Ngày 30-06-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hiền hậu và khiêm nhường noi gương Chúa Giêsu
Lm. Đan Vinh
05:33 30/06/2020

Chúa Nhật 14 Thường Niên A
Dcr 9, 9-10; Rm 8, 9.11-13; Mt 11, 25-30

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 11, 25-30

(25) Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất. Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. (26) Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. (27) Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho. (28) Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (29) Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. (30) Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”.

2. Ý CHÍNH:

Đức Giê-su ngợi khen Chúa Cha vì đã tỏ mầu nhiệm Nước Trời cho những người bé mọn. Người hứa sẽ mặc khải về Chúa Cha và ban sự sống đời đời cho những ai tin vào Người. Người kêu gọi dân Do thái đang sống dưới ách Luật Mô-sê và những kẻ đang chịu lầm than vất vả hãy đến để được ơn nâng đỡ. Người khuyên họ mang lấy ách thập giá của Người và học nhân đức hiền hậu và khiêm nhường của Người. Nhờ đó, thập giá sẽ nên nhẹ nhàng và đau khổ sẽ trở thành êm ái cho họ. Tóm lại, Đức Giê-su chính là Đấng Thiên Sai xuất hiện như là Con người, Con Thiên Chúa, là Vua và là Đấng mặc khải Nước Trời cho những kẻ bé mọn.

3. CHÚ THÍCH:

- C 25-26: + Lạy Cha (Áp-ba): là một tiếng kêu thân thương của đứa con với cha giống như “Bố ơi!” của người Việt Nam. Đây là một kiểu nói mới lạ độc đáo của Đức Giê-su, mà trước đó không ai dám thưa với Đức Chúa như vậy. + Con ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu: Đức Giê-su cảm tạ Chúa Cha vì đang khi những kẻ tự cho mình là khôn ngoan không chấp nhận Tin mừng Nước Trời, thì những người nghèo hèn lại vui vẻ đón nhận. + Đó là điều đẹp ý Cha: Đức Giê-su nhận ra thánh ý của Chúa Cha phù hợp với lời tuyên sấm của I-sai-a: trong Triều đại của Đấng Thiên Sai, người nghèo sẽ được nghe rao giảng Tin Mừng (x. Is 61, 1-2).
- C 27-28: + Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi: Câu này gợi lại lời tuyên sấm của Đa-ni-en về Đấng Thiên Sai mang danh hiệu Con Người, Ngài được Đấng Cao Niên là Thiên Chúa ban cho mọi sự (x. Đn 7, 13-14). + Không ai biết rõ người Con trừ Chúa Cha…: Chỉ Chúa Con mới biết rõ về Chúa Cha và mặc khải cho nhân loại để họ tin theo và được ơn cứu độ là sự sống đời đời (x. Ga 17, 3). + Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề: Những người bé nhỏ khiêm hạ được Đức Giê-su mặc khải cho là những ai đang vất vả mang gánh nặng nề. Đó là dân chúng Do thái sống dưới ách Lề Luật và phải tuân giữ nhiều tập tục phức tạp mà các kinh sư và người Pha-ri-sêu đã bày đặt thêm ra (x. Mt 23, 4). Đây cũng hiểu là hết những ai đang chịu nhiều thiệt thòi về vật chất và đau khổ về tâm hồn. + Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng: Đức Giê-su thương xót hết mọi kẻ đau khổ và mang vác gánh nặng. Người không hứa sẽ cất cho họ khỏi gánh nặng, nhưng sẽ ban thêm sức mạnh tinh thần giúp họ can đảm chịu đựng để vượt qua đau khổ và lập công đền tội mình.
- C 29-30: + Hãy mang lấy ách của tôi: Ách hay gánh nặng của Đức Giê-su là đạo lý Tin Mừng. Đạo lý ấy được tóm lại trong ba điều: Một là phải tin vào Đức Giê-su và trở nên môn đệ của Người. Hai là phải sống khiêm hạ bé nhỏ trước tôn nhan Thiên Chúa. Ba là phải cư xử hiền hòa với tha nhân noi gương Đức Giê-su. + Vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường: Sự hiền hậu của Đức Giê-su luôn đi với khiêm nhường tự hạ (x. Mt 11, 29; Lc 14, 11). + Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng: Đức Giê-su hứa sẽ ban bình an nội tâm cho những ai mở lòng đón nhận tình yêu của Người, và chấp nhận theo con đường “qua đau khổ vào trong vinh quang”. + Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng: Tuy Đức Giê-su đòi hỏi nhiều hơn và triệt để hơn các ráp-bi Do thái (x Mt 10, 37-38), nhưng Người chỉ mời gọi và chờ đợi sự tự nguyện đáp lại, trái với các đầu mục Do thái thường "bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, còn chính họ thì không buồn động ngón tay vào” (Mt 23, 4).

4. CÂU HỎI:

1) “Abba” nghĩa là gì? Lối xưng hô này cho thấy quan hệ giữa Đức Giê-su với Thiên Chúa ra sao?
2) Đức Giê-su ngợi khen Chúa Cha về điều gì?
3) Lời Đức Giê-su cho biết Người được Thiên Chúa ban cho mọi sự đã được ngôn sứ nào đề cập đến?
4) Đức Giê-su kêu gọi những kẻ đang vất vả mang gánh nặng đến với Người. Họ là những ai và Người hứa sẽ ban điều gì cho họ?
5) Ách của Đức Giê-su nói đây ám chỉ điều gì và được tóm lại như thế nào?
6) Sự hiền hậu của Đức Giê-su luôn đi kèm với nhân đức nào?
7) Đức Giê-su đã nêu gương khiêm nhường hiền hậu ra sao? 8) Đức Giê-su hứa ban điều gì cho những kẻ sống khiêm hạ hiền hòa?

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA:

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11, 28-30).

2. CÂU CHUYỆN:

1) NHẪN NHỊN KẺ THÙ VÌ LÒNG YÊU NƯỚC:

LẠN TƯƠNG NHƯ được phong làm tướng quốc nước Triệu. LIÊM PHA cậy mình có nhiều công hơn mà lại bị vua Triệu xếp đứng bên dưới, nên cảm thấy bực tức và hăm hễ gặp mặt Tương Như là sẽ giết. Tương Như vì thế cứ phải lánh mặt... Một hôm Tương Như có việc phải ra ngoài, gặp phải toán lính tiền đạo của Liêm Pha từ xa đi tới, liền sai mấy người đánh xe tránh vào trong ngõ, đợi cho kiệu của Liêm Pha đi qua rồi mới ra đường. Bọn xa nhân của Tương Như thấy thế rất căm giận thay cho chủ và họp nhau lại chất vấn Tương Như rằng:
- Chúng tôi bỏ nhà cửa, xa thân thích đến đây để hầu ngài, tức coi ngài là bậc trượng phu nên mến mà đi theo. Nay ngài cùng Liêm tướng quân cùng hàng quan nhất phẩm mà hạng thứ của ngài còn ở trên ông ta. Liêm Pha dọa, ngài đã không đáp nên tránh mặt ở triều đình. Nay lại còn tránh cả ở ngoài đường nữa ! Sao ngài lại tỏ ra nhát sợ ông ta quá như vậy? Chúng tôi là bề tôi cảm thấy xấu hổ, nên xin phép từ giã ngài, không tiếp tục theo ngài nữa.
Tương Như liền nói :
- Các ngươi xem tướng quân ta có hơn vua nước Tần không?
Bọn xa nhân đáp :
- Thưa không.
Tương Như lại nói :
- Trước cái oai của vua nước Tần, thiên hạ nào ai dám ra mặt chống, mà Tương Như này dám mắng ông ta ngay giữa triều đình nước Tần, lại làm nhục cả quần thần của vua Tần nữa. Tương Như ta dẫu hèn, há lại sợ một Liêm tướng quân hay sao? Nhưng ta nghĩ sở dĩ nước Tần hiện nay không dám tiến đánh nước Triệu chúng ta là vì e sợ có ta và Liêm tướng quân. Nay hai con hổ đấu nhau, thề không sống chung với nhau. Nếu nước Tần nghe tin được, tất sẽ thừa cơ mang quân sang đánh nước Triệu ta thì sao? Ta sở dĩ chịu nhục tránh Liêm tướng quân là vì lấy việc nước là trọng và coi thù riêng là khinh vậy thôi.
Bọn xa nhân liền quỳ mọp bái lạy Tương Như mà rằng :
- Tiểu nhân chúng tôi trí hẹp làm gì hiểu nổi đại chí của tướng công.
Về phần Liêm Pha, khi nghe thuật lại lối ứng xử của Tương Như thì cả thẹn mà rằng : ”Ta thật còn kém Lạn Tương Như xa lắm”. Rồi Liêm Pha còn đến tạ tội với Tương Như, qùi mọp mà rằng: ”Tôi tính tình thô bạo, đội ơn tướng quân đã bỏ qua, tự nghĩ lấy làm hổ thẹn quá !”. Tương Như đến đỡ dậy, và sau đó cả hai kết làm bạn thân thiết sống chết có nhau.
(Cái DŨNG của thánh nhân- Nguyễn duy Cần)

2) TÂM HỒN BÌNH AN NHỜ TIN VÀO CHÚA:

TOM là một tân tòng người da đen. Anh có lòng tin Chúa và siêng năng tham dự thánh lễ mỗi ngày. Nhưng anh bạn thân của anh tên là GION thì lại không tin Chúa. Khi gặp Tom, anh ta thường nói lời khích bác đức tin của Tom và coi Tom là một kẻ mê tín. Một hôm Tom đang vác một bao khoai mì khá nặng từ cánh đồng trở về nhà, thì gặp Gion đang ngồi chờ bên vệ đường. Thấy Tom vác nặng mồ hôi chảy ra nhễ nhãi, Gion liền lên tiếng diễu cợt: “Này Tom, anh tin Chúa mà sao Chúa lại để anh vất vả quá như thế? ” Tom không trả lời và tiếp tục bước đi. Được thể, Gion lẽo đẽo theo sau và tiếp tục nói những lời khích bác về đạo. Đi được một quãng, Tom đã cố ý buông tay cho bao khoai sau lưng anh rơi xuống đất. Sau đó anh quay lại nhặt lên và nói với Gion: “Tôi cũng xin hỏi anh: "Làm sao tôi biết được bao khoai sau lưng mình bị rơi, khi mắt tôi không thấy nó rơi? ”. Gion liền đáp: “Đương nhiên là anh phải biết nó rơi rồi, vì anh cảm thấy gánh nặng trên vai anh biến mất? ” Bấy giờ Tom mới giải thích cho Gion hiểu lý do tại sao mình theo đạo như sau: “Tôi đồng ý với anh là bao khoai tôi đang vác mà bị rơi xuống thì đương nhiên tôi phải biết, vì tôi thấy gánh nặng trên vai tôi đột nhiên biến mất và tôi cảm thấy nhẹ mình. Về đức tin cũng vậy: Trước đây, tôi luôn cảm thấy buồn rầu lo lắng về những tội lỗi trong quá khứ, và không lúc nào tâm hồn được bình an. Nhưng từ ngày theo đạo, tôi đã gặp được Chúa Giê-su. Mỗi lần tham dự thánh lễ, tôi được nghe Lời Chúa an ủi và lời giảng của vị linh mục giúp tôi hiểu thêm về lòng thương xót của Chúa, về ý nghĩa những đau khổ tôi gặp phải và về giá trị công việc lao động tôi đang làm… Khi từ nhà thờ ra về, tôi cảm thấy bao nhiêu gánh nặng lo âu phiền muộn đều biến mất. Hiện nay tôi cảm thấy tâm hồn mình thật bình an hạnh phúc. Mặc dù vẫn phải làm việc để kiếm sống, vẫn gặp phải những điều rủi ro tai nạn trái với ý muốn, nhưng tôi luôn an tâm và sẵn sàng chấp nhận chúng giống như tôi đang vác cây thập giá của mình mà theo chân Chúa vậy. Chính đức tin đã giúp tôi nhận ra Chúa Giê-su đang sống trong tôi và tôi cảm thấy rất an tâm vì có Chúa đồng hành, cùng chia sẻ vui buồn với tôi. Đó chính là lý do tại sao tôi theo đạo và tôi quyết trung thành theo Chúa đến cùng”.
Tom đã cảm nghiệm được lời Đức Giê-su hôm nay: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng… Và tâm hồn anh em sẽ được bình an” (Mt 11, 28-29).

3) GIÓ BÃO VÀ MẶT TRỜI - AI MẠNH HƠN? :

Trong tập “Những ngụ ngôn của Ê-xốp”có một câu chuyện ngụ ngôn về cuộc tranh cãi giữa mặt trời và gió xem ai mạnh hơn ai.
Gió bão và Mặt trời đang tranh cãi nhau về sức mạnh vô địch của mình. Lúc đó có một người hành khất mặc một chiếc áo khoác cũ rách đang đi trên đường. Mặt Trời liền nói : “Chúng ta đã cãi nhau nhiều rồi mà không có người thắng. Bây giờ mỗi người hãy chứng tỏ sức mạnh bằng hành động: “Ai lột được chiếc áo khoác của người hành khất đang đi dưới đường kia thì mới là kẻ mạnh nhất.” Nghe vậy, gió bão liền đồng ý và lập tức ra tay trước.
Gió bão bắt đầu cho đổ mưa và làm thành một cơn cuồng phong thổi nước mưa ào ào tạt vào người của gã hành khất kia. Có điều lạ là gió bão càng thổi mạnh bao nhiêu thì gã hành khất lại càng ôm chặt chiếc áo khoác sát vào người. Gió bão tức giận tăng thêm cường độ xô gã hành khất té ngã xuống đường. Nhưng khi thấy chiếc áo khoác sắp bị thổi bay khỏi người thì gã hành khất liền nằm đè lên chiếc áo, quyết không cho nó rời khỏi mình. Sau khi làm đủ cách trong một thời gian dài, gió bão bị thấm mệt nên đành chịu thua, nhường chỗ cho mặt trời ra tay.
Mặt trời liền chiếu xuống đường những tia nắng ấm áp khiến gã hành khất đang nằm trên đường cảm thấy dễ chịu và bắt đầu ngồi lên. Hắn ta mới lỏng chiếc áo khoác phanh ngực ra đón ánh nắng mặt trời. Khi ánh nắng chứa chan làm cho gã cảm thấy nóng bức và mồ hôi bắt đầu xuất ra khiến gã phải cởi áo khoác ra và chạy tới một gốc đa gần đó trú nóng. Gã ta trải chiếc áo khoác phơi trên bãi cỏ cho mau khô. Thế là mặt trời đã chiến thắng vẻ vang mà không cần phải vất vả nhiều như anh gió bão trước đó.
Câu chuyện cho thấy sự hiền hòa dịu dàng kèm theo sự khôn ngoan sẽ có sức mạnh chinh phục lòng người hơn là thái độ hung dữ dùng bạo lực để trấn áp tha nhân.

4) SỐ PHẬN CỦA KẺ KIÊU NGẠO CHO MÌNH THÔNG MINH NHẤT THẾ GIỚI :

"Có một máy bay nhỏ chở hành khách đang bay ở độ cao trung bình và với vận tốc vừa phải. Hành khách trên máy bay gồm một vị giáo sĩ, một hướng đạo sinh, một giám đốc sản xuất điện toán. Đang bay trên bầu trời thì bỗng nhiên động cơ của máy bay không hoạt động nữa. Gió rít mạnh làm chiếc máy bay rơi nhanh. Ba chiếc dù được đưa ra, nhưng trên máy bay có tất cả bốn người. Làm sao đây?
Viên phi công khóc và nói: "Tôi phải có một chiếc dù, vì tôi có vợ và ba đứa con thơ." Nói đoạn, viên phi công nhanh tay chộp lấy một cái dù và nhảy vội ra khỏi máy bay. Ba người còn lại nhìn nhau. Ông Giám độc điện toán kêu lên: "Ồ, chắc là tôi phải cần một cái dù. Tôi là người thông minh nhất thế giới và thế giới đang cần tôi". Nói chưa dứt lời, ông nhanh tay luồn dây đeo dù vào vai rồi vội nhảy ra ngoài.
Vị giáo sĩ quay sang nói với người hướng đạo sinh: "Này con, con hãy lấy chiếc dù cuối cùng và nhảy ra đi. Cha đã già rồi, cha sẵn sàng đi gặp Chúa. Con còn trẻ, tương lai huy hoàng đang chờ đợi con. Con không thể chết được". Nhưng người hướng đạo sinh mỉm cười nói: "Cha già đáng kính và dễ thương của con ơi. Cha hãy yên tâm. Vẫn còn đủ dù hai chiếc dù cho cha con mình. Ông giám đốc điện toán cho mình là người thông minh nhất thế giới vừa nhảy ra khỏi máy bay với chiếc ba lô của con mà ông ta tưởng đó là chiếc dù".
Hãy tự khiêm tự hạ trước mặt Thiên Chúa để chính Ngài sẽ hành động trên chúng ta. Hạnh phúc cho những ai biết nép mình bên Chúa như đứa con thơ trong tay mẹ hiền của mình.

5) GƯƠNG HIỀN HẬU KHIÊM NHƯỜNG CỦA GIÁO HOÀNG GIO-AN 23 :

Khi được phong lên làm Tổng giám mục, thì đức cha Roncalli đang là Khâm sứ Toà Thánh kiêm Đại diện Tông tòa quản trị các giáo phận ở Bungari và Thổ. Công việc của ngài rất khó khăn, vì phải coi sóc một vùng đất rộng lớn, đang sôi động về mặt chính trị, chia rẽ về mặt tôn giáo : Giữa đạo Công Giáo với các đạo Tin lành, Chính thống, Hồi giáo; Giữa các linh mục triều với các tu sĩ. Trong lúc thi hành công tác mục vụ, Đức Tổng Giám Mục Roncalli đã nhận được một bức thư nặng lời chê trách ngài về mọi mặt, do một linh mục bất mãn với ngài viết. Khi đọc xong, đức cha Roncalli không nói một lời, lòng vẫn tha thiết yêu thương vị linh mục ấy.
Sau khi được thăng chức sứ thần Toà thánh tại Paris, rồi Hồng Y giáo chủ Vênêcia, và cuối cùng đắc cử lên làm Giáo hoàng với danh hiệu Gio-an 23 vào năm 1958, thì linh mục viết thư chỉ trích ngài năm xưa vẫn còn sống. Ông cùng với đoàn giáo dân sang Rôma xin được vào yết kiến Đức Giáo Hoàng. Linh mục ấy đã thuật lại cuộc tiếp kiến riêng với Đức Giáo Hoàng như sau:
“Trong lúc đứng ở phòng khách trên lầu cao Vatican, đầu óc tôi cứ nghĩ tới bức thư biểu lộ sự bất mãn năm xưa mà lòng vô cùng hối hận. Tôi trộm nghĩ, đã mấy chục năm trôi qua rồi, nên giờ đây chắc hẳn Đức Thánh Cha sẽ không còn nhớ gì... Nhưng ai ngờ, sau khi tiếp chuyện thân mật, Đức Thánh Cha với lấy cuốn Kinh thánh và lôi ra trước mặt tôi bức thư ấy. Đang khi tôi lúng túng, Đức Thánh Cha đã cầm lấy tay tôi và dịu dàng bảo: ”Con đừng hoảng sợ, cha không bao giờ giận ghét gì con đâu mà trái lại còn phải cám ơn con nữa. Vì cha cũng chỉ là người, cũng có những yếu đuối sai lỗi, nên khi nhận được thư của con, cha đã trân trọng để vào trong cuốn Thánh kinh đọc hằng ngày, để mỗi tối cha đều nhìn vào bức thư đó mà xét mình, hầu dễ dàng tu sửa những khuyết điểm sai lỗi tồn tại, và quyết tâm xa tránh những lầm lỡ trong tương lai. Mỗi lần như thế cha lại nhớ đến con và cầu nguyện cho con”.

3. SUY NIỆM:

1) THẾ NÀO LÀ HIỀN HẬU VÀ KHIÊM NHƯỜNG? :

- Hiền hậu hay Hiền hậu là thái độ của một người tốt lành, giàu lòng từ bi nhân ái, có lòng thương xót và thích làm điều tốt cho kẻ khác. Hiền hậu theo Kinh Thánh còn có nghĩa là thái độ hiền dịu, không cứng cỏi… Như vậy sự hiền hậu vừa có trong lòng lại vừa phát xuất ra bên ngoài: Trong lòng thì từ bi, khoan dung, độ lượng, cảm thông, còn bên ngoài thì nhẹ nhàng, từ tốn nhỏ nhẹ, không thô bạo, không gây thù chuốc oán với ai...
- Trong đời sống thường ngày, những người có quyền thường tự cao tự đại, không muốn ai làm trái ý mình, lại thường nóng tính biểu lộ qua nét mặt cau có, hay la mắng người dưới làm trái ý mình, có khi còn “giận cá chém thớt” nữa.
- Khiêm nhường là thái độ nhún nhường không thích khoe khoang thành tích, sẵn sàng hạ mình một chút. Căn bản của khiêm nhường là tôn trọng sự thật về mình: nhận thức đúng mình là người xấu tốt như thế nào để không muốn mình nổi trội hơn người khác. Giả như người khác có coi thường mình thì cũng không tức giận và không để bụng trả thù. Nhờ “biết mình biết người” như vậy nên người khiêm nhường sẽ luôn thành công trong mọi việc, sẽ tránh được buồn phiền chán nản khi sự thể xảy ra không như ý của mình. Người khiêm nhường dễ gây được thiện cảm với người khác và nhận được sự hợp tác của nhiều người.

2) HÃY HỌC VỚI TÔI SỰ HIỀN HẬU VÀ KHIÊM NHƯỜNG TRONG LÒNG:

- Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy học nơi Người về “lòng hiền hậu và khiêm nhường”, để tâm hồn chúng ta có sự bình an thư thái. Cần loại bỏ thái độ tự mãn về sự khôn ngoan thông thái của mình, để tập suy nghĩ đơn sơ trung thực như trẻ thơ. Bấy giờ chúng ta sẽ được Chúa mặc khải những mầu nhiệm của Thiên Chúa (x. Mt 11, 25-27). Thánh Au-gút-ti-nô cũng nói: “Ở đâu có khiêm nhường, ở đó có bác ái”.
- Văn hào Nga TÔN-TOI (Tolstoi) đã kể một câu chuyện ngụ ngôn cho thấy sự hiền lành là nguyên nhân của niềm vui và hạnh phúc như sau: Một hôm sói hỏi sóc nâu: “Tại sao họ sóc nhà mi luôn vui vẻ nhảy nhót, còn bọn sói chúng ta lại luôn ủ rũ buồn rầu vậy? ” Sóc liền trả lời rằng: “Ông sói buồn rầu vì trong lòng ông chứa đầy sự độc ác. Chính sự độc ác ấy đã bóp nghẹt trái tim ông, không cho ông được an bình hạnh phúc. Còn sở dĩ lũ sóc chúng tôi luôn vui vẻ vì chúng tôi hiền lành, không làm hại ai cả”.
- Một câu chuyện khác về một con nhái bén kiêu căng: Ngày nọ một con nhái bén kiêu căng lên tiếng thách đấu với một con bò mộng. Nhái ta cố uống nhiều nước để phình bụng ra to hơn con bò. Nhưng to đâu không thấy, chỉ thấy con nhái bén kiêu căng kia sau một hồi cố gắng đã bị nổ bụng và chết thảm.
Câu chuyện nhái bén này dạy chúng ta bài học như sau: “Đừng trèo cao để khỏi bị té đau”, đừng “xưng hùng xưng bá” khi không có thực tài như người ta thường nói: “Có tài mà cậy chi tài. Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Đàng khác dù có thực tài đi nữa nhưng phải ý thức về giới hạn của mình như người xưa dạy: “Cao nhân tất hữu cao nhân trị” (Một người tài giỏi chắc cũng sẽ có người tài giỏi hơn đánh bại mình).

3) ỨNG XỬ HIỀN HẬU VÀ KHIÊM NHƯỜNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG:

Trong cuộc sống, mỗi tín hữu chúng ta quyết tâm ứng xử hiền hậu khiêm nhường cụ thể như sau:

a- Khiêm nhường bằng cách nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân: Người khiêm nhường sẽ biết kềm chế cơn giận khi bị kẻ khác khinh thường và đối xử không tốt với mình, noi gương Đức Giê-su đã nhẫn nhịn dân làng Sa-ma-ri không tiếp đón Thầy trò vào ở trọ trong làng của họ. Bấy giờ hai môn đệ Gia-cô-bê và Gio-an tức giận yêu cầu Đức Giê-su: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu hủy chúng nó không? ” Nhưng Người quay lại quở mắng các ông: “Anh em không biết anh em thuộc loại thần khí nào. Vì Con Người không đến để làm cho người ta mất mạng, nhưng là để cứu mạng”. Rồi thầy trò đi sang làng khác (x. Lc 9, 53-56).
b- Khiêm nhường để không khoa trương công đức để tìm tiếng khen (x. Mt 6, 1-4): Người khiêm nhường sẽ tránh thái độ “thùng rỗng kêu to”; “Làm láo báo cáo hay” khi tìm cách che đậy cái xấu và phóng đại điều tốt để được người đời ca tụng.

c- Khiêm nhường đòi phải tha thứ vô điều kiện: Đức Giê-su đã dạy: “Thầy bảo anh em: Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (x. Mt 5, 43-45). Trong kinh Lạy Cha Người cũng dạy cầu nguyện: “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6, 12).

d- Khiêm nhường để sẵn sàng làm hòa với tha nhân: “Vậy nếu khi anh sắp dâng lễ trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ đó lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ của mình” (Mt 5, 23-24).

e- Khiêm nhường thể hiện qua thái độ phục vụ hơn là được phục vụ (x. Mt 20, 28): Đức Giê-su đã nêu gương khiêm hạ bằng việc rửa chân môn đệ trước khi dạy các ông bài học khiêm nhường (x. Ga 13, 14).

g- Khiêm nhường để yêu kẻ thù và làm ơn cho những kẻ bách hại mình (x. Mt 5, 39-42): Trên thập giá, Đức Giê-su đã nêu gương hiền hậu và khiêm nhường khi im lặng chịu đựng sự sỉ nhục và xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ mình (x. Lc 23, 34)…

4) PHÚC THAY AI XÂY DỰNG HÒA BÌNH:

Trong bài giảng “Tám mối phúc thật”, Đức Giê-su đã khẳng định: Phúc thay ai Hiền hậu, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”. ”Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5, 4.10). Sự Hiền hậu sẽ làm cho chúng ta được vào Nước Trời của Đức Giê-su và nếu biết xây dựng hòa bình trong môi trường sống và làm việc của mình, chúng ta sẽ xứng đáng được gọi là con Thiên Chúa.
Tuy nhiên, sự hiền lành nơi Đức Giê-su không phải là thái độ nhu nhược thụ động, không đồng nghĩa với bất nhất ba phải… nhưng luôn ăn ở công minh chính trực, từ bi nhân ái, thể hiện qua lối ứng xử như sau:

a- Tránh xét đoán ý trái và không kết án bất công cho kẻ khác: Luôn tỏ lòng nhân từ với các tội nhân như Đức Giê-su đã phán với người phụ nữ phạm tội ngoại tình: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !” (Ga 8, 11b).

b- Hiền hậu nhưng cương quyết: Không thỏa hiệp với cái xấu như Đức Giê-su đã trách Phê-rô khi ông can trách Người đừng chấp nhận con đường “qua đau khổ vào vinh quang” theo ý Chúa Cha muốn như sau: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16, 23). Người đã hạch kẻ đã vả mặt Người rằng: “Nếu tôi nói sai, hãy chứng minh xem sai chỗ nào. Còn nếu tôi nói phải, sao anh lại đánh tôi? ” (Ga 18, 22-24).

c- Hiền hậu nhưng không thỏa hiệp với bọn đạo đức giả: Đức Giê-su đã trách mắng bọn đầu mục Do thái: “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các ngươi khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào ! Các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng không để cho họ vào” … “ Đồ mãng xà, nòi rắn độc kia ! Các ngươi trốn đâu cho khỏi hình phạt hỏa ngục? ” (Mt 23, 13.33).

d- Hiền hậu nhưng sẵn sàng dùng biện pháp mạnh khi cần: Đức Giê-su đã bện dây thừng làm roi để xua đuổi tất cả bọn con buôn ra khỏi Đền Thờ, lật đổ bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. Rồi Người bảo họ: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp“ (Mt 21, 12-13).

TÓM LẠI: Tất cả những điều tốt đẹp Đức Giê-su làm và dạy nói trên đã được thánh Phan-xi-cô tóm lại trong KINH HÒA BÌNH. Nếu mỗi tín hữu chúng ta biết năng đọc và áp dụng các nguyên tắc ứng xử này thì chúng ta sẽ nên hiền hậu và khiêm nhường trong lòng giống như Đức Giê-su và sẽ tích cực góp phần vào sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.

4. THẢO LUẬN:

Có người cho rằng: không thể áp dụng lời Đức Giê-su dạy: “Đừng chống cự người ác” (Mt 5, 39), để tránh cho kẻ ác “được đàng chân, lân đàng đầu”. Bạn có đồng ý với quan điểm ấy không? Tại sao? Bạn cần làm gì cụ thể để ngày một trở nên hiền lành và khiêm nhường noi gương Đức Giê-su?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA. Chúng con đã được Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh Chúa. Chúa đã phú ban cho chúng con có tình yêu thương giống như Thiên Chúa là Tình Thương. Xin cho chúng con luôn tìm kiếm Chúa là nguồn hạnh phúc thật sự đời con. Xin cho con biết ăn ở hiền hậu và khiêm nhường qua việc phục vụ Chúa, hiện thân nơi những người nghèo khổ bệnh tật đang sống gần bên chúng con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:35 30/06/2020

14. Thiên Chúa dùng những khó khăn đau khổ của thế gian để rửa sạch tội lỗi của chúng ta.

(Thánh John Chrysostom)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Suy niệm Chú Nhật Tuần 14A thường niên
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:40 30/06/2020
CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN. A
(Mt. 11, 25-30)
GÁNH NẶNG


Lạy Cha là Chúa muôn loài,
Khôn ngoan tuyệt đối, thiên oai diệu vời.
Con người thụ tạo trong đời,
Thông minh hiền triết, một thời thoáng qua.
Kiêu căng tự phụ điêu ngoa,
Trí tâm chẳng thấu, nhiều khoa ở đời.
Chúa thương ban xuống Ngôi Lời,
Vén màn mạc khải, cho người trần gian.
Những ai bé mọn tâm can,
Tinh thần thanh thản, Chúa ban dư đầy.
Cha ban mọi sự trong Thầy,
Những ai khó nhọc, kéo cầy khổ thân,
Trên đời gánh nặng nợ nần,
Ủi an nâng đỡ, chia phần lắng lo.
Hãy mang lấy ách nhỏ to,
Bước theo học hỏi, Thầy trò có nhau.
Nhẹ vơi thánh giá qua mau,
Hiền lành khiêm nhượng, nỗi đau xóa nhòa.
An bình phúc lộc chan hòa,
Nhẹ nhàng êm ái, thiên tòa rạng khơi.

Chúa Giêsu phán: “Hãy đến cùng Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi”. Ai trong chúng ta cũng đã trải qua những kinh nghiệm khó khăn trong cuộc sống. Những trải nghiệm đau thương nơi chính bản thân mình hoặc những người thân trong gia đình. Cảm nghiệm về con cái hư hỏng, về công ăn việc làm, về sự nghiện ngập, về sự chia ly, về thất vọng, về tình yêu, về bệnh hoạn tật nguyền hoặc những lo toan khác trong cuộc sống.

Trong bài Phúc âm, Chúa Giêsu giới thiệu Ngài như người bạn tốt kêu mời chúng ta đến với Ngài để tìm nguồn an ủi. Chúa mời chúng ta đặt niềm tin tưởng nơi Chúa như con trẻ đặt trọn niềm tin trong vòng tay người cha, người mẹ. Như khi còn bé nhỏ, chúng ta đặt trọn niềm tin tưởng vào sự bảo trợ của cha mẹ. Quan sát một em nhỏ, khi thấy chó sủa hoặc gặp nguy hiểm, em chạy tới bố mẹ để được bảo vệ và em cảm thấy an toàn trong vòng tay của mẹ cha.

Hiền lành trong khiêm nhượng là đức tính tốt. Nhớ câu truyện của Thomas Edison, thuở nhỏ ông học kém. Một ngày nọ, thầy giáo gởi giấy về cho bà mẹ, nói rằng em nhỏ bị nghễnh ngãng. Bà hãy đem con về nhà vì nó học qúa dốt không thể dạy. Bà kiên nhẫn bắt đầu dạy con. Cậu dần lớn khôn và về sau đã để lại cho hậu thế một phát minh vĩ đại mà mọi người đều mắc nợ. Thomas Edison đã phát minh ra máy chụp những hình ảnh di động, thu băng và bóng điện. Khi ông chết, cả nước Hoa Kỳ đã tắt hệ thống điện trong vòng một phút để tưởng nhớ ông.

Hãy đến với Chúa vì Chúa hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. Sự hiền lành không phải là sự yếu ớt và thua kém. Sự dịu hiền chính là sức mạnh để thuyết phục. Chúa hiền lành trong lời nói, trong cách cư xử và hiền lành sự phán đoán. Nhiều câu truyện trong Phúc âm phản cách tư cách nhân hậu của Chúa. Đối với người đàn bà bị bắt qủa tang phạm tội ngoại tình, Chúa bênh đỡ và tha thứ. Với đứa con hoang đàng, Chúa đón nhận trở về với nụ hôn nồng ấm.

Hãy chạy đến với Chúa để trút gánh nặng và chúng ta sẽ tìm được sự nâng đỡ bổ sức. Chúa sẽ bổ sức cho chúng ta qua Lời của Ngài, qua các Bí Tích, qua chính Bí tích Thánh Thể. Chúa sẽ dẫn chúng ta tới nguồn nước chỗ nghỉ ngơi và bồi dưỡng tâm hồn chúng ta. Đừng ngại đến với Chúa để tìm nguồn ủi an, Chúa sẽ chẳng bỏ rơi chúng ta.

TUẦN 14 MÙA THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
Mt. 9: 18-26


Có vị đầu mục trong dân đến bái lạy Chúa Giêsu và xin: Con gái tôi vừa mới chết, nhưng xin Ngài đến đặt tay trên nó, thì nó sẽ sống. Ông đầu mục đang buồn thảm sầu não. Sự chết đến, con người đành bó tay. Không còn cách nào nữa, chết là hết rồi. Một tia hy vọng lóe sáng, ông chạy đến với Chúa và van xin Chúa can thiệp. Chúa có quyền can thiệp vào giữa sự sống và sự chết vì Chúa là chủ của sự sống.

Con người phải đối diện với sự già nua và chết chóc. Ai cũng muốn sống và muốn được sống lâu dài. Sự chết là cắt đứt mối liên hệ giữa người sống. Khi sinh ra mang tiếng khóc chào đời, mọi người trong gia đình hân hoan chào đón. Chúng ta cùng sống và chia xẻ tình cảm yêu thương, tới một ngày nào đó, chúng ta từ giã cõi đời. Chúng ta nhắm mắt xuôi tay để lại tất cả. Người còn lại dương thế thì nhớ nhung và thương tiếc. Rồi một ngày nào đó tới lần của chúng ta cũng sẽ ra đi.

Chúng ta vào đời một mình với bàn tay trắng. Chúng ta cũng sẽ ra đi một mình trắng tay. Tất cả của cải để lại cho người khác. Phúc âm kể việc Chúa cho em nhỏ chết sống lại nhưng rồi một thời gian sau em cũng sẽ phải ra đi và mọi người vẫn khóc thương lẫn nhau.

Lạy Chúa, sự sống, sự chết ở trong tay Chúa. Xin cho chúng con sống trong ơn nghĩa và chết trong tình thương của Chúa.

THỨ BA
Mt. 9: 32-38


Người ta đem đến cho Chúa một người câm bị qủy ám. Chúa đã trục xuất qủy và người câm nói được. Dân chúng rất vui mừng ngợi khen Thiên Chúa. Nhưng người biệt phái thì ghen tương và đã xúc phạm đến danh Chúa. Họ nói: ông ta đã nhờ tướng qủy mà trừ qủy. Đúng là ông biệt phái ơi: Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe. Đừng nói bậy bạ mà xúc phạm đến Chúa.

Chúa Giêsu tiếp tục giảng dạy và làm các phép lạ. Chúa thấy dân chúng bơ vơ thì động lòng thương xót họ. Chúa nói với các môn đệ: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy các con hãy xin chủ mùa gặt sai thợ đi gặt lúa. Chúa Giêsu đang nhìn sang cánh đồng truyền giáo. Cánh đồng bao la bát ngát, lúa đã chín đầy đồng, cần rất nhiều thợ.

Chúa xuống trần gian sống âm thầm một khoảng thời gian dài. Chúa dùng ba năm cuối để rao giảng về nước trời. Chúa chọn nhóm mười hai đi theo Chúa. Mười hai người thì thấm vào đâu cho cả và nhân loại. Chúa gieo hạt giống đức tin và mong cho hạt giống nẩy mầm. Giáo hội trung thành với sứ mệnh của Chúa. Khi Chúa nói với các môn đệ: Các con hãy đi khắp thế giảng đạo và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Giáo hội không ngừng phát triển nhưng Giáo Hội Chúa luôn cần những tấm lòng thiện chí ra đi để thâu hoạch mùa màng.

THỨ TƯ
Mt. 10: 1-7


Chúa triệu tập mười hai tông đồ và ban cho họ quyền trên các thần ô uế, để các ngài ra đi mở mang nước Chúa. Tên của nhóm mười hai: Phêrô, Anrê, Gioan, Giacôbê, Philipphê, Tôma, Bartôlômêô, Matthêô, Giacônê hậu, Alphê, Tadeô, Simon và Giuđa Iscariốt. Chúa sai các ông đi đến chiên lạc nhà Israel trước.

Chúa Giêsu vẫn ưu đãi Dân Chúa đã chọn, cho họ được hưởng ân lộc của đầu mùa. Có rất nhiều người đã lắng nghe lời giảng dạy và trở thành Kitô hữu. Nói chung, khi nói về người Do Thái chúng ta nghĩ đến Đạo Do Thái. Có nhiều nhóm Do Thái chính thống không tin nhận Chúa Kitô, họ vẫn còn chờ mong Đấng Cứu Thế đến. Nơi các hội đường Do Thái, chúng ta thấy họ có một chiếc ghế trống, đó là dấu chỉ của sự chờ đợi Đấng Messiah.

Các tông đồ là người Do Thái, thánh Phêrô, vị lãnh đạo đầu tiên của Giáo hội là người Do Thái và các vị kế tiếp chăn dắt Giáo Hội cũng là người Do Thái. Máu của họ chính là hạt giống nẩy sinh các Kitô hữu. Nguời Do Thái như là anh cả trong niềm tin. Xưa có tổ phụ Abraham là cha của những người tin, nay đến các tông đồ, Đức Maria, thánh Giuse và tất cả các thánh sống cùng thời Chúa Giêsu.

Lạy Chúa, ơn cứu độ đến từ Dân Chúa chọn, họ đã cưu mang và đón nhận Ơn Cứu Độ. Xin Chúa chúc lành cho họ.

THỨ NĂM
Mt. 10: 7-15


Chúa Giêsu sai các tông đồ đi rao giảng với các quyền được trao ban. Chúa nói: Các con đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Tất cả là hồng ân. Các tông đồ là những người đánh cá tầm thường trở thành những người loan tin ơn cứu độ. Các ông được ở bên Chúa, được học hỏi và được chứng kiến biết bao sự lạ lùng.

Chúa còn trao cho các ông các quyền trên thần ô uế, quyền chữa bệnh và quyền rao giảng. Các ông đã nhận miễn phí, Chúa dặn các ông hãy rộng tay phân phát. Các tông đồ đã ra đi rao truyền năm hồng ân của Thiên Chúa. Các ngài đã nhận lãnh và đã quảng đại cho đi thời gian, sức khỏe và lòng nhiệt thành để Tin mừng được lan rộng mọi nơi.

Chúa mời gọi chúng ta tiếp tay vào sứ vụ làm nhân chứng cho Chúa. Có khi chúng ta chối từ và nói rằng tôi chẳng có khả năng gì cả, tôi không có thời giờ, tôi bận bịu nhiều thứ, và tôi không muốn. Tôi chỉ muốn làm viêc và sinh lợi cho gia đình tôi, còn việc chung ai muốn lo thì lo, đâu phải trách nhiệm của tôi. Việc của Nước Trời đâu phải việc của riêng ai. Chúa mời gọi mọi người, kẻ góp công, người góp của, mỗi người chu toàn bổn phận của mình. Chúa đã cho chúng ta biết bao hồng ân một cách nhưng không, Chúa muốn chúng ta đáp lại một cách nhưng không. Lạy Chúa, chúng con đã nhận biết bao ân huệ của Chúa, xin cho chúng con biết quảng đại chia xẻ ân huệ với những người chung quanh.

THỨ SÁU
Mt. 10: 16-23


Chúa Giêsu nói với các tông đồ: Này, Thầy sai các con như những con chiên ở giữa sói rừng; vậy các con hãy khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu. Chúa biết trước thế gian sẽ không dung tha cho các tông đồ. Các ngài ra đi sẽ đối diện với nhiều khó khăn và gian khổ. Chúa căn dặn các ông hãy coi chừng người đời.

Chúa biết lòng con người sâu thẳm không lường. Các tông đồ sẽ bị họ tố cáo, bách hại và tù đầy khi nhân danh Chúa mà rao giảng Tin Mừng. Chúng ta tự hỏi tại sao người đời thù ghét những người làm chứng cho Tin Mừng. Có phải lời Tin Mừng là những điều sai trái hay có tư tưởng phản động hay khích động. Tin Mừng là tin vui cứu độ. Như những người ngồi trong tối tăm không muốn lắng nghe lời Tin mừng vì họ sợ bị chất vấn lương tâm và sợ bị thay đổi.

Chân lý của người đời là sự đồng thuận của đám đông. Chân lý của họ là những gì làm thỏa mãn ước vọng làm chủ của họ. Họ chối bỏ quyền của Đấng Tạo Hóa. Họ muốn làm chủ cuộc đời của mọi người theo cách suy tư lợi lộc vật chất. Họ không màng đến những giá trị luân lý và tinh thần. Chân lý của họ là lợi ích của cải, kinh tế và đời sống vật chất.

Lạy Chúa, lời chân lý của Chúa sẽ đụng chạm đến quyền lợi của người đời, họ sẽ tẩy chay và sẽ loạì trừ các môn đệ bằng mọi cách. Xin cho chúng con ơn can đảm để theo Chúa

THỨ BẢY.
Mt. 10: 24-33


Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ: Các con đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không thể giết được linh hồn. Chúa Giêsu chuẩn bị tư tưởng cho các môn đệ trong sứ mệnh làm nhân chứng cho Chúa. Chúa nói: Môn đệ không hơn Thầy và tôi tớ không hơn chủ mình. Chúa đã bị sỉ nhục và bị hành hạ đến chết, các môn đệ cũng sẽ đi con đường đó.

Thời điểm của Chúa và các môn đệ ra rao giảng thật là khó khăn. Các ngài đã phải đối diện với quyền lực lãnh đạo tôn giáo trong chính nhà của mình. Ngài đến với các gia nhân của Ngài và các gia nhân của Ngài đã không tiếp nhận Ngài. Gần như một cuộc cách mạng tôn giáo giữa những đầu mục trong dân và Chúa Giêsu. Cuộc cách mạng không có vũ khí, không tiếm quyền nhưng là cuộc cách mạng tinh thần sống đạo.

Cuộc cách mạng còn phải kéo dài vì là cách mạng tinh thần. Người đời sẽ tìm cách tiêu diệt mọi nỗ lực truyền đạo. Máu sẽ chảy, đầu sẽ rơi và sự ruồng bắt sẽ tràn lan, những người tin vào Chúa sẽ phải chịu nhiều đau khổ. Nhưng Chúa báo trước rằng: Người ta chỉ giết được thân xác mà không làm gì được linh hồn. Linh hồn là thiêng liêng vô giá của từng người. Không ai có quyền trên linh hồn của người khác trừ một mình Thiên Chúa.

Lạy Chúa, các môn đệ đã ra đi làm nhân chứng, các ngài đã lấy máu đào chứng minh niềm tin vào Thiên Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
08:40 30/06/2020
61. CHỈ ĐƯỢC NỬA CHỮ

Có ông quan nọ gia tài được năm trăm lượng vàng, nhưng một chút bản lĩnh cũng không có.

Bà vợ khuyên ông ta nên mua nhiều sách, ông ta hỏi:

- “Đọc sách có lợi gì chứ? ”

Vợ trả lời:

- “Một chữ được ngàn vàng”, sao lại nói không có lợi chứ? ”

Ông ta rất không vui bèn nói:

- “Một chữ được ngàn vàng, lẽ nào tài sản của tôi chỉ được nửa chữ thôi sao? ”

(Tiếu lâm)

Suy tư 61:

Có những cha mẹ làm ăn đầu tắt mặt tối kiếm tiền gởi ngân hàng dành cho con cái sau này, nhưng con cái học hành thế nào thì không hề quan tâm đến; có những gia đình rất giàu có nhưng con cái thì thất học, bởi vì họ không coi trọng việc học của con cái mà chỉ lo làm giàu...

Cha mẹ khôn ngoan thì biết để cho con cái gia tài quý nhất đó là chữ nghĩa, tức là cho con cái học hành đàng hoàng, bởi vì người có chữ nghĩa thì bất cứ ở đâu và thời đại nào cũng được mọi người trọng vọng nể vì.

Chữ nghĩa thì vô cùng mà đời người thì có hạn.

Có một vài linh mục trẻ “đậu” linh mục xong thì vứt sách vở vào tủ khóa lại, một năm mười hai tháng mới mở ra coi lại một hai lần bởi vì tìm không ra ý tưởng để giảng dạy; thời đại ngày càng tiến bộ về mọi mặt, nhưng hình như có một vài linh mục không tiến bộ về cách hành xử với giáo dân cho đúng với tầm vóc của giáo dân thời đại, bởi vì các ngài không chịu mở mắt để nhìn ra bên ngoài, vểnh tai để nghe tiếng nói của giáo dân góp ý, mở rộng cách suy nghĩ để có tư tưởng mới hơn và phù hợp với tinh thần Phúc Âm trong thời đại hơn khi giảng dạy...

Cả gia tài kếch sù mà chỉ mới bằng nửa chữ, huống hồ là cả một kho tàng chữ nghĩa thì biết lấy gì mà so sánh? Thưa, chỉ có cách là lấy sự ham đọc sách, ham học hỏi làm thú vui thích để mà so sánh mà thôi.

Cái chữ rất cần thiết cho mọi người, nó càng cần thiết hơn cho các linh mục là những người lãnh đạo dân riêng của Thiên Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Luật An ninh quốc gia bắt đầu áp dụng vào Hong Kong
Giang Thanh
11:04 30/06/2020
HONGKONG - Sáng nay Ủy ban thường vụ quốc hội Trung quốc với 100% phiếu thuận đã thông qua "Luật An ninh quốc gia" áp dụng vào Hong Kong.

Ngay lập tức bộ trưởng thương mại Mỹ tuyên bố chính thức hủy "địa vị đặc biệt của Hong Kong" vì cho rằng Hong Kong giờ đây đã là một phần không mấy khác biệt của Trung quốc, chính sách “một quốc gia hai chế độ” đã sụp đổ, quyền “tự trị cao độ” theo Luật cơ bản của Hong Kong đã không còn.

Dẫn đầu các nhóm hoạt động dân chủ như Hoàng Chí Phong, Chu Đình, La Quán Thông …vv… đồng loạt từ chức, các tổ chức liên quan cũng công bố giải thể, chấm dứt tất cả mọi hoạt động trong lãnh thổ HK.

Lịch biểu tình 1/7 thường niên của dân chúng Hong Kong lần đầu tiên bị khước từ và kháng án vô hiệu.

Phải chăng "niềm kiêu hãnh Hong Kong" giờ đây chỉ còn như những giọt nắng chiều.
 
Hội Truyền Giáo San Juan Capistrano di dời các bức tượng Thánh Junipero Serra để bảo vệ
Đặng Tự Do
16:58 30/06/2020

Liên quan đến California, hai bức tượng của Thánh Junipero Serra đã được di chuyển khỏi một hội truyền giáo và một nhà thờ ở miền nam California trong bối cảnh lo ngại nguy cơ bị phá hoại trong khi các cuộc biểu tình xung quanh tiểu bang đang tiếp tục các hành vi bạo lực nhằm lật đổ các bức tượng.

Hội Truyền Giáo San Juan Capistrano và nhà thờ lân cận đã di dời các bức tượng Thánh Serra trong tuần này.

Phát ngôn viên Tracey Kincaid của Giáo Phận Orange nói với tờ Orange County Register rằng hai cơ sở trên đã chuyển các bức tượng vào một nơi an toàn để đề phòng. Bức tượng, thường được dựng trên một bệ ở lối vào của nhà thờ San Juan Capistrano, đã được gỡ bỏ vào ngày 23 tháng 6.

Hội Truyền Giáo San Juan Capistrano ngay bên cạnh cũng đã di chuyển một bức tượng khác từ sân trước đến phòng khách. Bức tượng 104 tuổi đã được trưng bày trong gần 80 năm qua. Theo dự trù bức tượng này sẽ sớm là một phần của một cuộc triển lãm về cuộc sống của Thánh Junipero Serra.

Hội Truyền Giáo San Juan Capistrano đã được chính Thánh Junipero Serra thành lập vào năm 1776. Hơn một thế kỷ sau đó, nhà thờ San Juan Capistrano đã được xây dựng vào năm 1986 trước sự gia tăng của cộng đồng Công Giáo đang phát triển vượt bậc khi những người Công Giáo Việt Nam bắt đầu đổ xô đến vùng này khiến cho Nhà nguyện Serra của Hội Truyền Giáo không còn đủ chỗ.


Source:Catholic News Agency
 
Montana, một gã đàn ông đã kéo xập bức phù điêu Thập giới tại sân tòa án thành phố.
Thanh Quảng sdb
18:52 30/06/2020
Montana, một gã đàn ông đã kéo xập bức phù điêu Thập giới tại sân tòa án thành phố.



CNA ngày 30 tháng 6 năm 2020 cho hay: Một gã đàn ông đã bị bắt vì kéo xập bức phù điêu “Mười điều răn” trong khuôn viên tòa án thành phố Montana.

Được biết gã là một cư dân ở Columbia Falls, 30 tuổi, ngày 27/6 đã quấn xích quanh bức phù điêu “Thập giới” được dựng lên trước tiền đình tòa án ở Flathead và dùng xe tải của gã, giật xập xuống và kéo ra đường… Xong hắn tháo dây xích ra và lên xe chuồn khỏi khu vực.

Sở Cảnh sát Kalispell nói với NBC Montana rằng nhiều người thấy hắn làm vậy, nên đã gọi cho cảnh sát.

Người đàn ông thủ phạm tên là Anthony Weimer, phải đối diện với một tội hình sự. Cảnh sát cho hay họ không biết động lực nào khiến hắn hành động vậy!

Cảnh sát trưởng Kalispell Doug Overman nói với hãng tin MTN rằng hắn không có liên hệ gì với bất kỳ nhóm biểu tình hay nhóm bạo loạn nào ở quận Flathead cả.

Theo tin địa phương không biết bức phù điêu này có thể phục hồi lại được không hay phải thay thế bằng một bức phù điêu mới khác!

Các phù điêu khắc Mười điều răn, thường được trân quí và các tôn giáo như Công Giáo, Tin lành và Do Thái dựng lên và ít bị dân chúng phản đối!...

Trong mấy tuần qua, nhiều di tích lịch sử công cộng đã bị các nhóm quá khích phá hoại và kéo đổ!...

Các cuộc biểu tình ôn hòa chống lại sự tàn bạo của cảnh sát gây nên cái chết của một cư dân Minnesota là anh George Floyd, một người da đen, trong khi cảnh sát bắt anh ta!

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình ôn hòa đã trở thành bạo loạn cướp bóc, hôi của và phá hoại nhiều di tích lịch sử như kéo xập các bức tượng Tổng thống George Washington, Christopher Columbus, nhân vật đã khám phá ra Châu Mỹ và Ulysses S. Grant.

Đã có ít nhất hai bức tượng của Thánh Junipero Serra cũng bị kéo xập do những cuộc biểu tình bạo loạn ở California.

Nói về thánh Junipero Serra, vào thế kỷ thứ mười tám, thánh nhân đã thành lập nhiều thí điểm truyền giáo mà sau này, các thì điểm này đã trở thành trung tâm của các thành phố lớn ở California. Thánh Serra đã giúp hàng ngàn người dân California bản địa gia nhập vào Kitô giáo, dạy họ các công nghệ nông nghiệp mới cũng như bảo vệ họ khỏi sự tàn bạo thực dân Tây Ban Nha thời đó!...



Tại thủ phủ St. Louis, của Tiểu bang Missouri, một tượng đài, biểu tượng của thành phố mang tên vua thánh Louis IX trước tòa đô sảnh của thành phố đang là điểm nóng thu hút sự bảo vệ tượng đài của nhiều người dân trong thành phố và phong trào bạo loạn đòi kéo xập tượng đài vì cho đây là biểu tượng của một cuộc xâm lăng trước đây!

Thánh vương Louis là Vua nước Pháp từ năm 1226-1270, Ngài đã tham gia vào các cuộc Thập tự chinh thứ bảy và thứ tám. Vua chống lại việc cho vay lấy lời, chính Vua thành lập các bệnh viện, và đích thân chăm sóc người nghèo và những người phong cùi. Ngài được Giáo hội tôn phong hiển thánh vào năm 1297.
 
Hội thảo trực tuyến về bảo vệ trẻ em: Nạn nhân học và Mô hình An toàn Tương quan
Vũ Văn An
19:30 30/06/2020

Theo Vatican News ngày 30 tháng 6, 2020, Liên hiệp Quốc tế Các Bề Trên Cả (UISG) vừa tiết lộ 2 sáng kiến trong buổi hội thảo trực tuyến hôm nay về Nạn nhân học và Mô hình An toàn Tương quan (Victimology and the Relational Safety Model).



Nữ tu Pat Murray, Thư ký Chấp hành của Liên hiệp Quốc tế Các Bề Trên Cả công bố hai sáng kiến này trước khi buổi hội thảo bắt đầu. Bà cho hay: vào ngày 22 tháng 6, buổi hội thảo đầu tiên diễn ra là của Ủy Ban Hỗn hợp giữa Liên hiệp Quốc tế Các Bề Trên Cả và đối tác nam của nó là Liên hiệp Các Bề trên Cả. Ủy ban hỗn hợp này bao gồm 5 đại diện của mỗi tổ chức, và nó “sẽ hướng dẫn các cố gắng của chúng tôi trong tương lai nhằm làm việc với các thánh bộ và các cơ quan khác về việc bảo vệ các vị thành niên và người lớn tuổi dễ bị thương tổn”.

Chưa hết, Nữ tu Pat cho hay: còn có “hai khai triển khác”. Liên hiệp Quốc tế Các Bề Trên Cả đã thiết lập hai văn phòng: Văn phòng Săn sóc và Bảo vệ, và Văn phòng Công Giáo Săn sóc Trẻ em Quốc tế. Nữ tu giải thích “cùng với nhau, hai văn phòng này tạo thành một sáng kiến khắp thế giới để tham gia với các cơ quan đang tập chú vào việc di chuyển trẻ em từ việc săn sóc có tính định chế qua việc săn sóc có tính gia đình”.

Viễn kiến bảo vệ an toàn

Buổi hội thảo trực tuyến sau đó đã diễn tiến với diễn giả khách là Tiến sĩ Gabriel Dy-Liacco, tâm lý gia, cha của 5 đứa con từ Phi Luật Tân, và là thành viên sáng lập của Ủy Ban Giáo Hoàng về Bảo vệ Các Vị thành niên.

Tiến sĩ Dy-Liacco bắt đầu cho hay: “Bảo vệ an toàn là một sứ mệnh, chứ không phải là một nghĩa vụ phải thực hiện”. Đây không phải là ý tưởng của ông, mà là của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người cũng coi việc bảo vệ an toàn cho trẻ em là một phần của việc tân phú âm hóa. Tiến sĩ Dy-Liacco nói: Trở ngại tồi tệ nhất cho sứ mệnh này trong Giáo hội là sự sợ hãi. Chỉ có thể khắc phục nỗi sợ hãi này bằng “linh đạo, và cảm thức ơn gọi”; chúng sẽ giúp chúng ta trở nên sinh hoa kết trái nhiều hơn vì chúng ta phục vụ tất cả những ai trong Giáo hội đang phải chịu bất cứ hình thức lạm dụng nào.

Nạn nhân học

Tiến sĩ Dy-Liacco trình bày ba điều kiện cần thiết để lạm dụng xảy ra, đặt ra chu kỳ của nạn nhân học. (1) Một người dễ bị tổn thương hiện diện trước một (2) người phạm tội, kẻ luôn lạm dụng quyền lực của mình, trong khi (3) không có người giám hộ có nhiệm vụ bảo vệ người dễ bị tổn thương. Tiến sĩ Dy-Liacco nói rằng: Bất cứ khi nào một đứa trẻ hiện diện trước một kẻ phạm tội trong khi không có người giám hộ, có 90% khả năng đứa trẻ này sẽ bị lạm dụng.

Ông nói, trong trường hợp Giáo Hội, điều đang thiếu là khả năng Giáo Hội trở thành người bảo vệ. Ông bảo “Chúng ta đã không trông chừng tốt các vị thành niên và những người dễ bị tổn thương của chúng ta”. Thực thế, “chúng ta có điều ngược hẳn lại: bác bỏ các cáo buộc, che đậy các sự kiện, cung cấp nhiều nguồn lực cho những người phạm tội để phục hồi, nhưng không bao nhiêu cho các nạn nhân”. Ông so sánh sự lan tràn các loại thừa tác vụ khác ở cấp giáo phận trong Giáo hội, như Thừa tác vụ Tuổi Trẻ và Chăm sóc Sáng thế. Tuy nhiên, cùng một sự phổ biến như thế đã không diễn ra trong việc bảo vệ trẻ em ở mọi giáo phận của Giáo hội.

Các người phạm tội trong Giáo Hội

Tiến sĩ Dy-Liacco sau đó trình bày các số liệu thống kê từ Hoa Kỳ, Úc và Đức, nơi các nghiên cứu về việc giáo sĩ lạm dụng tình dục các vị thành niên đã được tiến hành và có thể được coi là đáng tin cậy. Một thống kê cho thấy những người phạm tội hàng loạt bắt đầu phạm tội ngay trong năm đầu tiên được phong chức và không phân biệt nạn nhân hoặc bạn tình của họ dựa trên tuổi tác hoặc phái tính. Tác phong chung đối với cả những người phạm tội hàng loạt và những người thỉnh thoảng mới phạm tội là cách họ tán tỉnh các nạn nhân của họ một cách đầy chú ý, tặng quà và đặc quyền để rù quyến nạn nhân tuân theo các yêu cầu của họ.

Một thống kê khác cho thấy các linh mục được điều trị vì lạm dụng tình dục vị thành niên là những người có nhiều xác suất từng bị lạm dụng trong quá khứ. Tỷ lệ này cao hơn nhiều ở các linh mục so với 20% nơi công chúng. Các linh mục từng lạm dụng tình dục trẻ em biểu lộ sự khó khăn trong việc duy trì các mối tương quan với người lớn khác nhưng duy trì một cách dễ dàng các mối tương quan với thiếu niên. Họ cũng có xu hướng đối phó với căng thẳng qua các tác phong nghiện ngập khác như lạm dụng rượu hoặc thức ăn, hoặc tham gia bài bạc.

Những nghiên cứu này cũng cho thấy 80% linh mục từng lạm dụng tình dục các vị thành niên cũng có mối quan hệ tình dục với người lớn của cả hai giới. Do đó, thống kê cho thấy xu hướng tính dục không dự đoán được việc một linh mục sẽ phạm tội. Điều có thể dự đoán hành vi phạm tội là việc có thể tiếp cận những người dễ bị tổn thương mà không có sự giám sát của những người lớn khác đóng vai trò người giám hộ.

Giáo Hội như người giám hộ

Tiến sĩ Dy-Liacco nói rằng lời khuyên bảo đầu tiên chống lại các mối quan hệ tình dục của đàn ông với con trai tìm thấy trong Didaché, được viết vào năm 80AD; việc này chứng thực: đây là một vấn đề đã có trong Giáo hội từ rất lâu. Tiến sĩ Dy-Liacco nói “đáp ứng định chế của chúng ta đang được cải thiện nhưng đang thụt lùi ở một số nơi trên thế giới”. Sau đó, ông chỉ ra các nhân tố có tính cơ cấu vốn tích lũy như thế trong Giáo hội, gây khó khăn trong việc cung cấp môi trường an toàn cho trẻ em. Các nhân tố này bao gồm một mức độ cô lập cao về phía các linh mục giáo phận và ít có sự giám sát trực tiếp.

Thứ hai, ông nói rằng các nhà lãnh đạo Giáo hội, trong lịch sử, đã tập trung đáp ứng của họ vào các linh mục thủ phạm, thay vì vào những người bị lạm dụng. Nó được xử lý một cách bí mật vì các hệ thống bí mật giáo hoàng (pontifical secret) và các hệ thống khác, một điều, cuối cùng, đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô dỡ bỏ vào tháng 12 năm 2020. Trước đây, các linh mục phạm tội được gửi đi điều trị, trở lại thừa tác vụ và được chuyển đến một giáo xứ khác, thường chỉ để tái phạm. Ngày nay, họ được nghỉ phép hành chính và các năng quyền (faculties) bị hạn chế.

Tại sao điều này xảy ra

Trong một định chế hoàn toàn chống lại các hành vi khủng khiếp như vậy, Tiến sĩ Dy-Liacco đặt câu hỏi, “Tại sao? Tại sao nó xảy ra trong Giáo hội và tại sao nó lại diễn ra quá lâu như thế? ” Câu trả lời của ông: Điều đó xảy ra vì các thành viên trong Giáo hội đã bỏ qua vai trò làm người giám hộ của họ và các thành viên khác trong Giáo hội đã sử dụng người thuộc quyền săn sóc của mình để thỏa mãn các nhu cầu rối loạn của chính mình thay vì đưa họ về với Chúa.

Các mức độ bảo vệ

Tiến sĩ Dy-Liacco giải thích, vai trò của người giám hộ có ba cấp độ. Nó bắt đầu với việc tự chăm sóc mình của người cung cấp việc bảo vệ. Người bảo vệ trước hết phải an toàn với chính mình để có thể an toàn với người khác và đảm bảo sự an toàn cho người khác. Những người này sau đó tạo thành một mạng lưới với những người lớn an toàn khác để tạo ra một cộng đồng an toàn. Hai nhân tố này sau đó xây dựng các hệ thống hoặc cơ cấu an toàn trong đó thừa tác vụ an toàn có thể được cung cấp trong một môi trường an toàn.

An toàn là an toàn ra sao?

Cả ba cấp độ cần phải có mặt để bảo đảm cho Giáo hội trở thành một nơi an toàn cho mọi người, đặc biệt các trẻ em và những người dễ bị tổn thương khác. Tiến sĩ Dy-Liacco nói, trong một tổ chức như vậy, những kẻ phạm tội sẽ không bị che giấu, các nạn nhân sẽ không bị truyền lệnh phải giữ im lặng và mọi người trưởng thành đặt ưu tiên để các biện pháp bảo vệ an toàn được thực hiện. Tiến sĩ Dy-Liacco kết luận bằng cách đặt câu hỏi, “Giáo hội cần an toàn đến mức nào? An toàn như chính mô hình của Giáo Hội: an toàn như Chúa Kitô”, Đấng cho phép trẻ em đến gần và nói rằng bất cứ ai xúc phạm chúng nên có một cối xay buộc quanh cổ và ném xuống biển...

Kỳ tới: Giáo sư Caffo “Chăm sóc Trẻ em sau cơn cấm cách – đại dịch thay đổi ra sao các mối tương quan của chúng ta? ”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Việt Lễ Thánh Phê rô và Phao lô
Vinh sơn Trần văn Đẩu
07:46 30/06/2020
“ Bàn thạch Phê ro trường tồn thay! Đồng trụ Phao lô trường tồn thay! Đồng đá xây Rô ma vĩnh cường, và đức tin yêu trong tâm hồn. Phù hộ con trên đường đầy gai, và Việt Nam trên đường ngày mai. Vì Chúa đem lửa yêu cho đời… Lời bài ca nhập lễ trên đây của ca đoàn Mẹ Thiên Chúa đã hướng cộng đoàn sốt sang tham dự Thánh lễ Kính Hai Thánh Tông Đồ Phê rô và Phao lô bổn mạng giáo họ Bàu Cát và kỷ niệm 33 năm ngày tụ phong Linh Mục của Cha chánh xú Đa minh và 8 năm thụ phong Linh Mục Cha Phó Giuse diễn ra lúc 17g30 thứ hai 29/06/2020, tại Giáo xứ Tân Việt.

Xem hình

Thánh lễ do Lm Chánh xứ Đa minh Vũ Ngọc Thủ chủ sự cùng với sự hiện diện của toàn thể cộng đoàn giáo xứ.

17g30, Quý chức và đại diện các đoàn thể đón Lm chủ tế lên cung thánh, bắt đầu Thánh lễ tạ ơn.

Đầu lễ Lm chủ tế nhắn nhủ: Hôm nay toàn thễ giáo hội long trọng cử hành Lễ kính hai Thánh Tông đồ Phê rô và Phao lô là bổn mạng của giáo họ Bàu Cát, Đồng hương Lạc đạo và là bổn mạng của rất nhiếu quý ông. Hòa trong niềm vui chung, chúng ta cùng chúc mừng nhau.

Chia sẻ Tin Mừng Lm chủ tế nói: Thánh Phê rô đã từng chối Chúa 3 lần và lập tức có tiếng gà gáy. Tiếng gà gáy đó đã cảnh tỉnh Thánh nhân, giúp Ngài nhận ra sự yếu đuối của phận người và sau đó Ngài đã dấn than theo Chúa đến cùng.

Ngày nay cũng vậy, không phải tiếng gà gáy, mà chính là tiếng chuông nhà thờ hằng ngày vẫn đang kêu gọi, vẫn đang đánh thức mỗi người chúng ta để chúng ta đến với Chúa nhiều hơn và gặp gỡ Chúa qua Bí Tích Thánh Thể.

Ngài kết luận: Tạ ơn Chúa đã ban thật nhiều ơn lành trên đất nước và giáo xứ chúng ta. Xin cho mỗi người chúng ta biết quý trọng thời gian của mình và biết chu toàn bổn phận Chúa trao hầu rao giảng Chúa cho những người chung quanh.

Thánh lễ tiếp tục với Lời nguyện tín hữu và Dâng của lễ.

Trước khi nhận phép lành cuối lễ. Lm chủ tế gởi lời cám ơn đến cộng đoàn đã cầu nguyện, chúc mừng đến hai cha trong ngày kỷ niệm hồng ân Linh Mục. Xin cộng đoàn tiếp tục cầu nguyện để các Ngài chu toàn sứ vụ mà Thiên Chúa và Giáo Hội trao ban.

Mừng kính hai Thánh Tông Đồ Phê rô và Phao lô, xin cho chúng con biết tín thác trọn vẹn và sự quan phòng của Thiên Chúa, để Chúa dẫn dắt trên mọi nẻo đường. Có tìn yêu trọn vẹn thì con đường theo Chúa mới trở nên thênh thang.

Vinh sơn Trần văn Đẩu
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Tại sao không đọc Kinh cầu các thánh trong Lễ cưới?
Nguyễn Trọng Đa
07:30 30/06/2020
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Khi nào Kinh cầu các thánh có thể được sử dụng? Liệu kinh này có thể thích nghi với các nghi thức phụng vụ, mà chưa được dành cho các nghi thức ấy không? Tại sao Kinh được sử dụng và cho mục đích gì? Kinh cầu các thánh được sử dụng trong lễ rửa tội, lễ truyền chức, trong các làm phép và thánh hiến các địa điểm (nhà thờ) và con người, trong Đêm Vọng Phục Sinh, vv Tình huống cụ thể mà con đang đề cập là trong lễ cưới. Lễ cưới là một thời điểm quan trọng trong cuộc sống của đôi vợ chồng, và họ chọn một ơn gọi đặc biệt. Con hiểu rằng Kinh cầu các thánh được sử dụng để nhận biết, để kêu gọi các vị thánh cầu nguyện cho các người sắp được truyền chức hoặc khấn Dòng, nhưng nghi thức không cung cấp Kinh cầu các thánh trong lễ cưới. Nếu có một ơn gọi cần sự giúp đỡ rõ ràng của các thánh, thì con nghĩ đó sẽ là ơn gọi hôn nhân. Có vẻ kỳ lạ là tại mỗi thời điểm quan trọng khác trong cuộc sống của một người, Kinh cầu các thánh được hát, nhưng không phải trong lễ cưới. Liệu có là thích hợp để đưa Kinh cầu các thánh vảo nghi thức lễ cưới không? Vì Kinh cầu các thánh có thể bao gồm công thức cho các lời cầu bầu chung, liệu cha có thấy là phù hợp để thay thế lời nguyện tín hữu bằng Kinh cầu các thánh không? - J. M., Sydney, Úc.


Đáp: Kinh cầu các thánh (từ tiếng Hy Lạp "lite", cầu nguyện) là một hình thức cầu nguyện tập thể đơn giản và phổ biến, mà trong Hội Thánh sơ khai đã được sử dụng trước khi giải tán các dự tòng, vì họ không thể tham dự trong lời nguyện tín hữu. Thông thường một phó tế hoặc một độc viên sẽ liệt kê một loạt lời cầu đơn giản, và mọi người sẽ trả lời bằng một cụm từ như "Cầu cho chúng con."

Nguồn gốc của Kinh cầu các thánh là chưa được biết rõ ràng, và các hình thức của lời cầu nguyện này cũng tồn tại trong văn hóa Do Thái và ngoại giáo. Có bằng chứng sớm về việc sử dụng hình thức Kinh cầu các thánh ở Rôma từ trước năm 225.

Kinh cầu các thánh được chia thành hai thành phần: việc mời gọi danh sách các vị thánh, và một loạt các lời khẩn cầu trực tiếp đến Thiên Chúa, vốn gần như chắc chắn là xưa cũ hơn so với danh sách các vị thánh.

Trong khi sự thực hành một danh sách ngắn các vị thánh được viết bằng tiếng Hy Lạp có thể đã bắt đầu ở Rôma, dưới thời Giáo hoàng Sergius (687-701), có vẻ như Kinh cầu các thánh mà chúng ta biết ngày nay, đã phát triển ở Ireland và Anh trong thế kỷ VIII, và từ đó Kinh trở về lục địa châu u một trăm năm sau hoặc trễ hơn nữa.

Trong khi Kinh cầu các thánh được tìm thấy trong một số nghi thức khác nhau, điều này không phù hợp với một kế hoạch đã định. Thay vào đó, Kinh đã phát triển độc lập trong mỗi nghi thức theo một thang thời gian khác nhau, và bằng chứng sớm nhất về việc sử dụng Kinh là cho phụng vụ rửa tội.

Chức năng thiết yếu của Kinh là cầu khẩn sự cầu bầu của các thánh và sự bảo vệ của Chúa, trước một thời điểm đặc biệt hoặc một nghi thức đặc biệt quan trọng. Kinh đôi khi cũng được sử dụng trong cuộc rước; thí dụ, một Kinh cầu các thánh đặc biệt đôi khi đi kèm với cuộc rước vào nhà thờ cho một số buổi cử hành giáo hoàng có ý nghĩa đặc biệt và long trọng.

Nghi thức hôn phối có lẽ chưa bao giờ có một Kinh cầu các thánh, bởi vì việc ấn định các hình thức thiết yếu của nghi thức này đã xuất hiện nhiều thế kỷ, trước khi có sự sử dụng Kinh cầu các thánh.

Mặc dù ý tưởng đưa Kinh cầu các thánh vào bối cảnh của một lễ cưới không phải là không xứng đáng, nhưng sẽ là không đúng nếu thay thế độc lập lời nguyện tín hữu bằng Kinh cầu các thánh, vì điều này sẽ làm thay đổi nghi thức đã có của hôn phối Kitô giáo.

Vì hôn nhân là một trong các nghi thức, mà Hội đồng Giám mục hưởng sự rộng rãi để thích nghi với nhu cầu địa phương, nên sẽ không thể tưởng tượng được một Hội đồng Giám mục quốc gia cụ thể đề nghị Tòa Thánh giới thiệu một hình thức Kinh cầu các thánh nào đó.

Tuy nhiên, sẽ không có khó khăn đặc biệt nào trong việc đưa một số hình thức Kinh cầu các thánh vào bối cảnh lời nguyện tín hữu. Thí dụ, một lời cầu xin như: "Xin cho anh.. và chị.. có thể bắt chước trong cuộc sống của họ các vị thánh đã được nên thánh trong đời sống kết hôn, đặc biệt là thánh Priscilla và Aquila, thánh N. và thánh M., v.v., mà chúng con cần lời cầu bầu của các ngài hôm nay."

Một số bạn đọc bình luận về triển vọng sử dụng Kinh cầu các thánh trong lễ cưới.

Một linh mục đã viết: "Tôi nghĩ rằng tôi sẽ chia sẻ với cha một cách sử dụng thú vị Kinh cầu các thánh, mà tôi đã thấy trong một lễ cưới, mà tôi đã tham dự khi tôi còn là một chủng sinh. Kinh cầu các thánh này được sử dụng làm bài hát tập họp trong cuộc rước vào nhà thờ. Tôi thấy thật là thú vị để đưa Kinh cầu các thánh vào lễ cưới. Tôi nói thêm rằng cuộc rước là một cuộc rước đông người thực sự, và không chỉ là một lối đi vào lạ mắt của cô dâu."

Sự sử dụng Kinh cầu các thánh được mô tả này, như một bài ca tập họp hoặc bài ca cho cuộc rước, là khá thích hợp.

Một bạn đọc khác thông báo với tôi rằng, một vài Hội đồng Giám mục đã được phê duyệt hoặc đang trong quá trình phê chuẩn và đệ trình lên Tòa Thánh để phê chuẩn, các nghi thức sửa đổi cho lễ cưới, vốn thấy trước khả năng thay thế Kinh cầu các thánh cho lời nguyện tín hữu.

Có một số câu hỏi khác liên quan đến lễ cưới. Một bạn đọc từ Ottawa, Canada, hỏi: "Sau khi thảo luận về ý tưởng đám cưới với người yêu của con, con biết là lễ cưới của chúng con sẽ có tới bốn linh mục! Đâu là vai trò thích hợp trong lễ cưới cho các linh mục 'có thêm' này? Các vị chỉ là khách thuần tuý sao? Các vị ‘đồng tế’ (một thuật ngữ không chính xác, nhưng lại trốn tránh con) lễ cưới chúng con được không? "

Không có gì khó khăn trong việc các linh mục đồng tế trong một lễ cưới. Tuy nhiên, chỉ có cha xứ hoặc một linh mục được ủy nhiệm để chứng nhận lời hứa hôn phối, có thể điều hành các nghi thức hôn phối đặc biệt, vốn không thể được phân công cho các thừa tác viên khác. Tuy nhiên, vì các lý do nghiêm trọng, một linh mục khác có thể giảng lễ.

Một bạn đọc từ Việt Nam đã đề cập đến một điều mới lạ khác thường: "Tại giáo xứ của chúng con, đôi khi hai người đọc chia sẻ cùng một bài đọc trong Thánh lễ, đặc biệt là trong lễ cưới, mà trong đó cô dâu đọc nửa bài và chú rể đọc tiếp nửa bài đọc. Thưa cha, con ngạc nhiên là liệu sự thực hành này được cho phép không? "

Vì các quy định phụng vụ không thể bao gồm tất cả những gì trí tưởng tượng có thể pha chế ra, nên điều ấy là không bị cấm rõ ràng. Nhưng nó đi ngược lại thực hành phụng vụ đúng đắn. Nếu cả cô dâu và chú rể đều muốn đọc, thì một người đọc bài đọc, còn người kia đọc thánh vịnh. Sách bài đọc cho các thánh lễ nghi thức cũng cho phép khả năng thêm một bài đọc thứ hai.

Cuối cùng, một bạn đọc từ Michigan, Hoa Kỳ, đã viết: "Vào tháng 7, một đám cưới dự kiến ​​sẽ diễn ra tại giáo xứ của chúng con trong Thánh lễ 6 giờ chiều bình thường của chúng con. Một số giáo dân buồn bã về điều này, và cho rằng đám cưới phải được diễn ra trong một Thánh lễ riêng. Xin cha giải thích liệu điều này được cho phép không. Con nên nói với cha rằng chúng con đang ở trong một cộng đồng bán nông thôn, và cha xứ chúng con, cũng như rất nhiều linh mục khác, phải coi sóc hai giáo xứ lận."

Không có quy tắc nào về việc đám cưới diễn ra trong một Thánh lễ riêng biệt. Và thậm chí đôi khi, một số bí tích, như bí tích rửa tội và thậm chí bí tích hôn phối, nên được cử hành trong Thánh lễ Chúa nhật nữa.

Điều này giúp làm nổi bật ý thức cộng đồng của các bí tích này. Hôn nhân "trong Chúa" không chỉ là chuyện riêng tư, mà là nguồn vui cho cả cộng đồng Hội Thánh. Một lễ cử hành như vậy cũng sẽ giúp nhắc nhở các cặp vợ chồng rằng, cam kết của họ không chỉ đối với nhau, mà còn đối với Thiên Chúa và Hội Thánh nữa.

Vì một lễ cưới trong Thánh lễ Chúa nhật bình thường có thể dẫn đến một số khó khăn thực tế, cha xứ cần phải tính đến nhu cầu của các người đi nhà thờ thường xuyên. Bằng cách thông báo trước, cha xứ đã đảm bảo rằng các người không muốn tham dự thánh lễ ấy, họ sẽ có nhiều thời gian để thiết lập các kế hoạch khác thay thế.

Ngoài ra còn có một số quy định cụ thể liên quan đến các tình huống, khi có thể cử hành Thánh lễ Hôn phối vào Chúa nhật, và trong trường hợp nào các bài đọc Chúa nhật thông thường có thể được thay đổi. Nếu các bài đọc và lời nguyện được lấy từ Thánh lễ nghi thức tại một giáo xứ, vốn thường xuyên cung cấp các bài đọc thánh lễ cho các tín hữu, thì nên chuẩn bị đầy đủ các tập nhỏ cho tất cả những ai tham dự. (Zenit.org 19-6 và 3-7-2007)

Nguyễn Trọng Đa

https://www.ewtn.com/catholicism/library/why-no-litanies-at-a-wedding-4375
 
Người theo đạo Công Giáo ở Việt Nam được gọi là Giáo Dân từ khi nào và ai đã đặt ra cách gọi ấy ?
Nguyễn Văn Nghệ
07:36 30/06/2020
Theo sách Khâm định Việt sử, thì từ năm Nguyên Hòa nguyên niên đời vua trang Tông nhà Lê (1533) có người Tây tên là I-nê-khu đi đường bể vào giảng đạo Thiên Chúa ở làng Ninh Cường, làng Quần Anh, thuộc huyện Nam Chân (tức Nam Trực) và Năm Nhâm Thìn (1712) đời vua Lê Dụ Tông, chúa Trịnh Cương bắt những người theo đạo Công Giáo phải cạo trán và khắc vào mặt bốn chữ “học Hoa Lan đạo”. Tại sao gọi đạo Công Giáo là đạo Hoa Lan? Hoa Lan tức là Hòa Lan (Hollande/ Netherlands). Người Hòa Lan sang buôn bán ở Đàng Ngoài trước hết cả cho nên mới gọi là đạo Hòa Lan. Vả lúc bấy giờ người dân nước ta không phân biệt được những nước nào, hễ thấy người phương Tây đều gọi là người Hòa Lan.

Sau đó không gọi đạo Hoa Lan mà gọi là đạo Da tô (Chữ “Da” trong Da tô, viết chữ Hán thuộc bộ “Nhĩ” đọc là “Da” chứ không phải “Gia”). Da tô là phiên âm tên Jésus- Đấng sáng lập ra đạo Thiên Chúa- sang tiếng Trung Quốc, cho nên gọi đạo Da tô là vậy. Nước ta trước khi có các giáo sĩ sang truyền đạo Da tô thì “tự xưa đến nay vẫn theo Nho giáo, lấy sự thờ cúng ông cha làm trọng, lấy sự tế tự thần thánh làm phải, mà lệ nước thì lấy sự cúng tế làm một việc rất quan trọng. Đột nhiên thấy nhiều người mình theo đạo Thiên Chúa, bỏ cả các thói cũ, chỉ chuyên về một mặt theo đạo mới, bởi vậy cho nên trong Nam ngoài Bắc, vua chúa đều cho đạo ấy là một tà đạo, làm hủy hoại cả cái phong hóa của nước nhà xưa nay, bèn xuống chỉ cấm không cho người trong nước theo đạo mới nữa, và đặt ra phép nghiêm để bắt tội những kẻ không tuân theo chỉ dụ ấy”( Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa Thông tin, tr. 367)

Dân theo đạo Da tô được gọi là ‘tả đạo” hoặc “dửu dân”.

Triều đình nhà Nguyễn gọi những tín đồ đạo Da tô là “tả đạo” hoặc “dửu dân”. Sách Hán văn tân giáo khoa thư lớp đồng ấu do Lê Thước và Nguyễn Hiệt Chi soạn, Nha Học chính Đông Pháp xuất bản năm 1930, cuối trang 12 giải thích “Tả đạo”: “nghĩa là đạo trái. Ta quen gọi đạo Da tô là “tả đạo”. Hán văn tân giáo khoa thư lớp sơ đẳng, trang 33, tác giả giải thích “tả đạo”: “nghĩa là đạo trái, người ta quen gọi đạo Thiên Chúa”.

Dửu dân có nghĩa là dân xấu. Theo Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải thích nghĩa chữ “dửu”: cỏ vực, hay mọc trong ruộng lúa làm hại lúa, cho nên cái gì ác hại gọi là dửu. Tục dân tốt gọi là lương, tục dân xấu gọi là dửu. Người xưa có câu: “ Lương dửu bất tề” (Người tốt và người xấu không như nhau).

Dân theo đạo Da tô được gọi là dửu dân, dân không theo đạo Da tô được gọi là lương dân.

Tháng 6 năm Tân Dậu (1861) triều đình nhắc nhở việc phân sáp người theo đạo Da tô: “ …phàm những dân đạo trai gái già trẻ, không cứ đã bỏ đạo hay chưa, đều thích chữ vào mặt, chia ghép đến ở vào xã thôn không có đạo, mà phải quản thúc cho nghiêm. Những tên đầu mục hung ác vẫn nghiêm giam như cũ. Nếu người Tây dương đến nơi, thì đem bọn dân đạo ấy giết cho hết” (Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.725).

Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn kể lại việc thích chữ vào mặt: “ Giáo dân lớn nhỏ bắt bừa/ Bắt ra thích tự chẳng chừa gái trai/ Tội chi nào biết hỏi ai/ Xẻ mày, xẻ mặt chịu chai, chịu lỳ”( Lam Giang& Võ Ngọc Nhã, Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công Giáo ái quốc Việt Nam, Tác giả tự xuất bản, tr.99)

Thích chữ gì vào mặt người theo đạo Da tô: Tả đạo hay Tà đạo? Trong một tấm ảnh xưa, hai chữ được thích trên má trái những người theo đạo Da tô là hai chữ “Tà Đạo”.

Tháng 6 năm Nhâm Tuất (1862): “ lại tha tội cho những dân xấu chưa bỏ đạo ở các hạt, lấy cớ là hòa nghị đã xong nên bỏ lệ cấm đó” (Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr.780). Linh mục Đặng Đức Tuấn nhắc đến sự kiện bãi bỏ lệnh bắt đạo: “ Mười bảy tháng sáu chỉ ra/ Nam tráng đầu mục thảy tha phản hồi”( Lam Giang& Võ Ngọc Nhã, sđd, tr. 162).

Tuy đã bãi bỏ lệnh bắt đạo, nhưng người theo đạo Da tô vẫn còn bị gọi là tả đạo hoặc dửu dân. Tháng 12 năm Mậu Thìn (dương lịch đã sang năm 1869): “ Giám mục Đông (nguyên ở Hà Nội giảng đạo), Giám mục Hậu, Giám mục Bình[**] đệ đơn đến bộ Lễ đổi 4 chữ “tả đạo”, “dửu dân”. Bộ Lễ cho là triều đình thương dân như một, vốn không có phân biệt phàm kính làm sổ sách, hoặc khi có giấy tờ, cho đổi viết là dân đạo, dùng để cho nhớ mà thôi. Vua y cho” (Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, tr.1149).

Dân đạo gọi là “Giáo dân”, dân lương gọi là “Bình dân”

Tháng 10 năm Giáp Tuất (1874) “ Chuẩn cho dân đi đạo đổi gọi là giáo dân, dân đi lương đổi gọi là bình dân. (Từ trước đến nay dân theo đạo, hoặc gọi là dửu dân, hoặc gọi là tả đạo, từ khi bỏ cấm, bỏ các chữ dửu, chữ tả chỉ gọi đơn giản bằng chữ đạo. Gần đây cứ lời Khâm sứ đóng ở Kinh nói rằng: lương, đạo đều gọi, chưa khỏi sỉ nhục giáo ấy. Đã chuẩn cho quan ở nha Thương bạc đem nghĩa hai chữ ấy trả lời, nói: Lương là an thường thủ phận, không làm gian ác; Đạo là khuyên người làm lành, không làm bất chính. Hai chữ đối nhau, văn nghĩa giống nhau, lại tốt xấu gì, đạo gọi là đạo mà lương không gọi là lương thì gọi là gì? Rồi sứ ấy đã biết chữ lương không để bỏ được, lại yêu cầu phàm những người theo giáo ấy gọi là nghĩa dân, đức dân, quan ở nha Thương bạc cho là sứ ấy đã nói nhiều như thế, xin gọi là giáo dân. Vua y cho, nhân chuẩn cho dân lương cũng đổi gọi là bình dân)” (Đại Nam thực lục tập 8, Nxb Giáo dục, tr.75)

Năm 1885 phong trào Sát Tả bình Tây nổi lên cả dân đạo lẫn dân lương đều bị tàn phá: “ Đạo dân đã hết cửa nhà/ Bình dân nay đã cháy ra tro tàn”( Lam Giang& Võ Ngọc Nhã, sđd, tr.537).

Tuy đã được quy định dân đạo gọi là “Giáo dân”, dân lương gọi là “Bình dân” nhưng người dân vẫn quen miệng gọi người theo đạo Da tô là “Tả đạo”. Trong bài hát giặm sáng tác sau năm 1885, nói về cuộc khởi nghĩa của Lê Ninh được phổ biến, lưu truyền rộng rãi trong dân chúng Nghệ Tĩnh: “Lương dân và tả đạo/Đường buôn bán thông hành/ Vô hà sự tương tranh…”; “ Bên giáo với lương dân/ Giai quốc gia xích tử/ Giai triều đình xích tử”( Lam Giang& Võ Ngọc Nhã, sđd, tr. 450)

Thuật ngữ “ Đạo dân/ Giáo dân” để chỉ người Công Giáo; “ Lương dân/ Bình dân” để chỉ người không Công Giáo đều không chuẩn. Bởi vì ở Việt Nam không chỉ có đạo Công Giáo mà còn có đạo Phật, Cao Đài, Hòa Hảo…Do đó khi nói “đạo dân”, “giáo dân” thì phải nói đạo nào, giáo nào. Hơn nữa “ lương dân” là dân tốt, “ bình dân” là dân thường thì ở đâu cũng có. Tuy nhiên thuật ngữ chỉ là một quy ước về ngôn ngữ. Theo một quy ước bất thành văn nào đó, người ta vẫn gọi người theo đạo Công Giáo và không Công Giáo bằng hai từ “ Giáo- Lương”: “Đoàn kết Lương- Giáo”.

Nguyễn Văn Nghệ

Giáo xứ Cây Vông- Nha Trang

Chú thích:

[*] Làng Ninh Cường nay thuộc xã Trực Phú, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định; Làng Quần Anh nay thuộc xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định; Làng Trà Lũ nay thuộc xã Giao An, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định

[**] Giám mục Đông tên là Pierre Jean Marie Gendreau. Vào thời điểm năm 1869, Giám mục Đông mới là Linh mục mà thôi. Linh mục Gendreau Đông được tấn phong Giám mục vào ngày 16.10.1887, coi sóc Giáo phận Tây Đàng Ngoài (Giáo phận Hà Nội); Giám mục Hậu tên là Jean Denis Gautier coi sóc Giáo phận Nam Đàng Ngoài ( Giáo phận Vinh); Giám mục Bình tên là Joseph Hyacinthe Sohier coi sóc Giáo phận Bắc Đàng Trong (Giáo phận Huế).
 
Ơn Gọi Của Các Đức Giáo Hoàng
Giáo Xứ Việt Nam Paris tổng hợp
08:49 30/06/2020
Đọc lại các tác phẩm gần đây thấy mỗi Giáo Hoàng có ơn gọi đặc biệt. Xin trích dẫn kính tặng các vị đã thánh hiến như gương soi cho người trẻ noi theo tiến bước. Đồng thời khuyến khích phụ huynh tạo điều kiên cho con em gần và theo Chúa gọi. Thật đúng, gia đình là ‘chủng viện đầu tiên’ đào tạo ơn gọi.

Thánh Giáo Hoàng XXIII

Năm lên 10, Angelo Giuseppe Roncalli (sau là Giáo Hoàng) được cha xứ Carvico, Pierre Bolis, chọn cho học Latinh. Mỗi sáng Angelo đi nửa giờ tới giáo xứ. Mới học ít lâu, cha bắt dịch sách Sécar viết về ‘chiến tranh Gaulois’. Cha phó Francesco Rebuzzini sau làm cha sở đã nói về Angelo: can đảm sống nghèo, đức tin không lay chuyển, sẵn sàng sống quảng đại, phó thác. Angelo đã chuẩn bị nhiều thử thách lãnh trách nhiệm khi trở thành linh mục và nhận trách nhiệm trao phó. Roncalli nhớ mãi câu thánh Bênadô mà cha sở ghi trên tường:

Hòa bình trong tâm hồn, chiến tranh hung bạo bên ngoài

Bạn nghe tất cả, nhưng tin cậy ở vài người

và tôn trọng tất cả mọi người

Đừng tin những gì bạn nghe được

Đừng xét đoán những gì bạn thấy

Đừng làm những gì bạn có thể

Đừng cho tất cả những gì bạn có

Đừng nói hết những gì bạn biết.

Hãy cầu nguyện, đọc sách, tĩnh tâm, thinh lặng bạn sẽ được bình an.

(Chân Phước Giáo Hoàng XXIII 1881-1963. GXVN Paris Xb 2000. ttr 17-18)

Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI ghi trong nhật ký, ơn gọi qua các biến cố:

Lúc 6 tuổi Gioan Baotixita Montini (sau là Giáo Hoàng) hay tin buồn ĐGH Leo XIII băng hà, cần cầu nguyện cho Người Kế Vị Thánh Phêrô. Bốn năm sau, bố mẹ dẫn con về thăm hang Toại Đạo Roma.

Năm 1907, gia đình dọn về cạnh nhà thờ Santa Maria delle Grazie, ngày ngày cha mẹ dẫn con đi đọc kinh, dự lễ, dưới chân tượng Đức Mẹ người trẻ thầm nguyện và nhận được nhều ơn thánh.

Năm 1910, xa nhà khoảng 25 cs xuất hiên tu viện Biển Đức. Có một số thầy hướng dẫn giới trẻ, trong đó có Montini. Mầm mầm mống ơn gọi từ đây. Nhật ký (1913) ghi:Tôi ngây ngất không hồ nghi trong đáy lòng ao ước phục vụ tha nhân.

Tháng 7. 1913, cùng người bạn nhập chủng viện Santangelo. 1914, tuyên bố sẽ thành linh mục. Và viết: Lạy Chúa Kitô, con xin hiến dâng mình trong tay Chúa. Chúa là Con Đường, là Sự Thật là Sự Sống. Dưới chân Thánh Giá. Con xin nhận đau đớn thể xác như của lễ hy sinh mà sau này con sẽ hiến dâng trong Thánh Lễ sau này.

Cha linh hướng xác nhận về ơn gọi của người con tinnh thần : Baotixita từ nhiều năm đã suy nghĩ chín chắn về con đường theo Chúa. Ứng sinh đầy nghị lực, quyết tâm làm việc không mệt mỏi cho các linh hồn. Cha sở Fracesco Gallono xứ Pieve de Concessio làm chứng : Thày nhiệt tình, tận tâm với công tác trao phó và quan tâm tới việc truyền giáo, liên hệ tốt với người nghèo khi cần đến.

(Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI (1897-1979). Xb 2015. ttr, 41-44)

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Người ta đọc thấy ơn gọi của vị Giáo Hoàng người Balan qua 3 tác phẩm

-Tháng 10.1942, Karol bắt đầu đi “tu chui, học thần học và làm việc ở hầm mỏ. 1944, nhận các chức nhỏ. 1846, lãnh chức Phó Tế và thụ phong linh mục do HY Stephan Sapieha (Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005, Xb 2011. ttr, 13)

-Ơn gọi của ĐGH Gioan Phaolô II được đánh động bằng cử chỉ bác ái: Chúa cúi xuống rửa chân cho các Môn Đệ và Đức Mẹ đóng vai trò thật quan trọng trong việc huyền nhiệm này. (“Đứng dậy! Ta đi nào!” (tự thuật). web side, conggiaovietnam. net)

-Trong tác phẩm ‘Ma vocation, don et mystère’, Cerf 1999. Ơn gọi của tôi. Tặng phẩm và Huyền Nhiệm), kỷ niệm 50 linh mục ĐGH Gioan Phaolô II kể lại từng bước quả là ‘tặng phẩm và huyền nhiệm’ :

Năm 1938, học trung học đệ nhị cấp, Karol Wojtyla (sau là Giáo Hoàng) được cha xứ giáo sư Eward Zacher cử đọc lời chào đón ĐTGM Cracovie, Adam Stefan Sapieha thăm giáo xứ. Xong, ĐTGM hỏi cậu đó là ai? Cha xứ thưa : nó học Triết Ba Lan. ĐTGM : uổng quá, cậu ấy không học thần học sao ! Lúc ấy, ơn gọi chưa chín mùi, nhưng bạn bè cứ nghĩ tôi đi tu. Nhưng tôi lại say mê văn chương, kịch nghệ, làm thơ, đá banh. Vào đại học Jagellon, trong kinh truyền tin, câu làm tôi cảm kích : Chốc ấy Ngôi Hai xuống thế làm người và ở cùng chúng tôi (et Le Verbe c’est fait chair et Il a habité parmi nous, Jn 1, 14)

Năm 1939, thế chiến đến, tôi vừa học vứa làm việc trong hầm mỏ Solvay. Gặp cha Franciszek Labus, hỏi : Karol, con có muốn làm linh mục không. Câu hỏi tràn ngập ơn gọi tôi. Năm 1942, tôi bỏ tất cả vào chủng viện Cracvovie. Năm 1946, thụ phong linh mục với khẩu hiệu, lời thánh Louis Marie Grignon de Montfort : Totus Tuus ergo sum et omnia mea Tua sunt. Accipio Te in mea omnia. Praebe mihi cor Tuum, Maria. ( x. ttr 17-50)

Đức Giáo Hoàng Danh Dự Benedicto XVI diễn tả tư tưởng triết học về ơn gọi như sau:

-Giáo dục gia đình chặt chẽ. Đọc kinh chung. Theo cha mẹ đi nhà thờ dự lễ, bố mua cho cuốn sách missel bằng tiếng Đức dễ theo dõi nghi lễ phụng vụ, âm nhạc. Sau lễ say mê ngắm ảnh tượng, Đường Thánh Giá trong nhà thờ.

Con người vào đời như người dò đường, sẵn sàng ghi nhận chỉ dẫn. Con người có sẵn hoài niệm về Thiên Chúa, đang thành hình, cần đánh thức dậy. Thích mở rộng lý trí tìm hiểu tôn giáo.

Nhìn người thợ sơn, Georg Razinger (sau là Giáo Hoàng) muốn trở thành thợ sơn. Nhưng hình ảnh ĐHY áo đỏ đến thăm giáo xừ lấn át, in sâu và tâm trí, khuấy động ơn gọi.

Bố mẹ rất đạo đức, gửi ba đứa con nội trú. Người anh làm linh mục nêu gương trước. Ơn gọi được sáng tỏ cách thần bí. Từ tạo dựng vũ trụ. Sáu năm thần học là thời gian làm say mê đắm chìm trong ơn Thánh: Chúa chọn, gọi. (Muối Cho Đời, (trai đổi với Peter Seewald) Bản dịch, Xb 2006, tr.44-121)

ĐGH Phanxicô từng nói người nghèo lôi kéo ơn gọi của Ngài nên đã lấy tên Phanxicô. Ở đây chúng ta theo dõi Ngài giải thích về “Đời sống thánh hiến ngày nay” qua tập sách “Sức mạnh của ơn gọi” do trò chuyện với Fernando Prado (Papa Francisco. Una Conversacion con Fernando Prado (2018). ĐGH nói : Không say mê Đức Kitô, không có tương lai cho đời sống thánh hiến. Đời sống thánh hiến khiến người ta suy nghĩ:

-Các vị đã thánh hiến đời sống làm việc không tự phụ, vênh vang ồn ào. Làm việc mà không coi mình là quan trọng. Làm việc mà sống và cầu nguyện,

- Nhiều tu sỹ hoàn toàn bỏ mình, sống tận lực với ơn gọi cách mẫu mực

- Vào các nghĩa trang, thật nhiều ngôi mộ ghi tên những vị thánh hiến ngã gục rất trẻ

- Những người ấy thánh hiến mỗi ngày, họ là các vị “thánh kế bên”

(Lm Lê Công Đức dịch)

Dịp trước, ngày 21.12.2015, ĐGH gửi thông điệp Giáng Sinh cho giáo triều, liệt kê 12 đức tính cần thiết:

-Tinh thần truyền giáo và thái độ phục vụ: Đó là tinh thần sáng tạo. Mỗi người được rửa tội là nhà truyền giáo.

-Năng khiếu và nhạy bén: là nỗ lực để có điều kiện thực hiện

-Tâm linh và tình người: là cốt sống cần thiết của Kitô hữu nhắm tới hành động

-Gương mẫu và lòng trung thành: mẫu mực để tránh bê bối làm đau lòng người khác

-Tính hợp lý và lòng tử tế : tránh đa cảm quá sức, phóng đại, quan liêu

-Thận trọng từ ái và cương quyết: thận trọng phán đoán, bốc đồng và nóng vội.

-Tình yêu và chân lý: hai đức tính không tách rời. Thực hiện trong yêu thương và chân lý

-Trung thực và trưởng thành: trung thực là công bằng. Trưởng thành để đạt tới hài hòa

- Tôn trọng và khiêm tốn: là nhạy cảm luôn chú ý tới người khác.

-Quảng đại và chú ý: tin tưởng phó thác vào quan phòng của hiên Chúa

-Can đảm và tỉnh táo: Không sợ hãi khi đối mặt khó khăn, hành động dứt khoát tránh hờ hững.

-Tin cậy và giản dị : Tôn trọng nghĩa vụ, bình tĩnh lây lan chung quanh, không gây thất vọng được trao phó.

(RV. Lm Lê văn Tuấn)

Kết luận bằng đoạn thư của Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII tâm sư gửi cho gia đình : Các em cần nhớ rằng, do lòng Chúa, dòng họ Roncalli được cả thế giới biết, hãy yêu thương nhau và đoàn kết. Đặc biệt, anh thương các em đang nghèo khổ nhất. Có em phải xuống tận Milan kiếm công ăn việc làm. Đôi khi thấy các em nghèo, có người thiển cận nói: Có anh làm Giáo Hoàng mà dòng họ vẫn nghèo nàn. Các em nên biết có nhiều người hiểu Giáo Hoàng là con nông gia chất phác và khả kính. Như anh. Vinh dự Giáo Hoàng là giúp đỡ người khác. Đó là tước hiệu danh của Gioan XXIII, dóng họ Roncalli. Như em Giuseppe nói: anh là Giáo Hoàng là tù hạng sang, không được làm những gì theo ý muốn. Anh thương các em đang nghèo, đang khổ nhất có em phải xuống Milan kiếm việc. Sinh trong gia đình nghèo, lương thiện. Anh hết sức vui mừng được chết trong cảnh nghèo khó. Anh cảm ơn Chúa vì ơn thành bần này. (Chân Phước Giáo Hoàng XXIII 1881-1963. GXVN Paris Xb 2000. tr 20)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sen Hồng
Lê Trị
22:06 30/06/2020
SEN HỒNG
Ảnh của Lê Trị

Sen hồng rực rỡ giữa đầm
Dịu dàng, tinh khiết, duyên ngầm đẹp sao
Hương sen dịu ngọt thanh cao
Quyện trong làn gió đón chào ban mai
(Trích thơ của Trương Túy Anh)
 
VietCatholic TV
Thành viên Quốc Hội Victoria yêu cầu điều tra cảnh sát và ABC News về các thủ đoạn chống Đức Hồng Y Pell
Giáo Hội Năm Châu
05:39 30/06/2020


Một thành viên của Quốc Hội Victoria đã lên tiếng kêu gọi một cuộc điều tra về cách đối xử đầy thù hận với Đức Hồng Y George Pell của cảnh sát và ngành tư pháp tiểu bang, vài tháng sau khi Tòa án Tối cao Úc nhất trí lật lại bản án về năm tội danh lạm dụng tình dục.

Bernie Finn, một thành viên của Quốc Hội tiểu bang Victoria, thuộc Đảng Tự do, cho biết hôm 18 tháng 6 rằng, tính liêm chính của hệ thống tư pháp ở bang này bị thử thách rất nhiều trong phiên tòa.

“Có những câu hỏi lớn đang rất cần câu trả lời. Tôi muốn thấy một cuộc điều tra về sự dính líu của Cảnh sát Victoria, sự dính líu của ngành tư pháp và sự dính líu của chính phủ.”

Finn yêu cầu Jill Hennessey, Bộ Trưởng Tư Pháp Victoria, mở một cuộc điều tra đối với Graham Ashton, cựu Ủy viên cảnh sát Victoria và Tập đoàn phát thanh truyền hình Úc ABC News để khám phá ra cách chúng ta có thể tránh trong tương lai việc xét xử bằng các phương tiện truyền thông. Ông cũng đề nghị làm rõ tại sao Tòa án cấp phúc thẩm đã phán đoán rất sai lầm vụ án này và làm thế nào một người vô tội trong thời đại ngày nay ở Victoria có thể bị bỏ tù. “Ngay cả một nhân vật nổi tiếng như Đức Hồng Y Pell còn bị tù oan thì người dân thấp cổ bé miệng làm sao còn có niềm tin vào hệ thống tư pháp của chúng ta, ” ông Finn đặt câu hỏi.

Đức Hồng Y Pell, tổng trưởng Bộ Kinh tế Tòa Thánh, đã bị kết án vào năm 2018 về năm tội lạm dụng tình dục trẻ em. Ngài bị cáo gian đã tấn công tình dục hai chàng trai trong một ca đoàn khi ngài còn là Tổng giám mục Melbourne vào năm 1996.

Hôm 7 tháng Tư, với tỷ số tuyệt đối 7/7, Tối Cao Pháp Viện Úc Đại Lợi đã truyền rằng Đức Hồng Y George Pell hoàn toàn vô tội.

Tòa án Tối cao truyền rằng có một khả năng quá đáng kể là một người vô tội đã bị kết án oan sai vì các bằng chứng đưa ra không xác định được các tội danh bị cáo buộc so với các tiêu chuẩn chứng minh cần thiết.

Bản tóm tắt phán quyết của Tối Cao Pháp Viện nói: “Tối Cao Pháp Viện thấy rằng bồi thẩm đoàn, nếu hành động một cách hợp lý dựa trên toàn bộ các bằng chứng, cần phải có sự nghi ngờ về lời tố cáo của của người nộp đơn liên quan đến từng tội trạng mà Đức Hồng Y đã bị kết án, và truyền rằng các phán quyết bị hủy bỏ và phán quyết sự tha bổng có hiệu lực tức khắc”. Quyết định đầy đủ gồm 26 trang đã được công bố trực tuyến tại đây.

Những người buộc tội Đức Hồng Y Pell nói rằng sau một trong các Thánh lễ Chúa Nhật đầu tiên tại nhà thờ chánh tòa của ngài với tư cách tổng giám mục mới của Melbourne, ngài đã tách ra khỏi đám rước kết lễ, vội vã trở lại phòng áo, thấy hai cậu bé ca viên ngài chưa bao giờ gặp mặt trước đây, tấn công tình dục họ một cách lộ liễu trong khi vẫn mặc đầy đủ áo lễ như lúc cử hành Thánh Lễ, trong thời gian đó, cánh cửa phòng áo mở toang, nhà thờ chính tòa vẫn đầy người đi lại quanh quẩn, và các người giúp lễ và các người giữ phòng áo đang đi qua lại từ thánh đường đến các phòng áo lễ.

Trước khi qua đời vào năm 2014, một trong hai cậu bé đã xác nhận với mẹ mình rằng anh ta “chưa từng bị bất cứ ai quấy rối hay sờ mó”. Tất cả điều này đã khiến 10 trong số 12 bồi thẩm viên tại phiên tòa đầu tiên bỏ phiếu trắng án cho vị Hồng Y. Tuy nhiên, tại tòa tái thẩm, bồi thẩm đoàn đã bỏ qua sức nặng to lớn của các bằng chứng ngoại phạm và đã bỏ phiếu vào tháng 12 để kết tội ngài giữa bầu không khí cuồng loạn chống Công Giáo.

Hai thẩm phán tại tòa phúc thẩm đã giữ nguyên bản án. Tuy nhiên, một trong những thẩm phán kháng cáo đã bất đồng quan điểm - và ý kiến của ông chứa đựng một số quan sát thú vị về cách thức đưa ra phán quyết.

Như Ông Mark Weinberg, vị thẩm phán phúc thẩm bất đồng với hai người kia đã nhận xét, việc kết án Đức Hồng Y chỉ dựa đơn thuần vào các cáo buộc hoàn toàn không bằng không cớ của người tố cáo duy nhất, trong đó “chứa đựng những điểm thiếu nhất quán và những bất cập hiển nhiên”, và “thiếu giá trị để chứng minh”.

Một số độc giả có thể ngạc nhiên rằng tại sao lại có thể buộc tội hoàn toàn trên cơ sở không bằng không chứng của một người về một sự kiện đã diễn ra hơn 20 năm về trước. Nhưng đó thật sự là những gì đã diễn ra tại Australia như xác nhận của Thẩm phán Weinberg:

“Một đặc điểm khác thường của vụ án này là nó phụ thuộc hoàn toàn vào việc chấp nhận lời khai của người khiếu nại, coi anh ta là một nhân chứng đáng tin cậy và xác thực, bất kể sự nghi ngờ hợp lý. Bồi thẩm đoàn đã được kêu gọi chấp nhận chứng cứ của anh ta mà không có bất kỳ sự hỗ trợ độc lập nào khác.”

Người Công Giáo nhất quyết không tin rằng Đức Hồng Y George Pell phạm tội vì bạn càng hiểu cách một nhà thờ hoạt động, những gì một tổng giám mục làm, thì những lời buộc tội của phía công tố càng kém tin cậy. Trước hết là rượu lễ của nhà thờ được giữ trong một két an toàn; và Hồng Y Pell không thể rời khỏi cuộc rước sau Thánh lễ mà sự vắng mặt của ngài không ai hay biết; các nhân chứng tuyên thệ trước tòa là điều này không bao giờ xảy ra. Hơn nữa, nếu ai đó rất muốn phạm tội tình dục đối với trẻ vị thành niên, người ấy cũng sẽ không làm như vậy vào một trong những ngày Chúa Nhật đầu tiên của mình trong ngôi nhà thờ mới được trùng tu, ở một nơi công cộng, trong khi những người khác đang đợi mình. Một người dám phạm tội như vậy, hẳn phải có một chuỗi các nạn nhân bị lạm dụng trong những tình huống ít hiểm nghèo hơn? Nhưng tuyệt nhiên không có.

Lịch sử của chúng ta tràn ngập các giáo sĩ đi tù vì niềm tin của mình; và đối với hầu hết những người Công Giáo quen biết Đức Hồng Y Pell, cảm mến sự thánh thiện của ngài, thì ngài rõ ràng nằm trong trường hợp này.

Đức Hồng Y Pell, cho đến nay, vẫn là gương mặt đáng chú ý nhất của Công Giáo Úc trong thời gian cả một thế hệ trong cương vị là Tổng Giám Mục Melbourne, sau đó là Tổng Giám Mục Sydney, rồi là Hồng Y, và cuối cùng là người được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn vào năm 2013 để chỉnh đốn nền tài chính của Vatican. Ngài là một cây bút viết các bài chính luận thường xuyên trên báo chí, và là một bình luận viên truyền hình và đài phát thanh, một người rất thích tranh luận trước những người tấn Công Giáo Hội về phá thai, quyền của người đồng tính, phong chức cho phụ nữ, và vô số các vấn đề cấp tiến khác. Ngài là tiêu điểm của trào lưu chống Công Giáo, chống giáo sĩ và chống chủ nghĩa bảo thủ ở một đất nước rất thế tục đang phát động một cuộc chiến chống tôn giáo qua hàng loạt các chiến dịch mà đáng chú ý nhất là việc buộc các linh mục phải vi phạm ấn tín Tòa Giải Tội.

Ủy ban Hoàng gia trong giai đoạn 2013-17 về Phản Ứng Của Các Định Chế Đối Với Lạm Dụng Tình Dục Trẻ Em tập trung phần lớn sự chú ý vào việc tạo ra một ấn tượng rằng Giáo Hội gần giống như một tổ chức tội phạm bao che cho nhau để bảo vệ các thành viên khỏi bị truy tố về tội ác chống lại trẻ vị thành niên.

Ngay trước khi Hồng Y Pell bị tuyên án tờ The Independent chạy hàng tít lớn “Giáo Hội Công Giáo hết thời rồi”. Như thế đã rõ là qua vụ kết án Đức Hồng Y, những lực lượng siêu thế tục tại Úc đang muốn triệt hạ Giáo Hội Công Giáo mà Đức Hồng Y Pell và một biểu tượng.
 
Hiện tượng lạ lùng: Sét đánh chết hơn 100 người ở hai bang Ấn Độ trong cùng một ngày
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:57 30/06/2020

1. Hiện tượng lạ lùng: Sét đánh chết hơn 100 người ở hai bang Ấn Độ trong cùng một ngày

Sét đánh đã giết chết hơn 100 người ở bang miền đông Bihar của Ấn Độ và ở bang miền bắc Uttar Pradesh trong ngày thứ Năm 25 tháng Sáu.

Tám mươi ba người đã bị giết ở Bihar, và ít nhất 22 người chết ở Uttar Pradesh, bang đông dân nhất.

Mười hai người cũng bị thương trong các vụ sét đánh ở Uttar Pradesh. Tại Bihar, một phát ngôn viên của chính phủ cho biết cho đến nay chính phủ chưa hoàn thành thống kê về số lượng những người bị thương.

Hai tiểu bang đã tuyên bố bồi thường 400, 000 rupee Ấn Độ, tức là 5, 300 Mỹ Kim, cho thân nhân của mỗi người chết.

Sấm chớp và giông bão là những hiện tượng khá phổ biến khi mùa mưa bắt đầu ở Ấn Độ khi gió mùa bao trùm hầu hết khu vực phía bắc của đất nước.

Nhưng một sự thay đổi trong mô hình khí tượng đã kéo dài những khoảng trống giữa thời tiết khô hạn và những cơn mưa xối xả. Điều này được cho là đã dẫn đến nhiều vụ sét đánh. Ủy ban Khí hậu Thủy văn Ấn Độ nhận định như trên trong một báo cáo hồi năm ngoái.

Năm ngoái, bang Bihar đã báo cáo 225, 508 trường hợp bị sét đánh. Uttar Pradesh tường trình 322, 886 sét đánh, với 394 người thiệt mạng, từ ngày 1 tháng Tư đến ngày 31 tháng Bẩy năm 2019.

Dù các trường hợp bị sét đánh không phải là hiếm, trường hợp sét đánh giết hơn 100 người ở trong cùng một ngày khá hi hữu.


Source:Reuters

2. Hội Truyền Giáo San Juan Capistrano di dời các bức tượng Thánh Junipero Serra để bảo vệ

Liên quan đến California, hai bức tượng của Thánh Junipero Serra đã được di chuyển khỏi một hội truyền giáo và một nhà thờ ở miền nam California trong bối cảnh lo ngại nguy cơ bị phá hoại trong khi các cuộc biểu tình xung quanh tiểu bang đang tiếp tục các hành vi bạo lực nhằm lật đổ các bức tượng.

Hội Truyền Giáo San Juan Capistrano và nhà thờ lân cận đã di dời các bức tượng Thánh Serra trong tuần này.

Phát ngôn viên Tracey Kincaid của Giáo Phận Orange nói với tờ Orange County Register rằng hai cơ sở trên đã chuyển các bức tượng vào một nơi an toàn để đề phòng. Bức tượng, thường được dựng trên một bệ ở lối vào của nhà thờ San Juan Capistrano, đã được gỡ bỏ vào ngày 23 tháng 6.

Hội Truyền Giáo San Juan Capistrano ngay bên cạnh cũng đã di chuyển một bức tượng khác từ sân trước đến phòng khách. Bức tượng 104 tuổi đã được trưng bày trong gần 80 năm qua. Theo dự trù bức tượng này sẽ sớm là một phần của một cuộc triển lãm về cuộc sống của Thánh Junipero Serra.

Hội Truyền Giáo San Juan Capistrano đã được chính Thánh Junipero Serra thành lập vào năm 1776. Hơn một thế kỷ sau đó, nhà thờ San Juan Capistrano đã được xây dựng vào năm 1986 trước sự gia tăng của cộng đồng Công Giáo đang phát triển vượt bậc khi những người Công Giáo Việt Nam bắt đầu đổ xô đến vùng này khiến cho Nhà nguyện Serra của Hội Truyền Giáo không còn đủ chỗ.


Source:Catholic News Agency