Ngày 13-07-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nghe và Thực Hành
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
01:00 13/07/2022

Nghe và Thực Hành
CN 16 C

Tin mừng hôm nay kể chuyện hai chị em Matta và Maria đón tiếp Chúa Giêsu, mỗi người mỗi cách. Cả hai cùng đón tiếp Chúa, nhưng Chúa lại nhẹ nhàng trách Matta quá tất bật, bận tâm phục vụ và khen Maria ngồi bên chân Chúa, lắng nghe Lời Chúa.
Phải chăng qua đó Chúa đề cao con đường chiêm niệm, cầu nguyện hơn là sống hoạt động tông đồ bên ngoài? Và như thế, có gì mâu thuẫn với lời Chúa dạy phải cứu giúp anh em trong “dụ ngôn người Samatitanô nhân hậu” của Tin mừng tuần trước?.
Thực ra, tiếp đón Chúa Giêsu như hai chị em Matta và Maria là đáng quý. Cả hai đã dành cho Chúa một sự tiếp đón nhiệt tình, thân mật. Matta lo việc bếp núc, chuẩn bị bữa cơm. Maria ngồi dưới chân Chúa lắng nghe. Mỗi người một cách, cố gắng làm vui lòng người khách đặc biệt với dáng vẻ uy nghi cao quý siêu thoát đang ghé thăm gia đình. Chúa Giêsu tán thưởng cả hai. Cả hai đã minh hoạ đầy đủ trọn vẹn Lề Luật của Thiên Chúa là kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Hành động của Matta và Maria là hai yếu tố cần thiết, nhưng có sự cần thiết hơn trước khi hành động là lắng nghe.

Maria ngồi bên chân Chúa với tâm thế lắng nghe. Cô không làm gì, không nói gì, chỉ ngồi nghe. Cô đón tiếp Chúa Giêsu với một phong cách tốt nhất.

Matta lo việc bếp núc, phục vụ ăn uống. Có lẽ Matta ganh tị với em nên khiếu nại với Chúa: "Thưa Thầy, em con để một mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay". Matta trách em, nhưng cũng là một cách kể công và khoe mình quan trọng và có thể coi đó như một lời trách khéo đối với Chúa Giêsu.

Nhưng Chúa nhẹ nhàng đáp lại: "Matta, Matta ơi, con lo lắng bận rộn nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất". Chúa đã khen Maria biết chọn phần tốt nhất. Chọn phần tốt nhất không phải là chọn làm nhiều, nhưng là biết nghe, hiểu và làm theo ý Chúa. Việc lắng nghe để nhận ra thánh ý Chúa nhiều khi đòi hỏi người ta phải biết cầu nguyện, phải giữ một tâm hồn thanh tĩnh và phải biết tập trung cao độ để nhận ra được thánh ý Chúa.

Người ta thường giải thích câu nói của Chúa Giêsu như một sự đề cao chiêm niệm trên hoạt động. Matta tiêu biểu cho đời sống hoạt động, lo lắng về những nhu cầu vật chất. Maria tiêu biểu cho đời sống chiêm niệm, lắng nghe Lời Chúa, cầu nguyện. Trên thiên đàng người ta chỉ còn chiêm ngắm Thiên Chúa trong niềm hạnh phúc vĩnh cữu. Như thế, Maria đã đạt tới cùng đích của đời sống Kitô hữu. "Phần hơn" của cô là ở chỗ đó. Có Chúa rồi thì còn gì hơn nữa!

Chúa Giêsu đón nhận sự phục vụ ân cần của Matta và đưa ra bậc thang giá trị, cần “chọn phần tốt nhất”. Chọn Lời Chúa và lắng nghe. Đó chính là “phần tốt nhất” như lời Tv 119: “Lạy Chúa, con đã nói, phần của con là tuân giữ Lời Ngài”. Lắng nghe Lời chính là xây dựng nhà mình trên đá (Lc 6,47-49). Lắng nghe Lời giúp tâm hồn trở thành mảnh đất trổ sinh hoa trái (Lc 8,4-15). Hạnh phúc của Đức Maria là “lắng nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (Lc 11,27-28).

Đối với Chúa Giêsu, cả hai cách phục vụ của Matta và Maria đều cần thiết và bổ túc cho nhau. Ðiều Chúa muốn nhắc cho Matta là: việc cốt yếu đối với người môn đệ là “nghe Lời Chúa và đem ra thực hành”. Nhiều lần, Chúa nói về điều cốt yếu ấy: "Phúc cho ai nghe Lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" (Lc 11,28); "Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành" (Lc 8,21; Mt 12, 46-50; Mc 3, 31-35). Điều cốt yếu ở đây không phải là ưu tiên về thời gian (làm cái này trước rồi làm cái kia sau) hay số lượng (làm "việc Chúa" nhiều, làm "việc đời" ít)... nhưng ưu tiên về giá trị. Khi làm việc gì, nếu mình tận tình làm việc cho đẹp lòng Chúa, như Chúa muốn, thì mình vẫn đang chọn phần tốt nhất như cô Maria bởi vì mình vẫn đang qui chiếu về Chúa, đang lắng nghe lời Chúa và thi hành thánh ý Chúa về đời mình. Thánh Phaolô dạy: "Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh chị em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa" (1Cr 10,31).

Sách Giáo Lý Công Giáo diễn tả: “cầu nguyện thế nào thì sống như vậy” (số 2725). Đời sống Kitô hữu đích thực vừa là một hoạt động có chiêm niệm vừa là một chiêm niệm có hoạt động. (Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu, số 23). Cầu nguyện và hành động đều rất cần thiết cho đời sống Kitô hữu. Cần thực hiện cách quân bình và điều hòa trong cuộc sống hàng ngày.

Hoạt động và cầu nguyện là nhịp sống đời Kitô hữu. Cầu nguyện là linh hồn của hoạt động và hoạt động là kết quả của cầu nguyện. Cầu nguyện làm nền tảng cho mọi hoạt động.Nhờ cầu nguyện nên việc phục vụ tha nhân được tốt hơn. Mẹ Têrêxa Calcutta và các Nữ tu dù bận rộn công việc hằng ngày vẫn luôn dành thời giờ tham dự Thánh lễ, chầu Thánh Thể. Mẹ luôn là gương sáng cho các Nữ tu, cầu nguyện trước khi hoạt động. Mỗi ngày dành một giờ chầu Mình Thánh Chúa, sau đó mới đến các nơi nghèo nàn ở Calcutta để chăm sóc những người nghèo khổ hoặc đi vào trong các căn nhà tồi tàn giúp những người hấp hối được chết lành.

Tham dự Thánh lễ chính là lúc chúng ta như Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu lắng nghe Lời Ngài. Đến với Chúa, xin đừng dè sẻn cò kè thời giờ, đừng lật đật vội vã đến trễ về trước. Xin đừng đến với Chúa chỉ vì bắt buộc, miễn cưỡng, sợ tội. Hãy đến với Chúa như một người con thảo, đến để gặp Chúa, lắng nghe Lời Chúa, đến là vì lòng yêu mến Chúa và muốn sống hiếu thảo với Ngài mà thôi.

Thánh lễ cũng chính là lúc Chúa đến thăm và ban ơn sủng cho chúng ta. Hãy quý trọng sự hiện diện của Chúa. Hãy tham dự tích cực, linh động, cầu nguyện sốt mến, thưa chuyện với Chúa. Lời Chúa và Thánh Thể ban thêm cho chúng ta đức tin, tình yêu, sức mạnh, lòng can đảm và nhiệt huyết tông đồ để chúng ta dấn thân phục vụ anh em.

Lạy Chúa Giêsu,
Khi bị bao vây bởi muôn tiếng ồn ào, xin cho con tìm được những phút giây thinh lặng.
Khi bị rã rời vì trăm công ngàn việc, xin cho con quý chuộng những lúc được an nghỉ trước nhan Chúa.
Khi bị xao động bởi những bận tâm và âu lo, xin cho con biết thanh thản ngồi dưới chân Chúa để nghe Lời Người.
Khi bị kéo ghì bởi đam mê dục vọng, xin cho con thoát được lên cao nhờ mang đôi cánh thần kỳ của sự cầu nguyện.
Lạy Chúa, ước gì tinh thần cầu nguyện thấm nhuần vào cả đời con.
Nhờ cầu nguyện, xin cho con gặp được con người thật của con và khuôn mặt thật của Chúa. Amen.(Mana)

 
Ngày 14/07: Hãy đến cùng Tôi – Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
03:29 13/07/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Đức Giê-su nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:48 13/07/2022

29. Bởi vì nếu anh không đánh ngã làn sóng phong tục của thế gian để làm cột trụ kiên cường, thì anh nên đem hy vọng và tâm hồn của anh ký thác cho Thiên Chúa, giao phó trong tay Ngài.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:50 13/07/2022
10. CÂU TRẢ LỜI KHÔN NGOAN CỦA TĂNG KIỀN.

Tề Cao đế Tiêu Đạo Thành thi thư pháp với đại thần là Vương Tăng Kiền -nhà đại thư pháp.

Sau khi so tài, hỏi:

- “Ai có thể được hạng nhất?”

Vương Tăng Kiền đáp:

- “Thư pháp của tôi, dưới con mắt của các quan thì rất đẹp; thư pháp của bệ hạ ở trong hoàng cung thì đếm trên đầu ngón tay.”

Cao đế cười nói:

- “Có thể nói ông là người giỏi về tự mình tâng bốc người khác”.

(Nam Sứ)

Suy tư 10:

Câu trả lời của Tăng Kiền đúng là khôn ngoan, không làm cho nhà vua phải mất sĩ diện khi bị thua, nhưng vì tự trọng nên vua Cao đế cũng cảm thấy “nhột”.

Đức Chúa Giê-su cũng đã trả lời cách khôn ngoan với người Pha-ri-siêu về vấn đề nộp thuế: của Xê-da thì trả cho Xê-da, của Thiên Chúa thì trả lại cho Thiên Chúa”, câu trả lời khôn ngoan này không làm cho người Pha-ri-siêu thấy nhột, nhưng họ rất kinh ngạc về cách trả lời của Ngài.

Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta đã hùng hồn nói cho bạn bè thân hữu biết là có Thiên Chúa hiện diện trong vũ trụ, chúng ta khôn ngoan dẫn chứng từ thuyết này đến luận chứng nọ, từ giáo phụ này đến giáo phụ kia, ai cũng thích nghe chúng ta nói, nhưng chẳng có mấy ai tin vào việc làm của chúng ta. Bởi vì lý sự mà không khiêm tốn thì sinh ra cải cọ, cải cọ thì sinh ra tranh chấp, do đó mà khôn ngoan của con người không thể làm biến đổi tâm hồn của một con người, nhưng những gì thuộc về xác thịt thì trả cho con người, những gì thuộc về tâm hồn thì trả cho Thiên Chúa, và chỉ có Thiên Chúa mới đủ sức cải biến tâm hồn của con người.

“Lạy Chúa, chỉ mình Chúa là Đấng Khôn ngoan thượng trí, xin ban cho con có một tâm hồn khôn ngoan của Chúa, để con biết cách sống và làm chứng cho niềm tin của mình trong cuộc sống của chúng con”.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Con tim mỏi mòn
Lm. Minh Anh
20:54 13/07/2022

CON TIM MỎI MÒN
“Hãy đến với Tôi, tất cả những ai mang gánh nặng nề, Tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho!”.

Một người cha lương dân đau khổ kia tình cờ ghé một nhà sách Công Giáo; ông mua một tượng chuộc tội. Về nhà, con gái 10 tuổi của ông kinh ngạc nói, “Nhà mình chưa đủ khổ sao, ba đem ông này về làm gì!”. Người cha nói, “Ông này đau khổ hơn ba, nên hẳn ông sẽ hiểu ba hơn!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay quả là một tin vui cho người cha khốn khổ, cho tất cả mọi người, thuộc mọi hạng; qua đó, Chúa Giêsu, mời những ai đang mang lấy một ‘con tim mỏi mòn’ cách này cách khác, đến với Ngài! Ngài bảo đảm, những con tim mỏi mệt đó sẽ được bồi bổ, nghỉ dưỡng và chữa lành, “Hãy đến với Tôi, tất cả những ai mang gánh nặng nề, Tôi sẽ nâng đỡ bổ sức cho!”.

Nếu bạn đấu tranh hàng ngày để sống công chính về mặt luân lý, cả khi những người chung quanh đi đường tắt, hãy đến với Chúa Giêsu! Nếu cuộc sống ích kỷ và thu lợi bất chính có vẻ quá hấp dẫn, hãy đến với Chúa Giêsu! Nếu bạn đang bị đè nặng bởi một tội lỗi tái đi tái lại vốn ảnh hưởng đến ơn gọi hôn nhân hay đời sống thánh hiến, hoặc ơn gọi của một Kitô hữu… hãy đến với Chúa Giêsu! Nếu cuộc sống của bạn có vẻ không công bằng và Thiên Chúa xem ra xa cách, hãy đến với Chúa Giêsu! Con Thiên Chúa không kêu gọi chúng ta đến với một bộ quy tắc và lý tưởng cao đẹp, mà là đến với chính con người Ngài. Chúng ta không đi theo các quy tắc vì lợi ích của quy tắc, nhưng đi theo Chúa Giêsu, mang cho Ngài những ‘con tim mỏi mòn!’.

“Tâm hồn các con sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng”. “Nghỉ ngơi” không phải là ngừng làm việc, ngưng chiến đấu; “nghỉ ngơi” mang ý nghĩa bình an trong tâm hồn, niềm vui và hạnh phúc sâu lắng. Đây là điều mà tất cả chúng ta hằng mong ước, điều mà một ngày nào đó sẽ không bị gián đoạn trong hạnh phúc thiên đàng; chúng ta đã từng gặp những con người trải nghiệm sự bình an và niềm vui này, bất chấp hoàn cảnh của họ. Hãy lưu ý, Chúa Giêsu không hứa trút bỏ gánh nặng, thử thách và đau khổ; nhưng nếu chúng ta tự nguyện mang lấy ách của Ngài, phục tùng kế hoạch của Ngài, làm theo ý muốn của Ngài… Ngài bảo đảm sẽ đem lại niềm vui và bình an cho chúng ta. Nếu bạn chưa bao giờ trải nghiệm nó, hãy bắt đầu ngay hôm nay! Hãy trao cho Ngài ‘con tim mỏi mòn’ của bạn và những gì bạn biết có trong đó! Dẫu có thể khó chịu hoặc đau đớn ban đầu, mọi chiếc ách đều như vậy, nó sẽ mang lại sự nhẹ nhàng và dễ chịu.

Nhật ký của một nhà thơ cổ đã để lại một lời cầu nguyện thật gần gũi, “Chúa ơi, con nản quá! Con không biết phải làm gì. Con có quá nhiều gánh nặng, và con đã trao tất cả cho Chúa. Vậy mà, Chúa đã không cất chúng đi. Ôi Giêsu, cho con biết tại sao như thế? Và Ngài trả lời gọn lỏn, Ta sẽ không bao giờ bỏ đi!”. “Ta sẽ không bao giờ bỏ đi!”, thật trùng hợp, bài đọc Isaia hôm nay ghi lại tâm tình tương tự của một dân tộc với một ‘con tim mỏi mòn’, “Lạy Chúa, trong cơn hoạn nạn, chúng con tìm kiếm Chúa”; “Lạy Chúa, Chúa ban cho chúng con ơn bình an, vì mọi việc chúng con làm, đều do Chúa làm cho chúng con!”. Thiên Chúa là tình yêu, vì “Từ trời xanh, Chúa đã nhìn xuống địa cầu”, Thánh Vịnh đáp ca hôm nay đã xác tín một cách sâu sắc!

Anh Chị em,

“Hãy đến với Tôi!”. Chúa Giêsu biết một cuộc sống có thể gian khổ như thế nào. Ngài biết bao điều khiến con tim mỏi mệt: những thất vọng và vết thương của quá khứ; những gánh nặng và sai trái phải chịu trong hiện tại; những bất ổn và lo lắng trong tương lai! Trước tất cả những điều này, lời đầu tiên của Chúa Giêsu là một lời mời, một đề nghị ‘hãy di chuyển và đáp lại’; Ngài nói, “Hãy đến!”. Thật sai lầm khi chúng ta cứ ở yên vị trí của mình, lúc mà mọi thứ diễn ra không như ý! Chúa Giêsu không rút bỏ gánh nặng ra khỏi cuộc đời, nhưng nỗi thống khổ sẽ vơi dần và tự nó, sẽ ‘ra khỏi’ chúng ta; Ngài không cất thập giá, nhưng ‘mang nó theo’ chúng ta. Vì với Ngài, mọi gánh nặng đều trở nên nhẹ tênh; những ‘con tim mỏi mòn’ tìm được chốn an nghỉ!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Đấng đỡ nâng những bàn tay bủn rủn và những đầu gối rã rời, này con đến! Xin ân sủng Ngài tưới gội, để tim con không còn mòn mỏi nhưng đủ sức cho cuộc hành trình!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ước Gì
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
21:26 13/07/2022
Ước Gì

“Hãy đến với Ta, tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28).

Ước gì nhiều người đang đau khổ, buồn lo, đang mang vác gánh ách nặng nề khi đến với các đấng bậc được gọi là “Kitô khác” (Alter Christus), đến với các Kitô hữu (người thuộc về Chúa Kitô, có Chúa Kitô) thì nhận được sự bình an, được nghỉ ngơi, bồi dưỡng.

Ước gì một đôi lúc nào đó chúng ta tin tưởng và mạnh dạn mời gọi nhiều người đau khổ, bất hạnh: “Hãy đến với tôi…”. Đã cảm nhận được sự bình an và nâng đỡ khi đến với Chúa Kitô thì hệ quả tất yếu là từ lòng chúng ta sẽ tuôn chảy mạch nước an bình, nguồn sinh sự sống. “Ai khát hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống. Như Kinh thánh đã nói: từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống.” (Ga 7,38).

Thứ Năm sau Chúa Nhật XV TN

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Kho tàng vô giá
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
21:58 13/07/2022


Hôm ấy, khi được Chúa Giê-su đến thăm nhà, Mác-ta vui mừng tiếp đón và tất bật lo việc nấu dọn để hầu hạ Chúa, hy vọng Chúa sẽ hài lòng về sự tiếp đãi ân cần, chu đáo của mình.

Vậy mà Chúa Giê-su lại đề cao thái độ chăm chú lắng nghe của Maria hơn và trách Mác-ta: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi" (Lc 10, 41-42).

Maria đã chọn phần tốt nhất, vì lắng nghe Lời Chúa là việc hệ trọng nhất trên đời, là khai thác một kho tàng vô giá, là nắm lấy bí quyết để được sống hạnh phúc muôn đời...

Lời Chúa biến đổi lòng người

Trong nhiều trường hợp, người ta chỉ cần đón nhận một câu Lời Chúa thôi cũng đủ để thay đổi cuộc đời. Xin nêu lên vài trường hợp tiêu biểu:

- Thứ nhất: Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-e sinh tại Tây Ban Nha năm 1506. Năm 19 tuổi, anh đến Pa-ri, vào đại học với ước mơ trở thành giáo sư.

Tại đây, anh gặp thánh I-nha-xi-ô và được ngài lấy Lời Chúa nhắc nhở rằng: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào có ích gì?” (Mt 16,16).

Những lời nầy đã xoay chuyển hoàn toàn cuộc đời Phan-xi-cô, soi cho anh thấy công danh sự nghiệp đời nầy chỉ là phù du, hư ảo. Thế là Phan-xi-cô dứt khoát từ bỏ danh vọng thế gian, hiến dâng đời mình để phụng sự Chúa và cứu rỗi các linh hồn, mang Tin mừng Chúa đến với các dân tộc Á Châu tại Ấn-độ, Malaysia, Indonesia và Nhật Bản.

- Thứ hai: Một câu Lời Chúa quen thuộc khác là: “Những gì các con đã làm cho những anh em bé mọn của Ta đây là đã làm cho chính Ta” cũng tác động mạnh mẽ tâm hồn mẹ thánh Tê-rê-xa Calcutta, thôi thúc mẹ cũng như hàng ngàn chị em trong Hội dòng Thừa sai Bác ái do mẹ thành lập, tận hiến cả cuộc đời, dấn thân phục vụ hết sức tận tình những người bất hạnh khắp nơi trên thế giới.

Lời Chúa xóa bỏ hận thù, xây đắp tình yêu thương

Cụ thể là:

- Nhờ Lời Chúa soi sáng, người ta sẽ không xem người khác là xa lạ, là kẻ thù… nhưng là anh chị em ruột thịt có chung một người Cha là Thiên Chúa; nhờ đó, thay vì sống thờ ơ, vô cảm, ghét bỏ người khác… mọi người sẽ yêu thương đùm bọc nhau.

- Nhờ Lời Chúa dạy, người ta nhận ra Chúa Giê-su đang hiện diện nơi những người chung quanh, đang thực sự sống trong mỗi người; nhờ đó, người ta sẽ tôn trọng nhau như tôn trọng Chúa, ân cần phục vụ người khác tận tình như phục vụ chính Chúa Giê-su.

- Nhờ ánh sáng của Lời Chúa, người ta nhận biết sự thật tuyệt vời là có cuộc sống đời sau; biết trần gian chỉ là quán trọ, thiên đàng mới là quê hương; biết cùng đích của đời người không phải là nấm mồ hoang lạnh, nhưng là cõi phúc hoan lạc đời đời trên thiên quốc.

- Ngoài ra, Lời Chúa còn cải thiện cuộc sống con người, giúp họ diệt trừ thói hư tật xấu để sống quảng đại, tốt lành, nhân ái hơn.

Tóm lại, Lời Chúa đẩy lùi sự gian ác, xóa bỏ hận thù, dập tắt lửa chiến tranh.

Lời Chúa mang lại hòa bình, vun đắp tình yêu thương, mang lại hạnh phúc cho muôn người.

Chính vì vậy, lắng nghe và thực hành Lời Chúa là việc cần thiết và quan trọng nhất trên đời.

Lạy Chúa Giê-su,

Lời Chúa như ngọn hải đăng soi đường cho nhân loại giữa biển đời tăm tối; Lời Chúa là kim chỉ nam chỉ lối cho người lạc bước giữa rừng sâu.

Xin cho chúng con luôn quý trọng Lời Chúa và để cho Lời Chúa hướng dẫn mọi hoạt động hằng ngày của mình; nhờ đó, cuộc đời chúng con sẽ trở nên thánh thiện, an vui và hạnh phúc. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Giáo Hoàng cảnh báo rằng các linh mục lạm dụng giết chết các linh hồn
Đặng Tự Do
05:10 13/07/2022


“Là một linh mục, tôi phải giúp mọi người phát triển và cứu họ. Nếu tôi lạm dụng, tôi giết họ. Điều này thật tồi tệ. Không thể khoan nhượng. “

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lập trường trên khi phản ánh về tội ác lạm dụng tình dục linh mục trong cuộc phỏng vấn ngày 2/7 với Reuters. Phần phỏng vấn trong đó Đức Giáo Hoàng nói về lạm dụng tình dục vừa được công bố hôm 8 tháng 7.

“Sau Boston, Giáo hội bắt đầu từ từ không khoan nhượng và tiến về phía trước. Và tôi nghĩ hướng đi đó là không thể đảo ngược “, Đức Phanxicô nói, khi nhắc đến vụ tai tiếng lạm dụng tình dục ở Tổng giáo phận Boston được đưa ra ánh sáng vào năm 2002.

Như người tiền nhiệm của mình, Đức Phanxicô đã thực hiện nhiều động thái khác nhau để giúp Giáo hội chiến đấu với tội ác này hơn nữa. Một trong những quyết định đó được đưa ra vào đầu năm nay, khi Đức Thánh Cha thay đổi cấu trúc của cơ quan giáo lý của Giáo hội để cung cấp cho cơ quan này các nguồn lực và sức mạnh kỷ luật tốt hơn.

Ngài chia CDF (nay là DDF) thành hai bộ phận riêng biệt, một bộ phận giáo lý và một bộ phận kỷ luật, mỗi bộ phận đều có các nhà lãnh đạo riêng của họ.

Trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô công nhận rằng tội lỗi lạm dụng tình dục xảy ra trong môi trường rộng lớn hơn nhiều so với Giáo hội, nhưng ngài nhấn mạnh rằng công việc của Giáo hội đang dẫn đầu trong việc đối phó với vấn nạn này.

Đức Giáo Hoàng đã trích dẫn một cuộc gặp gỡ gần đây với những du khách đã nói với ngài rằng ở đất nước của họ có khoảng 46% lạm dụng xảy ra trong gia đình và lưu ý rằng “điều này thật khủng khiếp”. Tại Hoa Kỳ, ước tính con số này còn cao hơn, với khoảng một nửa số vụ lạm dụng tình dục trẻ em đến từ một thành viên trong gia đình.

Nhưng Đức Giáo Hoàng nói thêm: “Điều này không biện minh cho bất cứ điều gì”: Ngay cả khi đó chỉ là một trường hợp lạm dụng duy nhất do một linh mục thực hiện, nó sẽ là điều đáng xấu hổ và cần phải đấu tranh.

Ngài nói: “Chúng ta phải chiến đấu chống lại mọi trường hợp”.

Đức Giáo Hoàng cũng ca ngợi công việc của Đức Hồng Y Sean O'Malley, tổng giám mục hiện tại của Boston và Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, và Thư ký Ủy ban là Cha Andrew Small, Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm, người Anh là những người đàn ông “can đảm” đáng được công nhận.

Đức Giáo Hoàng tái khẳng định rằng ngài hoàn toàn ủng hộ công việc của Ủy ban.
Source:Aleteia
 
Giám mục Mễ Tây Cơ đề xuất một hiệp ước xã hội bao gồm cả các băng nhóm tội phạm có tổ chức
Đặng Tự Do
05:11 13/07/2022


Đức Cha Sigifredo Noriega của Zacatecas, Mễ Tây Cơ, đang đề xuất một “hiệp ước xã hội” bao gồm cả các băng nhóm “tội phạm” để chấm dứt bạo lực lan rộng trong nước. Kể từ năm 2006, Mễ Tây Cơ đã phải hứng chịu một vòng xoáy bạo lực khiến khoảng 340.000 người thiệt mạng.

Kể từ khi cuộc tấn công quân sự chống tội phạm có tổ chức được phát động, hàng chục nghìn người cũng đã biến mất. Đức Cha Sigifredo Noriega biện minh cho hiệp ước xã hội của mình bằng cách nói rằng họ cần phải hòa nhập toàn xã hội để thoát khỏi khủng hoảng.

“Cam kết của chúng tôi là đối thoại xây dựng một con đường công lý và hòa giải dẫn chúng ta đến hòa bình,” vị giám mục Mễ Tây Cơ nói, sau khi hai linh mục Dòng Tên bị sát hại vào ngày 20 tháng 6 ở bang Chihuahua.

Về phần mình, Tổng thống Mễ Tây Cơ, Andrés Manuel López Obrador, bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất “tha thứ” của Giáo hội, nhưng nói rõ rằng chính phủ của ông “không thương lượng” với tội phạm.

Người ta ước tính rằng ba năm rưỡi đầu tiên của chính quyền hiện tại của López Obrador là thời kỳ bạo lực nhất được ghi nhận trong lịch sử Mễ Tây Cơ, với hơn 120.000 vụ giết người.

Trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2018, Andrés López hứa hẹn sẽ có các phương án vãn hồi trật tự tại Mễ Tây Cơ. Ông thắng cử dễ dàng vì người dân Mễ Tây Cơ âu lo trước tình trạng an ninh trật tự dưới thời tổng thống Enrique Nieto. Tuy nhiên, từ ngày ông Andrés López cầm quyền, tình trạng xem ra càng thê thảm hơn. Ông thực ra chẳng có đối sách gì cả và ngày càng lúng túng trong việc điều hành đất nước.

Tháng 10 năm 2019, trong một diễn biến hết sức bi đát, giáo phận Cuernavaca đã phải đình chỉ tất các Thánh lễ buổi tối vì tình trạng bất an trong thành phố và bang Morelos. Ngay cả lễ Đêm Giáng Sinh cũng bị hủy bỏ.


Source:noticiasenlamira.com
 
Đức Thánh Cha bổ nhiệm 2 nữ tu, 1 nữ giáo dân vào Thánh bộ Giám mục
Thanh Quảng sdb
06:44 13/07/2022
Đức Thánh Cha bổ nhiệm 2 nữ tu, 1 nữ giáo dân vào Thánh bộ Giám mục

(Aleteia)

Lần đầu tiên, phụ nữ và giáo dân được bổ nhiệm vào Thánh bộ Giám mục để chọn lựa giám mục cho thế giới.

Văn phòng Báo chí Tòa thánh ngày 13 tháng 7 năm 2022 công bố Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm 14 thành viên mới vào bộ Giám mục, trong đó lần đầu tiên có 3 phụ nữ.

Ba phụ nữ đó là nữ tu người Pháp Yvonne Reungoat, nguyên Bề trên Tổng quyền Dòng Con Đức Mẹ Phù hộ, nữ tu người Ý Raffaella Petrini, Tổng thư ký của Guồng máy Vatican và bà Maria Lia Zervino Người Argentina, chủ tịch của Liên minh các Tổ chức Phụ nữ Công Giáo Thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Reuters vào ngày 2 tháng 7, Đức Thánh Cha đã thông báo ngài sẽ bổ nhiệm hai phụ nữ vào Bộ Giám mục. Nhưng cuối cùng, Ngài đã bổ nhiệm ba người, trong đó có một nữ giáo dân. Cho đến nay, các thành viên của Giáo triều luôn là nam giới, chủ yếu là các Hồng Y, cũng như một số giám mục.

Công việc của 24 thành viên của Thánh bộ này học hỏi các hồ sơ của các linh mục hoặc giám mục cho các giáo phận trống tòa. Họ phụ thuộc rất nhiều vào công việc được thực hiện bởi các Sứ thần Tòa thánh tại các quốc gia liên quan, với nhiệm vụ chính là đệ trình danh sách ba ứng viên lên Roma cho mỗi giáo phận, gọi là ‘terna’ (đề nghị) được đệ trình lên Đức Thánh Cha để ngài quyết định.

Các thành viên khác

Trong số các vị được bổ nhiệm đáng chú ý khác gồm có bốn giám mục sẽ được tấn phong Hồng Y vào ngày 27 tháng 8, bao gồm:

• Đức Tổng Giám Mục Jean Marc Aveline, Tổng Giáo phận Marseille, Pháp

• Giám mục Oscar, Tổng Giáo phận Cantoni Como, Ý

• Tổng Giám mục Hàn Quốc, Giám mục La-xa-rơ You Heung-sik, và

• Giám mục Arthur Roche, Giám mục Arthur Roche, Tổng trưởng Bộ Phụng tư và Kỷ luật Bí tích.

Bốn vị Hồng Y khác trở thành thành viên của Bộ Giám mục: Giám mục Anders Arborelius của Stockholm (Thụy Điển), Tổng giám mục Jose Advincula của Manila (Philippines), Tổng Giám mục José Tolentino de Mendonça (Bồ Đào Nha), và Mario Grech, Tổng thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục (Malta).
 
1 Hồng Y và 57 linh mục bị giết trong 30 năm qua ở Mễ Tây Cơ
Đặng Tự Do
17:44 13/07/2022


Một báo cáo của Trung tâm Đa phương tiện Công Giáo Mễ Tây Cơ, gọi tắt là CCM, cho thấy từ năm 1990 đến năm 2022, bạo lực ở Mễ Tây Cơ đã cướp đi sinh mạng của một Hồng Y và 57 linh mục.

Tài liệu cũng lưu ý rằng trong ba năm rưỡi đầu tiên của nhiệm kỳ sáu năm của Tổng thống Andrés Manuel López Obrador, bảy linh mục đã bị sát hại trong nước.

Trong trường hợp có lẽ gây chấn động nhất, tổng giám mục của Guadalajara, Hồng Y Juan Jesús Posadas Ocampo, đã bị bắn hạ tại sân bay thành phố vào ngày 24 tháng 5 năm 1993.

“Luận điểm chính thức vào thời điểm đó là bọn tội phạm có tổ chức đã ‘nhầm lẫn’ vị Hồng Y với một trùm tội phạm có tổ chức cấp cao; tuy nhiên, một số nguồn tin chỉ ra rằng các cuộc điều tra mới nhất đồng ý với Đức Hồng Y Sandoval Iñiguez rằng đó là một 'vụ giết người do nhà nước tổ chức'“, báo cáo của CCM viết.

Trong một video vào tháng 5 năm 2016, Đức Cha Sandoval, tổng giám mục hiệu tòa của Guadalajara, nói rằng theo thông tin mà ngài có được, vụ giết người được dàn dựng bởi giám đốc Cảnh sát Tư pháp Liên bang, là người nhận lệnh từ Bộ trưởng Tư Pháp. Vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Giám đốc CCM, Cha Omar Sotelo, nói rằng báo cáo, có thể được truy cập trên trang web của trung tâm, là một cách hợp tác “với sáng kiến cho Ngày Cầu nguyện cho Hòa bình ở Mễ Tây Cơ - 10 tháng 7” được tổ chức bởi các Giám mục Mễ Tây Cơ kêu gọi, Liên Hiệp các Bề trên các dòng tu và tu hội của Mễ Tây Cơ, và Tỉnh Dòng Tên ở Mễ Tây Cơ.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội đã yêu cầu anh chị em giáo dân tưởng nhớ “tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ đã bị sát hại trên đất nước” trong tất cả các thánh lễ được cử hành trong hai ngày cuối tuần 9 và 10 tháng 7.

Họ cũng khuyến khích các tín hữu rằng “như một dấu hiệu tiên tri của Giáo hội chúng ta, trong Bí tích Thánh Thể vào ngày 31 tháng 7, chúng ta cầu nguyện cho các hung thủ, chúng ta cầu nguyện cho cuộc sống của họ và sự hoán cải của tâm hồn họ, chúng ta dang tay đón nhận họ với tấm lòng ăn năn vào nhà của Thiên Chúa. “

Trong một tuyên bố với ACI Prensa, Cha Sotelo lưu ý rằng “lời mời gọi đến với Ngày vì Hòa bình ở Mễ Tây Cơ này là một cơ hội tuyệt vời mà tất cả người Mễ Tây Cơ, không chỉ trong Giáo Hội Công Giáo, mà mỗi người, tương giao, liên kết với nhau và bằng cách này hay cách khác, dệt nên những cây cầu có thể giúp chúng ta chống lại bạo lực này”.

Ngài nói, bạo lực mà Mễ Tây Cơ đang trải qua, “chính xác xuất phát từ quá trình loại trừ tính nhân bản. Không có gì khác, không có từ nào khác: nó đến từ sự mất nhân tính của con người, từ sự thờ ơ đó”.

“Tôi nghĩ đây chính xác là sản phẩm của nhiều năm mà chúng ta đã bỏ rơi những người đàn ông, phụ nữ, đặc biệt là những người trẻ tuổi, những người bị tội phạm có tổ chức tuyển mộ”

Vị linh mục người Mễ Tây Cơ nhấn mạnh rằng “hôm nay Giáo hội hợp tác cùng nhau để cầu nguyện cho các nạn nhân, nhưng cũng cho các thủ phạm. Hôm nay Giáo hội cùng nhau hiệp ý cầu nguyện cho những người đã biến mất, và cho những người đã bắt cóc họ “.

Ngài nói thêm: “Hôm nay Giáo hội mở cửa và có cơ hội tuyệt vời để mời gọi tất cả nhân loại, tất cả những người Mễ Tây Cơ, đóng góp vào hòa bình, đến từ sự tha thứ, đến từ tình yêu và đến từ việc tái nhân bản con người”.

“Tôi tin rằng đây là điều quan trọng nhất và đó là cơ hội tuyệt vời mà chúng ta có với tư cách là một xã hội để đối mặt với tai họa thương tâm mà chúng ta đang trải qua”.

Chỉ trong ba năm rưỡi của chính quyền López Obrador, hơn 121.000 vụ giết người đã được ghi nhận trong cả nước, vượt hơn 156.000 vụ giết người đã gây ra trong nhiệm kỳ sáu năm của người tiền nhiệm, là tổng thống Enrique Peña Nieto.

Từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 7 tháng 7 năm nay, theo số liệu chính thức, 13.679 vụ giết người đã xảy ra ở Mễ Tây Cơ
Source:Catholic News Agency
 
Vatican chấp thuận việc bầu một giáo dân làm người đứng đầu Dòng Thánh Giá
Đặng Tự Do
17:45 13/07/2022


Theo The Pillar, Vatican đã chấp thuận việc bầu một giáo dân làm Bề trên Tổng quyền của Dòng Thánh Giá, là cộng đồng tôn giáo có mặt trên toàn thế giới, và đang quản lý Đại học Notre Dame ở Hoa Kỳ.

Cơ quan truyền thông Hoa Kỳ cho rằng đây là áp dụng đầu tiên của một bản tuyên ngôn mới do Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành vào tháng Năm, cho phép anh chị em giáo dân lãnh đạo các tu hội đời và các dòng tu, thực thi quyền quản lý ngay cả đối với các giáo sĩ. Anh Paul Bednarczyk là giáo dân đầu tiên giữ chức vụ này.

Do các quy định của giáo luật, sự lựa chọn như thế cần phải có sự chấp thuận của Vatican, nơi hiện phải nghiên cứu các cuộc bầu cử này trên cơ sở từng trường hợp – trong một quá trình được gọi là thỉnh nguyện hay postulation. Tông Hiến mới của Giáo triều Rôma, đã có hiệu lực trong một tháng, tạo khả năng cho nam và nữ giáo dân đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh và đảm nhận các chức vụ và chức năng khác vốn chỉ được dành cho hàng giáo sĩ.

Dòng Thánh Giá được thành lập năm 1131 ở Bồ Đào Nha, do Dom Tello cùng với 11 linh mục mà một trong số họ là thánh Theotonius sáng lập. Thánh nhân là bề trên tổng quyền, Ngài được xem như là vị tiền nhân trong việc cải tổ đời sống Thánh hiến ở Bồ Đào Nha. Ngày lễ kính Ngài trong phụng vụ là ngày 18 tháng 2. Vào thời gian đó, có nhiều Kinh sĩ ở Bồ Đào Nha đến xin gia nhập dòng Thánh Giá bởi vì Dòng Thánh Giá ở thời gian đó là trung tâm của phụng vụ, của thần học và trí thức nước Bồ Đào Nha.

Dòng Thánh Giá là nơi đầu tiên trên thế giới có linh đạo về Đức Maria và Bồ Đào Nha là quốc gia đầu tiên được thánh hiến cho Đức Maria Vô Nhiễm vào thế kỷ thứ 18. Dòng Thánh Giá gửi các nhà truyền giáo tới Ấn Độ, Phi Châu và Mỹ Châu La tinh, nhưng chỉ thiết lập một vài cộng đoàn chính ở Bồ Đào Nha. Năm 1834, khi nội chiến xảy ra ở Bồ Đào Nha thì dòng Thánh Giá bị phá huỷ hoàn toàn.

Vào năm 1977, các thành viên trong nhóm linh đạo Sứ vụ của các Thiên Thần xin phục hồi lại dòng Thánh Giá của Bồ Đào Nha cũ. Năm 1979 được sự chấp thuận của bộ dòng tu, Đức Thánh Cha Gioan Phao lô II đã tuyên bố phục hồi lại dòng Thánh Giá cũ của nước Bồ Đào Nha và giao trách nhiệm cho các cha trong nhóm Linh đạo Sứ vụ của các Thiên Thần đảm trách. Giáo Hội cũng ban đặc quyền cho dòng Thánh Giá mới kết hợp với di sản quý giá của dòng Thánh Giá cũ và linh đạo Sứ vụ của các Thiên Thần để giới thiêu linh đạo và hướng dẫn Kitô Hữu tận hiến cho các Thiên Thần theo đúng truyền thống của Giáo Hội, đặc ân này đã được Hội Thánh chuẩn y. Do vậy, dòng Thánh Giá chuyển tải di sản cổ xưa và truyền thống của dòng Thánh Giá cũ vào thời đại mới, làm cho tươi trẻ Hội Thánh qua sự trợ giúp của các Thiên Thần.

Hiến pháp mới của dòng Thánh Giá được Toà Thánh chứng nhận vào năm 2003. Hiện nay dòng Thánh giá thuộc thẩm quyền Giáo Hoàng.
Source:Pillar Catholic
 
Các nhà hoạt động nhân quyền phản ứng sau khi Đức Phanxicô nói rằng thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc tiến triển tốt
Đặng Tự Do
17:46 13/07/2022


Những người ủng hộ nhân quyền đã nêu quan ngại về việc gia tăng các hạn chế đối với các tín hữu Kitô ở Trung Quốc sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận của Tòa thánh với Bắc Kinh sẽ được gia hạn vào mùa thu.

Gần 4 năm sau khi Tòa thánh ký thỏa thuận với Trung Quốc vào tháng 9/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn được công bố trong tuần này rằng ngài tin rằng “thỏa thuận đang tiến triển tốt”.

Những người ủng hộ nhân quyền không đồng ý như thế.

Nina Shea, giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson, nói với CNA vào ngày 6 tháng 7 rằng kể từ khi thỏa thuận được ký vào năm 2018 “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phá hủy tất cả các nhà thờ Công Giáo thầm lặng và thắt chặt sự tuân thủ đường lối cộng sản của giáo hội yêu nước.”

Shea nói: “Sáu cuộc bổ nhiệm giám mục mới được sử dụng để biện minh cho thỏa thuận Bắc Kinh xảy ra với giá phải trả là việc giam cầm, bắt giữ hoặc biến mất của sáu giám mục Công Giáo được Vatican công nhận”.

“Trẻ em hiện bị cấm đến nhà thờ và tiếp xúc với tôn giáo, Kinh thánh bị hạn chế và kiểm duyệt chặt chẽ trên Internet và trong các ứng dụng trên máy tính, nhà thờ bị giám sát bởi công nghệ cao của nhà nước, các linh mục và các nhà lãnh đạo Kitô giáo bị buộc phải truyền bá Kitô Giáo theo tư tưởng cộng sản, và bị buộc phải hỗ trợ tích cực các phương pháp thực hành, sự lãnh đạo và các giá trị cốt lõi của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngay cả trong các bài giảng của họ”

Giám Mục Phaolô Lôi Thế Ngân (Lei Shiyin, 雷世银) của Lạc Sơn, một trong những giám mục Trung Quốc được phong chức bất hợp pháp đã được dỡ bỏ vạ tuyệt thông sau khi Vatican và Trung Quốc ký thỏa thuận, gần đây đã kỷ niệm sự ra đời của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại nhà thờ chính tòa của ông vào ngày 29 tháng 6, thay cho Lễ trọng Hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ.

Theo Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, những người Công Giáo tham dự buổi lễ tại Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Lạc Sơn đã được Ông Lôi Thế Ngân mời “nghe lời Đảng, cảm nhận ơn Đảng và đi theo Đảng”

“Kể từ khi đạt được thỏa thuận, mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn đối với người Công Giáo ở Trung Quốc,” Reggie Littlejohn nói với CNA.

Littlejohn là chủ tịch của Hội Quyền Phụ Nữ Không Biên Giới, một tổ chức hỗ trợ và vận động đang làm việc với phụ nữ ở Trung Quốc. Tổ chức được thành lập để phản ứng lại việc cưỡng bức phá thai và triệt sản theo chính sách một con của Trung Quốc

Cô ấy nói rằng “sự bí mật của thỏa thuận Trung Quốc-Vatican đã được sử dụng để cưỡng bức những tín hữu Công Giáo Trung Quốc.”

Littlejohn kêu gọi Vatican công bố văn bản thỏa thuận tạm thời của Tòa thánh với chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn được giữ bí mật kể từ khi thỏa thuận được ký lần đầu tiên vào năm 2018.

Cô nói: “Những tín hữu Công Giáo không thể bảo vệ bản thân hoặc Giáo hội của họ vì họ không có quyền truy cập vào thỏa thuận bí mật này”.

Khi thảo luận về chính sách ngoại giao của Tòa Thánh với Trung Quốc, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “ngoại giao là nghệ thuật của những điều có thể và làm những việc để biến những điều có thể trở thành hiện thực”.

Shea trả lời: “Thật khó để thấy bằng cách nào mà Đức Giáo Hoàng có thể thành công trong nghệ thuật ngoại giao khi đối phó với một thế lực xấu xa như Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Bà nói: “Tôi nghĩ Vatican nên tích cực ủng hộ giáo hội thầm lặng và lên tiếng vì nhân quyền, chứ đừng tạo điều kiện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc trong khi tự kiểm duyệt về các vấn đề đạo đức quan trọng.”

Các biện pháp mới của chính phủ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 6, cũng đặt việc quản lý tài chính đối với các nơi thờ tự và quyên góp tôn giáo dưới sự kiểm soát của Mặt trận Tổ quốc.

Mặt trận Tổ quốc có nhiệm vụ bảo đảm rằng các nhóm bên ngoài Đảng Cộng sản Trung Quốc, chẳng hạn như người Hồi giáo Tân Cương, Phật tử Tây Tạng, các nhà hoạt động dân chủ Hương Cảng và Hiệp hội Công Giáo Yêu nước, đang đi theo đường lối của đảng. Tập Cận Bình đã gọi Mặt trận Tổ quốc là một trong những “vũ khí ma thuật” của ông, được sử dụng để hợp tác và kiểm soát.

Asia News đưa tin rằng theo các biện pháp mới, chính phủ sẽ giám sát tài chính và hoạt động của các nhóm tôn giáo.

Các linh mục Công Giáo làm việc mục vụ hợp pháp ở Trung Quốc được yêu cầu ký vào một văn bản, trong đó họ hứa sẽ ủng hộ Đảng Cộng sản ở Trung Quốc. Họ chỉ được phép phục vụ ở những nơi thờ tự được công nhận, trong đó trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi không được phép vào.

Theo Asia News, kể từ tháng 3 năm 2022, các nhóm tôn giáo ở Trung Quốc đã bị cấm tiến hành bất kỳ hoạt động tôn giáo nào trực tuyến mà không nộp đơn trước và nhận được sự chấp thuận của Sở Tôn giáo tỉnh. Các bài giảng lễ và truyền trực tiếp Thánh lễ chỉ có thể được đăng trực tuyến sau khi có giấy phép đặc biệt.

Nghị quyết của Nghị viện Âu Châu

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân của Hương Cảng, một nhà phê bình mạnh mẽ về thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc, sẽ phải đối mặt với phiên tòa vào tháng 9 cùng với bốn nhà vận động dân chủ nổi tiếng khác.

Nghị viện Âu Châu đã thảo luận về vụ bắt giữ Đức Hồng Y Quân liên quan đến nhân quyền và pháp quyền vào ngày 7 tháng 7. Nghị quyết kêu gọi chính quyền Hương Cảng bãi bỏ mọi cáo buộc đối với vị giám mục đã nghỉ hưu của Hương Cảng.

Nghị quyết cũng “kêu gọi Vatican tăng cường các nỗ lực ngoại giao và đòn bẩy của mình đối với các nhà chức trách Trung Quốc để yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho Đức Hồng Y Quân và chấm dứt các cuộc đàn áp và vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.”
Source:Catholic News Agency
 
Cuốn sách mới của Giáo hoàng Hàn lâm viện Sự sống "Đạo đức thần học về sự sống. Thánh kinh, Thánh truyền, Các Thách thức thực tế"
Vũ Văn An
19:52 13/07/2022
Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, chủ tịch Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống, đã trả lời phỏng vấn của Vatican Media để giải thích các mục tiêu của tài liệu mang tên "Đạo đức thần học về sự sống. Kinh thánh, truyền thống, những thách thức thực tế" sẽ được bầy bán tại các tiệm sách vào ngày 1 tháng 7.



Cuốn sách trên thu thập các bài viết của cuộc hội thảo nghiên cứu liên ngành do Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống tổ chức tại Vatican hồi năm 2021.

Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, Chủ tịch Giáo hoàng Hàn lâm viện về Sự sống và là người biên tập cuốn sách, đã cùng với với Vatican Media thảo luận về cuốn sách trên.

Hỏi: Thưa Đức Tổng Giám Mục Paglia, cuốn sách rất dài và dày đặc. Dự án này ra đời ra sao?

Sáng kiến này xuất phát từ nhiều lời kêu gọi mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra cho các nhà thần học trong các bài phát biểu và tài liệu của ngài. Chúng ta nghe mọi người nói rằng Đức Thánh Cha không quan tâm đến thần học, nhưng nếu chúng ta chú ý hơn đến những gì ngài thực sự nói, thì có vẻ như không phải vậy. Vì vậy, chúng ta tự hỏi, chúng ta có thực sự lắng nghe giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô không? Có phải chúng ta đang nghiêm túc xem xét lời nói của ngài một cách có hệ thống, chứ không chỉ sử dụng một số cách diễn đạt riêng rẽ bên ngoài bối cảnh các suy nghĩ tổng thể của ngài không? Chúng ta có xem xét những tác động mà các suy xét của ngài có đối với tư tưởng thần học không? Nếu chúng ta xem xét các văn kiện Evangelii gaudium, Laudato si ', Amoris laetitia, và Veritatis Gaudium theo quan điểm này, chúng ta nhận thấy các đề nghị trong đó mở ra một chân trời mới cho thần học và cho nhiệm vụ của các nhà thần học, với sự nhấn mạnh vào đối thoại và sự làm giầu lẫn nhau giữa các loại nhận thức.

Hỏi: Cuốn sách chỉ dành cho những vấn đề về sự sống. Sao lại như vậy?

Đạo đức thần học về sự sống con người là một lĩnh vực đặc biệt mà Hàn lâm viện quan tâm: các vấn đề như tính thân xác và thực hành chăm sóc sức khỏe được quan tâm đặc biệt. Hơn nữa, đây là một lĩnh vực mà sự đổi mới khoa học và kỹ thuật liên tục đòi hỏi phải được suy nghĩ kịp thời. Khi bắt đầu cuộc hành trình của mình, chúng ta đang tiến tới việc kỷ niệm 25 năm thông điệp Evangelium Vitae. Lúc đó, chúng tôi đặt cho mình mục tiêu là đọc lại các chủ đề chính được đề cập trong thông điệp của Thánh Gioan Phaolô II sau khá nhiều năm. Và chúng tôi đã làm điều này bằng cách mời các nhà thần học và các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau tham gia một cuộc hội thảo nghiên cứu diễn ra tại Rome vào năm 2021. Các khách mời của chúng tôi đến từ nhiều châu lục và từng phát biểu các nhạy cảm và cách tiếp cận thần học khác nhau. Cuốn sách đang được xuất bản thu thập các diễn biến của công trình này. Đức Thánh Cha Phanxicô đã được thông báo về từng bước đi và khuyến khích dự án của chúng tôi.

Hỏi: Đức Cha đã viết trong phần giới thiệu rằng cuốn sách này "độc nhất vô nhị". Ý Đức Cha muốn nói gì?

Một mặt, sáng kiến đến từ một Giáo hoàng Hàn lâm viện, một Hàn lâm viện thuộc Tòa thánh, nhưng mặt khác, suy tư của chúng tôi không chỉ giới hạn trong việc giải thích các bản văn của Huấn quyền. Thay vào đó, chúng tôi dự định tạo ra một cuộc đối thoại - như tôi giải thích chi tiết hơn trong phần giới thiệu - giữa các ý kiến khác nhau về các chủ đề thậm chí gây tranh cãi, đề xuất nhiều hiểu biết sâu sắc để thảo luận. Vì vậy, quan điểm của chúng tôi là phục vụ Huấn quyền bằng cách mở ra một không gian đối thoại giúp cho việc nghiên cứu trở nên khả thi và khuyến khích nó. Đây là cách chúng tôi nhìn vai trò của Hàn lâm viện, mà chính Đức Thánh Cha Phanxicô cũng muốn ở tuyến đầu về các vấn đề tế nhị cần được giải quyết thông qua cách tiếp cận xuyên ngành. Việc chăm sóc cách hiểu đức tin phải được tiến hành bằng cách trau dồi lĩnh vực này, nơi cần có những hiểu biết thông sáng và tiến bộ: để lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, Đấng tái giải thích Tin Mừng của Chúa Giêsu hết lần này đến lần khác, để khám phá ra, một cách hữu hiệu mới, các tiến trình trong đó các mô hình của nền văn hóa nhân loại đã thành hình (Veritatis Gaudium). Một phần của thừa tác vụ được ủy thác một cách có thẩm quyền cho Giáo hoàng Hàn lâm viện là phát triển một cách nghiêm túc các tiến trình năng động của Giáo hội, không những chỉ giới hạn trong việc lặp lại các công thức và câu chuyện cũ rích.

Hỏi: Theo Đức Cha, phương pháp làm việc có phải là sự đổi mới chính không?

Vâng, đúng vậy. Tôi đã rõ ngay từ đầu rằng không khí nghiên cứu, đối thoại và thảo luận giữa những người tham gia là điều cần thiết. Như đã đề cập, nhưng điều đáng nhấn mạnh, chúng tôi không những chỉ tìm kiếm cuộc đối thoại giữa các lĩnh vực nhận thức khác nhau, mà còn giữa các quan điểm thần học và các mô hình phát triển trí hiểu đức tin về khôn ngoan và mục vụ: để làm nổi bật sự phong phú của nền thần học Kitô giáo, tính đa dạng Công Giáo của nó. Xương sống của bản văn này là một nền nhân thần học được truyền cảm hứng từ đức tin của Giáo hội trong việc đối thoại thân thiết với nền văn hóa đương thời. Nó là cơ sở để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự sống con người và các vấn đề phức tạp về khoa học và đạo đức trong bối cảnh thế giới ngày nay. Đây là một nỗ lực, và chắc chắn không phải là một nỗ lực hoàn hảo, để chấp nhận lời mời chứa trong Veritatis Gaudium (khoản 3) phải có một thay đổi mô hình triệt để trong suy tư thần học.

Hỏi: Loại tiếp cận này đòi hỏi điều gì để tiến hành cuộc tập huấn của Đức Cha?

Tôi có thể trả lời câu hỏi này bằng cách xem qua các chương khác nhau của cuốn sách (có tất cả 12 chương). Điểm khởi đầu là bản tóm tắt những khía cạnh liên quan nhất trong các bài phát biểu và tài liệu của Đức Thánh Cha Phanxicô. Từ đó, chúng tôi chuyển sang xem xét giáo huấn về sự sống trong Kinh Thánh dựa trên các biến cố Kitô học. Sau một chương tìm cách giải thích các yếu tố chính của nền văn hóa ngày nay, chương tiếp theo đề cập một cách nghiêm túc việc đọc truyền thống huấn quyền và thần học liên quan đến điều răn thứ năm, "chớ giết người." Các chủ đề lương tâm, luật pháp và sự phân định đạo đức sau đó được xem xét. Trong khuôn khổ rộng lớn này, chúng tôi cũng tìm thấy các vấn đề liên quan đến nguồn gốc của sự sống và vai trò của tính dục, đau khổ, cái chết và việc chăm sóc một người sắp chết. Một số vấn đề cụ thể, chẳng hạn như môi trường và sự sống (bao gồm cả sự sống động vật) trên hành tinh, việc sinh sản và phụ tạo có trách nhiệm, chăm sóc người sắp chết và các kỹ thuật mới được bàn bạc như là cơ sở thử nghiệm cho cách tiếp cận tổng thể đã nêu trong các chương trước. Ở cuối sách, chân trời cánh chung căn bản do mặc khải tiết lộ được phác thảo, điều này rất quan trọng để hiểu đúng về sự sống con người và ý nghĩa của nó, và đáng tiếc là ngày nay nó hiếm khi xuất hiện trong lời rao giảng của Kitô giáo.

Hỏi: Những nét căn bản nào của nhân thần học làm nền tảng cho sự phát triển các suy tư được Đức Cha đề nghị?

Phương thức của chủ nghĩa nhân vị (vốn được Đức Gioan Phaolô II mạnh mẽ thúc giục như một nguyên tắc phát triển nhân học của nền thần học Kitô giáo), phải được kết hợp với một công trình nghiên cứu sâu sắc có tính qui Kitô và Giáo Hội học. Việc đáp lại lời mời gọi của Chúa Kitô, trong các hệ luận hiện sinh và trong cách diễn đạt mục vụ, đòi hỏi một sự cam kết thực hiện trong cộng đồng. Chính bằng cách thực hiện theo cách của chúng ta cùng với những người khác, trong chiều kích xã hội và lịch sử, các tiêu chuẩn đạo đức được khai triển. Tuy nhiên, nên lưu ý điều này: chân lý của những điều thiện đạo đức không phải là về sự đồng thuận; nó nói về thực tại của mỗi con người biết sẵn sàng cởi mở đón nhận hiệp thông và tìm được sự nên trọn qua tình yêu, cởi mở với người khác và một nền đạo đức thực sự về tính khác biệt [otherness].

Hỏi: Việc thảo luận cởi mở và tự do trong cuốn sách có phải là dấu hiệu của tính đồng nghị hay không?

Tất nhiên. Không có cách nào khác, đặc biệt là khi nói đến những vấn đề căn bản như những vấn đề liên quan đến nhiều chiều kích khác nhau của sự sống con người. Chúng tôi đã đi theo con đường nghiên cứu và suy gẫm từng dẫn chúng tôi tới chỗ nhìn thấy các vấn đề đạo đức sinh học dưới một ánh sáng mới, bắt đầu với vai trò của sự phân định và lương tâm được đào tạo của tác nhân đạo đức. Chúng tôi làm điều này không những chỉ trong một bầu không khí dạn dĩ [parrhesia] nhằm kích thích và tăng sức cho các nhà thần học, các nhà học thuật, các học giả. Nhưng cũng có thể, với một thủ tục tương tự như quaestiones disputatae [các vấn đề tranh luận]: một khi một luận điểm nào đó được trình bày, cuộc tranh luận có thể bắt đầu. Và tranh luận có thể mở ra những con đường mới tiến lên phía trước, để thúc đẩy nền đạo đức sinh học thần học, gồm cả những khai triển mới nhất được tạo điều kiện thuận lợi bởi những câu hỏi được hệ sinh thái toàn diện và mức độ hoàn cầu to lớn của các vấn đề đặt ra. Cũng giống như những tranh luận thời Trung cổ nói trên: chúng không có cao vọng thay thế Huấn quyền đích thực nhưng muốn mở ra những chân trời mới để suy tư và nghiên cứu, cũng như phục vụ cho sự biện phân cụ thể và có thẩm quyền của nó. Đó chắc chắn là một tiến trình phản ảnh hơi thở và bầu khí đồng nghị mà Đức Thánh Cha Phanxicô mong muốn Giáo hội vận hành. Tiến trình đồng nghị này đã được nhấn mạnh một cách có thẩm quyền trong cuộc hội thảo, bởi các Đức Hồng Y Grech và Semeraro, những vị chủ tọa và thuyết giảng trong các buổi cử hành Thánh Thể. Bản văn bản của các ngài cũng được thu thập trong cuốn sách.

Kỳ tới: Dẫn nhập của cuốn sách và các nhận định của báo chí
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Niềm vui lớn sau đại dịch: Ngày Thánh Mẫu sẽ được tái tổ chức tại Carthage, Missouri từ 4-7 tháng 8
Tỉnh Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc
19:33 13/07/2022


Các Linh Mục, Tu Sĩ Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc - Tỉnh Dòng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, tại Carthage, Missouri, vui mừng và hân hạnh loan báo cùng toàn thể Quý Ông Bà Anh Chị Em Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng như khắp nơi trên thế giới:

NGÀY THÁNH MẪU LẦN THỨ 43 SẼ ĐƯỢC TÁI TỔ CHỨC TẠI CARTHAGE, MISSOURI TỪ NGÀY 4-7 THÁNG 08 NĂM 2022

Sau 2 năm bị gián đoạn vì đại dịch Covid

Kính mời Toàn Thể Ông Bà Anh Chị Em khắp nơi cùng nhau về tham dự ngày này, cùng nhau nối kết tình đồng đạo, đồng hương; phát triển và duy trì những nét văn hóa của người Việt Nam tại Hải Ngoại

Tất cả mọi chi tiết thông tin liên lạc sẽ được đăng tải trên trang web chính thức của Ngày Thánh Mẫu 2022: www.ngaythanhmau.net

Tỉnh Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc rất hân hạn được tiếp đón tất cả Quý Ông Bà Anh Chị Em trong dịp hành hương đặc biệt sắp tới đây. Nguyện xin ơn trên luôn gìn giữ và chúc lành cho tất cả chúng ta.

Carthage, ngày 9 tháng 07 năm 2022

Lm. Philip M. Đỗ Thanh Cao
Lm. Gioan M. Trần Quốc Toản
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Cha Phêrô Trần Lục Mục Tử Giáo Dục Đức Tin
Pt. Phạm Bá Nha
10:52 13/07/2022
Cha Phêrô Trần Lục (1825-1899) Mục Tử Giáo Dục Đức Tin

Cha Trần Lục quan tâm về mặt thiêng liêng cho giáo dân về Giáo Dục Đức Tin. Xưa người Phát Diệm chỉ biết gia đình và nhà thờ. Làm gì có truyền hình hay báo chí. Sáng tối đến nhà thờ xem lễ hay đọc kinh. Về nhà ra đồng cày sâu cuốc bẫm. Rảnh rang trong gia đình chỉ cho nhau học kinh, học bổn hay ngâm ca ca vè Cụ Sáu, không có Karaoke hay băng nhạc CD
Giáo dục về sống đức tin, Cha Trần Lục đã dọn những loại sách nhỏ bỏ túi cho giáo dân chuyền tay nhau. Mỗi xóm có quản giáo (như Giáo Lý Viên) mở lớp tối, mùa trăng, cho trẻ em đến học thuộc lòng. Vì thế các vị bô lão rất thuộc bổn, là vậy.
Chắc Cha Trần Lục viết nhiều sách kinh-bổn, chúng tôi xin tóm lược 4 cuốn hiện có trong tay.

THÁNH GIÁO TỰ LỄ TỔNG GIẢI.
(Explication Sommaire des Gérémonies et fêtes liturgiques
Linh mục Pierre Lục đã soạn, loại bỏ túi, 315 trang, nhà sách Làng Sông, Qui Nhơn (Annam) 1920. Imprimatur: D Grangeon vic.ap, Đại an, die 28 Janvier 1919
ChaTrần Lục đã viết ngay trong Tiểu dẫn về mục đích tác phẩm: Việc gì có căn do, có tường ý vị, mới lưu tâm ham hố, mới toại tình nghĩ ngợi. Vậy, việc thờ phượng Chúa là việc nhứt trong đạo thánh, nếu rõ gốc tích, có biết nghĩa mầu, mới đem lòng thành kính, hứng chí thâm trầm. (P. Lục, Prêtre indigiene. Séminaire Đại an, 1919.

Phần thứ I: Các việc nhà thờ.
Đoạn I: Về nhà thờ
Đoạn II: Về bàn thờ
Đoạn III: Về ba việc khác là:
Khoản I: Về Thánh Giá
Khoản II: Về Chặng Đàng Thánh Giá
Khoản III: Về Nước Thánh

Phần thứ II: Về đồ và Việc làm
Đoạn I: Về các đồ Thầy cả dùng khi làm việc thánh
Đoạn II: Cắt nghĩa chung về các việc trong khi tế lễ

Phần thứ III: Về Lễ Misa
Đoạn I: Từ đầu đến dâng của lễ (Offertorium)
Đoạn II: Từ dâng của lễ đến Sangto (Sanctus)
Đoạn III: Từ Sangto đến Kinh Lạy Cha (Pater)
Đoạn IV: Từ Kinh Lạy Cha đến chịu lễ (Communio)
Đoạn V: Từ chịu lễ đến hết lễ (Postcommunio)
Đoạn VI: Về sự đi xem lễ
Đoạn VII: Chỉ một ít cách xem lễ

Phần thứ IV: Về Phép Thánh Thể và sự đi kiệu
Đoạn I: Về sự để Mình Thánh Chúa
Đoạn II: Về sự viếng Mình Thánh Chúa
Đoạn III: Về Chầu Phép Lành
Đoạn IV: Nói chung về sự đi kiệu
Đoạn V: Về sự đi kiệu Mình Thánh Chúa

Phần thứ V: Về các mùa và các ngày lễ trọng
Đoạn I: Mùa áp ven tô
Đoạn II: Mùa Sinh Nhật
Đoạn III: Từ ch nh 70 đến tuần th
Đoạn IV: Tuần Thánh
Đoạn V: Mùa Phục Sinh
Đoạn VI: Từ lễ Đ.C.T. Ba Ngôi đến hết lễ M. Th Ch
Đoạn VII: Lễ trọng từ Martio đến Junio
Đoạn VIII: Từ Junio đến Octobre
Đoạn I X: Từ Octobre đến cuối năm

Phần phụ thêm
1. Về sự rước Đức Giám Mục
2. Về phép Rửa Tội
3. Về sự tống táng và làm phép mồ
NGHỊ LUẬN KHAI T M
do cha P. Lục soạn, in lần thứ bốn, 71 trang, loại bỏ túi. Imprimatur D. Grangeon, vic. ap. Làng Sông, 31 mars 1928. Imprimerie de Qui Nhơn (Annam) 1928

Tác giả ghi mục đích sách trong Lời Bảo: …Vậy, nay bày ra tập này, có ý giúp các em nhỏ học vần rồi cứ đó mà đọc cho quen; đoạn đem về đọc cho cha mẹ nghe, hầu cha mẹ thấy con đọc giỏi mà ham học, sẽ bằng lòng chịu tốn mà mua sách khác cho con học cho đến khi con nên thông thái. (trang 1-2. P. Lục ký)
Sách nhỏ có các 6 bài giáo lý căn bản, theo hỏi đáp (Nghị - Luận là tên hai người trong tác phẩm):
1. Ai sanh ra ta?
2. Có một Đấng cao cả
Ta sống ở đời này làm chi?
4. Tánh Đấng Tạo hóa
5. Người ta có linh hồn
6. Các vị nước này thờ
Khổng Tử
Phật
Việc cúng quải
Về tiền giấy vàng bạc
7. Bài kết
ẤU HỌC, TRƯỞNG THÀNH NH N
Do cha Trần Lục soạn và nhà in Qui Nhơn xuất bản, 1924. Cha khuyên: Vậy khuyên trẻ nhỏ hãy năng coi sách này mà bắt chước những gương lành thói tốt: còn những đều hư hốt hãy chừa. Nếu luyện tập tánh hạnh nên tốt lành buổi còn thơ, ắt sẽ nhờ khi khôn lớn. Nay khuyên. (P. Lục. Bổn quấc Linh mục)
Tập này kể lại 31 mẩu truyện vui trong đời trẻ em, dễ bắt chước noi theo.
Con nít hai tuổi
Tính con nít 5, 6 tuổi
3. Tính con nít hồi nên chín, mười
4. Lời khuyên con trẻ 13
5. Con Chơn, được trứng gà
6. Con n, thằng Ái
7. Còn nói về thằng n
8. Thấy thì hay chớ rờ
9.Thằng Tâm thằng Đạo
10. Mèo chụp con chim sẻ
11. Con chó trung tín
12. Thằng Úy với tấm gương
13. Nói láo không dám qua cầu
14. Em khôn hơn chị
15. Bài thuốc chữa tật hỗn
16.Thằng May té ra rủi
17. Con Trọng nói tục
18.Thằng Qúi ra hư
19. Bài thuốc chữa bịnh nói hành
20. Chim chóc mào
21. Thằng Tuân trả bạc
22. Tên học trò qua đò
23. Làm ơn chớ trông người trả ơn
24. Lão ngô lão dĩ
25. Ông Luận dạy con
26. Con Lang con Lân
27. Thằng Trung con Ngãi
28. Con dơi hay trở tính
29. Thầy coi số
30. Tích đứa chết trôi
31.Truyện thầy Cử Nhơn
SÁCH KINH
Địa Phận Phát Diệm
Imprimatur, ALEXANDER Ep, Phát Diệm, die 8 Aprilis 1927. HongKong Imprimerie de Nazareth, 1932. 441 trang. Loại bỏ túi.Tựa có ghi: Có lời Đức Chúa Giêsu phán rằng: Phải cầu nguyện liên, đừng bỏ khi nào. Chúng bay hãy tỉnh thức và cầu nguyện cho khỏi sa cơn cám dỗ.
Sách Kinh chia làm 5 phần:
Phần I: Kinh đọc tối sáng ngày thường và Chủ Nhật
Phần II: Các kinh cầu
Phần III: Ngắm các phép Lần Hạt
Phần IV: Kinh đọc khi làm lễ và cám ơn
Phần V: Ngắm Đàng Thánh Gía và ít kinh khác

Cuối bài xin ghi lại KINH CẦU CHO GIÁO PHẬN TRONG NĂM KỶ NIỆM 100 NĂM
THÀNH LẬP 1901-2001

Lạy Thiên Chúa là Cha từ bi nhân hậu. Chúng con xin hết lòng chúc tụng ngợi khen Cha đã cho chúng con được mừng kỷ niệm 100 năm thành lập giáo phận chúng con.

Xin cảm tạ Cha đã ban cho chúng con những nhà truyền giáo nhiệt tâm, sẵn sàng lìa bỏ quê hương xứ sở, liều thân đem hạt giống Tin Mừng đến gieo tại miền đất xa xôi này

Xin cảm tạ Cha đã ban cho chúng con những vị tử đạo dũng cảm đổ máu mình ra để làm chứng cho Chúa Kitô và làm cho hạt giống Tin Mừng nảy sinh nhiều Kitô hữu

Xin cảm tạ Cha đã ban cho tổ tiên ông bà chúng con trung thành giữ đức tin qua mọi thăng trầm của lịch sử, để truyền đức tin lại cho chúng con

Cha đã ban cho chúng con được thừa hưởng một di sản vật chất và tinh thần cao qúi. Xin cho chúng con biết giữ vững truyền thống tốt đẹp của tiền nhân đồng thời cũng biết thích nghi và sáng tạo để có thể đáp ứng nhu cầu của thời đại ngày nay.

Xin cho toàn thể giáo phận chúng con là linh mục tu sỹ và giáo dân được liên kết chung quanh Đức Giám Mục giáo phận luôn hiệp thông với Đức Thánh Cha và Hội Thánh toàn cầu.

Xin cho các gia đình chúng con được luôn biết sống theo Tin Mừng mà tích cực thực hành Bác Ái nhất là đối với những người gặp gian truân đau khổ để làm chứng cho đạo yêu thương của Chúa Kitô.

Đặc biệt xin cho các thanh thiếu niên được giáo dục hẳn hoi và có đức tin vững vàng để luôn sống xứng đáng là con cái Cha trong mọi hòan cảnh của cuộc đời.
Lạy Đức Mẹ Mân Côi, xưa Mẹ hằng vâng theo thánh ý Chúa và gắn bó với Chúa Giêsu. Xin cầu cho chúng con biết noi gương Mẹ mà luôn sống hết tình với Chúa và thành tâm yêu mến mọi người.
Lạy hai Tông Đồ Phêrô và Phaolô, giáo phận chúng con đã nhận các Ngài là Đấng Bảo Trợ, xin cho chúng con được noi gương các ngàu, luôn trung thành theo chân Chúa Kitô, và đem Tin Mừng đến cho những người chưa biết Chúa, để giáo phận chúng con xứng đáng với tên gọi của mình là ‘tỏa ra vẻ đẹp’ của Thiên Chúa trước mặt mọi người. Amen

(Được phép đọc trong nhà thờ
Giám Mục Giuse Nguyễn Văn Yến
Phát Diệm 19.4.2001)

Tài Liệu Tham Khảo
-Thánh Giáo Tư Lễ Tổng Giải. Nhà in Qui Nhơn, 1920
- Nghị Luận Khai Tâm. Nhà in Qui Nhơn, 1928
-Ấu Học, Trưởng Thành Nhân. Nhà in Qui Nhơn, 1924
- Sách Kinh Địa Phận Phát Diệm. Nhà in HongKong, 1932
 
Thông Báo
Sa thải Lm. Martino Mai Anh Tuấn khỏi dòng Ngôi Lời
Lm. Giuse Trần Minh Hùng, SVD
09:29 13/07/2022
DÒNG NGÔI LỜI – Tỉnh Dòng Việt Nam
Văn phòng Tỉnh Dòng
38 Võ Thị Sáu, Phường Phước Long
Tp. Nha Trang, Tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam
Đt: (0258) 388.1100
Email: vanphongsvd@gmail.com

Nha Trang, ngày 9 tháng 7 năm 2022

Số: G.220709.171.TB

Thông Báo

V/v: Sa Thải Lm. Martinô Mai Anh Tuấn Khỏi Dòng Ngôi Lời

Kính gửi: Quý Đức Hồng Y, Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Nam Nữ Tu Sĩ và Quý Ông Bà Anh Chị Em,

Gần đây, Văn Phòng Tỉnh Dòng Ngôi Lời Việt Nam chúng con nhận được một số thắc mắc cũng như phản ảnh về hoạt động của Lm. Martinô Mai Anh Tuấn với “Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc.” Nay, chúng con xin chính thức thông báo và xác nhận một số điều về Lm. Martinô Mai Anh Tuấn như sau:

1. Lm. Martinô Mai Anh Tuấn được thụ huấn và thụ phong linh mục vào năm 2009 tại Tỉnh Dòng Ngôi Lời Chicago, Mỹ.

2. Năm 2009, nhận Bài Sai Truyền Giáo đến Tỉnh Dòng Ngôi Lời SIN (Đài Loan), trực thuộc Bề Trên Giám Tỉnh, Tỉnh Dòng Ngôi Lời SIN (Đài Loan).

3. Ngày 16/12/2020, Bề Trên Giám Tỉnh, Tỉnh Dòng Ngôi Lời SIN ban hành vạ huyền chức (a divinis, GL. 1333) đối với Lm. Martinô Mai Anh Tuấn vì lý do ngoan cổ bất tuân bề trên trong việc tiếp tục hoạt động với “Nhóm Trừ Quỷ Bảo Lộc” khi không được bề trên cho phép.

4. Ngày 2/7/2021, sau khi hội ý với Hội Đồng cố vấn, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Ngôi Lời chính thức ban hành sắc lệnh sa thải Lm. Martinô Mai Anh Tuấn khỏi Dòng Ngôi Lời.

5. Ngày 12/8/2021, Tòa Thánh (Bộ Tu Hội Đời sống Thánh Hiến và Tu Đoàn Đời sống Tông Đồ) chuẩn y việc sa thải Lm. Martinô Mai Anh Tuấn khỏi Dòng Ngôi Lời.

Do việc sa thải nêu trên đã thi hành hợp pháp, thế nên các lời khấn cũng như các quyền lợi và các nghĩa vụ phát sinh từ việc tuyên khấn đương nhiên chấm dứt, đồng thời Lm. Martinô Mai Anh Tuấn không được thi hành Chức Thánh cho đến khi tìm được một giám mục đồng ý chấp thuận cho phép nhập tịch vào giáo phận của ngài (HP Dòng Ngôi Lời số 727 và GL. 701).

Hiệp Nhất Trong Ngôi Lời

(đã ấn ký)

Lm. Giuse Trần Minh Hùng, SVD
Bề Trên Giám Tỉnh

(đã ký)

Lm. Vinh Sơn Trần Trung Bảo, SVD
Thư Ký Tỉnh Dòng
 
VietCatholic TV
Ukraine pháo nổ tung hàng loạt kho đạn Nga, đảo lộn phương án tác chiến của Putin. Di sản của TT Abe
VietCatholic Media
03:30 13/07/2022


1. Lực lượng vũ trang Ukraine phá hủy hàng loạt kho đạn của Nga làm đảo lộn các phương án tác chiến của Putin

Trong bản báo cáo sáng thứ Tư 13 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết một loạt các kho đạn trong vùng Charivne và Nova Kakhovka đã bị nổ tung trong đêm thứ Ba 12 rạng sáng thứ Tư 13 tháng 7.

“Các kho đạn của Nga ở miền Nam Ukraine đã bị tấn công cường tập trong đêm, dẫn đến những vụ nổ lớn và những đám cháy khổng lồ”.

Bộ chỉ huy miền nam của quân đội Ukraine cho biết các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đã bắt đầu với các kho đạn ở Nova Kakhovka hiện do Nga tạm chiếm, cách thành phố cảng Kherson của Hắc Hải, khoảng 35 dặm về phía đông.

Theo hãng tin AP, độ chính xác của cuộc tấn công cho thấy các lực lượng Ukraine đã sử dụng thành thạo Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao phóng hàng loạt do Mỹ cung cấp, hay còn gọi là HIMARS, để tấn công khu vực.

Trong những ngày gần đây, Ukraine cho biết họ có thể mở một cuộc phản công để giành lại lãnh thổ ở phía nam của đất nước khi Nga dành nguồn lực để chiếm toàn bộ khu vực phía đông Donbas.

Một bức ảnh vệ tinh được chụp bởi Maxar Technologies và được phân tích bởi AP cho thấy những thiệt hại đáng kể. Nó giống như một miệng núi lửa khổng lồ nằm chính xác nơi mà trước đây là một nhà kho lớn đã từng đứng sừng sững trong thành phố.

Theo ghi nhận, tình hình miền nam Ukraine diễn biến sôi động, phức tạp nhưng do quân đội Ukraine kiểm soát.

Quân Nga tiếp tục tiến hành các hoạt động quân sự dọc theo tuyến phòng thủ. Để hạn chế các hành động của quân đội Ukraine, người Nga đã khai hỏa từ trọng pháo, hệ thống hỏa tiễn hàng loạt và thực hiện các cuộc không kích định kỳ.

Ở Hắc Hải, lực lượng hải quân của Liên bang Nga đã được tăng lên 5 tàu sân bay hỏa tiễn, và một tàu ngầm cũng đã được bổ sung. Vì vậy, tổng cộng, đối phương luôn sẵn sàng 44 hỏa tiễn Kalibr. Ngoài ra còn có ba tàu đổ bộ lớn ở Hắc Hải.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nhận định rằng các phương án tác chiến mà Putin rất kỳ vọng đang bị đảo ngược trước con số các kho đạn bị liên tục tấn công.

Tưởng cũng nên nhắc lại là hôm 5 tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có một cuộc họp với Putin để báo cáo về chiến thắng tại Lysychansk. Thay vì nhận được những lời khen ngợi, Sergei Shoigu đã nhận được một tin bất ngờ như gáo nước lạnh tạt vào mặt.

Putin nói: “Hôm nay, Đại tướng Alexander Pavlovich Lapin và Đại tướng Lục quân Sergey Vladimirovich Surovikin cũng đã báo cáo với tôi về tiến độ hoàn thành các nhiệm vụ được giao và các đề xuất của họ về việc phát triển các chiến dịch tấn công tiếp theo”.

Hai Đại tướng Alexander Pavlovich Lapin và Sergey Vladimirovich Surovikin đã báo cáo vượt cấp thẳng cho Putin mà không qua Sergei Shoigu.

Nga đang tràn trề hy vọng vào kế hoạch mới này. Tuy nhiên, vấn đề không phải dễ dàng trong tình trạng là Ukraine ngày nay có các hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt từ xa. “Khởi đầu của kế hoạch mới không mấy khả quan,” phát ngôn nhân Bộ Quốc Phòng Ukraine nói.

2. “Tin tốt” sẽ sớm đến - Reznikov về viện trợ quốc phòng của Đức cho Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov gặp Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht. Ông cho biết như sau:

“Tôi đã có một cuộc gặp VTC hiệu quả với đồng nghiệp người Đức DefMin Christine Lambrecht. Chúng tôi đã thảo luận về việc Đức cung cấp vũ khí cho Ukraine để tăng cường khả năng quốc phòng của chúng ta”.

Người đứng đầu quốc phòng cảm ơn các đối tác Đức của Ukraine vì “cam kết kiên định” để hỗ trợ quốc gia đang gặp khó khăn.

“Chúng ta sẽ sớm có tin tốt,” Reznikov kết luận, nhưng không nói cụ thể cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về nguồn cung cấp mới.

Trước đó, trong một video gởi quốc dân đồng bào, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy của Ukraine, phát biểu trong một địa chỉ video, nói rằng các hành động khủng bố của Nga chỉ có thể bị ngăn chặn bằng vũ khí hiện đại, chính xác cao và mạnh mẽ.

3. Số người chết tại Chasiv Yar lên tới 45

Theo Kyiv Independent, số người chết sau vụ tấn công bằng hỏa tiễn cuối tuần của Nga vào một khu chung cư dân cư ở Chasiv Yar, miền đông Ukraine, đã tăng lên ít nhất 45 người vào hôm thứ Ba, theo Kyiv Independent.

Tờ báo đưa tin, dịch vụ khẩn cấp của bang cho biết hiện họ đã kéo được 45 thi thể ra khỏi đống đổ nát, trong đó có một trẻ em.

Cuộc tấn công hỏa tiễn hôm thứ Bảy đã phá hủy tòa nhà năm tầng và làm hư hại một số tòa nhà khác ở thành phố vùng Donetsk.

9 người đã được giải cứu, tờ báo cho biết, và chiến dịch cứu hộ vẫn đang diễn ra.

Vào tối ngày 9 tháng 7, quân xâm lược Nga đã tấn công một tòa nhà chung cư 5 tầng ở Chasiv Yar, vùng Donetsk bằng Uragan MLRS. Hai lối vào tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn.

4. Vladimir Putin sẽ thăm Iran vào tuần tới

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Iran vào tuần tới. Diễn biến này xảy ra chỉ một ngày sau khi Mỹ cảnh báo rằng Tehran có thể cung cấp máy bay không người lái cho Mạc Tư Khoa để thực hiện hành động ở Ukraine.

Maria Zakharova cho biết trong chuyến công du tới Tehran vào thứ Ba tới, ông Putin sẽ tham dự cuộc họp ba bên với các nhà lãnh đạo Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, được gọi là định dạng Astana cho các cuộc đàm phán liên quan đến Syria.

Chuyến thăm của Putin tới Iran sẽ tiếp nối chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Israel và Saudi Arabia trong tuần này, nơi chương trình hạt nhân và các hoạt động của Iran trong khu vực sẽ là chủ đề thảo luận chính.

Bộ Ngoại Giao Nga cũng nói với các phóng viên rằng trong chuyến thăm Tehran, ông Putin cũng sẽ có cuộc gặp riêng với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan.

Vào tháng 3, Erdoğan đã giúp hòa giải các cuộc đàm phán giữa các đại diện của Nga và Ukraine tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Tưởng cũng nên nhắc lại, nguy cơ thế chiến thứ ba đã tăng lên một mức độ mới sau khi Hoa Kỳ cảnh báo rằng Iran đang tích cực tham gia vào cuộc chiến ở Ukraine qua việc cung cấp máy bay không người lái cho Nga cũng như huấn luyện các binh sĩ Nga sử dụng các khí tài chiến tranh này.

Tòa Bạch Ốc cho biết Iran đang chuẩn bị cung cấp cho Nga “hàng trăm” máy bay không người lái, bao gồm cả máy bay không người lái có khả năng mang vũ khí, để sử dụng trong cuộc xâm lược đang diễn ra vào Ukraine.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết không rõ liệu Iran đã cung cấp bất kỳ hệ thống không người lái nào cho Nga hay chưa, nhưng cho biết Mỹ có “thông tin” cho thấy Iran đang chuẩn bị huấn luyện các lực lượng Nga sử dụng chúng ngay trong tháng này.

Sullivan nói với các phóng viên:

Thông tin của chúng tôi chỉ ra rằng chính phủ Iran đang chuẩn bị cung cấp cho Nga tới vài trăm máy bay không người lái, bao gồm cả các máy bay không người lái có khả năng mang vũ khí theo một lịch trình khẩn cấp.

Ông nói rằng sự phát triển này là bằng chứng giải thích cho các cuộc oanh tạc dữ dội của Nga ở Ukraine, đã khiến Nga giành được một số lợi thế ở miền đông của Ukraine trong những tuần gần đây.

Khẳng định của Sullivan được đưa ra một ngày trước chuyến đi của Joe Biden tới Israel và Ả Rập Xê-út, nơi chương trình hạt nhân và các hoạt động thù địch của Iran trong khu vực sẽ là chủ đề thảo luận chính.

Ông Sullivan lưu ý rằng Iran đã cung cấp các phương tiện bay không người lái tương tự cho phiến quân Houthi của Yemen để tấn công Ả Rập Xê-út trước khi đạt được lệnh ngừng bắn vào đầu năm nay.

5. Di sản của Abe là một thế giới được chuẩn bị tốt hơn để đối đầu với Trung Quốc

Tờ Washington Post có bài bình luận nhan đề “Abe’s legacy is a world better prepared to confront China”, nghĩa là “Di sản của Abe là một thế giới được chuẩn bị tốt hơn để đối đầu với Trung Quốc”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Thứ Sáu là một ngày bàng hoàng, đau buồn và giận dữ ở Nhật Bản và trên toàn thế giới sau vụ ám sát cựu thủ tướng Shinzo Abe. Nhưng khi nỗi đau đã nguôi ngoai và sử sách được viết ra, Abe sẽ được ghi nhớ trên tất cả vì những đóng góp sớm và quan trọng của ông trong phản ứng lâu dài của thế giới đối với những thách thức do sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Những lời chia buồn đến từ các nhà lãnh đạo thế giới phản ánh sự kính trọng quốc tế mà Abe giành được trong sự nghiệp chính trị và ngoại giao lâu dài của mình, bao gồm hai nhiệm kỳ Thủ tướng, một chức vụ mà ông giữ lâu hơn bất kỳ ai trong lịch sử Nhật Bản. Nhiều chứng tá đã công nhận cam kết của Thủ tướng Abe trong việc củng cố trật tự quốc tế vốn đã mang lại cho khu vực Đông Á một nền hòa bình, thịnh vượng và an ninh kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Abe là một trong những nhà lãnh đạo quốc tế sớm nhất nhìn ra quyết tâm của Bắc Kinh trong việc sử dụng sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của mình để phá hoại hệ thống đó - và cũng nhận ra cần phải làm gì để chống lại dã tâm đó.

Abe đã định hướng lại chính sách đối ngoại của Nhật Bản để tập trung vào cạnh tranh lâu dài với Trung Quốc khi các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và các nước khác trên thế giới vẫn bám vào cách tiếp cận dựa trên sự can dự với Bắc Kinh. Chương trình kinh tế của ông, được gọi là “Abenomics” (cuối cùng đã mang lại kết quả hỗn hợp), là một phần trong sứ mệnh của ông để chứng minh rằng Nhật Bản có thể giúp dẫn đầu phản ứng quốc tế đối với sự đi lên của Trung Quốc.

Tomohiko Taniguchi, cố vấn chính sách đối ngoại và là người viết các bài phát biểu của Abe trong một thời gian dài, nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn rằng Abe hiểu rằng Tokyo phải làm ba điều nếu muốn chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong dài hạn: Nhật Bản sẽ phải tăng cường nền kinh tế, tái đầu tư trong quan hệ đồng minh với Hoa Kỳ, và mở rộng quan hệ ngoại giao bằng cách tiếp cận với Úc và Ấn Độ.

Người Mỹ có thể nhớ đến Abe vì khả năng kết nối hiếm có của ông với Tổng thống Donald Trump. Abe tỉ mỉ vun đắp mối quan hệ của mình với Trump, bảo đảm rằng ông là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Tháp Trump sau cuộc bầu cử tháng 11 năm 2016 và là người đầu tiên đến thăm Trump tại Mar-a-Lago.

Vào năm 2017, các bức ảnh xuất hiện cho thấy Trump và Abe đang kiểm tra thông tin tình báo về vụ phóng hỏa tiễn được phân loại của Triều Tiên dưới ánh sáng của đèn pin điện thoại khi các vị khách câu lạc bộ Florida của Trump đứng nhìn. Đó là khoảnh khắc nắm bắt được tình thế tiến thoái lưỡng nan của Abe khi đối phó với sự hỗn loạn của chính trường Hoa Kỳ. Tổng thống Trump đã coi Abe như một chính khách cấp cao và là một người bạn thân thiết, cũng như Tổng thống Barack Obama tiền nhiệm. Đây là một minh chứng cho kỹ năng ngoại giao cá nhân của Abe.

“Ông ấy biết hai điều: sự hiện diện liên tục của Hoa Kỳ là rất quan trọng đối với khu vực và hơn thế nữa, để Hoa Kỳ tiếp tục tham gia vào khu vực, Nhật Bản là điều quan trọng,” Taniguchi nói với tôi. “Những nỗ lực xây dựng mối quan hệ khéo léo của ông ấy với cả Obama và Trump đều dựa trên sự cân nhắc theo chủ nghĩa hiện thực đó.”

Abe là một chính trị gia bảo thủ, theo chủ nghĩa dân tộc, tin tưởng vào các liên minh, chủ nghĩa đa phương, nhân quyền và việc củng cố trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

“Ông ấy theo đuổi một thương hiệu chính trị bản sắc mới, tôn vinh sự cởi mở về kinh tế và bản sắc hàng hải của đất nước, những thứ sẽ làm nền tảng cho các thế hệ sau,” Taniguchi nói.

Phần lớn khuôn khổ khái niệm cho chiến lược ngày nay của Hoa Kỳ ở Đông Á có thể được bắt nguồn từ các sáng kiến và các bài phát biểu của Abe, chẳng hạn như ý tưởng về một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Công việc của Abe nhằm tập hợp Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ là công cụ trong việc hình thành nhóm ngoại giao chính thức hiện nay được gọi là “Tứ Cường” với chủ trương giữ vững chủ quyền và không nhượng bộ bất kỳ điều kiện nào của Trung Quốc để đổi lấy việc nối lại các cuộc đối thoại cấp cao, nhưng cũng không áp dụng một giọng điệu thách thức và vẫn sẵn sàng tham gia với Trung Quốc trong các lĩnh vực có thể hợp tác được.

Abe nói trong một bài phát biểu năm 2014 tại Singapore: “Ý tưởng tuyệt đối về nhà nước pháp quyền, là một trong những trụ cột tuyệt vời cho nhân quyền, đã bắt rễ sâu hơn. Tự do, dân chủ và pháp quyền, là điều làm nền tảng cho dân chủ và tự do, tạo thành một giọng nam trầm phong phú của Á Châu - Thái Bình Dương hỗ trợ giai điệu được chơi bằng một phím sáng và vui tươi. Tôi thấy mình bị thu hút bởi âm thanh đó ngày này qua ngày khác”.

Trong số những thành tựu liên quan khác của Abe, ông đã cải cách bộ máy quan chức an ninh quốc gia của Nhật Bản, mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và cứu hiệp định thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương khi Hoa Kỳ rút khỏi, bằng cách đổi tên nó thành Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ cho Chuyển đổi. - Hiệp định Đối tác Thái Bình Dương (CPTPP). Đúng với bản chất thực dụng của mình, ông đã đồng thời làm giảm căng thẳng trong mối quan hệ song phương Nhật - Trung.

Không phải tất cả các kế hoạch của Abe đều thành công. Theo bước chân của cha mình, một cựu ngoại trưởng Nhật Bản, Abe đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin hàng chục lần trong nhiều năm với nỗ lực thất bại trong việc giải quyết các tranh chấp lịch sử của đất nước họ. Đường lối cứng rắn của Abe đối với Triều Tiên đã khiến ông lạc hậu với cả chính sách của Trump và Obama. Việc ông nhượng bộ trước những hành động tàn bạo thời chiến của Nhật Bản đã làm mất đi tiềm năng tiến triển trong mối quan hệ đang gặp khó khăn của Nhật Bản với Hàn Quốc.

Một trong những hành động ngoại giao cuối cùng của Abe, vào đầu năm nay, là gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự đe dọa ngày càng nguy hiểm của Trung Quốc đối với Đài Loan. Ông công khai kêu gọi Hoa Kỳ từ bỏ chính sách “mơ hồ chiến lược” và tuyên bố công khai ý định đứng ra bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tấn công.

Ông viết: “Thảm kịch nhân loại xảy ra với Ukraine đã dạy cho chúng ta một bài học cay đắng. Không còn chỗ cho sự nghi ngờ trong quyết tâm của chúng ta liên quan đến Đài Loan và trong quyết tâm bảo vệ tự do, dân chủ, nhân quyền và pháp quyền.”

Trong phạm vi mà phương Tây đã chuẩn bị để bảo vệ những giá trị này khi Trung Quốc tìm cách làm xói mòn chúng, tổng thống Abe xứng đáng được nhìn nhận những công lao đáng kể. Đó là một di sản mà ngay cả vụ ám sát tàn bạo mà ông phải chịu cũng không bao giờ có thể làm lu mờ di sản này.
Source:Washington Post
 
Đức Tổng Giám Mục Gänswein: Lạm dụng tai tiếng lạm dụng là vụ 11/9 của chính Giáo hội. Tình trạng của GH Mexico
VietCatholic Media
05:08 13/07/2022


1. Đức Giáo Hoàng cảnh báo rằng các linh mục lạm dụng giết chết các linh hồn

“Là một linh mục, tôi phải giúp mọi người phát triển và cứu họ. Nếu tôi lạm dụng, tôi giết họ. Điều này thật tồi tệ. Không thể khoan nhượng. “

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra lập trường trên khi phản ánh về tội ác lạm dụng tình dục linh mục trong cuộc phỏng vấn ngày 2/7 với Reuters. Phần phỏng vấn trong đó Đức Giáo Hoàng nói về lạm dụng tình dục vừa được công bố hôm 8 tháng 7.

“Sau Boston, Giáo hội bắt đầu từ từ không khoan nhượng và tiến về phía trước. Và tôi nghĩ hướng đi đó là không thể đảo ngược “, Đức Phanxicô nói, khi nhắc đến vụ tai tiếng lạm dụng tình dục ở Tổng giáo phận Boston được đưa ra ánh sáng vào năm 2002.

Như người tiền nhiệm của mình, Đức Phanxicô đã thực hiện nhiều động thái khác nhau để giúp Giáo hội chiến đấu với tội ác này hơn nữa. Một trong những quyết định đó được đưa ra vào đầu năm nay, khi Đức Thánh Cha thay đổi cấu trúc của cơ quan giáo lý của Giáo hội để cung cấp cho cơ quan này các nguồn lực và sức mạnh kỷ luật tốt hơn.

Ngài chia CDF (nay là DDF) thành hai bộ phận riêng biệt, một bộ phận giáo lý và một bộ phận kỷ luật, mỗi bộ phận đều có các nhà lãnh đạo riêng của họ.

Trong khi Đức Thánh Cha Phanxicô công nhận rằng tội lỗi lạm dụng tình dục xảy ra trong môi trường rộng lớn hơn nhiều so với Giáo hội, nhưng ngài nhấn mạnh rằng công việc của Giáo hội đang dẫn đầu trong việc đối phó với vấn nạn này.

Đức Giáo Hoàng đã trích dẫn một cuộc gặp gỡ gần đây với những du khách đã nói với ngài rằng ở đất nước của họ có khoảng 46% lạm dụng xảy ra trong gia đình và lưu ý rằng “điều này thật khủng khiếp”. Tại Hoa Kỳ, ước tính con số này còn cao hơn, với khoảng một nửa số vụ lạm dụng tình dục trẻ em đến từ một thành viên trong gia đình.

Nhưng Đức Giáo Hoàng nói thêm: “Điều này không biện minh cho bất cứ điều gì”: Ngay cả khi đó chỉ là một trường hợp lạm dụng duy nhất do một linh mục thực hiện, nó sẽ là điều đáng xấu hổ và cần phải đấu tranh.

Ngài nói: “Chúng ta phải chiến đấu chống lại mọi trường hợp”.

Đức Giáo Hoàng cũng ca ngợi công việc của Đức Hồng Y Sean O'Malley, tổng giám mục hiện tại của Boston và Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, và Thư ký Ủy ban là Cha Andrew Small, Dòng Hiến Sĩ Đức Mẹ Vô Nhiễm, người Anh là những người đàn ông “can đảm” đáng được công nhận.

Đức Giáo Hoàng tái khẳng định rằng ngài hoàn toàn ủng hộ công việc của Ủy ban.
Source:Aleteia

2. Đức Tổng Giám Mục Gänswein: Cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục là vụ 11/9 của chính Giáo hội

Giáo Hội đang hứng chịu một 'thảm họa tận thế'. Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein,Thư ký của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô XVI, đã mô tả cuộc khủng hoảng lạm dụng giống như “ngày 11 tháng 9 đối với Giáo Hội Công Giáo”.

Ngài nói: “Giáo hội trông đầy bối rối trước sự kiện 11 tháng 9 của chính mình”, đồng thời giải thích rằng sự so sánh này không phải vì “thảm họa” của vụ lạm dụng “gắn liền với một ngày duy nhất, mà là rất nhiều ngày và nhiều năm, và vô số nạn nhân.”

“Đừng hiểu lầm tôi,” Đức Tổng Giám Mục nói. “Tôi không so sánh các nạn nhân bị lạm dụng với 2.996 người đã mất mạng trong các cuộc tấn công đó,” Đức Cha Gänswein nói, theo trang web katholisch.de.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã đưa ra lập trường trên trong buổi giới thiệu cuốn sách Sự lựa chọn của Bênêđíctô ở Ý, do Rod Dreher viết.

Vụ tấn công 11 tháng 9 xảy ra như một “thảm họa tận thế.” Theo cách tương tự, Giáo hội đang phải hứng chịu một thảm họa như thế.

“Đền Thờ Thánh Phêrô vẫn đứng vững, cũng như các vương cung thánh đường và thánh đường khác ở Âu Châu, từ Florence đến Chartres, đến Munich. Tuy nhiên, tin tức liên quan đến tất cả những linh hồn bị thương nặng này, đối với các linh mục chúng tôi, gửi một thông điệp còn khủng khiếp hơn tiên báo sự sụp đổ bất ngờ của tất cả các tòa nhà của Giáo Hội”

Đức Tổng Giám Mục Gänswein, người tháp tùng Giáo hoàng Benedict XVI trong chuyến công du đến Hoa Kỳ, đặc biệt nhớ ngày 16 tháng 4 năm 2008, khi Đức Giáo Hoàng gặp các giám mục, bị chấn động bởi tin tức vào thời điểm đó là tội lỗi lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên và nỗi buồn bao la của cộng đồng Giáo hội do “hành vi vô đạo đức nghiêm trọng” của những người thuộc Giáo hội.

Ngài nhấn mạnh rằng, tội lỗi lạm dụng tình dục còn có một chiều kích khác nữa là tội lỗi lạm dụng những vụ lạm dụng, một ám chỉ rõ ràng đến Tiến Trình Công Nghị tại Đức.
Source:Aleteia

3. Giám mục Mễ Tây Cơ đề xuất một “hiệp ước xã hội” bao gồm cả các băng nhóm tội phạm có tổ chức

Đức Cha Sigifredo Noriega của Zacatecas, Mễ Tây Cơ, đang đề xuất một “hiệp ước xã hội” bao gồm cả các băng nhóm “tội phạm” để chấm dứt bạo lực lan rộng trong nước. Kể từ năm 2006, Mễ Tây Cơ đã phải hứng chịu một vòng xoáy bạo lực khiến khoảng 340.000 người thiệt mạng.

Kể từ khi cuộc tấn công quân sự chống tội phạm có tổ chức được phát động, hàng chục nghìn người cũng đã biến mất. Đức Cha Sigifredo Noriega biện minh cho hiệp ước xã hội của mình bằng cách nói rằng họ cần phải hòa nhập toàn xã hội để thoát khỏi khủng hoảng.

“Cam kết của chúng tôi là đối thoại xây dựng một con đường công lý và hòa giải dẫn chúng ta đến hòa bình,” vị giám mục Mễ Tây Cơ nói, sau khi hai linh mục Dòng Tên bị sát hại vào ngày 20 tháng 6 ở bang Chihuahua.

Về phần mình, Tổng thống Mễ Tây Cơ, Andrés Manuel López Obrador, bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất “tha thứ” của Giáo hội, nhưng nói rõ rằng chính phủ của ông “không thương lượng” với tội phạm.

Người ta ước tính rằng ba năm rưỡi đầu tiên của chính quyền hiện tại của López Obrador là thời kỳ bạo lực nhất được ghi nhận trong lịch sử Mễ Tây Cơ, với hơn 120.000 vụ giết người.

Trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2018, Andrés López hứa hẹn sẽ có các phương án vãn hồi trật tự tại Mễ Tây Cơ. Ông thắng cử dễ dàng vì người dân Mễ Tây Cơ âu lo trước tình trạng an ninh trật tự dưới thời tổng thống Enrique Nieto. Tuy nhiên, từ ngày ông Andrés López cầm quyền, tình trạng xem ra càng thê thảm hơn. Ông thực ra chẳng có đối sách gì cả và ngày càng lúng túng trong việc điều hành đất nước.

Tháng 10 năm 2019, trong một diễn biến hết sức bi đát, giáo phận Cuernavaca đã phải đình chỉ tất các Thánh lễ buổi tối vì tình trạng bất an trong thành phố và bang Morelos. Ngay cả lễ Đêm Giáng Sinh cũng bị hủy bỏ.


Source:noticiasenlamira.com
 
Putin tê tái: Các sĩ quan của Sư Đoàn Dù họp, trúng phải HIMAR, tử trận, chỉ còn duy nhất một người
VietCatholic Media
17:38 13/07/2022


1. Các chỉ huy phó của sư đoàn Dù 106 bị loại khỏi vòng chiến, chỉ còn một người

Tờ Newsweek, số ra ngày 12 tháng 7, có bài tường thuật nhan đề “Strike Kills Nearly Every Deputy Commander in Russian Division: Ukraine” nghĩa là “Ukraine cho biết một cuộc tấn công đã bị loại khỏi vòng chiến gần như tất cả các chỉ huy phó trong một sư đoàn”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.

Theo quân đội Ukraine, một cuộc tấn công của lực lượng Ukraine đã loại khỏi vòng chiến tất cả các chỉ huy phó, chỉ còn một người sống sót. Những sĩ quan xấu số này đã tham gia trong một cuộc họp các chỉ huy phó trong sư đoàn.

Một báo cáo đăng trên trang Telegram của văn phòng truyền thông của Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết các chỉ huy phó đã bị loại khỏi vòng chiến bởi cuộc tấn công bằng hỏa lực HIMARS, tức là Hệ thống hỏa tiễn cơ động cao, gần Shakhtarsk, một thành phố ở vùng Donetsk, miền đông Ukraine. Một chỉ huy phó không chết nhưng đang “trong tình trạng nghiêm trọng”.

Bài đăng trên Telegram, được xuất bản hôm thứ Ba, không nói rõ liệu cuộc tấn công HIMARS có diễn ra vào thứ Ba hay không. Newsweek đã không thể xác minh độc lập báo cáo của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga và Ukraine đã được liên hệ để xác nhận và đưa ra bình luận.

Những cái chết được cho là của các chỉ huy phó nằm trong số những tổn thất được báo cáo mà Nga đã chứng kiến kể từ những chiến thắng nổi bật trong việc giành quyền kiểm soát thành phố Severodonetsk và vùng Luhansk. Hôm thứ Ba, Ukraine tuyên bố loại khỏi vòng chiến Thiếu tướng Artem Nasbulin sau một cuộc tấn công HIMARS khác ở khu vực Kherson miền nam Ukraine. Một nhóm chống chiến tranh cho biết hôm Chúa Nhật rằng hơn 100 quân nhân Nga đã trở về nhà sau khi từ chối tham gia cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong khi Bộ Nội vụ Ukraine hôm thứ Hai thông báo rằng lính biên phòng Ukraine đã tiêu diệt một nhóm trinh sát Nga ở khu vực Donetsk.

Sau khi các lực lượng Nga chiếm Luhansk vào tuần trước, Putin đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị tham gia vào cuộc tấn công trong khu vực tạm dừng và nghỉ ngơi để họ có thể “lấy lại sức mạnh” và chuẩn bị tái chiến.

“Các đơn vị đã tham gia chiến đấu tích cực và đạt được thành công, chiến thắng trên hướng Luhansk, tất nhiên, nên nghỉ ngơi, tăng cường khả năng chiến đấu của họ,” Putin nói.

Nhưng điều này vẫn chưa dừng hoàn toàn các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ cung cấp các đánh giá thường xuyên về tiến trình của cuộc chiến, cho biết trong báo cáo ngày 10 tháng 7 rằng việc tạm dừng “phần lớn được đặc trưng bởi quân đội Nga tập hợp lại để nghỉ ngơi, tái trang bị và tái bố trí; bắn pháo hạng nặng vào các khu vực xung yếu để tạo điều kiện cho các cuộc tiến công trên bộ trong tương lai; và các cuộc tấn công thăm dò hạn chế để xác định điểm yếu của Ukraine và xây dựng cấu trúc các phản ứng chiến thuật phù hợp “.

“Như ISW đã lưu ý trước đây, việc tạm dừng hoạt động không có nghĩa là chấm dứt hoàn toàn các hành vi thù địch, mà là các hành động thù địch đang diễn ra có tính chất chuẩn bị hơn”, báo cáo cho biết thêm.

Đánh giá ngày 11/7 của ISW cho biết, các lực lượng Nga đã tiến hành “các cuộc tấn công bộ binh hạn chế và không thành công” ở phía tây bắc thành phố Slovyansk trong vùng Donetsk, cũng như phía tây thành phố Donetsk.

Quân đội Nga cũng tiến hành các cuộc không kích và pháo binh xung quanh các thành phố Siversk và Bakhmut trong khu vực Donetsk và tiến hành “các cuộc tấn công cục bộ” ở phía tây bắc thành phố Kharkiv, ISW cho biết.

2. Cựu Tổng thống Ba Lan Kwasniewski nói về các kịch bản chiến tranh có thể xảy ra ở Ukraine

Vladimir Putin đã mắc một sai lầm lịch sử khi bắt đầu một cuộc chiến toàn diện ở Ukraine, và Nga sẽ phải trả một giá rất đắt cho điều này. Tuy nhiên, cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine có thể kéo dài khi không thể loại trừ tình trạng “đóng băng” trong cuộc chiến ở một thời điểm nào đó.

Cựu Tổng thống Ba Lan từ 1995 đến 2005, Alexander Kwasniewski, đã đưa ra lập trường trên hôm thứ Hai 11 tháng 7.

Cựu lãnh đạo Ba Lan nhấn mạnh rằng ông luôn tin rằng Putin muốn nắm toàn bộ Ukraine dưới quyền kiểm soát của mình chứ không chỉ một phần ba đất nước. Cựu Tổng Thống Kwasniewski nhắc nhớ rằng ngay từ năm 2002, Putin đã nói với ông về mục tiêu chiến lược của mình là tái thiết nước Đại Nga, điều mà cựu tổng thống lưu ý là khó có thể tưởng tượng là không có Ukraine trong cái nước Đại Nga ấy. Do đó, trong những năm sau đó, ông nhận thức được rằng chính vì vậy mà Nga đã gây áp lực chính trị và kinh tế, sử dụng khí đốt làm phương tiện tống tiền và cản trở việc ký kết Hiệp định Liên minh giữa Ukraine và Liên Hiệp Âu Châu.

“Tuy nhiên, tôi chân thành thừa nhận rằng đối với tôi, dường như Putin là một người thực dụng nên ông ấy sẽ không tấn công Ukraine, bởi vì điều đó trông giống như một sự điên rồ. Nhưng ông ta cuối cùng đã làm như thế. Putin đã mắc một sai lầm lịch sử, cái giá phải trả sẽ rất lớn đối với Nga”, Cựu Tổng Thống Kwasniewski nhấn mạnh.

Theo nhà cựu lãnh đạo Ba Lan, cuộc chiến của Nga chống Ukraine có thể còn kéo dài. Một mặt, Putin không muốn thua trong cuộc chiến nên sẽ tiếp tục gây hấn với cường độ khác nhau.

“Mặt khác, Ukraine không thể đầu hàng vì Ukraine giờ đây đã bị thuyết phục về tính đúng đắn của mình, họ chiến đấu vì đất đai, quyền lợi của mình, vì sự an toàn của người dân. Nếu phương Tây giúp đỡ và đã cam kết làm như vậy, đặc biệt là về mặt quân sự, thì họ sẽ cung cấp càng nhiều vũ khí nếu cần, và nhiều hơn thế nữa. Tính đến tất cả những điều này, điều đó có nghĩa là cuộc chiến có thể kéo dài và mệt mỏi”

Cựu Tổng Thống thừa nhận rằng ông khó có thể hình dung ra một bước ngoặt của cuộc chiến khi cả hai bên sẽ sẵn sàng nhượng bộ và ngồi xuống bàn đàm phán.

“Tôi không tin rằng Putin đã sẵn sàng nhượng bộ và trở lại tình trạng trước ngày 24 tháng 2 trong điều kiện Nga đã hiện diện ở phía nam, khi ông ấy mở một hành lang tới Crimea và giành quyền kiểm soát Biển Azov và Mariupol. Đồng thời, tôi không thể tưởng tượng được bất kỳ chính trị gia Ukraine nào lại bắt đầu nói về bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ nào cho Nga. Do đó, một giải pháp hòa bình cho vấn đề là hoàn toàn không thể rằng vào lúc này”

Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ tình trạng “xung đột bị đóng băng tại một thời điểm nhất định”

“Nếu cả hai bên, đặc biệt là người Nga, thừa nhận rằng họ đã cạn kiệt sức người và lực lượng, cần thời gian để hồi phục, thì sáng kiến đình chiến nào đó có thể xuất hiện. Trước tình hình cạn kiệt tài nguyên, lực lượng và phương tiện, cũng có thể phía Ukraine chấp nhận. Nhưng chúng tôi biết xung đột đóng băng là gì. Trong điều kiện như vậy, rất khó để phát triển hoặc có bất kỳ kế hoạch sâu rộng nào, bởi vì hôm nay xung đột đã bị đóng băng, và ngày mai nó có thể không bị đóng băng. Trong tất cả các kịch bản, kịch bản này có vẻ là khả thi nhất”, cựu tổng thống Ba Lan tuyên bố.

Ông nhấn mạnh rằng, cho đến hôm nay, ông không thấy có cơ hội về một thỏa thuận hòa bình nào giữa Ukraine và Nga, có thể được bảo đảm bởi các cường quốc nổi tiếng nhất thế giới.

3. Nga không đạt được mục tiêu ban đầu là chiếm Ukraine, giờ đang chuẩn bị sát nhập các khu vực đã chiếm được

Nga đã không đạt được mục tiêu chính là chiếm đóng toàn bộ Ukraine và hiện đang chuẩn bị sáp nhập các vùng lãnh thổ đã bị chiếm đóng. Vadym Skibitskyi, phát ngôn nhân của Cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, đã cho biết như trên trong cuộc họp báo sáng thứ Ba

“Mục tiêu chiến lược của Nga là chiếm đóng hoàn toàn lãnh thổ của chúng tôi đã không đạt được. Thứ hai, sau khi thu thập thông tin tình báo, chúng tôi thấy rõ rằng cả cơ quan lập pháp, chính phủ và các cơ quan khác của Nga đang tích cực làm việc về các vấn đề liên quan đến khả năng hội nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời vào Liên bang Nga - về mặt chính trị, kinh tế và lãnh thổ. Chúng ta sẽ xem tình hình sẽ như thế nào tiến gần hơn đến mùa thu. Ngày 11 tháng 9 là ngày bỏ phiếu trưng cầu dân ý,” ông Skibitskyi nói.

Theo Ông Vadym, các biện pháp mà Nga đang thực hiện ở các khu vực Donetsk, Kherson và Luhansk là minh chứng cho sự chuẩn bị có hệ thống cho cái gọi là trưng cầu dân ý.

Ngoài ra, các sáng kiến lập pháp hiện đang được chuẩn bị ở Nga, nhằm đơn giản hóa thủ tục xin quốc tịch, trong bối cảnh hội nhập hoặc gia nhập các vùng lãnh thổ vào Liên bang Nga, vân vân.

Về vấn đề tổng động viên ở Nga, ông Skibitskyi lưu ý rằng nó có thể được công bố một khi Nga chính thức tuyên chiến với Ukraine.

“Putin không thừa nhận rằng ông ấy đã không đạt được mục tiêu chính là chiếm đóng Ukraine. Trong một thời gian ngắn, vì vậy ông ấy tiếp tục cái gọi là 'hoạt động quân sự đặc biệt' và không muốn thừa nhận rằng đây là một cuộc chiến toàn diện - không chỉ trên lãnh thổ của các vùng Luhansk và Donetsk, mà là một cuộc chiến toàn diện chống lại nhà nước Ukraine, chống lại người dân Ukraine.

4. Sullivan nói Putin sẽ không đạt được bất kỳ mục tiêu nào của mình ở Ukraine

Tất cả các kế hoạch chiến lược của Putin cho cuộc chiến ở Ukraine đều đã thất bại, và Điện Cẩm Linh rõ ràng sẽ không thể đạt được bất kỳ mục tiêu nào khác do lòng dũng cảm của người Ukraine và sự trợ giúp từ Mỹ và phương Tây sẽ chỉ ngày càng gia tăng.

Cố vấn an ninh quốc gia của Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan cho biết điều này trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba.

Sullivan nói: “Về cơ bản, Nga đã không đạt được các mục tiêu chiến lược của mình ở Ukraine.

Ông kể lại rằng ngay từ đầu Putin đã không giấu giếm kế hoạch chiếm Kyiv, chấm dứt sự tồn tại của Ukraine như một quốc gia, xóa bản sắc Ukraine khỏi bản đồ và nhập Ukraine vào bên trong Nga.

“Họ đã thất bại trong tham vọng này. Kyiv đứng vững. Kharkiv đứng vững. Odesa đứng vững. Các thành phố lớn của Ukraine trên phần lớn đất nước vẫn nằm trong tay Ukraine và đang được quân đội Ukraine bảo vệ kiên quyết và dũng cảm với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ và các đồng minh NATO khác, cũng như các nước trên thế giới “, ông Sullivan nói.

Ông nói rằng Putin đã không thực hiện được những gì ông đã đặt ra.

“Ông ta sẽ tiếp tục thất bại trong tham vọng đạt được các mục tiêu cuối cùng của mình vì lòng dũng cảm của người dân Ukraine”

Theo ông, mặc dù các lực lượng Nga gần đây đã có thể chiếm được một số lãnh thổ ở phía đông Ukraine, Lực lượng vũ trang Ukraine đã khiến họ phải trả một cái giá đắt cho điều đó và các lệnh trừng phạt cũng khiến họ phải trả một cái giá đắt về mặt kinh tế.

“ Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với quân đội Ukraine và chính phủ Ukraine về một chiến lược cuối cùng nhằm đạt được các mục tiêu của họ, cả trên chiến trường và trên bàn đàm phán”

5. Đồng minh hàng đầu của Putin chỉ đánh võ mồm, né tránh không muốn tham gia chiến tranh Ukraine

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đang cố hết sức thể hiện sự ủng hộ đối với đồng minh hàng đầu của mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng chỉ đánh võ mồm mà không trực tiếp tham chiến ở Ukraine.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, cho biết trong đánh giá chiến tranh ngày 11 tháng 7 rằng Lukashenko có khả năng ủng hộ tổng thống Nga bằng cách tiếp tục cho phép các lực lượng Nga xâm nhập không phận của mình. Điều này có nghĩa là nhằm “thể hiện ít nhất sự ủng hộ trên danh nghĩa đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin mà không mạo hiểm đưa Lực lượng vũ trang Belarus tham gia quân sự trực tiếp vào các hoạt động ở Ukraine”, ISW cho biết.

Trong khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine vào cuối tháng Hai đã vấp phải sự lên án rộng rãi từ Mỹ và các nước phương Tây khác, Lukashenko là một trong số ít nhà lãnh đạo đứng về phía Putin sau khi Putin thực hiện cuộc tấn công. Mặc dù Belarus không gửi quân vào Ukraine, nhưng nước này đã hỗ trợ Nga bằng cách cho phép Nga đưa quân vào bên trong và tiến hành các cuộc không kích từ lãnh thổ của mình. Nhưng đánh giá ngày 11/7 của ISW chỉ ra rằng Putin có thể muốn nhận viện trợ trực tiếp từ quân đội của Lukashenko, trước những thiệt hại nặng nề về quân số của Nga.

ISW đã trích dẫn hai diễn biến trước đó khi báo cáo rằng Belarus có khả năng tiếp tục cấp cho Nga quyền truy cập vào không phận của mình. Đầu tiên là khi một quan chức hàng đầu của Ukraine vào tuần trước nói rằng Belarus đã trao cho Nga “toàn quyền kiểm soát” sân bay Zyabrovka ở khu vực Gomel, cách biên giới Ukraine 19 dặm.

Oleksiy Gromov, Phó cục trưởng Cục Tác chiến của Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng Vũ trang Ukraine, cho biết trong một cuộc họp báo rằng đã có “các hoạt động trang bị cho một căn cứ quân sự của Nga” tại sân bay.

ISW cũng lưu ý rằng Dự án Hajun, một tổ chức giám sát độc lập của Belarus, cho biết hôm thứ Hai rằng một máy bay của Hệ thống Kiểm soát và Cảnh báo trên không của Nga đã bay vào không phận của Belarus lần đầu tiên kể từ ngày 4 tháng 4. Trong một tweet, Dự án Hajun cho biết rằng không có vụ phóng hỏa tiễn nào được ghi nhận, nhưng họ quan sát thấy “lượng hàng không tăng lên trên Belarus trong đêm nay.”

Các giới hạn không phận mới đã được đặt dọc theo biên giới nơi máy bay AWACS tuần tra, theo Dự án Hajun. Newsweek không thể xác nhận những hạn chế này một cách độc lập.

ISW cho biết: “Tổng hợp lại, những điểm dữ liệu này có thể cho thấy rằng Lukashenko đang cố gắng hỗ trợ cho cuộc chiến của Putin ở Ukraine mà không có sự can thiệp quân sự trực tiếp của Belarus trong nỗ lực đáp trả sức ép mà Putin gây ra cho ông ta”.

Nhóm nghiên cứu cho biết: “Như ISW đã đánh giá trước đây, khả năng Belarus tham gia trực tiếp vào cuộc chiến ở Ukraine vẫn còn thấp do ảnh hưởng có thể có đối với sự ổn định và thậm chí là sự tồn tại của chế độ Lukashenko”.

Đánh giá của ISW rằng Putin có khả năng thúc đẩy Lukashenko tham gia trực tiếp hơn đã được ít nhất một chuyên gia ủng hộ. Mark Voyger thuộc Chương trình Quốc phòng và An ninh Xuyên Đại Tây Dương tại Trung tâm Phân tích Âu Châu nói với tờ Daily Express của London rằng có mối lo ngại thực tế là “Putin đã cố gắng gây áp lực lên Lukashenko và buộc ông ta phải có lập trường tích cực hơn, thực hiện các hành động gây hấn hơn, với sự tham gia của quân đội Belarus.”

Lukashenko có thể đang phải đối mặt với sự phản đối chống lại việc vào Ukraine từ các thành viên trong quân đội của chính mình. Trong một bức thư ngỏ được Express đưa tin, các sĩ quan cấp cao được cho là đã lập luận rằng việc đưa quân vào Ukraine sẽ đơn thuần là “tự sát”.

“Khi tham gia cuộc chiến chống Ukraine, Belarus sẽ bị đuổi khỏi cộng đồng các quốc gia văn minh và sẽ là quốc gia bị quốc tế ruồng bỏ trong nhiều năm tới,” các sĩ quan viết.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cũng đã cảnh báo ông Lukashenko không nên để Putin lôi kéo đất nước của mình vào cuộc xung đột.

“Bạn đang bị lôi kéo vào cuộc chiến. Điện Cẩm Linh đã quyết định mọi thứ cho bạn, “Zelenskiy nói trong một bài phát biểu video vào cuối tháng Sáu. “Nhưng bạn không phải là nô lệ và cũng chẳng phải là thức ăn cho đại bác. Bạn không cần phải chết”.
 
1 HY và 57 linh mục bị băng đảng lấy mạng. GM TQ thay lễ hai thánh Phêrô Phaolô bằng lễ mừng ĐCSTQ
VietCatholic Media
17:42 13/07/2022


1. 1 Hồng Y và 57 linh mục bị giết trong 30 năm qua ở Mễ Tây Cơ

Một báo cáo của Trung tâm Đa phương tiện Công Giáo Mễ Tây Cơ, gọi tắt là CCM, cho thấy từ năm 1990 đến năm 2022, bạo lực ở Mễ Tây Cơ đã cướp đi sinh mạng của một Hồng Y và 57 linh mục.

Tài liệu cũng lưu ý rằng trong ba năm rưỡi đầu tiên của nhiệm kỳ sáu năm của Tổng thống Andrés Manuel López Obrador, bảy linh mục đã bị sát hại trong nước.

Trong trường hợp có lẽ gây chấn động nhất, tổng giám mục của Guadalajara, Hồng Y Juan Jesús Posadas Ocampo, đã bị bắn hạ tại sân bay thành phố vào ngày 24 tháng 5 năm 1993.

“Luận điểm chính thức vào thời điểm đó là bọn tội phạm có tổ chức đã ‘nhầm lẫn’ vị Hồng Y với một trùm tội phạm có tổ chức cấp cao; tuy nhiên, một số nguồn tin chỉ ra rằng các cuộc điều tra mới nhất đồng ý với Đức Hồng Y Sandoval Iñiguez rằng đó là một 'vụ giết người do nhà nước tổ chức'“, báo cáo của CCM viết.

Trong một video vào tháng 5 năm 2016, Đức Cha Sandoval, tổng giám mục hiệu tòa của Guadalajara, nói rằng theo thông tin mà ngài có được, vụ giết người được dàn dựng bởi giám đốc Cảnh sát Tư pháp Liên bang, là người nhận lệnh từ Bộ trưởng Tư Pháp. Vụ việc vẫn chưa được giải quyết.

Giám đốc CCM, Cha Omar Sotelo, nói rằng báo cáo, có thể được truy cập trên trang web của trung tâm, là một cách hợp tác “với sáng kiến cho Ngày Cầu nguyện cho Hòa bình ở Mễ Tây Cơ - 10 tháng 7” được tổ chức bởi các Giám mục Mễ Tây Cơ kêu gọi, Liên Hiệp các Bề trên các dòng tu và tu hội của Mễ Tây Cơ, và Tỉnh Dòng Tên ở Mễ Tây Cơ.

Các nhà lãnh đạo Giáo hội đã yêu cầu anh chị em giáo dân tưởng nhớ “tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ đã bị sát hại trên đất nước” trong tất cả các thánh lễ được cử hành trong hai ngày cuối tuần 9 và 10 tháng 7.

Họ cũng khuyến khích các tín hữu rằng “như một dấu hiệu tiên tri của Giáo hội chúng ta, trong Bí tích Thánh Thể vào ngày 31 tháng 7, chúng ta cầu nguyện cho các hung thủ, chúng ta cầu nguyện cho cuộc sống của họ và sự hoán cải của tâm hồn họ, chúng ta dang tay đón nhận họ với tấm lòng ăn năn vào nhà của Thiên Chúa. “

Trong một tuyên bố với ACI Prensa, Cha Sotelo lưu ý rằng “lời mời gọi đến với Ngày vì Hòa bình ở Mễ Tây Cơ này là một cơ hội tuyệt vời mà tất cả người Mễ Tây Cơ, không chỉ trong Giáo Hội Công Giáo, mà mỗi người, tương giao, liên kết với nhau và bằng cách này hay cách khác, dệt nên những cây cầu có thể giúp chúng ta chống lại bạo lực này”.

Ngài nói, bạo lực mà Mễ Tây Cơ đang trải qua, “chính xác xuất phát từ quá trình loại trừ tính nhân bản. Không có gì khác, không có từ nào khác: nó đến từ sự mất nhân tính của con người, từ sự thờ ơ đó”.

“Tôi nghĩ đây chính xác là sản phẩm của nhiều năm mà chúng ta đã bỏ rơi những người đàn ông, phụ nữ, đặc biệt là những người trẻ tuổi, những người bị tội phạm có tổ chức tuyển mộ”

Vị linh mục người Mễ Tây Cơ nhấn mạnh rằng “hôm nay Giáo hội hợp tác cùng nhau để cầu nguyện cho các nạn nhân, nhưng cũng cho các thủ phạm. Hôm nay Giáo hội cùng nhau hiệp ý cầu nguyện cho những người đã biến mất, và cho những người đã bắt cóc họ “.

Ngài nói thêm: “Hôm nay Giáo hội mở cửa và có cơ hội tuyệt vời để mời gọi tất cả nhân loại, tất cả những người Mễ Tây Cơ, đóng góp vào hòa bình, đến từ sự tha thứ, đến từ tình yêu và đến từ việc tái nhân bản con người”.

“Tôi tin rằng đây là điều quan trọng nhất và đó là cơ hội tuyệt vời mà chúng ta có với tư cách là một xã hội để đối mặt với tai họa thương tâm mà chúng ta đang trải qua”.

Chỉ trong ba năm rưỡi của chính quyền López Obrador, hơn 121.000 vụ giết người đã được ghi nhận trong cả nước, vượt hơn 156.000 vụ giết người đã gây ra trong nhiệm kỳ sáu năm của người tiền nhiệm, là tổng thống Enrique Peña Nieto.

Từ ngày 1 tháng 1 đến ngày 7 tháng 7 năm nay, theo số liệu chính thức, 13.679 vụ giết người đã xảy ra ở Mễ Tây Cơ
Source:Catholic News Agency

2. Vatican chấp thuận việc bầu một giáo dân làm người đứng đầu Dòng Thánh Giá

Theo The Pillar, Vatican đã chấp thuận việc bầu một giáo dân làm Bề trên Tổng quyền của Dòng Thánh Giá, là cộng đồng tôn giáo có mặt trên toàn thế giới, và đang quản lý Đại học Notre Dame ở Hoa Kỳ.

Cơ quan truyền thông Hoa Kỳ cho rằng đây là áp dụng đầu tiên của một bản tuyên ngôn mới do Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành vào tháng Năm, cho phép anh chị em giáo dân lãnh đạo các tu hội đời và các dòng tu, thực thi quyền quản lý ngay cả đối với các giáo sĩ. Anh Paul Bednarczyk là giáo dân đầu tiên giữ chức vụ này.

Do các quy định của giáo luật, sự lựa chọn như thế cần phải có sự chấp thuận của Vatican, nơi hiện phải nghiên cứu các cuộc bầu cử này trên cơ sở từng trường hợp – trong một quá trình được gọi là thỉnh nguyện hay postulation. Tông Hiến mới của Giáo triều Rôma, đã có hiệu lực trong một tháng, tạo khả năng cho nam và nữ giáo dân đứng đầu các cơ quan trung ương Tòa Thánh và đảm nhận các chức vụ và chức năng khác vốn chỉ được dành cho hàng giáo sĩ.

Dòng Thánh Giá được thành lập năm 1131 ở Bồ Đào Nha, do Dom Tello cùng với 11 linh mục mà một trong số họ là thánh Theotonius sáng lập. Thánh nhân là bề trên tổng quyền, Ngài được xem như là vị tiền nhân trong việc cải tổ đời sống Thánh hiến ở Bồ Đào Nha. Ngày lễ kính Ngài trong phụng vụ là ngày 18 tháng 2. Vào thời gian đó, có nhiều Kinh sĩ ở Bồ Đào Nha đến xin gia nhập dòng Thánh Giá bởi vì Dòng Thánh Giá ở thời gian đó là trung tâm của phụng vụ, của thần học và trí thức nước Bồ Đào Nha.

Dòng Thánh Giá là nơi đầu tiên trên thế giới có linh đạo về Đức Maria và Bồ Đào Nha là quốc gia đầu tiên được thánh hiến cho Đức Maria Vô Nhiễm vào thế kỷ thứ 18. Dòng Thánh Giá gửi các nhà truyền giáo tới Ấn Độ, Phi Châu và Mỹ Châu La tinh, nhưng chỉ thiết lập một vài cộng đoàn chính ở Bồ Đào Nha. Năm 1834, khi nội chiến xảy ra ở Bồ Đào Nha thì dòng Thánh Giá bị phá huỷ hoàn toàn.

Vào năm 1977, các thành viên trong nhóm linh đạo Sứ vụ của các Thiên Thần xin phục hồi lại dòng Thánh Giá của Bồ Đào Nha cũ. Năm 1979 được sự chấp thuận của bộ dòng tu, Đức Thánh Cha Gioan Phao lô II đã tuyên bố phục hồi lại dòng Thánh Giá cũ của nước Bồ Đào Nha và giao trách nhiệm cho các cha trong nhóm Linh đạo Sứ vụ của các Thiên Thần đảm trách. Giáo Hội cũng ban đặc quyền cho dòng Thánh Giá mới kết hợp với di sản quý giá của dòng Thánh Giá cũ và linh đạo Sứ vụ của các Thiên Thần để giới thiêu linh đạo và hướng dẫn Kitô Hữu tận hiến cho các Thiên Thần theo đúng truyền thống của Giáo Hội, đặc ân này đã được Hội Thánh chuẩn y. Do vậy, dòng Thánh Giá chuyển tải di sản cổ xưa và truyền thống của dòng Thánh Giá cũ vào thời đại mới, làm cho tươi trẻ Hội Thánh qua sự trợ giúp của các Thiên Thần.

Hiến pháp mới của dòng Thánh Giá được Toà Thánh chứng nhận vào năm 2003. Hiện nay dòng Thánh giá thuộc thẩm quyền Giáo Hoàng.
Source:Pillar Catholic

3. Các nhà hoạt động nhân quyền phản ứng sau khi Đức Phanxicô nói rằng thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc 'tiến triển tốt'

Những người ủng hộ nhân quyền đã nêu quan ngại về việc gia tăng các hạn chế đối với các tín hữu Kitô ở Trung Quốc sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận của Tòa thánh với Bắc Kinh sẽ được gia hạn vào mùa thu.

Gần 4 năm sau khi Tòa thánh ký thỏa thuận với Trung Quốc vào tháng 9/2018, Đức Thánh Cha Phanxicô nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn được công bố trong tuần này rằng ngài tin rằng “thỏa thuận đang tiến triển tốt”.

Những người ủng hộ nhân quyền không đồng ý như thế.

Nina Shea, giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo tại Viện Hudson, nói với CNA vào ngày 6 tháng 7 rằng kể từ khi thỏa thuận được ký vào năm 2018 “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phá hủy tất cả các nhà thờ Công Giáo thầm lặng và thắt chặt sự tuân thủ đường lối cộng sản của giáo hội yêu nước.”

Shea nói: “Sáu cuộc bổ nhiệm giám mục mới được sử dụng để biện minh cho thỏa thuận Bắc Kinh xảy ra với giá phải trả là việc giam cầm, bắt giữ hoặc biến mất của sáu giám mục Công Giáo được Vatican công nhận”.

“Trẻ em hiện bị cấm đến nhà thờ và tiếp xúc với tôn giáo, Kinh thánh bị hạn chế và kiểm duyệt chặt chẽ trên Internet và trong các ứng dụng trên máy tính, nhà thờ bị giám sát bởi công nghệ cao của nhà nước, các linh mục và các nhà lãnh đạo Kitô giáo bị buộc phải truyền bá Kitô Giáo theo tư tưởng cộng sản, và bị buộc phải hỗ trợ tích cực các phương pháp thực hành, sự lãnh đạo và các giá trị cốt lõi của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngay cả trong các bài giảng của họ”

Giám Mục Phaolô Lôi Thế Ngân (Lei Shiyin, 雷世银) của Lạc Sơn, một trong những giám mục Trung Quốc được phong chức bất hợp pháp đã được dỡ bỏ vạ tuyệt thông sau khi Vatican và Trung Quốc ký thỏa thuận, gần đây đã kỷ niệm sự ra đời của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại nhà thờ chính tòa của ông vào ngày 29 tháng 6, thay cho Lễ trọng Hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ.

Theo Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, những người Công Giáo tham dự buổi lễ tại Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu ở Lạc Sơn đã được Ông Lôi Thế Ngân mời “nghe lời Đảng, cảm nhận ơn Đảng và đi theo Đảng”

“Kể từ khi đạt được thỏa thuận, mọi thứ đã trở nên tồi tệ hơn đối với người Công Giáo ở Trung Quốc,” Reggie Littlejohn nói với CNA.

Littlejohn là chủ tịch của Hội Quyền Phụ Nữ Không Biên Giới, một tổ chức hỗ trợ và vận động đang làm việc với phụ nữ ở Trung Quốc. Tổ chức được thành lập để phản ứng lại việc cưỡng bức phá thai và triệt sản theo chính sách một con của Trung Quốc

Cô ấy nói rằng “sự bí mật của thỏa thuận Trung Quốc-Vatican đã được sử dụng để cưỡng bức những tín hữu Công Giáo Trung Quốc.”

Littlejohn kêu gọi Vatican công bố văn bản thỏa thuận tạm thời của Tòa thánh với chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn được giữ bí mật kể từ khi thỏa thuận được ký lần đầu tiên vào năm 2018.

Cô nói: “Những tín hữu Công Giáo không thể bảo vệ bản thân hoặc Giáo hội của họ vì họ không có quyền truy cập vào thỏa thuận bí mật này”.

Khi thảo luận về chính sách ngoại giao của Tòa Thánh với Trung Quốc, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng “ngoại giao là nghệ thuật của những điều có thể và làm những việc để biến những điều có thể trở thành hiện thực”.

Shea trả lời: “Thật khó để thấy bằng cách nào mà Đức Giáo Hoàng có thể thành công trong nghệ thuật ngoại giao khi đối phó với một thế lực xấu xa như Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Bà nói: “Tôi nghĩ Vatican nên tích cực ủng hộ giáo hội thầm lặng và lên tiếng vì nhân quyền, chứ đừng tạo điều kiện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc trong khi tự kiểm duyệt về các vấn đề đạo đức quan trọng.”

Các biện pháp mới của chính phủ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 6, cũng đặt việc quản lý tài chính đối với các nơi thờ tự và quyên góp tôn giáo dưới sự kiểm soát của Mặt trận Tổ quốc.

Mặt trận Tổ quốc có nhiệm vụ bảo đảm rằng các nhóm bên ngoài Đảng Cộng sản Trung Quốc, chẳng hạn như người Hồi giáo Tân Cương, Phật tử Tây Tạng, các nhà hoạt động dân chủ Hương Cảng và Hiệp hội Công Giáo Yêu nước, đang đi theo đường lối của đảng. Tập Cận Bình đã gọi Mặt trận Tổ quốc là một trong những “vũ khí ma thuật” của ông, được sử dụng để hợp tác và kiểm soát.

Asia News đưa tin rằng theo các biện pháp mới, chính phủ sẽ giám sát tài chính và hoạt động của các nhóm tôn giáo.

Các linh mục Công Giáo làm việc mục vụ hợp pháp ở Trung Quốc được yêu cầu ký vào một văn bản, trong đó họ hứa sẽ ủng hộ Đảng Cộng sản ở Trung Quốc. Họ chỉ được phép phục vụ ở những nơi thờ tự được công nhận, trong đó trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi không được phép vào.

Theo Asia News, kể từ tháng 3 năm 2022, các nhóm tôn giáo ở Trung Quốc đã bị cấm tiến hành bất kỳ hoạt động tôn giáo nào trực tuyến mà không nộp đơn trước và nhận được sự chấp thuận của Sở Tôn giáo tỉnh. Các bài giảng lễ và truyền trực tiếp Thánh lễ chỉ có thể được đăng trực tuyến sau khi có giấy phép đặc biệt.

Nghị quyết của Nghị viện Âu Châu

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân của Hương Cảng, một nhà phê bình mạnh mẽ về thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc, sẽ phải đối mặt với phiên tòa vào tháng 9 cùng với bốn nhà vận động dân chủ nổi tiếng khác.

Nghị viện Âu Châu đã thảo luận về vụ bắt giữ Đức Hồng Y Quân liên quan đến nhân quyền và pháp quyền vào ngày 7 tháng 7. Nghị quyết kêu gọi chính quyền Hương Cảng bãi bỏ mọi cáo buộc đối với vị giám mục đã nghỉ hưu của Hương Cảng.

Nghị quyết cũng “kêu gọi Vatican tăng cường các nỗ lực ngoại giao và đòn bẩy của mình đối với các nhà chức trách Trung Quốc để yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho Đức Hồng Y Quân và chấm dứt các cuộc đàn áp và vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc.”
Source:Catholic News Agency