Ngày 22-06-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Cầu Được Ước Thấy
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
01:41 22/06/2021
CN 13 B

Cầu Được Ước Thấy

Sau phép lạ dẹp yên bão tố (Mc 4,35-6,6) và phép lạ giải thoát người bị quỷ ám (Mc 5,1-20), thánh Maccô tiếp tục kể hai phép lạ khác đan kết với nhau cách chặt chẽ: phép lạ chữa người phụ nữ bị loạn huyết và phép lạ phục sinh con gái ông Giaia. Bài Tin Mừng hôm nay được cả ba tác giả trong Tin Mừng Nhất Lãm kể lại. Tuy nhiên, Maccô kể dài hơn, gồm 23 câu, với nhiều tình tiết, cảm động khiến người đọc bị cuốn hút một cách tự nhiên từ đầu đến cuối. Maccô đã lồng hai chuyện kể vào với nhau cách khéo léo tài tình, minh chứng Chúa Giêsu là Đấng quyền năng trên bệnh tật và trên sự chết.

Qua các phép lạ này, thánh sử muốn trình bày, sự tăng trưởng dần dần trong niềm tin của các môn đệ vào quyền năng của Chúa Giêsu. Quyền năng trên các định luật thiên nhiên: làm cho sóng yên biển lặng; Quyền năng trên các thần ô uế: giải thoát người bị quỷ ám ở Ghêrasa; Quyền năng trên bệnh tật: chữa lành người đàn bà bị chứng xuất huyết; Và quyền năng trên sự chết: phục sinh con gái ông trưởng hội đường. Để quyền năng của Chúa Giêsu được biểu lộ, đòi hỏi con người phải có niềm tin. Đức tin là điều kiện cần có để được Chúa Giêsu thực hiện các phép lạ. Lòng tin của người phụ nữ thật mãnh liệt không thua lòng tin của ông trưởng hội đường. Ông xin Chúa đến đặt tay trên con gái ông đang sắp chết, chắc chắn nó được cứu, người phụ nữ chỉ mong sờ được vào áo Người là tôi sẽ được cứu. “Cầu được, ước thấy” đã nên linh nghiệm nhờ hai người có lòng tin mạnh mẽ.

1. Hai phép lạ

Phép lạ thứ nhất, giữa đám đông chen lấn chung quanh Ðức Giêsu, có những người đụng vào áo Người. Nhưng chỉ có một cái đụng cố ý, đụng lén như sợ bị bắt quả tang. Ðó là cái đụng của một người phụ nữ, bất chấp lệnh cấm theo lề luật Do thái. Mười hai năm mắc bệnh băng huyết. Mười hai năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi. Mười hai năm bị coi là ô nhơ, không được đụng đến người khác, không được tham dự nghi lễ ở Ðền thờ. Người phụ nữ thận trọng và đầy can đảm đã đụng vào áo Ðức Giêsu bằng tay và bằng lòng tin, một lòng tin đơn sơ mà mạnh mẽ "Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi.". Tức khắc, bà cảm thấy lành bệnh vì máu trong người đã cầm lại. Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh. “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh”. Chúa tuyên dương lòng tin của bà trước mặt đám đông, cho bà sự bình an và chắc dạ: bà được khỏi thật chứ không phải là ảo tưởng.

Phép lạ thứ hai, ông Giaia đến xin Đức Giêsu chữa lành cho con gái ông đã mười hai tuổi. Ông là viên chức trưởng hội đường. Tình yêu của người cha đối với đứa con gái đã làm cho ông can đảm. Ông sẵn sàng tin cậy vào một người xa lạ. Ông tín nhiệm vào một người từ nơi khác đến. Ông chỉ mới nghe danh tiếng về người ấy. Ông đến gặp Chúa và "phủ phục dưới chân Đức Giêsu và năn nỉ". Đức Giêsu đã chấp thuận “Người liền ra đi với ông”, nhưng khi hai người đang trên đường về nhà ông thì được tin con gái đã chết. Vậy là hết, vô phương cứu chữa! Đức Giêsu động viên ông "Đừng sợ, cứ tin". Khi đến nhà, thấy đông đảo bà con xóm làng đến, Người nói: “Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!”. Cô bé đã chết rồi, nhưng đối với Đức Giêsu, cái chết chẳng có tính chung cuộc mà chỉ là một giấc ngủ thôi. Người có quyền năng đưa kẻ chết ra khỏi giấc ngủ ấy. Với cử chỉ đơn sơ, cầm tay đứa bé và nói “Talithakum”, nghĩa là “Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi !”, Đức Giêsu đã khiến cho đứa bé đứng dậy và đi lại được. Người còn bảo họ cho đứa bé ăn để chứng thực là nó đã sống lại thật. Mọi người chứng kiến kinh ngạc sững sờ. So với chuyện ông Êlia cho đứa con bà goá ở Xarepta hồi sinh (1V 17,17-24) thì ta thấy sự khác biệt rõ ràng, Êlia cầu xin Thiên Chúa cho đứa bé sống lại, còn Đức Giêsu có quyền cho kẻ chết sống lại, ra lệnh cho cô bé con ông trưởng hội đường trỗi dậy từ cõi chết.

2. Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin.

Ðức Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con". Ngài nâng đỡ lòng tin đang chao đao của Giaia: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi".

Tin vào những chuyện dễ dàng, tin khi cuộc sống bình an xuôi thuận thì chưa hẳn là đức tin. Đó chỉ là một chuyện đương nhiên thôi. Đức tin là một nhân đức căn bản của Đạo. Phải là vẫn cứ tin vào những chuyện khó khăn vượt quá sức loài người. Vẫn cứ tin khi cuộc đời gặp lúc cheo leo. Đức tin vững vàng như vậy có thể làm nên những phép lạ. Bởi lẽ, trước một hoàn cảnh quá khó khăn, trong lúc đời sống quá gian nan, nếu ta vẫn tin thì không phải là ta tin vào sức riêng của ta nữa, mà là tin vào sức Chúa, và Chúa quyền năng làm được mọi sự.

Các phép lạ Đức Giêsu đã làm thường là điểm giao tiếp giữa quyền năng đầy tình yêu của Thiên Chúa và niềm tin của con người. Thiên Chúa giàu lòng xót thương nên ở đâu có niềm tin, ở đó có phép lạ. Đức tin cho con người niềm xác tín “cầu được, ước thấy”. Đức tin là vị thuốc thần đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Đức tin là bí quyết đem lại hy vọng cho nơi nào không còn gì để hy vọng! Sau khi mọi hy vọng, mọi biện pháp chữa trị của con người đã trở nên vô hiệu quả, thì chỉ còn niềm tin mới có khả năng “cứu độ”. Đức Giêsu đã đem lại niềm vui và bình an cho những ai tuyệt vọng mà vẫn một lòng cậy trông. Có lần Đức Giêsu đã nói: “Nếu bạn có đức tin bằng hạt cải, thì bạn có thể nói với ngọn núi này ‘hãy di chuyển từ đây đến kia’, nó sẽ di chuyển” (Mt 17,20). Đây không phải là một lời phóng đại, nhưng là một sự thực được chứng minh qua cuộc đời các vị Thánh. Các vị Thánh là những người đã tin và các ngài đã làm được nhiều điều kỳ diệu.

3. Tin phải đi đôi với việc làm.

Tin nhưng cần phải cộng tác với ơn Chúa.

Người phụ nữ bị bệnh xuất huyết nghĩ mình phải làm điều gì đó chứ không chỉ tin suông.Bà biết thân phận mình là ô uế theo luật Do thái, bà không dám xuất đầu lộ diện, chỉ âm thầm “lách qua đám đông, tiến đến phía sau Người và sờ vào áo Người”, vì bà tự nhủ: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là tôi sẽ được cứu”. Bà đến với Chúa chứ không chờ Chúa đến với mình. Ông Giaia cũng tin rằng Chúa có thể cứu sống con gái ông. Ông đã làm hết sức mình. Con gái ông hấp hối không thể đến với Chúa được, nên ông đã xin Chúa đến chữa cho con gái ông: “Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống”.

Cộng tác với ơn Chúa là điều kiện để Chúa ban ơn. Chúng ta không thể chỉ thụ động chờ Chúa làm phép lạ, nhưng hãy sử dụng hết những phương tiện bình thường Chúa ban. Phần còn lại tùy Chúa định liệu cho ta. Thánh Ignatio de Loyola đã cho chúng ta lời khuyên bất hủ này: "Hãy làm như thể mọi việc tùy thuộc chúng ta và hãy cầu nguyện như thể mọi việc tùy thuộc Thiên Chúa". Mc.Kenzie nói: "Khi ta cố gắng làm những gì có thể, Thiên Chúa sẽ làm những điều ta không thể".

Thiên Chúa ban cho chúng ta quyền tự do, Người không thúc ép, nhưng để chúng ta toàn quyền sử dụng tự do của mình. Thiên Chúa không đối xử với chúng ta như những con bù nhìn, nhưng luôn coi trọng chúng ta như những cộng tác viên của Người.

Trong các phép lạ Chúa làm, Người đều cần sự cộng tác của con người. Tại tiệc cưới Cana, Chúa chỉ làm phép lạ khi người ta đã "múc nước đổ đầy các chum" (Ga 2,7). Phép lạ về bánh, Chúa chỉ làm cho bánh hóa nhiều khi "có 5 chiếc bánh và 2 con cá" (Mc 6,35-43). Khi chữa mắt cho người mù, Người chỉ thoa bùn vào mắt anh, còn phần anh phải đi rửa ở hồ Silôê mới được sáng mắt (Ga 9,1-40).

Thiên Chúa muốn chúng ta sử dụng hết các khả năng của mình, và Người sẵn sàng can thiệp khi cần. Tin và cộng tác với Ơn Chúa là sống niềm xác tín “cầu được ước thấy”.
 
Quy tắc vàng
Lm. Minh Anh
01:59 22/06/2021
QUY TẮC VÀNG
“Những gì các con muốn người ta làm cho mình, hãy làm cho người ta như thế!”.

Paul Wagner mỉa mai, “‘Quy tắc vàng’ là quy tắc người có vàng đặt ra!”. Bernard Rimland, giám đốc Viện Nghiên Cứu Hành Vi Trẻ Em thì khác, “Về mặt đạo đức, ‘quy tắc vàng’ là quy tắc giúp con người có được tấm lòng vàng!”; ông nói, “Người ra sức hoạt động nhằm mang lại hạnh phúc cho bản thân, ít có khả năng hạnh phúc hơn những ai nỗ lực làm cho người khác hạnh phúc!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cũng như hai học giả trên, trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu lấy lại ‘quy tắc vàng’ của Cựu Ước để tiếp tục khai triển Bài Giảng Trên Núi của Ngài, “Những gì các con muốn người ta làm cho mình, hãy làm cho người ta như thế!”; và rồi đây, Ngài sẽ dạy một ‘quy tắc hơn vàng!’. Nhưng trước hết, ‘quy tắc vàng’ phải là cách đối nhân xử thế căn bản đầy từ tâm của con cái Nước Thiên Chúa, những người được mệnh danh là công dân của Vương Quốc Mới, công dân Nước Trời. Thú vị thay, Abraham, tổ phụ một ‘dân mới’, đang tiến vào một ‘Đất Mới’ được Thiên Chúa hứa, lại là người đầu tiên áp dụng cho mình ‘quy tắc vàng’ này.

Bài đọc Sáng Thế nói đến vấn đề đất đai, một vấn đề của những tranh chấp muôn thuở trong lịch sử nhân loại; cho đến hôm nay, vẫn là thời sự nóng bỏng, “Quyền nhờ chức, giàu nhờ đất”; và ‘tù cũng bởi đất!’. Chuyện đã xảy ra khi có sự tranh chấp giữa những người chăn chiên của Abraham và Lót, cháu ông; vì lẽ, vùng đất của họ “không đủ chỗ cho cả hai người” và cả những đàn gia súc của hai bác cháu. Khả năng xảy ra xung đột nghiêm trọng là rất thực tế! Tuy nhiên, thái độ cao cả của Abraham đã khiến cho những tranh chấp được dập tắt ngay từ trong trứng nước. Abraham đã nói với Lót, “Bác không muốn có sự bất bình giữa bác và cháu, giữa các người chăn chiên của chúng ta, vì chúng ta là anh em với nhau”. Đầy nhân ái, Abraham áp dụng ‘quy tắc vàng’, “Trước mặt cháu, có cả một miền rộng rãi, xin cháu hãy lìa khỏi bác; nếu cháu đi bên tả, bác sẽ đi bên hữu; nếu cháu chọn phía tay phải, bác sẽ đi về phía tay trái”. Không thể tuyệt vời hơn!

Một cách nào đó, lối cư xử cao thượng của Abraham đối với Lót trước vùng ‘Đất Mới’, tiên báo lối xử thế nhân văn Chúa Giêsu chỉ ra cho người môn đệ trong Vương Quốc ‘mới hơn’ của Ngài, “Những gì các con muốn người ta làm cho mình, hãy làm cho người ta như thế!”. Sự thật, ai trong chúng ta cũng muốn người khác làm nhiều điều cho mình; chúng ta muốn được tôn trọng, đối xử công bằng… Nhưng ở một mức độ sâu sắc hơn, chúng ta muốn được yêu, được hiểu, được biết đến, được quan tâm và được chăm sóc. Đó là những gì rất tự nhiên, chẳng chút tiêu cực; đó là khao khát bẩm sinh Thiên Chúa ban cho mỗi người. Được người khác yêu và Thiên Chúa yêu, vốn cũng là ý nghĩa của việc làm người, nó được tạo ra cho tình yêu đó. Vậy mà ‘quy tắc vàng’ thúc giục chúng ta sẵn sàng tặng trao cho người khác những gì mình muốn. Và với Chúa Giêsu, Ngài còn đi xa hơn quy tắc của Cựu Ước với một ‘quy tắc hơn vàng’; đó là bất kể tha nhân cư xử với chúng ta thế nào, bất kể họ là ai, là kẻ thù hay là gì nữa, Ngài muốn chúng ta sống ‘quy tắc hơn vàng’ này, “Hãy yêu thương thù địch, hãy cầu nguyện và làm ơn cho những kẻ bách hại các con!”; vì lẽ, lý do cũng cao hơn, “Hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo!”.

Anh Chị em,

Chúa Giêsu biết điều đó thật là khó, khó như Thánh Vịnh đáp ca hôm nay đặt câu hỏi, “Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa?”; nghĩa là ai được vào Vương Quốc Mới của Ngài? Chính Ngài cũng thừa nhận trong Tin Mừng hôm nay, việc chấp nhận một thái độ như thế khác nào việc đi qua cửa hẹp mà vào một con đường thật nhỏ, thật vắng. Nhưng với Ngài, đó là con đường của niềm vui; con đường dẫn đến sự sống cho mình và cho người khác. Ngài nói, “Các con hãy vào qua cửa hẹp, vì cửa rộng và đường thênh thang là lối đưa đến hư mất!”. Và thật ý nghĩa, đó cũng là cửa hẹp và là con đường chính Ngài đã đi; đúng hơn, chính Ngài là cửa hẹp và là con đường đó. ‘Cánh Cửa Giêsu và Con Đường mang tên Ngài’ luôn rộng mở để cả chúng ta cũng có thể đi vào và cất bước trên đó với sự trợ giúp của ân sủng và quyền năng của Thánh Thần Ngài. Bí tích Thánh Thể và các ‘phương dược thánh’ Ngài ban, đủ cho chúng ta lên xuống trên con đường này, một con đường hẹp, nhưng nhất định đem lại niềm vui và sự sống; không chỉ trong cuộc sống dương thế, nhưng cuối cùng, còn dẫn chúng ta đến sự sống vĩnh cửu; và như vậy, được thông phần vào ‘sự sống phục sinh’ tươi mới của chính Ngài. Thế giới sẽ rất khác, Giáo Hội sẽ rất khác, nếu chúng ta sống ‘quy tắc vàng’ của Cựu Ước; và hơn thế, sống ‘quy tắc hơn vàng’ của Ngài. Và chắc chắn, sẽ có ít xung đột hơn trên địa cầu đáng thương này!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, hiện thân của cánh cửa hẹp, xin giúp con biết đi vào trong Chúa mỗi ngày, sống ‘quy tắc hơn vàng’ của Chúa, rũ bỏ mọi tầm thường; nhờ đó, trong ân sủng, con có thể bước đi một cách mạnh dạn, tự tin và tự do như những con trai, con gái của Chúa”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Lễ Vọng Sinh Nhật Thánh Gioan
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
15:09 22/06/2021
Lễ Vọng Sinh Nhật Thánh Gioan

(Gr 1, 1.4-10; 1Pr 1, 8-12; Lc 1, 5-17)

Sinh ra sống ở trên đời, mỗi một người trong chúng ta đều có những ơn gọi và sứ mạng trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Hết thảy chúng ta đều được sáng tạo trong yêu thương với ơn gọi làm người giống hình ảnh Chúa là Chân, Thiện, Mỹ, được chính Thiên Chúa gọi trong tình yêu và mong một ngày nào đó người ấy nghe được tiếng Chúa gọi và đáp lại với tình yêu. Đây là tiếng gọi từ muôn thủa, nói theo kiểu linh mục nhạc sĩ Duy Thiên là: “Từ khi chưa có đồi non, từ khi chưa có trời cao, chưa có vầng trăng với ngàn sao. Gọi con giữa muôn muôn người tìm con giữa nơi bùn nhơ” (Trích bài hát: Tình Chúa Cao Vời). Nghĩa là từ khi chưa có loài người sống trên mặt đất, chưa có đất trời, núi đồi, biển cả... Thiên Chúa đã yêu từng người, gọi và đặt từng người vào những nẻo đường khác nhau.

Ơn gọi của mỗi người

Thiên Chúa còn trao cho mỗi người một sứ mạng, dù là hèn mọn, bất tài, hay chống đối Chúa. Cụ thể như Abraham được gọi để trở thành tổ phụ của một dân tộc. Môsê, đứa trẻ dòng dõi Lêvi được gọi để trở thành người giải phóng dân tộc Do Thái. Samuel được gọi để trở thành ngôn sứ và thủ lãnh. David cậu bé chăn cừu được gọi để trở thành vua của một dân tộc. Giona được gọi để trở thành ngôn sứ trong sự chối từ và giận dỗi, đến Maria, người phụ nữ được chọn gọi để trở thành mẹ của Thiên Chúa.

Ơn gọi của Gioan

Giêrêmia trong bài đọc I Lễ Vọng Sinh Nhật thánh Gioan là một nhân chứng về ơn Chúa kêu gọi, cho dù ông từ chối trước ơn gọi Thiên định: “A, a, a, lạy Chúa là Thiên Chúa, con đâu có biết ăn nói, vì con còn con nít” (Gr 1 ), nhưng Chúa quả quyết: “Trước khi tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi, Ta đã đặt ngươi làm tiên tri cho các dân tộc” (Gr 1 ).

Ngôn sứ Isaia và Thánh vịnh nói về giá trị cao cả của con người trước mặt Thiên Chúa: “ Ðức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49, 1-3). Thánh vịnh trở lại với ý niệm này, tức là, Chúa biết chúng ta từ trong lòng mẹ: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con…Khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (Tv 138, 13). Như thế Thiên Chúa đã an bài sắp đặt mỗi người chúng ta ngay từ khi còn trong dạ mẹ.

Theo Kinh Thánh, con người là kẻ được Thiên Chúa nhận biết, gọi tên; và Thiên Chúa biết chắc chúng ta từ khi còn trong lòng mẹ. Mắt Ngài thấy chúng ta: “Con mới là bao thai, mắt Ngài đã thấy ” (Tv 138,16). Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả hoàn toàn được phác họa trước lúc sinh ra: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc 1, 76). Tất cả những ơn gọi ấy làm nên một lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa tác động trong lịch sử con người.

“Này ông Dacaria, đừng sợ, vì ông đã được nghĩa với Chúa” (Lc 1,13). Đó là lời Sứ Thần nói với ông Dacaria. Ông đã được nghĩa với Chúa. Được nghĩa với Thiên Chúa là được Thiên Chúa yêu thương. Chúa yêu đến ngỡ ngàng, bản thân Giacaria là bằng chứng. Ngỡ ngàng vì không phải do ông không tin Thiên Chúa, nhưng bởi vì Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử cuộc đời và ơn gọi của Gioan nói riêng và của mỗi người chúng ta nói chung.

Huyền nhiệm ơn gọi của người Kitô hữu

Mỗi người chúng ta được tạo dựng một cách độc đáo, không ai giống ai, cả về thể xác, tâm hồn, tính tình và năng khiếu. Bởi đó, không có ơn gọi nào giống ơn gọi nào. Mỗi người là tác phẩm nghệ thuật độc đáo và độc nhất vô nhị của Thiên Chúa. Theo tư tưởng thần học về Nhiệm Cục Cứu Độ của Von Balthasar, thì cuộc hành trình ơn gọi của mỗi chúng ta như một kịch bản. Thiên Chúa Cha đã cài đặt môt chương trình. Chúa Thánh Thần là huấn luyện viên. Thiên Chúa Con là gương mẫu. Bản thân ta thực hiện chương trình, và cộng đoàn là những môi trường.

Cuộc sống con người tự nó đã là một huyền nhiệm, huyền nhiệm vì con người được tạo dựng trong ý định của Thiên Chúa: “chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1, 26-28). Như thế, nơi sâu thẳm thân phận con người đã có một huyền nhiệm và con người không tồn tại do chính ý định của mình.

Ơn gọi của Gioan Tẩy là kiểu mẫu điển hình cho ý định của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa đã rõ rệt trong lịch sử đời người. Mang danh hiệu là Tiền hô của Đấng Cứu Thế, Gioan có sứ mạng “đem nhiều con cái Ítrael trở về cùng Chúa” (Lc 1, 16). Cũng thế, loan báo Đấng Cứu Thế bằng lời, đặc biệt bằng lối sống, để đưa nhiều người về với Thiên Chúa là ơn gọi và sứ mạng của chúng ta trong thời đại hôm nay.

Gioan đã sống xứng danh người loan báo về Đấng Cứu Thế. Là Kitô hữu, chúng ta được Chúa tạo dựng và trao cho sứ mạng giúp nhiều người biết và tin vào Chúa. Chúng ta đã ý thức vai trò và sứ mạng của mình chưa? Sứ mạng ấy giúp chúng ta sống xứng danh Kitô hữu của mình. tiêc thay, trong thực tế, có nhiều Kitô hữu không sống xứng với danh hiệu ấy.

Để khám phá ra mục đích đời ta, ta phải qui chiếu về Lời Chúa. Qua miệng Phaolô, Chúa chỉ cho chúng ta thấy: “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Chúa Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta”. (Ep 2,10)

Xin Chúa qua lời chuyển cầu của thánh Gioan giúp chúng con quyết tâm sống sao cho xứng với ơn gọi là Kitô hữu. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:42 22/06/2021

13. Đêm tối nếu có kẻ trộm đến nhà chỉ cần la lớn tiếng thì cướp kinh hoàng bỏ chạy, hàng xóm nghe tiếng kêu thì đến cứu, ma quỷ cám dỗ chúng ta phạm tội là cướp linh hồn của chúng ta. Trông cậy vào ân sủng của Thiên Chúa, chỉ cần chúng ta nhiệt tâm cầu nguyện, la lớn tiếng với Thiên Chúa thì ma quỷ cũng tất hoảng sợ mà chạy, và các thần thánh đều đến cứu giúp.

(Thánh Proterius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:46 22/06/2021
80. BIẾN MÙI GIỮA CHỚP MẮT

Có một phú ông đang ngồi giữa phòng khách thì đột nhiên đánh rắm cái “phẹt”, lúc ấy đang có hai người khách ngồi hai bên.

Một người khách vội vàng nói:

- “Cái rắm này của anh mặc dù lớn tiếng nhưng không có chút mùi nào.”

Người khách kia cũng nói:

- “Không những không có mùi, mà lại có chút thanh xuân kỳ lạ.”

Phú ông lập tức cau mày buồn bả nói:

- “Tôi nghe nói nếu đánh rắm mà không có mùi, thì nhất định bên trong nội tạng bị tổn thương, ngày chết sắp tới, lẽ nào tôi phải chết sao?”

Một người khách vội đưa tay lên trời vẩy vẩy, khịt khịt mũi mấy cái nói:

- “Mùi thối quá.”

Người khách kia nhăn mũi lại, huơ tay mấy cái như xua đuổi mùi hôi, lại còn lấy tay bịt mũi, nói:

- “Ái dà, bên phía tôi đây hôi dễ sợ luôn.”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 80:

Đánh rắm, không ít thì nhiều đều có mùi đó là lẽ tự nhiên của bộ máy sinh học trong con người, đánh rắm mà không hôi đó là điều khác lạ đáng lưu ý, phú ông hiểu rất rõ lẽ này nên lo lắng là phải…

Thường, con người ta khi phạm tội, khi làm điều xấu hay làm bất cứ điều gì không phải không đúng thì lương tâm sẽ áy náy bất an, đó là điều tự nhiên của người có lương tâm ngay thẳng, nhưng khi phạm tội ác, làm điều xấu mà vẫn thảnh thơi coi như không có gì, hoặc lấy làm vui thích mà lương tâm không “nói” gì cả, thì đó là điều vô cùng khác thường cần phải lưu ý cách đặc biệt, vì đó là dấu hiệu của người sẽ mất linh hồn, tức là đã bán linh hồn cho ma quỷ, người Ki-tô hữu biết rất rõ điều này.

Cầu nguyện trước Thánh Thể, cầu nguyện với chuỗi Mân Côi là phương thế hay nhất để khám nghiệm lương tâm của mình còn hay đã mất, còn sống hay đã chết, thuộc về Thiên Chúa hay thuộc về ma quỷ…

Giữa cái chớp mắt ngắn ngủi, con người ta có thể làm mất linh hồn của mình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Dấu ấn của Thiên Chúa trong cuộc đời
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
21:00 22/06/2021
Dấu ấn của Thiên Chúa trong cuộc đời

SINH NHẬT GIOAN TẨY GIẢ

(Lc 1, 57-66.80)

Mừng lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy Giả, khi đọc lại cuộc đời của thánh thánh Gioan Tẩy Giả từ lúc sứ thần truyền tin cho ông Dacaria đến ngày cắt bì, đặt tên cho con trẻ là Gioan (x. Lc 1,60), chúng ta khám phá ra dấu ấn của Đấng Tạo Hóa trên cuộc đời của mỗi con người.

Chúng ta không tự mình mà có

Muốn khám phá con người từ đâu đến, trước hết ta hãy hỏi : Ta có thể tự nhiên có được chăng? Câu trả lời chắc chắn là chẳng bao giờ có được. Vì mọi người đều có cha có mẹ, không ai ở lỗ nẻ mà chui lên.

Hỏi : Ai tạo dựng con người? Thưa, Đấng đã tạo dựng cả đất trời đất. Đấng toàn tri, toàn năng, khôn ngoan vô cùng, phép tắc vô cùng. Đấng ấy là Thiên Chúa. Sách Sáng Thế mô tả : “Thiên Chúa dùng bụi đất nặn nên con người, rồi hà sinh khí vào lỗ mũi, con người bèn trở nên một sinh vật có linh hồn” (St 2,7). Như vậy con người có là bởi Thiên Chúa. Ngài đã dựng nên cách trực tiếp và thổi sinh khí vào lỗ mũi để con người sống, bởi vậy con người khôn ngoan hiểu biết khác hẳn loài vật. “Vậy Thiên Chúa dựng nên loài người theo hình ảnh Chúa. Ngài đã tạo dựng loài người có nam có nữ” (St 1,27). Con người có một phẩm giá cao trọng trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Ngôn sứ Isaia và Thánh vịnh nói về giá trị cao cả của con người trước mặt Thiên Chúa: “ Ðức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người” (Is 49, 1-3). Thánh vịnh trở lại với ý niệm này, tức là, Chúa biết chúng ta từ trong lòng mẹ: “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con…Khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (Tv 138, 13). Như thế Thiên Chúa đã an bài sắp đặt mỗi người chúng ta ngay từ khi còn trong dạ mẹ.

Cuộc đời của Gioan Tẩy Giả hoàn toàn được phác họa trước lúc sinh ra: “Hài nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao, con sẽ đi trước Chúa mở lối cho Người” (Lc 1, 76). Tất cả những ơn gọi ấy làm nên một lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa tác động trong lịch sử con người.

“Này ông Dacaria, đừng sợ, vì ông đã được nghĩa với Chúa” (Lc 1,13). Đó là lời Sứ Thần nói với ông Dacaria. Ông đã được nghĩa với Chúa. Được nghĩa với Thiên Chúa là được Thiên Chúa yêu thương. Chúa yêu đến ngỡ ngàng, bản thân Giacaria là bằng chứng. Ngỡ ngàng vì không phải do ông không tin Thiên Chúa, nhưng bởi vì Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử cuộc đời và ơn gọi của Gioan nói riêng và của mỗi người chúng ta nói chung.

Hiện hữu trong sự quan phòng

Giáo lý Hội Thánh dạy : “Sau khi sáng tạo, Thiên Chúa không bỏ mặc các thụ tạo của Ngài. Ngài không chỉ ban cho chúng hữu thể và hiện hữu, Ngài còn luôn gìn giữ chúng hiện hữu, cho chúng khả năng hành động và đưa chúng đến cùng đích”. Sự gìn giữ, sắp xếp và tác động thúc đẩy các tạo vật để chúng đi đến cùng đích ấy được gọi là việc Thiên Chúa quan phòng. (x. SGLHTCG, số 301). Như vậy, theo Giáo lý của Hội Thánh thì Thiên Chúa không chỉ sáng tạo nên vạn vật rồi bỏ mặc chúng, mà Ngài còn quan tâm chăm sóc và điều hành chúng bằng ý định đầy quyền năng của Chúa.

Thánh Gioan Kim Khẩu viết: “Chúa lưu ý đến từng điều cho con người. Phần ta, ta không thêm được gì cho thân ta, nhưng Chúa quan phòng làm hoàn toàn đầy đủ mọi việc cho ta. Nếu không có Chúa quan phòng, thì mọi sự lo lắng vất vả của chúng ta đều vô ích”.

Thánh Basiliô dùng kiểu nói ví von : “Chúa cho bò ngựa có cỏ, thì lại cho con người có của cải sinh sống. Chúa tạo nên mọi thứ là dự bị cho con người có đủ thức ăn... Không có gì là không có lý do hay tình cờ, nhưng là kết quả của tài khôn ngoan vô cùng”.

Thánh Augustinô thì đưa ra một nhận xét chí lý: “Thượng Đế không phải như một kỹ sư xây nhà xong có thể bỏ đấy đi, vì nếu Ngài ngơi tay ra thì tất cả vũ trụ sụp đổ”. Thánh nhân viết tiếp: “Sao tôi lại xin để Chúa ở trong tôi, trong khi tôi không thể tồn tại nếu Chúa không ở trong tôi?” Theo ngài, đúng hơn phải nói: “Tôi không thể tồn tại nếu tôi không ở trong Chúa, mà do đó, nhờ đó và trong đó tất cả mọi vật tồn tại”.

Gioan Tẩy là kiểu mẫu điển hình cho sự quan phòng của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta. Thiên Chúa can thiệp cụ thể trong lịch sử đời người. Mang danh hiệu là Tiền hô của Đấng Cứu Thế, Gioan có sứ mạng “đem nhiều con cái Ítrael trở về cùng Chúa” (Lc 1, 16). Gioan đã sống xứng danh người loan báo về Đấng Cứu Thế. Là Kitô hữu, chúng ta được Chúa tạo dựng và an bài trong ý định nhiệm mầu cao siêu của Thiên Chúa.

Sứ mạng của mỗi người chúng ta

Sinh ra sống ở trên đời, mỗi người trong chúng ta đều có một sứ mạng trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Hết thảy chúng ta đều được sáng tạo trong yêu thương với ơn gọi làm người giống hình ảnh Chúa là Chân, Thiện, Mỹ, được chính Thiên Chúa gọi trong tình yêu và mong một ngày nào đó người ấy nghe được tiếng Chúa gọi và đáp lại với tình yêu. Thiên Chúa cũng trao cho mỗi người một sứ mạng, dù sang hay hèn, bất tài, hay chống đối Chúa.

Mỗi người chúng ta được tạo dựng một cách độc đáo, không ai giống ai, cả thể xác lẫn tâm hồn, tính tình và năng khiếu. Bởi đó, không có ơn gọi nào giống ơn gọi nào. Mỗi người là tác phẩm nghệ thuật độc đáo và độc nhất vô nhị của Thiên Chúa. Theo tư tưởng thần học về Nhiệm Cục Cứu Độ của Von Balthasar, thì cuộc hành trình ơn gọi của mỗi chúng ta như một kịch bản. Thiên Chúa Cha đã cài đặt môt chương trình. Chúa Thánh Thần là huấn luyện viên. Thiên Chúa Con là gương mẫu. Bản thân ta thực hiện chương trình, và cộng đoàn là những môi trường.

Cuộc sống con người tự nó đã là một huyền nhiệm, huyền nhiệm vì con người được tạo dựng trong ý định của Thiên Chúa: “chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1, 26-28). Như thế, nơi sâu thẳm thân phận con người đã có một huyền nhiệm và con người không tồn tại do chính ý định của mình.

Để khám phá ra mục đích đời ta, ta phải qui chiếu về Lời Chúa. Qua miệng Phaolô, Chúa chỉ cho chúng ta thấy: “Chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Chúa Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta”. (Ep 2,10).

Xin Chúa qua lời chuyển cầu của thánh Gioan Tiền Hô giúp chúng con quyết tâm sống sao cho xứng với ơn gọi là Kitô hữu. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Ngày 24/6: Sinh Nhật Thánh Gioan Tẩy Giả - Linh mục Xuân Đường, CSsr
Giáo Hội Năm Châu
21:54 22/06/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 23-June-2021 theo giờ Việt Nam


PHÚC ÂM: Lc 1, 5-17

“Vợ ngươi sẽ sinh hạ cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên con trẻ là Gioan”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Vào thời Hêrôđê làm vua xứ Giuđêa, có một tư tế tên là Dacaria, thuộc phiên ban Abia, và vợ ông bởi dòng dõi Aaron, tên là Elisabéth. Cả hai là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở theo mọi giới răn và lề luật của Chúa, không ai trách được điều gì. Nhưng họ lại không con, vì Elisabéth son sẻ, và cả hai đã đến tuổi già. Xảy ra khi Giacaria chu toàn chức vụ tư tế trước mặt Thiên Chúa, theo lượt của phiên mình như tục lệ hàng tư tế, ông bắt thăm và trúng việc vào cung thánh Chúa mà dâng hương, đang lúc toàn thể đám đông dân chúng cầu nguyện bên ngoài, trong giờ dâng hương. Bấy giờ thiên thần Chúa hiện ra cùng ông, đứng bên phải hương án. Giacaria thấy vậy thì hoảng hốt, sự kinh hoàng đột nhập vào ông. Nhưng thiên thần nói với ông rằng: “Dacaria, đừng sợ, vì lời ngươi cầu nguyện đã được nhậm rồi. Elisabéth vợ ngươi sẽ sinh hạ cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên con trẻ là Gioan. Ngươi sẽ được vui mừng hân hoan, và nhiều người cũng sẽ vui mừng, vì việc con trẻ sinh ra. Vì trẻ này sẽ nên cao trọng trước mặt Chúa, sẽ không uống rượu và thức có men; sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ lòng mẹ, sẽ đem nhiều con cái Israel trở về cùng Chúa là Thiên Chúa. Trẻ này sẽ đi trước Người, trong thần trí và quyền lực của Êlia, để đổi lòng dạ cha ông về với con cháu, kẻ ngỗ nghịch về lại với lương tri của những người công chính, dọn cho Chúa một đoàn dân chuẩn bị sẵn sàng”.

Đó là lời Chúa.
 
Lễ Thánh Gioan Tẩy Giả 24/6/2021 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
22:23 22/06/2021

BÀI ĐỌC 1 Is 49:1-6

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Hỡi các đảo, hãy nghe tôi đây, hỡi các dân tộc miền xa xăm, hãy chú ý:

Đức Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng lưỡi tôi nên như gươm sắc bén, giấu tôi dưới bàn tay của Người. Người đã biến tôi thành mũi tên nhọn, cất tôi trong ống tên của Người.

Người đã phán cùng tôi: “Hỡi Ít-ra-en, ngươi là tôi trung của Ta. Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh quang.” Phần tôi, tôi đã nói: “Tôi vất vả luống công, phí sức mà chẳng được gì.”

Nhưng sự thật, đã có Đức Chúa minh xét cho tôi, Người dành sẵn cho tôi phần thưởng.

Giờ đây Đức Chúa lại lên tiếng. Người là Đấng nhào nặn ra tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ để tôi trở thành người tôi trung, đem nhà Gia-cóp về cho Người và quy tụ dân Ít-ra-en chung quanh Người. Thế nên tôi được Đức Chúa trân trọng, và Thiên Chúa tôi thờ là sức mạnh của tôi.

Người phán: “Nếu ngươi chỉ là tôi trung của Ta để tái lập các chi tộc Gia-cóp, để dẫn đưa các người Ít-ra-en sống sót trở về, thì vẫn còn quá ít. Vì vậy, này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất.”

Đó là Lời Chúa.



BÀI ĐỌC 2 Cv 13:22-26

Bài trích sách Công vụ Tông đồ.

Khi đến An-ti-ô-khi-a miền Pi-xi-đi-a, ông Phao-lô đứng giữa hội đường và nói:

“Sau khi truất phế vua Sa-un, Người đã cho ông Đa-vít xuất hiện làm vua cai trị họ. Người đã làm chứng về ông rằng: ‘Ta đã tìm được Đa-vít, con của Gie-sê, một người đẹp lòng Ta và sẽ thi hành mọi ý muốn của Ta.’

Từ dòng dõi vua này, theo lời hứa, Thiên Chúa đã đưa đến cho Ít-ra-en một Đấng Cứu Độ là Đức Giê-su. Để dọn đường cho Đức Giê-su, ông Gio-an đã rao giảng kêu gọi toàn dân Ít-ra-en chịu phép rửa tỏ lòng sám hối.

Khi sắp hoàn thành sứ mệnh, ông Gio-an đã tuyên bố: ‘Tôi không phải là Đấng mà anh em tưởng đâu, nhưng kìa Đấng ấy đến sau tôi, và tôi không đáng cởi dép cho Người.’

Thưa anh em, là con cái thuộc dòng giống Áp-ra-ham, và thưa anh em đang hiện diện nơi đây, là những người kính sợ Thiên Chúa, lời cứu độ này được gửi tới chúng ta.”

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Lc 1:76

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.

Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:

con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người.

Ha-lê-lui-a.



TIN MỪNG Lc 1:57-66,80

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.

Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gio-an.”

Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.”

Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.”

Ai nấy đều bỡ ngỡ. Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê.

Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?”

Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.

Đó là Lời Chúa.

LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa đã chọn Thánh Gioan Tầy giả để chuẩn bị lòng người đón nhận Đấng Cứu Thế. Trong niềm vui mừng kính Sinh Nhật của Thánh nhân, chúng cảm tạ Chúa và dâng lời nguyện xin.

1. Ta đã đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho Đức Thánh Cha Phanxicô, các Giám Mục, Linh Mục luôn sống tinh thần nghèo khó của Tin Mừng, để các ngài trở nên ánh sáng, trở nên muối mặn ướp đời, hầu mọi người sớm nhận nhận biết tình thương và ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu xin Chúa

2. Thánh gioan đã sống và đã nói: “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại”. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho các Kitô hữu luôn hăng say nói về Chúa, sống Tin Mừng của Chúa và hết mình phục vụ Chúa với một tấm lòng khiêm nhường, để danh Chúa được sạng rỡ vinh quang. Chúng ta cùng cầu xin Chúa

3. Sứ thần nói với Dacaria: “Vợ ngươi sẽ sinh hạ một con trai”. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho các bà mẹ ý thức được sự cao trọng về thiên chức làm mẹ, để họ sẵn sàng đón nhận con cái và giáo dục chúng theo tinh thần Tin Mừng. Chúng ta cùng cầu xin Chúa

4. Thánh Gioan đã rao giảng và kêu gọi sám hối. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho các tội nhân, biết khiêm tốn nhìn nhận bản thân, quyết tâm từ bỏ tội lỗi, đến lãnh nhận Bí Tích giải tội để được Chúa thứ tha và ban nhiều ơn lành hồn xác. Chúng ta cùng cầu xin Chúa

5. Gioan nghĩa là “Chúa ban ơn”. Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta luôn cảm nghiệm được tình thương của Chúa, để biết sống chân thành yêu thương nhau và sống tâm tình tạ ơn đối với Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu xin Chúa

Chủ tế: Lạy Chúa, Chúa đã sai Thánh Gioan tẩy Giả chuẩn bị cho dân Chúa sẵn sàng đón Đức Kitô. Xin Chúa cho chúng con sống trọn hảo ơn gọi làm con Chúa bằng đời sống thánh thiện, hy sinh phục vụ và làm chứng cho Tin Mừng của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết đại dịch cũng không ngăn chặn nổi dòng người di cư
Đặng Tự Do
05:49 22/06/2021


Số người trên thế giới buộc phải rời khỏi nhà cửa của họ đã tăng lên đến mức kỷ lục là 82 triệu trong năm ngoái bất chấp ảnh hưởng của đại dịch và bất kể việc đi lại trên toàn thế giới bị hạn chế nghiêm nhặt. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, gọi tắt là UNHCR, đã cho biết như trên.

Trong thập kỷ qua, tổng số người tị nạn đã tăng hơn gấp đôi, cụ thể là có hơn 1% tổng dân số thế giới phải di dời, xa nhà và không phải lúc nào đó cũng lựa chọn của họ.

Phần lớn là những người di cư trong nước, đặc biệt là do hạn chế đi lại và việc đóng cửa biên giới đã khiến họ gần như không thể vượt qua biên giới quốc tế. Kết quả là, chỉ có 250,000 người tị nạn có thể trở về quốc gia gốc của họ và chỉ có 34,000 người có thể tái định cư ở các nước thứ ba, UNHCR cho biết trong Báo cáo Xu hướng Toàn cầu của mình.

Theo UNHCR chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi số lượng người di cư trên toàn thế giới đạt đến kỷ lục 100 triệu người.

Người Syria chạy trốn chiến tranh và bạo lực đứng đầu danh sách với 6.8 triệu người, trong khi tổng cộng 13.5 triệu người Syria, tức là hơn một nửa dân số, đã phải di dời kể từ khi xung đột bắt đầu vào mùa xuân năm 2011. Người Venezuela theo sau với 4 triệu người.


Source:Asia News
 
Linh mục Mễ Tây Cơ bị thảm sát trên đường đến nhà thờ dâng thánh lễ
Đặng Tự Do
16:07 22/06/2021


Một linh mục đã thiệt mạng trong một trận mưa đạn khi đang trên đường đến nhà thờ cử hành thánh lễ ở miền bắc Mễ Tây Cơ hôm thứ Bảy.

Cha Juan Antonio Orozco Alvarado, 33 tuổi, dòng Phanxicô, đã vô tình lọt vào giữa vòng giao tranh của các băng đảng ma túy đang thanh toán nhau. Không chỉ có ngài, nhiều anh chị em giáo dân khác cũng bị giết cùng với ngài.

Vị linh mục đang trên đường đến thăm mục vụ cộng đoàn Tepehuana de Pajaritos.

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết như sau:

“Một số thành viên vũ trang của băng đảng Jalisco Nueva Generación (CJNG) và băng đảng Sinaloa bắt đầu tấn công lẫn nhau khi Cha Orozco và một nhóm nhỏ các tín hữu của cộng đoàn, là những người đã chào đón ngài, đang đi đến nhà thờ với ngài.”

Cha Orozco, gốc ở Monclova, thuộc bang Coahuila, miền bắc Mễ Tây Cơ, là một linh mục quản xứ ở Santa Lucía de la Sierra, trong thành phố Valparaíso, Zacatecas. “Padre Juanito”, theo cách gọi của người dân địa phương, mới bắt đầu công việc mục vụ của mình trong khu vực cách đây sáu tháng.

Hội đồng Giám mục Mễ Tây Cơ, gọi tắt là CEM, đã bày tỏ thất vọng đối với chính quyền về vụ xả súng này và bày tỏ hy vọng rằng Đức Mẹ Guadalupe “sẽ xoa dịu nỗi đau của chúng ta bằng trái tim của Mẹ và khôi phục lại công lý và hòa bình trong xã hội của chúng ta”. CEM cũng nói rằng Cha Orozco là “một nạn nhân của bạo lực đang tồn tại dai dẳng ở đất nước chúng ta”.

Đức Cha Luis Flores Calzada của Tepic cho biết trên Facebook rằng Cha Orozco đã bị giết tại khu đô thị Mezquital thuộc bang Durango khi ngài “bước vào làn đạn của hai nhóm đang giao tranh” trên đường cao tốc Durango đến Zacatecas. Đức Cha gửi kèm một bức ảnh chụp linh mục nằm úp mặt bên cạnh một chiếc xe bán tải màu đỏ với những vết đạn trên đó. Ngài đã bị bắn bất chấp cửa tài xế của chiếc xe bán tải ghi rõ xe này của các tu sĩ dòng Phanxicô.

Ít nhất 29 linh mục đã bị giết ở Mexico kể từ năm 2012, theo Trung tâm Đa phương tiện của Công Giáo Mễ Tây Cơ.
Source:Aleteia
 
Quân đội Miến Điện bắt bảy linh mục, đốt cháy một ngôi làng
Đặng Tự Do
16:07 22/06/2021


Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Lực lượng vũ trang Miến Điện, thường được gọi là Tatmadaw, đã tiếp tục thực hiện các hành động bạo lực chống lại Giáo Hội Công Giáo và dân thường.

Hôm 19 tháng Sáu, một linh mục Công Giáo đã bị bắt cóc, bị thẩm vấn trong 11 giờ và sau đó được thả. Cha Michael Aung Ling, linh mục quản xứ ở Giáo xứ Hakha, bị tình nghi ủng hộ lực lượng kháng chiến ở Kanpetlet, một thị trấn ở Bang Chin.

Ngài chỉ được trả tự do sau khi ký một văn bản tuyên bố cam kết không ủng hộ các nhóm hoặc các phong trào phản đối quân đội.

Số phận tương tự cũng ập đến vào ngày 19 tháng Sáu với sáu linh mục và một giáo dân. Các vị đã bị bắt cóc khỏi một ngôi làng ở Mandalay vì bị buộc tội giúp đỡ những phiến quân trẻ tuổi.

Vào tối thứ Ba, quân đội đã phóng hỏa ngôi làng Kin Ma ở Magway, một khu vực ở miền trung Miến Điện, giết chết ít nhất hai người già bị mắc kẹt trong nhà của họ. Người dân địa phương nói với Reuters.

Đài truyền hình nhà nước Miến Điện đổ lỗi cho những người mà họ gọi là “những kẻ khủng bố” về vụ cháy này và tuyên bố rằng các phương tiện truyền thông nào đưa ra một phiên bản khác của vụ việc là “cố tình âm mưu làm mất uy tín quân đội”.

Theo người dân, các binh sĩ đã đốt cháy ngôi làng sau khi đụng độ với các lực lượng chống lại chính quyền quân sự.

Hơn 200 ngôi nhà đã biến thành tro, chỉ còn lại 30 ngôi nhà may mắn. Hầu hết dân chúng đã bỏ chạy tìm nơi trú ẩn trong rừng để thoát khỏi bạo lực.

Vài ngày trước đó, các lực lượng quân đội đã đột kích vào các ngôi làng trong khu vực Tabayin và nổ súng vào dân thường sau khi cắt nguồn cung cấp điện.
Source:Asia News
 
Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa đến thăm Gaza ban các bí tích và bày tỏ tình liên đới
Đặng Tự Do
16:08 22/06/2021


Một ngày bắt đầu với những trái tim nặng nề khi đến thăm những ngôi nhà bị hư hại trong cuộc giao tranh hồi tháng Năm giữa Hamas và Israel, nhưng đã kết thúc trong một cử hành đức tin, tình yêu và gia đình vào ngày 16 tháng 6 khi Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Latinh của Giêrusalem đi thăm các thành viên của cộng đoàn Công Giáo thiểu số ở Gaza.

Đức Thượng Phụ đã ban phép rửa tội cho một em bé mới chào đời, ban phép thêm sức cho 3 em, cho 18 em được Rước lễ lần đầu và chúc lành cho năm học sinh sẽ sớm tham dự kỳ thi Tawjihi, kết thúc bậc trung học.

Chuyến thăm bốn ngày tới Gaza của Đức Thượng Phụ còn bao gồm Đức Giám Mục Giacinto-Boulos Marcuzzo và 6 thành viên khác của Tòa Thượng Phụ Latinh. Ông Sami El-Yousef, điều phối viên tại Tòa Thượng Phụ Giêrusalem cho biết “Các nghi lễ làm chúng tôi lên tinh thần. Ngày đầu tiên chúng tôi đến mọi người thực sự mệt mỏi, cảm thấy bất lực giữa một nơi thật hoang tàn. Hôm nay đã có một tinh thần hoàn toàn khác. Tinh thần vô cùng vui vẻ. Mọi người rất vui khi được Đức Thượng Phụ đến thăm”.

El-Yousef lưu ý: phải mất gần ba tuần để phái đoàn nhận được sự cho phép của Israel để vào Gaza.

El-Yousef nói với CNS trong một cuộc điện thoại từ Gaza ngày 16 tháng 6 rằng anh ta đã bị đánh thức vào sáng sớm hôm đó bởi một đợt ném bom khác của Israel, một trong những mục tiêu cách nơi anh ta ngủ trong nhà khách của các Nữ tu Mân Côi khoảng 400 mét.

Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết họ đã nhắm mục tiêu vào các công sự của Hamas sau khi các quả bóng bay gây cháy được Hamas phóng đi từ Gaza tạo ra 20 đám cháy ở miền nam Israel vào ngày 15 tháng 6. Hamas nói rằng những quả bóng bay nổ này là để trả đũa cho một cuộc tuần hành ở Thành phố Cổ Giêrusalem của những người theo chủ nghĩa dân tộc Israel.
Source:Crux
 
Israel không kích vào Gaza ngay khi Đức Thượng Phụ vẫn ở tại đây
Đặng Tự Do
16:09 22/06/2021


Các máy bay phản lực của không quân Israel đã tiến hành một loạt các cuộc không kích, nhiều lần trong vài ngày qua, nhắm vào các mục tiêu của phong trào Hamas cực đoan ở Gaza. Một phát ngôn viên của quân đội cho biết máy bay chiến đấu đã tấn công các vị trí của lực lượng dân quân để đối phó với vụ phóng khinh khí cầu vào Israel. Các vụ nổ cũng đã được tường trình bởi các nhân chứng bên trong dải gaza, nhưng cho đến nay, các cuộc không kích này chưa gây ra thương vong nào.

“ Đã có những vụ đánh bom có chủ đích ở những nơi cụ thể”, Cha Gabriel Romanelli, linh mục dòng Ngôi Lời Nhập Thể người Á Căn Đình và phụ trách giáo xứ Thánh Gia cho biết: “Chúng tôi không nghe thấy gì liên quan đến thương vong trong giáo xứ, nhưng vẫn lo sợ rằng các vụ đánh bom có thể sẽ tiếp tục”.

Việc phóng tên lửa và các cuộc không kích để đáp trả “là chuyện thường thấy ở đây” và không làm đảo lộn chương trình của Đức Thượng phụ Latinh của Giêrusalem. Chuyến thăm của Đức Thượng Phụ Pierbattista Pizzaballa tới Dải Gaza kéo dài từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 6.

Đây là hoạt động quân sự thứ hai ở Gaza kể từ đầu tuần và kể từ khi kết thúc cuộc xung đột kéo dài 11 ngày hồi tháng 5, khiến hàng chục người chết và hàng trăm người khác bị thương. Israel tuyên bố đã tấn công một địa điểm quân sự của Hamas và một trạm phóng tên lửa, nằm ở thành phố Gaza và ở Khan Younès, một thị trấn ở phía nam của dải đất này.

Trong khu vực, nơi mà Israel áp đặt lệnh phong tỏa kinh tế và thương mại rất gắt gao đối với Hamas, là lực lượng cai quản lãnh thổ, trong 15 năm qua, khoảng hai triệu người đã phải sống trong một kiểu “nhà tù lộ thiên”.
Source:Asia News
 
Các chính trị gia Công Giáo Mỹ phò phá thai yêu cầu Giáo Hội để họ yên, nhưng họ đâu có để Giáo Hội yên
Vũ Văn An
17:20 22/06/2021

Peter Wolfgang, chủ tịch Viện Gia Đình của Connecticut Action, trên Catholic Herald, thẳng thừng cho rằng các chính trị gia Công Giáo Mỹ phò phá thai yêu cầu Giáo Hội để họ yên, nhưng họ đâu có để Giáo Hội yên. Theo ông, hãng tin AP tường trình như sau về các Giám Mục Hoa Kỳ chống đối việc soạn thảo một văn kiện về bản chất việc rước lễ, và ai có thể lãnh nhận ai không: các Giám Mục “cảnh cáo rằng một hành động như thế sẽ mô tả các Giám Mục như một lực lượng đảng phái giữa thời có những chia rẽ chính trị cay đắng khắp đất nước”.



Tác giả cho cái kiểu tường trình trên là điều dễ đoán. Một số vị quả tình muốn vậy. Các vị khác không muốn giới hạn việc rước lễ đối với các chính trị gia Công Giáo ưa thích của mình, bất kể họ phò phá thai đến mức nào. Tác giả bài báo cho biết, ông nắm được vấn đề: nguy cơ bị coi theo phe phái quả là một xem xét chính trị. Giáo Hội ít khi khá được khi đồng nhất hóa với bất cứ đảng phái hay chính nghĩa chính trị nào, bất luận nó tốt bao nhiêu.

Nhưng đó vẫn là một xem xét chính trị. Nó chỉ nhìn xem Giáo Hội ở Hoa kỳ cư xử ra sao với thế giới không Công Giáo. Nó không quan tâm gì tới lãnh vực riêng của các Giám Mục, vốn là lãnh vực đức tin và luân lý. Nó không thèm quan tâm gì tới những vấn đề được thâu tóm rất đúng trong cụm từ “tính nhất quán Thánh Thể”.

Phê phán kiểu đốt gas

Theo từ điển mở Wikipedia, đốt gas (gaslighting) là một hình thức thao túng tâm lý, trong đó một người hoặc một nhóm âm thầm gieo mầm nghi ngờ vào một cá nhân hoặc một nhóm được nhắm trước, khiến họ nghi vấn chính trí nhớ, nhận thức hoặc phán đoán của chính họ. Mục đích của việc đốt gas là nhằm dần dần làm suy giảm niềm tự tin của nạn nhân vào khả năng phân biệt thật - giả, đúng - sai, hoặc thực tại khỏi ảo tưởng, do đó khiến cá nhân hoặc nhóm phụ thuộc vào suy nghĩ và cảm xúc của người đốt gas một cách bệnh lý.

Thuật ngữ này có nguồn gốc từ vở kịch Gas Light (1938) của Anh, được trình diễn dưới tên Angel Street ở Hoa Kỳ, và các phim chuyển thể từ năm 1940 và 1944 (đều có tựa là Gaslight). Thuật ngữ này hiện đã được sử dụng trong các trước tác tâm lý học lâm sàng cũng như trong bình luận chính trị và triết học.

Wolfgang áp dụng kiểu nói này vào những người đang phê phán hành động của các Giám Mục Hoa Kỳ trong cố gắng duy trì tính toàn vẹn của tín lý Công Giáo.

Theo ông, điều các nhà phê bình đang thực hiện là phóng chiếu, là đốt gas. Chúng ta được họ cho biết chúng ta là những người coi Bí tích Thánh Thể là một vấn đề chính trị. Chúng ta đang “vũ khí hóa Bí tích Thánh Thể”. Chúng ta đang chia rẽ Giáo hội bằng cách “áp đặt nền chính trị của chúng ta”. Đó là những gì các nhà phê bình nói, trong khi thực sự, chính họ mới là những thứ đó. Nhưng đối với các cam kết chính trị của họ, điều này sẽ không có gì phải động não.

Và dù sao thì, cuối cùng, chúng ta thực sự đang nói về điều gì? Một cuộc bỏ phiếu để soạn thảo một tài liệu sẽ được chấp thuận vào thời điểm sau đó (chưa được ấn định) bởi hai phần ba số giám mục mà nếu được thông qua, sẽ không ảnh hưởng được ai cả. Nó có thể dừng lại trước việc ra chỉ thị kiên quyết từ chối cho các chính trị gia ủng hộ phá thai rước lễ.

Ngay cả khi nói như thế, nó cũng sẽ không ràng buộc được các giám mục. Người đứng đầu ủy ban giáo lý của các giám mục, người sẽ soạn thảo tài liệu, hứa rằng nó sẽ đưa ra "các hướng dẫn" chứ không phải các quy tắc. Wilton Gregory, vị giám mục tự đắc nhất trong vấn đề Tổng thống Biden, đã phủ đầu toàn bộ sự việc bằng cách tuyên bố sẽ tiếp tục cho Biden rước lễ bất kể điều gì diễn ra. Vatican khó có khả năng chấp thuận một tuyên bố từ chối Rước lễ đối với các chính trị gia ủng hộ việc phá thai.

Nhưng điều đó cũng đủ để đánh thức những người thường hoài nghi hành động. Sáu mươi thành viên đảng Dân chủ Công Giáo ngay lập tức đưa ra một Tuyên bố Nguyên tắc. Tên đầu tiên trong danh sách là nữ dân biểu của tiểu bang Connecticut, Rosa DeLauro, người đã kiên định cổ vũ việc phá thai hợp pháp và đấu tranh với Giáo hội về vấn đề này.

Những người ký tên đã phàn nàn về “việc vũ khí hóa Bí tích Thánh Thể đối với các nhà lập pháp của đảng Dân chủ vì họ ủng hộ quyền được phá thai hợp pháp và an toàn của phụ nữ”. Họ “thừa nhận và chấp nhận sự căng thẳng đi kèm với sự bất đồng với Giáo hội trong một số lãnh vực”.

Đáng chú ý, họ không bao giờ cho biết lĩnh vực đang được đề cập là gì. Họ làm lơ việc Giáo hội bác bỏ phá thai triệt để như thế nào, chỉ nhắc đến mong ước của họ muốn giúp đỡ các phụ nữ theo những cách khác và sự quan tâm của họ đến các giáo huấn Công Giáo khác mà họ ngụ ý cũng dứt khoát như lệnh cấm phá thai, nhưng là điều các giám mục không chỉ trích. Dĩ nhiên, họ kêu gọi đến “lương tâm”.

Chúng ta thực sự chống lại điều gì

Đó là điều chúng ta đang chống lại. Đó là lý do tại sao tài liệu này cần thiết, dù là bước đầu tiên mỏng manh. Giáo Hội Công Giáo dạy rằng cung cấp phá thai luôn luôn là sai lầm. Không chỉ sai đối với người Công Giáo, mà còn “trái với luật luân lý một cách nghiêm trọng”. Các vị giáo hoàng và giám mục và các tài liệu huấn quyền đã nói đi nói lại điều này. Các giám mục của chúng ta cũng đã nói điều này nhiều lần. Giáo hội phải rõ ràng về việc bác bỏ giáo huấn này có nghĩa gì.

Đó mới chỉ là bước đầu tiên. Tường trình của Associated Press về Biden nói rằng "bản thân ông phản đối việc phá thai nhưng không nghĩ rằng ông nên áp đặt quan điểm đó lên những người Mỹ cảm nhận cách khác"? Thôi đi ông bà nội.

Vấn đề không chỉ là phá thai hợp pháp, ủng hộ hay phản đối. Đó là cuộc tranh luận đã có trong những năm tám mươi. Vấn đề các chính trị gia Công Giáo ủng hộ phá thai vẫn chưa im tiếng kể từ khi Mario Cuomo có bài phát biểu khét tiếng tại Đại Học Notre Dame vào năm 1984, bài phát biểu làm cho việc một chính trị gia ủng hộ phá thai trở thành "một phần của việc tôn trọng và tận hưởng nền dân chủ đa nguyên độc đáo của chúng ta". Hay kể từ khi John Kerry tranh cử vào Nhà Trắng năm 2004 và làm cho việc ủng hộ “quyền lựa chọn” thành một phần quan trọng trong chiến dịch tranh cử của ông ta.

Vấn đề ngày nay là việc bãi bỏ Tu chính án Hyde, điều ngăn cản chính phủ liên bang tài trợ việc phá thai. Đó là Đạo luật Bình đẳng, sẽ dẫn đến chỗ tuyên bố việc phát biểu các giáo huấn luân lý Công Giáo là bất hợp pháp. Đó là một cuộc tấn công pháp lý nữa đối với các Tiểu Muội Người Nghèo vì không thể tài trợ điều các nữ tu này cho là sai. Và đó là các chính trị gia như Rosa DeLauro nghĩ rằng họ có thể giảng dạy các giám mục Hoa Kỳ về những điều được và không được phép trong việc áp dụng các nguyên tắc Công Giáo vào đời sống công cộng, giống như DeLauro đã kiên quyết làm với Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô trước đây.

Vấn đề là sự bác bỏ rộng rãi tính đa dạng và tự do mà đảng Dân chủ cho là mình tin khi nó mang lại lợi ích cho họ.

Đứng ở phía sai

Đã có rất nhiều chuyển dịch kể từ sau chiến dịch đó, tất cả đều ở phía sai. Trong khi Mario Cuomo ít nhất xem ra còn phải vật lộn với việc phá thai trong tư cách một chính trị gia, thì con trai ông là Andrew lại ủng hộ việc này không một chút e dè, và muốn trấn áp phe đối lập. Anh ta tuyên bố "các giá trị Công Giáo La Mã" của mình không liên quan đến vấn đề.

Các chính trị gia Công Giáo ủng hộ phá thai chỉ trở nên trơ trẽn hơn kể từ năm 2004. Như Wolfgang đã nói, vấn đề không còn chỉ là việc họ ủng hộ phá thai hợp pháp. Không chỉ là họ muốn được Giáo hội của họ để yên trong khi họ thi hành mệnh lệnh của Môléc [Moloch]. Đó là việc họ không để Giáo hội được yên. Những người đồng Công Giáo của chúng ta đang tìm cách trấn áp Giáo Hội thay mặt cho Môléc, thần đòi sát tế trẻ em như trong quyển thứ nhất Sách Các Vua (11:7-8) nói đến.
 
Đức Thánh Cha ban ơn Ơn Toàn xá nhân Ngày Thế giới dành cho Ông bà và Người cao niên
Thanh Quảng sdb
17:36 22/06/2021
Đức Thánh Cha ban ơn Ơn Toàn xá nhân Ngày Thế giới dành cho Ông bà và Người cao niên

Nhân Ngày Thế giới lần thứ nhất dành cho Ông bà và Người cao niên, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ rộng ban Ơn Toàn xá cho quí ông bà, người cao niên và tất cả các tín hữu tham gia vào ngày này “với điều kiện sám hối và thực hành việc bác ái.”

(Tin Vatican)

Trong một thông báo phát hành hôm thứ Ba (22/6/2021), Thánh bộ Tòa Ân xá và Sám Hối cho hay “để khuyến khích lòng sùng mộ của các tín hữu và để cứu rỗi các linh hồn,” ông bà, người cao niên và các tín hữu có thể lãnh nhận được Ơn Toàn xá trong Ngày Thế giới dành cho Ông bà và những người cao niên lần Thứ nhất sẽ được kỷ niệm vào ngày 25 tháng 7 năm 2021.

Thông báo cho hay Đức Thánh Cha, sau khi lắng nghe lời yêu cầu của Đức Hồng Y Kevin Farrell, Tổng trưởng Thánh Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống, về lễ kỷ niệm việc thành lập Ngày Thế giới dành cho Ông bà và người cao niên sẽ được tổ chức lần đầu vào Chủ nhật thứ tư của tháng Bảy hàng năm.

Sắc lệnh Ơn Toàn xá sẽ được ban cho những ai thực hiện các điều kiện thông thường là: xưng tội, rước lễ và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha. Đặc biệt hiệp thông thánh lễ với ĐTC khi ngài cử hành trọng thể tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô trong ngày đó hoặc tham dự các thánh lễ tại địa phương trong ngày này.

Thăm các bác cao niên

“Tòa Ân xá cũng ban Ơn Toàn xá cho các tín hữu sẽ dành thời gian thích đáng để thăm viếng các bác lớn tuổi đau yếu, đang gặp khó khăn hoặc hoạn nạn (chẳng hạn như bệnh tật, bị bỏ rơi, tàn tật và những hoàn cảnh tương tự”).

Thông qua các phương tiện truyền thông

Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Tổng trưởng Thánh bộ Ân xá cũng cho biết Ơn Toàn xá cũng được ban cho những ai không thể ra khỏi nhà vì những lý do nghiêm trọng, nhưng “hiệp thông tinh thần với các nỗ lực thiêng liêng trong Ngày kỷ niệm này, dâng lên Thiên Chúa những tâm tình cầu nguyện, những đau khổ hay những hy sinh của cuộc sống của họ, đặc biệt là hiệp thông qua các phương tiện truyền thông, truyền hình và truyền thanh, cũng như qua các phương tiện truyền thông xã hội khác nhau.”
 
Tòa Thánh viện dẫn tư thế chủ quyền để phản đối dự luật chống kỳ thị đồng tính của Ý
Vũ Văn An
19:44 22/06/2021

Theo John L. Allen Jr. của tạp chí Crux, trong một động thái lịch sử đầu tiên, Tòa Thánh đã viện dẫn tư thế chủ quyền dưới hiệp ước năm 1929 với Ý để phản đối một dự luật của Ý được soạn thảo nhằm chống lại việc kỳ thị người đồng tính, vì cho rằng nó có thể hạn chế quyền tự do tôn giáo được bảo đảm cho Giáo Hội theo hiệp ước đó.



Mối quan tâm của Tòa Thánh đã được phát biểu bằng một nota verbale, nghĩa là một công hàm ngoại giao chính thức, do Đức Tổng Giám Mục người Anh Paul Gallagher, bộ trưởng ngoại giao của Tòa Thánh, gửi cho Đại sứ Ý tại Tòa Thánh, Pietro Sebastiani, vào giữa tháng 6. Đó không phải là một bức thư cá nhân của Đức Tổng Giám Mục Gallagher, mà là một tuyên bố định chế của Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Nội dung của công hàm này đầu tiên được tờ báo Ý Corriere della Sera tường trình, và được một viên chức Tòa Thánh thông thạo về vấn đề này xác nhận với Crux.

Trong khi Hiệp ước Lateran, là hiệp ước thiết lập ra Thị Quốc Vatican sau khi mất các Lãnh tổ Giáo hoàng trong bối cảnh thống nhất nước Ý vào thế kỷ 19, dành cho cho Tòa Thánh cơ hội để khẳng định các quyền của mình đối với chính phủ Ý, điều này đánh dấu lần đầu tiên Tòa Thánh sử dụng dự liệu đó để phản đối một dự luật trước khi nó được thông qua.

Trong số nhiều điểm khác, các nhà phê bình cho rằng biện pháp chống kỳ thị người đồng tính hiện đang được Thượng viện Ý xem xét có thể yêu cầu các trường tư Công Giáo điều chỉnh chương trình giảng dạy để áp dụng các bài học bắt buộc của chính phủ về lòng khoan dung và phái tính, đồng thời nó cũng có thể kết tội hình một số biểu thức công khai của giáo lý Công Giáo về tình dục và hôn nhân.

Không rõ đâu là tác động tức thời của cuộc phản đối của Tòa Thánh, mặc dù lãnh đạo của đảng trung tả chính của Ý, người đề xuất chính của dự luật, hôm thứ Ba cho biết mặc dù “thiết kế” của nó nên được duy trì, đảng của ông sẵn sàng “đối thoại” về “các vấn đề pháp lý”.

Theo lý thuyết, nếu đề xuất, được gọi là "dự luật Zan" ở Ý theo tên của Alessandro Zan, một nhà lập pháp công khai đồng tính, người đã đề xuất nó, được thông qua mà không đáp ứng mối quan tâm của Tòa Thánh, Hiệp ước Lateran dự kiến việc thành lập một ủy ban chung giữa Ý và Tòa Thánh để giải quyết cuộc tranh chấp.

Mặc dù Đức Giáo Hoàng Phanxicô được tiếng có lập trường chấp nhận tổng quát đối với các vấn đề đồng tính nam và đồng tính nữ, cuộc phản đối mới của Tòa Thánh xem ra vẫn nhất quán với việc ngài phản đối đi phản đối lại điều ngài gọi là “lý thuyết phái tính”, coi nó như trường hợp hàng đầu của điều ngài vốn mô tả là “thực dân hóa ý thức hệ”.

Một phát biểu gần đây về quan điểm đó là trong một cuốn sách phỏng vấn giữa Đức Giáo Hoàng và một linh mục người Ý được phát hành vào năm ngoái, trong đó vị linh mục hỏi Đức Phanxicô rằng ngày nay ngài thấy đâu là điều ác đang hoành hành.

Đức Giáo Hoàng trả lời rằng : “Một chỗ là ‘lý thuyết phái tính’”, đồng thời nói thêm rằng ngài không nói về các cố gắng nhằm chống lại sự kỳ thị dựa trên khuynh hướng tình dục.

Đức Phanxicô nói, lý thuyết phái tính, thay vào đó, có một mục đích văn hóa “nguy hiểm” là xóa bỏ mọi sự phân biệt giữa nam và nữ, điều này sẽ “phá hủy tận gốc” kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người: “Sự đa dạng, sự phân biệt. Nó sẽ làm cho mọi thứ đồng nhất, trung lập. Đó là một cuộc tấn công vào sự khác biệt, vào tính sáng tạo của Thiên Chúa và vào người đàn ông và người đàn bà”.

Năm 2019, Bộ Giáo dục Công Giáo của Tòa Thánh đã ban hành một tài liệu chỉ trích lý thuyết phái tính có tiêu đề “Người dựng nên họ có nam có nữ”, bao gồm “các lời kêu gọi công chúng công nhận quyền lựa chọn phái tính của người ta và nhiều loại hình kết hợp mới, trực tiếp mâu thuẫn với mô hình hôn nhân giữa một người đàn ông và một người đàn bà, vốn bị mô tả như một vết tích của các xã hội tổ phụ”.

Cuộc phản đối ngoại giao của Tòa Thánh cũng xây dựng trên các phản đối dự luật Zan do Hội đồng Giám mục Ý, CEI, phát biểu vào tháng 6 năm ngoái và gần đây nhất là vào tháng 4 vừa qua, khi Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, chủ tịch hội đồng, nói rằng “một đạo luật nhằm chống lại việc kỳ thị không thể, và không được, theo đuổi mục tiêu đó một cách bất khoan dung".

Mặc dù các cuộc thăm dò có khác nhau, hầu hết cho thấy đâu đó từ một nửa đến hai phần ba người Ý nói rằng họ ủng hộ dự luật Zan. Nó được hỗ trợ bởi liên minh cầm quyền hiện tại nhưng bị phản đối bởi các đảng trung hữu, đặc biệt là đảng dân túy Lega do cựu Phó Thủ tướng Matteo Salvini lãnh đạo.

Dự luật đã được Hạ viện Ý thông qua hồi tháng 11 năm ngoái và hiện đang ở trước Ủy ban Tư pháp của Thượng viện Ý.

Theo bản cập nhật năm 1984 của Hiệp ước Lateran 1929, Giáo Hội Công Giáo ở Ý phải được bảo đảm “quyền tự do tổ chức, thực hiện việc thờ phượng công cộng, thực thi huấn quyền và thừa tác vụ giám mục”, cũng như “quyền tự do hoàn toàn cho người Công Giáo. và các hiệp hội và tổ chức của họ được hội họp và bày tỏ tư tưởng của họ bằng lời nói, bằng văn bản và mọi phương tiện truyền thông khác".
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh đời sống của Thánh Gioan tẩy gỉa
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
15:11 22/06/2021
Hình ảnh đời sống của Thánh Gioan tẩy gỉa

Từ thế kỷ 04. sau Chúa giáng sinh đã có lễ mừng sinh nhật của Thánh Gioan tẩy gỉa vào ngày 24.Tháng sáu hằng năm dựa trên phúc âm của Thánh sử Luca tường thuật viết lại„ Bà Elisabeth có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến Galileo thành Nazareth gặp trinh nữ Maria. ( Lc 1,26-27).

Cũng từ thế kỷ thứ 04. sau Chúa giáng sinh, Giáo Hội Công Giáo Roma ấn định ngày lễ mừng sinh nhật Chúa Giêsu vào ngày 25. Tháng Mười Hai hằng năm.

Thánh Gioan con bà Elisabeth là người chị em họ hàng với Đức Mẹ Maria, thành hình sự sống trong cung lòng mẹ trước Chúa Giêsu sáu tháng. Nên Giáo Hội ấn định ngày mừng sinh nhật của Gioan sáu tháng trước lễ sinh nhật Chúa Giêsu.

Ngày 24. Tháng Sáu, ngày bản lề, ngày cao điểm bắt đầu mùa Hè, và từ ngày này ánh sáng mặt trời từ từ xuay chuyển sang mùa Thu, mùa Đông.

Ngày mừng sinh nhật Chúa Giêsu sáu tháng sau đó, ngày 25. Tháng Mười Hai, ngày này cũng là ngày bản lề ánh sáng mặt trời cùng thời tiết xuay chuyển từ đêm tối của mùa Thu, mùa Đông từ từ sáng dần ra sang tiết trời mùa Xuân và mùa Hè.

Thánnh Gioan sinh ra đời trước Chúa Giêsu sáu tháng và theo phúc âm thuật lại Ông là người đi trước dọn đường cho Chúa Giêsu đến. Gioan là tiếng kêu trong sa mạc rao giảng sự ăn năn thống hối từ bỏ tội lỗi trở về với Chúa.

Ông không chỉ rao giảng, nhưng còn làm phép Rửa cho mọi người đến xin, để tỏ lòng khiêm nhượng xin ơn tha thứ. Và chính Chúa Giêsu cũng đã đến nhận lãnh phép Rửa của Ông Gioan bên bờ sông Jordan.
Theo Kinh Thánh cùng theo truyền thống và giáo huấn của Giáo hội, Chúa Giêsu từ trời cao đến trần gian mở đầu thời đại mới, thời đại Tân ước.

Còn Ông Gioan với vai trò là tiếng người kêu gọi dọn đường cho Chúa Giesu đến, nên được nhìn nhận là vị Ngôn sứ cuối cùng của thời Cựu ước.

Ông Gioan trở thành là „gạch nối“, ở vị trí nút dây thắt buộc cho hai thời đại Tân và Cược ước nối lại với nhau.

Ông Gioan như thế ở vị trí nối liền lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa giữa Do Thái giáo ( Cựu ước từ thời Mose) và Kitô giáo (Tân ước bắt đầu với Chúa Giêsu Kitô).

Thời cổ đại xa xưa không có tập tục ghi lại biến cố sinh ra, thời thơ ấu của ai cả. Nhưng những nhân vật quan trọng thường sau đó được thuật lại lịch sử sinh ra và đời thơ ấu của họ cách đặc biệt. Điều này cũng xảy ra nơi Thánh Gioan tẩy gỉa con Ông Zacharia và Bà Elisabeth.

Khi Thây tư tế Zacharia được Thiên Thần Chúa báo tin ông sẽ có con nối dõi tông đường. Ông qúa đỗi ngạc nhiên và không tin nổi lời Thiên Thần. Vì Ông và nhất là vợ ông đã qúa gìa rồi. Nên Ông bị phạt trở thành câm. Như thế Ông Zacharia cũng cùng chia sẻ số phận với các Ngôn sứ khác.

Thánh tiên tri Mose cũng đã không thể nói được: "Lạy Chúa, xin xá lỗi cho con, từ hồi nào đến giờ, ngay cả từ lúc Chúa ban lời cho tôi tớ Ngài, con không phải là kẻ có tài ăn nói, vì con cứng miệng cứng lưỡi.“ ( Xh 4,10)

Ngôn sứ Jeremia khiêm cung chân nhận "Ôi! Lạy ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói! „( Gr 1,6). Ngôn sứ Daniel trở thành người câm khi nghe lời Thiên Thần Gabriel nói: „Nghe những lời người nói đó, tôi cúi mặt xuống đất, không nói nên lời.“ ( Daniel 10,15).

Ngôn sứ Ezechiel đã thành câm điếc cho tới khi được Thiên Chúa chữa cho nói trở lại được để đi rao giảng sự năn năn thống hối cho dân chúng: „ Vào buổi chiều trước hôm người ấy đến, tay ĐỨC CHÚA đặt trên tôi. Và lúc người ấy đến vào buổi sáng, Người đã mở miệng cho tôi; miệng tôi đã mở ra, tôi không còn câm nữa.“ ( Ezechiel 33,22).

Thầy tư tế Zacharia, cha của Gioan, bị câm và chỉ có thể nói trở lại được khi con ông mở mắt chào đời, và được đặt tên là Gioan theo như lời Thiên Thần nói cho Zacharia trước đó trong đền thờ. Và như thế, đúng như lời lời đoan hứa thần thánh linh thiêng của Thiên Chúa đã nói qua Thiên Thần.

Ông Gioan sinh trưởng trong gia đình cha là thầy cả tư tế. Lẽ ra ông cũng nối gót theo nghiệp cha truyền con nối. Nhưng Gioan lại chọn con đường đời sống khác:“ Cậu bé càng lớn lên thì tinh thần càng vững mạnh. Cậu sống trong hoang địa cho đến ngày ra mắt dân Ít-ra-en.“ ( Lc 1,80).

Trong sa mạc ông sống cuộc đời khổ hạnh với sứ mệnh dọn đường cho Chúa Giêsu đến qua lời rao giảng ăn năn thống hối và làm phép Rửa cho dân chúng để được ơn tha tội cùng ơn cứu chuộc.

Ngày xưa thánh tiên tri Mose cũng nhận lãnh sự vụ được trao cho: „ dạy cho họ các thánh chỉ, các lề luật, và cho họ biết đường lối phải đi và cách phải xử sự.“( Xh 18,20).

Quần áo Gioan mặc là da thú lông lạc đà nói lên sự đơn giản nghèo nàn, và dây thắt lưng của ông diễn tả hình ảnh sức mạnh.

Ngày xưa Ngôn sứ Elija cũng có lối ăn mạc như thế: "Đó là một người mặc áo da lông, đóng khố da." Vua nói: "Đó là ông Ê-li-a người Tít-be! „ ( 2 Các Vua 1,8).
Thiên Chúa nói với ngôn sứ Jeremia:“ Còn ngươi, ngươi hãy thắt lưng.Hãy chỗi dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi.“ ( Gr 1,17).

Dây thắt lưng nơi ngôn sứ Isaia diễn tả sức mạnh thiêng liêng: “ Đai thắt ngang lưng là đức công chính,giải buộc bên sườn là đức tín thành.“ ( Isaia 11,5)

Như vậy dây thắt lưng là dấu chỉ nói lên các vị Ngôn sứ thi hành sự vụ của Thiên Chúa trao cho họ.

Ở vùng thung lũng Jordan nơi biển hồ Genezareth, thánh Gioan tẩy giả và Chúa Giêsu Kitô mở đầu sứ vụ rao giảng nước Thiên Chúa về sự công chính. Ông Gioan được các Thánh sử phúc âm diễn tả là vị tiền hô dọn đường cho Chúa Giêsu đến. Còn Chúa Giêsu Kitô là Đấng cứu thế được xức dầu cho Hội Thánh.

Chúa Giesu và Thánh Gioan không chỉ như Thánh sử Luca viết thuật lại trong phúc âm, nối liền liên hệ chặt chẽ với nhau trong lịch sử sự sinh ra
của hai người. Nhưng còn nhiều hơn thế nữa về sứ điệp, sự đau khổ và sau cùng sự tử nạn bị kế án của cả hai Vị song song cùng chung một số phận.

Hình ảnh lịch sử con đường đời sống của Chúa Giêsu và của Thánh Gioan viết lên cùng một cung cách lối sống là làm chứng cho lời đoan hứa của Thiên Chúa trong trần gian.

Lễ Thánh Gioan tẩy gỉa
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Phép lạ Đức Mẹ chữa lành tức khắc, y khoa không thể giải thích, cho một phụ nữ liệt giường ở Tiệp
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:48 22/06/2021


1. Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết đại dịch cũng không ngăn chặn nổi dòng người di cư

Số người trên thế giới buộc phải rời khỏi nhà cửa của họ đã tăng lên đến mức kỷ lục là 82 triệu trong năm ngoái bất chấp ảnh hưởng của đại dịch và bất kể việc đi lại trên toàn thế giới bị hạn chế nghiêm nhặt. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, gọi tắt là UNHCR, đã cho biết như trên.

Trong thập kỷ qua, tổng số người tị nạn đã tăng hơn gấp đôi, cụ thể là có hơn 1% tổng dân số thế giới phải di dời, xa nhà và không phải lúc nào đó cũng lựa chọn của họ.

Phần lớn là những người di cư trong nước, đặc biệt là do hạn chế đi lại và việc đóng cửa biên giới đã khiến họ gần như không thể vượt qua biên giới quốc tế. Kết quả là, chỉ có 250,000 người tị nạn có thể trở về quốc gia gốc của họ và chỉ có 34,000 người có thể tái định cư ở các nước thứ ba, UNHCR cho biết trong Báo cáo Xu hướng Toàn cầu của mình.

Theo UNHCR chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi số lượng người di cư trên toàn thế giới đạt đến kỷ lục 100 triệu người.

Người Syria chạy trốn chiến tranh và bạo lực đứng đầu danh sách với 6.8 triệu người, trong khi tổng cộng 13.5 triệu người Syria, tức là hơn một nửa dân số, đã phải di dời kể từ khi xung đột bắt đầu vào mùa xuân năm 2011. Người Venezuela theo sau với 4 triệu người.


Source:Asia News

2. Phép lạ Đức Mẹ chữa lành tức khắc, y khoa không thể giải thích, cho một phụ nữ liệt giường ở Tiệp

Chúa Nhật 20 tháng 6, trung tâm hành hương Đức Mẹ Philippsdorf, tiếng Tiệp gọi là Poutní místo Filipov, đã mừng 30 năm mở cửa trở lại sau thời kỳ cộng sản.

Nhân dịp này Thụy Khanh xin gởi đến quý vị và anh chị em một vài nét về phép lạ Đức Mẹ chữa lành tức khắc cho một phụ nữ nằm liệt giường tại Tiệp. Đó chính là phép lạ đã dẫn đến việc xây dựng đền thánh Đức Mẹ Philippsdorf.

Trong suốt lịch sử, Giáo Hội rất thận trọng trong việc nhìn nhận các cuộc hiện ra. Lý do phải thận trọng là vì rất nhiều các cuộc hiện ra được đính kèm với các thông điệp. Có những thông điệp phù hợp với đức tin Công Giáo, hướng dẫn các tín hữu sống tốt lành, và làm thế nào để trở nên gần gũi hơn với Chúa Kitô. Nhưng cũng có cả các “thông điệp” đưa ra những điều kỳ quái trái nghịch với đức tin Công Giáo, những lời tiên tri về thời sau hết, sự trở lại trái đất của các vật thể lạ, một số điều rất điên rồ, nên Giáo Hội cần phải tìm hiểu xem những điều nào có thể trở thành một vấn đề đối với các tín hữu hoặc đi ngược lại đức tin và luân lý và thực hiện các điều chỉnh về mục vụ.

Cuộc hiện ra của Đức Mẹ tại Philippsdorf là một trong 16 cuộc hiện ra được Tòa Thánh chính thức công nhận.

Magdalene Kade, sinh năm 1835, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Phép lạ diễn ra vào năm cô 31 tuổi. Khi ấy cô phải nằm liệt giường do nhiều bệnh tật. Lúc 2 giờ sáng ngày 13 tháng Giêng, 1866, cô không ngủ được vì đau đớn nên đã nhìn vào tấm hình Đức Mẹ Sầu Bi treo trên tường, đối diện với giường ngủ, và cầu nguyện.

Đến 4 giờ sáng, cô đánh thức người bạn thân đang chăm sóc cô, và nói: “Hãy nhìn vần sáng kia! Hãy nhìn người phụ nữ tuyệt đẹp.”

Người bạn nhìn nhưng không thấy gì. Magdalene là người có đặc ân duy nhất được nhìn thấy vẻ lộng lẫy của một phụ nữ mặc áo trắng, với vương miện vàng trên tóc, ở gần giường. Magdalene run rẩy và biết rằng mình đã được Đức Trinh Nữ Maria viếng thăm! Đức Mẹ khẽ mấp máy môi và nói: “Ta là Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu. Con gái của mẹ, giờ con đã được chữa lành!” Và rồi Đức Mẹ biến mất.

Magdalene thấy mình tràn đầy sinh lực. Cô đứng bật dậy và vui mừng thấy mình đã hoàn toàn lành lặn.

Một ủy ban do Đức Cha Pavel Wahala, Giám Mục giáo phận, thành lập đã xem xét sự kiện kỳ diệu này và công nhận việc chữa lành không thể giải thích về mặt y khoa và nhìn nhận tính cách siêu nhiên của biến cố này.

Trong khoảng thời gian từ năm 1870 đến năm 1885, một nhà thờ theo phong cách tân Rôma đã được xây dựng và được Giáo hoàng Lêô XIII nâng lên thành tiểu vương cung thánh đường. Ngài đã chính thức thánh hiến nhà thờ này và dành riêng kính Đức Mẹ Phù Hộ Các Tín Hữu.

Ngôi đền này đến nay vẫn là một địa điểm hành hương quan trọng tại Tiệp mặc dù có một thời gian bị cộng sản cấm cách.

Magdalene Kade qua đời tại Gerorgswalde và được tổ chức tang lễ trọng thể. Cô đã bán tất cả mọi thứ để có chi phí xây dựng cung thánh nhà thờ.
Source:Miracle Hunter

3. Đền Thánh Maria-Hilf-Basilika, Filipov

Sau khi Magdalene Kade qua đời ở tuổi 70, hài cốt của bà cuối cùng đã được cải táng về đền thánh Đức Mẹ Philippsdorf vào năm 1994.

Nhân kỷ niệm 60 năm Đức Mẹ hiện ra với tư cách là Sứ thần Tòa Thánh, Đức Cha Ambrogio Ratti, sau này là Đức Giáo Hoàng Piô thứ 11, đã đến thăm Philippsdorf vào năm 1920. Hai năm sau đó, ngày 6 tháng Hai, 1922 ngài trở thành Giáo Hoàng. Ngài cổ vũ các cuộc hành hương đến đền thánh Đức Mẹ Philippsdorf. Vào cuối những năm 1930, ngôi thánh đường đã là một trong những địa điểm hành hương được ghé thăm nhiều nhất ở Trung Âu.

Thêm vào đó, các linh mục tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế được ủy thác coi sóc đền thánh Đức Mẹ này từ năm 1884 đã không ngừng tổ chức các việc đạo đức thu hút biết bao cá tín hữu xa gần. Vì thế, đền thánh Đức Mẹ này càng trở nên nổi tiếng, và cũng trở thành cái gai trong mắt các phong trào cộng sản.

Tháng Hai, 1948, cộng sản cướp chính quyền, xóa sổ chế độ Đệ Tam Cộng Hòa. Chúng bắt ngay Cha Šimanovský, Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế coi sóc đền thánh Đức Mẹ này, và nhà thờ bị đóng cửa.

Vương cung thánh đường và tu viện Dòng Chúa Cứu Thế đã bị mục nát theo dòng thời gian. Tượng Đức Mẹ được đưa về thủ đô Praha. Năm 1985, Đức Tổng Giám Mục František Tomášek của Praha, đã dâng cho tượng Đức Mẹ một chiếc vương miện bằng bạc với sáu viên đá garnet kiểu Bohemian.

Cuối tháng 12, 1989 cộng sản sụp đổ hoàn toàn. Đền thánh Đức Mẹ Philippsdorf được tái thiết và 30 năm trước các cuộc hành hương đã được tái tục.
Source:Wiki
 
Tin dữ: Linh mục Mexico dòng Phanxicô lọt vào vòng giao tranh của du đảng, trúng nhiều loạt đạn
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:05 22/06/2021


1. Linh mục Mễ Tây Cơ bị thảm sát trên đường đến nhà thờ dâng thánh lễ

Một linh mục đã thiệt mạng trong một trận mưa đạn khi đang trên đường đến nhà thờ cử hành thánh lễ ở miền bắc Mễ Tây Cơ hôm thứ Bảy.

Cha Juan Antonio Orozco Alvarado, 33 tuổi, dòng Phanxicô, đã vô tình lọt vào giữa vòng giao tranh của các băng đảng ma túy đang thanh toán nhau. Không chỉ có ngài, nhiều anh chị em giáo dân khác cũng bị giết cùng với ngài.

Vị linh mục đang trên đường đến thăm mục vụ cộng đoàn Tepehuana de Pajaritos.

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết như sau:

“Một số thành viên vũ trang của băng đảng Jalisco Nueva Generación (CJNG) và băng đảng Sinaloa bắt đầu tấn công lẫn nhau khi Cha Orozco và một nhóm nhỏ các tín hữu của cộng đoàn, là những người đã chào đón ngài, đang đi đến nhà thờ với ngài.”

Cha Orozco, gốc ở Monclova, thuộc bang Coahuila, miền bắc Mễ Tây Cơ, là một linh mục quản xứ ở Santa Lucía de la Sierra, trong thành phố Valparaíso, Zacatecas. “Padre Juanito”, theo cách gọi của người dân địa phương, mới bắt đầu công việc mục vụ của mình trong khu vực cách đây sáu tháng.

Hội đồng Giám mục Mễ Tây Cơ, gọi tắt là CEM, đã bày tỏ thất vọng đối với chính quyền về vụ xả súng này và bày tỏ hy vọng rằng Đức Mẹ Guadalupe “sẽ xoa dịu nỗi đau của chúng ta bằng trái tim của Mẹ và khôi phục lại công lý và hòa bình trong xã hội của chúng ta”. CEM cũng nói rằng Cha Orozco là “một nạn nhân của bạo lực đang tồn tại dai dẳng ở đất nước chúng ta”.

Đức Cha Luis Flores Calzada của Tepic cho biết trên Facebook rằng Cha Orozco đã bị giết tại khu đô thị Mezquital thuộc bang Durango khi ngài “bước vào làn đạn của hai nhóm đang giao tranh” trên đường cao tốc Durango đến Zacatecas. Đức Cha gửi kèm một bức ảnh chụp linh mục nằm úp mặt bên cạnh một chiếc xe bán tải màu đỏ với những vết đạn trên đó. Ngài đã bị bắn bất chấp cửa tài xế của chiếc xe bán tải ghi rõ xe này của các tu sĩ dòng Phanxicô.

Ít nhất 29 linh mục đã bị giết ở Mexico kể từ năm 2012, theo Trung tâm Đa phương tiện của Công Giáo Mễ Tây Cơ.
Source:Aleteia

2. Quân đội Miến Điện bắt bảy linh mục, đốt cháy một ngôi làng

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Lực lượng vũ trang Miến Điện, thường được gọi là Tatmadaw, đã tiếp tục thực hiện các hành động bạo lực chống lại Giáo Hội Công Giáo và dân thường.

Hôm 19 tháng Sáu, một linh mục Công Giáo đã bị bắt cóc, bị thẩm vấn trong 11 giờ và sau đó được thả. Cha Michael Aung Ling, linh mục quản xứ ở Giáo xứ Hakha, bị tình nghi ủng hộ lực lượng kháng chiến ở Kanpetlet, một thị trấn ở Bang Chin.

Ngài chỉ được trả tự do sau khi ký một văn bản tuyên bố cam kết không ủng hộ các nhóm hoặc các phong trào phản đối quân đội.

Số phận tương tự cũng ập đến vào ngày 19 tháng Sáu với sáu linh mục và một giáo dân. Các vị đã bị bắt cóc khỏi một ngôi làng ở Mandalay vì bị buộc tội giúp đỡ những phiến quân trẻ tuổi.

Vào tối thứ Ba, quân đội đã phóng hỏa ngôi làng Kin Ma ở Magway, một khu vực ở miền trung Miến Điện, giết chết ít nhất hai người già bị mắc kẹt trong nhà của họ. Người dân địa phương nói với Reuters.

Đài truyền hình nhà nước Miến Điện đổ lỗi cho những người mà họ gọi là “những kẻ khủng bố” về vụ cháy này và tuyên bố rằng các phương tiện truyền thông nào đưa ra một phiên bản khác của vụ việc là “cố tình âm mưu làm mất uy tín quân đội”.

Theo người dân, các binh sĩ đã đốt cháy ngôi làng sau khi đụng độ với các lực lượng chống lại chính quyền quân sự.

Hơn 200 ngôi nhà đã biến thành tro, chỉ còn lại 30 ngôi nhà may mắn. Hầu hết dân chúng đã bỏ chạy tìm nơi trú ẩn trong rừng để thoát khỏi bạo lực.

Vài ngày trước đó, các lực lượng quân đội đã đột kích vào các ngôi làng trong khu vực Tabayin và nổ súng vào dân thường sau khi cắt nguồn cung cấp điện.
Source:Asia News

3. Đức Tổng Giám Mục Pizzaballa đến thăm Gaza ban các bí tích và bày tỏ tình liên đới

Một ngày bắt đầu với những trái tim nặng nề khi đến thăm những ngôi nhà bị hư hại trong cuộc giao tranh hồi tháng Năm giữa Hamas và Israel, nhưng đã kết thúc trong một cử hành đức tin, tình yêu và gia đình vào ngày 16 tháng 6 khi Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Latinh của Giêrusalem đi thăm các thành viên của cộng đoàn Công Giáo thiểu số ở Gaza.

Đức Thượng Phụ đã ban phép rửa tội cho một em bé mới chào đời, ban phép thêm sức cho 3 em, cho 18 em được Rước lễ lần đầu và chúc lành cho năm học sinh sẽ sớm tham dự kỳ thi Tawjihi, kết thúc bậc trung học.

Chuyến thăm bốn ngày tới Gaza của Đức Thượng Phụ còn bao gồm Đức Giám Mục Giacinto-Boulos Marcuzzo và 6 thành viên khác của Tòa Thượng Phụ Latinh. Ông Sami El-Yousef, điều phối viên tại Tòa Thượng Phụ Giêrusalem cho biết “Các nghi lễ làm chúng tôi lên tinh thần. Ngày đầu tiên chúng tôi đến mọi người thực sự mệt mỏi, cảm thấy bất lực giữa một nơi thật hoang tàn. Hôm nay đã có một tinh thần hoàn toàn khác. Tinh thần vô cùng vui vẻ. Mọi người rất vui khi được Đức Thượng Phụ đến thăm”.

El-Yousef lưu ý: phải mất gần ba tuần để phái đoàn nhận được sự cho phép của Israel để vào Gaza.

El-Yousef nói với CNS trong một cuộc điện thoại từ Gaza ngày 16 tháng 6 rằng anh ta đã bị đánh thức vào sáng sớm hôm đó bởi một đợt ném bom khác của Israel, một trong những mục tiêu cách nơi anh ta ngủ trong nhà khách của các Nữ tu Mân Côi khoảng 400 mét.

Lực lượng Phòng vệ Israel cho biết họ đã nhắm mục tiêu vào các công sự của Hamas sau khi các quả bóng bay gây cháy được Hamas phóng đi từ Gaza tạo ra 20 đám cháy ở miền nam Israel vào ngày 15 tháng 6. Hamas nói rằng những quả bóng bay nổ này là để trả đũa cho một cuộc tuần hành ở Thành phố Cổ Giêrusalem của những người theo chủ nghĩa dân tộc Israel.
Source:Crux

4. Israel không kích vào Gaza ngay khi Đức Thượng Phụ vẫn ở tại đây

Các máy bay phản lực của không quân Israel đã tiến hành một loạt các cuộc không kích, nhiều lần trong vài ngày qua, nhắm vào các mục tiêu của phong trào Hamas cực đoan ở Gaza. Một phát ngôn viên của quân đội cho biết máy bay chiến đấu đã tấn công các vị trí của lực lượng dân quân để đối phó với vụ phóng khinh khí cầu vào Israel. Các vụ nổ cũng đã được tường trình bởi các nhân chứng bên trong dải gaza, nhưng cho đến nay, các cuộc không kích này chưa gây ra thương vong nào.

“ Đã có những vụ đánh bom có chủ đích ở những nơi cụ thể”, Cha Gabriel Romanelli, linh mục dòng Ngôi Lời Nhập Thể người Á Căn Đình và phụ trách giáo xứ Thánh Gia cho biết: “Chúng tôi không nghe thấy gì liên quan đến thương vong trong giáo xứ, nhưng vẫn lo sợ rằng các vụ đánh bom có thể sẽ tiếp tục”.

Việc phóng tên lửa và các cuộc không kích để đáp trả “là chuyện thường thấy ở đây” và không làm đảo lộn chương trình của Đức Thượng phụ Latinh của Giêrusalem. Chuyến thăm của Đức Thượng Phụ Pierbattista Pizzaballa tới Dải Gaza kéo dài từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 6.

Đây là hoạt động quân sự thứ hai ở Gaza kể từ đầu tuần và kể từ khi kết thúc cuộc xung đột kéo dài 11 ngày hồi tháng 5, khiến hàng chục người chết và hàng trăm người khác bị thương. Israel tuyên bố đã tấn công một địa điểm quân sự của Hamas và một trạm phóng tên lửa, nằm ở thành phố Gaza và ở Khan Younès, một thị trấn ở phía nam của dải đất này.

Trong khu vực, nơi mà Israel áp đặt lệnh phong tỏa kinh tế và thương mại rất gắt gao đối với Hamas, là lực lượng cai quản lãnh thổ, trong 15 năm qua, khoảng hai triệu người đã phải sống trong một kiểu “nhà tù lộ thiên”.
Source:Asia News