Ngày 21-06-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chọn làm gia nghiệp
Lm. Minh Anh
01:25 21/06/2021
CHỌN LÀM GIA NGHIỆP
“Hạnh phúc thay dân nào, Chúa chọn làm gia nghiệp!”.

Trong cuốn sách “Wealthy People in the New Testament”; tạm dịch, “Những Người Giàu của Tân Ước”, tác giả viết, “Tập ngân phiếu của bạn là một cuốn nhật ký về các việc lành; đó cũng là sản nghiệp trên trời của bạn. Thiên Chúa kêu gọi con cái Ngài phải từ bi, nhân hậu và công bình với mọi người. Tập ngân phiếu của bạn có phản ánh những giá trị như thế không? Nó có thể hiện tấm lòng vàng xót thương của bạn đối với những người khác không?”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục khai triển Bài Giảng Trên Núi; Ngài dạy chúng ta cách thức làm dày ‘tập ngân phiếu’ mai ngày, bằng cách nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa, để sống xót thương như Ngài, xứng đáng là thần dân của Vương Quốc mới. Và sẽ rất bất ngờ, khi chúng ta coi Abraham, như một nhân vật tiền trưng, nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa; ông đại diện cho những ai sống trong Vương Quốc đó, những ai được Chúa ‘chọn làm gia nghiệp’.

Hôm nay và những ngày tiếp theo, sách Sáng Thế tường thuật ơn gọi của Abraham, Thiên Chúa đưa ông ra khỏi xứ sở, ban cho ông lời hứa và ‘Đất Mới’ làm gia nghiệp. Abraham đã tin vào Chúa; không chần chờ, ông từ bỏ quê hương để đi theo lời Ngài mời gọi, “Ông đem Sarai, vợ ông, và Lót là cháu, cùng với tất cả tài sản và gia nhân mà họ có ở Haran”. Chính sự mềm mỏng và niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, cùng với việc nhận ra lòng thương xót của Ngài mà về sau, Abraham cư xử nhân từ với Lót, cháu ông; khi ông dám đứng ra mặc cả với Thiên Chúa cho các thành tội lỗi, hoặc khi ông dám hiến tế cho Ngài cả Isaac, đứa con yêu dấu; vì thế, Abraham được kể là công chính, là cha các kẻ tin. Đúng thế, Thiên Chúa đã giữ lời, ban cho ông ‘Đất Mới’, đây cũng là hình ảnh báo trước một Vương Quốc mà Chúa Giêsu, Đấng sinh ra từ dòng dõi Abraham, sẽ thiết lập. Chính Abraham thời Cựu Ước và những ai sống yêu thương trong Vương Quốc của Giêsu, thời Tân Ước sẽ là ‘Dân Mới’ của Thiên Chúa, được Ngài ‘chọn làm gia nghiệp’. Thánh Vịnh đáp ca hôm nay biểu tỏ hồng phúc vinh dự này, “Hạnh phúc thay dân nào, Chúa chọn làm gia nghiệp!”.

Với Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy tất cả những ai trong tư cách là con cái, những ai được Chúa ‘chọn làm gia nghiệp’ biết nhận ra lòng thương xót của Ngài hầu có thể xót thương anh chị em mình trong việc đoán xét. Ngài nói, “Các con đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét!”; bằng một bức tranh vô cùng thú vị, minh hoạ của Ngài đầy tính hài hước, “Sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em, mà không thấy cái đà trong mắt ngươi?”. Theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, “‘Đà’, khúc gỗ cứng và tròn, dùng để luồn xuống dưới một vật nặng để dễ kéo hoặc đẩy đi”.

Chúng ta, những người có ‘đà’ trong mắt đang sống một nền ‘văn hoá đoán xét’ vốn rất thịnh hành; bản năng lên án, miêu tả ai đó dưới ‘ánh sáng’ tồi tệ nhất của họ luôn được ưu tiên! Chúa Giêsu nhận thức rất rõ điều này, Ngài biết tất cả chúng ta đều ‘giảm thị lực’ khi nói đến người khác. Buồn thay, xu hướng này phổ biến hơn nhiều so với những gì hầu hết chúng ta muốn thừa nhận; và khuynh hướng thế tục ngày càng tăng này, lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến suy nghĩ và hành động của chúng ta. Vậy, thử hỏi, là con cái Thiên Chúa, được Ngài ‘chọn làm gia nghiệp’, tại sao chúng ta lại dễ xét đoán người khác đến thế; tại sao chúng ta dễ nhìn thấy thất bại của người khác, chú tâm vào tội lỗi, chỉ ra điểm yếu của họ và nói về lỗi lầm của họ cho người này người kia? Có lẽ một phần, là nhiều người trong chúng ta không được bình an trong tâm hồn; hoặc chính sự hiện diện của tội lỗi trong cuộc sống đã khiến chúng ta không có khả năng nhìn thấy sự tốt lành mà chỉ thấy sự khiếm khuyết nơi anh em; thấy họ như mình hoặc tệ hơn mình, chúng ta trấn an lương tâm! Thật không may, việc lên án người khác mang lại cho chúng ta một ‘sự hài lòng’ nhất định, nhưng đó là một ‘sự hài lòng’ sẽ không bao giờ được thoả mãn. Oái ăm thay! Ước muốn lên án, và phán xét sẽ chỉ phát triển mạnh hơn khi tần suất của tội lỗi này được thực hiện nhiều hơn.

Anh Chị em,

Những lời này có vẻ khó chịu, nhưng đó là sự thật! Lời Chúa mời gọi chúng ta đối mặt với sự thật hầu có thể thay đổi cách nghĩ, cách nhìn. Muốn chiến thắng nó, chúng ta nghiền ngẫm Lời Ngài, “Các con đong bằng đấu nào, sẽ được đong lại bằng đấu ấy”. Với ân sủng Chúa, chúng ta quyết tâm sửa chữa và đó là cách duy nhất để được tự do. Bên cạnh đó, cách tốt nhất để loại bỏ một thói quen xấu là hình thành một thói quen tốt! Mỗi khi bị cám dỗ này, hãy lập tức cầu nguyện cho người anh em, chiêm ngắm lòng thương xót của Chúa trên họ và trên cả chúng ta; bình an nhất định sẽ đến! Có như thế, chúng ta mới xứng đáng là con cái trong Vương Quốc của Cha, vì đã được Ngài ‘chọn làm gia nghiệp’.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin giải thoát con khỏi tội lỗi này, hầu con có thể dễ dàng nhìn thấy sự tốt lành của Chúa nơi những người khác và vui mừng trước sự hiện diện của Chúa trong anh em con”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Chúa là động lực và cùng đích
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
05:12 21/06/2021
SINH NHẬT THÁNH GIOAN TẨY GIẢ

CHÚA LÀ ĐỘNG LỰC VÀ CÙNG ĐÍCH

Chúng ta cùng dõi theo ơn gọi của thánh Gioan Tẩy giả. Đó là một ơn gọi huyền nhiệm, tràn đầy tình thương của Chúa.

Theo truyền thống Hội Thánh, thánh Gioan sinh khoảng năm 6 trước Công nguyên, qua đời khoảng năm 36 trong thời Chúa Giêsu bắt đầu hoạt động công khai.

Theo Tân Ước, trước khi thực hiện vai trò là người chuẩn bị tâm hồn con người đón nhận Đấng Cứu Thế, thánh Gioan có một thời gian tĩnh tâm sống kết hợp với Chúa trong thinh lặng, trong không gian hoàn toàn chìm lắng của hoang địa.

Thánh nhân đêm ngày sốt sắng cầu nguyện cho sứ mạng cao cả của mình bằng cách sống khổ hạnh, chay tịnh nghiêm ngặt. Thời gian này, thánh nhân chỉ mặc áo lông thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng.

Thánh Gioan là vị tiên tri cuối cùng của Cựu ước, nhưng lại là tiên tri lớn. Đúng hơn, thánh Gioan là vị tiên tri chuyển giao giữa Cựu và Tân ước. Thánh Gioan xuất hiện công khai vào giai đoạn cuối của cả một hành trình Cựu Ước dài, như tiếng kêu trong sa mạc, giữa lúc nhân loại ngóng đợi Đấng Cứu Thế, đòi mọi người phải thống hối để bước vào chương trình cứu chuộc mà Đấng Cứu Thế sẽ thực hiện.

Sau thời gian tĩnh lặng trong ơn nghĩa Chúa, theo ý định thánh thiện và quyền năng của Chúa, thánh Gioan trở thành nhà giảng đạo du mục lừng danh kêu gọi lòng người ăn năn sám hối.

Thánh Gioan dẫn đầu phong trào chứng minh lòng sám hối bằng việc thực hành phép rửa tẩy giả tại sông Jordan. Nhờ sự khiêm nhường, lời rao giảng nghiêm túc, và phép rửa lôi cuốn, đặc biệt với ơn Chúa phù trợ, thánh Gioan thu hút một số lượng môn đệ lớn nhằm tiên báo cho sứ vụ hoạt động của Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế mà loài người mong đợi, sẽ xuất hiện trong nay mai.

Chính thánh Gioan, qua thánh ý quan phòng của Thiên Chúa, đã thực hiện nghi thức tẩy giả cho Chúa Giêsu trên dòng sông Jordan. Bằng hình thức chấp nhận dìm toàn thân xuống dòng nước, Chúa thiết lập bí tích rửa tội, thánh hóa nước thánh tẩy và nêu gương ăn năn sám hối cho mọi con người.

Chính Ba Ngôi Thiên Chúa cùng xuất hiện uy nghi sau khi dòng nước thánh tẩy đã được Chúa Giêsu thánh hóa: Chúa Cha phán dạy để xác nhận Chúa Giêsu: “Này là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mc 9, 7). Chúa Thánh Thần xuất hiện bên trên Chúa Giêsu bằng hình tượng chim bồ câu.

Thánh Gioan hoàn tất sứ mạng bằng cái chết oan nghiệt ngay khi Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế mà muôn dân đợi trông, bắt đầu sứ mạng cứu thế của Chúa.

Huyền nhiệm và tình thương của Chúa thể hiện trong chính ơn gọi mà thánh Gioan đảm trách, dễ dàng nhận thấy qua từng giai đoạn của cuộc đời ngài: được thiên thần truyền tin để làm người, sinh ra bởi người mẹ và người cha già nua, được Chúa sai dọn đường cho Đấng Cứu Thế xuất hiện giữa trần gian và ngự trị tâm hồn con người, dọn đường tâm hồn con người ăn năn tội chuẩn bị đón Chúa Cứu Thế.

Chúa sai thánh Gioan. Ngài lên đường bằng một đời vâng phục đến giây phút hoàn tất hành trình trần thế, nhằm chứng minh Tin Mừng sự sống của Chúa Kitô.

Từ ngàn xưa, Chúa đã chọn các tiên tri. Việc tuyển chọn không bao giờ dừng lại. Chúa tiếp tục chọn gọi mỗi tín hữu hôm nay làm tiên tri, nhân danh Chúa loan tin mừng cứu độ, tin mừng tình yêu, cũng là tin mừng sự sống cho muôn người.

Noi gương các tiên tri, nhất là gương thánh Gioan, đồng thời ý thức cao bổn phận ngôn sứ đã lãnh nhận trong ngày rửa tội, từng người, tùy trách vụ, quyền hạn, ảnh hưởng, hoàn cảnh, chức bậc... của mình mà hăng say làm chứng cho Chúa. Nếu cần, dám sống, dám chết cho Tin Mừng của Chúa, cho phần rỗi của anh chị em.

Ra đi dấn thân cho Tin Mừng không hề dễ, nhưng đầy bất trắc, chông gai, thách đố. Hành trang người tông đồ, ngoài gương đổ máu của các tiên tri, nhất là cái chết oan nghiệt của thánh Gioan, ta cần ghi sâu lời Chúa Giêsu: "Anh em hãy ra đi, Thầy sai anh em đi như chiên con vào giữa bầy sói" (Lc 10, 3), mà nung nấu sức mạnh, sự kiên cường, nghị lực, quyết tâm để Chúa lớn lên trong linh hồn anh chị em.

Người tông đồ phải luôn hiểu: càng khó khăn, càng tín thác vào Chúa. Chúa từng lưu ý: "Không có Thầy, các con không làm gì được" (Ga 15, 5). Hãy ngã mình vào tay Chúa. Phó thác không bao giờ ngơi vào quyền năng và ân sủng của Chúa.

Thánh Gioan bắt đầu ơn gọi với hình ảnh Chúa Cứu Thế. Ngài kết thúc sứ mạng trong mong muốn: Chúa phải lớn lên, còn chính ngài phải được nhỏ đi (x.Ga 3, 30).

Cũng vậy, các tín hữu hôm nay, những môn đệ mới của Chúa phải luôn thâm tín: Chính Chúa là động lực thúc đẩy ra đi. Cũng chính Chúa là cùng đích để quay về.
 
23/6: Hãy xem quả thì các con sẽ biết chúng - Suy Niệm của Lm Nguyễn Trọng Thiên, SVD – Kinh Thánh Giuse
Giáo Hội Năm Châu
21:06 21/06/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 22-June-2021 theo giờ Việt Nam


PHÚC ÂM: Mt 7, 15-20

“Hãy xem quả thì các con sẽ biết chúng”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Hãy coi chừng các tiên tri giả. Họ mặc lốt chiên đến cùng các con, nhưng bên trong, họ là sói dữ hay cắn xé. Hãy xem quả thì các con sẽ biết được chúng. Nào ai hái được trái nho nơi bụi gai, hoặc trái vả nơi bụi găng sao? Cũng thế, cây tốt thì sinh trái tốt, còn cây xấu thì sinh trái xấu. Cây tốt không thể sinh trái xấu, và cây xấu không thể sinh trái tốt. Các cây không sinh trái tốt sẽ bị chặt đi và ném vào lửa. Vậy coi trái thì các con sẽ nhận biết được chúng”.

Đó là lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đại dịch đang lan nhanh ở Afghanistan, Pakistan bất ngờ đóng cửa biên giới
Đặng Tự Do
15:39 21/06/2021


Các biến thể của coronavirus ở Ấn Độ đang tràn qua các nước khác. Sau Nepal, Afghanistan hiện đang nằm ở tuyến đầu của đại dịch COVID-19, trong đợt bùng phát ở Á châu. Số ca nhiễm bệnh đạt những mức cao mới, gây áp lực lớn lên các bệnh viện của nước này.

Theo thông tấn xã Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, khoảng 1,677 trường hợp nhiễm COVID-19 mới đã được báo cáo trong 24 giờ của ngày thứ Sáu 18 tháng 6. Con số này có vẻ không nhiều. Tuy nhiên, trong tổng số 38 triệu dân, đến nay chỉ mới có 4,711 người được kiểm tra. Như thế, số người nhiễm bệnh trong số người được kiểm tra đã lên đến 30%.

Với việc thử nghiệm quá hạn chế và tỷ lệ dương tính cao như thế, nhiều người cho rằng những con số thực của đại dịch đang bị đánh giá thấp.

Làn sóng lây nhiễm ngày càng tăng diễn ra vào thời điểm bạo lực gia tăng liên quan đến việc rút quân theo từng giai đoạn của quân đội Hoa Kỳ và các lực lượng quốc tế khác.

Tình hình nghiêm trọng nhất là ở Kabul, nơi các nguồn tin địa phương ghi nhận rằng khoảng 300 người phải nhập viện mỗi ngày, hầu hết trên 40 tuổi.

“Afghanistan đang ở thời điểm khủng hoảng trong cuộc chiến ngăn chặn COVID-19”, Nilab Mobarez, quyền Chủ tịch Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Afghanistan, cho biết trong một tuyên bố do Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đưa ra.

Một vụ bùng phát cũng đã được báo cáo tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Kabul, thủ đô Afghanistan, nơi đang điều phối việc rút quân của Hoa Kỳ dự kiến hoàn thành vào ngày 11 tháng 9. Do đó, toàn bộ đại sứ quán và nhân viên của nó đã được đặt trong tình trạng cách ly.

Trong khi đó, Pakistan đã quyết định đóng cửa biên giới với Afghanistan tại Cổng Hữu nghị ở thị trấn biên giới Chaman vào ngày 19 tháng 6.

Hàng nghìn người qua lại biên giới mỗi ngày. Với quyết định đóng cửa đột ngột này, một hàng dài xe cộ và dân chúng đã bị mắc kẹt ở phía bên Afghanistan.

Việc triển khai chậm chiến dịch tiêm chủng cũng đang giúp vi rút lây lan. Chỉ có 656,000 người được tiêm chủng trong tổng số 38 triệu dân, bao gồm 121,000 nhân viên y tế và 81,000 giáo viên.
Source:Asia News
 
Tổng tư lệnh quân đội Colombia xác nhận tượng Đức Mẹ còn nguyên sau vụ nổ kinh hoàng
Đặng Tự Do
15:40 21/06/2021


Tượng Đức Mẹ còn nguyên vẹn một cách hoàn hảo sau vụ tấn công bằng xe bom tại một căn cứ quân sự Colombia

Hôm thứ Ba, 15 tháng 6, một vụ tấn công bằng xe bom đã diễn ra tại một căn cứ quân sự ở Colombia khiến ít nhất 36 người bị thương.

Tuy nhiên, những bức ảnh đáng kinh ngạc về một bức tượng Đức Mẹ còn nguyên vẹn đã lan truyền trên mạng xã hội sau vụ tấn công. Vụ nổ xảy ra cách bức tượng chưa đầy 20m!

Vụ tấn công xảy ra gần nơi ở của người Venezuela tại căn cứ của Lữ đoàn Lục quân 30 ở Cúcuta, Colombia lúc 3h30 chiều giờ địa phương.

Vài giờ sau, những hình ảnh đáng kinh ngạc về một bức tượng Đức Mẹ còn nguyên vẹn xuất hiện.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Colombia María del Rosario Guerra đã chia sẻ những bức ảnh này:

Vị thượng nghị sĩ viết, “Tôi không nghi ngờ rằng sự bảo vệ từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria đã bảo vệ binh lính của chúng ta trong Lữ đoàn 30 Quân đội Quốc gia Colombia, và ngăn chặn một thảm kịch lớn hơn xảy ra. Bức tượng vẫn ở tại vị trí một cách vững trãi bất chấp vụ nổ”.

Tư lệnh Quân đội Quốc gia Colombia Tướng Eduardo E. Zapateiro Altamiranda cũng bày tỏ niềm tin vào sự che chở của Đức Mẹ:

Tổng tư lệnh quân đội Colombia viết “Bạo lực sẽ không bao giờ đánh bại được sự bảo vệ của Thiên Chúa. Tượng Đức Mẹ đứng sát bên vụ nổ gây ra bởi hành động khủng bố ở Lữ Đoàn 30, vẫn vững chắc và không hề hấn gì, Đức Nữ Đồng trinh, bổn mạng những người lính của đất nước đã bảo vệ chúng ta và sẽ bảo vệ chúng ta.”

Thật là một điều kỳ diệu!

Lạy Đức Mẹ, xin hãy cầu nguyện cho chúng con và bảo vệ chúng con!
Source:Church POP
 
Tin vui: Giáo Hội có thêm 11 Chân Phước, chính trị gia Roberts Schuman được tuyên Bậc Đáng Kính
Đặng Tự Do
16:09 21/06/2021


Trong cuộc tiếp kiến hôm thứ Bẩy 19 tháng 6 dành cho Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng Bộ Tuyên thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận một phép lạ nhờ lời cầu bầu của Bậc Đáng Kính Johann Philipp Jeningen, một linh mục Dòng Tên sống ở thế kỷ 17 quê quán ở Bavaria, bên Đức. Việc công nhận này mở đường cho việc phong Chân Phước cho ngài.

Cha Jeningen được biết đến với sự thánh thiện, cuộc sống khổ hạnh và những nỗ lực truyền giáo. Ngài mơ ước được cử đi truyền giáo tại Ấn Độ theo bước chân của vị Thánh anh hùng Phanxicô Xaviê, nhưng ngài lại được kêu gọi để lập một đền thờ Đức Mẹ ở Ellwangen trong vùng lân cận. Ngôi thánh đường này được gọi là Đền thánh Đức Mẹ Schönenberg, nơi thu hút rất nhiều khách hành hương.

Mười nữ tu tử đạo trong thời kỳ Liên Sô chiếm đóng Ba Lan cũng được tuyên phong Chân Phước trong dịp này.

Nữ tu Paschalis Jahn và 9 bạn tử đạo là các Nữ tu của Dòng Thánh Elizabeth đã bị các Hồng quân Liên Sô giết vào năm 1945 khi họ phục vụ những người bệnh tật và dễ bị tổn thương. Một trong những sơ tử đạo, Sơ Rosaria Elfrieda Schilling, đã bị khoảng 30 binh sĩ Hồng quân hãm hiếp trước khi bị bắn.

Như thế, Giáo Hội vừa có thêm 11 vị sắp được tuyên phong Chân Phước.

Trong cuộc tiếp kiến hôm thứ Bẩy 19 tháng 6 dành Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã tuyên bố nâng chính trị gia người Pháp Robert Schuman lên hàng Bậc Đáng Kính. Ông được biết đến như “cha đẻ” của Liên minh Âu Châu.

“Tôi tớ Chúa Schuman đã cống hiến cuộc đời mình để phục vụ lợi ích chung, tìm kiếm hòa bình và hòa giải với Đức để tạo ra một cộng đồng các quốc gia Âu Châu,” Cha Bernard Ardura, một linh mục trong Hội Đồng Giám Mục Pháp phụ trách các đề xuất tuyên thánh nói với AFP.

Cha Ardura nhận xét thêm rằng: Những nỗ lực của Schuman là “công việc của một Kitô Hữu, đó là làm một tấm gương”, ngay cả khi chính khách này “vẫn rất kín đáo về đời tư và đức tin của mình”.

Robert Schuman sinh ra tại Luxembourg năm 1886. Nguyên quán ở Lorraine, là vùng lãnh thổ tranh chấp của Pháp mất vào tay người Đức trong Chiến tranh Pháp-Phổ. Sau khi lãnh thổ Lorraine trở về với Pháp, Schuman phục vụ với tư cách là một trong những Thành viên Quốc hội của khu vực, theo truyền thống chính trị của Đảng Dân chủ Kitô Giáo.

Theo tiểu sử của ông trên trang web của Trung tâm Âu Châu, tại một thời điểm trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông bị Gestapo bắt và bị giam giữ bí mật.

Ông là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Pháp khi tuyên bố thành lập Cộng đồng Thép và Than Âu Châu vào ngày 9 tháng 5 năm 1950. Động thái này được coi là bước đầu tiên hướng tới việc thành lập Liên minh Âu Châu.

Schuman cũng là một nhà đàm phán quan trọng cho Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và Cộng đồng Than và Thép Âu Châu. Ông từng là Chủ tịch đầu tiên của Nghị viện Âu Châu và được mệnh danh là “Cha đẻ của Âu Châu” khi rời nhiệm sở.

Schuman qua đời tại Giáo phận Matz năm 1963. Án tuyên thánh của ông đã bắt đầu ở đó từ hơn 30 năm trước.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đánh giá cao Robert Schuman trong một lá thư ký ngày 22 tháng 10, khuyến khích người Âu Châu “khám phá lại con đường của tình huynh đệ đã truyền cảm hứng và hướng dẫn những người sáng lập Âu Châu hiện đại, bắt đầu chính xác với Robert Schuman”.

Thánh Gioan Phaolô II cũng ca ngợi Schuman vào năm 2003 vì đã dành cả cuộc đời chính trị của mình “để phục vụ các giá trị cơ bản của tự do và đoàn kết, được hiểu đầy đủ dưới ánh sáng của Tin Mừng”.

Đức Thánh Cha cũng đã nâng lên Bậc Đáng Kính Tôi tớ Chúa Cha Severino Fabriani sinh năm 1792 và qua đời năm 1857. Ngài là người sáng lập Dòng Các Nữ Tử Quan Phòng cho người khiếm thính ở Ý.

Án tuyên thánh của ba nữ tu khác cũng được nâng lên một bậc theo các sắc lệnh mới. Đức Giáo Hoàng đã công nhận các nhân đức anh hùng của Aniela Róża Godecka sinh năm 1861 và qua đời năm 1937, là người đã thành lập Dòng các nữ tu bé nhỏ của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ ở Ba Lan; Nữ tu người Ý Orsola Donati sinh năm 1849 và qua đời năm 1935 thuộc Dòng Các Nữ Tu Hài Đồng của Đức Mẹ Sầu Bi; và Nữ tu Maria Stella của Chúa Giêsu sinh năm 1899 và qua đời năm 1982 của Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Tây Ban Nha.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles nghẹn lời trước món quà bất ngờ
Đặng Tự Do
16:10 21/06/2021


Một nhà tài trợ giấu tên đã trao hơn 50 triệu đô la cho Tổ chức Giáo dục Công Giáo Los Angeles để hỗ trợ tài chính cho học sinh tại các trường tiểu học và trung học Công Giáo của Tổng giáo phận Los Angeles.

“Sự tử tế và tình yêu thương phản ánh trong món quà này khiến tôi nghẹn lời”, Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles cho biết hôm 16 tháng 6. “Món quà này sẽ thay đổi cuộc đời của vô số thanh niên và thiếu nữ các thế hệ sau, mở ra cơ hội cho tương lai của họ. Tôi chưa bao giờ dám mơ ước một chuyện bất ngờ như thế. Thay mặt cho tất cả những người trẻ này, gia đình của họ và toàn thể gia đình dân Chúa, chúng tôi cảm tạ Chúa vì vị ân nhân và biểu hiện cao đẹp này của tình yêu đối với Hội Thánh”.

Món quà sẽ được phân bổ trong thời gian 5 năm cho các học sinh tại 212 trường Công Giáo thuộc Tổng giáo phận Los Angeles ở các quận Los Angeles, Ventura và Santa Barbara, Quỹ Giáo dục Công Giáo Los Angeles cho biết như trên trong một tuyên bố.

Douglas Cooper, giám đốc điều hành của Tổ chức Giáo dục Công Giáo, đã nói lên “lòng biết ơn và đánh giá cao “đối với” món quà quá lớn này. “Các học bổng sẽ giúp những người mới ghi danh cũng như những học sinh đã ra đi nhưng bây giờ sẽ có thể quay trở lại”.

“Tặng món quà lớn cho một nền giáo dục Công Giáo dạy bảo các giá trị của đức tin, gia đình và dịch vụ là một điều thật ý nghĩa,” Cooper nói thêm. “Chúng tôi vô cùng biết ơn nhà tài trợ ẩn danh này vì lòng tốt, và sự hào phóng của họ, và chúng tôi mong muốn được chào đón thêm nhiều các học sinh và gia đình vào gia đình các trường Công Giáo của chúng tôi”.

“Một món quà lớn như thế sẽ thay đổi cuộc sống của hàng ngàn học sinh, đặc biệt là những học sinh khó khăn nhất của chúng tôi”, Paul Escala, giám đốc giáo dục Công Giáo của tổng giáo phận nói. “Chúng tôi vô cùng biết ơn vì sự tin tưởng và niềm tin mà món quà này thể hiện đối với các giáo viên, các nhà lãnh đạo và các trường học của chúng tôi”.

Khoảng 78% học sinh trong các trường Công Giáo của tổng giáo phận đến từ các thành phần thiểu số và những người có thu nhập thấp.

Vào năm 2021, quỹ giáo dục của tổng giáo phận đã hỗ trợ hơn 12 triệu đô la học phí cho hơn 10,000 học sinh. Trong 34 năm qua, tổng giáo phận đã trợ cấp 225 triệu đô la cho 202,000 sinh viên.

Có khoảng 51,000 học sinh tại các trường tiểu học, và khoảng 14,000 học sinh trung học tại các trường trực thuộc giáo xứ hay thuộc về tổng giáo phận.

Hoa Kỳ là nơi có khoảng 6,000 trường Công Giáo, đã giảm so với khoảng 11,000 trường vào những năm 1970.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Hồng Y Bộ Trưởng giải thích việc làm, mục tiêu và viễn ảnh của bộ Phong Thánh
Vũ Văn An
18:44 21/06/2021

Trong loạt bài của họ về lich sử, mục tiêu và ngân sách của các bộ sở Tòa Thánh, Vatican News vừa tìm hiểu Bộ Phong Thánh, qua cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y Marcello Semeraro, hiện đứng đầu Bộ này.



Theo Vatican News, Có nhiều cách để định nghĩa sự thánh thiện. Một trong số đó là coi sự thánh thiện như một khuôn mẫu, hay đúng hơn như khuôn mẫu, của vẻ đẹp con người. Đây là những gì mà Bộ của Tòa thánh này đã thực hiện kể từ năm 1969, năm thành lập – lục lọi cuộc sống của các ứng viên để tôn vinh các ngài trên bàn thờ, tìm tòi Tin Mừng trong cuộc sống của các ngài để mọi Kitô hữu có thể coi các ngài như các nhân chứng đáng tin cậy và, quan trọng nhất, có thể bắt chước được.

Đằng sau việc tuyên bố rằng ai đó là một vị Thánh, là một sự tận tụy tập thể, tỉ mỉ, mất nhiều năm, có khi hàng chục năm. Diễn trình phức tạp đòi hỏi sự tham gia của những người có nhiều khả năng khác nhau với tổng chi phí khoảng 2 triệu euro vào năm 2021.



Đức Hồng Y Marcelle Semeraro, Bộ trưởng thánh bộ, giải thích cách hoạt động của thánh bộ, nhận định rằng, "Nhà máy tạo các thánh" là một kiểu nói "thậm chí có thể hữu hiệu, nếu được hiểu theo nghĩa tích cực, tức là nơi mà mọi người làm việc để đạt được việc trình bày nghiêm túc và trung thực về những người xứng đáng" được hưởng danh hiệu.

Được hỏi vai trò của bộ Phong Thánh là gì trong diễn trình thừa nhận các nhân chứng gương mẫu và “chính thức” chấp nhận lòng trung thành của các ngài đối với sứ điệp Tin Mừng, Đức Hồng Y cho hay:

Như Công Đồng Vatican II đã nhắc nhở, nên thánh chắc chắn là một ơn gọi phổ quát, cho mỗi người và mọi người. Liên quan đến việc chính thức thừa nhận sự thánh thiện của một Kitô hữu, chúng ta đang nói đến một truyền thống cổ xưa. Thật vậy, ngay từ rất sớm, khi tin tức loan truyền về một số vị tử đạo, hoặc một người nào đó đã sống theo Tin Mừng một cách mẫu mực, các ngài đã được đề nghị lấy làm gương mẫu sống cho mọi người và làm những người cầu bầu trước mặt Thiên Chúa cho những nhu cầu của các tín hữu. Các thủ tục và quy tắc giáo luật khác nhau chi phối việc tuyên bố rằng ai đó là một vị thánh. Nhưng tập chú căn bản là thế này: Giáo hội luôn tin rằng các chi thể của mình có thể đạt đến sự thánh thiện và họ phải được biết đến và đề nghị để công chúng tôn kính.

Bộ Phong Thánh theo lộ trình phong chân phước và phong thánh cho Các Tôi Tớ Chúa, hỗ trợ các giám mục trong diễn trình điều tra liên quan đến việc tử đạo hoặc việc dâng hiến mạng sống của các ngài, và các phép lạ của một tín hữu Công Giáo, người trong khi còn sống, trong khi hấp hối và sau khi chết, được coi là thánh thiện, do phúc tử đạo hoặc do hiến mạng sống của mình. Những tín hữu Công Giáo nào mà việc phong chân phước và phong thánh đã được khởi xướng, thì được gọi là Tôi tớ Chúa. Trong mọi trường hợp, điều cần thiết là luôn có “tiếng tăm về sự thánh thiện” chân chính, được nhiều người biết và lâu dài, hoặc cộng đồng Kitô hữu thường tin rằng họ đã sống một cuộc sống liêm chính, đã thực thi nhân đức Kitô giáo và cuộc sống của họ sinh nhiều hoa trái.

Các con số

Được hỏi về con số những người tham gia vào công việc trên và cách sắp xếp các giai đoạn của công việc này, Đức Hồng Y cho biết: Được đưa vào từ năm 1983, các tiêu chuẩn mới quy định các vụ Phong Thánh đã rút ngắn đáng kể thời gian cần thiết cho một diễn trình phong chân phước và phong thánh. Chẳng hạn chỉ cần nghĩ trong quá khứ, phải đợi 50 năm sau cái chết của Tôi Tớ Chúa mới bắt đầu nghiên cứu về cuộc đời, các nhân đức hoặc phúc tử đạo của ngài. Ngày nay, không còn như vậy nữa. Tuy nhiên, thời gian kéo dài của vụ án phụ thuộc vào nhiều nhân tố: một số nhân tố tự chúng có tính nội tại (sự phức tạp của người, hoặc của giai đoạn lịch sử trong đó người đó sống); các nhân tố khác có tính ngoại tại (sự sẵn lòng, chuẩn bị hoặc sẵn có đó của những người làm việc cho từng vụ án: thỉnh nguyện viên, các cộng tác viên bên ngoài, các nhân chứng, v.v.).

Mỗi vụ án có các con số riêng của nó: các nhân chứng cung cấp lời khai trong các giai đoạn giáo phận có thể lên đến vài chục. Ngoài ra còn có một số lượng lớn những người khác và các chuyên gia tham gia. Liên quan đến thời gian, mỗi diễn trình phong chân phước và phong thánh đều có các bước riêng của nó: điều tra, lấy lời khai, soạn thảo tiểu sử, kiểm tra do các nhà tư vấn thần học tiến hành và tùy theo vụ án còn cần các nhà tư vấn lịch sử. Sau đó, cần có thời gian để tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế khi có thể có phép lạ được khỏi bệnh cần phải kiểm tra. Sau khi hoàn thành tất cả những điều này, và mỗi bước đều tích cực, vụ án sẽ được trình bày trước phiên họp bình thường của các thành viên của thánh bộ, tức là các Hồng Y và giám mục. Một khi toàn bộ diễn trình đã kết thúc, quyết định cuối cùng thuộc về Đức Giáo Hoàng. Bộ trưởng Thánh bộ đệ trình các vụ khác nhau để ngài chấp thuận.

Thực sự có rất nhiều vụ (hiện tại, những vụ đang diễn tiến ở Rôma là gần 1,500, trong khi những vụ ở cấp giáo phận là hơn 600). Sự kiện một số vụ không thành công chứng tỏ sự nghiêm túc của diễn trình. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những người không được đề nghị để các tín hữu tôn kính không phải là những người gương mẫu vì chứng tá cuộc sống của họ.

Được hỏi: Trung bình mỗi năm có bao nhiêu vụ án đi đến kết luận? Đức Hồng Y cho biết: Các kết quả trong 5 thập niên Thánh bộ hoạt động không chỉ tích cực mà còn đáng ngạc nhiên nữa. Việc đơn giản hóa diễn trình đã cho phép số lượng các vị được đề nghị để các tín hữu tôn kính đã tăng lên. Các vị xuất thân từ mọi lục địa và thuộc mọi hạng mục trong dân Chúa.



Những ơn ích thiêng liêng và mục vụ trong năm mươi năm qua kể từ khi thành lập Bộ Phong Thánh (1969) rất độc đáo: tính đến cuối năm 2020, tổng số là 3,003 vụ phong chân phước và 1,479 vụ phong thánh. Thường có hai Phiên thông thường mỗi tháng và bốn vụ được khảo sát trong mỗi phiên. Do đó, số vụ ước tính được đưa ra kết luận mỗi năm là từ 80 đến 90. Dữ kiện này và các dữ kiện khác có thể được truy cập bằng cách vào trang web của Thánh bộ, nơi cung cấp cho mọi người quyền truy cập dễ dàng và đầy đủ mọi thông tin về Thánh bộ và tiến trình phong thánh. Cho đến nay, ngoài các tài liệu và ấn phẩm chính, trang web còn chứa hơn một nghìn mục về các vị chân phước và các vị thánh của bảy triều đại giáo hoàng mới đây nhất, được làm cho phong phú với các hình ảnh, trích dẫn, tiểu sử, bài giảng, liên kết bên ngoài và tài liệu đa phương tiện.

"Nhà máy sản xuất các thánh"

Với câu hỏi về kiểu gọi bình dân “nhà máy sản xuất các thánh”, Đức Hồng Y nghĩ rằng cách gọi này thậm chí có tác dụng, nếu được hiểu theo nghĩa tích cực, tức là nơi mà mọi người làm việc để đạt được việc trình bày nghiêm túc và trung thực về những người đáng được đề nghị là gương mẫu của sự thánh thiện. Mặc dù số lượng ứng viên rất đáng kể, nhưng điều quan trọng cần nói thêm là điều này không làm Thánh bộ sao lãng tính chính xác, sâu sắc và có thế giá của mình.

Bắt đầu với “tiếng tăm thánh thiện và các dấu chỉ” được dân Chúa nhận biết, cuộc điều tra trải qua giai đoạn đầu tiên ở giáo phận (tiến trình được khai mạc, lời khai và tài liệu được thu thập, một tòa án được thành lập với các chuyên gia thần học và lịch sử). Một khi vụ án tới Rôma, một tường trình viên [relator] được chỉ định cho vụ án để hướng dẫn thỉnh nguyện viên [postulator] chuẩn bị một bộ sách trong đó các bằng chứng thu thập ở giáo phận được tổng hợp để tái tạo chính xác cuộc sống của các vị và chứng minh các nhân đức hoặc phúc tử đạo của các vị cũng như tiếng tăm thánh thiện và các dấu hiệu thánh thiện mà Tôi tớ Chúa có được. Đó là cuốn tiểu sử [Positio]; cuốn này sau đó được nghiên cứu bởi một nhóm các nhà thần học và, đối với một “vụ cổ xưa” (liên quan đến một ứng viên sống cách đây rất lâu và không còn nhân chứng trực tiếp), ngay cả bởi một Ủy ban Lịch sử. Nếu họ bỏ phiếu thuận lợi, hồ sơ sẽ được đệ trình để được các Hồng Y và Giám mục của Thánh bộ phán xử tiếp theo. Cuối cùng, nếu những vị này cũng chấp thuận, thì Đức Thánh Cha có thể cho phép ban hành Sắc lệnh về các nhân đức anh hùng hoặc tử đạo hoặc dâng hiến mạng sống của Tôi tớ Chúa, vị sau đó trở nên đáng kính. Vị đó được công nhận là đã thực thi các nhân đức Kitô giáo (đối thần: đức tin, đức cậy và đức ái; các nhân đức chính: khôn ngoan, công bình, dũng cảm và tiết độ; những nhân đức khác: nghèo khó, khiết tịnh, vâng lời, khiêm tốn, v.v.) ở mức độ “anh hùng”, hoặc đã trải qua một cuộc tử đạo đích thực, hoặc đã hiến mạng sống mình theo các yêu cầu được Thánh bộ đưa ra.

Phong chân phước là giai đoạn giữa trong diễn trình phong thánh. Nếu ứng viên được tuyên bố là tử đạo, người đó sẽ trở thành chân phước ngay lập tức, nếu không thì cần phải có một phép lạ được công nhận nhờ sự chuyển cầu của ngài. Nói chung, biến cố lạ lùng này là một vụ chữa lành không thể giải thích được về phương diện khoa học, do một Ủy ban Y tế gồm các bác sĩ chuyên khoa, cả những người tin và không tin, đánh giá. Đầu tiên các nhà tư vấn thần học và sau đó các Hồng Y và Giám mục của Thánh bộ cũng tuyên bố về các phép lạ này và Đức Thánh Cha cho phép ban hành sắc lệnh liên hệ. Để được phong thánh, nghĩa là để một người có thể được tuyên bố là Thánh, thì phép lạ thứ hai xảy ra sau khi được phong chân phước phải được cho là nhờ sự chuyển cầu hữu hiệu của Chân phước.

Không chỉ là một “nhà máy” sản xuất liên tục các vị thánh, Thánh bộ còn là một Bộ của Giáo triều Rôma, với kinh nghiệm hàng thế kỷ, được chuyên môn hóa để nhận ra các vị thánh và với sự siêng năng, chuyên môn và nghiêm ngặt khoa học tiến hành một diễn trình nhằm xác minh xem liệu một thành viên tín hữu có sống mức độ thánh thiện cao, một cách có thể được đề nghị lấy làm kiểu mẫu cho Giáo hội hoàn vũ hay không.

"Ông, bà thánh cạnh nhà"

Trả lời câu hỏi về việc trong Tông huấn Gaudete et exsultate, Đức Phanxicô nói đến “giai cấp trung lưu thánh thiện” hay “các vị thánh cạnh nhà”, Đức Hồng Y nói rằng, Gaudete et exsultate là một tuyên ngôn tuyệt đẹp về lời kêu gọi nên thánh trong thế giới ngày nay vì các thánh cho chúng ta thấy khả năng sống Tin Mừng, không chỉ những người đã được phong chân phước hay phong thánh, mà cả những người được chính Đức Giáo Hoàng gọi là “các thánh cạnh nhà", những người sống gần chúng ta và "phản ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa: những bậc cha mẹ nuôi dạy con cái của họ bằng tình yêu thương bao la, những người đàn ông và đàn bà làm việc chăm chỉ để hỗ trợ gia đình họ, những người bệnh tật, các tu sĩ già nua nhưng không bao giờ mất nụ cười” (số 7) trong một thế giới không còn biết phải hy vọng ra sao và thờ ơ trước những đau khổ của người khác.

Đối với Giáo Hội, bằng chứng thánh thiện chính là những hành động nhỏ được thực hiện mỗi ngày. Sự thánh thiện của “các thánh cạnh nhà” được các Kitô hữu sống hàng ngày, những người, ở mọi nơi trên thế giới, làm chứng cho tình yêu của Chúa Giêsu và liều mạng sống của mình mà không bao giờ tính đến lợi ích đặc thù của họ.

Các thánh trở thành những hình mẫu thành công và cao đẹp nhất của nhân loại. Trong Tông huấn Gaudete et exsultate, Đức Giáo Hoàng đã viết rằng sự thánh thiện cho thấy “khuôn mặt đẹp nhất của Giáo hội” (số 9). Chúng ta cũng có thể khẳng định rằng, trong những thập niên qua, việc tôn kính các thánh, một lần nữa, đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống của Giáo hội, vì Giáo Hội thừa nhận nhu cầu cần chứng tá của các ngài cho cộng đồng tín hữu. “Tính đồng thời” của một vị thánh không hẳn do sự gần gũi về niên đại của các ngài - mặc dù có nhiều vụ án đã được kết luận hoặc đang trong diễn trình phong chân phước và phong thánh là những người cùng thời với chúng ta – mà là do vị ấy trọn vẹn, giàu say mê nhân bản và Kitô giáo, thèm khát siêu nhiên, khao khát công lý, tình yêu Thiên Chúa và tình liên đới với mỗi anh chị em.

Trả lới câu hỏi về vấn đề quản lý tốt ngân sách như Đức Phanxicô vốn nhấn mạnh từ năm 2016, Đức Hồng Y cho biết, dưới nhiều khía cạnh, các vụ án để được phong chân phước là một diễn trình phức tạp và chi tiết. Do đó, có những chi phí nhất định liên quan đến công việc của các ủy ban, việc in ấn tài liệu, các cuộc họp của các chuyên gia (lịch sử và thần học có nhiệm vụ nghiên cứu tài liệu hoặc các bác sĩ khi nói đến phép lạ). Thánh bộ luôn chú ý đến việc hạn chế các chi phí để yếu tố kinh tế không làm trở ngại cho việc thúc đẩy vụ án tiến triển. Theo nghĩa này, các quy tắc hành chính được Đức Thánh Cha phê chuẩn vào năm 2016 bảo đảm việc quản lý minh bạch và hợp lệ. Được tài trợ bằng nhiều cách khác nhau, một “Quỹ Liên Đới” do Thánh Bộ quản lý đã được thành lập cho những vụ án ít có tài nguyên hơn. Các cách hỗ trợ khác đang được nghiên cứu.

Tính triệt để Tin Mừng và "xã hội lỏng"

Vatican News hỏi Đức Hồng Y làm thế nào để một lần nữa đề cao sự hấp dẫn của việc triệt để sống tin mừng giữa lòng một xã hội “lỏng” (lẻo) theo giả thuyết của Bauman.

Theo Đức Hồng Y, chúng ta đang sống trong “xã hội lỏng” này, ý thức được cả cơ hội lẫn nguy cơ. Giáo hội không lạ lùng gì trước những cạm bẫy này đối với đức tin và khả tín tính của Kitô giáo. Các Kitô hữu thế kỷ thứ hai đã phải đối diện với các phản chứng chống lại đức tin của họ vào Chúa Giêsu, Đấng Mêxia; cùng một điều như thế cũng đã xuất hiện trong cuộc đời công khai của Người như đã được Thánh Justin tường thuật trong Cuộc Đối thoại với Trypho: “Nhưng làm sao có thể có chuyện Đấng Mêxia đã đến nếu mọi thứ không thay đổi, nếu hòa bình chưa được thiết lập, nếu Israel vẫn còn bị nô lệ đối với người La Mã, nếu thế giới vẫn như trước đây?” Các Kitô hữu đã trả lời: “Đúng là như vậy, nhiều điều vẫn như trước đây, chúng không thay đổi. Nhưng, nếu bạn thực sự muốn nhìn vào thực tại, bạn cũng có thể quan sát những điều mới mẻ, những điều phi thường tuyệt vời, chẳng hạn như tình huynh đệ giữa các Kitô hữu, sự chia sẻ của cải, đức tin, lòng can đảm của họ khi bị bách hại, niềm vui trong hoạn nạn. Bạn có thể thấy những điều kỳ diệu. Chắc chắn, vương quốc của Thiên Chúa vẫn chưa đến trong sự viên mãn dứt khoát của nó. Nó đã đến dưới dạng hạt giống, nhưng nó đã đến thực sự và đang lớn lên, nó đang phát triển ở giữa cộng đồng Kitô hữu”. Theo dụ ngôn trong Tin Mừng, các thánh thật sự là những hạt giống đã trưởng thành và sinh nhiều hoa trái.

Về cơ bản, sự thánh thiện luôn luôn y như nhau nhưng nó cũng mới mẻ ở những con người cụ thể như Công đồng Vatican II đã nhắc nhở chúng ta (Lumen gentium, 41). Nó có những biểu thức khác nhau nơi các vị tử đạo, nơi các trinh nữ thánh hiến, nơi các ẩn sĩ, nơi các đan sĩ, nơi các mục tử của Giáo hội, nơi các nhà lãnh đạo các quốc gia, nơi các dòng khất sĩ, nơi các nhà truyền giáo, nơi các nhà chiêm niệm, nơi các nhà giáo dục, nơi các vị thánh bác ái xã hội. Chỉ cần lướt qua danh sách các thánh trong năm mươi năm qua kể từ khi Bộ Phong Thánh được thành lập để xem có bao nhiêu hạt giống đã trưởng thành từ Công đồng, những người đã chỉ cho thấy nên thánh là một ơn gọi phổ quát chứ không phải đặc ân của một ít người được lựa chọn. Có một sự thánh thiện phản chiếu sự thánh thiện của Chúa Kitô, Đấng in nơi mỗi người một dấu ấn bản vị và không thể lặp lại. Nó giống như tình yêu: vô cùng độc đáo và bản vị.

Còn về các thách thức, chúng cũng y như nhau đối với Thánh bộ cũng như đối với Giáo hội và sự hiện diện của Giáo hội trên thế giới. Giáo hội là một phương tiện của niềm tin cả vì do sự thánh thiện khách quan của đức tin, các bí tích, các đặc sủng, lẫn vì do sự thánh thiện chủ quan của các Kitô hữu. Đó là điều đã được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính các Thánh Tông đồ: “Tôi tin… các thánh cùng thông công”, có nghĩa sự hiệp thông của các phương tiện nên thánh và của những người nam và người nữ thánh thiện.

Mỗi vị thánh đều thúc đẩy sự phát triển và hiệp nhất của toàn thể Giáo Hội. Mỗi vị thánh đều ý thức rằng nhiệm vụ của mình là sứ mệnh duy nhất của Giáo hội. Các thánh là những con người trọn vẹn, các ngài sống bằng tình yêu nhân bản và Kitô giáo, giàu đam mê nhân bản và Kitô giáo, họ mong muốn siêu nhiên, khao khát công lý, tình yêu Thiên Chúa và tình liên đới với từng anh chị em. Các Kitô hữu tri nhận một cách trực quan khả tín tính của đức tin vào Chúa Giêsu Kitô, tham chiếu cả các biến cố tiểu sử của chính Người cũng như sự hiện diện liên tục của Người trong Giáo hội, đặc biệt là nơi các thánh.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Xứ CTTĐVN Seattle mừng Ngân Khánh Khấn Dòng của Soeur Maria Trần Thị Thuý Mai.
Nguyễn An Quý.
08:01 21/06/2021
Giáo Xứ CTTĐVN Seattle mừng Ngân Khánh Khấn Dòng của Soeur Maria Trần Thị Thuý Mai.

Tukwila. Soeur Maria Trần Thị Thuý Mai là nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp hiện phục vụ tại Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam thuộc Tổng Giáo Phận Seattle.

Xem hình

Vào khoảng năm 2008 Soeur Mai cùng với một số nữ tu khác thuộc Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp được Đức Tổng Giám Mục Alexander J. Brunett bảo trợ và đưa về Tổng Giáo Phận Seattle để giúp cho các Cộng Đoàn Việt Nam. Soeur Thuý Mai được về phục vụ tại Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam thuộc Tổng Giáo Phận Seattle tại Dowtown Seattle dưới thời linh mục Phêrô Hoàng Phượng làm Quản Nhiệm. Năm 2010, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam được Đức Tổng Giám Mục Brunett nâng lên hàng Giáo Xứ Thể Nhân do Sắc Lệnh của Đức Tổng Giám Mục ký vào ngày 19 tháng 11, đồng thời linh mục Gioakim Đào Xuân Thành được bổ nhiệm làm chánh xứ tiên khởi trong buổi lễ nhậm chức vào Chúa Nhật 21 tháng 11 do Đức Tổng Giám Mục Brunett chủ sự và từ đó Soeur Thuý Mai chính thức đảm nhận chánh văn phòng của giáo xứ theo tổ chức về hành chánh của một giáo xứ tại Hoa Kỳ. Trong suốt thời gian qua, ngoài công việc văn phòng của giáo xứ Soeur Mai còn phụ trách về công tác phụng vụ và Thánh Nhạc, hợp tác với các Ca Đoàn trong phần Thánh Nhạc theo đúng phụng vụ của Giáo Hội. Để tỏ lòng tri ân Soeur Thuý Mai đã tận tâm phục vụ nhiều công việc hữu ích cho giáo xứ, nhân kỷ niệm 25 năm khấn dòng của Soeur Mai, cha chánh xứ đã lấy tư cách giáo xứ đứng ra tổ chức ngày kỷ niệm MỪNG 25 NĂM KHẤN DÒNG của Soeur Mai.

Sáng thứ bảy ngày 19 tháng Sáu cũng là ngày kỷ niệm phong Hiển Thánh của 117 vị Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, một ngày đẹp trời đến với xứ cao nguyên tình xanh, giáo xứ đã long trọng cử hành Thánh Lễ tạ ơn mừng kỷ niệm 25 năm khấn dòng của Soeur Mai. Thánh lễ được cử hành lúc 11 giờ do cha chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế, đồng tế Thánh Lễ có Quý Cha trong giáo xứ và 8 cha khách cùng thầy phó tế Phạm Thể phụ tế. Gia đình của Soeur Mai hiện ở Việt Nam và vì còn trong tình trạng dịch bệnh nên không hiện diện được trong ngày trọng đại này chỉ có gia đình người chú của Soeu Mai tham dự. Hiện diện trong Thánh Lễ có nhiều nữ tu Việt Nam cư ngụ tại Seattle và các vùng phụ cận, đông đảo giáo dân thuộc các Giáo Đoàn, Hội Đoàn, Ca Đoàn và một số giáo dân thuộc các Cộng Đoàn bạn cùng về chung vui trong niềm vui tạ ơn với Soeur Mai trong Thánh Lễ tạ ơn.

Đúng 11 giờ, Ca Đoàn hát bài ca nhập lễ, nghi đoàn cùng với linh mục đoàn dâng lễ cung nghinh Thánh Giá tiến lên bàn Thánh cùng với nhân vật chính là nữ tu Maria Trần Thuý Mai đầu đội vòng hoa, tay cầm nến sáng với tất cả lòng thành kính dâng lên Chúa niềm vui tạ ơn trong ngày trọng đại này.

Mở đầu Thánh Lễ, cha chủ tế ngỏ lời chào mừng quý linh mục đoàn đồng tế, chào mừng quý nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp vác các Dòng đang sinh hoạt tại Seattle cùng các nữ tu khác hiện diện, chào mừng các thành viên hai Hội Đồng, các Chủ tịch các Giáo Đoàn cùng quý giáo hữu từ các giáo đoàn, hội đoàn, ca đoàn và các Cộng Đoàn bạn tham dự và đặc biệt ngài giới thiệu nhân vật của Thánh Lễ hôm nay, ngài nói: chúng ta cùng vui mừng với nhân vật chính hôm nay là Soeur Maria Trần Thị Thúy Mai. Soeur Mai hôm nay đầu đội vòng hoa như một cô dâu, chúng ta cùng hướng về Việt Nam với ông bà cố và gia đình đang hiện diện qua thánh lễ trực tuyến, xin cho một tràng pháo tay để cùng chào đón nhau và chúc mừng Soeur Mai trong ngày mừng kỷ niệm 25 năm khấn Dòng ( tiếng vỗ tay kéo dài khá lâu)

Thánh lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Lời Chúa. Lời Chúa hôm nay được chọn rất ý nghĩa về đời sống tận hiến qua Bài Đọc 1 được chọn Bài Đọc trích Sách Samuel Quyển thứ nhất với câu chuyện của cậu bé Samuel đang ngủ say thì nghe tiếng gọi và Samuel liền thưa: dạ con đây, thầy gọi con" và Samuel liền chạy lại với ông Êli và thưa: "Dạ con đây, thầy gọi con" Ông Êli bảo, thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi " và cứ thế Samuel đến thưa với Ông Êli nhiều lần nên Êli liền phán với Samuel: "Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: 'Lạy ĐỨC CHÚA, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.'" Sa-mu-en về ngủ ở chỗ của mình.

Vâng Soeur Mai đã nghe tiếng Chúa gọi và đã thưa: "Dạ con đây, con sẵn sàng nghe theo tiếng Chúa từ lúc con đến tuổi trăng tròn với năm 16 tuổi mạnh dạn đi vào Dòng".

Bài Tin Mừng hôm nay lại được chọn với đoạn tin mừng mà Thánh Maccô giới thiệu câu chuyện Chúa Giêsu phán với các Môn Đệ về chuyện vào nước Thiên Đàng: Bấy giờ Đức Giê-su nói với các môn đệ của Người: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: “Thế thì ai có thể được cứu?” Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.”

Mừng kỷ niệm 25 Năm Khấn Dòng như một nhắc nhở ý nghĩa của lời khấn sống đời khó nghèo khi thực sự chọn cuộc sống một một nữ tu.

Cha chánh xứ phụ trách giảng lễ với bài giảng ngắn gọn. Trong bài giảng, ngài đề cập vài nét về cuộc đời của Soeur Mai, ngài nói: Soeur Maria Trần Thị Thúy Mai sinh ra trong gia đình có 7 Chị Em, là Chị cả trong gia đình, khi còn trẻ Soeur đã tham gia vào đội dâng hoa, ca đoàn Thiếu Nhi của Giáo Xứ Phúc Nhạc – Gia Kiệm, do quý Soeur Dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp hướng dẫn, trong thời gian này Soeur có điều kiện tiếp xúc với quý Soeur trong nhà dòng thường xuyên, được quý Soeur thường xuyên thăm hỏi và hướng dẫn, nhờ đó Soeur đã can đảm và mạnh dạn đi vào nhà Dòng lúc tuổi đời 16. Soeur bày tỏ ý nghĩ đầu tiên mà Soeur thấy được cuộc sống của các nữ tu trong nhà dòng là: đơn sơ, vui vẻ và sống đơn giản, thanh thoát…..bên cạnh đó, Ông Bà Cố và Gia đình cũng khuyến khích, nâng đỡ và tạo mọi điều kiện để giúp Soeur tìm hiểu và đi tu cho nên ngày 2 tháng 10 năm 1989 vào nhà dòng- Năm 1990 trở thành Đệ Tử - Ngày 21 tháng 6 năm 1992 trở thành Tiền Tập Viện- Ngày 21 tháng 6 năm 1994 vào Nhà Tập- Ngày 22 tháng 6 năm 1996 Khấn Trọn đời đến nay 25 năm.

Phục vụ tại Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam và Giáo Xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam từ tháng 7 năm 2008 – đến nay trong công việc mục vụ - Phụng vụ và Thánh nhạc và văn phòng Giáo xứ.

Ngoài ra ngài cũng đã nói lên tất cả sự biết ơn của giáo xứ đối với việc phục vụ giáo xứ của Soeur Mai trong suốt thời gian khá dài và đặc biệt trang trọng cám ơn Ông Bà Cố đã dâng người con cho Chúa và giáo xứ cũng được hưởng nhờ sự phục vụ của Soeur.

Thánh Lễ được tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Thể.

Sau lời nguyện kết lễ, anh Lưu Công Tiên chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ ngỏ lời cám ơn và chúc mừng Soeur Mai trong ngày mừng kỷ niệm 25 năm khấn dòng. Lời chúc mừng kết thúc với phần giáo xứ trao quà tặng đến Soeur Mai.

Một nữ tu đại diện các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá tại Seattle có trụ sở tại SeaTac cũng đã thay mặt Dòng cám ơn cha chánh xứ, quý cha trong giáo xứ đã đứng ra tổ chức mừng Ngân Khánh Khấn Dòng của Soeur Mai, ngoài ra Soeur cũng đã thay mặt Dòng cám ơn hai Hội Đồng, các Giáo Đoàn, Hội Đoàn Ca Đoàn và các ân nhân đã hưởng ứng hiệp thông cầu nguyện và tham dự Thánh Lệ tạ ơn hôm nay.

Cha chánh xứ cũng đã thay mặt giáo xứ chúc mừng và trao quà tặng đến Soeur Mai một cách trang trọng.

Điểm sống động trong buổi lễ tạ ơn là giây phút Soeur Mai chia sẻ tâm tình với tất lòng biết ơn cha chánh xứ, quý cha và toàn thể dân Chúa trong giáo xứ. Sau phần chia sẻ, Ca Đoàn đã cùng với Soeur Mai hát bài: HỒNG ÂN THÁNH HIẾN. Nhạc Nguyễn Trung Hải - Lời Soeur Thuý Mai và Nguyễn Trung Hải biên soạn như sau:

"1.Tình yêu Thiên Chúa luôn dìu bước con trong cuộc đời, - đời con vui sướng con được Chúa ban nhiều hồng phúc, - từ khi thơ bé chưa biết gì, - Ngài đến bên con cho con được tình yêu Thiên Chúa nung đốt tim con nồng ấm, - rồi khi khôn lớn con được Chúa thương yêu mời gọi - gọi con theo Chúa mang hạnh phúc đến cho mọi nơi- Ngài sai con đến với những người nghèo khó đơn côi trong cuộc đời- Hạnh phúc cho con sống yêu thương và khó nghèo.

2. Hồng ân Thiên Chúa tuôn đỗ xuống trên con từng ngày- vòng tay Thiên Chúa luôn rộng mở chở che đời con,- đời con nhỏ bé con bất toàn nhiều lúc gian nan con ngả lòng- Ngài luôn tha thứ nâng đỡ khi con hèn yếu, - hồng ân thánh hiến xin giữ mãi suốt trong cuộc đời,- đời con có Chúa dẫu gian khó con không ngại chi,- trọn đời xin hiến dâng cho Ngài thập giá trên vai vác theo Ngài, từng bước con đi Chúa luôn nâng đỡ dắt dìu-

ĐK: Tình yêu Chúa cao vời thay tình yêu Chúa không đổi thay- Chúa mãi bên con dìu con từng ngày tiến bước- đời con mãi yêu Ngài thôi dù cho tháng năm nổi trôi mãi vẫn tín trung theo Chúa suốt cuộc đời con."

Thánh lễ kết thúc lúc 12 giờ 30 sau lời chúc lành cuối lễ của linh mục đoàn.

Sau Thánh Lễ là buổi tiệc mừng tại Hội Trường Trung Tâm Giáo Dục Đức Tin và Văn Hoá Thánh Tôma Thiện. Đông đảo giáo dân từ các Giáo Đoàn, Hội Đoàn, Ca Đoàn, Thiếu Nhi Thánh Thể tham dự.Hiện diện trong buổi tiệc gồm quý cha trong giáo xứ và một số linh mục cùng với đông đảo các nữ tu. Vào khoảng 1 giờ vị MC nói: Trân trọng kính mời cha chánh xứ khai mạc và chúc lành cho buổi tiệc. Trong giây lát Cha chánh xứ cùng với Soeur Thuý xuất hiện trên sân khấu. Cha chánh xứ đã có giây phút cầu nguyện và chúc lành cho những của ăn trong buổi tiệc và tuyên bố: Buổi tiệc mừng kỷ niệm 25 năm khấn dòng của Soeur Thuý Mai bắt đầu và tiếng vỗ tay vang dội cả hội trường. Sau lời chúc lành của cha chánh xứ là phần Soeur Mai Cắt Bánh mừng Ngân Khánh Khấn Dòng một cách trang trọng.

Tiệc mừng với chương trình văn nghệ khá phong phú do các Ca Đoàn phụ trách, đặc biệt với sự góp phần vào các tiết mục của Ca Đoàn Chiên Con nhất là qua giọng hát tiếng Việt của các bé thơ thật xuất sắc. Buổi tiệc kết thúc vào khoảng gần 5 giờ chiều, mọi người chia tay ra về trong niềm vui tạ ơn.

Nguyễn An Quý
 
Tu Đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa Hải Ngoại Có Thêm Tân Linh Mục
Lê Quang Uyên
15:40 21/06/2021
PORTLAND, OREGON: Thứ Bảy ngày 19 tháng 6 năm 2021 vào lúc 10 giờ sáng tại Thánh Đường Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Oregon cơ sở mới toạ lạc tại Happy Valley City Oregon, long trọng cử hành Thánh Lễ Truyền Chức Linh Mục cho Thầy Phó Tế Gioan Baotixita NGÔ KHẮC DƯƠNG, SDD thuộc Tu Đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa Hải Ngoại, qua nghi thức đặt tay và thánh hiến do Đức Cha Alexamder K. Sample Tổng Giám Mục Giáo Phận Portland, Oregon chủ sự.

Xem Hình

Hiện diện trong Thánh Lễ gồm có Cha Phó Bề Trên Tu Đoàn Bathôlômêô Phạm Hữu Đạt, SDD, và khá đông quý Cha, quý Thầy của Tu Đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa Hải Ngoại. Ngoài ra, cùng tham dự có quý Sơ phụ trách và các Sơ của 2 Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt Miền Portland, và Thủ Thiêm/ Oregon, quý hội viên Hột Bảo Trợ Ơn Thiên Triệu, Chi Hội Giuse Khang tại giáo xứ Đức Mẹ La Vang và vùng phụ cận, đặc biệt còn có ông cố là thân phụ và gia đình đến từ Tiểu Ban North Calorina, cũng như đông đảo giáo dân tham dự để hiệp thông và chúc mừng Tu Đoàn có thêm Tân Linh Mục.

Kết thúc bài chia sẻ của Đức Tổng là diễn tiến các nghi thức truyền chức cho tân Linh Mục.

Mở đầu là lời giới thiệu ứng viên sắp chịu chức của Cha Francis Bùi Văn Quyết, SDD Trưởng Ban Đào Tạo đến Đức Tổng Giám Mục chủ sự, tiếp tục sau lời tuyên hứa là cộng đoàn hát kinh cầu các thánh để tiến chức chu toàn sứ mạng sắp được giao phó, tiếp theo là nghi thức chính yếu của Bí Tích truyền Chức Thánh và sau cùng là Nghi Thức diễn nghĩa gồm: trao áo lễ, xức dầu thánh và trao chén thánh.

Kết thúc các nghi lễ trên, Đức Tổng Giám Mục, Cha Phó Bề Trên và các Linh Mục anh em của Tu Đoàn cũng như các Cha khách, lần lược tiến lên chúc mừng Tân Linh Mục trong những vòng tay yêu thương tình nghĩa huynh Linh Mục. Sau đó tân Linh Mục đã tiếp tục cùng đồng tế Thánh Lễ cho đến kết thúc.

Sau khi Đức Tổng Giám Mục Ban Phép Lành và kết thúc Thánh Lễ, Cha Bathôlômêô Phạm Hữu Đạt Phó Bề Trên đại diện Tu Đoàn đã ngỏ lời cám ơn Đức Tổng, quý Cha, quý Tu Sĩ Nam Nữ và các Hội Bảo Trợ ơn Thiên Triệu mọi nơi xa gần, Chi Hội Giuse Khang và đặc biệt là ông cố cùng gia đình tân Linh Mục cũng như cộng đoàn dân Chúa Giáo Xứ Đức Mẹ Lang Oregon. Đồng thời, Tu Đoàn có buổi khoản đãi để mừng tân Linh Mục tại Hội Trường của giáo xứ, do Hội Bảo Trợ ƠnThiên Triệu phụ trách, hầu hết mọi người đều hân hoan vui vẽ ở lại chúc mừng, đối với giáo dân của giáo xứ, tân Linh Mục cũng có khá nhiều kỹ niệm trong những ngày tháng phục vụ tại giáo xứ ở vai trò Thầy Phó Tế.

Ngoài ra cũng trong tuần, sau những ngày Tĩnh Tâm của Tu Đoàn do Cha Đaminh Nguyễn Thiết Thắng hướng dẫn, Vào lúc 7:00PM thứ Năm ngày 17 tháng 6 năm 2021 cũng tại Thánh Đường Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang nầy Tu Đoàn đã tổ chức Thánh Lễ Cam Kết của 6 thầy, nghi thức do Cha Phó Bề Trên Tu Đoàn Giáo Sĩ Nhà Chúa Hải Ngoại, Bathôlômêô Phạm Hữu Đạt, SDD đại diện Cha Bề Trên chủ sự như sau:

Thánh Lễ Cam Kết Lần Đầu: của thầy Gioan Baotixita Nguyễn Hoàng Thái, SDD.

Cam Kết Lại của các thầy Đaminh Nguyễn Xuân Mạnh, SDD, Phanxicô Xavie Lê Trọng Khởi, SDD và Giuse Trần Văn Nhiệm, SDD

Cam Kết Vĩnh Viễn của các thầy: Giuse Nguyễn Văn Nam, SDD và Phaolô Vũ Đức Thành SDD.

Cùng hiện diên trong Thánh Lễ có đông đảo quý Cha, quý Thầy của Tu Đoàn ở Hải Ngoại, cũng như quý Sơ của 2 Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Lạt/Miền Portland và Thủ Thiêm ở Oregon và gia đình của các thầy,các hội viên Hội Bảo Trợ ơn Thiên Trịệu chi hội Giuse Khang và đông đảo giáo dân tham dự.

Nói đến TU ĐOÀN TÔNG ĐỒ GIÁO SĨ NHÀ CHÚA xin được ghi lại tóm tắc đôi nét về Lịch Sữ sự hình thành của Tu Đoàn như sau:

***Trích dẫn theo giáo sử Việt Nam, năm 1627, cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes), Dòng Tên, đã tới xứ Bắc (Đàng Ngoài) để truyền giáo. Giữa lúc công cuộc truyền giáo đang phát triển tốt đẹp, thì cơn bách hại nặng nề xảy đến, cha Đắc Lộ bị trục xuất. Trước khi rời khỏi Việt Nam, năm 1630, cha đã chính thức thành lập tổ chức thầy giảng để các thầy giảng có thể tiếp tục điều khiển công cuộc truyền giáo tại địa phương.

Trong hệ thống Nhà Đức Chúa Trời, nhà xứ nơi Linh mục ở, được ví như một cộng đoàn nam tu sĩ, nơi đó các Linh mục, các thầy giảng, các chú, các cậu bé sống với nhau thân mật như những phần tử trong gia đình. Cha xứ là bề trên, chịu mọi trách nhiệm.

Qua quá trình khá dài hơn 300 năm hiện diện và hoạt động, cơ cấu, nếp sống và hoạt động tốt đẹp của Nhà Đức Chúa Trời bắt đầu chao đảo, khủng hoảng trầm trọng bởi những biến động của đất nước chia cắt vào năm 1954. Phần lớn các thầy giảng theo làn sóng di cư vào sống rải rác khắp Miền Nam. Với hoàn cảnh đất nước nhiều phức tạp và khó khăn, các Linh mục Địa phận Thái Bình đã giao phó cho cha Giuse Maria Vũ Khoa Cử quy tụ và tổ chức lại các thầy giảng, vào ngày 06/07/1955 tại giáo xứ Mỹ Hòa, Thủ Đức, Tổng Giáo phận Sài Gòn.

Sau nhiều năm sống và hoạt động, cha đã cải tổ thành Tu Hội Nhà Chúa theo Giáo luật, thuộc quyền Giáo phận. Cơ sở của Tu Hội được đặt tại số 195 bis đường Hùng Vương, Thị Nghè, xã Thạnh Mỹ Tây, tỉnh Gia Định, Sài Gòn (nay là 195/29 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, thành phố Sài Gòn).

Tu Hội Nhà Chúa ngày càng phát triển về mọi mặt và được Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, Tổng Giáo phận Sài Gòn ban sắc lệnh thành lập tạm thời ngày 20/05/1971, và Sắc lệnh thành lập vĩnh viễn ngày 29/06/1977. Đức Giám Mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi, Giám quản Tông Toà, Tổng Giáo phận Sài Gòn ra Tuyên ngôn xác nhận bản chất Tu Hội Nhà Chúa và đổi tên thành Tu Đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa ngày 25/12/1996.

Tại Hãi Ngoại: Tu Đoàn Tông Đồ Giáo Sĩ Nhà Chúa đã có mặt tại Thụy Sĩ từ năm 1973 và tại Hoa Kỳ từ năm 1975. Cha Cố Giuse Nguyễn Ngọc Lưu, SDD là Bề Trên tiên khởi cho đến năm 1996. Và tiếp đến là Cha Giuse Phạm Minh Văn, SDD hiện vẫn đang ở tại Thuỵ Sĩ là Bề Trên Hải ngoại cho đến nay, và Cha Bathôlômêô Phạm Hữu Đạt, SDD là Phó Bề Trên ở Hoa Kỳ. Đến nay số thành viên ngày càng gia tăng đáng kể.

Sau khi được tiến chức linh mục, các cha chủ yếu làm mục vụ ở các giáo xứ. Sự hiện diện của Tu Đoàn Nhà Chúa đã góp phần làm phong phú thêm nếp sống tu trì trong Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ. Cách riêng, cũng là một niềm hãnh diện cho Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tỵ nạn tại đất nước tự do nầy.

Hiện nay, Tu Đoàn Nhà Chúa có ba cơ sở tại Hoa Kỳ gồm: Nhà mẹ là Tu Viện Thánh Nguyễn Duy Khang ở New Orleans, Louisiana. Tu Viện Thánh Gia ở Washougal Washington State, và Trụ Sở ở Hubbard, Texas.

Lê-Quang-Uyên

Portland OR
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Cún Con Ngóng Chủ
Sr. Huyền Trần
14:57 21/06/2021
CÚN CON NGÓNG CHỦ
Ảnh của Sr. Huyền Trần (SSpS)

Cún con ngóng chủ về nhà
Cún ngoan không chạy lang thang xóm làng
(bt)
 
VietCatholic TV
Lạ lùng: Tổng tư lệnh Colombia: Đứng sát xe bom, tượng Đức Mẹ vẫn còn y nguyên sau vụ nổ kinh hoàng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:02 21/06/2021


1. Đại dịch đang lan nhanh ở Afghanistan, Pakistan bất ngờ đóng cửa biên giới

Các biến thể của coronavirus ở Ấn Độ đang tràn qua các nước khác. Sau Nepal, Afghanistan hiện đang nằm ở tuyến đầu của đại dịch COVID-19, trong đợt bùng phát ở Á châu. Số ca nhiễm bệnh đạt những mức cao mới, gây áp lực lớn lên các bệnh viện của nước này.

Theo thông tấn xã Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, khoảng 1,677 trường hợp nhiễm COVID-19 mới đã được báo cáo trong 24 giờ của ngày thứ Sáu 18 tháng 6. Con số này có vẻ không nhiều. Tuy nhiên, trong tổng số 38 triệu dân, đến nay chỉ mới có 4,711 người được kiểm tra. Như thế, số người nhiễm bệnh trong số người được kiểm tra đã lên đến 30%.

Với việc thử nghiệm quá hạn chế và tỷ lệ dương tính cao như thế, nhiều người cho rằng những con số thực của đại dịch đang bị đánh giá thấp.

Làn sóng lây nhiễm ngày càng tăng diễn ra vào thời điểm bạo lực gia tăng liên quan đến việc rút quân theo từng giai đoạn của quân đội Hoa Kỳ và các lực lượng quốc tế khác.

Tình hình nghiêm trọng nhất là ở Kabul, nơi các nguồn tin địa phương ghi nhận rằng khoảng 300 người phải nhập viện mỗi ngày, hầu hết trên 40 tuổi.

“Afghanistan đang ở thời điểm khủng hoảng trong cuộc chiến ngăn chặn COVID-19”, Nilab Mobarez, quyền Chủ tịch Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Afghanistan, cho biết trong một tuyên bố do Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đưa ra.

Một vụ bùng phát cũng đã được báo cáo tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Kabul, thủ đô Afghanistan, nơi đang điều phối việc rút quân của Hoa Kỳ dự kiến hoàn thành vào ngày 11 tháng 9. Do đó, toàn bộ đại sứ quán và nhân viên của nó đã được đặt trong tình trạng cách ly.

Trong khi đó, Pakistan đã quyết định đóng cửa biên giới với Afghanistan tại Cổng Hữu nghị ở thị trấn biên giới Chaman vào ngày 19 tháng 6.

Hàng nghìn người qua lại biên giới mỗi ngày. Với quyết định đóng cửa đột ngột này, một hàng dài xe cộ và dân chúng đã bị mắc kẹt ở phía bên Afghanistan.

Việc triển khai chậm chiến dịch tiêm chủng cũng đang giúp vi rút lây lan. Chỉ có 656,000 người được tiêm chủng trong tổng số 38 triệu dân, bao gồm 121,000 nhân viên y tế và 81,000 giáo viên.
Source:Asia News

2. Tổng tư lệnh quân đội Colombia xác nhận tượng Đức Mẹ còn nguyên sau vụ nổ kinh hoàng

Tượng Đức Mẹ còn nguyên vẹn một cách hoàn hảo sau vụ tấn công bằng xe bom tại một căn cứ quân sự Colombia

Hôm thứ Ba, 15 tháng 6, một vụ tấn công bằng xe bom đã diễn ra tại một căn cứ quân sự ở Colombia khiến ít nhất 36 người bị thương.

Tuy nhiên, những bức ảnh đáng kinh ngạc về một bức tượng Đức Mẹ còn nguyên vẹn đã lan truyền trên mạng xã hội sau vụ tấn công. Vụ nổ xảy ra cách bức tượng chưa đầy 20m!

Vụ tấn công xảy ra gần nơi ở của người Venezuela tại căn cứ của Lữ đoàn Lục quân 30 ở Cúcuta, Colombia lúc 3h30 chiều giờ địa phương.

Vài giờ sau, những hình ảnh đáng kinh ngạc về một bức tượng Đức Mẹ còn nguyên vẹn xuất hiện.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Colombia María del Rosario Guerra đã chia sẻ những bức ảnh này:

Vị thượng nghị sĩ viết, “Tôi không nghi ngờ rằng sự bảo vệ từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria đã bảo vệ binh lính của chúng ta trong Lữ đoàn 30 Quân đội Quốc gia Colombia, và ngăn chặn một thảm kịch lớn hơn xảy ra. Bức tượng vẫn ở tại vị trí một cách vững trãi bất chấp vụ nổ”.

Tư lệnh Quân đội Quốc gia Colombia Tướng Eduardo E. Zapateiro Altamiranda cũng bày tỏ niềm tin vào sự che chở của Đức Mẹ:

Tổng tư lệnh quân đội Colombia viết “Bạo lực sẽ không bao giờ đánh bại được sự bảo vệ của Thiên Chúa. Tượng Đức Mẹ đứng sát bên vụ nổ gây ra bởi hành động khủng bố ở Lữ Đoàn 30, vẫn vững chắc và không hề hấn gì, Đức Nữ Đồng trinh, bổn mạng những người lính của đất nước đã bảo vệ chúng ta và sẽ bảo vệ chúng ta.”

Thật là một điều kỳ diệu!

Lạy Đức Mẹ, xin hãy cầu nguyện cho chúng con và bảo vệ chúng con!
Source:Church POP

3. Kết quả phiên khoáng đại của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ

Trong phiên khoáng đại mùa xuân từ 16 đến 18 tháng 6 được tổ chức trực tuyến, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã bỏ phiếu để tiến tới một số hạng mục hành động, bao gồm cả dự thảo tài liệu giảng dạy về Bí tích Thánh Thể.

Các giám mục Hoa Kỳ đã bỏ phiếu vào hôm thứ Năm để bắt đầu soạn thảo “một tuyên bố chính thức về ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể trong đời sống của Giáo hội.” Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau nhiều cuộc tranh luận sôi nổi vào hai ngày thứ Tư và thứ Năm, trong đó một số giám mục đã phản đối động thái khởi đầu soạn thảo văn kiện về bí tích Thánh Thể.

Dự luật được thông qua với số phiếu 168 trên 55, trong đó có sáu phiếu trắng. Chỉ cần một đa số quá bán là có thể thông qua một hạng mục hành động. Ủy ban giáo lý của các giám mục Hoa Kỳ hiện sẽ dẫn đầu quá trình soạn thảo tài liệu, với sự đóng góp ý kiến của các ủy ban khác trong Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Bản dự thảo của tài liệu có thể sẽ được đưa ra cho các giám mục tranh luận, sửa đổi và biểu quyết tại cuộc họp tháng 11 của các ngài - hiện đang được lên kế hoạch tổ chức trực tiếp tại Baltimore, Maryland.

Kết quả bỏ phiếu cho các hạng mục hành động khác của cuộc họp mùa xuân đã được công bố vào chiều thứ Sáu, tức là vào ngày thứ ba và cũng là ngày cuối cùng của cuộc họp. Các giám mục cũng cho phép xây dựng một tuyên bố về mục vụ cho người Mỹ bản địa, phê chuẩn một số bản dịch phụng vụ, và phê duyệt một tuyên bố chính thức về mục vụ hôn nhân.

Các ngài cũng đã tổ chức một buổi tư vấn giáo luật về hai án tuyên thánh, cho Tôi tớ Chúa là Cha Joseph Verbis LaFleur, và Tôi tớ Chúa Thầy Marinus Leonard LaRue. Các giám mục đã bỏ phiếu áp đảo để “đẩy mạnh tiến trình điều tra ở cấp giáo phận” cho án tuyên thánh của hai vị.

Một hạng mục hành động khác, trong đó yêu cầu các giám mục “cho phép xây dựng một tuyên bố chính thức mới với một tầm nhìn toàn diện cho thừa tác vụ của Người Mỹ bản địa / Người Alaska bản địa,” đã được thông qua với tỷ lệ áp đảo 223 đến 6.

Ba hạng mục hành động liên quan đến bản dịch Sách Lễ Rôma sang Anh Ngữ đã chấp thuận bản dịch các bài đọc và lời cầu nguyện cho lễ Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Giáo hội, cũng như bản dịch các lời cầu nguyện và kêu cầu cho các Giờ Kinh Phụng vụ và bản dịch Nghi thức Sám Hối.

Các mục hành động được thông qua theo tỷ lệ lần lượt là 188 trên 2, 186 trên 3 (với một phiếu trắng) và 182 trên 6 (với hai phiếu trắng). Các mục này yêu cầu hai phần ba tổng số giám mục của Giáo hội Latinh có mặt biểu quyết tán thành.

Một hạng mục hành động khác, để cho phép soạn thảo khung mục vụ quốc gia về giới trẻ đã được thông qua với số phiếu 222 trên 7. Các giám mục cũng bỏ phiếu thông qua dự thảo khung mục vụ về mục vụ hôn nhân và gia đình có tên là “Được mời gọi đến với Niềm Vui Yêu Thương” đã được thông qua với tỷ lệ 212 trên 13, với bốn phiếu trắng.

Các giám mục đã tranh luận rộng rãi trước khi biểu quyết cho phép soạn thảo một tài liệu giảng dạy về Bí tích Thánh Thể. Đề cương đề xuất của tài liệu, do ủy ban giáo lý soạn, bao gồm những lời dạy của Giáo hội về “Sự hiện diện thực sự” của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Nhật là ngày thánh, Thánh Thể là của lễ và sự xứng đáng để rước lễ.

Một đề xuất vào ngày đầu tiên của cuộc họp nhằm điều chỉnh chương trình nghị sự nhằm cho phép trao đổi không giới hạn về dự thảo tài liệu giảng dạy về Bí tích Thánh Thể đã kéo dài hàng giờ đồng hồ. Dù 59% các giám mục đã bỏ phiếu phản đối việc trao đổi không giới hạn, cuộc tranh luận hôm thứ Năm đã kéo dài thêm một giờ vào buổi tối về việc soạn thảo tài liệu này.
Source:Catholic News Agency
 
Tin Vui: Giáo Hội có thêm 11 Chân Phước. Vị ẩn danh tặng số tiền quá lớn, ĐTGM nghẹn lời vì xúc động
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:07 21/06/2021


1. Tin vui: Giáo Hội có thêm 11 Chân Phước

Trong cuộc tiếp kiến hôm thứ Bẩy 19 tháng 6 dành cho Đức Hồng Y Marcello Semeraro, tổng trưởng Bộ Tuyên thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận một phép lạ nhờ lời cầu bầu của Bậc Đáng Kính Johann Philipp Jeningen, một linh mục Dòng Tên sống ở thế kỷ 17 quê quán ở Bavaria, bên Đức. Việc công nhận này mở đường cho việc phong Chân Phước cho ngài.

Cha Jeningen được biết đến với sự thánh thiện, cuộc sống khổ hạnh và những nỗ lực truyền giáo. Ngài mơ ước được cử đi truyền giáo tại Ấn Độ theo bước chân của vị Thánh anh hùng Phanxicô Xaviê, nhưng ngài lại được kêu gọi để lập một đền thờ Đức Mẹ ở Ellwangen trong vùng lân cận. Ngôi thánh đường này được gọi là Đền thánh Đức Mẹ Schönenberg, nơi thu hút rất nhiều khách hành hương.

Mười nữ tu tử đạo trong thời kỳ Liên Sô chiếm đóng Ba Lan cũng được tuyên phong Chân Phước trong dịp này.

Nữ tu Paschalis Jahn và 9 bạn tử đạo là các Nữ tu của Dòng Thánh Elizabeth đã bị các Hồng quân Liên Sô giết vào năm 1945 khi họ phục vụ những người bệnh tật và dễ bị tổn thương. Một trong những sơ tử đạo, Sơ Rosaria Elfrieda Schilling, đã bị khoảng 30 binh sĩ Hồng quân hãm hiếp trước khi bị bắn.

Như thế, Giáo Hội vừa có thêm 11 vị sắp được tuyên phong Chân Phước.

Trong cuộc tiếp kiến hôm thứ Bẩy 19 tháng 6 dành Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã tuyên bố nâng chính trị gia người Pháp Robert Schuman lên hàng Bậc Đáng Kính. Ông được biết đến như “cha đẻ” của Liên minh Âu Châu.

“Tôi tớ Chúa Schuman đã cống hiến cuộc đời mình để phục vụ lợi ích chung, tìm kiếm hòa bình và hòa giải với Đức để tạo ra một cộng đồng các quốc gia Âu Châu,” Cha Bernard Ardura, một linh mục trong Hội Đồng Giám Mục Pháp phụ trách các đề xuất tuyên thánh nói với AFP.

Cha Ardura nhận xét thêm rằng: Những nỗ lực của Schuman là “công việc của một Kitô Hữu, đó là làm một tấm gương”, ngay cả khi chính khách này “vẫn rất kín đáo về đời tư và đức tin của mình”.

Robert Schuman sinh ra tại Luxembourg năm 1886. Nguyên quán ở Lorraine, là vùng lãnh thổ tranh chấp của Pháp mất vào tay người Đức trong Chiến tranh Pháp-Phổ. Sau khi lãnh thổ Lorraine trở về với Pháp, Schuman phục vụ với tư cách là một trong những Thành viên Quốc hội của khu vực, theo truyền thống chính trị của Đảng Dân chủ Kitô Giáo.

Theo tiểu sử của ông trên trang web của Trung tâm Âu Châu, tại một thời điểm trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông bị Gestapo bắt và bị giam giữ bí mật.

Ông là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Pháp khi tuyên bố thành lập Cộng đồng Thép và Than Âu Châu vào ngày 9 tháng 5 năm 1950. Động thái này được coi là bước đầu tiên hướng tới việc thành lập Liên minh Âu Châu.

Schuman cũng là một nhà đàm phán quan trọng cho Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và Cộng đồng Than và Thép Âu Châu. Ông từng là Chủ tịch đầu tiên của Nghị viện Âu Châu và được mệnh danh là “Cha đẻ của Âu Châu” khi rời nhiệm sở.

Schuman qua đời tại Giáo phận Matz năm 1963. Án tuyên thánh của ông đã bắt đầu ở đó từ hơn 30 năm trước.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đánh giá cao Robert Schuman trong một lá thư ký ngày 22 tháng 10, khuyến khích người Âu Châu “khám phá lại con đường của tình huynh đệ đã truyền cảm hứng và hướng dẫn những người sáng lập Âu Châu hiện đại, bắt đầu chính xác với Robert Schuman”.

Thánh Gioan Phaolô II cũng ca ngợi Schuman vào năm 2003 vì đã dành cả cuộc đời chính trị của mình “để phục vụ các giá trị cơ bản của tự do và đoàn kết, được hiểu đầy đủ dưới ánh sáng của Tin Mừng”.

Đức Thánh Cha cũng đã nâng lên Bậc Đáng Kính Tôi tớ Chúa Cha Severino Fabriani sinh năm 1792 và qua đời năm 1857. Ngài là người sáng lập Dòng Các Nữ Tử Quan Phòng cho người khiếm thính ở Ý.

Án tuyên thánh của ba nữ tu khác cũng được nâng lên một bậc theo các sắc lệnh mới. Đức Giáo Hoàng đã công nhận các nhân đức anh hùng của Aniela Róża Godecka sinh năm 1861 và qua đời năm 1937, là người đã thành lập Dòng các nữ tu bé nhỏ của Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Đức Mẹ ở Ba Lan; Nữ tu người Ý Orsola Donati sinh năm 1849 và qua đời năm 1935 thuộc Dòng Các Nữ Tu Hài Đồng của Đức Mẹ Sầu Bi; và Nữ tu Maria Stella của Chúa Giêsu sinh năm 1899 và qua đời năm 1982 của Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở Tây Ban Nha.
Source:Catholic News Agency

2. Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles nghẹn lời trước món quà bất ngờ hơn 50 triệu đô la để hỗ trợ học sinh tại các trường Công Giáo

Một nhà tài trợ giấu tên đã trao hơn 50 triệu đô la cho Tổ chức Giáo dục Công Giáo Los Angeles để hỗ trợ tài chính cho học sinh tại các trường tiểu học và trung học Công Giáo của Tổng giáo phận Los Angeles.

“Sự tử tế và tình yêu thương phản ánh trong món quà này khiến tôi nghẹn lời”, Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles cho biết hôm 16 tháng 6. “Món quà này sẽ thay đổi cuộc đời của vô số thanh niên và thiếu nữ các thế hệ sau, mở ra cơ hội cho tương lai của họ. Tôi chưa bao giờ dám mơ ước một chuyện bất ngờ như thế. Thay mặt cho tất cả những người trẻ này, gia đình của họ và toàn thể gia đình dân Chúa, chúng tôi cảm tạ Chúa vì vị ân nhân và biểu hiện cao đẹp này của tình yêu đối với Hội Thánh”.

Món quà sẽ được phân bổ trong thời gian 5 năm cho các học sinh tại 212 trường Công Giáo thuộc Tổng giáo phận Los Angeles ở các quận Los Angeles, Ventura và Santa Barbara, Quỹ Giáo dục Công Giáo Los Angeles cho biết như trên trong một tuyên bố.

Douglas Cooper, giám đốc điều hành của Tổ chức Giáo dục Công Giáo, đã nói lên “lòng biết ơn và đánh giá cao “đối với” món quà quá lớn này. “Các học bổng sẽ giúp những người mới ghi danh cũng như những học sinh đã ra đi nhưng bây giờ sẽ có thể quay trở lại”.

“Tặng món quà lớn cho một nền giáo dục Công Giáo dạy bảo các giá trị của đức tin, gia đình và dịch vụ là một điều thật ý nghĩa,” Cooper nói thêm. “Chúng tôi vô cùng biết ơn nhà tài trợ ẩn danh này vì lòng tốt, và sự hào phóng của họ, và chúng tôi mong muốn được chào đón thêm nhiều các học sinh và gia đình vào gia đình các trường Công Giáo của chúng tôi”.

“Một món quà lớn như thế sẽ thay đổi cuộc sống của hàng ngàn học sinh, đặc biệt là những học sinh khó khăn nhất của chúng tôi”, Paul Escala, giám đốc giáo dục Công Giáo của tổng giáo phận nói. “Chúng tôi vô cùng biết ơn vì sự tin tưởng và niềm tin mà món quà này thể hiện đối với các giáo viên, các nhà lãnh đạo và các trường học của chúng tôi”.

Khoảng 78% học sinh trong các trường Công Giáo của tổng giáo phận đến từ các thành phần thiểu số và những người có thu nhập thấp.

Vào năm 2021, quỹ giáo dục của tổng giáo phận đã hỗ trợ hơn 12 triệu đô la học phí cho hơn 10,000 học sinh. Trong 34 năm qua, tổng giáo phận đã trợ cấp 225 triệu đô la cho 202,000 sinh viên.

Có khoảng 51,000 học sinh tại các trường tiểu học, và khoảng 14,000 học sinh trung học tại các trường trực thuộc giáo xứ hay thuộc về tổng giáo phận.

Hoa Kỳ là nơi có khoảng 6,000 trường Công Giáo, đã giảm so với khoảng 11,000 trường vào những năm 1970.
Source:Catholic News Agency