Ngày 25-06-2015
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Đời Sống
Lm Vũđình Tường
04:06 25/06/2015
Mỗi sáng thức dậy chúng ta cảm nghiệm một ngày mới và rồi bắt đầu ngày mới với công việc cũ, một ngày bình thường như mọi ngày. Chúng ta í thức ngày mới trong tuần, ngạc nhiên ngày đầu tháng đến mau và nghỉ làm để mừng ngày đầu năm mới. Đối với con người ngày đầu năm mang í nghĩa đặc biệt nhưng với thiên nhiên có lẽ ngày đầu năm cũng chẳng khác chi bởi cứ theo chu kì, xoay vần của trời đất mà ngày này qua đi, ngày khác lại đến; mùa này qua mùa khác đến.

Thực ra mỗi ngày mới đều khởi đầu bằng cuộc sống mới bởi ngày cũ đã qua đi, không thể lập lại. Dù làm công việc cũ, việc thường ngày nhưng ngày mới vẫn có cái mới mẻ của nó. Mừng ngày mới mà quên mừng cuộc sống mới là một thiếu sót quan trọng bởi dù ta sống hay chết ngày mới vẫn đến. Ngày mới khởi đầu bằng cuộc sống mới nên cần đón mừng cuộc sống mới mỗi ngày. Không phải tất cả mọi người tối đến đi ngủ sáng mai đều thức dậy đón ngày mới cả đâu. Vì thế mỗi tối đi ngủ tương tự như ta đi vào cõi âm, bóng tối của sự chết và sáng hôm sau thức dậy ta bước ra từ bóng tối màn đêm tiến vào ánh sáng ban mai, huy hoàng. Bỏ lại ngôi mộ trống với chăn màn dùng qua đêm. Kitô hữu í thức điều đó nên mỗi sáng thức giấc họ đều mừng ngày mới với cuộc sống mới. Việc đón mừng đời sống mới với lời kinh nguyện ban mai nghe rất đơn giản nhưng í nghĩa của nó cao sâu, nhiệm màu. Cao siêu vì lời kinh đó nói lên tâm tình tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho một đêm ngủ yên lành. Cao siêu vì chúng ta nhận biết mọi sự ta có là của Chúa ban, kể cả giấc ngủ đêm qua. Chúng ta không làm chủ đời mình và tài năng mà chỉ là người quản lí cuộc đời được Chúa tin tưởng, phó thác, trao ban cho chúng ta coi sóc, quản lí. Dâng ngày mới, đời mới cho Chúa giữ gìn, bảo vệ, hướng dẫn tư tưởng và bước đường ta đi đồng thời giúp ta tránh khỏi nguy hiểm, sa ngã cạm bẫy cuộc đời là tìm sự khôn ngoan, hướng dẫn, bảo vệ nơi Chúa của người Kitô hữu. Mỗi ngày chúng ta dâng Chúa tâm tình, tin yêu và cảm tạ mong ơn Chúa thánh hoá giúp chúng ta trở nên giống Chúa nhiều hơn. Chúng ta dâng ngày mới cho Chúa mỗi ngày, và long trọng hơn mỗi tuần một lần nơi thánh đường với anh chị em khác và hai lần tối long trọng hàng năm vào dịp Phục Sinh và mùa Giáng Sinh để cảm tạ Chúa ngày mới với cuộc đời mới Chúa ban và kết hợp với cuộc sống Phục Sinh và vinh quang của Đức Kitô sống lại từ cõi chết.

Jairus trường lãnh binh Đền Thờ tin Đức Kitô có quyền trên sự sống và người phụ nữ mắc bệnh kinh niên tin Đức Kitô có quyền trên các bệnh nan i mà con nguời bó tay không thể chữa trị. Cả hai đã đúng và cả hai tin mãnh liệt vào quyền phép Đức Kitô và cả hai đều được đúng ơn họ xin. Họ tin Đức Kitô quyền phép làm được những sự việc cao cả nhưng vẫn không biết Đức Kitô còn biết rõ tâm tư thầm kín họ. Vì thế người phụ nữ thầm tín nếu bà ta đụng vào gấu áo Đức Kitô bệnh của bà sẽ khỏi. Một mình bà biết điều đó. Bà thì run sợ còn môn đệ thì ngạc nhiên khi Đức Kitô nói ai đã chạm đến gấu áo Ngài.

Là môn đệ Đức Kitô với niềm tin mãnh liệt vào Ngài cũng được hưởng những đặc ân như vị lãnh binh đền thờ và như người phụ nữ bệnh kinh niên. Dù đôi khi không cảm nghiệm, dù không bao giờ nhìn thấy nhưng với lòng tin chúng ta biết Đức Kitô luôn đồng hành cùng ta trong mọi bước đường của cuộc sống và Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng trên đường đời.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Lễ thánh Phêrô và Phaolô tông đồ
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
07:51 25/06/2015
Hai thánh tử đạo Phêrô và Phaolô

LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ

(Mt 16,13-19)

Nhờ hồng ân Thiên Chúa, ngày 29 tháng 6 hằng năm, cả Giáo Hội vũ hoàn kính nhớ đặc biệt và mừng trọng thể cùng lúc lễ hai thánh tử đạo Phêrô và Phaolô, những cột trụ của Giáo Hội phổ quát Chúa Kitô. Theo truyền thống, Giáo Hội không bao giờ mừng vị này mà bỏ vị kia, nhưng luôn mừng kính với lòng biết ơn hai chứng nhân vĩ đại của Chúa Kitô, và đồng thời tuyên xưng long trọng về một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, Công Giáo, và tông truyền.

Phêrô có tên gốc là Simon, người Galilê làm nghề chài lưới, sống ở Capharnaum bên hồ Tibêria. Phaolô có tên là Saolê, người Do thái lưu vong, sinh tại Tarsô miền Tiểu Á bởi cha mẹ là người thế giá, có quyền công dân Rôma. Cuộc đời của hai ông bị đảo lộn từ khi gặp Đức Kitô.

Thánh Phêrô, thủ lãnh các Tông Đồ, con người say mê Chúa Kitô, đã xứng đáng nghe lời này : « Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy » (Mt 16, 18). Trên tảng đá này, Chúa sẽ xây dựng đức tin mà Phêrô tuyên xưng. Phêrô lấy từ « tảng đá », chứ không phải tảng đá lấy từ Phêrô. Phêrô, ngư phủ miền Galilêa, ít học, đã lập gia đình, theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ, là người sau khi đã vượt qua những ngày đen tối của cuộc Thương Khó của Chúa Kitô, sẽ có trách nhiệm củng cố anh em trong đức tin và chăn dắt đoàn chiên của Chúa (x. Mt 16, 13-19). Còn thánh Phaolô, người Pharisêu sốt sắng, có nhiều điều để tự hào, về gia thế, học thức, về đời sống đạo hạnh. Ông chưa hề gặp mặt Ðức Giêsu tại thế, ông bách hại những người tin Chúa Kitô. Nhưng khi gặp Đức Kitô Phục Sinh với biến cố ngã ngựa trên đường Damas, ông trở nên tông đồ của ơn cứu rỗi đến từ đức tin, là « dụng cụ ưu tuyển » để mang Tin Mừng đến cho các dân tộc (x. Cv 9, 1-22).

Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi, Phêrô được gọi lúc ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con. Phaolô được chính Đức Giêsu Phục sinh gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamas, đang làm tông đồ không biết mỏi mệt của dân ngoại (x. Cv 9, 1-22). Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Chúa. Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp. Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang. Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.

Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã. Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô, trong phút giây quá tin vào sức mình. Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô, trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng. Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai mờ. Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới. Phaolô là chiếc bình được tuyển chọn, Phêrô giữ chìa khóa Nước Trời ; cho dù người này là ngư phủ, người kia là kẻ bách hại. Phaolô đã bị đánh cho mù, cuối cùng thấy rõ hơn ; Phêrô đã chối Chúa, sau tin vững vàng. Phaolô đã chọn tin vào Chúa Kitô sau khi phục sinh. Phêrô vị dân chài thay vì thả lưới bắt cá, nay trở thành kẻ lưới người ta.

Chương trình mầu nhiệm của Chúa Quan Phòng dẫn đưa Phêrô tới Roma, nơi đây ngài đổ máu như chứng tá sau cùng và cao cả nhất của đức tin và của lòng mến đối với Thầy chí Thánh « Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy» (Mt 16, 17). Như vậy ngài đã chu toàn sứ mệnh trở nên dấu hiệu của lòng trung thành với Chúa Kitô và của sự hiệp nhất tất cả Dân Chúa.

Phần Phaolô, trong hành trình truyền giáo, không ngừng rao giảng Chúa Kitô bị đóng đanh và lôi kéo nhiều nhóm người Á Châu và Âu Châu trở về với Chúa. Sau khi qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, ngài đến Roma. Và chính ở đây, ngài được phúc tử đạo để làm chứng cho Chúa Kitô. Chính ngài đã nói lên trong bài đọc thứ hai Thánh lễ hôm nay rằng : « Chúa đã gần gũi tôi và ban sức mạnh cho tôi, để qua tôi, việc rao giảng sứ điệp Tin Mừng được thực hiện và để các dân ngoại được nghe biết đến ». (2Tm 4, 17-18)

Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách mãnh liệt, vì họ cảm nhận sâu xa mình được Người yêu mến. « Này anh Simon, anh có mến Thầy không? Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy » (Ga 21,16). Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung sống, vì Người là « Con Thiên Chúa, Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi » (Gl 2, 20). Phaolô đã không ngần ngại khẳng định: « Không gì có thể tách được chúng ta ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô » ( Rm 8, 35.39)

Cả hai vị Tông Đồ đều hăng say rao giảng, bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau. Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40), còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28) ; « Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu » (Gl 6, 1-7).

Cả hai hạnh phúc trong việc giữ gìn giáo lý tinh tuyền, nhưng cái phúc tử đạo còn hạnh phúc hơn. Nơi dương gian, vinh quang chỉ là ước muốn ; chốn thiên đàng mọi sự thật nhãn tiền. Tiếng các ngài đã vang đến tận cùng trái đất, và thông điệp loan đi tới chân trời góc bể. Khắp nơi vang tiếng ngợi khen các ngài ; các tín hữu nhẩm đi nhắc lại chiến thắng khải hoàn của các đấng.

Thật là hữu ích khi nhắc lại cho chúng ta vinh quang tử đạo của các hai đấng. Phaolô bị chặt đầu, Phêrô bị đóng đinh cắm đầu xuống đất. Hình thức tử đạo thật mầu nhiệm. Phêrô không dám chịu đóng đinh giống Thầy mình. Đó không phải là ông từ chối tử đạo, nhưng ông sợ nhận lấy cái chết giống Đấng Cứu Thế. Cả hai vị đã chết như Thầy, đã lấy máu mình mà làm chứng: thánh Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18), chịu đóng đinh chết; thánh Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng, bị chém đầu; đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6). Thánh Phêrô được chôn cất ở chân đồi Vaticano; thánh Phaolô được an táng bên đường Ostiense.

Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới, dám bỏ, dám theo, dám yêu, dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng. Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá. Với lòng ngưỡng mộ biết ơn các ngài, chúng ta quyết một lòng trung thành với đức tin đã lãnh nhận.

Lạy Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ, cầu cho chúng con.

Thánh Phêrô và thánh Phaolô, cầu cho chúng con. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:42 25/06/2015
HIỂU LẦM CHỮ “ CỬ CHÚC”
N2T

Vùng đất Ảnh là quốc đô nước Sở, có một người viết thư cho tể tướng nước Yên vào ban đêm. Bởi vì ánh lửa không đủ sáng bèn cầm đèn cầy đưa cho gia nô, nói: “Cử chúc(舉燭)” (1) , nói xong liền không để tâm nên viết lầm hai chữ “cử chúc”.
Thừa tướng nước Yên sau khi coi xong bức thư, thì rất phấn khởi nói:
- “Cử chúc” chính là nên tôn sự trong sáng của chính trị, là đề bạt hiền sĩ mà giao cho họ chức vụ.”
Sau đó ông ta lại đem bức thư và cách giải thích của mình mà trình cho nhà vua.
Nhà vua rất phấn chấn, chiếu theo đó mà làm việc, nên nước Yên được cường thịnh. Nhưng “Cử chúc” hoàn toàn không phải là chủ ý của người viết.
(Hàn Phi Tử]

Suy tư:
Hiểu lầm, nghe lầm, nói lầm là chuyện thuờng ngày trong cuộc sống đời thừơng của mỗi người, không ai tự vỗ ngực xưng mình chưa bị một lần nghe lầm, hiểu lầm, nói lầm.v.v...
Hiểu lầm thường làm cho câu chuyện lệch lạc, dễ khiến cho bản thân hoặc người khác đố kỵ nhau.
Nghe lầm thì luôn xuyên tạc sự thật, dạy người khác sai sự thật.
Nói lầm cũng là nói khi chưa suy nghĩ, hoặc suy nghĩ chưa thấu đáo nên cũng rất dễ dàng khiến cho người khác phải thịnh nộ, gây bè phái kết oán lẫn nhau.
Các linh mục chính là con ngươi trong mắt của Thiên Chúa, là tai của Đấng toàn năng, là miệng của Đấng vô hình, cho nên các ngài phải luôn ý thức lời mình nói, nghe cho thấu và hiểu cho tường tận, để mỗi lời dạy của mình thật sự là có Đức Chúa Thánh Thần hướng dẫn và soi sáng.
Đức Giáo Hoàng Phan-xi-cô đã nói trong bài giảng ngày 25/6/2015 tại nhà nguyện Santa Martha như sau: “Những mục tử gắn bó rất nhiều với thế gian thì thường nói nhiều và ít lắng nghe.”
Thật chí lý, chí lý !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư

---------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:45 25/06/2015
N2T

17. Đức Mẹ Ma-ri-a đã yêu thương loài người hèn mọn chúng ta đến thế, vậy mà càng ban cho chúng ta thêm ân sủng.

(Thánh Ioannes Bosco)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
Dịch từ tiếng Hoa trong “Cách ngôn thần học tu đức”

------------------
http://www.vietcatholic.net
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ: Cần làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ những người tị nạn chạy trốn khủng bố Hồi Giáo
Nguyễn Việt Nam
00:14 25/06/2015
Chủ tịch của Ủy ban Di cư thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền Obama làm nhiều hơn nữa để giúp đỡ những người tị nạn Syria và Iraq, đặc biệt là những người đã phải rời bỏ nhà cửa của họ trước sức tiến công của bọn khủng bố trong cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo”.

Nhà nước Hồi giáo hiện đang kiểm soát một nửa Syria và một phần tư của Iraq. Theo Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, 11.6 triệu người Syria và 3 triệu người Iraq đã phải rời bỏ nhà cửa của mình, nhưng chưa đến 1,000 người tị nạn Syria đã được cho phép định cư ở Hoa Kỳ.

"Đây là một cuộc khủng hoảng đang tiếp tục phát triển và chưa thấy hồi kết thúc", Đức Cha Eusebio Elizondo, là Giám mục phụ tá của tổng giáo phận Seattle, nói. "Chúng ta không còn có thể ngoảnh mặt trước những đau khổ của anh chị em chúng ta ở Trung Đông."

Đức Cha nói thêm: "Rõ ràng là các nhóm tôn giáo thiểu số, bao gồm cả các Kitô hữu và người Yazidis, đang là mục tiêu và cần sự hỗ trợ tinh thần và vật chất của chúng ta". Ngài kêu gọi Hoa Kỳ đưa ra thêm những hỗ trợ, với nhiều hơn những cơ hội được tái định cư tái Hoa Kỳ.
 
Chị Nirmala, người kế vị Mẹ Teresa qua đời ở tuổi 81
Nguyễn Việt Nam
00:38 25/06/2015
Chị Nirmali Joshi, người đã kế vị Mẹ Teresa Calcutta trong tư cách người lãnh đạo Dòng Thừa Sai Bác Ái, đã qua đời vào ngày 22 tháng Sáu , thọ 81 tuổi.

Chị Nirmala được sinh ra ở Ranchi, Ấn Độ. Cha mẹ chị là người theo Ấn Giáo. Được giáo dục bởi các giáo sĩ Công Giáo, chị đã gặp Mẹ Teresa và xúc động trước công việc của Mẹ, chị đã tham gia vào dòng. Chị đã thành lập chi nhánh chiêm niệm của dòng, và năm 1997 được bầu vào chức vụ lãnh đạo Dòng Thừa Sai Bác Ái.

Ngày 19 tháng Sáu vừa qua, do ảnh hưởng của bệnh tim, chị Nirmala bị suy thận. Không đồng ý với phương pháp điều trị tốn kém là lọc máu, chị trở về nhà để dành ra những giờ sau cùng của mình với cộng đoàn của mình ở Calcutta.
 
Công báo Vatican thảo luận về ảnh hưởng của Á Căn Đình trên thông điệp của Đức Giáo Hoàng
Đặng Tự Do
01:01 25/06/2015
Viết trên tờ Quan Sát Viên Rôma, nhà báo Silvina Perez đã thảo luận về ảnh hưởng của Á Căn Đình trên thông điệp mới của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Cô Silvina Perez cho biết lưu vực sông Matanza của Á Căn Đình được “xếp hạng thứ tám trong số mười địa điểm ô nhiễm nhất thế giới”. Vùng đất kéo dài đến 60 km này là nơi tập trung nhiều nhà máy, đặc biệt là các nhà máy sản xuất hóa học. Chúng gây ô nhiễm môi trường, đầu độc bầu không khí với đủ loại chất độc. Mặc dù được coi là không thích hợp cho con người cư trú, khu vực này là một khu dân cư đông đúc.

Perez cũng ghi nhận rằng “hiện nay vẫn còn 130 triệu người khắp Mỹ Châu La tinh không được tiếp cận với nguồn nước sạch”. Thông điệp, do đó, là “một tài liệu bao gồm những trang từ thực tế cuộc sống, kết hợp với nhau trên một sợi thép dài những câu chuyện của những người tị nạn trốn khỏi những nơi mà phẩm giá xã hội của họ bị từ chối; những nạn nhân của việc khai thác các nguồn lực, và những nạn nhân của ‘nền văn hóa vứt bỏ’”.

Perez cũng đã đề cập đến những nhân vật người Á Căn Đình mà Đức Thánh Cha đã lắng nghe khi ngài phác thảo thông điệp này, bao gồm học giả Andean Clelia Luro, chính trị gia và đạo diễn phim Pino Solanas, và Đức Tổng Giám Mục Víctor Manuel Fernández.

Đức Hồng Y Peter Turkson và các chuyên gia của Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình thu thập các tư liệu hình thành nên thông điệp từ các miền khác nhau của thế giới, phát triển các bản thảo đó trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô đọc và sửa đổi. Ngài đã gửi dự thảo cho Bộ Giáo Lý Đức Tin, phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh và các nhà thần học của Đức Giáo Hoàng góp ý thêm. Đức Giáo Hoàng có ý muốn cho thông điệp được công bố trước khi hội nghị về biến đổi khí hậu ở Paris khai diễn.
 
Chính phủ Ai Cập đang trong chiến dịch có hệ thống nhằm loại bỏ văn học Hồi giáo cực đoan
Nguyễn Việt Nam
01:06 25/06/2015
Chính phủ Ai Cập đang loại bỏ văn học Hồi giáo cực đoan khỏi các thư viện, các nhà sách, và các nhà thờ Hồi giáo. Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc đã cho biết như trên.

Giáo sĩ Mohammed Abdel Razek, một quan chức của Bộ tôn giáo chính phủ, nói rằng văn phòng của ông đang phối hợp với Bộ an ninh quốc gia nhằm loại bỏ thứ văn học thánh chiến.

Văn phòng của ông đã mở các cuộc hội thảo để chống lại ảnh hưởng của trào lưu cực đoan, và cảnh báo các quan chức Hồi giáo rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm về các thứ được sử dụng trong nhà thờ Hồi giáo của họ.
 
Bài giảng tại Santa Marta: Những mục tử gắn bó với thế gian nói rất nhiều lắng nghe chẳng bao nhiêu
Đặng Tự Do
18:16 25/06/2015
Lời nói, việc làm và khả năng lắng nghe là ba yếu tố quyết định khiến các tín hữu có thể nhìn thấy nơi một vị mục tử sự nhất quán và thẩm quyền. Đức Thánh Cha đã nói như trên trong bài giảng thánh lễ sáng thứ Năm 25 tháng Sáu tại nhà nguyện Santa Marta.

Nhắc lại Tin Mừng trong ngày trong đó mọi người ngạc nhiên về những lời giảng dạy đầy thẩm quyền của Chúa Giêsu, Đức Thánh Cha nói rằng ngày nay người ta cũng cảm thấy thuyết phục “khi một linh mục, giám mục, một giáo lý viên, một Kitô hữu, có sự nhất quán mang lại cho người ấy thẩm quyền luân lý”.

Đức Thánh Cha nói Chúa Giêsu đã từng “khuyên nhủ các môn đệ của Ngài” hãy cẩn thận tránh xa các “tiên tri giả”. Nhưng ngài đặt vấn đề là làm thế nào để phân biệt những người rao giảng Tin Mừng đích thực và những kẻ giả mạo?

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, có ba điều giúp ta phân định: họ nói như thế nào, họ làm gì, và họ có chịu lắng nghe không?

“Họ nói, họ làm, nhưng họ thiếu một thái độ khác là cơ sở, là nền tảng cho những phát biểu, và hành động, đó là họ thiếu khả năng lắng nghe”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “sự kết hợp giữa nói và làm thì chưa đủ ...” và thường có thể chỉ là trò lừa đảo. Thay vào đó, điều Chúa Giêsu hy vọng nơi chúng ta là biết “lắng nghe và hành động - để đưa vào thực tế. “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá” (Mt 7:24-25).

Hãy cảnh giác với những “tiên tri giả”

Thay vào đó, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng những người “nghe nhưng không biến những lời ấy thành của mình thì không lắng nghe nghiêm chỉnh hay không đưa những lời ấy vào thực hành sẽ giống như một người xây dựng ngôi nhà của mình trên cát”.

“Khi Chúa Giêsu cảnh báo mọi người hãy cẩn thận các 'tiên tri giả’ Ngài nói: ‘Xem quả thì biết cây’. Và cụ thể ở đây là thái độ của họ: Nói rất nhiều, và làm bao nhiêu những chuyện to tát, nhưng mà họ không có một trái tim rộng mở để lắng nghe Lời Chúa; họ sợ sự im lặng của Lời Chúa và họ là những 'Kitô hữu giả', các 'mục tử giả’. Đúng là họ làm được nhiều điều tốt đẹp, nhưng họ thiếu nền tảng”

Mục tử của thế gian nói rất nhiều nhưng lắng nghe chẳng bao nhiêu

Cái mà những người này thiếu là “đá tảng tình yêu của Thiên Chúa, đá tảng Lời Chúa” Và khi không có đá tảng này, họ không thể rao giảng, họ không thể xây dựng: Họ chỉ giả vờ và cuối cùng tất cả mọi thứ sụp đổ”

Đây là những “mục tử giả”, là những “Kitô hữu nặng lòng thế gian”, là những người nói quá nhiều. Họ sợ sự im lặng; có thể vì họ làm quá nhiều. Họ không có khả năng đón nhận những gì họ đã nghe, họ thích những âm thanh của tiếng nói riêng mình – và những điều không đến từ Thiên Chúa.

Nêu bật ba từ “làm, nghe, nói,” Đức Giáo Hoàng nhận định rằng “ai chỉ nói và làm thì không phải là một tiên tri chân thật, không phải là một Kitô hữu chân chính, và cuối cùng tất cả mọi thứ sẽ sụp đổ vì mọi thứ không được xây trên đá tảng tình yêu Thiên Chúa - mọi thứ không vững như đá. Một người biết lắng nghe và có hành động đáp lại những gì người ấy đã nghe, với sức mạnh của lời Chúa, không phải sức riêng mình thì đạt đến sự cân bằng. Dù người ấy là một người khiêm hạ đi chăng nữa cũng không quan trọng – có biết bao những người vĩ đại như thế trong Giáo Hội! Biết bao những giám mục cao cả, biết bao nhiêu linh mục vĩ đại, biết bao những tín hữu tuyệt vời là những người đã lắng nghe và đem ra thực hành những gì đã lắng nghe!

Một ví dụ trong thời đại của chúng ta là Mẹ Teresa thành Calcutta, là người “không nói gì, nhưng biết lắng nghe trong im lặng” và “đã làm rất nhiều!” Cả Mẹ Teresa và những công việc Mẹ làm đều không sụp đổ. Những người vĩ đại biết lắng nghe và hành động đáp lại những gì đã nghe vì niềm trông cậy và sức mạnh của họ dựa trên đá tảng là Chúa Giêsu Kitô.
 
Đức Thánh Cha gặp các nhà ngoại giao tương lai của Tòa Thánh
Lm. Trần Đức Anh OP
21:21 25/06/2015
VATICAN. ĐTC Phanxicô nhắn nhủ các nhà ngoại giao tương lai của Tòa Thánh trở thành những ”cây cầu” và dấn thân bênh vực tự do của Tòa Thánh.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 25-6-2015, dành cho ban giám đốc, ban giảng huấn và khoảng 32 LM sinh viên trường ngoại giao Tòa Thánh.

Lên tiếng trong dịp này ĐTC nói đến Tòa Thánh là tòa của GM Roma, là Giáo Hội chủ trì trong đức bác ái, chứ không phải ngự trên sự ”hãnh diện phù vân về mình, trái lại dựa trên sự can đảm hằng ngày trong sự hạ mình của Thầy Chí Thánh. Quyền bính thực sự của Giáo Hội Roma chính là tình bác ái của Chúa Kitô”.

Từ tiền đề trên đây, ĐTC nói đến thái độ và các đức tính của những người đại diện Tòa Thánh. Họ phải phản ánh những đặc điểm của Chúa Giêsu, và ngài khẳng định rằng: ”Anh em không được kêu gọi để trở thành những công chức cấp cao của một Nhà Nước, một giai cấp cao tự bảo trì và làm đẹp lòng ”các phòng trà thế gian”, trái lại anh em được kêu gọi trở thành những người gìn giữ một chân lý, nâng đỡ sâu xa những người trình bày chân lý ấy. Điều quan trọng là anh em đừng để mình trở nên khô cằn vì những cuộc di chuyển thường xuyên, trái lại, cần vun trồng những cội rễ sâu, bảo tồn ký ức sinh động về lý do tại sao mình đi con đường này, đừng để mình trở nên trống rỗng vì thái độ sống chết mặc bay, và cũng đừng cho bị lu mờ khuôn mặt của Đấng là cội rễ hành trình của anh em..”.

ĐTC cũng nhắn nhủ các nhà ngoại giao tương lai của Tòa Thánh hãy chuẩn bị trở thành những cây cầu, bình định và hội nhập trong kinh nguyện và trong cuộc chiến đấu thiêng liêng những xu hướng coi mình ở trên người khác, có cái nhìn tự tôn khiến cho ta không thấy rõ bản chất thực tại, tự phụ là đã biết đủ rồi.

ĐTC nói thêm rằng ”việc phục vụ mà anh em được kêu gọi thi hành, đòi phải bảo vệ tự do của Tòa Thánh, để Giáo Hội không phản bội sứ mạng của mình trước Thiên Chúa và thiện ích đích thực của con người; Tòa Thánh không thể để mình bị cầm tù trong những tiêu chuẩn phe phái, chia chác, tùng phục quyền lực chính trị và không để cho mình bị thực dân hóa vì những tư tưởng thịnh hành hoặc ảo tưởng bá quyền của trào lưu thời thượng.”

Nhắc đến sứ mạng của các vị đại diện Tòa Thánh trong việc chuẩn bị bổ nhiệm các GM, ĐTC nói:

”Sứ mạng của vị Đại diện Tòa Thánh đòi phải tìm kiếm những vị chủ chăn chân chính, với mối quan tâm của Thiên Chúa và sự kiên trì của Giáo Hội cầu xin, Giáo Hội không ngừng biết rằng có những vị chủ chăn ấy vì Thiên Chúa không làm cho Giáo Hội bị thiếu những mục tử như thế. Hãy tìm kiếm, không phải theo sự hướng dấn của các qui luật bên ngoài, nhưng theo địa bàn nội tâm vốn hướng dẫn chính ơn gọi của vị mục tử, với qui luật nghiêm ngặt phải áp dụng cho chính mình để không lạc hướng trong sự sa sút..” (SD 25-6-2015)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại hội đồng hương và thân hữu giáo phận Thái Bình tại Texas
Joseph Ký Nguyễn
07:49 25/06/2015
ĐẠI HỘI ĐỒNG HƯƠNG VÀ THÂN HỮU GIÁO PHẬN THÁI BÌNH HẢI NGOẠI

Trong những ngày 17, 18, 19 tháng 6 vừa qua, tại ba căn nhà nghỉ mát trên bờ sông San Jacincto, vùng Highlands, bang Texas, cách thành phố Houston về hướng Đông khoảng 30 phút lái xe, Đại Hội Đồng Hương và Thân Hữu Giáo phận Thái Bình đã diễn ra trong bầu khí thật thân thương và tràn đầy niềm vui của những người có chung một chí hướng là ước muốn nối lại tình thân hữu của những ngày xa xưa yêu dấu, chia sẻ kinh nghiệm sống trên miền đất mới, và trao đổi những ưu tư khắc khoải của lớp người thuộc thế hệ thứ nhất sống xa quê hương và muốn làm những gì có thể, để gởi gấm lại cho thế hệ mai sau, cũng như có thể làm đươc gì cho quê hương, cách riêng cho Giáo phận Thái bình, nơi mà từ đó họ đã được sinh ra và lớn lên, thân xác và tinh thần.

Xem Hình

Buổi sáng ngày thứ Tư 17/6, ngày khai mạc Đại hội, gần đến giờ phải rời nhà để đi đến địa điểm họp mặt rồi, thế mà bầu trời vẫn âm u, những vầng mây đen nặng trĩu hơi nước vẫn chưa chịu theo cơn bão Bill bay lên hương bắc, mà cứ luẩn quẩn vùng trời Houston, làm cho thầy Trưởng Ban Tổ Chức chạy đôn đáo đi tìm một nơi khác phòng hờ. Mãi đến gần trưa, được các gia chủ của những căn nhà nghỉ mát gọi điện thoại cho biết. vùng Highlands khô ráo và bắt đầu có nắng lên rồi. Thế là thầy trưởng BTC vội vã gọi cho các cộng sự viên lên đường tới địa điểm. Sau mấy tiếng đồng hồ chuẩn bị các phòng ốc, phòng ngủ, phòng sinh hoạt, phòng dâng Thánh Lễ, phòng ăn, phòng nấu ăn, đến 4 giờ chiều, Ban Tổ Chức bắt tay vào việc tiếp đón tham dự viên.

Trong thành phần tham dự, ngoài những người trong BTC là thầy Phó Tế Nguyễn Kim Khánh, ÔB Nguyễn Ngọc Châu Lang, ÔB Nguyễn Kim Cương, về phía linh mục, chúng tôi thấy có Cha Đỗ Thanh Hà, đến từ Nam California, Cha Phan Trọng Hanh, từ Kansas City, Cha Trần Đình Nhi, từ Virginia, Cha Phan Đức Đổng, từ Biloxi, Cha Nguyễn Quang Thụy, từ Sealy TX, Cha Phạm Văn Tuynh, từ Houston; về phía cựu chủng sinh chúng tôi thấy có ÔB Phạm Công Ruy, ÔB Nguyễn Văn Ký, Ô Nguyễn Kim Đồng, Ô Nguyễn Thành Minh, ÔB Lê Thuận, ÔB Nguyễn Văn Hóa, ÔB Đặng Văn Hiến, ÔB Nguyễn Văn Khái, từ Florida và một số giáo dân như ÔB Vượng, Ông Đặng, Bà Yến, Bà Phấn, Ông Thiện, Ông Viễn, và một số người khác tôi không nhớ tên. Tổng cộng trên dưới 30 tham dự viên.

Đại Hội được long trọng khai mạc bằng Thánh Lễ kính thánh Giuse xin Ngài bảo trợ cho Đại Hội, mang lại thành quả tốt đẹp, và cho mọi thành phần trong đại gia đình đồng hương Giáo Phận Thái Bình và thân hữu được nên như một, luôn hiệp nhất với nhau, sống thánh thiện và yêu thương nhau.

- Sau bữa tối với món đặc sản “Baby Lobster” nhắm với Cabernet Sauvignon là phần giới thiệu chủ đề của Đại hội. Mở đầu, thày Trưởng BTC đọc và chiếu video tài liệu “Chỉ Nam Truyền Giáo GP/Thái Bình” vể “Canh Tân Truyền Giáo, Tân Phúc Âm Hóa – Tái Phúc Âm Hóa” của Đức Cha Peter Nguyễn Văn Đệ gởi Đại Hội. Khi đọc tài liệu này, thày Trưởng BTC nhấn mạnh đến khía cạnh mời gọi mọi người tham dự hãy ý thức mạnh mẽ sứ mệnh truyền giáo của mình. Bởi truyền giáo chính là căn tính của người theo Chúa Kito, vì đây không chỉ là lời trăn trối song còn là lệnh truyền của Chúa Kito cho các môn đệ trước khi Người từ giã họ mà về trời: -“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18-20).

-“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, thì được cứu độ” (Mc 16,15-16).

Kế đến, thày Trưởng BTC giới thiệu cha Trần Đình Nhi trình bầy đề tài “Truyền Giáo và Tân Truyền Giáo”. Trong phần trình bầy, cha Trần Đình Nhi làm nổi bật ba chiều kích của Tân Truyền Giáo:

. Truyền giáo trong sứ vụ thông thường của Giáo Hội.

. Truyền giáo đến với muôn dân “Missio ad gentes”, cho những người chưa biết Đức Kito.

. Truyền giáo cho những người đã được rửa tội nhưng không sống đạo.

Phần giới thiệu chủ đề của Đại Hội chấm dứt cũng khá muộn, mọi người ai nấy về phòng nghỉ ngơi sau khi đã cùng nhau sốt sắng đọc kinh chiều theo giờ phụng vụ.

Bước sang ngày thứ hai của Đại Hội, ngày 18/6, “Ngày Kết Tình Thân”, sau giờ Kinh Sáng và bữa điểm tâm, mọi người lên xe để chuẩn bị cuộc du ngoạn thăm San Jacinto Monument và San Jacinto Battleground State Historic Site để quan sát một vùng trời đẹp của giòng sông San jacinto, với nhũng bồn chưa dầu vĩ đại.

San Jacinto Monument là đài kỷ niệm chiến thắng quân Mễ Tây Cơ của quân đội Cách Mạng Texas do tướng Sam Houston chỉ huy. Chiến thắng này đã khai sinh ra Cộng Hòa Texas để rồi trở thành tiểu bang của Hiệp Chủng Quốc.

San Jacinto Monument được xây dựng năm 1936, ngay tại địa điểm trận chiến xẩy ra đúng một trăm năm trước đó.

San Jacinto Monument cũng là một đài tưởng niệm biến cố chiến tranh cao nhất thế giới với chieu cao 570 Ft (173m), 15ft cao hơn cả đài tưởng niệm Washington tại Washington D.C.

Rời San Jacinto Monument, mọi người đến tham quan môt chiến hạm của quân đội Hoa Kỳ đậu ở phía bên kia bờ sông. Chiến hạm này đã tham gia hai trận thế chiến I và II và đã về nghỉ tại đây từ năm 1949. Nhìn các võ khí trang bị trên ba tầng của chiến hạm, những khẩu đại liện, đại pháo, phòng không to khủng khiếp, ai ai cũng thấy được sự hùng mạnh của quân đội Hoa Kỳ không chỉ bây giờ mà ngay cả hàng trăm năm trước đây.

Sau cơm trưa, mọi người lên xe tiến về thành phố Houston, vào viện bảo tàng khoa học “Houston Science Museum” xem phim “Fate of the Maya” – cuốn phim nói về số phận của dân tộc Maya. Một dân tộc cổ xưa có nền văn minh khá sớm, nhưng đã biến mất trên thế giới không rõ lý do.

Tới khoảng 5 giờ chiều, mọi người đã trở về “Căn nhà bờ sông”, địa điểm họp Đại Hội. Để chuẩn bị tinh thần cho phần chính của Đại Hội, mọi người cùng tham dự Thánh lễ và chọn Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là bổn mạng, một vị Thánh luôn hết lòng hy sinh cho công cuộc truyền giáo, và hiến dâng đời mình làm của lễ hy sinh dâng lên Thiên Chúa.

Sau Thánh Lễ, là bữa cơm chiều, rồi đến phần quan trọng của Đại Hội, đó là mục

“Trình bày nhu cầu hình thành một tổ chức để duy trì sinh hoạt định kỳ hàng năm, biểu quyết và chọn lựa Ban Điều Hợp” như chương trình đã đề ra.

Trước khi để mọi người bàn thảo về việc cần hình thành một cơ chế để duy trì mối liên hệ mọi thành phần trong cộng đồng người Việt Nam sống ở hải ngoại gốc Giáo phận Thái Bình và Thân Hữu, thày Khánh đã trình bầy chi tiết kế hoạch truyền giáo của Giáo Phận Thái Bình do Đức Giám Mục Giáo Phận phát động, từ việc Ngài muốn thành lập Hội Truyền giáo trong toàn Giáo phận, mà tất cả mọi tín hữu đều được kêu mời tham gia, từ giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh, giáo dân, người lớn, trẻ em, cho đến việc đào tạo nhân sự truyền giáo, phương thế truyền giáo, v.v...

Sau khi nghe thầy Khánh trình bầy, mọi người đã tích cực đóng góp ý kiến về việc thành lập một tổ chức để tiếp tay với Giáo Phận và yểm trợ chương trình truyền giáo của Giáo Phận. Sau cùng, tất cả các thành viên tham dự Đại Hội đã đồng thuận hình thành một BanVận Động thành lập Hội Ái Hữu Đồng Hương và Thân Hữu Giáo phận Thái Bình và đề cử Linh Mục Thomas Đỗ Thanh Hà là Trưởng Ban, Linh mục Joseph Phan Trọng Hanh, Phụ Tá Trưởng Ban, thầy Phó Tế Michael Nguyễn Kim Khánh, Điều Hợp Viên, Ông Nguyễn Ngọc Châu Lang, Thư Ký.

Trong lúc ông Châu Lang đọc biên bản Đại Hội, thì tiếng chuông điện thoại của thầy Khánh reo vang. Đầu giây bên kia, Đức Cha Peter Nguyễn Văn Đệ nhờ thầy Khánh chuyển lời chào mừng của Ngài tới Đại Hội. Nhân dịp hiếm có này, thầy Khánh đã trực tiếp tường trình với Đức Cha về Đại Hội và giới thiệu Cha Đỗ Thanh Hà với Đức Cha. Đức Cha đã hân hoan chào hỏi Cha Trưởng Ban Vận Động thành lập Hội Ái Hữu Đồng Hương và Thân Hữu Giáo Phận Thái Bình Hải Ngoại, và qua lời thỉnh cầu, Đức Cha, qua điện thoại, đã ban phép lành mọi người tham dự Đại Hội. Đức Cha cũng nhờ thầy Khánh chuyển lời mời tới đồng hương và thân hữu Giáo phận về tham dự ngày Kỷ niệm 80 năm thiết lập Giáo phận Thái Bình và cũng là dịp Khánh thành Nhà Chung Giáo Phận vào ngày 31/12/2015 -1/1/2016.

2. Kết thúc buổi họp tối hôm nay, thầy Khánh cho biết nhân dịp Khánh thành Nhà Chung Giáo phận và Kỷ niệm 80 năm thiết lập Giáo phận Thái Bình, Đoàn Y Tế Thiên Nguyện Houston sẽ về làm công tác y tế cho đồng bào nghèo tại Thái Bình và một hai nơi khác sẽ thông báo sau. Đồng thời ngay sau chuyến công tác, sẽ có một cuộc hành hương đến viếng những nơi: Linh Địa Lavang Quảng Trị, Núi Đức Mẹ Tapao Phan Thiết, Mộ cha Trương Bửu Diệp Cà Mâu và... Ngày khởi hành từ Houston 28/12/2015 và ngày trở lại Mỹ tùy mỗi người. Quý vị Bác Sỹ, Nha Sỹ, Dược Sỹ, Y Tá, muốn tham gia phái đoàn Y Tế Thiện Nguyện, xin liên lạc với Thầy Michael Khánh, điện thoại 713 319 8606

Cha Đỗ Thanh Hà kêu gọi quảng bá rộng rãi kết quả Đại Hội tới Đồng Hương và Thân Hữu. Đồng thời Ngài cũng kêu gọi các hội Ái Hữu Giáo phận Thái Bình tại các địa phương như Orange County, San Jose, Seatle, Houston, New Orleans, Florida, Washington, DC, Chicago cùng góp ý để soạn thảo “Dự thảo Nội quy/Điều lệ Hội Ái Hữu Đồng Hương và Thân Hữu Giáo phận Thái Bình” để sớm có Đại Hội bầu Ban Chấp hành chính thức.

Và cũng để tiện việc thông tin, ngoài hệ thống điện thư, cũng cần có một tờ Thông Tin Liên Lạc để mọi người có thề tiếp tay phổ biến rộng rãi.

Phiên họp đã chấm dứt bằng những lời Thánh vịnh của giờ Kinh Chiều ngày Thứ Năm sau Chúa Nhật thứ 11 mùa thường niên.

Tiếp sang ngày 19/6/2015 và cũng là ngày cuối cùng của 3 ngày Đại Hội, ngày được sai đi.

Ngay từ khi trời còn tờ mờ sáng, nhiều người đã thức dậy đi bộ trên bải cát trắng của bờ sông San Jacinto thơ mộng, hít thở không khi trong lành của vùng thôn quê ngoại ô thành phố. Một số người khác lại kiên nhẫn đứng chờ mặt trời đang từ từ ngoi lên khỏi rặng cây dầy đặc phía bên kia bờ sông, để thu vào ống kính buổi bình minh nơi thôn giã. Thình lình tiếng chuông báo hiệu đến giờ đọc kinh sáng, mọi người mau mắn tụ họp tại phòng sinh hoạt để đọc kinh nhật tụng. Sau đó là bữa điểm tâm.

Tới 10 giờ, phiên họp khoáng đại bắt đầu. Nội dung chính của phiên họp này chì là để công bố lại kết quả của phiên họp tối hôm qua, vì có thêm một ít người không tham dự được. Kế đến là Thánh Lễ Bế Mạc kính các Thánh Tử Đạo Viêt Nam. Lời nguyện chung trong Thánh Lễ là xin cho mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo Hội Việt Nam, cách riêng những thành viên của Đại gia đình Đồng Hương Giáo phận Thái Bình và Thân hữu được luôn trung thành và bền đỗ sống đức tin mà các bậc tổ tiên đã nêu gương, và can đảm thi hành sứ mạng làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô Phục Sinh, giữa muôn vàn thử thách của xã hội hôm nay.

Dưới đây là số điện thoại của Ban Vận Động:

Cha Đỗ Thanh Hà, 714-661-0503

Cha Phan Trọng Hanh 816-916-0894

Thầy Phó tế Nguyễn Kim Khánh 713-319-8606

Joseph Ký Nguyễn tường trình:
 
Văn Hóa
Thái độ
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:46 25/06/2015
THÁI ĐỘ

Vào một buổi chiều dịu nắng, tôi dạo quanh khu phố nhỏ gần nhà để nhìn xem sinh hoạt cuộc sống. Tôi để tâm quan sát những người qua lại nơi phố xá. Kìa, có bao nhiêu người là có bấy nhiêu các khuôn mặt khác nhau. Khách bộ hành vội vã theo nhau, kẻ qua người lại, hình như ai ai cũng có điều phải lo và việc phải làm. Có những khuôn mặt rạng rỡ yêu đời, có những khuôn mặt đăm chiêu lo lắng và có vẻ mặt bình thản an vui tự tại. Tôi dừng xem và chú ý đến những thái độ cử xử giữa người với người. Thái độ có muôn mầu muôn sắc.

Ngắm nhìn vẻ mặt từng người,
Nhẹ nhàng tươi tắn, vui cười hân hoan.
Buổi chiều vất vả lo toan,
Sáng ra thức dậy, vẻ ngoan mặt hiền.

Bực mình mặt đỏ như điên,
Âu sầu lạnh tái, buồn phiền khó coi.
Mỉm cười vui vẻ gương soi,
Dữ dằn nhăn nhó, cọt còi khó ưa.

Trầm ngâm sâu kín chẳng vừa,
Huênh hoang khoác lác, nói bừa khó tin.
Hiền từ thanh thản dễ nhìn,
Vui cười nhã nhặn, thật tình mến thương.

Sinh ra ở đời, trời ban cho mỗi người có một khuôn mặt khác nhau. Khuôn mặt và vẻ mặt có những điều dị biệt. Người ta quan sát vẻ mặt trên khuôn mặt để biết thái độ. Nói rằng ‘trông mặt mà bắt hình dong’ là thế. Trong phim ảnh nghệ thuật, các nhà đạo diễn phải chọn lựa các khuôn mặt cho đúng với các vai trò trong phim. Có những khuôn mặt khoan dung, độ lượng và chân thành. Có những khuôn mặt gian ác, phản bội và lừa đảo. Các diễn viên càng nhập vai, càng thành công, dù vai lành hay vai ác, vai tốt hay vai xấu.

Cha ông thường nói; ‘Cha mẹ sinh con, trời sinh tính’. Đúng vậy, tính tình mỗi người mỗi khác. Có những bản tính bẩm sinh khó đổi. Nhưng trong cuộc sống xã hội, nhân cách con người có thể được huấn luyện để đổi thay. Môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến cách hành xử của con người. Tục ngữ ca dao nói: ‘Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng’ và ‘ở bầu thì tròn, ở ống thì dài’. Con vật được sinh ra và lớn lên theo cách tự nhiên, con chó sinh ra con chó và con mèo sinh ra con mèo. Con người thì khác, phát triển thay đổi qua từng giai đoạn để trở thành người và thành nhân. Khi mới sinh, chúng ta gọi là trẻ sơ sinh, rồi đến trẻ em, lớn hơn một chút là thiếu nhi, rồi trở thành thanh thiếu niên và trưởng thành người lớn. Con người cần phải học để nên người và làm người.

Con người có tính xã hội. Xã hội tạo khuôn cho con người. Thế giới văn minh kỹ thuật ngày nay đã đưa con người đến gần nhau hơn. Sự giao tế của con người được đánh giá qua sự biểu hiện thái độ và cách cư xử. Phải hết sức tế nhị trong giao tế nhân sự, ‘Đáo giang tùy khúc, đáo gia tùy tục’. Mỗi khi có những cuộc đại hội gặp gỡ, người ta quan sát rất kỹ khuôn mặt và thái độ của các nhân vật thuộc các phái đoàn ngoại giao. Cử chỉ và thái độ góp phần tích cực hoặc tiêu cực khi giải quyết vấn đề. Tuy rằng, sự biểu tỏ thái độ không luôn là chân thành, vì đôi khi các nhân vật phải đeo mặt nạ hoặc đóng kịch để ‘gió chiều nào, che chiếu ấy’.

Thái độ rất quan trọng trong cách đối nhân xử thế. Càng sống, chúng ta càng nhận ra ý nghĩa đích thực của thái độ. Nó quan trọng hơn tiền bạc, bằng cấp, khả năng, sự thành công hay thất bại. Chúng ta có thể biểu hiện thái độ về những điều người khác đối xử, phát biểu và hành động. Chúng ta tự chọn lựa thái độ sống mỗi giây phút trong đời. Người đời đánh giá chúng ta qua thái độ trong khi giao tiếp. Biết rằng chúng ta không thể thay đổi qúa khứ. Chúng ta cũng không thể thay đổi hành động của người khác. Chúng ta có thể thay đổi thái độ của mình.

Thái độ là cách thế hành xử thể hiện đối với người khác hoặc nơi chỗ cảnh vật. Thái độ một phần cũng tùy thuộc vào quan niệm, ý thức hệ và niềm tin, tạo cho mỗi người một bản sắc riêng biệt. Thái độ là một việc nhỏ nhưng làm nên sự khác biệt lớn. Chúng ta có thể phân chia thái độ ra ba thành phần: Nhận thức, tình cảm và hành vi. Cũng có thể nhìn thái độ của chúng ta ở khía cạnh khác như lạc quan, bi quan và trung lập. Thái độ nào cũng cần có sự trau dồi, tu luyện và tập tành. Mẫu gương: Khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô xuất hiện lần đầu trước công chúng, với thái độ đơn sơ khiêm hạ, ngài đã chiếm được cảm tình của hầu hết mọi người.

Trong đời sống thường nhật, chính chúng ta rất dễ quên khuôn mặt và thái độ xử thế của mình. Khi nhìn mặt mình trong gương, chúng ta mỉm cười và cảm thấy dễ yêu, dễ mến. Xa rời tấm gương, chúng ta sẽ mau quên khuôn mặt của mình. Sau đây, chúng ta có thể liệt kê một số những thái độ được biểu tỏ qua khuôn mặt trong cách hành xử, sẽ giúp chúng ta học hỏi và ứng xử tốt hơn mỗi ngày:

Tích cực: Có những thái độ lạc quan, vui vẻ, qủa quyết, chân thành, dịu dàng, xác tín, khoan dung, khiêm nhu, hợp tác, quan tâm, lịch sự, thận trọng, tử tế, tôn trọng, kiên trì, thông cảm, thành thật, linh hoạt, tin tưởng, cố gắng, đáng tin, cẩn thận, chăm chỉ, cởi mở, hài lòng, bình tĩnh và thân thiện.

Tiêu cực: Thái độ bi quan, giận dữ, ghen tuông, phản kháng, nghi ngờ, oán giận, phiền não, ghen tị, hạ cấp, chế nhạo, thù nghịch, hống hách, cố chấp, chua cay, lo lắng, ra oai, cửa quyền, khinh thường, xấc sược, hỗn láo, chua chát, nhăn nhó, khó chịu, ngoan cố, ương ngạnh, khả nghi…

Trung lập: Thái độ tự mãn, thờ ơ, lãnh đạm, vô cảm, hờ hững, trung hòa, bằng lòng, bất cần…Thường người ta không để tâm nhiều về các sự kiện xảy ra chung quanh. Người có thái độ này không chú ý nhiều tới các vấn đề xã hội và con người. Họ cũng không cảm thấy cần phải đổi thay thái độ sống.

Chúng ta biết sự cách biệt rất tế nhị về thái độ nơi mỗi người. Chúng ta có thể luyện tập và thay đổi thái độ tùy theo hoàn cảnh đối diện. Thái độ được biểu hiện trên khuôn mặt, qua lời nói, giọng nói, cảm xúc và cử chỉ hành động. Sự tu thân tích đức như hạt giống tốt được gieo vào thân tâm. Gieo mầm giống tốt, chúng ta hy vọng gặt hái những hoa qủa lành thánh. Gieo hạt giống xấu như cỏ lùng, hạt sẽ lớn mạnh phát triển tự nhiên sinh ra hoa trái còi cọt đắng chát.

Ai trong chúng ta cũng ưa thích những người có thái độ lạc quan vui vẻ và khiêm nhu chân thành. Sự thành công ở đời tùy thuộc phần lớn vào thái độ xử thế hành đạo của chúng ta. Xin ơn trên phù trợ để chúng ta tiếp tục sống tích cực và lạc quan hơn mỗi ngày.
 
Tự hào vì là người Công Giáo!
Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.
21:50 25/06/2015
Tự hào vì là người Công Giáo!

Bạn thân mến,

Được mang trong mình sự sống thần linh của Thiên Chúa là một hồng ân đặc biệt dành cho mỗi người Công Giáo. Chính Thiên Chúa đã thông chia sự sống ấy để cứu độ con người. Người mong muốn từng người mở lòng để đón nhận tương quan siêu việt của Đấng Sáng Tạo với loài Thụ Tạo. Ý thức được mối dây thánh thiêng này, tôi luôn tự hào mình là người Công Giáo được Chúa Giêsu yêu thương mời gọi để nên bạn hữu và nên chứng tá cho Người.

Trong Chúa Giêsu, tự hào không phải để kiêu căng hay loại trừ. Quả thực, Đạo Công Giáo là con đường mà Thiên Chúa mở ra cho tất cả mọi người, cho những ai tin vào Chúa Giêsu và chịu phép Rửa để được sự sống đời đời (Mc 16, 16). Tự hào vì tôi có Thầy Giêsu là Đấng Cứu Thế! Tự hào vì “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Phil 1,21). Là người Công Giáo, tôi tự hào vì mình đã nhận được “mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô, và được thuộc về Người” (Phil 3,8). Là con của Chúa, tôi tự hào vì “chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20). Như thế, tự hào để tôi không còn sống ủ dột âu sầu, lạnh nhạt lãng quên căn tính Kitô hữu của mình.

Là Kitô hữu, ta tự hào vì mình được Thiên Chúa thôi thúc sống yêu thương. Còn nhớ những năm đầu khi đạo Công Giáo mới vào Việt Nam, lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu thương. Một cách gọi thật trìu mến! Hóa ra yêu thương luôn là dấu chỉ sống động để biết mình thuộc về Thiên Chúa. Con đường của Thầy Giêsu mở ra không có chỗ cho thù hận, bạo lực hay chiến tranh. Thầy Giêsu mong muốn chúng ta là những người hiền lành và thánh thiện. Nhờ đó, ta có khả năng yêu và được người khác mến thương. Điều này khiến tôi tự hào vì mình mang trong mình dòng máu của Thiên Chúa Tình Yêu. Tình yêu muốn sẻ chia chứ không khép kín. Nếu ai hỏi tôi: “Bạn theo đạo gì?” Tôi vui sướng nhận mình là người theo đạo Công Giáo! Thế, “Công Giáo là gì?” Tôi chân thành chia sẻ: “Công Giáo nói lên tính phổ quát của Giáo Hội. Theo đó, mọi người đều được kêu mời trở thành Dân Thiên Chúa. Những ai muốn được dự phần vào sự sống đời đời cần phải thuộc về Giáo Hội qua những cách thế khác nhau.” Vậy “cách thế ấy là gì?”… Cứ thế cuộc chuyện trò xoay quanh Thầy Giêsu cho tôi nhiều phấn khởi để chia sẻ đức tin Công Giáo với bạn bè.

Nếu theo đạo Công Giáo mà không dám cho người khác biết niềm vui có Chúa thì chắc Thầy Giêsu buồn lắm! Thầy muốn người Công Giáo ra đi để loan báo Tin mừng, để chia sẻ đức tin và gieo rắc tình thương giữa cuộc đời. Với lòng khiêm tốn và tự hào, ta kể cho người khác biết một Thiên Chúa đã chung chia kiếp người, vì yêu thương và cứu độ con người, Thầy Giêsu đã chịu khổ hình và chết trên cây thập giá, rồi Người đã sống lại. Bây giờ và lúc này, Người luôn ở với tôi và với bạn. Người không muốn xa cách chúng ta; Người không muốn cho một ai phải hư mất! Do đó, tự hào lắm thay khi chúng ta có một Đấng Toàn Năng trợ lực trong cuộc chiến với Ác Thần; vui sướng biết mấy vì nhờ Người mà ta có thể giải mã được những đau khổ của phận người; và vinh hạnh biết bao vì được Người đưa vào chốn trường sinh sau khi lìa đời.

Bạn biết không, Chúa muốn chúng ta hạnh phúc và cũng muốn nhiều người chưa biết Chúa được đón nhận Tin mừng. Chúa Giêsu muốn chúng ta can đảm, tự hào tuyên xưng đức tin vào Người. Trên thực tế, không ít người còn e ngại chẳng dám nhận mình là người Công Giáo. Khi làm giấy tờ hay lý lịch bản thân, nhiều người đắn đo rồi bỏ trống hoặc điền vào mục “tôn giáo?” cho có lệ! Vài người Công Giáo vì quyền lợi chức tước mà tạm cho mình “không có đạo” để dễ dàng thăng cấp. Hoặc có người còn ngại ngùng làm dấu chốn đông người trước khi dùng bữa; và nhiều lần ta lúng túng khi người khác đề nghị: “xin kể cho tôi nghe về đạo Thiên Chúa, về đức tin của bạn?” Nếu tự hào mình có Thiên Chúa quyền năng và yêu thương, tự hào mình là người Công Giáo, chắc hẳn ta sẽ biết cách làm sáng danh Chúa giữa dòng đời. Ước gì bạn và tôi không ngại ngùng hay lúng túng để nhẹ nhàng nói về Đạo yêu thương cho mọi người; mong sao với tâm tình tự hào là con cái Chúa, chúng ta chân thành, hứng khởi kể về “câu chuyện Giêsu” cho người mình có dịp gặp gỡ chuyện trò.

Lạy Chúa Giêsu, lối sống phất lờ thần thánh và chạy theo vật chất ngày nay khiến chúng con không dám tự hào để làm chứng cho Chúa. Vì chưa yêu Chúa đủ, chưa kết thân với Chúa bền chặt nên chúng con thiếu kinh nghiệm siêu nhiên, rồi ấp úng khi kể về Người cho bạn bè chúng con. Xin Chúa giúp chúng con tha thiết với Chúa hơn, lấy làm vui sướng tự hào khi mình được làm con Chúa. Nhờ đó, chúng con tin rằng mình có thể tự tin phấn khởi kể về câu chuyện tình giữa chúng con và Chúa Giêsu cho nhiều người. Thiết tha xin Chúa thương đừng để chúng con mất đi niềm tự hào mình là người Công Giáo, là con của Chúa! Amen.

Giuse Phạm Đình Ngọc, S.J.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Tím Bên Đường
Thérésa Nguyễn
21:24 25/06/2015
HOA TÍM BÊN ĐƯỜNG
Ảnh của Thérésa Nguyễn
Lữ khách dừng bên phố
Nhìn hoa tím thẫn thờ
Bình yên và dịu mát..
(Trích thơ của Anna Kachiusa)