cha và quý anh chị em,

Sáng thứ Năm 28/8/2008, cộng sản Việt Nam đã mở một cuộc lùng bắt anh chị em giáo dân Thái Hà, đặc biệt là những người tích cực tham dự các buổi cầu nguyện hòa bình đòi công lý tại phần đất mà nhà nước đã chiếm dụng trái phép của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.

Buổi tối cùng ngày, công an cộng sản đã tấn công dã man anh chị em giáo dân và các linh mục tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế đang cầu nguyện trước trụ sở công an Quận Đống Đa để phản đối việc bắt bớ tùy tiện và trái phép 4 anh chị em giáo dân giáo xứ Thái Hà.

Một số người đã bị đánh đập máu me đầy mặt và đầy người. Có những người bị đánh ngất ngay vệ đường Thái Hà, chưa biết sống chết ra sao. Có những người bị ngất ngay giữa đường Thái Hà khi năm sáu công an cùng lao vào đấm, đá, dùng dui cui điện và gậy đánh đập họ. Một thầy thuộc Dòng Chúa Cứu Thế cũng đã bị đánh trọng thương. Nhiều người bị bắt đưa đi đến nay vẫn không biết bị giam cầm nơi nào.

Anh chị em giáo dân Thái Hà đứng trước những oan khiên của mình đã chọn cách thế cầu nguyện trong hòa bình và nhã nhặn. Lẽ ra, nhà nước Việt Nam phải biết lắng nghe nguyện vọng của người dân và giải quyết vấn đề trong đối thoại trong hòa bình và nhã nhặn. Tuy nhiên, với bản chất tàn bạo không hề thay đổi, cộng sản Việt Nam đã chọn con đường đàn áp dã man những người dân lành vô tội.

Để chận đứng bàn tay đẫm máu của bạo quyền, chúng tôi tha thiết xin các cá nhân và các công đoàn Công Giáo Việt Nam trên toàn thế giới download những mẫu thư gởi cho các vị nguyên thủ quốc gia mà chúng tôi đã soạn sẵn. Xin quý vị ký tên và gởi cho các vị lãnh đạo các nước sớm hết sức có thể để tạo một áp lực quốc tế mạnh mẽ trên nhà cầm quyền Việt Nam.

Download mẫu thư gởi cho Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush

Download mẫu thư gởi cho Thủ Tướng Úc Kevin Rudd

Download mẫu thư gởi cho Thủ Tướng Anh Gordon Brown
 
Thái Hà: máu đã đổ ra vì sự thật, công bằng và công lý
Lại Thế Lãng
10:15 29/08/2008
THÁI HÀ: MÁU ĐÃ ĐỔ RA VÌ SỰ THẬT, CÔNG BẰNG VÀ CÔNG LÝ

Tối 28/8/2008 công an Hà Nội đã dùng võ lực đàn áp dã man một số giáo dân khi họ đến cầu nguyện trước công an quận Đống Đa. Lý do của buổi cầu nguyện này là để phản đối “Quyết định khởi tố vụ án hình sự” của công an quận Đống Đa về cái lý do gọi là “hủy hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng”.

Do quyết định này, sáng 28/8/2008 công an đã bắt đi 4 giáo dân thuộc giáo xứ Thái Hà chỉ vì đã tham gia các buổi cầu nguyện để đòi lại đất đai của giáo xứ đã bị chiếm đoạt và xử dụng trái phép.

Tin tức cho hay trong cuộc đàn áp này một số bị đánh trọng thương trong đó có một thầy của Dòng Chúa Cứu Thế. Có người bị đánh bất tỉnh ngay bên vệ đường. Bà Bùi thị Kén bị đánh máu me đầy mặt. Nhiều người khác bị đánh đập dã man. Cũng trong cuộc đàn áp công an còn bắt đi nhiều người nữa.

Hiện nay chưa biết số phận của những người bị bắt như thế nào. Không biết rồi đây Thái Hà sẽ ra sao nhưng có điều chắc chắn là các linh mục, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế và giáo dân Thái Hà không hề nhụt chí. Tất cả đều đã biết rõ “Thế gian sẽ thù ghét và bắt bớ các con”, lời Chúa trong thánh kinh mà linh mục Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế đã nhắc lại trước thánh lễ cử hành tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng, Sài Gòn chiều thứ Năm 28/8/2008 với hơn 3,000 người tham dự.

Chính vì không sợ bạo quyền và đã sẵn sàng cho những tình huống xấu nhất nên tất cả đều thản nhiên trước bạo lực. Linh mục thì dặn giáo dân “Có ai đến làm gì, có bắt các cha đi nữa thì cũng cứ ngồi im cầu nguyện. Không lên tiếng. Không cử động”. Còn giáo dân thì khẳng định “Giáo dân Thái Hà đồng trách nhiệm” trong việc cầu nguyện đòi lại đất đai nên họ phản đối công an đã bắt đi 4 giáo dân của họ.

Trong tinh thần hiệp thông của con cái trong cùng giáo hội, ngày 22/8/2008 Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt đã gửi thư cho cha Bề trên tu viện Thái Hà bày tỏ sự hiệp thông của ngài và kêu gọi mọi người hiệp thông với cha Bề trên, tu viện và giáo xứ Thái Hà.

Ngày 28/8/2008 linh mục Trần Quang Vinh, đại diện giáo phận Bắc Ninh đã gửi thư cho các linh mục, chủng sinh, tu sĩ nam nữ và giáo dân trong giáo phận kêu gọi hiệp thông và cầu nguyện với giáo xứ Thái Hà để vụ việc ở Thái Hà được giải quyết công bằng và hợp lý.

Chắc chắn không phải chỉ có Đức tổng Giám Mục Hà Nội, giáo phận Bắn Ninh mà Bề Trên của 22 nhà dòng và cộng đoàn trên toàn quốc có mặt trong thánh lễ chiều thứ Năm tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn cũng đồng ý với linh mục Phạm Trung Thành rằng “Qua biến cố tại Thái Hà, chúng ta gắn bó hơn, nên một hơn với người nghèo, người bị bỏ rơi, người bị áp bức, người bị oan sai,… Qua biến cố tại Thái Hà, chúng ta thấy rõ hơn bộ mặt của thế gian này, bộ mặt giả trá, gian dối và cường quyền” để rồi chắc chắn sẽ sát cánh với giáo dân Thái Hà trong việc đòi hỏi công bằng và công lý.

Dường như nhà cầm quyền cộng sản đoán biết những gì sẽ xẩy ra ở Thái Hà và phản ứng của giáo dân từ khắp nơi như thế nào cho nên Ủy ban NDTP Hà Nội đã tìm cách chữa cháy khi “Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP làm việc với Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành, địa phương liên quan để đề nghị có sự phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục đối với các giáo dân tại địa phương chấp hành nghiêm pháp luật nhà nước, không tham gia các hoạt động vi phạm, gây phức tạp thêm tình hình tại 178 Nguyễn Lương Bằng”. (Báo Hà Nội Mới ngày 26/8/2008)

Điều này cho thấy nhà cầm quyền đã tỏ ra lo ngại trước phản ứng không thể coi thường của giáo dân từ khắp mọi nơi nên vội tìm biện pháp răn đe, trấn áp mong tránh hậu qủa. Tuy nhiên nếu khắp nơi đều tỏ tình thần hiệp thông với Thái Hà, nếu khắp nơi không bỏ rơi Thái Hà mà nhất loạt bày tỏ thái độ đối với sự đàn áp thô bạo của nhà cầm quyền thì họ làm gì được. Họ có dám đàn áp thêm ở những nơi khác không? Nếu thế thì chính họ sẽ gây cho sự kiện Thái Hà phức tạp thêm chứ không phải ai khác.

Máu đã đổ ra tại Thái Hà. Một cuộc đọ sức mới đã bắt đầu. Cuộc đọ sức mà một bên là cường quyền với súng đạn, dùi cui, roi điện và một bên là giáo dân trong tay không một tấc sắt, vũ khí của họ chỉ là lời cầu nguyện. Nhưng xin đừng ai coi thường sức mạnh của lời cầu nguyện kẻo mà bị quật ngã lúc nào không biết đấy.

Vermont 29/8/2008
 
Những kẻ đang giơ chân đạp lên những quyền tự do tối thiểu của con người
Vũ Hoàng Minh
10:21 29/08/2008
Những kẻ đang giơ chân đạp lên sự thật và công lý

Những ngày này ở Hà Nội, tôi lại được chứng kiến những gì đã xảy đối với Giáo hội Công giáo vào giai đoạn tiên khởi: Những cuộc bách hại và thảm sát dã man các người tin vào Chúa Giêsu phục sinh. Vậy những kẻ nào đang giơ chân đạp vào Hội Thánh Chúa Kito thời đại này? Thưa đó là cán bộ và cảnh sát phường Đống Đa của Thủ đô Hà Nội. Có lẽ nhiều người lại không tin có kẻ dại dột như vậy, nhưng sự thật là như vậy.

Trước hết, Cán bộ phường Đống Đa đã đạp vào những quyền tối thiểu của con người: quyền tự do tôn giáo, tự do cầu nguyện. Những quyền này được minh định rõ ràng trong hiến chương liên hợp quốc, và chính nhà nước cộng sản Việt Nam đã chấp bút kí. Hành động không tôn trọng tài sản đất đai của giáo xứ Thái Hà là chứng cứ không thể che dấu. Chính vì không thể nuốt trôi được miếng đất, Phường Đống Đa thay vì bán chác miếng đất lại đổi sang xây dựng công trình công cộng. Rõ ràng đây là cách đánh lận con đen và lừa mị lương tâm của người dân.

Cán bộ phường Đống Đa đã đạp vào khát vọng phục vụ xã hội của các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế. Dòng Chúa Cứu thế tại Thái Hà vẫn được biết đến như một trung tâm sinh hoạt tôn giáo, một trung tâm trợ giúp tâm linh và tinh thần cho giới trẻ, nhất là giới sinh viên. Thế nhưng biết bao nhiêu những dự án tốt đẹp của các tu sĩ đã bị hạn chế vì không có không gian hoạt động, và vì phần lớn đất đai của nhà dòng đã bị chiếm dụng. Đi xa hơn nữa, phường Đống Đa còn hiên ngang khởi tố linh mục Vũ Khởi Phụng vì dám nói lên sự thật. Sống trong xã hội mà nền đạo đức và những truyền thống tốt đẹp đã bị thoái hóa bởi chủ nghĩa duy vật, các tu sỹ không thể khoanh tay nhìn đồng bào mình trượt dài xuống hố sâu. Tình yêu mến và hăng say phục vụ đã thôi thúc các tu sĩ bất chấp đe dọa đê hèn cất lên tiếng nói của lương tri báo động sự thiếu vắng công bằng trong xã hội.

Giơ chân đạp vào khát vọng phục vụ của các tu sĩ Dòng Chúa cứu thế, cũng có nghĩa là phường Đống Đa dơ chân đạp vào giáo dân Giáo xứ Thái Hà, đạp vào những thanh thiếu niên, và giới sinh viên đang sinh hoạt và hưởng lợi từ cộng đoàn Chúa cứu thế này. Sau một thời gian dài bài bác tôn giáo, cho tôn giáo là thuốc phiện, thì đến nay chính quyền cộng sản đã phải thú nhận tôn giáo là một thực tại cơ bản của xã hội con người, vì con người là một thực thể của tôn giáo. Chính quyền đã thấy, càng đàn áp thì tôn giáo càng phát triển mạnh mẽ, nhất là trong xã hội Việt Nam, một xã hội mà văn hóa truyền thống mang đậm nét tâm linh. Thực trạng xuống cấp đạo đức và mất gốc truyền thống của xã hội là một bằng chứng của sự dẫm đạp lên các tôn giáo của chính quyền cộng sản trong quá khứ. Tiếc thay, ngày nay mặc dù đã nhận ra sai lầm, chính quyền phường Đống Đa vẫn tiếp tục lún sâu vào vết xe đổ: giơ chân đạp người dân.

Giơ chân đạp vào người dân giáo xứ Thái Hà cũng đồng nghĩa giơ chân đạp vào Giáo hội công giáo. Giáo hội công giáo đại diện cho tiếng nói của lương tri nhân loại, là giáo hội của những người nghèo khổ, những người bị áp bức, bóc lột, và các tu sĩ là những ngôn sứ của Giáo hội. Đối chọi với phương pháp đối thoại bất bạo động của Giáo hội, cán bộ phường Đống Đa lại dùng bạo lực như những kẻ du côn du đãng. Đối chọi với những giáo dân bình thản và cầu nguyện, chính quyền phường Đống Đa lại dùng cả một thế lực báo chí hùng hậu để xuyên tạc và bóp méo sự thật, như những kẻ chửi thuê chuyên nghiệp. Nên nhớ rằng truyền thông của nhà nước bây giờ đâu còn chữ tín, người dân bây giờ tin vào những blogs và truyền thông ngoại biên hơn là những từ ngữ xáo rỗng của đám bồi bút. Hậu quả là truyền thông nhà nước càng ngày càng rơi vào khủng hoảng thiếu lòng tin, một hậu quả tất yếu cho những kẻ giơ chân đạp đinh nhọn công luận. Lịch sử của Giáo hội của Thiên Chúa cũng đã chứng minh, càng bị bách hại Giáo hội lại càng phát triển mạnh mẽ hơn. Sự trở lại kinh ngạc của tôn giáo trong lòng xã hội Việt Nam phản ánh điều này, sở dĩ như vậy vì con người tìm tới tôn giáo để thỏa mãn những khát vọng làm người đúng nghĩa của mình. Không đâu mà nhân phẩm của con người lại bị chà đạp như ở Việt Nam, và để bù đắp họ đã trở về với tôn giáo.

Dùng công cụ báo chí theo cách đó, chính quyền phường Đống Đa đã đạp vào sự thật. Sự thật ở đây chính là tính chính danh sở hữu của Dòng Chúa cứu thế trên khu đất. Nhà dòng có đầy dủ giấy tờ sở hữu, cũng như được hậu thuẫn bởi giáo luật của Giáo hội công giáo để xác định chủ quyền khu đất, vậy mà sự thật này bị đạp đổ, bởi một số cán bộ mù quáng, cố chấp.

Đạp lên sự thật chính là đạp lên công lý. Quả thực phường Đống Đa đã khiêu khích công lý khi đã khởi tố những linh mục và giáo dân đấu tranh bất bạo động vì quyền lợi của họ. Phải chăng phường Đống Đa tin rằng bộ máy tòa án của Đảng Cộng sản sẽ tiếp tay họ để bẻ cong sự thật? Nếu nghĩ như vậy thì hậu quả thật khôn lường cho hệ thống pháp lý vốn đã bạc nhược lại ngày càng mất uy tín trong công luận, tiền đề cho một sự sụp đổ rộng lớn hệ thống tòa án tại Việt Nam là thấy rõ.

Đạp lên công lý và sự thật, cán bộ phường Đống Đa cũng đạp lên xu hướng phát triển đang bắt đầu theo theo chiều hướng tích cực của xã hội Việt Nam. Sau bao nhiêu năm trì trệ rồi lần mò tìm lối đi cho riêng mình, đến nay xã hội Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện những nhân tố tích cực thúc đẩy xã hội dân sự phát triển. Chính quyền đang nỗ lực cải cách bộ máy tham nhũng cồng kềnh, hệ thống tòa án đang vật lộn để cải cách tư pháp, những “chiếc đinh” dân chủ đã bắt đầu nhú, và người dân vừa hồi sinh những hi vọng được sống đầy đủ những phẩm giá của một con người với các quyền lợi cơ bản được tôn trọng. Nhưng phường Đống Đa đang đạp lên tất cả những mặt tích cực vừa mới nhen dậy trong xã hội Việt Nam, và đạp lên chiếc đinh dân chủ. Đừng nói quan điểm dân chủ Việt Nam khác quan điểm dân chủ Hoa Kì, đã là con người ai cũng như nhau, tự do và dân chủ chân thực là những giá trị không đổi ngang qua các biên giới. Sân chơi toàn cầu hóa không phải là sân chơi con nít cho các nhà lãnh đạo Việt Nam. Các nhà chính trị gia Việt Nam không thể mãi ngây ngô cho rằng mình có thể gia nhập sân chơi này mà không cho người dân cùng chơi.

Đúng là dại dột đưa chân đạp đinh nhọn, vậy mà phường Đống Đa đang đạp lên đinh nhọn. Dẫu có đi giầy sắt cũng không đạp nổi mũi nhọn dân chủ. Và dẫu có dùng bạo quyền cũng không che dấu được sự thật. Đừng lấy chân đạp mũi nhọn và cũng đừng lấy tay che mặt trời.
 
Thánh Vịnh: Cầu xin Ðức Chúa cứu trong cơn nguy
Vua Đa-vit
10:29 29/08/2008
Thánh Vịnh 35(34)
(Đây là bài thơ ca của Vua Ða-vít viết ra vào khoảng 2500 năm về trước
khi phải đương đầu với những thách đố và vu oan giáng họa!


Cầu xin Ðức Chúa cứu trong cơn nguy

Lạy CHÚA, kẻ tố con, xin Ngài tố lại,
Kẻ đánh con, xin Ngài đánh nó.

Cầm mộc khiên, xin đứng dậy phù trì,
vung gươm giáo chống lại những người bắt bớ con,
xin nói với con rằng: "Ta là Ðấng cứu độ ngươi."

Chớ gì những ai tìm hại mạng sống con
phải xấu hổ thẹn thùng,
kẻ tính kế hại con
phải tháo lui nhục nhã!

Chớ gì chúng nên như trấu gió thổi bay,
khi chúng bị thiên thần CHÚA xua đuổi!

Chớ gì đường chúng đi nên tối tăm trơn trượt,
khi chúng bị thiên thần CHÚA rượt theo!
Vì vô cớ chúng đã giăng lưới, vô cớ chúng đào hố hại con.

Chớ gì tai họa bất ngờ ập trên chúng,
lưới chúng giăng, cho chúng mắc vào,
cho chúng gặp phải tai họa đó!

Hồn tôi sẽ vui mừng trong CHÚA,
hoan hỉ vì Người cứu thoát tôi.

Tự thâm tâm, tôi sẽ nói lên rằng:
"Ai ví được như Ngài, lạy CHÚA?

Ngài cứu kẻ nghèo hèn khỏi tay người mạnh thế,
và cứu kẻ túng thiếu nghèo hèn khỏi tay quân bóc lột."

Bọn chứng nhân giả dối đứng lên,
hạch hỏi tôi những điều tôi chẳng biết.
Chúng lấy oán đền ơn, này thân tôi trơ trọi một mình.

Nhưng phần tôi, những ngày chúng đau yếu,
tôi đã từng khoác áo nhặm vào thân,
lại ăn chay để hãm mình phạt xác,
lòng tôi ấp ủ câu kinh lời nguyện,
như cầu cho bạn hữu anh em.

Tôi lang thang như người khóc mẹ,
tôi tủi buồn cúi mặt xuống mà đi.

Thế mà khi tôi vừa vấp ngã,
chúng vui mừng tụ hội với nhau.

Người lạ mặt cũng xúm vào đập đánh
và cấu xé không ngừng.

Chúng khiêu khích tôi và nặng lời chế nhạo,
lại hằm hè nghiến lợi nghiến răng.

Lạy Chúa, sao Chúa đành nhìn như vậy mãi?

Xin cứu mạng con khỏi thú dữ đang gầm gừ,
cứu mạng duy nhất này khỏi bầy sư tử.

Giữa lòng đại hội, con sẽ tạ ơn Chúa,
trước mặt quần chúng, con sẽ tán dương Ngài.

Xin đừng để bọn thù con vô lý được đắc chí nhạo cười,
và những kẻ vô cớ ghét con nháy nhau mà chế giễu.

Vì chúng chẵng nói đến hoà bình,
lại vu cáo những kẻ hiền lành trong xứ sở.

Chúng to mồm chế diễu con:
"A ha ! Mắt ta đã thấy rồi!"

Lạy CHÚA, Ngài thấy rồi, xin đừng nín lặng,
lạy Chúa, xin đừng nỡ đứng xa.

Xin thức dậy, đứng lên xét xử, và biện hộ cho con,
lạy Thiên Chúa, lạy Chúa con thờ.

Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,
xin xử cho con theo lẽ công bình của Chúa,
đừng để chúng đắc chí nhạo cười con.

Xin đừng để chúng nghĩ thầm trong bụng:
"A ha ! Ta đã toại nguyện rồi!"

Xin đừng cho chúng nói:
"Ta nuốt trửng nó rồi!"

Những kẻ đắc chí vì con mắc họa,
cho chúng đều xấu hổ nhục nhằn!

Những kẻ lên mặt với con,
cho chúng phải ê chề nhuốc nha xấu hổ!

Còn những người nào muốn thấy con được minh oan,
chớ gì họ reo mừng hoan hỷ,
và luôn luôn nói rằng: "ÐỨC CHÚA vĩ đại thay!

Người những muốn kẻ tôi trung được an lành."
Miệng lưỡi con sẽ nhẩm đi nhắc lại:"Ngài là Ðấng công chính"
và suốt ngày, con sẽ ca ngợi tán dương.
 
Đại diện Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã đến gặp các thân nhân của các giáo dân bị cảnh sát bắt đi...
PV VietCatholic
11:04 29/08/2008
THÁI HÀ - Vào trưa ngày 28.8.2008, Ông Chirstian Marchant, đại diện của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội đã đến linh địa Thái Hà và đã tiếp xức với thân nhân của các giáo dân Công giáo đã bị công an bắt đi vào sáng ngày 28.8 để tìm hiểu về tình trạng bi đát, những sự đàn áp và cách đối xử của công an, của cảnh sát đối với các thân nhân đã bị đánh đập và bị bắt. Các giáo dân này cũng nói lên những nguyện vọng của họ để cho chính phủ Hoa Kỳ được thấy rõ tình trạng không tôn trọng công lý và nhân quyền của chính quyền Hà Nội, và yêu cầu can thiệp cho những yêu cầu chính đáng của họ.
 
Đức TGM Ngô Quang Kiệt: ''Hạnh phúc không có sẵn nhưng phải phấn đấu mới đạt được''
+TGM Ngô Quang Kiệt
12:46 29/08/2008
Suy niệm Chúa nhật 22 Thường Niên

Hạnh phúc không có sẵn nhưng phải phấn đấu mới đạt được

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA

Tin Mừng thánh Matthêu16, 21-27: "Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !" Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: "Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."

Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?

"Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm."


II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Ơ đời ai cũng muốn được và sợ mất. Nhưng làm thế nào để được và không mất thì không phải ai cũng biết cách làm. Vì không phải cứ thu vào là được. Không phải cứ buông ra là mất. Trái lại rất nhiều khi phải chịu mất trước rồi mới được sau. Mất nhỏ để được lớn. Mất ít để được nhiều. Đó hầu như là qui luật trong đời sống hằng ngày. Ta dễ hiểu điều này trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay. Nhà đầu tư muốn được lợi nhuận cao, sẽ không giữ kỹ tiền của trong nhà, buộc chặt lại rồi đem chôn giấu đi, trái lại phải huy động hết vốn liếng hiện có trong nhà đổ vào đầu tư. Vốn lớn thì lời mới lớn.

Muốn được phải chịu mất trước. Đời sống đạo đức không đi ra ngoài qui luật đó. Chúa Giê su dạy ta: “Ai muốn theo Thày, hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mà theo”.

Đi theo Chúa là đi vào con đường của Chúa.

Con đường của Chúa là con đường từ bỏ. Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc từ bỏ không ngừng. Từ bỏ trời để xuống đất. Từ bỏ địa vị Thiên chúa để làm người. Từ bỏ cuộc sống an nhàn nơi thôn làng để đi vào cuộc phiêu lưu rao giảng Tin Mừng. Từ bỏ cứu thế bằng con đường dễ dãi do ma quỉ xúi giục, để đi vào con đường chật hẹp khó khăn theo ý Đức Chúa Cha. Cuộc từ bỏ cam go nhất chính là từ bỏ ý riêng mình. Đó là một cuộc chiến khốc liệt khiến Người phải toát mồ hôi máu. Nhưng Người đã đi đến cùng con đường từ bỏ. Hình ảnh Người chết treo trần trụi trên thánh giá là hình ảnh một người từ bỏ tất cả đến tận cùng. Không còn một chút hơi thở. Không còn một giọt máu. Không còn một chút danh dự. Không còn gì cả.

Con đường của Chúa là con đường thánh giá. Người đã ôm lấy thánh giá và vác. Không phải chỉ là thánh giá gỗ trên đường lên Núi Sọ, nhưng là thánh giá cuộc sống trải dài suốt đời người. Thánh giá kiếp người. Thánh giá kiếp nghèo. Thánh giá bị chống đối. Thánh giá bị hiểu lầm. Thánh giá bị bỏ rơi. Thánh giá bị phản bội. Thánh giá thách thức. Thánh giá thất bại. Thánh giá oan ức. Thánh giá tủi nhục. Thánh giá cô đơn. Thánh giá nặng lắm nên nhiều lần Người ngã xuống. Thánh giá ghê sợ lắm nên Người đã có lần muốn chối bỏ. Nhưng rồi Người lại đứng lên tiếp tục vác đi cho đến cùng, cho trọn con đường.

Nhưng nếu đường của Chúa Giê su chỉ dừng tại đây thì đó là một con đường bế tắc. Nếu định mệnh của Chúa Giê su kết thúc tại Núi Sọ thì đó là một định mệnh diệt vong. Không con đường của Chúa còn là con đường phục sinh. Định mệnh của Chúa là một định mệnh vinh quang.

Con đường thánh giá là con đường dẫn đến phục sinh. Con đường từ bỏ là con đường dẫn đến vinh quang. Phải qua sự chết mới đến sự sống. Phải qua tủi nhục mới đến vinh quang. Phải qua gian khổ mới đến hạnh phúc. Thánh Phao lô đã hiểu biết tường tận con đường của Chúa nên đã nói: “Chúa Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Chúa Giê-su Ki-tô là Chúa"” (Pl 2:6-11).

Cũng thế, khi mời gọi ta bước theo Người, Người không muốn ta đi vào tàn lụi diệt vong, nhưng muốn ta triển nở đến viên mãn. Nên Người nói tiếp: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy”.

Như thế từ bỏ không phải để mất mà để được, được lại một cách sung mãn, hoàn hảo và cao cả phong phú hơn gấp bội. Mất hiện tại để được tương lai. Mất đời này để được đời sau. Mất phàm tục để được thần thiêng. Mất tạm bợ để được vĩnh cửu.

Thánh Phanxicô Khó Nghèo đã cảm nghiệm sâu xa chân lý này nên đã thốt lên lời ca bất hủ: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Lạy Chúa, xin cho con biết từ bỏ mình để được chính Chúa, nguồn mạch hạnh phúc của con.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

1- Mất trước được sau. Bạn áp dụng câu này trong đời sống đạo thế nào ?
2- Chúa Giêsu mời gọi: “Ai muốn theo Thày, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo”. Bạn nghĩ sao về đòi hỏi này của Chúa, có quá khắt khe không ?
3- Hạnh phúc không có sẵn nhưng phải phấn đấu mới đạt được. Bạn có tâm đắc điều này không ?

+ Giuse Ngô Quang Kiệt
Tổng giám mục Hà nội
 
Thái Hà hôm nay: Ngày của sự an ủi và tình hiệp thông
Tiều Phu
12:58 29/08/2008
Thái Hà hôm nay: Ngày của sự an ủi và tình hiệp thông

Ngày 29/08/2008: Lúc 6h15

Xem hình ảnh sinh hoạt hôm nay

Vừa trải qua cơn bách hại, nguy khốn, giáo dân Thái Hà đã âm thầm khóc cho cái thân phận bé nhỏ của mình khi đứng trước sự gian ác, xảo trá thế gian. Nhưng trước nỗi thống khổ của con dân bé nhỏ Thái Hà, Đức Mẹ đã tỏ mình để nâng đỡ con cái Mẹ. Sau giờ cầu nguyện lúc 6h15, trên bầu trời hiện tượng lạ xảy ra. Con cái của Mẹ quỳ ngay xuống trước linh đài, vừa khóc vì sung sướng vừa hát bài “Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông…” khi xem thấy dung nhan của Mẹ bồng Chúa Hài Nhi Giêsu tay cầm thánh giá hiện ra trên mặt trời. Dung nhan Mẹ và Chúa đổi sắc từ xanh, chuyển sang hồng, sau đó là hình bánh Thánh Thể tỏa ra từ mặt trời. Hiện tượng lạ xảy ra trong khoảng 10 phút.

Lúc 9h30 -18h

Tưởng rằng mình phải cô thế cô thân trong cơn quẫn bách, bắt bớ, nhưng kỳ thực giáo dân Thái Hà hôm nay không chỉ nhận được sự nâng đỡ của Chúa và Đức Mẹ, mà còn nhận được sự hiệp thông, chia sẻ của anh chị em mình ở khắp nơi. Từ sáng tới giờ, giáo dân từ các nơi đổ về để an ủi anh chị em giáo dân Thái Hà. Nhìn thấy cảnh họ nắm tay nhau với những giọt nước mắt xúc động rơi lã chã mà chúng tôi cũng không cầm được nước mắt. Các linh mục trong và ngoài giáo phận Hà Nội cũng đến thông chia tình liên đới, hiệp thông với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà. Gặp gỡ nhau ở nhà thờ trước Chúa Giêsu Thánh Thể, họ dẫn nhau ra linh địa để cầu nguyện trước linh đài Đức Bà.

Cũng trong ngày 28.8.2008, Ông Christian Marchant, đại diện Tòa Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội đã tới hiện trường linh địa Đức Bà Thái Hà để tìm hiểu, vấn an, và lắng nghe nguyện vọng của các thân thân những giáo dân đã bị công an bắt đi vào sáng hôm đó. Xem video nhân viên Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tới Thái Hà tìm hiểu tình hình

Lúc 18h30

Thánh lễ tối nay có tới bảy linh mục đồng tế. Vị chủ tế trông rất lạ. Cả cộng đoàn nổ tràng pháo tay khi được giới thiệu linh mục chủ tế là linh mục chánh xứ Phùng Khoang, một xứ đạo gần bên giáo xứ Thái Hà.

Cả cộng đoàn dân Chúa tuốn ra linh địa cầu nguyện cho giáo dân Thái Hà được Chúa và Mẹ nâng đỡ, chở che. Cộng đoàn đông đảo tới mức đầu đoàn rước đã ra tới linh địa rồi mà cuối đoàn rước vẫn còn trong nhà thờ.

Sau buổi cầu nguyện tại linh địa, họ lại trở về sân nhà thờ, vừa tâm sự, vừa nâng đỡ động viên nhau trước những cơn gian nan, thử thách. Không biết rằng những ngày tới đây anh chị em giáo dân Thái Hà sẽ còn trải qua đau thương, khốn khó gì nữa?!
 
Giáo dân từ khắp nơi về cầu nguyện xin Chúa và Mẹ nâng đỡ giúp sức cho Thái Hà
PV VietCatholic
15:38 29/08/2008
Từ sáng tới chiều hôm nay ngày 29.8.2008, giáo dân từ các nơi đổ về để an ủi anh chị em giáo dân Thái Hà. Nhìn thấy cảnh họ nắm tay nhau với những giọt nước mắt xúc động rơi lã chã mà chúng tôi cũng không cầm được nước mắt. Các linh mục trong và ngoài giáo phận Hà Nội cũng đến thông chia tình liên đới, hiệp thông với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Thái Hà. Gặp gỡ nhau ở nhà thờ trước Chúa Giêsu Thánh Thể, họ dẫn nhau ra linh địa để cầu nguyện trước linh đài Đức Bà. Đặc biệt là có đông đảo các nữ tu Mến Thánh Gía Hà Nội đến đọc kinh và an ủi giáo dân Thái Hà. Thánh lễ tối nay có tới bảy linh mục đồng tế và vị chủ tế là linh mục chánh xứ Phùng Khoang, một xứ đạo gần bên giáo xứ Thái Hà. Cả cộng đoàn dân Chúa tuốn ra linh địa cầu nguyện cho giáo dân Thái Hà được Chúa và Mẹ nâng đỡ, chở che. Cộng đoàn đông đảo tới mức đầu đoàn rước đã ra tới linh địa rồi mà cuối đoàn rước vẫn còn trong nhà thờ.
 
Sau khi bị đàn áp và bị bắt, giáo dân Thái Hà có sợ hãi không?
PV VietCatholic
15:59 29/08/2008
THÁI HÀ - Tưởng sau cuộc vây ráp bằng roi điện và giầy đinh tố qua, bà con giáo dân được phen sợ hãi, sẽ không dám đến Thái Hà xem lễ nữa. Chiều nay, có tin đồn là tối nay còn không có lễ ở Thái Hà vì các Cha sợ nên bỏ trốn hết, đừng nên xuống đó.

Thế nên nhiều người lại quyết tâm đến Thái Hà hơn, để khẳng định tấm lòng của mình với giáo xứ đang khi đau thương, nhất là khi Cha Phụng đã được đưa trên TV để chịu trận xỉ vả.

Nhưng thật không ngờ, tối nay, buổi tối mà số người đến Thái Hà tăng hơn những đêm trước rất nhiều. Thánh lễ chật kín cả nhà thờ, nghe Cha ở Nhà thờ Hàng Bột giảng về Thánh Gioan Baotixita, Ngài đã chịu chết một cách đau đớn, thê thảm khi nói lên sự thật trước sự loạn luân của nhà vua. Trong bài giảng, Cha đã khẳng định, sự thật sẽ chiến thắng, công lý sẽ được sáng tỏ. Thánh nhân đã chiến thắng nhà vua đồi bại không phải vì khi đang sống, nhưng là khi thời gian đã qua đi. Tấm gương làm chứng cho sự thật của Thánh nhân đã chiến thắng vị vua bạo tàn, vua chỉ nhất thời, còn dân vạn đại.

Bài giảng này không biết có lọt vào tai mấy cán bộ đang rình mò ở ngoài hay không, nhưng thấm thía đối với người dân Thái Hà hôm nay.

Tan lễ, đoàn rước đến linh đài dài dằng dặc làm cho các công an cũng ngạc nhiên. Họ không ngờ giáo dân lại coi thường đau khổ như thế.

Đoàn gồm có các Cha do Cha Phụng mới về cùng với 7 cha trong dòng mặc toàn áo đỏ. Sau việc kính tuần bảy ngày trước linh đài Đức Mẹ, đoàn rước gồm các cha đã đi đến tượng đài Đức Mẹ phía trong và hát mừng kính Mẹ. Sau đó, đoàn đã đi một vòng xung quanh Linh địa Đức Bà sang phía bên kia, trong ngôi nhà đã bị nhà nước cho phá dở dang. Đoàn rước đi trong đêm tối với ánh nên trên tay, vì phía trong, nhà nước đã cho tắt hết các bóng điện để tiết kiệm điện cho đất nước.

Đoàn rước đông đảo đã làm nhiều người, nhất là lương dân xung quanh, vì họ nghe nói công an đã trấn áp được giáo dân thắng lợi, nhưng hôm nay lại thấy đông đúc hơn nên nhiều người đã ra xem. Hôm nay, công an ít hơn những hôm trước, chắc họ nghĩ bây giờ có thách đố, thì giáo dân cũng không dám bén mảng tới nơi này.

Đoàn giáo dân và linh mục hôm nay đến linh địa Đức Bà, là câu trả lời với lực lượng bạo lực là họ không hề run sợ.

Nhưng hôm nay thì họ đã nhầm to. Một số người dân cho biết, khi chưa xong lễ, một số công an khá đông tập trung trước hội chữ thập đỏ. Khi lễ xong, Cha Khải sau khi căn dặn bà con xong, ngài nói “tất cả lên đường” để ra Thánh địa, thì công an chạy tán loạn, chắc họ nghĩ giáo dân lại đi ra ngoài đường, làm mồi cho họ như đêm qua nên chạy ra chuẩn bị.

Tình hình chị người dân tộc bị đánh hiện đang nguy hiểm, chị bị đau đầu và thỉnh thoảng nôn, chóng mặt, hiện nay vẫn phải nằm lại ở nhà xứ để chăm sóc. Một số người tối qua bị đánh hôm nay không đi làm được, nhưng đến bệnh viện khám khai là do công an đánh thì bác sỹ đã không dám cho giấy chứng thương.

Chiều nay, Cha Khải và một số Cha đã ra quận để chất vấn, họ trả lời tỉnh bơ là chúng tôi không đánh ai, cho đến bây giờ chưa thấy đơn trình báo nào về việc bị công an đánh. Thật đúng là miệng lưỡi công an nhà nước cộng sản.

Nhiều nơi hiệp thông cầu nguyện với Thái Hà, hôm nay nhiều đoàn người đã về đây cùng Thái Hà để chia sẻ và cầu nguyện.

Những ngày tới, bà con vẫn nhất định sẽ không sợ hãi mà bỏ cuộc, trái lại họ càng vững tin hơn.

Chúc Thái Hà luôn bình an và kiên cường. Xin hãy hiệp thông với anh chị em chúng ta trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Họ đang cần điều đó hơn bao giờ hết.

Thái Hà 29-8-2008
 
Công an và người cầm quyền Hà Nội tiép tục vu khống linh mục và giáo dân Thái hà
Đồng Nhân
16:34 29/08/2008
LTS: Vụ Thái Hà đã được báo chí cả thế giới quan tâm, đặc biệt Tòa Đại Sứ Mỹ ở Hà Nội đến hiện trường Thái Hà vấn an và tìm hiểu thực hư, cho nên chính quyền Cộng sản địa phương Hà nội đã phải mau mắn tổ chức cuộc họp báo "chống chế và phân trần" vào chiều ngày hôm nay về việc làm sai trái của họ. Tuy nhiên chứng cớ và những chứng nhân còn sống rành rành ở đó thì làm sao "lấy vải màn chia mắt thánh được!" Rồi đây sự thật sẽ được phơi bầy, vì những người chứng kiến và những người bị thương tích, những người bị bắt còn đó. Bài báo của VnMedia sau đây đưa tin về cuộc họp bào này và những luận điệu kết án phi lý, chối quanh, và trình bầy sai sự thực. Chĩ nguyên một chi tiết nhỏ như việc họ đưa hình ảnh lên để làm chứng trong bài báo, cũng thực sự đã nói lên tính chất man trá của những người đang nắm quyền trên dân, hai hình minh họa bài báo của họ thì thấy trước tượng Đức Mẹ ở Thái Hà không có một ai cầu nguyện ở đó (họ sợ rằng đưa hình ảnh có nhiều người cầu nguyện thì thế giới sẽ biết có những cuộc cầu nguyện đông người...). Nhưng trong lý luận họ lại nói "cầu nguyện và hành lễ tại khu đất chính là hành vi kích động". Sau đây chúng tôi đang nguyên văn bài báo của VnMeida và mời độc giả đọc để nhận định ra những dối trá trắng trợn của Ông Giám đốc Công an thành phố Hà Nội:

"Hành động của các linh mục và giáo dân tại giáo xứ Thái Hà là vi phạm pháp luật".

HÀ NỘI - VnMedia, lúc 20h46", ngày 29/08/2008 - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội tại buổi họp báo quốc tế liên quan đến việc gây rối tại Công ty Cổ phần May Chiến Thắng (Hà Nội) chiều nay (29/8).

Tại cuộc họp báo
Tại đây, ông Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã thông tin cho báo chí biết tình hình vi phạm pháp luật tại khu đất của Công ty may Chiến thắng số 178 Nguyễn Lương Bằng.

Theo cơ quan công an, vào ngày 15/8/2008, tại khu vực tường rào bảo vệ phía sau Công ty Cổ phần May Chiến Thắng, địa chỉ 178 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, Hà Nội xảy ra vụ một số người đã dùng búa, cuốc và vật cứng đập phá tường rào, phá hủy một đoạn dài 6m; sau đó hàng trăm người tràn vào khu đất do Công ty Chiến Thắng quản lý chặt phá cây, san lấp mặt bằng, dựng lều bạt, đưa tượng, thánh giá vào cầu nguyện, hát thánh ca gây mất trật tự khu vực...

Các hành vi trên là vi phạm pháp luật và có dấu hiệu phạm vào một số điều của Bộ Luật hình sự nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Đã đủ cấu thành tội danh

Tại đây, trả lời câu hỏi của phóng viên AFP đề nghị cho biết rõ hơn tình hình tại khu đất, ông Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội khẳng định: “Căn cứ Bộ Luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sự việc xảy ra tại 178 Nguyễn Lương Bằng và tại giáo xứ Thái Hà đã đủ cấu thành tội danh huỷ hoại và cố ý làm hư hỏng tài sản xã hội chủ nghĩa và tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 143 và Điều 245 của Bộ Luật hình sự.

Ông Nhanh cho biết, các hành vi đập phá tường, lập bàn thờ, cầu nguyện không đúng nơi quy định đã kéo dài từ 6/1/2008 đến nay đã 8 tháng và đặc biệt vàotrưa 15/8 là vi phạm pháp luật Việt Nam.

Ông Nhanh cho biết, Công an Hà Nội đã kiên trì, vận động, giáo dục và thuyết phục và chính ông đã 2 lần gặp các vị linh mục của giáo xứ Nhà thờ Thái Hà. Theo đó: “Tất cả các cuộc gặp đều được các linh mục nhà thờ ghi âm như vào sáng 22/8, trong cuộc gặp có Linh mục Chánh xứ Vũ Khởi Phụng, Linh mục phó xứ Nguyễn Văn Thật, Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong và vào chiều 25/8. ”.

Tổ chức cầu nguyện

Tổ chức cầu nguyện
Trong các cuộc gặp ông Nguyễn Đức Nhanh đã đưa ra 3 vấn đề: Thứ nhất, thông báo những hành vi vi phạm pháp luật trong đó tổng hợp 5 vi phạm: vi phạm Luật đất đai, xây dựng trái phép, huỷ hoại và cố ý làm hỏng tài sản Nhà nước, cố ý gây rối trật tự công cộng, tụ tập và tiến hành cầu nguyện không đúng nơi quy định (vi phạm Điều 25 của Pháp lệnh tín ngưỡng và tôn giáo).

Ông Nhanh cũng đặt vấn đề đề nghị các linh mục, giáo xứ nhà thờ phải khuyên bảo giáo dân tự tháo dỡ và đưa tất cả tượng chúa, tượng Đức mẹ cũng như thánh giá trở lại nhà thờ. Đồng thời khẳng định, những vi phạm của giáo dân tại khu đất có trách nhiệm của các vị linh mục giáo xứ nhà thờ Thái Hà.

Tại buổi gặp, Linh mục Chánh xứ Nhà thờ Thái Hà Vũ Khởi Phụng khẳng định là có trách nhiệm trong sự việc này, tuy nhiên không thừa nhận là đã xúi giục và kích động giáo dân.

Ông Nguyễn Đức Nhanh đã đưa ra những chứng cớ: “Việc cầm đầu đưa giáo dân ra cầu nguyện và hành lễ tại khu đất chính là hành vi kích động và xúi dục hay còn gọi là khuyến khích hành vi vi phạm của giáo dân”.

Ông Nhanh đã nhắc nhở: “Các ông là linh mục, là những người theo đạo, phải hướng giáo dân vào những việc tốt đời đẹp đạo. Các ông là tu sĩ nhưng cũng là công dân của nước CHXHCN Việt Nam vì vậy phải chấp hành pháp luật Việt Nam“.

Đồng thời, ông cũng khẳng định: “Nhà nước và UBND thành phố ủng hộ các tổ chức tôn giáo hoạt động hợp pháp trên địa bàn được sử dụng đất để phục vụ mục đích tôn giáo theo quy hoạch được duyệt. Vì vậy, nếu Nhà thờ Thái Hà có nhu cầu xin sử dụng đất để phục vụ mục đích tôn giáo theo quy định của Nhà nước thì phải thực hiện theo trình tự, thủ tục, quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Xây dựng, báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết”.

Tuy nhiên 3 vị linh mục này vẫn ngoan cố nói rằng: “Chúng tôi đòi đất chứ không xin đất”.

Sự ngoan cố và sự vào cuộc của pháp luật

Sau 10 ngày điều tra, thu thập chứng cứ, và kiên trì khuyên bảo, giáo dục và thuyết phục, các linh mục và một số giáo dân tại đây vẫn cố tình vi phạm. Họ vẫn gây mất trật tự khu phố bằng cách tổ chức cầu nguyện hằng ngày tại khu đất bằng loa, rồi gõ cồng chiêng… Họ dựng lều và bố trí 30 giáo dân ăn ngủ tại đây gây mất vệ sinh.

Lập bàn thờ và dựng tượng tại khu đất
Sau khi trao đổi và thống nhất với VKSND quận Đống Đa, Công an quận Đống Đa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự số 524 về 2 tội: "Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" theo Điều 143 và "Tội gây rối trật tự công cộng" theo Điều 245 của Bộ luật hình sự, xảy ra ngày 15/8/2008, tại Công ty Cổ phần May Chiến Thắng để điều tra và áp dụng các biện pháp tố tụng cần thiết nhằm làm rõ và xử lý các đối tượng phạm tội.

Ngày 28/8, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) quyết định khởi tố bị can và sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn, đã thực hiện lệnh bắt bị can là Lê Thị Hợi (sinh năm 1947, ở số 8, ngách 62, ngõ Quan Trạm, phường Thổ Quan, quận Đống Đa - Hà Nội) và Lê Quang Kiện (sinh năm 1945, ở số 8 ngõ 162 Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa - Hà Nội) để tạm giam về tội hủy hoại tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần may Chiến Thắng, theo điều 143 Bộ Luật Hình sự.

Bắt bị can Nguyễn Thị Nhi (sinh năm 1962, trú tại tổ 4, thị trấn Plây Cần, tỉnh Kon Tum) về tội gây rối trật tự. Bị can này đã dẫn đầu đoàn cồng chiêng đến gây rối tại khu đất.

Hiện cơ quan Công an đang mở rộng điều tra vụ án, triệu tập những người có liên quan theo Bộ Luật Tố tụng hình sự. Ông Nhanh khẳng định: “Theo Luật pháp, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Những ai có vi phạm đều bị triệu tập, từ cán bộ nhà nước, thầy tu hay công dân bình thường”.

Cảnh sát Việt Nam không bao giờ dùng công cụ để đánh đập người vi phạm

Ông Nguyễn Đức Nhanh cũng cho biết: tối qua (28/8), hơn 100 giáo dân, trong đó có tu sĩ, giáo sĩ Nhà thờ Thái Hà kéo đến trụ sở Công an quận Đống Đa đòi trả người, với những hành vi quá khích như chửi bới, lăng mạ người thi hành công vụ. Công an quận đã mời đại diện nhóm người này vào và nói rõ lý do bắt người. Sau khi được giải thích, thuyết phục, hơn 21 h tối qua, nhóm người này đã giải tán.

Tuy nhiên vì một số người có hành động quá khích, công an quận đã lập biên bản tạm giữ 3 người để điều tra. Nếu hành vi nghiêm trọng sẽ bị xử phạt hình sự và ít nghiêm trọng sẽ xử phạt theo hành chính

Trả lời câu hỏi, công an có dùng dùi cui điện để đánh người không? Ông Nhanh khẳng định: Theo luật pháp của Việt Nam, Cảnh sát Việt Nam không bao giờ dùng công cụ để đánh đập người vi phạm. Chúng tôi chỉ dùng những công cụ này trong các trường hợp bị tấn công. Điều này thì tất cả cảnh sát trên thế giới trong đó có Interpol đều quy định như vậy. Tôi khẳng định, đến nay, chưa nhận được đơn thư khiếu nại nào về vụ việc này”.

(Nguồn: http://www.vnmedia.vn/newsdetail.asp?newsid=142733&catid=23
 
Giám đốc công an thành phố Hà Nội ngây thơ đòi qua mặt Phóng Viên AFP
Hà Long
18:08 29/08/2008
HÀ NỘI - Chiều 29/8/2008 sở công an họp báo quốc tế dưới sự chủ tọa của ông Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội về việc đòi lại đất tại Thái Hà.

Tại đây, trả lời câu hỏi của phóng viên AFP đề nghị cho biết rõ hơn tình hình tại khu đất Thái Hà, ông Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đọc thuộc lòng: “Căn cứ Bộ Luật hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam sự việc xảy ra tại 178 Nguyễn Lương Bằng và tại giáo xứ Thái Hà đã đủ cấu thành tội danh huỷ hoại và cố ý làm hư hỏng tài sản xã hội chủ nghĩa và tội gây rối trật tự công cộng theo Điều 143 và Điều 245 của Bộ Luật hình sự".

Vừa đánh trống vừa ăn cướp với việc đổ tội như sau: các hành vi đập phá tường, lập bàn thờ, cầu nguyện không đúng nơi quy định đã kéo dài từ 6/1/2008 đến nay đã 8 tháng và đặc biệt vào trưa 15/8 là vi phạm pháp luật Việt Nam.

Chu choa, Ông Nhanh tỏ ra quá "thanh liêm" như vị thiên lôi từ trời xuống phán thêm: “Theo Luật pháp, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Những ai có vi phạm đều bị triệu tập, từ cán bộ nhà nước, thầy tu hay công dân bình thường”.

Thưa ông Nhanh! Nếu ông còng tay được tên tham nhũng hàng đầu của đảng cộng sản đòi hối lộ nơi người Nhật trong dự án Xa Lộ Đông Tây tại Sài Gòn thì dân đen chúng tôi được nhờ biết mấy. Nếu ông cố tình quên vụ này, thì chúng tôi điểm ngay tên tham quan Huỳnh Ngọc Sĩ, đã đòi hối lộ 820.000 đôla của hãng thầu Nhật đấy. Cả nước Nhật biết đến Huỳnh Ngọc Sĩ, nhưng tại Việt Nam không được nói đến chuyện này, và kể cả tên Giám đốc Công an thành phố Hà Nội. Trước khi bắt dân đen, hãy bắt tên đại tham nhũng Huỳnh Ngọc Sĩ đi nhé. Ông ta là cán bộ nhà nước đấy! Gỉa sử việc phá hàng rào "là có thật và là hành vi phạm pháp" đi chăng nữa, thì tổn hại này có sánh chi với những hành vi phá sản và ăn cắp của biết bao nhiêu các quan quyền từ trên xuống dưới trong chế độ CSVN, sao không ai đưa ra xử tội những vị quan này vậy, hỡi ông Giám đốc Công an?

Chưa làm được chuyện anh hùng bắt tham quan thì ông Nhanh đã dối trá đủ điều đổ tội lên đầu giáo dân Thái Hà, bằng cách nói với AFP như sau: "Tối qua (28/8), hơn 100 giáo dân, trong đó có tu sĩ, giáo sĩ Nhà thờ Thái Hà kéo đến trụ sở Công an quận Đống Đa đòi trả người, với những hành vi quá khích như chửi bới, lăng mạ người thi hành công vụ. Công an quận đã mời đại diện nhóm người này vào và nói rõ lý do bắt người. Sau khi được giải thích, thuyết phục, hơn 21 h tối qua, nhóm người này đã giải tán. Tuy nhiên vì một số người có hành động quá khích, công an quận đã lập biên bản tạm giữ 3 người để điều tra".

Phóng viên AFP thật ma lanh qua mặt chàng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội một cái vù mà không cần bóp còi. Bằng cách trước đó đã gặp ngay một vị linh mục để hỏi về vấn đề sử dụng vũ lực của công an đối với giáo dân Thái Hà. Chúng ta đọc nguyên văn bài viết của AFP nói chuyện với linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải và được tường thuật trong bài báo như sau:

"One of the priests, Father Nguyen Van Peter Khai -- who put the total number of Catholics arrested since Thursday at eight -- told AFP that police had attacked the Catholics as they sat on the street for a peaceful vigil.

"We were in the street on Thai Ha street and the police repressed the Christians using electric shocks," said Khai. "A lot of people were beaten by police, they were beaten very hard." (Chúng tôi cầu nguyện an hòa… Chúng tôi đứng trên đường Thái Hà và công an tấn công bằng dùi cui điện. Nhiều người đã bị đánh đập và bị đánh đập tàn nhẫn).

He showed AFP digital photographs showing two women bleeding from head wounds who he said were victims of the police baton-charge. (Linh mục Khải đã cho AFP xem hình chụp digital của 2 người phụ nữ, có vết thương chảy máu trên đầu. Cha Khải nói: “Đó là nạn nhân của bọn công an.”)


Khi có đủ dữ kiện chứng nhân đó, tại nơi họp báo phóng viên AFP chỉ cần hỏi thêm câu: "Công an có dùng dùi cui điện để đánh giáo dân Thái Hà không?", thì ông Nhanh lòi đuôi chuột dối trá:

When asked about the claim, police chief Nhanh only said: "We never use supporting instruments to beat those who do not violate the law. These instruments are only used when police are attacked." (Cảnh sát Việt Nam không bao giờ dùng công cụ để đánh đập người vi phạm. Chúng tôi chỉ dùng những công cụ này trong các trường hợp bị tấn công).

Để vớt vát giám đốc Nhanh vội nói: đến nay, công an chưa nhận được đơn thư khiếu nại nào về vụ việc này” (Nhanh said police had received no complaints alleging beatings on Thursday).


Phóng viên AFP không bình luận gì thêm về cuộc họp báo, nhưng với cách hành văn báo chí chuyên nghiệp AFP có thể cho độc giả Tây Phương sẽ nhận ra đâu là sự thật và đâu là điều dối trá của cộng sản Việt Nam trong vụ đàn áp dã man Giáo dân Thái Hà bằng dùi cui điện.

Ông Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh ơi! Phóng viên AFP ngây thơ hay ông Nhanh thơ ngây?
 
Khi kẻ cướp tìm cách tiêu thụ của gian bằng quyền lực
Lê Minh
20:26 29/08/2008
KHI KẺ CƯỚP TÌM CÁCH TIÊU THỤ CỦA GIAN BẰNG QUYỀN LỰC

Quyền dân sự, về tài sản dân sự trải qua thời gian, các chế độ chính trị... Từ xưa đến nay, luôn được liên nối. Chế độ sau liên nối, thừa nhận các quyền này từ chế độ trước... Dù muốn dù không, chế độ sau không thể bác bỏ quyền dân sự có từ chế độ trước... vì làm như thế là bất hợp pháp, và tự chuốc lấy hoạ vào thân... Tự gây ra những rắc rối về quản lý xã hội cho mình... Chưa nói đến việc gây phẫn uất trong dân...

Trừ tài sản bị coi là chiến lợi phẩm thường bị tịch thu, còn các tài khác của các tổ chức dân sự, tôn giáo, cá nhân dân sự... đều phải được thừa nhận... Ngay cả tài sản bị tịch thu cũng phải làm các thủ tục rõ ràng: Ra văn bản Luật xác định các loại tài sản bị tịch thu... Lập biên bản xác định với từng trường hợp tài sản nằm trong diện bị tịch thu... Ra quyết định tịch thu... Còn nữa: Thông báo đến chủ tài sản bị tịch thu, cũng như niêm yết công khai... Và phải cho người chủ có quyền khiếu nại trong phạm vi... Ngày... trả lời khiếu nại... Rồi mới coi việc tịch thu tài sản hoàn tất.

Thực tế nhà nước cộng sản Việt Nam cũng phải thừa nhận rất nhiều quyền dân sự sau khi tiếp quản chính quyền từ chế độ Phong Kiến Thực Dân... Hệ thông dữ liệu về nhà đất được tiếp nhận, lưu giữ và tiếp tục sử dụng... Chứ người cộng sản không dám đốt đi... Vì họ chẳng có năng lực để thiết lập... Nhiều khi họ đọc còn không hiểu hết nghĩa...

Trong quá trình ra quyết định tịch thu, trưng thu trong cải tạo XHCN... Đã có rất nhiều trường hợp chính quyền cộng sản bị các tổ chức dân sự, tôn giáo, người dân... khiếu nại... phải xem xét lại quyết định, phải huỷ bỏ quyết định... Trả lại tài sản... Như các vụ trả lại nhà đất cho Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo... Vụ trả lại nhà đất biệt thự ở Hà Nội cho ông nghị sĩ giáo sư sử học Dương Trung Quốc...

Trong quản lý nhà nước, nhà nước nào cũng luôn thừa nhận, áp dụng nguyên tắc “Thời Hiệu hạn định” “Suy đoán có lợi cho dân” “Vô hiệu do tê liệt ý chí” “Miễn trách nhiệm do Luật vi hiến”. ..:

• Thời hiệu hạn định nghĩa là cái gì cũng có thời hạn... Ngay cả khi có đối tượng nào đó giết người, cơ quan điều tra để quá 20 năm mới phát hiện, coi như hết thời hiệu truy cứu, đương sự được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự... Gần đây có một vụ sảy ra tại Nghệ An... Một anh thanh niên làm chết người yêu, rồi chôn xuống đất, gia đình thì tưởng con gái mình bỏ đi, công an thì không thấy có dấu hiệu gì để khởi tố vụ án... đến khi người ta đào móng nhà, phát hiện ra hài cốt... anh thanh niên xưa thú tội... đã 27 năm trôi qua... nên anh thanh niên được miễn trách nhiệm... Thời hiệu lại luôn gắn với các điều kiện... Nhưng có thể tóm gọn lại: Muốn được hưởng thời hiệu, với công dân, tổ chức thì không được cố ý che dấu hành vi... Với nhà nước thì phải hoàn thành mọi thủ tục, nếu nhà nước có sơ xuất về thủ tục, thì sẽ không được thực hiện quyền năng của mình nữa... và người dân, tổ chức được hưởng lợi...

• Suy đoán có lợi cho dân nghĩa là trước một vấn đề nếu chỉ bằng suy đoán, suy luận, suy ra được hai hướng: 1) bất lợi – 2) có lợi cho dân, thì bắt buộc nhà nước phải chọn hướng có lợi cho dân. Dân ở đây là người liên quan trực tiếp đến vụ việc chứ không phải là nhân dân (Đại từ chung chung …). Suy đoán có lợi cho dân trong nhiều trường hợp còn xoá bỏ cả thời hiệu áp dụng quyền hành với dân của nhà nước... vì lý do nhân dạo, vì lý do đạo lý, vì lý do bản chất tốt đẹp của chế độ... Như trong trường hợp ngôi biệt thự của ông nghị sĩ Dương Trung Quốc, thực ra nó đã hết thời hiệu kiện đòi... Nhưng vì là ông nghị sĩ đòi nên người ta không xét thời hiệu nữa...

• Vô hiệu do tê liệt ý trí, nghĩa là nếu nhà nước dùng vũ lực vật chất hay tinh thần để đe doạ dân, làm cho dân mất lý trí, không còn khả năng thể hiện đúng ý chí của mình nữa... thì hành vi đó vô hiệu, quyết định liên quan đến hành vi đó vô hiệu... Hoặc ngược lại, người dân đe doạ nhà nước...

• Miễn trách nhiệm do luật vi hiến nghĩa là đối với luật của nhà nước ban hành nhưng vi phạm hoặc trái với hiến pháp, dân được miễn trừ trách nhiệm khi không thi hành cái luật vi hiến đó...

Các nguyên tắc, chứng lý nêu trên được nhà nước việt nam XHCN thừa nhận trên giấy, trong hiếp pháp, Luật. .. Đương nhiên như thế, vì các nước tư bản, “một hình thức nhà nước thấp kém hơn XHCN” còn thừa nhận, phương chi nhà nước XHCN dân chủ hơn triệu lần dân chủ tư bản mà lại không thừa nhận hay sao ??? Nhưng từ trên giấy ra đến thực tế cuộc sống trong xã hội – xã hội chủ nghĩa xa lắm... xa đến nỗi từ khi có cái nhà nước “tiến bộ” này đến giờ nó vẫn còn nằm trên giấy... Nhưng nhà nước XHCN VN luôn già mồm rằng: Họ vẫn áp dụng... nếu ai thấy ở đâu không áp dụng... thì gọi về đường dây nóng xxx. Nhưng khi quốc tế cùng dân sinh yêu cầu nhà nước cộng sản lập toà hiến pháp để xét xử thì nó nhất định không... Vì nó biết nếu có toà hiến pháp, rồi đem các vụ việc liên quan ra xét xử, có đến 90% Luật của nó vi phạm chính hiến pháp của nó...

Bây giờ mới xét đến vấn đề nhà đất của giáo xứ Thái Hà, các quyết định, các hành động của nhà nước, các hành động của giáo dân Thái Hà:

Trước tiên về quyết định của nhà nước: Phải nói là cả một sự lem nhem... Không có Luật công bố danh mục tài sản bị tich thu, không có quyết định tịch thu... Chỉ có mấy cái văn bản của sở nhà đất, xây dựng... được gọi là Nhà Dòng đã bàn giao... Sở nhà đất xây dựng chỉ là cơ quan chuyên môn chứ không phải cơ quan đại diện nhà nước. Phải là Uỷ Ban Hành Chính mới là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu là SNĐXD thì phải có văn bản uỷ quyền từ UBHC... Lỗi sai về thủ tục này của nhà nước là lỗi dẫn đến hậu quả nhà nước mất quyền tiếp tục áp dụng luật với trường hợp này... và phải suy luận theo hướng có lợi cho nhà Dòng...

Ông cha Bích cũng chẳng có quyền gì bàn giao sở hữu của nhà dòng cho nhà nước... Ví như một ông chủ tịch huyện vùng biên nào đó, ký giấy nhượng đất cho Trung Quốc thì ai công nhận ???... Ngay cả ông Thủ Tướng Phạm Văn Đồng ký tờ giấy ô nhục thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam xưa... Đến nay nhà nước Việt Nam XHCN cũng “Nhỏ nhẹ” chối bỏ vì ông ta không đủ thẩm quyền... Vậy mà cộng sản kết luận ông cha Bích có quyền chuyển sở hữu tài sản nhà Dòng cho cộng sản cơ đấy... Tội nghiệp ông cha Bích chết cũng chưa yên thân với cộng sản !

Ai cũng biết thời kỳ cải tạo XHCN là thời kỳ ông cha Bích đâu có dám đe doạ nhà nước làm cho nhà nước tê liệt ý chí... ??? Phải hiểu ngược lại mới đúng ! Và chính những người cộng sản thời đó nay còn sống không ít lần thú nhận cái sự cưỡng bức thân thể dẫn đến tê liệt ý chí nhân dân của nhà nước XHCN... Cải tạo XHCN là hành vi ăn cướp, được hợp pháp hoá bởi cái luật lệ ăn cướp, sảy ra trong thời kỳ người cộng sản đi ăn cướp của nhân dân, của xã hội...

Ngày 29.08.2008 UBND TP Hà Nội vừa mới ra quyết đinh thu hồi khu đất nhà dòng (Một hình thức tịch thu) để “Làm công viên công cộng” thì phải hiểu thế nào đây ??? Sau ngần đấy thời gian, sau ngần đấy sai lầm của chính sách nhà nước, ngần đấy sai trái của nhân viên nhà nước... Nó còn trong thời hiệu được ra quyết định tịch thu nữa không đây ??? Mà sao khi sảy ra vụ việc Giáo Dân giáo xứ Thái Hà vùng lên mới ra quyết định này ??? Nếu giáo dân không vùng lên thì nó sẽ là của ai ??? Chắc của ông cộng sản “gộc” nào chứ nhất định không phải của ông bần cố công, bần cố nông nào.

Hành vi của UBND TP Hà Nội ra quyết định thu hồi khu đất, để làm “Công viên công cộng” là hành vi của kẻ cướp, tìm cách tiêu thụ của gian, không ăn được thì đạp cho đổ. Nhất định thế. Hành động đàn áp giáo dân Công Giáo bằng bạo quyền của công an cộng sản là quyền lực phi pháp, là quyền lực hoả ngục ! Tìn mãi, dưới mọi góc độ trong đức khoan dung Kitô Giáo, mà không thấy lý do hợp lẽ nào cho các động thái của người cộng sản.

Xét đến hành động của giáo dân, tu sĩ giáo xứ Thái Hà: Đây là hành động của sự phẫn uất, tức nước vỡ bờ... Nhưng luôn trong sự ôn hoà có kiểm soát bởi luân lý Kitô giáo... Xét ở góc độ pháp luật, Luật vi hiến, con người được quyền miễn trừ... Xét ở góc độ luân lý, chẳng luật nào bằng luật công bằng, bằng luật lương tâm... Nếu vì bất cứ lý do nào đó anh chị em chùn bước trước bạo quyền, trước bọn vô luân, thì con cái chúng ta tiếp tục phải giải quyết, phải trả giá đắt hơn nữa...

Cái gì của sêda thì trả lại cho sêda, cái gì của Thiên Chúa hãy trả lại cho Thiên Chúa. Chúng ta thuộc về Thiên Chúa, như lời Người: “Các con không thuộc về thế gian này... “. Hãy trả lại cho Thiên Chúa cái thân xác tro bụi này ! Và trả lại cho thế gian vật chất cùng đức công bằng trong luân lý Kitô Giáo. Lậy Chúa ! Sao vang lên trong con bài ca nghìn trùng?
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Xây dựng những Quan Hệ qua lại hai chiều… giữa người với người
Nguyễn Văn Thành
07:52 29/08/2008
Trong những bài chia sẻ trước đây (*), trên diễn đàn nầy, tôi đã quảng diễn và nhấn mạnh những trọng điểm như sau:

Thứ Nhất, ngôn ngữ là con dao hai lưỡi. Khi được sử dụng một cách máy móc, tự động, trong cuộc sống hằng ngày, phương tiện nầy có thể mang đến nhiều ngộ nhận, trong những quan hệ tiếp xúc và trao đổi, giữa người với người. Nó dẫn khởi nhiều xung đột, thậm chí giữa hai vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái...

Tuy nhiên, cũng nhờ vào ngôn ngữ, chúng ta phát hiện được những sào huyệt mê cung của Vô Thức. Từ đó, chúng ta có thể từ từ chuyển hóa Vô Thức thành Ý Thức, trên con đương xây dựng và phát huy Bản Ngả cũng như những quan hệ cần thiết giữa người với người.

Thứ Hai, nhờ con đường ngôn ngữ, chúng ta mang ra giữa vùng ánh sáng của Ý Thức, những xúc động tiêu cực, tê liệt, tràn ngập và ngụy trang, thậm chí đã lâu ngày bị dồn nén, ức chế, chối từ hoặc che giấu. Khi được diễn tả một cách rõ ràng, trung thực như vậy, khổ đau, cho dù khốc liệt, oái oăm và nhức nhối, không thể biến thân thành những phương tiện bạo động bùng nổ ra bên ngoài, hay là xói mòn, rỉa rói lòng tự tin của chúng ta, ở bên trong nội tâm.

Thứ Ba, ngôn ngữ cũng là con đường diệu vợi cho phép chúng ta bộc lộ với anh chị em đồng bào, tấm lòng đồng cảm, thái độ nhìn nhận và chất lượng làm người của chúng ta, một cách đơn phương và vô điều kiện. Không đòi hỏi, chờ đợi « một cử chỉ có thiện chí », từ phía người đối diện, rồi khi đó chúng ta mới chấp nhận làm người có hiểu biết và tình thương.

***

Bài chia sẻ nầy sẽ quảng diễn thêm một cách rộng rãi hơn, điểm thứ ba trên đây, bằng cách đề nghị những bước đi lên cụ thể, khi xây dựng những quan hệ tích cực và hữu hiệu, giữa người với người.

Trong Bước số Một, tôi sẽ phân biệt và tách rời khỏi nhau, hai lãnh vực « Con Người và Việc Làm ».

Hẳn thực, trong đời sống làm người, bao lâu chúng ta chưa chấp nhận và tôn trọng quyền khác biệt của người khác đang có mặt với chúng ta, chúng ta chưa thể nào thiết lập những quan hệ chung sống hài hòa, kiện toàn và bổ túc cho nhau. Đây là một tiến trình lâu dài, liên lỉ, không bao giờ kết thúc.

Trái lại, trong lãnh vực Công Việc, điều thiết yếu là chúng ta cần học tập và tôi luyện phương pháp thương lượng với nhau, để tiến tới những giao điểm, những vùng hội tụ hay là VÙNG TRUNG GIAN, những mảnh đất đứng chung với nhau. Không đồng ý « cùng với nhau nhìn về một hướng », không chia sẽ một số giá trị chung, chúng ta không thể hợp tác và thành tựu những kết quả cụ thể mong muốn cho nhau và với nhau.

Trong Bước số Hai, tôi sẽ nhấn mạnh thêm: Khi thương lượng với nhau, điều tiên quyết cần thành đạt là cả hai bên đều thắng, nghĩa là gặt hái những kết quả tích cực, cụ thể và khách quan với nhau, cho nhau và nhờ nhau. Không có kẻ thua. Trái lại, trong mỗi quan hệ hài hòa và đồng cảm, cùng đích cần nhắm tới là vấn đề thành người.

Lẽ đương nhiên, khi kết dệt những quan hệ xây dựng, cả hai bên - người và chúng ta - sẽ thâu lượm dễ dàng những thành quả tốt đẹp. Thế nhưng, chúng ta không chờ đợi, đòi hỏi phải có kết quả cụ thể, trong địa hạt thương lượng, rồi mới dấn bước trên con đường làm người. Một bên là tiến trình. Bên kia là kết quả cụ thể. Cho nên, tôi chỉ đơn phương làm người. về phía tôi. Tôi thực hiện những điều cần thực hiện.

Sau cùng, trong Bước số Ba, tôi sẽ trình bày: đâu là những động tác cụ thể cần được tôi tức khắc dấn thân thực hiện một cách khoa học. Phải chăng từ ngày hôm nay, không trì hoãn, chúng ta có trách nhiệm xây dựng những quan hệ với người khác, bắt đầu từ môi trường gia đình, thậm chí với đứa con vừa đi ra khỏi lòng mẹ, chưa hoàn toàn ý thức về mình. Trách nhiệm ấy thuộc bản sắc làm người của chúng ta.

***

BÀI CHIA SẺ MỘT - CON NGƯỜI VÀ CÔNG VIỆC

Khi nói đến Con Người, chúng ta nói đến những quan hệ tiếp xúc và trao đổi giữa hai người với nhau, trong tất cả mọi hoàn cảnh chung sống, thuộc đời sống gia đình, cũng như thuộc địa hạt xã hội. Ngay từ giây phút đầu tiên, lúc đứa bé vừa ra chào đời, em đã cần kết dệt những quan hệ với người mẹ, hay là với một người nuôi nấng, đùm bọc em giống như một người mẹ. Nhờ đó, em mới có khả năng sống và thành người. Chính người mẹ cũng cần phải thiết lập những quan hệ với đứa con và bao nhiêu người khác, mới có thể chu toàn vai trò làm người và làm mẹ một cách tốt đẹp.

Hẳn thực, suốt cuộc sống làm người, từ lúc sinh ra cho đến khi lìa đời, những mạng lưới quan hệ chằng chịt sẽ dạy cho tôi ba bài học chủ yếu:

Bài học thứ nhất: Giữa người khác và tôi có những nét khác biệt « đương nhiên và ắt có », TẤT YẾU.

Quyền khác biệt ấy thuộc bản sắc làm người và cần phải được tôn trọng. Bằng không, chất lượng làm người của cả hai người - người không biết tôn trọng và người không được tôn trọng - đều bị tổn thương trầm trọng. Ngoài ra, nhờ khác biệt, người ấy và tôi có khả năng bổ túc, kiện toàn cho nhau, trên suốt tiến trình làm người. Người khác nói được là một tấm gương soi, trong đó tôi nhận ra khuôn mặt xinh đẹp của tôi, cũng như bao nhiêu đường nhăn và vết thẹo...Trong một vài tôn giáo và nền văn hóa, xưa và nay, người khác được coi như là một « Hồng Ân ». Ít nhất về mặt lý thuyết, họ là « vị đại diện hữu hình của Thượng Đế Vô Hình », đang có mặt với tôi, trên những chặng đường xuôi ngược của cuộc đời.

Tuy nhiên, cũng vì những nét khác biệt ấy, bao nhiêu tranh chấp, xung đột, thiên kiến, hận thù... cũng có thể bùng nổ, giữa người ấy và tôi. Chính Triết gia người Pháp J.P.SARTRE đã khẳng định một cách chắc nịch rằng: « Người Khác là hỏa ngục ». Người Khác được viết bằng chữ lớn, trong những tác phẩm của triết gia nầy, có nghĩa là « mọi người khác, không có ngoại lệ, thậm chí có Thượng Đế trong đó ».

***

Bài học thứ hai: Giữa người khác và tôi, cũng có rất nhiều điểm GIỐNG NHAU, cho dù người nầy sinh ra ở Nam và kẻ kia xuất phát từ miền Bắc.

Nhờ vào những đồng điểm ấy, hai người có thể « xích lại gần nhau » và yêu nhau. Dưới một khía cạnh nào đó, họ nhận thấy mình là « một phần nửa » của nhau, đã cùng nhau « chia sẻ một bào thai », trong cung lòng của một mẹ và một cha. Giống như những cặp vợ chồng trẻ trung ở miền Bình Trị Thiên, họ không ngần ngại gọi nhau là Mình. « Mình với Ta, tuy hai mà một. Ta với Mình, sao một mà hai ? »

***

Bài học thứ ba: Người khác và tôi CẦN nhau, trong rất nhiều công việc hoặc dự án, tốt cũng như xấu, xây dựng, tích cực cũng như tiêu cực và phá hoại.

Hẳn thực, theo lối nhìn của nhà tâm lý xã hội CRÈVECOEUR J.J. khi tôi từ chối một cách rộn ràng bằng mồm miệng, cũng như khi tôi thinh lặng đồng lõa, tôi đều góp phần tích cực của mình, để nuôi dưỡng những trò chơi quyền lực, trong những xã hội rộng và hẹp, thuộc tầm cỡ hoàn vũ, hay là trong giới hạn chính trị của một khu vực. Theo lối nói ngày nay, chúng ta tất cả đều « liên đới với nhau », đều « đồng trách nhiệm ». Ai ai cũng đóng góp phần mình, khi có một « con sâu đang đục khoét », trong lòng xã hội. Hẳn thực, tôi không hối lộ. Nhưng tôi đã làm gì trong những giới hạn của tôi ? Tôi vẫn mua vé chợ đen, khi lên tàu, để có chỗ ngồi đàng hoàng, thoải mái. Tại các cơ sở y tế, tôi nhờ cậy người quen thân, để được ưu tiên « không sắp hàng » chờ đợi, như bao nhiêu người khác...Chính vì những lý do đó, thay vì phê phán, tố cáo kẻ khác có tác phong « tùy tiện », có lẽ tôi hãy bắt đầu nhìn mình: tôi đang « tùy tiện » ở đâu, trong những chu vi hoạt động của tôi ? Ngược lại, tôi cũng có khả năng « làm con én nho nhỏ tạo nên mùa xuân », trong những tầng sâu thăm thẳm của nội tâm tôi. Từ điểm xuất phát đó, con én ấy sẽ dần dần làm « vết dầu loang », cho người khác. Nếu chất lượng thực sự của chúng ta là hương, tự khắc mùi thơm sẽ lan tỏa ra chung quanh. Để làm người, ai ai cũng cần CHO. Và đồng thời, chúng ta cũng đang NHẬN lại rất nhiều, từ bốn phương thiên hạ. Xin và cho thuộc bản chất làm người. Tuy nhiên, CHO không phải là từ trên ban phát một cách trịch thượng. XIN không phải là chối từ quyền lợi và giá trị tự tại của mình. Khi cho, chúng ta nhận mình là người truyền thừa một gia tài vô tận, trong chính con tim và cuộc đời làm người. Khi xin, chúng ta ý thức mình luôn luôn « làm đứa con » trong lòng Trời Đất, không đòi hỏi, không đặt điều kiện. Xin là nhìn nhận mình đang được thương yêu. Trong cuộc sống, dưới chế độ Vô Thức, trái lại, quan hệ xin-cho có nguy cơ đánh mất bản chất cao quí và trọng đại, bằng cách bị xuyên tạc và thoái hóa, thành đồ hàng hóa mua chác, chiếm hữu, kiểm soát, đút lót...

Nữ Thi sĩ Xuân Quỳnh đã nhận thức được cả ba bình diện Khác, Giống và Cần, trong mỗi quan hệ làm người, nhất là trong địa hạt tình yêu giữa Biển và Thuyền:

« Từ ngày nào chẳng biết,

« Thuyền nghe lời Biển khơi.

« Cánh hải âu sóng biếc

« Đưa Thuyền đi muôn nơi.

« Lòng Thuyền nhiều khát vọng,

« Và tình Biển bao la.

« Thuyền đi hoài không mỏi,

« Biển vẫn xa... còn xa.

(...)

« Chỉ có Thuyền mới hiểu

« Biển mênh mông nhường nào.

« Chỉ có Biển mới biết

« Thuyền đi đâu, về đâu.

« Những ngày không gặp nhau,

« Lòng Thuyền đau rạn vỡ.

« Nếu từ giả Thuyền rồi,

« Biển chỉ còn sóng gió. »

Xuyên qua hai hình tượng Biển và Thuyền, phải chăng Xuân Quỳnh đã gọi mời chúng ta cảm nghiệm thế nào là quan hệ giữa người và người, trong những nét đẹp tinh tuyền, nguyên khởi của nó: NHẬN mà không cần xin nài, than vản. CHO mà không đòi hỏi lòng biết ơn.

Phải chăng đó là cốt tủy của tình mẹ con, trong những tháng ngày đầu đời của chúng ta ?

Phải chăng người mẹ, như tôi đã nói tới, khi trình bày Phương Pháp Phân Tâm Học của FREUD, đang làm Siêu Ngã cho đứa con của mình. Đang ở trên, để có một lối nhìn bao quát và toàn diện, không quên sót điều gì. Đang ở trên, để có thể dễ dàng bảo đảm sự có mặt tích cực của mình, về tất cả những gì mà đứa con đang cần. Đang ở trên, như con gà mẹ ấp ủ bầy con, dưới đôi cánh, một đàng để tạo lại hơi ấm của bào thai. Đàng khác, để đứa con cảm thấy mình an toàn, trước mọi hiểm họa có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Người mẹ ở trên, làm Siêu Ngã. Nhưng không độc tài, đàn áp. Không cưỡng chế, ép buộc.

Người mẹ ở trên. Nhưng « ở trên » để có thể đồng hành và chia sẻ, nhờ một lối nhìn bao quát và toàn diện.

Người mẹ ở trên, nhưng đồng thời cũng « ở trong » và « ở với », đặt mình vào vị trí của con, để hiểu con, như chính đứa con hiểu mình. Vui với con, Cười với con. Bi bô với con. Đưa bàn tay xoa bóp, vuốt ve nhẹ nhàng, để đứa con cảm thấy có mẹ đi theo mình, vào giấc ngủ.

Và khi đứa con thức dậy, mở mắt ra, sau một giấc ngủ ngon lành, hình ảnh đầu tiên xuất hiện trước mặt bé, là nụ cười hạnh phúc của mẹ. Hình ảnh khách quan nầy phát sinh, trong đứa con, một cảm nghiệm hạnh phúc và vui sướng: Mẹ có mặt, để đón nhận mình. Tôi là một nhân vật « quan trọng và có ý nghĩa », đối với mẹ.

Trái lại, khi đứa con khóc, một nhu cầu đang từ từ chớm nở trong nội tâm. Và đồng thời, nhờ nhu cầu ấy tác động, trẻ em sẽ mơ tưởng một đối tượng, có khả năng thỏa mãn ước mơ của mình. Chính khi đó, hình ảnh người mẹ xuất hiện bên ngoài, trùng hợp với hình ảnh mà đứa con đang ước mơ bên trong. Nhờ sự trùng hợp nầy, đứa bé có thể phát huy lòng tự tin, cảm thấy mình có khả năng « sáng tạo » bà mẹ theo khuôn khổ và tầm ước mong cụ thể của mình. Cốt lõi của Bản Ngã nằm ở trong ý thức về khả năng nầy. Và cốt lõi nầy sẽ từ từ lớn dần. Bản Ngã của đứa bé sẽ xuất hiện, nhờ bà mẹ biết làm Siêu Ngã, đúng lúc, đúng chất lượng và đúng liều lượng, đối với thực tế và nhu cầu của đứa con.

Quan hệ Mẹ Con, trong những đường hướng tích cực và xây dựng như vậy, là mẫu thức nguyên tượng, nguyên thủy cho mọi quan hệ giữa người với người. Làm người, trong tinh thần và lăng kính ấy, bao gồm ba chiều hướng:

Thứ nhất, tôi làm người « cha mẹ » cho người khác, để soi sáng và nâng đỡ họ.

Thứ hai, tôi làm người « đồng hành và chia sẻ », để biến cuộc đời vô vị, tầm thường, thành một tác phẩm đầy ý vị và lạ thường.

Thứ ba, tôi làm một « đứa con hạnh phúc », để phản ảnh hạnh phúc của cha mẹ, chính khi quí vị chọn lựa « nằm bên ướt, để nhường lại bên ráo », cho tôi nằm.

Với những lối nói riêng bịệt, tác giả Stephen R. COVEY, cũng đề xuất ba đường hướng tương tự, cho mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi giữa người với người:

- Điểm một: Khi tiếp xúc, chúng ta lắng nghe người khác, để tìm hiểu họ, thay vì đợi chờ người khác phải hiểu mình,

- Điểm hai : Khi tiếp xúc, mục tiêu cần thành đạt là « Người thắng, tôi thắng. Cả hai cùng thắng với nhau, nhờ nhau ».

- Điểm ba: Trong mọi quan hệ hài hòa, xây dựng và tích cực, người và tôi « tương sinh, tương thành, tương tức và tương tạo ». Cơ hồ, trong quan hệ mẹ con, mẹ sinh con ra, tạo mọi điều kiện cho con thành người. Nhưng đứa con cũng đang nuôi lại mẹ, với nụ cười, với tiếng nói líu lo, với thái độ « vùi đầu vào lòng mẹ », để thỏ thẻ: « Mẹ ơi, con thương Mẹ ». Nó đang cho lại bà mẹ, những gì bà đang cần, để ngày ngày bà có thể làm người. Trong tiếng Anh, Stephen R. COVEY đã sử dụng một từ thời trang « Synergizing ». Syn có nghĩa là cho nhau, với nhau. Ergizing, hình thức rút gọn của Energizing, có nghĩa là tạo ra năng động, nhiệt lực, hứng khởi, sức mạnh. Trong tinh thần và lăng kính nầy, Synergizing có nghĩa là « Một cây làm chẳng nên non, ba cây họp lại thành hòn núi cao ». Synergizing là cùng nhau tạo nên một nguồn năng lực lớn lao, phát xuất từ hai thành tố đầu tiên, nhưng bây giờ đang nhân ra thành ngàn lần, triệu lần to lớn hơn nguồn gốc ban đầu. Từ Ergizing còn có một xuất xứ khác trong tiếng Hy Lạp là Erg, có nghĩa là hành động, tác động. Cho nên hiện tượng cộng hưởng sẽ xảy ra - synergizing - khi hai người tác động qua lại hai chiều trên nhau. Nói khác đi, khi hai người hợp tác với nhau, họ có khả năng « đồng hành và chia sẻ ». Khi họ hoạt động, họ có với nhau « một trăm cánh tay ». Khi họ cứu xét một vấn đề, họ có cùng nhau « một trăm bộ óc, một trăm cặp mắt ». Khi họ lắng nghe, họ có với nhau « một trăm đôi tai ».

***

Khi nói đến « NGƯỜI » hay là « Con Người », xuyên qua tất cả những nhận xét trên đây, chúng ta đã nói đến « một TIẾN TRÌNH làm người ». Trên con đường ấy, không ai làm ông chủ. Không ai là người đã « tới nơi » hay là đã thực sự « đạt cùng đích ». Và cũng không ai làm đầy tớ. Không ai có quyền lèo lái, điều khiển, áp đặt và chỉ đạo người khác từ trên, từ ngoài. Không ai có quyền coi kẻ khác là công cụ, đồ vật. Ai ai cũng được kêu mời làm người và coi trọng quyền làm người của kẻ khác, dù người ấy đang là một đứa bé sơ sinh, vừa đi ra khỏi cung lòng của mình.

Trái lại, khi nói đến « VIỆC » hay là « Công Việc », chúng ta không thể không nhắm tới những kết quả cụ thể. Trong công việc, chúng ta phải biết Thương Lượng. Khởi điểm là những nét khác biệt, trong cách ghi nhận tin tức, trong cách thuyên giải, tìm ra ý nghĩa, hay là trong những phản ứng xúc động, cũng như trong các thể thức thiết lập những quan hệ trao đổi. Nhưng tận điểm là nơi HỘI NGỘ, là những điểm đồng ý với nhau, hay là một số giá trị đang được cùng nhau chia sẻ. Và trong cuộc sống làm người, chỗ nào có hội ngộ, chỗ ấy có minh đức. Minh Đức vừa là Đức Sáng phát xuất từ Đạo Đức Làm Người, vừa là Năng động của Lòng Yêu Thương. Trong lối nhìn và ý nghĩa nầy, trong mỗi quan hệ hài hòa giữa người với người, vừa có Hiểu Biết, vừa có Tình Thương Yêu.

***

BÀI CHIA SẺ SỐ HAI: NGƯỜI VÀ VIỆC KHÔNG ĐƯỢC LẪN LỘN VÀO NHAU

Khi nói đến Việc, chúng ta nhắm tới những kết quả cụ thể, thích hợp cho cả hai người đang trao đổi và thương lượng với nhau. Trong điều kiện hiện tại, họ và chúng ta đang có những sở thích, nhu cầu và giá trị khác nhau. Đó là lẽ thường tình, tất yếu. Cho nên, khi họ và chúng ta cảm nghiệm những quan hệ tranh chấp và xung đột, con đường cần dấn bước là sáng tạo một cách hữu hiệu và khoa học vùng giao tiếp, hội tụ. Trên đó, quyền lợi, nhu cầu của cả hai bên đều được coi trọng.

Lẽ đương nhiên, người và việc, trong thực tế cụ thể, đang giao thoa chằng chịt và khắng khít vào nhau, chồng chéo lên nhau một cách phức tạp, đến độ chúng ta nhiều khi không biết phải bắt đầu tháo gỡ từ chỗ nào.

Vì thiếu lối nhìn đứng đắn và phương pháp giải quyết hữu hiệu, nhiều người chấp nhận hy sinh hay là xóa bỏ những quyền lợi riêng tư của mình, để bảo tồn những quan hệ tốt đẹp với kẻ khác.

Nhằm bênh vực cách làm nầy, những người ấy thường lặp đi lặp lại và đề cao câu tục ngữ: « Một sự nhịn, chín sự lành ».

Trong thực tế cụ thể, họ NHỊN ở ngoài mặt. Nhưng trong nội tâm, một tiếng nói cứ ngày đêm lải nhải bên tai họ, trách mắng họ: « Mày dại khờ. Mày hèn nhát. Mày để cho kẻ khác chèn ép, ức hiếp mày ». Rốt cuộc, trong những điều kiện như vậy, « chín điều lành » không bao giờ xuất hiện. Thay vào đó, họ có thể trầm mình trong những hội chứng buồn lo, hay là mất ăn, mất ngủ, khó tiêu hóa...Nguyên nhân chính yếu của bao nhiêu hiện tượng tâm thần ấy là nhu cầu cơ bản của họ không được nhìn nhận, tôn trọng, thỏa mãn và đáp ứng.

Ngoài ra, rất nhiều người dễ lầm tưởng rằng: Để có một quan hệ hài hòa với một người, chúng ta PHẢI đồng ý với người ấy, trong tất cả mọi vấn đề. Chúng ta PHẢI chia sẻ mọi giá trị của người ấy.

Hẳn thực, bao lâu chúng ta chưa có khả năng đem ra giữa vùng ánh sáng của Ý Thức, những tầng lớp tin tưởng và qui luật vô thức như vậy, đã ăn đời ở kiếp từ bao nhiêu năm trong nội tâm, chúng ta vẫn tiếp tục bị khống chế: Chúng ta chưa « biết mình là ai », chưa trở thành Bản Ngả có ý thức độc lập và tự lập nhạy bén và sáng suốt.

Khi nói đến Bản Ngã, chúng ta cũng dễ lầm tưởng rằng: đó là một kết quả « hoặc có hoặc không ». Trong thực tế sinh động của cuộc sống hằng ngày, trái lại, Bản Ngã là một tiến trình « vừa có vừa không », làm bằng những bước đi, những bài học, những thất bại và những thành công, không ngừng tiếp nối nhau. Bản Ngã là một hiện thực rất phức tạp.

Nhìn lại cuộc đời, tôi nhận thấy tôi đã vi phạm nhiều lỗi lầm. Những ý định đã có mặt trong nội tâm của tôi, không phải luôn luôn là những ý định trung trực. Thêm vào đó, trong lứa tuổi « ăn chưa no lo chưa tới », tôi đã góp phần, tạo nên nhiều vấn đề tranh chấp và xung đột, khi sống và làm việc với bạn bè đồng liêu.

Mặc dù vậy, tôi vẫn là con người có giá trị. Ngày hôm nay, một số bạn bè luôn luôn thương tôi. Về mặt luân thường, tôi không phải là thánh nhân, cũng không phải là ác quỉ. Trên bình diện khả năng chuyên môn và nghề nghiệp, trong thời gian phục vụ trẻ em chậm phát triển, tôi đã tạo niềm tin cho những học sinh, mà cha mẹ đã giao phó cho tôi. Trên bình diện lý tưởng, tôi đã kinh qua những chặng đường « ba chìm bảy nổi tám lênh đênh », và tôi không ém nhẹm những hèn yếu và phản bội ấy. Nhưng cũng nhờ đó, tôi học được bài học « đồng cảm và tha thứ » đối với những ai « mang tiếng bỏ cuộc, đầu hàng », trên bước đường làm người.

Xuyên qua bao nhiêu nhận xét cụ thể ấy, tôi muốn khẳng định một số điểm rất quan trọng sau đây:

Nhờ vào khả năng sống và xây dựng những quan hệ đặt nền tảng trên tình người, tình đồng bào, tình nhân loại, chúng ta có thể dễ dàng vượt qua những tình huống tranh chấp và xung đột, khi hai người hoặc hai phe đang có những quyền lợi khác biệt nhau.

Mặc dù vậy, chúng ta không gắn chặt vào nhau hai lãnh vực « Người và Việc ». Chúng ta không dẹp bỏ quyền lợi và nhu cầu chính đáng của mình, chỉ vì để duy trì một quan hệ tốt đẹp với những người cùng chung sống.

Chúng ta cũng đừng lừa gạt mình, khi nêu ra lý do « Bản sắc, Bản Ngã », để phủ nhận quyền lợi và nhu cầu làm người của kẻ khác. Bản Ngã là một con đường hay là một tiến trình cần xây dựng và phát huy cũng như đổi mới, từng ngày. Bản Ngã không bao giờ là một tận điểm bất di bất dịch. Nói cách khác, chúng ta không thể làm người, chừng nào chúng ta không biết coi trọng quyền làm người cơ bản của người khác. Trái lại, khi chúng ta, một cách đơn phương, vô điều kiện, tìm cách thăng tiến chất lượng làm người của kẻ khác, chính chúng ta cũng đang đi lên, tiến tới trên con đường thành người.

Nói tóm lại, trong cả hai lãnh vực Người và Việc, một đàng chúng ta cần ý thức và khẳng định nhu cầu cơ bản và chính đáng của mình. Đàng khác, không những chúng ta tôn trọng nhu cầu làm người của kẻ khác, chúng ta còn có trách nhiệm « đồng cảm » với họ, bằng cách tạo mọi điều kiện thuận lợi, nhằm giúp họ thỏa mãn nhu cầu làm người của mình.

Nhu cầu, như tôi đã nhấn mạnh trong nhiều bài chia sẻ, thường có mặt ở đằng sau mỗi xúc động. Nói rõ hơn, bốn thành tố Nhu Cầu, Xúc Động, Yêu Cầu và Giới Hạn giao thoa chằng chịt với nhau. Khi xây dựng quan hệ hài hòa cũng như khi thương lượng, chúng ta cần phải ý thức một cách sáng suốt về sự có mặt của bốn thành tố ấy.

Ý thức như vậy có nghĩa là xác định, với những phương tiện như: gọi ra ánh sáng, kêu tên, diễn tả bằng ngôn ngữ, tìm phương tiện đáp ứng và thỏa mãn.

-Người và Tôi cần gì ? (nhu cầu),

- Người và Tôi cảm nghiệm thế nào ? (xúc động),

- Người và Tôi muốn gì ? (yêu cầu hay là ước vọng),

- Người và Tôi không thể chấp nhận những điều kiện khách quan nào ? (giới hạn hay là ngưỡng khổ đau).

Nếu ngày ngày, chúng ta học tập, tôi luyện, để phát huy ý thức về bốn thành tố trên đây, nơi người khác cũng như trong chính bản thân mình, chúng ta đang ở trên con đường làm người hay là trở thành Bản Ngã. Đồng thời, chúng ta cũng đang tạo điều kiện năng động, giúp đỡ kẻ khác làm người với chúng ta, như chúng ta.

BÀI CHIA SẺ SỐ BA: XÂY DỰNG QUAN HỆ

MỘT CÁCH "VÔ ĐIỀU KIỆN"


Khi chúng ta xây dựng quan hệ giữa người với người, mục đích mà chúng ta nhắm tới là lắng nghe, tìm hiểu và tôn trọng sự khác biệt của người khác. Chúng ta không nuôi ẵm ý đồ thay đổi kẻ khác, tìm cách lèo lái hay là ép buộc họ nhận làm của mình những quan điểm chủ quan của chúng ta. Tiến trình xây dựng nầy vẫn có mặt, khi chúng ta thương lượng với mục tiêu cụ thể là thành đạt những đồng thuận. Với kết quả khách quan nầy, người khác tôn trọng và thỏa mãn quyền lợi của tôi, cũng như tôi tôn trọng và thỏa mãn quyền lợi của kẻ khác. Cho dù kết quả cuối cùng nầy không thành đạt, tôi vẫn coi trọng tính người và tình người của kẻ khác. Không vì một lý do nào, tôi giành độc quyền làm người cho tôi và hạ bệ kẻ khác xuống hàng « phế liệu bỉ ổi ». Nói khác đi, tôi không thể nhân danh bất kỳ một lý tưởng cao cả nào, để truất phế quyền lợi và giá trị làm người của kẻ khác.

Tôi sống và làm như vậy, « một cách đơn phương, vô điều kiện », thậm chí khi kẻ khác hô hào bôi nhọ và truất phế tôi. Tôi tiếp tục xây dựng những quan hệ hài hòa và tôn trọng, đối với kẻ khác, mặc dù họ không đáp ứng, trong ngôn ngữ và hành động của mình.

Trong tinh thần và lăng kính ấy, Phần Ba nầy sẽ giúp chúng ta xác định một cách cụ thể và rõ ràng những tác động, cần được thực hiện, trên tiến trình xây dựng quan hệ giữa người với người.

Trên con đường làm người nầy, tôi không lẻ loi, cô đơn một mình. Nhiều tác giả có tầm cỡ quốc tế như R. FISHER, D. STONE, Stephen R. COVEY, Marshall B. ROSENBERG, Gerald JAMPOLSKY...và nhất là NGUYỄN TRÃI, trong lòng Đất Nước Đại Việt, đang có mặt với tôi. Sức mạnh nội tâm của những vị ấy đang là động cơ thúc đẩy tôi tiến tới, mặc dù con đường còn hiểm trở, đầy chông gai.

Tiến trình xây dựng quan hệ tích cực và hài hòa bao gồm sáu bước quan trọng sau đây:

Bước thứ nhất: Vừa tình vừa lý,

Bước thứ hai: Lắng nghe và hiểu biết,

Bước thứ ba: Diễn tả, thông đạt một cách rõ ràng trực tiếp, không úp mở, ngụy trang,

Bước thứ bốn: Khả tín trong ngôn ngữ và hành động. Đồng thời, kiểm chứng một cách khoa học những tin tức, trước khi tin lời nói của kẻ khác,

Bước thứ năm: Trau dồi khả năng thuyết phục, khi thương lượng, thay vì đàn áp, cưỡng chế, nhất là dùng bạo động ép buộc kẻ khác đồng ý, ký tên,

Bước thứ sáu: Nhìn nhận và đón nhận giá trị làm người của kẻ khác, bất kể họ là ai.

***

BƯỚC THỨ NHẤT: COI TRỌNG LÝ VÀ LẮNG NGHE TÌNH

Khi dấn bước vào con đường xây dựng quan hệ, cũng như khi thương lượng về những quyền lợi cụ thể và chính đáng, Tình và Lý là hai tiếng nói cần được coi trọng và lắng nghe, một cách đồng đều.

Lý nằm trong địa hạt tư duy, suy nghĩ, lý luận, lối nhìn hay là thuyên giải. Khi lý không được coi trọng, một cách đúng tầm, chúng ta sẽ không biết mình đi về đâu, đi trên con đường nào, đi với phương tiện nào, đi theo thứ tự nào...Lý là ánh sáng soi đường dẫn lối, nhất là về những điều cần làm, những cạm bẫy nên tránh.

Một cách đặc biệt, chúng ta vận dụng lý, trong 4 địa hạt khác nhau:

Địa hạt thứ nhất: khảo sát những vấn đề cụ thể mà chúng ta đang gặp, bằng cách trả lời những câu hỏi: điều gì, thế nào, tại sao, với ai, ở đâu...

Địa hạt thứ hai: xác định nguồn gốc hay là nguyên nhân đã gây ra cho chúng ta những khó khăn hiện thời. Thông thường, chúng ta quay về quá khứ, để khảo sát khía cạnh nầy.

Đia hạt thứ ba: khám phá và liệt kê những đường hướng giải quyết hay là những phương pháp tiếp cận, trong đó có những chủ thuyết hiện hành đang được ứng dụng trong nhiều môi trường khác nhau. Trong địa hạt nầy, chúng ta hướng đến tương lai gần và xa, để tìm ra những chân trời rộng mở.

Địa hạt thứ bốn: những bước cụ thể cần thực hiện, theo một chương trình hay là kế hoạch dài hoặc ngắn hạn. Ở đây, chúng ta đi từng bước khoan thai, không nôn nóng muốn đến điểm hẹn ngay lập tức. Chúng ta không thúc ép hoặc cưỡng bức chính mình. Không đứng núi nầy trông núi nọ. Giờ phút hiện tại được chúng ta đón nhận như một quà tặng cao quí. Le présent est un présent. Từ présent trong vế đầu có nghĩa là hiện tại. Từ thứ hai có nghĩa là một món quà, một của lễ.

Một cách cụ thể, trong vấn đề thương lựơng có tính khoa học, chúng ta cũng đi lên từng bước một, kinh qua những giai đoạn thiết yếu y hệt như vậy.

Giai đoạn Một: Liệt kê những vấn đề của cả hai bên.

Giai đoạn Hai: Xác định những quyền lợi hay là lợi ích, mà mỗi bên đặt lên bàn thương thuyết ( interests).

Giai đoạn Ba: Cả hai bên ngồi lại khảo sát với nhau những con đường có thể chọn lựa, khả dĩ thỏa mãn từng quyền lợi của mỗi bên (options).

Giai đoạn Bốn: Khảo sát những tiêu chuẩn khách quan, hợp lý, hợp pháp của mỗi con đường có thể chọn lựa, và được cả hai bên chấp thuận ( criteria).

Giai đoạn Năm: Cùng nhau quyết định và chọn lựa những điểm đồng ý (agreements).

Giai đoạn Sáu: Đề xuất một lối thoát « tôn trọng tình người và tính người » cho cả hai bên, khi công cuộc thương lượng không mang lại những kết quả đồng thuận mong muốn (alternatives).

Mặc dù với bao nhiêu cách làm hợp lý ấy, chúng ta không thể không ngồi lại, cùng nhau lắng nghe « những vết thương lòng rướm máu » của nhau. Xúc động là động cơ thúc đẩy chúng ta làm người. Quên mất yếu tố « Tình », chúng ta chỉ là gỗ đá. Chúng ta không còn là con người. Và khi không cưu mang chất người trong lòng mình, làm sao chúng ta có thể thương lượng ? Thay vào đó, chúng ta sẽ chỉ biết « dùng lý của kẻ mạnh », nghĩa là đi vào con đường súng ống, bom đạn, hận thù, chết chốc và lầm than...

Trong phần HAI vừa qua, tôi đã nói khá nhiều về lắng nghe, nhìn nhận, tìm hiểu, tôn trọng. Ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều:

Duy những ai đã bị khổ đau nghiền nát trong cuộc đời, mà vẫn có khả năng vùng đứng lên, người ấy đang có một kho tàng lớn lao, trong nội tâm: « biết ĐỒNG CẢM » với mình và với người khác. Với một tấm lòng « đầy Hiểu Biết và Tình Thương » nầy, chúng ta mới có thể lắng nghe lời của NGUYỄN TRÃI:

« Mở rộng Cửa NHÂN, mời khách đến,

« Vun trồng CÂY ĐỨC, nuôi con ăn. »

***

BƯỚC THỨ HAI: TÌM HIỂU KẺ KHÁC

Tìm hiểu kẻ khác bao gồm nhiều động tác ăn khớp với nhau như: lắng nghe kẻ khác, đi lại con đường tư duy của họ, đặt ra những câu hỏi cụ thể và chính xác, để yêu cầu họ giải thích cho chúng ta khung qui chiếu của họ.

Hẳn thực, khung qui chiếu bao gồm nhiều thành tố tác động qua lại và có ảnh hưởng trên nhau. Và mỗi người có một khung qui chiếu riêng biệt, độc đáo, trên con đường tư duy của mình, mặc dù bộ sườn hướng dẫn vẫn luôn luôn bao gồm bốn thành tố:

- Thành tố thứ nhất là thể thức thâu lượm và ghi nhận những tin tức do môi trường cung ứng,

-Thành tố thứ hai mang tên là « Tiến trình tư duy ». Ở đây, những động tác được chúng ta thực hiện mang nhiều tên gọi khác nhau, tùy theo sở thích và thói quen của mỗi tác giả: Nhận thức, lối nhìn, quan diểm chủ quan, thể thức thuyên giải, những nấc thang suy luận, cách thế nhìn đời, vũ trụ quan. Tên gọi bên ngoài đã khác nhau. Huống hồ khi đi vào nội dung cụ thể, có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu ý kiến. Người xưa đã có những nhận xét tương tự, trong câu nói « Bá nhân, bá tánh ». Một trăm người có mặt, sẽ trình bày một trăm cách thấy khác nhau.

-Thành tố thứ ba là những tình trạng của nội tâm, bao gồm nhiều xúc động. Và trong lãnh vực nầy, như trên đây tôi đã nói tới, chúng ta cần phân biệt: nhu cầu, yêu cầu, giới hạn, phản ứng nội tâm với rất nhiều danh hiệu khác nhau.

-Thành tố sau cùng nằm trong địa hạt quan hệ tiếp xúc và trao đổi.

Khi lắng nghe và tìm hiểu khung qui chiếu của kẻ khác, thái độ mà chúng ta cần ôm ẵm, tôi luyện và mài nhọn, mỗi ngày, là hiếu kỳ, thích học hỏi. Và bài học khó khăn nhất, trong lòng cuộc đời là « biết mình và nhận mình đã SAI LẦM ». Sở dĩ như vậy, vì « Tư Duy Độc Lộ » và « Tư Tưởng NHỊ NGUYÊN » đang trấn áp cõi lòng của mỗi người. Với tư duy độc lộ, chúng ta chỉ thấy một con đường duy nhất: tôi đúng, kẻ khác sai. Với tư tưởng nhị nguyên, trái lại, chúng ta giành phần tốt cho mình và coi kẻ khác là phế liệu, đồi trụy và ngụy phản.

***

BƯỚC THỨ BA: DIỄN TẢ MÌNH VÀ THÔNG ĐẠT MỘT CÁCH TRONG SÁNG

Trong bốn nghìn năm văn hiến, chúng ta đã phải trải qua « Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây ». Cho nên, vì lý do sống còn và chiến đấu chống ngoại xâm, chúng ta đã tạo cho mình một thói quen hào hùng là « có mặt khắp mọi nơi, biến mất bất kỳ lúc nào, không ai hay, không ai biết ». Duy tiếng « Dạ », hoặc tiếng « Vâng » của chúng ta cũng có hai nghĩa « đồng ý » và « không đồng ý ». Một cách nào đó, mỗi lần phát biểu, tôi luôn luôn muốn cho kẻ khác phải hiểu rằng: Tôi nói vậy, nhưng không phải vậy. Trường hợp tôi sai lầm, tôi vẫn còn có lý do, để tự biện minh.

Thêm vào đó, cách giáo dục và dạy dỗ của các Thiền sư, trong ba Triều Đại phồn thịnh là Lý, Trần và Lê, luôn luôn đề cao phương pháp « vô ngôn », và khinh thường lời lẽ dài dòng, luộm thuộm. Cho nên, chúng ta không có thói quen « nói nhiều, nói hết, nói đúng đích, nói cho đến nơi đến chốn ». Chúng ta có xu thế « gợi ý », đưa tay « chỉ mặt trăng », và không bao giờ phát huy nhu cầu « đụng đến mặt trăng », với hai tay chứng nghiệm.

Ngoài ra, vì đất nước của chúng ta nhỏ bé, bên cạnh một lãnh thổ lớn lao có vị thế và uy quyền lâu đời, chúng ta khôn ngoan, không muốn đương đầu, trực diện, nhìn thẳng mặt. Chúng ta có kế sách « thu mình lại », hay là « rút vào hang động », như con chuột, trên đường di động của con voi đồ sộ, nặng nề, dập nát tất cả những gì không biết lẩn tránh ra hai bên.

Trong điều kiện và thân phận của con người, mọi phương tiện đều có tính lưỡng năng, cơ hồ con dao hai lưỡi, vừa có ích trong khía cạnh nầy, vừa gây tai hại ở một khía cạnh khác. Nếu chúng ta quá đề cao một phương tiện, chúng ta sẽ lầm tưởng rằng: không có một phương tiện nào khác, ngoài cách làm độc đáo của chúng ta.

Trong vấn đề diễn tả và thông đạt, chúng ta cũng còn ở trong một tình thế lưỡng năng như vậy. Chúng ta tự đặt mình trong điều kiện khẩn trương và chiến đấu. Cho nên chúng ta luôn luôn quyết định một mình, không cảm thấy nhu cầu phải tham khảo những người khác. Hệ quả của tình trạng nầy là chúng ta thông đạt « một chiều ». Kẻ khác có bổn phận lắng nghe và thừa hành. Họ không có quyền « góp ý và phản hồi ». Thêm vào đó, sau bao nhiêu năm hòa bình, chúng ta vẫn còn giữ lại thói quen của thời chiến, luôn luôn ngụy trang mỗi tin tức phát ra. Nói đúng hơn, chúng ta úp úp, mở mở... đến độ chỉ chúng ta mới hiểu chúng ta muốn nói gì. Nếu người khác không hiểu, hỏi lại... họ sẽ bị chúng ta gắn vào một nhãn hiệu là « kém thông minh, không bén nhạy... », hay là « có ý đồ phản động, chống đối... »

Tôi cố tình phân tích một cách cặn kẻ như vậy, nhằm gây ý thức rằng: làm người, chúng ta không thể không học. Học mỗi ngày. Học với mọi người, thậm chí với một trẻ sơ sinh, vừa ra khỏi lòng mẹ.

* Bài học thứ nhất là lắng nghe một cách trân trọng, khi kẻ khác nói.

* Bài học thứ hai là biết nêu ra những câu hỏi, tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ khác diễn tả, chia sẻ con người đích thực của mình.

* Bài học thứ ba là nói về thực tại, thực tế và thực chất của mình. Hẳn thực, không ý thức về mình, không cưu mang trong mình một mục đích, một chí hướng rõ ràng và trong sáng, làm sao chúng ta có thể nói. Nói phải chăng là chia sẻ chính mình ?

Tất cả những gì tôi đang có, trong bản thân và cuộc đời, đều là quà tặng, do kẻ khác mang đến cho tôi. Tất cả những gì tôi ĐANG THÀNH và SẼ THÀNH, là quà tặng, tôi có trách nhiệm chia sẻ lại cho người khác, nhất là những thế hệ đến sau tôi. Khi chia sẻ như vậy, chúng ta hãy có gan nói về mình, dùng sứ điệp « Ngôi Thứ Nhất số ít ». Chính tôi đa thấy. Chính tôi đã nghe. Chính tôi đã cảm. Chính tôi đã có kinh nghiệm. Chính tôi đã CHỨNG NGHIỆM. Tôi không lặp lại như keo vẹt, những lời đồn thổi hay là những dư luận không có căn cứ.

Chia sẻ như vậy không phải là lên mặt mô phạm, dạy đời. Nhưng là dâng hiến một tấm tấm lòng làm người, cho anh chị em đồng bào, đồng loại, đúng như NGUYỄN TRÃI đã nói, cách đây hơn năm thế kỷ:

« Chăn lạnh choàng vai, đêm chẳng ngủ.

« Suốt đời ôm mãi nỗi lo dân ».

***

BƯỚC THỨ TƯ: KHẢ TÍN VÀ TIN VÀO NGƯỜI

Trong đọan nầy, tôi muốn nhấn mạnh hai điều: Thứ nhất là sống làm sao, để xứng đáng với lòng tin của kẻ khác. Thứ hai là tin vào người khác, một cách sáng suốt và khôn ngoan. Không nhắm mắt tin, một cách mù quáng, trước khi kiểm chứng một cách khoa học những điểm tựa của lòng tin.

Trong khuôn khổ của chương và đoạn nầy, tôi không thể trình bày một cách rốt ráo, mọi khía cạnh. Tôi chỉ nhấn mạnh một vài điểm như sau:

Thứ nhất, tôi có khả năng tạo niềm tin, khi tôi sử dụng một loại ngôn ngữ chính xác và rõ ràng. Ví du, khi tôi hẹn với ai, tôi sẽ có mặt lúc sáu giờ chiều, tôi không thể nhẫn nha đến điểm hẹn, lúc tám giờ tối. Khi không chắc chắn, tôi cần phải thêm vào những lối nói như ước chừng, có lẽ, thường thường... Phương pháp « năm ngón tay » của A: ROBBINS, mà tôi đã giới thiệu khi bàn về Vô Thức, trong một bài chia sẻ, có thể giúp tôi phát huy lòng tin nơi kẻ khác.

Thứ hai, tin tức không thể đồng hóa với giả thuyết. Và giả thuyết không phải là chân lý. Sau hết, kết luận của tôi chưa hẳn là kết luận của người đang nghe tôi. Không phân biệt một cách chính xác những bình diện khác nhau, trên tiến trình tư duy, chúng ta sẽ luộm thuộm « bắt râu ông nọ đặt cằm bà kia », và dần dần chúng ta sẽ đánh mất lòng tin của những ai nghe chúng ta.

Thứ ba, trong những lời hứa, chúng ta có bổn phận thực hiện đúng lúc, đúng thể thức và đúng số liệu...Khi nói mà không làm, hay là làm một cách qua loa, lấy lệ, chúng ta sẽ trở thành người lừa gạt, gian dối.

Nói tóm lại, khi đề cập vấn đề khả tín, chúng ta cần lưu tâm một cách nghiêm minh, đến hai địa hạt. Trong địa hạt thứ nhất, chúng ta cần thường xuyên đánh sáng và vuốt nhọn khả năng thông đạt chính xác của chúng ta. Trong địa hạt thứ hai, chúng ta phải « nhất quán »: Nói và làm ăn khớp với nhau. Nét mặt và hành vi bên ngoài xuất phát từ một thái độ trung thực, ở bên trong nội tâm.

***

Ưu tư thứ hai của chúng ta, trong mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi, là tin vào người, trong những điều kiện nào, với những mức độ như thế nào.

Trên bình diện nầy, người chủ động vẫn là chúng ta.

Khi lời nói của kẻ khác không rõ ràng, chúng ta hãy giúp họ mang đến cho chúng ta những tin tức chính xác. Ví dụ, bạn hẹn với tôi gặp nhau lúc 8 giờ để ăn tối. Nhưng tôi biết bạn hay bị cản trở, vì công việc bề bộn của bạn. Trong trường hợp như vậy, bạn điện thoại cho tôi biết trước lúc bảy giờ, có được không ?

Trường hợp kẻ khác đã lỗi hẹn, chưa hẳn vì họ giả dối, muốn lừa gạt hay là có ác tâm và ác ý. Trong cuộc sống, người khác cũng như chúng ta có thể gặp bao nhiêu điều xảy ra ngoài ý muốn, vào phút cuối cùng, không thể tiên liệu, tiên phòng Ví dụ, trên đường đi đến nơi hẹn, họ gặp tai nạn xe hơi. Hay là năm phút trước lúc họ ra đi, đứa con của họ bị té ngã, gãy tay. Họ phải cấp tốc chở con họ vào bệnh viện. Cho nên, họ đã lỗi hẹn với chúng ta.

Trường hợp kẻ khác thuộc hạng người không đáng được chúng ta tin tưởng, chưa hẳn vì họ xấu về mặt luân lý hoặc đạo đức. Có thể những khổ đau đang làm cho họ kiệt quệ, về mặt ý chí và trí nhớ, nên họ không bao giờ có khả năng giữ lời hứa, hay là thực hiện những điều họ cam kết.

Nói tóm lại, vấn đề tin vào một người thuộc về lãnh vực quan hệ giữa người với người. Cho nên, trước khi không tin vào ai, chúng ta cần có thái độ lắng nghe, tìm hiểu, trắc nghiệm hay là kiểm chứng những tin tức mà chúng ta đã thâu nhận về người ấy. Dù thế nào chăng nữa, người ấy vẫn được chúng ta kính trọng, vì họ là người. Trong đa số trường hợp, họ cần chúng ta nâng đỡ, để dần dần trở nên khả tín, đối với những người khác.

***

BƯỚC THỨ NĂM: THƯƠNG LƯỢNG VÀ THUYẾT PHỤC, THAY VÌ CƯỠNG CHẾ

Trong địa hạt thương lượng, NGUYỄN TRÃI là tấm gương sáng ngời, không những cho Quê Hương Đại Việt mà thôi, nhưng còn cho tất cả những ai thiết tha với chí hướng làm người, trên khắp năm châu bốn bể. Câu nói bất hủ của tác giả nầy, ở vào thế kỷ thứ mười lăm, đã xác định phương hướng cho những ai dấn bước vào con đường thương lượng:

« Lấy Đại Nghĩa mà thắng hung tàn,

« Lấy Chí Nhân mà thay cường bạo. »

Hẳn thực, chỗ nào cường bạo đang còn thống trị, trong tâm hồn, con người ở chỗ ấy không thể xây dựng và phát huy con đường làm người. Họ đang còn làm « chó sói » đối với nhau, như người La Tinh đã có nhận xét, cách đây hơn một nghìn năm. Khi đi con đường « Chí Nhân », chúng ta chỉ thuyết phục, soi sáng, thay vì cưỡng bức, áp chế, thủ tiêu, thanh trừng, khi kẻ khác không đồng ý với chúng ta.

Khi thương lượng, chúng ta không « cố chấp » lập trường trước sau như một của chúng ta, và không biết coi trọng phía bên kia đang có những nhu cầu và nguyện vọng chính đáng như thế nào.

Khi thương lượng, chúng ta bắt đầu ngồi lại với phía bên kia, lắng nghe họ, và CÙNG NHAU khảo sát lợi ích của nhau. Chúng ta có quyền làm người. Họ cũng có quyền được chúng ta cư xử và kính trọng, với tất cả tư cách làm người như chúng ta, ngang chúng ta.

Khi thương lượng, chúng ta cùng với phe bên kia sáng tạo những con đường đồng thuận, càng nhiều càng tốt. Những con đường nầy được xác định một cách khách quan và khoa học, với những tiêu chuẩn hợp lý, hợp pháp và hợp tình được cả hai bên chấp nhận. Trong tinh thần ấy, không bên nào có thể tùy tiện áp đặt, một cách đơn phương, những qui luật cho bên kia.

Khi thương lượng như vậy, không có kẻ thắng người thua. Cả hai bên cố quyết làm người và tạo điều kiện, cho kẻ khác cũng có khả năng làm người với mình, giống như mình. Và như trước đây tôi đã nhấn mạnh lui tới, nhiều lần, khi hai người biết làm người với nhau như vậy, họ có « một trăm con mắt », để nhìn. « Một trăm lỗ tai » để nghe. « Một trăm cánh tay » để sáng tạo. « Một trăm quả tim », để làm người và làm NGƯỜI anh em.

***

BƯỚC THỨ SÁU: NHÌN NHẬN VÀ CHẤP NHẬN NHAU.

Bước thứ sáu nầy thu tóm và tổng hợp năm bước vừa qua. Hẳn thực, khi người khác và chúng ta không chấp nhận nhau, MỘT CÁCH VÔ ĐIỀU KIỆN, làm sao chúng ta có thể cùng nhau xây dựng quan hệ tình người. Làm sao chúng ta kính trọng quyền lợi làm người của nhau.

Công việc và thái độ chấp nhận ấy bao gồm những động tác cụ thể và tất yếu sau đây:

Thứ nhất là chú trọng vào con người cụ thể đang hiện diện trước mặt chúng ta, với bao nhiêu thao thức, trăn trở, khổ đau và thất bại trong cuộc đời, cũng như với bao nhiêu hoài vọng và ước mơ, phấn đấu và vươn mình tới. Con người ấy đáng được chúng ta lắng nghe và coi trọng.

Thứ hai, con người ấy đã trải nghiệm cuộc sống, trong những hoàn cảnh và điều kiện oái oăm, khắc nghiệt, đáng được chúng ta tìm hiểu, đồng cảm, để rút tỉa những bài học quí hóa, cho chính cuộc đời của chúng ta.

Thứ ba, con người ấy, đằng sau một bề ngoài rất tầm thường, đang có những giá trị cao cả, đáng được chúng ta phát hiện, để ngày ngày nuôi dưỡng và phát huy lòng tin của chúng ta vào con người và vào cuộc đời với những viễn tượng kỳ diệu và cao cả.

Thứ bốn, biết thêm một con người là biết thêm một chân trời rộng mở, cơ hồ chúng ta đi du lịch ra nước ngoài, để thấy mình rõ hơn, với bao nhiêu khuyết điểm, cũng như với bao nhiêu đức tính không có nơi người khác.

Thứ năm, người khác, dù họ là ai, ở đâu, làm gì, thuộc lứa tuổi nào... cũng đang bổ túc cho chúng ta, ở một phương diện cụ thể nào đó. Cho nên, khi cởi mở, đón nhận, tham khảo họ, chúng ta đang làm giàu cho bản thân và cuộc đời của mình.

Trong Sa Mạc Sahara, sau một lần bị tai nạn máy bay, văn hào A. Saint-Exupéry, lúc ấy là phi công, phải sống ba ngày ba đêm một mình giữa trời đất, vũ trụ. Sau khi gặp lại được một người du mục bản địa, tác giả cảm thấy tràn đầy hạnh phúc và lòng biết ơn. Ánh mắt và đôi tay của người ấy, theo lời tự thú của Saint-Exupéry, là « một Hồng Ân » làm cho ông đã chết đi, bây giờ được sống lại, giữa con người, với con người, nhờ con người.

Tháng 8 năm 2008

CH-1694 ORSONNENS/Fr

Suisse


SÁCH THAM KHẢO:

1) J.J. CRÈVECOEUR – Relations et Jeux de Pouvoir – Equinoxe 21, Toulouse 1999

2) 100 bài thơ tình – Nhà XbGiáo dục, Hà Bội 1993

3) Stephen R. COVEY – The 7 habits of higly effective people – Simon&Schuster, London 1989

4) D.STONES – Difficult conversations – M.Joseph, London 1999

M.B. ROSENBERG – Nonviolent Communication – Puddle Dancer Press, CA 2001

5) Roger FISHER – Getting Together – Business Books, London l889

Roger FISHER – Getting to Yes – Penguin Books, N.Y. 1991

Roger Fisher – Beyond Machiavelli – Tools for coping with conflict – Harvard University Press, London 1994

6) R. ROBBINS Unlimited Power: a Black choice – Simon & Schuster, N.Y.1997

7) NGUYỄN Văn Thành – Sơn Tinh và Thủy Tinh – TN, Lausanne Mùa Thu 2003

8) NGUYỄN Văn Thành – Đồng Cảm để Đồng Hành – Tình Người 2003

BÍ CHÚ (*) - Xin xem lại trên Net nầy bài « Chuyển hóa Vô Thức thành Ý Thức… »
 
Hai mặt phải trái của sự tự do tư tưởng
Lm Nguyễn Hữu Thy
10:11 29/08/2008
Hai mặt phải trái của sự tự do tư tưởng

(Lm. Tommaso Campanella OP biện hộ cho Galileo Galilei)


Sự tự do tư tưởng là một trong những sự thủ đắc quan trọng nhất và đồng thời là nền tảng của thế giới tân thời: Tư tưởng con người phải được tự do, và không chỉ âm thầm tư riêng nhưng công khai trong đời sống xã hội.

Vào đầu thế kỷ XVIII, ông Christian Wolff (1679-1754), triết gia người Đức, đã trình bày những nguyên tắc về «Sự tự do luận bàn triết lý» như sau: Chỉ nói những gì là thật; chỉ bó buộc đối với chân lý; không bị ảnh hưởng bởi những lý do ngoại cảnh; chỉ tin tưởng vào phán đoán riêng của mình; Không chấp nhận ý kiến những người khác nếu chưa được kiểm chứng rõ ràng trước.

Dĩ nhiên, nhà cải cách tư tưởng cũng dư biết rằng có rất nhiều vấn đề gắn liền với những nguyên tắc như thế, nhưng ông đã nhìn thấy trong vấn đề đó sự thách đố của triết học là cần phải góp phần vào việc cải thiện xã hội nhân loại. Nhưng một cách cụ thể: cần phải xử trí thế nào đối với sự xác tín cá nhân, đối với nguồn cội chân lý và sự phán đoán và đối với uy tín của những ý kiến kẻ khác?

Một điều ít ai biết đến là ý niệm về sự tự do tư tưởng hay tự do luận bàn triết lý đã xuất phát từ sự phản cải cách, từ Tommaso Campanella (1568-1639), một Linh Mục Dòng Đa Minh, một người trước đó đã từng ngồi tù 27 năm trời do tội nổi loạn và đi theo tà giáo. Nhưng ông đã được nổi danh qua sự ảo tưởng của ông trong tác phẩm «Città del Sole» - (Thành phố mặt trời), trong đó ông trình bày những tư tưởng về một thần quyền không chiếm giữ của cải riêng, không có tình yêu thương cũng như sự thù hằn, nhưng thay vào đó, lại có một sự đồng hoá hoàn toàn giữa cá nhân và xã hội.

Từ Niccolò Machievelli (1469-1527), một nhà chính trị và văn hào người Ý, Campanella đã học hỏi được rằng tôn giáo có thể bị phê phán và bị lợi dụng dựa theo vai trò của nó trong đời sống tâm linh và đời sống xã hội của con người. Chống lại Machiavelli, Campanella đã viết tác phẩm «Ateismo trionfato» - Chiến thắng chủ nghĩa vô thần, trong đó ông đã biểu thị những mô thức về đức tin và và sự vô tín ngưỡng.

Một loại các tín hữu đặc biệt nguy hiểm là những người luôn lo sợ không dám lắng nghe và chấp nhận những lời phê bình chỉ trích chính đáng về tôn giáo của mình. Họ bám chặt một cách cố chấp vào những luận cứ thuận lợi cho tôn giáo họ mà thôi, bởi vì họ cho rằng sự phê bình chỉ trích tôn giáo là một điều chỉ gây ra bất ổn và nguy hiểm. Theo nhà tâm lý học Campanella thì một đức tin theo kiểu đó là một đức tin mang tính cách xu thời và luôn là một đe dọa cho chính đức tin chân chính. Bởi vì, một khi «không còn quyền bính nữa, thì tôn giáo cũng hết tồn tại». Một giả thiết được đặt ra ở đây là tôn giáo của những tín hữu như thế chỉ được bảo đảm bởi cấp lãnh đạo và bởi quyền lực. Nhưng đó chính là điểm làm yếu tôn giáo và làm cho tôn giáo bị lệ thuộc, và vì thế khi phải đứng trước những gian truân thử thách sẽ khó lòng đứng vững được.

Bởi vậy, trước một tình trạng như thế đã nảy sinh những phản ứng không thể tránh: Đó là từ những nhà Kinh viện - tức những nhà thần học phụ trách việc đào tạo ở trường học theo khuynh hướng thần học và triết học thời trung cổ - đã có những nhà cải cách nổi lên ở các nước Đức, Pháp, Anh và Ba Lan. Đối với Campanella, cuộc cải cách như thế không gì khác hơn là một hậu quả tất yếu phải xuất hiện hay người ta cũng có thể gọi đó là một hình thức đặc biệt của Kinh viện, chứ không phải là một cuộc nổi loạn như người ta thường gán ghép cho. Nói một cách khác: Cuộc cải cách vào thế kỷ XVI là mặt trái của Kinh viện thời trung cổ.

Nhưng điều gì đã làm cho một số các nhà Kinh viện lìa bỏ đức tin? Lý do được bắt nguồn từ sự luận bàn triết lý tự do, vì một khi được tự do luận bàn triết lý thì tất nhiên sẽ dẫn tới hậu quả là quyền bính trở nên dư thừa không cần thiết: «Trong sự tự do người ta bắt đầu moi móc cào bới tất cả lên». Việc luận bàn thần học một cách thuần lý thì rất dễ mắc phải sai lầm. Bởi vậy, Campanella không có ý nhằm củng cố uy thế của Kinh viện trở lại. Sự thất bại của quyền bính đã đưa tới chỗ là người Kitô hữu ngoan đạo phải tự suy nghĩ và «trong sự tự do gẫm suy và cân nhắc lại tất cả, miễn là người Kitô hữu đó được trang bị một khả năng phán đoán tốt», một điều mà rất đáng tiếc là không phải ai cũng có được. Nhưng phải chăng điều đó có nghĩa là Campanella biện hộ cho sự vâng phục hoàn toàn đối với sự mặc khải? Không phải thế, bởi vì Campanella xác tín rằng nền thần học Kitô giáo hoàn toàn phù hợp với luật lệ thiên nhiên, tức luật lệ đã giúp cho các triết gia trở nên hiểu biết sâu rộng.

Từ lý do này ông đã viết tác phẩm «Apolige Galileis» - Sự biện giải của Galilei, sau khi Galileo Galilei đã bị một số các vị nắm giữ trọng trách trong Giáo Hội thời bấy giờ khiển trách vì lý thuyết Ko-pê-níc (lý thuyết nhật tâm) vào năm 1616 của ông ta. Ở đây Campanella chủ trương rằng, với mục đích muốn có được một nền thần học tốt thì nhất thiết cần phải có một nền triết học tự nhiên: chính những sự kiện ngoại thường và có tác động thuyết phục thì mới thực sự có khả năng làm cho tính chất nguyên ủy của Thiên Chúa trở nên khả tín. Ngoài ra những sự kiện đó còn có những tác động ngược lại trên hình ảnh về con người, là loại bỏ được những chủ trương mang tính cách khoa học một chiều, như sự thần thánh hóa con người, đem con người đặt vào địa vị của Thiên Chúa. Theo Campanella, một khoa học chân chính luôn là một phương diện cần thiết để củng cố đức tin Kitô giáo:

«Nếu tất cả những gì mới được khám phá, đều nói lên một điều gì đó về Tạo Hóa một cách mới mẻ, thì tất nhiên những tiến triển của khoa học, dù vượt xa ranh giới thần học, cũng không hề làm nguy hại đến thần học. Chính khả năng có thể phạm sai lầm của các nhà thần học trong những lãnh vực chuyên môn thuộc khoa học, nhất là trong lãnh vực khoa chiêm tinh học, đã làm cho công trình nghiên cứu khoa học trở thành phương tiện hữu ích cho đức tin Kitô giáo».

Nền thần học Kinh viện ngày nay xem ra chưa hoàn toàn xác tín được trong việc chấp nhận những khám phá mới trong khoa thiên văn học và địa dư học, bao gồm cả sự xuất hiện những tôn giáo và khuynh hướng thần học mới. Hiện tượng có nhiều tôn giáo là điểm nhận diện của con người tân thời, một điều mà Campanella rất lấy làm quan trọng. Ngược lại, các nhà thần học chỉ lo sợ cho danh dự của mình và đồng thời tìm cách bênh vực thần học mặc khải chống lại những khám phá mới của khoa học.

Chính quan điểm đó là một đe dọa cho sự tự do về triết học. Bởi vì, dựa theo quan điểm đó thì các nhà triết học như Galilei cần phải bị lên án, mặc dù các luận đề của họ một đàng dựa trên trên những lý do thuần lý và sự nghiên cứu thực nghiệm và một đàng khác những luận đề đó không rõ ràng chống lại Kinh Thánh. Nhưng, nếu người ta «đặt ra cho các triết gia những qui luật độc đoán, và coi những qui luật đó như phát xuất từ các giới răn của Thiên Chúa trong Kinh Thánh», hoặc ngược lại, nếu người ta chỉ «diễn giải Kinh Thánh theo tiêu chuẩn của một khuynh hướng triết học duy nhất», thì cả hai điều đó có nghĩa là sự tự do bàn luận triết lý (libertas philosophandi) đang bị đàn áp. Như thế, một đàng người ta bôi nhọ tôn giáo trước mắt các triết gia chuyên môn và các người vô tín ngưỡng, và một đàng khác, người ta đánh mất tiềm năng truyền giáo của Kitô giáo, và cuối cùng qua đó người ta phạm tội chống lại Chúa Thánh Thần.

Qua sự phê bình trên người ta nhận thấy rằng, Campanella đã chỉ trích phái Kinh viện, và ông đã gọi – theo thuật ngữ tân thời ngày nay – là «chủ nghĩa chính thống quá khích», tức:

• thiếu đi tinh thần điềm tĩnh của những người tín hữu chân chính trước các thách đố của những lý thuyết xa lạ;

• một sự bất quân bình giữa lý do hành động và bổn phận gắn liền;

• và một thái độ khước từ thông tin.

Một não trạng như thế đã chôn vùi chính tín điều tôn giáo, một cơ sở vững chắc cho người ta dựa vào để phủ nhận những lý thuyết được coi là sai lầm. Chủ nghĩa chính thống quá khích - tức chỉ dựa theo nghĩa đen của giáo lý chính tắc và coi đó như là mẫu mực duy nhất để diễn giải một cách hợp pháp – phá hủy chính ưu thế nắm giữ chân lý của mình và tự bác bỏ chính mình. «Vậy, ai cấm cản những người Kitô hữu nghiên cứu triết học và khoa học, người đó cấm cản, không cho họ trở thành những người Kitô hữu chân chính». Bởi vậy, sự tự do triết học hiện hữu ở chỗ là nghiên cứu tất cả mọi khoa học, nhất là «Kitô giáo không bao giờ phải lo sợ là bị lầm lạc». Trái lại, «ai sợ hãi trước khoa học, thì biết rằng mình sai lầm.»

Những trường hợp cấm cản các khoa học như thế, Campanella gọi là Mohammed hà khắc và hướng dẫn những triết gia Hồi giáo như Averroes, Avicenna, Alfarabi, v.v…đứng lên nổi loạn chống lại. Còn Socrate và Aristote đối với ông là những ví dụ điển hình nơi những người Hy Lạp về sự đàn áp có tính cách nhà nước đối với khoa học. Vậy, ai trong Kitô giáo cấm cản công cuộc khảo cứu thiên nhiên, thì hoặc chính người đó đã đánh giá thấp Kitô giáo hay tạo ra cơ hội cho người khác coi thường Kitô giáo. Đối với Campanella, sự tự do về triết học trở nên nguy hiểm, nếu nó được gắn liền với sự kiêu căng tự phụ và với chủ nghĩa lạc quan phóng túng về đức tin.

Vì là Ngôi Lời Thiên Chúa nên Đức Kitô cũng là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, do đó sự khảo cứu có tính cách khoa học là sự sống theo Đức Kitô đúng nghĩa: «Làm người Kitô hữu có nghĩa là khôn ngoan và hợp lý». Ngược lại, ai vì do cảm thức Kitô giáo phi lý của mình mà muốn hạn chế sự tri thức lại trong truyền thống và quyền lực, thì thiếu hẳn tinh thần Kitô giáo, bởi vì «người đó giới hạn sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa lại trong bộ não nhỏ bé của con người và cho trí năng như là sự thông hiểu của con người chứ không phải của Đức Kitô.»

Nếu tất cả những gì mới được khám phá, đều nói lên một điều gì đó về Tạo Hóa một cách mới mẻ, thì tất nhiên những tiến triển của khoa học, dù vượt xa ranh giới thần học, cũng không hề làm nguy hại đến thần học. Chính khả năng có thể phạm sai lầm của các nhà thần học trong những lãnh vực chuyên môn thuộc khoa học, nhất là trong lãnh vực khoa chiêm tinh học, đã làm cho công trình nghiên cứu khoa học trở thành phương tiện hữu ích cho đức tin Kitô giáo.

Vì thế, một khoa học chân chính không bao giờ tách biệt và hoàn toàn đối lập với đức tin Kitô giáo, chứ không như một số nhà khoa học vô thần thường khẳng định, và cũng không hề có sự thoát ly của khoa học khỏi niềm tin Kitô giáo. Trái lại, sự khảo cứu thiên nhiên hầu như vô tận của con người, vốn đặt cơ sở trên sự khôn ngoan của Thiên Chúa cũng như trên tiềm năng của con người, luôn nổ lực tìm cách tiếp cận với sự khôn ngoan vô biên đó của Thiên Chúa.

Vấn đề còn tồn đọng ở đây là quyền bính. Khi một trường huấn luyện tự cho mình có thẩm quyền hợp pháp trong mọi lãnh vực, thì trường học đó đã tự đánh mất thẩm quyền chính đáng của mình. Đúng thế, chính hình thức tự do luận bàn triềt lý được phát sinh, là vì do phái Kinh viện đã trực tiếp nghiêm ngặt cấm cản và lên án sự tự do đó. Công trình nghiên cứu thiên nhiên cần phải được tiếp tục theo các phương pháp thực nghiệm và hợp lý, tức biết tương đối hóa những kết quả của mình trong tương quan so sánh với các học thuyết đúng đắn khác và nhìn nhận rằng việc khám phá thiên nhiên là một điều bất tận; tuy nhiên với điều kiện là phải luôn biết xác tín rằng trong mọi lãnh vực đều có chân lý khách quan hiên hữu và việc tìm cho ra chân lý khách quan là công việc của khoa học chân chính.
 
Văn Hóa
Phiếm luận: Nét đẹp di dân
Nguyễn Trung Tây, SVD
07:23 29/08/2008

Phiếm luận: Nét dẹp di dân

— Hết Olympics rồi, tự nhiên thấy đời nó nhàn nhạt làm sao ấy?

— Chuyện, cũng tốn bạc tỷ người ta mới tổ chức được Thế Vận Hội vĩ đại tới cỡ như vậy. Nhưng hết Olympics rồi thì tuần này ở Úc mình lại có khác.

— Cái khác là cái gì?

— Ơ hay, có theo dõi tin tức báo chí hay không mà cứ ngớ ngẩn như là cả đẫn như thế kia. Tuần này là tuần của Di Dân và Tỵ Nạn ở Úc mình đấy.

— Thế à… Nào có biết chi đâu.

— Đến là khổ, bác thì tỵ nạn qua Úc cả chục năm nay rồi. Giờ nhà thờ người ta tổ chức tuần lễ của Di Dân và Tỵ Nạn tại Úc thì cư đờ đẫn như gái mới về nhà chồng.

— Ông là cái tật cứ hay nói quá nhời…

— Chứ không phải…

— Mà nè, Olympics thì người ta cứ bốn năm tổ chức một lần đề cao tinh thần thể thao. Còn ở nước Úc mình, ở đâu chui ra mà lại có cái tuần lễ của Di Dân và Tỵ Nạn ở đây?

— Ơ hay, bác nói nghe đến là hay nhỉ, nếu không có di dân và tỵ nạn thì làm chi có cái nước Úc này...


...

Biết tôi hay bay qua Đài Loan tìm hiểu về hiện tượng Cô Dâu và Công Nhân Việt Nam tại Đài Loan, có một số người hay đặt câu hỏi, qua đó phản ảnh não trạng của dòng tư tưởng, “Ờ! Thì đó cũng chỉ là hiện tượng ùn ùn bỏ xứ ra đi, kéo nhau sang nước người ta làm ăn mà thôi”. Bỗng dưng tôi nhớ lại thời còn trong trại tỵ nạn Mã Lai, chính tôi cũng đã từng bị phái đoàn Mỹ dộng con mộc xù to tướng qua một lần phỏng vấn, bởi tôi mười tám tuổi hồi đó đã bị phái đoàn Mỹ xếp vào diện tỵ nạn kinh tế. Trong con mắt của người đại diện phái đoàn Hoa Kỳ, tôi hồi đó cũng chỉ là một thành phần lợi dụng cơ hội bỏ xứ ra đi tìm kiếm miếng cơm manh áo.

Hồi xưa của phong trào thuyền nhân vượt biển và bây giờ của hiện tượng cô dâu và công nhân tại Đài Loan đối với một số người cũng chỉ là những câu chuyện của di dân.

Di dân trong Kinh Thánh
Từ những ngày đầu tiên trong dòng lịch sử Kinh Thánh, tổ phụ Abraham người của thành nước Ur, Chalcedon, thuộc về vùng đất Iran của ngày hôm nay đã từ bỏ quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, lên đường di dân sang Canaan (Palestine ngày nay), theo lời kêu gọi của Giavê Thiên Chúa. Dòng lịch sử Cựu Ước tiếp nối với câu chuyện 10 người con lớn của Giacóp bán người em thứ mười một tên Giuse sang bên Ai Cập. Cuối cùng, bởi thiên tai đói kém tại đất Canaan, cả nhà Giacóp lại di dân sang Ai Cập. Để rồi cuối cùng, cũng lại chính Thiên Chúa, qua bàn tay đại ngôn sứ Môisen lại dẫn di dân Do Thái quay về lại vùng đất Canaan.

Sang tới thời kỳ Tân Ước, chính Gia đình Thánh Gia cũng đã có một thời di dân lưu lạc bên đất Ai Cập. Thời đó, bởi vua Hêrôđê đe dọa, ngay trong đêm sứ thần Thiên Chúa hiện ra báo tin cho thánh Giuse. Thế là ngay trong đêm, thánh Giuse ngồi bật dậy, mang Đức Mẹ và Hài Nhi còn đỏ hoe hoe nhắm đất Ai Cập trực chỉ.

Thời của Tông đồ Công vụ, cũng bởi sát thủ một thời Phaolô, đặc biệt sau cái chết loang lổ máu đào của thầy Phó Tế Stephanô, nhiều người tín hữu đã phải di dân lên phương Bắc, tái định cư tại phố Damascus và phố Antioch của quốc gia lân bang Syria.

Di dân và Nhân Chủng Học
Đó là nói chuyện Kinh Thánh, còn chuyện khoa học, đặc biệt là chuyện nhân chủng học, thì thuyết con người bắt nguồn từ vùng Ethiopia, Đông Phi vẫn còn là một thuyết đứng vững cho tới ngày hôm nay. Bởi điều kiện khí hậu thay đổi bất ngờ, vượn đứng lên trên đôi chân. Thêm khoảng ba triệu năm năm nữa trôi qua, vượn đứng lên thành người. Ngày hôm nay, nếu độc giả có dịp ghé viện Bảo Tàng Field Museum của Chicago, Hoa Kỳ, người ta vẫn thấy bộ xương Lucy, thủy tổ dẫn tới hai họ: Homo Sapiens (người) và Homo Erectus (khỉ) vẫn còn nằm sừng sững như một chứng cớ về nguồn gốc của con người. Dựa vào Carbon 14, người ta đo được tuổi của “cô” vượn Lucy là hơn 3 triệu năm. Rồi từ nguồn gốc Homo Sapiens, người tiền sử bắt đầu bỏ đất Ethiopia di dân đi lên phiá Bắc. Nhóm đi lên phía Bắc tạo ra người Neanderthal. Neanderthal tuyệt chủng chết đi. Lại thêm một nhóm khác từ dưới Phi Châu đi lên, hóa ra tổ tiên người Châu Âu hiện thời. Một nhóm khác di dân về hướng Đông, rẽ lên hướng Bắc tạo ra sắc dân Viễn Đông. Nhóm khác nữa tiếp tục đi thẳng tới, hóa ra tổ tiên của người gốc Mã Lai. Từ gốc Mã Lai lại sinh ra thêm thổ dân người quần đảo Thái Bình Dương. Đặc biệt nhất, một nhóm từ Mã Lai và từ quần đảo Nam Dương di dân đi sang Úc Châu, tạo ra người Thổ Dân Úc Châu của ngày hôm nay.

Thế là chỉ với những bước chân của người di dân, từ một sắc dân Phi Châu trơ trọi, giờ này trên trái đất tự nhiên nở rộ với nhiều sắc dân với những nét độc đáo.

Di dân và Lịch sử Việt Nam và Lịch Sử Úc
Rời bỏ chuyện khoa học thế giới, chúng ta đi vào trong dòng lịch sử Việt Nam, độc giả cũng sẽ nhận ra người Việt Nam cũng đã từng là người di dân. Từ thời đầu tiên, khi bộ tộc Lạc Việt, một tộc Lạc trong Bách Việt đã từng định cư quanh vùng Dương Tử Giang của Trung Hoa, quyết định tách ra, một mình đi xuống phương Nam. Thoạt tiên tộc Lạc Việt đóng đô ở Phong Châu (Huyện Bạch Lạc, tỉnh Vĩnh Yên) vào thời Hùng Vương, rồi là Mê Linh (Huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên) vào thời Hai Bà Trưng, rồi tới tháng 7 năm 1010, Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư về thủ đô Thăng Long khai lập thời kỳ tự chủ của nước Việt Nam.

Tới thời của Trần Anh Tôn, nhà Trần gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân của Chiêm Thành để đổi lấy hai châu, Châu Ô và Châu Lý. Bờ cõi phương Nam mở ra, bước chân di dân của người Việt Nam rộn ràng bước tới. Cuối cùng, khi Chúa Nguyễn Hoàng kéo vào miền Nam, cả một giải đất mênh mông phương Nam mở rộng đón chào bước chân di dân.

Bàn về lịch sử của mảnh đất Úc Châu, độc giả cũng lại gặp gỡ chuyện di dân. Từ những ngày đầu tiên cách đây vào hơn 30 ngàn năm, khi những người di dân đầu tiên từ Nam Dương và Papua New Guinea đổ bộ lên đất Úc, cho tới khi Captain James Cook nhìn thấy bờ biển phía Đông năm 1770, dẫn tới tới năm 1901, khi nước Úc thống nhất trở thành Commonwealth of Australia, đất nước này cũng đã được sáng lập bởi những bước chân di dân. Nào là bước chân thổ dân Úc Châu, nối tiếp là bước chân của người Ái Nhỉ Lan, rồi là người Trung Hoa với cơn sốt đào vàng Balarat, theo sau là người Hy Lạp, Do Thái, Hòa Lan, mới đây là Ấn Độ, Việt Nam, và Sudan. Cứ thế, đất nước Úc Châu non trẻ cứ tiếp tục vươn vai trưởng thành với những bước chân di dân. Bởi những bước chân di dân rộn ràng, mặc dầu là một quốc gia sinh sau đẻ muộn, nhưng ngày hôm nay, Úc Châu là một trong Bát Quốc (G8) có tiếng nói chính trị và thế lực kinh tế mà thế giới phải chú ý tới.

Chuyện di dân do đó không phải là một câu chuyện mới. Bởi có di dân mới có những thay đổi. Từ những thay đổi này, cuộc sống gạn lọc những tinh hóa, giữ lại những nét đẹp. Bởi thế, cuộc sống thế giới ngày càng thêm đẹp với những nét di dân.

...

— Giờ bác đã rõ chửa?

— Rõ cái gì?

— Thì cũng bởi di dân, trần gian mới nẩy sinh ra những cái mới cái đẹp. Đó là lý do tại sao nhà thờ của mình tổ chức tuần lễ từ 25 tới ngày 31 tháng 8 là tuần của Di Dân và Tỵ Nạn để vinh danh những bước chân di dân và tỵ nạn.

— Ừ, thì cũng tạm được. Nhìn cái mặt ngớ ngẩn như thế kia mà cũng khí là hay chuyện nhỉ…


www.nguyentrungtay.com
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Chiều Vàng
Đặng Đức Cương
00:13 29/08/2008

CHIỀU VÀNG



Ảnh của Đặng Đức Cương

Trên đồi xanh chiều đã xuống dần

Mặt trời lấp ló sau đồi chiều vàng

Riêng mình ta ngồi ngắm quanh trời

Lạnh lùng nghe tiếng chim chiều gọi đàn…

(Trích Ca khúc Chiều Vàng của Nguyễn Văn Khánh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền