Ngày 21-08-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
''Bỏ Thầy con đi với ai''
Lm Jude Siciliano, OP
00:22 21/08/2009
CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN (B)

Gs 24: 1-2a;15,17,18b Tv 34; Ep 5: 21-32; Ga 6: 54a,60-69

Giô-suê thay mặt Mô-sê dẫn đưa các bộ tộc Israel đến đất Chúa hứa. Hiện chúng ta đang đọc vào phần cuối của sách Giô-suê, và ông ta gọi tất cả các bộ tộc Israel để họ lập lại lời giao ước với Thiên Chúa. Giô-suê là người dẫn đầu họ, và cách Giô-suê dẫn dắt dân Chúa là không quy định bắt buộc điều gì. Trái lại, ông nhắc cho họ biết là tổ tiên của họ đã thờ phượng Thiên Chúa. Vì Đức Chúa phán “Ta đã đưa cha ông các ngươi ra khỏi Ai Cập, ra khỏi tù đày”.

Giô-suê nói với họ “đừng quên những gì Thiên Chúa đã làm cho chúng ta; hãy tiếp tục sống kết liên mật thiết với Thiên Chúa”. Rồi Giô-suê quyết định “Phần ta và cả nhà ta, chúng ta sẽ phụng thờ Đức Chúa”. Trong các gia đình thời nay, người cha hay chồng không phải một mình đứng đầu gia đình. Có nhiều gia đình không có cha, chỉ có mẹ thôi. Dù vậy, những người chủ gia đình có đức tin, như Giô-suê, muốn con cái mình “thờ phượng Thiên Chúa”.

Giô-suê nhắc các bộ tộc Israel nhớ lại những kỳ công, phép lạ rực rỡ Thiên Chúa đã làm để cứu họ trên đường về miền đất hứa. Rồi ông ta bảo họ chọn. Trong phúc âm đọc hôm nay, chính Chúa Giêsu đứng trước con cháu những người trước kia là nô lệ, Ngài mời gọi họ hãy chọn. Họ sẽ chọn tin tưởng vào Chúa Giêsu, hay chọn một đường lối sống khác? Cũng như lúc đi qua sa mạc dân Israel than thở, thì giờ này Chúa Giêsu cũng nghe họ “xầm xì”. Hay là họ cũng như cha ông của họ đã quên những gì Thiên Chúa đã làm cho họ?

Hôm nay là một ngày tốt để cầu nguyện cho tất cả những người có trọng trách dạy dỗ đức tin cho thế hệ mai sau, nhất là những bậc làm cha mẹ, những người dạy giáo lý. Giáo xứ cần nâng đỡ cha mẹ, và giúp họ làm gương mẫu và dạy dỗ các con cái họ về đức tin của “cha ông” trong gia đình. Trong cộng đoàn, những nhóm cầu nguyện tĩnh tâm và học hỏi, đế đời sống thiêng liêng phấn khởi, nên nâng đỡ những người có trách nhiệm hướng dẫn đức tin của lớp thanh niên.

Chúng ta cũng nên biết rằng Giô-suê thực hiện những quyết định của ông ta bằng lời nói và làm gương sáng cho những người trong gia đình ông. Trong cộng đoàn những chương trình hoạt động, dù tốt đến đâu cũng có thể bị lộ ra mặt khiếm khuyết trước mắt lớp thanh thiếu niên, nếu họ không thấy những người lớn tuổi nêu gương sống đức tin trong lời nói và đời sống đạo của họ.

Chúng ta không sống đức tin bên ngoài, như làm những việc trong giáo xứ như các phụ trách nghi lễ, tu sĩ, những người đọc sách hay làm các việc phụng vụ khác. Phần đông đời sống đức tin của chúng ta được thể hiện qua những liên hệ với hàng xóm, với những người trong xã hội, trong gia đình, bản thân, cha mẹ và con cái. Trong những cảnh sống đó đều là những dịp để làm chứng đức tin như Giô-suê đã nói “phần ta và cả nhà ta, chúng ta sẽ phụng thờ Đức Chúa”.

Trong phúc âm đọc Chúa Nhật trước đây, Chúa Giêsu làm phép lạ bánh hóa nhiều, Chúa Giêsu cho đám dân chúng ăn “Bánh bởi Trời”, bánh manna mới. Dân chúng có hiểu “dấu hiệu” mà họ đang trông thấy không? Họ có thấy Chúa Giêsu là bánh hằng ngày dẫn đưa họ đến Đất Hứa mới không? Đối với những người theo Chúa Giêsu, phần đông không hiểu các phép lạ Ngài làm. Mặc dù Chúa Giêsu hứa là lời Ngài sẽ cho họ sự sống mới, và chính Chúa Giêsu là sự sống cho họ, thế là họ rút lui và không theo Ngài nữa.

Phúc âm hôm nay làm chúng ta ngạc nhiên. Thường thì những người chống đối Chúa Giêsu là những tư tế và biệt phái. Nhưng hôm nay chính những môn đệ theo Ngài không chấp nhận lời Ngài. Họ không hiểu những lời Chúa Giêsu nói là sự thật, “Thế thì anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?” Nghĩa là Ngài từ bởi Trời xuống, và Ngài sẽ về lại Trời. Cũng như Giô-suê, Chúa Giêsu để các môn đệ tự chọn. Họ muốn theo Ngài hay chọn “trở về lối sống cũ trước kia, và không theo Ngài nữa”, Chúa Giêsu không muốn thay đổi ý muốn của họ.

Nếu Chúa Giêsu buộc các môn đệ chấp nhận lời Ngài thì từ trong thâm tâm họ cũng chấp nhận được. Nếu Ngài làm như vậy, thì hóa ra họ bị thu hút bởi chính Ngài, nên họ dể dàng chấp nhận những lời Ngài dạy dỗ. Họ có thể đặt qua một bên những gì nghe có vẻ chướng tai đối với họ, như ăn thịt và uống máu Chúa Giêsu. Nhưng lòng tin vào Chúa không chỉ là một sự chấp nhận không thôi, mà còn phải làm chứng bên ngoài nữa mới rao giảng được lời Chúa cho kẻ khác. Vì thế chúng ta nên tự hỏi mình: Chúng ta có thật tâm tin tưởng tất cả những lời Chúa Giêsu nói với chúng ta hôm nay không? “Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống”. Nếu có, thì hảy sống bằng những lời đó để chứng tỏ đức tin của chúng ta cho kẻ khác.

Khi chúng ta chịu phép Thánh Tẩy, chúng ta được xức dầu “để trở nên tư tế, ngôn sứ, và vương giả”. Bởi thế đời sống của chúng ta phải như thế nào? Trên thế giới có nhiều người rất tốt, và rất tận tâm, nhưng họ không tin Chúa Giêsu. Nhưng đức tin chúng ta đòi hỏi chúng ta nhiều hơn là chỉ nên “người tốt và tận tâm”. Chúng ta phải là những ngôn sứ. Chúng ta được gọi để rao giảng lời Chúa trên trần gian. Chúng ta được gọi làm theo Chúa Giêsu. Trở nên những Kitô Hữu trung thực có ảnh hưởng trong xã hội, để làm ngôn sứ trong thế gian.

Trọng trách làm ngôn sứ không phải chỉ thuộc về những chứng nhân đức tin trong Giáo hội, mà thuộc về tất cả giáo dân. Hôm nay chúng ta được nhắc lại điều chúng ta đã chọn trước kia. Và một lần nữa chúng ta được dịp dấn thân cho Chúa Giêsu, và lời Ngài là “Thần Khí và sự sống”. Nếu chúng ta chấp nhận lời Chúa Giêsu, thì chúng ta cũng chấp nhận trọng trách làm ngôn sứ. Chúng ta phải làm chứng đức tin trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. không những chỉ trong một giờ vào ngày Chúa Nhật, nhưng phải đầy tràn trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Chúng ta phải dùng lời nói và việc làm để tuyên xưng Chúa như Giô-suê vậy “phần ta và cả nhà ta, chúng ta sẽ phụng thờ Đức Chúa”.

Chúa Giêsu nói rõ là “không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho”. Nói cách khác là riêng phần loài người, nếu không có đức tin trợ giúp, thì chúng ta không thể hiểu và chấp nhận sự sống được. Chỉ có Thần Khí Chúa mới làm cho chúng ta chấp nhận được lời dạy dỗ của Chúa Giêsu. Thế nên cần phải có ơn Chúa. Không phải những người được mời gọi đều chấp nhận ơn ấy, hoặc sẵn sàng sống ơn ấy. Như trong phúc âm hôm nay chúng ta thấy có môn đệ bỏ Chúa Giêsu. Vì thế chúng ta cần phải sửa đổi cách chọn lựa và các chuẩn mực khác trong đời sống dưới sự hướng dẫn của lời Chúa và Thần Khí Ngài. Đó là điều rất khó đối với “thân xác” chúng ta vì nó trái với thế gian.

Hôm nay Chúa Giêsu đến với chúng ta lần nữa trong lúc chúng ta quây quần lắng nghe lời Ngài và ăn uống chính thân mình Ngài. Và Ngài sẽ hỏi chúng ta là có quyết định dấn thân theo Ngài chưa? Hãy cùng nói lên lời ông Simon Phêrô “Thưa Thầy, bỏ Thầy con đi với ai? Vì Thầy mới có lời đem lại sự sống đời đời.”

Chuyển ngữ FX Trọng Yên, OP
 
Theo Chúa cũng lắm hạng người
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
05:58 21/08/2009
Chúa Giêsu xuất hiện rao giảng Tin Mừng, làm các phép lạ và dân chúng lũ lượt đi theo Ngài. Thế nhưng những kẻ đi theo Ngài là một đám đông ô hợp, đủ hạng người. Tin Mừng cho chúng ta thấy ít là có 4 hạng người đi theo Chúa.

- Hạng người theo Chúa vì tính hiếu kỳ:

Thấy Chúa Giêsu giảng dạy lôi cuốn, giáo lý mới mẻ hấp dẫn, nhất là được chứng kiến một loạt các phép lạ lớn lao phi thường, họ đi theo. Đây là hạng người theo Chúa chỉ vì tính hiếu kỳ của mình: “Dập dìu người đi, tớ cũng đi”; “Thấy hay thì vỗ tay vào”. Chính vì thế khi nghe Chúa Giêsu nói những lời chói tai, khó hiểu, họ đã nghi ngờ không biết ông Giêsu này có thật là Đấng Tiên Tri phải đến hay không; hay ông ta chỉ là người hâm hẩm. Thậm chí có lần người nhà đã từng cho rằng Ngài bị mất trí, nên đi tìm đẩ bắt ngài về. Và một khi lòng hiếu kỳ bị thương tổn, họ đã bỏ Chúa mà không một chút luyến tiếc.

- Hạng người theo Chúa vì mục đích kinh tế:

Đây là những người có lối sống thực dụng. Mối quan tâm của họ chỉ là cơm áo gạo tiền và những nhu cầu đời tạm này, một hình thức “đạo gạo” của thập niên 60, 70 tại Việt Nam chúng ta. Đối với họ, Chúa Giêsu xuất hiện như một vị cứu tinh với vai trò giải thoát chúng sinh khỏi đau khổ và nghèo đói của kiếp người, qua những phép lạ: hoá bánh ra nhiều, làm nên những mẻ cá lạ lùng, tay không chữa bệnh, phục sinh kẻ chết… Điều này lý giải tại sao họ đã ùn ùn đi theo Chúa Giêsu tựa đàn kiến phát hiện được con mồi. Đơn giản vì theo Chúa Giêsu, họ sẽ không lo vất vả làm lụng, không sợ hạn hán lụt lội, hay kinh tế khủng hoảng,… Theo Chúa Giêsu, họ sẽ có bảo hiểm y tế cả đời. Dịch cúm H1N1 cũng chẳng ngán, nan y Siđa cũng chẳng tè, v.v… Cứ trực chỉ lương y Giêsu là được chữa lành hết, chẳng phải tốn một đồng nào. Tắt một lời, Giêsu đem lại cho họ qúa nhiều lợi lộc về mặt kinh tế.

Thế nhưng, cũng chính vì “Chúa tể họ thờ là cái bụng”, nên khi thấy Đức Giêsu suốt ngày chỉ nói đến một thứ lương thực thiêng liêng trừu tượng, đến một thứ của ăn linh hồn đâu đâu, họ đành phải ngậm ngùi giã từ Ngài. Giã từ Ngài để trở về với “án phạt của tổ tông xưa”: đổ mồ hôi sôi nước mắt hầu có của nuôi thân. Lơ tơ mơ, vợ con ở nhà chết đói như chơi !

- Hạng người theo Chúa vì động cơ chính trị:

Danh vọng, quyền lực trần thế là điểm nhắm của những người này khi men theo dấu chân của Đức Giêsu. Bởi đó, khi thấy Đức Gêsu ban đầu xuất hiện như một Mêsia trần thế, làm nhiều điều hiển hách phi thường, họ tưởng Ngài sẽ làm một cuộc đại cách mạng lật đổ thế lực Rôma ngoại bang, đem lại hưng thịnh cho đất nước. Dù chưa dám nói ra, nhưng trong lòng họ vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó họ sẽ được đổi đời, sẽ thoát khỏi cái kiếp làm “phó thường dân” dài dài, nhờ vào cái ô dù to tướng của ông Giêsu này. Nói cách khác, đi theo Chúa Giêsu, chắc chắn sẽ kiếm được một chổ đứng, một địa vị nào đó để lên hương với đời và lên mặt với người.

Tuy nhiên, khi nghe Chúa Giêsu chỉ thao thao diễn giải về một thứ đạo lí phục vụ hi sinh, hiến thân quên mình…, họ cảm thấy thất vọng và đành rút lui trong trật tự.

- Hạng người theo Chúa vì xác tín rằng Chúa mới có Lời ban sự sống đời đời:

Tiêu biểu cho hạng người này là Nhóm Mười Hai. Dẫu rằng ban đầu, động cơ đi theo Chúa cũng còn rất trần tục: họ muốn kiếm “chút cháo” cho gia đình và “chút công danh sự nghiệp” cho bản thân… Nhưng khi được Chúa Giêsu thanh tẩy, gạn lọc, họ đã dần xác tín vào Ngài và đã đón nhận mạc khải của Ngài với trọn cả tâm hồn. Họ đã nhận ra Lời của Chúa Giêsu có khả năng mang lại sự sống đời đời và họ cũng tin nhận nguồn gốc thần linh của Chúa Giêsu, qua vị đại diện là Phêrô: “Bỏ Thầy con biết theo ai. Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Chính Thầy là Đấng thánh của Thiên Chúa.” Và từ niềm xác tín đó, các ông đã chân thành tín thác đi theo Chúa trọn đời dù có phải chịu nhiều thử thách gian truân trong cuộc đời. Tất nhiên vòng nguyệt quế mà Chúa Giêsu hứa ban cho người chiến thắng đã thuộc về họ. Sự sống đời đời chính là phần thưởng lớn lao mà họ đã giành được nhờ Đấng đã ban sức mạnh cho họ.

Phần tôi thì sao ? Tôi có được niềm xác tín như các tông đồ là “Bỏ Thầy con biết theo ai. Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” hay không ?

Thực tế, nhiều người đã tự nguyện bỏ Chúa, bỏ ngày Chúa Nhật để đi theo tiếng gọi của tình ái, tiếng gọi của tiền tài, tiếng gọi của đủ thứ thú vui hưởng thụ… Hậu quả là một khi bỏ Chúa thì đời họ sẽ bơ vơ như cánh chim trong khung trời lộng gió. Một khi bỏ Chúa thì đời họ sẽ như chiếc thuyền dật dờ trên biển cả mêng mông. Một khi bỏ Chúa thì tương lai đời họ sẽ trở nên mịt mờ vô định. Và một khi bỏ Chúa thì đời họ sẽ như một cuộc hành trình cô đơn buồn bã.

Chớ gì trong mọi hoàn cảnh, chúng ta luôn chọn Chúa, chọn Chúa làm gia nghiệp đời mình. Để cuộc đời mình dẫu vẫn là một cuộc hành trình dài, vẫn là cánh chim trong khung trời lộng gió, vẫn như chiếc thuyền giữa biển cả mêng mông; nhưng trong cuộc hành trình đó, đã có Đức Giêsu Kitô đồng hành, cánh chim biết hướng bay, con thuyền có người lèo lái và cuộc đời chúng ta chắc chắn sẽ về tới bến bờ bình an hạnh phúc.
 
Bánh Trường Tồn
Lm Vũđình Tường
13:40 21/08/2009
Đức Kitô năm lần, bảy lượt, kiên nhẫn giải thích mong đám đông hiểu Ngài là Bánh Hằng Sống. Cần đức tin để nhận biết tín điều Bánh hằng sống. Thiếu yếu tố quan trọng này không thể nhận biết Bánh hằng sống. Ngày nay gọi là Thánh thể. Không thể đến với Thánh thể mà không qua Đức Kitô. Ngoài Ngài ra không còn cách nào khác để đến với Thánh Thể. Vì thế Ngài xác tín một cách công khai trước đám đông. Chính tôi chứ không phải ai khác.

Chính tôi là bánh trường sinh c. 35

Tôi là bánh từ trời xuống c.41

Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống c.51


Thánh Thể là phép lạ vĩ đại nhất trong các phép lạ. Vĩ đại phi thường vì Chúa hiện diện thật trong tấm bánh nhỏ. Mục đích để được gần, cùng đồng hành, chia sẻ đời sống người Chúa yêu. Thánh Thể ban sự sống, nuôi dưỡng, liên kết và gắn bó ta với Chúa. Thánh Thể biến chúng ta mang cùng dòng họ Kitô. Kitô hữu.

Ai ăn thịt và uống máu tôi sẽ được sống muôn đời c.54

Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy c.57


Khác biệt

Đám đông mong thoả mãn đói khát thân xác, coi nhẹ đói khát tâm linh. Trái lại Đức Kitô coi trọng cả hai: thân xác và tâm linh. Có khác biệt giữa hai cách nhìn và giải quyết vấn đề đói khát. Cách của con người và cách của Thiên Chúa. Đám đông giải quyết tạm thời, trước mắt. Thiên Chúa giải quyết tận gốc rễ. Điều này cho thấy con người nhỏ bé, trí óc hạn hẹp. Con người tạm thời giải quyết vấn đề đói. Chúa là Đấng duy nhất cung cấp thực phẩm đem lại phúc trường sinh. Người khôn nhận với tâm tình tạ ơn.

Cách của Thiên Chúa

Tâm hồn được no thoả, thân xác sẽ hết đói. Tâm hồn no thoả vì được nuôi dưỡng bằng tình yêu. Tình yêu thực thể hiện qua việc sống đức ái. Nhờ thực thi bác ái mà mọi người được nuôi dưỡng. Trái lại, thân xác no thoả; tâm linh tiếp tục đói. Vì thế Đức Kitô kêu gọi

Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh c. 26-27

Đói khát là một thực tế diễn ra hàng ngày, ngày này sang ngày khác. Ngày nay ăn bánh mau hư nát, ngày hôm sau lại đói. Ra công tìm kiếm lương thực mau hư nát giải quyết vấn đề trong giai đoạn, từng bữa một. Ra công tìm kiếm bánh trường sinh cùng lúc giải quyết hai vấn đề trọng đại. Sự sống cho thân xác và sự sống trường sinh cho tâm hồn.

Nguyên cớ gây đói khát

Ích kỉ và dục vọng là nguyên nhân chính gây nên đói khát thân xác. Kẻ giầu có dư thừa; kẻ nghèo hèn thiếu thốn. Nghèo hèn đến độ giảm nhân phẩm. Trái đất thừa lương thực nuôi toàn thể nhân loại. Tuy nhiên trái đất không đủ lương thực cho cá nhân đầu cơ, tích trữ, cất dấu. Cất của nên cần canh của, canh giữ nên cần súng đạn, võ khí. Tiền tiêu vào chạy đua võ khí nhiều hơn tiền cho canh tác nông nghiệp và giáo dục.

Trái đất không được dựng nên để thoả mãn lòng tham, thoả tính ích kỉ. Trái đất được dựng nên giúp con người sống chung, tỏ tình thương. Đức Kitô kêu gọi yêu thương tha nhân như chính mình. Giới luật này giải quyết tận gốc rễ mọi đói khát.

Một tâm linh no thoả biết lo phúc lợi tha nhân. Khi con người biết cảm thông, nghĩ đến hạnh phúc của anh chị em khác. Vấn đề tích trữ của cải trần gian là thứ yếu. Vì thế không còn lòng tham tích trữ.

Tìm kiếm dục vọng vì đói khát tình yêu. No thoả tình Chúa yêu ta, đời sống an bình, không còn đói khát. Không còn chi để sợ. Cạnh tranh, đầu cơ, tích trữ tự tan biến. Lương thực trường tồn có sức mạnh hàn gắn mọi đau thương, xoa dịu mọi khắc khoải trong cuộc sống.

Tranh cãi

Đám đông không nhận được điều họ khát khao nên bày tỏ thái độ chê bai, chỉ trích. Họ tranh cãi với nhau về xuất xứ của Đức Kitô, về gia đình, nguồn gốc và chê cả ngôn ngữ Ngài dùng. Sự việc trở nên tồi tệ hơn khi trong họ tranh chấp nhau. Tranh cãi với nhau trở thành đề tài chính. Bánh hằng sống thành phụ thuộc.

Tranh cãi là tự đóng khung vào luồng tư tưởng đang tranh cãi. Tranh cãi thường dựa vào hiểu biết, lí luận khôn ngoan trần thế, mà hiểu biết trần thế thì luôn hạn hẹp và nông cạn. Vì lo tranh cãi nên lắng nghe ít hơn là để tâm tìm kẽ hở, sơ ý tiếp tục tranh cãi. Tranh cãi không phải là cách tìm hiểu, học hỏi về đức tin. Càng tranh cãi càng lạc đề.

Ánh sáng đức tin

Lo tranh cãi đám đông không nhận biết Thần Khí hoạt động nơi Đức Kitô. Họ nhìn Ngài với con mắt trần thế. Vì thiếu ánh sáng đức tin soi lối, chỉ đường, họ không nhận ra Thần Khí nơi Ngài.

Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.

Nhóm mười hai đứng ngoài vòng tranh cãi, chính nhóm này nhận ra Đức Kitô khi Phêrô đại diện nhóm lên tiếng

Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa c.69

Câu nói của Phêrô đáng cho chúng ta suy nghĩ. Chúng con tin gì? Thưa tin chỉ MÌNH THẦY có lời đem lại sự sống. Vì tin vào điều đó mà chúng con nhận biết Thầy là ai? Là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cùng thánh Phêrô tuyên xưng. Thầy là Đức Kitô.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
Thánh Augustine - cuộc đời và tôn giáo
Jos. Tú Nạc, NMS
18:29 21/08/2009
THÁNH AUGUSTINE – CUỘC ĐỜI VÀ TÔN GIÁO (354 – 430)
(Chia sẻ cùng Ca đoàn Gx. An Bình, Gp. Long Xuyên ngày tĩnh tâm kính thánh bổn mạng Augustine28/ 8)

Thánh Augustine là một trong những nhà triết học và thần học đầu tiên của Thiên Chúa giáo và là biểu tượng hàng đầu trong giáo hội Bắc Phi. Ngài đã có ảnh hưởng sâu sắc về sự phát triển kế thừa tư tưởng và văn hóa Tây Phương. Hai tác phẩm được tán tụng nhất là Confessions (Lời thú tội) và City of God (Thành phố của Chúa) thuộc thể loại tự truyện hư cấu (Semiautobiography) của Ngài, một tầm nhìn của lịch sử Ki-tô giáo.

Augustine sinh tại Thagaste ở Numidia, nay là một phần của Algeria. Thân phụ của Ngài thuộc dòng dõi quí tộc, mất vào khoảng năm 371, ông là một người tà đạo (sau đó gia nhập Ki-tô giáo). Nhưng than mẫu của Ngài, Monica, một Ki-tô hữu mộ đạo, người mà đã gắng công không mệt mỏi cho sự hoán cải của con trai mình, và là người mà đã được Giáo Hội Công giáo phong thánh – Thánh nữ Monica. Khi còn là một cậu bé, Ngài được theo học văn hóa Latin và sau đó đến Carthage để nghiên cứu mỹ từ học, nơi mà Ngài đã trở thành thầy giáo. Ở tuổi hai mươi, Ngài đã quay lưng lại với việc dưỡng dục Ki-tô giáo của mình. Ngài đã khước từ bởi những giới luật về thái độ ứng xử của nó. Nhưng không bao giờ Ngài đoạn tuyệt nó.

Tại Carthage, Ngài đã trở nên đam mê triết học sau khi đọc Hortensius của Cicero. Ngài đã cân nhắc việc trở thành một Ki-tô hữu, nhưng đã thử nghiệm một số hệ thống triết học cuối cùng trước khi bước vào giáo hội. Được chín năm, từ năm 373 đến năm 382 Ngài đã tôn sùng triệt để hệ thống học thuyết tôn giáo Manichaean (Manichaeism: a syncretistic, dualistic religious system, originated in the 3rd c. A. D. by Mani ‘Manichaeus’, combining Zoroastrian, Gnostic, and pagan elements – c. 216 – 276), một thứ triết lý lưỡng diện Ba Tư sau đó có xu hướng lộng hành trong Đế quốc La Mã Tây phương. Với nguyên lý căn bản về sự xung đột giữa thiện và ác của nó cùng sự khẳng định về sự giải thích Kinh Thánh hữu lý, học thuyết hệ tôn giáo Manichaean thoạt đầu dường như phù hợp với Augustine với sự từng trải của ông và trang bị giả thuyết có vẻ như tin cậy nhất để xây dựng một hệ thống triết học và đạo đức. Hơn nữa qui ước đạo đức của nó nghiêm ngặt đến độ bực mình. Sau đó Augustine đã ghi lại trong Confessions của mình: “Cho tôi sự tinh khiết và tiết chế dục vọng, nhưng bây giờ thì không.” Đã tỉnh ngộ vì không có khả năng xảy ra về sự hài hòa những giáo điều Manichaeist, Augustine đã từ bỏ triết lý này và quay sang chủ nghĩa hoài nghi.

Khoảng năm 383 Augustine dời Carthage tới Rome, nhưng một năm sau Ngài đi Milan với tư cách là một giáo viên mỹ từ học. Ở đó, Ngài đã chịu ảnh hưởng của trường phái triết học Tân Plato và đồng thời gặp được giám mục của Milan – Thánh Ambrose, lúc đó danh tiếng nhất ở Ý. Augustine lập tức bị lôi cuốn trở lại Ki-tô giáo và dâng hiến quãng đời còn lại của mình hoạt động cho chân lý. Cùng với người con hoang của mình, Ngài đã được giám mục Ambrose làm phép rửa vào Đêm trước Lễ Phục Sinh năm 387. Ngài đã được thụ phong linh mục năm 391, và trở thành giám mục của Hippo Regius năm 395. Ở đó, Ngải đã để lại 35 năm là vị lãnh đạo uyên bác của Thiên Chúa giáo Phi Châu cho đến lúc Ngài qua đời vào ngày 28 tháng Tám, năm 430.

Là giám mục, Augustine có nhiều cuộc tranh luận với những thành viên Donatist (after Donatus, bishop of Casae Nigrae, founder of sect/ a member of a North African Christian sect formed in the 4th c., holding extremely rigorous views concerning purity and sanctity) và những người theo hệ tôn giáo Pelagian. Những thành viên Donatist là những người ly khai đã tin rằng họ là những người thuộc giáo hội đích thực duy nhất, và rằng những nghi lễ tôn giáo không hợp lệ trừ khi được thực hiện bởi các giáo sỹ vô tội. Augustine đã đáp lại rằng sự hợp nhất là đánh giá Ki-tô giáo một cách đúng đắn và rằng những nghi lễ tôn giáo đã lệ thuộc vào Đức Ki-tô và không dựa trên những thiết lập của con người. Hệ tôn giáo Pelagian là một phong trào cải cách đứng đầu bởi một tu sỹ người Anh đương thời, người mà đã chối bỏ niềm tin về tội nguyên thủy. Những thành viên Pelagian tin rằng không người nào có thể được miễn xá hoàn toàn không hội đủ điều luật của Thiên Chúa, nhấn mạnh tầm quan trong của sự tha thứ còn tùy vào hành vi kiểm soát. Trong quá trình đấu tranh, Augustine đã phát triển những giáo lý của mình về tội nguyên thủy và sự độ lượng thiêng liêng, đứng giữa hai cực Pelagian và Manichaeian. Để chống lại giáo điều Pelagian, Ngài đã giữ vững lập trường rằng vì tội nguyên thủy thuộc bản tính loài người hoàn toàn không có khả năng để thay đổi; không người nào được hoàn toàn tha thứ để kiềm chế những động cơ thúc đẩy của con người mà không có quà tặng của hồng ân Thiên Chúa. Chống lại hệ tôn giáo Manichaeian, Ngài đã hùng biện vị trí của sự tha thứ còn tùy vào việc hợp tác với sự độ lượng, khoan dung.

Triết lý của Augustine luôn luôn thực tế, được đúc kết từ những kinh nghiệm cá nhân của chính bản thân Ngài. Với ngài, Ki-tô giáo là một triết lý đích thực, Chân Lý là thứ nhất, và Thiên Chúa là Chân Lý. Sự sở hữu của Chân Lý là hạnh phúc, và điều đại phúc là được hưởng Chân Lý, nên nghi vấn Chân Lý là nghi vấn về sự khôn ngoan. Những Nhà Kinh Điển hoài nghi, những người mà tin rằng sự khôn ngoan bao gồm tri thức mà chúng ta không có thể am hiểu điều gì đó, đã đưa ra câu hỏi “làm thế nào một người trở nên khôn ngoan,” đối với Augustine, để trở nên khôn ngoan người ta phải khát khao sự khôn ngoan mà người ta trống vắng. Nhưng sự khao khát hàm ý tri thức của điều khát khao. Vậy khát vọng của sự khôn ngoan ngụ ý thiếu thốn sự khôn ngoan và sở hữu sự khôn ngoan trong cùng lúc. Augustine đã trả lời bằng hai cách; Câu trả lời thứ nhất là, theo mô thức Cartesian (form of René Descartes or his philosophical or his mathematical ideas), Si fallor, Sum (Nếu tôi không thỏa mãn, tức tôi còn khao khát), cách trả lời thứ hai rút ra từ Isaiah 7: 9, “trừ phi bạn tin, bạn sẽ không hiểu." Duy chỉ có niềm tin cung cấp nền tảng từ những điều nghi vấn về sự khôn ngoan bắt đầu, bởi vì niềm tin là sự hiểu biết và sự không hiểu biết; nó cho phép gắn bó với điều được biết nếu có thể, và cho phép khát khao để gắn bó với điều chưa thỏa mãn.

Một số yếu tố căn bản của học thuyết Plato có thể được tìm thấy trong De Trinitate (Chúa Ba Ngôi) của Ngài. Thế giới quan của Ngài là Plato, có thế giới bên trong và thế giới bên ngoài, bậc thấp và bậc cao, trong sáng và dễ hiểu, và thuộc thể xác và tinh thần. Để trở thành khôn ngoan đòi hỏi một sự chuyển động của tâm hồn hướng nội và hướng thượng trước Thiên Chúa, và sự cởi mở tâm hồn đối với chân lý mà ở đó cung cấp ảo tưởng tinh thần được thanh tẩy bởi niềm tin. Đề tài của Ngài thuộc về thần học trên thế giới và trong con người hơn hẳn thánh kinh của Plato, bởi cho phép Ngài được ngưỡng mộ thế giới vật chất với sự tôn sùng mà một thành viên Plato không thể. Giáo điều của Ngài về tội lỗi như không có gì, một sự riêng tư, dị biệt cả hai tư tưởng Plato và Manichaean.

Những tư tưởng của Ngài về sự Hiện Thân đã đánh đổ những người theo chủ thuyết Plato. Những hình ảnh thiêng liêng trong con người bị xấu đi bởi tội lỗi, làm đảo lộn trật tự thiêng liêng. Nó được khôi phục bởi Ngôi Lời mà được bù đắp tính tự trọng bởi loài người, sự bất tuân bởi qui phục, khôi phục sự sống bởi cái chết cam chịu, và sự vô tội bởi sinh ra từ những hậu quả của tội lỗi, hiện thân Ngôi Lời là Con Đường trở lại cho con người đến Ngôi Lời - Người là Chân Lý, và Con Đường dẫn đến Đức Ki-tô phục sinh - Người là sự sống. Sự khôi phục đến từ hồng ân Thiên Chúa, và ân huệ thiêng liêng được thể hiện cho chúng trong khoan dung độ lượng thiêng liêng, phản ứng nhân loại là phản ứng nhân từ, bác ái. Nguyên tắc đạo đức của Ngài phát triển sự khoan dung độ lượng trước sức mạnh tâm hồn, và trạng thái quan hệ cá nhân về tình yêu trước nguyên tắc trừu tượng.

Sự thành công của Augustine trong sự hiệp nhất Ki-tô giáo đã cho phép nó trở thành tín ngưỡng của Âu Châu thời trung cổ, và sáng tạo một triết lý mà vẫn không thay đổi căn bản Ki-tô giáo Tây Phương, cả hai Thiên Chúa giáo La Mã và Tin Lành, tự bao giờ.

Tài liệu tham khảo
• London: Unman Hyman1996 Grolier Multimedia Encyclopedia, copyright 1996 Grolier Interactive, Inc
• Microsoft Encarta 98 Encyclopedia, copyright 1993-1997 Microsoft Corporation
• The Concise Encyclopedia of Western Philosophy and Philosophers, J. O. Urmson and Jonathan Rée, editors, 1991.
 
Theo Chúa Giêsu
Jos. Tú Nạc, NMS
18:36 21/08/2009
Theo Chúa Giê-su – điều đó nghĩa là gì?

Theo Chúa Giê-su nghe thật đơn giản, nhưng đối với một số người đó lại là một ý niệm bối rối. Theo chúa Giê-su bao gồm: sự khát khao được theo Người, có niềm tin trong Người và vì Người là niềm tin, và đón nhận sự sống đời đời Người mở ra cho chúng ta.

Điều đó thật đơn giản. Một khi chúng ta thực hiện như vậy, chúng ta tự mình đồng ý phục tùng hoặc qui phục Chúa Giê-su, để đời sống của chúng ta theo gương Người và đặt để mối quan hệ của chúng ta với Người vượt lên trên sự kiên định của chúng ta cùng những khát khao, mong muốn. theo chúa Giê-su là một phó thác thay đổi sự sống để được dẫn dắt một cách đúng đắn. Tất cả những điều đó là gì?

Theo Chúa Giê-su là đưa ra một quyết định hoàn toàn cá nhân, riêng tư của mỗi người. Đó là sự lựa chọn của mỗi người được ban trao và phải lựa chọn thông qua niềm tin. Theo chúa Giê-su không phải là sự quan tâm tới niềm tin tôn giáo, từ khi những tôn giáo hoăc những giáo phái khác nhau đã đưa ra cho chúng ta hàng tá những phương cách khác nhau để theo Người. Những người theo sự sống của Chúa Giê-su Ki-tô được liên kết nhiều nhất là Ki-tô giáo. Nhưng thiên Chúa không bao giờ có ý định chúa Giê- su là của một nhóm người nào được tuyển chọn. Mục đích của Thiên Chúa là cho mọi người, từ mọi dân tộc, được đón nhận Con Một của Người.

Theo Chúa Giê-su – lãnh nhận được gì ở Người?

Làm cách nào để theo Chúa giê-su? Nó mang ý nghĩa gì để lãnh nhận Con Một Người và làm thế nào để thực hiện điều đó? Phương thức duy nhất là giao nộp tất cả chúng ta (không có vấn đề quốc tịch, giới tính, dòng máu) tới người mà đã tự bỏ mình vì chúng ta. “Vì Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi Người đã cho Con Một của Người, mà bât cứ ai tin vào Người sẽ không chết mà có sự sống đời đời. Vì Thiên Chúa không cho Con Một của Người đến thế gian để lên án thế gian, mà để cứu vớt thế gian” (John 3: 16-17).

Bạn đạ từng thực sự yêu người nào đó tha thiết đến nỗi mà bạn sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho họ chưa? Nhiều người trong chúng ta đã nói chúng tôi sẽ. Chúa Giê-su không chỉ đã nói lên điều đó, mà đã chứng minh điều đó. Người đã trả sự hiến tế tối hậu. Chúa Giê-su đã ban sự sống của Người cho chúng ta. Để đáp lại, Người chỉ yêu cầu rằng chúng ta theo Chúa Giê-su. Trong tin Mừng của Thánh Gioan 8: 12, Kinh Thánh nói “Chúa Giê-su đã hơn một lần nói với dân chúng và Người nói rằng, ‘Ta là ánh sáng của thế gian, nếu bạn theo ta, bạn sẽ không phải bước trong bóng tối, bởi vì bạn sẽ có ánh sáng dẫn dắt cuộc đời.’”

Đời sống của bạn có phải là một trạng thái hỗn độn? Có phải bạn đã cảm thấy bạn đang bước đi trong bóng tối mịt mù cùng tuyệt vọng? Có phải bạn sẽ quyết định qui hàng những đường lối có khuynh hướng phá hoại đối với Người để đi theo Người? Nếu bạn trả lời “vâng” cho những câu hỏi này, bạn có cơ hội để từ bỏ điều đó hoàn toàn trước Người. Người có thể dẫn dắt bạn trở nên một người tốt hơn, hy vọng tràn đầy, và cuộc sống đầy ơn phúc.

Theo chúa Giê-su – tôi có thể trở thành môn đệ?

Một khi bạn đưa ra quyết định theo chúa giê-su, bạn có thể trở thành một trong những môn đệ của Người. Từ “môn đệ” thực ra có nghĩa là “học” hoặc “đi theo”. Có thể bạn đang nghĩ rằng bạn không đủ đức tính hoặc không xứng đáng để trở thành môn đệ của Chúa Giê-su. Nhưng trong Kinh Thánh nói với chúng ta rằng Người yêu thương chúng ta tất cả đều công bằng như thánh Phê- rô nói trong Sách Tông đồ Công vụ 10: 34-36, “Bây giờ tôi thực sự nhận thức như thế nào đó là điều mà Thiên Chúa đã không tỏ ra thiên vị mà chấp nhận con người từ mọi dân tộc, những người mà kính sợ (tôn kính) Người và làm những gì là lẽ phải. Bạn biết thông điệp mà Thiên Chúa gửi đến dân Israel kể tin mừng của hòa bình qua Đức Ki-tô, Người là Chúa của muôn loài.”

Theo Chúa Giê-su nghĩa là chúng ta không gặp những thử thách. Trong thực tế, có nhiều người theo Chúa Giê-su đã phải chịu đau khổ và những bách hại kinh sợ. Thánh Phao-lô đã chú ý điều này trong 2 Cô-rin-tô 12: 1-9. Ông nói, “Ba lần khác nhau tôi nài xin Chúa để xua đuổi nó đi. Mỗi lần ông nói ‘ân phúc của tôi là tất cả những gì bạn cần. Sức mạnh của tôi làm việc tốt nhất trong sự yếu đuối.’ Nên giờ đây tôi được hân hạnh phô trương sự yếu đuối của tôi và trong những lúc bị lăng nhục, gian khổ, bách hại, và những rắc rối mà tôi chịu đựng vì Chúa Giê-su. Vì khi tôi yếu đuối, là lúc tôi mạnh mẽ.”

Thiên Chúa có thể chứng minh quyền năng, lòng nhân từ, và ân huệ tối cao của Người qua những lúc tồi tệ nhất của chúng ta. Và Người nói rằng những thử thách tạo cho chúng ta mạnh mẽ hơn. Nhưng vì những người theo Người, giờ đây chúng ta có Chúa Giê-su giúp đỡ, hướng dẫn, và an ủi chúng ta qua những cơn thử thách – lớn hoặc nhỏ. Việc theo Chúa Giê-su mang đến nguồn an ủi và ban thưởng ngoài phạm vi hiểu biết của chúng ta.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
3 Giám mục Nicaragua bị dọa giết
Peter Nguyễn Minh Trung
00:20 21/08/2009
MANAGUA, NICARAGUA (ZENIT) - Các Giám mục Nicaragua đang dự trù thông báo đến Đức Thánh Cha Benedict XVI về "tình trạng bạo lực nguy hiểm" tại quốc gia vùng Trung Mỹ, nơi 3 Giám mục đã nhận được thư dọa giết.

Hội Đồng Giám Mục Nicaragua sẽ gửi một bản báo cáo về Rome thông qua Đức Sứ Thần Tòa Thánh, Tổng Giám Mục Henryk Josef Nowacki.

Tờ nhật báo La Prensa cho biết, Đức cha Juan Abelardo Mata Guevara, S.D.B của giáo phận Esteli đã nhận được một lời đe dọa đòi giết ngài cách đây vài ngày sau khi thông cáo của TGP Managua tố cáo vụ tấn công hôm 09-08 nhằm vào những người hiện diện tại một sự kiện văn hóa được tổ chức trên khuôn viên của nhà thờ.

La Prensa còn cho biết thêm những kẻ tấn công là những người ủng hộ của tổng thống phe cánh tả Daniel Ortega.

Đức cha Bernardo Hombach của giáo phận Granada và Đức cha René Sándigo của giáo phận Chontales cũng vừa nhận được những lời đe dọa tương tự.

Đức cha Mata nói: "Là Giám mục thuộc quyền trực tiếp của Đức Giáo Hoàng, Đức Benedict XVI, nên chúng tôi có nghĩa vụ phải báo cáo với các bề trên mọi thông tin mà chúng tôi có được. Bề trên ở đây chính xác là Đức Thánh Cha và những vị cố vấn ngài trong việc quản trị Giáo hội."

Trong khi đó, luật sư nhân quyền người Nicaragua, ông Omar Cabezas, đã phát biểu trên kênh truyền hình số 4 - kênh ủng hộ chính phủ - cáo buộc các Đức cha Mata và Hombach là nhân viên mật vụ của CIA (Cục Tình Báo Trung Ương Hoa Kỳ) phái tới.

Đức cha Mata nói với tờ La Prensa rằng những dạng bình luận như vậy, đặc biệt nếu nó là của những nhân vật thuộc chính quyền, thì chỉ có những người điếc mới muốn nghe.

(Nguồn: http://zenit.org/article-21767?l=french)
 
Viện bảo tàng Vatican sẽ mở cửa trở lại vào ban đêm
Peter Nguyễn Minh Trung
00:22 21/08/2009
VATICAN (ZENIT) - Viện Bảo Tàng Vatican sẽ mở cửa trở lại vào buổi tối vào mỗi chiều thứ sáu trong suốt tháng 09 và tháng 10 năm nay. Quyết định này xuất phát từ thành công rực rỡ của lần trước, khi Tòa Thánh quyết định mở cửa Bảo Tàng Viện vào buổi tối và đã thu hút một số lượng khách thăm cực lớn hồi đêm 24-07. Những du khách đến với bảo tàng khi màn đêm xuống hầu như là những người không thể chen chân vào bảo tàng lúc ban ngày, mở cửa vào ban đêm cũng là dịp thuận lợi cho những người mà thời gian trong ngày mắc bận công việc kinh doanh.

Website của bảo tàng đã chính thức loan báo tin trên hôm thứ ba rằng công chúng sẽ được phép thăm quan hàng loạt các kiệt tác vĩ đại với ánh sáng huyền ảo ban đêm, đặc biệt là tại khu trung tâm của bảo tàng - Nhà nguyện Sistine.

Bảo tàng Vatican sẽ mở cửa cho đến 11 giờ đêm, nhưng từ 9h30 tối trở đi là thời gian du khách không thể vào trong nữa mà chỉ có thể ra.

Giám đốc bảo tàng, ông Antonio Paolucci, cho biết mở cửa vào ban đêm sẽ mang đến cơ hội cho du khách chiêm ngắm nghệ thuật trong khi vừa thưởng thức một "bầu khí khác lạ và hiệu ứng ánh sáng đặc biệt".

Ông còn nói thêm rằng đây cũng sẽ là động lực để mọi người rời bỏ chiếc tivi quen thuộc ở nhà vào mỗi tối.

Vé vào bảo tàng ban đêm phải được đặt trước, và có thể đặt vé qua mạng Internet ở địa chỉ sau: http://biglietteriamusei.vatican.va/musei/tickets/do?action=booking&codiceTipoVisita=78&step=2

Viện bảo tàng Vatican - rộng 55.000 mét vuông - là bảo tàng lâu đời nhất và là một trong những viện bảo tàng lớn nhất với những hiện vật và tác phẩm quý giá nhất thế giới. Bất cứ ai đã đến Vatican thì không thể không viếng thăm khu bảo tàng nằm ở phía Bắc của Đền thờ Thánh Phêrô, bao gồm một nhóm các bảo tàng với hàng ngàn gian phòng trưng bày trong một khuôn viên rộng lớn như mê cung. Trái tim của Bảo tàng Vatican là Nhà nguyện Sistine, nơi các vị Hồng y tiến hành bầu chọn Giáo hoàng mới. Viện bảo tàng này lúc nào cũng đông nghẹt người tham quan là các du khách đến Vatican, cũng như các học giả và các nhà nghiên cứu nghệ thuật trên thế giới. Trong số hàng chục triệu du khách và người hành hương đến Vatican mỗi năm, ít nhất có hơn 4 triệu người vào thăm Bảo tàng Vatican.

Vào Bảo tàng Vatican thì phải tuân thủ những quy định rất chặt chẽ như không sử dụng điện thoại, không quay phim, không dùng flash, tuyệt đối giữ yên lặng…Có điều, tuy hầu hết đều nghiêm chỉnh tuân thủ, nhưng cả một rừng người cùng đồng loạt “đi nhẹ - nói khẽ - cười thầm” cũng đủ biến không gian nơi đây trở nên náo động.

Nhà nguyện Sistine được đánh giá là phòng trưng bày vĩ đại nhất các tác phẩm nghệ thuật hội họa thời kỳ Phục hưng của nhân loại. Phủ kín các bức tường là 12 bức bích họa lớn do các danh hoạ lỗi lạc như Perugino, Botticelli, Signorelli, Roselli thực hiện, trong đó nổi bật nhất là bức bích họa "Sáng Thế Ký" (rộng 300 mét vuông) chiếm trọn trần nhà nguyện của Michelangelo, mô tả những thời kỳ quan trọng trong lịch sử hình thành loài người dựa theo Cựu Ước. Ở bàn thờ nơi các Hồng y bỏ phiếu bầu Giáo hoàng vào Chén Thánh lớn là siêu phẩm lừng danh - bức bích họa lớn nhất thế giới "Ngày Phán Xét".

Vatican là nơi duy nhất mà trong đó toàn bộ quốc gia được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Vatican cũng là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất trên hành tinh. Du lịch đem lại nguồn thu lớn từ việc bán các con tem Giáo hoàng, ấn phẩm, vé thăm quan bảo tàng...v.v. Vatican hiện cũng sử dụng đồng Euro nhưng có phát hành thêm đồng tiền xu riêng rất được giới sưu tập ưa chuộng vì rất quý hiếm. Ở Vatican có 2 cây xăng, luôn bán giá thấp hơn ở Italia và thủ đô Rome 30% do không bị đánh thuế, tuy nhiên chỉ bán cho những người có giấy phép làm việc tại Vatican. Ga xe lửa Vatican nối với Rome bằng tuyến ray dài chỉ có...852m.

Vatican có đủ tất cả các cơ quan mà một nhà nước thông thường có như sở cứu hoả, sở cảnh sát, nhà máy điện, bưu điện, siêu thị, ga xe lửa, nhà xuất bản, báo chí, bệnh viện...v.v. Ngân hàng Vatican, Istituto per le Opere di Religione, là nơi duy nhất trên thế giới có các máy ATM sử dụng và hướng dẫn bằng tiếng Latinh. Các tên miền Internet của Vatican có đuôi riêng là "va". Đất nước của Đức Giáo Hoàng có đài phát thanh với tần sóng thuộc dạng cực mạnh truyền đi khắp thế giới, có kênh truyền hình vệ tinh riêng.
 
Hành Hương Ba Lan Hè 2009: Theo bước chân ĐGH Gioan Phaolô II
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
00:40 21/08/2009
Theo bước chân Gioan Phaolô II

Không chỉ riêng đối với người công giáo, dường như tên tuổi cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã trở nên quen thuộc với mọi người thời nay. Giáo Hội Ba Lan và người dân nước này rất tự hào vì Ba Lan là nơi cố Giáo Hoàng đã sinh ra, lớn lên và phục vụ. Khắp nơi, hàng loạt bia đá và những bức tượng được dựng lên để ghi lại dấu chân không mệt mỏi của vị sứ giả phục vụ Tin Mừng của Thiên Chúa, mang nặng tình đồng loại và hằng cổ võ cho nền hòa bình cũng như quyền sống của con người.

Khi ôn lại tiểu sử của Cố giáo hoàng, chúng ta thấy được sự quan phòng rất đặc biệt của Thiên Chúa. Ngài được sinh ra ngay sau khi Đệ nhất Thế Chiến kết thúc không lâu. Từ thời niên thiếu đến tuổi đôi mươi ngài đã lần lượt chứng kiến sự ra đi của người mẹ yêu dấu, người anh thân thương và người cha nhân hậu. Tiếp theo đó, ở vào thời trai trẻ, ngài chứng kiến cảnh quê hương đất nước Ba Lan bị nhuốm màu khói lửa của Đệ Nhị Thế Chiến, chứng kiến hàng triệu người Do Thái bị bắt bớ và đầy đọa. Nói đến chiến tranh, người ta liên tưởng ngay đến sự tàn phá nhà cửa, gây ra thương tích và chết chóc của biết bao con người vô tội. Cuộc chiến nào rồi cũng qua đi, nhưng hậu quả mà chúng để lại là những vết thương lòng thì thật khó có thể chữa lành.

Cũng chính trong những biến cố đó đã tác động mạnh mẽ đến con người của Cố Gioan Phaolô II. Để rồi từ đó ước mơ cháy bỏng về hòa bình và về quyền làm người nung nấu tâm hồn ngài. Thoạt đầu, chàng trai nhiều tài Karol muốn trở thành một minh tinh màn ảnh để đem lại niềm vui cho khán giả trong lãnh vực nghệ thuật. Nhưng rồi bàn tay kỳ diệu của Thiên Chúa đã tác động chàng trai ấy và âm thầm từng bước chuẩn bị cho Giáo Hội một thủ lãnh tài đức. Việc Chúa làm thật nhiệm màu. Từ việc theo đuổi đào tạo ơn gọi linh mục trong bí mật, để rồi sau này ngài đã trở thành một con người với tên tuổi sang chói trên khắp thế giới. Từ việc lần lượt chia tay với tất cả người thân yêu của gia đình, để rồi sau này trở gắn bó với đại gia đình của Giáo Hội hoàn vũ. Từ một con người sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong bối cảnh đại chiến thế giới, để rồi sau này trở thành vị sứ giả hòa bình của nhân loại. Ngài cũng là nhân chứng của lịch sử được chứng kiến lần lượt sự sụp đổ của các thể chế chính trị khác nhau.

Đoạn hành trình tiến về Wadowice, quê hương của Cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II là đỉnh điểm của chuyến hành hương. Trên đoạn đường từ Krakow đến quê hương của Giáo hoàng chỉ có 40 km, thế mà chúng tôi ai nấy đều hồi hộp khi mà lần đầu tiên đặt chân đến địa danh này. Lần lượt đi qua các thôn làng thanh bình, sau cùng chúng tôi cũng đã có mặt tại địa điểm chính của chuyến hành hương mà từ trước đến nay ai nấy hằng ao ước sẽ có một ngày được đến nơi đây. Ước mơ nay đã trở thành hiện thực. Chính trên mảnh đất này, chính những yếu tố mưa thuận gió hòa của tiết trời, chính nền văn hóa truyền thống của dân làng tại đây, chính nét đạo hạnh của các bậc tiền nhân và chính kho tàng quý báu là Đức Tin Kitô giáo của Giáo hội Ba Lan đã hun đúc nên con người và tính cách Gioan Phaolô II.

Chúng tôi đã cử hành thánh lễ rất sốt sắng tại chính ngôi nhà thờ mà Đức Cố Giáo Hoàng được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, được nuôi dưỡng đời sống Đức Tin. Qua lời chuyển cầu của Vị Tôi Tớ trung thành này của Thiên Chúa, mọi người gửi gắm hết những tâm tư ước nguyện, đồng thời dâng từng cá nhân, mọi người thân thuộc, các linh mục, các gia đình, giáo xứ, giáo phận, và Đất Nước và Giáo Hội Việt Nam cho Thiên Chúa, Đấng giầu lòng Thương xót. Ai nấy đều cảm động và nghiệm thấy mình được sống trong bầu khí hiệp thông mãnh liệt với Giáo Hội.

Thánh lễ hành hương kết thúc, chúng tôi lần theo con đường phía hông bên phải nhà thờ để thăm viếng ngôi nhà mà Đức Gioan Phaolô II được sinh ra, lớn lên. Ngôi nhà thuộc loại gia đình tầm tầm hạng trung nằm song song với chiều dài ngôi nhà thờ. Còn cổng dẫn vào ngôi nhà này thì nằm trên một con đường khác cắt ngang phía đầu nhà thờ. Giữa nhà thờ và nhà Đức Giáo Hoàng thật gần gũi. Điều đó giúp ta khẳng định rằng Ngài đã được thường xuyên nghe tiếng Chúa ngay từ khi chào mới chào đời.

Trong nhà, các vật dụng, hình ảnh và bài báo giúp người tham quan tạm quên đi giây phút hiện tại để bước vào một không gian và thời gian gắn liền với cuộc đời của Cố Giáo hoàng từ thời niên thiếu cho đến cuối đời. Tại đây, khách hành hương được hòa mình vào niềm vui cũng như những ưu tư của ngài, được sống trong khoảnh khắc của những kỷ niệm mang đậm dấu ấn Gioan Phaolô II, cũng như được nhận ra sự kết hợp hài hòa giữa ơn siêu nhiên và tự nhiên hội tụ nơi Vị Thủ Lãnh của Giáo Hội.

Chúng tôi cũng đặt chân đến địa điểm hành hương thánh nữ Faustina để tham dự buổi cầu nguyện vào lúc 3 giờ chiều, giờ của lòng thương xót của Thánh Tâm Chúa. Đây là một quần thể bao gồm khu tu viện cổ kính đầy tĩnh mịch mà trước kia vị Tông Đồ cho lòng Thương xót của Chúa đã sống trọn vẹn đời thánh hiến tại nơi đây. Khu tu viện nối liền với nhà thờ và tháp chuông thời đương đại đạt tới tầm mức to, cao, dài và rộng như dấu chỉ nói lên sự kết hiệp giữa đất thấp và trời cao. Từ thượng giới, Thiên Chúa đoái thương và tuôn đổ ơn trời xuống cho con người nơi trần thế.

Tiếp tục hành trình của chuyến hành hương, chúng tôi tìm đến Krakow, thành phố cổ vào bậc nhất và là cố đô của Ba Lan. Vào thời Đệ Nhị Thế Chiến, nơi đây bị Đức Quốc Xã chiếm đóng nên thành phố không bị tàn phá. Tại đây, chúng tôi thăm cung điện nhà vua Wawel, tọa lạc trên phần cao nhất của thành phố. Cung điện đầy vẻ kiêu sa soi mình trên một dòng sông thơ mộng. Từ đây có thể quan sát được toàn cảnh của thành phố. Chúng tôi cũng có những giây phút lắng đọng tại nhà thờ chính tòa mà trước đây Cố Giáo hoàng đã từng là vị Tổng Giám mục lừng danh trẻ trung và tài đức.

Cùng với các địa danh như Lộ Đức, Fatima…khách hành hương trên thế giới ít nhiều cũng biết đến địa điểm hành hương Thánh Mẫu Czestochowa (Đức Mẹ Đen). Địa danh này gắn liền với lịch sử của đất nước và Giáo Hội Ba Lan. Cá nhân Đức Cố Giáo hoàng, từ thời niên thiếu cho đến những năm trong triều đại giáo hoàng của mình, ngài đã nhiều lần đặt chân đến đây với tư cách là khách hành hương.

Để phục vụ nhu cầu hành hương, trung tâm này được thiết kế bao gồm một đại lộ khổng lồ dẫn vào quảng trường nằm thoai thoải và phía trên là lễ đài và Đền Thánh Mẫu. Khi chúng tôi đến nơi, cũng là lúc một đoàn hành hương bản xứ đang thao thức tiến về bên Mẹ. Đoàn hành hương này có tất cả mọi thành phần: linh mục, giới trẻ, hiền mẫu, gia trưởng và thiếu nhi. Mỗi giới đều có y phục riêng rất độc đáo. Họ vừa đi vừa hát thánh ca. Sự vui tươi và bình an cũng như tinh thần sống đạo thể hiện rõ nơi từng khuôn mặt của đoàn hành hương này.

Chúng tôi đi ngang qua quảng trường và tìm theo con đường để đi lên Đền Thánh Đức Mẹ. Rất đông khách hành hương cầu nguyện thật sốt sắng, không còn một chỗ trống trong nhà thờ. Những chiếc nạng của các bệnh nhân được lành bệnh treo đầy các bức tường của Đền Thánh. Ở bất kỳ nơi đâu, và ở vào mọi thời, Mẹ Maria luôn luôn được ca ngợi là “đầy ơn phúc” và Mẹ hằng nâng đỡ ủi an con cái của Mẹ nơi trần thế.

Những ngày cuối của chuyến hành hương, chúng tôi có may mắn được cha phụ trách cộng đồng công giáo Việt nam tại thủ đô Vacxava tiếp đón và dẫn đi thăm hỏi các anh chị em giáo dân. Qua đó, chúng tôi hiểu được điều kiện sinh hoạt và làm việc của các anh chị em Việt nam, hiểu được những khó khăn tại một nơi hoàn toàn khác lạ về văn hóa, ngôn ngữ phong tục tập quán, đặc biệt là hiểu được những hy sinh không nhỏ khi phải xa quê hương, gia đình vợ con. Những buổi cử hành Bí Tích Thánh Thể và những bữa cơm đầy hương vị quê hương đã tạo nên một bầu khí thân thiện như thể mọi người đã quen biết nhau từ lâu rồi. Điều này cũng đúng, vì trong gia đình thiêng liêng, tất cả đều là con của một Cha Chung, Thiên Chúa Toàn Năng, Đấng ngự trên trời.

Những khoảnh khắc cuối cùng của chuyến hành hương, chúng tôi ngồi lại bên nhau để tổng kết về những ngày đầy tràn hồng ân. Tất cả đều nói lên tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài đã cho cơ hội được đến những nơi thánh thiêng, được gặp gỡ và chia sẻ với anh em đồng bào của mình tại những xứ sở xa lạ, được sống trong bầu khí huynh đệ giữa các anh chị em trong đoàn. Chuyến hành hương được khép lại bằng buổi cầu nguyện, mỗi người dâng lên Thiên Chúa những ý nguyện của mình. Chia tay nhau để trở về với đời sống thường nhật, dư âm của chuyến hành hương vẫn vang vọng. Chúng tôi thấy tâm hồn được mở rộng thêm để tiếp tục hòa mình vào nhịp sống của Giáo Hội qua từng lời kinh nguyện và trong từng công việc.
 
Phụ nữ Công Giáo Philippin cổ võ ơn gọi linh mục từ gia đình
Nguyễn Hoàng Thương
15:55 21/08/2009
Phụ nữ Công Giáo Philippine cổ võ ơn gọi linh mục từ gia đình

Manila (AsiaNews) – Thăng tiến chức vị tông đồ và đức tin trong gia đình là mục tiêu chính của Liên Đoàn Phụ Nữ Công Giáo Phi Luật Tân (CWL). Được thành lập cách đây khoảng 52 năm, ngày nay tổ chức này đang hoạt động trên khắp nước và có mặt trong 85 giáo phận, hạt giám chức và hạt đại diện tông tòa.

Josephine S. Gavioli, Chủ tịch Liên Đoàn cho hay rằng "ơn gọi chức linh mục đến từ các gia đình Công Giáo. Điều này chỉ có thể có được khi mà chức vị tông đồ gần gũi với gia đình". Vị chủ tịch tổ chức này lý giải rằng "gia đình là giáo hội tại gia, được hướng dẫn một cách cẩn thận và kiên định".

CWL hiện phục vụ trong lĩnh vực chăm sóc mục vụ gia đình thuộc giáo hội. Trong những hoạt động chính, ngoài việc bảo vệ các quyền của phụ nữ, còn đặc biệt quan tâm đến giáo dục thiêng liêng cho các gia đình và giới trẻ. Công việc được thực hiện nơi các thành viên, nhất là các bà mẹ, và nó được phát họa để duy trì mối quan hệ giữa bậc cha mẹ và con cái. Vì vậy, các gia đình trở nên nhận thức được tầm quan trọng của việc đưa con cái họ phục vụ Thiên Chúa và phục vụ Giáo Hội.

Liên quan đến công việc của giáo dân, Cô Josephine Gavioli cho hay: "nhân dịp Năm Linh Mục, trách nhiệm của chúng tôi là người phụ nữ Công Giáo và là công cụ của Thiên Chúa thì cần phải giúp các linh mục thực hiện sứ vụ của họ". Cô kết luận bằng cách nói rằng "nếu bây giờ chúng ta đẩy mạnh việc cổ võ ơn gọi thì người trẻ sẽ nghĩ đến việc gia nhập chủng viện như là một đường hướng của đời sống, do đó sẽ làm tăng số lượng tu sĩ dâng cuộc đời tận hiến".

Phi Luật Tân cùng với Đông Timo, là quốc gia Á Châu duy nhất có người Công Giáo chiếm đa số. Mặc dù vậy hiện đang có cuộc khủng hoảng về giáo sĩ, với một linh mục phục vụ 12.000 tín hữu. Sự mất cân bằng này làm phức tạp cho công việc của Giáo Hội, vốn nỗ lực làm dịu bớt nỗi thống khổ của người dân bị ảnh hưởng trầm trọng bởi những vấn đề kinh tế và xã hội.
 
Sứ điệp Hội nghị khoáng đại lần thứ IX Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu
Nguyễn Hoàng Thương
15:57 21/08/2009
SỨ ĐIỆP
HỘI NGHỊ KHOÁNG ĐẠI LẦN THỨ IX LIÊN HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC Á CHÂU
MANILA, PHILIPPINE

10-16 tháng Tám, 2009

Chúng tôi, 117 tham dự viên - là các Giám Mục Công Giáo của Á Châu, cùng với Đức Hồng y Đặc sứ Giáo Hoàng Francis Arinze, Đức Tổng Giám Mục Robert Sarah, Tổng Trưởng Thánh Bộ Loan Báo Tin Mừng Cho Các Dân Tộc và các đại biểu huynh đệ đến từ các Hội đồng Giám Mục (Úc, Canada, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Liên Hội Đồng Giám Mục Châu Đại Dương), các văn phòng của Liên Hội đồng Giám Mục Á Châu và các đại diện của ân nhân tài trợ (Missio, Misereor và Stichting Porticus), Hội đồng Kitô giáo Á Châu - cùng quy tụ nhau đây tại Manila để dự Hội Nghị Khoáng Đại lần thứ IX của Liên Hội đồng Giám Mục Á Châu (10 đến 16 tháng Tám). Bằng mối ưu tư mục vụ to lớn, chúng tôi đến với nhau để cử hành, cầu nguyện, suy tư, nhận thức, và đưa ra những định hướng và khuyến nghị mục vụ về chủ đề: "Sống Bí Tich Thánh Thể tại Á Châu".

Lời kêu gọi Cộng Đoàn

Chủ đề của Hội nghị mang tầm quan trọng hết sức to lớn đối với toàn thể Giáo Hội ở Á Châu, đối với đời sống và sứ mạng của chúng ta. Vì vậy, mọi nỗ lực phải được thực hiện để có thể phản ánh tầm quan trọng này. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ dẫn đến một sự thiết tha mới nhằm làm cho việc cử hành Thánh Thể trước nhất và trên hết là gặp gỡ Chúa Giêsu, Đấng Phục Sinh, hướng đến sự hiệp thông. Dự phần tích cực và cầu nguyện bằng cách lắng nghe Lời Chúa và góp phần vào việc bẻ Bánh sẽ dẫn đưa chúng ta vào cuộc gặp gỡ riêng tư và thân mật.

Trong bí tích này, Thiên Chúa duy nhất đến để ngấm vào và bảo bọc đời sống chúng ta – cả phương diện cá nhân và xã hội, mang quà tặng của sự hiệp nhất với ngài và với tha nhân. Chúng ta cũng nên nhớ rằng Á Châu yêu mến gia đình, bữa ăn chung và những cử hành cộng đoàn để nuôi dưỡng và thăng tiến hiệp nhất. Bí Tích Thánh Thể, cả lễ vật hy sinh và của ăn, trước tiên được đề cập đến như là "Bữa Tiệc Ly của Chúa", và kế đến là "bẻ Bánh". Các danh xưng này diễn tả 2 chiều kích quan trọng: sự mật thiết với Chúa Giêsu và sự liên kết giữa những người sẻ chia tấm bánh như trong cùng gia đình. Việc cử hành bí tích của chúng ta nên làm nảy sinh trong mọi người lòng can đảm xây dựng các cộng đoàn đích thực vốn hòa giải, tha thứ và chăm sóc người nghèo và người bị loại bỏ.

Tình yêu trở nên hoàn hảo trong sự tự hy sinh của Chúa Giêsu, và được canh tân trong Bí Tích Thánh Thể, phát huy hơn hết cách sống yêu thương hy sinh. Duy chỉ điều này mới có thể mang lại hòa hợp và hòa bình thật sự. Tâm hồn Á Châu khao khát sự hòa hợp phổ quát và Bí Tích Thánh Thể đáp lại sự kiếm tìm này. Mỗi Kitô hữu, mọi Kitô hữu và mọi cộng đoàn phải trở thành những gì mà mình cử hành: hiệp nhất trong đa dạng. Thánh Phaolô trình bày về tặng phẩm và công việc mà Bí Tích Thánh Thể gánh vác bằng những lời lẽ đáng ghi nhớ: "Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể" (1 Cor 10:17). Thực vậy, Bí Tích Thánh Thể nên là ngôi trường để chúng ta lớn lên trong sự hòa hợp và được trao quyền để thăng tiến nó.

Chúng ta không thể cử hành Bí Tích Thánh Thể đồng thời lại duy trì, thi hành hay dung túng cho việc kỳ thị tôn giáo, chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, giai cấp hay tầng lớp xã hội. Nếu chúng ta được được xây dựng và nuôi sống trong Chúa Thánh Thể, chúng ta cũng phải rộng mở và trở thành những người xây dựng nhịp cầu hiệp thông trong một thế giới đang ngày càng gia tăng chia rẽ.

Kêu gọi lắng nghe Lời Chúa

Cử hành Bí Tích Thánh Thể là sống trong đức tin, một đức tin được vun trồng, chăm sóc và dưỡng nuôi trong Lời Chúa. Điều này đòi hỏi chúng ta trở thành những thích giả chiêm niệm và trở thành những người suy niệm Lời Chúa, như Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của chúng ta. Những anh chị em chúng ta nơi những tôn giáo khác ở Á Châu hết sức sùng kính sách thánh của họ, và họ cầu kinh và nội tại hóa Lời. Văn hóa lắng nghe này là một lời mời gọi khác để trở thành những người Nam và người Nữ biết yêu mến và tận hiến đời mình cho Lời Chúa và cho việc bẻ Bánh. Lắng nghe theo cách như thế dứt khoát sẽ trở nên sống động trong ánh sáng Lời Chúa. Bối cảnh lý tưởng để việc lắng nghe Lời Chúa một cách tận tâm có thể thực hiện được chính là Các Nhóm Nhỏ Kitô Hữu (SCCs) lấm chấm trên bản đồ của Giáo Hội tại Á Châu. Chúng tôi nhắc nhở tất cả những người được trao phó để làm sinh động các cộng đoàn Thánh Thể, nhất là các linh mục, rằng họ có một trách nhiệm lớn lao nhằm biến Bí Tích Thánh Thể trở thành một sự kiện của sự biến đổi, bằng cách chuẩn bị đầy đủ, để việc cử hành có hiệu quả, và nhất là bằng các bài giảng bổ ích và có giá trị dưỡng nuôi.

Cần phải lắng nghe Lời Chúa một cách thành kính mỗi ngày nơi tổ ấm là gia đình, nhất là đêm trước Chúa Nhật để chuẩn bị cho Bí Tích Thánh Thể, bằng việc đọc và cầu nguyện với Lời Chúa được công bố vào Ngày của Chúa. Việc thực hành như thế chắc chắn sẽ đạt được thành quả trong việc canh tân đời sống Kitô hữu. Nó sẽ mang lại một nền văn hóa lắng nghe Lời Chúa trong các giáo xứ và trong các cộng đoàn chúng ta.

Lời kêu gọi tin tưởng và hy vọng

Chúng ta đang trong cuộc hành hương trần thế, đang đi trong ánh sáng và bóng tối, làm một cuộc hành trình với những âu lo và và bất trắc, với những đau đớn và khổ ải, thường khi áp đặt lên chúng ta. Chúng ta yêu mến Thánh Thể, vì nơi đó chúng ta nhận được Lời của sự sống và ánh sáng, mở mắt chúng ta và Bánh của sự sống sưởi ấm tâm hồn chúng ta. Sự thống nhất của Lời và Bánh trong Thánh Thể mời gọi chúng ta trân trọng và sống cả hai khía cạnh này.

Nếu không có tặng phẩm này, chúng ta sẽ chỉ mò mẫm trong bóng đêm, đi qua đường hầm mà thậm chí không có một tia hy vọng. Với cả hai tặng phẩm này, như các môn đệ trên đường Emmaus (Lc 24,13…), chúng ta sẽ khám phá ý nghĩa thâm sâu hơn và là lời kêu gọi thiêng liêng để hy vọng giữa những thứ mà chúng ta gặp phải trong đời sống: nền kinh tế thình lình hỗn loạn, sự ấm lên toàn cầu gia tăng, thiên tai, áp bức, muôn vàn khổ đau của người dân khắp nơi, nhất là phụ nữ và trẻ em, người tị nạn và những người thiếu tự do tại các quốc gia khác nhau của Á Châu.

Đối với những người cảm thấy cuộc sống là vô nghĩa và (vô ích) không đáng sống, chúng ta phải mang ký ức về Chúa Giêsu chịu đóng đinh và chỗi dậy, ký ức làm sống động trong Bí Tích Thánh Thể, một ký ức có khả năng chữa lành vết thương tuyệt vọng. Mầu nhiệm Phục Sinh chứa đựng quyền năng giải thích cho những trải nghiệm của đời sống chúng ta. Vì trong Chúa Giêsu, không chỉ Thiên Chúa được mạc khải, mà ý nghĩa của sự sống con người chúng ta với tất cả sự phong phú và yếu hèn cũng được mạc khải. Lời Chúa có thể khai sáng mỗi trải nghiệm mà chúng ta kinh qua.

Lời kêu gọi truyền giáo

Việc cử hành bí tích của người Á Châu được ghi dấu bởi vui mừng, đơn sơ và dự phần. Con tim Á Châu được làm cho mạnh mẽ bởi việc lặng ngắm vẻ đẹp tự nhiên. Những cử hành Bí Tích Thánh Thể cần tiếp cận con tim của người Á Châu, những người yêu màu sắc, hoa lá, biểu tượng, âm nhạc và sự trầm lắng. Những biểu tượng, giai điệu của người Á Châu, và thậm chí những giá trị Á Châu khác nên làm cho việc cử hành bí tích của chúng ta tạo ra âm vang tận đáy con tim Á Châu. Một bằng chứng đức tin của chúng ta như việc cử hành Bí Tích Thánh Thể thật vĩ đại làm sao! – Chúa Kitô đã đến không phải để phá hủy nhưng để hoàn thiện. Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trình bày khuôn mặt Á Châu của Chúa Giêsu cho anh chị em chúng ta một lần nữa lại vang vọng bên tai (Giáo Hội tại Á Châu).

Chúng ta đoan chắc rằng việc cử hành có ý nghĩa, chiêm niệm, trải nghiệm và mang tính cầu nguyện của Bí Tích Thánh Thể tiềm tàng khả năng làm cho các cộng đoàn Kitô Á châu trở thành chứng nhân vững mạnh cho Chúa Giêsu và mang sư hiện diện, tình yêu và quyền năng của Chúa đến cho tha nhân. Việc cử hành Thánh Thể kết thúc với lời kêu gọi truyền giáo: "Hãy ra đi, anh em được sai đi". Bí tích Thánh Thể phải được tồn tại trong các cộng đoàn của quan tâm yêu thương, mến khách, vị tha phục vụ người nghèo, người bị loại bỏ, và người bị áp bức. Việc bẻ Bánh phải được tiếp tục. Đó là dấu hiệu báo rằng chúng ta sống trong Bí Tích Thánh Thể (Ga 13,1-17).

Đức Maria là "người Nữ của Thánh Thể" (Ecclesia de Eucharistia). Nhân Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, chúng ta phó thác Giáo Hội ở Á Châu cho Mẹ. Cầu xin Mẹ đồng hành với chúng ta trên con đường dấn thân sống Bí Tích Thánh Thể tại Á Châu
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hành Hương Theo Bước Chân Thầy (1)
Vũ Văn An
08:29 21/08/2009
Từ Đất Kangaroo mà đi Đất Thánh vào cuối tháng Bẩy quả là một liều lĩnh: khách hành hương phải kinh qua hai thái cực của Đông và Hạ. Nhưng đối với bản thân tôi, khó còn con đường nào khác. Đất Thánh nằm trong mơ ước đã từ rất lâu. Và từ cuối 2004, lúc vừa về hưu, việc đầu tiên tôi nghĩ tới là đi Đất Thánh để có dịp được theo bước chân Thầy, như kiểu nói của H.V. Morton (1). Nhưng các biến động quân sự cũng như chính trị tại Do Thái từ những năm đầu của Thiên Niên Kỷ Thứ Ba với những intifada liên tiếp xẩy ra và chính sách cứng rắn của Ariel Sharon khiến cho viễn tượng tới Đất Thánh gần như trở thành viển vông. Năm 2005, tôi có tham gia một cuộc hành hương gọi là theo bước chân Môsen, Thánh Gia và các Tông Đồng Phaolô, Gioan, Phêrô và Giacôbê, tới Cairô, Núi Sinai, Compostella, Smiếcna, Êphêsô, Patmos, Côrintô, Nhã Điển và Rôma. Nhưng Đất Thánh đúng nghĩa thì vẫn nằm ngoài bước chân mình.

Cuộc tông du của Đức Bênêđíctô XVI tới Đất Thánh vào tháng Năm vừa qua không những mở ra nhiều triển vọng tốt đẹp cho mối liên hệ giữa Tòa Thánh, Nhà Nước Do Thái và Thẩm Quyền Palestine, cũng như cho các liên hệ đầy hứa hẹn giữa ba niềm tin lớn của nhân loại là Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Kitô Giáo, mà còn hé mở cho thấy cả người Do Thái lẫn người Palestine đều rất cần các khách hành hương, bởi du lịch vẫn là nguồn lợi kinh tế quan trọng cho cả hai. Mặt khác, cuối năm 2008, từ Việt Nam, ít nhất cũng đã có 2 phái đoàn hành hương tới Đất Thánh, một do Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn cầm đầu, và một do Đức Cha Nguyễn Văn Nhơn hướng dẫn. Cả hai phái đoàn đều có những phản hồi tích cực. Và tại Sydney, hai phái đoàn, một Việt, một Úc, cũng đã dự tính lên đường tới Đất Thánh vào đầu tháng Bẩy và đầu tháng Chín, năm 2009. Tất cả những biến cố ấy khiến mộng ước tới Đất Thánh của tôi trở thành hết sức chín muồi, không thực hiện, nó sẽ rơi rụng và thối rữa mất.

Do Thái tại Hồng Kông

Vợ chồng tôi quyết định tham gia một phái đoàn hành hương khởi hành từ Sài Gòn vào cuối tháng Bẩy, thay vì cùng đi với phái đoàn do Cha Văn Chi hướng dẫn, khởi hành từ Sydney vào cuối tháng Sáu. Một phần vì đàng nào, chúng tôi cũng phải về Sài Gòn để dự lễ cưới và lễ hỏi của hai đứa cháu, con người anh em cột chèo, vào đầu tháng Tám. So ra, về phương diện chi phí, không khác nhau bao nhiêu: kể cả vé máy bay khứ hồi từ Sydney về Sài Gòn và chi phí cho trọn chuyến đi về Đất Thánh, mỗi người chúng tôi chỉ phải trả chưa tới bốn nghìn Úc Kim. Đường đi tất nhiên có dài hơn và do đó, vất vả hơn một chút. Trước nhất, chúng tôi phải dừng chân tại phi trường Singapore từ nửa đêm tới sáng hôm sau mới có chuyến bay về Sài Gòn. Ở đấy chưa đầy một ngày, đã phải khăn gói ra phi trường Tân Sơn Nhất để đáp chuyến bay Cathay Pacific đi Hồng Kông.

Lần đầu tiên được đặt chân tới phi trường Hồng Kông, khách hành hương khá phấn khích. Đó là một phi trường lớn. Đi hoài không hết. Một phần, vì anh hướng dẫn viên không thông thạo đường đi nước bước ở đây, nên cả gần một giờ sau, đoàn mới tìm ra quầy “check-in” của Hãng Hàng Không El Al của Do Thái. Hồn phách chưa ổn định, khách hành hương đã phải giáp mặt với bộ máy an ninh nghiêm nhặt của Nhà Nước Israel ngay trên mảnh đất cựu thuộc địa của Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị. Có thể nói: Nhà Nước ấy đã thiết lập cả một bộ máy an ninh thu nhỏ ngay tại đây. Họ phỏng vấn từng khách hành hương, hỏi han về những người cùng đi, đồ đoàn mang theo bị họ lục lọi không sót một món, kể cả những món đã được gửi đi trước. Ngay cuốn Sách Hành Hương, gồm các bài đọc Thánh Lễ, các bài thánh ca, các trích đoạn Thánh Kinh, và nhiều hướng dẫn du lịch khác bằng tiếng Việt, cũng được nhân viên an ninh Do Thái kiên nhẫn rở từng trang khám xét. Bất cứ một đề nghị giúp bạn hành hương nào trong khả năng tiếng Anh cũng bị nhân viên Do Thái bác bỏ. Đoàn hành hương của chúng tôi chỉ có 15 người mà thời gian phỏng vấn và khám xét kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Vào được phòng chờ đợi chỉ còn biết tìm chỗ đặt tạm chiếc lưng xuống nằm nghỉ, chờ giờ máy bay cất cánh. Rất may, thời gian chuyển tiếp từ Cathay Pacific qua El Al khá dài: hơn 5 tiếng đồng hồ.

Khởi đầu, chỉ có đoàn hành hương chúng tôi, sau có thêm sự hiện diện của đoàn “ô sin” người Phi Luật Tân, rồi lần lượt xuất hiện những người thuộc dòng giống được chúng tôi đoán là Do Thái, vì đa số họ đội mũ chỏm (kiểu mũ giám mục, nhưng mầu đen) hay mũ rộng vành cũng mầu đen. Người đội mũ chỏm có thể ăn vận bất cứ loại trang phục gì, nhưng người đội mũ rộng vành thường mặc quần dài đen, áo sơ-mi trắng và áo vét đen. Họ có phải là “rabbi” cả không? Cậu thiếu niên Do Thái 18 tuổi trả lời: không hẳn, họ chỉ là người “tôn giáo”. Không biết cậu ta có ý nói gì khi bảo họ là người “tôn giáo”. Sau này trên máy bay, tôi có hỏi một thương gia Do Thái ngồi bên cạnh, ông ta cũng cho biết “họ chỉ là người tôn giáo”. Phải chăng không phải người Do Thái nào cũng là người tôn giáo? Và như thế, có những người Do Thái không phải là người tôn giáo? Dù sao, thì cậu thiếu niên Do Thái 18 tuổi kia, người đang thi hành nghĩa vụ quân sự trong ba năm, cũng rất ghét “những người tôn giáo” đang nhởn nhơ trước mặt cậu tại phòng chờ của phi trường Hồng Kông này. Cậu bảo: bọn họ không thi hành nghĩa vụ quân sự, không đóng thuế như tôi. Và khi thấy nhóm người tôn giáo ấy bắt đầu đứng lên, hướng về Giêrusalem cầu nguyện, cậu bảo: thôi đi, về Giêrusalem mà thi hành nghĩa vụ quân sự và đóng thuế như tôi đi mấy cha nội!

Hình ảnh nhóm người “tôn giáo” Do Thái đứng cầu nguyện ngay tại phi trường Hồng Kông khiến người ta phải chú ý. Họ “bất cần” thiên hạ. Tâm trí họ hoàn toàn mất hút vào lời cầu nguyện, đầy tính cộng đoàn. Và họ cầu nguyện bằng cả con người của họ, khiến ta nhớ tới lối cầu nguyện của Môsen, của Miriam chị gái ông, với trống với phách, với ca hát nhẩy múa hân hoan trước mặt Giavê. Người nào cũng có một Sách Cầu Nguyện loại bỏ túi, họ vừa đọc, vừa tiến lên phía trước, lùi lại phía sau, quay qua bên trái, quay qua bên phải, cúi đầu, dang tay, có khi xoay cả người một vòng. Điều đáng lưu ý, không một bóng phụ nữ nào trong nhóm họ. Cậu thiếu niên 18 tuổi cho hay: còn lâu họ mới ghét phụ nữ; họ là người không cần biết gì tới kế hoạch hóa gia đình, có những tay có tới hàng tá con. Bọn tôi nuôi chúng chứ họ có phải nuôi đâu!

Tôi bước vào chuyến bay của hãng hàng không El Al để đi Tel Aviv với nhiều hình ảnh khá độc đáo về đất nước và con người Do Thái: một đất nước khá ý thức về sự mỏng dòn của nền an ninh riêng và những con người không đơn khối như người ta vốn nghĩ. Ngồi trên máy bay, cảm nghĩ về ý thức an ninh kia càng lớn thêm lên: Từ Hồng Kông đến Tel Aviv, nếu bay theo đường thẳng, chắc chắn chỉ mất chừng 7 tiếng đồng hồ là tới nơi. Nhưng El Al bay lên phía Bắc, vào hẳn không phận của Nga, bay ngang Biển Caspian rồi mới bay xuống phía dưới, vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ, rồi vòng qua Địa Trung Hải mà vào Tel Aviv, gần như đi hết một nửa vòng tròn, mất khoảng 10 tiếng đồng hồ mới tới nơi. Tuy nhiên, tới Tel Aviv, khách hành hương gặp một bộ mặt khác hẳn. Thủ tục chỉ bao gồm việc kiểm soát giấy thông hành và sau khi lãnh hành lý, khách hành hương được tự do lên xe rời phi trường thoải mái. Không một bóng cảnh sát, không một bóng nhân viên quân sự như tại phi trường Hồng Kông.

Ấn tượng đẹp trước đây về Hồng Kông có chăng chỉ còn trong trí tưởng tượng. Thực tế, nó là một khu vực có trần thấp nặng nề, tìm một vòi nước uống công cộng không có, không có những tiệm bán thức ăn “nhanh” như phi truờng Singapore, mua đồ bằng mỹ kim, bị thối bằng tiền Hồng Kông. Không lớn bằng Hồng Kông và vì chúng tôi không có nhu cầu ăn uống như lúc ngồi chờ hàng mấy tiếng đồng hồ tại Hồng Kông, phi trường Tel Aviv tránh được việc không bị khách hành hương chỉ trích, ít nhất cũng cho chuyến tới.

Núi Tabor

Đáp xuống Tel Aviv sớm, trời còn lãng đãng sương, chúng tôi được đưa thẳng về Nadarét, một thị trấn cách Tel Aviv chừng 2 giờ xe buýt. Và sau khi nhận phòng khách sạn, chúng tôi lên đường tham quan ngay. Thánh điểm đầu tiên là Núi Tabor. Vừa băng qua Làng Nain, nơi Chúa Giêsu cho người con trai duy nhất của một bà goá sống lại, một quãng, nhìn về tay trái đã thấy sừng sững ngọn núi Tabor xanh đậm, mờ nhạt phía xa. Tới gần, cảnh trí ngọn núi khá nên thơ với cây rừng xanh rờn và nhà cửa san sát dưới sườn núi, xa xa các thị trấn quanh vùng trùng điệp xuất hiện. Xe buýt phải dừng lại lưng chừng núi. Khách hành hương một là phải leo bộ tiếp lên tới đỉnh, theo con một con đường ngoằn ngoèo mà có tài liệu cho rằng gồm 4,300 bậc được xây từ thế kỷ thứ 4 dành cho các khách hành hương Kitô giáo (có lẽ tính từ dưới chân núi). Hai là đón taxi. Đoàn chúng tôi chọn giải pháp sau để lên tận đỉnh theo một con đường tân lập khá vòng vèo. Trời Galilê vào mùa này khá nóng, nhưng trên đỉnh Tabor, không khí dịu hẳn lại và tươi vui hẳn lên vì những khuôn mặt tươi trẻ, đủ mầu đủ sắc của các sinh viên đại học tới từ tổng giáo phận Paris. Họ không phải là 15 người như chúng tôi, mà là 1,700 người và 1,700 người này hành động như một đoàn người cùng có chung một cảm thức, một động thái. Cũng như các thanh thiếu niên chúng tôi gặp năm 2005 tại cánh đồng Marienfeld ở Cologne nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới, các sinh viên đại học Paris tại Núi Tabor này là hình ảnh trung thực của những người hành hương Kitô giáo muôn thuở: họ tới đây tìm vết chân Thầy bằng cách thực sự sánh bước với Người cả theo nghĩa vật lý (cuốc bộ từ chân núi) lẫn theo nghĩa thiêng liêng (vừa đi vừa đọc và suy niệm Lời Người). Quả là một kinh nghiệm nâng cao tâm hồn khi ngắm nhìn họ tiến bước và suy niệm, nhất là được trò truyện với họ. Đẹp thay những bước chân chim, nhún nhẩy sánh bước với Thầy.

Chúng tôi được giới thiệu tượng bán thân của Đức Phaolô VI ngay tại đường dẫn vào Nhà Thờ Hiển Dung. Ngài từng tới đây năm 1964 và dâng thánh lễ tại thánh điểm này. Gần nhà thờ hơn chút nữa là khuôn mặt bằng đồng của Kiến Trúc Sư Antonio Barluzzi. Ông là người thiết kế và xây dựng phần lớn các ngôi nhà thờ của Giáo Hội Công Giáo tại Đất Thánh, trong đó phải kể tới Nhà Nguyện (Latinh) Canvariô trong Nhà Thờ Mộ Thánh tại Giêrusalem, Vương Cung Thánh Đường Diệtsimani tại Núi Cây Dầu, Nhà Thờ Thánh Ladarô tại Bêthania; Nhà Nguyện Chăn Chiên tại Bêlem, Nhà Thờ Chúa Chiên Lành tại Giêricô, Nhà Thờ Thăm Viếng tại En Karem, Vương Cung Thánh Đường Tabor, Nhà Thờ Bát Phúc tại Galilê…

H.V. Morton ca tụng nét độc đáo và tính đa dạng trong các thiết kế của Barluzzi, không do văn phong hay truyền thống kiến trúc nào cho bằng do lòng đạo hạnh của nhà sáng tạo. Vì mọi đền thờ của Barluzzi đều nhằm mục đích nói lên một đáp ứng xúc cảm đối với trình thuật Phúc Âm. Người ta nên so sánh nét ảm đạm uy nghiêm của Vương Cung Thánh Đường Diệtsimani ở Núi Cây Dầu với nét hân hoan đầy tính thánh ca Giáng Sinh của Nhà Nguyện Chăn Chiên tại Bêlem. Người ta cũng thấy cùng một nét tương phản như thế giữa Nhà Thờ Thăm Viếng tại Ain Karem và Vương Cung Thánh Đường Tabor; và giữa hai thánh đường này với Nhà Thờ Bát Phúc tại Galilê. Đức Hồng Y Celso Constantini, người qua đời trước Barluzzi hai năm, khi viếng Đất Thánh đã viết mấy dòng lưu niệm như sau: “Cơ Quan Trông Coi Đất Thánh đã khôn ngoan và may mắn chọn làm giám đốc các công trình nghệ thuật của mình tại Palestine nhà kiến trúc sư lỗi lạc người Rôma là Antonio Barluzzi. Được phú bẩm một bén nhậy sâu sắc về nghệ thuật tôn giáo, nhà kiến trúc sư này đã hiểu được nhu cầu phải làm sống lại thảm kịch Kitô giáo ngay tại chỗ này (in situ), và đã rút tỉa được cảm hứng cho các thiết kế nghệ thuật của mình từ tiếng nói của Chúa Kitô đang vang vọng từ những chỏm núi này, thung lũng kia và Mặt Hồ Genezaret này”.

Cuộc đời Barluzzi là một cuộc đời đáng tưởng niệm. Khi Thế Chiến Thứ Nhất chấm dứt, dù lúc ấy đã trở thành một kiến trúc sư có hạng, Barluzzi có ý định đi tu làm linh mục. Nhưng thay vì ơn gọi ấy, cha giải tội khuyên ông qua Đất Thánh để tái tạo các thánh đường. Ông vâng lời ra đi, sống với các tu sĩ Phanxicô như một tu sĩ Phanxicô chính hiệu, hoàn toàn tuân giữ luật Dòng. Không màng chi tiền tài hay danh vọng, ông chỉ một lòng dùng gỗ đá và bàn tay con người tạo nên những công trình đầy chất nghệ thuật để thay mặt Giáo Hội ca tụng Thiên Chúa giữa một thế giới càng ngày càng ra xa lạ với niềm tin Công Giáo. Các công trình của ông, cộng với niềm tin dai dẳng, trì chí, đầy kiên nhẫn “bám trụ” của người Palestine Công Giáo, chính là những viên đá sống động sẽ hiện diện hết sức lâu dài tại Đất Thánh, bất chấp mọi thoả hiệp chính trị có thể có từ bất cứ phe phái nào. Ngày nay, khó có thể có một sức mạnh nào đó dám phá đổ những viên đá sống động này. Xin ngả mũ chào nhà sáng tạo đạo hạnh, biết nhìn xa trông rộng, trồng ngay ngắn cây hiện diện Công Giáo giữa lòng một xã hội đang tìm mọi cách thu gọn sự hiện diện ấy. Một mình ông đã thực hiện được hầu hết công trình của mười mấy thập tự chinh thuở nào.

Morton hy vọng ông được người đời biết đến. Tuy nhiên cho đến hiện nay, cuộc đời ông hầu như đã bị đẩy vào quên lãng, rất ít người viết về ông và ông đã lặng lẽ qua đời tại Rôma năm 1960, sau một cơn nhồi máu cơ tim khiến ông bị điếc não (cerebral deafness) và khí thũng (pulmonary emphysema), mất hết trí nhớ và mù loà, gây ra do cơn xúc động bị nhà chức trách bác bỏ dự án xây dựng ngôi vương cung thánh đường mới cho Nadarét vào năm 1958. Morton, gặp ông mấy tuần trước khi ông lâm chung, nhận xét rằng: trước đây ông vốn là một ông già quắc thước, cao, gầy với mái tóc hoa râm, nhưng đau khổ đã biến ông “thành một ông thánh đang sinh thì, giống hệt các bức tranh của El Greco hay Ribera”. Morton không thể hiểu được tại sao một Kitô hữu đạo hạnh từng đem lại cho Đất Thánh một nét đẹp chưa từng có như thế lại kết thúc đời mình trong một hoàn cảnh bi thương như vậy. Nhưng thực ra, đó là cuộc đời của Antonio Barluzzi. Vì theo Canon Peter C Nicholson (2), Barluzzi sống cuộc sống của một tu sĩ Phanxicô đích thực, đơn giản và thánh thiện, hoàn toàn tránh xa sự dòm ngó của thế gian. Ông làm mọi sự chỉ để vinh danh Thiên Chúa và không bao giờ quan tâm tới danh tiếng bản thân. Ông là đầy tớ trung thành của Thầy Chí Thánh và mọi sự ông làm đều vì một mục đích duy nhất là để tôn vinh Thầy. Cha Pacifico Gori thuộc Christian Information Centre ở Giêrusalem, từng viết: Barluzzi từ bỏ mọi lợi điểm mà nghề nghiệp của ông có thể mang tới, và chỉ muốn sống và chết như một người nghèo với các tu sĩ Phanxicô tại Đất Thánh. Đối với nhiều người từng biết, từng qúy trọng và từng yêu mến ông, quả là cảm kích khi nghĩ rằng con người từng hiến cả cuộc đời mình một cách cao thượng để tôn kính và vinh danh Giêrusalem dưới thế không thể nào lại không được Chúa Cha mời gọi để trở thành viên đá sống động trên Giêrusalem thiên quốc”.

Điều đáng tiếc: người phiên dịch cho đoàn hành hương của chúng tôi, dù rất thông thạo Thánh Kinh và khoa khảo cổ, vì đã học 4 năm tại Pháp và hiện đang theo học tại Viện Thánh Kinh và Khảo Cổ Pháp ở Giêrusalem này, tỏ ra không biết gì tới Barluzzi.

Phía trên cửa vào Vương Cung Thánh Đường, người ta đọc được trích đoạn Phúc Âm Mátthêu 17:1-8 khắc vào tường đá, nói về việc Chúa Giêsu Biến Hình hay Hiển Dung. Nhưng cả ba Phúc Âm Nhất Lãm (Mc 9:2-8; Lc 9:28-36), khi tường thuật lại biến cố Hiển Dung, đều chỉ nhắc tới “một ngọn núi cao”, chứ không nhắc chi tới tên ngọn núi. Bởi lẽ đó, có người, cho đến bây giờ, vẫn cho ngọn núi cao này là Núi Hermon, chứ không phải Tabor, vì so với Hermon, Tabor chỉ là một ngọn đồi cao khoảng 500 thước, trong khi Hermon cao tới 2,700 thước.

Tabor đích danh chỉ được nhắc tới trong Sách Thủ Lãnh (Tl 4: 6-7) khi đề cập đến trận chiến quyết định giữa Barak của Israel và Sisera, thống lãnh đoàn quân Jabin, trong đó đoàn quân Sisera bị triệt hạ toàn bộ, Sisera phải bỏ trốn và chết dưới tay một thiếu phụ tên Jael. Và Sách Thánh Vịnh (Tv 89:13) đã nhắc đến Tabor cùng một lúc với Hermon: “Người sáng tạo phương trời Nam Bắc; núi Tabor cùng với đỉnh Hermon hò reo kính danh Người”.

Tuy nhiên, năm 348, Giám Mục Giêrusalem là Cyril cho rằng Núi Tabor mới chính là thánh điểm nơi Chúa đã hiển dung trước mặt ba môn đệ và đến cuối thế kỷ thứ 4, đã có một nhà thờ tại ngọn núi này. Đến năm 570, ba nhà thờ theo kiểu Byzantine đã được ghi chú là hiện diện tại nơi đây hay đúng hơn một nhà thờ lớn với ba nhà nguyện dâng kính Chúa Kitô, Môsê và Êlia. Vào khoảng cuối thế kỷ thứ 7, đã có một đan viện kiên cố cuả các đan sĩ người Armenian trên đỉnh Tabor. Qua thế kỷ thứ 9, người ta có nhắc tới một vị giám mục Hy Lạp tại thánh điểm này. Núi Tabor là một thánh điểm quan trọng thời Thập Tự Chinh và rất nhiều vị ẩn tu đã tới đây tu tập tại các hang động trên sườn núi. Khoảng năm 1099, một đan viện phụ Latinh đã được đề cử tới đây và lúc đó, ngôi nhà thờ lớn với ba nhà nguyện nói trên vẫn còn tồn tại tại thánh điểm này.

Năm 1631, Fakhr al-Din cho phép các tu sĩ Phanxicô sống trên đỉnh Tabor và phép này được chế độ Ottoman xác nhận nhiều lần trong các thế kỷ 17 và 18. Các tu sĩ này phần lớn sử dụng các phòng ốc cũ của lâu đài hoang phế cho đến khi họ tái khám phá ra ngôi nhà thờ đổ nát của Thập Tự Chinh vào năm 1858 và bắt đầu tái thiết nó. Năm 1924, ngôi nhà thờ hiện nay được hoàn tất, xây trên chính ngôi nhà thờ của thế kỷ 12, do kiến trúc sư A. Barluzzi thực hiện.

Bất kể lai lịch của nó ra sao, Tabor đã trở thành thánh điểm hành hương của Kitô hữu từ thế kỷ thứ 4. Lúc chúng tôi bước vào nhà thờ, đoàn hành hương của các sinh viên đại học Paris đang cử hành Thánh Lễ với sự đồng tế của hơn 7 vị linh mục. Bàn Thờ rực rỡ ánh sáng, đóng khung sau một cầu vồng muôn sắc, với phía cộng đoàn chìm trong một thứ ánh sáng lờ mờ, quả đã đưa chúng tôi trở lại với khung cảnh Hiển Dung ngày nào khiến Phêrô ngây ngất, hồn ra khỏi xác, nói như mơ: chúng con sẽ làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia. Những ba chìm bầy nổi của thừa tác vụ rao giảng sau đó đã làm Ông quên khuấy lời nói đó. Nhưng hậu thế Ông không quên và hiện nay ngôi nhà thờ chính và hai nhà nguyện kính Môsê và Êlia vẫn sừng sững trên đỉnh Tabor và đã được nâng lên hàng Vương Cung Thánh Đường.

(còn tiếp)

Ghi Chú

(1) In The Steps Of The Master, Methuen, 1934

(2) The Churches of Anttonio Barluzzi, compiled for McCabe Foundation Trust
 
Hình ảnh Sinh Hoạt Giới Trẻ thuộc Gx Thánh Marcô Inala Úc Châu
Phạm Minh Nhật
11:31 21/08/2009
Chúa Nhật ngày 16 tháng 8, Đoàn Thanh Niên giáo xứ St Mark’s Inala đã tổ chức thánh lễ giới trẻ. Thánh lễ do Lm. Vũ Viết Lâm thuộc dòng Phanxicô chủ tế. Các bạn trẻ của đoàn đã đảm trách việc phụng vụ trong thánh lễ như đọc Thánh Thư, lời nguyện giáo dân, thừa tác viên Thánh Thể...

Đây là lần thứ 5 Đoàn Thanh Niên tổ chức Lễ giới trẻ từ khi đoàn được thành lập sau khi tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney.

Sau thánh lễ các thành viên của đoàn chung vui họp mặt và sinh hoạt tại sân trường St Mark’s.

Xem hình ảnh





 
Sinh hoạt các BẠn Trẻ Cầu Rầm: Chứng tá niềm Tin yêu và Hy vọng
Tân Lập
19:23 21/08/2009
VINH - Chứng tá niềm tin yêu và hy vọng là nội dung được các bạn trẻ con Đức Mẹ Cầu Rầm chọn làm chủ đề cho chương trình sinh hoạt dịp lễ tuyên hứa năm 2009. Trong hai ngày 19 và 20 tháng 8 năm 2009, từ các hoạt động lao động làm vệ sinh công cộng cho đến chương trình giao lưu văn nghệ, thể thao và nhất là nội dung tập huấn, tĩnh tâm mà cao điểm là thánh lễ tuyên hứa vào tối ngày 20/8/2009 đều được ban tổ chức mặc cho tâm tình chứng tá niềm tin, tình yêu và niềm hy vọng.

Với ước mong các em sẽ là những nhân chứng đắc lực cho niềm tin vào Đức Kitô, tình yêu của Đức Kitô và niềm hy vọng nơi Đức Kitô giữa một đất nước còn đói khát niềm tin, vắng bóng tình yêu và đói khát niềm hy vọng. Ước mong này được phát xuất từ mục đích linh đạo giới trẻ con Đức Mẹ là chứng tá niềm tin thông qua học hỏi Lời Chúa và đời sống cầu nguyện, tinh thần tông đồ phục vụ người nghèo cả vật chất lẫn tinh thần, đời sống nhân bản Kitô giáo và tình liên đới với mọi người.

Hiệp hội Con Đức Mẹ được chính thức thành lập vào ngày 20/08/2006 bởi Cha linh hướng Fx.Ant Hoàng Sĩ Hướng. Sau hơn hai năm hình thành và phát triển dưới sự dìu dắt che chở của Mẹ, hiện nay giới trẻ con Đức Mẹ Cầu rầm đã có hơn 250 thành viên. Là một tổ chức mang tầm vóc quốc tế được chính Đức Mẹ uỷ thác thành lập, với cơ cấu tổ chức, hoạt động chặt chẽ trong linh đạo Magnificate, dựa vào những phương thế thực tế dễ áp dụng, các bạn trẻ thật sự được lớn lên và ngày càng khôn ngoan trong sự chở che của Mẹ. Từ tổ ấm này, nhiều bạn trẻ đã trở thành những người có ích cho xã hội và Giáo hội trong học tập và trong công việc với ơn gọi riêng của mình.

Ghi nhận nhanh của chúng tôi, sáng ngày 19/08, hơn 200 bạn trẻ trong tay với chổi, cuốc, xẻng..., dưới sự hướng dẫn của các anh chị phụ trách đã “ra quân” làm vệ sinh toàn bộ khu vực nhà thờ xứ Cầu Rầm cũng như các khuôn viên, đường phố lân cận. Chiều ngày 19/08, các bạn trẻ đã cắm trại, làm sân khấu và chuẩn bị cho chương trình giao lưu văn ghệ tối hôm đó. Buổi tối cùng ngày, với 15 tiết mục văn nghệ đến từ 9 giáo họ đã làm nổi bật chủ đề chứng tá niềm tin yêu hy vọng.

Sáng ngày 20/08, các bạn trẻ nghe giảng tĩnh tâm do Chị đại diện quốc gia trình bày. Sau giờ tĩnh tâm, các bạn tổ chức một giờ chầu trước Chúa Giêsu Thánh Thể. Mặc dù nhà nguyện nhỏ và khí hậu rất nóng nhưng các bạn rất nghiêm trang và sốt sắng cầu nguyện. Trong giờ chầu này, các bạn dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện về sự hiệp nhất, đoàn kết, tinh thần phục vụ tha nhân của hiệp hội Con Đức Mẹ. Buổi chiều, tinh thần, ý chí và sức mạnh của các bạn trẻ đã được bừng cháy trong các hoạt động vui chơi của hội trại.

Tối ngày 20/08 thánh lễ tuyên hứa của 39 bạn trẻ diễn ra tại Giáo xứ Cầu Rầm. Các em là những bông hoa tươi thắm của giáo xứ đã được huấn luyện sau 2 năm gia nhập Hội con Đức Mẹ. Các bạn đã mạnh dạn đọc lên lời tuyên hứa trước sự chứng kiến của Cha linh hướng và mọi người tham dự thánh lễ. Thánh lễ diễn ra cách trang trọng và sốt sắng do cha linh hướng Fx.Ant Hoàng Sĩ Hướng chủ tế và có sự tham dự của nhiều tu sĩ nam nữ cùng đông đảo bà con giáo dân. Trong thánh lễ, Cha linh hướng nhắn nhủ các em giới trẻ Con Đức Mẹ, đặc biệt là các em tuyên hứa lần này, về “việc chuyên chăm học hỏi Đức Maria, linh đạo cũng như nội quy Con Đức Mẹ được ghi trong cuốn sách “Nội quy và thủ bạn giới trẻ Con Đức Mẹ”. Cuốn sách này là kim chỉ nam cho các con với vai trò là một người con của hiệp hội Con Đức Mẹ. Cha cầu chúc các con luôn nhớ lại những gì mình đã tuyên hứa trên bước đường hoạt động tông đồ của các con, điển hình là phục vụ người nghèo”.

Sau thánh lễ, các bạn tổ chức tiệc ngọt liên hoan nhỏ để mừng 39 em vừa tuyên hứa. Thành phần tham dự trong buổi tiệc huynh đệ này gồm có Cha linh hướng, các tu sĩ nam nữ, phụ huynh của các bạn trẻ Con Đức Mẹ, các bạn đại diện hội Con Đức Mẹ của những giáo xứ khác và toàn thể giới trẻ con Đức Mẹ. Cha linh hướng cũng như khách mời đến gặp gỡ và nói lên lời chúc mừng với mỗi em vừa tuyên hứa. Những nụ cười, ánh mắt của các bạn trẻ vừa tuyên hứa thể hiện một sức sống tràn trề và niềm vui mừng vì các bạn đã trở thành một thành viên của hiệp Con Đức Mẹ.

Kể từ khi thánh nữ Catarina nhận sứ điệp thành lập hội con Đức Mẹ, 18/07/1830 đến nay hiệp hội con Đức Mẹ thực sự đã mang tầm vóc quốc tế khi đã hiện diện ở trên 66 quốc gia, gồm 109882 thành viên đã tuyên hứa. Riêng ở Việt Nam hiệp hội con Đức Mẹ được thành lập ngày 07/09/1932. Sau gần một thế kỷ hiện diện với những thăng trầm của lịch sử, hiện nay hiệp hội đã có mặt trên cả ba miền Bắc Trung Nam với 6077 thành viên, chia thành 86 nhóm. Nhờ ơn Chúa giúp, dưới sự chở che và hướng dẫn của Mẹ Maria, các bạn trẻ con Đức Mẹ thực sự là những chứng nhân trung thành của niềm tin. Bằng đời sống gương mẫu của mình, các thành viên con Đức Mẹ thực sự là men, muối, ánh sáng cho đời.
 
Đức giám mục giáo phận Spokane Hoa Kỳ thăm giáo phận Huế
Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo
19:44 21/08/2009
Huế, Việt Nam –(22/8/2009) Nhận lời mời của Hội đồng giám Mục Việt Nam, sau khi tham dự Hội Nghị Khoáng Đại lần thứ 9 của Liên Hội đồng Giám mục Á Châu vừa diễn ra tại Manila, Philippine từ ngày 10 đến 16/8, với chủ đề “ Sống mầu nhiệm Thánh Thể tại Á Châu”.

Trong chuyến thăm Việt Nam một tuần, Đức cha William Skylstad, giám mục giáo phận Spokane, thuộc bang Washington, nguyên chủ tịch Hội đồng giám mục Hoa Kỳ đã đến thăm các giáo phận Sài Gòn, Mỹ Tho, Đà Nẵng và giáo phận Huế.

Tháp tùng đức cha có linh mục Gioakim Lê Quang Hiền nguyên Chủ tịch Liên Đoàn Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ và bà Virginia Farris nhân viên Hội Đồng Công lý và Hòa Bình của Giáo hội Hoa Kỳ.

Đức Tổng giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể của Huế chủ sự thánh lễ tiếp đón đoàn tại thánh địa La Vang hôm 20/8. Đồng tế thánh lễ có Đức giám mục phụ tá Phanxicô Xaviê Lê Văn Hồng và 35 linh mục của Huế và Quãng Trị. Có chừng 2000 người kể cả 20 nữ tu tham dự thánh lễ.

Đức Tổng Giám mục Huế hoan nghênh và cảm ơn chuyến viếng thăm Việt Nam lần đầu tiên của Đức cha William Skylstad, ngài kêu gọi giáo dân Việt Nam hãy cầu nguyện cho giáo hội Hoa Kỳ, trong đó có giáo dân Việt Nam đang sống tại Hoa Kỳ luôn được phát triển.

Tại linh đài Đức Mẹ La Vang, Đức Tổng giám mục Huế nhắc lại lời nói của đức cha Joseph A. Fiorenza, đã nói tại La Vang 10 năm trước đây: “Đức Mẹ chưa hiện ra ở Hoa Kỳ nhưng hiện ra ở Việt Nam để an ủi giáo dân, hôm nay chúng tôi thay mặt giáo dân Hoa Kỳ xin nhận Mẹ La Vang là Mẹ của Hoa Kỳ ”.

Giảng trong thánh lễ, Đức giám mụcgiáo phận Spokane ca ngợi Đức Tin của giáo dân Việt Nam là một huyền nhiệm vì không chỉ Việt Nam nhưng tại Hoa Kỳ người giáo dân Việt Nam luôn yêu mến Thánh Thể và hướng lòng về Đức Mẹ La Vang”.

Linh mục Giacôbê Lê Sĩ Hiền, 67 tuổi, quản nhiệm đền thờ La Vang cám ơn đức cha William Skylstad đã đến dâng thánh lễ tại La Vang, cha Hiền mời ngài đến thăm La Vang vào năm 2011nhân dịp bế mạc năm Thánh 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm tại Việt Nam.

Tại La vang phái đoàn còn được mời chụp hình lưu niệm với giáo dân, tặng quà, nghe và xem chiếu projeector về lịch sử thánh địa và được mời dùng cơm trưa.

Buổi chiều tại Trung tâm Mục Vụ Huế có khoảng 600 người kể cả 2 giám mục Huế, 30 linh mục và 100 tu sĩ tham dự buổi liên hoan văn nghệ, tặng quà lưu niệm, chất vấn với Đức cha William Skylstad và bà Virginia Farris nhân viên Hội Đồng Công lý và Hòa Bình của Giáo hội Hoa Kỳ.

Hai vị đã dành 2 tiếng đồng hồ để trã lời cho 6 câu hỏi của 3 linh mục, 2 nữ tu và một giáo dân Huế chất vấn về hiện tình ơn gọi, đời sống đạo hiện nay của người Công giáo Hoa Kỳ, sự khác biệt chủng tộc tại giáo phận Spokane, Vấn đề Ly dị, Phá thai, Mục vụ cho Giới trẻ hiện nay, Tu sĩ lạm dụng tình dục trẻ em, Tình trạng đồng tính luyến ái, và Vai trò phụ nữ trong Hội đồng giám mục.

Đức giám mục William Skylstad thừa nhận có sự thay đổi từ Người trẻ sống hoang đàng được Ơn Chúa thúc đẩy trở về và sống thánh thiện, kỹ luật đối với tu sĩ, các đôi Hôn phối được đào tạo kỹ hơn trong các khóa huấn luyện về giáo lý Hôn nhân. Đặc biệt Giáo hội Hoa Kỳ luôn bắt chướt Chúa Giêsu tìm kiếm, tha thứ và thương xót những người tội lỗi.

Trong khi đó bà Virginia Farris cho biết công việc của Hội Đồng Công lý và Hòa Bình của Giáo hội Hoa Kỳ là quan tâm đến tình hình thế giới về Thiên tai, thay đổi khí hậu thế giới, đời sống của người dân tỵ nạn, vấn đề nhân quyền, ngược đãi trẻ em và phụ nữ và Bảo vệ môi trường”.

Đây là chuyến viếng thăm lần thứ hai của phái đoàn Hoa Kỳ đến Huế kể từ năm 1999 Ngày 21/8/ 2009 đoàn lên đường đi thăm giáo phận Hà Nội.
 
Đức Cha William Skylstad, Cựu Chủ Tịch HĐGMCGHK thăm TGP Saigòn
LĐCGVNHK
19:50 21/08/2009
SÀI GÒN – Theo bản tin từ Tổng Giáo phận Sài Gòn cho biết: sau khi dự Hội nghị Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) lần thứ 9 ở Manila, ĐGM William Stephen Skylstad, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ đã đến thăm Giáo Hội Việt Nam. Cùng đi với Đức cha Skylstad có linh mục Joachim Lê Quang Hiền, Ủy Viên Giao Tế của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, và bà Virginia Farris làm việc tại Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ.

Phái đoàn đã tới Toà Giám Mục TGP Sài Gòn thăm Đức Hồng Y Gioan B. Phạm Minh Mẫn vào chiều Chúa nhật 16-8-2009. Sau đó vào lúc 5 giờ chiều tại Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn, ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn chủ tế Thánh lễ, cùng với ĐGM William, ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm và cha Tổng đại diện đồng tế. Phái đoàn dùng cơm chiều tại Toà Giám Mục Sài Gòn (có thêm sự hiện diện của ĐGM phó Nha Trang Giuse Võ Đức Minh).

Vào sáng thứ Hai 17-8-2009, phái đoàn đã đến thăm Trung Tâm Mục Vụ TGP Sài Gòn. ĐGM Giám đốc Phêrô Nguyễn Văn Khảm và các linh mục ở TTMV đã chia sẻ về các hoạt động giáo dục Kitô giáo của Giáo Hội Việt Nam. Những vấn đề hợp tác giáo dục giữa hai Giáo Hội Hoa Kỳ và Việt Nam cũng được đề cập đến. Sau đó, phái đoàn đến thăm Nhà Truyền Thống (Trung Tâm Văn Hoá Công Giáo), thăm tu viện Saint Paul de Chartres, và Trung Tâm Công Giáo.

Lúc 5 giờ 30 chiều, Đức cha Phêrô Khảm đã cùng với Đức cha Skylstad đến thăm và dâng Thánh lễ Thêm Sức tại giáo xứ Chợ Cầu thuộc TGP Sài Gòn.

Vào sáng thứ Ba 18-8-2009, phái đoàn được ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn dẫn đi thăm giáo phận Mỹ Tho. Đức cha Phaolô Bùi Văn Đọc tiếp phái đoàn tại Trung Tâm Mục Vụ, lúc đó đang có khóa huấn luyện giáo lý và linh hoạt viên của giáo phận. Tiếp theo, phái đoàn đến thăm dòng Thánh Phaolô, thăm nhà thờ Chính Tòa, thăm Tòa Giám Mục Mỹ Tho và dùng cơm trưa tại đây.

Sau cơm trưa, phái đoàn về Phú Mỹ Hưng (Sài Gòn) thăm tu viện Nữ Tử Bác Ái đang dạy lớp tình thương và nhà trẻ.

Về lại Toà Giám Mục Sài Gòn, phái đoàn dùng cơm tối, trao đổi riêng với Đức Hồng Y. Tối hôm sau, thứ Tư 19-8-2009 vào lúc 20 giờ, phái đoài rời Sài Gòn đi Đà Nẵng để thăm Tổng Giáo phận Huế.
 
Đức Cha Skylstad viếng Thánh địa Lavang và thăm Tổng giáo phận Huế
Trương Trí
19:59 21/08/2009
HUẾ- Đức Giám mục William Skylstad, Giám mục giáo phận Spokane, nguyên chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, sau khi dự kỳ họp Hội đồng giám mục Á châu tại Manila đã có chuyến viếng thăm Việt Nam. Sáng ngày 20.8.2009, Ngaì đã đến viếng Thánh địa Lavang, sau đó đến thăm giáo xứ chính tòa Phủ Cam và gặp gỡ các thành phần dân Chúa tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Huế. Cùng đi với Đức Giám mục William Skylstad còn có Đức Ông Gioan Kim Lê Quang Hiền nguyên chủ tịch liên đoàn công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, ủy viên liên lạc giữa hai hội đồng Giám mục Hoa Kỳ và Việt Nam; bà Virginia Farris chuyên viên văn phòng ủy ban công lý và hòa bình quốc tế thuộc Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ.

Xem hình ảnh

Viếng Thánh Địa La Vang

Do đã được tòa Tổng Giám mục Huế thông báo trước nên các linh mục tu sĩ nam nữ và đông đảo giáo dân đã có mặt tại trung tâm thánh mẫu Lavang vào sáng 20.8 để chào mừng và đón đoàn. Đặc biệt một số khách hành hương bất thường từ trong Nam ngoài Bắc cũng đã vinh dự được tiếp đoàn.

Đúng 10 giờ 30, Đức Tổng Giám mục giáo phận Huế Stêphanô Nguyễn Như Thể, Đức Giám mục phụ tá Phanxico Xaviê Lê Văn Hồng, linh mục Giacôbê Lê Sĩ Hiền quản nhiệm Trung tâm Thánh mẫu toàn quốc Lavang đã long trọng tiếp phái đoàn trước linh đài Đức Mẹ Lavang. Sau khi tặng hoa cho phái đoàn, Đức Tổng Giám mục Giáo phận Huế giới thiệu với cộng đoàn dân Chúa về vị Giám mục của một đất nước giàu mạnh Hoa Kỳ nhưng Ngài hết sức bình dân và khiêm tốn, Ngài tự làm tất cả mọi công việc cá nhân như: tự đi chợ nấu ăn, tự lái xe và dọn dẹp nhà cửa v.v...Đức Tổng Giám mục Giáo phận Huế nhắc lại: năm 1999, phái đoàn Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ do Đức cha chủ tịch dẫn đầu đã đến viếng thăm Thánh địa Lavang, lúc đó Đức cha chủ tịch đã nói:” Đức Mẹ chưa hiện ra tại Hoa Kỳ, nhưng Đức Mẹ đã hiện ra ở Lavang Việt Nam để an ủi các giáo dân giữa bao gian nan thử thách, hôm nay nhân danh các Giám mục Hoa Kỳ tôi xin phép được nhận Mẹ Lavang cũng là Mẹ của đất nước và giáo hội Hoa Kỳ chúng tôi”. Cộng đoàn rất hoan hỉ vỗ tay tán thưởng.Đức Tổng Giám mục Giáo phận Huế nhắc lại như vậy để tháy sự quan tâm của giáo hội Hoa Kỳ đối với Đức Mẹ Lavang. Hôm nay Đức Giám mục William Skylstad và phái đoàn thay mặt HĐGM Hoa Kỳ và Đức Hồng y chủ tịch đến hành hương kính viếng Đức Mẹ Lavang. Đức Tổng Giám mục cũng giới thiệu với cộng đoàn dân Chúa các vị cùng đi trong đòan.

Đức Giám mục William Skylstad trong lời chào cộng đoàn, Ngài nói: “Đây là lần đầu tiên tôi đến viếng thăm Thánh địa Lavang và xin được tiếp tục ý nguyện của Đức Tổng Giám mục chủ tịch HĐGM Hoa Kỳ 10 năm trước là: Đón nhận Đức Mẹ Lavang cũng là Mẹ của chúng tôi. Tôi cảm thấy khiêm hạ trước Đức tin của anh chị em đối với Đức Mẹ”. Cộng đoàn rất hân hoan và nồng nhiệt vỗ tay chúc mừng Ngài.

Giữa cái nắng thiêu đốt mùa hè, nhất là trong ngôi nguyện đường thấp và nóng nực, cộng đoàn vẫn chen chúc sốt sắng tham dự thánh lễ do Đức Tổng Giám mục giáo phận Huế chủ tế, cùng đồng tế có Đức Giám mục Hoa Kỳ, Đức Giám mục phụ tá tổng giáo phận Huế và gần 50 linh mục. Mở đầu thánh lễ, Đức Tổng Giám mục mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho HĐGM và giáo hội Hoa Kỳ, cách riêng cho Giám mục William Skylstad. Xin Chúa nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Lavang ban cho giáo hội Hoa Kỳ ngày càng phát triển một cách tốt đẹp. Hiịep thông với giáo hội và mọi tín hữu Hoa Kỳ để cùng tuyên xưng một Đức Tin, tỏ bày một Đức Mến để giáo hội được phát triển khắp nơi.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha William Skylstad đã chia sẻ với cộng đoàn: “Đây là một ngày hồng ân và đầy ân sủng của Chúa ban cho tôi để được dâng thánh lễ tại Thánh địa Đức Mẹ Lavang, tôi thật cảm xúc khi nhận thấy Đức tin sống động của anh chị em. Đức Mẹ đã được chọn làm Mẹ Thiên Chúa và Mẹ đã hiệp thông với Chúa Giêsu để loan báo tin mừng cứu độ. Hơn 200 năm về trước, Đức Mẹ đã hiện ra nơi đây để chia sẻ tin mừng cho những ai gặp cơn hoạn nạn. Mẹ đã yêu thương nâng đỡ chúng ta và cho chúng ta một niềm hy vọng. Đức Mẹ cũng đã hiện ra nhiều nơi trên thế giới như ở Mexicô, Lộ Đức, Fatima v.v...Mẹ luôn hiện ra ở những nơi gặp nhiều đau khổ để ủi an con cái Mẹ. Đức Mẹ luôn là Hiền Mẫu của Giáo hội, và là Từ Mẫu của chúng ta. Hôm nay tại nơi đây, tất cả mọi người dù nam hay nữ cũng hãy đón nhận Mẹ trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Đó là nguồn ân huệ to lớn của chúng ta, Người chính là nguồn động viên, là nguồn an ủi và là niềm hy vọng của chúng ta”.

Sau thánh lễ, linh mục Giacôbê Lê Sĩ Hiền, quản nhiệm trung tâm Thánh Mẫu toàn quốc Lavang thay mặt cộng đoàn nói lên tâm tình tri ân cảm mến đối với Đức Giám mục William Skylstad và phái đoàn đã đến thăm Thánh địa La vang, dâng thánh lễ và cầu nguyện tại trung tâm Thánh mẫu Lavang. Cha quản nhiệm tỏ bày sự vui mừng và hy vọng được đón tiếp Đức cha trong dịp bế mạc năm thánh giáo hội Việt Nam vào năm 2011 tại trung tâm Thánh mẫu này. Cha quản nhiệm đã thay mặt Trung tâm để trao tặng Đức cha William Skylstad và phái đoàn những kỷ vật của Thánh địa Lavang.

Tiếp đó, tại nhà khách Trung tâm, linh mục Minh Anh đã trình chíêu và giới thiệu một số hình ảnh về những họat động của Trung tâm hành hương Lavang qua các thời kỳ.

Thăm giáo xứ chính tòa Phủ Cam và Tổng Giáo phận Huế

Mặt dù eo hẹp thời gian nhưng Đức Giám mục William Skylstad và phái đoàn cũng đẫ đến thăm giáo xứ chính tòa Phủ Cam nói như lời Đức Tổng Giám mục giáo phận Huế thì vì là giáo xứ Mẹ của tổng giáo phận. Lúc 15 giờ, trong tiếng kèn và nhịp trống rền vang giữa nắng hè, linh mục quản xứ Antôn Dương Quỳnh cùng với các thành phần cộng đoàn giáo xứ đã hân hoan niềm nở tiếp đón đoàn. Trong ngôi Thánh đường, Đức Giám mục William Skylstad cùng với Đức Tổng Giám mục và Đức Giám mục phụ tá Giáo phận Huế đã quỳ trước bàn thờ để cầu nguyện và chầu Thánh thể. Tiếp đó vị đại diện giáo xứ chính tòa đã trình bày với phái đoàn một số nét họat động của giáo xứ, đại diện các đoàn thể lên tặng hoa và chúc mừng phái đoàn. Đức Giám mục William Skylstad cảm ơn giáo xứ chính tòa đã tiếp đón rất trọng thị và ngài cũng bày tỏ sẽ luôn quan tâm và cầu nguyện cho giáo xứ.

Đúng 16 giờ, tại trung tâm mục vụ Tổng giáo phận Huế, đông đảo mọi thành phần dân Chúa gồm các linh mục, các bề trên dòng, các tu sĩ nam nữ tề tựu chật kín hội trường rộng lớn của trung tâm mục vụ trong sự mến mộ và hiếu khách. Sau khi đại diện cộng đoàn tặng hoa cho Đức Giám mục và các vị cùng đi với những tràng vỗ tay chào mừng nồng nhiệt, Đức Tổng Giám mục giáo phận Huế đã giới thiệu từng thành viên trong đoàn với mọi người. Đức cha William Skylstad thay mặt đoàn nói lời cảm ơn và lời chúc tốt đẹp đối với mọi thành phần dân Chúa, Ngài rất xúc động trước sự đón tiếp ân cần và niềm nở của Tổng Giáo phận Huế. Ngài nói đùa: Anh chị em quá ưu ái và nuông chiều làm hư hỏng tôi, tôi cảm thấy qúa sung sướng và không muốn về lại Hoa Kỳ.

Trong chương trình chào mừng, Hội Dòng Mến Thánh giá Huế đã có những tiết mục biểu diễn múa trống điêu luyện và điệu múa cung đình uyển chuyển sinh động do các em thanh tuyển trình diễn. Đặc biệt, với vũ khúc “ Bức họa đồng quê” do các cháu mẫu giáo của giáo xứ chính tòa Phủ Cam biểu diễn tạo nhiều cảm hứng và nhiệt tình tán thưởng. Đức cha William Skylstad và phái đòan rất thích thú và đề nghị được chụp ảnh lưu niệm với các cháu.

Buổi nói chuyện trao đổi trong tâm tình cởi mở, phái đoàn đề nghị sẽ trả lời tất cả mọi vấn đề mà cộng đoàn nêu ra. Một số thành viên tham dự đã nêu những thắc mắc để phái đoàn giải đáp:

- Trong bối cảnh đất nước Mỹ giàu có và văn minh như thế, việc ơn gọi linh mục và tu sĩ có được phát triển không?
- Với thành viên của HĐGM là một giáo dân lại là một phụ nữ như cô Virginia Farris, thì vai trò của giáo dân đối với HĐGM Hoa Kỳ như thế nào?
- Những cuộc hôn nhân bị thất bại ngày càng nhiều. HĐGM Hoa Kỳ có giải pháp gì?
- Với việc giới hạn sinh sản và nạn phá thai lan tràn. Họ có được tha sau khi xưng tội không?

Đức Cha William Skylstad và các thành viên trong đoàn đã trả lời mặc dù chưa thỏa đáng lắm nhưng cộng đòan cũng đã phần nào giải tỏa được những vương vấn từ lâu nay.

Buổi gặp gỡ kết thúc lúc 18 giờ, sau khi dùng cơm tối, phái đoàn được mời thưởng thức những giai điệu ca Huế, một nghệ thuật biểu diễn truyền thống nổi tiếng của cố đô Huế mà hầu như mọi du khách nước ngoài đều say đắm.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Mừng Lễ Mẹ Lên Trời: Hội Vinh Bắc Cali hiệp thông với Tam Toà
Trần Hiếu
00:03 21/08/2009
Mừng Lễ Mẹ Lên Trời: Hội Vinh Bắc Cali hiệp thông với Tam Toà

Trong 29 năm qua, cứ mỗi độ trung tuần tháng Tám, Hội Ái Hữu Địa Phận Vinh Bắc Cali cử hành lễ bổn mạng và đại hội gọi là Ngày Địa Phận. Năm nay, lễ hội mang thêm một ý nghĩa: hiệp thông với Giáo Xứ Tam Toà.

Ngày 16 tháng 8 vừa qua, hàng trăm tín hữu gốc Vinh và thân hữu từ 11 giờ sáng đã tề tựu tại Công Viên Murphy, Milpitas, để tham dự buổi cầu nguyện, ăn trưa, ca hát và trò chuyện; sau đó vào lúc 2:30 chiều, họ tề tựu tại thánh đường St. Elizabeth kế cạnh để cử hành thánh lễ.

Trong các cuộc chuyện vãn, Tam Toà là chủ đề. Ông Nguyễn Viết Tấn, đến từ Sacramento, nói rằng, “Tôi rất tán thành cách ứng phó của Đức Cha Thuyên trong vụ việc Tam Toà, và tâm đắc với lời ngài phát biểu, ‘Giáo hội không bạo động, giáo hội không nổi dậy, giáo hội chỉ đòi chân lí, đòi công bình’”.

Một số người, bấy lâu ít tham gia sinh hoạt với hội, cũng hiện diện, đã bộc lộ sự căm phẫn trước hành vi đàn áp của nhà cầm quyền Hà Nội và bày tỏ tinh thần hiệp thông với các tín hữu Tam Toà. Ông Nguyễn Liên nói, “Nhà nước không phải là chính quyền, mà là bạo quyền. Thật xấu hổ họ phải dùng đến côn đồ để tránh tiếng đàn áp, nhưng thực chất đó là sự đàn áp hết sức vô luân”.

Theo lịch trình, cuộc hội có sự hiện diện của Đức Cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, giám mục giáo phận Vinh, nhưng biến cố Tam Toà đã khiến ngài trước đó một tuần lễ hủy bỏ các cuộc hẹn quan trọng tại hai vùng Bắc và Nam Cali để vội vã trở về Việt Nam.

Trong một lá thư gửi cho Hội Ái Hữu Vinh, ngài cho biết biến cố Tam Toà đã trở nên phức tạp và sự hiện diện của ngài tại giáo phận lúc nầy rất cần thiết. Ngài viết, “vì lợi ích chung của giáo phận, tôi đành phải gạt nước mắt hủy bỏ chương trình thăm viếng nầy”.

Ngài đến Hoa Kỳ thể theo lời mời của Hội Ái Hữu Địa Phận Vinh Bắc Cali, trụ sở ở San Jose.

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương, tháp tùng đức cha trong suốt cuộc hành trình từ La Mã qua các nước Âu Châu rồi đến Hoa Kỳ, trong bài phát biểu, nói rằng, “Đức cha rất ước ao gặp gỡ bà con, mà Chúa không muốn, và ngài thành thật xin lỗi. Ngài bày tỏ niềm cảm kích sâu xa trước tấm lòng vì quê hương và vì giáo phận của mọi người”.

Ông Phan Ngọc Hoà, Hội Trưởng Hội Ái Hữu Vinh Bắc Cali, cho hay trước tình thế khó khăn, mọi người rất thông cảm với quyết định của đức cha. Ông nói rằng, nhờ sự hiện diện của ngài tại quê nhà, Toà Giám Mục Xã Đoài đã thực hiện một cuộc biểu dương tình liên đới rất ngoạn mục, đông đảo chưa từng có tại giáo phận, với khoảng 200 ngàn người tham dự.

Trong thánh lễ long trọng tại thánh đường St. Elizabeth mừng kính Đức Mẹ Linh Hồn và Xác Lên Trời, mọi người đã hiệp ý cầu nguyện cho Tam Toà. Cùng đồng tế với vị chủ lễ, Linh mục Lưu Đình Dương, linh hướng của hội, có các linh mục Trần Đình Thảo, Phan Quang Cường, Cao Phương Kỷ, Lương Vĩnh Phú, Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Văn Hương, Cao Đức Trọng, và Nguyễn Văn Thiệu.

Tham dự Ngày Địa Phận còn có hai nữ tu, gồm cả Mẹ Agnès Nguyễn Thị Tâm, nguyên Tổng Phụ Trách Hội Dòng Mến Thánh Giá Giáo Phận Vinh, đến từ Việt Nam và thầy Trần Văn Linh, tu sĩ Dòng Xitô.

Ông Phan Ngọc Hoà kêu gọi mọi người thể hiện tình liên đới một cách cụ thể, “không những chỉ qua lời cầu nguyện, mà còn ủng hộ tài chánh nữa”. Ông cũng cho biết, qua dịp nầy, Hội Ái Hữu Vinh Bắc Cali đã đạt được một khoản yểm trợ tài chánh rất đáng kể, ngoài ra Hội còn xuất thêm ngân qũy để gửi về giúp giáo phận trong cơn ngặt nghèo.-

Nếu qúi vị muốn yểm trợ Tam Toà, Giáo Phận Vinh: Xin gửi cho Hội Ái Hữu Vinh Bắc Cali, chi phiếu đề: FODV (được trừ thuế), và gửi về địa chỉ: Nguyễn Phương Anh, 2077 Alviso Adobe Ct., Milpitas, CA 95035; tel. 408-946-3297
 
Hiện tượng Cao Đình Thuyên
Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh, ofm
18:26 21/08/2009
Lửa bừng lên từ Toà Khâm Sứ

Nhìn lại những biến cố từ chưa đầy 2 năm nay, ta có thể nói: hình như lịch sử Giáo Hội Việt Nam đã đến một khúc quanh mới. Có thể lấy ngày 25-01-2008 làm mốc, sau khi hàng rao sắt bao quanh Toà Khâm Sứ cũ ở Hà Nội bị giáo dân lay sập, và tượng thánh giá cao 5m được cung nghinh đến trước mặt tiền toà Khâm Sứ theo tiếng nhạc của 2 đội kèn trống của Hàm Long và Thượng Thuỵ khi cất bài ca mừng các Thánh Tử Đạo Tiếng nhạc oai hùng vang lên khắp cõi trời Việt Nam… hàng ngàn con tim như có thể vỡ ra vì vui sướng. Nhưng cũng từ ngày đó, trong cuộc hành trình đi tìm công lý, tìm tự do, tìm sự thật, Dân Chúa trên quê hương Việt Nam đã gặp biết bao nỗi truân chuyên. Có lúc tưởng gần như tới đích thì lại phải khựng lại. Nhìn từ bên ngoài, hai vườn hoa tại Toà Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà cho thấy rằng cuộc đấu tranh của tín hữu Công Giáo đã kết thúc bằng thất bại. Nhưng đó là nhìn từ bên ngoài.

Tìm hiểu kỹ hơn, ta sẽ thấy rằng qua các biến cố Toà Khâm Sứ – Thái Hà, người tín hữu Công Giáo Việt Nam hôm nay đã vượt qua nỗi sợ hãi, đã công khai bày tỏ một lòng tin sắt đá, đã đạt tới mức trưởng thành theo giáo huấn Công Đồng Va-ti-ca-nô II. Không ai chứng kiến hay theo dõi tin tức trên mạng liên quan đến hai phiên xử vụ Thái Hà mà không nhận ra điều đó.

Lửa về đến Tam Toà

Nếu khi xảy ra vụ Thái Hà mà đức cha Phao-lô Ma-ri-a Cao Đình Thuyên, giám mục giáo phận Vinh, chỉ ở nhà đọc báo và xem tivi thì mọi sự đã khác. Nhưng ngài đã đích thân đến Thái Hà hành hương. Và khi đã nghe tận tai, thấy tận mắt thì ngài đã công khai bày tỏ ý kiến của mình, lập trường của mình, xác tín của mình. Và câu nói đáng ghi vào lịch sử của ngài, không phải là “chuyện của Thái Hà thì Thái Hà lo” (kiểu như chuyện của Thiên An thì Thiên An lo), nhưng chuyện của Thái Hà cũng là chuyện của Vinh. Chính câu nói đó đã là cái mồi chuyển lửa từ Thái Hà tới Tam Toà như ta có thể chứng kiến từ một tháng nay.

Vừa ăn cướp vừa la làng

Khi xảy ra vụ Tam Toà (thuộc giáo phận Vinh) thì giám mục Vinh đang ở nước ngoài. Chính nhờ công nghệ thông tin mà ngài đã được báo cáo đầy đủ, và kịp thời chỉ đạo, để ở nhà, linh mục đoàn cũng như giáo dân, biết cách cùng nhau ứng phó theo tinh thần Ki-tô hữu. Trong vụ Tam Toà cũng như các vụ Toà Khâm Sứ và Thái Hà, chính quyền cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục sách lược vừa ăn cướp vừa la làng mà ai cũng biết, có khác chăng là mức độ tàn bạo, vì trong vụ Tam Toà thì không những giáo dân mà còn có 2 linh mục bị đánh trọng thương. Vấn đề là giáo phận Vinh ứng phó như thế nào.

Cuộc tập dượt vĩ đại

Ở đây không nhắc lại diễn biến của vụ Tam Toà đã được ghi lại tỉ mỉ trong rất nhiều bài viết, mà chỉ dừng lại ở ngày 15-08-2009, đại lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, bổn mạng giáo phận Vinh. Chỉ cần xem mấy băng-rôn dọc đường hay ngay tại lễ đài, ta cũng thấy được tinh thần bất khuất của cộng đoàn tín hữu Vinh:

– “Cả giáo phận chung tay hành động để cứu lấy Tam Toà.”

– “Chính quyền Quảng Bình phải chịu quả báo vì hành động bất công của mình.”

– “Cuối cùng phần thắng sẽ thuộc về công lý, về những người yêu mến Giáo Hội.”

– “Công lý sẽ đẩy lùi bất công.”

– “Tam Toà vững tin.”…


Người ta ước tính có khoảng 200.000 người tham dự thánh lễ tại quảng trường Toà Giám Mục Xã Đoài hôm 15-08. Điều đáng ghi nhận nữa, là sáng kiến của ban tổ chức: Thánh lễ khai mạc lúc 8 giờ 30. Đến giờ đó, các đoàn hành hương từ các nơi về Xã Đoài mà không đến kịp quảng trường Toà Giám Mục, thì cứ dừng lại dâng lễ tại chỗ. Những người đi trên quốc lộ 1A ngày hôm đó, khi đi qua phần đất Nghệ Tĩnh, chắc không khỏi ngạc nhiên vì những gì họ chứng kiến, tỉ dụ cảnh giáo dân tham dự thánh lễ ngay bên vệ đường, hay các biểu ngữ họ mang theo.

Sống dưới chế độ hà khắc mà tập hợp được 200.000 người đã là chuyện phi thường rồi, nhưng điều đáng nói hơn, chính là thông điệp được phát đi từ cuộc tập hợp đó, qua lời tuyên bố của vị Giám mục Chủ tế, đức cha Cao Đình Thuyên.

Một thông điệp hết sức rõ ràng

Thông điệp gồm hai điểm. Điểm thứ nhất: Giáo Hội không bạo động, Giáo Hội không nổi dậy. Giáo Hội chỉ đòi chân lý, đòi công bình. Có nghĩa là nhà cầm quyền khỏi lo Giáo Hội Công Giáo Việt Nam nổi dậy và dùng bạo lực để cướp chính quyền như Việt Minh hồi thập niên 40. Nhưng Giáo Hội đòi chân lý, đòi công bình. Đòi chứ không phải đi xin. Đòi bằng đối thoại, bằng trao đổi suốt bao nhiêu năm rồi, mà không đạt hiệu quả, thì nay đòi cách khác. Cuộc tập hợp 200.000 giáo dân ngày 15-08-2009 tại Xã Đoài trong ôn hoà và trật tự là một cuộc tập dượt thành công mỹ mãn. Đức cha Thuyên không phải là người văn chương chữ nghĩa, thường xuyên có bài đưa lên báo. Cũng không phải là người nói nhiều, nhưng khi đã nói, thì câu nào ra câu đó. Trong các vị giám mục đương chức, ngài không thuộc loại khoa bảng, bằng cấp đầy mình, nhưng không ai có kinh nghiệm sống và làm việc với chính quyền cộng sản như ngài.

Nếu nhìn khuôn mặt người nói, và chỉ thấy một ông già đã gần đất xa trời, mà chỉ chờ ngày ông “quy tiên”, thì chớ vội mừng. Và đây là điểm thứ hai của thông điệp: Giáo phận Vinh không chỉ có 1 Cao Đình Thuyên nhưng có tới 500.000 Cao Đình Thuyên. Đường lối của giáo phận Vinh, giáo sĩ cũng như giáo dân, đã quá rõ. Trong tương lai, vị nào đến thay đức cha Thuyên trong cương vị giám mục, thì cũng vậy thôi.

Cùng một ngôn ngữ

Khi đức cha Thuyên khẳng định là chỉ đòi chân lý, đòi công bình, ngài không làm gì khác hơn là lặp lại theo cách của ngài, nội dung lá thư ngỏ của HĐGMVN năm 2002. Cũng may mà trong HĐGM còn một vị nhớ đến văn kiện đó và long trọng nhắc lại ngay tại trụ sở UBND/TP. Hà Nội, đó là đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục Hà Nội. Nay thì đức cha Kiệt biết mình có ít nhất là một đồng minh. Giả sử đức Tổng Kiệt bị buộc phải rời Hà Nội, thì người thay thế được chính quyền chấp nhận, hẳn là người thuộc giới “yêu nước” ! Còn tại Vinh, người kế vị giám mục hiện nay có mang tên gì đi nữa, thì về tinh thần, chỉ có thể là một Cao Đình Thuyên II mà thôi. Nhìn vào hàng giám mục hiện nay, chắc không phải quá lời nếu nói đức cha Cao Đình Thuyên là một hiện tượng.

Những chuyện lạ đời

Nghe đâu có vị giám mục hay tin có tai nạn xảy ra nhân chuyến hành hương của tín hữu Việt Nam tại Missouri bên Hoa Kỳ thì đã tức tốc biên thư hiệp thông, nhưng với anh chị em giáo dân và linh mục bị đánh gãy tay, gãy răng thì không hề có một lời hiệp thông chia sẻ. Lạ hơn nữa, là theo lời kể của một linh mục có mặt tại cuộc hành hương La Vang dịp lễ Đức Mẹ Lên Trời năm nay, trong các bài giảng cũng như trong các ý cầu nguyện trong lời nguyện tín hữu, chớ chi có một lời nhắc đến anh chị em tín hữu Tam Toà bị bách hại. Đừng quên rằng từ 2006 trở về trước, Tam Toà là một giáo xứ của Tổng giáo phận Huế. Chẳng biết phải hiểu thế nào về mầu nhiệm hiệp thông ta tuyên xưng khi đọc kinh Tin Kính và thường nghe trong các bài giảng.

Học được gì qua đại lễ 15-08 tại Xã Đoài ?

Thật là uổng nếu không rút tỉa được một bài học từ đại lễ 15-08 tại Xã Đoài.

Với thiện chí sẵn sàng đối thoại, với lòng kính trọng đối với chính quyền, sau khi đã gửi văn thư hết lần này đến lần khác, chờ đợi suốt bao nhiêu tháng nếu không phải là bao nhiêu năm, mà vấn đề không được giải quyết, hoặc giải quyết cách không thoả đáng, thì tranh đấu bất bạo động là giải pháp cuối cùng. Đã tranh đấu, phải chấp nhận hy sinh: hy sinh cái lợi trước mắt để được cái lợi lâu dài. Tranh đấu muốn thành công thì phải mạnh. Sách lược của mọi chế độ độc tài là chia để trị, hay bẻ đũa từng chiếc. Sách lược này trở thành vô hiệu khi mọi người đoàn kết. Sự hiện diện của 200.000 người trong một cuộc lễ cho thấy sức mạnh của lòng tin, của tình đoàn kết, đồng thời cho thấy khả năng quy tụ của người lãnh đạo. Và đây mới chỉ là một cuộc tập dượt thôi, vì số tín hữu Công Giáo Vinh là nửa triệu người. Nếu giáo phận Vinh có tới nửa triệu Cao Đình Thuyên, và nếu trong hàng giám mục mà có được 30 Cao Đình Thuyên, thì Giáo Hội Việt Nam sẽ có 6 triệu Cao Đình Thuyên. Trong giả thuyết đó, với tư thế đó, đóng góp của Giáo Hội Công Giáo cho chính nghĩa đấu tranh cho tự do, dân chủ sẽ to lớn vô cùng.

Lửa cháy đến Sài Gòn

Sáng 20-08, vào trang mạng VietCatholic để săn tin, hình ảnh đập vào mắt tôi là nhà thờ Thủ Thiêm với bài mang tựa đề “TGP Saigon (chứ không phải Tp. Hồ Chí Minh nha!) không di dời nhà thờ Thủ Thiêm cũng như không di dời Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm” . Tôi thở phào rồi buột miệng: “Vậy mới được chứ !” Chẳng biết có phải cuộc lễ tưng bừng tại Xã Đoài hôm 15-08 đã gợi hứng cho lãnh đạo giáo phận Sài Gòn hay chăng, nhưng điều không thể chối cãi là lửa từ Toà Khâm Sứ, từ Thái Hà, từ Tam Toà, từ Xã Đoài… đã lan đến Thủ Thiêm, đến Sài Gòn.

Kết luận

Tôi nhìn hình tháp nhà thờ Thủ Thiêm, nghĩ đến cộng đoàn Dân Chúa nơi vùng đất một thời hoang dã này, nghĩ đến bao thế hệ nữ tu Dòng Mến Thánh giá, mà nước mắt cứ muốn trào ra. Chỉ cần Dân Chúa, bắt đầu từ những người lãnh đạo, nhận ra sức mạnh của lòng tin, của tình đoàn kết, chấp nhận hy sinh cái lợi trước mắt, chúng ta sẽ có một sức sống tinh thần mãnh liệt, cho chúng ta khả năng đóng góp không chỉ cho Giáo Hội Công Giáo, nhưng cho tất cả các tôn giáo, cho cả cộng đồng Dân Tộc Việt Nam hôm nay.

Sài-gòn, ngày 21 tháng 08 năm 2009

Email: pascaltinh@gmail.com
 
Giáo xứ Tam Tòa sau 30 ngày biến động
Gia Minh, RFA
20:02 21/08/2009
Hôm nay đúng một tháng kể từ ngày giáo dân xứ Tam Tòa dựng rạp tạm trên nền nhà thờ Tam Tòa ở thành phố Đồng Hới nhưng rồi bị chính quyền địa phương phá sập, tịch thu hết vật liệu, sau đó bắt giam 19 giáo dân với bảy người bị nêu danh khởi tố.

Tình hình đối với giáo dân ở khu vực thành phố Đồng Hới sau 30 ngày đầy biến động qua đến nay thế nào?

Không nhận tội không thả

Cho đến lúc này dù đại diện tỉnh Quảng Bình và phía Tòa Giám mục Xã Đoài, phụ trách giáo xứ Tam Tòa vẫn chưa có cuộc gặp trực tiếp để giải quyết tình hình vụ việc giáo xứ Tam Tòa.

Và trong số những người bị bắt tạm giam đến nay chỉ còn một phụ nữ bị giam giữ còn những người khác đều đã được phía chính quyền nói ‘tạm tha’. Phó chủ tịch Hội đồng giáo xứ Tam Tòa cho biết: “Còn chị Cao Thị Tình bị nhốt mà thôi, còn những người khác được thả ra vì họ bị ép buộc nhận tội, còn chị Cao Thị Tình thì nhất quyết không chịu nhận tội."

Công an tuyên truyền

Vào chủ nhật ngày 16 tháng 8 vừa qua, thì các giáo dân xứ Tam Tòa lại tập trung tại nhà của ông Trần Công Lý để dâng thánh lễ cùng với cha xứ Lê Thanh Hồng. Chị Trần Thị Yên, người từng bị hành hung vào chủ nhật sau khi xảy ra vụ việc hồi ngày 20 tháng 7, vừa rồi cũng đến dự thánh lễ cho biết:

Trước có đến mấy trăm người dự lễ nhưng chủ nhật vừa rồi chỉ có chừng 100 mà thôi. Cha đến làm lễ tại nhà nguyện và có cán bộ phường vào ngồi dự, còn phía dưới thì có công an. Cuối lễ họ có mời cha sang phường làm việc nhưng cha nói phải đi làm lễ chỗ khác nên không sang và họ cũng để cha đi.

Bản thân tôi thì vừa qua công an có đến nhà. Tôi nói chỉ tiếp lần này thôi còn nếu đến nữa thì không tiếp vì thứ nhất không có giờ và thứ hai là người dân sẽ hiểu lầm tôi làm gì mà công an đến làm việc. Công an nói chỉ đến để gần dân thôi; nhưng tôi nói chính công an, chính quyền tuyên truyền làm nhiều người hiểu nhầm người Công giáo đến nổi khi ra đường bị người khác ném đồ vào người. Công an nói do dân ý thức kém, tôi nói sao công an không phân nhóm ra để giải thích cho dân…”


Đối với linh mục Lê Thanh Hồng, thì được biết chính quyền Quảng Bình trong thời gian qua có gửi thư mời ông đến làm việc nhưng ông từ chối với những lý do sau: “Công an có gửi một giấy mời tôi đến làm việc nhưng tôi đưa ra lý do là vì nay chưa an toàn cho linh mục, hai là sự việc nay do Tòa Giám mục giải quyết…”

Theo Linh mục Lê Thanh Hồng thì mọi vấn đề về giáo xứ Tam Tòa nay thuộc thẩm quyền giải quyết từ phía Tòa giám mục Xã Đoài, giáo phận Vinh và tỉnh Quảng Bình.

(Nguồn: RFA)
 
Hình ảnh khu nhà thờ Tam Tòa đang bị nhà cầm quyền Quảng Bình cho xe ùi cầy xới lên!
PV VietCatholic
20:12 21/08/2009
QUẢNG BÌNH - Sau đây là một số hình ảnh khu nhà thờ Tam Tòa trong vài ngày qua đang bị cày xới. Chính quyền Quảng Bình đang làm điều xấu xa mà chính họ đã nói người giáo dân vi phạm "tự ý dựng lán tạm" nay Quảng Bình cũng"tự ý dùng máy múc, đào xới" mà không có một ý kiến nào từ người chủ sở hữu là Tòa giám mục Vinh. Thật là đáng xấu hổ và lộ rõ chính sách của tỉnh Quảng Bình!

 
Tin Đáng Chú Ý
Mặt trời phát quầng lúc 12 giờ ở Vinh, Nghệ An
Dân Trí
19:37 21/08/2009
(Dân trí) - Hàng ngàn người dân TP Vinh, Nghệ An vào lúc 12 giờ trưa ngày 20/8 đã được tận mắt chứng kiến cảnh mặt trời phát quầng sáng một cách kỳ lạ. Hiện tượng mặt trời phát quầng xuất hiện khi đồng hồ bắt đầu điểm 12 giờ trưa và xảy ra trong vòng 20 phút. Xung quanh mặt trời có một quầng sáng to tròn, có viền màu hồng đỏ. Rất đông người dân ở TP Vinh đã tụ tập để chiêm ngưỡng quầng sáng lạ này.

Một số người lo lắng cho rằng, hiện tượng này là dấu hiệu dự báo sẽ có mưa to, lũ lụt (?)... nhưng đa số đều tỏ ra thích thú bởi chưa bao giờ thấy mặt trời đẹp lạ thế này.

Cũng trong ngày hôm qua (20/8), vào buổi chiều muộn, người dân Hà Nội cũng được chiêm ngưỡng cầu vồng và những đám mây có hình thù đẹp trôi trên trời. Mặt trời xuất hiện hiện tượng quầng sáng được khoảng 5 phút thì một đám mây như đuôi con vật xuất hiện bên cạnh. Đám mây trắng nhỏ xoay trong bán kính vòng sáng khiến nhiều người trầm trồ thích thú.



(Nguồn: http://dantri.com.vn/c20/s20-345326/mat-troi-phat-quang-luc-12-gio-o-nghe-an.htm)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Về Phú Quốc
Lm. Trần Cao Tường
01:52 21/08/2009

VỀ PHÚ QUỐC



Ảnh của Cao Tường

Gửi cho em viên sỏi nhỏ bên đường,

Em sẽ nhớ ra muôn ngàn lối cũ.

(Thơ Cao Tần)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Mầu Xanh Của Nắng
Nguyễn Tro Bụi
06:10 21/08/2009

MẦU XANH CỦA NẮNG



Ảnh của Nguyễn Tro Bụi


Một hơi gió lạ

Một làn nắng mới

Một đời nhọc nhằn tạm qua

Ta, giữa trời đất bao la

Mênh mông một cõi mộng xa vô thường…

(Trích thơ của Thân Trọng Lệ Uyên)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền