Ngày 05-07-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:58 05/07/2020

19. Thiên Chúa gia tăng thử thách cho con người là để trị liệu căn bệnh tâm hồn của con người.

(Thánh Gregory)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:01 05/07/2020
66. VU CÔNG PHÁ LẦU

Trong nhà của Vu công có cái ghế dài mà lại rất thấp, Vu công dùng miếng gạch để kê bốn chân ghế lên cho cao nhưng vẫn cứ không thoải mái, hơn nữa, thời gian lâu quá nên cảm thấy không chịu nổi nó.

Một hôm, đột nhiên ông ta nghĩ ra một kế bèn kêu người lại, đem cái ghế dài mà thấp ấy vác lên trên lầu để ngồi.

Nhưng khi ngồi trên cái ghế ấy, thì Vu công lại cảm thấy nó thấp rất nhiều.

Ông ta tức giận chửi:

- “Người ta đều nói lầu này cao, cao cái con mẹ nó ấy, để nó thêm gai mắt.”

Thế là ra lệnh phá cái lầu cao.

(Nhã Ngược)

Suy tư 66:

Cái lầu cao là vì người ta làm nó cao, cái ghế thấp là vì thợ mộc làm nó thấp; đem ghế thấp bỏ trên...mặt trăng mà ngồi thì nó vẫn cứ thấp, chứ đừng nói là bỏ trên lầu, nó thấp thì vẫn cứ thấp, bởi vì không thay bốn cái chân thấp của nó bằng bốn chân cao cho cao thêm.

Có những bậc làm cha mẹ cứ than trời trách đất vì con mình học quá dốt, nên bỏ tiền ra cho con đi học thêm lò luyện thi chỗ này, học thêm lò vi tính chỗ kia, tiền mất tật mang con mình dốt thì vẫn cứ dốt, bởi vì cha mẹ không chịu tìm nguyên nhân con mình học dốt là tại đâu, nếu con ham chơi thì dạy bảo nó lo học hành, nếu con học không có phương pháp thì giúp nó học có phương pháp, nếu con học không theo kịp chương trình thì đề nghị giáo viên giúp đỡ phương pháp.v.v... có như thế con mới học tốt được.

Phải thay “chân” cho nó để nó cao lên, chứ đừng lấy tiền bạc đem con bỏ nơi những lo luyện thi cao cấp không hợp với nó, bằng không thì nó vẫn cứ dốt như thường; phải giúp nó chứ đừng “phá’ nó bằng cách đánh đập và chửi mắng khi nó học dốt...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lên án sự tham lam, bất công gây ra chết chóc tại khu hầm mỏ ngọc bích ở Myanmar
Thanh Quảng sdb
00:53 05/07/2020
Lên án sự tham lam, bất công gây ra chết chóc tại khu hầm mỏ ngọc bích ở Myanmar

Các Giám mục Công Giáo châu Á đã lên án kịch liệt sự tham lam của những người khai thác mỏ đá quí một cách cẩu thả và không an toàn đã gây ra thảm họa 170 người chết tại một mỏ ngọc bích ở miền bắc Myanmar.
(Tin Vatican - Robin Gomes)

Thảm cảnh xảy ra hôm thứ Năm 2/7/20 tại một mỏ ngọc bích ở khu vực Hpakant, miền bắc Myanmar, khi một khối lượng lớn đá và đất được khai quật lên đã đổ xuống theo dòng nước mưa cuốn thành bùn và nước đổ xuống đè chết nhiều người đang sàng lọc những cục đá để tìm ngọc bích!

Sạt lở vì bất công
Đức Hồng Y Charles Bo của Thủ đô Yangon nước Myanmar, Chủ tịch Liên đoàn các Giám mục Châu Á (FABC) đã bày tỏ trong một thông điệp chia buồn tới Đức cha Francis Daw Tang của Giáo phận Myitkyina, thuộc tiểu bang Kachin, nơi xảy ra tai nạn.
ĐHY viết: Giáo hội Châu Á bày tỏ tấm lòng buồn đau tan vỡ trước hung tin về những cái chết tất tưởi khủng khiếp của nhiều người chết trong thảm kịch này.

Phát biểu thay cho các giám mục trong vùng, ĐHY nhắc nhớ lại lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã lên tiếng chống lại những bất công về tài chánh đối với những người nghèo trên toàn thế giới.

Tham lam, cẩu thả, ngạo mạn của người giàu
Đức Hồng Y nói: Những người chết đã hy sinh cho lòng tham, do những bất trắc và ngạo mạn của các chủ nhân ông của các công ty coi mạng người thật rẻ rúng trong đất nước này.

Bi kịch thường xảy ra tại các khu khai thác ngọc bích tại Myanmar không phải là hiếm. Hơn 100 người được báo cáo thiệt mạng tại các địa điểm khai thác mỏ vào năm ngoái. Một tai nạn vào tháng 11 năm 2015 tại Kachin đã khiến 113 người chết và được coi là tai nạn tồi tệ. Tuy nhiên, vụ sạt lở ngày 2 tháng 6 này còn tồi tệ hơn và được coi là tồi tệ nhất hiện nay.

Các nạn nhân là những người di cư và công nhân nghèo, những người đào bới đá vụn để tìm những viên ngọc bích trong những khối đất và đá khổng lồ do máy và mìn làm nổ tung các núi đá… Họ cặm cụi trong một không gian bụi mù mịt của đất đá, dưới những chân núi hay vách đá không an toàn trong mùa mưa lũ!

Myanmar cung cấp 90% ngọc bích cho thế giới, phần lớn trong số đó được xuất khẩu sang nước láng giềng Trung Quốc, giáp với bang Kachin. Khu vực Hpakant từ xa của bang là trung tâm của ngành khai thác ngọc lớn nhất và sinh lợi nhất thế giới.

Theo tờ Nhân chứng Thế giới (Global Witness), có trụ sở ở London nghiên cứu, thì việc thu nhập từ tài nguyên thiên nhiên, ngành công nghiệp ngọc bích ở Myanmar, thu vào một lợi tức khoảng 31 tỷ đô trong năm 2014, nhưng phần lớn lợi nhuận được chia cho các cá nhân và các công ty do quân đội quản lý.

"Ngọc bích" khỏa lấp "tham vọng không đáy"
Trong khi cầu nguyện cho các gia đình nạn nhân, Đức Hồng Y Bo chia sẻ, trong những thời điểm bi thảm của cơn dịch Covid-19, không còn cách nào kiếm cơm manh áo nên buộc những người nghèo phải đi làm trong các mỏ đá xay để gạn lọc và tìm ngọc bích cho các công ty lớn.

ĐHY cho hay hàng triệu người dân quê đã mất kế sinh nhai trong cơn đại dịch, và bi kịch hôm thứ Năm qua là một lời nhắc nhở nghiệt ngã về nhu cầu phải chia sẻ kho báu thiên nhiên Chúa ban. Những kho báu ở Myanmar phải thuộc về mọi người Myanmar.

Nhà lãnh đạo Myanmar Bà Aung San Suu Kyi hôm thứ Sáu bày tỏ nỗi buồn trước biến cố này, và bà đổ lỗi cho sự thất nghiệp đã gây nên thảm trạng! Bà cho biết các nạn nhân là những người khai thác bất hợp pháp, gây nên nhiều khó khăn cho những nhân công làm việc hợp pháp do chính phủ tạo ra...

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres cũng bày tỏ nỗi buồn và gửi lời chia buồn tới các gia đình tang quyến. Ông Guterres bày tỏ Liên Hợp Quốc sẵn sàng đóng góp vào những nỗ lực nhằm giải quyết các nhu cầu của người dân bị ảnh hưởng.

Tờ Nhân chứng Thế giới (Global Witness) cho vụ sạt lở đất ngày 02 tháng 6 là một bản cáo trạng khẩn cấp, nói lên sự thất bại của chính phủ, kiểm soát các cuộc khai thác hầm mỏ cách thiếu thận trọng và vô trách nhiệm. Ngành khai thác ngọc bích của Myanmar, cho biết nhiều công ty liên kết quân đội, các nhóm vũ trang và những người được phép hoạt động mà không cần sự kiểm soát môi trường và chính phủ trong nhiều năm qua.
 
Sứ điệp của các nhà lãnh đạo các tôn giáo hoàn cầu nhân đại dịch Covid-19: yêu thương và lòng tốt của Thiên Chúa
Vũ Văn An
01:04 05/07/2020

Trong bài “Sứ điệp của các nhà lãnh đạo các tôn giáo hoàn cầu nhân đại dịch Covid-19: hợp nhất và tương liên” (Vietcatholic, 14/Jun/2020), chúng tôi đã giới thiệu Viện Liên Tôn Elijah và Hội Đồng Các Nhà Lãnh đạo Tôn giáo Thế giới trong việc qui tụ các nhà lãnh đạo tôn giáo lỗi lạc nhất của thế giới để đưa ra các hướng dẫn liên quan đến các thách thức tâm linh của đại dịch Covid-19 và đề ra một viễn kiến cho thế giới sau cuộc khủng hoảng. Một trong các sứ điệp chủ chốt xuất hiện trong “Coronaspection”, tức cuốn video thu thập cái nhìn tâm linh nội quan của 40 nhà lãnh đạo tôn giáo hoàn cầu dưới góc độ đại dịch Covid-19, là sứ điệp liên đới và tương liên.



Trong bài này, chúng tôi xin giới thiệu thêm hai sứ điệp của nhóm là yêu thương và lòng tốt của Thiên Chúa.

Corona và sứ điệp yêu thương

Hãng tin Zenit, trong bản tin ngày 2 tháng 7, 2020, tường thuật hai đóng góp một của Công Giáo và một của Hồi giáo, cả hai đều nói đến tình yêu.

Thực vậy, Maria Voce, chủ tịch phong trào Focolare, trình bầy tình yêu Thiên Chúa như thuốc chữa cơn bệnh từng làm sụp đổ cuộc sống dân sự thời chiến tranh. Ở cốt lõi là viễn kiến hợp nhất và huynh đệ nhân bản. Trong khi đó, Abdul Rauf, một tác giả Hồi giáo Sufi nổi danh cũng tìm cách thể hiện một viễn kiến hợp nhất xuyên suốt xã hội và các tôn giáo. Trong cả hai đóng góp, ta có thể nhận ra nguyên lý chung có tính nền tảng là tình yêu.

Đối với Maria Voce, ta có thể coi tình yêu là lực đẩy căn bản của việc làm của bà và của tổ chức của bà. Các quyết định của bà trong thời gian Covid-19 đều được soi sáng bởi nguyên lý yêu thương, nguyên lý mà bà luôn tìm kiếm để tiếp liên với những người bị các quyết định của bà tác động tới. Tình yêu cũng là sức mạnh thiêng liêng nhờ đó, ta xử lý vớ một trong các thách đố chính do Covid-19 đặt ra. Các cuộc phỏng vấn với các nhà lãnh đạo đặt câu hỏi phải đương đầu với sợ hãi và hoảng loạn ra sao. Dựa vào các lời giảng dạy của Sáng lập viên Focolare, Chiara Lubich, Voce trở lại với lời giảng dạy căn bản này: chỉ có tình yêu mới xua tan được sợ hãi. Tình yêu được tình mẹ lên khuôn. Tình mẹ thương con cung cấp cho bà lòng can đảm thực hiện những việc phi thường, cho dù sợ hãi vẫn ngự trị lòng bà. Cấm cửa thời Covid-19 được nhìn qua lăng kính tình yêu. Sống trong cảnh cấm cửa và các thách đố do đó mà có là những cơ hội và lời mời thực hành yêu thương. Tình yêu lúc nào cũng đòi phải có óc sáng tạo. Hãy để tình yêu đề xuất không phải hàng trăm mà là hàng ngàn cách thế để chúng ta hiện diện với người khác, bất chấp họ ở gần hay ở thật xa, bằng cách sử dụng mọi phương thế hiện có. Nhiều vấn đề có thể xuất hiện trong tương lai, cho dù đại dịch có thể qua đi. Chúng sẽ được giáp mặt với niềm tin rằng có một Đấng nào đó đang mang lịch sử tiến lên vì thiện ích của ta. Đấng nào đó chính là Thiên Chúa, Đấng vốn là tình yêu, Đấng yêu thương mọi người và do đó không thể không kéo được thiện ích ra từ các tình huống này. Rõ ràng, viễn kiến Kitô giáo coi Thiên Chúa như tình yêu cung cấp nền tảng cho tính trung tâm của yêu thương làm sứ điệp cốt lõi của bà và như nguyên lý nền tảng để đương đầu với các thách đố, bất luận do Covid-19 hay do các nhân tố khác tạo dịp. Tình yêu cũng là nền tảng của hy vọng. Quan niệm của bà có tính lạc quan từ nền tảng. Tính lạc quan này xuất phát từ đức tin vào tình yêu Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương sáng thế, các tạo vật của Người, mọi người và Thiên Chúa là tình yêu. Điều này, do đó, trở thành cơ sở cho quan niệm về đời sống, coi đời sống đầy hy vọng. Ngày nào còn ở trên đời, ta đều phải sống thực tình yêu, để có thể để lại cho đời một sứ điệp yêu thương diễn tiến đến muôn thuở.

Nếu tình yêu là sứ điệp trung tâm đối với Maria Voce, nó cũng là một trong các sứ điệp quan trọng của Giáo sĩ Hồi giáo Abdul Rauf. Sứ điệp của Rauf xoay quanh cố gắng có được cái nhìn thực tại theo con mắt Thiên Chúa, điều được giáo sĩ gọi là viễn tượng qui thần (theocentric perspective). Điều này đụng tới cốt lõi của việc xác định căn tính bản thân. Chúng ta cần tìm ra cái phần thực sự ổn định trong tự căn (self-identity) của mình, vốn là hình ảnh và hơi thở của Thiên Chúa trong ta. Thực sự, chúng ta tất cả chỉ là một. Ở đây, lực đẩy tiến tới hợp nhất, một điều vốn soi sáng cho mưu cầu của Focolare, được xác nhận như có cơ sở trong nguyên lý quan trọng nhất của Hồi Giáo, quan trọng hơn bất cứ việc giữ đạo chuyên biệt nào khác, đó là tính duy nhất của Thiên Chúa. Ngược lại, điều này dẫn Abdul Rauf tới tình yêu. Trích dẫn lời Chúa Giêsu, Giáo sĩ Hồi giáo Abdul Rauf nói đến hai giới răn vĩ đại: yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người lân cận. Yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người khác tùy thuộc lòng yêu mến chính mình. Tình yêu vĩ đại nhất là tình yêu Thiên Chúa tự yêu chính Người, và Người dựng nên ta như một biểu thức nói lên tình yêu mình của chính Người. Bạn yêu mến Thiên Chúa bằng cách yêu mến người khác, và yêu mến sáng thế. Khi bạn yêu mến Thiên Chúa, bạn cũng yêu mến sự cô tịch (solitude), nó chính là một trong các hậu quả của Coronavirus. Do đó, ta tiến theo hai ngả đường: yêu mến Thiên Chúa trong cô tịch và yêu mến người khác, trong hành động và các việc làm tốt. Giống Voce, Abdul Rauf coi việc làm của các chuyên gia y tế như biểu thức nói lên tình yêu. Bất chấp trong cô tịch và chiêm niệm hay trong hành động và phục vụ, cộng đồng như một toàn thể biểu lộ một viễn kiến tổng thể về tình yêu trong các biểu hiện kép tương quan qua lại của nó, yêu mến Thiên Chúa và yêu mến người khác.

Lòng tốt của Thiên Chúa và cách phát biểu nó

Sứ điệp của các nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới nói chung coi Coronavirus không chỉ đơn giản có tính tiêu cực. Có cả một viễn ảnh “tái ông thất mã” (silver lining) ở đây, thậm chí còn được coi như một hồng phúc. Điều tốt có thể xuất phát từ nó và việc khám phá ra điều tốt đó tùy thuộc ở chúng ta. Cái hiểu này có trong mọi tôn giáo.

Đức Cha Domenico Sorrentino là một nhà thần học chuyên nghiệp và là Giám mục giáo phận Assisi. Giáo sĩ Do Thái David Wolpe là Giáo sĩ Do Thái của Đền thờ Sinai, ở Los Angeles và được tạp chí Newsweek bầu là giáo sĩ Do thái có ảnh hưởng nhất ở Hoa Kỳ. Giáo sư Marcia Hermansen là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thế giới Hồi giáo và Giáo sư tại Khoa Thần học của Đại học Loyola Chicago và là một nhà lãnh đạo tư tưởng trong cộng đồng Hồi giáo Mỹ.

Chủ đề lòng tốt của Thiên Chúa và cách phát biểu nó trong thời đại dịch là nét chính trong bài chia sẻ của Đức Giám Mục Assisi. Ngài cư ngụ trong cùng một ngôi nhà mà vị Giám mục giáo phận vốn cư ngụ thời thánh Phanxicô và ngôi nhà của ngài đóng một vai trò quan trọng trong các hoàn cảnh đáng chú ý của cuộc đời thánh nhân. Một trong số các hoàn cảnh này là lúc ngài nằm bệnh tại đó và gần chết. Chính tại đó, ngài đã viết thêm một số khổ thơ vào Ca Khúc Sáng Thế nổi tiếng của ngài, nhất là lời ngài ca ngợi Thiên Chúa vì “chị chết”. Đây là một bài học về việc ta có thể làm nổi bật lòng tốt trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ta có thể hát lời ca ngợi Thiên Chúa ngay trên giường chết. Ngay trong hoàn cảnh khó khăn nhất, khi khó mà hiểu được lòng tốt tự bộc lộ ra sao, chúng ta vẫn cần phải tin tưởng Thiên Chúa và lòng tốt của Người. Điều này, do đó, dẫn Đức Giám Mục đến việc xem xét việc lòng tốt của Thiên Chúa có thể được tìm thấy ra sao trong thời đại dịch và ơn thánh có thể được tìm thấy như thế nào trong cuộc khủng hoảng.

Một chiều kích quan trọng là việc khám phá ra tổ ấm như một nơi cầu nguyện, theo gương người Do Thái một cách có ý thức. Đây là một cơ hội để đi sâu hơn vào những lời cầu nguyện thường được đọc trong Giáo hội, và cảm nhận được chúng ở bên trong. Tổ ấm, do đó, được biến đổi thành một đền thánh. Dù ở trong tổ ấm của mình, chúng ta vẫn có cơ hội mở rộng ý thức của mình tới cộng đồng rộng lớn hơn. Theo giáo huấn Kitô giáo, toàn thể Giáo hội hiện diện trong mỗi cử hành Thánh Thể. Điều này thường không được cảm nghiệm. Tuy nhiên, ngày nay, vào thời điểm khủng hoảng, có một cảm thức liên đới phổ quát và nhận thức có ý thức các phần khác của Giáo Hội rộng lớn hơn, thực sự của toàn thể nhân loại, tất cả những ai được đưa vào lời cầu nguyện và cử hành phụng vụ của chúng ta.

Đại dịch, bằng nhiều cách khác, cũng mang đến nhiều cơ hội để thâm hậu hóa đời sống tôn giáo. Cô tịch là một cơ hội để đi vào trong chính mình, để nghiên cứu Kinh Thánh. Đây cũng là cơ hội để cha mẹ ở bên con cái. Đây là cơ hội phục hồi việc cầu nguyện của gia đình. Đây là lúc tìm hiểu một nhịp điệu khác của cuộc sống, trái với sự căng thẳng và nhịp sống trước đó. Đây là lúc để nhận thức về thiên nhiên và vũ trụ và là cơ hội để khám phá sự cân bằng giữa mọi sự vật và tình huynh đệ hoàn cầu với thiên nhiên.

Đức Giám Mục gợi ý rằng nếu Thánh Phanxicô được hỏi ngài sẽ nói gì với chúng ta ở thời điểm này, có lẽ ngài sẽ trả lời rằng chúng ta nên hát Ca khúc Sáng thế. Và nếu thánh Phanxicô có thể nói đến “chị chết”, thì tại sao chúng ta không thể nói đến “anh Corona”?

Chủ đề cơ hội cũng là hình thái trong bài trình bày của Giáo sư Marcia Hermansen. Cuộc phỏng vấn với bà diễn ra trong những ngày đầu của tháng Ramadan và câu hỏi về việc Ramadan sẽ được cử hành như thế nào trong những hoàn cảnh đặc biệt này là một mô thức (motif) quan trọng. Nhiều cuộc cử hành thông thường trở thành bất khả, vì người ta không đến đền thờ Hồi giáo. Giống như các hậu quả của việc đóng cửa các nhà thờ, việc đóng cửa các đền thờ Hồi giáo cũng cung cấp nhiều cơ hội tâm linh mới. Một trong những cơ hội chính xuất hiện có liên hệ tới việc khắc phục các cân bằng phái tính. Phần lớn tháng Ramadan diễn ra trong đền thờ và phần lớn đền thờ là địa bàn của đàn ông. Chuyển việc cử hành về nhà mở ra nhiều cơ hội mới cho phụ nữ tham dự việc cử hành cùng một cách như đàn ông.

Ramadan là thời gian để thâm hậu hóa tâm linh. Người ta tự hỏi - linh hồn tôi ở đâu trong tháng Ramadan này? Cử hành tháng Ramadan trong điều kiện COVID-19 là một cơ hội để đi sâu hơn vào cuộc cử hành. Một cách đặc trưng, kỳ vọng thâm hậu hóa như vậy chủ yếu tập trung vào đàn ông. Chính họ là người đến đền thờ và tham dự các cuộc tĩnh tâm, đặc biệt trong 10 ngày cuối tháng Ramadan. Năm nay, những ngày này được tổ chức tại nhà, làm cho phụ nữ, trong lý thuyết, cũng có thể được hưởng lợi từ việc thâm hậu hóa vốn là đặc điểm của những ngày này.

Đối với cả Đức Cha Sorrentino lẫn giáo sư Hermansen, có một nhận thức rõ ràng về việc các hoàn cảnh hiện nay phát xuất từ Thiên Chúa. “Chúng tôi tin tưởng rằng Thiên Chúa đang nói với chúng ta trong tình huống này” (Sorrentino). “Chúng ta thấy khuôn mặt của Thiên Chúa trong việc này, vì mọi việc đều phát xuất từ Thiên Chúa” (Hermansen). Điều này cho thấy một điểm tương phản với phần trình bày thứ ba, của giáo sĩ Do thái David Wolpe. Thần học của Wolpe là nền thần học ngẫu nhiên (randomness), hoặc như chúng tôi nói đùa lúc phỏng vấn, là nền thần học về sự ngẫu nhiên thánh thiện. Nhưng cho dù chúng ta không coi Thiên Chúa như tác giả của mọi sự, Người vẫn là một nhân tố trong cách chúng ta đối phó với các thách đố như COVID-19. Thiên Chúa là sức mạnh của chúng ta trong cuộc tranh đấu. Và cuộc tranh đấu của chúng ta là cuộc tranh đấu rút ra những điều tốt nhất từ các thử thách và khó khăn, bất kể chúng ta coi tác giả hay nguồn gốc của chúng như thế nào. Ở đây, Wolpe chia sẻ tâm tư của hai người đóng góp kia vốn nhìn thấy cơ may trong COVID-19. Cô tịch là việc tạm dừng lại hoặc chuẩn bị nhằm mời gọi chúng ta xem xét xem chúng ta sẽ khác biệt ra sao sau đại dịch. Thử thách là cơ hội để khám phá ra trong ta có những gì. Ngay nỗi sợ cũng nên được khám phá. Chúng ta sợ gì? Chúng ta cần biết chúng ta là ai và đây là một khoảnh khắc khám phá bản thân.

Một lợi ích quan trọng và là một khám phá về COVID-19 liên quan đến một chủ đề đã trở nên nổi bật trong các vấn đề thời sự kể từ đó – là phân biệt chủng tộc. Wolpe đề cập đến chủ đề nối kết qua lại (interconnectivity), một trong những chủ đề chính của “Coraspaspection”, qua việc thăm dò chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Chúng ta phải đi đến tận gốc rễ của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và hiểu nó, để khám phá ra một hiểu biết sâu sắc hơn nhờ đó chúng ta có thể thắng vượt nó. Việc nghi ngờ các nhóm khác có tính biến hóa và sinh học. Các nhóm khác có virút và các bệnh tật.

Coronavirus diễn ra trong một thời đại trong đó, chúng ta không còn có thể hạn chế các hậu quả tác hại của virút vào một nhóm nữa. Như ông nói trong diễn trình phỏng vấn – “Một người nào đó cắn một con dơi ở Trung Quốc và thế là ở đây chúng ta nói chuyện với nhau trên Zoom”. Chúng ta được dẫn đến việc hiểu thế nào là việc chúng ta nối kết qua lại với nhau. Chúng ta đang ở một thời điểm trong đó, chúng ta có khả năng vượt quá giới hạn biến hóa của chúng ta bằng một việc nối vòng tay lớn tâm linh. Đây là một bài học / cơ hội / phước lành quan trọng của Corona từng được ghi nhận nhiều lần trong suốt dự án. Thực thế, nó đóng vai trò như một thông điệp trong đoạn phim giới thiệu cuốn video “Coronaspaspection”, cho thấy tính trung tâm của nó. Nếu hai cuộc phỏng vấn đầu tiên đã trình bầy ở trên tập chú vào các cơ hội để nội tâm hóa và thâm hậu hóa cái hiểu, thì giáo sĩ Wolpe đã thêm một chiều kích nữa, đó là cơ hội để toàn thể nhân loại vươn tới một mức độ biến hóa tâm linh cao hơn qua các nhìn nhận phát xuất từ các hoàn cảnh đặc thù của COVID-19.

Kết hợp ba tiếng nói trên đây với nhau cho chúng ta thấy một điều căn bản liên quan đến đời sống tôn giáo. Nó đặt cơ sở trên một động lực biến hóa tâm linh sâu sắc để tìm ta điều tốt trong mọi hoàn cảnh, để sử dụng chúng cho sự phát triển và thăng tiến tâm linh. Trong căn bản, nó được lên khuôn như một động lực biến hóa để phát triển bản thân và cộng đồng. Mọi tôn giáo đều đang trong diễn trình phát triển, liên quan đến giáo huấn của họ hoặc liên quan đến việc họ được tiếp nhận, được hiểu và thực hành như thế nào bởi các thành viên của họ. Họ được lên đặc điểm nhờ một quan điểm tích cực và lạc quan ngay từ nền tảng. Quan điểm tích cực này đã thông tri cho cả ba đóng góp và những cách trong đó ba đóng góp này tìm ra các cơ hội phát triển và biến đổi cho cá nhân, cho cộng đồng, và cho nhân loại trong các gian khổ do COVID-19 mang lại.
 
Người nghèo là những người xây dựng một nhân loại mới
Thanh Quảng sdb
06:10 05/07/2020
Người nghèo là những người xây dựng một nhân loại mới

Trong buổi triều yết vào trưa Chúa nhật tuần thứ 14 quanh năm, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã suy tư về bài Tin Mừng Chúa Kitô mời gọi những ai gánh nợ nặng nề hãy tìm nương tựa nơi Chúa qua chính việc bác ái từ thiện.

(Tin Vatican)

Bài suy niệm của Đức Giáo Hoàng được chia ra ba phần:

Phần đầu, Chúa Giêsu dâng lời cầu nguyện chúc lành và tạ ơn Chúa Cha, vì Ngài đã mặc khải cho người nghèo những điều bí ẩn của Nước Trời.

Sau đó, Đức Giáo Hoàng đề cập tới mối quan hệ mật thiết và độc tôn giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha.

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng nói Chúa mời gọi chúng ta hãy đến nương ẩn nơi Chúa, để tìm được sự thanh thản bình an.

Tâm tình tạ ơn

Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha, vì đã giấu kín những bí ẩn về nước trời cho những người khôn ngoan thông thái.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô giải thích rằng: Chúa bị một bức màn che kín, làm cho trái tim họ bị khép kín.

Nhưng Chúa Giêsu nói những bí ẩn về Cha của Ngài lại được bọc lộ cho những người bé mọn, những người mở lòng ra đón nhận Lời cứu độ. Họ tín thác vào Ngài và mong đợi mọi sự được ban qua Ngài.

Mọi sự có đi có lại

Sau đó, Đức Giáo Hoàng nói, Chúa Giêsu giải thích rằng mọi sự Ngài nhận được từ Chúa Cha. Ngài gọi Thiên Chúa là Cha, để khẳng định một bản chất duy nhất trong mối tương quan giữa Chúa Cha với Ngài.

Đây là một sự nối kết hoàn hảo giữa Con và Cha, ĐTC nói, mỗi ngôi biết nhau, và mỗi ngôi sống cho nhau.

Chính sự hiệp thông độc tôn này đã mang lại sự sống cho lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy đến với tôi!” Chúa cắt nghĩa, vì Ngài truyền đạt tất cả những gì Ngài đã nhận được từ Chúa Cha.

Ưu tiên cho ‘những người bé nhỏ’

Sau đó, Đức Giáo Hoàng chỉ rõ ra rằng: Cũng như Chúa Cha mặc khải cho những người bé mọn, thì Chúa Giêsu cũng mời gọi những gánh nợ nặng nề hãy đến với Ngài.

ĐTC nhấn mạnh đến sự hiệp thông trọn vẹn của Chúa Giêsu với Chúa Cha, và sự dịu hiền và khiêm nhường của Chúa không phải là mẫu người cam chịu, cũng không phải đơn giản là một nạn nhân, mà là Chúa sống với tâm tình của "con tim" trong sáng dành trọn vẹn tình yêu cho Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.

Chúa Giê-su là mẫu mực của ‘người nghèo trong tinh thần, và của tất cả những người được Phúc Âm gọi là “hạnh phúc”, vì đã thực thi thánh ý Thiên Chúa và làm chứng cho Vương quốc nước trời...

Đức Giáo Hoàng đã kết thúc bài suy niệm của mình bằng nêu bật sự an ủi "mà Chúa Kitô dành cho những ai mỏi mệt và gánh nợ nặng nề, không chỉ về mặt tâm lý, nhưng tìm được niềm vui của những người nghèo đơn sơ, được mời gọi truyền rao Tin mừng và dựng xây một nhân loại mới.

Một thông điệp cho tất cả

ĐTC nói: Một thông điệp dành cho tất cả mọi người thiện tâm mà Chúa Giêsu mời gọi xây dựng một thế giới mới biết tôn trọng nhân phẩm con người và cùng với Giáo hội loan báo Tin mừng cho những người túng nghèo bé mọn…

Đây cũng là thông điệp của Giáo hội, một Giáo hội sống và rao giảng lòng Chúa thương xót và loan truyền cho người nghèo.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô kết luận bằng cầu khẩn Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ giúp chúng ta nhận ra những dấu chỉ trong cuộc đời ta hầu trở nên những người được chia sẻ những bí ẩn mà Chúa Cha bộc lộ ra cho những ai khiêm nhường…
 
Những kẻ quá khích đòi giật sập cả bức tượng Lincoln ở Washington DC
Đặng Tự Do
16:07 05/07/2020
Abraham Lincoln sinh ngày 12 tháng 2 năm 1809 và qua đời ngày 15 tháng 4 năm 1865, là một chính khách và luật sư người Mỹ, từng là tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ từ năm 1861 cho đến năm 1865. Lincoln đã lãnh đạo quốc gia thông qua cuộc khủng hoảng chính trị, hiến pháp và chính trị lớn nhất trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Ông có công xóa bỏ chế độ nô lệ, củng cố chính quyền liên bang và hiện đại hóa nền kinh tế Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, một số thành phần quá khích trong phong trào Black Lives Matter, gọi tắt là BLM, đã liên tục tổ chức các cuộc biểu tình ở Washington DC nhằm loại bỏ bức tượng của ông làm bằng đồng ở Công viên Lincoln. Bức tượng có tên là Emancipation Memorial, nghĩa là Đài Tưởng Niệm Giải Phóng.

Bức tượng mô tả vị tổng thống đứng trong khi đó một người đàn ông Mỹ gốc Phi, là người mới được giải thoát khỏi chế độ nô lệ, đang quỳ bên dưới trong một cử chỉ thể hiện lòng biết ơn người đã giải phóng cho mình.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là cảnh hàng trăm người biểu tình đã tập trung tại công viên này. Họ cho rằng bức tượng bỏ qua những đóng góp của người Mỹ gốc Phi để chấm dứt chế độ nô lệ.

Một người đang hò hét giập sập bức tượng xuống nói:

“Bây giờ là thời gian cho những người trẻ tuổi đứng lên. Đây là thời điểm của các bạn. Hãy giật bức tượng này xuống.”

Trong khi đó những người phản biểu tình thì cho rằng Abraham Lincoln là một ân nhân của người da đen và bức tượng này là một bức tượng đẹp vì nó thể hiện lòng biết ơn, là một tính cách xã hội cần thiết của mọi người trong xã hội.

Một vụ ẩu đả giữa người biểu tình và người phản đối leo thang đến mức một nhà hoạt động chính trị phải được cảnh sát hộ tống đến nơi an toàn.

Tổng thống Donald Trump đã có một đường lối cứng rắn đối với bất kỳ ai phá hủy hoặc phá hoại các di tích lịch sử, đe dọa họ bằng các án tù dài.

Diễn biến này càng củng cố lập luận của Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York, khi ngài cảnh cáo rằng nhiều kẻ quá khích đang muốn thực hiện một cuộc cách mạng văn hoá theo kiểu Mao Trạch Đông tại Trung Quốc.


Source:Reuters
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hạt Hố Nai giáo phận Xuân Lộc hành hương đến với Lòng Thương Xót Chúa
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
08:39 05/07/2020
Chiều ngày Thứ Sáu 3/7/2020, Trung Tâm Kính Lòng Thương Xót Chúa tại Giáo xứ Suối Cát- Xuân Lộc đã đón tiếp Hiệp Hội Lòng Chúa thương xót Hạt Hố Nai về hành hương theo lịch định kỳ chung vào mỗi thứ Sáu đầu tháng. Không chỉ có hội viên của Hạt Hố Nai, nhưng chiều hôm thứ Sáu vừa qua, đã có sự hiện diện của nhiều hội viên, bà con giáo dân đến từ các giáo xứ trong Giáo phận. Nhưng niềm vui và sự sốt mến trong bầu khí còn được tăng lên khi có thêm sự hiệp thông của hai phái đoàn hành hương đến từ Giáo Phận Bà Rịa và Phan Thiết cùng hiện diện trong giờ kinh và Thánh Lễ này. Do vậy, với con số hơn 2000 người tham dự trong ngày hành hương này quả thật mang thêm nhiều ý nghĩa và ơn thánh Chúa.

Xem hình

Đến với Lòng Thương Xót Chúa, mọi người cảm nhận như tâm hồn mình được tan chảy khi cùng nhau đọc kinh Mân Côi, lần chuỗi Kính Lòng Chúa Thương Xót. Những đôi mắt ngước nhìn lên Linh ảnh Lòng Chúa Thương Xót, cùng với những động tác biểu tỏ bên ngoài trong những giờ kinh thật đẹp và thật sốt sắng. Cho dẫu giới hạn, nhưng những dấu bên ngoài van nài lòng thương xót Chúa của người khác, đủ để ai đó được đụng chạm trong tâm hồn, như mềm ra sau những ngày tháng cứng cỏi. Cũng trong buổi chiều này, nhiều tâm hồn được chạm đến lòng thương xót Chúa cách cụ thể nơi Bí tích Chữa Lành- Hòa Giải.

Sau giờ kinh, cộng đoàn đã chào đón Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám Mục Giáo phận đến giữa họ. Sự hiện diện của Đức Cha Giáo phận luôn trở nên hình ảnh của lòng thương xót Chúa, vì thế, rất nhiều người đã tìm đến để được cầm lấy tay, để được Đức Cha chúc lành và cảm nhận được ủi an, nhẹ lòng trước bao nỗi đau khổ, mệt mỏi họ đang gặp phải.

Trong bài huấn từ trước Thánh Lễ, Đức Cha Giáo phận đã chia sẻ với cộng đoàn hiệp hội Lòng Chúa Thương Xót đang hiện diện cũng như theo dõi trực truyến về chủ đề “Linh đạo lòng thương xót” được cụ thể qua các ý: (1) Tin tưởng vào lòng thương xót nơi Thiên Chúa, (2) điều kiện để được hưởng lòng thương xót của Chúa, và (3) chia sẻ lòng thương xót của Thiên Chúa cho tha nhân.

Tin tưởng vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa

Kể lại câu chuyện dụ ngôn về con chiên lạc (Luca 15, 4-7), Đức Cha Giáo phận đã làm nổi bật sứ điệp quan trọng trong dụ ngôn: Chúa Giêsu –hình ảnh người chăn chiên- là Đấng giàu lòng thương xót, luôn đau đáu đi tìm con chiên lạc, bất chấp những khó khăn, những trở ngại của hành trình tìm kiếm. Một (1) so với chín mươi chín (99) con quả là một sự khập khiễng trong quyết định, khi người chăn chiên sẵn sàng để lại 99 con để chỉ đi tìm một con lạc đàn. Chính yếu tố này mở ra một hình ảnh tuyệt vời, khi cho thấy rằng một người tội lỗi có vị trí quan trọng như thế nào trong tình yêu của Thiên Chúa. Lòng thương xót ấy nơi Chúa Giêsu- Đấng chăn chiên- lớn hơn gấp ngàn lần tội lỗi mà con người lỗi phạm với Ngài. Điều này dẫn mỗi người, như Đức Cha nói, tin tưởng vào lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho mình hơn. Và nhờ đó, từng người sẽ có thêm sức mạnh để chạy đến với Ngài, van xin lòng thương xót của Chúa, để được tha thứ, được cảm nhận hạnh phúc trong Ngài.

Điều kiện để được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa: khiêm tốn, đừng chạy trốn Ngài.

Tuy nhiên, Đức Cha nhấn mạnh rằng, để được đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, con người cần phải khiêm tốn nhận ra mình thật yếu đuối, xúc phạm đến Chúa và tha nhân quá nhiều. Đức Cha nói “để được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta cần có lòng khiêm nhường, để nhận ra sự thật yếu đuối của bản thân trước Chúa.” Như Đức Cha chia sẻ, sự khiêm tốn này làm cho con người nhận rõ mình với tất cả sự trần trụi vốn có, lỗi tội… Có như vậy, mới thúc đẩy họ đến với Chúa. Đồng thời, một yếu tố khác nữa xem ra như là một “lộ trình” của chặng đường được hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa: đừng chạy trốn, nhưng hãy hiện diện trước Ngài.

Nếu Ađam và Evà để lại một hệ lụy trầm trọng cho nhân loại, mà khi cả hai đã phạm tội, họ đã chạy trốn Thiên Chúa, Đấng đang tìm kiếm họ, thì nơi con người hôm nay cũng đang phải đối diện với khó khăn cũng giống như vậy. Đức Cha chia sẻ rằng “cái khó của chúng ta là rất ngại trở về lòng mình và nhìn nhận những sai lầm, những tội lỗi của mình” – giống hệt như hai ông bà nguyên tổ đã chạy trốn Chúa và rồi trước mặt Chúa, họ đã chạy trốn tội mình để đổ lỗi cho nhau. Để rồi, Đức Cha mời gọi mỗi người “đừng chạy trốn khỏi lòng thương xót của Chúa, ” và” hãy, để cho Thiên Chúa nói vào tâm hồn chúng ta về sự thật về cuộc đời của chính mình.” Nhưng, như Đức Cha huấn dụ “chúng ta chỉ có thể nghe Chúa nói sự thật về bản thân khi chúng ta thinh lặng bên Chúa.”

Chia sẻ lòng thương xót của Chúa cho tha nhân

Đức Cha tiếp tục bài huấn dụ khi mời gọi mọi người hãy trở nên những người chia sẻ lòng thương xót của Chúa đến cho người khác một khi mỗi người đã cảm, đã nhận được lòng thương xót của Chúa trên cuộc đời mình. Để từ đó, từng người được Chúa sai đi đem lòng thương xót của Chúa đến những người yếu đuối, lỗi lầm khác mà họ gặp thấy trên đường đời. Gạt qua những chủ quan, định kiến, những kết án dành cho những người tội lỗi, lỡ lầm…Đức Cha nói rằng “chúng ta được Chúa mời gọi bày tỏ lòng thương xót của Chúa đến cho người khác…để biến đổi họ, những người đang vấp ngã trên đường đời.” Và để minh họa cụ thể, Đức Cha đã kể những mẩu chuyện cụ thể để truyền cảm hứng cho mọi người có thể thực hiện được điều này.

Kết thúc bài huấn từ, Đức Cha Giáo phận thúc giục mọi người thiết tha khẩn nài Thiên Chúa “Xin Người giúp chúng ta thấm nhuần lòng thương xót của Chúa. Nhờ đó, chúng ta sẽ trở nên những sứ giả của lòng thương xót Chúa đến với những người tội lỗi, lỡ lầm, và yếu đuối.”

17g00: Thánh Lễ đặc biệt trong ngày hành hương do Đức Cha Giáo phận chủ tế cùng với Cha Đặc Trách Giuse, quý Cha Quản Hạt và quý Cha thuộc hai Hạt Xuân Lộc và Hố Nai với các ý nguyện xin từ cộng đoàn như Cha Đặc Trách Giuse Trần Phú Sơn đã tổng kết, cũng như ý cầu nguyện tháng 07/2020 “Cầu nguyện cho những người trẻ đang bị khủng hoảng đức tin được ơn chữa lành, và tin vào lòng Chúa thương xót như Thánh Tôma Tông đồ”. Ngoài các ý trên, Đức Cha cũng mời gọi mọi người xin Lòng Thương Xót Chúa đổ tràn trên Giáo phận, như giòng suối mát chảy vào tâm hồn con cái Giáo phận, để từng gia đình, giáo xứ, và Giáo phận sẽ trở thành thánh địa của lòng thương xót. Không chỉ dừng lại xin ơn cho Giáo Phận nhà, nhưng Đức Cha cũng mời mọi người cũng van nài lòng Chúa thương xót tuôn đổ xuống trên Giáo phận Bà Rịa và Phan Thiết đang có các hội viên Lòng Chúa Thương Xót hiện diện. Và vì Thánh Lễ dâng theo lịch theo Phụng vụ Kính Thánh Tôma Tông Đồ, Đức Cha cũng mời gọi mọi người “cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô, các giám mục là những người kế vị các Tông đồ được vững mạnh trong đức tin và tình yêu Chúa để các ngài dẫn dắt đoàn chiên Chúa trong lòng tin và sự yêu mến.”

“Hãy vững tin vào tình yêu Thiên Chúa, bất chấp có hay không có những dấu chỉ hữu hình” là ý chính trong bài giảng suy niệm Tin Mừng Gioan 20, 24-29 mà Đức Cha đã chia sẻ với cộng đoàn. Đi từ kinh nghiệm thiêng liêng của Thánh Tôma Tông đồ, Đức Cha đã mời gọi mọi người hãy suy tư, cật vấn và cầu nguyện. Đức Cha nhấn mạnh về hạnh phúc của người vững tin vào Chúa cho dẫu có hay không có những dấu chỉ hữu hình mà Chúa Giêsu khẳng định “Phúc cho ai không thấy mà tin”, mà Tông đồ Tôma xem ra đã chẳng có được sau khi Chúa sống lại và hiện ra, trước khi vị Tông đồ đụng chạm được lòng thương xót của Đấng Phục Sinh. Đức Cha nói rằng, cho dẫu Tôma đã từng chứng kiến Chúa làm phép lạ, và nghe Chúa tiên báo về cái chết và sống lại của Người, nhưng ông vẫn nghi ngờ, không tin, bởi Tôma muốn có một đức tin theo kiểu biện chứng, sờ nắm bắt được, sau thất vọng của mình về cái chết của Thầy. Đức Cha nói rằng “kinh nghiệm của Tôma cũng là hình ảnh của chúng ta.” Vì sao? “Chúng ta cũng được rửa tội, học giáo lý, tham dự Thánh lễ hằng ngày, nghe Lời Chúa, nhưng xem ra, chúng ta vẫn hoài nghi về tình yêu thương của Thiên Chúa trên cuộc đời của mình, như thể Ngài không có đó bên cạnh chúng ta.” Đức Cha nhấn mạnh, sự nghi ngờ đó là hậu quả của nhiều tiếng ồn trong tâm hồn, khiến con người không nghe được tiếng yêu thương thì thầm của Chúa. Đức Cha nói rằng nơi mỗi người cũng có một Tôma nghi ngờ, kém tin khi “chúng ta muốn Chúa nói với chúng ta theo kiểu chúng ta thích, đòi Chúa làm cho chúng ta cái gì đó theo ý chúng ta muốn…Có vậy chúng ta mới tin!” Thế nên, Đức Cha lưu ý mọi người “hãy xin Chúa giúp chúng ta thoát ra khỏi những rào cản trần gian, theo cách chúng ta muốn, để chỉ còn trông cậy vào Chúa, tìm Chúa là đủ…và ban cho chúng ta vững tin vào tình yêu của Chúa trong cuộc đời mình, cho dẫu chẳng có những dấu chỉ hữu hình...nhưng tôi vẫn tin Chúa ở bên cạnh cuộc đời tôi, để dù thế nào tôi vẫn không lo sợ.”

Trước khi kết thúc Thánh Lễ, Đức Cha Giáo Phận đã cám ơn Cha Quản Hạt, và quý Cha thuộc hạt Xuân Lộc, cùng tất cả mọi thành viên hiệp hội Lòng Chúa Thương Xót đã hiện diện và hiệp thông. Đặc biệt, Đức Cha Giáo Phận cám ơn Cha Giuse - Đặc Trách Hiệp hội LCTX toàn Giáo phận, Cha Quản Hạt, cha Đặc Trách Hiệp hội LCTX, quý Cha cũng như mọi thành viên Hiệp Hội thuộc Hạt Hố Nai đã tổ chức cũng như phụ trách ngày hành hương này thay cho toàn Giáo Phận. Với sự hiện diện của hai phái đoàn thuộc Giáo phận bạn, Đức Cha cũng gởi đến họ những lời chúc lành và ơn Chúa như lời cám ơn vì sự hiện diện hiệp thông rất quý báu của họ tại Giáo Phận Xuân Lộc trong ngày hành hương này.

Tin và hình ảnh: Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
 
Thánh Lễ Thêm Sức tại xứ Tân Việt
Vinh sơn Trần văn Đẩu
09:26 05/07/2020

“ Hôm nay giáo xứ chúng ta có 120 em lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức và 36 em Rước Lễ trọng thể, chúng ta xin Thánh Tô ma tông đồ mà Giáo hội mừng kính ngày hôm nay ban thật nhiều ơn lành hồn xác cho các em, để các em ra đi làm chứng cho Chúa”. Đó là lời nhắn nhủ của Đức Giám Mục
( ĐGM ) Louis Nguyễn Anh Tuấn, khi ngài về thăm mục vụ và ban bí tích Thêm Sức tại giáo xứ Tân Việt, được cử hành lúc 18g thứ sáu 03/07/2020 tại nhà thờ Tân Việt.

Đồng tế với ngài có Lm chánh xứ Đa minh Vũ Ngọc Thủ, Lm phó Giuse Đỗ đức Hạnh và quý Lm khách.

Đến hiệp dâng Thánh lễ, ngoài 120 em sắp Thêm Sức và 36 3m Rước Lễ trọng thể, còn có cha mẹ đỡ đầu, các phụ huynh và đông đảo cộng doàn Dân Chúa trong và ngoài giáo xứ.

Xem hình

Lúc 18g, các em sắp Thêm Sức và Rước Lễ trọng thể cùng quý chức đã rước Đức Giám Mục và quý cha tiến vào nhà thờ bắt đầu Thánh lễ.

Đầu lễ ĐGM Louis nhắn nhủ : Hôm nay giáo xứ chúng ta có 120 em lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức và 36 em Rước Lễ trọng thể, chúng ta xin Thánh Tô ma tông đồ mà Giáo hội mừng kính hôm nay ban thật nhiều ơn lành hồn xác cho các em, để các em ra đi làm chứng cho Chúa.

Chia sẻ Tin Mùng, ĐGM Louis nói: Hôm nay các con đã được Chúa chọn làm môn để của Chúa như Chúa đã chọn dân do thái khi xưa. Chúng con cảm thấy mình thật hạnh phúc và hãnh diện vì biết bao bạn bằng tuổi các con lại không được diễm phúc được rủa tội, và lãnh nhận các Bí Tích như chúng con có ngày hôm nay. Chính vì vậy, tâm tình đầu tiên mà các con cần phải có là tâm tình tạ ơn, tạ ơn vì Chúa đã ban cho chúng ta ơn đức tin. Con người không chỉ sống bằng cơm ăn áo mặc… mà còn phải có sự sống thiêng liêng mà đức tin mang lại cho chúng ta.

Ngài quảng diễn thêm: Ơn tiếp theo mà chúng ta cảm cảm tạ là ơn mà Thánh Thần của Chúa ban cho chúng ta. Chúa Thánh Thần chính là Đấng ban sự sống và thần khí. Chúng ta phải tạ ơn Chúa đã ban thần khi cho chúng ta được sống, và sống dồi dào.
Ngài kết luận Cha muốn nhắn nhủ các con hãy năng học hỏi Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống hằng ngày.

Nghi thức Thêm sức bắt đầu bằng việc tuyên xưng đức tin của mình, toàn thể cộng đoàn cùng hiệp thông với các em trong niềm tin vào Chúa Ba Ngôi. Tiếp dến, giây phút mong chờ đã dến, các em cùng cha mẹ đỡ dầu tiến lên cung thánh để ĐGM ghi dấu ấn tín ơn Chúa Thánh Thần và trao ban bình an để xin ơn Chúa Thánh Thần đến ban sức mạnh cho các em, nhờ đó các em làm chứng cho Chúa Ki Tô và sống gắn bó hơn với Hội Thánh Chúa.

Tiếp đén là nghi thức tuyên hứa Bao Đồng, trước sự hiện diện của ĐGM, các cha và toàn thể cộng đoàn, các em mạnh dạn tuyên hứa theo Chúa, quyết tâm dấn bước theo Ngài đến cùng và ca đảm làm chứng cho Tin Mừng.

Thánh lễ tiếp tưc với lời nguyện tín hứu và dâng của lễ.

Sau lới nguyện hiệp lễ, Ông chủ tịch HĐMV báo cáo lên ĐGM những sinh hoạt của giáo xứ trong năm qua, đồng thời cũng cám ơn hai Cha, quý Huynh trưởng GLV đã dậy dỗ các em trong suốt thới gian qua.

Thánh lễ kết thúc lúc 20g, ĐGM, quý Lm đã cùng chụp hình lưu niệm với các em vừa lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức và Rước Lễ trọng thể.

Vinh sơn Trần văn Đẩu



 
Giới Hiền Mẫu Giáo xứ Thánh Tâm Hành hương Đức Mẹ Núi Cúi dịp Bổn mạng
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
21:03 05/07/2020
Chiều Thứ Bảy 04/07/2020, Giới Hiền Mẫu Giáo xứ Thánh Tâm, Hạt Hố Nai đã thực hiện chuyến hành hương đến Đức Mẹ Núi Cúi nhân dịp mừng Bổn Mạng sắp tới của quý chị em trong giới hiền mẫu: Thánh Anê Lê Thị Thành (12/7). Không chỉ có quý bà, quý chị trong chuyến hành hương đặc biệt, nhưng Cha Chánh Xứ Giuse Hà Đăng Định, cùng quý vị trong Ban Hành Giáo và đại diện giới Gia Trưởng, ca đoàn Giới Trẻ cũng cùng đồng hành, hiện diện, và hiệp thông với Giới Hiền Mẫu. Bên cạnh đó, có một sự hiệp thông đặc biệt trong chương trình hành hương Đức Mẹ nhân dịp mừng Bổn Mạng, quý chị em Hiền Mẫu Giáo xứ Thánh Tâm còn được sự đồng hành của Giới Hiền Mẫu Giáo xứ Đồng Phát, Hạt Phú Thịnh, khi mọi người cùng hò hẹn nhau đến với Mẹ Maria trong chiều ngày này.

Xem hình hành hương

Trước Thánh Lễ, Cha Chánh Xứ Giuse, quý hiền mẫu của hai xứ, và các khách hành hương đã cùng cử hành giờ kinh khấn Mẹ trong tâm tình yêu mến, tin tưởng vào lời chuyển cầu của Mẹ Maria trước tòa Chúa. Vì thế, mọi ý nguyện xin từ chung cho đến cá nhân đều được đặt vào trong giờ Kinh Khấn Mẹ với tất cả sự phó thác cậy trông.

“Nhờ Mẹ đến với Chúa” quả đúng như tâm tình chiều nay của mọi người hiện diện. Bởi sau giờ kinh tôn kính Mẹ Maria, Cha Chánh Xứ Giuse đã chủ tế Thánh Lễ, cùng với Cha Đa Minh Bùi Anh Nhân, Dòng Máu Châu Báu- dâng kính mừng Mẹ Maria với các ý cầu nguyện đặc biệt cho giới Hiền Mẫu của hai giáo xứ trong dịp mừng Bổn Mạng, cho những ý nguyện cầu riêng của từng hội viên, các khách hành hương. Đặc biệt, Cha Giuse cũng mời gọi cộng đoàn tham dự cầu nguyện cho quý Đức Cha trong Giáo phận, Cha Giám Đốc, quý Cha và mọi người đang phụ trách, cộng tác xây dựng trung tâm hành hương Núi Cúi. Với tất cả ý nguyện dâng lên Chúa, Cha Giuse nói “với biết bao tâm tình, với biết bao nỗi khát mong…dâng lên Mẹ Maria, để nhờ Mẹ dâng lên Chúa cho chúng ta. Để nhờ uy tín, uy thế của Mẹ, chắc chắn Chúa sẽ thương nhậm lời, ban lại cho chúng ta những ơn chúng ta khẩn xin, nhất là những ơn thiêng liêng, những ơn ban lại sự sống đời đời.”

Cũng trong những giây phút ngỏ lời với cộng đoàn trước khi bắt đầu Thánh Lễ, Cha Giuse đã thay mặt cộng đoàn, Giới Hiền Mẫu Giáo xứ Thánh Tâm để chào thăm mọi chị em giới Hiền Mẫu của Giáo xứ Đồng Phát và quý khách hành hương đến với Mẹ Vô Nhiễm tại Núi Cúi chiều hôm đó.

Nhờ có Mẹ đồng hành và cùng hiện diện trong Thánh Lễ, dường như mọi người đều có thể cảm nhận được bầu khí trang nghiêm, sốt sắng, cũng như đã và đang nhận ra nhiều ơn thánh của Chúa đổ xuống trên từng người, đặc biệt trên quý chị em trong giới Hiền Mẫu của hai giáo xứ. Với nguồn dưỡng nuôi từ Lời Chúa từ Tin Mừng Luca (1, 39-59), được soi dẫn từ tình yêu quảng đại của Đức Maria dành cho người chị họ Elisabet, những người mẹ đang hiện diện trong Thánh Lễ hành hương như được tiếp thêm lửa yêu mến, sự quảng đại, kiên nhẫn, vị tha để sống ơn gọi hôn nhân-gia đình một cách tròn đầy hơn trong chính vai trò của họ.

Tạ ơn Chúa đã ban cho nhân loại người Mẹ tuyệt vời là Đức Maria, để nhờ Mẹ, những người mẹ, người vợ trong gia đình, đặc biệt là quý chị trong giới hiền mẫu của Giáo xứ Thánh Tâm và Đồng Phát sẽ tiếp thêm được nơi họ một tình yêu dịu dàng, bao la và ngọt ngào, nhưng cũng thật kiên quyết. Để nhờ đó, họ có thể noi theo bước chân của vị thánh bổn mạng – Thánh An ê Lê Thị Thành, họ sẽ kiên vững trong đức tin và tình yêu với Chúa, không chỉ cho họ, nhưng còn là giáo dục con cái và hướng dẫn gia đình của họ trở thành những Ki tô hữu nhiệt thành và trung thành với Chúa đến trọn đời.

Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đức Maria trong tâm thức Công Giáo Việt Nam
Vũ Văn An
18:47 05/07/2020

Trong bài “Đức Maria ở buổi đầu Đạo Công Giáo ở Việt Nam” (Vietcatholic.net.news, các ngày 19-04-2010 và 23-04-2010), chúng tôi đã lược qua hiện trạng lòng sùng kính Đức Mẹ trong Giáo Hội hoàn vũ lúc Inikhu và các nhà truyền giáo Dòng Tên đặt chân tới Việt Nam cũng như một số nét căn bản về Đức Mẹ được các nhà truyền giáo này rao giảng cho tín hữu Việt Nam lúc ấy. Tài liệu về việc rao giảng này rất ít, một phần vì các nhà truyền giáo lúc ấy chú tâm tới việc giới thiệu những nét đẹp của đất nước và con người Việt Nam nhất là tinh thần sống đạo và làm chứng cho đạo của người tân tòng Việt Nam, để mong nhận được từ thế giới Kitô Giáo Phương Tây sự yểm trợ bằng lời cầu nguyện, bằng việc hỗ trợ chính thức và nhất là bằng cách dấn thân lên đường truyền giáo như họ hơn là trình bày những điều mình giảng dạy. Phần khác, cũng như sách Giáo Lý của Công Đồng Triđentinô lúc ấy tránh không nói nhiều đến Đức Mẹ như thời Trung Cổ, nhất là không nói đến Ngài một cách riêng rẽ mà lồng Ngài vào chương trình Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, nên các nhà truyền giáo, nếu có nói đến Đức Mẹ, cũng đã theo cùng một khuôn thước như vậy.



Kinh Mân Côi

Nhưng khi đã nói đến Ngài, họ đã không bỏ qua bất cứ chủ đề và thực hành nào từng đã được mười mấy thế kỷ lịch sử Giáo Hội tuyên giảng và thực hành. Và việc tuyên giảng cũng như thực hành này đã đi vào chiều sâu, chứ không hẳn hời hợt bên ngoài. Ở đây, chỉ xin đơn cử chuỗi tràng hạt. Như đã thấy, Cha De Pina cho rằng trong khoảng các năm 1616 tới 1622, người giáo hữu Việt Nam đã biết biến cỗ tràng hạt từ vật trang trí đeo cổ để người khác nhận ra mình là người có đạo thành dụng cụ cầu nguyện. Bước nhẩy vọt này thực ra không thua xa giáo dân các nước Tây Phương, những người vốn có truyền thống giữ đạo từ mười mấy thế kỷ trước. Thực thế, tuy giáo hữu Tây Phương đã dùng tràng hạt để đếm các kinh Kính Mừng được lặp đi lặp lại từ trước thời Thánh Đa Minh, nhưng việc suy ngắm các mầu nhiệm trong đạo mà hiện nay gắn liền với việc đọc kinh Mân Côi chỉ bắt đầu mới có vào cùng thời với các nhà truyền giáo Dòng Tên vào Việt Nam.

Việc đọc kinh Mân Côi càng phát triển sâu rộng với sự có mặt của các cha Dòng Đa Minh từ tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi, Manila, tới Việt Nam. Nó sẽ trở thành một yếu tố không thể thiếu trong bất cứ cuộc tụ tập nào của người giáo hữu Việt Nam, dù là trong gia đình, trong dòng họ, trong chòm xóm, trong họ đạo, trong xứ đạo… Đã tụ tập nhau là có đọc kinh Mân Côi. Không đọc kinh Mân Côi, người giáo hữu Việt Nam coi như chưa gặp nhau để hành đạo. Khỏi nói, cũng đủ thấy: thời cấm đạo, chuỗi hạt Mân Côi đã trở thành nguồn suối ủi an và nâng đỡ người giáo dân Việt Nam ra sao. Tài liệu trên mạng của hội chủng sinh Xuân Lộc cho thấy trong khi khốn quẫn thời cấm cách, giáo hữu Cổ Vưu tại La Vang cũng như giáo hữu Trà Kiệu chỉ biết lần chuỗi Mân Côi. Về phương diện cá nhân, việc lần chuỗi Mân Côi của người giáo hữu Việt Nam nhuần nhuyễn đến độ đã biến tràng chuỗi ấy trở thành đơn vị đo đường dài. Linh mục An Bình, CMC, trong bài “Giáo Dân Việt Nam đặc biệt tôn kính Đức Mẹ” (liên mạng) quả quyết rằng nhiều người nhà quê bình dân không có đồng hồ, kém học thức, chỉ biết tính quãng đường dài bằng mấy tràng hạt họ đọc dọc đường. Giống đồng bào thiểu số đo đường dài vào rừng đốn củi bằng những lần đổi dao dựa từ vai phải qua vai trái.

Các hình thức sùng kính khác

Các nhà truyền giáo ban đầu cũng cho ta hay các giáo hữu thời đó đã sử dụng tràng hạt làm khí giới chống lại mãnh lực của ma qủy. Cha Luis Gaspar, trong Tường Trình Về Đàng Trong năm 1621, kể rằng: “Một cô gái lương dân bị ma quỷ ám và bị nó hành hạ. Cô có một em trai là giáo dân. Người em buồn bực vì thấy chị khổ sở, liền đặt trên mình chị một cỗ tràng hạt Đức Mẹ và đã cứu được chị”. Cha Giuliano Baldinotti, trong Tường Trình Về Đàng Ngoài năm 1626 kể lại một trường hợp khác: “Như thuyền trưởng kể lại cho tôi, bà lấy tràng hạt đeo vào cổ, thế là bà được thoát khỏi mọi hành hạ của ma quỷ”. Còn Cha Francisco Cardim, trong Tường Trình Về Đàng Ngoài năm 1646, có nêu một trong các lý do khiến lương dân tìm học đạo như sau: “Khi thấy các Kitô hữu đuổi tà ma ra khỏi nhà lương dân bằng tràng hạt và nước phép, và nhà cửa của họ không bị quỷ ám ảnh hay hành hung, thì họ đến xin học đạo và chịu phép thánh tẩy”.

Lòng sùng kính Đức Mẹ buổi đầu của giáo hữu Việt Nam cũng được thể hiện dưới nhiều hình thức khác. “Các cha nghe tin đứa bé chết thì đến nhà cùng mấy giáo dân; các người quỳ và đọc mấy kinh và kinh cầu Đức Trinh Nữ, thế là đứa bé thở đều làm cho mọi người vui mừng” (Gaspar).

Đó là ngày mồng 3 tháng 7 năm 1645, thân xác tôi rời bỏ Đàng Trong nhưng linh hồn tôi thì không, cả Đàng Ngoài cũng không kém. Thực ra cả hồn cả xác tôi đều ở cả hai nơi và tôi không nghĩ tôi có thể rời bỏ mãi được. Mới ra tới biển thì một trận bão rất dữ dằn nổi lên làm cho tàu chúng tôi gần như bị vỡ. Trong cơn nguy khốn hiển nhiên chung cho cả mọi người trong tàu, tôi liền đem thủ cấp Anrê đặt ở một nơi xứng đáng, giữa boong thượng. Tôi mời tất cả mọi người đến, rồi tôi bắt đầu đọc lớn tiếng kinh cầu Đức Trinh Nữ, xin đấng quan thầy cứu chữa. Chưa đọc xong thì tức khắc cơn bão yên hẳn làm cho tất cả kêu lên: Phép lạ! Phép lạ! Gió thuận chiều đến nỗi đã may mắn đưa chúng tôi tới bến Macao đúng hai mươi ngày sau khi rời bỏ Đàng Trong (Đắc Lộ).

Cũng trong Tường Trình trên, Cha Gaspar kể về hình thức dùng nghệ thuật tỏ lòng sùng kính ấy: “Ông bị bại liệt tứ chi, không đưa tay lên miệng được. Ông muốn vẽ ảnh Đức Mẹ (ông thường ưa làm việc này), ông cho người đem tới bút và tất cả những gì cần thiết. Lạ lùng thay! Vừa giơ tay ra để vẽ thì thấy khỏi bệnh, tay, ngón tay và các chi thể khác đều cử động. Ông và mọi người thấy ông đều rất mực sửng sốt. Ai cũng cho là phép lạ. Thế là để tỏ ra không bội bạc về ơn đã được, ông chuyên chú vẽ và trong ít lâu ông gửi cho chúng tôi không những ảnh Đức Mẹ và ảnh thánh Giuse mà cả mấy ảnh khác”.

Đức Mẹ hiện ra cả với người chưa gia nhập đạo

Linh mục G.Audigou, M.E.P, trong cuốn Le Culte Marial en Indochine, cũng cho rằng kinh Mân Côi là kinh ưa chuộng của giáo hữu Việt Nam. Theo tác giả này, thời cấm đạo, dù ở trong tù hay trên đường tới pháp trường, việc lần chuỗi Mân Côi, kêu cầu Đức Mẹ, vẫn luôn ở trên môi họ.

Cha cho hay: Các qui định của các giáo phận dự trù việc đọc trọn kinh mân côi mỗi Chúa Nhật: một chuỗi vào ban sáng, một chuỗi vào ban trưa, và một chuỗi vào buổi tối và các Kitô hữu luôn trung thành với việc này.

Biết bao lần, du hành qua các làng mạc hay chèo thuyền trên các kinh lạch, người ta nghe thấy tiếng đọc kinh cầu hay lần tràng hạt, nghe như các đan sĩ đang hát thánh vịnh: nơi nào người ta kêu cầu Đức Trinh Nữ nơi ấy chính là một tổ ấm Công Giáo. Cũng thế, canh thức người chết, dự đám tang, tất cả đều họp nhau đọc kinh mân côi.

Điều đặc biệt được Cha Audigou lưu ý là Đức Mẹ thương yêu cả những người chưa gia nhập đạo bằng cách hiện ra với họ, “chỉ bảo đường lành”cho họ. Trong tác phẩm đã dẫn, Cha trưng dẫn Cha P. Borri, “người đầu tiên mô tả về xứ Annam” đã để lại một “relation” (tường thuật) đáng lưu ý vì “tính ngây thơ, đầy duyên dáng trong các câu truyện của ngài” trong đó, ngài thuật lại một việc can thiệp của Đức Maria trong việc trở lại. “Một ngày kia, đang ở trong nhà, chúng tôi thấy xuất hiện ở cánh đồng một cuộc rước long trọng gồm rất nhiều người đàn ông đang đi về phía chúng tôi. Khi họ tới gần, chúng tôi hỏi họ muốn gì. Họ đáp họ thấy, ở lãnh thổ họ, một bà rất đẹp ở trên không, ngự trên một chiếc ngai bằng mây sáng láng, bà nói với họ đi đến một thị trấn kia nơi họ sẽ gặp được Các Cha để dạy họ con đường chắc chắn dẫn đến vinh quang và nhận biết Chúa Trời đích thực. Sau khi tạ ơn Đức Mẹ vì đã ban một ơn phúc lớn lao dường ấy, chúng tôi đã dạy giáo lý cho mọi người, và sau khi khi đã rửa tội cho họ, chúng tôi cho họ ra về hết sức hài lòng”.

Cha cho rằng vị tông đồ đáng lưu ý nhất thời này là Cha Alexandre de Rhodes, người, trong Phép Giảng Tám Ngày của ngài, đã để lại cho chúng ta những phác thảo huấn giáo đầu tiên về Thánh Mẫu dành cho các tân tòng: cha lồng nó vào “Ngày thứ Năm” của chương trình giáo lý tám ngày, trong nối kết với mầu nhiệm Nhập Thể, và trước hết dưới hình thức thuật truyện. Ngài cũng trình bầy một cách sống động Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và luôn luôn đồng trinh, được Thiên Chúa sủng ái ban ơn Vô Nhiễm Thai. Ngài còn thêm các lời khuyên thực tiễn, được thích ứng khéo léo với phong tục cửa xứ sở:

“Sau khi đã dạy tất cả các điều ấy, phải chuẩn bị một bức tranh đẹp, vẽ Trinh nữ và Mẹ Maria chí thánh, bồng Con Trai ngài, là Chúa Giêsu hài đồng, để chúng tôi có thể phủ phục trước ảnh này. Nhưng trước tiên, chúng tôi phải phủ phục để thờ lạy Thiên Chúa Duy nhất trong Ba ngôi: ba lần phủ phục... Cuối cùng, chúng tôi cũng phải tôn vinh Trinh nữ Rất thánh, bằng cách phủ phục một lần: thực vậy, dù chúng tôi biết Trinh Nữ Tối Cao không phải là Thiên Chúa, nhưng vì ngài là Mẹ Thiên Chúa và như thế có thế lực tối cao để chuyển cầu cùng Con của ngài, Đấng đích thực là Thiên Chúa, chúng ta nên dựa vào ngài để xin ơn tha thứ mọi tội lỗi của chúng ta”.

Tâm tình giáo hữu Việt Nam dành cho Đức Mẹ

Cha Audigou nhận định rằng: nếu bạn có dịp ra Miền Bắc Việt Nam, bạn dễ dàng nhận diện ai là Kitô hữu vì họ có thói quen đeo ảnh tượng chạm trổ đẹp đẽ và tràng hạt quanh cổ.

Ở gian giữa căn nhà của họ, ở chỗ danh dự trên các con thuyền, bàn thờ gia đình thường được dành cho Đức Mẹ, chưa kể một số ảnh tượng trang trí và che chở gia đình.

Vị trí của Đức Mẹ trong đời sống Kitô hữu cũng được nhìn thấy qua các lời khẩn cầu và tạ ơn người ta dâng lên ngài: họ gán cho ngài các ơn phúc nhận được, họ phó thác tương lai cho ngài: “nhờ ơn Đức Mẹ...”. Mặc dù Đức Mẹ được tôn kính bằng nhiều tước hiệu cổ truyền trong Giáo Hội, nhưng tước hiệu thông thường nhất, phát xuất gần như tự phát từ môi miệng họ là tước hiệu “Mẹ”. Chính với tước hiệu này, người tín hữu Việt Nam, hạnh phúc có Mẹ Thiên Chúa làm mẹ mình, đã chạy đến với ngài hết sức thường xuyên, với một sự tín thác đầy âu yếm và thực sự con thảo. Họ nói với ngài một cách đơn sơ, giãi bầy với ngài các buồn đau và nhu cầu của họ, hoàn toàn tin chắc lòng từ nhân của đấng họ khẩn cầu. Họ biết rõ các đặc ân và vinh hiển của ngài, nhưng điều đánh động họ một cách đặc biệt, chính là: ngài là bà Mẹ tuyệt vời, là Mẹ của họ.

Điều kỳ lạ là người Việt Nam có thói quen không đọc tên vua hay những vị vọng (húy), cả việc nhắc tên một ai đó cũng bị họ coi là bất lịch sự, nhưng việc tôn kính các Thánh danh Giêsu và Maria thì đã được phát triển ngay từ buổi đầu, không một ai phản kháng cả. Sản phẩm đầu mùa của hàng ngàn tử đạo là hai ông Augustinô và Alêxù, lúc sắp bị hành quyết, cả hai đều sốt sắng kêu các thánh danh Giêsu và Maria.

Mọi nhà thờ của họ, dù khiêm nhường nhất với mái rạ, đều có ảnh tượng Đức Mẹ: Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Fatima...

Họ cũng sớm dành cho ngài nhiều đền thánh ưu hạng. Đôi khi một thừa sai, vốn là tôi trung sốt mến của Đức Mẹ, khởi xướng một trung tâm hành hương, như trong giáo phận Phát Diệm, Cha P. Pléneau, nhờ phân phối nước Lộ Đức, đã lập ra cả một phong trào. Các giáo xứ nơi hội Mân Côi được thiết lập cũng tạo thành các trung tâm nơi các giáo xứ lân cận đến tham dự các ngày lễ hội kính Đức Mẹ nhất là tham dự các cuộc rước kiệu. Ở Bảo Nham, thuộc Nghệ An, một ngôi thánh đường bằng đá dâng kính Đức Mẹ đã được xây cất, cám ơn ngài đã che chở các Kitô hữu trong cuộc tàn sát năm 1885, và một bức tượng Đức Mẹ được đặt trong hang đá, nơi các Kitô hữu bị thiêu sống. Tại Trà Kiệu (Quảng Nam), Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu đã triệu tập khách hành hương tới ngôi nhà thờ xây trên chỏm núi của ngài...

Cha Audigou cũng cho hay: từ Bắc vô Nam, các dòng Cát Minh ở Hà Nội, Hải phòng, Thanh Hóa, Huế, Saigon... lôi cuốn đặc biệt các Kitô hữu đến dự Lễ Đức Mẹ Núi Cát Minh. Các Cha Dòng Chúa Cứu Thế, nhất là ở Hà Nội, Huế và Sàigòn, lôi kéo rất đông tín hữu tới thực hành các việc đạo đức ngày thứ bẩy; các ngài phổ biến rất thành công việc tôn kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại rất nhiều giáo xứ do các ngài đảm trách.

Nơi hành hương chính kính Đức Mẹ hiển nhiên là La Vang, ở Trung phần Việt Nam, một ngôi làng nhỏ bé cách Huế 60 kilômét về phía bắc...

Cha Audigou mô tả bầu khí hành hương tại La Vang: Bầu khí hoàn toàn sốt mến và cầu nguyện, trong niềm hân hoan bừng nở một cách không thể thiếu loại biểu dương này ở Việt Nam. Người ta không tìm thấy ở đây những kẻ tò mò hay chán đời mà chỉ là các tín hữu; những người này có thể có một ơn phúc đặc biệt nào đó để kêu cầu, nhưng đúng hơn, họ đến đây để bày tỏ với Mẹ Nhân Lành tình âu yếm của họ, lòng tôn kính và sự tín thác của họ.

Đặc tính và ảnh hưởng

Theo Cha Audigou, lòng sùng kính Đức Mẹ của người Viêt Nam vừa sốt sắng vừa vững chắc: không rườm rà mà cũng không mầu mè, nhưng cân bằng hợp lý giữa các biểu lộ bề ngoài và tâm tư bề trong. Đôi khi có việc người ta nói đến những chuyện lạ lùng gán cho Đức Mẹ: được phép lạ khỏi bệnh, hiện ra, được bảo vệ nhãn tiền trong các cuộc dội bom: việc này, việc lạ lùng này, thường xẩy ra với người không phải là Kitô hữu. Nhưng không hề có việc tìm kiếm chuyện lạ lùng. Căn bản của lòng sùng kính chỉ là đức tin, được nuôi dưỡng bằng giáo huấn của Giáo Hội.

Trong số các tác phẩm nhằm nuôi dưỡng và kích thích lòng sốt sắng của tín hữu, các nhà truyền giáo đã hiệu đính nhiều sách viết về Trinh Nữ Rất Thánh, đặc biệt phiên dịch các tác phẩm nổi tiếng như “mầu nhiệm Đức Maria” và “khảo luận về lòng tôn sùng đích thực Trinh Nữ Rất Thánh” của Thánh Grignion de Montfort, “Các Vinh dự của Đức Maria” của Thánh Anphonsô thành Ligori, các “Tháng Đức Mẹ”... Hiện tại, báo chí về Đức Mẹ có tờ “Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp”, cơ quan ngôn luận của các cha Dòng Chúa Cứu Thế, “Trái Tim Đức Mẹ” do các Cha Dòng Đa Minh chủ biên, “Đạo Binh Đức Mẹ”...

Trong số các nhân tố vẫn còn đang tạo điều kiện cho đức tin này, phải kể đặc tính sùng đạo của người Việt Nam và việc họ tôn trọng gia đình, nhất là người mẹ trong gia đình... Nên một khi tin Đức Maria, Mẹ Chúa và Mẹ rất nhân lành và dịu dàng của chúng ta, người giáo hữu Việt Nam dễ dàng dành hết cho ngài tình âu yếm và tín thác của họ. Có thể nói: Họ cảm thấy ngài rất gần gũi với họ.

Họ có một thiện cảm đặc biệt đối với những gì đụng tới gia đình, họ có truyền thống dành cho người mẹ một vị trí ưu tuyển trong gia đình.

“Ngay trong các gia đình dân dã, nhưng nhất là trong thế giới khá giả và trong các gia đình thượng lưu quan chức, chính người mẹ chỉ huy đối với những gì liên quan đến việc tổ chức công việc, chi tiêu, con cái, người làm, và “không ai dám nói ngược lại”. Đó chính là điều làm nên sức mạnh gia đình Việt Nam cả về phương diện kỷ luật lẫn về phương diện ổn định và cơ nghiệp.

Đức Maria, đối với họ như Bà Mẹ lý tưởng và là Mẹ nuôi của riêng họ, lôi cuốn họ một cách không thể cưỡng lại được. Chính vì thế, trong số các tước hiệu của ngài, họ đặc biệt giữ lại tước hiệu Mẹ.

Lòng sùng kính Đức Mẹ, thẩm thấu sâu xa một cách hết sức tự nhiên vào cảnh thân mật của cuộc sống người Việt Nam, hoà hợp với nền văn minh và các lo toan của họ, hẳn đóng ở đó vai trò của một chất men.

Cha không quên nhắc đến lãnh vực văn chương, trong đó, một thi sĩ trẻ đã cảm nhận được một cách đặc biệt ảnh hưởng của Đức Mẹ: đó chính là “thi sĩ cùi” Hàn Mặc Tử.

Cha Audigou kết luận như sau: “Chúng tôi không tin mình cường điệu khi nói rằng chính lòng sùng kính Trinh Nữ Rất Thánh và kinh Mân Côi không những đã duy trì tôn giáo khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn ở Bắc Việt mà còn làm nó phục sinh một cách rạng rỡ và phồn thịnh hơn trước các cuộc cấm cách. Vâng, đó là xác tín của chúng tôi: cảm động vì lòng hiếu thảo của các Kitô hữu của chúng ta, Trinh Nữ Rất Thánh đã bẻ gẫy các dự án của kẻ thù của chúng ta trong quá khứ, và chúng ta hy vọng một cách chắc chắn rằng trong tương lai, điều đó cũng sẽ xẩy ra y như vậy”.

Đức Maria trong lòng đạo đức và thần học Việt Nam

Đó là tựa đề một khảo luận bằng tiếng Anh của Cha Phan Đình Cho (Mary in the Vietnamese Piety and Theology) in trong In Our Own Tongues, Perspectives on Mission and Inculturation, xuất bản năm 2003 do Nhà Xuất Bản Makyknoll, New York.

Cha khởi đầu bằng cách gọi người Việt Nam là pueblo amante de Maria (dân tộc yêu mến Đức Maria). Cha muốn tìm hiểu gốc rễ và đặc tính của lòng đạo đức và nền thần học Việt Nam về Đức Mẹ.

Gốc rễ ấy là các nhà truyền giáo, hàng đầu là các nhà truyền giáo Dòng Tên người Bồ đào nha, với một ít khác là người Ý, Nhật, và Pháp. Người Bồ nổi tiếng về điều ngày nay ta gọi là lòng đạo bình dân, trong đó, nổi bật nhất là lòng sùng kính Thánh Mẫu. Nhân tố trí thức và cả phẩm trật không nổi bật. Cho nên lòng đạo ấy cho thấy nét phong phú của các khía cạnh thính thị và kịch tính làm phương tiện thông đạt Tin Mừng: giầu về thánh tích, đền thánh, hành hương, lễ hội, ca hát, dã sử, diễn kịch, hội họa, điêu khắc, bảo trợ các nhà thờ, đan viện, giảng thuyết, sách sùng kính, thị kiến...

Thêm vào đó là nhân tố Pháp qua nhân vật nổi tiếng Đắc Lộ. Trong cuốn Catechismus (Phép Giảng Tám Ngày), Cha Đắc Lộ nhắc đến mọi tín điều về Đức Mẹ, trong đó, có các tín điều Mẹ Thiên Chúa, trọn đời đồng trinh và cả vô nhiễm nguyên tội. Và như trên đã nói, cha nói nhiều hơn đến việc sùng kính Đức Mẹ qua việc phủ phục trước ngài một lần thay vì ba lần như đối với Thiên Chúa.

Qua sách trên, theo Cha Cho, ta thấy một số nét trong chủ trương của Cha Đắc Lộ: ngài ưa nói đến ảnh tượng Đức Mẹ bồng Chúa Hài Đồng như một nhắc nhở không nên tách biệt giữa Kitô học và Thánh Mẫu học trong nền thần học của ngài, giống như ngài đã lồng phần nói về Đức Mẹ trong trình thuật nói về cuộc đời Chúa Giêsu. Thứ hai, Cha Đắc Lộ biểu lộ một mẫn cảm rất lớn đối với nền văn hóa Việt Nam thời ấy: phủ phục để tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ. Thứ ba: tuy phủ phục, nhưng trước Thiên Chúa phải phủ phục ba lần thay vì một lần như trước Đức Mẹ: vì Đức Mẹ không phải là Thiên Chúa! Thứ bốn: lý do của việc sùng kính Đức Mẹ là ảnh hưởng hữu hiệu của ngài đối với Con của ngài qua việc cầu bầu. Cuối cùng, trong việc sùng kính này, ta không tìm ơn ích vật chất mà là ơn ích thiêng liêng (tha tội).

Cha Cho nhận định rằng Thánh mẫu học của Cha Đắc Lộ nuôi dưỡng lòng sùng kính Thánh Mẫu của người Việt Nam suốt hơn 3 trăm năm về sau cho tận mãi Công đồng Vatican II mới có thêm những tầm nhìn thông sáng mới.



Về phía Hội Thừa Sai Paris, Cha Cho nói rằng Đức Cha Pallu vốn là thành viên của một hiệp hội Thánh Mẫu tức Société des Bons Amis do Cha Dòng Tên Jean Bagot thành lập với mục đích vun trồng lòng sùng kính đặc biệt đối với Đức Mẹ. Ngài cũng là người đã bênh vực cuốn sách của người bạn, Henri-Marie Bourdon, Le saint esclavage de l’Admirable Mère de Dieu, lúc ấy bị Rôma kết án, dọn đường cho công trình thánh mẫu của Thánh Grignion de Montfort. Cả Đức Cha Pallu lẫn Đức Cha de la Motte đều chịu ảnh hưởng lớn lao của Đức Hồng Y Pierre de Bérulle, người vốn cổ vũ thói quen tận hiến làm nô lệ cho Đức Mẹ, và của Thánh Jean Eudes với nền linh đạo có tính Thánh Mẫu sâu sắc.

Chính vì thế Việt Nam nhiều lần đã được dâng hiến cho Đức Mẹ: lần đầu tiên năm 1868 bởi Đức Cha Paul Puginier. Lần thứ hai long trọng hơn, đó là năm 1959 trong Đại Hội Thánh Mẫu Toàn Quốc. Việc này được lặp lại một năm sau để mừng việc thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam.

Việc đọc kinh mân côi, lẽ dĩ nhiên, được cha Cho qui cho các Cha Dòng Đa Minh. Việc sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được qui cho các Cha Dòng Chúa Cứu Thế và việc sùng kính Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu được qui cho các Cha Dòng Don Bosco.

Lòng sùng kính nào đối với Đức Mẹ trên thế giới cũng nhanh chóng được loan truyền nơi người Việt Nam: Đức Mẹ La Salette, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Fatima đều được giáo hữu Việt Nam tôn kính.

Hai tháng 5 và tháng 10 hàng năm được các giáo hữu Việt Nam sốt sắng cử hành với việc dâng hoa dâng hạt, hàng họ, hàng xứ, hàng giáo phận có khi cả hàng liên giáo phận. Hầu như cá nhân nào cũng có ảnh vẩy, áo Đức Bà, tràng hạt đeo quanh cổ cho mọi người thấy. Và hễ có dịp và phương thế, họ chẳng ngại đi viếng đền thánh Đức Mẹ hay trung tâm Thánh Mẫu. Các hiệp hội Đức Mẹ như Đạo Binh Đức Mẹ, Đạo Binh Xanh lúc nào, thời nào cũng có người gia nhập và hoạt động tích cực. Các tác phẩm thánh mẫu nổi tiếng quốc tế đều được dịch sang tiếng Việt và phổ biến rộng rãi, ảnh hưởng tới văn chương, nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc và sưu tầm tem thư Công Giáo Việt Nam.

Cha Cho nhận định rằng lòng sùng kính Đức Mẹ của người Việt Nam có tính truyền thống theo nghĩa nó bắt nguồn từ giáo huấn của Giáo Hội về Đức Maria, khởi đi từ Catechismus của Cha Đắc Lộ. Thứ hai, nó cũng có tính truyền thống theo nghĩa thừa hưởng nếu không mọi thực hành Thánh Mẫu của Tây Phương, thì ít nhất cũng từ nhiều đợt thừa sai khác nhau. Thứ ba, lòng sùng kính Đức Mẹ có tính bình dân theo nghĩa loan truyền cùng khắp và được thực hành bởi người dân dã Công Giáo, những người coi Đức Mẹ như cửa ngõ dẫn tới Thiên Chúa. Thứ tư, dù bình dân, nó được hàng giáo phẩm nhiệt liệt chấp thuận và khuyến khích. Thứ năm, dù du nhập từ bên ngoài, lòng sùng kính Đức Mẹ đã bén rễ thật sâu xa vào mảnh đất Việt Nam đến nỗi đã sản sinh ra cả một dòng tu, đó là Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc (Mới đây, sau phát biểu của Đức Phanxicô, Dòng đã đổi tên thành Dòng Đức Mẹ Chúa Cứu Chuộc [Congregation of the Mother of the Redeemer]).



Về Các lần Đức Mẹ hiện ra ở Việt Nam, Cha Cho nhận xét: so với các lần Đức Mẹ hiện ra ở các nước Tây Phương, các lần ngài hiện ra ở Việt Nam không được một tài liệu lịch sử nào chứng thực, mà chỉ theo truyền thuyết. Đức Mẹ ở Việt Nam cũng không hiện ra với các cá nhân có danh tính, mà với cả một nhóm người vô danh. Cũng không có sứ điệp nào thuộc tín lý để truyền tải, hay một thực hành nào cần truyền bá. Ngài hiện ra với các nhóm tín hữu trong cảnh bách hại và hứa sẽ bảo vệ họ. Có điều, giống như trường hợp được Cha Borri tường trình trên đây, cả người lương giáo cũng được thị kiến việc Đức Mẹ hiện ra ở La Vang và nhất là Trà Kiệu, vì sở dĩ Văn Thân không đánh bại được giáo dân Trà Kiệu là vì họ thấy một bà áo trắng ngự trên nóc nhà thờ khiến các trái đại pháo của họ đi trệch mục tiêu hết.

Dù không có văn kiện nào của Giáo Hội thừa nhận các trình thuật hiện ra nói trên, nhưng tín hữu cả nước, trong đó, có hàng giáo phẩm mọi thời, đều tuốn đến kính viếng, khiến Thánh Gioan XXIII nâng đền thờ La Vang lên hàng tiểu vương cung thánh đường năm 1959 và đền thờ này nay là Trung Tâm Thánh Mẫu của cả nước với lễ kỷ niệm 200 năm vào năm 1999, được long trọng cử hành với đặc sứ của Thánh Gioan Phaolô II là Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng.

Một nền Thánh Mẫu Học Việt Nam

Theo Cha Cho, một nền thánh mẫu học Việt Nam trước hết phải bao gồm yếu tố mẫu thân che chở. Không như những lần hiện ra ở Lộ Đức hay Fatima, Đức Mẹ thường hiện ra ở Việt Nam vào thời cấm đạo, như người mẹ chở che, đầy tình yêu và lòng thương xót con cái. Ngài hiện ra không hề có một sứ điệp nào chứa lời đe dọa trừng phạt kiểu chung tận nếu người Việt Nam không chịu ăn năn, ngài cũng không đòi họ phải trả nghĩa ra sao. Trái lại, vì tình yêu nhưng không và đầy thương xót, ngài giải thoát họ và hứa lắng nghe những ai khẩn cầu ngài. Nói cách khác, ngài là khuôn mặt đầy lòng thương xót và từ bi tinh tuyền. Ngài đau khổ với và che chở người Công Giáo Việt Nam vì họ đau khổ.

Cha cho rằng hình ảnh thương xót và từ bi trên vốn là hình ảnh lôi cuốn người Việt Nam đến với ngài, bất luận họ là Công Giáo hay không. Thực thế, Buddha vốn được trình bầy như người có lòng từ bi vô hạn đối với nhân loại khổ đau, nên đã truyền dạy Bát Chánh Đạo để dẫn con người ra khỏi khổ đau mà bước vào giác ngộ. Ba trong bốn tâm vô lượng cần thiết để thành phật có liên hệ đến lòng thương xót nói chung là từ (mettā, tức tình yêu vô vị kỷ, phổ quát, ôm lấy tất cả), bi (karunā, là lòng cảm thương đối với mọi chúng sinh trong đau khổ, mà không hề có cảm thức tự cao đối với họ), hỉ (miditā, niềm vui vì tha nhân thành công hay vì phúc lợi của họ). Bi vô lượng không phải là một thiện cảm có tính xúc cảm, một cảm giác chỉ có tính thương hại hay một nỗi đau thay cho người khác chẳng giúp đỡ được gì, mà là một lòng cảm thương dẫn đến hành động tích cực vì những người đồng khổ với mình. Ở Việt Nam, nơi Phật giáo Đại thừa thịnh hành, bi vô lượng được nhấn mạnh rất nhiều. Chính trong truyền thống này, chúng ta có nhân vật quán âm bồ tát, một bồ tát vì bi vô lượng đối với chúng sinh đau khổ, đã trì hoãn chính việc giải thoát mình khỏi khổ đau cho tới khi mọi chúng sinh thoát khỏi đau khổ.

Cũng trong truyền thống đó, chúng ta có nhân vật nữ Quan Âm, được mô tả như người mẹ, người chị, người bạn, và nữ hoàng, luôn lắng nghe tiếng kêu than xin cứu giúp. Bà là vị bồ tát đầu tiên người ta chạy tới trong lúc gặp khó khăn và là vị người ta đến tạ ơn sau ơn phúc nhận được. Ở Việt Nam, theo Cha Cho, bà thường được trình bầy tay ôm đứa trẻ, chân phải đạp đầu con cóc.

Với một bối cảnh văn hóa và tôn giáo như thế, không lạ gì khi người Việt Nam sẵn sàng thấy nơi Đức Maria nhân vật hiện thân cho lòng từ bi thương xót của Thiên Chúa, đấng luôn sẵn sàng cứu giúp họ. Cha Cho quả quyết rằng: “đối với người Công Giáo Việt Nam, Tình yêu và lòng sùng kính Đức Maria như Mẹ Thương Xót là một nối dài tự nhiên của tình yêu và lòng sùng kính đối với Quan Âm Thị Kính”.

Quả quyết trên có thể gây ngỡ ngàng cho nhiều người Công Giáo Việt Nam. Giáo sư Nguyễn Văn Trung, một người Công Giáo vốn được coi là cấp tiến, lúc sống ở Montréal sau năm 2000, trong bài “Nghiên cứu Việt Nam Liên bản”, cũng không đem hai nhân vật này ra so sánh với nhau. Ông so sánh Quan Âm Thị Kính với Thánh nữ Theodora mà theo Hạnh Thánh của nhà truyền giáo Dòng Tên cùng thời với Cha Đắc Lộ, Cha Majorica, cũng có cùng nỗi oan. Tuy nhiên, Giáo sư Trung có mang Đức Maria ra so sánh với Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Ông cho rằng điều này có thể là một xúc phạm đối với nhiều người Công Giáo Việt Nam, nhưng ông cho hay ông chỉ xét các nhân vật này dưới khía cạnh liên bản (intertextualité) văn học vì cùng mang những mô thức (motif) như nhau.

Trở lại với Đức Maria, dựa vào mô thức “Mẹ Thương Xót” thì quả thực lòng sùng kính của người VN nói chung, bất luận là Công Giáo hay không, đối với Đức Mẹ có cùng một động lực như lòng sùng kính của họ đối với Quan Âm Thị Kính. Chúng tôi chỉ dám nói “có cùng một động lực”, không hẳn là một “nối dài” vì không có sử liệu nào cho thấy “sự tích” Quan Âm Thị Kính có trước lòng sùng kính của người Công Giáo Việt Nam đối với Đức Mẹ, vốn có ít nhất từ đầu thế kỷ 16. Trong khi, theo Wikipedia Tiếng Việt, sự tích Quan Âm một là của Nguyễn Cấp sống ở nửa đầu thế kỷ 19 hai là của Đỗ Trọng Dư sống gần cùng thời (thế kỷ 19).

Dù sao, Cha Cho nói rằng: tước hiệu Mẹ Thương xót đã được chính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gán cho Đức Mẹ trong Thông điệp Dives in misericordia của ngài. Vị Thánh Giáo hoàng này viết Đức Mẹ “Nhận thức sâu sắc nhất lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngài biết cái giá của nó, ngài biết nó rất vĩ đại. Theo nghĩa này, ta có thể gọi ngài là Mẹ Thương Xót: Đức Bà Của Lòng Thương Xót, hay Mẹ Của Lòng Chúa Thương Xót”.

Thứ hai, yếu tố quyền lực: cả hai lần hiện ra ở Trà Kiệu và La Vang đều cho thấy việc can thiệp của Đức Mẹ rất mạnh mẽ và hữu hiệu: những người Công Giáo Việt Nam bị vây khốn đã được giải thoát. Ngài là Mẹ Thương Xót nhưng không phải là một bà mẹ yếu thế. Như trên đã nói, từ bi không phải chỉ là lòng thương hại, một thiện cảm xuông, đúng hơn nó thúc đẩy người ta hành động tích cực.

Hình ảnh người đàn bà quyền thế vốn có nhiều đại diện trong nền văn hóa và lịch sử Việt Nam: Hai Bà Trưng xuất hiện ngay từ đầu thế kỷ thứ nhất, Bà Triệu xuất hiện sau đó chừng 2 thế kỷ. Ngoài xã hội, người đàn bà Việt Nam được dành cho nhiều quyền lợi hơn người đàn bà Trung Hoa. Trong gia đình, như Cha Audigou trên đây đã nhận xét, người đàn bà Việt Nam được xem là “nội tướng”, có nhiều quyền điều khiển hơn chồng. Nhất là được con cái nồng nàn yêu thương hơn hết. Chẳng lạ gì, như Cha Audigou đã nhận định, trong các tước hiệu của Đức Mẹ, người Việt Nam thích nhất tước hiệu “Mẹ” của ngài, một người mẹ đầy yêu thương và mạnh thế.

Thứ ba, yếu tố liên tôn: điều lý thú trong phiên bản Phật Giáo về nguồn gốc lòng sùng kinh Đức Mẹ Lavang là chính người Phật Giáo, theo lệnh của chính Buddha, đã tự ý nhường ngôi chùa của họ cho người Công Giáo và người Công Giáo đã biến ngôi chùa này thành ngôi đền dâng kính Đức Mẹ. Ngoài ra, cũng theo phiên bản đó, tượng Buddha không bị đập nát như một thứ ngẫu tượng mà được di chuyển đến một nơi khác.

Còn ở Trà Kiệu, chính người Công Giáo không thị kiến Đức Mẹ mà là người Lương, đúng hơn chính là lực lượng Văn Thân. Có thể nói nhờ những người ngoại giáo, mà người Công Giáo biết Đức Mẹ đã hiện ra và phù hộ họ. Theo một nghĩa nào đó, người Công Giáo phải “biết ơn” những người ngoại giáo này.

Với những sự kiện ấy, có thể quả quyết Đức Mẹ là cầu nối đối thoại liên tôn, nếu không giữa hai tôn giáo định chế Phật Giáo và Công Giáo thì chí ít cũng giữa các tín đồ của cả hai tôn giáo. Thực vậy, chính Giáo sư Trung, trong bài đã dẫn, quả quyết rằng không những người Phật Giáo và người Công Giáo cùng góp phần tạo ra đền thánh Đức Mẹ La Vang, mà họ còn cùng sùng kính ngài nữa. Ông viết: “Cho đến ngày nay, lương giáo vẫn đến cầu nguyện Đức Mẹ Lavang và có những người được toại nguyện. Đức Mẹ Lavang không có những lần hiện ra rõ rệt như ở Lộ Đức, Fatima, nhưng chính niềm tin Đức Mẹ hiện ra là có thật của người dân lương giáo làm cho sự kiện hiện ra là có thật không cần bằng cớ nào khác”.

Giáo sư Trung cũng trích dẫn câu truyện cảm động của Tôi tớ Chúa, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, được người bạn tù vốn là đảng viên Cộng Sản, sau khi được thả tự do, mỗi Chúa Nhật, đạp xe đến La Vang để cầu Đức Mẹ cho ngài, lời lẽ đầy niềm tin tưởng: “Thưa Đức Mẹ, tôi không có đạo, tôi không thuộc kinh nào cả. Nhưng tôi hứa sẽ đi cầu nguyện Đức Mẹ cho anh Thuận, nên tôi đến đây xin Đức Mẹ biết anh Thuận cần gì thì cho anh ấy”. Điều còn lạ lùng hơn nữa là nhờ lời cầu nguyện ấy, Đức Hồng Y Thuận đã được chính Mai Chí Thọ, Bộ trưởng Nội vụ, đích thân đến nhà tù ra lệnh thả tự do cho ngài vào đúng ngày lễ Kính Đức Mẹ dâng mình vào đền thánh 21 tháng 11. Rõ ràng, Tôi tớ Thiên Chúa muốn nhờ Đức Mẹ làm trung gian “đối thoại” cả với những người Cộng Sản!

Nói tóm lại, ở Việt Nam, lòng sùng kính Đức Mẹ không chỉ giới hạn nơi người Công Giáo. Ngược lại, Đức Mẹ coi con dân Việt Nam như con cái ngài, ngài hiện ra với cả lương dân như chính Cha Borri thuật lại và biến cố Trà Kiệu đã chứng minh. Hy vọng có nhiều người cộng sản hơn đến cùng Đức Mẹ như người bạn tù của tôi tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
 
Cảm nghiệm về chân dung người tu sĩ truyền giáo hôm nay
Chủng Sinh Phêrô Nguyễn Văn Huấn
19:17 05/07/2020
Cuộc sống thời nay đã dễ dàng hơn rất nhiều nhờ có sự hỗ trợ đắc lực của các phương tiện kỹ thuật. Lối sống đã khác, nhu cầu cuộc sống cũng đã tăng lên. Nhất là công nghệ đã làm cho khoảng cách không gian trở nên ngắn lại trong tầm tay, nhưng có vẻ như khoảng cách giữa người với người lại trở nên xa dần. Không ít người ngày nay ngồi bên nhau nhưng lòng còn mãi vân du trên mạng xã hội. Cuộc sống ảo đã lấy đi không ít thời gian và không gian con người trao cho nhau. Bên cạnh đó, lối sống hưởng thụ đã “ăn mòn” không ít lòng trắc ẩn giữa người với người. Hơn nữa, sự no nê thể xác đã khiến nhiều người quên đi ý nghĩa đời mình, hay có người lạc mình trong sự cô đơn, không lối thoát. Nhất là, lòng thương xót và vị tha đang ngày càng bó hẹp trong lòng người hôm nay.

Người ta cần gì nơi người tu sĩ truyền giáo trong bối cảnh đó?

Có lẽ người tu sĩ truyền giáo, dù đi đến nơi đâu, phải là chứng nhân cho niềm hy vọng và là dấu chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa. Có như thế, những người chưa nhận biết Chúa mới có cơ hội tìm gặp và những người sai lạc hay xa Chúa mới có cơ hội tái khám phá dung mạo của Thiên Chúa trong chính cuộc đời của họ.

Làm sao để người tu sĩ truyền giáo có thể trở nên dấu chỉ của lòng Thương Xót Chúa và là Chứng Nhân của niềm hy vọng?

Khi có cơ hội được nghe các nhà truyền giáo chia sẽ những tâm tư, những công việc mục vụ mà họ đã, đang và sẽ còn dấn thân cho cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội. Người viết thiết nghĩ rằng: Chẳng ai có thể đưa ra một câu trả lời rốt ráo cho câu hỏi trên. Bởi vì sao? Bởi vì ân sủng Chúa Thánh Thần hoạt động trong mỗi người mỗi khác. Hơn nữa, trong từng hoàn cảnh mục vụ, sự đòi hỏi nơi người tu sĩ cũng khác nhau, cho nên lý thuyết chung là điều bất khả. Dẫu vậy, ít ra ta cũng nên thẳng thắn nhìn vào thực tế như những gì mà bước chân của các nhà truyền giáo đã và đang trải qua để thấy được dấu chỉ của Lòng Thương Xót Chúa và nhận ra được những Chứng Nhân của niềm Hy Vọng.

Trước hết, nhìn vào môi trường mình đang sống đó có thể điểm truyền giáo, là cộng đoàn, là giáo xứ, là trường học, chủng viện có lúc ta chưa lấy tình thương mà đối đãi với nhau. Thay vào đó, lại lấy những sai lỗi của nhau ra để bàn tán, đánh giá. Trong cùng một mái nhà, một cộng đoàn, hướng tới cùng chung một lý tưởng, nhưng không phải lúc nào ta cũng sẵn sàng đổi mới cách sống, cách nghĩ, cách hành xử, để có thể sống tình huynh đệ được đòi hỏi. Đôi khi lại ngại khó, ngại khổ nên chưa thể dấn thân trọn vẹn. Nhưng các thành quả và ưu phẩm là không thể phủ nhận như ngày càng có nhiều nhà truyền giáo dấn thân ra đi phục vụ khắp nơi trên thế giới.

Thứ đến, nhìn ra các giáo điểm truyền giáo khác của các Linh mục, tu sĩ không phủ nhận rằng nhiều nhà truyền giáo đang làm việc rất hăng say, hy sinh và nỗ lực rất nhiều, đóng góp đáng kể cho Giáo hội địa phương, được thừa nhận và được Dân Chúa yêu mến. Nhưng khi có dịp nhìn lại chính nơi mình đang hiện diện, ít khi ta cảm thấy được tình thương, tình huynh đệ đúng nghĩa hiện diện trong cộng đoàn. Đành rằng có sự khác biệt về văn hóa, tập quán, nhưng ngôn ngữ mà ai cũng có thể hiểu được đó là ngôn ngữ yêu thương. Ngôn ngữ của yêu thương đáng ra phải khởi đi từ trong cộng đoàn những người dâng hiến đời mình để rao truyền và làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa, bộc lộ nơi chính mỗi người đang hiện diện cho nhau. Dẫu là ai cũng có lý do của mình nhưng cộng đoàn tu trì không thể là tập hợp những lý do riêng lẻ. Đúng ra mọi lý do phải được kiện toàn trong một lý do duy nhất là ơn kêu gọi trở nên sứ giả của Tin Mừng Tình Yêu.

Khi nhìn nhận bản tính yếu đuối của mình cũng là lúc tôi biết mình cần phải nương tựa vào ai. Nơi Thiên Chúa có tất cả sự bao dung, tha thứ và nâng đỡ để tôi có thể đủ sức dấn thân cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Nhưng sứ vụ đó nhất thiết phải được chuẩn bị và bắt đầu ngay chính trong cộng đoàn mà tôi đang hiện diện. Thật khó để trở thành một nhà truyền giáo đầy nhiệt tâm, thật khó để trở thành một mục tử như lòng Chúa mong ước, và thật khó để có thể trở nên một chứng nhân của tình yêu và hy vọng... Nếu nơi đây, trong chính cộng đoàn mình, lòng vị tha của tôi chưa được bộc lộ, sự dấn thân chưa được xác quyết, các bổn phận to nhỏ chưa được cố gắng chu toàn cách quảng đại. Đôi lúc tôi vẫn suy nghĩ rằng cứ đến lúc vào việc rồi sẽ tự biết xoay xở với sứ vụ của mình, trong lúc này tôi chỉ cần học tập và đọc kinh, cầu nguyện là đủ. Nhưng như thế có lẽ vẫn còn chưa đủ. Cuộc sống ngoài kia không bình lặng như trong cộng đoàn tu trì, những con người bôn ba vất vả ngoài kia không cần thêm những gánh nặng do các nhà truyền giáo tương lai mang tới. Không! Cái họ cần là một điểm tựa vững chắc.

Các nhà truyền giáo cũng chỉ là những con người bình thường làm sao có thể trở thành điểm tựa cho họ?

Đúng là khó, hay thậm chí là không thể. Nhưng ta có thể đưa họ tới Thiên Chúa là điểm tựa vững chắc cho họ. Đúng ra, ta phải giúp cho họ nhận ra rằng Thiên Chúa đang không ngừng tìm kiếm để đưa họ vào mối dây mật thiết với Ngài. Đấng không ngừng đợi chờ và tìm kiếm họ, là Đấng duy nhất có thể cảm thông sâu xa và khỏa lấp con tim và khát vọng của con người.

Nhưng làm sao để giúp đây?

Kiến thức về Chúa thôi chưa đủ. Lòng nhiệt thành và kiến thức về Chúa cũng chưa đủ. Nói đúng ra mọi sự chuẩn bị của ta vẫn còn quá thiếu hụt nếu ta chưa đụng chạm đến điều cốt lõi nhất: Đó là một người có Chúa trong cuộc đời mình. Vâng! Tôi có thể nói vanh vách về Chúa. Tôi có thể vì nhiều động lực vô thức mà tạm gọi là “cống hiến” phân nửa cuộc đời làm việc trong Giáo Hội. Như thế, ai nói rằng tôi không nhiệt thành? Cái tôi thiếu chỉ là một tâm hồn có Chúa.

Làm sao để có Chúa trong tâm hồn?

Chỉ có Chúa mới giúp được ta cùng với sự cộng tác với Ngài. Cộng tác làm sao lại là câu chuyện của mỗi người, nhưng ít ra chúng ta đều có một điểm chung là sống Chứng Nhân cho Tin Mừng. Sống Chứng Nhân ra sao lại là câu chuyện khác nữa, nhưng có một điều chắc chắn, chúng ta được mời gọi để mở lòng ra cho Thánh Thần Chúa, ngoan ngoãn và vâng theo trước sự dẫn dắt của Ngài. Lòng thương xót của Thiên Chúa là vô biên, là vô điều kiện. Tôi cảm nghiệm cách rõ ràng nhất phần nào lòng thương xót ấy qua việc Ngài liên lỉ tha tội và khấng ban những ơn lành cần thiết cho tôi. Trong vai trò của mình, nếu tôi chưa thể là sứ giả của lòng Thương xót Chúa thì ít ra tôi cũng đừng là kẻ ngăn cản người ta đến với lòng Thương xót ấy.

Tình yêu và nhiệt huyết đúng đắn trong sứ vụ có thể đụng chạm đến trái tim của con người, nhưng sự thờ ơ vô trách nhiệm lại đẩy con tim người ta ra xa Chúa. Trở thành một nhà truyền giáo, mới nghĩ thôi đã thấy khó biết bao! Dẫu vậy, lời của Thánh Phaolô sẽ giúp tôi và các nhà truyền giáo tương lai vững bước: “Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được bày tỏ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12, 9).
 
Chữ Nôm Với Đạo Công Giáo Từ Thế Kỷ XVII– XX
Nguyễn Đức Cung
19:20 05/07/2020

Trong quá trình truyền bá đạo Công Giáo ở Việt Nam, các vị thừa sai ngoại quốc ngoài việc phải đối đầu với những chính sách bắt đạo, cấm cách của các vua chúa Việt Nam ở Đàng Trong cũng như Đàng Ngoài, họ còn phải tận dụng nỗ lực tri thức để vượt qua rào cản của văn tự, ngôn ngữ nhằm tìm ra phương thức chuyển tải nội dung của Đức Tin đến với quần chúng trên quê hương chúng ta. Công việc này có nhiều khó khăn nhưng qua đó biểu lộ quyết tâm của các ngài trong nỗ lực truyền bá Tin Mừng theo lý tưởng đã lựa chọn.

Để vượt qua những trở ngại của việc truyền thông giao tiếp và trong khi chữ Quốc ngữ còn trong giai đoạn hình thành, các nhà truyền giáo đã biết vận dụng chữ Nôm là một thứ văn tự sử dụng chữ Hán để ghi lại cách đọc tiếng Việt mà người Việt Nam vẫn còn dùng khá phổ thông trong xã hội bên cạnh chữ Hán trong sinh hoạt văn chương và giao tiếp hằng ngày, qua sự cộng tác của một số thầy giảng am tường Nho học để ghi lại kinh bổn, giáo lý trong các công tác mục vụ.

1.- Chữ Nôm, một thoáng nhìn lại.

Chữ Nôm là văn tự ghi lại tiếng nói của người Việt Nam, theo sự biện giải đơn giản của một nhà nghiên cứu, có lẽ do chữ Nam đọc chệch đi, “chữ Nôm” có nghĩa là “chữ của người phương Nam, đối với “chữ Hán” của người phương Bắc, tức Trung Hoa.” (Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Khoa Cử Việt Nam, Thi Hương, tập thượng, An Tiêm xuất bản, Paris, 2002, tr. 126).

Trong lời giới thiệu cuốn Đại Tự Điển Chữ Nôm của cụ Vũ Văn Kính, một tác giả Công Giáo ngoài 80 tuổi ở trong nước, ông Mai Quốc Liên đã viết rằng “chữ Nôm là một thứ chữ ‘ghi âm’, nhưng ghi qua việc dùng chữ Hán tuy nhìn chung có tính qui luật, nhưng còn biết bao cái ngoài qui luật, biết bao cái biệt lệ, ngẫu nhiên, thay đổi qua từng thời, từng tác phẩm. Nó chưa hề được điển chế hóa, chưa hề được hoàn thiện đến cùng, mặc dù nó được hình thành khá lâu, ít nhất cũng đã có lịch sử mười thế kỷ.” (Nhà x.b. Văn Nghệ TP. HCM, Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, 1998, trang 6).

Theo Giáo sư Đoàn Khoách, “chữ Nôm là loại văn tự xây dựng từ chất liệu chữ Hán, do đó trước khi tìm hiểu cách cấu tạo chữ Nôm, chúng ta thử tìm hiểu sơ qua cách kết cấu chữ Hán mà người xưa gọi là lục thư 六 書”. (Đoàn Khoách, Đặc san Đại Học Huế, Vài nét đại cương về chữ Nôm, 2017, trang 174). Giáo sư Đoàn Khoách cũng cho biết : “Trong việc cấu tạo chữ Nôm, ngoài việc dùng chữ nghĩa Hán âm Việt (gọi là Hán tự Việt độc hay Việt độc hoặc Hán-Việt) như 家 庭 gia đình hay xã hội 社 會 v.v…, trước đây người Việt thường chỉ mượn ba trong sáu cách của lục thư là Hội ý, Hình thanh, Giả tá. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển biến của lịch sử, do âm đọc chữ Hán của người Việt có sai khác, nên phần ngữ âm lịch sử Việt Nam cũng có một ảnh hưởng nhất định trong việc cấu tạo chữ Nôm.” (tr. 174-175).

Theo Trần Văn Giáp, trong quyển Lược khảo vấn đề chữ Nôm thì “chữ Nôm là một thứ chữ khối vuông của Việt Nam dùng để phiên âm tiếng Việt, mới xuất hiện trên đất Việt Nam từ cuối đời Hán Minh đế, dưới thời thống trị của Sĩ Nhiếp, thế kỷ thứ II sau công nguyên, do người Việt Nam tự sáng tạo ra.” (Trần Văn Giáp, Nhà xb Ngày Nay Publishing 2002, tr. 34). Ý kiến của Trần Văn Giáp là dựa vào quan điểm của sư Pháp Tính 法 性 tác giả cuốn Chỉ Nam Ngọc m Giải Nghĩa 指 南 玉 音 解 義 được khắc in vào năm Tân tị thứ 22 triều Lê Cảnh Hưng (1761). Bài tựa sách này có đoạn như sau: “Từ khi thánh nhân lập ra lối chữ có bộ phận để chỉ nghĩa, chỉ tên gọi cho chính xác, khiến cho người Trung Quốc dễ hiểu, còn các dân tộc khác thì hãy còn khó hiểu. Mãi đến thời Sĩ Vương sang đóng ở nước ta trong khoảng hơn 40 năm, ra sức giáo hóa, giải nghĩa bằng tiếng Nôm để thông hiểu từng đoạn, từng câu, họp lại thành thơ ca quốc ngữ, đề ghi tên gọi, ghép vận làm thành sách Chỉ Nam Phẩm Vựng 指 南 品 彙 chia ra thượng hạ 2 quyển…” (Đoàn Khoách, Vài nét đại cương về chữ Nôm, Đặc san Đại Học Huế, Kỷ niệm 60 năm Đại Học Huế (1957-2017), trang 177).

Dưới thời Tự Đức (1848-1883), Văn Đa cư sĩ Nguyễn Văn Xan 文 多 居 士 阮 文 餐 cũng đề cập niên đại thành lập chữ Nôm trong cuốn Đại Nam Quốc Ngữ 大 南 國 語 tựa đề năm Tự Đức thứ 33 (1880) trong có đoạn (dịch): “Nước ta từ đời Sĩ Vương (Sĩ Nhiếp) đã đem dịch tiếng Nam bằng tiếng Bắc (Trung Quốc); trong số tiếng dịch ấy, có nhiều tên còn chưa rõ, như “thư cưu” (chim uyên ương” chẳng biết gọi là chim gì, “dương đào” (cây khế) chẳng biết gọi là cây gì…” (Đoàn Khoách, Bài đã dẫn, tr.178).

Những người chung ý kiến với Trần Văn Giáp có Lê Dư, Nguyễn Đổng Chi.

Các học giả P. Pelliot và L. Cadière cho rằng chữ Nôm được sáng chế từ cuối thế kỷ XIII, dẫn đoạn sau đây trong sách Hải đông chí lược 海 東 志 畧 của Ngô Thời Sĩ 吳 時 仕 : “Ngã quốc văn học đa dụng quốc ngữ tự Thuyên thủy” (văn học nước ta dùng nhiều quốc ngữ bắt đầu từ ông Thuyên); lại nêu những danh sĩ đồng thời với Nguyễn Thuyên như Nguyễn Sĩ Cố có tập Quốc m thi phú, Chu Văn An có Quốc Ngữ thi tập… để minh chứng những hoạt động văn nghệ nói trên nằm trong phong trào lưu hành thi phú bằng tục ngữ trong thời đại nhà Trần. Từ đó hai ông suy luận rằng chữ Nôm là thứ chữ để biên ký tục ngữ Việt Nam, có lẽ được sang chế từ cuối thế kỷ thứ XIII (trong đời nhà Trần) là một thời kỳ văn học tục ngữ (quốc âm thi) rất phát đạt tại Việt Nam. (Đoàn Khoách, bài đã dẫn, tr. 178). Chữ tục ngữ nói ở đây xin hiểu là tiếng Việt sử dụng hằng ngày. Người ta cũng tương truyền câu chuyện Nguyễn Thuyên, (bắt chước Hàn Dũ năm 819) làm bài thi đuổi cá sấu xuất hiện ở sông Phú-lương (Nhị Hà), sau đó được vua Trần Nhân Tông đổi tên Hàn Thuyên, nhưng theo Trần Văn Giáp trong Lược truyện các tác gia Việt Nam, tập I, bài thơ đuổi cá sấu in trong Tứ Dân Văn Uyển hồi đầu thế kỷ XX nói là của Hàn Thuyên và được một số sách báo in lại, đúng ra là của Phó bảng Nguyễn Can Mộng ngụy tạo để đùa chơi, tiếc rằng lời cải chính in trên một số báo sau đó ít người được đọc nên nhiều người vẫn tưởng là của Hàn Thuyên thực. Song nếu đọc kỹ sẽ thấy toàn bài không có lấy một từ ngữ cổ, thơ cũng không viết theo thể Hàn luật, khó có thể tin là của Hàn Thuyên.” (Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Sđd, tr. 128).

Theo học giả Nguyễn Văn Tố, chữ Nôm được sử dụng vào thế kỷ VIII là vì Phùng Hưng khởi nghĩa đánh diệt Cao Chính Bình năm 791, chiếm phủ lỵ, được dân chúng tôn là “Bố Cái đại vương” 布 蓋 大 王. Về ý nghĩa chữ Bố Cái, sách Cương Mục chua rằng: “Cổ tục hiệu phụ viết Bố, mẫu viết Cái” (theo cổ tục nước ta gọi cha là Bố, mẹ là Cái). Họ Nguyễn lấy đoạn sử ấy như một thực lệ chữ Nôm đã được sử dụng vào thế kỷ VIII và đặt niên đại thượng hạn (terminus ad quem) của chữ Nôm vào cuối thế kỷ thứ VIII. Đào Duy Anh, trong cuốn Chữ Nôm, nguồn gốc-cấu tạo-diễn biến đã phản bác ý kiến của Nguyễn Văn Tố khi cho rằng “ Việt sử lược là sách tóm tắt bộ Sử Ký của Lê Văn Hưu không thấy chép hiệu Bố Cái Đại Vương, mà bia đề đền thờ Phùng Hưng ở xã Cam lâm, huyện Phúc thọ, tỉnh Hà tây dựng năm Quang Thái thứ 3, tức năm 1390 đời Trần Thuận-tôn cũng không thấy chép hiệu ấy. Mãi đến sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ở thời Lê sơ mới thấy chép hiệu Bố cái đại vương. Hiệu nước thời nhà Đinh là Đại cồ việt cũng đến bấy giờ mới thấy chép. Như thế thì cũng chưa có thể tin chắc rằng những chữ nôm bố và cái đã có từ thế kỷ thứ VIII.” (Đào Duy Anh, Chữ Nôm, nguồn gốc - cấu tạo - diễn biến, Nhà xb. Khoa học Xã hội, 1975, trang 42).

Cụ Sở Cuồng Lê Dư cho rằng quốc hiệu Việt Nam ở hai triều Đinh và Tiền Lê là Đại Cồ Việt 大 瞿 越. Đó là một thí dụ chữ Nôm được sử dụng trong thế kỷ X (Đoàn Khoách, Bài đã dẫn, tr. 179).

Theo ý kiến của Giáo sư Chen Ching Ho 陳 京 和 (Trần Kinh Hòa) với chuyên môn về lịch sử các nước Đông Nam Á, từng đảm trách chức vụ Giáo sư môn Sử học tại các đại học: Đại học Keio, Tokyo, Japan, National University Taipei, Taiwan, Soka University Hachioji, Tokyo, Japan, Korea University, Seoul, Korea, Chinese University of Hong Kong, Southern Illinois University, Carbondale, Illinois, USA, và các đại học Saigon, Dalat, Huế … chữ Nôm được sáng chế sau khi Việt độc thành lập, bắt đầu từ triều đại nhà Lý. (Chingho A. Chen, “Hình thái và niên đại sáng chế chữ Nôm”, Đoàn Khoách dịch, Tạp chí Đại Học, số 35-36, Viện Đại Học Huế, tháng 10-12 năm 1963).

Khởi nguyên của chữ Nôm theo Giáo sư Chen, phải ở vào giai đoạn sáng chế chữ hình thanh mới là hợp lý và thích đáng. Muốn giải quyết niên đại sáng chế chữ Nôm, theo Giáo sư, phải kiểm thảo hai vấn đề: niên đại hoàn bị của “khải thể” chữ Hán và niên đại Việt ngữ áp dụng Hán ngữ làm ngữ vựng.

Vấn đề thứ nhất, theo kết quả nghiên cứu của Văn Hựu, một học giả Trung Hoa (tác giả bài “Luận về tổ chức của chữ Nôm” đăng trong Yên kinh Học báo, kỳ 14, bài này đã được nhà học giả Nhật-bản Sơn-bảng Đại-lang giới thiệu trong Đông-dương Học báo quyển 22, số 2, năm 1935. Chú thêm của NĐC) thì chữ Nôm dứt khoát không thể xuất hiện vào thời cổ đại. Vấn đề thứ hai, theo kết quả nghiên cứu ngữ âm học lịch sử tiếng Việt của H. Maspéro lại cho biết gần một nửa ngữ vựng trong tiếng Việt là những tiếng mượn của Hán ngữ. Tuy nhiên đại đa số Hán ngữ lại truyền nhập vào Việt ngữ ở một thời đại tương đối muộn và phải qua trung gian của Việt độc (âm Hán-Việt), nghĩa là sau khi có cuộc phân ly chính trị giữa Trung Quốc và Việt Nam, mới được thành lập. Có điều, hai vương triều độc lập đầu tiên của Việt Nam là nhà Đinh (968-980) và nhà Tiền Lê (980-1009) đều bị nội tranh quá nhiều và mau chóng bị lật đổ, nên phải chờ đến nhà Lý (1010-1225) mới xuất hiện một vương triều tương đối lâu bền và ổn định. Sự chỉnh đốn về chế độ văn vật, sự xuất hiện cuộc vận động văn hóa, sự thiết lập chế độ khoa cử đều bắt đầu từ triều đại nhà Lý. Sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú cũng khởi bút từ triều Lý. Bởi thế Giáo sư Chen suy luận rằng Việt độc đại khái được thành lập trong thời đại nhà Lý.

Cũng nên thấy thêm rằng hiện nay phần nhiều tiếng mượn của Hán ngữ trong tự vựng Việt ngữ đều thoát thai từ Việt độc. Hiện tượng ấy chứng tỏ rằng những tiếng mượn ấy được truyền vào tự vựng Việt Nam trong thời kỳ Việt Nam độc lập. Điều đáng chú ý nữa là trong quy chế chữ Nôm, các chữ Hán giả tá hoặc hầu hết thanh phù của chữ Nôm đều căn cứ vào Việt độc cả. Do đó mà Giáo sư Chen đoán định niên đại thượng hạn của chữ Nôm là bắt đầu từ triều đại nhà Lý.” (Đoàn Khoách, Bài đã dẫn, tr. 181).

Có lẽ ai cũng biết sự khó khăn của chữ Nôm khi muốn hiểu nó thì phải học chữ Hán trước, tuy vậy đến người Hoa cũng không thể viết được hoặc đọc được chữ Nôm. Lẽ dĩ nhiên, biết được chữ Nôm sẽ giúp cho việc hiểu biết thêm trong phạm trù nghiên cứu sử học hay văn học, tôn giáo hoặc các ngành ngôn ngữ học khác.

Trong cuốn “Lược khảo vấn đề chữ Nôm”, Trần Văn Giáp (1902-1973) đã viết: “Chính Ngô Thời Nhiệm, thế kỷ thứ XVIII, đã phải nói trong bài tựa sách tự điển của ông: “…故 我 國 字 較 難 於 中 國 Cố ngã quốc tự hiệu nan ư Trung Quốc (Cho nên chữ nước ta so ra khó hơn chữ Trung quốc…”. Đó là những lý do chính khiến cho chữ Nôm không còn có thể thông dụng dễ dàng được. Nhưng, mặc dầu thế, do sự tranh đấu không ngừng của nhân dân, chữ Nôm vẫn đã được sử dụng. Nó đã đồng thời tự phát với sự tiến triển của ngữ ngôn dân tộc và văn học cổ điển Việt Nam. Cho nên, chúng ta không thể không nghiên cứu chữ Nôm một cách sâu rộng để thu tàng lấy vốn cổ quí báu của ta về mọi lãnh vực.” (Trần Văn Giáp, Sđd, tr. 88)

Trong khi đó Giáo sư Đoàn Khoách lại đã viết: “Nhưng cái ưu điểm lớn nhất của chữ Nôm là ghi âm được tiếng Việt một cách tương đối trung thực, trong khi chữ quốc ngữ ngày nay chưa xuất hiện. Nhờ thế mà ngày nay người Việt biết được phần nào tình cảm và suy tư của tổ tiên mình. Ngoài ra chữ Nôm có thể phân biệt được tiếng Việt đồng âm dị nghĩa mà thường rất khó phân biệt, ví dụ may rủi với may vá, bụng dạ với vâng dạ, đầy đủ với đu đủ, vợ chồng với chồng chất, v.v… Ưu điểm này thì chữ quốc ngữ hiện nay chưa bì được… Lịch sử chữ Nôm ở Việt Nam đã có gần chín, mười thế kỷ nay, các loại sử liệu bằng chữ Nôm không những có giá trị về phương diện sử học, mà còn có giá trị về nhiều phương diện khác nữa như ngôn ngữ, phong tục, xã hội, kinh tế, triết học, văn học v.v… mà các học giả đời nay cần sưu tầm, khai thác. (Đoàn Khoách, bđd, tr. 184)

Như vậy, chữ Nôm là nguồn ký thác tình cảm và suy tư của tổ tiên qua trường kỳ lịch sử mà con cháu là chúng ta cần có bổn phận tìm hiểu và quý trọng bảo lưu. Theo cuốn sách của Đào Duy Anh được nhắc ở trên, hiện nay tại Thư viện Khoa học Xã hội Hà Nội còn tàng trữ khoảng 1186 cuốn sách chữ Nôm, đó là một kho tàng văn hóa cần được sử dụng khai thác.

Tiếp đây là ý kiến của một người ngoại quốc nhưng cuộc đời đã cống hiến nhiều cho sự nghiệp văn hóa dân tộc Việt Nam, Giáo sư Chen Ching Ho cũng đã viết rằng: “Sở dĩ chúng tôi đưa vấn đề chữ Nôm ra thảo luận, là vì chúng tôi muốn nhấn mạnh đến các giá trị các loại sử liệu bằng chữ Nôm về phương diện sử học. Đưa ra một vài nhận thức về nguyên lai và cấu tạo của chữ Nôm, là cốt để tiện việc đọc và giải thích văn Nôm, vì văn Nôm là một di sản văn hóa của Việt Nam.” (Đoàn Khoách, bđd, tr. 183).

Luận điểm của Giáo sư Chen Ching Ho ở trên khiến chúng tôi nhớ lại một câu vè của người dân Bình Trị Thiên về các cụ Ngô Đình Khả, cụ Nguyễn Hữu Bài về việc “đày vua” và “đào mả”. Các câu vè đó thường viết: “Phế (đày) vua không Khả, đào mả không Bài”. Ý muốn nói cụ Ngô Đình Khả phản đối việc người Pháp phế vua Thành Thái, và cụ Nguyễn Hữu Bài phản đối việc khâm sứ Mahé đào mả vua Tự Đức. Trong cuốn Đại Nam Thực Lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, do Quốc sử quán Triều Nguyễn biên soạn, câu vè đó được in lại bằng chữ Nôm và chúng tôi đọc thấy là: “Bỏ vua không Khả, bới mả không Bài” (Cao Tự Thanh dịch và giới thiệu, Nhà xb. Văn hóa – Văn nghệ, 2012, tr. 779). Chữ bỏ viết chữ bổ 補 đọc bỏ, chữ bới (phương ngữ Bình Trị Thiên thường dùng chữ bới thay vì chữ đào) viết chữ bãi 擺 đọc Nôm là bới. Thí dụ vừa nói đây cũng có cơ duyên giúp giới thích đọc sử (nếu biết chữ Nôm) đính chính được câu nói theo đúng nguyên văn của nó.

Trong một bài báo có tên Những lời thề của Lê-Lợi (văn Nôm đầu thế kỉ 15) của cụ Hoàng Xuân Hãn, đăng trên Tạp chí Sử Địa, số 1 của Nhóm Giáo sư, Sinh viên Đại Học Sư Phạm (Nguyễn Nhã) Sài gòn, 1966, tác giả cho biết “nếu quả rằng các bài nôm nầy có tự đời Lê Lợi, và không bị sao lại thất-chân, thì đây là hiện vật độc nhất của Việt-ngữ trước nay già 550 năm.” (trang 4). Đây là một bài nghiên cứu có giá trị với sự phân tích cẩn trọng của một học giả uyên bác, và cũng là một cống hiến rất quý báu cho giới nghiên cứu văn sử học Việt Nam về chữ Nôm và văn Nôm.

2.- Chữ Nôm với đạo Công Giáo trong giai đoạn thế kỷ XVII-XX.

Theo dõi quá trình xuất hiện của chữ Nôm trong lịch sử văn học nước ta như ở trên, chúng ta cũng không lạ gì khi thấy các giáo sĩ người nước ngoài lần đầu tiên khi đến nước ta truyền đạo đã nhìn thấy chữ Nôm như là một lợi khí có sẵn cho các dự tính truyền giáo của mình.

Có một cuốn giáo lý tiên khởi viết bằng chữ Nôm mà nay đã mất, được đề cập tới trong bức thư đề ngày 17-12-1621 của Thừa sai Gaspar Luis ghi lại như sau:

“Cuốn giáo lý mà người ta đã biên soạn bằng tiếng Đàng Trong đã giúp ích nhiều lắm bởi vì không những trẻ em học thuộc lòng cuốn giáo lý đó, mà người lớn cũng học. Cho tới đây các giáo hữu chỉ dùng tràng hạt để đeo vào cổ cho người ta thấy mình là người có đạo. Nay họ dùng tràng hạt để đọc kinh…” (Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam, Tập I Thời kỳ khai phá và hình thành [Từ khởi thủy cho tới cuối thế kỷ XVIII], Nhà x.b. Tôn Giáo, Hà Nội, 2008, trang 42.)

Nhận thức sự quan trọng trong việc dạy cho các bổn đạo tân tòng học giáo lý cho nên “các thừa sai Dòng Tên, vì thế, chỉ mấy năm sau khi tới Đàng Trong, đã cho soạn thảo ngay một cuốn giáo lý bằng tiếng Việt ‘không những cho trẻ em học thuộc lòng mà còn cho người lớn học nữa. Trong cuốn giáo lý này không những chỉ có những điều cần biết về đạo, mà còn có những kinh để đọc. Khi nói về lợi ích của “Cuốn giáo lý bằng tiếng Đàng Trong” này, trong báo cáo ngày 17/12/1621, Linh mục Gaspar Luis viết: “Cho tới nay các giáo hữu trong khu vực này chỉ dùng tràng hạt đeo cổ để chứng tỏ mình là người Công Giáo; nay người ta dùng để đọc (nhờ các kinh trong cuốn sách nói trên.”

Nói thêm về cuốn giáo lý này, tác giả Trương Bá Cần viết: “Cuốn giáo lý nói trên đây chắc chắn được viết bằng chữ Nôm là chữ phổ biến lúc bấy giờ. Vào thời điểm (trước 1621) này, không biết là chữ Quốc ngữ đã hình thành đủ để viết một cuốn giáo lý hay chưa; nếu có thì cũng chỉ chép một ít bản cho các thừa sai nước ngoài sử dụng mà thôi. Cho tới nay, chưa ai tìm thấy dấu vết của những cuốn giáo lý đó. Một cuốn giáo lý mà trẻ em có thể học thuộc lòng được chắc chắn không phải là đồ sộ và đầy đủ như cuốn giáo lý của Linh mục Rhodes xuất bản ở Rôma năm 1651.” (Trương Bá Cần, Sách đã dẫn, trang 185).

Như vậy cuốn sách giáo lý bằng chữ Nôm này xuất hiện năm 1621 do công sức của Linh Mục Buzomi và Francisco de Pina đã tới Hội an năm 1616, góp công soạn thảo cùng với các vị khác cho đến năm 1621, đặc biệt là công của một vài người trong giới thượng lưu đã gia nhập đạo và những vị này là những hạt nhân sơ khởi cho tiến trình hình thành chế độ “thầy giảng” trong giai đoạn về sau.

Nhắc đến cuốn giáo lý chữ Nôm này, Linh Mục Đỗ Quang Chính trong bài viết “Lòng nhiệt thành của bổn đạo Việt Nam” cho biết tháng 4-1627, cha Đắc Lộ giảng đạo ở vùng An Vực và Vân Nô, tả và hữu ngạn sông Mã, Thanh Hóa, rửa tội cho 200 người tân tòng trong số có một vị sãi 85 tuổi thông thạo chữ Hán, giỏi Nôm, rất đạo đức và rộng rãi. Ngài thường xuyên nhờ Cụ chép kinh sách và Cha Đỗ Quang Chính cho biết có lẽ đây là sách kinh bằng chữ Nôm do cha F.de Pina soạn ở Hội An khoảng 1620-1625? (Dũng Lạc. Net, 12/31/2006).

Nói chung, đối với những người thuộc tầng lớp quý tộc Việt Nam như thuộc gia đình vua chúa, quan chức đều là những người có trình độ học thức cao nên việc sử dụng chữ Nôm để trình bày tư tưởng, diễn đạt tâm tình không phải là điều khó khăn hay trở ngại gì cả. Linh mục Nguyễn Khắc Xuyên cũng kể lại một câu chuyện liên quan đến Cha Đắc Lộ như sau: “Vào năm 1627, khi ngài vào đất Bắc được bốn tháng, có một bà thuộc hoàng tộc, “chị chúa Trịnh Tráng” gia nhập Ki-tô-giáo, giáo sĩ Đắc Lộ đặt tên là Catarina. Bà này thông thạo văn chương thi phú. Bởi đó bà đã viết một tập thơ, kể lại lịch sử cứu rỗi, từ tạo thiên lập địa cho tới Chúa thăng-thiên (Lịch sử miền Bắc, tr. 164) và còn thêm một đoạn vịnh cuộc truyền giáo tại Việt Nam…” (Nguyễn Khắc Xuyên, Quan điểm thần học trong “Phép giảng tám ngày” của Giáo sĩ Đắc-lộ, Tạp chí Đại Học, Số 1, Năm thứ tư, Tháng 2 – 1961, tr. 55). Đây có lẽ là tập thơ Nôm đầu tiên mang tính tôn giáo do một nữ sĩ viết. Tiếc thay tên tuổi người nữ sĩ này không được để lại trong kho tàng văn học Công Giáo Việt Nam.

Trong cuốn sách Người chứng thứ nhất, nhà văn Phạm Đình Khiêm đã có viết “bà Công chúa Ca-ta-ri-na, em chúa Trịnh Tráng, là một nữ thi sĩ, soạn quyển tiểu sử Chúa Giê-su bằng thơ nôm” (Rhodes, Histoire du royaume de Tonkin, tr. 26.) (Phạm Đình Khiêm, Tinh Việt Văn Đoàn, 1959, trang 76).

Giáo sư Trần Văn Toàn đã viết về các linh mục thừa sai như sau: “Các giáo sĩ Tây phương thì ngay thế kỷ XVI đã học tiếng Việt để nói với người dân. Girolamo Maiorica đã cộng tác với người Việt mới theo đạo để soạn sách vở bằng chữ Nôm cho người mình đọc.” (Trần Văn Toàn, Đạo trung tùy bút, Nhà x.b. Tôn Giáo, 2008, trang 28).

Nói đến Girolamo Maiorica, Linh mục Thanh Lãng cho biết tuy không viết sách bằng chữ quốc ngữ nhưng ông đã đứng ra biên tập một tủ sách tôn giáo gồm hơn bốn chục cuốn viết bằng chữ Nôm thời gian từ 1631-1645. Girolamo Maiorica là người Ý sinh tại Napoli, gia nhập Dòng Tên năm 1605, đến năm 1619 được sai sang Goa để truyền đạo và ở đó cho đến cuối năm 1623, ông rời Goa qua Macao, rồi đến Việt Nam, có lẽ ở tại hải cảng Hội an và ở đó 5 năm. Năm 1629 ông bị trục xuất nhưng đã rất thông thạo tiếng Việt Nam. Năm 1631, ông lại theo một tàu Bồ đào nha mà vào Bắc Kỳ và sống ở Bắc Kỳ khá lâu. G. Schurhammer cho biết Maiorica chết ngày 27.1.1656. Trong thời gian theo học ở nước ngoài, LM Thanh Lãng đã chụp ảnh được 12 tác phẩm do công Maiorica biên tập tại Thư viện Quốc gia Pháp. (Thanh Lãng, Những chặng đường của chữ viết quốc ngữ, Tạp chí Đại Học, số 1, Tháng 2, 1961, trang 10.)

Các sách của Majorica thì một số còn được lưu giữ ở Thư viện Quốc gia Paris với 14 nhan đề. Theo tài liệu của Dòng Tên thì Majorica đã biên soạn 48 cuốn sách đủ loại. Nhưng những cuốn sách này là do Majorica biên soạn và viết thẳng chữ Nôm hay ông đã đọc cho các giáo hữu thông Nho và giỏi Nôm chép lại? (Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam, Tập I Thời kỳ khai phá và hình thành [Từ khởi thủy cho tới cuối thế kỷ XVIII], Nhà x.b. Tôn Giáo Hà Nội, 2008, trang 1860). Tác giả Trương Bá Cần cho biết các sách chữ Nôm của nhóm Majorica, tại Thư viện quốc gia Pháp, đã được Linh mục Nguyễn Hưng lần lượt cho nhân bản kèm theo bản đọc chữ quốc ngữ trong tủ sách “lưu hành nội bộ”. (Trương Bá Cần, Sách đã dẫn, trang 185).

Trong tiểu mục “Chữ Nôm là gì”, tác giả Thái Gia Kỳ, trong cuốn sách “ Chữ Hán, Tiếng Hán Việt và sự vận dụng tiếng Hán Việt trong tiếng Việt” (Philadelphia, 2018) của ông, có đề cập đến một dòng về chữ Nôm sử dụng trong Công Giáo Việt Nam: “Ngay cả đạo Công Giáo, cũng đã có tác phẩm Sấm truyền ca của Ly Y Đoan viết năm 1670, dùng trong việc truyền giáo.” (trang 122). Đoạn văn này cho một ý niệm rất khái quát thiết tưởng cần phải triển khai thêm.

Nội dung của câu văn trên đây mang lại cho chúng tôi một số ý niệm đó là ba chữ “sấm truyền ca” và tên Ly Y Đoan. Người Công Giáo Việt Nam cách nay cả trăm năm thường hay dùng cụm từ “Sấm truyền mới” và “Sấm truyền cũ” để chỉ hai cuốn sách Cựu Ước (Old Testament) và Tân Ước (New Testament) cũng gọi là sách Phúc m (hay bây giờ là Tin Mừng). (Trần Văn Toàn, Đạo trung tùy bút, Nhà xb. Tôn Giáo, 2008, tr. 147). Còn tên Ly Y Đoan vốn là tên Lữ-Y Đoan mà ông Thái Gia Kỳ viết sai, là Louis Đoán, một thầy giảng cao tuổi đã được Đức Giám Mục Lambert ở Đàng Trong phong chức linh mục năm 1676. (Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam, Tập I, Nhà xb. Tôn Giáo Hà Nội 2008, tr. 233). Giới nghiên cứu văn học Công Giáo trong nước đã nói rõ về Lữ Y Đoan trong một cuốn sách có tên Về sách báo của tác giả Công Giáo (Thế Kỷ XVII – XIX) do Trường Đại Học Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh, Khoa Ngữ Văn, 1993.

Trong bài “Đôi lời giới thiệu” Về một số sách cũ do người Công Giáo viết ra từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, Giáo Sư Nguyễn Văn Trung viết: “Sấm truyền ca” của Thầy cả Lữ Y Đoan (1670) nguyên tác là bản nôm hiện nay thất lạc, chỉ còn bản quốc ngữ. Theo chúng tôi đây là một tác phẩm có ý nghĩa lớn vì tác phẩm phản ánh một nỗ lực Việt Nam hóa (Tam giáo, võ thuật Việt Nam, văn hóa dân gian, v.v…) để diễn tả Kinh Thánh. Có thể bản văn đã được sửa đổi qua các thời đại nên bản hiện có làm người đọc nghĩ đến những truyện nôm nổi tiếng thế kỷ XVIII, XIX.” (trang 3).

Đức Giám Mục Lambert đã lần lượt phong chức : -năm 1668 cho hai linh mục Giuse Trang và Luca Bền; -năm 1672 cho linh mục Manuel Bổn; - năm 1676 cho Linh mục Louis Đoán hay Lữ Y Đoan. Bốn linh mục người Việt này nguyên là thầy giảng của các thừa sai Đòng Tên.

Trong lãnh vực tôn giáo, chữ Nôm được các giáo sĩ ngoại quốc khi đến nước ta truyền đạo, nỗ lực học và sử dụng để biên tập các sách giáo lý, các kinh bổn đọc trong thánh đường và trong gia đình, họ đạo hằng ngày. Chữ Nôm của đạo Công Giáo có một lịch sử dài lâu từ thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX, với rất nhiều công trình nghiên cứu, biên tập kinh sách, tư liệu còn để lại hàng trăm cuốn trong thư viện của Hội Thừa Sai Paris ở Pháp (Mission Étrangère de Paris), trong số đó có khoảng 20 cuốn sách viết bằng chữ Nôm do Giáo sĩ Girolamo Maiorica, người Ý, chủ trương biên tập từ đầu thế kỷ XVII (Tạp chí Đại Học, số 1, tháng 2/1961, tr. 5; Trần Văn Toàn, Đạo trung tùy bút, Nhà xb. Tôn giáo, 2008, tr. 188). Có tư liệu nói số sách này nhiều hơn (khoảng 48 cuốn) mà một số còn lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Paris (Trương Bá Cần, Lịch sử phát triển Công Giáo ở Việt Nam, Nhà xb. Tôn Giáo Hà Nội, 2004, tr. 185).

Ngày nay người ta cũng biết đến tên tuổi rất nhiều các vị giám mục, linh mục ngoại quốc hay bản xứ, các thầy giảng, các vị túc nho Công Giáo đã để lại rất nhiều tác phẩm viết bằng chữ Nôm, ví dụ Giám Mục Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) viết Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ, bản chữ Nôm được in tại Quảng Đông năm 1774, Giám Mục Taberd biên soạn cuốn Tự vị Hán-Việt-Latinh hơn 900 trang (tàng trữ tại văn khố Hội Thừa Sai Nước Ngoài tại Paris) có sự cộng tác của Thánh Linh mục Phan Văn Minh. Trong cuốn tự vị này, theo Giáo sư Trần Văn Toàn, nếu bỏ phần tiếng Latinh ra, thì cũng còn quan trọng vì vừa dùng chữ quốc ngữ vừa dùng chữ Nôm. Chữ quốc ngữ thì ghi được một cách khá chính xác cách phát âm, còn chữ Nôm thì tuy không ghi được cách phát âm, nhưng cũng là kết tinh của mấy thế kỷ ông cha chúng ta cố gắng để tự lập về văn hóa đối với người Hán tộc. (Trần Văn Toàn, Sách đã dẫn, tr. 190).

Trong quyển Hoa trái ở Phương Đông, Alexandre de Rhodes (1593-1660) và công cuộc truyền giáo thời kỳ đầu của Dòng Tên tại Việt Nam viết bằng tiếng Đức, linh mục Dòng Tên Klaus Schatz viết rằng: “Chữ Nôm phát triển kể từ thế kỷ XV, sau khi Việt Nam hoàn toàn thoát khỏi sự thuộc Trung Hoa. Khởi đầu các nhà truyền giáo cũng dùng chữ Nôm cụ thể vào năm 1620 ở Hội An, để soạn sách giáo lý, nhưng sách này đã không được in và đã bị thất lạc.” (Phạm Hồng Lam dịch, Nhà xb. Đông Phương, 2015, tr. 210). Cuốn sách giáo lý này có lẽ là công trình của cha Francisco de Pina, người Bồ Đào Nha, khi làm việc ở giáo điểm Dinh Chiêm (Quảng Nam).

Theo Linh mục Nguyễn Hồng trong quyển Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, “Chúng ta còn phải kể nhất là những cuốn sách bằng tiếng Việt mà các cha viết cho giáo dân và cho các thày giảng. Đó là những cuốn sách đầu tiên trong tủ sách văn chương Công Giáo Việt Nam. Ngoài cuốn sách bổn của cha Đắc Lộ viết bằng chữ quốc ngữ, in ở Roma, còn các cuốn khác bằng chữ nôm, thứ chữ thịnh hành của thời đó. Hoặc đầu tiên các thừa sai thảo bằng chữ quốc ngữ để các thày giảng viết ra chữ nôm, hoặc đọc cho các thày viết, mà ta có thể đoán đó là trường hợp cha Buzomi và De Pina cho ra đời cuốn sách về đạo lý Công Giáo đầu tiên bằng tiếng Việt ở Nước Mặn, Qui Nhơn, hay trường hợp cha Đắc Lộ viết cuốn Ngắm 15 sự thương khó Đức Chúa Giêsu… Hoặc do chính thừa sai viết bằng chữ nôm, như những cuốn của cha Majorica, nhưng chắc chắn cha cũng được sự cộng tác của các thày giảng.” (Quyển I, Nhà xb. Hiện Tại, 1959, tr. 294).

Theo giáo sư Trần Văn Toàn “chữ Nôm khó học thì họ (các giáo sĩ u châu) chịu khó học, chứ không dám coi thường, càng không dám cho là mách qué, như các nho sĩ chỉ biết chịu phục có người Hoa. Họ thực biết tôn trọng vốn liếng chữ Nôm của ta, cũng như họ đề cao kho tàng Hòa văn (chữ viết của người Nhật). Khi viết sách vở cho người Việt về những điều rất tôn nghiêm như tôn giáo, họ đã dùng ngay chữ Nôm (như trong các tác phẩm của Girolama Maiorica, và người Công Giáo tiếp tục viết, in và dùng sách chữ Nôm cho đến giữa thế kỷ XX.” (Trần Văn Toàn, Sách đã dẫn, tr. 204).

Trong quá trình sử dụng chữ Nôm, một số danh từ trong Công Giáo được chuyển âm từ tiếng La tinh hay Bồ đào nha, thí dụ “câu-rút” từ chữ crux nay được chuyển thành thánh giá, chữ evangelium thành chữ phúc-âm, chữ Spiritus Sanctus đổi ra thánh thần do sự đóng góp của Cố linh mục Nguyễn Văn Thích ở Huế (Đoàn Khoách biên tập, Sảng Đình Thi Tập của J.M. THÍCH, Thanh Tịnh xuất bản, California, 2001, trang 335), hoặc các chữ bispo (tiếng Bồ) ra chữ vít-vồ (rồi giám mục) chữ Nôm thì dùng hai chữ Hán “viết vô” 曰 無 nhưng phải đọc “vít vồ”, hoặc “pha-pha” (vị giáo tông ở Rôma, cũng gọi là Giáo hoàng, La-tinh và Bồ gọi là “papa”.

Trong những năm 40, 50 của thế kỷ trước, giáo xứ Tam Tòa của tôi ở Đồng Hới, Quảng Bình, các kinh sách đọc trong các dịp lễ lớn như Kinh Lễ Đèn trong Tuần Thánh, Kinh Đàng Thánh Giá v.v… đều viết bằng chữ Nôm do các cụ chức việc lớn tuổi trong làng phụ trách phần “than, gẫm”. Dĩ nhiên các cụ cũng biết đọc chữ quốc ngữ, nhưng quen với kinh sách viết bằng chữ Nôm nhiều hơn.

Cụ Trần Văn Giáp trong phần kết luận của cuốn Lược khảo vấn đề chữ Nôm, có đề nghị làm một cuốn tự điển chữ Nôm nhưng theo cụ thì phải loại trừ những phần chữ Nôm chua sẵn trong các tự điển Quốc ngữ La-tinh như của Génibrel, của Tabert hay của Paulus Huỳnh Tịnh Của vì chính đấy là chữ Nôm của các giáo sĩ Tây phương; đấy không phải là “những chữ Nôm của nhân dân đã dùng”… còn “những chữ Nôm của nhân dân ta lựa lọc mà viết ra thì thực đúng quá”. (Trần Văn Giáp, Sách đã dẫn, trang 89).

Để trả lời quan điểm đầy tính chất kỳ thị tôn giáo dù rằng trong lãnh vực văn chương của cụ Trần Văn Giáp, Giáo sư Trần Văn Toàn viết rằng: “Lại có học giả cho rằng chữ Nôm do người Công Giáo viết không phải là chữ Nôm đích thực. Xin thưa hai điều: một là phải có cơ quan nào, như Hàn lâm viện hay là do nhà cầm quyền chính thức ấn định trước đã thì mới nói được cái gì là đích thực; hai là: trừ một số chữ mới ra thì người Công Giáo dùng chữ Nôm như người đương thời, cho nên nếu phải loại trừ tất cả những chữ do họ dùng, thì cũng phải loại hầu hết thi văn chữ Nôm trong văn chương Việt Nam.” (Trần Văn Toàn, Sách đã dẫn, tr. 207).

Chữ Nôm trong các kinh sách của người Công Giáo đều là do các vị thừa sai có căn bản về các kiến thức ngôn ngữ học, cùng sự cộng tác của các vị thầy giảng người Việt cũng vốn là những bậc túc nho giỏi chữ Hán, thông thạo chữ Nôm (họ cũng là thuộc hàng ngũ “nhân dân” một trăm phần trăm đấy chứ có thuộc dòng máu lai nào đâu), thì sao gọi “chữ nôm do người Công Giáo viết không phải là chữ nôm đích thực”? Chính các ông nhà nho trong phong trào Văn Thân, khi viết bài hịch “bình Tây sát Tả”, chính các tác giả bài hịch đó là tú tài Trần Tấn, Đặng Như Mai ở Nghệ Tĩnh vốn là những người khinh chữ nôm, coi chữ nôm là “nôm na mách qué” ngay cả đến việc nghiên cứu, tìm hiểu về một tôn giáo họ cũng chưa từng nghĩ tới, không hề để tâm, cho nên trong bài hịch Văn Thân của họ mới có những câu như: “Cầu nguyện thì xưng Trời, xưng Thánh, thật là đui điếc ngu si; Giảng rao thì vô phụ vô quân, đúng là loài dê loài chó.” “Vô phụ”, “vô quân” theo Trần Tấn, Đặng Như Mai đó là người Công Giáo không hề biết đến vua, đến cha, nhưng đó thật là sai lầm vì người Công Giáo cách đây bốn thế kỷ cho đến bây giờ vẫn luôn tôn trọng nhà cầm quyền ngoài xã hội và thờ kính cha mẹ trong vòng đạo hiếu gia đình. (Trần Văn Toàn, Sđd, tr. 102, Một vài nhận xét về thuyết ‘tam phụ”).

Quá trình hình thành của chữ Nôm được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố một là được viết theo thói quen, hoặc là trong khung cảnh của địa phương và dĩ nhiên trong lãnh vực tôn giáo chữ Nôm cũng được hình thành hay kiện toàn do ý thức tâm linh và giáo lý nữa.

Giáo Sư Trần Văn Toàn, trong cuốn Đạo trung tùy bút đã được dẫn chứng nói trên đã đưa ra một thí dụ thật hay. Ông viết: “Trong sách Thánh giáo yếu lý quốc ngữ, do Đức Cha Bá Đa Lộc (Pierre Pigneau de Béhaine)soạn, thì bản Nôm viết chữ rỗi bằng cách chắp nối chữ lỗi 磊 (ba chữ thạch) với bộ khẩu 口 ở bên tả. Nhưng điều làm cho tôi rất lấy làm thán phục là trong cuốn sách nôm Phép Dòng chị em mến câu rút Đức Chúa Giêsu, do Đức Cha Phước (Paul Puginier) cho khắc in năm 1869, thì chữ rỗi được viết bằng cách ghép chữ lỗi 磊 ở bên hữu để chỉ cách đọc, và chữ sinh 生 ở bên tả để chỉ nghĩa là sống. Nếu cách viết dùng bộ khẩu không có gì là thần tình, thì cách viết dùng chữ sinh bên tả mới thật là đúng tinh thần đạo Chúa Cứu Thế. Không biết vị cao minh nào đã có sáng kiến dùng chữ sinh thay chữ khẩu như thế, vừa hợp với giáo lý, vừa đúng với thần học: được rỗi cũng có nghĩa là được sống! Cùng một chữ rỗi mà vừa nói lên được cái ước vọng thanh nhàn, lại vừa nói lên cái ước vọng được sống mãi mãi! Cách viết chữ Nôm biết sử dụng lối hội ý như thế thật là thâm thúy, chữ quốc ngữ viết theo mẫu tự La-tinh không sao sánh được.” (Trần Văn Toàn, Sđd, trang 122).

Trong tự điển Giúp đọc Nôm và Hán Việt của Linh mục Trần Văn Kiện hay sách Đại Tự Điển chữ Nôm của Vũ Văn Kính cũng có trưng một số cách viết chữ rỗi là dùng chữ lỗi 磊 làm yếu tố hài thanh chính, và có khi dùng bộ mã 馬, khi dùng bộ tâm忄 hay bộ thủy氵hoặc bộ khẩu口 là tùy theo từng trường hợp. Nhưng qua sự phân tích chữ rỗi kể như một thí dụ dưới con mắt của một nhà nghiên cứu tôn giáo như GS Trần Văn Toàn, chúng ta có dịp đánh giá lại giá trị của chữ Nôm, thấm thía được ý nghĩa của một loại văn tự trong kho tàng văn hóa dân tộc và cũng nhờ đó nhận ra được tinh thần cố thấu đạt tới chân lý trong lãnh vực tôn giáo của tiền nhân trước đây.

Nguyễn Đức Cung

Philadelphia, Mùa Lễ Độc Lập Hoa Kỳ, July 4-5/ 2020

 
Văn Hóa
Vì Đó Là Tinh Yêu
Sơn Ca Linh
09:09 05/07/2020
“Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 30)

Trên thửa ruộng sáng nay,
Những lát cuốc của cha thấy sâu hơn mọi ngày,
Và kẽo kẹt giữa nắng trưa hè,
Đôi quang gánh trên vai mẹ sao bỗng dưng “nhẹ hểu”.
Đơn giản thôi, có chi mà không hiểu
Mùa khai trường kìa đã sắp đến nơi,
Con gái của cha
Ước ao chiếc áo dài trắng tinh khôi
Con trai của mẹ,
Mơ chiếc cặp da, và những trang giấy thơm mùi vở mới…
Nên cha cuốc sâu hơn
để thửa ruộng nhà mình lúa xanh mùa phơi phới,
Nên quang gánh nhẹ
vì bước mẹ “bôn” cho kịp chuyến chợ chiều…

Có những đêm chợp mắt chẳng bao nhiêu,
Mẹ canh giấc mỗi lần con bạo bệnh.
Dẫu bước chân cha,
Thương tật chiến tranh một đời khập khiễng,
Vẫn muốn bồng ẵm con dạo bước khi trái gió trở trời…

Bên góc đường kia,
Có bác xe ôm khuya sớm một đời,
Chẳng buồn, chẳng mệt,
bởi đang lo cho gia đình bé nhỏ.
Những anh chị em công nhân,
Xa tổ ấm, quê hương,
chen chúc trong những ngôi nhà trọ,
gom chút lương còm dành dụm cho chị cho em.

Trên những nẻo đường,
Những trưa, những chiều, những sáng, những đêm,
Đầy những bước chân,
những đôi vai chẳng sờn mưa nắng.
Những vất vả ngược xuôi, những hy sinh thầm lặng,
Để mang về, để làm nên những quà tặng tình yêu.
Ai cũng biết hoa hồng mang dáng đẹp mĩ miều,
Nhưng điểm tựa
lại là những đoạn cành đầy gai nhức nhối.

Đường thập giá,
Dẫu có chênh vênh và xa xôi vời vợi,
Nặng tới đâu, khổ tới đâu, vẫn cứ thấy ngọt mềm !
Khi đã yêu thì bò hòn cũng trở thành mật ngọt dịu êm
Và cái “ách”, cái “gánh”,
đã trở thành tình yêu đúng nghĩa !

Sơn Ca Linh (5.7.2020)
 
VietCatholic TV
ĐHY Dolan tố cáo trào lưu giật sập tượng là một thứ cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông tại Mỹ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:10 05/07/2020

1. Đức Hồng Y Timothy Dolan cảnh báo về nguy cơ tại Mỹ đang có một thứ cách mạng văn hóa như Trung Quốc

Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York đã viết trên tờ Wall Street Journal rằng việc phá hủy các di tích là bất lợi cho kiến thức về lịch sử, và cảnh báo chống lại một “cuộc cách mạng văn hóa” như kiểu Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông.

“Thiên Chúa cấm chúng ta thực hiện một cuộc cách mạng văn hóa như Trung Quốc đã làm cách đây năm thập kỷ. Hãy cảnh giác với những ai muốn thanh lọc ký ức và trình bày một thứ lịch sử tuy gọn gàng nhưng không chính xác”.

Cách mạng văn hóa Trung Quốc, bắt đầu từ 1966 và kết thúc vào năm 1976, đã tìm cách xóa bỏ các yếu tố truyền thống khỏi xã hội Trung Quốc, đặc biệt là các phong tục, các nền nếp văn hóa, các thói quen và các hệ tư tưởng mà Mao cho rằng không phù hợp với chủ nghĩa xã hội.

Đức Hồng Y đặt câu hỏi:

“Ai sẽ là người xác định rằng những bức tượng, chân dung, sách vở và lòng sùng mộ nào được chừa lại? ”

Ngài cảnh giác rằng ai cũng có khả năng đưa ra các phán đoán sai lầm, thiên vị và bất công đối với các nhân vật lịch sử.

“Hãy nhớ lại rằng trước đây đã từng có một số người cực lực phản đối việc nâng cao vị thế ngày sinh nhật của Martin Luther King Jr. thành một ngày lễ quốc gia, với lý do là vị Mục Sư này đã từng có những sai sót mà chính ông tự thừa nhận.”

Mục Sư Martin Luther King sinh ngày 15 tháng Giêng. Năm 1983, sau một chiến dịch cam go với đầy những chống đối, tổng thống Ronald Reagan đã ra sắc lệnh công nhận ngày sinh của Mục Sư Luther King là ngày lễ nghỉ quốc gia. Ba năm sau đó sắc lệnh này bắt đầu có hiệu lực nhưng vẫn có những chống đối và nhiều tiểu bang không công nhận đó là ngày lễ nghỉ. Chỉ đến năm 2000, tất cả các tiểu bang của Hoa Kỳ mới chấp nhận là ngày quốc lễ. Theo đạo luật Uniform Monday Holiday, ngày lễ này được mừng vào ngày thứ Hai gần nhất với ngày 15 tháng Giêng, để dân chúng có được một long weekend.

Nhiều di tích công cộng đã và đang là tâm điểm của những vụ phá hoại hoặc đã bị giật xuống trong những tuần gần đây.

Những bức tượng gây tranh cãi kéo dài của các nhà lãnh đạo phe muốn duy trì tình trạng nô lệ đã bị giật xuống ở một số địa phương, nhưng cả các bức tượng của George Washington, Christopher Columbus và Ulysses S. Grant cũng bị kéo đổ. Ít nhất hai bức tượng của Thánh Junipero Serra đã bị những kẻ bạo loạn ở California giật sập, và một bức tượng của Thánh Louis đã bị phản đối.

Đức Hồng Y nhắc nhớ mọi người câu chuyện về một phụ nữ giáo dân đã phản đối khi ngài công bố ý định cung hiến một giáo xứ mới cho Thánh Phêrô. Bà này cho rằng Thánh Phêrô đã chối Chúa ba lần nên bà quyết liệt chống đối quyết định này.

“Tôi biết bà ấy và biết rõ bà ấy thuộc giáo xứ nào, tôi đã viết lại, ‘Nhưng chẳng phải bà vẫn thường tự hào mình là một giáo dân tại giáo xứ Thánh Maria Mađalêna đó sao? Chắc chắn vị thánh ấy không phải là một nhân vật đức hạnh trong một giai đoạn của đời mình. Tuy nhiên, nhờ ơn Chúa, thánh nữ đã trở thành một vị thánh rạng rỡ, truyền cảm hứng cho nhiều người. Nếu chúng ta không thể đặt tên cho các nhà thờ bằng tên của những người đã từng phạm tội, thì tôi chắc chắn rằng mọi nhà thờ trên thế giới này chỉ còn cách là đặt theo các tước hiệu của Chúa Giêsu và Mẹ Người!”

Ngài lưu ý rằng điều tương tự cũng đúng với những nhân vật lịch sử của người Mỹ, và nói thêm rằng tất cả họ đều có những sai sót, nhưng tất cả họ vẫn có những đóng góp rất nhiều cho sự tiến bộ của đất nước chúng ta.

Đức Hồng Y cho rằng trào lưu giật sập các bức tượng và phá hoại những tượng đài có thể so sánh với chính sách đốt sách chôn nho đời nhà Tần bên Trung Quốc.

Theo Sử ký Tư Mã Thiên, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc lần đầu tiên, thừa tướng của ông là Lý Tư đã đề nghị hoàng đế dập tắt tự do ngôn luận để thống nhất các chính kiến và tư tưởng bằng cách đốt hết tất cả các sách và các nhà nho giáo hoặc thông thái có tư tưởng khác với mình.

“Những đứa trẻ của chúng ta cần biết đất nước của mình, quá khứ, những nhân vật chuẩn mực và những đức tính cũng như những tật xấu của họ. Đó là cách mà chúng ta học và truyền lại câu chuyện của quốc gia mình.”

Theo Đức Hồng Y, không có cách nào hiệu quả hơn để hiểu lịch sử phân biệt chủng tộc của Mỹ cho bằng việc đọc Huckleberry Finn hoặc những truyện ngắn của Flannery O'Connor.

“Mẹ tôi giữ một bức ảnh của ông bà ngoại tôi và treo trên tường nhà chúng tôi. Cha của bà, tức là ông ngoại tôi, là một người nghiện rượu và đã bỏ rơi gia đình. Tôi rất vui vì chúng tôi đã biết về ông ngoại tôi, cả những nhân đức cũng như những tính hư, nết xấu, ” Đức Hồng Y Dolan viết.

Ngài nhấn mạnh rằng “Nếu chúng ta chỉ tôn vinh những người hoàn hảo, những người thánh thiện của quá khứ, tôi e rằng chúng ta chỉ còn lại thánh giá. Nhưng mà một số người đang muốn cấm cả điều đó nữa đấy”.

Sau khi nghiên cứu lịch sử Giáo hội Hoa Kỳ, ngài nói rằng, với tư cách là một nhà sử học, tôi muốn ghi nhớ điều tốt và điều xấu, và nhớ lại với lòng biết ơn rằng ngay cả những người có những mặt tối không thể phủ nhận được, vẫn có thể để ánh sáng chiếm ưu thế trong đời mình và để lại cho chúng ta một thế giới tốt hơn.

“Tôi muốn tiếp tục đưa các tầng lớp học sinh đến xem những di tích như vậy, và giải thích cho các em biết ngay cả những vĩ nhân trong lịch sử của chúng ta cũng đã từng có các tội ác, đã từng phạm những hành động bất công và đưa ra các phán đoán kém cỏi xen lẫn với những điều tốt đẹp mà chúng ta tôn vinh.”


Source:Catholic News Agency

2. Những kẻ quá khích đòi giật sập cả bức tượng Lincoln ở Washington DC

Abraham Lincoln sinh ngày 12 tháng 2 năm 1809 và qua đời ngày 15 tháng 4 năm 1865, là một chính khách và luật sư người Mỹ, từng là tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ từ năm 1861 cho đến năm 1865. Lincoln đã lãnh đạo quốc gia thông qua cuộc khủng hoảng chính trị, hiến pháp và chính trị lớn nhất trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Ông có công xóa bỏ chế độ nô lệ, củng cố chính quyền liên bang và hiện đại hóa nền kinh tế Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, một số thành phần quá khích trong phong trào Black Lives Matter, gọi tắt là BLM, đã liên tục tổ chức các cuộc biểu tình ở Washington DC nhằm loại bỏ bức tượng của ông làm bằng đồng ở Công viên Lincoln. Bức tượng có tên là Emancipation Memorial, nghĩa là Đài Tưởng Niệm Giải Phóng.

Bức tượng mô tả vị tổng thống đứng trong khi đó một người đàn ông Mỹ gốc Phi, là người mới được giải thoát khỏi chế độ nô lệ, đang quỳ bên dưới trong một cử chỉ thể hiện lòng biết ơn người đã giải phóng cho mình.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là cảnh hàng trăm người biểu tình đã tập trung tại công viên này. Họ cho rằng bức tượng bỏ qua những đóng góp của người Mỹ gốc Phi để chấm dứt chế độ nô lệ.

Một người đang hò hét giập sập bức tượng xuống nói:

“Bây giờ là thời gian cho những người trẻ tuổi đứng lên. Đây là thời điểm của các bạn. Hãy giật bức tượng này xuống.”

Trong khi đó những người phản biểu tình thì cho rằng Abraham Lincoln là một ân nhân của người da đen và bức tượng này là một bức tượng đẹp vì nó thể hiện lòng biết ơn, là một tính cách xã hội cần thiết của mọi người trong xã hội.

Một vụ ẩu đả giữa người biểu tình và người phản đối leo thang đến mức một nhà hoạt động chính trị phải được cảnh sát hộ tống đến nơi an toàn.

Tổng thống Donald Trump đã có một đường lối cứng rắn đối với bất kỳ ai phá hủy hoặc phá hoại các di tích lịch sử, đe dọa họ bằng các án tù dài.

Diễn biến này càng củng cố lập luận của Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York, khi ngài cảnh cáo rằng nhiều kẻ quá khích đang muốn thực hiện một cuộc cách mạng văn hoá theo kiểu Mao Trạch Đông tại Trung Quốc.


Source:Reuters
 
Nói lên sự thật về BLM, một linh mục bị treo chén để cứu nhà thờ khỏi bị đốt phá
Giáo Hội Năm Châu
05:07 05/07/2020

Trong một cố gắng nhằm cứu một nhà thờ khỏi bị đốt cháy và một linh mục khỏi phải hứng chịu các hình thức bạo lực có thể phương hại đến tính mạng, Đức Cha Timothy Doherty của Giáo phận Lafayette tại Indiana đã phải ra quyết định đình chỉ các thừa tác vụ công khai của Cha Theodore Rothrock.

Cha Rothrock bị đình chỉ không phải vì ngài làm gì sai hay nói gì sai. Ngài bị treo chén vì nói lên một sự thật ngày càng tỏ tường. Ngay chính hình thức kỷ luật ngài phải chịu cũng nói lên sự thật ấy.

Cha Rothrock là linh mục tại Nhà thờ Thánh Elizabeth Seton ở Carmel, Indiana. Trong bản tin của giáo xứ đề ngày Chúa Nhật 28 tháng Sáu, ngài viết rằng chính nghĩa đòi bình đẳng, chống các hình thức kỳ thị chủng tộc đã bị phương hại vì các nhà lãnh đạo của Black Lives Matter và Antifa đang thúc đẩy một chương trình nghị sự xã hội cánh tả và không quan tâm đến những người da đen ủng hộ họ.

Ngài cũng lên tiếng chỉ trích những người Công Giáo tham gia vào các cuộc biểu tình bạo loạn và bày tỏ lo âu rằng các nhà lãnh đạo BLM đang cố gắng áp đặt ý thức hệ của họ lên toàn xã hội bằng bạo lực và sự sợ hãi.

Những ý tưởng do Cha Rothrock đưa ra hoàn toàn tương tự với những gì Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone nói trong một tuyên bố hôm 20 tháng Sáu, sau vụ giật sập một bức tượng Thánh Junipero Serra ở San Francisco.

Ngài khẳng định rằng các cuộc biểu tình chỉ trích sự bất công chủng tộc đã bị cướp mất hết chính nghĩa.

“Điều gì đang xảy ra với xã hội của chúng ta? Một phong trào quốc gia đổi mới để chữa lành ký ức và sửa chữa những bất công của nạn phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát ở nước ta đã bị một số người cướp mất chính nghĩa và lùa vào một phong trào bạo lực, cướp bóc và phá hoại.”

Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục đã được đưa ra sau khi một bức tượng Thánh Junipero Serra bị phá hủy ở Công viên Golden Gate ở San Francisco, vào tối Thứ Sáu, cùng với các bức tượng của Francis Scott Key và Ulysses Grant.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng:

“Việc lật nhào và làm biến dạng các bức tượng trong Công viên Golden Gate, bao gồm cả tượng Thánh Junipero Serra, đã trở thành ví dụ mới nhất, về sự thay đổi đó trong phong trào phản kháng”.

Theo dự trù, ngày 29 tháng 6 là ngày Cha Rothrock trở thành chính xứ giáo xứ Đức Mẹ Núi Camêlô ở Indiana trong khi tiếp tục coi sóc giáo xứ Thánh Elizabeth Seton. Tuy nhiên, kế hoạch đó đã bị hủy bỏ sau khi các nguồn tin tình báo của cảnh sát báo cho giáo phận biết phong trào BLM sẽ tổ chức một cuộc biểu tình rất lớn tại nhà thờ Thánh Elizabeth Seton vào Chúa Nhật 5 tháng Bẩy.

Cảnh sát e là họ không bảo vệ nổi nhà thờ và Cha Rothrock.

Hôm thứ Tư một tháng Bẩy, Mục sư Mark Powell, giám đốc điều hành của phong trào Dân chủ Thiên Chúa Giáo Indiana, tuyên bố sẽ tập trung một lực lượng lớn trong một buổi cầu nguyện vào lúc 11:30 sáng bên ngoài nhà thờ Thánh Elizabeth Seton để hỗ trợ tinh thần cho Cha Rothrock.

Mục sư Mark Powell nói ông không hài lòng với quyết định được công bố hôm 30 tháng 6 của Đức Cha Timothy Doherty.

Toàn văn tuyên bố của Đức Cha Timothy Doherty như sau:

Theo sắc lệnh của Đức Cha Doherty, có hiệu lực từ 12 giờ trưa ngày 1 tháng Bẩy năm 2020, Cha Theodore Rothrock bị đình chỉ các thừa tác vụ công khai theo Giáo luật 1333. Việc đình chỉ diễn ra sau bài báo của Cha Rothrock hôm 28 tháng 6. Đức Giám Mục bày tỏ mối quan tâm mục vụ cho các cộng đồng bị ảnh hưởng. Việc đình chỉ này mang lại cho Đức Giám Mục một cơ hội để phân định mục vụ vì thiện ích của giáo phận và thiện ích của Cha Rothrock. Nhiều khả năng khác nhau về việc tiếp tục các thừa tác vụ linh mục công khai của ngài đang được xem xét, nhưng ngài sẽ không còn được bổ nhiệm làm Cha sở của giáo xứ Đức Mẹ Núi Camêlô. Phó tế Bill Reid sẽ tạm thay công việc của ngài tại giáo xứ Thánh Elizabeth Seton.


Source:Catholic World News