Ngày 26-08-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tuyên Xưng Đức Kitô
Lm. Thái Nguyên
06:09 26/08/2023


TUYÊN XƯNG ĐỨC KITÔ

Chúa Nhật 21 Thường Niên năm A: Mt 16, 13-20.

Suy niệm

Nhìn vào bối cảnh dân Israel trước Đức Giêsu, chúng ta thấy toàn dân đang trông chờ một Đấng Mêsia, để giải phóng họ khỏi kiếp sống lầm than và đưa dân tộc họ lên bá chủ thế giới. Đến khi Chúa Giêsu xuất hiện với những lời giảng dạy mới mẻ, đầy quyền năng, thì dân chúng lầm tưởng Ngài là Gioan Tẩy Giả, là Êlia hoặc là một ngôn sứ thời xưa đã sống lại. Đức Giêsu không quan tâm đến việc dân chúng nghĩ gì về mình mà chỉ nhằm đến các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Phêrô liền tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Câu trả lời đúng như Chúa Giêsu muốn, nhưng Ngài cho biết, không phải tự ông biết điều đó, mà do Chúa Cha mạc khải.

Sự kiện trên lại xảy ra trong giai đoạn cuối của thời kỳ Đức Giêsu ở trần gian. Chính lúc đó, Ngài biết rằng đã đến lúc Ngài phải khởi đầu việc đặt nền móng xây dựng một tòa nhà thiêng liêng, nên đã tuyên bố Phêrô là Tảng Ðá để xây Hội Thánh của Ngài, và trao cho ông chìa khóa Nước Trời. Một quyết định xem ra bất ngờ, và làm mọi người ngỡ ngàng, vì Phêrô cũng chỉ là một ngư phủ bình thường, ít học, chỉ có sự nhiệt tình, nhưng lại không vững vàng, bị Thầy khiển trách nhiều nhất. Nhưng vì hiểu được Ý Cha trong biến cố này, nên Đức Giêsu đã đặt Phêrô làm đầu Giáo Hội, đại diện cho Ngài là Đá Tảng duy nhất.

Nhìn lại cuộc trắc nghiệm của Chúa Giêsu, chúng ta thấy niềm tin của đám đông rõ ràng còn phiến diện, nhưng niềm tin của các tông đồ cũng chưa hoàn chỉnh. Niềm tin ấy dường như còn bám rễ vào một quan niệm Thiên Sai ái quốc và duy quốc gia. Vì vậy mà Đức Giêsu “cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Ngài là Đấng Kitô”, bởi vì một lời tuyên xưng đúng đắn vẫn không đảm bảo cho một đức tin trung thực. Và điều này được chứng minh ngay sau đó, qua phản ứng của Phêrô khi nghe Đức Giêsu loan báo cuộc Thương Khó. Ông tỏ vẻ tài khôn khuyên can Thầy đừng làm như vậy, và đã bị Thầy quở trách nặng nề, gọi ông là Satan vì đã cản bước đường Ngài.

Bài Tin Mừng cho chúng ta xác tín sâu xa về Giáo Hội trần thế mà Chúa Giêsu đã thiết lập, là con đường đưa tới Nước Trời. Nếu ai nói rằng, mình có thể đạt tới Đức Kitô hay có thể hòa nhập với Ngài mà không cần đến Giáo Hội, là đi tới nguy cơ lầm đường lạc lối. Làm như vậy là dựng nên một Đức Kitô theo tầm mức của mình, là tưởng tượng ra một Đức Chúa cho vừa vặn với suy nghĩ và ý muốn của mình, là từ khước một Đức Kitô như Ngài đã tự mạc khải cho chúng ta.

Tuy nhiên, cũng có một số người dị ứng với quyền bính trong Giáo Hội. Chúng ta biết rằng, quyền chìa khóa được ban cho các mục tử là để phục vụ việc đi theo Đức Kitô, là giúp người ta đến với Ngài và trở thành môn đệ của Ngài, chứ không phải là quyền ép buộc đoàn chiên đi theo sở thích hoặc ngẫu hứng của mình. Quyền này được trao để phục vụ sự sống, chứ không phải quyền sinh sát trên đoàn chiên. Trong tiếng La Tinh, quyền bính là “auctoritas”, do động từ “augere” có nghĩa là “làm cho lớn lên”. Quyền bính trong Giáo Hội là phương tiện chỉ để phục vụ cho sự tăng trưởng mà thôi. Cho dù có những cá nhân lạm dụng quá đáng quyền bính này, nhưng không vì thế mà Giáo Hội rơi vào sai lạc, hay đánh mất vai trò và bản chất đích thực của mình.

Quả thực, Hội Thánh là thực tại nhỏ bé nhất, nghèo hèn nhất, yếu đuối nhất, vì qui tụ quanh một máng cỏ và một cây thập giá. Nhưng Hội Thánh cũng là thực tại cao cả nhất, giàu có nhất, vinh hiển nhất, mạnh mẽ nhất, bởi vì Đấng sinh ra trong máng cỏ cũng là Đấng chịu đóng đinh trên đồi Sọ, và là chính Đấng đã sống lại, và đang hiển trị trên muôn loài muôn vật. Cuối cùng, bài Tin Mừng đặt ra cho mỗi người chúng ta hai câu hỏi hết sức quan trọng:

- Chúa Giêsu là ai và có ý nghĩa gì trong cuộc đời tôi?

- Tôi là ai và như thế nào dưới cái nhìn của Chúa Giêsu?

Mỗi người phải tự trả lời cho mình. Đây là cuộc khám phá cá nhân mà mỗi người chúng ta phải thực hiện cho chính mình. Phêrô đã khám phá ra được chân lý quan trọng, nên ông đã được trao ban đặc đặc ân và trách nhiệm lớn lao. Chúng ta cũng vậy, muốn được vinh dự góp phần với Chúa thì tự mình phải khám phá ra Ngài sâu hơn mỗi ngày. Nếu ta thực sự muốn kiện toàn đời mình, muốn trở nên trọn vẹn là chính mình, muốn nhận ra sứ mạng của đời mình, thì không chỉ tuyên xưng Đức Kitô, mà còn tuyên xưng cả lòng yêu mến thẳm sâu, nghĩa là để Chúa chiếm hữu hoàn toàn cuộc đời mình như thánh Phêrô xưa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!

Giáo lý của Chúa sẽ không đánh động,

không sâu rộng và lôi cuốn hiệp thông,

nếu như không có những mầu nhiệm thánh.

Khát vọng nơi con người là như thế,

chiếm hữu rồi mà lòng vẫn chưa thôi,

đạt tới đích mà trí chẳng đặng yên,

vì ngoài Chúa chẳng có gì mãn nguyện.

Mầu nhiệm mở cho con tầm nhìn mới,

hướng về “phía bên kia” mọi tri thức,

mời gọi con vươn lên mãi không ngừng,

nên con thích suy gẫm những mầu nhiệm,

mà Giáo Hội là mầu nhiệm đầu đời,

đã cho con trở thành con cái Chúa.

Giáo Hội không “nảy sinh từ bên dưới”,

do ý muốn toan tính của con người,

nhưng Giáo Hội “phát xuất từ trên xuống”

chính là lòng nhân hậu Chúa xót thương,

xem ra như một tổ chức bình thường,

nhưng bản chất vẫn luôn là siêu vượt,

vì là vừa nhân loại vừa thần linh,

vừa phẩm trật vừa mang tính siêu hình.

Giáo Hội còn là thân thể nhiệm mầu,

bởi vì chính Đức Ki-tô là Đầu,

nhưng Giáo Hội vẫn mang thân lữ khách,

bước đi giữa cám dỗ và thử thách.

Xin cho Giáo Hội biết luôn thanh tẩy,

sống trung tín trong ngần và thánh thiện,

như một hiền thê xứng đáng của Chúa mình,

biết nương theo tác động của Thánh Linh,

để hoàn thành chính mình trong nguồn cội,

là công trình cứu độ của Ba Ngôi. Amen.
 
Đừng ngừng tìm kiếm
Lm. Minh Anh
15:16 26/08/2023

ĐỪNG NGỪNG TÌM KIẾM!
“Người ta nói Con Người là ai?”.

C.S. Lewis nói, “Tôi đang tìm cách ngăn cản bất cứ ai nói một điều thực sự khờ khạo người ta thường nói về Chúa Giêsu: ‘Tôi chấp nhận Giêsu là một bậc thầy đạo đức, nhưng không chấp nhận Ngài là Chúa!’. Nếu bạn chấp nhận Giêsu là Thầy dạy đạo đức thì nhất thiết phải chấp nhận Ngài là Thiên Chúa, vì những thầy dạy đạo đức vĩ đại không nói dối!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ, “Người ta nói Con Người là ai?”, và Ngài đã nhận được nhiều câu trả lời; một trong các ngôn sứ hay cũng có thể là một thầy dạy vĩ đại đạo đức. Phần bạn và tôi, chúng ta ‘đừng ngừng tìm kiếm’ Ngài!

Mọi người đều có ý kiến riêng của mình! Có lẽ họ hài lòng vì cho rằng mình đúng và đã ngừng tìm kiếm. Hoặc có lẽ họ quá lười biếng để theo đuổi lẽ những thật sâu sắc hơn. Phần chúng ta, phải cẩn thận để không vội đi đến một kết luận hoặc hài lòng với những gì bề ngoài có vẻ đúng. Nhiều người nói nhiều điều về Chúa Giêsu; nhưng bạn và tôi, cần kiên trì theo đuổi những sự thật sâu sắc hơn về con người Ngài, ‘đừng ngừng tìm kiếm!’.

Vậy làm sao Phêrô biết Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Messia, Con Thiên Chúa hằng sống? Phêrô không nói, ‘Cha trên trời bảo tôi, Thầy là Đấng Messia!’. Có lẽ Phêrô thậm chí còn không nhận thức được Chúa Cha đang hành động trong ông. Tại sao? Thưa bởi lẽ Phêrô đã đồng hành với Chúa Giêsu, nghe Ngài giảng dạy, chứng kiến nhiều phép lạ; và quan trọng hơn, đã suy gẫm về tất cả những điều này và dần dần nhận ra rằng, Ngài không chỉ là vị Thầy đạo đức vĩ đại, nhưng còn bắt đầu nhìn thấy Ngài thực sự là ai, là Thiên Chúa!

Cũng vậy, Thiên Chúa tác động trong tâm trí chúng ta, giúp chúng ta thấy rõ sự thật về Chúa Giêsu. Chúng ta có thể không nhận thức được rằng, Cha trên trời đang hoạt động, nhưng khi chân thành cố gắng nhận biết Chúa Kitô, cởi mở đón nhận tác động của ân sủng trong tâm hồn mình, chúng ta cũng sẽ nhận biết Chúa Kitô thực sự là ai, với điều kiện ‘đừng ngừng tìm kiếm’ Ngài trong cầu nguyện, chiêm ngắm, học biết Ngài mỗi ngày.

Sự cởi mở của Phêrô trước hành động của ân sủng và việc ông nhìn nhận Chúa Kitô là Thiên Chúa mang theo một trách nhiệm! Phêrô được trao chìa khoá Nước Trời với nhiệm vụ chăn dắt và xây dựng Hội Thánh. Như Phêrô, sự nhận biết Chúa Kitô của bạn và tôi đi kèm với trách nhiệm sống và truyền bá Tin Mừng. Tôi phải nhận trách nhiệm này một cách nghiêm túc. Tôi cần bảo đảm rằng, Tin Mừng về Nước Trời phải được sống, trước hết, trong cuộc sống tôi và nó phải được công bố cho toàn thế giới. Nhất định phải như vậy!

Anh Chị em,

“Người ta nói Con Người là ai?”. Ước gì bạn và tôi biết đào sâu sự thật về Chúa Giêsu là ai mỗi ngày và đừng bao giờ hài lòng với việc chỉ có một ý tưởng mơ hồ nào đó! Hãy muốn biết Ngài một cách thân mật như cách Phêrô và nhiều vị thánh đã biết. ‘Đừng ngừng tìm kiếm’ Ngài và hãy cầu xin cho được ân sủng này không chỉ vì bản thân mà còn vì tất cả những linh hồn chúng ta được giao phó! Chúa Giêsu đang thách thức bạn và tôi biết Ngài một cách cá nhân; phục vụ và yêu mến Ngài như Thiên Chúa một cách toàn tâm toàn ý.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, xin đừng bao giờ ngừng quyến rũ con! Cũng cho con đừng bao giờ ngưng cho phép mình được Ngài quyến rũ!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Con là Đá gì ?
Lm. Nguyễn Xuân Trường
15:27 26/08/2023
 
CN 21A: Phêrô là Đá : Đá quy tụ, Đá hợp nhất.
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
16:23 26/08/2023
CN 21A: Phêrô là Đá : Đá quy tụ, Đá hợp nhất.

Nếu ta nhìn vào Tivi cách đây hơn chục năm, hoặc xem băng hình ghi lại các chuyến đi của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong những năm cuối đời của ngài, hẳn ta sẽ nhìn thấy cây gậy của Đức Giáo Hoàng trở thành hữu dụng. Ngài chống và tựa trên chiếc gậy đó. Gậy không còn là biểu tượng cho quyền chăn chiên, quyền dẫn dắt, như ta thấy các giám mục vẫn thường dùng. Vị Giám mục Roma Gioan Phaolô II dùng gậy để chống đỡ chính mình.

Hình ảnh ĐGH Gioan Phaolô II về già chống và tựa cả thân mình trên chiếc gậy đó, có diễn tả được điều mà Tin Mừng hôm nay nói về Phêrô mà ĐGH là người kế vị không : “Con là Đá, trên đá này, Thầy sẽ xây dựng Hội Thánh của Thầy và cửa địa ngục không thể phá được”. Nếu Phêrô là Đá Tảng, thì kẻ kế vị người, cũng là tảng đá. ĐGH là đá tảng.

Nếu tảng đá được ví như cái gì chắc chắn, cho người khác tựa nương vào, thì với hình ảnh ĐGH Gioan Phaolô II khi vượt qua ngưỡng cửa bát tuần, đã bết bát về sức khoẻ thể lý, lúc nào cũng phải tựa nương vào chiếc gậy, có còn là hình ảnh của tảng đá cho người khác tựa nương hay không? Hẳn là khó hình dung tưởng tượng.

Nhưng tảng đá, ngoài ý nghĩa vững chắc, tựa nương, thì tảng đá còn có một ý nghĩa khác không kém phần quan yếu. Đó là : Tảng đá là nơi qui tụ. Tảng đá là nơi hợp nhất.

1. Tảng đá qui tụ

Tảng đá như nền nhà, “quy tụ” gạch xi măng, cát, sắt… để làm thành căn nhà. Căn nhà trong mạch ý Tin Mừng hôm nay chính là Hội Thánh.

Nếu Đức Gioan Phaolô không diễn được hình ảnh tảng đá cho người ta tựa vào, thì hình ảnh cụ già Wojtyla trên 80 tuổi vẫn và có khi còn hơn thế nữa, trở nên rõ nét hình ảnh của tảng đá “qui tụ”. Bởi tâm lý chung, nhất là tâm lý người Việt, người ta quy tụ về nhà người bô lão, chứ không tụ họp nơi nhà đám trẻ (giống như Tết nhất tới, người ta qui tụ về nhà ông bà để chúc thọ). Người bô lão là yếu tố thuận lợi để tụ hội, để hợp nhất.

2. Tảng Đá Hợp nhất.

Qui tụ và hợp nhất có nét giống nhau, nhưng ta tạm phân biệt như sau: qui tụ là từ nhiều nơi trên khắp mặt địa cầu này hội tụ về một chỗ. Hợp nhất là cho dẫu phân tán ở khắp mọi nơi trên thế giới, nhưng vẫn hướng về một người, một đích để hợp nhất. Phêrô là đá tảng hợp nhất.

Khi gọi Phêrô là Đá, trên nền đá này “tập kết” (quy tụ) gạch cát ximăng xây nhà Giáo Hội, Chúa Giêsu còn nói thêm: “quyền lực hỏa ngục không thể phá được.”

Phân tích có vẻ chú giải Kinh Thánh một chút, ta thấy trong hỏa ngục có ma quỷ. Hỏa ngục không thể phá đổ được, tức ma quỷ không thể lật nhào Hội Thánh được. Mà ma quỷ tiếng Hilạp là Diabolos (dia: xuyên qua; bolein=bolo=ném), tức kẻ gây chia rẽ, kẻ gây rối.

Trong ý hướng tảng đá hợp nhất, ta sẽ diễn dịch lại lời Chúa Giêsu như sau: “Con là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây một Giáo Hội duy nhất, Kẻ Phá Rối, kẻ gây Chia Rẽ không đời nào phá vỡ nổi sự hợp nhất ta xây dựng”.

Thử điểm lại các tôn giáo trên thế giới, và cách riêng Kitô giáo thôi, ta thấy không có Hội thánh nào khác ngoài Hội Thánh Công Giáo Roma có sự hợp nhất hữu hình này.

Ví dụ Anh Giáo, với cơ cấu có 7 Bí Tích như Công Giáo (“như” về con số 7 chứ không phải “như” về tính thành sự), họ có 27 Giáo Hội khắp nơi. Nhưng họ đâu có một con người hữu hình, một điểm nhắm cụ thể để họ hướng về đâu. Anh Giáo tại Mỹ, đâu có lệ thuộc gì Anh Giáo tại Anh quốc là nơi phát sinh ra Anh Giáo. Anh Giáo tại Úc không liên hệ gì tới Anh Giáo tại Mỹ, tại Anh. Họ toàn quyền tổ chức, họ phong chức giám mục cho cả người nữ nữa, điều mà Anh Giáo gốc tại Anh Quốc chưa dám (chỉ mới phong chức linh mục cho nữ thôi).

Ví dụ như Chính Thống với 13 Lễ chế khác nhau, và ngay cả cùng một lễ chế, như lễ chế Byzantin mà ở 2 nước khác nhau thôi, thì Chính Thống Rumani chẳng cần hướng lòng mình về Chính Thống Nga. Chính Thống Nga chẳng cần ngó xem Chính Thống Constantinop (hiện ở Thổ Nhĩ Kì, nôi của Chính Thống Giáo) làm gì để noi theo. Mỗi nước có một giáo hội Chính Thống độc lập. Họ có liên kết với nhau cũng rất lỏng lẻo, và chỉ là liên kết trên phiên họp lâu lâu (mấy trăm năm…) một lần !

Còn Tin Lành thì càng khó thấy sự hợp nhất. Mấy trăm giáo hội (phái) khác nhau là mấy ngàn thế giới: nào là Lutheran, Presbyterian, Methodist, Baptist, Phục Lâm ngày thứ 7… Mỗi giáo phái là một thế giới, mà hơn thế nữa, mỗi giáo phái tại mỗi nước, lại không lệ thuộc gì, không hợp nhất gì với cùng một giáo phái đó, tại các nước khác. Ranh giới quốc gia phân chia luôn ranh giới Đạo giáo. (Và còn nhỏ hơn, trong cùng một nước, mà tỉnh này khác tỉnh kia, phường này khác phố nọ. Vd: Hội Thánh Tin Lành chi hội Trần Hưng Đạo và Hội Thánh Tin Lành chi hội Tân Bình, đâu nhất thiết phải hợp nhất, cử hành “Ngày của Chúa” giống nhau.)

Còn Công Giáo, thì bất cứ ở đâu, nơi trang trọng hay hóc bà tó nào, đã dâng lễ hôm nay, là đọc bài Tin Mừng Phêrô là Đá này, và một lời cầu cho ĐGH tên tuổi rõ ràng Phanxicô. Yếu tố hợp nhất này Đgh Phanxicô không làm được, không tạo được, chỉ có Chúa mới làm được. Một dấu chứng rõ ràng GH Công Giáo là giáo hội chân chính nhờ yếu tố hợp nhất này. Hợp nhất là dấu chỉ rõ ràng nhất để biết GH nào là GH thật.

Tóm lại các Hội Thánh kể trên chỉ có cấp quốc gia là cùng, mà không có cấp hoàn vũ. Trong khi đó, Hội Thánh Công Giáo, dù ở chân trời góc biển nào, dù màu da khác nhau tương phản, đều qui về, đều hợp nhất dưới một con người hữu hình, mang danh hiệu đấng kế vị Phêrô, Tảng Đá hợp nhất. Đây là nét trổi vượt, tính hơn hẳn, là lợi thế của Hội Thánh Công Giáo Roma trên con đường hợp nhất Kitô hữu, đến nỗi có thành ngữ, “đường nào cũng dẫn tới Roma”.

Sách Giáo Lý Chung, số 882, nói về ĐGH như sau: “Đức Thánh Cha, giám mục của Roma, kẻ kế vị Phêrô, là nguồn mạch và nền tảng hữu hình và vĩnh cửu về sự hợp nhất giữa các giám mục và sự hợp nhất của toàn thể cộng đoàn tín hữu.”

Anh là Phêrô nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Ta đã diễn dịch lại rằng “Anh là Phêrô nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây một Hội Thánh duy nhất, tên Phá Rối, tên Gây Chia Rẽ không đời nào phá vỡ nổi sự hợp nhất Thầy xây dựng.”

Trong Kinh Tạ ơn của bất cứ thánh lễ nào, cử hành bằng bất cứ ngôn ngữ nào: Tây Tàu Mỹ, Lào, Campuchia, K’hor, H’Mong… đều có một lời cầu cho ĐGH, Tảng Đá hợp nhất. Ta hãy đặc biệt hợp lòng. Và ta hãy long trọng tuyên xưng rằng ta tin vào một Hội Thánh “duy nhất”, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền, mà trong đó nét trổi vượt chính là sự hợp nhất, do bởi có ĐGH là đá tảng hợp nhất, tảng đá qui tụ. Amen.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Thầy Là AI?
Lm Michael Nguyễn Quang, SVD
21:55 26/08/2023
Lm Michael Nguyễn Quang, SVD
Thầy Là AI?

https://www.youtube.com/watch?v=wAgLGsRpNfw

Một vị tu sĩ kể lại, ngày kia trong khi đang dạo chơi trên những con đường tấp nập người của kinh thành Nữu Ước, ông gặp người bạn cố tri từ hồi bên Việt Nam. Sau một vài câu chuyện hàn huyên tâm sự, người bạn nhìn vị tu sĩ e dè hỏi,
— Ông vẫn tin vào Thượng Đế?
Vị tu sĩ đáp,
— Vâng, tôi vẫn tin vào Thiên Chúa.
Tới phiên vị tu sĩ, ông hỏi lại người bạn,
— Còn ông thì sao, ông tin vào ai?
Người bạn móc ví, lôi ra tờ giấy 20$ đô la xanh lè, cười đáp,
— Tôi, tôi tin vào tấm hình này...

Suy Niệm
Ngày xưa, Đức Giêsu đã hỏi các người thân của mình, “Các con nghĩ Thầy là ai?”. Câu hỏi đó, ngày hôm nay, Chúa không hỏi các môn đệ của Ngài nữa, nhưng Ngài đang hỏi chúng ta,
— Con nghĩ Thầy là ai?
Sống trong một xã hội, tiền bạc là trên hết, có tiền mới có nhà, có bồ, có xe hơi BMW, Mercedez, có, gần như rất nhiều, chúng ta rất dễ dàng quên đi sự hiện hữu của Thiên Chúa. Bởi thế, trước câu hỏi, “Con nghĩ Thầy là ai?”, có thể tôi bắt đầu gãi đầu, xoa trán, lúng túng tìm kiếm câu trả lời,
— Hình như… Hình như Thầy không còn là nơi con ẩn náu! Hình như Thầy không còn phải là Đấng con kiếm tìm. Hình như Thầy không phải là Thiên Chúa của con nữa, nhưng là tiền, như người bạn của vị tu sĩ trong câu chuyện đã từng khẳng định. Ngày hôm nay, trong một cuộc sống ngập tràn những tiện nghi vật chất, Laptop mỏng dính, iPod nhẹ tênh, hình như con không còn cảm thấy nhu cầu cần phải có sự hiện hữu của Thầy trong đời sống nữa. Trong một cuộc sống siêu hành tinh, siêu liên mạng, siêu điện tử, và siêu xa lộ, Thầy, Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống đã được con hạ bệ.

Lời Nguyện
Lạy Chúa, một lần nữa, con lại xin lỗi Chúa bởi con đang lúng túng với chính con khi Chúa đang hỏi, “Con nghĩ Thầy là ai?” Xin ban lại cho con một quả tim trong sạch. Xin ban lại cho con một niềm tin quyết liệt để con không còn phải lúng túng với niềm tin, với chính con trong ngày hôm nay, ngày mai và vào ngày cuối đời khi con đang đứng trước mặt Chúa.□
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bất chấp tối hậu thư của đặc sứ Đức Giáo Hoàng, sự kháng cự vẫn tiếp diễn trong Giáo Hội Syro-Malabar của Ấn Độ và đang lên rất cao
Đặng Tự Do
05:27 26/08/2023


Bất chấp lời đe dọa quyết liệt của một đại diện Đức Giáo Hoàng về việc rút phép thông công các linh mục không tuân thủ mệnh lệnh về cách cử hành Thánh lễ từ Thượng Hội Đồng Giáo hội Syro-Malabar của Ấn Độ, hạn chót đã đến và trôi qua vào Chúa Nhật với chỉ một số ít giáo xứ cử hành Thánh lễ theo quy định. Một linh mục thậm chí còn đâm đơn kiện đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng tại một tòa án dân sự.

Trong vương cung thánh đường của Giáo Hội Syro-Malabar, là Nhà thờ Đức Bà ở Ernakulam, một cha sở mới được bổ nhiệm. Ngài đã cố gắng cử hành Thánh lễ theo cách quy định nhưng đã bị cộng đoàn phản đối, và cha sở buộc phải thông báo rằng Thánh lễ bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới.

Sau tuyên bố dứt phép thông những ai không tuân thủ chỉ có 6 trong số 328 giáo xứ ở tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly thực sự tuân theo lời cảnh báo của đặc sứ Đức Giáo Hoàng.

Sự phản kháng xảy ra sau khi có tối hậu thư được đưa ra ngày 17 tháng 8 bởi Đức Tổng Giám Mục người Slovakia Cyril Vasil, một tu sĩ Dòng Tên và là cựu quan chức số hai của Bộ Giáo hội Đông phương của Vatican, người được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm vào ngày 31 tháng 7 làm đại diện của ngài tại Ernakulam- Angamaly, nơi một loạt linh mục và giáo dân đã biểu tình công khai trong nhiều tháng qua.

Đức Tổng Giám Mục Vasil đã ấn định Chúa Nhật, ngày 20 tháng 8, là thời hạn cuối cùng để các linh mục cử hành Thánh lễ theo quy định của Thượng Hội Đồng, theo đó linh mục hướng mặt về phía giáo dân trong Phụng vụ Lời Chúa nhưng quay mặt về phía bàn thờ trong Phụng vụ Thánh Thể, và sau đó quay xuống từ Kinh Lạy Cha. Đức Cha Vasil cảnh báo các linh mục không tuân theo sẽ phải bị kỷ luật theo giáo luật.

Sắc lệnh đó đã bị phản đối mạnh mẽ ở Ernakulam-Angamaly, nơi có phong tục là linh mục phải quay mặt xuống cộng đoàn trong suốt thánh lễ như trong các thánh lễ của Công Giáo Latinh. Một cuộc biểu tình của giáo dân đã nổ ra trong đó họ công khai đốt bỏ sắc lệnh của Đức Tổng Giám Mục.

Cha Jose Vailikodath, thư ký của Hội đồng Bảo vệ Tổng giáo phận, người cũng đang lãnh đạo phe đối lập, gọi nỗ lực khôi phục trật tự của Đức Cha Vasil là “một thất bại hoàn toàn”.

Theo Cha Vailikodath, một linh mục khác của tổng giáo phận đã đệ đơn khiếu nại Đức Cha Vasil trước một thẩm phán dân sự trong khu vực, cáo buộc rằng Đức Cha Vasil không có thẩm quyền đe dọa các hình phạt đối với các linh mục vì người quản lý tông tòa của Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly thực sự là Tổng giám mục Andrews Thazhath, người được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào vai trò đó vào tháng 7 năm 2022.

Đức Cha Thazhath đã đưa ra một tuyên bố vào Chúa Nhật ủng hộ mạnh mẽ Đức Cha Vasil và yêu cầu các linh mục bất đồng tuân thủ.

“Với tư cách là người đại diện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Cyril Vasil đã thông báo rằng từ hôm nay, ngày 20 tháng 8, tại tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly, chỉ nghi thức Thánh Thể được Thượng Hội đồng phê chuẩn mới được phép”


Source:Crux
 
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Tổng thống Hung Gia Lợi trong bối cảnh cuộc vận động “hòa bình” của Vatican
Đặng Tự Do
05:30 26/08/2023


Cuộc gặp mới của Tổng thống Hung Gia Lợi, Katalin Novák, với Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ diễn ra sau các cuộc gặp gỡ vào tháng 8 năm 2022 và tháng 4 năm 2023. Tổng thống sẽ được Đức Thánh Cha tiếp đón tại Vatican vào thứ Sáu ngày 25 tháng 8 này trong khuôn khổ hoạt động ngoại giao căng thẳng của bà Novak và chính phủ của Thủ tướng Victor Orbán.

Trước khi sang Vatican, Tổng thống Hung Gia Lợi được tiếp đón vào hôm thứ Tư bởi nhà lãnh đạo nhà nước Ukraine Zelenskiy tại Kyiv.

Thông tin chi tiết về cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha và Tổng thống Zelenskiy được báo chí Ukraine cho là tập trung vào tình hình chiến tranh ở trung tâm Âu Châu, gần biên giới phía đông Hung Gia Lợi.

Hôm 21 Tháng Tám, Katalin Novák đã có cuộc gặp kéo dài với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Novák cho biết cô ấy đã có một cuộc gặp quan trọng với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ “không chỉ là đồng minh và đối tác chiến lược quan trọng của chúng tôi, mà còn là một trong số ít những người cam kết vì hòa bình”.

Hôm 22 tháng 8, Tổng thống Hung Gia Lợi đã đến thăm Transcarpathian để gặp gỡ đại diện của cộng đồng Hung Gia Lợi địa phương và sau đó sẽ tới Kyiv để tham gia sự kiện Diễn đàn Crimea năm nay.

Theo nhà lãnh đạo nhà nước Hung Gia Lợi, cư dân của Transcarpathia đã ở trong một tình huống khó khăn trước chiến tranh, điều này chỉ trở nên tồi tệ hơn kể từ đó. “Bất cứ nơi nào tôi đi, tôi đều mang theo ký ức về cộng đồng 150.000 người Hung Gia Lợi sống ở Transcarpathia. Họ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chiến tranh, nhiều người phải để tang con, chồng và cha, gia đình tan nát”, Tổng thống Novak nói với báo chí Hung Gia Lợi.

Cương lĩnh Crimea là một sáng kiến ngoại giao của Ukraine nhằm đưa vấn đề Crimea trở lại chương trình nghị sự quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao trả quyền kiểm soát Crimea cho Ukraine và khôi phục quan hệ Nga-Ukraine hòa bình và thân thiện.


Source:Sismo Grafo
 
Văn Hóa
MỘT TRĂM LẺ MỘT CÂU HỎI VỀ CHÚA GIÊSU: CÁC CÂU 41-50
Vũ Văn An
15:34 26/08/2023

Câu hỏi 41: Tại sao Chúa Giêsu chịu đựng mọi đối xử tệ bạc Người nhận được từ rất nhiều người trong suốt cuộc đời Người? Dù sao, Người cũng là Con Thiên Chúa!

Viên bách quản dưới chân thập giá, thấy cách Người qua đời, kêu lên: “Quả thực, người này là Con Thiên Chúa!” (Mc 15:39). Đối với Máccô, điều có nghĩa khi gọi Chúa Giêsu là “Kitô” hay “Con Thiên Chúa” hay “Con Người” chỉ có thể hiểu được khi chúng ta đứng dưới chân thập giá và tự cảm nghiệm cách Người qua đời. Câu trả lời cho câu Người hỏi “Các con nói Thầy là ai?” (8:29) không phải là câu Phêrô tuyên xưng đức tin nhưng là việc ngài chấp nhận thập giá như một điều đích thân cảm nghiệm. Chúa Giêsu đến như “người này”, như Con Người “đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ” (10:45), người tôi tớ “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng” (Mt 12:20, trích dẫn bài ca người tôi tớ của Is 42:1-4).

Chính cuộc đời và cái chết của Chúa Giêsu là sự mặc khải của Thiên Chúa, một Thiên Chúa không can thiệp để cưỡng bức người ta phải thực hiện thánh ý Thiên Chúa nhưng đúng hơn mời gọi họ trở thành con cái tự do của Thiên Chúa, tự do như Chúa Giêsu tự do. Chúa Giêsu tự do đối chất với quyền lực ma qủy và sự giả hình bao quanh Người. Người tự do kêu gọi người khác theo Người trên đường Người đi và chung chia cảnh vô gia cư và bất an toàn của Người. Người tự do tín thác hoàn toàn và toàn diện vào lòng nhân hậu của Cha Người ngay cả lúc mọi sự dường như đi ngược lại niềm tín thác này. Người tự do yêu thương và ôm ấp những người bị hắt hủi khinh chê, trong đó, có phụ nữ và trẻ em, và gọi đó là thánh ý Thiên Chúa, công lý Thiên Chúa. Người tự do chịu đựng mọi đối xử tệ bạc nhận được chính vì Người là Con Thiên Chúa, và giống như Cha Người, cách thế của Người là cách thế cảm thương, tha thứ, và yêu thương mọi người. Bất cứ cách thế nào khác cũng sẽ bẻ gẫy cây lau, giập tắt tim đèn leo lét. Nó sẽ không mang lại tự do mà vì thế Đức Kitô đã giải thoát chúng ta (Gl 5:1).



Câu hỏi 42: Có quá nhiều đau khổ trong thế giới, cả lúc ấy và bây giờ. Chúa Giêsu thực sự có quyền năng chữa lành hay không?

Tâm trí tôi không bao giờ nghi ngờ rằng Chúa Giêsu đã chữa lành người bị qủy ám hay đau khổ vì tật bệnh. Điều quan trọng cần lưu ý là: thừa tác vụ chữa lành của Người nhằm phục hồi người ta không những chỉ về phương diện thể lý mà cả phương diện tinh thần và thiêng liêng nữa nghĩa là chữa lành toàn diện con người và tái tích hợp họ vào xã hội. Các phép lạ của Chúa Giêsu cũng nhằm mục đích công bố việc đến của vương quốc: “Nếu nhờ Thần khí Thiên Chúa mà tôi trừ qủy, thì nước Thiên Chúa đã đến trên các ông” (Mt 12:28).

Các sách Tin Mừng, nhất là Máccô, mô tả Chúa Giêsu như Đấng hết sức quan tâm tới nỗi đau khổ của người bệnh và đích thân chịu ảnh hưởng bởi diễn trình chữa lành. Không những Người vươn ra để lên sinh lực cho người bệnh bằng cái đụng tay chữa lành của Người mà chính Người cũng được lên sinh lực để chữa lành bởi đức tin của họ. Thực thế, Mátthêu minh nhiên nối kết sức mạnh đức tin với sức mạnh chữa lành trong thừa tác vụ của Chúa Giêsu (Mt 13:58; so sánh với Mc 6:5-6). Đối với tôi, một trong các trình thuật cảm động nhất là câu truyện người đàn bà chịu chứng xuất huyết suốt 12 năm trường (Mc 5:25-34). Trong một điều kiện như thế, đáng lẽ bà không nên xuất hiện nơi công cộng, chứ đừng nói gì đến việc đến với một người đàn ông trong đám đông và rờ vào ông ta! Người ta chỉ có thể tưởng tượng lòng can đảm đã giúp bà thắng vượt sự sợ hãi và cấm kỵ. Nhưng Chúa Giêsu làm nổi bật trọng điểm. Người biết có một năng lực tự nơi mình phát ra, nên hỏi : “Ai đã sờ vào áo tôi?” Khi người đàn bà sợ sệt và run rẩy bước tới, và thú thực với Người, Người nói với bà: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con...”. Người gán việc chữa lành không phải cho Thiên Chúa cũng không phải cho chính Người, mà là sức mạnh đức tin của bà, nghĩa là, khả năng vượt quá sự sợ hãi của bà đối với các cơ cấu áp bức và vươn tay ra trong lúc cần kíp, tin tưởng một người khác sẽ giúp bà. Việc bà được chữa lành cũng đã phục hồi bà vào cộng đồng trong tư cách con gái của Ápraham (so sánh Lc 13:16)

Cũng một trọng điểm trên đã được nhấn mạnh trong câu truyện con gái ông Giaia, một câu truyện vốn quyện lẫn với câu truyện này (Mc 5:21-24. 35-43). Cả tuổi (12) cũng như cái chết của em có thể ghi dấu em như dơ bẩn. Thế nhưng, Chúa Giêsu nói với ông Giaia đừng sợ, chỉ nên có đức tin mà thôi. Khi cầm lấy tay em và nâng em dậy, Người nói với người ta cho em thứ gì đó để em ăn, một chi tiết khá lạ nếu không phải là sự kiện nay em cũng đã được phục hồi vào cộng đoàn được biểu tượng bằng việc chung chia bữa ăn. Hai phụ nữ, bị coi như dơ bẩn, cảm nghiệm được việc lên sức mạnh nhờ đức tin, nhờ đụng tới Chúa Giêsu hoặc được Người đụng tới đúng vào lúc đã nên toàn vẹn một cách tượng trưng (con số 12), được phục hồi để tham dự trọn vẹn vào cộng đoàn: đó là loại toàn vẹn được thừa tác vụ chữa lành của Chúa Giêsu nhắm tạo ra.

Câu hỏi 43: Chúa Giêsu có bao nhiêu quyền lực? Người có thể làm bất cứ điều gì hay không?

Chắc chắn Chúa Giêsu là một nhà trừ qủy từng xua đuổi ma qủy khỏi những người bị chúng ám, và Người là người chữa lành luôn tìm cách làm cho người ta toàn vẹn trên bình diện thể lý, tinh thần và thiêng liêng. Như đã gợi ý, Người có quyền lực chữa lành những người liên hệ nhờ đức tin, bất kể là của người bệnh, hay của người bạn hay thân nhân khẩn cầu cho người bệnh. Nhưng Người cũng được ban quyền lực bởi Chúa Thánh Thần, Đấng đã xức dầu cho Người lúc Người chịu phép rửa để “...Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người phong được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11:5, tham chiếu Is 29:18-19; 35:5-6; 61:1; xem Lc 4:18-19). Câu này để trả lời câu hỏi của Gioan Tẩy giả: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11:3).

Thừa tác vụ chữ lành của Chúa Giêsu chủ yếu nhằm trở thành một biểu tượng của việc xuất hiện Nước Thiên Chúa (Mt 12:28) và nên được hiểu trong bối cảnh này. Như thế, quyền lực của Người phát xuất từ Đấng đã xức dâu cho Người (Chúa Thánh Thần) và từ Đấng đã sai Người thi hành sứ mệnh (Chúa Cha). Đó không phải là quyền lực muốn làm gì thì làm. Đó là một quyền lực ban cho để phục hồi và đổi mới Israel. Thừa tác vụ chữa lành của Chúa Giêsu, một cách rõ nét, đã hiện thân và khiến ta nhớ đến Israel quá khứ: khốn khổ và bị áp bức dưới ách Ai Cập, mù và điếc, què cụt và thậm chí chết chóc. Thừa tác vụ chữa lành của Người cử hành Israel hiện tại: Israel mà Thiên Chúa của họ là Thiên Chúa của Ápraham, của Isaác và Giacóp, nghĩa là Thiên Chúa “không phải của người chết mà là Thiên Chúa của người sống” (Mc 12:27tt). Thừa tác vụ chữa lành của Người gợi hy vọng cho Israel tương lai: một Israel mà ký ức của họ có tính sáng tạo đầy tưởng tượng về một thế giới trong đó không còn người nghèo, người bị khinh miệt và người bị hắt hủi giữa họ nữa. Quyền lực của Người nhằm lên quyền lực cho nhiều người khác để cả họ nữa cũng lên đường như nhóm mười hai vốn tượng trưng cho một Israel canh tân, “để công bố sứ điệp và có thẩm quyền xua trừ ma qủy” (Mc 3:14c-15 tt; xem Mc 6:7-13 tt). Như thế, quyền lực của Người không phải của riêng Người nhưng cho mọi người nó đã được ban cho.

Từ viễn ảnh trên, chúng ta nên chôn cất một lần vĩnh viễn bất cứ ý niệm coi Chúa Giêsu như một loại siêu anh hùng có thể làm bất cứ điều gì Người muốn và là người đẹp trai, thông minh, lực lưỡng nhất v.v... trong số những người từng sống xưa nay. Người cũng là một người như chúng ta. Người từng sống một cuộc sống bình thường không có những biến cố xem ra phi thường cho tới năm 30 tuổi lúc Người được trao quyền lực thi hành sứ mệnh bởi Thánh Thần Thiên Chúa. Một lần nữa, bất cứ chúng ta nói điều gì về thiên tính của Người, thì điều này không nên bác bỏ hay làm ngơ thực tại trọn vẹn của nhân tính Người. Luca cho ta một bản tóm lược nói rất nhiều về thừa tác vụ của Chúa Giêsu: “...Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10:38).

Câu hỏi 44: Nhưng về quyền lực của Chúa Giêsu trên thiên nhiên thì sao?Người có thực sự bước đi trên nước và nuôi ăn 5 ngàn người cùng một lúc không?

Điều gọi là “các phép lạ trên thiên nhiên” trình bầy một loại vấn đề khác nhau. Dù người ta có thể hiểu khả thể chữa lành các loại bệnh tật đa dạng, ngay cả bị qủy ám, trong các diễn trình bệnh tật và sức khỏe thông thường, nhưng quả là khó khăn hơn nhiều để hiểu được các lần can thiệp dường như đảo ngược các diễn trình thông thường của thiên nhiên. Người ta rất có thể hỏi: “Đâu là trọng điểm của những can thiệp như thế?” Mối nguy với các phép lạ trên thiên nhiên là nó quyến rũ thèm khát của chúng ta muốn có những điều phi thường, lạ lùng vì chính chúng. Những câu truyện như thế có thể mang loại bầu khí trò xiếc.

Trong các Tin Mừng, có ba việc làm người chết sống lại (thiếu nữ ở Mc 5:35-43; con trai của một góa phụ ở Lc 7:11-17; và Ladarô ở Ga 11:1-44) và bẩy phép lạ trên thiên nhiên (làm im sóng bão ở Mc 4:35-41; đi trên nuớc ở Mc 6:45-52; nuôi ăn nơi hoang địa ở Mc 6:34-44 và ở Mc 8:1-9tt; nguyền rủa cây vả ở Mc 11:12-14.20 tt; đồng tiền ở miệng cá ở Mt 17:24-27; mẻ cá lớn của Phêrô ở Lc 5:1-11, xem Ga 21:3-13; và biến nước thành rượu ở Ga 2:1-11). Dù mỗi phép lạ phải được phân tích riêng rẽ, người ta có thể nói một cách chung rằng tất cả các câu truyện này có liên hệ tới đức tin Kitô giáo vào Chúa Giêsu phục sinh hơn là tới các biến cố lịch sử thực sự có thể xẩy ra hay không. Như đã nhắc ở trên (Câu hỏi 4) sự kiện thực nghiệm hơi lạ của việc Chúa Giêsu làm trái ngược luật thiên nhiên bằng cách làm im bão tố hay đi trên nước không thực sự là trọng điểm của vấn đề. Đúng hơn, vấn đề là liệu ngày nay, chúng ta có cảm nghiệm Người như Chúa sống lại đang giúp chúng ta đối đầu và vượt thắng các nỗi sợ hãi và xao xuyến trong tâm hồn chúng ta hay không.

Đơn cử thí dụ nuôi ăn 5 ngàn người ở nơi hoang địa, hiển nhiên có tính biểu tượng trong việc nuôi ăn 5 ngàn người và rồi sau đó 4 ngàn người, có ý nói đến việc Chúa Giêsu vươn tay ra với các thế giới Do Thái và Ngoại giáo. Mỗi Tin Mừng (cả Ga 6:1-14) ghi lại việc nuôi ăn 5 ngàn người, chỉ có Máccô và Mátthêu nhắc lại câu truyện 4 ngàn người. Hiển nhiên, câu truyện có tầm quan trọng về thần học. Một chi tiết thường bị làm ngơ (và không có trong trình thuật Gioan) nhưng là chìa khóa để hiểu câu truyện. Câu trả lời đầu tiên của Chúa Giêsu cho các môn đệ là: “các con cho họ thức gì đó để họ ăn”. Và khi Người nhân thừa 5 ổ bánh và 2 con cá, tiếp theo các phản bác của họ, trước hết, Người trao chúng cho các môn đệ để họ phân phối thực phẩm cho dân. Bất kể Chúa Giêsu có thực sự thực hiện các việc phi thường đó hay không, há phép lạ đã không xẩy ra mỗi lần chúng ta chia sẻ thực phẩm với người đói ăn hay sao? Mỗi khi chúng ta cầm lấy bánh và cá hay bất cứ thứ gì chúng ta có, làm phép, bẻ ra và phân phối cho mọi người hiện diện, há phép lạ không diễn ra đó sao? Há đó không là ý nghĩa nền tảng nhất của hiệp thông hay sao?



Câu hỏi 45: Việc gì đã diễn ra tại Bữa Ăn tối sau cùng? Chúa Giêsu có thực sự biến bánh và rượu thành mình và máu Người không? Há đó không phải là một phép lạ trên thiên nhiên hay sao?

Đây là một điển hình nữa trong đó, điều quan trọng là phân biệt câu hỏi về lịch sử với câu hỏi về thần học. Dường như về phương diện lịch sử, rất có thể Chúa Giêsu chia sẻ bữa ăn sau cùng với các môn đệ của Người khi Người đối diện với khả thể có thực là cái chết đầy bạo lực của Người. Nhưng từ quan điểm của phương pháp lịch sử, ta không thể biết điều gì thực sự đã diễn ra vì mọi trình thuật mà chúng ta hiện có (1Cr 11:23-26; Mc 14:22-25tt; Ga 13:1ff; 6:35-50 và 51-58) chủ yếu quan tâm đến việc thông truyền ý nghĩa cái chết của Người trên thập giá. Thánh Phaolô coi việc ăn và uống như việc công bố cái chết của Chúa cho tới khi Người lại đến. Cũng như các Tin Mừng nhất lãm, rõ ràng ngài nhắc lại thực hành thánh thể của các cộng đồng Kitô giáo. Thánh Phaolô và các Tin Mừng nhất lãm, hơi khác nhau một chút, coi mình và máu như đại diện cho lễ tế hy sinh của Chúa Giêsu trên thập giá vì người khác, nghĩa là vì sự cứu rỗi của chúng ta.

Mặt khác, Gioan không có lời nào về việc thiết lập (Phép Thánh Thể) tương ứng với 4 tác giả kia. Tuy nhiên, việc Chúa Giêsu nhấn mạnh tới sự kiện rửa chân cho Phêrô nhằm làm nổi bật tầm quan trọng và sự cần thiết của thập giá nếu Phêrô muốn dự phần với Người trong tương lai. Những diễn ngôn tiếp theo trong Gioan (các chương 13-17) thầy đều tập chú vào việc Chúa Giêsu về cùng Chúa Cha nghĩa là sự cần thiết của cái chết của Người. Diễn ngôn về bánh ban sự sống trước đó (6:35-50) kết luận với lời khuyên (các câu 51-58) ăn thịt và uống máu Người để sống muôn đời. Rõ ràng, tất cả các trình thuật này phản ảnh đức tin của Giáo Hội sơ khai vào Chúa chịu đóng đinh và sống lại như được cảm nghiệm trong thực hành Thánh Thể của họ.

Khi công bố cùng những lời thiết lập này trong thánh lễ, chúng ta cử hành một cách bí tích quyền lực và sự hiện diện của Chúa sống lại. Bánh và rượu có thay đổi chăng? Giáo Hội luôn luôn chủ trương rằng, trên bình diện của điều chúng ta thường coi bánh và rượu là, nó vẫn vậy, nghĩa là bề ngoài thể lý, mầu sắc, hình dáng, mùi vị v.v... Mầu nhiệm là nó không còn chỉ là bánh và rượu nữa vì nó đã biến đổi thành sự hiện diện đích thực của Chúa phục sinh. Tuy nhiên, người ta muốn giải thích nó trên bình diện triết học, thì bánh và rượu nay đã hiện thân một cách bí tích thực tại sự hiện diện của Chúa Giêsu một cách độc đáo và nó không cho phép chúng ta coi bánh và rượu này chỉ như bánh và rượu nữa. Đây là một phép lạ nhưng nó không ngược với các định luật của thiên nhiên. Đúng hơn, Phép Thánh Thể cử hành và hiện thân một cách sâu xa hơn sự hiện diện của Chúa Phục sinh, Đấng đã hiện diện trong cộng đoàn cử hành vì lý do đức tin và phép rửa.

Câu hỏi 46: Các sách Tin Mừng dường như mô tả Chúa Giêsu đôi lúc giận dữ và thất vọng, thí dụ, tại sao Người lại nhục mạ người đàn bà ngoại quốc, gọi bà là chó và từ chối chữa cho con gái bà, hay tại sao Người lại nguyền rủa cây vả?

Nếu Chúa Giêsu hoàn toàn là con người, thì dĩ nhiên Người cảm nghiệm đầy đủ hàng loạt các cảm xúc của con người, không phải chỉ có giận dữ và thất vọng, nhưng còn sợ hãi, xao xuyến, hy vọng, yêu thương, trung thành. Giống như cảm thấy có tội [guilt], giận dữ là một cảm xúc tốt và lành mạnh nếu có lý do được biện minh cho nó. Máccô trình bầy thực tại và chiều sâu trong các cảm xúc của Chúa Giêsu một cách thẳng thắn hơn các Tin Mừng khác và nhờ thế đem lại cho chúng ta một hình ảnh con người hơn về Người. Điển hình giận dữ tốt là phản ứng của Người trước sự giả hình thinh lặng và cứng lòng của những kẻ tố cáo Người: “Người giận dữ rảo mắt nhìn họ” (Mc 3:5; Mátthêu và Luca trong những câu song hành đã bỏ bất cứ lời nào nói tới sự giận dữ của Người). Sự thất vọng của Người xem ra rõ ràng khi Người hỏi các môn đệ trì độn của Người: “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có bánh? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao? Lòng anh em ngu muội thế!” (Mc 8:17; song hành trong Mátthêu nhưng không có trong Luca).

Hai điển hình được nhắc tới trong câu hỏi một lần nữa lại minh họa cho sự khác nhau giữa một phép lạ chữa lành và một phép lạ trên thiên nhiên. Câu truyện của người đàn bà gốc Phênixi thuộc xứ Syria (Mc 7:24-30) người mà trong Mátthêu là người Canaan, trong cả hai trường hợp đều là người ngoại quốc ngoài Israel, đáng chú ý ở lòng kiên trì của người đàn bà này, người không coi chữ “không” là câu trả lời, cả từ Chúa Giêsu! Trọn con người bà tập trung vào một điều bà vốn quan tâm, sức khỏe của con gái bà, và bà bằng lòng chịu mọi sỉ nhục và hạ giá miễn là đứa con gái của bà được phục hồi cho bà. Chúa Giêsu quả sỉ nhục bà: “Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con”. Nhưng bà đã có câu trả lời sẵn sàng: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con”. Quả là một câu truyện đáng lưu ý về đức tin, như Mátthêu lưu ý: “Này bà, đức tin của bà thật lớn lao!” Chúa Giêsu không những được trao quyền chữa lành vì đức tin của bà; Người cũng học được từ bà rằng quyền lực này cũng nhắm những con chiên lạc ở bên ngoài nhà Israel (Mt 15:24).

Việc nguyền rủa cây vả (Mc 11:12-14.20 = Mt 21:18-19; xem Lc 13:6-9) là dịp để khuyên nhủ người ta tin vào Thiên Chúa, có lẽ tương phản với Israel (được tượng trưng bởi cây vả) vốn không biết thời gian được viếng thăm và do đó, không sinh hoa trái. Nói cách khác, nó là một câu truyện khác nữa từ viễn ảnh đức tin phục sinh của cộng đồng tiên khởi, dùng thiên nhiên để minh họa sự tương phản giữa việc bác bỏ Chúa Giêsu trong thừa tác vụ lịch sử của Người và việc chấp nhận Người sau khi Người qua đời của những người tin vào Người. Đức tin này ban cho các Kitô hữu quyền lực di chuyển núi non. Không gì còn có thể bất khả đối với một Kitô hữu có đức tin và cầu nguyện (Mc 11:21-24tt).

Câu hỏi 47: Chúa Giêsu có luôn luôn tha thứ và yêu thương, bất bạo động và hòa bình không?

Như đã gợi ý, Chúa Giêsu là người có các cảm xúc mạnh mẽ. Về câu hỏi, tôi xin gợi ý 3 nhân đức (tuy không loại bỏ các nhân đức khác) vốn có âm sắc xúc cảm mạnh mẽ. Người là người quả quyết, biết cảm thương và trung thành. Mátthêu 23:23, trong một đoạn văn đặc trưng cho thấy nền thần học của ngài, nói tới “những điều quan trọng nhất trong Lề Luật”: công lý (krisis), lòng thương xót (eleos) và đức tin (pistis). Tôi dịch các chữ này là quả quyết, cảm thương và trung thành.

Trước nhất, Chúa Giêsu là con người quả quyết. Người được trao cho một sứ mệnh và theo cách các tiên tri trước Người, sứ mệnh này bao gồm việc đối đầu với bất công và giả hình thời Người. Người không sợ phải gọi con pích là con pích và lên án sự quanh con và tự biện minh của những “người công chính”. Người đến để kêu gọi kẻ có tội (Mc 2:17tt) nghĩa là những người biết nhìn nhận và chấp nhận nhu cầu cần được Thiên Chúa yêu thương và tha thứ từ nhân. Hơn nữa, Người không sợ bước vào Đền Thờ và thanh tẩy nó khỏi các kẻ mua bán để nó thực sự là “nhà cầu nguyện dành cho mọi dân tộc” (Mc 11:17).Tóm lại, chính nghĩa bất bạo động và hòa bình của Người chỉ có thể có nghĩa nếu Người cổ vũ công lý, chứ không phải là người bàng quan vô cảm và hiền lành.

Thứ hai, Người là con người biết cảm thương. Đó là từ ngữ năng được dùng nói về Chúa Giêsu trong thừa tác vụ chữa lành của Người, và nó được chính Chúa Giêsu sử dụng trong hai dụ ngôn hay nhất của Người, dụ ngôn người Samaritanô (Lc 10:33) và dụ ngôn người cha thấy đứa con trai thứ trở về (Lc 15:20). Nó không chỉ có nghĩa là lòng thương hại [pity] (như nhiều người phiên dịch) mà đúng hơn là việc đồng nhất với nỗi đau khổ của một con người khác đến nỗi đau khổ này trở thành đau khổ của chính mình và thúc đẩy ta làm bất cứ điều gì để làm vơi sự đau khổ này. Cảm thương thúc đẩy ta hành động. Chúa Giêsu tìm cách biến đổi sâu xa xã hội của Người nhằm kết liễu mãi mãi sự thống khổ của người nghèo, người bệnh, người bị qủy ám và người bị loại trừ.

Cuối cùng, Người là con người trung thành. Điều không may là chữ Hylạp, chỉ được dùng trong Mátthêu (πραΰς =praǜs) thường được dịch là “hiền lành” [meek], đem lại cho chúng ta hình ảnh Chúa Giêsu như người nhu mì và thụ động trước tranh chấp. Không điều gì xa sự thật hơn thế! Vì theo Mátthêu, Chúa Giêsu không những giảng dạy lời hay thánh ý Thiên Chúa; Người còn hiện thân nó một cách vâng lời trung thành. Người sống thánh ý của Cha Người cho đến chết. Như thế, mối phúc thật nên được dịch là: “phúc cho người trung thành thực hiện thánh ý Thiên Chúa” (Mt 5:4) vì cùng chữ praǜs này đã được áp dụng vào Chúa Giêsu như Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa mà chúng ta nên học hỏi (11:29: “...vì tôi vâng lời và khiêm nhường trong lòng”) và như vị vua vâng lời vào thành Giêrusalem để chịu chết (21: 5). Trong nhân đức này, cũng như trong các nhân đức khác, Chúa Giêsu nên được nhìn như một con người can đảm trong các xác tín của Người và mạnh mẽ trong tình yêu.

Câu hỏi 48: Đôi khi Chúa Giêsu xem ra quá nghiêm túc. Có bao giờ Người nhẹ bớt và tỏ ra có óc khôi hài không?

Các nguồn của chúng ta quá tập chú vào thập giá đến nỗi đôi khi xem ra như thể Chúa Giêsu chỉ biết sống một cuộc sống khổ sở. Niềm vui chỉ đến sau khi Người phục sinh. Dĩ nhiên, điều này là một tri nhận sai lầm. Chúa Giêsu là một con người có niềm vui dù hiểu sâu xa các điểm yếu của cuộc sống con người và lòng nhân hậu của Thiên Chúa đầy yêu thương.

Các câu nói và dụ ngôn của Người biểu lộ một óc tưởng tượng đầy thi ca sáng tạo. Người có con mắt biến các chi tiết xem ra vô nghĩa của cuộc sống thường nhật trở thành phi thường. Người có sự hiểu biết đầy yêu thương và thiện cảm tình thế khó khăn của con người. Người thích nghịch lý và điều bí ẩn, thí dụ “Người trước nhất sẽ là người sau hết và người sau hết sẽ là người trước nhất”. Các dụ ngôn của Người, thường rất hài hước, nhằm gây khó chịu cho thế giới của những người dễ chịu và có trật tự vốn có nhiệm vụ giải thích “đúng đắn” lề luật. Nói rằng nước Thiên Chúa giống như người đàn bà lấy men và ủ vào 3 đấu bột cho đến khi 3 đấu bột lên men nghĩa là gì (Mt 13:33 tt)? Người đàn bà, người không phải là một nhân vật công cộng và chẳng có chi ăn có với vấn đề nghiêm túc nước trời, hay chất men vốn là biểu tượng của thối nát, hay ủ, có gì ăn có với nước Thiên Chúa? Hay ngay cả khối lượng bánh khổng lồ do đó mà có?

Chúa Giêsu không chỉ công bố nước trời trong giáo huấn của Người; Người cử hành nó với việc cùng bàn ăn đầy vui tươi và đôi lúc xem ra rất ồn ào đến nỗi đã bị tố cáo là “tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt 11:19). Người từng bị thách thức vì không ăn chay và chỉ biết trả lời; “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ” (Mc 2:18-22). Người thích các tiệc cưới và yến tiệc lớn và coi chúng như hình ảnh nước Thiên Chúa. Điều đặc biệt làm các địch thủ của Người khó chịu là Người đã cử hành các bữa tiệc này với “những tên thu thuế và kẻ tội lỗi” (Mc 2:15-17; Lc 15:1-2) nghĩa là với những người bị coi như nằm ngoài lề luật và và do đó vô lại. Chúa Giêsu không những nói với những người như thế rằng cả họ nữa cũng thuộc về nước Thiên Chúa; mà khi bẻ bánh và uống rượu chung với họ, Người thực sự bao gồm họ trong phước lành của nước Thiên Chúa như được cảm nghiệm ngay ở đây và vào lúc này. Mọi người đều được mời. Những người từ khước tới vì lý do trong sạch và thánh thiện tự loại bỏ chính họ. Óc khôi hài của Chúa Giêsu không chỗ nào hiển nhiên một cách xúc động bằng trong câu truyện Giakêu, người thu thuế giầu có và bị khinh bỉ này quá lùn, không thể thấy Chúa Giêsu trong đám đông nên đã chạy lên trước và leo lên một cây sung. “Này ông Giakêu, mau mau xuống đây đi; vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông.” Và họ càu nhàu vì Người sắp sửa là khách trong căn nhà của kẻ tội lỗi (Lc 19:1-10).



Câu hỏi 49: Cha có thể nói một điều về sự tha thứ được không? Tại sao Chúa Giêsu kêu gọi “những kẻ tội lỗi” chứ không phải “những người chính trực”?

Tha thứ đòi hỏi việc người ta thừa nhận họ cần nó và sẵn lòng chấp nhận việc họ lệ thuộc một người khác để việc tha thứ diễn ra. Chúng ta thấy khó cả để tha thứ lẫn để được tha thứ vì chính hành vi này phá vỡ hình ảnh độc lập và tự lập của ta. Khi Chúa Giêsu nói rằng Người đến kêu gọi không phải những người chính trực mà là các kẻ tội lỗi, tôi hiểu chữ “chính trực” này là những kẻ tự coi mình là chính trực nghĩa là những người coi mình được công chính hóa nhờ các hành động riêng của họ. Trong dụ ngôn người biệt phái và người thu thuế cầu nguyện trong đền thờ (Lc 18:10-13), Luca hiểu nó cách này (các câu 9.14). Thế nhưng đây không phải chỉ là vấn đề ai trong số này được công chính hóa. Theo một nghĩa nào đó, cả hai người họ đều được công chính hóa: Người biệt phái được công chính hóa nhờ tuân giữ lề luật, người thu thuế được công chính hóa nhờ khiêm nhường nài nỉ ơn tha thứ. Điều không được công chính hóa là thái độ của người biêt phái đối với người thu thuế. Ông khinh bỉ người thu thuế và những người tội lỗi khác và coi họ vốn bị Thiên Chúa loại trừ khỏi lòng thương xót. Chính sự cứng lòng muốn loại những người khác khỏi lòng thương xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa đã bị Chúa Giêsu thách thức bằng việc vươn tới và bao gồm “các người thu thuế và tội lỗi” vào vương quốc. Thái độ của người thu thuế trong dụ ngôn nói lên việc thừa nhận phải có đối với việc mình cần và chấp nhận sự lệ thuộc của mình để được vào vương quốc Thiên Chúa. Không như người biệt phái, người thu thuế không làm các so sánh đầy ác cảm. Chúa Giêsu đưa ra một thách thức khi nói rằng: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21:31).

Ơn tha thứ của Thiên Chúa không thể diễn ra nghĩa là hữu hiệu, trừ khi và tới mức chúng ta thực sự tha thứ cho nhau (Mt 6:14-15). Tôi hiểu lời cầu xin tha thứ trong Kinh Lạy Cha, như được Mátthêu ghi lại (Mt 6:12), có nghĩa là ơn tha thứ của Thiên Chúa vốn luôn luôn ở thế hành động. Là tình yêu, Thiên Chúa luôn luôn cung cấp ơn tha thứ của Người. Nhưng ơn tha thứ của Người không thể thực sự hữu hiệu trong đời sống con người nếu các hữu thể nhân bản làm trái tim họ cứng cỏi đối với người khác và khước từ tha thứ cho họ. Ơn tha thứ của Thiên Chúa, trong tư cách tình yêu của Người, lên sức mạnh để chúng ta tha thứ và yêu thương lẫn nhau, nhưng chỉ trong chính giây phút thực sự tha thứ và yêu thương người khác chúng ta mới cảm nghiệm được ơn tha thứ và tình yêu của Thiên Chúa giữa cuộc đời của chúng ta mà thôi. Đàng sau lời cầu xin cho có bánh ăn, vốn song hành với lời cầu xin ơn tha thứ trong kinh Lạy Cha, chắc chắn là thực hành của Chúa Giêsu muốn ngồi chung bàn với các viên thu thuế và người tội lỗi. Bẻ bánh và chung chén với Chúa Giêsu tại bàn ăn là cảm nghiệm tha thứ và chúc phúc của Thiên Chúa, một cảm nghiệm giải phóng thực sự của nước Thiên Chúa vốn đang “ở giữa các ông” (Lc 17:21).

Câu hỏi 50: Nếu Chúa Giêsu bao gồm và mời gọi mọi người vào nước Thiên Chúa như thế, thì tại sao Người lại loại phụ nữ khỏi chức linh mục?

Chúng ta từng đã gợi ý (Câu hỏi 29) rằng chức linh mục, như chúng ta biết nó, đã được khai triển sau đời sống và sự chết của Chúa Giêsu. Do đó, quả là vô ích khi gán các thái độ và ý định cho Người liên quan tới vấn đề chuyên biệt về nữ linh mục hiện đang làm chúng ta ngày nay bận tâm. Tuy nhiên, cũng đáng nói ít điều về thái độ và cách xử sự của Người đối với phụ nữ trong thừa tác vụ lịch sử của Người vì kiến thức này có thể dùng để thách thức và chỉnh sửa các thái độ vốn đầy thiên kiến đối với và hạ giá phụ nữ.

Trong thời Chúa Giêsu, phụ nữ, cùng với trẻ em, nô lệ, và thú vật, phải tùy thuộc thẩm quyền tổ phụ của người nam chủ gia đình. Họ không có quyền lợi độc lập đối với người chồng. Họ không thể ly dị. Vị trí của họ là ở trong nhà và, ở nơi công cộng, họ phải im lặng, nhất là với ngoại nhân, và thực hành công việc của họ không được ai lưu ý. Họ không được giáo dục về luật lệ và chắc chắn không tham dự những cuộc thảo luận hoàn toàn của nam giới giữa thầy và học trò.

Chúa Giêsu chứng tỏ một sự tự do đáng kể trong việc phá bỏ các cấm kỵ này. Người đàm đạo với các phụ nữ ở nơi công cộng (như Ga 4:5-42; lưu ý phản ứng ngạc nhiên của các tông đồ trước việc Người nói chuyện với một người đàn bà). Người chữa lành họ, đụng đến họ và để họ đụng đến Người nơi công cộng (xem câu hỏi 42). Đáng lưu ý một cách đặc biệt là câu truyện “người đàn bà tội lỗi” (Lc 7:36-50). Phản ứng sửng sốt của Simong biệt phái trước sự hiện diện và hành động của người đàn bà nói thay cho nhiều người: “... người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào...” Đối với Chúa Giêsu, đây là lúc chữa lành, một việc trở thành khả hữu nhờ đức tin của người đàn bà. Người ca ngợi đức tin của phụ nữ (Mc 12:41-44; Mt 15:28) và coi họ là hình ảnh của nước Thiên Chúa (Lc 15:8-10; Mt 13:33; 23:37). Quan trọng nhất, Người mời gọi họ lên đường với Người (Lc 8:1-3) và Người bênh vực quyền làm môn đệ của họ và ngồi ngang hàng với các người nam để nghe giáo huấn của Người. Câu truyện của Marta và Maria (Lc 10:38-42) là về hai người đàn bà, một người chọn làm các bổn phận của mình trong nhà, còn người kia thì chọn ngồi dưới chân Chúa Giêsu như một môn đệ. Chúa Giêsu bênh vực Maria, người đã chọn phần tốt hơn sẽ không bị lấy đi khỏi chị”. Cũng như đã không bị lấy đi, vì mọi tin mừng đều ghi nhận rằng mặc khải Chúa Giêsu Nadarét sống lại trước nhất đã được ban cho các nữ môn đệ của Người, những người sau đó đã công bố nó cho các nam môn đệ. Theo Thánh Phaolô, nếu tông đồ là người đã nhìn thấy Chúa Giêsu sống lại và đó là chính nền tảng của Giáo Hội (1Cr 9: 1-2), thì xem ra đàn bà cũng như đàn ông đều có thể được gọi là tông đồ vào thời Giáo Hội sơ khai.
 
Liên hoa thơ dâng Thánh Nữ
Đinh văn Tiến Hùng
15:56 26/08/2023


***Liên hoa thơ dâng Thánh Nữ ***





*Đức Mẹ ru Chúa Hài Nhi*

Sau khi Mục đồng rời hang đá Belem, từ giã Thánh Gia còn nghe tiếng ru vọng ra.



Con ơi ! Hãy ngủ cho say.

Để mẹ đan xong áo này cho con.

Thân con buốt lạnh hao mòn,

Lòng mẹ đau xót chẳng còn ngại chi,

Mai sau đến lúc chia ly,

Không còn săn sóc được gì nữa đâu,

Nhọc nhằn thương nhớ u sầu,

Cô đơn mòn mỏi đêm thâu một mình.

Ôi! Con bỏ chốn thiên đình,

Xuống trần gánh cả tôi tình thế nhân,

Lòng người phụ bạc bao lần,

Con ! Lòng thương xót ban ân cho đời,

Hồng ân tuôn đổ từ trời,

Hạ sinh nghèo khó làm người trần gian.

Thôi con hãy ngủ cho ngoan,

Để mai khôn lớn lo toan cứu người,

Ngoài kia tuyết lạnh đang rơi,

Máng cỏ súc vật là nơi con nằm,

Ru con mẹ vẫn âm thầm,

Nhanh tay đan áo ấm thân ngọc ngà”.

*BÔNG HỒNG NHỎ*



Từ khi THÁNH NỮ về trời,

Mưa Hoa Hồng xuống trao đời Tình Yêu.

MỘT TÂM HỒN những tháng năm thơ ấu

Người mẹ hiền đã khuất bóng từ lâu,

Nuôi con thơ cha lặng lẽ nguyện cầu,

Dâng cho Chúa niềm tin yêu ký thác.

Tình phụ tử ôi dạt dào man mác,

Ngồi bên cha lòng trải rộng êm đềm,

Nhìn trăng sao lấp lánh giữa màn đêm,

Giơ tay chỉ: ’Kìa tên con trên đó ‘ (*)

Cha mỉn cười cầm tay con gái nhỏ:

“Ồ đúng rồi Chúa đã chọn tên con ‘

TÊRÊSA trong danh sách vàng son

Nơi Thiên quốc ngàn năm còn chói sáng

Rồi từ đó tuổi thơ luôn khao khát,

Dâng cuộc đời cho Thiên Chúa Tình Yêu,

Lisiơ Dòng kín một buổi chiều

Đã đón nhận Một Tâm Hồn Bé Nhỏ.

Chín năm trời Người Nữ tu hèn mọn,

Luôn siêng năng trong mọi việc tầm thường,

Khi giặt giũ, quét dọn hay làm vườn….

Hy sinh, cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa.

TÊRÊSA quyết giữ lời tuyên hứa,

Khi không thể truyền giáo phương trời xa

Việc làm nhỏ với lời nguyện thiết tha,

Cũng chính là một Tông đồ truyền giáo.

Cuộc đời Người chẳng có gì vĩ đại

Không phép lạ, không rạng rỡ huy hoàng,

Hai mươi bốn tuổi vĩnh biệt trần gian,

Được nâng lên hàng Tiến sĩ Giáo hội.

Mưa Hoa Hồng lời ngọt ngào nhắn nhủ:

“Hãy hy sinh với cuộc sống khiêm nhường,

Việc Tầm thường sẽ kết quả Phi thường,

MỘT TÂM HỒN nguyện cầu trong yêu mến.



(*) Ghi chú: Có lẽ Cô bé Têrêsa muốn ám chỉ chòm sao Thiên nga, tiếng

La-tinh gọi là Cygnus, tiếng Anh gọi là Nothern Cross (Bắc Thập Tự) giống chim giang cánh hình chữ T đang bay trên bầu trời.

*Thánh Nữ Hoan Ca*



MONICA Mẹ tuyệt vời !

Nêu gương sáng chói cho đời noi theo,

Dù đời đau khổ bao nhiêu,

Cậy trông vào Chúa mọi điều sẽ qua.

Hai mươi hai tuổi lập gia đình,

Người chồng ngoại đạo tính tình khó khăn.

Ba mươi năm sống âm thầm,

Chồng con chịu đựng tấm thân hao gầy.

Mẹ luôn cầu nguyện đêm ngày,

Cho chồng hối cải, con quay trở về,

Con trưởng dục vọng đam mê,

Ngang tàng, gian dối chẳng hề hồi tâm,

Lại theo bè rối sai lầm.

Nhìn con lòng Mẹ muôn phần xót xa,

Nguyện cầu xin Chúa thứ tha,

Nước mắt Mẹ đã chan hòa vì con,

Vững tâm nhịn nhục sắt son.

Nhận được trong giấc chiêm bao tin mừng,

Thiên Thần bảo hãy vững lòng,

Con Bà rồi sẽ hồi tâm quay về.



Augustinô gặp Thánh nhân,

Suy lời Ngài dạy dần dần hiểu ra,

Bè rối, dục vọng, sa hoa,

Chỉ là hư ảo mà ta theo đòi.

Người Mẹ lo lắng khôn nguôi,

Chẳng ngại vượt biển đến nơi con mình,

Đêm ngày tha thiết cầu kinh,

Con được hoán cải trong tình thứ tha.

Hồng ân Thiên Chúa bao la,

Đón nhận tình Chúa ngợi ca ơn Ngài,

Chúa đã sắp đặt an bài,

Dẫn đường chỉ lối con trai trở về.

Mẹ Con sung sướng tràn trề

Cảm tạ Thiên Chúa lời thề ghi ơn.

Lạy Chúa ! Chúa đã thương con,

Được làm con Chúa con còn ước chi,

Đời con diễm phúc ai bì,

Suốt đời tình Chúa khắc ghi tâm hồn.

Nhờ Mẹ sốt sáng nguyện cầu,

Nhờ Mẹ giáo dục bấy lâu đêm ngày,

Nhờ Mẹ chẳng quản thân gầy,

Nhẫn nhục khổ cực để ngày hôm nay,

Augustinô giờ đây,

Trở thành vị Thánh tràn đầy nhiệt tâm !

MONICA Mẹ tuyệt vời !

Nêu cao nhân đức cho người neo theo.

Đời Mẹ đau khổ quá nhiều,

Nhưng tin vào Chúa mọi điều đã qua.

Tình Mẹ ôi thật bao la !

Hy sinh từ ái chan hòa đời Con.

*MẸ TERESA CALCUTTA*

Trước cửa chính Dòng Truyền Giáo Bác Ái, đưới chân Thánh Giá là hai chữ ‘Ta Khát’ để nhắc nhớ cho các Đệ tử là Thiên Chúa nhân từ luôn khát khao Tình yêu nhân loại. Vì ‘Sự đói khát ngày nay thì rộng lớn hơn, đó là đói khát Tình thương.’

Cùng với những lời chiêm niệm hàng ngày rất đơn sơ nhiệt thành:

-‘Lạy Chúa Giê-su xin giải thoát con,

Khỏi ao ước được mọi người kính yêu,

Khỏi ao ước được tán dương,

Khỏi ao ước được vinh danh,

Khỏi ao ước được chúc tụng,

Khỏi ao ước được quí trọng,

Khỏi ao ước được hỏi ý kiến,

Khỏi ao ước được cho phép,

Khỏi ao ước được nổi tiếng,

Khỏi sợ hãi bị lăng nhục,

Khỏi sợ hãi bị khinh miệt,

Khỏi sợ hãi bị đau khổ vì khiển trách,

Khỏi sợ hãi bị vu oan,

Khỏi sợ hãi bị quên lãng,

Khỏi sợ hãi bị sai lầm,

Khỏi sợ hãi bị nhạo cười,

Khỏi sợ hãi bị chất vấn.’

*Ôi Mẹ ! Tấm thân nhỏ bé hành động phi thường,

Cả đời dâng hiến để phục vụ yêu thương,

Mẹ là Vĩ Nhân Tông Đồ Lòng Chúa Thương Xót,

Của người cùng khổ xã hội vất bỏ bên đường.

Nhìn gương Mẹ con thấy mình hèn yếu tầm thường,

Cả cuộc đời danh lời luôn đeo đuổi vấn vương,

Để mang theo được gì khi xuôi tay nằm xuống,

Xin hãy dìu dắt con khỏi lạc lối Thiên Đường.



* THÁNH MARIA MÁCĐALA*

Trong số các phụ nữ đi theo Chúa,

Nhiệt thành nhất là Thánh Mácđala,

Cùng với Chúa bôn ba khắp gần xa,

Ngài chính là môn đồ Tình yêu mến.

Thánh Nữ hăng say hết lòng phục vụ,

Loan báo Tin Mừng cho khắp muôn nơi,

Xa lánh hư danh tìm đến Nước Trời,

Cuộc đời Ngài đã chứng minh điều đó.

Đau xót Chúa bị tra tấn khổ cực,

Thân xác Chúa mang thương tích đầy mình,

Thánh Nữ đầu tiên gặp Chúa Phục Sinh,

Đồng hành cùng Chúa hướng lên Núi Sọ.

Lạy Thánh Mácđala nêu cao gương sáng,

Xin đưa con xa tục lụy trần gian,

Xin soi sáng con tìm đến Thiên đàng.

Đó mới chính là Quê hương chân thật.

(*) Ghi chú: Thánh Mácđala tiếng Việt gọi Madalêna hay Mai-đệ-Liên.



*THÁNH MARIA GORETTI*



*Bông Huệ nhỏ tuyết trinh nơi đồng nội,

Vượt lên cao tràn ngập nắng hồng ân,

Gió mưa lay, không vương mắc bụi trần,

Đẹp lòng Chúa, đem về vườn Thiên quốc.

“Xin kính chào Vị Nữ Thánh khả ái !

Hỡi Vị Tử Đạo dưới đất và Thiên Thần trên trời !

Từ nơi vinh quang, xin ghé mắt nhìn xuống đoàn con đây, đang yêu mến, tung hô và chúc tụng Ngài. Trên vầng trán Ngài ghi rõ danh tánh chói sáng hiển vinh của Chúa Kitô chiến thắng. Trên khuôn mặt tinh khiết Ngài tỏa sáng sức mạnh tình yêu và lòng kiên trung với Đức Lang Quân Chí Thánh.

Ngài là Vị Hiền Thê

dùng chính máu đào mình họa lại hình ảnh Chúa Kitô. Hỡi vị Nữ Thánh quyền uy cạnh ngai tòa Chiên Thiên Chúa, xin phó dâng lên Ngài những người đang có mặt nơi đây, cũng như những người đang kết hợp cách thiêng liêng với chúng tôi. Tất cả đều ngưỡng phục lòng anh hùng của Ngài, nhất là muốn bắt chước Ngài trong nhiệt tâm giữ vững đức tin và bảo toàn phong hóa cao quí.

Từ nay các bậc làm cha mẹ chạy đến kêu cầu, xin Ngài trợ giúp trong nhiệm vụ giáo dục con cái.

Xin đặt vào vòng tay Ngài một trẻ thơ, cùng thanh thiếu nữ, hầu Ngài bảo vệ chúng thoát khỏi mọi hiểm độc và an vui bước trên đường đời trong niềm hoan lạc của những con tim trong trắng.

Ước gì được như vậy !

Tuổi trẻ đẹp biết bao đầy sức sống,

Một đóa huệ tươi hiến trọn đời mình,

Dâng lên Thiên Chúa làm lễ hy sinh,

Con cầu theo chân Ngài,Ôi Nữ Thánh !

*Thánh Nữ Cêcilia: Nhạc Sĩ Đồng Trinh Tử Đạo*

1-Thời thơ ấu

Bé gái từ lúc còn thơ, Say mê nhạc Thánh, không mơ nhạc trần,

Đêm ngày ấp ủ trong tâm,

Cung nhạc trầm bỗng vang âm thiên đình,

Nhiều khi quên cả thân mình,

Luôn luôn khấn nguyện hy sinh giúp đời,

Đức ái biểu lộ tuyệt vời !

Chúa sai Thiên Sứ không ngơi trợ phù,

Sống đời như Vị chân tu,

Nhạc thần, bác ái hộ phù thế nhân,

Nên khi từ biệt gian trần,

Biết bao nhạc sĩ, Ca đoàn tôn vinh !

2- Đồng Trinh Trong Hôn Nhân :

Nhân loại ngưỡng phục ngỡ ngàng,

Hôn nhân kết ước lại càng khó khăn,

Tình yêu hòa hợp xác thân,

Vợ chồng luyến ái tránh gần khó sao?

Lời nguyền xin Chúa trên cao,

Nên Chúa chấp nhận biết bao ân tình,

Cảm thông cuộc sống đồng hành,

Tháng năm khuyên nhủ bạn tình yên tâm,

Thương yêu tôn trọng xác thân,

Phu phụ vững chí ân cần đỡ nhau,

Cả hai tha thiết nguyện cầu,

Đẹp lòng Thiên Chúa mai sau bên Ngài.

3-Thần Nhạc Tử Đạo Bay Về Thiên quốc:

Đẹp lòng Thiên Chúa Trời Cao !

Đêm mang chôn xác biết bao anh hùng,

Máu đào lai láng tuyên xưng,

Cương quyết gần Chúa vượt cùng gian nan,

Việc bị phát giác đến quan,

Dụ dỗ uy hiếp không màng đớn đau,

Thánh Nữ tâm nguyện trước sau,

Không từ bỏ Chúa mưu cầu vinh thân,

Quan bắt dâng hương tế thần,

Tuôỉ xuân nhan sắc chẳng cần ngại chi,

Trước giờ tử biệt sinh ly,

Chồng, em diễm phúc nào ai sánh bì?

Khóc than nhỏ lệ làm gi?

Hân hoan ngước mặt hướng đi về trời



*THÁNH ANNA THÂN MẪU MẸ MARIA*

Trong tác phẩm được Chúa mặc khải qua thị kiến tựa đề ‘ ‘Tin Mừng như đã mặc khải cho tôi ‘, nữ Tu Maria Valtorta đã ghi lại Thánh Anna loan báo thiên chức làm mẹ Trinh Nữ Maria qua bài Thánh vịnh Huyền nhiệm như sau:

“Vinh danh Chúa toàn năng đã yêu thương con cháu Đa-vít

Vinh danh Chúa từ trời, ơn huệ của Ngài đã viếng thăm con

Cây cằn cỗi đã mọc ra cành non, và con sung sướng.

Hy vọng đã vãi hạt giống vào dịp lễ Ánh Sáng.

Không khí thơm tho của tháng Nissan, thấy nó nảy mầm.

Vào mùa xuân, thân xác tôi sẽ như cây hoa đào đầy hoa.

Vào buổi chiều cuộc đời, thấy nó sinh trái.

Trên cành cây là một bông hồng, một trái cây dịu ngọt nhất.

Một Ngôi Sao lấp lánh, một sự sống thơ ngây trẻ trung.

Đó là niềm vui của gia đình, của vợ chồng.

Ngợi khen Chúa là Thiên Chúa đã thương con !

Ánh Sáng của Người đã loan báo cho con, một Vì Sao sẽ đến với Ngươi.

Vinh quang ! Vinh quang ! Trái cây này sẽ thuộc về Ngài, trái đầu tiên và sau cùng,

Thánh thiện và trong sạch như ân huệ của Chúa.

Nó sẽ thuộc về Ngài và bởi nó niềm vui và bình an sẽ đến trên trái đất

(Tổng hợp)



 
VietCatholic TV
Thánh Lễ Chúa Nhật 21 Mùa Quanh Năm 27/8 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
02:30 26/08/2023

BÀI ĐỌC 1 Is 22:19-23

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Đức Chúa phán những điều này với ông Sép-na, tể tướng triều đình:

“Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ, Ta sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị.

Ngày ấy, Ta sẽ gọi tôi tớ Ta là En-gia-kim,

con của Khin-ki-gia-hu.

Áo thụng của ngươi, Ta sẽ lấy mặc cho nó,

cân đai của ngươi, Ta sẽ đem thắt cho nó,

quyền bính của ngươi, Ta sẽ trao vào tay nó,

nó sẽ là cha đối với cư dân Giê-ru-sa-lem và với nhà Giu-đa.

Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt trên vai nó.

Nó mở ra thì không ai đóng được,

nó đóng lại thì không ai mở được.

Ta sẽ làm cho nó vững chắc như đinh đóng cột,

nó sẽ nên như ngai vinh hiển cho nhà cha nó.”

Đó là lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Rm 11:33-36

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

Thưa anh em, sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người? Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! A-men.

Đó là lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Mt 16:18

Alleluia. Alleluia.

Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.

Alleluia.

TIN MỪNG Mt 16:13-20

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Khi ấy, khi Đức Giê-su đến miền Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh ràng buộc điều gì, trên trời cũng sẽ ràng buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.

Đó là lời Chúa.
 
Prigozhin khôn 3 năm dại 1 giờ: Cả hai cánh máy bay đều có bom. Bố già mafia Putin trả thù đáng sợ
VietCatholic Media
02:42 26/08/2023


1. Zelenskiy nói rằng ông đã thảo luận về việc Mỹ đào tạo phi công F-16 cho Ukraine với Biden

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cho biết hôm thứ Sáu rằng Hoa Kỳ sẽ giúp đào tạo phi công và kỹ sư Ukraine về chiến đấu cơ F-16.

Tổng thống Ukraine cho biết ông đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm thứ Năm để thảo luận về các kế hoạch liên quan đến máy bay phản lực.

“Đó là một cuộc trò chuyện tốt,” Zelenskiy nói trong bài phát biểu hàng đêm của mình. “Chúng tôi đã thảo luận về cách tăng cường hơn nữa cho cuộc phản công. Và chúng tôi có một thỏa thuận quan trọng mới: Mỹ sẽ tham gia đào tạo phi công và kỹ sư F-16”, ông nói thêm.

Vào tối thứ Năm, Tòa Bạch Ốc xác nhận rằng Biden và Zelenskiy đã thảo luận về việc bắt đầu đào tạo phi công chiến đấu cơ Ukraine. Cuộc huấn luyện đó dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 10, Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Pat Ryder, cho biết hôm thứ Năm.

Zelenskiy đã nhiều lần kêu gọi hỗ trợ củng cố hệ thống phòng không của Ukraine thông qua máy bay phản lực F-16 và đào tạo phi công vận hành máy bay.

Trong bài phát biểu hôm thứ Sáu, ông Zelenskiy cho biết các bước tiếp theo đối với Ukraine rất rõ ràng.

“Đối với đội quốc tế, đó là mở rộng tối đa các nhiệm vụ huấn luyện. Đối với quân đội, đó là đẩy nhanh việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng càng nhiều càng tốt, cử phi công và kỹ sư đến để bảo đảm Ukraine luôn sẵn sàng. Và tất cả cùng nhau, đó là việc đưa những chiếc F-16 đến gần hơn để giúp chúng ta xua đuổi những kẻ khủng bố Nga”, ông Zelenskiy nói.

Huấn luyện với các nước khác: Chương trình huấn luyện F-16 đang được liên minh gồm 11 nước NATO hỗ trợ và cần có sự chấp thuận chính thức của Mỹ vì máy bay phản lực này là công nghệ của Mỹ. Thứ Sáu tuần trước, Hoa Kỳ đã phê duyệt việc chuyển tài liệu giảng dạy từ Đan Mạch sang Ukraine - một bước quan trọng để bắt đầu các chương trình này.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov tuần trước cho biết các phi công Ukraine đã bắt đầu huấn luyện trên máy bay F-16. Reznikov cho biết “thời gian tối thiểu” cho khóa đào tạo là sáu tháng, tuy nhiên, những người hướng dẫn sẽ quyết định khóa học sẽ kéo dài bao lâu.

2. Các nhà điều tra cho biết máy ghi âm chuyến bay đã được thu hồi sau vụ tai nạn máy bay khiến Prigozhin thiệt mạng.

Các nhà điều tra Nga cho biết họ đã tìm thấy 10 thi thể và hộp đen chuyến bay từ vụ tai nạn máy bay được cho là đã giết chết ông chủ của Wagner, Yevgeny Prigozhin trong tuần này. Phân tích DNA cũng đang được tiến hành trên các nạn nhân để xác nhận danh tính của họ.

“Ủy ban điều tra Nga tiếp tục điều tra vụ án hình sự về vụ tai nạn hàng không ở Tver,” ủy ban cho biết trong một tuyên bố đăng trên Telegram hôm thứ Sáu.

Máy ghi âm chuyến bay và các tài liệu khác đang được giải quyết và bàn giao để giám định pháp y.

“Trong quá trình điều tra, máy ghi âm chuyến bay đã được thu hồi. Một cuộc kiểm tra chi tiết hiện trường vẫn tiếp tục. Hiện tại, các đồ vật và tài liệu liên quan đến việc xác định tất cả các tình huống của vụ tai nạn máy bay đang bị thu giữ và bàn giao để giám định pháp y”, bài viết tiếp tục.

Ủy ban cho biết tất cả các kịch bản có thể xảy ra về nguyên nhân vụ việc đang được xem xét kỹ lưỡng.

3. Bố già mafia Putin có lối ra tay bệnh hoạn, dụ dỗ Prigozhin đến Nga để nếm trải 9 phút cuối cùng đáng sợ

Ký giả Taryn Pedler của tờ The Sun có trụ sở ở Luân Đôn có bài tường trình nhan đề “WHACK JOB How wannabe ‘Godfather’ Putin ‘lured Prigozhin to Russia for mafia-style hit with bomb bolted to landing gear’”, nghĩa là “Gã cuồng loạn. Putin, biệt danh bố già, đã dụ Prigozhin đến Nga để thực hiện vụ tấn công kiểu mafia bằng quả bom được gắn vào thiết bị hạ cánh'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Một chuyên gia tình báo cho biết, VLADIMIR Putin - được mệnh danh là Bố già - “đã dụ Prigozhin đến Nga để thực hiện một vụ tấn công kiểu mafia liên quan đến một quả bom được gắn vào bộ phận hạ cánh máy bay phản lực của anh ta”.

Nhà lãnh đạo Wagner, cùng với 10 người khác được cho là đã chết sau khi chiếc máy bay riêng của ông bị nổ tung ở độ cao 28.000 ft trên bầu trời hôm thứ Tư.

Các báo cáo ban đầu cho biết chiếc máy bay phản lực đã bị bắn hạ do một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn nhưng hiện tại có vẻ như nhiều khả năng là một vụ nổ trên chiếc Embraer Legacy 600 đã gây ra vụ tai nạn thảm khốc.

Giáo sư Anthony Glees, chuyên gia tình báo của Đại học Buckingham, nói với The Sun Online, ông tin rằng bạo chúa Vladimir Putin đã “cố tình” giết Prigozhin và nhóm thân cận của anh ta bằng cách phá hoại máy bay thương mại của anh ta.

“Lý thuyết được chứng nghiệm của tôi bây giờ là một loại bom nào đó đã được gắn vào cả hai thùng nhiên liệu của máy bay phản lực Embraer (nó có hai, một thùng nhiên liệu ở mỗi cánh; đây là một chiếc máy bay rất an toàn), mỗi bên một quả,” ông nói.

Ông giải thích tiếp rằng điều này có thể khiến một trong hai cánh bị gãy hoàn toàn.

Ông nói thêm: “Điều này hoàn toàn phù hợp với những gì chúng ta biết về hành vi của máy bay vào những thời điểm quan trọng lúc 6:11 chiều giờ địa phương”.

Dữ liệu theo dõi chuyến bay từ FlightRadar24 cũng cho thấy có khả năng đã xảy ra ít nhất một sự kiện thảm khốc trên không vài phút trước khi máy bay của Prigozhin bị rơi.

Dữ liệu cho thấy chiếc máy bay đã bất ngờ bị giảm độ cao vào khoảng 6:19 chiều giờ địa phương nhưng vẫn ở trên không thêm một phút nữa khi di chuyển thêm 30 dặm nữa.

Chiếc Embraer Legacy 600 sau đó lao thẳng từ trên trời xuống theo dữ liệu chuyến bay và đoạn phim kinh dị ghi lại vụ tai nạn thảm khốc và cánh đồng đầy những mảnh vụn.

Glees cho biết, quả bom bị nghi gây ra vụ nổ thảm khốc có thể do GRU – là cơ quan tình báo quân đội Nga đặt.

GRU cũng chính là nhóm đã đến Salisbury để cố gắng giết điệp viên Nga Sergei Skripal vào năm 2018 - và cũng là nhóm đã sát hại thành công Alexander Litvinenko vào năm 2006.

Theo chuyên gia, lý thuyết đặt bom máy bay đã chứng minh rằng “kẻ tâm thần tàn bạo” Putin muốn Prigozhin và nhóm của ông ta phải chịu đựng nỗi kinh hoàng vì phương pháp này có thể gây ra “những cái chết khủng khiếp”.

“Máy bay không tan rã ngay lập tức, hành khác trên máy bay có vài phút để nhận thức được mình đang rơi xuống đất”, ông nói.

“Putin hay giễu cợt, đa nghi và cũng là một kẻ tâm thần. Anh ta sẽ tự nhủ 'Prigo muốn đi máy bay, tao sẽ cho mày đi một chuyến mà mày sẽ không bao giờ quên, một chuyến đi cuối cùng nhé'“.

Các chuyên gia hàng không dường như đồng ý rằng các bằng chứng cho đến nay dường như chỉ ra một quả bom nhỏ, được đặt ở vị trí chiến lược để gây ra thiệt hại thảm khốc - nhưng không phải là loại vụ nổ long trời mà bạn mong đợi nếu một chiếc máy bay tương đối nhỏ bị hỏa tiễn thổi bay khỏi bầu trời. Giáo sư Anthony Glees cho rằng một quả bom gài trên máy bay, chứ không phải một hto hỏa tiễn có thể được bắn từ chiến đấu cơ của Nga hoặc từ hệ thống hỏa tiễn đất đối không trên mặt đất.

Nó xuất hiện khi có tin đồn cho rằng chất nổ đã được chất lên máy bay, giấu bên trong một thùng “rượu đắt tiền” và các chi tiết mới cũng xuất hiện về việc sửa chữa được báo cáo và cách một tủ lạnh turbo “không rõ nguồn gốc” được lắp vào máy bay vào phút cuối.

Hôm thứ Tư, đoạn phim bị rò rỉ cho thấy chiếc máy bay Embraer Legacy 600 được trưng bày cho “những người có ý định muốn mua” – chỉ vài giờ trước khi nó bị phá hủy.

Điều này liên quan đến vi phạm an ninh tại phi trường Sheremetyevo ở Mạc Tư Khoa, theo kênh Telegram VChK-OGPU có liên kết với cơ quan thực thi pháp luật.

Kênh này cho biết: “Để đưa họ đến một khu vực an toàn và sau đó lên máy bay, những người có ý muốn mua này được tuyên bố là hành khách của chuyến bay”.

Mặc dù họ không phải là hành khách nhưng họ đã lên máy bay trong khoảng một giờ từ 9h30 sáng đến 10h30 sáng vào ngày máy bay rơi.

Trên tàu Embraer Legacy 600 vào thời điểm nó bị phá hủy có Prigozhin, cùng với đội thân cận của ông, chỉ huy thứ hai là Dmitry Utkin, và năm thủ lĩnh hàng đầu khác của Wagner.

Khi phi hành đoàn và hành khách gồm 10 người đi cùng nhau, Glees tin rằng nhà lãnh đạo Wagner hay quên chắc hẳn đã cảm thấy “rất an tâm” trên máy bay khi đưa những người giỏi nhất của mình đi cùng.

Chuyên gia này chỉ có thể ngạc nhiên trước sự ngu ngốc hoàn toàn của Prigozhin khi bỏ tất cả 'trứng' của mình vào cùng một giỏ.

Lãnh chúa nổi dậy trở thành người mới nhất tham gia vào con số đáng kinh ngạc về ít nhất 40 cái chết nổi tiếng có liên quan đến bàn tay vấy máu của Putin tàn bạo.

Hàng chục nhân vật cấp cao đã thiệt mạng kể từ khi Putin phát động cuộc chiến đẫm máu ở Ukraine hơn 18 tháng trước - nhiều người thiệt mạng một cách bí ẩn và bất ngờ, chẳng hạn như “tự sát” và rơi từ cửa sổ xuống đất.

Điều này khiến Glees có lý do để tin rằng Putin rất có thể đứng sau vụ ám sát vì phương pháp phức tạp được sử dụng “hoàn toàn là phong cách của ông ấy”.

Ông nói thêm: “Putin không chỉ là tội phạm chiến tranh, ông ấy còn là một kẻ giết người điên loạn.”

“Về lý thuyết, ông ấy có thể đã sử dụng hệ thống hỏa tiễn đất đối không mà ông ấy có tại cơ sở của mình trên Hồ Valdai, rất gần đường bay của máy bay phản lực, nhưng điều này có thể bị phát hiện và tôi nghĩ Putin đã muốn và đang muốn duy trì một bầu không khí bí ẩn về tai nạn khủng khiếp này”.

Nó xảy ra khi vị tổng thống Nga vô liêm sỉ đã gửi lời chia buồn tới gia đình Prigozhin hôm qua sau vụ nổ máy bay gây chết người.

Ông tuyên bố Nga sẽ xem xét những gì các nhà điều tra nói về vụ tai nạn, nhưng việc điều tra chuyên môn về vụ việc sẽ mất thời gian.

Putin ban đầu từ chối bình luận về vụ tai nạn, nhưng nhà lãnh đạo Nga sau đó đã quyết định bày tỏ lòng kính trọng đối với đầu bếp cũ của mình.

“Điều liên quan đến vụ tai nạn máy bay này, trước hết, tôi muốn bày tỏ lời chia buồn chân thành tới gia đình của tất cả những người thiệt mạng. Đó luôn là một bi kịch”, ông Putin nói trong bài phát biểu trên truyền hình.

Glees nói rằng sự xuất hiện trên truyền hình của Putin là một nỗ lực để thể hiện mình là “một người mạnh mẽ, ca ngợi Prigozhin trong khi để ngỏ về việc liệu ông ta có giết anh ta hay không”.

Nhưng trong khi Putin cai trị “nhà nước mafia” Nga với tư cách là một ông trùm mafia, thì chuyên gia này lại tin rằng màn phô trương sức mạnh này chỉ là - một màn trình diễn.

“Putin thực sự không dám nói 'Tôi đã ra lệnh giết kẻ phản bội này'. Tại sao không? Bởi vì anh ta vẫn còn lo sợ về những gì Tập đoàn Wagner có thể làm. Chắc chắn là quân Wagner vẫn chưa xong đâu,” ông cảnh báo.

“Putin cho rằng ông ấy là Bố già, và hiện tại ông ấy đúng như vậy. Nhưng các Bố già lại bị giết bởi các Bố già khác. Thời gian của ông ấy có hạn và địa vị của ông ấy không mạnh, nó yếu”.

Hôm thứ Sáu, Điện Cẩm Linh phủ nhận mọi liên quan đến vụ tai nạn máy bay.

Truyền thông nhà nước Nga đưa tin, phát ngôn nhân Dmitry Peskov cho rằng suy đoán rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tấn công Prigozhin là “hoàn toàn dối trá”.

4. Lực lượng Ukraine đang tiến nhanh ở mặt trận Zaporizhzhia

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Bẩy 26 tháng Tám, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết lực lượng Ukraine đã xuyên thủng tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga dọc theo một phần tiền tuyến phía nam ở khu vực Zaporizhzhia và đang mở rộng một hướng tấn công về phía thị trấn chiến lược Tokmak.

Cô cho biết quân Ukraine đã đạt được thành công hơn nữa ở hai khu vực – hướng Novoprokopivka và xa hơn về phía đông theo hướng Ocheretuvate.

Đầu tuần này, người Ukraine cho biết họ đã giải phóng được thị trấn Robotyne. Giao tranh tiếp tục diễn ra ở phía nam thị trấn đó.

Thứ trưởng Hanna Maliar cho biết các đơn vị “đang củng cố vị trí của mình, bắn pháo vào các mục tiêu địch đã được xác định và tiến hành các hoạt động phản pháo”.

Một số blogger quân sự Nga đã vẽ nên một bức tranh u ám về tình hình tiền tuyến ở các vùng miền Nam.

Một trong những đài nổi tiếng nhất trong số này, “WarGonzo”, cho biết quân Ukraine đã giành được chỗ đứng ở Robotyne “và đang tấn công theo hướng Tomak, nơi đang bị pháo kích nặng nề”.

5. Sĩ quan nói rằng các cuộc không kích liên tục của Nga đã làm chậm bước tiến của Ukraine ở khu vực phía nam Zaporizhzhia

Một sĩ quan quân đội Ukraine phục vụ trên tiền tuyến ở khu vực phía nam Zaporizhzhia cho biết các đơn vị Ukraine “gần như đã tiếp cận” các tuyến phòng thủ chính của Nga, nhưng gặp phải nhiều thách thức trong việc đạt được tiến bộ hơn nữa.

Viên sĩ quan cho biết khu vực giữa làng Robotyne và Verbove “hiện đang là nơi nóng nhất”.

“Chúng tôi gần như đã tiếp cận được tuyến phòng thủ chính của chúng. Chúng tôi liên tục có những bước tiến chiến thuật và chúng tôi đang dần giành lại lãnh thổ của mình”, sĩ quan này nói.

Nhưng quân đội Nga đã điều động pháo binh và lực lượng không quân của họ liên tục làm việc “24 giờ một ngày, có hàng chục cuộc không kích mỗi ngày”

Viên sĩ quan, người trước đây đã chiến đấu xung quanh Bakhmut, cho biết sức mạnh trên không của Nga mà anh ta đang chứng kiến bây giờ là “rất nhiều” so với khi anh ta chiến đấu quanh Bakhmut.

“Điều tương tự với các mìn bẫy. Không có những bãi mìn dày đặc ở Bakhmut... Bây giờ hầu hết mọi thứ đều bị gài mìn. Thật là căng thẳng, có rất nhiều người bị thương do bom mìn nổ”, ông nói.

Viên sĩ quan cho biết địa hình rộng mở cũng là một thách thức.

“Máy bay không người lái đang treo trên bầu trời suốt ngày đêm, của cả chúng ta và của họ. Vì vậy không thể che giấu bất kỳ chuyển động nào. Bất kỳ hành động nào ngay lập tức bị đối phương biết đến và cuộc pháo kích sẽ bắt đầu bằng pháo binh hoặc máy bay không người lái”, sĩ quan này nói.

Ông cho biết các đơn vị Ukraine sử dụng lưới thép để bảo vệ khỏi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và đang hợp tác với các nhóm tấn công nhỏ và thiết bị.

“Chúng tôi thường làm việc vào ban đêm và lúc chạng vạng, nhưng người Nga đã thích nghi và bắt đầu đợi chúng tôi vào ban đêm nên giờ chúng tôi cũng phải làm việc vào ban ngày”, sĩ quan này nói. “Điều đó khó khăn hơn nhiều vì đối phương ngay lập tức nhìn thấy chuyển động và bắt đầu pháo kích.”

Cuộc phản công rất được mong đợi của Ukraine đã diễn ra trong nhiều tuần, với giao tranh tập trung dọc theo mặt trận phía đông và phía nam. Kyiv phát động chiến dịch với hy vọng giành lại lãnh thổ bị Nga chiếm giữ. Nhưng cho đến nay, bất kỳ lợi ích nào cũng chỉ là nhỏ bé và phải đấu tranh một cách đau đớn.

Giờ đây, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy lực lượng Ukraine đã xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Nga dọc theo một phần tiền tuyến ở khu vực Zaporizhzhia và đang mở rộng một mũi nhọn về phía thị trấn chiến lược Tokmak.

6. Quan chức Ukraine cho biết việc triển khai máy bay phản lực F-16 sẽ thay đổi “hoàn toàn” cuộc phản công

Việc thiếu sức mạnh chiến đấu trên không đang gây tổn hại cho Ukraine khi nước này tiếp tục phản công để giải phóng các vùng lãnh thổ của mình, nhưng việc triển khai chiến đấu cơ F-16 sẽ “ thay đổi hoàn toàn” tình hình.

“Không có sự bình đẳng trên không. Nga có ưu thế không quân, và điều này làm phức tạp thêm nhiều vấn đề tồn tại ở mặt trận ngày nay. Ngay khi F-16 xuất hiện và được Lực lượng vũ trang của chúng ta sử dụng ở mức tối đa có thể, hãy tin tôi, tình hình sẽ thay đổi hoàn toàn trước mắt chúng ta”, Oleksii Danilov, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết trong một cuộc họp báo.

Theo các quan chức Mỹ và NATO, Na Uy, cùng với Đan Mạch và Hà Lan, đã cam kết cung cấp chiến đấu cơ F-16 cho Ukraine, nhưng những máy bay này khó có thể phục vụ trong Không quân Ukraine cho đến thời điểm nào đó trong năm tới. Mỹ hôm thứ Năm thông báo rằng họ sẽ bắt đầu đào tạo phi công Ukraine trên máy bay tiên tiến vào tháng 10.

Tuy nhiên, hiện tại Ukraine vẫn tiếp tục “hoạt động phức tạp” trên thực địa, duy trì biện pháp hạn chế thương vong ở mức tối thiểu, ông Danilov nói.

“Nếu ai đó nghĩ rằng đó là một cuộc đi chơi dễ dàng và chúng ta có thể đạt được các mục tiêu mà chúng ta đặt ra cho mình – là giải phóng tất cả các lãnh thổ của chúng ta - một cách nhanh chóng, hãy nhớ rằng đối phương rất hùng mạnh. Đối phương có một hệ thống phòng thủ và công trình bảo vệ nhất định mà chúng đã và đang xây dựng ở đó”, ông nói thêm.

7. FSB Nga cáo buộc Ukraine đứng sau vụ tấn công đốt phá cơ sở hạ tầng chính phủ

Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, hôm thứ Sáu cho biết các cơ quan đặc biệt của Ukraine đứng sau các vụ tấn công đốt phá các cơ sở của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và Đường sắt nhà nước Nga.

Cơ quan này cho biết trong một tuyên bố đăng trên trang web của mình rằng các cuộc điều tra của FSB “cho thấy sự liên quan trực tiếp của các cơ quan đặc biệt Ukraine”.

Cơ quan này cho biết, các dịch vụ đặc biệt của Ukraine “dựa vào những người trẻ tuổi, người già, người bị thiệt thòi, người bệnh tâm thần, những người không nhận ra mức độ nghiêm trọng của hành động của họ”, cơ quan này cho biết, đồng thời cho biết các nạn nhân nhận được các cuộc gọi lừa đảo từ những người tự xưng là lực lượng an ninh, nhân viên của Ủy ban điều tra, Bộ Nội vụ hoặc FSB.

Theo tuyên bố của FSB, những kẻ gọi điện thao túng tâm lý mọi người để chuyển tiền tiết kiệm của họ vào “tài khoản an toàn” và cũng thuyết phục họ thực hiện các cuộc tấn công đốt phá.

FSB cho biết những kẻ đốt phá đã bị kết án nhiều năm tù theo bộ luật hình sự của nước này trong danh sách hàng chục vùng lãnh thổ trên khắp nước Nga, từ Mạc Tư Khoa đến các vùng xa xôi.

Vào cuối tháng 7 và trong suốt tháng 8, đã xảy ra các cuộc tấn công đốt phá trên diện rộng nhằm vào các văn phòng nhập ngũ trên khắp nước Nga.

Ukraine thường hạn chế bình luận trực tiếp về các cuộc tấn công trên đất Nga.

Một nguồn tin liên quan đến một nhóm đảng phái Nga phủ nhận việc người Nga bị ép buộc, nói với CNN rằng Điện Cẩm Linh muốn che giấu sự bất mãn ngày càng tăng trong xã hội. Nguồn tin nói với CNN: “Nếu người dân không tức giận với chính quyền, họ sẽ không làm như thế”.

8. Các vụ nổ lớn ở căn cứ quân sự của Nga tại Crimea trong cuộc tấn công bằng 42 máy bay không người lái

Theo các quan chức Ukraine và các blogger quân sự Nga, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine diễn ra hôm thứ Sáu nhằm vào các mục tiêu ở Crimea bị Nga tạm chiếm đã gây ra một số thiệt hại.

Ivan Fedorov, thị trưởng Ukraine của thành phố Melitopol do Nga nắm giữ, tuyên bố rằng vụ nổ đã xảy ra tại một căn cứ quân sự ở Perevalne gần thành phố Simferopol của Crimea.

Federov cho biết khoảng 300 binh sĩ Nga bị thương đã được đưa đến bệnh viện ở Simferopol sau vụ tấn công.

Bộ Quốc phòng Nga trước đó cho biết 42 máy bay không người lái của Ukraine đã bị phá hủy khi cố gắng tấn công Crimea.

Boris Rozhin, một blogger quân sự người Nga, cho biết hầu hết máy bay không người lái đã bị bắn hạ hoặc bất động do tác chiến điện tử.

Tuy nhiên, ông nói rằng 9 chiếc “đã bay tới sân tập Perevalne, nơi họ bị gây nhiễu bởi tác chiến điện tử. Nhưng một số máy bay không người lái này đã hạ cánh xuống địa điểm này, làm hư hỏng hai xe tải KamAZ. Không có dữ liệu về thương vong hoặc thiệt hại về cơ sở hạ tầng.”

Khi được hỏi về số vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine ngày càng gia tăng - bao gồm cả những vụ tấn công Crimea - phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói rằng “các hệ thống phòng không liên quan hoạt động khá hiệu quả”.

Ông mô tả các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái là “hoạt động khủng bố – bởi vì phần lớn, nó nhắm vào các tòa nhà dân cư”.

“Rõ ràng hoạt động khủng bố tương tự cũng có liên quan đến Crimea. Và tất cả các biện pháp cần thiết đang được thực hiện ở đó”, ông nói.

Kyiv gần đây đã tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Crimea nhằm nỗ lực làm gián đoạn các nỗ lực hậu cần và tiếp tế của Nga.

Thứ Sáu đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp Ukraine tấn công Bán đảo Crimea, nơi bị Nga sáp nhập từ Ukraine, vi phạm luật pháp quốc tế năm 2014.

Phía Ukraine hôm thứ Tư cho biết họ đã phá hủy một hệ thống phòng thủ hỏa tiễn S-400 trong khu vực. Ngày hôm sau, Kyiv đổ bộ quân lên bờ biển Crimea trong chiến dịch phức tạp và đầy tham vọng nhất của quân đội Ukraine cho đến nay nhằm vào các cơ sở quân sự của Nga trên bán đảo.

Rozhin cho biết cuộc tấn công sáng thứ Sáu là “cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất vào Crimea trong những tháng gần đây”.

“Việc lựa chọn mục tiêu để tấn công là điều khá dễ hiểu: phi trường quan trọng, khu vực vị trí phòng không, trại huấn luyện. Và nỗ lực đột kích vào nhà máy nhiệt điện gần Simferopol”.

Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine, nói trên truyền hình Ukraine rằng ông hy vọng việc tăng cường tập trung vào Crimea sẽ nhắc nhở mọi người rằng chiến thắng và sự giải phóng “không còn xa nữa”.

Ông nói: “Mọi chuyện sẽ không kết thúc ở đó – sẽ có một chiến dịch trên bộ, sẽ có sự trao trả lại các lãnh thổ của chúng tôi”.

9. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Vào ngày 23 tháng 8 năm 2023, đúng hai tháng sau cuộc binh biến của Tập đoàn Wagner, một chiếc máy bay phản lực kinh doanh Embraer của Wagner đã bị rơi gần Tver, giữa Mạc Tư Khoa và St. Petersburg. Chính quyền Nga cho biết 10 người trên tàu đã thiệt mạng, trong đó có chủ sở hữu Wagner Yevgeny Prigozhin.

Vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn cho thấy Prigozhin có mặt trên tàu và anh ta được biết là đã thực hiện các biện pháp an ninh đặc biệt. Tuy nhiên, rất có thể anh ta thực sự đã chết.

Sự sụp đổ của Prigozhin gần như chắc chắn sẽ gây bất ổn sâu sắc cho Tập đoàn Wagner.

Những đặc tính cá nhân của ông là hiếu động, táo bạo đặc biệt, nỗ lực đạt kết quả và cực kỳ tàn bạo đã thấm nhuần vào Wagner và khó có người kế nhiệm nào có thể sánh bằng.

Khoảng trống lãnh đạo của Wagner sẽ càng trở nên phức tạp hơn bởi các báo cáo cho rằng người sáng lập kiêm chỉ huy chiến trường Dimitry Utkin và giám đốc hậu cần Valery Chekalov cũng qua đời.
 
Đại nghịch bất đạo ở Ấn Độ: Đặc sứ ĐGH đe dọa dứt phép thông công, kháng cự vẫn tiếp diễn
VietCatholic Media
05:26 26/08/2023


1. Bất chấp tối hậu thư của đặc sứ Đức Giáo Hoàng, sự kháng cự vẫn tiếp diễn trong Giáo Hội Syro-Malabar của Ấn Độ và đang lên rất cao

Bất chấp lời đe dọa quyết liệt của một đại diện Đức Giáo Hoàng về việc rút phép thông công các linh mục không tuân thủ mệnh lệnh về cách cử hành Thánh lễ từ Thượng Hội Đồng Giáo hội Syro-Malabar của Ấn Độ, hạn chót đã đến và trôi qua vào Chúa Nhật với chỉ một số ít giáo xứ cử hành Thánh lễ theo quy định. Một linh mục thậm chí còn đâm đơn kiện đặc phái viên của Đức Giáo Hoàng tại một tòa án dân sự.

Trong vương cung thánh đường của Giáo Hội Syro-Malabar, là Nhà thờ Đức Bà ở Ernakulam, một cha sở mới được bổ nhiệm. Ngài đã cố gắng cử hành Thánh lễ theo cách quy định nhưng đã bị cộng đoàn phản đối, và cha sở buộc phải thông báo rằng Thánh lễ bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới.

Sau tuyên bố dứt phép thông những ai không tuân thủ chỉ có 6 trong số 328 giáo xứ ở tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly thực sự tuân theo lời cảnh báo của đặc sứ Đức Giáo Hoàng.

Sự phản kháng xảy ra sau khi có tối hậu thư được đưa ra ngày 17 tháng 8 bởi Đức Tổng Giám Mục người Slovakia Cyril Vasil, một tu sĩ Dòng Tên và là cựu quan chức số hai của Bộ Giáo hội Đông phương của Vatican, người được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm vào ngày 31 tháng 7 làm đại diện của ngài tại Ernakulam- Angamaly, nơi một loạt linh mục và giáo dân đã biểu tình công khai trong nhiều tháng qua.

Đức Tổng Giám Mục Vasil đã ấn định Chúa Nhật, ngày 20 tháng 8, là thời hạn cuối cùng để các linh mục cử hành Thánh lễ theo quy định của Thượng Hội Đồng, theo đó linh mục hướng mặt về phía giáo dân trong Phụng vụ Lời Chúa nhưng quay mặt về phía bàn thờ trong Phụng vụ Thánh Thể, và sau đó quay xuống từ Kinh Lạy Cha. Đức Cha Vasil cảnh báo các linh mục không tuân theo sẽ phải bị kỷ luật theo giáo luật.

Sắc lệnh đó đã bị phản đối mạnh mẽ ở Ernakulam-Angamaly, nơi có phong tục là linh mục phải quay mặt xuống cộng đoàn trong suốt thánh lễ như trong các thánh lễ của Công Giáo Latinh. Một cuộc biểu tình của giáo dân đã nổ ra trong đó họ công khai đốt bỏ sắc lệnh của Đức Tổng Giám Mục.

Cha Jose Vailikodath, thư ký của Hội đồng Bảo vệ Tổng giáo phận, người cũng đang lãnh đạo phe đối lập, gọi nỗ lực khôi phục trật tự của Đức Cha Vasil là “một thất bại hoàn toàn”.

Theo Cha Vailikodath, một linh mục khác của tổng giáo phận đã đệ đơn khiếu nại Đức Cha Vasil trước một thẩm phán dân sự trong khu vực, cáo buộc rằng Đức Cha Vasil không có thẩm quyền đe dọa các hình phạt đối với các linh mục vì người quản lý tông tòa của Tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly thực sự là Tổng giám mục Andrews Thazhath, người được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào vai trò đó vào tháng 7 năm 2022.

Đức Cha Thazhath đã đưa ra một tuyên bố vào Chúa Nhật ủng hộ mạnh mẽ Đức Cha Vasil và yêu cầu các linh mục bất đồng tuân thủ.

“Với tư cách là người đại diện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Tổng Giám Mục Cyril Vasil đã thông báo rằng từ hôm nay, ngày 20 tháng 8, tại tổng giáo phận Ernakulam-Angamaly, chỉ nghi thức Thánh Thể được Thượng Hội đồng phê chuẩn mới được phép”


Source:Crux

2. Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp Tổng thống Hung Gia Lợi trong bối cảnh cuộc vận động “hòa bình” của Vatican.

Cuộc gặp mới của Tổng thống Hung Gia Lợi, Katalin Novák, với Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ diễn ra sau các cuộc gặp gỡ vào tháng 8 năm 2022 và tháng 4 năm 2023. Tổng thống sẽ được Đức Thánh Cha tiếp đón tại Vatican vào thứ Sáu ngày 25 tháng 8 này trong khuôn khổ hoạt động ngoại giao căng thẳng của bà Novak và chính phủ của Thủ tướng Victor Orbán.

Trước khi sang Vatican, Tổng thống Hung Gia Lợi được tiếp đón vào hôm thứ Tư bởi nhà lãnh đạo nhà nước Ukraine Zelenskiy tại Kyiv.

Thông tin chi tiết về cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha và Tổng thống Zelenskiy được báo chí Ukraine cho là tập trung vào tình hình chiến tranh ở trung tâm Âu Châu, gần biên giới phía đông Hung Gia Lợi.

Hôm 21 Tháng Tám, Katalin Novák đã có cuộc gặp kéo dài với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Novák cho biết cô ấy đã có một cuộc gặp quan trọng với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ “không chỉ là đồng minh và đối tác chiến lược quan trọng của chúng tôi, mà còn là một trong số ít những người cam kết vì hòa bình”.

Hôm 22 tháng 8, Tổng thống Hung Gia Lợi đã đến thăm Transcarpathian để gặp gỡ đại diện của cộng đồng Hung Gia Lợi địa phương và sau đó sẽ tới Kyiv để tham gia sự kiện Diễn đàn Crimea năm nay.

Theo nhà lãnh đạo nhà nước Hung Gia Lợi, cư dân của Transcarpathia đã ở trong một tình huống khó khăn trước chiến tranh, điều này chỉ trở nên tồi tệ hơn kể từ đó. “Bất cứ nơi nào tôi đi, tôi đều mang theo ký ức về cộng đồng 150.000 người Hung Gia Lợi sống ở Transcarpathia. Họ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chiến tranh, nhiều người phải để tang con, chồng và cha, gia đình tan nát”, Tổng thống Novak nói với báo chí Hung Gia Lợi.

Cương lĩnh Crimea là một sáng kiến ngoại giao của Ukraine nhằm đưa vấn đề Crimea trở lại chương trình nghị sự quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao trả quyền kiểm soát Crimea cho Ukraine và khôi phục quan hệ Nga-Ukraine hòa bình và thân thiện.


Source:Sismo Grafo

3. Tổ chức “Các Kitô hữu gặp nạn” thỉnh cầu Ngoại trưởng Áo

Tổ chức liên Kitô “Các Kitô hữu gặp nạn” (Christen in Not) ở Áo thỉnh cầu Ngoại trưởng nước này, ông Alexander Schallenberg, dùng ảnh hưởng của mình để giúp đỡ các tín hữu Kitô thiểu số mới bị tấn công.

Hôm 16 tháng Tám vừa qua, đã có 15 cơ sở Kitô, trong đó có bốn thánh đường và hàng trăm tư gia của các tín hữu Kitô bị hàng ngàn người Hồi giáo cuồng tín phá hủy, khoảng 2.000 người phải tị nạn, trong cuộc bạo động gọi là chống người phạm thượng, xúc phạm đến sách Coran của Hồi giáo ở thành phố Jaranwala, thuộc huyện Faisalabad.

Trong thư ngỏ, công bố hôm 21 tháng Tám, nhân ngày Thế giới Tưởng niệm các nạn nhân bạo lực vì lý do tôn giáo, cử hành ngày 22 tháng Tám hằng năm, Tổ chức “Các Kitô hữu gặp nạn” kêu gọi Ngoại trưởng Áo hãy làm hết sức để nâng đỡ các tín hữu Kitô, nạn nhân của vụ săn đuổi, bách hại, đồng thời khuyến khích Pakistan kiến tạo một hệ thống công lý và giáo dục góp phần vào sự sống chung hòa bình giữa các tôn giáo tại nước này”.

Vụ bạo động tại Jaranwala chỉ là cao điểm của những gì xảy ra từ nhiều năm nay tại Pakistan chống các nhóm tôn giáo thiểu số. Cảnh sát chỉ phản ứng lấy lệ và các nhà chính trị chỉ đưa ra những lời cam kết, trấn an vô ích.

Trong thư ngỏ, ông Elmar Kuhn, Tổng thư ký Tổ chức “Các Kitô hữu gặp nạn” nhấn mạnh rằng “Nay là lúc phải hành động”: cái vòng luẩn quẩn lạm dụng tôn giáo để bách hại các Kitô hữu và Ấn giáo ở Pakistan chỉ có thể chấm dứt nếu những kẻ phạm pháp bị truy tố trước công lý. Ông Kuhn cũng đồng ý với cựu Thủ tướng Shahbaz Sharif của Pakistan, nhận xét rằng các tín hữu Kitô đã đổ máu và đã bỏ phiếu ủng hộ việc thành lập Pakistan, không thể để sự hy sinh của họ trở nên vô ích.

Theo tổ chức “Các Kitô hữu gặp nạn”, nước Áo có thể giúp Pakistan duy trì một hệ thống tư pháp độc lập và huấn luyện các luật gia cũng như các quan tòa, được bổ túc bằng một nền giáo dục thích hợp về sự sống chung hòa bình giữa các tôn giáo và văn hóa, thăng tiến tinh thần bao dung và tôn trọng nhau, trong nền giáo dục học đường.
 
Putin ký án tử hình cho mình: 5.000 tay súng Wagner săn lùng ông ta. Trực thăng Nga đào tị ở Ukraine
VietCatholic Media
16:42 26/08/2023


1. Lukashenko nói rằng ông “không thể tưởng tượng” Putin có liên quan đến vụ tai nạn máy bay khiến Prigozhin thiệt mạng

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho biết ông “không thể tưởng tượng” rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng đằng sau cái chết rõ ràng của nhà lãnh đạo Wagner Yevgeny Prigozhin.

“Tôi không thể nói ai đã làm điều đó”, đồng minh lâu năm của Putin nói với các nhà báo, trong đó có hãng thông tấn nhà nước BelTA. “Nhưng tôi biết Putin. Anh ta là người thận trọng, rất bình tĩnh và thậm chí chậm chạp khi đưa ra quyết định về những vấn đề khác ít phức tạp hơn. Vì vậy, tôi không thể tưởng tượng rằng Putin đã làm điều đó, tôi không nghĩ rằng Putin là người có lỗi. Về tai nạn của Prigozhin, đó là một công việc quá thô bạo và thiếu chuyên nghiệp.”

Khi Prigozhin kích động một cuộc nổi dậy vũ trang chống lại Điện Cẩm Linh vào tháng 6, Lukashenko cho biết ông đã thương lượng để giảm căng thẳng với ông chủ Wagner và tuyên bố rằng ông đã thuyết phục Putin đừng “tiêu diệt” nhóm Wagner và thủ lĩnh của nó. Điện Cẩm Linh đã ghi nhận Lukashenko đã giúp đỡ trong cuộc khủng hoảng, mặc dù lời kể của ông về các sự kiện chưa được Putin hay Prigozhin chứng thực.

Trước đó vào hôm thứ Sáu, phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, cho biết bất kỳ khẳng định nào về sự liên quan của chính phủ Nga trong vụ tai nạn máy bay khiến Prigozhin thiệt mạng là “hoàn toàn dối trá”.

Phát biểu với CNN, các quan chức Mỹ cảnh báo rằng còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận nào về nguyên nhân, nhưng một số khả năng đang được đánh giá, bao gồm cả thiết bị nổ trên máy bay gây ra vụ tai nạn.

Đồng thời, những người quen thuộc với tình báo tin rằng vụ bắn hạ máy bay dù bằng hỏa tiễn hay chất nổ là có chủ ý và mục tiêu là giết Prigozhin.

2. Điện Cẩm Linh cho rằng các tuyên bố cho rằng Putin có liên quan đến vụ tai nạn máy bay khiến Prigozhin thiệt mạng là “hoàn toàn dối trá”

Điện Cẩm Linh lần đầu tiên phủ nhận mọi liên quan đến vụ tai nạn máy bay được cho là đã giết chết ông chủ của Wagner, Yevgeny Prigozhin.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết bất kỳ khẳng định nào cho rằng chính phủ Nga bằng cách nào đó có liên quan đến vụ tai nạn là “hoàn toàn dối trá”.

“Có rất nhiều suy đoán xung quanh thảm họa này và cái chết bi thảm của các hành khách trên máy bay, trong đó có Yevgeny Prigozhin”, ông Peskov nói.

“Tất nhiên, ở phương Tây, tất cả những suy đoán này đều được trình bày từ một góc độ nhất định. Tất cả điều này là hoàn toàn dối trá”, ông nói thêm.

Những người chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin nổi tiếng, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, đã nhanh chóng đổ lỗi cho nhà lãnh đạo Nga, và nhấn mạnh rằng các đối thủ trong nước của Putin thường chết một cách bí ẩn.

Một số người đưa ra giả thuyết rằng Prigozhin là mục tiêu vì cuộc nổi dậy chống lại cơ quan quốc phòng Nga hồi tháng 6, thách thức lớn nhất đối với quyền lực của Putin kể từ khi ông được bầu làm tổng thống lần đầu tiên vào năm 2000.

Tuy nhiên, không có bằng chứng nào được đưa ra chỉ ra sự liên quan của Điện Cẩm Linh hoặc các cơ quan an ninh Nga trong vụ tai nạn.

Peskov cũng cho biết xét nghiệm di truyền và các cuộc kiểm tra cần thiết khác đang được tiến hành để xác định xem Prigozhin có thực sự thiệt mạng trong vụ tai nạn hôm thứ Tư hay không.

Prigozhin, nhà lãnh đạo nhóm lính đánh thuê Wagner của Nga, đã được báo cáo trong danh sách chuyến bay của máy bay và do đó được cho là đã chết. Cái chết của ông vẫn chưa được xác nhận chính thức bởi các cơ quan pháp y nhưng Putin đã xác nhận và chia buồn với gia đình.

Peskov cho biết kết quả chính thức sẽ được cung cấp “ngay khi chúng sẵn sàng được công bố”.

Khi được hỏi về khả năng Putin tham dự đám tang của Prigozhin, nếu điều này được xác nhận, Peskov lưu ý sự không chắc chắn về tiến trình của các thủ tục nhận dạng cần thiết và nói rằng tổng thống có lịch làm việc bận rộn.

3. Putin sẽ không trực tiếp tham dự hội nghị thượng đỉnh G20, nhưng ông sẽ “sớm” gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ở Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối năm nay tại Ấn Độ, Điện Cẩm Linh cho biết hôm thứ Sáu.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết ông Putin có lịch trình bận rộn và chủ yếu tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine. Cuộc họp dự kiến sẽ diễn ra vào tháng tới tại New Delhi. Nếu Putin trực tiếp tham dự, ông có nguy cơ bị các nhà lãnh đạo thế giới khác đối đầu hoặc xa lánh vì cuộc xâm lược Ukraine.

Khi được hỏi liệu Putin có thể tham gia qua cầu truyền hình hay không, Peskov nói: “Hình thức này đang được thảo luận”. Putin đã không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 năm ngoái ở Bali, Indonesia.

Chuyến thăm của Erdogan: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayip Erdogan dự kiến sẽ đến thăm Mạc Tư Khoa và gặp Putin “sớm”, Peskov cho biết.

Theo hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti, các cuộc đàm phán có thể diễn ra ở Nga sớm nhất là vào tháng 9, trước hội nghị thượng đỉnh G20.

“Chúng tôi sẽ thông báo cho bạn trong thời gian ngắn. Nó đang được chuẩn bị”, ông Peskov nói nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Erdogan đã xác lập một vai trò ngoại giao quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ kể từ cuộc xâm lược của Điện Cẩm Linh. Ông là một trong số ít nhà lãnh đạo thế giới nói chuyện với cả Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

4. Lãnh đạo Chechen ca ngợi Prigozhin nhưng chê bai nhà lãnh đạo Wagner không nhìn thấy “bức tranh toàn cảnh”

Lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov, một đồng minh của Tổng thống Nga Vladimir Putin, lực lượng thường xuyên chiến đấu bên cạnh các đơn vị Wagner ở Ukraine, đã ca ngợi di sản của Yevgeny Prigozhin sau vụ tai nạn máy bay được cho là đã giết chết nhà lãnh đạo Wagner.

“Chúng tôi đã là bạn từ lâu rồi,” Kadyrov nói trong một bài đăng dài trên Telegram. “Chúng tôi thường phải giải quyết những vấn đề phức tạp nhất.”

Kadyrov mô tả Prigozhin là người “khác biệt với những người khác bởi khả năng phản ứng nhanh, kỹ năng giao tiếp độc đáo và sự kiên trì”.

“Anh ta luôn sẵn sàng giúp đỡ và thực sự giúp đỡ từ tận đáy lòng,” Kadyrov nói.

Trong khi Kadyrov nói Prigozhin là “một người quan trọng trên trường quốc gia”, thì gần đây ông “không nhìn thấy hoặc không muốn nhìn thấy bức tranh toàn cảnh về những gì đang xảy ra trong nước”.

“ Tôi đã yêu cầu anh ta bỏ lại những tham vọng cá nhân để ủng hộ những vấn đề có tầm quan trọng tối cao của quốc gia. Mọi chuyện khác có thể giải quyết sau”, Kadyrov nói.

“Nhưng đó chính là con người của anh ta, Prigozhin, với phong thái sắt đá và mong muốn đạt được điều mình muốn ở đây và ngay bây giờ.”

Về sự đóng góp của Nhóm Wagner trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine, Kadyrov nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa, ông ấy đã có đóng góp to lớn cho chiến dịch quân sự đặc biệt. Và công lao đó không thể bị lấy đi khỏi anh ta. Sự ra đi của anh là một mất mát to lớn cho cả nước”.

5. Ukraine khoe bắt sống trực thăng Mi-8 của Nga theo cách của Do Thái

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Flaunts Russian Mi-8 Helicopter Hijacked in Mossad-Inspired Op”, nghĩa là “ Ukraine khoe cướp được trực thăng Mi-8 của Nga trong hoạt động lấy cảm hứng từ Mossad.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Ukraine cho biết họ đã dụ một phi công Nga chỉ huy trực thăng vận tải tấn công Mi-8 hạ cánh xuống lãnh thổ Ukraine và máy bay này đã bị tịch thu.

Khi các báo cáo lan truyền trong tuần này rằng một trực thăng Mi-8 AMTSh của Nga đã hạ cánh xuống căn cứ không quân quân sự Poltava ở Kharkiv, Thiếu tướng Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là GUR, nói với Đài phát thanh Âu Châu Tự do, rằng một vài người trong phi hành đoàn cùng đi với viên phi công đào thoát đã cố gắng “bỏ chạy” khi họ nhận ra mình đã hạ cánh ở đâu.

Mi-8 AMTSh là phiên bản tấn công bọc thép của trực thăng Mi-8AMT và chủ yếu được sử dụng để chở quân và hàng hóa. Theo Military Today, nó mang theo một số vũ khí tấn công mặt đất và có thể hoạt động vào ban đêm và trong mọi điều kiện thời tiết.

Budanov cho biết chiếc trực thăng hiện đang ở Kyiv và gọi đây là hoạt động đầu tiên thành công thuộc loại này trong lịch sử Ukraine.

Đã có một số báo cáo trái ngược nhau về việc bắt giữ chiếc trực thăng và Newsweek đã liên hệ với Bộ quốc phòng Nga và Ukraine qua email để bình luận và biết thêm thông tin chi tiết.

Artem Shevchenko, một nhà báo truyền hình Ukraine, cho biết trên Facebook rằng hoạt động tình báo này rất giống với Chiến dịch Diamond, do cơ quan tình báo quốc gia Mossad của Israel, thực hiện vào những năm 1960. Nó liên quan đến một người đào thoát Iraq lái chiếc MiG-21 và hạ cánh xuống một căn cứ không quân ở Israel.

Andriy Yusov, phát ngôn nhân của cơ quan tình báo quân sự GUR của Ukraine, đã nói chuyện với Reuters về hoạt động này: “Đây là một hoạt động của GUR. Máy bay đã di chuyển theo đúng kế hoạch.”

Hãng tin Ukraine Ukrainska Pravda dẫn nguồn tin tình báo giấu tên cho biết, hoạt động dụ phi công hạ cánh ở Ukraine kéo dài hơn 6 tháng.

Theo ấn phẩm, “do một hoạt động đặc biệt”, hai thành viên phi hành đoàn đã thiệt mạng, còn phi công và gia đình anh ta đang ở Ukraine. Nó lưu ý rằng gia đình của phi công đã “được đưa ra khỏi Liên bang Nga trước đó”.

Báo cáo cho biết: “Chiếc Mi-8 vẫn ở Ukraine cùng với các bộ phận của chiến đấu cơ mà nó được cho là sẽ giao cho người Nga”.

Hãng tin nguồn mở Oryx của Hà Lan cho biết, kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, Nga đã mất ít nhất 103 máy bay trực thăng, trong đó 89 chiếc bị phá hủy, 12 chiếc bị hư hỏng và 2 chiếc bị bắt.

Trong khi đó, số liệu do Bộ Tổng tham mưu Ukraine công bố hôm thứ Sáu cho thấy tổng số trực thăng Nga bị phá hủy kể từ khi chiến tranh bắt đầu là 316. Các nguồn độc lập đưa ra những con số thận trọng hơn so với Kyiv và Nga không công bố số liệu về tổn thất quân sự của mình.

Bản cập nhật của Ukraine về Mi-8 diễn ra sau ba tháng phản công nhằm chiếm lại lãnh thổ bị Nga chiếm giữ trong suốt cuộc xung đột.

Oleksiy Danilov, nhà lãnh đạo Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, nói với Radio Liberty trong tuần này rằng cuộc phản công cho đến nay vẫn còn khó khăn, “nhưng mỗi ngày chúng tôi đều đang tiến tới giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ của mình”.

6. Putin ký bản án tử hình cho chính mình. 5.000 tay súng săn lùng ông ta

Ký giả Iona Cleave của tờ The Sun có trụ sở ở Luân Đôn có bài tường trình nhan đề “'Deluded Mob Boss' Putin signed his own death warrant by killing Prigozhin – 5,000 Wagner guns could come for him, warns Brit colonel”, nghĩa là “'Trùm du đảng bị lừa' Putin đã ký lệnh tử hình của chính mình bằng cách giết Prigozhin – Đại Tá Vương Quốc Anh cảnh báo 5.000 tay súng Wagner có thể săn lùng ông ta.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Một cựu đại tá người Anh cảnh báo rằng Vladimir Putin đã “ký lệnh tử hình của chính mình” nếu ông ta đứng sau cái chết được tường trình của ông chủ Tập đoàn Wagner.

Lãnh chúa nổi dậy, Yevgeny Prigozhin, được cho là đã chết sau khi máy bay riêng của ông bị nổ tung ở độ cao 28.000 ft trên bầu trời đúng hai tháng sau khi ông bị coi là “kẻ phản bội” vì dàn dựng một cuộc đảo chính thất bại.

Thủ lĩnh lính đánh thuê 62 tuổi, trước đây được mệnh danh là “đầu bếp yêu thích của Putin”, đã trở thành tâm điểm của một cơn bão ngày càng lớn nhấn chìm Điện Cẩm Linh sau cuộc nổi dậy ngắn ngủi của ông vào tháng 6 năm 2023.

Putin đã gọi những hành động của Prigozhin là “phản quốc” và là “con dao đâm sau lưng” người dân Nga và thề sẽ trả thù con chó cưng cũ của mình.

Có vẻ như cuộc trả thù cuối cùng đã được thực hiện một cách tàn bạo vào hôm thứ Tư khi máy bay của Prigozhin lao xuống đất trong một đống hỗn độn bốc lửa ngay phía bắc Mạc Tư Khoa.

Cơ quan hàng không dân dụng Nga xác nhận rằng thủ lĩnh lính đánh thuê đã ở trên máy bay cùng với các chỉ huy khác của Wagner, bao gồm cả người đồng sáng lập Dmitry Utkin. Không có người nào sống sót.

Đại tá Hamish de Bretton-Gordon, cựu sĩ quan Quân đội Anh, nói với The Sun rằng “hoàn toàn không có ai ngạc nhiên”.

“Điều này được cơ quan gián điệp Nga FSB viết trên đó, đó là một công việc ám sát an ninh nội bộ. Rất nhiều người ngạc nhiên khi Prigozhin tồn tại lâu đến vậy.”

“Chiến tranh đang diễn ra tồi tệ và điều duy nhất mà Putin dường như có thể làm là loại bỏ các nhà lãnh đạo của mình... Surovokin, Pavlov và bây giờ là Prigozhin.”

Tuy nhiên, vị đại tá cho rằng đây có thể là một sai lầm chết người của tên bạo chúa ngày càng “hoang tưởng”.

“Putin đã ký lệnh tử hình tại đây.”

“Ông ấy đã làm đảo lộn hai nhóm quyền lực nhất ở Nga - những kẻ đầu sỏ giúp ông ấy nắm giữ quyền lực và lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất mà Putin từng đưa vào chiến trường, là Nhóm Wagner.”

Về phía Wagner, “những người này đã quen với việc được trả rất nhiều tiền để thực hiện ý nguyện của Prigozhin”, ông nói.

“Bây giờ, sẽ có một khoảng chân không.”

Nó xuất hiện khi Antony Yelizarov - được biết đến với cái tên “Lotus” - được xác định là người kế thừa tiềm năng cho Prigozhin.

Người lính đánh thuê là người trung thành thân thiết của ông chủ cũ.

Và ông ta đã dẫn dắt quân Wagner tham gia một trong những trận chiến đẫm máu nhất trong cuộc chiến ở Ukraine - cuộc chiến giành Soledar, được Prigozhin ca ngợi là “kẻ chinh phục”.

Tên của anh ta đã được nhắc đến trên nhiều kênh Telegram có liên kết với nhóm lính đánh thuê với tư cách là một thủ lĩnh mới tiềm năng.

Tuy nhiên, Đại tá de Bretton-Gordon tin rằng những đội quân khát máu, hiện không có chỉ huy này là một “mối nguy hiểm thực sự” đối với Putin.

“Hiện có 5.000 tay súng đánh thuê. Và thật trớ trêu, ai đó lại có thể thuê họ để gây ra tình trạng hỗn loạn ở Nga.”

“Prigozhin đã ra người thiên cổ, và chắc chắn là những nhà lãnh đạo thực sự ở Wagner sẽ tìm kiếm một con bò kiếm tiền mới và nếu điều đó đồng nghĩa với việc giết chết người Nga thì tôi chắc chắn rằng họ sẽ không hề e ngại khi làm điều đó”.

Đại tá nói thêm rằng vụ ám sát được cho là minh chứng cho việc “Putin bị hoang tưởng và sống trong thế giới nhỏ bé của riêng mình”.

Loại bỏ các nhà lãnh đạo quân đội hiệu quả nhất của ông ta, đe dọa các đầu sỏ của chế độ và hướng tới thất bại ở Ukraine báo hiệu “tất cả sẽ nổ tung”.

Cựu chỉ huy quân đội cho biết: “Đầu con rắn là các lãnh đạo quân sự của Nga và con rắn đã mất đầu.”

“Putin có thể hối hận về ngày ông ấy loại bỏ Prigozhin.”

Tiến sĩ Kristian Gustafson, chuyên gia bảo mật từ Đại học Brunel cũng “hoàn toàn không ngạc nhiên” về số phận như thế này lại xảy đến với Prigozhin.

Ông nói với The Sun: “Đây là một động thái phản tác dụng và là một tuyên bố nhằm thể hiện quyền lực của Putin”.

“Churchill nói 'những kẻ độc tài cỡi những con hổ đi qua đi lại mà họ không dám xuống'- Cuộc binh biến của Prigozhin là một vết cắn từ con hổ đó và Putin đã phải chặt đầu con hổ.”

Gustafson nói thêm: “Giới tinh hoa ở Nga biết rằng bạn có thể ăn trộm và cướp nhưng bạn không được cản đường Putin”.

Ông nói, câu hỏi quan trọng nhất hiện nay là phải làm gì với đế chế Wagner hiện diện trên khắp Trung Phi và Syria.

“Putin quản lý họ như thế nào? Ai đang trả lương cho họ?”

“Ở Ukraine, thành công của họ là mối đe dọa đối với quân đội Liên bang Nga nhưng ở Phi Châu và Syria, họ thực hiện chức năng chính sách đối ngoại lâu dài.

“Putin sẽ rất nỗ lực để củng cố Wagner vì nó có giá trị quá lớn đối với nhà nước Nga trong việc gây bất ổn cho các quốc gia đó. Tuy nhiên, ông ta có làm được điều đó hay không khi vụ bắn hạ Prigozhin gây ra một sự nghi ngờ sâu sắc trong hàng ngũ quân Wagner, chưa kể đến một động lực trả thù đã được nhắc đến trên các mạng xã hội gần đây.”

“Nếu Putin không có đủ quyền lực để nắm giữ những vị trí ở Phi Châu – thì đó là dấu hiệu thực sự cho thấy nước Nga đang gặp khó khăn, và cả Putin cũng sẽ gặp rắc rối.”

7. Theo yêu cầu của Ukraine, Phần Lan bắt giữ thủ lĩnh dân quân Nga có quan hệ với Wagner, dẫn độ sang Kyiv

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO Country Detains Leader of Neo-Nazi Russian Militia with Ties to Wagner”, nghĩa là “Quốc gia NATO bắt giữ Thủ lĩnh dân quân Nga theo chủ nghĩa phát xít mới có quan hệ với Wagner.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Hôm thứ Sáu, nhà chức trách cho biết, đồng lãnh đạo của nhóm bán quân sự theo chủ nghĩa phát xít mới của Nga, gọi là Lực lượng đặc nhiệm Rusich đã bị bắt ở Phần Lan.

Yan Igorevich Petrovskiy (được truyền thông Phần Lan gọi là Jan Igorovits Petrovsky) đã bị giam giữ “theo yêu cầu của Kyiv”, hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti đưa tin hôm thứ Sáu, trích dẫn một nguồn tin giấu tên của đại sứ quán Nga.

Trước đó, kênh MTV3 của Phần Lan đưa tin Petrovskiy, người đang chịu lệnh trừng phạt của Liên minh Âu Châu và Hoa Kỳ, đã bị giam giữ và nói rằng Ukraine đã yêu cầu dẫn độ ông ta.

Phần Lan gia nhập NATO vào ngày 4 tháng 4 vừa qua sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.

Rusich tích cực tham gia chiến đấu ở Ukraine thay mặt cho Điện Cẩm Linh và có mối liên hệ với nhóm bán quân sự khét tiếng Tập đoàn Wagner, nhà lãnh đạo của nhóm này, Yevgeny Prigozhin, được cho là đã chết sau khi máy bay riêng của ông bị rơi ở vùng Tver của Nga hôm thứ Tư.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã trừng phạt Petrovskiy vào tháng 9 năm 2022, trong một thông cáo báo chí lưu ý rằng ông đã bị trục xuất khỏi Na Uy vào năm 2016 sau khi bị tuyên bố là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Anh ta đã sống ở Na Uy từ năm 2004 trước khi bị trục xuất và tước quyền thường trú.

Bộ Tài chính Hoa Kỳ mô tả ông ta là “huấn luyện viên quân sự hàng đầu” của Rusich, nơi có lịch sử lâu dài chiến đấu cùng với các lực lượng ủy nhiệm được Nga hậu thuẫn ở vùng Donbas của Ukraine. Nó lưu ý rằng Rusich được liên kết với Tập đoàn Wagner.

Petrovskiy bị trừng phạt vì đã hoặc đang là lãnh đạo, quan chức, giám đốc điều hành cấp cao hoặc thành viên ban giám đốc của Rusich.

MTV3 đưa tin rằng anh ta bị nghi ngờ thực hiện các hành động khủng bố xảy ra từ tháng 6 năm 2014 đến tháng 8 năm 2015 tại các khu vực Luhansk và Donetsk ở miền đông Ukraine, trong cuộc xâm lược đất nước ban đầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tổng công tố Ukraine và Tòa án Hình sự Quốc tế đang điều tra các thành viên của Rusich vì cáo buộc tội ác chiến tranh ở Ukraine, hãng tin độc lập Meduza của Nga có trụ sở tại Latvia đưa tin vào năm 2017.

Vào tháng 10 năm 2022, một tin nhắn trên kênh Telegram của Rusich kêu gọi tra tấn tù nhân chiến tranh ở Ukraine và “tiêu diệt tù nhân ngay tại chỗ”, tờ Guardian đưa tin.

8. Nga phá hủy hơn 40 máy bay không người lái của Ukraine trên Crimea, Bộ Quốc phòng cho biết

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trên Telegram rằng lực lượng phòng không Nga đã phá hủy 42 máy bay không người lái của Ukraine trên Bán đảo Crimea vào hôm thứ Sáu.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết 9 chiếc máy bay không người lái đã bị bắn hạ và 33 chiếc khác bị thiết bị tác chiến điện tử làm nhiễu và bị rơi mà không thể tiếp cận mục tiêu.

“Chỉ qua một đêm, nỗ lực của chính quyền Kyiv nhằm thực hiện các cuộc tấn công khủng bố bằng máy bay không người lái trên lãnh thổ Liên bang Nga đã bị ngăn chặn”, ông ta nó.

Konashenkov cũng tuyên bố rằng Ukraine đã phóng hỏa tiễn tổ hợp phòng không S-200 nâng cấp nhưng bị lực lượng Nga phát hiện và bắn hạ trên khu vực Kaluga phía tây nam Mạc Tư Khoa.

Ukraine vẫn chưa bình luận.

Ukraine đã thực hiện một trong những hoạt động phức tạp và đầy tham vọng nhất của Kyiv cho đến nay nhằm vào các cơ sở quân sự của Nga ở Crimea hôm thứ Năm, trong đó lực lượng đặc biệt Ukraine đổ bộ lên bờ phía tây của bán đảo để tấn công các đơn vị Nga.

Các quan chức Ukraine đã nhiều lần tuyên bố sẽ khôi phục quyền cai trị của Kyiv ở Crimea, khu vực đã bị Nga sáp nhập vào năm 2014, vi phạm luật pháp quốc tế. Trong những tuần gần đây, Ukraine đã tăng cường các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong khu vực, bao gồm cả những cây cầu nối bán đảo với đất liền Nga.