Ngày 30-06-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật 13 Quanh Năm 01/7/2018 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
03:55 30/06/2018
Bài Ðọc I: Kn 1, 13-15; 2, 23-25

"Bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian".

Trích sách Khôn Ngoan.

Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết. Người tác thành mọi sự cho có. Người tạo dựng mọi sự trên mặt đất đều lành mạnh, chúng không có nọc độc sự chết, và không có địa ngục ở trần gian.

Vì chưng, công chính thì vĩnh cửu và bất tử. Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn. Nhưng bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 29, 2 và 4. 5-6. 11-12a và 13b

Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).

Xướng:

1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con,

và không để quân thù hoan hỉ về con.

Lạy Chúa, Chúa đã đưa linh hồn con thoát xa âm phủ;

Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ.

2) Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Ngài,

và hãy cảm tạ thánh danh Ngài.

Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút,

nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời.

3) Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con.

Lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con.

Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con;

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời.

Bài Ðọc II: 2 Cr 8, 7. 9. 13-15

"Sự dư thừa của anh em bù đắp lại sự thiếu thốn của những anh em nghèo khó".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, cũng như anh em vượt trổi về mọi mặt: về lòng tin, về hùng biện, về sự hiểu biết, về mọi hình thức nhiệt thành, cũng như về lòng bác ái của anh em, thì anh em cũng phải vượt trổi trong việc phúc đức này.

Vì anh em biết lòng quảng đại của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: mặc dù giàu sang, Người đã nên thân phận nghèo khó, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh em nên giàu có. Nhưng không lẽ để cho kẻ khác được thư thái, mà anh em phải túng thiếu, nhưng phải làm sao cho đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, sự dư giả của anh em bù đắp lại chỗ thiếu thốn của họ, để sự dư giả của họ bù đắp lại sự thiếu thốn của anh em, hầu có sự đồng đều như lời đã chép rằng: "Kẻ được nhiều, thì cũng không dư; mà kẻ có ít, cũng không thiếu".

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 5, 21-43

"Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: "Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống". Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.

{Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: "Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành". Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: "Ai đã chạm đến áo Ta?" Các môn đệ thưa Người rằng: "Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi 'Ai chạm đến Ta?'!" Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: "Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh".}

Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: "Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?" Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: "Ông đừng sợ, hãy cứ tin". Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: "Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó". Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: "Talitha, Koumi", nghĩa là: "Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!" Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.

Ðó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH Phanxicô: Máu Châu Báu là nguồn cứu rỗi cho thế gian.
Giuse Thẩm Nguyễn
12:49 30/06/2018
(Vatican News) Trong cuộc tiếp đại gia đình Dòng Máu Châu Báu Chúa Giê-su, ĐGH Phanxicô đã đề nghị ba đặc tính có thể giúp họ làm nhân chứng cho Đức Kitô và công việc bác ái của họ: Can đảm nói sự thật; quan tâm đến tất cả, nhất là những người ở xa lạ; và khả năng thu hút và truyền đạt.

Vào hôm thứ Bảy, ĐGH đã nhắn nhủ đại gia đình, đó là một cộng đoàn gồm các tu sĩ nam nữ và giáo dân theo linh đạo của Dòng Máu Châu Báu Chúa Giê-su rằng “Ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, mầu nhiệm tình yêu của Máu Đức Kitô đã làm say mê nhiều người.”

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng có nhiều khách hành hương đến vào“đêm trước của ngày đầu tháng Bẩy, để tôn kính đặc biệt Máu Thánh Chúa Kitô.”

Máu Châu Báu: Nguồn mạch cứu rỗi thế gian

Những nhà sáng lập các tổ chức này cũng đã đắm say lòng sủng mộ này “bởi vì họ hiểu được trong ánh sáng của đức tin là Máu Châu Báu Đức Kitô là nguồn mạch ơn cứu rỗi cho trần gian. Thiên Chúa đã chọn “dấu chỉ của Máu bởi vì không có dấu chỉ nào khác có thể diễn tả nổi tình yêu quá mạnh mẽ siêu vời của một đời ban tặng cho những người khác.” Món quà Máu Thánh Chúa Kitô được tái sinh trong mỗi lần cử hành Bí Tích Thánh Thể khi “cùng với Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô và Máu Châu Báu Của Người đã thực sự hiện hữu qua lời truyền phép.”

Ba đề nghị:

Suy niệm về “Sự hy sinh của Đức Kitô dẫn chúng ta đến việc hoàn thành công việc của lòng thương xót, hiến dâng không chút do dự cuộc đời của chúng ta cho Thiên Chúa và cho anh chị em của chúng ta.” Với ý muốn như thế trong tâm trí, ĐGH đề nghị những thành viên của gia đình Máu Châu Báu Đức Kitô ba khía cạnh có thể giúp họ hoàn thành trong công việc và làm nhân chứng: Can đảm nói sự thật, quan tâm đến tất cả, nhất là những người xa lạ; và khả năng thu hút và truyền đạt.

ĐGH nói rằng “Yếu tố quan trọng là con người can đảm, là xây dựng những cộng đoàn can đảm để không sợ đứng về phía “ khẳng định sự thật”. Hơn nữa, các Kitô hữu có một sứ mạng đến với những người đang cần giúp đỡ, nhất là những người xa lạ, mang Tin Mừng theo những cách mà ai cũng có thể hiểu được. Cuối cùng, Kitô hữu phải để cho “Tin Mừng và Chúa Thánh Thần” tác động trong lời nói và việc làm của họ để giúp những người khác “ biết tự mở lòng họ đón nhận Thiên Chúa và những người lân cận.” ĐGH kêu gọi họ hãy bắt chước “lối cách của Chúa Giê-su”, rằng “Tôi tin là chúng ta đang sống trong một thời đại rất cần đến việc thực hiện một cuộc cách mạng của sự dịu dàng.”

Sức mạnh thực sự đến từ Tin Mừng.

ĐGH Phanxicô nói rằng trong khi ba gợi ý có thể là hữu ích trong sứ mạng của Gia Đình Máu Châu Báu Đức Kitô, chúng ta không bao giờ được quên rằng “sức mạnh thực sự của những nhân chứng Kitô hữu đến từ chính Tin Mừng.” Điều này có nghĩa là cậy dựa “trên tất cả vào ‘sự xung mãn của tình yêu’ được tỏ bày ra trong Máu Của Thiên Chúa” đã được chiếu soi qua lịch sử bởi các Thánh, đặc biệt là Thánh Gaspar del Bufalo, vị sáng lập ra dòng Truyền Giáo Máu Châu Báo Đức Kitô.

Cuối cùng, ĐGH nhắc nhở những người hiện diện rằng chính trong Đức Kitô “mà chúng ta tìm ra nguyên lý chắn chắn về sự hiện hữu của chúng ta. Đức Kitô là nền tảng và hy vọng tối hậu của chúng ta.”


Source: Vatican News Pope: Precious Blood is fount of salvation for the world
 
Đức Hồng Y Müller chỉ trích các giám mục Đức muốn đặt hướng đi cho Giáo Hội
Vũ Văn An
19:32 30/06/2018
Đức Hồng Y Müller, cựu bộ trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, mới đây đã trả lời phỏng vấn của tờ Catholic World Report về tình hình ở Đức, các căng thẳng nhân đề xuất cho một số người phối ngẫu Thệ Phản rước lễ, các tranh chấp liên tục về giáo huấn Giáo Hội liên quan đến việc phong chức cho phụ nữ cũng như đồng tính luyến ái.

Thệ Phản hóa trắng trợn



Liên quan đến đề xuất rước lễ, Đức Hồng Y Muller nhận định rằng một nhóm các giám mục Đức dưới sự hướng dẫn của vị chủ tịch tự coi mình như những người đặt định xu hướng cho việc Giáo Hội Công Giáo tiến vào tính hiện đại. Họ coi việc tục hóa và phi Kitô Giáo của Âu Châu là một khai triển không thể đảo ngược. Vì lý do này, Tân Phúc Âm Hóa, tức chương trình của hai Đức Gioan Phaolô II và Bênêđíctô XVI, theo quan điểm của họ, là một trận chiến chống lại hướng đi khách quan của lịch sử, giống như Don Quixote đánh nhau với mấy chiếc cối xay gió. Họ tìm cho Giáo Hội một hốc đá để có thể sinh tồn trong yên ổn. Bởi đó, mọi tín lý đức tin nào chống lại “chính dòng”, tức đồng thuận có tính xã hội, đều phải được sửa đổi.

Một hậu quả của chủ trương trên là đòi hỏi rước lễ cho những người không có đức tin Công Giáo và cho cả những người Công Giáo không ở trong trạng thái có ơn thánh hóa. Cũng ở trên nghị trình của họ là: việc chúc lành cho các cặp đồng tính, rước lễ liên phái với người Thệ Phản, tương đối hóa tính bất khả tiêu của hôn nhân bí tích, việc cho phép các viri probati (những người đàn ông đã được thử thách) được thụ phong linh mục, bãi bỏ luật độc thân linh mục, chấp thuận các liên hệ tính dục trước và ngoài hôn nhân. Đó là các mục tiêu của họ, và để đạt được các mục tiêu này, họ sẵn lòng chấp nhận cả việc chia rẽ trong hội đồng giám mục.

Người tín hữu nào coi trọng tín lý Công Giáo bị khoác cho nhãn hiệu bảo thủ và bị đẩy ra khỏi Giáo hội, và bị chường mặt cho chiến dịch phỉ báng của các phương tiện truyền thông cấp tiến và chống Công Giáo.

Đối với nhiều giám mục, sự thật mặc khải và việc tuyên xưng đức tin Công Giáo chỉ là một biến số nữa trong nền chính trị quyền lực trong nội bộ Giáo Hội. Một số trong vị này viện dẫn các thỏa thuận cá nhân với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và nghĩ rằng những phát biểu của ngài trong các cuộc phỏng vấn với các nhà báo và nhân vật công cộng còn lâu mới là người Công Giáo đủ biện minh cho các chân lý vô ngộ của đức tin dù đã bị định nghĩa nhẹ hẳn đi. Tóm tắt, chúng ta quả đang đối phó với một diễn trình Thệ Phản hóa trắng trợn.

Ngược lại, đại kết với mục tiêu hợp nhất hoàn toàn mọi Kitô hữu đã được thể hiện trong Giáo Hội Công Giáo về phương diện bí tích. Tinh thần thế gian của hàng giám mục và giáo sĩ thế kỷ 16 là nguyên nhân của sự phân rẽ Kitô giáo, một điều hoàn toàn đi ngược lại ý muốn của Chúa Kitô, Đấng sáng lập ra Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo và tông truyền. Căn bệnh của thời đại đó bây giờ đáng lẽ là thuốc chữa để khắc phục sự phân rẽ. Sự thiếu hiểu biết đức tin Công Giáo vào thời đó có tính thảm khốc, đặc biệt là nơi các giám mục và các giáo hoàng, những vị cống hiến đời mình cho chính trị và quyền lực nhiều hơn cho việc làm chứng cho sự thật của Chúa Kitô.

Ngày nay, đối với nhiều người, việc được các phương tiện truyền thông chấp nhận quan trọng hơn sự thật, mà vì nó, chúng ta cũng phải chịu đau khổ. Hai Thánh Phêrô và Phaolô đã chịu tử đạo vì Chúa Kitô ở Rôma, trung tâm quyền lực vào thời của các ngài. Các ngài không được các nhà cai trị thế giới này tôn vinh như anh hùng, mà bị chế giễu giống như Chúa Kitô trên thập tự giá. Chúng ta không bao giờ nên quên chiều kích tử đạo của thừa tác vụ Phêrô và của chức giám mục.

Riêng đối với lý do tại sao cho phép một số phối ngẫu Thệ Phản của người Công Giáo rước lễ, Đức Hồng Y Muller cho rằng không giám mục nào có thẩm quyền ban rước lễ cho các Kitô hữu không có sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo. Chỉ trong một tình huống có nguy cơ tử vong, một người Thệ Phản mới có thể yêu cầu được giải tội bí tích và rước lễ như của ăn đàng (viaticum), nếu họ chia sẻ toàn bộ đức tin Công Giáo và do đó nhập vào sự hiệp thông đầy đủ với Giáo Hội Công Giáo, mặc dù họ chưa tuyên bố chính thức việc mình trở lại.

Thật không may, ngay các giám mục ngày nay cũng không còn biết niềm tin của người Công Giáo vào tính hợp nhất của hiệp thông bí tích và hiệp thông giáo hội, và họ biện minh cho sự bất trung của họ đối với đức tin Công Giáo bằng điều gọi là quan tâm mục vụ hay giải thích thần học, những điều, tuy nhiên, mâu thuẫn với các nguyên tắc của đức tin Công Giáo. Mọi tín lý và thực hành phải được xây dựng trên Thánh Kinh và Truyền Thống Tông Đồ, và không được mâu thuẫn với những tuyên bố tín lý trước đây của Huấn Quyền Giáo Hội. Đây là trường hợp cho phép các Kitô hữu không phải Công Giáo được rước lễ trong Thánh lễ — không phải tình huống khẩn cấp đã được mô tả ở trên.

Tính thế gian trở thành tiêu chuẩn

Về việc sống đức tin ở Đức và ở Âu Châu, Đức Hồng Y Muller cho hay: Có rất nhiều người sống theo đức tin của họ, yêu mến Chúa Kitô và Giáo Hội của họ, và đặt tất cả hy vọng của họ vào Thiên Chúa lúc sống và lúc chết. Nhưng trong số họ có khá nhiều người cảm thấy bị bỏ rơi và bị phản bội bởi các mục tử của họ. Nổi tiếng trong công luận ngày nay là tiêu chuẩn để một giám mục hay một linh mục được cho là tốt. Chúng ta đang trải qua sự hồi tâm hướng về thế gian, thay vì hướng về Thiên Chúa, trái ngược với các phát biểu của Thánh Tông Đồ Phaolô: “Tôi đang tìm kiếm ân huệ của con người, hay của Thiên Chúa? Hay tôi đang cố làm làm vui lòng người ta? Nếu còn làm vui lòng người ta, tôi không nên là một đầy tớ của Thiên Chúa”(Gl 1:10).

Chúng ta cần các linh mục và các giám mục đầy nhiệt tâm đối với nhà Chúa, những người cống hiến đời mình hoàn toàn cho sự cứu rỗi của con người trong hành trình đức tin trở về quê nhà vĩnh cửu của chúng ta. Không có bất cứ thứ tương lai nào cho thứ “Kitô giáo Nhẹ”. Chúng ta cần những Kitô hữu có tinh thần truyền giáo.

Ngoại giao hay đức tin

Về việc phong chức phụ nữ và chỉ thị gần đây của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin cho rằng không thể có việc phong chức này, Đức Hồng Y Muller nói rằng: Thật không may, ngay lúc này, Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin không được đặc biệt tôn trọng bao nhiêu, và tầm quan trọng của nó đối với tính ưu việt của Phêrô không được thừa nhận. Phủ Quốc Vụ Khanh và ngành ngoại giao của Tòa Thánh rất quan trọng đối với mối liên hệ của Giáo Hội với các qốc gia khác nhau, nhưng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin quan trọng hơn đối với mối liên hệ của Giáo Hội với Đầu của Giáo Hội mà từ Người mọi ơn thánh đã phát sinh.

Đức tin là điều cần thiết cho sự cứu rỗi; nền ngoại giao của giáo hoàng có thể đạt được nhiều điều tốt đẹp trên thế giới. Nhưng việc công bố đức tin và tín lý không được phụ thuộc vào các yêu cầu và điều kiện của các trò chơi quyền lực trần thế. Đức tin siêu nhiên không phụ thuộc vào quyền lực trần gian. Trong đức tin, rõ ràng là bí tích Truyền Chức Thánh với ba bậc giám mục, linh mục và phó tế chỉ có thể được lãnh nhận một cách thành sự bởi một người đàn ông Công Giáo đã rửa tội, bởi vì chỉ có người này mới có thể tượng trưng và đại diện một cách bí tích cho Chúa Kitô là Phu Quân của Giáo hội. Nếu chức vụ linh mục được hiểu là một chức vụ quyền lực, thì tín lý này về việc dành các Chức Thánh cho những người Công Giáo thuộc phái nam là một hình thức kỳ thị chống lại phụ nữ.

Nhưng quan điểm về quyền lực và tiếng tăm xã hội trên là sai. Chỉ khi nào chúng ta nhìn mọi tín lý đức tin và bí tích bằng con mắt thần học, thay vì bằng con mắt quyền lực, thì tín lý đức tin liên quan đến các điều kiện tiên quyết tự nhiên của bí tích Truyền Chức Thánh và hôn nhân mới hiển nhiên đối với chúng ta. Chỉ có một người đàn ông mới có thể tượng trưng cho Chúa Kitô là Phu Quân của Giáo Hội. Chỉ một người đàn ông và một người đàn bà mới có thể tượng trưng cho mối liên hệ của Chúa Kitô với Giáo Hội.

Ý thức hệ tình dục phản lại tình dục nhân bản



Về cuốn sách gần đây của Daniel Mattson về đồng tính luyến ái, “Tại Sao Tôi Không Gọi Mình Là Người Hoạt Động Đồng Tính?”, Đức Hồng Y Muller nhận định rằng: Cuốn sách của Daniel Mattson được viết từ viễn ảnh cá nhân. Nó được xây dựng trên một sự suy tư trí thức sâu sắc về tình dục và hôn nhân, điều này làm cho nó khác với bất cứ loại ý thức hệ nào. Do đó, nó giúp người bị thu hút đồng tính nhận ra phẩm giá của họ và đi theo con đường có lợi trong việc phát triển nhân cách của họ, chứ không để mình bị sử dụng như những con tốt trong đòi hỏi quyền lực của các nhà ý thức hệ. Con người nhân bản là một thể thống nhất bên trong của nguyên lý tổ chức tinh thần và vật chất, và do đó, là một ngôi vị và chủ thể hành động tự do của một bản chất vừa có tính tinh thần, tính thể xác và tính xã hội.

Người đàn ông được được tạo dựng cho người đàn bà và người đàn bà được tạo dựng cho người đàn ông. Mục đích của hiệp thông hôn nhân không phải là quyền lực của người này trên người kia, mà đúng hơn, là sự kết hợp trong yêu thương tự hiến, trong đó cả hai cùng lớn lên và cùng nhau đạt được mục tiêu nơi Thiên Chúa. Ý thức hệ tình dục, một ý thức hệ giản lược con người vào việc hưởng lạc tình dục, thực sự thù địch đối với tình dục, vì nó phủ nhận rằng mục tiêu của việc làm tình và eros (dục tính) là agape (bác ái, tình yêu đúng nghĩa). Con người nhân bản không thể để mình bị hạ xuống hàng một con vật phát triển cao độ. Họ được mời gọi yêu thương. Chỉ khi tôi yêu người khác vì chính họ thì tôi mới đi vào chính tôi; chỉ khi đó tôi mới tự do thoát khỏi nhà tù tự kỷ nguyên thủy của tôi. Người ta không làm mình được thành toàn bằng cách gây hại đến người khác.

Luận lý học của Tin Mừng có tính cách mạng trong một thế giới duy tiêu thụ và yêu mình thái quá. Vì chỉ có hạt lúa mì rơi xuống đất và chết đi, không còn khư khư giữ một mình, mới tạo ra nhiều kết quả. “Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này sẽ giữ cho nó hưởng sự sống đời đời” (Ga 12:25).
 
ĐGH Phanxicô bất ngờ đến bữa cơm tối dành cho người nghèo và vô gia cư.
Giuse Thẩm Nguyễn
19:43 30/06/2018


(Vatican News) Đức Tân Hồng Y vừa được tấn phong vào ngày 28 tháng Sáu là Konrad Krajewski, người lo giúp người nghèo của giáo hoàng, đã mời những người nghèo và người vô gia cư tại Roma đến dự bữa cơm tối Thứ Sáu, ĐGH Phanxio bất ngờ đến thăm họ và cùng ăn uống như một người khách mời.

Cuộc thăm bất ngờ của ĐGH

ĐGH Phanxicô đã làm bất ngờ Hồng Y Krajewski, các khách mời bữa tối và những người thiện nguyện khi ngài đến thăm và cùng ăn uống với họ tại bàn nhà ăn dành cho nhân viên của Tòa Thánh. ĐGH cười nói với Hồng Y Krajewski, thường được biết đến là cha Corrado của người nghèo và phục vụ họ với danh nghĩa của giáo hoàng rằng “Tôi đến đây vì những người nghèo, chứ không vì cha đâu”.

Đức Thánh Cha đã ăn tối với những người nghèo và ở lại đó chừng hai giờ, chuyện trò với họ trong bầu khí gia đình, ngài lắng nghe những câu chuyện họ kể, thường là chuyện đau lòng nhưng cũng mang nhiều hy vọng.

Những người tình nguyện của Sant’Egidio

Có vào khoảng 60 tình nguyện viên phục vụ bữa ăn tối cho người nghèo, trong đó có cha Carlo Santoro của cộng đoàn Sant’Egidio ở Roma, người đã cùng hợp tác với phòng bác ái giáo hoàng của Hồng Y Krajewki để giúp những người vô gia cư tại Roma.

Cha Santoro nói rằng “quả là một cuộc viếng thăm rất nồng ấm bởi vì đây là một bữa ăn tối của tân Hồng Y với người nghèo. Mọi người ai cũng ngạc nhiên vì việc đến thăm của ĐGH. Chúng tôi cứ tưởng là ngài chỉ đến chào thăm rồi sẽ ra về ngay.” Đức tân Hồng Y quay sang nói với cha Santoro là kiếm cho giáo hoàng một chỗ ngồi gần ngài.

Cha Santoro nói rằng ĐGH chào hỏi mọi người trong tình thân ái. Tại bàn của ĐGH có vài người tỵ nạn người Syria, họ được đến đây do những nỗ lực của cộng đoàn Sant’Egidio. Một người trong số họ được đến Roma cùng với ĐGH sau chuyến thăm đảo Hy Lạp thuộc Lebsos trở về vào ngày 16 tháng Tư năm 2016. Người ấy nói với ĐGH rằng hiện nay ông đã có việc làm và hòa nhập vào Ý.

Nói chuyện với người tỵ nạn.

Cha Santoro đã nghe ĐGH nói vài lần trong những tháng gần đây về việc ngài đã gặp những người tỵ nạn từ Lebanon và đã ngạc nhiên khi biết trẻ em là những người đầu tiên nói tiếng Ý. Đối với ĐGH, hội nhập cơ bản không chỉ là đón nhận. Không có việc làm thì không có hội nhập vì không có việc làm thì không có tương lai.

Cha Santoro nói rằng tại bàn cũng có những người tỵ nạn khác kể cho ĐGH nghe chuyện làm sao họ đến được Ý. Đó là một hành trình 11 tháng vượt qua sa mạc, một hành trình đầy nguy hiểm và cạm bẫy. Ông ta đã ở Ý được vài năm và cũng đã quen.

Một người khác nữa đến từ Senegal, một người đạo Hồi, nói với ĐGH rằng đây là lần thứ ba ông được ăn với ĐGH. Ông đã được ăn trưa với cả hai Giáo Hoàng Gioan Phaolo II và ĐGH Benedicto XVI và đây là lần thứ ba. ĐGH Phanxicô đùa với ông rằng “Hãy làm một bộ sưu tập các Giáo Hoàng!”

Những người hàng xóm của ĐGH.

Cha Santoro nói rằng họ đã giới thiệu với ĐGH một số người vô gia cư ngủ quanh Công Trường Thánh Phê-rô vào ban đêm và đã cộng tác với họ mỗi ngày. Cha Santoro nói rằng ĐGH rất thân mật với những người hàng xóm của ngài. ĐHY Krajeswki giải thích cho ĐGH rằng ho cộng tác rất nhiều như là giúp an táng cho những người chết trên đường phố.

ĐGH lo âu về những trẻ em ở Texas

Thiện nguyện viên của cộng đoàn Sant’Egidio ghi nhận rằng ĐGH cảm động và vui mừng khi có các em nhỏ ở quanh ngài. ĐGH đã ban phép lành cho một bé gái người Syria, mới sanh cách nay vài tháng và được rửa tội vào ngày 28 tháng Sáu. Nói chuyện với các thiện nguyện viên, Đức Thánh Cha bày tỏ nỗi ưu tư về vấn đề những trẻ em bị phân cách khỏi cha mẹ của các em tại Texas, Hoa Kỳ.

ĐGH nhắc lại rằng Âu châu đang trên bờ vực của nạn tự tử bởi vì không chấp nhận di dân và không muốn có con làm cho lục địa không có tương lai. Ngài lưu ý khuynh hướng đáng lo ngại này hiện đang có ở nhiều vùng của thế giới, đặc biệt ở Hoa Kỳ.

Những người từng là tù nhân, nghiện rượu.

Cha Santoro nói rằng ĐGH cũng nói chuyện với những người đã từng là tù nhân, nhắc lại những điều mà ngài thường nói “Nhưng tại sao không phải tôi?” nghĩa là nếu như ngài ở trong hoàn cảnh của họ.

Khi những thiện nguyện viên kể cho ĐGH về câu chuyện của một người nghiện rượu, vô gia cư, Đức Thánh Cha nói rằng “Rượu có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai trong chúng ta bởi vì nó là một ác quỷ, nó bắt cóc con, một ác quỷ không bao giờ tha con, một ác quỷ mà con chỉ có thể thoát khỏi nó với sự giúp đỡ của người khác.” ĐGH nói rằng vấn đề của chúng ta, ngay cả với một Giáo Hội, là giúp người khác thoát ra khỏi những hoàn cảnh khó khăn và cùng nhau làm như vậy.

Người nghèo giúp người nghèo

Đức Thánh Cha đã xúc động khi nghe nhiều người vô gia cư đã giúp các thiện nguyện viên giúp đỡ những người có hoàn cảnh như họ. ĐGH đã nghe vào mùa giá lạnh khốc liệt đầu năm nay, nhiều người vô gia cư đã giúp trong việc phân phat chăn ấm.


Source: Vatican News Pope Francis suprises poor and homeless at new cardinal's dinner
 
Úc Châu: Giáo phận Darwin, vùng bắc Úc sắp có Tân Giám Mục
Jos. Vĩnh SA
21:09 30/06/2018
Toà thánh vừa công bố bổ nhiệm Cha Charles Gauci hiện đang làm giám quản nhà thờ chính toà St Francis Xavier của tổng giáo phận Adelaide lên giám mục chính toà GP Darwin thay thế Đức Cha Eugene Hurley đã được ĐTC Phanxicô nhận đơn xin nghỉ hưu.
Tân Giám Mục Charles Gauci là vị giám mục thứ VII của giáo phận Darwin. Cha xuất thân từ một gia đình ngoan đạo gốc ở hải đảo Malta, nằm ngoài khơi, trên vùng biển phía Nam của nước Ý. Gia đình di dân đến Úc khi Cha mới 13 tuổi, sau đó xin gia nhập chủng viện St Francis Xavier, Adelaide city thủ phủ của tiểu bang South Australia.
Thầy Charles được thụ phong linh mục năm 1977 và phục vụ tại nhiều giáo xứ trong tổng giáo phận Adelaide.
Ngài cũng đã từng giữ một số chức vụ lãnh đạo quan trọng trong giáo phận như chủ tịch Hội Đồng Linh Mục.
Cha Charles Gauci cho biết: Sở dĩ Ngài đã quen với cuộc sống của giáo phận Darwin cũng như đời sống đạo của cộng đoàn địa phương này, là nhờ được mời lên giáo phận Darwin tổ chức tĩnh tâm cho các linh mục cách đây 3 năm.
Cha nói: “Tôi hết sức cảm phục công việc mục vụ của các linh mục trong giáo phận Darwin, thường là tại các vùng rất xa xôi hẻo lánh, thiếu thốn mọi tiện nghi đối với những người Thổ Dân Úc, không như đời sống ở các thị trấn”.
Cha Gauci hy vọng sẽ đi thăm toàn giáo phận, càng sớm càng tốt để có thể gặp gỡ những người dân địa phương.
Darwin là một giáo phận có diện tích rộng lớn, chiếm hầu hết vùng Lãnh Thổ Bắc Úc.
Khi Toà Thánh công bố việc bổ nhiệm mới này, thì cũng là lúc Tòa Thánh cho biết, ĐTC Phanxicô đã chấp nhận đơn xin từ chức của ĐGM Eugene Hurley đương nhiệm giám mục GP Darwin đã xin nghỉ hưu ở tuổi cao niên. Đức Cha Eugene được bổ nhiệm giám mục GP Darwin trong suốt 11 năm qua, 9 năm làm giám mục GP Port Pirie, trước khi lên Darwin bắc Úc. Ngài đã từng ở cương vị giám mục trên 20 năm.
ĐGM Eugene Hurley sẽ chuyển sang chức giám quản tông toà giáo phận Darwin cho đến khi Đức Tân Giám Mục Charles Gauci chính thức nhậm chức. Tuy nhiên chưa rõ thời điểm phong chức.
Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge TGM giáo phận Brisbane, đương kim chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Úc Châu đã tuyên bối: Tôi hoan nghênh việc bổ nhiệm một nhân vật được coi là nổi tiếng trong lãnh vực chiều sâu tâm linh và dấn thân ra đi rao giảng Tin Mừng.
ĐTGM Coleridge nói: “Cha Charles đã làm mục vụ cho đủ mọi tầng lớp trong xã hội, Ngài đã từng phục vụ tại các giáo xứ, làm tuyên uý cho các trường học, giám đốc linh đạo và đặc trách các chương trình tĩnh tâm”.
“Cha Charles sẽ là một món quà quý giá cho giáo phận Darwin. Ngài cũng là một bổ sung tốt cho Hội Đồng Giám Mục Úc nhờ kinh nghiệm lâu năm và đa dạng của Ngài trong vai trò của một linh mục và của một nhà giảng huấn đức tin”.
Giáo phận Darwin là một trong 3 giáo phận của Tổng Giáo Phận Adelaide, hay còn gọi là giáo tỉnh Adelaide, gồm có: GP Adelaide, GP Darwin và GP Port Pirie.
Hiện nay TGP Adelaide đang trống toà. Toà Thánh đã bổ nhiệm Đức Cha Greg. O’Kelly SJ giám mục giáo phận Port Pirie làm giám quản Tông Toà TGP Adelaide cho đến khi có quyết định mới của ĐTC Phanxicô.

Adelaide priest Fr. Charles Gauci named New Bishop of Darwin
Pope Francis has this evening appointed Fr Charles Gauci, currently administrator of St Francis Xavier’s Cathedral in Adelaide, the seventh Bishop of Darwin.
Australian Catholic Bishops Conference president Archbishop Mark Coleridge welcomed the appointment of a man who is known for his deep spirituality and real commitment to evangelisation.
“Fr Charles has ministered to people from many walks of life – as a pastor in parishes, a chaplain to schools, a spiritual director and retreat leader,” Archbishop Coleridge said.
“He will be a great gift to the Church in Darwin with all its challenges and also a good addition to the Bishops Conference because of his long and varied experience as priest and teacher of the faith.”
Fr Gauci was born into a faith-filled family in Malta and arrived in Australia as a 13-year-old. He was ordained for Adelaide in 1977 and has served in parishes across the Archdiocese. He has also held a number of archdiocesan leadership roles, including as chairman of the Council of Priests.
Fr Gauci said he was introduced to the life of the Diocese of Darwin and the faith of the community there when he was invited to lead a retreat for the priests of the Diocese about three years ago.
“I’m full of admiration for the work the priests in the Diocese carry out, often in very isolated areas where there are none of the comforts and conveniences of suburban life,” he said.
Fr Gauci said he hopes to visit the Diocese – which takes in almost all of the Northern Territory – as soon as possible so he can meet the local people and speak with Bishop Eugene Hurley, who has served in Darwin for the past 11 years and as a bishop for almost 20 years.
“Bishop Eugene is a great man; I’m humbled to succeed him. He will help me understand the Diocese, its communities and ministries. With that knowledge and discerning what God is asking of me, I will seek to fulfill the task now entrusted to me,” he said.
“I look forward to continuing to learn from all the people of God as their fellow traveller.”
In announcing Bishop-elect Gauci’s appointment, Pope Francis also accepted Bishop Hurley’s resignation. Bishop Hurley will serve as Apostolic Administrator of the Diocese until Bishop-elect Charles Gauci’s ordination, a date for which has not yet been confirmed.
Archdiocese of Adelaide


 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Điều gì đang thúc đẩy tình trạng bất ổn xã hội ở Việt Nam?
Gary Sand / Vũ Quốc Ngữ dịch
09:40 30/06/2018
Việc giam giữ một công dân Mỹ tại Việt Nam, bị bắt khi tham gia một cuộc biểu tình tại thành phố Hồ Chí Minh, đã một lần nữa thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc tế đến tình trạng bất ổn xã hội ở quốc gia đang phát triển nhanh chóng này với gần 100 triệu người.

Những người biểu tình tập trung vào ngày 9-11/6 tại một số thành phố, bao gồm Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và Phan Thiết – nơi những người nổi loạn đốt cháy tòa nhà Ủy ban Nhân dân tỉnh và một số phương tiện giao thông. Nhiều người đã phản đối dự luật Đặc khu kinh tế có điều khoản cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất trong 99 năm, báo động về khả năng người Trung Quốc kiểm soát đất đai và gây tổn hại đến chủ quyền quốc gia.

Trong khi tinh thần chống Trung Quốc vẫn còn cao trong dân Việt, nhiều dự án cho thuê đất liên quan đến doanh nghiệp Trung Quốc đã đưa ra những cảnh báo tương tự ở những nơi khác, bao gồm cả Kazakhstan vào năm 2016. Lo ngại cũng đã dấy lên ở Sri Lanka, nơi Trung Quốc hiện đang duy trì quyền kiểm soát cảng phía nam Hambantota dưới thời hạn thuê 99 năm. Trong năm 2014, nhiều tàu ngầm Trung Quốc cập cảng tại Colombo, nơi một công ty Trung Quốc đang xây dựng một thành phố cảng trị giá 1,4 tỷ đô la trên vùng đất khai hoang.

Số người tham dự các cuộc biểu tình vào giữa tháng 6 đã vượt qua số người biểu tình chống Formosa năm 2016 và một số cuộc bạo loạn nhằm vào các công ty Trung Quốc năm 2014 sau khi Trung Cộng đưa một giàn khoan dầu vào vùng biển thuộc vùng kinh tế độc quyền của Việt Nam. Tại thành phố Hồ Chí Minh đã chứng kiến một số cuộc biểu tình lớn, khi hàng ngàn người biểu tình tuần hành trên đường phố, và William Nguyễn, 32 tuổi, một công dân Mỹ gốc Việt từ Houston, Texas,người từng tốt nghiệp Yale và đang theo học chính sách công tại Đại học Quốc gia Singapore, cũng tham gia sự kiện trên. William đã yêu cầu nhà chức trách di chuyển xe cảnh sát để lấy đường cho đoàn biểu tình, và sau đó leo lên trên một chiếc xe cảnh sát khi công an từ chối đưa xe đi. Sau đó, William bị lôi kéo bởi một nhóm đàn ông trong khi đầu anh ta có nhiều máu, theo đoạn phim được quay tại hiện trường. Rất nhiều người biểu tình khác đã bị cảnh sát đánh đập.

William đã bị buộc tội gây mất trật tự công cộng, và hàng trăm người khác đã bị giam giữ và sau đó được trả tự do như là một phần của cuộc điều tra do Bộ Công an tiến hành. Một số nhà hoạt động nổi tiếng bị theo dõi sát sao khi nhiều nhân viên an ninh canh gác gần riêng nhà của họ, trong khi những người khác đang bị thẩm vấn liên tục và nhiều người khác vẫn còn bị giam giữ, kể cả William, người đã xin lỗi trên truyền hình quốc gia.

Vậy ai đứng đằng sau các cuộc biểu tình? Trong một xã hội thiếu tính minh bạch và có mức điểm thấp về tự do báo chí (xếp thứ 175 trong tổng số 180 quốc gia khảo sát), thì có nhiều thuyết âm mưu. Một số người tin rằng Chính phủ đã đạo diễn các cuộc biểu tình để chứng minh sự cần thiết phải kiểm soát Internet chặt chẽ hơn để ngăn chặn tình trạng bất ổn của công chúng. Facebook thường là phương tiện giao tiếp được lựa chọn để tổ chức các cuộc biểu tình, và các cuộc biểu tình xảy ra trùng với việc thông qua luật An ninh mạng chỉ hai ngày sau cuộc biểu tình, một luật yêu cầu Facebook và Google mở văn phòng tại Việt Nam và lưu trữ dữ liệu của người dùng địa phương tại Việt Nam để cơ quan chức năng của Việt Nam có thể tiếp cận được.

Một số người khác thì đổ lỗi cho Việt Tân, một tổ chức “đăng ký ở Hoa Kỳ với các thành viên là người Việt ở khắp thế giới với mục tiêu thiết lập dân chủ và cải cách ở Việt Nam thông qua các biện pháp ôn hoà”. Theo báo Tuổi Trẻ, bốn người Việt đã bị bắt tại thành phố Hồ Chí Minh vì đã cải trang thành cảnh sát để tấn công người biểu tình và khôi phục trật tự công cộng, và được tìm thấy mang theo dao, tua vít và bình xịt hơi cay. Cho đến nay, ba cảnh sát giả đã không bị coi là có liên quan đến Việt Tân, một tổ chức mà Việt Nam coi là “một lực lượng khủng bố”. Một số người biểu tình khác đã thú nhận rằng họ đã được trả tiền để biểu tình.

Tuy nhiên, những người Việt Nam mà tôi nói chuyện ở Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh ít quan tâm đến việc ai là những người tổ chức biểu tình hơn là những vấn đề được đưa ra. Các vấn đề đó đã được biểu hiện qua những thông điệp đơn giản như “Không cho Trung Quốc thuê đất dù chỉ một ngày” và “Luật An ninh mạng giết chết tự do”, vì hầu hết người biểu tình khó có thể hiểu hết việc các đặc khu kinh tế thực sự hoạt động như thế nào, các công ty nước ngoài hiện có thể thuê đất lên đến 70 năm, hoặc biết tàu ngầm Trung Quốc đang neo đậu tại một cảng ở Sri Lanka do Trung Quốc kiểm soát. Đối với Luật An ninh mạng, nhiều người tin rằng Chính phủ chỉ luật hoá những gì Chính phủ đã thực hành.

Ngoài tinh thần chống Trung Quốc và mong muốn tự do Internet là sự thất vọng kinh tế và hy vọng thay đổi thông qua quyền hội họp ôn hoà và phản đối một chính quyền dung dưỡng tham nhũng và trông chờ vào nguồn tiền từ Trung Quốc. Trong khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu đã khởi tố một số doanh nghiệp lớn, đảng vẫn còn một chặng đường dài để có thể thuyết phục mọi người tin rằng họ là những người tham gia tích cực vào việc góp phần làm kinh tế quốc gia tăng trưởng nhanh chóng ở mức gần 7% và đất của họ không bị tịch thu và bán cho nhà đầu tư Trung Quốc, với tất cả số tiền thu được chảy vào túi các quan chức vô đạo đức của đảng và Chính phủ.

Hiện nay, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật An ninh mạng và Hà Nội đã quyết định hoãn việc bỏ phiếu về dự luật Đặc khu kinh tế đến kỳ họp sau vào tháng 10. Một cuộc khảo sát của Gallup năm 2017 cho thấy người Việt Nam có chỉ số hạnh phúc đứng thứ 5 trong số các quốc gia khảo sát, với hy vọng cao về tăng trưởng kinh tế vào năm 2018. Nhưng nhiều người Việt Nam mà tôi nói chuyện sẽ không chờ đợi sự thay đổi,và nhiều trong số họ có kế hoạch di cư sang Hoa Kỳ hoặc Australia để được hưởng giáo dục đại học tiên tiến hoặc công việc trả lương cao hơn, mà không hy vọng được chia sẻ những thành tựu kinh tế nếu có.

(Nguồn: Asia Times)
 
Văn Hóa
Để Thế Giới Chạm Bàn Tay Của Chúa
Sơn Ca Linh
11:18 30/06/2018
Người cầm lấy tay nó và nói : “Nầy bé, Thầy truyền cho con : chỗi dậy đi !” Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi…Mc 5,21-43

Vì thế giới,
Vẫn còn bao nhiều mẹ già Naim đứt ruột,
quặn thắt trong lòng đi sau chiếc quan tài người con !
Vẫn còn những người chị Matta, Maria…,
Nước mắt khóc em bên huyệt mộ rời rã mõi mòn.
Vẫn còn những người cha Giairô,
Trời sụp xuống khi nghe tin con gái yêu vừa chết !

Vẫn còn những bệnh nhân,
Cùi hủi, đui, què…bên những vệ đường la lết,
Những Mađalêna
chán nản cuộc đời buôn phấn bán hương,
Những Matthêu, Giakê…
hoang mang lạc lối giữa ngả ba đường,
Những tên tội đồ,
chết dần mòn với cô đơn, buồn đau tơi tả …!

Nên thế giới rất cần, rất cần bàn tay cao cả,
Bàn tay quyền năng, bàn tay nhân ái khoan dung.
mang niềm vui cho những người mẹ khốn cùng,
lau khô nước mắt chị,
và cho cha tìm lại được niềm tin yêu đã mất…

Rất cần bàn tay đưa ra và nắm thật chặt,
Cho những chàng thu thuế, những cô gái làng chơi,
Thôi những bước chân hoang về làm lại cuộc đời,
những cuộc đời thất vọng cô đơn
được một lần được sưởi ấm, ủi an và xoa dịu.

Chúng con đang cần Bàn tay Giêsu,
bàn tay của Ngôi Lời mang tình yêu vĩnh cửu,
Chuyển lửa cho đời và mang sức sống tin yêu.
Bàn tay cảm thông, chia sẻ, nhận ít cho nhiều,
Đẩy lùi bóng đêm
và dạy chúng con xây dựng nền văn minh sự sống.

Xin cho chúng con
Được tiếp nối chính bàn tay của Chúa,
Dẫu bất xứng, nhớp nhơ, đen đúa, mọn hèn,
Để được dự phần
loan báo Tin Mừng và thắp sáng đêm đen,
và để thế giới hôm nay,
mãi được chạm đến chính bàn tay của Chúa.

Sơn Ca Linh
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hè Về Phượng Tím Nở Hoa
Nguyễn Đức Cung
08:46 30/06/2018
HÈ VỀ PHƯỢNG TÍM NỞ HOA
Ảnh của Nguyễn Đức Cung
Em nhắn nhủ mùa này, mùa Phượng Tím
Tím cả chiều, Cali đó, Hạ sang
Con đường ngang hay chạy dọc mơ màng
Đều tím ngát một màu thơ huyền diệu.
(Trích thơ của Hoàng Thy Mai Thảo)