Ngày 28-08-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thi ca suy niệm Chúa nhật tuần 22 thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:37 28/08/2018
Chúa Nhật 22 THƯỜNG NIÊN. B
(Mc 7, 1-8. 14-15. 21-23)
HÌNH THỨC


Tiền nhân tập tục thực thi,
Rửa tay rửa chén, trước khi dự phần.
Bàn tay tinh sạch bụi trần,
Xác thân tắm rửa, tinh thần thảnh thơi.
Mấy Thầy Biệt Phái gọi mời,
Thực hành tập tục, trong đời sống đây.
Phê bình môn đệ điều này,
Tay dơ không sạch, ăn ngay tiệc mời.
Không theo luật lệ ở đời,
Bàn tay dơ dáy, mọi nơi nhúng vào.
Giả hình môi miệng cao rao,
Tôn thờ Thiên Chúa, trên cao hững hờ.
Tấm lòng trống rỗng lật lờ,
Miệng ngoài giả dối, tôn thờ thần ma.
Sự gì ô uế xuất ra,
Bên trong tâm trí, thật là gớm ghê.

Luật lệ trong tôn giáo là để giúp chúng ta nên trọn lành. Luật không phải là gánh nặng hay sự lừa dối. Giáo hội kêu mời chúng ta giữ đạo và tôn thờ Chúa với cả tấm lòng và trái tim chứ không phải giữ đạo bằng môi miệng. Chúa muốn lòng nhân lành, chứ không muốn của lễ. Tâm đức và ý hướng là cốt lõi của việc giữ đạo. Chúa hiểu rõ nội tâm của chúng ta.

Trong bài Phúc âm, Chúa Giêsu đối chất với các thầy Biệt phái về việc tuân giữ lề luật. Các Biệt phái chú ý chu toàn từng chi tiết nhỏ của luật như rửa tay, rửa chân, tắm rửa, lau chén bát… Họ giữ luật vì luật. Họ thờ kính Chúa qua các hình thức bên ngoài như may dài tua áo, giang tay cầu nguyện nơi phố xá. Họ làm thế cốt để khoe khoang. Lòng của họ thì trống rỗng. Chúng ta gọi đó là giả hình.

Các nhà lãnh đạo Do Thái cảm thấy bực dọc và gai mắt khi nhìn thấy các môn đệ của Chúa ăn uống mà không chịu rửa tay trước. Chúa Giêsu phản đối sự câu nệ của họ. Họ đồng hóa tôn giáo với việc chu toàn những hành vi bên ngoài. Chỉ khi chúng ta thi hành các công việc với lòng yêu mến Chúa thì việc làm của chúng ta mới có giá trị. Điều quan trọng không phải việc chúng ta làm mà chính là tình yêu thúc đẩy chúng ta thực hiện.

Truyện kể một vị Rabbi bị bắt tù ở Roma. Ông được phụng dưỡng tối thiểu, có cơm và có nước. Nhìn thấy vị Rabbi xanh xao yếu ớt. Bác sĩ khám nói rằng ông bị thiếu nước. Các người cai ngục bối rối. Không hiểu sao, vì họ vẫn cung cấp nước đầy đủ. Họ quan sát và phát giác ra Rabbi đã dùng nước uống để rửa tay theo nghi thức.

Thi hành lề luật trong đức ái. Lề luật sẽ dẫn chúng ta vào con đường chính trực. Có nhiều người coi chu toàn lề luật là quan trọng, còn tình trạng tâm hồn không đáng kể. Chúa Giêsu đi vào nội tâm của con người. Chúa nhìn đến một tôn giáo rộng lớn hơn, một tôn giáo sống tinh thần bác ái. Tình yêu là tâm điểm.

Trong thánh lễ hay khi cầu nguyện, chúng ta cố gắng tham dự một cách tích cực. Chúng ta tôn thờ Thiên Chúa với trái tim nồng cháy. Tin tưởng Chúa là Cha luôn thương mến chúng ta. Chúa không phải là tượng gỗ không hồn mà là Thiên Chúa hằng sống, cảm nhận và yêu thương.

THỨ HAI, TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN
(1Thess 4, 12-17; Lc 4, 16-30).
ĐẤNG XỨC DẦU


Hội đường Sa-bát cầu kinh,
Đọc lời giao ước, tâm linh gọi mời.
Giê-su đọc rõ từng lời,
Thánh Thần Chúa ngự, sáng ngời trí khôn.
Xức dầu rao giảng siêu tôn,
Tin mừng loan báo, mở hồn thế nhân.
Kêu mời sám hối tội trần,
Chữa lành bệnh tật, chia phần phúc vinh.
Loan truyền giải thoát cực hình,
Người mù được thấy, an bình thiện tâm.
Hồng ân Năm Thánh quang lâm,
Giải trừ áp bức, giam cầm phóng sinh.
Hôm nay ứng nghiệm chứng minh,
Người thương kẻ ghét, lộ hình tư duy.
Đồng hương từ chối xét suy,
Nói lời xúc phạm, nghĩ suy trần đời.

THỨ BA, TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN
(1Thess 5, 1-6. 9-11; Lc 4, 31-37).
ĐẤNG THÁNH


Chúa vào giảng dậy nơi đây,
Có người quỷ ám, hay gây bất bình.
Tại sao tiêu diệt bọn mình,
Kêu to hét lớn, thật tình tuyên xưng.
Thời kỳ Chúa đến phục hưng,
Ngài là Đấng Thánh, Tin Mừng truyền rao.
Quỷ ma ghen tức thét gào,
Chuyện chi gây rối, tại sao xua trừ.
Cứu sinh sửa chữa tật hư,
Giê-su quyền thế, loại trừ dối gian.
Câm đi ra khỏi, đừng van,
Mọi người kinh hãi, ơn ban bởi trời.
Lạ lùng phép tắc cao vời,
Quyền năng ra lệnh, mọi người ngạc nhiên.
Danh người truyền khắp mọi miền,
Chữa trừ bệnh hoạn, cửa thiên cứu đời.

THỨ TƯ, TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN
(Col 1, 1-8; Lc 4, 38-44).
CHỮA LÀNH


Si-mon đón Chúa vào thăm,
Tại gia nhạc mẫu, bao năm mong chờ.
Bà đang sốt nặng bơ phờ,
Chúa cùng môn đệ, đợi chờ ghé qua.
Cảm thương yếu đuối tuổi già,
Chúa liền truyền lệnh, cho bà khỏi ngay.
Bà liền chỗi dậy tiếp tay,
Dọn cơm nấu nước, đẹp thay tấm lòng.
Nhiều người bệnh hoạn cầu mong,
Van xin chữa trị, bệnh phong hao gầy.
Quỷ ma ám ảnh quấy rầy,
Kêu lên Con Chúa, Đức Thầy Ki-tô.
Chúa rằng im tiếng đừng hô.
Âm thầm sứ mệnh, Chúa vô mọi miền.
Tin Mừng rao giảng trước tiên,
Kêu mời hối cải, gom chiên về đàn.

THỨ NĂM, TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN
(Col 1, 9-14; Lc 5, 1-11).
THẢ LƯỚI


Chúa đi rao giảng Tin mừng,
Xuống thuyền cách bãi, đậu dừng loan tin.
Si-mon chài lưới đứng nhìn,
Chuyên môn thả lưới, vững tin nơi Thầy.
Nước sâu bắt cá sa lầy,
Phê-rô thưa Chúa, sáng ngày vô công
Suốt đêm cực nhọc ngóng trông,
Vâng lời thả lưới, bên hông mạn thuyền.
Cá nhiều nặng lưới kéo lên,
Bạn bè đồng nghiệp, thuyền bên góp phần.
Si-mon sụp lạy dưới chân,
Con người tội lỗi, thế nhân sống đời.
Xin Thầy hãy tránh xa rời,
Mọi người kinh ngạc, ơn trời khấng ban.
Chúa rằng đừng sợ thiên nhan,
Hãy đi chinh phục, thế gian tội tình.

THỨ SÁU, TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN
(Col 1, 15-20; Lc 5, 33-39).
CẦU NGUYỆN


Môn đồ cầu nguyện ăn chay,
Gio-an Tẩy Giả, hăng say rao truyền.
Tông đồ của Chúa nhân hiền,
Bên Thầy cuộc sống, điền viên lữ hành.
Thầy trò không sống tìm danh,
Tân lang hiện diện, lòng thành sống vui.
Bao giờ đi khỏi, ngậm ngùi,
Tông đồ môn đệ, rút lui khẩn cầu.
Rượu nào bầu ấy giữ lâu,
Bầu da rượu mới, mong hầu tốt hơn.
Áo nào vải đó không sờn,
Không ai vá áo, vải đơn một chiều.
Ăn chay cầu nguyện giới điều,
Đúng thời đúng điểm, nhận nhiều ân thiêng.
Thực tâm sám hối tội khiên,
Hãm mình dẹp xác, ăn kiêng nguyện cầu.

THỨ BẢY, TUẦN 22 THƯỜNG NIÊN
(Col 1, 21-23; Lc 6, 1-5).
SA-BÁT


Bứt bông lúa miến vò tay,
Mấy thầy Biệt Phái, chê ngay lỗi này.
Hôm nay Sa-bát có hay,
Làm điều không được, cấm ngày hôm nay.
Các thầy khó chịu lắm thay,
Phàn nàn với Chúa, sao Thầy không can.
Chu toàn điều luật bảo ban,
Thiện toàn lề luật, sẻ san tình người.
Chúa bênh môn đệ vài lời,
Đúng ngày Sa-bát, trong nơi thánh đền.
Đọc điều Đa-vít chẳng nên.
Cùng nhau ăn bánh, bên trên bàn thờ.
Dành riêng trưởng tế đụng sờ,
Tùy tùng lỗi luật, mong nhờ luật tha.
Giữ ngày Sa-bát đặt ra,
Con Người làm chủ, thứ tha lỗi lầm.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Khuynh hướng của các Giám Mục Mỹ là yêu cầu mở một cuộc Thanh Tra Tông Tòa
Đặng Tự Do
07:15 28/08/2018
Sau khi Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, nguyên Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ từ năm 2011 đến 2016, công bố các cáo buộc rất nghiêm trọng của ngài, nhiều Giám Mục Hoa Kỳ đã lên tiếng.

Đức Tổng Giám Mục Viganò cáo buộc 3 vị Giám Mục Hoa Kỳ “thăng tiến rất nhanh” nhờ sự tiến cử của Tổng Giám Mục McCarrick. Ba vị này là Đức Hồng Y Blase Cupich của Chicago, Đức Hồng Y Joseph Tobin của Newark, và Đức Giám Mục Robert McElroy của San Diego. Cả ba vị đều đã đưa ra các tuyên bố phản bác lại các cáo buộc của Đức Tổng Giám Mục Viganò.

Các Giám Mục khác tỏ ra tin tưởng rằng những cáo buộc của Đức Tổng Giám Mục Viganò có những cơ sở nhất định và đòi hỏi Tòa Thánh phải mở một cuộc Thanh Tra Tông Tòa để làm rõ những cáo buộc này.

Dưới đây là toàn văn tuyên bố của Đức Cha Robert C. Morlino, Giám Mục Madison, Wiscosin có thể coi là một phản ứng tiêu biểu của các Giám Mục Hoa Kỳ. Tuyên bố này được đưa ra ngay sau tuyên bố của Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Tuyên bố của Đức Giám Mục Robert C. Morlino ngày 27 tháng 8 năm 2018, liên quan đến khủng hoảng lạm dụng tình dục đang diễn ra trong Giáo hội

(Madison, WI) Trước hết, tôi muốn khẳng định sự đồng tâm nhất trí của tôi với Đức Hồng Y DiNardo và với tuyên bố của ngài thay mặt cho Hội Đồng Giám Mục, đặc biệt trong hai khía cạnh sau: 1) Trong tuyên bố của mình, Đức Hồng Y DiNardo chỉ ra rằng bức thư gần đây của Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, cựu Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ, khiến cuộc thanh tra về sự thất bại đạo đức nghiêm trọng của các Giám Mục càng trở thành một vấn đề “trung tâm và cấp bách”. “Các câu hỏi được nêu ra”, theo Đức Hồng Y, “xứng đáng được có những câu trả lời và kết luận dựa trên bằng chứng. Nếu không có những câu trả lời đó, những người vô tội có thể bị bôi xấu bởi những cáo buộc sai trái và những người có tội có thể ung dung lặp lại những tội lỗi trong quá khứ.” 2) Và, Đức Hồng Y DiNardo viết tiếp, “Chúng tôi lặp lại tình cảm yêu mến của chúng tôi đối với Đức Thánh Cha trong những ngày khó khăn này.”

Tôi thấy mình hoàn toàn đồng tâm nhất trí với những xác tín và tình cảm đó.

Tuy nhiên, tôi phải thú nhận sự thất vọng của tôi rằng trong những phát biểu của ngài trên chuyến bay từ Dublin về Rôma, Đức Thánh Cha đã chọn đường lối “miễn bình luận” đối với bất kỳ kết luận nào có thể rút ra từ những cáo buộc của Tổng Giám mục Viganò. Đức Giáo Hoàng Phanxicô tiếp tục nói rõ ràng rằng những kết luận như vậy nên được dành cho “sự trưởng thành chuyên nghiệp” của các nhà báo. Ở Hoa Kỳ và các nơi khác, trên thực tế, sự trưởng thành chuyên nghiệp của các nhà báo là vấn đề đáng đặt nghi vấn hơn bất cứ chuyện nào khác. Sự thiên vị trong các phương tiện truyền thông chính thống là quá rõ ràng và hầu như ai cũng nhận thấy như thế. Chẳng hạn, tôi sẽ không bao giờ gán sự trưởng thành chuyên nghiệp về báo chí cho tờ National Catholic Reporter[1]. (Và, có thể dự đoán trước được, họ đang dẫn đầu một chiến dịch phỉ báng chống lại Đức Tổng Giám Mục Viganò.)

Sau khi lặp lại sự tôn trọng và tình cảm con thảo của tôi đối với Đức Thánh Cha, tôi phải nói thêm rằng trong nhiệm kỳ Sứ Thần Tòa Thánh của ngài, tôi đã biết Đức Tổng Giám Mục Viganò cả về chuyên môn lẫn cá nhân, và tôi vẫn tin tưởng sâu sắc về sự thành thật, trung thành và tình yêu của ngài dành cho Giáo Hội với một sự liêm chính hoàn hảo. Thực tế là Đức Tổng Giám Mục Viganò đã đưa ra một số cáo buộc cụ thể, và thật sự trong tài liệu gần đây của ngài, cung cấp những tên tuổi, ngày tháng, địa điểm và vị trí của các tài liệu hỗ trợ [cho các cáo buộc] - tại Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh hoặc tại Tòa Sứ Thần. Vì vậy, các tiêu chí đối với một cáo buộc đáng tin cậy là quá đủ, và một cuộc điều tra, theo đúng thủ tục giáo luật, chắc chắn là thích đáng.

Tôi có thể nói thêm rằng đức tin của tôi đối với Giáo Hội không bị lung lay chút xíu nào vì tình hình hiện tại. Những tình huống tương tự, và tệ hơn nữa, đã xảy ra trong quá khứ - mặc dù có lẽ không phải ở Hoa Kỳ. Đã đến lúc chúng ta phải canh tân niềm tin của mình trong đoạn cuối cùng của Kinh Tin Kính: Credo… et unum, sanctam catolicam et apostolicam Ecclesiam, nghĩa là, tôi tin Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền. Giáo Hội là nhiệm thể của Chúa Kitô và, như bài Tin Mừng ngày hôm qua đã đặt câu hỏi, “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời?”

Cầu xin Đức Mẹ đầy ơn phúc của chúng ta, Mẹ của Giáo Hội, và Mẹ của các Giám Mục và Linh Mục, cầu bầu cho chúng ta, cùng với Tổng lãnh thiên thần Micae, khi chúng ta tiếp tục cuộc chiến chống lại kẻ thù cổ xưa.

+ Đức Cha Robert C. Morlino,
Giám Mục Madison, Wiscosin


[1] Chú thích của người dịch: Nên phân biệt tờ National Catholic Reporter (có khuynh hướng liberal) với tờ National Catholic Register (có khuynh hướng truyền thống)

Source Diocese of Madison Statement from Bishop Robert C. Morlino of August 27, 2018, regarding ongoing sexual abuse crisis in the Church
 
Đức Giám Mục McElroy cáo buộc TGM Viganò “bóp méo” sự thật.
Giuse Thẩm Nguyễn
11:17 28/08/2018


Trong một cuộc tấn công với lời lẽ mạnh mẽ, Đức Giám Mục của San Diego đã cáo buộc Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò “can thiệp cá nhân rộng lớn vào việc bao che lạm dụng tình dục của các giám mục.”

ĐGM Robert McElroy đã nói rằng GM Viganò đã bóp méo sự thật trong “lời chứng” mà ngài đã phổ biến vào cuối tuần qua, thêm rằng nó hàm chứa “những nỗ lực để giải quyết những tranh chấp cá nhân trước đây.”

“Trong những tuần lễ mới đây, những chiến binh tư tưởng ngay trong Giáo hội ở cả hai phía phổ quang đã dùng bi kịch của những nạn nhân bị lạm dụng để nhằm đạt tới mục tiêu của mình. Sự cống hiến cho sự thật toàn diện đã bị lợi dụng để nhắm vào mục tiêu có chọn lựa của đối phương và có xu hướng bóp méo sự thật.”

“Bản công bố của Tổng Giám Mục Vigano chỉ là sự biến dạng của một sự bóp méo như thế.”

GM McElroy cáo buộc GM Viganò đang theo đuổi một “ideologically-driven selection of bishops” (sự lựa chọn của các giám mục bị lèo lái bởi ý thức hệ) và cỗ vũ một “sự thù hận chống Đức Giáo Hoàng Phanxicô và tất cả những gì ngài truyền dạy.”

“TGM Viganò luôn kiên trì theo đuổi sự thật toàn diện để gây bè phái, chia rẽ và bóp méo sự thật.”



GM Viganò đã phổ biến một công bố vào hôm thứ Hai từ chối tham gia việc bao che lạm dụng của cựu TGM John Nienstedt thuộc giáo phận Thánh Phaolo và Minneapolis. Ngài nói rằng bản tường trình của tờ New York Times vào năm 2016 là sai, và rằng ngài sau đó đã được minh chứng bằng lệnh điều tra của ĐGH Phanxicô.

Trong bản “lời chứng” của mình, GM Viganò đã nói rằng việc bổ nhiệm McElroy làm Giám Mục của San Diego đã được sắp xếp “từ trên cao” bởi các viên chức của Giáo Hội. Ngài còn nói rằng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh là Hồng Y Pietro Parolin đã gởi cho ngài một bản ghi nhớ, nói rằng “Dành chức Cai Quản San Diego cho McElroy.”

Tuần trước, Giám Mục McElroy đã giải thích tại sao ngài đã không làm gì với lá thư gởi cho ngài bởi tâm lý gia Richard Sipe tố cáo hành vi tính dục của TGM Theodore McCarrick, rằng Sipe có vẻ như không đáng tin cậy và ngài cho rằng những thông tin ấy có thể là không chính xác.

.
Source: Catholic Herald Bishop McElroy accuses Viganò of ‘distorting’ the truth
 
ĐTGM Gänswein bác bỏ tin của NY Times nói Đức Bênêđíctô xác nhận cáo buộc của ĐTGM Viganò là đúng
Đặng Tự Do
12:18 28/08/2018
Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16, đã bác bỏ tuyên bố cho rằng Đức Giáo Hoàng danh dự đã xác nhận các cáo buộc của Đức Cha Carlo Viganò cựu Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ là đúng.

“Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 chưa hề đưa ra lời bình luận nào về 'bản ghi nhớ' của Đức Tổng Giám Mục Viganò và sẽ không làm như thế đâu”, Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói với tờ Die Tagespost của Đức. Tuyên bố cho rằng Đức Giáo Hoàng danh dự đã xác nhận những cáo buộc này là không có cơ sở. “Tin giả thôi!” Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã đề cập đến một báo cáo trên New York Times trích dẫn một thành viên trong kênh tin tức Mỹ “EWTN” thường trú tại Rôma, là Timothy Bush. Theo ông, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã xác nhận những lời cáo buộc được đưa ra trong bản tuyên bố dài 11 trang của Đức Tổng Giám Mục Viganò.

Đức Tổng Giám Mục Viganò tuyên bố rằng cả Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các quan chức Vatican cao cấp khác đã được thông báo từ năm 2013 về những cáo buộc lạm dụng chống lại cựu Hồng Y Theodore McCarrick. Đức Cha Jean-Francois Lantheaume, cựu đệ nhất tham vụ tại toà sứ thần Tòa Thánh ở Washington D.C cũng xác nhận như vậy.

Đức Tổng Giám Mục Viganò cáo buộc Đức Thánh Cha Phanxicô đã “tiếp tục bao che” cho McCarrick đến mức ngài không những “không tính đến” các biện pháp trừng phạt do Đức Bênêđíctô đưa ra mà còn coi McCarrick là “cố vấn đáng tin cậy” của mình.


Source: Die Tagespost Gänswein: Benedikt XVI. äußert sich nicht zu Viganò-Vorwürfen
 
Ký giả Ý tiết lộ hoàn cảnh Đức Tổng Giám Mục Viganò đưa ra chứng từ chấn động
Đặng Tự Do
13:17 28/08/2018
Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò
Một nhà báo người Ý nói với thông tấn xã AP rằng ông đã giúp Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò soạn thảo chứng từ chấn động cáo buộc Đức Thánh Cha Phanxicô “bao che” cho Tổng Giám Mục McCarrick. Ông đã thuyết phục Đức Tổng Giám Mục Viganò công khai hóa những cáo buộc này sau khi Giáo Hội tại Mỹ chấn động trước những tiết lộ lạm dụng tình dục trong báo cáo của bồi thẩm đoàn Pennsylvania.

Marco Tosatti cho biết ông đã giúp Tổng Giám mục Carlo Maria Vigano viết đi, viết lại và chỉnh sửa lời khai 11 trang của ngài, nói rằng hai người ngồi cạnh nhau tại một chiếc bàn gỗ trong phòng khách của Tosatti trong ba giờ vào ngày 22 tháng Tám.

Tosatti, một nhà phê bình bảo thủ hàng đầu về Đức Thánh Cha Phanxicô, nói với Associated Press rằng Đức Tổng Giám Mục Viganò đã bất ngờ gọi cho anh ta cách đây vài tuần để yêu cầu gặp mặt, và sau đó nói cho anh ta biết những thông tin được đề cập trong chứng từ của ngài.

Theo Đức Tổng Giám Mục Viganò, từ năm 2009 hay 2010, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nguyên Hồng Y McCarrick tương tự như những gì mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô áp đặt hôm 20 tháng 6 vừa qua, và đích thân Đức Tổng Giám Mục Viganò đã nhắc lại những biện pháp này với Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào ngày 23 tháng 6 năm 2013, sau khi Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 thoái vị.

Đức Tổng Giám Mục Viganò cáo buộc Đức Thánh Cha Phanxicô “tiếp tục bao che” cho McCarrick đến mức ngài không những “không tính đến” các biện pháp trừng phạt do Đức Bênêđíctô đưa ra mà còn coi McCarrick là “cố vấn đáng tin cậy” của mình. Những tuyên bố này đã làm lay chuyển triều đại giáo hoàng năm năm của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Các cáo buộc của Đức Tổng Giám Mục Viganò cũng đề cập đến nhiều viên chức tại Vatican dưới triều Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 cũng đã che giấu các thông tin về Tổng Giám Mục McCarrick, và các biện pháp trừng phạt mà Đức Bênêđíctô thứ 16 áp đặt đã không được thi hành đến nơi đến chốn.

Tosatti, một phóng viên lâu năm cho nhật báo La Stampa của Ý, nhưng giờ đây đã bỏ tờ La Stampa để viết phần lớn cho các blog bảo thủ hơn, cho biết sau cuộc họp đầu tiên vài tuần trước, Đức Tổng Giám Mục Viganò chưa có ý định công khai hóa các cáo buộc này.

Nhưng Tosatti cho biết ông gọi cho ngài sau khi báo cáo bồi thẩm đoàn Pennsylvania được công bố vào ngày 15/8 đã cáo buộc khoảng 300 linh mục trong sáu giáo phận Pennsylvania đã lạm dụng hơn 1,000 trẻ em trong 70 năm qua, và nhiều giám mục bị cáo buộc đã che đậy tội ác này.

Tosatti nói anh ta nói với Đức Tổng Giám Mục Viganò: “Con nghĩ rằng nếu Đức Cha muốn nói điều gì đó, bây giờ là thời điểm, bởi vì mọi thứ đang rối tung lên ở Hoa Kỳ”. Ngài trả lời anh ta 'OK.'

Hai người sau đó đã gặp nhau tại nhà của Tosatti ở Rôma.

“Ngài đã chuẩn bị một loại bản thảo cho tài liệu này và ngồi cạnh tôi,” Tosatti nói với AP từ phía sau bàn làm việc của anh, chỉ vào chiếc ghế gỗ bên phải. “Tôi nói với ngài rằng chúng tôi phải làm việc trên bản thảo này một cách thực sự bởi vì nó không đúng với phong cách báo chí.”

Tosatti cho biết ông đã thuyết phục Đức Tổng Giám Mục Viganò cắt giảm những tuyên bố khó chứng minh được “bởi vì nó phải hoàn toàn khả tín.” Họ làm việc trong ba giờ.

Tosatti cho biết Đức Tổng Giám Mục đã nhận thức rõ về những tác động của tài liệu và những hệ quả sẽ xảy ra khi một nhà ngoại giao Tòa Thánh tiết lộ những bí mật đã giữ kín trong nhiều năm.

“Họ được dạy để im lặng”, Tosatti nói về các nhà ngoại giao của Tòa Thánh. “Vì vậy, những gì ngài đã làm, những gì ngài sẽ làm, là một cái gì đó hoàn toàn chống lại bản chất của mình.”

Nhưng anh ta nói Đức Cha Viganò cảm thấy bị ép buộc phải công bố một cách có trách nhiệm với Giáo Hội Công Giáo để lương tâm của mình được thanh thản.

“Ngài có sức khỏe tốt nhưng ở tuổi 77 bạn phải bắt đầu tự chuẩn bị cho mình... ngài không thể có lương tâm thanh thản trừ khi ngài nói ra,” Tosatti nói.

Sau khi đã có tài liệu trong tay, Tosatti phải tìm các nơi sẵn sàng để công bố nó toàn bộ: nhật báo La Verita của Ý, tờ National Catholic Register và LifeSiteNews, và trang web trực tuyến Tây Ban Nha InfoVaticana.

Tất cả đều là những phương tiện truyền thông bảo thủ thường chỉ trích đường lối coi lòng thương xót trọng hơn các luật luân lý của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Các phương tiện truyền thông tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha đã dịch tài liệu 11 trang tiếng Ý sang các ngôn ngữ khác và tất cả đều đồng ý không công bố cho đến sáng Chúa Nhật, trùng với ngày thứ hai và là ngày cuối cùng trong chuyến đi của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Ái Nhĩ Lan, nơi nạn lạm dụng tình dục làm điêu đứng Giáo Hội tại đây.

Tosatti nói Đức Tổng Giám Mục Viganò không nói cho anh biết ngài đang ở đâu sau khi bài viết xuất hiện, vì biết rằng giới truyền thông thế giới sẽ làm phiền đến ngài.

Tosatti cho biết khi tiễn Đức Cha Viganò đến cửa, anh cúi xuống hôn chiếc nhẫn của ngài như một dấu chỉ tôn kính các giám mục Công Giáo.

“Ngài đã cố gắng nói 'Đừng làm thế'. Tôi nói với ngài 'Đó không phải dành cho cá nhân ngài, nhưng dành cho vai trò của Đức Cha mà con muốn làm như vậy,” Tosatti nói. “Ngài không nói gì cả. Ngài ra đi, vừa đi vừa khóc.”


Source: Associated Press Journalist who helped pen pope bombshell says author wept
 
Giám Mục McGrath tại San Jose, California phải đối phó với truyền thông Hoa Kỳ.
Nguyễn Long Thao
16:08 28/08/2018
San Jose, 28/8/2018. Các hãng truyền hình lớn vùng Bắc California thuộc hệ thống ABC, CBS, và NBC trong bản tin chiều 27/8/2018 đều loan tin, giáo phận San Jose đã mua một căn nhà trị giá 2.3 triệu Mỹ Kim với 5 phòng ngủ, nhà bếp và phòng tắm được thiết kế sang trọng để Đức Giám Mục McGrath về ở khi hưu.

Diện tích nhà là 3200 sq ft. toạ lạc tại khu vực Willow Glen thuộc thành phố San Jose. Các đài truyền hình không đăng điạ chỉ và hình toàn diện căn nhà vì tôn trọng quyền riêng tư, nhưng trích đăng hình phòng ngủ, phòng nhà bếp của căn nhà nói trên đã được công ty bán nhà Zillow quảng cáo trên mạng lưới toàn cầu.

Theo bản tin, tiền mua căn nhà này là do việc bán căn phòng chung cư Condo của giáo phận sở hữu trên vùng Palo Alto là nơi Đức Giám Mục tiền nhiệm Pierre DuMaine về hưu ở. Vùng Palo Alto là vùng có giá nhà rất cao.

Các hãng truyền hình hỏi ý kiến giáo dân và khán giả, họ đều cho rằng một Giám Mục về hưu không cần ở một căn nhà 5 phòng. Họ phát biểu tại sao ĐGM không về ở tại một giáo xứ nào đó trong địa phận? Sao không dùng tiền đó hỗ trợ cho chương trình gia cư cho những người vô gia cư. Họ viện dẫn gương sống khó nghèo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. ĐGH không ở nhà riêng mà ở một căn phòng dành cho khách. Ngài đi đôi giầy đen cũ kỹ nhưng không chịu mua giầy mới.

Các hãng truyền hình đã gọi điện thoại cho văn phòng Giáo Phận San Jose để hỏi về vụ căn nhà, nhưng không được trả lời. Đến 6 giờ chiều cùng ngày, các hãng truyền hình đều nhận được một điện thư của Đức Giám Mục McGrath nói Ngài sẽ không về ở căn nhà giáo phận đã mua, mà sẽ về ở tại cơ sở của một giáo xứ trong địa phận. Giáo phận sẽ bán căn nhà này và tiền lời bán nhà sẽ trao tặng quỹ xây dựng nhà cửa cho người vô gia cư.

Công bình mà nói, các cơ quan truyền thông ở Hoa Kỳ nói chung, không có thiện cảm với Công Giáo. Vì thế chỉ vì câu chuyện giáo phận mua nhà cho Đức Giám Mục McGrath ở, thế mà đã trở thành tin quan trọng. Tin mua nhà đã trở thành tin hàng đầu của bản tin truyền hình chiều 27/8.

Người viết bản tin đã ở San Jose 40 năm, biết rất rõ vùng này. Căn nhà mà giáo phận mua với giá 2.3 triệu dollars, nếu ở nơi khác, thì quả thật quá đắt. Nhưng ở San Jose, trung tâm điện tử thế giới, căn nhà độ 1000 sq.ft, ở vào khu nghèo nhất San Jose cũng đã có giá 850,000 đollars, và rất khó kiếm ra một căn nhà để mua. Đa số các gia đình Việt Nam cũng thường sở hữu những căn nhà có giá trị trên dưới 1.5 triệu dollars.

Khu Willow Glen mà giáo phận mua cho Đức Cha không phải là khu sang trọng gì, chỉ là khu trung bình ở San Jose. Ngài muốn ở đây, theo điện thư gửi ra, vì Ngài muốn ở gần con chiên để nâng đỡ họ. Rất nhiều giáo dân Vìệt Nam cũng ở những khu vực thuộc loại trung bình này như Milpitas, Fremont, Willow Glen.

Chúng tôi trình bày thực tế này để độc giả biết Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ đang bị các cơ quan truyền thông tấn công nhiều mặt.
 
Tổng thống Nam Dương kêu gọi người Công Giáo hãy giúp bảo tồn tính đa dạng cho xã hội Indo
Thanh Quảng sdb
16:56 28/08/2018
Tổng thống Nam Dương (Indonesia) kêu gọi người Công Giáo hãy giúp bảo tồn tính đa dạng cho xã hội Indo

Tổng thống Joko Widodo đã đến thăm trụ sở của Hội đồng Giám mục Indonesia ở Jakarta ngày 24 tháng 8 để cập nhật về tình hình địa phương của Giáo hội.
Tổng thống Indonesia kêu gọi mọi người Công Giáo của quốc gia này hãy giúp bảo tồn sự đa dạng và tình đoàn kết quốc gia. TT Joko Widodo đã đến thăm trụ sở của Hội đồng Giám mục Indonesia (KWI) ở Jakarta hôm thứ Sáu để cải thiện và phát huy mối quan hệ giữa chính phủ với Giáo hội địa phương và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của các tổ chức tôn giáo trong việc bảo tồn và duy trì tính đa dạng trong nước.

TT Widodo, người cầm quyền chính phủ từ năm 2014, được Đức Tổng Giám Mục KWI Ignatius Suharyo, Chủ tịch HĐGM ở Jakarta, và Đức Tổng Giám Mục Antonius Subianto Bunjamin của Bandung, Tổng thư ký, và 8 giám mục khác nghênh đón.

Cuộc họp kéo dài hơn một giờ, mỗi giám mục giới thiệu với tổng thống về các sinh hoạt và ảnh hưởng của giáo phận trong cuộc sống xã hội.
TT cũng cho hay "Trong cuộc họp, tôi đã nói về các vấn đề liên quan đến 5 nguyên tắc của các tiểu bang, cũng như sự đa dạng đặc biệt về mặt tôn giáo, sắc tộc, phong tục và truyền thống mà chúng ta cần tiếp tục duy trì".
TT nói tiếp: "Chúng ta phải duy trì tình huynh đệ, hòa hợp và đoàn kết,"
Đức TGM Suharyo nói với Thông tấn xã UCANEWS rằng chuyến viếng thăm của Tổng thống Widodo đã "xây dựng tình bằng hữu" chứ không có gì liên quan đến cuộc vận động bầu cử tổng thống sắp diễn ra vào năm tới.
Bầu cử vào năm tới
Cuộc bầu cử toàn quốc Indonesia vào ngày 17 tháng 4 năm 2019, và đây là lần đầu tiên tổng thống cũng như các thành viên của Hội đồng Tư vấn Nhân dân sẽ được bầu trong cùng một ngày.
TT Widodo tin tưởng ông sẽ được tái tín nhiệm thêm nhiệm kỳ thứ hai tới này.
Đức TGM Suharyo cho hay: "Không có vấn đề cụ thể nào được đề ra do tổng thống trong cuộc họp này." " TT chỉ muốn nghe trực tiếp xem người Công Giáo nói lên những vấn đề họ đang phải đối diện."

Theo ông, đây là chuyến viếng thăm thứ hai của TT Widodo, vì Ông đã đến thăm trụ sở của Hội đồng Giám mục lần đầu lúc ông còn là thống đốc thủ đô Jakarta từ năm 2012 đến năm 2014.
Đức Tổng Giám Mục Suharyo cũng tiết lộ rằng TT Widodo ngỏ lời muốn viếng thăm Vatican trong tương lai.
"Nếu điều mà TT chia sẻ được xảy ra, thì những giá trị cao quý mà người dân Indonesia sống, sẽ được cộng đồng quốc tế công nhận, nếu các vấn đề đa dạng và chủ nghĩa xã hội được hiến pháp thừa nhận”.
Giám mục Leo Laba Ladjar của Jayapura cho biết tổng thống nhấn mạnh tới sự cần thiết phải duy trì tính đa dạng "bởi vì bản sắc tôn giáo đã trở thành một vấn đề lớn đặc biệt trong cuộc vận động bầu cử tổng thống lần này."
Chủ nghĩa cấp tiến
Indo là một nước lớn nhất thế giới về số các đảo với nhiều các nhóm sắc tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, kể cả cây cỏ thực vật và động vật, Indonesia cũng là nơi có dân số Hồi giáo đông nhất thế giới. Quốc gia này từ lâu đã là tấm gương về một xã hội hòa bình, khoan dung và đoàn kết giữa nhiều sắc dân nhờ vào đạo luật Pancasila.
Đại đa số người Hồi giáo tại Indonesia đều là những người Hồi giáo dung hòa chân chính, nhưng hình ảnh về một quốc gia khoan dung đã bị suy yếu bởi chủ nghĩa cấp tiến Hồi giáo và không khoan dung trong vài năm qua, đang đe dọa sự toàn hảo của nó giữa một thực tại đa dạng của nó.
Trong bài phát biểu của mình trước quốc dân nhân dịp Ngày quốc khánh Indonesia ngày 17 tháng 8, TT Widodo đã thúc giục mọi người hãy gìn giữ tinh thần khoan dung. Cha ông chúng ta đã đấu tranh giành độc lập, họ đã chiến thắng vì họ biết loại trừ những khác biệt về chính trị, dân tộc, tôn giáo hay phân biệt giai cấp trong dân chúng.
Vào ngày 18 tháng 8, ngày sau Ngày Độc lập, TT Widodo đã khai mạc Thế vận hội Châu Á lần thứ 18 đang được tổ chức tại Jakarta và Palembang cho đến ngày 2 tháng 9. Các giám mục của Indonesia đã ủng hộ sự kiện thể thao hàng đầu của châu lục này như một cơ hội để xây dựng hòa bình giữa mọi người. (Nguồn: UCANEWS)
 
Các vị Khâm Sứ và Sứ Thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ theo dòng lịch sử
Đặng Tự Do
17:35 28/08/2018
Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh (nay được nâng lên là Tòa Sứ Thần Tòa Thánh) đã được thành lập tại Hoa Kỳ vào ngày 24 tháng Giêng năm 1893, và được đặt tại số 3339 Đại lộ Massachusetts Northwest, Washington, DC. Đó là kết quả của một nỗ lực của Tòa Thánh dưới thời Đức Giáo Hoàng Lêô XIII và của Tổng thống Hoa Kỳ Benjamin Harrison.

Các vị Khâm Sứ Tòa Thánh (chỉ làm nhiệm vụ liên lạc giữa Tòa Thánh và Giáo Hội địa phương, không làm nhiệm vụ đại sứ của Tòa Thánh) tại Hoa Kỳ là

1. Đức Tổng Giám Mục Francesco Satolli, 1893-1896
2. Đức Tổng Giám Mục Sebastiano Martinelli, OSA, 1896-1902
3. Đức Tổng Giám Mục Diomede Falconio, OFM, 1902-1911
4. Đức Tổng Giám Mục Giovanni Bonzano, 1912 – 1922
5. Đức Tổng Giám Mục Pietro Fumasoni Biondi, 1922 – 1933
6. Đức Tổng Giám Mục Amleto Giovanni Cicognani, 1933 – 1958
7. Đức Tổng Giám Mục Egidio Vagnozzi, 1958 – 1968
8. Đức Tổng Giám Mục Luigi Raimondi, 1968 – 1973
9. Đức Tổng Giám Mục Jean Jadot, 1973 – 1980
10. Đức Tổng Giám Mục Pio Laghi, 1980 - 09 Tháng Giêng 1984

Ngày 10 tháng Giêng năm 1984, tình bạn của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Tổng thống Ronald Reagan đã giúp nâng cấp quan hệ ngoại giao lên hàng Sứ thần Tòa Thánh với Đức Tổng Giám Mục Pio Laghi là Sứ Thần Tòa Thánh (Apostolic Nuncio) đầu tiên tại Hoa Kỳ.

Thực ra, chức danh chính thức của Đức Tổng Giám Mục Pio Laghi là Apostolic Pro-Nuncio. Thực hành lúc đó của Tòa Thánh là chức danh Apostolic Nuncio chỉ dành cho các vị đại sứ của Tòa Thánh là niên trưởng ngoại giao đoàn tại quốc gia sở tại. Các vị Sứ Thần Tòa Thánh không phải là niên trưởng ngoại giao đoàn thì gọi là Apostolic Pro-Nuncio.

Từ năm 1991, Tòa Thánh bỏ thông lệ này và gọi chung là Apostolic Nuncio – tức là Sứ Thần Tòa Thánh – tất cả các vị vừa làm nhiệm vụ ngoại giao vừa làm liên lạc giữa Tòa Thánh và Giáo Hội địa phương.

Các vị Apostolic Pro-Nuncio tại Hoa Kỳ là

1. Đức Tổng Giám Mục Pio Laghi, 26/03/1984 – 06/04/1990
2. Đức Tổng Giám Mục Agostino Cacciavillan, 13/06/1990 – 05/11/1998

Các vị Sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ

1. Đức Tổng Giám Mục Gabriel Montalvo Higuera, 07/12/1998 – 17/12/2005
2. Đức Tổng Giám Mục Pietro Sambi, 17/12/2005 – 27/7/2011
3. Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò, 19/10/2011 – 12/4/ 2016
4. Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, 12 Tháng Tư 2016 -
 
Điện tặc Nga tấn công vào Tòa Thượng Phụ Constantinope
Đặng Tự Do
18:12 28/08/2018
Các điện tặc người Nga bị truy tố bởi công tố viên đặc biệt của Mỹ hồi tháng trước đã dành nhiều năm cố gắng ăn cắp thư tín của một số nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo tại Constantinople. Associated Press đã cho biết như trên.

Mục tiêu tấn công bao gồm các phụ tá hàng đầu của Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, người thường được mô tả là người thứ nhất trong số các Thượng Phụ Chính Thống Giáo.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô hiện đang cân nhắc liệu có chấp nhận việc cho Ukraine hình thành Giáo Hội Chính Thống độc lập với Nga hay không.

Trong những tháng gần đây, Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô đã tuyên bố ngài hoàn toàn có thẩm quyền ban cấp cho một Giáo Hội Chính Thống tân lập tại Ukraine tư cách “Tomos of Autocephaly” - một Giáo Hội tự trị hoàn toàn, mà chính phủ Ukraine đang mong đợi.

Giáo hội Chính thống Nga cho biết họ không có thông tin gì về những tấn công của nhóm điện tặc Nga có tên là Fancy Bear và từ chối bình luận. Các quan chức Nga nói với AP rằng điện Kremlin không có liên quan gì đến Fancy Bear, mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng ngược lại.

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, 78 tuổi, không sử dụng email, các viên chức trong Tòa Thượng Phụ Constantinope nói với AP. Nhưng các trợ lý của ngài thì dùng nhiều loại tài khoản của Google.

Trong số đó có một số quan chức cao cấp gọi là metropolitans, những người gần tương đương với Tổng Giám Mục Công Giáo. Những người này bao gồm Bartholomew Samaras, Emmanuel Adamakis, và Elpidophoros Lambriniadis. Tất cả đều liên quan đến vấn đề Tomos.

Các nhà lãnh đạo thân phương Tây của Ukraine đã từng bước tìm cách di chuyển nước cộng hòa Xô Viết cũ này ra khỏi quỹ đạo của Nga, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình năm 2014 và xúi dục một cuộc nổi loạn ở miền đông Ukraine.

Tại Ukraine hiện nay có đến 3 Giáo Hội Chính Thống Giáo. Nhóm đông nhất là nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa. Nhóm thứ hai là Chính Thống Giáo Ukraine và nhóm thứ ba là Chính Thống Giáo Ukraine tự trị với đa số là các vị Chính Thống Giáo Ukraine trở về từ hải ngoại sau khi cộng sản sụp đổ.

Kiev coi nhóm Chính Thống Giáo Nga trực thuộc tòa thượng phụ Mạc Tư Khoa là một công cụ để điện Kremlin tác động lên nội tình của Ukraine. Cho đến nay, nhóm này là nhóm Chính Thống Giáo duy nhất tại Ukraine được thế giới Chính Thống Giáo nhìn nhận.

Tháng Tư vừa qua, tại Istanbul, tổng thống Poroshenko đã gặp Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô, lãnh đạo tinh thần của các Kitô hữu Chính thống toàn thế giới, để tìm kiếm sự hỗ trợ trong việc nhìn nhận tính cách hợp pháp của Chính Thống Giáo Ukraine.

Ông Poroshenko đã so sánh việc có một Giáo Hội tự trị với nguyện vọng của Kiev được gia nhập Liên minh châu Âu và NATO, “bởi vì điện Kremlin coi Giáo Hội Chính Thống Giáo Nga là một trong những công cụ quan trọng ảnh hưởng đến Ukraine.”


Source: New York Post Russian hackers targeted top Orthodox church officials
 
Tình hình tự do tôn giáo tại Á Châu càng ngày càng tệ hại
Đặng Tự Do
18:25 28/08/2018
Các quyền tự do tôn giáo đang dần bị xói mòn trên khắp các khu vực lớn ở châu Á và chủ nghĩa cực đoan tôn giáo đang gia tăng, đặc phái viên của Liên hợp quốc về tự do tôn giáo đã cảnh báo như trên.

“Tự do tôn giáo thường xuyên bị chà đạp trên khắp châu Á”, Ahmad Shaheed phát biểu tại một cuộc họp báo được tổ chức bởi Câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài Thái Lan tại Bangkok. “Nói chung, nhân quyền đang thoái lui ở châu Á.”

Shaheed, một nhà ngoại giao người Maldives, là người đảm nhiệm chức vụ đặc phái viên của Liên hợp quốc về tự do tôn giáo vào tháng 11 năm 2016, trích dẫn những trường hợp của các quốc gia cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam, nơi tín đồ các tôn giáo thường xuyên bị bách hại. Ông cũng bày tỏ lo ngại về các quốc gia như Miến Điện và Pakistan, nơi các nhóm tôn giáo thiểu số phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và các cuộc tấn công bạo lực.

Ở Miến Điện, quốc gia coi Phật giáo là quốc giáo, hàng trăm ngàn người Rohingya Hồi giáo đã bị quân đội lùa sang nước láng giềng Bangladesh trong một nỗ lực mà các nhà quan sát nước ngoài mô tả là cuộc thanh lọc chủng tộc đại quy mô.

Trong khi đó, tại quốc gia Hồi giáo ở Pakistan, các Kitô hữu địa phương và người Hồi Giáo Ahmadis đã phải đối mặt với phân biệt đối xử dai dẳng cũng như những chính sách loại trừ xã hội, chính trị và kinh tế có hệ thống.


Source: UCANewstReligious persecution 'worsening in Asia'
 
Thêm một linh mục bị giết tại Mễ Tây Cơ
Đặng Tự Do
18:38 28/08/2018
Thêm một linh mục nữa đã bị giết ở Mễ Tây Cơ, thi thể ngài đã được tìm thấy hôm thứ Bảy 25 tháng 8 trong khu vực Tierra Caliente của bang Michoacán, nổi tiếng về tình trạng bất ổn dân sự và là một tâm chấn trong việc sản xuất và buôn bán ma túy tại đất nước này.

Cha Miguel Gerardo Flores Hernández đã biến mất vào ngày 18 tháng 8, và ba ngày sau, tổng giáo phận Morelia đã chính thức tuyên bố ngài bị mất tích. Thi thể của ngài đã được tìm thấy 7 ngày sau tuyên bố này.

Ít nhất 24 linh mục đã bị giết ở Mễ Tây Cơ trong sáu năm qua, phần lớn các vị bị giết vì lên tiếng tố cáo các băng đảng mua bán ma túy. Các băng đảng này coi Giáo Hội Công Giáo là một trở ngại cho công việc kinh doanh của họ.

Đức Cha Herculano Medina Gargias, Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Morelia tin rằng cha Flores có lẽ bị giết nhầm khi bọn cướp tấn công và cướp đi một chiếc xe tải cho ngài quá giang.


Source: CruxPriest murdered in Mexico in what archdiocese labels ‘isolated case’
 
Nhận định của Đức Cha Thomas J. Olmsted về Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò
Đặng Tự Do
19:02 28/08/2018
PHOENIX (Aug. 27, 2018) - Ngày 27 tháng 8, giáo phận Phoenix đã đưa ra tuyên bố sau của Đức Cha Thomas J. Olmsted, Giám mục Phoenix:

“Tôi đã biết Đức Tổng Giám Mục Carlo Maria Viganò trong 39 năm. Chúng tôi đã trở thành đồng nghiệp trong phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh vào tháng 8 năm 1979, nơi ngài đã phục vụ trước khi tôi bắt tay vào công việc này để giúp trong sứ vụ của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Tôi không biết về những thông tin mà ngài tiết lộ trong chứng từ đề ngày 22 tháng 8 năm 2018, vì vậy tôi không thể tự xác minh tính trung thực của nó, nhưng dù thế tôi luôn biết và kính trọng ngài như một người trung thực, có đức tin vững vàng và liêm chính. Thánh Phaolô nói về các tư tế như sau: “Vậy chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mà người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều, là phải chứng tỏ lòng trung thành” (1 Cor 4: 1-2). Đó là những gì tôi đã hằng tìm thấy nơi Đức Tổng Giám Mục Viganò.

Vì lý do này, tôi yêu cầu rằng chứng từ của Đức Tổng Giám Mục Viganò phải được đón nhận cách nghiêm túc, và mọi cáo buộc ngài đưa ra phải được điều tra kỹ lưỡng. Nhiều người vô tội đã bị tổn hại nghiêm trọng bởi các giáo sĩ như Tổng Giám mục McCarrick; bất cứ ai đã che đậy những hành vi đáng xấu hổ này phải bị đưa ra ánh sáng ban ngày.”

+ Thomas J. Olmsted
Giám mục Phoenix



Source: Diocese of Phoenix Statement from Bishop Thomas Olmsted Regarding Archbishop Viganò’s Recent Testimony
 
Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng năm 2018: Giới Trẻ, Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi, Phần III Chương I
Vũ Văn An
20:33 28/08/2018



PHẦN III: CHỌN LỰA: CÁC NẺO ĐƯỜNG HỒI TÂM MỤC VỤ VÀ TRUYỀN GIÁO

137. Dựa trên các yếu tố giải thích bối cảnh xuất hiện trong Phần II, giờ đây, chúng ta cần tập chú vào việc nhận diện quan điểm, phong cách và phương thế thích đáng nhất giúp Giáo Hội hoàn thành sứ mệnh của mình đối với người trẻ: giúp họ gặp gỡ Chúa, cảm thấy được Người yêu thương và đáp ứng lời kêu gọi của Người bước vào niềm vui yêu thương. Trong tính năng động của việc biện phân này, chính Giáo hội, trong khi cam kết đồng hành với mọi người trẻ, sẽ có khả năng phục hồi một động lực tông đồ đổi mới và vui tươi, qua nẻo đường hồi tâm mục vụ và truyền giáo.

Chương I: Một viễn tượng toàn diện

Biện phân như phong thái của một Giáo Hội đi ra ngoài

138. Khi gặp các người trẻ lúc bắt đầu của cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố rằng Thượng Hội Đồng cũng là «lời kêu gọi để Giáo Hội tái khám phá một năng động tính trẻ trung đổi mới. […] Cả trong Giáo Hội, chúng ta cũng phải học hỏi các hình thức hiện diện và gần gũi mới mẻ » (Diễn văn cho cuộc Gặp Mặt Tiền THƯỢNG HỘI ĐỒNG, 3). Một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đã nói rất rõ ràng rằng «người trẻ đang yêu cầu Giáo Hội phải thay đổi mạnh mẽ trong thái độ, phương hướng và thực hành». Một HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC khác, khi cho rằng tại vùng mình chịu trách nhiệm, đường lối canh tân đang được áp dụng, đã viết rằng “câu hỏi thực sự đứng phía sau các nỗ lực này, nói chung, liên quan nhiều hơn với hình dạng của Giáo Hội mà chúng ta đang tìm kiếm và muốn trình bày: kiểu nói "Giáo hội đi ra ngoài" đã nhận diện thích hợp vấn đề tổng quát, nhưng chúng ta vẫn còn đang tìm kiếm các tiêu chí thi hành hữu ích về cách thực hiện điều này ». Việc này đòi «một diễn trình biện phân, thanh tẩy và cải cách cương nghị» (EG 30) và để lắng nghe một cách trung thực và sâu sắc những người trẻ có đầy đủ quyền tham gia vào cảm thức đức tin (fideli sensus fidelium).

139. Trong khuôn khổ này, “chọn lựa” không có nghĩa là trả lời các vấn đề một lần là xong (once and for all), mà đúng hơn, là nhận diện các bước thực tế để gia tăng khả năng tham gia vào các diễn trình biện phân sứ vụ của chúng ta, như một cộng đồng giáo hội. Hơn nữa, chúng ta không thể mong chờ việc chúng ta tình nguyện đồng hành để biện phân ơn gọi sẽ được người trẻ coi là khả tín, trừ khi chúng ta có thể chứng tỏ rằng chúng ta có thể thực hành sự biện phân này trong đời sống bình thường của Giáo Hội, biến nó trở thành modus operandi (phương thức hành động) của cộng đồng ta trước khi áp dụng nó vào tình huống của họ. Giống người trẻ, nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nói lên sự khó khăn của họ trong việc tìm đường đi qua một thế giới phức tạp mà họ vốn không có một tấm bản đồ nào. Trong tình huống này, chính Thượng Hội Đồng là một thao tác để nâng cao khả năng biện phân mà chủ đề của nó vốn gợi lên.

dân Chúa trong một thế giới phân mảnh

140. Hành trình đồng bộ, vốn là một “con đường chúng ta cùng đi với nhau”, bao gồm một lời mời khẩn cấp để tái khám phá sự phong phú trong căn tính “dân Chúa”, vốn là thuật ngữ để định nghĩa Giáo Hội như dấu chỉ có tính tiên tri về sự hiệp thông trong một thế giới thường bị chia rẽ và bất hòa xé nát. Tư thế của dân này «là tư thế phẩm giá và tự do của con cái Thiên Chúa, mà lòng họ được Chúa Thánh Thần ngự như ngự trong đền thờ của Người. Luật pháp của dân này là giới răn yêu thương mới như Đức Kitô yêu thương chúng ta (xem Ga 13:34). Cùng đích của dân này là vương quốc của Thiên Chúa » (LG 9). Trong thực tại lịch sử của nó, dân Chúa có nhiều gương mặt, vì họ «nhập thể vào các dân tộc trên trái đất, mỗi dân tộc này đều có văn hóa riêng của họ» (EG 115). Trong dân này, Chúa Thánh Thần «mang đến nhiều hồng phúc phong phú, đồng thời tạo ra một sự thống nhất, không bao giờ là độc dạng mà là một hòa hợp đa dạng và hấp dẫn» (EG 117). Căn tính năng động này thúc đẩy Giáo Hội hướng ra thế giới và làm cho Giáo Hội trở thành truyền giáo và luôn đi ra ngoài; Giáo Hội không bị ám ảnh bởi mối quan tâm muốn «là trung tâm» (EG 49), nhưng khiêm nhường mong muốn thành công trở thành men bột thậm chí vượt quá "biên giới" của mình, vì biết rằng mình có điều gì đó để cho đi và điều gì đó để tiếp nhận trong khuôn khổ trao đổi tặng phẩm.

Trong tính năng động này, Giáo hội sẽ phải chọn đối thoại làm phong thái và phương pháp, cổ vũ người người ý thức được sự hiện hữu của các ràng buộc và kết nối trong một thực tại phức tạp – chứ không nên coi nó một cách giản lược như bao gồm các phân mảnh - cũng như sự căng thẳng hướng tới sự thống nhất, một sự thống nhất, không bị tan biến vào tính độc dạng, sẽ giúp hội tụ mọi thành phần của nó, duy trì các đặc tính dị biệt cá thể của các thành phần này và sự phong phú họ có chung với nhau (xem EG 236). Không có ơn gọi nào, đặc biệt trong Giáo hội, có thể nằm ngoài tính năng động của cuộc đối thoại thân mật và thoải mái này, và bất cứ nỗ lực đích thực nào hướng tới việc đồng hành để biện phân ơn gọi sẽ phải được đo lường theo chân trời này, dành sự chú ý đặc biệt cho các anh chị em nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất.

Một Giáo Hội sinh sản

141. Tính năng động trên, nhờ đó chúng ta ra khỏi bản thân mình để hiến đời sống mình và làm việc một cách quảng đại để mọi người, cả về phương diện cá nhân lẫn tập thể, có thể gặp được niềm vui yêu thương, cũng là đặc điểm trong cách thức Giáo hội thi hành thẩm quyền đã ủy thác cho mình, theo cách thực sự sinh sản và do đó tạo ra sự hiệp thông. Theo một số phân tích, về phương diện ngữ nguyên (etymologically), tính thẩm quyền là khả năng làm cho mọi tạo vật phát triển (tiếng Latinh, là augeo, do đó có chữ auctor [tác giả] và auctoritas[thẩm quyền]) trong tính độc đáo mà Đấng Tạo Dựng vốn quan niệm và muốn chúng có. Thi hành thẩm quyền là nhận trách nhiệm cổ vũ sự phát triển và giải phóng nền tự do, chứ không phải việc kiểm soát nhằm làm người ta hết bay nhẩy và cùm trói họ.

142. Thành thử, Giáo Hội “được đem vào hiện hữu” cùng với người trẻ, bằng cách để họ trở thành những người chủ đạo thực sự chứ không nói với họ “nó luôn luôn được làm theo cách này”. Viễn tượng này, một viễn tượng xác định ra phong thái mục vụ và cả cách tổ chức nội bộ của định chế, hoàn toàn đồng điệu với lời yêu cầu muốn được chân thực mà người trẻ đang ngỏ cùng Giáo Hội. Họ mong muốn được đồng hành không phải bởi một thẩm phán cứng rắn, cũng không phải bởi một phụ huynh sợ hãi và bảo hộ thái quá đến bắt con cái lệ thuộc, mà là bởi một người không sợ sự yếu đuối của chính mình và có khả năng làm cho kho báu mình giữ bên trong, như một bình đất, tỏa sáng ( xem 2Cr 4: 7). Nếu không, cuối cùng họ sẽ hướng sang nơi khác, nhất là ở một thời điểm không thiếu những giải pháp thay thế (xem GMTHĐ 1.7.10).

143. Để có thể sinh sản, việc đồng hành để biện phân ơn gọi chỉ có thể có một viễn tượng toàn diện. Thực vậy, ơn gọi không bao giờ là nguyên lý xa lánh, mà đúng hơn là một trung tâm tích hợp mọi chiều kích của con người, và làm cho chúng sinh hoa trái: từ các tài năng tự nhiên tới nhân cách với các tài nguyên và giới hạn của nó, từ những đam mê sâu sắc nhất tới các kỹ năng thu lượm được qua học hành, từ các kinh nghiệm thành công đến những thất bại mà mọi câu chuyện cá nhân đều có, từ khả năng thiết lập mối quan hệ với và yêu thương ai đó tới việc lãnh trách nhiệm nơi một con người hay một xã hội. Vì lý do này, việc phục vụ đồng hành được đo bằng một loạt các yếu tố chỉ xuất hiện như không liên quan hoặc không có tính thiêng liêng và không thể hoạt động nếu không có một liên minh nào giữa các tác nhân đào tạo.

Kỳ sau: Chương hai: Vào sâu trong kết cấu cuộc sống hàng ngày của chúng ta
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Phóng sự lễ làm phép Cơ Sở Mới cuả cộng đoàn CTTDVN – Largo Florida
Trần Mạnh Trác
10:57 28/08/2018
Xem hình ảnh

Kể từ năm 2016, sau khi rảo chơi các thắng cảnh ở St Peterburg (gần Largo,) tôi đã bất ngờ nhìn thấy Giaó Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, và từ đó, mỗi khi có lý do phải đi qua vùng 'Tampa Bay-St Petersburg', đã trở lại nơi đây để dự lễ chuá nhật.

Ngay từ đầu tôi đã thấy ngôi nhà thờ đẹp lắm, có lẽ vì là “cuả người Việt mình” chăng? Đó là một bức tường trắng thanh thoát màu vỏ sò, nằm êm đềm dưới những rặng thông xanh mát. Ở bên ngoài ngay góc nhà thờ là một tượng đài Đức Mẹ La Vang lớn, một biểu tượng thân thương không thể thiếu cuả người Công Giáo Việt Nam, nằm giữa những cây kiểng xanh rì.

Tôi cảm xúc gọi nơi đây là một viên ngọc trai chưa được mấy người biết đến.

Qua 3 năm gặp gỡ, tôi đã chứng kiến viên ngọc này lớn lên và sáng thêm rất nhanh. Bắt đầu ở các lễ Chuá Nhật, số người ngồi chưa đầy các hàng ghế, lần sau thì đã có người phải đứng phiá sau, rối thì một mái hiên được cất lên trước nhà thờ, và … ngày nay, người ta đã phải xếp ghế trên bãi cỏ để xem lễ qua TV.

Thực ra, “ngôi nhà thờ nhỏ xinh xinh” này chỉ là một nguyện đường cuả một cộng đoàn người Việt Công Giáo mang tên là Giáo Đoàn Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ở Largo Florida. Cái bảng ngoài đường với hai chữ “Giáo Xứ” là một sự nâng cấp từ danh xưng “Mission,” nghiã là Thí Điểm Truyền Giáo, có thể gọi nôm na là “Nhà Thờ Họ” theo cách nói thông thường ở Việt Nam.

Nhưng “ngôi nhà thờ xinh xinh” cuả người Việt Nam ta lại nằm ngay cạnh một ngôi nhà thờ lớn hơn cuả Mỹ, là nhà thờ St Matthew Catholic Church. Cho nên mỗi khi ghé thăm nơi đây, tôi không khỏi tự đặt ra cho mình một câu hỏi “Nằm cạnh một giáo xứ lớn đã có ‘căn bản’ như Gx St Matthew này, thì dù cho có sự thân thiết cách mấy đi nữa, và được chia sẻ dối dào các tiện ích có sẵn tới mấy chăng nữa, thì cái thân thế ‘mission’ cuả công đoàn Việt Nam có thể được nâng cấp thêm nữa thành Giáo Xứ không?”

Nóí như thế không có nghiã là “phân chia chủng tộc đâu”! Chỉ là một sự dĩ nhiên cuả đời thường, như thể một đứa con lớn lên rồi mà không tạo lập cho mình một gia đình mới thì vẫn chỉ là một “đứa con” trong nhà, dù cho có được gọi thêm danh vị là “cô” hay “cậu”…

Cho nên kỳ này khi có dịp đi Florida một lần nữa, tôi vui mừng nghe Cha Xứ Nguyễn Vũ Việt cho biết ngài sẽ tổ chức một lễ “làm phép” cơ sở mới cuả Giáo xứ, vào Chuá Nhật 26 tháng 8 2018.

Đây là một cơ sở đã bỏ trống cuả một hãng đặc chế xe hơi (custom made), có 2 toà nhà, một tổng hành dinh và một cơ xưởng 7 gian (bays) lớn, đằng sau là một bãi parking lớn, một hồ thoát nước lớn, và một bãi cỏ trống lớn. Tổng cộng diện tích cuả khu vực là 7 acres (gần 3 hecta.) Vị trí khu mới này nằm bên cạnh khu Flea Market nổi tiếng cuả vùng St Pertersburg là Wagon Wheel flea market, nơi có bán nhiều rau trái mà người Việt ưa thích, như rau muống măng cầu măng cụt chôm chôm soài nhãn mít vv...

Có người đã vui nhộn tự đặt tên ngôi “nhà thờ mới” cuả mình là “Flea Market Church”, “Nhà Thờ Chợ Trời”, mặc dù có lẽ phải mất thêm 5 năm nữa, theo kế hoạch xây dựng mả Cha Xứ công bố, thì mới hoàn tất xong ngôi nhà thờ mong ước.

Tuy nhiên tinh thần cuả giáo dân thì đã rất cao, nhất là Các Bà Mẹ Công Giáo, được vừa tổ chức lễ Thánh Monica trọng thể, đồng thời được dùng ngày lễ cuả hội làm cái mốc lịch sử cho việc “làm phép” khu đất mới. Đây sẽ là cái “mái ấm” cuả giáo xứ, là gia đình mà các Bà Mẹ Công Giáo là chủ.

Muà này Florida hay mưa chiều, mà mỗi lần có mưa thì người ta tránh ra đường vì hay có sét đánh, nhưng Chuá Thương, chiều hôm nay tạnh và mát, buồi lễ ‘làm phép đất’ đã diễn ra tốt đẹp.

Riêng tôi, sau 3 năm ‘làm quen’ với cộng đoàn này, bỗng nhờ một dịp ngẫu nhiên khám phá ra rằng trong số các thành viên kỳ cựu cuả cộng đoàn là nhiều người ở cùng quê bên Việt Nam: xứ đạo Thanh Xuân, Lagi, Bình Tuy. Thì ra, theo lời cuả vị đồng hương, “trái đất thật là tròn, và thật là nhỏ”.



Hy vọng sẽ còn nhiều dịp về thăm cộng đoàn nữa và sẽ mang đến cho quí độc giả nhiều phóng sự khác.
 
Giáo Xứ Gia An GP. Phan Thiết : Mừng Lễ Thánh Mônica.
GX Gia An
20:58 28/08/2018
“Noi gương Thánh Mônica: Hãy trở nên những người mẹ khôn ngoan để hoán cải gia đình, chồng, con và chinh phục thế giới."

Hôm nay, thứ hai, ngày 27.8.2018 Cha Tađêô quản xứ, cùng các thầy, các soeur, HĐMV, và Hội bà mẹ Công Giáo Gia An, Hội Bà mẹ Công Giáo Hòa Vinh cùng long trọng tổ chức ngày sinh hoạt chung để mừng kính Thánh Nữ Mônica.

Xem Hình

Vừa lo cho việc tổ chức 60 năm thành lập giáo xứ ngày 15.8.2018, nay lại tiếp tục công việc mục vụ. Hội các bà mẹ Công Giáo đã họp bàn và lên kế hoạch chi tiết cho ngày họp mặt này. Từ sáng sớm có 100 bà mẹ Công Giáo từ giáo xứ Hòa Vinh xa xôi đến cùng chung chia niềm vui với các bà mẹ Gia An. Sau nghi thức chào thăm, tay bắt mặt mừng như người trong một nhà, các bà mẹ đã được nghe những bài thuyết trình về chủ đề: Làm bà, làm mẹ, làm vợ, làm dâu trong gia đình do cha quản xứ trình bày. Cao điểm của ngày họp mặt là Thánh lễ lúc 10giờ, các bà, các chị với đủ trang phục: áo dài trắng, xanh, vàng, hồng, đỏ... đã xếp thành đoàn rước tiến vào nhà thờ. Thánh lễ diễn ra trong bầu khí trang nghiêm, thánh thiện. Mọi người sốt sáng cầu nguyện chung cho Giáo hội, cho gia đình riêng của mình.

Chia sẽ Lời Chúa hôm nay, cha Tađêô nhấn mạnh "Con trai bà góa thành Naim", Cha nói : Thiên Chúa luôn lắng nghe những người khốn khổ, luôn đồng hành với người kêu cầu Ngài. Mẹ Mônica đã cầu nguyện, hi sinh và luôn trông cậy vào Chúa, Mẹ đã dùng những lời ngọt ngào cùng với sự nhẫn nại để giúp chồng, con quay về đường chính lộ. Cha đã khuyên các mẹ, các chị hãy noi gương mẹ Mônica, kiên trì cầu nguyện, có trái tim nhân hậu và tin tưởng rằng "hạt giống nhân đức" được gieo sẽ trổ sinh hoa trái. Hãy trở nên những người mẹ khôn ngoan để hoán cải chồng, con và chinh phục thế giới." Ngài còn dẫn chứng thêm:

Trái tim người mẹ là trường học của đứa con (W.Bacher)

Tương lai của con là công trình người mẹ. (Napoleon)

Đúng 11giờ30 các Bà mẹ của 2 giáo xứ đã dùng cơm chung,hòa với những lời ca tiếng hát “cây nhà lá vườn” để ngợi ca Thánh quan thầycủa mình. Ban chiều, dưới sự hướng dẫn của các thầy, các bà mẹ đã sinh hoạt chung với những trò chơi vui nhộn, qua đó thắt chặt thêm tình cảm của những người con Chúa.

Sau nghi thức Chầu Thánh thể, lúc 16g30 các bà, các chị ra về trong bình an, hiệp nhất kết thúcngày họp mặt nhiều ý nghĩa, nhiều kỉ niệm. Hội các bà mẹ Hòa Vinh mời các bà mẹ Gia An tiếp tục sinh hoạt chung tại Hòa Vinh để thắt chặt hơn tình nghĩa giữa 2 giáo xứ.

BTT Gia An