Ngày 29-07-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ông phú hộ và Lazarô
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:39 29/07/2019
Chúa Nhật XVIII Thường Niên, năm C
Lc 12,13-21

Người ta vẫn cho rằng cuộc đời là bể dâu, là tạm bợ. Sinh ký tử qui. Tuy nhiên, con người vẫn coi giầu sang, sung túc là ước mơ. Nên, đã có rất nhiều người bất chấp tất cả, coi tiền, của cải là cùng đích. Do đó, họ tìm đủ mọi cách dù biết phương cách đó là không đúng miễn sao có lắm tiền nhiều của, nhiều lời nhuận là được! Những người này không hiểu được đời sống chỉ là tạm bợ. Tất cả đều chỉ là hư vô. Bởi vì, con người không thể nào dùng tiền của để mua thuốc trường sinh, mua sự sống. Lịch sử đã cho hay những Pharaon của Hy Lạp dầu có của chất đống, họ vẫn phải chết…Chúa Giêsu khuyên nhân loại, nhắc nhở chúng ta :” Hãy dùng tiền của ở trần gian này mà làm giầu trước mặt Thiên Chúa” ( Lc 12,21 ).

Phải, đã biết cuộc đời trần thế chỉ mau qua như đóa hoa phù dung sớm nở chiều tàn. Tuy nhiên, rất nhiều người đã cố chạy theo con đường làm giầu, con đường bất chính : họ có lắm của lắm tiền, nhà lầu này nhà lầu khác, tiền của không biết bỏ vào đâu cho hết,họ cố chạy theo lợi nhuận, hưởng thụ, quên đi đời người ngắn ngủi, nay sống mai chết. Kinh nghiệm cho thấy dù có giầu mấy đi nữa con người cũng phải xuôi tay…

Anh thanh niên giầu có trong Tin Mừng dù đã giữ lề luật hầu như trọn hảo, nhưng khi Chúa đề nghị anh ta trở về bán hết của cải để chia cho người nghèo khó, rồi đến và đi theo Chúa. Anh thanh niên giầu có đã không dám làm vì anh ta có quá nhiều của cải.Anh vẫn ham của, ham vật chất, ham hưởng thụ mà không dám dấn thân theo Chúa…

Đoạn Tin Mừng của thánh Luca hôm nay là bài học để đời cho chúng ta, cho mọi người ở mọi thế hệ. Giầu sang để làm gì, ông Phú Hộ giầu có xây nhiều kho lẫm, chứa chất của cải, dự trữ cho cuộc sống trần gian mà ông ta cử tưởng nó sẽ vĩnh viễn, không bao giờ qua đi ! Chính vì thế, Thiên Chúa bảo ông ta : ” Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng sống ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ? “ ( Lc 12, 20 ).

Sở dĩ, ông Phú Hộ bị coi là đồ ngốc, đồ dại khờ vì ông ta mắc hai lầm lỗi. Thứ nhất ông Phú Hộ không đi ra khỏi chính mình, ông giống như con nhái dưới đáy giếng, ông không nhìn xa thấy rộng, ông không ra khỏi vỏ ốc của ích kỷ. Ông coi ông là trung tâm, chỉ biết có mình mà không biết đến người khác. Lỗi lầm thứ hai, ông chỉ nghĩ tới cuộc đời tạm bợ, mau qua mà không nghĩ tới số phận, cuộc sống vĩnh cửu, đời đời . Ông cứ vui chơi, cứ thỏa mãn với cái nhìn hẹp hòi, rồi tự mình an ủi mình:” cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã “ ( Lc 12,19 ).Tự nhủ như thế, ông Phú Hộ cứ tưởng cuộc sống trần gian sẽ kéo dài, ông không bao giờ phải chết ! Tuy nhiên, ông đã lầm vì cái chết đã đến với ông…Ông Phú Hộ không thể đem được bất cứ thứ gì đi theo mình.Trái lại ông đã thấy người nghèo Lazarô nằm trong lòng Abraham…Ông đã coi thường, làm ngơ với người nghèo. Ông đã ăn cắp phần ăn của người nghèo, ông đã tiêu xài phung phí,đã cất giữ của cải khi có biết bao nhiêu người đói khát đang chờ những mẩu bánh vụn trên bàn rơi xuống.

Thánh Tôma Aquinô đã nói :” Những người giầu đã đánh cắp của người nghèo khi họ tiêu xài phung phí những của cải dư thừa “ hoặc như thánh Basiliô nhắc nhở :” Tấm bánh mà bạn giữ lại là của người đói khổ, chiếc áo mà bạn cất trong vali là của kẻ trần trụi “.

Vâng, cuộc đời là phù vân.Tất cả mọi sự ở trần gian này đều là phù hoa, mau qua, chóng tàn. Bởi vì, con người có thành công mấy ở đời, có giỏi hay bất cứ có địa vị gì rồi một ngày nào đó cũng nhắm mắt xuôi tay, sinh vao đời tay trắng, rồi ra đi cũng trắng tay.Cảm nghiệm sâu sắc Lời Chúa, thánh Phaolô đã khuyên nhủ chúng ta hướng lòng lên trời, tìm kiếm những gì vĩnh cửu, không hư nát, không bị mối mọt gặm nhấm,đục khoét…Hãy tìm kiếm những điều đẹp lòng Chúa “ ( Cl 3,1-4 ). Muốn được như thế, thánh Phaolô khuyên chúng ta hãy tránh xa những điều gian tà, tham lam, ích kỷ, keo kiệt, từ bỏ gian dâm, những ước muốn xấu, những đam mê xác thịt vv…Từ bỏ được những điều ấy là con người, là chúng ta đã tìm được hạnh phúc đích thực. Mặc lấy Đức Kitô là chúng ta hoàn toàn hạnh phúc.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con để chúng con biết dùng tiền tài, vật chất Chúa ban như phương tiện để sống cuộc đời tạm bợ này, đồng thời giúp chúng con biết chia sẻ cơm bánh cho những người nghèo đang cần đến chúng con. Xin cho mọi người trên thế giới biết quan tâm chia sẻ cho nhau để mỗi người được hưởng dùng của cải, tài nguyên Chúa tặng ban cho nhân loại. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tội của ông Phú Hộ dại khờ là gì ?
2.Trên thế giới có nhiều Lazarô không ?
3.Tại sao Thiên Chúa lại gọi ông Phú Hộ là “ Đồ ngốc ! “ ?
4.Tài nguyên thiên nhiên trên thế giới có được phân chia đồng đều không ?
5.Người khôn ngoan thì phải sống thế nào ?
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:23 29/07/2019
Chương 20

KHIÊM TỐN

“Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 14, 11)

1. Việc thiện là chung điểm, nên dùng sự khiêm tốn để chon giấu và bảo tồn sự thiện, bằng không thì kiêu ngạo sẽ sống và sự thiện sẽ bị diệt, là mệt nhọc mà không công đức gì cả.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

--------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các Giám mục Mễ Tây Cơ ngỡ ngàng trước một đề nghị bất ngờ của Tổng thống Lopez Obrador.
Đặng Tự Do
18:07 29/07/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Các nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo tại Mễ Tây Cơ đã ngỡ ngàng và lúng túng trước một đề nghị của tổng thống Lopez Obrador muốn Giáo Hội phân phối các tập sách hướng dẫn về đạo đức trong các nhà thờ.

Đầu năm nay, tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador, vị tổng thống thứ 58 của Mễ Tây Cơ từ ngày 1 tháng 12 năm ngoái 2108, long trọng tuyên bố như sau:

“Đã đến lúc tôi muốn trình bày một đề xuất mà tôi hằng mơ ước có thể thực hiện trong chức vụ tổng thống của mình. Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên chỉ tìm cách đạt được những phúc lợi về vật chất cho người dân, chúng ta còn phải tìm kiếm phúc lợi cho các linh hồn”. Đảo mắt nhìn quanh cử toạ và hắng giọng nhiều lần như muốn nói với mọi người rằng tổng thống không đang nói chơi, ông trịnh trọng nói tiếp:

“Chúng ta đã có một hiến pháp về chính trị, cũng thế, chúng ta cần xây dựng một hiến pháp đạo đức.”

Sau đó, tổng thống Lopez Obrador đã đích thân tu sửa cuốn “Cartilla Moral”, nghĩa là “Căn tính đạo đức” của Alfonso Reyes được xuất bản vào năm 1940, và coi đó như một hiến pháp về đạo đức cho người dân Mễ Tây Cơ.

Các Giám Mục Mễ Tây Cơ đã đứng trước một tình huống rất ngỡ ngàng khi được yêu cầu phân phối một cuốn sách viết về đạo đức trong các nhà thờ Công Giáo như thế.

Những hình chụp lâu năm cho thấy tổng thống Lopez Obrador đã từng là một chú bé giúp lễ trong một nhà thờ Công Giáo. Người ta cũng từng thấy ông đi lễ thường xuyên với vợ và các con cho đến tháng Giêng năm 2003 khi bà vợ đầu tiên của ông qua đời vì bệnh ung thư.

Ngày 16 tháng 10 năm 2006, ông kết hôn không có phép đạo với bà Beatriz Gutiérrez Müller, và thôi không đi nhà thờ nữa.

Kể từ đó, ông thường mô tả mình là “một Kitô hữu theo nghĩa rộng nhất”. Tuy nhiên, ông vẫn có những cử chỉ thể hiện niềm tin Công Giáo của mình. Thật vậy, ông đã chính thức khai mạc chiến dịch vận động tranh cử tổng thống vào ngày 12 tháng 12 năm 2017, là ngày lễ Đức Mẹ Guadalupe, thường được gọi là lễ “La Morena”, một ngày lễ trọng đối với người Công Giáo Mễ Tây Cơ. Đứng bên cạnh ông trong ngày khai mạc chiến dịch tranh cử này là cha Alejandro Solalinde, một linh mục nổi tiếng vì điều hành một loạt các nhà tạm trú cho người di dân Trung Mỹ.

Cha Miguel Concha, một linh mục quen thân với tổng thống cho biết năm nào ngài cũng cho ông Lopez Obrador rước lễ trong ngày lễ cầu hồn cho người vợ quá cố của ông.

Trong khi các nhà lãnh đạo Tin Lành tỏ ra nồng nhiệt với đề nghị của tổng thống, sau các do dự lúc đầu, các Giám Mục Mễ Tây Cơ đã chính thức bác bỏ đề nghị của ông.

Đó là một quyết định khó khăn của các Giám Mục trước thiện chí của tổng thống Lopez Obrador. Trên thế giới này chắc không có nhà lãnh đạo quan tâm đến vấn đề luân lý trong xã hội như ông Lopez. Tuy nhiên, có thể là một số vấn đề được trình bày trong tập sách này không hoàn toàn tương hợp với luân lý Công Giáo.

Giải thích về quyết định này, các Giám Mục nói:

“Việc thúc đẩy đạo đức và giá trị nên bắt đầu với các gia đình.”

“Mối quan tâm của chính phủ liên quan đến việc tăng cường các giá trị gia đình và luân lý trong lĩnh vực lao động, không nghi ngờ gì, là một điều tích cực. Tuy nhiên, nhiệm vụ chính của tất cả các nhà lãnh đạo được bầu lên là thành lập một xã hội ổn định và tôn trọng pháp luật,” một bài xã luận đăng trên tờ Desde la Fe, nghĩa là “Xuất phát từ đức tin”, của Tổng Giáo Phận Thành phố Mexico viết.

Từ Vatican, Cha Mario Angel Flores, Hiệu trưởng Đại học Giáo Hoàng của Mễ Tây Cơ viết:

“Hình thành các giá trị và đề cao đạo đức phải được công nhận và khuyến khích như là nhiệm vụ chính của cha mẹ,”

Theo cha Hiệu trưởng, “Nhiệm vụ của Giáo Hội Công Giáo không phải là phân phối các ấn phẩm của chính phủ nhưng là tăng cường dấn thân của mình trong việc truyền bá Tin Mừng, là diễn đạt tối đa của tính nhân bản, các giá trị và đòi buộc luân lý.”

Ngài nhấn mạnh rằng tổng thống nên chú trọng đến vấn đề trị an trong xã hội.

Từ năm 2012 cho đến nay, ít nhất 24 linh mục đã bị giết ở Mễ Tây Cơ. Điều lạ lùng là cho đến nay chưa có ai bị bắt trong các vụ sát hại này. Phần lớn các vị bị giết vì lên tiếng tố cáo các băng đảng mua bán ma túy. Các băng đảng này coi Giáo Hội Công Giáo là một trở ngại cho công việc kinh doanh của họ.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hoà hành hương quê thánh Anrê Phú Yên
Văn Minh
08:48 29/07/2019
Giáo xứ Vĩnh Hòa:GLV – HT CÙNG BAN TRỢ TÁ ĐOÀN THIẾU NHI THÁNH THỂ PHANXICÔ XAVIÊ DU LỊCH HÈ PHÚ YÊN 2019

Phú Yên dải đất thuộc Trung phần Việt Nam, một miền đất nắng và gió, cùng những con người Xứ Nẩu chân chất, lam lũ, nhưng chan chứa tình người. Phú Yên cũng có nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp nao lòng người, những bờ biển dài xanh ngắt một màu. Với người tín hữu Công Giáo Việt Nam, Phú Yên sở hữu 2 báu vật lớn mang đậm giá trị Đức tin đó là nơi sinh trưởng của Chân Phước Andre Phú Yên, và là nơi lưu giữ bộ chữ Quốc Ngữ hoàn chỉnh đầu tiên của Việt Nam. Riêng với các anh chị GLV –HT Gx Vĩnh Hòa, Chân Phước Andre Phú Yên còn là Quan thầy của giới Giáo Lý Viên, nên đây cũng là một dịp để các anh chị được về nguồn, tìm hiểu về các hoa trái tươi tốt của vị Chân Phước trẻ tuổi này cũng như tìm hiểu về văn hóa, tập quán người dân Xứ Nẩu.

Xem Hình

Hành trình kéo dài 3 ngày 3 đêm từ Thứ năm 25.07.2019 đến Chúa Nhật 28.07.2019 bắt đầu vào 20h00 ngày 25.07.2019, Đoàn gồm 33 ACE GLV-HT và các AC trong Ban Trợ Tá với quảng đường dài 502 km và hơn 10h đồng hồ qua các tỉnh thành Đồng Nai, Long Khánh, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Nha Trang và điểm đến Tuy Hòa, Phú Yên.

Sau khi chinh phục quảng đường dài xuyên đêm, Đoàn đến thành phố Tuy Hòa lúc 08h00 sáng ngày 25.07.2019 và dùng điểm tâm sáng, sau khi ăn sáng, Đoàn tham quan điểm đến đầu tiên là Nhà thờ Mằng Lăng thuộc phường An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, ngôi nhà thờ cổ với bề dày lịch sử hơn 120 năm, được xây dựng vào năm 1892. Nơi đây là nơi sinh trưởng của Chân Phước Andrê Phú Yên, một vị GLV tử đạo rất trẻ trong hàng ngũ các anh hùng tử đạo Việt Nam sinh năm 1644 gần trị sở Dinh Trấn Biên, nay thuộc thôn Hội Phú, xã An Ninh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, Ngài là con út của một người phụ nữ mộ đạo Tên Thánh là Gioanna. Ngày 26 tháng 07 năm 1644 Ngài bị tuyên án tử chém đầu. Tương truyền Ngài bị đâm thâu nhiều nhát xuyên cạnh sườn rồi bị chém đầu sau đó. Ngày 15 tháng 8 năm 1644 Cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) mang thi hài Ngài đến Macau và an táng trong nhà thờ Thánh Phaolo, riêng thủ cấp của Ngài (Hộp sọ) được Cha Alexandre de Rhodes cất giữ mang về nhà Bề trên Tổng quyền tại Rome.Trong khuông viên rộng 5000 m2 có một ngọn núi nhân tạo, nơi đây trưng bày các Thánh tích của Chân Phước Andrê Phú Yên, Linh đài Chân Phước Andrê Phú Yên, lịch sử hình thành Nhà thờ Mằng Lăng và là nơi cất giữ cuốn sách đầu tiên được in bằng tiếng Việt, đây là quyển “Phép giảng Tám ngày” của Cha Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), người có công trong việc hoàn chỉnh hệ thống chữ Quốc ngữ cho dân tộc Việt Nam được hưởng dùng như ngày hôm nay, quyển sách này được in năm 1651 tại Rome, đây cũng là dịp để mỗi người Công Giáo tự hào về những đóng góp của mình cho sự phát triển của Dân Tộc Việt Nam qua hệ thống chữ Quốc ngữ hiện đại nhưng thuần túy đậm các giá trị văn hóa Dân Tộc.Hôm nay 26.07 cũng là ngày kính Chân Phước Andre Phú Yên, một Thánh lễ thật sốt sắng được tổ chức tại Nhà thờ Mằng Lăng, Đoàn đồng tế gồm 4 Linh Mục mang phẩm phục đỏ, màu tử đạo đã dâng lời tạ ơn Chúa và nguyện cầu cùng Chân Phước Andre Phú Yên hộ phù Giáo Hội Công Giáo Việt Nam được hiệp nhất phát triển, cho Đức tin của các tín hữu được bền vững, sắt son, trung thành theo Chúa Kitô như các vị để xứng đáng với sự hy sinh của Cha ông trong việc gìn giữ, lưu truyền đức tin Công Giáo.Sau khi tham quan, tìm hiểu, chụp ảnh lưu niệm tại Nhà thờ Mằng Lăng, Đoàn tiếp tục di chuyển 5km nữa hướng về Danh thắng Gành Đá Đĩa, một địa danh tự nhiên nổi tiếng của Phú Yên, đây là một hệ thống các bậc đá, khối đá tự nhiên xếp chồng với các hình thù như những chiếc đĩa, được hình thành bởi các đợt phun trào núi lửa từ hơn 200 triệu năm trước tại vùng Cao nguyên Vân Hòa, nham thạch phun trào theo dòng nước biển khi đụng phải nước biển lạnh cùng hiện tượng dị ứng lực khiến các khối nham thạch bị đông cứng rạn nứt theo mạch dọc tạo thành những khối đá với các hình thù khác nhau. Từ trên cao, Gềnh Đá Đĩa như 1 tổ ong khổng lồ, đen bóng, gồ ghề hoặc như những chiếc đĩa xếp chồng, lổm nhổm. Nơi đây còn được thiên nhiên ưu ái ban cho vẻ đẹp nên thơ, trữ tình, hài hòa non nước.Sau khi đã tham quan hai danh thắng nổi tiếng của Phú Yên Đoàn dùng cơm trưa tại Đầm Ô Loan với các sản vật địa phương, tiếp thêm năng lượng cho hành trình dài phía trước. Từ Đầm Ô Loan Đoàn khởi hành về khách sạn Long Beach Phú Yên một khách sạn 3 sao, tọa lạc tại đường Độc Lập, Tp. Tuy Hòa, Phú Yên.

16h00 Đoàn tắm biển và tham gia các hoạt động, các trò chơi Team Buiding, hòa mình trong dòng nước biển xanh ngắt một màu, nắng biển và cát trắng, cả một bờ biển rộn vang tiếng cười của các ACE GLV và các anh chị Ban Trợ Tá, ai nấy đều háo hức, đều rất nhiệt trong các trò chơi, mọi người làm lan tỏa niềm vui đến với cả những người địa phương xung quanh. Sau khi tắm biển, Đoàn dùng cơm tối và đọc kinh tối, niềm vui nối tiếp niềm vui, Đoàn tiếp tục các hoạt động ban tối bên bờ biển, đây cũng là dịp để mọi người ngồi lại bên nhau, chia sẻ những kế hoạch, những ý tưởng, những câu chuyện vui. Có lẽ ai cũng có câu chuyện của mình nên quên mất thời gian và không gian, cứ rôm rả với nhau không biết đến nửa khuya khi nào. Vậy là ngày đầu tiên với một hành trình dài kết thúc, phải nạp lại năng lượng bằng một giấc ngủ dài để cho các ngày tiếp theo.

Bình minh đầu tiên Đoàn đón tại Phú Yên thật sớm, 05h00 sáng cả gian phòng tràn ngập ánh nắng ngày mới, ai nấy đều háo hức thức dậy và dùng Buffet sáng tại nhà hàng. Nghe nói hôm nay Đoàn đến 2 điểm tham quan cũng hấp dẫn là Cao nguyên Vân Hòa, và di tích Tháp Nhạn trên đỉnh Núi Nhạn.

Đúng 08h00 Đoàn bắt đầu quãng đường kéo dài hơn 1h30 phút đến với Cao nguyên Vân Hòa, nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Ê Đê, và nằm cao trên 400m so với mực nước biển, dọc đường đi có các hàng quán bán dưa lưới, dưa gang của Phú Yên, nghe đâu ngọt và ngon lắm, Đoàn cũng tranh thủ mua về cho mình, người thân 5, 6 trái dưa vì giá khá rẻ 15k cho 2kg dưa, mà quả thật ngon và rất ngọt, giải nhiệt trưa hè nắng nóng.Sau khi tham quan Cao nguyên Vân Hòa, Đoàn tham quan Tháp Nhạn còn gọi là Tháp Kơ Hmeng Ko là di tích của người Chăm Pa cổ được xây dựng vào thế kỷ thứ 12. Tháp có hình tứ giác với 4 tầng, càng lên cao, càng nhỏ lại, tháp cao 23,5 m. Từ chân tháp, có thể nhìn xuống toàn Thành phố Tuy Hòa, Phú Yên với các danh thắng, song Đà Rằng. Hiện Tháp vẫn đang dùng để thờ tự Thiên Y Thánh Mẫu Y A Na, người được tôn thờ là Mẹ xứ sở của người Chăm Pa.

Đoàn kết thúc hành trình tham quan với giờ cơm trưa và giờ nghỉ ngơi tại khách sạn. đến 05h00 chiều Đoàn tham dự Thánh lễ Chúa Nhật tại Nhà thờ Tuy Hòa, sau Thánh lễ Đoàn được vinh dự chụp hình với Cha Chánh xứ Nhà thờ Tuy Hòa, Cha cũng vui và bất ngờ chúc bình an khi có Đoàn từ Giáo xứ Vĩnh Hòa Saigon đến tham quan và tham dự Thánh lễ, Thánh lễ kết thúc với một cơn mưa Hồng ân, cơn mưa nặng hạt, như trút nước, xoa dịu cái nắng nóng của Phú Yên, tuy nhiên, cơn mưa đã làm ngập một số tuyến đường, và cơn mưa cũng làm lòng người nên tươi mát, nên tối hôm đó, ai cũng ăn ngon khi dùng cơm tối. Vậy là ngày thứ hai trong hành trình khám phá Phú Yên cũng khép lại.

Ngày thứ ba trong hành trình 27.07.2019, ngày cuối cùng trong hành trình khám phá Phú Yên, hôm này Đoàn được tham quan Mũi Điện (Mũi Đại Lãnh), nơi cực Đông của Tổ Quốc, nơi đón ánh bình minh đầu tiên của Việt Nam, dọc tuyến đường Đoàn được nhìn thấy Núi Đá Bia, một tảng đá rất lớn sừng sững đứng trên đỉnh núi, thách thức luật hấp dẫn của trái đất, Núi Đá Bia, ở vị trí nào của Phú Yên đều nhìn thấy được, đó cũng là điểm nhận biết cho tàu thuyền ra vào khi đến Phú Yên. Điểm đến Mũi Điện với Ngọn Hải Đăng và cột mốc đánh dấu vị trí cực Đông của Tổ quốc. Đoàn chinh phục đoạn đường bộ dài hơn 1,5 km để đến được Ngọn Hải Đăng Mũi Điện, một trong 3 ngọn hải đăng cổ của Việt Nam sau Hải Đăng Kê Gà, Hải Đăng Vũng Tàu. Ngọn Hải đăng Phú Yên được xây dựng từ thời Pháp 1890 là một tháp cao 26,5m, cao hơn 110m so với mực nước biển, tín hiệu ánh sáng đi xa hơn 27 hải lý. Đây cũng là điểm tham quan checkin hấp dẫn của Phú Yên, bởi cảnh vật nơi đây còn khá hoang sơ, một bên là biển xanh, một bên là Núi Đá bia, tạo nên một khung cảnh hài hoà, lãng mạng làm nao lòng lữ khách.

Đoàn còn được tham quan cột mốc Tọa độ, nơi đánh dấu điểm cực Đông của Tổ quốc, nơi này là một mõm đá nhô ra, là điểm xa nhất phía Đông trên bản đồ nước Việt Nam. Sau khi chinh phục điểm đến cuối cùng trong hành trình là Mũi Điện, Đoàn khởi hành về Saigon qua các cung đường biển xinh đẹp của Phú Yên, qua Vịnh Vũng Rô, Hầm Đèo Cả, Ninh Hòa, Khánh Hòa và Nha Trang. Tiếp tục hành trình dài hơn 400km. Đoàn kết thúc hành trình Saigon – Phú Yên 3 ngày 2 đêm cũng gần quá khuya tốt đẹp trong bình an của Chúa. Ai nấy đều phấn khởi và tràn đầy niềm vui trong suốt 3 ngày bên nhau. Đoàn dâng lời tạ ơn Chúa và cầu xin sự hiệp nhất, sức khỏe, để tiếp tục phục vụ Giáo xứ và Đoàn thiếu nhi Thánh Thể tất cả vì sáng Danh Chúa và lợi ích các linh hồn. đoàn cũng cầu xin Chúa tiếp tục đồng hành, yêu thương mỗi người để công việc của mọi người được thành công, tốt đẹp, và để có them nhiều chuyến đi mới cùng nhau. Đoàn hẹn nhau năm 2020 sẽ lại tiếp tục bên nhau, gia tăng thêm quân số, để chinh phục những điểm đến mới. Hành trình này kết thúc, hành trình mới sẽ mở ra với nhiều ý tưởng, kế hoạch, dự tính, xin an bài trong tay Chúa quan phòng để từ khởi sự đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa ân ban.
 
Sự hiệp thông, liên đới của Giáo Phận Xuân Lộc với Tổng Hội Dòng Đa Minh Thế Giới.
Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ, OP
09:15 29/07/2019
Trong tâm tình hiệp thông và liên kết với Tổng Hội Dòng Đa Minh trên thế giới đang diễn ra tại Tòa Giám Mục Xuân Lộc, Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Giáo Phận đã mời quý Nghị Huynh, Khách Mời của Tổng Hội Biên Hòa 2019 cùng dâng Thánh Lễ Tạ Ơn tại Nhà Thờ Chánh Tòa lúc 17g00 ngày thứ Bảy 27/7/2019.

Cùng đồng tế với Đức Cha Giáo phận có Đức Cha Phụ Tá Gioan Đỗ Văn Ngân, Cha Gerard Francisco TimonerIII- Tân Tổng Quyền, Cha Bruno Cadoré - Nguyên Bề Trên các Nghị Huynh Tổng Hội Dòng Đa Minh, quý cha Quản hạt, và quý cha trong Giáo phận.

Xem Hình

Đây là Thánh Lễ Tạ ơn đặc biệt biểu lộ sự hiệp thông, liên kết trong Đức Kitô giữa Giáo Phận Xuân Lộc và Tổng Hội Dòng Đa Minh, mà như lời Đức Giám Mục Giáo phận đã chia sẻ với quý Nghị Huynh trong lần gặp gỡ chiều 23/7 vừa qua “Tổng Hội này không chỉ là của quý Nghị Huynh, nhưng còn là của toàn thể Giáo Hội, cụ thể trong Giáo Hội địa phương, Giáo phận Xuân Lộc, nơi mà quý vị hiện diện”.

Trước khi bước vào Thánh Lễ, ngỏ lời với Cha Tân Bề Trên Tổng Quyền và các Nghị Huynh bằng ngôn ngữ tiếng Anh, Đức Cha Giáo phận chia sẻ rằng “Chúng tôi rất hân hoan tạ ơn Thiên Chúa, vì ngày hôm nay được cùng với quý Nghị Huynh dâng Thánh Lễ cầu nguyện. Chúng tôi không những chỉ bày tỏ lòng hiếu khách với quý Nghị Huynh, nhưng còn là sống niềm vui và bày tỏ lòng tri ân với Dòng vì những Vị Truyền Giáo Dòng Đa Minh thuở xưa đã đến Việt Nam. Các ngài đã đem niềm tin, tình yêu của Chúa Kitô đến cho cha ông chúng tôi. Chúng tôi tri ân vì các Ngài đã chết cho Chúa Kitô, đã chết vì tình yêu đối với cha ông chúng tôi, để rồi cha ông chúng tôi hiểu được tình yêu của Chúa Kitô dành cho mình ra sao, nhờ đóbiến đổi chính cha ông chúng tôi, và trao truyềnniềm tin ấy cho con cháu, cho chúng tôi đến ngày hôm nay. Vì thế, hôm nay chúng tôi có cơ hội để bày tỏ niềm tri ân đối với Dòng Đa Minh, và tạ ơn Thiên Chúa vì tinh thần hiệp thông trong Giáo Hội Công Giáo, để cùng cầu nguyện cho chúng ta, để nhờ đó, Chúa sẽ chúc lành và tiếp tục ban ơn để chúng tôi tiếp tục sứ mạng loan truyền Tin Mừng đến cho mọi người.”

Và điều này cũng được Đức Cha Giáo phận nói rõ trong thư Chủ Chăn tháng 7/2019 gửi cộng đồng dân Chúa khi nói đến sự kiện Giáo phận Xuân Lộc đón tiếp phái đoàn các Nghị Huynh của Dòng Đa Minh trên thế giới quy tụ tại Tòa Giám Mục Xuân Lộc để tổ chức Tổng Hội “Đây là thời điểm của ơn thánh vì qua các đại biểu quy tụ trong sự hiệp thông cầu nguyện, trong tinh thần lắng nghe và trong tình huynh đệ sâu xa... Do đó, kết quả của Tổng Công Hội không chỉ quan trọng cho Hội Dòng, mà còn cho Giáo Hội, nhất là những Giáo Hội địa phương nơi có các thành viên của Hội Dòng hiện diện và phục vụ. Đó chính là lý do và tinh thần hướng dẫn Tòa Giám Mục Xuân Lộc vui mừng và hân hạnh đón tiếp các đại biểu Tổng Công Hội Dòng Đa Minh thế giới.”

Vì vậy Thánh Lễ chiều nay không chỉ có quý Đức Giám Mục, quý Cha trong Giáo phận cùng dâng lễ với quý Nghị Huynh, nhưng còn có sự đông đảo tham dự của bà con giáo dân, như một dấu chỉ bày tỏ sự hiệp thông trong giáo hội mà Đức Cha Giáo phận đã nói đến.

Về phía Dòng Đa Minh, niềm tri ân đối với Đức Giám Mục Giáo phận và quý Đức Cha là điều quan trọng mà quý Nghị Huynh luôn muốn bày tỏ. Vì để Tổng Hội Biên Hòa 2019 của Dòng Đa Minh trên thế giới có thể tổ chức tại Tòa Giám Mục Xuân Lộc, đó là nhờ sự khích lệ, ưu ái và cho phép của Đức Giám Mục Giáo Phận đối với Dòng Đa Minh, như lời Cha Tân Bề Trên Tổng Quyền Gerard Francisco TimonerIIIngỏ lời với quý Nghị Huynhtrong lần gặp gỡ với quý Đức Cha Giáo Phận Xuân Lộc chiều ngày 23/7 vừa qua.Với những lời chào mừng trang trọng mở đầu cuộc viếng thăm đặc biệt này, Cha Tân Tổng Quyền Dòng Đa Minh, đã ngỏ lời với quý Nghị Huynh rằng “Chiều hôm nay chúng ta chào đón Đức Giám Mục Giuse, Đức Cha Gioan, mà hai tuần trước, các ngài đã đón tiếp chúng ta đến nơi đây.Lúc này đây, chúng ta được vinh dự đón tiếp quý Đức Cha tại phòng họp này. Dĩ nhiên, với sự sắp xếp để Tổng Hội được tổ chức nơi đây, là do chúng ta được sự khích lệ và cho phép của Đức Giám Mục Giuse với Cha Nguyên Bề trên Tổng quyền Bruno Cadoré của Dòng, và vì thế, đó là lý do chúng ta mời quý Đức Giám Mục đến đây với chúng ta hôm nay để cám ơn quý Ngài.”Để bày tỏ lòng tri ân,Cha Tân Tổng quyền đã thay mặt quý Nghị Huynh, và Anh Chị Em Dòng Đa Minh trên thế giới kính tặng Đức Giám Mục Giáo phận, Đức Cha Đa Minh Nguyễn Chu Trinh và Đức Cha Phụ Tá Gioan Đỗ Văn Ngân những bức tranh vẽ thật đẹp và ý nghĩa.

Không chỉ là đáp từ lại lời cám ơn của Cha Tân Tổng Quyền, Đức Cha Giuse cũng đã chúc mừng Tân Bề Trên Tổng quyền của Dòng Đa Minh, mà vì lý do công tác vắng nhà, Đức Cha đã không thể chúc mừng ngài trong ngày được bầu chọn làm Tổng quyền Dòng.Đồng thời, Đức Giám Mục Giáo phận cũng đã giới thiệu về lịch sử hình thành Giáo phận, và tình hình hiện tại của Giáo Phận, mà trong đó, hoa trái của hạt giống đức tin của giáo dân Việt Nam nói chung, giáo dân Xuân Lộc nói riêng đã nhờ vào công lao và máu đào của các nhà truyền giáo Dòng Đa Minh thưở xưa tại Việt Nam.

Và để có thêm thời gian cùng chia sẻ tình huynh đệ, hiệp thông và tri ân với Dòng Đa Minh, sau Thánh Lễ chiều tại Nhà Thờ Chánh Tòa, Đức Cha Giáo phậnđã thiết đãi quý Nghị Huynh, Khách Mời và mọi Anh Chị Em phục vụ Tổng Hội Biên Hòa một bữa tối buffet thật thân tình và ngon miệng tại Nhà Ăn của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Xuân Lộc.

Tin, ảnh: Nữ tu Têrêsa Ngọc Lễ - Ban Truyền Thông Tổng Hội Dòng Đa Minh.
 
LM. Trần Đình Long phụ trách Giáo Điểm Tin Mừng được chuyển về Trung Tâm Mục Vụ GP Sàigòn.
+ GM. Giuse Đỗ Mạnh Hùng
17:27 29/07/2019
 
Lại nói về Lòng Chúa Thương Xót ở Giáo Điểm Tin Mừng, Sài Gòn
Vũ Văn An
19:36 29/07/2019
Trong bài “Nói về lòng Chúa thương xót nơi một số người Việt” đăng trên VietCatholicNews ngày 18 tháng 6 (xem http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/250984.htm), chúng tôi có đề cập tới Cha Trần Đình Long và Giáo Điểm Tin Mừng, người được nhiều người ái mộ coi như một nhân vật đặc sủng nhưng không thiếu người cho là đi trệch ra ngoài kỷ luật phụng vụ của Giáo Hội qua việc cho người lên làm chứng các phép lạ chưa được giáo quyền kiểm chứng trên bục giảng trong Thánh Lễ cũng như đặt tay cầu nguyện xin chữa lành, và gieo rắc một quan điểm giữ đạo vì phép lạ. Từ đó đến nay, đã có nhiều bàn tán, thảo luận sôi nổi về Cha cũng như về Giáo Điểm Tin Mừng.

Nhiều người thấy Cha Long bình thản thi hành thừa tác vụ theo ý mình, bèn quay qua thẩm quyền Giáo Hội, tức Tòa Tổng Giám Mục Sài gòn để chờ mong một định hướng và quyết định thích đáng. Dù sao thẩm quyền này cũng là thẩm quyền duy nhất có trách nhiệm đối với thừa tác vụ của Cha Trần Đình Long.

Phải bình tâm mà xét, Đức Cha Đỗ Mạnh Hùng, Giám Quản Tổng giáo phận Sài Gòn hiện nay, là người kiên nhẫn làm việc và phương thức của ngài là tiến hành từng bước. Dù mất thì giờ, nhưng thiển nghĩ đúng với lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng Mt 18:15-20 hơn: không thể một lúc đem ra hội đồng phán xử được, trái lại trước nhất phải bảo khuyên, không nghe thì mời thêm một hai người nói chuyện với họ; họ cũng không nghe thì mới mang họ ra Giáo Hội; đến thế, mà họ cũng không nghe thì coi họ như người ngoài. Như thế là có đến 4 bước.

Thiển Nghĩ cho đến nay, Đức Cha Giám Quản Sài Gòn đã thực hiện 3 bước đầu, chỉ còn bước thứ 4 nữa thôi và ta hy vọng bước ấy sẽ không diễn ra.

Thực vậy, trong buổi cấm phòng của các linh mục Xóm Chiếu hồi tháng Tư, Đức Cha Giám Quản đã chính thức nhắc nhở Cha Long về các sai phạm của ngài (bước thứ nhất). Rồi sau Thư chung của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam ngày 10/6/2019, Đức Cha Giám Quản, chính thức gửi văn thư cho Cha Trần Đình Long. Hành vi này nói lên sự kiện không phải riêng ngài quan tâm đến vấn đề mà cả Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cũng quan tâm đến nó (bước thứ hai). Vả lại thư ấy, đề ngày 28 tháng 6, đồng kính gửi Linh Mục Đoàn Văn Thịnh, hạt trưởng hạt Xóm Chiếu, không thể nói là chuyện tư riêng nữa. Trong thư này, ngài đặc biệt nói đến một số việc vốn diễn ra tại Giáo Điểm Tin Mừng: Tránh các hình thức trình diễn mang tính thế tục (ca hát, nhẩy múa, reo hò...) trên cung thánh; không công bố các lá thư cá nhân hay mời bất cứ ai lên làm chứng từ trong phần giảng lễ; với các trường hợp chữa lành, cần phải thận trọng và tường trình vụ việc lên thẩm quyền Giáo Hội; không được tách biệt việc đặt tay cầu nguyện và rẩy nước thánh khỏi các nghi thức phụng vụ vốn đi kèm theo chúng và không được cử hành chúng một cách long trọng trước mặt những người mong được chữa lành vì có nguy cơ biến việc đạo đức thành thực hành mê tín dị đoan.

Ngày 22 tháng 7 vừa qua, Đức Cha Giám Quản Sài Gòn đã tiến sang bước thứ ba: không nói riêng với Cha Trần Đình Long hay Cha Đoàn Văn Thịnh nữa mà nói với toàn thể tổng giáo phận Sài Gòn qua văn thư “Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn: Thư gửi dân Chúa Tổng Giáo phận Sài Gòn 22.7.2019” của hai Đức Cha Đỗ Mạnh Hùng và Nguyễn Anh Tuấn (xem http://vietcatholic.net/News/Html/251536.htm).

Thư trên không hoàn toàn nhắm vào Cha Trần Đình Long và Giáo Điểm Tin Mừng, vì có nhắc đến sự kiện “Lòng Mẹ thương xót” của Ông Nguyễn Thanh Việt, nhưng quả lưu ý đặc biệt tới “Sự kiện ‘Giáo điểm Tin Mừng’ với những lạm dụng trong cử hành tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót, đặt tay cầu nguyện, chứng từ chữa lành bệnh nhân”. Vì các chỉ thị sau đó của các ngài cho người ta hiểu các ngài có ý nói đến Cha Trần Đình Long và Giáo Điểm Tin Mừng. Các chỉ thị này dựa vào Thư chung đã nhắc trên đây của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam:

- Phải tránh những thực hành mê tín dị đoan, bói toán, lợi dụng lòng tin đơn thành của người tín hữu để trục lợi;

- Không được sử dụng, phổ biến các tài liệu có nội dung nghịch với đức tin Kitô giáo;

- Phải tôn trọng kỷ luật của Hội Thánh và quy định của Đấng Bản quyền liên quan đến Phụng vụ và việc đạo đức bình dân;

- Mọi tín hữu đều được tự do cầu nguyện xin ơn chữa lành;

- Trong giáo phận, mọi cử hành xin ơn chữa lành đều phải có phép rõ ràng của Bản quyền Giáo phận;

- Không được phép đưa các nghi thức chữa lành vào Thánh lễ và các cử hành Phụng vụ. Phải tránh các hình thức mang tính cuồng loạn, chứng nhân giả, diễn kịch hoặc kích động cảm xúc;

- Việc sử dụng các phương tiện truyền thông, nhất là trực tuyến, trong các cử hành xin ơn chữa lành, phải được Giám mục giáo phận cho phép.

- Trong các cử hành xin ơn chữa lành, nếu ơn được chữa lành xảy ra cho người tham dự, thì phải giữ sự thận trọng cần thiết và tường trình sự việc cho thẩm quyền Hội Thánh.

Các ngài cũng chỉ thị thư trên phải được đọc trong các nhà thờ của tổng giáo phận vào Chúa Nhật 28 tháng 7.

Cũng Chúa Nhật đó, trong bài giảng về 10 điều răn, đến điều răn đừng làm chứng gian, Cha Trần Đình Long nói với cộng đoàn tại Giáo Điểm Tin Mừng rằng chỉ nghe đồn, nghe báo cáo láo, không chịu đến mà nghe, kiểm tra, mà đã kết tội này nọ. Phải đến tận nơi mà xem, đến tận nơi cũng chưa đủ, phải nghe; chứ chỉ dựa vào hiện tượng, chẳng biết chi đến bản chất của người ta đã vội kết án này nọ. Không được phép như vậy. Làm thế là phạm luật Chúa. Phạm tội mà cứ tưởng mình làm tốt (xem https://www.youtube.com/watch?v=u-Cw9pEjkJM&feature=youtu.be&fbclid=IwAR3-kkD69iWEtiiVnsMPWJ5Md7MBYBnTVcUHlV3wk4W9573aC1OM07qJUFA).

Có lẽ vì thế mà cùng với Thư Gửi dân Chúa nói trên, Đức Cha Giám Quản Đỗ Mạnh Hùng, ngày 29 tháng 7 hôm qua, đã ra “Bổ Nhiệm Thư” chính thức mời Cha Trần Đình Long rời Giáo Điểm Tin Mừng để về phục vụ tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng giáo phận ở số 6bis Đường Tôn Đức Thắng hạn chót là ngày 18 tháng 8. Đức Cha Giám Quản cho hay việc bổ nhiệm này là “vì lợi ích chung của Tổng giáo phận, sau khi suy nghĩ, cầu nguyện và bàn hỏi với Ban tư vấn cùng những người có trách nhiệm liên quan" (xem http://vietcatholic.net/News/Html/251552.htm).

Chỉ còn một bước nữa, bước coi Cha Long như người ngoài thì chưa và chúng ta hy vọng sẽ không bao giờ phải xẩy ra. Tuy nhiên tất cả tùy ở Cha Trần Đình Long.

Nói thì nói thế, chúng ta cũng có một phần trong đó. Và phần này, chúng tôi hy vọng Đức Cha Giám Quản cũng đã nghĩ đến rồi. Vì đây là thực hành quen thuộc của Giáo Hội hoàn vũ. McCarrick cũng như một số người sai quấy chỉ bị kỷ luật sau một cuộc điều tra rạch ròi. Chính Cha Trần Đình Long cũng mong có một cuộc đến nơi không những để xem mà còn để nghe, không chỉ xem nghe hiện tượng mà còn xem nghe bản chất nữa. Dĩ nhiên, để cuộc điều tra tiến hành công minh, Cha Trần Đình Long nên về Trung Tâm Mục Vụ, chờ kết quả cuộc điều tra này. Bất cứ hình thức kỷ luật cuối cùng nào với Cha Trần Đình Long đều không thể khả hữu nếu không có cuộc điều tra đến nơi đến chốn. Có người còn cho hay mình không tiến hành cuộc điều tra này, người khác sẽ tiến hành, và lúc đó, ta thêm tội bao che như trong các cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng ở Hoa Kỳ, ở Úc, ở Chilê, ở khắp nơi hiện nay.
 
Văn Hóa
Mừng sinh nhật thứ 70 của LM nhạc sĩ Văn Chi: Những Nốt Nhạc Cho Đời
Bảo Giang
22:35 29/07/2019
Những nốt nhạc cho đời.

Đỉnh núi cao quang tiếng gọi mời,
Long Xuyên nhịp bước tiến ra khơi.
Cánh hoa chớm nở dâng cho Mẹ,
Gánh nặng trần gian gởi Chúa trời.
Từ ấy anh đi theo tiếng gọi,
Thế trần ảo mộng trả đời thôi.
Đường lên núi thánh không dừng bước,
Một tấm lòng trung tận hiến rồi.

( thân tặng bác Văn Chi. BG).

“ Gần nhau trao cho nhau tin yêu tình loài người, Gần nhau trao cho nhau thương yêu đừng gian dối…”. Giữa tiếng hát bay cao, anh em chúng tôi vẫn ngồi bên nhau. Tôi hỏi:

- Năm nay anh đã 70 rồi ư?

Anh nhẹ gật đầu:

- Tất cả anh em chúng ta đều lớn lên rồi! Tuổi thơ đã qua, nhưng nỗi buồn xa quê thì chẳng bao giờ nguôi!

Câu chuyện chỉ có thế. Sau đó là sự thinh lặng. Thinh lặng trong đáy mắt đưa chúng tôi về trường xưa. Ở đó, bước vào năm đệ lục, chúng tôi bắt đầu nhìn người đàn anh Văn Chi bằng ánh mắt nể phục. Ông ấy sẽ là nhạc sỹ tài hoa ư? Hay từ cánh đồng Long Xuyên, anh sẽ đưa lúa vươn tới mọi nơi, mọi chốn bằng lời ca tiếng nhạc của anh?

Dĩ nhiên, chẳng ai có thể trả lời cho câu hỏi vào lúc ấy? Bởi lẽ, tuổi trẻ và khát vọng của những năm tháng bậc trung học xưa thường ấp ủ những mộng mơ, hoài bão lớn! Gặp lúc không phải đánh vật với những bài thi, anh nào cũng vẽ vời lấy một bản gọi là Lưu Bút, rồi trao nhau viết một vài bài văn, bài thơ. Hoặc giả, vung tay vờn vẽ dăm ba nốt nhạc, bản vẽ, như để ghi nhớ là có tên ta trong cuộc đời. Và sự thường, những dấu tích đó chỉ là những kỷ niệm của đời học sinh như lưu ký mà thôi, ít người nghĩ đến hay tiếp tục theo đuổi cái nghề văn, thơ, nhạc, ấy khi bước vào đời. Tuy nhiên, Văn Chi xem ra lại là một câu chuyện khác thường.

Khởi đi từ những dòng nhạc Tin, Yêu, đầy ắp nguồn sống và ước mơ từ năm 1965, nhưng Văn Chi lúc ấy cũng chỉ nhận được những hờ hững thường tình. Hoặc gỉa là đôi lời khen, khích lệ cho có lệ vậy. Chẳng mấy người nghĩ đến, rồi ra Long Xuyên sẽ có một bậc tài hoa về âm nhạc. Phần anh, mặc cho dòng đời xoay, ngày ngày miệt mài với nghiệp sách đèn. Đến giờ chơi, lúc rảnh sau cơm chiều, “ông ấy” lại cứ một mình một cõi nhìn trời với đôi cánh tay nhè nhẹ vươn lên cao như trải dòng tâm tư với gío, với mây. Vào lúc ấy, có mấy ai nhìn ra được những vòng xoay (như bắt chuồn chuồn) từ đôi bàn tay nhỏ bé kia sẽ có ngày làm cho cả trời đất cũng phải vui lây theo lời ca tiếng nhạc của anh.

Chuyện là thế, nhưng ngay khi niềm vui chưa kịp lớn thì hồng thủy đổ ấp xuống trên miền nam. Nhìn ra đường chỉ thấy từng đoàn người gồng gánh, con thơ, mẹ gìa, bỏ nhà bỏ cửa mà trốn chạy cộng sản. Quay vào trong, mấy hôm sau cánh cổng trường lặng lẽ khép lại. Lũ học sinh dù không muốn cũng bị bó buộc phải rời trường khi đoàn quân của Hồ với dép râu Trung cộng lội đến chiếm đoạt. Từ đó, trường tan. Ai nấy xách vali về nhà chờ tin hay tự tìm lấy một tương lai nào đó cho bản thân. Ai ngờ, từ điểm không hẹn hò này, người vào tù, kẻ vượt biên. Anh rời trường, em bỏ học. Cuộc sống của từng người, từng nhà, bị cuốn theo với vận nước điêu linh, đen, đỏ!

Giữa những tang thương đổ gẫy ấy, Đức Micae Nguyễn khắc Ngữ, Giám Mục chính tòa của địa phận như nhìn thấy trước những nghịch cảnh sẽ đến cho đoàn chiên. Ngài đứng dậy, ra một quyết định khác lệ thường là gọi các thày đang học những năm cuối trong đại chủng viện trở về. Khi gặp, Ngài ân cần, mong mỏi trao nhiệm vụ chăn giữ đàn chiên trong cánh đồng giáo phận cho họ.

Từ lời gọi này, các thày đang học thần 3, và 4 năm ấy trở về chủng viện, gấp rút hoàn tất chương trình còn dở dang, rồi vào cuộc tĩnh tâm nhận lãnh nhiệm vụ mới. Tuy thế, khi mời gọi các thầy vào cuộc sống mới, Ngài đã nhắc nhở từng người là: Có thể các thày, các cha sẽ gặp khó khăn với CS khi trở về giáo xứ của mình. Theo đó, mỗi người được mời gọi phải tự quyết và gánh lấy phần đời hy sinh của mình. Không một ai bị ép buộc vì bất cứ lý do gì.

Câu chuyện như có nước mắt rơi vào chiều gặp gỡ hôm ấy là thế. Kết qủa, tất cả các anh trong lớp 60-61 hiện diện đều một lòng “Vì Ngài con xin hiến thân”. Và thày Văn Chi là một trong những người tự nguyện trong câu chuyện ấy.

1. Đời tu giờ thêm dấu huyền!

Niềm vui hân hoan trong ngày tạ ơn kéo dài chẳng bao lâu. không qúa vài tuần lễ. Nhiều LM mới dâng lễ mở tay, chưa kịp nhận bài sai về nhà xứ thì đã được cán cộng đến hỏi thăm. LM Văn Chi là một trong những người bị hỏi thăm ấy. Kết qủa, sau một lần chúng đến, giáo dân Thái Hòa, kinh Rivera không còn thấy bóng thày Văn Chi thanh thản vương nhịp trên cây cầu tre lắt lẻo qua kênh. Cũng không còn thấy cảnh, một tay thầy vịn chặt lấy thành cầu, còn tay kia thì không ngừng múa lộn giữa trời như vẽ hoa, vờn bướm, mỗi khi chiều về. Thay vào đó là một bản tin làm hốt hoảng từng nhà, nổ tung khu xóm: “Bọn Việt cộng đã bắt cha Chi rồi”! Sau câu trao đổi vắn vỏi ấy chỉ còn lại những đôi mắt trắng lo âu dành cho một Linh Mục trẻ chẳng tội tình gì, ngoài việc sáng tác Thánh ca, bị vướng vào vòng lao tù. Cùng lúc, nơi họ đạo Thái An gần đó, lại có dăm ba ca đoàn viên vương đôi mắt đỏ với dòng lệ lăn, thương cảm cho vị nhạc sỹ tài hoa, không biết hát hò theo Hồ cộng, đã bị vùi dập trong gông cùm cộng sản.

Mà nào có phải một mình ngài Văn Chi ngồi tù CS đâu. Trái lại, ngay từ 1954, cha mẹ anh và làng quê của anh đã phải từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, trốn tù ngục ở miền bắc mà chạy vào nam. Lần ra đi ấy, ai cũng nghĩ là sẽ đến được bến bờ tự do và ở nơi ấy, người dân được sống một đời trong tin yêu cũng như được hưởng một nền tự do dân chủ trong một đất nước có Độc Lập. Và rồi, ở nơi ấy, người dân không còn phải ngửi thấy mùi rêu mốc của CS. Kết qủa, tất cả là nhầm lẫn. Những con đỉa hoang không bao giờ từ bỏ việc bám theo hơi máu thơm của người.

Đó là lý do, sau khi chúng tàn sát hơn 172000 người trong mùa đấu tố, chúng nhận thêm súng đạn của Nga,Tàu, rồi đưa súng đạn vào miền nam để săn đuổi, tiêu diệt ý thức Tự Do, Độc Lập của dân tộc Việt Nam. Kết qủa, sau hơn hai mươi năm chinh chiến, phủ lấp miền nam bằng máu và nước mắt với súng đạn của Tàu, Nga, tập đoàn CS/HCM đã hiện nguyên hình là những kẻ tay sai cho Tàu cộng vào sau ngày 30-4-1975.

Từ đây, sau ngày Nắng Vàng phai, tất cả mọi khát vọng và ước mơ của người dân Việt Nam đều gẫy đổ. Nhìn ra đường, chỉ có một đoàn người bơ phờ và sau lưng họ là những kẻ mang dép râu nón cối, tay lăm lăm súng đạn Nga Tàu. Và đi trước những nòng súng ấy là những người từng đem sinh mệnh của mình ra để bảo vệ lấy chữ Tự Do, Độc Lập cho dân, cho nước. Họ là những sỹ quan, viên chức của miền nam, trong đó có cả những tu sỹ của các tôn giáo của miền nam nữa. Nay, tất cả đều bị chúng khóa chung vào trong một cái thòng lọng với tên gọi “học tập, cải tạo”. Hỏi xem, học gì và tập gì?

- Học làm người gian dối theo yêu cầu của CS ư?

- Hay tập lấy những việc làm gian trá và bất lương của HCM mà sống?

Câu trả lời là, cuối đường của chuyến đi ấy có nhiều người ở miền nam trong mọi cấp đã bỏ xác nơi nhà tù của cộng sản. Một phần khác, ngậm lấy đắng cay theo vận nước để hy vọng mở tương lai cho ngày mai. Dĩ nhiên, tù nhân Chu Văn Chi cũng không có ngoại lệ.

2. Ngày về của một người trong lao tù CS.

Nếu đời tù là những ngày đóng khung, mơ cho mùa hoa nở sớm thì ngày về sẽ là tiếng hát bay cao trên đường đi vội vã. Có thế. Sau gần 4 năm bị khóa chặt trong nhà giam, một ngày giữa tháng 9-1987 cửa tù tạm mở ra cho anh về chữa bệnh. Ngày về, niềm vui reo lên theo từng hơi thở, bước chân. Nhưng bỗng hụt hẫng khi trở thành kẻ lang thang không nơi tựa. Địa chỉ nhà xứ, nơi anh bị bắt từ đó, nay anh không được phép trở lại. Nếu về quê nhà, lại phải chờ giấy chứng nhận của phường khóm mới. Đã thế, những cơn đau xé ruột gan cứ dồn dập rủ nhau đến. Thêm vào đó, từng cơn ho quặn thắt lồng ngực như muốn đưa thân xác nhỏ bé, gầy mòn kia, về miền đất lạnh. Vào đoạn kết, xe chở đến nhà thương, mặc những dòng nước mắt tuôn tràn mà chẳng một nơi nào đón nhận. Hỏi xem, còn tang thương nào hơn thế? “con chồn con cáo có hang, mà con người không có nơi tựa đầu”!

Giữa lúc khốn cùng ấy, xem ra tiếng kèn cho một ngày đi không trở lại chừng như đà sắp sẵn. Tiếng chuông buồn của nhà thờ khi xưa cũng sẵn chờ cho giờ báo hiệu. Anh sẽ đi. Đi một chuyến không trở lại chăng?

Ngờ đâu, trong giờ tuyệt vọng ấy, thần chết lãng trí và một người quen, rồi một người thầy cũ biết tin. Họ đã tìm cho Ngài được một chốn hồi sinh. Đó là bệnh viện St Paul Sài Gòn. Từ đây, lời Tạ Ơn đã vang lên. Nhờ những bàn tay và những tâm hồn mở rộng, từng cơn đau thâu đêm đã từ từ giảm bớt, nhạc sỹ Văn Chi đã hồi sinh. Chẳng bao lâu sau, đôi tay gầy yếu kia đã có thể giơ lên cao theo những cung bậc Hiến Dâng. Và cũng diệu kỳ không kém, từ chính nơi này, nhạc sỹ Văn Chi đã xuống thuyền vào một chiều tháng 5 năm sau.

3. Đôi dòng tiểu sử của LM Paul Chu văn Chi:

Sinh ngày14-5-1949 tại Duyên Phúc, Ninh Bình. (bắc việt)

1961- 1968 theo học tại chủng viện Gò Vấp, Á Thánh Phụng, Châu Đốc rồi Têresa, Long Xuyên.

1969- 1975 Đại chủng Viện thánh Giuse, Sài Gòn.

Thụ phong Linh Mục ngày15-6-1975. Được chuyển về làm phó xứ Thái Hòa thuộc kinh B “Rivera”. Sau đó chuyển sang xứ Thái An cùng kênh.

Vào ăn cơm nhà tù Việt cộng từ ngày 5.3.1984. Bị xuất huyết bao tử và được trả về nhà vào tháng 9-1987 với lý do: “cho nó chết ở nhà hơn là ở trong trại”

Khi về, bệnh viện nào cũng chê. May thay St Paul Sài Gòn đưa vai gánh vác. Anh đã được điều trị, bị cắt hai phần bao tử tại đây. Cũng từ đây, vào tháng 5-1988 Anh đã lên thuyền ra khơi.

LM Chu văn Chi được Đức Hồng Y Clancy bảo lãnh đến Úc từ trại tỵ nạn Phi luật Tân vào ngày 24-11-1989. Ngài đã sinh hoạt trong địa phận và cư ngụ tại Sydney từ đó.

4. Những tác phẩm của LM Văn Chi.

A, Thời kỳ trong nước.

Những tác phẩm của nhạc sỹ Văn Chi đã xuất bản ở Việt Nam gồm có 10 tập “Trầm khúc hoan ca” trong đó có khoảng 700 bài thánh ca và sinh hoạt cho thiếu nhi và các đoàn thể. Và bài “Tình Yêu Chúa” là bản nhạc đầu tay của Ngài được viết từ năm 1965.

Đặc biệt bản Du ca mang tên “ Yêu bằng tình loài người” (1973) với lời ca chân thành đã đưa người người vào yêu thương gắn bó. Ở đó là lời nhắn nhủ mà ai ai cũng đều thiết tha mong mỏi cho nhau. Hơn thế, còn như truyền rao nguồn sống cho mọi thời đại là “Gần nhau trao cho nhau tin yêu tình loài người” đã được nhạc sỹ Văn Chi sáng tác vào ngày 27-01-1973. Mấy ai ngờ, hôm ấy cũng là ngày ghi lại mốc điểm quan trọng trong Lịch Sử của Việt Nam. Đó là ngày ký Hiệp Định đình chiến Ba Lê nhằm chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam.

Hỏi xem, còn nỗi mừng nào lớn hơn cho người dân khi nghe tin chấm dứt chiến tranh? Và hỏi xem, có phải vì từ ước mơ có hòa bình, đểđem yêu thương đi về muôn lối mà bài hát này đã như hoa nở trên mắt môi mọi người Việt Nam, không phải chỉ trong thời gian ấy, nhưng còn là mãi mãi về sau? Tiếc rằng, từ phía mang tên liềm búa kia chỉ đáp lại tình người bằng những gian dối, phản bội, thay vì tình nghĩa yêu thương của con người.

B. Những sáng tác nơi hải ngoại.

Lời ca tiếng hát của nhạc sỹ Văn Chi, không phải là đã bị chết chìm trong ngục tù CS. Trái lại, mãi còn vươn cao, vượt cả thời gian và không gian. Sau 30 năm nơi đất khách, những lời ca Cảm Tạ, Ngợi Khen, trong cuộc lữ hành trần thế của người Nhạc sỹ này hầu như không ngừng nghỉ. Tính đến nay đã có hơn 700 bài, gồm thánh ca và một số bài ca sinh hoạt đã được phát hành. Trong số này phải kể đến các bản Trầm khúc Hoan Ca tập 11 phát hành tại Phi luật Tân. Rồi 12, 13, 14 in tại Úc. Tập 15, 16 in tại Hoa Kỳ. Các tập 17, 18, 19, 20, 21, 22 và 23, 24, 25 đều in tại Sydney. Nếu làm một bài toán cộng, nhạc sỹ Văn Chi đã sáng tác tổng cộng khoảng 1450 ca khúc. Trong đó có Con đường Chúa đã đi qua, Hành trình với Mẹ, Trang sử mẹ quê hương Việt Nam, Truờng Ca hãy tạ ơn Chúa và các tập Trầm Khúc Hoan Ca và Du ca…

Giữa lòng cung bậc trầm thấp, vươn cao ấy, niềm vui của Nhạc Sỹ Văn Chi như bay bổng khi người anh là LM Chu văn Nghi sau nhiều năm tháng lao tù CS đã được sang Úc thăm em. Nào có ai ngờ, tiếng đàn hoan lạc vừa vút lên mây. Cung trầm đã điểm, đón chờ ngoài hiên. Ối! sau bao năm chờ tháng đợi, niềm vui chưa tầy gang thì LM Chu văn Chi đầu quấn khăn tang, xin được thay mặt gia đình mà tiễn biệt người anh thân yêu của mình là LM Chu văn Nghi vào miền Vĩnh Cửu ngày 05-8-2001.

5. Giấc mơ về mái nhà xưa.

Đêm xuống lâu rồi, một số anh em cùng trường với Ngài khi xưa vẫn còn ngồi bên nhau và bên những dòng nhạc của anh. Tất cả cùng quay về, điểm lại những nốt thời gian. Có ai ngờ, một Văn Chi “như mộng” hôm nào, nay đã bước vào cái tuổi được gọi là “thất thập cổ lai hy” (70). Một đời như thế qủa là tinh khôi, lưỡng đạt nhỉ?

Đến khi những ngọn nến được thắp sáng lên trên chiếc bánh mừng sinh nhật Anh, mọi người cùng đứng dậy, nắm lấy tay nhau và cùng hòa theo lời ca vang vang, chúc mừng Anh và chúc tụng Đấng Cao Cả đã che chở Anh trên đường trần thế:

“ Gần nhau trao cho nhau tin yêu tình loài người.
Gần Nhau trao cho nhau yêu thương đừng gian dối.
Gần nhau trao cho nhau ánh mắt nhân loại này,
Tình thương trao cho nhau xây đắp trong tình người.
Cho dù rừng thay lá xanh đi,
Cho dù biển cạn nước bao la,
Ta vẫn thương yêu nhau mãi mãi… (Văn Chi, 27-01- 1972)

Bảo Giang

Tháng 7-1019