Ngày 28-06-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Sống đức tin đức mến noi gương Hai Tông đồ Phêrô Phaolô
Lm Đan Vinh
01:12 28/06/2017
Lễ Thánh Phêrô và Phaolô (29/06)
Cv 12,1-11 ; 2 Tm 4,6-8.17-18 ; Mt 16,13-19

Sống đức tin đức mến noi gương Hai Tông đồ Phêrô Phaolô


I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG:

(13) Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói con Người là ai ?” (14) Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. (15) Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” (16) Ông Si-mon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (17) Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-mon con ông Giô-na, Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều đó, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.

2. Ý CHÍNH: HỘI THÁNH ĐƯỢC XÂY TRÊN ĐÁ TẢNG ĐỨC TIN CỦA PHÊ-RÔ.

Sau khi Si-mon đại diện cho Nhóm Mười Hai khẳng định Người là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống (15-16), ông đã được khen là có phúc (17), được đổi tên thành Phê-rô và được hứa xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin mà ông vừa tuyên xưng, tiên báo Hội Thánh ấy sẽ trường tồn, bất chấp ma quỷ chống phá (18). Sau cùng Người cũng trao cho ông chìa khóa Nước Trời với quyền cầm buộc và tháo cởi (19).

3. HỎI ĐÁP VÀ CHÚ THÍCH:

HỎI 1: Khi thay mặt anh em tuyên xưng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa hằng sống”, phải chăng Tông đồ Si-mon có ý nói về bản tính Thiên Chúa của Người ?
ĐÁP:
Có lẽ khi tuyên xưng Đức Giê-su là “Con Thiên Chúa hằng sống”, Phê-rô vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của tước hiệu ông nói. Ông chỉ muốn giải thích ý nghĩa của tước hiệu Đấng Ki-tô, theo lời ngôn sứ Na-than tuyên sấm về người con sẽ nối nghiệp vua Đa-vít như sau: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính Danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là Cha. Đối với Ta, nó sẽ là con” (2 Sm 7,12-14). Lời ấy đã không ứng nghiệm nơi Sa-lô-mon, con vua Đa-vít. Từ đó, dân Do thái hằng trông mong Đấng Thiên Sai thuộc dòng dõi vua Đa-vít sẽ đến. Về sau, trong cuộc khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su cũng được dân chúng ca tụng bằng tước hiệu "Con Vua Đa-vít" này (x. Mt 21,9). Khi tuyên xưng tước hiệu "Con Thiên Chúa hằng sống", Phê-rô chưa hiểu ý nghĩa lời ông nói. Sau đó, Đức Giê-su đã cho biết ý nghĩa tước hiệu này là nói về bản tính Thiên Chúa, qua lời khen ông có phúc vì đã được Chúa Cha thương mặc khải cho biết sự thật ấy (x Mt 16,17).

HỎI 2: Tại sao Đức Giê-su đổi tên Si-mon thành Phê-rô ? Việc đổi tên chính xác xảy ra vào lúc nào: Khi vừa gặp mặt (x Ga 1,42), khi thành lập Nhóm Mười Hai (x Mc 3,16; Lc 6,14) hay sau khi Phê-rô tuyên xưng đức tin (x Mt 16,18) ?
ĐÁP:
Cũng có thể Đức Giê-su đã đặt tên Phê-rô cho Si-mon khi vừa gặp mặt (x. Ga 1,42), hay khi thành lập Nhóm Mười Hai (x. Mc 3,16; Lc 6,14). Tuy nhiên có lẽ việc đổi tên xảy ra sau lời tuyên xưng đức tin của Si-mon là hợp lý nhất (x. Mt 16,18), vì sau khi đổi tên, Đức Giê-su đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ông trong Hội Thánh: Đức tin của Phê-rô vào Đức Giê-su chính là tảng đá vững chắc mà trên đó, Người xây dựng Hội Thánh của Người. Ngoài ra Đức Giê-su còn trao tối thượng quyền cho ông để ông cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Người cũng cho Phê-rô đứng đầu Nhóm Mười Hai (x Mt 10,2), và hứa sẽ cầu nguyện để ông kiên vững đức tin, hầu chu tòan sứ mệnh củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,32). Cuối cùng, Người còn trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh cho ông nữa (x.Ga 21,15-17).

HỎI 3: Một số người cho rằng: Si-mon Phê-rô là một người đầy khuyết điểm và đã từng phạm tội chối Thầy ba lần, thì làm sao xứng đáng lãnh đạo Hội Thánh và thi hành quyền cầm buộc và tháo cởi được ?
ĐÁP:
Từ ngày được Đức Giê-su gọi theo làm môn đệ, Si-mon đã phạm nhiều sai lầm. Chẳng hạn: Ông bị Thầy quở trách vì đã suy nghĩ theo kiểu khôn ngoan của loài người (x. Mt 16,23); Bị trách là kẻ hèn tin khi đang đi trên mặt nước (x. Mt 14,31); Bị Thầy cảnh báo không được dự phần với Thầy, vì đã từ chối không cho Thầy rửa chân (x. Ga 13,8-10); Nhất là vì quá tự tin vào sức mình nên ông đã hèn nhát chối Thầy ba lần, dù đã được Thầy cảnh báo trước (x. Mc 14,30.66-72).

Nhưng Si-mon Phê-rô cũng có những ưu điểm xứng đáng được Đức Giê-su tín nhiệm trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Chẳng hạn: tại thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, ông đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, nên đã được Chúa đổi tên thành Phê-rô, và được trao quyền tối thượng cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Có lần ông được Đức Giê-su hứa sẽ cầu nguyện cho để luôn kiên vững đức tin, và trao thêm sứ mệnh củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,32). Phê-rô cũng rất nhiệt tình, thường đại diện anh em trả lời những vấn nạn của Thầy (x. Lc 5,3-10), đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng đức tin vào lời dạy về Bánh Thánh Thể, đang khi nhiều môn đệ khác chán nản rút lui (x. Ga 6,68). Nhờ kiên vững đức tin, nên ông đã được Đức Giê-su đặt đứng đầu Nhóm Mười Hai (x. Mt 10,2), được đi trên mặt nước (x Mt 14,28-32), trở thành một trong ba môn đệ thân tín nhất chứng kiến cuộc hiển dung của Người (x. Mt 17,1), chứng kiến phép lạ bé gái mới chết được Người cho sống lại (x. Mt 5,37), và nhất là chứng kiến lúc Thầy hấp hối trong vườn Cây Dầu (x. Mt 26,37).
Tuy có lần sa ngã phạm tội, nhưng Phê-rô đã lập tức sám hối (x. Mt 26,69-75). Nhờ yêu Chúa nhiều hơn anh em, nên ông đã được Người tha thứ và trao nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên (x. Ga 21,15-17). Chính lòng yêu mến Đức Giê-su đã thúc bách Phê-rô chạy thi với Gio-an ra mồ và đã sớm đạt được đức tin vào mầu nhiệm phục sinh của Thầy (x. Ga 20,1-9). Phê-rô cũng được Chúa Phục Sinh hiện ra (x. Lc 24,34), được cùng anh em lãnh nhận ơn Thánh Thần và đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi (x. Cv 2,14-36), có khả năng chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Cv 9,33-35.40-41), chủ tọa công nghị Giê-ru-sa-lem năm 49 (x. Cv 15,5-29). Cuối cùng ông đã can đảm quay vào thành Rô-ma để bị bắt và chịu khổ hình thập giá, dưới thời hoàng đế Nê-rô (năm 64-67). Cái chết của Phê-rô chứng tỏ lòng mến Chúa cao độ, và nêu gương đức tin vững như đá tảng, để các tín hữu chúng ta học tập noi theo.

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,18-19).

2. CÂU CHUYỆN:

1) SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU TRONG VIỆC BIẾN ĐỔI LÒNG NGƯỜI :
Nữ tu Antoinette được bề trên sai đến phục vụ tại một bệnh viện lớn. Tại đây có một ông già cực kỳ khó tính. Tiếp xúc với ai ông cũng nạt nộ la mắng. nhất là khi gặp chuyện trái ý, ông lại to tiếng ầm ĩ khiến mọi người chung quanh đều khó chịu xa lánh.
Ngày nọ, khi đang mải mê làm việc giúp các bệnh nhân khác, nữ tu Antoinette nghe thấy tiếng hét lớn của ông già khó tính: “Mau mau mang ra đây cho tôi một quả trứng luộc". Các y tá khác đều lảng tránh sang phòng bên, riêng nữ tu Antoinette đã mau mắn đến nhà bếp đem quả trứng đến cho ông già này.
- Sao trứng chưa chín mà đã đem cho tôi hả? Bộ muốn tôi đau bụng chết sao? Ông lão khó tính cau có trách mắng. Nữ tu Antoinette không đáp lại mà đem trứng xuống bếp luộc lại.
- Trứng gì mà luộc chín quá vậy? Sao lại làm ăn vô ý vô tứ như vậy hả ?
Antoinette chẳng biết phải làm gì để chiều ý ông lão. Chị liền đi lấy một cái bếp lò đến kê bên giường và trao cho ông già khó tính một trái trứng để luộc cho vừa ý. Thấy thế ông ta liền nổi nóng đạp đổ bếp lò, quăng quả trứng kia xuống nền gạch và lớn tiếng: "Cô không biết tôi là bệnh nhân sao? Bệnh nhân mà lại phải tự luộc trứng hả?"
Nữ tu Antoinette không nói nửa lời. Chị im lặng đi lấy chổi và cây lau nhà đến quét dọn và lau sạch sàn nhà… Lát sau, chị đem đến cho lão già khó tính một trái trứng khác và nói: "Ông cố gắng dùng thử trứng này, tôi đã luộc vừa chín tới thôi?" Bất giác, ông lính già rùng mình cảm động, nói lí nhí trong miệng: "Tôi thật có lỗi vì đã vô lý quát mắng cô. Giờ đây tôi sẽ ăn quả trứng này cũng để cám ơn lòng tốt của cô !"
Tình yêu có sức biến đổi lạ lùng hơn bất cứ một sự biến đổi lạ kỳ nào, nhất là nó có khả năng biến đổi cả lòng những con người độc ác nữa. Ước gì chúng ta biết noi gương theo Thầy Chí Thánh Giê-su luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp nơi con người và luôn hy vọng vào những người đang lầm lạc trong cuộc đời này để dùng tình yêu biến đổi cảm hoá họ.

2) PHẢI LÀM GÌ ĐỂ NÊN GIỐNG CHÚA GIÊ-SU ?
Ngày xưa, một ông vua nước Hy Lạp tổ chức một cuộc thi làm tượng ảnh nghệ thuật: các nghệ nhân sẽ tạc tượng hoặc làm tranh tượng về chân dung của nhà vua. Vua hứa sẽ ban phần thưởng lớn cho những tác phẩm giống ngài nhất. Nghe thông báo, các nghệ nhân từ khắp các nước chung quanh đã ùn ùn kép đến Hy Lạp xin vào hoàng cung ứng thí. Nghệ nhân Ấn-độ thì mang theo dụng cụ để chạm trổ đồ kim hoàn vàng bạc và các loại ngọc trai quý giá. Nghệ nhân Ai Cập thì mang theo đồ nghề đục đẽo đá quý và một khối đá cẩm thạch rất đẹp. Ai cũng quyết tâm dành được giải thưởng của nhà vua. Riêng nghệ nhân nước chủ nhà Hy Lạp chỉ đến ứng thí với bộ đồ gọt dũa đánh bóng đơn giản.
Mỗi đoàn dự thi được ban tổ chức bố trí chỗ ở và làm việc tại một phòng trong khu hoàng cung. Tới ngày thi, nhà vua ra lệnh mỗi đoàn phải hoàn thành tác phẩm trong thời gian một tuần lễ. Thế là các nghệ nhân vội vàng bắt tay vào việc. Họ đục đẽo, chà sát, đánh bóng để khắc họa chân dung nhà vua Hy Lạp cho giống như người thật. Khi một tuần trôi qua, nhà vua truyền đem các tác phẩm đến trưng bày tại đại sảnh lớn trong hoàng cung để nhà vua và bá quan trong triều đến chấm điểm. Nhà vua hết sức hài lòng, khi chiêm ngưỡng các tác phẩm dự thi họa lại chân dung của mình, do các nghệ nhân Ấn Độ, Ai Cập và nhiều nước khác sáng tác. Mỗi bức tượng, tranh tượng hay phù điêu đều có những đường nét tinh vi sắc sảo, nhìn giống hệt khuôn mặt của ngài. Các tác phẩm ấy được tạc vẽ từ đất nung, từ đá cẩm thạch, hay các loại vàng bạc quý kim khác. Cuối cùng khi đến chỗ trưng bày của các nghệ nhân Hy Lạp thì nhà vua và bá quan rất ngạc nhiên vì không thấy bất cứ bức tượng hay tranh tượng nào được trưng bày, mà chỉ thấy một phiến đá cẩm thạch trắng, được các nghệ nhân đánh bóng. Nhà vua liền hỏi tác phẩm đâu, thì một người đã đưa ngài đến đứng trước phiến đá và chỉ vào chân dung của ngài hiện ra trong đó. Nhìn thấy hình ảnh trung thực của mình, nhà vua đã hiểu ra và hết sức cảm động. Ngài nhận xét các bức tranh hay tượng khác, dù có giống ngài nhưng chúng không sống động và trung thực bằng hình ảnh được phản chiếu từ chính con người thật của ngài. Nhà vua đã chấm cho tác phẩm của đoàn nghệ nhân Hy Lạp hạng nhất. Còn các tác phẩm khác cũng được xếp hạng và đều có phần thưởng tương xứng với giá trị của chúng. Sau đó, tất cả các tác phẩm đều được trưng bày tại viện bảo tàng quốc gia cho dân chúng tự do đến chiêm ngưỡng.

3. SUY NIỆM:

Hôm nay, Hội Thánh mừng kính 2 vị Tông đồ là Phêrô và Phaolô chung trong một ngày lễ. Chúng ta cùng suy nghĩ về cuộc đời của hai Tông đồ trụ cột này của Hội Thánh để thấy được sức mạnh tình thương của Thiên Chúa trong việc biến đổi lòng người.

1) Về ơn kêu gọi của hai Tông đồ Phê-rô và Phao-lô:

- Phê-rô làm nghề đánh cá tại làng Bet-sai-đa, gần hồ Ga-li-lê. Phê-rô tên thật là Si-mon, có em là An-rê. Khi An-rê được thầy mình là Gio-an Bao-ti-xi-ta giới thiệu về Đức Giê-su thì"Trước hết ông gặp anh mình là Si-mon và nói : Chúng tôi đã gặp được Đấng Mê-si-a. Rồi ông dẫn anh mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn Phê-rô và nói: "Anh là Si-mon, con ông Gio-na, anh sẽ được gọi là Kê-pha nghĩa là Đá" (Ga 1,41-42). Sau đó ít ngày, đang lúc Đức Giê-su đi trên bờ hồ Gê-nê-sa-rét, có đám đông dân chúng đi theo. Người thấy ông Si-mon đang giặt lưới dưới thuyền, nên Người đã xuống thuyền ấy mà giảng dạy dân chúng ngồi trên bờ hồ. Giảng xong, Người bảo Si-mon chèo thuyền ra giữa hồ đánh cá. Mặc dù suốt đêm vất vả mà không bắt được con nào, nhưng Si-mon vẫn vâng lời Thầy: Ông chèo thuyền ra khơi thả lưới và đã bắt được mẻ cá lạ lùng. Trước sự lạ ấy, Si-mon tỏ vẻ kính sợ, nhưng Người bảo ông: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là kẻ chài lưới người ta. Thế là ông đưa thuyền vào bờ rồi đi theo làm môn đệ Người” (Lc.5,10-11).
- Phao-lô tên thật là Sao-lê quê thành Tác-sô, miền Ki-li-ki-a. Theo học với ông thầy nổi tiếng là Ga-ma-li-en. Sao-lê giữ luật Mô-sê nghiêm chỉnh. Tuy là người Do Thái nhưng ông cũng có quốc tịch Ro-ma. Sao-lê rất sùng đạo Do thái nên rất ghét đạo mới của Đức Giê-su. Nghe tin ở Đa-mát có nhiều tín hữu Ki-tô, Sao-lê đã xin lệnh của thượng tế, đem quân đến thành Đa-mát bắt các tín hữu mang về Giê-ru-sa-lem trị tội. Nhưng khi đến cửa thành, Sao-lê đã bị một làn chớp sáng đánh trúng bị té xuống ngựa, mắt ông bị loà không nhìn thấy gì. Ông nghe thấy tiếng Chúa Giê-su hiện ra hạch hỏi và ông đã khuất phuc Người. Rồi ông được một người trong thành là A-na-ni-a đón vào thành và dạy đạo. Sau khi được chịu phép rửa tội, Sao-lê lại được sáng mắt và được đổi tên thành Phao-lô. Ông còn được Chúa Phục Sinh hiện ra dạy dỗ cách riêng và trao cho sứ mệnh làm tông đồ rao giảng Tin Mừng (x. TĐCV 22,3-21). Thế là từ một người cuồng tín đi bắt đạo, Phao-lô đã được ơn Chúa biến đổi thành một Tông đồ dân ngoại.

2) Tính cách của hai vị Tông đồ Phê-rô và Phao-lô:
- Tông đồ Phê-rô khi đi theo Đức Giê-su gần ba năm, thường đại diện Nhóm 12 trả lời Thầy. Khi Người hỏi: “Người ta nói Thầy là ai?” Phê-rô đã đại diện anh em thưa rằng: "Thầy là Đức Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống". Có lần Phê-rô ngăn cản Thầy đừng đi Giê-ru-sa-lem chịu khổ nạn, và ông đã bị Thầy nặng lời quở trách. Phê-rô đã được các tác giả Tân Ước đề cập tới 195 lần. Ông có tính tình nóng nảy và yêu mến Thầy. Khi nghe Đức Giê-su cho biết các môn đệ sắp hèn nhát bỏ Thầy chạy trốn, Ông đã hứa với Thầy: “Dù moi người bỏ thầy, còn Phê-rô sẽ không bao giờ". Tuy nhiên, ông cũng là một người yếu đuối, nên ông đã phạm tội chối Thầy 3 lần: "Tôi không biết ông Giê-su là ai". Đến khi nghe tiếng gà gáy và Đức Giê-su bị trói đi ngang qua chỗ ông và Người nhìn ông, thì ông đã xúc động ra ngoài khóc lóc thảm thiết. Đức Giê-su sau khi sống lại, đã hiện ra hỏi Phê-rô ba lần có mến Thầy hơn những người này không, thì cả ba lầm ông đều tuyên xưng lòng mến: "Thưa Thầy, có. Thầy biết con mến Thầy”. Mỗi lần như thế, Chúa đều trao cho ông trách nhiệm chăn dắt đàn chiên của Người (x. Ga 21,15-19)
b) Tông đồ Phao-lô sau khi trở lại với Chúa, đã hết lòng loan báo Tin Mừng. Ông đã đi khắp vùng Đế Quốc Rô-ma rao giảng cho dân ngoại tin theo Chúa, chấp nhận mọi gian nan chống đối gặp phải: bị bắt bớ xét xử, bị đánh đòn, đắm tầu, đói rét, ở trần… vì Danh Chúa. Nhờ sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần, Phao-lô đã viết nhiều bức thư để tiếp tục giáo huấn về cách ăn nết ở cho các tín hữu trong các giáo đoàn đã nghe ngài giảng mà tin theo Chúa Giê-su, nhằn răn dạy họ bỏ các tội lỗi mà sống tốt lành theo Chúa Giê-su. Ông cũng dạy họ đào sâu về nhiều mặt như: Kinh Thánh, tín lý, luân lý, phụng vụ… Phao-lô còn nêu gương sẵn sàng chịu mọi đau khổ hơn mọi người vì danh Chúa Giê-su như ông đã viết: “Họ là người phục vụ Đức Ki-tô ư? Tôi nói như người điên: Tôi còn hơn họ nữa! Hơn nhiều vì công khó, hơn nhiều vì ở tù, hơn gấp bội vì chịu đòn, bao lần suýt chết. Năm lần tôi bị người Do thái đánh bốn mươi roi bớt một. Ba lần bị đánh đòn, một lần bị ném đã, ba lần bị đắm tàu, một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi… (2 Cr 11,23-25…)

3) Về lòng mến Chúa của hai vị Tông đồ Phê-rô và Phao-lô:
- Tông đồ Phê-rô: Theo sách Công vụ Tông đồ, vào lễ Ngũ Tuần, sau khi đón nhận đầy ơn Thánh Thần, Phê-rô đã cùng các Tông đồ bắt đầu thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ông đã giảng một bài đầu tiên tại Giê-ru-sa-lem. Nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động, đã có 3 ngàn người xin tòng giáo. Sau đó Phê-rô cùng Nhóm 11 chọn ông Mat-thi-a thế chỗ cho Giu-đa phản bội. Ông cũng được Thánh Thần ban ơn làm nhiều phép lạ cứu nhân độ thế kèm theo lời giảng. Ông đã chữa cho một người què tại cửa Đền thờ, và đón nhận dân ngoại vào Hội Thánh. Người ta tin rằng chỉ cần cái bóng của ông lướt qua bệnh nhân cũng đủ chữa lành cho họ. Phê-rô và các Tông đồ trong Nhóm 12 ưu tiên loan báo Tin Mừng cho dân Do thái. Ông đã bị các đầu mục dân Do thái bắt bớ xét hỏi nhiều lần và cấm rao giảng Danh Đức Giê-su. Nhưng ông đã tuyên bố trước Thượng Hội Đồng rằng: Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm… Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng cùng với Thánh Thần” (Cv 5,29-32). Vào lúc cuối đời, khi đang ở Rô-ma và có nguy cơ bị bắt, Phê-rô đã nghe lời các tín hữu để cải trang và đã trốn thoát ra ngoài thành Rô-ma để tiếp tục lãnh đạo Hội Thánh. Nhưng sau đó ông đã gặp Đức Giê-su đang vác thánh giá đi về thành. Ông hỏi Người: “Quo vadis ?” (Thầy đi đâu?). Chúa trả lời: “Ta vào thành Rô-ma để chịu đóng đanh một lần nữa” rồi Chúa biến mất. Phê-rô hiểu ý Chúa muốn ông ở lại Rô-ma để làm chứng cho Chúa giữa các tín hữu, nên ông lại đi vào thành. Sau đó Phê-rô bị bắt và bị kết án tử hình thập giá vào năm 65 dưới thời hoàng đế Nê-rông. Khi chịu đóng đinh, để tỏ lòng tôn kính Chúa Giê-su, ông xin lính đóng đinh và quay ngược đầu xuống đất. Ngày nay một ngôi Đền thờ Thánh Phêrô to lớn trong thành Rô-ma, có chứa mộ phần của thánh Phê-rô. Trong thời gian giảng đạo ở Rô-ma, thánh Phê-rô đã viết 2 bức thư cho các tín hữu miền Tiểu Á đang chịu bách hại, khuyên dạy họ hãy can đảm sống đức tin bằng việc thực thi sự hiệp nhất yêu thương nhau, vâng phục các mục tử, đoạn tuyệt tội lỗi và chờ đợi ngày Chúa quang lâm sắp đến.
- Tông đồ Phao-lô: Phao-lô thực là dụng cụ Chúa dùng để đưa nhiều người về với Chúa. Ông là một người trung thành, can đảm, thẳng thắn… Là cầu nối kết giữa dân Do thái và dân ngoại, giữa Cựu ước và Tân ước. Nhờ Phao-lô mà dân ngoại trong đó có chúng ta không phải chịu nghi thức cắt bì của đạo Do Thái và không phải mang “ách Luật Mô-sê” như dân Do thái xưa. Từ khi gặp Chúa và theo làm Tông đồ của Chúa, Phao-lô có lòng yêu mên Chúa cách đặc biệt. Ông đã nêu gương sáng về lòng tin yêu Chúa Giê-su để các tín hữu noi theo. Chẳng hạn: “Đối với tôi sống là Đức Kitô” (Pl 1,21) “Tôi coi mọi sự như phân tro, để chỉ mong được lời lãi Tình yêu Chúa Kitô" (Pl 3,8).- "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? … Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, chiều cao hay vực thẳm, hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39). "Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi" (Gl 2,20). Cuối cùng, trong thời kỳ người Rô-ma bách hại đạo Công Giáo, Phao-lô đã bị bắt tù, và sau cùng ngài đã bị án chém đầu ở ngoài thành Rôma vào năm 67.

4) Sống “hiệp nhất” để làm chứng cho Chúa noi gương hai vị Phê-rô và Phao-lô:
- Hiệp nhất trong đức tin: Hai vị Tông đồ đã hiệp nhất một lòng một ý trong sứ mệnh rao giảng Tin Mừng. Mặc dù còn có nhiều khác biệt về bản thân, tính tình, về ơn gọi theo Chúa, về xu hướng truyền giáo… nhưng cả hai đã tạo nên một sự hiệp nhất trong đa dạng, qua việc cùng trở thành nền tảng xây dựng toà nhà Hội Thánh, sẵn sàng chết vì Danh Chúa. Hai vị đã được Hội Thánh tôn vinh trong một ngày đại lễ. Các ngài đã trở nên biểu tượng của sự hiệp nhất trong đa dạng của Hội Thánh: “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”. Đó chính là khuôn vàng thước ngọc cho các tín hữu noi theo.
- Hiệp nhất trong lòng mến: Ngày nay muốn trở nên tông đồ của Chúa Giê-su, các tín hữu chúng ta phải có lòng mến Chúa noi gương hai vị Tông đồ. Nhờ lòng mến Chúa thôi thúc, chúng ta sẽ được ơn Chúa thanh luyện khỏi những đam mê, thói hư, các vết nhơ tội lỗi. Nhờ siêng năng nghe Lời Chúa và tham dự thánh lễ rước lễ mỗi ngày, xét mình mỗi tối trước khi đi ngủ, học tập theo Chúa Giê-su… chúng ta cũng sẽ có thể nhìn tha nhân bằng ánh mắt bao dung nhân hậu, sẽ ăn nói điềm đạm, vui vẻ chân thành, ứng xử hiền hòa và khiêm tốn phục vụ … Nhờ đó chúng ta sẽ nên tông đồ giáo dân nhiệt thành làm chứng cho Chúa, noi gương hai vị Tông đồ Phê-rô và Phao-lô.

4. THẢO LUẬN:

Đối với bạn, Đức Giê-su là ai ? (Là một ngôn sứ, để xin Người cầu bầu với Chúa Cha cho ta; hay là một thần tượng để ta chiêm ngưỡng thán phục; hay chính là Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa, để ta tin theo và sẵn sàng bỏ mọi sự theo làm môn đệ Người, sẵn sàng vác thập giá là đón nhận các đau khổ gặp phải, kết hiệp với sự đau khổ của Người trên cây thập giá để góp phần cứu rỗi tha nhân ?)

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Chúng con cũng muốn được góp phần xây dựng Hội Thánh. Nhưng muốn làm được như vậy, chúng con phải có đức tin mạnh như thánh Phê-rô. Xin Chúa cho chúng con trở thành những viên đá đức tin sống động vững chắc, làm thành nền móng xây nên tòa nhà Hội Thánh. Xin Chúa hãy giúp chúng con tránh những lời nói xúc phạm khó ưa, những hành động vụ lợi ích kỷ, để sống hòa hợp với tha nhân. Xin giúp chúng con loại bỏ những đam mê bất chính và các thói hư tật xấu, loại bỏ tính háo danh, thói ưa châm chọc chỉ trích kẻ khác, loại bỏ tư tưởng tự mãn và hẹp hòi… Nhờ đó, chúng con trở thành những chứng nhân cho tình yêu bao dung nhân hậu của Chúa noi gương hai thánh Tông Đồ Phê-rô và Phao-lô.

- LẠY CHÚA. Tòa nhà Hội Thánh sau hai ngàn năm đến nay vẫn đang tiếp tục được xây dựng những chỗ còn dang dở. Xin Chúa giúp mỗi tín hữu chúng con tích cực góp phần xây dựng để ngôi nhà Hội Thánh sớm hoàn thành. Xin cho chúng con luôn sống yêu thương hòa thuận để gia đình và Giáo xứ chúng con trở thành một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất và bình an. Nhờ đó nhiều người sẽ nhận biết tin thờ Chúa và sau này cùng được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với chúng con.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON



 
Được và mất
Lm.Giuse Nguyễn Hữu An
06:17 28/06/2017
Chúa Nhật 13 Thường Niên năm A

Được và mất

Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Một con chồn muốn vào một vườn nho, nhưng vườn nho lại được rào dậu cẩn thận. Tìm được một chỗ trống, nó muốn chui vào nhưng không thể được. Nó mới nghĩ ra một cách: nhịn đói để gầy bớt đi.
Sau mấy ngày nhịn ăn, con chồn chui qua lỗ hổng một cách dễ dàng. Nó vào được trong vườn nho. Sau khi ăn uống no nê, con chồn mới khám phá rằng nó đã trở nên quá mập để có thể chui qua lỗ hổng trở lại. Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa.
Thoát ra khỏi vườn nho, nó nhìn và suy nghĩ: “Hỡi vườn nho, vào trong nhà ngươi để được gì? Bởi vì ta đã đi vào với hai bàn tay không, ta cũng trở ra với hai bàn tay trắng”.

Khi bước vào trong trần thế này, con người muốn mở rộng bàn tay để chiếm trọn mọi sự. Khi nhắm mắt xuôi tay cũng đành phải ra đi với hai bàn tay trắng mà thôi.

Chúa Giêsu nói với các môn đệ : “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích lợi gì?”. Xuất thân từ bụi đất, con người rồi cũng trở về với đất bụi. Chỉ có sự sống vĩnh cửu mới tồn tại muôn đời.

Chúa Giêsu còn dạy rằng: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình vì thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Ở đời ai cũng muốn được và sợ mất. Không phải cứ thu vào là được, buông ra là mất. Trái lại nhiều khi phải chịu mất trước rồi mới được sau. Mất nhỏ để được lớn. Mất ít để được nhiều. Sống ở đời ai cũng tranh phần được và không muốn mất. Vấn đề là phải xác định xem đâu là cái được thực sự, lâu bền, trọn vẹn, đâu là cái được quan trọng nhất, cần thiết nhất. Kitô hữu là người say mê cái được vĩnh cửu, vì thế họ chấp nhận những mất mát tạm thời. Họ tin rằng cuối cùng chẳng có gì mất cả. Mọi sự nếu họ mất vì Thầy Giêsu thì họ sẽ được lại. Mất tạm thời để giữ được mãi mãi. Từ bỏ chính mình là để tìm lại cái tôi trong suốt hơn, ngời sáng hơn.

Chúa Giêsu cũng quả quyết: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mà theo”. Theo Thầy là đi vào con đường từ bỏ. Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc từ bỏ không ngừng. Từ bỏ trời để xuống đất. Từ bỏ địa vị Thiên Chúa để làm người. Từ bỏ cuộc sống an nhàn nơi thôn làng để đi vào cuộc phiêu lưu rao giảng Tin Mừng. Từ bỏ cứu thế bằng con đường dễ dãi do ma quỉ xúi giục, để đi vào con đường chật hẹp khó khăn theo ý Chúa Cha. Cuộc từ bỏ cam go nhất chính là từ bỏ ý riêng mình. Đó là một cuộc chiến khốc liệt khiến Người phải toát mồ hôi máu. Nhưng Người đã đi đến cùng con đường từ bỏ. Hình ảnh Người chết treo trần trụi trên thánh giá là hình ảnh một người từ bỏ tất cả đến tận cùng. Không còn một chút hơi thở. Không còn một giọt máu. Không còn một chút danh dự. Không còn gì cả. (Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt).

Từ bỏ là một quy luật.

- Quy luật của sinh tồn: có nhiều thứ nếu ta không chịu bỏ thì ta sẽ chết. Chẳng hạn ta có một khúc chân đang bị hoại tử. Nếu không cắt bỏ nó đi thì chứng hoại tử sẽ lan dần đến toàn cơ thể làm ta phải chết.
- Quy luật của phát triển: cơ thể ta hằng ngày hằng giờ hằng phút đều bỏ đi những chất thải, bỏ đi một số tế bào già nua để thu nhận vào những chất dinh dưỡng, để sinh những tế bào mới. Nhờ đó cơ thể lớn dần lên. Trong quá trình phát triển, con người phải từng giai đoạn bỏ đi đứa bé sơ sinh, đứa trẻ con ấu trĩ... có thế mới phát triển dần thành người lớn.
- Quy luật của cải thiện: cải thiện là bỏ đi những cái chưa tốt để lấy vào những cái tốt hơn.
- Quy luật của tiếp nhận: có bỏ thì mới có nhận. Thí dụ ta có một cái chai đang đựng nước. Muốn có một lít rượu thì trước hết phải đổ bỏ một lít nước kia ra khỏi cái chai.

Chẳng những phải bỏ bớt, bỏ cái này, bỏ cái kia... mà có khi phải bỏ hoàn toàn, bỏ tất cả nữa. Chẳng hạn chiếc xe gắn máy của tôi đã hư quá nặng, nếu tiếp tục sử dụng thì có ngày sẽ gây tai nạn, có sửa bộ phận này bộ phận khác cũng không bảo đảm an toàn. Vì thế tôi phải bỏ hẳn để mua một chiếc xe khác.

Làm môn đệ Chúa Giêsu là làm một người khác hẳn, cho nên không lạ gì khi Người bảo chúng ta phải "từ bỏ mình". Cái phần "mình" được bỏ đi bao nhiêu thì cái phần "Chúa" được gia tăng bấy nhiêu. "Từ bỏ mình" hoàn toàn thì sẽ trở thành "Kitô khác" hoàn toàn.Như thế tuy bỏ nhưng không mất, mà lại được, không thiệt thòi mà lại có lợi hơn.

Theo Thầy là đi vào con đường dẫn đến phục sinh. Con đường từ bỏ là con đường dẫn đến vinh quang. Phải qua sự chết mới đến sự sống. Phải qua tủi nhục mới đến vinh quang. Phải qua gian khổ mới đến hạnh phúc. Khi mời gọi “Hãy theo Thầy”, Chúa muốn chúng ta triển nở đến viên mãn.

Lời Chúa hôm nay gởi đến sứ điệp: từ bỏ không phải để mất mà để được, được lại một cách sung mãn, hoàn hảo và cao cả phong phú hơn gấp bội. Mất hiện tại để được tương lai. Mất đời này để được đời sau. Mất phàm tục để được thần thiêng. Mất tạm bợ để được vĩnh cửu. Trong đời sống thường ngày, người Kitô hữu bị giằng co giữa một bên là tình cảm gia đình, bên kia là đòi hỏi của Chúa; hoặc một bên là quyến rũ của tiền tài, danh vọng, sống buông thả, một bên là sự trung thành với lý tưởng Kitô giáo. Trong những trường hợp giằng co như vậy, chúng ta sẽ chọn thế nào và phải làm gì? Lời Chúa soi sáng và hướng dẫn chúng ta hãy chọn đúng và thực hành đúng.

Qua cuộc tử nạn và cái chết, Chúa Giêsu cũng khẳng định chân lý: “Ai tìm mạng sống mình, sẽ mất. Ai đành mất mạng sống mình, sẽ gặp lại”. Đó là nghịch lý của Kitô giáo. Và đó cũng là chân lý của cuộc đời. Thánh Phanxicô Assisi đã cảm nghiệm sâu xa chân lý này nên đã thốt lên lời ca bất hủ: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Các vị tử đạo là những người say mê sự sống, đến nỗi dám chấp nhận cái chết. Các ngài coi trọng sự sống vĩnh cửu của mình hơn cả thế giới phú quý vinh hoa.

"Lạy Chúa Giêsu,
Chúa đẵ chịu chết và sống lại, xin dạy chúng con biết chiến đấu trong cuộc chiến mỗi ngày để được sống dồi dào hơn.
Chúa đã khiêm tốn và kiên trì nhận lấy những thất bại trong cuộc đời cũng như mọi đau khổ của thập giá, xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách chúng con phải gánh chịu mỗi ngày, thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến và trở nên giống Chúa hơn.
Xin dạy chúng con biết rằng chúng con không thể nên hoàn thiện nếu như không biết từ bỏ chính mình và những ước muốn ích kỷ.
Ước chi từ nay, không gì có thể làm cho chúng con khổ đau và khóc lóc chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa Phục Sinh.
Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha, là hy vọng hạnh phúc bất diệt, là ngọn lửa tình yêu nồng nàn; xin lấy niềm vui của Người mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ và trở thành mối dây yêu thương, bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen." (Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta).

 
Sống Xứng Với Chúa
Lm Nguyễn Văn Độ
17:22 28/06/2017
Sống Xứng Với Chúa

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật XIII - A

(Mt 10, 37 – 42)

Chúa Giêsu hôm nay cất tiếng mời gọi con người, cách riêng là người môn đệ, chẳng những lắng nghe, đi theo, mà còn phải hy sinh và từ bỏ nữa. “Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10, 37).

Nghe lời tuyên bố của Chúa Giêsu ở trên, mỗi người chúng ta nói gì và trả lời ra làm sao? Tiêu chuẩn để làm môn đệ Chúa Giêsu, với đòi hỏi thật gắt gao. Ai muốn theo Chúa, phải yêu Chúa hơn cha mẹ, con cái.. Có người đặt câu hỏi: Phải chăng, Điều răn thảo cha kính mẹ, yêu thương người thân cận bị đảo lộn rồi hay sao? Nghĩa là để đi theo Chúa Giêsu, người ta phải dành hết tình yêu đối với Chúa, người theo phải phân định và lựa chọn giữa Thiên Chúa và loài người, Thiên Chúa phải là nhất. Yêu cha mẹ và đồng loại, nhưng yêu Thiên Chúa hơn, vì Ngài là Đấng dựng nên cả cha mẹ chúng ta, nên Chúa Giêsu yêu cầu con người dành cho Ngài một vị trí đặc biệt và cao nhất.

Tuy nhiên, dường như trở ngại lớn nhất không phải là người thân cận hoặc cha mẹ anh chị em, của cải … mà là cái tôi. Cái tôi cũng phải nhường bước cho dây liên kết với Chúa Giêsu, nên Ngài thêm: “Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó” (Mt 10, 38-39).

Thì ra con đường của các môn đệ là theo Chúa Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. Con đường “chịu mất chính mình”, để tìm lại được chính mình, như Đức nguyên Giáo hoàng Benedictô XVI viết: con đường “chịu mất chính mình”, là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (Ðức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).

Ngày nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta: “Vác thập giá mà theo” (Mt 10, 38). Theo Chúa khi chấp nhận thập giá của mình với lòng yêu mến. Dưới con mắt thế gian, đây là một thất bại. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Một cách nhiệm mầu chính Chúa Kitô chấp nhận... chết trên một thập giá để nhổ tận gốc rễ tội kiêu căng khỏi trái tim con người, và biểu lộ một sự vâng phục toàn vẹn con thảo”t (Es. ap. Gaudete in Domino 9 maggio 1975, AAS 67 (1975) 300-301). Khi tự nguyện chấp nhận cái chết, Chúa Giêsu mang lấy thập giá của tất cả mọi người và trở thành suối nguồn ơn thánh cứu độ cho toàn dân. Thánh Cirillo thành Giêrusalem giải thích rằng: "Thập giá chiến thắng đã soi sáng những ai bị mù lòa vì ngu muội, đã giải thoát người bị tội lỗi giam cầm, đã đem lại ơn cứu độ cho toàn nhận loại" (Catechisis Illuminandorum XIII,1; de Christo crucifixo et sepulto: PG 33, 772 B).

Người ta hỏi : Chúa Giêsu có thích khổ đau và thập giá không? Không, Chúa Giêsu đã không đi tìm thập giá và đau khổ, y như thể Ngài thích. Nhưng Ngài vác trên mình thập giá và sự đau khổ, đến mất mạng, khi phải đáp ứng điều này hầu giữ được lòng trung thành với Thiên Chúa. Ai muốn đi theo Chúa Giêsu, phải đặt sự trung thành với thánh ý Thiên Chúa trên tất cả mọi sự. Vác thập giá mình là từ bỏ ý mình, vâng theo ý Chúa. Ý Chúa muốn là hy sinh và từ bỏ để sống trọn vẹn cho Chúa và cho tha nhân. Cơ bản, vác thập giá mình mà theo Đức Giêsu là liều thuốc chữa chúng ta khỏi căn bệnh ghê sợ là “sự trì trệ”, ù lì, tê liệt và khép kín lòng mình.

Không phải ngẫu nhiên Chúa Giêsu nói đến “Thập Giá”. Vác thập giá bước theo Chúa Giêsu không phải là vác đi với những bước nhẹ nhàng. Vác lấy thập giá mà theo Chúa Giêsu có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận bất cứ hy sinh nào vì tình yêu đối với Chúa. Nhưng chúng ta không vác thập giá một mình, vì có Chúa cùng đi, Ngài đi trước để chúng ta tiếp bước theo sau, Ngài đi mau để chúng ta được lúi kéo dắt dùi, Ngài nâng đỡ chúng ta bằng sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa.

Quyết định theo Chúa Giêsu, là gạt bỏ tất cả, hướng về Chúa là sự giầu có đích thực của chúng ta, không gì hơn Ngài, không đặt cái gì trước Ngài, toàn bộ phải qui hướng về Ngài. Ngài cũng khẩn khoản mời gọi chúng ta dùng mọi cách để đi đến tận cùng là trở nên những môn đệ Đức Giêsu. Theo Chúa Kitô, chúng ta không mất gì hết, chúng ta được tất cả. Như Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI nhấn mạnh trong bài giảng khai mào sứ vụ Giám mục Rôma : “Ai chấp nhận cho Chúa Kitô bước vào trong cuộc đời họ, thì người đó không mất đi điều gì cả, tuyệt đối không mất điều gì làm cho cuộc đời được tự do, tươi đẹp và cao cả. Không! Chỉ trong tình bạn với Chúa Kitô này mà các cửa sự sống được mở rộng ra. Chỉ trong tình bạn với Chúa này mà những khả năng to lớn của cuộc sống con người được thể hiện đích thực. Chỉ trong tình bạn với Chúa này mà chúng ta cảm nghiệm được điều gì là tươi đẹp và điều gì là tự do”. Với sức mạnh cao cả và với niềm xác tín lớn lao, dựa trên những năm dài kinh nghiệm cá nhân về cuộc sống, Đức Giáo Hoàng nói với chúng con rằng: “Anh em đừng sợ Chúa Kitô. Chúa không đến lấy mất đi điều gì cả, nhưng ban cho đủ mọi sự. Ai hiến thân cho Chúa, thì được nhận gấp trăm. Phải, hãy mở ra, hãy mở rộng mọi Cửa cho Chúa Kitô, và chúng con sẽ gặp được sự sống thật” (Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, 24/4/ 2005).

Lạy Chúa, trong niềm tin, chúng con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, xin đến giúp chúng con để chúng con thấy rằng trên đường đi, có chúa là sức mạnh để chúng con tiến bước theo Chúa cho đến trọn đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:02 28/06/2017
69. TRƯỚC CỬA VƯƠNG PHỦ CÓ CHÓ
Sở vương hỏi Trần Chẩn:
- “Ta đối đãi với các hiền sĩ rất thật tâm, nhưng các hiền sĩ trong thiên hạ không bằng lòng đến tụ, tại sao lại như vậy ?”
Trần Chẩn trả lờIu:
- “Lúc tôi còn trẻ có đi qua nước Yên và tá túc ở trong khách xá của thành thị nước Yên, nơi đó phía trước phía sau đều có rất nhiều nhà trọ, trong đó có một nhà trọ ở phía đông là tốt nhất nhưng khách khứa thì quá ít ỏi, có lúc cả ngày không có đến một người, dò hỏi một chút duyên do thì biết rằng cái quán bên đông ấy có một con chó dữ, hể nghe thấy tiếng người liền chạy ra cắn. Bây giờ trước cổng của ngài, phải chăng là có “chó dữ” ?
(Úc Ly tử)

Suy tư 69:
Ở thôn quê hình như nhà nào cũng có nuôi chó, nhưng nuôi chó để giữ nhà hoặc khi nổi hứng thì đem...làm thịt nhậu chơi, chẳng có gì đáng nói.
Nhưng cái đáng nói của Trần Chẩn là “có chó dữ trước cổng nhà”, nên không có hiền nhân quân tử nào dám đến để đầu quân.
Nhà xứ là nhà của họ đạo làm nơi ở của cha sở, nơi nhà xứ gồm có phòng hội họp, phòng học giáo lý, phòng sinh hoạt, phòng khánh tiết và có cả vườn hoa.v.v... Giáo dân thích tới nhà xứ của mình để chăm hoa, để quét nhà thờ, phòng ốc, để làm đẹp cho nhà xứ của mình.
Nhưng có những nhà xứ mà giáo dân không thích tới và không thèm nói đến nó, không phải vì cha sở có nuôi vài con chó lai giống Phú Quốc dữ như quỷ, nhưng vì bên cạnh cha sở có nhiều người nịnh nọt ton hót ngài, có nhiều người còn cho cha sở là “của riêng” của họ, nên hể có ai đến gặp cha sở thì phải qua cổng có ông bảo vệ hạch hỏi nên họ không muốn vào; ông bảo về xong rồi thì phải qua cô thư ký hách dịch giọng the thé, rồi có khi “lỡ” gặp bà bếp thì bị lườm lườm nguýt nguýt thấy mà khiếp, cho nên giáo dân thà thấy nhà xứ bẩn thỉu không ngăn nắp hơn là nhìn thấy “cái mặt hình sự và lườm nguýt” của mấy người ấy.
Có những lúc các cha sở không để ý chuyện này, nhưng giáo dân rất tế nhị và nhạy cảm, vô tình cha sở trở thành người “không thích chiêu hiền đãi sĩ” bởi vì trước cổng của ngài tuy không có chó dử, nhưng có một hàng rào dữ dằn hơn chó dữ nữa cản lối giáo dân đến với Chúa và với cha sở của mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:04 28/06/2017

2. Cầu nguyện vốn là không coi trọng lời lẽ hùng biện, nhưng coi trọng sự rên xiết than thở trong tâm hồn của con người.

(Thánh Augustinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một thầy Salesian Việt Nam truyền giáo tại Bangladesh được truyền chức Linh mục ngày 23/6/2017
Thanh Quảng sdb
04:39 28/06/2017
Một thầy Salesian Việt Nam truyền giáo tại Bangladesh được truyền chức Linh mục ngày 23/6/2017
GM đặt tay truyền chức
GM đội mũ cho tân Lm theo phong tục người Bangladesh
ĐGM Cosma Hoàng Văn Đạt mặc áo lễ cho tân Lm
Cộng đoàn Học viện tại Giêrusalem
Tân Linh Mục Joseph Cosma thuộc tỉnh dòng Việt Nam được Cha Bề Trên Cả sai đi truyền giáo tại Banggladesh năm 2011 và sau những năm theo học Thần học tại Học viện Ratisbonne tại Giêrusalem, ngày 23 tháng 6 năm 2017 được Đức Giám Mục Ponen Paul Kubi, CSC của Giáo phận Mymensingh truyền chức linh mục cho ngài tại Utrail. Nhân dịp mừng lễ Thánh tâm Chúa, Thánh lễ truyền chức có sự hiện diện của Đức Cha dòng Tên là Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục giáo phận Bắc Ninh (Việt Nam), và một số khách từ Việt nam cùng với các thành viên Salesian, và đông đảo tín hữu và bạn bè cùng tham dự thánh lễ.
Các Linh mục Joseph Pauria và Thày Lawrence Mondol đại diện cho Á tỉnh INC hiện diện trong thánh lễ. Cũng trong thánh lễ truyền chức linh mục này, Linh mục Francis Gamaliyel đã nhận chức Giám đốc cho cộng đoàn Utrail-Telunjia nơi đây.
Nói về sứ mạng Sa-lê-diêng tại Bangladesh thì Cha Francis Alencherry là người tiên phong đặt chân tới Banggladesh vào năm 2008 và con số hội viên cũng như công cuộc được thăng tiến trong suốt 8 năm qua với biến cố truyền chức của Cha Joseph Cosma để tiếp tục phát triển sứ mệnh tông đồ giới trẻ với một số ơn gọi Salesian địa phương.
Xin chúc mừng Cha Joseph Cosma và cầu chúc cha thành công trong việc truyền giáo tại Bangladesh, một vùng đất Hồi giáo là quốc giáo với nhiều khó khăn thử thách!
 
Đức Thánh Cha bổ nhiệm 5 vị tân Hồng Y
Nguyễn Long Thao
09:20 28/06/2017
Sau khi đọc kinh truyền tin vào trưa Chúa Nhật 25/6/2017 tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố danh sách 5 vị Hồng Y mới

Các Hồng Y mới thuộc các nước: Mali, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Lào và El Salvador

Sau đây là danh sách 5 tân Hồng Y

-Đức Tổng Giám mục Jean Zerbo của Bamako, Mali.

-Đức Tổng Giám mục Juan José Omella của Barcelona, Tây Ban Nha.

-Đức Cha Anders Arborelius, Giám mục Stockholm, Thụy Điển

-Đức Tổng Giám Mục Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun Tông Tòa Paksé, Lào.

-Đức Giám Mục Gregorio Rosa Chávez - Giám mục phụ tá của Tổng Giáo phận San Salvador, El Salvador

Tưởng cũng nên nhắc lại là từ năm 2013 đến nay ĐGH Phanxicô đã bốn lần bổ nhiệm tân Hồng Y. Với 5 vị tân Hồng Y lần này, tổng số số Hồng Y của Giáo Hội Công Giáo là 121 vị. Các nhà quan sát thời sự tại Vatican nhận định rằng, duới triều đại Đức Giáo Hoàng Phanxicô, số Hồng Y đại diện nhiều hơn cho toàn thế giới. Số Hồng Y của Âu Châu, Mỹ Châu và nhất là của Ý không gia tăng mà có chiếu hướng giảm.
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong công nghị tấn phong Hồng Y 28/06/2017
J.B. Đặng Minh An dịch
15:36 28/06/2017
Lúc 4h chiều thứ Tư 28 tháng Sáu, 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự công nghị tấn phong 5 vị tân Hồng Y là Đức Cha Jean Zerbo - Tổng giám mục Bamako – Mali, Đức Cha Juan José Omella, Tổng Giám Mục Barcelona - Tây Ban Nha; Đức Cha Anders Arborelius, Giám mục Stockholm – Thụy Điển; Đức Cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun - Đại diện Tông Tòa của Pakse – Lào; và Đức Cha Gregorio Rosa Chávez - Giám mục phụ tá của Tổng Giáo phận San Salvador - El Salvador.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:


“Chúa Giêsu đang đi trước họ” Đây là hình ảnh mà đoạn Tin Mừng chúng ta vừa đọc (Mc 10: 32-45) trình bày với chúng ta. Đó là bối cảnh cho hành động đang diễn ra lúc này đây, là công nghị tấn phong các tân Hồng Y.

Chúa Giêsu kiên quyết đi lên Giêrusalem. Ngài hoàn toàn biết rõ điều gì đang chờ đợi mình ở đó; hơn một lần, Ngài đã nói về điều này với các môn đệ của Ngài. Nhưng có một khoảng cách giữa thánh tâm Chúa Giêsu và con tim của các môn đệ Ngài, mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể san bằng. Chúa Giêsu biết điều này, và vì thế Ngài kiên nhẫn với các môn đệ mình. Ngài nói thẳng thắn với họ và trên hết, Ngài đi trước họ. Ngài dẫn đầu họ.

Trên đường đi, các môn đệ đang bị phân tâm bởi những quan ngại không liên quan gì với “hướng đi” đã được Chúa Giêsu chọn, với ý muốn của Ngài, là điều hoàn toàn là một với thánh ý của Chúa Cha. Câu chuyện, như chúng ta nghe, là thế này, hai anh em ông Giacôbê và ông Gioan nghĩ thật là hay biết bao nếu họ được ngồi bên phải và bên trái của Vua Israel (x v. 37). Họ không đối diện với thực tế! Họ nghĩ rằng họ nhìn thấy, nhưng thực ra họ không thấy. Họ nghĩ rằng họ biết, nhưng thực ra họ không biết. Họ nghĩ họ hiểu rõ hơn so với những người khác, nhưng kỳ thực thì không phải như thế.

Thực tế là hoàn toàn khác. Đó là những gì Chúa Giêsu nhìn thấy và đang hướng dẫn bước đi của Ngài. Thực tế là thập giá. Đó chính là tội lỗi thế gian mà Ngài đã đến để gách vác lên mình, và để nhổ bật tận gốc rễ khỏi thế giới của những người nam nữ. Đó chính là những người vô tội đang đau khổ và chết như những nạn nhân của chiến tranh và khủng bố; đó là các hình thức nô lệ vẫn tiếp tục chà đạp nhân phẩm con người, ngay cả trong thời đại được gọi là kỷ nguyên nhân quyền này; đó là các trại tị nạn mà dường như lúc này lúc khác có lẽ giống hỏa ngục hơn là luyện ngục; đó là sự vứt bỏ có hệ thống tất cả những gì không còn hữu ích nữa, kể cả con người.

Đây là những gì Chúa Giêsu nhìn thấy khi Ngài đi lên Giêrusalem. Trong sứ vụ công khai của mình, Ngài đã loan báo tình yêu dịu dàng của Chúa Cha bằng cách chữa lành tất cả những ai bị khống chế bởi tà ác (Cv 10:38). Giờ đây, Ngài nhận ra rằng thời điểm đã đến để dấn bước đến tận cùng, để loại bỏ tà ác tại gốc rễ của nó. Và như vậy, Ngài kiên quyết hướng về thập giá.

Chúng ta cũng vậy, anh chị em, chúng ta đang lữ hành với Chúa Giêsu dọc theo con đường này. Trên tất cả, tôi muốn nói với các tân Hồng Y thân mến. Chúa Giêsu “đang đi trước anh em”, và Người yêu cầu anh em quyết liệt theo Ngài trên con đường này. Ngài kêu gọi anh em nhìn vào thực tế, không để cho mình bị phân tâm bởi những lợi ích hoặc triển vọng khác. Ngài không kêu gọi anh em trở thành những “hoàng tử” của Giáo Hội, để ngồi bên phải hay bên trái của Ngài. Ngài mời gọi anh em phục vụ Chúa Cha và anh chị em của mình như Ngài và với Ngài. Ngài mời gọi anh em đối mặt với tội lỗi thế gian và những ảnh hưởng của nó trên nhân loại ngày nay như Ngài đã làm. Hãy theo Ngài, và đi trước dân thánh của Thiên Chúa, với cái nhìn của anh em dán chặt vào thập giá và sự phục sinh của Chúa.

Và giờ đây, với đức tin và nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta hãy nài xin Chúa Thánh Thần san bằng những khoảng cách giữa con tim của chúng ta và thánh tâm của Chúa Kitô, như thế cuộc sống chúng ta mới có thể hoàn toàn phục vụ Thiên Chúa và tất cả anh chị em của chúng ta.
 
Các tân Hồng Y đến chào thăm Đức Bênêđíctô thứ 16
Đặng Tự Do
18:02 28/06/2017
Lúc 4h chiều thứ Tư 28 tháng Sáu, 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự công nghị tấn phong 5 vị tân Hồng Y là Đức Cha Jean Zerbo - Tổng giám mục Bamako – Mali, Đức Cha Juan José Omella, Tổng Giám Mục Barcelona - Tây Ban Nha; Đức Cha Anders Arborelius, Giám mục Stockholm – Thụy Điển; Đức Cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun - Đại diện Tông Tòa của Pakse – Lào; và Đức Cha Gregorio Rosa Chávez - Giám mục phụ tá của Tổng Giáo phận San Salvador - El Salvador.

Sau buổi lễ tấn phong Hồng Y, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đi cùng với 5 vị tân Hồng Y đến chào thăm Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16.

Trước hết, Đức Tân Hồng Y Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun của Lào tự giới thiệu mình với Đức Bênêđíctô thứ 16 bằng tiếng Pháp.

Với khả năng ngoại ngữ phong phú của ngài, Đức Bênêđíctô thứ 16 đã nói chuyện với các tân Hồng Y bằng tiếng mẹ đẻ của họ, hay ngôn ngữ mà các ngài thông thạo nhất.

Đức Bênêđíctô thứ 16 đã nói tiếng Tây Ban Nha với các Hồng Y từ Tây Ban Nha và El Salvador. Ngài rất vui khi nghe Đức Hồng Y Juan Jose Omella nói về Nhà Thờ Chánh Tòa Thánh Gia, ở Barcelona, mà Đức Bênêđíctô thứ 16 đã thánh hiến trong chuyến viếng thăm thành phố này.
 
Công nghị tấn phong Hồng Y ngày 28/06/2017
VietCatholic Network
18:12 28/06/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Lúc 4h chiều thứ Tư 28 tháng Sáu, 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự công nghị tấn phong 5 vị tân Hồng Y là Đức Cha Jean Zerbo - Tổng giám mục Bamako – Mali, Đức Cha Juan José Omella, Tổng Giám Mục Barcelona - Tây Ban Nha; Đức Cha Anders Arborelius, Giám mục Stockholm – Thụy Điển; Đức Cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun - Đại diện Tông Tòa của Pakse – Lào; và Đức Cha Gregorio Rosa Chávez - Giám mục phụ tá của Tổng Giáo phận San Salvador - El Salvador.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Chúa Giêsu đang đi trước họ” Đây là hình ảnh mà đoạn Tin Mừng chúng ta vừa đọc (Mc 10: 32-45) trình bày với chúng ta. Đó là bối cảnh cho hành động đang diễn ra lúc này đây, là công nghị tấn phong các tân Hồng Y.

Chúa Giêsu kiên quyết đi lên Giêrusalem. Ngài hoàn toàn biết rõ điều gì đang chờ đợi mình ở đó; hơn một lần, Ngài đã nói về điều này với các môn đệ của Ngài. Nhưng có một khoảng cách giữa thánh tâm Chúa Giêsu và con tim của các môn đệ Ngài, mà chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể san bằng. Chúa Giêsu biết điều này, và vì thế Ngài kiên nhẫn với các môn đệ mình. Ngài nói thẳng thắn với họ và trên hết, Ngài đi trước họ. Ngài dẫn đầu họ.

Trên đường đi, các môn đệ đang bị phân tâm bởi những quan ngại không liên quan gì với “hướng đi” đã được Chúa Giêsu chọn, với ý muốn của Ngài, là điều hoàn toàn là một với thánh ý của Chúa Cha. Câu chuyện, như chúng ta nghe, là thế này, hai anh em ông Giacôbê và ông Gioan nghĩ thật là hay biết bao nếu họ được ngồi bên phải và bên trái của Vua Israel (x v. 37). Họ không đối diện với thực tế! Họ nghĩ rằng họ nhìn thấy, nhưng thực ra họ không thấy. Họ nghĩ rằng họ biết, nhưng thực ra họ không biết. Họ nghĩ họ hiểu rõ hơn so với những người khác, nhưng kỳ thực thì không phải như thế.

Thực tế là hoàn toàn khác. Đó là những gì Chúa Giêsu nhìn thấy và đang hướng dẫn bước đi của Ngài. Thực tế là thập giá. Đó chính là tội lỗi thế gian mà Ngài đã đến để gách vác lên mình, và để nhổ bật tận gốc rễ khỏi thế giới của những người nam nữ. Đó chính là những người vô tội đang đau khổ và chết như những nạn nhân của chiến tranh và khủng bố; đó là các hình thức nô lệ vẫn tiếp tục chà đạp nhân phẩm con người, ngay cả trong thời đại được gọi là kỷ nguyên nhân quyền này; đó là các trại tị nạn mà dường như lúc này lúc khác có lẽ giống hỏa ngục hơn là luyện ngục; đó là sự vứt bỏ có hệ thống tất cả những gì không còn hữu ích nữa, kể cả con người.

Đây là những gì Chúa Giêsu nhìn thấy khi Ngài đi lên Giêrusalem. Trong sứ vụ công khai của mình, Ngài đã loan báo tình yêu dịu dàng của Chúa Cha bằng cách chữa lành tất cả những ai bị khống chế bởi tà ác (Cv 10:38). Giờ đây, Ngài nhận ra rằng thời điểm đã đến để dấn bước đến tận cùng, để loại bỏ tà ác tại gốc rễ của nó. Và như vậy, Ngài kiên quyết hướng về thập giá.

Chúng ta cũng vậy, anh chị em, chúng ta đang lữ hành với Chúa Giêsu dọc theo con đường này. Trên tất cả, tôi muốn nói với các tân Hồng Y thân mến. Chúa Giêsu “đang đi trước anh em”, và Người yêu cầu anh em quyết liệt theo Ngài trên con đường này. Ngài kêu gọi anh em nhìn vào thực tế, không để cho mình bị phân tâm bởi những lợi ích hoặc triển vọng khác. Ngài không kêu gọi anh em trở thành những “hoàng tử” của Giáo Hội, để ngồi bên phải hay bên trái của Ngài. Ngài mời gọi anh em phục vụ Chúa Cha và anh chị em của mình như Ngài và với Ngài. Ngài mời gọi anh em đối mặt với tội lỗi thế gian và những ảnh hưởng của nó trên nhân loại ngày nay như Ngài đã làm. Hãy theo Ngài, và đi trước dân thánh của Thiên Chúa, với cái nhìn của anh em dán chặt vào thập giá và sự phục sinh của Chúa.

Và giờ đây, với đức tin và nhờ lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta hãy nài xin Chúa Thánh Thần san bằng những khoảng cách giữa con tim của chúng ta và thánh tâm của Chúa Kitô, như thế cuộc sống chúng ta mới có thể hoàn toàn phục vụ Thiên Chúa và tất cả anh chị em của chúng ta.

Dưới đây là tiểu sử chính thức của 5 vị tân Hồng Y

1. Đức Cha Jean Zerbo - Tổng giám mục Bamako - Mali

Đức Cha Jean Zerbo sinh tại Segou vào ngày 27 tháng 12 năm 1943. Ngài được thụ phong linh mục ngày 10 tháng 7 năm 1971 tại Segou.

Sau khi được thụ phong linh mục, ngài tiếp tục học tại Lyon, bên Pháp; và sau đó theo học tại Học viện Kinh Thánh ở Rôma từ năm 1977 đến năm 1981, là năm ngài nhận được bằng Cao Học Kinh Thánh.

Từ năm 1982, ngài phục vụ trong tư cách một linh mục chánh xứ ở Markala và là một giảng viên tại đại chủng viện Bamako.

Ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá của tổng giáo phận Bamako vào ngày 21 tháng 6 năm 1988.

Ngày 19 tháng 12 năm 1994, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm giám mục giáo phận Mopti. Bốn năm sau đó, vào ngày 27 tháng 6 năm 1998, ngài được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Bamako.

Đức Tổng Giám Mục đã đóng một vai trò tích cực trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Mali. Ngài dành được sự kính trọng của người dân Mali bất kể lương giáo vì đã đi tiên phong trong cuộc chiến chống lại sự loại trừ, và trên hết, đã thúc đẩy hòa giải và liên đới giữa người Mali.

2. Đức Cha Juan José Omella – Tổng Giám Mục Barcelona - Tây Ban Nha;

Đức Cha Juan José Omella sinh tại Cretas ngày 21 tháng 4 năm 1946.

Ngài đã hoàn thành các chương trình triết học và thần học tại chủng viện Zaragoza và tại trung tâm đào tạo linh mục của Hội Truyền Giáo Phi Châu White Fathers ở Leuven và Jerusalem. Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 20 tháng 9 năm 1970.

Giữa những năm 1990 và năm 1996, ngài làm cha phó, rồi cha xứ, trước khi được cử làm cha tổng đại diện giáo phận Zaragoza.

Sau đó, ngài sang truyền giáo ở Zaire trong một năm.

Ngày 15 tháng 7 năm 1996, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm giám mục phụ tá của Zaragoza.

Ba năm sau, ngày 27 tháng 10 năm 1999, ngài được bổ nhiệm làm giám mục chính tòa của giáo phận Barbastro-Monzón.

Từ ngày 24 tháng 8 năm 2001 đến ngày 19 tháng 12 năm 2003, ngài kiêm nhiệm giám quản Tông Tòa Huesca và từ ngày 19 tháng 10 năm 2001 đến ngày 19 tháng 12 năm 2003, kiêm nhiệm giám quản Tông Tòa Jaca.

Ngày 8 tháng 4 năm 2004, ngài được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Calahorra và La Calzada-Logrorio.

Ngày 6 tháng 11 năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài là thành viên của Bộ Giám mục.

Ngày 26 tháng 12 cùng năm, ngài trở thành Tổng giám mục Barcelona.

Trong Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, Đức Cha đã là thành viên của Ủy ban mục vụ xã hội cho đến năm 1996, và giữ chức chủ tịch ủy ban này từ năm 2002 đến 2008, và sau đó thêm một nhiệm kỳ nữa từ năm 2014 đến năm 2017.

Ngài cũng là thành viên của Ủy ban Mục vụ, và Ủy ban Tông Đồ Giáo Dân.

Từ ngày 14 tháng 3 năm 2017 đến nay, ngài đã là thành viên của Ban chấp hành Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu.

3. Đức Cha Anders Arborelius, O.C.D. - Giám mục Stockholm – Thụy Điển

Đức Cha Anders Arborelius, Dòng Cát Minh Nhặt Phép, sinh tại Sorengo vào ngày 24 tháng 9 năm 1949. Năm 20 tuổi, ngài mới gia nhập đạo Công Giáo.

Năm 1971, ngài gia nhập Dòng Cát Minh Nhặt Phép ở Norraby, và khấn trọn tại Bruges, bên Bỉ vào năm 1977.

Ngài đã hoàn thành các chương trình triết học và thần học ở Bỉ và tại Teresianum ở Rôma.

Đồng thời, ngài cũng theo học các ngôn ngữ hiện đại tại Đại học Lund.

Vào ngày 8 tháng 9 năm 1979, ngài được phong chức linh mục ở Malmö.

Ngày 29 tháng 12 năm 1998, ngài được tấn phong giám mục tại Stockholm và trở thành giám mục Công Giáo đầu tiên của Thụy Điển, là người Thụy Điển chính gốc, từ sau thời Cải cách Luther năm 1500.

Từ năm 2005 đến năm 2015, ngài là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Scandinavia. Sau khi hết nhiệm kỳ 10 năm, trong cuộc họp khoáng đại năm 2015, ngài được tái cử trong chức vụ phó chủ tịch.

Ngài đã từng là thành viên của Hội đồng Giáo hoàng về Gia đình từ năm 2002 đến năm 2009.

Ngày 21 tháng Giêng vừa qua, ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm làm cố vấn Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống.

4. Đức Cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun - Đại diện Tông Tòa của Pakse - Lào

Đức Cha Louis-Marie Ling Mangkhanekhoun sinh ngày 8 tháng 4 năm 1944 tại Lào, thuộc tu hội Thánh Ý Thiên Chúa (Voluntas Dei). Ngài hoàn thành các chương trình triết học và thần học tại Lào và Canada; và được thụ phong linh mục vào ngày 5 tháng 11 năm 1972 tại miền Giám Quản Tông Tòa Viêng Chăn.

Bên cạnh tiếng Lào, là tiếng mẹ đẻ, ngài còn thông thạo tiếng Khmer, Pháp và Anh.

Sau khi được thụ phong linh mục, ngài chịu trách nhiệm về việc huấn luyện các giáo lý viên và phụ trách việc truyền giáo trên các vùng sơn cước của Lào; là hai nhiệm vụ cam go và đầy thử thách dưới thời cai trị của Pathet Lào.

Năm 1975, ngài được bổ nhiệm làm linh mục chính xứ và sau đó là tổng đại diện miền Giám Quản Tông Tòa Viêng Chăn.

Ngày 30 tháng 10 năm 2000, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Đại diện Tông Tòa của Pakse và ngài được tấn phong Giám Mục ngày 22 tháng 4 năm 2001. Sau gần 17 năm cai quản Pakse, miền đất này đã có gần 13 ngàn tín hữu Công Giáo, với 6 linh mục giáo phận, 1 linh mục dòng, 12 chủng sinh, 9 tu huynh và 18 nữ tu.

Ngày 2 tháng 2 năm 2017, Đức Thánh Cha bổ nhiệm ngài kiêm nhiệm Giám quản Tông tòa Viên Chăn.

5. Đức Cha Gregorio Rosa Chávez - Giám mục phụ tá của Tổng Giáo phận San Salvador - El Salvador.

Đức Cha Gregorio Rosa Chávez sinh tại Sociedad vào ngày 3 tháng 9 năm 1942.

Ngài hoàn thành các chương trình triết học và thần học tại Đại Chủng viện San José de la Montaña ở San Salvador trong hai giai đoạn từ 1962 đến 1964, và từ 1966 đến 1969.

Năm 1965, ngài làm việc tại tiểu chủng viện của giáo phận San Miguel.

Ngài được phong chức linh mục vào ngày 24 tháng Giêng năm 1970, và từng làm thư ký Tòa Giám mục giáo phận San Miguel từ 1970 đến 1973; trong khi coi sóc giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi, tại thành phố San Miguel.

Trong thời gian này ngài cũng đảm nhận chức vụ giám đốc truyền thông xã hội của giáo phận San Miguel; và làm tuyên úy cho nhiều hiệp hội và phong trào tông đồ giáo dân.

Sau đó, ngài theo học tại Đại học Công Giáo Leuven, Bỉ từ 1973 đến 1976, và đạt được bằng Cao Học về Truyền thông xã hội.

Ngoài tiếng mẹ đẻ là tiếng Tây Ban Nha, ngài nói thông thạo tiếng Pháp, và có kiến thức tổng quát về tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha và tiếng Ý.

Sau khi trở về nước, năm 1977, ngài được Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero bổ nhiệm làm chánh văn phòng truyền thông của tổng giáo phận thủ đô San Salvador; và trực tiếp điều hành một đài phát thanh Công Giáo.

Bên cạnh đó, ngài còn là giám đốc đại chủng viện San José de la Montaña ở San Salvador từ 1977 đến 1982; và là thành viên hội đồng quản trị của Tổ chức Các Chủng Viện Mỹ Latinh từ 1979 đến 1982.

Ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá của Tổng giáo phận San Salvador ngày 3 tháng Bảy năm 1982.

Ngài hiện là linh mục chính xứ giáo xứ San Francisco ở thủ đô San Salvador, và là chủ tịch của Caritas Mỹ Châu Latinh và vùng Caribê. Ngài cũng là giám đốc Caritas El Salvador.
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Tư 28/6/2017
VietCatholic Network
22:00 28/06/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Buổi tiếp kiến chung với Đức Thánh Cha thứ Tư ngày 28 tháng 6.

2- Đức Thánh Cha chủ tọa công nghị phong 5 Hồng Y mới.

3- Hồng Y Đoàn sau buổi lễ tấn phong Hồng Y ngày thứ Tư 28 tháng 6 năm 2017.

4- Trong số 36 Tổng Giám Mục sẽ được Đức Thánh Cha trao dây Pallium, Việt Nam có Đức Cha Nguyễn Chí Linh.

5- Trong Thánh lễ kỷ niệm 25 năm Giám Mục của Đức Thánh Cha tại nhà nguyện Paolina, ngài kêu gọi mọi người hãy đứng dậy, nhìn xem và hy vọng.

6- Tòa Thánh bày tỏ quan ngại về tình trạng của Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin).

7- Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza kêu gọi các phe tranh chấp tại Venezuela tìm kiếm một phương thức hòa giải.

8- Các Giám mục Columbia kêu gọi ngưng bắn giữa quân chính phủ và Lực lượng Giải phóng Quốc gia.

9- Tối cao pháp viện Hoa Kỳ phán quyết: Chính Quyền không thể viện cớ tôn giáo để từ chối trợ giúp cho một Nhà Thờ.

10- Giới thiệu Thánh Ca: Hương Kinh Cung Tiến.
 
Top Stories
Public Statement: Vietnamese human rights blogger should be immediately and unconditionally released
Amnesty International
09:26 28/06/2017
PUBLIC STATEMENT
28 June 2017

Viet Nam: Vietnamese human rights blogger should be immediately and unconditionally released

Vietnamese authorities should immediately and unconditionally release human rights defender Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, also known by her blogging pseudonym, Mẹ Nấm (Mother Mushroom), Amnesty International and Civil Rights Defenders said today. She is a prisoner of conscience, being held and tried solely for her peaceful activities promoting and defending human rights.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh is scheduled to appear for trial before the first instance People's Court of Khánh Hòa province on 29 June 2017. She is accused of "conducting propaganda" against the State under Article 88 of Viet Nam's Penal Code and faces imprisonment of between three and 20 years if convicted. Her trial comes as Viet Nam’s human rights situation appears to be deteriorating, with increasing numbers of arrests, restrictions on freedom of movement, and intimidation and violence against human rights defenders and political activists, as well as suppression of freedom of expression rights generally.

Janice Beanland
Campaigner for Cambodia, Laos, Viet Nam
Southeast Asia and Pacific Regional Office (SEAPRO)
Amnesty International, London
 
Rome et Pékin négocient mais ne s’entendent pas
Eglises d'Asie
09:30 28/06/2017
Quelques jours à peine après le passage à Rome d’une délégation chinoise chargée de négocier un accord entre l’Eglise catholique et le régime chinois, les échanges entre le Saint-Siège et Pékin par voie de communiqués laissent entrevoir de sérieuses divergences quant à l’espace de liberté que la Chine populaire serait prête à concéder aux catholiques chinois.

Hier, mardi 27 juin, lors du point-presse quotidien du ministère chinois des Affaires étrangères, le porte-parole Lu Kang a été cinglant : « La Chine s’oppose à l’ingérence de quelque nation étrangère que ce soit dans ses affaires intérieures. » Avant de poursuivre par une justification du contrôle que les autorités gouvernementales conservent sur la vie religieuse. « La Chine protège la liberté de croyance religieuse et les croyances de ses citoyens, conformément à la loi, mais comme dans d’autres pays, nous renforçons notre supervision des affaires religieuses, en accord avec nos pratiques historiques et nos traditions », a affirmé le diplomate.

Le Saint-Siège « profondément attristé »

La mise au point du porte-parole chinois venait, on peut le penser, en réponse à l’appel adressé le 20 juin dernier par l’ambassadeur d’Allemagne en poste à Pékin. Le diplomate allemand avait ce jour-là appelé les autorités chinoises à rendre à l’évêque catholique de Wenzhou, Mgr Shao Zhumin, sa liberté de mouvement (l’évêque en question a été « soustrait » à ses fidèles le 18 mai dernier et il est maintenu au secret depuis cette date, sans doute dans une « résidence » policière) ; le diplomate avait aussi dit sa préoccupation quant à « un certain nombre de dispositions » prévues dans la loi sur les affaires religieuses actuellement à l’étude.

On peut aussi et surtout penser que la mise au point du porte-parole chinois venait en réponse à la déclaration faite ce 26 juin à Rome par Greg Burke, directeur de la salle de presse du Saint-Siège. « Le Saint-Siège observe avec une grave préoccupation la situation personnelle de Mgr Peter Shao Zhumin », a déclaré ce responsable de la communication du Vatican, ajoutant encore que Rome « est profondément attristé » par le sort réservé à l’évêque de Wenzhou ainsi que « par d’autres épisodes similaires qui malheureusement ne facilitent pas les chemins de compréhension ».

« Grave préoccupation » au sujet de l’évêque de Wenzhou. « Episodes similaires qui ne facilitent pas les chemins de compréhension. » De la part du Saint-Siège, dont la communication officielle est millimétrée, les mots sont forts et pèsent d’autant plus que, selon nos informations, les négociateurs chinois chargés de mettre au point un accord entre l’Eglise catholique et la Chine populaire venaient de quitter Rome. Après plusieurs jours de travail avec leurs homologues du Vatican, les négociateurs chinois ont en effet repris l’avion pour Pékin il y a quelques jours.

Insistance de Pékin sur la « sinisation » des religions

En l’absence d’information sur le contenu des négociations entre Rome et Pékin, on ne peut qu’interpréter ce que laissent entendre les déclarations de l’une et l’autre partie. A l’évidence, du côté de Rome, on perçoit un agacement certain à ce que les négociations se poursuivent (elles ont débuté il y a trois ans) sans que sur le terrain, en Chine, le gouvernement chinois ne donne de gages témoignant de sa bonne volonté en matière de liberté religieuse.

Pour le Saint-Siège, les ennuis causés à Mgr Shao Zhumin sont comme la partie émergée, visible, de l’iceberg. Ils viennent s’ajouter à ce que la déclaration de Greb Burke du 26 juin désigne comme d’« autres épisodes similaires qui ne facilitent pas les chemins de compréhension ». Parmi ces « épisodes », Eglises d’Asie a rendu compte des célébrations eucharistiques qui sont organisées en Chine autour de Ma Yinglin, l’évêque illégitime (car non reconnu par le pape) de Kunming, dans le Yunnan. Le 11 juin dernier par exemple, trois évêques « officiels » et en communion avec Rome ont concélébré la messe avec Ma Yinglin en la cathédrale du Sacré-Cœur de Kunming – un geste qui ne peut que blesser l’unité de l’Eglise catholique en Chine tant la concélébration d’évêques légitimes avec un évêque illégitime est contraire à la communion de l’Eglise.

Un autre « épisode » ne facilitant pas la compréhension entre Pékin et Rome est celui qui s’est déroulé du 20 au 23 juin à Pékin. Durant ces quatre jours, l’Administration d’Etat pour les Affaires religieuses, instance de rang ministériel qui pilote la mise en œuvre de la politique religieuse du gouvernement et du Parti communiste, a réuni quelque 150 catholiques (évêques, prêtres, religieuses et laïcs de la partie « officielle » de l’Eglise) venus de quasiment toutes les provinces du pays pour un séminaire de « formation ». Ce séminaire a pris place un peu plus d’un an après la « Conférence nationale de travail sur les religions », conférence qu’avait présidée le président Xi Jinping et dont l’axe avait été la poursuite de l’œuvre de « sinisation des religions » afin que le pays soit préservé de toute « infiltration venue de l’étranger ».

Destiné à l’Eglise catholique, ce séminaire a vu différentes personnalités prononcer des discours, discours qui dessinent les grands axes de la politique actuelle du Parti sur l’Eglise. Vice-directrice de l’Administration d’Etat des Affaires religieuses, en charge du Deuxième Bureau (chargé de la supervision des chrétiens), Mme Dai Chenjing a ainsi mis en avant cinq points : développer la sinisation de l’Eglise catholique de Chine, garder haut le drapeau ‘Aimer la patrie, aimer l’Eglise’, tenir fermement le principe d’indépendance de l’Eglise de Chine, approfondir et développer l’administration démocratique de l’Eglise, et discerner avec netteté et justesse les relations sino-vaticanes. Si le cinquième point présente une relative nouveauté, le discours de ce haut responsable, donné le 20 juin après-midi, est en droite ligne avec l’orthodoxie la plus classique de la politique religieuse des autorités chinoises : si le lien des catholiques avec Rome n’est plus nié, il est cantonné à une dimension purement spirituelle (« prier pour le pape ») tandis qu’est réaffirmé, entre autres choses, la nécessité de maintenir le principe d’autonomie dans la sélection et la nomination des évêques.

Dans la matinée du 23 juin, Ma Yinglin a prononcé un discours, introduisant une distinction entre la sinisation de l’Eglise catholique – « une question politique », selon lui, relevant donc du Parti et du gouvernement – et l’inculturation – « une question ecclésiale », toujours selon lui, par laquelle l’Eglise s’interroge sur la meilleure manière pour elle de s’intégrer dans une culture, un peuple donné.

Si le pontificat du pape François, lequel n’a jamais fait mystère de son désir de se rendre un jour prochain en Chine continentale, a coïncidé avec une reprise des négociations sino-vaticanes, le fait que les contacts se développent n’empêche pas les difficultés, rendant toute issue incertaine quant à une éventuelle « normalisation » des relations entre Rome et Pékin. (eda/ra)

(Source: Eglises d'Asie, le 28 juin 2017)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Xứ Nhượng Nghĩa Dâng Thánh Lễ Tạ Ơn Mừng Tân Linh Mục
Toma Trương Văn Ân
17:19 28/06/2017
Giáo Xứ Nhượng Nghĩa Dâng Thánh Lễ Tạ Ơn Mừng Tân Linh Mục

Lúc 17g00 ngày 26 / 6 / 2017 , tại Thánh Đường Nhượng Nghĩa, Cộng đoàn Giáo xứ Nhượng Nghĩa hân hoan đón năm Tân Linh mục vừa được Đức Giám Mục Giáo phận Đà Nẵng trao tác vụ Linh mục hôm 23 / 6 / 2017 và nhiều Linh mục , Tu sĩ , Khách mời đến hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn, mừng Quý Tân Linh mục và cầu nguyện cho Giáo xứ. Cách riêng, Cha Giuse Phạm Phi Phong , là con em của Giáo xứ Nhượng Nghĩa.

Xem Hình

Cha Giuse Phạm Phi Phong , sinh ngày 4 / 1 / 1986. Con ông Augustino Phạm Tám và bà Maria Trần Thị Thương, hiện đang ở tại Giáo xứ Nhượng Nghĩa.

Từ ngày thành lập Giáo xứ đến nay 63 năm ( 1954-2017) Đây là Linh mục thứ 6, là con em của Giáo xứ.

Sáu Linh mục xuất thân từ Giáo xứ Nhượng Nghĩa :

1. Linh Mục Phê Rô Trần Thành Tâm , sinh 24 / 11 / 1956 . đang công tác mục vụ tại Gp Nha Trang
2. Linh Mục G. B Nguyễn Xuân Hồng , sinh 01 / 01 / 1961. Đang công tác mục vụ tại Úc
3. Linh Mục Phê Rô Trương văn Phúc Sj , sinh 01 / 01 / 1970 . Linh mục Dòng Tên , Tỉnh Dòng Việt Nam, đang công tác mục vụ tại Dòng Tên.
4. Linh Mục Giu Se Trần Văn Việt OP , sinh 28 / 12 / 1966. Linh mục Dòng Đa Minh, Đang công tác mục vụ tại nhà thờ 3 chuông, Gp Sài Gòn.
5. Linh mục Gregorio Trần Vy . Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc. hiện đang công tác mục vụ tại Hoa Kỳ
6. Linh mục Giuse Phạm Phi Phong


Cuối Thánh lễ, Tân Linh mục Giuse có lời cám ơn Đức Cha Giuse Giám mục Gp Đà Nẵng, Quý Cha Nghĩa phụ,Quý Cha, Quý thầy, Tu Sĩ Nam nữ , Chính Quyền , Cha Mẹ , Bà con ,Quý Khách…. Đã nâng đỡ, dìu dắt Cha từ khởi sự cho đến hoàn thành.

Ông Trưởng ban Thường vụ Hội đồng mục vụ Giáo xứ , Đại diện Cộng đoàn Giáo xứ tặng hoa và chúc mùng các Tân Linh mục , cách riêng Cha Giuse Phong.

Sau Thánh lễ , cộng đoàn cùng chung chia tiệc mừng thật là vui và hạnh phúc.

Xin Quý Cha và Anh chị tiếp tục cầu nguyện cho các Cha được nhiều ơn Chúa trong Thánh chức và tác vụ của mình.


Toma Trương Văn Ân
 
Giáo xứ Bến Sắn Phú Cường bế giản niên học giáo lý
Maria Nguyễn Hiếu
21:30 28/06/2017
GIÁO XỨ BẾN SẮN CỬ HÀNH THÁNH LỄ BẾ GIẢNG KHÓA GIÁO LÝ 2016-2017

Trong niềm hân hoan và tạ ơn Thiên Chúa, vào lúc 7 giờ sáng Chúa Nhật ngày 25/6/2017, Giáo xứ Bến Sắn đã cử hành Thánh lễ bế giảng năm học giáo lý trong ngày lễ Thánh Tâm.

Xem Hình

Lễ Thánh Tâm Chúa là ngày lễ rất quan trọng của toàn thể giáo dân trong Giáo phận Phú Cường vì được giáo phận chọn làm bổn mạng, và đây cũng là bổn mạng của Giáo xứ Bến Sắn.

Giáo xứ Bến Sắn trong dịp lễ này cũng cử hành Thánh lễ tạ ơn cho ngày bế giảng năm học 2016-2017 vào Thánh lễ dành cho các em thiếu nhi dưới sự chủ tế của cha Phanxicô Salêsiô Nguyễn Văn Cảnh - Phó xứ Bến Sắn.

Tham dự Thánh lễ có rất đông các em thiếu nhi, các bậc phụ huynh và bà con giáo dân trong giáo xứ.

Trong bài chia sẻ Tin Mừng, cha chủ tế kêu gọi các em thiếu nhi cũng như toàn thể cộng đoàn hãy tôn sùng rất thánh trái tim Chúa Giêsu. Vì Thánh Tâm Chúa Giêsu là biểu tượng của tình yêu, chính nhờ tình yêu cao cả của Chúa qua việc Ðức Kitô đã hy sinh đến giọt máu cuối cùng đã chảy ra từ trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu, để từ đó chúng ta thấy rõ hơn một đòi hỏi của tình yêu là luôn quảng đại, sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh mà tình yêu mong đợi, đúng như chính Ðức Kitô đã khẳng định: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh chính mạng sống vì bạn hữu mình".

Cha chủ tế cũng nói thêm: Để tỏ lòng kính yêu tôn sùng Thánh Tâm Chúa, chúng ta hãy cố gắng vì yêu Chúa mà sống đời Kitô hữu của mình, hãy để cho mọi hành vi của chúng ta đều hoàn toàn do đức ái hướng dẫn, khi đó tội lỗi của con người sẽ được giảm đi và chúng ta mới thực sự sống trong tình yêu của Thầy Chí Thánh Giêsu.

Sau Thánh lễ là phần trao thưởng cho các em thiếu nhi, tổng cộng có 87 phần thưởng, và những phần thưởng này dành cho các em đã đạt thành tích tốt trong việc chuyên chăm học hiểu giáo lý, tham dự Thánh lễ và sinh hoạt thiếu nhi.

Maria Nguyễn Hiếu
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
“Trong Khuôn Khổ Pháp Luật” Là Cái Qúai Gì Thế ?
Phạm Trần
21:36 28/06/2017
“Trong Khuôn Khổ Pháp Luật” Là Cái Qúai Gì Thế ?

Trong dân gian Việt Nam thường nghe nói “lươn lẹo mãi sẽ có ngày đứt lưỡi” để răn đe những kẻ mồm loa mép giải chuyên nói những điều gỉan dối để lừa người.

Nhưng với người Cộng sản Việt Nam, nhất là hàng ngũ lãnh đạo và tuyên truyền thì lại cứ nghĩ họ càng khóac lác bao nhiêu thì có lợi bấy nhiêu, và càng nói dối nhiều thì kết qủa tốt sẽ tăng cao.

Thói quen này, không may đã biến thành công cụ được sử dụng trong các văn kiện đảng, nhà nước và quốc hội nên khi đến tay nhân dân thì chúng chỉ còn là những tờ giấy vô nghĩa. Nhưng cũng trớ trêu thay là những mớ giấy lộn này lại bị đảng luật hóa để áp đặt cai trị dân.

Chẳng hạn như hồi tháng 2 năm 2014, sau khi Hiến pháp 2013 sửa đổi và bổ sung được ban hành thì ông Giáo sư, Tiến sỹ Hòang Chí Bảo, khi ấy là Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài - nhân lực Việt Nam đã nói văng mạng rằng:”Việc hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội trong Hiến pháp năm 2013 là tất yếu lịch sử, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Bởi nó xuất phát từ bản chất, vai trò, uy tín của Đảng, được nhân dân tin tưởng, lựa chọn và ủy thác. Đó là điều không thể bác bỏ!” (trích từ Tạp chí Quốc phòng Tòan dân (QPTD) , 10/02/2014)

Điều được gọi là “tất yếu của lịch sử” là do đảng tự khoác cho mình để tiếm quyền lãnh đạo đất nước của nhân dân. Bằng chứng chưa hề bao giờ trong lịch sử 87 năm (1930-2017) có mặt đảng Cộng sản trên đất nước Việt Nam mà người dân Việt đã bỏ phiếu bầu đảng vào vị trí cai trị đất nước, nói chi đến lối nhận khống nói đó là “nguyện vọng của nhân dân” , hay “được nhân dân tin tưởng, lựa chọn và ủy thác” ?

Cứ tiếp tục nhận vơ như thế rồi đảng dùng dao găm, họng súng khủng bố tiêu diệt đối lập để bảo vệ độc tài lãnh đạo từ 1946 đến 1954 ở miền Bắc, sau đó từ 1975 trên cả nước thì không thể nào huyênh hoang nói rằng “nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân” như đảng tuyên truyền.

DIỄN BIẾN HÒA BÌNH

Cũng tương tự như lập luận bảo thủ và giáo điều này, ít lâu nay đảng lại quay ra sử dụng chiêu bài chống thứ kẻ thù vô hình gọi là “diễn biến hòa bình” để bảo vệ độc quyền cai trị.

Từ một năm qua, Ban Tuyên giáo và Hội đồng Lý luận Trung ương đã tập trung các bài viết phản biện chống người chống đảng vào một chung một rọ được gọi là “các thế lực thù địch” thực hiện mục tiêu “diễn biến hòa bình” để lọai bỏ đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN).

Nội dung các bài viết, được phân phối cho các thợ tuyên truyền và dư luận viên bên đảng, quân đội và công an để tấn công những ai đòi loại các chính trị viên ra khỏi quân đội để quân đội tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ đất nước, thay vì chỉ biết tuyên truyền bảo vệ đảng cầm quyền như hiện nay.

Họ cũng tăng cường tấn công, và khủng bố tinh thần các nhà đấu tranh dân chủ, nhân quyền; đòi tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đấu tranh đòi quyền lập hội và quyền tự do ngôn luận; đòi đóng cửa Formosa Hà Tĩnh để bảo vệ môi trường biển và chống cưỡng chế đất đai, cườp đọat tài sản.

Đội ngũ loa phường này cũng được lệnh tấn công các chỉ trích Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo của Bộ Ngọai giao Mỹ; Ủy ban Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ; của một số Dân biểu-Nghị sỹ Mỹ; Liên hiệp Châu Âu; Tổ chức Ân xá Quốc tế; vá các Tổ chức Nhân quyền Quốc tế v.v…

Bằng chứng này đã thấy xuất hiện trong Tạp chí Quốc phòng Tòan dân (QPTD) ngày 08/06/2017.

Người viết mang tên Nguyễn Xuân Quỳnh bắt đầu rằng:”Trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, việc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta hòng gây mất ổn định chính trị, xã hội là thủ đoạn thường xuyên được sử dụng. Vì vậy, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn thâm độc này là vấn đề cấp thiết hiện nay.”

Lý do đảng CSVN chống đòi tự do tín ngưỡng, tôn giáo là chủ trương không mới của những người vô thần CSVN. Nhưng xuyên tạc người đòi nhà nước phải thi hành những quyền tự do được quy định trong Hiến pháp, do Quốc hội của đảng biểu quyết chấp thuận và ban hành thì đảng và nhà nước đã chà đạp lên bộ Luật cao nhất của quốc gia.

Dù biết rõ như thế nên đảng đã lươn lẹo vẽ rắn thêm chân, vẽ rồng thêm cách để tiêu hủy những cam kết và bảo đảm của Hiến pháp bằng những cái đuôi phản dân chủ như “theo quy định của pháp luật; do pháp luật quy định; hay “ do luật định”

Mọi người hãy đọc một số Điều của Hiến pháp 2013 để thấy tính gian dối, lừa dân của Quốc Hội Cộng sản Việt Nam:

Điều 23: Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Điều 24 : 1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Điều 25 : Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Điều 27: Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định.

Việc gài Luật vào Hiến Pháp, trong trường hợp của đảng CSVN chỉ nhắm mục đích làm giảm tính hữu hiệu và ràng buộc trách nhiệm pháp lý của nhà nước khi thi hành Hiến Pháp.

Bằng chứng như cho đến nay, sau nhiều lần trì hõan, hai bộ Nội Vụ và Công An vẫn chưa trình ra Quốc Hội 2 Dự Luật Lập hội và Biểu tình, mặc dù Điều 25 Hiến pháp 2013 đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.

Cả hai Bộ đều nêu lý do láo lếu điều được gọi là “vẫn còn có nhiều ý kiến khác biệt” giữa các Bộ và chuyên viên trong Chính phủ về nội dung.

Ở các nước văn minh và dân chủ thì quyền lập pháp, tức làm Luật nằm trong tay Quốc hội. Các Dân biểu và Nghị sỹ, nói chung là Đại biểu của dân trong Quốc Hội là những Tác gỉa hay “đồng tác gỉa” các Bộ Luật.

Đằng này ở Việt Nam được gọi là Xã hội Chủ nghĩa, rất hiếm hoi thấy có Dự luật nào được thuần túy đề nghị bởi các Đại biểu Quốc hội. Hầu hết, nếu không là tất cả đều từ Đảng và Nhà nước đem qua cho Quốc hội thảo luận biều quyết chấp thuận.

Vì vậy, tính bù nhìn của Quốc hội đảng cử dân bầu này mỗi ngày một cao. Hầu hết Đại biểu Quốc hội là đảng viên đảng CSVN nên chuyện “vừa đá bóng vừa thổi còi” hay “diễn tuồng” đã làm cho vai trò đại diện dân chỉ còn là hình thức.

AI PHÁ HAY TỰ PHÁ ?

Riêng trong lĩnh vực Tín ngưỡng, Tôn giáo, Quốc Hội đã chấp thuận và ban hành Luật ngày 18/11/2016 và sẽ thi hành từ ngày 01/01/2018.

Nhưng Luật này đã làm theo lệnh đảng chỉ để gây khó khăn hơn cho các hoạt động Tôn giáo. Vì vậy, ngày 20/10/2016 Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam đã “hoàn toàn bác bỏ Luật Tín ngưỡng Tôn giáo”. Hội đồng này quy tụ nhiều chức sắc của 5 Tôn giáo lớn (Cao Đài, Công Giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo) và Tin Lành) có mục đích tranh đấu cho Tự do Tôn giáo và Dân chủ Nhân quyền tại Việt Nam.

Sau đó, ngày 01/06/2017, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), đại diện cho trên 7 triệu người Công Giáo cũng đã lên tiếng chỉ trích Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo mới.

Theo Hội đồng GMVN thì Luật mới đã “có những bước lùi” so với hai bản Dự thảo Luật số 4 và số 5 mà nhà nước đã gửi ra để tham khảo ý kiến.

Chỉ 7 ngày sau khi Hội đồng Giám mục Việt Nam công bố Bản Nhận định về Luật Tôn giáo thì báo QPTD phổ biến bài phản biện xuyên tạc của Nguyễn Xuân Quỳnh.

Quỳnh viết:”Việt Nam là quốc gia đa sắc tộc, tôn giáo; đồng bào tôn giáo chiếm tỷ lệ khá cao trong cộng đồng người Việt Nam. Nếu tranh thủ lợi dụng được đông đảo đồng bào tôn giáo thì sẽ tạo hiệu ứng lớn trong việc chống phá của chúng. Đó là chưa đề cập đến các hệ quả khác liên quan. Tính chất thâm độc, nguy hiểm của âm mưu này là ở đây. Ở một khía cạnh khác, Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quyền công dân, quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo được quy định và đảm bảo bằng Hiến pháp, pháp luật. Cùng với việc trắng trợn can thiệp - “đấu tranh pháp lý”, chúng triệt để lợi dụng cụm từ “tự do” mà cố tình lờ đi “... trong khuôn khổ pháp luật” để tổ chức các hoạt động chống phá, hòng gây mất ổn định chính trị - xã hội…”

Mấy chữ “trong khuôn khổ pháp luật” chính là những cạm bẫy của Luật Tôn giáo hay bất cứ Luật nào do Quốc Hội CSVN ban hành nhằm mục đích hạn chế tối đa quyền dân đã được quy định trong Hiến Pháp.

Bài viết của Quỳnh đã vu khống các cuộc đấu tranh chân chính và hợp pháp của người dân rằng:”Để thực hiện mưu đồ, các thế lực thù địch dùng mọi thủ đoạn nhằm tách tôn giáo ra khỏi sự quản lý của Nhà nước; hậu thuẫn về vật chất, tinh thần cho các đối tượng chống đối, đưa tôn giáo ở Việt Nam trở thành lực lượng chính trị “đối trọng” với Đảng. Chúng xác định lấy “tự do tôn giáo” làm “ngòi nổ” để chống phá Việt Nam; tuyệt đối hóa tính toàn cầu, tính phổ cập của các quyền trên lĩnh vực tôn giáo với luận điểm: “nhân quyền cao hơn chủ quyền”. Đồng thời cho rằng: “Việt Nam coi tôn giáo như là một công cụ tuyên truyền cho Đảng, Nhà nước, phục vụ các chính sách của Nhà nước trong phát triển kinh tế, văn hóa, an ninh, quốc phòng”, v.v.

Oang oang cái miệng như thế chưa hả dạ, Quỳnh còn cáo buộc những Nhà lãnh đạo Tôn giáo bị đảng đàn áp và cướp mất tài sản của Giáo Hội đã lợi dụng tôn giáo để xúi bẩy dân chống đảng.

Nguyễn Xuân Quỳnh viết:”Họ lợi dụng những vụ việc nảy sinh trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào tôn giáo, hoạt động tôn giáo và những bất cập, sơ hở của các cấp chính quyền trong quản lý, tổ chức thực hiện chính sách tôn giáo, nhất là những vấn đề liên quan đến giải tỏa, đền bù đất đai, cơ sở thờ tự,… để kích động quần chúng, tín đồ đập phá tài sản, chống người thi hành công vụ, phá rối an ninh, trật tự, cản trở giao thông tại các địa phương. Qua đó, tổ chức ghi hình, chụp ảnh, thổi phồng, bóp méo tình hình thực tế, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, vu cáo Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tôn giáo, v.v.”

KÊU GỌI CHỐNG DÂN

Để lấy điểm cho nhiệm vụ phản bác của mình, Nguyễn Xuân Quỳnh hô hào:”Các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức cho quần chúng, tín đồ về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo và ý thức cảnh giác của nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.”

Quỳnh mách nước thêm:”Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo nhằm chống phá Đảng, Nhà nước, đòi hỏi công tác này luôn phải đặt dưới sự lãnh đạo Đảng; sự quản lý, điều hành của Nhà nước; tiếp tục hoàn thiện các chính sách, văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Thường xuyên nâng cao nhận thức cho nhân dân, tín đồ, chức sắc về chính sách của Đảng, Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm cho nhân dân, tín đồ, chức sắc trong việc tham gia vào công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động này.”

Lập luận chống người có tín ngưỡng và các Nhà Lãnh đạo các tôn giáo bằng những đòn ma giáo của Nguyễn Xuân Quỳnh có phải là gắp lửa bỏ bàn tay không, hay cái bẫy “trong khuôn khổ pháp luật” quen thuộc đã bị lật tẩy mất rồi ? -/-

Phạm Trần

(06/017)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Đóa Xương Rồng
Thérésa Nguyễn
18:56 28/06/2017
ĐÓA XƯƠNG RỒNG
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Có thân cây gai góc
Còm cõi vẫn xanh nồng
Không cười mà không khóc
Tươi một đóa xương rồng
(Trích thơ của Trầm Thiên Thu)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 23-29/06/2017: Kỷ niệm 25 năm Giám Mục của Đức Thánh Cha Phanxicô
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
13:23 28/06/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Hồng Y Đoàn sau buổi lễ tấn phong Hồng Y ngày thứ Tư 28 tháng Sáu, 2017

Hiện nay, chỉ có 116 Hồng Y có quyền bỏ phiếu trong mật nghị bầu Giáo Hoàng. Theo luật số Hồng Y cử tri có thể lên đến 120 vị. Sau công nghị tấn phong Hồng Y vào ngày thứ Tư này, số Hồng Y cử tri sẽ là 121 vị. Dù có dư ra một vị như vậy, về mặt lịch sử cũng không phải là vấn đề, bởi vì nhiều Hồng Y đã ngấp nghé tuổi 80. Trong triều đại Đức Gioan Phaolô II, có lúc số Hồng Y cử tri vượt quá con số giới hạn đến 10 vị.

Sau buổi lễ tấn phong Hồng Y ngày thứ Tư này, Giáo Hội sẽ có tổng cộng 225 vị Hồng Y. Trong số này, 121 vị còn dưới 80 tuổi và có thể tham gia vào một cuộc bầu cử Giáo Hoàng.

Trong số các Hồng Y cử tri, 19 vị do Đức Gioan Phaolô II tấn phong, 53 vị do Đức Bênêđictô XVI và 49 vị do Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đây là công nghị tấn phong Hồng Y lần thứ tư trong triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ba lần trước là vào ngày 19 tháng 11 năm ngoái 2016, trong đó ngài nâng lên hàng Hồng Y 17 vị, ngày 14 Tháng Hai 2015 20 vị, và lần trước nữa là vào ngày 22 tháng Hai năm 2014, 19 vị Hồng Y.

Tổng cộng, trong ba lần nói trên, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nâng lên hàng Hồng Y 56 vị thuộc 39 quốc gia trong đó có 11 quốc gia chưa bao giờ có Hồng Y. Nếu tính chung lần này, Đức Thánh Cha Phanxicô nâng lên hàng Hồng Y 61 vị.

Đức Thánh Cha đã có ý chọn các Hồng Y từ nhiều miền khác nhau trên thế giới. Điều này có nghĩa là có ít Hồng Y từ Châu Âu và Bắc Mỹ và có nhiều hơn các Hồng Y từ Châu Mỹ La tinh, Châu Phi, Châu Á và Châu Đại Dương.

Trong mật nghị bầu Giáo Hoàng vào tháng 3 năm 2013, Châu Âu có 60 Hồng Y, châu Phi 11 và châu Á 10. Châu Đại Dương chỉ có một; Bắc Mỹ 20 và Châu Mỹ Latinh 13.

Hiện nay, chỉ tính số Hồng Y cử tri thì Châu Âu, có 53 Hồng Y, châu Phi và châu Á 15 mỗi, Châu Đại Dương bốn; Bắc Mỹ 17 và Châu Mỹ Latinh 16.

Ý vẫn là nước có đông Hồng Y cử tri nhất với 24 vị. Sau đó đến Hoa Kỳ 10; Pháp 5, Brazil, Mexico, Tây Ban Nha, Ba Lan và Ấn Độ, mỗi nước có bốn vị.

2. Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi các tín hữu tham gia hai tuần cầu nguyện cho tự do tôn giáo

Mỗi năm các giáo phận trên toàn cõi Hoa Kỳ đều tổ chức các sự kiện đặc biệt để làm nổi bật tầm quan trọng của việc bảo vệ tự do tôn giáo. Tuy nhiên, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã chọn hai tuần từ ngày 21 tháng 6 – lễ vọng kính hai Thánh John Fisher và Thomas - cho đến ngày 4 tháng 7, Ngày Độc Lập của Hoa Kỳ, làm hai tuần cầu nguyện chung cho tự do tôn giáo.

Trong thông báo trên website của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, các Giám Mục Mỹ than thở rằng tình trạng tự do tôn giáo trên thế giới đang bị chà đạp trắng trợn không chỉ ở Trung Đông mà còn ở các quốc gia khác có thâm niên bách hại tôn giáo như Trung Quốc, Ả rập Saudi, Việt Nam, Bắc Hàn và thậm chí ngay cả ở các nước phương Tây dưới các hình thức tinh vi.

Các ngài viết rằng “trong thời kỳ đang có sự phân cực ngày càng gia tăng trong nền văn hoá của chúng ta, chúng ta có thể góp phần làm cho thế giới hiểu rõ hơn về tự do tôn giáo trong tinh thần tôn trọng mọi người.”

Bên cạnh các hình thức cầu nguyện, các Giám Mục Hoa Kỳ cũng đưa những hướng dẫn ngắn gọn nhằm giúp các Kitô hữu nói chuyện với bạn bè và người lân cận về tự do tôn giáo và làm sáng tỏ những quan niệm sai lầm về quyền tự do này.

Các Giám Mục nhắc nhở rằng “Chúng ta được kêu gọi đi theo Chúa Kitô như những môn đệ truyền giáo bằng cách tìm kiếm sự thật, phục vụ người khác và sống đức tin của chúng ta trong tất cả những gì chúng ta làm. Chúng ta hãy dành vài phút mỗi ngày từ ngày 21 tháng 6 đến ngày 4 tháng 7 để cầu nguyện, suy ngẫm, và hành động về tự do tôn giáo, cả ở Hoa Kỳ này cũng như ở nước ngoài.”

3. Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ mừng 25 năm Giám Mục

Sáng thứ Ba 27 tháng 06 Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ kỷ niệm 25 năm Giám Mục của Ngài. Cùng đồng tế với Đức Thánh Cha, có các Đức Hồng Y đang hiện diện tại Roma, đặc biệt là các Hồng Y đến từ các nước để tham dự công nghị tấn phong Hồng Y và lễ trao dây Pallium nhân ngày lễ hia thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.

Thánh lễ được cử hành trọng thể tại nhà nguyện Paolina trong Dinh Tông Tòa.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã đưa ra các nhận xét về cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và Abraham trong bài đọc trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa đã kêu gọi tổ phụ Abraham: Hãy đi, đi đến đất Ta sẽ chỉ cho ngươi (St 12:1). Cuộc đối thoại tiếp diễn với ba mệnh lệnh: Hãy đứng dậy! Hãy nhìn xem! Hãy hy vọng! Ba mệnh lệnh ấy đánh dấu bước đường mà Abraham phải đi, cung cách Apraham phải làm, và thái độ nội tâm ông phải có, đó là đứng dậy, nhìn xem, hy vọng.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng khi Abraham được kêu gọi, ông ít nhiều cũng ở độ tuổi của chúng ta: ông sắp nghỉ hưu, nghỉ hưu để nghỉ ngơi… Ông lớn tuổi với sức nặng của tuổi già, của bệnh tật, của đau buồn…

Nhưng cũng như Abraham, chúng ta hãy làm như thể chúng ta còn trẻ, hãy đứng dậy, hãy tiến bước! Hãy nhìn xem và hy vọng! Đó là Lời Chúa đang nói với chính chúng ta trong thời đại này, một thời đại cũng tựa như thời Abraham.

4. Hội Đồng Giám Mục Áo bàn thảo về an ninh tại các nhà thờ

Trong cuộc họp tại nhà thờ Mariaz Maria ở thủ đô Vienna kéo dài từ thứ Hai 12 tháng 6 và kết thúc vào ngày 16 tháng Sáu, các Giám Mục của 12 giáo phận và tổng giáo phận tại Áo đã lắng nghe các chuyên gia quân sự và các chuyên viên chống khủng bố đề xuất các biện pháp để đối phó với trào lưu khủng bố hiện nay.

Sau đó, các giám mục Áo đã thảo luận về việc áp dụng các biện pháp an ninh và sự phối hợp với chính quyền trong việc bảo đảm an toàn cho anh chị em giáo dân và các nơi thờ tự.

Đức Hồng Y Christoph Schönborn cám ơn sự quan tâm của chính quyền và nhận xét rằng rằng các thám tử mặc thường phục luôn có mặt khi ngài cử hành Thánh lễ . Đức Hồng Y nói: “tất cả chúng ta đều được kêu gọi để đối phó với mối đe dọa khủng bố hiện tại với sự khôn ngoan và đức tin nơi Thiên Chúa”.

5. Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân công bố thư Mục Vụ về việc chống lại “tin giả”

Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân nói rằng người Công Giáo có một nghĩa vụ đạo đức để chống lại “tin giả” và các “sự kiện được thêm thắt”.

Trong một lá thư mục vụ gởi cho người Công Giáo, có thể nói là chưa từng có trên thế giới, các giám mục gọi tin giả là một “tội lỗi chống lại đức bác ái” và gây ra “các quyết định sai lầm”.

Bức thư có tiêu đề “Hãy thánh hoá chúng trong sự thật: một lời khuyên mục vụ chống lại tin ngụy tạo”, các giám mục nói rằng Kitô hữu “không thể là một phần của sự sai lầm, lừa gạt và dối trá”.

Các giám mục cảnh cáo rằng: “Các quyết định quan trọng - cá nhân và xã hội - phụ thuộc vào sự hiểu biết chính xác sự thật. ‘Các sự kiện được thêm thắt’ và các ‘tin giả’ nhiều lần đã gây ra những quyết định sai lầm với những hậu quả thảm khốc về lâu dài cho cá nhân và cộng đồng.”

Các ngài than thở rằng các phương tiện truyền thông xã hội, ban đầu hứa hẹn được “tự do” lan truyền thông tin trên các phương tiện truyền thông chính mạch, nhưng trong thực tế đã bị lèo lái tới chỗ lan truyền những câu chuyện sai lệch.

“Đó không chỉ là hành vi phạm tội đối với nghĩa vụ hướng trí tuệ con người đến với sự thật. Nhưng về cơ bản, đó còn là tội lỗi chống lại đức bác ái vì nó cản trở mọi người đưa ra những quyết định đúng đắn và phù hợp và khiến họ rơi vào chỗ lầm lạc!”

Do đó, người Công Giáo có nghĩa vụ “không được hỗ trợ, phổ biến và xa hơn phải giúp xác định các nguồn tung ra các tin tức ngụy tạo để anh chị em chúng ta có thể được thông tin đúng đắn và có thể tránh được các phương tiện truyền thông dối trá.”

Trong những ngày này, tại Phi Luật Tân xảy ra đủ thứ các loại tin giả, tiêu biểu là các loại tin nhằm tô son trét phấn cho chế độ của tổng thống Roberto Duterte, và gần đây nhất là các tin có tính chất kích động hận thù tôn giáo xảy ra sau vụ bọn khủng bố Hồi Giáo IS đập phá tượng Chúa và Đức Mẹ tại nhà thờ chính tòa thành phố Marawi.

Một thượng nghị sĩ Phi Luật Tân đề xuất một dự luật tố cáo những người phát tán tin giả, trừng phạt họ với thời hạn tù lên tới năm năm.

Thượng nghị sĩ Joel Villanueva nói: “Không nên coi nhẹ ảnh hưởng của tin giả. Tin giả tạo ra các ấn tượng rất mạnh đến mức hình thành các niềm tin dựa trên cơ sở những sự kiện ngụy tạo dẫn đến những chia rẽ, hiểu lầm và làm trầm trọng thêm các mối quan hệ đã rất khó khăn”.

6. Các linh mục Indonesia kêu gọi Tòa Thánh giải quyết cuộc khủng hoảng tại giáo phận Ruteng

Một nhóm các linh mục thuộc giáo phận Ruteng, Indonesia đã lên tiếng kêu gọi Tòa Thánh can thiệp và giải quyết các tranh chấp giữa các linh mục với Đức Cha Hubertus Leteng, là đấng bản quyền của các ngài.

Những đại diện của các linh mục, cùng với một viên chức của Hội Đồng Giám Mục Indonesia, đã gặp Đức Tổng Giám mục Antonio Filipazzi, là sứ thần Tòa Thánh tại Indonesia vào ngày 16 tháng 6 để đặt vấn đề về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại giáo phận Ruteng sau khi 69 linh mục đồng loạt từ chức khiến cho công việc tại giáo phận này rơi vào tình trạng ngưng trệ.

Đức Cha Antonio Filipazzi sắp hết thời gian phục vụ tại Indonesia. Tuy nhiên, cha Alfonsius Segar, một trong những linh mục đã gặp sứ thần Tòa Thánh, nói với UCANEWS rằng Đức Tổng Giám Mục đã hứa sẽ giúp giải quyết tranh chấp.

“Ngài sẽ ngay lập tức đưa vấn đề này lên Vatican”, cha Segar nói.

Cha Segar cũng trấn an mọi người rằng vị sứ thần sẽ gửi một người đến giáo phận để thẩm định tình hình.

“Chúng ta sắp có một quyết định nhanh chóng của Vatican,” cha Segar nói thêm.

Một nguồn tin thân cận với ông Antonius Agus Sriyono, là đại sứ Indonesia cạnh Tòa Thánh, nói với UCANEWS rằng chính phủ Indonesia cũng đã đặt vấn đề về cuộc khủng hoảng tại giáo phận Ruteng với Vatican.

Theo UCANEWS, một năm trước 112 linh mục trong tổng số 167 linh mục của giáo phận Ruteng đã ký một lá thư “bất tín nhiệm” Đức Cha Leteng vì có quan hệ với phụ nữ. Đức Cha Leteng đã phủ nhận cáo buộc này và cho đó là một sự vu cáo. Trong một diễn biến bi đát, một linh mục đã quyết định từ bỏ chức thánh, huyền tục và họp báo tố cáo Đức Cha Leteng trong suốt một năm qua.

Cha Martin Chen, người phát ngôn của nhóm 69 linh mục vừa từ chức tập thể cáo buộc Đức Giám Mục Hubertus Leteng đã bí mật mượn của Hội Đồng Giám Mục Indonesia 94,000 Mỹ Kim và 30,000 Mỹ Kim của chính giáo phận Ruteng mà không biện minh được việc chi tiêu số tiền này.

7. Khủng bố Hồi Giáo IS nổ sập đền thờ Hồi Giáo al-Nuri để kích động hận thù tôn giáo

Trong khi quân Iraq tiến vào khu vực Cổ Thành để hoàn thành giai đoạn sau cùng của chiến dịch giải phóng Mosul, chiều tối ngày thứ Tư 21 tháng Sáu, bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã cho nổ bom đánh sập tan tành đền thờ Hồi Giáo al-Nuri.

Ngay lập tức, Amaq, cơ quan thông tin của bọn khủng bố Hồi Giáo IS tuyên truyền rằng máy bay Mỹ và Iraq đã đánh sập ngôi đền thờ này. Đây là cố gắng cuối cùng của bọn khủng bố Hồi Giáo IS trước giờ chết nhằm kích động hận thù tôn giáo, đe doạ tương lai của nhân loại.

Trung tướng Stephen Townsend, tư lệnh quân đội Mỹ trong cuộc chiến chống bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Syria và Iraq, cho thông tấn xã CNN biết:

“Chuyện này xạo 1000%. Tôi mới ở Mosul chiều thứ Tư, rất gần ngôi đền thờ này, có thể nhìn thấy cả đền thờ Hồi giáo này và ngọn tháp nghiêng nổi tiếng của nó. Tôi không hề có chút cảm nhận nào đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy nó. Đây chỉ là một ví dụ nữa cho thấy bọn khủng bố Hồi Giáo IS là một bọn chất chứa đầy những tư tưởng độc ác, nhẫn tâm và vô thần. Không thể để chúng tồn tại trong thế giới này.”

Trong một tuyên bố được đưa ra vào sáng thứ Năm 22 tháng Sáu, thủ tướng Haider al-Abadi của Iraq khẳng định chính bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã đánh bom làm sập ngôi đền thờ này.

Đền thờ Hồi Giáo này được xây dựng cách nay 800 năm và nổi tiếng với ngọn tháp nghiêng của nó. Gần 3 năm trước, tên trùm khủng bố Abu Bakr al-Baghdadi đã tuyên bố thành lập nhà nước Hồi Giáo tại ngôi đền thờ này.

Đây không phải là lần đầu bọn khủng bố Hồi Giáo IS phá hủy các nơi thờ tự và các di tích lịch sử.

Tháng 3 năm 2015, bọn khủng bố phá hủy hoàn toàn thành phố cổ Nimrud của các Kitô hữu Assyriô. Cả thành phố Khorsabad của người Assyriô cũng bị phá hủy sau đó.

Cũng vào đầu năm 2015, khủng bố Hồi Giáo cũng đập nát những bức tượng tại Bảo tàng viện Mosul và những hiện vật khác.

Trước đó, vào tháng Bảy năm 2014, lăng mộ của tiên tri Giôna tại Mosul cũng bị chúng phá hủy.

Đầu năm nay bọn khủng bố Hồi Giáo IS phá hủy các di tích lịch sử Rôma tại thành phố cổ Palmyra, bên Syria.

Thành phố Raqqa là tiêu biểu nhất cho sự tàn bạo của bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Chúng phá hủy tất cả các nhà thờ Kitô Giáo, trừ ra nhà thờ Các Thánh Tử Đạo của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Armenia bị chúng sử dụng làm bộ chỉ huy cảnh sát Hồi Giáo. Các đền thờ Hồi Giáo Shiite cũng chung một số phận.

8. Đức Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Maronite thánh hiến Trung Đông cho Đức Mẹ Fatima

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Maronite đã thánh hiến Li Băng và toàn thể Trung Đông cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ trong một cuộc hành hương đến Fatima.

Hành động dâng hiến của Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai đã diễn ra trong một buổi phụng vụ Thánh Thể vào hôm Chúa Nhật 25 tháng 6 nhân dịp kết thúc “Ngày Li Băng” tại đền thờ này. Buổi Phụng Vụ đã được bắt đầu vào chiều ngày thứ bảy với việc đọc Kinh Mân Côi và rước kiệu kính Đức Mẹ.

Theo thông tấn xã Fides, trước đây, Đức Thượng Phụ Rai đã dâng Li Băng và Trung Đông cho Trái tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ tại một đền thờ Thánh Mẫu ở Harissa, Li Băng

Đền thờ Fatima tại Bồ Đào Nha đang mừng 100 năm Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ tại địa điểm này. Thánh trước Đức Thánh Cha đã phong thánh cho hai trẻ là Jacinta và Francisco Marto tại đây .

Tháng Hai vừa qua, đối diện với những vụ khủng bố kinh hoàng tại Anh, Đức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám mục Westminster, cũng đã tái thánh hiến nước Anh và xứ Wales cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ. Việc thánh hiến nước Anh cho Đức Mẹ được Đức Hồng Y Bernard Griffin thực hiện lần đầu tiên vào năm 1948, sau khi kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Trong khi đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cống hiến toàn bộ thế giới cho Trái Tim Vô Nhiễm trong vòng vài tháng sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, theo gương Đức Giáo Hoàng Piô XII và Thánh Gioan Phaolô II.

9. Tòa án Tối cao San Francisco bác bỏ các cáo buộc chống lại hai người đã thu âm lén tổ chức phá thai Planned Parenthood

Hai nhân vật đã từng tung ra các videos tố cáo tổ chức phá thai Planned Parenthood đã bị thưa ra toà với 15 tội danh.

Tòa án Tối cao San Francisco trong tuần qua đã bác bỏ 14 trong số 15 tội hình sự chống lại hai nhà điều tra bí mật của Trung tâm Y Khoa Tiến Bộ (Centre for Medical Progress) gọi tắt là CMP.

David Daleiden, người sáng lập CMP và Sandra Merritt đã bị tổ chức phá thai Planned Parenthood – là cơ quan cung cấp dịch vụ phá thai lớn nhất nước Mỹ - thưa ra tòa về tội thu âm mà không có sự chấp thuận của họ. Các cáo buộc này đã bị hủy bỏ vì Tòa án Tối cao San Francisco cho rằng “không đủ bằng chứng pháp lý”.

Cáo buộc cuối cùng chống lại Sandra Merritt về việc xâm phạm quyền tư ẩn vẫn chưa được hủy bỏ.

Giả làm các nhân viên của một công ty nghiên cứu sinh học, Daleiden và Merritt đã lén quay phim các cuộc thảo luận với các giám đốc điều hành của Planned Parenthood về kỹ thuật thu hoạch các bào thai rất là dã man. Các cuộn băng ghi âm cũng cho thấy Planned Parenthood buôn lậu mô bào thai bất hợp pháp như thế nào.

Planned Parenthood bao gồm 159 cơ quan y khoa và cả những cơ quan không có dính líu gì đến y khoa. Nó điều hành 650 cơ sở phá thai trên toàn cõi Hoa Kỳ và tại 12 quốc gia trên thế giới. Trong báo cáo thường niên vào năm 2014, Planned Parenthood cho biết đã thực hiện 324,000 vụ phá thai với doanh thu là 1.3 tỷ Mỹ Kim. Bên cạnh số doanh thu khổng lồ này, tổng thống Obama còn ưu ái tặng thêm 530 triệu Mỹ Kim hàng năm và miễn thuế hoàn toàn cho tổ chức này.

Năm ngoái 2016, Tòa án Tối cao tại Houston đã hủy bỏ các cáo buộc tương tự. Tuy nhiên, Planned Parenthood lại sang San Francisco thưa tiếp. Sau phán quyết của Tòa án Tối cao tại SanFrancisco, David Daleiden nói: “Tôi không mong họ thưa kiện tiếp. Nhưng tôi không ngại chuyện đó, chúng tôi có nhiều video chưa được công bố và còn nhiều trận chưa đánh.”

10. Chính phủ Tây Ban Nha trao tặng huân chương cao qúy cho anh Ignacio Echeverria

Bộ trưởng Nội Vụ Tây Ban Nha là Juan Ignacio Zoido đã chủ tọa buổi lễ trao tặng Huân Chương Công Dân Anh Hùng của Tây Ban Nha cho một người Công Giáo anh hùng đã thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố tại Luân Đôn.

Anh Ignacio Echeverria, 39 tuổi, bị đâm chết tại khu chợ Borough khi cố gắng giúp một phụ nữ đang bị tấn công bởi những kẻ khủng bố. Thay vì bỏ chạy như những người khác, Ignacio Echeverria dùng một miếng ván trượt làm vũ khí chống trả lại ba tên khủng bố đang đâm túi bụi vào người phụ nữ này.

Trong buổi lễ diễn ra tại Madrid hôm thứ Tư, Bộ trưởng Juan Ignacio Zoido đã trao tặng cho gia đình anh Ignacio Echeverria huân chương Đại Thập Bội Tinh là huân chương cao quý nhất của Tây Ban Nha dành cho một công dân.

Báo El Mundo của Tây Ban Nha cho biết anh Ignacio Echeverria không bao giờ bỏ một Thánh Lễ Chúa Nhật nào. Một người bạn nói với một tờ báo rằng trước khi sang Anh làm việc Ignacio thuộc về một nhóm thanh niên Công Giáo gặp nhau hàng tuần ở Madrid cho các công tác xã hội.

Tờ El Mundo cũng lưu ý độc giả rằng chú của Ignacio từng là một giám mục truyền giáo lâu năm ở Peru. Đó là Đức Giám Mục Antonio Hornedo của giáo phận Chachapoyas, một tu sĩ dòng Tên, đã qua đời vào năm 2006.

Tại Luân Đôn, Echeverria làm việc cho nhóm chống rửa tiền của HSBC.

11. Giáo Hội tại Cộng hòa Dân chủ Congo đang trong cơn đại nạn

Sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Dân chủ Congo bày tỏ âu lo rằng Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này đang trong cơn đại nạn. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết như trên trong bản tin ngày 20 tháng Sáu.

Đức Tổng Giám Mục Luis Mariano Montemayo, Sứ thần Tòa Thánh tại Cộng hòa Dân chủ Congo, cho biết 3,383 người đã bị giết vì các hành vi bạo lực tại miền Kasai ở Cộng hòa Dân chủ Congo, từ tháng 10 năm 2016 đến nay.

Những vụ đụng độ giữa quân đội Congo và nhóm phiến quân Kamuina Nsapu đã bùng phát sau khi một lãnh đạo địa phương của nhóm này đã thiệt mạng trong một cuộc đụng độ với cảnh sát vào tháng 8 năm 2016.

Đến nay ít nhất 30 ngôi mộ tập thể đã được phát hiện; 20 làng mạc bị phá hủy hoàn toàn; 3,698 ngôi nhà bị phá hủy.

Giáo Hội chịu thiệt hại rất nặng với 5 chủng viện, 60 giáo xứ, 34 nhà thờ và 141 trường Công Giáo đã bị đóng cửa hoặc hư hỏng.

Trong tổng số 6 giáo phận của Cộng hòa Dân chủ Congo có hai giáo phận trong đó các vị chủ chăn đã phải bỏ Toà Giám Mục lánh nạn. Tình hình vẫn còn đang rất nghiêm trọng.

12. Giám Mục Illinois cấm các linh mục không được cho rước lễ và không được cử hành thánh lễ an táng cho những ai sống trong các kết hiệp đồng tính

Đức Cha Thomas Paprocki của Springfield, Illinois, đã chỉ thị cho các linh mục không được ban các phép bí tích cho những người Công Giáo tham gia vào các kết hiệp đồng tính.

Trong một văn bản chính thức được lưu truyền cho các linh mục của giáo phận – nhưng đã nhanh chóng bị lọt ra ngoài cho giới truyền thông thế giới - Đức Cha Paprocki nói rằng vì chính phủ giờ đây công nhận “hôn nhân đồng tính”, nên Giáo Hội “không chỉ có thẩm quyền mà còn có nghĩa vụ nghiêm trọng, là phải khẳng định giáo huấn đích thực về hôn nhân, bảo vệ và nuôi dưỡng những giá trị thánh thiêng của bí tích hôn phối.”

Cụ thể, Đức Cha cho biết, người Công Giáo không nên tham dự vào các “nghi lễ hôn nhân đồng giới”, và các sự kiện như thế không được phép xảy ra trong các nhà thờ hay trên các tài sản của giáo xứ. Những người Công Giáo sống trong các kết hiệp đồng tính không được đọc sách Thánh trong các buổi lễ trong nhà thờ, không được là các thừa tác viên đặc biệt của Bí Tích Thánh Thể; không được đảm nhận các lớp khai tâm Kitô Giáo hoặc các chương trình chuẩn bị cho bí tích Thêm Sức. Họ cũng không được là cha mẹ đỡ đầu.

Đức Cha Thomas cũng hướng dẫn các linh mục trong giáo phận không được cho những người có liên quan đến các kết hiệp đồng tính được rước lễ, cũng như không được cử hành thánh lễ an táng cho họ, trừ khi có những dấu hiệu cụ thể cho thấy các cá nhân này đã ăn năn và chấp nhận giáo huấn của Giáo Hội trước khi chết. Đức Cha Paprocki chỉ dẫn các linh mục của mình rằng nếu được thông báo một giáo dân trong giáo xứ tham dự vào một kết hiệp đồng tính, các linh mục có nghĩa vụ “giải quyết một cách riêng tư với những người trong hoàn cảnh như vậy, và kêu gọi họ hoán cải.”

Liên quan đến các trẻ em sống chung với những cặp đồng tính, Đức Cha Thomas hướng dẫn rằng các em có thể được rửa tội nếu có một kỳ vọng hợp lý rằng chúng sẽ được nuôi nấng trong đức tin Công Giáo. Tương tự như vậy, trẻ em sống chung với các cặp đồng tính có thể được ghi danh trong các trường Công Giáo, nhưng các bậc phụ huynh phải được hướng dẫn nuôi dạy con trẻ theo những giáo huấn của Giáo Hội về hôn nhân.

13. Kế hoạch viện trợ của Tòa Thánh cho Nam Sudan

Toà Thánh đã công bố một chương trình viện trợ đặc biệt cho người dân Nam Sudan.

Trong cuộc họp báo ngày 21 tháng 6, Đức Hồng Y Peter Turkson, tổng trưởng của Bộ Phát triển Nhân bản Toàn diện, đã trình bày các kế hoạch đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn nhằm giải quyết thảm hoạ nhân đạo ở Nam Sudan.

Theo Đức Hồng Y Turkson tình hình tại quốc gia Châu Phi bị chiến tranh tàn phá này rất bi thảm, “hơn một nửa dân số, khoảng 7,3 triệu người, bị đói hàng ngày.”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã lên kế hoạch thăm Nam Sudan trong năm nay, nhưng tình hình an ninh đang xấu đi khiến chuyến Tòa Thánh phải hủy bỏ chuyến đi của Đức Thánh Cha. Thay vào đó, Đức Giáo Hoàng đã quyết định tài trợ một loạt các dự án nhằm giúp đỡ người dân nước này.

Trước hết là hai bệnh viện do các nữ tu dòng Comboni điều hành, nhằm hỗ trợ y tế cho các giáo phận Wau và Tombora-Yambio.

Sau đó là một chương trình nông nghiệp, do Caritas thế giới và Caritas Nam Sudan quản lý, nhằm cung cấp trang thiết bị cho các nông trại trong một số giáo phận và hỗ trợ 2,500 gia đình sống bằng nông nghiệp

Cuối cùng là hai năm học bổng cho việc đào tạo giáo viên trong giáo phận Yambio.

14. Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Melkite có tân Thượng Phụ

Đức Cha Youssef Absi đã được Thượng Hội đồng Giám mục Công Giáo nghi lễ Melkite bầu để trở thành Thượng Phụ thành Antioch và là nhà lãnh đạo của 1.6 triệu người Công Giáo Melkite trên thế giới.

Đức Cha Youssef Absi là người gốc Damascus, Syria. Ngài đã là Giám Mục phụ tá trong Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Melkite tại Damascus, và đồng thời là giám quản của thủ đô Syria. Ngài đã thay thế Đức Thượng Phụ Gregory III Laham, nghỉ hưu ở tuổi 83.

Hôm 22 tháng Sáu, một ngày sau cuộc bầu cử tại thành phố Ain Traz, bên Li Băng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận cuộc bầu cử này.

Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Melkite hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh.

15. Đức Thánh Cha bổ nhiệm tân chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Khoa học.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ông Joachim von Braun, một nhà kinh tế nông nghiệp người Đức, làm chủ tịch Học viện Giáo hoàng về Khoa học.

Ông Braun là giáo sư về kinh tế và công nghệ, và là giám đốc trung tâm nghiên cứu phát triển của Đại học Bonn. Ông đã từng dạy tại các trường đại học Göttingen và Kiel, và từng là giám đốc của Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế tại Washington, DC. Ông được coi là một chuyên gia hàng đầu về tình trạng suy dinh dưỡng, và đã phát biểu tại các hội nghị của Liên Hiệp Quốc và tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos. Ông là thành viên của Học viện Giáo hoàng về Khoa học kể từ năm 2012.

Đức Giám Mục Marcelo Sanchez Sorondo vẫn là hiệu trưởng của cả Viện hàn lâm khoa học Giáo Hoàng và Học viện Giáo hoàng về Khoa học Xã hội.

16. Thánh lễ mừng kính Thánh Antôn thành Padua

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là Thánh Lễ và sau đó là cuộc rước kiệu trọng thể kính thánh Antôn thành Padua của hàng chục ngàn người tại thành phố Padua ở miền Bắc nước Ý hôm thứ Ba 13 tháng Sáu vừa qua.

Thánh Antôn thành Padua tên thật là Fernando. Ngài sinh năm 1195 tại Lisbon thủ đô nước Bồ Ðào Nha. Tròn 15 tuổi, Ngài gia nhập dòng Thánh Augustinô và chịu chức linh mục ở đây. Ở tuổi 25, ngài đổi sang dòng Thánh Phanxicô. Ngài được sai đi truyền giáo ở Marốc và ước ao được phúc tử đạo. Sau này, ngài đi rao giảng khắp miền Tây nước Ý và miền Nam nước Pháp. Ngài qua đời ngày 13 tháng 6 năm 1231, tại thành phố Padua, lúc mới tròn 36 tuổi. Ngài được Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô X phong thánh vào tháng 5 năm 1232. Vào năm 1946, Ðức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong Ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh.

Trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư 14 tháng Sáu, khi chào các bạn trẻ, những người đau yếu và các đôi tân hôn Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ rằng một ngày trước đó, Giáo Hội mừng kính thánh Antôn thành Padua, “vị giảng thuyết tài ba bổn mạng dân nghèo và người đau khổ.” Ngài khích lệ giới trẻ đừng mệt mỏi noi gương sống của thánh nhân; và khích lệ người đau yếu xin thánh nhân bầu cử cho họ trong tật bệnh; và các cặp vợ chồng mới cưới thi đua học hỏi và sống Lời Chúa trong đời hôn nhân.
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Tư 28/6/2017
VietCatholic Network
22:00 28/06/2017
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Buổi tiếp kiến chung với Đức Thánh Cha thứ Tư ngày 28 tháng 6.

2- Đức Thánh Cha chủ tọa công nghị phong 5 Hồng Y mới.

3- Hồng Y Đoàn sau buổi lễ tấn phong Hồng Y ngày thứ Tư 28 tháng 6 năm 2017.

4- Trong số 36 Tổng Giám Mục sẽ được Đức Thánh Cha trao dây Pallium, Việt Nam có Đức Cha Nguyễn Chí Linh.

5- Trong Thánh lễ kỷ niệm 25 năm Giám Mục của Đức Thánh Cha tại nhà nguyện Paolina, ngài kêu gọi mọi người hãy đứng dậy, nhìn xem và hy vọng.

6- Tòa Thánh bày tỏ quan ngại về tình trạng của Đức Cha Phêrô Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin).

7- Đức Tổng Giám Mục Bernardito Auza kêu gọi các phe tranh chấp tại Venezuela tìm kiếm một phương thức hòa giải.

8- Các Giám mục Columbia kêu gọi ngưng bắn giữa quân chính phủ và Lực lượng Giải phóng Quốc gia.

9- Tối cao pháp viện Hoa Kỳ phán quyết: Chính Quyền không thể viện cớ tôn giáo để từ chối trợ giúp cho một Nhà Thờ.

10- Giới thiệu Thánh Ca: Hương Kinh Cung Tiến.