Ngày 05-08-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tín thác là cuộc hiển dung của ta
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
02:36 05/08/2021
TÍN THÁC LÀ CUỘC HIỂN DUNG CỦA TA

Ngày xưa trên núi cao, khi Chúa biến đổi dung nhan rực rỡ, thì trong lòng của cuộc hiển dung ấy, chưa phải là những hạnh phúc, nhưng lại chất chứa sự thương đau vô cùng bởi những phản bội, bởi thái độ vô ơn của loài người, bởi nỗi ê chề của thập giá, của giờ tử nạn. Vì thế, hiển dung của Chúa Kitô chỉ như một ánh chớp giữa bầu trời đen đầy giông bão.

Vì thế, khi mà các môn đệ Chúa Kitô đang chiêm ngưỡng vinh quang tuyệt vời của cuộc hiển dung, thì điều mà các ông nhìn thấy như chỉ là một ánh chớp thoáng qua, một báo hiệu trước của tương lai, một tương lai phải trả giá bằng nỗi đau thập giá.

Đường đi trước mắt của Chúa và của các môn đệ còn dài, còn lắm gian truân, nhiều thử thách. Nó đang giăng mắc đầy những nghiệt ngã mà cả Thầy và trò phải đối diện.

Tuy nhiên, sứ mạng dù phải nếm trải những chịu đựng, có khi sự chịu đựng ấy còn vượt quá sức người, bởi sức người chỉ có ngần, có hạn, thì một ánh chớp sáng, nếu có thoáng qua, cũng có thể trở thành sức mạnh để lòng người bền bỉ hơn mà tin vào sự thắng vượt.

Vì thế, ngay trước lúc bắt đầu bước vào những khó khăn ấy, ngay trước lúc mà mọi thương đau nhất trong đời lại cùng diễn ra một lúc, thì cuộc hiển dung vô cùng cần thiết. Nó hoàn toàn hợp lý và đúng lúc, để dù ai, dù sự việc nào, dù đau xót đến đâu, nhờ hội nhập vào cuộc hiển dung ấy, mới may ra, lòng người sẽ đủ sức mà làm cho “chân cứng đá mềm”, nhằm thách thức cùng sức chịu đựng.

Cuộc hiển dung của Chúa Kitô, hơn bao giờ hết, trở thành ngọn đèn của hy vọng, thành cứu cánh của niềm tin, thành một lời động viên cho niềm an ủi mà các môn đệ của Chúa đang rất cần để chuẩn bị cho các ông tiến đến và nhập cuộc vào thánh giá Chúa.

Trong cuộc đời làm người, người tín hữu nói riêng, mọi người nói chung, rất cần những cuộc hiển dung như thế. Không có bất cứ ai hoàn toàn sống trên “nhung lụa”.

Cuộc đời là một cuộc thử thách nối dài. Đau khổ là người bạn rất thân với ta, dù ta không hề mong muốn. Nhưng dù đau khổ đến mức độ nào, cuộc đời của mỗi cá nhân dù có bị vùi vập, bị nhận chìm đến đâu, bình minh của tương lai dẫu đã tắt, hoàng hôn dẫu là một tấm màn sắt vây kín thân phận, để có thể vượt lên chính mình, ta không có quyền đầu hàng số phận, không có quyền ngã lòng, càng không bao giờ được phép dập tắt niềm hy vọng, không bao giờ để lòng mình lạc mất niềm tin.

Niềm hy vọng, niềm tin tưởng chính là cuộc hiển dung vĩ đại giữa những nốt nhạc trầm đầy thương đau của đời người, của thân phận từng con người.

Nhất là ngay lúc này, nỗi ảm đạm mang tên "dịch" vốn đã quá đau thương, từng ngày lại chứng kiến hoặc nghe tin bao nhiêu người thân, bao nhiêu đồng bào ngã xuống, số người nhiễm cứ từng khoảnh khắc lại tăng vọt, đồng thời không thể biết bản thân và những người thân yêu đang còn sống có tiếp tục được an toàn không, thì nỗi ám ảnh mang tên "dịch" càng như đám mây đen phủ chồng lên, càng đáng thương, càng ảm đạm.

Bao nhiêu ngày qua, và sẽ còn bao nhiêu ngày nữa, chúng ta đã và vẫn đang bị chôn chân trong chính căn nhà của mình. Càng gắt gao hơn, cho nên càng đáng thương hơn khi nghe tin nhiều địa phương, người người bị "nhốt" chặt đến nỗi không có khoảnh khắc nào "thò" được bước chân ra tới đường vì phải giữ tuyệt đối 24/24.

Bây giờ mọi người đều thấm cảnh không còn tự do đúng nghĩa nhất. Bây giờ mọi người, dù không quen, cũng phải ráng mà quên cái cảnh chim lồng, cá chậu cho đến ngày chấm dứt căn bệnh nghiệt ngã đang trùm vây từng con ngỏ, từng góc phố.

Nếu trước đây chưa bao giờ hiểu nổi cảnh bị giam cầm là gì, thì bây giờ đã hiểu, đã thấu. Nếu trước đây cần gì một chút là cứ phóng thẳng xe ra đường, thì bây giờ mới cảm nhận cái quý giá của tự do lớn hơn bảo ngọc, lớn hơn mọi thứ kho tàng lớn nhất...

Bao nhiêu ngày qua, đối với những nhà đôi chút khấm khá, cầm cự cho qua bữa bằng những thực phẩm đông lạnh. Bao nhiêu ngày qua, dù có tiền, đừng nói là giấc mơ về một bát bánh canh phả mùi hành ngò, một tô cháo cá vừa ăn vừa thổi, một đĩa bánh cuốn bốc hơi xen lẫn mùi nước mắm pha, hay cái bánh bao nóng hổi, một ly chè đậu ngọt lạnh thấm trong cuống lưỡi..., chỉ cần mớ củ quả ít ỏi, mớ rau tươi nhỏ nhoi, đã thấy quý vô cùng, mong mỏi vô cùng và thèm khát vô cùng...

Bao nhiêu ngày qua, cuộc sống chúng ta phải thay đổi, nhiều thói quen, nhiều nếp nghĩ, nếp làm, nếp sinh hoạt, cả đến những tập quán của bản thân, của gia đình, của mọi người quen biết, mọi người thân thương, thậm chí mọi tương quan, mọi mối dây liên hệ của nhau... đều phải thích nghi, phải khác hơn, mới hơn và cũng xa nhau hơn...

Bao nhiêu ngày qua chúng ta chứng kiến quá nhiều những mãnh đời áo om khốn khó, tạm bợ, đói rách... quá khổ sở, quá khó khăn để có thể có một hộp cơm, một chai nước, một nắm xôi ai đó phát không trên lề đường, bởi phải tự tránh xa nhau.

Chúng ta rơi nước mắt khi chứng kiến nhiều người đói đến phải xin ăn. Hay rơi nước mắt trước thái độ của ai đó sau khi nhận hộp cơm từ thiện rồi chắp tay lạy ân nhân của mình như lạy ông bụt bà tiên từ trời hiện xuống... Chúng ta xót. Chúng ta đau. Chúng ta nhói. Tất cả như có ai nắm trái tim mình mà bóp. Bởi có ai ngờ, giữa cái khốn cùng chung của mọi người, lại có những cơn đói đến tận cùng như vậy.

Chúng ta càng xót xa trước cảnh những đoàn người ly tán, tháo chạy từ nơi mình đã từng sống, đã từng kiếm kế sinh nhai. Trong đoàn người hẩm hiu, rã rời ấy, kẻ thì đi bộ về quê vượt nhiều trăm cây số; kẻ thì bồng bế, dắt díu nhau nheo nhóc thẩn thờ, phờ phạc.; kẻ thì vạ vật đâu đó bên lề đường khi mệt, nương nhờ lòng tốt của người dân trên hành trình tháo chạy mà kéo lê sự sống... Tất cả họ không chịu nổi cuộc sống bế tắc, bỏ chốn tạm sống để lang thang, không biết sẽ về đâu, không biết có thể đến được nơi mình muốn đến?...

Hiện trạng mà chúng ta đang đối diện - nhất là giữa thời buổi mà ai ai cũng phải nháo nhào, tất bật, quay quắt với cuộc sống, với miếng cơm manh áo trong sự quay cuồng của kinh tế thị trường, không có lấy một ngày êm ả, chưa từng có một ngày mà bụi, khói, tiếng ồn bỗng dưng biến mất, bỗng dưng bị quét sạch... - trở thành dấu ấn nghiệt ngã mà bệnh tật để lại trong sự càn quét không nương tay của nó.

Chưa từng có một ngày mà bước chân vốn trĩu nặng vì mưu sinh - bây giờ lại thêm nặng trĩu vì bệnh tật tàn phá mọi thứ trong cuộc sống chung và riêng, nặng trĩu vì mọi âu lo khác, nặng trĩu vì sợ hãi khi nghĩ đến sự chẳng may bệnh tật ập đến trên người thân, ập đến nơi chính mình - lại như đang hổn hển, như đang phều phào...

Tuy nhiên giữa cảnh tượng tưởng chừng chỉ có ảm đạm, người tín hữu của Chúa Kitô vẫn được mời gọi hãy thắp sáng cuộc hiển dung bằng lòng hy vọng, lòng tin cho mình. Hãy nhớ, nguồn Ánh Sáng thắp lên cuộc hiển dung cho đời ta chính là Chúa Kitô.

Chính nhờ niềm tin và sự cậy trông vào Chúa Kitô, chính trái tim vàng đá của một lòng yêu mến sắt son đặt nơi Chúa Kitô, trên hết mọi sự là niềm tin tưởng vào chính cuộc vượt qua hồng phúc của Chúa Kitô, chúng ta sẽ đủ nghị lực, đủ dũng cảm, đủ sức mạnh để hóa nên “chân cứng đá mềm”. Nhờ đó, ta thắp lên cuộc hiển dung của Chúa giữa những thách đố trong đời mà từng người phải nếm trải.

Hơn bao giờ hết, chúng ta cần phó thác sự sống sự chết của mình trong tay Chúa. Đặt mình nơi bàn tay tình yêu diệu kỳ của Chúa, tự bản thân, chúng ta đã thắp lên, thắp sáng lên cuộc hiển dung của Chúa trong đời mình.

Một khi biết cậy trông vào Chúa, để làm cho ánh sáng hiển dung bừng cháy giữa tăm tối của cuộc đời, tăm tối của tương lai, tăm tối của sức chịu đựng, chính là sức mạnh giúp can đảm sống thêm, đồng hành thêm cùng cuộc đời; lớn thêm một chút cho hoàn cảnh hiện tại mà mình phải đối mặt.

Trong mọi hoàn cảnh, hãy hy vọng vào Chúa, đặt đời mình, đặt cả thế giới này trong tay Chúa. Hãy xác tín luôn luôn Chúa không bỏ rơi bất kỳ ai. Niềm xác tín ấy sẽ tăng lòng can đảm và sức chịu đựng mà sống cùng thánh giá Chúa Kitô.
 
Ngày 6/8: Giá trị Nước Trời. Suy niệm: Linh mục Giuse Đỗ Tuấn Anh, CSsR
Giáo Hội Năm Châu
03:59 05/08/2021

PHÚC ÂM NĂM B: Mc 9, 1-9 (Hl 2-10)

“Đây là Con Ta yêu dấu”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia cùng Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu.

Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm, chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông.

Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?”

Đó là lời Chúa.

 
Chối bỏ Đức Giê-su là chối bỏ sự sống đời đời
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
08:10 05/08/2021
Chối bỏ Đức Giê-su là chối bỏ sự sống đời đời

Gợi ý giảng lễ Chúa nhật 19 TNB

Ngày xưa, Ngọc Hoàng sai tiên ông xuống trần quan sát dân chúng. Tiên ông giả làm người ăn mày quần áo rách rưới và đi lang than. Vào buổi chiều mùa đông mưa lạnh. Ông gõ cửa nhà chó sói. Hé cửa nhìn ra, thấy ông lão rách rưới, nó nhe nanh đe dọa để xua đuổi. Ông lão sợ hãi vội chạy đi. Ông lão đến gõ cửa nhà con cáo. Nó chửi mắng thậm tệ nhưng chẳng cho gì. Buồn tủi, ông tiếp tục đi dưới trời mưa lạnh. Sau cùng ông gõ cửa nhà của thỏ trắng. Thấy ông lão run rẩy dưới trời mưa. Thỏ vội mời vào và đưa ông đến bên đống lửa, hong quần áo cho ông. Ông rên rỉ:“Cậu thỏ ơi, tôi đói quá, có gì cho tôi ăn không? Nếu không tôi chết mất”. Thỏ nói: “Thưa ông, mùa đông năm nay kéo dài, rau cỏ dự trữ cháu đã ăn hết, nhưng cụ yên trí, cháu sẽ tìm thức ăn đãi cự”. Thỏ chất thêm củi cho lửa cháy to hơn. Giữa lúc ông lão còn ngạc nhiên thì thỏ nhảy vào đống lửa ngùn ngụt cháy. Chẳng mấy chốc, mùi thơm tỏa lan cả căn nhà. Thì ra thỏ đã tự nguyện hy sinh thân mình, làm món ăn cho ông lão ăn mày. Ông lão về trời báo cáo với Ngọc Hoàng Ngọc Hoàng liền cho triệu sói, cáo và thỏ tới. Sói và cáo bị trừng phạt. Còn thỏ thì được khen thưởng cho ở trên cung trăng như một vị thần. Nên người Trung Quốc gọi mặt trăng là Ngọc Thố. Đây là câu chuyện không có thật, nhưng đáng để chúng ta suy nghĩ. Sói và cáo rất ân hận vì bỏ lỡ cơ hội và không thể trở thành thần tiên. Cơ hội không bao giờ trở lại với chúng ta nữa. Phải chăng dân Do thái nói riêng và mỗi chúng ta nói chung cũng đang rơi vào tình trạng này?

Tại sao chúng ta chối bỏ Đức Giê-su?

Thái độ khinh thường, thành kiến, là thái độ khó chấp nhận Thiên Chúa và đón nhận tha nhân. Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể đã hiện thân nơi một con người đơn sơ mộc mạc, chất phác bằng nghề thợ mộc thành Nazareth nhưng dân Do thái đã không nhận ra Ngài lại còn có thái độ khinh miệt và loại trừ Ngài. Thái độ đó được diễn tả trong bài Tin mừng hôm nay: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: ‘Tôi từ trời xuống?” (Ga 6, 41-42). Họ đã hiểu theo tinh thần thế gian, xác thịt, thì không thể nhận ra được Thiên Chúa hiện diện nơi trần gian, vì tư tưởng Thiên Chúa khác với tư tưởng con người, khác với tư tưởng thế gian. Vì tính chai lì và cứng đầu cứng cổ nơi con người nên sinh ra cố chấp và khó lòng đến với người khác phương chi là với Thiên Chúa.

Mặt khác, cũng vì lòng tham và sự ích kỷ của con người, nên không muốn tìm đến chân lý cũng như sự thật. Con người hầu như mong tìm kiếm cái dễ dại, chóng qua, thực tiễn, cụ thể,... nên sự bình an, niềm hạnh phúc và ngay cả sự sống đời đời làm sao có thể sở hữu được. Họ tìm kiếm cái ăn mau qua hơn là cái ăn trường sinh. Họ khó chịu và thấy chướng tai gai mắt khi Chúa Giê-su nói về bánh trường sinh, nói về việc trao Mình Máu của Ngài cho họ. Họ chối từ sự lôi kéo của Thiên Chúa nên họ không thể gặp gỡ và đón nhận Đức Giê-su. Vì ai đến được với Đức Giêsu đều bởi sự lôi kéo của Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su cũng đã khẳng quyết như vậy: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.”(c.46).

Vì sự từ chối đó nên người Do thái nghe mà không nghe, nhìn mà không thấy, lại còn tìm cách hãm hại và gài bẫy Đức Giê-su, thậm chí tìm cách bắt bớ và giết chết Ngài. Quả thật, sự sống và ơn cứu độ của Thiên Chúa chỉ đến với những ai có lòng khát khao và khiêm tốn đón nhận. Ngược lại, ơn cứu độ và sự sống đời đời của Thiên Chúa sẽ bị cản ngăn, không muốn nói là không bao giờ đến được với những ai kiêu căng và chối từ. Như vậy, con người từ chối Đức Giêsu Kitô là từ chối Bánh Hằng Sống từ Trời, mà từ chối Bánh Hằng Sống từ Trời tức là từ chối sự sống đời đời. Thật vậy, để có ơn cứu độ và sự sống đời đời của Thiên Chúa, con người phải đón nhận ‘Bánh hằng sống’ từ Trời, là Đức Giêsu Kitô.

Đón nhận Đức Giê-su là đón nhận sự sống đời đời.

Chúng ta tin rằng ngoài Danh Đức Giêsu Kitô không có danh nào có thể đem lại ơn cứu độ cho con người. (x.Cv 4,12). Thật vậy, đón nhận Bánh Trường Sinh là đón nhận chính Thiên Chúa, là đón nhận sự sống đời đời. Thiên Chúa không bao giờ để con người cô độc, cô đơn và thiếu thốn. Nơi bài đọc I, ngôn sứ Êlia đã được Chúa nuôi dưỡng khi ông tưởng chừng như là đã chết. Do đó, Thiên Chúa sẽ luôn luôn dõi theo và chăm sóc những ai Ngài tuyển chọn. Dù con người có bỏ Thiên Chúa đi chăng nữa, thì Ngài vẫn luôn trung thành và yêu thương con người. Thánh Vịnh 26, 10 cũng đã minh định: “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có CHÚA đón nhận con.”

Quả thật, vì yêu thương con người, Thiên Chúa đã dùng nhiều cách thể để ở lại và đồng cảm với thân phận yếu đuối cũng như đau khổ của con người. Ngài đã hiện thân làm người giống chúng ta mọi đàng ngoài trừ tội lỗi ngang qua Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể. Thiên Chúa yêu con người và muốn con người hưởng nếm ơn cứu độ và được sống đời đời. Thế nhưng mấy ai nhận ra được sự hiện diện, sự hóa thân cũng như yêu thương đó của một vị Thiên Chúa hết sức đơn sơ và giản dị nơi Con Người Giê-su. Chỉ những ai biết lắng nghe và khiêm tốn đón nhận sự lôi kéo của Thiên Chúa thì mới dễ dàng đón gặp được Đức Giêsu Kitô. Trong đời sống thường ngày, có bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu dịp thuận tiện mà chúng ta đã bỏ lỡ và lãng quên vì thái độ xem thường và khinh nhờn. Bao nhiêu dấu chỉ, bao nhiêu phép lạ vẫn diễn ra ngay trong cuộc sống đời thường mà chúng ta đã không hay biết, chẳng hạn hơi thở mà chúng ta đang sử dụng, sức khỏe mà chúng ta đang có, thời gian mà chúng ta đang sở hữu, nhất là sự sống mà chúng ta đang hưởng dùng,..tất cả đều là ân ban của Thiên Chúa.

Ngoài ra, Thiên Chúa là Đấng quan phòng mọi sự. Ngài thấu suốt tâm can con người. Nhưng Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người. Vì sự tự do mà con người đã loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của mình. Vì sự tự do, con người đã tự cho mình có thể giải quyết được tất cả mà không cần sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời. Chính vì thế, trong mọi biến cố, nhất là trong bối cảnh hiện tại nhân loại đang đối diện với ‘cơn sóng dữ dội’ bởi đại dịch Covid, con người dường như hoàn toàn thất bại. Con người đã tìm đủ mọi cách và mọi phương thế để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Nhưng xem ra con người đã không thể làm được gì nếu không có sự hiện diện của Thiên Chúa. Thật vậy, trong gần hai năm qua, cả nhân loại đang phải chiến đấu với đại dịch Covid: Số người nhiễm bệnh và tử vong rất là cao. Đứng trước biến cố nghiêm trọng này, con người dường như tuyệt vọng và hết đường giải thoát. Ngay lúc này, đối với con người, tiền bạc, tài năng, khôn ngoan, kiêu hãnh, giàu có, thông minh, từ cao tự đại,... đã không thể giúp cho họ thoát khỏi cơn đại dịch nguy hiểm này. Sự chết chóc đã bao phủ họ. Sự sợ hãi và hoang mang đang vây quanh họ. Sự khát khao và tìm kiếm sự sống trong lúc này hết sức quan trọng và cấp thiết đối với họ. Dưới nhãn quan Đức tin, chúng ta biết rằng chúng ta chẳng làm được gì nếu không có sự hiện diện của Thiên Chúa. Chính vì thế, đứng trước mọi thử thách và gian nan, con người được mời gọi hãy tìm kiếm Thiên Chúa và sự công chính của Ngài, còn tất cả mọi sự Ngài sẽ ban cho.(x.Mt 6,33). Vì thế, con người cần cầu nguyện liên lỉ và năng chạy đến với Thiên Chúa ngang qua việc lắng nghe Lời Chúa và đặc biệt là dọn mình sốt sắng để rước lấy Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Quả thật, Đức Giêsu đã phán: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” (Ga 6,51). Thật vậy, sự sống đời đời chỉ có được nơi Đức Giêsu Kitô. Hay nói cách khác, nơi Đức Giêsu Kitô, tất cả mọi sự trong cuộc đời của con người sẽ được giải thoát. Đó là niềm tin của chúng ta.

Trao ban Đức Giê-su cho tha nhân như thế nào?

Chúng ta được đón nhận nhưng không thì cũng phải cho nhưng không.(x.Mt 10,8). Đức Giê-su trở thành tấm bánh bẻ ra cho mỗi chúng ta để chúng ta được bình an, được hạnh phúc và được đón nhận sự sống đời đời. Đến lượt chính mình, chúng ta cũng được mời gọi trở nên tấm bánh đời mình cho anh chị em đồng loại bằng cuộc sống đượm tình bác ái yêu thương. Một lời nói nhỏ nhẹ đầy tình mến là đã trở nên tấm bánh cho đời. Một cử chỉ quảng đại, phục vụ hy sinh và dấn thân không mệt mỏi, nhất là trong bối cảnh Đại dịch Covid-19 này là chúng ta đang trở nên hiện thân của Chúa Giê-su nơi tha nhân. Như vậy, chúng ta sẽ là tấm bánh hữu ích và ‘dễ ăn’ cho anh chị em khi chúng ta dám chấp nhận từ bỏ chính mình, từ bỏ lối sống ích kỷ, lòng tham lam, sự kiêu căng,... Sẽ là ‘tấm bánh thơm ngon và thi vị’ cho muôn người trên đường đời nếu chúng ta biết liên đới hơn là loại trừ, biết bao dung - thứ tha hơn là hận thù - ghen ghét, biết đối thoại - gặp gỡ hơn là khép mình – bảo thủ. Nơi bài đọc II, chính Thánh Phaolô Tông đồ đã căn dặn chúng ta như thế này: “Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô. Vậy, anh em hãy bắt chước Thiên Chúa, vì anh em là con cái được Người yêu thương, và hãy sống trong tình bác ái, như Đức Ki-tô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt.”(Ep 4, 31-32.5, 1-2). Phải chăng sống được như thế là chúng ta đang trở nên tấm bánh tuyệt vời cho anh chị em đồng loại, nhất là cho những ai đang đói khát, nghèo khổ và bệnh hoạn tật nguyền trong môi trường sống của chúng ta?

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Thánh Lễ cầu cho các đẳng linh hồn vừa qua đời vì vi rút và cầu bình an giữa đại dịch kinh hoàng
Giáo Hội Năm Châu
17:29 05/08/2021
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:49 05/08/2021

12. Thiên Chúa không mong muốn chúng ta nương tựa vào kẻ khác, mà chỉ nương tựa vào sự thánh thiện vô cùng của Ngài mà thôi.

(Thánh Charles Borromeo)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:53 05/08/2021
19. THỤC ANH DẠY CON

Ở tại Nam Hội Ngõa Tiết Đôn có một phú ông tên là Trương Thục Anh, không có gì là văn hóa nhưng lại thích học đòi văn nhã, giả mạo người có văn hóa.

Một ngày nọ, con trai kết hôn, theo phong tục tập quán thì có một lễ nghi là ngay từ sáng sớm, con trai và con dâu mời bố mẹ dạy dỗ. Trương Thục Anh và vợ ngồi trên ghế cao giữa nhà, con trai và con dâu đều quỳ bái dưới chân họ, Trương Thục Anh nghênh nghênh ngang ngang như quan lớn, nói loạn tầm phào rằng:

- “Mày đã từng sinh trong một gia đình phú quý, chưa biết cái khổ của việc đồng áng…”

Lúc ấy bạn bè khách khứa đầy nhà, đều yên lặng định thần để nghe, Trương Thục Anh suy nghĩ rất lâu, mà cũng tìm không ra câu tiếp theo, bèn vội vàng dùng tiếng địa phương nói:

- “Nếu như tụi bây muốn làm người, thì cần phải vội vội vàng vàng trèo lên trên”.

Mọi người cười như vỡ chợ.

(Tiếu Tiếu lục)

Suy tư 19:

Dạy con khi chúng nó mới bắt đầu: bắt đầu biết nói, bắt đầu đi nhà trẻ, bắt đầu lên tiểu học, bắt đầu lên trung học, bắt đầu lên đại học, bắt đầu đi tu, bắt đầu khấn tạm khấn trọn, bắt đầu chịu chức linh mục, bắt đầu làm quan, bắt đầu lấy vợ lấy chồng, bắt đầu được việc làm.v.v…

Dạy con không những với tình thương dành cho con, mà còn là đem kinh nghiệm cuộc sống đời thường mà mình đã trải qua, nghe qua, thấy qua, làm qua để nhắc nhở cho con biết, chứ không phải học đòi phong cách hách dịch, ngang tàng của người khác để dạy con cái.

Cái bắt đầu của con cái rất quan trọng, nếu cha mẹ nào không thấy cái yếu đuối mỏng dòn nơi đứa con bắt đầu làm linh mục của mình, mà chỉ thấy sự vinh quang chức tước nơi đứa con linh mục của mình, thì không những cha mẹ, mà ngay cả bản thân đứa con linh mục sẽ trở thành gánh nặng cho Giáo Hội và cho giáo dân của họ…

Cái bắt đầu của con cái rất quan trọng, cho nên cha mẹ cần phải luôn cầu nguyện cho chúng nó.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Thánh Thể, nhiệm tích vô cùng cao quý
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
20:36 05/08/2021
CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN

Thánh Thể, nhiệm tích vô cùng cao quý

1V 19,4-8; Ep 4,30-5,2; Ga 6,41-51

Bí tích Thánh Thể là chóp đỉnh và là nguồn mạch của đời sống Kitô hữu. Vì tầm quan trọng của bí tích này, phụng vụ Lời Chúa tuần này tiếp tục mời gọi chúng ta suy niệm về diễn từ “Bánh hằng sống” trong chương VI của Tin Mừng Gioan. Dưới ánh sáng của trích đoạn này, hôm nay, chúng ta tìm hiểu về ba điều quan trọng nhất nơi bí tích Thánh Thể bằng việc trả lời ba câu hỏi này:

1) Làm sao bánh và rượu trở thành Mình và Máu Thánh Chúa?

2) Chúa Giêsu hiện diện thực sự nơi Thánh Thể không?

3) Chúng ta phải chuẩn bị thế nào là để rước lễ?

1- Bánh rượu trở thành Mình - Máu Chúa

Trước hết, chúng ta phải nói rằng bí tích Thánh Thể là sự mới mẻ nhất do Chúa Giêsu mang lại, nhưng đồng thời cũng là mạc khải khó tin nhất đối với con người mọi thời. Quả thế, khi Chúa Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51). Người Do Thái đã sốc khi nghe những lời này. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6,52).

Đối với chúng ta hôm nay, khi dự thánh lễ, câu hỏi đầu tiên mà chúng ta thường được đặt ra là làm sao bánh và rượu trở thành Mình và Máu thánh Chúa?

Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong Giáo Lý Công Giáo, theo đó, khi linh mục truyền phép, chính Chúa Thánh Thần là Đấng ngự xuống trên các lễ vật, nhờ quyền năng thần linh mình, Người biến đổi bánh thành Mình Chúa Kitô và rượu thành Máu Chúa Kitô.

Theo ngôn ngữ thần học, đây là sự biến thể (transubstantiatio), nghĩa là một sự biến đổi từ bên trong, bản thể của bánh rượu không còn là bánh rượu nữa, nhưng trở thành bản thể của Chúa Kitô, thành Thịt và Máu Người. Thánh Cyrillô thành Giêrusalem (313-387) giải thích về sự biến thể này như sau: “Bánh này không còn là bánh, dù bằng chứng của vị giác thế nào đi nữa, nhưng là thân mình Chúa Kitô. Rượu này không còn là rượu dù giác quan có nói thế nào đi nữa, nhưng chính đây là máu Chúa Kitô” (Giáo Lý Nhiệm Huấn IV, 9)

Bởi vậy, khi chủ tế đọc lời khẩn cầu (epiclesis) chính là lúc Chúa Thánh Thần thực hiện sự biến đổi kỳ lạ này: “Chúng con nài xin Chúa dùng ơn Thánh Thần Chúa thánh hoá những của lễ này, để trở nên cho chúng con, Mình và Máu Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.” Sau đó, chủ tế mới đọc: “Này là Mình Thầy... Này là chén Máu Thầy... sẽ đổ ra cho các con...” (Kinh Nguyện Thánh Thể II).

Như thế, qua linh mục, Chúa Thánh Thần dùng quyền năng thần linh của Người biến đổi bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô.

2- Sự hiện diện đích thực

Câu hỏi thứ hai mà chúng ta thường thắc mắc là Chúa Giêsu có hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể không? Đây cũng là “hòn đá vấp chân cho nhiều người.” Đối với những người Tin Lành và Anh Giáo, họ chỉ tin và cử thành thánh lễ như là sự tưởng nhớ; bánh và rượu chỉ là biểu tượng về sự hiện diện thiêng liêng của Chúa; họ không tin rằng Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Thánh Thể.

Đối người Công Giáo, di sản quý báu nhất mà Giáo Hội có được chính là niềm tin vào bí tích Thánh Thể. Theo đó, chúng ta xác tín và tuyên xưng rằng: “Trong bí tích Thánh Thể cực trọng, sự hiện diện “Mình và Máu, cùng với linh hồn và thần tính, của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, và vì vậy, Đức Kitô được ẩn chứa cách đúng đắn, chân thật và bản thể” (Giáo Lý, số 1374).

Thế nên, Chúa Giêsu thực sự hiện diện dưới hình bánh rượu, dầu giác quan con người không thấy. Chính Chúa Thánh Thần là Đấng hiện tại hóa hy tế thập giá xưa của Chúa Giêsu trong mỗi thánh lễ được cử hành. Nên mỗi thánh lễ là một phép lạ đang diễn ra trước mắt chúng ta. Thánh Thể quả là “mầu nhiệm Đức Tin”; Thánh Thể là nhiệm tích vô cùng cao quý!”

Bởi thế, để đến với Thánh Thể, chúng ta cần có đức tin. Nhờ cặp mắt đức tin, chúng ta tin nhận rằng Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Thánh Thể, Người ban Thịt và Máu Mình làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta.

Về điều này, trong lịch sử Giáo Hội, có nhiều phép lạ Thánh Thể xảy ra để cũng cố niềm tin cho chúng ta. Ở Lanciano, nước Italia, vào thế kỷ thứ VIII, có một linh mục, thuộc Dòng thánh Basiliô, rất giỏi về khoa học, nhưng lại yếu đức tin, ngài thường nghi ngờ sự hiện diện của Chúa Giêsu trong thánh lễ. Một ngày nọ ngài đi hành hương ở Rôma. Trên đường về, ngài dâng lễ tại một nhà Dòng, sau khi truyền phép, một phép lạ xảy ra ngay tại bàn thờ, bánh trở thành thịt và rượu trở thành máu thật Chúa Giêsu. Ngày nay, người ta còn lưu giữ dấu tích cục máu đông tại Lanciano, được các nhà khoa học kiểm chứng thuộc nhóm AB như là bảo chứng của niềm tin vào Thánh Thể.

3- Chuẩn bị xứng đáng để rước lễ

Chúa Giêsu không chỉ mời gọi chúng ta đến nhà thờ để tham dự thánh lễ nhưng Người còn mời gọi chúng ta chuẩn bị xứng đáng để rước lễ.

Liên quan đến vấn đề này, trong văn kiện Bữa Tiệc Thánh, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói đến ba hạng người lên rước lễ:

1) Hạng người thứ nhất lên rước lễ chỉ vì phong trào, họ sợ người ta nghĩ mình không đạo đức hay thấy người khác lên, mình cũng lên, nhưng họ không có lòng yêu mến Thánh Thể. Họ rước lễ cách bất xứng.

2) Hạng người thứ hai là những người đang mắc tội trọng, nhưng đã đánh mất cảm thức về tội, không xưng tội, nhưng vẫn lên rước Mình

Thánh Chúa. Họ rước lễ cách bất xứng và thêm tội phạm thánh. Giáo Hội dạy phải xưng tội trọng trước khi lên rước lễ.

3) Hạng người thứ ba lên rước lễ với tâm hồn sạch tội và yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể. Họ đón nhận được muôn vàn phúc lành đến từ Thánh Thể.

Chúng ta thuộc hạng người nào trong ba hạng người trên? Tôi không có quyền xét đoán và xếp loại ai, nhưng tôi để cho mỗi người xét mình và tự trả lời.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin ban cho chúng con lòng yêu mến Chúa và siêng năng tham dự thánh lễ, rước Mình Máu Chúa cách xứng đáng; đồng thời, xin giúp chúng con luôn ý thức rằng bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh” của đời sống Giáo Hội và mỗi người chúng con. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô lại quan tâm và dành ưu tiên cho chuyến tông du đến Indonesia
Thanh Quảng sdb
04:01 05/08/2021
Tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô lại quan tâm và dành ưu tiên cho chuyến tông du đến Indonesia

Tông du đến một quốc gia mà đa số dân chúng theo Hồi giáo và một nước có con số Hồi giáo đông nhất thế giới này sẽ tạo ra những động lực lớn lao cho nỗ lực xây dựng tình huynh đệ con người.

(UCA - Siktus Harson, Jakarta 03/08/2021)

Đức Thánh Cha Phanxicô chính ra đã viếng thăm Indonesia, Timor-Leste và Papua New Guinea vào cuối năm ngoái, nhưng các chuyến tông du này đã bị hủy bỏ vì đại dịch Covid-19.

Vị Đại Giáo trưởng Yahya Cholil Staquf của Nahdlatul Ulama, là một tổ chức Hồi giáo lớn nhất ở Indonesia, cho hay anh chị em Hồi giáo háo hức chờ đợi được chào đón Đức Thánh Cha, sau chuyến ông gặp Đức Thánh Cha Phanxicô tại Vatican vào đầu năm 2019 nhằm chia sẻ cách giải quyết các cuộc xung đột liên tôn.

Chính Đại giáo trưởng đã thúc đẩy Tổng thống Joko Widodo gửi lời mời chính thức tới Đức Thánh Cha Phanxicô, mời ngài thăm viếng Indonesia vào tháng Giêng năm ngoái.

Nhưng tất cả hy vọng tan thành mây khói do đại dịch, tuy thế sự háo hức chờ mong vị Giáo hoàng 84 tuổi này vẫn còn ắp đầy trong tâm lòng người dân…

Những lời tuyên bố mới đây của đại diện nước Đông Timor, Đức ông Marco Sprizzi, vào tháng trước tại Vatican cho hay Đức Thánh Cha sẽ đến thăm một quốc gia mà đa số dân chúng là Công Giáo vào năm tới, nên việc ĐTC sẽ đến thăm Indonesia, quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới là điều khả thi xảy ra...

Chưa có thời gian chính xác cho chuyến tông du này, nhưng Đức ông Sprizzi nói với các phóng viên rằng Đức Thánh Cha Phanxicô hy vọng sẽ đến thăm quốc gia nhỏ bé của ông vào năm tới, nếu tình hình Covid-19 được cải thiện và mọi người được chủng ngừa.

Gần một phần ba trong số 1,3 triệu người của Timor-Leste đã được tiêm chủng, trong khi Indonesia, tính đến ngày 1 tháng 8 đã chích ngừa cho 67 triệu người hoặc 24,5 phần trăm dân số. Chính phủ hy vọng sẽ tiêm chích cho 181 triệu người trong số 270 triệu người, hầu có thể ngăn chặn được cơn dịch...

Tuy thế nên tạm gác đại dịch sang một bên, có nhiều lý do quan trọng khiến Đức Thánh Cha Phanxicô cần đến tông du nước Indonesia.

Indonesia không chỉ quan trọng vì là quốc gia có đa số dân chúng theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, với 87,2% dân số theo đạo Hồi, mà là một quốc gia có quan hệ lâu dài với Vatican, được thiết lập sau độc lập năm 1947 và các cộng đồng Công Giáo năng động.

Trong nhiều dịp, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến tình huynh đệ với người Hồi giáo. Trong chuyến tông du đến Trung Đông vào đầu năm 2019, Đức Thánh Cha và Đại hoàng đế Sheikh Ahmed el-Tayeb của Al-Azhar, đã ký một Văn kiện về Tình huynh đệ và Sống chung con người vo71o con người tại Abu Dhabi, trong khối Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Tài liệu là một dấu mốc lịch sử trong quan hệ giữa Công Giáo và Hồi giáo. Nó nói lên những tương quan cố gắng của văn hóa đối thoại, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau. Trên hết, nó nối kết tình đoàn kết giữa những người theo đạo Thiên Chúa và người Hồi giáo trong sứ mệnh khám phá lại và thúc đẩy các giá trị của hòa bình, công lý, chân thiện, mỹ, tình huynh đệ và sự chung sống của con người vốn đã bị bạo lực và khủng bố gạt sang một bên.

Nó nhanh chóng được đón nhận bởi các cộng đồng Công Giáo và Hồi giáo trên khắp thế giới, bao gồm cả Indonesia.

Không mất nhiều thời gian để Nhóm Hồi giáo Nahdlatul Ulama thông qua tài liệu. Đại Giáo trưởng Said Aqil Siradj cho biết Giáo hội của ông cam kết hỗ trợ thỏa thuận Vatican-Al Azhar. Ông cho biết bản chất của tài liệu này về cơ bản phù hợp với sứ mệnh riêng của nó là không chỉ thúc đẩy tình anh em Hồi giáo mà còn cả đoàn kết dân tộc và tình huynh đệ nhân loại toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo Hồi giáo và Công Giáo ở Indonesia sau đó đã tổ chức một loạt các cuộc họp về cách úng dụng những lý tưởng có trong tài liệu này vào cuộc sống của dân chúng.

Các giám mục Indonesia đã dành nhiều thời giờ trong kỳ họp thường niên vào tháng 11 năm 2019 để nghiên cứu tài liệu và cách áp dụng tài liệu này.

Do tính chất đặc biệt của tài liệu và sự đóng góp của cả hai nhà lãnh đạo cho nhân loại, Đại học Hồi giáo Sunan Kalijaga ở Yogyakarta đã lên kế hoạch trao bằng tiến sĩ danh dự cho Đức Thánh Cha Phanxicô và Đại Giáo trưởng Sheikh Ahmed el-Tayeb.

Chính phủ ủng hộ động thái này và có thể thấy cả hai nhà lãnh đạo được mời đến Indonesia để nhận Văn bằng Tiến sĩ Danh dự.

Dù điều này có thể thực hiện được hay không, điều đó cho thấy Đức Thánh Cha được người dân Indonesia rất coi trọng và ĐTC nên nhân cơ hội này đến thăm để tăng cường mối quan hệ giữa người Hồi giáo-Công Giáo không chỉ ở Indonesia mà trên toàn thế giới. Một chuyến tông du sẽ giúp nâng cao vị thế của người Hồi giáo Indonesia trên toàn thế giới.

Indonesia có quan hệ lâu đời với Tòa thánh bắt đầu từ sau khi Indonesia tuyên bố độc lập. Vatican là một trong những quốc gia đầu tiên thừa nhận sự độc lập của Indonesia khỏi tay người Hà Lan.

Đổi lại, tổng thống Sukarno khi đó đã cho phép Vatican mở Tòa Khâm Sứ tại Indonesia vào năm 1947. Sukarno thậm chí đã đến thăm Vatican ba lần vào những năm 1956 để gặp Đức Thánh Cha Piô XII, năm 1959 để gặp Đức Thánh Cha Gioan XXIII, và năm 1964 để gặp Đức Thánh Cha Phaolô VI.

Một tổng thống Indonesia khác đến thăm Vatican là Abdurrahman Wahid hay Gus Dur vào năm 2000.

Nếu Đức Thánh Cha Phanxicô đến, ngài sẽ là vị Giáo hoàng thứ ba đến thăm Indonesia sau Thánh Giáo hoàng Phaolô VI vào năm 1970 và Gioan Phaolô II vào năm 1989, Thánh Giáo hoàng này cũng đến thăm Timor-Leste, lúc nước này vẫn nằm dưới sự cai trị của Indonesia.

Các chuyến thăm trước đây của Đức Thánh Cha đã thúc đẩy hòa hợp liên tôn, công bằng xã hội, tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền và sự phát triển của đa nguyên tôn giáo và văn hóa ở Indonesia.

Chuyến thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô lúc này là cần thiết hơn nữa để thúc đẩy niềm tin vào những giá trị trên hầu đẩy lùi làn sóng chủ nghĩa cực đoan và các mối đe dọa khủng bố mà Indonesia và các khu vực khác trên thế giới đang phải đối diện.

Chuyến tông du của ĐTC cũng sẽ nhấn mạnh đến sự đánh giá cao đặc biệt của Giáo hội toàn cầu đối với những nỗ lực của chính phủ Indonesia trong việc ưu tiên dùng đối thoại và sự hòa hợp giữa các tôn giáo mà giải quyết những xung đột trong xã hội gây nên do các vấn đề sắc tộc, chủng tộc và tôn giáo...

Thật là tuyệt vời nếu Đức Thánh Cha tông du đến Indonesia ngay sau khi đại dịch kết thúc. Việc trì hoãn có thể làm mất đi cơ hội tuyệt vời để tận dụng tối đa tài liệu về tình huynh đệ con người của Đại Giáo Trưởng Abu Dhabi và thông điệp “Mọi Người là Anh Chị Em” Fratelli Tutti của ĐTC, vốn có ảnh hưởng mạnh mẽ về tình huynh đệ nhân loại và sự đoàn kết giữa các cộng đồng Công Giáo và Hồi giáo ở Indonesia.
 
Tổng giáo phận New York yêu cầu các linh mục đừng công khai ủng hộ những người Công Giáo chống lại vắc xin Covid
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:00 05/08/2021


Tổng giáo phận New York đã chỉ thị cho các linh mục rằng các ngài không nên hỗ trợ những giáo dân tìm cách viện lý do tôn giáo để chống lại việc tiêm chủng Covid.

Một bản ghi nhớ ngày 30 tháng 7 từ văn phòng của Đức Ông Tổng Đại Diện và Cha Chưởng Ấn của tổng giáo phận thừa nhận rằng có những thỉnh cầu từ “một số người Công Giáo có thái độ phản đối đạo đức chân thành” đối với vắc xin Covid vì chúng sử dụng dòng tế bào thai nhi lấy từ việc phá thai. Nhưng bản ghi nhớ tiếp tục lưu ý rằng cả Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Hồng Y Timothy Dolan đều khuyến khích tiêm chủng.

Vì thế, bản ghi nhớ nhấn mạnh rằng “Không có cơ sở để một linh mục tuyên bố ủng hộ những người chống lại vắc xin.”

Đức Ông Tổng Đại Diện Joseph LaMorte và Cha Chưởng Ấn John P. Cahill — đã viện dẫn một trường hợp giả định trong đó một học sinh không được tiêm chủng gây ra sự bùng phát dịch bệnh tại một trường Công Giáo. “Rõ ràng đây sẽ là một sự bối rối đối với tổng giáo phận”. Hai vị nói thêm rằng một linh mục có thể phải chịu trách nhiệm cá nhân về sự bùng phát.

Các cá nhân có thể “toàn quyền quyết định” về việc chích vắc-xin hay không, hai viên chức của Tổng Giáo Phận tuyên bố rằng các ngài không muốn xuyên tạc các hướng dẫn của Giáo hội và không bình luận về khả năng những phản đối đạo đức chân thành của một cá nhân Công Giáo có thể mâu thuẫn với những chỉ dẫn của các nhà lãnh đạo Giáo hội.

Trong tài liệu về đạo đức liên quan đến vắc-xin chống Covid, Bộ Giáo lý Đức tin nói rằng “lý do thực tế cho thấy rõ ràng rằng tiêm chủng không phải là một quy tắc, một nghĩa vụ đạo đức và do đó, nó phải tự nguyện”.

Đề cập đến khả năng giáo dân sẽ yêu cầu các linh mục hỗ trợ sự phản kháng về lý do lương tâm của họ, bản ghi nhớ kết luận: “Các linh mục chúng ta không nên tham gia tích cực vào những hành động như vậy”.
Source:Catholic World News
 
Người Công Giáo Mỹ là nhóm chích ngừa đông nhất
Đặng Tự Do
17:00 05/08/2021


67% người Mỹ cho biết họ đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin và 4% khác nói rằng họ sẽ tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt. Số người do dự đã giảm từ 28% vào tháng 3 xuống còn 15% trong cuộc điều tra mới nhất. Số người nói rằng họ sẽ không tiêm chủng là 13% gần như không đổi so với các cuộc điều tra vào tháng 3.

Tỷ lệ người Mỹ lo lắng về các tác dụng lâu dài của vắc-xin COVID-19 đã giảm từ 58% vào tháng Ba xuống còn 47% vào tháng Sáu.

Trong số các nhóm tôn giáo, người Công Giáo là nhóm chấp nhận vắc-xin đông nhất. 79% chấp nhận vắc-xin.

Các bậc cha mẹ thường do dự khi đưa con đi tiêm chủng hơn là tự mình đi tiêm chủng, nhưng có một mối quan hệ chặt chẽ giữa sự chần chừ của người lớn và trẻ em. Trong số những người chấp nhận vắc xin, 56% cũng chấp nhận vắc xin cho con của họ; trong số các bậc cha mẹ do dự không muốn chích vắc-xin, 81% không muốn cho con cái của họ tiêm chủng; và những người từ chối vắc xin hầu như sẽ không tiêm vắc xin cho con họ.
Source:PRI Report
 
Đức Tổng Giám Mục Cordileone cho phép cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống hàng tháng tại nhà thờ chính tòa
Đặng Tự Do
17:01 05/08/2021


Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone đã thiết lập một Thánh lễ Latinh Truyền thống hàng tháng tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, của San Francisco, và đã chủ sự một nghi thức phạt tạ vì những lạm dụng chống lại Bí tích Thánh Thể.

Thánh lễ hàng tháng sẽ được tổ chức vào các ngày Thứ Tư đầu tháng lúc 3 giờ chiều, “một giờ tốt lành cho Thánh lễ này, tưởng nhớ khoảnh khắc Chúa Giêsu Kitô của chúng ta chết để cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết”, Cô Maggie Gallagher Giám đốc Điều hành Học Viện Bênêđíctô 16 về Thánh Nhạc và Phụng Tự cho biết như trên hôm 1 tháng 8.

Thánh lễ đầu tiên, vào ngày 4 tháng 8, rơi vào ngày lễ Thánh Đa Minh, và như vậy sẽ được cử hành theo nghi thức của dòng Đa Minh.

Khi các Giám Mục giáo phận xem xét cách thực hiện Tông Thư dưới dạng Tự Sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc sử dụng Thánh lễ Latinh Truyền thống, Đức Tổng Giám Mục San Franciso cho biết Thánh lễ Latinh Truyền thống sẽ được tiếp tục trong tổng giáo phận của ngài.

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco nói với CNA ngày 16 tháng 7 rằng “ Thánh lễ là một phép lạ dưới mọi hình thức: Chúa Kitô đến với chúng ta bằng xương bằng thịt dưới hình dạng Bánh và Rượu. Sự hiệp nhất dưới quyền của Chúa Kitô là điều quan trọng. Do đó, Thánh lễ Latinh Truyền thống sẽ tiếp tục được cử hành tại đây trong Tổng Giáo phận San Francisco và được cung cấp để đáp ứng nhu cầu và mong muốn chính đáng của các tín hữu”.

Cô Maggie Gallagher cho biết “hơn 900 người đã ghi danh tham dự thường xuyên Thánh lễ Latinh Truyền thống các ngày Thứ Tư đầu tháng,” và nhấn mạnh rằng Đức Tổng Giám Mục cam kết sẽ không bỏ rơi họ.
Source:Catholic News Agency
 
Linh mục Tuyên úy quân đội đóng giả tội phạm để giải cứu cậu bé khỏi nạn buôn bán nội tạng
Đặng Tự Do
17:02 05/08/2021


Tờ Aleteia, nghĩa là “Chân Lý Tỏ Tường”, số ra ngày 31 tháng 7, đã tường thuật câu chuyện một linh mục Tuyên úy quân đội giả danh thành một tên tội phạm để giải cứu một cậu bé khỏi bị giết trong một vụ buôn bán nội tạng.

Vị linh mục này đã nghĩ ra một kế hoạch táo bạo để giải cứu một đứa trẻ dễ bị tổn thương khỏi cái chết kinh hoàng.

Một linh mục giả danh một tên tội phạm để giải cứu một cậu bé khỏi nạn buôn bán nội tạng gần đây đã được nêu bật trong một bài báo trên tờ báo Tây Ban Nha El País, một tạp chí định kỳ có khuynh hướng cánh tả, thường tấn Công Giáo hội và hàng giáo sĩ.

Tuy nhiên, câu chuyện của Cha Ignacio María Doñoro de los Ríos là một câu chuyện rất khó bỏ qua. Vị cựu linh mục tuyên úy quân đội 57 tuổi đã được đề cử lãnh Giải thưởng Công chúa thành Asturias vì đã làm việc trong 25 năm cho những người trẻ tuổi là nạn nhân của nghèo đói cùng cực và tệ nạn buôn người.

Giải thưởng Công chúa thành Asturias, tiếng Tây Ban Nha là Premios Princesa de Asturias, là một loạt các giải thưởng hàng năm được trao tặng tại Tây Ban Nha bởi Quỹ Công chúa thành Asturias cho các cá nhân, thực thể hoặc tổ chức trên khắp thế giới có thành tích đáng chú ý trong khoa học, nhân văn và các vấn đề công cộng.

Ngành kinh doanh khốn nạn

Trong những năm 1990, Cha Ignacio tham gia vào một sứ mạng đặc biệt của Cảnh sát Quốc gia Tây Ban Nha ở El Salvador. Ở đó, ngài đã chứng kiến với sự bàng hoàng một ngành ngành kinh doanh khốn nạn xoay quanh các đứa trẻ tật nguyền.

Một gia đình nghèo khó với 5 đứa con đang rao bán đứa con trai 14 tuổi của họ, Manuel, bị liệt, chỉ với giá 25 đô la. Với số tiền từ giao dịch, gia đình dự định mua thực phẩm để nuôi bốn đứa con gái còn lại của họ. Những người mua các em bé tội nghiệp này kiếm lợi nhuận gấp hàng nghìn lần số tiền bỏ ra bằng cách bán nội tạng của các em bé.

Mặc dù “khuyết tật”, các em này vẫn sẽ mang lại những bộ phận chấp nhận được để bán. Cậu bé Manuel sẽ bị “giết thịt”, chia nhỏ và đóng gói vào các thùng chứa riêng biệt, giống như một con bò hoặc một con lợn trong lò mổ, để cung cấp cho nhu cầu của nạn mua bán nội tạng quốc tế.

Buôn bán nội tạng

Mọi thứ đều gây sốc trong câu chuyện có thật khủng khiếp này. Sự khốn cùng của một gia đình đến tột cùng tuyệt vọng khi phải bán một đứa trẻ; việc lập danh mục các đứa trẻ dễ bị tổn thương và không có khả năng tự vệ như một sản phẩm bị lỗi; việc người khác mua một con người — những người đã có ý thức sẵn sàng giết trẻ em, sẻ thịt và bán thành từng mảnh trong mạng lưới những kẻ giết người không còn e sợ các tiêu chuẩn đạo đức cơ bản.

Cũng thật sốc khi biết rằng trường hợp của Manuel không phải là một trường hợp duy nhất chỉ xảy ra ở hai thập kỷ trước. Con người tiếp tục được mua bán theo cách này trong thế kỷ 21.

Một cuộc giải cứu căng thẳng trên núi

Khi biết một cậu bé bại liệt sắp bị giao cho một kẻ buôn bán nội tạng, Cha Ignacio không ngần ngại liều mình cứu chú bé.

Ngài bỏ ra một tuần không cạo râu, thuê một chiếc xe tải và mặc thường phục. Với khả năng tự chủ và can đảm phi thường, ngài lái xe đến ngôi nhà của một gia đình nghèo ở vùng núi xa xôi ở Panchimalco, đóng giả là một kẻ mua bán người. Ngài đề nghị cho gia đình này nhiều hơn một đô la so với giá mà người mua kia đã thỏa thuận, để đưa cậu bé tội nghiệp lên xe tải và lái đi.

Manuel vì thế được cứu thoát khỏi một cái chết ghê tởm.

Cha Ignacio nói với El País:

Tôi ý thức được hành động này sẽ đưa tôi đến nơi mà tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đến. Tôi biết rõ rằng đứa trẻ đó sẽ thay đổi cuộc đời tôi.

Phóng viên El País hỏi ngài:

Nhưng gia đình đã bán chính đứa con của họ thì sao? Họ có biết cha mua chú bé để làm gì không? Họ có biết rằng đó là buôn bán nội tạng không?

Vị linh mục chỉ bình luận:

Họ nghĩ rằng đứa trẻ đó sẽ chết và họ đã bán nó vì tuyệt vọng. Tuy nhiên, một điều bạn học được theo thời gian là bạn không thể đánh giá họ.

Thực ra, Manuel chỉ cần sự giúp đỡ thích hợp để tránh những gì tưởng chừng như cái chết chắc chắn. Cha Ignacio đã cho anh ta phương pháp điều trị cần thiết, với liệu pháp phục hồi chức năng chuyên sâu, để không chỉ sống sót mà còn phục hồi sau khi bị liệt.

25 năm sau, Manuel còn sống và biết ơn những gì Cha Ignacio đã làm. Cha Ignacio, trở lại quê hương Tây Ban Nha, đã nhận được một lá thư từ Manuel tuyên bố rằng vị linh mục là “người quan trọng nhất trong cuộc đời anh”.

Cha Ignacio không dừng lại sau cuộc giải cứu Manuel, và cũng không dừng lại ở biên giới đất nước mình.

Tại vùng Amazon thuộc Peru, ngài và một nhóm đối tác địa phương đã thành lập Nazareth Home, một tổ chức hoàn toàn dành riêng cho việc chăm sóc trẻ em mồ côi và trẻ em của những gia đình tuyệt vọng, như trường hợp của Manuel ở El Salvador. Những gia đình này nhận thấy mình đang phải đối mặt với cuộc chiến chống đói nghèo vượt quá sức của họ và dễ rơi vào những nỗ lực trốn chạy bi thảm nhất: mại dâm, tội phạm, hay buôn người.

Cha Ignacio đã nhận được Giải thưởng Đoàn kết năm 2021 từ tạp chí Telva vào đầu năm nay. Ngài đã sử dụng số tiền thưởng 20,000 Mỹ Kim để mua thiết bị nông nghiệp trồng lúa, một phần của dự án giúp Nazareth House tự cung tự cấp thông qua nông nghiệp.
Source:Aleteia
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Học viện thánh Anphongsô đến thăm các anh chị em J’rai, Êđê đang xa quê.
Học viện thánh Anphongsô
08:14 05/08/2021
Qua sự uỷ thác của quý Cha cộng đoàn DCCT Tây Nguyên, sự yểm trợ của Văn phòng Tông đồ - Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, sáng thứ Tư, 04/08/2021, quý thầy Học viện thánh Anphongsô đã đến thăm các anh chị em J’rai, Êđê đang xa quê để kiếm sống. Các anh chị em này sinh sống rải rác tại ba nơi khác nhau:

Xem Hình

- Khu công nghiệp Đông Nam, ấp 2, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi, TP. HCM: 13 gia đình.

- 17 đường 234, ấp 2 xã Hoà Phú, huyện Củ Chi, TP.HCM: 41 gia đình.

1/15 Đỗ Quang Cơ, khu phố 1, thị trấn Củ Chi, TP.HCM: 21 gia đình.

- Cơn đại dịch đã khiến anh chị em vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Vì đang giãn cách xã hội nên quý thầy không thể nói chuyện lâu giờ với anh chị em xa quê được, chỉ kịp gửi đến anh chị em những món quà từ tấm lòng của các Ân Nhân gần xa. Mỗi phần quà gồm: 10 kg gạo, 01 chai dầu ăn, 01 chai nước mắm, 10 gói mì ăn liền và cá khô.

Được biết, cho đến 05/8/2021, chương trình “Nhịp sống Anphongsô” của Học viện thánh Anphongsô - Dòng Chúa Cứu Thế đã được quý Ân Nhân khắp nơi hỗ trợ trên 420 triệu tiền mặt và nhiều hiện vật khác. Học viện đã chuyển những phần quà yêu thương này đến những gia đình gặp khó khăn, chủ yếu trong khu vực từ cầu Thanh Đa đến bến đò Bình Quới. Ngoài ra, Học viện cũng sẵn sàng chuyển quà đến nhiều vùng khác, đặc biệt là những vùng có anh chị em Tây Nguyên xa quê đang sống và làm việc. Ước tính sơ bộ, Học viện đã phát trên 20 tấn gạo, 1 tấn rau, 1,5 tấn thanh long, 1 tấn chôm chôm, 5 tấn chanh, 1,5 tấn sả, 750 kg gừng, 816 hộp sữa, 2.100 trứng, 5.900 gói mì ăn liền, 1.500 chai dầu ăn, 800 chai nước mắm, 1.000 chai nước tương, 1 tạ cá khô, 420 con gà, 500 hộp cá hộp.

“Chúng con xin trao vào đôi tay từ mẫu của Mẹ Maria, những lời khẩn nguyện trong cơn đại nạn, nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu, xin Chúa nhậm lời chúng con. Amen” (Trích “Lời nguyện trong cơn dịch bệnh”).
 
VietCatholic TV
Đừng sợ: Năm bí quyết để vượt qua đại dịch của Thánh Piô, linh mục thánh thiện có Năm Dấu Thánh Chúa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:41 05/08/2021


1. 5 câu châm ngôn từ Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh có thể giúp bạn vượt qua đại dịch quỷ quái này

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Một vị độc giả viết cho chúng tôi rằng: “Trong những ngày này ở Sàigòn, tiếng động ồn ào nhất là tiếng còi xe cứu thương chạy suốt ngày đêm. Tôi cảm thấy bị tê liệt trong một nỗi sợ choáng ngợp đến mức không thể tập trung cầu nguyện được nữa.”

Một nhà văn Ý cũng chia sẻ cùng một kinh nghiệm tương tự khi thấy trên màn ảnh truyền hình những hàng dài xe nhà binh chở xác nối đuôi nhau. “Tôi chết điếng trong lòng, tê liệt vì khiếp sợ,” ông viết.

Ngay cả một vị Tổng Giám Mục Ấn Độ cũng có cùng một kinh nghiệm như thế. Tòa Giám Mục của ngài đối diện với một công viên. Người ta dựng một lò thiêu dã chiến trong công viên này. Mùi khét của xác người bị đốt vương trong không khí 24/24. Ngài cảm thấy lợm giọng, lúc nào cũng muốn nôn mửa. Mùa nắng còn đỡ, mùa mưa đến, một mùi tanh nồng nặc có thể ngửi thấy khắp mọi nơi. Trong tình cảnh “tầng đầu địa ngục” như thế, có lúc ngài cũng bị tê liệt vì sợ hãi.

Tuy nhiên, tê liệt vì sợ hãi không giúp ích chúng ta. Nó làm cho tình hình trở nên tồi tệ thêm. Trong khi chúng ta cần có sức khoẻ tốt để đương đầu với con virus quỷ quái này, sợ hãi có nguy cơ làm tăng huyết áp, tim mạch lộn xộn. Nó cũng không giúp chúng ta phân định và đưa ra các quyết định sáng suốt cho bản thân, gia đình và cộng đoàn.

Túy Vân xin gởi đến quý vị và anh chị em một bài viết đăng trên tờ National Catholic Register của hệ thống truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ EWTN, của tác giả Laura Dittus, có tựa đề “These 5 Maxims from Padre Pio Will Help You Get Through Coronavirus”, nghĩa là “5 câu châm ngôn từ Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh có thể giúp bạn vượt qua đại dịch coronavirus”

5 câu châm ngôn này có thể được tóm tắt bằng câu nói được Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh lặp đi lặp lại: “Hãy cầu nguyện, hy vọng và đừng quá lo lắng”

Tác giả Laura Dittus viết như sau:

Đầu năm nay, tôi đã tìm đọc một số sách tiếng Tây Ban Nha để cải thiện các kỹ năng ngôn ngữ và nghĩ rằng sẽ tốt hơn khi đọc một tiểu sử truyền cảm hứng. Tôi thực không ngờ Chúa đã quan phòng cách kỳ diệu cho tôi, để tôi chọn một cuốn sách nói về Cha Thánh Piô Năm Dấu Thánh thành Pietrelcina.

Cha Thánh Piô không chỉ là một vị thánh được mang Năm Dấu Thánh Chúa, nhưng còn đặc biệt hơn là ngài còn có khả năng xuất hiện ở cả hai nơi cùng một lúc. Ngài có các đặc sủng khi giải tội và trong nhiều trường hợp khác nữa. Tuy nhiên, có một điều không mấy khi được nhắc đến, nhưng có tính chất thời sự đối với chúng ta trong giai đoạn này, là ngài đã từng sống qua đại dịch cúm Tây Ban Nha kinh hoàng, một đại dịch tàn khốc xảy ra vào đầu thế kỷ 20. Thật là an ủi trong thời đại hiện nay khi có những vị thánh đã sống qua thời kỳ dịch bệnh này để chúng ta chạy đến nhờ các ngài cầu thay nguyện giúp, đồng thời học hỏi từ những vị thánh ấy những câu nói truyền cảm hứng và những tấm gương về một cuộc sống đạo đức. Cha Thánh Piô là một trong những vị này này.

Cha Thánh Piô là một nhân vật đầy ấn tượng rồi, nhưng ngài có một mối quan hệ đặc biệt với thời điểm đại dịch này vì chính ngài đã nhiễm virus H1N1 là con virus đã gây ra đại dịch Cúm Tây Ban Nha, kéo dài từ tháng Giêng 1918 đến tháng 12, 1920, lây nhiễm 500 triệu người, tức là 1 phần 3 dân số thế giới vào thời đó, và giết chết ít nhất 17 triệu người, có các tài liệu còn cho rằng có đến 50 triệu trường hợp tử vong. Ngài đã nhiễm virus H1N1 sau khi có Năm Dấu Thánh Chúa trên người không bao lâu. Một vài vị thánh đã nhiễm virus H1N1 và đã chết vì con virus đó như hai thánh Francisco và Jacinta Marto, là hai trong ba trẻ đã được thấy Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Cha Piô bị nhiễm virus nhưng đã hồi phục và tiếp tục sống một cuộc đời linh mục đầy hoa trái và hương thơm thánh thiện sau giai đoạn đó của cuộc đời.

Sau khi tìm hiểu một chút về cuộc sống của Cha Piô, tôi muốn tìm hiểu sâu hơn một chút về các tác phẩm của ngài. Khi đọc các bài viết của Cha Piô, tôi tình cờ gặp một số câu thật khôn ngoan, thật đáng khích lệ trong ánh sáng của những gì đang xảy ra trong thế giới của chúng ta ngày hôm nay, mặc dù tôi đã đọc những lời ấy vài tháng trước khi “social distance”, hay “khoảng cách xã hội”, trở nên một cụm từ thông dụng tại Mỹ. Một trong những trích đoạn trong những lá thư của Cha Piô mà tôi đọc lại vào tháng Hai năm nay được viết vào năm 1917 cho một trong những cô con gái tinh thần của ngài, là cô Antonietta Vona. Trong bức thư đó, ngài viết như sau:

Đừng lo sợ về bất kỳ tác hại nào trong tương lai có thể xảy ra với con trên thế giới này, bởi vì có lẽ điều đó có thể sẽ không xảy ra với con, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào nếu nó đến với con, Chúa sẽ cho con sức mạnh để chịu đựng nó... Nếu Chúa để con phải trải qua vùng nước đầy bão tố của nghịch cảnh, đừng nghi ngờ, đừng sợ hãi. Chúa luôn bên cạnh con. Hãy có can đảm và con sẽ được bình an. (Thư III, trang 833)

Đoạn văn này đưa ra cho chúng ta nhiều ủi an. Chúng ta được khuyên đừng “sợ hãi trước bất kỳ tác hại nào trong tương lai” vì nó có thể không bao giờ xảy ra. Chúng ta cũng được khuyên “hãy có can đảm”. Ở đây, ta nhớ rằng những lời mà Cha Piô viết là vào năm 1917, có thể không liên quan gì đến đại dịch sẽ xảy ra sau này ở Ý, từ 1918 đến 1919, nhưng được đưa ra trước sự kiện đó và vì thế chắc chắn đã an ủi cô con gái tinh thần của ngài khi trận dịch xảy ra.

Trong cùng một bức thư, Cha Piô cũng đưa ra cho Antonietta một số cụm từ nhất định để in sâu vào tâm hồn cô: “Đây là điều cha cảm thấy phải nói với con hôm nay trong Chúa: Để có thể sống một cuộc đời đạo đức liên tục, con hãy ghi nhớ một số câu châm ngôn xuất sắc và mạnh mẽ này trong tâm hồn con.” (Thư III, tr. 830)

Năm câu châm ngôn mà Cha Piô dành cho cô trong bức thư này là:

“Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rôma 8:28)

“Thiên Chúa là Cha chúng ta”

“Các con có thiếu thốn gì không?” (Luca 22:35)

“Đời đời”

“Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô” (Gal 6:14)

Những câu châm ngôn này tốt cho bất kỳ dịp nào, nhưng ta có thể thấy giá trị đặc biệt của những châm ngôn ấy khi phải sống trong tình huống đại dịch này. Sự thật rằng “Thiên Chúa là Cha chúng ta” mang lại niềm an ủi rằng chúng ta luôn ở dưới sự chăm sóc quan phòng của Ngài, được yêu thương và bảo vệ, và rằng, ngay cả nếu chúng ta phải kinh qua những tình huống khó khăn, Chúa luôn ở với chúng ta.

Tôi thấy các châm ngôn trên thật là hữu ích vào thời điểm này, thêm vào đó tôi cũng muốn nhắc đến một cụm từ thường được Cha Piô lặp đi lặp lại: “Hãy cầu nguyện, hy vọng, và đừng quá lo lắng.” Những lời này có thể đóng vai trò như một phương châm nổi bật cho thời gian này, và thật sự đối với bất kỳ thời điểm nào trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta luôn được kêu gọi để cầu nguyện, để tin tưởng vào Chúa, và đừng đầu hàng trước những lo lắng của chúng tôi.

Xin Cha Piô cầu thay nguyện giúp cho chúng ta, và cho chúng ta nhận ra đang được sống khoảnh khắc hiện tại trong sự hiện diện yêu thương của Thiên Chúa. Xin cho chúng ta có thể nghe vang vọng những lời này của ngài - “Quá khứ của con, lạy Chúa, xin dâng lên lòng thương xót Chúa; hiện tại của con, xin phó dâng cho tình yêu Chúa; và tương lai con, xin tín thác nơi sự quan phòng của Người” - và hãy lấy những lời này làm những lời cầu nguyện của chúng ta, và phó thác cho sự bảo vệ của Cha chúng ta ở trên trời, cùng với sự cầu bầu của Mẹ Thiên Chúa.

2. Tiểu sử Cha thánh Piô Năm Dấu Thánh

Cha thánh Piô sinh ngày 25-05-1887 tại Pietrelcina, được gọi tên là Francesco Forgione. Ngài lớn lên trong một gia đình Công Giáo đạo đức. Lúc khoảng 6, 7 tuổi, ngài đã có được sự liên kết rất đặc biệt với Thiên Chúa. Ngài thường trò chuyện với Thiên Chúa ở nơi đồng vắng. Từ thuở nhỏ, ngài có thói quen rất tốt lành là sốt mến cầu nguyện. Ngài nhìn ngắm Chúa Giêsu trên Thánh giá và thân thưa cùng Chúa cho mình được chia sẻ những đau đớn với Chúa.

Năm 1903, ngài vào dòng Phanxicô. Một năm sau nhận tu phục Dòng Phanxicô Capucinô và có tên mới là Piô.

Ngài được phong chức linh mục và được chuyển đến một số nơi. Đến năm 1916, ngài được chuyển đến San Giovanni Rotondo và đã ở đây suốt 52 năm. Cha được mọi người ngưỡng mộ vì lòng yêu mến nhiệt thành đối với Chúa Giêsu, Mẹ Maria và được coi như là một nhà thần bí vĩ đại thời hiện đại.

Cha Pio xuất thân từ nhà nghèo nên ngài rất yêu mến người nghèo. Cha ao ước có được bệnh xá để sau cuộc chiến sẽ cứu chữa những thương binh trở về, và cha cũng đã được toại nguyện do tin tưởng mãnh liệt vào Đức Maria ban ơn cứu giúp.

Cha Pio có nhiều kinh nghiệm về những khả năng siêu nhiên với các phép lạ kèm theo: nhìn thấu suốt tâm hồn con người, nói tiên tri, ở hai nơi cùng một thời điểm, hương thơm đời sống thánh thiện, biết biện phân các thần khí, ngủ ít nhưng vẫn sống được, chữa người ta khỏi bệnh cách lạ lùng, được Chúa Giêsu và Mẹ Maria đến thăm, nhất là hằng ngày được rước lễ với Thiên thần bản mệnh của mình.

Một trong những ân huệ siêu nhiên nổi tiếng nhất của ngài là được Chúa ghi Năm Dấu Thánh trên thân xác vào năm 1918 khi ngài cầu nguyện trước Thánh giá. Những vết thương đã gây cho ngài rất nhiều đau đớn và cũng rất nhiều ân ban kỳ diệu. Trong cuốn sách “Cuộc đời cha Piô” có kể lại rằng:

“Cái yên tĩnh của ban đêm đã bao trùm tu viện khi Cha Piô còn ngồi giải tội cho các thầy. Đó là ngày 5 tháng Tám 1918, là ngày ngài không thể quên được vì nó bắt đầu sự thống khổ đặc biệt của ngài.

Ngài giật mình kinh hãi khi thấy một người lạ tay cầm thanh kiếm dài và mỏng đứng ngay trước mặt. Thân thể như tê liệt, ngài không thể cựa quậy và mắt trừng trừng theo dõi mũi kiếm mà từ đó phát ra những tia lửa. Đột nhiên, ngài thất thanh kêu lên một tiếng lớn khi thanh kiếm như xuyên qua linh hồn ngài. Không biết làm sao mà ngài lấy lại được bình tĩnh và giải tán các thầy đang chờ xưng tội. Suốt đêm đó và qua một ngày và một đêm hôm sau, thân thể ngài yếu dần vì như có lưỡi kiếm bằng lửa đang cắt thân thể ngài ra từng mảnh.

Hơn một tháng trôi qua, sau khi làm lễ vào sáng thứ Sáu, ngày 20 tháng Chín, sự kinh hoàng và thống khổ của ngài đến tột đỉnh ngoài sức chịu đựng của con người. Tuy nhiên, cơn ác mộng đó bắt đầu trong một giây phút thật bình thản và yên lặng. Ngài cảm thấy buồn ngủ, như thể ngài ngủ say đến độ không còn biết gì cả. Cái cảm giác kỳ lạ thấm dần qua từng sớ thịt và hầu như làm ngài mê đi.

Và rồi, vị khách bí ẩn đã đến trong giấc mộng êm đềm, và chính lúc đó các giọt máu từ tay, chân và cạnh sườn của vị khách bắt đầu chẩy ra và đọng lại thành vũng trên sàn nhà. Ngay lập tức cái êm đềm của Cha Piô tan biến và tim ngài bắt đầu đập mạnh như muốn vỡ tung lồng ngực trong cái thân thể bất động. May mắn thay, tất cả dịu lại một cách thật bất ngờ cũng như khi xuất hiện, và thân thể mềm nhũn của ngài khụy xuống vũng máu.

Ngài mở mắt, những giọt nước lăn dài trên khoé mắt. Cơ thể ngài bắt đầu có cảm giác và ngài nhận thấy tay trái của mình đang run rẩy. Ngài cố nhấc chân lên và ngay lập tức cái đau âm ỉ trở thành nhói buốt đâm vào tay, chân và cạnh sườn ngài. Ngài chống khủy tay ngẩng đầu dậy và nhìn vào đôi tay run lẩy bẩy. Hai bàn tay đầy máu. Nhìn vào thân thể, ngài thấy một bên áo dòng ướt đẫm. Đôi mắt ngài tiếp tục nhìn xuống. Và đôi chân ngài cũng đỏ máu. Toàn thân ngài run lên vì sợ hãi. Ngài muốn cất tiếng kêu cứu nhưng cổ họng như nghẹn lại, và ngài há hốc mồm để thở.

Cơn ác mộng tiếp diễn. Có một động lực nào như giục ngài đứng dậy, đi về phòng trước khi các linh mục trong tu viện trở về và có thể bắt gặp. Ngài cố nhấc mình lên, và thân thể quặn đau theo từng bước. Không hiểu làm sao mà ngài có thể lết qua cái hàng lang dài để về đến phòng. Ngài ngã vật xuống giường trong đau đớn và sợ hãi.

Ngài rên rỉ, “Xin giúp con. Xin Chúa giúp con để hiểu.”

Hơi thở ngài đã đều hòa, nhưng cơn đau vẫn mãnh liệt. Khi đưa tay sờ vào cạnh sườn, ngài cảm thấy vết máu trên áo dòng ngày càng lan rộng, như bị xuất huyết tự bên trong. Đôi mắt mở to vì sợ hãi, ngài ngồi dậy và xem xét vết máu trên áo, tự hỏi không biết mình có chết vì vết thương này hay không.

Ngài cầu xin, “Xin đừng để con khiếp sợ.”

Những giây phút chậm chạp trôi qua. Từ từ ngài lấy lại bình tĩnh và xem xét các vết thương. Không nghi ngờ gì cả, đó là những vết thương thật. Đó không phải là ác mộng hay ảo giác. Bắt đầu ngài nhận ra sự thật. Ngài được in năm dấu thánh là những vết thương có hình dạng và vị trí giống như các vết thương của Đức Kitô.

Tâm trí ngài từ từ mở ra với thực tại, và cảm thấy khuây khỏa khi biết rằng các vết thương đó không nguy hiểm đến tính mạng. Nước mắt ngài tuôn tràn, và cảm tạ Thiên Chúa…

Giáo Hội ghi nhận có khoảng 290 người được Chúa ban cho năm dấu thánh. Vị thánh nổi tiếng của thời đại là Thánh Phanxicô Assisi, sáng lập dòng Phanxicô. Thánh Phanxicô, khi là thầy sáu, được in năm dấu thánh vào ngày 17 tháng Chín 1224, trên núi Alvernia trong rặng Appenine, hai năm trước khi ngài chết.

Những vết thương của cha Piô có mùi thơm nồng nàn của hoa tím, hoa huệ tây và hoa hồng. Trong lịch sử các thánh, sự kiện có mùi thơm thì không gì mới mẻ. Tay Thánh Đa Minh phát ra mùi thơm khi dân chúng hôn tay ngài, và Thánh Helena phát ra mùi thơm khi ngài rước lễ. Một số thân thể các thánh phát ra mùi thơm sau khi chết, như trường hợp của Thánh Coletta, Thánh Joseph Cupertino, và Thánh Martin de Porres. Bất cứ ai đang trong tình trạng mắc tội trọng, Thánh Philip Rôma đều ngửi thấy mùi hôi thối khi ngài đến gần, mặc dù thân thể người đó rất sạch sẽ.

Trong trường hợp của Cha Piô, mùi thơm nói lên sự hiện diện an ủi của cha. Đó là để khuyến khích, chú ý đến điều nguy hiểm ngay lập tức, hay nhớ đến sự hiện diện, sự khuyên bảo và sự hướng dẫn của cha. Nhiều người nhận ra mùi thơm đó một cách riêng biệt, không phải ai ai cũng nhận thấy cùng một lúc”.

Vì sự thánh thiện và ân huệ lớn lao Chúa ban cho cha Piô, nên ma quỷ đã huy động cuộc chiến dữ dội chống lại cha thánh trong suốt cuộc đời của ngài. Chúng tấn công thân xác ngài bằng những vết cắt, vết thâm tím và những dấu bị thương hữu hình khác.

Tất cả những ai được cha Piô giúp đỡ đều tôn kính ngài. Cha thánh hết sức tận tâm đối với các linh hồn trong luyện ngục, có lần ngài nói: “Nhiều linh hồn đã chết ở trong luyện ngục hơn những linh hồn còn đang sống. Họ đã đến ngọn đồi này để chờ được tham dự thánh lễ và xin tôi cầu nguyện”.

Cả đời cha Piô tận tụy giải tội cho các tín hữu và xin được nhiều ơn lành cho nhiều người.

Cha thánh qua đời lúc 2 giờ 30 sáng ngày 23-9-1968, đang khi tay vẫn nắm chặt chuỗi Mân Côi và thốt lên tên cực trọng “Giêsu Maria”, trong phòng số một của tu viện San Giovanni Rotonodo, phía nam Italia. Xác cha Pio được bỏ trong một hòm bằng kẽm bọc gỗ sau đó được thay thế bằng một hòm bằng kim loại và có gắn tấm kính để cho giáo dân có thể trông thấy ngài.

Chiều ngày 26-9-1968, quan tài cha Pio đã được rước qua các đường chính của thị trấn San Giovanni Rotondo với sự tham dự của 100.000 người.

Ban tối quan tài được đưa xuống hầm nhà thờ Đức Mẹ Ban Ơn để an táng trong huyệt đào ngay trong nền nhà thờ. Phía dưới chiếc quan tài có đề “Francesco Forgione sinh tại Pietrelcina ngày 25-5-1887, qua đời tại San Giovanni Rotondo ngày 23-9-1968”.

Từ ngày đó trở đi, cứ vào ngày 22 tháng 9 hằng năm tín hữu khắp nơi lại hành hương về thị trấn San Giovanni Rotondo để tham dự đêm canh thức kỷ niệm ngày cha Pio qua đời.

Ngày 23-9-1969, Đức Cha Cunial, Tổng Giám Mục Manfredonia cho phép dòng Capucino hèn mọn mở cuộc điều tra liên quan tới vị tôi tớ Chúa.

Tiến trình án phong chân phước được khởi sự ngày 20-3-1983.

Trong dịp hành hương San Giovanni Rotondo ngày 25-5-1987, Đức Gioan Phaolô II đã giới thiệu cha Piô với thế giới như là mẫu gương của linh mục. Từ đó trở đi tín hữu đến hành hương đông một cách ngoại thường. Người ta phổ biến sách báo viết về cha Pio, lấy tên cha Pio đặt cho các đài kỷ niệm và đường phố, hay trường học hoặc nhà thương. Năm 1990, kết thúc các tìm hiểu cuộc đời cha Pio.

Năm 1997, các cố vấn của Bộ Phong Thánh đồng thanh chấp nhận các nhân đức anh hùng của vị tôi tớ Chúa.Và sau khi có phép lạ được thừa nhận, ngày 2-5-1999, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã phong chân phước cho cha Pio, trong thánh lễ trọng thể cử hành tại thềm đền thờ thánh Phêrô, với sự tham dự của gần 400.000 tín hữu.

Vào năm 2001, ủy ban bác sĩ thừa nhận phép lạ khỏi bệnh tức khắc của em Matteo Coltella, bị sưng màng óc cấp tính là hiện tượng không thể giải thích được trên bình diện khoa học.

Năm sau đó, Giáo Hội thừa nhận đó là phép lạ và ngày 16-6-2002, Đức Gioan Phaolo II đã chủ sự lễ phong hiển thánh cho cha Pio. Hai năm sau đó đền thánh mới được khánh thành tại San Giovanni Rotondo.
 
Táo bạo: Linh mục Tuyên úy quân đội giả làm tội phạm giải cứu cậu bé khỏi bị sát hại để lấy nội tạng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:53 05/08/2021


1. Tổng giáo phận New York yêu cầu các linh mục đừng công khai ủng hộ những người Công Giáo chống lại vắc xin Covid

Tổng giáo phận New York đã chỉ thị cho các linh mục rằng các ngài không nên hỗ trợ những giáo dân tìm cách viện lý do tôn giáo để chống lại việc tiêm chủng Covid.

Một bản ghi nhớ ngày 30 tháng 7 từ văn phòng của Đức Ông Tổng Đại Diện và Cha Chưởng Ấn của tổng giáo phận thừa nhận rằng có những thỉnh cầu từ “một số người Công Giáo có thái độ phản đối đạo đức chân thành” đối với vắc xin Covid vì chúng sử dụng dòng tế bào thai nhi lấy từ việc phá thai. Nhưng bản ghi nhớ tiếp tục lưu ý rằng cả Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Hồng Y Timothy Dolan đều khuyến khích tiêm chủng.

Vì thế, bản ghi nhớ nhấn mạnh rằng “Không có cơ sở để một linh mục tuyên bố ủng hộ những người chống lại vắc xin.”

Đức Ông Tổng Đại Diện Joseph LaMorte và Cha Chưởng Ấn John P. Cahill — đã viện dẫn một trường hợp giả định trong đó một học sinh không được tiêm chủng gây ra sự bùng phát dịch bệnh tại một trường Công Giáo. “Rõ ràng đây sẽ là một sự bối rối đối với tổng giáo phận”. Hai vị nói thêm rằng một linh mục có thể phải chịu trách nhiệm cá nhân về sự bùng phát.

Các cá nhân có thể “toàn quyền quyết định” về việc chích vắc-xin hay không, hai viên chức của Tổng Giáo Phận tuyên bố rằng các ngài không muốn xuyên tạc các hướng dẫn của Giáo hội và không bình luận về khả năng những phản đối đạo đức chân thành của một cá nhân Công Giáo có thể mâu thuẫn với những chỉ dẫn của các nhà lãnh đạo Giáo hội.

Trong tài liệu về đạo đức liên quan đến vắc-xin chống Covid, Bộ Giáo lý Đức tin nói rằng “lý do thực tế cho thấy rõ ràng rằng tiêm chủng không phải là một quy tắc, một nghĩa vụ đạo đức và do đó, nó phải tự nguyện”.

Đề cập đến khả năng giáo dân sẽ yêu cầu các linh mục hỗ trợ sự phản kháng về lý do lương tâm của họ, bản ghi nhớ kết luận: “Các linh mục chúng ta không nên tham gia tích cực vào những hành động như vậy”.
Source:Catholic World News

2. Người Công Giáo Mỹ là nhóm chích ngừa đông nhất

67% người Mỹ cho biết họ đã tiêm ít nhất một liều vắc-xin và 4% khác nói rằng họ sẽ tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt. Số người do dự đã giảm từ 28% vào tháng 3 xuống còn 15% trong cuộc điều tra mới nhất. Số người nói rằng họ sẽ không tiêm chủng là 13% gần như không đổi so với các cuộc điều tra vào tháng 3.

Tỷ lệ người Mỹ lo lắng về các tác dụng lâu dài của vắc-xin COVID-19 đã giảm từ 58% vào tháng Ba xuống còn 47% vào tháng Sáu.

Trong số các nhóm tôn giáo, người Công Giáo là nhóm chấp nhận vắc-xin đông nhất. 79% chấp nhận vắc-xin.

Các bậc cha mẹ thường do dự khi đưa con đi tiêm chủng hơn là tự mình đi tiêm chủng, nhưng có một mối quan hệ chặt chẽ giữa sự chần chừ của người lớn và trẻ em. Trong số những người chấp nhận vắc xin, 56% cũng chấp nhận vắc xin cho con của họ; trong số các bậc cha mẹ do dự không muốn chích vắc-xin, 81% không muốn cho con cái của họ tiêm chủng; và những người từ chối vắc xin hầu như sẽ không tiêm vắc xin cho con họ.


Source:PRI Report

3. Đức Tổng Giám Mục Cordileone cho phép cử hành Thánh lễ Latinh Truyền thống hàng tháng tại nhà thờ chính tòa

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone đã thiết lập một Thánh lễ Latinh Truyền thống hàng tháng tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, của San Francisco, và đã chủ sự một nghi thức phạt tạ vì những lạm dụng chống lại Bí tích Thánh Thể.

Thánh lễ hàng tháng sẽ được tổ chức vào các ngày Thứ Tư đầu tháng lúc 3 giờ chiều, “một giờ tốt lành cho Thánh lễ này, tưởng nhớ khoảnh khắc Chúa Giêsu Kitô của chúng ta chết để cứu chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết”, Cô Maggie Gallagher Giám đốc Điều hành Học Viện Bênêđíctô 16 về Thánh Nhạc và Phụng Tự cho biết như trên hôm 1 tháng 8.

Thánh lễ đầu tiên, vào ngày 4 tháng 8, rơi vào ngày lễ Thánh Đa Minh, và như vậy sẽ được cử hành theo nghi thức của dòng Đa Minh.

Khi các Giám Mục giáo phận xem xét cách thực hiện Tông Thư dưới dạng Tự Sắc của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc sử dụng Thánh lễ Latinh Truyền thống, Đức Tổng Giám Mục San Franciso cho biết Thánh lễ Latinh Truyền thống sẽ được tiếp tục trong tổng giáo phận của ngài.

Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco nói với CNA ngày 16 tháng 7 rằng “ Thánh lễ là một phép lạ dưới mọi hình thức: Chúa Kitô đến với chúng ta bằng xương bằng thịt dưới hình dạng Bánh và Rượu. Sự hiệp nhất dưới quyền của Chúa Kitô là điều quan trọng. Do đó, Thánh lễ Latinh Truyền thống sẽ tiếp tục được cử hành tại đây trong Tổng Giáo phận San Francisco và được cung cấp để đáp ứng nhu cầu và mong muốn chính đáng của các tín hữu”.

Cô Maggie Gallagher cho biết “hơn 900 người đã ghi danh tham dự thường xuyên Thánh lễ Latinh Truyền thống các ngày Thứ Tư đầu tháng,” và nhấn mạnh rằng Đức Tổng Giám Mục cam kết sẽ không bỏ rơi họ.
Source:Catholic News Agency

4. Linh mục Tuyên úy quân đội đóng giả tội phạm để giải cứu cậu bé khỏi nạn buôn bán nội tạng

Tờ Aleteia, nghĩa là “Chân Lý Tỏ Tường”, số ra ngày 31 tháng 7, đã tường thuật câu chuyện một linh mục Tuyên úy quân đội giả danh thành một tên tội phạm để giải cứu một cậu bé khỏi bị giết trong một vụ buôn bán nội tạng.

Vị linh mục này đã nghĩ ra một kế hoạch táo bạo để giải cứu một đứa trẻ dễ bị tổn thương khỏi cái chết kinh hoàng.

Một linh mục giả danh một tên tội phạm để giải cứu một cậu bé khỏi nạn buôn bán nội tạng gần đây đã được nêu bật trong một bài báo trên tờ báo Tây Ban Nha El País, một tạp chí định kỳ có khuynh hướng cánh tả, thường tấn Công Giáo hội và hàng giáo sĩ.

Tuy nhiên, câu chuyện của Cha Ignacio María Doñoro de los Ríos là một câu chuyện rất khó bỏ qua. Vị cựu linh mục tuyên úy quân đội 57 tuổi đã được đề cử lãnh Giải thưởng Công chúa thành Asturias vì đã làm việc trong 25 năm cho những người trẻ tuổi là nạn nhân của nghèo đói cùng cực và tệ nạn buôn người.

Giải thưởng Công chúa thành Asturias, tiếng Tây Ban Nha là Premios Princesa de Asturias, là một loạt các giải thưởng hàng năm được trao tặng tại Tây Ban Nha bởi Quỹ Công chúa thành Asturias cho các cá nhân, thực thể hoặc tổ chức trên khắp thế giới có thành tích đáng chú ý trong khoa học, nhân văn và các vấn đề công cộng.

Ngành kinh doanh khốn nạn

Trong những năm 1990, Cha Ignacio tham gia vào một sứ mạng đặc biệt của Cảnh sát Quốc gia Tây Ban Nha ở El Salvador. Ở đó, ngài đã chứng kiến với sự bàng hoàng một ngành ngành kinh doanh khốn nạn xoay quanh các đứa trẻ tật nguyền.

Một gia đình nghèo khó với 5 đứa con đang rao bán đứa con trai 14 tuổi của họ, Manuel, bị liệt, chỉ với giá 25 đô la. Với số tiền từ giao dịch, gia đình dự định mua thực phẩm để nuôi bốn đứa con gái còn lại của họ. Những người mua các em bé tội nghiệp này kiếm lợi nhuận gấp hàng nghìn lần số tiền bỏ ra bằng cách bán nội tạng của các em bé.

Mặc dù “khuyết tật”, các em này vẫn sẽ mang lại những bộ phận chấp nhận được để bán. Cậu bé Manuel sẽ bị “giết thịt”, chia nhỏ và đóng gói vào các thùng chứa riêng biệt, giống như một con bò hoặc một con lợn trong lò mổ, để cung cấp cho nhu cầu của nạn mua bán nội tạng quốc tế.

Buôn bán nội tạng

Mọi thứ đều gây sốc trong câu chuyện có thật khủng khiếp này. Sự khốn cùng của một gia đình đến tột cùng tuyệt vọng khi phải bán một đứa trẻ; việc lập danh mục các đứa trẻ dễ bị tổn thương và không có khả năng tự vệ như một sản phẩm bị lỗi; việc người khác mua một con người — những người đã có ý thức sẵn sàng giết trẻ em, sẻ thịt và bán thành từng mảnh trong mạng lưới những kẻ giết người không còn e sợ các tiêu chuẩn đạo đức cơ bản.

Cũng thật sốc khi biết rằng trường hợp của Manuel không phải là một trường hợp duy nhất chỉ xảy ra ở hai thập kỷ trước. Con người tiếp tục được mua bán theo cách này trong thế kỷ 21.

Một cuộc giải cứu căng thẳng trên núi

Khi biết một cậu bé bại liệt sắp bị giao cho một kẻ buôn bán nội tạng, Cha Ignacio không ngần ngại liều mình cứu chú bé.

Ngài bỏ ra một tuần không cạo râu, thuê một chiếc xe tải và mặc thường phục. Với khả năng tự chủ và can đảm phi thường, ngài lái xe đến ngôi nhà của một gia đình nghèo ở vùng núi xa xôi ở Panchimalco, đóng giả là một kẻ mua bán người. Ngài đề nghị cho gia đình này nhiều hơn một đô la so với giá mà người mua kia đã thỏa thuận, để đưa cậu bé tội nghiệp lên xe tải và lái đi.

Manuel vì thế được cứu thoát khỏi một cái chết ghê tởm.

Cha Ignacio nói với El País:

Tôi ý thức được hành động này sẽ đưa tôi đến nơi mà tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ đến. Tôi biết rõ rằng đứa trẻ đó sẽ thay đổi cuộc đời tôi.

Phóng viên El País hỏi ngài:

Nhưng gia đình đã bán chính đứa con của họ thì sao? Họ có biết cha mua chú bé để làm gì không? Họ có biết rằng đó là buôn bán nội tạng không?

Vị linh mục chỉ bình luận:

Họ nghĩ rằng đứa trẻ đó sẽ chết và họ đã bán nó vì tuyệt vọng. Tuy nhiên, một điều bạn học được theo thời gian là bạn không thể đánh giá họ.

Thực ra, Manuel chỉ cần sự giúp đỡ thích hợp để tránh những gì tưởng chừng như cái chết chắc chắn. Cha Ignacio đã cho anh ta phương pháp điều trị cần thiết, với liệu pháp phục hồi chức năng chuyên sâu, để không chỉ sống sót mà còn phục hồi sau khi bị liệt.

25 năm sau, Manuel còn sống và biết ơn những gì Cha Ignacio đã làm. Cha Ignacio, trở lại quê hương Tây Ban Nha, đã nhận được một lá thư từ Manuel tuyên bố rằng vị linh mục là “người quan trọng nhất trong cuộc đời anh”.

Cha Ignacio không dừng lại sau cuộc giải cứu Manuel, và cũng không dừng lại ở biên giới đất nước mình.

Tại vùng Amazon thuộc Peru, ngài và một nhóm đối tác địa phương đã thành lập Nazareth Home, một tổ chức hoàn toàn dành riêng cho việc chăm sóc trẻ em mồ côi và trẻ em của những gia đình tuyệt vọng, như trường hợp của Manuel ở El Salvador. Những gia đình này nhận thấy mình đang phải đối mặt với cuộc chiến chống đói nghèo vượt quá sức của họ và dễ rơi vào những nỗ lực trốn chạy bi thảm nhất: mại dâm, tội phạm, hay buôn người.

Cha Ignacio đã nhận được Giải thưởng Đoàn kết năm 2021 từ tạp chí Telva vào đầu năm nay. Ngài đã sử dụng số tiền thưởng 20,000 Mỹ Kim để mua thiết bị nông nghiệp trồng lúa, một phần của dự án giúp Nazareth House tự cung tự cấp thông qua nông nghiệp.
Source:Aleteia