Ngày 09-07-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mái đầu bạc là triều thiên vinh hiển - Ngày Ông Bà Tổ Tiên 24/7
Giáo Hội Năm Châu
02:10 09/07/2022
 
Hiệp hành : đi thực thi yêu thương
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:14 09/07/2022
HIỆP HÀNH: ĐI THỰC THI YÊU THƯƠNG

Khát vọng lớn nhất của con người là được sống: sống khoẻ, sống lâu, sống mãi. Khát vọng vậy khiến ông thông luật hỏi Chúa Giêsu câu hỏi quan trọng nhất đời người: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Và Chúa Giêsu đã kê cho ông toa thuốc uống 1 liều duy nhất để trường sinh bất tử, đó là YÊU: “Hãy yêu Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn, và yêu người thân cận như chính mình.” Yêu hết mình sẽ sống trường sinh.

Toa thuốc yêu đã có, nhưng không ai nhìn toa thuốc là khỏe liền, mà cần phải đi mua thuốc, uống thuốc, chích thuốc. Cũng thế, không ai chỉ nói về yêu là đã được hạnh phúc, mà cần phải thực thi yêu thương, phải dấn thân hy sinh yêu thì mới có hạnh phúc.

Chúa Giêsu đã kể chuyện người Samari nhân hậu như câu trả lời vô cùng sống động cụ thể về yêu thực sự là gì. Đó là không nghĩ đến mình mà chỉ nghĩ đến người, là quên mình đi để dấn thân chăm lo (take care) cho người khác. Một tình yêu vô điều kiện.

Chuyện người Samari nhân hậu cũng là câu trả lời rõ ràng nhất về hiệp hành. Hiệp hành không phải là cùng nhau đi đường mà lại thiếu vắng yêu thương. “Hành” trong tiếng Việt vừa có nghĩa là ‘đi đường’ như ‘khởi hành, hành trình, hành hương’, lại vừa có nghĩa là ‘làm việc’ như ‘hành động, thực hành’. Thế nên, hiệp hành là cùng đi thực thi yêu thương.

Lời nói về yêu đang đầy dẫy trên mạng, ngoài đời, trong Đạo, nào là yêu vợ, yêu chồng, yêu bố yêu mẹ, yêu người, yêu Chúa. Nhưng Phúc Âm chất vấn thêm chúng ta: Tôi đã LÀM gì để chứng tỏ tình yêu đối với vợ chồng, với bố mẹ, với người, với Chúa, với Giáo Hội, với quê hương?

Sách Thánh khẳng định: “Lời Chúa ở rất gần anh em, để anh em đem ra thực hành.” Và Chúa Giêsu kết luận: “Hãy đi thực thi lòng thương xót” Amen.
 
CN 15C : Ai là người thân cận của tôi hay tôi là người thân cận của ai ?
Lm. Alf.Nguyễn Công Minh
08:52 09/07/2022
CN 15C : Ai là người thân cận của tôi hay tôi là người thân cận của ai?

Khi một luật sĩ hỏi câu gì, thì ông đã biết câu trả lời phải làm sao. Khi một luật sư hỏi bên bị, bên nguyên, ngay cả hỏi quan toà, thì ông đã tiên liệu trước câu trả lời. Nếu người được hỏi trả lời thế này, sẽ bắt bẻ thế này. Nếu trả lời ngược lại, sẽ bắt bẻ thế kia. Đối với một luật sư, họ không bao giờ hỏi một câu mà họ không biết chắc câu trả lời.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng có luật sư, mà Kinh Thánh gọi là luật sĩ, là thầy thông luật. Thầy sẽ hỏi và người được (bị) hỏi là Thầy Giêsu. Câu hỏi 1 của ông xuôi chảy, dẫu là để thử Chúa:

Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng : "thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?" Đức Giêsu đáp (nhưng là hỏi) : "Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?" Ông ấy thưa : "Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình." Đức Giê-su bảo ông ta : "Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống."

Vậy là ông hỏi Chúa, và ông cũng biết câu trả lời, nên khi Chúa hỏi lại, ông trả lời vanh vách. Nhưng khi Chúa khen, ông trở nên quê, nên phải hỏi một câu nữa cho ra nhẽ là thông luật. Sách Tin Mừng ghi: Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng (và đây là câu hỏi 2) : "Nhưng ai là người thân cận của tôi?"

Và khi hỏi câu đó, ông cũng biết tỏng câu trả lời : Người thân cận của tôi là người Do Thái chứ ai. Theo truyền thống Do Thái, người thân cận, làng xóm được định nghĩa như là: những người con trai của riêng xứ bạn. Tức là, người làng xóm láng giềng : không phải là tôi nhà số 12 Trần Phú, người hàng xóm sẽ là số 14 hoặc 16. Không phải. Kẻ ở thiệt xa, tôi Nhatrang họ Thái Bình, nhưng sẽ là làng xóm, láng giềng thân cận nếu họ cùng dân tộc. Người ở sát vách, mà là dân tộc khác, họ chẳng phải là láng giềng, lân cận.

Hãy yêu người lân cận như chính mình. Luật dạy thế. Vậy ai là người lân cận, chòm xóm. Đức Giêsu không trả lời câu hỏi của luật sư, mà kể ra một dụ ngôn gây sốc, dụ ngôn người Samaritano nhân lành, mà đối với người Do Thái, bất kể người Samaritano nào cũng đáng ghét cả. Họ ở xa cũng đáng ghét, họ ở gần càng đáng ghét hơn.

Kết dụ ngôn sẽ là một câu hỏi ngược lại cho nhà thông luật kia: "Vậy ông nghĩ, trong ba người đó (tư tế, Lêvi và người ngoại Samaritano), ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?" Người thông luật trả lời : "Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy." Đức Giê-su bảo ông ta : "Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy."

Khi ông luật sư muốn biết rõ định nghĩa của hai chữ “thân cận”, tức “đối tượng” yêu mến thì Đức Giêsu lại cho ông hay về “chủ thể” của lòng mến yêu, tức người yêu thương, chứ không phải kẻ được yêu thương. Thay vì hỏi : ai là người thân cận, Chúa Giêsu chuyển qua câu hỏi: tôi là người thân cận của ai.

Người Samari là kẻ thi thố lòng yêu thương cho tha nhân, bất kể người đó là ai: Tây, Tàu, Nhật Bản, Do Thái hay Hy Lạp, Ả Rập. Bin Laden. Bởi vì ông là người thân cận rồi, thì ông chẳng cần tìm hiểu xem ai là người thân cận để chỉ yêu người thân cận mà thôi. Thầy thông luật đã đặt sai câu hỏi. Ông muốn giới hạn lòng yêu mến: Xin Thầy chỉ cho tôi chính xác phải yêu mến tới đâu, người nào? Chúa Giêsu trả lời: Đừng hỏi thế, mà nên hỏi: Tôi phải yêu mến thế nào? Tới đâu là giới hạn.

Trong một buổi học ở Manila, 1995, các học viên được giảng viên yêu cầu mỗi người làm một thực tập nhỏ là lấy một tờ giấy lớn và ghi tên tất cả những người thân của mình, những người mà mình yêu thương đến độ có thể hy sinh mạng sống vì những người ấy. Ai nấy chăm chú suy nghĩ và cắm cúi viết. Một học viên người Việt sau giờ học tâm sự: “Thấy người ta ghi, tôi cũng ghi. Nhưng rất nhanh, tôi nhận ra rằng danh sách những người thân của tôi, những người mà tôi thương yêu hơn cả bản thân mình đến mức tôi sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh vì những người ấy thì rất ngắn ! Vì ngoài mẹ tôi, vợ tôi và hai con tôi, tôi không dám ghi thêm tên một người nào khác nữa, vì tôi không chắc là mình đã yêu thương những người ấy đến độ có thể hy sinh mạng sống cho một ai trong họ.

Tôi phải thú nhận rằng: dù giảng viên không yêu cầu chúng tôi nộp danh sách, cũng không yêu cầu học viên nói lên số người được ghi trong tờ giấy của mình nhưng riêng tôi, tôi rất xấu hổ: xấu hổ với Chúa và xấu hổ với chính mình. Vì người thân cận quá ít.”

Ấy vậy mà trong cuộc sống, người thân cận lại quá nhiều để mình phải yêu thương. Nói cách khác, vì tôi là người thân cận rồi, nên chẳng cần tìm ai là người thân cận để yêu thương nữa, mà là cứ yêu thương bất cứ ai.

Tại một giao lộ, một bà đứng bên lề đường đang chờ đèn báo để sang đường. Đối diện với bà bên kia đường là một thiếu nữ khoảng 17 tuổi. Cô ta cũng đợi để sang đường. Bà không thể nào không thấy là thiếu nữ này đang khóc vì nỗi buồn của cô quá lớn đến nỗi cô không thèm giấu nó.

Đèn báo bật sáng. Mỗi người bước khỏi lề và khởi sự sang đường. Khi hai người sắp sửa gặp nhau, bản năng làm mẹ của bà bỗng nhiên nổi dậy. Bà như muốn đến với cô ta để an ủi cô. Ao ước đó lại càng gia tăng vì người thiếu nữ này cũng trạc tuổi cô con gái của bà.

Nhưng bà đã để cô đi qua. Ngay cả một lời thăm hỏi cũng không. Chẳng khác gì thầy tư tế và Lêvi đi ngang qua và chạy nhanh khi gặp người bị cướp đánh cho nhừ tử.

Cho nên, nhiều giờ sau, đôi mắt ngập tràn đau khổ của cô gái vẫn tiếp tục ám ảnh bà. Bà luôn luôn tự hỏi, "Tại sao mình không quay lại hỏi thăm, 'Cưng ơi, tôi có thể giúp gì cho cô không?' Mình đã không làm vậy. Mình bước đi. Chắc chắc là cô ta có thể khước từ mình và nghĩ mình là người tò mò. Nhưng có sao đâu! Chỉ mất có vài giây đồng hồ, nhưng vài giây đó cũng đủ cho cô ấy biết được là có ai đó quan tâm đến cô. Nhưng mình đã bỏ đi. Mình đã làm như thể cô ấy không hiện diện."

Hằng ngày chúng ta gặp những biết bao nhiêu người không bị đánh nhừ tử nơi thân xác, nhưng nơi tâm hồn. Chúa Kitô muốn chúng ta giúp đỡ không những người đau đớn thể xác, mà cả những kẻ đau khổ nơi tâm hồn. Giáo hội của Chúa cũng dạy thương người có 14 mối thương xác 7 mối, mà thương linh hồn cũng 7 mối: lấy lời lành khuyên người, sửa dạy kẻ mê muội, an ủi kẻ âu lo, răn bảo kẻ có tội, tha kẻ dể ta, nhịn kẻ mất lòng ta, cầu cho kẻ sống và kẻ chết.

Ta có thể nói theo ngôn ngữ thông thường hơn về việc thương người 7 mối mặt tâm hồn: Ta có thể có 3 cái cho sau đây

-Một nụ cười chân thành. Mẹ Têrêxa Calcutta thường khuyên như thế, dù mẹ cười không đẹp, nhưng lòng thành của mẹ chẳng ai lại không thấy. Bao vết thương có thể lành miệng, nhờ ta mở miệng nở nụ cười.

-Một lời chào vui vẻ. Sự ân cần thăm hỏi có thể giảm bớt nỗi đau của một tâm hồn sầu muộn. Lời chào lời thăm hỏi trực tiếp khi tiếp xúc mà cũng có thể qua phương tiện truyền thông như thư từ, điện thoại, email tất cả đều có sức chữa lành.

-Một lời “cảm ơn” nồng nàn. Nó có thể khích lệ một người bị quên lãng, bị khinh khi. Bạn hãy cố gắng cám ơn bác tài xế, người phu hốt rác, người phát thư và bạn cũng cần cám ơn những người trong gia đình bạn. Thầy cô giáo bạn, người chiêu đãi và cả người thợ cạo râu hớt tóc.

Quả thật, con đường từ Giêrusalem xuống Yêricô, trên đó kẻ cướp để nạn nhân nửa sống nửa chết, trên đó người Samatitanô nhân hậu đã chăm sóc nạn nhân, con đường đó khởi sự từ nhà thờ này, từ cửa nhà thờ tới nhà bạn, tới bàn giấy, tới xưởng thợ, tới nơi làm việc, tới lớp học của bạn. Dọc theo con đường ấy, có biết bao người bị thương nặng, nhẹ trong tâm hồn, hãy dừng lại và tiếp giúp họ. Nói vài lời, nở nụ cười, làm một việc để giúp đỡ.

Hãy là người thân cận của mọi người chứ không phải tìm ai là người thân cận để yêu mến một mình người đó không thôi, như ông luật sĩ nọ. Amen

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm

(tổng hợp từ nhiều nguồn)
 
Đừng Sợ Lấm Tay Khi Cúi Xuống Rửa Chân…
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
12:23 09/07/2022
Đừng Sợ “Lấm Tay” Khi Cúi Xuống Rửa Chân…

(Chúa Nhật 15 TN C 2022)

Trong hai ngày qua (8,9/7), thế giới chưa hết bàng hoàng về vụ cựu thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản bị ám sát chết khi đang diễn thuyết. Dĩ nhiên, cũng trong khoảng thời gian đó, thế giới đã xảy ra bao cái chết oan nghiệt bởi chiến tranh, hận thù, ghen ghét, cướp bóc, tranh giành…, từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, từ phố xá, làng mạc, xóm giềng… đến quốc gia, vùng lãnh thổ, châu lục… Nếu có ai hỏi nguyên do thì câu trả lời đó chính là vì con người đã đánh mất lòng nhân hay không còn nhìn nhận “bốn bể là anh em một nhà” (Tứ hải giai huynh đệ). Và nếu phải tìm một nguyên do từ mạc khải Thánh Kinh, thì việc con người ghét nhau, giết nhau, hại nhau… chính là hậu quả của tội lỗi đã xuất hiện ngay từ buổi đầu loài người có mặt trên trái đất mà vụ án “Cain giết em là Abel” (St 4,1-16) như là một chứng từ rõ nét, để tiếp sau đó, máu và nước mắt đã tràn lan khắp địa cầu…

Nhưng, nếu Thiên Chúa đã thất bại khi giao lệnh truyền cho Tổ Tông loài người, và thế giới phải rơi vào gông cùm của tội lỗi và chết chóc, thì Ngài lại kiên nhẫn yêu thương, đã dày công thực thi chương trình cứu độ, để từng bước qua thủ lãnh Môsê, giáo hóa con người tìm lại nẻo chính đường ngay bằng Lời và Thánh luật, như đã khắc ghi trong Kinh Thánh mà trích đoạn sách Đệ Nhị Luật vừa được công bố qua Bài đọc 1: Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Nếu các ngươi nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ các giới răn và huấn thị của Người đã được ghi chép trong sách Luật này…”. Và dĩ nhiên, những “giới răn và huấn thị của Chúa” không bao giờ là những “chuyện trên mây trời”, trong sách vở, cách biệt và xa rời cuộc sống…, nhưng là “lời ở sát bên các ngươi, nơi miệng các ngươi, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi”.

Thế nhưng nhân loại gần như vẫn “chứng nào tật nấy”. Qua những nghìn năm được giáo hóa, dân “ưu tuyển đại diện” là Israel, cho dù được sở hữu “hòm bia Giao ước” với Mười Điều Răn mà tóm gọn với hai giới răn cơ bản “Mến Chúa” (Đnl 6,5) và “Yêu người” (Lv 19,18), phần đông họ đã biến Lời và Luật trở thành những “câu thần chú trên môi mép” mà “lòng dạ thì hoàn toàn xa cách Thiên Chúa lẫn anh em đồng loại (Mt 15,8) ! Đền thờ Giêrusalem tráng lệ vẫn khói hương nghi ngút đó; nhưng là chỉ để dành riêng cho giới tư tế, biệt phái và quan chức tai to mặt lớn trong xã hội lui tới thờ phượng Thiên Chúa; còn ngoài kia, bọn phong cùi vẫn chết dần chết mòn nơi hang sâu hố thẳm; bọn mù què đui điếc vẫn lê lết bên những vệ đường cát bụi; bọn dốt nát ghèo hèn vẫn oằn mình dưới ách nô lệ của ngoại bang hay vương quyền…

Và Đức Kitô đã đến để “kiện toàn Lề Luật”, để đem con người trở về với Thiên Chúa và đến với anh em, để giao hòa đất với trời và nối lại “anh em bốn biển một nhà”. Chân lý nầy đã được Thánh Tông Đồ Phaolô tóm tắt trong bài “Thánh Thi Côlôsê” (Bđ 2) bằng những từ ngữ khá mượt mà như sau: “… Người là đầu thân thể tức là Hội thánh, là nguyên thuỷ và là trưởng tử giữa kẻ chết, để Người làm bá chủ mọi loài. Vì chưng, Thiên Chúa đã muốn đặt tất cả viên mãn nơi Người. và Thiên Chúa đã giao hoà vạn vật nhờ Người và vì Người; nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất…”.

Có thể nói được, chủ đề xuyên suốt của “Tin Mừng Nước Chúa” và chương trình hành động “cứu nhân độ thế” trong ba năm rao giảng của Chúa Giêsu đó chính là khai triển hai giới răn cơ bản: “Mến Chúa, yêu người”; và cái chết thập giá của Ngài chính là sự “đóng ấn chung cuộc” cho hai điều cơ bản đó. Chúng ta hoàn toàn có thể tìm thấy ý nhĩa nầy được Ngài lồng trong dụ ngôn “Người Samari nhân hậu”, nhân dịp Ngài kiến giải cho tay thông luật chất vấn Ngài về “giới răn trọng nhất” và “ai là người thân cận của tôi”.

Thật vậy, với “dụ ngôn nầy”, trước hết, Chúa Giêsu muốn chúng ta luôn ý thức thân phận đang lữ hành trên con đường gian nan dưới thế, những “nẻo về Giêricô lầm lạc, tội lỗ và bị bủa vây bởi những cạm bẫy của thế gian, ma quỷ”; đó cũng là thân phận “bị cướp giật, bị thương tích đầy mình, bị bỏ rơi bên đường…” của chính chúng ta! Và rồi, chính Chúa Giêsu là “Người Samari nhân hậu” đã tìm gặp, cứu thoát và đem chúng ta vào “quán trọ Hội Thánh” để chăm sóc, chữa lành (Charles E. Miller) …! Chúng ta không được quên lãng “hồng ân cứu độ” cao cả nầy. Và một khi đã trở nên “Người Samari nhân lành” theo mẫu gương của Thầy Chí Thánh, chúng ta sẽ nhận ra “ai là người thân cận của mình” để sẵn sàng yêu thương phục vụ.

Như thế, điều cốt yếu mà sứ điệp lời Chúa hôm nay chuyển tải đó chính là: “Thiên Chúa là tình yêu” và vì thế, “Ðạo Chúa là đạo tình yêu”. Chúa Giêsu đã hiện thực hóa tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho con người cách trọn hảo qua cuộc nhập thể làm người và nhất là qua cuộc tự hiến trên thập giá: “… nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất…”. Người Kitô hữu mang giáo lý cơ bản đó như hành trang cốt yếu để dấn thân vào thế giới; một thế giới đang có mặt đầy dẫy những thân phận người “bị cướp” và cũng đầy dẫy những hạng người vô cảm, “sợ bị lấm tay”, sợ phải phiền luỵ; trong số đó, không loại trừ những đấng bậc quyền cao chức trọng, những linh mục, tu sĩ trong Giáo Hội chúng ta…

Là Ki-tô hữu, chúng ta hãy để Lời Chúa biến chúng ta thành khí cụ của tình yêu và biến chúng ta thành anh em của mọi người, nhất là của những ai đau khổ, bất hạnh. Và như thế, sứ điệp “trở thành người Samari nhân hậu”, hay bài học “nhận ra người anh em” quả thật, không có điểm dừng. Xin Thánh Thể Chúa Giêsu mà chúng ta sẽ mang theo sau khi tham dự “Bàn Tiệc Thánh” sẽ đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường và đốt nóng trái tim chúng ta để luôn biết sẵn sàng thực thi “mệnh lệnh của chiều Thứ Năm”: “Hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13,14). Nên nhớ, khi chấp nhận cúi xuống “rửa chân cho anh em” thì đừng sợ “bị lấm tay” ! Amen.

Trương Đình Hiền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:39 09/07/2022

25. Giả như con nhìn thấy cửa địa ngục mở ra mà con đang đứng ở bên bờ vực sâu thẳm ấy thì con cũng không tuyệt vọng, nhưng con hy vọng được cứu, bởi vì con đang tin vào Ngài, lạy Thiên Chúa của con.

(Thánh Gemma Galgani)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(trích từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:41 09/07/2022
6. EM CỦA QUAN LỤC SỰ LÔ.

Ở huyện Quắc có một viên lục sự họ Lô.

Một lần, muốn lấy lòng Thích Sử, bèn nói:

- “Táo nhà tôi vừa mới chín, vài bữa nữa tôi đem biếu đại nhân vài quả ăn thử cho biết”.

Thích Sử rất phấn khời.

Sau khi quan lục sự về nhà, liền sai đứa em đi lấy táo, đứa em bước vô nhà, nhưng rất lâu mà không thấy đi ra, lục sự bèn đi vào hỏi em, đứa em trả lời:

- “Lúc vừa mới bước vào thì táo đã bị ăn gần hết ạ !”

Quan lục sự nghĩ rằng táo đã bị người khác ăn mất tiêu, nên giận dữ nói:

- “Thằng ngốc, người ăn táo có nói gì với mày không?”

- “Nó bảo nó là em của quan lục sư Lô”.

Lại hỏi:

- “Đây là táo chưa chín, làm sao có thể ăn hết được chứ?”

Đứa em trả lời:

- “Ăn từng quả từng quả thì hết ngay ạ !”

Lại hỏi:

- “Người đàn ông này hình dáng như thế nào?”

Đứa em nói:

- “Đến ăn táo, trong mình đói khát thì ăn sạch trơn !”

(Khải Nhan lục)

Suy tư 6:

Khi chúng ta thấy một gia đình có tiếng là đạo đức mấy đời, cha mẹ thật thà chất phác, có người làm linh mục làm bà Sơ, mà trong gia đình lại có những người sống hoang đàng, tội lỗi, thì chúng ta thường chê trách này nọ, nói: “Con dòng cháu giống chi mà lạ thế, hư thân mất nết...”

Cũng vậy, mọi người sẽ chê cười chúng ta khi chúng ta sống không đúng với đức tin của người Công Giáo, khi chúng ta mang danh là con cái của Thiên Chúa, mà sống như con cái của ma quỷ, nghĩa là vẫn nói hành nói xấu người khác, vẫn âm mưu hại người, vẫn tham lam và đắm mê sắc dục.v.v...người ta sẽ nói như thế này về chúng ta: “Người công giáo chi mà lạ thế, sống như lũ ăn cướp...”

Không ai nhìn thấy Thiên Chúa cả, bởi vì Ngài là Đấng vô hình, nhưng mọi người có thể thấy được việc làm của Thiên Chúa qua mọi hành động của chúng ta: bác ái và yêu thương. Và khi chúng ta vì yêu thương tha nhân mà làm công việc bác ái, thì chúng ta đã giới thiệu khuôn mặt hiền hậu và yêu thương của Thiên Chúa cho mọi người rồi vậy.

Vậy thì, ai dám chê cười chúng ta là người Công Giáo mà sống như phường tội lỗi chứ?

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

http://facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Phía bên nầy cõi vĩnh hằng
Lm. Minh Anh
23:14 09/07/2022

PHÍA BÊN NÀY CÕI VĨNH HẰNG
“Hãy đi và làm như vậy!”.

Đến St. Louis, MO, bạn có thể thăm “Gấu Cười”, một tiệm bánh nổi tiếng của bà McAllister, cựu tuyên uý nhà tù. Điều đáng nói là, ai muốn xin việc, phải có hồ sơ “đã bị tù!”. Bởi lẽ, khi còn là tuyên uý, McAllister đã hiểu được một ước nguyện chung hết sức lạ lùng của tù nhân; họ không muốn ra tù, vì biết sẽ không kiếm được việc làm! Vì thế, không cần biết họ là ai, đã làm gì, bà chỉ cần họ hướng đến một tương lai hy vọng. Bà không nhận lương, phần thưởng của bà là các nhân viên tìm lại được cuộc đời. Bà mở rộng vòng tay để nhiều người có một cơ hội thứ hai!

Kính thưa Anh Chị em,

McAllister đã “đi” và “làm” như lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, “Hãy đi và làm như vậy!” khi Ngài trả lời cho một người thông luật hỏi Ngài, “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Câu trả lời sau cùng của Chúa Giêsu đưa chúng ta về với một sự thật; đó là, chất lượng cuộc sống vĩnh cửu của tôi tương ứng với chất lượng tình yêu của tôi, thể hiện qua những việc tốt lành tôi làm ‘ở đây, bây giờ’, ‘phía bên này cõi vĩnh hằng!’.

Linh hồn là thiêng liêng, khao khát của nó là vô biên! Và dẫu biết điều kiện để có hạnh phúc vô biên là kính mến Chúa, yêu thương người, nhưng nhà thông luật vẫn muốn mặc cả với Chúa Giêsu về nan đề giới răn thứ hai, “Ai là người thân của tôi?”. Để trả lời ông, Ngài kể dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu; và kết luận, “Hãy đi và làm như vậy!”. Như thế, với Ngài, cuộc sống vĩnh cửu đã bắt đầu từ công lao của mỗi người ngay hôm nay; và chất lượng cuộc sống vĩnh cửu sẽ tương ứng với chất lượng yêu thương của việc họ làm ‘phía bên này cõi vĩnh hằng!’.

Như việc yêu Chúa và thương người không thể tách rời nhau; hạnh phúc vĩnh cửu mai ngày và bác ái hiện tại của mỗi người cũng không thể tách rời nhau, vì “Đức tin không việc làm là đức tin chết!”. Với mệnh lệnh gọn ghẽ, “Hãy đi và làm như vậy!”, Chúa Giêsu muốn nói rằng, bằng cách yêu thương như người Samaritanô yêu thương, chúng ta, dù đang ở thế gian, vẫn đang trên đường dẫn đến thiên đàng mai ngày, một cuộc sống không bao giờ kết thúc; đó là một cuộc sống đáng khao khát, đáng trải nghiệm và tất nhiên, đáng sở hữu!

Trong cuộc sống, Thiên Chúa thường đặt chúng ta vào những tình huống thách thức; Ngài biết chúng ta khao khát sự sống vĩnh cửu, nhưng cũng biết, đường dẫn đến sự sống đó là đường của tình yêu thanh tẩy, kéo dài, đòi hỏi cả con người và cuộc sống. Vì thế, Ngài mời chúng ta dõi bước theo Ngài trên chính con đường mà Ngài đã đi. Thư Côlôssê hôm nay viết, “Nhờ máu Ngài đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất”. Như vậy, rõ ràng, đường Ngài đi là đường thập giá; mỗi thập giá nhắc nhở chúng ta về tình yêu tự hiến ở ‘phía bên này cõi vĩnh hằng’ vốn là lối dẫn đến sự sống đời đời. Ngài là Lời, Đấng ban Lời; sách Đệ Nhị Luật hôm nay nói, “Lời ở sát bên các ngươi, nơi miệng, trong lòng các ngươi, để các ngươi thực thi”.

Anh Chị em,

“Hãy đi và làm như vậy!”; một mệnh lệnh, hai động từ! “Đi và làm”, buộc chúng ta suy nghĩ! “Đi!”, đi đâu? Đi về Nhà Cha, một con đường chông gai, nhiều cạm bẫy và thách đố, nhưng đó là con đường dẫn đến sự sống đích thực; con đường thanh tẩy, kéo dài, đòi hỏi cả ý chí, niềm tin và cả cuộc sống. Không chỉ “đi”, chúng ta còn phải “làm”, làm gì? Làm tất cả những gì Thiên Chúa muốn, bất kể đấng bậc, bất kể chức vụ, bất kể hậu quả ra sao! Chất lượng tình yêu trong trái tim khi làm điều Chúa muốn quan trọng hơn cả! Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở nên một Samaritanô, giúp anh chị em mình “hướng tới một tương lai hy vọng”; giúp họ “tìm lại cuộc đời”; “mở rộng vòng tay để họ có một cơ hội thứ hai!”. Hãy để trái tim nóng bỏng yêu thương của bạn hiện diện trên đôi tay, trên ánh mắt, trên nụ cười… bao lâu còn kịp, khi chúng ta còn ở ‘phía bên này cõi vĩnh hằng’ mà mắt và lòng luôn hướng về cõi vĩnh cửu! Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Các bạn khiêm cung, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin dạy con biết chuẩn bị cho mình phần phúc mai ngày khi còn ở ‘phía bên này cõi vĩnh hằng’; cho con biết cúi xuống phục vụ Chúa, Đấng đang ở trong anh chị em con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Công đồng Toàn thể Úc, kỳ họp thứ hai và cuối cùng
Vũ Văn An
02:54 09/07/2022

Kỳ họp thứ hai và cuối cùng của Công đồng Toàn thể Úc đã diễn ra tại Sydney từ ngày 3 tới ngày 9 tháng 7 năm 2022. Nó là đỉnh cao của giai đoạn cử hành Công đồng Toàn thể Lần Thứ 5 của Úc.


277 thành viên của Công Đồng đã xem xét, cầu nguyện và bỏ phiếu cho hơn 30 đề nghị xuất hiện trong hành trình 4 năm qua. Họ đã thúc đẩy niềm hy vọng và lời cầu nguyện của dân Chúa Úc.

Kỳ họp lần thứ hai đã bắt đầu bằng một Thánh Lễ, cử hành lúc 5 giờ chiều Chúa Nhật 3 tháng 7.

Từ thứ hai 4 tháng 7 tới thứ sáu 8 tháng 7, mỗi ngày, các thành viên đều tham dự nhiều phiên họp để xem xét việc làm của Công Đồng Toàn Thể, bao gồm các đề nghị và bỏ phiếu.

Thánh lễ bế mạc đã được tổ chức lúc 10 giờ 30 sáng, thứ Bẩy, 9 tháng 7, tại Giáo hội Chính tòa St Mary, Sydney.



Tạp chí The Pillar có 3 bài tường tuật về các cuộc bỏ phiếu tại Công Đồng Toàn thể Úc đại lợi.

1.Một ngày đầy kịch tính tại Công Đồng Toàn Thể Úc

Công đồng toàn thể của Giáo Hội Công Giáo Úc là bối cảnh cho một màn kịch lớn vào hôm thứ Tư.

Theo tờ The Catholic Weekly, sáng kiến này đã “rơi vào khủng hoảng”, trong khi tờ Sydney Morning Herald nói rằng nó đã “rơi vào tình trạng hỗn loạn”.

Các chia rẽ bùng nổ vào ngày 6 tháng 7, giữa kỳ họp toàn thể cuối cùng của dự án bốn năm, nhằm tìm cách hồi sinh Giáo hội địa phương sau những vụ tai tiếng lạm dụng đầy tàn phá và trong bối cảnh con số tín hữu đang suy giảm.

The Pillar thử xem xét những gì đã xảy ra.

Nhưng, Công đồng toàn thể là gì?

Công đồng toàn thể là sự tập hợp chính thức cao nhất của toàn bộ Giáo hội địa phương trong một quốc gia. Không giống như một thượng hội đồng, nó có quyền lập pháp và cai trị, có nghĩa là các quyết định của nó có giá trị ràng buộc, tuy phải được sự chấp thuận của Rome.

Rủi ro, do đó, khá cao khi những người tham gia tụ họp trong một cuộc họp kéo dài một tuần ở Sydney vào ngày 3 tháng 7 để xem xét khoảng 30 đề nghị chia thành tám chủ đề.

Chương trình nghị sự cho các cuộc bỏ phiếu bao gồm một số đề nghị gây tranh cãi, bao gồm lời kêu gọi truyền chức thánh cho phụ nữ, các giáo dân giảng trong Thánh lễ, và mở rộng việc sử dụng phép giải tội chung thay cho việc xưng tội cá nhân.

277 thành viên Công đồng toàn thể - bao gồm giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân - được mời từ khắp các giới của Giáo hội.

Chủ tịch hội đồng, Đức Tổng Giám Mục Timothy Costelloe, nói với những người tham dự rằng họ “không phải là kẻ thù hay chiến sĩ tìm cách chiếm ưu thế hơn những người khác”. Ngài cũng cảnh cáo rằng “những hy vọng, ước mơ và dự án trân qúy” của họ có thể không thành hiện thực trong cuộc bỏ phiếu cuối cùng của Công đồng toàn thể.

Bối cảnh ra sao?

Dữ liệu điều tra dân số được công bố gần đây cho thấy, lần đầu tiên phần lớn người Úc không xác định là Kitô hữu.

Trong khi Công Giáo vẫn là hiệp thông Kitô giáo lớn nhất của đất nước, chiếm 20% trong tổng số 25 triệu dân, nhưng Giáo hội đã mất đi ảnh hưởng đáng kể trong xã hội Úc.

Các giám mục hy vọng rằng Công đồng toàn thể sẽ giúp hồi sinh những người Công Giáo của đất nước. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phê duyệt sáng kiến vào năm 2018. Đây là Công đồng toàn thể thứ năm trong lịch sử của Úc và là Công đồng đầu tiên kể từ năm 1937.

Điều gì đã xảy ra vào hôm thứ Tư?

Một người tham gia, phát biểu ở hậu trường, nói với The Pillar rằng buổi họp mặt đã khởi đầu suông sẻ trong bầu không khí “vui vẻ đáng kể mặc dù có sự khác biệt rõ ràng”.

Nhưng sự cổ vũ tốt đẹp đã tan biến vào hôm thứ Tư khi các thành viên Công đồng toàn thể bỏ phiếu cho hai đề nghị về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội.

Các đề nghị này là một phần của chủ đề thứ tư của sáng kiến, “Làm chứng cho phẩm giá bình đẳng của phụ nữ và nam giới”.

Trong đề nghị 4.5, Giáo hội ở Úc chính thức cam kết “xem xét việc phụ nữ tham gia thừa tác vụ phó tế - nếu Đức Thánh Cha Phanxicô cho phép chức vụ đó dựa trên những phát hiện của Ủy ban Nghiên cứu về Nữ Phó tế đã được tái lập”.

Đề nghị đã giành được đa số đủ điều kiện [qualified majority] (tức hai phần ba hoặc nhiều hơn số cử tri hiện diện) trong số thành viên tham vấn [consultative], với 148 người ra hiệu Placet (đồng ý), 27 Placet Juxta Modum (đồng ý với sửa đổi) và 36 Non Placet (không đồng ý).

Nhưng nó không đạt được đa số đủ điều kiện giữa các thành viên tham nghị [delibaretaive] (tức là các giám mục), với 25 vị chọn Placet, 10 vị chọn Placet Juxta Modum và 8 vị chọn Non Placet.

Trong khi đó, đề nghị 4.6 nói rằng tất cả các giáo phận và giáo phận Đông phương của Úc nên “thúc đẩy các cơ hội mới cho phụ nữ tham gia vào các thừa tác vụ và vai trò ổn định, được công nhận công khai, được cung cấp nguồn lực với sự đào tạo thích hợp bao gồm giáo dục thần học và được giám mục ủy nhiệm”.

Đề nghị không đạt được đa số đủ điều kiện trong cuộc bỏ phiếu tham vấn (84 Placet, 32 Placet Juxta Modum , và 97 Non Placet) còn các thành viên tham vấn thì (27 Placet, 5 Placet Juxta Modum và 11 Non Placet).

Một người tham gia khác, yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề giữa các thành viên Công đồng toàn thể, nói với The Pillar rằng một số phụ nữ tham gia cuộc tranh luận đã nhận xét: các vai trò như vậy vốn đã đã có trong Giáo hội Úc, và họ đã đặt vấn đề bằng một ngôn ngữ khác sử dụng trong các tài liệu của Công Đồng.

Đặc biệt, một đoạn - nói rằng “mặc dù một số phụ nữ hài lòng với vai trò của họ trong Giáo hội, nhưng Công đồng Toàn thể được thường xuyên yêu cầu chú ý tới các nhiệm vụ còn lại, đặc biệt là sự tham gia của phụ nữ trong các cơ cấu lãnh đạo và quản trị” – đã bị thách thức như có tính cha chú và coi nhẹ các phụ nữ không ủng hộ việc thúc đẩy sáng kiến phong chức cho phụ nữ.

Tham dự viên này cho hay, “Có một sự đẩy ngược rõ ràng – phát xuất từ các nữ tham dự viên – khi họ nói rằng Giáo hội là để phục vụ, mọi sự đều là phục vụ, thế mà những gì đang được nói đến [trong đề nghị] nhấn mạnh đến việc ai sẽ điều khiển việc này việc nọ.”

Phản ứng ra sao?

Việc công bố các phiếu bầu của các giám mục đã tạo ra sự náo động. Tờ Sydney Morning Herald đưa tin rằng lịch trình dự kiến đã bị đình chỉ, trong khi một số đại biểu từ chối trở về ghế ngồi, đứng “ở phía sau phòng họp để phản đối”.

Tạp chí The Catholic Weekly cho biết họ hiểu rằng “một số tham dự viên cảm thấy khó chịu vì cuộc bỏ phiếu của các giám mục và sự chia rẽ sâu sắc đã bị gióng tiếng”, trong khi “một số người cảm thấy cuộc khủng hoảng một phần do chính diễn trình gây ra”.

Một số nhà bình luận trên mạng xã hội cho rằng các giám mục không thoải mái với một cam kết minh nhiên đối với vấn đề nữ phó tế, vì vấn đề này vẫn còn đang được xem xét ở Rome. Những nhà bình luận khác bày tỏ sự ngạc nhiên trước việc bác bỏ các đề nghị “nhút nhát”.

Tham dụ viên ghi nhận sự đẩy ngược nói với The Pillar rằng khoảng 60-70 đại biểu đã từ chối trở lại ghế ngồi sau giờ nghỉ trà buổi sáng và mô tả bầu không khí là "vô cùng khó chịu."

Họ nói: “Có một vài giọt nước mắt, và khá nhiều chua cay trong một số trường hợp. Cũng có một chút cảm giác bị đe dọa, thực thế. Có một chút chỉ trích nhắm vào các đại biểu nữ khi họ tiếp tục trở lại ghế ngồi, đại loại như vậy."

Trong giờ nghỉ trưa, các thành viên ban chỉ đạo của Công đồng toàn thể đã tụ tập lại để thảo luận về tình hình. Một cuộc họp khác với hơn 60 người đã diễn ra cùng lúc, được dẫn đầu bởi Francis Sullivan, đại diện cho Cơ quan Dịch vụ Xã hội Công Giáo Australia, và John Warhurst, Chủ tịch Hội Công Giáo Quan tâm Canberra Goulburn.

Sullivan nói với The Catholic Weekly rằng có một "sự chia rẽ nhận thấy rõ" trong các cuộc thảo luận được tổ chức vào ngày hôm trước.

Ông nhận xét “Có rất nhiều sự tức giận và thất vọng, đặc biệt nhân danh phụ nữ nhưng cả cộng đồng LGBT hoặc cộng đồng cầu vồng, nếu bạn muốn”.

Tham dự viên Công đồng nói với The Pillar rằng có cảm giác cho rằng "văn bản đã không được tuân theo, mọi thứ đã không theo kế hoạch."

“Chúng tôi giả thiết ở đây để lắng nghe Chúa Thánh Thần, đó là điều mọi người vẫn nói. Nhưng chắc chắn có vẻ như ít nhất một vài người đã đến đây với cảm giác khá rõ ràng về những gì Chúa Thánh Thần muốn nói."

Điều gì tiếp theo?

Blog truyền thông của các giám mục Úc đã thông báo rằng tại một phiên họp buổi chiều, “đa số áp đảo các thành viên ủng hộ đề nghị xem xét lại hai đề nghị”.

Blog này cho biết, “Sau khi công bố những phiếu bầu đó, các thành viên Công đồng được mời dành thời gian trò chuyện tại bàn của họ, chia sẻ cảm xúc và phản ứng của họ, và xem xét việc họ có thể tiến lên một cách xây dựng ra sao”.

Thông báo nói thêm rằng phó chủ tịch Công đồng toàn thể, Đức Giám Mục Shane Mackinlay, “nói rằng đây rõ ràng là một khoảng thời gian đầy cảm xúc đối với nhiều thành viên, nhưng những gì xảy ra sau đó là một dấu hiệu của một cuộc ‘hành trình với nhau’ mà Công đồng đã cổ vũ”.

Đức Cha Mackinlay lưu ý: “Chúng tôi có khả năng nghe các thành viên - trước hết là phụ nữ, nhưng cũng có thể từ nam giới - về cách chúng tôi có thể đáp ứng và nhận ra những hồng phúc mà phụ nữ cung cấp để phục vụ Tin Mừng”.

Blog cho biết rằng một nhóm soạn thảo gồm bốn người sẽ tiếp nhận các khuyến cáo để phác thảo lại các đề nghị, dự kiến sẽ được xem xét lại trong những ngày tới.

Nó nhấn mạnh rằng các thành viên sẽ tiếp tục làm việc thông qua chương trình nghị sự của Công đồng toàn thể vào thứ Năm. Có thể có một số khó khăn ở phía trước, khi các tham dự viên sẽ bỏ phiếu về các đề nghị gây tranh cãi như để giáo dân giảng trong Thánh lễ và việc sử dụng rộng rãi hơn hình thức giải tội chung.

Còn tiếp
 
Nhà truyền giáo người Anh làm cầu nối các đức tin thông qua đối thoại ở Indonesia
Đặng Tự Do
17:18 09/07/2022


Cha John Mansford Prior, qua đời ngày 2 tháng 7 năm 2022, sinh ra và lớn lên ở Anh, nhưng đã dành phần lớn cuộc đời mình ở Indonesia với tư cách là một nhà thần học và học thuật hàng đầu, thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo và nghiên cứu Kinh thánh với một loạt các thành tích đáng chú ý.

Sinh năm 1946, ngài được thụ phong linh mục truyền giáo năm 1972 trong Dòng Ngôi Lời. Năm sau, ngài đến Flores, một hòn đảo ở miền Đông Indonesia, nơi có khoảng 90% dân số theo đạo Công Giáo mặc dù đây là tôn giáo thiểu số ở quốc gia có đa số người Hồi giáo.

Kể từ đó, ngài thành lập và lãnh đạo một số giáo xứ ở Flores và tập trung công việc của mình vào việc thúc đẩy và nghiên cứu đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo. Năm 2008, ngài thậm chí còn thực hiện một cuộc hội thảo ở Úc với tiêu đề “Hiểu về Hồi giáo ngày nay: những khuôn mặt và cảm xúc đằng sau những tiêu đề.”

Tác giả của bài báo nhấn mạnh nhu cầu đối thoại liên tục và hiểu biết giữa người Hồi giáo và Kitô giáo. Cha Prior than thở rằng “ngày nay, đáng tiếc là khó có thể thiết lập những mối liên hệ mật thiết như vậy do tình trạng chính trị hóa hầu hết mọi khía cạnh của mối quan hệ giữa người Hồi giáo và Kitô giáo”.

Đối thoại và hòa bình là ưu tiên sứ mệnh của Cha Prior trong suốt cuộc đời của ngài như ngài đã chứng minh qua lời nói, các bài viết và hành động của mình. Cái chết của ngài là một mất mát không gì bù đắp được đối với thần học và xã hội học trong khu vực. Nhưng những đóng góp to lớn của ngài với tư cách là một linh mục truyền giáo và một học giả uyên bác để lại một di sản vàng
Source:UCANews
 
Thủ tướng Shinzo Abe được nhớ đến vì sự tôn trọng tuyệt vời đối với Giáo Hội Công Giáo
Đặng Tự Do
18:17 09/07/2022
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được nhớ đến như một người thể hiện “sự tôn trọng lớn lao đối với Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là đối với Tòa thánh” sau vụ ám sát hôm thứ Sáu.

Abe đang vận động cho các ứng cử viên địa phương ở Nara thì một người bắn vào lưng ông từ cự ly gần bằng một khẩu súng tự chế. Vị cựu Thủ tướng 67 tuổi được đưa đến bệnh viện bằng máy bay nhưng các quan chức cho biết ông không thở được và tim đã ngừng đập. Sau đó ông được xác nhận là đã chết tại bệnh viện.

Cảnh sát đã bắt giữ kẻ tình nghi xả súng tại hiện trường, nhưng không có động cơ nào được đưa ra ngay lập tức.

“Mặc dù chúng tôi là các Giám mục Công Giáo Nhật Bản và cố Thủ tướng có sự khác biệt lớn về quan điểm đối với một số vấn đề bao gồm giải trừ hạt nhân, chính sách năng lượng hạt nhân và hiến pháp hòa bình, nhưng ông Abe đã thể hiện sự tôn trọng lớn đối với Giáo Hội Công Giáo, đặc biệt là đối với Tòa thánh, và chắc hẳn ông đã hiểu được ảnh hưởng của Đức Thánh Cha đối với xã hội, quốc tế về vấn đề hòa bình,” Đức Tổng Giám Mục Isao Kikuchi của Tokyo nói.

“Đó là lý do chính tại sao ông ấy bỏ ra rất nhiều nỗ lực để mời Đức Thánh Cha đến thăm Nhật Bản và thậm chí lần đầu tiên ông ấy đã bổ nhiệm một người Công Giáo làm Đại Sứ tại Tòa thánh. Trong khi cử một số đặc phái viên đến gặp Đức Thánh Cha để mời ngài thăm Nhật Bản, bản thân ông cũng đã đến thăm Đức Thánh Cha tại Vatican vào năm 2014,” Đức Tổng Giám Mục nói.

Giáo Hội Công Giáo, với không quá 500.000 tín hữu, chỉ chiếm chưa đến 0,5 phần trăm của quốc gia nổi tiếng về Thần đạo và Phật giáo.

Abe là thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản, ông đã tại vị hai lần, lần đầu tiên từ năm 2006-2007 và sau đó là từ năm 2012-2020. Là thành viên của Đảng Dân chủ Tự do bảo thủ, ông đã gây tranh cãi vì quan điểm tái quân sự hóa Nhật Bản nhằm đương đầu với chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của Đảng Cộng sản Trung Quốc; và quan điểm xét lại của ông về các hành động của Nhật Bản trong Thế chiến thứ hai.

Ông đã tiếp đón Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến công du Nhật Bản từ ngày 24 đến 26 tháng 11 năm 2019, bao gồm các chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng đến Hiroshima và Nagasaki.

“Cả hai vị đều đồng ý tiếp tục vận động cho một thế giới không có vũ khí hạt nhân, xóa đói nghèo, nhân quyền và bảo vệ môi trường,” Kikuchi nói.

“Mặc dù cả hai vị đều nhất trí sẽ nỗ lực hơn nữa để hướng tới cùng mục tiêu về những vấn đề quan trọng như vậy, nhưng cả hai cũng nhận thấy rằng đường lối của ông Abe và Đức Thánh Cha không giống nhau”

“Đức Thánh Cha đi xa hơn trong việc cam kết thực hiện một số mục tiêu trong số này nhưng ông Abe đã thận trọng hơn trong việc hiện thực hóa chương trình nghị sự chính trị của mình. Tôi đoán đó là một trong những lý do tại sao Đức Thánh Cha không đề cập đến án tử hình cũng như chính sách năng lượng hạt nhân cho đến khi ngài đáp chuyến bay trở về Rôma,” Đức Tổng Giám Mục nói.

Ngoài Hoa Kỳ, Nhật Bản là quốc gia G7 duy nhất giữ lại hình phạt tử hình.

Kikuchi cũng lưu ý rằng các giám mục Nhật Bản không đồng ý với nỗ lực của Abe trong việc thay đổi Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản, vốn cấm chiến tranh như một phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế, mặc dù Đức Tổng Giám Mục nói rằng cả Giáo hội và cựu thủ tướng đều “có thể nhắm đến cùng một mục tiêu, đó là thiết lập hòa bình trong khu vực.”

“Mặc dù có sự khác biệt về quan điểm giữa chúng tôi là Giám mục và chính sách của ông Abe, chúng tôi vẫn được hưởng quyền tự do tín ngưỡng ở Nhật Bản dưới sự bảo vệ của hiến pháp mà ông Abe đã được chọn làm thủ tướng. Những đóng góp to lớn của ông cho đất nước cần được trân trọng và một người như vậy không nên bị sát hại bởi cuộc tấn công bạo lực này. Cầu mong ông ấy yên nghỉ,” vị tổng giám mục nói.
Source:CRUX
 
Internet của Trung Quốc bày tỏ sự hả hê trước vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe
Đặng Tự Do
18:20 09/07/2022

Vụ ám sát Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang gây ra một chấn động lớn trên thế giới. Tờ POLITICO có bài tường trình nhan đề “China’s internet expresses glee at Abe’s assassination” nghĩa là “Internet của Trung Quốc bày tỏ sự hả hê trước vụ ám sát cựu Thủ tướng Abe”.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Những lời bình luận sắt máu trực tuyến phản ánh sức mạnh của chính sách “giáo dục yêu nước” chống Nhật.

Nhật Bản và phần lớn cộng đồng quốc tế đã phản ứng trước vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe với sự bàng hoàng và mất tinh thần. Nhưng tình trạng diễn ra ngược lại ở Trung Quốc, nơi phản ứng trên mạng xã hội tràn ngập niềm hân hoan và những lời phản đối Thủ tướng Abe.

Ông Abe, được tường trình là bị ám sát bởi một người đàn ông 41 tuổi mà động cơ vẫn chưa rõ ràng, tại một sự kiện vận động tranh cử hôm thứ Sáu. Nhiều nhà bình luận trên mạng Vi Bác, hay còn gọi là Weibo, một mạng xã hội của Trung Quốc giống như Twiiter, đã chào đón tin tức về vụ ám sát bằng cách kêu gọi “rượu và ăn tối” để nâng cốc chúc mừng cái chết của ông. Một số người cho rằng kẻ giết ông là một “anh hùng”. Ông Abe đã đi tiên phong trong chính sách đối ngoại nhằm chống lại chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của Trung Quốc về kinh tế, ngoại giao và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khiến Bắc Kinh tức giận.

Phản ứng ở Trung Quốc phản ánh cách mà hàng thập kỷ tuyên truyền của chính phủ được thiết kế để kích động chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc bằng cách phỉ báng người Nhật vì những hành động tàn bạo trong thời chiến. Chính sách này đã đầu độc thái độ của công chúng đối với Nhật Bản. Chính sách tuyên truyền này cũng làm phức tạp thêm nỗ lực của Bắc Kinh trong việc cải thiện quan hệ với Tokyo; nhằm đáp lại Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của chính quyền Biden.

Matthew Schmidt, giám đốc phụ trách các vấn đề quốc tế tại Đại học New Haven của Hoa Kỳ cho biết:

“Khán giả Mỹ nên nhớ rằng trong quá khứ người Nhật là Đức quốc xã của Á Châu trong Thế chiến thứ hai - họ đã giết hàng triệu người Trung Quốc và một huyền thoại đã được xác lập tại Trung Quốc hiện đại cho rằng người Tầu cần phải chiến đấu chống lại Nhật Bản. Ông Abe là một nhân vật gây tranh cãi ở Trung Quốc bởi vì quan điểm cơ bản của ông ấy là, 'Tôi muốn một Nhật Bản không còn bị ràng buộc với lịch sử của Thế chiến thứ hai.'”

Một bài báo của CCTV đưa tin về cái chết của Abe đã nhận được 2,55 triệu lượt yêu thích, một số nhà bình luận đã ăn mừng sự kiện này.

“Sát thủ của Abe sẽ được viết vào lịch sử Nhật Bản”, một bình luận hàng đầu cho biết khi “Cái chết của Shinzo Abe” đã trở thành một trong những mục hàng đầu trên mạng xã hội Vi Bác hôm thứ Sáu. “Thiện ác sẽ luôn được đền đáp”, một người khác nói. Những người dùng mạng xã hội Trung Quốc cũng chỉ ra ngày thứ Năm vừa qua là ngày kỷ niệm sự việc cầu Marco Polo, đánh dấu sự khởi đầu của cuộc xâm lược toàn diện của Nhật Bản vào Trung Quốc năm 1937.

“Chúng tôi không đủ tư cách để tha thứ cho kẻ ác đối với hàng triệu đồng bào đã chết trong cuộc chiến chống Trung Quốc và cuộc Thảm sát Nam Kinh! ! ! Đừng quên nỗi nhục quốc thể! ! !” một người nhận xét.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo cho biết trong một tuyên bố rằng chính quyền Trung Quốc “bị sốc” trước vụ ám sát Ông Abe và ghi nhận ông đã “cải thiện và phát triển quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản.” Nhưng các nhà kiểm duyệt của chính phủ Trung Quốc vẫn chưa xóa các bình luận chống Abe khỏi internet, điều này cho thấy một mức độ dung túng chính thức cho thái độ bài Nhật. Hôm thứ Bẩy, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian) từ chối bình luận về phản ứng của cư dân mạng. Ông nói: “Sự việc bất ngờ này không nên liên quan đến quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản”.

Các bài bình luận trực tuyến chống Ông Abe phản ánh cách thức hệ thống giáo dục Trung Quốc hướng đến một chương trình giảng dạy “giáo dục yêu nước” kết hợp với một câu chuyện lịch sử chống Nhật lan truyền mạnh. Chính sách ấy đã tạo điều kiện cho một thế hệ thanh niên Trung Quốc có tư tưởng bài Nhật cực đoan.

Những tình cảm đó được gieo mầm bởi cả nỗi kinh hoàng mà Nhật Bản gây ra cho Trung Quốc trong Thế chiến thứ hai cũng như những tranh chấp lãnh thổ âm ỉ kéo dài về quyền kiểm soát các đảo Điếu Ngư hay Senkaku ở Biển Đông. Chính phủ Trung Quốc gọi Chiến tranh thế giới thứ hai là “Cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc chống lại sự xâm lược của Nhật Bản” và “Chiến tranh thế giới chống phát xít”.

Bắc Kinh cũng đã điên tiết trước sự ủng hộ ngày càng mạnh mẽ của Tokyo trong việc bảo vệ Đài Loan khỏi sự xâm lược có thể có của Trung Quốc. Ông Abe trở thành người công khai ủng hộ việc Nhật Bản bảo vệ Đài Loan kể từ khi ông từ chức thủ tướng vào năm 2020, khiến ông trở thành mục tiêu chỉ trích của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Vào tháng 2 vừa qua, Ông Abe đã kêu gọi chính quyền Biden từ bỏ chính sách “mơ hồ chiến lược” liên quan đến việc liệu Mỹ có bảo vệ Đài Loan khi đối mặt với cuộc xâm lược quân sự của Trung Quốc hay không, và tuyên bố rằng “người dân Đài Loan chia sẻ các giá trị chung của chúng ta” và xứng đáng được bảo vệ. Ông Abe cũng làm dấy lên sự phẫn nộ của Trung Quốc khi đến thăm đền Yasukuni ở Tokyo, nơi tôn vinh những người chết trong chiến tranh của Nhật Bản, bao gồm cả những tội phạm chiến tranh “Loại A”. Ông Abe cũng coi việc thắt chặt mối quan hệ của Nhật Bản với Mỹ là một kế hoạch quan trọng trong chính quyền của ông và hướng dẫn các nỗ lực của Nhật Bản nhằm hồi sinh Tứ Cường, là một nhóm địa chính trị bán chính thức bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ và Australia.

Ông Abe hẳn là có bề dày hồ sơ trong việc chống lại chủ nghĩa bành trướng Đại Hán của Đảng Cộng sản Trung Quốc cầm quyền. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể vì những lợi ích nào đó đang cố gắng đổ thêm dầu vào lửa qua các bình luận trực tuyến có thể làm tăng thêm căng thẳng trong mối quan hệ Nhật - Trung.

Anne-Marie Brady, giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Canterbury ở New Zealand, nhận xét rằng: “Trong thời điểm bi thảm như thế này, khi một nhà lãnh đạo toàn cầu bị ám sát, Đảng Cộng sản Trung Quốc lẽ ra không nên khuyến khích những lời bình luận thù địch trên mạng xã hội tiếng Trung, nổ ra kể từ khi Abe qua đời”.

Tuy nhiên, bà tin rằng phong trào này cuối cùng sẽ bị Đảng Cộng sản Trung Quốc đàn áp. “Đảng Cộng sản Trung Quốc có lẽ sẽ kiềm chế những bình luận như thế này vì nó không phản ánh thông điệp mà họ muốn gửi đến chính phủ và người dân Nhật Bản ngay bây giờ. Không những thế, tình cảm dân tộc sẽ chống lại chính Đảng Cộng sản Trung Quốc, khi phản ánh sự đối kháng xã hội sâu sắc.”
Source:POLITICO
 
Công đồng Toàn thể Úc, kỳ họp thứ hai và cuối cùng, tiếp
Vũ Văn An
18:57 09/07/2022

2. Phiên họp hôm thứ Năm của Công đồng Toàn thể Úc, một ngày sau khi đề nghị phong chức nữ phó tế bị bác bỏ

Ký giả Luke Coppen của The Pillar tiếp tục tường trình phiên họp hôm thứ Năm, một ngày sau khi đề nghị phong nữ phó tế bị các thành viên tham nghị, tức các Giám Mục, bác bỏ nhưng sau đó bằng lòng xem xét lại.



Công đồng Toàn thể của Giáo Hội Công Giáo Úc đã tiếp tục công việc của mình vào hôm thứ Năm, nhóm họp cho ngày bỏ phiếu áp chót. Những người tham gia cho biết bầu không khí đã ổn định hơn vào ngày 7 tháng 7, sau khi căng thẳng lên cao lúc hai đề nghị về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội không được thông qua vào ngày hôm trước.

Đức Giám Mục Phụ Tá Richard Umbers của Sydney nói với The Pillar rằng tâm trạng đã “bình tĩnh hơn nhiều” vào hôm thứ Năm. Ngài nói, “Tôi nghĩ rằng sau cú sốc ngày hôm qua khiến hầu hết mọi người đau khổ, tất cả những người có mặt đã phải nỗ lực rất nhiều để tập hợp lại trong tình đoàn kết và tình yêu thương. Điều rất quan trọng là chúng ta không tranh luận như một nghị viện (quốc hội) nhưng như anh chị em trong Chúa Kitô.”

Sự chia rẽ ngấm ngầm đã được phơi bày vào ngày 6 tháng 7 khi các giám mục của đất nước - những người bỏ phiếu riêng so với các thành viên “tham vấn” của Công đồng- đã bác bỏ một đề nghị kêu gọi du nhập các nữ phó tế “nếu Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho phép thừa tác vụ này”, cũng như một đề nghị khác về “các cơ hội mới để phụ nữ tham gia vào các thừa tác vụ.”

Như trên đã nói, việc bác bỏ trên đã gây náo động khiến 60 thành viên tham vấn phản đối không chiụ trở lại ghế ngồi. Nhưng vào cuối ngày, ban lãnh đạo Công đồng đã thông báo sẽ xem xét lại vấn đề, bằng cách soạn lại các đề nghị và cho bỏ phiếu lại.

Đức Cha Umbers nói rằng phiên họp hôm thứ Năm đã bắt đầu và kết thúc với "lời chào mừng đến đất nước và kêu gọi sự chúc phúc chung của các chị em thổ dân của chúng tôi", một điều "tạo nên một âm điệu vui tươi và hòa bình mà chúng tôi mang theo suốt cả ngày."

Một ghi chú ở cuối trang web chính thức của Công đồng Toàn thể nhấn mạnh rằng cuộc tụ họp ở Sydney đang diễn ra trên vùng đất liên kết với người thổ dân của Úc. Ghi chú này nói, “Chúng tôi thừa nhận thổ dân và người dân đảo Torres Strait là những người gìn giữ truyền thống của vùng đất phương Nam tuyệt vời mà trên đó chúng tôi đang hội họp. Chúng tôi tôn vinh các Vị Trưởng Thượng trong quá khứ, hiện tại và tương lai, đồng thời cảm ơn sự hy sinh và quản lý của họ.”

Sau sự thất bại của hai đề nghị vào thứ Tư, tất cả các đề nghị của thứ Năm đã đạt được đa số đủ điều kiện (hai phần ba số phiếu bầu trở lên).

277 thành viên của Công đồng- giám mục, linh mục, tôn giáo và giáo dân - sắp sửa kết thúc cuộc họp kéo dài một tuần được triệu tập để bỏ phiếu cho khoảng 30 biện pháp chia thành tám chủ đề.

Chương trình nghị sự ngày 7 tháng 7 tập trung vào chủ đề thứ bảy và thứ tám: quản trị và sinh thái toàn diện. Các thành viên Công đồng ủng hộ bốn đề nghị liên quan đến việc điều hành Giáo hội.

Đề nghị 7.2 khẳng định rằng “việc quản trị trong Giáo Hội Công Giáo nên được thực hiện theo cách thức đồng nghị,” yêu cầu tất cả các giáo phận thành lập một Hội đồng mục vụ giáo phận.

Đề nghị 7.3 kêu gọi các giáo phận và các giáo phận Đông phương của Úc “hỗ trợ các giáo xứ thiết lập và củng cố các cơ cấu đồng nghị thích hợp bằng cách khai triển các hướng dẫn và cung cấp các nguồn lực cho sự triển nở của các Hội đồng mục vụ giáo xứ, các ủy ban tài chính giáo xứ và các bộ phận giáo xứ khác”.

Đề nghị 7.4 tán thành việc thành lập một nhóm công tác để phát động cuộc “tham vấn rộng rãi” nhằm khai triển “Hội nghị bàn tròn về Đời sống Đồng nghị Công Giáo Toàn quốc để thúc đẩy, đánh giá và báo cáo định kỳ về sự phát triển tài lãnh đạo đồng nghị khắp Giáo hội Úc.”

Đề nghị 7.5 kêu gọi cuộc nghiên cứu cách thực thi tài liệu “The Light from Southern Cross” [Ánh sáng Sao Phương Nam]. Bản văn, được công bố năm 2020, đưa ra 86 khuyến cáo về những thay đổi trong việc quản trị Giáo hội. Các tác giả của báo cáo bao gồm giáo sư thần học Massimo Faggioli của Đại học Villanova.

Các cử tri cũng tán thành hai đề nghị về hệ sinh thái toàn diện.

Đề nghị 8.1 kêu gọi tất cả các giáo xứ và giáo phận “chấp nhận lời mời của Đức Thánh Cha Phanxicô tham gia Cương lãnh Hành động Laudato Si’ và một là khai triển các Kế hoạch Hành động Laudato Si’ hoặc tham gia các Kế hoạch Hành động Laudato Si’ hiện có.” Nó cũng ủng hộ “các sáng kiến trong Giáo hội và xã hội nhằm thúc đẩy và bảo vệ sự sống con người từ khi thụ thai đến khi chết tự nhiên, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất”.

Đề nghị 8.2 khuyến cáo các giáo xứ và tổ chức Công Giáo tham gia Cương lĩnh Laudato Si’ vào năm 2024 và tham gia vào Kế hoạch hành động Laudato Si’ vào năm 2030.

Ngày 8 tháng 7 là ngày bỏ phiếu cuối cùng - và có thể sẽ là một ngày căng thẳng vì các mục gây tranh cãi nhất trong chương trình nghị sự dường như đã được để lại sau chót. Chúng bao gồm không những đề nghị sửa đổi về việc phong chức cho phụ nữ, mà còn bao gồm các đề xuất về việc giáo dân giảng trong Thánh lễ và sử dụng rộng rãi hơn việc giải tội chung thay vì giải tội cá nhân.

Có thể coi Thứ Năm như sự bình lặng giữa hai cơn bão.

3. Công đồng toàn thể Úc kết thúc với cuộc bỏ phiếu thống nhất

Ký giả Luke Coppen của tạp chí The Pillar tiếp tục tường trình ngày bỏ phiếu cuối cùng của Công đồng Toàn thể Úc.



Các thành viên của Công đồng Toàn thể của Úc đã ủng hộ 18 trong số 19 đề nghị vào hôm thứ Sáu, ngày bỏ phiếu cuối cùng trong cuộc họp kéo dài cả tuần đôi khi căng thẳng.

Những người tham gia cuộc họp ở Sydney ủng hộ các đề nghị sửa đổi về việc phong nữ phó tế và phụ nữ tham gia vào các thừa tác vụ mà ban đầu bị các giám mục của đất nước bác bỏ, gây ra một cuộc phản đối giận dữ.

Họ cũng đã bỏ phiếu vào ngày 8 tháng 7 cho việc sử dụng rộng rãi hơn phép giải tội chung thay cho việc giải tội cá nhân và kêu gọi bản dịch mới tiếng Anh của Sách lễ Rôma để thay cho phiên bản được du nhập vào năm 2011. Nhưng Công đồng đã bác bỏ một đề nghị kêu gọi Vatican cho phép giáo dân giảng trong thánh lễ.

Các hành vi cuối cùng của Công đồng bây giờ sẽ phải được tổng hợp và gửi về Rome để phê chuẩn.

Họ bỏ phiếu ra sao: Phụ nữ trong Giáo hội

✔️ Nữ phó tế: Các thành viên đã bỏ phiếu về một đề nghị đã được sửa đổi nói rằng “luật phổ quát của Giáo hội có nên được sửa đổi để cho phép nữ phó tế hay không, Công đồng toàn thể khuyến nghị rằng các Giám mục Úc nên xem xét cách tốt nhất để thực hiện luật này trong bối cảnh của Giáo hội ở Úc ”- một bước lùi so với đề nghị ban đầu, là đề nghị thực sự kêu gọi Đức Giáo Hoàng cho phép truyền chức nữ phó tế.

Đề nghị đã giành được đa số đủ điều kiện (ít nhất là hai phần ba) trong số cả cử tri tham vấn (phần chủ yếu của các tham dự viên) lẫn cử tri tham nghị (giám mục).

✔️ Cơ hội mới cho phụ nữ: Một đề nghị khác ban đầu bị bác bỏ và sau đó được sửa đổi - các giáo phận cam kết “hỗ trợ, với sự đào tạo và công nhận thích hợp, các cơ hội mới cho phụ nữ tham gia vào các thừa tác vụ liên quan đến các khía cạnh quan trọng nhất của đời sống giáo phận và giáo xứ” - cũng đạt được đa số đủ điều kiện trong vòng đầu phiếu thứ hai.

✔️ Phẩm giá bình đẳng của phụ nữ và nam giới: Các cử tri ủng hộ một tuyên bố dẫn nhập yêu cầu Giáo hội ở Úc hành động “theo những cách làm chứng rõ ràng cho phẩm giá bình đẳng của phụ nữ và nam giới,” “nâng cao vai trò của phụ nữ trong Giáo hội” và “khắc phục những giả định, văn hóa, tập quán và ngôn ngữ dẫn đến bất bình đẳng.”

✔️ Lắng nghe quan điểm của phụ nữ: Một đề nghị cũng được thông qua: Giáo hội cam kết bảo đảm rằng “kinh nghiệm và quan điểm của phụ nữ, bao gồm cả những phụ nữ thực thi thừa tác vụ, được lắng nghe, xem xét và đánh giá cao ở bình diện địa phương, giáo phận và quốc gia”.

✔️ Thực thi các văn kiện: 277 thành viên Công đồng đã kêu gọi hai văn kiện trước đây của các giám mục Úc - Woman and Man: One in Christ Jesus [Người phụ nữ và Người đàn ông: là Một trong Chúa Giêsu Kitô] (1999) và Woman and Man: The Bishops Respond [Người đàn bà và Người đàn ông: Các Giám mục đáp ứng] (2000)- được thực thi “đầy đủ hơn”.

Họ bỏ phiếu ra sao: Các Bí tích

✔️ Bản dịch Thánh lễ mới bằng tiếng Anh: Cuộc họp ủng hộ việc yêu cầu ủy ban phụng vụ của các giám mục chuẩn bị “một bản dịch tiếng Anh mới cho Sách lễ Rôma vừa trung thành với bản văn gốc vừa nhạy cảm với lời kêu gọi phải có thứ ngôn ngữ truyền đạt rõ ràng và bao gồm mọi người trong cộng đoàn phụng vụ."

✔️ Người đọc sách, các thầy tư và giáo lý viên: Các tham dự viên yêu cầu các giáo phận cổ vũ việc “thực thi và đào tạo các thừa tác vụ đọc sách, thầy tư và Giáo lý viên.”

✔️ Duyệt lại các sách hướng dẫn về việc thuyết giảng: Các thành viên Công đồng ủng hộ một kiến nghị nói rằng, căn cứ vào các thay đổi trong 20 năm qua, Hội đồng giám mục nên xem xét lại sách hướng dẫn năm 2003 “cho giáo dân tham gia vào thừa tác vụ chính thức về Thuyết giảng trong Giáo hội Latinh, như đã được dự liệu ở điều 766 của Bộ Giáo luật.”

Giáo dân giảng lễ: Công đồng đã bác bỏ một kiến nghị tìm kiếm “một sự sửa đổi đối với điều luật 767 để cho phép trong Giáo hội Latinh, nơi thích hợp, những người được ủy thác thừa tác vụ giảng thuyết này được giảng trong Cộng đoàn Thánh Thể, dưới sự giám sát của đấng bản quyền địa phương.”

✔️ Dạy Giáo lý về Phép Xưng tội: Các tham dự viên yêu cầu ủy ban phụng vụ của các giám mục thiết kế “một chương trình lâu dài về việc dạy Giáo lý về Bí tích Sám hối để cổ vũ sự hiểu biết về các điều kiện cho và thực hành thích hợp từng hình thức trong số ba hình thức của Nghi thức Sám hối.”

✔️ Việc giải tội chung: Công đồng đã mời Đức Giáo Hoàng “xem xét xem liệu Hình thức thứ ba của Nghi thức Sám hối có thể được sử dụng rộng rãi hơn vào những trường hợp đặc biệt thích hợp hay không, với điều kiện các tín hữu hiểu về bản chất và yêu cầu đặc biệt của nó.”

Họ bỏ phiếu ra sao: Việc đào tạo

✔️ Mục vụ giới trẻ: Các thành viên ủng hộ một tuyên bố dẫn nhập yêu cầu “hỗ trợ và các chiến lược liên tục cho những người phục vụ giới trẻ,” cũng như quảng bá “sự đa dạng phong phú của các truyền thống tâm linh và sùng kính của Giáo hội” và “các thực hành đồng nghị như gặp gỡ, đồng hành, lắng nghe, đối thoại, biện phân và cộng tác.”

✔️ Các chính sách chiến lược: Các đại biểu tán thành một đề nghị yêu cầu các giáo phận cổ vũ “các chính sách chiến lược” để “nhận diện và hỗ trợ việc đào tạo mục vụ và lãnh đạo”.

✔️ Hợp tác: Các thành viên kêu gọi Hội đồng giám mục, Hiệp hội Kinh thánh Công Giáo Úc và Hiệp hội Thần học Công Giáo Úc giúp khai triển các chương trình đào tạo.

✔️ Nhóm công tác về việc đào tạo: Các cử tri đã yêu cầu các giám mục “thành lập một nhóm làm việc có chuyên môn trong việc đào tạo để khai triển các chiến lược và hướng dẫn Đào tạo Lãnh đạo toàn quốc được thiết kế cho hàng giáo sĩ, tu sĩ và lãnh đạo giáo dân để bàn đến các khả thể và thách thức của lối lãnh đạo đồng nghị.”

✔️ Nhóm công tác về giáo huấn xã hội Công Giáo: Công đồng yêu cầu Hội đồng giám mục thành lập một nhóm làm việc để “khai triển một khuôn khổ quốc gia để đào tạo về Giáo huấn xã hội Công Giáo.”

Họ bỏ phiếu ra sao: Các đề nghị kết thúc

✔️ Duyệt xét 5 năm: Các thành viên ủng hộ kế hoạch theo dõi cách các nghị quyết được đưa vào thực hành trong “giai đoạn thực thi” kéo dài 5 năm. Sẽ có báo cáo tạm thời vào năm 2023 và 2025, và báo cáo cuối cùng vào năm 2027.

✔️ Duyệt xét các sắc lệnh trước đây: Một đề nghị được thông qua kêu gọi xem xét lại các sắc lệnh của Công đồng Toàn thể lần thứ tư của Úc vào năm 1937, “để xác định những sắc lệnh nào còn giá trị kéo dài đến nay” sau Công đồng Vatican II và những thay đổi đối với luật của Giáo hội.

✔️ Bế mạc công đồng: Một đề nghị cuối cùng đã chấp thuận việc kết thúc Công đồng toàn thể vào ngày 9 tháng 7.

Điều gì tiếp theo?

Sau ngày bỏ phiếu vĩ đại, Công đồng toàn thể đã kết thúc bằng một thánh lễ vào thứ Bảy tại Nhà thờ Chính tòa St. Mary ở Sydney.

Vào tháng 8, các hoạt động của phiên họp toàn thể lần thứ hai sẽ được chung kết và cần được gửi về Rome để phê chuẩn. Trở lại Úc, sẽ có một "cuộc thảo luận về con đường phía trước."
 
Đức Thánh Cha vô cùng đau xót trước hung tin Cựu Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe bị ám sát một cách vô nghĩa
Thanh Quảng sdb
19:00 09/07/2022
Đức Thánh Cha 'vô cùng đau xót' trước hung tin Cựu Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe bị ám sát một cách vô nghĩa

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chia buồn chân thành đến những người thân yêu của cựu Thủ tướng Shinzo Abe, bị ám sát vào hôm thứ Sáu (8/7/2022). Đức Thánh Cha cho hay ngài cầu nguyện cho cái "hành động vô nghĩa này", "xã hội Nhật Bản sẽ được củng cố hòa bình và bất bạo động."

(Tin Vatican - Deborah Castellano Lubov)

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời “chia buồn chân thành” tới những người thân yêu của Cựu Thủ Tướng Shinzo Abe, bị ám sát hôm thứ Sáu.

Ngoại trưởng Vatican, Đức Hồng Y Pietro Parolin, đã gửi bức điện thư bày tỏ nỗi buồn của Đức Thánh Cha tới Sứ thần Tòa thánh Leo Boccardi của quốc gia châu Á này.

Đức Thánh Cha bày tỏ "nỗi buồn sâu sắc" khi hay tin cựu thủ tướng bị ám sát, đồng thời gửi lời "chia buồn chân thành" tới gia đình và bạn bè của Thủ tướng Abe, cũng như người dân Nhật Bản.

Đức Thánh Cha cho hay "Trước hành động vô nghĩa này, xã hội Nhật Bản sẽ được củng cố xây dựng hòa bình và bất bạo động."

Nhà lãnh đạo lâu năm nhất của Nhật Bản đã bị bắn hạ hôm thứ Sáu khi đang giúp tranh cử.

Hôm thứ Sáu, trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Ý, Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher, Bộ trưởng Quan hệ với các Quốc gia và Tổ chức Quốc tế của Vatican, đã tưởng nhớ đến Thủ tướng, nói rằng ngài bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột này.

ĐTGM nói: “Vụ tấn công và cái chết của ông khiến tôi vô cùng đau buồn. Cựu Thủ tướng, một người có nguyên tắc, một người có ý thức cao về lợi ích chung của dân tộc mình. "

Đức Thánh Cha Phanxicô vô cùng đau xót khi nghe biết vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản và ngài gửi lời chia buồn chân thành tới gia đình, bạn bè và nhân dân Nhật Bản. Trong hành động vô nghĩa này, ĐTC cầu nguyện cho xã hội Nhật sẽ được củng cố trong hòa bình và bất bạo động.

Ấn ký Hồng Y Pietro Parolin

Ngoại trưởng
 
VietCatholic TV
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ 15 Mùa Quanh Năm 10/7 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:01 09/07/2022


BÀI ĐỌC 1 Đnl 30:10-14

Bài trích sách Đệ nhị luật.

Khi ấy, ông Mô-sê nói với dân Ít-ra-en rằng:

“Anh em hãy nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người, ghi trong sách Luật này, miễn là anh em trở về với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ.

Quả thế, mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh em. Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh em phải nói: ‘Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?’

Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh em phải nói: ‘Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành?’

Thật vậy, lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Cl 1:15-20

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.

Đức Giê-su Ki-tô là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình.

Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới,tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người.

Người có trước muôn loài muôn vật, tất cả đều tồn tại trong Người. Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh;

Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại,để trong mọi sự Người đứng hàng đầu.

Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình.

Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,Thiên Chúa đã đem lại bình ancho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời..

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG x. Ga 6:63c,68c

Alleluia. Alleluia.

Lạy Chúa, Lời Chúa là thần khí và là sự sống;

Chúa có những lời đem lại sự sống đời đời.

Alleluia.

TIN MỪNG Lc 10:25-37

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”

Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.’

Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”

Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”

Đó là Lời Chúa.
 
Ukraine thắng lớn, phá tan 2 căn cứ và 35 xe tăng Nga trong một ngày. Mỹ gởi thêm Himar cho Ukraine
VietCatholic Media
02:50 09/07/2022


1. Ukraine thổi bay hai sở chỉ huy và 35 xe tăng Nga chỉ trong một ngày

Trong bản báo cáo sáng thứ Bẩy 9 tháng 7, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết lực lượng vũ trang đã tiêu diệt 35 xe tăng Nga chỉ trong một ngày thứ Sáu 8 tháng 7. Đồng thời, theo hướng Kherson, hai sở chỉ huy của quân Nga đã bị không quân và pháo binh Ukraine phối hợp san bằng.

Theo Newsweek Ukraine, quốc gia thường xuyên cung cấp thông tin cập nhật về tổn thất quân sự của Nga, cho biết trên Facebook rằng kể từ khi cuộc chiến của Vladimir Putin bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, Nga đã mất 1.637 xe tăng, trong đó có 35 chiếc chỉ trong một ngày thứ Sáu vừa qua.

Quân đội Nga cũng đã mất 36.900 quân nhân, 3.811 phương tiện chiến đấu bọc thép, 828 hệ thống pháo, 247 bệ phóng hỏa tiễn, 107 hệ thống phòng không, 217 máy bay, 669 UAV chiến thuật, 15 tàu chiến và thuyền, 2.685 phương tiện và xe chở dầu, và 187 trực thăng, theo cập nhật tổn thất chiến đấu của Ukraine, được đăng tải bởi tổng tham mưu các lực lượng vũ trang của nước này.

Mạc Tư Khoa hiếm khi tiết lộ tổn thất quân sự của mình. Lần cuối cùng Nga công bố thông tin chi tiết về tổn thất quân số là vào ngày 25 tháng 3, khi một tướng lĩnh nói với truyền thông nhà nước rằng 1.351 binh sĩ đã thiệt mạng và 3.825 người bị thương. Nga không tiết lộ thiệt hại về thiết bị quân sự của mình trong suốt cuộc chiến.

Các quan chức Nga cho đến nay đã công khai phủ nhận rằng Mạc Tư Khoa đang gặp khó khăn trong việc duy trì nỗ lực chiến tranh của Putin. Tuy nhiên, vào ngày 30/6, Nga phát đi tín hiệu rằng nước này đã bị tổn thất quân sự nặng nề sau khi chính phủ của Putin đưa ra dự thảo luật liên bang bắt buộc các cơ xưởng phải nhanh chóng sửa chữa vũ khí và thiết bị quân sự.

Điện Cẩm Linh đã đệ trình một dự luật lên Duma Quốc gia về “các biện pháp kinh tế đặc biệt” đối với “các hoạt động chống khủng bố và các hoạt động khác” bên ngoài lãnh thổ Nga, và một lưu ý giải thích kèm theo dự luật cho biết, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột đang diễn ra, “nhu cầu sửa chữa vũ khí và thiết bị quân sự ngày càng tăng.”

Nội dung của dự thảo luật lưu ý sự cần thiết của Nga phải sửa chữa cấp tốc vũ khí và thiết bị quân sự trong bối cảnh “một chiến dịch quân sự đặc biệt trên lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Donetsk, Cộng hòa Nhân dân Luhansk và Ukraine.”

Theo Bộ Quốc phòng Anh, Nga cũng đã phải triển khai các xe tăng cũ từ thời Liên Xô ít nhất là từ tháng Năm.

Bộ Quốc phòng cho biết trong một bản cập nhật tình báo ngày 27/5 rằng Nga đã chuyển những chiếc xe tăng T-62 50 năm tuổi khỏi “kho chứa” và chúng có khả năng “đặc biệt dễ bị tổn thương” trước các loại vũ khí chống tăng. Bộ Quốc Phòng Anh lưu ý rằng quyết định triển khai chúng trên chiến trường cho thấy “sự thiếu hụt các thiết bị hiện đại, sẵn sàng chiến đấu của Nga.”

Và vào tháng 3, chỉ vài tuần sau cuộc chiến, một video lan truyền trên các mạng xã hội cho thấy những người lính Nga giận dữ phàn nàn rằng họ được trang bị kém và được lệnh tiến vào một khu vực của Ukraine mà không có kế hoạch rõ ràng từ Mạc Tư Khoa.

Ukraine trong khi đó đã dựa vào các thiết bị phương Tây để đẩy lùi quân đội của Putin.

2. Hoa Kỳ sẽ gởi thêm 4 chiếc Himar cho Ukraine

Trong cuộc họp báo hôm thứ Sáu 8 tháng 7, Thiếu tướng John Kirby, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài cho biết Mỹ sẽ gửi thêm 4 chiếc Himar, hoặc Hệ thống hỏa tiễn cơ động cao tới Ukraine.

Bốn chiếc Himar bổ sung sẽ nâng tổng số được trao cho Ukraine lên con số 12 chiếc. Theo Tướng Kirby, 8 chiếc đầu tiên đặc biệt hữu ích khi cuộc giao tranh ở Donbas chống lại lực lượng Nga đã phát triển thành một cuộc chiến pháo binh.

Ngoài 4 chiếc Himar, Mỹ đang gửi tới 400 triệu USD thiết bị quân sự và vật tư bổ sung. Trang bị bao gồm ba phương tiện chiến thuật, đạn phá hủy, hệ thống pin đối kháng và các phụ tùng thay thế khác, theo Defense News.

Lô hàng mới cũng sẽ bao gồm 1.000 viên đạn pháo 155 ly. “Chúng tôi không thấy khả năng Nga có thể chiến thắng trong trận chiến này, mặc dù họ đã giành được những lợi thế nhất định ở Donbas. Chắc chắn là họ không giành được bao nhiêu chiến thắng so với mục tiêu ban đầu của họ. Họ đã bị cản trở rất nhiều, nhưng cuộc chiến vẫn khó khăn và chúng ta cần tiếp tục trợ giúp người Ukraine”

Ông nói thêm, “Nếu người Nga nghĩ rằng họ có thể tồn tại lâu hơn người Ukraine, thì họ cần phải suy nghĩ lại về điều đó... Chúng tôi đang hướng tới suy nghĩ về những gì người Ukraine sẽ cần trong những tháng và năm tới.”

Zelenskiy cảm ơn sự hỗ trợ và hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ: “Đó là điều giúp chúng tôi tấn công quân Nga”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ca ngợi Mỹ đã hỗ trợ “chống lại sự xâm lược của Nga”, sau thông tin hôm thứ Sáu rằng Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine một gói hỗ trợ an ninh mới.

“Thực sự biết ơn tổng thống, người đã tiếp tục hỗ trợ hiệu quả cho Ukraine trong việc chống lại sự xâm lược của Nga. Thêm HIMARS, đạn pháo 155 ly là những nhu cầu ưu tiên của chúng tôi. Đó là những thứ giúp chúng ta ngăn cản đối phương. Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ của Hoa Kỳ! Cùng nhau chúng ta sẽ đi đến chiến thắng!”

Theo một quan chức quốc phòng cấp cao, Mỹ sẽ cung cấp cho Ukraine thêm 4 hệ thống hỏa tiễn pháo cơ động cao HIMARS trong gói hỗ trợ an ninh mới trị giá 400 triệu USD.

3. Ukraine mang ơn Thủ tướng Boris Johnson

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói rằng người dân Ukraine cảm thấy lòng “biết ơn cá nhân” đối với Boris Johnson vì sự hỗ trợ của ông trong cuộc chiến với Nga.

Tổng thống Ukraine cho biết việc thủ tướng Anh từ chức là “chủ đề chính ở đất nước chúng tôi”.

Johnson có mối quan hệ cá nhân thân thiết với tổng thống Ukraine, thường nói chuyện với ông qua điện thoại và hai lần đến thăm Kyiv. Zelenskiy cũng bày tỏ sự vui mừng khi Johnson giành được phiếu tín nhiệm trong đảng của mình.

Tiếc rằng Ông Johnson đã phải từ chức sau khi không trừng phạt đến nơi đến chốn một thành viên Quốc Hội say rượu và sờ mó hai người đàn ông trong một bữa tiệc. Một loạt các bộ trưởng đã từ chức để phản đối. Ông Johnson sẽ vẫn tiếp tục làm Thủ tướng cho đến khi Đảng Bảo Thủ Anh bầu ra một nhà lãnh đạo mới. Dự kiến có lẽ trước tháng 10 năm nay.

4. Các đại sứ Liên Hiệp Quốc dành một phút im lặng để vinh danh cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Trong một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền hôm thứ Sáu tại Geneva, các đại sứ Liên Hiệp Quốc đã dành một phút im lặng để tưởng niệm cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị ám sát.

Đại sứ Nhật Bản tại Geneva Yamazaki Kazuyuki, và Đại Sứ các quốc gia khác đã tham gia cùng ông để bày tỏ lòng kính trọng đối với Abe.

“Tôi sẽ đánh giá cao nếu các bạn có thể cùng chúng tôi quan sát khoảnh khắc im lặng và cầu nguyện thầm lặng cho ông Abe Shinzo,” Kazuyuki nói.

5. Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói về vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã nói về vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi bắt đầu bài phát biểu của ông trước các nhân viên CIA ở Virginia vào thứ Sáu, gọi Abe là một người “bạn” và nói thêm rằng ông “tin tưởng vào sức mạnh của nền dân Chúa Nhật Bản”.

Biden bắt đầu nhận xét của mình bằng cách nói về “cái chết kinh hoàng, gây sốc đối với người bạn của tôi là Thủ tướng Nhật Bản Abe, và phản ánh về lịch sử cá nhân của mình với Abe trong nhiệm kỳ Phó tổng thống của Biden.

“Tôi đã làm quen với ông ấy với tư cách là phó tổng thống, tôi đã tiếp đón ông ấy, ông ấy đã tiếp đón tôi ở Nhật Bản”, Biden nói, lưu ý rằng ông đã ghé lại vào thứ Sáu để gặp đại sứ và “ký sổ chia buồn với người dân Nhật Bản.”

“Tôi biết rõ về Ông Abe. Chúng tôi đã làm việc cùng nhau chặt chẽ trong nhiều năm và chúng tôi đã nói chuyện và tham khảo ý kiến của nhau khi tôi làm phó tổng thống. Và ông ấy cam kết sâu sắc trong việc tăng cường liên minh và tình hữu nghị giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản, đồng thời theo đuổi một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và tự do,” Biden nói.

Ông Biden ca ngợi sự cam kết của nhà cựu lãnh đạo Nhật Bản và chúc người dân Nhật Bản an lành trong bối cảnh xảy ra cái chết do bạo lực súng gây chấn động ở một quốc gia có rất ít trường hợp bạo lực súng trong lịch sử.

“Ngay cả sau khi từ chức để tập trung vào sức khỏe của mình, ông ấy vẫn tiếp tục tham gia vào chính trường. Ông ấy quan tâm sâu sắc đến vận mệnh của đất nước và tôi rất tôn trọng ông ấy. Cuộc tấn công này đã có một tác động sâu sắc đến tâm lý của người dân Nhật Bản. Đây là một nền văn hóa khác biệt. Thật không may, họ không quen vì chúng tôi, ở Hoa Kỳ, chúng tôi biết vết thương của bạo lực súng đạn sâu sắc như thế nào đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng. Và vụ ám sát này là một thảm kịch đối với tất cả người dân Nhật Bản”

Biden cho biết ông tin tưởng nền dân chủ của Nhật Bản sẽ chịu được sự xáo trộn về cái chết của Abe trước cuộc bầu cử sắp tới.

“Hôm nay, tôi đang cầu nguyện cho vợ và gia đình anh ấy, và Hoa Kỳ đang đoàn kết với đồng minh của chúng tôi, Nhật Bản, với niềm tin vào sức mạnh của nền dân Chúa Nhật Bản khi họ tiến tới cuộc bầu cử vào Chúa Nhật,” Biden nói.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã ra lệnh treo cờ rủ cho đến ngày 10 tháng 7 sau cái chết của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ông nói cố Thủ tướng “là một đầy tớ tự hào của nhân dân Nhật Bản và một người bạn trung thành. đến Hoa Kỳ. “

“Ông ấy đã làm việc với các Tổng thống Hoa Kỳ của cả hai đảng để làm sâu sắc hơn Liên minh giữa các quốc gia của chúng ta và thúc đẩy một tầm nhìn chung về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở. Ngay cả trong khoảnh khắc bị tấn công và bị giết, anh ấy vẫn tham gia vào công việc dân chủ, mà anh ấy đã cống hiến cả đời mình.”

6. Thống đốc Luhansk cho biết các lực lượng Nga đã pháo kích bừa bãi vào các khu vực đông dân cư vào thứ Sáu.

Serhiy Haidai cho biết: “Quân Nga không hề tỏ ra có chút ái ngại nào ngay cả khi dân thường vẫn ở đó, chúng vẫn pháo kích và người dân chết trong nhà và trong sân nhà mình”

Tại Sievierodonetsk, nơi đã bị quân Nga chiếm đóng hoàn toàn vào tháng trước, hầu hết cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy và cần phải sửa chữa lớn.

“Điều này là không thể cho đến khi thành phố không còn quân xâm lược và quyền kiểm soát của Ukraine được khôi phục và một dự án quy hoạch được đưa ra. Và trong lúc này, tình hình vệ sinh sẽ rất thảm khốc”

7. Ngoại trưởng Ukraine đã chỉ trích Nga tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali

Ngoại trưởng Ukraine đã chỉ trích Nga tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, nói rằng nước này thích tuân theo các quy tắc riêng của mình thay vì hợp tác đa phương với cộng đồng quốc tế.

“Tôi ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương. Nhưng nó thiếu các công cụ để bảo vệ mình khỏi những kẻ không tôn trọng các quốc gia khác. Ai là người thích chơi với các quy tắc riêng của mình thay vì chơi theo các quy tắc chung. Chúng tôi có một quốc gia như vậy ở bàn này ngày hôm nay – đó là nước Nga,” Dmytro Kuleba nói.

Ông nói thêm rằng cuộc xâm lược của Nga tước đi quyền tham gia vào các diễn đàn quốc tế của Nga, đồng thời cho rằng nơi duy nhất dành cho nước này là tòa án công lý quốc tế của Liên Hiệp Quốc.

8. Thủ tướng Bỉ xác nhận rằng Bỉ sẽ mở lại đại sứ quán của mình tại Kyiv và cử một đại sứ mới.

Đại sứ quán sẽ mở cửa vào tuần tới và Đại sứ Peter Van De Velde, sẽ là tân Đại Sứ của Bỉ tại Ukraine. Thủ tướng De Croo đã gặp vị tân Đại Sứ trước khi ông được cử đến Ukraine,

Thủ tướng De Croo nói: “Việc mở lại đại sứ quán của chúng tôi sẽ cho phép quan hệ chặt chẽ hơn với chính quyền Ukraine, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình an ninh và việc Ukraine xin gia nhập Liên Hiệp Âu Châu”.

“Đây là một dấu hiệu quan trọng về khả năng phục hồi và sự hỗ trợ được gửi tới người Ukraine. Sự trở lại này của các nhóm ngoại giao của chúng tôi tới Kyiv cũng rất quan trọng đối với công cuộc tái thiết đất nước, trong đó các công ty của Bỉ có vai trò quan trọng,” ông nói thêm.
 
Thượng Phụ Kirill tin chắc Putin cuối cùng sẽ thắng. Hành hương Hồi Giáo lớn nhất sau đại dịch
VietCatholic Media
05:22 09/07/2022


1. Tòa án tối cao Texas cho phép thực thi lệnh cấm phá thai của tiểu bang

Tòa án Tối cao Texas đã ra phán quyết rằng tiểu bang có thể thi hành luật cấm phá thai năm 1925, đảo ngược quyết định của một thẩm phán quận.

Theo tờ Texas Tribune, quyết định ngày 1 tháng 7 của Tối Cao Pháp Viện Texas “không cho phép các công tố viên tự động khởi kiện các vụ án hình sự chống lại những người cung cấp dịch vụ phá thai, nhưng nếu những người này hay bất cứ ai thi hành các thủ thuật phá thai thì đều có thể bị phạt và dính líu vào các vụ kiện cáo”.

Jonathan Covey, giám đốc chính sách của Texas Values, một tổ chức tự do tôn giáo, cho biết ngày 2 tháng 7 rằng “Chúng tôi biết ơn Tòa án Tối cao Texas đã chặn lệnh cấm tạm thời này mà các phòng khám sử dụng như một cái cớ để giết những đứa trẻ sơ sinh. Cho dù những kẻ phá thai cố gắng biện minh đến mức nào, chúng tôi cũng biết rằng cuộc sống là quyền của con người”.

Chủ tịch Whole Woman's Health, một nhà cung cấp dịch vụ phá thai trong tiểu bang, cho biết ngày 2 tháng 7, “Với lệnh cấm mới này, Whole Woman's Health buộc phải ngừng cung cấp dịch vụ phá thai tại 4 phòng khám Texas của chúng tôi. Sáng nay, các nhân viên phòng khám của chúng tôi đã bắt tay vào cuộc trò chuyện đau lòng với những bệnh nhân có lịch hẹn phải hủy bỏ, và phòng khám của chúng tôi đã bắt đầu quá trình nghỉ ngơi”.

Thẩm phán Christine Weems ở Quận Harris đã ban hành lệnh cấm tạm thời chống lại việc thi hành luật vào ngày 28 tháng 6. Luật Texas trừng phạt hành vi phá thai từ hai năm đến 10 năm tù.

Texas cũng thông qua “luật kích hoạt”, được ký vào tháng 6 năm 2021, quy định việc trừng phạt bất kỳ ai “cố ý thực hiện, xúi giục hoặc cố gắng phá thai”, ngoại trừ các trường hợp mà tính mạng của người mẹ gặp rủi ro khi tiếp tục mang thai..

Đạo luật đó sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày phán quyết trong vụ kiện của Tòa án Tối cao Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson, đã lật lại Roe kiện Wade và trả lại quy định phá thai cho các tiểu bang.

Phụ nữ phá thai sẽ không phải chịu trách nhiệm hoặc hình phạt theo luật kích hoạt nhưng các bác sĩ và y tá phá thai có thể bị phạt 100.000 đô la vì phá thai bất hợp pháp.
Source:Catholic News Agency

2. Ả Rập Xê Út chào đón 1 triệu người cho cuộc hành hương hajj lớn nhất kể từ đại dịch

Những người hành hương mặc quần áo trắng từ khắp nơi trên thế giới đã chật cứng các đường phố của thành phố linh thiêng nhất của đạo Hồi trước cuộc hành hương hajj lớn nhất kể từ khi đại dịch coronavirus bắt đầu.

Các biểu ngữ chào đón các tín đồ, bao gồm cả những du khách quốc tế đầu tiên kể từ năm 2019, trang hoàng các quảng trường và ngõ hẻm, trong khi lực lượng an ninh vũ trang tuần tra thành phố cổ kính, nơi sinh của Nhà tiên tri Mohammed.

“Đây là niềm vui thuần khiết”, người hành hương người Sudan Abdel Qader Kheder nói với AFP tại Mecca, trước khi sự kiện chính thức bắt đầu vào hôm thứ Tư. “Tôi gần như không thể tin rằng mình đang ở đây. Tôi đang tận hưởng từng giây phút”.

Một triệu người, bao gồm 850.000 người từ nước ngoài, được phép tham dự lễ hội hajj năm nay sau hai năm số lượng bị cắt giảm nghiêm trọng do đại dịch. Cuộc hành hương là một trong năm trụ cột của Hồi giáo, mà tất cả những người Hồi giáo có sức khỏe bắt buộc phải thực hiện ít nhất một lần trong đời.

Các nhà chức trách cho biết tính đến ngày Chúa Nhật, ít nhất 650.000 người hành hương từ nước ngoài đã đến Ả Rập Xê-út.

Nhưng các nhà chức trách hôm thứ Hai đã cấm gần 100.000 người vào Mecca, thiết lập một dây an ninh xung quanh thành phố linh thiêng. Một quan chức an ninh cho biết 288 người đã bị bắt và bị phạt vì cố thực hiện cuộc hành hương hajj mà không có giấy phép.

Vào năm 2019, khoảng 2,5 triệu người đã tham gia các nghi lễ, bao gồm tụ tập ở núi Arafat và “ném đá ma quỷ” ở Mina.

Năm sau, khi đại dịch bùng phát, người nước ngoài bị cấm và các tín hữu bị giới hạn ở mức 10.000 người để ngăn hajj biến thành một một dịp siêu lây lan toàn cầu.

Con số đó đã tăng lên 60.000 khi công dân và cư dân Ả Rập Xê Út được tiêm phòng đầy đủ vào năm 2021.

Những người hành hương năm nay - chỉ những người dưới 65 tuổi mới được phép tham gia - sẽ tham gia với các điều kiện vệ sinh nghiêm ngặt.

Lễ hội hajj đã chứng kiến nhiều thảm họa trong những năm qua, bao gồm một vụ giẫm đạp năm 2015 khiến 2.300 người thiệt mạng và một cuộc tấn công năm 1979 của hàng trăm tay súng, khiến 153 người thiệt mạng.

Những người hành hương đã mang theo những chiếc dù để che chắn khỏi cái nắng gay gắt đã đổ xô đến các cửa hàng lưu niệm và cắt tóc ở Mecca, trong khi những người khác chia sẻ bữa ăn dưới những tán cọ trên những con phố gần Đại Đền Thờ Hồi giáo.

Nhiều người mới đến đã bắt đầu thực hiện nghi lễ đầu tiên, đòi hỏi phải đi bộ bảy vòng quanh Kaaba, là một cấu trúc hình khối lớn màu đen ở trung tâm của Đại Đền Thờ Hồi giáo.

Được làm từ đá granit và khoác trên mình một tấm vải có các câu từ Kinh Koran, Kaaba cao gần 15 mét. Đó là cấu trúc mà tất cả những người theo đạo Hồi đều hướng tới để cầu nguyện, bất kể họ ở đâu trên thế giới.

“Lần đầu tiên nhìn thấy Kaaba, tôi cảm thấy có gì đó kỳ lạ và bắt đầu khóc”, người hành hương Ai Cập Mohammed Lotfi nói với AFP.

Cuộc hành hương là một nguồn thu mạnh mẽ cho Ả Rập Xê-út và cho người cai trị trên thực tế của quốc gia này, làThái tử Mohammed bin Salman.

Vài ngày sau lễ hội hajj, Thái tử Mohammed sẽ chào đón Tổng thống Mỹ Joe Biden, đến thăm quốc gia này sau khi giá dầu tăng vọt sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine. Ông Joe Biden được cảm tình của Ả Rập Xê-út vì đã từ chối biến Ả Rập Xê-út thành “kẻ thù” sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi bởi các đặc vụ Ả Rập Xê-út.

Hành hương hajj, có giá ít nhất 5.000 đô la Mỹ một người, là một động lực kiếm tiền cho nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới đang cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế của mình. Trong những năm trước đại dịch coronavirus, cuộc hành hương này mang lại hàng tỷ đô la một năm.

Đây cũng là cơ hội để giới thiệu sự chuyển đổi xã hội nhanh chóng của vương quốc, bất chấp những lời phàn nàn dai dẳng về việc vi phạm nhân quyền và giới hạn về quyền tự do cá nhân.

Ả Rập Xê-út hiện cho phép phụ nữ tham dự hajj mà không có người thân là nam giới đi cùng. Đó là một yêu cầu đã bị bãi bỏ vào năm ngoái.

Khẩu trang y tế không còn là bắt buộc trong hầu hết các không gian kín ở Ả Rập Xê-út kể cả bên trong Đại Đền Thờ Hồi giáo, là địa điểm linh thiêng nhất của đạo Hồi. Tuy nhiên, những người hành hương từ nước ngoài phải nộp kết quả xét nghiệm âm tính tại các cửa khẩu nhập cảnh.

Nhà chức trách cho biết Đại Đền Thờ Hồi giáo sẽ được “rửa 10 lần một ngày… bởi hơn 4.000 công nhân nam nữ”, với hơn 130.000 lít chất khử trùng được sử dụng mỗi lần tẩy rửa.

Kể từ khi bắt đầu đại dịch, Ả Rập Xê Út đã ghi nhận hơn 795.000 trường hợp nhiễm coronavirus, 9.000 trường hợp tử vong trong một dân số khoảng 34 triệu người.

Ngoài COVID, một thách thức khác là cái nắng như thiêu đốt ở một trong những khu vực khô hạn và nóng nhất thế giới, nơi nhiệt độ đã lên tới 50 độ C vào hôm thứ Tư 6 tháng 7 ở các vùng của Ả Rập Xê Út.

Nhưng người hành hương Iraq Ahmed Abdul-Hassan al-Fatlawi cho biết cái nóng là điều cuối cùng anh nghĩ đến khi ở Mecca.

Anh nói với AFP: “Tôi đã 60 tuổi, vì vậy việc mệt mỏi về thể chất vì thời tiết nóng là điều bình thường, nhưng tôi đang ở trong trạng thái thanh thản, và đó là tất cả những gì quan trọng nhất đối với tôi”
Source:Licas News

3. Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa vẫn tiếp tục xâm lược Phi Châu, tin rằng cuối cùng Putin sẽ là bá chủ thế giới

Đối với hầu hết những người phương Tây, cuộc chiến của Putin chắc chắn sẽ thất bại, và thất bại đó sẽ kéo theo nhiều sự sụp đổ khác, liên quan đến cả Chính Thống Giáo Nga. Tuy nhiên, một số đông đảo người Nga không nghĩ như thế. Peter Anderson, ký giả Hoa Kỳ, cư trú tại Seattle, chuyên gia về các vấn đề Chính Thống Giáo cho rằng rất đông các vị trong hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo Nga tin rằng cuối cùng Putin sẽ thắng, nước Nga sẽ là bá chủ các nước trên thế giới. Chính vì thế, hàng giáo phẩm Nga đang ráo riết thiết lập sự hiện diện của mình trên thế giới.

Trong bài báo mới nhất hôm thứ Ba trên Sismografo, ông viết như sau:

Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa tiếp tục dành nguồn lực đáng kể cho nỗ lực thiết lập sự hiện diện của mình ở Phi Châu. Về vấn đề này, họ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Bộ Ngoại giao Liên bang Nga đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của Nga ở Phi Châu. Biểu hiện mới nhất của nỗ lực này là chuyến thăm của Tổng Giám Mục Leonid của Klin, và là Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga ở Phi Châu. Ông đã đến Cairo, trong các ngày từ 24 đến 28 tháng 6. Đây là chuyến đi thứ hai của ông đến Phi Châu với tư cách là Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga. Chuyến đi đầu tiên của ông với tư cách này là đến Uganda, từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 5, để gặp Tổng thống Uganda Yoweri Museveni. Từ năm 2004 đến năm 2013, Leonid với tư cách là một linh mục đã ở Phi Châu với tư cách là đại diện của Thượng phụ Mạc Tư Khoa tại Tòa Thượng phụ Alexandria.

Vào ngày 25 tháng 6, Tổng Giám Mục Leonid đã cử hành Phụng Vụ Thánh đầu tiên của mình ở Phi Châu với tư cách là Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga. Diễn biến xảy ra tại Nhà thờ của của các vị Tử Đạo, nằm ở Hadayek Al-Ahram hay “Vườn Kim tự tháp” Tại Buổi lễ, Giám mục Coptic Theodosius của Mid-Giza thông báo rằng nhà thờ đặc biệt này đang được cung cấp cho Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa để sử dụng miễn phí. Đổi lại, Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa sẽ cung cấp cho Giáo Hội Coptic một nhà thờ ở Mạc Tư Khoa. Nhà thờ ở Giza được thánh hiến lần đầu tiên vào tháng 3 năm 2020 và nằm trên một trong những tầng của tòa nhà nhiều tầng. Đại sứ Liên bang Nga tại Ai Cập đã có mặt tại buổi lễ. Khoảng mười một thành viên của dàn hợp xướng Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa đã được chở từ Nga sang với mục đích hát tại cử hành Phụng vụ. Trước khi trở về Mạc Tư Khoa, nhóm cũng đã tổ chức một buổi hòa nhạc tại Trung tâm Văn hóa Nga, do một cơ quan liên bang Nga điều hành thông qua Đại sứ quán Cairo.

Vào ngày 27 tháng 6, Đức Thượng Phụ Tawadros II, Giáo chủ Giáo Hội Coptic, đã gặp Tổng Giám Mục Leonid và Đại sứ Nga. Theo trang web của Tòa Thượng Phụ Coptic, Thượng Phụ Tawadros II đã “hoan nghênh phái đoàn và dịch vụ mới của họ tại Ai Cập dành cho các công dân Nga, cho dù cư trú ở Ai Cập hay đến thăm quốc gia này để du lịch.” Có vẻ như Đức Thượng Phụ tin rằng sứ mệnh của Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga ở Ai Cập chỉ giới hạn trong các công dân Nga.

Tổng Giám Mục Leonid thông báo với TASS rằng các bản ghi nhớ và thỉnh cầu sẽ được Bộ Ngoại giao Nga và Giáo Hội Chính thống Nga gửi tới Tổng thống Ai Cập để yêu cầu một địa điểm ở Tân Cairo nhằm thành lập trung tâm hành chính và tâm linh cho Giáo Hội Chính thống Nga. Trung tâm tâm linh này sẽ là nhà thờ chính tòa cho Tòa Thượng Phụ Chính Thống Giáo Nga và cho Giáo phận Bắc Phi của nó. Tổng Giám Mục Leonid trước đây đã tuyên bố rằng tổng cộng 192 linh mục của Tòa Thượng Phụ Alexandria từ 12 quốc gia đã gia nhập Giáo hội Nga và số lượng của các vị như thế không ngừng tăng lên.

Linh mục Georgy Maksimov, từ Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, là người đã tham gia nhiều nhất vào việc tuyển mộ các giáo sĩ bản xứ, nay đã trở lại Phi Châu. Vào ngày 26 tháng 6, Cha Georgy đã có mặt tại Nairobi và tổ chức một cuộc hội thảo mục vụ. Theo Tổng Giám Mục Leonid, một “cuộc giao tiếp hiệu quả và trao đổi kinh nghiệm về việc rao giảng Chính thống giáo giữa những người theo đạo Tin lành đã diễn ra.” Mười ngày trước đó, Tu viện Sretensky ở Mạc Tư Khoa đã đăng một bài báo của Cha Georgy, nơi ông bày tỏ quan điểm của mình về những người không theo Chính thống giáo.
Source:Sismografo
 
Putin nổ không được lâu: Ukraine mở trận đánh lớn giải phóng Kherson, kêu gọi đồng bào di tản ngay
VietCatholic Media
15:16 09/07/2022

1. Nga đang ném “tất cả các nguồn dự trữ mà họ hiện có” vào các trận chiến ở vùng Luhansk, quan chức Ukraine cho biết

Theo Serhiy Hayday, thống đốc vùng Luhansk, các lực lượng của Nga và Ukraine đang tham gia vào “trận đánh hạng nặng” ở ngoại ô vùng Luhansk, miền đông Ukraine.

Hayday cho biết: “Tất cả các lực lượng của quân đội Nga hiện đã được ném vào đó, tất cả các lực lượng dự trữ mà họ có,” Hayday nói.

Các lực lượng Nga đã phải gánh chịu “một số lượng lớn tổn thất và bị thương”, một số binh lính đang được di tản chiến thuật để tập hợp lại, Hayday tuyên bố.

Ông nói: “Các bệnh viện đã quá tải và các nhà máy cũng quá tải.

Hayday nói thêm rằng “nhiều nhà kho phía sau phòng tuyến của quân Nga đã bị nổ tung” trong vài ngày qua, phá hủy “một lượng lớn” đạn dược và nhiên liệu của Nga.

Hayday ước tính rằng 10.000 đến 15.000 cư dân vẫn ở lại thành phố Lysychansk.

Quân đội Ukraine hôm Chúa Nhật thông báo rằng họ đã bị “buộc phải rút lui” khỏi thành phố. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng việc rút lui là nhằm cứu mạng sống của quân đội Ukraine.

Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine hôm thứ Ba cho biết quân đội Nga đang tập trung “những nỗ lực chính” để giành quyền kiểm soát đường cao tốc nối hai thành phố Lysychansk và Bakhmut và cố gắng chiếm lấy khu định cư Bilohorivka gần đó.

2. Phó thủ tướng Ukraine kêu gọi người dân đừng chờ đợi nhưng phải di tản khỏi vùng Kherson

Hôm thứ Sáu Iryna Vereshchuk, Phó thủ tướng Ukraine, đã kêu gọi người dân di tản khỏi khu vực phía nam Kherson.

“Tôi mong các bạn di tản càng sớm càng tốt, bằng mọi cách. Đừng chờ đợi,” Vereshchuk nói.

Cô cảnh báo cư dân rằng họ có thể bị người Nga sử dụng làm lá chắn cho con người và việc ở lại các khu vực Zaporizhzhia và Kherson bị chiếm đóng là rất nguy hiểm.

“Mọi người phải tìm cơ hội rời đi vì Lực lượng vũ trang của chúng ta sẽ tấn công để giải phónng khu vực này. Sẽ có những trận chiến rất lớn,” cô cảnh báo.

Hôm thứ Năm, Oleksandr Starukh, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Zaporizhzhia, cho biết vào tháng trước, gần 40.000 người di tản đã đến được Zaporizhzhia.

Starukh cho biết khoảng 30.000 người đến từ các vùng của Zaporizhzhia bao gồm Melitopol, Vasylivka, Berdiansk và Enerhodar, khoảng 6.000 người đến từ vùng Kherson và khoảng 1.700 người đến từ thành phố Mariupol bị tạm chiếm.

3. Các quan chức thân Nga nói rằng hỏa tiễn của Ukraine đã bắn trúng nhà máy thủy điện ở Kherson, nhưng cơ sở này vẫn hoạt động

Các quan chức thân Nga ở khu vực Kherson nói rằng hỏa tiễn của Ukraine đã bắn trúng một nhà máy thủy điện ở thị trấn Nova Kakhovka vào đầu ngày thứ Sáu, nhưng không phá hủy được cơ sở này.

Người Ukraine “đã cố gắng xây dựng nhà máy thủy điện Kakhovka. Hậu quả của việc phá hủy một cơ sở sản xuất như vậy có thể là thảm khốc đối với cư dân của vùng Kherson,” chính quyền quân sự-dân sự do Nga dựng lên trong vùng Kherson cho biết.

Họ nói thêm rằng các lực lượng phòng không của Nga “đã đẩy lùi thành công một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn từ Ukraine”.

“Những kẻ khủng bố của chế độ Kyiv sẽ không thể uy hiếp được cư dân của vùng Kherson, những người đang cùng nhau xây dựng cuộc sống hòa bình với nước Nga. Nhà máy thủy điện tiếp tục cung cấp năng lượng”, Vladimir Saldo, người đứng đầu chính quyền và từng là một cựu quan chức Ukraine cho biết.

Nhà máy thủy điện nằm ở thị trấn Nova Kakhovka trên sông Dnepr. Nó đã bị lực lượng Nga chiếm giữ ngay từ đầu trong cuộc xâm lược nhưng trong tháng qua đã trở thành mục tiêu cho các hỏa tiễn và hỏa tiễn tầm xa của Ukraine khi Ukraine cố gắng phá vỡ các đường tiếp tế của Nga.

Sau nỗ lực này, Kirill Stremousov, Phó người đứng đầu chính quyền quân sự-dân sự Kherson do Nga hậu thuẫn, cho biết, “Có nạn nhân, chúng tôi đang làm rõ.”

Trong khi đó, các quan chức Ukraine cho rằng một mục tiêu quân sự đã bị tấn công.

Serhii Bratchuk, phát ngôn viên của chính quyền quân sự khu vực Odesa, nói rằng một kho đạn dược và hệ thống phòng không đã bị trúng đạn. Ông cũng tuyên bố rằng vài chục binh sĩ Nga đã bị giết hoặc bị thương.

Trước đó, một cố vấn của người đứng đầu cơ quan quản lý quân sự khu vực Kherson của Ukraine cho biết 3 nhà kho ở Nova Kakhova đã bị trúng hỏa tiễn của Ukraine.

4. Thượng viện Nga đã cấm các nhà ngoại giao Anh bén mãng đến các tòa nhà Thượng viện

Thượng viện Nga đã cấm các nhà ngoại giao Anh, bao gồm cả đại sứ Anh, không được bén mãng đến tòa nhà của mình để đáp lại quyết định của Anh cấm các nhà ngoại giao Nga đến các tòa nhà của Nghị Viện Anh.

Thượng nghị sĩ Grigory Karasin cho biết trong một phiên họp trực tiếp của ủy ban nội quy của thượng viện, được Reuters đưa tin:

Quyết định khá đơn giản, mặc dù khó chịu, nhưng nó là bắt buộc đối với tình huống này. Đất nước chúng ta phải kiên quyết giữ vững lập trường của mình và giữ vững danh dự của mình.

5. Canada đã công bố các biện pháp trừng phạt mới, bao gồm cả Thượng Phụ Kirill

Canada đã công bố các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga vì cuộc xâm lược Ukraine. Các biện pháp mới nhắm vào lãnh đạo Giáo Hội Chính thống giáo Nga, Thượng phụ Kirill, và những cá nhân khác bị cáo buộc phát tán thông tin sai lệch.

Ngoại trưởng Canada, Mélanie Joly, đã công bố các biện pháp trừng phạt trong khi tham dự cuộc họp của các đối tác G20 ở Bali, nơi Ngoại trưởng Nga, Sergei Lavrov, đã hằn học bước ra khỏi hội nghị để đáp lại những chỉ trích của các cường quốc phương Tây đối với Điện Cẩm Linh.

Theo một tuyên bố của Joly, gói mới nhắm vào 29 cá nhân bị cáo buộc là “điệp viên tuyên truyền và thông tin sai lệch do nhà nước bảo trợ” và 15 thực thể do chính phủ Nga kiểm soát “tham gia vào các nỗ lực thông tin sai lệch”.

Sumbatovich Gasparyan, người đứng đầu bộ phận quốc tế của hãng truyền thông nhà nước Nga RT, nằm trong số những người mới bị xử phạt.

Joly nói:

Bộ máy tuyên truyền của Nga phải trả lời cho những lời nói dối của nó... Hôm nay, chúng tôi nói rõ với những kẻ lừa dối lừa dối: các bạn sẽ phải chịu trách nhiệm.

Thông báo mới nhất nâng tổng số cá nhân và thực thể ở Nga, Ukraine và Belarus mà Canada đã trừng phạt kể từ đầu cuộc chiến lên hơn 1.150.

6. Nga đe dọa 'các biện pháp khắc nghiệt' đối với Lithuania

Nga đã cảnh báo Lithuania và Liên Hiệp Âu Châu rằng họ có thể phải hứng chịu “các biện pháp khắc nghiệt” nếu việc vận chuyển một số hàng hóa đến và đi khỏi vùng ngoại ô Kaliningrad của Nga không được tiếp tục.

Phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, cho biết trong một tuyên bố:

Nếu tình hình không ổn định trong những ngày tới, Nga sẽ có những biện pháp khắc nghiệt đối với Lithuania và Liên minh Âu Châu.

Cô nói thêm, vấn đề đã mất “quá nhiều thời gian để giải quyết”.

Lithuania đã cấm vận chuyển hàng hóa bị Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt qua lãnh thổ của mình đến Kaliningrad, trên biển Baltic.

Kể từ ngày 17 tháng 6, các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu đối với việc vận chuyển thép và kim loại đen qua lãnh thổ Lithuania đến Kaliningrad của Nga đã có hiệu lực. Trong các ngày qua, đã có những vận động nhằm bãi bỏ các lệnh trừng phạt này vì nhiều người lo ngại có thể dẫn đến thế chiến.

Thủ tướng Lithuania Ingrida Šimonytė cho biết nước này không nao núng, và sẽ tiếp tục thực hiện các lệnh trừng phạt. Bên cạnh đó, Lithuania sẽ thực hiện các điều khoản của gói trừng phạt thứ tư của Liên Hiệp Âu Châu đối với Nga và ngừng vận chuyển các hàng hóa khác đến Kaliningrad từ ngày 10 tháng 7, khi các hạn chế bắt đầu có hiệu lực.

“Đúng vậy, chúng tôi sẽ làm theo cách mà chúng tôi hiện đang tuân thủ các lệnh trừng phạt có hiệu lực vào ngày 17 tháng 6”, Šimonytė nói

Theo Thủ tướng Lithuania, các khách hàng của Đường sắt Lithuania đã được cảnh báo.

Bà cho biết: “Các hãng vận tải đã được thông báo rằng từ ngày 10/7, một số hướng dẫn liên quan đến các biện pháp trừng phạt sẽ có hiệu lực để họ không xếp hàng hóa sau ngày đó”.

Từ ngày 10 tháng 7, các hạn chế đối với việc vận chuyển xi măng, rượu và hàng xa xỉ sẽ được áp dụng, đồng thời lệnh cấm đối với than đá và các nhiên liệu hóa thạch rắn khác sẽ được ban hành vào ngày 10 tháng 8.

Bộ Ngoại giao Nga gần đây đã triệu tập Đại biện lâm thời của Lithuania tại Mạc Tư Khoa là Virginia Umbrasene, để bày tỏ phản đối quyết định của chính quyền Lithuania về việc cấm vận chuyển một loạt hàng hóa đến Kaliningrad. Bộ Ngoại Giao Nga kêu gọi ngay lập tức bãi bỏ lệnh cấm quá cảnh. Đồng thời, tuyên bố rằng Nga có quyền hành động để “bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.”

Sau đó, Bộ Ngoại giao Lithuania đã trao cho Đại biện lâm thời của Nga tại Vilnius là ông Sergey Ryabokon một công hàm giải thích các biện pháp hạn chế mà Liên Hiệp Âu Á Châup đặt đối với một số loại hàng hóa quá cảnh tới Kaliningrad. Trong cuộc họp, Lithuania mạnh mẽ bác bỏ thông tin sai lạc do các phương tiện truyền thông Nga loan tả i rằng Lithuania đã cấm vận chuyển hành khách và hàng hóa không thuộc diện trừng phạt của Liên Hiệp Âu Châu.

7. Đức phê chuẩn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO

Đức đã phê chuẩn sự gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển vào NATO, ba ngày sau khi 30 thành viên ký vào nghị định thư mở rộng NATO.

Reuters báo cáo rằng quốc hội ở Berlin đã tán thành các nghị định thư gia nhập cho cả hai nước Bắc Âu.

Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, cho biết trên Twitter : “ Điều này tạo ra an ninh hơn cho tất cả các thành viên Nato và cho Âu Châu.

Các văn kiện gia nhập cần được quốc hội của tất cả 30 quốc gia thành viên phê chuẩn trước khi Phần Lan và Thụy Điển có thể được bảo vệ bởi điều khoản phòng vệ lẫn nhau của Nato, trong đó quy định rằng một cuộc tấn công vào một thành viên là một cuộc tấn công vào tất cả họ.

Việc phê chuẩn có thể mất tới một năm nhưng Helsinki và Stockholm có thể tham gia các cuộc họp của NATO và có khả năng tiếp cận thông tin tình báo nhiều hơn trong thời gian đó.

8. Putin cảnh báo Âu Châu về 'hậu quả thảm khốc' trên thị trường năng lượng nếu các lệnh trừng phạt vẫn tiếp diễn

Hôm thứ Sáu, Tổng thống Nga, Vladimir Putin, đã nói rằng việc tiếp tục sử dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga có thể dẫn đến sự tăng giá thảm khốc trên thị trường năng lượng, khiến các hộ gia đình trên khắp Âu Châu phải chịu mức giá cao hơn nhiều.

“Đúng vậy, chúng tôi biết rằng Âu Châu đang cố gắng thay thế các nguồn năng lượng của Nga”, ông Putin nói tại cuộc họp trên truyền hình với các quan chức cấp cao, theo báo cáo của Reuters.

“Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng kết quả của những hành động đó là giá khí đốt trên thị trường chứng khoán tăng và chi phí sử dụng năng lượng cho người tiêu dùng cuối cùng tăng lên.”

“Tất cả những điều này một lần nữa cho thấy các hạn chế trừng phạt đối với Nga gây ra nhiều thiệt hại hơn cho những quốc gia áp đặt chúng. Việc sử dụng thêm các biện pháp trừng phạt có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn, không cần cường điệu, thậm chí là thảm khốc trên thị trường năng lượng toàn cầu “.

Putin cũng kêu gọi các công ty năng lượng của Nga sẵn sàng cho lệnh cấm vận dầu mỏ. Ông cảnh báo các công ty Nga phải sẵn sàng cho lệnh cấm vận dầu mỏ và gói trừng phạt mới của Liên minh Âu Châu, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin.

“Như bạn đã biết, Liên minh Âu Châu đã đưa ra một gói trừng phạt khác chống lại Nga với lệnh cấm vận dầu mỏ. Các công ty trong nước nên sẵn sàng cho quyết định này. Chúng tôi đã nói về triển vọng của những hạn chế như vậy trong cuộc họp cuối cùng về khu phức hợp nhiên liệu và năng lượng.”

Vào tháng 5, Liên minh Âu Châu đã đồng ý cấm vận đối với 90% lượng dầu mà nước này nhập khẩu từ Nga.

Ông Putin cũng nói rằng phương Tây đang cố gắng buộc các nước khác tăng cường sản xuất năng lượng, nhưng “thị trường Nga ổn định và không chịu được sự ồn ào”.

“Tính từ đầu năm đến nay, mức sản lượng khai thác dầu đã vượt năm trước 3,5%. Tổng thống Nga cho biết, sản lượng khí đốt trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 5 giảm nhẹ - chỉ 2%.

9. Quan chức Ukraine đáp lại Putin nói rằng cuộc tấn công chưa phải là “bất cứ điều gì nghiêm túc”

Một quan chức cấp cao của Ukraine đã đáp lại lời khẳng định của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng cuộc tấn công ở Ukraine chỉ mới bắt đầu.

Mykhailo Podolyak, cố vấn của người đứng đầu văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, cho biết trên Twitter: “37.000 binh sĩ Nga đã chết. Tổng số người bị thương là từ 98 đến 117 nghìn người. 10 vị tướng bị loại. 1605 xe tăng, 405 máy bay và trực thăng đã bị biến thành đống sắt vụn”.

“Nga vẫn chưa bắt đầu chiến đấu? Phải chăng Điện Cẩm Linh chỉ coi là chiến tranh khi mức thiệt hại đạt đến con số của Stalin là 20 triệu người?”

Podolyak đã trả lời các phát biểu của Putin với các nhà lãnh đạo quốc hội ở Mạc Tư Khoa hôm thứ Năm.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết trong một bài phát biểu diều hâu trước các nhà lãnh đạo quốc hội, bất kỳ triển vọng nào cho các cuộc đàm phán hòa bình sẽ ngày càng mờ nhạt khi xung đột kéo dài.

Ông cho biết nếu phương Tây muốn đánh bại Nga trên chiến trường, thì việc thử sức là điều đáng hoan nghênh.

Putin nói: “Hôm nay chúng ta nghe nói rằng họ muốn đánh bại chúng ta trên chiến trường. Bạn có thể nói gì, hãy để họ thử. Chúng tôi đã nhiều lần nghe nói rằng phương Tây muốn đánh chúng ta đến người Ukraine cuối cùng. Đây là một bi kịch đối với người dân Ukraine, nhưng có vẻ như mọi thứ đều đang hướng tới điều này.”

Ông ta nhấn mạnh rằng: “Mọi người nên biết rằng, nhìn chung, chúng ta vẫn chưa bắt đầu bất cứ điều gì một cách nghiêm túc. Đồng thời, chúng ta không bác bỏ các cuộc đàm phán hòa bình. Nhưng những người từ chối những cuộc đàm phán nên biết rằng càng đi xa, họ càng khó thương lượng với chúng ta.”

10. Biden khen ngợi các nhân viên CIA về các báo cáo tình báo của Putin trước cuộc xâm lược Ukraine

Trong một bài phát biểu tại trụ sở CIA hôm thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi công việc của các nhân viên CIA vì vai trò của họ trong việc đánh giá ý định của Vladimir Putin trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, là điều mà ông gọi là “rất quan trọng đối với khả năng tập hợp đồng minh của chúng ta”

Biden cho biết công việc của các quan chức tình báo có thể giúp “cảnh báo thế giới”.

“Chúng tôi đã thấy những gì các bạn đang làm. Các bạn đã thấy những lực lượng mà Putin đang tích lũy, những kế hoạch mà ông ta đang thực hiện. Việc phơi bày vở kịch của Putin đã đâm thủng một lỗ hổng khổng lồ trong trò lừa gạt của ông ta và làm mất uy tín những lời nói dối của ông ấy về những gì chúng ta đang làm ở Ukraine.”

Ông Biden cho biết thông tin tình báo về Putin đã giúp giữ cho các quốc gia NATO liên kết trong nỗ lực duy trì quyền tự chủ của Ukraine và đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga.

“Nhân tiện, tôi đã dành hơn 135 giờ để làm việc đó gần như hàng ngày bởi vì Putin đã tính đến khả năng chia rẽ NATO và phá vỡ quyết tâm của chúng ta,” Biden nói thêm.
 
Chấn động Hoa Kỳ: Thưởng 50.000 đô la cho ai tìm ra nhà tạm trị giá bạc triệu bị đánh cắp từ nhà thờ
VietCatholic Media
17:16 09/07/2022


1. Nhà truyền giáo người Anh làm cầu nối các đức tin thông qua đối thoại ở Indonesia

Cha John Mansford Prior, qua đời ngày 2 tháng 7 năm 2022, sinh ra và lớn lên ở Anh, nhưng đã dành phần lớn cuộc đời mình ở Indonesia với tư cách là một nhà thần học và học thuật hàng đầu, thúc đẩy đối thoại giữa các tôn giáo và nghiên cứu Kinh thánh với một loạt các thành tích đáng chú ý.

Sinh năm 1946, ngài được thụ phong linh mục truyền giáo năm 1972 trong Dòng Ngôi Lời. Năm sau, ngài đến Flores, một hòn đảo ở miền Đông Indonesia, nơi có khoảng 90% dân số theo đạo Công Giáo mặc dù đây là tôn giáo thiểu số ở quốc gia có đa số người Hồi giáo.

Kể từ đó, ngài thành lập và lãnh đạo một số giáo xứ ở Flores và tập trung công việc của mình vào việc thúc đẩy và nghiên cứu đối thoại liên văn hóa và liên tôn giáo. Năm 2008, ngài thậm chí còn thực hiện một cuộc hội thảo ở Úc với tiêu đề “Hiểu về Hồi giáo ngày nay: những khuôn mặt và cảm xúc đằng sau những tiêu đề.”

Tác giả của bài báo nhấn mạnh nhu cầu đối thoại liên tục và hiểu biết giữa người Hồi giáo và Kitô giáo. Cha Prior than thở rằng “ngày nay, đáng tiếc là khó có thể thiết lập những mối liên hệ mật thiết như vậy do tình trạng chính trị hóa hầu hết mọi khía cạnh của mối quan hệ giữa người Hồi giáo và Kitô giáo”.

Đối thoại và hòa bình là ưu tiên sứ mệnh của Cha Prior trong suốt cuộc đời của ngài như ngài đã chứng minh qua lời nói, các bài viết và hành động của mình. Cái chết của ngài là một mất mát không gì bù đắp được đối với thần học và xã hội học trong khu vực. Nhưng những đóng góp to lớn của ngài với tư cách là một linh mục truyền giáo và một học giả uyên bác để lại một di sản vàng


Source:UCANews

2. Phần thưởng 50.000 đô la cho ai tìm được nhà tạm bị đánh cắp từ nhà thờ

Nhà thờ Công Giáo ở Brooklyn, New York, đang treo thưởng 50.000 đô la cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc tìm lại được nhà tạm trị giá 2 triệu đô la đã bị đánh cắp vào tháng Năm.

Đức Cha Robert Brennan của Brooklyn đã công bố phần thưởng vào hôm thứ Ba. Số tiền thưởng được cung cấp bởi công ty bảo hiểm của giáo phận. Nó bổ sung vào phần thưởng 3.500 đô la do Sở cảnh sát New York đưa ra trước đó.

Nhà tạm, được làm bằng vàng và bạc 18k, đã bị đánh cắp khỏi Nhà thờ Thánh Augustinô ở Park Slope trong những ngày cuối tuần dịp Memorial Day. Nhà tạm này là một phần của nhà thờ kể từ khi ngôi thánh đường được xây dựng vào cuối những năm 1800.

Đức Cha Brennan nói: “Chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho nhà tạm độc nhất vô nhị, được thực hiện bởi các giáo dân đầu tien của nhà thờ Thánh Augustinô, được trả lại và sau đó được khôi phục lại, trong tất cả sự vinh quang của nhà tạm này, ở trung tâm của nhà thờ này. Vụ trộm vật phẩm lịch sử này không thể cướp đi niềm tin của người dân xứ đạo này”.

Vào cuối những năm 1890, những người trông coi nhà thờ đã có một chiếc két sắt được xây dựng xung quanh nhà tạm, này để đóng mở khi cần thiết. Biện pháp này được coi là một kỳ tích của sự đổi mới công nghệ trong thời đại đó.

Vụ trộm nhà tạm từ một nhà thờ ở Brooklyn, New York, là vụ mới nhất trong vụ trộm cắp và xúc phạm các nhà thờ Công Giáo diễn ra trên khắp thế giới trong những năm gần đây.

Cha Frank Tumino, mục tử của Nhà thờ Thánh Augustinô, đã phát hiện ra nhà tạm bằng vàng và bạc đã bị lấy cắp vào hôm thứ Bảy. Sở cảnh sát thành phố New York cho biết, những kẻ trộm đã sử dụng các công cụ điện để “cắt mở” vỏ kim loại bảo vệ nhà tạm.

Bánh thánh đã được thánh hiến nằm giữa đống đổ nát và những mảnh vụn kim loại được tìm thấy trên mặt đất, khiến tội ác này trở nên đặc biệt nghiêm trọng— hơn cả những vụ đập phá các bức tượng hoặc hành động phá hoại khác.

“Điều này thật tàn khốc, vì nhà tạm là trọng tâm của nhà thờ ngoài việc thờ phượng của chúng tôi, đó là nơi lưu giữ Mình Thánh Chúa Kitô, Bí tích Thánh Thể” Cha Tumino nói với tờ Tablet. “Một tên trộm đã vào không gian linh thiêng nhất của ngôi nhà thờ xinh đẹp của chúng ta, và đó là một hành động thiếu tôn trọng ghê tởm”.

Tuy nhiên, vụ trộm nhà tạm lịch sử đã gây xôn xao dư luận, không chỉ vì sự xúc phạm nhà thờ, mà nhiều khả năng là vì nhà tạm được cho là trị giá 2 triệu đô la, một con số đáng kinh ngạc.

Khi Nhà thờ Thánh Augustinô được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, người ta không tiếc chi phí để dựng lên một cung thánh ngang với những thánh đường lớn của Âu Châu. Nhà tạm dùng để đựng Mình Thánh Chúa cũng được chế tác theo cùng một phong cách lớn đó.

Vào những năm 1880, khi giáo xứ Thánh Augustinô phát triển hơn, nhà thờ tạm được xây dựng để đáp ứng sự hiện diện ngày càng tăng của Công Giáo ở Brooklyn, cha xứ của nó, Fr. Edward W. McCarty, đã mua đất ở khu phố Park Slope mới, là khu thời thượng của Brooklyn. Mục tiêu của ngài, theo lịch sử của giáo xứ, là xây dựng một nhà thờ tốt nhất trong thành phố. Để đạt được mục tiêu đó, vào năm 1887, ngài đã mời các công ty kiến trúc tham gia một cuộc thi thiết kế nhà thờ mới, với kinh phí chưa từng có là 300.000 đô la.

Khi nhà thờ theo kiểu Gothic trang nghiêm được hoàn thành bởi Parfitt Brothers, một công ty có trụ sở tại Brooklyn, người đã giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế, nhà thờ đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Cho đến ngày nay Nhà thờ Thánh Augustinô thường được gọi là “Nhà thờ Đức Bà” hoặc “Nhà thờ chính tòa” ở Dốc Công viên.

Trong số các đồ trang trí tinh xảo của ngôi thánh đường là nhà tạm tinh xảo, là trung tâm của nhà thờ. Được chế tác bằng vàng và bạc 18 cara bởi Alfred E. Parfitt vào năm 1895, nhà tạm được trang trí bằng những viên đá quý. Theo trang web của nhà thờ, tất cả kim loại và đá đến từ tiền xu và đồ trang sức do giáo dân quyên góp.

Những người trông coi nhà thờ Thánh Augustinô nhận thức rõ rằng nhà tạm của họ sẽ là nơi cám dỗ những kẻ trộm cắp. Người ta quyết định rằng một hệ thống an ninh đặc biệt sẽ cần được xây dựng xung quanh nhà tạm để bảo vệ khỏi trộm cắp, nhưng anh chị em giáo dân vẫn có thể thấy được trong Thánh lễ.

Hệ thống an ninh sáng tạo đã được giới thiệu trên tạp chí The Electric World ngày 15 tháng Giêng năm 1898, một tạp chí hàng tuần ghi lại những tiến bộ trong công nghệ điện.

Bài báo, “An toàn chống trộm hoạt động bằng điện,” mô tả chiếc két sắt, được bắt vít vào chiếc hói bằng đá cẩm thạch chạm khắc xung quanh nhà tạm. Các tấm kim loại rắn trượt trên các ổ bi được điều khiển bởi một động cơ đặt trong tầng hầm của nhà thờ, và đóng mở xung quanh nhà tạm.

“Két sắt được làm từ các tấm thép Harveyized, dày 1 inch và tạo thành ba lá, mỗi lá kéo dài 120 độ về trục của hình trụ và uốn cong từ đỉnh đến một điểm ở đỉnh của mái vòm. Những chiếc lá này được bao phủ bởi vàng lá, và không có dấu hiệu rõ ràng về sức mạnh và sự vững chắc của chúng. Các lá cuốn rất nặng được gắn trên các ổ bi và ổ lăn, được quay bằng bánh răng con sâu được chế tạo kiên cố, đặt bên dưới bàn thờ, và được truyền động bằng dây đai từ một động cơ trong tầng hầm. “

Bài báo giải thích cách hệ thống an ninh quản lý để bảo vệ nhà tạm trong hơn một thế kỷ:

“Nhiều bộ phận của cơ cấu này được kết nối với mạch cảnh báo trộm, mạch này chạy đến đồn cảnh sát gần nhất, để can thiệp vào bất kỳ thiết bị nào trong bộ máy sẽ ngay lập tức gửi báo động. Sàn của két an toàn được gắn trên sợi lưu hóa và được ngăn cách bởi một khoảng hở rất nhẹ so với các bức tường thép về nó. Mọi nỗ lực ép tường sẽ khiến cả hai tiếp xúc với nhau, đồng thời đóng mạch cảnh báo trộm, và bất kỳ hành động khoan tường nào cũng sẽ tác động tương tự thông qua các vụn sắt sẽ rơi qua khe hẹp. Bằng cách này, trên thực tế, khả năng miễn dịch hoàn hảo khỏi bất kỳ nguy cơ thiệt hại nào được bảo đảm.”

Theo Cha Tumino, những tên trộm đã vô hiệu hóa hệ thống giám sát trong vụ trộm, loại bỏ DVR khỏi hệ thống camera an ninh.

Bất kỳ ai có thông tin đều được yêu cầu gọi cho Crimestoppers theo số 1-800-577-TIPS.
Source:Aleteia