Ngày 30-06-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Có một con đường
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
01:00 30/06/2023


CÓ MỘT CON ĐƯỜNG...

CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN NĂM A

Chẳng có lối nào tốt hơn con đường Chúa Kitô. Vì chỉ có con đường Chúa Kitô mới là đường dẫn lối về trời. Nhưng con đường Chúa Kitô luôn đòi phải hiến mình, đòi phải hy sinh, đòi phải trầy trụa, rát buốt...

Đó là con đường đáp tiếng "Xin vâng" tuyệt đối theo gương Chúa Kitô, nhất quyết lắng nghe và chấp nhận lời lời Chúa thành lời chủ đạo của cuộc đời mình: "Hãy bỏ mình, vác thập giá đời mình mà theo Thầy" (Mt 17, 26).

Và hôm nay, Chúa nhật XIII thường niên, cũng lại là lời mời gọi tương tự: "Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều hiến mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được" (Mt 10, 37-39).

Trí khôn nhân loại dù thời tiền sử hay "bốn chấm không" (4.0), dù ở "đỉnh" nào của hôm nay hay tiến xa đến mọi "đỉnh" tương lai, lại có thể giải thích mầu nhiệm Tình Yêu của Đấng chết treo thập giá.

Đừng mong khôn ngoan nhân loại có thể khám phá thập giá. Đối diện thập giá, loại tư tưởng ấy chỉ là ảo giác, là rồ dại, là đem thân chống lại quyền linh của Đấng chịu chết treo vì yêu mà thôi.

Chỉ những ai cảm nhận mình yếu đuối, nhận ra thân phận đáng thương, tội lỗi, hè hạ, rốt cùng và đáng chết, mới có thể khám phá tình yêu dẫn đưa Con Người cứu độ trên thập giá nhằm mang lại sự sống vì yêu và chết vì yêu là gì.

Chính vì nhận ra thân phận mình khi đối diện với thập giá, thánh Phaolô thốt lên: "Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta. Thật vậy, chúng ta biết rằng: một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết, thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu" (Rm 6, 1-11).

Xác tín tình yêu, sự sống, sự chết và mọi ý nghĩa của ơn cứu độ từ nơi thập giá Chúa Kitô mà một đời, từ khi bắt gặp chân lý đức tin, thánh Phaolô không ngừng dâng hiến mình, dâng cả dòng máu, dâng trọn sự sống cho danh Chúa, cho ơn gọi sống chết vì Nước Trời, vì tình yêu nghĩa thiết với Chúa Kitô.

Lịch sử của Hội Thánh không ngừng chứng minh bằng biết bao nhiêu gương các vị thánh. Một khi cảm thấu tình yêu thập giá của Chúa Kitô, họ không ngừng bước tới trên con đường Chúa Kitô đã đi để vui, để hạnh phúc mà dâng hiến chính mình cho lý tưởng Nước Trời, cho vinh danh Thiên Chúa.

Chỉ cần kể về sự nếm trải thập giá và lời đáp "Xin vâng" của những khuôn mặt tiêu biểu thế kỷ XX, cũng đủ rọi sáng cho ta để sống lời mời gọi của Đấng chết trên thập giá: "Hãy bỏ mình, vác thập giá đời mình mà theo Thầy".

Chẳng hạn thánh linh mục Josemaria Escriva de Balaguer (Tây Ban Nha), vị sáng lập tổ chức Opus Dei (Công Trình của Thiên Chúa); thánh linh mục Maximilian Kolbe chết thay người bạn tù trong thời tàn sát của Đức quốc xã; thánh linh mục Padre Pio (quen gọi là Cha Piô Năm Dấu) gần 50 năm sống trong sự đau đớn và bị chống đối…

Những khuôn mặt ấy là bài học lớn, là vốn sống mạnh mẽ, là tấm gương tuyệt vời cho chúng ta, khi đáp trả lời mời gọi của Chúa sống hoàn hảo hai tiếng “Xin vâng” của bản thân mình.

Lịch sử ơn cứu độ và lịch sử Hội Thánh nhiều lần chứng minh hai tiếng “Xin vâng” luôn luôn gắn liền với thập giá và sự hiến mình.

Và khi tiếp bước Chúa Kitô để sống lời mời gọi: “…Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy…”, chúng ta cũng đang khắc họa mình thành hình ảnh vị thánh thời đại, tiếp tục nối dài lịch sử của tầng tầng lớp lớp người sống "Xin vâng" để hiến mình vì tình yêu thập giá.

Đức Phanxicô, ngay sau ngày được bầu chọn giáo hoàng, đã nói: "Khi chúng ta bước đi mà không có thánh giá, khi chúng ta xây dựng Hội Thánh mà không có thánh giá, khi chúng ta tuyên xưng Chúa Kitô mà không có thánh giá, thì chúng ta không phải là môn đệ của Chúa.

Cầu mong tất cả chúng ta có được sự can đảm bước đi cùng với thánh giá của Chúa Kitô, xây dựng trên máu Chúa Kitô đổ ra trên thánh giá, và tuyên xưng một vinh quang duy nhất là Chúa Kitô bị đóng đinh trên thánh giá".

Hãy luôn nhớ: Con đường thập giá mà Kitô hữu mang lấy là minh chứng cho thế giới và cho từng con người qua mọi thời đại biết rằng, chỉ có nơi thập giá, loài người mới tìm được sức mạnh, sự nâng đỡ, ủi an, ý nghĩa và cùng đích của đời mình mà thôi.

Bởi thập giá dù có khó chấp nhận đến đâu, một khi đã làm người, đã sống và đồng hành trong cuộc đời, không ai có thể vượt ra ngoài con đường thập giá. Chúng ta bước đi cùng Chúa Kitô trên con đường thập giá để khám phá niềm vui sống, mục đích sống và hạnh phúc trọn kiếp sống...

Hãy luôn ghi khắc: Trong lòng đời đầy biến động, mỗi con người có một con đường để đi về cùng đích. Đó là con đường mang tên Kitô...
 
Ngày 01/07: Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
02:09 30/06/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

Khi ấy, Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um, có một viên đại đội trưởng đến gặp Người và nài xin: “Thưa Ngài, tên đầy tớ của tôi bị tê bại nằm liệt ở nhà, đau đớn lắm.” Người nói: “Chính tôi sẽ đến chữa nó.” Viên đại đội trưởng đáp: “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. Vì tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: ‘Đi!, là nó đi, bảo người kia: ‘Đến!’, là nó đến, và bảo người nô lệ của tôi: ‘Làm cái này!’, là nó làm.” Nghe vậy, Đức Giê-su ngạc nhiên và nói với những kẻ theo Người rằng: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như thế. Tôi nói cho các ông hay: Từ phương đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. Nhưng con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” Rồi Đức Giê-su nói với viên đại đội trưởng rằng: “Ông cứ về đi! Ông tin thế nào, sẽ được như vậy!” Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh.

Đức Giê-su đến nhà ông Phê-rô, thấy bà mẹ vợ ông đang nằm liệt và lên cơn sốt. Người đụng vào tay bà, cơn sốt dứt ngay và bà trỗi dậy phục vụ Người.

Chiều đến, người ta đem nhiều kẻ bị quỷ ám tới gặp Đức Giê-su. Người nói một lời là trừ được các thần dữ và Người chữa lành mọi kẻ ốm đau, để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói: Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.

Đó là lời Chúa
 
Môn đệ Chúa : Yêu - Liều - Phiêu
Lm. Nguyễn Xuân Trường
04:19 30/06/2023

MÔN ĐỆ CHÚA: YÊU - LIỀU - PHIÊU

Đi theo Chúa thì được gì? Yêu Chúa thì yêu đến mức nào? Phúc Âm tuần này cho ta câu trả lời: Phải yêu Chúa nhất. Yêu đến độ liều mất mạng sống. Rồi Chúa sẽ ban thưởng cho ta.

1. Yêu. - Khi thơ bé với ta cha mẹ là tất cả, ta yêu cha mẹ nhất. Nhưng rồi lớn lên, thì tình yêu vợ chồng mới lại là nhất. Cứ tưởng tình yêu gia đình là nhất, nhưng không, tình yêu Chúa mới là nhất. Chính Chúa Giêsu đã bảo phải yêu Ngài hơn cha mẹ, hơn con cái. Phải yêu Chúa nhất! Phải yêu Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự.

2. Liều. - Chúa bảo yêu Chúa thì phải hy sinh vác thập giá, phải từ bỏ cả mạng sống. Thoáng nghe thì thấy sợ quá, khó quá. Nhưng nếu đã yêu thì người ta dám liều hy sinh, từ bỏ. Không phải là chuyện lý tưởng mà là chuyện rất thực tế. Trong đời, khi yêu điều gì, người ta sẵn sàng hy sinh thời gian, tiền bạc, công sức vì điều đó. Khi đôi nam nữ yêu nhau, thì họ sẵn sàng rời bỏ cha mẹ anh em để gắn bó với người yêu. Thế nên, nếu thật lòng yêu Chúa thiết tha thì ta sẵn sàng từ bỏ những thứ khác. Vì yêu nên liều từ bỏ.

3. Phiêu. - Yêu và liều như thế người ta sẽ đạt được “phiêu”. Phiêu không chỉ là một cảm giác lâng lâng, bay bổng, ngất ngây, tự do, mà phiêu còn là một lối sống hạnh phúc. Sống phiêu là sống chọn lựa điều mình yêu và cháy hết mình với điều đó. Người môn đệ vì Chúa phải sống phiêu như thế. Và phiêu cũng là phần thưởng hạnh phúc đời đời mà Chúa ban tặng cho người môn đệ.

Lời Chúa tuần này đã dùng hình ảnh đón tiếp khách để diễn tả việc theo Chúa: đón tiếp khách phải hy sinh từ bỏ thời giờ, tiền bạc, nhưng chủ nhà lại không thấy mất mát, mà lại chan chứa niềm vui. Ước mong sao, sống trong đời, chúng ta coi nhau như những vị khách quý, và coi Chúa là thượng khách của chúng ta. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:31 30/06/2023

32. Sau khi đem bản thân mình dâng hiến cho Thiên Chúa, thì không những con được Thiên Chúa, mà còn được sự sống đời đời nữa.

(Thánh Francis of Sales)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
05:35 30/06/2023
90. NGƯỜI CHA VÀ CON TRAI

Một hôm, ông chủ xay bột nói với con trai dắt một con lừa đi ra chợ bán.

Trên đường đi, hai cha con gặp một người cưỡi ngựa, ông ta nói với họ:

- “Các anh rất ngu, có con lừa tại sao không cưỡi chứ?”

Người cha lập tức kêu đứa con cưỡi trên lưng lừa.

Qua một lúc sau, họ nhìn thấy một chiếc xe chở đầy rau cải, tài xế đưa đầu ra nói với đứa con:

- “Mày không cảm thấy xấu hổ sao, còn thanh niên trai tráng vậy mà cưỡi trên lừa, còn ông già thì lại đi bộ?”

Con trai nghe như vậy thì vội vàng nhảy xuống, mời phụ thân lên lừa.

Lại đi thêm mấy cây số nữa, trước mặt đi tới một thiếu phụ miền quê, bà ta nói:

- “Ông già, quả tim của ông nhất định là bằng đá, ông vững vàng bình an ngồi trên lưng con lừa mà đi, nhưng lại để con trai chạy bộ mệt nhọc.”

Phụ thân nghe nói như vậy thì kêu con trai cũng lên ngồi trên lưng lừa.

Một em bé đang chăn dê bên đường nhìn thấy, nói:

- “Thật đáng tội nghiệp cho con lừa chịu đựng sức nặng như vậy, nó nhất định sẽ không trụ nổi đâu.”

Hai cha con chỉ có cách là xuống lừa, con trai hỏi cha nó:

- “Cuối cùng thì chúng ta nên làm thế nào, lẽ nào gánh con lừa trên vai mà đi sao? Có lẽ cũng nên làm như thế thì người ta mới bằng lòng.”

Người cha thông minh trả lời:

- “Này con trai, con hiểu rõ chứ ! Chúng ta sẽ không bao giờ làm cho một người nào đó bằng lòng, do đó chỉ cần làm tốt bổn phận của mình, cứ để họ đi nói chuyện phiếm của họ.”

(Một trăm câu chuyện giáo dục)\

Suy tư ngắn 90:

Nếu bạn muốn thất bại thì chỉ cần tốt với tất cả mọi người. Ý thâm sâu của nó là: ai nói gì thì cứ nghe và làm theo họ, thế là chúng ta sẽ thất bại, bởi vì mỗi người một ý kiến, mà ý kiến đó không trúng vào trọng tâm của vấn đề.

Lập trường cá nhân thì phải có, nhưng cũng cần phải nhìn ngang nhìn dọc thời cuộc chung quanh để cải tiến cho lập trường của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Địa Chỉ Tối Ưu
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
07:52 30/06/2023
Địa Chỉ Tối Ưu

(Chúa Nhật XIII TN A)

Các bạn trẻ ngày nay rất thích nghe diễn giảng về chủ đề thành công trong cuộc sống. Có một vài điểm chung trong các bài diễn thuyết của nhiều danh nhân, doanh nhân thành đạt mà có thể kể ra hai điểm chung thường thấy trình bày đó là để đạt thành công trong cuộc sống thì cần phải có “hoài bão” (ambition) và biết cách “đầu tư” (investing). Sống mà không có hoài bão tức là không có mục đích, lý tưởng cụ thể thì hầu chắc không thể thành công. Người có hoài bão mà không biết đầu tư công sức, thời giờ và cả vật chất cho mục tiêu lý tưởng muốn đạt thì cũng chỉ là người mộng mơ viễn vông.

Phụng vụ Lời Chúa Giáo hội dọn cho đoàn tín hữu trong Chúa Nhật XIII TN A có thể nói tập trung vào chủ đề “đầu tư đúng địa chỉ tối ưu” để được hạnh phúc viên mãn, để được sống đời đời. Đầu tư là hành vi bỏ ra, tiêu phí một khoản nào đó và rồi sau đó mong sẽ thu lại một khoản nhiều hơn phần đã bỏ ra. Dĩ nhiên đã và đang có đó nhiều người đầu tư cách thiếu khôn ngoan, lầm lạc và hậu quả là phần thu lại ít hơn phần đã bỏ ra và có khi là chẳng thu lại được gì, kiểu “dã tràng xe cát”. Một trong những lý do gây ra các hậu quả trên đó là vì họ đã đầu tư không đúng địa chỉ.

Bài đọc thứ nhất trích Sách các vua quyển thứ hai tường thuật câu chuyện một cặp vợ chồng cao niên ở miền Sunam đã biết khôn ngoan đầu tư đúng địa chỉ. Hai vợ chồng đã đón tiếp ngôn sứ Êlisêu và dâng cho Ngài căn phòng khá đủ tiện nghi trên lầu. Hiệu quả của sự đầu tư của hai vợ chồng như nhãn tiền với lời khẳng định của vị ngôn sứ: “Năm tới cũng vào thời kỳ này, bà sẽ bồng một bé trai” (2V 4,16a). Trong cảnh già nua mà vẫn son sẻ thì quả là một điều bất hạnh và là một nỗi nhục trước mặt người đời. Dâng trao cho vị ngôn sứ chỉ một căn phòng vật chất và rồi lại được một người con nối dõi tông đường thì quả là thu một món lời khôn kể xiết. Ngoài ra căn phòng ấy cũng không mất đâu cả vì hầu chắc vị ngôn sứ sẽ không ở lại đó mãi mãi. Đầu tư đúng địa chỉ quả là một hành vi khôn ngoan.

Bài Tin mừng tường thuật những lời của Chúa Giêsu thoặt xem ra có vẻ nghịch thường. Một vị tôn sư lại thẳng thừng kêu gọi người ta phải yêu mến mình hơn cả mẹ cha. Người lại còn mạnh mẽ khẳng định rằng kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Người, thì sẽ tìm lại được mạng sống (x.Mt 10,37-39).

Một lý chứng duy nhất biện minh cho người có những lời lẽ xem ra nghịch thường và cả sống sượng như thế, đó là vì người ấy chính là Thiên Chúa, là Đấng dựng nên các bậc sinh thành của chúng ta, là Đấng cho chúng ta từ hư vô làm người trên cõi dương trần này. Những ai tin nhận Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật thì mới có thể đón nhận và sống theo những lời ấy.

Đã tin Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật, là Đấng mà nhờ Người mọi vật mọi loài được dựng nên (x.Col 1,15-20), thì việc chọn yêu mến Người hơn cả mẹ cha, việc sẵn sàng hiến dâng mạng sống vì Người chính là việc đầu tư khôn ngoan nhất vì đã đầu tư đúng địa chỉ tối ưu nhất. Chắc chắn một khi đã đầu tư đúng địa chỉ tối ưu thì phần sẽ thu lại là gấp trăm gấp ngàn lần phần đã bỏ ra. Chính Chúa Giêsu cũng đã từng minh định rõ sự thật này với các môn đệ. Khi Phêrô lên tiếng thưa: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy” thì Chúa Giêsu đã nói: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái, ruộng đất gấp trăm lần, cùng với sự ngược đãi và sự sống vĩnh cữu ở đời sau” (Mc 10,28-30).

Cần lưu ý là trong lời khẳng định của Chúa Giêsu có đó sự ngược đãi. Đây là một hiện thực và cũng là một chướng ngại phải vượt qua. Bất cứ sự đầu tư nào cũng có đó phần khó khăn vì kết quả luôn ở thì tương lai. Để mong thành công trong những thiện hảo đời này thì người đầu tư dĩ nhiên cần một chút liều lĩnh nào đó, nói đúng hơn là sự can đảm và kiên trì vượt khó. “Đường đến thành công không hề có bóng chân của người ngại khó, sợ khổ” (Franklin). Để được thành nhân và nhất là được hạnh phúc vĩnh cửu thì khi khôn ngoan đầu tư mọi sự vào Đấng Cứu Độ thì vẫn có đó chướng ngại phải can đảm vượt qua. Đó là mầu nhiệm thập giá mà Chúa Kitô đã nói rõ ràng: “Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23).

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 
Chạm đến ân sủng
Lm. Minh Anh
14:47 30/06/2023

CHẠM ĐẾN ÂN SỦNG
“Thấy mẹ vợ Phêrô đang sốt liệt giường. Chúa Giêsu chạm đến tay bà và cơn sốt biến đi”.

“Tham dự tang lễ của Brezhnev, George Bush vô cùng xúc động trước sự ‘không đồng tình’ âm thầm của bà quả phụ. Bà cúi xuống, chậm rãi, trang trọng, làm một dấu thánh giá trên ngực chồng. Ở đó, trong toà nhà uy quyền, ‘biểu tượng’ của những người vô thần, vợ của người đàn ông quyền lực nhất hy vọng rằng, chồng mình đã sai. Bà cầu xin lòng thương xót Chúa cho ông được ‘chạm đến ân sủng’ Ngài, khi thánh giá Ngài chạm đến trái tim ông”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trên đây là ghi nhận của Gary Thomas trong cuốn “Christianity Today”, “Kitô Giáo Ngày Nay”. Lời Chúa hôm nay cũng nói đến việc ‘được Thiên Chúa chạm đến’ hay ‘được chạm đến Ngài’. Trong cái nhìn đức tin, chúng ta gọi đây là việc ‘chạm đến ân sủng’.

Nhạc mẫu của Phêrô sốt liệt giường. Không ai xin Chúa Giêsu chữa cho bà, kể cả bà; đúng hơn, Ngài “thấy” bà đang liệt, nên đến gần bà, “chạm đến tay bà”, và bà được lành. Ngay sau khi được chạm đến, “Bà chỗi dậy tiếp đãi các ngài!”. “Chỗi dậy” tượng trưng cho tất cả những gì phải làm ngay khi được ân sủng cảm hoá. Ân sủng có tác dụng làm cho chỗi dậy; nói cách khác, mỗi khi được ‘chạm đến ân sủng’, chúng ta chỗi dậy! Chỗi dậy khi thoát khỏi tội lỗi bởi đã chạm đến ơn tha thứ của Bí Tích Hoà Giải; chỗi dậy khi Chúa bước vào cuộc đời, ban cho chúng ta sự định hướng sáng suốt và niềm hy vọng sau một biến cố nào đó. Mỗi lần chỗi dậy là mỗi lần được củng cố trong đức tin, được xua tan gánh nặng tội lỗi và sự mê muội; đồng thời, vươn lên trong sức mạnh mới để tạo nên một sự khác biệt.

Bà đã “tiếp đãi các ngài”. Đây phải là hậu kết tất yếu của việc chỗi dậy nơi một người đã ‘chạm đến ân sủng’. Ân sủng không được ban để ai đó quay lại với tội lỗi, nhưng để đứng lên phục vụ Chúa và tha nhân. Theo một nghĩa nào đó, ân sủng đặt chúng ta trở lại sứ vụ của mình; đó có thể là một gánh nặng nhưng là một ‘gánh nặng thánh’; một gánh nặng sẽ hoá nên nhẹ nhàng, gánh ân sủng, gánh ân phúc, “Vì ách Tôi êm ái, gánh Tôi nhẹ nhàng”.

Thú vị thay! Abraham và Sara trong bài đọc Sáng Thế cũng đã ‘chạm đến ân sủng’. Dưới cụm sồi, ‘ba người khách lạ’ cũng tự tìm đến nhà Abraham; ông ‘chỗi dậy’ phục vụ các ngài. Như nhạc mẫu Phêrô yếu liệt, Sara cũng bất lực, héo hắt vì không thể sinh con; hình ảnh này nói lên một điều gì đó tàn úa, chết chóc. Vậy mà phụ nữ son sẻ này, rồi đây, sẽ được xót thương. Và như thế, việc ‘chạm đến ân sủng’ của hai người đã làm tươi mới tất cả. Kìa, dưới mái lều của họ, sẽ có tiếng cười trẻ thơ. Thâm thuý thay lời ngợi khen Magnificat của Maria, Đấng Đầy Ân Sủng, qua lời đáp ca, “Chúa đã nhớ lại lòng thương xót của Người!”.

Anh Chị em,

“Chúa Giêsu chạm đến tay bà”. Mỗi ngày, trên các bàn thờ, qua các Bí Tích, Chúa Giêsu chạm đến thân xác chúng ta. Không chỉ ‘chạm đến ân sủng’, chúng ta chạm đến Đấng là nguồn ân sủng; đúng hơn, Giêsu Ân Sủng chạm đến chúng ta. Và không chỉ chạm đến thân xác, Ngài còn đi vào linh hồn, trở nên của ăn, của uống nuôi sống chúng ta. Noi gương Abraham và nhạc mẫu Phêrô, bạn và tôi chỗi dậy, đi tới, với những bước chân hân hoan cho việc phụng sự Thiên Chúa và tha nhân trong mọi đấng bậc tuỳ theo ơn gọi của mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con bất lực, héo úa và tội lỗi. Xin chạm đến con, hầu con hồi sinh, trở nên tươi mới và cũng có thể đứng lên, đi tới, đem ân sủng Chúa chạm đến anh chị em con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Sứ vu Giám Mục và câu chuyện Tâm Lưới
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
18:36 30/06/2023
BG Thánh lễ Tạ ơn hồng ân Giám Mục Đức cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ – 30.6.2023

Cộng đoàn chúng ta chiều hôm nay, chiều thứ Sáu cuối tháng 6 – Tháng Thánh Tâm, đang hân hoan quay quần chung quanh Bàn Tiệc Thánh Thể để cùng với một người anh em của chúng ta, một người con giáo phận Qui Nhơn, vừa được cất nhắc lên hàng ngũ kế vị các Tông Đồ, với ân ban Thánh chức Giám Mục vừa được nhận lãnh cách đây 4 ngày.

Vâng, cùng với Đức Cha Giuse chủ tế, cũng là nhân vật chính trong ý nghĩa Tạ ơn hồng ân thánh chức Giám Mục vừa được nhận lãnh, tâm tình và thái độ chính đáng và phải đạo nhất của cộng đoàn chúng ta trong giây phút nầy không gì phù hợp cho bằng tâm tình và thái độ của Đức Trinh nữ Maria trong bài ca tạ ơn bất hủ Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa… vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều ca cả…”.

Chắc chắn, “điều cao cả” mà Đức Mẹ cảm nhận và xác tín đó chính là ân ban được làm “Mẹ Đấng Cứu Thế”, được liên kết mật thiết với Con Một Đức Chúa Trời để mang ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại. Cũng vậy chức thánh Giám Mục mà Đức Cha Giuse vừa được nhận lãnh sáng ngày 27.6 vừa qua chính là một ân ban đến từ lòng yêu thương bao la của Thiên Chúa như Giáo Hội đã đọc lên trong Lời nguyện Nhập lễ của Thánh lễ truyền chức vừa rồi: “Lạy Chúa, chỉ vì lòng rộng rãi ban ân sủng khôn tả mà hôm nay Chúa đặt tôi tớ Chúa là linh mục Giuse Huỳnh Văn Sỹ đây đứng đầu Giáo phận Nha Trang…”.

(Để chia sẻ niềm vui tạ ơn trước ân ban trọng đại nầy của Đức Cha Giuse, cộng đoàn chúng ta cùng kính dâng về ngài một tràng pháo tay đong đầy kính mến…).

Quả thật, theo chỉ dẫn của Lời Chúa trong suốt chiều dài lịch sử cứu độ, bất cứ ơn gọi nào, chức vụ nào trong Dân Chúa, dù Giám Mục hay linh mục, tu sĩ hay giáo dân, chức việc hay giáo lý viên, người làm tông đồ kẻ nói tiên tri… tất cả tiên vàn đều đến từ sự chọn lựa và kêu gọi của chính Thiên Chúa sau đó mới là sự đáp trả của con người. Chính ngôn sứ Amos đã xác nhận ý nghĩa nầy cách cụ thể nơi sứ vụ tiên tri của mình: “Tôi không phải là tiên tri, cũng không phải là con của tiên tri: nhưng tôi là một mục tử, chuyên trồng cây sung. Chúa đã bắt tôi khi tôi đi theo đoàn vật, và Chúa bảo tôi: “Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta” (Am 7,14-15). Vâng, cách đây 60 năm, khi em bé mà hôm nay là Giuse Huỳnh Văn Sỹ chào đời, hay vài chục năm trước, khi cậu thanh niên Sỹ là sinh viên, là giáo viên dạy học… thì ai dám nghĩ người nầy sẽ làm Giám Mục. Vâng, ơn gọi chính là ân ban của Chúa.

Và một khi Chúa đã chấm, đã nhìn thấy và chọn lựa một ai đó để dùng cho công việc của Ngài, chương trình của Ngài thì luôn cho thấy một bất ngờ, một lạ lẫm đôi khi trái khuấy mà đôi mắt “thịt” trần tục của chúng ta không thể nhận ra, như cách Ngài chọn Đavit để Samuel xức dầu tấn phong làm vua Israel mà chúng ta vừa nghe qua Bài đọc 1: lần lượt 7 người anh cao ráo tốt mã đều bị Chúa loại: Chúa phán cùng Samuel: “Đừng nhìn xem diện mạo, vóc cao, vì Ta đã loại nó rồi; Ta không xem xét theo kiểu của con người, vì chưng con người nhìn xem bên ngoài, còn Thiên Chúa thì nhìn xem tâm hồn”. Nhưng đến đứa út chăn chiên… thì Chúa liền phán: “Ngươi hãy chỗi dậy, xức dầu lên nó, vì chính nó đó”. Tôi cam đoan với anh chị em, trong những ngày nầy, chắc chắn, hơn ai hết, chính Đức Cha Giuse là người cảm nhận rõ nét và sâu xa nhất về sự chọn gọi, về ân ban mà Ngài vừa lãnh nhận…

Và dĩ nhiên, đây không là chuyện sắc phong để người được thụ phong sở hữu những đặc quyền đặc lợi mang tính “ngoại thân”, vốn không thuộc về mình… mà chính là ân ban Thánh Thần để thánh hóa, đổi mới từ bên trong như việc xức dầu cho Đavit: Samuel lấy bình dầu ra, xức lên nó trước mặt các anh em, và Thánh Thần ngự trên Đavit từ ngày đó trở đi.

Chính vì thế những lời quan trọng nhất làm nên “Mô Thức” của bí tích Truyền chức Giám mục đó là những lời nguyện cầu xin ban ơn “Thần Khí Thủ lãnh” mà toàn thể các Giám Mục đồng tế đều hiệp thông chung lời với Giám Mục chủ phong: “Xin Cha tuôn đổ trên người được Cha tuyển chọn sức mạnh phát xuất từ nơi Cha, xin ban Thần Khí Thủ lãnh, mà Cha đã ban cho Con yêu dấu của Cha là Đức Giêsu Kitô, chính Người lại ban cho các Thánh Tông đồ, và các Ngài đã thiết lập Hội Thánh tại mỗi nơi như ngôi thánh điện của Cha, để không ngừng tôn vinh và chúc tụng Danh Cha”…

Thế nhưng, kính thưa cộng đoàn, ân ban càng cao trọng thì trách nhiệm và sự đáp trả lại càng nhiều, hy sinh càng lớn, đôi khi thật nghiệt ngã; chúng ta cùng đồng cảm và cầu nguyên nhiều cho các Giám Mục, đặc biệt cho Đức Cha Giuse. Mặc dù chỉ có mới 4 ngày, nhưng chắc chắn ngài đã thấy, đã dự cảm: cuộc đời từ đây không phải để lên ngôi, ăn trên ngồi trước… mà sẽ bắt đầu bị thiêu, bị cháy đi như cây nến lụi tàn dần; hay như cách diễn tả của chính Chúa Giêsu: như “hạt lúa mì bị chôn vùi, mục nát”. Khi nhắc đến điều nầy, tôi chợt nhớ tới những lời cuối cùng của Đức Thánh Giám Mục Oscar Romero của nước El Salvador, trong Thánh lễ cuối cùng khi ngài ngã gục trên bàn thờ vì bị sát hại bởi loạt đạn của thế lực tài phiệt đen: “Bất cứ ai vì lòng yêu mến Chúa Kitô hiến thân phục vụ tha nhân, người ấy sẽ được sống giống như hạt lúa mì dù chết đi, nhưng thật ra chỉ chết về mặt bề ngoài”. Và đây, chính là điều mà Vị Giám Mục vĩ đại, nhà truyền giáo vĩ đại Phaolô đã sống, đã trải nghiệm, đã làm chứng cho muôn thế hệ, như chúng ta nghe ngài chia sẻ trong thư gởi giáo đoàn Côrintô nơi Bài đọc 2 vừa được công bố: “Chịu khổ cực tư bề…, bị đè bẹp…, long đong…, bắt bớ…, bị bỏ rơi…, bị quật ngã… Vì chưng, mặc dầu đang sống, nhưng vì Đức Giêsu, chúng tôi luôn nộp mình chịu chết, để sự sống của Đức Giêsu được tỏ trong thân xác hay chết của chúng tôi.

Nhưng trong ngày vui tạ ơn hôm nay chúng ta không nên dừng lại ở chiều kích “hy sinh và khổ giá”, cho dù đó là con đường, là sự chọn lựa căn bản của những ai dấn thân phục vụ Đức Kitô và Hội Thánh; nhất là những kẻ kế vị các Tông Đồ, những người mà hầu hết, cái kết cục của một đời theo Chúa Kitô và đi hết con đường sứ vụ đó là tử đạo (như liên tiếp các lễ kính Thánh tử đạo mà Hội Thánh vừa kính nhớ: Giám Mục Tử đạo Irênê (28.6); hai Thánh Tông Đồ Phêrô, Phaolô (29.6); và hôm nay (30.6), Các vị tử đạo tiên khởi của giáo đoàn Rôma).

Vâng, trong ngày vui tạ ơn hôm nay, chúng ta hãy cùng với Đức Cha mới Giuse đưa thuyền ra chỗ nước sâu để như câu châm ngôn Giám Mục của Ngài: “Vâng lời Thầy con thả lưới” (In Verbo Tui, Laxabo rete) (Lc 5,5). Câu châm ngôn lấy từ Tin Mừng Luca nầy, thực ra đã quá cũ, gần 2000 năm rồi còn gì; và cũng được nhiều Giám mục chọn lựa, như Đức cố Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, vị Giám mục Chính Tòa tiên khởi của Giáo phận Qui Nhơn chúng ta. Tuy nhiên, trong viễn tượng và định hướng mục vụ của Hội Thánh đây lại là điều luôn mới mẻ và cần thiết, như xác nhận của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tong huấn Niềm Vui của Tin Mừng: “Tôi ước mơ một “chọn lựa truyền giáo”, nghĩa là một nỗ lực truyền giáo có khả năng biến đổi mọi sự, để các thói quen, các cách hành động, các giờ giấc và chương trình, ngôn ngữ và các cơ cấu của Hội Thánh có thể được khai thông thích hợp cho việc loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay, hơn là cho sự bảo tồn của Hội Thánh.” (EG 27). Riêng trong Thánh lễ Tạ ơn nầy, tôi muốn đặt câu châm ngôn truyền giáo của Đức Cha Giuse trong bối cảnh buổi bình minh của một ngày nọ sau khi Chúa sống lại từ cõi chết. Vâng, đó là câu chuyện của một buổi sáng tinh mơ trên bờ hồ Tibêriat; một buổi sáng với 7 tay dân chài cùng “hiệp hành” đi đánh cá trên chiếc thuyền của Phêrô như Tin Mừng Gioan kể lại: Simon Phêrô, Tôma cũng gọi là Điđymô, Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông kia nói rằng: "Chúng tôi cùng đi với ông"…; và những gì xảy ra sau đó chúng ta đều đã biết: Đức Kitô phục sinh đứng trên bờ với bếp lửa hồng, mấy tấm bánh thơm và vài con cá nướng; một mẻ lưới đầy cá; và một bữa điểm tâm phục sinh chan chứa và ấm áp tình Thầy Trò…

Từ ý nghĩa nầy, hôm nay và cả những ngày về sau, chúng ta cùng hiệp ý cầu nguyện cho chọn lựa và tâm nguyện truyền giáo của Đức Cha Giuse sẽ luôn trở thành hiện thực nơi công việc chăm sóc đoàn chiên Giáo phận Nha Trang; một giáo phận có nhiều tương quan mật thiết với giáo phận mẹ Qui Nhơn, bao gồm hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa với dân số gần 2 triệu người, với 230.000 giáo dân của 10 giáo hạt, 117 giáo xứ, 26 Dòng tu, 1031 tu sĩ, 260 linh mục… Chắc chắn trước viễn tượng của một “vùng nước sâu Nha Trang đầy cá” nầy, tấm lưới của vị Tân Mục Tử Giuse sẽ có nhiều cơ hội cũng như phải đối diện với muôn vàn thách đố. Thế nhưng, xin Đức Cha yên tâm, cho dù có những “đêm không được con cá nào” thì trên bờ kia vẫn đứng đó một Đấng Phục Sinh uy quyền và đầy tế nhị với một “bữa điểm tâm nóng hổi đợi chờ”. Chỉ cần Đức Cha luôn ghi nhớ và liên kết hai lời của hai vị Thánh Tông Đồ: của Phêrô: “Vâng lời Thầy Con thả lưới”; và của Gioan: “Chính Chúa đó”, chắc chắn Đức Cha sẽ tìm được bình an và hạnh phúc trên mọi nẻo đường sứ vụ. Xin Thánh Tâm Chúa Giêsu thánh hóa và gìn giữ Đức Cha. Amen.

Giuse Trương Đình Hiền
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 13 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:14 30/06/2023
CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Mt 10, 37-42.

“Ai không vác thập giá, thì không xứng với Thầy. Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy.”


Bạn thân mến,

Điều kiện mà Đức Chúa Giê-su đưa ra để chúng ta dành được Nước Trời, đó là phải từ bỏ mình và đón tiếp anh em, hai điều kiện nghe ra rất dễ dàng thực hiện, nhưng thực ra quả là khó khăn cho những ai không hết lòng yêu mến Thiên Chúa.

Từ bỏ là quăng đi, là để lại, là không cần và cũng không đem theo bên mình để nhẹ nhàng đi đến một nơi khác làm việc. Những thứ mà chúng ta có thể bỏ lại là áo quần cũ, là chiếc xe đạp cũ, là cơm thừa canh cặn, là những người bạn không thân, và có khi –bất đắc dĩ- phải bỏ lại một vài thứ đồ dùng mà chúng ta thích. Tất cả những thứ mà chúng ta từ bỏ không “thương tiếc” ấy, thì chúng ta sẽ sắm lại khi đến nơi làm việc mới, và có khi sắm lại nhiều hơn nữa.

Đức Chúa Giê-su nhấn mạnh là chỉ có ai từ bỏ mình thật sự mới xứng đáng là bạn thân thiết của Ngài. Từ bỏ thật sự như Ngài đã từ bỏ ngai tòa vinh hiển để chọn hang lừa máng cỏ làm nơi sinh ra; từ bỏ như Ngài đã từ bỏ vinh quang Thiên Chúa để mặc lấy thân phận tôi đòi trở nên giống phàm nhân và sống như người trần thế (Pl 2, 6-7), tức là Ngài đã hủy mình ra không.

Đức Chúa Giê-su mời gọi chúng ta từ bỏ mình chính là từ bỏ cái tôi của chúng ta, cái tôi của bạn thường làm cho bạn cảm thấy mình cần phải được kẻ khác tôn trọng, cần phải ăn trên ngồi trước, cần phải chỉ huy người khác.v.v...bằng không thì tâm hồn bạn lo buồn khó chịu và bực tức khi người khác coi bạn như những người khác.

Bạn thân mến,

Ai không từ bỏ mình thì cũng không sẵn lòng tiếp đón anh chị em, bởi vì khi bạn và tôi từ bỏ mình là lúc mà tâm hồn chúng ta trống rỗng, rộng rãi, vị tha để dư sức tiếp nhận tha nhân vào trong tâm hồn của mình; bởi vì khi từ bỏ cái tôi của mình, thì bạn và tôi sẽ vui vẻ tiếp đón anh chị em vô điều kiện, đó chính là điều mà Đức Chúa Giê-su muốn chúng ta phải thực hiện để xứng đáng làm môn đệ của Ngài.

Từ bỏ mình là phải từ bỏ liên lĩ trong cuộc sống của bạn và tôi, không phải từ bỏ cái mình không yêu không thích, nhưng từ bỏ cái mà mình thích mình yêu để đón tiếp người anh em mà mình không thích không yêu, đó chính là bí quyết để trở nên môn đệ của Đức Chúa Giê-su vậy.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Danh Thánh Chúa
Lm Vũđình Tường
21:29 30/06/2023
Khi đời sống gia đình thuộc về Chúa, gia đình đó giúp nhau sống đạo và trở thành gia đình 'giáo hội nhỏ'. Đời sống tâm linh thành viên gia đình đó được đào sâu, dựa vào giáo huấn của chính Đức Kitô. Tuy nhiên 'giáo hội nhỏ' không thể tự đứng vững một mình mà cần dựa vào, liên kết với Giáo Hội địa phương, gần nhất và quan trọng nhất chính là xứ đạo gia đình đó đang sống. Mục đích là để nhận hướng dẫn từ giáo xứ hầu tránh đi lạc đường, sai lối. Tất nhiên giáo xứ đó cần phải tuân thủ theo hướng dẫn của Đức Kitô mà đại diện của Ngài nơi trần gian là Đức Giáo Hoàng và giám mục sở tại, đại diện Toà Thánh, hướng dẫn, chỉ bảo, giúp ta tuân thủ theo luật Chúa.

Một trong những sai lầm đáng tiếc là đôi khi người ta để truyền thống gia đình vượt lên trên giáo huấn của Giáo Hội. Tuân theo luật Chúa có nghĩa là để cho hướng dẫn của Chúa thanh tẩy lối sống cá nhân và truyền thống gia đình. Những gì cản trở đời sống đức tin cần dứt khoát loại bỏ, ngay cả đó là truyền thống lâu đời trong gia tộc. Hướng dẫn này có thể gây hiểu lầm cho những ai tôn thờ tổ tiên.
Kính nhớ tổ tiên là điều tốt lành, điều đáng khuyến khích, nhưng tôn thờ tổ tiên là điều cần sửa đổi. Tại sao thế? Bởi tổ tiên là loài thụ tạo. Loài thụ tạo không thể nào cao hơn, trọng hơn Đấng Sáng Tạo. Coi tổ tiên quan trọng hơn Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên tổ tiên, là sai lầm đáng tiếc.

Tôn thờ chính đáng là tôn thờ Thiên Chúa; ngoài ra không tôn thờ thần linh nào, hoặc loài thụ tạo nào khác. Tỏ lòng kính trọng, quý mến người quá cố là điều tốt lành, làm đẹp lòng Thiên Chúa. Tôn thờ Thiên Chúa sẽ mang ích lợi lại cho tổ tiên. Bởi tôn thờ tổ tiên, nên không bao giờ cầu cho tổ tiên mà luôn xin tổ tiên phù trợ. Tôn thờ Thiên Chúa; cầu cho tổ tiên. Xin Thiên Chúa ban phước lành cho tổ tiên. Ngày mồng hai tết là ngày kính nhớ, cầu cho tổ tiên và trọn tháng Mười Một hàng năm, Giáo Hội kêu gọi Kitô hữu cầu cho tổ tiên và cho mọi người đã qua đời. Như thế nhờ lời cầu của ta mà tổ tiên được Thiên Chúa ban phước lành, tình yêu, ân sủng Chúa.
Tin theo Đức Kitô lối sống con người thay đổi, cách cầu nguyện và niềm tin thay đổi. Giáo Hội Chúa có cả một giới răn kêu gọi Kitô hữu thảo kính Cha mẹ. Xin ơn lành, bình an cho cha mẹ còn tại thế; xin ân sủng Chúa, đón nhận vào nước Chúa cho cha mẹ đã qua đời. Cầu nguyện cho các vị đó xin Chúa ban ơn. Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên tổ tiên. Nếu không có Chúa sẽ không có tổ tiên. Vì thế chính việc thờ phượng Chúa là cách tốt lành nhất, cách làm đẹp lòng tổ tiên, bởi chính tổ tiên cũng tôn thờ Thiên Chúa.

Hiểu sai về giáo huấn và con người Đức Kitô thường xảy ra. Có í kiến coi Ngài như một tiên tri; í khác Ngài là Gioan Tẩy Giả; í khác nữa Ngài là Elijah hay Jeremiah Mat 16:13-20. Hiểu lầm dù chân thành cũng gây ảnh hưởng xấu, tai hại. Lí do là mức độ kính trọng ta dành cho người đó tuỳ thuộc vào nhận thức ta nhận biết về người đó. Coi Đức Kitô như là một tiên tri ta đối xử với Ngài theo cách kính trọng một tiên tri. Nhận biết Đức Kitô là Thiên Chúa ta tôn thờ Ngài là Thiên Chúa, Đấng Chí Tôn. Chính điều này làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Đức Kitô có lần nói với Phêrô, nhận biết Đức Kitô là Con Thiên Chúa chính là ân sủng Chúa soi sáng cho biết. Dịp này Đức Kitô soi sáng cho Kitô hữu biết liên quan mật thiết, cao sâu giữa Ngài và Chúa Cha; cũng như liên quan mật thiết dài, rộng giữa Ngài và các Kitô hữu khác. Có lần Ngài nói với Philip khi ông xin được nhìn thấy Chúa Cha. Đức Kitô nói với Philip, 'Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha Gn. 14,8'. Lần này Ngài nhắc lại điều đó, 'Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Chúa Cha, Đấng sai Thầy Mt 10,40'. Nhìn vào các môn đệ, Đức Kitô nói ai tỏ lòng rộng lượng, quí mến chào đón môn đệ Ngài là làm cho chính Ngài. Dù việc làm đó đơn giản như cho một li nước cũng không bị lãng quên.

Li nước lạnh đơn giản không bị lãng quên; trái lại còn nhận được phần thưởng đời sau. Điều này cho biết việc bình thường trở thành tốt lành, trọn hảo, thánh thiện, phi thường nhờ vào ân sủng Chúa.
Chính Thiên Chúa thực hiện điều phi thường đó. Chúng trở nên phi thường khi Kitô hữu thực hiện điều đó với mục đích làm sáng Danh Chúa. Có thể nói bất cứ điều gì, dù nhỏ bé đến đâu đi nữa, khi điều có làm sáng Danh Chúa đều là việc phi thường trong nước Chúa. Chúa rộng lượng, hảo tâm biến việc tầm thường ta làm ra phi thường.
Chúng ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa.

TiengChuong.org


God Holy Name

When a closely-knit family becomes a domestic church. We hope the domestic church model would make alive the Christian message, and would deepen the faith of its members. However, the family domestic church model can't stand alone. It must link to the local parish Church to make sure; that their faith living is in solidarity with the universal Church. It is the Church Jesus had established and handed it over to his Apostles. The Church is established upon the person of Jesus himself. There are benefits in actively involved in the local Church. The greatest one of all would be reducing the risk of one's own family traditions, which could potentially have placed human values above God. Following Jesus means rejecting what is contrary to his teaching, even if rejection belongs to family tradition. This teaching may lead to misunderstanding among people who worship other forms of spiritual beings. For ancestors worshippers, they believe worshipping ancestors is the right thing to do. They don't know that this belief places mortals above the Divine. The rejection of one's family traditions doesn't mean denying one's family background, but rather placing their family traditions in a proper place of honour. This correctness would give benefits all people involved.

Having faith in Jesus could potentially change a person from the inside out. Their vision of life is widened. Their spirituality is uplifting from worshipping mortals to the Divine, God the Most High. Their way of life is changed. Their relationships with others and with God are purified. They now no more pray to mortals, but to the Divine. The forth Commandment requires to honour parents both the living and the dead. Before they prayed to their ancestors. They now pray for them. This implies their ancestors now, through their prayers, receive God's blessing. They also realize that without God; there is no ancestor. Jesus tells his disciples, that God must be the first priority in life. All other created beings, including father and mother, or brother and sister; are all God's creation. Worshiping God is not simply a right thing to do, but it is a loving noble act of responding to God's love. God's heart comes to our hearts.

There have been misunderstanding about the person of Jesus. When Jesus came to the region of Caesarea Philippi, he asked his disciples, 'Who do people say the Son of Man is? They replied:'Some say John the Baptist; others say Elijah; and still others, Jeremiah or one of the prophets' Mt 16:13-20. Jesus told his disciples; the way in which one views a person who to be, is also the way in which one shows respect for that person. Jesus implies that recognizing him means recognizing the Father who sent him. Jesus extends this welcoming gesture to his disciples. A friendly relationship act one has for his disciples is considered a friendly relationship act one has for Jesus himself. It is manifested through acts of generosity and hospitality. Jesus counts every single thing one has done for his disciples, something as simple as a cup of water. Water is a symbol of life; God would give eternal life to those who show kindness to his disciples. Our daily ordinary relationship is made holy when it is done with the love of God; and for God's people. It is not simply a passing act of kindness, but it has everlasting value in God's kingdom. We don't know how, but we believe in the power of God who promises to reward those who welcome his disciples in His Holy Name.

We pray to respect God's Holy Name.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha Phanxicô nhận giải thưởng Điện ảnh vì hòa bình trước những nỗ lực hòa bình cho Ukraine
Thanh Quảng sdb
03:44 30/06/2023
Đức Thánh Cha Phanxicô nhận giải thưởng 'Điện ảnh vì hòa bình' trước những nỗ lực hòa bình cho Ukraine

Ông Jaka Bizilj, người sáng lập tổ chức quốc tế nhìn nhận các giá trị và sự thay đổi thế giới thông qua điện ảnh, đã trao tặng Đức Thánh Cha Phanxicô Giải thưởng "Điện ảnh vì Hòa bình" trước những nỗ lực của ngài trong hơn một năm rưỡi qua dành cho người Ukraine.

(Tin Vatican - Salvatore Cernuzio)

ĐTC một “con người của hòa bình”, một “nhà ngoại giao của Chúa”, người đã “im lặng” gõ cửa mọi cánh cửa có thể trong một năm rưỡi chiến tranh ở Ukraine để “mang lại tự do cho người dân”, cố gắng cứu giúp dân chúng, trẻ em, thương lượng trao đổi tù binh... Một người đã gửi viện trợ và thậm chí cả xe cứu thương đến cho đất nước Ukraine, ngài đã tạo điều kiện cho việc tạo ra các hành lang nhân đạo và vào những ngày đầu của cuộc chiến, đã đến Đại sứ quán Nga để liên lạc với Tổng thống Putin trong nỗ lực ngăn chặn cuộc chiến khi nó bắt đầu.

Sự công nhận

Qua những liệt kê tất cả các hoạt động của Đức Thánh Cha Phanxicô đằng sau “bức màn chiến tranh hung bạo” ở Đông Âu mà Jaka Bizilj, một nhà văn và nhà sản xuất người Slovenia, đã giải thích lý do tại sao ông chọn trao tặng Đức Thánh Cha giải thưởng Điện ảnh vì Hòa bình danh dự này. Chính ông Bizilj đã trao giải thưởng cho Đức Thánh Cha vào chiều thứ Ba ngày 27 tháng 6, tại nhà trọ Santa Marta.

Giải thưởng là sự ghi nhận của tổ chức quốc tế cùng tên, được thành lập sau vụ 11 tháng 9, hai chiếc máy bay đâm vào Tòa tháp đôi với mục đích gây ảnh hưởng… thông qua phim ảnh, nhận thức và giải quyết các thách đố xã hội, chính trị và nhân đạo toàn cầu, phản kháng lại chiến tranh và khủng bố.

Năm 2008, Tổ chức Điện ảnh vì Hòa bình ra đời – một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế thúc đẩy sự thay đổi và giá trị thông qua phim ảnh, nhằm làm nổi bật sự bất bình đẳng và bất công, đồng thời mang hy vọng và giải pháp cho một tương lai tốt đẹp hơn. Trong những năm gần đây, Rạp chiếu phim vì Hòa bình đã hỗ trợ một số hoạt động quan trọng và các bộ phim có sự tham gia của các diễn viên và nhân vật nổi tiếng của Hollywood như Đức Đạt Lai Lạt Ma và Nelson Mandela.


Jaka Bizilj trao Giải thưởng "Điện ảnh vì Hòa bình" cho Đức Thánh Cha Phanxicô

Tưởng nhớ đến những trẻ em bị sát hại


Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận “biểu tượng khiêm tốn” này, do ông Bizilj trình bày với sự xúc cảm rõ ràng trong hội trường nhà trọ Santa Marta, nơi có trưng bày biểu tượng Đức Mẹ tháo nút...

Lý do giải thưởng là công việc nhân đạo “độc nhất vô nhị” được thực hiện bởi Vị Giám mục thành Rôma, đã ủng hộ các nạn nhân của cuộc chiến ở Ukraine, vì trẻ em… Và giải thưởng được dành tặng cho tất cả “những đứa trẻ bị sát hại” ở quốc gia Đông Âu này.

Trước hết, ông Bizilij giải thích với Đức Thánh Cha, Giải thưởng để tưởng nhớ tới một cậu bé một tuổi đã chết trong một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào ngày 8 tháng 3 năm 2022. Ông nói: Người cha của em bé, đã tham dự buổi chiếu phim tài liệu về Ukraine, Freedom on Fire: Ukraine's Fight for Freedom, của đạo diễn Evgeny Afineevsky. Ông Bizilj nói: “Ông ấy tin rằng con ông đang ở trên thiên đường… trong một thế giới tốt đẹp hơn.

‘Tôi cần bạn cầu nguyện cho tôi’

Đây là một niềm hy vọng mà đức tin Kitô giáo mang lại cho ông ấy, nhưng cũng nhờ những thông điệp liên tục của Đức Thánh Cha Phanxicô trong những tháng kinh hoàng qua: “ĐTC đã mang lại cho rất nhiều người niềm hy vọng... Cho nên thật là một vinh dự khi có thể trao tặng Huy chương này cho ĐTC. Hàng triệu người có hy vọng vì ĐTC và tất cả các bậc cha mẹ đã mất con tin rằng con cái của họ đang ở trên thiên đường. ĐTC đã mang lại cho mọi người nhiều hy vọng và cảm hứng,” người sáng lập Cinema For Peace đã nhận xét như thế!

Đức Thánh Cha Phanxicô cảm ơn ông Bizilj về giải thưởng, và như mọi khi, ĐTC xin ông cầu nguyện ngài: “Còn ông, hãy cầu nguyện cho tôi, tôi rất cần đến lời cầu nguyện của ông và của mọi người…”
 
Đức Hồng Y Zuppi đến Moscow để mở con đường hòa bình
Thanh Quảng sdb
18:07 30/06/2023
Đức Hồng Y Zuppi đến Moscow để mở con đường hòa bình

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh tường thuật lại chuyến công du hai ngày của Đức Hồng Y Matteo Zuppi đến Nga với tư cách là đặc phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô, và “kết quả của chuyến thăm sẽ được trình bày cho Đức Thánh Cha, để xem xét các bước kế tiếp sẽ được thực hiện, ở các lãnh vực nhân đạo và tìm kiếm con đường dẫn đến hòa bình.”

(Tin Vatican)

Trong một thông cáo hôm thứ Sáu (30/6/2023), Tòa Thánh mô tả chuyến viếng thăm Mátxcơva từ ngày 28 đến ngày 30 tháng 6 của Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Đặc phái viên của Đức Thánh Cha, là chuyến thăm nhằm “thăm dò các sáng kiến có thể dẫn đến con đường hòa bình”.

Thông cáo lưu ý thêm rằng “Đức Thánh Cha sẽ được thông báo về kết quả của chuyến viếng thăm để xem xét các bước tiếp theo sẽ được thực hiện, ở cả cấp độ nhân đạo và tìm kiếm con đường dẫn đến hòa bình”.

Thông cáo tường trình các cuộc họp do Đức Hồng Y tổ chức, chẳng hạn như các cuộc họp với Yuri Ushakov, Trợ lý Tổng thống Liên bang Nga về các Vấn đề Chính sách Đối ngoại, và với Maria Lvova-Belova, Ủy viên của Tổng thống Liên bang Nga về Quyền Trẻ em.

“Trong các cuộc họp này,” tuyên bố viết, “khía cạnh nhân đạo của sáng kiến đã được nhấn mạnh, cũng như tính cấp bách để có thể đạt được nền hòa bình.”

Trong chuyến thăm ngắn đến Nhà thờ Thánh Nicholas ở Tolmachi, tại Phòng trưng bày Tretyakov, Hồng Y Zuppi “dừng lại để cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ Vladimir, người mà ngài đã phó thác sứ mệnh của mình”.

Đặc phái viên của Đức Thánh Cha cũng có một cuộc gặp gỡ “tốt đẹp” với Kirill, Thượng phụ Matxcova và All Rus', người mà “ngài đã chuyển lời chào của Đức Thánh Cha và cũng là người mà ngài đã thảo luận về các sáng kiến nhân đạo có thể tạo điều kiện cho một giải pháp hòa bình.”

Thông cáo của Tòa Thánh kết luận rằng Đức Hồng Y “cũng đã gặp gỡ các Giám mục của Hội đồng Giám mục Công Giáo Nga, cùng với một số lớn các linh mục, với các Đại sứ và Đại diện của Bộ Ngoại giao, ngài đã chủ sự một thánh lễ trọng thể tại Nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Đức Mẹ Thiên Chúa, ở Moscow. Đây là cơ hội để truyền đạt mối thân tình của Đức Thánh Cha, sự hiệp thông của ngài và lời cầu nguyện của ĐTC cho cộng đồng Công Giáo tại Nga.”
 
Chế độ độc tài Nicaragua cắm cờ Sandinista trước nhà thờ của vị giám mục bị cầm tù
Đặng Tự Do
18:40 30/06/2023


Chế độ độc tài của Tổng thống Daniel Ortega và phu nhân, Phó Tổng thống Rosario Murillo, ở Nicaragua, đã dựng cờ đỏ và đen của Mặt trận Giải phóng Quốc gia Sandinista, đảng chính trị của chế độ, trước nhà thờ chính tòa ở Matagalpa.

Đức Cha Rolando Álvarez, Giám mục của Matagalpa, đã bị kết án vào ngày 10 tháng 2 tới 26 năm 4 tháng tù, vì bị buộc tội phản quốc.

Ortega lên nắm quyền từ năm 2007. Sandinistas là một đảng chính trị xã hội chủ nghĩa.

Trong một tuyên bố với EWTN News, Martha Patricia Molina, một nhà nghiên cứu và là tác giả của báo cáo “Nicaragua: Một Giáo hội bị bức hại?”, buộc tội rằng “rõ ràng đây là một hành động khiêu khích nữa từ chế độ độc tài Sandinista chống lại Giáo Hội Công Giáo Nicaragua.”

“Chúng tôi biết rằng vị giám mục của Matagalpa, người đứng đầu giáo phận này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đang bị giam giữ tại một trong những nhà tù ở Nicaragua, nơi các phương pháp tra tấn được thực hiện, cả về thể xác và tâm lý, và vì vậy chế độ độc tài vẫn tiếp tục bức hại và thực hiện các cuộc tấn công chống lại giáo phận này để làm suy yếu nó,” cô nói.

Nhà nghiên cứu cho biết thêm: “Ngoài những lá cờ mà họ đã dựng lên, họ đã cấm một cuộc rước sắp diễn ra cho Chúa Hài Đồng, với sự tham dự của hơn 20.000 tín hữu Công Giáo.

Đối với Molina, hành động cắm cờ có thể được hiểu là một cách để “hạ thấp tinh thần của các giáo sĩ, những người luôn cầu nguyện cho giám mục của họ, người đang bị giam giữ vào thời điểm này.”

“Kể từ tháng 3, chúng tôi không biết gì về sức khỏe thể chất và tinh thần của ngài, bởi vì không ai được phép thăm nuôi,” cô lưu ý.

Vào ngày 25 tháng 3, chế độ đưa ra cho giới truyền thông một bức ảnh cho thấy Đức Cha Álvarez đang ăn trưa với anh trai của ngài, Manuel, và vợ của Manuel, Vilma, trong một câu lạc bộ gần như đồng quê ở nhà tù Modelo.

Đức Cha Silvio Báez, vị Giám Mục Phụ Tá lưu vong của Managua cho biết đó là một “màn trình diễn dàn dựng” của chế độ độc tài, và mô tả sự kiện này là “kinh tởm và hoài nghi.”

Đó là lần cuối cùng người ta nhìn thấy Đức Cha Álvarez.

Molina đã nhiều lần kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp để “chấm dứt cuộc đàn áp Giáo Hội Công Giáo” và “trả tự do cho Giám mục Álvarez và ba linh mục khác, những người cũng đang bị giam giữ một cách tùy tiện.”

Cách đây chưa đầy một tuần, ba linh mục đã bị chế độ độc tài bắt giữ: đó là các cha Jaime Iván Montesinos Sauceda, Eugenio Rodríguez Benavides, và Leonardo Guevara Gutiérrez, cha sở của nhà thờ chính tòa ở Estelí. c

Bên cạnh việc là giám mục của Matagalpa, Đức Cha Álvarez còn là giám quản tông tòa của Giáo phận Estelí.

Molina cũng tố cáo việc các tín hữu không được lần hạt nơi công cộng mà chỉ được đọc trong nhà thờ, và nếu có, họ không được nhắc đến tên Đức Cha Álvarez. Cô nói: “Ai dám làm như vậy sẽ bị bỏ tù ngay lập tức.”

Sau khi chỉ ra rằng chế độ độc tài không tôn trọng quyền tự do tôn giáo, được ghi trong hiến pháp Nicaragua, Molina kêu gọi cộng đồng quốc tế không tài trợ cho chế độ độc tài Ortega.

“Các quốc gia, đơn phương hoặc liên kết, có thể có những hành động hiệu quả hơn. Đó không chỉ là vấn đề lên án chế độ ở các địa điểm dân chủ và chính trị như OAS hay Tổ chức các quốc gia Mỹ Châu và Liên Hiệp Quốc, mà họ nên ngừng tài trợ cho chế độ độc tài vì số tiền này đang được sử dụng để tiếp tục đàn áp, “cô chỉ ra.

Molina than thở: “Giờ đây, hầu hết các linh mục đều bị giám sát 24/24 giờ, bởi cảnh sát hoặc lực lượng bán quân sự, và tất cả điều này có nghĩa là chế độ độc tài đang đầu tư vào việc đàn áp đối với Giáo Hội Công Giáo”

“Thật vô ích khi cộng đồng quốc tế lên tiếng và nói rằng Ortega là bất hợp pháp, nhưng ngày hôm sau họ lại tài trợ cho anh ta, đó là số tiền mà người Nicaragua chúng tôi sẽ phải trả giá.”


Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Thiếu nhi Tụy Hiền đố vui Kinh Thánh bằng cuộc Thi Rung Chuông Vàng Lần Thứ III
Dũng – Dương S.J
07:28 30/06/2023
Thiếu nhi Tụy Hiền đố vui Kinh Thánh bằng cuộc Thi Rung Chuông Vàng Lần Thứ III

Tiếp tục tháng hè sôi động và ý nghĩa, sáng Thứ Tư ngày 28.06.2023, các em Thiếu Nhi của xứ đoàn Pio-X giáo xứ Tụy Hiền, cùng nhau quy tụ về ngôi thánh đường của giáo họ Đông Mỹ để tham dự cuộc thi Rung Chuông Vàng lần thứ III. Chủ đề của cuộc thi năm nay: Thiếu Nhi Vui Học Thánh Kinh, đây là một chủ đề rất thiết thực đối vơi các em nhằm chuẩn bị cho các em được thêm sức trong tháng 7 tới, nhất là thực thi chương trình giáo phận đề ra là đọc và học Tin Mừng theo Thánh Matthêu.

Xem Hình

Mở đầu ngày vui, các em thiếu nhi được sinh hoạt với các trò chơi và cử điệu vô cùng vui nhộn và hào hứng. Đúng 8h00, các huynh trưởng giúp các em thiếu nhi ổn định hàng ngũ và làm lễ chào cờ. Khí trời mát mẻ, tạo điều kiện cho việc sinh hoạt và chào cờ diễn ra vui tươi và nghiêm trang. Ngay sau khi chào cờ, các em cùng nhau di chuyển vào nhà thờ để tham dự thánh lễ. Trong bài giảng lễ, Cha Tuyên úy chia sẻ những ước mơ dành cho các em thiếu nhi của giáo họ, và cùng với đó, một số em thiếu nhi được chia sẻ ước mơ dành cho xứ đoàn. Ngay sau thánh lễ các em bắt đầu chương trình Rung Chuông Vàng với tiếng trống giòn giã của mọi người.

Cuộc thi năm nay, ban tổ chức ước lượng có khoảng trên 250 em quy tụ về để tham dự. Cuộc thi diễn ra hết sức sôi nổi và hào hứng bởi sự nhiệt tình của các thí sinh và rất đông quý vị phụ huynh đã đến cổ vũ cho các em. Sau hơn một tiếng tranh tài, cuối cùng ban tổ chức của cuộc thi đã tìm ra được thí sinh xuất sắc nhất- Maria Nguyễn Hoàng Linh đội chiếc vòng nguyệt quế năm. Cha tuyên úy trao các phần thường dành cho những thí sinh xuất sắc của cuộc thi. Ngày sau lễ trao giải, các em quy tụ về phòng hội để liên hoan cùng nhau.

Nhìn về một tháng hè đã qua, các em thiếu nhi của xứ đoàn đã trải qua rất nhiều hoạt động khác nhau: mở đầu là chương trình học giáo lý và sinh hoạt Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể, dưới sự đồng hành của quý thầy, quý soeur. 15.06, các em cùng cha tuyên úy cử hành long trọng lễ Mình Máu Thánh Chúa bằng việc rước kiệu và chầu Thánh Thể. Kế đến là Lễ Tuyên Hứa lên Ngành thiếu nhi của Xứ Đoàn Pi-ô X và hôm này là cuộc thi Rung Chuông Vàng lần thứ III, khép lại một tháng 6 nhiều niềm vui và ý nghĩa để mở ra một tháng 7 với nhiều chương trình quan trọng như chuẩn bị cho các chịu Phép Thêm Sức.

Nguyện xin Thiên Chúa và Mẹ Maria ban muôn ơn lành xuống trên từng thành viên của Xứ Đoàn, nhờ đó các em ngày càng thêm nhân đức và khôn ngoan để phục sự Chúa và Giáo Hội. Xin Chúa trả công bội hậu cho các vị đã huấn luyện và đồng hành cùng chúng con, đặc biệt, là cho Quý Thầy, Quý Soeur, Ban Mục Vụ và quý vị Ân Thân Nhân của chúng con.

Dũng – Dương S.J
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Lý lẽ bênh vực Chúa Kitô, Chương Mười Bốn: Bằng chứng gián tiếp
Vũ Văn An
18:13 30/06/2023

Chương mười bốn: bằng chứng gián tiếp


Liệu có bất cứ sự kiện hỗ trợ nào bênh vực việc Phục sinh không?

Không có nhân chứng nào chứng kiến Timothy McVeigh chất hai tấn chất nổ chế tạo từ phân bón vào một chiếc xe tải thuê Ryder. Không ai nhìn thấy anh ta lái chiếc xe đến trước tòa nhà liên bang ở thành phố Oklahoma và kích nổ quả bom khiến 168 người thiệt mạng. Không có máy quay phim nào đã chụp được hình ảnh anh ta chạy trốn khỏi hiện trường.

Tuy nhiên, một bồi thẩm đoàn đã có thể kết luận quá sự nghi ngờ hợp lý rằng McVeigh đã phạm tội đối với hành động khủng bố trong nước tồi tệ nhất trong lịch sử Hoa K. Tại sao? Bởi vì từng sự kiện một, từng vật trưng bầy một, từng nhân chứng một, các công tố viên đã sử dụng bằng chứng gián tiếp để xây dựng một lý lẽ xít xao chống lại anh ta.

Trong khi không ai trong số 137 người được gọi đến bục nhân chứng đã nhìn thấy McVeigh phạm tội, lời khai của họ đã gián tiếp cung cấp bằng chứng về tội lỗi của anh ta: một doanh nhân cho biết McVeigh đã thuê một chiếc Ryder xe tải, một người bạn cho biết McVeigh đã nói về việc đánh bom tòa nhà vì tức giận chống lại chính phủ, và một nhà khoa học nói Quần áo của McVeigh có chứa chất nổ khi anh ta bị bắt giam. Các công tố viên củng cố điều này với hơn bảy trăm cuộc trưng bầy, từ biên lai nhà trọ và taxi đến sổ ghi điện thoại, chìa khóa xe tải, hóa đơn từ một nhà hàng Trung Quốc. Trong hơn mười tám ngày, họ khéo léo dệt nên một mạng lưới bằng chứng thuyết phục mà McVeigh không cách chi có thể thoát ra được.

Lời khai của nhân chứng tận mắt được gọi là chứng cớ trực tiếp vì người ta mô tả dưới lời tuyên thệ họ đã trực tiếp chứng kiến bị cáo phạm tội ra sao. Mặc dù lời khai này thường có tính thuyết phục, nhưng đôi khi nó có thể tùy thuộc vào những ký ức mờ nhạt, định kiến, và thậm chí hoàn toàn bịa đặt. Ngược lại, bằng chứng gián tiếp được tạo thành từ các sự kiện gián tiếp từ đó các suy luận có thể được rút ra một cách hợp lý (1). Hiệu quả tích lũy của nó có thể không hề kém mạnh mẽ - và trong nhiều trường hợp còn có thể mạnh mẽ hơn cả trình thuật của nhân chứng tận mắt.

Hãy hỏi Timothy McVeigh. Rất có thể anh ta nghĩ rằng anh ta không phạm tội bằng cách tránh các nhân chứng tận mắt, nhưng anh ta vẫn sa vào án tử tù do những sự kiện gián tiếp tố cáo anh ta một cách tàn khốc như bất cứ nhân chứng trực tiếp nào có thể làm.

Sau khi xem xét bằng chứng thuyết phục bênh vực ngôi mộ trống, và những lời tường thuật của nhân chứng tận mắt về Chúa Giêsu phục sinh, bây giờ đã đến lúc để tôi tìm kiếm bất cứ bằng chứng gián tiếp nào có thể củng cố lý lẽ bênh vực việc Phục sinh. Tôi biết nếu một sự kiện phi thường như việc phục sinh của Chúa Giêsu đã thực sự xảy ra, lịch sử sẽ tràn ngập bằng chứng gián tiếp ủng hộ nó.

Nhiệm vụ đó lại đưa tôi đến miền nam California, lần này là tới văn phòng của một giáo sư, người kết hợp thành thạo các chuyên môn về lịch sử, triết học và khoa học.



Cuộc phỏng vấn thứ mười ba: J.P. Moreland, Ph.D.

J. P. Moreland có mái tóc xám đen, ria mép bạc và gọng kính vàng khiến ông trông già hơn tuổi năm mươi của ông một chút. Tuy nhiên, ông tràn đầy năng lực. Ông nói một giọng nói sôi động và nhiệt tình, thường xuyên nghiêng về phía trước trong chiếc ghế xoay của mình để nhấn mạnh quan điểm, đôi khi nhảy người lên một chút, gần như thể lao ra và bóp cổ tôi bằng lập luận.

"Tôi thích điều này," ông thốt lên như thế trong một lần nghỉ giải lao ngắn - lần duy nhất trong cuộc trò chuyện của chúng tôi khi ông quả quyết điều hiển nhiên.

Đầu óc có tổ chức cao của Moreland làm việc rất có hệ thống, có luận lý, đến nỗi ông dường như dễ dàng xây dựng lý lẽ của mình bằng những câu và cả đoạn văn trọn vẹn, mà không lãng phí từ ngữ hoặc những suy nghĩ không liên quan, sẵn sàng cho việc sửa bản in và in ấn. Khi máy ghi âm của tôi dừng lại, ông cũng tạm dừng, cho tôi thời gian để nạp cuộn băng mới, và sau đó lại tiếp nối chính xác nơi ông đã dừng lại, không bỏ lỡ một chữ.

Mặc dù Moreland là một triết gia nổi tiếng (có bằng tiến sĩ từ Đại học Nam California) và len lỏi một cách thoải mái qua thế giới khái niệm của Kant và Kierkegaard, ông không hoàn toàn sống trong trừu tượng. Kinh nghiệm của ông về khoa học (ông có bằng hóa học của Đại học Missouri) và thông thạo lịch sử (như đã được thể hiện qua cuốn sách xuất sắc của ông Scaling the Secular City [Vẽ bản đồ đô thị thế tục] đã giữ chặt ông vào thế giới hàng ngày và ngăn chặn ông bập bềnh trong suy nghĩ thuần túy mây khói.

Moreland, người cũng có bằng thạc sĩ thần học từ Dallas Theological Seminary, hiện là giáo sư tại Trường Thần học Talbot, nơi ông giảng dạy trong chương trình thạc sĩ về triết học và đạo đức.

Các bài báo của ông đã được công bố trên hơn ba mươi tạp chí chuyên nghiệp, chẳng hạn như American Philosophical Quarterly [Tam Cá Nguyệt San Triết học Hoa kỳ], Metaphilosophy [Siêu hình học]; và Philosophy and Phenomeological Research [Nghiên cứu Triết học và Hiện tượng học]. Ông từng viết, đồng tác giả hoặc biên tập hàng chục cuốn sách, bao gồm Christianity and the Nature of Science [Kitô giáo và Bản chất của Khoa học]; Does God Exist? [Thiên Chúa có hiện hữu không?] (một cuộc tranh luận với Kai Nielsen); The Life and Death Debate [Cuộc Tranh Luận về sự Sống và sự chết]; The Creation Hypothesis [Giả thuyết sáng tạo]; Beyond Death: Exploring the Evidence for Immortality [Bên kia cái chết: Khám phá bằng chứng về sự bất tử]; Jesus under Fire [Chúa Giêsu bị tấn công]; và Love Your God with All Your Mind [Yêu Thiên Chúa của Bạn Hết Tâm Trí].

Ngồi xuống với Moreland trong văn phòng nhỏ nhưng ấm cúng của ông, tôi biết rằng bằng chứng gián tiếp là số nhiều hơn là số ít. Nói cách khác, nó được xây từng viên gạch một cho đến khi có một nền tảng vững chắc trên đó các kết luận có thể tự tin dựa vào. Vì vậy, tôi bắt đầu cuộc phỏng vấn của chúng tôi với một thách thức thẳng thắn: "Ông có thể cho tôi năm mảnh bằng chứng gián tiếp có tính thuyết phục rằng Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết không?"

Moreland chăm chú lắng nghe câu hỏi của tôi rồi hỏi, "Năm thí dụ? Năm điều không ai tranh cãi?"

Tôi gật đầu. Nghe thế, Moreland đẩy lui ghế ra khỏi bàn, và khởi đầu mảnh bằng chứng đầu tiên của ông: những cuộc đời đã thay đổi của các môn đệ và việc họ sẵn sàng chết vì niềm tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết.

Trưng bày 1: Các Môn đệ chết cho các niềm tin của họ

Moreland bắt đầu, "Khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, những người theo Người chán nản và phiền muộn. Họ không còn tin rằng Chúa Giêsu được Thiên Chúa sai đến, vì họ tin bất cứ ai bị đóng đinh đều bị Thiên Chúa nguyền rủa. Họ cũng đã được dạy rằng Thiên Chúa sẽ không để Đấng Mêxia của Người phải chịu chết. Vì vậy, họ giải tán. Phong trào của Chúa Giêsu gần như đã ngưng lại.

“Rồi, sau một thời gian ngắn, chúng ta lại thấy họ từ bỏ nghề nghiệp, tụ tập lại với nhau và cam kết truyền bá một thông điệp rất chuyên biệt-rằng Chúa Giêsu Kitô là Đấng Mêxia của Thiên Chúa, chết trên thập giá, đã sống lại và được họ nhìn thấy còn sống.

“Và họ sẵn sàng dành phần còn lại của cuộc đời để công bố điều này, mà không cần bất cứ sự đền đáp nào theo quan điểm của con người. Không phải như thể có một biệt thự đang chờ đợi họ trên Địa Trung Hải. Họ phải đối diện với một cuộc sống khó khăn. Họ thường không có thức ăn, ngủ ngoài trời, bị chế giễu, đánh đập, bỏ tù. Và cuối cùng, hầu hết trong số họ đã bị xử tử bằng những cách rất cực hình.



“Để làm gì? Vì các ý hướng tốt lành? Không, bởi vì họ đã được thuyết phục hoàn toàn chắc chắn rằng họ đã nhìn thấy Chúa Giêsu Kitô đã sống lại từ cõi chết. Điều ông không thể giải thích là làm thế nào cái nhóm người đặc thù này đã đạt tới niềm tin đặc biệt này mà không có trải nghiệm nào về Đấng Kitô phục sinh. Không hề có lời giải thích thỏa đáng nào khác."

Tôi cắt ngang bằng câu phản bác, "Vâng, nhưng... Vâng, tôi đồng ý, họ sẵn sàng chết vì niềm tin. Nhưng”, tôi nói thêm “người Hồi giáo, Mormons, và những người theo Jim Jones và David Koresh cũng như thế. Điều này có thể cho thấy họ cuồng tín, nhưng ta hãy đối đầu với nó: nó không chứng minh rằng những gì họ tin là đúng."

Xoay người trực diện với tôi, trồng cả hai chân vững chắc trên sàn nhà, Moreland nhấn mạnh, "Khoan đã – ông hãy suy nghĩ cẩn thận về sự khác biệt.

"Người Hồi giáo có thể sẵn sàng chết vì niềm tin của họ rằng Allah tự mặc khải với Muhammad, nhưng sự mặc khải này đã không được thực hiện một cách có thể quan sát công khai. Vì vậy, họ có thể sai lầm về nó. Họ có thể chân thành nghĩ rằng đó là sự thật, nhưng họ không thể biết được sự kiện, vì họ không tận mắt chứng kiến.

“Tuy nhiên, các tông đồ sẵn sàng chết vì điều chính họ nhìn thấy tận mắt và sờ tận tay. Họ ở một vị trí duy nhất không chỉ tin rằng Chúa Giêsu đã sống lại từ cõi chết nhưng biết chắc chắn. Và khi ông đã có mười một người đáng tin cậy không hề có động cơ thầm kín, không có gì để đoạt lợi và rất nhiều điều để mất mát, tất cả đều nhất trí rằng họ đã quan sát thấy điều gì đó bằng chính đôi mắt của họ - thì hẳn ông khá khó khăn trong việc giải thích nhằm bác bỏ điều đó."

Tôi mỉm cười vì tôi đã đóng vai trạng sư của quỷ bằng cách nêu ra phản bác của tôi. Thật ra, tôi biết ông nói đúng. Thực vậy, điều khác biệt quan trọng này là mấu chốt trong hành trình tâm linh của riêng tôi.

Nó đã được nêu ra cho tôi cách này: Người ta chết vì niềm tin tôn giáo của họ nếu họ chân thành tin rằng chúng là sự thật, nhưng người ta sẽ không chết vì niềm tin tôn giáo của họ nếu họ biết niềm tin này sai.

Trong khi hầu hết mọi người chỉ có thể có niềm tin rằng niềm tin của họ là đúng, các môn đệ ở trong một vị trí biết hoàn toàn chắc chắn về việc Chúa Giêsu có sống lại từ cõi chết hay không. Họ tuyên bố họ đã nhìn thấy Người, nói chuyện với Người và ăn uống với Người. Nếu họ không hoàn toàn chắc chắn, họ sẽ không để mình bị tra tấn đến chết vì đã tuyên bố rằng sự Phục sinh đã diễn ra” (2).

Tôi nói, "OK, tôi tin chắc điều đó, Nhưng ông còn điều gì nữa không?”

Trưng bầy 2: Sự hoán cải của những kẻ hoài nghi

Moreland nói tiếp, “Một bằng chứng gián tiếp khác, đó là có những người hoài nghi cứng rắn không tin vào Chúa Giêsu trước khi Người bị đóng đinh - và ở một mức độ nào đó đã sẵn sàng chống lại Kitô giáo- đã quay hẳn lại và chấp nhận đức tin Kitô giáo sau cái chết của Chúa Giêsu. Không có lý do chính đáng cho điều này ngoài việc họ đã trải nghiệm Chúa Kitô phục sinh”.

Tôi nói, “Rõ ràng ông đang nói về Giacôbê, em Chúa Giêsu, và Saolô thành Tatsơ, người đã trở thành tông đồ Phaolô. Nhưng thực sự ông có bằng chứng đáng tin cậy rằng Giacôbê đã từng là một người hoài nghi Chúa Giêsu không?"

Ông nói, "Vâng, tôi có. Các sách Tin Mừng cho chúng ta biết gia đình Chúa Giêsu, bao gồm cả Giacôbê, cảm thấy xấu hổ trước những gì Người tuyên bố Người là. Họ không tin vào Người; họ đối đầu với Người. Trong Do Thái giáo cổ thời, điều rất xấu hổ đối với gia đình của một giáo sĩ Do Thái là không chấp nhận ông ta. Vì vậy, các tác giả Tin Mừng sẽ không có động cơ để bịa đặt ra sự hoài nghi này nếu nó không đúng sự thật.

"Sau đó, nhà sử học Josephus nói với chúng ta rằng Giacôbê, em của Chúa Giêsu, thủ lĩnh của hội thánh Giêrusalem, bị ném đá cho chết vì tin tưởng vào anh mình. Tại sao cuộc sống của Giacôbê thay đổi? Thánh Phaolô cho chúng ta biết: Chúa Giêsu phục sinh đã hiện ra với ông. Không có lời giải thích nào khác."

Thật vậy, không có lời giải thích nào xuất hiện trong tâm trí tôi, tôi bèn hỏi, "Còn Saolô?".

Moreland trả lời, “Là một người Pharisiêu, ngài ghét bất cứ điều gì trái với truyền thống Do Thái. Đối với ngài, phong trào phản động mới được gọi là Kitô giáo này sẽ là đỉnh cao của sự bất trung. Thực vậy, ngài giải quyết sự thất vọng của mình bằng cách hành quyết những người theo Kitô giáo khi ngài có cơ hội.

"Đột nhiên ngài không những chỉ nhẹ nhàng với các Kitô hữu mà còn tham gia phong trào của họ! Làm sao chuyện này có thể xảy ra được? Thì, mọi người đều đồng ý Thánh Phaolô đã viết thư Galát, và chính ngài kể cho chúng ta trong bức thư đó điều đã khiến ngài quay ngược hẳn 180 độ và trở thành người đề xướng chính của Niềm tin Kitô giáo. Bằng chính ngòi bút của mình, ngài nói rằng ngài đã nhìn thấy Chúa Kitô phục sinh và nghe Chúa Kitô chỉ định ngài làm một trong những người theo chân Người."

Tôi chỉ đợi Moreland đưa ra quan điểm này, để tôi có thể thách thức ông bằng một phản bác của nhà phê bình Kitô giáo Michael Martin. Ông ấy nói rằng nếu bạn coi sự trở lại của Thánh Phaolô như bằng chứng cho sự thật của Phục sinh, bạn nên kể Việc Muhammad trở lại đạo Hồi như bằng chứng cho sự thật Chúa Giêsu đã không phục sinh, vì người Hồi giáo phủ nhận phục sinh!

Tôi nói với Moreland, "Trong căn bản, ông ấy nói rằng các giá trị hiển nhiên của việc trở lại của Thánh Phaolô và việc trở lại của Muhammad triệt tiêu lẫn nhau, Thành thật mà nói, đó dường là một điểm có giá trị. Há ông không thừa nhận rằng ông ta đúng hay sao?"

Moreland không cắn câu. Ông nói bằng giọng đầy tự tin, "Chúng ta hãy xem sự trở lại của Muhammad. Không ai biết bất cứ điều gì về nó. Muhammad cho rằng ông đã đi vào một hang động và có một trải nghiệm tôn giáo trong đó Allah mạc khải kinh Koran cho ông. Không có nhân chứng nào khác để xác minh điều này. Muhammad không đưa ra bất cứ dấu hiệu kỳ diệu công khai nào để chứng nhận bất cứ điều gì.

"Và ai đó có thể dễ dàng có những động cơ thầm kín khi đi theo Muhammad, bởi vì trong những năm đầu, Hồi giáo được truyền bá chủ yếu nhờ chiến tranh. Những người theo Muhammad đã đoạt được ảnh hưởng chính trị và quyền lực đối với những ngôi làng bị chinh phục và ‘hoán cải' thành Hồi giáo bằng thanh kiếm.

"Ông hãy tương phản điều trên với những tuyên bố của những người theo Chúa Giêsu lúc ban đầu, trong đó có Thánh Phaolô. Họ tuyên bố đã nhìn thấy các sự kiện công cộng mà người khác cũng thấy. Đây là những điều đã xảy ra ở bên ngoài tâm trí của họ, không chỉ trong tâm trí của họ.

"Hơn nữa, khi Thánh Phaolô viết thư Côrintô thứ 2- mà không ai tranh cãi là chính ngài viết - ngài nhắc nhở người Côrintô rằng ngài đã làm nhiều phép lạ khi ngài ở với họ trước đó. Ngài chắc chắn sẽ thật ngu ngốc khi đưa ra tuyên bố này nếu họ biết ngài đã không làm như vậy."

Tôi hỏi, "còn trọng điểm của ông?".

Ông nói, “Hãy nhớ rằng, không phải là sự kiện đơn giản khi Thánh Phaolô thay đổi quan điểm của ngài. Ông phải giải thích ngài có sự thay đổi đặc thù này ra sao về niềm tin hoàn toàn đi ngược lại nền giáo dục của ngài; ngài nhìn thấy Chúa Kitô phục sinh ra sao trong một sự kiện công cộng được chứng kiến bởi những người khác, mặc dù họ không hiểu nó; và ngài thực hiện các phép lạ ra sao để hỗ trợ tuyên bố của mình như một tông đồ."

Tôi nói, “Được, rất được. Tôi đã thấy trọng điểm của ông. Và tôi xin thừa nhận, đó là một trọng điểm tốt." Sau đó, tôi ra hiệu để ông nói tiếp mảnh bằng chứng tiếp theo của ông.

Trưng bầy 3: Các thay đổi trong các cơ cấu xã hội chủ chốt

Để giải thích loại bằng chứng gián tiếp tiếp theo của ông, Moreland phải cung cấp một số thông tin căn bản quan trọng về văn hóa Do Thái.

Moreland giải thích: “Vào thời Chúa Giêsu, người Do Thái bị bách hại trong bảy trăm năm bởi người Babylon, người Assyria, người Ba Tư, và bây giờ bởi người Hy Lạp và người La Mã. Nhiều người Do Thái đã bị phân tán và sống như những tù nhân ở các quốc gia khác này.

"Tuy nhiên, ngày nay chúng ta vẫn thấy người Do Thái, trong khi chúng ta không thấy người Hittite, Perizzites, Ammonites, Assyria, Ba Tư, Babylon và những người khác đã sống trong thời gian đó. Tại sao? Bởi vì những người này đã bị các quốc gia khác bắt giữ, kết hôn lẫn lộn và đánh mất bản sắc dân tộc của họ.

"Tại sao điều đó không xảy ra với người Do Thái? Bởi vì những điều đã tạo nên người Do Thái thành người Do Thái – các cơ cấu xã hội đã mang lại cho họ bản sắc dân tộc – cực kỳ quan trọng đối với họ. Người Do Thái sẽ truyền lại những cơ cấu này cho con cháu của họ, cử hành chúng trong các cuộc họp của hội đường mỗi ngày Sabát, và củng cố chúng bằng các nghi lễ của họ, bởi vì họ biết nếu không làm như vậy, chẳng bao lâu sau sẽ không còn người Do Thái nào nữa. Họ sẽ bị đồng hóa vào các nền văn hóa đã chiếm giữ họ.

Và có một lý do khác giải thích tại sao những định chế xã hội này lại quan trọng đến vậy: họ tin rằng những định chế này được Thiên Chúa giao phó cho họ. Họ tin rằng việc từ bỏ các cơ sở này sẽ đồng nghĩa với việc linh hồn của họ sẽ bị đày xuống địa ngục sau khi chết.

Bây giờ một thầy rabbi tên là Giêsu xuất hiện từ một khu vực thuộc giai cấp thấp hơn. Thầy giảng dạy trong ba năm, tập hợp được những người hạ và trung đẳng, gặp rắc rối với chính quyền, và bị đóng đinh cùng với ba mươi nghìn người Do Thái khác, bị hành quyết trong khoảng thời gian này.

Nhưng năm tuần sau khi thầy bị đóng đinh, hơn mười ngàn người Do Thái đã theo chân thầy và tuyên bố rằng thầy là người khởi xướng một tôn giáo mới. Và ông nên nhớ điều này: họ sẵn lòng từ bỏ hoặc thay đổi tất cả năm định chế xã hội mà họ đã được dạy từ thời thơ ấu là có tầm rất quan trọng cả về mặt xã hội học lẫn thần học.”

Tôi nói, "Vì vậy, ngụ ý là một điều gì đó lớn lao đang diễn ra".

Moreland nói lớn, "Một điều gì đó rất lớn đang diễn ra!"

Còn 1 kỳ
 
VietCatholic TV
Đặc sứ của Đức Thánh Cha đến Moscow. Cậu bé giúp lễ cho Putin muốn có bạn cùng giúp lễ cho vui
VietCatholic Media
02:01 30/06/2023


Cuộc gặp gỡ giữa Đức Hồng Y Matteo Zuppi và Thượng Phụ Kirill tại Mạc Tư Khoa.

Hôm 29 tháng 6, tại Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa và cũng là nơi đặt trụ sở Thánh Công Đồng Chính Thống Giáo Nga trong Tu viện Danilov, Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga đã tiếp Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, người đã đến Nga trong một sứ mệnh hòa bình đặc biệt thay mặt cho Đức Thánh Cha Phanxicô.

Cuộc họp cũng có sự tham dự của Đức Tổng Giám Mục Anthony của Volokolamsk, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa, linh mục trưởng Nikolai Balashov, Cố vấn của Thượng phụ Mạc Tư Khoa, và linh mục Filaret Bulekov, Phó Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa.

Tháp tùng Đức Hồng Y Matteo Zuppi có Đức Tổng Giám Mục Giovanni D'Agnello, Sứ thần Tòa Thánh tại Liên bang Nga, Đức ông Peter Tarnavsky, Tham tán tại tòa Sứ thần Tòa Thánh tại Liên bang Nga, Đức ông Paul Butnaru, thành viên Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, và Giáo sư Adriano Roccucci, Phó Chủ tịch Cộng đoàn Thánh Egidio.

Người đứng đầu Giáo hội Chính thống có ảnh hưởng của Nga, Thượng phụ Kirill, nói với đặc phái viên của Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Năm rằng các giáo hội nên làm việc cùng nhau để ngăn chặn “những diễn biến chính trị tiêu cực và phục vụ sự nghiệp hòa bình và công lý”.

Kirill là người ủng hộ mạnh mẽ quyết định của Tổng thống Vladimir Putin đưa quân vào Ukraine, trong khi Đức Phanxicô đã nhiều lần kêu gọi chấm dứt cuộc xung đột vốn đã phá hủy các làng mạc và thị trấn của Ukraine, khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và khiến hàng triệu người khác phải rời bỏ quê hương và nhà cửa của họ.

“Tôi nghĩ rằng ngày nay các Giáo Hội có thể thông qua những nỗ lực chung của họ để ngăn chặn sự phát triển tiêu cực của các sự kiện chính trị và phục vụ cho hòa bình và công lý,” Kirill nói với Đức Hồng Y Matteo Zuppi.

“Điều rất quan trọng là trong thời điểm khó khăn này, các cộng đồng Kitô giáo ở phương Đông và phương Tây tham gia vào quá trình hòa giải này,” Thượng phụ nói thêm.

Đức Hồng Y Zuppi, người đang trong ngày thứ hai của chuyến đi đến Mạc Tư Khoa, nhấn mạnh rằng Đức Thánh Cha Phanxicô rất muốn nghe trực tiếp quan điểm của Kirill về tình hình Ukraine.

Quan điểm của Thượng Phụ Kirill được trình bày trong cuộc gặp gỡ là hòa bình sẽ được lặp lại một khi các quốc gia phương Tây ngưng tức khắc các viện trợ khí tài chiến tranh cho Ukraine. Với tất cả sự tôn trọng cần thiết, cần phải nói thẳng rằng Thượng Phụ Kirill nói chuyện như một thằng trẻ con. Người Ukraine đã nhiều lần nói thẳng rằng nếu không có viện trợ của phương Tây, họ sẽ mất nước trước một quốc gia xâm lược mà tất cả mọi chỉ số từ nhân lực đến các khí tài chiến tranh đều ít nhất là gấp 10 lần họ. Tuy nhiên, sau khi mất nước họ sẽ tiếp tục đánh chiến tranh du kích. Nền hòa bình mà Thượng Phụ Kirill đề cập đến không phải là một nền hòa bình công chính và cũng chẳng lâu dài. Nếu nói chuyện như một người lớn trưởgng thành, Thượng Phụ Kirill phải nói rằng quân đội của Putin phải rút hết về nước. Hòa bình sẽ đến ngay ngày hôm nay.

Trước đó, Đức Hồng Y Zuppi đã thảo luận các vấn đề nhân đạo liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine và bảo vệ nhân quyền với Ủy viên phụ trách trẻ em của Nga Maria Lvova-Belova.

Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, vào tháng 3 đã ban hành lệnh bắt giữ cả Lvova-Belova và Tổng thống Vladimir Putin, cáo buộc họ phạm tội ác chiến tranh là trục xuất trái phép hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine.

Mạc Tư Khoa cho biết lệnh này vô hiệu về mặt pháp lý vì Nga không phải là thành viên của ICC. Nó cũng phủ nhận cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Ukraine.

Nga đã không che giấu một chương trình đưa hàng nghìn trẻ em Ukraine đến Nga, nhưng thể hiện đó là một chiến dịch nhân đạo để bảo vệ trẻ mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi trong vùng chiến sự.

Đức Hồng Y Zuppi đã có cuộc hội đàm hôm thứ Tư với một trong những cố vấn của Putin, Yuri Ushakov, mà Vatican cho biết đã diễn ra tốt đẹp.

Phát ngôn nhân của Putin, Dmitry Peskov, hôm thứ Năm cho biết Điện Cẩm Linh “đánh giá cao những nỗ lực và sáng kiến của Vatican nhằm tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine”.
 
Tin vui dồn dập: Wagner đang lũ lượt rời Ukraine. Nga lo đấu đá nội bộ, Mỹ đưa Kyiv hỏa tiễn tầm xa
VietCatholic Media
02:55 30/06/2023


1. Lính đánh thuê Wagner sẽ không còn chiến đấu ở Ukraine sau khi chỉ huy từ chối ký hợp đồng với Cẩm Linh

Người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia, Andrei Kartapolov, cho biết các chiến binh Wagner sẽ không còn chiến đấu ở Ukraine sau khi chỉ huy nhóm lính đánh thuê, Yevgeny Prigozhin, từ chối ký bất kỳ hợp đồng nào với Điện Cẩm Linh.

Kartapolov cho biết vài ngày trước khi xảy ra âm mưu nổi loạn, Bộ Quốc phòng Nga đã thông báo rằng “tất cả các nhóm thực hiện nhiệm vụ chiến đấu phải ký hợp đồng” với bộ này.

Theo Kartapolov, Prigozhin đã không ký hợp đồng và được thông báo rằng “Wagner sẽ không tham gia vào chiến dịch quân sự đặc biệt.”

“Tức là kinh phí, vật lực sẽ không được phân bổ,” Kartapolov nói thêm.

2. Hệ quả của cuộc binh biến do trùm Wagner Yevgeny Prigozhin lãnh đạo: Hoa Kỳ sắp phê chuẩn một hệ thống hỏa tiễn tầm xa cho Ukraine

Tờ Wall Street Journal đưa tin rằng Mỹ sắp phê chuẩn một hệ thống hỏa tiễn tầm xa cho Ukraine có thể tấn công các mục tiêu của Nga từ xa phía sau tiền tuyến, theo một quan chức quốc phòng cấp cao của Ukraine.

Hệ thống Hỏa tiễn Chiến thuật Lục quân, gọi tắt là ATACMS, có tầm bắn khoảng 190 dặm hay 306km. Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden, đã ngần ngại không ký vào thỏa thuận chuyển nhượng, một phần do các quan chức Hoa Kỳ lo ngại rằng Ukraine có thể sử dụng nó để tấn công lãnh thổ Nga và leo thang xung đột.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Ukraine nói với tờ báo rằng Kyiv đã nhận được những dấu hiệu tích cực trong những ngày gần đây rằng Mỹ đã thay đổi thái độ. Sự thay đổi này xuất phát từ thực tế là cuộc binh biến của trùm Wagner Yevgeny Prigozhin vạch trần những chia rẽ sâu sắc trong xã hội Nga. Khả năng ra đòn hạt nhân của Nga gần như không còn có thể uy hiếp Hoa Kỳ và NATO.

Các quan chức Ukraine đã lập luận rằng các hỏa tiễn tầm xa là cần thiết, một phần, để tấn công Crimea, bán đảo do Nga xâm lược, nơi đang được sử dụng làm căn cứ để phóng các máy bay không người lái do Iran sản xuất, theo tuyên bố công khai của Mỹ và các đồng minh Âu Châu.

Chỉ trích chính sách e dè của Biden, cựu chỉ huy quân đội Mỹ tại Âu Châu Ben Hodges nói với Newsweek:

“Làm thế nào trên thế giới lại có một người có giáo dục quân sự hơn một tuần lại dám nghĩ rằng người Ukraine không cần ATACMS?”

Biden và các nhà lãnh đạo phương Tây khác đã thể hiện rõ ưu tiên của họ không phải là chiến thắng của Ukraine, nhưng là ngăn chặn bất kỳ cuộc xung đột trực tiếp nào giữa NATO và Nga và các cuộc trao đổi hạt nhân qua lại giữa hai bên sau đó. Hodges nằm trong số những người tin rằng Tổng thống Vladimir Putin đang bịp bợm.

Ông nói: “Chúng ta tiếp tục tự hù dọa chính mình. Nga biết rằng tất cả những gì họ phải làm là đề cập đến hạt nhân mỗi tuần một lần hoặc nhiều hơn, và điều đó khiến chúng ta dừng lại. Chúng ta đang bị tống tiền. Và tôi nghĩ đây là một tiền lệ khủng khiếp cho tương lai.”

3. Các nhà lãnh đạo NATO đề cập đến rủi ro an ninh từ việc chuyển đến Belarus của Wagner

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “NATO Leaders Cite Security Risk From Wagner's Move to Belarus”, nghĩa là “Các nhà lãnh đạo NATO đề cập đến rủi ro an ninh từ việc chuyển đến Belarus của Wagner.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Ít nhất hai nhà lãnh đạo từ các quốc gia NATO—và một bộ trưởng ngoại giao—đã công khai thừa nhận lo ngại về kế hoạch gần đây cho lực lượng của Tập đoàn Wagner chuyển đến Belarus.

Các quan chức này đại diện cho Ba Lan, Latvia và Lithuania—ba quốc gia có chung đường biên giới với Belarus.

Đã có các tin tức về một số lực lượng của Wagner được triển khai tới Belarus sau cuộc nổi dậy của Wagner chống lại Nga vào cuối tuần này. Hôm thứ Sáu, Yevgeny Prigozhin, thủ lĩnh của nhóm lính đánh thuê, tuyên bố quân đội Nga đã giết khoảng 30 lính Wagner trong một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn, và ông ta đã ra lệnh cho quân của mình hành quân đến Mạc Tư Khoa. Cuộc binh biến ngắn ngủi kết thúc sau khi hòa bình được dàn xếp dựa trên thỏa thuận rằng các cáo buộc của Điện Cẩm Linh sẽ được bãi bỏ đối với Prigozhin nếu ông ta đồng ý sống lưu vong ở Belarus.

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko hôm thứ Ba thông báo rằng Prigozhin đã đến Belarus, nơi ông dự kiến sẽ thành lập một căn cứ Wagner mới.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cho biết: “Việc di dời các lực lượng của Nga, Tập đoàn Wagner, tới Belarus, cùng với người đứng đầu Yevgeny Prigozhin, đang được tiến hành. Đây là những tín hiệu rất tiêu cực đối với chúng tôi.”

Polsat News đưa tin rằng Duda cũng nói về việc củng cố lực lượng an ninh ở sườn phía đông của NATO, đặc biệt là Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic, do động thái của Wagner. Ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo NATO giải quyết tình hình.

Tổng thống Lithuania Gitanas Nausea cũng đưa ra bình luận tương tự sau cuộc gặp ở The Hague với 6 đồng minh NATO, theo Reuters.

“Nếu Wagner triển khai những kẻ giết người hàng loạt của mình ở Belarus, tất cả các quốc gia láng giềng sẽ phải đối mặt với nguy cơ bất ổn thậm chí còn lớn hơn,” Nauseda nói.

Những bình luận của Nauseda bổ sung cho những nhận xét mà ông đưa ra vào hôm Chúa Nhật sau cuộc họp của hội đồng an ninh nhà nước ở Vilnius, Lithuania, nơi sẽ là thành phố đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 11-12 tháng 7.

“Nếu Prigozhin hoặc một phần của nhóm Wagner đến Belarus với những kế hoạch và ý định không rõ ràng, điều đó chỉ có nghĩa là chúng ta cần tăng cường hơn nữa an ninh ở biên giới phía đông của chúng ta,” Nauseda nói với các phóng viên hôm Chúa Nhật.

“Tôi không chỉ nói về Lithuania ở đây, mà chắc chắn là toàn bộ NATO,” ông nói thêm.

Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics cũng bình luận về nhóm lính đánh thuê được thành lập ở Belarus.

“Động thái này cần được đánh giá từ một quan điểm an ninh khác. Chúng tôi đã thấy khả năng của những người lính đánh thuê đó,” Rinkevics cho biết sau một cuộc họp ở Paris.

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã cố gắng giảm thiểu phần nào mối lo ngại và kêu gọi các nhà lãnh đạo thực hiện đường lối chờ xem.

“Chúng tôi đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Mạc Tư Khoa và Minsk rằng NATO ở đó để bảo vệ mọi đồng minh, từng tấc lãnh thổ của NATO”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi đã tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở phía đông của liên minh và chúng tôi sẽ đưa ra các quyết định tiếp theo để tăng cường hơn nữa phòng thủ tập thể của mình với các lực lượng sẵn sàng cao hơn và nhiều khả năng hơn tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới”.

Newsweek đã liên hệ với văn phòng của Lukashenko qua email để nhận xét.

4. Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh, Ben Wallace, cho biết hôm thứ Năm rằng NATO nên xem xét bỏ qua yêu cầu đối với kế hoạch hành động thành viên của Ukraine như một phần trong lộ trình gia nhập liên minh.

Bất kỳ động thái nào nhằm loại bỏ hoặc phá vỡ yêu cầu về lộ trình gia nhập của Ukraine, được thiết kế để giúp các ứng cử viên đáp ứng các tiêu chí chính trị, kinh tế và quân sự nhất định, có thể đẩy nhanh quá trình gia nhập.

“Tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn nên xem xét việc bỏ qua kế hoạch hành động trở thành thành viên,” Wallace nói trong cuộc họp báo chung với người Bộ trưởng Quốc phòng Canada ở London. “Nhưng tất nhiên, chúng ta phải đặt một số tiêu chí thực tế vào không gian này rằng hiện có 31 thành viên của Nato và, bạn biết đấy, tất cả chúng ta phải hành động cùng nhau.”

Wallace cho biết ông không thể bảo đảm thỏa thuận về bước đó trước hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng tới tại Lithuania, nhưng cho biết có thể loại bỏ các rào cản khác đối với tư cách thành viên của Ukraine.

Tháng trước, Politico đã báo cáo rằng tổng thư ký của Nato, Jens Stoltenberg, đã gợi ý riêng rằng các đồng minh đồng ý rằng Ukraine có thể gia nhập Nato sau chiến tranh mà không cần tuân theo lộ trình gia nhập. Tổng thống Hoa Kỳ, Joe Biden, cũng đã bày tỏ rằng ông sẵn sàng từ bỏ lộ trình gia nhập cho Ukraine.

Ben Wallace đã có lúc được coi là ứng cử viên để trở thành người đứng đầu tiếp theo của Nato nhưng giờ đây người ta cho rằng nhiệm kỳ của người đương nhiệm Stoltenberg sẽ được kéo dài.

Vào hôm thứ Hai, Wallace đã loại trừ kế hoạch trở thành tổng thư ký. Anh ấy nói với hội nghị chiến tranh trên bộ của Viện Royal United Services Institute: “Tôi sẽ không làm điều đó trong năm nay, năm sau hoặc năm sau nữa, vì vậy hãy để những người khác đảm nhận công việc đó.”

5. Mike Pence gặp Volodymyr Zelenskiy trong chuyến đi bất ngờ đến Ukraine

Phủ Tổng Thống Ukraine cho biết cựu phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã gặp tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trong một chuyến đi bất ngờ tới Ukraine, như trong video mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

“Tôi tin rằng nước Mỹ là nhà lãnh đạo của thế giới tự do,” Pence nói với các phóng viên báo chí tại Kyiv.

“Nhưng đến đây với tư cách là một công dân bình thường – có thể thực sự tận mắt chứng kiến chủ nghĩa anh hùng của những người lính Ukraine giữ phòng tuyến trong những khu rừng đó, thấy chủ nghĩa anh hùng của người dân Irpin ở đây đã cầm chân quân đội Nga, gặp gỡ các gia đình những ngôi nhà của họ đã bị pháo kích theo đúng nghĩa đen giữa một cuộc xâm lược vô lương tâm và vô cớ của Nga – càng củng cố quyết tâm của tôi để thực hiện phần việc của mình, tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ dành cho những người bạn và đồng minh Ukraine của chúng ta.”

Pence là ứng cử viên tổng thống đầu tiên của Đảng Cộng hòa gặp Zelenskiy trong chiến dịch tranh cử.

Không giống như các ứng cử viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa Donald Trump và Ron DeSantis, cả hai đều bày tỏ sự ủng hộ hờ hững đối với Ukraine và sự can thiệp của Hoa Kỳ, Pence đã thể hiện rõ ràng sự ủng hộ mạnh mẽ của mình đối với Ukraine và nói rằng “không thể có chỗ trong giới lãnh đạo của đảng Cộng hòa cho những người biện hộ cho Putin”.

Một cuộc thăm dò của Reuters và Ipsos được công bố hôm thứ Tư cho thấy phần lớn người Mỹ - từ 67% đến 73% - có nhiều khả năng ủng hộ một ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào năm tới, là người sẽ tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine và một người ủng hộ liên minh Nato.

6. Chính quyền Nga cho biết ít nhất 14 binh sĩ đã thiệt mạng trong cuộc tấn công vào vùng Belgorod vào đầu tháng 6

Thống đốc Pskov Mikhail Vedernikov cho biết ít nhất 14 quân nhân từ vùng Pskov ở Nga đã thiệt mạng vào đầu tháng 6 trong một cuộc xâm nhập ở vùng Belgorod do Quân Đoàn Tự Do cho Nga thực hiện. Họ là những người Nga nhưng đứng về phía Ukraine chống lại quân Putin.

“Một sự kiện khó khăn cần được đề cập là sự ra đi của các quân nhân từ các quận Velikiye Luki, Pskov, Novosokolniki, Pustoshka và Opochka. Họ đã chết vào đầu tháng trong cuộc tấn công của nhóm phá hoại và trinh sát vào vùng Belgorod. Đám tang diễn ra cả tuần trước và tuần này. Thật không may, đây không phải là những sự kiện để tang cuối cùng. Hiện tại, chúng tôi biết ít nhất 14 người đã chết trong những ngày đó,” Vedernikov nói.

Theo Vedernikov, ít nhất 10 quân nhân Pskov cũng bị bắt trong cuộc xâm lược. Ông cho biết thêm rằng ba quân nhân Nga đã được trao đổi.

“Điều này đã không xảy ra ngày hôm qua. Người thân đã được thông báo từ lâu. Nhưng chúng tôi quyết định không đưa tin giật gân vì đây là thời điểm rất khó khăn đối với tất cả mọi người. Có những thủ tục được thực hiện bởi lực lượng phản gián,” Vedernikov nói.

7. Cuộc nổi dậy của Wagner đã phá hủy huyền thoại về sự bất khả chiến bại của quân đội Nga, cố vấn tổng thống Ukraine nói

Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, Andriy Yermak, nói rằng cuộc nổi dậy thất bại ở Wagner đã phá hủy huyền thoại về sự bất khả chiến bại của quân đội Nga.

Yermak cho biết các sự kiện trong những ngày gần đây đã “phá hủy huyền thoại về sự bất khả chiến bại của Quân đội Nga… nó cuối cùng đã phá hủy huyền thoại rằng mọi thứ ở Nga đều nằm trong tầm kiểm soát.”

Cuộc nổi loạn chỉ là “một bằng chứng nữa cho thấy nỗ lực hồi sinh Liên Xô của Putin cuối cùng đã thất bại. Tôi nghĩ đó là một tín hiệu rất mạnh mẽ rằng cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc xâm lược khủng khiếp, man rợ và bất hợp pháp”.

Ông cũng nói, “Mọi thứ xảy ra ở Nga trong những ngày qua là kết quả của cuộc chiến này. Tôi nghĩ rằng sau cuộc binh biến này, nhiều người trên thế giới chắc chắn về chiến thắng của Ukraine.”

Giới lãnh đạo Ukraine cho biết họ đã đạt được thành công “trên mọi mặt trận” kể từ cuối tuần.

Yermak cũng nhận định rằng “Những diễn biến mới nhất này xác nhận rằng họ không kiểm soát được tình hình, họ không sống trong thực tế và tất nhiên họ không thể đưa ra quyết định thực sự. Tất cả chúng ta trên toàn thế giới đang xem buổi biểu diễn này... Tôi nghĩ nó sẽ có ảnh hưởng lịch sử và rất nghiêm trọng đối với mọi thứ sẽ xảy ra trong tương lai.”

Yermak nói thêm: “Tôi chắc chắn rằng nhiều người trên thế giới, đặc biệt là nhiều nhà lãnh đạo thế giới sẽ thay đổi quan điểm và tin tưởng vào tất cả những gì chúng tôi đã nói.”

8. Putin “hoàn toàn” bị suy yếu sau cuộc nổi dậy của Wagner ở Nga, Biden nói

Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên báo chí rằng Vladimir Putin “hoàn toàn” bị suy yếu bởi cuộc binh biến ngắn ngủi vào cuối tuần qua.

Đó là bình luận dứt khoát nhất của ông cho đến nay về việc cuộc nổi dậy của ông chủ Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin, đã ảnh hưởng đến tầm vóc của nhà lãnh đạo Nga như thế nào.

Biden và nhóm của ông đã thận trọng khi bình luận về các sự kiện, cảnh giác với việc cung cấp cho Putin cái cớ để tuyên bố rằng có một âm mưu của phương Tây nhằm lật đổ ông.

Trong bài phát biểu công khai đầu tiên vào thứ Hai, ông nhấn mạnh rằng phương Tây không liên quan gì đến cuộc binh biến.

Nhưng vào thứ Tư, Biden đã mở rộng quan điểm của mình về tầm vóc bị giảm sút của Putin.

“Thật khó để nói nhưng rõ ràng ông ấy đang thua cuộc chiến,” Biden nói.

“Ông ấy đang thua cuộc chiến ở quê nhà. Ông ta trở thành một kẻ lạc loài trên khắp thế giới. Và đó không chỉ là NATO, không chỉ là Liên minh Âu Châu, mà còn là Nhật Bản,” Biden nói với các phóng viên.

Khi được hỏi một lần nữa liệu hôm nay Putin có yếu hơn so với tuần trước hay không, Biden nói: “Tôi chắc chắn như thế.”

9. Ngoại trưởng Mỹ: Cuộc nổi loạn của Prigozhin là một thách thức đối với chính quyền của Putin

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết hôm thứ Tư rằng nỗ lực nổi loạn của thủ lĩnh Wagner Yevegny Prigozhin là “một thách thức trực tiếp đối với chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin”.

Blinken gọi cuộc nổi dậy ngắn ngủi là “về cơ bản là vấn đề nội bộ mà người Nga và Putin sẽ phải xem xét,” nhưng gợi ý rằng “các vết nứt” bên trong Mạc Tư Khoa không phải là một bí mật.

Ông nói: “Bạn thấy sự bất đồng trong hàng ngũ và bạn không cần một vệ tinh để tìm ra điều đó.”

“Nếu bạn có một tài khoản mạng xã hội, bạn có thể thấy cuộc tranh luận này, lập luận này, diễn ra bên trong nước Nga trong nhiều tháng liên quan đến cuộc chiến. Bản thân Prigozhin đã đặt câu hỏi về chính tiền đề của cuộc chiến, liệu NATO hay Ukraine có phải là mối đe dọa đối với Nga hay không, là những điều mà cả hai bên đều không làm”.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ nói rằng các câu hỏi về sự lãnh đạo của Nga “là sự lựa chọn của người Nga, không phải của chúng tôi”. Ông nhắc lại rằng thay vào đó, Hoa Kỳ tập trung vào việc hỗ trợ Ukraine.

Blinken cho biết hậu quả của cuộc nổi dậy có thể có lợi cho cuộc phản công của Ukraine.

Ông nói: “Trong chừng mực mà Mạc Tư Khoa bị phân tâm bởi sự chia rẽ nội bộ của chính mình, điều đó có thể hữu ích.

“Trong chừng mực mà bản thân lực lượng Wagner không còn ở tiền tuyến, điều đó có thể hữu ích, bởi vì chúng đã hoạt động hiệu quả. Theo đúng nghĩa đen, họ chỉ ném mọi người vào chiếc máy xay thịt do chính Putin chế tạo, nhưng điều đó cũng có một số tác dụng,” Blinken tiếp tục.

“Tôi nghĩ rằng có một số cơ hội ở đây, nhưng vẫn còn sớm và tôi nghĩ điều này sẽ diễn ra không phải trong những ngày tới mà trong những tuần và tháng tới”.

10. Ukraine lấp lửng về 'Sự kiện phản công chính' khi lực lượng của họ tấn công mạnh ở Bakhmut

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Teases Counteroffensive 'Main Event' as Forces Push On in Bakhmut”, nghĩa là “Ukraine lấp lửng về 'Sự kiện phản công chính' khi lực lượng của họ tấn công mạnh ở Bakhmut.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân

Kyiv cho biết “sự kiện chính” trong cuộc phản công của Ukraine vẫn còn ở phía trước, khi quân đội của họ đang nghiền nát quân đội Nga ở thành phố Bakhmut.

Oleksii Reznikov, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, nói với Financial Times trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Tư.

“Khi nó xảy ra, tất cả các bạn sẽ thấy nó,” Reznikov nói thêm.

Các lực lượng của Ukraine bắt đầu phối hợp đẩy lùi các lực lượng Nga vào đầu tháng 6, chủ yếu ở vùng đông nam Zaporizhzhia và Donetsk bị Mạc Tư Khoa sáp nhập. Quân đội Ukraine cho biết một số ngôi làng ở hai khu vực đã được chiếm lại, và các chuyên gia tin rằng các hoạt động của Kyiv đang ở giai đoạn thử nghiệm và trinh sát ban đầu.

Tuy nhiên, tốc độ tăng chậm rõ ràng đã đặt ra câu hỏi. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nói với BBC vào ngày 21 tháng 6 rằng tiến trình trên chiến trường đã “chậm hơn mong muốn”.

“Một số người tin rằng đây là một bộ phim Hollywood và mong đợi kết quả bây giờ. Không phải vậy,” Zelenskiy nói thêm. “Điều đáng kể là sinh mạng của người dân.”

Các nhà phân tích phương Tây vẫn liên tục báo cáo những bước tiến của Ukraine dọc theo chiến tuyến. Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, các lực lượng của Kyiv đã tiến hành các hoạt động phản công “trên ít nhất bốn khu vực của mặt trận” vào hôm thứ Ba.

Trong bài phát biểu hàng đêm vào hôm thứ Hai, Zelenskiy cho biết các chiến binh của Ukraine đã “tiến lên theo mọi hướng”.

Một cựu chỉ huy của Quân đội Hoa Kỳ ở Âu Châu, Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, nói với Newsweek vào ngày 23 tháng 6: “90% quân đội Ukraine thậm chí còn chưa tham chiến.

Anh ấy nói thêm: “Khi bạn thấy tất cả những điều đó, thì nó sẽ bắt đầu. “Ngay bây giờ, chỉ một phần rất, rất nhỏ của quân đội đang tham chiến.”

Quân đội Ukraine đang tiếp tục tấn công các vị trí của quân Nga ở Bakhmut, quân đội Ukraine cho biết vào sáng thứ Tư.

“Các lực lượng xâm lược của Nga đang kháng cự mạnh mẽ. Đồng thời, đối phương sẽ chịu tổn thất đáng kể về nhân sự, vũ khí và thiết bị”, phát ngôn viên Bộ Tổng tham mưu Andriy Kovalev cho biết trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội.

Bakhmut, nơi đã chứng kiến nhiều tháng giao tranh ác liệt, giờ đã bị phá hủy phần lớn. Được gắn mác “máy xay thịt”, thành phố Donetsk này mang nhiều giá trị biểu tượng hơn là sức nặng chiến lược đối với bất kỳ bên nào chiếm được nó.

Ở Bakhmut và những nơi khác, cả lực lượng Ukraine và Nga được cho là đang chịu tổn thất nặng nề về nhân sự và thiết bị.

“Là một phần của cuộc phản công rộng lớn hơn, Ukraine đã đạt được động lực trong các cuộc tấn công xung quanh Bakhmut ở khu vực Donetsk,” Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong bản cập nhật tình báo hàng ngày hôm thứ Hai. Lực lượng Ukraine đã “đạt được tiến bộ” ở sườn phía bắc và phía nam của Bakhmut.

Hanna Maliar, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kyiv, cho biết trong một tuyên bố đăng trên Telegram: “Các hậu vệ của chúng tôi tiến công từ hai bên sườn mỗi ngày.” Cô ấy nói thêm rằng, cho đến ngày thứ Ba, quân Ukraine vẫn chưa vào thành phố.

“Lực lượng phòng thủ tiến gần Bakhmut và đánh bật quân Nga ra khỏi vị trí của họ,” chỉ huy lực lượng mặt đất của Ukraine, Đại tướng Oleksandr Syrskyi, cho biết hôm thứ Ba.

11. Nhận xét của Lukashenko đặt ra câu hỏi về sự vắng mặt của Putin trong cuộc binh biến

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Lukashenko's Remarks Raise Questions About Putin's Absence During Mutiny”, nghĩa là “Nhận xét của Lukashenko đặt ra câu hỏi về sự vắng mặt của Putin trong cuộc binh biến.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko đã khoe khoang về vai trò của mình trong việc chấm dứt cuộc tuần hành đến Mạc Tư Khoa của ông chủ Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin. Nhưng bài phát biểu của Lukashenko đã nhấn mạnh sự vắng mặt của Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc khủng hoảng.

Lukashenko đã kể lại các sự kiện hôm thứ Bảy, chứng kiến nhóm lính đánh thuê, chìa khóa cho cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine, chiếm giữ các cơ sở quân sự ở Rostov-on-Don và tiến về thủ đô để lật đổ giới lãnh đạo quân sự Nga mà ông đã lên án từ lâu.

Đồng minh của Putin nói với các phóng viên hôm thứ Ba rằng ông khuyên nhà lãnh đạo Nga “đừng vội” và nói chuyện với Prigozhin và các chỉ huy của ông ta. Theo Lukashenko, Putin nói rằng ý tưởng này là “vô ích”, bởi vì người đứng đầu Wagner “thậm chí không nhấc điện thoại, không muốn nói chuyện với bất kỳ ai”.

Điều này mâu thuẫn với các nguồn tin Nga nói rằng chính Putin đã từ chối nói chuyện với Prigozhin. Lukashenko nói rằng khi liên lạc được với Prigozhin, ông ta đã cảnh báo Prigozhin rằng anh ta sẽ bị “nghiền nát như một con bọ” nếu quân của anh ta tiếp tục tiến tới thủ đô Nga.

Lukashenko nói rằng ngoài Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yunus-Bek Yevkurov và Alexander Bortnikov, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang, gọi tắt là FSB, “không ai tham gia vào các cuộc đàm phán này”. Chi tiết này cho thấy rằng Putin không tham gia.

Nhà lãnh đạo Belarus cho biết Prigozhin đã gọi cho ông để chấp nhận các điều kiện để hủy bỏ cuộc tấn công nhưng sợ rằng quân Wagner sẽ bị giết.

Matt Dimmick, cựu giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, gọi tắt là NSC, phụ trách Nga và Đông Âu, cho biết: “Tôi tin những gì Lukashenko đang nói và coi là có giá trị. Thật là lạ lùng nếu những điều này không phải là sự thật.”

Lukashenko có lẽ đã cung cấp một dịch vụ đúng đắn trong quá trình này và giữ hai diễn viên đang chuẩn bị cho một cuộc tắm máu lớn này lùi lại khỏi bờ vực, Matt Dimmick nói với Newsweek.

Hãng tin thân Ukraine bằng tiếng Nga Politika Strani cho biết trong nhận định của mình rằng Lukashenko đã giới thiệu Putin và các thành viên của chính quyền Nga là “những thanh thiếu niên lập dị, chưa trưởng thành về mặt cảm xúc, sẵn sàng bóp cổ nhau” trong cuộc khủng hoảng.

“Nhưng tại đây, người cha thông thái đã xuất hiện và hòa giải mọi người, cứu nước Nga khỏi nội chiến và sự sụp đổ”, tờ báo đưa tin về cuộc chiến ở Ukraine cho biết thêm.

Lời kể của Lukashenko cho thấy ông ta làm trung gian hòa giải một cuộc khủng hoảng “trong vòng thân cận của chính Putin mà Putin không thể làm được”, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết.

“Việc Lukashenko khoe khoang về khả năng thuyết phục được những người trong vòng thân cận nhất của Putin là điều sỉ nhục đối với Putin, cho dù điều đó có đúng hay không,” tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Ba.

“Việc Putin không phản đối việc Lukashenko trình bày các sự kiện và trên thực tế đã công khai cảm ơn Lukashenko thậm chí còn nhục nhã hơn,” ISW nói thêm, mặc dù Điện Cẩm Linh, mà Newsweek đã liên hệ để bình luận, đã không chứng thực tài khoản của nhà lãnh đạo Belarus.

Có thể chắc chắn rằng Putin coi Prigozhin là cấp dưới của mình chứ không phải ngang hàng, vì vậy sẽ không ngạc nhiên khi không có thông tin cho rằng nhà lãnh đạo Nga đang đàm phán với ông chủ Wagner.

Nhưng có những câu hỏi từ các blogger về việc chính quyền Nga không có phản ứng phối hợp trong cuộc khủng hoảng lớn nhất dưới thời tổng thống của Vladimir Putin, là người không được nhìn thấy từ thứ Bảy đến thứ Hai.

Dimmick nói: “Họ không được khuyến khích hoặc thiết lập để chia sẻ thông tin nhanh chóng. “Có thể còn quá sớm để đưa ra kết luận về việc liệu điều đó phản ánh sự thiếu kiềm chế của Putin hay ông ấy đã mất nhiều thời gian để bộ máy tìm ra chính xác những gì họ đang giải quyết.”

Các điều khoản của thỏa thuận mà Prigozhin đạt được không rõ ràng, nhưng chúng được cho là bao gồm việc hủy bỏ các cáo buộc hình sự đối với anh ta và các chiến binh của anh ta, cũng như việc anh ta bị lưu đày đến Belarus.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy việc xây dựng một trại Wagner gần thị trấn Asipovichy, cách thủ đô Minsk khoảng 60 dặm về phía đông nam, đã được truyền thông Belarus đưa tin.

Dimmick nói: “Một số lượng nhất định sẽ đồng hành cùng anh ấy, tất cả phụ thuộc vào yếu tố cứng rắn của Wagner. Anh ta có vài nghìn người rất trung thành và chia sẻ sự ghê tởm của mình với cách Bộ Quốc phòng Nga tiến hành cuộc chiến này.”

12. Thủ tướng Estonia gọi Belarus là “đồng xâm lược” với Nga khi kêu gọi các đồng minh Âu Châu tăng cường phòng thủ

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho biết hôm thứ Tư trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch Nghị viện Âu Châu Roberta Metsola tại Brussels rằng các đồng minh Âu Châu phải tăng cường khả năng phòng thủ sẵn sàng chống lại cả Nga và Belarus.

Khi được hỏi liệu lính đánh thuê Wagner ở Belarus có gây rủi ro cho Estonia hay không, Kallas nói: “Chúng tôi đã coi Belarus là một kẻ đồng xâm lược ở đây. Vì vậy, họ đã làm việc cùng với Nga trong suốt thời gian qua. Vì vậy, những gì chúng tôi biết về Nga và Belarus là họ không thể đoán trước và rất nguy hiểm. Và điều đó đã không thay đổi.”

“Thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng và sự sẵn sàng phòng thủ của chính chúng ta về vấn đề này là vô cùng quan trọng. Đối với tôi, tất cả rồi sẽ qua đi - nhưng vấn đề có thể dai dẳng trong một thời gian dài. Và chúng ta phải thực hiện các bước cần thiết cho điều đó,” cô nói.

Giám đốc Wagner Yevgeny Prigozhin đã đến Belarus, Tổng thống nước này Alexander Lukashenko cho biết hôm thứ Ba, và hình ảnh vệ tinh cho thấy hai chiếc máy bay có liên quan đến Prigozhin đã hạ cánh tại một căn cứ không quân của Belarus bên ngoài thủ đô của đất nước vào sáng thứ Ba. Lukashenko cũng cho biết hôm qua rằng hầu hết vũ khí hạt nhân chiến thuật mà Nga dự định bố trí ở Belarus đã đến nơi.

Kallas cho biết Estonia cam kết giúp tái thiết Ukraine và các nhà lãnh đạo Nga phải chịu trách nhiệm về hành động của họ.

“Ukraine là nạn nhân của chiến tranh Nga. Và theo luật quốc tế thì phải được Nga bồi thường; chúng tôi cần một giải pháp cho phép sử dụng các tài sản bị đóng băng đã bị tịch thu do lệnh trừng phạt từ các công dân và công ty Nga để bồi thường thiệt hại. Chính phủ của tôi cũng đang làm việc với một dự thảo pháp lý để làm điều này, nhưng chúng tôi cần một giải pháp của Âu Châu,” cô nói.

Phát biểu cùng với Kallas, Metsola cho biết các lỗ hổng quốc tế cần phải được lấp đầy và các biện pháp trừng phạt đối với Nga phải gia tăng.

“Chúng tôi hoan nghênh gói trừng phạt thứ 11 bổ sung 50 tỷ euro hỗ trợ tái thiết được công bố vào tuần trước và cuối cùng chúng ta cần thúc đẩy việc sử dụng các tài sản bị đóng băng của Nga để tài trợ cho quá trình tái thiết Ukraine”.

Cô cũng cho biết nỗ lực nổi dậy của Wagner ở Nga đặt ra câu hỏi về “sự mong manh của nhà nước Nga”.

“Các sự kiện mới nhất ở Nga đã đặt ra một số câu hỏi liên quan đến động lực nội bộ và sự mong manh của nhà nước Nga, tác động của nó đối với cuộc xâm lược Ukraine và đối với an ninh Âu Châu. Vì vậy, đối với Liên Hiệp Âu Châu, điều quan trọng nhất là tiếp tục tiến trình; chúng ta không thể bị phân tâm bởi chính trị của Cẩm Linh và chúng ta cần tiếp tục và tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho Ukraine trong bối cảnh này.”
 
Thư ký Đức Bênêđictô XVI trước tương lai mờ mịt. ĐGM Joseph Strickland bảo vệ đạo lý không nao núng
VietCatholic Media
05:08 30/06/2023


1. Thư ký của Đức Bênêđictô XVI đã ra khỏi Vatican, nhưng tương lai của ngài vẫn chưa rõ ràng

Suy đoán xung quanh việc trở lại Đức của cựu thư ký của Đức cố Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, Georg Gänswein, đang tiếp tục không suy giảm, nhất là vì tình trạng của ngài hiện vẫn chưa rõ ràng sau khi bị trục xuất khỏi Vatican.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định “trong thời điểm hiện tại” (“per il momento”) rằng Đức Tổng Giám Mục Gänswein phải trở về giáo phận Freiburg, quê hương của ngài.

Trong khi chờ đợi, tổng giáo phận đã xác nhận với cổng thông tin katholisch.de rằng vị thư ký của Đức Cố Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 sẽ sống trong một căn hộ thuê của chủng viện, không xa Tòa Giám Mục của Đức Tổng Giám Mục Stephan Burger của Freiburg. Một số nhà quan sát giải thích “trong thời điểm hiện tại” như một gợi ý rằng nó chỉ có thể là một điểm dừng chân. Đức Tổng Giám Mục Gänswein, người thường muốn nói chuyện với giới truyền thông, hiện không trả lời các câu hỏi.

Rõ ràng là ngài sẽ không trở thành thành viên của Hội đồng Giám mục Đức. Các quy chế ở Đức quy định rằng các thành viên phải là giám mục giáo phận hoặc Giám Mục Phụ Tá hoặc giám mục nắm giữ một chức vụ đặc biệt do “Tòa Thánh hoặc Hội đồng Giám mục Đức bổ nhiệm trong khu vực của Hội đồng”. Nhưng không có nhiệm vụ nào như vậy được đề cập trong tuyên bố chia tay do Vatican đưa ra vào ngày 15 tháng Sáu.

Trước đây, đã có suy đoán rằng Đức Giáo Hoàng có thể trao cho vị Tổng Giám Mục phục vụ lâu năm của Giáo triều, người đã phục vụ Đức Hồng Y Joseph Ratzinger/ và Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong hơn 20 năm, một chức vụ trong ngoại giao đoàn —ví dụ, với tư cách là Sứ thần Tòa Thánh tại Costa Rica. Người ta cũng nói về việc bổ nhiệm làm giám mục ở Vaduz/Liechtenstein, vì vị đương nhiệm ở đó sẽ sớm phải đệ đơn từ chức vì lý do tuổi tác.

Tuy nhiên, theo các nguồn tin ở Rôma, Đức Giáo Hoàng đã dự tính bổ nhiệm Đức Cha Gänswein làm giảng viên đại học về giáo luật. Chắc chắn rằng Đức Giáo Hoàng không còn muốn thư ký riêng của người tiền nhiệm ở Vatican nữa, mặc dù Đức Cha Gänswein được cho là gần đây đã cải tạo một căn hộ chính thức ở đó bằng cách sử dụng số tiền đáng kể của riêng mình.

Các thư ký riêng của các giáo hoàng tiền nhiệm cũng được tuyển dụng bên ngoài Vatican sau khi phục vụ. Tuy nhiên, họ thường được trao ghế giám mục trong quá trình này.

Ví dụ, thư ký của Đức Gioan Phaolô II, Stanislaw Dziwisz, đã trở thành tổng giám mục Krakow. Nhưng Đức Cha Gänswein gần đây đã bị chỉ trích vì một cuốn sách và các cuộc phỏng vấn sau cái chết của Đức Bênêđictô XVI.

Các nhà quan sát đang đưa ra những cách giải thích khác nhau về việc sa thải vị Tổng Giám Mục sắp 67 tuổi khỏi Vatican. Tạp chí Hoa Kỳ Crux coi quyết định này là một tín hiệu cho Giáo Hội Công Giáo ở Đức vào thời điểm hỗn loạn bằng cách gửi cho Giáo hội một người bảo vệ hiểu biết về truyền thông đối với di sản của Đức Bênêđictô XVI - người cũng tình cờ là người chỉ trích mạnh mẽ dự án cải cách Tiến trình Công nghị.

Ngược lại, nhà báo người Ý Andrea Gagliarducci coi việc trục xuất khỏi Vatican là một sự sỉ nhục thêm và cũng là một tín hiệu cho những người khác có mâu thuẫn với Đức Giáo Hoàng đương nhiệm. Đức Thánh Cha Phanxicô thậm chí còn lùi ngày chấm dứt chức vụ của Gänswein đến ngày 28 tháng 2. Điều này có nghĩa là về mặt kỹ thuật, Vatican sẽ có quyền đòi lại số tiền lương mà Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã được trả kể từ ngày đó.


Source:americamagazine.org

2. Đức Hồng Y Zuppi đến Mạc Tư Khoa

Sau khi đi Kyiv, thủ đô Ukraine, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, lên đường đi Mạc Tư Khoa, Liên bang Nga để thi hành sứ mạng Đức Thánh Cha Phanxicô ủy thác là góp phần làm cho bầu không khí chiến tranh giữa Nga và Ukraine hòa dịu hơn, tạo điều kiện cho sự đối thoại hòa bình.

Thông cáo của Phòng Báo chí Tòa Thánh, công bố sáng ngày 27 tháng Sáu vừa qua, nói rằng:

“Trong những ngày 28 và ngày 29 tháng Sáu này, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, cùng với một chức sắc thuộc Bộ Ngoại giao Tòa Thánh, sẽ viếng thăm Mạc Tư Khoa, trong tư cách đặc sứ của Đức Thánh Cha Phanxicô.

“Mục đích chính của sáng kiến này là khích lệ những cử chỉ nhân đạo, có thể góp phần tạo điều kiện cho một giải quyết tình trạng bi thảm hiện nay và tìm ra những con đường để đạt tới một nền hòa bình công chính”.

Cùng ngày 27 tháng Sáu, Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết trong tháng Bảy sắp tới, như thông lệ, các buổi tiếp chung, các cuộc tiếp kiến riêng và đặc biệt của Đức Thánh Cha đều bị ngưng lại. Các buổi tiếp kiến sẽ được mở lại trong tháng Tám và buổi tiếp kiến chung đầu tiên trong tháng Tám sẽ là ngày 09 tháng Tám.

Hôm 21 Tháng Sáu, phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết:

“Có sự quan tâm và kỳ vọng từ phía chính phủ Nga” đối với chuyến thăm có thể xảy ra tới Mạc Tư Khoa của Đức Hồng Y Matteo Zuppi, đặc phái viên của Vatican về sáng kiến hòa bình cho Ukraine.

Diễn biến này xảy ra sau khi bà ta nói hai tuần trước đó rằng Mạc Tư Khoa không quan tâm và không có bất cứ chuẩn bị nào cho một chuyến viếng thăm như thế.

“Chúng tôi đánh giá cao quan điểm cân bằng của Vatican và quan điểm do đích thân Đức Giáo Hoàng đề xướng,” Zakharova.

Sự thay đổi thái độ của Nga dường như đã diễn ra sau chuyến viếng thăm Putin của các nhà lãnh đạo Phi Châu.

Trong một thông cáo báo chí đưa ra sau chuyến viếng thăm này, Điện Cẩm Linh đã cố gắng tô vẽ Ukraine là quốc gia hiếu chiến và Nga là đất nước yêu chuộng hòa bình, bất chấp một thực tế hiển nhiên rằng Nga là nước xâm lược Ukraine.

Phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, cho biết Nga nhận thấy rất ít cơ hội đàm phán hòa bình với Ukraine do lập trường của Kyiv về vấn đề này bất chấp những nỗ lực mang tính xây dựng của phái bộ hòa bình Phi Châu.

Ông Peskov cho biết Tổng thống Nga, Vladimir Putin, đã có các cuộc hội đàm “rất hiệu quả” với các nhà lãnh đạo Phi Châu vào hôm thứ Bảy và vẫn sẵn sàng đối thoại với các quốc gia và các tổ chức khác về hoạt động quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Nhưng ông nói với các phóng viên rằng cái mà ông gọi là lập trường lịch sử của Kyiv có nghĩa là “người ta khó có thể nói về những cơ sở ổn định” cho các cuộc đàm phán hòa bình.

Cơ sở ổn định cho cuộc đàm phán hòa bình là gì? Dmitry Medvedev, nguyên tổng thống Nga, và hiện là phó chủ tịch Hội Đồng An Ninh quốc gia Nga có một câu trả lời thẳng thừng.

Sau khi Tổng thống Zelenskiy đưa ra kế hoạch hòa bình 10 điểm tại hội nghị G20 tại Bali Indonesia hôm 14 tháng 11 năm ngoái, Medvedev nói 10 điểm là nhiều quá, ông ta có một kế hoạch hòa bình chỉ có một điểm duy nhất đó là Ukraine buông súng đầu hàng vô điều kiện.

3. Sau chuyến Thanh Tra Tông Tòa, Đức Cha Strickland tiếp tục hiện diện trên mạng xã hội

Trong khi nhiều người Công Giáo trên khắp đất nước đã bày tỏ tình đoàn kết với Đức Cha Joseph Strickland của Tyler, Texas, sau một cuộc điều tra chính thức về ngài và giáo phận của ngài theo lệnh của Đức Thánh Cha Phanxicô, thì vị Giám Mục phía đông Texas đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào sau chuyến Thanh Tra Tông Tòa. Tuy nhiên, ngài đã tiếp tục đăng nhiều tweet.

Không rõ có bao nhiêu tweet của ngài liên quan đến cuộc điều tra. Tuy nhiên, trong một tweet, ngài cảm ơn một tổ chức đã hỗ trợ.

Tài khoản Twitter của ngài được nhiều người Công Giáo theo dõi và ngưỡng mộ vì sự thẳng thắn của ngài đối với các vấn đề nổi cộm thời hiện đại như phá thai, ý thức hệ giới tính và các chương trình nghị sự chính trị của các quan chức dân cử, đặc biệt là những người ngang nhiên coi thường sự thánh thiêng của mạng sống thai nhi.

Nguyên nhân của cuộc điều tra từ Rôma vẫn chưa rõ ràng. Tin tức về cuộc điều tra về Đức Cha Strickland được đưa ra sau khi ngài tham gia vào một cuộc rước thánh thể và mít tinh cầu nguyện ở Los Angeles vào ngày 16 tháng 6 được tổ chức để phản đối Đội bóng chày Los Angeles Dodgers của Giải bóng chày nhà nghề vì đã vinh danh một nhóm chống Công Giáo tại trận đấu Đêm Tự hào hàng năm của đội.

Một nguồn tin trong giáo phận đã nói chuyện với EWTN News về bối cảnh giải thích rằng chuyến Thanh Tra Tông Tòa bao gồm các cuộc phỏng vấn với các giáo sĩ và giáo dân trong giáo phận trong suốt tuần trước đó trước khi kết thúc vào sáng thứ Bảy với cuộc gặp với Đức Cha Strickland.

Theo nguồn tin trong giáo phận, việc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội của vị giám mục đã được đề cập đến cũng như các câu hỏi liên quan đến việc quản lý giáo phận.

Đức Cha Strickland, 64 tuổi, đã phải đối mặt với cả lời khen ngợi và chỉ trích về việc sử dụng mạng xã hội của mình. Những người ủng hộ ca ngợi vì sự rõ ràng trong giáo huấn của Giáo hội nhưng những người chỉ trích cho rằng đó là sự vô trách nhiệm, với một số nhắm vào một dòng tweet ngày 12 tháng 5, trong đó ngài cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô “làm suy yếu kho tàng đức tin.”

Đức Cha Strickland thường tweet nhiều lần mỗi tuần về đức tin Công Giáo và các sự kiện hiện tại có liên quan, đôi khi trực tiếp chỉ trích các nhà lãnh đạo ủng hộ phá thai của quốc gia như cựu chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi và Tổng thống Joe Biden.

Đức Giám Mục nghỉ hưu Gerald Kicanas của Tucson và Đức Cha Dennis Sullivan của Camden, New Jersey, dẫn đầu chuyến Thanh Tra Tông Tòa, mà EWTN News xác nhận đã kết thúc.

CNA đã liên hệ với Giáo phận Tyler để xin bình luận vào sáng thứ Ba nhưng không nhận được phản hồi.


Source:Catholic News Agency
 
Tiết lộ kinh ngạc của Prigozhin. Putin truy sát. Hơn 30 tướng tá Nga dính líu Wagner. Kyiv thắng lớn
VietCatholic Media
18:28 30/06/2023


1. Giám đốc tình báo Ukraine tuyên bố FSB của Nga đang âm mưu lấy mạng Prigozhin

Người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Ukraine cho biết theo các tin tình báo mà Ukraine thu thập được Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đã Putin được “giao nhiệm vụ ám sát” ông chủ Wagner, Yevgeny Prigozhin.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhà báo Howard Altman cho tạp chí trực tuyến 'The War Zone', Kyrylo Budanov cho biết: “Chúng tôi biết rằng FSB được giao nhiệm vụ ám sát anh ta. Họ sẽ thành công trong việc đó hay không? Thời gian sẽ trả lời.

Budanov, người đứng đầu Cục Tình báo Quốc phòng Ukraine, đã mô tả kết quả của âm mưu từ FSB – là cơ quan tình báo nội địa của Nga – là “một câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ”.

“Thông thường, trong mọi trường hợp, tất cả những nỗ lực ám sát tiềm năng như vậy sẽ không diễn ra nhanh chóng,” ông nói. “Họ sẽ mất một thời gian để có những đường lối phù hợp và đạt đến giai đoạn khi họ sẵn sàng đưa ra một hoạt động lớn. Nhưng một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng đó là một câu hỏi lớn còn bỏ ngỏ. Liệu họ có thành công trong việc thực hiện điều đó hay không? Liệu họ có dám thi hành mệnh lệnh đó hay không?”

Budanov đã nói chuyện với cơ quan truyền thông này thông qua một dịch giả qua một liên kết video từ Kyiv.

Điện Cẩm Linh vẫn giữ im lặng về chủ đề này, thay vào đó bắt tay vào một chiến dịch tích cực nhằm tái khẳng định quyền lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

2. Ukraine tuyên bố tấn công “sở chỉ huy” quân sự Nga ở Berdiansk

Ukraine tuyên bố họ đã tấn công “tổng hành dinh” và tổng kho quân sự của Nga tại thành phố cảng Berdiansk bị tạm chiếm ở vùng Zaporizhzhia hôm thứ Sáu.

“Một tổng hành dinh và một kho nhiên liệu ở ngoại ô Berdiansk của quân xâm lược Nga đã bị phá hủy sáng nay do một cuộc tấn công thành công của Lực lượng Phòng vệ chúng ta,” Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết như trên trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Sáu 30 thứ Sáu

Nhiều vụ nổ đã xảy ra tại thành phố cảng Berdiansk bị tạm chiếm ở khu vực Zaporizhzhia, đông nam Ukraine hôm thứ Sáu, theo báo cáo từ các quan chức Ukraine và Nga.

Vladimir Rogov, tên phản bội được Nga bổ nhiệm làm thị trưởng thành phố Melitopol ban đầu cho rằng “Những tiếng nổ được nghe thấy là lực lượng phòng không đã đẩy lùi thành công cuộc tấn công ở ngoại ô thành phố.

Tuy nhiên, những tiếng nổ đó kéo dài gần hết buổi sáng với các cụm khói cao như một nhà lầu 5 tầng. Cuối cùng, anh ta nhìn nhận “Có 11 vụ nổ ở Berdiansk. Có cháy và nổ trong khu vực sân bay. Xe cứu thương và các dịch vụ khẩn cấp đã có mặt tại hiện trường.”

3. Trùm Wagner Yevgeny Prigozhin tiết lộ tại sao anh ta thù oán với Valery Gerasimov và Sergei Shoigu

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Prigozhin's Villain Origin Story Revealed”, nghĩa là “Câu chuyện về nguồn gốc mối thù của Prigozhin được tiết lộ.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ.

Giám đốc Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin đã tiết lộ rằng mối thù của ông với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã bắt đầu từ ít nhất 5 năm trước khi nhiều chiến binh của ông được cho là đã bị giết bởi các cuộc không kích của Hoa Kỳ trong Trận Khasham ở Syria.

Doanh nhân người Nga đã đăng một bài đăng trên Telegram trước khi xảy ra cuộc binh biến, cụ thể là vào ngày 12 Tháng Sáu, trong đó mô tả các sự kiện diễn ra khi lực lượng Hoa Kỳ tiến hành các cuộc không kích chống lại lực lượng thân chính phủ ở Tỉnh Deir ez-Zor của Syria vào tháng 2 năm 2018 khi nhóm này đang ra sức chiếm giữ một nhà máy lọc dầu do Hoa Kỳ nắm giữ. Nó đánh dấu cuộc đụng độ đẫm máu nhất giữa công dân Mỹ và Nga kể từ Chiến tranh Lạnh.

Prigozhin cáo buộc Shoigu đã bỏ rơi Wagner ở Syria khi lính đánh thuê Nga bị tiêu diệt bởi các lực lượng do Hoa Kỳ lãnh đạo, bao gồm cả máy bay không người lái Reaper và trực thăng vũ trang Apache.

Mối thù công khai giữa Prigozhin và Shoigu lên đến đỉnh điểm vào ngày 24 tháng 6 khi người đứng đầu Wagner nói rằng ông nắm quyền kiểm soát hai trung tâm quân sự ở miền nam nước Nga và tiến tới Mạc Tư Khoa như một phần của “cuộc tuần hành công lý” chống lại giới lãnh đạo quân sự của đất nước trong việc giải quyết chiến tranh ở Ukraine.

Căng thẳng giữa hai bên đã bùng lên, đặc biệt là trong sáu tháng qua, nhưng thông điệp do Prigozhin đăng gần hai tuần trước khi thực hiện cuộc binh biến của anh ta cho thấy mối quan hệ căng thẳng bắt nguồn từ vụ thảm sát đẫm máu ở Syria.

Ông chủ Wagner tuyên bố Bộ Quốc phòng Nga đã biết về cuộc tấn công sắp xảy ra của Hoa Kỳ và Hoa Kỳ đã liên lạc với bộ chỉ huy quân sự Nga về cuộc tấn công để cho phép các đơn vị có thời gian rút ra khỏi khu vực.

“Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Quốc phòng đã phớt lờ sự cần thiết phải cảnh báo chúng tôi về điều này,” Prigozhin nói.

Bộ chỉ huy quân sự của Nga cũng được cho là đã nhận được lệnh tắt tất cả các hệ thống phòng không.

“Các hệ thống phòng không, như tôi đã nói, đều bị vô hiệu hóa và điều gì đã xảy ra: lúc 23h45, các cuộc tấn công bắt đầu vào các đơn vị Nga...không có máy bay, và hệ thống phòng không không hoạt động,” anh ta nói.

“ Vào lúc 03:00 đêm, cuối cùng chúng tôi cũng đột nhập được vào trụ sở của Lực lượng Vũ trang Nga để nói chuyện với sĩ quan đang làm nhiệm vụ.”

Prigozhin cho biết có một đại tá được cho là đã nói rằng anh ta sẽ cố gắng “giải quyết vấn đề” để cuộc pháo kích sẽ dừng lại và các chiến binh của Tập đoàn Wagner có thể “đưa xác của những đồng đội đã chết của họ ra ngoài”.

Trưởng nhóm lính đánh thuê cho biết anh ta “khẩn cấp” bay tới Mạc Tư Khoa vào ngày 9 tháng 2 để cố gắng đạt được một cuộc hẹn “để tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra”.

“Tôi muốn biết tại sao tất cả các thỏa thuận đều sụp đổ và thảm kịch xảy ra vào ngày 8 tháng 2,” Prigozhin nói.

Nhưng bất chấp nhiều nỗ lực để gặp bộ trưởng quốc phòng, Shoigu đã “không có thời gian để nói chuyện với tôi,” Prigozhin nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông đã nhận được phản ứng ngạo mạn và coi thường khi hai người gặp nhau tại một buổi tiệc chiêu đãi ở Điện Cẩm Linh vào một thời điểm không được tiết lộ sau đó.

Cuộc nổi dậy ngắn ngủi của Prigozhin vào ngày 24 tháng 6 đột ngột dừng lại sau khi anh ta hành quân đến Mạc Tư Khoa, kêu gọi Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov từ chức. Anh ta rút quân sau khi Điện Cẩm Linh cho biết nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko đã làm trung gian cho một thỏa thuận để tránh đổ máu.

Newsweek đã liên hệ với Ngũ Giác Đài và Bộ Quốc phòng Nga qua email để xin bình luận.

4. Quân đội Ukraine đang 'tiến nhanh theo mọi hướng'

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Sáu 30 tháng Sáu, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết quân Ukraine đang tiến công theo mọi hướng trong cuộc phản công chống lại các lực lượng xâm lược của Nga.

Kể từ khi bắt đầu phản công, Ukraine cho biết họ đã tái khẳng định quyền kiểm soát đối với các cụm làng mạc và thị trấn ở phía đông nam mặc dù Nga vẫn nắm giữ các dải lãnh thổ ở phía đông, nam và đông nam.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hanna Maliar nói “Nếu chúng ta nói về toàn bộ chiến tuyến, cả phía đông và phía nam, thì chúng ta đã nắm được thế chủ động chiến lược và đang tiến về mọi hướng.”

Cô cũng cho biết lực lượng phòng không Ukraine đã bắn hạ 10 máy bay không người lái 'Shahed' chỉ trong một đêm

Trong đêm thứ Năm, rạng sáng thứ Sáu, quân đội Nga đã tấn công các cơ sở hạ tầng quân sự ở vùng Zaporizhzhia: 4 hỏa tiễn S-300 và 13 máy bay không người lái “Shahed” đã bị bắn hạ,

Không có người nào bị thương trong vụ tấn công ban đêm ở Zaporizhzhia. Ở Mykolaiv, một đám cháy đã bùng phát do các mảnh vỡ của máy bay không người lái bị rơi và không có trường hợp thương vong nào được ghi nhận.

Trong 24 giờ qua, 560 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 3 xe tăng, 6 xe thiết giáp, 11 hệ thống pháo, 3 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, một hệ thống phòng không, và 5 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 30 Tháng Sáu, khoảng 228.340 quân nhân Nga đã bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 4.041 xe tăng, 7.863 xe thiết giáp, 4.127 hệ thống pháo, 630 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 389 hệ thống phòng không, 315 máy bay, 308 trực thăng, 3.519 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 1.261 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 6.785 xe chuyển quân và nhiên liệu, 569 đơn vị thiết bị đặc biệt.

5. Nga rút các nhân viên ra khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. Ukraine âu lo một thảm họa sắp xảy ra

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cảnh báo hôm thứ Sáu rằng Nga đang rút các nhân viên ra khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, với các nhân viên được yêu cầu chuyển đến Crimea và các cuộc tuần tra quân sự bị thu hẹp lại.

Giám đốc Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine, Thiếu Tướng Kyrylo Budanov cho biết Mạc Tư Khoa đã thông qua kế hoạch cho nổ tung nhà máy và đã gài mìn 4 trong số 6 tổ máy điện, cũng như một hồ nước làm mát. Tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết người Nga đang âm mưu “tấn công khủng bố”.

Theo Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine, một số đại diện của cơ quan năng lượng hạt nhân nhà nước Nga Rosatom đã rời đi. Các nhân viên người Ukraine ở lại nhà máy và ký hợp đồng với Rosatom đã được yêu cầu di tản vào hôm thứ Hai, tốt nhất là đến Crimea.

Cơ quan tình báo đã nêu tên ba cá nhân cao cấp – trưởng thanh tra nhà máy, trưởng phòng pháp lý và phó phòng phụ trách cung ứng – những người đã rời đi. An ninh Ukraine cũng nói rằng số lượng binh sĩ Nga tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia và ở thị trấn Enerhodar gần đó đã giảm.

Kể từ khi chiếm giữ nhà máy vào năm ngoái, quân đội Nga đã biến nó thành một căn cứ quân sự toàn diện. Nó di chuyển các khí tài chiến tranh vào gần các tua-bin bao gồm xe bọc thép và đạn dược. Những người lính đã sử dụng lãnh thổ để bắn phá các thị trấn Ukraine trên hồ chứa Dnipro.

Hồ này hầu như đã cạn kiệt sau khi đập Kakhovka ở hạ lưu bị nổ hồi đầu tháng này. Các chính phủ phương Tây và Kyiv cho rằng Nga cố tình phá hoại con đập nhằm cản trở cuộc phản công của Ukraine.

Các cựu công nhân nhà máy nói với Guardian rằng rất khó để làm hỏng các lò phản ứng vốn được bảo vệ bằng thép và bê tông dày. Nhưng họ cho biết ao làm mát nhỏ – mà người Nga bị cáo buộc đã gài mìn – dễ bị tổn thương hơn, cũng như khu vực lưu trữ khô được sử dụng cho nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

Trước cuộc xâm lược toàn diện, nhà máy sử dụng 11.500 công nhân. Ước tính còn khoảng 2.500 người. Một số trong đó có giám đốc người Ukraine của nhà máy đã ký hợp đồng với Rosatom. Những người khác đã từ chối và đã bị thu hồi thẻ an ninh.

Giáo sĩ Do Thái trưởng của Ukraine, Moshe Azman đã cảnh báo “toàn bộ cộng đồng thế giới” hãy làm mọi thứ trong khả năng của mình để ngăn chặn một thảm họa có thể xảy ra. Tuần này, Nga đã nói với hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc rằng họ không có kế hoạch cho nổ tung nhà máy. Trước đây Nga cũng đã bảo đảm với hội đồng bảo an rằng nó sẽ không xâm lược Ukraine.

6. Tướng Nga Sergey Surovikin là thành viên VIP bí mật của Wagner, cùng với 30 sĩ quan cao cấp khác

Các tài liệu được chia sẻ độc quyền với CNN cho thấy Tướng Nga Sergey Surovikin là thành viên VIP bí mật của công ty quân sự tư nhân Wagner.

Các tài liệu do Trung tâm hồ sơ điều tra Nga thu được cho thấy Surovikin có số ghi danh cá nhân với Wagner. Surovikin được liệt kê cùng với ít nhất 30 quan chức tình báo và quân sự cao cấp khác của Nga, những người mà Trung tâm Hồ sơ cho biết cũng là thành viên VIP của Wagner.

Surovikin đã không xuất hiện trước công chúng kể từ thứ Bảy tuần trước, khi anh ta phát hành một video cầu xin ông chủ của Wagner, Yevgeny Prigozhin, hãy dừng cuộc nổi dậy lại. Kể từ đó Surovikin đang ở đâu vẫn là một bí mật.

Surovikin là một chỉ huy được tưởng thưởng nhiều huy chương của Lực lượng Không quân Nga và được đặt biệt danh là “Tướng quân Armageddon” vì các chiến thuật ném bom tàn nhẫn của ông ta vào các thành phố ở Syria.

Wagner đã không trả lời yêu cầu phản hồi của CNN. Không rõ tư cách thành viên VIP của Wagner đòi hỏi những gì, và việc liệu có lợi ích tài chính hay không.

Surovikin được biết là có liên hệ với nhóm lính đánh thuê, nhưng các tài liệu đặt ra câu hỏi về sự gần gũi của các thành viên cao cấp của quân đội Nga và Wagner.

Trong cuộc nổi dậy ngắn ngủi của Prigozhin, các chiến binh Wagner đã có thể chiếm thành phố Rostov-on-Don ở miền nam nước Nga mà hầu như không gặp phải sự kháng cự nào từ quân đội Nga.

7. Ngoại trưởng Mỹ nói lập trường của Trung Quốc về cuộc xâm lược Ukraine của Nga ngày càng khó duy trì

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói rằng quan điểm của Trung Quốc về cuộc chiến ở Ukraine có thể “ngày càng trở nên khó khăn hơn” đối với Bắc Kinh.

Khi được hỏi về quan điểm của Trung Quốc liên quan đến cuộc binh biến ngắn ngủi của Wagner, Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ nói “Bắc Kinh đã phải đi theo một đường lối rất chông gai về vấn đề này ngay từ ngày đầu tiên. Một mặt, họ tìm mọi cách để hỗ trợ Nga - bao gồm cả việc thúc đẩy các lập luận của họ về mặt ngoại giao, tung ra những lập luận sai lầm của họ trên khắp thế giới - và đồng thời, cố gắng tỏ ra trung lập và cố gắng thể hiện mình bằng cách nào đó là một người kiến tạo hòa bình.”

Blinken lưu ý rằng cuộc chiến của Nga đã xuất hiện trong các cuộc trò chuyện của ông khi ở Bắc Kinh vào tuần trước và “chúng tôi đã đồng ý rằng đó là điều mà chúng tôi cần tiếp tục thảo luận”.

“Có thể đến một lúc nào đó, nếu mở ra cơ hội ngoại giao và đàm phán chân chính, thì Trung Quốc có thể đóng một vai trò tích cực và hữu ích. Than ôi, đó vẫn còn là điều xa xôi trong tương lai. Nhưng tôi nghĩ rằng một số căng thẳng giữa các vai trò kép mà Trung Quốc đang cố gắng thực hiện ngày càng rõ ràng hơn,” Blinken nói.

Một số thông tin cơ bản: Trung Quốc lên tiếng ủng hộ Nga sau cuộc nổi dậy ngắn ngủi của thủ lĩnh Wagner Yevgeny Prigozhin.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố trực tuyến: “Là nước láng giềng thân thiện và là đối tác điều phối chiến lược toàn diện trong kỷ nguyên mới của Nga, Trung Quốc hỗ trợ Nga duy trì ổn định quốc gia và đạt được sự phát triển và thịnh vượng”.

Trung Quốc đã từ chối lên án cuộc xâm lược và thay vào đó cung cấp hỗ trợ kinh tế và ngoại giao rất cần thiết cho Nga, một lập trường đã làm xấu đi mối quan hệ của nước này với các quốc gia phương Tây, đặc biệt là ở Âu Châu.

8. Chế độ Putin 'không có cơ hội' sống sót sau chiến thắng của Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Regime Has 'No Chance' of Surviving Ukraine Victory”, nghĩa là “Chế độ Putin 'không có cơ hội' sống sót sau chiến thắng của Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Theo một cố vấn của Bộ Quốc phòng Ukraine, chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin “không có cơ hội” tồn tại lâu dài, khi Điện Cẩm Linh vật lộn với vũng lầy quân sự ở Ukraine và căng thẳng trong nước gia tăng vào tuần trước trong cuộc nổi dậy của nhóm Wagner.

Andriy Zagorodnyuk — người từng là bộ trưởng quốc phòng Ukraine từ năm 2019 đến năm 2020 và hiện là cố vấn của bộ quốc phòng — nói với những người tham dự hội nghị chuyên gia cố vấn Chatham House ở London hôm thứ Năm rằng lực lượng của Kyiv không có ý định hành quân đến Mạc Tư Khoa, nhưng không thể có một cuộc đàm phán có ý nghĩa với Putin hoặc các đồng minh của ông ta trong Điện Cẩm Linh nếu không chiến thắng.

Zagorodnyuk nói: “Chúng tôi cần giải phóng lãnh thổ của mình, đó sẽ là một thành tựu to lớn đối với chúng tôi. Và đó là nơi chúng ta sẽ đến. Chúng tôi sẽ không thỏa hiệp về điều đó, bởi vì bất kỳ thỏa hiệp nào cũng có nghĩa là chiến tranh sẽ tiếp diễn.”

“Chúng tôi không có kế hoạch diễn hành ở Mạc Tư Khoa, ít nhất là vào lúc này,” ông nói thêm. “Tôi chắc chắn rằng một ngày nào đó sẽ có một liên minh dân chủ diễn hành ở Mạc Tư Khoa cùng với những người Nga dân chủ. Bởi vì chế độ Nga hiện tại sẽ biến mất. Nó không có cơ hội đứng vững.”

“Chúng ta không nên sợ chiến thắng,” Zagorodnyuk nói, thúc giục các quốc gia NATO coi quân đội thiện chiến của Ukraine là tài sản “hoàn toàn không thể thay thế” trong cuộc đối đầu ngày càng sâu sắc của phương Tây với Mạc Tư Khoa.

Quân đội chính quy của Nga đã phải đối mặt với một cuộc chiến trên hai mặt trận vào tuần trước, khi quân đội của họ đồng thời bảo vệ chống lại cuộc phản công được chờ đợi từ lâu của Ukraine và vật lộn với một cuộc nổi dậy bất ngờ do nhà tài chính của Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin, khi lực lượng của anh ta đe dọa hành quân vào Mạc Tư Khoa trong một thời gian ngắn trong nỗ lực lật đổ Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov.

Prigozhin sau đó được cho là đã chấp nhận lời đề nghị chuyển đến Belarus, với các chiến binh Wagner của anh ta có cơ hội tham gia cùng anh ta hoặc ký hợp đồng với quân đội chính quy của Nga. Tuy nhiên, tuần này các báo cáo đã xuất hiện từ Nga rằng Wagner vẫn đang tuyển dụng.

Putin đã tránh được nội chiến, nhưng việc ông từ chối hoặc không có khả năng trừng phạt nhà tài phiệt đầu sỏ chính trị đã gợi ý về một vị trí chính trị bấp bênh vốn đã bị hủy hoại bởi các cuộc xâm nhập nhiều lần vào lãnh thổ Nga của các chiến binh Nga nổi dậy liên kết với Kyiv.

Gary Kasparov, đại kiện tướng cờ vua, người đã trở thành tiếng nói hàng đầu của cộng đồng người Nga hải ngoại ủng hộ dân chủ, phát biểu tại hội nghị Chatham House hôm thứ Năm rằng quỹ đạo của cuộc chiến ở Ukraine không có lợi cho nhà độc tài Nga.

“Putin hiện đang xuống dốc,” Kasparov nói, gợi ý rằng một chiến thắng quân sự của Ukraine có thể thúc đẩy một cuộc cách mạng mới ở Nga.

“Việc kéo cờ Ukraine ở Sevastopol là khởi đầu cho sự giải phóng nước Nga khỏi chủ nghĩa phát xít của Putin,” Kasparov nói, đề cập đến hy vọng giải phóng Crimea của Kyiv.

Kasparov nói thêm: “Hãy tưởng tượng rằng sau chiến thắng của Ukraine, bạn có hàng triệu người đàn ông Nga giận dữ băng qua biên giới để đi về phía đông.

“Loại bỏ Putin và xây dựng nền dân chủ, hy vọng, ở Nga là việc của người Nga, nhưng một lần nữa, sẽ không có gì xảy ra ở Nga trước khi Ukraine giành được chiến thắng. Vì vậy, đó là lý do tại sao đối với chúng tôi, ưu tiên hàng đầu là bảo đảm Ukraine giành chiến thắng.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận.

9. Tổng thống Georgia nói thất bại của Putin trong việc “làm chủ” cuộc chiến ở Ukraine đang gây lo ngại

Tổng thống Georgia Salome Zourabichvili cho rằng việc Tổng thống Nga Vladimir Putin không thể “làm chủ” tình hình cả ở Nga và trên chiến trường Ukraine đang gây lo ngại ở nước láng giềng Georgia.

Tổng thống, người độc lập về mặt chính trị với đảng Giấc mơ Georgia cầm quyền của đất nước, thừa nhận rằng bà cảm thấy “hoàn toàn bất ngờ” khi biết về âm mưu nổi loạn của Tập đoàn Wagner vào cuối tuần trước.

“Không thể không lo lắng, đặc biệt là khi một chế độ đang bước vào thời kỳ kết thúc và rõ ràng, ngày nay, Putin không làm chủ được mọi thứ, và chắc chắn không làm chủ được cuộc chiến ở Ukraine,” Zourabichvili nói với người dẫn chương trình quốc tế của CNN Christiane Amanpour hôm thứ Tư.

Tổng thống cho biết bà không thấy mối đe dọa quân sự sắp xảy ra đối với Georgia, đồng thời nhận xét rằng Putin thiếu “nguồn lực” để mở một mặt trận dọc biên giới Georgia.

Tuần trước, Zourabichvili cho biết Georgia đang theo dõi chặt chẽ cuộc nổi loạn ngắn ngủi của lãnh đạo Tập đoàn Wagner, Yevgeny Prigozhin, nhấn mạnh trong một tweet rằng biên giới Georgia cần phải được “kiểm soát chặt chẽ trước những làn sóng di cư mới có thể xảy ra”

Zourabichvili đã nhắc lại thông điệp này vào hôm thứ Tư, nhấn mạnh rằng Georgia “không thể để bất kỳ số lượng người Nga nào đến lãnh thổ Georgia mà không biết họ là ai”.

Thừa nhận rằng mặc dù “đại đa số” người Nga chạy trốn sang Georgia là những người chống Putin, bà nói rằng có lo ngại rằng Nga có thể cố gắng can thiệp với lý do rằng những người nói tiếng Nga không được “bảo vệ đúng cách” ở Georgia.

Zourabichvili nói thêm: “Tất cả những thứ đó là vùng rất xám mà Nga có thể sử dụng”.

Tổng thống bày tỏ niềm tin rằng Georgia vẫn có “cơ hội lớn” để gia nhập cả Liên minh Âu Châu và NATO như một phần trong nỗ lực bảo vệ tương lai của mình.

10. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Hoa Kỳ mạnh mẽ lên án vụ tấn công hỏa tiễn của Nga ở Kramatorsk

Bộ Ngoại giao cho biết Hoa Kỳ “lên án mạnh mẽ” vụ tấn công hỏa tiễn của Nga vào thành phố Kramatorsk của Ukraine hôm thứ Ba.

“Hoa Kỳ lên án mạnh mẽ việc tấn công vào dân thường và gửi lời chia buồn chân thành tới những người thiệt mạng trong cuộc không kích gần đây nhất vào trung tâm thành phố. Chúng tôi kinh hoàng vì điều này, nhưng không ngạc nhiên trước hành vi của Nga. Đây là một ví dụ khác về việc Nga tiếp tục leo thang những hành vi tàn bạo trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Ukraine,” Phó phát ngôn viên chính của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ Vedant Patel nói.

“Trong khi những người khác đang tập trung vào việc tìm cách chấm dứt cuộc chiến này, thì Nga lại tiến hành các cuộc tấn công, đưa máy bay không người lái và hỏa tiễn vào các khu dân cư của một quốc gia láng giềng,” Patel nói.

11. Vận động viên chuyên nghiệp bị nghi làm gián điệp cho Nga bị bắt ở Ba Lan

Ba Lan đã bắt giữ một vận động viên chuyên nghiệp người Nga bị tình nghi làm gián điệp.

Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu, Cơ quan An ninh Nội địa Ba Lan cho biết ban đầu họ bắt giữ vận động viên này vào ngày 11 tháng 6 liên quan đến cuộc điều tra về một đường dây gián điệp.

Cơ quan này cho biết 14 nghi phạm khác đã bị bắt trong cuộc điều tra liên quan đến đường dây gián điệp này

Vào ngày 13 tháng 6, Tòa án quận ở thành phố Lublin đã ra quyết định cho phép nghi phạm bị tạm giam trước khi xét xử trong thời hạn ba tháng.

Theo tuyên bố của cơ quan an ninh, bằng chứng thu thập được cho thấy nghi phạm là “vận động viên thể thao chuyên nghiệp” thuộc câu lạc bộ giải hạng nhất.

Anh ta đã thực hiện các nhiệm vụ được giao trên lãnh thổ Cộng hòa Ba Lan, bao gồm cả việc xác định các cơ sở hạ tầng quan trọng”, tuyên bố cho biết thêm.

Vận động viên này đã ở Ba Lan từ tháng 10 năm 2021 với bằng chứng cho thấy anh ta đã “được khen thưởng một cách có hệ thống” vì đã cung cấp thông tin.

Cơ quan An ninh Nội bộ nhấn mạnh rằng họ đang tiếp tục làm việc tích cực về trường hợp nghiêm trọng này.

12. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Mạc Tư Khoa đang phục hồi nhanh chóng sau cuộc binh biến

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Mạc Tư Khoa sẽ phục hồi sau cuộc nổi dậy vũ trang gần đây của nhóm lính đánh thuê Wagner, và sẽ “mạnh mẽ” hơn trước, AFP đưa tin.

“Nước Nga luôn vượt qua mọi vấn đề của mình... nước Nga ngày càng mạnh mẽ hơn. Lần này cũng sẽ như vậy. Quá trình này đã bắt đầu”, ông Lavrov nói với các nhà báo trong một cuộc họp báo ở Mạc Tư Khoa, sau khi lực lượng nổi dậy mưu toan tiến vào thủ đô vào tuần trước để lật đổ giới lãnh đạo quân sự của đất nước.

Cuộc nổi dậy, do chỉ huy lính đánh thuê Yevgeny Prigozhin lãnh đạo, gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sự cai trị kéo dài hàng thập kỷ của Vladimir Putin và thúc đẩy các nỗ lực của Điện Cẩm Linh nhằm giải tán quân đội tư nhân.

Trả lời câu hỏi của truyền thông nước ngoài, ông Lavrov nói: “Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến lợi ích quốc gia của chúng tôi, nhưng các bạn không nên lo lắng”.

13. Thành viên quốc hội Colombia, nhà văn và nhà báo bị thương trong vụ tấn công Kramatorsk

Thành viên quốc hội Colombia và cựu Cao ủy Hòa bình Sergio Jaramillo, nhà văn Hector Abad và nhà báo Catalina Gomez đã bị thương trong cuộc tấn công hỏa tiễn hôm thứ Ba tại thành phố Kramatorsk, miền đông Ukraine, theo một tuyên bố của cao ủy Colombia về hòa bình.

Ba người Colombia bị thương nhẹ, theo tuyên bố của chiến dịch Aguanta Ucrania do Jaramillo thành lập. Theo tổ chức này, Aguanta Ucrania, có nghĩa là “Ukraine kháng chiến” là một chiến dịch nhằm thúc đẩy tình đoàn kết của người Mỹ Latinh với người Ukraine trong cuộc xâm lược của Nga.

Theo tuyên bố có chữ ký của Jaramillo và Abad, những người Colombia đang ăn tối với nhà văn Ukraine Victoria Amelina tại một tiệm bánh pizza thì bị tấn công. Amelina đang trong tình trạng nguy kịch do chấn thương hộp sọ.

“Tấn công các địa điểm dân sự là một hành động man rợ,” tuyên bố nói thêm.

Giới chức Ukraine cho biết ít nhất 11 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong vụ tấn công.

Tổng thống Colombia Gustavo Petro đã lên án cuộc tấn công.

“Nga đã tấn công ba thường dân Colombia không có khả năng tự vệ. Nó đã vi phạm các nghi thức chiến tranh,” tổng thống viết trên Twitter. Bộ Ngoại giao Colombia phải gửi công hàm phản đối, Petro nói thêm.
 
Hai GM Pháp xin từ chức vì kiệt sức. Độc tài Nicaragua cắm cờ Sandinista trước nhà vị GM bị cầm tù
VietCatholic Media
18:31 30/06/2023


1. Hai giám mục chính tòa tại Pháp xin từ chức vì “kiệt lực”

Hôm 26 tháng Sáu vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận đơn từ chức của hai giám mục chính tòa tại Pháp vì “kiệt lực” và bổ nhiệm hai vị làm Giám Mục Phụ Tá.

Vị thứ nhất là Đức Cha Thierry Brac de la Perrière, 64 tuổi, Giám mục Giáo phận Nevers ở miền trung nước Pháp trong 12 năm qua, nay được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Lyon.

Hồi tháng Mười Hai năm ngoái, Đức Cha Brac thông báo, từ tháng Giêng năm nay ngài sẽ đi nghỉ sáu tháng về bồi dưỡng tinh thần, để có thể chu toàn bổn phận tốt đẹp hơn, vì ngài cảm thấy kiệt lực, quá mệt mỏi. Tòa Thánh đã bổ nhiệm một vị Giám quản Tông tòa trong thời gian Đức Cha vắng mặt. Giáo phận Nevers có 143.000 tín hữu Công Giáo và 45 giáo xứ. Nay Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức Cha Brac làm Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Lyon, cùng với hai Giám Mục Phụ Tá khác. Tổng giáo phận này có một triệu 300.000 tín hữu Công Giáo và 132 giáo xứ.

Vị thứ hai là Đức Cha Jean-Pierre Batut, 68 tuổi, từ tám năm nay là giám mục Giáo phận Blois, cũng ở miền trung Pháp, có 187.000 tín hữu Công Giáo và 293 giáo xứ. Nay Đức Cha được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá ở Lyon.

Trong một cuộc phỏng vấn, Đức Cha từng nói rằng “Trách vụ của các giám mục ngày càng nặng, vì người ta đòi hỏi các giám mục phải ở mọi nơi, trong nhiều lãnh lực, cả trong lãnh vực kinh tế và pháp lý mà các vị không luôn luôn được huấn luyện, khi còn ở chủng viện. Tôi nghĩ cần phải có tinh thần đơn sơ, thực tiễn và khiêm tốn mà nói rằng, khi trách vụ trở nên quá nặng, người ta có thể từ nhiệm và không nhất thiết phải có một trách vụ khác cũng nặng tương đương hoặc hơn nữa”.

Báo chí Công Giáo Pháp cũng đặc biệt chú ý đến việc bổ nhiệm một giám mục khác, đó là lần đầu tiên một linh mục thuộc Cộng đoàn “Chemin Neuf”, Con đường mới, thuộc Phong trào Canh tân trong Thánh Linh, được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục, đó là cha Étienne Vetoe, 59 tuổi (1964), cho đến nay là Giám đốc Trung tâm Đức Hồng Y Bea chuyên nghiên cứu về Do thái giáo, thuộc đại học Giáo hoàng Gregoriana ở Roma.

Cha là con của triết gia Miklos Vetoe người Pháp gốc Do thái-Hung Gia Lợi. Cha gia nhập tu đoàn giáo sĩ Con đường mới, khấn trọn năm 1996 và thụ phong linh mục chín năm sau đó. Từ năm 2014, cha làm giáo sư thần học đại học Gregoriana của Dòng Tên ở Roma, và là thành viên Hội đồng tổng cố vấn của tu đoàn.

Nay cha Etienne Vetoe được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá Tổng giáo phận Reims ở miền tây bắc Pháp.

2. Chế độ độc tài Nicaragua cắm cờ Sandinista trước nhà thờ của vị giám mục bị cầm tù

Chế độ độc tài của Tổng thống Daniel Ortega và phu nhân, Phó Tổng thống Rosario Murillo, ở Nicaragua, đã dựng cờ đỏ và đen của Mặt trận Giải phóng Quốc gia Sandinista, đảng chính trị của chế độ, trước nhà thờ chính tòa ở Matagalpa.

Đức Cha Rolando Álvarez, Giám mục của Matagalpa, đã bị kết án vào ngày 10 tháng 2 tới 26 năm 4 tháng tù, vì bị buộc tội phản quốc.

Ortega lên nắm quyền từ năm 2007. Sandinistas là một đảng chính trị xã hội chủ nghĩa.

Trong một tuyên bố với EWTN News, Martha Patricia Molina, một nhà nghiên cứu và là tác giả của báo cáo “Nicaragua: Một Giáo hội bị bức hại?”, buộc tội rằng “rõ ràng đây là một hành động khiêu khích nữa từ chế độ độc tài Sandinista chống lại Giáo Hội Công Giáo Nicaragua.”

“Chúng tôi biết rằng vị giám mục của Matagalpa, người đứng đầu giáo phận này đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đang bị giam giữ tại một trong những nhà tù ở Nicaragua, nơi các phương pháp tra tấn được thực hiện, cả về thể xác và tâm lý, và vì vậy chế độ độc tài vẫn tiếp tục bức hại và thực hiện các cuộc tấn công chống lại giáo phận này để làm suy yếu nó,” cô nói.

Nhà nghiên cứu cho biết thêm: “Ngoài những lá cờ mà họ đã dựng lên, họ đã cấm một cuộc rước sắp diễn ra cho Chúa Hài Đồng, với sự tham dự của hơn 20.000 tín hữu Công Giáo.

Đối với Molina, hành động cắm cờ có thể được hiểu là một cách để “hạ thấp tinh thần của các giáo sĩ, những người luôn cầu nguyện cho giám mục của họ, người đang bị giam giữ vào thời điểm này.”

“Kể từ tháng 3, chúng tôi không biết gì về sức khỏe thể chất và tinh thần của ngài, bởi vì không ai được phép thăm nuôi,” cô lưu ý.

Vào ngày 25 tháng 3, chế độ đưa ra cho giới truyền thông một bức ảnh cho thấy Đức Cha Álvarez đang ăn trưa với anh trai của ngài, Manuel, và vợ của Manuel, Vilma, trong một câu lạc bộ gần như đồng quê ở nhà tù Modelo.

Đức Cha Silvio Báez, vị Giám Mục Phụ Tá lưu vong của Managua cho biết đó là một “màn trình diễn dàn dựng” của chế độ độc tài, và mô tả sự kiện này là “kinh tởm và hoài nghi.”

Đó là lần cuối cùng người ta nhìn thấy Đức Cha Álvarez.

Molina đã nhiều lần kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp để “chấm dứt cuộc đàn áp Giáo Hội Công Giáo” và “trả tự do cho Giám mục Álvarez và ba linh mục khác, những người cũng đang bị giam giữ một cách tùy tiện.”

Cách đây chưa đầy một tuần, ba linh mục đã bị chế độ độc tài bắt giữ: đó là các cha Jaime Iván Montesinos Sauceda, Eugenio Rodríguez Benavides, và Leonardo Guevara Gutiérrez, cha sở của nhà thờ chính tòa ở Estelí. c

Bên cạnh việc là giám mục của Matagalpa, Đức Cha Álvarez còn là giám quản tông tòa của Giáo phận Estelí.

Molina cũng tố cáo việc các tín hữu không được lần hạt nơi công cộng mà chỉ được đọc trong nhà thờ, và nếu có, họ không được nhắc đến tên Đức Cha Álvarez. Cô nói: “Ai dám làm như vậy sẽ bị bỏ tù ngay lập tức.”

Sau khi chỉ ra rằng chế độ độc tài không tôn trọng quyền tự do tôn giáo, được ghi trong hiến pháp Nicaragua, Molina kêu gọi cộng đồng quốc tế không tài trợ cho chế độ độc tài Ortega.

“Các quốc gia, đơn phương hoặc liên kết, có thể có những hành động hiệu quả hơn. Đó không chỉ là vấn đề lên án chế độ ở các địa điểm dân chủ và chính trị như OAS hay Tổ chức các quốc gia Mỹ Châu và Liên Hiệp Quốc, mà họ nên ngừng tài trợ cho chế độ độc tài vì số tiền này đang được sử dụng để tiếp tục đàn áp, “cô chỉ ra.

Molina than thở: “Giờ đây, hầu hết các linh mục đều bị giám sát 24/24 giờ, bởi cảnh sát hoặc lực lượng bán quân sự, và tất cả điều này có nghĩa là chế độ độc tài đang đầu tư vào việc đàn áp đối với Giáo Hội Công Giáo”

“Thật vô ích khi cộng đồng quốc tế lên tiếng và nói rằng Ortega là bất hợp pháp, nhưng ngày hôm sau họ lại tài trợ cho anh ta, đó là số tiền mà người Nicaragua chúng tôi sẽ phải trả giá.”


Source:Catholic News Agency

3. Đảng Cộng hòa tại Hạ viện Hoa Kỳ bắt đầu âm thầm thúc đẩy các hạn chế mới đối với nạn phá thai

Một năm sau, McCarthy là chủ tịch Hạ viện, đảng Cộng hòa chiếm đa số và những chỗ trống bắt đầu được điền vào.

Trong một loạt các hành động lập pháp ít được chú ý, các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đang thúc đẩy các thay đổi về chính sách phá thai, cố gắng xây dựng dựa trên công việc của các nhà hoạt động có chiến lược nâng thành công cuộc đấu tranh của họ lên tòa án cao nhất của quốc gia.

Hết dự luật tài trợ này đến dự luật tài trợ khác của chính phủ, đảng Cộng hòa đang kết hợp các điều khoản chính sách không liên quan, được gọi là riders [một điều khoản viết thêm vào một dự luật để đạt một mục tiêu thường là khác hẳn], để hạn chế quyền sinh sản của phụ nữ. Đảng Dân chủ nói rằng các đề xuất sẽ không bao giờ trở thành luật.

“Đây không chỉ là một cuộc tấn công vào sức khỏe của phụ nữ,” Dân biểu Connecticut Rosa DeLauro, đảng viên Đảng Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban Phân bổ Hạ viện, cho biết như thế hôm thứ Sáu. “Tôi coi đó là một nỗ lực nhằm làm chệch hướng toàn bộ diễn trình tài trợ của chính phủ liên bang bằng cách đưa những điều khoản riders này vào diễn trình phân bổ.”

Dân biểu Kay Granger, đảng viên Đảng Cộng hòa Texas, người đứng đầu ủy ban, cho biết trong một phiên điều trần vào tuần trước rằng các riders, đã được đưa vào, tiếp tục “các biện pháp bảo vệ sự sống lâu dài rất quan trọng đối với phía của chúng tôi tại Hạ viện.”

Sử dụng các dự luật ngân sách theo cách này hầu như không mới, nhưng nó cho thấy sự chia rẽ lớn hơn giữa các đảng viên Cộng hòa về việc nên đi đâu tiếp theo đối với việc phá thai sau khi quyết định của Tòa án Tối cao dọn đường cho các hạn chế của từng tiểu bang đối với quyền phá thai.

Đảng Cộng hòa trong nhiều năm đã tổ chức các cuộc bỏ phiếu độc lập tại Hạ viện về các dự luật hạn chế phá thai. Giờ đây, một số người trong đảng - đặc biệt là gần 20 đảng viên Cộng hòa đang vận động tái tranh cử ở các đơn vị dao động - đang do dự, nếu không muốn nói là hoàn toàn phản đối, việc điểm danh các đề xuất phá thai. Họ nói rằng những dự luật như vậy sẽ không bao giờ được đưa ra ánh sáng chừng nào đảng Dân chủ còn kiểm soát Thượng viện.

Sự thúc đẩy mới của Đảng Cộng hòa đang diễn ra từng dòng một trong bộ luật dài dằng dặc được soạn thảo hàng năm để tài trợ cho các cơ quan và chương trình của chính phủ.

Gần chục biện pháp chống phá thai đã được đưa vào các dự luật ngân sách. Thí dụ, trong lĩnh vực nông nghiệp, Đảng Cộng hòa đang tìm cách đảo ngược một động thái gần đây của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cho phép thuốc tránh thai mifepristone được phân phối tại các hiệu thuốc được chứng nhận, thay vì chỉ phân phối tại các bệnh viện và bệnh xá.

Các đề xuất chống phá thai đã tìm được đường vào dự luật quốc phòng, trong đó các nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa đang nhắm đến việc cấm nghỉ phép có lương và đi du lịch đối với các thành viên nghĩa vụ quân sự và các thành viên gia đình của họ đang tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản. Dân biểu Mike Rogers, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện, cho biết ông đã cảnh cáo Bộ trưởng Quốc phòng Llyod Austin về điều đó.

“Tôi đã nói với họ rằng đó sẽ là liều thuốc độc khi họ hoàn thành luật ở đây,” Rogers, R-Ala., cho biết như vậy vào tuần trước. “Tôi đã nói với ông ấy, bạn biết đấy, bạn đang muốn gặp rắc rối. Và bây giờ họ gặp rắc rối.”

Cũng có những điều khoản trong dự luật dịch vụ tài chính, trong đó đảng Cộng hòa muốn cấm sử dụng tiền của địa phương và liên bang để thực hiện luật của Quận Columbia cấm phân biệt đối xử đối với các quyết định sinh sản của nhân viên.

Dân biểu Suzan DelBene của bang Washington, chủ tịch ban vận động tranh cử của Đảng Dân chủ Hạ viện, cho biết: “Có vẻ như họ không thể làm gì nếu không cố gắng đưa vào đó một thứ gì đó để hạn chế quyền phá thai. Tôi không nghĩ rằng công chúng bị lừa bởi điều đó và chắc chắn, đây sẽ là một vấn đề quan trọng trong cuộc bầu cử tiếp theo.”

Bà và Ủy ban Chiến dịch Quốc hội của đảng Dân chủ đang làm việc để tấn công vào các đảng viên Cộng hòa dễ bị tổn thương về vấn đề này trước cuộc bầu cử năm 2024.

Nỗ lực rộng rãi của các đảng viên Cộng hòa nhằm đưa điều mà các nhà phê bình thường chế giễu là “thuốc độc” vào diễn trình phân bổ đã đẩy mạnh cuộc đối đầu với các đảng viên Đảng Dân chủ ở Thượng viện và Tòa Bạch Ốc vào tháng 9 tới về các dự luật chi tiêu, có khả năng làm tăng khả năng chính phủ đóng cửa vào ngày 1 tháng 10 đầu năm ngân sách mới.

DeLauro, người đứng đầu Ủy ban Phân bổ trong Quốc hội vừa qua, cho biết quyết định của Đảng Cộng hòa đưa vào các biện pháp này là phản bội thỏa thuận mà các bên đã đưa ra nhiều năm trước về việc không đưa bất cứ điều khoản nào vào các dự luật chi tiêu có thể cản trở việc thông qua.

Bà cho biết các đảng viên Đảng Dân chủ trong ủy ban, dành cả tuần qua để đánh dấu các dự luật này đến tận đêm khuya, đã cầu xin các đồng nghiệp Đảng Cộng hòa của họ suy nghĩ lại về ngôn ngữ phá thai.

Thượng viện mới tuần trước đã thông qua các dự luật quân sự và nông nghiệp ngoài ủy ban mà không kèm theo bất cứ biện pháp phá thai nào.

Thượng nghị sĩ Patty Murray, chủ tịch Ủy ban Phân bổ Thượng viện, nói với Associated Press rằng bà đã nói rõ rằng bà sẽ là “bức tường lửa” chống lại những nỗ lực của Đảng Cộng hòa Hạ viện nhằm hạn chế hơn nữa quyền sinh sản.

Murray, D-Wash cho biết, “Tôi đã chống lại những nỗ lực của Đảng Cộng hòa nhằm hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và phá thai trong mọi thỏa thuận hoặc đàm phán mà tôi đã tham gia kể từ khi tôi đến Thượng viện - điều đó sẽ không sớm thay đổi”.

Trong một tuyên bố trước đó với Thượng nghị sĩ bang Maine, Susan Collins, đảng Cộng hòa hàng đầu của ủy ban, cả hai đã cam kết “tiếp tục làm việc cùng nhau theo cách thức lưỡng đảng để soạn thảo các dự luật tài trợ nghiêm túc có thể được ký thành luật.”

Nhưng sự căng thẳng ngày càng tăng giữa các phe của Đảng Cộng hòa về luật phá thai vẫn còn rõ ràng.

Ủy ban Nghiên cứu của Đảng Cộng hòa - nhóm đơn lẻ lớn nhất trong hội nghị Đảng Cộng hòa Hạ viện - gần đây đã công bố một thông tri cho các thành viên kêu gọi các nhà lãnh đạo tổ chức cuộc bỏ phiếu về một đề xuất sẽ “minh xác rằng các chương trình bảo hiểm y tế cung cấp dịch vụ phá thai tự chọn sẽ không đủ điều kiện nhận tài trợ của liên bang.”

Dự luật đó sẽ biến thành luật một cách hữu hiệu Tu chính án Hyde, vốn hạn chế tài trợ của chính phủ cho hầu hết các ca phá thai. Các đảng viên Đảng Dân chủ đã cho phép nó trở thành một phần trong luật tài trợ của chính phủ trong nhiều thập niên, như một kiểu đánh đổi giúp họ tập trung vào việc bảo đảm các ưu tiên khác.

Không rõ liệu các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Hạ viện có muốn mạo hiểm đưa các biện pháp chống phá thai ra toàn thể viện để lấy phiếu hay không khi lộ trình dự luật chi tiêu có thể là một lựa chọn hợp lý hơn đối với một số người trong đảng.