Ngày 06-07-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cùng nhau xây dựng đời sống
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
10:22 06/07/2008

Cùng nhau xây dựng đời sống



Ông Bà cha mẹ chúng ta, ngày xưa lúc vào lứa tuổi xuân xanh thanh niên thiếu nữ, đã tìm gặp được nhau trực tiếp hoặc gián tiếp. Đi từ khởi đầu đó, tình yêu giữa hai người nam nữ nẩy nở phát sinh. Và cũng từ căn bản đó, họ cùng nhau xây dựng tương lai một đời sống gia đình mới.

Tình yêu gia đình của họ không dừng lại nơi họ, nhưng tình yêu sự sống họ lan chảy sang cho thế hệ con cháu. Đó là kết qủa của tình yêu gia đình của họ.

Nhìn bên ngoài thì như thế. Nhưng có điều gì thánh thiêng, mầu nhiệm bí ẩn ràng buộc tình yêu họ lại thành vợ chồng, thành cha mẹ có trách nhiệm gắn bó với nhau, với con cháu không?

1. Nơi chốn gặp gỡ

Hai người nam nữ hấp dẫn thu hút nhau. Đó là điều tự nhiên trong đời sống. Nếu không có thế, không có tình yêu nảy nở giữa họ. Tình yêu của họ không chỉ dừng lại nơi tầng cảm gíac tình cảm với và cho nhau. Nhưng trái lại còn đi sâu xa hơn: muốn cùng gặp gỡ, chia sẻ chung với nhau tinh thần, thân xác cùng tình cảm ý chí nữa.Từ ước vọng ý muốn đó một mái ấm gia đình dần thành hình.

Theo ngôn ngữ diễn tả đó là hôn nhân, là lễ thành hôn, là đám cưới. Với người Công Giáo ý nghĩa đời sống tình yêu đó còn có gốc rễ trong đức tin: Bí tích hôn phối.

Bí Tích là dấu chỉ bên ngoài diễn tả nói về sự thánh thiêng đạo đức ẩn chứa bên trong. Điều thánh thiêng đạo đức ẩn chứa bên trong là ân đức của Thiên Chúa. Điều đó khắc ghi dấu vết trong tâm hồn người lãnh nhận Bí Tích.

Bí tích Hôn nhân, mà hai bạn nam nữ trao cho nhau qua lời ưng thuận và hai chiếc nhẫn, được Giáo Hội chính thức công nhận chúc phúc, là sợi dây thánh đức ràng buộc họ lại với nhau. Tình yêu hôn nhân của họ, như thế, trứơc mặt Thiên Chúa là điều thánh thiện, cùng trở nên sống động. Họ có trách nhiệm cho nhau và cho hoa qủa tình yêu của họ là con cháu sau này.

Thiên Chúa chúc phúc cùng làm cho tình yêu của họ thành thánh thiện. Trong tình yêu thánh thiện đó là nơi chốn gặp gỡ Chúa Giêsu.

Tình yêu hôn nhân không chỉ nảy sinh một sớm một chiều, một lúc quãng thời gian nào đó rồi thôi đâu. Trái lại tình yêu đó luôn phát triển theo chiều tự nhiên của hai con người, cùng theo chiều tinh thần đạo đức nữa.

Theo chiều tinh thần đạo giáo, dần dần hai người cảm nhận ra trong tình yêu hôn nhân có mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa trong đó. Điều này đức tin cắt nghĩa nói qua biến cố sự hy sinh dấn thân của Chúa Giêsu trên Thánh gía. Đời sống tình yêu hôn nhân của họ hằng ngày, dù phải trải qua những lên xuống, những khủng hoàng khó khăn, giúp hiểu nhận ra ý nghĩa sâu thẳm Lời Chúa: Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người dấn thân đời sống mình cho người mình yêu. ( Gioan 15,13)

2. Hôn nhân không tháo cởi

Dấn thân hy sinh cho người mình yêu trong hôn nhân không chỉ hòa nhịp sống trong tinh thần ưng thuận nhận nhau, nhưng còn trong cả thân xác trao cho nhau nữa. Đó là niềm vui hạnh phúc cùng trách nhiệm với và cho nhau. Nên khi hai người nam nữ đã sống chung trao cho nhau tình yêu hôn nhân, hôn nhân của họ không thể bị hủy bỏ tháo cởi được. Như Chúa Giêsu đã nói: „Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly“. ( Mattheo 19,6)

Lời khẳng định này của Giáo Hội làm nhiều người suy nghĩ thắc mắc về tích cách tuyệt đối. Vẫn biết, ai bước chân đời hôn nhân, họ hứa trung thành với nhau. Cùng lúc đó họ biết rằng, hứa nhưng làm sao có thể bảo đảm được sự trung thành vĩnh viễn.

Họ sợ rằng đời sống chung hôn nhân của hai vợ chồng có thể phát triển chung hợp gắn bó với nhau và cũng có thể phát triển rời rạc khiến sinh ra xa nhau, không chỉ về thể lý, mà còn cả về mặt tinh thần tâm lý nữa. Nên sự gắn bó với nhau suốt đời xem ra khó có thể được!

Với Chúa Giêsu, đời sống hôn nhân không tháo cởi ra được phù hợp với ý muốn từ khởi thủy của Thiên Chúa, và như thế cũng phù hợp với tương quan liên kết gắn bó của hai người nam nữ yêu nhau. Điều này thật tốt đẹp lý tưởng, và Chúa Giêsu cũng biết, con người không phải luôn luôn có thể sống giữ được theo điều lý tưởng được. Vì thế Ngài đã nghĩ đến khoản điều luật trừ trong việc này: „Ta nói cho anh em hay, ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.“ ( Mt 19,9).

Dù biết là bấp bênh làm sao có thể bảo đảm mãi giữ được lòng trung thành với nhau suốt đời, nhưng không vì thế mà lơ là coi nhẹ việc gìn giữ hôn nhân cho khỏi bị đổ vỡ. Đời sống trung thành của vợ chồng với nhau được củng cố gắn bó thắm thiết với nhau, khi họ cùng đặt lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa, Đấng chúc phúc lành cho hôn nhân của họ, Đấng dẫn đưa họ bước vào đời hôn nhân với nhau, cùng giúp họ sống phát triển đời sống này.

Đời sống hôn nhân không chỉ bắt nguồn từ nơi ý muốn tình yêu của con người, nhưng còn diễn tả nguồn sâu thẳm ơn đức của Thiên Chúa ban cho qua dấu chứng của phép Bí Tích hôn nhân. Với ân đức của Thiên Chúa trợ giúp, cuộc sống chung gắn bó của vợ chồng được lâu dài bền vững.

3. Chiếc nhẫn cưới

Bí tích hôn nhân hai người nam nữ trao cho nhau không chỉ qua lời ưng thuận nhận nhau làm vợ chồng, mà còn thể hiện qua chiếc nhẫn cưới của nhau nữa.

Hai chiếc nhẫn cưới họ trao cho nhau được Giáo Hội làm phép xin Thiên Chúa chúc lành. Chiếc nhẫn hình tròn là dấu hiệu hình ảnh từ xa xưa. Hình tròn của chiếc nhẫn diễn tả sự trọn vẹn toàn thể của con người. Con người muốn những gì còn thiếu sót nơi họ trở nên tròn đầy trọn vẹn.

Hình vòng tròn chiếc nhẫn cũng là hình ảnh của hợp nhất, của trọn vẹn tròn đầy. Chiếc nhẫn hình tròn không có tận cùng, nên cũng là hình ảnh về vĩnh cửu. Chiếc nhẫn cưới cũng nói lên niềm hy vọng, hai người gắn bó với nhau tìm tạo nên sự hiệp nhất. Điều này giúp họ vươn lên trở nên trọn vẹn hoàn hảo trong tình yêu bền vững.

Chiếc nhẫn cưới cũng là dấu chỉ sự che chở gìn giữ chống lại sức lực sự xấu. Nó có chức năng bảo vệ tình yêu của vợ chồng trước những nguy hiểm cám dỗ chống lại tình yêu hôn nhân.

Hai chiếc nhẫn cưới họ trao cho nhau là dấu chỉ về sợi dây liên kết gắn bó với nhau, là lời nhắc bảo về lòng trung thành cùng thuộc về một gia đình của nhau.

Hai chiếc nhẫn cưới được Giáo Hội làm phép xin Thiên Chúa chúc lành trở nên vật thánh thiêng: tình yêu và lòng trung thành của Chúa khắc ghi trong đó. Thiên Chúa hằng cùng đồng hành với họ trong đời hôn nhân, và giúp nâng đỡ tinh thần họ trong những khi họ gặp sóng gió khó khăn.

Sứ điệp chiếc nhẫn hôn nhân hai vợ chồng đeo trong tay muốn nói ra bên ngoài, hai người thuộc về nhau. Đó là một dấu chỉ bằng chứng xác tín về tình yêu của họ.

Khi trao cho nhau chiếc nhẫn hôn nhân mỗi người nói với nhau: „Anh là, em là. ... nhận anh làm chồng, nhận em làm vợ, người bạn đường và hứa sẽ giữ lòng chung thủy, tôn trọng anh, tôn trọng em khi thịnh vượng cũng như lúc gặp gian nan nghèo khổ, khi bệnh tật như lúc khỏe mạnh, để tình yêu chúng ta ngày càng thêm khắng khít bền chặt trong suốt đời sống. Sau đó họ trao nhẫn vào ngón tay nhau, đang khi nói lời xác quyết: „Anh…Em..... hãy nhận lấy chiếc nhẫn này như bằng chứng tình yêu và trung thành của anh/của em. Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Amen“.

Nghi thức trao nhẫn lồng khung trong lời xưng tụng về Ba ngôi Thiên Chúa: Cha, Con và Thánh Thần, thật là xứng hợp chính đáng.

Thiên Chúa ba ngôi là một mầu nhiệm đức tin căn bản diễn tả tình yêu ba ngôi vị giữa nhau. Như hình ảnh Ba ngôi Thiên Chúa trong một vòng tròn tình yêu, cũng vậy chiếc nhẫn hình tròn là dấu hiệu nói lên lòng cầu khấn Thiên Chúa hằng tuôn đổ tình yêu xuống trong đời hôn nhân của hai vợ chồng không cùng tận, và cũng để phân biệt rõ tình yêu Thiên Chúa với tình yêu của con người.

****************************

Tình yêu đời sống hôn nhân là điều thánh đức như một ngôi thánh đường. Ngôi thánh đường to lớn nguy nga đồ sộ như Đền thờ giáo đô Thánh Phero bên Roma, đền thờ Đức Bà Cả bên Roma; như nhà thờ chính tòa Kölner Dom, như nhà thờ chính tòa Aachener Dom…tuy đã xây xong từ bao thế kỷ nay, nhưng vẫn chưa bao giờ hoàn thành xong. Vì luôn luôn phải dựng dàn ráo sửa chữa tô điểm thêm những chỗ hư hại không góc này thì cánh chỗ khác.

Và khi sữa chữa cưa đục sẽ phát ra nhiều tiếng động to lớn chát chúa, nhiều bụi vụn bay làm mù mịt một khoảng không gian…Nhưng có thế ngôi toà thánh đường đền thờ mới không bị hư hỏng đổ nát, sập tan hoang.

Cũng vậy, tương tự trong đời sống hôn nhân: ngôi nhà hôn nhân của hai người nam nữ cùng chung xây dựng nên không phải là ngôi nhà đã hoàn thành xong xuôi đâu. Nhưng còn cần phải tiếp tục sửa chữa xây dựng bổ sung thêm mãi với dòng thời gian cuộc sống.

Mùa kiết Hạ tháng 07. 2008
 
Nữ tu thừa sai Paris người Ân Độ
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
14:11 06/07/2008
NỮ TU THỪA SAI PARIS, NGƯỜI ẤN ĐỘ

Con được may mắn sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công Giáo lâu đời và đạo đức. Mỗi sáng, tất cả anh chị em chúng con phải thức dậy thật sớm để đi tham dự Thánh Lễ. Nếu đứa nào làm biếng không đi lễ thì mẹ con phạt không cho ăn sáng.

Gia đình chúng con sống tại thành phố Neyveli, miền Nam Ấn Độ. Giáo xứ chúng con rất linh hoạt nhờ tinh thần mục vụ hăng say của Cha Sở - Linh Mục người Pháp thuộc Hội Thừa Sai Paris - và hai Cha Phó trẻ người Ấn Độ.

Nhóm con nít chúng con rất thích lui tới nhà xứ để gặp gỡ các Linh Mục. Phần đông giới trẻ gia nhập ca đoàn. Chúng con vui vẻ giúp quét dọn nhà thờ nhà xứ. Chúa nhật, sau Thánh Lễ dành cho giới trẻ, chúng con cùng nhau nô đùa nơi sân nhà xứ. Hàng năm chúng con rất mong mau đến Lễ Giáng Sinh. Ngay từ đầu tháng 12, chúng con bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị mừng lễ. Mỗi Chúa Nhật suốt trong tháng 12, chúng con chia nhau đi hát Thánh Ca Giáng Sinh trong các gia đình và nơi các đường phố.

Năm con lên 10 tuổi, một ngày có nhóm các Nữ Tu Thừa Sai Paris đến thăm Cha Sở. Nhân dịp này, Cha Sở nói với chúng con về cuộc sống tận hiến cho THIÊN CHÚA và xả thân phục vụ người nghèo của các chị. Lời lẽ của Cha Sở làm con xúc động sâu xa. Trong tâm trí non nớt lúc bấy giờ, con ước ao có cuộc sống giống như Các Chị. Từ đó, mỗi ngày sau Thánh Lễ, con thường quỳ lại nơi nhà thờ và tha thiết xin Chúa cho con có ơn kêu gọi. Giờ đây hồi tưởng lại, con thấy rằng:

- Chính bầu khí cầu nguyện chung trong gia đình mỗi ngày và sự hỗ trợ của các Linh Mục trông coi xứ đạo đã gieo mầm giống ơn gọi nơi tâm hồn con.

Đến tuổi trưởng thành, con bày tỏ ước nguyện dâng mình cho Chúa, nhưng Ba Má con không chấp thuận, đặc biệt thân phụ con. Người cương quyết từ chối. Nhưng rồi suy nghĩ lại, người bằng lòng cho con đi tu.

Trước khi gia nhập Dòng Nữ Tu Thừa Sai Paris, con được huấn luyện để trở thành ”Nhân viên y tế”, chăm sóc sức khoẻ cho dân làng. Nền huấn luyện này rất hữu ích cho công tác tông đồ của con sau đó, trong tư cách là nữ tu thừa sai, làm việc bên cạnh người nghèo.

Khi thực tập để trở thành nhân viên y tế thực thụ, con được gửi đến làm việc trong một làng rộng lớn. Mỗi ngày con thăm viếng các gia đình để biết rõ điều kiện sống và tình trạng sức khoẻ của dân làng. Các cuộc viếng thăm giúp con hiểu rõ các gia đình nghèo. Thật là một kinh nghiệm vô cùng quý báu. Đó là kinh nghiệm chia sẻ niềm vui nỗi khổ của người nghèo. Tục ngữ có câu:

- Chia sẻ niềm vui, niềm vui gia tăng. Chia sẻ nỗi khổ, nỗi khổ giảm bớt.

Sau khi gia nhập dòng tu và khấn dòng, con được chỉ định làm việc tại một làng, nơi có Trung Tâm bài trừ bệnh phong cùi và giúp phát triển nông thôn. Sau đó, con được chuyển về làm việc tại một huyện có gần 6000 dân cư, chia thành 18 thôn xóm. Người dân các làng này đa số thuộc giai cấp ”cùng đinh”. Chỉ có 15% thuộc giai cấp khá giả một chút. Các Nữ Tu Thừa Sai đặc biệt làm việc với phụ nữ. Chúng con chia thành nhóm nhỏ 6 người, vừa nữ tu vừa các bà mẹ gia đình. Các nhóm này hoạt động rất hữu hiệu bên cạnh chính quyền.

Chúng con thường tổ chức các khóa huấn luyện, giúp các bà mẹ hiểu vấn đề sức khoẻ của con cái còn nhỏ tuổi và vấn đề tinh thần của những đứa con ở lứa tuổi dậy thì. Đối với các bà mẹ phụ trách các nhóm thì chúng con mời các nữ bác sĩ và các giáo sư đến nói chuyện với họ.

Hằng năm khi đến 8-3 / ngày phụ nữ, chúng con cử hành ngày này với buổi nói chuyện, trình diễn văn nghệ, trao quà và sau cùng là CẦU NGUYỆN. Ngày 8-3 thường trôi qua trong bầu khí tươi vui huynh đệ và rất đạo đức. Mọi người đều hài lòng khi chia tay ra về.

Chứng từ của chị Christy, nữ tu Thừa Sai Paris, người Ấn Độ.

... ”Những người kính sợ THIÊN CHÚA sẽ được sống lâu dài, vì họ cậy trông vào Đấng cứu thoát họ. Ai kính sợ THIÊN CHÚA thì không sợ hãi gì. Họ không run rẩy, vì chính nơi Người, họ hằng cậy trông. Phúc thay tâm hồn kính sợ THIÊN CHÚA! Họ nương tựa vào ai? Và ai nâng đỡ họ? THIÊN CHÚA để mắt trông nom những ai yêu mến Người. Người là khiên mộc vững chắc, là sức mạnh đỡ nâng, là tàn che gió nóng, là bóng mát giữa trưa. Người giữ gìn cho khỏi vấp ngã, và bảo vệ cho khỏi té nhào. Người nâng cao tâm hồn, sáng soi con mắt. Người ban sức khoẻ, sự sống và phúc lành” (Sách Huấn Ca 34,13-17)

(”Missions Étrangères de Paris”, Septembre-Octobre 1995, trang 241-245)
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:07 06/07/2008
HOA BÓNG NƯỚC KIÊU NGẠO

N2T


Ở trong góc của một vườn rau mọc lên một cây hoa bóng nước, nếu chủ nhân đem hoa dập nát rồi bôi trên móng tay, qua ngày hôm sau thì móng tay biến thành màu đỏ, cho nên hoa bóng nước thường lấy đó làm vinh dự. Nó cảm thấy mình thật phi thường, rất là kiêu ngạo, và rõ ràng không coi các loại hoa khác ra gì cả, càng coi thường những loại rau xanh.

Một hôm, sau một trận gió lớn, nương theo gió bay đến một loại mùi khí, bởi vì rất hôi, cho nên hoa bóng nước bịt mũi cau lông mày, nó quay người lại nhìn: hóa ra là cây tỏi đang đứng bên cạnh cách chỗ nó không xa, hoa bóng nước lớn tiếng nói: “Cây tỏi, mùi hôi trên người anh thật là tởm lợm, đứng xa chút xíu !”

Cây hẹ nghe được thì không vui, nói: “Sao anh lại có thể nói với cây tỏi như thế, mùi vị của mỗi người vốn là không giống nhau, người thích mùi vị gì thì đều có, công dụng của cây tỏi mới nhiều đó !”

Hoa bóng nước lại kêu réo với cây hẹ, nói: “Anh và tỏi đều hôi giống nhau, đều đứng xa một chút.”

Khi ấy củ cải lớn tiếng nói: “Mọi người đều không nên ồn ào ! Hoa bóng nước, mày không thích vườn rau, thì có thể dời qua bên vườn hoa.”

Hoa bóng nước và rau xanh đều tức giận nhua, chúng nó đều không không lên tiếng. Ban tối, có hai người đến trong vườn rau, hoa bóng nước trong lòng rất vui vẻ, nó nghĩ: nhất định là họ đến tìm mình.

Không ngờ, hai người ấy lại cầm cây tỏi lên, một người nói: “Tôi bị viêm ruột có chút đau bụng đi cầu.”

Người kia bèn nói: “Ăn tỏi, tỏi có thể trị viêm ruột và bệnh kiết lỵ.”

Hoa bóng nước nghe được thì có chút kinh ngạc, trong bụng nghĩ: hóa ra cây tỏi thật có rất nhiều công dụng.

Ngày hôm sau trời vừa sáng, lại có một người đến kiếm củ cải, thì ra trong nhà anh ta có người bị ho, anh ta chuẩn bị lấy củ cải ngâm với đường phèn cho người nhà ăn để ngăn chận đờm. Hoa bóng nước mắt nhìn thấy người ta dùng củ gừng trị cảm mạo, dùng lá đậu phộng trị mất ngủ.v.v... lúc ấy nó mới hiểu rõ, rất nhiều rau xanh đều có thể trị bệnh, đều có công dụng. Từ đó về sau, hoa bóng nước không còn kiêu ngạo nữa.

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Vạn vật đều có công dụng và hy sinh của nó, tiên vàn không nên giống như hoa bóng nước chỉ nhìn thấy ưu thế của mình, mà không nhìn thấy cái hay của người khác. Đồng thời chúng ta cũng nên học được lấy dài bù ngắn, lấy cái hay bù cái dở, khiêm tốn mà không kiêu ngạo, chính là chìa khóa làm cho chúng ta thành công trong cuộc sống.

Các loại rau xanh thì có loại có hoa và có loại không nở hoa, nhưng không phải vì thế mà nó không có ích cho con người, tất cả các loại rau xanh đều có ích bổ dưỡng thân thể, làm thuốc trị bệnh cho con người, cho nên không thể vì nó ra hoa không đẹp hoặc không ra hoa mà nói nó vô dụng.

Các bạn bè của các em cũng vậy, không phải bạn nào nhà nghèo là học dở, cũng chẳng phải bạn nhà giàu là học giỏi, nhưng nghèo hay giàu không làm cho chúng ta học giỏi hay học dở, nhưng chính tấm lòng quyết tâm của chúng ta mới đem tới thành công.

Các em thực hành:

- Không coi thường các bạn nghèo, nhưng tôn trọng các bạn.

- Không kiêu ngạo vì mình con nhà giàu học giỏi, bởi vì kiêu ngạo sẽ làm cho tài năng của các em dừng lại không phát triển thêm được.

- Luôn biến mình thành người có ích cho mọi người.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:08 06/07/2008
N2T


41. Khi suy niệm mà tạp niệm đến, thì phải thật bình an đem tâm hồn của mình đặt trước mặt Thiên Chúa.

(Thánh Teresa of Avila)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hoa Kỳ gởi tất cả 15,000 bạn trẻ tham dự WYD 2008 và 1 bạn trẻ sẽ dùng bữa trưa với ĐTC
Anthony Lê
08:19 06/07/2008
Hoa Kỳ gởi tất cả 15,000 bạn trẻ tham dự WYD 2008 và 1 bạn trẻ sẽ dùng bữa trưa với ĐTC

WASHINGTON, D.C. (Zenit.org).- Khoảng 15,000 bạn trẻ Hoa Kỳ cùng với 50 vị Giám Mục của các bạn sẽ tham dự ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới tại Sydney, Úc Châu vào tuần tới.

Theo ban tổ chức của Hoa Kỳ, thì đây sẽ là phái đoàn lớn nhất đại diện cho bất kỳ một quốc gia nào, ngoại trừ nước chủ nhà Úc Châu. Đức Hồng Y Francis George, Tổng Giám Mục Chicago và cũng là vị Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, sẽ là một trong 50 vị Giám Mục tham dự ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới cùng các bạn trẻ Hoa Kỳ.

Các bạn trẻ này được phân chia ra trong số khoảng 1,140 nhóm có số lượng khác nhau, vốn được tổ chức bởi các giáo phận, các giáo xứ, các tổ chức tôn giáo và các trường học. Một vài bạn trẻ sẽ đến Úc cùng với gia đình của các em.

Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới sẽ được bắt đầu từ ngày 15 đến 20 tháng 7, và sẽ là kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 10 kể từ khi Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị khởi sự những kỳ Đại Hội này.

Theo Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, lần đầu tiên tại một kỳ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, sẽ có một Thánh Lễ dành riêng cho tất cả các nhóm bạn trẻ Hoa Kỳ đến từ Sydney, trong số đó có rất đông các bạn trẻ gốc Việt hòa chung với các bạn trẻ Hoa Kỳ. Đức Hồng Y George sẽ chủ tế Thánh Lễ và giảng vào ngày Thứ Bảy, ngày 19 tháng 7, tại một địa điểm bên ngoài trung tâm Sydney.

Các bạn trẻ Hoa Kỳ cũng sẽ có các vai trò khác trong suốt ngày diễn ra Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Bạn Armando Cervantes từ Giáo Phận Orange, thuộc tiểu bang California sẽ là một trong 12 bạn trẻ sẽ dùng cơm trưa với Đức Thánh Cha vào Thứ Sáu ngày 18 tháng 7, và bạn Juan Martinez đến từ Giáo Phận Austin, Texas sẽ lành nhận Phép Bí Tích Thêm Sức từ tay Đức Thánh Cha.

Hai bạn trẻ khác là Annalee Moyer, đến từ Tổng Giáo Phận Washington, D.C., và Leonardo Jaramillo, đến từ Tổng Giáo Phận Atlanta, đã được chọn để tham gia vào Nhóm Phụng Vụ Quốc Tế vốn gồm có 200 bạn trẻ tất cả.

Trong khi đó, xuyên bờ Đại Tây Dương thì Anh Quốc sẽ gởi 2,000 bạn trẻ đến tham dự WYD 2008 tại Sydney, Úc Châu. Còn tại Ái Nhĩ Lan, Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin của Tổng Giáo Phận Dublin sẽ tháp tùng 200 bạn trẻ đến tham dự WYD 2008 tại Sydney, Úc Châu.

Riêng Giáo Phận Westminster sẽ gởi 170 bạn trẻ đến tham dự. Các bạn trẻ này đại diện cho khoảng 17 quốc gia gồm có Phi Luật Tân, Croatia, Hungary, Ấn Độ, Nigeria, Ba Lan, Nam Phi, Singapore, và Zimbabwe.

Anh David Burke, giám đốc đặc trách các bạn trẻ tại Giáo Phận Westminster cho biết: "Thật là thú vị khi nhìn thấy những người bạn trẻ này đại diện cho chiều sâu và chiều dài của Giáo Phận này. Lòng say mê và sự hứng khởi của các bạn trẻ hiện đang dâng lên rất cao."
 
Đức Thượng phụ Bartholomew I sẽ cử hành lễ kỷ niệm 1020 năm Kitô giáo ở Kiev
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương
10:28 06/07/2008
Istanbul (AsiaNews) - Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew I sẽ dẫn đầu một phái đoàn Constantinople để cử hành kỷ niệm 1.020 năm Kitô giáo Nga ở Kiev. Quyết định này đã làm hài lòng cả Thượng phụ Alexy II của Moscow, người gởi lời mời phái đoàn Tòa Thượng phụ Đại kết và Tổng Thống Ukraine Victor Yushchenko, người yêu cầu Thượng phụ Bartholomew I đến bổ nhiệm nhân dịp đại lễ.

Một tuyên bố của Constantinople nhắc lại rằng “Giáo Hội Mẹ [Constantinople]… hướng người Ukraine về phép Rửa tội trong Chúa Kitô, [và] quyết định đưa phái đoàn của mình dưới sự lãnh đạo của Đức Thượng phụ Đại kết trong dịp lễ kỷ niệm từ ngày 23 đến 25 tháng Bảy”.

Với cử chỉ này, Constantinople dự định nắm bắt cơ hội góp phần vào việc dàn xếp căng thẳng trong Giáo hội Chính Thống Ukraine, làm chia rẽ người Nga và người Ukraine. Do chủ nghĩa độc tài và sự ảnh hưởng của bất hòa dân tộc mà Ukraine phải chịu cảnh người Kitô chia rẽ thành 3 giáo hội.

Đó là Giáo Hội “Uniate” theo nghi lễ Hy Lạp – Byzantine. Năm 1695, mệt mỏi với Giáo Hội Ba Lan quá tự phụ và e sợ Giáo Hội Nga thuộc Nga hoàng (Giáo Hội Nga được Constantinople nâng lên Tòa Thượng phụ vào thế kỷ XVI), vì Constantinople bị suy yếu dưới sự trị vì của Ottoman, Giáo Hội này tự thay thế chính mình dưới sự bảo vệ của Thượng phụ Tây phương, Đức Giáo Hoàng của Rôma. Thật là quý báu khi nói rằng vùng này không có khái niệm ly giáo giữa Tây phương và Đông phương.

Sau khi chế độ Sô Viết sụp đổ,vào năm 1991 Giáo Hội Chính Thống Ukraine tuyên bố tự trị tách khỏi Mạc Tư Khoa (Moscow), và dưới quyền dẫn dắt của Đức Thượng phụ Filaret và tìm được sự công nhận trong thế giới Chính Thống giáo. Cuối cùng, những tín hữu Chính Thống gốc Nga thì vẫn là tín hữu thuộc về Mạc Tư Khoa.

Constantinople đã luôn cố gắng phản đối những khuynh hướng dân tộc của các giáo hội này, và làm dịu đi những căng thẳng trong thế giới Chính Thống. Theo diễn tả của Đức Thượng phụ Bartholomew I thì Chính Thống giáo đã bị tấn công “bởi dị giáo hiện đại là chủ nghĩa dân tộc”. Vì lý do này mà Tòa Thượng phụ Đại kết gặp gỡ và thảo luận với mọi người, ngay cả với “Giáo hội uniates”, thường được xem như một trở ngại của đại kết (Uniates Churches: Giáo Hội hiệp thông - những Giáo Hội Ðông Phương tái liên hợp với Công Giáo, phục tùng Đức Giáo Hoàng, nhưng vẫn bảo tồn lễ nghi cũng như giáo luật riêng của mình).

Bản thân Đức Bartholomew I, trong một cử chỉ mang nhiều ý nghĩa tượng trưng, đã tặng một cốc rượu lễ cho Tân Giám Mục Công Giáo Hy Lạp, Đức Cha Salachas. Ngài cho hay: “Cốc rượu lễ của sự dự phần hiệp thông của chúng ta sẽ là sự sâu sắc trong quan hệ của chúng ta”.

Một người Chính Thống uyên bác có lần nói rằng: “Trong thế giới Kitô giáo, tinh thần của người biết viết phải được thuyết phục rằng Chúa Kitô hướng đến người phụ nữ Samaria… Bởi vì chúng ta đã quan trọng trong việc định nghĩa chúng ta là Công Giáo, Chính Thống hay Tin Lành thay vì trên hết chúng ta là Kitô hữu”.

Quyết định của Đức Bartholomew chủ trì lễ kỷ niệm đã bị chỉ trích dữ dội trong Chính Thống giáo quanh Mạc Tư Khoa. Trước đây ít ngày, Hãng thông tấn Interfax đã đưa ra loạt bài chỉ trích dữ dội Constantinople, theo một số linh mục Chính Thống, thì Đức Alexy II đã không đưa ra lời mời Thượng phụ Bartholomew I; theo một số sử gia, quyết định của Đức Bartholomew I thậm chí là một hành động thù địch chống lại Nga.
 
ĐTC mời gọi toàn thể Hội thánh hãy tham gia vào cuộc hành trình mới của Giới Trẻ xuyên qua mọi miền trên thế giới
Bình Hoà
14:08 06/07/2008
VATICAN - Từ thứ tư vừa rồi, sau cuộc tiếp kiến chung hàng tuần, đức thánh cha đã ra biệt thự mùa hè ở Castel Gandolfo, cách Rôma khoảng 30 cây số. Tại đây ngài đã chủ sự buổi đọc kinh kính Đức Mẹ vào trưa chúa nhựt hôm qua. Tuy nhiên thời gian lưu ngụ ở đây không lâu, bởi vì vào thứ bảy sắp đến, ngài sẽ rời Italia đi Australia để tham dự ngày đại hội giới trẻ quốc tế diễn ra tại thủ đô Sydney từ ngày 15 đến ngày 20. Biến cố này trở thành đề tài suy niệm trước khi dẫn vào kinh kính Đức Mẹ, đặc biệt dựa theo đề tài được đề ra cho đại hội “Các con sẽ lãnh nhận Thánh Linh và các con sẽ làm chứng cho Thầy”. Tuy những cuộc hội họp sẽ quy tụ cả trăm ngàn bạn trẻ, nhưng nhìn dưới cặp mắt đức tin, tất cả chỉ là một cộng đoàn cầu nguyện, giống như các môn đệ xưa kia họp nhau ở nhà Tiệc Ly để xin Thánh Linh ngự đến. Thiết tưởng cũng nên biết rằng nếu tại thế vận hội, ngọn đuốc thiêng sẽ là biểu tượng của sự liên kết giữa các dân tộc, thì tại Đại hội giới trẻ, theo ý muốn của Đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II, cây thập giá sẽ được dựng lên như địa bàn hướng dẫn cho hết mọi người tham dự, và bên cạnh cây thánh giá sẽ là một bức icôn kính Đức Mẹ.

Sau khi ban phép lành Toà thánh, đức Bênêđictô XVI cũng xin mọi người hợp ý cầu nguyện nhân dịp cuộc họp thượng đỉnh 8 quốc gia kỹ nghệ tại Hokkhaido-Toyako, từ ngày thứ hai 7/7. Hợp ý với các hội đồng giám mục của các nước liên hệ, ngài yêu cầu các nhà lãnh đạo hãy thi hành những điều đã cam kết trong kỳ họp lần trước, và mạnh mẽ áp dụng những biện pháp để diệt trừ nạn cùng cực, đói kém, bệnh tật, mù chữ. Sau đây là nguyên văn bài huấn dụ:

Anh chị em thân mến

Trước hết, tôi xin gửi lời chào thân ái và biết ơn đối với các nhà cầm quyền và cộng đoàn dân sự và giáo hội tại Castel Gandolfo, vì đã luôn dành cho tôi sự đón tiếp nồng hậu trong thời gian trú ngụ tại đây. Kế đó, tôi nghĩ đến nước Australia nơi mà nếu Chúa muốn, tôi sẽ đến vào thứ 7 sắp tới ngày 12 tháng 7. Tại Sydney, nằm ở mạn Đông nam của quốc gia này, sẽ diễn ra đại hội giới trẻ quốc tế lần thứ 23. Vào những tháng qua, cây “Thập giá của giới trẻ” đã đi xuyên qua châu Đại dương, và một lần nữa tại Sydney, cây Thập giá sẽ là người chứng thầm lặng của giao ước giữa Chúa Giêsu với các thế hệ trẻ. Ngày 15 tháng 7 sẽ là lễ đón tiếp các bạn trẻ, thứ bảy 19 sẽ có buổi canh thức, và chúa nhựt 20 sẽ là cao điểm với Thánh lễ bế mạc. Hội đồng Giám mục Australia đã bố trí cẩn thận tất cả, với sự hỗ trợ đắc lực của Nhà nước. Các nhóm thanh niên nam nữ đã bắt đầu lên đường từ khắp các lục địa, tiến về nước Australia. Tôi mời gọi toàn thể Hội thánh hãy tham gia vào cuộc hành trình mới của các trẻ xuyên qua mọi miền trên thế giới, bắt đầu từ năm 1985 do người tôi tớ Chúa Gioan Phaolô II.

Ngày Thế giới bạn trẻ sắp đến được phác hoạ như là một cuộc tái diễn lễ Ngũ Tuần. Thực vậy, từ một năm nay, các cộng đoàn Kitô hữu đã chuẩn bị bằng cách theo dõi chương trình mà tôi đã vạch ra trong sứ điệp về đề tài “Các con sẽ lãnh nhận sức mạnh bởi Thánh Linh, Đấng sẽ ngự xuống trên các con, và các con sẽ làm chứng cho Thầy” (Cv 1,8). Đó là lời hứa của Chúa Kitô sau khi phục sinh với các môn đệ, và lời hứa này luôn duy trì tính cách hiện đại đối với Giáo hội: các môn đệ chờ mong và khẩn cầu Thánh Linh đến để ban sức mạnh làm chứng cho Chúa Kitô và Tin mừng. Khi thổi lên cánh buồm của các thế hệ mới, Thánh Linh thúc đẩy họ tiến ra khơi lần nữa, từ thế hệ này sang thế hệ khác, để mang tin vui của tình yêu Chúa được mặc khải nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta. Tôi chắc rằng từ khắp mọi miền trên trái đất, các người công giáo sẽ hợp ý với tôi và với các bạn trẻ họp tại Sydney như là trong nhà Tiệc Ly, khẩn nài Thánh Linh, xin đổ tràn xuống các tâm hồn, ánh sáng nội tâm, lòng mến Chúa và tha nhân, lòng can đảm sáng tạo tìm cách đưa sứ điệp vĩnh cửu của Chúa Giêsu vào các ngôn ngữ và các văn hóa đa dạng.

Cùng với Thập giá, một bức icôn Đức Trinh nữ Maria sẽ đồng hành với đại hội giới trẻ. Tôi xin ký thác cho Mẹ chuyến đi Australia và cuộc gặp gỡ các bạn trẻ ở Sydney. Ngoài ra, nhân dịp chúa nhựt đầu tháng 7, tôi cũng xin Mẹ chuyển cầu để cho kỳ nghỉ hè trở nên thời gian nghỉ ngơi và bổ dưỡng cả về thân xác lẫn tinh thần.
 
Các Giám Mục phải được Đức Kitô chinh phục
Phaolô Phạm Xuân Khôi
17:48 06/07/2008
Vatican, ngày 6 tháng 7, năm 2008 (Zenit.org). – Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Toà Thánh nói rằng các giám mục cần phải được tình yêu của Đức Kitô chinh phục để các ngài có thể trở thành thầy dạy sự thánh thiện.

ĐHY Tarcisio Bertone xác nhận điều này hôm Thứ Sáu trong lễ truyền chức Giám Mục cho hai Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza and Piergiuseppe Vacchelli, cả hai đều mới lãnh nhận những chức vụ mới trong Hội Thánh.

Theo Radio Vatican, ĐHY đã nói trong bài giảng của ngài rằng “trên nền tảng các Tông Đồ thì Hội Thánh là ‘duy nhất, thánh thiện, tông truyền và công giáo,’ là Hội Thánh của muôn dân, mà không đồng hóa với một dân tộc nào, hoặc một nền văn hóa nào, hay là một quốc gia nào cả, nhưng luôn luôn là Hội Thánh của tất cả, được mời gọi để qui tụ nhân loại lại với nhau vượt ra ngoài mọi ranh giới, để giữa những chia rẽ của thế gian này, sẽ có thể có bình an của Thiên Chúa và tác động hòa giải của tình yêu của Ngài

ĐTGM Auza được bổ nhiệm làm khâm sứ mới ở Haiti, trong khi đó ĐTGM Vacchelli được bổ nhiệm làm phụ tá bí thư của Thánh Bộ Phúc Âm Hóa các Dân Tộc và chủ tịch Hiệp Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo.

ĐHY Bertone quả quyết rằng, “Đặc biệt là trong thời đại của chúng ta, điều quan trọng là các giám mục phải là nhân chứng và thầy dạy về sự thánh thiện, có thể truyền đạt cách trung thành, bằng gương sáng và việc làm, những chân lý soi sáng tâm hồn con người và dẫn đưa họ đến sự sống đời đời. Để việc này có thể xảy ra, điều cần thiết đầu tiên, là các hiền huynh phải được Đức Kitô chinh phục, như Thánh Tông Đồ Phaolô nói, và chỉ cho tất cả những mà ai các hiền huynh gặp con đường dẫn đến Người.

“Bằng cách này vị giám mục trở thành nhân chứng cho niềm hy vọng của Đức Kitô. Cho nên, [nhiệm vụ] dành cho vị giám mục là nhiệm vụ tiên tri, nhân chứng và người phục vụ hy vọng, với nhiệm vụ truyền đạt và công bố trước thế gian những lý do cho niềm hy vọng của Kitô giáo.”
 
Đức Thánh Cha mời chúng ta “khám phá ra sự dịu hiền và sự khiêm nhường của Thánh Tâm Chúa Giêsu.”
Phaolô Phạm Xuân Khôi
18:36 06/07/2008
Rôma, Chúa Nhật ngày 6 tháng 7, năm 2008 (Zenit.org) – ĐTC Bênêđictô XVI đã mời mọi người “khám phá ra sự dịu hiền và khiêm nhường” của Thánh Tâm Đức Kitô.

Từ Castel Gandolfo, Đức Thánh Cha chú thích bằng tiếng Pháp về bài Tin Mừng hôm nay sau giờ kinh Truyền Tin Chúa Nhật:

“Các khách hành hương người Pháp thân mến, cha thân ái chào chúng con. Đức Kitô trong bài Tin Mừng hôm nay mời chúng ta khám phá ra sự ngọt ngào và khiêm nhường của Trái Tim Người.”

Bài Tin Mừng trong phụng vụ của ngày hôm nay bao gồm đoạn này của Thánh Matthêu: "Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng" (Matthêu 11:28-31).

ĐTC đưa ra gương của Thánh Têrêxa thành Lisieux, là một trong những thánh quan thầy của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Ngài nói rằng: “Chị giới thiệu cho chúng ta linh đạo đơn sơ. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã làm chứng cho linh đạo ấy, và Chị là một trong các vị thánh quan thầy của Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức tại Sydney từ ngày 15 đến ngày 20 tới đây.”

ĐTC cũng nói về lễ kính Thánh Maria Goretti trong khi xin mọi người cầu nguyện cho những người trẻ đang trên đường đi đến Sydney: “Trong số đó cũng có Thánh Maria Goretti, mà chúng ta mừng lễ hôm nay. Hãy cầu nguyện cho những người trẻ sẽ hành trình đến Úc Đại Lợi và cũng cầu nguyện cho những em chưa tìm thấy con đường đến cùng Thiên Chúa. Cha ban phép lành Toà Thánh cho chúng con.”
 
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Từ xin lỗi đến cầu nguyện
Vũ Văn An
23:54 06/07/2008
Ngày Giới Trẻ Thế Giới: Từ xin lỗi đến cầu nguyện

1. Xin lỗi hay không xin lỗi

Sáng nay, 7 tháng Bẩy, National Nine News loan tin: theo vị đứng đầu Giáo Hội tại Úc, nhân dịp đến chủ tọa WYD, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI có thể sẽ xin lỗi các nạn nhân bị lạm dụng tình dục.

Đức Hồng y George Pell nói rằng Đức Giáo Hoàng xử lý “rất hay” việc Ngài xin lỗi các nạn nhân bị lạm dụng tình dục tại Mỹ đầu năm nay. Theo Đức Hồng y, có thể Đức Giáo Hoàng cũng sẽ dùng dịp qua thăm Sydney để bày tỏ niềm hối tiếc về các vụ lạm dụng tình dục đã xẩy ra trong giáo hội Úc. Phát biểu với ABC Radio, Đức Hồng y cho hay: “Ngài đã xử lý vụ đó (xin lỗi) rất hay tại Mỹ và tôi dự ứng Ngài có thể làm điều ấy ở đây”.

Đức Bênêđíctô XVI sẽ có mặt tại Sydney từ 15 tháng Bẩy tới ngày 20 cùng tháng để chủ tọa các biến cố WYD, các biến cố mà người ta cho là sẽ lôi cuốn hơn 200,000 khách hành hương. Theo Đức Hồng y Pell, dân chúng Sydney đã “một cách áp đảo” hỗ trợ biến cố trị giá 150 riệu dollars này bất chấp các bất tiện đã được dự trù. “Chúng tôi có các tư liệu thăm dò, và cuộc thăm dò này cho thấy một cách áp đảo rằng Dân chúng Úc và dân chúng Sydney ủng hộ Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Chỉ vào khoảng 10 hay 11 phần trăm cảm thấy họ mạnh mẽ chống đối mà thôi”.

Trong các ngày Đại Hội, cảnh sát sẽ được quyền đặc biệt cho phép họ ra giấy phạt lên đến 5,500 dollars cho bất cứ ai bị coi là “gây phiền nhiễu” (annoyance). Tuần vừa qua, Cha Frank Brennan, một linh mục Công giáo và là một luật sư cho hay khoản luật ấy sẽ không có hiệu quả, có tính bất công và đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội. Nhưng Đức Hồng y Pell cho hay: nhận định ấy “hoàn toàn thổi phồng (beat up), một nhận định chẳng có ích lợi chi… Đôi lúc ngài (Brennan) tỏ ra hơi thiếu hiểu biết thông thường. Chúng tôi đâu có yêu cầu ban hành luật lệ gì thêm đâu, toàn là loại bão táp trong chén trà”.

Đức Hồng y cho hay WYD sẽ là một biến cố Công giáo “tuyệt vời và hân hoan”, nhưng ngài chưa ‘thấy phấn khích’: “Tôi sẽ phấn khích khi ta đang ở giữa biến cố ấy, nhưng lúc này thì tôi chưa thấy như thế”

2. Chữa bệnh hoàn cầu hóa

Trong khi đó, ngày 3 tháng Bẩy, Nirmala Carvalho của Asia News có bài: WYD, người trẻ Ấn tới Sydney để khắc phục các chứng bệnh của hoàn cầu hóa.

Theo ký giả này, Đức Tổng giám mục Cornelio chỉ cho các thanh thiếu niên những khuôn mẫu sống vượt trên “giầu có và thành công cá nhân”. Để trả lời cho các thách đố của thời đại, ta cần phải cổ vũ một “đức tin chân thực” vốn là dấu hiệu của “liên đới, hòa bình và yêu thương”.

Đức cha Leo Cornelio, Tổng giám mục Bhopal và là thành viên Ủy ban Giám mục Ấn Độ, đặc trách giới trẻ, trong một bài huấn từ cho các thanh thiếu niên (500 người) sẽ lên đường tham dự WYD tại Sydney, đã nói như trên. Ngài nói: “hy vọng của Ấn Độ là tuổi trẻ và thế hệ đang lớn lên này phải được thấm nhuần một tinh thần dấn thân nhiều hơn, có định hướng về đức tin nhiều hơn, để đáp ứng các thách đố của thời đại”. Dựa vào khẩu hiệu của WYD lần thứ 23, vị giáo chủ này nhấn mạnh: “Sức mạnh Chúa Thánh Thần hết sức chủ yếu đối với người trẻ, là những người hiện đang bị đủ thứ quyến rũ và giá trị trần gian liên tiếp oanh kích. Để có thể chống lại cuộc tấn kích khủng khiếp này, giới trẻ của chúng ta phải được thấm nhuần một cái nhìn mới về cuộc đời, một cái nhìn phải có sức thu hút đến độ trở thành chọn lựa đầu tiên của họ”.

Đó là một đề nghị làm căn bản cho cuộc hành hương của giới trẻ Ấn, những người muốn được gặp Đức Giáo Hoàng để cùng với Ngài canh tân hành trình đức tin của mình. Đức Tổng giám mục giải thích: biến cố này chứng thực quan niệm “phổ quát tính của Giáo Hội Công Giáo”, một quan niệm có khả năng “soi sáng cuộc sống của người trẻ” và làm mới lại “ơn gọi và cam kết truyền giáo của họ”.

Đức cha còn nói thêm: “Hoàn cầu hóa, với các tác động tích cực của nó, buồn thay cũng đã đem theo nhiều hậu quả tiệu cực, và giới trẻ Ấn của chúng ta đang phải lao đao với chủ nghĩa tiêu thụ và duy vật cá nhân cũng như các mưu cầu của cải trần gian”. Chính vì lẽ đó, các kinh nghiệm như WYD đã trở thành những giây phút cốt yếu trong việc đào luyện người trẻ, mời gọi họ trở về với “tình liên đới, yêu thương và hòa bình”’, một sứ điệp quan trọng đối với Ấn Độ, một xã hội vốn đặt căn bản trên đẳng cấp và ở đấy không thiếu những giai đoạn bạo lực chống lại và đặt ra bên lề các thành viên yếu kém nhất của mình. Đức Tổmg giám mục Bhopal kết luận: “Ngày Giới Trẻ Thế Giới đem lại một cơ hội lý tưởng để trao đổi văn hóa và một cơ may để lớn lên trong đức tin. Điều ấy cũng đúng đối với cả các linh mục chúng ta nữa, để tất cả chúng ta có thể duy trì một trái tim và một tinh thần trẻ trung, những yếu tố cốt chính để vượt qua sự phân cách về thế hệ và trở thành điểm quy chiếu thực sự cho người trẻ, những người thường kết án chúng ta là không hiều rõ các vấn đề hay nhu cầu của họ”.

Hơn 500 bạn trẻ Ấn Độ sẽ tham dự WYD sắp tới tại Sydney. Đây là phái đoàn lớn nhất Giáo hội Ấn Độ từng gửi đi tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới xưa nay. Cùng đi với họ có 14 vị giám mục và 80 linh mục cùng nam nữ tu sĩ.

3. Sáng thế và biến hóa

Ngày 30 tháng Sáu, hãng Catholic News cho chạy hàng tít lớn: Đức Hồng Y Schonborn sẽ điều hợp cuộc thảo luận về sáng thế và biến hóa tại WYD.

Theo hãng này, các nhà tổ chức WYD 2008 đang chuẩn bị một cuộc thảo luận về sáng thế và biến hóa và cuộc thảo luận này sẽ được Đức Hồng y Cristoph Schonborn của Vienna điều hợp. Đức cha Anthony Fisher, điều hợp viên WYD và là giám mục phụ tá của Sydney cho hay: “Đây là lúc để giới trẻ thế giới đến với nhau và thảo luận các thách đố quan yếu và các vấn đề đang đặt ra cho xã hội ngày nay”. Các vấn đề khác sẽ được đem ra thảo luận là ý nghĩa chính xác của tính dục, các mục tiêu thiên niên kỷ, vai trò và bản sắc chân thực của phụ nữ, vân vân… Tất cả sẽ có 450 biến cố suốt trong WYD, với hơn 100 phong trào giáo hội hiện diện để cung cấp cho người trẻ các tư liệu về ơn gọi bước vào các thừa tác vụ khác nhau trong lòng Giáo Hội.

4. Vừa đi vừa cầu nguyện

Ngày 3 tháng Bẩy, hãng Independent Catholic News có bài từ London với tựa đề: Các khách hành hương được mời gọi vừa đi vừa cầu nguyện trên đường tới Sydney.

Pray-as-you-go (vừa đi vừa cầu nguyện) là một sản phẩm của Sáng Kiến Truyền Thông Dòng Tên (JMI) trụ sở đặt tại London. Cơ sở này đã phổ biến một bộ các lời suy niệm đặc biệt dành cho các khách hành hương trên đường tới và trên đường rời Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2008 tại Sydney.

Tháng này, hàng ngàn thanh thiếu niên sẽ du hành qua Úc để cùng với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tham dự biến cố lớn nhất dành cho tuổi trẻ thế giới, sẽ diễn ra từ Thứ Ba 15 đến Chúa Nhật 20 tháng Bẩy. Rất nhiều người trong số họ sẽ phải vượt những khoảng đường thật dài xuyên qua thế giới, nên Pray-as-you-go cung hiến cho họ một bộ gồm năm buổi suy niệm có hướng dẫn để dùng trong những chuyến hành trình này.

Cùng hợp tác sản xuất là Nhóm Thừa Tác Vụ Tuổi Trẻ của Giáo phận Westminster. Bộ suy niệm bao gồm 3 bài cho chuyến tới và hai bài cho chuyến về.

Cha Peter Scally SJ, Giám đốc JMI cho hay: “Những buổi suy niệm này cũng theo khuôn khổ Vừa đi vừa cầu nguyện thường lệ nghĩa là gồm âm nhạc, bài đọc sách thánh và các câu hỏi để suy niệm. Chúng nhằm giúp người trẻ trên đường họ tới Sydney biết chuẩn bị về phương diện tâm linh để tham dự kinh nghiệm Ngày Giới Trẻ Thế Giới, biết ý thức lý do tại sao họ ra đi, các niềm hy vọng và chờ mong của họ cũng như sự hiện diện và hướng dẫn của Chúa trong đời họ. Khi kinh nghiệm ấy đã qua và họ lên đường về nhà, thì hai buổi chót sẽ giúp họ suy nghĩ về chính kinh nghiệm kia, nơi họ gặp gỡ Chúa tại đó và làm thế nào trở lại với cuộc sống bình thuường sau đó”.

Như thường lệ, năm buổi cầu nguyện này cũng có sẵn dưới dạng MP3, riêng rẽ từng buổi một hay trong một hồ sơ ZIP duy nhất. Bạn có thể tải chúng xuống từ www.pray-as-you-go.org/wyd.htm

Vừa đi vừa cầu nguyện được phổ biến tháng Ba năm 2006 do các cha Dòng Tên bên Anh, nhằm cung ứng cho người di chuyển các buổi cầu nguyện hàng ngày dưới khuôn khổ MP3, và tải tự do từ liên mạng xuống. Kể từ đó, đã có hơn 5 triệu buổi cầu nguyện như thế được tải xuống từ trang mạng của Dòng. Bạn cũng có thể nghe các buổi cầu nguyện này trên máy vi tính của bạn.
 
Top Stories
Pope hopes Australia trip this week will strengthen Catholics in faith
AP
10:03 06/07/2008
CASTEL GANDOLFO, Italy: Pope Benedict XVI says he hopes the entire Church will spiritually participate with him in his visit to Australia, which begins next weekend.

Benedict told pilgrims at the papal summer palace in Castel Gandolfo near Rome on Sunday that the World Youth Day events in Sydney will allow young Catholics to give witness to their faith.

He invited the entire Church to feel as if it is participating in the pilgrimage, which ends with a Mass on July 20.

Benedict, who arrives in Australia on July 12, said he was sure that Catholics from every corner of Earth would join him and the young people in the spiritual sense, and that they would take "courageous" initiatives in spreading the message of Jesus in all cultures.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
CĐCG Nam Úc Bảo Trợ Nhóm Trẻ Thiên Phúc từ Việt Nam sang Úc Tham Dự WYD
Jos. Vĩnh
05:50 06/07/2008
Cộng Đồng Nam Úc bảo trợ nhóm trẻ Thiên Phúc từ Việt Nam sang Úc tham dự WYD tại Sydney


Cộng Đồng Nam Úc đã đứng ra bảo trợ nhóm trẻ thuộc cộng đoàn Dòng Thiên Phúc Việt Nam sang Úc Châu tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 tại Sydney. Nhóm này đã đến Adelaide, Nam Úc thứ Bảy ngày 05 tháng 7 năm 2008.

Thánh Lễ lúc 9 giờ 30 sáng, Chúa Nhật ngày 06 tháng 7 năm 2008 Cộng Đồng đã chào mừng 16 thành viên trong nhóm Thiên Phúc Việt Nam đến thăm viếng Cộng Đồng, họ sẽ ở lại Nam Úc vài ngày để được các bạn trẻ Nam Úc hướng dẫn du lịch thăm quan các thắng cảnh của tiểu bang Nam Úc, sau đó nhóm Thiên Phúc sẽ cùng tháp tùng với nhóm trẻ của Cộng Đồng Nam Úc trên 100 người bằng xe Bus sang Sydney tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Sydney 2008 (WYD).

Trong Thánh Lễ sáng Chúa Nhật hôm nay, trưởng nhóm Thiên Phúc là Soeur Maria Nguyễn Thị Kim Hoa, đã lên chào và cảm ơn Cộng Đồng đứng ra bảo trợ nhóm Thiên Phúc của Sơ. Nhóm Thiên Phúc gồm có 2 Soeurs, đa số các thành viên trong nhóm là các chủng sinh nam và các nữ đệ tử của cộng đoàn Dòng Thiên Phúc miền Nam, Việt Nam. Nhoùm

Được biết Cộng Đồng Công Giáo Nam Úc đã đứng ra bảo lãnh tất cả các ngân khoản chi phí vận chuyển gồm: Vé máy bay, ăn uống và nơi cư trú cho 16 thành viên thuộc nhóm cộng đoàn Dòng Thiên Phúc miền Nam, Việt Nam sang tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, các thành viên trong nhóm này không phải trả bất cứ chi phí nào cho các dịch vụ liên hệ về chuyến đi tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Nhóm Thiên Phúc cũng đã đem một số tràng hạt và các món hàng làm vật kỷ niệm sang Nam Úc bán gây quỹ cho các sinh hoạt của Dòng, sau Thánh Lễ sáng nay, đã được rất nhiều người mua ủng hộ.

Ngoài ra Thánh Lễ sáng Chúa Nhật hôm nay, đến Cộng Đồng đồng Thánh Lễ có Linh mục Giuse Đào Quang Khải thuộc giáo phận Nha Trang Việt Nam cũng đến tham quan Nam Úc và thân nhân, trước khi sang Sydney tham dự WYD.
Sr. Hoa Kính Chào Cộng Đồng
Tặng quà Đức Ông
Nhóm Thiên Phúc Gây Quỹ
Nhóm Trẻ Thiên Phúc
 
Cộng Đồng CG Nam Úc Trưng Cầu Dân Ý Thay Đổi Danh Xưng Cộng Đồng
Jos. Vĩnh
07:59 06/07/2008
Cộng Đồng Nam Úc Trưng Cầu Dân Ý thay đổi danh xưng Cộng Đồng


Cộng Đồng Nam Úc trước đây, đã đăng ký hợp pháp, theo luật pháp quốc gia Úc Châu và giáo luật với Chính Quyền Nam Úc và Giáo Quyền Tổng Giáo Phận Adelaide là một Hiệp Hội của Đoàn thể và Tôn giáo với danh xưng là:

Cộng Đồng Thiên Chúa Giáo Người Việt / Nam Úc

The Vietnamese Christian Community Incorporated in South Australia


Nhưng đến nay có nhiều ý kiến muốn tu chính Nội Qui của Cộng Đồng để cập nhật hóa và thích nghi với xã hội Úc hiện tại. Nên trước khi đi vào công tác tu chính Nội Qui của Cộng Đồng. Ban Tuyên Úy và Ban Mục Vụ và Hội Đồng Mục Vụ sau khi nghiên cứu, đã quyết định tổ chức một cuộc tổng tuyển cử, trưng cầu dân ý thay đổi danh xưng Cộng Đồng với tên mới là:

Cộng Đồng Công Giáo Người Việt / Nam Úc

The Vietnamese Catholic Community Inc. SA


Nhằm mục đích thống nhất với các Cộng Đồng Công Giáo Người Việt tại các tiểu bang của Úc Châu cũng như các quốc gia hải ngoại trên toàn Thế Giới.

Cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức sau Thánh Lễ 9 giờ 30 sáng, Chúa Nhật ngày 06 tháng 7 năm 2008

Mở đầu cho cuộc trưng cầu dân ý, Đức ông Nguyễn Minh Tâm quản nhiệm và Lm. Nguyễn Viết Huy phó quản nhiệm Cộng Đồng, đã đọc Phúc Âm, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện cho cuộc trưng cầu dân ý đem lại kết quả tốt đẹp.

Sau đó tất cả các thành viên trong Cộng Đồng có tên trong danh sách cập nhật hóa là thành viên chính thức của Cộng Đồng, tuổi từ 16 tuổi trở lên được quyền tham gia đầu phiếu trưng cầu dân ý.

Với kết quả đầu phiếu, trưng cầu dân ý như sau:

-Tổng số giáo dân “Tham gia bầu cử” là: 830 cử tri

-Tổng số giá
o dân “Đồng Ý” thay đổi danh xưng Cộng Đồng là: 688 phiếu

-Tổng số giáo
dân “Không Đồng Ý” thay đổi danh xưng Cộng Đồng là: 115 phiếu

-Tổng số phiếu
“Bất Hợp Lệ” là: 27 phiếu

Với kết quả quá
bán, trên tổng số 2/3 cử tri giáo dân tham gia đầu phiếu trưng cầu dân ý. Vị Chủ Tịch đương nhiệm của Cộng Đồng sẽ chính thức đại diện cho Cộng Động xin đăng ký tu chính, thay đổi danh xưng Cộng Đồng với chính quyền và giáo quyền.

Khi nào giấy phép đăng ký thay đổi danh xưng Cộng Đồng được chính quyền Nam Úc và giáo quyền Tổng Giáo Phận Adelaide hợp thức hóa, Cộng Đồng sẽ chính thức công bố dùng danh xưng mới của Cộng Đồng.

Suy niệm Lời Chúa


Giáo dân cầu nguyện


Cử Tri Đầu Phiếu


Duyệt xét


Kiểm Phiếu


Giám Định Phiếu


Kiểm Phiếu Bầu
 
Hòa thượng Thích Huyền Quang, đệ tứ Tăng Thống của GHPGVNTN viên tịch
Đồng Nhân
08:57 06/07/2008
PARIS - Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế từ Paris cho biết: Hòa Thượng Thích Huyền Quang, đệ tứ Tăng thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) đã viên tịch trưa ngày Thứ Bảy 7/7/2008 trong yên bình tại tu viện do ngài sáng lập cách đây 50 năm.

Hòa thượng Thích Huyền Quang
“Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dầu đã được các y tá, bác sĩ, Hội Ðồng Lưỡng Viện GHPGVNTN, môn đồ pháp quyến tận tình chăm sóc, chữa trị nhưng vì tuổi cao, sức yếu, Ðức Tăng Thống đã xả báo thân lúc 13 giờ 00 ngày 5 Tháng Bảy năm 2008, tức mùng 3 Tháng Sáu năm Mậu Tý, trụ thế 89 năm, pháp lạp 69.” Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, viện trưởng Viện Hóa Ðạo của giáo hội viết như vậy trong bản cáo bạch.

Mang chứng bệnh tiểu đường suốt nhiều chục năm lại thêm tuổi già sức yếu, khi được đưa vào bệnh viện tỉnh Bình Ðịnh cuối Tháng Năm vì suy tim và trong phổi có nước, nhưng “sau một thời gian, y sĩ phát hiện thêm bệnh gan, thận yếu và suy dinh dưỡng”, ngài tỏ ý muốn về tu viện Nguyên Thiều “cho được thanh tịnh và nghe công phu sớm chiều”.

Hòa Thượng Huyền Quang đã bị chế độ CSVN bỏ tù, quản chế hay lưu đày liên tục suốt 33 năm qua từ khi Hà Nội cho thành lập “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” lâu nay bị coi là “Giáo Hội Phật Giáo Quốc Doanh” và nằm trong sự chi phối sai sửa của đảng CSVN. Vì chống lại ý muốn ép buộc GHPGVNTN sát nhập vào Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Hòa Thượng Huyền Quang thì bị đày đến một ngôi chùa nhỏ dột nát ở huyện Nghĩa Hành tỉnh Quảng Ngãi, Hòa Thượng Quảng Ðộ thì bị đày ra một tỉnh phía Bắc.

Hòa Thượng Huyền Quang đã nhiều lần lên tiếng yêu sách chế độ Hà Nội trả lại tự do hoàn toàn cho ngài cũng như Hòa Thượng Quảng Ðộ. Ðồng thời phải để cho GHPGVNTN tự do hoạt động.

Ngày 20 Tháng Mười Một 1993, trong bản tuyên cáo “Giải Trừ Quốc Nạn và Pháp Nạn”, Hòa Thượng Huyền Quang đã đòi đảng CSVN phải bỏ điều 4 Hiến Pháp (giành độc quyền cai trị cho đảng CSVN) và phải “sám hối với người chết trong tinh thần hứa lo cho người sống được sống người.”

Bản cáo bạch cho hay chi tiết là “Lễ nhập Kim Quan lúc 8 giờ 00, ngày 6 Tháng Bảy 2008 (mùng 04 Tháng Sáu năm Mậu Tý) tại tu viện Nguyên Thiều, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Ðịnh. Lễ cung nghinh Kim Quan nhập Bảo Tháp lúc 7 giờ 00 ngày 11 Tháng Bảy 2008 (mùng 9 Tháng Sáu năm Mậu Tý) trong khuôn viên tu viện Nguyên Thiều.”
 
Thánh lễ Sai Đi cho giới trẻ Tây Úc
Nguyễn Việt Nam
10:36 06/07/2008
Chiều ngày Chúa Nhật 06/07, cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Tây Úc đã cử hành thánh lễ Sai Đi cho 154 bạn trẻ trước khi các bạn lên đường dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới.

Hàng ngàn anh chị em giáo dân đã đến cầu nguyện trong thánh lễ do linh mục Phêrô Nguyễn Minh Thuý quản nhiệm cộng đoàn cử hành. Cùng đồng tế với ngài còn có các linh mục Việt Nam đang làm mục vụ tại thủ phủ Perth.

Trong thánh lễ, các em đã nhận được những cây nến để đem về gia đình. Trong suốt thời gian các em tham dự Đại Hội Giới Trẻ tại Sydney, các bậc phụ huynh sẽ thắp lên những ngọn nến này để cầu nguyện cho các em nhận được sức mạnh của Thánh Thần, nhận được ơn hoán cải, canh tân thay đổi bản thân để trở thành chứng nhân cho Đức Kitô.
 
Một ngày hồng ân mừng Tân Linh Mục đến với Giáo họ Yên Trạch, Cửa Lò
Hoàng Cảnh Hồng
14:01 06/07/2008
CỬA LÒ - Vừng đông ló rạng ngày Chúa Nhật 6/7/2008 tại một họ đạo giáp kề bên bờ biển nổi tiếng sạch đẹp của khu du lịch Cửa Lò, một sớm mai mùa hè tháng bảy, khi mà những tia nắng đầu tiên ve vuốt tháp chuông nhà thờ cao lồng lỗng ánh vàng, càng làm tăng thêm vẻ huy hoàng nguy nga tráng lệ của một công trình hùng vĩ. Chúng tôi có mặt lúc 6h sáng tại khuôn viên thánh đường Giáo Họ Yên Trạch, để tham dự thánh lễ, Vinh Quy bái Tổ của Cha Antôn Trần Quốc Toản dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam.

Yên Trạch cái tên làm tôi nghe sao mà yên bình đến thế, giữa một khu đô thị du lịch biển ồn ào muôn vàn xôn xao đan ken lẫn lộn của thế trần, nhưng khi được gặp mặt tay trong tay với bà con giáo dân nơi đây càng làm cho chúng tôi thấy yên bình tin tưởng. Đại đa số giáo dân sống bằng nghề kéo lưới rẹo, mỗi đêm khoảng ba lần thả lưới, đêm nào ít cũng hai mẻ lưới. Một thầy giáo lý viên kể lại, năm nay thầy thầu một bến xe cùng với một người bạn, ban ngày thầy trông coi xe cho khách, tối đến cùng với 11 anh chị em đi thả lưới rẹo, hai mẻ lưới kéo suốt đêm đến 5h sáng mới về, đêm nào được khoảng hơn trăm bạc một người, có hôm ít cá thì mỗi người được mươi nghìn, mười hai con người đứng trên bãi thả lưới kéo vào một mẻ khoảng 4 đến 5 tiếng đồng hồ, lăn lộn vất vả nhưng vui vì lúc nào cũng yên bình không bon chen lo nghĩ, với đồng tiền công chính do mồ hôi công sức của mình làm ra, ngày về ngủ một giấc ngon lành.

Không biết từ bao giờ tổ tiên cha ông đã chọn cái tên yên bình này để đặt cho làng, cho giáo họ, mảnh đất yên bình này đã sản sinh ra những người con kiệt xuất, khoảng 41 năm về trước, được biết đến Cha Phêrô Nguyễn Đình Phượng, cha Tôma Nguyễn văn Cường, cha Phêrô Lê Đình Phúc và hôm nay người con dòng Chúa Cứu Thế Cha Antôn Trần Quốc Toản được Chúa cất nhắc lên hàng Linh mục về vinh quy. Trên nét mặt phấn khởi, vui mừng của bà con, 8h đoàn rước ca nhập lể từ từ tiến vào nhà thờ, tiếng trống tưng bừng chào đón của đội trống trắc thiếu nhi hoà lẫn với tiếng hát du dương hùng vĩ của bài ” Con là Linh mục của mẹ”, tiếng người dẫn chương trình minh xác rằng: Chúng ta hãy cùng với Tân Linh mục tạ ơn Chúa vì đã được Chúa chọn gọi, tạ ơn vì đã được nhiều hồng ân của Chúa đổ xuống và trao ban, đó cũng là dịp để chúng ta nhìn lại những hồng ân của Thiên Chúa đã thêu dệt và tác tạo trong cuộc đời của vị Tân chức.

Tuy nhiên, để trở thành Linh mục theo lời mời gọi của Chúa, Tân Linh mục đã phải trải qua bao vất vả khó khăn trên con đường tu học, cũng như phải nhờ đến những lời cầu nguyện và sự nâng đỡ của hết mọi người, để từ nay tân Linh mục không còn sống cho chính mình nữa, nhưng cống hiến cuộc đời cho Chúa, cho Giáo Hội và cho tha nhân.

Trong bài giảng Cha Micae Phan Tuấn Hồng dòng CCT cũng đã xác tín một lần nữa sứ vụ của Linh mục trong thời đại ngày nay, là người tôi trung của Thiên Chúa trên cánh đồng truyền giáo đang mở ra bao la bát ngát ở phía trước.

Sau thánh lễ Cha Tân Linh mục Antôn Trần Quốc Toản có lời cám ơn Quý cha đồng tế, Quý Thầy, Quý Sơ, Bà con Thân Tộc, Quý Ban ngành cùng toàn thể cộng đoàn dân chúa, Ngài cũng nhắc lại một kỹ niệm đẹp vào năm 1990 Ngài về thăm quê và tham gia kéo lưới Rẹo suốt đêm mà không được con cá nào.

đã hơn 41 năm giáo họ Yên Trạch lại có được một thánh lễ Vinh quy của tân Linh mục, cảm tạ tri ân Tình Yêu Thiên Chúa đã đoái thương, xin Thiên Chúa tuôn đổ muôn hồng phúc xuống trên Cha Tân Linh mục, trên thân bằng quyến thuộc và toàn thể cộng đoàn dân Chúa của giáo họ Yên Trạch bên bãi biển Cửa Lò thân yêu này.

Một số hình ảnh trong thánh lễ tạ ơn sáng 6/07/2008 Cha Tân Linh Mục Antôn Trần Quốc Toản Dòng CCT
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Nhắc nhở của Phái đoàn Tòa Thánh
+ GM G.B. Bùi Tuần
12:30 06/07/2008
NHẮC NHỞ CỦA PHÁI ĐOÀN TOÀ THÁNH

Phái đoàn Toà thánh đã thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 09 đến ngày 15/6/2008. Đây là một sự kiện lịch sử. Mọi thành phần Giáo Hội Việt Nam đều đón chờ tin tức. Phòng Báo chí của Toà Thánh đã đáp ứng bằng một thông cáo chính thức công bố ngày 17/6/2008.
Tôi đã đọc và rất vui mừng với từng chi tiết. Riêng mấy chi tiết sau đây đã khiến tôi suy nghĩ nhiều:
"Sự đóng góp của các tín hữu vào việc thăng tiến con người, sự phổ biến một nền văn hoá liên đới với những tầng lớp yếu thế nhất trong dân chúng, và việc giáo dục luân lý cho các thế hệ trẻ".
Phái đoàn Toà Thánh coi những chi tiết trên đây là "thuộc đời sống và hoạt động của Giáo Hội Việt Nam". Nói thế là Phái đoàn nhấn mạnh mấy chi tiết đó với xã hội Việt Nam, đồng thời cũng nhắc nhở cho chính Giáo Hội Việt Nam. Nhắc nhở này là rất quan trọng.

1/ Đây là một bổn phận Phúc Âm

Phúc Âm đề cao bổn phận đối với những người đau khổ. Công đồng Vatican II nhấn mạnh đến phẩm giá con người, Thông điệp "Đấng Cứu chuộc con người" coi con người là con đường của Hội Thánh.
Giáo Hội Việt Nam vốn ý thức điều đó.
Thế nhưng, đối với nhiều người công giáo Việt Nam, bổn phận Phúc Âm đó vẫn chưa được quan tâm đủ và đúng cả trên thực tế lẫn trên lý thuyết.
Có một thói quen dễ làm cho người ta hiểu việc giữ đạo chỉ đơn sơ trong một khuôn khổ nhỏ, như xem lễ, đọc kinh, tham gia việc chung họ đạo, vâng lời cha xứ, đóng góp cho nhà thờ.
Có một truyền thống dễ làm cho người ta hiểu gia đình thiêng liêng của người công giáo là một ranh giới hẹp, như cùng một đức tin, cùng một phép rửa, cùng một Thiên Chúa là Cha.
Những ranh giới đó đã ổn định rồi. Vượt ra những ranh giới đó là một mạo hiểm chưa quen. Bởi vì:

Thăng tiến con người là một chân trời mênh mông. Nên rất ngại.
Văn hoá liên đới với những thành phần yếu thế nhất trong quần chúng là một cởi mở đòi nhiều dấn thân. Nên ngại.
Giáo dục luân lý cho giới trẻ là một điều đòi phải làm gương hơn là nêu lý thuyết. Đòi hỏi như thế là một thách đố lớn. Nên ngại.
Tuy nhiên, không thiếu người công giáo tại Việt Nam vẫn phấn đấu vượt qua trở ngại, để sống đạo theo hướng mở ra về phía con người. Trở ngại do xã hội, trở ngại do nội bộ, trở ngại do chính mình. Họ phấn đấu với nhiều vất vả và đau đớn. Nhưng Chúa luôn giúp đỡ họ.
Rất cảm ơn Phái đoàn Toà Thánh đã khuyến khích hướng sống đạo mở ra về con người.
Càng rất cảm ơn Phái đoàn Toà Thánh về nhắc nhở đó, vì hướng mở ra cũng đang giúp công giáo đối thoại với các tôn giáo bạn và với xã hội Việt Nam hôm nay.

2/ Đây là một địa chỉ đối thoại

Đã từ lâu, nhất là từ ngày dân chúng Việt Nam sống trong chế độ mới, các tôn giáo tại Việt Nam đã dần dần ý thức về thời điểm mới. Thời điểm mới này coi đối thoại về cuộc sống con người là cách khẳng định tốt nhất về giá trị tôn giáo của mình.
Xin phép đưa ra một kinh nghiệm sống động riêng tư:
Giáo phận Long Xuyên nằm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tôn giáo. Trong đó, tôn giáo mạnh nhất là Phật giáo Hoà Hảo.
Được sống giữa các tín đồ Phật giáo Hoà Hảo, tôi thường xuyên có một sự đối thoại với các tín đồ tôn giáo bạn. Đối thoại này là đối thoại về cuộc sống con người. Đời sống con người ở đây có nhiều khó khăn về nhiều mặt. Chính đời sống đó là địa chỉ để chúng tôi gặp nhau.
Phải chân thành nói lên sự thực này là: Nói chung, các anh chị em Phật giáo Hoà Hảo thực hiện rất tốt một nền văn hoá liên đới với những người nghèo khổ, cô đơn, bệnh tật, già cả.
Người công giáo chúng ta cũng thực hiện nền văn hoá liên đới với những thành phần yếu nhất trong xã hội. Nhưng đôi khi chưa nhiều bằng, chưa mau lẹ bằng, chưa bền bỉ bằng.
Có thể nói việc từ thiện vốn được coi là việc chính của đạo ta, nhưng đó là trên lý thuyết, chứ không luôn trên thực tế.
Vì thế, sự nhắc nhở của Phái đoàn Toà Thánh trong thời điểm này là rất quý giá. Việc truyền giáo sẽ sinh được hiệu quả nhiều hay ít, cũng tuỳ thuộc vào hướng phục vụ con người, nhất là bằng một nền văn hoá liên đới đối với những tầng lớp khổ đau.

3/ Đây là một hướng truyền bá đức tin

Năm 1937, Mahatma Gandhi, vị anh hùng dân tộc đã nói với các nhà truyền giáo: "Hãy để cho đời sống các ngài nói với chúng tôi như đoá hoa hồng không cần ngôn ngữ, mà chỉ đơn sơ để cho hương thơm của mình lan toả. Cả người mù không nhìn thấy hoa hồng mà cũng nhận ra được hương thơm của nó. Hãy để cho chúng tôi nghĩ tới sự cao cả của nhân dân các ngài, khi họ toả hương thơm đời sống. Đối với tôi, đó là tiêu chuẩn duy nhất. Tất cả những gì tôi muốn họ làm là sống đời sống Kitô hữu, chứ không phải chú giải nó".

Mẹ thánh Têrêsa Calcutta đã làm như vậy. Và Mẹ đã được dân tộc Ấn Độ tôn vinh. Ai cũng biết đời sống của Mẹ là âm thầm trong hy sinh phục vụ người nghèo và chiêm niệm lặng lẽ. Đó là đời sống đức tin đẹp lòng Chúa, và được lòng dân. Nó đã ảnh hưởng rất lớn đến việc loan báo Tin Mừng giữa một vùng đất mênh mông không Công giáo.

Tại Ấn Độ là thế, còn tại Việt Nam ta thì sao? Tôi thấy tại Việt Nam cũng thế thôi. Nhưng một hướng sống đạo khác đang lấn lướt. Đó là một hướng sống đạo ồn ào đặt nặng thành tích bề ngoài.
Hội đồng Giám mục Việt Nam nói chung và từng vị Giám mục Việt Nam nói riêng đã nhiều lần nhấn mạnh đến việc làm chứng cho đức tin bằng đời sống, cho dù âm thầm. Nay Phái đoàn Toà Thánh nhắc nhở hướng đó, thực là quý hoá.

Phái đoàn đến rồi đi. Còn Hội Thánh Việt Nam vẫn ở lại trên đất nước này một cách vui tươi trong niềm hy vọng vào Chúa.
Xin Chúa cho mỗi người tín hữu chúng ta biết thực hiện những gì Phái đoàn nhắc nhở.
Thực hiện là điều không dễ. Khó ở phía xã hội. Khó cũng ở phía chúng ta. Nhưng chúng ta cậy tin vào Chúa nhân lành giàu tình yêu thương xót.
 
Thông Báo
Giới thiệu chương trình VietCatholic Archives
VietCatholic Network
06:24 06/07/2008
Trong hơn 12 năm hoạt động vừa qua, nhờ sợ cộng tác đắc lực của quý cha, quý tu sĩ nam nữ và anh chị em, VietCatholic đã đưa lên mạng lưới toàn cầu một số lượng rất lớn các tài liệu dưới nhiều dạng khác nhau.

Việc tìm kiếm các tài liệu cũ gặp nhiều khó khăn vì chương trình tìm kiếm chưa hoàn toàn tương thích (compatible) với các ký tự tiếng Việt Unicode.

VietCatholic đã thảo chương lại để việc tìm kiếm được chính xác và nhanh chóng hơn.

Để tìm thành công, xin quý vị lưu ý những điểm sau:

1) Phải đánh chữ Việt có dấu Unicode. Thí dụ, muốn tìm bài có tựa đề “Mặt trái tối tăm của Internet”, nếu ta đánh “mat trai toi tam cua internet” thì chương trình không tìm được.

2) Có hai cách tìm: Tìm “Một trong những chữ trên” và “Tất cả những chữ trên”. Thí dụ nếu ta tìm theo tên tác giả và đánh “nguyễn việt” trong ô tìm kiếm, chương trình có thể liệt kê như sau:

a) Nếu chọn “Một trong những chữ trên”:

Nguyễn Thị Kim Loan (vì có chữ Nguyễn)

Nguyễn Việt Nam (vì có chữ Nguyễn và chữ Việt)

Hồ Việt (vì có chữ Việt).

Việt Nguyễn (vì có chữ Việt và chữ Nguyễn)

b) Nếu chọn “Tất cả những chữ trên”:

Chỉ liệt kê

Nguyễn Việt Nam (vì có cả chữ Nguyễn và chữ Việt)

Việt Nguyễn (vì có chữ Việt và chữ Nguyễn)

Muốn vào chương trình Tìm Kiếm xin nhấn nút mầu đỏ có chữ Tìm Kiếm ở bên tay phải màn hình trong trang chính của VietCatholic.

Quý vị cũng có thể đánh trực tiếp như sau: http://vietcatholic.net/searchnews

Hy vọng chương trình mới sẽ giúp quý cha và anh chị em tìm kiếm bài vở dễ dàng hơn.
 
Văn Hóa
Nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới: sơ lược lịch sử Giáo Hội Công Giáo Úc (3)
Vũ Văn An
06:56 06/07/2008
Giáo hội Công Giáo tại Úc ngày nay

23. Hình ảnh một tuyên úy di dân

Ngày 26 tháng 8 năm 2001, trên tờ Sunday Age Chúa Nhật, có bài báo dưới đây nói về một linh mục di dân qua Úc năm 1951 cùng với một ngàn người Ý khác. Bài báo này cho thấy nhiều cái nhìn sâu sắc về đời sống của nhiều di dân Công giáo trong thập niên 1950.

Thúc Đẩy bởi Tình Yêu Chúa – và Đôi Chút Tinh Thần Mạo Hiểm.

Tháng 9 năm 1951, tờ The Age chụp nhanh được tấm hình một tu sĩ trẻ, với cây thánh giá trong tay, khi ông cùng 1,000 di dân Ý đặt chân tới để khởi đầu cuộc sống mới tại Úc. Có cái gì nơi ông gồm tóm được cái tinh thần hy vọng và mạo hiểm của mọi người trên con tầu xuyên đại dương Toscana. Đã 50 năm trôi qua, nay Cha Luciano Rocchi chuẩn bị mừng kỷ niệm cuộc đời đầy tận tụy cho sứ vụ của mình.

Trên các bức tường của văn phòng mục vụ tại Hawthorn, có nhiều tranh ảnh thờ phượng và sùng kính. Có cả một bản phóng bức tranh của Raphael diễn tả lễ đính hôn của Đức Maria và Thánh Giuse, một phóng ảnh lớn cây thánh giá từng được treo trên tường Công đồng Trent (1545-1663), và bức ảnh Thánh Antôn, vị thánh quan thầy cho việc tìm lại những vật đã thất lạc.

Và còn có cả hình chiếc xe Maserati 300S, một bức hình khác chụp ông đang làm phép chiếc Ferrari kiểu 1964, lại cả bức hình chiếc xe đua 1939 với dòng chữ “Tặng cha Luciano, người yêu Chúa và yêu Alfa”!

Khi con tầu đại dương Toscana của Hãng Lloyd Triestino đậu tại Melbourne ngày 12 tháng 9 năm 1951, nó đổ bộ lên bờ một tu sĩ trẻ dòng Phanxicô, sau này trở thành một thứ quốc bảo. Hình ông đăng trên trang đầu tờ The Age, mình tựa vào tầu, tay nắm chặt cây thánh giá (ông vẫn còn giữ được cho đến bây giờ) và một nụ cười thánh đức.

Tháng tới, Cha đáng kính “Padre” Luciano Rocchi, nay đã 75 tuổi, sẽ mừng kỷ niệm nửa thế kỷ tại Úc, phục vụ cộng đoàn di dân lớn thứ nhì của Úc, sau người Anh. Trong lòng vô số người Công giáo Melbourne, cha xứ của Đền Thánh Antôn chiếm được một vị thế đặc biệt, tổng hợp được cả cái duyên dáng của một người đàn ông kiểu cách Ý và tính đơn giản cũng như độ lượng trong ơn gọi của mình.

Ông sinh ra và được giáo dục tại Modena, miền Bắc nước Ý, chỉ cách hai hãng Ferrari và Maserati mấy cây số, và lúc còn là một cậu bé đã hau háu nhìn những người lái thử nổi danh vụt chạy qua các khúc quẹo bên đường. Theo học tại một trung học nổi tiếng để làm linh mục, chứ không làm một chàng Fangio khác, ông không lúc nào mất hứng đối với những chiếc xe “lên tinh thần” ấy. Lúc 24 tuổi, được sai đi làm việc giữa những người sau này trở thành 400,000 di dân Ý sẽ lên đường qua Úc giữa các năm 1947 và 1981, ông đã thay đổi vĩnh viễn cách ăn, uống, may mặc và lái xe của mình.

Ở trên tầu cùng với 1,000 di dân Ý, ông làm tuyên úy cho boong tầu hạng nhất, nhưng một khi tới nơi, nhiệm vụ của ông là phục vụ những người Ý tầm thường, mà đại đa số là lao công không tay nghề hay có chút tay nghề ở Melbourne trong thập niên 1950.

Ông cho hay: “Sinh hoạt của tôi là lo chạy thật nhanh để kịp những chuyến tầu tới, để vào nhà tù, bệnh viện hay trại di dân”.

Ông cũng cho hay gia nhập một cộng đồng Công giáo Melbourne mà chủ yếu là Ái Nhĩ Lan, người Công giáo Ý thường không dám phô trương lòng đạo của mình nhiều và khi ông cũng như các linh mục khác có việc phải liên lạc với Tổng Giám mục nghiêm khắc và dễ sợ là Daniel Mannix, thì ngả hay nhất là qua hai gia nhân người Ý của vị Giám mục này.

Qua thập niên 1960, những con tầu lớn chở di dân đã ngưng không tới nữa và ngày nay, gần phân nửa cộng đồng Ý đã trên 60 tuổi. Ông vừa nói vừa mở cuốn nhật ký ghi các đám tang: “Người đến đây cùng thời với tôi phần lớn đã ra đi cả”. Tuy thế vẫn còn một số người để vị linh mục này lui tới thăm viếng.

Cha Luciano đã sống phần lớn cuộc sống trên đất Úc tại Villa Gonzaga, Đường Power, Hawthorn, mà sau này trở thành tu viện Phanxicô. Dòng cũng xây một nhà lớn rộng lớn bên cạnh tu viện, là chính Đền Thánh Antôn, một trung tâm sùng kính đa văn hóa. Mỗi năm nột lần, nó cũng là địa điểm Làm Phép Thú Vật, và Cha Luciano nổi tiếng là người sẵn sàng “đi kẻ liệt” bất cứ giờ nào và không bao giờ từ chối bất cứ trường hợp nào, dù khó khăn đến đâu.

Một người có uy tín kể lại rằng nhiều năm trước đây có người đàn ông buồn bực hết sức vì bị giáo hội làm nhục. Con trai ông, vốn bị hội chứng Down, không được cha xứ cho rước lễ lần đầu lấy lý do em không hiểu sự thánh thiện của bí tích. Khiếu nại lên tổng Giám mục cũng chẳng ăn thua gì. Nhờ có người bạn giới thiệu với Cha Luciano, đứa nhỏ liền được rước lễ, không theo nhóm như thường lệ, nhưng một mình trong một thánh lễ tại Đền Thánh Antôn. Người cha sau đó đã không ngừng tặng hoa cho Đền Thánh.

Dòng các cha khổ tu Phanxicô được thành lập năm 1525, và tên này được đặt theo chiếc nón nhọn (capuccino) của áo dòng, giống chiếc áo của Thánh Phanxicô thành Assisi. Điều lý thú là cà phê cappuccino kiểu Ý đã lấy tên từ mầu áo nâu của dòng này. Chính cha Luciano cũng là người sành uống càphê, tự pha lấy bằng máy.

Để đi lại trong thành phố Melbourne rộng lớn, Cha Luciano phải đổi dép dòng Phanxicô, lấy bánh xe và không chịu để bụi tích lũy dưới các bánh xe của mình. Ngài sở hữu một loạt những chiếc Alfa Romeos cũ, do các đại lý xe hơi địa phương dâng cúng, và hiện nay lái một chiếc Twin-Spark thể thao kiểu 1988, do các chuyên viên Alfa bảo trì. Ngày kỷ niệm 12 tháng 9, vị linh mục 75 tuổi này, với một chút bugi kép (twin spark) trong người, có ý định sẽ nhẩy vào chiếc Alfa của mình, làm một vòng tới Station Pier để bõ lòng hoài cổ năm nào. (Viết bởi Paul Heinrichs: The Sunday Age, 26 August 2001: dùng có phép).

24. Người Công Giáo Á Châu

Năm 1966, chínhh sách White Australia (Nước Úc Da Trắng) bị bãi bỏ, và cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, Úc bắt đầu tiếp nhận dân tị nạn Đông Nam Á trốn chạy các xáo trộn chính trị tại quê hương họ. Trong số này, có các thuyền nhân từ Việt-Nam, Lào và Cambodia. Trong 10 năm từ 1973 đến 1983, các di dân Á Châu chiếm một phần ba tổng số di dân tới Úc. Nói chung, từ Thế Chiến II, đã có hơn 4 triệu di dân tới Úc, trong đó, di dân gốc Anh chiếm non phân nửa. Trong trích đoạn sau đây, Kim Nguyễn, một người Công giáo Việt-Nam đến Úc trong tư cách tị nạn, chia sẻ với ta các ấn tượng của cô.

25. Một người Công giáo Việt-Nam

Tôi tới Úc với tư cách tị nạn năm 1982 sau khi sống một năm tại trại tị nạn ở Indonesia. Đến Úc, đầu tiên, chúng tôi ngụ tại một ký túc xá, và nhận được nhiều trợ giúp của một cơ quan Công giáo thường tới ký túc xá giúp bất cứ những gì chúng tôi cần. Qua tổ chức này, chúng tôi gặp được một gia đình người Hòa Lan, những người sau này trở thành cha mẹ đỡ đầu các em gái tôi và hiện nay vẫn là những người bạn thân thiết của gia đình tôi. Mỗi Chúa nhật, giáo xứ Thánh Giuse ở Collingwood thường tổ chức một chuyến xe buýt tới ký túc xá đón các trẻ em Việt-Nam đi học trường đặc biệt Chúa nhật, cùng một truyền thống như khi chúng tôi còn ở Việt-Nam. Như thường lệ, chúng tôi tham dự Thánh lễ rồi chia thành ấu nhi, thiếu nhi và nhóm lớn hơn. Điều người ta cũng đang làm tại các giáo xứ Công giáo bên Việt-Nam. Chúng tôi sinh hoạt, học hỏi Phúc âm, rồi chơi các trò chơi. Các nhóm Chúa nhật trợ giúp chúng tôi và giúp chúng tôi duy trì đức tin. Cũng có ngày chúng tôi được vào nội thành, gặp gỡ các người Việt-Nam đã định cư trước và nay đã an cư lạc nghiệp. Qua các nhóm này và nhờ sự giúp đỡ của giáo xứ, em trai và em gái tôi đã được rửa tội ở đó, do một linh mục Việt-Nam. Nhờ các chương trình ngày Chúa Nhật, tất cả chúng tôi đã được thêm sức.

Ở Việt-Nam, đời sống chúng tôi xoay quanh Nhà Thờ. Bạn có thể nghe tiếng chuông nhà thờ đổ hầu hết trước lúc mặt trời mọc, và ngày nào người lớn cũng đến Nhà Thờ. Sau Thánh lễ, họ về nhà, ăn bữa sáng, rồi lên đường ra đồng hay tới sở làm. Từ chỗ làm việc trở về, họ thường tới Nhà Thờ một lần nữa, khoảng lúc 4 hay 5 giờ chiều. Khi các trẻ em lớn lên, chúng cũng sẽ làm giống như thế. Trong cộng đoàn nơi gia đình tôi sinh sống, ai cũng là Công giáo cả. Cho nên, đối với người lớn, Nhà Thờ phải một ngày hai lần, còn trẻ em thì ít ra một lần vào buổi chiều. Khi muốn đi Nhà Thờ với bà cố, tôi phải đi sớm nửa giờ để còn đọc kinh mân côi. Mọi người Công giáo đều có tên thánh cũng như tên riêng bằng tiếng Việt… Cha mẹ chọn tên thánh vì muốn con em mình lớn lên có được những đức tính của vị thánh đã chọn. Bạn thường đọc kinh xin vị thánh hướng dẫn cũng như xin được nên giống ngài. Ngày lễ kính thánh quan thầy là ngày lễ lớn. Chúng tôi thường cử hành cả ở nhà lẫn ở Nhà thờ. Còn tại Úc, chúng tôi thấy cuộc sống Công giáo rất lỏng lẻo khiến nhiều người Việt-Nam lúc đầu lấy làm sợ.

Thông thường, khi đã sống ở ký túc xá một thời gian lâu, bạn thường để dành được một món tiền đủ để đi kiếm chổ ở riêng. Hiển nhiên, chúng tôi sẽ dọn tới nơi có thân nhân và bạn hữu, tức Abbotsford. Tôi đi học tại trường tiểu học Thánh Giuse ở Collingwood. Lo lắng chính của tôi tại trường là ngôn ngữ. Khi tôi khởi sự học ở trường thánh Giuse, tôi mới chỉ tới Úc được chừng 3 tháng. Thời gian thông thường bạn cần phải học ở một trung tâm ngôn ngữ là 6 tháng. Vì nghĩ tôi là đứa nói nhiều và muốn học hỏi, nên cha mẹ tôi gửi tôi vào ngay trường chính. Tôi nói sai tiếng Anh khá nhiều và nhớ là mình lúc nào mắt cũng ướt vì bị cười đọc sai. Trong thời gian này, chỉ có hai hay ba học sinh là người Việt-Nam mà thôi, nên tôi “đúng là thẳng từ thuyền mà ra” như qúi vị thường nói. Tôi thấy khó hiểu được thầy giáo muốn nói gì qua câu nói đó và tôi thật chới với.

Trường trung học của tôi là Academy of Mary Immaculate (Học Viện Đức Bà Vô Nhiễm), một chuyển tiếp tự nhiên từ trường Thánh Giuse. Hồi đó, chúng tôi sống tại căn “flat” của Ủy Ban Nhà Cửa. Tôi chưa bao giờ thực sự khảo sát hay tra vấn đức tin của mình trước khi học lớp 9, thì đến lúc này, giống như mọi thiếu nữ khác, tôi bắt đầu đặt câu hỏi. Nhờ diễn trình tra vấn này, đức tin của tôi trở nên sâu sắc. Tôi thấy cả đời tôi, tôi từng đi nhà thờ và luôn đọc kinh, vì người Việt-Nam chúng tôi năng đọc kinh lắm. Trong thời gian ở “flat”của Ủy ban Nhà cửa, chúng tôi thường đọc kinh quanh tượng Đức Mẹ Maria được người ta rước từ “flat” này qua “flat” khác, rồi sau đó chuyện trò thân hữu với nhau. Xã hội Úc gây ảnh hưởng trên tôi khiến tôi đặt câu hỏi không biết tập tục trên có bình thường hay không cũng như nghi vấn cả vị thế mạnh mẽ của tôn giáo trong đời sống tôi và đời sống gia đình tôi. Dường như đó không phải là cách thế của những học sinh khác cùng trường với tôi. Tôi tự hỏi nếu mình không được rửa tội làm người Công giáo, mình sẽ nghĩ về thế giới ra sao. Qua các tra vấn này và sự nâng đỡ của các thầy cô trong trường, đức tin của tôi thành sâu sắc, và có lúc còn muốn trở thành nữ tu nữa. Nhờ diễn trình tra vấn này, tôi thực sự tự mình chọn làm người Công giáo, và đặt trọn trái tim và linh hồn mình vào đức tin. Từ đó, tôi thấy mình hạnh phúc hơn nhiều.

Ở Việt-Nam, hoặc bạn là Phật tử hay là Công giáo, và người ta tin rằng bất cứ theo tôn giáo nào, miễn bạn nhiệt tâm, đạo ấy đều tốt cho bạn cả. Tuy nhiên ở Úc, bạn có thể theo tôn giáo mà cũng có thể là người vô thần, điều đó chả ai thắc mắc chi hết. Tôi có được cái tốt nhất của cả hai thế giới trên: Truyền thống vững chãi từ gia đình và tôn giáo, và các cơ may từ xã hội Úc. Trong gia đình chúng tôi, có một cuốn sách mỏng truyền lại từ 5,6 đời, lúc các tổ tiên của chúng tôi trở lại Đạo Công Giáo. Thời ấy, trở lại Đạo Công Giáo là bị xã hội ruồng bỏ, nên tổ tiên chúng tôi phải di cư qua nơi khác để thành lập làng mới, và thế là Đạo Công Giáo trong gia đình tôi phát nguyên từ các vị. Giờ đây, tôi thấy tra vấn và thăm dò đức tin của mình là điều không sai, bởi đó cũng chính là điều tổ tiên tôi đã làm và nhờ người mà toàn bộ gia đình tôi trở thành người Công giáo. Không có gì sai nơi những người thực sự tin vào đức tin của mình và thực sự hy sinh, ngay cả chết nữa, cho đức tin của mình. Không có những người như tổ tiên tôi trở lại đạo, Đạo Công giáo ở Việt-Nam không thể có được.

26. Người Công Giáo tại Úc ngày nay

Theo thống kê năm 1996, gần một phần tư người Công giáo ở Úc ngày nay sinh tại nước ngoài. Sau đây là mười nước hàng đầu nơi sinh của người Công giáo Úc theo thống kê trên:

Úc:3,578,910; Ý: 221,880; Vương Quốc Anh: 129,160
Philuậttân: 76,439; Balan: 49,469; Malta: 47,228
Tân Tây Lan: 44,787; Croatia: 43,076; Ái Nhĩ Lan; 37,549
Vietnam: 33,985


Bảng sau đây cho thấy 10 ngôn ngữ hàng đầu được người Công giáo Úc sử dụng, cũng theo thống kê trên:

Anh: 3,462,201; Ý: 337,219; Croatian: 62,311
Tây Ban Nha: 61,582; Tagalog (Philuậttân):56,162
Ảrập (luôn cả Lebanese): 55,526;
Ngôn ngữ khác:52,713; Không khai (not stated):52,640
Balan: 51,847; Maltese: 43,091


Thêm vào đó, nhiều người Công giáo sinh tại Úc nhưng ít nhất có một cha hay mẹ sinh tại nước ngoài. Thực thế, 50 phần trăm người Công giáo tại Úc ngày nay hoặc sinh tại nước ngoài hoặc có cha hay mẹ sinh tại nước ngoài. Giáo hội đã làm hết sức trong cố gắng làm cho các di dân Công giáo tại Úc cảm thấy như ở nhà mình, bằng cách cung cấp cho họ các tuyên úy riêng, giúp họ cử hành Thánh lễ và các bí tích bằng ngôn ngữ của mình. Tuy thế, Giáo hội vẫn còn nhiều điều để học hỏi, nhất là trong lãnh vực tìm hiểu các phương cách khác nhau trong đó người Công giáo từ khắp nơi trên thế giới có thể nói lên tính Công giáo của mình.

27. Giáo Hội độc hay đa văn hóa?

Năm 2001, Giáo Hội Công Giáo Úc vượt quá con số 5 triệu tín hữu, chính xác là 5,001,833 giáo dân, chiếm 26.7 phần trăm tổng số dân Úc, một tỷ lệ hơi kém tỷ lệ trong năm 1996. Điều ấy có thể do hiện tượng về già trong số dân Công Giáo mà cũng có thể vì trong số các nhóm di dân và tỵ nạn gần đây, con số Công Giáo không đông.

Nhóm di dân Công Giáo đông nhất vẫn là Ý. Nhu cầu thiêng liêng và các nhu cầu khác của nhóm này khá nổi bật trong công tác mục vụ của Giáo Hội suốt trong nửa thế kỷ trước. Thậm chí trong các thập niên 1950 và 1960, các chủng sinh đại chủng viện buộc phải học tiếng Ý. Dĩ nhiên một phần để sau này họ có thể được chọn đi du học tại Rome, nhưng lý do chính là để giúp đỡ các di dân Ý.

Qua thiên niên kỷ thứ ba, Giáo Hội Úc không còn nghĩ nhiều đến nhóm này nữa vì dân số Công Giáo đã dị biệt hóa nhiều hơn rồi. Thực vậy, giữa các năm 1996 và 2001, người gốc Ý giảm 8.2 phần trăm, các nhóm Âu Châu khác cũng giảm như thế (Ba Lan 10.8%, Hung Gia Lơợ 9.9%, Malta 7.7%, Hòa Lan 5.2%, Đức 1.9%). Trái lại, các nhóm Á Châu, nói tiếng Tây Ban Nha (Nam Mỹ) và Trung Đông đang gia tăng đáng kể.

Điều đáng lưu ý, nhóm Ý và nhóm Malta hiện vẫn còn là các nhóm trung thành nhất với Đạo Công Giáo ở đây. Chỉ có không đầy 0.88% người gốc Ý theo giáo phái Giêhôva. Trái lại nhóm Phi Luật Tân có đến 10% theo các hệ phái phúc âm và Ngũ Tuần. Tuy nhiên nhóm Ái Nhĩ Lan là nhóm rời bỏ Đạo Công Giáo hơn cả. Nhóm Ba Lan cũng có tỷ lệ trung thành cao dù đợt đến đây đầu thập niên 1980 ít được giáo dục trong đức tin Công giáo, do sự đàn áp của Cộng Sản.

Tính đa phức hóa trong dân số Công Giáo Úc hiện nay đang tác động ở nhiều mặt. Ngay cả con số các linh mục và tu sĩ cần thiết để phục vụ Dân Chúa. Vì nạn thiếu linh mục, một số giáo phận đang phải khai triển một chiến lược lôi cuốn các linh muc từ các quốc gia khác. Và đưa ra các chương trình nhằm huấn luyện và thích nghi các linh mục này vào môi trường từng giáo phận một. Các dòng tu cũng có nhiều biến đổi. Như các cha dòng Scalabrinian chẳng hạn, trong một thập niên qua, đã không còn cậy nhờ nhiều vào cộng đồng Ý, trái lại đã quay qua Phi Luật Tân và Nam Mỹ để tuyển các linh mục đến phục vụ cho người Phi Luật Tân và Nam Mỹ. Một dòng nữ Ba Lan mới được thành lập hiện đang làm việc để thoả mãn nhu cầu thiêng liêng và mục vụ của người đồng hương, các nữ tu Việt Nam cũng đang đóng vai trò nổi bật ở một số nơi. Nói tóm lại, Giáo Hội Công Giáo Úc trong tương lai sẽ rất khác và đa dạng hơn về phương diện văn hóa.

28. Vai trò của Giáo Hội trong việc tạo nên một nước Úc đa văn hóa

Trong thập niên 1970, liên quan đến Giáo Hội Công Giáo, có người cho rằng ‘tôn giáo chia rẽ nhưng văn hóa kết hợp’ có ý nói rằng các di dân Công Giáo không chịu hòa nhập vào chính dòng Giáo Hội Công Giáo Úc. Có người còn cho rằng ý niệm một giáo hội phổ quát chỉ là huyền thoại (Lewins, 1979). Nhìn lại, xem ra cái nhìn đó hơi đơn giản, nhất là trong việc đánh giá vai trò và công việc của các tuyên úy di dân. Giáo Hội ở đây đã đưa ra nhiều chiến lược để thích nghi dù vẫn có những va chạm giữa các tuyên úy di dân và các cha xứ Úc, những vị thường mong muốn có những đồng hóa nhanh chóng. Một số các vị giám mục trước đây cũng mong mỏi như vậy. Nhưng những va chạm này từ từ đã mất đi và vai trò các tuyên úy di dân đã được chấp nhận nhiều hơn. Họ đóng một vài trò hết sức quan trọng trong việc hội nhập đồng hương họ vào chính dòng văn hóa và tôn giáo Úc, đồng thời nâng đỡ đồng hương họ về đủ mọi phương diện của cuộc sống mới, một cuộc sống không thiếu ngỡ ngàng bối rối. Có những vị tình nguyện làm thông dịch viên, giúp đồng hương tại tòa án, điền mẫu giấy khai thuế, an ủi họ khi họ nhớ vợ thương con, nhớ cha mẹ già còn kẹt lại ở quê hương xa xăm vạn dặm. Sự hiện diện của các vị trong lễ rửa tội, lễ cưới, lễ tang của gia đình khiến họ cảm thấy vẫn còn ‘tại nhà’ dù đang sống trên vùng đất thật lạ. Có những tuyên úy di dân còn đóng cả vai trò hòa giải, kết hợp nhiều phe phái, kể cả các phe phái chính trị. Trong một nghiên cứu gần đây, Cahill, Bouma, Dellal và Leahy (2004) đã cho thấy nhiều tuyên úy di dân đã tháo gỡ được nhiều ngòi nổ cho những hận thù cả xưa lẫn rất gần đây, như thái độ của người Croatians đối với người Serbs.

Hiện có đến 150 tuyên úy di dân tại Úc. Thêm vào đó, còn có ba giáo phận, với giám mục riêng, dành cho các người Công Giáo theo các nghi lễ Maronite (12 linh mục), Melkite (10 linh mục) và Ukrainian (25 linh mục). Sáu nghi lễ khác cũng có linh mục riêng chăm sóc các cộng đoàn đặc thù của họ, nhưng chịu sự điều động của các giám mục sở tại. Đó là các nghi lễ Armenian, Chaldean, Coptic, Nga, Syria và Syro-Malabar (tổng cộng 8 linh mục).

Về phần chính dòng Úc, tại các giáo phận Sydney, Melbourne, Brisbane và Perth, và một số giáo phận khác, đều có một đại diện giám mục lo về di dân, với nhiệm vụ cổ vũ việc hiểu biết bản chất đa văn hóa của giáo hội và của xã hội. Các thánh lễ đa văn hóa cấp giáo phận mỗi năm được cử hành luân phiên ở các thành phố khác nhau nhất là tại Melbourne, Brisbane và Adelaide. Cộng đồng địa phương được mời tham dự với các cộng đồng di dân khác nhau. Các cộng đồng di dân này được khích lệ mang theo cờ xí tôn giáo đặc thù của họ, vận quốc phục, và hát hay đọc một phần thánh lễ bằng tiếng mẹ đẻ. Giáo Hội Úc hàng năm còn mừng Chúa Nhật Tị Nạn và Di Dân vào Chúa Nhật cuối cùng của tháng Tám…

Giáo Hội này không quên lời của Đức Gioan Phaolô II nhân Chúa Nhật Tị Nạn và Di Dân: “Hội nhập không có nghĩa là đồng hóa, nghĩa là không dẫn di dân đến chỗ hủy diệt hay quên lãng bản sắc văn hóa riêng của họ. Đúng hơn, việc tiếp xúc với người khác phải dẫn tới việc khám phá ra bí quyết của họ, biết cởi mở với họ ngõ hầu chào đón các khía cạnh có giá trị của họ và nhờ thế góp phần vào việc hiểu biết lẫn nhau một cách tốt hơn. Đây là một diễn trình lâu dài nhằm lên khuôn cho các xã hội và các nền văn hóa, làm chúng mỗi ngày một suy tư nhiều hơn đến các hồng phúc muôn hình muôn dạng của Thiên Chúa dành cho các hữu thể nhân bản…Trong xã hội ta, một xã hội vốn chịu ảnh hưởng của hiện tượng di dân hoàn cầu, cá nhân phải tìm được sự quân bình đúng nghĩa giữa lòng kính trọng đối với bản sắc họ và lòng kính trọng bản sắc người khác. Thực thế, cần phải nhìn nhận tính đa phức hợp pháp của các nền văn hóa đang hiện diện tại một quốc gia, hoà nhịp với việc duy trì luật lệ và trật tự, mà hoà bình xã hội và tự do công dân vốn tùy thuộc vào”.

Chính trong tinh thần trên, một Hội Nghị Toàn Quốc về Chăm Sóc Mục Vụ cho Di Dân Và Tị Nạn đã được tổ chức vàotháng Mười Một năm 2005. Chủ đề của đaị hội là: “Vì tất cả anh chị em đều là một trong Chúa Kitô” (Gl 3:4).

Các cố gắng kia đang đem lại nhiều hiệu quả tích cực, giúp tạo nên những giáo xứ, những cộng đồng gắn bó, hàn gắn nhiều vết thương quá khứ và hiện tại gây nên bởi chiến tranh và chia rẽ, lên tiếng bênh vực người di dân và tị nạn. Tất cả những điều đó đã trở thành một phần trong việc làm của Giáo Hội Úc. Đó không hẳn là một thành tích hoàn hảo, nhưng là một thành tích có thể tự hào được. Nó chứng tỏ rằng không một dị biệt nào, dù lớn đến đâu, lại không thể giải quyết khi ta có thiện chí và mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hiệp nhất chúng ta. Sứ mệnh của Giáo Úc vẫn còn dài trên nẻo đường này.

Tài liệu:

1. Tiến sĩ Kathleen Engerbretson, To Know, Worship and Love, Year 9, James Goold House Publications, Melbourne, 2003;

2. Joseph Grech and Desmond Cahill, The Catholic Church and The Australian Nation- Monolithic or Multicultural? 1 Mar 2005