Ngày 16-08-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tình Mẹ thương con
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
06:48 16/08/2017
Chúa Nhật 20 Thường Niên A

Tình mẹ thương con, bao la như trời như biển. Không có thứ tình cảm nào đậm đà và cao quý như tình mẹ thương con. Đã có biết bao thi ca nhạc phẩm, đã có vô vàn câu hò điệu hát ca tụng tình mẹ thiêng liêng.

“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào.
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào.”

Với giai điệu mượt mà sâu lắng, với ca từ thấm đẫm chất thơ gợi lên những hình ảnh bình dị, gần gũi, nhạc sĩ Y Vân đã viết ca khúc tuyệt vời ca ngợi tình mẹ.

Thương con mẹ nào có quản nắng mưa, có ngại gì sớm khuya vất vả… Tình mẹ mãi mãi là như thế. Dẫu ở thời nào, dẫu thuộc nền văn minh văn hóa nào và dẫu ở đâu, tình mẹ muôn đời vẫn thế.

Đố ai đếm được lá rừng,
Đố ai đếm được mấy từng trời cao,
Đố ai đếm được những vì sao,
Đố ai đếm được, công lao mẫu từ.

Vào tháng 12 năm 1987 một cơn động đất lớn xảy ra ở xứ Armênia thuộc Liên Xô cũ, đã chôn vùi hằng ngàn người. Trong số những người bị chôn dưới đống gạch vụn có hai mẹ con bà Suzanna. Hai mẹ con may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ. Tất cả lương thực họ có chỉ là một hủ mứt nhỏ. Nhưng chẳng bao lâu hũ mứt cũng hết sạch. Lúc đó đứa con 4 tuổi kêu lên: "Mẹ ơi con khát quá". Bà Suzanna không biết tìm đâu ra nước cho con. Nhưng tình mẫu tử đã gợi cho bà một sáng kiến táo bạo: bà dùng một miếng kính vỡ cắt đầu ngón tay mình cho máu chảy ra và đưa vào miệng đứa con cho nó mút. Một lúc sau nữa nó lại kêu khát, bà lại cắt một đầu ngón tay nữa. Cứ như thế cho đến cuối cùng người ta cứu hai mẹ con ra. Sau khi ra ngoài, bà mẹ cho biết rằng: "Lúc đó tôi biết thế nào tôi cũng chết. Nhưng tôi muốn con tôi sống".

Bà mẹ Armênia trong câu chuyện và bà mẹ Canaan trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay là một hình ảnh sống động minh họa cho tình mẫu tử thiêng liêng cao cả.

Thương đứa con gái bị quỷ ám, bà đã lặn lội đi tìm Chúa Giêsu, nài nỉ van xin, bị xua đuổi bà vẫn kiên trì, bị nói nặng là "đồ chó", bà vẫn không nản. Kiên trì và khiêm tốn chứng tỏ nơi bà có một tình yêu mãnh liệt và một lòng tin mạnh mẽ.
.

Thật cảm động trước tình thương dạt dào của người mẹ Canaan. Thật cảm phục một lòng tin kiên vững của người phụ nữ ngoại giáo. Tình yêu và lòng tin ấy cứ xoắn quyện với nhau. Tình yêu dẫn đến lòng tin. Tình yêu kiện cường lòng tin. Biểu lộ của lòng tin cũng chính là biểu lộ của tình yêu. Lòng tin và tình yêu đi đôi với nhau giúp cho con người một sức mạnh để can đảm, kiên trì và khiêm tốn.Lòng tin và tình yêu cho bà mẹ Canaan có được một sức mạnh thật kỳ diệu, vượt thắng mọi thử thách và đi đến cùng trong việc cứu chữa con gái.

Thương con,bà đã chạy thầy chạy thuốc khắp nơi. Không rõ nhờ đâu mà bà biết được Chúa Giêsu, nhưng khi thấy Người bà tin rằng cơ may đã đến. Bà gọi Người là Con Vua Đavít, bà đặt trọn niềm tin vào Người, vị cứu tinh duy nhất của bà.

Dẫu biết rằng bà thuộc dân ngoại, còn Chúa Giêsu là người Do Thái, hai dân tộc có mối thù truyền kiếp không giao du tiếp xúc với nhau, nhưng lòng thương con đã khiến bà bất chấp ranh giới cấm kỵ hận thù để đến với Chúa trong tư thế một người xin ơn.

Thương con nên khổ vì con. Người mẹ Canaan xin với Chúa Giêsu: “Xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỉ nhập khổ sở lắm.” Đứa con bị quỉ nhập khổ sở là đúng rồi. Thế nhưng thực tế ai khổ hơn ai, đứa con hay bà mẹ? Con đau khổ một, còn mẹ khổ mười. Mỗi lần con rên, con quằn quại là lòng mẹ quặn đau như muối xát, mẹ ước gì được lãnh lấy mọi cơn đau của con. Chắc hẳn, các bà mẹ đều đã trải qua những kinh nghiệm như thế. Chính vì thế thay vì nói “Xin dủ lòng thương con tôi” bà lại nói: “Xin dủ lòng thương tôi!”

Bà xin Chúa nhìn đến nỗi đau của một bà mẹ, đau vì nỗi đau của đứa con. Nhưng Chúa Giêsu không đáp lại một lời. Tại sao Chúa lại lãnh đạm với nổi đau của con người như vậy? Chúa thinh lặng để bà thấm thía được sự bất lực của mình, và nhờ đó mà thấy được rõ hơn rằng, Thiên Chúa là nơi nương tựa duy nhất của con người.

Bà chẳng ngã lòng trước thái độ lạnh lùng của Chúa Giêsu. Bà cứ lẽo đẽo theo sau mà nài nẵng xin mãi xin hoài đến nổi các môn đệ không chịu được những lời lẽo nhẽo ấy nên trình với Chúa để đuổi bà về.

Mặc kệ thái độ khó chịu của các môn đệ, bà trực tiếp giáp mặt Chúa Giêsu và nài xin cứu giúp. Lần này thì bà lãnh đủ một gáo nước lạnh: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.”. Sao lạ vậy? Chúa Giêsu mới làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người, vậy mà Người lại nhẫn tâm khước từ mẩu bánh nhỏ cho người đàn bà khốn khổ này ư? Những lời khó nghe Chúa dùng cũng là lời nói với mọi người, để cho ai cũng thấy được ơn cứu độ là một hồng ân Chúa ban bởi lòng thương xót, chứ không phải bởi sự xứng đáng của bất cứ ai.

Câu chuyện đã đi đến cao điểm, thử thách đã đến cùng tột. Chính trong cơn thử thách như thế ta mới thấy hết vẻ đẹp của tình mẫu tử và lòng tin của bà.

Bà chấp nhận lối so sánh của Chúa. Bà không dám mong được những ân huệ như dân Do Thái, bà chỉ xin chút vụn vặt thừa thãi cho con bà, bởi vì “lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”

Đến đây thì Chúa Giêsu chẳng còn lý do gì để chối từ, Người nói: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật! Bà muốn sao thì được như vậy.” Nhận biết mình hèn mọn nên hoàn toàn cậy dựa vào lòng trắc ẩn của Chúa. Đó là sức mạnh của người mẹ Canaan. Thiên Chúa đầy lòng thương xót không thể từ chối lời nài van của một người không sao tìm ra một nơi nương tựa nào khác ngoài lòng trắc ẩn của Ngài, và Chúa Giêsu nói: “Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy”.

Làm sao mà Chúa có thể chối từ được trước tình yêu bao la và niềm tin mạnh mẽ đến vậy. Không phải Người đã từng bảo: “Hãy xin thì sẽ cho, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở” đó sao? Hơn nữa, Người cũng có một bà mẹ là Đức Maria. Rồi sẽ có ngày Mẹ Người sẽ khổ đau đi theo con trên chặng đường thương khó, trái tim Mẹ như bị lưỡi gươm đâm thâu khi đứng dưới chân thập giá. Có lẽ nổi đau khổ của bà mẹ Canaan này khiến Chúa Giêsu chạnh nghĩ đến mẹ của mình. Người hiểu tấm lòng của các bà mẹ, nên chẳng nỡ chối từ những gì các bà mẹ trong cơn đau khổ cầu xin.

Lòng tin và tình yêu giống như đôi cánh đã giúp người mẹ Canaan bay lên rất cao và bay đi rất xa. Cao lên tới Thiên Chúa. Xa khỏi những ngăn cách trắc trở. Đến với Chúa Giêsu bằng lòng tin và tình yêu, người mẹ Canaan nhận được một tình yêu quyền năng. Thánh Phaolô chia sẽ kinh nghiệm này: “Tôi có thể làm được mọi sự nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4,13).

Bà mẹ Canaan là tấm gương cho các bậc làm cha làm mẹ. Cha mẹ nào mà chẳng thương con. Vì thương con nên mới khổ vì con. Chắc hẳn, con đau bệnh không làm khổ lòng cha mẹ cho bằng con hư hỏng. Bao cha mẹ đã bạc mái đầu vì những đứa con ngỗ nghịch hư hỏng, bao bà mẹ đã khóc hết nước mắt vì có đứa con lỡ vướng vào các tệ nạn vào ma tuý… Trong trường hợp đó, lòng thương con của các bậc cha mẹ có xoắn quyện chặt chẽ với lòng tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa hay không? Các bậc cha mẹ đã làm hết cách, đã tha thiết cầu xin, đã kiên tâm cầu khẩn, đã tin tưởng cầu nguyện như người mẹ Canaan này chưa?.

Chúa Giêsu đã khen ngợi đức tin của người đàn bà ngoại giáo. Chúa đã đánh giá lòng kiên nhẫn của bà là một bằng chứng đức tin. Chúa đề cao một mẫu gương về đức khiêm tốn, kiên trì và phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa.

Giáo Hội chuẩn bị mừng lễ thánh Monica và thánh Augustinô. Xuyên suốt 18 năm dài, mẹ Mônica luôn cầu xin cho con trai Augustinô. Hằng ngày bà hy sinh, ăn chay và hãm mình cầu nguyện cho người chồng khô khan và con trai lầm lạc. Đã có lần đức tin của bà cũng bị lung lay.Thánh Ambrôsiô khuyên nhủ: "Bà hãy yên trí, đứa con của biết bao giọt nước mắt sẽ không thể nào hư mất". Nhờ niềm tin kiên cường của người mẹ nên Thiên Chúa đã thay đổi cuộc đời người con. Augustinô từ bỏ con đường tội lỗi và sống đời thánh thiện, trở nên vị thánh lớn của Giáo Hội.

Nhiều gia đình ngày nay có những người mẹ khổ đau vì con cái hư hỏng hay lâm bệnh hiểm nghèo. Hãy noi gương bà mẹ Canaan, mẹ thánh Mônica, tin tưởng và cầu xin. Chúa sẽ ban ơn cho những người mẹ có đức tin chân thành, kiên nhẫn.

Tình mẹ thương con là tình cảm thiêng liêng cao quý nhất. Chính Con Một Thiên Chúa Nhập Thể làm người cũng đã nhận lấy con đường bình thường mà trân quý ấy. Maria, người nữ Sion đã vâng phục ngay từ ngày đầu khi thiên sứ truyền tin. Từ đó, Mẹ đã nhận lấy những nhọc nhằn vất vả của vai trò làm mẹ. Mẹ đã đảm nhận trọn vẹn thiên chức cao quý nhưng không thiếu gian truân khổ đau như bất cứ người mẹ nào trong nhân loại. Trong lòng tin, người Mẹ ấy đã âm thầm vâng phục, đón nhận, lắng nghe và bước theo Con của mình trong hành trình cứu độ. Cuối cùng, người nữ ấy được Thiên Chúa đoái thương cất nhắc về Trời cả hồn lẫn xác, một trong bốn đặc ân cao cả Thiên Chúa đã ban cho Mẹ.

Mẹ Maria đang được hưởng niềm vui thiên quốc. Mẹ hằng yêu thương con cái trên đường hành hương về quê trời.Trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng ta tin rằng có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở.Trong niềm hy vọng sẽ được về trời với Mẹ, chúng ta nhìn lên Mẹ như mẫu gương của lòng cậy trông, kiên nhẫn với tin yêu và hy vọng.






 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một nữ tu nhận giải thưởng về việc xây nhịp cầu thân hữu với Trung quốc
Hồng Thủy
08:31 16/08/2017
New York – Hôm 12/08, trong đại hội toàn quốc lần thứ 27 của phân bộ về Trung hoa được tổ chức tại đại học thánh Gioan, nữ tu Janet Carroll, dòng Maryknoll, đã được trao giải thưởng Matteo Ricci. Đây là giải thưởng mang tên nhà truyền giáo dòng Tên sống vào thế kỷ XVI, là vinh dự dành cho những người thực hiện tốt nhất sứ mệnh xây dựng nhịp cầu hữu nghị và phục vụ giữa Giáo Hội Công Giáo ở Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Sơ Janet Carroll sinh tại New York và gia nhập dòng Maryknoll từ hơn 60 năm. Sơ đã phục vụ tại Trung quốc và Đài loan trong những năm 1950 và 1960. Sơ đã thành lập phân bộ Công Giáo Trung hoa ở Hoa kỳ và đã hướng dẫn 11 nhóm nghiên cứu do phân bộ này tài trợ đến Trung quốc. Sơ là cố vấn và hướng dẫn cho chương trình học hỏi của các giáo viên và các nhà huấn luyện Trung quốc, một chương trình giúp huấn luyện các linh mục và nữ tu Trung quốc trong vai trò lãnh đạo.

Ông Tom McGuire, chủ tịch của phân bộ Công Giáo Trung hoa đã nhắc đến hoạt động như một tông đồ truyền giáo của sơ Janet và ca ngợi những nỗ lực của sơ trong việc thành lập phân bộ vào năm 1989. Ông nói: “Kiến thức của sơ về tiếng Hoa, về văn hóa và lịch sử, cùng với việc sơ học về quan hệ quốc tế, đã tạo nên một phân bộ Trung quốc năng động trong Giáo Hội Công Giáo Hoa kỳ. Những điều này đã tạo nên các sáng kiến mạnh mẽ cho các chương trình huấn luyện ở Hoa kỳ và xây dựng nhịp cầu tình bạn với nhân dân Trung quốc.”

Sơ Janet cho biết sơ muốn thành lập phân bộ Công Giáo Trung hoa để các tín hữu Công Giáo ở Hoa kỳ có thể hiểu hơn và tôn trọng dành cho người dân Trung quốc và nền văn hóa của họ. Sơ biết là những cuộc bách hại tôn giáo và tra tấn khủng khiếp ở Trung hoa vào giữa thế kỷ 20 đã đem lại một cái nhìn tiêu cực về người Trung quốc. Sơ nhắc đến Đức Cha Francis Ford, một tu sĩ truyền giáo Maryknoll đã bị cộng sản Trung quốc tra tấn và chết trong tù năm 1952. Nhưng sơ cũng cho biết, những người ủng hộ sơ mạnh mẽ nhất chính là các nữ tu đã bị đau khổ ở Trung quốc và chính các nữ tu này hiểu rằng tha thứ và quên và tiếp tục tiến bước là điều rất quan trọng đối với họ. Sơ nhấn mạnh: “Tôi đã cố gắng nói với mọi người rằng chúng tôi không liên hệ với đảng cộng sản ở Trung quốc, chúng tôi liên hệ với dân của Chúa, dân của đức tin.” (CNS 15/08/2017
 
Dấn thân của Toà Thánh trong việc thăng tiến và bảo vệ các quyền con người
Linh Tiến Khải
08:33 16/08/2017
Dấn thân của Toà Thánh trong việc thăng tiến các quyền con người. Phần đầu bài thuyết trình của Đức Ông Paolo Rudelli quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh Hội Đồng Âu châu Strasbourg (Rei 28-7-2017)

Chiều ngày 28 tháng 7 vừa qua Đức Ông Paolo Rudelli, quan sát viên thường trực của Toà Thánh cạnh Hội Đồng Âu châu Strasbourg, đã mạnh mẽ khẳng định rằng Toà Thánh và Giáo Hội sẽ luôn luôn dấn thân bênh vực và thăng tiến các quyền con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo, sự thánh thiêng của sự sống và gia đình xây dựng trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Đức Ông đã khẳng định như trên trong bài tham luận về đề tài “Việc thăng tiến các quyền con người trong hoạt dộng quốc tế của Toà Thánh”, trong khuôn khổ các buổi diễn thuyết tại Rovereto, tỉnh Trento. Buổi diễn thuyết do Hiệp hội “Campana dei Caduti Maria dolens “Chuông tử sĩ Đức Maria khổ đau”, tổ chức. Đây là hiệp hội cổ võ giáo dục các thế hệ trẻ yêu chuộng hoà bình và tôn trọng nhân quyền qua các hoạt động văn hoá và ngoại giao.

Quả chuông tưởng niệm các binh sĩ tử trận trong Đệ Nhất Thế Chiến, cũng như mọi người đã chết vì bất cứ lý do gì. Quả chuông được đúc bằng đồng lấy từ các khẩu súng đại bác của 19 quốc gia tham dự Đệ Nhất Thế Chiến. Nó được đúc năm 1924 và đưa về đặt tại Rovereto năm 1925. Sau đó quả chuông được đúc lại ba lần nữa: lần cuối cùng năm 1964 và sáu khi được ĐGH Phaolo VI làm phép ngày 31 tháng 10 năm 1965 tại quảng trường thánh Phêrô, nó được đưa về đặt trên đồi Miravalle. Quả chuông nặng 22 tấn 639 ký, cao 3 thuớc 36, đường kính 3 mét 21, và có nốt Si Bemol. Đây là quả chuông lớn hàng thứ tư trên thế giới sau quả chuông của công viên Gotemba bên Nhật Bản nặng 36 tấn, quả chuông Millenium Newport bên Hoa Kỳ nặng 33 tấn, và quả chuông Petersglocke của nhà thờ chính toà Koeln bên Đức nặng 24 tấn.

Trong bài thuyết trình Đức Ông Rudelli đã tóm tắt các hoạt động nổi bật của Toà Thánh và các Giáo Hoàng trong hai thế kỷ XIX-XX, đặc biệt các nỗ lực của các Giáo Hoàng trong việc bảo vệ các quyền con người nhất là quyền tự do tôn giáo. Vị đại diện Toà Thánh đã nhấn mạnh phần đóng góp của các Giáo Hoàng từ Đức Leo XIII đến Đức Gioan XXIII và của Công Đồng Chung Vaticăng II. Cách riêng các đóng góp của Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phaolô II, Đức Biển Đức XVI và Đức Phanxicô qua các giáo huấn, các thông điệp, sứ điệp và các diễn văn của các vị truớc các tổ chức quốc tế. Dữ kiện mạc khải con người được tạo dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa là điểm khởi hành và là nền tảng của phẩm giá và các quyền bất khả xâm phạm của con người, mà Toà Thánh và Giáo Hội đã luôn luôn mạnh mẽ giảng dậy, bảo vệ và bênh vực.

** Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị phần đầu bài thuyết trình nói trên.

Sau khi cám ơn ban tổ chức và quý vị quan khách, Đức Ông Rudelli nói đề tài của cuộc gặp gỡ hôm nay tiếp tục bài thuyết trình của ĐHY Lorenzo Baldisseri về “Hoạt động quốc tế của Toà Thánh thăng tiến hoà bình” ngày 24 tháng 2 năm nay. Trong dịp đó ĐHY đã trình bầy họat động ngoại giao của Toà Thánh trong lãnh vực hai chiều, nhất là trong lăng kính các thỏa hiệp ký kết giữa Toà Thánh và các quốc gia. Lần này Đức Ông sẽ khai triển khía cạnh hoạt động quốc tế của Toà Thánh trong các thập niên cuối cùng này trong nỗ lực thăng tiến hoà bình và bảo vệ các quyền con người.

Giữa hai thế kỷ XIX-XX Giáo Hội Công Giáo đã chậm chạp và không thiếu sự dè dặt trong các giáo huấn bảo vệ các quyền con người. Ngay trong dịp thảo luận về việc soạn thảo Bản tuyên ngôn về các quyền con người hồi năm 1789 có sự tham dự của vài giáo sĩ người ta đã minh nhiên hai vấn đề chính xem ra khó có giải pháp dễ dàng đối với lập trường Công Giáo. Vấn đề thứ nhất liên quan tới sự cần thiết hay không cần thiết nêu rõ một nền tảng của các quyền con người, vì nó đã được nhận diện trong bản tính nhân loại hay trong Thiên Chúa Tạo Hoá. Vấn đề thứ hai liên quan tới quyền tự do tôn giáo xem ra được đặt trên cùng bình diện như bất cứ loại lựa chọn nào khác, bằng cách hy sinh sự thật và các quyền của nó. Thêm vào đó là một thái độ báo thù từ nhiều vị thăng tiến các quyền con người chống lại Giáo Hội Công Giáo và các đặc ân mà tôn giáo được hưởng trong hệ thống của chế độ cũ. Thái độ này chắc chắn đã không tạo thuận tiện cho việc chấp nhận các tư tưởng mới trong lãnh vực Công Giáo.

Thật thế, lập trường của các Giáo Hoàng thuộc thế kỷ XIX đã trở thành cứng rắn hơn: đi từ chỗ lên án các tư tưởng mới từ phiá Đức Pio VI trong đoản sắc “Quod ali quantum” năm 1791 nằm trong khung cảnh tổng quát hơn của việc phê bình luật mới buộc hàng giáo sĩ thề trung thành với Hiến pháp dân sự cho tới các tài liệu có tính cách dấn thân hơn trên bình diện giáo lý, trực tiếp phản đối các nguyên tắc được đề ra năm 1789, như các Thông điệp Mirari vos năm 1832 và Singulari vos năm 1834 của ĐGH Gregorio XVI, để đi tới các đề nghị bị ĐGH Pio IX kết án trong Thông điệp Sillabo năm 1864. Lập trường này sống chung với sự cần thiết từ phiá Toà Thánh tìm ra các thoả hiệp với các chính quyền tự do, để bảo vệ sự tự do của Giáo Hội: các thỏa hiệp này nhiều khi đi tới chỗ khoan nhượng với các nguyên tắc bị chỉ trích. Đàng khác, có vài tín hữu Công Giáo bắt đầu dùng chính các quyền năm 1789 để đòi hỏi tự do giảng dậy và tự do hoạt động của Giáo Hội bên trong các chế độ chính trị tự do.

** Triều đại của ĐGH Leo XIII ghi dấu điểm phân chia: một đàng người ta nhấn mạnh việc lên án các quyền tự do tân tiến, đàng khác người ta bắt đầu nói tới việc có thể khoan nhượng với các tư tưởng này trong tình trạng hình cụ thể. Điều này mở ra cho các tín hữu Công Giáo khả thế dấn thân trong lãnh vực chính trị. Đồng thời ĐGH Leo XIII phát động lý thuyết của luật lệ tự nhiên như là nền tảng của việc chung sống dân sự, là một đề tài tuy nằm trên một bình diện khác với bình diện của các quyền con người, nhưng có chung với nó nguyên tắc của một luật lệ cao hơn và không thể tuỳ thuộc chính quyền quốc gia. Đây là một sự chung chạ sẽ mau chóng biến thành đồng quy sẽ cho phép Giáo Hội trở lại đối thoại với sự tân tiến, tuy sẽ không bao giờ đi tới chỗ đồng hoá với nó. Việc đối thoại này sẽ xảy ra với Thông điệp Rerum novarum Tân sự. Từ luật tự nhiên thông điệp sẽ khẳng định quyền tư sản tự nhiên, quyền được trả lương công bằng, quyền lập hội giữa các công nhân, và như thế đặt nền cho giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công Giáo. Với Đức Leo XIII cũng sẽ mở ra khả thể của một sự hiện diện canh tân của Toà Thánh trên trường quốc tế, sau chấn thương bị gây ra bởi vịêc chấm dứt Quốc gia của ĐGH.

Một sự hiện diện mà một cộng sự viên cổ xưa của Phủ quốc vụ khanh Toà Thánh, Đức Biển Đức XV, sẽ diễn tả ra trong một cách mới mẻ nhân dịp ngài có sáng kiến này mùng 1 tháng 8 năm 1917 gửi Thông tư cho giới lãnh đạo các quốc gia lâm chiến hồi Đệ Nhất Thế Chiến, mà chúng ta kỷ niệm 100 năm trong các ngày này. Thông tư không nói tới các quyền tự nhiên, nhưng quy chiếu hai lần “sức mạnh luân lý của quyền lợi” và “dấn thân của quyền lợi” như các nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế. Nhưng rất tiếc chúng ta biết rằng sáng kiến của ĐTC Biên Đức XV đã không thành công, tuy nhiên nó sẽ làm thành một sự kiện mới đối với sự hiện diện của Toà Thánh trên trường quốc tế: việc quy chiếu sức mạnh của quyền lợi, quy chiếu truyền thống của luật của dân chúng cổ xưa, sẽ cho thấy nó phong phú, chính trong sự tương tác của nó với các quyền con người, đối với hoạt động của Toà Thánh trong thế kỷ XX tiếp theo.

** Đề tài các quyền tự nhiên sẽ thời sự trở lại trong cuộc chiến đấu của ĐGH Pio XI chống lại các chế độ độc tài, và sẽ tiến triển với ĐGH Pio XII trong đệ nhị thế chiến với việc công khai thừa nhận “các quyền nền tảng của con người” và “các quyền bất khả nhượng của con người” như là các nền tảng không thể thiếu cho việc xây dựng một trật tự công bằng và hoà bình. Trước việc công bố Bản tuyên ngôn nhân quyền năm 1948 sẽ xảy ra trong lãnh vực Công Giáo các nghi ngờ cổ xưa: một đàng có người than phiền về việc thiếu thừa nhận một nền tảng siêu việt đối với giáo lý về nhân quyền, có nguy cơ giảm thiểu sự vững chãi của toàn toà nhà, đàng khác lại có người, như triết gia Jacques Maritain, sẽ ủng hộ khả thể của một thoả hiệp thực tiễn về các quyền cần bảo vệ, vượt ra ngoài các khác biệt giáo lý, và sau cùng trở thành một chiếm hữu quan trọng nhất. Thật thế, ĐGH Pio XII sẽ không bao giờ nhắc tới Bản tuyên ngôn đại đồng. Phải đợi cho tới Thông điệp “Pacem in terris Hoà Bình dưới thế” mà ĐGH Gioan XXIII công bố vào tháng 4 năm 1963, ít ngày trước khi ngài qua đời, để tìm thấy một việc đánh giá tích cực Bản tuyên ngôn nhân quyền trong huấn quyền Giáo Hội. Đức Gioan XXIII đã khẳng định rằng mặc dù có các phản bác và dè dặt có nền tảng đối với vài điểm trong Bản tuyên ngôn, nhưng chắc chắn nó là một tài liệu ghi dấu một bước tiến quan trọng trên con đường tiến tới tổ chức pháp lý chính trị của cộng đồng quốc tế. Ngài cầu chúc tổ chức Liên Hiệp Quốc trung thành với nhiệm vụ cao quý của nó, và trong tương lại có thể trờ thành một bảo vệ hữu hiệu các quyền nảy sinh từ phẩm giá con người và vì thế chúng là các quyền đại đồng, bất khả xâm phạm và bất khả nhượng. Thông điệp thật sự là một khúc rẽ trong tương quan giữa giáo huấn của giáo hoàng và các quyền con người.

ĐGH Gioan XXIII đã không quên nhiều hạn hẹp mà huấn quyền trước đó đã có liên quan tới tư tưởng về các quyền con người: sự cần thiết chúng phải được hiểu qua lương tâm ngay thẳng hay qua lý trí ngay thẳng, việc quy chiếu nhân tính và trật tự luân lý được Thiên Chúa ghi dấu trong đó, việc khước từ tư tưởng các quyền chỉ duy nhất nảy sinh từ ý muốn của con người. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên người ta chấp nhận sự đồng quy giữa bảng các quyền do Tuyên ngôn năm 1948 đưa ra và bảng do cơ cấu của Giáo Hội công bố. Công Đồng Chung Vaticăng II đang họp khi đó, sẽ không xa cách nhiều với lập trường của Đức Gioan XXIII. Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng Gaudium et spes chứa đựng nhiều quy chiếu “các quyền căn bản của con người”, là kiểu nói đã được dùng bởi huấn quyền của Đức Pio XII và nó như là một giàn xếp giữa “các quyền tự nhiên” được truyền thống Giáo Hội ủng hộ và “các quyền con người” được các dụng cụ quốc tế công bố. Tuy nhiên, Hiến chế công đồng khẳng định trong một đoạn rằng “Do sức mạnh của Tin Mừng được giao phó cho mình Giáo Hội công bố các quyền con người, thừa nhận và đánh giá rất cao năng động, qua đó ngày nay các quyền này được thăng tiến khắp nơi”, và thêm ngay lập tức rằng “nhưng phong trào này phải được thấm nhuần tinh thần Tin Mừng”. Một va chạm lớn hơn nữa đối với các phát triển tiếp theo sẽ là việc công khai thừa nhận quyền tự do tôn giáo đã được khẳng định và khaí triển trong Tuyên ngôn về Phẩm giá con người Dignitatis humanae của Công Đồng Chung Vaticăng II.
 
Đại Sứ Nga đề cao tầm cuộc viếng thăm của ĐHY Parolin ở Nga
Lm. Trần Đức Anh OP
09:04 16/08/2017
ROMA. Đại sứ Nga cạnh Tòa Thánh, ông Alexander Avdeev, tuyên bố rằng cuộc viếng thăm sắp tới của ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh tại Nga, là ”rất quan trọng”.

ĐHY Parolin sẽ lên đường chiều ngày 20-8 tới đây để viếng thăm chính thức tại Nga cho đến 24-8, và gặp Tổng thống Vladimir Putin cũng như Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga Kirill I.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho mạng thông tin Vatican Insider ngày 14-8 vừa qua, Đại Sứ Nga nói: ”Chúng tôi tin tưởng rằng cuộc viếng thăm của ĐHY Parolin sẽ góp phần phát triển các quan hệ song phương giữa Tòa Thánh và Nga. Chúng tôi đã có những tiền đề quan trọng về vấn đề này, đó là một sự tin tưởng và tín nhiệm nhau, cũng như có những tương đồng quan điểm về nhiều vấn đề. Bầu không khí hoàn hảo của những tương quan ấy cũng được củng cố nhờ những quan hệ tốt giữa Giáo Hội Công Giáo và Tòa Thượng Phụ Mascơva. Đây là kết quả trực tiếp của cuộc gặp gỡ tại Cuba giữa ĐGH Phanxicô và Đức Thượng Phụ Kirill”.

Đại Sứ Avdeev cũng nói rằng: Các vị lãnh đạo cấp cao nhất của Nga dành một tầm quan trọng lớn cho cuộc viếng thăm của ĐHY Parolin tại Mascơva. Đây là một biến cố quan trọng, xét vì trên thế giới ngày nay, ĐGH Phanxicô có một uy tín lớn. Chắc chắn sẽ có những cuộc thảo luận về các đề tài Trung Đông, nhất là tình trạng tại Siria, cũng như các cuộc xung đột khác trên thế giới. Có một lối tiếp cận giống nhau giữa Nga và Vatican: trước tiên chúng tôi tin rằng tất cả các cuộc xung đột phải được giải quyết bằng đối thoại và thương thuyết. Cần kiên trì trong những nỗ lực quốc tế để giải quyết tình trạng ở Siria, tiếp tục những tiến trình hòa đàm tại Astana và Genève, nêu cao ngọn cờ chiến đấu chống nhóm Hồi giáo IS..

Theo Đại sứ Avdevv, về Ucraina, Vatican cũng như Nga đều nhắc nhở các phe liên hệ trong cuộc xung đột hãy trung thành thi hành những hiệp định đã ký kết tại thành phố Minsk. ”Ngoài ra, chúng ta phải luôn nghĩ đến những người sống đang sống trong vùng xung đột và họ rất cần được những trợ giúp nhân đạo và tình cảm thông của con người” (Vat. Insider 14-8-2017)

Mặt khác, Tổng thư ký HĐGM Nga, Đức Ông Igor Kovalevsky bày tỏ hy vọng rằng trong cuộc viếng thăm, ĐHY Parolin cũng đề cập với chính quyền Nga về những khó khăn thực tiễn các tín hữu Công Giáo ở Nga đang gặp phải, thay vì chỉ thảo luận các vấn đề quốc tế mà thôi.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Công Giáo Hoa Kỳ hôm 13-8 vừa qua, Đức Ông Kovalevsky nói: “Cộng đoàn Công Giáo tại đây vẫn còn gặp những vấn đề nghiêm trọng, và không phải tại Mascơva mà thôi; chúng tôi cần được giúp đỡ để tình trạng của chúng tôi được cải tiến.. Chúng tôi hy vọng cuộc viếng thăm của ĐHY Quốc vụ khanh không bị đóng khung trong cuộc đối thoại chính trị giữa Tòa Thánh và Liên bang Nga. Chiều kích địa phương cũng rất quan trọng đối với cuộc đối thoại như thế và chúng tôi cầu mong điều này được nhìn nhận”.

Đức Ông Kovalevsky cho biết Giáo Hội Công Giáo ở Nga vẫn đang cố gắng phục hồi các cơ sở Công Giáo ở Mascơva bị nhà nước Xô Viết tịch thu, sau khi các quan chức thành phố Mascơva từ chối án lệnh của tòa án truyền phải trả lại cho Cộng đoàn Công Giáo địa phương”.

Theo thống kê của Tòa Thánh, tại Liên bang Nga hiện có khoảng 773.000 tín hữu, tương đương với 0,5% dân số tại Nga và họ thuộc 4 giáo phận (Cath.UK 14-8-2017)
 
Đức Tổng Giám Mục Gomez : Hãy tiếp tục sứ mạng của Chân Phước Oscar Romero
Giuse Thẩm Nguyễn
16:27 16/08/2017
(EWTN News/CNA) Tin từ Los Angeles, CA - Đức Tổng Giám Mục Joses Gomez thuộc giáo phận Los Angeles, Hoa Kỳ nói rằng kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của Chân Phước Oscar Romero là thời gian cho giáo phận Los Angeles chiêm ngắm những nhân đức của vị giám mục tử đạo nước Salvador và làm cho mong ước của ngài trở thành hiện thực ngày nay.

Trong thánh lễ vào hôm 13 tháng Tám tại nhà thờ Our Lady of the Angles, mừng sinh nhật của Chân Phước Romero, ĐTGM chia sẻ rằng “Đã một trăm năm trôi qua từ khi ngài sinh ra, chân phước Oscar Romero vẫn thôi thúc chúng ta thêm hăng say qua sự khiêm nhường và lòng can đảm của ngài dành cho người nghèo, chứng nhân của sự đoàn kết và phục vụ tha nhân, ngay cả vào thời điểm ngài nằm xuống.”

“Người anh em của chúng ta, Chân Phước Oscar, đã có cái nhìn về một xã hội mới – một xã hội mà Thiên Chúa muốn – một xã hội mà những hồng ân quà tặng của Thiên Chúa được chia sẻ với mọi người, chứ không phải một số ít. Chúng ta muốn mang cái nhìn ấy vào trong thời đại và xã hội của chúng ta.”

Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero thuộc giáo San Salvador, nước El Salvador sinh vào ngày 15 tháng Tám năm 1917.

Trong cuộc nội chiến đẫm máu ở El Salvador, dù trước những đe dọa chết người, Đức Tổng Giám Mục vẫn luôn rao giảng về tầm quan trọng của tình yêu Kitô. Nhất là thời gian mà những đặc nhiệm của chính quyền ra tay giết hại và bắt cóc những người đối lập, ngài đã lên án mạnh mẽ chính quyền dùng bạo lực chống lại người nghèo, vi phạm nhân quyền và tham nhũng. Ngài đã bị ám sát vào ngày 24 Tháng Ba, 1980 trong lúc đang dâng lễ tại một nhà nguyện của bệnh viện Divine Providence ở San Salvador. Đội đặc nhiệm Cánh Hữu là thủ phạm về cái chết của ngài.

ĐGH Phanxicô công bố ĐTGM Romero là vị tử đạo vào tháng Hai, 2015 và phong Chân Phước cho ngài vào tháng Năm 2015.

Trong Thánh Lễ ở Los Angeles hôm ấy, ngoài nhiều người dân Salvador tham dự, còn có ba di vật của ĐTGM Romero. Đó là một ống truyền âm thanh (microphone) mà ngài thường dùng trong các Thánh Lễ tại nhà thờ chính tòa San Salvador, một bức ảnh của ngài trao cho người giúp việc là một nữ giáo dân và bà cũng có mặt vào ngày ngài bị giết và một chiếc áo dính máu khi ngài bị ám sát.

ĐTGM Gomez nói với cộng đoàn rằng: “Chúng ta cầu cùng thánh nhân giúp chúng ta sống với niềm tin mới, hy vọng mới và tình yêu mới. Xin thánh nhân cầu bầu cho chúng ta, cho chúng ta lòng can đảm để thừa kế công việc của ngài là “cuộc cách mạng tình yêu”. Thánh Romero đã đồng hành với Chúa Giêsu và đồng hành với giáo dân của ngài. Ngài phục vu giáo dân của ngài “với tình yêu của vị mục tử, với tình yêu của một người cha.”

“Chúa trao cho chúng ta mỗi người một nhiệm vụ. Không chỉ là cho các giám mục như giám mục Romero, “nhưng mỗi người mỗi cách khác nhau, cùng được kêu gọi để xây dựng Nước Chúa.”

ĐTGM trích dẫn lời của Chân Phước Romero “Mỗi người trong các bạn, với một ơn gọi riêng - nữ tu, người lập gia đình, giám mục, linh mục, học sinh trung học hay đại học, người lao động, người buôn bán… mỗi người trong môi trường của mình hãy sống với đức tin mạnh mẽ và hãy là âm vang của Thiên Chúa cho những người xung quanh.”

Chúng ta cần “hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa” nhất là trong những lúc khó khăn, thử thách giống như các tông đồ trong cơn bão biển.

“Chúng ta có thể lo lắng về tương lại, lo lắng về cuộc sống vì nghĩ rằng Thiên Chúa không ở với chúng ta. Nhưng như gương Thánh Phêrô, bao lâu ngài còn nhìn vào Chúa ngài sẽ bình an, ngài chỉ chìm khi ngài nghĩ về sự giới hạn của con người trước cơn bão biển.

Chân Phước Romero cũng thế, dù bao gian nan, dù bao thách đố, ngài vẫn dõi mắt nhìn về Chúa Giêsu.

“Chúng ta hãy mang sứ điệp Tin Mừng về tình yêu, lòng thương xót, sự thật và công lý đến tận cùng trái đất. Cầu xin thánh quan thày của nước El Salvador, Nữ Vương Hòa Bình hướng dẫn đoàn con cái của Mẹ biết được rằng chính vì “tự do, công lý, hòa bình mà Chân Phước Oscar Romero đã dâng hiến đời mình.”

ĐTGM cũng cầu nguyện cho những người trong nước El Salvador đang đau khổ vì bạo lực, những người đang sống trong cảnh cơ cực ở Trung Mỹ và Châu Mỹ Latinh, đặc biệt là những người ở Venezuela.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Phúc trình đầu tiên của chính phủ Trump về tự do tôn giáo trên thế giới
Vũ Văn An
22:56 16/08/2017
Vì Tổng Thống Donald Trump nhiều lần đoan hứa sẽ biến việc bảo vệ tự do tôn giáo thành yếu tố chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, nên việc công bố Phúc Trình đầu tiên của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế được nhiều người mong đợi.

Ai cũng biết các nhà lãnh đạo Công Giáo, ở cả Hoa Kỳ lẫn Rôma, có nhiều vấn đề đối với chính phủ Trump. Nhưng có một vấn đề, cho đến nay, được cả hai bên, ít nhất về phương diện nói năng, đồng thuận khá nhiều đó là tầm quan trọng của việc cổ vũ và bảo vệ tự do tôn giáo.

Một phần vì thế mà việc công bố Phúc Trình đầu tiên của Bộ Ngoại Giaao Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế vào hôm Thứ Ba vừa qua đã tạo được một mức độ lưu ý hơn bình thường, nhất là nơi những người mong được thấy sự thay đổi đáng kể hay định hướng mới mẻ.

Văn kiện của Bộ Ngoại Giao

Nói cho ngay, những mong ước như thế có vẻ hơi quá đáng: Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ là một cơ quan khổng lồ, một cơ quan khó lòng thay đổi chỉ bằng một đồng kẽm bất kể ai đó mới xuất hiện ở Nhà Trắng. Vả lại, dù sao, thì công việc thực hiện cho phúc trình này đã kết thúc trước khi có sự thay đổi chính phủ.

Linh Mục Thomas Reese, Dòng Tên, một thành viên và là cựu chủ tich Ủy Ban Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, một ủy ban độc lập, nói với tờ Crux hôm thứ Ba vừa qua rằng:

“Về căn bản, đây là một văn kiện của Bộ Ngoại Giao.Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu có bất cứ ảnh hưởng nào từ Nhà Trắng”.

Còn Tom Farr, Chủ Tịch Viện Tự Do Tôn Giáo và là Giám Đốc của Dự Án Nghiên Cứu Tự Do Tôn Giáo của Đại Học Georgetown, thì hôm thứ Ba vừa qua, cho hay: không mấy “có dị biệt đáng kể” nào trong văn kiện này so với các chính phủ trước đây, dù ông ca ngợi việc nó đã mô tả “cách thấu đáo và vững vàng” vấn đề này ở gần 200 quốc gia.

Nói chung, các nhà cổ vũ tự do tôn giáo có xu hướng thích phúc trình này.

Gọi đích danh ISIS phạm tội diệt chủng

Trước hết, nhiều vị cho rằng Ngoại Trưởng Rex Tillerson đã sử dụng một ngôn từ rất rõ ràng đích danh gọi ISIS là kẻ phạm tội diệt chủng. Trong khi cựu ngoại trướng John Kerry, tuy cũng gọi ISIS là kẻ diệt chủng, nhưng coi đây chỉ là ý kiến cá nhân.

Còn Tillerson cho biết đây là nhận định của Bộ Ngoại Giao và yêu cầu phải “áp dụng luật pháp vào các sự kiện đang có”. Theo Tillerson, ISIS “rõ ràng chịu trách nhiệm tội diệt chủng người Yazidis, Kitô hữu và người Hồi Giáo Shia”.

Edward Clancy, giám đốc chương trình vươn tay và phúc âm hóa của cơ quan Trợ Giúp Các Giáo Hội Tuíng Thiếu của Hoa Kỳ, một cơ quan trực thuộc Đức Giáo Hoàng, nhằm giúp đỡ các Kitô hữu đang bị bách hại khắp thế giới, nhận định rằng: “Điều tốt đẹp là được thấy họ tuyên bố ISIS là kẻ phạm tội diệt chủng, không cần che dấu dưới bất cứ ý kiến cá nhân hay điều gì giống như thế”.

Clancy nới với tờ Crux rằng việc Tillerson không dùng các chữ “nếu, và hoặc nhưng” đối với ISIS có lẽ là “nhấn mạnh lớn lao” trong phúc trình hôm thứ Ba.

Không trừ một quốc gia nào

Ngoài ra, vì các động thái trong chính sách ngoại giao của Trump, vốn tỏ ra thân thiện hơn chính phủ Obama đối với các lãnh tụ nặng tay trên thế giới như Tập Cận Bình của Trung Quốc, Vua Salman bin Abdul-Azis của Saudi Arabia, Abel Fattah el-Sisi của Ai Cập, và Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ - ấy là chưa kể Vladimir Putin của Nga – người ta rất bỡ ngỡ khi thấy phúc trình lên án các lạm dụng tự do tôn giáo trong từng quốc gia vừa kể bằng những hạn từ hết sức chi tiết và minh nhiên.

Cũng cần nói thêm rằng cả những nước đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ như Úc Châu, chẳng hạn, cũng không thoát được ngòi bút phê phán của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo. Thực vậy, theo tờ Canberra Times, Đảng One Nation của Pauline Hanson là Đảng duy nhất của Úc nâng ly chúc mừng ngày Donald Trump thắng chức tổng thống Hoa Kỳ. Nhưng Đảng này bị Phúc Trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ phê phán nặng nề về tự do tôn giáo, qua bài diễn văn đầu tiên tại Quốc Hội năm 2016 của Đảng Trưởng Pauline, trong đó bà này cho rằng đất nước Úc “đang có nguy cơ bị tràn ngập bởi người Hồi Giáo”.

Bản Phúc Trình cho rằng cả bốn thượng nghĩ sĩ của One Nation đều được bầu dưới “cương lĩnh bao gồm việc chấm dứt di dân Hồi Giáo, tổ chức một ủy ban điều tra hoang gia về Hồi Giáo, ngưng các việc xây dựng đền thờ Hồi Giáo, thiết lập các máy hình thám thính tại các đền thờ Hồi Giáo, cấm việc mặc burqa và niqab ở các nơi công cộng, và cấm thành viên quốc hội tuyên thệ trước kinh Kôrăng”.

Thành thử người ta cho rằng Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không thiên vị khi giải quyết vấn đề tự do tôn giáo trên thế giới. Linh mục Reese cho hay: “tôi rất có ấn tượng đối với Tillerson”.

Vẫn thất vọng

Dĩ nhiên, phúc trình vẫn làm nhiều người thất vọng. Như việc Bộ Ngoại Giao từ khước khuyến cáo xếp Nga vào số các nước “bị quan ngại đặc biệt”. Ngoài Nga ra, Bộ Ngoại Giao cũng bác bỏ đề nghị của Ủy Ban Độc Lập xếp các nước Cộng Hòa Trung Phi, Nigeria, Pakistan, Syria và Việt Nam vào số các “quốc gia bị quan ngại đặc biệt”.



Cách riêng, Clancy cho biết điều làm ông ngỡ ngàng là Pakistan, vì ông cảm thấy nước này “tự động” phải được xếp như thế. Nhưng theo linh mục Reese, Bộ Ngoại Giao phải quân bình hóa tự do tôn giáo với các quan tâm khác thuộc an ninh quốc gia, nhất là vai trò của Pakistan trong cuộc đấu tranh chống các nhóm khủng bố Hồi Giáo, vả lại nó còn là nước có khả năng hạch nhân.

Xét trong căn bản, các quan sát viên nói rằng phúc trình này có nhiều điều đáng lưu ý, nhưng vẫn còn bỏ ngỏ câu hỏi này: sau khi đã nêu rõ được vấn đề, thì ta sẽ phải làm gì với nó?

Ba đề nghị

Phần lớn các quan sát viên trên cho rằng nếu chính phủ Trump nghiêm túc với vấn đề tự do tôn giáo và muốn biến nó thành viên đá góc trong chính sách ngoại giao Hoa Kỳ, thì họ nên làm ít nhất ba điều.

Thứ nhất, theo họ, chính phủ Trump phải thỉnh thoảng tỏ ra sẵn sàng áp đặt một số trừng phạt nào đó lên các bên vi phạm.

Dân Biểu Chris Smith của New Jersey, thuộc đảng Cộng Hòa, đứng đầu ủy ban Hạ Viện về nhân quyền và là dân biểu lớn tiếng nhất về tự do tôn giáo, đã ca ngợi ngôn từ của Ngoại Trưởng về ISIS, và cho rằng Ngoại Trưởng đi đúng hướng khi lên án các lạm dụng tự do tôn giáo tại Việt Nam, Pakistan, Nigeria và Syria.

Nhưng ông cũng cho rằng “bước khó khăn hơn sẽ là việc đặt các quốc gia trên hay các tác nhân phi quốc gia như ISIS và Boko Haram vào sổ đen của Hoa Kỳ gồm các nước vi phạm tự do tôn giáo cách trầm trọng”. “Việc chỉ định này sẽ bao gồm các trừng phạt” theo đạo luật năm 1998.

Không phải ai cũng tin vào sự thích đáng của trừng phạt, nhung cần phải tìm cách bày tỏ sự bất mãn chứ không chỉ nói xuông.

Thứ hai, coi tự do tôn giáo như đá góc có nghĩa phải nghiêm chỉnh coi nó không chỉ như một bổn phận luân lý, mà phải coi nó như một ưu tiên trong chính sách an ninh quốc gia, như chính lời của Ngoại Trưởng Tillerson nói. Hôm thứ Ba, ông nói rằng “các nước nào duy trì hữu hiệu thứ nhân quyền này đều ổn định hơn, sinh động về kinh tế hơn, và hòa bình nhiều hơn. Sự thất bại của các chính phủ trong việc bảo vệ quyền này chỉ nuôi dưỡng bất ổn, khủng bố và bạo lực”.

Theo Farr, nếu tin điều trên, thì ta phải để tiền bạc ở những nơi miệng ta hiện diện. Ông nói: “Thí dụ, ta nên huấn luyện các nhà ngoại giao của ta, và tài trợ các chương trình có thể nói lên các luận điểm tư lợi đối với các chính phủ và những người có liên quan hiện coi tự do tôn giáo như đang bị đe dọa”.

Theo ông, ta nên “có một chiến lược tự do tôn giáo quốc tế toàn diện lồng vào chiến lược an ninh quốc gia của ta. Hiện tại, ta chưa có được bất cứ điều gì gần với chiến lược này”.

Thứ ba, các quan sát viên cho rằng việc tập chú thực sự vào tự do tôn giáo cũng phải có các cố gắng nghiêm chỉnh trong việc trợ giúp các nạn nhân bị kỳ thị khi việc này diễn ra, và nó cũng phải triển khai ảnh hưởng của Hoa Kỳ để các nạn nhân này không rơi vào nguy hại một lần nữa.

Clancy cho rằng trên hết, cần phải thực thi các giải pháp thử nghiệm này ngay bây giờ tại Iraq và Syria. Ông nói:

“Ta nên cung cấp sự trợ giúp trực tiếp cho các nhóm thiểu số đang cố gắng tự giúp họ, theo hướng tái lập họ, trở lại những nơi họ vốn có một lịch sử lâu dài. Chúng ta cũng cần sử dụng ngân khoản cần thiết của Hoa Kỳ để nói với Iraq và Syria rằng ‘chúng tôi nhấn mạnh những điều đang diễn ra này, những con người này không thể đơn giản bị gạt qua một bên’”.

Clancy cảnh cáo rằng các Kitô hữu ở Iraq cách riêng đang đối diện với một “trận chiến cực kỳ khó khăn nếu họ không có một đồng minh mạnh mẽ nơi Hoa Kỳ. Ta có sẵn lòng làm điều này không, tức dùng áp lực cần thiết để bảo đảm tự do và hòa bình cho những con người này?”

Farr thì cho rằng: phần lớn tùy thuộc cựu Thống Đốc Kansas, Sam Brownback, trong vai trò mới làm Đại Sứ Toàn Quyền của Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, kể cả mức độ ông có thể gây ảnh hưởng ở bên trong Nhà Trắng của Trump.

Farr cho rằng “Brownback là chìa khóa”.

Clancy cũng đưa ra lời kêu gọi phải canh chừng: “Họ (nhóm của ông Trump) từng hứa hẹn những điều này. Nay là lúc ta phải giữ nóng bàn chân họ, bảo đảm họ giữ lời hứa”.

Cha Reese cho hay theo ngài, hy vọng làm điều đó trước hết tùy thuộc một giới cử tri. Ngài bảo: “Đó là cái nền tin lành của ông ta. Chỉ đơn giản có thế”.
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Tư 16/8/2017
VietCatholic Network
22:57 16/08/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô.
VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Đức Thánh Cha phó thác các dân tộc khổ đau cho Mẹ Maria Nữ Vương Hòa Bình.

2- Đại Sứ Nga đề cao tầm cuộc viếng thăm của Đức Hồng Y Parolin ở Nga.

3- Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi cầu nguyện sau vụ bạo động “hận thù” ở Charlottesville, Virginia.

4- Các tín hữu Công Giáo dùng YouTube để loan báo Tin mừng.

5- Hội Đồng Giám Mục Hàn Quốc ra tuyên bố 'Khích Lệ Tinh Thần' và kêu gọi cầu nguyện cho Hòa Bình nhân dịp lễ Mông Triệu.

6- Lạc quyên ở Colombia tài trợ viếng thăm của Đức Thánh Cha.

7- Ủy ban Hoàng gia Úc đề nghị chấm dứt bảo vệ tính hợp pháp của ấn tích tòa giải tội.

8- Đi trọn con đường khổ giá, Giám mục Sylvester Lý Kiến Đường (Silvestro Li Jiantang) và Giám mục Paul Tạ Đình Triết (Paolo Xie Tingzhe) Trung Hoa vừa qua đời.

9- Pakistan cử hành quốc táng cho một nữ tu Công Giáo.

10- Giáo Hội Ba Lan khiển trách những linh mục sử dụng các biểu tượng cảm xúc.

11- Khai Mạc Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang, Huế năm 2017.

12- Giới thiệu Thánh Ca: Hương Kinh Cung Tiến.

Xin mời qúi vị theo dõi phần tin chi tiết
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Sơn Lộc, GP Phú Cường mừng lễ Đức Mẹ lên trời
Tôma Đỗ Lộc Sơn
08:02 16/08/2017
Chiều thứ ba 15/8/2017, mưa nhẹ như sương sa, những hạt mưa đã làm dịu mát không khí oi nồng của một ngày nắng tháng 8, trong khuôn viên nhà thờ Giáo xứ Sơn Lộc, đoàn con cái Mẹ gồm đủ mọi thành phần, mọi lứa tuổi, hân hoan nghinh rước thánh tượng Mẹ từ núi đá vào trong nhà thờ một cách trang nghiêm nhất. Mỗi người một cành huệ trắng trên tay như lòng chúng con sắt son yêu mến Mẹ, dâng kính Mẹ, quyết noi gương Mẹ, có như thế chúng con mới mong được hưởng vinh phúc cùng Mẹ sau này.

Xem Hình

Trước 1500 giáo dân, cha xứ Simon đã mời gọi mọi người hãy chúc tụng vinh quang Mẹ, trông lên Mẹ, nghe lời Mẹ dạy, Xin Mẹ nói cùng Chúa là chúng con yêu mến Chúa, Chúng con cần tình thương của Chúa mỗi ngày trong đời sống bây giờ và mai sau.

Hôm nay Giáo khu Đức Mẹ Lên Trời mừng bổn mạng, cùng với ca đoàn I, Legio và nhiều chị em trong giáo xứ, xin Mẹ thương cầu thay nguyện giúp.

Trong bài giảng, cha Anton Nguyễn Ngọc Tỉnh – Hội Thừa Sai VN đã giảng giải nhiều về nhân đức cùng với nhiều đau khổ mà Mẹ đã gánh chịu. Mẹ đã chịu đau khổ để hợp nhất với những đau khổ của Đức Giêsu con Mẹ, làm thành của lễ dâng lên Thiên Chúa để đền vì tội lỗi nhân loại. Chúng ta hãy hết lòng cảm ơn Mẹ, xin Mẹ hãy thương thì thương cho chót, chúng con đang sống những ngày đầy cam go thử thách về đức tin, xin Mẹ uốn nắn chúng con về với tình thương bao la của Chúa, để chúng con xứng đáng được hưởng ơn tha thứ.

Giáo khu Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời Mừng bổn mạng, đây là một tín điều chúng ta phải ghi đậm để nhắc nhớ, để chúng ta luôn hướng về trời. Chúng ta tin chắc rằng chúng ta cũng được hưởng vinh phúc Nước Trời với Mẹ.

Thánh lễ diễn ra trong 90 phút thật nghiêm trang sốt sáng, từ đó chúng ta hiểu được rằng: “Con đường ngắn nhất đến với Chúa là con đường qua Mẹ Maria”.

Lạy Mẹ Maria, chúng con yêu mến Chúa chúng con yêu mến Mẹ qua sự đồng công của Mẹ, xin cho chúng con biết gánh vác bổn phận của chúng con cho chu toàn, để chúng con xứng đáng được hưởng Ơn Cứu Chuộc muôn đời.

Được biết: Giáo khu Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời vừa mới xây dựng đài Đức Mẹ ở giữa trung tâm giáo khu, ngay góc nhã tư, nhờ đó cứ đến chiều tối, đêm về có nhiều người đến kính viếng, hương thơm hoa tươi ngào ngạt tung bay, chắc rằng Mẹ rất vui khi có được đoàn con thảo luôn cầu cứu Mẹ đêm ngày.

Toma Đỗ Lộc Sơn
 
Legio Mariae Phú Cường tĩnh tâm và mừng lễ Đức Mẹ Lê Trời
Toma Lộc Sơn - Lê Tân
08:22 16/08/2017
Theo truyền thống, dịp Lễ Đức Mẹ Lên Trời hàng năm Comitium Phú Cường đều quy tụ hội viên từ khắp nơi về để cùng nhau mừng lễ và tĩnh tâm. Đặc biệt mừng lễ năm nay trùng vào dịp 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, cũng là kỷ niệm 69 năm Legio hiện diện tại Việt Nam.

Xem hình

Thánh lễ diễn ra tại nhà thờ chánh tòa Phú Cường với trên 1000 hội viên tham dự, cha Gioan B Nguyễn Minh Hùng, chánh xứ Tân Thạnh Đông, Phó linh giám Comitium chủ tế, cha Giuse Cao Đình Phương, chánh xứ Chánh tòa, linh giám Curia Chánh tòa giảng lễ .

Thánh lễ bắt đầu lúc 10g30, nhưng mọi người đã tập trung từ 8g30 để đọc kinh khai mạc. Sau phần kinh khai mạc mọi người cùng suy gẫm đề tài “Vài hướng dẫn cho hội viên Legio Mariae”, do cha Gioan B trình bày. Phần đầu cha nói về đời sống đạo đức của người hội viên Legio và phần sau về đời sống kỷ luật trong cộng đoàn. 3 phương thế giúp tăng cường đời sống đạo đức. Hội viên Legio là Sống Thánh Thể và tham dự vào hy tế Thánh Thể, thường xuyên đọc và suy niệm Lời Chúa và siêng năng lần chuỗi và noi gương đời sống Đức Mẹ. Cha lưu ý 4 điểm để tuân phục kỷ luật cộng đoàn: vâng lời, biết người và biết ta, tuyệt đối bảo mật và cấm viện trợ vật chất...

Trong phần giảng lễ, cha Giuse Cao Đình Phương, chánh xứ nhà thờ Chánh tòa và là linh giám Curia Chánh tòa đã mời gọi mọi người hy sinh phục vụ cho Danh Cha được cả sáng và cứu vớt mọi linh hồn. Cha cho biết công tác của Legio luôn có bóng thánh giá, luôn có đau khổ, công tác nào mà chỉ gặp toàn thuận lợi chắng có hình bóng thánh giá thì phải xem lại vì Thánh giá Chúa là nguồn ân sủng, cần vui vẻ đón nhận những đau khổ và thử thách để dâng lên Chúa và Đức Mẹ… (Xin xem video bài giảng: https://youtu.be/ZMAEcljkpdI)

Được biết, Phú Cường là một trong những Comitium lớn và có bề dày hoạt động trong cả nước, Legio hiện diện gần như toàn bộ các GX (chỉ còn khoảng 5 hoặc 6 GX là chưa có Legio). Comitium có 14 Ciuriae với 146 Praesidium và 1600 HV hoạt động, có trên 4000 HV tán trợ; có 7 Curia Junior với 45 Praesidium Junior và 500 Hv Junior.

Toma Lộc Sơn - Lê Tân
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Tình hình tự do tôn giáo VN trong phúc trình mới của Mỹ
RFA
08:04 16/08/2017
Phúc trình thường niên 2016 về tự do tôn giáo thế giới, do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thực hiện, phần đề cập đến Việt Nam nói rằng Hà Nội tiếp tục dành quyền kiểm soát, răn đe, trừng phạt, thậm chí triệt hạ những tổ chức tôn giáo không được sự chấp thuận của nhà nước.

Phúc trình về tự do tôn giáo thế giới 2016 được đương kiêm ngoại trưởng Rex Tillerson công bố sáng thứ Ba ngày 15 tháng Tám năm 2017 ở Wahington DC.

Phúc trình về tự do tôn giáo thế giới phần nói về Việt Nam nhấn mạnh rằng hiến pháp Việt Nam qui định tự do tín ngưỡng và tự do thờ phương theo đức tin là quyền mà người dân được hưởng. Thế nhưng luật hiện hành với những điều khoản mơ hồ lại cho Nhà Nước rộng quyền hơn trong việc kiểm soát mọi sinh hoạt tôn giáo dưới danh nghĩa gọi là bảo vệ an ninh quốc gia và duy trì đoàn kết dân tộc.

Phần mở đầu phúc trình về Việt Nam cũng cho thấy Việt Nam vẫn là một quốc gia mà tôn giáo nằm dưới sự chi phối của chính phủ, phải được chính phủ công nhận tư cách pháp nhân và pháp lý thì mới được sinh hoạt.

Tháng Mười Một năm 2016, phúc trình dẫn chứng, quốc hội Việt Nam thông qua Bộ Luật Tôn Giáo, sẽ có hiệu lực áp dụng tháng Giêng 2018, với nhiều điều khoản không thay đổi liên quan đến điều kiện ghi danh của các tổ chức tôn giáo, thời gian chờ được cứu xét, những hình thức xử phạt hành chính đối với cá nhân hay tổ chức nào vi phạm luật tôn giáo của chính phủ, làm phương hại trật tự công công cũng như phá hoại tình đoàn kết dân tộc.

Báo cáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, đặc biệt phần nói về Việt Nam, nêu những vụ việc xảy ra cho các nhà truyền đạo và các tín hữu ở Việt Nam những năm qua, từ tỉnh thành đến thôn quê, từ các tôn giáo lớn như Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo cho đến các tổ chức nhỏ như các nhóm Tin Lành ở vùng sâu vùng xa, đang là đối tượng bị nhà cầm quyền sách nhiễu, cấm đoán.

Những chi tiết điển hình như trường hợp những nhà truyền giáo người H’mong, người Dao, người Thái ở miền Bắc, hoặc ở Tây Nguyên miền Trung như các tín đồ Tin Lành người Ê Đe, Ja Rai, Sedang, M’nong, đã và đang bị nhà cầm quyền đe dọa, buộc phải chối bỏ đức tin của mình.

Hai trường hợp được nêu bật trong phúc trình là mục sư Ksor Xiem thuộc Giáo phái Tin Lành Dega bị cấm ở Việt Nam. Theo tổ chức Bảo Vệ Nhân Quyền Cho Người Miền Núi ở Hoa Kỳ, ông Ksor Xiem chết vì bị tra tấn trong tù hồi tháng Mười Hai năm 2015. Người thứ hai, mục sư Nguyễn Công Chính, bị kêu án 11 năm tù vì tôi tuyên truyền và âm mưu lật đổ chính phủ, gia đình vợ con ông ở bên ngoài thường xuyên bị hành hung bị khủng bố.

Sau 6 năm bị cầm tù, mục sư Nguyễn Công Chính cùng gia đình được đưa từ Việt Nam sang Mỹ tháng Bảy vừa qua. Đầu thang Tám, mục sư Nguyễn Công Chính đã có cuộc họp báo để trình bày về trường hợp bị bách hại của ông và của các đạo giáo trong nước.

Phúc trình về tự do tôn giáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ năm 2016 không quên nhắc đến những tôn giáo nhỏ khác với nét văn hóa truyền thống và đặc trưng của người Việt, ít nhiều cũng gặp khó khăn và bị giới hạn như Bửu Sơn Kỳ Hương, Tư An Hiếu Nghĩa, Tổ Tiên Chính Giáo vân vân...

Bên cạnh đó, những đạo du nhập từ bên ngoài cũng được nhắc tới là Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo Ba Ni, đạo Mormons hay còn gọi là Mặc Môn.

Với tổng dân số hơn 95 triệu tính đến lúc này, một phần hai trong đó là Phật Giáo, kế đến là Thiên Chúa Giáo, rồi Cao Đài, Hòa Hảo và những tổ chức tôn giáo khác, Việt Nam vẫn là một đất nước mà người dân không được toàn quyền sống trọn vẹn theo đức tin cũng như không được biểu hiện giá trị của lòng tin đó. Phúc trình của Bộ Ngoại Giao Mỹ còn ghi rõ Việt Nam sử dụng Luật Tôn Giáo để gây trở ngại cho cuộc sống cũng như sinh hoạt thờ phượng của những cộng đồng dân tộc thiểu số ở các vùng sâu vùng xa trong nước. .

Sau cùng, phúc trình nói rằng Hoa Kỳ luôn khuyến khính cũng như thúc đẩy Việt Nam cải thiện cũng như thăng tiến tình hình tự do tôn giáo của mình. Tự do tôn giáo và tín ngưỡng là quyền phố quát làm nên giá trị của nước Mỹ, vì thế Hoa Kỳ luôn mong muốn làm việc chặc chẻ với Việt Nam, thúc đẩy Hà Nội tôn trọng cũng như phát triển quyền tự do tôn giáo cho người dân của mình.
 
Từ Luật Rừng Đến Nghị Định Rởm
Phạm Trần
21:01 16/08/2017
Trong suốt chiều dài 63 năm lịch sử đen tối của Việt Nam kể từ khi đảng duy nhất cầm quyền độc tài Cộng sản cai trị miền Bắc (1954-2017), họ đã không ngừng ban hành các biện pháp kiểm soát Tôn giáo, chiếm đoạt tài sản của của Giáo Hội và kiềm chế nhà tu hành không chịu chui đầu vào rọ cho đảng nắm đầu.

Vì vậy, nếu tính từ Sắc lệnh 234/SL ngày 14 tháng 6 năm 1955 về “Bảo Đảm Quyền Tự do Tín ngưỡng” do ông Hồ Chí Minh ký ban hành cho tới Nghị Định “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo” (NĐXPHC) sắp công bố, sau khi đã có Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo mới năm 2016 thì sẽ thấy bàn tay của nhà nước Cộng sản Việt Nam đã bóp cổ Tôn giáo đến chỗ gần chết tươi.

Điều đáng nói là Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo (TNTG) mới, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đã bầy vẽ ra 68 Điều trong 9 Chương với mọi mánh khóe để coi các Tôn giáo là thù địch của chế độ cần phải kiểm soát chặt chẽ.

Bằng chứng của những cấm đoán được chứng minh trong Điều 5 luật TNTG gồm:

1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.
2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:
a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;
b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;
d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.
5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.

Luật không giải thích rành mạch những ẩn ý mơ hồ của nhà nước ghi trong các khỏan (a,b, c và d) nên họ sẽ tha hồ và tùy tiện để vẽ rắn thêm chân , vẽ rồng thêm cánh và tung ra mưu chước gài bẫy người có đạo.

Đó là lý do tại sao trong Nhận định ngày 01/06/2017, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) đã chỉ trích:” Chính quyền nhìn các tổ chức tôn giáo thuần túy trên bình diện chính trị, xem các tổ chức tôn giáo như những lực lượng đối kháng.”

Các Giám mục của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam viết:”Do cách nhìn như thế, trong Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có những điệp khúc được lập đi lập lại nhiều lần, như “theo quy định của Pháp luật”, “chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo”, hoặc những khái niệm mơ hồ trừu tượng như “xâm phạm quốc phòng, an ninh”, “xâm phạm chủ quyền quốc gia”; “xâm phạm trật ự an toàn xã hội, môi trường”. Những điệp khúc và những từ ngữ mơ hồ trên rất dễ bị lạm dụng để quy kết trách nhiệm và lên án các tổ chức tôn giáo khi chính quyền không hài lòng.”

HĐGMVN chỉ trích Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo được Quốc hội thông qua đã “có những bước lùi” so với hai bản Dự thảo Luật số 4 và số 5 mà nhà nước đã gửi ra để tham khảo ý kiến.

Những bước lùi được vạch ra gồm:

“Trong Dự thảo 5 ngày 17-08-2016, nhà các tổ chức tôn giáo “được thành lập cơ sở giáo dục theo hệ thống giáo dục quốc dân” (Điều 53), và “được thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội (Điều 54). Nhưng trong Luật Tín ngường, Tôn giáo, vấn đề này được gói gọn trong điều 55 với những từ ngữ tổng quát và mơ hồ:”Được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội và từ thiện, nhân đạo, theo quy định của pháp luật có liên quan.” Tham gia thế nào ? Tham gia mức nào ? Tham gia có đồng nghĩa với việc thành lập cơ sở không ? Như vậy, nếu so sánh với các bàn Dự thảo 4 và Dự thảo 5, thì Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo có những bước lùi.”

Hội đồng GMVN còn vạch ra rằng:”Ngoài ra, Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo tiếp tục củng cố cơ chế xin-cho. Bộ Luật này không dung từ “xin phép” và “cho phép”, thay vào đó là các từ “đăng ký, thông báo, đề nghị”. Việc thay đổi từ ngữ như trên tạo cảm giác có sự cởi mở hơn, nhưng vì các tổ chức tôn giáo vẫn phải thông báo với chính quyền và chính quyền có thể chấp thuận hoặc không chấp thuận, nên rốt cuộc vẫn là cơ chế xin-cho. Cơ chế này cho thấy tự do ín ngưỡng tôn giáo không thật sự được coi là quyền của con người nhưng chỉ là ân huệ cần phải xin và được ban phát. Chính cơ chế đó hợp pháp hóa sự can thiệp của chính quyền vào sinh hoạt nội bộ và kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động tôn giáo.”

Trong khi đó, Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam, quy tụ nhiều chức sắc của 5 Tôn giáo lớn (Cao Đài, Công Giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo) và Tin Lành) có mục đích tranh đấu cho Tự do Tôn giáo và Dân chủ Nhân quyền tại Việt Nam cũng đã “hoàn toàn bác bỏ Luật Tín ngưỡng Tôn giáo” trong Kháng thư đề ngày 20/10/2016.

Kháng thư viết rằng:” Mọi văn kiện pháp lý của nhà cầm quyền CSVN từ xưa tới nay về Tôn giáo, kể từ Sắc lệnh Tôn giáo năm 1955, Nghị quyết 297 năm 1997, Pháp lệnh về Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2004 tới Luật Tín ngưỡng Tôn giáo sắp ban hành, tất cả đều không ngoài mục đích dùng bạo lực hành chánh -kết hợp với bạo lực vũ khí- để cướp đoạt mọi tài sản tinh thần (các quyền tự do) và tài sản vật chất (đất đai, cơ sở) của các Giáo Hội, để sách nhiễu, bắt bớ, cầm tù, thậm chí thủ tiêu nhiều chức sắc và tín đồ can đảm (mãi cho tới hôm nay), nhằm làm cho các Thực thể Tinh thần vô cùng cần thiết và cực kỳ hữu ích cho xã hội này bị tê liệt hoạt động, bị cản trở sứ mạng, thậm chí bị biến đổi bản chất. Hậu quả là xã hội Việt Nam ngày càng tràn ngập bạo hành và gian dối, ngày càng suy đồi về văn hóa và đạo đức, kéo theo suy đồi các lãnh vực khác nữa.”

NGHỊ ĐỊNH XỬ PHẠT (DỰ THẢO 2)

Luật đã làm khó các Tôn giáo như thế chưa đủ hay sao mà nhà nước còn bày thêm ra Nghị định NĐXPHC để làm tiền và hạn chế thêm các quyền công dân được quy định trong Hiến pháp 2013 ?

Nghị định quy định những đối tượng phải chịu hình phạt gồm:”
Cá nhân, tổ chức trong nước và cá nhân, tổ chức nước ngoài (sau đây gọi là cá nhân, tổ chức) có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Trong những vi phạm viết trong Điều 6 phải chịu phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng gồm:

a) Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm hoặc lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
b) Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để bịa đặt, xuyên tạc dưới mọi hình thức nhằm chống lại Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
c) Vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm một trong các hành vi quy định tại điểm a và b khoản 3 Điều này;
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Đình chỉ hoạt động tôn giáo từ 12 tháng đến 24 tháng đối với chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm một trong các hành vi quy định tại điểm a và b khoản 4 Điều này.
b) Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 3 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ để thỏa mãn nghĩa Việt Nam.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc cải chính thông tin sai sự thật đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 4 Điều này.

Nhưng “lợi ích của Nhà nước” là lợi ích gì ? Tại sao không nói thẳng ra cho dân biết mà giấu đi để lạm dụng, để tự tung tự tác nhằm thỏa mãn tham vọng kinh tế và chính trị ?

Còn cáo buộc ghi trong khoản (b) gọi là “Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để bịa đặt, xuyên tạc dưới mọi hình thức nhằm chống lại Nhà nước” không mới vì nhà nước đã và đang sử dụng cụm từ “lợi dụng” như một chiêu bài để chống những bậc tu hành lãnh đạo tín đồ chống bất công xã hội; đòi bồi thường công bằng trong các vụ khiếu kiện chống nhà nước chiếm đất; chống đàn áp dân chống Trung Cộng chiếm lãnh thổ và đòi trục xuất Formosa ra khỏi Việt Nam.
Các nhà tu hành đứng ra bênh vực dân đã từ lâu bị nhà nước đội cho đủ mọi thứ mũ từ “phản động”, “gây rối”, “phá hoại an toàn xã hội”, “chống phá đảng”, “chống lại nhân dân” cho đến “tay sai của các thế lực thù địch” nhằm thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” để lật đổ đảng cầm quyền.

Khi nói về điều gọi là “nghĩa vụ công dân” là nói về nhiệm vụ của công dân đối với yêu cầu của nhà nước, hay nhiệm vụ của công dân với Tổ quốc. Trong qúa khứ, vì có mặc cảm với Tôn giáo, nhất là đối với đạo Công Giáo mà rất nhiều lần nhà nước đã bày ra các lệnh bắt công dân làm công tác xã hội, dưới danh nghĩa “nghĩa vụ công dân”, tại nơi cư trú đúng vào ngày giờ các giáo dân phải đi lễ ngày Chúa Nhật.

Vì vậy, với quy định trong Điều 7 NĐXPHC, nhà nước có thể tùy tiện để phá đạo và cản trở bổn phận thiêng liêng của người có tín ngưỡng.
Điều này quy định:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân;
b) Mạo danh chức sắc, chức việc, nhà tu hành để thực hiện hoạt động tôn giáo;
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của nhiều người;
b) Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi;
Nhưng thế nào là “nghĩa vụ của công dân” và “trục lợi” thì nhà nước cũng không dám viết cho rõ để tránh lạm dụng.

Sau đó, cũng trong Điều dự thảo 7 của NĐXPHC còn mơ hồ hơn khi nói đến “chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo và chia rẽ giữa những người theo tôn giáo khác nhau”.

E rằng vì thiếu trong sáng và không minh thị thế nào là có hành động chia rẽ sẽ rất dễ dẫn đến phân hóa và xáo trộn trong xã hội.

Bởi vì Khoản 3/ Điều 7 của Nghị Định quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
“Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo gây chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo, chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.”

KIỂM SOÁT Công Giáo

Khi “phong phẩm” , dù là chuyện nội bộ , các Tôn giáo cũng phải “đăng ký” hay “thông báo” với nhà nước như chứng minh trong Điều 15 của Nghị Định (dự thảo 2). Nếu vi phạm quy định về phong phẩm, suy cử chức sắc thì sẽ bị :

1. Phạt cảnh cáo đối với tổ chức tôn giáo không thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền người được phong phẩm hoặc suy cử làm chức sắc theo quy định.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo phong phẩm, suy cử chức sắc trái pháp luật;
b) Tổ chức tôn giáo không thực hiện yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc hủy kết quả phong phẩm hoặc suy cử;
c) Vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm đối với một trong các hành vi quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc hủy kết quả phong phẩm, suy cử chức sắc đối với một trong các hành vi quy định tại khoản 2 Điều này

Tuy không nói ra nhưng ai cũng biết Điều 15 sẽ ảnh hưởng đến việc phong phẩm của Giáo Hội Cộng giáo vì có liên hệ giáo quyền với Tòa thánh Vatican.

Cũng tương tự, những hình phạt khác liên quan đến bổ nhiệm, bầu cử, suy cử”, còn được quy định trong Điều 16 (1).

Nhà nước cũng dùng các hình thức từ “cảnh cáo” đến “phạt tiền” để nhúng tay kiểm soát quyền thuyên chuyển, quyền cách chức và bãi chức thuộc thẩm quyền nội bộ các Tôn giáo như quy định trong Điều 17 và Điều 18 (2).

LỊCH SỬ NÀO ?

Nhưng không phải chỉ có thế mà Nghị định còn mở đường cho nhà nước kiểm soát chặt chẽ việc thành lập, hoạt động, giải thể cơ sở đào tạo tôn giáo, tuyển sinh, đào tạo và kết quả đào tạo.
Riêng trong lĩnh vực đào tạo, Nghị định còn bắt các Tôn giáo phải “tổ chức giảng dạy môn học về lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam theo quy định”. Nếu không sẽ “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng”, theo Điều 20.

Nhưng môn học lịch sử này sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm phải nói về lịch sử chạy tội, trốn trách nhiệm với dân, che giấu sự thật chẳng tốt đẹp gì của đảng CSVN ? Và liệu môn học này có chỗ nào nói đến trách nhiệm của ông Hồ Chí Minh trong việc nhập cảng chủ nghĩa lạc hậu sát nhân Mác-Lênin vào Việt Nam và thảm họa chiến tranh mà đảng do ông lãnh đạo đã gây ra cho dân tộc trong 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn gọi là “đánh Pháp giành độc lập” và “chống Mỹ cứu nước” (1945-1975) ?

Lý do phải nghi vấn vì sách giáo khoa của đảng CSVN đã vô trách nhiệm với lịch sử, che giấu sự thật và chỉ ghi lại những biến cố theo ý muốn của đảng.

Bằng chứng cho thấy đảng đã buộc các nhà viết sử phải giảm từ 4 trang xuống còn 11 dòng khi họ viết về hai cuộc chiến biên giới Việt-Trung (1979-1990), vì sợ đụng chạm với nước đàn anh Trung Cộng. Sách sử của đảng CSVN cũng không nhắc đến hai cuộc chiến Tầu xua quân xâm chiếm đảo Hoàng Sa năm 1974 từ tay Hải quân Việt Nam Cộng hòa làm cho 74 quân nhân thiệt mạng. Sau đó, từ đầu năm 1988 đến Đến ngày 14/03/1988 Bắc Kinh lại tung quân đánh chiếm 8 vị trí, quan trọng nhất là Gạc Ma ở Trường Sa (Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa (Huy Gơ) , Xu Bi, Gạc Ma (Johnson South Reef hay Chigua Jiao) , Cô Lin và (Johnson North/Collins Reef, hay Guihuan Jiao ) Len Đao (Lansdowne Reef, hay Qiong Jiao) ở Trường Sa. Có 64 binh sỹ Quân đội nhân dân hy sinh trong khi chống lại quân Trung Cộng ở Trường Sa.

Ngoài ra sách sử Việt Nam Cộng sản cũng viết rất sơ sài hoặc không viết gì về tội ác của đảng đã gây ra cho dân trong Cuộc cải cách Ruộng đất ở miền Bắc (1953-1956), vụ án Nhân văn Giai Phẩm (1955-1958) và Cuộc tấn công sát hại dân lành ở Cố đô Huế trong dịp Tết Mậu Thân năm 1968.

PHẠT ĐỂ LÀM TIỀN
Ngoài những ngăn cấm và hình phạt đã kể, các nhà tu hành còn bị Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu:
- Giảng đạo ngoài địa bàn phụ trách, cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp đã đăng ký nhưng không được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tổ chức cuộc lễ ngoài cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp đã đăng ký khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Tổ chức cuộc lễ ngoài cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp đã đăng ký không đúng địa điểm, người chủ trì, quy mô; vượt quá thời gian; sai lệch nội dung cuộc lễ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.
-Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 20.000.000 đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tổ chức cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tham gia hoạt động tôn giáo, đào tạo tôn giáo ở nước ngoài khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
-Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức tôn giáo gia nhập tổ chức tôn giáo nước ngoài khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

HỘI ĐỒNG TÔN GIÁO PHẢN ỨNG

Vì Nghị Định là văn kiện khác ra đời chỉ để kìm kẹp tự do tôn giáo và kiểm soát nhiệm vụ của nhà tu hành nên Hội đồng Liên tôn đã ra Kháng thư ngày 07-08-2017 lên án và bác bỏ Nghị Định này, nếu được ban hành.

Kháng thư viết:”Luật Tín ngưỡng Tôn giáo - bắt đầu hiệu lực từ đầu năm 2018 - đã phát sinh từ não trạng duy vật vô thần và từ chủ trương tiêu diệt tôn giáo của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam. Nó đã bị các Giáo Hội kịch liệt phản đối, bác bỏ như một thứ luật man rợ và hiểm ác, không được phép có trong xã hội văn minh của loài người.
Thế nhưng, do đường lối độc tài toàn trị, nhằm mục đích áp dụng Luật Tín ngưỡng Tôn giáo nói trên, mới đây, ngày 20 tháng 7, nhà cầm quyền CSVN lại đưa ra Dự thảo mang tên “Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo” để bày trò lấy ý kiến nhân dân và mọi tín đồ. Và nếu được thông qua thì công cụ pháp lý này của chế độ sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 6 năm 2018.”
Hội đồng Liên tôn kết luận:” Nghị định mới này cũng không ngoài mục đích làm cho các Giáo Hội vì sợ bị xử phạt mà ra tê liệt hay nên ngoan ngoãn, hoặc dần dần không còn phương tiện để sống đạo và hành đạo.
Chính vì thế, như đã thẳng thắn chối bỏ toàn văn và mọi điều khoản của Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, Hội đồng Liên tôn chúng tôi cũng mạnh mẽ từ khước toàn văn và mọi điều khoản của Nghị định xử phạt hành chánh mà chính phủ CSVN sẽ ban hành.”

Như vậy thì những toan tính bóp nghẹt Tôn giáo để kiểm soát người theo đạo của Nghị Định có rởm và thừa không, hay nhà nước chỉ muốn cho dân biết vì đảng vô thần nên bị mắc bệnh tâm thần cũng là điều dễ hiểu ? -/-

Phạm Trần
(08/017)

************
Chú thích:

(1) Điều 16: Vi phạm quy định về bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc
1. Phạt cảnh cáo đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có một trong các hành vi sau đây:
a) Bổ nhiệm, bầu cử, suy cử người làm chức việc nhưng không đăng ký trước với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định;
b) Không thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết quả bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức việc theo quy định;
c) Bổ nhiệm, bầu cử, suy cử người làm chức việc khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bổ nhiệm, bầu cử, suy cử người làm chức việc khi không được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm đối với một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
3) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Bổ nhiệm, bầu cử, suy cử nhiều người làm chức việc khi không được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều này
4. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc hủy kết quả bổ nhiệm, bầu cử, suy cử người làm chức việc đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này.

Điều 17. Vi phạm quy định về thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành
1. Phạt cảnh cáo đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc có một trong các hành vi sau đây:
a) Không thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành theo quy định;
b) Thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành là người đang bị buộc tội hoặc chưa được xóa án tích khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc thuyên chuyển chức sắc, chức việc là người đang bị buộc tội hoặc chưa được xóa án tích khi không được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo thuyển chuyển chức việc trái pháp luật;
c) Vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm một trong các quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hành vi quy đinh tại điểm a và b khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc chấm dứt hành vi thuyển chuyển chức sắc, chức việc quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều này.

Điều 18. Vi phạm các quy định về cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc
1. Phạt cảnh cáo tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc không thông báo việc cách chức, bãi nhiệm chức sắc, chức việc đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.

 
Ai Đã Ra Lệnh Giết Chết Anh Em Ông Diệm Và Nhu?
LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng
21:06 16/08/2017
Ai Đã Ra Lệnh Giết Chết Anh Em Ông Diệm Và Nhu?

Đã gần 55 năm nhưng câu hỏi trên vẫn chưa được trả lời thỏa đáng. Tất cả các tướng lãnh, các đại tá đã tham gia cuộc đảo chánh lật đổ chính quyền dân cử Ngô Đình Diệm; các quan chức Mỹ từ cấp nhỏ đến cả tổng thống Kennedy của họ, không ai đủ can đảm nhận lãnh trách nhiệm đã ra lệnh giết chết hai anh em nhà Ngô. Xin mời quí độc giả cùng phân tích chuỗi sự kiện đã xảy ra trước, đang khi và sau cuộc đảo chánh, để tự tìm cho mình một kết luận rằng ai là kẻ đáng nghi ngờ nhất trong cuộc đổ máu này.

Đầu tháng 11 năm 1963, tổng thống Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng Hòa đã bị lật đổ trong cuộc đảo chánh do một số tướng lãnh, những người tự xưng là bất đồng chính kiến với ông trong việc giải quyết “vấn đề Phật giáo” (mà nhiều người nghi ngờ là đã có bàn tay của Mỹ ở đàng sau) và việc điều khiển guồng máy chiến tranh chống lại cuộc xâm lăng của Cộng Sản từ miền Bắc. Chính phủ Kennedy đã biết trước về cuộc đảo chính (1), nhưng mật điện số 243 từ bộ Ngoại Giao Mỹ gửi cho đại sứ Mỹ ở Saigon, Henry Cabot Lodge, Jr. (con), đã nói rõ rằng chính sách của Mỹ là không ngăn chặn cuộc đảo chánh đó (2). Lucien Conein, một gián điệp của CIA, liên lạc viên giữa sứ quán Mỹ và phe phản loạn, đã nói với các tướng lãnh rằng chính phủ Mỹ sẽ không can thiệp vào cuộc đảo chánh. Nhưng Conein lại cung cấp một số tiền cho nhóm lãnh đạo cuộc đảo chánh (3).

Những người trực tiếp tham gia vào cuộc nổi loạn đáng ghi nhận là các tướng: Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân, Tôn Thất Đính, Lê Văn Kim, Nguyễn Khánh, Đỗ Cao Trí. Các đại tá: Đỗ Mậu, Nguyễn Hữu Có, Nguyễn Văn Thiệu. Các trung tá: Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Ngọc Thảo và thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa cùng đại úy Nguyễn Văn Nhung là hai kẻ được coi là đã giết chết anh em ông Diệm và Nhu.

NHỮNG DIỄN BIẾN

Trong một cuộc tiếp kiến với ông Diệm, Đại sứ Frederick Nolting đề nghị để cho Hoa Kỳ chia sẻ những quyết định về Chính trị, Quân sự và Kinh tế, Tổng thống Diệm trả lời rằng "chúng tôi không muốn trở thành một xứ bảo hộ của Hoa Kỳ." (4)

Có nguồn cho rằng từ năm 1961, Hoa Kỳ muốn thành lập căn cứ Không quân và Hải quân tại vịnh Cam Ranh, nhưng Tổng thống Ngô Đình Diệm không chấp thuận. (5)

Tác giả Chính Đạo cho rằng từ tháng 8 năm 1962, Joseph A. Mendenhall, Cố vấn chính trị của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn, đã đề nghị loại bỏ Tổng thống Diệm, vợ chồng ông Ngô Đình Nhu và những người trong gia đình ông Diệm, bằng một số nhân vật khác, vì Tổng thống Ngô Đình Diệm không chịu thay chủ trương chính sách như người Mỹ muốn. (6)

Có tin rằng Chính phủ Ngô Đình Diệm đã bí mật liên lạc để tìm cách thỏa hiệp với Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Cộng Sản Bắc Việt). Cụ thể là tháng 2 năm 1963, ông Ngô Đình Nhu mượn cớ đi săn cọp, đã bí mật gặp tại Bình Tuy một cán bộ cộng sản cao cấp là Phạm Hùng và có thể cả tướng Trần Độ. Chính phủ Hoa Kỳ khá bận tâm với nguồn tin này. (7)

Tổng thống Kennedy lo ngại tình hình Việt Nam ảnh hưởng xấu đến cuộc tái tranh cử của ông vào năm 1964. Do đó Kennedy muốn tìm một giải pháp mới, nhằm thay đổi tình hình tại Việt Nam theo chiều hướng có lợi cuộc tái tranh cử của mình. Trong cuộc họp báo ngày 22 tháng 5 về Việt Nam, Tổng thống Kennedy đã có những lời lẽ chỉ trích Chính phủ của ông Diệm, và một câu nói của ông như một lời giận dỗi: Mỹ sẽ rút hết quân đội và chấm dứt viện trợ cho Việt Nam bất cứ lúc nào chính phủ Việt Nam yêu cầu. Trả lời báo chí, ông ngụ ý là "Việt Nam muốn chiến thắng Cộng sản, cần phải có những thay đổi chính trị sâu rộng, từ căn bản." (8)

Ngày 27 tháng 6 năm 1963, Tổng thống Kennedy công bố quyết định thay đổi Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Đây là một dấu hiệu thay đổi Chính sách của người Mỹ. (9). Ngày 22 tháng 8 năm 1963, tân Đại sứ Henry Cabot Lodge, (con), đến Sài Gòn.

Ngày 24 tháng 8 năm 1963, Lodge, người vừa sang Sài Gòn làm đại sứ, đã nhận được chỉ thị từ Washington yêu cầu Tổng Thống Ngô Đình Diệm cách chức Cố Vấn Ngô Đình Nhu và cảnh báo Tổng Thống Diệm rằng, nếu ông ấy từ chối, Hoa Kỳ sẽ phải "đối diện với khả năng chính bản thân ông Diệm không thể được bảo toàn." (10).

Cũng trong ngày 24/8, Thứ trưởng Ngoại giao George Ball, xử lý thường vụ Ngoại Trưởng, cùng Harriman (Thứ Trưởng Ngoại giao), Hilsman (Phụ Tá Ngoại trưởng), Forrestal (Phụ Tá Tổng Thống) đồng soạn và ký tên mật điện 243 gởi cho tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn (sau khi được Tổng thống Kennedy và Ngoại trưởng Rusk đồng ý). Nội dung đoạn cuối điện văn được dịch như sau:

“Chính phủ Hoa Kỳ không thể dung dưỡng tình trạng mà quyền hành lại nằm trong tay ông Nhu. Ông Diệm phải loại bỏ ông Nhu và các thuộc hạ của ông để thay vào đó bằng những quân nhân và chính trị gia có khả năng nhất.

“Nếu ông (tức Đại Sứ Lodge) cố gắng hết sức, nhưng ông Diệm vẫn ngoan cố và từ chối thì chúng ta phải đối diện với một điều có thể xảy ra, là ngay cả bản thân ông Diệm cũng không thể được bảo toàn.”(11)

Ngày 25 tháng 8, trong chương trình phát thanh của Đài tiếng nói Hoa Kỳ, Tổng thống Kennedy họp báo tuyên bố rằng: “Nếu muốn công cuộc ngăn chặn Cộng Sản tại Việt Nam hữu hiệu thì cần phải thay đổi chính sách, thay đổi hệ thống nhân sự lãnh đạo tại Sài Gòn. Cũng khoảng thời gian này, ông Ngô Đình Nhu họp báo tại Los Angeles tuyên bố rằng Mỹ đang dự định tổ chức một cuộc đảo chính lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Ông tố cáo rằng "hiện thời ở Việt Nam bất cứ một cuộc đảo chánh nào cũng không thể thành công được trừ khi được Mỹ xúi giục và hậu thuẫn."(12)

Chiều ngày 29-10-1963 tại Tòa Bạch Cung (Nhà Trắng), Tổng Thống Kennedy triệu tập một cuộc họp đặc biệt gồm 15 vị cố vấn ngoại giao cao cấp và chuyên gia an ninh quốc gia. Số phận của anh em ông Ngô Đình Diệm được định đoạt tại cuộc họp này. Biên bản tài liệu được ghi âm cho thấy ý kiến đối với cuộc đảo chính sẽ tiến hành của các đại biểu dự cuộc họp là không đồng nhất. Nhưng thật lạ lùng là trong cuộc họp không ai yêu cầu bỏ phiếu biểu quyết và cũng chẳng ai thảo luận một cách có hệ thống về hậu quả do cuộc đảo chính có thể mang lại. Ngay cả Tổng thống Kennedy cũng không chủ động nghe ý kiến của người phản đối, chỉ buông xuôi bằng câu “Thôi cứ để Lodge và các cộng sự của ông ta tùy cơ ứng biến, tới khi đó mọi việc sẽ rõ.”(13)

CHUẨN BỊ

Ông Bùi Diễm, sau năm 1963 là đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Hoa Kỳ, đã viết trong hồi ký của mình rằng: “Tướng Lê Văn Kim đã yêu cầu hỗ trợ nhằm thực hiện điều mà chính phủ Hoa Kỳ muốn làm với chính quyền của ông Ngô Đình Diệm, tức loại bỏ chính quyền của ông Diệm.” (14). Diễm đã liên lạc với cả đại sứ và các nhà báo thạo tin của Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam, như David Halberstam (New York Times), Neil Sheehan (United Press International) và Malcolm Browne (Associated Press). (15)

Henry Cabot Lodge, (con), đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Cộng Hòa sau khi biết về âm mưu đảo chính, được lên kế hoạch bởi các tướng lĩnh của Quân Lực Việt Nam Cộng hòa do tướng Dương Văn Minh cầm đầu, đã báo cáo cho Tổng thống Mỹ xin ý kiến. Biên bản cuộc họp ngày 29 tháng 10 năm 1963 giữa Tổng thống Mỹ và các cố vấn cho thấy Tổng thống Mỹ sau khi họp với 15 cố vấn ngoại giao cao cấp và chuyên gia an ninh quốc gia không đưa ra được ý kiến thống nhất về vấn đề này mà để cho đại sứ Lodge tùy cơ ứng biến (16). Tại Washington, Ngoại trưởng Dean Rusk truyền đạt quyết định đến đại sứ Lodge ở Sài Gòn. Lodge lại báo tin cho nhân viên CIA Lucien Conein (17).

Lucien Conein đặc vụ của CIA trở thành đầu mối liên lạc giữa đại sứ quán Hoa Kỳ với các tướng lĩnh đảo chính, thoạt tiên, do Trần Văn Đôn đứng đầu (18). Ngày 3 tháng 10 năm 1963, Conein gặp tướng Minh là người nói cho ông ta biết ý định đảo chính và yêu cầu người Mỹ hỗ trợ nếu nó thành công (19). Hơn nữa, “Trong cuộc nói chuyện, Minh đã hé lộ rằng âm mưu đảo chánh sẽ kể cả việc ám sát hai ông Diệm và Nhu.” Trong phim tài liệu Việt Nam: Cuộc chiến 10.000 ngày của đạo diễn Michael Maclear, nhân viên CIA Lucien Conein kể lại rằng khi được thông báo về ý định đảo chính ông ta nói: "Lệnh mà tôi nhận là thế này: ‘Tôi phải cho tướng Minh biết rằng Chính phủ Hoa Kỳ sẽ không cản trở cuộc đảo chính của họ, và tôi đã truyền đạt điều này’." (20).

Sau đó Conein bí mật gặp tướng Trần Văn Đôn để nói với ông này rằng Hoa Kỳ phản đối bất cứ hành động ám sát nào. Tướng Đôn trả lời "Được rồi, nếu anh không thích điều đó chúng ta sẽ không nói về nó nữa." (21)

Để chuẩn bị cho cuộc đảo chính các tướng lĩnh đã đưa một số đơn vị quân đội trung thành với chính phủ Ngô Đình Diệm đi hành quân ở những vùng xa Sài Gòn để các đơn vị này không thể ứng cứu khi đảo chính xảy ra. Ngày 29 tháng 10, để vô hiệu hóa Lực lượng Đặc biệt (lực lượng thiện chiến và trung thành với chế độ), tướng Tôn Thất Đính với tư cách Tư lệnh Quân đoàn III (và cũng là Tổng trấn Sài Gòn - Gia Định) ra lệnh cho các đơn vị thuộc lực lượng này di chuyển ra khỏi Sài Gòn, truy quét cộng sản ở vùng Hố Bò, Củ Chi.

Sáng ngày 31 tháng 10 năm 1963, tướng Tôn Thất Đính hạ lệnh cấm trại toàn thể Quân Đoàn III và Vùng III Chiến Thuật và cử đại tá Nguyễn Hữu Có đem một đơn vị tới Bắc Mỹ Thuận tịch thu hết tất cả các phà để cản đường về thủ đô của bất cứ đơn vị nào của Quân Đoàn IV và Vùng 4 Chiến thuật. Chiều 31 tháng 10 năm 1963, Đại tá Nguyễn Văn Thiệu, Tư lệnh Sư đoàn 5 đã dẫn 2 Trung đoàn cùng 1 Tiểu đoàn Pháo binh và 1 Chi đoàn Thiết giáp mượn cớ đi hành quân ở Phước Tuy nhưng lại dừng chân ở ngã ba xa lộ Biên Hòa và QL.15 (đường đi Vũng Tàu.) Như vậy các tướng lãnh đã chặn tất cả các nẻo chính của thủ đô.

VÔ HIỆU HÓA CÁC SĨ QUAN TRUNG THÀNH VỚI TT DIỆM

Đại tá Hồ Tấn Quyền, tư lệnh Hải Quân, là một trong số rất ít sĩ quan chỉ huy thật sự trung thành với ông Ngô Đình Diệm. Sáng ngày 1 tháng 11 năm 1963, được lệnh của các tướng lĩnh chỉ huy đảo chính loại bỏ đại tá Hồ Tấn Quyền, thiếu tá Trương Ngọc Lực, Chỉ huy trưởng Vùng III Sông Ngòi (dư luận đánh giá ông này là một người hiếu sát) và Đại úy Nguyễn Kim Hương Giang, Chỉ huy trưởng Giang Đoàn 24 Xung Phong, kiêm Chỉ huy trưởng Đoàn Giang Vận, đã lừa Hồ Tấn Quyền ra Thủ Đức và hạ sát ông tại rừng cao su. Phe đảo chính đã e rằng nếu ông còn sống, ông sẽ chỉ huy Hải Quân ứng cứu ông Ngô Đình Diệm, như vậy có thể khiến cuộc đảo chính thất bại.

Cũng trong sáng ngày 1 tháng 11, trung tướng Trần Văn Đôn triệu tập các cấp chỉ huy của một số các đơn vị quân đội đồn trú tại Sài Gòn và các vùng phụ cận mà ông nghi ngờ trung thành với tổng thống Ngô Đình Diệm về cầm chân ở Bộ Tổng Tham Mưu (TTM). (Khi Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi, Tư lệnh Lữ đoàn Phòng vệ Phủ Tổng thống đến họp ở Bộ Tổng tham mưu thì ông bị còng tay với nhiều sĩ quan cao cấp khác như Trung tá Nguyễn Văn Thiện, Chỉ huy trưởng Binh chủng Thiết giáp và Đại tá Trần Văn Trung, Tùy viên Quân sự ở Pháp mới về nước. (22)

Lúc 1giờ30 trưa ngày 1 tháng 11 năm 1963, điệp viên CIA Lucien Conein vào bộ TTM, mang theo một máy truyền tin đặc biệt để liên lạc với Tòa Đại sứ Mỹ và một bao tiền là ba triệu bạc Việt Nam (23) (Khoảng 30,000 đô-la theo thời giá lúc bấy giờ) để hỗ trợ cho việc thực hiện đảo chính với lời hứa rằng Hoa Kỳ sẽ không làm bất cứ điều gì để bảo vệ Ngô Đình Diệm. (24). Theo “Việt Nam nhân chứng” của cựu tướng Trần Văn Đôn thì số tiền này được chia cho Dương Văn Minh, Lê Văn Kim, Tôn Thất Đính, Nguyễn Hữu Có, Đỗ Cao Trí, Nguyễn Khánh, Trần Ngọc Tám và Lê Nguyên Khang.

Ngay sau đó, tướng Dương Văn Minh đề nghị tất cả tướng lãnh tham dự vào cuộc đảo chính. Hầu hết các tướng lĩnh đều hưởng ứng, trừ 5 người đứng dậy phản đối. Đại tá Cao Văn Viên từ chối tham gia, nhưng khi thấy không có nhiều người hưởng ứng mình thì ông nói là sẽ không chống lại đảo chính, rồi lại ngồi xuống (25). Bốn người khác phản đối gồm có Trung tá Nguyễn Ngọc Khôi - Tư lệnh Liên binh Phòng vệ Phủ tổng thống; Thiếu tá Nguyễn Đức Xích, Tỉnh trưởng Gia Định; Đại tá Lê Quang Tung, Tư lệnh Lực lượng Đặc biệt và Đại tá Huỳnh Hữu Hiền, ở Không quân.

Các ông bị bắt ngay sau đó và bị Đại úy Nguyễn Văn Nhung, sĩ quan tùy viên của tướng Dương Văn Minh, đưa sang tạm giam trong phòng "cô lập các sĩ quan chống đối". Đêm đó, Nguyễn Văn Nhung đem Đại tá Tung và em trai là Thiếu tá Lê Quang Triệu, Tham Mưu Trưởng Lực Lượng Đặc Biệt ra Nghĩa trang Bắc Việt Tương Tế ở sau doanh trại của Bộ TTM. Nhung cùng một quân cảnh khác đã dùng lưỡi lê đâm tới tấp anh em Tung - Triệu cho đến chết. Khi cả hai anh em Tung - Triệu đã chết hẳn, Nhung ra lệnh vùi xác cả hai vào một đống cỏ rác (26).

Tại Vùng IV Chiến thuật, tướng Huỳnh Văn Cao lúc đầu nhất định không theo đảo chính. Ông đã cố gắng để liên lạc với Đại tá Bùi Dzinh tư lệnh Sư đoàn 9 đóng ở Sa Đéc và đại tá Bùi Đình Đạm Tư lệnh Sư đoàn 7 đóng ở Mỹ Tho đem quân về, nhưng Sư đoàn 7 đã bị đại tá Nguyễn Hữu Có đem công điện của trung tướng Đôn về đoạt quyền tư lệnh của đại tá Đạm. Kế tiếp ông Có đã đem quân Sư đoàn 7 ra chặn ở ngã ba Trung Lương và cho rút hết các chiếc phà Mỹ Thuận để ngăn chặn Sư đoàn 9 vượt sông Tiền Giang (27). Sau đảo chính, Huỳnh Văn Cao chỉ được giao các chức vụ không quan trọng, rồi phải giải ngũ vào năm 1966.

ĐẢO CHÍNH

Cuộc đảo chánh diễn ra khá xuôi thuận và tương đối ít đổ máu trong ngày 1/11. Khoảng 8 giờ tối ngày hôm đó (1/11). Tổng thống Ngô Đình Diệm và ông Ngô Đình Nhu cùng 2 sĩ quan tùy viên (Đại úy Đỗ Thọ và Đại úy Bằng) trốn về nhà Mã Tuyên, Tổng Bang Trưởng của người Hoa và cũng là thủ lĩnh Thanh Niên Cộng Hòa, ở Chợ Lớn. (Sau cuộc đảo chính, Mã Tuyên bị bắt và bị đày ra Côn Đảo, gia sản bị tịch biên). Sáng sớm ngày 2 tháng 11, từ nhà Mã Tuyên hai ông sang dự lễ và cầu nguyện tại nhà thờ Cha Tam (nhà thờ thánh Phaxicô Xaviê). Tại đây Tổng thống Diệm ra lệnh cho đại úy tùy viên Đỗ Thọ lấy điện thoại ở Nhà Xứ (nhà của linh mục chính xứ) gọi về TTM thông báo là hiện Tổng Thống đang ở nhà thờ Cha Tam, Chợ Lớn (28).

Khi ông Diệm bằng lòng đầu hàng, các tướng làm đảo chánh đã nhóm họp và muốn đưa hai ông Diệm và Nhu đi nước khác. Họ hứa rằng hai anh em nhà Ngô sẽ được an toàn ra nước ngoài và về hưu “trong danh dự”. Không phải tất cả các sĩ quan cao cấp đã tham dự phiên họp. Tướng Nguyễn Ngọc Lễ đã lớn tiếng đòi giết hai ông Diệm và Nhu. Không có cuộc bỏ phiếu chính thức nào về việc này và chỉ có vài người đồng ý với ông Lễ (29). Điệp viên CIA Conein bá cáo rằng các tướng đã không bao giờ nói đến việc ám sát hai ông, vì việc chuyển quyền là ưu tiên thành đạt lớn nhất mà họ nhắm tới để được quốc tế công nhận (30).

Hai tướng Minh và Đôn đã xin Conein dàn xếp để có một chiếc máy bay Mỹ đưa hai anh em nhà Ngô ra khỏi nước. Hai hôm trước đó, đại sứ Lodge đã báo động Washington rằng rất có thể các tướng lẵnh sẽ yêu cầu như vậy và đề nghị họ sẽ bay đi từ Saigon. Yêu cầu này đã khiến chính phủ Kennedy bối rối, vì cung cấp một chiếc máy bay như vậy sẽ chứng tỏ Washington đã đứng sau cuộc đảo chính. Khi Conein gọi cho “cơ sở” CIA ở Saigon, ông ta đã phải đợi đến 10 phút. Chính phủ Mỹ đã không cho phép bất cứ máy bay nào của mình đáp xuống một quốc gia khác nếu nước đó không cho phép anh em ông Diệm tạm trú. Chính phủ Mỹ cũng không muốn anh em họ lập chính phủ lưu vong và ông Roger Hilsman (thứ trưởng Ngoại Giao) trước đó đã từng viết: “Không thể để cho anh em nhà Ngô tạm trú ở Đông Nam Á, quá gần Vietnam, trong bất cứ trường hợp nào, vì e rằng sẽ có các âm mưu đưa họ lên nắm quyền trở lại. Nếu các tướng muốn họ lưu vong, họ phải đi ra khỏi Đông Nam Á.” Ông ta cũng tiên đoán điều mà ông ấy gọi là "Götterdämmerung in the palace." (“Götterdämmerung trong dinh.” Götterdämmerung là tên của một bi nhạc kịch của Đức, do Richard Wagner biên soạn. Nghĩa đen là “Cảnh tranh tối tranh sáng của các thần.” Nhạc kịch nói về cảnh chiến tranh, tàn phá giữa các thần với nhau và với nhân loại) (31).

Trước khi quyết định đầu hàng, ông Diệm đã gọi cho đại sứ Lodge và nói chuyện với ông này lần cuối. Ông Lodge đã không bá cáo cuộc điện đàm này cho Washington. Nhưng cũng có tin cho rằng hai ông này còn nói chuyện với nhau vào hôm trước, lúc cuộc đảo chánh mới bắt đầu. Tuy nhiên, sau khi ông Lodge qua đời, 1985, phụ tá của ông là đại tá Mike Dunn đã cho biết họ đã điện đàm lần cuối vào khoảng 7 giờ sáng ngày 2/11, chỉ vài phút trước khi ông Diệm quyết định đầu hàng. Khi ông Diệm gọi, Dunn kể, ông Lodge đã “để ông ấy chờ điện thoại” rồi bước đi chỗ khác. Khi trở lại, Lodge đã đề nghị cho ông Diệm ra nước ngoài tạm trú, nhưng sẽ không có phương tiện chuyên chở đến Philippines cho đến hôm sau (32). Điều này đã trái ngược với điều ông Lodge đã đề nghị với ông Diệm về nước tạm dung, ngày hôm trước, khi ông ấy yêu cầu ông Diệm đừng chống lại cuộc đảo chánh (33). Ông Dunn đã đề nghị để chính ông ấy đến chỗ hai anh em ông Diệm đang trốn, hộ tống họ, như vậy các tướng sẽ không giết họ được. Nhưng ông Lodge từ chối, nói rằng: “Chúng ta không thể can thiệp sâu như vậy.” (34). Ông Dunn viết tiếp: “Tôi thực sự kinh ngạc vì chúng tôi không làm gì hơn cho họ.” (35). Vì không giúp hai anh em nhà Ngô an toàn rời khỏi VN nên sau khi họ bị giết, ông Lodge đã nói: “Chúng ta sẽ làm gì với họ nếu họ sống? Bất cứ “tên phản động” nào trên thế giới cũng có thể sử dụng họ.” (36)

Ông Dunn đã xác nhận là khi để ông Diệm chờ trong cuộc điện đàm, Lodge đã đi qua phòng khác gọi cho gián điệp Conein để báo cho người này chỗ trốn của hai ông Diệm và Nhu. Như đã nói, họ đã ra khỏi dinh Gia Long từ tối hôm trước để tránh bị các tướng nổi loạn bắt. Khi được hỏi về những điều ông Dunn đã nói, gián điệp Conein đã chối bỏ những điều đó (37). Conein còn nói rằng, một trong các nhân viên của Lodge đã nói với ông ta rằng chiếc máy bay, nếu có đó, sẽ phải bay trực tiếp đến một nước thật xa để anh em ông Diệm không thể rời máy bay lúc nó ghé ở một nước nào gần VN, để tổ chức phản công cuộc đảo chánh (38). Conein còn được kể rằng chiếc máy bay gần nhất có thể làm chuyện đó đang ở đảo Guam và phải cần ít nhất 24 tiếng để chuẩn bị cho công tác này.

Tướng Minh đã rất đỗi kinh ngạc và nói với Conein rằng các tướng không thể giữ ông Diệm lâu như vậy. Được biết là Conein đã không nghi ngờ sự trì hoãn cố ý của đại sứ quán Mỹ. Ngược lại, vào khoảng đầu thập niên 1970s, một ủy ban điều tra của thượng viện Mỹ đã nêu một câu hỏi khiêu khích: “Người ta tự hỏi rằng điều gì đã xảy ra cho chiếc máy bay quân đội được gửi đến chờ đưa ông Lodge đi, được định vào ngày hôm trước?” (39)

TRỐN VÀO CHỢ LỚN

Howard Jones kể rằng tướng Minh đã đến dinh Gia Long trên một chiếc xe hơi 4 chỗ ngồi với phụ tá và cận vệ, đại úy Nhung, để bắt hai anh em ông Diệm. Ông ta cũng sai một thiết vận xa M-113 và 4 chiếc xe Jeep của quân đội đến đó để đưa các ông Diệm và Nhu về bộ TTM làm nghi thức bàn giao quyền lực, có truyền hình trực tiếp, với sự chứng kiến của báo chí quốc tế. Khi đó các ông Diệm và Nhu sẽ “xin” các tướng cho đi lưu vong và tạm trú ở một nước ngoài. Điều này sẽ được chấp thuận (40). Nhưng khi ông Minh đến đó thì, như đã biết, hai anh em ông Diệm đã không còn trong dinh.

Nữ sử gia Ellen Hammer đã không chấp nhận câu chuyện về việc đã có các đường hầm từ dinh Gia Long đào ra ngoài. Bà ấy nói rằng hai anh em ông Diệm chỉ đơn giản đi ra khỏi dinh, lúc đó chưa bị bao vây (41). Bà ấy kể thêm rằng họ đi qua một sân tennis, rời khu vực của dinh Gia Long bằng một cổng nhỏ trên đường Lê Thánh Tôn và vào một chiếc xe. Những người còn trung thành với hai ông đã dùng các đường hẻm để tránh những trạm kiểm soát của quân đảo chánh, rồi đổi qua một chiếc ô tô Citroen (do Pháp sản xuất) màu đen (42).

Sau khi rời khỏi dinh Gia Long, có bá cáo rằng ông Nhu đã đề nghị với ông Diệm là mỗi người nên đi riêng một ngả để họ có nhiều cơ hội sống sót hơn. Một nên đi về miền Tây, xuống vùng IV Chiến Thuật với tướng Cao, trong khi người khác lên cao nguyên, Vùng II Chiến Thuật của tướng Khánh. Ông Nhu đã nghĩ rằng các tướng phản loạn sẽ không dám giết một người, trong khi người khác còn sống, trường hợp người này lật được thế cờ. Theo lời kể, ông Diệm đã không đồng ý và nói rằng: “Không thể để em đi một mình được, họ rất ghét em, họ sẽ giết em. Ở với anh, anh sẽ bảo vệ em.” Một lời chứng khác ghi lại rằng ông Diệm đã nói: “Trong những năm qua, anh em mình luôn luôn có nhau. Anh em mình đã không hề rời nhau những năm qua mà? Làm sao mình có thể bỏ nhau trong giờ phút nghiêm trọng này được?” (toàn là những lời đầy yêu thương của một người anh!). Ông Nhu đã đồng ý đi chung với ông Diệm cho đến cùng (43).

Những cận vệ trung kiên đã an toàn đưa hai ông đến nhà ông Mã Tuyên trong Chợ Lớn. Hai ông đã xin tị nạn ở đại sứ quán Đài Loan nhưng bị từ chối nên đã ở lại nhà ông Mã Tuyên và kêu gọi những người còn trung thành về Saigon cứu họ. Đồng thời, họ cũng tìm cách điều đình với phe đảo chính (44). Mật vụ của ông Nhu đã âm thầm mắc dường dây điện thoại trong nhà ông Mã Tuyên, có cùng số với đài ở dinh Gia Long, nên phe đảo chính vẫn nghĩ rằng hai ông còn ở trong dinh. Quân nhân ở cả hai phia đều không biết rằng vào lúc 9 giờ tối hôm 1/11, họ đã đánh nhau vì một tòa nhà trống và đưa đến những cái chết vô ích (45).

Sau khi (đến dinh Gia Long mà không bắt được hai ông) tướng Minh ra lệnh khám xét những nơi gia đình nhà Ngô hay lui tới mà không thành công. Nhưng một tù binh bị bắt trong dinh Gia Long đã khai, và đến tai đại tá Thảo, rằng hai ông đã vào Chợ Lớn. Tướng Khiêm đã ra lệnh cho Thảo tìm hai ông và đừng để ai giết họ (46). (Hiển nhiên là đại tá Thảo đã đến nhà thờ Cha Tam muộn hơn nhóm của tướng Xuân). Khoảng 10 giờ sáng, 2/11, một thiết vận xa M.113 và hai xe Jeep đã vào sân nhà thờ Cha Tam (47).

CUỘC ÁM SÁT HÈN HẠ

Đoàn xe do tướng Mai Hữu Xuân cầm đầu cùng với hai đại tá Quan và Lắm. Quan là phụ tá cho tướng Minh và Lắm là tư lệnh lực lượng Bảo An. Lắm chỉ tham gia đảo chính sau khi biết chắc rằng họ sẽ thắng. Đoàn xe còn có hai sĩ quan nữa: Thiếu tá Dương Hiếu Nghĩa và đại úy Nguyễn Văn Nhung. Nhung là cận vệ của tướng Minh (48). Ông Nhu đã tỏ dấu không hài lòng về việc họ bắt ông Diệm ngồi trong chiếc M.113: “Các anh dùng xe loại này để chở Tổng Thống à?” (49). Lắm đã an ủi ông rằng họ phải làm vậy để bảo về hai ông tránh những kẻ quá khích. Họ trói tay hai ông quặt ra sau (50).

Sau khi bắt hai ông, Nhung và Nghĩa cũng ngồi trong chiếc M.113 đó để trở về Bộ TTM. (Trước khi đoàn xe rời bộ TTM để đi bắt hai anh em ông Diệm, có ghi nhận là tướng Minh đã ra dấu cho Nhung với hai ngón tay, nhiều người đã đoán rằng đó là lệnh phải giết cả hai anh em ông Diệm). Vì có đoàn xe lửa đang đi qua đường Hồng Thập Tự, nên đoàn xe phải ngừng lại. Nơi đó bây giờ là ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai và Nguyễn Thượng Hiền. Tất cả các lời kể đều nói rằng hai ông Diệm và Nhu đã bị sát hại ở đây. Theo kết quả cuộc điều tra của tướng Đôn, sau này, thì người đầu tiên bắn hai ông ở cự ly thật gần, bằng súng bán tự động, là thiếu tá Nghĩa; sau đó đại úy Nhung quạt thêm một loạt đạn vào hai ông, trước khi đâm liên tiếp vào các thân xác đã bất động của họ (51).

Theo hồi ký "Việt Nam một trời tâm sự" của tướng Nguyễn Chánh Thi, khi chiếc thiết vận xa rời Nhà thờ Cha Tam chạy chừng 500 m thì gặp tướng Mai Hữu Xuân đưa lên một ngón tay trỏ, nhóm Nguyễn Văn Nhung trên M.113 đoán rằng ông ta ra lệnh giết một trong hai anh em tổng thống Diệm, nhưng chưa biết phải giết người nào thì lại thấy tướng Xuân đưa lên hai ngón tay (ngón trỏ và ngón giữa) của bàn tay trái, hai ngón này khép lại với nhau, chỉ vào hai ngón tay của bàn tay phải giơ lên. Họ nghĩ rằng ông ra lệnh giết cả hai anh Ngô Đình Diệm. Và khi đoàn xe chở hai xác của các ông Diệm và Nhu đến Bộ TTM thì thiếu tướng Mai Hữu Xuân đưa tay chào tướng Dương Văn Minh và nói bằng tiếng Pháp: "Mission accomplie!" (Sứ mệnh đã hoàn thành) (52).

Thi hài của hai ông được đưa vào bệnh xá của Bộ TTM Quân lực Việt Nam Cộng hòa để khám nghiệm. Theo chứng nhận của bác sĩ Huỳnh Văn Hưỡn, giám đốc bệnh xá và cũng là người đã tiến hành vụ khám nghiệm, thì hai ông Diệm, Nhu bị bắn từ sau gáy ra phía trước. Xác tổng thống Ngô Đình Diệm có nhiều vết bầm, chứng tỏ đã bị đánh đập trước khi bắn. Xác Ngô Đình Nhu bị đâm nhiều nhát, áo rách nát và đầy máu.

Thi hài anh em tổng thống Diệm được âm thầm an táng trong vòng thành Bộ TTM. (Về sau thì di dời ra Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi) với sự hiện diện của người cháu gái và làm thủ tục khai tử tại quận Tân Bình. Về nghề nghiệp của Tổng Thống Ngô Đình Diệm được ghi là Tuần Vũ (Tỉnh Trưởng) và ông Nhu là Quản thủ Thư viện (53).

NỖ LỰC CHẠY TỘI

Khi hai thi hài được đưa về đến Bộ TTM, các tướng đều bị sốc. Mặc dù họ khinh rẻ và không ưa ông Nhu, nhưng họ vẫn kính trọng ông Diệm, nhiều người đã mất bình tĩnh. Tướng Đính nói: “Tôi đã không thể ngủ đêm hôm đó.” Trong khi tướng Đôn kể rằng các tướng “thực sự đau buồn” và thêm rằng họ thực sự chỉ muốn đưa hai ông đi sống lưu vong. Đôn kết án ông Nhu đã thuyết phục tổng thống Diệm từ chối việc đi lưu vong. Trong khi đại sứ Lodge, sau này, kết luận: “Một lần nữa, ông Nhu đã cho thấy chính ông ta là ‘thiên tài ác độc’ trong cuộc đời của ông Diệm.” Tướng Đôn đã ra lệnh cho mọi người phải nói là hai ông đã chết vì tai nạn. Rồi ông ấy vào văn phòng của tướng Minh:

Đôn: “Tại sao họ phải chết?”
Minh: “Họ chết thì đã sao?”

Cùng lúc đó, tướng Xuân bước vào văn phòng của tướng Minh, cửa đang mở, không biết rằng tướng Đôn có mặt trong đó. Xuân đứng nghiêm chào và nói: “Sứ mệnh đã hoàn tất!” (54). Không lâu sau đó, CIA bá cáo với tòa bạch ốc rằng hai ông Diệm và Nhu đã chết, nói bừa là họ đã tự tử. Đài phát thanh Saigon lại loan tin là họ chết vì thuốc độc và rằng hai ông đã tự tử lúc còn ở trên thiết vận xa M.113. Có rất nhiều tin đồn trái ngược. Tướng Mỹ Paul Harkins bá cáo là việc tự sát đã xảy ra là vì súng hay giằng co lựu đạn của một sĩ quan canh gác. Tướng Minh thì cố giải thích ngược lại là: “Vì vô tình, có một khẩu súng để trong xe, nên họ đã dùng khẩu súng này để tự tử.” (55)

Khi tổng thống Kennedy nghe tin về cái chết của hai ông Diệm và Nhu trong một cuộc họp ở Tòa Bạch Cung, ông đã tỏ ra run rẩy và phải tạm bỏ phòng họp. Sau này, ông viết vào nhật ký, than thở rằng cuộc ám sát “thật ghê tởm” và tự trách mình là đã chấp thuận mật điện 243, cho phép đại sứ Lodge tìm các dịp để đảo chính, sau khi nghe Lodge bá cáo về việc ông Nhu tấn công các chùa chiền (56). Conein rồi cũng phải cho mọi người biết sự thật về cái chết của hai anh em nhà Ngô. Sau này, các hình ảnh còn cho thấy rõ hai xác chết trên sàn của chiếc M.113. Những hình ảnh chân thật đó đã nói rõ sự dối trá, quanh quéo cả các tướng đảo chánh khi họ nói rằng hai ông đã tự tử (57).

Một khi nguyên nhân chính thức về cái chết của hai anh em nhà nhà Ngô được loan tải ra quần chúng, chính phủ Mỹ đã lo ngại dân chúng của họ sẽ đặt vấn đề về tương quan giữa chính phrủ của họ với hội đồng quân nhân Việt Nam mới được thành lập (59). Lúc đầu, đại sứ Lodge đã loan theo những tin của các tướng rằng hai ông Diệm và Nhu đã tự sát bằng súng (60). Không tỏ vẻ lo lắng gì, ông ta đã chúc mừng tướng Đôn “hành động như bậc thày” trong đảo chánh và hứa thiết lập bang giao. Thực ra, vào lúc 4 giờ chiều ngày 2/11, khi được thông báo rằng hai anh em tổng thống Diệm đã bị giết, Đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge, đã vui vẻ thốt lên bằng tiếng Pháp: "C’est formidable! C’est formidable!" (Thật là tuyệt diệu! Tuyệt diệu!) (61)

Sự quả quyết của tướng Đôn rằng việc ám sát anh em tổng thống Diệm là ngoài dự tính, đã đủ đối với ông Lodge, người đã nói với bộ ngoại giao Mỹ: “Tôi chắc rằng họ (các tướng) đã không ra lệnh việc ám sát.” Các tướng Minh và Đôn tái xác định điều họ đã tuyên bố về việc ám sát trong cuộc họp với hai ông Lodge và Conein vào ngày hôm sau. Nhiều viên chức trong chính quyền của ông Kennedy đã kinh hoàng về việc giết người này, đồng thời cho đây là yếu tố chính khiến miền Nam, sau đó, bị khủng hoảng lãnh đạo. Việc ám sát đã tạo sự rạn nứt trong hàng ngũ hội đồng quân nhân và đã làm thay đổi tư tưởng của người Mỹ và thế giới (62).

Việc giết hai ông Diệm và Nhu đã ảnh hưởng sâu đậm đến niềm tin trong dân chúng rằng chính phủ mới sẽ khá hơn, đã gây chia rẽ trong hang ngũ các tướng. Sự lên án việc giết người này đã khiến các quan chức không còn tin nhau và tranh giành quyền lực trong chính phủ mới. Theo tác giả Jones: “Khi các quyết định về việc điều hành chính phủ sau đảo chánh được xếp ưu tiên, sự phẫn nộ về việc ám sát cộng với các tranh giành quyền lực đã làm tân chính phủ tan rã trước khi nó hoàn toàn được gầy dựng.” (63)

ĐỔ TỘI CHO NHAU

Trách nhiệm về việc ám sát hai ông Diệm và Nhu, một cách tổng quát, đã đặt trên đầu tướng Minh. Gián điệp Conein đã khẳng định: “Tôi được nghe từ rất nhiều người có thẩm quyền đã nói rằng Big Minh (Minh Cồ, vì ông ấy khá to con và để phân biệt với một tướng Minh khác, nhỏ con hơn) đã ra lệnh ám sát.” (64). Giám đốc cục CIA ở miền viễn đông, William Colby, cũng nói như vậy (65). Tướng Đôn cũng nói một cách dứt khoát: “Tôi có thể nói chắc chắn rằng chính tướng Minh đã ra lệnh và chỉ ông ta mà thôi.” (66)

Ông Lodge còn nghĩ rằng tướng Xuân cũng phải chịu một phần trách nhiệm, khẳng định rằng: “Diệm và Nhu bị sám sát, nếu không phải do quyết định của riêng Xuân, thì ít nhất ông ta cũng là người ra lệnh (tại chỗ)” (67). Năm 1971, tướng Minh lại đổ tội cho đại tá Thiệu vì ông này đã chần chừ và hoãn việc đưa quân của sư đoàn 5 về chiếm dinh Gia Long (68). Thiệu đã hét lên, chối bỏ trách nhiệm đó và ra một tuyên ngôn mà chính Minh cũng không cãi được: “Dương văn Minh phải chấp nhận hoàn toàn trách nhiệm về cái chết của Ngô Đình Diệm.” (69). Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Richard Nixon sau này (sau 1968), một ủy ban điều tra về việc Mỹ can thiệp vào cuộc chiến ở Việt Nam, đã tin rằng chính Kenndy đã bí mật ra lệnh giết hai anh em ông Diệm, nhưng họ cũng không tìm được bằng chứng nào cả (70).

Gián điệp Conein còn khẳng định, vì Minh đã bị “hố” trong việc bắt hụt hai anh em ông Diệm ở dinh Gia Long nên ông này đã ra lệnh xử tử hai ông ấy. Conein lý luận rằng, Minh đã xấu hổ khi định đến dinh Gia Long, trong quân phục đại lễ để nhận quyền lãnh đạo, nhưng chỉ thấy một tòa nhà trống. (Lý do này thường quá!) Một gián điệp CIA khác thì nói: “Họ phải giết ông ta (Diệm). Nếu không những người còn trung thành với ông ấy sẽ từ từ lấy lại tinh thần và củng cố lực lượng thì sẽ có nội chiến.” Mấy tháng sau đảo chính, có bá cáo rằng tướng Minh đã nói trong riêng tư: “Chúng tôi không còn cách nào khác. Họ phải bị giết. Không thể để ông Diệm sống bởi vì ông rất được kính trọng bởi những nông dân đơn sơ, dễ tin ở thôn quê, nhất là những giáo dân Công Giáo và dân tị nạn. Chúng tôi phải giết Nhu vì ông ta rất đáng sợ - và vì ông ta đã thành lập những tổ chức trở thành cánh tay phải cho quyền bính của riêng ông ta.” (71)

Trần Văn Hương, một chính trị gia dân sự, đã bị cầm tù vào năm 1960 vì đã tham gia và ký vào bản “Tuyên ngôn Caravelle” (các chính trị gia đối lập đã họp ở khách sạn Caravelle, Saigon), đả kích ông Diệm. Ông Hương nói: “Các tướng đứng đầu quyết định giết ông Diệm và em ông ta đã sợ muốn chết. Họ rất biết rằng họ không có khả năng, thiếu đức hạnh, không hậu thuẫn chính trị gì cả, nên họ không thể ngăn cản một cuộc trở lại ngoạn mục của tổng thống và ông Nhu, nếu để họ sống.” (72)

NHƯNG CHÍNH XÁC LÀ AI ĐÃ RA LỆNH GIẾT?

Tất cả các tướng, tá người Việt và tất cả những viên chức Mỹ, kể cả tổng thống Kennedy, không ai dám nhận rằng chính mình đã ra lệnh giết chết hai anh em nhà Ngô!

Vậy chúng ta cần cố gắng hết sức để phân tích và chỉ ra (những) kẻ đáng nghi ngờ nhất. Qua toàn bộ bài, được tổng hợp từ bao nhiêu trích dẫn lịch sử này, một điều rõ ràng nhất là tất cả các tướng người Việt đều muốn loại trừ anh em nhà Ngô, nhưng chẳng ai đủ can đảm trực tiếp ra lệnh giết họ. Có thể họ không tha ông Nhu nhưng với ông Diệm, trong thâm tâm họ vẫn còn sự tôn trọng sâu đậm.

Đã có một bài viết do một người lấy bút hiệu là Mạc Vân, có tựa đề: “Những tâm sự lịch sử của Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.”

Nguồn: (https://hon-viet.co.uk/MacVan_NhungTamSuLichSuCuaDucCoHongY%20NguyenV..)

Tác giả Mạc Vân tự nhận là một sĩ quan cao cấp trong binh chủng Không Quân của quân lực VNCH, đã đồn trú tại Nha Trang và trở thành bạn thân của đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, cháu ruột của ông Diệm, từ năm 1967. Vì ông này không nêu rõ danh tính nên giá trị lịch sử của bài viết đó chỉ có giới hạn.

Một vài điểm quan trọng trong sự thố lộ của ĐHY Thuận có thể tóm tắt như sau:

1.“Ông Cụ (ông Diệm) một mực từ chối không chịu cho quân đội Mỹ đổ vào Việt Nam.”

2.“Hai tuần sau đó (sau ngày đảo chính) nhân dịp tướng Dương văn Minh ra Huế cùng đem theo đứa con trai độ 10 tuổi và có ghé lại thăm. Ngài kể: Dương văn Minh vừa nói vừa đặt tay lên đầu đứa con: “Thưa Cha con thề trên đầu con cuả con là con không giết Tổng Thống.” (Ông Minh có hai con trai, Dương Minh Đức và Dương Minh Tâm, hiện đang ở Pháp. Một trong hai người này có thể xác nhận sự thật của câu chuyện.)

(3) Vài tháng sau tướng Tôn Thất Đính ra Huế làm tư lệnh Quân Đoàn Một đã có ghé lại thăm Ngài. Ngài mời tướng Đính uống rượu. Tướng Đính uống rượu vừa khóc và nói: “Thưa Cha; con mà giết Tổng Thống thì cũng như con giết cha con. Cho con một sư đoàn là con dẹp sạch bọn chúng nó.”

Tác giả Mạc Vân kết luận: “Buổi nói chuyện với ngài cứ ám ảnh làm tôi bận tâm suy nghỉ. Tại sao Ngài đã đem câu chuyện bí hiểm lịch sữ này mà kể cho tôi nghe. Ngoài tôi ra không biết Ngài có kể thêm cho những kẻ khác nghe không? Bây giờ Ngài đã qua đời câu chuyện lịch sữ này sẻ là một bí ẩn không ai biết nếu tôi không kể ra. Vì bổn phận thiêng liêng tôi muốn phổ biến nó cho những nhà viết sữ sau này có một vài ánh sáng mới trong vụ đảo chánh 63.” (Nguyên văn, kể cả lỗi chính tả).

Một lần nữa, kẻ soạn bài này tin chắc rằng không ai trong hội đồng quân nhân đã ra lệnh giết hai ông Diệm và Nhu. Vì vậy, đề nghị chúng ta tập trung vào các “tay chơi” người Mỹ! Bắt đầu từ tổng thống Kennedy, chúng ta đã đọc đoạn bên trên: “Khi tổng thống Kennedy nghe tin về cái chết của hai ông Diệm và Nhu trong một cuộc họp ở Tòa Bạch Cung, ông đã tỏ ra run rẩy và phải tạm bỏ phòng họp. Sau này, ông viết vào nhật ký, than thở rằng cuộc ám sát “thật ghê tởm” và tự trách mình là đã chấp thuận mật điện 243, cho phép đại sứ Lodge tìm các dịp để đảo chính, kể cả những chữ này: “Chúng ta phải đối diện với một khả thể (khả năng) không thể giữ được (sinh mạng) của Diệm.” Liệu ông ấy còn có thể là người đã ra lệnh giết anh em nhà Ngô? Tôi không nghĩ như vậy.

Người thứ hai là Henry Cabot Lodge (con), đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, “Vì không giúp hai anh em nhà Ngô an toàn rời khỏi VN nên sau khi họ bị giết, ông Lodge đã nói: “Chúng ta sẽ làm gì với họ nếu họ sống? Bất cứ “tên phản động” nào trên thế giới cũng có thể sử dụng họ.” (36)

Lodge đã chúc mừng tướng Đôn “hành động như bậc thày.” Hơn nữa, “Khi được thông báo anh em Tổng thống Diệm đã bị giết, Đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge, đã phấn khởi reo lên bằng tiếng Pháp: "C’est formidable! C’est formidable!" (It’s amazing! It’s amazing! - Tuyệt diệu! Tuyệt diệu!) (61).

Vài năm trước, Lodge đã ra tranh cử cùng liên danh với ông Richard Nixon, trong tư cách phó tổng thống, chống lại liên danh của các ông John F. Kennedy và Johnson. Họ đã bị đánh bại trong đường tơ kẽ tóc. Dù sao, tổng thống Kennedy vẫn mời ông ta hợp tác vào chức vụ đại sứ Mỹ ở Việt Nam, từ 1963 đến 1964. Lodge đã nhanh chóng xác định rằng ông Ngô Đình Diệm, tổng thống của nước Việt Nam Công Hòa, đã ngu dốt và tham nhũng và rằng Nam Việt Nam đang đi đến thảm họa trừ khi ông Diệm phải cải tổ chính phủ hay bị thay thế. (Lodge, Henry Cabot (1979). Interview with Henry Cabot Lodge (Video interview (part 1 of 5)). Open Vault, WGBH Media Library and Archives.)

Là một đảng viên của đảng Cộng Hòa, Lodge đã làm việc cho tổng thống của đảng Dân Chủ, một cựu đối thủ trong cuộc tranh cử tổng thống vào năm 1960, nay ông ta đã được trao toàn quyền sinh sát trong cuộc biến động ở Việt Nam. Nếu Lodge giết ông Diệm, ông ta sẽ làm mất uy tín của chính phủ và cả tổng thống Kennedy. Nhờ vậy, biết đâu, đảng của ông ta sẽ có cơ hội tốt hơn để chiếm lại Tòa Bạch Cung trong lần tranh cử tổng thống vào năm tới (3/11/1964).

Người thứ ba là điệp viên CIA, Lucien Conein, “Lúc 1giờ30 trưa ngày 1 tháng 11 năm 1963, điệp viên CIA Lucien Conein vào bộ Tổng Tham mưu, mang theo một máy truyền tin đặc biệt để liên lạc với Tòa Đại sứ Mỹ và một bao tiền là ba triệu bạc Việt Nam – khoảng 30 ngàn đô-la - (23) để hỗ trợ cho việc thực hiện đảo chính với lời hứa rằng Hoa Kỳ sẽ không làm bất cứ điều gì để bảo vệ Ngô Đình Diệm.” (24).

Máy truyền tin của một điệp viên, nhất định phải tối tân và ông ta có thể điện đàm với bất cứ máy truyền tin quân đội nào của các tướng lãnh. “Khi hay tin ông Diệm và ông Nhu ra khỏi dinh Gia Long, Lucien Conein đã hỏi: "Hai ông ấy đi đâu? Phải bắt cho kỳ được vì rất quan trọng?" Lucien Conein đã nói với các tướng đảo chính bằng tiếng Pháp: "On ne fait pas d'omelette sans casser les oeufs? (Người ta không thể làm trứng rán mà không đập bể những quả trứng)" (58). Những lời này biểu hiện chủ ý, đúng hơn là ý đồ của sếp anh ta, của Henry Cabot Lodge, là phải diệt trừ hai anh em ông Diệm để tránh hậu hoạn.

Đại sứ Lodge đã được chính phủ Kennedy trao toàn quyền sinh sát, ông ta đã thực sự có quyền lực vô hạn trong cuộc đảo chánh. Nếu có ý dịnh giết người đó, nhất là sau khi ông Diệm đã cho Lodge biết nơi các ông đang đợi các tướng gửi người đến đưa về bộ TTM, ông ta có thể dễ dàng bảo Conein gọi cho tướng Mai Hữu Xuân, khi ông này đang trên đường đến bắt anh em ông Diệm. Và có thể conein đã nói dối tướng Xuân là chính tướng Minh ra lệnh cho ông ấy phải giết hai ông Diệm và Nhu. (Cũng nên nhớ, vì khoảng cách từ bộ TTM đến Chợ Lớn khá xa, chưa chắc máy truyền tin của tướng Minh lúc đó, đã có thể điện đàm với tướng Xuân được. Nhưng máy của Conein thì liên lạc được với tất cả). Điều này đã giải thích tại sao sau khi tướng Xuân về đến bộ TTM thì vào ngay văn phòng của tướng Minh để “chào và bá cáo ‘sứ mệnh đã hoàn tất’.” (54)

Trong bài viết, tác giả Mạc Vân còn nói rằng sau cuộc đảo chánh, tướng Đôn cũng đến tâm sự với cố Hồng Y Thuận rằng “Các tướng lãnh đã thật nhục nhã và xấu hổ.” Tại sao họ phải xấu hổ? Phải chăng họ đã sớm nhận ra rằng cuộc đảo chánh đã hoàn toàn bị giật dây bởi viên đại sứ Mỹ và một gián điệp CIA? Tệ hơn, họ đã bị lừa gạt để phạm một lỗi lầm quá trầm trọng mà họ mong rằng đã chẳng bao giờ xảy ra.

Về phần tướng Mai Hữu Xuân, sự nhục nhã của ông ấy chắc chắn nhiều hơn gấp bội so với các tướng khác, bởi vì chính ông là người thừa hành, đã ra lệnh giết hai anh em ông Diệm, tại chỗ. Ông đã nghĩ rằng lệnh giết đã đến từ tướng “Minh cồ”, nhưng than ôi! Mối nhục và bí mật này, ông đã giữ kín trong lòng và mang xuống tuyền đài.

Như vậy, kết luận của kẻ soạn bài này: Chính Henry Cabot Lodge (con), đại sứ Mỹ tại Việt Nam và một gián điệp CIA, Lucien Conein, là hai nhân vật đáng bị nghi ngờ nhất trong cuộc ám sát vị Tổng Thống, đã được người dân miền Nam bầu lên theo thể chế dân chủ, là Ngô Đình Diệm và người em của ông là Cố Vấn Ngô Đình Nhu.

LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng

(Hình: Xác chết của ông Diệm trong xe M.115, tướng Minh và cố Hồng Y Thuận)

--------------------

(1) The Overthrow of Ngo Dinh Diem, May–November, 1963". The Pentagon Papers. 2(Gravel ed.) Beacon Press. 1971. pp. 201–276. Archived from the original on 24 April 2008. Retrieved 13 April 2008.
(2) Prados, John. 5 November 2003. "JFK and the Diem Coup". National Security Archive Electronic Briefing Book 101. Archived from the original on 8 April 2008. Retrieved 13 April 2008.
(3) Joseph A. Mendenhall for the United States Department of State - 25 October 1963 -. "Check-List of Possible US Actions in Case of Coup". JFK and the Diem Coup. National Security Archive Electronic Briefing Book 101. Archived from the original on 8 April 2008. Retrieved 13 April 2008.
(4) Richard Reeves. 1993. President Kennedy. Profile of Power. New York: Simon & Schuster.
(5) Nguyễn Trân. 1992. Công và tội, những sự thật lịch sử. California: Nhà xuất bản Xuân Thu. Trg 478.
(6) Chính Đạo. 1997. Tôn giáo & chính trị, Phật giáo, 1963-1967. Houston: Nhà xuất bản Văn Hóa. Trg 256-257.
(7) (Hoành Linh Đỗ Mậu. 1993. Hồi ký chính trị "Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi". California: Nhà xuất bản Văn Nghệ; Trần Văn Đôn. 1989. Việt Nam nhân chứng. California: Nhà xuất bản Xuân Thu. Trg 183-184; Vĩnh Phúc. 1998. Những Huyền Thoại Và Sự Thật Về Chế Ðộ Ngô Ðình Diệm. Westminter, CA, USA: Nhà xuất bản. Văn Nghệ. Trg 337.
(8) Cao Văn Luận (tái bản 1983). Hồi ký Bên giòng lịch sử, 1940-1965. Nhà xuất bản Sacramento.
(9) Chính Đạo. Ibid. Trg 257.
(10) Henry Kissinger, Ending the Vietnam War. Simon & Schuster. 2003. Page 35.
(11) Kissinger. Ibid. Page 35.
(12) Cao Văn Luận. Ibid.
(13) Memorandum of Conference with the President, ngày 29 tháng 10 năm 1963, 4:20 PM, Source: JFKL: JFKP: National Security File, Meetings & Memoranda series, box 317, folder: Meetings on Vietnam, 10/29/63.
(14) B Diem & D. Chanoff. In the Jaw of History. Indiana University Press. 1999. Page 100.
(15) B Diem and D. Chanoff. Ibid. p 101.
(16) Memorandum. 10/29/63. Ibid,
(17) Michael Maclear. Vietnam: The Ten Thousand Day War. CBC TV. 1980.
(18) Bùi Diem. p 102.
(19) Peter Kross. The Assasination of Ngo Dinh Diem. The HistoryNet.com. 2004.
(20) Michael Maclear. Ibid.
(21) Peter Kross. Ibid.
(22) Nguyễn Hữu Duệ. Chương: Tướng Nguyễn Văn Quan và Biến Cố. 2003
(23) Trần Văn Đôn. P 211.
(24) Ngo Dinh Diem Biography. Spartacus.schoolnet.co.uk.
(25) Hoàng Linh Đỗ Mậu. Ibid.
(26) http://antg.cand.com.vn/Tu-lieu-antg/Giai-ma-cai-chet-cua-Le-Quang-Tung-va-Ho-Tan-Quyen-trong-vu-dao-chinh-Ngo-Dinh-Diem-ky-2-433214/.
(27) Nguyễn Hữu Duệ. 2003. Hồi ký "Nhớ lại những ngày ở cạnh Tổng thống Ngô Đình Diệm". San Diego, California.
(28) Lê Tử Hùng (1970). Nhật ký Đỗ Thọ. Nnb. Hòa Bình. p 267.
(29) Hammer, Ellen J. (1987). A Death in November: America in Vietnam, 1963. New York: E. P. Page 297. Dutton.
(30) Jones, Howard (2003). Death of a Generation: How the assassinations of Diem and JFK prolonged the Vietnam War. New York: Oxford University Press. PP 416-417.
(31) Hammer. pp. 294-295.
(32) Winters, Francis X. (1997). The Year of the Hare: America in Vietnam, January 25, 1963 – February 15, 1964. Athens, Georgia: University of Georgia Press.
(33) Moyar, Mark (2006). Triumph Forsaken: The Vietnam War, 1954–1965. New York: Cambridge University Press.
(34) Winter. p.104
(35) Moyar. p 271.
(36) Moyar. p 272
(37) Winter. p 104.
(38) Moyar. p 272.
(39) Jones. pp 416-417.
(40) Jones. pp 416-417.
(41) Hammer. p 292.
(42) Karnow, Stanley. 1997. Vietnam: A History. New York: Penguin Books. p 323.
(43) Hammer. p 293.
(44) Jacobs, Seth. 2006. Cold War Mandarin: Ngo Dinh Diem and the Origins of America's War in Vietnam, 1950–1963. Lanham, Maryland: Rowman & Littlefield. p 418.
(45) Karnow. p 323.
(46) Hammer. p 292.
(47) Jones. p 429.
(48) Hammer. pp 297-298.
(49) Jones. p 429.
(50) Jones. p 429.
(51) Karnow. p 32.
(52) Tôn thất Đính, 1998. 20 năm binh nghiệp. Nhà xuất bản. Tuần báo Chánh đạo. pp 454-455.
(53) Cao Thế Dung và Lương Khải Minh. Chương Định mệnh đã an bài.)
(54) Jones. p 429.
(55) Jones. p 425.
(56) Jones. p 425 and Moyar. p 276.
(57) Jones. pp 430-431.
(58) Trần Văn Đôn. p 228.
(59) Jones. p 436.
(60) Winter. p 107.
(61) Trần văn Đôn. pp 277-278.
(62) Jones. p 436.
(63) Jones. Ibid.
(64) Jones. p 435.
(65) Carl Colby (director) (September 2011). The Man Nobody Knew: In Search of My Father, CIA Spymaster William Colby - Motion picture -. New York City: Act 4 Entertainment. Retrieved 25 August 2016.
(66) Jones. p 436.
(67) Jones. Ibid.
(68) Hammer. p 299.
(69) Jones. p 435.
(70) Hammer. p 296.
(71) Jones. Ibid.
(72) Jones. pp 435-436.

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 33)
Vũ Văn An
04:25 16/08/2017
Do đâu có cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trẻ em?

Chấn động đầu tiên báo trước trận động đất trong Giáo Hội Công Giáo xuất phát từ vụ Gilbert Gauthe ở Louisiana, một linh mục bị kết án năm 1985 vì lạm dụng 39 trẻ em trong các năm từ 1972 tới 1983. Hồ sơ ghi rằng các giới chức Giáo Hội biết các khiếu nại chống Gauthe nhưng không hành động chi. Một vụ khác diễn ra trong thập niên 1990 với các tiết lộ về cựu linh mục ở Dallas tên Rudolph Kos, được các chuyên viên mô tả như “một ấu dâm đúng sách vở”. Một phiên tòa dân sự cho thấy vị này được tiếp tục giữ chức vụ ít nhất một năm sau khi các lời cảnh cáo tới tay giám mục liên hệ. Năm 1992, có vụ James Porter, một cựu linh mục ở Massachusetts bị tố cáo lạm dụng cả hai chục trẻ em. Mà đây cũng không phải chỉ là hiện tượng xẩy ra ở Hoa Kỳ mà thôi. Ở Gia Nã Đại cuối thập niên 1980, nhiều lời tố cáo xuất hiện cho thấy các lạm dụng thể lý và tình dục tại viện mồ côi của Dòng Christian Brothers ở Newfoundland. Cuối cùng, hơn 300 cựu học sinh lên tiếng, và dòng này bị tuyên bố phá sản vì bị nhiều vụ kiện cáo.

Tất cả đều là khúc mở đầu cho một trận bão sẽ nổi lên vào ngày 6 tháng Giêng năm 2002, khi bài báo đầu tiên của tờ Boston Globe xuất hiện nói về người lạm dụng hàng loạt và là một cựu linh mục tên John Geoghan, bị tố cáo lạm dụng hơn 130 trẻ em trong 30 năm làm linh mục. (Geoghan bị giết trong tù tháng Tám năm 2003). Tuy nhiên, không phải việc lạm dụng biến vụ này thành một vụ nổi tiếng, nhưng là khuôn thước dùng trong việc đổi Geoghan hết từ chỗ này qua chỗ nọ và do đó, khiến nhiều trẻ em hơn nữa bị lâm nguy. Ngoài ra, còn nhiều tiết lộ khác nữa như vụ một cựu linh mục tên là Paul Shanley, bọ tố cáo và kết án đã hiếp một bé trai. Nhưng điều gây ngỡ ngàng là người ta khám phá ra Shanley, trong thập niên 1970, vốn có liên hệ với “Hiệp Hội Yêu Thương Đàn Ông Con Trai Bắc Mỹ”. Bất chấp các lời báo động, các giới chức Giáo Hội vẫn để Shanley tiếp tục làm linh mục nhiều năm sau đó, cả ở Boston lẫn ở San Bernardino, California. Trong vòng một năm sau các tiết lộ này, Đức Hồng Y Bernard Law nhiều quyền thế của Boston phải từ chức trong thất sủng.

Một đợt tương tự diễn ra ở khắp Âu Châu trong các năm 2009 và 2010. Tại Ái Nhĩ Lan, “Phúc Trình Murphy” được chính phủ tài trợ đã lên tài liệu cho hàng trăm vụ lạm dụng tình dục ở tổng giáo phận Dublin từ năm 1975, và cho rằng khá nhiều giám mục của Dublin đã xử lý các vụ này một cách tồi tệ. Từ lúc phúc trình này xuất hiện, tổng số các lời tố cáo ở Ái Nhĩ Lan đã tăng tới gần 15,000.

Các gương xấu trên nhanh chóng lan qua các nước khác. Ở Bỉ, cảnh sát ruồng bố một số cơ sở của Giáo Hội hồi tháng Sáu năm 2010 vì nghi ngờ có lạm dụng tình dục, đến nỗi phải khoan các mộ phần của 2 vị Tổng Giám Mục trước đây mong tìm được văn bản dấu kín. Ở Đức, các tiết lộ lạm dụng đã gây nên nhiều lời phê phán đối với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô trong thời gian 5 năm ngài làm Tổng Giám Mục Munich, từ năm 1977 tới năm 1982, lúc linh mục lạm dụng tên Peter Hullermann gần như được tự do hoạt động. Vụ của cố linh mục Mễ Tây Cơ Marcial Maciel Degollado, người sáng lập ra Đạo Binh Chúa Kitô, cũng được nhiều người lưu ý. Cuối cùng, năm 2006, Đức Bênêđíctô đã buộc vị này phải sống cuộc sống cầu nguyện và thống hối, nhưng các lời tố cáo lạm dụng và sai trái về tình dục thì đã có từ cuối thập niên 1990, nên nhiều người ngạc nhiên sao cần tới từng ấy thời gian mới chịu hành động.

Giáo Hội đã xin lỗi chưa?

Giáo Hội đã xin lỗi và xin lỗi nhiều lần. Các vị giám mục và giới chức đã xin lỗi trong nhiều khung cảnh khác nhau, trong đó, có những cuộc gặp gỡ các nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng và một số vị còn hướng dẫn các buổi phụng vụ thống hối công cộng với các nạn nhân nữa. Trong một buổi phụng vụ loại này tổ chức tại một nhà thờ ở Rôma hồi thang Hai năm 2012, Đức Hồng Y Marc Ouellet, người Gia Nã Đại, vị đứng đầu Thánh Bộ Giám Mục của Tòa Thánh, đã gọi cuộc khủng hoảng này là một “nguồn gây xấu hổ và tai tiếng hết sức lớn lao”; ngài nói rằng lạm dụng tình dục không phải chỉ là một “tội ác” mà còn là một “kinh nghiệm thực sự giết người đối với các nạn nhân vô tội”. Tính đến giữa năm 2012, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã đích thân gặp gỡ các nạn nhân bị lạm dụng 6 lần (trong các cuộc tông du Hoa Kỳ, Úc, Malta, Anh, và Đức, cũng như một cuộc gặp gỡ tại Rôma với các “nạn nhân đầu tiên” của Gia Nã Đại). Trong chuyến tông du Úc năm 2008 của ngài, Đức Bênêđíctô nói rằng “tôi hết sức ân hận đối với nỗi đau đớn và nỗi đau khổ mà các nạn nhân phải chịu, và tôi bảo đảm với họ rằng là mục tử của họ, tôi chia sẻ sự đau khổ của họ”.

Các tai tiếng lạm dụng tình dục lớn lao ra sao?

Phân tích thấu đáo nhất về thống kê xuất hiện ở Hoa Kỳ. Một cuộc nghiên cứu năm 2004 do các vị giám mục Hoa Kỳ yêu cầu Trường Cao Đẳng Công Lý Hình Sự John Jay ở New York thực hiện đã nhận diện 10,667 đơn tố cáo của các nạn nhân đưa ra trong các năm 1950-2002; con số này tăng tới 15,235 vào năm 2009. Nói chung, gần 5,000 linh mục và phó tế đã bị ít nhất một lần tố cáo lạm dụng, đại diện cho 4 phần trăm hàng giáo sĩ ở Hoa Kỳ trong nửa thế kỷ trước. Các nhà chuyên môn cho rằng phần trăm này tương tự như phần trăm các người trưởng thành của tổng dân số nói chung. Phần lớn các tố cáo này liên quan tới các thập niên 1960 và 1970, trong khi khoảng thời gian 5 năm, từ 1975 tới 1980, chiếm khoảng 40 phần trăm. Theo cuộc nghiên cứu này, tám mươi mốt phần trăm nạn nhân thuộc nam giới. Còn về hạn tuổi, 22.6 phần trăm 10 tuổi hoặc nhỏ hơn, 51 phần trăm giữa tuổi 11 và 14, và 27 phần trăm giữa tuổi 15 và 17.

Về tài chánh, cuộc khủng hoảng đã gây ra một thiệt hại khổng lồ. Michael Bemi và Pat Neal, thuộc nhóm lãnh đạo của một chương trình Công Giáo chống lạm dụng ở Hoa Kỳ, đã phác họa các chiều kích của sự thiệt hại này tại một hội nghị thượng đỉnh hồi tháng Hai năm 2012 tại Rôma về cuộc khủng hoảng. Họ cho biết tại Hoa Kỳ, khoảng 2 tỷ 2 dollars đã được các giáo phận và các dòng tu chi trả. Họ cho rằng con số này có thể thấp vì một số giáo phận và dòng tu đã thương lượng các vụ điều đình kín đáo. Bemi và Neal nói rằng tổng chi phí hoàn cầu có thể vượt quá 4 tỷ dollars.

Ngoài các vụ kiện cáo dân luật ra, hàng chục linh mục lạm dụng còn bị ngồi tù, và không ít giới chức Giáo Hội bị truy tố vì đã không phúc trình việc lạm dụng. Năm 2001, Đức Cha Pierre Pican của giáo phận Bayeux-Lisieux, Pháp, lãnh án tù treo 3 tháng. Năm 2012, Đức Ông William Flynn, người Hoa Kỳ, bị kết tội làm trẻ em lâm nguy vì lúc phụ trách việc phân phối nhân viên của tổng giáo phận Philadelphia, đã tái cử nhiệm một linh mục bị hoài nghi lạm dụng tới một giáo xứ mới. Tháng Mười năm 2011, Đức Cha Robert Finn của Kansas City, Missouri, trở thành vị giám mục Hoa Kỳ đầu tiên bị buộc tội hình sự vì đã sơ sót không tường trình một lời tố cáo chống lại một linh mục… Tháng Chín năm 2012, Đức Cha Finn bị kết tội và lãnh án hai năm tại ngoại hầu tra.

Các quan sát viên cho rằng tác động tài chánh và luật pháp của cuộc khủng hoảng tuy có nặng nề, nhưng thiệt hại đối với thế giá tinh thần của Giáo Hội còn nặng nề hơn nữa. Nhiều người nhấn mạnh tới các liên hệ gay gắt tồi tệ trong Giáo Hội. Một số linh mục phàn nàn việc mình bị hy sinh hay phản bội vì tiếng tăm hay quyền lợi của một ai đó; các vị này cho rằng tiếng thơm và quyền được hưởng một phiên toà thích đáng đã bị gạt qua một bên chỉ vì các vị giám mục không muốn bị coi là “mềm yếu” đối với việc lạm dụng. Nhiều người Công Giáo tin rằng cuộc khủng hoảng đã tạo nên một mất mát lòng tin lớn lao nơi người giáo dân đối với giới lãnh đạo Giáo Hội.

Ai đáng trách?

Điều đầu tiên cần nhấn mạnh là: những người phạm tội lạm dụng tình dục chỉ là một thiểu số nhỏ trong hàng ngũ linh mục. Thế nhưng, như mọi người biết, trong hầu hết các tai tiếng, không hẳn tội ác nguyên khởi nhưng là việc che đậy tội ác này đã đem sự việc tới chỗ đổ vỡ, và điều này chắc chắn là trường hợp của Giáo Hội Công Giáo. Điều gây phẫn nộ không hẳn là chuyện các linh mục xách nhiễu trẻ em, mà là Giáo Hội che dấu các sự kiện, không cho công chúng thấy, và che chở các người lạm dụng. Một trong các câu hỏi được bàn cãi nhiều nhất liên quan tới cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục là: ai đáng trách đối với việc che đậy này, với ba nhóm thường bị công kích hơn cả:

Thứ nhất, các giám mục và bề trên dòng vốn được bộ giáo luật của Giáo Hội coi là những người giám sát hàng giáo sĩ hàng đầu. Thành thử khi có lời tố cáo chống các linh mục và các vị này thường được âm thầm hoán chuyển loanh quanh, khiến cho các trẻ em khác bị lâm nguy, thì nhân vật chịu lỗi thường được coi là vị giám mục giáo phận và các phụ tá của ngài, hay các vị bề trên dòng tu mà linh mục này vốn thuộc về. Sau một thập niên bị phát giác, phần lớn các giám mục hiện nay đều thừa nhận việc này. Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York, trong một cuộc phỏng vấn năm 2009, đã phát biểu điều này như sau: “Khi bạn có những người vi phạm hàng loạt này, khi bạn thấy những chuyện xẩy ra như thế này, hết lần này tới lần nọ, hẳn bạn phải thắc mắc không biết đang diễn ra thứ quỉ quái gì đây?”.

Thứ hai, nhiều nhà phân tích tin rằng Rôma cũng phải chịu trách nhiệm phần lớn. Nhiều nhà phê bình cho rằng Vatican từng minh nhiên áp đặt chính sách giữ bí mật các vụ lạm dụng tình dục, trong khi những người khác cho rằng dù không có “khói súng” để minh chứng rằng chính Vatican đạo diễn việc che đậy, nhưng điều chắc chắn là Rôma không đưa ra bất cứ khuyến khích nào để các giám mục và các bề trên dòng xử lý các vụ này một cách xông xáo.

Về phương diện dân luật, các cố gắng tại tòa án Hoa Kỳ nhằm buộc Vatican nhận trách nhiệm đối với cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, cho tới nay, đã không thành công, thường dựa trên tư cách miễn nhiễm của Vatican như một quốc gia có chủ quyền. Tháng Tám năm 2012, một chánh án của tòa liên bang cấp quận ở Oregon phán quyết rằng Vatican không phải là “chủ nhân” của các linh mục Công Giáo, và do đó, không có nghĩa vụ pháp lý dân sự đối với tác phong của họ. Chánh án này ví quyền kiểm soát của Vatican đối với các linh mục giống như quyền của hiệp hội luật sư của tiểu bang đối với các luật sư vậy.

Thứ ba, một số nhà quan sát cho rằng nền văn hóa đại chúng của Công Giáo, chứ không phải chỉ là thẩm quyền của các cơ cấu Giáo Hội, cũng đồng lõa trong cuộc khủng hoảng. Họ nói rằng: đã từ lâu, quá nhiều người Công Giáo đã đặt các linh mục lên bệ thờ, đến nỗi, đôi khi làm ngơ, thậm chí còn tìm cách biện minh cho các sai phạm của họ. Theo cái nhìn này, thực ra không cần Vatican hay vị giám mục phải ra lệnh giữ im lặng trước tội lỗi của Ông Cha. Theo các nhà quan sát này, bài học đáng giá của cuộc khủng hoảng này là: nền văn hóa giữ im lặng đó quả là giết người.

Các cáo buộc trên có sai lầm không?

Dù các nhà chuyên môn nhấn mạnh rằng phần lớn các lời tố cáo đều chính đáng, cũng vẫn có những trường hợp nổi bật trong đó, chúng không đúng. Thí dụ, Cha Kevin Reynolds là một cha xứ ở Quận Galway, Ái Nhĩ Lan, người trước đó từng truyền giáo ở Kenya. Tháng Năm năm 2011, ngài bị tường thuật trong một chương trình điều tra trên mạng truyền hình quốc gia Aí Nhĩ Lan, RTE, gọi là Mission to Prey (Truyền Giáo Để Rình Mồi). Nhà báo Aoife Kavanagh phỏng vấn một phụ nữ Kenya; bà này tố cáo rằng Cha Reynolds hiếp bà năm 1982, khi bà 14 tuổi, và do đó, bà đã hạ sinh một đứa con. Trước khi chương trình này được phát tuyến, Cha Reynolds tình nguyện để người ta làm thử nghiệm phụ hệ (paternity test), nhưng chương trình vẫn được phát tuyến. Hai cuộc thử nghiệm độc lập sau đó về DNA đã quả quyết Cha Reynolds không phải là cha của đứa bé. RTE tiến hành cuộc điều tra nội bộ, cho ngưng chương trình, và công bố lời xin lỗi công khai.

Trong một số ít trường hợp, các linh mục bị tố cáo như Cha Reynolds được phục chức sau khi các cuộc điều tra, thường do Giáo Hội và cảnh sát và công tố viên địa phương tiến hành không tìm được bằng chứng nào hỗ trợ cho lời tố cáo. Nhiều linh mục bị rơi vào tình huống này cho biết vết nhơ do những lời tố cáo láo gây ra không bao giờ thực sự biến mất. Các nhà lãnh đạo Giáo Hội thừa nhận nan đề này, nhưng thường cho rằng nhu cầu phải giữ cho trẻ em an toàn và vì thế, phải coi trọng mọi lời tố cáo, nặng ký hơn sự thiệt hại có thể có đối với tiếng thơm của vị linh mục.

Các giới chức Giáo Hội hiện nay nói gì về cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục?

Sau các tai tiếng hơn một thập niên, các phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo thường đưa ra 4 điểm nhấn mạnh sau đây. Thứ nhất, theo họ, đại đa số các giáo sĩ Công Giáo không bao giờ lạm dụng tình dục bất cứ ai. Thứ hai, bóc lột tình dục trẻ em là tai họa phổ quát trong xã hội, do đó, gọi nó như một vấn đề “Công Giáo” vừa gây hiểu lầm vừa nguy hiểm. Thứ ba, họ nhìn nhận khuôn mẫu đáng trách trong việc chuyển đổi các người lạm dụng từ công việc này qua công việc nọ, nhưng đồng thời họ cũng nhấn mạnh rằng việc chuyển đổi đó diễn ra ở một thời mà sự hiểu biết về việc lạm dụng tình dục trẻ em chưa được phát triển ở bất cứ nơi đâu. Dưới góc cạnh này, theo họ, quả không hợp tình hợp lý khi phán đoán các hành vi quá khứ theo các tiêu chuẩn ngày nay.

Thứ tư, các giới chức cho rằng Giáo Hội đã cải thiện rất nhiều. Giáo Hội đã đưa ra nhiều chính sách mới và mạnh mẽ, trong đó có chính sách “một lần phạm là bạn khăn gói ra đi” (one strike and you’re out) ở Hoa Kỳ; theo đó, một linh mục sẽ vĩnh viễn bị loại dù chỉ bị một lời tố cáo đáng tin là đã lạm dụng. Theo họ, Giáo Hội hiện nay cam kết hợp tác với cảnh sát và các công tố viên. Giáo Hội cũng đầu tư nhiều tài nguyên to lớn vào các chương trình ngăn ngừa và khám phá các vụ lạm dụng, trong đó, có việc điều tra lý lịch các nhân viên và huấn luyện tại các cơ sở như trường học và giáo xứ. Một số giới chức Giáo Hội còn cho rằng hiện nay, Đạo Công Giáo đã trở thành người lãnh đạo về phương diện xã hội trong cuộc chiến đấu chống việc lạm dụng trẻ em.

Các nhà phê bình Giáo Hội nói gì?

Những người phê bình, như Mạng Lưới Những Người Sống Sót Từng Bị Các Linh Mục Lạm Dụng, là nhóm chính chuyên bênh vực các nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng ở Hoa Kỳ, thường đáp lại rằng: tất cả các điều trên cho thấy có sự tiến bộ, nhưng chưa đủ.

Thứ nhất, theo họ, các giới chức Giáo Hội vẫn còn tìm cách bác bỏ các lời yêu cầu phải tiết lộ trọn vẹn các hồ sơ cá nhân và các tài liệu khác. Thứ hai, họ cho rằng, Giáo Hội chưa áp đặt chính sách khắp thế giới “phải có tường trình viên bắt buộc”, buộc, chứ không chỉ khuyến cáo, các giới chức tường trình các lời tố cáo cho cảnh sát và các công tố viên dân sự. Thứ ba, họ cho rằng các chính sách mới và nghiêm ngặt của Giáo Hội đối với các linh mục lạm dụng chưa đi đôi với các biện pháp nhận trách nhiệm cũng mạnh mẽ tương tự dành cho các giám mục từng che dấu vụ lạm dụng. Họ trưng dẫn trường hợp Đức Hồng Y Bernard Law của Boston, người được chuyển qua Rôma sau khi từ chức và tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong các bộ sở của Tòa Thánh, trong đó, có Thánh Bộ Giám Mục, nơi ngài có khả năng gây ảnh hưởng đối với việc bổ nhiệm các giám mục Hoa Kỳ. Nói chung, họ cho rằng các vị giám mục có thành tích kém đối với các vụ lạm dụng tình dục thường vẫn còn được thăng tiến trong bước đường nghề nghiệp của mình.

Quần chúng Công Giáo nghĩ gì?

Thăm dò dư luận Công Giáo, xem ra có ba luồng suy nghĩ khái quát về ý nghĩa của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục. Một luồng coi nó chủ yếu như một sai phạm về quản trị và giám sát, với các hậu qua được coi là thảm khốc, nhưng là một sai phạm phần lớn đã được giải quyết. Một luồng khác tin rằng cuộc khủng hoảng cho thấy nhiều vấn đề sâu xa hơn nhiều trong Giáo Hội, trong đó, có thái độ không lành mạnh đối với tính dục và các hệ thống quyền hành vô trách nhiệm; luồng suy nghĩ này nhấn mạnh rằng các biện pháp như chính sách “một lần sai phạm” chỉ là những băng keo dán tạm lên các vết thương chứ không chữa trị các căn bệnh nằm bên dưới chút nào. Luồng suy nghĩ thứ ba tin rằng cuộc khủng hoảng là kết quả của việc mù mờ về tín lý và lỏng lẻo về luân lý, mà thuốc chữa chỉ có thể là lòng trung thành và kỷ luật nghiêm minh hơn.

Nói chung, dù phần lớn người Công Giáo thành thực khiếp đảm trước các tai tiếng lạm dụng trẻ em và thất vọng sâu xa trước những điều họ biết được từ các thiếu sót của các nhà lãnh đạo Giáo Hội trong việc đáp ứng một cách thích đáng, đa số xem ra vẫn không từ bỏ Giáo Hội. Thí dụ, cuộc thăm dò tại Hoa Kỳ vào năm 2012 của Viện Gallup cho thấy 82 phần trăm người Công Giáo Hoa Kỳ vẫn chấp nhận việc làm của các cha xứ của họ, 74 phần trăm vẫn cảm nhận như trước về vị giám mục giáo phận của họ, và 70 phần trăm vẫn chấp nhận việc làm của cả các giám mục Hoa Kỳ nói chung lẫn của Đức Giáo Hoàng nói riêng. Xét tới các tường thuật có tính tiêu cực đại thể về Giáo Hội trong suốt thập niên qua do cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục đem tới, thì những con số vừa kể quả là những lá phiếu tín nhiệm khá đáng kể.

Tác động lịch sử của các tai tiếng lạm dụng tình dục đối với Giáo Hội Công Giáo phần lớn sẽ được xác định bởi việc luồng suy nghĩ nào trong ba luồng suy nghĩ trên, hoặc sự phối hợp nào của cả ba luồng suy nghĩ ấy, sẽ nắm ưu thế ở đầu thế kỷ 21.

Còn tiếp
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Khung Trời Tình Yêu
Dominic Đức Nguyễn
20:19 16/08/2017
KHUNG TRỜI TÌNH YÊU
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn
Bên nhau chung hướng chung đường
Tung bay trong gió yêu thương dạt dào.
(bt)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 17/08/2017: Nữ tu Bác Sĩ Ruth Pfau được tôn vinh Mẹ Têrêsa của Pakistan
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:02 16/08/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Đức Tổng giám mục Silvano Tomasi ủng hộ việc mở các cuộc đàm phán nhân đạo và quân sự với Bắc Triều Tiên.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Vatican, Đức Tổng Giám mục Silvano Tomasi, cựu đại diện của Vatican tại các cơ quan Liên Hiệp Quốc tại Geneva, nói rằng “thay vì xây dựng các bức tường và tạo ra những bất đồng hoặc bày tỏ ý muốn dùng đến các khả năng bạo lực”, cả hai nước cần phải có những cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn.

Đức Tổng Giám Mục Tomasi nói ngài ủng hộ đề nghị của tổng thống Nam Hàn Moon Jae-in mở ra các diễn đàn “để nói về những nhu cầu an ninh cơ bản của cả Triều Tiên và Hoa Kỳ”. Theo Đức Tổng Giám Mục, các quốc gia châu Á mong muốn sự ổn định hơn là chiến tranh; và điều đó đòi hỏi phải có các cuộc đàm phán nhằm bảo đảm sự chung sống hoà bình của các quốc gia.

Marie Dennis, đồng chủ tịch tổ chức Pax Christi International, là tổ chức hòa bình Công Giáo, nói rằng tổ chức của cô đang cầu nguyện xin cho cả hai quốc gia ra khỏi cuộc đối đầu hiện nay.

2. Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Hán Thành kêu gọi các tín hữu đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho hòa bình, và kêu gọi Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân

Trước những căng thẳng ngày càng leo thanh giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ, vị tổng giám mục Hán Thành của Hàn Quốc, đã kêu gọi các tín hữu đọc kinh Mân Côi cầu nguyện cho hòa bình.

Đức Hồng Y Andrew Yeom Soo-jung đã kêu gọi các tín hữu cầu nguyện với chuỗi Mân Côi nhằm hoán cải những tâm hồn tội lỗi và để bình an có thể ngự trị trên thế giới. Nhắc lại biến cố 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fátima. Đức Hồng Y nói “Kinh Mân Côi là vũ khí tâm linh của chúng ta nhằm đánh bại cái ác một cách hiệu quả, và giúp chúng ta vượt qua những thách đố trong đời sống đức tin cũng như biến đổi chúng ta trở thành những người hoạt động cho hòa bình thế giới.”

Hồng Y Yeom cũng kêu gọi Bắc Triều Tiên nên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Ngài khẩn khoản kêu gọi các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên như sau:

“Vì sự an toàn và tương lai của tất cả người Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên nên đến bàn thảo luận và từ bỏ vũ khí hạt nhân của họ”.

3. Các giám mục Mỹ và Nam Hàn khẩn khoản kêu gọi thương thảo hòa bình

Các hoạt động ngoại giao và thương thảo chính trị là cần thiết để giải quyết những khác biệt giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên và tránh một cuộc xung đột về quân sự, chủ tịch một ủy ban của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã nói như trên trong một bức thư gửi Ngoại trưởng Rex Tillerson.

Trong thư đề ngày 10 tháng 8, Đức Cha Oscar Cantu của Las Cruces, New Mexico, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hoà bình của Hội đồng Giám mục Mỹ, đã lặp lại lời kêu gọi gần đây của Hội đồng Giám mục Hàn Quốc cho các cuộc đàm phán để bảo đảm tương lai hòa bình của bán đảo Triều Tiên.

Đức Cha Cantu thừa nhận rằng mối đe dọa càng ngày càng leo thang từ phía nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên không thể bị đánh giá thấp hoặc bỏ qua, nhưng “chắc chắn là bất kỳ hành động quân sự nào cũng sẽ gây ra một con số thương vong rất cao cùng với các hủy diệt thảm khốc khác. Vì thế Hoa Kỳ phải làm việc với những tác nhân khác trong cộng đồng quốc tế để tìm ra một giải pháp ngoại giao và chính trị dựa trên đối thoại.”

Bức thư của Đức Cha Cantu bày tỏ mối âu lo của ngài khi theo dõi hàng ngày những mối đe dọa liên tiếp qua lại giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Chính Ân. Ông Trump đã đe dọa sẽ “khai hỏa một trận cuồng nộ thế giới chưa bao giờ thấy” để đáp lại những lời đe dọa của Kim rằng Bắc Hàn đang chuẩn bị bắn tên lửa vào vùng biển quanh đảo Guam, một lãnh thổ Hoa Kỳ ở phía tây Thái Bình Dương nơi có hai căn cứ quân sự.

4. Các giám mục Nhật kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho hòa bình

Các giám mục Nhật đã kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho hòa bình trong mười ngày, và chỉ trích các chính khách về những lời lẽ kích động chiến tranh với Bắc Triều Tiên.

Đức Giám Mục Tarcisio Isao Kikuchi của Niigata nói rằng ngài không nghĩ chiến tranh có thể xảy ra, nhưng cáo buộc “các nhà lãnh đạo chính trị mới” đang khai thác sự đối đầu cho những mục đích chính trị của mình.

Trong khi đó, Đức Tổng Giám mục Joseph Takami, chủ tịch hội đồng giám mục Nhật Bản, kêu gọi chính phủ Nhật “thực hiện một cuộc đối thoại chân thành và bền bỉ” hơn là đáp ứng lại các mối đe dọa quân sự. Ngài nhấn mạnh rằng “Hòa bình không thể được xây dựng bằng sức mạnh quân sự”.

5. Linh mục được đề nghị trao giải Nobel Hòa Bình có thể bị tù tại Ý

Một linh mục người Eritrea đang phải đương đầu với những rắc rối tại Ý liên quan đến việc ngài giúp đỡ cho những người nhập cư bất hợp pháp. Một công tố viên của Italia đã cáo buộc cha Mussie Zerai là cổ vũ việc nhập cư lậu vào Ý, một điều mà cha Mussie Zerai đã quyết liệt bác bỏ.

Cha Mussie Zerai là người đứng đầu một tổ chức gọi là Habeshia, chuyên hoạt động để cứu những người nhập cư đang gặp nguy hiểm. Ngài giải thích rằng công việc của ngài là thường xuyên nhận những lời kêu cứu khẩn cấp từ những tàu thuyền chở người di cư vượt qua vùng Địa Trung Hải.

Cha Zerai khẳng định rằng tổ chức của ngài chỉ đơn thuần là cảnh báo các cơ quan hữu trách, chuyển tiếp thông tin cho các cơ quan cứu trợ quốc tế và cho lực lượng Cảnh sát biển ở Ý.

Cha Zerai nhấn mạnh rằng công việc của ngài “luôn luôn là vì mục đích nhân đạo.” Chính vì công việc đó, ngài đã được đề cử giải Nobel hòa bình năm 2015.

6. Diễn biến vô tiền khoáng hậu: Pakistan cử hành quốc táng cho một nữ tu Công Giáo

Trong một diễn biến vô tiền khoáng hậu, Tổng thống Mamnoon Hussein và Thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi của Pakistan, nơi tuyệt đại đa số dân theo Hồi Giáo, đã công bố Pakistan sẽ tổ chức quốc táng cho nữ tu Ruth Pfau, người Đức là Y Khoa bác sĩ vừa qua đời ngày 10 tháng 8, thọ 87 tuổi. Đám tang của chị sẽ được cử hành tại nhà thờ chính tòa Karachi.

Thông cáo của văn phòng thủ tướng Pakistan đã ví chị Ruth Pfau như là Mẹ Teresa của Pakistan, một người “đã được sinh ra ở Đức, nhưng trái tim bà luôn ở với chúng ta ở Pakistan này.” Trong khi đó, thông cáo của Tổng thống Mamnoon Hussein nói rằng “Nữ tu Bác sĩ Pfau đã đặt một dấu chấm hết cho bệnh phong ở Pakistan. Ơn đức này là không thể nào quên được. Bà đã rời quê hương mình và biến Pakistan thành nhà của mình để phục vụ nhân loại. Nước Pakistan bày tỏ lòng kính trọng đối với bác sĩ Pfau, và bày tỏ niềm hy vọng rằng truyền thống phục vụ nhân loại tuyệt vời của bà sẽ được tiếp tục.”

Chị Ruth Pfau sinh ngày 9 tháng 9 1929, tại Leipzig trong một gia đình có 6 người con. Trong chiến tranh thế giới lần thứ Hai, nhà cửa của chị bị dội bom, sau đó gia đình lại phải sống dưới chế độ cộng sản Đông Đức vài năm trước khi vượt biên tìm tự do thành công sang Tây Đức.

Trong thập niên 1950, chị theo học ngành y khoa tại Đại Học Mainz và tốt nghiệp y khoa bác sĩ. Sau khi tốt nghiệp đại học, trước một tương lai rạng rỡ sáng ngời, chị từ bỏ mọi sự và gia nhập Dòng Nữ Tử Trái Tim Đức Mẹ và được gởi sang Ấn Độ. Tuy nhiên, do những trục trặc về visa vào Ấn, chị phải dừng chân tại Karachi, Pakistan.

Trong một cuốn hồi ký, chị Ruth Pfau cho biết vào năm 1960, lúc mới 31 tuổi, chị quyết định dâng hiến đời mình cho việc chăm sóc các bệnh nhân phong cùi tại Pakistan sau khi chứng kiến một thanh niên phải bò bằng chân và tay vào phòng cấp cứu. Trong xã hội Pakistan, những bệnh nhân phong cùi thường bị gia đình, và xã hội bỏ mặc và xa lánh.

Chị Ruth Pfau đã đích thân chăm sóc cho người phong cùi, và mở các trường đào tạo các bác sỹ, và thành lập các trung tâm điều trị. Năm 1996, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố căn bệnh được kiểm soát hoàn toàn ở Pakistan. Theo thống kê mới nhất, số người bị bệnh phong tại quốc gia này đã giảm xuống chỉ còn 531 bệnh nhân.

7. Các vị Thượng Phụ Trung Đông kêu gọi Đức Thánh Cha Phanxicô gia tăng áp lực lên các nhà lãnh đạo thế giới trước tình cảnh bi đát của các tín hữu Kitô

Các vị Thượng Phụ Công Giáo và Chính Thống giáo ở Trung Đông đã than phiền về hoàn cảnh tuyệt vọng mà các ngài đang phải đối mặt trong tư cách là những mục tử cuả các Giáo Hội “đang có nguy cơ bị biến mất khỏi Trung Đông.”

Các ngài đã mô tả việc các Kitô hữu bị buộc phải di cư khỏi Trung Đông như “một dự án diệt chủng, một thảm hoạ nhân đạo và một bệnh dịch đối với nền văn minh của thế giới.”

“Lúc này là thời điểm gióng lên một tiếng kêu tiên tri” và để nói lên “sự thật giải phóng chúng ta theo tinh thần của Phúc Âm”. Hội đồng các vị Thượng Phụ Công Giáo và Chính Thống giáo ở Trung Đông đã nhận định như trên trong một tuyên bố được công bố hôm 11 tháng 8, sau cuộc họp ba ngày bắt đầu hôm 9 tháng 8 tại Diman, Li-băng.

“Chúng tôi, những mục tử của những đàn chiên nhỏ đang bị tổn thương vì cuộc di cư của Kitô hữu khỏi vùng đất bản địa của họ ở Trung Đông, kêu gọi Liên hợp quốc và các quốc gia liên quan trực tiếp đến chiến tranh ở Syria, Iraq và Palestine hãy ngăn chặn các cuộc chiến tranh đã và đang xảy ra, mà hậu quả thê thảm là việc phá hủy, giết chóc, di dời các tín hữu Kitô, cùng với tình trạng khủng bố lan tràn, kèm theo việc việc gia tăng mâu thuẫn giữa các tôn giáo và các nền văn hoá.”

Trong lời kêu gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các vị Thượng Phụ nói, “Chúng tôi còn biết kêu cầu đến ai ngoại trừ Đấng Kế Vị Thánh Phêrô là đá tảng của chúng ta?”

“Chỉ có ngài, thưa Đức Thánh Cha, chỉ có ngài mới có thể kêu gọi các tác nhân đang kiểm soát số phận của các dân tộc, để nhắc nhở họ và thậm chí để mắng họ rằng sự di dời liên tục của các Kitô hữu khỏi Trung Đông chắc chắn là một dự án diệt chủng, một chương trình thanh lọc tôn giáo, và là một bệnh dịch đối với nền văn minh của trái đất.”

Cuối cùng, tuy sống giữa các nghịch cảnh đầy thách đố, các Thượng Phụ đã bày tỏ niềm tin rằng “nước Trời sẽ chiến thắng.”

8. Đức Hồng Y Burke nói Amoris Laetitia không phải là giáo huấn buộc phải theo

Hồng Y Raymond Burke đã lặp lại ý kiến của ngài cho rằng Amoris Laetitia không phải là một giáo huấn buộc các tín hữu phải theo. Ngài đã nói như trên trong một bài thuyết trình tại Louisville, Kentucky.

Đức Hồng Y Hoa Kỳ nhấn mạnh rằng thấy rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chọn không viết tài liệu này trong tư cách là Huấn Quyền Hội Thánh.

Ngài nói:

“Ngay cả trong các văn kiện trước đây, tiêu biểu cho một huấn giáo trang trọng hơn, Đức Thánh Cha đã nói rõ rằng ngài không đưa ra các giáo huấn nhưng chỉ muốn trình bày các suy nghĩ của chính mình” .

Tuy nhiên, Đức Hồng Y Burke nói rằng một số người Công Giáo tiếp tục cho rằng bất cứ tài liệu nào của giáo hoàng đều thể hiện giáo huấn chính thức của Giáo Hội. Đức Hồng Y nói: “Làm như thế là trái với lý trí và những gì mà Giáo Hội vẫn luôn luôn nghĩ.”

Đức Hồng Y Burke kết luận rằng: “Thực là sai lầm và có hại cho Giáo Hội khi coi mọi lời tuyên bố của Đức Thánh Cha đều là những lời giảng dạy của giáo hoàng hay huấn quyền chính thức của Hội Thánh.”

9. Đức Giám Mục Tô Cách Lan cử hành Thánh lễ trên xe buýt

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là việc giải tội, cử hành thánh lễ, xức dầu bệnh nhân. Tất cả đều được diễn ra trên xe buýt.

Ý tưởng này có thể là mới lạ và ngộ nghĩnh với nhiều người, nhưng rất thành công tại Tô Cách Lan và được các Giám Mục xứ này ủng hộ.

“Mercy Bus”, nghĩa là xe buýt Lòng Thương Xót, là ý tưởng của Hội Huynh Đệ Lòng Thương Xót Tô Cách Lan. Tán thành ý kiến này của họ Đức Giám Mục John Keenan của giáo phận Paisley đã cử hành Thánh lễ trên xe buýt vào ngày thứ Bảy 12 thánh Tám vừa qua. Đây là thánh lễ đầu tiên như thế được tổ chức ở Anh.

Chuyến xe buýt Lòng Thương Xót đang đi một vòng quanh Tô Cách Lan. Các tham dự viên phát bánh kẹo cho người qua đường, mời gọi họ tham dự thánh lễ do Đức Cha John Keenan và các linh mục thay nhau cử hành; cũng như xưng tội trên nóc chiếc xe buýt.

10. Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế kế hoạch hóa gia đình, mặc dù đã bải bỏ chính sách 'một con'

Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã chính thức chấm dứt chính sách một con tàn bạo của mình, nhiều phụ nữ vẫn tiếp tục bị cưỡng bách phá thai, Viện Nghiên cứu Dân số Thế Giới, gọi tắt là PRI, đã cho biết như trên.

Một cuộc điều tra của PRI đã phát hiện ra rằng các biện pháp cưỡng ép về kế hoạch hóa gia đình vẫn còn hiệu lực, và các quan chức chính phủ thậm chí còn trở nên khắc nghiệt hơn ở một số miền. Chủ tịch PRI, là ông Steven Mosher, cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy bằng chứng cho thấy chính sách hai con ở Trung Quốc đang được áp dụng ở một số vùng được thực thi nghiêm ngặt hơn chính sách một con.”

Các cặp vợ chồng cần phải có giấy phép của chính phủ trước khi có đứa con thứ 2. Các quy định trong một số khu vực còn đòi hỏi các phụ nữ phải đợi một số năm nhất định sau khi sinh đứa con thứ nhất trước khi có thể có đứa con thứ hai. Một phụ nữ đã trốn tránh sang các vùng khác vì có thai “bất hợp pháp”. Họ nói với chúng ta rằng “Nếu họ bắt gặp bạn mang thai đứa con bất hợp pháp, họ sẽ tịch thu mọi thứ trong nhà của bạn.”

11. Các giám mục Venezuela đòi hỏi chế độ Maduro chấm dứt việc săn đuổi những người đối lập và tôn trọng nhân quyền

Ủy ban công lý và hòa bình của Hội Đồng Giám Mục Venezuela đã lên án những hành động vô nhân đạo đối với các tù nhân chính trị và các tù nhân khác và yêu cầu chế độ Maduro tôn trọng các quyền con người được bảo đảm theo hiến pháp của Venezuela.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 10 tháng 8, trong đó các gm gm lên án chế độ đang ra sức “khủng bố” và “tra tấn thể chất và tâm hồn” của những người bất đồng chính kiến, các Giám Mục nước này nói:

“Chế độ này phải ngưng ngay các cuộc săn đuổi phù thủy chống lại các công dân có suy nghĩ khác với chế độ”

Ủy ban cũng yêu cầu chính phủ tiết lộ nơi ở và tình trạng sức khoẻ của Raúl Baduel, một cựu bộ trưởng quốc phòng và là một nhà lãnh đạo phe đối lập.

12. Một Giám mục buộc tội quân đội Liên Hiệp Quốc đồng lõa trong vụ thảm sát ở Trung Phi

Một giám mục truyền giáo Tây Ban Nha ở Cộng hòa Trung Phi nói rằng các chiến binh của nhóm phiến quân Hồi Giáo Séléka đã thảm sát 50 thường dân ở làng Gambo vào ngày 4 và 5 tháng 8 vì quân đội Liên Hiệp Quốc đã quyết định không giải giáp bọn khủng bố này.

Đức Cha Juan-José Aguirre Muñoz nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo Séléka bắt cóc và hãm hiếp các phụ nữ làng Gambo, phần lớn là các tín hữu Kitô, lực lượng Anti- Balaka bảo vệ các Kitô hữu đã phát động một cuộc tấn công để đẩy lùi bọn khủng bố Hồi Giáo Séléka.

Đức Cha Muñoz nói lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc không giải giáp Séléka, lại còn tạo điều kiện cho các thành viên của Séléka có thể quay lại tấn công cắt cổ 50 người, toàn bộ là phụ nữ và trẻ em.

Đức Cha chua chát nói:

“Những người được gọi là binh lính gìn giữ hòa bình, có nhiệm vụ giải giáp các phe nhóm tham chiến, đã mạnh tay giải giáp Anti-balaka nhưng để mặc Séléka muốn làm gì thì làm. Hậu quả là những kẻ cực đoan này đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đây là một âm mưu đồng lõa mà chúng tôi không hiểu được.”

13. Lãnh đạo Hồi Giáo đồng ý với đánh giá của một giám mục về sự đồng lõa của Liên Hiệp Quốc trong vụ thảm sát tại Gambo

Giáo sĩ Hồi giáo hàng đầu ở Cộng hoà Trung Phi cũng cho thấy sự mất tin tưởng của ông đối với các lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc; và đồng ý với nhận định chủa Đức Cha Muñoz rằng họ đã nhắm mắt làm ngơ trước các vụ tàn sát thường dân của các chiến binh Hồi giáo thánh chiến Séléka.

Đức Cha Juan-José Aguirre Muñoz của Bangassou đã cáo buộc rằng các lực lượng Séléka đã có thể thảm sát 50 thường dân trong làng Gambo vào ngày 4 và 5 tháng 8 vì các lực lượng Liên Hợp Quốc đã quyết định không giải giáp chúng.

Imam Oumar Kobine Layama, một nhà lãnh đạo Hồi Giáo ôn hòa, là người đã làm việc với chung với hàng giáo phẩm Công Giáo tại Cộng Hoà Trung Phi đã lên tiếng kêu gọi Liên Hiệp Quốc loại bỏ những người lính gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc đến từ Ma-rốc.

Ông nói:

“Chúng tôi có những nhân chứng cho thấy tiểu đoàn quân Marốc trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc thật sự đã làm ngơ để cho cuộc thảm sát có thể xảy ra.”

14. Phiến quân Colombia ngừng bắn trong chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng

Các nhà lãnh đạo của Lực lượng Giải phóng Dân tộc (ELN) ở Colombia nói rằng họ hy vọng đạt được thỏa thuận ngưng bắn với chính phủ nước này trong chuyến viếng thăm vào tháng 9 của Đức Giáo Hoàng.

Một đại diện của ELN nói với thông tấn xã Reuters rằng nếu nhóm này không thể đạt được một sự đồng ý với chính phủ, thì họ cũng sẽ thông báo một lệnh ngừng bắn đơn phương để bày tỏ lòng kính mến Đức Giáo Hoàng.

“Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một vị Giáo Hoàng được nhiều người yêu mến và những gì mà người Colombia có thể làm để đón tiếp ngài là một cử chỉ ủng hộ cho tiến trình hoà bình mà ngài cổ suý.”

ELN hiện đang tiến hành đàm phán với chính phủ Colombia về một hiệp định hòa bình vĩnh viễn. Một nhóm phiến quân lớn khác, là Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia, đã ký một thỏa thuận hòa bình với chính phủ.

15. Nhà thờ Công Giáo ở Somaliland được mở cửa trở lại, rồi lại bị đóng

Hôm 29 tháng 7, một nhà thờ Công Giáo ở Somaliland được mở cửa trở lại sau 30 năm bị cấm không cho hoạt động. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau đó, nhà thờ đã bị đóng cửa dưới sức ép của người Hồi giáo địa phương.

Somaliland là một lãnh thổ tự trị của Somalia, nơi việc bách hại đạo thánh Chúa rất gay gắt. Chính quyền Somaliland, dưới các áp lực quốc tế, đã cho phép khôi phục và mở cửa trở lại nhà thờ Thánh Antôn thành Padua ở Hargeisa. Đây là một thành phố với 1.5 triệu dân. Cùng với việc cho mở cửa trở lại, chính quyền Somaliland cũng nhấn mạnh cam kết của họ bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng.

Tám ngày sau khi nhà thờ được mở cửa, Skeikh Khalil Abdullahi, bộ trưởng bộ tôn giáo Somaliland tuyên bố rằng “chính phủ đã quyết định tôn trọng mong muốn của người dân và các nhà lãnh đạo tôn giáo của họ, và đóng cửa nhà thờ như trong 30 năm qua”.
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Tư 16/8/2017
VietCatholic Network
22:59 16/08/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô.
VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Đức Thánh Cha phó thác các dân tộc khổ đau cho Mẹ Maria Nữ Vương Hòa Bình.

2- Đại Sứ Nga đề cao tầm cuộc viếng thăm của Đức Hồng Y Parolin ở Nga.

3- Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi cầu nguyện sau vụ bạo động “hận thù” ở Charlottesville, Virginia.

4- Các tín hữu Công Giáo dùng YouTube để loan báo Tin mừng.

5- Hội Đồng Giám Mục Hàn Quốc ra tuyên bố 'Khích Lệ Tinh Thần' và kêu gọi cầu nguyện cho Hòa Bình nhân dịp lễ Mông Triệu.

6- Lạc quyên ở Colombia tài trợ viếng thăm của Đức Thánh Cha.

7- Ủy ban Hoàng gia Úc đề nghị chấm dứt bảo vệ tính hợp pháp của ấn tích tòa giải tội.

8- Đi trọn con đường khổ giá, Giám mục Sylvester Lý Kiến Đường (Silvestro Li Jiantang) và Giám mục Paul Tạ Đình Triết (Paolo Xie Tingzhe) Trung Hoa vừa qua đời.

9- Pakistan cử hành quốc táng cho một nữ tu Công Giáo.

10- Giáo Hội Ba Lan khiển trách những linh mục sử dụng các biểu tượng cảm xúc.

11- Khai Mạc Đại Hội Hành Hương Đức Mẹ La Vang, Huế năm 2017.

12- Giới thiệu Thánh Ca: Hương Kinh Cung Tiến.

Xin mời qúi vị theo dõi phần tin chi tiết