Ngày 10-08-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Một suy nghĩ nhỏ nhân một biến cố lớn
L.M. Giu-se Nguyễn công Đoan S.J.
08:37 10/08/2019
Hôm nay lễ thánh Lô-ren-xô Phó Tế, Tử Đạo, Phụng vụ Giờ Kinh đọc lại biến cố cuộc bách hại nổ ra ở Giê-ru-sa-lem như sách Công Vụ kể trong chương 7-8, tôi xin chia sẻ một suy nghĩ nhỏ về đời sống của Hội Thánh.

Trước khi được cất lên Trời, Chúa Giê-su Phục Sinh đã ra lệnh cho các tông đồ:

Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46và Người nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; 47phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48Chính anh em là chứng nhân về những điều này. (Lc 24, 45-48).

“Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất.”

9Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.”
(Cv 1,8-9).

Sau khi được sức mạnh của Thánh Thần trong ngày lễ Ngũ Tuần – ngày mừng Thiên Chúa ban Lề Luật trên núi Xi-nai – các tông đồ đứng lên rao giảng. Ngày đầu tiên đã có thêm ba ngàn môn đệ nhập hàng với 120 người đã tụ họp quanh thân mẫu Chúa Giê-su chuyên cần cầu nguyện (x. Cv 1, 14-15).

Rồi cộng đoàn lớn nhanh, lớn mạnh, lớn vững chắc quanh các Tông Đồ, vì “Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2, 47)

Chương thứ năm kể rằng:

Họ điệu các ông đến giữa Thượng Hội Đồng ; vị thượng tế hỏi các ông rằng: 28“Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giê-ru-sa-lem ngập đầy giáo lý của các ông. (Cv 5, 27-28)

Nhưng ta chưa thấy các tông đồ ra khỏi Giê-ru-sa-lem. Một cuộc khủng hoảng nội bộ diễn ra, dẫn tới việc lập thêm nhóm Bảy người:

Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên. 2Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. 3Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt i họ làm công việc đó. 4Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.” 5Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Tê-pha-nô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Phi-líp-phê, Pơ-rô-khô-rô, Ni-ca-no, Ti-môn, Pác-mê-na và ông Ni-cô-la, một người ngoại quê An-ti-ô-khi-a đã theo đạo Do-thái. 6Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông. (Cv 6, 1-6)

7Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giê-ru-sa-lem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin. (Cv 6, 1-7)

Cuộc khủng hoảng dẫn tới cuộc canh tân. Làm cho đội ngũ phục vụ thêm đông, rồi cộng đoàn càng lớn nhanh lớn mạnh lớn vững chắc. Nhưng vẫn chưa ra khỏi Giê-ru-sa-lem.

Chúa can thiệp theo cách của Chúa:

Hồi ấy, Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem trải qua một cơn bắt bớ dữ dội. Ngoài các Tông Đồ ra, mọi người đều phải tản mác về các vùng quê miền Giu-đê và Sa-ma-ri. 4Vậy những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa. (Cv 8, 1.4)

Cuộc bách hại thành dịp mở rộng ngoài dự kiến của các Tông Đồ và cộng đoàn. Và Chúa làm điều không ai ngờ, mở cộng đoàn môn đệ, làm cho Tin Mừng lan tới những vùng đất mới, bên ngoài Giu-đê và Sa-ma-ri, theo kế hoạch Chúa Phục Sinh đã truyền.

19Vậy những người phải tản mác vì cuộc bách hại xảy ra nhân vụ ông Tê-pha-nô, đi đến tận miền Phê-ni-xi, đảo Sýp và thành An-ti-ô-khi-a. Họ không rao giảng lời Chúa cho ai ngoài người Do-thái. 20Nhưng trong nhóm, có mấy người gốc Sýp và Ky-rê-nê ; những người này, khi đến An-ti-ô-khi-a, đã giảng cho cả người Hy-lạp nữa, loan Tin Mừng Chúa Giê-su cho họ. 21Vì có bàn tay Chúa ở với họ, nên một số đông đã tin và trở lại cùng Chúa.(Cv 11, 19-21).

Quả như lời Thánh vịnh:

3Việc CHÚA làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.
5Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
6Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo ;
lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng.
(Tv 126 / 125, 3.5-6)

Nhìn lại lịch sử Hội Thánh Việt Nam ngay thời chúng ta.

Sau những cuộc bách hại thời nhà Nguyễn Hội Thánh được bình an, êm đềm lớn lên khắp mọi miền đất nước. Bỗng hiệp định Giơ-neo chia đôi đất nước. Hơn nửa triệu người Công Giáo rời miền Bắc, được các tàu chiến Pháp, Mỹ nhổ neo đưa vào miền Nam, tản mác khắp nơi, từ Bến Hải tới Cà-mau. Họ đến đâu, nhà thờ mọc lên ở đó. Tiếng chuông, tiếng loa vang dội, lời kinh tiếng hát vươn cao từ hừng đông tới chiều tà… Cuộc sống lại êm ả.

Rồi bom đạn lại át tiếng chuông nhà thờ và lời kinh tiếng hát, cho tới ngày hiệp định Paris đem lại sự yên bình giả dối lừa bịp, trước khi những đoàn tàu, máy bay quân đội Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ quốc chở người di tản, rồi những đoàn người liều mạng vượt biên với nỗi quyết tâm: “Một là con nuôi cá, hai là má nuôi con, ba là con [gởi đô-la về] nuôi má”. Khắp thế giới người ta mở tay, mở lòng đón người Việt Nam tị nạn.
Gần nửa thế kỷ đã qua đi. Những người Công Giáo gốc Việt lại ca hát và loan báo tin mừng khắp nơi trên thế giới, góp phần làm cho cộng đoàn tín hữu khắp thế gian lớn mạnh, gởi tiền về xây nhà thờ, giúp cho những giáo xứ ở quê cũ khang trang hơn…

Quả như lời sách I-sai-a:

Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi,
và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta
– sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.
9Trời cao hơn đất chừng nào
thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi,
và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy.
(Is 55, 8-9)

Nhìn Hội Thánh ở Việt Nam và khắp thế giới đang chao đảo vì những cuộc khủng hoảng bên trong, những cấm cách và bách hại bên ngoài, ngay tại những nước tự coi là thế giới tự do, nhiều người hoang mang lo sợ, chán nản buồn phiền… Nhưng Chúa luôn nhắc chúng ta lời Chúa đã nói với các tông đồ trên con thuyền lắc lư trong sóng gió:

“Cứ yên tâm, chính THẦY ĐÂY, ĐỪNG SỢ !”
Khi thánh Phê-rô tin lời Chúa thì đi được trên mặt nước, lúc ông nghi ngờ sợ hãi thì ông chìm, ông kêu lên:
“Chúa ơi, cứu con!” Chúa Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”
(Mt 14, 27-31)

Rồi ông để Chúa nắm tay ông, Thầy trò cùng bước lên thuyền!

Tuyệt vời! Đừng buông tay Thầy nhé! Mọi sự sẽ tốt thôi, miễn là đừng rời tay Chúa,
đừng cậy sức mình hay thế lực người đời, đừng dựa uy tờ giấy xanh giấy đỏ…

“Cậy trông ở Đức Chúa Trời
Thì hơn tin tưởng ở người trần gian!
Dựa vào thần thế vua quan
Chẳng bằng ẩn náu ở bên Chúa Trời!”

(Thánh vịnh nào, xin bạn đọc tìm giùm…)

Giê-ru-sa-lem, ngày lễ thánh Lô-ren-xô Phó Tế, tử đạo, 2019

L.M. Giu-se Nguyễn công Đoan S.J.
 
Địa Chỉ Căn Cước Kitô Hữu : Nước Trời
LM. Trương Đình Hiền
16:21 10/08/2019
Địa Chỉ Căn Cước Kitô Hữu : Nước Trời

(Chúa Nhật 19 TN C 2019)

Sứ điệp phụng vụ hôm nay dành cho chúng ta có thể được tóm tắt trong trong ý nghĩa nầy : Sống giây phút hiện tại trong tỉnh thức phục vụ, và hướng về tương lai trong tin yêu phó thác. Đó chính là cuộc sống đức tin của các Tổ Phụ như Abraham, Môsê…hiện thực trong những cuộc “xuất hành” thời cựu ước, hay cũng chính là thái độ tỉnh thức phục vụ của người đầy tớ khôn ngoan mà Đức Kitô đã ngụ ngôn trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay.

Có lẽ chúng ta đã quá quen với hai nhân vật Cựu Ước : Abraham và Môsê; một người là Tổ phụ của dân Ít-ra-en, một người là vị Đại Tiên tri, nhà Giải phóng và Vị Lãnh Đạo vĩ đại của dân ưu tuyển của Thiên Chúa.

Sở dĩ hai ngài được Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay nhắc đến, một là sách Khôn Ngoan (BĐ1), hai là trích thư Do Thái (BĐ 2), phải chăng là để giúp chúng ta có được những “chìa khoá thích hợp” để đi sâu vào nội dung sứ điệp của Chúa Giêsu về “thái độ tỉnh thức khôn ngoan” và mạnh mẽ sống phút giây hiện tại như Tin Mừng Luca vừa được công bố.

Thật vậy, phải làm sống lại hình tượng Abraham để cảm nhận được rằng : cuộc sống mà không đặt điểm tựa trên chính Lời Giao Ước của Thiên Chúa, thì sẽ là một cuộc sống bấp bênh, vô định, nếu không nói là sẽ dẫn tới bến bờ của thất vọng, bế tắt. Chính đặt cuộc đời mình, những bước đi của cuộc sống mình trên Lời Giao ước của Thiên Chúa, mà Abraham đã trở thành “Cha của một dân tộc như sao trên trời như cát bãi biển…”. Vâng, một cuộc đời, cho dù có phiêu lưu tới những chân trời xa xôi bát ngát, cho dù phải cô độc với tuổi già vô sinh, cho dù chỉ có mỗi một người con một mà đành phải hy sinh hiến tế…nhưng vì một cuộc đời đã “ký giao ước với Thiên Chúa là tình yêu và trung tín”, nên Abraham đã “chẳng sợ hải gì”, cứ thế mà ung dung lên đường, tiến về phía trước.

Nếu những người ở xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi có được chút xíu niềm tin của Abraham thôi, thì chắc năm 2015 đã không xãy ra 25 vụ tự tử, như chứng từ trong bài viết mang tựa đề “Ở nơi người dân hễ buồn là đi…tự tử” của nhà báo Cao Thái.

Cũng vậy, ngày hôm nay rất cần làm sống lại hình ảnh của một Môsê cùng với dân tộc của ông trong những giây phút quyết định của “đêm định mệnh” Vượt Qua : Phải chọn lựa dứt khoát : một là ở lại với Pharaon với kiếp đời tăm tối nô lệ, cho dù an yên bên nồi thịt với củ hành củ tỏi, hoặc là dứt áo ra đi về miền đất hứa với lời Giao ước của Giavê, cho dù phải đối diện với không biết bao nhiêu gian nan khổ ải.

Vâng, cũng như Abraham, hòn đá tảng để Môsê và dân Ít-ra-en đặt niềm tin lại cũng chính là “Lời hứa hẹn của Thiên Chúa” : “Ta đã thấy nỗi khổ của dân ta, và Ta muốn giải thoát chúng” ! Và họ đã chiến thắng nỗi sợ hải để cùng nhau sát cánh lên đường.

Nói cho cùng, “một dân tộc như sao trên trời, như cát đại dương” đối với Abraham, hay một “miền đất hứa chảy sữa mật ong” đối với Môsê không phải là một thực tại xa vời huyễn tưởng, mà là một hiện thực, một “bàn tay của Thiên Chúa” đang nắm, một lối bước của Gia-Giavê đang đồng hành. Chính niềm tin sắt đá và sống động như thế, đã làm cho các ngài trở nên vĩ đại và đã làm cho dân tộc các ngài và muôn dân trong quan hệ đức tin với các ngài cũng trở nên bất tử.

Nhưng dân tộc mà Abraham là tổ phụ và Môsê giải thoát và chính các ngài, tất cả đều chỉ là tiên trưng, là ngón tay trỏ hướng về một Đấng Mêsia từ trời và một Vương Quốc bao la vĩnh cửu, chứ không chỉ là “mười hai chi tộc” và một rẻo đất hẹp khô cằn bên bờ Địa Trung Hải.

Vâng, đó chính Là Đức Kitô, Đấng đến để mạc khải mầu nhiệm Nước Trời và đưa toàn thể nhân loại đi vào trong Vương Quốc đó.

Với dụ ngôn “người tôi tớ thắt lưng đàng hoàng, cầm đèn cháy sáng, trong tư thế đợi chủ trở về…”, Đức Kitô muốn làm sống lại hình ảnh của Môsê và Dân Ít-ra-en canh thức trong đêm Vượt Qua về đất hứa. Vâng, cuộc đời của những ai được gọi mời theo Đức Kitô, cũng phải chọn thái độ “đừng sợ” và sắp sẵn với giây phút hiện tại để đón gặp chính Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ và dẫn đưa chúng ta vào tham dự bàn Tiệc Nước Trời.

Trong cuộc hành trình của đời sống hôm nay làm sao tránh khỏi những “đêm tối thập giá”, những đau thương vụn vỡ như muối xát vào tim, những thấp thỏm lo âu trước bao nhiêu giới hạn và nhỏ bé của kiếp phận con người…như chứng từ cuộc sống của Vị Tôi Tớ Chúa F.X. Nguyễn Văn Thuận. Thế nhưng, ngài đã “đong đầy giây phút hiện tại bằng tình yêu”, ngài quả thật, đã trở nên “người tôi tớ tốt lành”, đang chờ ngày Giáo Hội tôn vinh trên bàn thờ hiển thánh.

Vâng, sứ điệp phụng vụ Chúa Nhật 19 tn C là như thế : Chúng ta cùng nối tiếp cuộc lên đường vượt qua của những Abraham, Môsê, Đức Kitô, để biến cuộc đời hôm nay, những chọn lựa của hiện tại nầy, là những quyết định thuộc về Thiên Chúa và ra tay xây dựng những “kho tàng trên trời”, những kho tàng mà trong mắt Đức Kitô, lại là những người nghèo ốm đói cần sẻ chia, những bệnh nhân, tội nhân cần thăm viếng, những người đui què mẻ sứt cần được yêu thương phục vụ.

Và như thế, đối với chúng ta, những người Kitô hữu, cho dẫu có khổ đau, thử thách, thất bại hay gì gì đi nữa, tất cả như lời của Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, chỉ là “khúc dạo đầu của niềm vui và hy vọng mà đức tin dẫn đến” đích điểm chính là “Nước Trời đã được dọn sẵn”

Vâng, “địa chỉ căn cước Kitô hữu” không là gì khác, đó chính là “NƯỚC TRỜI” !

LM. Trương Đình Hiền

 
Lòng tín thác và sự bình an
Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.
16:31 10/08/2019
Sau khi sống lại, Chúa Giê-su hiện ra, chúc bình an cho các Tông Đồ, sai các ông đi loan báo Tin Mừng và ban Thần Khí cho các ông, đang lúc các ông đóng kín cửa, vì sợ người Do Thái (Ga,19- 22). Lời đầu tiên của Người lúc gặp các ông sau khi sống lại, là lời chúc bình an. Không chỉ có thế thôi mà Người còn cho các các ông xem các dấu đinh nơi thân thể trong cuộc Thọ hình Người mới trải qua, để củng cố lòng tin cho các ông (Ga, 20,27).

Thấy Chúa, các ông rất vui mừng. Kèm theo niềm vui này là mối phúc được Chúa thổi hơi để ban cho các ông Thần Khí. Thần Khí ấy làm cho các ông mạnh sức, không còn sợ hãi, để tuân lệnh Người mà đi khắp nơi, thi hành sứ mệnh loan báo Tin Mừng, như các ông đã được kêu gọi Ngoài ra, Chúa lại còn ban cho các ông quyền đươc cầm buộc và tháo cởi, nghĩa là thay Chúa tha tôi cho người ta (Ga 20, 28) . Ôi! quyền hành cao trọng và lớn lao!

Nhưng phúc bình an mà Chúa ban, cần phải đi đôi với lòng tin, Có tin mới được bình an vì tin là hoàn toàn phó thác cho tình thương và sự quan phòng của Chúa. Đã tin thì không sợ, vì có Chúa là thuẫn đỡ khiên che cho mình. Các Tông Đồ đi với Chúa trên thuyền. Lúc Chúa đang ngủ thì sóng to gió lớn nổi lên, nước tràn vào thuyền, khiến thuyền sắp chìm. Các ông hốt hoảng kêu Chúa cứu. Người tỉnh dậy trách các ông kém tin rồi giơ tay truyền cho sóng yên biển lặng “Sao nhát thế, hỡi những kẻ kém lòng tin!”, Rồi Ngưởi trỗi dậy, ngăm đe gió và biển, biển liền lặng như tờ.” (Mt 8, 25)

Hôm Chúa hiện đến, ông Tô-ma đi vắng. Khi ông về, các Tông Đồ nói cho ông biết là Chúa đã hiện đến. Ông Tô-ma cứng lòng tin, nói rằng bao lâu ông chưa xỏ tay vào các dấu đinh của Người thì ông không tin. Tám ngày sau, Chúa lại đến và lời đầu tiên của Người cũng là lời chúc bình an : “Bình an cho anh em”. (Ga 20, 26) Người bảo ông Tô-ma xỏ tay vào các dâu đinh của Người và đừng cứng lòng tin nữa, vì không thấy mà tin thì có phúc hơn. Vậy, phải có lòng tin và sự bình an trong tâm hồn mới dễ kết hợp với Chúa và yên tâm sống được. Bởi thế, thánh Âu-tinh mới định nghĩa bình an là sự yên hàn trong trật tự (tranquillitas ordinis). Có trật tự thì mới yên : trật tự đối với Chúa, trật tự đối với mình và trật tự đối với tha nhân. Thế là thế nào?

Thưa trật tự đối với Chúa là biết rằng mình là thọ tạo, được Chúa dựng nên, do đó phải thờ phượng và mến yêu Người như con thảo đối với cha mẹ. Biểu hiện của tình yêu là giữ các điều răn, sống trong vòng ân tình với Người và tránh xa tội lỗi. Trật tự đối với bản thân là lo giữ gìn sức khỏe, trau dồi nhân cách, tìm kiếm công ăn việc làm để có những điều kiện xứng với phẩm giá con người ; còn trật tự đối với tha nhân là tôn trọng quyền lợi và danh dự của người ta, không chuốc thù gây oán làm tổn thương đến ai cả.

Dù vậy, vẫn chưa hoàn toàn được bình an vì còn phải lo đối phó với tai ương hoạn nạn và những kẻ thù. Kẻ thù lớn nhất là ma quỉ, thứ đến là những kẻ không ưa mình. Vì thế, ngoài các thứ tự nói trên, hàng ngày còn phải cầu xin Chúa ban ơn để đối phó với các nghịch cảnh.

Cùng với ơn bình an ra là ơn đức tin. Chúa nói không thấy mà tin thì có phúc hơn. Chúng ta ta đã đón nhận đức tin khi là Ki-tô hữu. Nhưng đức tin này còn cần phải được gìn giữ và nuôi dưỡng bằng việc học hỏi và nhất là cầu nguyện. Các Tông Đồ sống cạnh Chúa mà còn phải xin Người tăng thêm đức tin cho các ông, thì huống hồ là chúng ta. Vì thế, cần phải xin Chúa tăng thêm đức tin cho chúng ta mỗi ngày, đồng thời săn sóc đến đời sống đức tin của mình bằng sự canh chừng cho đức tin khỏi sa sút hay mai một, do sự biếng nhác không đọc kinh, không đi hay ít đi nhà thờ, không đọc và nghe lời Chúa hoặc lơ là việc lãnh nhận các bí tích.

Lòng tin thác và sự bình an là ân huệ Chúa ban. Chúng ta hãy mở lòng ra để đón nhận hai ân huệ này. Chúa luôn có đó để nâng đỡ và kêu gọi chúng ta; chúng ta hãy đáp lại lời kêu gọi của Người.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Từ trong tù ĐHY Pell viết: Giáo hội không thể cho phép bất kỳ sự mơ hồ nào
Đặng Tự Do
08:25 10/08/2019
Đức Hồng Y George Pell đã viết một lá thư cảm ơn những người ủng hộ vì những lời cầu nguyện của họ và nói rằng ngài thấy âu lo trước những chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới về Amazon.

Hình chụp văn bản của bức thư viết tay dài hai trang đã được lưu hành trong số những người ủng hộ gần gũi nhất của Đức Hồng Y Pell ở Úc và đã được gởi đến các thông tấn xã Công Giáo, kèm theo lời xác nhận của các nguồn tin thân cận với Đức Hồng Y Pell.

Trong bức thư, đề ngày mùng một tháng Tám từ Nhà tù Lượng Định Melbourne, Đức Hồng Y cũng cho biết đức tin và những lời cầu nguyện của các tín hữu nâng đỡ ngài trong cảnh tù tội và ngài phó dâng những đau khổ phải chịu trong tù vì thiện ích của Giáo Hội.

“Nhận thức rằng những đau khổ nhỏ nhoi của tôi có thể được sử dụng cho những mục đích tốt nhờ được kết hiệp trong đau khổ của Chúa Giêsu, đem lại cho tôi mục đích và phương hướng,” Đức Hồng Y Pell viết trong thư. “Những thách thức và những vấn nạn trong đời sống Giáo hội cũng cần phải được đối diện với một tinh thần đức tin tương tự.”

Đức Hồng Y Pell viết tiếp rằng, “chúng ta có những lý do để âu lo trước Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Amazon”, được công bố hồi tháng Sáu để chuẩn bị cho cuộc họp tháng Mười.

Tài liệu đó, là nguồn gốc của các cuộc thảo luận và những lời bình luận sôi nổi, đặc biệt là về vấn đề phong chức cho những người “viri probati”, tức là những người nam trưởng thành trong đức tin, đã kết hôn, nhằm đáp lại tình trạng thiếu các linh mục trong vùng.

Tài liệu làm việc, kêu gọi “một Giáo hội có khuôn mặt bản địa”, tiếp tục khuyến nghị rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục cũng nên xác định một chức danh chính thức có thể được trao cho các phụ nữ, có tính đến vai trò trung tâm mà họ đang đóng góp trong Giáo Hội trong vùng Amazon.

“Đây không phải là tài liệu đầu tiên có phẩm chất thấp mà ban thư ký Thượng Hội Đồng Giám Mục đưa ra,” Đức Hồng Y Pell nhận xét.

Liên hệ đến những cuộc tranh luận và những lời chỉ trích đáng kể đối với chương trình nghị sự của Thượng Hội Đồng – trong đó bao gồm cả những lời kêu gọi thay đổi các chất liệu được sử dụng để cử hành Thánh lễ - Đức Hồng Y Pell lưu ý rằng Đức Hồng Y Müller, trước đây là tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã viết một bài phê bình rất xuất sắc.

Mặc dù đã từng du lịch đến các vùng trong khu vực Amazon, Đức Hồng Y cho biết “Tôi không phải là chuyên gia về khu vực này.” Nhưng ngài cảnh báo rằng, “về vấn đề Amazon, rất nhiều vấn đề vẫn chưa được khai thông trước Thượng Hội Đồng.”

“Một điểm cơ bản đó là Tông Truyền, giáo huấn của Chúa Giêsu và các Tông đồ, được kín múc từ Tân Ước và được dạy dỗ bởi các Đức Giáo Hoàng và các Công Đồng, bởi Huấn Quyền Hội Thánh, phải là tiêu chí duy nhất về tín lý cho tất cả các giáo huấn về đạo lý và thực hành.”

Đức Hồng Y nhấn mạnh rằng:

“Dù có Amazon hay không có Amazon, ở mọi vùng đất, Giáo hội không thể cho phép bất kỳ sự mơ hồ nào, chứ đừng nói là các giáo huấn mâu thuẫn, và gây thiệt hại cho Truyền thống Tông đồ.”

Ngài đặc biệt nhắc đến sự cần thiết phải hiệp nhất trong các yếu tố thiết yếu liên quan đến giáo huấn của Chúa Kitô, đồng thời kêu gọi lòng bác ái trong tất cả mọi sự.

“Chúng ta phải luôn nhớ rằng Giáo hội là một, không chỉ theo nghĩa là các gia đình tốt lành gắn bó với nhau, bất kể sự khác biệt của họ, nhưng bởi vì Giáo hội của Chúa Kitô đặt nền tảng nơi Giáo Hội Công Giáo, là nhiệm thể của Chúa Kitô.”

Trong thư, Đức Hồng Y Pell nói rằng ngài đã nhận được từ 1500-2000 tin nhắn hiệp thông và nâng đỡ ngài trong thời gian tù tội và ngài có ý định trả lời tất cả những tin nhắn này.

Những lời cầu nguyện và thư của tín hữu “mang đến cho tôi niềm an ủi to lớn, cả về hai mặt nhân bản và thiêng liêng.”

“Niềm tin của tôi vào Chúa, giống như niềm tin của anh chị em bạn vào Ngài, là nguồn sức mạnh.”


Source:Catholic News Agency
 
Tòa sắp ra phán quyết, xin cầu nguyện cho Đức Hồng Y Pell và cả các vị Giám Mục Ba Lan
Đặng Tự Do
08:51 10/08/2019
Trong hai ngày 5 và 6 tháng thứ Sáu vừa qua, các thẩm phán tại Tòa án Tối cao Victoria đã nghe đơn kháng cáo của Đức Hồng Y Pell, chống lại quyết định của bồi thẩm đoàn. Sau những tranh luận rộng rãi từ cả hai phía, các công tố viên đã đuối lý trước những chất vấn của các thẩm phán.

Theo các nguồn tin tại Úc, trong vòng 2 tuần tới, nếu không có những “đột biến” vào giờ chót Tòa án Tối cao Victoria sẽ đưa ra phán quyết.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho công lý được hiển trị, cho sự thất bại của những mưu toan biến các giáo sĩ vô tội và các nhân viên mục vụ khác trở thành nạn nhân của các vụ bôi nhọ danh dự thông qua các cáo buộc sai trái - hoặc tệ hơn, trở thành các tội phạm bị kết án và giam cầm vì các tội ác thật tồi tệ, mà họ không bao giờ phạm. Chúng ta phải bảo vệ các giáo sĩ vô tội với một lòng nhiệt thành tương tự như chúng ta bảo vệ những đứa trẻ vô tội, và đòi những người làm tổn thương chúng phải chịu trách nhiệm.

Hôm 8 tháng 8, 2019, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan đã công bố một bức thư cảnh cáo ý thức hệ độc tài về đồng tính. Chỉ vài giờ sau đó, hàng loạt các tweets xuất hiện “răn đe” rồi đây ngài cũng sẽ phải chịu “cùng một cảnh ngộ” như Đức Hồng Y Pell.

Điều quan trọng và có thể làm được đối với tất cả người Công Giáo trên thế giới là cầu nguyện cho Đức Hồng Y Pell, các vị Giám Mục Ba Lan, và cho những người tìm kiếm công lý dám lên tiếng mạnh mẽ như tiên tri trẻ Daniel khi bà Susanna bị hai tên thẩm phán băng hoại buộc tội vì bà đã dám từ chối những lời dụ dỗ của họ (Daniel 13).

Cho đến nay, Đức Hồng Y Pell là gương mặt đáng chú ý nhất của Công Giáo Úc trong thời gian cả một thế hệ trong cương vị là Tổng Giám Mục Melbourne, sau đó là Tổng Giám Mục Sydney, rồi là Hồng Y, và cuối cùng là người được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn vào năm 2013 để chỉnh đốn nền tài chính của Vatican. Ngài là một cây bút viết các bài chính luận thường xuyên trên báo chí, và là một bình luận viên truyền hình và đài phát thanh, một người rất thích tranh luận - với sự cứng rắn của một cựu cầu thủ bóng đá theo luật Úc – trước những người tấn Công Giáo Hội về phá thai, quyền của người đồng tính, phong chức cho phụ nữ, và vô số các vấn đề cấp tiến khác (và ngài thậm chí còn tham gia vào các cuộc tranh luận khoa học về các vấn đề như biến đổi khí hậu). Vì thế, ngài là tiêu điểm của trào lưu chống Công Giáo, chống giáo sĩ và chống chủ nghĩa bảo thủ ở một đất nước rất thế tục.
 
Italia tưng bừng kỷ niệm phép lạ Đức Bà xuống tuyết Madonna Della Neve
Đặng Tự Do
09:08 10/08/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là những cánh hoa hồng trắng rơi xuống từ trần nhà của Đền Thờ Đức Bà Cả vào hôm thứ Hai 5 tháng Tám, khi người dân Rôma, và khắp nơi trên nước Ý tổ chức lễ kỷ niệm một phép lạ đã diễn ra vào thế kỷ thứ 4.

Pháo hoa được bắn tại nhiều thành phố trên khắp nước Ý để cử mừng phép lạ trọng thể này. Đó là một phép lạ trọng đại đã dẫn đến việc xây dựng Đền Thờ Đức Bà Cả, là một trong 4 đại đền thờ tại Rôma.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Gọi là đền thờ Đức Bà Cả vì đây là đền thờ đầu tiên lớn nhất dâng kính Đức Mẹ tại Tây Phương. Nhưng đền thờ còn có ba tên gọi khác nữa: là đền thờ Liberio, đền thờ Đức Bà Xuống Tuyết và đền thờ Máng Cỏ.

Truyền thuyết kể rằng đêm ngày mùng 4 tháng 8 năm 352, Đức Mẹ hiện ra với Đức Giáo Hoàng Liberio và nhà quyền quý Giovanni, và xin xây một đền thờ dâng kính Đức Mẹ. Khi Đức Giáo Hoàng hỏi Mẹ muốn xây đền thờ ở đâu, thì Đức Mẹ trả lời: “Ngày mai, con thấy tuyết rơi ở đâu, thì xây đền thờ ở đó”. Sáng hôm sau mùng 5 tháng 8 tuyết rơi trên đồi Esquilino. Tháng 8 là mùa hè trời Roma rất nóng, nhưng tuyết đã rơi trên đồi Esquilino, là một trong 7 quả đồi của Roma. Vì thế đền thờ còn có hai tên gọi khác nữa là đền thờ Liberio theo tên của Đức Giáo Hoàng, hay đền thờ Đức Bà xuống tuyết, để ghi nhớ phép lạ này. Ngày nay cứ tới ngày mùng 5 tháng 8 biến cố tuyết rơi được nhắc lại bằng một trận mưa các cánh hoa trắng từ trần đền thờ. Ngoài ra đền thờ còn có tên gọi thứ tư là Đền thờ Máng Cỏ, vì bên dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin có giữ hai thanh gỗ lấy ở máng cỏ Bếtlêhem bên Thánh Địa, và được đựng trong một hộp thuỷ tinh có viền trang hoàng bằng bạc rất đẹp.

Sau khi Công Đồng Chung Êphêxô nhóm họp năm 431 và tuyên bố tín điều Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa Theotokos, Đền Thờ Đức Bà Cả đã được Đức Giáo Hoàng Sisto III cho xây lại giữa các năm 432-440. Vào thế kỷ XII, giữa các năm 1145-1153, đền thờ được Đức Giáo Hoàng Eugenio III cho sửa rộng ra, xây thêm khu vực dành cho các dự tòng phiá trước có trang hoàng cột, và cho làm nền lát đá cẩm thạch mầu kiểu Cosmati. Giữa các năm 1288-1292 Đức Giáo Hoàng Nicolò IV cho xây cung thánh mới, và giao cho ông Jacopo Torriti trang hoàng với các bức khảm đá mầu rất đẹp.

Phép lạ, đã truyền cảm hứng cho việc xây dựng nhà thờ Đức Thánh Cha, liên quan đến một trận tuyết rơi kỳ diệu ở Rome vào ngày 5 tháng 8 năm 358.

Năm nay, Đức Hồng Y Stanislsw Rylko, Giám Quản Đền Thờ Đức Bà Cả, đã cử hành Thánh lễ kỷ niệm 1,661 năm phép lạ này.

Trong bài giảng, Đức Hồng Y Rylko, nguyên là chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Giáo dân, là người đã được 3 vị Giáo Hoàng liên tiếp ủy nhiệm việc tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, nói:

“Vào dịp lễ trọng cung hiến Đền Thờ Đức Bà Cả, Chúa Giêsu Kitô cũng nói với chúng ta, mỗi người chúng ta, cụm từ này: đó là ‘Này là Mẹ con’. Những lời này linh hứng trong chúng ta niềm tin vào Đức Mẹ, không sợ hãi, nhưng lắng nghe Mẹ, và để mình được Mẹ hướng dẫn.”

“Chúa Kitô tiếp tục giao phó Mẹ Ngài cho mỗi người chúng ta, ‘Này là Mẹ con’ và chúng ta, như Tông Đồ gioan, được mời gọi đưa Đức Maria về nhà của chúng ta, để Mẹ bước vào cuộc sống của chúng ta, thành một phần trong niềm vui, nỗi buồn, những vấn đề của chúng ta, và cả những thách thức mà chúng ta phải đối mặt hàng ngày.”

Kết thúc bài giảng, Đức Hồng Y Rylko nói:

“Xin cho chúng ta đừng quên những lời Đức Trinh nữ nói trong tiệc cưới tại Cana. Mẹ của chúng ta hôm nay, cũng đang tiếp tục nói với mỗi người chúng ta: ‘Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo’”. (Gioan 2:3-5).

Trong số bốn đại đền thờ của Đức Giáo Hoàng tại Rôma, Đền Thờ Đức Bà Cả là đền thờ duy nhất duy trì cấu trúc ban đầu. Các hoa văn có niên đại từ thế kỷ thứ 5 có thể được nhìn thấy trong gian trung tâm của Đền Thờ, nơi cũng lưu giữ thánh tích của Máng Cỏ khi Chúa giáng sinh.

Lễ cung hiến Đền Thờ Đức Bà Cả được cử hành mỗi năm vào ngày 5 tháng 8 với một Thánh lễ trong đó những cánh hoa hồng trắng rơi xuống từ trần nhà khi cộng đoàn cùng hát kinh Vinh Danh. Lễ cung hiến Đền Thờ Đức Bà Cả là đỉnh cao sau khi các tín hữu đã trải qua ba buổi chiều liên tiếp với các thánh lễ và các buổi cầu nguyện từ ngày 2 đến ngày 4 tháng Tám.

Lúc 9g tối thứ Hai, đã có một buổi trình diễn ánh sáng ở quảng trường phía trước Đền Thờ Đức Bà Cả để trong một chương trình đặc biệt được dành riêng cho Nhà thờ Đức Bà Paris, nơi đã bị hư hại nặng trong một trận hỏa hoạn vào tháng Tư. Chương trình cũng được dành để kỷ niệm 500 năm ngày mất của danh họa Leonardo da Vinci.


Source:Vatican News
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Giám Mục giáo phận Xuân Lộc thăm các gia đình di dân tại Hố Nai Biên Hòa
Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
23:35 10/08/2019
Đức Cha Giuse thăm các anh chị em công nhân tại công ty và di dân tại nhà trọ khu công nghiệp Hố Nai – Amata – Biên Hòa.

Chiều ngày 4/8/2019, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Giáo phận đã đến viếng thăm khoảng gần 1300 anh chị em công nhân - di dân đang tạm trú tại 3 cụm gồm Công ty Gỗ Nghĩa Kỳ và hai cụm nhà trọ thuộc địa bàn Giáo xứ Ngô Xá, Tiên Chu, Hòa Bình- Giáo hạt Hòa Thanh, gần Ga Hòa Bình, thuộc khu vực Công Nghiệp Amata – Hố Nai, Biên Hòa.

Xem Hình

Lần thăm viếng này của Đức Cha Giáo phận với anh chị em công nhân và di dân là nhờ vào sự sắp xếp của quý Cha Chánh xứ Ngô Xá, Tiên Chu, Hòa Bình và Cha Giuse Phạm Đình Hiền, Đặc Trách Mục vụ Di dân. Đa số anh chị em di dân đến từ vùng sông nước như Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh, và có cả một số anh chị em thuộc dân tộc Khơme.

Khác với những lần mục vụ trước, đây là lần đầu tiên Đức Cha Giuse có một cuộc gặp gỡ, thăm viếng ngay tại chỗ khoảng 450 anh chị em công nhân đang làm việc tại công ty gỗ Nghĩa Kỳ, theo sự sắp xếp của chủ công ty. Vì thế, rất nhiều anh chị em công nhân, trong đó có cả những công nhân thuộc tôn giáo bạn cũng bày tỏ sự xúc động trước sự hiện diện cùng với sự thăm hỏi và chúc lành của Đức Cha dành cho họ.

Rời khỏi công ty Gỗ Nghĩa Kỳ, Đức Cha Giáo phận đã đến từng cụm khu vực nhà trọđể thăm anh chị em di dân đang ở tạm trong những căn phòng trọ nhỏ bé, tạm bợ với những thiếu thốn. Dù cuộc viếng thăm của Đức Cha không nặng nề với những món quà, nhưng với sự thăm viếng này, nhưng anh chị em di dân cảm nhận được họ không bị cô đơn nơi vùng đất xa quê, họ cảm thấy mình được yêu thương, để nhẹ vơi những gánh nặng, khó khăn và thách đố vốn dĩ phải có trong cuộc sống tạm nơi vùng xa. Và vì vậy, nơi nhiều khuôn mặt anh chị em di dân chiều hôm đó đã tỏa rạng lên niềm vui và hạnh phúc, vì họ – dù là người tin Chúa hay chưa tin vào Ngài - đã có thể cảm nhận được Thiên Chúa luôn yêu thương và lo lắng cho họ, qua Giáo Hội của Ngài.

Đức Cha Giáo phận không chỉ gặp gỡ các anh chị em di dân nhưng Ngài còn gặp các chủ công ty, chủ nhà trọ tại các cụm khu vực này. Khi gặp gỡ với những người này, Đức Cha Giáo phận có lời khen ngợi, khi chân nhận về những công việc tốt đẹp họ đã làm như tạo công việc, trợ giúp ổn định đời sống cho anh chị em di dân. Dù vậy, Đức Cha Giuse cũng mời gọi những chủ nhà máy, chủ phòng trọ hãy quan tâm, yêu thương, bảo vệ quyền lợi về đời sống tinh thần cũng như vật chất của họ hơn nữa, trong chính những sự bấp bênh, khó khăn của anh chị em công nhân, di dân.

Trong chuyến thăm viếng này, Đức Cha Giáo phận Xuân Lộc cũng đã ban phúc lành cho ngành công nghiệp tại khu vực ngài đến thăm viếng.

Sau khi gặp gỡ công nhân và di dân tại nơi họ làm việc và ở trọ, Đức Cha Giuse cùng với Cha Đặc Trách Di dân và quý Cha đã dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho anh chị em công nhân, di dân, cho chủ công ty, các chủ nhà trọ tại Giáo xứ Hòa Bình, Giáo hạt Hòa Thanh. Cùng hiệp thông tham dự Thánh Lễ là các ông bà chủ công ty, chủ nhà trọ, các công nhân, di dân, các cộng tác viên ban đặc trách di dân và đông đảo bà con giáo dân của Giáo xứ Hòa Bình.

Trong bài giảng Thánh Lễ, cũng như phần huấn từ trước khi kết thúc Thánh Lễ, Đức Cha Giáo phận đã mời gọi anh chị em giáo dân, các chủ công ty, nhà trọ hãy quan tâm, giúp đỡ những khó khăn của công nhân, của anh chị em di dân. Điều này cần phải khởi đi từ một trái tim luôn biết xót thương, nhạy bén trước những nhu cầu của người khác để trợ giúp. Đức Cha mong muốn từng người, trong vai trò, trong khả năng của mình, hãy làm cho công ty của mình, những khu nhà trọ của họ, cho mảnh đất của Giáo phận thấm đẫm lòng thương xót bằng chính những “giọt thương xót” nhỏ xuống từng ngày, mỗi giờ. Có như thế, giữa một xã hội đang ngày càng trở nên khô cằn tình thương, thì những nghĩa cử của lòng thương xót nơi mỗi Kitô hữu – là giáo dân, là chủ công ty, là chủ nhà trọ- sẽ làm cho người công nhân, di dân được cảm thấy mảnh đất Xuân Lộc này nói chung, và công ty, nhà trọ của họ nói riêng trở nên gần gũi hơn, làm cho đời sống của họ được ổn định về tinh thần, cảm thấy họ được yêu thương, quan tâm, cho dẫu những khó khăn vật chất có thể vẫn còn.

Tin: Nữ tu Teresa Ngọc Lễ, O.P

Ảnh: Ban Truyền Thông Di Dân Giáo phận Xuân Lộc.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tài liệu năm 2014 về Linh Hứng của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh , Phần 1: Các Tin Mừng Nhất Lãm
Vũ Văn An
01:13 10/08/2019
3. Chứng từ của các bản văn được chọn trong Tân Ước

Chúng ta đã nhấn mạnh như một nét chuyên biệt trong các trước tác Tân Ước, cách chúng diễn tả mối liên hệ giữa các tác giả của chúng với Thiên Chúa qua trung gian độc hữu con người của Chúa Giêsu. Có một vị trí đặc biệt ở đây dành cho bốn Tin Mừng. Thực vậy, Hiến chế tín lý Dei Verbum nói đến "ưu thế xứng đáng của chúng, bao lâu chúng tạo thành chứng từ tuyệt vời cho đời sống và giáo huấn của Ngôi Lời nhập thể, Chúa Cứu Thế của chúng ta" (số 18). Chúng ta sẽ xét đến vai trò ưu tuyển này của các Tin mừng, và để làm điều này, sau phần giới thiệu để trình bày những gì chúng có chung, sẽ lần lượt bàn đến các Tin mừng nhất lãm, sau đó là Tin mừng của Thánh Gioan. Đối với các trước tác Tân Ước khác, chúng ta sẽ giữ lại các chủ đề quan trọng nhất cho chủ đề được bàn: Công vụ Tông đồ, các thư của Tông đồ Phaolô, thư cho người Do Thái và Sách Khải Huyền.



3.1 Bốn sách Tin Mừng

Bốn sách Tin Mừng được phân biệt với mọi sách Thánh Kinh khác vì chúng đề cập trực tiếp đến "tất cả những gì Chúa Giêsu đã làm và dạy" (Cv 1:1), và trong đó, cùng một lúc, chúng trình bày việc Chúa Giêsu chuẩn bị các nhà truyền giáo cho nhiệm vụ truyền bá Lời Chúa mà Người đã mặc khải. Các Tin mừng chứng thực một cách đặc biệt nguồn gốc thần thiêng của bản văn của chúng, vì chúng trình bày chính con người của Chúa Giêsu và mối liên hệ của Người với Thiên Chúa, và vì chúng trình bày các Tông đồ, việc đào tạo các ngài và quyền bính đã được Chúa Giêsu phong ban cho các ngài.

a. Chúa Giêsu, đỉnh cao mặc khải của Thiên Chúa cho mọi dân tộc

Các Tin mừng trình bày giữa chúng một sự đa dạng thực sự trong các chi tiết của câu chuyện, và cả trong các định hướng thần học, nhưng chúng gặp nhau trong việc trình bày con người của Chúa Giêsu và thông điệp của Người. Chúng tôi đề nghị ở đây một tổng hợp làm nổi bật các khía cạnh chính.

Bốn Tin Mừng trình bày con người và câu chuyện của Chúa Giêsu như đỉnh cao của câu chuyện Thánh Kinh. Từ sự kiện này, chúng thường nhắc đến các trước tác Cựu Ước, được bản dịch sang tiếng Hy Lạp tức bản Bẩy Mươi biết đến nhưng kể cả các bản văn gốc bằng tiếng Do Thái và tiếng Aram của chúng nữa. Chúng ta hãy nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiều mối liên kết được các sách Tin Mừng đề cập giữa Chúa Giêsu, các tổ phụ, Môsê và các tiên tri, những nhân vật mà kỷ niệm và ý nghĩa được chứa đựng trong các trước tác thánh thiêng của Cựu Ước.

Các Tin mừng chứng thực rằng Chúa Giêsu là sự hoàn tất, là sự thành tựu của mặc khải Thiên Chúa của Israel, của Đấng Thiên Chúa kêu gọi, dạy dỗ, trừng phạt và thường xây dựng lại Israel như là dân của Người, tách biệt khỏi các dân khác, nhưng được kêu gọi trở thành sự chúc phúc cho mọi dân tộc. Đồng thời, các Tin Mừng mở rộng một cách dứt khoát tính phổ quát của Cựu Ước và cho thấy: trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa tự mặc khải cho toàn thể nhân loại, thuộc mọi thời đại (xem Mt 28:20, Mc 14:9 Lc 24:47, Ga 4:42).

Bốn Tin Mừng - mỗi Tin theo một cách riêng – quả quyết rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, không những theo nghĩa tước hiệu thiên sai, mà như còn nói lên mối liên hệ, độc đáo và chưa từng có, với Cha trên trời, do đó vượt quá vai trò cứu rỗi và mặc khải của mọi con người nhân bản khác. Điều này được trình bầy một cách minh nhiên hơn trong Tin Mừng Gioan, một mặt trong lời mở đầu (Ga 1:1-18), mặt khác trong các chương liên quan đến Chúa phục sinh, trước hết lúc gặp gỡ Thánh Tôma (Ga 20:28), sau đó, trong quả quyết tối hậu về giá trị vô tận của cuộc đời và giáo huấn của Chúa Giêsu (Ga 21:25). Cũng cùng thông điệp này được tìm thấy trong Tin mừng Máccô dưới hình thức lồng chữ: ban đầu, ở đấy, người ta quả quyết rằng Chúa Giêsu là Chúa Kitô và là Con Thiên Chúa (Mc 1:1), và cuối cùng, người ta trích dẫn ở đấy lời chứng của viên bách quân Rôma về Chúa Giêsu bị đóng đinh: "Quả thật, người này là Con Thiên Chúa" (Mc 15:39). Cùng một nội dung này đã được chứng thực bởi các Tin Mừng nhất lãm khác, với các hạn từ mạnh mẽ và minh nhiên, trong một lời cầu nguyện hân hoan mà Chúa Giêsu ngỏ cùng Thiên Chúa Cha của Người (Mt 11:25-27, Lc 10:21-22). Sử dụng các kiểu nói thực sự độc đáo, Chúa Giêsu không những phát biểu sự bình đẳng hoàn toàn và tình thân mật kết hợp Thiên Chúa Cha và chính Người trong tư cách Chúa Con, mà còn quả quyết rằng mối liên hệ này chỉ có thể được thừa nhận nhờ hành động mặc khải: chỉ có Chúa Con có thể mặc khải Chúa Cha, và chỉ có Chúa Cha mới có thể mặc khải Chúa Con.

Theo quan điểm văn chương, các sách Tin Mừng chứa đựng các tình tiết tự sự và các diễn từ giáo huấn, nhưng trong thực tế, ý nghĩa tối hậu của chúng có liên quan với việc truyền tải lịch sử mặc khải và cứu rỗi. Chúng trình bày cuộc sống của Con Thiên Chúa nhập thể, Đấng, từ thân phận khiêm nhường của một cuộc sống bình thường, và trải qua các sỉ nhục tàn khốc của khổ nạn và sự chết, cuối cùng đạt được sự tôn vinh trong vinh quang. Nhờ cách này, các sách Tin mừng, khi truyền tải mặc khải của Thiên Chúa nơi Con của Người là Chúa Giêsu, đã mặc nhiên cho thấy nguồn gốc thần thiêng của bản văn của chúng.

b. Sự hiện diện và việc đào tạo các nhân chứng tận mắt và các thừa tác viên lời Chúa

24. Tất cả các tình tiết Tin mừng đều tập trung vào Chúa Giêsu, Đấng, tuy nhiên, được bao quanh bởi các môn đệ. Thuật ngữ "môn đệ" dùng để chỉ nhóm người theo chân Chúa Giêsu, mà số lượng không được xác định. Mọi sách Tin mừng đều nói chuyên biệt tới "nhóm mười hai", một nhóm được chọn để đồng hành với Chúa Giêsu trong suốt thời gian thừa tác của Người, một nhóm mà giá trị có tầm quan trọng lớn. Nhóm mười hai họp thành một cộng đồng, được xác định một cách chính xác bằng tên riêng của những người lập thành ra nó. Mọi sách Tin mừng đều tường trình rằng nhóm này được Chúa Giêsu chọn lựa (Mt 10:1-4, Mc 3:13-19, Lc 6:12-16, Ga 6:70). Mười hai người này theo Người để trở thành nhân chứng tận mắt cho thừa tác vụ của Người, và đảm nhận vai trò những người được sai đi với trọn quyền hành (Mt 10:5-8, Mc 3:14-15; 6:7, Lc 9:1-2, Ga 17:18; 20:21). Con số họ tượng trưng cho mười hai chi tộc Israel (Mt 19:28, Lc 22:30) và biểu thị sự trọn vẹn của dân Thiên Chúa, một điều cần đạt được qua sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng của họ cho toàn thế giới. Thừa tác vụ của họ không những chỉ truyền tải sứ điệp của Chúa Giêsu cho mọi người trong thời đại sắp tới, mà còn nhờ việc chu toàn lời tiên tri của Isaia về sự xuất hiện của Đấng Emanuen (Is 7,14), nó làm cho sự hiện diện của Chúa Giêsu trên thế giới được kéo dài, phù hợp với lời hứa của Người: "Và Thầy ở cùng chúng con mỗi ngày cho đến tận cùng thế giới" (Mt 28,20). Các sách Tin mừng, tức các sách chứng thực thành phần chuyên biệt của Nhóm Mười Hai, cho thấy một cách cụ thể nguồn gốc của nhóm này, nơi Chúa Giêsu và nơi Thiên Chúa.



3.2 Các Tin Mừng nhất lãm

Các Tin Mừng nhất lãm trình bày câu chuyện về Chúa Giêsu theo cách không để chỗ cho quan điểm của tác giả của tường thuật, cũng như việc mỗi vị trình bầy về con người, cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giêsu. Khi mô tả các mối liên hệ phong phú và đa dạng của Chúa Giêsu với Thiên Chúa, các sách Tin mừng mặc nhiên mô tả mối liên hệ của chúng với Thiên Chúa - nguồn gốc thần thiêng của chúng - và điều này luôn qua sự trung gian của con người và hành động mặc khải và cứu rỗi của Chúa Giêsu.

Chỉ có thánh Luca là cung cấp phần dẫn nhập vào hai cuốn trong bộ tác phẩm của ngài (Lc 1:1-4, xem Cv 1:1), dựa câu chuyện của ngài trên các giai đoạn trước đó của truyền thống tông đồ. Như thế, ngài dự kiến công trình của ngài bên trong diễn trình các tông đồ làm chứng cho Chúa Giêsu, và lịch sử cứu độ của Người, một chứng tá đã bắt đầu với các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu ("nhân chứng tận mắt"), được công bố trong truyền giảng tông đồ đầu tiên ("các thừa tác viên của ‘Lời’"), và bây giờ được tiếp diễn trong một hình thức mới qua Tin Mừng Luca. Nhờ cách này, Thánh Luca cho thấy một cách minh nhiên mối liên hệ giữa Tin mừng của ngài và Chúa Giêsu Đấng mặc khải Thiên Chúa, và ngài khẳng định thế giá công trình của ngài về vấn đề mặc khải.

Tại trung tâm của mọi Tin mừng là con người của Chúa Giêsu, được quan niệm theo các mối liên hệ rất nhiều và đặc thù của Người với Thiên Chúa, các liên hệ tự biểu lộ trong các biến đời sống Chúa Giêsu và trong các hoạt động của Người, nhưng cả trong vai trò của Người trong lịch sử cứu độ. Phần đầu của chương này sẽ đề cập đến con người và hoạt động của Chúa Giêsu. Phần thứ hai sẽ xem xét vai trò của Người trong lịch sử chung của Thiên Chúa và của nhân loại.

a. Chúa Giêsu và mối liên hệ đặc thù của Người với Thiên Chúa.

Các sách Tin Mừng xem xét mối liên hệ chuyên biệt nối kết Chúa Giêsu với Thiên Chúa theo nhiều cách khác nhau. Chúng trình bày Người như:

a / Chúa Kitô, Con Thiên Chúa hiện hữu trong một mối liên hệ đặc quyền và độc đáo với Chúa Cha.
b / Đấng đầy Thần khí của Thiên Chúa
c / Đấng hành động với quyền năng của Thiên Chúa
d / Đấng dạy dỗ với uy thế của Thiên Chúa
e / Đấng mà mối liên hệ với Chúa Cha được mặc khải và xác nhận dứt khoát bằng cái chết và sự phục sinh của Người.



Chúa Giêsu Con Duy Nhất của Chúa Cha

Các Tin mừng về thời thơ ấu, trong Thánh Mátthêu và Thánh Luca, đề cập rõ ràng đến nguồn gốc thần thiêng của Chúa Giêsu (Mt 1:20, Lu-ca 1:35) và mối liên hệ độc đáo của Người với Chúa Cha (Mt 2:15, 49).

Ba Tin Mừng nhất lãm đề cập đến, như những biến cố quan trọng trong cuộc đời của Chúa Giêsu, các tình tiết trong đó Người trực tiếp nói chuyện với Cha của Người, và trong đó, về phần Chúa Cha, Người xác nhận nguồn gốc thần thiêng của danh tính và sứ mệnh Chúa Con.

Trong tất cả các Tin Mừng nhất lãm, thừa tác vụ công khai của Chúa Giêsu được dẫn đầu bởi việc Người chịu phép rửa và cuộc thần hiện gây ấn tượng. Các tầng trời mở ra, Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu và tiếng nói của Thiên Chúa tuyên bố Người là Con yêu dấu của Mình (Mt 3:13-17, Mc 1:9-11, Lc 3:21-22). Sau biến cố có thể nói là đăng quang này, các Tin mừng cho thấy Người được Thánh Thần dẫn vào sa mạc (Mt 4:1-11, Mc 1:12-13, Lc 4:1-13) để đương đầu với Satan (do đó gợi lên việc Israel lưu tại sa mạc), sau đó Người bắt đầu thừa tác vụ ở Galilê.

Một cuộc thần hiện có tính xác định khác – việc hiển dung của Chúa Giêsu – xẩy đến vào cuối thừa tác vụ của Người ở Galilê, khi Người lên đường đi Giêrusalem, lúc cận kề biến cố vượt qua. Như lúc chịu phép rửa, Thiên Chúa Cha tuyên bố: "Đây là Con yêu dấu của Ta" (Mt 17:5 tt.) và nhấn mạnh một cách minh nhiên quyền bính thuộc về Người: "Hãy lắng nghe Người!". Nhiều yếu tố của lần thần hiện này gợi lại các biến cố Sinai: đỉnh núi, sự hiện diện của Môsê và Êlia, sự kiện con người của Chúa Giêsu tỏa sáng, sự hiện diện của đám mây che phủ Người bằng bóng râm của nó. Bằng cách này, Chúa Giêsu và sứ mệnh của Người được nối kết với sự mặc khải của Thiên Chúa tại Sinai và lịch sử cứu độ của Israel.

Tin Mừng Mátthêu sử dụng một tước hiệu không có tương đương để đặt tên và mặc khải Chúa Giêsu là ai. Được gắn với tên riêng của Người - "Giêsu" - mà thánh nhân diễn giải bằng cụm từ: "Vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ" (Mt 1:21), Thánh Mátthêu còn nhắc đến tước hiệu "Emmanuen" (Mt 1: 23), có nghĩa là "Thiên Chúa ở cùng chúng ta" (Is 7:14). Bằng cách này, tin mừng gia khẳng định một cách minh nhiên sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu, và nhấn mạnh thẩm quyền do đó mà ra đối với việc giảng dạy của Người cũng như các hành vi khác của thừa tác vụ của Người. Tước hiệu "Emmanuen" xuất hiện trở lại, theo một nghĩa nào đó, trong Mt 18:20, nơi Chúa Giêsu nói về sự hiện diện của Người giữa cộng đồng ("Khi hai hoặc ba người tập hợp nhân danh Thầy, Thầy ở đó giữa họ" ) và trong Mt 28: 20 với lời hứa tối hậu của Chúa Giêsu phục sinh: "Và Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến ngày tận thế".

Chúa Giêsu tràn đầy Thánh Thần Thiên Chúa

Trong bối cảnh phép rửa, các Tin Mừng nhất lãm cùng ghi lại việc Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu (Mt 3:16, Mc 1:10, Lc 3:22) và xác nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần trong các hành vi của Người (xem Mt 12:28, Mc 3:28-30). Đặc biệt, Thánh Luca nhiều lần nhắc đến Thánh Thần, Đấng thúc đẩy Chúa Giêsu trong sứ mệnh giảng dạy và chữa bệnh của Người (Lc 4:1,14,18-21). Cũng tin mừng gia này lưu ý rằng, trong khoảnh khắc hết sức cảm xúc, Chúa Giêsu "hân hoan nhẩy mừng dưới hành động của Chúa Thánh Thần" (Lc 10:21), và nói: "Tất cả đã được Cha tôi ban cho tôi. Không ai biết Con là ai, ngoài Cha; và không ai biết Cha là ai ngoài Con và kẻ Người muốn mặc khải "(Lc 10:22, xem thêm Mt 11:25-27).

Chúa Giêsu hành động bằng quyền năng Thiên Chúa

27. Mối liên hệ đặc biệt giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa cũng được biểu lộ trong các vụ trừ qủy và chữa bệnh. Trong ba Tin Mừng nhất lãm, và nhất là trong Máccô, các vụ trừ qủy là dấu ấn đặc biệt trong sứ mệnh của Chúa Giêsu. Quyền năng của Chúa Thánh Thần hiện diện trong Chúa Giêsu cũng có thể đánh đuổi thần giam hãm tìm cách tiêu diệt các hữu thể nhân bản (thí dụ, Mc 1: 21-28). Cuộc giáp mặt của Chúa Giêsu với Satan, diễn ra trong những lần cám dỗ khi Chúa Giêsu khởi đầu thừa tác vụ của Người, tiếp diễn cách này, trong suốt đời Người, trong cuộc đấu tranh chiến thắng chống lại các lực lượng xấu xa từng gây ra đau khổ cho con người. Cùng những sức mạnh ma quỷ này được trình bày như biết rõ một cách lo lắng danh tính của Chúa Giêsu như là Con Thiên Chúa (xem, thí dụ, Mc 1:24; 3:11; 5:7). "Sức mạnh" từ Chúa Giêsu phát ra là sức mạnh chữa lành (x. Mc 5:30). Những câu chuyện như vậy có rất nhiều trong mỗi Tin Mừng nhất lãm. Khi các đối thủ của Chúa Giêsu buộc tội Người nhận được sức mạnh từ Satan, Người đáp lại bằng một tuyên bố tổng hợp liên kết các hành động lạ lùng của Người với sức mạnh của Chúa Thánh Thần và với sự hiện diện của triều đại Thiên Chúa: " Còn nếu tôi dựa vào Thần Khí của Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông" (Mt 12:28, xem Lc 11:20).

Sự hiện diện của quyền năng Thiên Chúa trong chính Chúa Giêsu thể hiện một cách đặc biệt trong các tình tiết trong đó, quyền bính của Người cũng được triển khai đối với các sức mạnh tự nhiên. Những câu chuyện dẹp yên bão tố và đi trên nước đều tương đương với các lần thần hiện, trong đó Chúa Giêsu thi hành quyền bính thần thiêng đối với lực lượng hỗn loạn của biển, và khi đi trên mặt nước, Người công bố tên thần thiêng (egô eimi) như tên riêng của Người (xem Mt 14:27, Mc 6:50). Trong câu chuyện của Tin Mừng Mátthêu, các môn đệ tham dự phép lạ đã xúc động đến độ tuyên xưng danh tính của Chúa Giêsu như Con Thiên Chúa (Mt 14:33). Cũng vậy, những câu chuyện về việc hóa bánh ra nhiều cho thấy sức mạnh đặc biệt và uy quyền của Chúa Giêsu (x. Mt 14:13-21, Mc 6:32-44, Lc 9:10-17, xem Mt 15: 32-39, Mc 8:1-10). Sự hóa nhiều các ổ bánh có thể liên kết với ơn Thiên Chúa ban manna trong sa mạc, và với thừa tác vụ tiên tri của Elia và Elisa. Đồng thời, bằng những lời nói và cử chỉ trên các ổ bánh, và bằng sự dư thừa các mẩu bánh còn lại, đã có sự ám chỉ đến việc cử hành Thánh Thể của cộng đồng Kitô giáo, trong đó quyền năng cứu độ của Chúa Giêsu được triển khai một cách bí tích.

Chúa Giêsu giảng dạy với uy quyền của Thiên Chúa

Các Tin Mừng nhất lãm nói rằng Chúa Giêsu giảng dạy với thẩm quyền đặc biệt. Khi hiển dung, giọng nói từ trời cho biết rõ: "Đây là Con yêu dấu của Ta: hãy lắng nghe Người!” (Mc 9:7, Mt 17:5, Lc 9:35). Trong hội đường Caphanaum, các nhân chứng của bài giáo huấn đầu tiên và phép trừ quỷ đầu tiên của Chúa Giêsu kêu lên: "Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh! " (Mc 1:27). Trong Mt 5:21-48, Chúa Giêsu, một cách đầy uy quyền, đặt giáo huấn của Người mâu thuẫn với các yếu tố chính của Lề Luật: " "Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng... Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết...” Người cũng tuyên bố là "chủ của ngày Sabát" (Mt 12:8, Mc 2:28, Lc 6:5). Thẩm quyền mà Chúa Giêsu nhận được từ Thiên Chúa cũng bao trùm cả việc tha thứ tội lỗi (Mt 9:6, Mc 2:10, Lc 5:24).

Cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là sự mặc khải cuối cùng và như xác nhận mối liên hệ độc đáo của Người với Thiên Chúa

28. Việc đóng đinh Chúa Giêsu, một định mệnh cực kỳ tàn khốc và ô nhục, dường như xác nhận ý kiến của những kẻ thù của Người, những người coi Người là kẻ phạm thượng (Mt 26:65, Mc 14:63). Họ yêu cầu người bị đóng đinh từ trên thập giá bước xuống và do đó chứng minh được cao ngạo cho mình là Con Thiên Chúa (Mt 27:41-43, Mc 15:31-3). Cái chết trên Thập giá dường như chứng minh rằng những tuyên bố ngạo mạn và hành động của Người bị Thiên Chúa bác bỏ (recusé). Nhưng theo các sách Tin mừng, Chúa Giêsu, khi hấp hối, đã phát biểu sự kết hợp mật thiết của Người với Thiên Chúa Cha, Đấng mà Người chấp nhận thánh ý (Mt 26:39. 42; Mc 14:36; Lc 22:42). Và Thiên Chúa Cha, khi phục sinh Chúa Giêsu từ cõi chết (Mt 28:6; Mc 16:6; Lc 24:6.34) chứng tỏ Người chấp thuận hoàn toàn và dứt khoát con người của Chúa Giêsu, trong tất cả các hoạt động và các tuyên bố của Người. Bất cứ ai, đã tin vào sự phục sinh của Chúa Giêsu bị đóng đinh, thì không thể nghi ngờ mối liên hệ độc đáo của Người với Thiên Chúa Cha, cũng như tính hợp lệ của toàn bộ thừa tác vụ của Người.

b. Chúa Giêsu và vai trò của Người trong lịch sử cứu độ

29. Kinh thánh của dân Israel được coi như câu chuyện về lịch sử của Thiên Chúa với dân tộc này và như Lời Thiên Chúa. Các Tin Mừng nhất lãm cho thấy mối liên hệ kết hợp Chúa Giêsu với Thiên Chúa, và giải thích lịch sử của Người như sự nên trọn của Kinh thánh. Mối liên hệ đặc biệt kết hợp Chúa Giêsu với Thiên Chúa cũng được diễn dịch trong sự trở lại của Chúa Giêsu vào lúc tận cùng thời gian.

Sự nên trọn của Sách Thánh

Điều quan trọng cần lưu ý là, trong tất cả những điều Người nói, không những Chúa Giêsu hoàn tất lời dạy của Môsê và các tiên tri, mà Người còn tự trình bầy Người như người đích thân hoàn tất các Sác Thánh. Thánh Mátthêu (Mt 2:15) nhận xét rằng từ thời thơ ấu, Chúa Giêsu đã lặp lại hành trình của Israel "từ Ai Cập" (xem Hôsê 11: 1). Được tràn đầy Chúa Thánh Thần (Lc 4:15), sau khi đọc Isaia ở hội đường Nadarét, Người đã đóng sách lại và tuyên bố: "Hôm nay đoạn Kinh thánh này mà anh em vừa nghe đã nên trọn" (Lc 4:21). Cùng cách đó, Người gửi lời nói với Thánh Gioan Tẩy Giả đang ở trong tù rằng những gì các đặc phái viên của thánh nhân thấy đã hoàn tất toàn diện các lời tiên tri về Đấng Mêsia của Isaia (Mt 11:2-6 nối kết Is 26:19; 29:18-19; 35:5; 61:1). Lời mở đầu có tính lên chương trình của Tin mừng Máccô, trong những câu đầu tiên, đã cung cấp một bản tóm tắt về căn tính của Chúa Giêsu: không những ngay từ dòng đầu tiên, nó đã nói đến "Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa" (Mc 1:1) nhưng, trong những câu sau đây, nó cũng đã công bố chính Chúa trong con người của Người, mà việc xuất hiện đã được chuẩn bị, theo chứng từ của các tiên tri (Mc 1: 2-3, tự nhắc đến Is 23:20; Ml 3:1; Is 40: 3). Nếu các Tin mừng gia trình bày Người một cách nhất quán như là hậu duệ của Đavít, thì người ta cũng nói về Người, trong những điều liên quan đến khôn ngoan, Người còn vĩ đại hơn Salômôn (Mt 12:41; Lc 11:32), vĩ đại hơn Đền thờ (Mt 12:6), hoặc thậm chí vĩ đại hơn Giôna (Mt 12:41, Lc 11:32). Trong bài diễn văn trên núi, Người lập luật với một thẩm quyền vượt quá cả thẩm quyền của Môsê (xem Mt 5:21.27.33.38.43).

Sự hoàn tất lịch sử và việc trở lại vinh thắng của Chúa Giêsu

Theo các Tin Mừng nhất lãm, mối liên hệ rất mật thiết của Chúa Giêsu với Thiên Chúa được biểu lộ không những ở sự kiện cuộc đời của Chúa Giêsu là sự hoàn tất của lịch sử Thiên Chúa với Israel, mà còn ở sự kiện toàn bộ lịch sử được đem đến chỗ hoàn tất của nó bằng việc trở lại của Chúa Giêsu trong vinh quang của Người. Trong các ngôn từ khải huyền, (Mt 24-25, Mc 13, Lc 21), Người chuẩn bị cho các môn đệ của Người trước các day dắt của lịch sử sau khi Ngài chết và sống lại, và Người khuyên họ hãy trung thành và sẵn sàng chờ đợi Người trở lại. Từ nay, họ sống trong một thời gian giữa việc hoàn tất lịch sử trước đó, được hiện thực hóa bởi công việc và cuộc đời của Chúa Giêsu, và sự hoàn tất dứt khoát của lịch sử vào lúc tận cùng mọi thời gian. Thời gian ỡ giữa này là thời gian của cộng đồng những người tin vào Chúa Giêsu, thời của Giáo hội. Trong thời trung gian này, các Kitô hữu có sự bảo đảm này là Chúa phục sinh luôn ở bên cạnh họ (Mt 28:20), đặc biệt qua sự trung gian của quyền năng Chúa Thánh Thần (Lc 24:49, xem Cv. 1: 8). Họ cũng có nhiệm vụ loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu cho mọi người (xin xem Mt 26:13; Mc 13:10; Lc 24:47), để biến họ trở thành môn đệ của Chúa Giêsu (Mt 28:19) và sống theo Chúa Giêsu. Toàn bộ cuộc sống của họ, và toàn bộ thời gian này nhận làm chân trời việc hoàn tất lịch sử, một lịch sử sẽ trở thành sự thật trong việc trở lại vinh thắng của Chúa Giêsu.

c. Kết luận

30. Tin mừng nhất lãm cho thấy mối liên hệ đặc biệt kết hợp Chúa Giêsu với Thiên Chúa trong mọi chiều kích của cuộc sống và hoạt động của Người. Chúng cũng cho thấy ý nghĩa đặc biệt của cuộc đời Chúa Giêsu trong việc hoàn tất lịch sử chung của Thiên Chúa và dân Israel, cũng như trong sự hoàn tất dứt khoát toàn bộ lịch sử. Chính trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa tự mặc khải Người và mặc khải dự án cứu rỗi của Người cho toàn thể nhân loại, chính trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa nói với mọi con người nhân bản, và chính nhờ Chúa Giêsu mà họ được dẫn tới Thiên Chúa và kết hợp với Người, nhờ Chúa Giêsu họ có được ơn cứu rỗi. Khi trình bày Chúa Giêsu, Lời của Thiên Chúa, chính các Tin mừng trở thành Lời của Thiên Chúa. Bản chất Kinh thánh của Israel là nói về Thiên Chúa một cách có thẩm quyền, và dẫn tới Thiên Chúa một cách bảo đảm. Đặc điểm này cũng là bản chất của các Tin mừng, và dẫn tới việc ra đời của qui điển các trước tác Kitô giáo có liên hệ với qui điển Kinh thánh Do Thái.

Kỳ tới: Tin Mừng Gioan
 
Tài liệu năm 2014 về Linh Hứng của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh , Phần 1: Tin Mừng Gioan
Vũ Văn An
20:37 10/08/2019
3.3 Tin Mừng Gioan

31. Lời mở đầu của Tin mừng Gioan kết thúc bằng lời quả quyết long trọng: "Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết"(Ga 1:18). Lời trình bày này về bản tính của Chúa Giêsu (Con duy nhất, Thiên Chúa kết hợp mật thiết với Chúa Cha) và khả năng độc đáo biết và mặc khải Thiên Chúa không chỉ được chứng thực ở đầu Tin Mừng mà thôi; nhưng, khi cấu thành một luận đề căn bản, nó còn được xác nhận bởi trọn bộ công trình của Thánh Gioan: ai bước vào liên hệ với Chúa Giêsu và cởi mở đón nhận lời Người đều nhận được từ Người sự mặc khải về Thiên Chúa Cha. Cũng một cách như các Tin Mừng khác, Tin Mừng thứ tư nhấn mạnh đến việc hoàn tất Kinh thánh bằng công trình của Chúa Giêsu, và trình bày nó như một thành phần tạo nên kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Nhưng một đặc điểm riêng của Tin Mừng Gioan là việc mô tả một số đặc điểm trong mối liên hệ đặc biệt kết hợp tin mừng gia với Chúa Giêsu:



Chiêm ngưỡng vinh quang của người Con duy nhất

Chứng từ minh nhiên tận mắt

Giáo huấn của Thần Chân lý cho các nhân chứng

Những đặc điểm chuyên biệt trên, các đặc điểm nối kết tin mừng gia với con người của Chúa Giêsu cách thân mật hơn, có tác dụng nhấn mạnh nguồn gốc thần thiêng của Tin Mừng của ngài. Chúng ta hãy khai triển các đặc điểm chuyên biệt này.

a.Chiêm ngưỡng vinh quang của Con duy nhất

Lời mở đầu viết rằng: " Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được chiêm ngưởng vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật" (Ga 1:14). Sau khi đã quả quyết việc nhập thể của Ngôi Lời và việc Người bước vào trong nhân loại, trở thành nơi ở dứt khoát của Thiên Chúa giao ước, bản văn bỗng nhiên nói về một cuộc gặp gỡ bản thân và sâu sắc với Ngôi Lời nhập thể. Trong các bản văn Gioan, "chiêm ngưỡng, nhìn thấy" không chỉ một hành động nhất thời, hời hợt, mà là một hành động nhìn mãnh liệt và lâu dài, nối kết với việc suy niệm, cũng như sự hiểu biết sâu sắc và gắn bó với đức tin. Gioan 11:45 đề cập đến đối tượng trực tiếp của chiêm ngưỡng: "những gì Người đã làm", nghĩa là sự phục sinh Ladarô, và nhắc đến hậu quả của việc này: đức tin vào Chúa Giêsu. Ga 1:14b giải thích kết quả của việc "nhìn thấy", chiêm ngưỡng này: sự thấu hiểu đầy đức tin, việc thừa nhận Chúa Con duy nhất phát sinh từ Chúa Cha (1 Ga 1:1; 4:14). Do đó, đối tượng chiêm ngưỡng là Chúa Giêsu, con người và hoạt động của Người, vì, trong thời gian ở dưới thế, Ngôi Lời của Thiên Chúa trở nên hữu hình đối với con người.

Tác giả tự bao gồm mình trong nhóm các nhân chứng chăm chú ("chúng tôi"), những người, sau khi chiêm ngưỡng công trình của Chúa Giêsu, đã đạt được Đức tin vào Người, như Con duy nhất của Thiên Chúa Cha. Chứng từ tận mắt của tin mừng gia và đức tin của ngài vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, là nền tảng trước tác của ngài. Có thể diễn dịch một cách gián tiếp rằng trước tác này phát xuất từ Chúa Giêsu, và do đó xuất phát từ Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhấn mạnh tới sự kiện này là Thánh Gioan là thành viên của một nhóm các nhân chứng được đức tin cư ngụ. Kết luận đầu tiên của Tin mừng thứ tư (Ga 20: 30-31) cho phép nhận diện nhóm này. Tin mừng gia minh nhiên nói tới công trình của mình ("cuốn sách này") và "những dấu lạ" được kể ở đấy. Ngài khẳng định rằng Chúa Giêsu đã làm những điều đó "trước sự hiện diện của các môn đệ". Như thế, những người này tự tỏ ra mình là nhóm nhân chứng tận mắt mà tác giả của Tin mừng thứ tư vốn thuộc về.

b. Chứng từ minh nhiên tận mắt

Hai lần, tin mừng gia minh nhiên nhấn mạnh rằng ngài là nhân chứng tận mắt của những gì ngài viết. Thực vậy, chúng ta đọc trong phần kết luận của Tin mừng: "Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực" (Ga 21: 24). Một nhóm ("chúng tôi") trình bày người môn đệ - được nhận diện như nhân vật chính của câu chuyện cuối cùng - như một nhân chứng đáng tin cậy và là tác giả của toàn bộ tác phẩm. Nó nói tới người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến (xin xem Ga 21:20), người, trong các dịp khác, cũng là nhân chứng cho hành động của Người, cho sự gần gũi đặc biệt của ngài với Chúa Giêsu (x. Ga 13:23; 19:26; 20:2; 21:7). Theo cách này, người ta xác nhận rằng Tin Mừng này phát xuất từ Chúa Giêsu và từ chính Thiên Chúa. Những người tuyên bố "chúng tôi biết" (Ga 21:24) muốn phát biểu ý thức cho rằng mình đủ điều kiện để đánh giá như vậy. Biểu thức này cấu thành một hành động nhận ra, tiếp nhận và đề xuất bản văn này từ phía cộng đồng tín hữu.

Trong một đoạn khác, nhân chứng tận mắt được giải thích về sự trào nước và máu sau cái chết của Chúa Giêsu: "Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin” (Ga 19:35). Ở đây, các khái niệm "nhìn thấy", "làm chứng", "sự thật" và "tin " có tính quyết định. Nhân chứng tận mắt khẳng định sự thật của chứng từ mình, trong đó, ngài ngỏ với một cộng đồng ("anh em"), khuyến khích họ chia sẻ đức tin của ngài (Ga 20:31; 1 Ga 1:1-3). Chứng từ này liên quan không những các sự kiện đã xảy ra, mà cả ý nghĩa của chúng, do hai trích dẫn từ Cựu Ước cung cấp (Ga 19: 36-37). Nhờ bối cảnh, chúng ta biết rằng nhân chứng tận mắt là môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến, người đứng gần thập giá của Chúa Giêsu, và là người mà Chúa Giêsu đã nói với (Ga 19:25-27). Do đó, khi đề cập chuyên biệt đến cái chết của Chúa Giêsu, Ga 19:35 nhấn mạnh điều Ga 21:24 phát biểu cho toàn bộ các tường thuật của Tin Mừng thứ tư: Tin Mừng này được viết bởi một tác giả, nhờ kinh nghiệm trực tiếp và nhờ đức tin, vốn được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu và với Thiên Chúa, và truyền đạt chứng từ của ngài cho một cộng đồng các tín hữu có cùng đức tin như mình.

c. Giáo huấn của Thần Chân lý cho các nhân chứng.

Chứng từ của người môn đệ được làm cho khả hữu là nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần. Trong các phát biểu giã biệt (Ga 14-16), Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15: 26-27). Các môn đệ là các nhân chứng tận mắt cho mọi hoạt động của Chúa Giêsu "ngay từ đầu". Nhưng chứng từ đức tin, 1 chứng từ khiến chúng ta tin vào Chúa Giêsu như Đấng Kitô và Con Thiên Chúa (Ga 20,31), và được ban cho bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng vốn phát sinh từ Chúa Cha và được Chúa Giêsu sai đến, chứng từ ấy tạo nên nơi các môn đệ một sự kết hợp mãnh liệt với Thiên Chúa. Thế giới không thể tiếp nhận Chúa Thánh Thần (xem Ga 14:17), nhưng các môn đệ tiếp nhận Người vì sứ mệnh của họ trong thế giới (Ga 17:18). Chúa Giêsu giải thích Chúa Thánh Thần đã làm chứng cho Người cách nào: "Người sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14:26); "Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn" (Ga 16:13). Công trình của Chúa Thánh Thần hoàn toàn qui chiếu vào hoạt động của Chúa Giêsu và có mục tiêu dẫn đến sự thấu hiểu sự thật luôn luôn sâu sắc hơn, nghĩa là thấu hiểu mặc khải của Thiên Chúa mà Chúa Cha đã làm cho khả hữu bởi Chúa Giêsu (xem Ga 1:17-18). Chứng từ về Chúa Giêsu bởi bất cứ môn đệ nào chỉ trở nên "hữu hiệu" nhờ hành động của Chúa Thánh Thần. Điều nhận xét tương tự cũng có giá trị đối với chính Tin Mừng thứ tư, một tin mừng tự trình bày mình như chứng từ viết của người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến.



3.4 Công vụ tông đồ

34. Công vụ tông đồ được gán cho cùng một tác giả như Tin mừng Luca (x. Lc 1:14, Cc 1:1). Thánh Luca minh nhiên đề cập như là các nguồn Tin Mừng của ngài những người "đã được chứng kiến tận mắt ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa” (Lc 1:2), do đó gợi ý cho thấy Tin Mừng của ngài phát xuất từ Chúa Giêsu, Đấng mặc khải tối hậu và tối cao của Thiên Chúa Cha. Ngài không trình bày cùng một cách như thế các nguồn của sách Công vụ, cũng không nói tới nguồn gốc thần thiêng của nó. Nhưng người ta có thể nhận thấy, một mặt, tên trong danh sách các Tông đồ giống hệt như trong Công vụ 1:13 và trong Lc 6:14-16 (trừ Giuđa), và, mặt khác, trong sách Công vụ, đặc điểm của họ như các nhân chứng tận mắt được nhấn mạnh (xem Công vụ 1: 21-22; 10: 40-41), cũng như sứ mệnh của họ làm các thừa tác viên của Lời Chúa (Công vụ 6: 2; xem 2:42). Do đó, Thánh Luca mô tả trong Công vụ các hoạt động của những người được ngài nói đến ở Lk 1:2, do đó là những người có thể được coi là nguồn gốc của cả hai tác phẩm của ngài (Tin mừng Luca và Công vụ).

Chúng ta có thể cho rằng Thánh Luca đã được thông tri về các hoạt động của các ngài (vốn là chủ đề của sách Công vụ) với cùng sự quan tâm (x. Lc 1:3) như lúc ngài tìm tòi - qua các trung gian - về công trình của Chúa Giêsu.

Do đó, đối với nguồn phát sinh sách Công vụ Tông đồ, dữ kiện căn bản là mối liên hệ bản thân và trực tiếp với Chúa Giêsu của các nhân chứng tận mắt và các thừa tác viên của Lời Chúa này. Mối liên hệ của họ với Chúa Giêsu xuất hiện đặc biệt trong các ngôn từ và hành động của họ, trong công trình của Chúa Thánh Thần và trong việc giải thích Kinh thánh. Những yếu tố khác nhau chứng thực nguồn gốc thần thiêng của sách Công vụ giờ đây được bày tỏ rõ ràng.

a. Mối liên hệ bản thân và trực tiếp của các Tông đồ với Chúa Giêsu

Sách Công vụ kể lại việc loan báo Tin Mừng của các Tông đồ, đặc biệt là của Thánh Phêrô và Thánh Phaolô. Trong phần đầu của cuốn sách, Thánh Luca trình bày danh sách các vị, với Thánh Phêrô và mười tông đồ khác (xem Công vụ 1:13). Mười một vị này tạo thành hạt nhân của cộng đồng được Chúa Phục sinh hiện ra (x. Lc 24: 9.33) và đại diện cho cây cầu nối thiết yếu giữa Tin Mừng Luca và sách Công vụ (xem Công vụ 1:13.26).

Danh tính của các tên giữa danh sách Luca 6:14-16 và Công vụ 1: 13 tìm cách xác nhận mối liên hệ bản thân lâu bền và thâm hậu vốn nối kết mỗi Tông đồ với Chúa Giêsu. Mối liên hệ này tạo nên một đặc ân được ban cho họ trong lúc sinh thời của Chúa Giêsu và giúp họ trở thành những người chủ đạo của sách Công vụ. Các Tông đồ vẫn là những người đối thoại và ngồi cùng bàn của Chúa Giêsu trước biến cố Thăng thiên (Công vụ 13: 1-4). Người hứa với các vị sức mạnh của Chúa Thánh Thần, do đó định cho họ trở thành các chứng nhân của Người "cho đến tận cùng trái đất" (Cc 1:8). Toàn bộ các yếu tố này kết hợp để làm cho sách Công vụ được coi là phát xuất từ Chúa Giêsu và từ Thiên Chúa.

Tương tự như vậy, Thánh Phaolô, nhân vật chính của phần thứ hai của sách Công vụ, được đặc trưng hóa bằng mối liên hệ bản thân và trực tiếp của ngài với Chúa Giêsu. Cuộc gặp gỡ của ngài với Chúa phục sinh được thuật lại và làm nổi bật ba lần (Công vụ 9: 1-22; 22:3-16; 26:12-18). Chính Thánh Phaolô tuyên bố rõ ràng nguồn gốc thần thiêng của Tin Mừng của ngài: "Vì không có ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mặc khải” (Gl 1:12). Các phần của sách sử dụng chữ "chúng ta" (Công vụ 16:10-18; 20:5-15; 21:1-18; 27:1-28,16) gợi lên mối liên hệ của tác giả cuốn sách với Thánh Phaolô và qua Thánh Phaolô, với Chúa Giêsu.

b. Các ngôn từ và hành động của các Tông đồ

35. Hoạt động của các Tông đồ, như cuốn sách kể lại, cho thấy bằng nhiều cách mối liên hệ của các ngài với Chúa Giêsu. Các bài phát biểu của Thánh Phêrô (xem Công vụ 1:15-22; 2:14-36; 3:12-26; 10:34-43) và của Thánh Phaolô (thí dụ: Công vụ 13:16-41) là các bản tóm lược, các bản “tóm tắt" đem lại ý nghĩa cho cuộc đời và thừa tác vụ của Chúa Giêsu. Chúng trình bày các sự kiện căn bản về cuộc đời và thừa tác vụ ấy: Người thuộc dòng dõi Đavít (xem Công vụ 13:22-23), mối liên kết của Người với Nadarét (xem Công vụ 2:22; 4:10), thừa tác vụ khởi đầu của Người ở Galilê (x. Công vụ 10: 37-39). Cuộc khổ nạn và cái chết của Người, trong đó có sự liên quan của người Do Thái (xem Công vụ 2:23; 3:13; 4:10-11) và của dân ngoại (xem Công vụ 2:23; 4:26-27), Philatô (xem Công vụ 3:13; 4:27; 13:28) và Hêrốt (xem Công vụ 4:27) được đặc biệt nhấn mạnh, cũng như hình phạt thập giá (xem Công vụ 5:30; 10:39; 13:29) và sự phục sinh của Người nhờ Thiên Chúa (xem Công vụ 2:24,32; v.v.).

Việc trình bầy sự phục sinh của Chúa Giêsu làm nổi bật hành động của Chúa Cha, trái ngược với hành động của con người: "anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết” (Công vụ 2:23-24; xem Công vụ 3:15; v.v.). Thiên Chúa đã nâng Chúa Giêsu lên bên hữu của Người (Công vụ 2:33; 5:31) và tôn vinh Người (xem Công vụ 3:13). Mối liên hệ rất chặt chẽ giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa được nhấn mạnh như thế, đồng thời cả nguồn phát xuất thần thiêng của những điều được thuật lại. Các tước hiệu Kitô học của Tin Mừng Luca cũng được tìm thấy trong sách Công vụ: Đấng Kitô (Công vụ 2:31; 3:18), Chúa (Công vụ 2:36; 11:20), Con Thiên Chúa (Công vụ 9:20; 13:33), Cứu Chúa (Cv 5: 31; 13:23). Nói chung, theo cách diễn đạt của Công vụ, chính Thiên Chúa là nguồn gốc của những tước hiệu này, trong đó, phẩm tính và sứ mệnh được Người gán cho Chúa Giêsu đã được phát biểu (Công vụ 2:36: 5:31; 13: 33).

Cũng cùng cách đó, các hành động lạ lùng nối kết các Tông đồ với Chúa Giêsu. Các phép lạ của Chúa Giêsu là dấu chỉ triều đại Thiên Chúa (x. Lc 4:18; 11:20, Công vụ 2:22; 10:38). Chính Người ủy thác sứ mệnh này cho nhóm mười hai (Lc 9:1). Sách Công vụ, cách chung, gán cho các tông đồ "nhiều điềm thiêng dấu lạ " (Công vụ 2:43; 5:12; 14:3). Ngài cũng kể lại các phép lạ đặc thù, chẳng hạn như các vụ chữa lành (xem Công vụ 3:1-10; 5:14-16; 14:8-10), trừ quỉ (xem Công vụ 5:16; 8:7; 19:12), phục sinh người chết (Công vụ 9:36-42; 20:9-10). Các tông đồ thực hiện những dấu lạ này nhân danh Chúa Giêsu, với sức mạnh và uy quyền của Người (Công vụ 3: 1-10; 9: 32-35).

Hoạt động của các Tông đồ hoàn toàn do Chúa Giêsu quyết định, phát xuất từ Người và dẫn đến Người và Thiên Chúa Cha. Công vụ nhấn mạnh đến tính liên tục của kế hoạch thần thiêng, được hoàn thành nơi Chúa Giêsu Kitô, và sau đó được theo đuổi trong Giáo hội. Thánh Luca đặc biệt thấy trong các phép lạ sự xác nhận thần thiêng đối với sứ mệnh tông đồ, một sứ mệnh được định vị trong việc kéo dài sứ mệnh của Môsê (x.Công vụ 7:35-36), sau đó là sứ mệnh của Chúa Giêsu (Công vụ 2:22).

c. Công trình của Chúa Thánh Thần

36. Mối liên hệ của các Tông đồ với Chúa Giêsu cũng được biểu lộ qua việc ban Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu đã hứa và gửi đến cho họ, Chúa Thánh Thần, trong Người, họ thể hiện công trình của họ.

Chúa phục sinh loan báo cho họ "lời hứa của Chúa Cha" (Công vụ 1:4; Lc 24:49), phép rửa "trong Chúa Thánh Thần" (Công vụ 1:5), "sức mạnh" của Chúa Thánh Thần (Cc 1:8). Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ và "tất cả đều được đầy dẫy Chúa Thánh Thần" (Công vụ 2:4), Thần khí được Chúa Cha hứa ban và được Chúa Giêsu phân phát, được nâng lên bên tay phải Thiên Chúa (x. Cc 2:33). Chính trong Chúa Thánh Thần này, Thánh Phêrô và nhóm Mười một (xem Công vụ 2:14) mạnh mẽ đưa ra chứng từ công khai đầu tiên về các công trình và sự phục sinh của Chúa Giêsu (Công vụ 2:14-41).

Trong bản tóm tắt liên quan đến đời sống của Giáo hội Giêrusalem, hoạt động tông đồ được tóm tắt bằng những lời sau đây: "Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại” (Cv 4,33; xem Cv 1:22, v.v.). Chứng từ này diễn ra dưới ảnh hưởng của Chúa Thánh Thần (xem Công vụ 4:8,31; v.v.). Thừa tác vụ của Thánh Phaolô, công bố sự phục sinh của Chúa Giêsu (Công vụ 13: 30,37), được mô tả theo cùng một cách: Thánh Phaolô được tràn đầy Chúa Thánh Thần (xem Công vụ 9:17; 13:2, 4, 9).

d. Sự hoàn tất của Cựu Ước

37. Tin Mừng Luca cho thấy Chúa phục sinh đã giải thích cho các môn đệ của mình như thế nào về Kinh thánh, khiến họ hiểu rằng trong cuộc khổ nạn, sự chết và sự sống lại của Ngài, kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa do Môsê, các Tiên tri và Thánh vịnh (x. Lc 24:27,44) loan báo đã được thể hiện . Có 37 trích dẫn Cựu Ước trong sách Công vụ, phần lớn trong các diễn từ mà các Thánh Phêrô, Stêphanô và Phaolô ngỏ với khán giả Do Thái. Cuốn sách đề cập đến các văn bản được linh hứng, khi cho thấy sự hoàn tất của chúng nơi Chúa Giêsu, và nó gán cho lời lẽ của các nhà truyền giảng Kitô giáo cùng một giá trị của những lời được linh hứng.

Các sự kiện Kitô học cấu thành nội dung của lời truyền giảng, giống như các sự kiện cùng xẩy ra với chúng, được nối kết với Kinh thánh. Trong diễn từ khai mạc ngày lễ Ngũ tuần, Thánh Phêrô giải thích việc đột xuất các hiện tượng lạ thường có liên quan đến sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần (xem Công vụ 2:4-13,15), dưới ánh sáng lời tiên tri Giôen 3:1-5). Ở cuối cuốn sách, người ta thấy Thánh Phaolô diễn giải ra sao việc người Do Thái Rôma bác bỏ các đề nghị của ngài bằng cách nại đến lời tiên tri Isaia 6:9-10 (xem Công vụ 28:23-27). Do đó, những gì xảy ra ở đầu và ở cuối cuốn sách đều được liên kết với Lời tiên tri của Thiên Chúa. Kiểu bao hàm này có thể gợi lên ý tưởng cho rằng mọi thứ xảy đến và được tường trình trong sách Công vụ đều tương ứng với kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa.

Liên quan đến nội dung của lời truyền giảng tông đồ, ở đây chúng ta trình bầy một vài thí dụ. Thánh Phêrô bênh đỡ việc loan báo sự phục sinh của Chúa Giêsu (Công vụ 2:24) bằng cách trích dẫn Thánh vịnh 16: 8-11, vốn được gán cho Đavít (Công vụ 2:29-32). Ngài đặt cơ sở cho việc tôn vinh Chúa Giêsu bên tay phải Thiên Chúa (xem Công vụ 2:33) dựa vào Thánh vịnh 110:1, cũng được gán cho Đavít. Chúng ta cũng hãy trích dẫn, một cách tổng quát hơn, các tham chiếu mọi tiên tri, mà qua miệng các ngài, Thiên Chúa đã loan báo trước vận mệnh của Chúa Giêsu (xem Công vụ 3:18,24; 24:14; 26:22; 28:23). Thánh Phaolô trình bày sự phục sinh của Chúa Giêsu như là việc hoàn tất lời hứa đã ngỏ cùng các bậc Cha Ông và trích dẫn Thánh vịnh 2:7 (Công vụ 13:32-33).

Sách Công vụ làm chứng một cách đặc biệt cách mà Giáo hội sơ khai không những chỉ nhận Kinh thánh Do Thái như là di sản của riêng mình, mà còn nhận làm của riêng từ vựng và nền thần học linh hứng, như được tỏ lộ do cách các bản văn của Cựu Ước được trích dẫn ở đấy. Do đó, ở đầu (xem Công vụ 1:16), cũng như ở cuối cuốn sách (Công vụ 28:15), có sự khẳng định rằng Chúa Thánh Thần nói qua trung gian các tác giả và các bản văn Kinh thánh. Ở đầu cuốn sách, các Sách thánh- được tuyên bố là được Đức Giêsu hoàn tất – đã được định tính như một điều đã được Chúa Thánh Thần "nói trước" (Cc 1:16, xem thêm Công vụ 4:25) và ở cuối cuốn sách, những lời của Thánh Phaolô – tức những lời kết thúc hai tập của tác phẩm Luca – đã trích dẫn Is 6:9-10 cùng một cách tương tự: "Thánh Thần đã nói rất đúng khi dùng ngôn sứ Isaia [Is 6:9-10 bản Hy Lạp] mà phán với cha ông anh em” (Công vụ 28:25). Cách qui chiếu về Chúa Thánh Thần, lên tiếng trong các trước tác Kinh thánh và sử dụng các tác giả phàm nhân làm trung gian, là đặc điểm của các trước tác Kitô giáo, không những trong sự hiểu biết của họ về Kinh thánh Do Thái được linh hứng, mà cả trong sự hiểu biết của họ về việc truyền giảng tông đồ nữa. Sách Công vụ trình bày lời truyền giảng của các nhà truyền giáo Kitô giáo - đặc biệt của Thánh Phêrô (xem Cv 4:8) và của Thánh Phaolô (Cv 13:9) – một cách tương tự như các diễn từ tiên tri của Cựu Ước, và các diễn từ nối kết với thừa tác vụ của Chúa Giêsu: đó là những ngôn từ (bằng lời nói và sau đó được viết ra) phát xuất từ sự viên mãn của Chúa Thánh Thần.

e. Kết luận

Tính chuyên biệt của sách Công vụ hệ ở chỗ tường trình hoạt động của các nhân chứng tận mắt và các thừa tác viên của Lời Chúa từng có mối liên hệ đủ loại khác nhau với Chúa Giêsu. Trước hết, họ là các nhân chứng cho sự phục sinh của Chúa Giêsu, và chứng thực điều đó trên cơ sở các cuộc gặp gỡ với Chúa phục sinh và trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Họ trình bày câu chuyện về Chúa Giêsu như là sự hoàn tất kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, bằng cách tham chiếu Cựu Ước, và họ diễn giải hoạt động của chính họ dưới ánh sáng của cùng một nguồn này. Tất cả những gì được kể lại đều phát xuất từ Chúa Giêsu và Thiên Chúa. Lập luận rõ ràng này từ sách Công vụ nêu bật sự kiện này: bản văn bản của ngài phát xuất từ Chúa Giêsu và từ Thiên Chúa.

Kỳ tới: Các lá thư của Thánh Phaolô
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hừng Đông Đầu Ngày
Vũ Đình Huyến Lm.
08:35 10/08/2019
HỪNG ĐÔNG ĐẦU NGÀY
Ảnh của Vũ Đình Huyến, Lm. (CRM)

Trời mây non nước nhuộm sắc hồng,
Đỉnh cao vời vợi trông đẹp quá !
Thánh Giá vươn lên giữa không trung.…
(Trích thơ của Đinh Văn Tiến Hùng)