Ngày 26-06-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tin và Tay
Lm. Nguyễn Xuân Trường
06:40 26/06/2021
TIN VÀ TAY

Phúc Âm tuần này kể chuyện nhờ lòng tin mạnh mẽ và bàn tay tin yêu mà Chúa đã cứu chữa người đàn bàn bị bệnh băng huyết và cứu sống em bé đã chết.

1. Đức tin mạnh mẽ. Người đàn bà bị bệnh băng huyết 12 năm trời đã chạy chữa khắp nơi tốn kém, tiền mất mà tật vẫn mang. Các bác sĩ bó tay. Ông trưởng hội đường có đứa con đã chết. Rơi vào hoàn cảnh này, nhiều người sẽ thất vọng than trách: Sao Chúa để con bệnh nặng thế này? Sao Chúa lại lấy đi đứa con yêu quý của con? Không, 2 người trong Phúc Âm đã không nghĩ như vậy. Trong đau khổ vì bệnh tật và mất người thân, họ không ngã lòng thất vọng mà vẫn vững lòng tin tưởng vào Chúa. Họ không nghĩ Chúa là người gây ra bệnh tật chết chóc, nhưng họ tin Chúa là Đấng chữa lành và cứu sống. Đức tin của họ đã được đền đáp. Chúa đã chữa lành cho người đàn bà và cứu sống đứa con ông trưởng hội đường. Chúa là Đấng đem niềm hy vọng cho chúng ta.

2. Bàn tay tin yêu. Người đàn bà bệnh tật đã phải len lỏi luồn lách qua đám đông cố sờ áo Chúa để được chữa lành. Và Chúa cũng đã lặn lội đến tận nhà cầm tay đứa con đã chết nâng dậy cứu sống em. Ôi, những đôi tay tin yêu có sức chữa lành và cứu sống. Chúa quyền năng chỉ cần phán 1 lời, người đàn bà chỉ cần đứng xa xa, chắp tay cầu nguyện thì cũng có thể được chữa lành. Vậy sao cứ phải sờ, phải chạm vào nhau? Tình yêu và Đức tin đều vô hình, nên đều rất cần những cử chỉ, những gần gũi, những đôi bàn tay nâng đỡ ủi an hay cung kính nguyện cầu để diễn tả tin yêu.

Sống trong đời, chúng ta không thể tránh được những bệnh tật chết chóc. Nhưng quyền năng và tình thương của Chúa lớn hơn bệnh tật chết chóc. Ngã lòng tin, ta sẽ thất vọng oán than Chúa, vững lòng tin, ta sẽ hy vọng cầu khẩn Chúa là Đấng chữa lành và cứu sống. Amen.
 
Ở Đây, Bây Giờ… Hơn Cả Vạn Lần Cái Gấu Áo !
LM. Giuse Trương Đình Hiền
12:15 26/06/2021
Ở Đây, Bây Giờ… Hơn Cả Vạn Lần “Cái Gấu Áo” !

Chúa Nhật 13 TN B 2021

Cho dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn đại dịch Covid-19, cả thế giới, đặc biệt các “tín đồ bóng đá” đang dồn mọi quan tâm cho “trái bóng lăn của giải vòng loại EURO 2020”; và giải đấu nầy đã khai mạc với trận đầu tiên của hai đội Đan Mạch và Phần Lan vào ngày 12/6 tại sân vận động Parken ở Copenhagen (Đan Mạch). Chính tại đây, một sự kiện hi hữu đã xảy ra làm chấn động cả thế giới: vào phút 43, tiền vệ Christian Eriksen của đội tuyển Đan Mạch bất ngờ đổ gục xuống sân, trong một tình huống di chuyển ra đường biên và không va chạm với ai. Cảnh tượng khi ấy: Trên khán đài, khán giả lặng thinh với những biểu hiện nguyện cầu; dưới sân, các cầu thủ Đan Mạch đứng xây vòng chung quanh che chắn cho người bạn cũng trong thái độ khẩn xin kèm với những giọt lệ… Trong khi đó, trên không gian mạng, hầu như khắp thế giới tràn ngập những lời cầu nguyện cho tiền vệ 29 tuổi nầy… May mắn thay, sau đó sức khoẻ của tiền vệ Eriksen đã ổn định !

Sở dĩ nhắc đến Christian Eriksen đột quỵ và phản ứng của nhiều người trước sự cố nầy là muốn nói lên rằng: sự sống quý giá biết bao; và ai cũng hoang mang lo sợ trước sự đe doạ của cái chết ! Điều quan trọng là chúng ta cần sự chọn lựa nào dành cho sự sống và cả khi đứng trước cái chết. Và đây lại là câu chuyện, là sứ điệp mà Lời Chúa muốn nói với các cộng đoàn tín hữu Công Giáo trong Chúa Nhật 13 thường niên nầy.

Thật vậy, ngay từ Bài đọc 1, sách Khôn Ngoan đã xác định rõ nguồn gốc của “cái chết”: “Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết… Người tạo dựng mọi sự trên mặt đất đều lành mạnh, chúng không có nọc độc sự chết, và không có địa ngục ở trần gian... Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn.”; và sách Khôn Ngoan tiếp tục xác minh: tác giả, nguyên nhân của sự chết đó chính là ác quỷ: “Nhưng bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó”.

Những lời cắt nghĩa của sách Khôn Ngoan làm chúng ta nhớ lại “câu chuyện” của sách Sáng thế ký: Chính ma quỷ đã xúi dại Ađam-Eva ăn trái cấm, phản bội Lời Chúa, để phải ôm trọn “bản án chết”: “Ngày nào các ngươi ăn trái cây nầy, các ngươi sẽ phải chết” (St 2,17). Thật vậy, thay vì vâng lệnh Thiên Chúa, “về phe” với Thiên Chúa, Tổ Tông loài người đã nghe lời cám dỗ của ma quỷ; hay như lời xác quyết của Sách Khôn Ngoan hôm nay: “kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó”.

Vâng, chính ác quỷ và những kẻ thuộc về nó, mà theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô đó là tội lỗi, đã mang sự chết vào trần gian: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12). Và ngày từ dạo đó, lịch sử của loài người là một chuỗi triền miên những đau thương chết chóc, mà hình ảnh cái chết của Abel bị chính người anh ruột Cain giết nơi cánh đồng là một dấu chỉ và cắt nghĩa rõ ràng về mối tương quan của tội lỗi và sự chết (St 4,1-14).

Phải chăng, cũng chính trong ý nghĩa nầy, mà thế giới ngày nay thường nói đến “tội ác chiến tranh, tội ác diệt chủng”. Vâng, chỉ những kẻ “thuộc về ma quỷ”, những tên đồ tể phạm tội ác chẳng gớm tay mới sẵn sàng kết liễu mạng sống của hàng triệu sinh linh; từ sinh linh của 6 triệu người Do Thái nơi những lò hơi ngạt của Đức quốc xã thời Hitler, đến sinh linh của 2 triệu người Campuchia trên những cánh đồng hoang thời Ponpốt; hay hàng triệu sinh linh khác là nạn nhân của những tội ác là tham vọng chính trị và ý thức hệ mà những trang sử hắc ám mang những tên gọi như “Cách mạng văn hoá”, “Cải cách ruộng đất”, “Thiên an môn”, “Bức tường Bá Linh”… vẫn hằn sâu trong ký ức loài người. Đó là chưa kể, ở ngay cái thời đại được đánh giá là văn minh tột đỉnh nầy, cái thời đại mà “nhà nhà, người người” đều vinh danh và bảo vệ quyền sống, quyền làm người, thì hàng ngày có hàng triệu sự sống thai nhi bị vứt bỏ, giết hại cách hợp pháp công khai hay âm thầm lén lút.

Nhưng chúng ta chỉ mới nói đến cái chết của sự sống phần xác. Còn có một cái chết đáng sợ, thê thảm hơn bội phần, đó là cái chết của cả thân xác và linh hồn, mà ngôn ngữ Kinh Thánh gọi là: chết đời đời trong nơi hỏa ngục: “anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (Mt 10,28).

Và đây mới chính là cái chết mà ác quỷ đã gây ra và luôn bằng mọi cách cám dỗ để xô đẩy con người sa vào trong “cái chết” thê thảm đó.

Thế nhưng, như lời Kinh Nguyện Thánh Thể IV, “Và khi con người đã mất tình nghĩa với Cha vì bất phục tùng, Cha đã không bỏ mặc con người dưới quyền lực sự chết… đến nỗi khi tới thời viên mãn, Cha đã sai Con Một đến làm Đấng cứu độ chúng con”; và chính Người Con Một ấy “Để chu toàn ý định của Cha, Người đã nộp mình chịu chết, và từ cõi chết sống lại, Người huỷ diệt sự chết và canh tân sự sống”.

Có thể nói được, trong suốt 3 năm ngược xuôi rao giảng Tin Mừng, Đức Kitô bằng mọi cách, khai mở trí lòng nhân loại để “tin Ngài” và cùng với Người chọn lựa đi con đường sống đích thực, một sự sống không chỉ giới hạn với không gian và thời gian hiện hữu giữa trần gian nhưng là cuộc sống hạnh phúc vĩnh hằng trong Vương quốc Thiên Chúa: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).

Và dĩ nhiên để làm bằng chứng cho những “quyết đoán trên”, Đức Kitô đã thực hiện nhiều “phép lạ” như “dấu chỉ” kẻ tin vào Ngài sẽ được sống, như chuyện kể của Tin Mừng Maccô hôm nay: một người phụ nữ bị bệnh xuất huyết suốt 12 năm lén chạm vào gấu áo của Ngài với niềm tin khỏi bệnh… và bã đã được cứu: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”. Ai mà không nhận ra thâm ý của Thánh sử Maccô: máu là biểu thị của sự sống. Bị bệnh “xuất huyết” suốt 12 năm thì “sống mà như đã chết”; và dĩ nhiên, không thể “làm mẹ để trao ban sự sống cho đời”. Chỉ một “cú chạm nhẹ của niềm tin” người phụ nữ đã tìm lại sự sống, một phụ nữ, một người mẹ trọn vẹn. Tiếp đó, cũng trong trình thuật nầy, đứa con gái 12 tuổi của ông trưởng hội đường Giairô đã chết, nhờ Chúa đến “cầm tay” và nói: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay. Lại một “cú chạm của bàn tay”; nhưng lần nầy, đích thân Chúa “cầm tay” để một em bé gái qua đời ở ngưỡng tuổi 12, vĩnh viễn mất đi niềm hy vọng sẽ lớn lên để sống ơn gọi làm mẹ, ơn gọi trao ban sự sống cho đời. Nhờ “cái cầm tay” của Đấng là “đường, sự thật, sự sống”, bé gái 12 tuổi đã chỗi dậy, đứng lên và ngẫng cao đầu bước đi trong cuộc sống.

Và những trang Tin Mừng gần như tràn ngập những “dấu chỉ”, những chứng từ của những kẻ tin vào Ngài hay được Ngài “chạm đến” và tìm được sự sống: Sự sống chợt về trong tim băng giá của người phụ nữ Samari khi trò chuyện với Ngài bên bờ giếng Giacob; sự sống ùa về choáng ngợp cõi lòng đen tối, tội lỗi khi Maria chạm những nụ hôn trên chân Ngài; sự sống hong lại niềm hân hoan sâu lắng để sẵn sàng làm lại cuộc đời khi anh trưởng ty quan thuế GiaKê mở tiệc đón Ngài về tệ xá; sự sống bừng lên niềm hy vọng được vào “Nước của Ngài” của tên trộm lành cho đù đang đứng bên bờ vực thăm của thần chết…

Kể từ khi “sự sống Thần Linh” được tuôn tràn trong ngày “khai sinh Giáo Hội” dịp lễ Ngũ Tuần, các môn sinh của Chúa Kitô tiếp tục nối dài “cánh tay của Người” để qua Lời được rao giảng, qua các bí tích được cử hành…, Người vẫn tiếp tục chạm đến bao thân phận con người đang ngồi trong bóng tối sự chết; và cũng để nhiều người mở lòng ra, tin nhận Ngài, chạm đến Ngài, phục vụ Ngài… khi sẵn sàng cúi xuống “rửa chân cho anh chị em”, nhất là những anh chị em nghèo đói, khổ đau, tội tù… như Ngài đã dạy trong dụ ngôn “Ngày phán xét” (Mt 25,31-46) !

Trong khi thế giới đang vật vã trước “lưỡi hái tử thần” là đại dịch Covid-19, người Kitô hữu được gọi mời sống niềm hy vọng và tin yêu phó thác; đồng thời chung tay xây đắp nền “văn minh sự sống, văn minh tình yêu” qua con đường “Tám Mối Phúc thật”, qua giới răn “Yêu thương” ! Thật ra, cho dù con người có văn minh và tài giỏi thế nào, có tìm được những phương thuốc hiệu nghiệm, tối hảo làm sao, mà chấp nhận “bán mình cho ác quỷ”, hay như sách Khôn Ngoan, “thuộc về nó”, về phe với nó, thì mãi mãi bước đi trong bóng tối sự chết. Chỉ có “niềm tin”, niềm tin đơn sơ chân chất của người phụ nữ “chạm vào gấu áo của Chúa”, niềm tin sẵn sàng để bàn tay Chúa chạm đến trên thân phận, trên cuộc đời…, mới cứu thế giới.

Ở đây, giờ nầy, hơn cả vạn lần cái gấu áo ! Vì Chúa đang sẵn sàng mời tôi: “Hãy cầm lấy mà ăn… hãy cầm lấy mà uống…”. Vâng, Thịt và Máu của Chúa đó. Amen.

Trương Đình Hiền

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:58 26/06/2021

16. Khi linh hồn an vui đó là khi có Thiên Chúa ở trong lòng chúng ta, hướng dẫn chúng ta hướng về sự thiện; khi bị cám dỗ là khi ma quỷ ở trong tâm hồn chúng ta, chỉ đạo chúng ta làm điều ác.

(Thánh Ignatius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:05 26/06/2021
83. PHÂN BIỆT CHỮ “CÁ”

Có người đi hỏi chữ “cá 魚 (ngư)” viết như thế nào, người ta bèn viết chữ “cá” cho anh ta coi.

Anh ta nhìn ngang rồi nhìn dọc con chữ, sau cùng lắc lắc đầu nói:

- “Cái chữ này, trên đầu có hai cái sừng, dưới chân có bốn cái đùi, cá bơi trong nước thì làm gì có sừng với đùi chứ?”

Người viết chữ nói:

- “Đây chính là chữ “cá魚”, nếu anh nói không phải, vậy thì nó là chữ gì?”

Anh ta gật gù đắc ý, làm như việc ấy có thật, nói:

- “Theo như tôi thấy, có sừng có đùi thì nhất định là động vật ở trên đất, nhưng cuối cùng là chữ gì thì phải coi anh viết chữ lớn hay nhỏ: nếu viết chữ lớn thì nhất định đó là con trâu, viết không lớn không nhỏ thì là con hưu, viết nhỏ thì nhất định là con dê.”

(Tiếu đắc Hảo)

Suy tư 83:

Chữ “ngư魚” có nghĩa là “cá”, con cá, dù cho chữ cá viết theo chữ Hoa có sừng hay có chân.

Người Ki-tô hữu là Ki-tô hữu, dù cho có người tốt người xấu, thì vẫn cứ là người Ki-tô hữu đã trở nên con cái của Thiên Chúa, và là môn đệ của Đức Chúa Giê-su nhờ bí tích Rửa Tội…

Đừng thấy có một vài người Ki-tô hữu sống không xứng đáng với ơn gọi làm Ki-tô hữu của mình, mà lên án người Ki-tô hữu là loại người dở dở ươn ươn, hoặc chỉ trích người Ki-tô hữu là xấu, là cá mè một lứa, nhưng hãy nhìn ra nơi ruộng lúa: có những bụi lúa tốt tươi và có những cây lúa vàng úa, có những hạt lúa vàng óng ánh và có những hạt lúa lép, nhưng không phải vì thế mà nói đó không phải là cây lúa…

Chữ “cá魚” viết theo chữ Tàu thì có sừng và có chân, viết theo chữ Việt thì có lưỡi dao sắc trên đầu, viết theo chữ tiếng Anh chữ tiếng Pháp thì không có gì trên đầu dưới chân cả, nhưng nó chắc chắn là chữ “ngư魚” chữ “cá魚”.

Con người ta ai cũng có khuyết điểm, nhưng không phải vì khuyết điểm mà làm họ mất đi ấn tích Rửa Tội làm con Thiên Chúa, nhưng chỉ những ai vì ghen ghét mà phê bình khuyết điểm của người khác, mới không hiểu thế nào Thiên Chúa là Tình Yêu nà thôi…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Những tháp người ở Catalonia lại mọc lên - Tây Ban Nha đang phục hồi
Đặng Tự Do
05:09 26/06/2021


Trong một diễn biến cho thấy Tây Ban Nha đang phục hồi nhanh chóng sau đại dịch coronavirus, một nét văn hóa dân gian tại Catalonia đã được phục hồi trong những ngày qua.

Người Tây Ban Nha tại Catalonia có một truyền thống gọi là Castel, trong đó người ta đứng chồng lên nhau để tạo thành một cái tháp cao. Truyền thống này đã bị cấm từ tháng Ba năm ngoái vì đại dịch coronavirus. Giờ đây, nó được phục hồi lại tại nhiều vùng ở Catalonia. Đó là một chỉ dấu cho thấy xã hội Tây Ban Nha đang được phục hồi. Điều này cũng cho thấy, Tây Ban Nha, quốc gia sống nhờ vào ngành du lịch với số lượng du khác viếng thăm đông nhất Âu Châu đang tìm cách phục hồi ngành kinh doanh này.

Yolanda Gonzalez, thành viên đội tháp truyền thống Catalan, cho biết “Tất cả các thành viên đã được giám sát rất tốt, chúng tôi thực sự rất tự hào và hạnh phúc với cách mọi thứ đã được thực hiện tốt, nó rất hiệu quả. Ngoài ra, diễn xuất cũng rất hoàn hảo”.

Truyền thống 200 năm tuổi diễn ra tại các lễ hội đòi hỏi kỹ năng, sức mạnh và hơn hết là sự tin tưởng để lắp ráp và tháo dỡ tháp người, đồng thời cung cấp lưới an toàn để đề phòng trường hợp tháp vô tình sụp đổ.
Source:Reuters
 
Những người thân yêu hồi hộp chờ đợi sau khi tòa nhà sụp đổ ở Florida
Đặng Tự Do
05:10 26/06/2021


Trong tuyên bố hôm 24 tháng Sáu, Đức Cha Thomas Wenski, Tổng Giám Mục Miami, Florida đã lên tiếng chia buồn với thân nhân một người đã chết và kêu gọi cầu nguyện cho 51 người đến nay vẫn được ghi nhận là mất tích.

Các đội cấp cứu gần Miami đã bắt đầu nhiệm vụ khó khăn là tìm kiếm trong những tiếng ồn ầm ầm để tìm các nạn nhân và bất kỳ ai có thể sống sót sau vụ sập một phần của tòa tháp dân cư bên bờ biển vào đầu ngày thứ Năm 24 tháng Sáu.

Sally Heyman, một nghị viên của Quận Miami-Dade, cho biết các quan chức đã không thể tiếp xúc với 51 người được cho là vẫn còn bị mắc kẹt bên trong tòa nhà. Tòa nhà này là một chung cư. Một phần những người sống trong đó cư trú thường xuyên. Một phần là những “snow birds”, tức là những người chỉ đến đây cư ngụ trong những tháng mùa đông.

Các quan chức cho biết tòa nhà, được xây dựng vào năm 1981, đang trải qua quá trình tái chứng nhận sau các yêu cầu buộc sửa chữa một số hạng mục. Một tòa nhà khác đang được xây mới bên cạnh. Đến nay nguyên nhân của sự sụp đổ vẫn chưa rõ ràng.
Source:Reuters
 
Người dân Hương Cảng đổ xô mua ấn bản cuối cùng của Nhật báo Apple
Đặng Tự Do
05:11 26/06/2021


Hàng trăm người Hương Cảng đã xếp hàng vào sáng thứ Năm 24 tháng Sáu để mua ấn bản cuối cùng của Apple Daily.

Tờ báo ủng hộ dân chủ đã buộc phải đóng cửa sau 26 năm hoạt động sau khi trở thành mục tiêu của một cuộc đàn áp dưới chiêu bài an ninh quốc gia.

Apple Daily đã in 1 triệu bản, gấp hơn 10 lần số lượng in thông thường.

Những người ủng hộ đã than thở về cú đánh nghiêm trọng nhất chưa từng có đối với quyền tự do truyền thông của Hương Cảng.

Một người xếp hàng mua báo nói:

“Tôi nghĩ đã kết thúc một kỷ nguyên nên tôi muốn ra ngoài và mua một tờ báo. Tôi không hiểu tại sao nhà cầm quyền thậm chí không thể chịu được một tờ báo. “

“Mặc dù đôi khi tôi không đồng ý với những gì tờ báo viết, nhưng một xã hội nên có nhiều tiếng nói khác nhau. Chúng ta không thể loại bỏ những tiếng nói đó chỉ vì những lý do mơ hồ nào đó”.

Hàng trăm người ủng hộ đã tập trung bên ngoài tòa soạn của tờ báo vào tối thứ Tư và vẫy đèn từ các điện thoại thông minh.

Trang nhất cuối cùng của Apple Daily đăng một bức ảnh của họ và một nhân viên vẫy tay chào với tiêu đề “Người Hương Cảng chia tay đau đớn trong mưa”.

Bên trong tòa soạn có tiếng reo hò, và một số giọt nước mắt, khi ấn bản cuối cùng được in.

Apple Daily đã phải đối mặt với sự siết chặt không ngừng kể từ khi chủ sở hữu của nó và một nhà phê bình kịch liệt Bắc Kinh Jimmy Lai bị bắt theo luật an ninh quốc gia vào tháng 8 năm ngoái.

Tuần trước, cảnh sát đã phong tỏa tài sản của các công ty có liên hệ với tờ báo, đột kích vào trụ sở của tờ báo và bắt giữ 5 giám đốc điều hành.

Cảnh hàng trăm cảnh sát trong tòa soạn tịch thu các tài liệu báo chí đã thu hút sự lên án của quốc tế.

Kể từ cuộc đột kích, tờ báo nói rằng nhiều người đã bị buộc phải từ chức hàng loạt và toàn bộ các phòng ban phải đóng cửa. Cảnh sát đã đóng băng tài sản của tờ báo để buộc cơ quan này phải đóng cửa.

Vương quốc Anh cho biết việc đóng cửa tờ báo là một “cuộc biểu tình lặng lẽ” đối với “chiến dịch bịt miệng mọi tiếng nói đối lập” của chính quyền Hương Cảng.

Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ các chỉ trích về việc đóng cửa Apple Daily.

Hôm thứ Năm 24 tháng Sáu, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, khi đề cập đến việc đóng cửa Nhật báo Apple đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các cam kết của họ đối với truyền thông tự do ở Hương Cảng theo một thỏa thuận với Anh.

Phát biểu trong một cuộc họp thường xuyên tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian - 赵丽坚) đã lên tiếng phản kháng nhận xét của Ngoại trưởng Anh:

“Chính phủ Trung Quốc quản lý Hương Cảng trên cơ sở hiến pháp của Trung Quốc và Luật an ninh quốc gia, chứ không phải trên cơ sở Tuyên bố chung Trung-Anh”
Source:Reuters
 
Linh mục tạt axit 7 Giám Mục. Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô bày tỏ nỗi buồn
Đặng Tự Do
16:21 26/06/2021


Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Chính Thống Giáo Contantinople đã bày tỏ nỗi buồn của ngài trước một diễn biến vượt quá trí tưởng tượng của các tín hữu Kitô.

Một linh mục Chính thống giáo Hy Lạp đã bị bắt sau một vụ tấn công bằng axit khiến 7 giám mục và 3 người khác bị thương. Vị linh mục này đang được giám định tâm thần vào hôm thứ Năm 24 tháng Sáu trước khi các cáo buộc được xem xét.

Nghi phạm người Hy Lạp 37 tuổi đã bị cảnh sát bảo vệ bắt giữ vào cuối ngày thứ Tư sau khi anh ta bị cáo buộc tạt axit vào các giám mục sau thông báo của các ngài, tại một phiên điều trần kỷ luật, rằng anh ta đã chính thức bị loại khỏi hàng giáo phẩm vì bị có các hành vi sai trái.

Các nạn nhân của vụ tấn công nhập viện trong tình trạng bị bỏng, trong đó có hai vị trong tình trạng bị bỏng nghiêm trọng. Viên cảnh sát bị bắt cũng phải nhập viện vì anh ta cũng bị bỏng trong khi bắt giữ nghi can.

Các bức ảnh chụp hiện trường vụ tấn công ở trung tâm Athens, được chiếu trên kênh truyền hình ERT, cho thấy những vết máu trên tường của căn phòng nơi diễn ra phiên điều trần và trên những chiếc bàn nhỏ nơi các giám mục ngồi.

Những chiếc áo choàng đen bị vứt bỏ bởi các giám mục và các giáo sĩ tham dự cũng có vết máu và lỗ bỏng.

Thượng Hội đồng Chính thống của Giáo hội Chính thống đã mô tả vụ tấn công là “ghê tởm và chưa từng có”, và xác nhận chính thức rằng nghi phạm đã bị loại khỏi chức tư tế.

Tổng thống Katerina Sakellaropoulou, và các thành viên chính phủ Hy Lạp khác đã mạnh mẽ lên án hành động này. Các nhà lãnh đạo tinh thần của Chính Thống Giáo trên thế giới cũng bày tỏ sự bàng hoàng trước diễn biến tồi tệ này.

Cảnh sát chưa cho biết chất axit nào đã được sử dụng trong vụ tấn công nhưng luật sư của nghi phạm nhìn nhận đó là axit đậm đặcc khi nói chuyện với các phóng viên bên ngoài tòa án nơi phiên tòa đang được chuẩn bị.

“Thân chủ của tôi là một bệnh nhân tâm thần đang dùng thuốc mạnh”, luật sư Andreas Theodoropoulos của anh ta nói. “Anh ta không hoàn toàn hiểu được hậu quả của hành động của mình nhưng đang phản ứng với một vấn đề anh ta cảm nhận là bất công”.

Ba trong số bảy giám mục bị thương đang được điều trị tại khoa phẫu thuật thẩm mỹ của một bệnh viện nhà nước, trong khi bốn người khác cũng đang được kiểm tra tổn thương mắt.
Source:Crux
 
Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 kỷ niệm 70 năm lãnh nhận thiên chức linh mục vào ngày 29 tháng Sáu
Đặng Tự Do
16:22 26/06/2021


Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein cho biết Đức Bênêđíctô thường kể rằng Thánh lễ phong chức linh mục ngày 29/6/1951 diễn ra khá dài. Ngài cũng nhớ phong thái trang nghiêm của Đức Hồng Y Faulhaber, một Hồng Y rất có uy tín và đã lớn tuổi, là người đã truyền chức linh mục cho ngài. Đức Hồng Y Faulhabe đã gây ấn tượng lâu dài với Đức Bênêđíctô.

Cuộc đời làm linh mục của Đức Bênêđíctô được ghi đậm với các ấn tượng của ngày 29/6/ 1951. Từ ngày đó, đối với cha Joseph Ratzinger, và sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Thánh lễ luôn là điều thiết yếu. Ngay cả ngày nay, khi ngài gặp khó khăn trong việc đi lại. Đức Tổng Giám Mục Gänswein nhấn mạnh rằng “Kể từ ngày thụ phong linh mục, không một ngày nào Đức Bênêđíctô không cử hành hoặc đồng tế Thánh lễ.”

Hiện nay, Đức Giáo Hoàng danh dự không thể đứng cử hành Thánh lễ trong nửa giờ, vì vậy ngài ngồi trên một xe lăn cạnh bàn thờ, còn Đức Cha Gänswein chủ tế. Các vị làm như thế mỗi ngày.

Vào dịp kỷ niệm 70 năm Đức Bênêđíctô thụ phong linh mục, những người sống chung với ngài tại đan viện Mẹ Giáo hội ở nội thành Vatican, nơi ngài cư ngụ từ sau khi thoái vị vào năm 2013, sẽ chuẩn bị một điều ngạc nhiên cho ngài.

Theo Đức Cha Thư ký riêng của Đức Bênêđíctô, Đức Giáo Hoàng danh dự chưa biết về điều ngạc nhiên dành cho ngài. Nhưng những điều bất ngờ luôn liên quan đến phụng vụ. Đức Cha Gänswein tiết lộ: “Chúng tôi đã mời một nhóm các thành viên cũ của dàn hợp xướng từ Regensburg, những người đã học hát cùng với anh trai của ngài, Đức ông Georg Ratzinger, là người đã qua đời ngày 1/7 năm ngoái 2020. Bây giờ các thành viên này đã từ 40 đến 60 tuổi. Một số sẽ hát trong Thánh lễ tại nhà nguyện”.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein cho biết thêm về sức khoẻ của Đức Bênêđíctô: “Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã 94 tuổi và thể chất rất yếu, rất mỏng manh. Nhưng cảm ơn Chúa, tâm trí của ngài vẫn tiếp tục hoạt động rất tốt. Thật không may, giọng nói của ngài cũng rất yếu. Ngài nói rất khó khăn. Nhưng tinh thần của ngài rất tốt và ngài nói: 'Mỗi ngày tôi bắt đầu với Chúa và kết thúc với Chúa. Chúng ta chờ xem nó sẽ kéo dài bao lâu’”.
Source:KathPress
 
Đức Thánh Cha mời các nhà lãnh đạo các tôn giáo hãy cầu nguyện cho nước Lebanon ngày 1 tháng 7
Thanh Quảng sdb
19:19 26/06/2021
Đức Thánh Cha mời các nhà lãnh đạo các tôn giáo hãy cầu nguyện cho nước Lebanon ngày 1 tháng 7
(Tin Vatican)

Ngày Cầu nguyện tập chú vào Lebanon, diễn ra vào ngày 1 tháng 7, do Đức Thánh Cha kêu gọi để thắp nên một hy vọng và hòa bình cho một đất nước đã bị vùi dập và áp bức trong nhiều năm vì khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội, đặc biệt từ vụ nổ kinh hoàng vào tháng 8 năm 2020 tại Cảng Beirut, đã phá hủy một phần thành phố.

Đức Hồng Y Leonardo Sandri, Tổng trưởng Thánh Bộ các Giáo hội Đông phương, vào thứ Sáu (25/6/2021) qua, đã đệ trình chương trình ngày này tại Văn phòng Báo chí Vatican cho biết mục đích của ngày này là “cùng nhau đồng hành”. ĐHY cho biết cộng đồng Kitô giáo của Lebanon, cùng với những người đứng đầu các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội nước này, sẽ cùng nhau tự vấn, suy tư và cầu nguyện, để nói nên “tiếng kêu cứu của một dân tộc, những người mà tất cả chúng ta cầu nguyện cho”.

Đức Hồng Y Sandri cho biết sáng kiến kéo dài một ngày thiêng liêng và được kết thúc bằng một bài phát biểu của Đức Thánh Cha, ĐHY nói "chắc chắn ĐTC sẽ đưa ra các khuyến nghị và lời mời gọi đã được thảo luận trong ngày vì tương lai của Lebanon ".

Đức Tổng Giám Mục Gallagher cho hay Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhiều lần bày tỏ mong muốn đến thăm Lebanon; nhưng để thể hiện được điều đó, đất nước này phải tìm ra giải pháp cho các cuộc khủng hoảng chính trị, mà cho tới nay vẫn “còn mù mịt”. Ngài nói, Vatican có thể đóng góp vào quá trình này. Tại thời điểm này, "rất khó" để dự kiến một cuộc tông du của Đức Thánh Cha đến Lebanon vào cuối năm, nhưng có nhiều hy vọng sẽ vào đầu năm tới.

"Thiên Chúa có kế hoạch cho hòa bình, hãy cùng nhau giúp Lebanon," là phương châm nổi bật trên logo của ngày 1/7. Một ngày sẽ bắt đầu từ 8.30 sáng tại nguyện đường thánh Marta, với việc Đức Thánh Cha chào đón các nhà lãnh đạo của các cộng đồng Kitô hữu Liban và các thành viên của các phái đoàn của họ. Sau đó là giờ phút cầu nguyện trong Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Sau đó sẽ có 3 phiên họp riêng biệt vào các khoảng thời gian khác nhau, và ngày này được kết thúc bằng bài phát biểu của Đức Thánh Cha Phanxicô lúc 6 giờ chiều.

Lebanon, một quốc gia ở Địa Trung Hải với 5 triệu người, có tỷ lệ người theo đạo Thiên Chúa cao nhất ở Trung Đông và là nước Ả Rập duy nhất có nguyên thủ quốc gia là người Công Giáo với tỷ lệ người Công Giáo chiếm một phần ba dân số.

Đức Thánh Cha đã công bố ngày này trong buổi đọc kinh “Tuyền Tin” ngày Chủ nhật 30 tháng 5, và ĐTC cho biết mục đích ngày này là “cùng nhau cầu nguyện cho món quà hòa bình và ổn định tại Lebanon”, hầu đất nước này có được “một tương lai thanh thoát hơn”.
 
Quanh việc Tòa Thánh phản đối dự luật chống kỳ thị người đồng tính của Ý
Vũ Văn An
23:56 26/06/2021

Như đã loan tin, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, được coi như bộ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh, đã nại tới hiệp ước Lateran năm 1929 ký kết giữa Ý và Tòa Thánh để tỏ ý lo ngại về dự luật đã được hạ viện Ý thông qua, nay đang nằm ở Ủy Ban Pháp Lý Thượng Viện, về việc chống lại những ai kỳ thị người đồng tính, bằng một văn thư gửi tới chính phủ Ý, qua viên đại sứ của họ là Pietro Sebastiani, một động thái chưa từng có kể từ ngày Thị Quốc Vatican được thành lập.



Theo Elise Ann Allen của tạp chí Crux, thủ tướng Ý, Ông Mario Draghi, đã lớn tiếng bác bỏ nội dung lá thư đó. Ông nói rằng Ý là một quốc gia thế tục và trong tư cách này, có thể tự quyết định liệu dự luật ấy có hợp hiến hay không.

Nói chuyện với các thành viên của Thượng Viện Ý ngày 23 tháng 6, Ông Draghi cho rằng Ý “là một quốc gia thế tục, chứ không phải một quốc gia tuyên tín” ngầm cho thấy, quốc hội Ý “được tự do” và có thể nghị bàn, thảo luận và đi đến kết luận của chính mình.

Ông bảo rằng “Luật lệ của chúng ta có mọi bảo đảm để các đạo luật luôn tôn trọng các nguyên tắc hiến pháp và cam kết quốc tế, trong đó có Tông Hiệp với Giáo Hội”, có ý nhắc đến hiệp ước Lateran năm 1929 đã thiết lập ra Thị quốc Vatican như một thực thể có chủ quyền và điều hòa các mối liên hệ giữa Tòa Thánh và Nước Ý.

Tham chiếu một phán quyết của tòa hiến pháp Ý năm 1989, Ông Draghi nhấn mạnh rằng ý niệm thế tục (laïcité), nghĩa là việc tách biệt giữa Giáo Hội và nhà nước thế tục, không can thiệp vào tự do tôn giáo, nhưng đúng hơn “bảo đảm tính đa nguyên và đa dạng văn hóa”. Về phản đối của Giáo Hội, Ông Draghi nói rằng “chính phủ theo dõi việc này, nhưng đây là thời điềm của Quốc Hội, không phải là thời điểm của chính phủ”.

Các nhà phân tích cho rằng phản ứng của Ông Draghi là điều có thể dự đoán được dựa vào đường hướng chính trị. Không riêng gì Ông Draghi, phe tả ở Ý vốn lên án lập trường của Vatican, cho rằng một là vượt quá phạm vi của mình hai là lên tiếng không đúng chỗ.

Ca sĩ nhạc rap nổi tiếng của Ý, Fedez, “hót” láo xược rằng “Vatican đã không chịu trả thuế còn đi tố cáo Ý”. Điều này đã bị Vatican News phản pháo bằng cách xác định rằng cơ quan Quản Trị Di Sản của Tòa Thánh (APSA), thực tế là ngân hàng trung ương của Vatican, đã trả hơn 7 triệu dollars thuế tài sản cho chính phủ Ý và 3.5 triệu dollars thuế cơ quan.

Ấy là chưa kể các thứ thuế trả cho chính phủ Ý bởi chính phủ của Thị Quốc Vatican, của thánh bộ Truyền Giảng Tin Mừng cho các Dân tộc là thánh bộ quản lý rất nhiều bất động sản ở Rôma, của giáo phận Rôma và các giáo phận Ý khác.

Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Ý Corriere della Sera, Đức Tổng Giám Mục Nunzio Galantino, đứng đầucơ quan Quản Trị Di Sản của Tòa Thánh, vốn quản lý các tài sản của Tòa Thánh, đã bác bỏ các lời tố cáo của Fedez về thuế khoá. Ngài cho rằng Fedez một là dốt nát tin tức hai là có dụng ý xấu. Ngài cho biết, năm 2020, riêng cơ quan Quản Trị Di Sản của Tòa Thánh đã trả khoảng 5,950,000 euros (7,100,283 dollars) về thuế tài sản và khoảng 2,880,000 euros (3,436,608 dollars) về thuế cơ quan.

Các thực thể khác của Tòa Thánh và của Giáo Hội như Tòa Thống Đốc của Thị Quốc Vatican, Giáo phận Rôma, Hội Đồng Giám Mục Ý, và nhiều dòng tu đều đã trả cả thuế tài sản lẫn thuế cơ quan. Ngài cũng cho biết, cuối tháng 7 này, cơ quan Quản Trị Di Sản của Tòa Thánh sẽ cho công bố các bảng kê tài chánh cho năm 2020, cho thấy thuế đã được đóng đầy đủ.

Đức Tổng Giám Mục nói rằng “tôi muốn được Ông Fedez cho biết ai đã công bố các con số đó và ông lấy chúng từ đâu: dưới luật lệ nào, về tài sản nào”. Ngài nói thêm “các con số lạ lùng vốn được lưu hành nhằm nuôi dưỡng chuyện hoang đường về tài sản mênh mông của Tòa Thánh, (nhưng) chuyện đó đâu có”.

Ghi nhận rằng có luật lệ miễn chước các Giáo Hội trả một số thuế, nhưng luật này “không chỉ liên quan tới Giáo Hội Công Giáo, mà là tới mọi tôn giáo khác. Do Thái giáo, Hồi giáo, Thệ phản, cũng đâu có nạp các thứ thuế đó” và cả các tổ chức bất vụ lợi, các đảng phái, và nghiệp đoàn cũng thế.

Đối với thư phản đối của Tòa Thánh, chính trị gia Ý, Ivan Scalfarotto, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ, cũng chỉ trích động thái của Tòa Thánh. Ông ta bảo rằng “Quốc hội có quyền và bổn phận tiếp tục việc làm của mình, không cần lưu ý tới bất cứ áp lực bên ngoài nào. Đúng là Vatican cũng như bất cứ quốc gia nào khác có quyền phát biểu về một dự luật đang được xem xét”.

Francesco Alicino, Giáo sư Luật Tôn Giáo Công Cộng và Phó Viện Trưởng Đại Học Casamassima ở Bari cũng phát biểu về vấn đề này khi lên tiếng hỏi “Giáo Hội có thể, qua tông hiệp, thực sự yêu cầu ngành hành pháp trở thành phát ngôn viên để chuyển một số phản bác cho Quốc Hội hay không? Chúng ta đang bước vào lãnh thổ chưa được qui định, và tôi nghĩ, bất hợp hiến về nhiều phương diện”.

Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Andrea Ostellari thuộc đảng Lega cánh hữu và là Chủ tịch Ủy Ban Tư pháp hiện đang xem xét dự luật Zan, thúc giục các Thượng nghị sĩ coi trọng các quan tâm của Tòa Thánh.

Ông nói, “Tôi đã chính thức yêu cầu có được bản văn của công hàm liên hệ mà Thị quốc Vatican đã gửi cho Bộ Ngoại Giao. Đối với công việc Ủy Ban đang làm, điều nền tảng là biết và lượng giá các điểm được Tòa Thánh nêu lên”.

Nói với nhật báo Ý Avvenire, nhật báo chính thức của các Giám Mục Ý, nhà luật học và giáo sư Ý Carlo Cardia, cựu thành viên của ủy ban hỗn hợp có nhiệm vụ duyệt lại tông hiệp của Tòa Thánh với Ý, nói rằng ông tin dự luật đang bàn là “bất hợp hiến” và tự do phát biểu đang gặp nguy cơ. Ông bảo, “chúng ta phải tránh cơn cám dỗ giản lược mọi điều chỉ còn là việc Tòa Thánh bênh vực các quyền lợi Công Giáo”. Và dù đó là một trong các khía cạnh của vấn đề, nhưng ông nói thêm “Tôi thấy một điều khác trong công hàm có ảnh hưởng tới mọi người dân Ý và do đó có một phạm vi tổng quát”.

Theo ông,vấn đề tự do tôn giáo không chỉ ảnh hưởng đến người Công Giáo “mà là mọi người Ý, mọi người sống trên đất nước này, mọi tổ chức và hiệp hội thuộc bất cứ xu hướng nào. Đây là lý do tại sao tôi nói chúng ta đối diện với lời kêu gọi rất chính xác và nghiêm trọng muốn cho bản văn lập pháp soạn thảo cho đến nay được duyệt lại một cách sâu xa để vượt qua một số vấn đề rất quan trọng”.

Dù sao, nếu dự luật được thông qua, hiệp ức Lateran dự trù việc thiết lập một ủy ban hỗn hợp để giải quyết tranh chấp.



Tòa Thánh lên tiếng

Trong khi đó, tờ Catholic Herald cho hay Tòa Thánh vừa lên tiếng quả quyết rằng Tòa Thánh không có ý định ngăn cản dự luật của Ý chống việc kỳ thị người đồng tính, nhấn mạnh rằng công hàm của mình chỉ nhằm đề cập “một cách ngăn ngừa” một số “vấn đề giải thích” có thể phát sinh từ dự luật, vì bản văn của nó chứa đựng nhiều kiểu nói “mơ hồ và không chắc chắn”.

Trong cuộc họp báo được Vatican News tường trình hôm thứ năm (24 tháng 6), Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Pietro Parolin, nói rõ: “quan tâm của chúng tôi liên quan đến các vấn đề giải thích có thể diễn ra trong biến cố bản văn được chấp thuận với nhiều nội dung mơ hồ và không chắc chắn, mà kết cục sẽ thay đổi, trong bối cảnh pháp chế, việc định nghĩa điều gì là tội hình điều gì không”.

Ngài giải thích thêm: hiện lúc này bản văn của dự luật có nguy cơ thay đổi điều gì tạo ra tác phong hình sự, “tuy nhiên, lại không cho chánh án các thông số cần thiết để phân biệt” điều gì là tội hình điều gì không.

Ngài bảo, “ý niệm kỳ thị vẫn quá mơ hồ trong nội dung của nó. Khi thiếu các chi tiết chuyên biệt thỏa đáng” thì dự luật có nguy cơ vơ đũa cả nắm những loại tác phong rất khác xa nhau “và như thế làm cho mọi phân biệt có thể có giữa đàn ông và đàn bà thành bị trừng phạt” bởi luật pháp.

Ngài cho hậu quả của một luật lệ như thế là “nghịch lý” và “theo ý kiến của chúng tôi, cần được tránh trong khi chúng ta còn có thì giờ để tránh”.

Đức Hồng Y nhấn mạnh, “chúng tôi chống đối bất cứ tháii độ hay hành vi bất khoan dung hay ghét bỏ nào chống người ta vì xu hướng tính dục của họ, cũng như chúng tôi chống đối sự ghét bỏ hay bất khoan dung như thế dựa vào bản sắc tộc hay tín ngưỡng”.

Tuy thế, “nhu cầu định nghĩa đặc biệt quan trọng vì qui phạm luật pháp [được đề nghị] bước vào lãnh vực có liên quan tới hình sự, trong đó, như đã ghi nhận, điều được phép và điều bị cấm phải được xác định rõ”.

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cũng giải thích rằng ngài chấp thuận việc sử dụng công hàm và nội dung của nó, như “phương thế thích đáng để đối thoại trong các liên hệ quốc tế”. Công hàm ấy không hề có ý định để công chúng biết dù ngài không ngạc nhiên trước phản ứng của công chúng.

Ngài nói rằng “tôi hoàn toàn đồng ý với Thủ tướng Draghi về bản chất thế tục của quốc gia và về chủ quyền của Quốc Hội Ý. Đồng thời, tôi đánh giá cao lời kêu gọi tôn trọng các nguyên tắc hiến pháp và các cam kết quốc tế của Thủ Tướng. Trong bối cảnh này, có một nguyên tắc căn bản, đó là Pacta sunt servanda (các hiệp ước phải được thi hành). Chính trong bối cảnh này, với công hàm, chúng tôi tự chế chỉ nhắc lại rằng bản văn của những điều khoản chính của Hiệp Ước với Nhà Nước Ý có thể bị ảnh hưởng”

Đức Hồng Y Parolin nói thêm rằng Tòa Thánh hành động trong tinh thần “hợp tác công bình”, thậm chí “thân hữu” vốn là các đặc điểm và tiếp tục là các đặc điểm trong các mối liên hệ hai bên.

Sau cùng Đức Hồng Y nhấn mạnh: vấn đề tự do phát biểu ý kiến “không chỉ liên quan tới người Công Giáo, mà là mọi người, đụng tới điều Công Đồng Vatican II gọi là ‘đền thánh’ của lương tâm”.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh con đường đời sống vượt qua mệt mỏi
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
17:40 26/06/2021
Hình ảnh con đường đời sống vượt qua mệt mỏi

Thánh Tông đồ Phero cùng với Thánh Tông đồ Phaolo là hình ảnh hai cột trụ của Giáo Hội Chúa ở trần gian.

Hình ảnh hai đại thánh đường Thánh Phero và Thánh Phaolô to lớn nguy nga được xây dựng bên thành Roma từ mấy thế kỷ nay diễn tả ý nghĩa này.

Thánh Tông đồ Phero được Chúa Giêsu kêu gọi trực tiếp rồi cắt cử phong làm Giáo hoàng thứ nhất Hội Thánh Công Giáo Roma lúc Chúa Giêsu còn trên trần gian.

Vâng theo mệnh lệnh Chúa Giêsu truyền, sau khi Chúa Giêsu Kitô về trời, Thánh Phero đã bôn ba lặn lội từ nước Do Thái sang Roma rao giảng tin mừng nước Chúa thành lập Hội Thánh Công Giáo nơi đây ở khu đồi Vatican.

Thánh Phero sau cùng bị bắt trải qua ngục tù, và bị kết án đóng đinh vào thập gía năm 67 sau Chúa giáng sinh

Thánh Phaolô cũng được Chúa kêu gọi tuyển chọn, nhưng trễ lúc Chúa Giêsu đã trở về trời đang khi Phaolô trên bước đường đi săn lùng bách hại Giáo hội Chúa Giêsu ở thành Damascus. Chúa Giêsu đã hiện ra và hoán cải Ông, rồi sai Phaolô đi truyền giáo rao giảng nước Thiên Chúa cho các dân tộc trong thế giới đế quốc Roma thời bấy giờ.

Thánh Phaolô cũng từ nước Do Thái bôn ba đáp tầu thuyền đến tận các nước Hylạp, đảo Zypre, đảo quốc Malta, nước Thổ nhĩ Kỳ, các nước vùng Balkan, và sau cùng đến thành Roma. Nơi đây cũng như Thánh Phero, Phaolô bị bắt giam cầm cùng bị chết vì đức tin vào Chúa Giêsu Kitô vào khoảng sau năm 60 sau Chúa giáng sinh.

Thánh Phero đã viết hai bức thư để lại cho Giáo Hội cắt nghĩa nhắn nhủ về cung cách nếp sống đức tin vào Chúa.

Thánh Phaolô viết 13 bức thư gửi cho các Giáo đoàn mà ông đã đến thành lập, cho hai môn đệ thân tín Timotheo và Tito. Nội dung diễn giải giáo lý của Chúa Giêsu Kitô, cung cách sống đức tin cùng những lời khuyên răn về nếp sống tinh thần đạo đức lành mạnh, những lời phấn chấn giúp tinh thần ý chí phấn khởi vươn lên, dù phải trải qua đau khổ.

Những lời viết suy tư của Thánh Phaolô diễn tả chiều thâm sâu của một nhà đạo đức thần học, nhưng thực tế theo với đời sống đức tin. Văn phong cùng bố cục diễn tả của Phaolo nói lên chiều trí thức sâu rộng của một học gỉa, đúng hơn của một triết gia thấm nhuần tinh thần phúc âm Chúa Giêsu Kitô, cùng có tầm nhìn xa trông rộng hướng về đời sống mai sau trên trời bên Thiên Chúa.

Trong bức thư thứ hai gửi Giáo đoàn Côrinthô ( 2. Corinthô, 4,13-5,1), có lời viết: Chúng ta không nản lòng thối chí!

Trong đời sống thực tế nơi trần gian xưa nay con người luôn hằng gặp phải những cảnh ngộ từ lo âu hoài nghi đến đau khổ bi thương, hầu như làm tâm trí, ý chí cùng cả thân thể mệt mỏi chán nản chùng xuống.

Đời sống con người có nhiều mệt nhọc hơn niềm vui. Mệt nhọc vì công việc làm ăn sinh sống có nhiều đòi hỏi, khiến thân thể cũng như tinh thần bị gánh nặng chồng chất như đến độ qúa tải sức chịu đựng, có khi phát sinh bệnh nạn tâm trí cũng như cả thể xác nữa!

Mệt nhọc vì có khi phải cố gắng chịu đựng lâu dài với đồng nghiệp, với hàng xóm.

Gia đình riêng là tổ ấm bến bờ hạnh phúc niềm vui cho đời sống. Nhưng cũng đòi hỏi nhiều căng thẳng khủng hoảng, cố gắng chịu đựng, nên cũng đưa đến sự mệt nhọc.

Rồi còn những lo toan, sợ hãi nghi nan về sức khoẻ bệnh tật, về công ăn việc làm gặp bấp bênh bị đe dọa thất nghiệp, trong hòan cảnh chiến tranh bị đe dọa khủng bố, và ngay cả trong lòng đời sống Giáo Hội có những tình trạng khủng hoảng đen tối thoái trào đi xuống… cũng làm cho ra mệt mỏi chán chường.

Nhất là trong hoành cảnh lúc này từ hơn một năm nay nhân loại đang trong cơn khủng hoảng bị vi trùng đại dịch Corona lây lan truyền nhiễm đe dọa sức khoẻ con người, nên mọi sinh họat đạo đời xã hội bị giới hạn, tê liệt ngưng đình trệ gây sinh ra mệt mỏi.

Sự mệt mỏi nhọc sức dễ đưa đến tình trạng thất vọng, nản lòng thối chí, nếu không có ánh sáng niềm hy vọng từ xa gần dọi chiếu tới.

Và có lẽ chính Thánh Phaolô xưa kia trên bước đường bôn ba đi truyền giáo từ nơi nọ đến nơi kia, từ nước này sang nước khác, từ dân tộc khác nhau về ngôn ngữ, văn hóa, niềm tin…cũng đã phải nếm mùi chịu đựng mệt mỏi phải trải qua.

Nhưng tại sao Thánh Phaolô có thể viết : chúng ta đừng thối chí nản lòng“? Phải chăng đó chỉ là lời an ủi như người mẹ dỗ con cho khỏi khóc thôi? Điều gì Phaolô đã sống trải nghiệm qua, để ông có thể nhận ra ý nghĩa tích cực nơi suy tư đó?

Có lẽ câu trả lời trong thư ông viết tiếp: „Trái lại, mặc dầu con người bên ngoài của chúng ta bị tiêu huỷ đi, nhưng con người bên trong của chúng ta ngày càng được canh tân.“

Câu trả lời chất chứa kinh nghiệm sống của dân gian và suy tư của riêng Phaolo phải chăng có thể hiểu là lời khuyên nhủ phấn khích? Phải chăng suy tư khôn ngoan đó hướng về cung cách nếp sống nội tâm? Phải chăng suy tư đó giúp đạt được sự quân bình thăng bằng nội tâm cho đời sống tinh thần cùng cả thể xác nữa?

Có thể nói đây là một kinh nghiệm cảm động, mà Phaolô muốn cùng chia sẻ với mọi người. Kinh nghiệm mà Phaolô cũng như dân gian đã thu lượm trong những giai đoạn thời gian đời sống bị thử thách dập vùi làm cho mệt mỏi nhọc nhằn kiệt quệ nản chí muốn buông xuống.

Nhưng cũng có kinh nghiệm sống trừng trải qua giúp mang lấy lại sức lực bắt đầu mới lại. Cho dù có giai đoạn đời sống tưởng chừng như tận cùng chấm dứt, nhưng bỗng chốc có sức lực giúp khởi sự lại từ điểm khởi đầu.

Kinh nghiệm này con người chúng ta không làm ra được, không thể bắt ép cố gượng tạo nặn ra cho thành. Nhưng con người chỉ có thể để cho được ban tặng sức lực tích cực đó.

Và kinh nghiệm đời sống cho hay cung cách thái độ sống cởi mở cùng sẵn sàng đón nhận điều tốt lành tích cực cần thiết để có niềm an ủi hy vọng cùng sức lực vươn lên.

Đức tin vào Thiên Chúa, nguồn đời sống, nguồn ơn chúc phúc lành là sức mạnh vươn lên cho đời sống tinh thần cùng thể xác, để không bị thối chí nản lòng, cho dù có bị thử thách làm cho ra mệt mỏi.

Con người luôn cần có niềm hy vọng, niềm ủi an giúp canh tân đời sống vượt qua cơn mệt mỏi thối chí nản lòng.

Lễ mừng kính hai Thánh tông đồ Phero và Phaolô

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Chuyện TU SĨ Chuyện EM: Lấm Lem Bùn Đen - Talita Cum
Lm Nguyễn Trung Tây
22:18 26/06/2021
Lm Nguyễn Trung Tây
Chuyện TU SĨ Chuyện EM:
Lấm Lem Bùn Đen – Talita Cum (Mark 5:41)


Em hỏi tôi về Tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng” của Đức Thánh Cha Phanxicô. Trong Tông huấn, Ngài trình bày quan niệm riêng về Hội Thánh, “Cha thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của chính mình” (NVTM, 49).
Tôi thông thường ngần ngại bàn thêm về Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng câu 49. Tôi nói với em thật tình tôi ngại đụng chạm. Nhưng em không bỏ cuộc, em nói với tôi tiếng Việt tiếng Anh ba rọi, “Oh! Cha! Please!” Tôi cuối cùng đầu hàng trước khuôn mặt thánh thiện của em, tu sĩ Dòng Truyền Giáo. Tôi cuối cùng góp một vài ý kiến nho nhỏ.
Giáo hội nguyên thủy mang căn tính truyền giáo (Ad Gentes 2). Dựa vào Công đồng Vatican II, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tái khẳng định nếu Giáo hội ngưng những bước chân rao giảng Tin Mừng, Giáo hội mất đi căn tính Giáo hội. Hoặc nói một cách khác, Giáo hội tự đánh mất chính mình.
Bởi thế Giáo hội không có chọn lựa nào khác nhưng phải bước ra ngoài tổ kén ấm cúng, vượt qua hàng rào kẽm gai, hòa mình vào với những băn khoăn và những thực thể của thế giới để rao giảng Đức Giêsu tới những người Giáo hội (sẽ) gặp gỡ trên con đường hành hương. Và bởi Giáo hội là một Giáo hội của truyền giáo, Giáo hội sẽ bị bầm dập thâm tím mặt mày, đôi bàn tay đen cháy nám, bùn dơ bám đen loang lổ áo trắng.
Nhưng, theo như Đức Thánh Cha, những vết bầm dập thâm tím, đôi tay cháy nám, bùn dơ áo trắng, là những dấu hiệu của một Giáo hội lành mạnh. Ngược lại, nếu chúng ta tiếp tục ngồi thoải mái trong bốn bức tường của tháp ngà, Giáo hội không còn làm chứng và rao giảng tới bất cứ ai.
Trong trường hợp này, rất tiếc, theo như Công đồng Vatican II (Ad Gentes 2) và Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Giáo hội không còn là Giáo hội của Đức Giêsu nữa…
Nhìn em vẫn ngơ ngác, lạc đường, tôi dẫn chứng Kinh Thánh.

Bánh Mì và Cá Sa Mạc (John 6:1-15)
Lần đó trong sa mạc, đám đông dân chúng đi theo Đức Giêsu. Khi đó trời đã về chiều, trong khi các môn đệ xuất hiện với thái độ truyền giáo thực tế,
— Ơ… Thầy! Đám đông dân chúng đông như (quân Nguyên)! Ai nuôi cho nổi! Chuyện đó không phải chuyện của mình…
Nhưng Đức Giêsu thì khác, Ngài thể hiện chân dung của truyền giáo dấn thân,
— Không đúng! Chuyện của đám đông cũng là chuyện của mình!
Và bởi truyền giáo dấn thân, hiện tình thay đổi. Cõi sa mạc đá sỏi mênh mông bỗng dưng hóa ra vườn địa đàng xanh xanh ngút ngàn!
Hồi đó, nếu không có Đức Giêsu, nhiều người dám đã bỏ mạng trong sa mạc, bởi thái độ truyền giáo thực tế (tháp ngà) của các môn đệ.
Yêu biết bao chuyện bánh mì và cá trong sa mạc. Yêu Đức Giêsu, người truyền giáo dấn thân; (một lần nữa lập lại) và bởi dấn thân, lấm lem bùn đen, bùn dơ áo trắng, thiên đàng mơ hồ trở thành một thực thể trong sa mạc.
Nghe tôi phân tích câu chuyện hóa nhiều bánh mì trong sa mạc dưới lăng kính Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, câu 49, em hứng khởi kể tôi nghe chuyện của em…

Talita Cum! (Mark 5:41)
Lần đó, ông Jairus Hội trưởng hội đường Do Thái tới gặp Đức Giêsu, xin Ngài chữa bệnh cho cô con gái bệnh thập tử nhất sinh. Nghe lời khẩn cầu, Đức Giêsu đi theo ông Jairus tới nhà của ông. Trên đường đi, người nhà của ông Jairus bất ngờ xuất hiện, báo tin con gái của ông đã chết. Nhận được hung tin, nhưng Đức Giêsu vẫn bước tới. Ngài khẳng định, “Em nhỏ chưa chết, em chỉ đang ngủ mà thôi” (Mark 5:39). Bởi lời Ngài nói, nhiều người mở miệng cười chế nhạo Ngài (Mark 5:40).
Và Đức Giêsu bước vào phòng của em. Ngài cầm tay em gái, rồi Ngài nói, “Talita cum! Em nhỏ, hãy ngồi dậy”.
Và em gái tuổi 12 ngồi dậy trước khuôn mặt ngạc nhiên của bao nhiêu người. Trong đó, không thể loại trừ những người vừa cất tiếng cười chế nhạo Đức Giêsu…
Tôi góp ý,
— Mặc cho thiên hạ dèm pha, cười nhạo, khiến tâm hồn Ngài bầm dập, Đức Giêsu vẫn bước tới, mang niềm hy vọng mới tinh khôi tới gia đình tưởng chừng chuẩn bị khăn tang. Đức Giêsu trong Tin Mừng Mark 5 sẵn sàng lấm láp bùn đen, bầm dập mặt mày, để mang lại hy vọng tới tất cả những người Ngài gặp gỡ trên con đường hành hương.
Em tiếp nối câu chuyện,
— Bữa hôm đó, cùng đi với nhau, tu sĩ tụi con ghé thăm khu ổ chuột Cubao của thủ đô Manila.
Sau một hồi gặp gỡ, lắng nghe, chia sẻ và cầu nguyện, Cái bang dừng lại rồi bước vào túp lều của bà mẹ độc thân với 7 đứa con. Em lớn nhất 14 tuổi nằm mê man trên giường trong cơn sốt, em nhỏ nhất mấy tháng vẫn nằm trơ trọi trên võng mở đôi mắt to nhìn khách lạ.
Em hỏi bà mẹ, em bệnh gì? Mẹ nói không biết, bởi không có tiền mang em đi khám Bác Sĩ. Câu trả lời đơn giản và thành thật!
Sờ vào trán em, ai cũng nhận ra được cơn sốt cao độ. Thế đấy, thiếu niên 14 tuổi nằm đó với không một viên thuốc.
Cái bang tu sĩ truyền giáo nhìn nhau, nhanh chóng quyết định, giờ này mỗi tên một chút, góp vào, hy vọng em sẽ qua cơn sốt than hồng. Em nói thật tình giờ phút đó, con chỉ mong có Đức Giêsu xuất hiện, đứng ngay bên cạnh.
Cái bang đã về nhà hơn một tuần rồi, nhưng hình ảnh thiếu niên sốt than hồng vẫn đi theo, nằm sâu trong đầu em. Em cầu nguyện, em làm việc bác ái dâng lên Thiên đàng. Em hy vọng, tương tự như câu chuyện Talita cum năm xưa, Đức Giêsu sẽ bước lên phòng, Ngài cầm tay thiếu niên sốt than hồng Cubao, và Ngài nói, “Talita cum.”
Rồi bản tin mong đợi cũng tới tựa gió mùa hè thổi mát lòng người: em sốt than hồng bởi bệnh sốt xuất huyết. Đã được điều trị tại bệnh viện. Giờ đã hết sốt, em đã ngồi dậy. Em đã talita cum.
Vẫn là câu chuyện của 2000 năm trước và của ngày hôm nay. Cái bang tu sĩ truyền giáo Cubao bước theo Bang chủ Cái bang Đức Giêsu, tất cả đều lấm lem tay chân, thâm tím mặt mày. Tất cả vẫn bước lên phòng, cầm tay em bé 12 tuổi, và Ngài nói, “Talita cum!”

Em mến,
Theo như Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nếu chúng ta tiếp tục ngồi thoải mái trong bốn bức tường của tháp ngà, người tín hữu không còn làm chứng và rao giảng tới bất cứ ai.
NTT
 
VietCatholic TV
Hai nỗi buồn lớn của Á Châu trong cùng một ngày. Dân Hương Cảng nghẹn ngào mua tờ Apple cuối cùng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:06 26/06/2021


1. Những 'tháp người' ở Catalonia lại mọc lên

Trong một diễn biến cho thấy Tây Ban Nha đang phục hồi nhanh chóng sau đại dịch coronavirus, một nét văn hóa dân gian tại Catalonia đã được phục hồi trong những ngày qua.

Người Tây Ban Nha tại Catalonia có một truyền thống gọi là Castel, trong đó người ta đứng chồng lên nhau để tạo thành một cái tháp cao. Truyền thống này đã bị cấm từ tháng Ba năm ngoái vì đại dịch coronavirus. Giờ đây, nó được phục hồi lại tại nhiều vùng ở Catalonia. Đó là một chỉ dấu cho thấy xã hội Tây Ban Nha đang được phục hồi. Điều này cũng cho thấy, Tây Ban Nha, quốc gia sống nhờ vào ngành du lịch với số lượng du khác viếng thăm đông nhất Âu Châu đang tìm cách phục hồi ngành kinh doanh này.

Yolanda Gonzalez, thành viên đội tháp truyền thống Catalan, cho biết “Tất cả các thành viên đã được giám sát rất tốt, chúng tôi thực sự rất tự hào và hạnh phúc với cách mọi thứ đã được thực hiện tốt, nó rất hiệu quả. Ngoài ra, diễn xuất cũng rất hoàn hảo”.

Truyền thống 200 năm tuổi diễn ra tại các lễ hội đòi hỏi kỹ năng, sức mạnh và hơn hết là sự tin tưởng để lắp ráp và tháo dỡ tháp người, đồng thời cung cấp lưới an toàn để đề phòng trường hợp tháp vô tình sụp đổ.
Source:Reuters

2. Những người thân yêu hồi hộp chờ đợi sau khi tòa nhà sụp đổ ở Florida

Trong tuyên bố hôm 24 tháng Sáu, Đức Cha Thomas Wenski, Tổng Giám Mục Miami, Florida đã lên tiếng chia buồn với thân nhân một người đã chết và kêu gọi cầu nguyện cho 51 người đến nay vẫn được ghi nhận là mất tích.

Các đội cấp cứu gần Miami đã bắt đầu nhiệm vụ khó khăn là tìm kiếm trong những tiếng ồn ầm ầm để tìm các nạn nhân và bất kỳ ai có thể sống sót sau vụ sập một phần của tòa tháp dân cư bên bờ biển vào đầu ngày thứ Năm 24 tháng Sáu.

Sally Heyman, một nghị viên của Quận Miami-Dade, cho biết các quan chức đã không thể tiếp xúc với 51 người được cho là vẫn còn bị mắc kẹt bên trong tòa nhà. Tòa nhà này là một chung cư. Một phần những người sống trong đó cư trú thường xuyên. Một phần là những “snow birds”, tức là những người chỉ đến đây cư ngụ trong những tháng mùa đông.

Các quan chức cho biết tòa nhà, được xây dựng vào năm 1981, đang trải qua quá trình tái chứng nhận sau các yêu cầu buộc sửa chữa một số hạng mục. Một tòa nhà khác đang được xây mới bên cạnh. Đến nay nguyên nhân của sự sụp đổ vẫn chưa rõ ràng.
Source:Reuters

3. Người dân Hương Cảng đổ xô mua ấn bản cuối cùng của Nhật báo Apple

Hàng trăm người Hương Cảng đã xếp hàng vào sáng thứ Năm 24 tháng Sáu để mua ấn bản cuối cùng của Apple Daily.

Tờ báo ủng hộ dân chủ đã buộc phải đóng cửa sau 26 năm hoạt động sau khi trở thành mục tiêu của một cuộc đàn áp dưới chiêu bài an ninh quốc gia.

Apple Daily đã in 1 triệu bản, gấp hơn 10 lần số lượng in thông thường.

Những người ủng hộ đã than thở về cú đánh nghiêm trọng nhất chưa từng có đối với quyền tự do truyền thông của Hương Cảng.

Một người xếp hàng mua báo nói:

“Tôi nghĩ đã kết thúc một kỷ nguyên nên tôi muốn ra ngoài và mua một tờ báo. Tôi không hiểu tại sao nhà cầm quyền thậm chí không thể chịu được một tờ báo. “

“Mặc dù đôi khi tôi không đồng ý với những gì tờ báo viết, nhưng một xã hội nên có nhiều tiếng nói khác nhau. Chúng ta không thể loại bỏ những tiếng nói đó chỉ vì những lý do mơ hồ nào đó”.

Hàng trăm người ủng hộ đã tập trung bên ngoài tòa soạn của tờ báo vào tối thứ Tư và vẫy đèn từ các điện thoại thông minh.

Trang nhất cuối cùng của Apple Daily đăng một bức ảnh của họ và một nhân viên vẫy tay chào với tiêu đề “Người Hương Cảng chia tay đau đớn trong mưa”.

Bên trong tòa soạn có tiếng reo hò, và một số giọt nước mắt, khi ấn bản cuối cùng được in.

Apple Daily đã phải đối mặt với sự siết chặt không ngừng kể từ khi chủ sở hữu của nó và một nhà phê bình kịch liệt Bắc Kinh Jimmy Lai bị bắt theo luật an ninh quốc gia vào tháng 8 năm ngoái.

Tuần trước, cảnh sát đã phong tỏa tài sản của các công ty có liên hệ với tờ báo, đột kích vào trụ sở của tờ báo và bắt giữ 5 giám đốc điều hành.

Cảnh hàng trăm cảnh sát trong tòa soạn tịch thu các tài liệu báo chí đã thu hút sự lên án của quốc tế.

Kể từ cuộc đột kích, tờ báo nói rằng nhiều người đã bị buộc phải từ chức hàng loạt và toàn bộ các phòng ban phải đóng cửa. Cảnh sát đã đóng băng tài sản của tờ báo để buộc cơ quan này phải đóng cửa.

Vương quốc Anh cho biết việc đóng cửa tờ báo là một “cuộc biểu tình lặng lẽ” đối với “chiến dịch bịt miệng mọi tiếng nói đối lập” của chính quyền Hương Cảng.

Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ các chỉ trích về việc đóng cửa Apple Daily.

Hôm thứ Năm 24 tháng Sáu, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, khi đề cập đến việc đóng cửa Nhật báo Apple đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các cam kết của họ đối với truyền thông tự do ở Hương Cảng theo một thỏa thuận với Anh.

Phát biểu trong một cuộc họp thường xuyên tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian - 赵丽坚) đã lên tiếng phản kháng nhận xét của Ngoại trưởng Anh:

“Chính phủ Trung Quốc quản lý Hương Cảng trên cơ sở hiến pháp của Trung Quốc và Luật an ninh quốc gia, chứ không phải trên cơ sở Tuyên bố chung Trung-Anh”
Source:Reuters

4. Cựu Tổng thống Philippines Benigno Aquino qua đời ở tuổi 61

Cựu Tổng thống Phi Luật Tân Benigno Aquino đã qua đời trong bệnh viện hôm thứ Năm 24 tháng Sáu, ở tuổi 61.

Aquino là con trai duy nhất của hai trong số các biểu tượng dân chủ của đất nước Đông Nam Á này và là nhà lãnh đạo từ năm 2010 đến năm 2016.

Được biết đến nhiều với cái tên Noynoy, ông đã tạo ra một làn sóng xúc động của công chúng suốt chặng đường hướng tới nhiệm kỳ tổng thống sau khi mẹ ông là Corazon Aquino qua đời vào năm 2009.

Bản thân bà là tổng thống từ năm 1986 đến năm 1992 và Aquino vẫn mang trong mình vết đạn từ một cuộc đảo chính quân sự năm 1987 chống lại chính phủ của bà.

Cha của Benigno Aquino là một nhân vật đối lập quan trọng, là người đã bị ám sát vào năm 1983 khi ông trở về quê hương từ cuộc sống lưu vong chính trị.

Benigno Aquino được người dân Phi Luật Tân biết ơn vì đã lãnh đạo Phi Luật Tân trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế được đánh giá là đã giúp xua tan thành kiến cho rằng nước này là “con bệnh nghiêm trọng nhất của Á Châu”.

Nhưng thời gian tại vị của ông không phải là không có những khủng hoảng.

Năm 2013, Benigno Aquino phải đối phó với sự tàn phá của cơn bão Hải Yến, một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào đất nước này.

Cùng năm đó, hình ảnh trong sạch của ông đã bị vấy bẩn bởi những vụ bê bối về việc các nhà lập pháp lạm dụng công quỹ.

Ông cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích vào năm thứ 5 tại vị, sau khi 44 lính biệt kích bị giết trong một chiến dịch truy bắt một chiến binh Hồi Giáo Mã Lai Á.

Ông là người chỉ trích mạnh chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, và kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế The Hague.

Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết năm 2016 của tòa án quốc tế The Hague theo đó Trung Quốc không có chứng cứ lịch sử gì đối với vùng biển tranh chấp.

Năm 2016, ông thất cử trong một cuộc bầu cử mà nhiều người tin rằng ông chắc chắn thắng. Nhiều báo cáo cho rằng Trung Quốc đã bỏ ra một số tiền rất lớn để mua phiếu cho Rodrigo Duterte, một người có xuất xứ từ Hạ Môn (Xiamen, 厦门), Phúc Kiến (Fujian, 福建).

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương, Benigno Aquino đã không được khỏe trong hai năm qua và đã phải vào bệnh viện hôm thứ Năm, trước khi qua đời cùng ngày.

Benigno Aquino là một người Công Giáo nhưng tính tình có chút phóng đãng. Ông chưa bao giờ kết hôn, lái những chiếc xe sang trọng và hút thuốc rất nhiều. Ông thường bị các nhà lãnh đạo Công Giáo chỉ trích vì tính phóng đãng, nhưng ông không có những xung đột với Giáo Hội như Rodrigo Duterte.
Source:Reuters
 
Bàng hoàng: 7 Giám Mục bị tạt axit, tình trạng nghiêm trọng. 70 năm linh mục của Đức Bênêđíctô XVI
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:17 26/06/2021


1. Đau buồn: Linh mục tạt axit 7 Giám Mục. Đức Thượng Phụ Bácthôlômêô bày tỏ nỗi buồn

Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô của Chính Thống Giáo Contantinople đã bày tỏ nỗi buồn của ngài trước một diễn biến vượt quá trí tưởng tượng của các tín hữu Kitô.

Một linh mục Chính thống giáo Hy Lạp đã bị bắt sau một vụ tấn công bằng axit khiến 7 giám mục và 3 người khác bị thương. Vị linh mục này đang được giám định tâm thần vào hôm thứ Năm 24 tháng Sáu trước khi các cáo buộc được xem xét.

Nghi phạm người Hy Lạp 37 tuổi đã bị cảnh sát bảo vệ bắt giữ vào cuối ngày thứ Tư sau khi anh ta bị cáo buộc tạt axit vào các giám mục sau thông báo của các ngài, tại một phiên điều trần kỷ luật, rằng anh ta đã chính thức bị loại khỏi hàng giáo phẩm vì bị có các hành vi sai trái.

Các nạn nhân của vụ tấn công nhập viện trong tình trạng bị bỏng, trong đó có hai vị trong tình trạng bị bỏng nghiêm trọng. Viên cảnh sát bị bắt cũng phải nhập viện vì anh ta cũng bị bỏng trong khi bắt giữ nghi can.

Các bức ảnh chụp hiện trường vụ tấn công ở trung tâm Athens, được chiếu trên kênh truyền hình ERT, cho thấy những vết máu trên tường của căn phòng nơi diễn ra phiên điều trần và trên những chiếc bàn nhỏ nơi các giám mục ngồi.

Những chiếc áo choàng đen bị vứt bỏ bởi các giám mục và các giáo sĩ tham dự cũng có vết máu và lỗ bỏng.

Thượng Hội đồng Chính thống của Giáo hội Chính thống đã mô tả vụ tấn công là “ghê tởm và chưa từng có”, và xác nhận chính thức rằng nghi phạm đã bị loại khỏi chức tư tế.

Tổng thống Katerina Sakellaropoulou, và các thành viên chính phủ Hy Lạp khác đã mạnh mẽ lên án hành động này. Các nhà lãnh đạo tinh thần của Chính Thống Giáo trên thế giới cũng bày tỏ sự bàng hoàng trước diễn biến tồi tệ này.

Cảnh sát chưa cho biết chất axit nào đã được sử dụng trong vụ tấn công nhưng luật sư của nghi phạm nhìn nhận đó là axit đậm đặcc khi nói chuyện với các phóng viên bên ngoài tòa án nơi phiên tòa đang được chuẩn bị.

“Thân chủ của tôi là một bệnh nhân tâm thần đang dùng thuốc mạnh”, luật sư Andreas Theodoropoulos của anh ta nói. “Anh ta không hoàn toàn hiểu được hậu quả của hành động của mình nhưng đang phản ứng với một vấn đề anh ta cảm nhận là bất công”.

Ba trong số bảy giám mục bị thương đang được điều trị tại khoa phẫu thuật thẩm mỹ của một bệnh viện nhà nước, trong khi bốn người khác cũng đang được kiểm tra tổn thương mắt.
Source:Crux

2. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 kỷ niệm 70 năm lãnh nhận thiên chức linh mục vào ngày 29 tháng Sáu

Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein cho biết Đức Bênêđíctô thường kể rằng Thánh lễ phong chức linh mục ngày 29/6/1951 diễn ra khá dài. Ngài cũng nhớ phong thái trang nghiêm của Đức Hồng Y Faulhaber, một Hồng Y rất có uy tín và đã lớn tuổi, là người đã truyền chức linh mục cho ngài. Đức Hồng Y Faulhabe đã gây ấn tượng lâu dài với Đức Bênêđíctô.

Cuộc đời làm linh mục của Đức Bênêđíctô được ghi đậm với các ấn tượng của ngày 29/6/ 1951. Từ ngày đó, đối với cha Joseph Ratzinger, và sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16, Thánh lễ luôn là điều thiết yếu. Ngay cả ngày nay, khi ngài gặp khó khăn trong việc đi lại. Đức Tổng Giám Mục Gänswein nhấn mạnh rằng “Kể từ ngày thụ phong linh mục, không một ngày nào Đức Bênêđíctô không cử hành hoặc đồng tế Thánh lễ.”

Hiện nay, Đức Giáo Hoàng danh dự không thể đứng cử hành Thánh lễ trong nửa giờ, vì vậy ngài ngồi trên một xe lăn cạnh bàn thờ, còn Đức Cha Gänswein chủ tế. Các vị làm như thế mỗi ngày.

Vào dịp kỷ niệm 70 năm Đức Bênêđíctô thụ phong linh mục, những người sống chung với ngài tại đan viện Mẹ Giáo hội ở nội thành Vatican, nơi ngài cư ngụ từ sau khi thoái vị vào năm 2013, sẽ chuẩn bị một điều ngạc nhiên cho ngài.

Theo Đức Cha Thư ký riêng của Đức Bênêđíctô, Đức Giáo Hoàng danh dự chưa biết về điều ngạc nhiên dành cho ngài. Nhưng những điều bất ngờ luôn liên quan đến phụng vụ. Đức Cha Gänswein tiết lộ: “Chúng tôi đã mời một nhóm các thành viên cũ của dàn hợp xướng từ Regensburg, những người đã học hát cùng với anh trai của ngài, Đức ông Georg Ratzinger, là người đã qua đời ngày 1/7 năm ngoái 2020. Bây giờ các thành viên này đã từ 40 đến 60 tuổi. Một số sẽ hát trong Thánh lễ tại nhà nguyện”.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein cho biết thêm về sức khoẻ của Đức Bênêđíctô: “Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã 94 tuổi và thể chất rất yếu, rất mỏng manh. Nhưng cảm ơn Chúa, tâm trí của ngài vẫn tiếp tục hoạt động rất tốt. Thật không may, giọng nói của ngài cũng rất yếu. Ngài nói rất khó khăn. Nhưng tinh thần của ngài rất tốt và ngài nói: 'Mỗi ngày tôi bắt đầu với Chúa và kết thúc với Chúa. Chúng ta chờ xem nó sẽ kéo dài bao lâu’”.
Source:KathPress

3. George Weigel: Tình đồng đoàn và sự toàn vẹn Thánh Thể

Từ điển Oxford định nghĩa “collegiality”, chúng tôi tạm dịch là ‘tính đồng đoàn’, là “companionship and cooperation between colleagues who share responsibility”, nghĩa là “sự đồng hành và hợp tác giữa các đồng nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm”.

Wiki cho rằng: “Trong Giáo Hội Công Giáo, tính đồng đoàn chủ yếu đề cập đến ‘Đức Giáo Hoàng điều hành Giáo hội với sự cộng tác của các giám mục từ các Giáo hội địa phương, tôn trọng quyền tự trị thích hợp của các ngài.’ Đây là truyền thống từ Giáo hội sơ khai và đã được Công đồng Vatican II hồi sinh. Một trong những thay đổi lớn trong Công đồng Vatican II là việc Công đồng khuyến khích thành lập các Hội Đồng Giám Mục và việc Đức Giáo Hoàng thành lập Thượng hội đồng Giám mục. Ngay từ đầu triều giáo hoàng của mình, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người đã hai lần được bầu làm người đứng đầu Hội đồng Giám mục Á Căn Đình, đã chủ trương gia tăng vai trò của tính đồng đoàn – collegiality – và tính đồng nghị –synodality – trong việc phát triển các giáo huấn của Giáo hội”.

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông đã có một bài nhận định sau đăng trên tờ First Things ngày 23 tháng 6, 2021.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Collegiality and Eucharistic Integrity
George Weigel
Tình đồng đoàn và sự Toàn Vẹn Thánh Thể


Khái niệm “tính đồng đoàn” của các giám mục đã bị tranh cãi gay gắt kể từ khi Công đồng Vatican II tranh luận về điều này vào những năm 1962, 1963 và 1964. Cuộc thảo luận đó gây tranh cãi đến mức cần có sự can thiệp cá nhân của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục để đưa khái niệm tính đồng đoàn giám mục vào trong Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội nhằm bảo vệ quyền tối thượng và quyền tài phán phổ quát của Đức Giáo Hoàng. Cuộc tranh luận về tính đồng đoàn vẫn tiếp tục kể từ đó. Tuy nhiên, giờ đây, nó tập trung nhiều hơn vào hình thái của tính đồng đoàn tồn tại trong các Hội Đồng Giám Mục quốc gia. Hình thái thứ nhất là “tính đồng đoàn cảm tình” trong đó các Giám Mục ủng hộ và khuyến khích lẫn nhau. Hình thái thứ hai là “tính đồng đoàn hiệu quả”. Hình thái nào trong hai hình thái này là thích hợp để một Hội Đồng Giám Mục có quyền giảng dạy và lập pháp thực sự?

Cho dù tính đồng đoàn là “cảm tình” hay “hiệu quả”, hoặc là một sự kết hợp cả hai, cần phải làm rõ những gì không phải là hành vi “đồng đoàn”.

Tính đồng đoàn không phải là cá nhân các giám mục cố gắng chạy ngược chạy xuôi vận động các Giám Mục trong Hội Đồng Giám Mục quốc gia của mình, rồi kêu gọi cả sự can thiệp của Rôma để ngăn cản các cuộc tranh luận mà các giám mục anh em của họ muốn tham gia. Tính đồng đoàn không phải là các giám mục đang cố gắng đánh lừa chủ tịch Hội Đồng về việc thay đổi chương trình nghị sự để phù hợp với thị hiếu của một nhóm thiểu số riêng biệt — và đánh lừa các giám mục anh em của họ về những gì họ đang làm khi kêu gọi sự ủng hộ cho một trò cờ gian bạc lận như vậy. Tính đồng đoàn không phải là cố gắng làm lung lay một cuộc họp Hội Đồng để không một hành động nào có thể xảy ra đối với một mục trong chương trình nghị sự mà tuyệt đại đa số các giám mục muốn xem xét và hành động.

Nếu bất kỳ thao tác nào trong số ba thao tác đó lại được coi là mang tính đồng đoàn, thì “tính đồng đoàn” không có ý nghĩa gì hơn là tuyên bố rằng đội bóng chày Baltimore Orioles tội nghiệp của tôi đang bắt đầu một chu kỳ quật khởi [Baltimore Orioles từng là một đội lừng danh trong khoảng thời gian từ 1966 đến 1983 nhưng sau đó thua liên tiếp cho đến nay – chú thích của người dịch]

Trong nhiều năm qua, khi nói “nhiều năm” ý tôi muốn nói là từ rất lâu trước khi ý tưởng về một “Tổng thống Biden” bước vào dòng nhận thức của cả nước, các giám mục Hoa Kỳ đã lo ngại rằng đất nước chúng ta đang trở thành một Giáo Hội thiếu ý thức về Thánh Thể hơn Vatican II đã kêu gọi chúng ta trở thành, khi Tòa Thánh dạy rằng Bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch và đỉnh cao” của đời sống Giáo hội. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã tái xác nhận lời triệu tập công đồng đó khi ngài dạy trong thông điệp cuối cùng của mình rằng “Giáo hội kín múc sự sống của mình từ Bí tích Thánh Thể”, là điều “tóm lược trọng tâm và mầu nhiệm của Giáo hội”. Tuy nhiên, xung quanh chúng ta, chúng ta thấy việc tham dự Thánh lễ Chúa Nhật giảm sút: đó là một nỗi buồn có trước đại dịch nhưng đã trở nên trầm trọng hơn bởi đại dịch này. Hơn nữa, các cuộc khảo sát cho thấy rằng quá nhiều người Công Giáo nghĩ về Thánh lễ Chúa nhật về cơ bản chỉ là một dịp xã giao, hơn là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống, trong đó Chúa Kitô được hiến dâng cho Chúa Cha và được trao lại cho dân tộc của Người trong sự hiệp thông thánh thiện - một sự hiệp thông trong và qua Mình và Máu, linh hồn và thần tính của Chúa Kitô, được nhận dưới hình thức bánh và rượu.

Nếu Giáo hội sống từ Bí tích Thánh Thể mà những người trong Giáo hội không tham dự Bí tích Thánh Thể thường xuyên như họ nên làm, hoặc không hiểu những gì họ đang cử hành và nhận lãnh, thì Giáo hội sẽ mắc phải một tình trạng thâm hụt thánh thể nghiêm trọng. Những người được phong làm lãnh đạo trong Giáo hội có nghĩa vụ phải làm điều gì đó về điều này.

Đó là lý do tại sao các giám mục Hoa Kỳ trong một thời gian đã quyết tâm thực hiện một chương trình giáo dục Thánh Thể toàn diện trong toàn Giáo Hội. Đối với đại đa số các giám mục, quyết tâm đó càng được tăng cường bởi thực tế là sự thiếu hụt thánh thể của chúng ta đang được cộng thêm bởi sự không nhất quán trong đời sống của các quan chức công quyền, là những người bác bỏ các giáo huấn Công Giáo đầy thẩm quyền dựa trên cả mặc khải và lý trí, nhưng lại lên rước lễ như thể họ đang hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội. Việc các giám mục lâu nay không giải quyết được sự bất nhất này làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu thánh thể trong người Công Giáo Hoa Kỳ bằng cách hàm ý rằng những gì Giáo hội dạy về bản chất thiêng liêng của Bí tích Thánh Thể thực ra không phải là như thế.

Những người cho rằng tất cả chuyện này chỉ là vấn đề “chính trị” đều là những người thiếu thông tin hoặc cố tình gây hiểu lầm cho Giáo hội và cho những bộ phận dễ tin của các phương tiện truyền thông. Mối quan tâm đến sự toàn vẹn Thánh thể của Giáo hội bao gồm, và sâu sắc hơn nhiều, so với mối quan tâm về sự thiếu nhất quán Thánh thể của các quan chức Công Giáo, những người hành động như thể không hề tồn tại những xác tín đã được thiết định của Giáo hội về các vấn đề liên quan đến sự sống và sự xứng đáng để rước lễ. Đó là lý do tại sao các giám mục Hoa Kỳ đang đi trước trong việc phát triển một tài liệu giảng dạy để làm sáng tỏ cho toàn thể Giáo hội tại sao chúng ta là một cộng đồng Thánh Thể, bí tích Thánh Thể thực sự là gì, việc tiếp nhận Thánh Thể có ý nghĩa gì, và tại sao mọi người trong Giáo hội nên kiểm tra lương tâm trước khi tiếp nhận Chúa Kitô nơi Bàn Tiệc Thánh.

Các bánh xe của tính đồng đoàn có thể đang nghiền nát một cách chậm chạp. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các bánh xe ấy đang nghiền nát thật sự, và vì lợi ích của Tin Mừng.
Source:First Things