Ngày 06-08-2017
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Argentina: Nhớ ngày 4 tháng Tám năm nào, Đức Giám Mục Enrique Angelelli, người cam kết dấn thân phục vụ người nghèo đã bị giết.
Giuse Thẩm Nguyễn
10:26 06/08/2017
Argentina: Nhớ ngày 4 tháng Tám năm nào, Đức Giám Mục Enrique Angelelli, người cam kết dấn thân phục vụ người nghèo đã bị giết.

(News.va) Tin từ La Rioja. Vào ngày 4 tháng Tám, 1976 Đức Giám Mục Angelelli và cha Arturo Pinto trên đường về Cordaba sau buổi lễ vinh danh hai linh mục bị giết, thì có hai chiếc xe hơi khác đi ngược chiều đã đâm thẳng vào xe của ĐGM. Sau khi tỉnh dậy cha Pinto thấy ĐGM năm bên cạnh mình đã chết với nhiều phát đạn bắn vào đầu. Cái chết của ngài vẫn được coi là do tai nạn xe hơi gây ra. Mãi đến năm 2009 sự thật mới được sáng tỏ.

Dù ĐGM đã chết 41 năm rồi, cộng đồng Công Giáo vẫn còn nhớ mãi lời của ngài “Luôn dành một tai để lắng nghe người ta và tai kia để lắng nghe lời Chúa.” ĐGM Angelelli là Giám Mục của giáo phận La Rioja và là một trong các giám mục có tiếng chống lại chế độ độc tài. Ngài bị giết ngay sau khi chế độ độc tài quân phiệt được áp đặt trên quê hương ngài.

Vào ngày 4 tháng Bẩy, 2014 tức là sau 38 năm, một phiên tòa công khai xét xử hai sĩ quan cao cấp của chế độ độc tài với mức án tù chung thân vì đã giết ĐGM Angelelli, dù rằng qua nhiều thập niên nhà cầm quyền vẫn cứ khăng khăng cho rằng ĐGM bị chết là do tai nạn xe hơi.

Vào năm 2015, Giáo Phận đã tiến hành mở hồ sơ xin phóng thánh cho ngài.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha ngày 6-8-2017: lễ Chúa Hiển Dung trên núi Tabor
Lm. Trần Đức Anh OP
12:07 06/08/2017
VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6-8-2017, ĐTC mời gọi các tín hữu hãy tận dụng kỳ hè để nghỉ ngơi, lắng nghe và gần gũi Chúa hơn, để hăng say phục vụ anh chị em trong đời sống thường nhật.

Huấn dụ

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, ĐTC đã quảng diễn bài Tin Mừng theo thánh Mathêu (17,1-9) lễ Chúa Hiển Dung trên núi trước mặt 3 môn đệ. Ngài nói:

”Chúa Nhật này, phụng vụ cử hành lễ Chúa Hiển Dung. Trang Tin Mừng hôm nay thuật lại rằng các Tông Đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan chứng kiến biến cố ngoại thường này. Chúa Giêsu mang các ông theo Ngài ”và dẫn họ ra một nơi riêng, trên núi cao” (Mt 17,1), và trong khi Chúa cầu nguyện, khuôn mặt Ngài biến dạng, sáng chói như mặt trời, và áo Người trở nên trắng như ánh sáng. Bấy giờ Ông Môisê, Elia xuất hiện, và chuyện vãn với Chúa. Lúc ấy Phêrô nói với Chúa Giêsu: ”Lạy Chúa, chúng con ở đây thật là tốt! Nếu Chúa muốn, con sẽ dựng 3 lều, một cho Chúa, một cho Môisê và một cho Elia” (v.4). Ông còn đang nói thì một đám mây sáng bao phủ các ông.”

ĐTC nhận xét rằng ”Biến cố Chúa hiển dung mang lại cho chúng ta một sứ điệp hy vọng: mời gọi chúng ta gặp gỡ Chúa Giêsu, để phục vụ anh chị em.

Việc các môn đệ lên núi Tabor khiến chúng ta suy tư về tầm quan trọng cần tách rời những sự trần tục, để thực hiện một hành trình lên cao và chiêm ngắm Chúa Giêsu. Vấn đề ở đây là đặt mình lắng nghe và cầu nguyện với Chúa Kitô, Con yêu dấu của Chúa Cha, tìm kiếm những lúc cầu nguyện thân mật giúp ta vui mừng và ngoan ngoãn đón nhận Lời Chúa. Chúng ta được mời gọi tái khám phá sự thinh lặng mang lại an bình và bổ dưỡng nhờ suy niệm Phúc Âm, dẫn tới một mục tiêu đầy vẻ đẹp, huy hoàng và vui mừng. Trong viễn tượng này, mùa hè là lúc Chúa Quan Phòng dự liệu để gia tăng nơi chúng ta sự dấn thân tìm kiếm và gặp gỡ với Chúa. Trong thời kỳ này, các học sinh sinh viên được rảnh rỗi những công việc học đường và bao nhiêu gia đình nghỉ hè; điều quan trọng là trong thời kỳ nghỉ ngơi và không phải bận rộn công việc thường nhật, chúng ta có thể bồi bổ sức mạnh của thân xác và tinh thần, đào sâu hành trình thiêng liêng.

”Vào cuối kinh nghiệm tuyệt vời về sự Hiển dung, các môn đệ xuống núi (xc v.9) với đôi mắt và con tim được biến đổi nhờ cuộc gặp với Chúa. Đó là hành trình mà chúng ta cũng có thể thực hiện. Sự tái khám phá Chúa Giêsu ngày càng sinh động không phải là một mục tiêu tự tại, nhưng dẫn đưa chúng ta ”xuống núi”, được bổ dưỡng nhờ sức mạnh của Thánh Linh, để quyết định những bước tiến mới chân thành hoán cải và liên tục làm chứng về đức bác ái, như qui luật đời sống thường nhật. Được biến đổi nhờ sự hiện diện của Chúa Kitô và sự nồng cháy của Lời Ngài, chúng ta sẽ là dấu chỉ cụ thể về tình yêu của Thiên Chúa mang sức sống cho tất cả anh chị em chúng ta, đặc biệt những người đau khổ, những người cô đơn và bị bỏ rơi, các bệnh nhân và đông đảo những người nam nữ trên thế giới, đang bị tủi nhục vì bất công, cường quyền và bạo lực.

ĐTC kết luận rằng: “Trong cuộc Hiển Dung, ta nghe thấy tiếng Chúa Cha trên trời nói: ”Này là Con Ta yêu dấu. Hãy nghe lời Người!” (v.5). Chúng ta hãy nhìn lên Mẹ Maria, Đức Trinh Nữ lắng nghe, luôn sẵn sàng đón nhận và cẩn giữ trong tâm hồn mỗi lời của Chúa Con (Xc Lc 1,51). Xin Mẹ Thiên Quốc giúp chúng ta hòa hợp với Lời Chúa, để Chúa Kitô trở thành ánh sáng và là hướng đạo cho toàn thể đời sống chúng ta. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ những cuộc nghỉ hè của tất cả mọi người, để kỳ nghỉ được thanh thản và mang lại nhiều ích lợi, và nhất là mùa hè của những người không được nghỉ hè vì tuổi tác cản trở, vì lý do sức khỏe hay công việc làm, vì kinh tế eo hẹp hoặc vì những vấn đề khác, để dầu sao đây cũng là một thời kỳ thư giãn, được vui vì sự hiện diện của bạn hữu và những lúc vui mừng.

Chào thăm

Sau khi ban phép lành, ĐTC chào thăm tất cả mọi người, các tín hữu Roma và những người hành hương từ các nước, các gia đình, hội đoàn và các cá nhân tín hữu. Ngài cũng nói:

”Hôm nay ở đây có nhiều nhóm thiếu niên và người trẻ. Cha thân ái chào các con! Đặc biệt có nhóm mục vụ giới trẻ từ Verona, các bạn trẻ từ Adria, Campodarsego và Offanengo.”

ĐTC cầu chúc mọi người được một Chúa Nhật tốt đẹp và ngài không quên xin các tín hữu đừng quên cầu nguyện cho ngài.
 
Đức Thánh Cha chia buồn với Tổng Giáo Phận Milano
Lm. Trần Đức Anh OP
12:19 06/08/2017
VATICAN. ĐTC Phanxicô đã gửi điện chia buồn với Tổng giáo phận Milano, bắc Italia, về việc ĐHY Dionigi Tettamanzi, nguyên TGM giáo phận sở tại qua đời sáng ngày 5-8-2017, hưởng thọ 83 tuổi.

ĐHY Tetttamanzi vốn là một nhà thần học luân lý nổi tiếng, chuyên về đạo đức sinh học, trước khi được bổ nhiệm làm TGM giáo phận Ancona, rồi làm Tổng thư ký HĐGM Italia. Năm 1995, ngài được ĐTC Gioan Phaolô 2 bổ nhiệm làm TGM giáo phận Genova và thăng Hồng Y 3 năm sau đó. Năm 2002, ngài được chuyển về làm TGM giáo phận Milano là giáo phận lớn nhất Âu Châu với 5 triệu tín hữu Công Giáo, kế nhiệm ĐHY Carlo Maria Martini S.J. 9 năm sau đó, ĐHY Tettamanzi về hưu và ĐHY Angelo Scola lên kế nhiệm.

Trong điện văn gửi đến giáo phận Milano để chia buồn, ĐTC nhận xét rằng ”cộng đoàn giáo phận Milano đã kể Đức Cố Hồng Y Tettamanzi vào số các vị chủ chăn dễ thương và được yêu mến nhất của mình. Với lòng quí mến và biết ơn, tôi nghĩ đến sự nghiệp văn hóa và mục vụ khẩn trương mà Đức Cố Hồng Y đãthực hiện và làm chứng về niềm vui Tin Mừng. Người đã ngoan ngoãn phục vụ Giáo Hội qua nhiều chức vụ, luôn nổi bật như một mục tử chuyên cần, hoàn toàn tận tụy đối với những nhu cầu và thiện ích của các linh mục và toàn thể các tín hữu. Đức Cố Hồng Y Tettamanzi đặc biệt quan tâm tới các vấn đề của gia đình, hôn nhân, đạo đức sinh học mà Người là một chuyên gia nổi bật.”

Thông cáo của ĐHY Scola

ĐHY Angelo Scola, trong tư cách là Giám quản Tông Tòa Milano, cũng ra thông cáo nói rằng: ”sự ra đi của ĐHY Dionigi Tettamanzi là một mất mát lớn cho Giáo Hội Milano và toàn thể Giáo Hội hoàn vũ, không những vì những sứ vụ khác nhau và Người đã đảm nhận và vì sự phục vụ của Người như một chuyên gia cho các vị Giáo Hoàng và Tòa Thánh, nhưng còn vì nhân cách khiêm tốn, tươi cười, và quan tâm đến những tương quan. Đức Cố Hồng Y luốn nhắm tới sự thể hiện nhân sinh quan Kitô giáo trong thực tại hiện nay. Tiểu sử của Người được nhiều người biết đến, là một chứng tá về tất cả những điều đó.”

ĐHY Scola cho biết ngài đặc biệt gắn bó với ĐHY Tettamenzi, từ thời Người là vị giáo sư trẻ của ngài tại chủng viện Venegono. Tình bạn được đào sâu thêm trong những năm ở Roma qua việc cộng tác với nhau để phục vụ Giáo Hội hoàn vũ.

”ĐHY Tettamenzi là một học giả về luân lý và đạo đức sinh học luôn gây ấn tượng mạnh nơi tôi về khả năng làm việc trong nhóm và mau lẹ làm một tổng hợp. Trong 6 năm tôi làm TGM Milano, ĐHY Tetttamanzi luôn đồng hành với tôi trong tình bạn nồng nhiệt và kín đáo. Gia sản của Người vẫn còn mang lại rất nhiều cho Giáo phận Milano của chúng ta, cho tất cả các tín hữu Công Giáo và nhiều ngươi đời mà ngài đã biết đối thoại với họ từ những vấn đề xã hội khẩn trương như những vấn đề gia đình, sự sống, công ăn việc làm và tình trạng bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Với sự qua đi của ĐHY Tettamanzi, Hồng Y đoàn còn 223 vị trong số này có 121 Hồng Y cử tri dưới 80 tuổi. (REI 5-8-2017)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
GP Bùi Chu: Cháy rụi Nhà thờ Trung Lao hơn 100 năm tuổi
Thế Vĩnh
08:53 06/08/2017
NAM ĐỊNH - Vào khoảng 23 giờ khuya Thứ Bảy ngày 5 tháng 8 đã xảy ra một vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Trung Lao thuộc Giáo phận Bùi Chu, tọa lạc tại xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, miền Bắc Việt Nam.

Mặc dù anh chị em giáo dân, lương dân và đội chữa cháy đã cố gắng khống chế đám lửa để gìn giữ lấy ngôi thánh đường cổ kính này, nhưng do phần lớn kết cấu công trình được bằng gỗ lim nên rất dễ bắt lửa, không thể dập tắt ngay. Toàn bộ các gian trong nhà thờ đã bị cháy rụi hoàn toàn, tường vách bị bong tróc, gần 40 cây cột gỗ lim to, mái, giàn vì kèo, ghế quỳ bị cháy nham nhở. Rất may là không có ai bị thương vong.

Chưa rõ nguyên nhân gây cháy là gì.

Đây là một tin đau buồn cho Giáo phận Bùi Chu nói riêng và Giáo Hội tại Việt Nam nói chung. Được các vị thừa sai người Tây Ban Nha chỉ đạo khởi công vào năm 1888, xây dựng ròng rã trong mười năm với sự góp của, góp công của các giáo dân, đến năm 1898, nhà thờ mới hoàn thành. Bởi lối kiến trúc độc đáo kết hợp giữa phong cách Gothic, Tây Ban Nha và truyền thống Việt Nam nên Nhà thờ Trung Lao là một di sản kiến trúc quý giá, tuổi đời hơn một thế kỷ.

Trung Lao hiện là một trong 12 nhà thờ được Giáo phận Bùi Chu chỉ định tước hiệu "Đền Thánh" (Shrine).
 
Giáo phận Bùi Chu'' Cháy rụi Nhà thờ Trung Lao hơn 100 năm tuổi
Thế Vinh
08:58 06/08/2017
NAM ĐỊNH - Vào khoảng 23 giờ khuya Thứ Bảy ngày 5 tháng 8 đã xảy ra một vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Trung Lao thuộc Giáo phận Bùi Chu, tọa lạc tại xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định, miền Bắc Việt Nam.

Mặc dù anh chị em giáo dân, lương dân và đội chữa cháy đã cố gắng khống chế đám lửa để gìn giữ lấy ngôi thánh đường cổ kính này, nhưng do phần lớn kết cấu công trình được bằng gỗ lim nên rất dễ bắt lửa, không thể dập tắt ngay. Toàn bộ các gian trong nhà thờ đã bị cháy rụi hoàn toàn, tường vách bị bong tróc, gần 40 cây cột gỗ lim to, mái, giàn vì kèo, ghế quỳ bị cháy nham nhở. Rất may là không có ai bị thương vong.

Chưa rõ nguyên nhân gây cháy là gì.

Đây là một tin đau buồn cho Giáo phận Bùi Chu nói riêng và Giáo Hội tại Việt Nam nói chung. Được các vị thừa sai người Tây Ban Nha chỉ đạo khởi công vào năm 1888, xây dựng ròng rã trong mười năm với sự góp của, góp công của các giáo dân, đến năm 1898, nhà thờ mới hoàn thành. Bởi lối kiến trúc độc đáo kết hợp giữa phong cách Gothic, Tây Ban Nha và truyền thống Việt Nam nên Nhà thờ Trung Lao là một di sản kiến trúc quý giá, tuổi đời hơn một thế kỷ.

Trung Lao hiện là một trong 12 nhà thờ được Giáo phận Bùi Chu chỉ định tước hiệu "Đền Thánh" (Shrine).

Thế Vĩnh
 
Hội diễn Thánh Ca do Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Giuse Scarborough Canada tổ chức
David Trần
10:24 06/08/2017
Sáng hôm nay thứ Bảy 05-08-2017 từ 10:00 giờ sáng đến 3:00 giờ chiều, tại Nhà Thờ St Rose of Lima, Scarborough, Linh Mục Nhạc sĩ Ân Đức đã chia xẻ, hướng dẫn 70 anh chị em yêu thích sáng tác ca nhạc, các ca viên trong các Ca Đoàn về kỹ thuật, tâm tình và phụng vụ qua Thánh Ca.

Từ 6:00 giờ chiều cùng ngày qua các phương tiện thông tin của cộng đồng Việt nam, người người vui vẻ áo quần đẹp như tham dự tiệc cưới đến với Hội diễn Thánh Ca Linh Mục Nhạc sĩ Ân Đức do Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Giuse Scarborough đăng cai tổ chức.

Xem hình

Cùng tham dự Hội diễn với Đức Cha Vinh sơn Nguyễn Mạnh Hiếu, Giám mục Phụ tá TGP Toronto-Tổng Tuyên Uý Hội Nhạc Sĩ Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại- là Linh mục Nhạc sĩ Ân Đức O.Cist, Đan Viện Thánh Mẫu Thiên Phước- Vũng Tàu, - Linh mục Giuse Phạm Quốc Thông OP, Quản nhiệm Cộng Đoàn Thánh Giuse- Scarborough, qúy vị Mục sư và các thân hưũ thuộc Các Tôn giáo khác yêu mến Chân Thiện Mỹ của Thánh Ca.

Các đại diện Báo chí-Truyền thông, bà con giáo dân , gia đình thân hữu quanh vùng Đại thủ phủ Toronto đến chia xẻ với Các Ca Đoàn, ca viên, ca sĩ trong cộng đồng. Các Nhạc sĩ Hội viên Vincentê Nguyễn Văn Hiển, Peter Phạm Trung, Emmanuel Nguyễn Trung tại Toronto và các nhạc sĩ Giuse Vũ Trọng Phước , Nguyễn Nhàn và các nhạc sĩ hội viên vùng Ontario cũng nhiệt tình phục vụ đêm Hội diễn.

Được chọn từ tất cả các tuyển tập của Linh mục Nhạc sĩ Ân Đức đã có 17 ca khúc được thể hiện trong đó riêng tác phẩm” Đứng trước nhan Ngài” được tổng hợp trình diễn bởi tất cả các Ca đoàn và các nhạc sĩ, ca sĩ, ca viên- và “Vâng Lời Thầy” là hoạt cảnh do Ca đoàn chủ nhà Giuse- Scarborough phụng diễn.

Trưởng Ban Tổ chức Đêm Hội diễn Nhạc sĩ Vincentê Nguyễn Văn Hiển, Đòan Trưởng và toàn Ca đoàn Thánh Giuse –Scarborough đã khai mạc đêm Hội diễn với ca khúc: “Khúc hát người ca công” –tông Gm. Linh mục Giuse Phạm Quốc Thông OP, thay mặt Cộng đoàn Thánh Giuse Scarborough và Ban Tổ chức chào mừng Đức Cha Vinh sơn Nguyễn Mạnh Hiếu, Linh mục Nhạc sĩ Ân Đức, qúy Mục sư, tu sĩ, các ca đoàn, qúy khách và kính xin Chúa chúc phúc cho đêm Hội diễn tràn đầy hồng ân.

Các ca khúc trình diễn theo Cộng Đoàn hợp xướng gồm ; “Tình Khúc” tông Cm – Ca Đoàn Giuse Scarborough; “ Biết Chúa biết con” Ca Đoàn Thánh Linh-Ottawa; “ Hạt lúa dâng Người”-Ca đoàn Têrêxa-North York; “ Có một Tình Yêu”- Ca đoàn Lòng Chúa Thương Xót-Brampton.

Các ca khúc đơn ca gồm có: Xin dạy cho con biết; Nụ hôn Giuđa; Chén đắng, Con xin chọn Chúa mà thôi; Dấu Ấn tình Yêu-tông Bm; Tâm sự Mai đệ Liên. Riêng hai ca khúc “Ân huệ Tình Yêu” , và “Tình Ca mùa dâng hiến” được trình bày song ca.

Nhạc sĩ Peter Phạm Trung, và Ca Đoàn Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình Toronto cùng hợp xướng Ca khúc “Khúc hát một loài hoa” để kính nhớ Thánh nữ Têrêxa Hài đồng Giêsu- Quan thày các xứ truyền giáo.

Để bày tỏ những điều tâm đắc trên đây cùng lời chân thành cảm ơn Linh mục Nhạc sĩ Ân Đức O.Cist, Đức Giám mục Vinh sơn Nguyễn Mạnh Hiếu đã đơn ca một trong những ca khúc tâm đắc nhất; “ Nhiệm mầu Tình Chúa” theo âm hưởng dân ca miền Nam.

Trong phần đáp lời Linh mục Nhạc sĩ Ân Đức chân thành cảm ơn ĐGM Vinh sơn Nguyễn Mạnh Hiếu, quý Giáo sĩ Tu sĩ, qúy khách, các ca nhạc sĩ và toàn thể cộng đoàn qua những tâm tình chia xẻ, những cố gắng qua phần trình bày các ca khúc được các cộng đoàn và mọi người yêu thích.

Từ trong các Ca khúc của Linh mục Nhạc sĩ Ân Đức, mọi người tham dự đêm Hội diễn này đều nhớ đến phát biểu quen thuộc; “Hát Thánh Ca là Cầu nguyện hai lần” và cũng trong Ca khúc đầu tiên được yêu thích nhất, được nhớ là của Linh mục Nhạc sĩ Ân Đức O.Cist “ Dấu Ấn Tình Yêu” đã nói lên rằng tất cả là do Lòng Chúa thương xót. Mọi người cùng hợp ý với lời cảm ơn bế mạc của Trưởng Ban Tổ chức Hội diễn Song Nguyền Nguyễn Văn Hiển-Phượng ;

“ Ôi ân huệ Tình Yêu cao qúy khôn lường. Chúa dắt diù con đi qua tháng năm trường

Sớt chia buồn vui, ủi an phù giúp. Dẫu con là tôi tớ tay trắng khốn cùng.”
 
Thánh lễ tạ ơn kỷ niệm 10 năm thành lập và mừng Bổn mạng Giáo xứ Hói Dừa-TGP Huế
Maria Thủy Tiên
12:29 06/08/2017
Hói Dừa là một giáo xứ có một vị trí rất đặc biệt: nằm ở phía tây Phá Lăng Cô, sát sườn đèo Hải Vân, một vùng rất sâu, rất xa của Tổng Giáo Phận Huế.

Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa vì những ơn sủng Người đã tuôn ban trên Giáo xứ Hói Dừa, để giúp cộng đoàn sống tâm tình tạ ơn sâu sắc và như muốn kéo dài niềm vui của dịp Lễ Cung hiến nhà thờ Hói Dừa vào ngày 17/07/2017 vừa qua, Cha quản xứ Bênêđictô cùng Ban Hội đồng giáo xứ đã tổ chức thánh lễ tạ ơn kỷ niệm 10 năm thành lập giáo xứ (2007-2017) vào lúc 17g30 ngày 05/08/2017, do Cha Phaolo Phạm Tá- Hạt trưởng Hạt Hải Vân chủ tế.

Cùng đồng tế có Cha quản xứ Hói Dừa, Cha Antôn Huỳnh Đầy- nguyên Bề trên Dòng Thánh Tâm Huế, Cha Augustino Nguyễn Văn Dụ- nghĩa phụ của Cha quản xứ Bênêđictô và quý Cha ở Tòa Giám mục: Cha Đaminh Phan Hưng, Cha Bênêđictô Lê Quang Viên, Cha Gio-gi-ô Nguyễn Thành Phương. Hiện diện trong thánh lễ có quý tu sĩ và đông đảo cộng đoàn dân Chúa giáo xứ.

Đây là một biến cố lớn đối với Giáo xứ Hói Dừa nên từ nhiều ngày qua, Giáo xứ đã bắt đầu xúc tiến công tác chuẩn bị cho Thánh lễ được chu đáo và tốt đẹp. Thánh lễ tạ ơn kỷ niệm 10 năm thành lập giáo xứ hôm nay cũng là ngày mừng bổn mạng của giáo xứ lần đầu tiên được tổ chức trong ngôi nhà thờ khang trang vừa mới được Đức Tổng Giám mục Giuse Cung hiến cách đây 19 ngày.

Xem Hình

Với không khí háo hức vui mừng, các em thiếu nhi Thánh Thể, cùng toàn thể giáo dân đã có mặt từ rất sớm chào quý cha cùng quý khách đến với giáo xứ. Với hành trình 10 năm, tuy chưa phải là dài với một giáo xứ, nhưng trải qua biết bao khó khăn, từ khi chỉ là một khoảng đất trống, tới khi có nhà nguyện đơn sơ và nay là ngôi thánh đường tráng lệ; từ một giáo điểm, thành giáo họ trực thuộc Giáo xứ Lăng Cô, và trở thành Giáo xứ Hói Dừa. Lúc bấy giờ, Cha Bênêđictô Phạm Tuấn làm cha phó giáo xứ Lăng Cô, phụ trách Hói Dừa. Đến khi thành lập giáo xứ Hói Dừa, thì ngài được bổ nhiệm làm quản xứ đầu tiên vào ngày 14/05/2007. Sau những năm tháng ấy, với sự dìu dắt của cha Bênêđictô, Giáo xứ Hói Dừa ngày càng phát triển và lớn mạnh.

Được lập nên từ một giáo họ thuộc giáo xứ Lăng Cô vào năm 2007, cộng đoàn Giáo xứ Hói Dừa đã không ngừng lớn mạnh. Dấu ấn của 10 năm phát triển dễ nhận thấy qua ngôi nhà thờ mới, nhà xứ mới, các cơ sở vật chất cùng với khuôn viên mở mang, sửa sang đẹp đẽ. Bên cạnh đó, đời sống đức tin của người tín hữu cũng được tăng trưởng, các sinh hoạt của giáo xứ ngày một sinh động và các hội đoàn đạo đức cũng đang lớn lên về lượng cũng như phẩm. Những thành quả ấy là dấu chứng dồi dào của ơn Chúa. Vì thế, "thật là chính đáng và phải đạo", để cộng đoàn nơi đây dâng lời tạ ơn Thiên Chúa nhân dịp đặc biệt này.

Trong bài chia sẻ Lời Chúa, Cha quản Hạt đã kể lại cho Cộng đoàn nghe về truyền thuyết và ý nghĩa của Đền thờ Đức Bà Cả mà Giáo xứ Hói Dừa đã chọn làm tước hiệu mừng Bổn mạng hôm nay.

Theo truyền thuyết kể rằng đêm ngày mùng 4 tháng 8 năm 352, Đức Mẹ hiện ra với ĐGH Liberio và nhà quyền quý Giovanni, và xin xây một đền thờ dâng kính Đức Mẹ. Khi ĐGH hỏi Mẹ muốn xây đền thờ ở đâu, thì Đức Mẹ trả lời: “Ngày mai, con thấy tuyết rơi ở đâu, thì xây đền thờ ở đó”. Sáng hôm sau, mùng 5 tháng 8, tuyết rơi trên đồi Esquilino. Tháng 8 là mùa hè, trời Roma rất nóng, nhưng tuyết đã rơi trên đồi Esquilino, là một trong 7 trái đồi của Roma. Vì thế, đền thờ còn có hai tên gọi khác nữa, là đền thờ Liberio theo tên của ĐGH, hay đền thờ Đức Bà xuống tuyết, để ghi nhớ phép lạ này. Ngày nay, cứ tới ngày mùng 5 tháng 8, biến cố tuyết rơi được nhắc lại bằng một trận mưa các cánh hoa hồng trắng, hay bằng bột xà phòng giả làm tuyết được thổi từ bao lơn đền thờ. Ngoài ra, đền thờ còn có tên gọi thứ bốn là Đền thờ Máng Cỏ, vì bên dưới bàn thờ tuyên xưng đức tin, có giữ hai thanh gỗ lấy ở máng cỏ Bếtlêhem bên Thánh Địa, và được đựng trong một hộp thuỷ tinh có viền trang hoàng bằng bạc rất đẹp, do ông Giuseppe Valadier làm....

Gọi là đền thờ Đức Bà Cả vì đây là đền thờ đầu tiên lớn nhất dâng kính Đức Mẹ bên Tây Phương. Và tại Tổng Gp Huế, Giáo xứ Hói Dừa là Giáo xứ đầu tiên chọn Đức Bà Cả làm tước hiệu cho nhà thờ của mình.

Sau bài giảng, Thánh lễ tiếp tục diễn ra trong sự trang nghiêm và sốt sắng.

Trước khi ban phép lành cuối lễ, một vị đại diện cho Giáo xứ Hói Dừa đã có đôi lời cám ơn tới quý Cha và quý khách và cộng đoàn. Đồng thời, dâng lời tri ân và xin lỗi Cha quản xứ vì những thiếu sót.

Sau lời cám ơn của vị đại diện,Cha quản xứ đã mời cha Augustinô có đôi lời với cộng đoàn và ngài đã chúc mừng cộng đoàn Hói Dừa có ngôi nhà thờ mới, có linh mục quản xứ đầu tiên đã được 10 năm. Với tư cách là nghĩa phụ, ngài nhớ lại ngày Cha Bênêđictô chịu chức và ngài đã nhắn nhủ 2 điều lúc đó:

- Làm linh mục không còn nghèo về vật chất, vì giáo dân không bao giờ để cho linh mục phải nghèo nhưng linh mục phải nhớ và thương đến người nghèo, điều này đã được chứng tỏ trong những năm qua khi Cha Bênêđictô ở với anh chị em.

- Linh mục sống đời độc thân, nhưng hãy quan tâm đến đời sống gia đình, bởi vì mọi gia đình đều có vấn đề khó khăn, và họ trông chờ ở nơi linh mục một sự nâng đỡ, bằng việc đồng hành.

Bên cạnh đó, ngài cũng nhắc lại lời Đức Cha Giuse trong ngày Cung Hiến nhà thờ Hói Dừa khi nói về Cha xứ Hói Dừa có nước da đen, vì phải đi “ăn mày” để xây dựng nhà thờ. Bây giờ nhà thờ đã xong, Cha Augustinô xin anh chị em giáo dân giúp cho cha sở có nước da trắng lại, nghĩa là ngài ở nhà nhiều hơn để chăm lo đời sống đức tin và xây dựng con người cho anh chị em.

Thánh lễ kết thúc lúc 18g30, sau đó mọi người ở lại chung vui tiệc mừng với Giáo xứ Hói Dừa bằng Hội chợ ẩm thực và chương trình hoan ca tạ ơn.

Trong niềm vui hôm nay, Cha quản xứ đã làm hai con trâu để thết đãi quan khách và phục vụ hội chợ ẩm thực, mọi người được ăn uống thỏa thuê không phân biệt lương giáo.

Mừng kỷ niệm 10 năm là dịp để cộng đoàn nơi đây nhìn lại những thành quả đạt được mà dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời nhận thấy những gì chưa được, để phấn đấu trong tương lai.

Ngày lễ tạ ơn khép lại trong niềm vui dạt dào của ơn thánh Chúa tuôn trào cho con người và mảnh đất nơi đây. Niềm vui thiêng liêng ấy cùng với những hoa trái 10 năm, như đang mời gọi người dân Hói Dừa nhiệt thành hơn trong việc sống đạo, để cùng nhau xây dựng giáo xứ Hói Dừa ngày một thăng tiến và vững mạnh hơn.

Maria Thủy Tiên
 
Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Giáo xứ Holy Eucharist Mừng lễ Bổn Mạng Thánh Bênađô Duệ
Trần Bá Nguyệt
15:27 06/08/2017
Melbourne, 6-8-2017
Trời Melbourne, những ngày cuối Đông thật lạnh. Dự báo thời tiết cho biết nhiệt độ khoảng 11 độ C, trời sẽ có gió và mưa trong ngày. Vì thế ban tổ chức đã dự trù hai phương án cho hai tình huống: trời không mưa và trời mưa.
Xem hình
Chương trình bao gồm việc rước kiệu Thánh Bênađô Duệ từ sân trường học vào nhà thờ qua bãi đậu xe. Thánh lễ sau đó sẽ tiếp diễn trong nhà thờ và sau thánh lễ là tiệc mừng của giáo xứ tại Hội trường.
Nhờ lời bầu cử của Thánh Nhân, 11:30 trời chỉ có mưa nhè nhẹ, nên đoàn rước bắt đầu khởi hành giữa sân trường với Thánh Giá nến cao, Đoàn Thiếu Nhi TT, Legio Mariae, Xóm Giáo Lavang, Hội Các Bà Mẹ CG, Cộng đoàn, Kiệu Thánh Bênađô Duệ, Lễ sinh và hai cha đồng tế, Cha Chánh xứ Tuấn Anh và Cha phó Trọng Danh. Phần lớn giáo dân ở lại trong nhà thờ vì trời mưa và lạnh. Sau đoạn tiểu sử Thánh Nhân ngắn gọn, đoàn rước từ từ tiến vào nhà thờ. Thánh lễ bắt đầu lúc 12:00 trưa.
Khoảng gần một ngàn giáo dân ngồi chật ních bên trong và khu vực foyer cuối nhà thờ. Trong số khách mời có Ông Nguyễn Ngọc Trúc và anh chị Trí Dũng đại diện Ban Điều Hành Cộng Đồng CG TGP Melbourne.
Hôm nay cũng là Lễ Chúa Hiển Dung, “Người biến đổi hình dạng trước mặt các Ông (Phêrô, Gia-cô-bê và Gioan). Dung nhan Người chói lọi như mặt trời và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17, 1-9). Hai ca đoàn Phanxicô và Thánh Linh hôm nay cùng chung tiếng hát ngợi khen Chúa.
Trong lời cám ơn cuối lễ, Anh Bùi Hữu Thọ, Trưởng Ban Mục Vụ, đại diện cộng đoàn đã gửi lời cám ơn đến quý cha, quý quan khách và cộng đoàn. Anh cũng mong mỗi người trong cộng đoàn như những cây cổ thụ và những cây con biết “chụm lại (để) nên hòn núi cao”của cộng đoàn.
Sau thánh lễ, khoảng 500 giáo dân ở lại dự tiệc mừng. Hội trường rộng lớn với hơn 50 bàn đầy quan khách và thực khách. Phần văn nghệ tưng bừng nhiều mầu sắc với những màn hợp ca của ca đoàn và Giới Trẻ, đoàn múa các em TNTT, kịch tử đạo Thánh Bênađô Duệ của Giới Trẻ. Chương trình xổ số sinh động. Đặc biệt vũ khúc “Lời Mẹ Nhắn Nhủ” của Hội Các BMCG với “ba trẻ Lucia, Phanxicô, Jacinta”đã đem lại không khí sinh động khác thường. Ca đoàn Phanxicô chấm dứt với bài “Một Chút” mang lại dư âm đoàn kết, mỗi người một chút để tạo nên một cộng đoàn đông đúc và sinh động của giáo dân Việt Nam Miền tây Melbourne. Buổi tiệc chấm dứt lúc 2:30 trong ánh nắng nhè nhẹ của Nam Bán Cầu.
Bài và hình ảnh: Trần Bá Nguyệt (DCUC)

 
Giáo Đoàn Mt. Pritchard - Sydney Mừng Bổn Mạng
Diệp Hải Dung
18:08 06/08/2017

Đúng 1.30pm Giáo Dân và các Hội Đoàn, Đoàn Thể, Phong Trào, quý Quan Khách Úc-Việt tập trung tại khuôn viên nhà thờ và sau ba hồi chiêng trống truyền thống dân tộc Việt Nam, Cha Anthony Chính xứ Mt. Pritchard xông hương tượng Thánh Nguyễn Huy Mỹ và kiệu cung nghinh tượng Thánh Nguyễn Huy Mỹ trong khuôn viên nhà thờ. Cuộc rước kiệu rất long trọng và trang nghiêm, mọi người cùng dâng lên Đức Mẹ Chuỗi Mân Côi Mùa Thương trong chương trình Triệu Kinh Dâng Mẹ cầu cho Giáo Đoàn và Cộng Đồng. Ngoài các Hội Đoàn Đoàn thể, các Giáo Đoàn bạn, còn có Hội Đoàn người Ý và Ban Mục Vụ Giáo xứ tham dự.

Xem Hình

Sau khi tượng Thánh Nguyễn Huy Mỹ đã tiến vào nhà thờ và an vị trên cung thánh. Một Huynh Trưởng Thiếu Nhi Thánh Thể thay mặt Giáo đoàn đọc tiểu sử về Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ, Ngài đã chịu mọi sự cực hình tra tấn dã man với 500 roi đòn rướm máu nhưng vẫn kiên cường chịu đựng để Vinh Danh Chúa và cuối cùng Ngài vui vẻ chấp nhận cái chết để nêu gương cho hậu thế và làm chứng nhân cho Thiên Chúa.

Sau khi chấm dứt phần tiểu sử, Cha Paul Văn Chi Đặc trách Giáo Đoàn Mt. Pritchard ngỏ lời chúc mừng Bổn mạng Giáo đoàn và giới thiệu quý Cha Anthony Chính xứ, Tuyên Úy Trưởng Bùi Sơn Lâm, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Trần Bạch Hổ, Cha Nguyễn Hoàng Việt, Cha Trần Kim Phú cùng hiệp dâng Thánh lễ.

Trong bài giảng Cha Paul Văn Chi nói người mà chúng ta cung nghinh mừng kính hôm nay là Thánh Tử Đạo Micae Nguyễn Huy Mỹ cũng đã sống rất là yêu thương và dám chấp nhận đổ máu Tử Đạo để minh chứng cho giới Luật yêu thương là mến Chúa yêu người bằng chính máu đào Tử Đạo của mình. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phalô II đã phong Thánh cho Ngài cùng với 116 Thánh Tử Đạo Việt Nam….

Trước khi kết thúc Thánh lễ, Cha Anthony Chính xứ ngỏ lời chúc mừng bổn mạng Giáo đoàn, Ngài khen ngợi Giáo Đoàn rất là sốt sắng sống đạo tốt. Đặc biệt Ngài cũng sùng kính Thánh Tử Đạo Micae Nguyễn Huy Mỹ, Ngài khuyên các bạn trẻ hãy nên noi gương theo Thánh Nguyễn Huy Mỹ. Kế tiếp anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney đại diện Cộng Đồng ngỏ lời chúc mừng Bổn Mạng Giáo đoàn, Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể. Anh ngỏ lời khen ngợi Giáo đoàn đã phát triển lớn mạnh và đã đóng góp rất nhiều cho Cộng Đồng trong những thời gian qua. Sau cùng ông Nguyễn Thiên Thiện Trưởng Ban Mục Vụ Giáo đoàn Mt. Pritchard lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Tu Sĩ Nam Nữ, quý Quan Khách Úc-Việt, quý ân nhân, và tất cả mọi người đã đến tham dự Lễ mừng kính Bổn Mạng của Giáo Đoàn. Đặc biệt cám ơn Ca đoàn Ngôi Ba, Thiếu Nhi Thánh Thể, quý Hội Đoàn và Ban Phụng Vụ đã giúp cho Thánh lễ hôm nay được trang nghiêm long trọng.

Thánh lễ kết thúc mọi người ở lại cùng tham dự buổi tiệc liên hoan mừng Bổn Mạng của Giáo đoàn và thường lãm văn nghệ bên hội trường của nhà thờ. Phần văn nghệ do Ca đoàn Ngôi Ba Mt. Pritchard và Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể cùng phối hợp trình diễn với những tiết mục Đơn Ca, Song Ca và Vũ rất đặc sắc.

Diệp Hải Dung
 
Giáo xứ Mỹ Sơn: Hồng ân Bí tích Thêm Sức và Rước lễ lần đầu.
GP Lạng Sơn
20:53 06/08/2017
Vào hồi 19 giờ chiều Chúa Nhật, ngày 06 tháng 8 năm 2017, tại thánh đường Giáo xứ Mỹ Sơn, Cộng đoàn Dân Chúa sốt sắng hiệp dâng Thánh lễ do Đức Giám Mục Giáo phận chủ sự để ban Bí tích Thêm Sức cho 12 em thiếu nhi và cho 12 em khác được Rước lễ lần đầu trong một bầu khí Phụng vụ sốt sắng và trang trọng.

24 em thiếu nhi được lãnh nhận các Bí tích trong Thánh lễ hôm nay là những em thuộc lớp Xưng tội Rước lễ lần đầu (Giáo lý cấp I – Hồng ân) và lớp Thêm Sức (Giáo lý cấp II – Hồng ân). Trong gần hai năm qua, các em đã có thời gian để học hỏi về Giáo lý và những nét chính yếu về Đạo Công Giáo, học hỏi về đời sống của Giáo Hội. Đặc biệt, trong kỳ hè vừa qua, các lớp Giáo lý được tổ chức sinh hoạt mỗi ngày đã giúp các em càng có cơ hội đào sâu về đức tin Công Giáo của mình, để rồi hôm nay xứng đáng lãnh nhận hồng ân Bí tích.

Xem Hình

Được biết, từ hàng tuần qua, cha xứ cùng quý thầy, quý xơ đã khảo hạch từng em theo những điều kiện cần thiết về giáo lý, kinh nguyện, nhân bản và đời sống đạo. Sau đó, các em được tập tành kỹ lưỡng về các nghi thức trong Thánh lễ ban Bí tích hôm nay để nghi thức được diễn ra sốt sắng, mang đầy tâm tình và ý nghĩa, trở nên một dấu ấn đặc biệt trong hành trình đời sống người Kitô hữu của các em.

Lúc 18 giờ 50, các em thiếu nhi lãnh nhận Bí tích với nến sáng trên tay làm thành đoàn rước đoàn đồng tế với Đức Cha chủ sự tiến vào Thánh đường, trong tiếng kèn hùng tráng và lời Thánh ca lên đền. Đồng tế với Đức Cha Giuse có cha quản xứ Giuse Nguyễn Ngọc Thể, hai thầy Phó tế của Giáo phận cũng hiện diện và giúp lễ cho ngài.

Ngỏ lời với cộng đoàn Phụng vụ khi khởi đầu Thánh lễ, Đức Cha đề cập tới các ý lễ được cử hành hôm nay. Ngài nói: Chúa Nhật Chúa Hiển Dung hôm nay, Giáo Hội nhắc nhớ lại biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor và các môn đệ đã kinh ngạc, sợ hãi khi thấy dung nhan rạng ngời của Người. Đây là biến cố đặc biệt, Chúa tỏ mình ra, tỏ dung nhan Thiên Chúa cho các môn đệ được kiên vững niềm tin trước biến cố khổ nạn sắp tới của Người. Với Giáo xứ Mỹ Sơn, hôm nay là Thánh lễ ban phép Bí tích Thêm Sức cho các con em trong giáo xứ. Sau khi sống lại và về trời, Chúa Giêsu đã cho Chúa Thánh Thần đến để khai sinh, thánh hóa và xây dựng Hội Thánh khởi đi từ nền tảng là các Tông đồ, đó cũng là những chứng nhân sống động cho sự Phục sinh và là khí cụ loan truyền Tin mừng của Chúa đến mọi dân nước. Từ đó, Giáo Hội ban Bí tích Thêm Sức cho những người đã đến tuổi khôn để họ được lãnh nhận trọn vẹn và tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần mà họ đã lãnh lấy khi chịu phép Rửa Tội.

Đức Cha nói tiếp: Hôm nay, Giáo xứ chúng ta cũng có các em nhỏ được Xưng tội và Rước lễ Lần đầu. Đây cũng là một biến cố hết sức quan trọng và ý nghĩa trong cuộc đời của các em. Chúng ta đã dành bao tâm huyết và công sức để vun trồng và chăm sóc đời sống đức tin cho con cháu chúng ta, để hôm nay các em được tiến lên trước mặt Hội Thánh, trước mặt Đức Giám Mục và lãnh nhận các Bí tích.

Cuối cùng, Đức Cha mời gọi cộng đoàn Phụng vụ: Chúng ta hãy tạ ơn Chúa và nguyện cầu cho nhau để mỗi người được lãnh nhận tràn đầy hơn nữa ơn của Chúa, tích cực cộng tác với cha quản xứ, quý cha, quý thầy, quý xơ và mọi người để xây dựng xứ đạo ngày một thăng tiến hơn, loan truyền đức tin cho mọi người.

Ngay sau bài Tin mừng, cha quản xứ Giuse xướng danh 12 em thiếu nhi để thỉnh cầu Đức Giám Mục Giáo phận ban Bí tích Thêm sức cho các em.

Trong nghi thức ban Bí tích Thêm Sức, các em thiếu nhi cùng toàn thể cộng đoàn long trọng Tuyên xưng Đức tin. Sau đó, Đức Cha cùng cộng đoàn quỳ gối hát kinh xin ơn Chúa Thánh Thần. Ngài đặt tay trên đầu các ứng viên và đọc lời nguyện của Bí tích Thêm Sức. Nghi thức được tiếp diễn với việc từng em thiếu nhi và người đỡ đầu tiến lên quỳ trước Đức Cha để được ngài xức Dầu thánh, biểu trưng cho ấn tín ơn Chúa Thánh Thần ghi trong tâm hồn các em mãi mãi.

Trong phần Phụng vụ Thánh Thể, tới nghi thức Hiệp lễ, 12 em thiếu nhi trong lớp Xưng tội Rước lễ lần đầu tiến lên để được chính Đức Giám Mục trao ban Mình Máu Thánh Chúa. Nghi thức diễn ra đầy trang trọng, ý nghĩa và cảm động. Sau đó 12 em vừa lãnh Bí tích Thêm Sức cũng được nhận Thánh Thể Chúa dưới hai hình bánh và rượu.

Tâm tình tri ân cảm tạ Đức Cha, cha xứ, quý cha, quý thầy và quý dì cùng cộng đoàn của quý Phụ huynh và của chính 24 em được lãnh các Bí tích trong Thánh lễ hôm nay đã được bày tỏ qua hai bài cảm ơn trang trọng. Tâm tình cảm ơn được thể hiện qua những bó hoa tươi dâng lên Đức Cha và cha xứ trong niềm hân hoan của mọi thành phần Dân Chúa hiện diện.

Đức Cha Giuse trong lời huấn từ cuối Thánh lễ đã chúc mừng Giáo xứ Mỹ Sơn, cách riêng các em thiếu nhi được lãnh Bí tích trong ngày hôm nay. Ngài nhấn mạnh rằng đây là thành quả của không chỉ sự nỗ lực cố gắng của cá nhân các em, nhưng còn là sự quan tâm, cộng tác và vun trồng từ gia đình các em và từ mọi thành phần Dân Chúa nơi xứ đạo này. Ngài mời gọi mọi người tiếp tục quan tâm nâng đỡ hơn nữa cho các em trong đời sống đức tin, đồng thời chính mình cũng phải làm gương cho các em trong việc nhiệt thành sống đạo.

Trong dịp này, Đức Cha Giuse cũng cảm ơn cha quản xứ Giuse và cộng đoàn Giáo xứ Mỹ Sơn đã cộng tác đắc lực với Giáo phận trong dịp Hội trại Giáo lý 2017 vào cuối tháng 7 vừa qua. Ngài bày tỏ sự cảm kích trước lòng nhiệt thành của bà con giáo dân Mỹ Sơn trong việc hăng hái xây dựng xứ đạo, xây dựng Hội Thánh và nỗ lực truyền giáo. Ngài cũng mời gọi giới hiền mẫu trong Giáo xứ tham dự ngày họp mặt trong dịp lễ Thánh nữ Monica tới đây tại Tòa Giám mục Lạng Sơn.

Cuối Thánh lễ, Đức Cha Giuse long trọng ban Phép lành cho toàn thể Cộng đoàn Phụng vụ. Niềm hân hoan tràn ngập trong ngôi thánh đường giáo xứ lớn nhất giáo phận Lạng Sơn Cao Bằng này, 24 em thiếu nhi cùng gia đình các em có những bức hình lưu niệm trong ngày hồng ân trọng đại với Đức Giám Mục, cha xứ, quý thầy và quý dì. Việc lãnh bí tích trong Thánh lễ hôm nay ghi dấu một điểm mốc quan trọng trong cuộc đời tín hữu của các em, là niềm vui cho toàn thể giáo xứ, nhất là gia đình các em. Với ơn Chúa và ấn tín Chúa Thánh Thần, các em dần trở nên những người tín hữu trưởng thành hơn trong đức tin, để nỗ lực sống đức tin và loan truyền đức tin cho mọi người.

Ban truyền thông GPLSCB
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giáo Hội Công Giáo Dưới Cái Nhìn của Một Ký Giả Hoa Kỳ (bài 29)
Vũ Văn An
18:31 06/08/2017
Chương chín: Đạo Công Giáo và tiền bạc

Trong tất cả các lời chỉ trích mà đôi khi người ta dùng nói tới Đạo Công Giáo Rôma, không lời chỉ trích nào dễ đưa ra bằng lời nói tới sự tương phản rõ nét giữa sự giầu có của Giáo Hội ngày nay và cảnh nghèo khó của vị sáng lập. Các Kitô hữu tin rằng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa toàn năng, nhưng Người đã chọn mang lấy xác phàm, làm con bác thợ mộc nghèo nàn, sống giữa những người nghèo, làm thành phần của một xã hội vốn bị thực dân hóa và áp bức. Những người Rôma hiện nay, những người hàng ngày được nhìn thấy các dấu chỉ giầu có của Vatican, vẫn thường cười nhạo sự giả hình biểu kiến này. Các bảng số của những chiếc xe sang trọng (limousine) đen bóng phát xuất từ Vatican thường mang các chữ SCV, tức các chữ đầu tiếng Ý của hàng chữ: Thị Quốc Vatican. Tuy nhiên, người Rôma đọc trại đi là Se Cristo Vedesse, nghĩa là “Nếu Chúa Kitô mà nhìn thấy!”

Bất cứ ai từng dạy một lớp giáo lý hẳn biết rằng ngay các học sinh lớp một cũng cảm thấy có sự thiếu ăn khớp giữa điều Giáo Hội dạy về việc không dính bén “các sự thuộc đời này” và điều chúng thấy tận mắt cách sống thực sự của các nhà cầm quyền trong Giáo Hội. Chúng thường hỏi các câu đại khái như sau: “Nếu Đức Giáo Hoàng thực sự quan tâm tới người nghèo, tại sao ngài không bán một trong các chiếc nón cầu kỳ của ngài đi lấy tiền tặng cho họ?” (Thực ra, năm 1963, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã bán chiếc nón cầu kỳ của ngài, có tên là “nón ba tầng” (tiara) và lấy tiền trợ giúp người nghèo. Tuy nhiên, cử chỉ này không giúp gì bao nhiêu trong việc đánh tan loại chỉ trích này).

Các tâm tư tình cảm trên không chỉ phát xuất từ những người có học ghét bỏ tôn giáo mà thôi, mà phát xuất ngay từ trong Giáo Hội. Trong lịch sử, nhiều thời cải cách và canh tân trong Đạo Công Giáo có liên hệ tới việc kêu gọi Giáo Hội phải từ bỏ sự giầu sang và quyền thế kiểu thế gian. Khi Thánh Phanxicô Assisi kêu gọi một nhóm “anh em hèn mọn” theo chân ngài ở thế kỷ 13, thì một phần của lời kêu gọi này là việc ngài bác bỏ sự giầu sang của các đan viện thời trung cổ; các định chế này thực sự đã trở thành các đại công ty đa quốc thời ấy. Cho tới nay, các nhân vật Công Giáo gây nơi hàng giáo dân một lòng tôn kính đặc biệt chính là các vị sống một lối sống nghèo nàn, từ Mẹ Têrêxa tới Cha Piô.

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội có óc thực tiễn vị nào cũng biết điều trên. Các ngài biết rằng Chúa Giêsu đã sống và chết như một người nghèo, Giáo Hội được kêu gọi ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, và tính khả tín của sứ điệp Tin Mừng có liên hệ mật thiết với các tri cảm về việc liệu những người mang sứ điệp này thực ra có phải ở trong đó vì tiền bạc hay không. Dù thế, các ngài vẫn nhấn mạnh rằng Giáo Hội không thể thực hiện được các việc người ta mong Giáo Hội thực hiện: điều hành các giáo xứ, hỗ trợ các trường học và bệnh viện, cung cấp trợ giúp bác ái, v.v… nếu không có các tài nguyên. Nguyên Tổng Giám Mục Paul Marcinkus, một người Hoa Kỳ từng lo tài chánh cho Giáo Hội trong thập niên 1970, nổi tiếng đã đưa ra câu ví von sau đây “bạn không thể điều hành Giáo Hội bằng các Kinh Kính Mừng”. (Nói cho đúng, Đức Tổng Giám Mục Marcinkus cho rằng ngài bị người ta trích dẫn sai. Ngài cho rằng thực sự ngài nói thế này: khi nhân viên của Vatican đến văn phòng của ngài để lãnh tiền hưu trí, ngài không thể nói với họ “tôi sẽ trả qúy cha 400 kinh Kính Mừng”. Dù sao, nói thế này hay nói thế kia thì cũng như nhau thôi).

Chương này phác thảo một số nét về tài chánh của Giáo Hội Công Giáo ở bình diện địa phương và giáo phận, cũng như ở Vatican, trong một cố gắng nhận diện xem thực sự Giáo Hội có bao nhiêu tiền và Giáo Hội làm gì với số tiền này.

Giáo Hội Công Giáo có giầu không?

Không sai, trong Giáo Hội Công Giáo, quả có tiền bạc thật. Chỉ cần dưa ra một số thí dụ sau đây:

• Đại Học Notre Dame, một đại học Công Giáo hàng đầu của Hoa Kỳ, có ngân sách hàng năm 1 tỷ 200 triệu dollars và một tài sản ước chừng 7 tỷ rưỡi dollars.

• Tổng giáo phận Chicago, được coi là tổng giáo phận Công Giáo giầu nhất thế giới, năm 2010, phúc trình số tiền mặt, các khoản đầu tư và nhà cửa trị giá 2 tỷ 472 triệu dollars.

• Ở Rôma, Viện Các Công Trình Tôn Giáo, được người bình dân biết (tuy không chính xác) dưới tên Ngân Hàng Vatican, quản trị một tài sản hơn 6 tỷ dollars.

• Người Công Giáo Hoa Kỳ bỏ vào đĩa quyên tiền Chúa Nhật mỗi năm 8 tỷ dollars, tức hơn 150 triệu đollars mỗi tuần.

• Ở Đức, có hệ thống “thuế nhà thờ”, trong đó, một phần thuế thu nhập của mọi người Công Giáo đã rửa tội được nhập vào qũy của Giáo Hội; năm 2010, Giáo Hội Công Giáo ở Đức thu được 8 tỷ 8 trăm triệu từ sắc thuế này. Số tiền này giúp Giáo Hội điều hành một hạ tầng cơ sở rộng lớn. Nó được coi là chủ nhân tư lớn thứ nhì trong nước, sau Volkswagen.

Dù các thí dụ trên phát xuất từ các quốc gia giầu có, nhưng nguyên tắc này cũng thường y hệt tại các quốc gia đang phát triển. Thí dụ, tại nhiều vùng nông thôn của Châu Mỹ La Tinh và Châu Phi, vị linh mục Công Giáo ở địa phương là người duy nhất tại khu vực có lực học trên cấp tiểu học, chưa kể ngài còn sử dụng một chiếc xe hơi, một điện thoại tự động và truy cập cả liên mạng nữa. Ở tại các miền này, cũng như ở Âu Châu và Bắc Mỹ buổi đầu của lịch sử, một phần sự lôi cuốn của chức linh mục Công Giáo là cuộc sống giáo sĩ được coi như một cách thoát nghèo. Điều này có thể không phải là căn bản cao thượng nhất về phương diện thiêng liêng cho ơn gọi làm linh mục, nhưng đôi lúc thực tế là như vậy.

Ty nhiên, cùng một lúc, dung mạo tài chánh của Giáo Hội Công Giáo và của các đơn vị phụ của nó đã bị nói quá một cách trầm trọng. Thí dụ, Vatican có tổng ngân sách hàng năm dưới 300 triệu dollars. Đại Học Harvard, hẳn là Vatican của giới ưu tú tạo dư luận thế tục, có ngân sách hàng năm lớn hơn 10 lần; năm 2010, ngân sách này là 3 tỷ 7 trăm triệu dollars. Hoặc hãy xem thu nhập của các giáo xứ ở Hoa Kỳ: năm 2010, thu nhập này là 11 tỷ 9 trăm triệu dollars. Cùng năm đó, Wal-Mart tường trình một tổng thu nhập lên đến 408 tỷ dollars; điều này có nghĩa: nguyên một đại công ty tư của Hoa Kỳ mà thôi đã mang về một thu nhập 35 lần lớn hơn 17,139 giáo xứ của cả nước cộng lại.

Điều gì làm cho nền tài chánh Công Giáo khác với Wal-Mart?

Bỏ ra ngoài sự cách biệt hiển nhiên về lượng dollars vừa nói, 3 điểm sau đây khiến nền tài chánh Công Giáo trở thành độc đáo:

Thứ nhất, đại đa số tiền bạc nhập vào Giáo Hội Công Giáo đều nằm lại ở bình diện địa phương. Tại Hoa Kỳ, hơn 90 phần trăm thu nhập do các giáo xứ nhận được đều nằm lại ở các giáo xứ. Các ngân khoản này không bao giờ được thu về trung ương, thậm chí khỏi phải tính sổ với trung ương, bởi cả các hội đồng giám mục quốc gia lẫn bởi Rôma. Không ai ở Vatican có thể nói cho bạn hay một giáo xứ nào đó như tại Dubuque chẳng hạn chi bao nhiêu tiền vào cà phê và bánh kẹo sau Thánh Lễ. Điều này thật khác xa biết bao so với thể thức của Wal-Mart, nơi việc tính sổ và kiểm soát trung ương tập quyền là điều tối hệ trọng. (Thậm chí cả các bộ ổn nhiệt [thermostats] ở các trung tâm Wal-Mart cũng được một máy vi tính ở Bentonville, Arkansas, điều hợp).

Thứ hai, phần lớn tiền bạc trong Giáo Hội qua mặt hàng giáo phẩm, ít nhất theo nghĩa các giám mục ít có bất cứ kiểm soát trực tiếp nào đối với nó. Thí dụ, các bệnh viện Công Giáo, chẳng hạn, thường đem lại hàng trăm triệu dollars thu nhập hàng năm, hơn hẳn các giáo xứ giầu có nhất trên thế giới có thể thấy nơi các đĩa quyên tiền của họ. Nhưng thường các bệnh viện này được “bảo trợ” bởi một dòng tu Công Giáo hay một thực thể khác theo giáo luật, nhưng được quản trị bởi một hội đồng giám đốc và được đăng ký dưới dân luật chứ không dưới giáo luật. Họ có thể muốn có mối liên hệ tốt với các giới chức của Giáo Hội, và phần lớn có được điều này, nhưng về phươn diện luật pháp và tài chánh, họ được độc lập trong căn bản. Điều này cũng áp dụng vào phần lớn các cao đẳng và đại học Công Giáo. Thành thử, tài sản của các định chế này không thuộc về các giám mục; các vị này thường phải thèm thuồng trước các tài nguyên của họ.

Thứ ba, tình huống tài chánh của Giáo Hội Công Giáo rất khác nhau tại các nơi trên thế giới. Tại Hoa Kỳ, các hoạt động thuộc dịch vụ xã hội của Giáo Hội nhận được tài trợ công, nhưng các hoạt động nội bộ của nó thì gần như hoàn toàn dựa vào các đóng góp tự nguyện. Tại nhiều nơi ở Âu Châu, Giáo Hội phải lệ thuộc nhiều hơn vào nhà nước. Không kể hệ thống thuế nhà thờ ở Đức và một hệ thống tương tự ở Ý, nhiều nước Âu Châu coi các dinh thự của Giáo Hội như những công trình lịch sử, nên đã cung cấp ngân khoản để bảo trì và trùng tu, và trong nhiều trường hợp khác, họ cung cấp một phần hay toàn bộ lương bổng cho hàng giáo sĩ nữa. Tại các nước đang phát triển, mà truyền thống quen gọi là “các xứ truyền giáo”, các Giáo Hội địa phương thường phải lệ thuộc sự giúp đỡ ở bên ngoài từ các qũy Công Giáo lớn ở ngoại quốc như Misereor, Adveniat, và Trợ Giúp Các Giáo Hội Túng Thiếu. Các dữ kiện trong chương này phần lớn rút ra từ kinh nghiệm của Giáo Hội tại Hoa Kỳ, nên đừng coi chúng như là qui phạm hoàn cầu.

Tình hình tài chính của một giáo xứ tiêu biểu ra sao?

Giáo xứ là điểm tiếp xúc hàng đầu về thiêng liêng đối với hầu hết người Công Giáo thế nào, thì nó cũng là đơn vị căn bản của hoạt động tài chánh như vậy. Ở Hoa Kỳ, giáo xứ là trung tâm quan trọng nhất của việc quyên góp thu nhập cho Giáo Hội. Ở các nước, nơi chính phủ trực tiếp phụ cấp cho Giáo Hội, các cá nhân Công Giáo ít có thói quen bỏ tiền vào ống quyên tiền ở nhà thờ, hay thực hiện các vụ quyên góp hàng tuần, hàng tháng hay hàng năm, vì cho rằng thuế họ đóng đủ thay thế cho những đóng góp này. Tuy nhiên, ở Hoa Kỳ, người Công Giáo quen thuộc với việc trợ giúp Giáo Hội một cách trực tiếp bằng túi tiền của họ.

Dựa vào các dữ kiện của Trung Tâm Áp Dụng Nghiên Cứu Vào Việc Tông Đồ của Đại Học Georgetown, thu nhập trung bình hàng năm của một giáo xứ ở Hoa Kỳ là 695,291 dollars. Joseph Harris, một trong các phân tích gia tài chánh hàng đầu của Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ, đã đưa ra một số bài toán. Nhân số ước lượng kia với 17,139 giáo xứ của cả nước, ta sẽ có được tổng số thu nhập của các giáo xứ là 11 tỷ 9 trăm triệu dollars, với 2 phần 3 (8 tỷ 2 trăm triệu) nhờ tiền quyên ở nhà thờ. Phần còn lại cho các chiến dịch gây vốn, tặng dữ một lần, các khoản thừa kế, và các nguồn tương đối nhỏ khác.

Vì các khoản chi trung bình của một giáo xứ là 626,000 dollars, nên, về căn bản, phần lớn các nơi có chi thu cân bằng. (Tổng số chi tiêu của các giáo xứ là 10 tỷ 700 triệu dollars). Lương bổng là khoản chi lớn nhất trong hầu hết các ngân sách giáo xứ, đại diện cho hơn 40 phần trăm các khoản chi, với mỗi giáo xứ trung bình chi 150,000 dollars cho lương bổng. Một phần, vì những ngày cũ đã không còn nữa, lúc phần lớn các giáo xứ có 2 hay 3 linh mục hay nữ tu sống nhờ các phương tiện tài chánh khác. Ngày nay, một giáo xứ tiêu biểu phải trả lương cho một thư ký, một giám đốc giáo dục đức tin, một thừa tác viên âm nhạc, một thừa tác viên tuổi trẻ, v.v… Phần lớn những người này là các tín hữu giáo dân, cần phải nuôi sống gia đình họ bằng tiền lương.

Các khoản chi lớn khác bao gồm việc bảo trì các cơ sở vật lý, các hoạt động của giáo xứ như điều hành chương trình nấu cháo cho dân nghèo hay chương trình giáo lý, và, trong một số trường hợp, còn phải trợ cấp cho trường tiểu học có liên hệ với giáo xứ nữa. Các giáo xứ cũng có nghĩa vụ phải gửi tiền về để tài trợ các hoạt động của giáo phận như bảo hiểm, tuyển dụng và huấn luyện các linh mục, việc điều hành tại bản doanh của giáo phận v.v… Khoản đóng góp hàng năm này cho giáo phận được gọi là cathedraticum (thuế chính tòa).

Phần lớn các giáo xứ cũng thỉnh thoảng đảm nhiệm những lần quyên góp đặc biệt cho các mục tiêu nằm ngoài việc tài trợ cho ngân sách riêng của mình. Thí dụ, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ yêu cầu các giáo xứ thực hiện 13 vụ quyên góp mỗi năm cho các mục đích khác nhau như trợ giúp các nữ tu, tu huynh và linh mục cao niên. Ngoài ra, còn có lần quyên góp hàng năm gọi là “đồng xu Thánh Phêrô” (Peter’s Pence) để hỗ trợ các công trình bác ái của Đức Giáo Hoàng. (Năm 2010, chương trình này thu được 67 triệu dollars khắp thế giới. Người Công Giáo Hoa Kỳ gần như luôn luôn là những người cho nhiều nhất: khoảng 30 phần trăm số này). Ngoài ra, nhiều giáo xứ còn cho phép các linh mục khách từ các dòng truyền giáo hay các nước đang mở mang tới giảng mỗi năm một lần và lãnh nhận tiền quyên đặc biệt để hỗ trợ Giáo Hội của họ.

Tiền bạc của giáo xứ được theo dõi ra sao?

Giáo Hội Công Giáo thực sự không có bất cứ hệ thống kế toán hay theo dõi tập trung nào đối với các chi thu của giáo xứ. Bộ Giáo Luật đòi mỗi giáo xứ và giáo phận có hội đồng tài chánh, và một cách tiêu biểu, các hội đồng này có thi hành một hình thức giám sát nào đó, nhưng thường là khá lỏng lẻo. Năm 2007, một cuộc thăm dò các giáo phận ở Hoa Kỳ cho thấy chỉ có 3 phần trăm tiến hành cuộc thanh lý nội bộ hàng năm đối với các giáo xứ của họ; trong hầu hết các trường hợp, cuộc thanh lý chỉ được thực hiện khi có việc thay đổi nhân sự, như lúc bổ nhiệm một mục tử mới. Nói cho cùng, trách nhiệm đối với việc tài chánh của giáo xứ là của cha xứ, nhưng phần lớn các vị này không có kinh nghiệm làm ăn buôn bán và cũng không có một chút huấn luyện nào về kế toán hay quản rị tài chánh lúc còn ở trong chủng viện. Trong nhiều trường hợp, nhân viên giáo xứ có nhiệm vụ đếm tiền quyên góp hàng tuần, ký thác tiền vào ngân hàng, ký phiếu tiền (cheque), hoàn trả các khoản tiền nhỏ, đều là các nhân viên bán thời gian hay thiện nguyện viên, cũng không được huấn luyện chi.

Vì tất cả những điều trên, không ngạc nhiên gì khi một số giáo xứ lao đao với việc tính sổ tiền bạc của họ. Một cuộc nghiên cứu năm 2006 của Đại Học Villanova cho thấy 85 phần trăm các giáo phận ở Hoa Kỳ bị nạn biển thủ trong vòng 5 năm về trước, phần lớn ở cấp giáo xứ. Một vài tường trình có tính giai thoại cũng đã xác nhận việc này. Năm ấy, tức năm 2006, một vị mục tử ở giáo phận Bridgeport, Connecticut, bị tố cáo đã tiêu phí 1 triệu 400 ngàn dollars tiền dâng cúng của giáo xứ, trong khi 4 đại diện chi tiêu của tổng giáo phận New York bị tố hình sự đã tống tiền hơn 2 triệu dollars do các người cung cấp thực phẩm đút lót cho, khiến tổng giáo phận phải trả hơn số tiền phải trả tới 1 triệu dollars. Năm 2009, một bồi thẩm đoàn ở West Palm Beach, Florida, đã kết án 2 linh mục về tội quịt các ngân khoản của giáo xứ cho các kỳ nghỉ đắt tiền, thậm chí cả bạn gái nữa.

Một thanh tra bưu điện Hoa Kỳ đã về hưu và là một người Công Giáo lâu đời tên Michael W. Ryan đã biến việc quản lý tiền bạc trong Giáo Hội thành một cuộc viễn chinh của bản thân. Ông này ước lượng rằng các giáo xứ ở Hoa Kỳ mất đến 90 triệu dollars hàng năm do việc thiếu kiểm soát thích đáng các món tiền quyên ở nhà thờ. Các chuyên viên khác thì thấy ước lượng này khó chứng minh bằng dữ kiện được, nhưng không ai không hồ nghi việc quản lý tiền bạc có vấn đề, nhất là ở cấp giáo xứ, nơi phần lớn các ngân khoản được thu nhập và chi tiêu.

Đấy không phải chỉ là vấn đề của Hoa Kỳ. Đức Hồng Y Michele Giordano của Naples, Ý, đã chính thức bị buộc tội gian lận và bị đem ra tòa hình sự cuối thập niên 1990 trong một vụ mưu đồ bất lương về buôn bán đất đai do em trai của ngài đạo diễn, sử dụng 800,000 dollars tiền của giáo phận. Dù năm 2000, Đức Hồng Y Giordano được trắng án, nhưng tác động của vụ này không hẳn có lợi cho Đức Hồng Y: Tòa chấp nhận luận điểm bênh vực ngài, cho rằng ngài ngây thơ và quản lý tùy tiện, chứ không hẳn vi phạm hình sự. Năm 2002, ngài lại bị ra tòa hình sự một lần nữa cũng vì lem nhem về buôn bán đất đai và cũng sử dụng bậy tài sản người ta dâng cúng cho giáo phận. Lần này, ngài bị lên án thực sự và bị kêu án 4 tháng tù nhưng sau đó án được đình chỉ và cuối cùng được hủy bỏ nhờ chống án. Ngài qua đời năm 2010.

Chỉ trong vòng 13 tháng giữa tháng Năm năm 2011 và tháng Sáu năm 2012, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI bãi nhiệm 4 giám mục: Đức Cha Jean-Claude Makaya Loembe của Pointe-Noire ở Cộng Hòa Dân Chủ Congo, hồi tháng Ba năm 2011; Đức Cha William Morris của Toowoomba, Úc, hồi tháng Năm năm 2011; Đức Cha Francesco Micciché của Trapani, Ý, hồi tháng Năm 2012; và Đức Tổng Giám Mục Róbert Bezák của Trnava, Slovakia, hồi tháng Sáu năm 2012. Trong khi Đức Cha Morris bỉ sa thải vì các sai lạc về tín lý, vì đã ủng hộ việc phong linh mục cho phụ nữ, 3 trường hợp kia liên quan tới các nghi ngờ về quản lý tài chánh và tham nhũng. Việc sa thải Đức Cha Micciché, chẳng hạn, đã diễn ra sau khi có tường trình cho rằng gần 1 triệu 300 ngàn dollars biến mất khỏi các qũy bác ái do giáo phận Trapani quản lý; giáo phận này nằm ở đảo Sicily, một vùng nổi tiếng trong lịch sử như là căn cứ địa của Mafia. Các lời tố cáo khác về các bất thường sau đó đã xuất hiện, trong đó, có việc bán cho bạn hữu 50 tài sản do giáo phận sở hữu chỉ lấy một phần mười giá trị thực của nó.

Còn tiếp
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sớm Mai Bằng An
Đặng Đức Cương
18:30 06/08/2017
SỚM MAI BẰNG AN
Ảnh của Đặng Đức Cương
Tạ ơn chúa đã thương ban
Cho con buổi sáng bình an đầu ngày
(bt)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu 07/08/2017: Tòa Thánh công bố sứ điệp ngày quốc tế du lịch
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:33 06/08/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Các Giám mục Công Giáo Venezuela bác bỏ cuộc bầu cử của Nicolas Maduro

Các Giám mục Công Giáo Venezuela đã thẳng thừng bác bỏ cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến được Nicolas Maduro tổ chức ngày 30 tháng 7 là “bất hợp pháp và vô giá trị”.

Các đảng đối lập chiếm ưu thế tại Quốc Hội hiện hành nên Nicolas Maduro đã tổ chức cuộc bầu cử này nhằm lập ra một Quốc Hội khác do đảng của y nắm giữ. Phe đối lập tẩy chay cuộc bầu cử này, và nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, Mexico, Colombia, Paraguay, Tây Ban Nha, Canada và Vương quốc Anh-đã cho biết rằng họ không chấp nhận kết quả cuộc bầu cử này.

Maduro mưu toan thành lập Quốc Hội Lập Hiến để viết lại hiến pháp Venezuela và củng cố quyền lực cỷa y. Hai tuần trước đây, trong một cuộc bỏ phiếu do các thành phần đối lập tổ chức 98% cử tri đã bác bỏ việc thành lập Quốc Hội Lập Hiến.

Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino của Caracas nói: “Tất cả các Giám Mục bác bỏ kết quả cuộc bầu cử này. Nó hoàn toàn bất hợp pháp và vô giá trị. Chúng tôi muốn giải thích với đồng bào và thế giới rằng kết quả của cuộc bỏ phiếu ngày 31 tháng Bảy không phản ánh ý chí của nhân dân.”

Đức Hồng Y Urosa cũng nói rằng chính phủ của Maduro phải chịu trách nhiệm vì tình trạng bạo lực hiện nay đã gây ra ít nhất 112 trường hợp tử vong, trong đó chỉ riêng trong cuộc bầu cử đã có 10 người bị giết.

2. Đức Cha Mark Davis cảnh báo trào lưu coi Kitô Giáo là cực đoan

Sau các cuộc tấn công khủng bố tại Anh, chính phủ nước này đang có chiến dịch chống lại các trào lưu cực đoan. Điều này là tốt nhằm đem lại cho quốc gia một cuộc sống an ninh. Tuy nhiên, Đức Cha Mark Davis, là Giám Mục giáo phận Shrewsbury, cảnh cáo rằng nhiều chính trị gia đang cổ suý cho một cái nhìn méo mó trong đó coi Kitô Giáo và chính Chúa Giêsu là “cực đoan”.

“Tôi muốn cảnh báo rằng nhiều người đang lèo lái để chính Kitô giáo, oái oăm thay, lại đang trở thành một trọng tâm trong chương trình nghị sự chống chủ nghĩa cực đoan của chính phủ.”

Ngài nhấn mạnh rằng:

“Có một thứ chủ nghĩa cực đoan đang tàn phá quốc gia chúng ta, thật là đáng sợ hãi, đó là thứ chủ nghĩa cực đoan đang ra sức phá hoại không chỉ là cấu trúc hôn nhân và gia đình, nhưng còn phá hoại cả bản sắc con người của chúng ta, đó là thứ chủ nghĩa cực đoan đòi hỏi phải có những thí nghiệm y khoa không tham chiếu gì đến những ranh giới đạo đức, đó là các nghị định trên những thai nhi quyết định sự sống chết của chúng theo các điều khoản quy định bởi con người, đó là việc bãi bỏ các bảo vệ pháp lý cho những người bệnh và người già.”

3. Đức Hồng Y Gerald Lacroix của Quebec City nói ngài có thể sẽ chấp thuận cử hành thánh lễ an táng cho những Công Giáo đã xin bác sĩ an tử.

Đức Hồng Y Lacroix, giáo chủ Công Giáo Canada, nói với tờ American Magazine rằng ngài thẳng thừng từ chối một đám tang cho một người nào đó từng ủng hộ an tử và trợ tử trước công chúng. Nhưng trước một người già cô đơn đã chọn kết thúc cuộc sống mình trong một khoảnh khắc yếu đuối, hay có lẽ dưới những áp lực nào đó; có lẽ ngài sẽ cử hành thánh lễ an táng cho họ.

Đức Hồng Y nhận xét rằng gia đình của người quá cố có thể cũng đã không tán thành lựa chọn tự tử như thế, và do đó những gia đình như thế xứng đáng để được an ủi. “Chúng ta đồng hành với tất cả mọi người”.

4. Sách giáo lý Chính Thống Giáo mới của Nga chấp nhận đại kết Kitô Giáo

Bất chấp những chống báng của các nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo Nga coi phong trào đại kết Kitô Giáo là một điều nguy hiểm cho sự toàn vẹn của đức tin Chính Thống Giáo, sách giáo lý Chính Thống Giáo mới của Nga đề cao đại kết Kitô Giáo và coi đó là một yêu cầu quan trọng trên con đường hiệp nhất.

Trao đổi đại kết là “hoàn toàn tương đồng với các quy tắc kinh điển” của đức tin chính thống. Dự thảo Sách Giáo Lý của Giáo Hội Chính Thống Nga cho biết như trên. Dự thảo vẫn chưa nhận được sự phê duyệt cuối cùng nhưng đã được lưu hành để thảo luận với sự cho phép của Đức Thượng Phụ Kirill.

5. Tòa Thánh công bố sứ điệp ngày quốc tế du lịch

Sáng 1 tháng 8, Thánh Bộ Phát Triển Con Người Toàn Diện đã công bố Sứ điệp Ngày Du lịch thế giới, nhấn mạnh sự cần thiết rằng du lịch phải tương thích với sự phát triển bền vững.

Ngày Du lịch thế giới sẽ được Liên Hiệp Quốc tổ chức vào ngày 27 tháng 9 năm nay. Chủ đề của ngày này được Liên Hiệp Quốc chọn cho năm nay là “nền du lịch có thể chịu đựng nổi”. Toà Thánh tham gia vào sáng kiến Ngày Du lịch thế giới ngay từ lần đầu tiên, vì ý thức được tầm quan trọng to lớn của lãnh vực này, cũng như các thách đố nó đề ra, và các cơ may nó cống hiến cho việc loan báo Tin Mừng.Giới thiệu sứ điệp này là Đức Hồng Y Peter Turkson Kodwo, tổng trưởng của Thánh Bộ và Đức Tổng Giám Mục.

Trong phần sau chúng tôi xin trình bày một vài điểm chính về lập trường của Tòa Thánh đối với việc du lịch và kỹ nghệ du lịch.

6. Du lịch - một kỹ nghệ phồn thịnh

Từ nhiều thập niên qua du lịch đã trở thành một kỹ nghệ phồn thịnh, hằng năm thu vào cho các quốc gia trên thế giới một số tiền rất lớn hàng trăm tỷ mỹ kim. Số khách du lịch gia tăng hàng năm và lên tới hàng tỷ người.

Con số khách du lịch khổng lồ ấy tạo ra cả một chuỗi các công việc phục vụ thuộc đủ loại. Bắt đầu là các phương tiện di chuyển bao gồm các hãng máy bay, các hãng xe du lịch, giới taxi, và mọi sinh hoạt di chuyển lớn nhỏ, đầy đủ tiện nghi cũng như thô sơ như xe xích lô đạp, xe xích lô máy, kiệu, voi, cáng. Tiếp đến là chuỗi các khách sạn, và hàng quán ăn uống giải khát, với các đặc sản đủ loại. Rồi các quán bán hàng trăm ngàn thứ kỷ niệm đầy màu sắc, và các hãng sản xuất các kỷ niệm ấy, tạc tượng đúc tượng, huy động cả đạo binh chuyên viên thủ công nghệ mọi loại. Không thể kể hết tất cả các dịch vụ và công ăn việc làm gắn liền với kỹ nghệ du lịch. Vì thế chính quyền các quốc gia có nhiều thắng cảnh đẹp hay các di tích lịch sử đều nỗ lực đầu tư vào kỹ nghệ du lịch và nghiên cứu kỹ lưỡng mọi sinh hoạt giúp phát triển du lịch, cũng như mở các trường đào tạo các nhân viên đủ loại cho ngành du lịch. Lý do vì hằng năm kỹ nghệ du lich có thể thu vào cho ngân quỹ quốc gia hàng trăm tỷ mỹ kim, và nhất là nó tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu người thuộc đủ mọi ngành nghề và trong nhiều lãnh vực khác nhau.

Tại Âu châu Italia là một trong các nước thu hút nhiều khách du lịch nhất, mỗi năm vài chục triệu người, vì Italia chứa đựng tới 70% gia tài nghệ thuật trên toàn thế giới. Du khách tới Italia không chỉ viếng thăm các thắng cảnh, các viện bảo tàng, các kho tàng nghệ thuật đủ loại, từ kiến trúc tới điêu khắc và hội họa, mà còn để hành hương các đền thánh, và củng cố cuộc sống tinh thần nữa. Đây là lý do tại sao các nước âu châu thành lập nhiều trung tâm đào tạo các chuyên viên cho kỹ nghệ du lịch và đòi hỏi những ai làm việc trong các lãnh vực này phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, để các khách hàng luôn luôn được tiếp đón ân cần niềm nở, và không thể chê trách họ vào đâu được. Một lần được phục vụ vui vẻ, lịch sự, niềm nở chu đáo họ cứ muốn trở lại mãi khi có dịp. Chính vì thế các nhân viên phục vụ phải có tay nghề cao, và đôi khi phải biết nhiều thứ tiếng ngoại quốc, khi làm việc trong các khách sạn có tầm cỡ quốc tế.

7. Mục vụ dành cho người du lịch – Quyền du lịch

Song song với mọi sinh hoạt liên quan tới du lịch, công việc mục vụ cho khách du lịch cũng được Giáo Hội đặc biệt chú ý.

Trong các thập niên qua số người có thể hưởng nếm một thời gian nghỉ ngơi đã gia tăng rất nhiều. Theo thống kê của Tổ chức du lịch thế giới trong năm 2015 đã có 1 tỷ 184 triệu khách du lịch quốc tế, và theo dự kiến trong năm 2030 con số này sẽ lên tới 2 tỷ. Bên cạnh đó cần thêm vào số người du lịch địa phương nữa.

Với việc gia tăng con số là ý thức ảnh hưởng tích cực, mà ngành du lịch có trên nhiều lãnh vực của cuộc sống, với nhiều nhân đức và tiềm năng. Tuy không phải là không biết vài yếu tố hàm hồ hay tiêu cực của nó, nhưng chúng tôi xác tín rằng du lịch nhân bản hóa, vì nó là dịp nghỉ ngơi, là cơ may giúp hiểu biết nhau giữa các dân tộc và các nền văn hóa, là dụng cụ phát triển kinh tế, thăng tiến hòa bình và đối thoại, khả thể giáo dục và giúp con người lớn lên, là thời gian của các cuộc gặp gỡ với thiên nhiên và môi trường giúp lớn lên về mặt thiêng liêng, đó là chỉ kể ra vài đặc điểm tích cực của du lịch.

Tiếp tục sứ điệp Thánh Bộ Phát Triển Con Người Toàn Diện viết: Dựa trên lượng định tích cực này và ý thức được rằng du lịch đặc biệt, và thời gian rảnh rỗi nói chung, là một đòi buộc của bản tính nhân loại, biểu lộ ra trong chính nó một giá trị không thể từ chối được, được huấn quyền yểm trợ, chúng ta phải kết luận rằng du lịch không chỉ là một cơ may, mà phải là một quyền của tất cả mọi người, và không thể bị hạn chế đối với các giai tầng xã hội nào đó hay đối với vài vùng địa lý xác định. Cả Tổ chức du lịch quốc tế cũng khẳng định rằng du lịch là một quyền rộng mở trong cùng một cách thức cho tất cả các cư dân trên thế giới… và không chướng ngại nào được phép hiện diện trên con đường của nó. Vì thế, có thể nói tới một “quyền du lịch, chắc chắn là việc cụ thể hóa của quyền “nghỉ ngơi, giải trí, bao gồm trong nó một sự hạn chế có lý các giờ làm việc và các ngày nghỉ được trả lương”, được khoản 24 của Bản tuyên ngôn nhân quyền công bố năm 1948 thừa nhận.

Tuy nhiên, việc quan sát thực tại chứng minh cho thấy rằng quyền ấy không ở trong tầm tay của tất cả mọi người, và còn có nhiều người tiếp tục bị loại trừ khỏi quyền này.

Trước hết tại nhiều quốc gia đang trên đường phát triển, nời các nhu cầu nền tảng không được bảo đảm, quyền này chắc chắcn xem ra như một cái gì xa vời, và đề cập tới nó xem ra cũng là một chuyện nhẹ dạ, cho dù sinh hoạt này cũng được giới thiệu như là một tài nguyên chống lại nạn nghèo túng. Nhưng cả trong các nước có kỹ nghệ phát triển hơn chúng ta cũng tìm thấy nhiều giai tầng xã hội không thể đạt được việc du lịch một cách dễ dàng. Vì thế, trên bình diện quốc tế, người ta đang thăng tiến điều gọi là “du lịch cho tất cả mọi người”, nó có thể được hưởng bởi bất cứ ai, và nó hội nhập các ý niệm “du lịch có thể đạt được” “du lịch có thể chịu đựng nổi”, “du lịch xã hội”.

8. Ý niệm “du lịch có thể đạt tới”

Qua ý niệm “du lịch có thể đạt tới” người ta hiểu nỗ lực để bảo đảm rằng các mục tiêu và các dịch vụ du lịch có thể đạt được cho tất cả mọi người, một cách độc lập với căn tính văn hóa, các hạn hẹp thường xuyên hay các hạn hẹp tạm thời thể lý, tâm thần hay cảm giác, hoặc các nhu cầu đặc biệt, như nhu cầu mà các trẻ em và người già đòi hỏi.

Ý niệm “du lịch có thể chịu đựng nổi” bao gồm dấn thân để sinh hoạt này của con người tôn trọng một cách tối đa có thể đối với các khác biệt văn hóa và môi sinh của nơi tiếp đón khách du lịch, chú ý tới các âm hưởng hiện tại và tương lai. Thông điệp “Laudato si” của Đức Thánh Cha Phanxicô có thể là một trợ giúp lớn trong việc quản trị thụ tạo, mà Thiên Chúa đã giao phó cho con người.

Về phiá mình “Du lịch xã hội” yêu sách không loại trừ những người có một nền văn hóa khác biệt, có ít tài nguyên kinh tế hơn, hay sống trong các vùng ít được ưu đãi hơn. Trong số các nhóm thuộc giai tầng này có người trẻ, các gia đình đông con, các người tàn tật và người già, như Luật quốc tế luân lý du lịch nhắc tới.

Vì vậy, cần phải thăng tiến một “nền du lịch cho tất cả mọi người”, để nó là loại du lịch luân lý đạo đức và có thể chịu đựng nổi, trong đó được bảo đảm viêc đạt tới thực thụ thể lý, kinh tế và xã hội, bằng cách tránh mọi loại kỳ thị. Đạt tới một đề nghị loại này sẽ chỉ là điều có thể, nếu có thể tin tưởng nơi cố gắng của tất cả mọi người, các nhà chính trị, các nhà kinh doanh, các người tiêu thụ, cũng như nỗ lực của các hiệp hội dấn thân trong lãnh vực này.

Giáo Hội đánh giá tích cực các cố gắng đang thực hiện một nền du lịch cho tất cả mọi người, các sáng kiến “đặt để du lịch thực sự phục vụ việc hiện thực của con người và phát triển xã hội”. Đã từ lâu Giáo Hội cũng đang cống hiến phần mình vào việc suy tư lý thuyết, cũng như vào nhiếu sáng kién cụ thể, trong đó có nhiều sáng kiến đi hàng đầu được thực hiện với các khả năng kinh tế hạn hẹp, với biết bao nhiêu tận tụy, và chúng đã đem lại nhiều thành quả tốt đẹp.