Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ 20 Mùa Thường Niên 14/8 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
02:40 13/08/2022
BÀI ĐỌC 1 Gr 38:4-6,8-10
Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.
Hồi ấy, các thủ lãnh thưa với vua Xít-ki-gia-hu: “Xin ngài cho giết Giê-rê-mi-a đi, vì những luận điệu của ông ta đã làm nản lòng các binh sĩ còn lại trong thành này, cũng như toàn dân. Thật vậy, con người ấy chẳng mưu hoà bình cho dân này, mà chỉ gây tai hoạ.”
Vua Xít-ki-gia-hu nói: “Đây ông ta đang ở trong tay các ngươi; nhà vua cũng chẳng có thể làm gì trái ý các ngươi được.”
Họ liền điệu ông Giê-rê-mi-a đi, và bỏ xuống một cái hầm nước của hoàng tử Man-ki-gia-hu, trong sân vệ binh. Họ lấy dây thừng thả ông Giê-rê-mi-a xuống. Vì trong hầm không có nước, mà chỉ có bùn, nên ông bị lún sâu.
Ông E-vét Me-léc đi ra khỏi đền vua và thưa với vua rằng: “Thưa đức vua, chúa thượng tôi, những người này làm toàn những chuyện tai ác cho ngôn sứ Giê-rê-mi-a. Họ đã thả ông xuống hầm, và ông đang chết đói ở dưới ấy, vì trong thành không còn bánh nữa.” Vua liền truyền cho ông E-vét Me-léc, người Cút rằng: “Ngươi hãy đem theo ba mươi người ở đây, đi kéo ngôn sứ Giê-rê-mi-a lên khỏi hầm, kẻo ông chết mất.”
Đó là Lời Chúa.
BÀI ĐỌC 2 Hr 12:1-4
Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri
Thưa anh em, phần chúng ta, được ngần ấy nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta, mắt hướng về Đức Giê-su là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa. Anh em hãy tưởng nhớ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu.
Đó là Lời Chúa.
TUNG HÔ TIN MỪNG Ga 10:27
Alleluia. Alleluia. Alleluia.
Chúa nói: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng, và chúng theo tôi.
Alleluia. Alleluia. Alleluia.
TIN MỪNG Lc 12:49-53
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng:
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!
Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”
Đó là Lời Chúa.
Tình yêu ngút ngàn – Cùng Mẹ xin vâng
Giáo Hội Năm Châu
02:42 13/08/2022
Mẹ Đầy Ơn Phúc
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
06:01 13/08/2022
Mẹ Đầy Ơn Phúc
Lễ Mẹ Lên Trời
Bước vào tháng tám, Hội Thánh hướng về Đức Maria – Mẹ diễm phúc được đặc ân Hồn Xác Lên Trời. Mẹ Maria đã được Thiên Chúa tuyển chọn và trang điểm cho muôn vẻ đẹp và ơn phúc. Mẹ là “Ðấng đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Mẹ !” (Lc 1,28). “Ðấng đầy ơn phúc” là tên gọi đẹp nhất của Mẹ Maria. Tên gọi tuyệt đẹp Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, để chỉ cho biết rằng từ muôn thuở và cho đến muôn đời, Đức Mẹ luôn được yêu thương.Thiên Chúa còn ban tặng hồng ân cao cả. Mẹ về Trời, sống trong hạnh phúc vĩnh cửu mà Thiên Chúa dành để tặng ban cho tất cả những ai thuộc về Chúa nhờ cả một đời sống thánh thiện nơi gian trần.
Trong dịp hành hương Đất Thánh, chúng tôi có đến thăm Nhà thờ Đức Mẹ Ngũ, đây là Nhà thờ Công Giáo ghi dấu nơi Đức Trinh Nữ Maria đi vào “Giấc ngũ ngàn thu” (dormitio). Đây là một trong những Nhà thờ hiện đại, rộng lớn và tráng lệ nhất ở Giêrusalem, được các cha Dòng Biển Đức xây dựng vào năm 1906. Từ xa có thể nhìn thấy mái vòm hình chóp và những tòa tháp như dấu hiệu dẫn đường đến núi Sion. Phía trong Nhà thờ rất sáng, mái vòm chính diện trên gian cung thánh có một bức tranh Đức Mẹ bồng Hài Nhi Giêsu bằng khảm đá mạ vàng. Sàn nhà được trang trí bằng tranh khảm đá hình tròn xung quanh là các dấu hiệu cung Hoàng đạo (theo khoa chiêm tinh học ngàn xưa). Sau khi cầu nguyện, chúng tôi đi xuống tầng hầm, có bức tượng Đức Trinh Nữ Maria bằng gỗ và ngà đang chìm vào giấc ngũ ngàn thu. Mỗi người thành kính quỳ gối lần hạt trước tượng Đức Mẹ ngũ. Nhìn Đức Mẹ thánh thiện ngũ giấc bình an, ai cũng cảm động nguyện cầu khấn xin. Nhiều người thổn thức bên Mẹ.
Theo truyền thống xa xưa, Đức Mẹ không chết mà chỉ ngũ một giấc rồi Chúa đưa Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác. Phụng vụ đã cử hành ngày qua đời của Mẹ dưới nhiều tên gọi: Dormitio (an giấc), Deposotio (an táng), Transitus (qua đời), Natalis (ngày sinh vào Nước Chúa). Tất cả những danh từ đó được dùng để nói tới cái chết của Đức Mẹ. Tiếng “assumptio” (bởi động từ assumere; sumere: cất lấy; ad: kết hợp, đoàn tụ), lúc đầu ám chỉ việc linh hồn Mẹ được đưa vào vinh quang của Chúa (giống như các thánh); về sau từ ngữ này được dùng để chỉ việc Mẹ được cất về trời. Giáo hội phân biệt hai từ ngữ “ascensio” áp dụng cho Chúa Giêsu vì Ngài lên trời do quyền năng riêng, còn “assumptio” áp dụng cho Mẹ để nói rằng Mẹ được Chúa đưa về trời.
Tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời được Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố: “Sau khi đã mãn cuộc đời dưới đất, Đức Maria được đem về trời cả xác hồn”. Vào thế kỷ 19, có một luồng thần học chủ trương rằng Đức Maria không phải chết và xin Đức Thánh Cha hãy định tín như vậy. Họ cho rằng Đức Maria không mắc tội nguyên tổ nên không phải chết bởi vì sự chết là hình phạt của tội nguyên tổ. Tuy nhiên đa số các nhà thần học cho rằng Đức Maria đã chết và sau đó được sống lại. Đức Piô XII không bàn tới vấn đề này, không nói rằng Mẹ không phải chết cũng chẳng nói Mẹ đã chết và đã sống lại; nhưng chỉ nói rằng: sau khi chấm dứt cuộc đời dương thế, Mẹ được cất về trời cả xác và hồn.
Nhìn Đức Mẹ ngũ, tôi thấy sáng lên vẻ đẹp thánh thiện cao quý. Mẹ tuyệt đẹp vì Mẹ đầy ơn Chúa. Mẹ đẹp thánh thiện vì ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mẹ đẹp cao quý vì làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ tuyệt mỹ vì niềm tin đơn sơ và cuộc sống khiêm nhường. Nét đẹp ấy thoang thoảng như như một hương thơm hảo hạng toả ra lôi cuốn. Nét đẹp ấy mặn mà như thứ muối thiêng liêng. Nét đẹp ấy lung linh như ánh sáng dịu mát. Nét đẹp ấy huyền diệu như âm nhạc dịu êm mời gọi con người nâng tâm hồn lên tới Chúa.
Hôm nay, Giáo hội mừng kính Đức Maria được khải hoàn bước vào quê hương Thiên Quốc. Bầu khí phụng vụ đượm sắc thái vui tươi với những lời ngợi khen và chúc tụng Đức Trinh Nữ lên trời hiển vinh. Từ đây Đức Mẹ nắm giữ vai trò quan trọng nhất là Nữ Vương trời đất. Từ nay, Đức Mẹ đảm nhận một địa vị cao cả nhất và cũng thật gần bên Thiên Chúa. Kể từ nay, Đức Mẹ trổi vượt trên mọi tạo vật với địa vị làm Mẹ Thiên Chúa và làm Mẹ nhân loại.
Quyền năng và tình yêu Chúa tràn đầy trên Mẹ làm cho Mẹ được khỏi tội tổ tông và được đầy ơn ơn sủng ngay từ trong lòng mẹ. Quyền năng và tình yêu Chúa bao phủ suốt cả đời Mẹ trên từng ý nghĩ, từng tình cảm, từng mỗi hành động, từng mỗi bước đi... khiến cho tâm hồn Mẹ luôn hướng về Chúa mà tạ ơn và ngợi khen liên lỉ. Quyền năng và tình yêu Chúa đong đầy trọn vẹn nhất trong khoảnh khắc lịch sử, Mẹ lên trời cả hồn cả xác. Đặc ân cao trọng này chính là triều thiên sáng chói bao phủ lên Mẹ, vốn đã được “Thánh Thần ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên bà” (Lc 1,35).
Giáo hội cùng hiệp ý chung lời với Mẹ ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Đó là những lời tán tụng ngợi ca Thiên Chúa phát xuất từ sâu thẳm lòng Mẹ trong ngày thăm viếng người chị họ Isave. Magnificat là lời kinh thấm đẫm chất thơ. Thánh vịnh là thi ca cầu nguyện của dân tộc Do thái. Hàng ngày Đức Mẹ cầu nguyện với Thánh Vịnh.
Những lời ngợi ca Magnificat nói lên tất cả tâm hồn của Mẹ. Đó là toát lược cả cuộc đời Mẹ, cả chương trình sống của Mẹ, là con đường tu đức của Mẹ: mãi mãi là người nữ tỳ khiêm tốn, luôn phó thác hoàn toàn trong tay Chúa toàn năng và nhân hậu, hằng dâng lời ngợi khen tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.
Những lời ca ngợi Magnificat nói lên hết ý nghĩa và tâm tình của Mẹ đối với Thiên Chúa toàn năng và yêu thương.
Mẹ cảm thấy thân phận tôi tớ hèn mọn này lại được cất nhắc cao trọng trong giây phút lên trời: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.
Mẹ cảm nghiệm được quyền năng và tình yêu vô biên của Chúa trong giây phút Chúa hiển dương Mẹ về trời: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả...Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.
Ngày 1.11.1950, Đức Thánh Cha Piô XII long trọng tuyên bố tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời: “Thánh Mẫu Thiên Chúa là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria Trọn Đời Đồng Trinh, sau khi sống trọn cuộc đời trần thế, đã được triệu hồi cả hồn và xác vào trong vinh quang thiên quốc”. Chỉ trong một lời tuyên tín ngắn gọn và quan trọng để tuyên bố một tín điều, Đức Thánh Cha Piô XII đã liệt kê cùng lúc đầy đủ bốn đặc ân vô cùng cao cả, ngoài Đức Maria không ai có được. Cả bốn đặc ân này dẫu bản chất có khác nhau nhưng đều hoà quyện trong ơn tuyển chọn của Chúa Cha, ơn cứu độ của Chúa Kitô và ơn thánh hoá của Chúa Thánh Thần.
Đức Mẹ được lên trời hồn xác là do đặc ân Chúa ban cho Mẹ và đồng thời cũng là do cuộc sống thánh thiện của Mẹ hằng luôn hợp tác với ơn Chúa. Hồn xác lên trời là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa ban cho Mẹ. Mẹ là người diễm phúc nhất trong mọi người nữ. Mẹ có tên gọi đẹp nhất là “Đấng đầy ơn phúc” vì “Thiên Chúa ở cùng bà”. Mẹ được hết mọi đời khen là diễm phúc. Điều cao cả nhất là làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Mẹ là cây sinh quả phúc và nhờ quả phúc ấy mà Mẹ được biết đến và được ca tụng. Mẹ là cây trường sinh mang quả đầu mùa mà Thiên Chúa đã trồng trong vườn địa đàng mới hầu đem lại sự sống đời đời cho mọi thế hệ loài người. Chính vì thế mà Thiên Chúa muốn cho cây mang quả trường sinh ấy được nhân lên trong vườn địa đàng mà Người muốn mở rộng diện tích tới tận cùng trái đất.
Mẹ lên trời không phải để cách xa cuộc sống nhân loại, nhưng trên đỉnh vinh quang thiên đàng, đó là lúc Mẹ có điều kiện phù hợp để gần gũi che chở đỡ nâng mọi người một cách rộng rãi và thuận lợi hơn.
Trong kỹ thuật hàng không, máy bay cần có 3 thông số quan trọng: bộ phận định hướng tốt, làm nhẹ thân tàu và tăng cường sức đẩy động cơ. Mẹ về Trời, đó là định hướng cho mỗi người theo Mẹ. Càng nhẹ nhàng khi trút bỏ cồng kềnh vật chất, mỗi người sẽ thênh thang cuộc sống nhẹ bay lên cao trong đời sống thiêng liêng. Mỗi tín hữu cần trang bị đời mình qua việc đón nhận hồng ân và cộng tác tích cực sống đạo hạnh, như thế sức đẩy động cơ sẽ mạnh lên. Thực hiện 3 thông số ấy, mọi người sẽ gặp gỡ nhau trên quê hương vĩnh phúc với Mẹ Đầy Ơn Phúc.
Đức Mẹ được vinh hiển hồn xác trên trời là hình ảnh và là khởi đầu bảo đảm cho tương lai của chúng ta sau này cũng sẽ được như vậy, miễn là bây giờ chúng ta biết noi gương Mẹ mà sống thánh giữa đời, qua những chặng đường vui, sáng, thương, mừng của cuộc sống (x. LG 68).
Trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng ta tin rằng, có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở; với niềm hy vọng sẽ được về trời với Mẹ, chúng ta nhìn lên Mẹ như mẫu gương của lòng cậy trông, tin yêu phó thác nơi lòng thương xót Chúa.
Hôm nay mừng Mẹ Lên Trời.
Ngày mai đến lượt mỗi người chúng ta.
Để được cùng Mẹ theo Chúa lên Trời
Lm. Đan Vinh
06:08 13/08/2022
LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI (15/08)
Kh 11,19a; 12,1-6a.10ab; 1 Cr 15,20-26; Lc 1,39-56
ĐỂ ĐƯỢC CÙNG MẸ THEO CHÚA LÊN TRỜI
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG : Lc 1,39-56
(39) Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. (40) Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. (41) Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Thánh Thần, (42) liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. (43) Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? (44) Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. (45) Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.(46) Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, (47) thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi (48) Phận tỳ nữ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới. Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. (49) Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn ! (50). Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. (51) Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. (52) Chúa hạ bệ những ai quyền thế. Ngươi nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. (53) Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư. Người giàu có, lại đuổi về tay trắng. (54) Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, (55) như đã hứa cùng cha ông chúng ta. Vì Người nhớ lại lòng thương xót, dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời”. (56) Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
2. Ý CHÍNH :
Bài Tin Mừng có thể được chia thành ba phần như sau :
- PHẦN I (39-40) : Sau khi trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế do lời thưa “xin vâng”, Đức Ma-ri-a vội vã lên đường thăm viếng bà chị họ Ê-li-sa-bét, đã có thai được 6 tháng, như lời sứ thần cho biết. Hai bà mẹ đều được chúc phúc vì đã quảng đại đáp lời mời gọi, cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
- PHẦN II (41-46A) : Thần Khí tác sinh và hoan lạc đã bao trùm Đức Trinh Nữ, cũng làm cho con trẻ Gio-an đang ở trong dạ mẹ nhảy mừng, chào đón Đấng Thiên sai trong lòng Đức Ma-ri-a. Thần Khí ấy cũng tác động làm cho bà Ê-li-sa-bét nhận biết cô em họ Ma-ri-a đây, chính là Mẹ của Đấng Thiên Sai, đã đến viếng thăm mình. Cũng chính Thần Khí ấy làm cho niềm vui của Đức Ma-ri-a bộc phát thành bài ca “Ngợi khen” (Magnificat).
- PHẦN III (46B-56) : Bài ca tóm lại lịch sử của dân Chúa trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Cách riêng Chúa đã làm cho Ma-ri-a những điều trọng đại, cũng như đã từng làm trong lịch sử dân It-ra-en: Người hạ những kẻ quyền thế kiêu căng xuống và nâng những người hèn mọn khiêm nhường lên; ban cho kẻ nghèo khó được no đầy ơn phúc và để người giàu có bị đuổi về tay không. Người luôn phù trì cho dân tộc Ít-ra-en, đúng như lời Người đã hứa với tổ phụ Áp-ra-ham, rằng sẽ thương xót ông và con cháu đến muôn đời.
3. CHÚ THÍCH :
- C 39 : + Lên đường vội vã : Chỉ một thời gian ngắn sau biến cố Truyền tin, Đức Ma-ri-a đã vội vã lên đường đến thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét (hay cũng gọi là I-sa-ve), mà sứ thần đã cho biết bà mới có thai được 6 tháng. Bà này đã chịu tủi hổ trước mặt người đời, vì bị son sẻ không con. + Đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa : Có lẽ thành mà Đức Ma-ri-a định tới là một trong mười một địa hạt miền Giu-đê. Nhiếu người nghĩ đó là A-in Ka-rim, cách thủ đô Giê-ru-sa-lem 6 cây số về phía Tây. Con đừong từ Na-da-rét đến A-in Ka-rim dài 150 cây số.
- C 40-41 : + bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét : Cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ thật ra là cơ hội để thai nhi Giê-su gặp gỡ thai nhi Gio-an là vị tiền hô của Người. + Đứa con trong bụng nhảy lên : Gio-an Tẩy Giả bắt đầu sứ mệnh ngôn sứ bằng động tác nhảy lên trước Đấng Thiên Sai (Mêsia) đang ẩn mình trong dạ mẹ, giống như vua Đa-vít xưa đã nhảy mừng khi ra đón rước Hòm Bia Giao Ước. Truyền thống coi sự kiện này là dấu hiệu Gio-an Tẩy Giả được khỏi tội tổ tông truyền. + Bà được đầy ơn Chúa Thánh Thần : Thánh Thần đã tác động khiến bà Ê-li-sa-bét cảm nhận được Mẹ Đấng Mê-si-a mang Người đến viếng thăm nhà mình.
- C 42-44 : + Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc : Bà Ê-li-sa-bét ca tụng cô em họ Ma-ri-a thực là diễm phúc hơn mọi phụ nữ, vì thai nhi trong lòng Ma-ri-a là Đấng được chúc phúc. + Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? : “Chúa tôi” ở đây là danh xưng của Đấng Mê-si-a. Nhờ được Thần Khí tác động mà bà Ê-li-sa-bét đã nhận ra Chúa của mình là Thai nhi mà cô em Ma-ri-a đang cưu mang. Danh xưng Đức Giê-su là “Chúa” được Tin Mừng Lu-ca sử dụng đến 40 lần. + Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng : Ê-li-sa-bét chia sẻ cho Ma-ri-a sự lạ mà bà cảm nghiệm vừa xảy ra nơi bản thân. Đó cũng chính là lý do khiến bà nhận biết Đức Ma-ri-a đang cưu mang Thai Nhi Cứu Thế.
- C 45 : + Em thật có phúc, vì đã tin : Ma-ri-a đã tin vào những lời Chúa phán với mình khi sứ thần truyền tin sẽ được thực hiện, và trở thành người tín hữu đầu tiên của thời Tân Ước. Ngược lại với ông Da-ca-ri-a chồng bà vì không tin và đòi thấy dấu lạ, nên đã bị câm cho đến ngày các điều đó xảy ra (x. Lc 1,20).
- C 46-50 : +“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa : Sau khi nghe bà Ê-li-sa-bét khen là có phúc, Ma-ri-a đã quy hướng lời ca khen đó về cho Thiên Chúa trong bài kinh “Ngợi khen Thiên Chúa” (Magnificat). Bài này mô phỏng theo bài ca mà bà An-na là mẹ của ngôn sứ Sa-mu-en, sau khi được Đức Chúa cho sinh con trai và mang đứa trẻ lên Đền Thờ tại Si-lô thời Tư tế Ê-li, để thánh hiến dâng cho Đức Chúa (x. 1 Sm 2,1-10). Kinh này nhấn mạnh hai đìều: Một là người nghèo hèn bé mọn được Chúa bênh vực (x. Xp 2,3; Mt 5,3); Hai là dân Ít-ra-en được Chúa tuyển chọn và yêu thương (x. Đnl 7,6). Đức Ma-ri-a đã hát lên để bày tỏ lòng tri ân của mình (cc 46-49) và của toàn dân It-ra-en (cc 50-55), vì nay đến lúc lời hứa cứu độ của Đức Chúa đã được thực hiện.
- C 51-55 : + Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh : Chúa dùng quyền năng để can thiệp và bênh vực người hèn yếu (x. Tv 118,15-16). + Vì Người nhớ lại lòng thương xót : Cựu Ước thường ghi là “Thiên Chúa nhớ lại” để diễn tả việc Người luôn trung thành với lời hứa và thi hành những lời Ngừơi đã phán qua các ngôn sứ (x. St 8,1; 9,15; Xh 2,24). Lu-ca cũng không quên ghi lại lời chúc tụng tương tự trong bài ca của Da-ca-ri-a: “Người nhớ lại lời xưa giao ước” (Lc 1,72).
- C 56 : + Ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng : Ở lại để phục vụ và giúp đỡ cho bà chị Ê-li-sa-bét, làm các việc nhà giúp đỡ bà, trong thời kỳ cuối trước khi sinh con, khi bà không thể lao động bình thường được. Nhưng Đức Ma-ri-a chỉ phục vụ đúng mức mà thôi. + rồi trở về nhà : Một tuần sau ngày bà Ê-li-sa-bét sinh nở, sau khi con trẻ được đặt tên và được chịu phép Cắt Bì để được gia nhập vào dân Ít-ra-en, thì Đức Ma-ri-a đã trở về nhà tại thành Na-da-rét.
4. CÂU HỎI :
1) Lý do nào khiến Đức Ma-ri-a phải vội vã lên đường viếng thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét?
2) Truyền thống Công Giáo khẳng định Gio-an Tẩy Giả được khỏi tội tổ tông truyền từ lúc nào?
3) Bà Ê-li-sa-bét được đầy Thánh Thần đã gọi Đức Ma-ri-a bằng tước hiệu nào?
4) Tại sao bà Ê-li-sa-bét khen Đức Ma-ri-a diễm phúc, trái với ông Gia-ca-ri-a là chồng bà?
5) Bài kinh “Ngợi khen Thiên Chúa” (Magnificat) có nguồn gốc thế nào trong Cựu Ước và nội dung nhấn mạnh những tư tưởng nào?
6) Đức Ma-ri-a ở lại nhà bà Ê-li-sa-bét trong bao lâu và nhằm mục đích gì?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA : Bà Ê-li-sa-bét được tràn đầy Thánh Thần đã ca tụng Đức Ma-ri-a rằng : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” (41-42a), và “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (45). Bấy giờ Ma-ri-a nói : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (46).
2. LỊCH SỬ NGÀY ĐẠI LỄ VÀ CÂU CHUYỆN :
1) LỊCH SỬ TÍN ĐIỀU ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI :
+ Từ thuở ban đầu, các giáo đoàn tiên khởi đều tôn kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Từ những đoạn Thánh Kinh Tân Ước, đến các giáo phụ, rồi Công đồng chung Ê-phê-sô năm 431 đã tuyên bố “Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa”. Đã có những lễ nói đến lúc chấm dứt cuộc đời của Đức Ma-ri-a như: Lễ Đức Mẹ An Giấc (dormitio), Lễ Đức Mẹ Chuyển Biến (Transitus), Lễ Đức Mẹ Sinh Ra Trên Trời (Natalis), Lễ Đức Mẹ được Nâng Lên Trời (Assumptio).
+ Riêng Lễ Đức Mẹ An Giấc (Dormitio) đã được long trọng cử hành đó đây trong Giáo Hội Đông Phương. Nhất là từ sau Công đồng chung Ê-phê-sô năm 431, nhưng mãi đến thế kỷ thứ 7, lễ này mới được du nhập vào Giáo Hội Tây Phương.
Từ đó về sau nhiều thư thỉnh nguyện của các giám mục, các dòng tu, các nhà thần học được gửi đến Đức Giáo Hoàng để xin Ngài định tín về việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Trong Công đồng Vatican I, nhiều nghị phụ cũng yêu cầu Đức Thánh Cha quyết định điều đó, vì theo các ngài thì việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời có liên quan mật thiết với đức đồng trinh và chức vụ làm mẹ Đấng Cứu Thế của Ngài. Hơn nữa, vì Mẹ đã được cứu chuộc hoàn toàn, nên cũng phải được tôn vinh toàn diện như lời thánh Phao-lô : “Chúng ta biết rằng : Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến người, tức là cho những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,28-29). Dựa theo các thỉnh nguyện thư đó, năm 1946, Đức Pi-ô 12 đã gửi đến mỗi giám mục một lá thư yêu cầu trả lời như sau : “Đức cha và hàng giáo sĩ, giáo dân trong giáo phận của Đức cha, có xác tín và có muốn công bố việc Đức Ma-ri-a hồn xác lên trời như một tín điều không?” Hầu hết các thư trả lời đều đồng ý và thỉnh nguyện như vậy. Thế là vào ngày 1.11.1950, Đức Pi-ô 12 đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời cho toàn thể Giáo Hội tin kính và mừng chung ngày 15 tháng 8 hằng năm.
+ Đức Thánh Cha đã xác quyết : “Thế nên Đức Thánh Mẫu cao cả, ngay từ đời đời và do cùng một quyết định tiền định, đã được kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô một cách huyền nhiệm, vô nhiễm khi đầu thai, đồng trinh vẹn sạch khi làm Mẹ, cộng tác quảng đại với Đấng Cứu Thế, Đấng đã chiến thắng hoàn toàn sự tội và các hiệu quả của nó, thì cuối cùng để kết thúc mọi đặc ân ngài đã được, Đức Trinh Nữ cũng đã gìn giữ khỏi bị hư nát ở trong mồ, để nên giống Con Mình. Sau khi chiến thắng sự chết, ngài cũng được tôn vinh trên trời cả hồn lẫn xác, nơi Ngài được sáng láng làm Nữ Vương ngự bên hữu Con mình là Vua bất tử của mọi thời”.
2) MẸ MA-RI-A HẰNG CỨU GIÚP NHỮNG AI CHẠY ĐẾN KÊU CẦU NGƯỜI :
ĐU-LỚT HAI-ĐƠ (Douglas Hyde) vốn là một người vô tín và thù ghét đạo Công giáo. Ông là chủ bút một tờ báo lớn ở nước Anh. Với tư cách là chủ bút, ông nghiên cứu về Giáo hội để viết những bài phê bình chống đối gay gắt. Tuy nhiên một điều lạ lùng đã xảy ra, là ông càng nghiên cứu về giáo lý của Giáo Hội, thì tâm trí ông lại càng thêm tin tưởng vào các chân lý ấy. Tuy vậy ông vẫn chưa quyết định dứt khóat theo đạo ngay.
Một hôm, trên đường từ nhà đến tòa soạn ở trung tâm thủ đô Luân Đôn, lúc xe lửa đến trạm dừng, Đu-Lớt thấy tấm biển ghi “Nhà thờ Công giáo” ở bên đường, ông liền thử vào bên trong nhà thờ xem sao. Ông ngồi vào hàng ghế ở cuối nhà thờ và rồi thắc mắc tại sao mình lại có mặt ở đây? Bấy giờ ông thấy một cô gái bước vào nhà thờ, nét mặt âu lo buồn khổ. Cô ta đi thẳng đến trước tòa Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp mé trái của cung thánh nhà thờ và quỳ dưới hình Đức Mẹ một hồi lâu. Sau đó, cô đứng dậy đi xuống cuối để ra khỏi nhà thờ. Khi cô đi ngang, Đu-lớt nhận thấy nét mặt của cô ta đã bình thản trở lại chứ không còn âu sầu như khi mới vào nhà thờ.
Ngay lúc đó Đu-lớt quyết định thử làm theo cô ta là cũng đến quỳ trước ảnh Đức Mẹ. Sau này ông đã viết trong cuốn “tôi tin” (I believed) như sau : “Tôi không biết người ta đã cầu nguyện với Đức Mẹ thế nào? Cuối cùng tôi nghe thấy chính mình sắp nói ra một điều gì đó thích hợp. Tuy nhiên khi bắt đầu thốt ra thì tôi lại thấy lời đó có vẻ kỳ cục làm sao ! Nhưng điều này không quan trọng gì. Tôi biết rõ là sự tìm kiếm bấy lâu nay của tôi đã đạt tới đích… Lúc ra khỏi nhà thờ, tôi cố gắng hồi tưởng lại những gì tôi nói và hầu như tôi đã bật cười khi nhớ lại những lời ấy. Chúng giống hệt những lời ngân lên trong một điệu khiêu vũ !” Cuối cùng Đu-lớt đã đạt tới đức tin vào Chúa Giê-su nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
3) ĐƯỢC ƠN CHẾT LÀNH NHỜ LÒNG CẬY TRÔNG Đức Mẹ :
Một hôm trong đám người hành hương đến nhà thờ xứ Ars có một bà đeo đại tang ông chồng mới qua đời. Bà vào trong nhà thờ và đứng như trời trồng giữa nhiều người chung quanh. Bà rất buồn vì ông chồng đã bỏ đạo mới nhảy sông tự tử chết cách đây mấy hôm. Ông chết khi chưa được lãnh các bí tích sau hết.
Bấy giờ cha Gio-an Ma-ri-a Vian-ney đi tới gần ghé tai nói nhỏ với bà rằng :
- Ông xã nhà bà đã được ơn cứu độ rồi.
Thấy vẻ ngạc nhiên của bà, cha nói thêm lần nữa :
- Tôi cho bà biết là ông chồng bà đã được Chúa ban ơn cứu rỗi rồi !
Thấy bà vẫn còn hoài nghi nên cha nhấn mạnh từng tiếng :
- Tôi bảo bà rằng : Ông nhà bà đã được Chúa ban ơn cứu rỗi và bây giờ đang ở trong chốn luyện hình.
Bà phải cầu nguyện nhiều cho ông ta. Sở dĩ ông được ơn cứu rỗi vì ông đã có lòng yêu mến Đức Mẹ, nên Chúa đã cho ông có thời gian ngắn để kip cầu xin Chúa tha thứ tội lỗi trước khi chết. Bà có nhớ là trong tháng kính Đức Mẹ mới đây, bà đã cho làm một bàn thờ kính Đức Mẹ tại phòng riêng của hai vợ chồng không? Ông chồng bà tuy lâu ngày không đến nhà thờ nhưng thỉnh thoảng cũng hợp ý khi bà đọc kinh trước bàn thờ kính Đức Mẹ. Nhờ đó mà Đức Mẹ đã xin Chúa ban cho ông được ơn ăn năn sám hối trước khi chết.
Trường hợp ông này giống như anh trộm lành trên thập giá đã thưa với Đức Giê-su : “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi !” Và Người nói với anh : “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23,42-43).
3. SUY NIỆM :
1) ĐỨC MA-RI-A LÀ MẸ ĐỨC GIÊ-SU : Mẹ đã thụ thai và hạ sinh Đức Giê-su : Tin Mừng Lu-ca thuật lại việc Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế nhờ có Chúa ở cùng, và luôn kết hiệp mật thiết với Người. Sau lời thưa “xin vâng”, Ma-ri-a đã đuợc thụ thai mà vẫn bảo toàn đức trinh khiết nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần (x. Lc 1,28-38). Sau đó Ma-ri-a theo “Ông Giu-se từ thành Na-da-rét miền Ga-li-lê lên thành Bê-lem, miền Giu-đê là thành vua Đa-vít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn là Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,4-7).
2) KÍNH MỪNG MA-RI-A ĐẦY ƠN PHÚC : Ma-ri-a đã được đầy ơn phúc và luôn được Thiên Chúa ở cùng như lời chào của sứ thần truyền tin (x. Lc 1,28).
+ Mẹ đầy ơn phúc vì tâm hồn Mẹ trong sạch và luôn kết hiệp với Chúa.
+ Mẹ có phúc vì đã tin Lời Chúa : Bà Ê-li-sa-bét đã ca tụng Đức Ma-ri-a : “Em thật có phúc, vì đã tin rằng : Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).
+ Mẹ có phúc vì cưu mang Chúa Giê-su là Lời Thiên Chúa làm người : Nên Mẹ đã được ví giống như Hòm Bia Giao Ước Mới của Thiên Chúa (x. Ga 1,14; Mt 1,23).
+ Nhưng nhất là Mẹ có phúc vì đã nghe và thực hành Lời Chúa: Đức Giê-su đã bổ túc lời khen của một phụ nữ ca khen công cưu mang nuôi dưỡng Chúa của Mẹ như sau : “Đúng hơn phải nói rằng : Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28). Do đó, Đức Giáo Hòang Phao-lô VI đã gọi Đức Ma-ri-a là “người môn đệ tiên khởi và tuyệt hảo nhất của Đức Ki-tô”.
3) ĐỨC MA-RI-A LÀ MẸ HỘI THÁNH :
+ Chính Chúa Giê-su đã đặt Đức Ma-ri-a làm Mẹ Hội Thánh khi trao Mẹ cho môn đệ Gio-an là đại diện của Hội Thánh, để ông thay Người phụng dưỡng Mẹ sau khi Người lên trời, như Tin Mừng Gio-an thuật lại : “Đứng gần thập giá Đức Giê-su có Thân Mẫu Người, chị của thân mẫu là bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với mẹ rằng : “Thưa bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước Bà về nhà mình” (Ga 19,25-27).
+ Đức Ma-ri-a là Mẹ của Hội Thánh vì là mẹ của Đức Giê-su là Đầu, nên cũng là Mẹ của Hội Thánh là thân thể Người, trong Hội Thánh đó có các tín hữu chúng ta, như thánh Phao-lô dạy : “Thiên Chúa đặt Người làm Đầu toàn thể Hội Thánh. Mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (x. Ep 1,22b-23); “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh” (Cl 1,18).
+ Đức Ma-ri-a nêu gương các nhân đức cho các tín hữu học tập như sau :
Nêu gương tin cậy mến qua việc lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu ý Chúa và mau mắn xin vâng (x. Lc 1,30-36);
Nêu gương bác ái khi chủ động đến thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét để chia sẻ niềm vui ơn cứu độ, và cho thai nhi Gio-an “nhảy mừng” trong dạ mẹ vì được khỏi tội tổ tông truyền. Đức bác ái nơi Mẹ còn thể hiện qua việc sẵn sàng ở lại ba tháng để phục vụ bà Ê-li-sa-bét cho tới khi bà sinh con, rồi mới trở về nhà (x. Lc 1,39-56).
Mẹ cũng nêu gương cầu nguyện tín thác khi cầu xin Đức Giê-su giúp đôi tân hôn và để Người toàn quyền quyết định phải làm gì, làm khi nào và làm thế nào. Dù chưa tới “Giờ” hành động, nhưng Đức Giê-su đã làm phép lạ đầu tiên, là biến nước lã thành rượu ngon để giúp đôi tân hôn theo lời cầu bầu của Mẹ (x. Ga 2,1-11).
4) ĐỨC MA-RI-A HỒN XÁC LÊN TRỜI :
Ngoài dựa trên Thánh Truyền là ký ức tông truyền, Giáo Hội còn dựa trên một số đoạn Thánh Kinh cho thấy Mẹ Thiên Chúa liên kết mật thiết với Đức Giê-su Đấng Cứu Độ như sau :
+ “Dòng giống người nữ sẽ đánh vào đầu mi” (St 3,14-15) : Câu này có ba cách hiểu : Một là “Sự chiến thắng của dòng giống người đàn bà trên dòng giống con rắn” (Bản văn tiếng Do Thái). Hai là “Người đàn bà sẽ đạp lên đầu mi” (Bản văn tiếng La Tinh), khẳng định vai trò của Mẹ Đấng Mê-si-a trên con rắn hỏa ngục là ma quỷ (x. Kh 12,13.17). Ba là “Người đó sẽ đánh vào đầu mi” (Bản văn Bảy Mươi tiếng Hy Lạp), hiểu về Đức Giê-su là Đấng sẽ chiến thắng con rắn ma quỷ.
+ “Đấng đầy ân sủng, luôn được Thiên Chúa ở cùng” (x. Lc 1,28) : Đầy ơn phúc và luôn có Chúa là hoàn toàn trong sạch thánh thiện, nên Mẹ không phải chết như loài người chúng ta. “Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giê-su” (Lc 1,31) : Đức Ma-ri-a được chọn làm Mẹ Đấng Thiên Sai, Đấng sẽ thay vua Đa-vít để cai trị Ít-ra-en, và triều đại Người sẽ luôn vững bền.
+ Đức Ma-ri-a là E-và Mới : Đã cộng tác với Đức Giê-su là A-Đam mới, để vâng phục Chúa Cha (x. Rm 5,12-19; PI 2,6-11). Mẹ đã tích cực cộng tác với Đức Giê-su trong cuộc khổ nạn (x. Ga 19,25), thì cũng được dự phần vào sự phục sinh vinh quang với Người. Đức Giê-su là A-đam Mới đã qua đau khổ thập giá để phục sinh và lên trời, thì tiếp theo là Đức Ma-ri-a là E-và Mới cũng được Thiên Chúa triệu hồi về trời hồn xác.
5) ĐỂ CÙNG MẸ ĐI THEO CHÚA LÊN TRỜI :
+ Việc Hội Thánh tuyên bố tín điều “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời” dạy các tín hữu chúng ta ý thức rằng : “Quê hương chúng ta ở trên trời. Nơi đó chúng ta sẽ gặp Đấng Cứu Chuộc là Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta” (Pl 3,20). Tuy nhiên chúng ta chỉ được lên trời nếu biết tin yêu Chúa, phải bỏ ý riêng và tội lỗi của mình, vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa noi gương Mẹ xưa.
+ Ngày nay tuy Mẹ Ma-ri-a đã lên Trời, nhưng Mẹ vẫn luôn cầu bầu cùng Chúa Giê-su cho chúng ta là con cái Mẹ đang còn ở trần gian. Chúng ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.
+ “Đến với Chúa Giê-su nhờ Mẹ Ma-ri-a” (Ad Jesum per Mariam) : Hãy năng cầu nguyện kết hiệp với Mẹ Ma-ri-a, noi gương Hội Thánh thời sơ khai (x. Cv 1,14). Hãy hiệp cùng Mẹ xin Chúa Giê-su giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, giống như đôi tân hôn tại tiệc cưới Ca-na đã được Chúa biến nước lã thành rượu ngon nhờ lời Đức Mẹ chuyển bầu (x. Ga 2,3).
+ Sống đức Tin, Cậy, Mến noi gương Đức Mẹ: Hãy năng nghe Lời Chúa phán, suy niệm để tìm hiểu ý Chúa và sẵn sàng xin vâng, chấp nhận mọi may rủi xảy đến với lòng tín thác vào Chúa như Mẹ đã làm được Tin Mừng thuật lại : “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19.51).
4. THẢO LUẬN :
So sánh giữa việc lên trời của Đức Mẹ hôm nay giống và khác với việc thăng thiên của Chúa Giê-su thế nào? Ngay từ bây giờ chúng ta phải làm gì để được Chúa ban hưởng hạnh phúc Thiên Đàng như Mẹ?
5. NGUYỆN CẦU :
Lạy Chúa Giê-su. Hôm nay cùng với Hội thánh hoàn cầu, chúng con long trọng mừng lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Xin cho chúng con biết chạy đến với Mẹ mỗi khi gặp gian nan thử thách như bị thất bại trong việc làm ăn; Những lúc con không biết phải làm gì để vượt qua hoàn cảnh khó khăn gặp phải... Trong những giờ phút đau thương ấy, xin cho chúng con biết chạy đến nép mình dưới tà áo Mẹ, để được Mẹ ủi an che chở, để được Mẹ cầu bầu cùng Chúa ban các ơn lành hồn xác. Nhất là xin Chúa đừng để khi nào chúng con đi theo con đường lầm lạc. Xin dạy chúng con luôn lắng nghe Lời Chúa Giê-su, như Mẹ đã dạy các người giúp việc tại bữa tiệc cưới thành Ca-na xưa : “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5)- AMEN.
Đức Bà Như Hòm Bia Thiên Chúa Vậy
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
08:34 13/08/2022
Đức Bà Như Hòm Bia Thiên Chúa Vậy
Suy Niệm Lễ Vọng Đức Maria Hồn Xác Lên Trời
(Lc 11, 27-28)
Lời Chúa trong sách Sử Biên Niên quyển thứ nhất mô tả cảnh “con cái Lêvi rước hòm bia Thiên Chúa với nhạc khí râm ran, vừa đi vừa hát hòa điệu với đàn sắt, đàn cầm, và não bạt, tấu lên những hân hoan” (1Sb 15, 3-4. 15-16; 16, 1-2) làm chúng ta nhớ đến biến cố Mẹ về Trời như lời ca của Triệu Hà diễn tả: “Mẹ lên trời giữa một ngày rực ánh sáng. Đàn ca các Thánh tung hô! Nhân loại vui hát mừng vì xác hồn vẹn tuyền Mẹ về thiên cung. Mẹ lên trời ngày mừng vui cho thiên quốc. Hào quang Mẹ Chúa Ba Ngôi. Sáng ngời khắp chín tầng vì xác hồn vẹn tuyền Mẹ tới thiên đường”. Ngày khiêng hòm bia dân chúng rỗn rã tung hô. Ngày Mẹ được rước lên Trời chín tầng mây thắp sáng, các Thánh tung hô, nhân loại hát mừng, triều thần thiên quốc và trái đất mừng vui, đúng là ngày trời đất hân hoan.
Hòm bia Thiên Chúa
Nói tới hòm bia Thiên Chúa là đề cập đến một cái hộp hay cái hòm bằng một loại gỗ có chiều dài 1, 1 m, cao và rộng 0, 7 m được Môsê làm theo hướng dẫn của Thiên Chúa. Bên ngoài có hai thiên thần Cherubim bảo vệ. Các mặt bên có những vòng khuyên để xỏ đòn vào khi di chuyển hòm bia.
Theo Kinh Thánh, chiếc hòm này chứa những tấm bia giao ước do chính ngón tay Thiên Chúa viết cho dân của Ngài (quen gọi là Mười Điều Răn Đức Chúa Trời); ngoài ra còn có một chiếc hộp nhỏ đựng một ít Manna do chính Chúa ban cho dân Israel trong sa mạc, và có chiếc gậy của Aaron, vị tư tế đầu tiên của dân Chúa. Vì thế, chiếc hòm này được gọi là hòm bia Thiên Chúa vì mang những kỳ công tay Chúa làm (x. Xh 16, 33 và Ds 17, 10).
Với dân Chúa, hòm bia, là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa các thị tộc Israel thời tiền quân chủ; được Đavít rước về Giêrusalem, thủ đô của đất nước vừa được thống nhất và trở nên nguyên lý cho sự hiệp nhất giữa các chi tộc Israel. Hòm bia được gọi bằng những tên như: Hòm bia giao ước, hòm bia chứng ước, hòm bia Thiên Chúa. Tuy nhiên, tên gọi đầy đủ nhất là: “Hòm bia giao ước của Đức Chúa các đạo binh, Đấng Ngự Trên các thần Kêrubim” (x. 1Sm 4, 4). Nhưng “Hòm bia Thiên Chúa” là tên gọi được dùng nhiều nhất với 82 lần trong Kinh Thánh. Sau này hòm bia được vua Salomon đặt vào nơi Cực Thánh ở trong Đền Thờ Giêrusalem.
Đức Maria, hòm bia hơn cả hòm bia
Ngay từ rất sớm, các nhà Kinh Thánh Tân Ước, các Giáo Phụ và huấn giáo của Hội Thánh đã nhận ra sự tương đồng giữa Đức Maria và hòm bia Thiên Chúa trong câu chuyện truyền tin (Lc 1, 26-38), thăm viếng (39-56) và sách Khải huyền (11, 19 – 12, 1.5. 17) những chi tiết gợi lên hình ảnh về hòm bia Thiên Chúa.
Hình ảnh Đức Maria chỗi dậy, đon đả lên đường viếng thăm bà Isave gợi lên hình ảnh Đavit, chỗi dậy, vội vã cùng toàn dân rước hòm bia Thiên Chúa từ Baalê Giuđa lên Giêrusalem (2 Sm 6, 2). Cũng vậy, bà Isave nghe lời Maria chào thì đứa con trong bụng nhảy lên vì vui sướng (Lc 1, 44) gợi nhớ hình ảnh Vua Đavit nhảy múa quay cuồng trước Nhan Đức Chúa khi hòm bia Thiên Chúa được rước vào Thành (2 Sm 6, 16). Lời bà Isave nói “Em được chúc phúc hơn mọi người nữ, và người Con em đang mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42) gợi nhớ việc Đavít nhân danh Thiên Chúa chúc lành cho toàn dân (2 Sm 6, 18). Tâm tình của bà Isave: “Bởi đâu tôi được diễm phúc Thân Mẫu Chúa tôi đến viếng thăm” (Lc 1, 43) làm ta liên tưởng đến Đavit nghĩ về sự bất xứng của mình trước Thiên Chúa nên nói: “Hòm bia Thiên Chúa đến với tôi thế nào được” (2 Sm 6, 9).
Trong đoạn sách Khải Huyền 11, 19 – 12, 1.5.17, “Người Nữ”, “Hòm bia Thiên Chúa” cũng đã giao chiến với con con Rồng và nó đã bị đánh bại. Vì thế, lời cầu “Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa” mời gọi chúng ta hãy đến với Mẹ để gặp chính Đấng đã chiến thắng con Rồng xưa. Chắc chắn, có Đức Maria, Người Nữ chiến thắng với Chúa Giêsu Con Mẹ trong cuộc chiến thiêng liêng này, chúng ta sẽ giành phần thắng trước ba thù: thế gian, ma quỷ và xác thịt.
Trong Kinh Cầu Đức Bà có câu: “Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa vậy”. Chúng ta phải khẳng định Đức Maria là hòm bia hơn cả hòm bia Thiên Chúa.
Hòm bia trong Cựu Ước chỉ chứa đựng Mười Điều Răn, hay những vật thánh chứ không cưu mang những vật đó. Trong khi Đức Maria mang trong mình chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, Đấng từ đời đời vẫn là Thiên Chúa (Ga 1, 1 – 2). Mẹ là hòm bia đích thực, vì qua Mẹ và trong Mẹ, Thiên Chúa đã cắm lều giữa chúng ta. Mẹ là hòm bia hơn cả hòm bia Thiên Chúa.
Hòm Bia diễm phúc được đưa về Trời
“Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú” ( Lc 11, 27 là lời của một người nữ thính giả đang nghe Chúa Giêsu giảng cất cao giọng nói. Chúng ta có thể gọi mà không lầm rằng, Hòm bia có tên là Maria là Hòm Bia Hạnh Phúc.
Hòm Bia Hạnh Phúc vì có “Thiên Chúa ở cùng” (Lc 1, 28 ). Lời bà Isave xác nhận: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc” (Lc 1, 42 ). Phúc của hòm bia Maria trổi vượt trên mọi thần thánh trên trời, phúc vì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng là Hồng Phúc đã cư ngụ trong dạ hòm bia Maria chín tháng mười ngày, đến khi chào đời, bia Maria đã ôm ấp bú mớm nâng niu. Hòm bia Maria thật diễm phúc và luôn hạnh phúc, Chúa Giêsu Con Mẹ đã phủ đầy vinh quang trên Mẹ bên trong cũng như bên ngoài, hồng phúc ấy vượt quá sự hiểu biết của chúng ta.
Hòm bia Maria được rước lên Trời hưởng niềm vinh phúc. Mẹ hạnh phúc, Mẹ cũng muốn con cái mình hạnh phúc, nên Mẹ dạy: “Người bảo gì các con cứ làm theo” (Ga 2, 5). Chúa Giêsu bảo: “Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa còn có phúc hơn” ( Lc 11, 28 ).
Xin Mẹ giúp chúng con vâng nghe và giữ lời Thiên Chúa, để trở nên những người con diễm phúc được bao bọc chở che bởi Hòm Bia Hạnh Phúc. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Suy Niệm Lễ Vọng Đức Maria Hồn Xác Lên Trời
(Lc 11, 27-28)
Lời Chúa trong sách Sử Biên Niên quyển thứ nhất mô tả cảnh “con cái Lêvi rước hòm bia Thiên Chúa với nhạc khí râm ran, vừa đi vừa hát hòa điệu với đàn sắt, đàn cầm, và não bạt, tấu lên những hân hoan” (1Sb 15, 3-4. 15-16; 16, 1-2) làm chúng ta nhớ đến biến cố Mẹ về Trời như lời ca của Triệu Hà diễn tả: “Mẹ lên trời giữa một ngày rực ánh sáng. Đàn ca các Thánh tung hô! Nhân loại vui hát mừng vì xác hồn vẹn tuyền Mẹ về thiên cung. Mẹ lên trời ngày mừng vui cho thiên quốc. Hào quang Mẹ Chúa Ba Ngôi. Sáng ngời khắp chín tầng vì xác hồn vẹn tuyền Mẹ tới thiên đường”. Ngày khiêng hòm bia dân chúng rỗn rã tung hô. Ngày Mẹ được rước lên Trời chín tầng mây thắp sáng, các Thánh tung hô, nhân loại hát mừng, triều thần thiên quốc và trái đất mừng vui, đúng là ngày trời đất hân hoan.
Hòm bia Thiên Chúa
Nói tới hòm bia Thiên Chúa là đề cập đến một cái hộp hay cái hòm bằng một loại gỗ có chiều dài 1, 1 m, cao và rộng 0, 7 m được Môsê làm theo hướng dẫn của Thiên Chúa. Bên ngoài có hai thiên thần Cherubim bảo vệ. Các mặt bên có những vòng khuyên để xỏ đòn vào khi di chuyển hòm bia.
Theo Kinh Thánh, chiếc hòm này chứa những tấm bia giao ước do chính ngón tay Thiên Chúa viết cho dân của Ngài (quen gọi là Mười Điều Răn Đức Chúa Trời); ngoài ra còn có một chiếc hộp nhỏ đựng một ít Manna do chính Chúa ban cho dân Israel trong sa mạc, và có chiếc gậy của Aaron, vị tư tế đầu tiên của dân Chúa. Vì thế, chiếc hòm này được gọi là hòm bia Thiên Chúa vì mang những kỳ công tay Chúa làm (x. Xh 16, 33 và Ds 17, 10).
Với dân Chúa, hòm bia, là biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa các thị tộc Israel thời tiền quân chủ; được Đavít rước về Giêrusalem, thủ đô của đất nước vừa được thống nhất và trở nên nguyên lý cho sự hiệp nhất giữa các chi tộc Israel. Hòm bia được gọi bằng những tên như: Hòm bia giao ước, hòm bia chứng ước, hòm bia Thiên Chúa. Tuy nhiên, tên gọi đầy đủ nhất là: “Hòm bia giao ước của Đức Chúa các đạo binh, Đấng Ngự Trên các thần Kêrubim” (x. 1Sm 4, 4). Nhưng “Hòm bia Thiên Chúa” là tên gọi được dùng nhiều nhất với 82 lần trong Kinh Thánh. Sau này hòm bia được vua Salomon đặt vào nơi Cực Thánh ở trong Đền Thờ Giêrusalem.
Đức Maria, hòm bia hơn cả hòm bia
Ngay từ rất sớm, các nhà Kinh Thánh Tân Ước, các Giáo Phụ và huấn giáo của Hội Thánh đã nhận ra sự tương đồng giữa Đức Maria và hòm bia Thiên Chúa trong câu chuyện truyền tin (Lc 1, 26-38), thăm viếng (39-56) và sách Khải huyền (11, 19 – 12, 1.5. 17) những chi tiết gợi lên hình ảnh về hòm bia Thiên Chúa.
Hình ảnh Đức Maria chỗi dậy, đon đả lên đường viếng thăm bà Isave gợi lên hình ảnh Đavit, chỗi dậy, vội vã cùng toàn dân rước hòm bia Thiên Chúa từ Baalê Giuđa lên Giêrusalem (2 Sm 6, 2). Cũng vậy, bà Isave nghe lời Maria chào thì đứa con trong bụng nhảy lên vì vui sướng (Lc 1, 44) gợi nhớ hình ảnh Vua Đavit nhảy múa quay cuồng trước Nhan Đức Chúa khi hòm bia Thiên Chúa được rước vào Thành (2 Sm 6, 16). Lời bà Isave nói “Em được chúc phúc hơn mọi người nữ, và người Con em đang mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42) gợi nhớ việc Đavít nhân danh Thiên Chúa chúc lành cho toàn dân (2 Sm 6, 18). Tâm tình của bà Isave: “Bởi đâu tôi được diễm phúc Thân Mẫu Chúa tôi đến viếng thăm” (Lc 1, 43) làm ta liên tưởng đến Đavit nghĩ về sự bất xứng của mình trước Thiên Chúa nên nói: “Hòm bia Thiên Chúa đến với tôi thế nào được” (2 Sm 6, 9).
Trong đoạn sách Khải Huyền 11, 19 – 12, 1.5.17, “Người Nữ”, “Hòm bia Thiên Chúa” cũng đã giao chiến với con con Rồng và nó đã bị đánh bại. Vì thế, lời cầu “Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa” mời gọi chúng ta hãy đến với Mẹ để gặp chính Đấng đã chiến thắng con Rồng xưa. Chắc chắn, có Đức Maria, Người Nữ chiến thắng với Chúa Giêsu Con Mẹ trong cuộc chiến thiêng liêng này, chúng ta sẽ giành phần thắng trước ba thù: thế gian, ma quỷ và xác thịt.
Trong Kinh Cầu Đức Bà có câu: “Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa vậy”. Chúng ta phải khẳng định Đức Maria là hòm bia hơn cả hòm bia Thiên Chúa.
Hòm bia trong Cựu Ước chỉ chứa đựng Mười Điều Răn, hay những vật thánh chứ không cưu mang những vật đó. Trong khi Đức Maria mang trong mình chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, Đấng từ đời đời vẫn là Thiên Chúa (Ga 1, 1 – 2). Mẹ là hòm bia đích thực, vì qua Mẹ và trong Mẹ, Thiên Chúa đã cắm lều giữa chúng ta. Mẹ là hòm bia hơn cả hòm bia Thiên Chúa.
Hòm Bia diễm phúc được đưa về Trời
“Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú” ( Lc 11, 27 là lời của một người nữ thính giả đang nghe Chúa Giêsu giảng cất cao giọng nói. Chúng ta có thể gọi mà không lầm rằng, Hòm bia có tên là Maria là Hòm Bia Hạnh Phúc.
Hòm Bia Hạnh Phúc vì có “Thiên Chúa ở cùng” (Lc 1, 28 ). Lời bà Isave xác nhận: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc” (Lc 1, 42 ). Phúc của hòm bia Maria trổi vượt trên mọi thần thánh trên trời, phúc vì Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng là Hồng Phúc đã cư ngụ trong dạ hòm bia Maria chín tháng mười ngày, đến khi chào đời, bia Maria đã ôm ấp bú mớm nâng niu. Hòm bia Maria thật diễm phúc và luôn hạnh phúc, Chúa Giêsu Con Mẹ đã phủ đầy vinh quang trên Mẹ bên trong cũng như bên ngoài, hồng phúc ấy vượt quá sự hiểu biết của chúng ta.
Hòm bia Maria được rước lên Trời hưởng niềm vinh phúc. Mẹ hạnh phúc, Mẹ cũng muốn con cái mình hạnh phúc, nên Mẹ dạy: “Người bảo gì các con cứ làm theo” (Ga 2, 5). Chúa Giêsu bảo: “Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa còn có phúc hơn” ( Lc 11, 28 ).
Xin Mẹ giúp chúng con vâng nghe và giữ lời Thiên Chúa, để trở nên những người con diễm phúc được bao bọc chở che bởi Hòm Bia Hạnh Phúc. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Cuối Đường Hầm Sẽ Là Ánh Sáng
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
08:36 13/08/2022
Cuối Đường Hầm Sẽ Là Ánh Sáng
(Chúa Nhật 20 TN Năm C 2022)
Vào sáng Chúa Nhật V Phục Sinh ngày 15.5.2022, tại giáo đô Rôma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên phong Hiển thánh cho 10 vị Chân phước; trong đó có một vị xứng đáng được gọi là “chứng nhân tử đạo vì sứ vụ ngôn sứ”: đó là Thánh Titus Brandsma, một linh mục tu sĩ người Hà Lan thuộc Dòng Cát Minh, một giáo sư thần học, một nhà viết báo và là một cố vấn tinh thần cho các tờ báo Công Giáo trực thuộc Hàng Giám Mục Hà Lan từ năm 1930. Vì trung thành với “truyền thông sự thật” của Giáo Hội và không chấp nhận biến báo chí thành công cụ tuyên truyền cho chủ nghĩa Quốc xã đang thống trị, vào tháng giêng năm 1942, Brandsma bị bắt giam. Sau khi bị tra tấn dã man, chúng đưa ngài đến trại giam tập trung Dachau.Trong trại có khoảng hai ngàn bảy trăm giáo sĩ đang bị giam cầm. Dù bị hành hạ khắc nghiệt, Brandsma vẫn không sờn lòng. Ngài an ủi những người cùng cảnh ngộ và khuyên nhủ họ siêng năng cầu nguyện. Ngài nói: “Chúng ta đang ở đây như đang bước đi trong một đường hầm tối tăm. Chúng ta phải cố gắng vượt qua. Cuối đường hầm sẽ là ánh sáng rực rỡ chiếu rọi cho đến muôn đời.”. Sau đó không lâu, ngài đã bị giết bằng một mũi thuốc độc, hoàn thành sứ mệnh “chứng nhân cho một đời ngôn sứ” !
Lời Chúa Chúa Nhật 20 TN C hôm nay cũng đang chuyển tải đến chúng ta chính nội dung sứ điệp “chứng nhân sứ vụ ngôn sứ” mà chân dung cuộc đời Thánh Titus Brandsma vừa nói tới là một minh họa rõ nét.
Trước hết, Bài đọc 1 vừa thuật lại cho chúng ta “sự cố bị thả giếng” của chàng ngôn sứ thích nói chuyện ngược đời Giêrêmia: “Thực sự tên này không tìm hoà bình cho dân, mà chỉ tìm tai hoạ”. Vua Sêđêcia phán rằng: “Đấy nó ở trong tay các ngươi, vì nhà vua không thể từ chối các ngươi điều gì”. Họ liền bắt Giêrêmia và quăng xuống giếng của Melkia con Amêlec, giếng này ở trong sân khám đường, họ dùng dây thả Giêrêmia xuống giếng…”.
Vì sứ mệnh ngôn sứ, quả thật, Giêrêmia đã phải đi qua “con đường tăm tối tận dưới giếng sâu” !
Để hiểu thêm về sự cố nầy, có lẽ chúng ta phải ngược dòng thời gian, trở về khoảng thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên, thời hoạt động ngôn sứ của Giêrêmia; thuở mà vương quốc Giuđa đang rơi vào khủng hoảng để rồi đi tới diệt vong bởi hoàng đế Na-bu-co-no-so (626-587).
Như lời trần tình của chính đương sự, Giêrêmia thi hành sứ mệnh ngôn sứ trong một tình trạng đầy giằng co và thử thách, vừa nơi tâm hồn mình vừa những áp lực ngoài xã hội: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng. Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con. Mỗi lần nói năng là con phải la lớn, phải kêu lên: ‘Bạo tàn! Phá hủy!’ Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày. Có lần con tự nhủ: ‘Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa’. Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, ầm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20, 7-9).
Quả thật, Lời Chúa qua tâm sự của ngôn sứ Giêrêmia đã cho chúng ta thấu hiểu phần nào thân phận nghiệt ngã muôn nơi muôn thuở của những ngôn sứ: Phải nói Lời của Thiên Chúa cho dù Lời đó đi ngược lại tâm thức và xu hướng của con người; phải chấp nhận hậu quả thương đau chứ không chịu thoả hiệp để yên thân (như mẫu gương của Thánh Titus Brandsma, bị sát hại vì không chịu dùng ngòi bút để tuyền truyền cho chủ nghĩa Quốc xã…).
Và đó lại chính là con đường, là chọn lựa của chính vị Đại Ngôn Sứ Giêsu, mà Giêrêmia mới chỉ là hình bóng tiên trưng và Thánh Brandsma sau nầy học đòi bắt chước. Vâng, Tin Mừng Luca chúng ta vừa nghe, đã cho thấy chính Đức Kitô đã thi hành sứ mệnh ngôn sứ “mang lửa Thánh Thần và tình yêu đến cho thế giới” và sẵn sàng “dấn thân vào Phép rửa của khổ nạn” để cứu độ con người. Và con đường để Ngài hoàn tất sứ mệnh ngôn sứ đầy nhiêu khê đó phải trả giá bằng một cuộc chiến thương đau: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ...”
Thế nhưng, cũng kể từ khi “Cây Thập Giá” được dựng lên trên đồi Sọ và “treo Vị Đại Tiên Tri Giêsu trên đó”, thì sự chia rẽ sâu thẳm nhất giữa đất và trời, giữa nhân loại với nhau đã khép lại, để nhường chỗ cho một Vương Quốc Nước Trời mở ra, Vương quốc của sự thật và tình yêu, của hoà bình và công lý.
Nối tiếp “con đường ngôn sứ” của Giêrêmia, nhất là của Chúa Giêsu, suốt 2000 năm nay, đã có hàng hàng lớp lớp những con người nam nữ dấn thân chọn lựa và thực thi sứ mệnh ngôn sứ cao cả nhưng cũng đầy gian nan nầy, một đoàn thể đông đảo mà thư Do Thái trong Bài đọc 2 hôm nay đã mô tả: “chúng ta cũng có một đoàn thể chứng nhân đông đảo như đám mây bao quanh”. Và không chỉ được sự nâng đỡ chắc chắn bởi “đám mây nhân chứng” nầy, chúng ta, mọi Kitô hữu thuộc bất cứ đấng bậc nào, ơn gọi nào, nhờ nhiệm tích Thánh Tẩy, được gọi mời đi làm nhân chứng, tham dự vào sứ mệnh ngôn sứ của chính Chúa Kitô.
Dĩ nhiên, trước những giới hạn và mõng dòn của phận người, làm sao không có những lúc chúng ta nản lòng, mệt mỏi, muốn chùn bước thối lui trước “chén đắng” của sứ mệnh (như trải nghiệm của Giêrêmia và của cả Chúa Giêsu). Tuy nhiên, như lời động viên của Thánh Titus Brandsma trong những giờ phút đen tối nhất của cuộc đời tù ngục: “Chúng ta đang ở đây như đang bước đi trong một đường hầm tối tăm. Chúng ta phải cố gắng vượt qua. Cuối đường hầm sẽ là ánh sáng rực rỡ chiếu rọi cho đến muôn đời.”, chúng ta càng xác tín hơn vào những lời động viên của Lời Chúa nơi Thánh vịnh 139 mà Hội Thánh vang ca hôm nay: “Tôi đã cậy trông, tôi đã cậy trông ở Chúa, Người đã nghiêng mình về bên tôi, và Người đã nghe tiếng tôi kêu cầu. Người đã kéo tôi ra khỏi hố diệt vong, khỏi chỗ bùn nhơ; Người đã đặt chân tôi trên đá cứng, và đã làm vững bước chân tôi… Phần con, khốn khổ cơ bần, nhưng mà có Chúa ân cần chăm nom. Người là Đấng phù trợ và giải thoát con, ôi lạy Chúa, xin Ngài đừng chậm trễ…”.
Cùng với niềm xác tín vào Lời Chúa đó, thư Do Thái trong Bài đọc 2 hôm nay còn đề nghị một phương thế kiến hiệu và nền tảng khác, đó chính là “hãy nhìn thẳng vào Đức Kitô”: “Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Đức Giêsu, Đấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.”. Nhìn vào Đức Kitô, bước trên lối bước của Đức Kitô, mang tâm tình của Đức Kitô, yêu như chính Đức Kitô… là hành trang thiết yếu của mọi cuộc đời ngôn sứ ! Vâng, Đức Kitô chính là Vì Ngôn Sứ vĩ đại duy nhất và đã trở nên chứng nhân trọn hảo cho sứ vụ ngôn sứ qua 33 năm hành trình dương thế mà đỉnh điểm chính là cuộc khổ nạn thập giá đầy đau thương và sự chiến thắng lẫy lừng của phục sinh vinh hiển.
Cộng đoàn chúng ta vừa được lắng nghe Lời Ngài, thì giờ đây hãy sốt sắng “nhìn thẳng vào Ngài”. Vì thật ra, Chúa Giêsu không ở đâu xa. Ngài đang ở đây, trong bàn Tiệc Thánh Thể nầy; và chút nữa đây, Ngài hiện diện trong Tấm Bánh đơn mà mỗi người chúng ta cùng đón lấy với lời tuyên tín đơn sơ “Amen” sau lời giới thiệu của linh mục cho rước lễ: “Mình Thánh Chúa Kitô”… Chúng ta tin rằng khi mang Thánh Thể Chúa trong tim và có Đức Kitô cùng đồng hành, con đường ngôn sứ của Hội Thánh, của mỗi ngườ chúng ta, như xác tín của Thánh Brandsma, “Cuối đường hầm sẽ là ánh sáng rực rỡ chiếu rọi cho đến muôn đời.”. Amen.
Trương Đình Hiền.
(Chúa Nhật 20 TN Năm C 2022)
Vào sáng Chúa Nhật V Phục Sinh ngày 15.5.2022, tại giáo đô Rôma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên phong Hiển thánh cho 10 vị Chân phước; trong đó có một vị xứng đáng được gọi là “chứng nhân tử đạo vì sứ vụ ngôn sứ”: đó là Thánh Titus Brandsma, một linh mục tu sĩ người Hà Lan thuộc Dòng Cát Minh, một giáo sư thần học, một nhà viết báo và là một cố vấn tinh thần cho các tờ báo Công Giáo trực thuộc Hàng Giám Mục Hà Lan từ năm 1930. Vì trung thành với “truyền thông sự thật” của Giáo Hội và không chấp nhận biến báo chí thành công cụ tuyên truyền cho chủ nghĩa Quốc xã đang thống trị, vào tháng giêng năm 1942, Brandsma bị bắt giam. Sau khi bị tra tấn dã man, chúng đưa ngài đến trại giam tập trung Dachau.Trong trại có khoảng hai ngàn bảy trăm giáo sĩ đang bị giam cầm. Dù bị hành hạ khắc nghiệt, Brandsma vẫn không sờn lòng. Ngài an ủi những người cùng cảnh ngộ và khuyên nhủ họ siêng năng cầu nguyện. Ngài nói: “Chúng ta đang ở đây như đang bước đi trong một đường hầm tối tăm. Chúng ta phải cố gắng vượt qua. Cuối đường hầm sẽ là ánh sáng rực rỡ chiếu rọi cho đến muôn đời.”. Sau đó không lâu, ngài đã bị giết bằng một mũi thuốc độc, hoàn thành sứ mệnh “chứng nhân cho một đời ngôn sứ” !
Lời Chúa Chúa Nhật 20 TN C hôm nay cũng đang chuyển tải đến chúng ta chính nội dung sứ điệp “chứng nhân sứ vụ ngôn sứ” mà chân dung cuộc đời Thánh Titus Brandsma vừa nói tới là một minh họa rõ nét.
Trước hết, Bài đọc 1 vừa thuật lại cho chúng ta “sự cố bị thả giếng” của chàng ngôn sứ thích nói chuyện ngược đời Giêrêmia: “Thực sự tên này không tìm hoà bình cho dân, mà chỉ tìm tai hoạ”. Vua Sêđêcia phán rằng: “Đấy nó ở trong tay các ngươi, vì nhà vua không thể từ chối các ngươi điều gì”. Họ liền bắt Giêrêmia và quăng xuống giếng của Melkia con Amêlec, giếng này ở trong sân khám đường, họ dùng dây thả Giêrêmia xuống giếng…”.
Vì sứ mệnh ngôn sứ, quả thật, Giêrêmia đã phải đi qua “con đường tăm tối tận dưới giếng sâu” !
Để hiểu thêm về sự cố nầy, có lẽ chúng ta phải ngược dòng thời gian, trở về khoảng thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên, thời hoạt động ngôn sứ của Giêrêmia; thuở mà vương quốc Giuđa đang rơi vào khủng hoảng để rồi đi tới diệt vong bởi hoàng đế Na-bu-co-no-so (626-587).
Như lời trần tình của chính đương sự, Giêrêmia thi hành sứ mệnh ngôn sứ trong một tình trạng đầy giằng co và thử thách, vừa nơi tâm hồn mình vừa những áp lực ngoài xã hội: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng. Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con. Mỗi lần nói năng là con phải la lớn, phải kêu lên: ‘Bạo tàn! Phá hủy!’ Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày. Có lần con tự nhủ: ‘Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa’. Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, ầm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20, 7-9).
Quả thật, Lời Chúa qua tâm sự của ngôn sứ Giêrêmia đã cho chúng ta thấu hiểu phần nào thân phận nghiệt ngã muôn nơi muôn thuở của những ngôn sứ: Phải nói Lời của Thiên Chúa cho dù Lời đó đi ngược lại tâm thức và xu hướng của con người; phải chấp nhận hậu quả thương đau chứ không chịu thoả hiệp để yên thân (như mẫu gương của Thánh Titus Brandsma, bị sát hại vì không chịu dùng ngòi bút để tuyền truyền cho chủ nghĩa Quốc xã…).
Và đó lại chính là con đường, là chọn lựa của chính vị Đại Ngôn Sứ Giêsu, mà Giêrêmia mới chỉ là hình bóng tiên trưng và Thánh Brandsma sau nầy học đòi bắt chước. Vâng, Tin Mừng Luca chúng ta vừa nghe, đã cho thấy chính Đức Kitô đã thi hành sứ mệnh ngôn sứ “mang lửa Thánh Thần và tình yêu đến cho thế giới” và sẵn sàng “dấn thân vào Phép rửa của khổ nạn” để cứu độ con người. Và con đường để Ngài hoàn tất sứ mệnh ngôn sứ đầy nhiêu khê đó phải trả giá bằng một cuộc chiến thương đau: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ...”
Thế nhưng, cũng kể từ khi “Cây Thập Giá” được dựng lên trên đồi Sọ và “treo Vị Đại Tiên Tri Giêsu trên đó”, thì sự chia rẽ sâu thẳm nhất giữa đất và trời, giữa nhân loại với nhau đã khép lại, để nhường chỗ cho một Vương Quốc Nước Trời mở ra, Vương quốc của sự thật và tình yêu, của hoà bình và công lý.
Nối tiếp “con đường ngôn sứ” của Giêrêmia, nhất là của Chúa Giêsu, suốt 2000 năm nay, đã có hàng hàng lớp lớp những con người nam nữ dấn thân chọn lựa và thực thi sứ mệnh ngôn sứ cao cả nhưng cũng đầy gian nan nầy, một đoàn thể đông đảo mà thư Do Thái trong Bài đọc 2 hôm nay đã mô tả: “chúng ta cũng có một đoàn thể chứng nhân đông đảo như đám mây bao quanh”. Và không chỉ được sự nâng đỡ chắc chắn bởi “đám mây nhân chứng” nầy, chúng ta, mọi Kitô hữu thuộc bất cứ đấng bậc nào, ơn gọi nào, nhờ nhiệm tích Thánh Tẩy, được gọi mời đi làm nhân chứng, tham dự vào sứ mệnh ngôn sứ của chính Chúa Kitô.
Dĩ nhiên, trước những giới hạn và mõng dòn của phận người, làm sao không có những lúc chúng ta nản lòng, mệt mỏi, muốn chùn bước thối lui trước “chén đắng” của sứ mệnh (như trải nghiệm của Giêrêmia và của cả Chúa Giêsu). Tuy nhiên, như lời động viên của Thánh Titus Brandsma trong những giờ phút đen tối nhất của cuộc đời tù ngục: “Chúng ta đang ở đây như đang bước đi trong một đường hầm tối tăm. Chúng ta phải cố gắng vượt qua. Cuối đường hầm sẽ là ánh sáng rực rỡ chiếu rọi cho đến muôn đời.”, chúng ta càng xác tín hơn vào những lời động viên của Lời Chúa nơi Thánh vịnh 139 mà Hội Thánh vang ca hôm nay: “Tôi đã cậy trông, tôi đã cậy trông ở Chúa, Người đã nghiêng mình về bên tôi, và Người đã nghe tiếng tôi kêu cầu. Người đã kéo tôi ra khỏi hố diệt vong, khỏi chỗ bùn nhơ; Người đã đặt chân tôi trên đá cứng, và đã làm vững bước chân tôi… Phần con, khốn khổ cơ bần, nhưng mà có Chúa ân cần chăm nom. Người là Đấng phù trợ và giải thoát con, ôi lạy Chúa, xin Ngài đừng chậm trễ…”.
Cùng với niềm xác tín vào Lời Chúa đó, thư Do Thái trong Bài đọc 2 hôm nay còn đề nghị một phương thế kiến hiệu và nền tảng khác, đó chính là “hãy nhìn thẳng vào Đức Kitô”: “Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Đức Giêsu, Đấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.”. Nhìn vào Đức Kitô, bước trên lối bước của Đức Kitô, mang tâm tình của Đức Kitô, yêu như chính Đức Kitô… là hành trang thiết yếu của mọi cuộc đời ngôn sứ ! Vâng, Đức Kitô chính là Vì Ngôn Sứ vĩ đại duy nhất và đã trở nên chứng nhân trọn hảo cho sứ vụ ngôn sứ qua 33 năm hành trình dương thế mà đỉnh điểm chính là cuộc khổ nạn thập giá đầy đau thương và sự chiến thắng lẫy lừng của phục sinh vinh hiển.
Cộng đoàn chúng ta vừa được lắng nghe Lời Ngài, thì giờ đây hãy sốt sắng “nhìn thẳng vào Ngài”. Vì thật ra, Chúa Giêsu không ở đâu xa. Ngài đang ở đây, trong bàn Tiệc Thánh Thể nầy; và chút nữa đây, Ngài hiện diện trong Tấm Bánh đơn mà mỗi người chúng ta cùng đón lấy với lời tuyên tín đơn sơ “Amen” sau lời giới thiệu của linh mục cho rước lễ: “Mình Thánh Chúa Kitô”… Chúng ta tin rằng khi mang Thánh Thể Chúa trong tim và có Đức Kitô cùng đồng hành, con đường ngôn sứ của Hội Thánh, của mỗi ngườ chúng ta, như xác tín của Thánh Brandsma, “Cuối đường hầm sẽ là ánh sáng rực rỡ chiếu rọi cho đến muôn đời.”. Amen.
Trương Đình Hiền.
CN 20C : Hai Cách Hiểu Câu Khó Hiểu
Lm. Alf.Nguyễn Công Minh
16:08 13/08/2022
CN 20C : Hai Cách Hiểu Câu Khó Hiểu
Quen tai với những lời dịu dàng của Chúa, nào là “Hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng;” nào là “Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp…” mà hôm nay nghe từ miệng Chúa những câu ghê người : "Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết : không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau : cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng."
Ta phải hiểu thế nào đây? Có 2 cách hiểu :
1. Chính Giêsu là Đấng Thiên Sai
-Gioan Tẩy Giả khi bị tù đã nghi ngờ không biết ông Giêsu em họ mình có phải là Đức Kitô, là Đấng Chúa sai đên không. Và ông Giêsu đó đã ngầm bảo cho Gioan là chính mình là Đấng Thiên Sai, vì khi Đấng ấy đến thì “kẻ què được đi, điếc được nghe, mù được thấy, người chết sống lại…”
-Kinh Thánh và Do thái giáo chắc chắn biết rõ chủ đề chia rẽ trong gia đình vào thời buổi cuối cùng trước khi Đấng Thiên sai đến.
Sách Talmud, sách giảng giải bậc nhất của Do Thái giáo đã viết : “Thế hệ lúc con vua Đavít (tức Đấng Thiên Sai) đến là thế hệ mà con gái chống đối mẹ mình, nàng dâu chống đối mẹ chồng…”
Còn sách Tiên tri Mikê (7,6) nói về thời buổi cuối cùng khi Đức Kitô đến như sau : “Quả thật, con trai khinh thường cha, con gái đứng lên chống lại mẹ, nàng dâu chống mẹ chồng, người trong nhà lại hoá ra thù địch.”
Vậy, thay vì nói chính tôi là Đấng Thiên Sai, Đấng phải đến, thì Đức Giêsu nói “tôi đến gây chia rẽ mẹ chồng nàng dâu, con trai với cha, con gái với mẹ…” vì đó là những lời sấm, những hình ảnh Thánh Kinh dùng để chỉ ngày Chúa đến.
Ví như cô kia thách cậu nọ :
Bao giờ rau diếp làm cột đình,
gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta.
Rồi bất ngờ có ngày anh lấy cô thật, anh Bất lấy chị Ngờ thật, thì thay vì nói hôm nay hai người lấy nhau, thiên hạ nói : hôm nay rau diếp làm cột đình, hôm nay gỗ lim thái ghém.
Thành ra chưa chắc Chúa có chia rẽ hay không, nhưng vì Kinh Thánh và sách Talmud nói, khi Đức Kitô đến, ngài sẽ chia rẽ nàng dâu mẹ chồng… thì Giêsu, thay vì nói chính mình là Đấng Kitô Thiên Sai, sẽ nói bóng gió : ta đến gây chia rẽ.
Mà có khi Ngài chia rẽ thật, vì Ngài đến đâu chia rẽ đó. Và đó là cách hiểu thứ hai.
2. Ngài đến gây chia rẽ
Không phải Ngài đến có mục đích gây chia rẽ, mà là Ngài đến, kẻ yêu Ngài và kẻ ghét Ngài trở nên xa nhau, chia rẽ. Vợ chồng trẻ đang thương nhau, có kẻ thứ ba xuất hiện là một cô gái, chồng mến cô gái này, còn vợ thì ghét cay ghét đắng, thế là vợ chồng chia rẽ nhau vì người thứ ba đến. Ngài đến gây chia rẽ.
-Khi bế trẻ Giêsu trên tay, cụ Simeon nói : đứa trẻ này sẽ nên cớ cho nhiều người vấp phạm, chia rẽ
-Trong dân chúng, có những người nghe các lời Đức Giêsu giảng thì nói : "Ông này thật là vị ngôn sứ." Kẻ khác rằng : "Ông này là Đấng Ki-tô." Nhưng có kẻ lại nói : "Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói : Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao?" Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ.
-Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói : "Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát"; kẻ thì bảo : "Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?" Thế là họ đâm ra chia rẽ. (Giống y hệt vụ việc cha Long lòng Chúa Thương Xót hôm nay !)
-Các tông đồ, môn đệ cũng chia rẽ nhau vì một lời quá chói tai của Đức Kitô Giêsu : Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống.
-Chia rẽ để phân biệt trắng đen, trúng sai, trung kiên hay bất tín. Thực tế chia rẽ đã xảy ra. Đó là lý do khiến người La-mã ghét Ki-tô giáo, bởi vì nó khiến gia đình phân tách.
Perpetua thuộc gia đình quý tộc, bị bắt vì Đạo. Cha của nàng vẫn là dân ngoại, thuyết phục nàng bỏ đạo. Chỉ vào chiếc bình nàng lễ phép nói với cha : "Thưa cha, người ta có thể gọi vật này bằng một cái tên nào khác hơn là cái bình không? Đối với con cũng thế, con không thể cho mình một cái tên nào khác ngoài danh hiệu là Ki-tô hữu." Tức quá, ông đánh đập nàng tàn nhẫn, rồi bỏ đi nhiều ngày không tới.
Perpetua có một đứa con còn đang bú và nàng rất khổ vì phải xa con. Đứa bé kiệt sức nên người ta đưa lại cho mẹ nó, và nàng quên hết đau khổ vì có con bên cạnh.
Vì biết Perpetua con gái mình sắp bị án tử, người cha lại đến với những lời thảm thiết : “Con ơi, hãy thương đến mái tóc bạc của cha, hãy nhớ đến đôi tay cha đã dưỡng nuôi con. Hãy nhớ tới mẹ con, anh em con và đến con nhỏ của con nữa, nó sống làm sao nếu không có con. Con hãy bỏ Đạo, bỏ đi điều đã làm cho chúng ta mất tất cả.
Tuy rất cảm động và đau khổ, Perpetua chỉ ngẹn ngào trả lời : “Thưa cha, tại tòa án sẽ biết được đâu là điều Chúa muốn, bởi vì chúng ta không thuộc về mình.”
Người cha còn cho đem đứa trẻ đến năn nỉ : “Con hãy thương đến đứa con nhỏ của con.”
Tuy nhiên trước tòa án, cùng với các bạn khác, Perpetua đã công khai tuyên bố trung thành với Chúa và bằng lòng hi sinh tất cả.
Ngay cả trong gia đình tin Chúa cũng xảy ra chia rẽ. Cha của Phan-xi-cô muốn chàng theo nghề buôn bán để được giàu sang, còn chàng lại quyết tâm theo tiếng Chúa gọi sống nghèo khó tận cùng, thế là bố con chia rẽ nhau.
Sẽ không có chia rẽ giữa mẹ chồng nàng dâu, giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, khi… ai nấy sống đúng với danh hiệu Kitô hữu, tức là bằng hữu, là fan, là cùng phe với Chúa Giêsu Kitô. Amen.
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
Quen tai với những lời dịu dàng của Chúa, nào là “Hãy học cùng tôi vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng;” nào là “Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp…” mà hôm nay nghe từ miệng Chúa những câu ghê người : "Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết : không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau : cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng."
Ta phải hiểu thế nào đây? Có 2 cách hiểu :
1. Chính Giêsu là Đấng Thiên Sai
-Gioan Tẩy Giả khi bị tù đã nghi ngờ không biết ông Giêsu em họ mình có phải là Đức Kitô, là Đấng Chúa sai đên không. Và ông Giêsu đó đã ngầm bảo cho Gioan là chính mình là Đấng Thiên Sai, vì khi Đấng ấy đến thì “kẻ què được đi, điếc được nghe, mù được thấy, người chết sống lại…”
-Kinh Thánh và Do thái giáo chắc chắn biết rõ chủ đề chia rẽ trong gia đình vào thời buổi cuối cùng trước khi Đấng Thiên sai đến.
Sách Talmud, sách giảng giải bậc nhất của Do Thái giáo đã viết : “Thế hệ lúc con vua Đavít (tức Đấng Thiên Sai) đến là thế hệ mà con gái chống đối mẹ mình, nàng dâu chống đối mẹ chồng…”
Còn sách Tiên tri Mikê (7,6) nói về thời buổi cuối cùng khi Đức Kitô đến như sau : “Quả thật, con trai khinh thường cha, con gái đứng lên chống lại mẹ, nàng dâu chống mẹ chồng, người trong nhà lại hoá ra thù địch.”
Vậy, thay vì nói chính tôi là Đấng Thiên Sai, Đấng phải đến, thì Đức Giêsu nói “tôi đến gây chia rẽ mẹ chồng nàng dâu, con trai với cha, con gái với mẹ…” vì đó là những lời sấm, những hình ảnh Thánh Kinh dùng để chỉ ngày Chúa đến.
Ví như cô kia thách cậu nọ :
Bao giờ rau diếp làm cột đình,
gỗ lim thái ghém thì mình lấy ta.
Rồi bất ngờ có ngày anh lấy cô thật, anh Bất lấy chị Ngờ thật, thì thay vì nói hôm nay hai người lấy nhau, thiên hạ nói : hôm nay rau diếp làm cột đình, hôm nay gỗ lim thái ghém.
Thành ra chưa chắc Chúa có chia rẽ hay không, nhưng vì Kinh Thánh và sách Talmud nói, khi Đức Kitô đến, ngài sẽ chia rẽ nàng dâu mẹ chồng… thì Giêsu, thay vì nói chính mình là Đấng Kitô Thiên Sai, sẽ nói bóng gió : ta đến gây chia rẽ.
Mà có khi Ngài chia rẽ thật, vì Ngài đến đâu chia rẽ đó. Và đó là cách hiểu thứ hai.
2. Ngài đến gây chia rẽ
Không phải Ngài đến có mục đích gây chia rẽ, mà là Ngài đến, kẻ yêu Ngài và kẻ ghét Ngài trở nên xa nhau, chia rẽ. Vợ chồng trẻ đang thương nhau, có kẻ thứ ba xuất hiện là một cô gái, chồng mến cô gái này, còn vợ thì ghét cay ghét đắng, thế là vợ chồng chia rẽ nhau vì người thứ ba đến. Ngài đến gây chia rẽ.
-Khi bế trẻ Giêsu trên tay, cụ Simeon nói : đứa trẻ này sẽ nên cớ cho nhiều người vấp phạm, chia rẽ
-Trong dân chúng, có những người nghe các lời Đức Giêsu giảng thì nói : "Ông này thật là vị ngôn sứ." Kẻ khác rằng : "Ông này là Đấng Ki-tô." Nhưng có kẻ lại nói : "Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói : Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao?" Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ.
-Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì nói : "Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát"; kẻ thì bảo : "Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?" Thế là họ đâm ra chia rẽ. (Giống y hệt vụ việc cha Long lòng Chúa Thương Xót hôm nay !)
-Các tông đồ, môn đệ cũng chia rẽ nhau vì một lời quá chói tai của Đức Kitô Giêsu : Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống.
-Chia rẽ để phân biệt trắng đen, trúng sai, trung kiên hay bất tín. Thực tế chia rẽ đã xảy ra. Đó là lý do khiến người La-mã ghét Ki-tô giáo, bởi vì nó khiến gia đình phân tách.
Perpetua thuộc gia đình quý tộc, bị bắt vì Đạo. Cha của nàng vẫn là dân ngoại, thuyết phục nàng bỏ đạo. Chỉ vào chiếc bình nàng lễ phép nói với cha : "Thưa cha, người ta có thể gọi vật này bằng một cái tên nào khác hơn là cái bình không? Đối với con cũng thế, con không thể cho mình một cái tên nào khác ngoài danh hiệu là Ki-tô hữu." Tức quá, ông đánh đập nàng tàn nhẫn, rồi bỏ đi nhiều ngày không tới.
Perpetua có một đứa con còn đang bú và nàng rất khổ vì phải xa con. Đứa bé kiệt sức nên người ta đưa lại cho mẹ nó, và nàng quên hết đau khổ vì có con bên cạnh.
Vì biết Perpetua con gái mình sắp bị án tử, người cha lại đến với những lời thảm thiết : “Con ơi, hãy thương đến mái tóc bạc của cha, hãy nhớ đến đôi tay cha đã dưỡng nuôi con. Hãy nhớ tới mẹ con, anh em con và đến con nhỏ của con nữa, nó sống làm sao nếu không có con. Con hãy bỏ Đạo, bỏ đi điều đã làm cho chúng ta mất tất cả.
Tuy rất cảm động và đau khổ, Perpetua chỉ ngẹn ngào trả lời : “Thưa cha, tại tòa án sẽ biết được đâu là điều Chúa muốn, bởi vì chúng ta không thuộc về mình.”
Người cha còn cho đem đứa trẻ đến năn nỉ : “Con hãy thương đến đứa con nhỏ của con.”
Tuy nhiên trước tòa án, cùng với các bạn khác, Perpetua đã công khai tuyên bố trung thành với Chúa và bằng lòng hi sinh tất cả.
Ngay cả trong gia đình tin Chúa cũng xảy ra chia rẽ. Cha của Phan-xi-cô muốn chàng theo nghề buôn bán để được giàu sang, còn chàng lại quyết tâm theo tiếng Chúa gọi sống nghèo khó tận cùng, thế là bố con chia rẽ nhau.
Sẽ không có chia rẽ giữa mẹ chồng nàng dâu, giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, khi… ai nấy sống đúng với danh hiệu Kitô hữu, tức là bằng hữu, là fan, là cùng phe với Chúa Giêsu Kitô. Amen.
Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
Đầy lửa
Lm. Minh Anh
16:12 13/08/2022
ĐẦY LỬA
“Thầy đã đến ném lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa ấy cháy lên!”.
Vince Lombardi nói, “Nếu bạn không đầy lửa nhiệt huyết, bạn sẽ chết cháy vì nó!”.
Kính thưa Anh Chị em,
“Nếu bạn không đầy lửa nhiệt huyết, bạn sẽ chết cháy vì nó!”. Ý tưởng của Vince Lombardi được gặp lại qua Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay, khi ngôn từ của cả ba bài đọc thật mạnh mẽ, nếu không nói là ‘dữ dội’. Từ câu chuyện của Giêrêmia đến thư Do Thái, và nhất là những lời ‘đầy lửa’ của Chúa Giêsu trong Tin Mừng, “Thầy đã đến ném lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa ấy cháy lên!”.
Bài đọc thứ nhất kể chuyện Giêrêmia, người của Thiên Chúa, bị dân mình ném xuống giếng; họ muốn chôn sống ông như đã rắp tâm giết ông bao bận, chỉ vì ông ‘đầy lửa’. Ông nóng lòng mang sứ điệp của Chúa, đến nói với dân tộc của ông rằng, ngày lưu đày không còn xa nếu họ không quay về với Ngài; chính bởi ngọn lửa ấy mà ông chấp nhận sự tẩy chay của đồng hương chứ nhất định không để con tim mình bị dao động. Cũng với lửa nhiệt thành này, tác giả thư Do Thái viết, “Hãy nhìn thẳng vào Đức Giêsu, Đấng đã liều thân chịu cuộc tấn công dữ dội của kẻ tội lỗi vào chính con người Ngài”; “Hãy cương quyết xông vào chiến trận đang chờ đợi ta!”.
Với bài Tin Mừng, lửa Chúa Giêsu nói đến là lửa Thánh Thần, Đấng đang sống và hoạt động trong chúng ta từ ngày chúng ta lãnh nhận phép Thánh Tẩy. Lửa ấy là một sức mạnh sáng tạo thanh tẩy và đổi mới, đốt cháy mọi khốn khổ, ích kỷ, tội lỗi; biến đổi chúng ta từ bên trong; tái tạo con tim chúng ta để chúng ta có khả năng yêu thương. Chúa Giêsu muốn Chúa Thánh Thần bùng cháy trong lòng chúng ta, vì chỉ từ bên trong mà ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa mới có thể toả lan và thăng tiến Vương Quốc Nước Trời. Lửa không đến từ cái đầu, nó đến từ tấm lòng; đó là lý do tại sao Chúa Giêsu muốn lửa đi vào trái tim mỗi người. Vậy nếu chúng ta hoàn toàn mở lòng đón nhận tác động của lửa Thánh Thần, Ngài sẽ ban cho chúng ta sự dạn dĩ và lòng nhiệt thành để rao giảng cho mọi người biết Chúa Kitô và sứ điệp an ủi của Ngài, một sứ điệp của lòng thương xót và sự cứu rỗi; để dù đi trên biển cả, chúng ta cũng không sợ hãi.
Chính vì ngọn lửa Thánh Thần ấy mà Chúa Giêsu quả quyết, “Thầy đến không đem bình an, nhưng để đem sự chia rẽ”. Điều này hoàn toàn đúng với nhận định của người đương thời về Giêrêmia, “Thực sự, tên này không tìm hoà bình cho dân, mà chỉ tìm tai hoạ”. Vậy phải chăng các ngôn sứ của Thiên Chúa cũng như chính Con của Ngài đến trần gian chỉ để gây tai hoạ? Đúng thế, bình an Chúa Giêsu mang đến có cái giá của nó; đó là một bình an không thoả hiệp với sự dễ dãi của thế gian. Chúa Giêsu muốn nói rằng, thông điệp và sứ mệnh của Ngài thì quan trọng hơn bất kỳ một mối ràng buộc huyết tộc nào. Vì thế, khi chọn con đường Giêsu, chúng ta chọn một điều tốt, một điều đúng đắn, chứ không chọn chia rẽ. Cần dựa vào ân sủng của Ngài, chúng ta duy trì lòng nhân từ, sự khiêm nhường và vui vẻ mọi lúc, mọi nơi, với mọi người. Đó là dấu hiệu chắc chắn của việc được Chúa ban phúc lành nơi một tâm hồn ‘đầy lửa’.
Anh Chị em,
“Thầy mong muốn biết bao cho lửa ấy cháy lên!”. Chúng ta đã lãnh nhận lửa bình an, lửa công chính, lửa tình yêu, lửa cứu độ trong ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Chúa Giêsu ước mong lửa ấy toả lan khắp cả địa cầu; nhưng trước hết, nó phải bùng cháy trong tâm hồn mỗi người. Nói cách khác, nó phải tiêu huỷ tất cả những gì là thế tục trong lòng chúng ta. Chúa Thánh Thần, lò lửa kính mến phừng phừng sẽ dạy chúng ta yêu mến Chúa và yêu mến anh chị em mình. Chúng ta phải mang lấy ngọn lửa nhiệt thành ấy để mạnh dạn rao giảng Chúa Kitô; bằng không, chúng sẽ đốt cháy chúng ta cho đến chết bởi ganh ghét, hiềm khích và hận thù.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin đừng để trái tim của con ra nguội lạnh; một xin đốt cháy nó bằng tình yêu con dành cho Chúa và các linh hồn. Nó phải ‘đầy lửa!’. Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:29 13/08/2022
31. Chỉ có dùng tình yêu mới có thể được tình yêu.
(Thánh Terese of Lisieux)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
-------------
http://www.vietcatholic.org
http://facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:32 13/08/2022
69. CON CHUỘT KHOE KHOANG
Con chuột ngẫu nhiên đi vào trong mũi của con voi, con voi hách xì một cái, thế là con chuột dương dương tự đắc nói:
- “Con voi khổng lồ vậy mà cũng sợ ta, huống hồ là những con vật khác ! Ngoài con mèo ra thì ngựa, trâu, lừa, la.v.v...đều không thể đối phó với ta”.
Một hôm, chủ nhà mua một con chó, con chuột nghĩ rằng nó không phải là con mèo, hơn nữa hình thể đứng xa xa thì không bằng trâu, ngựa, lừa, la, do đó mà không sợ nó, lại còn đến gần đùa giỡn với nó.
Con chó thích nhảy vồ đùa giỡn, nên khi thấy con chuột nhảy nhót trước mặt thì nhảy tới rất nhanh vồ nó. Con chuột không đề phòng nên thất kinh hồn vía không kịp chạy trốn, nên bị con chó cắn chết.
(Yết hậu ngữ)
Suy tư 69:
Ngẫu nhiên mà được tiền được của thì tiền của cũng dễ dàng bay mất, bởi vì ngẫu nhiên đến thì cũng ngẫu nhiên đi, cho nên nó không lâu dài, do đó đừng có mà khoe khoang.
Người ngẫu nhiên mà trở thành giàu có thì khác với người trở thành giàu có do công sức lao động của mình, người ngẫu nhiên giàu có thì khoe khoang hợm hĩnh, tiêu xài phung phí, bởi vì đồng tiền họ có không do công lao mồ hôi của mình đổ ra, cho nên họ thường dễ dàng sa vào con đường ăn chơi trụy lạc, phung phá hoang phí trong những nhu cầu hưởng thụ không đáng.
Con chuột ngẫu nhiên bò vào trong mũi con voi thì con voi đương nhiên phải hách xì nhảy mũi, có gì là ghê gớm mà phải khoe khoang?
Có một vài người Ki-tô hữu thực hành đạo của mình cũng theo kiểu ngẫu nhiên: họ “ngẫu nhiên” đi dự lễ vì hôm nay có bạn gái đi lễ; họ “ngẫu nhiên” đi rước lễ vì sợ người ta đoán xét mình có phạm tội trọng; họ “ngẫu nhiên” làm việc bác ái vì ông cha sở cứ chăm chăm nhắc nhở; họ đi xưng tội cũng ầu ơ theo kiểu ngẫu nhiên chiếu lệ, nên vào tòa giải tội nói vài tội sơ sơ chứ không có gì là thật lòng sám hối. Mà người hay làm việc ngẫu nhiên thì thường khoe khoang và ăn nói dao to búa lớn.
Người ngẫu nhiên trở thành giàu có, và người làm việc đạo đức cách ngẫu nhiên thì dễ dàng bị nanh vuốt ma quỷ vồ như con chuột vậy, bởi vì tính khoe khoang hợm hĩnh của mình.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
---------
http://www.vietcatholic.org
http://facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Con chuột ngẫu nhiên đi vào trong mũi của con voi, con voi hách xì một cái, thế là con chuột dương dương tự đắc nói:
- “Con voi khổng lồ vậy mà cũng sợ ta, huống hồ là những con vật khác ! Ngoài con mèo ra thì ngựa, trâu, lừa, la.v.v...đều không thể đối phó với ta”.
Một hôm, chủ nhà mua một con chó, con chuột nghĩ rằng nó không phải là con mèo, hơn nữa hình thể đứng xa xa thì không bằng trâu, ngựa, lừa, la, do đó mà không sợ nó, lại còn đến gần đùa giỡn với nó.
Con chó thích nhảy vồ đùa giỡn, nên khi thấy con chuột nhảy nhót trước mặt thì nhảy tới rất nhanh vồ nó. Con chuột không đề phòng nên thất kinh hồn vía không kịp chạy trốn, nên bị con chó cắn chết.
(Yết hậu ngữ)
Suy tư 69:
Ngẫu nhiên mà được tiền được của thì tiền của cũng dễ dàng bay mất, bởi vì ngẫu nhiên đến thì cũng ngẫu nhiên đi, cho nên nó không lâu dài, do đó đừng có mà khoe khoang.
Người ngẫu nhiên mà trở thành giàu có thì khác với người trở thành giàu có do công sức lao động của mình, người ngẫu nhiên giàu có thì khoe khoang hợm hĩnh, tiêu xài phung phí, bởi vì đồng tiền họ có không do công lao mồ hôi của mình đổ ra, cho nên họ thường dễ dàng sa vào con đường ăn chơi trụy lạc, phung phá hoang phí trong những nhu cầu hưởng thụ không đáng.
Con chuột ngẫu nhiên bò vào trong mũi con voi thì con voi đương nhiên phải hách xì nhảy mũi, có gì là ghê gớm mà phải khoe khoang?
Có một vài người Ki-tô hữu thực hành đạo của mình cũng theo kiểu ngẫu nhiên: họ “ngẫu nhiên” đi dự lễ vì hôm nay có bạn gái đi lễ; họ “ngẫu nhiên” đi rước lễ vì sợ người ta đoán xét mình có phạm tội trọng; họ “ngẫu nhiên” làm việc bác ái vì ông cha sở cứ chăm chăm nhắc nhở; họ đi xưng tội cũng ầu ơ theo kiểu ngẫu nhiên chiếu lệ, nên vào tòa giải tội nói vài tội sơ sơ chứ không có gì là thật lòng sám hối. Mà người hay làm việc ngẫu nhiên thì thường khoe khoang và ăn nói dao to búa lớn.
Người ngẫu nhiên trở thành giàu có, và người làm việc đạo đức cách ngẫu nhiên thì dễ dàng bị nanh vuốt ma quỷ vồ như con chuột vậy, bởi vì tính khoe khoang hợm hĩnh của mình.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
---------
http://www.vietcatholic.org
http://facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Muà tựu trường: Cơ quan từ thiện Công Giáo lo lắng về việc quyên góp cho học sinh nghèo bị suy giảm đáng kể
Trần Mạnh Trác
13:29 13/08/2022
(phỏng theo Carol Zimmermann, CNS)
WASHINGTON (CNS 12 tháng 8 năm 2022) - Mỗi năm cứ đến ngày tựu trường, nhiều phụ huynh lại phải lo lắng về những chi phí cuả con em đi học.
Năm nay, vì lạm phát, phụ huynh phải trả nhiều hơn, từ học cụ cho đến ba lô và nhiều thứ khác.
Đó là chưa kể giày dép quần áo, và với một số học sinh lớn, máy tính xách tay.
Liên đoàn Tiểu Thương Quốc gia (National Retail Federation) vào tháng 6 đã báo cáo rằng giá các mặt hàng cho học sinh sẽ tăng 40% và một công ty cho vay tiền cũng bá cáo 37% phụ huynh có con đi học cho biết họ không có đủ khả năng mua sắm cho con em khi tựu trường.
Hằng năm các cơ quan từ thiện Công Giáo thường có các chương trình giúp đỡ nhu yếu phẩm trường học như ba lô và sách vở.
Năm nay, không những các gia đình nghèo cảm thấy khó khăn hơn mà ngay cả các cơ quan từ thiện cũng không tìm ra những sự quyên góp dồi dào như trước.
Bà Amy Lambert, điều phối viên nguồn lực cộng đồng của Tổ chức Từ thiện Công Giáo (Catholic Charities) tại Giáo phận Joliet, Illinois, cho biết: “Thật không may, việc suy giảm về quyên góp khiến việc phục vụ những người đang cần nhất trở nên khó khăn hơn.
Bà Lambert, điều phối viên các hội chợ tựu trường của cơ quan trong 10 năm qua, cho biết việc tổ chức hội chợ, vì tình hình COVID-19, đã phải giảm thiểu chỉ còn là một chương trình phân phát qua cửa sổ xe hơi cho các gia đình đã đăng ký trước.
Cơ quan Từ thiện Công Giáo tài trợ cho các hội chợ này hơn 30 năm qua. Trên trang web, cơ quan viết rằng sự trợ giúp là cần thiết vì học sinh nghèo cần có những vật dụng cơ bản để học hành cho có hiệu quả và có những lợi ích giống như các bạn cùng lứa tuổi.
Hơn thế nữa: “Giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng nhất để phá vỡ chu kỳ đói nghèo. Chúng ta phải cho trẻ em từ các gia đình nghèo có mọi cơ hội để thành công ở trường học”.
Bà Shannon Parker, giám đốc dịch vụ cộng đồng tại Tổ chức Từ thiện Công Giáo ở La Crosse, Wisconsin, đã điều hành hội chợ tựu trường trong hơn 10 năm và nhận thấy các nhu cầu thì vẫn còn đó trong khi họ đã phải thu hẹp quy mô hoạt động kể từ sau đại dịch.
Năm nay, họ tài trợ ba hội chợ tựu trường, hội chợ gần đây nhất là vào ngày 9 và 10 tháng 8 tại Trung Tâm La Cross. Các gia đình đã đăng ký trước có thể đến vận động trường để nhận một ba lô miễn phí và lấp đầy ba lô với những vật dụng mới được tặng.
Một số hội chợ còn bao gồm việc hớt tóc miễn phí, chủng ngừa, chăm sóc thị lực và nha khoa.
Một vấn đề lớn khác đối với phụ huynh có con đi học là tiền ăn trưa.
Mùa thu này đánh dấu sự kết thúc của bữa trưa miễn phí (cho tất cả ) tại các trường công lập, từng là một chương trình do liên bang tài trợ trong thời kỳ đại dịch nhưng đã không được gia hạn.
Không chỉ học sinh và phụ huynh sẽ phải đối mặt với chi phí cho bữa ăn nếu học sinh không đủ điều kiện nhận bữa trưa miễn phí, họ cũng sẽ phải chi nhiều hơn khi nấu bữa trưa ở nhà vì chi phí thực phẩm đã cao hơn.
Một số tiểu bang sẽ tiếp tục giữ các bữa ăn ở trường miễn phí cho tất cả học sinh. Ví dụ, California và Maine đã thực hiện bữa ăn phổ thông vĩnh viễn vào năm ngoái và một số tiểu bang khác cũng đang xem xét gia hạn thêm một năm nữa cho việc cung cấp bữa ăn miễn phí cho tất cả học sinh trường công.
Một bà mẹ có bốn người con đang đi học ở Vermont, bà vừa được biết là không đủ điều kiện để nhận bữa trưa miễn phí vì 'không đủ nghèo với giá vài đô la', đã nói với Associated Press rằng: “Những ngày này, bọn con trẻ của chúng tôi gây ra quá nhiều lo lắng rồi, và thức ăn thì không nên là một trong số những lo lắng ấy. ”
WASHINGTON (CNS 12 tháng 8 năm 2022) - Mỗi năm cứ đến ngày tựu trường, nhiều phụ huynh lại phải lo lắng về những chi phí cuả con em đi học.
Năm nay, vì lạm phát, phụ huynh phải trả nhiều hơn, từ học cụ cho đến ba lô và nhiều thứ khác.
Đó là chưa kể giày dép quần áo, và với một số học sinh lớn, máy tính xách tay.
Liên đoàn Tiểu Thương Quốc gia (National Retail Federation) vào tháng 6 đã báo cáo rằng giá các mặt hàng cho học sinh sẽ tăng 40% và một công ty cho vay tiền cũng bá cáo 37% phụ huynh có con đi học cho biết họ không có đủ khả năng mua sắm cho con em khi tựu trường.
Hằng năm các cơ quan từ thiện Công Giáo thường có các chương trình giúp đỡ nhu yếu phẩm trường học như ba lô và sách vở.
Năm nay, không những các gia đình nghèo cảm thấy khó khăn hơn mà ngay cả các cơ quan từ thiện cũng không tìm ra những sự quyên góp dồi dào như trước.
Bà Amy Lambert, điều phối viên nguồn lực cộng đồng của Tổ chức Từ thiện Công Giáo (Catholic Charities) tại Giáo phận Joliet, Illinois, cho biết: “Thật không may, việc suy giảm về quyên góp khiến việc phục vụ những người đang cần nhất trở nên khó khăn hơn.
Bà Lambert, điều phối viên các hội chợ tựu trường của cơ quan trong 10 năm qua, cho biết việc tổ chức hội chợ, vì tình hình COVID-19, đã phải giảm thiểu chỉ còn là một chương trình phân phát qua cửa sổ xe hơi cho các gia đình đã đăng ký trước.
Cơ quan Từ thiện Công Giáo tài trợ cho các hội chợ này hơn 30 năm qua. Trên trang web, cơ quan viết rằng sự trợ giúp là cần thiết vì học sinh nghèo cần có những vật dụng cơ bản để học hành cho có hiệu quả và có những lợi ích giống như các bạn cùng lứa tuổi.
Hơn thế nữa: “Giáo dục là một trong những yếu tố quan trọng nhất để phá vỡ chu kỳ đói nghèo. Chúng ta phải cho trẻ em từ các gia đình nghèo có mọi cơ hội để thành công ở trường học”.
Bà Shannon Parker, giám đốc dịch vụ cộng đồng tại Tổ chức Từ thiện Công Giáo ở La Crosse, Wisconsin, đã điều hành hội chợ tựu trường trong hơn 10 năm và nhận thấy các nhu cầu thì vẫn còn đó trong khi họ đã phải thu hẹp quy mô hoạt động kể từ sau đại dịch.
Năm nay, họ tài trợ ba hội chợ tựu trường, hội chợ gần đây nhất là vào ngày 9 và 10 tháng 8 tại Trung Tâm La Cross. Các gia đình đã đăng ký trước có thể đến vận động trường để nhận một ba lô miễn phí và lấp đầy ba lô với những vật dụng mới được tặng.
Một số hội chợ còn bao gồm việc hớt tóc miễn phí, chủng ngừa, chăm sóc thị lực và nha khoa.
Một vấn đề lớn khác đối với phụ huynh có con đi học là tiền ăn trưa.
Mùa thu này đánh dấu sự kết thúc của bữa trưa miễn phí (cho tất cả ) tại các trường công lập, từng là một chương trình do liên bang tài trợ trong thời kỳ đại dịch nhưng đã không được gia hạn.
Không chỉ học sinh và phụ huynh sẽ phải đối mặt với chi phí cho bữa ăn nếu học sinh không đủ điều kiện nhận bữa trưa miễn phí, họ cũng sẽ phải chi nhiều hơn khi nấu bữa trưa ở nhà vì chi phí thực phẩm đã cao hơn.
Một số tiểu bang sẽ tiếp tục giữ các bữa ăn ở trường miễn phí cho tất cả học sinh. Ví dụ, California và Maine đã thực hiện bữa ăn phổ thông vĩnh viễn vào năm ngoái và một số tiểu bang khác cũng đang xem xét gia hạn thêm một năm nữa cho việc cung cấp bữa ăn miễn phí cho tất cả học sinh trường công.
Một bà mẹ có bốn người con đang đi học ở Vermont, bà vừa được biết là không đủ điều kiện để nhận bữa trưa miễn phí vì 'không đủ nghèo với giá vài đô la', đã nói với Associated Press rằng: “Những ngày này, bọn con trẻ của chúng tôi gây ra quá nhiều lo lắng rồi, và thức ăn thì không nên là một trong số những lo lắng ấy. ”
Các giám mục Úc lên án bạo lực gia đình trong tuyên bố công lý hàng năm
Đặng Tự Do
17:01 13/08/2022
Các giám mục của Úc đã sử dụng tuyên bố về công bằng xã hội hàng năm để lên án tai ương bạo lực gia đình, và nhấn mạnh rằng các mối quan hệ trong gia đình phải được “đánh dấu bằng sự tôn trọng và tự do hơn là ép buộc và kiểm soát”.
Giáo hội ở Úc đã đưa ra các tuyên bố về công bằng xã hội mỗi năm kể từ những năm 1940 về một loạt các chủ đề. Tuyên bố năm nay có tiêu đề “Hãy tôn trọng: Đối đầu với Bạo lực và Lạm dụng.”
Tài liệu dựa trên dữ liệu về gia đình và bạo lực gia đình, đồng thời thu thập những hiểu biết sâu sắc của mọi người - đặc biệt là phụ nữ - về dữ liệu đó. Nó cũng phản ánh những lời nói và gương sáng của Chúa Giêsu.
“ Giáo huấn của Chúa Kitô thúc giục chúng ta thúc đẩy các mối quan hệ được đánh dấu bằng sự tôn trọng và tự do hơn là sự ép buộc và kiểm soát,” chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc, Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe của tổng giáo phận Perth đã viết như trên trong lời tựa.
“Thông điệp của Phúc âm không phải là thông điệp về sự thống trị của người này so với người khác mà là thông điệp về lòng quý trọng và lòng nhân từ lẫn nhau”.
Tuyên bố, trích dẫn các báo cáo của Viện Y tế và Phúc lợi Úc, giải thích rằng bạo lực gia đình “ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi và mọi hoàn cảnh”. Theo Viện Y tế và Phúc lợi Úc, bạo lực trong gia đình bao gồm cả trường hợp những người đàn ông bị hành hung về thể lý và tình cảm nhưng lưu ý nó “chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em”.
Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe cũng chỉ ra rằng “gia đình và bạo lực gia đình là một thực tế đau đớn và phức tạp đối với các cộng đồng Thổ dân và Cư dân trên eo biển Torres”.
Các phần của tài liệu đề cập đến tầm quan trọng của việc lắng nghe phụ nữ và trẻ em, những tác nhân gây ra bạo lực, hỗ trợ các mối quan hệ tôn trọng và tầm quan trọng của tôn trọng, nhân phẩm và công lý, cũng như sự chuyển đổi và hy vọng.
Tuyên bố thừa nhận rằng trong một số ngữ cảnh, Kinh thánh đã được sử dụng để giải thích hoặc thậm chí biện minh cho các trường hợp bạo lực đối với phụ nữ hoặc trẻ em. Đức Cha Costelloe thẳng thừng bác bỏ những biến dạng như vậy.
Những đoạn được sử dụng để ám chỉ sự thấp kém của phụ nữ hoặc trẻ em “không phản ánh bối cảnh trong đó phẩm giá bình đẳng của mỗi con người được tạo ra theo hình ảnh Chúa và giống Chúa, cũng chẳng phù hợp với hôn nhân Kitô Giáo dựa trên mối quan hệ yêu thương, tương hỗ và đối tác”.
“Sự tôn trọng của mỗi thành viên trong gia đình, hộ gia đình hoặc cộng đồng phải phản ánh sự tôn trọng và quan tâm đến người khác của Chúa Kitô,” tuyên bố cho biết.
Tuyên bố thúc đẩy các chương trình và cơ quan hỗ trợ những người phải chịu nhiều hình thức bạo lực, nhưng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ những người gây ra bạo lực đó.
Giáo Hội Công Giáo là nhà cung cấp dịch vụ chính cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình thông qua các giáo phận, cơ quan, dòng tu và các tổ chức khác.
Source:Independent Catholic News
Vatican thừa nhận đối thoại với Giáo hội Chính thống Nga rất khó khăn nhưng không bị gián đoạn
Đặng Tự Do
17:01 13/08/2022
Thông tấn xã Tass của Nga vừa có một bài bình luận liên quan đến cuộc đối thoại giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo Nga. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Có thông tin cho rằng nhiều người mong đợi cuộc gặp bị hoãn lại giữa giáo chủ và giáo hoàng sẽ diễn ra ở Nur-Sultan vào giữa tháng 9
Đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Giáo hội Chính thống Nga là 'khó khăn, nhưng chưa bao giờ bị gián đoạn', Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Limes, một tạp chí chuyên về địa chính trị của Ý.
“Đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Giáo hội Chính thống Nga thật khó khăn, nó được tiến hành từng bước nhỏ và cũng trải qua những thăng trầm. Nhưng nhìn chung nó đã không bị gián đoạn,” vị Hồng Y cho biết. Ngài nhớ lại rằng một cuộc gặp thứ hai giữa giáo chủ và giáo hoàng ở Giêrusalem đã được lên kế hoạch vào tháng 6 năm nay, nhưng đã bị hoãn lại do các sự kiện ở Ukraine vì “nó sẽ không được hiểu đúng và sức nặng của cuộc chiến đang diễn ra sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc gặp gỡ đó.” Đức Hồng Y cho rằng không phù hợp khi gọi việc Giáo Hội Chính thống Ukraine rời khỏi Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa do những bất đồng liên quan đến hoạt động quân sự của Nga là một “cuộc ly giáo”.
Ngài cũng nhấn mạnh những lời chỉ trích đối với giáo hoàng, là người mà một số người đã cáo buộc là 'thiên vị', là không công bằng. Theo Đức Hồng Y Parolin, đây là một sự đơn giản hóa đáng kinh ngạc trong việc hiểu thực tế. Những lời kêu gọi hòa bình và khước từ bạo lực của Giáo hoàng không thể được mô tả theo cách này.
Nhiều người mong đợi cuộc gặp bị hoãn lại giữa giáo chủ và giáo hoàng sẽ diễn ra ở Nur-Sultan vào giữa tháng 9, trong Đại hội các nhà lãnh đạo của các tôn giáo truyền thống và thế giới. Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác nhận sự tham gia của mình.
Vào ngày 5 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Đức Tổng Giám Mục Anthony của Volokolamsk, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa. Cuộc họp diễn ra bí mật, nhưng có thể chi tiết về cuộc họp bị hoãn lại giữa giáo chủ và giáo hoàng đã được thảo luận.
Source:TASS
Đức Thánh Cha Phanxicô, và tổng thống Ukraine nói chuyện qua điện thoại
Đặng Tự Do
17:02 13/08/2022
Khi những tin đồn tiếp tục lan truyền về chuyến thăm có thể của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Kyiv vào tháng 9, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tiết lộ hôm thứ Sáu rằng ông đã nói chuyện qua điện thoại với nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo.
“Tôi đã nói chuyện với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tôi báo cáo tóm tắt cho ngài về cuộc xâm lược của Liên bang Nga đối với Ukraine, những tội ác khủng khiếp của Nga. Tôi bày tỏ lòng biết ơn Đức Giáo Hoàng vì những lời cầu nguyện của ngài cho Ukraine. Người dân của chúng ta cần sự hỗ trợ của các nhà lãnh đạo tinh thần thế giới, những người sẽ truyền tải cho thế giới biết sự thật về những hành động kinh hoàng của kẻ xâm lược ở Ukraine.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, vào ngày 6 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Đại sứ Ukraine tại Vatican Andrii Yurash. Hai vị đã thảo luận về chuyến thăm có thể có của Đức Giáo Hoàng tới Ukraine trước chuyến đi dự kiến đến Kazakhstan vào tháng 9.
Ngay sau đó, trong một tweet riêng biệt, Đại sứ Ukraine tại Tòa thánh Andrii Yurash, nhắc lại tin tức về cuộc điện đàm, nói thêm rằng “Nhà nước và xã hội Ukraine sẽ vui mừng chào đón Đức Thánh Cha,” bày tỏ hy vọng về chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Kyiv.
Văn phòng báo chí của Vatican không xác nhận cuộc gọi. Tuy nhiên, Vatican News, hãng thông tấn chính thức của Tòa Thánh, đã đăng một bài báo về cuộc nói chuyện qua điện thoại này.
Đại sứ Ukraine cạnh Tòa Thánh nói với Crux rằng hai nhà lãnh đạo đã nói về một chuyến thăm có thể có của Đức Giáo Hoàng tới Ukraine vì đây là “một chủ đề rất quan trọng đối với Ukraine. Không thể bỏ sót chủ đề này được”.
Tuy nhiên, Yurash nói thêm, “chưa có phản ứng tích cực cuối cùng.”
Đây là cuộc trò chuyện thứ ba giữa Đức Giáo Hoàng và tổng thống Ukraine sau khi Putin xua quân xâm lược Ukraine: Cuộc trò chuyện đầu tiên diễn ra vào ngày 26 tháng 2, hai ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh xâm lược đất nước; và một lần nữa vào ngày 22 tháng 3, vài phút trước khi Zelenskyy phát biểu trước Quốc hội Ý.
Trong cuộc trò chuyện đầu tiên của họ, Đức Giáo Hoàng bày tỏ “nỗi buồn sâu sắc nhất của ngài đối với những sự kiện bi thảm đang diễn ra trên đất nước.”
Ngay sau đó, Zelenskyy nói trên mạng xã hội rằng anh đã “cảm ơn Đức Giáo Hoàng vì đã cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine và một hiệp định đình chiến. Người dân Ukraine cảm nhận được sự ủng hộ tinh thần của Đức Thánh Cha”.
Cuộc trò chuyện đó diễn ra một ngày sau khi Đức Giáo Hoàng có chuyến thăm bất ngờ đến Đại sứ quán Nga cạnh Tòa thánh để bày tỏ mối quan ngại của ngài về cuộc xâm lược Ukraine của Nga tới đại sứ của Mạc Tư Khoa, trong một cuộc gặp gỡ chưa từng có vì không theo các nghi thức ngoại giao của Tòa Thánh.
Vào tháng 3, khi phát biểu trước thượng viện Ý, Zelenskyy đã trích dẫn “những lời rất quan trọng” của Đức Thánh Cha Phanxicô, tuyên bố nhà lãnh đạo Công Giáo nói: “Tôi hiểu rằng bạn muốn hòa bình, tôi hiểu rằng bạn muốn tự vệ, tôi hiểu rằng quân đội bảo vệ dân thường, và dân thường bảo vệ quê hương của họ.”
Zelenskyy cho biết phản ứng của ông đối với những lời của Đức Giáo Hoàng là: “Dân chúng tôi đã trở thành quân đội, khi họ nhìn thấy sự xấu xa mà kẻ thù mang theo bên mình, bao nhiêu sự tàn phá mà kẻ thù để lại sau lưng và bao nhiêu máu mà kẻ thù muốn thấy đã đổ ra”.
Một chuyến thăm có thể của Đức Giáo Hoàng tới Ukraine đã được đồn đoán từ trước khi chiến tranh bắt đầu, có lẽ là trong năm nay, nhưng do cuộc xâm lược, nó đã bị hoãn lại vô thời hạn. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây đã có một số tiếng nói của cả hai bên ám chỉ về một chuyến đi vào tháng Chín.
Mặc dù chưa được xác nhận chính thức, một số nhà quan sát tin rằng nó thực sự có thể xảy ra như một phần bổ sung cho chuyến đi từ ngày 13 đến 15 tháng 9 của Đức Phanxicô tới Kazakhstan, nơi ngài sẽ tham gia một hội nghị thượng đỉnh liên tôn giáo bao gồm những người tham gia như Thượng phụ Kirill, là người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Nga.
Đức Giáo Hoàng và người đứng đầu giáo quyền Mạc Tư Khoa cũng từng được cho là sẽ gặp nhau vào tháng 6, nhưng Vatican đã hoãn cuộc họp do chiến tranh.
Source:CruxPope Francis, Ukrainian president speak on phone
“Tôi đã nói chuyện với Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Tôi báo cáo tóm tắt cho ngài về cuộc xâm lược của Liên bang Nga đối với Ukraine, những tội ác khủng khiếp của Nga. Tôi bày tỏ lòng biết ơn Đức Giáo Hoàng vì những lời cầu nguyện của ngài cho Ukraine. Người dân của chúng ta cần sự hỗ trợ của các nhà lãnh đạo tinh thần thế giới, những người sẽ truyền tải cho thế giới biết sự thật về những hành động kinh hoàng của kẻ xâm lược ở Ukraine.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, vào ngày 6 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Đại sứ Ukraine tại Vatican Andrii Yurash. Hai vị đã thảo luận về chuyến thăm có thể có của Đức Giáo Hoàng tới Ukraine trước chuyến đi dự kiến đến Kazakhstan vào tháng 9.
Ngay sau đó, trong một tweet riêng biệt, Đại sứ Ukraine tại Tòa thánh Andrii Yurash, nhắc lại tin tức về cuộc điện đàm, nói thêm rằng “Nhà nước và xã hội Ukraine sẽ vui mừng chào đón Đức Thánh Cha,” bày tỏ hy vọng về chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Kyiv.
Văn phòng báo chí của Vatican không xác nhận cuộc gọi. Tuy nhiên, Vatican News, hãng thông tấn chính thức của Tòa Thánh, đã đăng một bài báo về cuộc nói chuyện qua điện thoại này.
Đại sứ Ukraine cạnh Tòa Thánh nói với Crux rằng hai nhà lãnh đạo đã nói về một chuyến thăm có thể có của Đức Giáo Hoàng tới Ukraine vì đây là “một chủ đề rất quan trọng đối với Ukraine. Không thể bỏ sót chủ đề này được”.
Tuy nhiên, Yurash nói thêm, “chưa có phản ứng tích cực cuối cùng.”
Đây là cuộc trò chuyện thứ ba giữa Đức Giáo Hoàng và tổng thống Ukraine sau khi Putin xua quân xâm lược Ukraine: Cuộc trò chuyện đầu tiên diễn ra vào ngày 26 tháng 2, hai ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh xâm lược đất nước; và một lần nữa vào ngày 22 tháng 3, vài phút trước khi Zelenskyy phát biểu trước Quốc hội Ý.
Trong cuộc trò chuyện đầu tiên của họ, Đức Giáo Hoàng bày tỏ “nỗi buồn sâu sắc nhất của ngài đối với những sự kiện bi thảm đang diễn ra trên đất nước.”
Ngay sau đó, Zelenskyy nói trên mạng xã hội rằng anh đã “cảm ơn Đức Giáo Hoàng vì đã cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine và một hiệp định đình chiến. Người dân Ukraine cảm nhận được sự ủng hộ tinh thần của Đức Thánh Cha”.
Cuộc trò chuyện đó diễn ra một ngày sau khi Đức Giáo Hoàng có chuyến thăm bất ngờ đến Đại sứ quán Nga cạnh Tòa thánh để bày tỏ mối quan ngại của ngài về cuộc xâm lược Ukraine của Nga tới đại sứ của Mạc Tư Khoa, trong một cuộc gặp gỡ chưa từng có vì không theo các nghi thức ngoại giao của Tòa Thánh.
Vào tháng 3, khi phát biểu trước thượng viện Ý, Zelenskyy đã trích dẫn “những lời rất quan trọng” của Đức Thánh Cha Phanxicô, tuyên bố nhà lãnh đạo Công Giáo nói: “Tôi hiểu rằng bạn muốn hòa bình, tôi hiểu rằng bạn muốn tự vệ, tôi hiểu rằng quân đội bảo vệ dân thường, và dân thường bảo vệ quê hương của họ.”
Zelenskyy cho biết phản ứng của ông đối với những lời của Đức Giáo Hoàng là: “Dân chúng tôi đã trở thành quân đội, khi họ nhìn thấy sự xấu xa mà kẻ thù mang theo bên mình, bao nhiêu sự tàn phá mà kẻ thù để lại sau lưng và bao nhiêu máu mà kẻ thù muốn thấy đã đổ ra”.
Một chuyến thăm có thể của Đức Giáo Hoàng tới Ukraine đã được đồn đoán từ trước khi chiến tranh bắt đầu, có lẽ là trong năm nay, nhưng do cuộc xâm lược, nó đã bị hoãn lại vô thời hạn. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây đã có một số tiếng nói của cả hai bên ám chỉ về một chuyến đi vào tháng Chín.
Mặc dù chưa được xác nhận chính thức, một số nhà quan sát tin rằng nó thực sự có thể xảy ra như một phần bổ sung cho chuyến đi từ ngày 13 đến 15 tháng 9 của Đức Phanxicô tới Kazakhstan, nơi ngài sẽ tham gia một hội nghị thượng đỉnh liên tôn giáo bao gồm những người tham gia như Thượng phụ Kirill, là người đứng đầu Giáo Hội Chính thống Nga.
Đức Giáo Hoàng và người đứng đầu giáo quyền Mạc Tư Khoa cũng từng được cho là sẽ gặp nhau vào tháng 6, nhưng Vatican đã hoãn cuộc họp do chiến tranh.
Source:Crux
Các tổ chức phi chính phủ Nicaragua kêu gọi ĐTC lên tiếng về tình trạng áp bức tại quốc gia này
Đặng Tự Do
19:40 13/08/2022
Khi áp lực của chính phủ đối với Giáo Hội Công Giáo tiếp tục gia tăng ở Nicaragua, áp lực buộc Vatican phải phá vỡ sự im lặng của mình cũng tăng theo, với hơn 60 tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội dân sự đã gửi thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi ngài “đừng bỏ mặc chúng con”.
Họ nói rằng “sự bắt bớ và thù hận của chế độ chống lại Giáo Hội Công Giáo không có gì có thể biện minh”, bởi vì hàng giáo phẩm đã không làm gì ngoài việc “thực hiện điều răn yêu thương và an ủi những người yếu đuối nhất và bị áp bức nhất.”
Tổng thống Daniel Ortega và phu nhân, Phó Tổng thống Rosario Murillo, cáo buộc các giám mục là đồng phạm trong một âm mưu đảo chính. Tuy nhiên, những người viết thư cho Đức Phanxicô viết rằng tất cả những gì hàng giáo phẩm Nicaragua đã làm là tìm kiếm một giải pháp hòa bình và dân chủ cho cuộc khủng hoảng sâu sắc đang tiêu diệt đất nước.
“Chúng con biết những trách nhiệm to lớn đang đặt lên vai Đức Thánh Cha trong những thời điểm khó khăn và phức tạp này đối với nhân loại,” 61 tổ chức đã viết trong bức thư gửi đến Đức Thánh Cha. “Nicaragua là một đất nước nhỏ bé và nghèo khó, nhưng chúng con là một dân tộc chỉ muốn sống trong hòa bình và tự do.”
Họ viết: “Chúng con là một nhóm công dân Nicaragua bị buộc phải sống lưu vong để trốn chạy bạo lực, đàn áp và sự vi phạm thường xuyên nhân quyền”.
Họ cũng đề cập rằng “trong vài năm, chúng con đã phải sống qua cuộc khủng hoảng chính trị ở Nicaragua, cuộc khủng hoảng đã trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây. Chúng con là nạn nhân của bạo lực công khai của một nhà nước nằm dưới sự kiểm soát và thống trị của Daniel Ortega, vợ anh ta là Rosario Murillo và những người theo họ một cách mù quáng”.
Mặc dù chỉ có những người Nicaragua lưu vong đã ký tên vào văn bản gởi đến Đức Thánh Cha, nhưng bức thư cho biết “các tổ chức xã hội dân sự và hàng giáo phẩm bên trong Nicaragua đang bị khủng bố nhà nước bách hại đồng ký tên ẩn danh”.
Đức Cha Rolando Alvarez của Matagalpa đã bị quản thúc tại gia từ 9 ngày qua, sau khi cảnh sát phong tỏa các văn phòng của giáo phận, khiến ngài, 5 linh mục và 6 giáo dân phải ở bên trong, không có thức ăn hoặc nước uống.
Crux đã có thể xác nhận với các nguồn tin thân cận rằng chính phủ muốn Đức Cha Alvarez phải ngồi tù hoặc sống lưu vong, và đang cố gắng thương lượng với Vatican. Nếu Đức Giáo Hoàng ra lệnh cho ngài rời Nicaragua, ngài sẽ là giám mục thứ hai bị buộc phải lưu vong: Đức Cha Silvio Baez, phụ tá của Managua, đã sống ở Miami từ cuối năm 2019.
Nếu Ortega quyết định giam giữ Đức Cha Alvarez bất chấp ý kiến của Đức Giáo Hoàng, sẽ có một tiền lệ: Trong lần cầm quyền đầu tiên của mình vào những năm 1980, ông ta đã buộc Đức Cha Pablo Vega ra khỏi quốc gia Trung Mỹ vào năm 1986, cáo buộc ngài chống lại chế độ.
Trong lá thư gửi tới Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các tổ chức đã chia sẻ những lạm dụng và vi phạm nhân quyền khác nhau mà chế độ độc tài Ortega đã gây ra đối với người dân, chẳng hạn như vụ sát hại bởi 380 người, nạn nhân của sự đàn áp của nhà nước, bởi cảnh sát và các nhóm dân quân.
Hiện cả nước có ít nhất 180 tù nhân chính trị.
Họ viết: “Ở Nicaragua, sự trừng phạt diễn ra phổ biến và chế độ đã đẩy đất nước vào tình trạng khẩn cấp trên thực tế.”
Năm 2018, khi một loạt các cuộc biểu tình ôn hòa lớn kéo dài thành nhiều tuần bạo lực do chính quyền gây ra, các giám mục được chính quyền Ortega mời đến chứng kiến và tạo điều kiện cho đối thoại quốc gia, nhưng đã thất bại. Một nỗ lực tương tự cũng được Sứ thần Tòa Thánh ở Nicaragua dẫn đầu, nhưng nỗ lực đó cũng thất bại. Đầu năm nay, chính phủ đã trục xuất Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh ra khỏi đất nước.
Họ viết: “Các mục tử của chúng con không thể bị buộc tội đã xúc tiến một cuộc đảo chính”. “Giáo Hội ở Nicaragua đang bị bức hại và tử vì đạo bởi một chế độ tự xưng là Kitô giáo và Công Giáo, chế độ này thao túng những biểu hiện bên ngoài của tôn giáo và lòng sùng kính Đức Mẹ cho mục đích chính trị và điều này xúc phạm đến đức tin Công Giáo.”
Source:CruxNicaraguan NGOs urge Pope Francis to speak out on oppression
Họ nói rằng “sự bắt bớ và thù hận của chế độ chống lại Giáo Hội Công Giáo không có gì có thể biện minh”, bởi vì hàng giáo phẩm đã không làm gì ngoài việc “thực hiện điều răn yêu thương và an ủi những người yếu đuối nhất và bị áp bức nhất.”
Tổng thống Daniel Ortega và phu nhân, Phó Tổng thống Rosario Murillo, cáo buộc các giám mục là đồng phạm trong một âm mưu đảo chính. Tuy nhiên, những người viết thư cho Đức Phanxicô viết rằng tất cả những gì hàng giáo phẩm Nicaragua đã làm là tìm kiếm một giải pháp hòa bình và dân chủ cho cuộc khủng hoảng sâu sắc đang tiêu diệt đất nước.
“Chúng con biết những trách nhiệm to lớn đang đặt lên vai Đức Thánh Cha trong những thời điểm khó khăn và phức tạp này đối với nhân loại,” 61 tổ chức đã viết trong bức thư gửi đến Đức Thánh Cha. “Nicaragua là một đất nước nhỏ bé và nghèo khó, nhưng chúng con là một dân tộc chỉ muốn sống trong hòa bình và tự do.”
Họ viết: “Chúng con là một nhóm công dân Nicaragua bị buộc phải sống lưu vong để trốn chạy bạo lực, đàn áp và sự vi phạm thường xuyên nhân quyền”.
Họ cũng đề cập rằng “trong vài năm, chúng con đã phải sống qua cuộc khủng hoảng chính trị ở Nicaragua, cuộc khủng hoảng đã trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây. Chúng con là nạn nhân của bạo lực công khai của một nhà nước nằm dưới sự kiểm soát và thống trị của Daniel Ortega, vợ anh ta là Rosario Murillo và những người theo họ một cách mù quáng”.
Mặc dù chỉ có những người Nicaragua lưu vong đã ký tên vào văn bản gởi đến Đức Thánh Cha, nhưng bức thư cho biết “các tổ chức xã hội dân sự và hàng giáo phẩm bên trong Nicaragua đang bị khủng bố nhà nước bách hại đồng ký tên ẩn danh”.
Đức Cha Rolando Alvarez của Matagalpa đã bị quản thúc tại gia từ 9 ngày qua, sau khi cảnh sát phong tỏa các văn phòng của giáo phận, khiến ngài, 5 linh mục và 6 giáo dân phải ở bên trong, không có thức ăn hoặc nước uống.
Crux đã có thể xác nhận với các nguồn tin thân cận rằng chính phủ muốn Đức Cha Alvarez phải ngồi tù hoặc sống lưu vong, và đang cố gắng thương lượng với Vatican. Nếu Đức Giáo Hoàng ra lệnh cho ngài rời Nicaragua, ngài sẽ là giám mục thứ hai bị buộc phải lưu vong: Đức Cha Silvio Baez, phụ tá của Managua, đã sống ở Miami từ cuối năm 2019.
Nếu Ortega quyết định giam giữ Đức Cha Alvarez bất chấp ý kiến của Đức Giáo Hoàng, sẽ có một tiền lệ: Trong lần cầm quyền đầu tiên của mình vào những năm 1980, ông ta đã buộc Đức Cha Pablo Vega ra khỏi quốc gia Trung Mỹ vào năm 1986, cáo buộc ngài chống lại chế độ.
Trong lá thư gửi tới Đức Giáo Hoàng Phanxicô, các tổ chức đã chia sẻ những lạm dụng và vi phạm nhân quyền khác nhau mà chế độ độc tài Ortega đã gây ra đối với người dân, chẳng hạn như vụ sát hại bởi 380 người, nạn nhân của sự đàn áp của nhà nước, bởi cảnh sát và các nhóm dân quân.
Hiện cả nước có ít nhất 180 tù nhân chính trị.
Họ viết: “Ở Nicaragua, sự trừng phạt diễn ra phổ biến và chế độ đã đẩy đất nước vào tình trạng khẩn cấp trên thực tế.”
Năm 2018, khi một loạt các cuộc biểu tình ôn hòa lớn kéo dài thành nhiều tuần bạo lực do chính quyền gây ra, các giám mục được chính quyền Ortega mời đến chứng kiến và tạo điều kiện cho đối thoại quốc gia, nhưng đã thất bại. Một nỗ lực tương tự cũng được Sứ thần Tòa Thánh ở Nicaragua dẫn đầu, nhưng nỗ lực đó cũng thất bại. Đầu năm nay, chính phủ đã trục xuất Đức Tổng Giám Mục Sứ thần Tòa Thánh ra khỏi đất nước.
Họ viết: “Các mục tử của chúng con không thể bị buộc tội đã xúc tiến một cuộc đảo chính”. “Giáo Hội ở Nicaragua đang bị bức hại và tử vì đạo bởi một chế độ tự xưng là Kitô giáo và Công Giáo, chế độ này thao túng những biểu hiện bên ngoài của tôn giáo và lòng sùng kính Đức Mẹ cho mục đích chính trị và điều này xúc phạm đến đức tin Công Giáo.”
Source:Crux
Lịch sử đằng sau cuộc bách hại Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua
Đặng Tự Do
19:42 13/08/2022
Một giám mục bị quản thúc tại gia, các linh mục bị cảnh sát quấy rối, Hội Thừa sai Bác ái bị trục xuất, và nhiều hạn chế trong việc thờ phượng: đây là tình trạng mà Giáo Hội Công Giáo ở Nicaragua đang trải qua ngày nay dưới chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Daniel Ortega.
Nhưng làm thế nào mà đất nước Trung Mỹ lại đi đến khủng hoảng như vậy?
Câu chuyện này bắt đầu vào năm 1979 với việc lật đổ chế độ độc tài của triều đại Somoza và chính phủ cộng sản Sandinista đầu tiên lãnh đạo Nicaragua từ đó cho đến năm 1990. Và 40 năm sau đó, sự thù địch và đàn áp lặp lại.
Vào ngày 19 tháng 7 năm 1979, Mặt trận Giải phóng Quốc gia Sandinista, gọi tắt là FSLN, là một nhóm du kích cộng sản, đã lật đổ Anastasio Somoza Debayle, thành viên thứ ba và cuối cùng của triều đại Somocista. Anastasio Somoza Debayle cai trị Nicaragua sau cha ông, Anastasio Somoza García, và anh trai của ông, Luis Somoza Debayle.
Vào tháng 11 năm 1979, Hội đồng Giám mục Nicaragua công bố một bức thư mục vụ có tiêu đề “Cam kết của Kitô giáo cho một Nicaragua mới”, trong số những điều khác, coi “quá trình cách mạng” này là một cơ hội cho đất nước và kêu gọi dân chúng thực hiện những hy sinh cần thiết và trải nghiệm một “sự hoán cải sâu sắc của trái tim.”
Các giám mục cũng kêu gọi “không gian rộng rãi để Giáo hội được thực hiện công việc tông đồ của mình mà không bị can thiệp.”
Ngay sau khi triều đại Somoza sụp đổ, Hội đồng Quản lý Tái thiết Quốc gia gồm 5 thành viên được thành lập: 3 từ FSLN và 2 thành viên độc lập, bao gồm Violeta Chamorro, là góa phụ của Pedro Chamorro, giám đốc tờ báo La Prensa, người bị Somoza ám sát; và Alfonso Robelo. Người điều phối là Daniel Ortega.
Violeta Chamorro từ chức vào tháng 4 năm 1980 do đường hướng xã hội chủ nghĩa mà FSLN đang thực hiện và ảnh hưởng của Cuba trong chính phủ. Robelo từ chức vì những lý do tương tự và sau đó gia nhập ban lãnh đạo chính trị của cuộc kháng chiến Nicaragua, được gọi là “Contras” hay “Phản kháng”, được Hoa Kỳ tài trợ, đã tham gia một cuộc nội chiến với Sandinistas trong suốt thập kỷ. Từ đó, Hội đồng Quản lý Tái thiết Quốc gia chỉ gồm toàn các thành viên của phong trào FSLN, cho nên được gọi là nhà cầm quyền Sandinistas.
Cánh quân nhân cai trị Nicaragua cho đến năm 1985 và trao lại quyền lực cho Ortega, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1984 trong vai trò là nhà lãnh đạo của FSLN, trước đó đã chính thức trở thành Đảng Cộng sản Nicaragua.
Các linh mục tham gia trong guồng máy cầm quyền và sự can thiệp của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Có ba linh mục nổi tiếng, những người thúc đẩy thần học giải phóng theo chủ nghĩa Mác đã đảm nhận các vị trí trong chính phủ Sandinista: Đó là các linh mục Miguel D'Escoto là bộ trưởng ngoại giao từ 1979 đến 1990; linh mục Ernesto Cardenal là bộ trưởng văn hóa từ 1979 đến 1987; và linh mục Edgar Parrales là thứ trưởng, phó tổng giám đốc Viện An sinh xã hội Nicaragua trong hai năm 1979 và 1980, bộ trưởng phúc lợi xã hội từ 1980 đến 1982 và đại sứ Nicaragua tại Tổ chức các quốc gia Mỹ Châu từ 1982 đến 1986.
Sự tham gia của các linh mục này trong chính phủ đã gây ra căng thẳng với các giám mục. Mặc dù ban đầu các giám mục cho phép sự tham gia này, vào tháng Giêng năm 1980, hội đồng giám mục quyết định rằng các linh mục này không thể là một phần của chính phủ Sandinista nữa.
Vào tháng 4 năm đó, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tiếp các giám mục Nicaragua tại Vatican và nói với các ngài trong một bài diễn văn rằng “một hệ tư tưởng vô thần không thể là công cụ hướng dẫn nỗ lực thúc đẩy công bằng xã hội, bởi vì nó tước đi tự do của con người, nguồn cảm hứng thiêng liêng và sức mạnh để yêu thương anh em mình, vốn có nền tảng vững chắc nhất và hoạt động trong tình yêu thương của Thiên Chúa.”
Vài tuần sau, các giám mục yêu cầu các linh mục từ chức khỏi các chức vụ của họ trong chính phủ Sandinista, nhưng các linh mục bất tuân.
Vào tháng 2 năm 1984, Đức Gioan Phaolô II đã treo chén ba linh mục này và cả Cha Fernando Cardenal, anh trai của Ernesto, người cũng tham gia vào chế độ Ortega. Từ năm đó đến năm 1990, Fernando Cardenal là bộ trưởng giáo dục.
Một Tổng Giám Mục can đảm và trò bôi lọ một linh mục
Trong thời kỳ Sandinista lần thứ nhất, một trong những thành viên nổi bật của Giáo Hội Công Giáo đã đứng ra tố cáo các vi phạm nhân quyền là Đức Tổng Giám Mục tổng giáo phận thủ đô Managua, là Đức Cha Miguel Obando y Bravo. Ngài sinh năm 1926 và qua đời năm 2018. Ngài là vị Tổng Giám Mục được Đức Gioan-Phaolô II tấn phong Hồng Y năm 1985.
Đức Tổng Giám Mục đã được biết đến với việc tố cáo các vi phạm nhân quyền trong chế độ độc tài Somoza và không giữ im lặng khi đối mặt với sự lạm dụng của chế độ Ortega.
Ngoài ra, vai trò của ngài còn có ý nghĩa quyết định trong việc ngăn chặn sự truyền bá của cái gọi là “Giáo Hội nhân dân” do các linh mục và nữ tu theo thần học giải phóng mácxít cổ xúy.
Chính phủ FSLN đã trả đũa và nhắm vào các mục tử lỗi lạc. Vào tháng 8 năm 1982, các đặc vụ của chế độ ăn mặc như cảnh sát đã bắt giữ Cha Bismarck Carballo, người lúc đó là phát ngôn viên của Giáo hội và là giám đốc của một đài phát thanh Công Giáo.
Các đặc vụ đã dẫn một phụ nữ vào một ngôi nhà nơi vị linh mục đang ở và bịa đặt một vụ tai tiếng tình dục với người phụ nữ này. Họ lột trần ngài và người phụ nữ, đưa ra ngoài đường, và công bố câu chuyện sai sự thật trên tất cả các phương tiện truyền thông chính thức.
Vào tháng 2 năm 1986, ngoại trưởng Hoa Kỳ công bố lời khai của cựu trung úy Sandinista Álvaro Baldizón Avilés, một người đào tẩu tuyên bố rằng vụ tai tiếng liên quan đến Cha Carballo là do chế độ Ortega dàn dựng.
Một trong những sự phẫn nộ khác của Ortega chống lại Giáo hội là việc trục xuất 10 linh mục thừa sai nước ngoài vào tháng 7 năm 1984. Các linh mục bị buộc tội vi phạm luật pháp quốc gia và tham gia các hoạt động chống chính phủ vì đã tham gia cuộc tuần hành do Đức Tổng Giám Mục Obando y Bravo tổ chức nhằm kêu gọi đoàn kết với Cha Luis Amado Peña, một linh mục bị chế độ buộc tội khủng bố.
Vai trò của Giáo Hội trong thoả thuận hòa bình
Trong những năm 1980, các cuộc đụng độ giữa FSLN và quân kháng chiến hay còn gọi là “Contras” khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Vào ngày 7 tháng 8 năm 1987, Hiệp định Hòa bình Esquipulas II được ký kết tại Guatemala nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Nicaragua và hướng đến một “nền hòa bình lâu dài” ở Trung Mỹ. Văn kiện kêu gọi các cuộc bầu cử đa đảng tự do và thành lập Ủy ban Hòa giải Quốc gia.
Đức Tổng Giám Mục Obando y Bravo và Giám Mục Phụ Tá lúc đó của tổng giáo phận Managua, là Đức Cha Bosco Vivas Robelo, đã tham gia vào ủy ban này.
Ortega tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 2 năm 1990 và bị đánh bại bởi Violeta Chamorro. Ortega tái tranh cử vào năm 1996 và 2001 nhưng không thành công.
Vào ngày 18 tháng 10 năm 1996, hai ngày trước cuộc bầu cử, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Obando y Bravo đã kể một câu chuyện - mà báo chí gọi là “câu chuyện ngụ ngôn về người chiến thắng” - khuyến khích người dân Nicaragua nên thận trọng và suy nghĩ về những gì tốt nhất cho đất nước.
Ortega giả vờ làm hòa với Giáo Hội Công Giáo
Sau khi thua trong cuộc bầu cử, Ortega - lúc đó đang lãnh đạo phe đối lập – biết rằng ông ta không thể chiến thắng nếu không làm hòa với Giáo Hội Công Giáo. Vào tháng 7 năm 2003, cựu du kích đã xin lỗi về những “thái quá” và “sai sót” của chính phủ ông ta đối với người Công Giáo trong những năm 1980.
Vào tháng 6 năm 2004, Ortega đề xuất đề cử Đức Hồng Y Obando y Bravo Giải Nobel Hòa bình, “để ghi nhận cuộc đấu tranh của ngài cho hòa giải dân tộc” và việc ký kết các hiệp định hòa bình chấm dứt cuộc nội chiến.
Tháng đó, Đức Hồng Y Obando y Bravo chấp nhận yêu cầu của Ortega muốn dâng Thánh lễ do Sandinista bảo trợ cho hàng ngàn người chết trong cuộc nội chiến.
Vào tháng 7 năm 2004, là một phần của lễ kỷ niệm 25 năm cuộc cách mạng Sandinista, Ortega đã công khai xin lỗi về những hành vi lạm dụng chống lại Giáo Hội Công Giáo trong chính phủ đầu tiên của ông và tuyên bố vụ bôi nhọ Cha Carballo là do Đảng Cộng sản Nicaragua dàn dựng.
Ortega trở lại nắm quyền vào năm 2007
Ortega đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2006 với 38% phiếu bầu nhờ những cải cách trong luật bầu cử, trong đó hạ tỷ lệ thắng cử tổng thống xuống còn 35% phiếu bầu, nếu có khoảng cách 5% so với vị trí thứ hai.
Vào tháng 2 năm 2007, Ortega mời Đức Hồng Y Obando y Bravo, lúc đó đã 81 tuổi, và là tổng giám mục hiệu tòa của Managua, chủ trì Hội đồng Hòa giải và Hòa bình Quốc gia do chính phủ mới của ông thành lập. Đức Hồng Y đã chấp nhận vị trí trên “cơ sở cá nhân” và có sự hỗ trợ của các giám mục.
Tuy nhiên, vào tháng 9 năm 2008, Đức Tổng Giám Mục Jorge Solórzano, của Matagalpa, cảnh báo rằng trong khi quan hệ với chính phủ có vẻ thân thiện, các biện pháp chống lại công việc của Giáo hội đã được dự đoán trước, chẳng hạn như loại bỏ trợ cấp của nhà nước cho các trường Công Giáo.
Vào tháng 11 năm đó, bạo lực lại bùng phát ở nước này sau những cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử thành phố đã trao 62% chức vụ thị trưởng trên toàn quốc cho FSLN. Các giám mục đã đưa ra một lời kêu gọi mạnh mẽ cho hòa bình.
Ortega tấn Công Giáo Hội Công Giáo một lần nữa
Đầu năm 2009, căng thẳng lại tiếp tục giữa chính phủ Sandinista và Giáo Hội Công Giáo. Vào cuối tháng 4, một email từ tổng thống Nicaragua đã gửi một tài liệu đến các phương tiện truyền thông mô tả các giám mục Nicaragua là tham nhũng, gây ra phản ứng chính thức từ hội đồng giám mục.
Vào tháng 6, Ortega cố gắng bịt miệng những lời chỉ trích mà một số giám mục đưa ra về chính phủ của ông bằng cách kêu gọi họ cầu nguyện thay vì bình luận về chính trị. Các giám mục trả lời rằng cầu nguyện là không đủ đối với những người đấu tranh cho công lý.
Vào tháng 4 năm 2010, khi khả năng Ortega tái tranh cử vào năm 2011 đang được tranh luận, các giám mục đã kêu gọi đất nước đối thoại và tố cáo “những hành vi vi phạm” đối với hiến pháp đặc biệt nghiêm cấm các nhiệm kỳ tổng thống kế tiếp.
Tuy nhiên, Tòa án Tư pháp Tối cao, với các thành viên Sandinista, đã cho phép Ortega tranh cử trong cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 6 tháng 11 năm 2011.
Trong bối cảnh này, Giám Mục Phụ Tá của Managua, Silvio José Báez, cảnh báo rằng Nicaragua đang trên đường “đi đến một chủ nghĩa toàn trị hữu hình hoặc bí mật” và yêu cầu sự hiện diện của các quan sát viên quốc tế.
Thư ký của Hội đồng Giám mục, Giám mục Sócrates René Sandigo, nói rằng với sự ứng cử này, đất nước thiếu pháp quyền và sự ngờ vực trong dân chúng đã tăng lên.
Gần một tháng trước cuộc bầu cử, một số giám mục cho biết đã nhận được những lời đe dọa.
Nhà lãnh đạo Sandinista đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với hơn 62% số phiếu bầu, trong bối cảnh bị cáo buộc gian lận. Báo cáo của Trung tâm Carter cho biết, theo đánh giá của các nhà quan sát trong nước và quốc tế, các cuộc bầu cử “không minh bạch”.
Trong một tuyên bố, các giám mục nói rằng tính hợp pháp của các kết quả là “hoàn toàn đáng nghi ngờ.”
Giáo Hội Công Giáo phản đối việc tái tranh cử vô thời hạn
Sau nhiệm kỳ thứ ba, trong đó cũng có xích mích với các giám mục, Ortega quyết định tranh cử nhiệm kỳ thứ tư.
Vào tháng Giêng năm 2014, đa số các thành viên Sandinista trong Quốc hội đã thông qua việc sửa đổi hiến pháp cho phép Ortega tái tranh cử tổng thống vô thời hạn, là điều mà các giám mục chỉ trích. Cơ quan lập pháp cũng trao cho tổng thống quyền ban hành các sắc lệnh có hiệu lực luật pháp.
Vào tháng 6 năm 2016, Tòa giám mục đã kêu gọi Ortega bảo đảm rằng cuộc bầu cử ngày 6 tháng 11 sẽ diễn ra minh bạch và có sự hiện diện của các quan sát viên trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, Ortega lại giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với cáo buộc gian lận.
'Chúng tôi là một Giáo hội bị đàn áp'
Cuộc khủng hoảng hiện tại ở Nicaragua bắt đầu vào tháng 4 năm 2018, trong nhiệm kỳ thứ tư của Ortega. Việc cải cách hệ thống y tế và lương hưu đã gây ra nhiều cuộc biểu tình khắp cả nước, bị cảnh sát đàn áp dữ dội và trong thời gian đó, nhiều giám mục và linh mục đã nhận được những lời đe dọa tử vong.
Trong bối cảnh này, Đức Tổng Giám Mục của Managua, Hồng Y Leopoldo José Brenes; và phụ tá của ngài, là Đức Cha Silvio José Báez; và Sứ thần Tòa thánh, Đức Tổng Giám Mục Waldemar Somertag, đã bị một đám đông ủng hộ chính phủ đánh đập khi đang thực hiện chuyến thăm mục vụ đến Tiểu Vương cung thánh đường Thánh Sebastian ở Diriamba, cách thủ đô 25 dặm.
Vào ngày 13 tháng 7 năm 2018, cảnh sát và quân cảnh đã bắn vào giáo xứ Lòng Thương Xót ở Managua, nơi những người trẻ tuổi phản đối chế độ đã đến lánh nạn.
Đức Cha Báez lên án “hành vi đàn áp tội phạm” đối với dân thường trên Twitter và yêu cầu cộng đồng quốc tế không được thờ ơ. Vị giám mục nói rằng “chúng tôi đã bắt đầu trở thành một Giáo hội bị đàn áp.”
Ngay sau đó, Giáo Hội Công Giáo đồng ý tham gia một lần nữa với tư cách là trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán quốc gia để giải quyết cuộc khủng hoảng khiến hàng trăm người thiệt mạng, nhưng các cuộc đàm phán đã bị đình chỉ.
Năm 2019, có một nỗ lực khác trong các cuộc đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập, nhưng lần này Hội đồng Giám mục Nicaragua từ chối tham gia và yêu cầu “giáo dân là những người trực tiếp chịu trách nhiệm” cho quá trình này.
Vào tháng 3 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Đức Cha Báez trong một buổi tiếp kiến riêng tại Vatican. Hai tuần sau, Đức Hồng Y Brenes báo cáo rằng Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu Đức Cha Báez chuyển đến Rôma vì sự an toàn của ngài. Hiện nay Đức Cha Báez định cư tại Hoa Kỳ.
Một năm sau, vào ngày 31 tháng 7 năm 2020, một trong những cuộc tấn công mang tính biểu tượng nhất chống lại Giáo hội đã xảy ra. Một cá nhân không rõ danh tính đã bước vào một trong những nhà nguyện bên trong Nhà thờ Managua và ném một quả bom lửa phá hủy hình ảnh nổi tiếng của Máu Châu Báu Chúa Kitô, một cây thánh giá 382 tuổi được người Nicaragua yêu quý.
Khi cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức vào ngày 7 tháng 11 năm 2021, các ứng cử viên đối lập chính đã bị bỏ tù. Một ngày trước đó, hội đồng giám mục nói rằng mỗi công dân nên hành động để cân nhắc những gì là công bình nhất và tốt nhất cho đất nước.
Người ta ước tính rằng tỷ lệ dân chúng từ chối đi bỏ phiếu là 81,5%. Giám mục của León, René Sándigo, là giám mục duy nhất đi bỏ phiếu. Ortega tái đắc cử lần thứ tư liên tiếp với 75% số phiếu bầu.
Một giám mục bị quản thúc tại gia
Sau khi ra lệnh giải tán 100 tổ chức phi chính phủ, trục xuất các nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái và đóng cửa một số cơ sở truyền thông Công Giáo, bọn cầm quyền hiện đã đưa giám mục của Matagalpa, là Đức Cha Rolando Álvarez, một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất vào tầm ngắm.
Kể từ ngày 4 tháng 8, vị giám mục đã bị quản thúc tại nhà thờ cùng với năm linh mục, hai chủng sinh và ba giáo dân.
Vào ngày hôm đó, khi Nhà thờ cử hành lễ Thánh Gioan Mary Vianney, vị thánh bảo trợ của các linh mục giáo xứ, Đức Cha Álvarez đã ra bên ngoài với Mặt Nhật Mình Thánh Chúa và tố cáo rằng cảnh sát do Ortega cử đến đã không cho các linh mục của ngài và các cộng tác viên vào nhà nguyện để cử hành Thánh lễ.
Sau gần một giờ kêu gọi đối thoại và tôn trọng Giáo Hội Công Giáo, vị giám mục trở lại bên trong nhà thờ và cử hành Bí tích Thánh Thể với các phụ tá của mình.
Tuy nhiên, cùng buổi chiều hôm đó, cảnh sát chống bạo động đã chặn lối vào Tòa Giám Mục và không cho Đức Cha Álvarez rời khỏi Tòa Giám Mục. Trước đó, ngài đã mời các tín hữu đến nhà thờ Matagalpa để cử hành giờ thánh và Thánh lễ. Các nghi thức này đã không thể diễn ra.
Chế độ Sandinista đã đe dọa sẽ bỏ tù giám mục. Ngài nhận được sự bày tỏ tình đoàn kết từ các giám mục địa phương và từ một số quốc gia khác.
Luật sư Martha Patricia Molina Montenegro, thành viên của Đài quan sát Bảo vệ Minh bạch và Chống Tham nhũng, gần đây đã công bố một cuộc điều tra có tiêu đề “Nicaragua: một Giáo hội bị bức hại (2018-2022), “ghi lại 190 vụ tấn công và xúc phạm Giáo Hội Công Giáo tính đến tháng 5 năm nay.
Đối với những chuyên gia như Molina, không nghi ngờ gì rằng “chế độ độc tài” của Ortega “có một cuộc chiến trực diện chống lại Giáo Hội Công Giáo Nicaragua và mục tiêu của nó là xóa bỏ hoàn toàn tất cả những thể chế liên quan đến Giáo Hội.”
Trong quá khứ, Ortega đã gọi các giám mục là “những kẻ khủng bố” và “những con quỷ trong chiếc áo chùng thâm.”
Source:Catholic News AgencyThe history behind the persecution of the Catholic Church in Nicaragua
Nhưng làm thế nào mà đất nước Trung Mỹ lại đi đến khủng hoảng như vậy?
Câu chuyện này bắt đầu vào năm 1979 với việc lật đổ chế độ độc tài của triều đại Somoza và chính phủ cộng sản Sandinista đầu tiên lãnh đạo Nicaragua từ đó cho đến năm 1990. Và 40 năm sau đó, sự thù địch và đàn áp lặp lại.
Vào ngày 19 tháng 7 năm 1979, Mặt trận Giải phóng Quốc gia Sandinista, gọi tắt là FSLN, là một nhóm du kích cộng sản, đã lật đổ Anastasio Somoza Debayle, thành viên thứ ba và cuối cùng của triều đại Somocista. Anastasio Somoza Debayle cai trị Nicaragua sau cha ông, Anastasio Somoza García, và anh trai của ông, Luis Somoza Debayle.
Vào tháng 11 năm 1979, Hội đồng Giám mục Nicaragua công bố một bức thư mục vụ có tiêu đề “Cam kết của Kitô giáo cho một Nicaragua mới”, trong số những điều khác, coi “quá trình cách mạng” này là một cơ hội cho đất nước và kêu gọi dân chúng thực hiện những hy sinh cần thiết và trải nghiệm một “sự hoán cải sâu sắc của trái tim.”
Các giám mục cũng kêu gọi “không gian rộng rãi để Giáo hội được thực hiện công việc tông đồ của mình mà không bị can thiệp.”
Ngay sau khi triều đại Somoza sụp đổ, Hội đồng Quản lý Tái thiết Quốc gia gồm 5 thành viên được thành lập: 3 từ FSLN và 2 thành viên độc lập, bao gồm Violeta Chamorro, là góa phụ của Pedro Chamorro, giám đốc tờ báo La Prensa, người bị Somoza ám sát; và Alfonso Robelo. Người điều phối là Daniel Ortega.
Violeta Chamorro từ chức vào tháng 4 năm 1980 do đường hướng xã hội chủ nghĩa mà FSLN đang thực hiện và ảnh hưởng của Cuba trong chính phủ. Robelo từ chức vì những lý do tương tự và sau đó gia nhập ban lãnh đạo chính trị của cuộc kháng chiến Nicaragua, được gọi là “Contras” hay “Phản kháng”, được Hoa Kỳ tài trợ, đã tham gia một cuộc nội chiến với Sandinistas trong suốt thập kỷ. Từ đó, Hội đồng Quản lý Tái thiết Quốc gia chỉ gồm toàn các thành viên của phong trào FSLN, cho nên được gọi là nhà cầm quyền Sandinistas.
Cánh quân nhân cai trị Nicaragua cho đến năm 1985 và trao lại quyền lực cho Ortega, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1984 trong vai trò là nhà lãnh đạo của FSLN, trước đó đã chính thức trở thành Đảng Cộng sản Nicaragua.
Các linh mục tham gia trong guồng máy cầm quyền và sự can thiệp của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Có ba linh mục nổi tiếng, những người thúc đẩy thần học giải phóng theo chủ nghĩa Mác đã đảm nhận các vị trí trong chính phủ Sandinista: Đó là các linh mục Miguel D'Escoto là bộ trưởng ngoại giao từ 1979 đến 1990; linh mục Ernesto Cardenal là bộ trưởng văn hóa từ 1979 đến 1987; và linh mục Edgar Parrales là thứ trưởng, phó tổng giám đốc Viện An sinh xã hội Nicaragua trong hai năm 1979 và 1980, bộ trưởng phúc lợi xã hội từ 1980 đến 1982 và đại sứ Nicaragua tại Tổ chức các quốc gia Mỹ Châu từ 1982 đến 1986.
Sự tham gia của các linh mục này trong chính phủ đã gây ra căng thẳng với các giám mục. Mặc dù ban đầu các giám mục cho phép sự tham gia này, vào tháng Giêng năm 1980, hội đồng giám mục quyết định rằng các linh mục này không thể là một phần của chính phủ Sandinista nữa.
Vào tháng 4 năm đó, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tiếp các giám mục Nicaragua tại Vatican và nói với các ngài trong một bài diễn văn rằng “một hệ tư tưởng vô thần không thể là công cụ hướng dẫn nỗ lực thúc đẩy công bằng xã hội, bởi vì nó tước đi tự do của con người, nguồn cảm hứng thiêng liêng và sức mạnh để yêu thương anh em mình, vốn có nền tảng vững chắc nhất và hoạt động trong tình yêu thương của Thiên Chúa.”
Vài tuần sau, các giám mục yêu cầu các linh mục từ chức khỏi các chức vụ của họ trong chính phủ Sandinista, nhưng các linh mục bất tuân.
Vào tháng 2 năm 1984, Đức Gioan Phaolô II đã treo chén ba linh mục này và cả Cha Fernando Cardenal, anh trai của Ernesto, người cũng tham gia vào chế độ Ortega. Từ năm đó đến năm 1990, Fernando Cardenal là bộ trưởng giáo dục.
Một Tổng Giám Mục can đảm và trò bôi lọ một linh mục
Trong thời kỳ Sandinista lần thứ nhất, một trong những thành viên nổi bật của Giáo Hội Công Giáo đã đứng ra tố cáo các vi phạm nhân quyền là Đức Tổng Giám Mục tổng giáo phận thủ đô Managua, là Đức Cha Miguel Obando y Bravo. Ngài sinh năm 1926 và qua đời năm 2018. Ngài là vị Tổng Giám Mục được Đức Gioan-Phaolô II tấn phong Hồng Y năm 1985.
Đức Tổng Giám Mục đã được biết đến với việc tố cáo các vi phạm nhân quyền trong chế độ độc tài Somoza và không giữ im lặng khi đối mặt với sự lạm dụng của chế độ Ortega.
Ngoài ra, vai trò của ngài còn có ý nghĩa quyết định trong việc ngăn chặn sự truyền bá của cái gọi là “Giáo Hội nhân dân” do các linh mục và nữ tu theo thần học giải phóng mácxít cổ xúy.
Chính phủ FSLN đã trả đũa và nhắm vào các mục tử lỗi lạc. Vào tháng 8 năm 1982, các đặc vụ của chế độ ăn mặc như cảnh sát đã bắt giữ Cha Bismarck Carballo, người lúc đó là phát ngôn viên của Giáo hội và là giám đốc của một đài phát thanh Công Giáo.
Các đặc vụ đã dẫn một phụ nữ vào một ngôi nhà nơi vị linh mục đang ở và bịa đặt một vụ tai tiếng tình dục với người phụ nữ này. Họ lột trần ngài và người phụ nữ, đưa ra ngoài đường, và công bố câu chuyện sai sự thật trên tất cả các phương tiện truyền thông chính thức.
Vào tháng 2 năm 1986, ngoại trưởng Hoa Kỳ công bố lời khai của cựu trung úy Sandinista Álvaro Baldizón Avilés, một người đào tẩu tuyên bố rằng vụ tai tiếng liên quan đến Cha Carballo là do chế độ Ortega dàn dựng.
Một trong những sự phẫn nộ khác của Ortega chống lại Giáo hội là việc trục xuất 10 linh mục thừa sai nước ngoài vào tháng 7 năm 1984. Các linh mục bị buộc tội vi phạm luật pháp quốc gia và tham gia các hoạt động chống chính phủ vì đã tham gia cuộc tuần hành do Đức Tổng Giám Mục Obando y Bravo tổ chức nhằm kêu gọi đoàn kết với Cha Luis Amado Peña, một linh mục bị chế độ buộc tội khủng bố.
Vai trò của Giáo Hội trong thoả thuận hòa bình
Trong những năm 1980, các cuộc đụng độ giữa FSLN và quân kháng chiến hay còn gọi là “Contras” khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Vào ngày 7 tháng 8 năm 1987, Hiệp định Hòa bình Esquipulas II được ký kết tại Guatemala nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Nicaragua và hướng đến một “nền hòa bình lâu dài” ở Trung Mỹ. Văn kiện kêu gọi các cuộc bầu cử đa đảng tự do và thành lập Ủy ban Hòa giải Quốc gia.
Đức Tổng Giám Mục Obando y Bravo và Giám Mục Phụ Tá lúc đó của tổng giáo phận Managua, là Đức Cha Bosco Vivas Robelo, đã tham gia vào ủy ban này.
Ortega tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử tháng 2 năm 1990 và bị đánh bại bởi Violeta Chamorro. Ortega tái tranh cử vào năm 1996 và 2001 nhưng không thành công.
Vào ngày 18 tháng 10 năm 1996, hai ngày trước cuộc bầu cử, Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Obando y Bravo đã kể một câu chuyện - mà báo chí gọi là “câu chuyện ngụ ngôn về người chiến thắng” - khuyến khích người dân Nicaragua nên thận trọng và suy nghĩ về những gì tốt nhất cho đất nước.
Ortega giả vờ làm hòa với Giáo Hội Công Giáo
Sau khi thua trong cuộc bầu cử, Ortega - lúc đó đang lãnh đạo phe đối lập – biết rằng ông ta không thể chiến thắng nếu không làm hòa với Giáo Hội Công Giáo. Vào tháng 7 năm 2003, cựu du kích đã xin lỗi về những “thái quá” và “sai sót” của chính phủ ông ta đối với người Công Giáo trong những năm 1980.
Vào tháng 6 năm 2004, Ortega đề xuất đề cử Đức Hồng Y Obando y Bravo Giải Nobel Hòa bình, “để ghi nhận cuộc đấu tranh của ngài cho hòa giải dân tộc” và việc ký kết các hiệp định hòa bình chấm dứt cuộc nội chiến.
Tháng đó, Đức Hồng Y Obando y Bravo chấp nhận yêu cầu của Ortega muốn dâng Thánh lễ do Sandinista bảo trợ cho hàng ngàn người chết trong cuộc nội chiến.
Vào tháng 7 năm 2004, là một phần của lễ kỷ niệm 25 năm cuộc cách mạng Sandinista, Ortega đã công khai xin lỗi về những hành vi lạm dụng chống lại Giáo Hội Công Giáo trong chính phủ đầu tiên của ông và tuyên bố vụ bôi nhọ Cha Carballo là do Đảng Cộng sản Nicaragua dàn dựng.
Ortega trở lại nắm quyền vào năm 2007
Ortega đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2006 với 38% phiếu bầu nhờ những cải cách trong luật bầu cử, trong đó hạ tỷ lệ thắng cử tổng thống xuống còn 35% phiếu bầu, nếu có khoảng cách 5% so với vị trí thứ hai.
Vào tháng 2 năm 2007, Ortega mời Đức Hồng Y Obando y Bravo, lúc đó đã 81 tuổi, và là tổng giám mục hiệu tòa của Managua, chủ trì Hội đồng Hòa giải và Hòa bình Quốc gia do chính phủ mới của ông thành lập. Đức Hồng Y đã chấp nhận vị trí trên “cơ sở cá nhân” và có sự hỗ trợ của các giám mục.
Tuy nhiên, vào tháng 9 năm 2008, Đức Tổng Giám Mục Jorge Solórzano, của Matagalpa, cảnh báo rằng trong khi quan hệ với chính phủ có vẻ thân thiện, các biện pháp chống lại công việc của Giáo hội đã được dự đoán trước, chẳng hạn như loại bỏ trợ cấp của nhà nước cho các trường Công Giáo.
Vào tháng 11 năm đó, bạo lực lại bùng phát ở nước này sau những cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử thành phố đã trao 62% chức vụ thị trưởng trên toàn quốc cho FSLN. Các giám mục đã đưa ra một lời kêu gọi mạnh mẽ cho hòa bình.
Ortega tấn Công Giáo Hội Công Giáo một lần nữa
Đầu năm 2009, căng thẳng lại tiếp tục giữa chính phủ Sandinista và Giáo Hội Công Giáo. Vào cuối tháng 4, một email từ tổng thống Nicaragua đã gửi một tài liệu đến các phương tiện truyền thông mô tả các giám mục Nicaragua là tham nhũng, gây ra phản ứng chính thức từ hội đồng giám mục.
Vào tháng 6, Ortega cố gắng bịt miệng những lời chỉ trích mà một số giám mục đưa ra về chính phủ của ông bằng cách kêu gọi họ cầu nguyện thay vì bình luận về chính trị. Các giám mục trả lời rằng cầu nguyện là không đủ đối với những người đấu tranh cho công lý.
Vào tháng 4 năm 2010, khi khả năng Ortega tái tranh cử vào năm 2011 đang được tranh luận, các giám mục đã kêu gọi đất nước đối thoại và tố cáo “những hành vi vi phạm” đối với hiến pháp đặc biệt nghiêm cấm các nhiệm kỳ tổng thống kế tiếp.
Tuy nhiên, Tòa án Tư pháp Tối cao, với các thành viên Sandinista, đã cho phép Ortega tranh cử trong cuộc bầu cử được tổ chức vào ngày 6 tháng 11 năm 2011.
Trong bối cảnh này, Giám Mục Phụ Tá của Managua, Silvio José Báez, cảnh báo rằng Nicaragua đang trên đường “đi đến một chủ nghĩa toàn trị hữu hình hoặc bí mật” và yêu cầu sự hiện diện của các quan sát viên quốc tế.
Thư ký của Hội đồng Giám mục, Giám mục Sócrates René Sandigo, nói rằng với sự ứng cử này, đất nước thiếu pháp quyền và sự ngờ vực trong dân chúng đã tăng lên.
Gần một tháng trước cuộc bầu cử, một số giám mục cho biết đã nhận được những lời đe dọa.
Nhà lãnh đạo Sandinista đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với hơn 62% số phiếu bầu, trong bối cảnh bị cáo buộc gian lận. Báo cáo của Trung tâm Carter cho biết, theo đánh giá của các nhà quan sát trong nước và quốc tế, các cuộc bầu cử “không minh bạch”.
Trong một tuyên bố, các giám mục nói rằng tính hợp pháp của các kết quả là “hoàn toàn đáng nghi ngờ.”
Giáo Hội Công Giáo phản đối việc tái tranh cử vô thời hạn
Sau nhiệm kỳ thứ ba, trong đó cũng có xích mích với các giám mục, Ortega quyết định tranh cử nhiệm kỳ thứ tư.
Vào tháng Giêng năm 2014, đa số các thành viên Sandinista trong Quốc hội đã thông qua việc sửa đổi hiến pháp cho phép Ortega tái tranh cử tổng thống vô thời hạn, là điều mà các giám mục chỉ trích. Cơ quan lập pháp cũng trao cho tổng thống quyền ban hành các sắc lệnh có hiệu lực luật pháp.
Vào tháng 6 năm 2016, Tòa giám mục đã kêu gọi Ortega bảo đảm rằng cuộc bầu cử ngày 6 tháng 11 sẽ diễn ra minh bạch và có sự hiện diện của các quan sát viên trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, Ortega lại giành chiến thắng trong cuộc bầu cử với cáo buộc gian lận.
'Chúng tôi là một Giáo hội bị đàn áp'
Cuộc khủng hoảng hiện tại ở Nicaragua bắt đầu vào tháng 4 năm 2018, trong nhiệm kỳ thứ tư của Ortega. Việc cải cách hệ thống y tế và lương hưu đã gây ra nhiều cuộc biểu tình khắp cả nước, bị cảnh sát đàn áp dữ dội và trong thời gian đó, nhiều giám mục và linh mục đã nhận được những lời đe dọa tử vong.
Trong bối cảnh này, Đức Tổng Giám Mục của Managua, Hồng Y Leopoldo José Brenes; và phụ tá của ngài, là Đức Cha Silvio José Báez; và Sứ thần Tòa thánh, Đức Tổng Giám Mục Waldemar Somertag, đã bị một đám đông ủng hộ chính phủ đánh đập khi đang thực hiện chuyến thăm mục vụ đến Tiểu Vương cung thánh đường Thánh Sebastian ở Diriamba, cách thủ đô 25 dặm.
Vào ngày 13 tháng 7 năm 2018, cảnh sát và quân cảnh đã bắn vào giáo xứ Lòng Thương Xót ở Managua, nơi những người trẻ tuổi phản đối chế độ đã đến lánh nạn.
Đức Cha Báez lên án “hành vi đàn áp tội phạm” đối với dân thường trên Twitter và yêu cầu cộng đồng quốc tế không được thờ ơ. Vị giám mục nói rằng “chúng tôi đã bắt đầu trở thành một Giáo hội bị đàn áp.”
Ngay sau đó, Giáo Hội Công Giáo đồng ý tham gia một lần nữa với tư cách là trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán quốc gia để giải quyết cuộc khủng hoảng khiến hàng trăm người thiệt mạng, nhưng các cuộc đàm phán đã bị đình chỉ.
Năm 2019, có một nỗ lực khác trong các cuộc đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập, nhưng lần này Hội đồng Giám mục Nicaragua từ chối tham gia và yêu cầu “giáo dân là những người trực tiếp chịu trách nhiệm” cho quá trình này.
Vào tháng 3 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Đức Cha Báez trong một buổi tiếp kiến riêng tại Vatican. Hai tuần sau, Đức Hồng Y Brenes báo cáo rằng Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu Đức Cha Báez chuyển đến Rôma vì sự an toàn của ngài. Hiện nay Đức Cha Báez định cư tại Hoa Kỳ.
Một năm sau, vào ngày 31 tháng 7 năm 2020, một trong những cuộc tấn công mang tính biểu tượng nhất chống lại Giáo hội đã xảy ra. Một cá nhân không rõ danh tính đã bước vào một trong những nhà nguyện bên trong Nhà thờ Managua và ném một quả bom lửa phá hủy hình ảnh nổi tiếng của Máu Châu Báu Chúa Kitô, một cây thánh giá 382 tuổi được người Nicaragua yêu quý.
Khi cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức vào ngày 7 tháng 11 năm 2021, các ứng cử viên đối lập chính đã bị bỏ tù. Một ngày trước đó, hội đồng giám mục nói rằng mỗi công dân nên hành động để cân nhắc những gì là công bình nhất và tốt nhất cho đất nước.
Người ta ước tính rằng tỷ lệ dân chúng từ chối đi bỏ phiếu là 81,5%. Giám mục của León, René Sándigo, là giám mục duy nhất đi bỏ phiếu. Ortega tái đắc cử lần thứ tư liên tiếp với 75% số phiếu bầu.
Một giám mục bị quản thúc tại gia
Sau khi ra lệnh giải tán 100 tổ chức phi chính phủ, trục xuất các nữ tu Dòng Thừa Sai Bác Ái và đóng cửa một số cơ sở truyền thông Công Giáo, bọn cầm quyền hiện đã đưa giám mục của Matagalpa, là Đức Cha Rolando Álvarez, một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất vào tầm ngắm.
Kể từ ngày 4 tháng 8, vị giám mục đã bị quản thúc tại nhà thờ cùng với năm linh mục, hai chủng sinh và ba giáo dân.
Vào ngày hôm đó, khi Nhà thờ cử hành lễ Thánh Gioan Mary Vianney, vị thánh bảo trợ của các linh mục giáo xứ, Đức Cha Álvarez đã ra bên ngoài với Mặt Nhật Mình Thánh Chúa và tố cáo rằng cảnh sát do Ortega cử đến đã không cho các linh mục của ngài và các cộng tác viên vào nhà nguyện để cử hành Thánh lễ.
Sau gần một giờ kêu gọi đối thoại và tôn trọng Giáo Hội Công Giáo, vị giám mục trở lại bên trong nhà thờ và cử hành Bí tích Thánh Thể với các phụ tá của mình.
Tuy nhiên, cùng buổi chiều hôm đó, cảnh sát chống bạo động đã chặn lối vào Tòa Giám Mục và không cho Đức Cha Álvarez rời khỏi Tòa Giám Mục. Trước đó, ngài đã mời các tín hữu đến nhà thờ Matagalpa để cử hành giờ thánh và Thánh lễ. Các nghi thức này đã không thể diễn ra.
Chế độ Sandinista đã đe dọa sẽ bỏ tù giám mục. Ngài nhận được sự bày tỏ tình đoàn kết từ các giám mục địa phương và từ một số quốc gia khác.
Luật sư Martha Patricia Molina Montenegro, thành viên của Đài quan sát Bảo vệ Minh bạch và Chống Tham nhũng, gần đây đã công bố một cuộc điều tra có tiêu đề “Nicaragua: một Giáo hội bị bức hại (2018-2022), “ghi lại 190 vụ tấn công và xúc phạm Giáo Hội Công Giáo tính đến tháng 5 năm nay.
Đối với những chuyên gia như Molina, không nghi ngờ gì rằng “chế độ độc tài” của Ortega “có một cuộc chiến trực diện chống lại Giáo Hội Công Giáo Nicaragua và mục tiêu của nó là xóa bỏ hoàn toàn tất cả những thể chế liên quan đến Giáo Hội.”
Trong quá khứ, Ortega đã gọi các giám mục là “những kẻ khủng bố” và “những con quỷ trong chiếc áo chùng thâm.”
Source:Catholic News Agency
Cùng nhau bước đi: Đức Phanxicô trò chuyện với các tu sĩ Dòng Tên ở Canada
Vũ Văn An
21:59 13/08/2022
Theo thông lệ tông du của ngài, nhân chuyến viếng thăm Canada với tập chú xin lỗi người bản địa về vai trò hợp tác của một số định chế Công Giáo vào chính sách bứng gốc văn hóa của họ, Đức Phanxicô, dù không gặp các nạn nhân của lạm dụng tình dục, vẫn đã gặp một số tu sĩ Dòng Tên tại Tòa Tổng Giám Mục Québec. Cuộc gặp gỡ đã được chính Cha Sparado, tổng biên tập tạp chí Civiltà Cattolica, ghi lại và phổ biến.
Đó là ngày 29 tháng 7 năm 2022, ngày cuối cùng trong hành trình tông đồ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Canada. Thời gian của ngài ở Quebec sắp kết thúc và ngài chuẩn bị đến Iqaluit, ở phía Bắc, để gặp gỡ người Inuit. Cuộc trò chuyện với các tu sĩ Dòng Tên dự kiến diễn ra vào lúc 9 giờ sáng, nhưng Đức Giáo Hoàng bước vào hội trường trong Tòa Tổng Giám mục sớm hơn một phần tư giờ. Có 15 tu sĩ Dòng Tên thuộc tỉnh dòng Canada, bao gồm cả Haiti. Một đại hội cấp tỉnh dòng đã được lên kế hoạch từ lâu đang được tiến hành, điều này giải thích sự vắng mặt của cha giám tỉnh. Sau những lời nghinh đón tự phát khi Đức Giáo Hoàng tới, Cha Marc Rizzetto của cộng đồng Quebec thay mặt cho những người hiện diện và hơn 200 tu sĩ Dòng Tên của tỉnh dòng ngỏ với Đức Phanxicô lời chào thân ái. Đặc biệt, ngài đề cập đến 45 thành viên của cộng đoàn tỉnh dòng đang quy tụ ở Midland, và các tu sĩ Dòng Tên cao niên trong các bệnh xá Richelieu và Pickering của tỉnh dòng.
Ngài bắt đầu, “Tại đất nước này, là một trong những tỉnh dòng lớn nhất của Dòng Tên, chúng con làm việc với niềm vui và hy vọng, theo hình ảnh của Thánh Jean de Brébeuf và các bạn đồng hành, [1] Các Thánh Tử Đạo của Canada. Sống giữa những người mong manh, can đảm bất chấp sự mong manh của mình, ý thức được sự cao cả của mỗi người và luôn mong muốn chia sẻ những kho tàng thiêng liêng của mình, ngày nay chúng con được kêu gọi trở thành những người sống cho và với những người khác, những người hành hương.”
Ngài nói tiếp: “Chúng con ở cùng thuyền với Đức Thánh Cha, cùng chèo với Đức Thánh Cha, đánh giá cao hướng đi Đức Thánh Cha đã đem lại cho Giáo hội và cầu nguyện cho Đức Thánh Cha. Cảm ơn Đức Thánh Cha đã đóng góp vào công cuộc hòa giải với các dân tộc bản địa ”.
Cuối cùng, Cha tặng Đức Giáo Hoàng một món quà: một bức ảnh về một con bướm, được Đức Giáo Hoàng rất ngưỡng mộ, thậm chí còn nói đùa: “Nhìn thấy bức ảnh đẹp này, tâm trí tôi bỗng có một sự nghi ngờ. Nó đẹp đến mức có thể là một cái bẫy của Dòng Tên. Tôi không biết đó là bướm hay dơi! " Tất cả những người có mặt đều phá lên cười. Sau vài lời cảm ơn, Đức Phanxicô nói tiếp tới các chuyến đi trước đây của ngài đến đất nước này.
Đây là lần thứ ba tôi đến Canada. Lần đầu tiên là vào những năm 1970. Lúc ấy, tôi sắp sửa khấn lần thứ ba ở Tây Ban Nha, và vì tôi đã được bổ nhiệm làm trưởng nhà tập nên tôi đã đến thăm một số tập viện. Tôi đã đến Colombia và Mexico. Thực ra ở Canada không có tập sinh nào, nhưng Cha Bề Trên Cả yêu cầu tôi đến đây để thăm Cha Michel Ledrus. [2] Vì vậy, tôi đến gặp ngài ở Saint Jérôme. Cha Ledrus là một bậc thầy tâm linh thực sự vĩ đại. Đó là chuyến đi đầu tiên của tôi đến Canada. Lần thứ hai là vào tháng 6 năm 2008, dự Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Quebec. Tôi đã trình bầy bài suy gẫm về chủ đề “Bí tích Thánh Thể xây dựng Giáo hội, bí tích của sự cứu rỗi”. Như thế, đây là chuyến thăm thứ ba của tôi đến đất nước của anh em. Rất cám ơn sự chào đón của anh em!
Này Marc, tôi có ấn tượng về một chữ cha đã nói, "sự mong manh." Đã rất nhiều lần chúng ta nghe người ta nói rằng Dòng Tên là đội quân của Giáo hội, đội quân hùng mạnh… tất cả chỉ là tưởng tượng! Chúng ta không bao giờ nên nghĩ về sự tự mãn của mình. Tôi tin rằng sức mạnh thực sự của một tu sĩ Dòng Tên bắt đầu bằng việc tự ý thức được tính mong manh của chính mình. Chính Chúa là Đấng ban sức mạnh cho chúng ta.
Rồi, bây giờ cũng như trong bóng đá, chúng ta hãy đưa bóng ra giữa và chơi với các câu hỏi của anh em!
Thưa Đức Thánh Cha, chúng ta đang trong một quá trình hòa giải chưa kết thúc. Chúng ta đang trên đường. Niềm an ủi trong chuyến hành hương này của Đức Thánh Cha là gì?
Năm năm trước, tôi đã tiếp một chuyến viếng thăm của thủ tướng Canada, vẫn cùng một thủ tướng như anh em có hôm nay. Tại cuộc gặp gỡ đó, ông đã yêu cầu tôi làm điều gì đó về người bản địa và các trường nội trú. Các giám mục cũng đã nói chuyện với tôi về những vấn đề này. Phán đoán của mọi người là cần phải làm một điều gì đó, nhưng cũng phải được chuẩn bị tốt. Các giám mục đã chuẩn bị chu đáo, trong nhiều năm, một diễn trình đã đi rất xa để có thể thực hiện được chuyến viếng thăm này của tôi. Chúng ta đã vượt qua từ một giai đoạn trong đó, có vẻ như vấn đề chỉ liên quan tới các giám mục của các khu vực liên hệ, sang sự tham gia đầy đủ của hàng giám mục.
Anh em thấy đấy, điều quan trọng nhất chính là sự kiện này: các giám mục đã cùng đồng lòng, chấp nhận thách đố và tiến lên phía trước. Kinh nghiệm này của Canada là một điển hình về một hàng giám mục hợp nhất. Khi một hàng giám mục hợp nhất, thì nó có thể đối phó với những thách thức nảy sinh. Tôi là nhân chứng cho những gì tôi đã thấy. Như thế, tôi muốn nhấn mạnh điều này: nếu mọi sự diễn ra tốt đẹp, thì đó không phải là do chuyến viếng thăm của tôi. Tôi chỉ là chất kem trên chiếc bánh ngọt. Chính các giám mục đã làm mọi việc với sự hiệp nhất của họ.
Cũng nên nhớ một cách khiêm tốn rằng người bản địa thực sự rất có khả năng xử lý vấn đề và có thể cam kết.
Đấy là những phép lạ có thể xảy ra khi Giáo hội hiệp nhất. Ngoài ra, tôi đã thấy sự thân quen giữa các giám mục và người bản địa. Tất nhiên, không cần phải giấu giếm, có một số người làm việc chống lại sự hàn gắn và hòa giải, trong xã hội cũng như trong Giáo hội. Ngay cả đêm qua, tôi đã thấy một nhóm nhỏ duy truyền thống biểu tình phản đối, nói rằng Giáo Hội là một điều khác hẳn… Nhưng đó là cách mọi sự diễn ra.
Tôi chỉ biết rằng một trong những kẻ thù tồi tệ nhất chống lại sự hiệp nhất của Giáo hội và của các giám mục là ý thức hệ. Vì vậy, chúng ta hãy tiếp tục diễn trình này ở trên đường. Tôi thích phương châm của cuộc hành trình, vì nó nói rõ điều đó: Cùng nhau bước đi. Bước đi, nhưng cùng nhau. Anh em hẳn biết câu nói: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình; thay vào đó nếu bạn muốn đi chắc chắn, hãy đi cùng nhau. "
Đức Thánh Cha nói về cuộc hành hương, hòa giải và lắng nghe. Tất cả những điều này có định hình viễn kiến đồng nghị của Đức Thánh Cha về Giáo hội không? Đây có phải là những gì Đức Thánh Cha đang nói về?
Nghe này, tôi thấy phiền khi tính từ “đồng nghị” được sử dụng như thể đó là cách sửa chữa cấp tốc mới nhất cho Giáo hội. Khi người ta nói “Giáo hội đồng nghị” thì kiểu diễn đạt này là thừa thãi: Giáo hội hoặc là đồng nghị hoặc không phải là Giáo hội. Đó là lý do tại sao chúng ta đã đi đến một thượng hội đồng về tính đồng nghị, để nhắc lại điều này. Chắc chắn, chúng ta có thể nói rằng Giáo Hội ở Phương Tây đã đánh mất truyền thống đồng nghị của mình. Giáo Hội Phương Đông đã bảo tồn nó. Chắc chắn là người ta có thể thảo luận về những cách sống đồng nghị. Đức Phaolô VI đã thành lập Văn Phòng Thượng Hội đồng Giám mục vì ngài có ý định đi trước về vấn đề này. Hết thượng hội đồng này tới thượng hội đồng nọ đã đi trước, một cách dò dẫm, cải tiến, hiểu rõ hơn, trưởng thành.
Năm 2001, tôi là tường trình viên của Thượng Hội đồng Giám mục. Tôi thay thế cho Đức Hồng Y Egan, người đã phải trở về giáo phận New York của mình, vì thảm kịch Tháp Đôi. Tôi nhớ các ý kiến đã được thu thập và gửi đến văn phòng tổng thư ký. Sau đó, tôi thu thập tài liệu và chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu. Thư ký Thượng hội đồng đến gặp tôi, đọc tài liệu và bảo tôi bỏ chi tiết này hay chi tiết kia. Có những thứ ngài không cho là phù hợp và ngài đã kiểm duyệt chúng. Tóm lại, đã có sự lựa chọn sẵn tư liệu. Người ta hiểu khá sai về thượng hội đồng. Vào cuối thượng hội đồng vừa qua, trong cuộc thăm dò về các chủ đề sẽ được thảo luận trong phiên họp kế tiếp, hai chủ đề đầu tiên là chức tư tế và tính đồng nghị. Tôi hiểu rằng cần phải suy ngẫm về nền thần học đồng nghị để thực hiện một bước quyết định về phía trước.
Đối với tôi, dường như điều cơ bản để tôi phải nhắc lại, như tôi thường làm, là thượng hội đồng không phải là một cuộc họp chính trị cũng không phải là một ủy ban cho các quyết định của quốc hội. Đó là sự phát biểu của Giáo hội mà nhân vật chính là Chúa Thánh Thần. Nếu không có Chúa Thánh Thần thì không có Thượng hội đồng. Có thể có dân chủ, quốc hội, tranh luận, nhưng không có “thượng hội đồng”. Nếu anh em muốn đọc cuốn sách thần học hay nhất về Thượng Hội Đồng, thì hãy đọc lại Tông đồ Công Vụ. Ở đó anh em có thể thấy rõ rằng nhân vật chính là Chúa Thánh Thần. Hành động của Chúa Thánh Thần được cảm nghiệm trong Thượng hội đồng. Động lực biện phân diễn ra. Thí dụ, người ta cảm nghiệm rằng đôi khi một ý tưởng được lưu hành nhanh chóng, mọi người tranh cãi nhưng sau đó một điều gì đó xảy ra khiến mọi sự ăn khớp với nhau, hài hòa với nhau một cách đầy sáng tạo. Đó là lý do tại sao tôi muốn nói rõ rằng Thượng hội đồng không tập trung vào một cuộc bỏ phiếu, cũng không phải là một cuộc đối đầu biện chứng giữa đa số và thiểu số. Rủi ro cũng là việc mất đi bức tranh tổng thể, cảm thức mọi điều.
Điều này đã xảy ra với việc giảm bớt các chủ đề của Thượng hội đồng để chỉ còn một vấn đề đặc thù. Chẳng hạn như Thượng hội đồng về Gia đình. Người ta nói rằng nó được tổ chức để cho những người ly hôn tái hôn được phép rước lễ. Nhưng trong tông huấn hậu thượng hội đồng về chủ đề này chỉ có một chú thích, còn tất cả các phần còn lại đều là những suy nghĩ về chủ đề gia đình, chẳng hạn như chủ đề về thời kỳ dự tòng gia đình (family catechumate). Có rất nhiều sự phong phú. Người ta không thể nhét mọi sự vào cái phiễu duy nhất của một vấn đề. Tôi nhắc lại, nếu Giáo hội là Giáo hội, thì nó là đồng nghị. Nó đã như vậy ngay từ đầu.
Các nhận xét của các nhà báo về chuyến đi và bài phát biểu của Đức Thánh Cha đối với con hầu hết là rất tích cực. Tuy nhiên, một câu hỏi mà các nhà báo đã đặt ra là: Tại sao Đức Giáo Hoàng xin lỗi thay mặt cho các Kitô hữu mà không thay mặt Giáo hội như một định chế? chúng ta có thể trả lời như thế nào?
Có, tôi có nghe. Tôi thực sự không hiểu sự khó khăn này. Tôi không nói cho bản thân hay cho một ý thức hệ hay một đảng phái nào. Tôi là một giám mục và tôi nói nhân danh Giáo hội, không nhân danh chính mình. Tôi nói nhân danh Giáo hội ngay cả khi tôi không minh nhiên nói rõ như thế. Thật vậy, tôi không cần phải làm cho nó thành minh nhiên vì rõ ràng là tôi làm như vậy. Ngược lại, có lẽ tôi phải nói, tôi phải làm cho nó minh nhiên rằng đó là suy nghĩ cá nhân của tôi khi tôi không nhân danh Giáo hội. Do đó, đúng, tôi phải nói như vậy.
Con làm việc trong lĩnh vực truyền thông của Giáo hội. Trong lĩnh vực này, điều quan trọng là cộng tác và nối mạng, bao gồm cả với các giám mục?
Chắc chắn! Điều quan trọng hơn hết là cuộc đối thoại phải được mở rộng. Đối thoại không bao giờ là dư thừa giữa các chuyên gia truyền thông và chắc chắn với các giám mục. Trao đổi, đối đầu và đối thoại là nền tảng cho truyền thông.
Nhắc đến các phương tiện truyền thông, người ta nghĩ ngay đến một điều. Tôi thấy rằng một số người đã thắc mắc tại sao tôi không có một cuộc gặp cụ thể nào trong chuyến đi này với những người từng là nạn nhân của lạm dụng tình dục. Trên thực tế, tôi đã nhận được một số lá thư về vấn đề này trước chuyến đi. Tôi đã trả lời những bức thư này và giải thích rằng có hai vấn đề. Điều đầu tiên là thời gian, lịch trình. Điều quan trọng thứ hai đối với tôi, là tôi muốn đưa ra một chủ đề mạnh mẽ trong chuyến đi này, đó là liên quan đến người dân bản địa, sao cho nó sẽ rất rõ ràng. Nhiều người trả lời tôi nói rằng họ hiểu rằng đây không phải là một sự loại trừ nào cả. Trong các bối cảnh khác, chẳng hạn như chuyến thăm Ireland, các cuộc gặp như vậy có thể diễn ra và chủ đề đã xuất hiện rõ ràng.
Nói về lạm dụng, con là một luật sư giáo luật. Đức Thánh Cha đã thực hiện rất nhiều thay đổi. Một số người gọi Đức Thánh Cha là giáo hoàng của những thay đổi. Đức Thánh Cha cũng đã thực hiện các thay đổi ở bình diện hình sự, liên quan đến hành vi lạm dụng, và điều này có lợi cho Giáo hội. Con muốn biết Đức Thánh Cha thấy mọi thứ tiến triển như thế nào cho đến nay và liệu Đức Thánh Cha có thấy trước được những thay đổi tiếp theo trong tương lai hay không.
Có, đúng là như vậy. Các thay đổi cần được thực hiện và chúng đã được thực hiện. Luật không thể được giữ trong tủ lạnh. Luật đồng hành cùng cuộc sống và cuộc sống vẫn tiếp diễn. Giống như luân lý, nó đang được hoàn thiện. Trước đây, chế độ nô lệ là hợp pháp, bây giờ nó không còn hợp pháp nữa. Ngày nay Giáo hội đã nói rằng ngay cả việc sở hữu vũ khí nguyên tử cũng là trái đạo đức, không chỉ việc sử dụng nó. Điều này đã không được nói trước đây. Đời sống luân lý đang tiến triển theo cùng một dòng. Đó là lời dạy của Thánh Vinh Sơn thành Lérins: ita étiam christiánae religiónis dogma sequátur has decet proféctuum leges, ut annis scílicet consolidétur, dilatétur témpore, sublimétur aetáte ("Tín điều của Kitô giáo phải tuân theo những luật này. Nó tiến triển, củng cố qua năm tháng, phát triển theo thời gian, sâu sắc hơn theo tuổi tác”). Thánh Vinh Sơn thành Lérins so sánh sự phát triển sinh học của con người với sự lưu truyền từ thời này sang thời nọ depositum fidei [kho tàng đức tin], một kho luôn lớn mạnh và củng cố theo thời gian. Sự hiểu biết của con người thay đổi theo thời gian, và ý thức con người ngày càng sâu sắc hơn.
Tầm nhìn coi tín lý của Giáo hội như một nguyên khối, phải được bảo vệ không cần sắc thái là sai lầm. Đó là lý do tại sao điều quan trọng là phải tôn trọng truyền thống, truyền thống đích thực. Ai đó đã từng nói rằng truyền thống là ký ức sống động của các tín hữu. Chủ nghĩa duy truyền thống, thay vào đó, là sự sống đã chết của các tín hữu chúng ta. Truyền thống là lẽ sống của những người đi trước chúng ta và những người đi sau. Chủ nghĩa duy truyền thống là ký ức chết về họ. Tóm lại, từ gốc đến quả, đó là con đường của chúng ta. Chúng ta phải lấy nguồn gốc làm quy chiếu, chứ không phải lấy một kinh nghiệm lịch sử đặc thù làm mô hình vĩnh viễn, như thể chúng ta phải dừng lại ở đó. "Hôm qua nó đã được thực hiện như thế này" trở thành "nó luôn luôn được thực hiện như thế này." Nhưng đây là một tư tưởng tà giáo! Những gì tôi đã nói cũng áp dụng cho các vấn đề pháp lý, luật pháp.
Con là một tu sĩ Dòng Tên Haiti. Chúng ta đang trải qua một quá trình hòa giải toàn quốc, nhưng hy vọng đang mất dần. Xem xét những gì chúng ta đang trải qua ở Canada, chúng ta có thể nói gì với Giáo Hội Haiti để có hy vọng? Là các tu sĩ Dòng Tên, chúng ta có thể làm gì?
Haiti hiện đang trong tình trạng khủng hoảng. Nó đang trải qua một thử thách, như thể nó không thể tìm thấy con đường thích hợp về phía trước. Đối với tôi, dường như các tổ chức quốc tế không hiểu phải làm gì. Tôi cảm thấy rất thân thiết với Haiti, đặc biệt là vì tôi được một số linh mục bạn bè của tôi cập nhật tình hình liên tục. Tôi sợ rằng nó đang rơi vào hố sâu tuyệt vọng. Làm thế nào chúng ta có thể giúp Haiti phát triển trong hy vọng? Nếu có một điều mà chúng ta có thể làm với tư cách là Giáo hội, đó chắc chắn là cầu nguyện, sám hối… Nhưng chúng ta phải tự hỏi mình làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ. Người dân Haiti là một dân tộc cao quý. Ở đó, tôi chỉ đơn giản nói với cha rằng tôi nhận thức được những gì đang xảy ra.
Con muốn hỏi Đức Thánh Cha một câu hỏi về phụng vụ và sự hiệp nhất của Giáo hội. Con là một sinh viên Phụng vụ và con muốn biết rằng môn học này quan trọng như thế nào trong việc đào tạo. Con cũng đang đề cập đến cam kết mục vụ của chúng ta với tư cách là các tu sĩ Dòng Tên.
Khi có xung đột, phụng vụ luôn bị xử lý sai lầm. Ở Châu Mỹ Latinh cách đây ba mươi năm đã có những biến dạng kinh dị về phụng vụ. Sau đó, họ chuyển sang phía đối lập bằng một sự mê say nhìn thụt lùi [indetrista] lạc hậu với thời cũ. Một sự chia rẽ được thiết lập trong Giáo hội. Hành động của tôi trong lĩnh vực này nhằm đi theo đường lối của Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI, những vị đã cho phép nghi thức cổ xưa và đã yêu cầu phải xác minh sau đó. Cuộc xác minh gần đây nhất đã làm rõ ràng rằng cần phải qui định việc thực hành, và trên hết tránh để nó trở thành một vấn đề “thời trang”, chẳng hạn, và thay vào đó là một vấn đề mục vụ. Tôi mong đợi các nghiên cứu sẽ tinh chỉnh sự suy nghĩ về chủ đề quan trọng này: phụng vụ là sự ngợi khen Thiên Chúa công khai!
***
Đến đây, một giờ trò chuyện đã trôi qua và người phụ trách tổ chức cuộc tông du kín đáo cho biết đã đến lúc Đức Giáo Hoàng phải ra đi. Đức Giáo Hoàng cảm ơn mọi người về cuộc gặp gỡ, về món quà nhận được và về sự gần gũi mà ngài cảm nhận được từ các tu sĩ Dòng Tên. Sau đó, ngài mời mọi người cùng nhau đọc kinh Kính Mừng, cuối cùng ngài ban phép lành và gợi ý một bức ảnh nhóm.
________________________________________
Nguồn: DOI: La Civiltà Cattolica, En. Ed. Tập 6, số 8 bài 8, 0822: 10.32009 / 22072446.0822.8
[1] Jean de Brébeuf (1593 -1649) là một linh mục Dòng Tên người Pháp, một trong tám vị tử đạo người Mỹ gốc Canada được Đức Giáo Hoàng Piô XI tuyên phong hiển thánh vào năm 1930. Năm 1625, ngài đến Canada cùng với các nhà truyền giáo khác của Dòng Tên. Năm sau, ngài dừng chân tại lãnh thổ của người Hurons, dân mà ngài đã sống chung một thời gian dài. Ngài bị giết bởi các thành viên của một bộ lạc Iroquois vào năm 1649.
[2] Michel Ledrus (Gossellies, Bỉ, 1899 - Rome, 1983) dạy Truyền giáo học tại Louvain và Triết học Ấn Độ tại Giáo Hoàng Đại học Gregorian. Tại Calcutta, ngài đã xuất bản một tạp chí hàng tháng, The New Review. Năm 1939, ngài trở lại Rôma và dạy Thần học Truyền giáo và Thần học Tâm linh tại Gregorian. Đức Hồng Y Carlo Maria Martini mô tả ngài như “một người thầy ưu tú về tín lý và cuộc sống”.
VietCatholic TV
Putin cách chức hàng loạt các tư lệnh Hạm đội. Vụ Crimea: Zelenskiy kêu gọi im lặng để làm cú nữa
VietCatholic Media
03:40 13/08/2022
1. Putin cách chức hàng loạt các tư lệnh trong Hạm đội Hắc Hải
Theo tờ Daily Mail của Anh số ra ngày thứ Sáu 12 tháng 8, Putin đã cách chức Đô đốc Igor Osipov và sẽ cách chức hàng loạt các tư lệnh khác trong Hạm đội Hắc Hải vì không mang lại chiến thắng cho ông ta trong cuộc chiến với Ukraine.
Soái hạm Moskva của Hạm đội Hắc Hải, bị chìm vào ngày 14 tháng 4. Các quan chức Ukraine nói rằng lực lượng của họ đã đánh chìm con tàu bằng hai hỏa tiễn chống hạm R-360 Neptune, trong khi Nga cho biết nó bị chìm trong vùng biển bão sau một vụ hỏa hoạn khiến đạn phát nổ.
Soái hạm này là tàu chiến lớn nhất của Nga bị đánh chìm trong thời chiến kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc và là soái hạm đầu tiên của Nga bị đánh chìm kể từ Chiến tranh Nga-Nhật năm 1905.
Nga cho biết 396 thành viên thủy thủ đoàn đã được di tản, với một thủy thủ thiệt mạng và 27 người mất tích. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông Nga cho rằng hơn 250 lính nghĩa vụ trên tàu Moskva đã thiệt mạng và còn nhiều thương vong khác nữa.
Đô đốc Igor Osipov, 49 tuổi, đã biến mất sau vụ chìm tàu Moskva, và chỉ xuất hiện trở lại hai tháng sau đó. Lý do cho sự vắng mặt của ông ta trước công chúng không bao giờ được giải thích.
Osipov đã được chú ý bởi sự vắng mặt của ông tại Quảng trường Đỏ vào ngày 9 tháng 5 khi Nga đánh dấu Ngày Chiến thắng hàng năm kỷ niệm sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ hai.
Osipov gần đây đã khoe khoang rằng “hạm đội của ông trong hoạt động quân sự đặc biệt đã giúp Nga có thể giành được ưu thế trước kẻ thù ở Biển Azov và thiết lập quyền kiểm soát phần tây bắc của Hắc Hải”. Tuy nhiên, cơ quan thông tấn ForPost của Crimea cho rằng ông sẽ luôn được nhớ đến vì để mất tàu Moskva, bị đánh chìm bởi hỏa tiễn Neptune của Ukraine.
ForPost được coi là có mối liên hệ chặt chẽ với hải quân đã công khai miệt thị Osipov và cho biết hạm đội sẽ được 'tăng cường' sau khi Putin bổ nhiệm người khác thay thế cho Đô đốc bất tài Osipov. Trích dẫn ba nguồn tin hải quân ở Sevastopol, là trụ sở của hạm đội, ForPost cho rằng Osipov sẽ được thay thế bởi Phó đô đốc Viktor Sokolov, 59 tuổi, cựu phó chỉ huy Hạm đội phương Bắc và là người đứng đầu trung tâm nghiên cứu hải quân của Nga.
ForPost cũng cho biết giờ đây Putin đang sẵn sàng làm rung chuyển Hạm đội Hắc Hải của mình bằng cách sa thải các tư lệnh bất tài sau khi hàng loạt các chiến hạm bị chìm. Tệ hại không kém là vào cuối tháng 6, Hạm đội Hắc Hải, đã mất quyền kiểm soát đối với Đảo Rắn chiến lược khi bị Ukraine chiếm lại.
2. Zelenskiy cảnh báo các quan chức không nên nói về các chiến thuật quân sự của Kyiv
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã yêu cầu các quan chức chính phủ ngừng nói chuyện với các phóng viên về các chiến thuật quân sự của Kyiv chống lại Nga, và nhấn mạnh rằng những nhận xét như vậy nói một cách thẳng thắn là “vô trách nhiệm”.
Sau vụ nổ lớn phá hủy một căn cứ không quân của Nga ở Crimea hôm thứ Ba, các tờ báo New York Times và Washington Post dẫn lời các quan chức giấu tên nói rằng các lực lượng Ukraine đứng sau vụ tấn công này. Tuy nhiên, trong các cuộc họp báo, chính quyền ở Kyiv từ chối cho biết liệu họ có đứng sau vụ nổ này hay không.
Zelenskiy nói trong một bài phát biểu buổi tối:
Chiến tranh chắc chắn không phải là lúc dành cho những tuyên bố phù phiếm và ồn ào. Bạn tiết lộ càng ít chi tiết về các kế hoạch phòng thủ của chúng tôi, thì càng tốt cho việc thực hiện các kế hoạch phòng thủ đó.
Nếu bạn muốn tạo ra những tiêu đề lớn, đó là một điều mà nói thẳng ra là vô trách nhiệm. Nếu bạn muốn chiến thắng cho Ukraine, đó là một điều khác, và bạn nên nhận thức được trách nhiệm của mình đối với mọi lời bạn nói về kế hoạch phòng thủ hoặc phản công của nhà nước chúng ta.
Zelenskiy đã gửi lời phát biểu của mình với các quan chức tiểu bang, địa phương và quân đội cũng như những người khác mà ông cho biết đang bình luận về các sự kiện ở mặt trận.
3. Quân du kích Ukraine tấn công quan chức cấp cao thân Nga tại Melitopol
Một quan chức hàng đầu thân Nga đã bị thương nặng trong một cuộc tấn công phá hoại ở thành phố Melitopol do Nga chiếm đóng
Thị trưởng lưu vong Ivan Fedorov cho biết “một trong những người đứng đầu trụ sở bầu cử của đảng 'Nước Nga thống nhất', là đảng cầm quyền của Nga” đã bị thương nặng trong một cuộc tấn công vào sáng thứ Sáu.
Viên chức này là Oleg Shostak và được cho là người đứng đầu bộ phận tuyên truyền của Nga. Fedorov cho biết “đã có một” cảnh báo bùng nổ từ phong trào phản kháng ngầm Melitopol.
“Cuộc săn tìm các cộng tác viên chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý giả đã bắt đầu,” ông nói
Fedorov cũng tuyên bố rằng trụ sở chính của đảng 'Nước Nga thống nhất' ở Melitopol đã bị nổ tung vào đầu tuần này và ngôi nhà của một phụ nữ cộng tác với người Nga chuẩn bị cho một cuộc trưng cầu dân ý đã bị thiêu rụi.
Hôm thứ Ba, Fedorov nói rằng sự kháng cự và các cuộc tấn công vẫn tiếp tục trong thành phố, với quân đội Nga ở đó được tăng cường.
“Chúng tôi biết ơn hàng trăm công dân của Melitopol, những người đã thông báo cho chúng tôi về các nhà hoạt động và thành viên của các ủy ban bầu cử mỗi ngày. Không có tin nhắn nào của bạn không được chú ý,” Fedorov nói.
4. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine tuyên bố: Tất cả các lãnh thổ Ukraine phải được giải phóng và Nga phải bồi thường chiến tranh
Phía Ukraine chỉ có thể đàm phán với Nga sau khi các lực lượng Nga rời khỏi tất cả các khu vực bị chiếm đóng tạm thời của Ukraine trong biên giới được cộng đồng quốc tế công nhận vào năm 1991.
Tuyên bố liên quan được Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đưa ra trong cuộc phỏng vấn với thông tấn xã DR Đan Mạch.
“Chúng tôi sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này, chúng tôi sẽ giải phóng các vùng lãnh thổ của mình, tất cả. Có thể có đàm phán nếu họ rời khỏi vùng đất của chúng tôi, và chúng tôi sẽ thảo luận về tương lai tiếp theo của khu vực lân cận giữa Ukraine và Nga.”
Theo lời của ông, người Nga phải bồi thường cho tất cả các thành phố bị hủy hoại và tất cả những người Ukraine bị giết. Họ phải nhận hình phạt cho tất cả những vụ giết người, hãm hiếp và những hành động tàn bạo khác mà họ đã gây ra.
Reznikov nhấn mạnh: “Mục tiêu chính của Ukraine là giải phóng tất cả các lãnh thổ Ukraine, bởi vì vào năm 1991, cộng đồng quốc tế đã công nhận rằng đó là biên giới của chúng tôi và chúng tôi không phải là mục tiêu hợp pháp của kẻ thù”.
Reznikov bày tỏ tin tưởng rằng cuộc chiến sẽ kết thúc với chiến thắng của Ukraine và các đối tác. Ông nhấn mạnh rằng quân đội Ukraine dù sao cũng nhỏ hơn quân đội Nga, vẫn thường được coi là quân đội đứng thứ hai thế giới, người Ukraine cần thận trọng, vì thế các vùng lãnh thổ Ukraine sẽ được giải phóng “từng bước”, giống như Quân đội Ukraine đã giải phóng Vùng Kyiv, Vùng Chernihiv, Vùng Sumy và Đảo Rắn.
Tưởng cũng nên nhắc lại rằng, hôm thứ Năm 11 tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã tham gia Hội nghị Copenhagen dành cho các Đồng minh Phòng thủ Bắc Âu ủng hộ Ukraine.
5. Nga bắn hỏa tiễn tấn công thành phố Zaporizhzhia gây thương vong cho thường dân vô tội
Trong bản báo cáo sáng thứ Bẩy 13 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết một phụ nữ thiệt mạng, hai người khác bị thương trong vụ tấn công bằng hỏa tiễn vào thành phố Zaporizhzhia.
Phát ngôn nhân Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết:
“Một phụ nữ bị thương nặng và chết trên đường đến bệnh viện. Hai người nữa bị thương do mảnh đạn đã phải nhập viện và hiện đang được hỗ trợ y tế “.
Quân Nga đã chiếm nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia từ đầu tháng Ba. Nhà máy vẫn do các kỹ thuật viên người Ukraine vận hành nhưng dưới sự giám sát của quân Nga. Từ trong nhà máy điện hạt nhân này, quân Nga pháo kích ra bên ngoài. Quân Ukraine đang bao vây nhà máy điện hạt nhân nhưng không thể tấn công vào nhà máy vì quân Nga gài mìn chung quanh khuôn viên cơ sở này. Một cuộc tấn công vào nhà máy có thể gây ra một thảm hoạ hạt nhân.
Từ thành phố Enerhodar do Nga chiếm giữ, và từ Crimea, quân Nga tiếp tục pháo kích vào quân Ukraine đang bao vây nhà máy điện hạt nhân bằng các loại hỏa tiễn không có độ chính xác cao, khiến thế giới lo ngại rằng một sai lầm của quân Nga có thể sẽ tạo ra một vụ nổ hạt nhân tai hại, trong đó bụi phóng xạ sẽ bay khắp Âu Châu.
Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết vào lúc 7h15 tối ngày thứ Sáu 12 tháng 8, quân Nga đã pháo kích vào thành phố Zaporizhzhia. Tổng cộng năm quả hỏa tiễn đã được bắn ra. Các cơ sở hạ tầng và một trạm xăng ở quận Shevchenkivsky của trung tâm khu vực đã bị phá hủy. Phát ngôn nhân cho biết tình hình là rất khó khăn. Quân Ukraine có thể đánh chặn các hỏa tiễn này nhưng e ngại những vụ nổ trên không có thể ảnh hưởng đến nhà máy điện hạt nhân.
6. Liên Hiệp Âu Châu ủng hộ lời kêu gọi phi quân sự hóa nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, kêu gọi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đến thăm
Ông Josep Borrell, Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu, đã lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi phi quân sự hóa nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và kêu gọi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA, đến thăm nhà máy.
“Cơ sở Zaporizhzhia không thể được sử dụng như một phần của bất kỳ hoạt động quân sự nào. Tôi ủng hộ lời kêu gọi phi quân sự hóa khu vực bắt đầu bằng việc rút toàn bộ lực lượng của Nga và kêu gọi IAEA đến thăm”, Borrell nói.
Ông cũng nhấn mạnh rằng Nga phải ngay lập tức trao lại toàn quyền kiểm soát cơ sở này cho Ukraine với tư cách là chủ sở hữu có chủ quyền hợp pháp của họ.
Hôm 11 tháng 8, quân Nga tiếp tục pháo kích vào quân Ukraine gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất ở Ukraine và ở Âu Châu. Đặc biệt, 5 vụ tấn công được ghi nhận gần kho chứa nguồn bức xạ. Năm vụ nổ nữa xảy ra trong khu vực của một trạm cứu hỏa, nằm không xa nhà máy điện hạt nhân.
Tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào ngày 11 tháng 8, nơi vấn đề an ninh của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia được thảo luận trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine và gia tăng các hành động thù địch ở miền nam đất nước, Sergiy Kyslytsya, Đại diện thường trực của Ukraine tại Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh rằng Nga phải cấp cho phái bộ IAEA quyền tiếp cận nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
7. Ukraine kêu gọi thế giới ngăn chặn phiên tòa giả mạo đối với Những người bảo vệ Ukraine
Ukraine đã kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn một phiên tòa xét xử các quân Nga Ukraine ở Mariupol. Một tuyên bố chung của các cơ quan an ninh và quốc phòng Ukraine liên quan đến Lực lượng Phòng vệ Mariupol, đã được đưa ra vào hôm thứ Bẩy 13 tháng 8.
“Chúng tôi kêu gọi toàn thế giới văn minh ngăn chặn phiên tòa giả mạo đối với Những người bảo vệ Ukraine, đàn ông và phụ nữ, được công bố bởi những kẻ xâm lược và được tổ chức tại Mariupol”.
Phía Ukraine yêu cầu các đại diện của Tổ chức Liên Hiệp Quốc và Hội Hồng Thập Tự quốc tế được triển khai ngay lập tức tới các địa điểm đang giam giữ các tù binh Ukraine, đặc biệt là tại Olenivka.
Tuyên bố nói rằng chiến dịch giải cứu 2.500 quân nhân Mariupol là lựa chọn khả thi duy nhất để cứu sống các Anh hùng. Không có giải pháp thay thế nào.
Chúng tôi đã cứu được những người bị thương nặng đầu tiên trong cuộc hoán đổi tù binh vào tháng 6: 144 người, trong đó 95 người là Lực lượng Phòng vệ Mariupol. Hầu hết họ đều bị thương nặng. Hiện tại, họ đã được chăm sóc y tế và phục hồi chức năng.
Tất cả các cơ quan chính phủ đang làm việc cho việc trao trả các Anh hùng của Mariupol và tất cả người dân Ukraine bị kẻ thù giam giữ. Trụ sở điều phối việc điều trị tù nhân chiến tranh hoạt động 24/7 hướng tới việc giải phóng những người bảo vệ Ukraine khỏi bị giam cầm và tìm kiếm những người đã mất tích trong những hoàn cảnh đặc biệt.
Trong khi đó, Liên bang Nga không tuân thủ các nghĩa vụ của mình, bỏ qua các thỏa thuận và không công nhận các quy tắc quốc tế hoặc quy tắc chiến tranh. Với suy nghĩ này, vấn đề trao đổi tù nhân vẫn phức tạp và nhạy cảm.
Về phần mình, Ukraine không ngừng mở rộng giao tiếp công khai với các đối tác, kêu gọi các tổ chức quốc tế và các nhà lãnh đạo thế giới, thu hút sự chú ý của thế giới về cách kẻ thù đối xử với các quân nhân Ukraine khi bị giam cầm.
Như Ukrinform đã đưa tin trước đó, vào ngày 29 tháng 6, cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất đã hoàn tất: Ukraine đã nhận lại 95 lính bảo vệ Azovstal từ tổng số 144 binh sĩ. Trong số đó có 43 quân nhân thuộc Trung đoàn Azov.
Hầu hết những người Ukraine được tự do đều bị thương nặng: vết thương do đạn bắn và mảnh đạn, vết thương do nổ, bỏng, gãy xương và phải cắt cụt chi. Tất cả họ đều được hỗ trợ y tế và tâm lý thích hợp.
8. Bộ Ngoại Giao Pháp tuyên bố Nga phải rút quân ngay lập tức khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia
Bộ Trưởng về Âu Châu và Ngoại Giao Sự Vụ Pháp Catherine Colonna cho biết Pháp rất lo ngại về mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của các cơ sở hạt nhân Ukraine do những hành động quân sự của Liên bang Nga gây ra chung quanh cơ sở này, nhấn mạnh rằng các lực lượng Nga phải ngay lập tức rút khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia.
“Liên bang Nga phải ngay lập tức rút quân khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và trả lại cho Ukraine toàn quyền kiểm soát nhà máy và tất cả các cơ sở hạt nhân của đất nước”
Đồng thời, bà Catherine Colonna cũng lưu ý rằng việc Nga kiểm soát các cơ sở hạt nhân của Ukraine gây ra mối đe dọa đối với người dân Ukraine, cũng như đối với khu vực và toàn bộ cộng đồng quốc tế.
Cũng cần nhấn mạnh rằng Pháp hoan nghênh và ủng hộ những nỗ lực của người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, gọi tắt là IAEA, ngay từ đầu, bao gồm cả việc tích cực thúc đẩy kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật của ông cho Ukraine.
“Chúng tôi nhắc lại tầm quan trọng của việc tuân thủ bảy trụ cột cơ bản của an toàn hạt nhân mà người đứng đầu IAEA nêu bật, cũng như triển khai một phái đoàn chuyên gia tới Zaporizhia”
Bộ Ngoại giao Pháp nhấn mạnh rằng “sự hiện diện và các hành động của Lực lượng vũ trang Nga gần nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia làm tăng đáng kể nguy cơ xảy ra tai nạn”.
Trong khi đó, Tổng giám đốc IAEA Mariano Grossi cho biết ông đã sẵn sàng dẫn đầu một phái đoàn đến nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia để tăng cường an toàn cho cơ sở này.
Tình trạng mơ hồ giáo lý tại Đức. Nhà trừ tà cảnh báo: Ma quỷ bám vào những lời dối trá
VietCatholic Media
05:11 13/08/2022
1. Tổng thư ký Bộ Giáo dân hài lòng về việc chuẩn bị Ngày Quốc tế Giới trẻ tại Lisbon
Tổng thư ký Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, cha Alexandre Awi Mello, bày tỏ sự hài lòng về công trình chuẩn bị Ngày Quốc tế Giới trẻ vào năm tới tại Lisbon, Bồ Đào Nha.
Tuyên bố hôm ngày 07 tháng Tám vừa qua, với hãng tin Ecclesia của Công Giáo Bồ Đào Nha, cha Mello nhận định rằng: “Con đường tiến tới Ngày Quốc tế Giới trẻ có những khó khăn, giống như trên mọi lần khác, nhưng chúng ta đang tiến bước tốt đẹp với xác tín chắc chắn chúng ta sẽ đạt tới mục đích, nhờ ơn Chúa”.
Cha Awi Mello, người Brazil, thuộc tu hội Schoenstatt, và Bộ Giáo dân cũng là cơ quan đặc trách tổ chức các Ngày Quốc tế Giới trẻ. Cha cũng đến tham dự cuộc hành hương của giới trẻ Âu châu tại Đền thánh Giacôbê ở Santiago de Compostela, Tây Ban Nha, kết thúc hôm ngày 06 tháng Tám vừa qua, với sự tham dự của 12.000 bạn trẻ.
Cha nhận định rằng chương trình của cuộc hành hương này cũng giống những gì sẽ diễn ra tại Ngày Quốc tế Giới trẻ tiến hành tại Lisbon Bồ Đào Nha, từ ngày 01 đến ngày 06 tháng Tám năm tới. Chủ đề cuộc hành hương của giới trẻ Âu châu là: “Hãy đứng lên và trở thành chứng nhân”, còn chủ đề Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Lisbon, là: “Đức Maria trỗi dậy và mau mắn lên đường” (Lc 1,39).
Cha Mello cũng nhắc lại rằng Santiago de Compostela đã từng tiếp đón Ngày Quốc tế Giới trẻ hồi năm 1989 để lại một di sản cho tương lai. “Nhiều kinh nguyện chúng tôi có từ những Ngày Quốc tế Giới trẻ, là kết quả của kinh nghiệm bắt đầu tại Santiago”.
Ngày Quốc tế Giới trẻ lần trước đây diễn ra hồi tháng Giêng năm 2019, tại Panama. Thông thường biến cố này diễn ra ba năm một lần, nhưng vì đại dịch Covid-19 nên Ngày Quốc tế Giới trẻ ở Lisbon, Bồ Đào Nha bị hoãn lại một năm, từ 2022 sang 2023.
2. Khảo sát cho thấy đa số người Công Giáo Đức không ủng hộ giáo lý liên quan đến phá thai của Giáo Hội
Đa số người Công Giáo Đức không tán thành việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Vatican chỉ trích việc phá thai, theo một cuộc khảo sát do một tuần báo Công Giáo thực hiện.
Một cuộc khảo sát mới cho thấy có một khoảng cách lớn giữa người Công Giáo Đức và các nhà lãnh đạo Giáo Hội liên quan đến vấn đề phá thai.
Cuộc khảo sát, do INSA Consulere thăm dò thay mặt cho tờ Die Tagespost hàng tuần của Công Giáo Đức, đã hỏi những người tham gia cuộc phỏng vấn về lập trường của họ về câu sau: “Thật tốt khi Đức Giáo Hoàng và Giáo hội lên tiếng chống lại việc phá thai”.
Chỉ 17% người Công Giáo được khảo sát cho biết họ đồng ý với điều đó, so với 58% phản đối.
Cuộc khảo sát tương tự cũng cho thấy chỉ có 13% người theo đạo Tin lành ủng hộ các tuyên bố chống phá thai. Hơn 2/3 số người theo đạo Tin lành không đồng ý với những bình luận chống phá thai của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các nhà lãnh đạo Công Giáo.
Cuộc thăm dò đã đặt câu hỏi với tổng cộng 2.099 người vào cuối tháng Bảy và đầu tháng Tám.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy nhiều người Công Giáo ở Đức xem Đức Giáo Hoàng Phanxicô là nhà cải cách nửa vời. Họ cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuyển Giáo Hội Công Giáo theo hướng tự do hơn kể từ khi nhậm chức vào năm 2013. Ngài đã có lập trường cứng rắn đối với các linh mục phạm vào tội lỗi lạm dụng trẻ em và quở trách các chính phủ phương Tây vì không chào đón người di cư, kêu gọi giúp đỡ nhiều hơn cho người nghèo và hơn thế nữa nỗ lực giữ gìn môi trường. Ngài cũng đã tìm cách làm giảm thành kiến đối với những người LGBTQ, trấn an họ rằng Chúa “không bỏ rơi bất kỳ đứa con nào của Ngài” và phần nào tán thành các kết hiệp đồng tính.
Tuy nhiên, nhiều người Công Giáo Đức cho rằng vị Giáo Hoàng 85 tuổi này đã khiến một số người thất vọng khi từ chối chúc phúc cho các kết hiệp đồng tính. Ngài cũng từ chối thay đổi lập trường truyền thống của Giáo hội về độc thân đối với các linh mục, và đáng chú ý nhất là phá thai, mà Vatican coi là một hành động giết người. Trong viễn tượng đó, họ đề cao vị Giám Mục chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức là Đức Cha Georg Bätzing, coi ngài là một nhà cải cách thực sự với những đề xuất cấp tiến. Họ gọi ngài là “neuer Papst” /noi-a páp/, nghĩa là “Đức Tân Giáo Hoàng”. Không rõ Đức Cha Georg Bätzing có tự huyễn hoặc mình hay không, nhưng trong một cuộc phỏng vấn ngày 22 tháng 5, Giám mục Georg Bätzing lên tiếng bày tỏ “sự thất vọng” của mình đối với Đức Giáo Hoàng. Làm sao một Giám Mục lại có thể ăn nói theo kiểu cá mè một lứa như thế, trừ ra vị ấy nghĩ mình là “neuer Papst”.
Lập trường của Đức Giáo Hoàng về việc phá thai là 'Có đúng không khi thuê một kẻ giết mướn?'
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Reuters vào tháng trước, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định lại quan điểm của ngài rằng phá thai cũng giống như việc thuê một sát thủ để giải quyết vấn đề của mình.
Đức Giáo Hoàng nói: “Câu hỏi đạo đức là liệu có đúng không khi thuê một sát thủ lấy mạng người khác nhằm giải quyết một vấn đề của mình”
Vấn đề phá thai không phải là vấn đề duy nhất mà Vatican phải đối mặt với sự phản đối từ Đức. Cách đây chưa đầy ba tuần, Giáo Hội Công Giáo đã lên tiếng chống lại Tiến Trình Công Nghị của Đức, cảnh báo rằng họ không có thẩm quyền hướng dẫn các nhà lãnh đạo giáo hội về các vấn đề đạo đức và giáo lý.
Tiến Trình Công Nghị trước đây đã kêu gọi cho phép các linh mục kết hôn, phong chức linh mục cho phụ nữ, chúc lành cho các cặp đồng tính, và thay đổi tín lý về tính dục.
Source:DW
https://www.dw.com/en/german-catholics-reject-vaticans-abortion-stance-report/a-62757938
3. Nhật ký trừ tà số 201: Ma quỷ bám vào những lời dối trá
Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #201: Demons Hold Onto Lies”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 1201: Ma quỷ bám vào những lời dối trá”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Chúng tôi đã “chết khiếp” trước sự hiện diện của ma quỷ trong gần hai năm và “M”, một phụ nữ trẻ ở độ tuổi 20, đã tốt hơn rất nhiều. Các cuộc tấn công ban đêm đã chấm dứt; những dấu vết ma quỷ trên cơ thể cô hầu như đã biến mất; cô ấy đã trải qua một lễ trừ tà mà không hoàn toàn trục xuất được ma quỷ “ra ngoài;” và trong ngày cô đã có nhiều thời điểm minh mẫn hơn. Nhưng những con quỷ vẫn bám vào thứ gì đó.
Có lúc, cô ấy xin được gặp bố mẹ. Khi cuộc gặp gỡ diễn ra, rõ ràng là cô ấy muốn nói với họ điều gì đó nhưng lại gặp khó khăn khi nói ra. Các bậc cha mẹ đã kiên nhẫn và khuyến khích cô ấy cứ thong thả. Cuối cùng, với nhiều sợ hãi và run sợ, cô thú nhận rằng cô đã không thành thật với họ. Cô đã che đậy nhiều hành vi xấu xa trong quá khứ và tô vẽ chúng bằng những lời nói dối càng ngày càng nặng thêm. Cô ấy đã sống dối trá.
Trước sự ngạc nhiên của cô, cha mẹ cô đã sẵn lòng tha thứ cho cô và nói với cô rằng họ yêu cô nhiều như thế nào. Xoa dịu nỗi sợ hãi của cô, họ nói rằng họ sẽ không bao giờ rời bỏ cô và cô sẽ luôn là người con gái yêu quý của họ. Ngay sau đó, trở về căn hộ của mình, M nôn ra những khối tinh cầu màu đen khổng lồ. Điển hình là dấu hiệu của việc dỡ bỏ những lời nguyền của phù thủy hay của ma quỷ. Các khối đen thực sự dường như đang di chuyển và nhấp nhô. Sau đó M mệt nhưng cảm thấy trút được một gánh nặng. Trong khi những con quỷ vẫn chưa hoàn toàn biến mất, một cột mốc quan trọng đã được vượt qua.
Satan được gọi là “Cha của sự dối trá,” (Ga 8:44), hay Mendacii Pater trong Nghi thức trừ tà. Tôi đã nhận thấy rằng ma quỷ đôi khi sẽ phản ứng rõ ràng khi cụm từ Mendacii Pater được nói to trong Nghi thức. Không nghi ngờ gì nữa, chúng cảm thấy đó là một lời quở trách nhức nhối và là sự thật mà chúng không thích đối mặt. Chúng không chỉ là những kẻ nói dối theo thói quen và bản chất, toàn bộ cuộc đời của chúng đã trở thành một lời nói dối.
Vô tình, bằng cách sống giả dối, M đã để ma quỷ giam giữ cô. Đối mặt với sự thật và thú nhận tội lỗi của mình, cộng với tình yêu thương tha thứ của cha mẹ, là một khoảnh khắc giải thoát. Bước tiếp theo của M là hối cải, và vào tòa giải tội để nhận các ân sủng bí tích.
M đang tiến bộ ổn định. Nhưng giống như tất cả các quá trình giải phóng cho người bị ma quỷ chiếm hữu, có những thách thức quan trọng trên đường đi. M đã phải đối mặt với thử thách quan trọng này là đối mặt và từ bỏ những dối trá trong cuộc sống của mình với sự trung thực và dũng cảm. Tôi tự hào về cô ấy và bố mẹ cô ấy. Tôi rất tin tưởng cô ấy sẽ sớm được giải thoát hoàn toàn.
Satan là Cha của Dối trá. Chúa Giêsu là “Sự thật” (Ga 14: 6). Chúng ta được thoát khỏi sự nắm bắt của Sa-tan khi chúng ta thú nhận tội lỗi của mình và sống trong ánh sáng của Sự thật.
Source:Catholic Exorcism
Chấn động Moscow: Putin cố ý đưa một lữ đoàn Nga vào cửa tử để che đậy tội ác chiến tranh ở Bucha
VietCatholic Media
15:20 13/08/2022
1. Putin cố ý tiêu diệt một lữ đoàn Nga để che đậy tội ác chiến tranh
Theo tờ Newsweek, trong một bản báo cáo chắc chắn sẽ gây kinh hoàng cho người Nga, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết các đơn vị của Nga có liên quan đến vụ giết hại dân thường ở thị trấn Bucha của Ukraine thuộc vùng Kyiv có thể đã bị “tiêu diệt trong chiến đấu”. ISW cho biết như trên trong một đánh giá vào hôm thứ Sáu 12 tháng 8.
Trích dẫn một báo cáo của Đài Âu Châu Tự do, gọi tắt là RFE, ISW đánh giá rằng Lữ đoàn súng trường cơ giới số 64 của Quân đoàn vũ trang liên hợp số 35 của Nga có khả năng đã bị tiêu diệt, đặc biệt hơn nữa, đó là “một phần trong nỗ lực cố ý của Điện Cẩm Linh nhằm che giấu tội ác chiến tranh mà họ đã gây ra ở vùng Kyiv.”
Nhóm nghiên cứu đã trích dẫn một cuộc điều tra của RFE về lữ đoàn, được tiến hành sau vụ thảm sát được tường trình diễn ra vào tháng 4 ở vùng ngoại ô Bucha của thủ đô Kyiv. Cuộc điều tra cho thấy sau những trận giao tranh ác liệt trong khu vực giữa Izyum và Slovyansk, các quân Nga trong lữ đoàn này “phần lớn đã chết.”
Theo phân tích của nhà báo điều tra Mark Krutov của RFE, trong số 1.500 binh sĩ thuộc lữ đoàn trước khi cuộc chiến chống Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, từ 200 đến 300 binh sĩ có thể đã chết ngay trong vùng Kharkiv.
ISW cho biết trong đánh giá mới nhất của mình: “Thông thường, khi các đơn vị Nga bị tổn thất nhân lực nghiêm trọng như thế trong quá trình chiến đấu, các đơn vị của Nga sẽ bị giải tán và những người sống sót được tái bố trí vào các thành phần chiến đấu khác, nhưng ông Krutov lưu ý rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã không giải tán Lữ đoàn súng trường cơ giới số 64”.
Tổng thống Nga đã trao cho lữ đoàn danh hiệu “cảnh vệ” danh dự vào ngày 18 tháng 4, sau khi xuất hiện bằng chứng cho thấy họ đã phạm tội ác chiến tranh ở Bucha. ISW lưu ý rằng lữ đoàn đã được gấp rút gởi đi tham chiến ở miền đông Ukraine, nơi đang diễn ra các cuộc chiến ác liệt nhất vào thời điểm đó, sau khi vừa rút quân khỏi Kyiv. Họ không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, tái trang bị, nhận thay thế hoặc phục hồi.
ISW cho biết: “Có nhiều suy đoán vào ngay thời điểm đó rằng Điện Cẩm Linh mong muốn lữ đoàn này bị tiêu diệt trong chiến đấu để tránh bị tiết lộ về tội ác chiến tranh của họ”
Hàng trăm thi thể được tìm thấy nằm trên đường phố ở Bucha, một thị trấn gần Kyiv, khiến chính quyền Ukraine thông báo rằng họ đang điều tra các tội ác chiến tranh của lực lượng Nga sau khi họ rút khỏi thị trấn sau khi giao tranh dữ dội.
Vào ngày 28 tháng 4, chính quyền Ukraine đã đệ đơn cáo buộc hình sự đối với 10 binh sĩ Nga bị cáo buộc tham gia vào các hành động tàn bạo ở Bucha. Họ đều là hạ sĩ quan và binh nhì thuộc Lữ đoàn súng trường cơ giới cận vệ biệt lập số 64 của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết vào ngày 5 tháng 4, trong khi phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, rằng Ukraine có “bằng chứng kết luận” rằng Nga đã thực hiện một vụ thảm sát ở Bucha.
Điện Cẩm Linh đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến vụ giết hại dân thường ở Bucha.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga và Bộ Quốc phòng Ukraine để đưa ra bình luận.
2. Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev đe dọa các đồng minh phương Tây của Ukraine
Hôm thứ Sáu, cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đưa ra lời đe dọa đối với các đồng minh phương Tây của Ukraine, những người đã cáo buộc Nga tạo ra nguy cơ thảm họa hạt nhân bằng cách đóng quân trong nhà máy điện Zaporizhzhia của Ukraine.
Ukraine đã cáo buộc Nga bắn vào các thị trấn Ukraine từ địa điểm này vì cho rằng các lực lượng Ukraine không thể liều lĩnh bắn trả. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine còn nói rằng chính Mạc Tư Khoa đã nã pháo vào khu vực lân cận của nhà máy điện hạt nhân trong khi đổ lỗi cho Ukraine.
Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev nói: “Kyiv và các đồng minh của họ nói rằng đó là do Nga gây ra. Điều đó rõ ràng là vô nghĩa 100%, ngay cả đối với những công chúng bài Nga ngớ ngẩn nhất,” Medvedev, hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga sau khi đã từng là Tổng thống và Thủ tướng Nga.
“Họ nói rằng tai nạn hạt nhân có thể xảy ra hoàn toàn do tình cờ. Tôi có thể nói gì? Đừng quên rằng Liên minh Âu Châu cũng có các nhà máy điện hạt nhân. Và tai nạn cũng có thể xảy ra ở đó”.
3. Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc phản đối kế hoạch phi quân sự hóa nhà máy điện hạt nhân
Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vasyl Nebenzia, cho biết nước này không ủng hộ đề xuất thành lập khu phi quân sự xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Đại Sứ Vasyl Nebenzia nói: “Việc phi quân sự hóa nhà máy điện hạt nhân này có thể làm cho nó dễ bị tổn thương đối với những người muốn đến thăm nó. Không ai biết mục tiêu và mưu toan của họ sẽ là gì. Chúng tôi không thể loại trừ mọi hành vi khiêu khích, tấn công khủng bố vào một nhà máy điện hạt nhân mà chúng tôi phải bảo vệ.”
Đáp lại, Đại Sứ Sergiy Kyslytsya, là Đại diện thường trực của Ukraine tại Liên Hiệp Quốc, cho rằng lập trường của Nga là ngớ ngẩn. Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là của Ukraine và nằm trên lãnh thổ Ukraine, không cần Nga phải bảo vệ. Ông cũng nhấn mạnh rằng Nga phải cấp cho phái bộ IAEA quyền tiếp cận nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.
Trước đó, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres đã kêu gọi rút toàn bộ quân nhân và thiết bị quân sự ra khỏi nhà máy điện hạt nhân và tránh triển khai bất kỳ lực lượng quân sự hoặc thiết bị quân sự nào khác trong khu vực.
Tổng thư ký Guterres nói: “Cơ sở này không thể được sử dụng như một phần của bất kỳ hoạt động quân sự nào. Thay vào đó, cần khẩn trương đạt được thỏa thuận ở cấp độ kỹ thuật về việc thiết lập vành đai an ninh và phi quân sự hóa để bảo đảm an ninh cho khu vực.”
4. Tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh
Dưới đây là bản dịch sang Việt Ngữ bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh.
Vào ngày 9 tháng 8 năm 2022, các vụ nổ đã xảy ra tại sân bay quân sự Saky ở phía tây Crimea do Nga điều hành. Nguyên nhân ban đầu của các vụ nổ vẫn chưa rõ ràng, nhưng những đám mây hình nấm lớn có thể nhìn thấy trong video của những người chứng kiến gần như chắc chắn là do vụ nổ của đến 4 khu vực cất giữ bom lộ thiên.
Ít nhất 5 máy bay chiến đấu-ném bom Su-24 FENCER và 3 máy bay phản lực đa năng Su-30 FLANKER H gần như chắc chắn đã bị phá hủy hoặc hư hại nghiêm trọng trong các vụ nổ. Khu vực trung tâm dành cho máy bay đậu của Saky đã bị hư hại nghiêm trọng, nhưng sân bay có lẽ vẫn còn hoạt động được.
Việc mất 8 máy bay chiến đấu chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số phi đội máy bay mà Nga có sẵn để hỗ trợ chiến tranh. Tuy nhiên, Saky chủ yếu được sử dụng làm căn cứ cho các máy bay của Hạm đội Hắc Hải của Hải quân Nga. Năng lực hàng không hải quân của hạm đội hiện đã xuống cấp đáng kể. Vụ việc có thể sẽ khiến quân đội Nga phải điều chỉnh lại nhận thức về mối đe dọa của mình. Crimea có lẽ đã từng được coi là một khu vực hậu phương an toàn.
Trong một báo cáo khác, Forbes ước tính rằng các chiếc máy bay bị phá hủy tại căn cứ không quân Crimea của Nga trị giá từ 650 triệu đến 850 triệu USD.
Báo cáo cho biết: “Dựa trên nhiều nguồn tin khác nhau, Forbes ước tính rằng trước khi xảy ra vụ nổ, các thiết bị máy bay trị giá từ 650 triệu đến 850 triệu USD đã được đặt tại sân bay”.
5. Estonia hôm thứ Năm cho biết họ sẽ ngăn chặn hầu hết người Nga
Ngoại trưởng Urmas Reinsalu cho biết trong một tuyên bố rằng từ tuần tới, họ sẽ ngăn hầu hết người Nga nhập cảnh vào nước này. Cho đến nay, người Nga vẫn vào Âu Châu qua ngã Schengen, nơi không cần hộ chiếu của Liên Hiệp Âu Châu.
Trong khi các trường hợp ngoại lệ có thể được áp dụng, Bộ Ngoại giao Estonia, một thành viên Liên minh Âu Châu, cho biết họ cũng sẽ ngừng cấp thị thực cho người Nga đến làm việc, học tập và kinh doanh tại nước này.
Ngoại trưởng Urmas Reinsalu nói: “Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng công dân Nga đến hoặc đi qua Estonia. Khả năng họ phải đến thăm Estonia, hoặc các khu vực khác của Âu Châu qua Estonia, hàng loạt không phù hợp với các nguyên tắc của các biện pháp trừng phạt mà chúng tôi đã áp đặt,” ông nói và nhấn mạnh rằng lệnh này có hiệu lực từ ngày 18 tháng 8.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hôm thứ Ba đã kêu gọi phương Tây áp đặt lệnh cấm du lịch toàn diện đối với người Nga.
Latvia, Lithuania và Cộng hòa Tiệp đã ngừng cấp thị thực cho hầu hết người Nga, trong khi Phần Lan và Estonia gần đây đã kêu gọi Liên Hiệp Âu Châu đồng loạt làm như vậy.
6. Lực lượng Nga tiến hành một cuộc không kích ở miền đông Ukraine
Trong bản báo cáo hôm thứ Bẩy 13 tháng 8, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết các lực lượng Nga đã tiến hành một cuộc không kích vào miền đông Ukraine để “bù đắp cho những thiệt hại về nhân lực và thiết bị” mà họ đã phải gánh chịu.
Theo Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine, Nga đã pháo kích trên diện rộng vào các lực lượng Ukraine ở phía đông bắc, đông và đông nam của đất nước, cùng với một số nỗ lực của Nga nhằm tiến về phía đông “không thành công” hoặc chỉ “thành công một phần”.
Các lực lượng Nga đã pháo kích vào nhiều thị trấn và làng mạc của Ukraine gần thành phố Slovyansk đang có các cuộc giao tranh ác liệt, trong khi một cuộc không kích xảy ra gần Zaluman.
Quân đội Ukraine suy đoán đợt oanh tạc nặng nề này là một nỗ lực của quân Nga nhằm “bù đắp cho những tổn thất về nhân lực và trang thiết bị” trong các cuộc giao tranh trước đó.
Pháo binh Nga đã bắn trúng một số ngôi làng xung quanh Kharkiv, thành phố thứ hai của Ukraine, mà Nga đã tiến hành một nỗ lực không thành công vào đầu cuộc chiến.
Cherkaski Tyshki, Pytomnyk, Ruski, Sosnivka và Lebyazhe đều bị tấn công bằng pháo thông thường của hỏa tiễn Nga.
Ở phía đông, ngoài việc bị pháo kích dữ dội, quân đội Nga còn tung ra một cuộc tấn công hỗ trợ bộ bình nhằm vào Horlivka-Zaitseve, và “đã thành công một phần”.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công vào các khu định cư của Ivano-Daryivka, Vyimka và Bakhmut đã thất bại, và quân Nga buộc phải rút lui bỏ lại xác đồng đội.
Xa hơn một chút về phía nam, người Nga đã cố gắng tiến vào các làng Spartak và Maryinka, nhưng “không thành công” sau đó “rút lui”.
Tại khu vực phía nam Buh của Ukraine, đối diện với Crimea bị chiếm đóng, nhiều trận pháo kích hạng nặng của Nga đã được báo cáo, cùng với các cuộc không kích gần Osokorivka, Andriivka, Blahodatne và Novohryhorivka.
Tại khu vực này, quân đội của Putin đã được nhìn thấy sử dụng các máy bay không người lái để trinh sát và giúp chỉ đạo các cuộc pháo kích.
Trong khi đó, hải quân Nga tiếp tục phong tỏa “hoạt động vận chuyển dân sự ở khu vực tây bắc của Hắc Hải” trong khi “tấn công các cơ sở quân sự và các yếu tố cơ sở hạ tầng sâu trong lãnh thổ Ukraine”.
Tuyên bố của Ukraine kết thúc rằng “Lực lượng phòng thủ Ukraine đang gây tổn thất cho quân chiếm đóng của Nga trên mọi hướng nơi các cuộc chiến đang diễn ra.
“Chúng tôi tin tưởng vào Lực lượng vũ trang Ukraine! Cùng nhau, chúng ta sẽ chiến thắng! Niềm tự hào cho Ukraine!”
Hôm thứ Ba, một loạt vụ nổ đã xé toạc một căn cứ không quân của Nga ở Crimea, với hình ảnh vệ tinh cho thấy nhiều máy bay và phương tiện bị phá hủy.
Trong khi Nga khẳng định các vụ nổ là một vụ tai nạn, sự hiện diện của nhiều hố sâu đã khiến các chuyên gia độc lập nghi ngờ một cuộc tấn công của Ukraine đã xảy ra.
Hôm thứ Năm, Bộ Quốc phòng Ukraine đã công bố một video chế nhạo các du khách Nga, những người bị buộc phải cắt ngắn kỳ nghỉ ở Crimea do vụ tấn công.
Đoạn clip lan truyền, thúc giục du khách Nga “về nhà”, đã được xem hơn 2 triệu lần chỉ riêng trên Twitter.
Bộ Quốc phòng Nga đã được Newsweek liên hệ để đưa ra bình luận.
7. Thăm dò ý kiến cho thấy có thêm nhiều người Ukraine hiện mong muốn lấy lại Donbas, Crimea từ Nga
Một cuộc thăm dò mới cho thấy nhiều người Ukraine hiện mong đợi các khu vực Crimea và Donbas sẽ được lấy lại từ Nga.
Cuộc khảo sát của Viện Cộng hòa Quốc tế, gọi tắt là IRI, được tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, đã được công bố hôm thứ Năm, sau khi được thực hiện từ ngày 27 đến ngày 28 tháng 6 và đã thẩm vấn 2.004 công dân trên khắp đất nước, ngoại trừ khu vực Donbas do Nga chiếm đóng và Crimea.
Cuộc thăm dò cho thấy 91% người Ukraine tán thành mạnh mẽ hoặc đáng kể các hành động của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.
Cuộc thăm dò cũng cho thấy tỷ lệ tăng đột biến trong vòng hai tháng qua những người Ukraine tin rằng sau chiến tranh Ukraine sẽ giành lại khu vực phía đông Donbas cũng như Crimea mà Nga sáp nhập vào năm 2014. 64% được hỏi nói rằng từ chiến tranh này Ukraine sẽ lấy lại được tất cả các lãnh thổ trong biên giới được quốc tế công nhận vào năm 1991. Đây là mức tăng từ 53% vào tháng Tư.
Các Lực lượng Vũ trang Ukraine nhận được sự ủng hộ gần tuyệt đối của toàn dân, với khoảng 98% mạnh mẽ tán thành các hành động của họ vào tháng Sáu.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Ukraine để đưa ra bình luận.
Trong bài phát biểu hàng đêm hôm thứ Năm, Zelenskiy đã nói chuyện với các quan chức nhà nước, địa phương và quân đội, đồng thời kêu gọi họ ngừng trao đổi với giới truyền thông về các chiến thuật quân sự của đất nước ông chống lại Nga.
Bình luận của ông được đưa ra sau các báo cáo của phương Tây trích dẫn các quan chức không rõ danh tính tuyên bố Ukraine chịu trách nhiệm về vụ nổ phá hủy một căn cứ không quân ở Crimea hôm thứ Ba, điều mà Kyiv chưa chính thức xác nhận.
Zelenskiy nói: “Chiến tranh chắc chắn không phải là lúc dành cho những tuyên bố phù phiếm và ồn ào, và nói thêm rằng” bạn tiết lộ càng ít chi tiết về các kế hoạch phòng thủ của chúng ta thì càng tốt.
Nhận định của ĐHY Parolin về chiến tranh Ukraine. Báo động về tình trạng vợ chồng ăn hiếp nhau ở Úc
VietCatholic Media
16:58 13/08/2022
1. Các giám mục Úc lên án bạo lực gia đình trong tuyên bố công lý hàng năm
Các giám mục của Úc đã sử dụng tuyên bố về công bằng xã hội hàng năm để lên án tai ương bạo lực gia đình, và nhấn mạnh rằng các mối quan hệ trong gia đình phải được “đánh dấu bằng sự tôn trọng và tự do hơn là ép buộc và kiểm soát”.
Giáo hội ở Úc đã đưa ra các tuyên bố về công bằng xã hội mỗi năm kể từ những năm 1940 về một loạt các chủ đề. Tuyên bố năm nay có tiêu đề “Hãy tôn trọng: Đối đầu với Bạo lực và Lạm dụng.”
Tài liệu dựa trên dữ liệu về gia đình và bạo lực gia đình, đồng thời thu thập những hiểu biết sâu sắc của mọi người - đặc biệt là phụ nữ - về dữ liệu đó. Nó cũng phản ánh những lời nói và gương sáng của Chúa Giêsu.
“ Giáo huấn của Chúa Kitô thúc giục chúng ta thúc đẩy các mối quan hệ được đánh dấu bằng sự tôn trọng và tự do hơn là sự ép buộc và kiểm soát,” chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc, Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe của tổng giáo phận Perth đã viết như trên trong lời tựa.
“Thông điệp của Phúc âm không phải là thông điệp về sự thống trị của người này so với người khác mà là thông điệp về lòng quý trọng và lòng nhân từ lẫn nhau”.
Tuyên bố, trích dẫn các báo cáo của Viện Y tế và Phúc lợi Úc, giải thích rằng bạo lực gia đình “ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi và mọi hoàn cảnh”. Theo Viện Y tế và Phúc lợi Úc, bạo lực trong gia đình bao gồm cả trường hợp những người đàn ông bị hành hung về thể lý và tình cảm nhưng lưu ý nó “chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ và trẻ em”.
Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe cũng chỉ ra rằng “gia đình và bạo lực gia đình là một thực tế đau đớn và phức tạp đối với các cộng đồng Thổ dân và Cư dân trên eo biển Torres”.
Các phần của tài liệu đề cập đến tầm quan trọng của việc lắng nghe phụ nữ và trẻ em, những tác nhân gây ra bạo lực, hỗ trợ các mối quan hệ tôn trọng và tầm quan trọng của tôn trọng, nhân phẩm và công lý, cũng như sự chuyển đổi và hy vọng.
Tuyên bố thừa nhận rằng trong một số ngữ cảnh, Kinh thánh đã được sử dụng để giải thích hoặc thậm chí biện minh cho các trường hợp bạo lực đối với phụ nữ hoặc trẻ em. Đức Cha Costelloe thẳng thừng bác bỏ những biến dạng như vậy.
Những đoạn được sử dụng để ám chỉ sự thấp kém của phụ nữ hoặc trẻ em “không phản ánh bối cảnh trong đó phẩm giá bình đẳng của mỗi con người được tạo ra theo hình ảnh Chúa và giống Chúa, cũng chẳng phù hợp với hôn nhân Kitô Giáo dựa trên mối quan hệ yêu thương, tương hỗ và đối tác”.
“Sự tôn trọng của mỗi thành viên trong gia đình, hộ gia đình hoặc cộng đồng phải phản ánh sự tôn trọng và quan tâm đến người khác của Chúa Kitô,” tuyên bố cho biết.
Tuyên bố thúc đẩy các chương trình và cơ quan hỗ trợ những người phải chịu nhiều hình thức bạo lực, nhưng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ những người gây ra bạo lực đó.
Giáo Hội Công Giáo là nhà cung cấp dịch vụ chính cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi bạo lực gia đình thông qua các giáo phận, cơ quan, dòng tu và các tổ chức khác.
Source:Independent Catholic News
2. Nhận định của Đức Hồng Y Parolin về chiến tranh Ukraine
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, nhận định rằng: “Những lời kêu gọi hòa bình của Đức Thánh Cha Phanxicô nhiều khi giống như tiếng kêu trong sa mạc, nhưng đó là một tiếng nói ngôn sứ, một lời tiên tri sáng suốt, nhìn xa trông rộng”.
Đức Hồng Y tuyên bố như trên, trong cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí “Limes”, số mới xuất bản tại Ý.
Đức Hồng Y Parolin nói rằng: “Giáo hội noi gương Chúa, làm chứng cho hòa bình, tìm cách xây dựng hòa bình. Theo nghĩa đó, Giáo hội là chủ hòa”.
Về vấn đề sử dụng võ khí, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh minh xác rằng “Sách Giáo lý Công Giáo có nói đến sự tự vệ hợp pháp. Các dân tộc có quyền tự vệ nếu bị tấn công. Nhưng sự tự vệ võ trang này cần được thực thi với một số điều kiện mà chính sách Giáo lý liệt kê, đó là khi tất cả các phương thế khác tỏ ra không thể thực hiện được hoặc không hữu hiệu; tiếp đến, có những lý do hữu lý là sẽ thành công; ngoài ra việc sử dụng võ khi không gây nên tai ương và xáo trộn lớn hơn sự ác cần phải loại trừ”.
“Có nhiều trường hợp người ta sử dụng võ khí một cách không tương ứng và bừa bãi, tại rất nhiều nơi trên thế giới. Vì chiến tranh bắt đầu trong tâm hồn con người. Mỗi lời lăng mạ máu lửa đều làm cho hòa bình trở nên xa vời và làm cho bất kỳ cuộc thương thuyết nào cũng khó mà thực hiện được”.
Theo Đức Hồng Y, tuy những lời kêu gọi hòa bình của Đức Thánh Cha nhiều khi như “tiếng kêu trong sa mạc”, nhưng những lời ấy như một hạt giống được gieo vãi, cần một thửa đất màu mỡ để mang lại hoa trái. Nếu những tác nhân chính trong cuộc xung đột không để ý đến những lời nói của ngài, thì chẳng có gì xảy ra, và người ta không đạt tới sự chấm dứt những cuộc xung đột”.
Áp dụng vào trường hợp chiến tranh bi thảm tại Ukraine hiện nay, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh nói: “Dường như không thấy có một sự sẵn sàng ngồi vào bàn để thực sự thương thuyết hòa bình và chấp nhận một sự trung gian ở trên hai bên. Điều hiển nhiên là nếu chỉ có một bên đề nghị hoặc đưa ra một con đường đơn phương, thì không đủ. Điều không thể thiếu là cả hai bên đều bày tỏ ý chí muốn thương thuyết. Tuy tiếng nói của Đức Giáo Hoàng là “tiếng nói trong sa mạc”, nhưng đó vẫn là một chứng tá có giá trị rất cao, ảnh hưởng tới nhiều lương tâm, làm cho con người ý thức hơn rằng hòa bình, chiến tranh, bắt đầu nơi tâm hồn chúng ta, và tất cả chúng ta đều được kêu gọi đóng góp phần của mình để thăng tiến hòa bình trước, và tránh chiến tranh”.
Đức Hồng Y Parolin nhìn nhận cuộc chiến tranh Ukraine có thể biến từ tình trạng hiện nay thành một thế chiến thực sự. Ngài nói: “Tôi nghĩ rằng chúng ta chưa thể dự đoán hoặc tính toán những hậu quả của những gì đang xảy ra. Hàng ngàn người chết, các thành thị bị tàn phá, hàng triệu người di tản, môi trường thiên nhiên bị phá hủy, nguy cơ đói kém trên thế giới vì thiếu ngũ cốc tại bao nhiêu nơi trên trái đất, cuộc khủng hoảng năng lượng... Làm sao người ta có thể không nhận ra rằng câu trả lời duy nhất có thể, con đường duy nhất có thể thực hiện, viễn tượng duy nhất có thể tiến hành, là ngưng võ khí và thăng tiến một nền hòa bình công chính và lâu bền?”
3. Vatican thừa nhận đối thoại với Giáo hội Chính thống Nga rất khó khăn nhưng không bị gián đoạn
Thông tấn xã Tass của Nga vừa có một bài bình luận liên quan đến cuộc đối thoại giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo Nga. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Có thông tin cho rằng nhiều người mong đợi cuộc gặp bị hoãn lại giữa giáo chủ và giáo hoàng sẽ diễn ra ở Nur-Sultan vào giữa tháng 9
Đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Giáo hội Chính thống Nga là 'khó khăn, nhưng chưa bao giờ bị gián đoạn', Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Limes, một tạp chí chuyên về địa chính trị của Ý.
“Đối thoại giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Giáo hội Chính thống Nga thật khó khăn, nó được tiến hành từng bước nhỏ và cũng trải qua những thăng trầm. Nhưng nhìn chung nó đã không bị gián đoạn,” vị Hồng Y cho biết. Ngài nhớ lại rằng một cuộc gặp thứ hai giữa giáo chủ và giáo hoàng ở Giêrusalem đã được lên kế hoạch vào tháng 6 năm nay, nhưng đã bị hoãn lại do các sự kiện ở Ukraine vì “nó sẽ không được hiểu đúng và sức nặng của cuộc chiến đang diễn ra sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc gặp gỡ đó.” Đức Hồng Y cho rằng không phù hợp khi gọi việc Giáo Hội Chính thống Ukraine rời khỏi Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa do những bất đồng liên quan đến hoạt động quân sự của Nga là một “cuộc ly giáo”.
Ngài cũng nhấn mạnh những lời chỉ trích đối với giáo hoàng, là người mà một số người đã cáo buộc là 'thiên vị', là không công bằng. Theo Đức Hồng Y Parolin, đây là một sự đơn giản hóa đáng kinh ngạc trong việc hiểu thực tế. Những lời kêu gọi hòa bình và khước từ bạo lực của Giáo hoàng không thể được mô tả theo cách này.
Nhiều người mong đợi cuộc gặp bị hoãn lại giữa giáo chủ và giáo hoàng sẽ diễn ra ở Nur-Sultan vào giữa tháng 9, trong Đại hội các nhà lãnh đạo của các tôn giáo truyền thống và thế giới. Đức Thánh Cha Phanxicô đã xác nhận sự tham gia của mình.
Vào ngày 5 tháng 8, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Đức Tổng Giám Mục Anthony của Volokolamsk, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa. Cuộc họp diễn ra bí mật, nhưng có thể chi tiết về cuộc họp bị hoãn lại giữa giáo chủ và giáo hoàng đã được thảo luận.
Source:TASS