Ngày 21-08-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Bỏ Thầy con biết theo ai?
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
00:47 21/08/2018
Chúa Nhật XXI THƯỜNG NIÊN, năm B
Ga 6, 61 – 70

Cái trớ trêu của con người vẫn là những gì họ nhìn, thấy, rồi mới tin Đặc biệt trên lãnh vực siêu nhiên, mầu nhiệm là điều phải có đức tin mới hiểu được.Người ta không thể dùng lý trí tự nhiên để lý luận, phân tích vv…Tất cả các mầu nhiệm, người Kitô hữu chỉ có thể hiểu nhờ đức tin. Do đó, khi nói tới lương thực, cơm, bánh, con người cảm nhận được liền, nhưng nói tới những gì trên Cung Trăng, trên Sao Hỏa chẳng hạn, người bình dân rất khó nhận biết!

Chính vì thế, khi nói tới Bánh Trường Sinh, Bánh Ban Sự Sống những người đồng thời với Chúa Giêsu hầu như không hiểu gì ! Các môn đệ cũng rơi vào kinh nghiệm khủng hoảng đức tin ấy…

Thực vậy, khi nghe Đức Giêsu tuyên bố, Người sẽ để lại cho nhân loại, cho con người Thịt và Máu Người, nhiều môn đệ đã phản ứng lại :” Lời này chói tai quá, ai mà nghe được “ ( Ga 6, 60 ). Từ lúc đó, theo thánh Gioan tường thuật :” …Có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa “ ( Ga 6, 66 ). Những người này đã theo Chúa Giêsu một thời gian, đã tin và đã trở thành môn đệ của Người, nhưng họ đã không theo Người tới cùng. Theo Chúa là một hành động chọn lựa hoặc theo Người hoặc chọn những thứ mà thế gian ban tặng: địa vị, danh vọng, của cải vv…Chúa Giêsu đã muốn các môn đệ xác định lại mục đích khi theo Chúa :” Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao ?”.

Vâng, theo Chúa không phải là sự chọn lựa một lần, đó là đòi hỏi xác định lại sự lựa chọn của mình hằng giờ, hằng ngày và mãi mãi chọn Người. Có những người đã là con Chúa, nhưng thực tế họ đã không trung thành với Chúa, đã không theo Chúa tới cùng. Bước Đức Kitô là bước vào một cuộc thử thách gay go : trung tín hay bỏ Người giữa đường. Theo Chúa là đòi hỏi đi tới cùng, trung tín với Người mãi mãi.

Tại sao nhóm thứ nhất bỏ đi, nhóm thứ hai ở lại với Chúa tới cùng?. Bởi vì, nhóm thứ nhất theo Chúa nhưng còn tính toán lợi hại, theo Chúa nhưng đắn đo tìm kiếm lợi nhuận, tìm kiếm địa vị, danh vọng vv…Nên, khi Chúa nói :” Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời “. Họ rút lui, không theo Chúa nữa vì chẳng hiểu gì, họ tính toán hơn thịêt, bỏ Người không thương tiếc.

Còn nhóm thứ hai khi nghe lời khẳng định, tuyên bố của Chúa Giêsu, Phêrô thay mặt các môn đệ khác, đã thưa với Chúa :” Bỏ Thầy chúng con biết theo ai ? “ ( Ga 6, 68 ). Thánh Phêrô và các môn đệ khác đã nhận ra Chúa mới là hạnh phúc đích thực mà họ đang tìm kiếm. Các Ngài tin và xác tin chỉ có “ Thầy mới là Đấng có Lời ban sự sống “ như Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo viết :” Thiên Chúa luôn lôi kéo con người vì nơi Người con người mới tìm được chân lý và hạnh phúc đích thực. Và hạnh phúc đích thực là được sống mật thiết với Chúa “. Phêrô đã nhận ra Chúa là Tình Yêu, Chúa là Đường,Sự Thật và là Sự Sống . Do đó, đứng trước thử thách gay go, Phêrô vẫn tuyên xưng :” Thầy là Đấng Kitoô, Con Thiên Chúa”( Ga 6, 52 ).

Ngày nay, trong cuộc hành trình đức tin theo Chúa, có những lúc chúng ta cũng gặp những thử thách căm go như bị lung lay về đức tin, vì những trào lưu hưởng thụ, những cám dỗ của văn minh sự chết: tiền tài, xác thịt, danh vọng vv…Những lúc đó chúng ta hãy nhìn lên Chúa và thân thưa với Chúa với tất cả tấm lòng :” Bỏ Thầy chúng con biết theo ai ? Vì Thầy mới có những Lời ban sự sống đời đời “.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn biết một niềm tín thác vào Chúa.Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao khi Chúa tuyên bố:” Ta là Bánh Trường Sinh “ lại có những môn đệ rút lui, bỏ Chúa ?
2.Thái độ của Phêrô thì sao ?
3.Chúng ta phải có thái độ nào trước những cám dỗ của thế gian?
4.Bí Tích Thánh Thể giúp chúng ta thế nào ?

 
Lời Chúa là Lời Hằng Sống
LM. Antôn Nguyễn Văn Độ
06:09 21/08/2018
Lời Chúa là Lời Hằng Sống
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXI – B
(Ga 6, 61 – 70)
Từ xưa đến nay, sống trường thọ luôn là mơ ước của toàn nhân loại. Không hiếm các bậc đế vương trong lịch sử hao công tốn của đi tìm kiếm. Hiện nay, dù cho khoa học có rất nhiều tiến bộ, đời sống con người ngày càng phát triển, chất lượng cuộc sống cũng như tuổi thọ được nâng cao, nhưng cái đích cuộc sống bất tử có lẽ còn rất xa con người hay bất cứ ai muốn đạt được điều kỳ diệu ấy. Bất tử, đồng nghĩa với không phải chết, hay sống đời đời.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay chỉ cho chúng ta một bí quyết, chọn Chúa thì sẽ được sống tự do, sống vui và sống sống hạnh phục (x. Gs 24, 1-2a. 15-17. 18b), theo Chúa, kết hợp với Chúa thì sẽ được sống đời đời, lời thánh Phêrô khẳng định, "chỉ có Chúa mới có những lời đem lại sự sống đời đời" (x. Ga 6,68).
Chọn Chúa để được sống
Sinh ra sống ở trên đời, con người được đặt trước những lựa chọn. Chọn cho mình một lý tưởng, một hướng đi là điều rất quan trọng nhất, chọn đúng thì hạnh phúc, chọn sai sẽ có điều ngược lại. Ai trong chúng ta cũng phải đối diện với sự chọn lựa ấy, dân Do thái thời được Giôsuê đặt trước những chọn lựa : " Nếu anh em không bằng lòng phụng thờ Thiên Chúa, thì hôm nay anh em cứ tùy ý chọn thần mà thờ…”. Dân đáp lại : "Chúng tôi không hề có ý lìa bỏ Thiên Chúa, mà phụng thờ các thần khác. Vì chính Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi, đã đem chúng tôi cùng với cha ông của chúng tôi lên từ đất Ai Cập, từ nhà nô lệ…" (Gs 24, 15-17). Dân đã chọn Chúa để được sống trong tự do làm con cái Chúa là Chúa sự sống.
Chọn Giêsu Bánh Hằng Sống
Đoạn Tin Mừng hôm nay dẫn chúng ta về Capharnaum, nơi có rất nhiều người theo Chúa Giêsu vì họ đã thấy phép lạ Chúa làm, đặc biệt sau khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Về phương diện xã hội, chính tại nơi đây Chúa Giêsu có nguy cơ "chết vì thành công", như Tin Mừng mô tả, họ muốn tôn Người lên làm vua (x. Ga 6, 15). Đây là thời điểm quan trọng trong cuộc đời rao giảng của Chúa Kitô. Chính thời điểm này, Người bắt đầu mạc khải rõ nét về về Bánh Hằng Sống là chính Người với những lời xác quyết về sự sống siêu nhiên qua điệp của Người.
Khát vọng của con người là được sống trường sinh. Ngay từ thủa ban đầu, Adam va Evà đã hái và ăn trái cấm, vì tin rằng trái này sẽ làm cho mình sống mãi, không phải chết. Bất tử trên đời này là một điều thú vị và ai cũng khao khát, nhưng xem ra không tìm thấy ở trần gian này.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta ăn và uống chính thịt và máu Người để được sống đời đời. Điều này có nghĩa là chúng ta được mời gọi “ăn” và “uống” không phải một sự vật, nhưng là “ăn thịt và uống máu con người có tên Giêsu” một ngôi vị sống động. Người tha thiết mời gọi chúng ta đến với Người, tin vào Người, ở lại trong Người như thánh Phaolô : "Không còn là tôi sống, nhưng Đức Kitô sống trong tôi" (), nghĩa là ai đón rược Chúa vào trong cuộc đời, được Chúa trở thành xương thịt, thành sự sống cho người ấy. Chẳng những thịt máu Chúa nuôi sống mà Lời Chúa cũng mang lại cho chúng ta sự sống đời đời cho những kẻ nghe Người. Thế nhưng không phải ai cũng có thể lĩnh hội được.
Lời từ miệng Chúa phán ra với đám đông dân chúng khiến Chúa gặp rắc rối với họ, đến nhóm môn đệ Chúa cũng còn nói : "Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?" (Ga 6, 60).
Một ai đó nói rằng, trong lịch sử Giáo hội, những người vĩ đại giống như những những cây cột không thể phá hủy khi đổ xuống : "Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa" (Ga 6,66). Chúng ta có thể gục ngã, "bỏ qua", ra đi, chỉ trích, hay tiếp thu những Lời Chúa Giêsu nói trên vào trong tâm trí chúng ta. Với sự khiêm nhường và tin tưởng, chúng ta hãy thưa với Chúa Giêsu rằng, lạy Chúa chúng con muốn trung thành với Chúa hôm nay, mai ngày và mãi mãi. Xin Chúa giúp chúng ta hiểu rằng thật vô ích khi tranh luận về lời giảng dạy của Thiên Chúa hay Giáo hội nên chúng ta nói với nhau rằng "Tôi không hiểu" ; "Lạy Thầy, chúng ta sẽ đi theo ai?" (Ga 6,68). Chúng ta nên xin một ơn phân định siêu nhiên hơn. Chỉ trong Thiên Chúa và Giáo hội chúng ta sẽ tìm thấy Lời ban sự sống đời đời : "Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời" (Ga 6,68).
Lời Đức Kitô mang lại sự sống đời đời
Giống như Phêrô, chúng ta biết rằng Chúa Giêsu nói với chúng ta bằng ngôn ngữ siêu nhiên, một ngôn ngữ mà chúng ta phải đồng ý và đồng hóa để hiểu ý nghĩa, nếu không chúng ta chỉ nghe thấy những tiếng ồn không mạch lạc và khó chịu. Giống như Phêrô, trong đời sống Kitô hữu chúng ta có những khoảnh khắc, chúng ta phải tự làm mới và bày tỏ chính mình với Chúa Giêsu để thưa với Chúa rằng chúng con ở với Chúa và chúng con muốn tiếp tục theo Chúa. Phêrô yêu mến Chúa Giêsu, và đó là lý do tại sao ông ở lại với Chúa, những người khác yêu Chúa chỉ vì cơm bánh, trẻ em theo Chúa vì "kẹo", số người khác vì lý do chính trị đã bỏ rơi Chúa. Bí mật của lòng trung thành là tình yêu và sự tin tưởng.
Chúng ta hãy xin Đức Maria là Đức Nữ trung tín thật thà giúp chúng ta từ bây giờ trung thành với Chúa và với Giáo hội.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ













LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XXI – B
(Ga 6, 61 – 70)
Khởi đi từ tình mục tử ấp ủ đoàn chiên bơ vơ không người chăn dắt (x. (Mc 6, 30-34), Chúa Giêsu đã "chạnh lòng thương", làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng (x. Ga 6, 1-15). Từ của ăn vật chất, Chúa gợi lên nơi họ khát vọng sống trường sinh, muốn được họ phải đi tìm Chúa, tin vào Chúa, ăn chính thịt và uống máu Chúa là bánh hằng sống từ Trời xuống (x. Ga 6, 16-60).
Với diễn từ của Chúa Giêsu về bánh hằng sống tại Hội đường Do thái ở Capharnaum, nhiều người bỏ Chúa, còn các môn đệ không chấp nhận điều ấy, họ nói : "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" (Ga 6, 60) Tại sao họ lại có thái độ khước từ Chúa đến như vậy? Còn chúng ta ngày hôm nay thì sao ?
Có người khước từ
Vấn đề ở đây là "ăn thịt và uống máu" (Ga 6,54) một con người có tên là Giêsu, đồng hương với họ để được sống đời đời. Chúa Giêsu cố tình nói như thế, đây là một vấn đề rất cam go, một khúc quanh trong cuộc đời công khai của Chúa. Dân chúng và cả các môn đệ trước đây rất phấn khởi đi theo Chúa, thấy Chúa làm phép lạ; cả việc hóa bánh ra nhiều cũng là một mạc khải về Ðấng Messia, khiến họ muốn tung hô và tôn Chúa Giêsu làm vua Israel, nhưng chắc chắn ý Chúa Giêsu không như vậy. Với diễn từ dài, Chúa làm dịu bớt sự phấn khởi trong dân và tạo nên sự bất đồng nơi nhiều người. Chúa giải thích hình ảnh bánh ấy chính là Chúa và khẳng định Người đã được Chúa Cha sai đến để hiến mạng sống, ai muốn theo Người, thì phải kết hiệp mật thiết với Người, và tham gia vào hy tế tình thương của Người.
Khi nghe những lời ấy, dân chúng hiểu rằng ông Giêsu này không phải là Đấng Messia như họ tưởng. Người không tìm kiếm sự đồng thuận để chinh phục thành Giêrusalem; trái lại, Người muốn vào Thành để chia sẻ số phận của các vị ngôn sứ : hiến mạng sống trở nên tấm bánh vì Thiên Chúa và cho loài người. Những tấm bánh đó, được bẻ ra cho hàng ngàn người, không muốn khơi lên một hành trình đắc thắng, nhưng tiên báo hy tế trên Thập Giá, trong đó Chúa Giêsu trở thành Bánh được bẻ ra nuôi nhiều người, trở thành mình và máu được dâng hiến để đền tội cho thế gian được sống. Chúa muốn đám đông dân chúng tỉnh ngộ, nhất là khơi lên nơi các môn đệ một quyết định. Và thực tế là : "Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa " (Ga 6, 66)
Có người quyết tâm theo Chúa
Nếu có môn đệ nói : "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" (Ga 6, 60) trước sự hiến thân trọn vẹn của Chúa, là vì họ không muốn từ bỏ bản thân, để cho mình tham dự và biến đổi đến độ sống nhờ Chúa khi đón nhận hồng ân nay.
"Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" (Ga 6, 60), khó nghe vì người ta lẫn lộn tự do với không bị ràng buộc, coi Thiên Chúa như một giới hạn tự do, gạt bỏ Thiên Chúa ra ngoài. Chính ảo tưởng này tạo ra lo âu sợ hãi và dẫn tới sự tiếc nuối quá khứ. Người Do thái trong sa mạc đã nói : "Ước gì chúng tôi được chết vì tay Chúa ở đất Ai Cập..." (Xh 16, 3); còn Êlia thì thưa : "Lạy Chúa, đã đủ rồi, xin cất mạng sống con đi: vì con chẳng hơn gì các tổ phụ con" (1V 19, 4).
Tại thung lũng Sikhem, nơi tổ phụ Abraham và Xara trú ngụ. Giôsua kêu mời dân ra đứng trước tôn nhan Thiên Chúa và làm một quyết định dứt khoát : "Nếu các người không muốn tôn thờ Thiên Chúa, thì cho các ngươi lựa chọn … tôn thờ ai hơn : hoặc là các thần cha ông đã tôn thờ…hoặc các thần của người xứ Amôrê, nơi các ngươi đang ở, về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ tôn thờ Chúa". Dân trả lời "Không thể có chuyện chúng tôi bỏ Chúa mà tôn thờ những thần Ngoại, Chúa là Thiên Chúa chúng tôi" (x. Jos 24, 15-17).
Bài Tin Mừng hôm nay cũng đòi hỏi thính giả của Chúa Giêsu làm một quyết định tương tự sau khi nghe giảng về Bánh hằng Sống là máu thịt Chúa. Nhưng vì lời chướng tai của mình, họ đã bỏ đi, chỉ còn lại Phêrô và nhóm Mười hai. Phêrô mạnh dạn thưa : "Lạy Thầy chúng con biết sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời" (Ga 6, 68).
Hôm nay, chúng ta thưa với Chúa Giêsu rằng, lạy Chúa, trong sự khiêm nhường thẳm sâu, tin tưởng vào Chúa là Lời cuối cùng và chung kết của Thiên Chúa nhập thể, đến gặp gỡ chúng con. Chúa là Lời vĩnh cửu, trở thành manna đích thực, là bánh sự sống (x. Ga 6,32-35), chúng con muốn trung thành với Chúa bây giờ và mãi mãi, cũng như Phêrô : "Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời" (Ga 6, 68).
Chúa có lời ban sự sống
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II dạy : Những ai ăn Đức Kitô trong Thánh Thể không cần phải chờ đến đời sau mới đón nhận được sự sống vĩnh cửu, nhưng họ đã chiếm hữu sự sống đó ngay đời này, như những hoa quả đầu tiên của sự viên mãn mai sau, sự viên mãn liên quan đến toàn thể con người. Trong Thánh Thể, chúng ta cũng nhận được bảo đảm là thân xác chúng ta sẽ được sống lại trong ngày tận thế : "Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết" (Ga 6,54). Sự bảo đảm này về sự sống lại mai sau bắt nguồn từ sự kiện thân xác của Con Người, được trao ban làm của ăn, là chính thân xác trong tình trạng vinh hiển sau khi sống lại. Với Thánh Thể, chúng ta như thể biết được "bí mật" của sự sống lại. Vì thế, Thánh Inhatiô thành Antiokia đã định nghĩa cách xác đáng Bánh Thánh như là "linh dược đem lại sự bất tử, một phương thuốc diệt trừ sự chết".
Chiều hướng cánh chung được gợi lên trong Thánh Thể…Khi cử hành hy tế của Con chiên, chúng ta được liên kết với "phụng vụ" trên trời và trở nên thành phần của một đoàn người đông đảo lớn tiếng tung hô : "Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta" (Kh 7,10). Thánh Thể quả thật là một thoáng hiện của thiên đàng trên trái đất. Thánh Thể là một tia sáng huy hoàng của Giêrusalem thiên quốc xuyên qua lớp mây mù của lịch sử chúng ta và soi sáng cho cuộc hành trình của chúng ta. (Trích Thông Điệp Ecclesia De Eucharistia số 18-19)

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Thi ca suy niệm Chúa Nhật tuần 21 thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
10:31 21/08/2018
Chúa Nhật 21 THƯỜNG NIÊN. B
(Ga 6, 61-70)
LỜI HẰNG SỐNG.


Chúa ban Thịt Máu nuôi hồn,
Bánh thiêng hằng sống, suy tôn Ngôi Lời.
Môn đồ lẩm bẩm nặng lời,
Chói tai bực bội, lạ đời khó nghe.
Số người chán nản lập phe,
Rời Thầy bỏ lối, vào bè rút lui.
Môn đồ trung tín mừng vui,
Có Thầy dẫn bước, tin vui cuộc đời
Lời Thầy thần trí cao vời,
Tuôn ban sự sống, cho người trần gian.
Thần lương Chúa đã thương ban,
Của ăn sức sống, ngập tràn yêu thương.
Tin mừng mạc khải dẫn đường,
Lắng nghe Lời Chúa, hiến chương Nước Trời.
Lời ban sự sống đời đời,
Tự do chọn lựa, gọi mời bước theo.

Chúa phán: Những lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống. Khi Chúa Giêsu kết thúc bài nói về bánh hằng sống, chính là Thịt Máu của Ngài. Ai ăn sẽ được sống đời đời. Có nhiều môn đệ cảm thấy lời đó khó nghe nên lẩm bẩm khó chịu nói rằng: Lời này chói tai qúa. Lời của Chúa làm chói tai, có nghĩa là họ không thể chấp nhận được. Lời Chúa là lời hằng sống có sức thánh hóa và biến đổi tâm hồn. Khi không chấp nhận nó sẽ trở thành một thách thức và gánh nặng.

Thiên Chúa tạo dựng con người, Ngài ban cho những đặc quyền trên muông thú. Ngài ban cho con người có lý trí và có tự do. Có trí khôn để suy xét và có tự do để chọn lựa điều hay lẽ phải. Khi Chúa tạo dựng nên chúng ta, Chúa không cần hỏi ý kiến của chúng ta, nhưng muốn cứu chuộc, Chúa dành cho chúng ta có quyền được lựa chọn.

Truyện kể về bác sĩ Victor France, người Do Thái, khi ông bị bắt giam tại trại tập trung của Đức Quốc Xã. Ông đã bị tước đoạt tất cả và bị lột hết quần áo. Bị kinh bỉ tới cùng tận. Ông không còn gì. Chính trong giây phút đó, ông đã nhận ra rằng ông có một thứ mà không ai có quyền tước đoạt. Ông có toàn quyền chọn cho mình một thái độ. Thái độ chọn lựa là của chính ông. Ông có thể tha thứ hay kết án, bỏ cuộc hay tiếp tục, ghen ghét hay hy vọng. Đây chính là sự lựa chọn và là sức mạnh vô song của con người.

Biết bao vị thánh tử đạo đã chọn lựa con đường theo Chúa. Dù có phải khổ đau, chém đầu, xử giảo hay tù đầy, các ngài vẫn chọn lựa niềm tin trung kiên vào Chúa Kitô. Các Tông đồ xưa sau khi nghe Chúa nói về bánh hằng sống từ trời xuống, các ngài đã chấp nhận và chọn Chúa là Thầy và là Chúa. Các ngài biết rằng chọn Chúa, các ngài sẽ bị bắt bớ, bị cầm tù, bị khinh bỉ và bị giết vì danh Chúa nhưng các ngài luôn xác tín rằng họ sẽ được chung hưởng hạnh phúc đời đời.

Chúng ta cũng có quyền lựa chọn theo Chúa hay không theo. Biết rằng chọn theo Chúa là chọn con đường đi vào sự sống. Theo Chúa thì cần phải quyết tâm và từ bỏ. Quyết tâm sống theo lời Chúa dậy, thực hành các giới răn và tuân theo ý Chúa. Từ bỏ những danh, lợi, thú ở đời để chúng ta cùng vác thánh giá hằng ngày mà theo Chúa. Hãy đặt trọn niềm tin nơi Chúa. Chúa có lời ban sự sống đời đời. Lạy Chúa, bỏ Chúa chúng con biết theo ai.

THỨ HAI, TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN
(1Thess 1, 2b-5. 8b-10; Mt 23, 13-22).
LỜI THỀ


Giả hình trống rỗng nội tâm,
Nước Trời đóng cửa, dẫn lầm lối đi.
Mấy thầy Luật Sĩ thực thi,
Đọc kinh ngoài miệng, thầm thì bên trong.
Nhóm người Biệt Phái suy vong,
Thu gom tài sản, trong lòng tham lam.
Nặng lời chê trách việc làm,
Dẫn đường mù quáng, xác phàm bê tha.
Rao truyền lạc giáo tà ma,
Thi hành phán đoán, chìm sa lỗi lầm.
Lời thề sai lạc tự tâm,
Đền thờ, vàng bạc, trổ mầm dối gian.
Chúa thường răn dậy khuyên can,
Chữ tâm trọng đạo, thiên nhan sáng ngời.
Tin mừng loan báo trong đời,
Tà tâm giả dối, mọi người tránh xa.

THỨ BA, TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN
(1Thess 2, 1-8; Mt 23, 23-26).
CÔNG BÌNH


Thập phân nộp thuế cho Đền,
Giả nhân giả nghĩa, dựa trên thuế phần.
Bạc hà đáng giá bao lần,
Công bình chính trực, điều cần thực thi.
Nhân từ rộng lượng từ bi,
Lòng tin thiết yếu, phát huy trong đời.
Các Thầy Luật Sĩ theo thời,
Giả hình Biệt Phái, dụ khơi lỗi lầm.
Dẫn đường lầm lạc tà tâm,
Lạc đà nuốt trửng, lặng câm đui mù.
Bên ngoài rửa sạch trùng tu,
Gian tham nhơ bẩn, giao du tội tình.
Bên trong tâm trí lòng mình,
Tâm hồn tinh sạch, an bình phúc ân.
Chu toàn trách nhiệm nhân trần,
Nội tâm thanh khiết, canh tân lòng người.

THỨ TƯ, TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN
(1Thess 2, 9-13; Mt 23, 27-32).
HÌNH THỨC


Tô vôi mồ mả bên ngoài,
Thoáng nhìn tốt đẹp, phôi phai lòng người.
Giả hình Luật Sĩ ở đời,
Khốn thay Biệt Phái, đầy vơi khó lường.
Bên trong gian ác vấn vương,
Xây mồ đắp mả, hoa hương cúng đàn.
Trang hoàng sơn phết than van,
Cha ông lỗi phạm, xóa tan lỗi lầm.
Một thời đổ máu ác tâm,
Những người công chính, âm thầm chết oan.
Các người chứng thực đa đoan,
Là con là cháu, kết đoàn phục hưng.
Tiên tri bị giết tự xưng,
Xưa nay thù oán, không ngừng rút tay.
Sống đời gian dối mê say,
Cha truyền con nối, đong đầy gian tham.

THỨ NĂM, TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN
(1Thess 3, 7-13; Mt 24, 42-51).
TỈNH THỨC


Sẵn sàng tỉnh thức đợi chờ,
Các con không biết, ngày giờ trước sau.
Đón chờ Chúa đến lâu mau,
Không ai biết được, nỗi đau khó lường.
Giờ nào kẻ trộm khoét tường?
Canh phòng cẩn mật, biết đường lo toan.
Không ai dự đoán hoàn toàn,
Quản gia trung tín, khôn ngoan dự phòng.
Phân chia lương thực chờ mong,
Phúc cho đầy tớ, một lòng vị tha.
Chủ nhân tin tưởng nết na,
Trông coi gia sản, cả nhà chăm lo.
Khốn thay đầy tớ hét hò,
Say xưa chè chén, ăn no lại nằm.
Không ngờ ông chủ ghé thăm.
Thảm thương số phận, hờn căm đọa đầy.

THỨ SÁU, TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN
(1Thess 4, 1-8; Mt 25, 1-13).
THỨC TỈNH


Mười cô trinh nữ cầm đèn,
Đón xem chàng rể, bon chen ngóng chờ.
Năm cô khờ dại hững hờ,
Mang đèn cháy sáng, nhưng khờ chăm lo.
Thiếu dầu, đèn tắt tối mò,
Tìm nơi nương tựa, không lo sẵn sàng.
Khôn ngoan thiếu nữ lẹ làng,
Dầu đèn đầy đủ, dễ dàng thích nghi.
Trễ giờ chàng rể ra đi,
Các cô thức tỉnh, phòng khi tới giờ.
Chị em mong ngóng đợi chờ,
Nửa đêm tiếng gọi, ai ngờ đón đưa.
Sẵn sàng tiệc cưới là vừa,
Này đây trinh nữ, dạ thưa mời vào.
Chủ gia xếp chỗ bàn giao,
Ai mà tỉnh thức, bước vào tiệc vui.

THỨ BẢY, TUẦN 21 THƯỜNG NIÊN
(1Thess 4, 9-11; Mt 25, 14-30).
TÀI ĐỨC


Dụ ngôn nén bạc trao ban,
Mỗi người số vốn, sẻ san trong đời.
Chủ ông sắp sửa xa rời,
Phân chia tài sản, gọi mời dấn thân.
Chủ trao đầy tớ tùy phần,
Người này năm nén, tảo tần dẵm chăm.
Ra công chịu khó lời năm,
Kẻ trao hai nén, tiếng tăm giữ tròn.
Sinh lời hai nén vàng son,
Còn người một nén, thu bòn chôn đi.
Không thèm của ít khinh khi,
Vàng ròng chôn dấu, cũng vì hư thân.
Hai người chăm chỉ đỡ đần,
Thật lòng trung tín, góp phần dựng xây.
Chủ khen đầy tớ này đây,
Ban thêm dư dật, đong đầy tin yêu.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về lá thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi toàn thể dân Chúa
J.B. Đặng Minh An dịch
01:06 21/08/2018


Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo của Galveston-Houston, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB), đã đưa ra tuyên bố sau đây để đáp lại Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô gởi cho toàn thể Dân Thiên Chúa, được công bố vào sáng sớm ngày 20 tháng 8 theo giờ Miền Đông Hoa Kỳ. Trong lá thư gửi đến toàn thể dân Chúa, Đức Giáo Hoàng kêu gọi các tín hữu tham gia vào các hoạt động cầu nguyện và chay tịnh nhằm “chống lại mọi hình thức lạm dụng quyền lực, lạm dụng tình dục và lạm dụng lương tâm.”

Toàn văn tuyên bố của Đức Hồng Y DiNardo như sau:


Tôi biết ơn Đức Thánh Cha vì Thư của Ngài gửi cho toàn thể dân Chúa trước kết quả cuộc điều tra của Bồi Thẩm Đoàn Pennsylvania và những tiết lộ khác đã nổi lên. Chính sự kiện là ngài đã mở đầu bức thư với những lời của Thánh Phaolô: ‘Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau’ (1 Cor 12:26), cho thấy ngài đang viết cho tất cả chúng ta như một mục tử, một mục tử biết rõ tội lỗi phá hủy sâu sắc cuộc sống như thế nào. Tôi thấy những lời này của Đức Thánh Cha thật đặc biệt hữu ích: “sám hối và cầu nguyện sẽ giúp chúng ta mở mắt và trái tim chúng ta ra trước những đau khổ của người khác và vượt qua được lòng khao khát quyền lực và tài sản thường là gốc rễ của những tệ nạn đó”. Những lời này phải khơi lên hành động - đặc biệt là những hành động của các giám mục. Chúng tôi, các giám mục, cần và phải thực hành với tất cả sự khiêm nhường việc cầu nguyện và sám hối như thế.

Đức Thánh Cha cũng mời gọi, và tôi cũng xin anh chị em điều này, là tất cả các tín hữu hãy tham gia vào việc cầu nguyện và chay tịnh như một cách để giúp thúc đẩy sự hoán cải và thay đổi chân thực cuộc sống ở bất cứ nơi nào cần thiết, ngay cả nơi các mục tử của Giáo Hội. Chúa Giêsu đã có lần nhận xét ‘Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi’ (Mc 9:29), đó là một lời nhắc nhở khiêm nhường rằng những hành vi đức tin như thế có thể chuyển núi dời non và thậm chí có thể mang lại ơn chữa lành và hoán cải.

Thay mặt cho các giám mục anh em của tôi, tôi đưa ra nhận định rằng chỉ bằng cách đối mặt với sự thất bại của chúng ta trước những tội ác đối với người được ủy thác cho chúng ta bảo vệ, Giáo hội mới có thể phục sinh một nền văn hóa của sự sống nơi mà nền văn hóa của cái chết đã chiếm ưu thế.

Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo
Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ


Source: USCCB - President of U.S. Bishops’ Conference Response to Pope Francis’s Letter to the People of God
 
Đức Cha Kevin Rhoades: Các nạn nhân đáng được nhìn thấy tên của những kẻ lạm dụng họ được công bố cho mọi người được biết
Đặng Tự Do
06:52 21/08/2018
Một Giám Mục Hoa Kỳ ở Indiana nói ngài đang thu thập và sẽ nhanh chóng công bố trong những ngày tới một danh sách các linh mục trong giáo phận của ngài bị cáo buộc lạm dụng tình dục.

Theo Đức Cha Kevin Rhoades, các nạn nhân đáng được nhìn thấy tên của những kẻ lạm dụng họ được công bố “cho mọi người được biết”.

Đức Cha Kevin Rhoades là Giám Mục giáo phận Fort Wayne-South Bend nhận xét rằng các chi tiết trong báo cáo của bồi thẩm đoàn Pennsylvania “vừa kinh khủng vừa đau lòng.” Ngài bày tỏ sự cảm thông với các nạn nhân và gia đình họ, và nói thêm: “Giáo hội đã làm anh chị em thất vọng. Vì điều đó, tôi xin lỗi.”

Ngài nhấn mạnh rằng thời gian cai quản giáo phận Fort Wayne-South Bend ngài đã công bố tên của tất cả các linh mục bị loại ra khỏi thừa tác vụ sau khi một cáo buộc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên được xác định là đáng tin cậy.

Đức Cha Rhoades nói ngài đã học được, từ bản phúc trình của bồi thẩm đoàn, rằng điều quan trọng là các nạn nhân nhìn thấy tên của những kẻ lạm dụng của họ được công khai hóa “cho tất cả mọi người được biết. Mọi người đều biết những nỗi đau do những linh mục đó gây ra.”

Đức Cha nói tiếp:

“Hy vọng của tôi là bằng cách công bố những tên tuổi này, những nạn nhân vô tội của những tội ác khủng khiếp và đau lòng này cuối cùng có thể bắt đầu quá trình chữa lành.”

Theo lệnh của Đức Cha Rhoades, một danh sách được bắt đầu tổng hợp ngay lập tức. Cuối cùng, Đức Giám Mục Rhoades nhắc lại nỗ lực của giáo phận để lấy lại lòng tin của các tín hữu, và xác định những cảnh giác mới trong việc bảo vệ những người trẻ tuổi.

Báo cáo bồi thẩm đoàn về sáu giáo phận Pennsylvania bao gồm Harrisburg, nơi ngài từng là giám mục từ năm 2004 đến năm 2009.

Ngài nói trong một tuyên bố trước đó rằng báo cáo của bồi thẩm đoàn có “đề cập đến hai sự việc diễn ra trong thời gian tôi là giám mục của giáo phận Harrisburg.”

Ngài nói thêm: “Trong cả hai tình huống đó, tôi đã tuân thủ tất cả các chính sách và thủ tục bảo vệ trẻ em, đã thông báo cho cơ quan thực thi pháp luật và thực hiện các hành động khác khi thích hợp, và tất cả các linh mục bị cáo buộc đã bị loại khỏi các thừa tác vụ công cộng.”


Sources: Catholic Herald - Indiana bishop will release list of accused abusers in his diocese
 
Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên “cảm thấy được nâng đỡ” qua lá thư của ĐGH.
Giuse Thẩm Nguyễn
12:45 21/08/2018


(Vatican News) Ủy Ban Giáo Hoàng Tòa Thánh về Bảo Vệ Trẻ Vị Thành Niên (TheVatican Pontifical Commission for the Protection of Minors (Viết tắt là PCPM) đã ra một công bố vào hôm thứ Ba rằng họ cảm thấy được khuyến khích qua lá thư của ĐGH Phanxicô gởi cho toàn thể dân Chúa về việc lạm dụng của các giáo sĩ. Họ cám ơn ĐGH vì “những lời lẽ mạnh mẽ công nhận nỗi đau đớn và khổ sở mà các nạn nhân phải gánh chịu bởi lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực và lạm dụng lương tâm gây ra bởi một số thành viên của Giáo hội.”

Không khoan nhượng và có trách nhiệm.

Ngoài ra, họ khẳng định rằng “thành viên của Ủy ban cảm thấy được hỗ trợ bởi lời kêu gọi của Đức Thánh Cha… để ‘thực hiện không khoan nhượng’ và phải chịu trách nhiệm ‘những người phạm tội hay che đậy’ tội phạm”. Ủy Ban PCPM nói rằng họ như được tăng thêm sức mạnh cho chính họ qua thư của ĐGH Phanxicô rằng “không khoan nhượng và phải chịu trách nhiệm là điều kiện tiên quyết trong việc bảo đảm an toàn cho những người dễ bị tổn thương nhất khỏi bị lạm dụng.”

Lạm dụng quyền lực

Là thành viên của ủy ban và là luật sư giáo luật, Giáo Sư Myriam Wijlens đã tóm tắt lá thư của ĐGH Phanxicô trong ba điểm. Thứ nhất là trình bày rõ ràng “sự liên kết giữa lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực và lạm dụng lương tâm” mà Giáo sư Wijlens cho rằng “nhiều người không muốn chấp nhận là chúng liên kết với nhau”. Thứ hai là sự lạm dụng quyền lực có hai mức độ: “Có những người lợi dụng chức vụ để lạm dụng tình dục trẻ vị thành nhiên và những người lớn dễ bị tổn thương và… những người ở trong chức vụ lãnh đạo” đã che đậy sự lạm dụng.

Sự an toàn của trẻ em phải là ưu tiên.

Điểm thứ ba mà Giáo sư Wijlens đề ra là một sự tiếp cận nhìn về quá khứ để rồi làm những việc như “xin lỗi và tìm cách sửa chữa” thì không đủ hữu hiệu. Cách giải quyết là nhìn về phía trước “nghĩa là đòi hỏi một sự thay đổi tận căn gốc về văn hóa để sự an toàn của trẻ em phải là ưu tiên số một.” Bà nói rằng danh tiếng và uy tín của Giáo hội đòi buộc phải “ưu tiên dành sự an toàn cho trẻ em”, một công việc đòi hỏi “sự thay đổi triệt để” mà “chỉ với giáo sĩ thôi sẽ không mang lại kết quả.” Vì vậy cần có sự “khiêm nhường” để kêu gọi và nhận “sự giúp đỡ của toàn thể cộng đồng”.

.
Source: Vatican News Pont Commission for the Protection of Minors ‘feel supported’ by Pope’s letter
 
Huấn Quyền Của Đức Thánh Cha Phanxicô Về Mùa Hè Đỏ Lửa Tại Âu Châu 2018
Lê Đình Thông
13:34 21/08/2018
Đợt nóng nực năm nay kéo dài từ 01/06 đến 31/08, nhiệt độ lên tới 35° đến 40° trên khắp nước Pháp. Từ ngày 3 đến 05/08, hơn một ngàn người Việt Nam trên khắp nước Pháp hành hương ở Lộ Đức cũng trải qua nhiệt độ oi bức. Vào mùa hè 2003, cái nóng nung người trên khắp nước Pháp khiến 15 ngàn người tử vong, trong số có cả người Việt. Người ta đặt tên cho đợt nóng nực là ‘‘canicule’’, do tiếng Hy lạp Σείριος. Ngôn ngữ ta gọi là Thiên lang (天 狼) : sao Lang (Lang : chó sói) nằm trong chòm sao Đại Khuyển sáng rực trời đêm.

Trong văn kiện‘‘Gaudium et Spes’’ (Vui mừng và Hy vọng), Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay, ghi rõ : ‘‘Của cải trần gian là để cho mọi người hưởng dụng 83. Thiên Chúa đã đặt định trái đất và mọi vật trên trái đất thuộc quyền xử dụng của mọi người và mọi dân tộc. Chính vì thế, của cải được tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người một cách hợp lý theo luật công bằng là luật đi liền với bác ái.’’ (GS số 69).

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh giác việc cộng đồng nhân loại không ý thức trước hiểm họa môi sinh. Họ chỉ quan tâm đến việc tiêu thụ mà không quan tâm đến những hậu quả tác hại đến môi trường.

Trong tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui của Tin mừng), Đức Phanxicô đã cảm hứng từ thi ca của thánh Phanxicô, vị thánh nhân đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II tôn vinh là thánh bổn mạng của môi trường (29/11/1079). Tông huấn Evangelii Gaudium hình thành huấn quyền của Giáo Hội về môi trường :

‘‘Những tạo vật yếu đuối, vô phương tự vệ thường xuyên phải làm nô lệ cho những lợi lộc kinh tế và sự bóc lột bừa bãi. Tôi đang nói đến toàn thể thụ tạo tác thành. Loài người chúng ta không chỉ là những người được thụ hưởng nhưng còn là những người quản lý các tạo vật khác. Nhờ chúng ta có thân xác, Thiên Chúa đã kết hợp chúng ta mật thiết với thế giới xung quanh khiến chúng ta cảm thấy tình trạng sa mạc hóa đất đai gần như là một căn bệnh nơi thân xác chúng ta, và sự tuyệt chủng của một loài như là một sự biến dạng đau đớn. Chúng ta đừng để lại sau mình vết tích của sự tàn phá và chết chóc sẽ ảnh hưởng tới đời sống của chính chúng ta và của các thế hệ tương lai. Ở đây tôi muốn lấy lại lời than thở đầy cảm động và có tính tiên tri mà các giám mục Philíppin đã thốt lên ít năm trước đây:

“Một số lượng nhiều vô kể các loài côn trùng sinh sống trong rừng và bận bịu với đủ loại công việc... Các loài chim bay trên trời, các bộ lông sặc sỡ cùng với tiếng hót líu lo của chúng tạo thêm màu sắc và tiếng ca cho những cánh rừng xanh... Thiên Chúa muốn dành mảnh đất này cho chúng ta, những tạo vật đặc biệt của Người, nhưng không phải để chúng ta huỷ diệt nó và biến nó thành một mảnh đất hoang... Chỉ sau một đêm mưa, thử nhìn xuống những dòng sông nâu xạm màu sôcôla tại địa phương của chúng ta và nhớ rằng chúng đang mang máu sự sống ra biển... Làm sao cá có thể bơi lội trong những dòng nước thải như con sông Pasig và biết bao nhiêu con sông khác mà chúng ta đã làm ô nhiễm? Ai đã biến cái thế giới kỳ diệu của biển cả thành những nghĩa trang dưới nước không màu sắc và không sự sống?”.

‘‘Là những tạo vật bé nhỏ nhưng mạnh mẽ trong tình yêu Thiên Chúa giống như Thánh Phanxicô, mọi người Kitô hữu chúng ta được kêu gọi canh chừng và bảo vệ cái thế giới mong manh mà chúng ta đang sống, cùng với tất cả dân cư của nó. (EG, số 215-216).

Tông huấn Evangelii Gaudium là cơn mưa tươi mát, gieo niềm vui và hy vọng cho một thế giới hiện bị nung nấu bởi quá trình hủy hoại môi sinh. Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi thế giới phải thay đổi cách thức sinh hoạt, sản xuất và tiêu thụ thông qua khung luật pháp bảo vệ môi sinh. Có như vậy, nhân loại mới tránh được các đợt thiêu đốt ngày càng tăng thêm.

Lê Đình Thông
 
Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới đã khai mạc tại Ái Nhĩ Lan
Vũ Văn An
18:46 21/08/2018
Theo “tin hót” (tweets) hôm nay, ngày 21 tháng Tám, của Đức Phanxicô, Cuộc Gặp Gỡ Các Gia Đình Thế Giới đã diễn ra tại Dublin, Thủ Đô Ái Nhĩ Lan:



“Hôm nay Cuộc Gặp Gỡ Thế Giới # Các Gia Đình bắt đầu tại Dublin. Chúng ta hãy cùng cầu nguyện với các gia đình thế giới, nhất là các gia đình gặp khó khăn. @WMOF2018 @LaityFamilyLife.”

Trên đây là tin hót của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày 21 tháng Tám năm 2018, nhân dịp ngày khai mạc Cuộc Gặp Gỡ Thế Giới Lần Thứ Chín Các Gia Đình, tổ chức tại Thủ Đô Ái Nhĩ Lan, với sự tham dự của các gia đình thuộc 116 nước khắp 5 Châu Lục. Cuối cùng ngày, Đức Thánh Cha đã “hót”: “Gia đình là nơi tạo ra hy vọng”.

Nghi thức khai mạc Cuộc Gặp Gỡ Thế Giới Lần Thứ Chín Các Gia Đình sẽ diễn ra vào buổi tối tại Dublin và trên khắp các giáo phận toàn quốc. Chủ đề của Cuộc Gặp Gỡ là “Niềm Vui Yêu Thương Trong Các Gia Đình Cũng Là Niềm Vui Của Giáo Hội”. Ba ngày hội nghị mục vụ sẽ diễn ra sau đó, tập trung vào tông huấn Niềm Vui Yêu Thương của Đức Phanxicô.

Biến cố quốc tế trên sẽ lên tới đỉnh cao với sự xuất hiện của Đức Phanxicô vào hôm thứ Bẩy, 25 tháng Tám; ngài sẽ tham dự Lễ Hội Gia Đình vào buổi tối ngày này, và Thánh Lễ Đại Trào bế mạc Cuộc Gặp Gỡ tại Công Viên Phoenix ngày 26 tháng Tám.

Trong một buổi thuyết trình tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh ngày 21 tháng Tám, Giám Đốc Phòng này, Greg Burke, xác nhận việc Đức Giáo Hoàng sẽ gặp các nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Ông Burke cũng cho biết: Đức Phanxicô vốn học tiếng Anh tại Ái Nhĩ Lan trong 2 tháng hồi năm 1980, nhưng các bài diễn văn của ngài tại Ái Nhĩ Lan lần này sẽ bằng tiếng Ý.

Theo Cindy Wooden của Catholic Herald, Đức Giáo Hoàng sẽ gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng tình dục, nhưng việc thông tin về nội dung cuộc gặp gỡ sẽ tùy các nạn nhân muốn phổ biến hay không. Ngày giờ và địa điểm cũng như danh sách các nạn nhân được mời sẽ chỉ được công bố sau khi cuộc gặp gỡ đã diễn ra và nếu được các nạn nhân thỏa thuận.

Đức Phanxicô muốn tập chú vào các gia đình trong chuyến đi này, nên ngài không tới Bắc Ái Nhĩ Lan là vì vậy. Thậm chí, cả những khoảnh khắc dành cho ngoại giao, như gặp gỡ các nhà cầm quyền, cũng tập chú vào gia đình.

Ông Burke cũng cho hay, nhân dịp này, khi viếng nhà thờ chính tòa Dublin, Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ qùy cầu nguyện trước cây nến cháy sáng tại nhà nguyện Thánh Thể tượng trưng cho các nạn nhân bị lạm dụng tình dục. Và ít nhất trong một bài diễn văn, Đức Thánh Cha sẽ nhắc đến các nạn nhân này.

Thông điệp Video

Theo tin Zenit, cũng ngày 21 tháng Tám, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gửi thông điệp Video cho nhân dân Aí Nhĩ Lan trước khi tới đó để khai mạc Cuộc Gặp Gỡ Thế Giới Lần Thứ Chín Các Gia Đình.

Trong thông điệp, Đức Phanxicô ngỏ lời nồng nàn chào kính nhân dân Aí Nhĩ Lan và chia sẻ niềm hy vọng của ngài được thấy Cuộc Gặp Gỡ Thế Giới Lần Thứ Chín Các Gia Đình trở thành nguồn khuyến khích cho các gia đình.

Sau đây là nguyên văn thông điệp:

Các bạn thân mến,

Khi đang chuẩn bị đến thăm Ái Nhĩ Lan trong một vài ngày tới để dự Cuộc Gặp Gỡ Thế Giới Các Gia Đình, tôi gửi lời chào nồng nhiệt đến mọi người dân Ái Nhĩ Lan. Tôi rất hào hứng với ý nghĩ sẽ được trở lại Ái Nhĩ Lan!

Như các bạn đã biết, Cuộc Gặp Gỡ Thế Giới Các Gia Đình là một cuộc cử hành vẻ đẹp của kế hoạch Thiên Chúa dành cho gia đình. Đây cũng là dịp để các gia đình khắp thế giới gặp gỡ và hỗ trợ lẫn nhau trong việc sống ơn gọi đặc biệt của họ. Các gia đình ngày nay phải đối diện với nhiều thách đố trong các nỗ lực của họ muốn hiện thân cho tình yêu trung thành, nuôi dưỡng con cái bằng các giá trị vững chắc và trở thành chất men cho sự tốt lành, tình yêu và quan tâm lẫn nhau trong cộng đồng lớn hơn. Các bạn hẳn đều biết điều này.

Tôi hy vọng rằng lễ hội này sẽ là nguồn khuyến khích đổi mới cho các gia đình ở khắp mọi nơi, đặc biệt là những gia đình có mặt ở Dublin. Ước chi nó có thể nhắc nhở mọi người chúng ta nhớ đến vị trí chủ yếu của gia đình trong đời sống xã hội và trong việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho giới trẻ ngày nay. Giới trẻ là tương lai! Điều rất quan trọng là chuẩn bị họ cho tương lai, chuẩn bị họ ngày hôm nay, trong hiện tại, nhưng cũng bắt nguồn từ quá khứ: những người trẻ và ông bà. Điều này rất quan trọng.

Mặc dù lý do chuyên biệt trong chuyến viếng thăm Ái Nhĩ Lan của tôi là Cuộc Gặp Gỡ Thế Giới Các Gia Đình, tôi muốn bao gồm mọi thành viên của gia đình Ái Nhĩ Lan. Cách riêng, tôi cầu xin cho chuyến viếng thăm này có thể gia tăng hơn nữa sự đoàn kết và hòa giải giữa mọi tín hữu của Chúa Kitô, như dấu chỉ sự bình an lâu dài mà Thiên Chúa vốn mơ ước cho toàn thể gia đình nhân loại của chúng ta.

Tôi biết nhiều người đang làm việc vất vả để chuẩn bị cho chuyến viếng thăm của tôi, và tôi cảm ơn mọi người từ thẳm sâu lòng tôi. Tôi xin mọi người cầu nguyện để lễ hội lớn này sẽ là khoảnh khắc hân hoan và thanh thản, một nụ hôn yêu thương dịu dàng của Chúa Giêsu dành cho mọi gia đình, và đúng hơn, cho mọi con cái của Thiên Chúa. Tôi đảm bảo với các bạn sự gần gũi của tôi trong lời cầu nguyện, và tôi xin các bạn cầu nguyện cho tôi. Từ trái tim tôi, tôi gửi đến các bạn phúc lành của tôi.

Xin Thiên Chúa, Cha, Con và Thánh Thần, chúc lành cho tất cả các bạn!
 
Tuyên bố của Đức Hồng Y Seán Patrick O'Malley về một cáo buộc liên quan đến Tổng Giám Mục McCarrick
Đặng Tự Do
19:14 21/08/2018
Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố việc thành lập Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ trẻ vị thành niên (Pontificia Commissione per la Tutela dei Minori) vào ngày 22 tháng Ba 2014. Ngày 8 tháng 5, 2015, Ủy ban chính thức nhận được các ủy nhiệm của Tòa Thánh trong nỗ lực bài trừ nạn lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên với Đức Hồng Y Seán Patrick O'Malley được chọn là chủ tịch điều hành ủy ban này.

Một tháng sau đó, cha Boniface Ramsey, là cha sở nhà thờ Thánh Giuse ở Yorkville, New York, viết thư cho Đức Hồng Y O'Malley tố cáo đích danh Hồng Y Theodore McCarrick (nay chỉ gọi là Tổng Giám Mục McCarrick) về tội lạm dụng tình dục các chủng sinh. Lá thư đó đã không đến tay Đức Hồng Y O'Malley.

Ngày 20 tháng Sáu, 2018, Hồng Y Theodore McCarrick bị Tòa Thánh cấm không được thi hành các thừa tác vụ công khai. Diễn biến này xảy ra không phải vì những tố cáo của cha Boniface Ramsey nhưng do lời tố cáo của một nạn nhân khác tại tổng giáo phận New York. Vụ việc xảy ra vào năm 1971 và 1972 khi nạn nhân là một chú bé giúp lễ tại nhà thờ chính tòa St. Patrick.

Sau khi Tòa Thánh công bố lá thư Đức Thánh Cha gởi cho tất cả các tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới về nạn lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ, để thể hiện quyết tâm giải quyết tận căn vấn đề đang làm điêu đứng Giáo Hội theo chiều hướng minh bạch hoá mọi sự, Đức Hồng Y O'Malley đã đưa ra tuyên bố sau đây giải trình về thiếu sót trong việc xem xét những lời tố cáo Hồng Y Theodore McCarrick của cha Boniface Ramsey vào năm 2015, và tuyên bố nhận trách nhiệm cá nhân về việc này.

Dưới đây là toàn văn tuyên bố của Đức Hồng Y Seán Patrick O'Malley:

Vào tháng 6 năm 2015, Cha Boniface Ramsey đã gửi cho tôi một bức thư và văn phòng của tôi tại Trung Tâm Mục Vụ tổng giáo phận Boston đã nhận được. Cha Robert Kickham, là thư ký của tôi, đã nhận thư này thay mặt tôi, như ngài vẫn thường làm đối với các thư từ được gởi đến văn phòng của tôi tại Trung Tâm Mục Vụ.

Thư của Cha Ramsey gởi đến tôi trong vai trò Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ trẻ vị thành niên. Một cách cụ thể, lá thư trình bày các vấn đề liên quan đến hành vi của Tổng Giám mục McCarrick đối với các chủng sinh. Cha Kickham đã viết thư trả lời cho cha Ramsey và lưu ý rằng những trường hợp cụ thể như ngài đề nghị cứu xét không thuộc về thẩm quyền được ủy nhiệm của Ủy ban Giáo hoàng Bảo vệ trẻ vị thành niên. Do đó, cha Kickham đã không chuyển bức thư này đến cho tôi.

Nhìn lại vấn đề này, giờ đây cả cha Kickham và tôi đều thấy rằng lẽ ra tôi phải xem lá thư đó chính vì lá thư này đưa ra các khẳng định về hành vi của một Tổng Giám Mục trong Giáo Hội. Tôi xin chịu trách nhiệm về các thủ tục đã được văn phòng của tôi tuân thủ và tôi cũng chuẩn bị sửa đổi những điều đó dưới ánh sáng của kinh nghiệm này.

Kiến thức đầu tiên của tôi về lá thư của cha Ramsey chỉ xảy ra sau khi các phương tiện truyền thông công bố lá thư vào tháng trước. Tôi xin lỗi cha Ramsey vì đã không trả lời ngài một cách thích đáng và đánh giá cao nỗ lực mà ngài đã thực hiện trong việc tìm cách làm cho tôi chú ý đến những lo ngại của ngài về hành vi của Tổng Giám mục McCarrick. Tôi cũng xin lỗi bất cứ ai có những mối quan tâm được phản ảnh trong thư của cha Ramsey.

Tôi đã không hay biết gì về các cáo buộc liên quan đến tội ác tình dục của Tổng giám mục McCarrick cho đến khi các phương tiện truyền thông gần đây đưa tin. Tôi hiểu không phải ai cũng sẽ chấp nhận câu trả lời này của tôi trong bối cảnh là đường lối của Giáo hội đã xói mòn lòng tin của người dân. Hy vọng của tôi là chúng ta có thể sửa chữa lại niềm tin cậy và đức tin của tất cả những người Công Giáo và cộng đồng rộng lớn hơn nhờ những hành động và tinh thần trách nhiệm của chúng tôi trong cách thức chúng ta ứng phó với cuộc khủng hoảng này.

Điều khiến mọi việc trở nên khó hiểu là, theo kinh nghiệm của tôi, khi một linh mục được chọn là ứng viên giám mục, nếu có bất kỳ nghi ngờ hay vấn nạn nào liên quan đến việc tuân giữ lời hứa độc thân linh mục, thì danh tính người ấy phải bị loại khỏi danh sách các ứng viên Giám Mục. Hội đồng Giám mục đang âu lo tại sao Theodore McCarrick có thể được tấn phong Giám mục, Tổng Giám mục và Hồng Y. Chúng ta phải chắc chắn rằng điều này không bao giờ xảy ra nữa. Đó là lý do tại sao Hội đồng Giám mục yêu cầu Tòa thánh điều tra với sự tham gia của anh chị em giáo dân.

Hãy để tôi kết thúc với những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô ngày hôm qua đã viết: “Chúng ta hãy cầu xin sự tha thứ vì những tội lỗi của chính chúng ta và những tội lỗi của người khác. Ý thức về tội lỗi giúp chúng ta thừa nhận lỗi lầm, tội ác và những vết thương gây ra trong quá khứ và cho phép chúng ta, trong hiện tại, cởi mở hơn và dấn thân hơn dọc theo một hành trình hoán cải mới.”


Source: Archdiocese of Boston - August 20, 2018 - Statement of Cardinal Seán P. O’Malley, OFM Cap
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mừng Bổn Mạng Đan Viện Châu Sơn Sacramento California Hoa Kỳ.
Lê Quang Uyên
16:41 21/08/2018
Hằng năm vào tháng 8 sau tuần áp Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn Sacramento California Hoa Kỳ cùng Cộng Đoàn Gia Đình Châu Sơn Hoa Kỳtổ chức Mừng Bổn Mạng Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, năm nay được tổ chức vào 2 ngày thứ Sáu 17 tháng 8 và thứ Bảy ngày 18 tháng 8 năm 2018 tại Đan Viện Thánh Mẫu Châu Sơn ở Walnut Grove, California Hoa Kỳ.

Chiều thứ Sáu ngày 17 tháng 8 các cộng đoàn Gia đình Châu Sơn khắp nơi tề tựu về Đan Viện có phần đông hơn mọi năm gấp bội phần, Đan Viện phải dựng thêm nhiều lều trại mới đủ chổ cho các hội viên ở lại 2 ngày đại hội, với khí hậu mùa hè Cali nắng nóng, những ngày nầy lên đến trên dưới 100độ F, nhưng với những tấm lòng yêu mến Đức Mẹ và Nhà Dòng nên cũng không quản ngại khó khăn những dặm đường dài chạy xe trên dưới 10 tiếng đồng hồ để đến từ khắp mọi nơi nhưở Portland Oregon, Seattle WA. Canada, Nam + Bắc California, Florida, Texas và ngay cả nơi xa xôi nhưPennsylvania, New York v.v…

Xem Hình

Bắt đầu khai mạc Đại Hội lúc 6 giờ chiều thứ Sáu ngày 17-8-2918 bằng Kinh Nguyện Lòng Thương Xót vàThánh Lễ Tôn Kính Thánh Giuse Đấng Đặc Trách Bảo HộĐan Viện Xitô tại Sacramento CAởHội Trường Lòng Thương Xót do Cha Nicolas Lê Quang Thành Chủ Tế, cùng Đồng Tế có quý Cha Đan Viện, quý Thầy và quý Cha khách, tham dự Thánh Lễ còn có qúy Sơ Dòng Xitô Nữ Việt Nam,các SơHội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt, Thủ Thiêm v.v…và quý hội viên Gia Đình Châu Sơn các miền khắp nơi.

Cha Bề Trên Đan Viện Vincente Nguyễn Đình Hậu O,Ist. ngỏ lời chào đón và cám ơn quý Cha, quý Sơ các Hội Dòng và tất cả quý hội viên Gia Đình Châu Sơn đã hy sinh thời gian để về Đan Viện tham dự 2 ngày Đại Hội nầy để cùng Kỷ Niệm 100 năm thành lập Dòng Xitô Thánh Gia và 18 năm thành lập Đan Viện Châu Sơn Sacramento California Hoa Kỳ.

Sau khi kết thúc Thánh Lễ có nghi thức cung nghinh Kiệu Thánh Thể quanh khuôn viên Đan Viện và sau đótất cả cộng đoàn cùng tham dự giờ Chầu Thánh Thể, và kết thúc chương trình ngày thứ Sáu của đại hội lúc 8 giờ tối.

Bước qua ngày thứ Bảy 19 tháng 8 vào lúc 8 giờ30sáng. Có buổi Hội Thảo do Cha Vincente Ngô Thái Phong, Nguyên thư kýĐịa Phận Thái Bình Việt Nam sang du học tại Hoa Kỳthuyết giảng với đề tài: “KÍNH MỪNG MARIA, LỜI KINH TUYỆT VỜI”. Sau khi kết thúc buổi hội thảo là nghi thức làm phép tượng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời tại khuôn viên Đài Thánh Tâm Chúa Giêsu do Đức Viện Phụ Paul Mark Đan Viện New Clairvaux CA vàsau đócung nghinh Kiêụ Đức Mẹđến Hội Trường Đan Viện, đi theo đoàn kiệu cóĐức Viện Phụquý Cha, quý Sơ vàđông đảo hội viên.

Kết thúc nghi thức Cung Nghinh Đức Mẹ là tiết mục dâng hoa của các em thiếu nhi thuộc cộng đoàn Công Giáo Oregon và Nam California phối hợp trình diễn.

Thánh Lễ Đại Trào tại Hội Trường do Đức Viện Phụ Paul Mark thuộc Đan Viện Xitô New Clairvaux CA Chủ Tế cùng Đồng Tế cóCha Bề Trên Đan Viện Vincente Nguyễn Đình Hậu, O,Ist. Cha Phụ Trách Gia Đình Châu Sơn Hoa Kỳ Đominic Trần Thiết Hùng, O,Ist. Quý Cha, Quý Thầy của Đan Viện Châu Sơn và quý Cha khách.

Tham dự Thánh lễ Đại Trào ngoài các Tu Sĩ Nam Nữ, Quý Sơ các Hội Dòng còn có rất đông hội viên vàân nhân của 20 miền đến từ khắp các Tiểu Ban Hoa Kỳ khoảng gần 3000 hội viên quy tụ về trong tâm tình Tạơn Thiên Chúa và Đức Maria Hồn Xác Lên Trời xin hằng che cởđoàn con cái Mẹđang gặp nhiều khó khăn và thử thách trong cuộc sống cảđạo vàđời .

Chia sẻ lời Chúa hôm nay vẫn do Cha Vincente Ngô Thái Phong thuyết giảng, Trong bài giảng Cha đã gíúp cho cộng đoàn hiểu biết nhiều hơn vềý nghĩa và gía trị Sách Khải Huyền, ngoài ra, Cha dí dõm truyền đạt cho cộng đoàn về những chữ “thanh” hầu áp dụng cho cuộc sống người Kitô hữu hằng ngày, mỗi câu chữ ngài đều giải thích để cộng đoàn thấu hiểu tường tận vàcụ thể hơn như:

1-“ThanhSạch” có thanh sạch tâm hồn mời được bình an

2- “Thanh Bạch” trong cuộc sống…

3- “Thanh Luyện” trong ý chí…

4- “Thanh Thoát” trong tư duy…

5- “Thanh Cao” trong tình cảm..

6- “Thanh Thỏa” trong tâm hồn và biết tha thứ…

7- “Thanh Thản” với người đời..

Cuối Thánh Lễ Cha Phụ Trách Gia Đình Châu Sơn Hoa Kỳ, Đominic Trần Thiết Hùng đã ngỏ lời cám ơnQuý Đức Viện Phụ, quý Cha, quý Sơ cùng tất cả các hội viên Gia Đình Châu Sơn hiện diện và không hiện diện khắp nơi thuộc Gia Đình Châu Sơn Hoa Kỳ, ngoài ra, đặc biệt là Cha giảng Tĩnh Tâm cho chúng ta, Vincente Ngô Thái Phong đã đến trong tinh thần huynh đệđơn sơ, thực tế, thâm trầm vàý nghĩa rất thú vị. Cha Phụ Trách cũng không quên cám ơn các ân nhân của Nhà Dòng đã quảng đại và giúp đở nhà dòng trong 18 năm qua, Sau lời cám ơn, Cha Phụ Trách đã hướng dẫn cộng đòan đọc kinh “Cầu Cho Các Linh Hồn”đặc biệt cho các linh hồn hội viên mới qua đời. Sau đó Cha ngỏ lời mời quý Đức Viện Phụ, quý Cha, quý Sơ, quý Tu Sĩ Nam Nữ và tất cả quý hội viên ở lại dùng buổi tiệc mừng và chương trình văn nghệ gíup vui.

Trước khi Đức Viện Phụ chủ tế ban phép lành kết thúc Thánh Lễ, Ngài không quên có lời chúc mừng Đan Viện Thánh Mẫu Xitô Sacramento về sự phát triển lớn mạnh nầy, và chúc mừng quý cộng đoàn khắp nơi về sự gắng bó với các Cha Đan Viện về tinh thần cũng như vật chất.

Chương trình Đại Hội Mừng Bổn Mạng của Đan Viện được chất dứt lúc 3 giờ chiều, mọi người ra về trong hân hoan và lưu luyến, cùng nhau xin hẹn gặp lại năm sau cũng vào dịp nầy năm 2019.

Lê Quang Uyên
 
Thăm Vực Đạo, nơi giáo dân Trà Câu bị dìm chết trong biến cố Văn Thân 1885)
LM. Trương Đình Hiền
16:54 21/08/2018
VỰC ĐẠO

Nhân cuộc về thăm xứ đạo Trà Câu, thăm Vực Đạo, nơi giáo dân Trà Câu bị dìm chết trong biến cố Văn Thân 1885

Con nắng cuối hè dường như đang hối hả đổ xuống trên những cánh đồng vàng xanh của vụ lúa hè thu đang mùa thu hoạch. Thoang thoảng mùi hương lúa mới hoà quyện với mùi ngai ngái của rơm tươi ngâm nước, như đang lôi kéo tâm thức của một kẻ đang về thăm quê quay lại với bao hoài niệm, ảnh hình… của một thời bé dại…!

Xem Hình

Vâng. Tôi đã về đây, trên những con đường quê hương Trà Câu (Phổ Văn, Đức Phổ, Quảng Ngãi) mà nửa thế kỷ về trước, đã ghi đậm bao dấu chân quê mỗi ngày hai buổi đến trường qua bãi cỏ Gò Dong, những lần theo bạn thả bò trên gò Cúc, mùa hè đi câu cá rô, cá suốt dọc “mương” Trà Câu, hay cá chốt, cá thác lác ở sông “Sau” hay xuống tận bờ hữu ngạn sông Thoa dưới “Bến Đò Mốc”…

Nhắc tới sông Thoa, Bến Đò Mốc, tự nhiên ký ức ùa về “xúm lại” nghe chuyện kể của mẹ tôi về thời “Bắt Đạo”.

Dĩ nhiên chuyện mẹ kể được được Ông Bà Ngoại lưu truyền không như một chuyện cổ tích mà như những chứng nhân liên hệ trực tiếp. Và nếu căn cứ vào thời gian diễn ra cùng với ngưỡng tuổi của ông bà ngoại lúc đó, thì câu chuyện “Bắt Đạo” chính là cuộc “bách Hại Công Giáo” của phong trào Văn Thân – Bình Tây Sát Tả khởi sự từ năm 1885.

Khu vực miền Trung, đặc biệt với các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam (Bao trùm toàn bộ địa bàn mục vụ của Giáo phận Qui Nhơn và Đà Nẵng ngày nay), cuộc bách hại của Văn Thân đã gây ra thiệt hại và tàn phá khủng khiếp cho Đạo Công Giáo, qua những con số được thống kê sau đây :

“Trong cuộc sát hại của Văn Thân năm 1885, Giáo phận Đông Đàng Trong đã bị tổn thất nặng nề nhất từ trước đến nay. Về nhân sự: 8 thừa sai Pháp, 7 linh mục Việt, 60 thầy giảng, 270 nữ tu, trên 24.000 giáo dân đã bị sát hại hoặc bị chết vì đói khát, bệnh tật, khi lẩn trốn nơi rừng thiêng nước độc, cũng có người lập nghiệp nơi khác không trở về. Về cơ sở vật chất: Tòa Giám mục Làng Sông, 225 nhà thờ và nhà nguyện, 10 phước viện, 2 chủng viện (Làng Sông và Nước Nhỉ), 17 cô nhi viện, 2 phòng phát thuốc, 1 nhà in, 4 nông trại, bị phá hủy. Số giáo dân trước cuộc sát hại của Văn Thân năm 1885 là 41.828 người, chỉ còn lại khoảng 17.000 vào cuối năm 1885. Số tín hữu tại các tỉnh trong Giáo phận trước và sau cuộc sát hại của Văn Thân được ghi nhận như sau:

Tại Quảng Nam: từ 5.428 còn lại 5.000; tại Quảng Ngãi: từ 6.600 còn lại 1.000; tại Bình Định: từ 16.940 còn lại 8.000; tại Phú Yên: từ 6.890 còn lại 1.109, tại Khánh Hòa: từ 2.848 còn lại 800; tại Bình Thuận: từ 1.892 còn lại 400.” .

Trà Câu, một cộng đoàn nhỏ bé, tập trung hầu hết trong một góc phía tây của thôn Tập An Bắc cọng thêm một phần của thông Đông Quan, cả hai thuộc địa bàn hành chánh xã Phổ Văn, cũng đã đi qua đoạn đường “Bắt Đạo” với bao nhiêu máu xương và nước mắt mà chứng tích “VỰC ĐẠO” và chuyện kể liên quan vẫn còn sống mãi với thời gian.

“VỰC ĐẠO” (Còn có tên là “Vực Ô Rô”), nằm ở đoạn cuối của sông Thoa, cách “Bến Đò Mốc” khoảng hơn 1 cây số xuôi về hướng Đông Nam, trước khi hợp lưu với các nhánh sông khác như Lò Bó, Sông Trường, Trà Câu, đổ ra cửa biển Mỹ Á.

Nơi khúc sông nầy ngày xưa sâu thăm thẳm và cũng rộng mênh mông nên được mang biệt danh “Vực Ô Rô”. Thuyền bè ngư dân đánh cá khi đi qua đoạn Vực nầy đều hoang mang, lo ngại. Ai số xui phận bạc rơi xuống vực này coi như chết chắc, xác chìm lĩm mất tăm.

Cũng vì “đặc điểm thuận lợi chết người đó”, những người Văn Thân đã điệu một số khá đông tín hữu Công Giáo Trà Câu xuống đoạn sông nầy và ném xuống vực kèm theo những phiến đá nặng cột quanh “giỏ chiêng đựng người” để ai nấy hết đường cục cựa !

Má còn kể thêm rằng : Ngay lúc các tín hữu chìm xuống, thì không biết, do giây buộc không chặt hay nhờ sức mạnh kinh người và tài bơi lội có cở, một giáo dân đã trồi ngay lên mặt nước chẳng xa bờ bao nhiêu. Lập tức, một “Văn Thân” xốc cây mác nhắm ngay đầu nhận lại xuống nước. Lúc đó trên bờ, ai cũng nghe người giáo dân đã từ tốn quát lại : “Thì để từ từ tao chết chứ làm gì dữ dẫy mầy” ! Và rồi, ông cũng đã chìm xuống trước sức ép của gươm, giáo, mác…cùng hàng trăm những người bắt đạo đang hò reo, quát tháo trên bờ.

Đặc biệt má không quên kể rõ đoạn cuối câu chuyện “Vực Đạo” nầy : Chính người bắt đạo Văn Thân đó, sau có một người con trai trở lại Đạo và làm biện, người ta gọi là Biện Học. Sau nầy, ông bà Biện Học có một người con gái đi tu Dòng Phaolô Đà Nẵng, tức soeur Irêné Lành (đã qua đời).

Còn một chi tiết khác liên quan đến cuộc bách hại nầy nếu không kể lại thì cũng uổng : Như đã kể trên, khi Văn Thân “đánh Trà Câu”, một số ném ngay xuống giếng lấp đất, một số đem trói ké đào một hào dài chôn sống. Ngày xưa, mỗi năm đến dịp các Đẳng, cả họ đi “giẩy mả”, thì hai cái ngôi mộ tử đạo phải được giẩy đầu tiên : một mộ tròn (chôn giếng) và một mộ dài (chôn hào). Ông cố ngoại của tôi cùng một số bà con Trà Câu khác có mặt trong nhóm tử đạo nầy.

Ngày trước đó, bà cố ngoại tôi dẫn hai cậu con trai (Ông ngoại tôi (Nguyễn Mão, sinh 1878) và ông anh hai (Nguyễn Chưỡng, sinh 1875) xuống vùng “đất cát” bên kia Bến Đò Mốc, vô cấm Bàng An rậm rịt cây cối để ẩn núp. Sau buổi sáng Văn Thân dìm chết giáo dân tại Vực Ô Rô, và trước đó tàn sát tại họ chính Trà Câu, bà cố Ngoại ban đêm dẫn hai cậu con trai lần mò ra lăng thờ cá voi gần biển để trốn. Khuya hôm đó, nghe tiếng chó cào cấu và tru bên ngoài, Bà Cố Ngoại thức dậy ra xem thử : kìa chú chó trên nhà Trà Câu tìm tới báo tin. Bà Cố Ngại biết chắc : thế là tiêu hết rồi….!

Kể từ sau biến cố Văn Thân đó, Vực Ô Rô được cả người dân lương giáo gọi là “VỰC ĐẠO” và danh xưng này vẫn còn mãi cho đến hôm nay.

Má còn kể thêm một chuyện khá hi hữu rằng : Vào một đêm vụ làm mùa tháng ba, khi nước về đồng và ếch nhái xuất hiện. Cả dân Trà Câu toả ra đồng soi ếch, bắt nhái. Ba má cũng có mặt trong cuộc soi nhái tháng 3 đông vui nầy. Đêm đó, cứ men theo đường nhái dẫn lần đến tận bờ Vực Ô Rô lúc nào không biết. Khi nhìn xuống mặt sông, cả hai thấy cả một vạt đèn lung linh sáng cả khu Vực Đạo. Linh tính báo rằng : Đây chính là những ngọn đèn của các vị tử đạo. Cả hai người làm dấu đọc kinh và âm thầm lui bước…!

Lần nầy, người dẫn tôi tới Vực Đạo không là những chú nhái cơm, nhái bén, mà là một ông bạn học lương dân, mới gặp lại gần tròn nửa thế kỷ. Chính anh bạn nầy, cứ mỗi khi sang canh 1 (khoảng 1 giờ sáng) đã cùng vợ thả lưới trên dòng sông Thoa và cũng thường bơi qua đoạn Vực Đạo nầy để đánh cá cho kịp phiên chợ sáng. Ngày hôm nay, dòng sông đã trở nên hiền hoà, khúc vực sâu đã được bồi cát và hai bên bờ đã thiết dựng bờ kè. Ba anh em Trà Câu chúng tôi đã quỳ gối và thầm nguyện bên bờ Vực Đạo vào cái đêm cuối hè sau lễ Đức Mẹ Về Trời 2018.

Trương Đình Hiền

(Chuyến về Trà Câu mừng lễ Mẹ và thăm bạn cũ ngày 18/8/2018)



 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Người Giáo Lý Viên hôm nay
Lm. Lê Văn La Vinh, OP
12:34 21/08/2018
Bài thuyết trình tại Đại hội Giáo lý viên Giáo phận Xuân Lộc vào ngày 29/7/2017 tại Gx Thái Hòa – Hố Nai

1. Ơn gọi Giáo lý viên :

Người giáo lý viên (GLV) được ủy thác một tác vụ đặc biệt, đó là thông truyền kho tàng đức tin Công Giáo cho thế hệ trẻ.Kho tàng mà bạn chuyển giao cho thế hệ trẻ lúc này là một đức tin sống động, tích cực và được lưu truyền từ thời các thánh Tông đồ cho đến ngày hôm nay.Người giáo lý viên hôm nay phải có (thủ đắc) kho tàng này, cảm nghiệm nó, chia sẻ và loan truyền kho tàng mà mình có được cho thế hệ em cháu hay cho các học viên người lớn.

Bạn được mời gọi trở thành Giáo lý viên, có thể lời mời gọi này đến với bạn không mạnh mẻ, ấn tượng như ơn gọi của Phaolo, của các ngôn sứ thời Cựu Ước hay như của các thánh sau này… có thể chỉ đơn giản là một cuộc gặp gỡ với cha xứ, một lần đưa con (em, cháu) đi học giáo lý, hay thậm chí chỉ là một lời kêu mời của bạn bè… và bạn đã trở thành người Giáo lý viên qua lời đáp xin vâng của mình. Một tiếng xin vâng khẽ nhẹ, có thể là mơ hồ… nhưng lại mang một ý nghĩa lớn lao. Khi nói lời xin vâng này, bạn đã thuận theo lời mời gọi của Bí tích Rửa tội để trở nên một môn đệ của Đức Kitô và nhân danh Người mà giảng dạy.

Khi đáp lại ơn gọi để trở thành Giáo lý viên, bạn không hề đơn độc; bạn được liên kết với hàng trăm ngàn tín hữu Công Giáo nhiệt thành khác, những người cùng đáp lại ơn gọi phục vụ ấy.

Bạn đã đáp lại lời mời gọi ấy vì bạn đã yêu mến Chúa Giêsu, và mong muốn chia sẻ tình yêu ấy cho người khác.

Là GLV, bạn được ủy thác trách vụ loan truyền toàn vẹn sứ điệp của Thiên Chúa trong sự trung thành với giáo huấn của Hội thánh.Và như thế, bạn rất cần được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể đảm nhận sứ vụ này: Các khoá đào tạo căn bản và chuyên sâu, các buổi hội thảo, tĩnh tâm, các cuộc hội họp… sẽ là những cơ hội để giúp bạn có đủ chất, đủ nguồn, đủ năng lực… để có thể đảm nhận sứ vụ này.

2. Chúa Giêsu là trung tâm của việc dạy Giáo lý:

Trong tông huấn CatechesiTradendae Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II nêu rõ: “Mục đích chính yếu của việc dạy Giáo lý là “Mầu nhiệm Đức Kitô”.Dạy giáo lý là cách dẫn dắt một người để họ học được tất cả các khía cạnh của mầu nhiệm này” . Khi dạy Giáo lý, chúng ta giảng dạy về chính Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể; và cũng chỉ có một mình Đức Kitô là Đấng giảng dạy - người nào khác giảng dạy, cũng chỉ vì người ấy là phát ngôn viên của Chúa Kitô”

Mọi Giáo lý viên phải luôn cố gắng truyền thụ bằng lời giảng dạy và cách sống của mình giáo huấn và đời sống của Đức Kitô.Mà muốn nói về Đức Kitô, người Giáo lý viên phải “biết” Đức Kitô, phải “có” Đức Kitô trong cuộc đời của mình: tìm hiểu về Đức Kitô và nghe lời Ngài được ghi lại trong Kinh Thánh và bộ sách Tân Ước; cận kề, gần gũi với Đức Kitô trong các giờ kinh nguyện, phụng vụ và nhất là trong Thánh lễ.

3. Người GLV hiệp thông với Chúa và Giáo hội:

Như vừa nói ở phần trên, người giáo lý viên khi thông chia kho tàng đức tin vào Thiên Chúa, vào Chúa Kitô cho người khác thì ắt hẳn người GLV phải có Đức Kitô, biết Ngài và hiệp thông với Ngài.

Để có thể sống được mối dây hiệp thông này - ngoài những gợi ý vừa nêu ở phần trên - thiết nghĩ người GLV phải có trước hết đó là TÌNH YÊU MẾN: Mến Chúa và yêu thương anh chị em của mình.

a. Hiệp thông với Chúa: Như chúng ta biết, việc học và dạy giáo lý không phải như những bộ môn văn hóa khác.Chính Đức Giáo Hoàng Benedito đã khẳng định trong tác phẩm Thiên Chúa và trần thế: “Niềm tin vào Thiên Chúa không phải là một kiến thức mà tôi có thể học hỏi được, như tôi học toán hay hóa học…(…)… Bởi đức tin đòi hỏi toàn lực đời sống, ý chí, tình yêu và bước ra khỏi mình”. Quả vậy, việc giáo dục đức tin có một nét độc đáo riêng; nhờ đó, người thụ huấn được mời gọi đi vào cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa một cách tự do bằng đối thoại với Ngài, và nghe lời giáo huấn của Ngài để hoán cải nội tâm. Nhờ đó, học viên cảm nhận được niềm hạnh phúc của người có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa, và bày tỏ ra bên ngoài qua lời nói, hành động cũng như cách sống của họ.

Khi nắm rõ được điều này, người giáo lý viên khi trình bày bài giáo lýsẽ nắm chắc được mục tiêu là phải làm sao để bản thân mình và các học viên đều có được cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và biết sống thân tình với Đức Kitô, Đấng đang hiện diện trong cuộc đời mỗi người.

Và như chúng ta đã biết, để thực hiện được điều này: việc tham dự Thánh lễ và các giờ phụng vụ, những lúc cầu nguyện riêng tư… là những phương thế rất tốt để cho mỗi chúng ta - người GLV và các học viên – có điều kiện sống hiệp thông để gặp gỡ Thiên Chúa và sống thân tình với Chúa Giêsu, Thầy chí thánh của mình.

b. Hiệp thông với Giáo hội: Tự bản chất, Hội thánh là một cộng đoàn hiệp thông.Điều này được diễn tả ngay từ khi Hội thánh mới được thành lập thời các Tông đồ. Sách Tông Đồ Công Vụ nhấn mạnh đến hai chữ hiệp thông khi mô tả về Giáo hội tiên khởi, các tín hữu sống tinh thần hiệp thông: hiệp thông với Chúa và hiệp thông với nhau

Cách riêng nơi Giáo hội Việt Nam - trong Năm thánh 2010 -đã nhấn mạnh về đề tài hiệp thông này khi viết: “Hội thánh Việt Nam trước hết làm một cộng đoàn hiệp thông đâm rễ sâu trong đời sống Chúa Ba Ngôi, một cộng đoàn cầu nguyện và chiêm niệm, một cộng đoàn cử hành bí tích với Thánh Thể là trung tâm.Kế đến, phải là cộng đoàn tham gia và đồng trách nhiệm, một cộng đoàn hiệp nhất với các chủ chăn cũng như với Hội thánh duy nhất.Cuối cùng , phải là cộng đoàn làm chứng cho những ý nghĩa và giá trị mà mình tuyên xưng, để cho những giá trị đó nhập thể vào trong lối sống của mình, diễn tả chúng trong cách thế hiện diện, đối thoại và thực hành của mình trong mọi lãnh vực hoạt động của Hội thánh ngay trong lòng thế giới”

Với sự hướng dẫn của các vị chủ chăn trong Giáo hội, chúng ta thấy là ngoài việc sống hiệp thông với Chúa, chúng ta còn phải có bổn phận hiệp thông với Giáo hội. Giáo hội là một cộng đoàn tham gia mà ai nấy đều phải chung tay giúp sức để đồng trách nhiệm; nhờ đó mọi người giúp nhau làm chứng cho những ý nghĩa và giá trị mà cộng đoàn cùng tuyên xưng và diễn tả ra trong cuộc sống hàng ngày.

Hơn nữa, mong ước của Hội thánh Việt Nam là xây dựng Hội thánh như một gia đình với sự hiệp thông mọi người như anh chị em, bình đẳng trên ơn gọi làm con Chúa, chia sẻ cùng một sứ mạng và trách nhiệm được thể hiện trong những bậc sống và nhiệm vụ khác nhau. Sự hiệp thông này vừa là đòi hỏi vừa là lời chứng cần thiết mà Hội thánh phải bày tỏ trước mặt mọi người…

Cần phải nói thêm rằng: GLV chấp nhận một vai trò quan trọng trong nỗ lực truyền bá Phúc âm và giảng dạy giáo lý của Hội thánh, xét vì họ được chính Hội thánh mời gọi và sai đi loan truyền đức tin, đồng thời cũng chứng tỏ một tấm lòng yêu mến sâu xa với Giáo hội qua việc tích cực tham gia đời sống phụng vụ và tham gia đời sống cộng đoàn giáo xứ .

4. Thử xây dựng một người giáo lý viên lý tưởng:

Người Giáo lý viên được mời gọi để loan truyền sứ điệp của Chúa Giêsu cho người khác. Do đó, điều đầu tiên là người GLV phải biết Chúa Giêsu: Biết Ngài qua học hỏi, tìm hiểu, qua suy niệm và cầu nguyện và qua việc tiếp xúc với Đức Giêsu nơi các bí tích nhất là Bí tích Thánh Thể. Điều thứ hai là GLV cần sống với Chúa Giêsu. Nhờ kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu,Giáo lý viên cần chìm sâu vào, ngập lặn trong Chúa Giêsu khi soạn bài, khi giảng bài và khi đối xử với các em (các học viên). GLV hãy nói về Chúa Giêsu cách say sưa, với tất cả niềm tin và sự vui mừng của bản thân mình.

Thứ đến người Giáo lý viên phải là người cólòng yêu mến: Đây là điều mà Chúa Giêsu đã hỏi đi hỏi lại ông Phêrô trước khi trao sứ vụ chăm sóc đàn chiên của Chúa Khi có lòng yêu mến thật sự, GLV viên mới hăng say trong công việc, sẵn sàng dấn thân với các em (lớp học) mình được trao phó.Có như thế những lời nói, những bài giảng mà người GLV loan truyền sẽ có đầy niềm xác tín và hy vọng; từ đó sứ điệp họ loan truyền mới thật sự có sức hút với người nghe.Hơn nữa, lòng yêu mến sẽ giúp cho người GLV luôn trung thành và kiên trì trong công tác hàng tuần, hàng ngày của mình.

Điểm cuối cùng cần có của một người giáo lý viên đó là lòng đạo đức và tác phong nhân bản.GLV là người thầy của các em không chỉ trong việc giáo dục đức tin mà cũng là thầy trong phương diện nhân bản nữa.Khi tập cho các em các đức tính nhân bản như Trung thực, dũng cảm, trách nhiệm, cao thượng, nhân hậu, dấn thân… thiết nghĩ, bản thân người GLV nêu gương sống và thực hành các đức tính này ngay trong những buổi lên lớp của mình qua việc chuyên cần, đúng giờ, soạn bài nghiêm túc, chuẩn bị lên lớp cách cẩn thận, có trách nhiệm trong giờ học (giờ dạy). Và quan trọng hơn hết là người giáo lý viên bày tỏ cho các em thấy được tâm tình tin kính (với Thiên Chúa) của mình qua cử chỉ, cung cách, sự trang nghiêm khi cầu nguyện, khi đọc lời Chúa, khi đi đứng trong nhà thờ…

5. Tạm kết :

“Mục tiêu tối hậu của toàn bộ giáo lý là đời sống thân tình và kết hợp với Chúa Giêsu-Kitô” . Do đó, việc dạy giáo lý không đơn giản như việc truyền giảng một kiến thức ở đời, mà là chiếu tỏa ánh sáng Đức Kitô. Hay nói cách khác, dạy giáo lý là huấn luyện đời sống thân tình với Đức Kitô là Đấng đang sống và hoạt động giữa loài người chúng ta hôm nay. Do đó, hởi người GLV, bạn phải gắn bó với Chúa Giêsu, lắngnghe và sống Lời của Ngài và qua việc gặp gỡ Ngài trong các bí tích. Thêm vào đó, bạnphải luôn ý thức mình là thành phần của Hội thánh, biết đồng cảm với Hội thánh để cùng chung chia niềm vui và nỗi ưu tư của Hội thánh. Một khi bạn đã ý thức được điều này, chắc hẳn bạn phải tích cực tham gia và góp phần vào những sinh hoạt của Giáo phận, Giáo xứ nơi bạn đang cư ngụ; mà cách cụ thể là bạn trở thành một Giáo lý viên. Có như thế, chúng ta mới sống được trọn vẹn ơn gọi của Bí tích Rửa tội và phát huy ân sủng của Bí tích Thêm Sức để dấn thân trong cánh đồng của Chúa. Khi thực hiện điều này là lúc người GLV đang hoàn thành ơn gọi của người tông đồ giáo dân trong tâm tình và sứ mạng của một Giáo lý viên đang sống trong xã hội hôm nay.

Lm Lê Văn La Vinh, OP
 
Chứng Nhân Đức Tin Trong Thế Giới Phẳng
Gioan Lê Quang Vinh
12:37 21/08/2018
Bài nói chuyện của Gioan Lê Quang Vinh trong Đại Hội Giới Trẻ Giáo Hạt Tây Bắc Phú Thọ 2018.

I. THẾ GIỚI PHẲNG NGHĨA LÀ GÌ?

“Thế giới phẳng” (Tiếng Anh: The world is flat) là tên một tác phẩm của Thomas Friedman - một biên tập viên chuyên mục ngoại giao và kinh tế của tạp chí New York Times. Năm 2005,cuốn sách này được trao giải thưởng “cuốn sách hay nhất” trong năm.

Hiện nay "thế giới phẳng" đã trở thành thuật ngữ quen thuộc chỉ sự phát triển toàn cầu hóa từ những năm đầu của thế kỷ XXI khi mười nhân tố lớn liên quan đến kinh tế và khoa học kỹ thuật trên thế giới cùng nhau tác động, khiến cho các mô hình xã hội, chính trị và xã hội đã bị thay đổi và thế giới trở nên phẳng hơn bao giờ hết khi sự tiếp xúc giữa các cá nhân trở nên dễ dàng và chặt chẽ hơn trước.

Nói một cách đơn giản, trong thời đại này, mọi biên giới có thể bị xóa sạch, và tất cả có thể được trình bày trên một bề mặt phẳng, rất phẳng. Màn hình máy tính, màn hình điện thoại thông minh cũng trình bày mọi thứ dưới dạng “phẳng”.

II. NHỮNG THÁCH ĐỐ TRONG THỜI ĐẠI INTERNET

Khi sử dụng Internet, nhận thông tin và giao tiếp quá dễ dàng qua Internet, người trẻ có thể có nhiều lợi ích trong việc thu thập kiến thức, học tập, có bạn bè mới và cũng học hỏi nhiều về giáo lý, tăng cường đời sống đức tin. Nhưng đồng thời, các thiết bị số cũng làm cho chúng ta phải đối mặt với quá nhiều thách đố trong mọi lãnh vực của đời sống, trong đó có lãnh vựe sống đức tin.

1. Thông tin sai lạc

Internet là nguồn cung cấp thông tin vô tận vì ai cũng có thể đưa tin qua vô số những trang mạng khác nhau. Và vì ai cũng có thể đưa thông tin nên thật giả cứ trộn lẫn vào nhau, chúng ta không tài nào phân biệt được. Đức Thánh Cha Phanxicô nhận xét rằng ”tin giả” dựa trên ”chiến thuật con rắn” như trong trình thuật Kinh Thánh về việc con rắn lý luận để cám dỗ bà Evà. Tên cám dỗ có vẻ đáng tín nhiệm và nhắm tới một sự quyến rũ đi thẳng vào tâm hồn con người, với những lý lẽ giả tạo nhưng có sức thu hút. Từ sự kiện đó, Đức Thánh Cha cảnh báo rằng không có sự thông tin ngụy tạo nào là ”vô thưởng vô phạt”, vì thế nếu chúng ta tin những gì là sai trái, giả tạo, sẽ tạo nên những hậu quả bi thảm và tai hại.

2. Cám dỗ phạm tội

Trước kia người ta cũng đọc sách, coi phim xấu, và đó là những cám dỗ dẫn đến tội lỗi nghiêm trọng. Nhưng có lẽ trước kia tìm sách, phim như thế không dễ. Còn bây giờ phim ảnh, sách bào xấu tràn lan. Những phim ảnh, truyện kể xấu trên Internet làm cho các bạn trẻ mất giờ, mất nhân cách và mất sự bình an trong tâm hồn. Nếu cứ mải mê tìm đọc và xem những trang web đen thì chẳng bao lâu các bạn sẽ lơ là với đời sống đức tin và không còn thấy được sức thu hút từ các hoạt động tông đồ. Tại sao thế? Lý do đơn giản là sự mặc cảm và sự chai đá được hình thành dần dần trong tâm hồn.

3. Chia trí, lơ là việc đạo đức

Một cô nàng đi Lễ mà cứ cúi mặt xuống. Nhìn sang, người ta thấy cô đang nhìn màn hình điện thoại kẹp vào tay. Một chàng trai đi Lễ mà cứ nhắn tin. Khi được hỏi tại sao đi Lễ mà cứ mải mê nhắn tin, chàng trả lời tỉnh bơ: “Nhắn công việc chứ có phải chơi đâu”. Quá nhiều cuốn hút từ màn hình phẳng làm cho người ta không còn tâm trí đâu mà chú ý đến các lễ nghi phụng vụ, sốt sắng cầu nguyện hay chuyên tâm vào việc tông đồ. Bạn cứ tưởng tượng một gia đình mà trong đó mỗi người dán mắt vào một màn hình thì đến giờ kinh tối sẽ thế nào, và khi nghe chuông nhà thờ mọi người sẽ phản ứng ra sao?

III SỐNG ĐỨC TIN TRONG THỜI ĐẠI INTERNET

1. Sống đức Tin với Internet

Chúng ta đang sống trong năm thánh các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Khi suy ngắm về cuộc đời các ngài, chúng ta nhận thấy điểm chung này: là các ngài chết cho một đức tin mà các ngài đã ôm ấp trong suốt cuộc sống của mình. Chẳng ai chết cho điều mình không sống trước đó. Hành động anh hùng không chỉ là chết cho đức tin mà còn là sống cho đức tin.

Sống đức tin thế nào trong thế giới phẳng này? Các bạn đã nghe các Cha dạy bảo, và đã từng sống đức tin trọn vẹn. Chúng ta nói thêm một chút về việc sống đức tin…

2. Loan báo Tin Mừng bằng Internet

Sống đức tin mà không loan báo Tin Mừng là chưa sống đức tin trọn vẹn. Chúng ta vẫn thường nghe lời khẳng định của Thánh Công Đồng Vatican: “Bản chất Giáo Hội là truyền giáo”. Thế thì bản chất mỗi Kitô hữu phải là truyền giáo.

Đức Thánh Cha dùng Tweeter để giao tiếp với các bạn trẻ, để loan báo Tin Mừng Tình Yêu. Các bạn hãy vào trang Phanxicô.vn để xem và bắt chước ngài.

Trong bài trả lời phỏng vấn của Vietcatholic, Đức Cha Anphong của chúng ta với tư cách là Chủ tịch UBLBTM của HĐGMVN đã quả quyết như sau: “cho đến nay, dù phải chịu nhiều khốn khó, giáo dân Việt Nam vẫn “giữ đạo” tốt, nghĩa là dự lễ, xưng tội, hành hương, lễ lạc rất đông và “hoành tráng” nữa. Nhưng đó mới chỉ là bề mặt, thực chất lòng tin của bà con thì chưa chắc được sâu sắc như cha ông chúng ta thời tử đạo, vẫn mang tính cầu khấn, van vái xin ơn ! Bên cạnh việc “sống đạo” cho bản thân, mọi tín hữu cần phải có nhiệt huyết loan báo Tin Mừng cho hơn 80 triệu đồng bào chưa biết Chúa. Nếu mỗi người Công Giáo sống đạo tốt và dẫn đưa được ít là một người đến với Chúa thì Giáo Hội tại Việt Nam sẽ khác hơn nhiều”.

Đức Cha nói tiếp: “Để làm được việc ấy, tôi xin lặp lại ý tưởng của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II được xem như kim chỉ nam: “Công cuộc Tân Phúc Âm hóa đòi nhiệt huyết mới, phương pháp mới và cách trình bày mới”. Nếu thiếu nhiệt huyết thì dù có mọi phương thế trong tay cũng chẳng đem lại kết quả. Phương pháp mới thì hiện nay có rất nhiều, chẳng hạn những phát minh của ngành công nghệ thông tin như internet, facebook, instagram, truyền hình kỹ thuật số…”

Chúng ta có nhiệt huyết rồi, không có nhiệt huyết thì các bạn không hăng hái và hăm hở đến đây. Nhiệt huyết chính là lòng say mê mà Đức Thánh Cha nói đến. Sáng nay Đức Cha Anphong hỏi các bạn “Ai đã từng nói về Chúa Giêsu cho người bạn không cùng tôn giáo?”, chúng ta rất vui vì hầu hết các bạn đều đưa tay lên cao, chứng tỏ các bạn có nhiệt huyết loan báo Tin Mừng.Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói truyền giáo là lòng say mê yêu mến Chúa Giêsu. Chúng ta có say mê yêu mến Chúa Giêsu chưa?

Các bạn xòe hai bàn tay ra. Trên đầu ngón tay các bạn thấy gì? Hoa tay? Chai tay? Màu sắc? Tôi xin bạn viết lên mỗi đầu ngón tay một mẫu tự nhé. S-A-Y-M-Ê-G-I-Ê-S-U.

Chúng ta cũng có phương pháp mới đó là Internet. Các bạn vào Internet, lên Facebook để làm gì? Thường chúng ta trình bày gương mặt đẹp của mình, trình bày đồ ăn thức uống… Chúng ta đẹp vì chúng ta được Thiên Chúa tạo thành. Nhưng có lẽ chúng ta nên bớt nói về chính mình một chút, mà hãy trình bày một hình ảnh đẹp của Hội Thánh, một hình ảnh đẹp của mục tử, một chương trình hay của giáo xứ, để người ta nhìn thấy hình ảnh của Thiên Chúa mà ca tụng Ngài.

Có lẽ chúng ta chỉ còn thiếu cách trình bày. Cách trình bày mới là trình bày như thế nào? Thưa đó là trình bày vừa tầm người nghe và trình bày với tất cả lòng yêu mến của mình. Hãy nói bằng ngôn ngữ của thời đại mà là ngôn ngữ đẹp, hãy thổi vào ngôn ngữ đó lời yêu thương và hãy nói làm sao để họ thấy bóng dáng Tin Mừng trong ngôn ngữ của chúng ta.

Chúng ta trình bày về Chúa, về Hội Thánh, không phải để “chiêu dụ người ta theo Đạo”. Việc người ta theo Chúa là việc của Chúa, còn bổn phận chúng ta là dùng mọi phương thế để làm cho Thiên Chúa được người ta biết đến và yêu mến.

Nào bạn ơi, từ nay trước khi đặt tay lên bày phím máy tính, ipad hay điện thoại, bạn hãy nhìn lướt 10 ngón tay mình và hãy thầm nhủ: Tôi say mê Giêsu. Say mê Giêsu, tôi không xem, không đọc những cái linh tinh, mất giờ và làm Giêsu buồn. Say mê Giêsu, tôi không làm anh chị em buồn qua bàn phím với 10 ngón tay tôi. Say mê Giêsu, tôi trình bày Giêsu và tình yêu của Người qua mười ngón tay tôi.

Gioan Lê Quang Vinh
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 21/08/2018: Thư của ĐTC Phanxicô gởi toàn thể dân Chúa về tội ác lạm dụng tính dục
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:47 21/08/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Ngay khi tai tiếng liên quan đến Tổng Giám Mục Theodore MacCarrick vẫn còn đang là vấn đề thời sự hiện nay tại Hoa Kỳ, rất nhiều người Công Giáo có thiện chí lại phải ngã lòng trước các tin động trời liên quan tới gương mù giáo sĩ lạm dụng tình dục quá xấu xa trong Phúc Trình Pensylvania về 6 giáo phận trong tiểu bang này.
Đứng trước những tin tức dồn dập này, ngày 20 tháng 8 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gởi một lá thư đầy xúc động cho tất cả các tín hữu Công Giáo trên thế giới về tình trạng lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ và việc che giấu những lạm dụng này của các vị có trách nhiệm trong Giáo Hội; và kêu gọi Giáo Hội gần gũi các nạn nhân trong tình liên đới, và hiệp nhất trong lời cầu nguyện và chay tịnh.
Chúng tôi xin được tạm ngưng chương trình Thế Giới Nhìn Từ Vatican thường lệ trong tuần này để giới thiệu với quý vị và anh chị em toàn văn thư của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Mở đầu lá thư, Đức Thánh Cha nói:

“Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau” (1 Cor 12:26). Những lời này của Thánh Phaolô vang dội mạnh mẽ trong lòng tôi khi tôi thừa nhận một lần nữa sự đau khổ nhiều trẻ vị thành niên phải chịu đựng vì nạn lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực và lạm dụng lương tâm gây ra bởi một số lượng đáng kể các giáo sĩ và những người thánh hiến. Những tội ác này gây ra những vết thương sâu sắc đau đớn và bất lực, chủ yếu nơi các nạn nhân, và cả nơi các thành viên trong gia đình của họ và trong cộng đồng lớn hơn những tín hữu và cả nơi những người không có niềm tin. Nhìn về quá khứ, không có nỗ lực nào cầu xin sự tha thứ và tìm cách sửa chữa những tổn hại có thể coi là đủ. Nhìn về tương lai, không một nỗ lực nào có thể bị lơ là hầu tạo ra một nền văn hóa có khả năng không chỉ chặn đứng những tình huống như vậy xảy ra mà thôi, nhưng còn phải ngăn chặn được khả năng bao che và để cho các tình huống như thế tiếp diễn. Nỗi đau của các nạn nhân và gia đình của họ cũng là nỗi đau của chúng ta, và do đó, điều khẩn cấp là chúng ta một lần nữa phải tái khẳng định cam kết bảo vệ các trẻ vị thành niên và những người lớn dễ bị tổn thương.

1. Nếu một bộ phận nào đau …

Trong những ngày gần đây, một báo cáo đã được công bố trình bày chi tiết những kinh nghiệm của ít nhất là một ngàn nạn nhân của lạm dụng tình dục, lạm dụng quyền lực và lương tâm dưới tay của các linh mục trong khoảng thời gian khoảng bảy mươi năm. Mặc dù có thể nói rằng hầu hết các trường hợp này xảy ra trong quá khứ, tuy nhiên theo dòng thời gian, chúng ta nhận ra nỗi đau của nhiều nạn nhân. Chúng ta nhận ra rằng những vết thương này không bao giờ biến mất và đòi hỏi chúng ta phải mạnh mẽ lên án những tội ác này và hiệp lực trong việc nhổ tận gốc cái nền văn hóa sự chết tạo ra những vết thương không bao giờ biến mất này. Nỗi đau đớn quặn lòng của những nạn nhân, những nỗi đau thấu đến trời cao, từ lâu đã bị phớt lờ, chìm trong im lặng hoặc bị buộc phải câm nín. Nhưng tiếng kêu kịch liệt của chúng mạnh mẽ hơn tất cả các biện pháp nhằm làm câm nín, hoặc thậm chí tìm cách giải quyết chúng bằng các quyết định khiến tình hình trở nên trầm trọng hơn và phức tạp hơn. Chúa nghe tiếng kêu đó và một lần nữa cho chúng ta thấy Ngài đứng về phía nào. Bài ca [“Ngợi Khen” (Magnificat)] của Đức Maria không bị sai lạc và tiếp tục lặng lẽ vang vọng trong suốt lịch sử. Chúa luôn nhớ lại lời hứa mà Ngài đã làm cho tổ phụ chúng ta: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.” (Lc 1: 51-53). Chúng ta cảm thấy xấu hổ khi chúng ta nhận ra rằng phong cách sống của chúng ta đã phủ nhận, và tiếp tục phủ nhận, những lời chúng ta đọc thuộc lòng.

Với sự xấu hổ và ăn năn, chúng ta thừa nhận trong tư cách một cộng đồng giáo hội rằng chúng ta đã không đứng nơi chúng ta lẽ ra nên đứng, rằng chúng ta đã không hành động kịp thời, đã không nhận ra tầm quan trọng và trọng lực của những thiệt hại gây ra cho rất nhiều cuộc sống. Chúng ta không tỏ ra quan tâm đến những người nhỏ bé; chúng ta đã bỏ rơi họ. Tôi xin lấy lại lời của Đức Hồng Y Ratzinger vào lúc đó, trong Đàng Thánh Giá Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 2005, khi ngài chỉ ra với tiếng kêu đau đớn của nhiều nạn nhân và thốt lên rằng: “Bao nhiêu những dơ bẩn trong Giáo Hội và ngay cả nơi những người trong thiên chức linh mục, lẽ ra phải hoàn toàn thuộc về Chúa Kitô! Bao nhiêu sự kiêu căng, bao nhiêu điều tự phụ! Bao nhiêu những phản bội lại Chúa Kitô bởi chính những môn đệ Người, bao nhiêu người đón nhận Mình Máu Thánh Chúa bất xứng, chắc chắn là sự đau khổ cực độ nhất mà Đấng Cứu Chuộc phải chịu; nó đâm thấu trái tim Người. Chúng ta chỉ có thể kêu cầu đến người từ đáy lòng của chúng ta: Kyrie eleison- Lạy Chúa xin thương xót chúng con (x Mt 8: 25)” (Chặng thứ Chín)

2.… mọi bộ phận cùng đau

Mức độ và trọng lực của tất cả những gì đã xảy ra đòi buộc chúng ta phải chung vai nắm bắt thực tế này một cách toàn diện. Trong mọi hành trình hoán cải, điều quan trọng và cần thiết là phải dám thừa nhận sự thật về những gì đã xảy ra, nhưng bản thân điều này thôi thì chưa đủ. Hôm nay, chúng ta, trong tư cách là Dân Thiên Chúa, bị thách thức phải trực diện với nỗi đau của các anh chị em chúng ta bị thương tổn trong thân xác và tinh thần. Nếu, trong quá khứ, phản ứng của chúng ta là lờ đi, thì hôm nay chúng ta muốn liên đới với họ, theo nghĩa sâu sắc nhất và thách đố nhất, và điều đó phải trở thành cách thế chúng ta hình thành nên lịch sử hiện tại và tương lai; cũng như hình thành nên một môi trường mà giữa các xung đột, và căng thẳng, trên tất cả mọi thứ, các nạn nhân của mọi loại lạm dụng đều có thể gặp được một bàn tay dang rộng để bảo vệ và cứu vớt họ ra khỏi nỗi đau của mình (xem Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 228). Tình liên đới như thế đòi hỏi chúng ta đến lượt mình phải lên án bất cứ điều gì gây nguy hiểm cho sự toàn vẹn của bất kỳ người nào. Đó là một tình liên đới đòi buộc chúng ta phải chống lại tất cả các hình thức băng hoại, đặc biệt là băng hoại về tinh thần. Thứ đến là “một dạng mù lòa ung dung và tự mãn khiến người ta có thể chấp nhận được mọi thứ: dối trá, vu khống, tự ái và các hình thức tinh tế khác của việc coi mình là trung tâm, vì ‘ngay cả Satan cũng có thể đội lốt thiên thần sáng láng’ (2 Cor 11:14) “(Gaudete et Exsultate – Tông Huấn Mừng Rỡ Hân Hoan, 165). Sự khích lệ chịu đựng đau khổ của Thánh Phaolô dành cho những người khổ đau là thuốc giải độc tốt nhất chống lại mọi nỗ lực của chúng ta lặp lại những lời của Cain: “Con là người giữ em con hay sao?” (Sáng Thế Ký 4: 9).

Tôi biết có những nỗ lực và công việc đang được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới để tìm ra những phương tiện cần thiết hầu bảo đảm sự an toàn và bảo vệ sự toàn vẹn của trẻ em và những người lớn dễ bị tổn thương, cũng như việc thực thi chính sách không khoan dung và những cách thế khiến cho tất cả những ai gây ra hoặc che đậy những tội ác này phải chịu trách nhiệm. Chúng ta đã trì hoãn việc áp dụng những hành động và những biện pháp trừng phạt rất cần thiết này, nhưng tôi vẫn tin rằng chúng sẽ giúp bảo đảm một nền văn hóa chăm sóc lớn hơn trong hiện tại và tương lai.

Cùng với những nỗ lực này, mỗi người đã được rửa tội nên cảm thấy phải dự phần vào những thay đổi trong Giáo Hội và xã hội mà chúng ta rất cần đến. Sự thay đổi này đòi hỏi một sự hoán cải cá nhân và cộng đồng khiến chúng ta có thể nhìn sự việc như Chúa nhìn. Như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thường nói: “Nếu chúng ta thực sự bắt đầu lại từ việc chiêm ngắm Chúa Kitô, chúng ta phải học cách nhìn thấy Ngài cách riêng nơi khuôn mặt của những người mà Ngài muốn đồng hóa với họ” (Tông thư Novo Millennio Ineunte – Khởi đầu ngàn năm mới, 49). Để nhìn sự việc như Chúa nhìn, để đứng nơi Chúa muốn chúng ta đứng, để trải nghiệm sự hoán cải con tim trong sự hiện diện của Ngài chúng ta cần cầu nguyện và sám hối. Tôi mời gọi toàn thể Dân Thánh Chúa thi hành việc cầu nguyện và chay tịnh sám hối, theo mệnh lệnh của Chúa. [1] Điều này có thể đánh thức lương tâm của chúng ta và khơi dậy tình liên đới và sự dấn thân cho một nền văn hóa chăm sóc nói “không bao giờ nữa” đối với mọi hình thức lạm dụng.

Không thể nghĩ đến việc hoán cải các hoạt động của chúng ta nếu Giáo hội không bao gồm sự tham gia tích cực của tất cả các thành viên trong cộng đoàn dân Chúa. Thật vậy, bất cứ khi nào chúng ta cố gắng thay thế, hoặc làm im tiếng, hoặc xem nhẹ, hoặc giản lược dân Thiên Chúa vào những nhóm nhỏ những người ưu tú, chúng ta chung cuộc sẽ tạo ra những cộng đồng, những dự án, những phương pháp thần học, những linh đạo và cấu trúc không có gốc rễ, không có trí nhớ, không có khuôn mặt và cuối cùng, không có cuộc sống. [2] Điều này được nhìn thấy rõ ràng cách riêng nơi sự hiểu biết về quyền bính của Giáo hội, là một điểm chung trong nhiều cộng đồng nơi lạm dụng tình dục và lạm dụng quyền lực và lương tâm đã xảy ra. Đó là trường hợp của chủ nghĩa giáo sĩ, một cách tiếp cận “không chỉ vô hiệu hóa tính cách các Kitô hữu, mà còn có xu hướng giảm bớt và đánh giá thấp hồng ân phép rửa tội mà Thánh Linh đã đặt trong lòng dân chúng ta”. [3] Chủ nghĩa giáo sĩ, cho dù được nuôi dưỡng bởi chính các linh mục hoặc bởi những người giáo dân, đều dẫn đến một sự cắt bỏ trong cơ thể giáo hội. Nó hỗ trợ và giúp duy trì nhiều tệ nạn mà chúng ta đang lên án ngày nay. Nói “không” với lạm dụng là một lời nhấn mạnh tiếng “không” với tất cả các hình thức của chủ nghĩa giáo sĩ.

Luôn luôn hữu ích khi nhớ rằng “trong lịch sử cứu độ, Chúa đã cứu độ cả một dân tộc. Chúng ta không bao giờ hoàn toàn là chính mình trừ khi chúng ta thuộc về một dân tộc. Đó là lý do tại sao không ai được cứu một mình, như một cá nhân cô lập. Trái lại, Thiên Chúa lôi kéo chúng ta đến với Ngài, trong khi tính đến cả cơ cấu phức tạp các mối liên hệ giữa các cá nhân trong cộng đồng nhân loại. Thiên Chúa muốn bước vào đời sống và lịch sử của một dân tộc.” (Gaudete et Exsultate – Tông Huấn Mừng Rỡ Hân Hoan, 6). Do đó, cách duy nhất mà chúng ta đối phó với cái ác đã làm tối tăm nhiều kiếp sống là cảm thấy điều này như một nhiệm vụ liên quan đến tất cả chúng ta như là Dân Thiên Chúa. Ý thức mình là một phần của một dân tộc và một lịch sử chung sẽ cho phép chúng ta thừa nhận những tội lỗi và sai lầm trong quá khứ của chúng ta với một sự cởi mở thống hối có thể cho phép chúng ta được đổi mới từ bên trong. Nếu không có sự tham gia tích cực của tất cả các tín hữu trong Giáo Hội, mọi thứ được thực hiện để nhổ bỏ văn hóa lạm dụng trong cộng đồng của chúng ta sẽ không thành công trong việc tạo ra các động lực cần thiết cho sự thay đổi tốt đẹp và thực tiễn. Chiều kích thống hối của chay tịnh và cầu nguyện sẽ giúp chúng ta trong tư cách dân Chúa đến trước mặt Ngài và trước mặt những anh chị em bị thương tổn của chúng ta như những tội nhân cầu xin sự tha thứ và ân sủng biết xấu hổ và hoán cải. Bằng cách này, chúng ta sẽ đưa ra những hành động có thể tạo ra các nguồn lực hài hòa với Tin Mừng. Vì “mỗi khi chúng ta cố gắng trở về nguồn và khôi phục lại sự tươi mới của Tin Mừng, những đại lộ mới sẽ xuất hiện, những con đường sáng tạo mới sẽ mở ra, với những hình thức biểu hiện khác nhau, những dấu chỉ và từ ngữ phong phú mang theo ý nghĩa mới cho thế giới hôm nay.” (Evangelii Gaudium – Tông Huấn Niềm Vui Phúc Âm, 11).

Điều quan trọng là chúng ta, trong tư cách là một Giáo hội, có khả năng thừa nhận và lên án, với nỗi buồn và sự xấu hổ, những tội ác gây ra bởi những người thánh hiến, các giáo sĩ, và tất cả những người được giao nhiệm vụ chăm nom cho những người dễ bị tổn thương nhất. Chúng ta hãy cầu xin sự tha thứ vì những tội lỗi của chính chúng ta và những tội lỗi của người khác. Ý thức về tội lỗi giúp chúng ta thừa nhận lỗi lầm, tội ác và những vết thương gây ra trong quá khứ và cho phép chúng ta, trong hiện tại, cởi mở hơn và dấn thân hơn dọc theo một hành trình hoán cải mới.

Cũng thế, sám hối và cầu nguyện sẽ giúp chúng ta mở mắt và trái tim chúng ta ra trước những đau khổ của người khác và vượt qua được lòng khao khát quyền lực và tài sản thường là gốc rễ của những tệ nạn đó. Xin cho chay tịnh và cầu nguyện mở tai chúng ta ra trước những đau đớn không nói thành lời của những trẻ em, người trẻ và những người tàn tật. Chay tịnh có thể giúp chúng ta đói khát công lý và thúc đẩy chúng ta tiến bước trong sự thật, trong khi hỗ trợ tất cả các biện pháp tư pháp có thể là cần thiết. Chay tịnh khiến chúng ta tỉnh táo và dẫn dắt chúng ta đến với những dấn thân trong sự thật và bác ái với tất cả những người nam nữ thiện chí, và với xã hội nói chung, để chống lại mọi hình thức lạm dụng quyền lực, lạm dụng tình dục và lạm dụng lương tâm.

Như thế, chúng ta có thể cho thấy rõ ràng ơn gọi của chúng ta trở nên “một dấu chỉ và một công cụ cho sự hiệp thông với Thiên Chúa và sự hiệp nhất với toàn bộ nhân loại” (Lumen Gentium – Hiến Chế Tín Lý Ánh Sáng Muôn Dân, 1).

“Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau”, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói. Bằng thái độ cầu nguyện và sám hối, chúng ta sẽ trở nên hài hòa trong tư cách cá nhân và cộng đồng với lời khích lệ này, để chúng ta có thể lớn lên trong ân sủng bác ái, trong công lý, trong sự phòng ngừa và sửa chữa. Đức Maria đã chọn đứng dưới chân thập tự giá của con Mẹ. Mẹ đã làm như thế một cách không ngần ngại, đứng vững bên cạnh Chúa Giêsu. Bằng cách đó, Mẹ cho chúng ta thấy cách Mẹ sống cả cuộc đời mình. Khi chúng ta cảm nghiệm sự tàn phá gây ra bởi những vết thương này trong giáo hội, chúng ta sẽ cùng với Đức Maria, “nhiệt thành hơn trong lời cầu nguyện”, tìm cách lớn lên trong tình yêu và lòng trung thành với Giáo Hội (Thánh I Nhã, Linh Thao, 319 ). Mẹ, người thứ nhất trong hàng môn đệ, dạy dỗ tất cả chúng ta như các môn đệ của Chúa cách thức dừng lại trước những đau khổ của người vô tội, không bào chữa hay hèn nhát. Nhìn lên Đức Maria là khám phá gương mẫu của một môn đệ chân thật của Chúa Kitô.

Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ân sủng hoán cải cần thiết và xức dầu nội tâm chúng ta ngõ hầu đứng trước những tội ác lạm dụng này, chúng ta có thể thể hiện cảm thức hối lỗi của mình và quyết tâm can đảm chống lại chúng.

+ Đức Thánh Cha Phanxicô

Vatican, 20 Tháng 8, 2018

[1] “Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện” (Mt 17:21).
[2] x. Thư gởi dân Chúa tại Chí Lợi (31 Tháng Năm 2018).
[3] Thư gởi Đức Hồng Y Marc Ouellet, Chủ Tịch Hội Đồng Toà Thánh về Mỹ Châu La Tinh (19 Tháng Ba 2016).


Source: Libreria Editrice Vaticana LETTER OF HIS HOLINESS POPE FRANCIS TO THE PEOPLE OF GOD